BUDDHASĀSANA THERAVĀDA
PHÂN TÍCH VỀ THỌ-VEDANĀ
(AN ANALYSIS OF FEELING-VEDANĀ)
Sayadaw Dr. Nandamālābhivaṃsa
Món quà pháp (dhammadāna) này là bản dịch của năm bài nói pháp bằng ngôn ngữ Miến Điện bởi Dr. Nandamālābhivaṃsa, Hiệu trưởng trường ‘International Theravāda Buddhist Missionary University, Yangon, Myanmar’ vào ngày 7 đến ngày 11 tháng 1 năm 2011.
Trong tập sách này, các thông tin tách biệt và khác nhau liên quan đến thọ (vedanā) như ý nghĩa về thọ, sự tập khởi hay nguyên nhân của thọ, các loại thọ như 3, 5, 6, 18, 36 hay 108 loại được giải thích chi tiết. Bảy câu hỏi về thọ đã được đức Phật giảng cũng được trình bày trong tập sách này. Chúng là sự tập khởi của thọ, sự diệt của thọ, con đường đưa đến sự diệt của thọ, khía cạnh khoái vị và nguy nạn của thọ và làm sao thoát khỏi thọ.
Khi thọ sanh, nó luôn đi cùng với anusaya - tiềm thùy hay phiền não ngủ ngầm. Các loại tiềm thùy khác nhau cũng được giải thích và cách để xa lìa chúng cũng được giải thích rõ. Các loại samādhi - định khác nhau, samatha yānika - người căn tánh chỉ tịnh và vipassanā yānika - người căn tánh thuần quán, và cả rūpa-kammaṭṭhāna - sắc nghiệp xứ và arūpa-kammaṭṭhāna - danh (phi sắc) nghiệp xứ cũng được đề cập. Ngài cũng đã giải thích cách nhận biết sự thật bằng việc thấy thực tính của thọ và cách nhận biết Níp-bàn (Nibbāna).
Chúng tôi rất biết ơn Sayadaw Dr. Nandamālā về việc chia sẻ kiến thức của ngài trong Tam tạng (Tipiṭaka) với chúng tôi. Ví dụ như, có nhiều hoa có các màu sắc và hình dạng khác nhau. Ngay cả người làm vòng hoa tập hợp chúng lại, kế đến lựa chọn và sắp xếp chúng gọn gàng theo màu sắc và kích thước của chúng. Như vậy, vòng hoa trông xinh đẹp, thu hút và thơm. Vì vậy, Sayadaw đã làm một nghiên cứu về thọ (vedanā), bằng việc thu thập các sự kiện khác nhau về thọ từ các bài giảng khác nhau và sắp xếp chúng theo một cách cấu trúc cẩn thận và mạch lạc. Bài thuyết pháp (dhamma) của ngài đầy đủ các cơ sở lập luận, sáng ý và thu hút đối với những ai nghe pháp (dhamma). Chúng tôi chắc chắn rằng tập sách này sẽ có ích cho những ai muốn biết cách tu tập quán về thọ (vedanā).
Tập sách này là một dự án được làm bởi nhóm phân phối pháp (Dhamma Aggācāra) đảm nhận. Chúng tôi muốn cảm ơn những ai đã liên quan trong việc chuyển ngữ và hiệu đính tác phẩm này: Sayalay Virañāṇī, Tiến sĩ Hla Myint (Giáo sư, Khoa Pháp hành-Paṭipatti, ITBMU), U Myint Htay (Giảng viên Khoa Anh ngữ, ITBMU), Aruṇā và những người khác. Chúng tôi cũng muốn cảm ơn những người mộ đạo đã hào phóng đóng góp cho việc in tập sách này.
Cầu mong tất cả hoan hỷ trong việc xả thí-Dhammadāna này!
Sādhu! Sādhu! Sādhu!
Phát hành bởi: Nhóm ‘Aggācāra Dhamma Distribution’
(aggacara2013@gmail.com)
Với sự tán thành từ Sayadaw Dr. Nandamālābhivaṃsa
22nd February 2014
Buổi nói pháp hôm nay là phần đầu trong loạt bài nói Pháp (dhamma) phân tích về vedanā. Ở đây, vedanā có thể được dịch là thọ theo Việt ngữ, feeling theo Anh ngữ. Có nhiều bài kinh (sutta) về thọ, như các bài kinh trong Tương ưng Thọ (Vedanā-saṃyutta). Cũng có một chương về thọ trong Kinh Đại niệm xứ (Mahāsatipaṭṭhāna-sutta). Tôi sẽ trích toát yếu từ những bài kinh này và các bài kinh khác.
Mỗi ngày, chúng ta đối diện với những thọ hỷ (somanassa) hay ưu (domanassa) trong dòng tâm thức của mình. Tất cả chúng ta trong thế gian thường làm theo những thọ này và thực hiện hành vi tốt hay xấu. Do những thọ, chúng ta liên tục quay cuồng trong vòng sanh tử luân hồi (saṃsāra). Khi chúng ta hoàn thành những hành vi thiện, chúng ta có thể hưởng quả thiện của những hành vi này (như có một thân khỏe mạnh, và v.v...). Chúng ta cũng cảm thấy an lành và hạnh phúc trong vòng luân hồi.
Không biết sự thật về những thọ này, chúng ta nắm giữ chặt vào chúng, và như thế vẫn ở lại trong vòng luân hồi. Để đoạn tận sự thủ, nắm giữ chặt vào thọ, chúng ta cần học thực tính của nó và nghiên cứu nó một cách chi tiết.
Như tất cả các bạn biết, có năm uẩn. Chúng là:
1) Sắc uẩn (thân) (rūpakkhandha)
2) Thọ uẩn (vedanākkhandha)
3) Tưởng uẩn (saññākkhandha)
4) Hành uẩn (saṅkhārakkhandha)
5) Thức uẩn (viññāṇakkhandha)
Uẩn đầu tiên là sắc pháp (rūpa), trong khi các uẩn còn lại là danh pháp (nāma) được chia thành bốn loại riêng.
Thọ là một pháp rất quan trọng, vì vậy nó phải được phân chia và tách rời là một loại riêng. Tưởng (saññā) được phân loại vào vị trí kế tiếp vì nó có thể ủng hộ cho thọ. Do tưởng làm nguyên nhân, thọ sinh khởi. Do thọ làm nguyên nhân, tâm nhận biết và biết. Do tưởng đó là nguyên nhân, chúng sanh làm những hành vi tốt và xấu; và chúng là những hành uẩn (saṇkhārakkhandha). Tất cả những thọ, tưởng và hành này nương vào thức uẩn (viññāṇakkhandha).
Vì vậy, đức Phật đã phân tích danh (nāma) pháp thành bốn loại này, với sắc (rūpa) là loại khác. Năm uẩn này được phân loại theo cách mà chúng ta có thể biết rõ những thực tính này.
Bây giờ, chúng ta hãy xem xét về thọ, mà gọi là vedanā trong Pāḷi. Pháp này là chi mà được gọi là vedanā? Thông thường, người Myanmar chỉ liên kết vedanā với bệnh tật hay thọ không dễ chịu. Khi họ có thân thọ khổ, họ nói ‘Vedanā đã sanh’. Điều này chưa hoàn toàn chính xác. Trên thực tế, có ba loại thọ: thọ lạc (sukha vedanā), thọ khổ (dukkha vedanā), và thọ phi khổ phi lạc (adukkhamasukha vedanā).
Đức Phật thuyết giảng nhiều bài kinh về thọ như vậy trong kinh Tương ưng thọ (vedanā-saṃyutta) trong Tương ưng bộ (Saṃyutta Nikāya). Từ saṃyutta có nghĩa là ‘liên kết, tương ưng’. Trong tập sách này, các bài kinh có chủ đề tương tự được gom lại với nhau. Các bài kinh về thọ được gom lại với nhau và gọi là Tương ưng thọ. Tất nhiên, ngoài thọ, đức Phật cũng chỉ ra những pháp (dhamma) khác.
Chúng ta phải biết rõ, nghiên cứu và thông đạt về thọ. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể nhớ nó theo cách chính xác. Thọ được phân loại rõ là một trong năm uẩn. Nhưng không có phân loại đặc biệt như vậy đối với 12 xứ (āyatana) và 18 giới (dhātu). Trong bài kinh then chốt của Duyên sinh hay liên quan tương sinh (paṭiccasamuppāda), có câu sau: ‘Vedanāpaccayā taṇhā’ (Thọ duyên ái - Do thọ, ái sanh). Vì thực tế này, thọ cần phải được thông đạt và biết rõ hoàn toàn hay đạt tri (pariññā).
Trên thực tế, thọ phải được biết, nhưng không bị xa lìa. Lý do cho điều này là thọ ấy hiện diện trong tất cả các loại tâm (citta).
Thọ và những danh pháp tương ưng với thọ
Thọ có thể tương ưng với những tâm bất thiện (akusala citta) và tương hợp với những thực tính bất thiện. Nó cũng có thể được tương ưng phối hợp với những tâm thiện (kusala citta) và tương hợp với những thực tính thiện. Nó cũng hiện diện trong những tâm quả (vipāka citta) và những tâm tố (kriya citta) và bị nhuộm, nhiễm thực tính của chúng.
Chúng ta có thể tìm thấy thọ ở đâu? Thọ là một danh pháp hay một sở hữu tâm (cetasika) đồng sanh. Nó sanh nương vào tâm. Bất cứ khi nào tâm sanh, thọ cũng xảy ra. Thọ sanh ra sao?
Có bốn cách:
i. Thọ đồng sanh với tâm.
ii. Thọ đồng diệt với tâm.
iii. Thọ bắt cùng một cảnh như tâm.
iv. Thọ nương cùng một xứ như tâm.
Thọ không thể bị rời ra hay tách ra khỏi tâm vì nó là một trong các sở hữu tâm đồng sanh với tâm. Không phải tất cả các sở hữu tâm sanh với tất cả loại tâm; một số không sanh với một tâm. Tuy nhiên, theo thực tính, thọ xảy ra với tất cả tâm.
Tóm lại để dễ hiểu hơn: khi có tâm thì có thọ; khi thọ hiện hữu thì tâm cũng hiện hữu. Nói cách khác, chỉ cần tâm hiện hữu thì thọ cũng hiện hữu. Thọ sinh khởi nương vào thực tính của tâm.
Theo Vô tỷ pháp (Abhidhamma), chúng ta có thể phân tích tâm thành 89 hay 121 thứ. Cũng có 89 loại thọ, vì một tâm có một thọ. Nếu có 121 tâm, cũng có 121 thọ. Thọ sanh nương vào tâm. Vì thọ tương ưng đi cùng tâm nên chúng ta không thể làm rời ra hay rút nó ra khỏi tâm.
Ví dụ, nước của các con sông lớn ở Myanmar như sông Irrawaddy, Zawgyi, Dutthawaddy, v.v... sẽ chảy vào biển. Một khi các con sông ra tới biển và hòa với nước biển, sẽ không thể phân biệt được nước từ mỗi con sông. Chúng ta không thể nói nước nào từ sông nào, dù từ Irrawaddy hay Zawgyi, v.v... Chúng đã được hòa hoàn toàn vào nhau. Theo cùng cách, dù chúng ta có thể nói ‘Đây là tâm’ hay ‘Đó là thọ’ nhưng trong thực tế chúng ta không thể tách rời chúng ra.
Vào một dịp, đại đức Sāriputta và đại đức Mahākoṭṭhika đang thảo luận về thọ[1]. ‘Thọ (vedanā), tưởng (saññā) và thức (viññāṇa) có rời nhau hay hiện hữu độc lập không? Hay chúng tương ưng hay liên hợp qua lại và hòa với nhau không?’ Đại đức Sāriputta đã trả lời rằng chúng liên hợp và liên kết tương ưng cùng nhau.
Câu hỏi kế là ‘Có thể nào thọ, tưởng, và thức bị tách rời nhau hay chăng?’ Chúng không thể bị tách rời nhau.
Nếu chúng có thể được phân chia thì khi ấy sẽ không có bất cứ tâm nào. Ở đây, tôi sẽ minh họa tâm bằng ví dụ về phân tử nước. Các nhà khoa học đã xác định rằng nước (H2O) được ba phần cấu thành; 2 nguyên tử hydro và một nguyên tử oxy. Như thế, chúng ta cần sự kết hợp của ba nguyên tử này để làm thành một phân tử nước. Nếu chúng có thể được phân chia và tách rời khỏi nhau thì nó sẽ không còn là H20 nữa; trạng thái của nó sẽ còn hiện hữu nữa hay chăng. Tương tự, nếu chúng ta có thể tách thọ, tưởng và tâm ra khỏi nhau, thì danh pháp (nāma) tâm sẽ không còn ở đó nữa; nó sẽ thôi hiện hữu.
Theo cách dùng trong thế gian, nó có thể chú thích hay dán nhãn ‘đây là tưởng’ hay ‘đây là thọ’ hay ‘đó là thức’, nhưng trên thực tế nó không thể tách rời ra, chia lìa và tách chúng ra khỏi nhau.
Dù không thể phân chia tâm, những danh pháp này có những phận sự và trạng thái riêng biệt khác nhau. Những ai đã học và nghiên cứu Abhidhamma trước sẽ biết tối thiểu có tám loại danh pháp đồng sanh. Chúng là một thức (viññāṇa) chỉ đơn giản là biết cảnh và bảy sở hữu tâm (cetasika) tương ưng phối hợp và sanh cùng với tâm này:
1. Xúc (phassa) – chạm, liên kết tương ưng tâm với cảnh.
2. Thọ (vedanā) – hứng chịu cảnh.
3. Tưởng (saññā) – tiếp nhận, nhận biết, và nhớ tưởng cảnh.
4. Tư (cetanā) – làm việc cố quyết của nó, và đốc thúc những pháp khác làm việc.
5. Nhất hành (ekaggatā) – định trên cảnh.
6. Mạng quyền (jīvitindriya) – duy trì và bảo vệ thọ mạng của tâm.
7. Tác ý (manasikāra) – làm cho tâm hướng về cảnh.
Nó dễ dàng hơn để thấy mạng quyền của sắc pháp. Ví dụ, nếu một bông hoa đã bị cắt và chỉ để sang một bên thì nó sẽ sớm héo khô. Nhưng nếu chúng ta cắm cùng một bông hoa ấy vào một cái bình có một ít nước trong đó thì hoa sẽ đủ mạnh để duy trì trong một thời gian. Cũng vậy, mạng quyền của tâm bảo vệ thọ mạng của tâm, và chỉ cần nó hiện hữu, thì tâm vẫn còn tiếp diễn. Khi mạng quyền ấy diệt, danh pháp đồng sanh với nó cũng không còn.
Vì vậy, tám danh pháp đã đề cập trên (một thức và bảy sở hữu tâm) không thể tách rời nhau. Thậm chí chúng ta không thể lấy ra một trong tám. Nếu chúng ta có thể làm thì nó sẽ không còn được gọi là ‘một tâm’ nữa.
Trong bài nói Pháp (dhamma) hôm nay, chúng ta sẽ tập trung vào vedanā hay thọ vì khác biệt với tám pháp đã nêu trên. Thọ sanh khi tâm sanh. Nó nương vào tâm. Nếu không có tâm thì không thể có thọ. Do đó, nếu thọ sanh thì nó phải đồng sanh với tâm. Thọ không tự sanh một mình mà nó đồng sanh với các sở hữu tâm khác như xúc, tưởng, tư, nhất hành, mạng quyền và tác ý. Những pháp này đồng sanh với nhau nhưng không có cùng phận sự.
Để hiểu phận sự của những pháp này, chúng ta phải xem xét kỹ thân và tâm của chúng ta. Khi bạn đang đọc một quyển sách, pháp nào lớn trội hơn? Đôi mắt hoạt động tích cực nhất. Khi bạn đang nghe bài giảng Pháp, đôi tai hoạt động tích cực. Khi bạn đang ăn, lưỡi hoạt động tích cực hơn. Khi bạn ngửi mùi, mũi của bạn sẽ hoạt động tích cực hơn.
Cũng như vậy, 8 pháp xảy ra trong một sát-na danh (nāma) riêng lẻ, nhưng mỗi pháp đóng một vai trò khác nhau và có một phận sự khác nhau. Thọ hứng chịu cảnh. Vì vậy, khi chúng ta muốn nghiên cứu về thọ, trước tiên chúng ta không để ý đến bảy pháp còn lại, và chỉ tập trung vào thực tính của thọ.
Trong bài kinh Ngôi nhà (Agāra-sutta)[2], đức Phật miêu tả thọ như một nhà khách. Y như có một nhà khách, nơi nhiều hạng người khác nhau từ tứ phương có thể đến và nghỉ trong đó một lúc, cũng vậy, các loại thọ khác nhau có thể đến và đi trong thân của chúng ta. Chúng chỉ lưu lại và hiện hữu trong một thời gian ngắn. Thân ví như một nhà khách, trong khi thọ chỉ như một vị khách.
Vào lúc thời tiết tốt hay các duyên thích hợp, chúng ta có thể sống và ở thoải mái. Thọ lạc, hỷ sẽ xảy ra khi thân hay tâm ở trạng thái tốt. Nó được gọi là lạc về thân (kāyika sukha) khi sanh nương vào thân; nó được gọi là sở hữu thọ lạc (cetasika sukha) khi sanh trong tâm.
Ví dụ, khi thời tiết thật nóng và có một làn gió mát chạm vào thân, một thọ lạc và dễ chịu sẽ sanh nương vào thân. Khi thời tiết thật lạnh, nếu chúng ta mặc quần áo ấm và che mình bằng khăn choàng, chúng ta cảm thấy ấm áp và thoải mái. Kế đến, một thọ lạc, dễ chịu và hạnh phúc sẽ sanh trong thân. Đây được gọi là kāyika sukha - lạc về thân.
Về mặt danh pháp, khi chúng ta đã làm một số việc thành công, hay khi chúng ta nghe tin tốt, hay khi chúng ta sống với những người chúng ta yêu thích, khi ấy tâm của chúng ta sẽ vui mừng và vui vẻ. Thọ hỷ và hạnh phúc sẽ sanh trong tâm. Đây được gọi là cetasika sukha - sở hữu thọ lạc. Khi sở hữu thọ lạc (cetasika sukha) hiện diện, người khác sẽ biết điều đó vì chúng ta đang vui vẻ, cười mỉm và cười lớn tiếng. Lạc về thân (kāyika sukha) và sở hữu thọ lạc (cetasika sukha) rất rõ và dễ nhận biết bởi chính mình và những người khác.
Thọ tiếp sau là thọ khổ (dukkha vedanā). Khi chúng ta bị đau răng, nhức đầu, đau lưng hay đau bụng, chúng ta không thể chịu được những thọ khổ này.
Khi thời tiết nóng bức, đôi khi chúng ta không thể được giảm nhiệt. Hay trong thời tiết lạnh, đôi khi chúng ta không thể được đủ ấm. Khi ấy thọ khổ sẽ sanh. Khi trời rất lạnh, và sau đó gió lạnh thổi hướng về chúng ta, ai là người thích và chịu đựng gió lạnh ấy? Chẳng ai thích cả. Khi thời tiết thật nóng và một cơn gió nóng thổi hướng về thân chúng ta, sẽ có ai thích gió nóng hay chăng? Chúng ta không muốn và hoàn toàn không thích cơn gió nóng ấy. Chúng ta không thích những thọ khổ như đau, nhức, tê, hay vô cùng nóng và lạnh.
Tuy nhiên, đôi lúc những thọ khổ này sẽ sanh nương vào thân và tâm. Vì vậy, nó được gọi là ‘dukkha vedanā, ‘nghĩa là thọ mà khó (‘du’) chịu đựng (‘kha’). Nếu chúng ta không có đủ sức mạnh về tâm để chịu đựng nó thì nó thực sự rất là khó để chịu đựng.
Ngoài ra, những thọ khổ về thân này được gọi là kāyika dukkha, có những thọ khổ sanh trong tâm gọi là cetasika dukkha. Đôi khi, thân chúng ta an nhàn, nhưng chúng ta nghe một số tin xấu, buồn và khó chịu. Hay khi chúng ta không muốn những việc xảy ra, nhưng chúng lại lộ ra theo một cách nào đó bất chấp những mong muốn của chúng ta. Khi chúng ta tình cờ gặp những điều này, tâm của chúng ta sẽ bị bối rối, không vui và buồn. Do đó, sự khổ về thân (kāyika dukkha) sanh nương vào thân, và khổ về tâm (cetasika dukkha) sanh trong tâm.
Những thọ khổ này là loại thứ hai của thọ. Mọi người không thích chúng sinh khởi. Khi chúng sinh khởi, mặt họ nhăn nhó và họ cau mày. Bằng việc thấy những nét mặt này, người khác biết thọ khổ sanh ở họ. Vì vậy, thọ khổ (dukkha vedanā) được thấy rõ.
Thọ kế tiếp là thọ xả; trong Pāḷi, nó được gọi là adukkhamasukha vedanā – thọ phi khổ phi lạc. Nó ở dạng phủ định kép [không khổ, không lạc]. Thật ra nó có nghĩa là chẳng phải thọ lạc cũng chẳng phải thọ khổ; nó nằm giữa hai trạng thái này. Nó không thật dễ nhận biết và rất khó để biết trực tiếp. Đôi khi, mọi người không biết rằng nó đã sanh.
Chúng ta chỉ có thể đoán hay ước chừng sự hiện hữu của nó bằng sự suy luận (anumāna). Ví dụ, một người đàn ông theo dõi một con vật bằng việc nhìn vào dấu chân của nó. Ở một số nơi, dấu chân không rõ trong khi ở những nơi khác thì chúng rõ. Khi con vật nhảy qua một phiến đá lớn, dấu chân của nó sẽ không còn rõ nữa. Khi nó đáp xuống mặt đất ở phía bên kia của phiến đá, các dấu chân sẽ rõ trở lại. Vì vậy, người đàn ông có thể suy luận ra rằng con vật chạy đến nơi này, nhảy qua phiến đá lớn, và sau đó tiếp tục chạy ở phía bên kia.
Cũng thế, bằng việc nhận biết sự hiện hữu của thọ khổ (dukkha vedanā) và thọ lạc (sukha vedanā), chúng ta có thể suy luận bằng việc suy ra rằng cũng có thọ xả giữa hai thọ này. Vì thế, nó được gọi là thọ phi khổ phi lạc (adukkhamasukha vedanā).
Đức Phật nói rằng trong chúng sinh hữu tưởng, cả ba loại thọ có thể sanh. Như đã đề cập trước đó, các thọ đến và đi như khách trong nhà khách.
Ý nghĩa của thọ và nguyên nhân của thọ
Trong bài kinh khác, ‘Khajjanīya-sutta’[3], đức Phật đã giải thích cho các bhikkhu ý nghĩa và nguyên nhân [hay sự tập khởi] của thọ: Pháp nào được gọi là thọ (vedanā) và tại sao nó được gọi là thọ.
Thọ (vedanā) có nghĩa là hứng chịu, lãnh nạp vị của cảnh. Nương vào cảnh, những thọ khác nhau có thể sanh. Khi chúng ta hứng chịu, lãnh nạp vị một cảnh dễ chịu (như nghe tin tốt), thọ lạc (sukha vedanā) sanh; kế đến thọ hỷ (somanassa) sanh. Khi nào chúng ta hứng chịu, lãnh nạp một cảnh khó chịu như đau, nhức thì thọ khổ (dukkha vedanā) sanh. Nó khó chịu đựng những cảnh khó chịu.
Như vậy thọ lạc được gọi là sukha; theo nghĩa của từ là ‘thọ lạc, thoải mái, dễ (‘su’) chịu (‘kha’)’. Các từ dukkha theo nghĩa của từ là ‘thọ mà khó (‘du’) chịu (‘kha’)’.
Tất cả những thọ lạc, thọ khổ, thọ hỷ, thọ ưu và thọ xả khác nhau có thể sanh trong tâm. Vì có tâm, nên có thọ. Tóm lại, thọ (vedanā) có nghĩa là hứng chịu. Nó hứng chịu pháp chi? Nó hứng chịu các cảnh sanh trong tâm.
Chúng ta có thể nghiên cứu một bài kinh khác tên là Cūḷavedalla sutta[4] để hiểu rõ hơn về thọ. Trong bài kinh này, khi hỏi về ba loại thọ, Dhammadinnā bhikkhuṇī đã trả lời như sau:
‘Bất kể thọ về thân hay tâm – vui, dễ chịu, đây được gọi là thọ lạc (sukha vedanā)[5]. Bất kể thọ thuộc về thân hay tâm - đau đớn, khó chịu đựng, đây được gọi là thọ khổ (dukkha vedanā)[6]. Bất kể thọ về thân hay tâm – không phải dễ chịu cũng không phải khó chịu, đây được gọi là thọ phi khổ phi lạc (adukkhamasukha vedanā) hay thọ xả’[7].
Trạng thái (lakkhaṇa) của thọ là hứng chịu vị của cảnh (vedayitalakkhaṇa)[8]. Các trạng thái của thọ thì giống nhau, nhưng nó có thể được phân làm ba loại nương vào các loại cảnh khác nhau. Như đã đề cập trước, chúng là lạc, khổ và phi khổ phi lạc.
Thọ lạc (sukha vedanā) dễ chịu có kéo dài mãi hay chăng? Chúng ta có hạnh phúc và mỉm cười mãi hay chăng? Đôi khi, chúng ta hứng chịu những thọ xấu và buồn. Thọ xấu có kéo dài mãi hay chăng? Khi chúng ta nghĩ về những điều vui thì thọ khổ không còn hiện hữu nữa.
Dhammadinnā bhikkhuṇī đã giải thích thêm về thực tính của thọ[9]. Khi thọ lạc (sukha vedanā) hiện hữu, có lạc hiện hữu (‘sukhā ṭhitisukhā’). Khi nó thay đổi (sang một thọ khác), thì thay đổi thành khổ (‘vipariṇāmadukkhā’). Khi thọ khổ (dukkha vedanā) hiện hữu trong sát-na này (‘ṭhitidukkhā’), nó khó để chịu đựng. Khi nó thay đổi (sang cái khác), thì nó trở thành lạc (‘vipariṇāmasukhā’).
Khi thọ khổ như đau răng và đau tai hiện hữu, chúng ta không thể chịu đựng chúng. Khi tôi còn trẻ, tôi luôn phải đối diện với những thọ như vậy, và đôi khi tôi không thể ngủ ngon cả đêm. Nhưng khi thọ khổ và ưu này biến mất, nó có còn hiện hữu hay chăng? Khi nó không ở đó, chúng ta sẽ gọi đó là chi? Chúng ta gọi nó là ‘sukha’ - thọ lạc và dễ chịu.
Về phần thọ xả, nó được miêu tả là ‘adukkhamasukhā vedanā ñāṇasukhā aññāṇadukkhā.’ Khi nào chúng ta biết sự hiện hữu của nó, đó là thọ lạc; nếu chúng ta không biết nó thì đó là thọ khổ. Những ai thực sự biết về sự hiện hữu của nó là rất hiếm.
Khi ấy, Dhammadinnā bhukkhuṇī đã nói đến sự đối lập của mỗi thọ[10]: thọ lạc (sukha vedanā) đối lập với thọ khổ (dukkha vedanā); thọ khổ (dukkha vedanā) đối lập với thọ lạc (sukha vedanā); thọ xả đối lập với vô minh (avijjā).
Tóm lại, thọ sanh khi tâm sanh, và nó nương vào tâm làm xứ của nó. Nó hứng chịu cảnh đã sanh trong tâm.
Chúng ta phải biết (sañjānāti) và tu tập thiền (jhāyati) niệm biết theo (anupassati) thọ bằng sự hiểu biết đúng. Trong kinh Đại niệm xứ (Mahāsatipaṭṭhāna-sutta)[11], đức Phật nói, ‘Vedanāsu vedanānupassī[12]’ – các ông cần phải niệm biết theo thọ ở thọ.
Tại sao chúng ta cần quán hay niệm biết theo thọ bằng sự hiểu biết đúng? Thông thường, mọi người không thấy thực tính của thọ. Khi một thọ tốt hay xấu sinh khởi, họ nghĩ là ‘Tôi đang cảm thấy hạnh phúc’, ‘Tôi đang cảm thấy buồn’, ‘Vị ấy đang cảm thấy hạnh phúc’, ‘Cô ấy đang cảm thấy buồn.’ Họ không thấy sự thật siêu lý về thọ mà thay vào đó, họ thấy thọ ‘thuộc về tự ngã’, ‘thuộc về chúng sinh hữu tưởng’. Đây là cái thấy sai (tà kiến) và biết sai. Trong suốt kiếp sống của một người, tà kiến đã chìm ngâm trong dòng danh pháp và mọi người sẽ nghĩ: ‘Đây là thọ của ta’, ‘Ta là người hứng chịu, lãnh nạp thọ tốt hay xấu’.
Nếu đức Phật đã không dạy chúng ta sự thật siêu lý về vô thường, khổ và vô ngã thì không ai sẽ nhận biết rằng mình đã hiểu sai và thấy sai suốt kiếp sống. Chỉ sau khi đức Phật dạy pháp (dhamma) cho phàm phu, con người mới có thể phân biệt đúng với sai, đạt được sự hiểu biết đúng và cái thấy đúng (chánh kiến).
Tu tập quán (vipassanā) có nghĩa là quan sát, niệm biết theo (upanijjhāna) và xem kỹ các pháp thuộc tâm–vật lý để biết pháp siêu lý. Vì vậy, đức Phật đã dạy trong bài kinh Đại niệm xứ (Mahā-satipaṭṭhānasutta), ‘vedanāsu vedanā-nupassī;’ - ‘hãy niệm biết theo thọ (vedanā) ở thọ (vedanā)’, nhưng không phải là ‘Ta đang hứng chịu’, hay ‘người hứng chịu là ta’.
Đó là lý do tại sao đức Phật dạy: ‘sukhaṃ vā vedanāṃ vedayamāno ‘sukhaṃ vedanāṃ vedayāmī’ti pajānāti.[13]’ Khi hứng chịu thọ lạc (sukha vedanā), các ông phải biết thọ lạc (sukha vedanā) đang được hứng chịu’. Khi hứng chịu thọ khổ (dukkha vedanā), các ông phải biết ‘thọ khổ (dukkha vedanā) đang được hứng chịu’[14]. Khi hứng chịu thọ phi khổ phi lạc, các ông phải biết ‘thọ phi khổ phi lạc đang được hứng chịu.’[15]
Tuy nhiên, mọi người luôn cảm thấy rằng ‘Tôi đang hứng chịu thọ tốt, xấu hay trung lập. ‘Ngay cả những người ở gần thừa nhận ‘vị ấy đang hạnh phúc’ hay ‘vị ấy đang có nét mặt buồn’. Nhưng không ai biết rằng chỉ có thọ, không phải một chúng sinh hữu tưởng, đang hứng chịu các cảnh tốt hay xấu. Đó là vì mọi người luôn có cái thấy sai (tà kiến), tin rằng đó là một chúng sinh hữu tưởng hay một bản ngã đang hứng chịu các cảnh tốt hay xấu.
Vì vậy, đức Phật khuyên chúng ta cần phải niệm biết theo thọ với chủ định để thấy thực tính của nó. Nhà chú giải bài kinh Đại niệm xứ (Mahāsatipaṭṭhāna-sutta) này cũng nói rằng chúng ta phải cẩn thận về định nghĩa của sự biết.[16]
Mahasi Sayadaw cũng chỉ ra một ví dụ về các loại biết khác nhau trong chú giải. Khi một trẻ sơ sinh hứng chịu một cảm giác thích thú như thọ lạc vào lúc uống sữa, hay nghe người mẹ hát ru con, đứa trẻ ấy cũng biết rằng đây là những thọ lạc. Khi đối diện những thọ khổ như cảm giác đói bụng, đứa trẻ cũng biết chúng là thọ khổ. Nhưng sự hứng chịu của trẻ sơ sinh về thọ (vedanā) không thật biết. Sự hiểu biết của đứa trẻ này không là cái biết đúng.
Sự biết được chỉ ra trong trích dẫn ở trên, ‘sukhaṃ vā vedanāṃ vedayamāno ‘sukhaṃ vedanāṃ vedayāmī’ti pajānāti. …’ ‘là một cái biết bậc cao, không phải là một cái biết thông thường. Chỉ với cái biết bậc cao này, chúng ta có thể xóa bỏ sự nhận biết sai về chúng sanh (sattūpaladdhi) và được thoát khỏi ngã tưởng (attasaññī).
Trên thực tế, không có ‘ta’, đàn ông hay đàn bà, linh hồn, hay tự ngã đang hứng chịu một thọ tốt hay xấu. Pháp hứng chịu là thọ (vedanā). Nếu chúng ta có thể biết sự thật này thì chúng ta có cái thấy đúng đắn và khái niệm về tự ngã hay chúng sanh có thể bị trừ tiệt.
Vì lý do này trong khi tự tu tập trong quán (vipassanā) chúng ta phải quan sát thọ là thọ hơn là liên kết nó với ‘ta’ hay ‘tự ngã’. Chúng ta không nên có cái thấy sai rằng ‘Ta đang hứng chịu một thọ lạc’ hay ‘Ta đang có một thọ khổ.’
Khi chúng ta quan sát theo cách này, thì ‘attasaññaṃ ugghāṭeti’- chúng ta sẽ bỏ cái thấy về ngã tưởng hay chúng sanh mà đã được ghi vào dòng danh pháp quá lâu. Chỉ bằng việc xa lìa tà kiến này, sự phát triển của danh pháp về niệm xứ (satipaṭṭhāna) sẽ trở nên có thể thực hiện được. Nhưng nếu một người chấp thủ vào tà kiến và ngã tưởng, ngã (atta) hay chúng sanh, thì thiền nương niệm xứ sẽ không thành công.
Vì vậy, điều vô cùng quan trọng là chúng ta cần phải niệm biết theo thọ một cách chính xác và cũng với ý định thấy pháp siêu lý.
Chúng ta chuyển sang một vài câu hỏi được đặt ra trong chú giải kinh Đại niệm xứ: 1) Ai đang hứng chịu thọ? 2) Thọ của ai? 3) Nguyên nhân của việc hứng chịu thọ? (Ko vedayati, kassa vedanā, kiṃ kāraṇā vedanā’ti)[17]
Liên quan đến câu hỏi đầu tiên, câu trả lời là thọ lạc (sukha vedanā) hay thọ khổ (dukkha vedanā) hay thọ phi khổ phi lạc (adukkhamasukha vedanā) đang hứng chịu cảnh. Chúng tôi nói ‘một người hứng chịu’ theo một phàm phu hay cách dùng quy ước. Nhưng theo nghĩa siêu lý, không có người, chúng sanh hay một tự ngã nào hưởng cảnh.
Về phần câu hỏi thứ hai, câu trả lời là thọ đó là một pháp tự nhiên, hay nó là phần của danh pháp. Và câu trả lời cho câu hỏi thứ ba là một thọ sanh do một cảnh đã sanh trong tâm làm duyên của nó.
Ví dụ, khi thời tiết rất nóng, một làn gió mát đến và chạm vào thân của chúng ta. Kế đến, vì sự hiện hữu của cảnh xúc (phoṭṭhabbārammaṇa) dễ chịu này, một thọ lạc sẽ sanh. Khi thời tiết rất lạnh và chúng ta mặc quần áo ấm, sự xúc chạm dễ chịu và ấm áp của quần áo sẽ gây ra một thọ lạc sanh nương vào thân. Vì vậy, cảnh là một nguyên nhân, và thọ sanh sau đó là kết quả của nó.
Chúng ta hãy xem xét điều này. Khi bàn chân vô tình bị gai hay thứ gì đó chọc vào, khi ấy cảm giác đau dữ dội sẽ sanh. Điều này xảy ra vì cái gai là một cảnh xúc (phoṭṭhabbārammaṇa) khó chịu. Khi cảnh xúc và thân thanh triệt (kāya pasāda) có sự xúc chạm, chúng làm một nguyên nhân. Một thọ sẽ sanh, là quả của sự xúc ấy.
Khi nghe tin xấu như tin về một người qua đời, hay những sự kiện không may đã xảy ra với thân của chúng ta, khi ấy chúng ta có một thọ khổ hay thọ ưu. Thọ này sanh nương vào một cảnh thinh (saddārammaṇa) xấu.
Trong Duyên sinh hay liên quan tương sinh (paṭiccasamuppāda), khi xúc (phassa) xảy ra thì thọ xảy ra. Xúc duyên thọ, thọ duyên ái (‘phassapaccayā vedanā, vedanāpaccayā taṇhā’).
Xúc này liên kết tâm với cảnh. Nếu cảnh là tốt thì thọ tốt sẽ sanh. Nếu cảnh là không dễ chịu thì một thọ khổ sẽ sanh. Tóm lại, khi xúc hiện hữu thì thọ cũng hiện hữu. Khi xúc sanh thì thọ cũng sanh. Khi cảnh là trung bình, thì thọ là xả. Để biết rõ hơn về thực tính của thọ, chúng ta cần xem xét kỹ dòng tâm thức của chính mình.
Hai loại quán nghiệp xứ: sắc nghiệp xứ (rūpa-kammaṭṭhāna) và danh nghiệp xứ (nāma-kammaṭṭhāna)
Khi niệm biết theo thọ, đừng tụng ‘anicca, anicca’ (‘vô thường, vô thường’). Bạn cần niệm biết theo thọ như thật, theo thực tính, với chủ định thấy thực tính của nó. Trong Pāḷi, sự niệm biết theo thọ này là gọi là vedanānupassanā (thọ tùy niệm).
Người tu thiền hoặc niệm theo thọ ra sao? Có các phương pháp thiền khác nhau. Tuy nhiên, đức Phật đưa ra hai loại. Chúng không được phân loại là pháp chỉ tịnh (samatha) và pháp quán (vipassanā), mà là sắc nghiệp xứ (rūpa-kammaṭṭhāna) và danh [phi sắc] nghiệp xứ (arūpa-kammaṭṭhāna).
Sắc nghiệp xứ (rūpa-kammaṭṭhāna) có nghĩa là niệm biết theo sắc pháp (rūpa). Nó được gọi là quán thấy biết rõ sắc (rūpa-pariggaha), có nghĩa là dùng tuệ để quán thấy biết rõ sắc (rūpa). Danh nghiệp xứ (arūpa-kammaṭṭhāna) có nghĩa là thiền nương danh pháp (nāma).
Đôi khi, người tu thiền có thể bắt đầu với việc niệm biết theo sắc (rūpa), và kế đến tiếp tục với danh (nāma). Hay đôi khi người tu thiền có thể niệm biết theo danh (nāma) trước, rồi kế đến sắc (rūpa). Không quan trọng người tu thiền bắt đầu với pháp nào. Nó đơn giản tùy vào thói quen và khuynh hướng của cá nhân người tu thiền; người tu thiền có một căn tánh mà mình nghiêng về (yānika) – ‘người có thói quen’ hay ‘tập quán của mình’.
Trong Thanh tịnh đạo (Visuddhimagga), người tu thiền có hai hạng: người căn tánh chỉ tịnh (samatha yānika) và người căn tánh thuần quán (vipassanā yānika). Người tu thiền (yogi) có thể bắt đầu với pháp chỉ tịnh (samatha) làm nền tảng của mình để đạt được một số định, sau đó chuyển sang pháp quán (vipassanā). Người như vậy được gọi là người căn tánh chỉ tịnh (samatha yānika). Có người khác trực tiếp tu tập quán (vipassanā) mà không có tu tập chỉ tịnh (samatha) trước. Người đó được gọi là người căn tánh thuần quán (vipassanā yānika).
Ý nghĩa của yānika là ‘người có phương tiện trong tu tập thiền’. Vì vậy, người căn tánh chỉ tịnh (samatha yānika) có nghĩa là người dùng pháp chỉ tịnh (samatha) làm phương tiện để tu tập thiền, trong khi người căn tánh thuần quán (vipassanā yānika) có nghĩa là người dùng pháp quán (vipassanā) làm phương tiện để thiền.
Khi du hành khắp thế giới, chúng ta cần một số phương tiện. Tối thiểu, chúng ta cần một đôi giày hay dép. Đây là phương tiện của chúng ta. Cũng vậy, máy bay mà chúng ta bay, xe mà chúng ta lái; chúng có thể được gọi là phương tiện của mình. Nếu chúng ta dùng pháp chỉ tịnh (samatha) làm phương tiện của mình, thì chúng ta được gọi là người căn tánh chỉ tịnh (samatha yānika). Nếu chúng ta hoàn toàn đi bằng pháp quán (vipassanā), thì chúng ta được gọi là người căn tánh thuần quán (vipassanā yānika).
Nếu chúng ta muốn dùng pháp chỉ tịnh (samatha) trước làm điểm khởi và nền tảng tu tập làm một người căn tánh chỉ tịnh (samatha yānika), chú giải Thanh tịnh đạo (Visuddhimagga) đưa ra cho chúng ta một số khái niệm về cách thực hiện điều này. Liên quan đến danh pháp (nāma) và sắc pháp (rūpa), người tu thiền nên bắt đầu bằng việc quan sát [niệm biết] theo pháp phi sắc (arūpa) (hay danh-nāma). Nhưng điều này không ngụ ý là chúng ta không thể quan sát sắc (rūpa); nó chỉ có nghĩa là chúng ta nên bắt đầu bằng việc quan sát danh (nāma).
Mặt khác, là một người căn tánh thuần quán (vipassanā yānika), chúng ta nên bắt đầu với sắc (rūpa). Nhưng nó không có nghĩa là chúng ta không thể quán danh (nāma). Trên thực tế, nó không quan trọng khi chúng ta bắt đầu với cái nào trong chúng; chúng ta nên bắt đầu với cái chúng ta thích hay cái mà dễ hơn đối với mình.
Đối với tu tập quán (vipassanā), đức Phật nói rằng chúng ta có thể thiền nương bốn đại giới là sắc nghiệp xứ (rūpa-kammaṭṭhāna). Bốn đại giới hay bốn giới chủ yếu thì rất rõ. Vậy thì chúng ta cũng nên biết về tâm, là pháp nương vào chúng.
Về phần quán thấy biết rõ pháp phi sắc (arūpa-pariggaha) hay danh nghiệp xứ (nāma-kammaṭṭhāna), chúng ta cần phải niệm biết theo danh pháp (nāma). Pháp nào lớn trội nhất trong số chúng? Khi một cảnh sanh, thức hay tâm (viññāṇa hay citta) cũng sinh khởi. Xúc (phassa) cũng sanh; chính điều này liên kết cảnh (ārammaṇa) với cả tâm (citta) và thọ (vedanā) hứng chịu vị của cảnh. Trong ba pháp này (tâm, xúc và thọ), thọ thì rõ nhất. Vì vậy, chúng ta cần phải nhận biết và niệm biết theo thọ.
Có nhiều người đạt đến sự giác ngộ bằng việc thiền nương theo thọ. Như đã ghi lại trong kinh Sakkapañha-sutta[18], Sakka, Vua của chư thiên Deva, trở thành một bậc Nhập lưu (sotāpanna) (người đã đạt được giai đoạn giác ngộ thứ nhất) khi nghe một bài pháp do đức Phật thuyết [trong đó Ngài đã khéo léo mô tả cách niệm biết theo thọ].
Một minh họa khác được ghi lại trong Dīghanakhasutta[19]. Vào một dịp, Đại đức Sāriputta còn là một bậc Nhập lưu (sotāpanna) sau khi ngài đã thiền được mười lăm ngày. Ngài Sāriputta đã nghe và thiền nương cảnh đề mục thọ trong lúc đức Phật dạy người cháu trai tu khổ hạnh của ngài tên là Dīghanakha. Trong lúc niệm biết theo thọ, ngài trở thành một bậc Ứng cúng.
Chúng ta có thể kết luận từ những câu chuyện này rằng có thể đạt đến sự giác ngộ trong khi niệm biết theo thọ. Lý do cho điều này là trong số các danh pháp, thọ thì rõ ràng nhất. Vì vậy, trong kinh Đại niệm xứ (Mahāsatipaṭṭhāna-sutta), đức Phật đã phân loại thọ (vedanā) và tâm (citta) thành các loại riêng như thọ tùy quán (vedanānupassanā) và tâm tùy quán (cittānupassanā) theo thứ tự, vì chúng rất lớn trội.
Xúc (phassa) cũng rõ ràng. Tuy nhiên, không có thiền riêng lấy xúc làm cảnh của quán. Đức Phật thường dạy về thọ bởi được bao gồm trong danh pháp khác.
Khi Đức Phật đưa ra chi tiết về sắc nghiệp xứ (rūpa-kammaṭṭhāna), Ngài cũng nhấn mạnh về thọ.
Thọ nương vào pháp chi? Thọ nương vào thân. Tất cả những thọ lạc, khổ và xả đều có thân làm vật (vatthu) của chúng. Thân vật này còn được gọi là karaja-kāya. Nương vào và tùy thuộc vào thân làm vật, thọ sanh. Chúng ta cần phải hiểu về thọ và chuẩn bị một sự cố gắng đủ để quan sát nó.
Ba chi phần của thiền - niệm (sati), trí [tỉnh giác] (sampajañña) và cần (viriya) là rất quan trọng, nhất là niệm mà nhớ biết cảnh. Điều này được đề cập trong kinh Đại niệm xứ (Mahāsatipaṭṭhāna-sutta).
Chỉ khi có niệm thì trí và tuệ mới có thể được tu tập phát triển. Vì vậy, chúng ta phải xen cần (viriya) vào để thiền. Khi cố gắng thiền, chúng ta cần phát triển định (samādhi). Đồng thời, chúng ta cần có cái thấy đúng và tư duy đúng về cảnh.
Chúng ta tu tập thiền với năm chi phần (chánh kiến, chánh tư duy, chánh cần, chánh niệm, chánh định) của nhóm tám Thánh Đạo.
Trước khi bắt tay vào thiền quán (vipassanā), là một bước ban đầu, chúng ta cần thiết lập nhóm giới (sīla) là nhóm bao gồm chánh ngữ (sammāvācā), chánh nghiệp (sammā-kammanta) và chánh mạng (sammāājīva). Nó y hệt với việc làm sạch mặt đất. Kế đến, chúng ta cần phải phát triển năm chi như đã để cập trên.
Khi thiền nương cảnh đề mục thọ (vedanā), người tu thiền chỉ nên chuyên chú vào thọ là pháp đang sanh ở thời hiện tại ấy. Khi người tu thiền hạnh phúc hay thọ lạc sanh, người ấy cần phải nhận biết về nó. Sau đó biết tâm mà sanh vào sát-na kế tiếp cũng cần phải được quan sát. Cũng vậy, khi thọ khổ sanh, người tu thiền cần phải biết về thọ này và ngoài ra tâm kế tiếp mà biết về nó.
Trong thực tế, thọ lạc và thọ khổ không thể hiện hữu ở cùng sát-na. Khi người đang hứng chịu thọ lạc, vị ấy không thể hứng chịu thọ khổ. Khi người đang hứng chịu thọ khổ, vị ấy không thể hứng chịu thọ lạc. Điểm thiết yếu này được đề cập trong kinh Dīghanakha-sutta[20].
Một lần chỉ có một thọ xảy ra. Khi nó diệt và không còn hiện hữu nữa, thọ tiếp sau có thể sanh. Thọ xảy ra khi duyên của nó góp phần sinh ra. Bất cứ thọ nào xảy ra trong tâm và thân, dù lạc, khổ hay xả, thì chúng ta cần phải cố gắng để biết chúng. Để biết chúng là tìm và thấy trạng thái thực tính (sabhāva-lakkhaṇa) của thọ. Đây là sự bắt đầu của việc quán (vipassanā). Chúng ta cần phải thấu biết rõ trạng thái thực tính (sabhāva-lakkhaṇa) này.
Tóm lại, trước tiên chúng ta cần phải biết các loại thọ (vedanā) mà có thể sanh nương vào thân và trạng thái thực tính. Kế đến, sự tập khởi hay nguyên nhân của thọ cần phải được biết. Cuối cùng, chúng ta cần phải biết cách thiền nương cảnh đề mục thọ và xa lìa sự tham dính mắc vào thọ.
Tôi đã trích toát yếu từ 31 bài kinh trong Tương ưng thọ (vedanā-saṃyutta) và cũng từ những bài kinh khác như kinh Đại niệm xứ (Mahāsatipaṭṭhāna-sutta). Buổi nói pháp hôm nay chỉ là tóm tắt về tùy niệm thọ (vedanā).
Mong người nghe biết những trạng thái thực tính của những thọ (vedanā) là pháp có thể sanh trong tâm và thân; mong bạn quan sát chúng nghiêm túc bằng niệm, định và trí.
Sādhu! Sādhu! Sādhu!
---
Đối với một người tu tập quán (vipassanā), chỉ có hai cảnh đề mục để vị ấy được quan sát, niệm nhớ biết theo. Chúng là danh (nāma) và sắc (rūpa) pháp.
Những thiền này được gọi là sắc nghiệp xứ (rūpa-kammaṭṭhāna) và phi sắc [danh] nghiệp xứ (arūpa-kammaṭṭhāna). Nghiệp xứ (kammaṭṭhāna) còn có nghĩa là thiền. Sắc nghiệp xứ (rūpa-kammaṭṭhāna) hay quan sát thấy biết rõ sắc (rūpa pariggaha) có liên quan tới việc làm thành cảnh đề mục thiền về sắc (rūpa). Nếu vị ấy niệm biết theo danh (nāma), thì thiền của vị ấy được gọi là danh nghiệp xứ (arūpa-kammaṭṭhāna) hay quan sát thấy biết rõ danh (arūpa pariggaha). Danh (nāma) còn được gọi là phi sắc (arūpa) để cho thấy nó không phải là sắc.
Tóm lại, bên cạnh những sắc (rūpa) và danh (arūpa hay nāma) này, không có cảnh nào khác cho tu tập quán (vipassanā).
Để tu tập quán (vipassanā) theo một cách dễ dàng, chúng ta có thể bắt đầu bằng việc niệm biết theo sắc (rūpa) pháp. Đại đức Buddhaghosa cung cấp cho chúng ta một số khái niệm về cách thực hiện việc này. Người căn tánh thuần quán (vipassanā yānika) là người tu tập quán (vipassanā) trực tiếp mà bản thân trước tiên không có thiết lập, củng cố cận định (upacāra samādhi) hay kiên cố định (appanā samādhi) về tu tập thiền (Jhāna). Vị ấy chỉ dựa vào việc niệm biết theo danh và sắc bằng sát-na định (khaṇika samādhi) của vị ấy. Đối với người tu thiền (yogi) như vậy, vị ấy cần phải bắt đầu niệm biết theo sắc (sắc nghiệp xứ - rūpakammaṭṭhāna).
Chúng ta cũng cần phải biết có ba loại định (samādhi):
1. Cận định (upacāra samādhi)
2. Kiên cố định (appanā samādhi)
3. Sát-na định (khaṇika samādhi).
Kinh văn nói tâm thanh tịnh (citta visuddhi) có nghĩa là trạng thái của tâm trong cận định (upacāra samādhi) hay kiên cố định (appanā samādhi).
Kiên cố định (appanā samādhi) có nghĩa là một định mạnh mẽ đã đạt được qua tu tập chỉ tịnh (samatha) đều đặn. Ý nghĩa của ‘Appanā’ là ‘đặt vào và cố định trên’. Tâm được thiết lập vững chắc trên cảnh và chuyên chú vào cảnh như tâm được đặt vào và cố định trên cảnh. Appanā samādhi là định mà người tu thiền đạt được vào lúc chứng thiền (jhāna).
Do tu tập quán (vipassanā), chúng ta đạt được định của đạo (magga samādhi) và định của quả (phala samādhi) mà còn được gọi là kiên cố định (appanā samādhi).
Cận định là định ngay trước khi đạt được kiên cố định, hay ở vùng lân cận của định. Cũng như một ngôi nhà gần chúng ta được gọi là nhà lân cận, cũng vậy định gần với kiên cố định được gọi là cận định (upacāra samādhi). ‘Upa’ có nghĩa là trạng thái ở gần hay cận bên. Vì vậy, upacāra samādhi cũng có thể được dịch là định lân cận.
Khi người tu thiền có cận định (upacāra samādhi) và kiên cố định (appanā samādhi), vị ấy sẽ đạt được tâm thanh tịnh (citta visuddhi). Sau khi đạt được tâm thanh tịnh này, người tu thiền có thể đạt được bậc thanh tịnh (visuddhi) cao hơn như kiến thanh tịnh (diṭṭhi visuddhi). Khi ấy, người tu thiền được gọi là có khả năng tu tập quán (vipassanā) tốt và đúng.
Tuy nhiên, hầu hết các văn bản không đề cập trực tiếp về sát-na định (khaṇika samādhi). Vậy mà, nó hiện hữu. Nó không phải là cận định (upacāra samādhi) mà cũng chẳng phải là kiên cố định (appanā samādhi). Trong khi tu tập quán (vipassanā), một người tu thiền củng cố tâm của mình theo pháp hành sắc và danh (nāmarūpa dhamma saṅkhāra). Sắc và danh pháp ấy thì vô thường bởi thực tính, và không bền vững mà luôn biến hoại đổi thay.
Tuy nhiên, định (samādhi) trên chúng không đang biến hoại đổi thay dù các cảnh được niệm ghi nhớ đang biến hoại đổi thay từng sát-na một. Sát-na định (khaṇika samādhi) là định theo từng sát-na trên các loại sắc và danh (nāma-rūpa) pháp khác nhau sanh và diệt. Người tu thiền có thể liên tục quan sát niệm biết theo chúng mà không nghỉ, duy trì định của vị ấy vào cảnh đề mục thiền của vị ấy.
Đối với một người tu tập quán (vipassanā), vị ấy có thể tiếp tục mà không cần cận định (upacāra samādhi) hay kiên cố định (appanā samādhi). Nhưng chúng ta phải nhớ điểm quan trọng: không có sát-na định (khaṇika samādhi) thì hoàn toàn không thể tu tập quán (vipassanā).
Một phụ chú giải (ṭīkā) nói ‘Na hi khaṇikasamādhiṃ vinā vipassanā sambhavati.’[21] Đây có nghĩa là không thể tu tập quán (vipassanā) mà không có sát-na định (khaṇika samādhi).
Tóm lại, có thể tu tập quán (vipassanā) mà không có cận định (upacāra samādhi) và kiên cố định (appanā samādhi), nhưng tối thiểu người tu thiền phải củng cố sát-na định (khaṇika samādhi). Có một số tranh luận, bàn cãi (vivāda) về sát-na định này. Mahāsi Sayadaw đã viết rõ về điều này.
Như đã đề cập trước, sát-na định (khaṇika samādhi) có nghĩa là loại định mà không biến hoại đổi thay dù cảnh đang biến hoại đổi thay từng sát-na. Sát-na định này có thể kéo dài một thời gian, duy trì niệm và định trên các cảnh khác nhau.
Đối với tu tập chỉ tịnh (samatha), cảnh chỉ có một và nó hoàn toàn không biến hoại đổi thay. Cảnh này là pháp chế định (paññatti) như biến xứ (kasiṇa) đất hay biến xứ màu. Cảnh này chỉ là một pháp để thu hút và cố định tâm vào nó. Kế đến, khi niệm và định phát triển, cảnh xuất hiện trong tâm. Hình ảnh trong tâm được gọi là ấn tướng (nimitta) không phải là cảnh thực. Cảnh chế định (paññatti) này không phải là thực tính siêu lý.
Mặt khác, người tu thiền quán (vipassanā) quan sát, niệm biết theo danh sắc của mình. Chúng là thực tính siêu lý (paramattha). Thực tính siêu lý có nghĩa là một cảnh mà thực sự hiện hữu. Nó không chỉ có thực tính riêng mà còn không có si hay khái niệm sai lầm trong đó.
Một người căn tánh thuần quán (suddha vipassanā yānika) là một người tu thiền không có tu tập chỉ tịnh (samatha) mà trực tiếp dùng pháp quán (vipassanā) làm một phương tiện (yāna) để đạt đến Níp-bàn (Nibbāna) (tịch diệt). Vào sát-na đạt đạo-quả tuệ (magga phala ñāṇa), vị ấy có thể đạt được Níp-bàn (Nibbāna). Vị ấy có thể được gọi là một người tu thiền thuần quán (suddha vipassaka). Tại sao nó được gọi là thuần (suddha) hay khô (sukkha)?
Khi một người tu tập chỉ tịnh (samatha), tâm của vị ấy sẽ được an tịnh. Tất cả những thọ ưu và khổ như đau, tê, nhức, v.v... đã biến mất; và tâm cảm thấy an bình và hạnh phúc.
Tuy nhiên, quán (vipassanā) không để người tu thiền thích thú quá nhiều về những trạng thái danh pháp thiện này. Những trạng thái danh pháp hỷ lạc này bị làm khô. Khi tu tập quán (vipassanā), người tu thiền thấy tướng vô thường của chư pháp. Những pháp này luôn biến mất và diệt dứt. Người tu thiền thấy sự không như ý nguyện về chúng và biết rõ rằng tất cả pháp không thuộc về ta. Không có pháp nào vui mừng hay hạnh phúc. Không có pháp nào phải bị chấp thủ là của ta. Một số người tu thiền có thể thấy thân bị phân hủy và xem nó như một điều rất đáng sợ đối với họ. Đó là lý do tại sao một số người thậm chí muốn chạy xa khỏi thiền.
Khi người tu thiền ấy không thể thấy sự thật về thân, và vị ấy không hiểu rằng các sắc pháp của thân luôn sanh và diệt, thì vị ấy vẫn tham và chấp thủ vào thân mình như thuộc về mình. Do sự tham vào thân của mình, vị ấy sẽ sợ hãi khi vị ấy thấy danh và sắc của mình trong trạng thái liên tục tuôn ra và biến hoại đổi thay.
Phương pháp đầu tiên là chuyển sang pháp quán (vipassanā) sau việc tu tập chỉ tịnh (samatha). Điều này tương tự như việc dùng một chiếc thuyền để vươn tới bờ kia. Phương pháp thứ hai là tu tập trực tiếp pháp quán (vipassanā), mà không dùng pháp chỉ tịnh (samatha) làm nền tảng. Phương pháp thứ hai này có thể được so sánh với việc cố gắng bơi đến bờ kia bằng việc dùng tay và chân. Phương pháp nào dễ hơn và thoải mái hơn?
Phương pháp đầu tiên thoải mái hơn. Phương pháp thứ hai thì mệt hơn và người bơi có thể đột ngột chết đuối trong dòng sông. Vào lúc bắt đầu tu tập quán (vipassanā), nó thật mệt mỏi. Tuy nhiên, khi kết thúc quá trình tu tập, việc tu tập trở thành dễ dàng và thoải mái hơn.
Tóm lại, chúng ta phải tinh cần để biết chi tiết việc làm của mình, ở đây tôi muốn nói là việc quán (vipassanā). Thiền nói đến sự biết và chuyên chú vào sắc (rūpa) hay danh (nāma). Nếu chúng ta bắt đầu thiền theo sắc (rūpa), thì chúng ta không nên chỉ dừng ở sắc (rūpa). Chỉ niệm biết theo sắc (rūpa) sẽ không hoàn thành việc quán (vipassanā). Chúng ta cần phải tiếp tục niệm biết theo danh (nāma). Nếu chúng ta chỉ thiền theo sắc (rūpa), thì chúng ta vẫn còn khái niệm về tính thường hằng về danh pháp (nāma).
Đó là lý do tại sao khi bắt đầu việc quán, chúng ta cần phải quan sát sắc. Sau khi quan sát sắc và biết rõ được thực tính (sabhāva) riêng của nó, chúng ta cần phải thiền theo danh là pháp nương vào thân sắc. Hay, nếu chúng ta bắt đầu với danh, thì tiếp theo sau đó là chúng ta cần phải quan sát sắc sau.
Khi chúng ta đã hoàn thành việc quan sát theo cả danh và sắc (nāmarūpa), chúng ta cần phải quan sát theo pháp gì khác nữa? Chúng ta cần phải quan sát theo tâm mà đang niệm biết theo cảnh.
Nó có nghĩa là tâm trước được niệm biết theo bởi tâm sau. Điều này được nói trong quyển Thanh tịnh đạo (Visuddhi-magga). Khi tuệ quán (vipassanāñāṇa) đang tu tập ở từng giai đoạn, thì chúng ta cũng phải quan sát theo cách này: ‘ñātañca ñāṇañca ubhopi vipassatīti’[22]. ‘Ñāta’ nói đến các sắc và danh pháp làm cảnh mà được biết đến, trong khi ‘ñāṇa’ nói đến tâm đang quan sát theo cảnh cần phải được biết.
Chúng ta phải biết
1. Sự biến mất của cảnh đang sanh và đang diệt;
2. Sự biến mất của tâm biết theo cảnh ấy;
3. Sự biến mất của tâm sau là tâm cũng biết tâm trước mà được đề cập ở số 2.
Chúng ta phải biết ba pháp này để việc quan sát theo của chúng ta hoàn thành.
Vì vậy, khi người tu thiền quán (vipassanā) là một người căn tánh thuần quán (suddha-vipassaka), vị ấy cần phải bắt đầu với sắc (rūpa). Trong nhóm sắc (rūpa), bốn đại giới (mahābhūta – đại chủng hay loại chủ yếu) dễ được quan sát. Sau đó, chúng ta cần phải quan sát các sắc y sinh (upādārūpa) mà nương vào bốn đại chủng. Sau đó chúng ta cần phải thiền tâm mà nương vào sắc (rūpa).
Về phần danh (nāma), chúng ta không thể quan sát tất cả các tâm. Trong Abhidhamma nói đến 89 tâm (citta) và 52 sở hữu tâm (cetasika) là danh pháp (nāma). Trong số đó, chúng ta chỉ có thể quan sát 81 tâm hiệp thế (lokiya citta) và các sở hữu tâm tương ưng với chúng. Những ai chưa đạt được thiền (jhāna) sẽ không có khả năng biết và thiền về những tâm thiền (jhāna). Chỉ những ai đã đạt được thiền (jhāna) mới có thể thiền về những tâm thiền (jhāna). Ví dụ, nếu người không thể đạt được sơ thiền (jhāna), nhị thiền (jhāna), hay thiền vô sắc (arūpa jhāna) thì vị ấy không thể quan sát theo những tâm thiền này.
Trong số 54 tâm dục (kāma citta), những ai không phải là bậc Ứng cúng sẽ không đạt được 8 tâm đại tố (mahākriya citta) hay tâm tiếu sinh (hasituppāda citta). Bằng việc giảm những tâm này từ 54, chỉ còn 45 tâm dục (kāma) là những tâm có thể được niệm biết theo.
Trong số 54 tâm dục (kāma citta) ấy, có 12 tâm bất thiện (akusala citta), 8 tâm đại thiện (mahākusala citta) và 8 tâm đại quả (mahāvipāka citta). 12 tâm bất thiện (akusala citta) là những tâm khó dạy (dubbaca) khi chúng sinh khởi. 45 tâm dục (kāma citta) này dễ thấy và rõ ràng trong khi những tâm còn lại thì không thật rõ.
Xúc (phassa), thọ (vedanā), thức (viññāṇa)
Chúng ta không cần phải cố gắng đọc tụng hay quan sát 12 tâm bất thiện (akusala citta) hay tâm thiện (kusala citta) khi chúng sinh khởi. Phương pháp chúng ta phải theo đuổi là niệm biết theo tâm qua ba thực tính riêng hay các danh pháp lớn trội: xúc (phassa), thọ (vedanā) và thức (viññāṇa).
Bạn có thể biết tâm do xúc (phassa). Khi biết xúc (phassa), bạn biết những danh pháp tương ưng khác. Xúc này rất lớn trội.
Ví dụ: khi bạn mở mắt, sau đó một cảnh sắc và nhãn (thanh triệt) của bạn có thể hội hợp. Kế đến, nhãn thức (cakkhu-viññāṇa) sanh. Khi ba pháp [nhãn (thanh triệt), cảnh sắc và nhãn thức] hội hợp, sự xúc chạm với cảnh được gọi là xúc (phassa) xảy ra.
Đừng nghĩ rằng xúc (phassa) đến sau sau khi ba pháp này đã sanh trước. Trên thực tế, xúc (phassa) đồng sanh khi nhãn thức sanh.
Xúc (phassa) trong nhãn thức không phải là một pháp mạnh mẽ; xúc sanh ở tâm sau mạnh mẽ hơn. Pháp tiếp sau là tâm tiếp thâu (sampaṭicchana).
Hãy suy nghĩ theo cách tự nhiên. Khi một cảnh sắc xuất hiện ở nhãn môn, vì đó, sẽ có một citta hay tâm đang làm việc khai môn. Đây được gọi là tâm hướng [khai] ngũ môn (pañcadvārāvajjana citta). Sau tâm này, nhãn thức (cakkhu viññāṇa) có thể sanh.
Đó là lý do tại sao đức Phật nói, ‘cakkhuñca paṭicca rūpe ca uppajjati cakkhuviññāṇaṃ’ - ‘nương vào nhãn (thanh triệt) và cảnh sắc, nhãn thức sanh’.
Trước khi nhãn thức (cakkhu viññāṇa) sanh, những gì đã xảy ra ngay trước tâm hướng [khai] ngũ môn (pañcadvārāvajjana citta). Nó có thể được gọi là tác ý (manasikāra). Chúng cũng cần ánh sáng làm một cận y duyên (upanissaya paccayo).
Do đó, chúng ta cần bốn duyên cho nhãn thức sanh―
1. Nhãn thanh triệt (cakkhu-pasāda)
2. Cảnh sắc (rūpa)
3. Ánh sáng (āloka)
4. Chú ý hay tác ý (manasikāra).
Tuy nhiên, đức Phật chỉ nói đến 2 duyên cho sự sanh của nhãn thức, ấy là nhãn thanh triệt và cảnh sắc.
Khi nhãn thức sanh, xúc cũng đồng sanh. ‘Phassapaccayā vedanā’ - do xúc, thọ sanh cùng một lúc. Chúng cùng sanh (sahajāta). Dù chúng ta nói rằng xúc là nguyên nhân cho thọ hay xuất hiện sớm hơn, trên thực tế, xúc và thọ sanh cùng một lúc. Tại sao chúng lại sanh cùng nhau? Vì sự liên quan đến cảnh mạnh mẽ, thọ rất lớn trội. Nếu sự liên quan đến cảnh yếu thì thọ cũng yếu. Thọ nương vào sự liên quan đến cảnh.
Sau khi nhãn thức (cakkhu viññāṇa) đã sinh khởi, có một tâm tiếp nhận cảnh, và nó được gọi là tâm tiếp thâu (sampaṭicchana citta). Kế đến, có tâm để thẩm tra, nó được gọi là tâm thẩm tấn (santīraṇa citta). Tâm kế tiếp là tâm đưa ra quyết định cảnh. Nó thực sự là tâm hướng hay khai ý môn (manodvārāvajjana citta). Đây là sự chú ý thứ hai. Kế đến, có sự sanh của bảy tâm đổng lực (javana citta). Thọ tương ưng với đổng lực (javana) rất mạnh.
Vì tâm (citta) sanh rất nhanh, thọ dường như cũng sanh rất nhanh. Chúng ta hãy xem xét một máy phát điện làm ví dụ. Chỉ trong một chốc lát, nó phải xoay nhiều vòng để tạo ra hàng triệu dòng điện. Tương tự, có nhiều tâm sanh và diệt trong một khoảnh khắc ngắn.
Các đổng lực (javana) trong tiến trình lộ ngũ môn (pañcadvāra vīthi) vẫn chưa mạnh lắm. Những đổng lực trong lộ ý môn (manodvāra vīthi) thì mạnh mẽ hơn. Những đổng lực (javana) ấy sẽ thực hiện các phận sự của riêng mình.
Khi chúng ta biết thọ sanh, tâm tương ưng với thọ và xúc cũng lớn trội. Nói tóm lại, khi chúng ta nói quan sát [niệm biết theo] danh pháp (nāma) hay tâm, chúng ta cần phải niệm biết theo ba chi phần lớn trội: - xúc (phassa), thọ (vedanā) và thức (viññāṇa). Lý do là chúng ta không thể quan sát và không thể biết được tất cả các danh pháp. Chỉ có ba pháp này là dễ nhận biết hơn hết. Đó là lý do tại sao có một chương đặc biệt về thọ, được gọi là thọ tùy niệm (vedanānupassanā), trong kinh Đại niệm xứ (Mahāsatipaṭṭhānasutta[23]).
Vedanāpariggaha kammaṭṭhāna có nghĩa là thọ tùy quán. Như đã đề cập trước, nó được bao gồm làm chương riêng và khác biệt trong bài kinh ấy. Lý do có hai: 1) thọ thì dễ quan sát. 2) thọ là nguyên nhân cho ái (taṇhā) sinh khởi. Khi ái sanh, khổ sẽ xảy ra. Sẽ có sự thủ nắm giữ chặt vào chế định về ‘ta’ hay ‘tôi’ hay ‘những thứ thuộc về ta’. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải biết về thọ là nguyên nhân của ái.
Bài kinh Duyên sinh hay liên quan tương sinh (paṭicca-samuppāda) nói rõ rằng:
Do thọ, ái sanh. (‘vedanāpaccayā taṇhā’)
Do ái, thủ sanh. (‘taṇhāpaccayā upādānaṃ’)
Do thủ, hữu sanh. (‘upādānapaccayā bhavo’)
Do hữu, sanh sanh. (‘bhavapaccayā jāti’).
Do sanh, lão, tử, sầu, khóc, khổ, ưu buồn và ai oán mà tuyệt vọng sanh. (‘jātipaccayā jarāmaraṇaṃ sokaparidevadukkha-domanassupāyāsā sambhavanti’)
Chuỗi nhân và quả này tiếp diễn liên tục không ngừng nghỉ. Cửa giải thoát duy nhất là giữa thọ (vedanā) và ái (taṇhā). Nếu một người có thể dừng lại ở thọ, và không để cho ái xảy ra, thì đây là lối thoát khỏi ái. Cách làm như vậy là quan sát bất cứ sát-na thọ nào sanh.
Thọ (vedanā) không phải là pháp bị xa lìa mà nó bị biết. Vì vậy, nó được gọi là đạt tri (pariññā), bị biết hoàn toàn thấu đáo. Chúng ta cần phải biết thực tính (sabhāva) riêng của nó. Đó là lý do tại sao trong thời nói pháp hôm qua, tôi đã giải thích rõ về thực tính cũng như nguyên nhân và duyên của nó.
Hôm nay tôi sẽ giải thích thêm về thọ. Đức Phật đã thuyết nhiều bài kinh liên quan đến thọ. Có 31 bài kinh Tương ưng thọ (Vedanā-saṃyutta) trong sách về các bộ Tương ưng (Saṃyutta Nikāya).
Đức Phật đã đề cập rằng có ba loại thọ: thọ lạc, thọ khổ và thọ phi khổ phi lạc (‘tisso imā vedanā —sukhā vedanā, dukkhā vedanā, adukkhamasukhā vedanā.)[24]. Tôi đã giải thích rõ về chúng hôm qua.
Khi có một cảnh khả hỷ, dễ chịu gọi là thọ lạc (sukha vedanā) sẽ sanh. Khi có một cảnh bất khả hỷ hay đau đớn, khó chịu thì thọ khổ (dukkha vedanā) sẽ sanh. Giữa hai trong chúng, có thọ không được rõ và lớn trội. Nó được gọi là thọ phi khổ phi lạc (adukkhamasukha vedanā).
Tuy nhiên, trong những bài kinh khác, đức Phật nói: ‘Dù bất cứ thọ nào, nó đều được gọi là thọ khổ (dukkha vedanā) (‘yaṃ kiñci vedayitaṃ, taṃ dukkhasmim’)[25]. Nó có nghĩa là không có thọ lạc (sukha vedanā) hay thọ phi khổ phi lạc (adukkhamasukha vedanā); chỉ có thọ khổ (dukkha vedanā).
Trong bài Kinh Đi đến nơi độc cư (Rahogatasutta)[26], một sa-môn có một số hoài nghi về thọ này. Đức Phật nói ‘có ba loại thọ’. Tuy nhiên, theo Pāḷi trình bày trên, chỉ có một thọ ― thọ khổ (dukkhavedanā). Do đó, ông bị bối rối về điều này.
Các loại thọ khác nhau. Một số người, như sa-môn trong bài kinh trên, có thể nghĩ rằng đức Phật không kiên định trong lời dạy của Ngài. Chúng ta cũng cần phải nghiên cứu câu chuyện về trưởng lão Vakkali để biết thêm về các cách tiếp cận khác nhau của đức Phật về pháp (dhamma).
‘Kiṃ te, vakkali, iminā pūtikāyena diṭṭhena? Yo kho, vakkali, dhammaṃ passati, so maṃ passati; yo maṃ passati, so dhammaṃ passati.[27]’ – ‘Việc thấy thân bất tịnh này của các ông có lợi ích chi? Người nào thấy pháp, người ấy thấy Như lai’.
Một số người cực kỳ giữ vững khái niệm đã nói rõ trong dòng này, và đối với họ, thờ Phật dường như là một sai lầm. Một số không thể ngưỡng mộ dù là tượng Phật, và họ nghĩ không có cần đặt tượng Phật trên bàn thờ của tu viện. Thật ra, đức Phật đã đuổi Vakkali đi vì vị ấy muốn khiển trách ngài, đi đến ý nghĩ và nhận biết pháp. Bài kinh (sutta) này cụ thể là dành riêng cho đại đức Vakkali.
Trên thực tế, cảnh tượng của đức Phật được gọi là dassanānuttariya ở Pāḷi; nó là sự thấy của bậc Vô thượng (dassanānuttariya). Cảnh sắc khác thì rất bình thường và không thể được gọi là sự thấy của bậc Thánh.
Trong bài kinh Hạnh phúc (Maṅgala-sutta), có 38 pháp hạnh phúc cả thảy. Trong số đó, ‘samaṇānañca dassanaṃ’[28] có nghĩa là ‘thấy các sa-môn cũng là một điều hạnh phúc’. Sa môn (samaṇa) là nói đến các sa-môn bao gồm đức Phật.
Trong câu chuyện về đại đức Vakkali, đức Phật nói: ‘Không có ích lợi gì về việc ngắm nhìn ta; chỉ cần xem xét pháp (dhamma)’. Nhưng trong kinh Hạnh phúc (Maṅgala-sutta), đức Phật nói rằng việc ngắm nhìn các sa-môn, bao gồm cả đức Phật, bản thân nó đã là một hạnh phúc. Việc ngắm nhìn Phật (Buddha) là sự thấy của bậc Thánh (dassanānuttariya). Hai lời tuyên bố này trái nhau.
Trên thực tế, đức Phật đã thuyết những bài kinh với một chủ định riêng hay các tình huống đã chứng thực. Nó được gọi là sandhāyabhāsita trong tiếng Pāḷi, có nghĩa là có liên quan đến người nghe.
Bây giờ, chúng ta hãy quay lại với sa-môn hoài nghi trong Kinh Rahogata sutta. Sau khi nghe câu hỏi của sa-môn ấy, đức Phật đã giải thích rõ: ‘saṅkhārānaṃyeva aniccataṃ sandhāya bhāsitaṃ’, nói đến sự vô thường của chư pháp hành (saṅkhāra) bị trợ. Như thọ là một trạng thái bị trợ tạo, nó có tính vô thường. Vì vậy, nó đáng được gọi là thọ khổ (dukkha vedanā).
Điều đó đúng. Pháp chi vô thường thực sự là bất toại nguyện và khổ. Trong thực tế, vô thường bao gồm khổ (dukkha). Người ta thường nói đời thì khổ khi họ không có đủ vật thực để ăn, hay phải đối mặt với những duyên bất hạnh; thật ra đây là khổ (dukkha) thông thường hay khổ (dukkha) theo nghĩa qui ước chế định.
Khi chúng ta nói về vô thường, khổ và vô ngã (anicca, dukkha và anatta), khổ (dukkha) này là chi? ‘Yadaniccaṃ taṃ dukkhaṃ’ – cái gì vô thường thì khổ.
Mọi người không thể nói rằng: hoàn toàn không có thọ lạc (sukha vedanā). Tuy nhiên, những cảm giác tốt hay hài lòng không luôn hiện hữu, mà chẳng bao lâu nó sẽ diệt. Vì vậy, tất cả những thọ lạc (sukha vedanā) hay thọ phi khổ phi lạc (adukkhamasukha vedanā) sẽ diệt ở vị lai. Vì lý do về tính vô thường của chúng, chúng có thể được phân là thọ khổ (dukkha vedanā). Điều này được giải thích trong Rahogatasutta.
Như đã vừa nói, tất cả những pháp hành (saṅkhāra) bị trợ tạo có tính vô thường (anicca). Hơn nữa, chúng có tính của điêu tàn, biến hoại, đoạn diệt (khayadhammataṃ, vayadhammataṃ, nirodhadhammataṃ[29]). Những từ này đồng nghĩa với anicca (vô thường). Nói đến câu Pāḷi- ‘yaṃ kiñci vedayitaṃ, taṃ dukkhasmiṃ’ (‘Bất cứ thọ nào sanh đều được gọi là khổ’), nó có nghĩa là tất cả thọ sẽ đi đến vô thường, điêu tàn, biến hoại, và đoạn diệt.
Nếu chúng ta phân loại tất cả thọ là thọ khổ (dukkha vedanā), thì chỉ có một loại thọ. Tuy nhiên, đôi khi đức Phật phân các loại thọ thành 2, 3, 5, 6, 18 hay 36. Đức Phật phân loại thọ thành nhiều loại theo cách và phương pháp của Ngài. Vì vậy, không nên có mâu thuẫn giữa số các loại thọ như vị sa-môn nghĩ trong bài kinh Rahogata-sutta.
Trong Kinh Pañcakaṅga-sutta[30] trong những bài kinh Tương ưng thọ (vedanā-saṃyutta), trong đó có một số tranh luận giữa một sa-môn tên là Udāyi và người thợ mộc Pañcakaṅga về số lượng các loại thọ. Người thợ mộc ấy còn được gọi là ‘Năm dụng cụ’ vì vị ấy luôn mang theo năm dụng cụ của một người thợ mộc: vāsīpharasu (rìu lưỡi vòm), nikhādana (đục), danda (que đo), muggara (búa), và kālasutta (sợi chỉ đen). Ông ấy còn được gọi là Thapati.
Đại đức Udāyi nói: ‘Người thợ mộc được đức Thế Tôn dạy về ba loại thọ: thọ lạc, khổ và phi khổ phi lạc. Đây là ba thọ được đức Thế Tôn dạy.’[31]
Sau những lời dạy này, người thợ mộc có năm dụng cụ nói: ‘Không phải ba loại thọ. Đại đức Udāyi, đã được dạy bởi đức Thế Tôn. Đó là hai loại thọ mà được đức Thế Tôn tuyên bố: thọ lạc (sukha) và khổ (dukkha). Phi khổ phi lạc (adukkhamasukhā vedanā) đã được đức Thế Tôn nói thuộc về sự an bình và hạnh phúc cõi trời.[32]’
Nhưng đại đức Udāyi đáp: ‘Không phải đức Thế Tôn dạy hai thọ mà là ba: thọ lạc, khổ và phi khổ phi lạc.’ Vị ấy hoàn toàn không đồng ý với người thợ mộc ấy.
(Sự trao đổi quan điểm này được lặp lại đến lần thứ hai và thứ ba). Nhưng người thợ mộc có năm dụng cụ không có khả năng thuyết phục đại đức Udāyi, hay đại đức Udāyi cũng không thể thuyết phục người thợ mộc có năm dụng cụ. Khi đó đã xảy ra như vầy, đại đức Ānanda đã nghe được cuộc trò chuyện và đến gặp đức Thế Tôn về việc đó. Sau khi chào hỏi đức Thế Tôn một cách cung kính, ông ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, ông lặp lại toàn bộ cuộc trò chuyện đã xảy ra giữa đại đức Udāyi và người thợ mộc có năm dụng cụ.
Đức Thế Tôn nói: ‘Này Ānanda, cách trình bày của Udāyi mà người thợ mộc có năm dụng cụ không đồng ý, quả là chính xác. Nhưng cách trình bày của người thợ mộc có năm dụng cụ, mà Udāyi không đồng ý, cũng là chính xác.
Theo một cách trình bày, ta đã nói về hai loại thọ, và theo cách trình bày khác ta đã nói về ba, sáu, mười tám, ba mươi sáu, và một trăm lẻ tám loại thọ. Như vậy, Pháp đã được Như lai dạy theo những cách trình bày khác nhau.
‘Đối với pháp (dhamma) đã được Như lai dạy theo những cách khác nhau như vậy, nếu có những ai không bằng lòng, không đồng ý và không chấp nhận những gì được nói đúng và chánh ngữ, điều có thể được trông mong ở họ rằng họ sẽ cãi nhau và mắc vào cuộc tranh luận và bàn cãi, làm tổn thương lẫn nhau bằng những lời gay gắt.
‘Đối với pháp (dhamma) đã được Như lai dạy theo những cách khác nhau như vậy, nếu có những ai bằng lòng, đồng ý và chấp nhận những gì được nói đúng và chánh ngữ, điều có thể được trông mong ở họ rằng họ sẽ sống trong hòa thuận và thân thiện, không có bàn cãi, như sữa (dễ hòa lẫn) với nước, nhìn nhau bằng ánh mắt thân thiện.’
Sau khi nghe đại đức Ānanda, đức Phật nói họ không nên tranh luận về Pháp (dhamma). Lúc thích hợp về thời gian và với người nghe, Ngài đã giảng Pháp (dhamma) theo một cách nào đó. Số lượng thọ như 2, 3, 6, 18, v.v... là chính xác.
Hai loại thọ
Đối với các loại thọ khác, chúng ta nên xem xét bài kinh khác gọi là Một trăm lẻ tám (Aṭṭhasatasutta)[33]. Trong bài kinh đó, đức Phật nói thọ có thể được phân loại nói chung là thọ thuộc về thân (kāyika vedanā) và thọ thuộc về danh (cetasika vedanā)[34].
Thọ thuộc về thân là thọ sanh nương vào thân. Nó có thể được phân loại thêm nữa thành thọ khổ về thân (kāyikadukkha) và thọ lạc về thân (kāyikasukha). Mặt khác, thọ danh là thọ mà sanh trong tâm, không nương vào thân. Nó cũng có thể được chia thành thọ lạc về danh (cetasikasukha) và thọ khổ về danh (cetasikadukkha).
Ví dụ, nếu gió mát chạm vào thân khi thời tiết nóng, khi ấy thọ lạc và hạnh phúc sẽ sanh nương vào thân. Khi thời tiết rất lạnh, chúng ta mặc quần áo ấm và cảm thấy vừa vặn và khi ấy, thọ lạc sanh. Đây là một thọ lạc về thân (kāyika sukhavedanā).
Khi thời tiết lạnh và gió lạnh chạm đến thân, chúng ta có một cảm giác buốt thấu xương và khi ấy thọ khổ và đau đớn sẽ sanh vào lúc đó. Hay khi thời tiết rất nóng và thêm một vài cơn gió như thiêu đốt thân, khi ấy chúng ta không thể chịu được nhiệt nóng và thọ khổ sẽ sanh. Đây được gọi là thọ khổ và đau đớn thuộc về thân (kāyika dukkhavedanā).
Khi chúng ta nghe một bản tin tốt, tâm của chúng ta trở nên hạnh phúc và đây là một thọ lạc thuộc về danh (cetasikā sukhavedanā). Khi chúng ta nghe tin về sức khỏe tốt của những người thân của chúng ta, người đã bị nhập viện, chúng ta sẽ vui. Hay chính chúng ta nghe rằng chúng ta hoàn toàn không có bệnh sau khi kiểm tra sức khỏe, khi ấy chúng ta rất vui. Tuy nhiên, khi chúng ta nghe tin xấu hay buồn, khi ấy tâm không vui. Chỉ bằng việc nghe chúng ta mắc bệnh ở một số phần của thân, tâm của chúng ta sẽ trở nên không vui. Đây được gọi là thọ khổ và ưu thuộc về danh (cetasikā dukkhavedanā) khi chúng sinh khởi trong tâm.
Tóm lại, thọ thường được phân loại nói chung thành thọ thuộc về thân (kāyika vedanā) và thọ thuộc về danh (cetasikā vedanā).
Tiếp sau, ba loại thọ được chia theo thực tính (sabhāva) riêng của nó: i.) thọ lạc (sukha vedanā), ii.) thọ khổ (dukkha vedanā), iii.) thọ phi khổ phi lạc (adukkhamasukha vedanā).[35]
Năm loại thọ
Về phần năm loại thọ, theo Thanh tịnh đạo (Visuddhimagga), thọ được chia thành 5 loại một cách tự nhiên. Theo chú giải, nó được chia theo nền tảng của quyền (indriya)[36].
Trong số 22 quyền (indriya), năm quyền đề cập đến thọ. Về mặt này, thọ lạc (sukha vedanā) được chia thành hai; thọ khổ (dukkha vedanā) cũng được chia thành hai và thọ phi khổ phi lạc vẫn là một loại.
Ở đây, thọ lạc (sukha vedanā) được chia thành thọ lạc (sukha) và thọ hỷ (somanassa). Cảm giác dễ chịu trong tâm được gọi là hỷ (somanassa) trong khi cảm giác vui sanh nương vào thân được gọi là lạc (sukha). Cảm giác khổ (dukkha) được chia thành thọ khổ (dukkha vedanā) và thọ ưu (domanassa). Khi nó sanh nương vào thân, nó được gọi là khổ (dukkha). Khi nó chỉ sanh trong tâm, nó được gọi là ưu (domanassa).
Thọ còn lại ngoài ra bốn loại được phân loại trên là thọ phi khổ phi lạc. Nó được gọi là thọ phi khổ phi lạc (adukkhamasukha vedanā) hay xả (upekkhā). Nó không là một thọ rõ ràng. Tổng cộng, chúng ta có năm thọ.
Vì vậy, chúng ta phải cố gắng niệm biết theo và nhận biết năm thọ này khi chúng xảy ra trong thân hay tâm. Nếu chúng ta không thể niệm biết theo và nhận biết chúng, thì không thể làm việc niệm biết theo thọ. Làm sao chúng ta có thể quan sát chúng? Đừng niệm là ‘thọ’ (vedanā). Ngay cả người Myanmar cũng nhiễm thọ (vedanā) thành bệnh (roga). Như đã đề cập trên, đây là những loại thọ khác nhau như cảm giác vui, cảm giác khổ và v.v... Người Myanmar nói thọ không tự nó đến từ bầu trời. Trên thực tế, đây có nghĩa là thọ không đến từ hư không; mà do nguyên nhân của nó, nó sẽ sanh.
Khi mắt và cảnh sắc tiếp xúc với nhau, một thọ sẽ sanh. Ví dụ: khi chúng ta thấy một số cảnh khả hỷ, thì thọ lạc (sukha vedanā) sanh. Khi chúng ta thấy một số cảnh bất khả hỷ, thì thọ ưu, thọ khổ (dukkha vedanā) sanh. Nó được gọi là thọ sanh do nhãn xúc (cakkhusamphassajā vedanā) vì thọ sanh do sự xúc chạm của nhãn với một cảnh sắc ở nhãn môn. Do xúc (phassa), thọ sanh (xúc duyên thọ-phassapaccayā vedanā). Theo cách tương tự, khi tin tốt hay xấu dội vào nhĩ môn, sẽ có sự sanh của thọ hỷ hay ưu. Nó được gọi là thọ sanh do nhĩ xúc (sota-samphassajā vedanā).
Đối với người thích sầu riêng, khi mùi sầu riêng đến tỷ môn của họ, một thọ hỷ sẽ sanh trong tâm của họ. Khi ấy, ý nghĩ ‘Tôi muốn mua và ăn sầu riêng’ sẽ xuất hiện. Khi người ấy ngửi thấy mùi vật thực ngon, người ấy cũng muốn mua chúng.
Khi có một số mùi mà một người không thích, người ấy la to ‘nó có mùi hôi’ và bịt mũi của mình lại. Những thọ này sanh do sự xúc của mũi với mùi thì được gọi là thọ sanh do tỷ xúc (ghāṇa-samphassajā vedanā).
Thọ mà sanh do sự xúc giữa lưỡi và vị được gọi là thọ sanh do thiệt xúc (jivhā-samphassajā vedanā). Khi chúng ta ăn vật thực mà chúng ta nghĩ là ngon, chúng ta ăn thêm. Nếu chúng ta không thích nó, tức khắc chúng ta nhổ nó ra. Tuy nhiên, thọ hỷ (somanassa) hay thọ ưu (domanassa) xảy ra do xúc.
Đôi khi một số cảnh như quần áo hay gió chạm vào thân. Nếu nó là một cảnh xúc dễ chịu, thì thọ lạc sẽ sanh. Khi một cảnh khó chịu như gai xuyên qua da của chúng ta thì thọ khổ sẽ sanh. Thọ này được gọi là thọ sanh do thân xúc (kāyasamphassajā vedanā).
Đức Phật đã tuyên bố những thọ này là những pháp tự nhiên đang xảy ra trong dòng danh pháp của chúng ta mỗi ngày.
Đôi khi một số cảnh như ý nghĩ, trí tưởng tượng sanh tự do từ năm môn của nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt và thân. Ví dụ, khi chúng ta nghĩ về pháp nào đó, nếu nó là một ý nghĩ vui thì thọ hỷ sẽ sanh. Đôi khi chúng ta có thể cười mỉm với chính mình. Thọ mà sanh ở ý môn này được gọi là thọ sanh do ý xúc (manosamphassajā vedanā). Nếu một cảnh khó chịu đi vào tâm thì người đó có thể nhăn mặt của mình vì sự không thích. Đây hoàn toàn là những thọ sanh ở ý môn.
Vì lý do đó, có tất cả sáu loại thọ về phần sáu môn. Sáu thọ này sanh khi các cảnh tiếp xúc với sáu môn - cảnh sắc với nhãn môn, âm thanh với nhĩ môn v.v... Chúng ta phải nhận biết và quan sát tất cả sáu thọ sao cho phù hợp.
18 loại thọ
Tiếp sau, có 18 loại thọ. Bạn đếm chúng ra sao? Đó là 6 thọ lạc, 6 thọ khổ và 6 thọ xả. Tóm lại, bằng việc nhân 3 loại thọ với 6 môn, chúng ta sẽ được 18 loại thọ.
Trong Vô tỷ pháp (Abhidhamma), thọ được phân chia bởi đức Phật thành 3 hay 5 loại làm bậc căn bản. Nhưng ở đây, bây giờ bạn có thể thấy các loại thọ đã tăng lên về số lượng.
36 loại thọ
Khi đếm theo cách khác, có 36 loại thọ. Từ 18, làm sao để chúng ta được 36? Chúng ta có thể chia cảnh thành cảnh dục và phi cảnh dục.
Khi thấy một bông hoa hay thấy một tượng Phật, những cảnh sắc này giống hay khác nhau về thực tính? Chúng khác nhau về thực tính. Thọ mà sanh khi thấy một bông hoa được gọi là gehasita trong tiếng Pāḷi, nó có nghĩa là nối với hay nương vào dục lạc (kāma-guṇa). Ở đây, geha có nghĩa là ngôi nhà. Đó là một ví dụ để cho thấy tâm ở trong dục lạc như cách mọi người ở nhà.
Như việc một người đi ra khỏi ngôi nhà, sự ra đi hay loại bỏ dục lạc được gọi là nekkhamma trong Pāḷi. Có cảnh dục và phi cảnh dục tại mỗi trong sáu môn.
Vì vậy, tại nhãn môn, có hai loại thọ; 1) thọ hỷ (somanassa vedanā) mà liên quan đến cảnh sắc dục được gọi là hỷ nương vào dục lạc (gehasita-somanassa); và 2) thọ hỷ (somanassa) mà được ra khỏi cảnh sắc dục được gọi là hỷ thoát khỏi dục lạc (nekkhamma-somanassa). Khi chúng ta nhân sáu môn với hai loại này, chúng ta sẽ được 12 thọ hỷ (somanassa).
Cũng có những thọ ưu (domanassa) nương vào cảnh dục. Ví dụ: khi một cảnh sắc khả hỷ biến mất khỏi mắt của chúng ta, khi ấy thọ ưu nương vào cảnh dục (gehasita-domanassa) sẽ sanh.
Có thể sanh những thọ ưu nương vào cảnh pháp (dhamma) hay phi cảnh dục. Ví dụ, khi chúng ta thấy tượng Phật và bày tỏ lòng tôn kính, khi ấy nó đột nhiên biến mất. Hay những ai đã từng có thiền (jhāna) nhưng bây giờ không thể quay lại giai đoạn đó. Vào những lúc ấy, thọ bất khả hỷ nương vào việc lìa khỏi cảnh dục được gọi là ưu lìa khỏi cảnh dục (nekkhamma-domanassa) sẽ sanh.
Do đó, có 6 thọ ưu nương vào cảnh dục (gehasita-domanassa) và 6 thọ ưu thoát khỏi cảnh dục (nekkhamma-domanassa). Vì vậy, có 12 thọ ưu (domanassa). Theo cách tương tự, có 6 thọ xả nương vào dục (gehasita-upekkhā) và 6 thọ xả lìa khỏi cảnh dục (nekkhamma-upekkhā). Vì vậy, tất cả có 12 loại thọ xả.
Chúng ta được 36* thọ sau khi cộng 12 thọ hỷ (somanassa), 12 thọ ưu (domanassa) và 12 thọ xả (upekkhā) này với nhau.
[* Ghi chú: 36 thọ = 6 môn X 3(somanassa, domanassa, upekkhā) X 2 (gehasita, nekkhamma).]
108 loại thọ
Có 3 thời: quá khứ (atīta), hiện tại (paccupanna) và vị lai (anāgata). Chúng ta có thể xem xét theo cách này; hôm qua là quá khứ, hôm nay là hiện tại, và ngày mai là vị lai. Khi 36 loại thọ này được nhân ba lần, chúng ta sẽ được 108 loại thọ.
Có nhiều bài kinh nói về thọ. Hôm nay, tôi đã giải thích các loại thọ. Trong tổng số 36 bài kinh, 31 bài có thực tính hoàn toàn giống nhau. Hôm nay, tôi đã giải thích chủ đề ‘Phân tích về thọ’ từ những bài kinh khác nhau.
Tóm lại, khi quán thấy biết rõ danh (nāmapariggaha) hay quán thấy biết rõ phi sắc (arūpa pariggaha), thọ là pháp rõ nhất. Đó là lý do tại sao đức Phật giải nghĩa về niệm biết theo thọ hay thọ nghiệp xứ (vedanā kammaṭṭhāna).
Niệm biết theo thọ, bạn có thể đạt được Níp-bàn (tịch diệt), an vui và hạnh phúc tối thượng, dứt tất cả thọ.
---
Hôm nay là ngày thứ ba thuyết ‘Phân Tích Về Thọ’. Có những loại thọ khác nhau luôn luôn xảy ra trong dòng danh pháp của chúng ta. Tuy nhiên, mọi người không thực sự chú ý đến chúng. Tâm đã hướng đến cảnh mà nó gặp như cảnh sắc, thinh, khí, vị, xúc và những ý nghĩ. Nó theo sau các cảnh ấy và bị chi phối hay bị lấn át bởi những cảnh ấy.
Người tu thiền đừng chỉ dừng lại ở thọ (vedanā). Mỗi khi vị ấy gặp cảnh khả hỷ, vị ấy thích thì tham (lobha) sanh. Mỗi khi vị ấy gặp cảnh bất khả hỷ, vị ấy không thích thì sân (dosa) sẽ sanh. Nếu vị ấy không biết thực tính của cảnh thì si (moha) sẽ sanh. Nương vào những cảnh ấy, ba căn bất thiện là tham (lobha), sân (dosa), si (moha) - sẽ xuất hiện trong tâm vị ấy.
Trong khi lang thang trong vòng sanh tử luân hồi (saṃsāra), chúng sanh bị những danh pháp phiền não bất thiện ấy lấn át, vì lý do đó không thể tìm và thấy lối thoát. Lý do là chúng sanh không chú ý đến thực tính của cảnh, và không biết thực tính của thọ (vedanā). Tuy nhiên, khi một người biết những sự thật này, những phiền não đó sẽ không xảy ra trong dòng danh pháp.
Đó là lý do tại sao đức Phật giải thích sự niệm biết theo thọ để chúng ta chú ý đến thọ. Thiền này được gọi là quán thấy biết rõ thọ (vedanā-pariggaha). Hôm qua [trong chương trước], tôi đã giải thích các loại thọ khác nhau cho tất cả các bạn để nhận biết và tỉnh giác về chúng.
Hôm nay, chúng ta sẽ học thêm về thọ (vedanā). Đây là một chương đặc biệt về thọ được gọi là Tương ưng thọ (Vedanā-saṃyutta) trong Tương ưng bộ (Saṃyutta-Nikāya). Một lần, đại đức Ānanda hỏi đức Phật bảy câu hỏi về vấn đề thọ. Cũng một lần, một sa-môn cũng hỏi đức Phật những điều này. Đức Phật đã hỏi đại đức Ānanda những câu hỏi đó để kiểm tra trí thông minh của ngài.
Vì vậy, có ba bài kinh: đại đức Ānanda hỏi đức Phật, đức Phật hỏi đại đức Ānanda và chính Ngài đã trả lời; và một sa-môn nọ đã hỏi đức Phật. Bài đầu tiên được gọi là ‘Kinh đầu tiên liên quan đến Ānanda’[37] còn bài thứ hai được gọi là ‘Kinh thứ hai liên quan đến Ānanda’[38].
Bài thứ ba có tên là ‘Kinh liên quan đến một số Bhikkhu’[39]. Có một bài kinh khác rất giống về thực tính đến bài giảng thứ ba và nó được gọi là ‘Một số sa-môn’[40], về phần một số sa-môn đã hỏi đức Phật những câu hỏi như nhau, cách mà một vị bhikkhu đã hỏi đức Phật.
Chúng ta phải nghiên cứu và học thêm về thọ để chúng ta hiểu nó rõ hơn. Về bài Pháp thoại hôm nay, tôi sẽ kết hợp các bài kinh này và trích phần cốt lõi. Tôi sẽ nghiên cứu câu trả lời của đức Phật đến Ānanda. Có bảy sự thật chúng ta cần học và biết. Nếu chúng ta có thể nhớ điều này, thì tuệ của chúng ta về thọ sẽ được hoàn thiện đến một mức độ nhất định.
Để tu tập quán (vipassanā), chúng ta cũng có thể tu tập niệm biết theo các pháp danh. Thọ (vedanā) có thể được dùng làm cảnh cho tu tập quán. Pháp bị quan sát là chi? Người tu thiền cần phải niệm biết theo thọ vì nó rõ ràng nhất trong số các pháp danh ấy. Chúng ta cũng có thể quan sát các danh pháp khác. Tuy nhiên, nếu chúng ta niệm biết theo thọ, việc cần cho quán sẽ được hoàn thành.
Điểm quan trọng nhất trong thiền là chúng ta phải nhận biết về các pháp danh và cố gắng hết sức để quan sát chúng. Nếu chúng ta không quan sát hay thiền về chúng thì tham (lobha) và sân (dosa) sẽ sanh. Nếu chúng ta không biết chúng, thì si (moha) sẽ sanh. Sau ba căn bất thiện này, những danh pháp phiền não khác như ái (taṇhā), ngã mạn (māna) và tà kiến (diṭṭhi) sẽ theo sau. Ba căn bất thiện này - tham, sân và si - nối dài vòng sanh tử luân hồi (saṃsāra) và làm cho chúng ta không có khả năng thoát khỏi nó. Ở đây, ái (taṇhā) đồng nghĩa với tham (lobha).
Thọ không phải để chinh phục, mà để được biết thấu đáo
Một số người nghĩ rằng chỉ khi thọ khổ (dukkha vedanā) sanh thì thọ (vedanā) sanh. Khi còn trẻ, tôi đã nghe ở một số trung tâm thiền, những người tu thiền đã được yêu cầu chinh phục thọ. Tất cả những ai đã thiền trước đây cũng có thể nghe điều này. Khi chúng ta nói chinh phục thọ, thật ra đây là đang nói đến chinh phục thọ khổ hay thọ ưu.
Trong thực tế, không thể chinh phục thọ (vedanā). Chỉ cần có tâm là có thọ. Thọ khổ (dukkha vedanā) nói đến cảm giác đau, nhức, cứng, tê, v.v... mà người tu thiền có thể đối diện khi ngồi thiền. Khi người tu thiền ngồi trong một thời gian dài sẽ bị cứng, tê, v.v... ở chân và đùi. Một số nghĩ rằng họ có thể không có khả năng vượt qua những cảm giác không dễ chịu hay thọ khổ này.
Trước khi người tu thiền có được định (samādhi) đủ, những thọ khổ như đau lưng, nhức chân và v.v... sẽ xảy ra không biết bao nhiêu lần. Tâm của vị ấy đã hướng vào những thọ khổ. Vào thời điểm khi định đã tăng lên, những thọ khổ đó sẽ biến mất và không còn ở đó. Sự không hiện hữu của những thọ ấy có thể được gọi là sự chinh phục các thọ.
Vào lúc đó, thọ khổ về thân (kāyika dukkha) tạm thời không sanh. Trên thực tế, chúng ta không chinh phục thọ nhưng do định tốt nên thọ khổ về thân (kāyika dukkha) không sanh.
Chỉ cần tâm hiện hữu, thì thọ cũng hiện hữu. Nếu không có thọ khổ (dukkha vedanā), thì có thọ lạc (sukha vedanā). Nếu không có thọ lạc, thì có thọ khổ. Nếu thọ lạc và khổ không rõ ràng, thì sẽ có thọ phi khổ phi lạc (adukkhamasukha vedanā).
Chúng ta không thể chinh phục những thọ (vedanā) này; chúng ta chỉ cần biết chúng. Biết thọ có nghĩa là biết thực tính và những trạng thái của thọ. Thật ra, chúng ta cần chinh phục, chế ngự chính mình. Đó có nghĩa là chúng ta cần phải vượt qua tham, sân hay si khi chúng xảy ra.
Khi chúng ta biết thực tính của thọ (vedanā), các trạng thái danh pháp bất thiện như tham (lobha), sân (dosa), si (moha), ái (taṇhā), tà kiến (diṭṭhi), ngã mạn (māna), tật (issā), v.v... sẽ hoàn toàn không sanh.
Đức Phật nói thọ (vedanā) không phải để xa lìa mà là đạt tri (pariññāya), được biết một cách thấu đáo và đầy đủ. Đó là lý do tại sao, đừng để bị dẫn dắt bởi khái niệm sai rằng thọ phải được chinh phục hay xa lìa. Thọ chỉ là cảnh của thiền quán (vipassanā), và chúng ta cần phải biết thực tính về thọ.
Chúng ta hãy nghiên cứu chi tiết bảy câu hỏi nói ở trên. Kế đến, chúng ta nên nhớ chắc chắn những câu trả lời của đức Phật về thọ.
Câu hỏi thứ nhất mà đại đức Ānanda đã hỏi đức Phật là: Pháp chi được gọi là thọ? (katamā nu kho bhante vedanā?) Đức Phật trả lời tóm tắt; có ba thọ: thọ lạc (sukha), thọ khổ (dukkha), thọ phi khổ phi lạc (adukkhamasukha).
Trong bài Pháp thoại ngày hôm qua [ở chương trước], tôi đã giải thích các loại thọ khác nhau: 3, đến 5, 6, 18, và 36 cho đến 108. Trạng thái của thọ là hứng chịu cảnh.
Câu hỏi thứ hai: Sự tập khởi [hay nguyên nhân] của thọ
Câu hỏi thứ hai mà đại đức Ānanda hỏi là: Sự tập khởi [hay nguyên nhân] của thọ là chi? (Katamo vedanā-samudayo?)
Đức Phật trả lời: Do xúc (phassa), thọ (vedanā) sanh. (phassasamudayā vedanāsamudayo.)
Câu trả lời này cũng phù hợp với pháp duyên sinh [hay liên quan tương sinh] (paṭiccasamuppāda). Khi cảnh và tâm đến hội hợp, thọ (vedanā) sanh. Nếu những pháp ấy không hội hợp thì thọ không sanh.
Vào thời xưa, con người dùng hai thanh tạo lửa cọ xát nhau để tạo ra lửa. Khi hai thanh cọ xát với nhau, sự xúc và ma sát của chúng tạo ra lửa. Cũng vậy, khi mắt và cảnh sắc chạm nhau, nhãn thức sanh. Khi ba pháp này hội hợp nhau, thọ sanh. Khi cảnh là khả hỷ, thọ lạc (sukha vedanā) xảy ra. Khi cảnh là bất khả hỷ, thọ khổ (dukkha vedanā) sanh. Đôi khi, cũng có thọ không thật rõ ràng, gọi là thọ xả.
Trong bảy tâm đổng lực (javana), mà tâm thiện (kusala) và bất thiện (akusala) xảy ra, các xúc rõ ràng hơn do đó thọ cũng rõ ràng hơn.
Xúc (phassa) và thọ (vedanā) sanh cùng nhau. Nương vào xúc, nếu xúc rõ ràng thì thọ cũng rõ ràng. Điều không đúng là xúc sanh trước và thọ sanh sau. Khi mà cảnh và tâm hội hợp nhau, xúc sanh. Khi xúc sanh, thọ cũng đồng sanh.
Trong cuộc sống hàng ngày, thực tế mọi người đều đối diện với thọ (vedanā). Ví dụ, quả chanh rất chua. Giả sử có một người ở trước mặt chúng ta đang ăn quả chanh. Chúng ta cảm thấy ra sao khi thấy cảnh này? Lượng nước bọt có thể tăng lên trong miệng của chúng ta. Khi ai đó sợ phi nhân tình cờ thấy phi nhân, vị ấy có thể sợ run. Thậm chí vị ấy có thể cảm thấy ớn lạnh và không thể di chuyển. Cũng vậy, khi một cảnh rất nổi bật và tâm hội hợp nhau, thọ rất rõ ràng.
Chúng ta cần tìm ra cách xác định và quan sát những thọ này. Nếu chúng ta không nhận biết và không thiền về thọ, thì làm sao chúng ta có thể thấy sự sanh và diệt của chúng?
Điều cần thiết để xác định thọ (vedanā) là qua trạng thái thực tính (sabhāva-lakkhaṇa) riêng của thọ. Đây là bước đầu tiên. Tất cả danh và sắc pháp có những trạng thái riêng của chúng. Chẳng hạn, trạng thái của xúc (phassa) là vào xúc chạm với cảnh trong khi trạng thái thực tính của thọ (vedanā) là hứng chịu cảnh. Địa giới có trạng thái mềm và cứng, thủy giới có trạng thái liên kết tương ưng lại và chảy ra, hỏa giới có trạng thái nhiệt nóng và lạnh; trong khi các trạng thái của phong giới là chuyển động và chống chịu. Đây là các trạng thái riêng của chúng.
Bằng việc xác định các trạng thái (lakkhaṇa) của những pháp này, chúng ta thấy thực tính (sabhāva) riêng của chúng. Chúng không phải là những pháp xa lạ. Thông thường, tâm (citta) của chúng ta có xu hướng đi theo các trạng thái này. Ví dụ, khi chúng ta gặp ai đó lần đầu, chúng ta sẽ cố gắng nhận biết hình dáng và hình dạng của mỗi người theo cách vị ấy cao hay thấp, da ngăm đen hay da trắng, kiểu tóc và y phục vị ấy mặc là chi, v.v... Khi gặp lại vị ấy, chúng ta có thể nhận biết vị ấy ngay lập tức. Tuy nhiên, khi một người ốm trở thành một người mập; điều đó có nghĩa là hình dáng của vị ấy thay đổi, thì chúng ta bị bối rối.
Cũng vậy, tất cả pháp đều có những trạng thái của riêng chúng. Qua sự nhận biết các trạng thái (lakkhaṇa) này, chúng ta có thể tìm thấy pháp của chúng. Như đã nói ở trên, thọ có trạng thái hứng chịu vị của cảnh. Do trạng thái của nó, chúng ta có thể nhận biết thọ và được biết sự hiện hữu của nó.
Sau khi biết trạng thái riêng, chúng ta sẽ biết trạng thái [hay tướng] phổ thông (samaññalakkhaṇa). Chúng thì vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anatta). Chúng được gọi là các trạng thái phổ thông vì chúng hiện hữu trong tất cả pháp như xúc (phassa), thức (viññāṇa) v.v... Ba trạng thái phổ thông là chung cho tất cả pháp.
Con đường quán (vipassanā) có nghĩa là trạng thái năng duyên (lakkhanārammaṇika). Nó có nghĩa là tuệ quán (vipassanāñāṇa) nương vào các trạng thái.
Tóm lại, có hai trạng thái mà người tu thiền cần phải biết:
1. Trạng thái thực tính (sabhāva lakkhaṇa) riêng,
2. Trạng thái phổ thông (samañña lakkhaṇa).
Khi chúng ta biết thọ qua hai trạng thái này, tiếp sau chúng ta phải biết sự tập khởi hay nguyên nhân của thọ. Đức Phật nói ‘xúc duyên thọ’ (Phassapaccayā vedanā), có nghĩa là ‘do xúc (phassa), thọ (vedanā) hiện hữu’. Khi xúc mạnh mẽ, thọ cũng mạnh mẽ. Khi xúc hiện hữu, thọ cũng hiện hữu. Điều đó có nghĩa là khi xúc không hiện hữu, thọ cũng không hiện hữu.
Xúc (phassa) này là nguyên nhân gần của thọ (vedanā) và nó cũng là nguyên nhân chính. Dĩ nhiên, có những nguyên nhân khác. Tuy nhiên, đức Phật chỉ chỉ ra sự xúc là nguyên nhân chính. Chúng ta không nên nghĩ xúc (phassa) là nguyên nhân duy nhất vì còn có nhiều nguyên nhân khác nữa. Nhưng do nó làm nguyên nhân chính; đó là lý do tại sao đức Phật nói: ‘Do xúc (phassa) là một nguyên nhân, thọ (vedanā) sanh.’ Đây là câu trả lời của đức Phật cho câu hỏi thứ hai của đại đức Ānanda.
Câu hỏi thứ ba: Sự diệt của thọ
Tiếp sau, hãy chuyển sang câu hỏi thứ ba: sự diệt của thọ là chi? (‘Katamo bhante vedanānirodho?’)
Thọ tự nó sanh và diệt. Tuy nhiên, chúng ta không nói về tính vô thường này. Trong câu hỏi này, chúng ta nói đến sự hoàn toàn diệt của thọ; nó sẽ không bao giờ sanh lại nữa ở vị lai. Thọ diệt ở đâu? Thọ diệt khi người tu thiền nhận biết Níp-bàn (Nibbāna).
Tại sao nó diệt khi người tu thiền nhận biết Níp-bàn (Nibbāna)? Câu trả lời là khi xúc (phassa) diệt, thọ diệt. Xúc (phassa) diệt khi sáu xứ (salāyatana) diệt. Để đạt được sự diệt này, người tu thiền phải tu tập một con đường đưa đến sự diệt dứt này. Ở đây, nhóm tám Thánh đạo là đạo đưa đến sự diệt dứt của thọ. Khi nhóm tám Thánh đạo được phát triển đầy đủ, thì tâm đạo (magga citta) sẽ trừ tiệt các phiền não (kilesa).
Kinh Duyên sinh [pháp liên quan tương sinh] (paṭicca-samuppāda) theo chiều nghịch giải thích sự diệt dứt của những pháp này xảy ra ra sao. Nó vận hành như sau:
Khi xúc (phassa) diệt, thì sáu xứ (saḷāyatana) diệt
Khi sáu xứ (saḷāyatana) diệt, thì danh-sắc (nāma-rūpa) diệt.
Khi danh sắc (nāma-rūpa) diệt, thì thức (viññāṇa) diệt.
Khi thức (viññāṇa) diệt, thì hành (saṇkhārā) diệt.
Khi hành (saṇkhārā) diệt, thì vô minh (avijjā) diệt.
Khi vô minh (avijjā) hoàn toàn diệt, thì hành diệt … (“Avijjāya tveva asesavirāganirodhā saṅkhāranirodho…[41]”)
Có sự sanh của tâm đạo (magga citta), thì vô minh (avijjā) sẽ diệt không còn dư sót. Đây là sự diệt cuối cùng, không là sự diệt bình thường của các pháp. Sự diệt cuối cùng này nói đến Níp-bàn (Nibbāna) tịch diệt.
Câu hỏi thứ tư: Đạo đưa đến sự diệt của thọ
Câu hỏi tiếp sau là câu hỏi thứ tư: Con đường đưa đến sự diệt của thọ là chi? (‘Katamā vedanānirodhagāminī paṭipadā?’) Câu trả lời là nhóm tám Thánh đạo.[42]
Tám Thánh đạo (aṭṭhaṅgiko maggo) này là đạo có tám chi phần. Ở đây, đạo được gọi là magga. Từ này được làm nên từ hai phần: mar-ga. Mar có nghĩa là làm tiêu tan phiền não (kilesa), và ga có nghĩa là Nibbāna. (‘Kilese mārento Nibbānaṃ gacchatīti maggo[43]’)
Ở đây, magga có hai sức mạnh như đã đề cập trên. Không xa lìa phiền não, thì người tu thiền không thể thấy Níp-bàn (Nibbāna). Sự xuất hiện (ummujjana) của tâm đạo (magga citta) có nghĩa là xa lìa phiền não và đạt được Níp-bàn (Nibbāna).
Tu tập quán (vipassanā) được gọi là đạo trước (pubbabhāga magga). Khi tu tập quán (vipassanā), năm chi đạo bắt đầu được phát triển:
1. Chánh kiến (sammādiṭṭhi)
2. Chánh tư duy (sammāsaṅkappa)
3. Chánh tinh tấn (sammāvāyama)
4. Chánh niệm (sammāsati)
5. Chánh định (sammāsamādhi).
Trước khi thiền, một người tu thiền (yogi) phải thiết lập giới của mình, và sau đó ba chi phần sau sẽ được phát triển.
6. Chánh ngữ (sammāvācā)
7. Chánh nghiệp (sammākammanta)
8. Chánh mạng (sammāājīva)
Khi 8 chi đạo này được thiết lập và sức mạnh của chúng mạnh mẽ, tuệ quán (vipassanāñāṇa) trở nên trưởng thành. Khi đó tâm đạo (magga citta) sẽ sanh. Tâm đạo (magga citta) là quả của tu tập quán (vipassanā). Khi tâm đạo (magga citta) sanh một lần, sau đó hai hay ba tâm quả (phala citta) sẽ sanh. Những tâm siêu thế (lokuttara citta) này là quả của tu tập quán (vipassanā).
Khi tuệ quán (vipassanāñāṇa) đã được phát triển, chắc chắn pháp sẽ loại bỏ phiền não tương ứng. Đây được gọi là tadaṅgappahāna[44] trong Pāḷi. Mọi người nghĩ tadaṅga có nghĩa là ‘tạm thời’. Điều đó không đúng. Đó chỉ là một từ có ý nghĩa khác.
Ví dụ: chỉ cần chúng ta đang lang thang trong vòng sanh tử luân hồi (saṃsāra), thì có tham (lobha), sân (dosa) và si (moha) trong dòng danh pháp của chúng ta. Chúng ta phải loại bỏ tham (lobha) bằng vô tham (alobha), sân (dosa) bằng vô sân (adosa) và si (moha) bằng vô si (amoha).
Khi tuệ quán (vipassanāñāṇa) được phát triển, chúng ta sẽ loại bỏ thường tưởng (niccasaññā) qua vô thường (anicca), lạc tưởng (sukhasaññā) qua khổ (dukkha) và ngã tưởng (attasaññā) qua vô ngã (anatta). Đây là những ý nghĩa của tadaṅga-pahāna ― loại bỏ một phần này bởi một phần khác.
Vì vậy, đức Phật đã giải thích cho đại đức Ānanda rằng tu tập nhóm tám Thánh đạo sẽ đưa đến sự diệt thọ.
Ba câu hỏi kế tiếp là:
5. Khía cạnh lạc, ái và khoái vị của thọ là chi?
6. Khía cạnh họa hoạn, nguy nạn của thọ là chi?
7. Con đường xuất ly khỏi thọ là chi?
(‘Ko vedanāya assādo, ko ādīnavo, kiṃ nissaraṇanti?’)
Những điểm này rất quan trọng.
Câu hỏi thứ năm và sáu: Khía cạnh khoái vị và nguy nạn của thọ
Trong thế gian, chúng sanh chỉ chấp nhận những thọ hỷ (somanassa) hay thọ lạc (sukha), và hài lòng với nó. Đó là lý do tại sao đức Phật đã giải thích : những khoái vị (assāda) của thọ là lạc (sukha) và hỷ (somanassa) mà sanh nương vào thọ. (‘Yaṃ vedanāṃ paṭicca uppajjati sukhaṃ somanassaṃ, ayaṃ vedanāya assādo.’)
Ngồi trên chiếc ghế dễ chịu, mọi người sẽ nghĩ ‘Ồ! Nó là chỗ dễ chịu để ngồi!’ Hay khi thời tiết thật nóng, khi ấy một luồng gió lạnh thổi hướng về mình, mọi người sẽ nghĩ ‘Ồ! Thật tốt’ do cảm giác thoải mái ở thân và tâm, lạc (sukha) hoặc hỷ (somanassa) sanh. Mọi người được hài lòng với nó. Mặt khác, nếu không có cảm giác thoải mái, thì mọi người sẽ không được hài lòng.
Ví dụ, chúng ta có thể lấy trạng thái ăn vật thực ngon. Những ai thích chuối thì rất hài lòng và hạnh phúc với trái chuối. Cũng vậy, những người yêu thích sầu riêng thích ăn sầu riêng rất nhiều. Có một câu nói của người Myanmar: ‘trong số các loại quả, xoài là ngon nhất; trong số các loại thịt, thịt heo là đậm vị nhất.’ Người mà thích vị của thịt heo sẽ nói như thế này.
Ngay cả khi chúng ta có thể ăn thịt heo mà chúng ta thích, nhưng có những thứ không vừa ý như nấu chưa chín, rất nhiều dầu; hay khi nó bị nguội, với họ nó không có vị ngon. Điều này là phần không đạt yêu cầu được tìm thấy trong thịt heo. Về sầu riêng, nó có vị ngon, nhưng mùi nồng. Cũng vậy, về thọ, có một thọ tốt hay xấu, thọ hỷ hay thọ ưu.
Khi có một cảm giác tốt là một nguyên nhân và lý do, thì việc hứng chịu lạc (sukha) và hỷ (somanassa) sẽ sanh. Đây là thọ hỷ và lạc.
Tuy nhiên, tất cả thọ đều không thường hằng, mà chỉ là thoáng qua về thực tính và phải chịu sự biến hoại đổi thay. Khía cạnh vô thường này là nguy nạn, họa hoạn (ādīnava) của thọ. (‘Yā vedanā aniccā dukkhā vipariṇāmadhammā, ayaṃ vedanāya ādīnavo’)
Đôi khi, khi mua sắm, chúng ta phải chọn có sự suy xét đúng. Khi chúng ta thấy một vật, chúng ta có thể nói “Nó đẹp, mà không bền!” Nhưng, chúng ta phải chọn một thứ đẹp và còn bền. Ở đây, đẹp hay hấp dẫn của vật đó là khía cạnh hài lòng và thích thú về nó trong khi không bền là sự không hài lòng và sai lỗi của nó.
Tương tự, thọ có điểm mạnh và điểm yếu. Điểm mạnh là sự lạc vị và khoái vị về cảm giác tốt, được gọi là assāda trong ngôn ngữ Pāḷi. Sự sai lỗi của nó hoặc yếu điểm là khía cạnh bất khả hỷ của nó, được gọi là ādīnava trong tiếng Pāḷi.
Ngay cả một người cũng có một số điểm mạnh và điểm yếu. Khi chúng ta có thể nhận xét điều gì đó về một ai, chúng ta thấy anh ta là một người tốt, nhưng anh ta không giỏi ở những lĩnh vực nào đó. Cái tốt và cái xấu luôn gần kề nhau. Cũng vậy, thọ có điểm mạnh của nó đó là khía cạnh hài lòng, khả hỷ và thích thú; và còn điểm yếu đó là khía cạnh không hài lòng, bất khả hỷ. Chúng ta phải thấy hai mặt của sự việc.
Đó là lý do tại sao Đức Phật nói với ngài Ānanda: những khoái vị (assāda) của thọ là lạc (sukha) và hỷ (somanassa). Nhưng thọ thì vô thường (anicca) và phải chịu sự biến hoại đổi thay (vipariṇāma). Đây là khía cạnh nguy nạn (ādīnava) của thọ.
Câu hỏi thứ bảy: Làm sao thoát khỏi thọ
Câu hỏi cuối cùng là: lối thoát khỏi thọ là chi? Khi một người tu thiền thấy khía cạnh khả hỷ và khía cạnh bất khả hỷ của thọ, vị ấy không mong muốn và chấp thủ nó nữa. Khi đó, vị ấy tìm lối thoát.
Trong Kinh văn, đức Phật nói, việc loại bỏ và xa lìa dục và ái luyến đối với thọ là thoát khỏi thọ. Hai từ dục (chanda) và ái luyến (rāga) tất cả đều nói đến ái (taṇhā). (‘Yo vedanāya chandarāgavinayo chandarāgappahānaṃ, idaṃ vedanāya nissaraṇaṃ.’)
Thông thường, khi chúng ta gặp một điều khả hỷ, chúng ta thích, chúng ta mong muốn và ái luyến nó; khi nó không phải là một điều khả hỷ, chúng ta không thích nó. Khi chúng ta mong muốn nó, thì tham sinh khởi. Vì vậy, chúng ta cần loại bỏ những dục, và ái luyến đối với các pháp. Việc loại bỏ dục (chanda) và ái luyến (rāga) này là lối thoát khỏi thọ.
Chúng ta không nên bị tham dính mắc vào khía cạnh khả hỷ cũng không bác bỏ khía cạnh bất khả hỷ về thọ. Tất cả pháp thực tính đều như vậy; chúng có cả khía cạnh tốt và xấu.
Tóm lại, đại đức Ānanda đã hỏi đức Phật bảy câu hỏi liên quan đến thọ, đức Phật đã trả lời như trên.
Ngay cả khi đức Phật còn là một Giác hành giả trên đường đến Phật quả, Ngài đã xem xét và tư duy về thọ. Như đã đề cập trên, có bảy câu hỏi liên quan đến thọ:
1) Thọ là chi?
2) Sự tập khởi hay nguyên nhân của thọ là chi?
3) Sự diệt dứt thọ là chi?
4) Sự tu tập đưa đến sự diệt dứt thọ là chi?
5) Khía cạnh khoái vị của thọ là chi?
6) Khía cạnh họa hoạn, nguy nạn của thọ là chi?
7) Con đường xuất ly khỏi thọ là chi?
Đức Phật đã nghiên cứu những câu hỏi này và chính ngài trả lời. Ngài đã biết những câu trả lời này kể từ khi ngài còn là một Giác hành giả, sẽ thành Phật. Sau khi Ngài trở thành một Sammāsambuddha, bậc Chánh tự giác, Ngài biết những câu trả lời này một cách thấu đáo và đầy đủ hơn. Ngài không học câu trả lời từ bất cứ ai.
Đó là lý do tại sao đức Phật nói trong một bài kinh Tuệ (ñāṇa-sutta)[45]: ‘Đây là những pháp được gọi là thọ’, liên quan đến chúng mà ta chưa từng nghe trước đây, tuệ nhãn sanh trong ta.’ Điều này ngụ ý rằng đức Phật đã nghiên cứu, thẩm tra thọ và đi đến kết luận về thọ hoàn toàn bởi chính Ngài, mà không có nghe từ bất cứ ai.
Những ai không biết nguyên nhân hay sự tập khởi, sự diệt, khoái vị (assāda), nguy nạn, thoát khỏi thọ không thể được gọi là sa-môn và bà-la-môn (samaṇa brāhmaṇa). Đây được nêu trong bài kinh về Samaṇabrāhmaṇa[46] đầu tiên. Một sa-môn hay bà-la-môn phải biết những khía cạnh này về thọ. Nếu vị ấy không biết những điều này, thì vị ấy không thể xa lìa phiền não và chứng Níp-bàn tịch diệt.
Anusaya - Tiềm thùy (pháp ngủ ngầm)[47]
Nếu một người không nhận biết và quan sát bất cứ thọ lạc (sukha vedanā) nào, thì điều gì sẽ đến? Các ái tiềm thùy (rāgānusaya) sẽ xảy ra. Vì thọ tốt, chúng ta muốn hưởng một cảnh dễ chịu nhiều lần và liên tục ái luyến, ham thích vì nó. Khi đối diện bất cứ điều dễ chịu, thoải mái nào, thì tham (lobha) hay dục (chanda) vì nó sẽ sanh, và lạc vị và khoái vị về thọ cũng xảy ra.
Như chúng ta thấy và nhận biết ớt vì cay, chanh vì chua, cũng vậy chúng ta cũng phải nhận biết và niệm biết theo thọ lạc ngay lập tức. Kế đến, ái tiềm thùy (rāgānusaya) sẽ không xảy ra.
Khi đạt được những duyên thích hợp, ái luyến (rāga) sẽ sanh. (anurūpaṃ kāraṇaṃ labhitvā uppajjati.’)[48] Khi nó sanh, đồng thời ái (taṇhā) sẽ sanh.
Lấy ví dụ về chiếc bật lửa. Nó có chất đốt trong đó. Khi chúng ta nhấn vào nút kim loại, ngọn lửa sẽ sanh. Nếu không có chất đốt, ngọn lửa sẽ không sanh. Vì nó có chất đốt là nguyên nhân nên ngọn lửa sẽ sanh. Mỗi lần chúng ta nhấn vào nút kim loại, ngọn lửa sẽ sanh vì nhân và duyên cho nó vẫn còn đó.
Tương tự, khi thấy một cảnh khả hỷ bằng mắt, dục và ái vì nó sẽ sanh. Mắt và cảnh là nguyên nhân. Nếu không có việc thấy cảnh thì không có ái nào sẽ xảy ra. Nếu chúng ta không quan sát thấy nó thì ái sẽ xảy ra là một phiền não tiềm thùy.
Khi bất cứ thọ khổ nào sanh và chúng ta không chú ý hay biết sự hiện hữu của nó, thì là khuể phẫn tiềm thùy (paṭighānusaya) sẽ xảy ra. Khi thọ khổ xảy ra lần nữa, sân sẽ xảy ra như một con đường đã được mở ra rồi. Vì vậy, vì lần đầu nó có cơ hội xảy ra, thì đến lần thứ hai, lần thứ ba v.v... nó sẽ xảy ra.
Tóm lại, nếu chúng ta không quan sát thọ khổ (dukkha vedanā), thì sự không chú ý của chúng ta sẽ làm nguyên nhân, khi ấy khuể phẫn hoặc sân (paṭigha / dosa) sẽ xuất hiện. Nếu nó không phải là thọ lạc (sukha) cũng không phải thọ khổ (dukkha), thì nó là thọ phi khổ phi lạc (adukkhamasukha vedanā). Nếu chúng ta không biết thọ phi khổ phi lạc này, thì vô minh tiềm thùy (aviijānusaya) sẽ xảy ra. Tại sao chúng ta không biết vì nó không rõ ràng bởi thực tính. Nếu nó xảy ra, chúng ta không nhận biết về nó, chúng ta bị lấn át và che khuất bởi si (moha). Nếu chúng ta không biết sự hiện hữu của thọ phi khổ phi lạc, hay chúng ta thích thú với nó, thì chúng ta chưa thể vượt qua tất cả khổ.
Để vượt qua tất cả khổ, chúng ta phải chú ý và thiền tất cả các loại thọ. Khi ấy, chúng ta có thể xa lìa ái đối với thọ lạc (sukha vedanā), không lưu luyến đối với thọ khổ (dukkha vedanā) cũng như sự không hiểu biết đối với thọ phi khổ phi lạc (adukkhamasukha vedanā).
Sau đó, các phiền não như ái luyến (rāga), sân (dosa) và vô minh (avijjā) mà liên kết tương ưng với những thọ khác nhau có thể bị xa lìa.
Vì vậy, chúng ta cần phải biết các trạng thái và thực tính của thọ (vedanā) rõ ràng và chắc chắn. Đức Phật đã giảng nhiều bài kinh liên quan đến thọ. Về phần pháp thoại hôm nay, tôi cũng trích và chỉ ra bảy câu hỏi về thọ làm chủ đề chính.
Chúng ta đã nghiên cứu và xem xét chúng. Mong các bạn cố gắng hết mức để học và hiểu những sự thật này về thọ. Mong các bạn được hài lòng với buổi nói Pháp hôm nay và thiền tốt!
---
Hôm nay là ngày thứ tư của bài Pháp thoại “Phân Tích Về Thọ”. Chúng ta sẽ học bài Kinh về Sự bệnh (Gelañña-sutta[49]) là chủ đề chính ngày hôm nay. Có hai bài giảng như vậy trong các bài kinh Tương ưng thọ (vedanā-saṃyutta):
1. Bài kinh thứ nhất về sự bệnh (paṭhamagelañña-sutta)
2. Bài kinh thứ hai về sự bệnh (dutiyagelañña-sutta).
Trong các bài kinh ấy, đức Phật đã giải nghĩa sự quán về thọ hay Thọ nghiệp xứ (vedanā kammaṭṭhāna). Vì vậy, người muốn tu tập quán (vipassanā), hay người đang cố gắng tu tập quán (vipassanā) cần phải nghiên cứu chúng cẩn thận vì chúng giúp ích và hỗ trợ được rất nhiều cho thiền quán (vipassanā).
Một lần, đức Phật ngụ ở Vesāli trong Đại lâm (Mahāvana) trong Hội trường có Mái nhà lợp lá kim (Kūṭāgārasālā). Khi ấy, vào buổi tối, Đức Thế Tôn ra khỏi kuti và đến khu người bệnh để làm tăng lòng tin, để động viên và đưa ra một đề mục thiền thích hợp cho các vị sư bị bệnh và các vị sư chăm sóc các vị sư bệnh.
Vào dịp đó, đức Phật đã thuyết giảng về niệm biết theo thọ. Trong chương thọ tùy quán (vedanānupassanā) của kinh Đại niệm xứ (Mahāsatipaṭṭhāna-sutta), Phật thuyết pháp quán thọ ở thọ; ý nghĩa của nó là niệm biết theo thọ y như thọ. Ngay lập tức, Ngài chỉ giảng về thiền.
Trong hai bài kinh về khu Bệnh, đức Phật không chỉ giảng về thiền mà Ngài còn giảng việc chuẩn bị trước khi bắt đầu tu tập thiền.
Sự chuẩn bị tu tập rất quan trọng đối với thiền. Trước tiên, một người tu thiền cần phải thiết lập giới (sīla) của mình trước khi tu tập thiền. Giới là nền tảng cơ bản cho thiền. Để có giới thanh tịnh (sīlavisuddhi) là rất quan trọng. Những ai có giới không thanh tịnh sẽ phải đối mặt một số vấn đề khi tu tập thiền. Dù họ cố gắng tập trung vào cảnh đề mục thiền, nhưng tâm không thể neo ở đó, mà đi đến nhiều ý nghĩ. Họ sẽ nghĩ về những lỗi lầm quá khứ của họ, hay khẩu và thân ác hạnh (phi pháp). Khi nghĩ về những điều này, tâm của họ không yên tịnh và không thể định vào cảnh đề mục thiền.
Sự ân hận, sầu muộn (buồn phiền), lo lắng và điều sai quấy sẽ sanh trong tâm. Điều này được gọi là vippaṭisāra (nuối tiếc, ân hận) vì nó có thể phá hủy sự phấn khích, vui tươi trong tâm mỗi khi nghĩ về điều sai quấy đó. Trong Vô tỷ pháp (Abhidhamma), nó được gọi là hối hận (kukkucca) là pháp được liên kết, tương ưng phối hợp với sân (dosa); nó như thiêu đốt trong tâm.
Trong chú giải, nuối tiếc, ân hận (vippaṭisāra) được mô tả như vầy ‘virūpaṃ paṭisaraṇaṃ vippaṭisāro’[50], virūpa có nghĩa là phá hủy, paṭisaraṇa có nghĩa là gợi lại hay nhớ lại. Khi lỗi lầm hay sai lầm dội lại nhiều lần, các trạng thái thiện của tâm bị phá hủy.
Khi nuối tiếc, ân hận đến, hỷ (pīti) trong tâm không còn. Khi hỷ bị mất, đồng thời sự yên tịnh (passaddhi) của thân và tâm bị mất. Khi sự yên tịnh này bị mất, lạc (sukha) bị mất. Khi lạc bị mất, định (samādhi) bị mất. Khi không có định, người tu thiền không thể đạt được tuệ và biết và thấy như thật (yathābhūtañāṇadassana).
Đó là lý do tại sao giới (sīla) cần phải được thiết lập trước, làm nền tảng cơ bản cho thiền. Người tu thiền đã hoàn thành giới của mình sẽ có hỷ (pīti) trong tâm vị ấy. Khi hỷ sanh, sự yên tịnh (passaddhi) trong tâm và thân đồng sanh. Khi sự yên tịnh sanh, lạc (sukha) sanh. Khi người tu thiền có lạc, cùng lúc định (samādhi) được thiết lập. Định sẽ làm nền tảng cho tâm thấy và biết sự thật siêu lý được gọi là tuệ và thấy biết như thật (yathābhūtañāṇadassana). Tóm lại, giới thanh tịnh (sīlavisuddhi) là pháp ủng hộ, là nơi nương tựa và là chuẩn bị tu tập đến thiền quán (vipassanā).
Bảy loại thanh tịnh (visuddhi)
Nếu một người tu thiền không có giới thanh tịnh (sīlavisuddhi) thì vị ấy sẽ gặp một số khó khăn trong thiền. Đó sẽ là khó khăn cho vị ấy đạt được tâm thanh tịnh (cittavisuddhi). Giai đoạn này nói đến định (samādhi) của tâm. Ở đây, đạt được cận định (upacāra samādhi) hay kiên cố định (appanā samādhi) thì như đạt được định và có tâm thanh tịnh. Hai định này được đề cập trong chú giải: Upacārasamādhi appanāsamādhi cāti duvidhopi samādhi cittavisuddhi nāma.[51]
Đối với người tu thiền quán (vipassanā), thành tựu trong sát-na định (khaṇika samādhi) có nghĩa là đạt được định từng sát-na. Bằng việc dùng ba loại định này làm nền tảng, người tu thiền sẽ đạt được tuệ và thấy biết như thật (yathābhūtañāṇadassana). Nó cũng có nghĩa là sự sanh của tuệ quán (vipassanāñāṇa). Đó là lý do tại sao giới thanh tịnh (sīlavisuddhi) là pháp ủng hộ tâm thanh tịnh (cittavisuddhi). Những điều này đã được đề cập trong bài Kinh Trạm Xe (Rathavinīta-sutta[52]). Trong bài kinh này, Đại đức Puṇṇa Mantāṇiputta đã giải thích cho đại đức Sāriputta làm sao người tu thiền có thể từng bước đạt được bảy Thanh tịnh.
Đại đức Sāriputta hỏi: Có phải giới thanh tịnh (sīlavisuddhi) để đạt được Níp-bàn? Đại đức Puṇṇa Mantāṇiputta đã trả lời phủ định.
Sau đó đại đức Puṇṇa Mantāṇiputta giải thích rằng thiết lập giới thanh tịnh (sīlavisuddhi) để ủng hộ tâm thanh tịnh (cittavisuddhi). Tâm thanh tịnh là cho tuệ và thấy biết như thật (yathābhūtañāṇadassana) bao gồm kiến thanh tịnh (diṭṭhivisuddhi), đoạn nghi thanh tịnh (kaṅkhāvītaraṇa-visuddhi) và các thanh tịnh khác.
Bảy Thanh tịnh (visuddhi) này được so sánh như việc leo lên các bậc thang. Người ta phải leo lên từng bước. Bước thứ nhất lúc bắt đầu ủng hộ bước thứ hai, bước thứ hai ủng hộ bước thứ ba và bước thứ ba ủng hộ bước thứ tư v.v... Tóm lại, bước đầu ủng hộ bước tiếp sau đang theo nó. Không có việc bước lên bước thứ hai, người ta không thể đặt chân lên bước thứ ba.
Như sự so sánh với các bậc thang này, thanh tịnh mà gọi là giới thanh tịnh (sīlavisuddhi) cần phải được thiết lập trước tiên làm bước đầu. Sau khi thiết lập giới thanh tịnh, kế đến người tu thiền có thể cố gắng đạt được thanh tịnh thứ hai gọi là tâm thanh tịnh (cittavisuddhi). Sau khi có được tâm thanh tịnh này, người tu thiền có thể cố gắng đạt được tuệ và thấy biết như thật (yathābhūtañāṇadassana), đó có nghĩa là những thanh tịnh còn lại như kiến thanh tịnh (diṭṭhivisuddhi), đoạn nghi thanh tịnh (kaṅkhavītaraṇavisuddhi) v.v...
Như một người muốn đi nơi nào đó, nó quan trọng cho vị ấy biết cách đi đúng đường, cũng vậy, chỉ từng bước một, chúng ta có thể đạt được bảy Thanh tịnh (visuddhi) một cách chính xác và chắc chắn.
Bây giờ, chúng ta hãy quay lại với hai Bài kinh về Bệnh. Đức Phật bắt đầu bài Pháp thoại của Ngài bằng chuẩn bị tu tập. Lời nói của Ngài đặc biệt định cho các sa-môn bệnh và các sa-môn khác đang có mặt và chăm sóc những sa-môn bệnh ấy. Khi ấy, Ngài nói ‘Này các sa-môn, các ông cần phải chờ thời gian bằng niệm và đạt tri biết rõ khắp. Đây là lời khuyên của ta đến các ông.’ (‘Sato, bhikkhu, bhikkhu sampajāno kālaṃ āgameyya. Ayaṃ vo amhākaṃ analāsanī.[53]’)
Chờ thời có nghĩa là chờ cái chết đến. Chỉ những thính giả của đức Phật thời đó như những sa-môn đang thiền chấp nhận lời khuyên này. Ngày nay, nếu bạn nói điều này với những người bệnh, một số người có thể khó chịu và nổi giận đùng đùng.
Trên thực tế, tất cả chúng sanh đều có thời điểm cuối cùng, hay lúc chết. Ý của đức Phật là, trong khi chờ lúc này, đừng kêu van, rền rĩ hay thiếu chú ý, mà hãy chú ý đến và có sự biết rõ cảnh đề mục thiền của các ông.
Vâng, nó rất quan trọng để làm như vậy vì thời điểm cuối cùng sẽ đến vào một ngày nào đó. Thời điểm cuối cùng được gọi là kāla – thời. Trong tiếng Pāḷi, cái chết được gọi là kalaṃ karoti, hết thời hạn. Sự kiện này chỉ xảy ra một lần trong một đời, không phải hai lần trong cả cuộc đời. Người chết chỉ một lần, không bao giờ hai lần. Ngoài thời gian này ra, chúng ta có nhiều lúc khác như lúc ăn, lúc ngủ, v.v... Nhưng chỉ có một thời điểm cuối cùng trong cả cuộc đời.
Đó là lý do tại sao đức Phật nói, kalaṃ agameyya, mọi người cần phải chờ thời. Thời ở đây chỉ nói đến lúc cuối của sự chết. Mọi người cần phải chờ lúc cuối của sự chết bằng niệm và sự biết rõ. Điều này cũng có nghĩa là ‘Đừng dừng lại không làm gì cả, uổng phí thời gian, mà tiếp tục tu tập thiền.’
Trên thực tế, tất cả mọi người đang chờ thời điểm cuối cùng, là lúc chết. Không có ai không chờ thời điểm đặc biệt này. Chúng ta sẽ đi đến nơi đến cuối cùng của chúng ta hay kết thúc hành trình của kiếp sống này. Mọi người đều không muốn đi đến đó, nhưng phải đến đó vào một ngày nào đó. Có ai muốn đến đó hay không? Không ai muốn đến đó. Trên thực tế, chúng ta muốn điểm đến cuối của kiếp sống này thật xa chúng ta. Thời điểm cuối cùng này - không ai thích, mà muốn hoãn lại hay trì hoãn nó đến lúc khác.
Tại sao chúng ta muốn thay đổi thời điểm cuối cùng của sự chết? Điều này là do hữu ái (bhavataṇhā) yêu mến sự sống. Chúng ta muốn sống mãi. Cũng có hỷ ưa thích và ái khao khát sự sống được gọi là jīvitanikanti trong Pāḷi. Ý nghĩ về việc muốn sống mãi là không phải do ý nghĩ riêng, mà do tham (lobha) và ái (taṇhā) để được sống. Đó là tự nhiên có lòng khát khao sống mãi. Đức Phật khuyên các sa-môn đó cần phải xa lìa ái (taṇhā).
Ngày nay, nếu bạn đến bệnh viện và cho lời khuyên dạng này đến những người bệnh, họ sẽ chấp nhận nó hay không? Không, họ sẽ không thể chịu và chấp nhận nó. Có thể họ lo lắng, buồn phiền hoặc cáu.
Lời khuyên của đức Phật về việc chờ thời điểm cuối cùng bằng niệm và sự biết rõ là lời khuyên đúng đắn và có ích. Khi ấy, làm sao để ở lại với niệm? Trong khi ở lại trong bệnh viện, có phải để chăm sóc các hoạt động như ăn, uống, dùng thuốc, tiểu tiện hay đại tiện hay chăng? Chúng ta chỉ chú ý và cẩn thận về những việc này hầu hết thời gian.
Khi đến thăm người bệnh, mọi người sẽ đặt câu hỏi như vầy, bạn uống nước bao nhiêu lần? Bạn đã ăn gì? Sự đại tiện của bạn ra sao? Nếu một người bị tiểu đường, thì họ sẽ kiểm tra độ cao của đường. Nếu có máu nhiễm mỡ cao, thì họ sẽ kiểm tra máu. Họ chỉ quan tâm đến những việc này. Tuy nhiên, đây không phải là những điều cần quan tâm như đức Phật đã khuyên.
Phù hợp với Kinh Niệm xứ (Satipaṭṭhāna-sutta), người tu thiền phải duy trì niệm theo bốn loại cảnh đề mục:
a. Kāyānupassanā: thân tùy niệm hay niệm biết theo sắc.
b. Vedanānupassanā: thọ tùy niệm, niệm biết theo thọ.
c. Cittānupassanā: tâm tùy niệm, niệm biết theo tâm hay quan sát theo các trạng thái khác nhau của tâm như giận dữ, buồn phiền v.v...
d. Dhammānupassana: pháp tùy niệm, niệm theo pháp.
Ở đây, pháp nói đến các trạng thái còn lại của sắc và danh pháp.
Làm sao tu tập niệm xứ này? Người tu thiền có thể niệm biết theo hơi thở vô ra (ānāpānasati) của mình. Thay vì, khi người tu thiền đi, ngồi, v.v..., người tu thiền có thể chú ý đến các chuyển động của thân. Đây được gọi là iriyāpatha (Tư thế, oai nghi, cung cách). Cũng vậy, người tu thiền cần phải lưu ý đến sự co và duỗi của chân hay tay. Hơn nữa, người tu thiền có thể chú ý đến bốn đại giới trong thân. Hay, người tu thiền có thể so sánh thân của mình với tử thi trong nghĩa địa. Thật ra, thân của chúng ta không khác nhiều với tử thi.
Đức Phật yêu cầu chúng ta thiết lập niệm này ở tại thân, để không có những trạng thái bất thiện (akusala) nào sẽ sanh trong tâm của chúng ta.
‘Idha, bhikkhu, bhikkhu kāye kāyānupassī viharati ātāpī sampajāno satimā vineyya loke abhijjhādomanassaṃ’[54]
‘Ở đây, này các Tỳ khưu, một sa-môn đang trú niệm biết theo thân ở tại thân, với tinh cần, sự thấu biết rõ và niệm, nhổ bỏ tham cầu (abhijjhā) và ưu uất (domanassa) trong đời.’ Khi niệm biết theo thân được gọi là đời, tham cầu và ưu uất sẽ không xảy ra. Để thoát khỏi những trạng thái bất thiện này, chúng ta phải có ráng sức (ātāpī), có tỉnh giác (sampajāna) và có đủ niệm (satimā)[55].
Như đã đề cập trước, chúng ta phải quan sát bốn cảnh đề mục; thân (kāya), thọ (vedanā), tâm (citta) và pháp (dhamma).
Nếu người tu thiền có tham, thì vị ấy phải biết nó. Nếu vị ấy có vô tham, thì vị ấy phải biết nó. Cũng vậy, người tu thiền phải biết sân và vô sân, hay si và vô si. Ở đây, từ Pāḷi anupassanā có nghĩa là tùy quán, quan sát theo, thấy biết rõ theo các pháp thực tính.
Về phần cảnh đề mục thứ tư gọi là cảnh pháp (dhamma), loại thứ nhất là pháp cái ngăn che (nīvaraṇa). Người tu thiền phải biết nếu pháp cái (nīvaraṇa) sanh, hay pháp cái không sanh. Hơn nữa, vị ấy cần phải quan sát việc làm sao có sự sanh của dục dục cái (kāmacchandanīvaraṇa). Và vị ấy cần phải quan sát làm sao có sự xa lìa dục dục một khi nó đã sanh. Và vị ấy cần phải quan sát việc làm sao để không có sự sanh của dục dục mà đã bị xa lìa, ở vị lai.
Lời khuyên của đức Phật dành cho người tu thiền là hãy quan sát một trong bốn cảnh đề mục ấy, và không được lơ là chúng. Đức Phật cũng nói rằng chúng ta cần phải biết rõ cảnh đề mục. Sự thấu biết rõ được gọi là sampajañña trong Pāḷi. Trong kinh Đại niệm xứ (Mahāsatipaṭṭhāna-sutta) hay trong Bài kinh về Bệnh (Gelañña-sutta), có bảy cách mà người tu thiền cần phải biết rõ. Đó là:
1. Đi tới và đi lui
2. Nhìn về phía trước và nhìn sang một bên
3. Co và duỗi các chi
4. Mặc y nội, mang y ngoài và bát
5. Ăn, uống, nhai vật thực và nếm
6. Đại tiện và tiểu tiện
7. Đi, đứng, ngồi, ngủ, thức dậy, nói và giữ im lặng.
Sự biết rõ của vô si (asammoha sampajañña) có nghĩa là người tu thiền phải biết thực tính về sắc và danh pháp, mà không nghĩ ngợi với hiểu sai và si. Khi người tu thiền đang đi tới, vị ấy sẽ nghĩ ‘Tôi đang đi, hay một chúng sanh đang đi.’ Đây là si. Khi vị ấy đang đi tới, vị ấy cần phải biết, không có ‘ta’, tự ngã, linh hồn đang đi; do phong giới nên sắc (rūpa) đang chuyển động từ nơi này sang nơi khác. Khi vị ấy đang đi lui, vị ấy cũng phải có sự biết rõ.
Đây là một trong những loại biết rõ. Tổng cộng, có bốn loại biết rõ (minh giác - sampajañña).
1. Biết rõ về sự phù hợp (sappāya sampajañña)
2. Biết rõ về hữu ích (sātthaka sampajañña)
3. Biết rõ về hành xứ (gocara sampajañña)
4. Biết rõ về vô si (asammoha-sampajañña)
Biết rõ về sự phù hợp (sappāya) có nghĩa là xem xét sự phù hợp của từng hành vi. Biết rõ về tính hữu ích (sātthaka) là đang xem xét tính hữu ích của một hành vi. Biết rõ về hành xứ (gocara) là xem xét phạm vi, lĩnh vực hay nơi, chỗ phù hợp. Ở đây, phạm vi, lĩnh vực nói đến bốn niệm xứ, hay bốn loại cảnh đề mục là thân, thọ, tâm và pháp.
Trong bảy hành vi ấy, người tu thiền phải nhận biết rõ rằng chỉ có sắc và danh (nāma-rūpa); không có linh hồn, ‘ta’, v.v... đang đi tới, đi lui, v.v... Bắt đầu từ việc đi tới, ngay cả sự tiểu tiện và đại tiện, từ lúc thức dậy cho đến lúc đi ngủ, khi giữ im lặng hay nói chuyện với người khác, người tu thiền phải nhận biết và biết rõ những hoạt động của thân.
Sau phần quan sát biết rõ, đức Phật bắt đầu giải thích cách niệm biết theo thọ. Khi người tu thiền ở lại với niệm và sự biết rõ, không có lơ là, với tinh cần, hướng tâm của vị ấy về Nibbāna, có thọ lạc sanh.[56] Vị ấy phải nhận biết rằng một thọ lạc đã sanh. Cũng vậy, vị ấy phải biết sự xảy ra của bất cứ thọ khổ và thọ xả nào.
Người tu thiền sẽ biết; do những nguyên nhân nhất định nên những thọ này sanh. Khi ngồi đúng và thoải mái, thọ lạc sanh. Do duyên không phù hợp như ngồi và chịu đựng sự không thoải mái nên thọ khổ sẽ sanh. Do thọ không rõ, hay nếu vị ấy không biết nó, nên thọ xả sanh. Người tu thiền cần phải biết lúc chúng xảy ra.
Những thọ này nương vào một pháp nào đó, không độc lập. Thọ nương vào pháp chi? Chúng nương vào ngay chính thân này (‘imameva kāyaṃ paṭicca uppanno[57]’). Nếu không có thân, chúng ta có thể nói chúng ta đang ngồi tốt hay chịu đựng tốt không? Nếu không có thân, chúng ta có thể nói chúng ta đang ngồi không tốt hay chịu đựng không tốt không? Hay nếu không có thân, thọ xả có thể sanh hay không?
Trong thực tế, nương vào thân, ba loại thọ sẽ sanh. Nương vào thân này được đề cập trong bài Kinh về Bệnh đầu tiên. Trong bài kinh về Bệnh thứ hai, đức Phật nói rằng thọ sanh nương vào xúc. Ở đây, xúc (phassa) sanh cùng lúc với tâm và cảnh.
Vì vậy, người tu tập cần phải xem xét như vầy: Sự sanh nương vào một thân đó là vô thường, bị trợ tạo, sanh phụ thuộc, thì làm sao thọ lạc, thọ khổ hay thọ xả có thể là thường hằng? Hay những thọ này nương vào xúc đó là vô thường, thì làm sao chúng có thể là thường hằng?
Ở đây, người tu thiền cần phải biết ba sự thật sau rất hay:
i. Có ba loại thọ.
ii. Nương vào thân làm duyên hay xúc làm duyên, thọ sanh.
iii. Do thân hay xúc là vô thường, nên thọ mà nương vào nó cũng là vô thường.
Về phần tuệ quán (vipassanāñāṇa) để được phát triển thêm, chúng ta phải xem xét những sự thật này, đặc biệt là sự thật thứ ba, thật sự sâu sắc.
Vì thế, thân và xúc cũng như tất cả thọ thì đều vô thường. Các danh pháp khác nương vào thân thì cũng vô thường. Tóm lại, chúng ta cần phải nhớ rõ rằng bất cứ pháp nào nương vào một pháp khác đó là vô thường bởi thực tính cũng là vô thường. Làm sao nó có thể được kéo dài mãi? Không, nó cũng vô thường và tạm thời bởi thực tính.
Sau đó, người tu thiền chuyên chú vào quan sát vô thường trong thân và vô thường của thọ, chuyên chú quan sát theo sự tiêu tan, chăm chú vào quan sát theo sự biến mất dần của ái, chuyên chú vào quan sát theo sự diệt và chăm chú vào quan sát theo sự xa lìa thọ. (‘So kāye ca sukhāya ca vedanāya aniccānupassī viharati, vayānupassī viharati, virāgānupassī viharati, nirodhānupassī viharati, paṭinissaggānupassī viharati.’)
Vị ấy thấy vô thường, sự biến mất dần, diệt và v.v… về thọ lạc, cũng như thọ khổ và thọ xả là tốt. Mỗi khi vị ấy thấy như vậy, vị ấy sẽ không bị tham luyến thọ lạc nữa. Lý do là vị ấy thấy rằng thọ lạc này là thực tính tạm thời, sau khi sanh nó sẽ nhanh chóng biến mất. Bất cứ pháp nào vô thường bởi thực tính không đáng tin và không chắc chắn, thì tham và ái của vị ấy sẽ biến mất dần. Vì vậy, vị ấy có thể xa lìa ái tiềm thùy (rāgānusaya) đối với thọ và cảnh dục mà vị ấy đã đối diện.
Thông thường, lúc đầu khi một thọ lạc do một cảnh khả hỷ sanh, vị ấy sẽ cảm thấy vừa ý với nó, và khi nghĩ về nó, vị ấy muốn nó xảy ra lần nữa. Tuy nhiên, khi đối diện với một cảnh bất khả hỷ, vị ấy không thích nó và khuể phẫn tiềm thùy (paṭighānussaya) sẽ xảy ra. Nếu nó là một cảnh mà vị ấy không biết hay nếu nó không phải là một cảnh lớn trội, thì vô minh tiềm thùy (avijjānussaya) sẽ xảy ra.
Khi vị ấy niệm biết theo thọ lạc và thấy rõ tính vô thường của nó, thì vị ấy sẽ không bị tham dính mắc vào nó nữa và sẽ không ái vì thọ. Như vậy ái tiềm thùy (rāgānusaya) sẽ không xảy ra. Khi vị ấy niệm biết theo thọ khổ và thấy rõ tính vô thường của nó, thì vị ấy sẽ không sân. Vì thế, khuể phẫn tiềm thùy (paṭighānussaya) sẽ không xảy ra. Khi vị ấy niệm biết theo thọ xả và nhận biết về tính vô thường của nó, thì vô minh tiềm thùy (avijjānussaya) sẽ không xảy ra.
Tóm lại, khi vị ấy có thể nhận biết rõ trạng thái vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anatta) của thọ lạc, khổ hay xả, thì vị ấy sẽ không còn tham dính mắc, sân giận hay si mù quáng không biết về thực tính của chúng. Do đó, ái tiềm thùy (rāgānusaya), khuể phẫn tiềm thùy (paṭighānussaya) và vô minh tiềm thùy (avijjānussaya) bị xa lìa, từ bỏ.
Vì vậy, bất cứ thọ nào sanh, nó chỉ hứng chịu mà không bị ràng buộc (‘Visaṃyutto vedetīti’[58]). Khi thọ bị rời khỏi ái luyến (rāga), sân (dosa) và si (moha), chúng được thoát khỏi những trạng thái bất thiện này. Thọ sẽ xuất hiện chỉ là một thọ. Đó là điểm rất quan trọng đối với chúng ta:
1. Không ái luyến (rāga) khi xuất hiện một thọ lạc (sukha vedanā);
2. Không có sân, không tức giận hay khuể phẫn (dosa hay paṭigha) khi xuất hiện thọ khổ (dukkha vedanā);
3. Không có si (moha) hay vô minh (avijjā) khi có sự xuất hiện thọ phi khổ phi lạc (adukkhamasukha vedanā).
Chỉ cần có thân hiện hữu và hơn nữa xúc (phassa) liên kết tâm với cảnh, chúng làm nguyên nhân và duyên, do đó thọ sẽ sanh. Chúng sẽ hiện hữu nơi thân và xúc hiện hữu. Vào lúc cuối của kiếp sống, cùng với sự diệt của thân và xúc, những thọ này sẽ không xuất hiện.
Nhớ rằng chúng ta không thể chinh phục thọ, nhưng chúng ta chỉ phải cố gắng hết sức để biết sự hiện hữu của chúng và những trạng thái và thực tính riêng của chúng. Bài kinh Duyên sinh hay liên quan tương sinh (paṭiccasamuppāda) giải thích rằng thọ (vedanā) sanh do xúc (phassa). Xúc là nguyên nhân và duyên cho sự sanh của thọ. Khi xúc diệt, thọ cũng diệt. Ở đây, xúc là nguyên nhân của thọ.
Xúc (phassa) diệt khi sáu xứ (saḷāyatana) diệt. Lại nữa, sáu xứ diệt khi danh và sắc (nāma-rūpa) diệt. Danh và sắc (nāma-rūpa) diệt khi thức (viññāṇa) diệt. Thức (viññāṇa) diệt khi hành (saṇkhārā) diệt. Cuối cùng, hành (saṇkhārā) diệt khi vô minh (avijjā) diệt.
Tại sao vô minh diệt? Khi tuệ quán (vipassanāñāṇa) sinh khởi, vô minh sẽ diệt. Vô minh bị yếu dần khi tuệ quán (vipassanāñāṇa) dần trở nên thuần thục, hoàn thiện. Khi một người tu thiền đạt được các bậc khác nhau của tuệ đạo và quả (magga-phala ñāṇa), và cuối cùng ở giai đoạn tuệ đạo và quả của bậc Ứng cúng (arahattamagga-phala ñāṇa), vô minh (avijjā) hoàn toàn bị nhổ tận gốc.
Ở đây, chúng ta có thể dùng sự so sánh của đèn dầu và cây nến để hiểu tốt hơn về nguyên nhân và duyên của phần vô minh hay si. Có dầu và có bấc đèn trong một cái đèn dầu. Hai vật này làm nguyên nhân để tạo ra ngọn lửa là kết quả. Hay sáp và bấc nến là nguyên nhân, còn ngọn lửa là kết quả bị tạo. Theo lời khuyên của đức Phật trong hai bài kinh về bệnh này, thân và xúc (phassa) là nguyên nhân. Phiền não như ái luyến (rāga), sân (dosa), và si (moha) được ví như dầu; thân hoặc xúc được ví như bấc. Nương vào dầu phiền não; và thân hoặc xúc được ví như bấc, ngọn lửa thọ sẽ sanh. Một khi dầu (phiền não) và bấc (thân, xúc) bị đốt hết, ngọn lửa (thọ) sẽ diệt và không thể tồn tại nữa.
Khi nào ngọn lửa (thọ) diệt vĩnh viễn? Nó diệt vào lúc đạt được Níp-bàn (tịch diệt). Đừng tìm nơi nào khác cho Nibbāna. Tìm nó bên trong thân bạn. Nó không phải ở thành phố Hinthada, thành phố Bago, v.v... [Lưu ý: hai thành phố này là những thành phố ở Myanmar]
Trong bài kinh về Rohitassa[59], Vị trời Rohitassa đã một lần đến gặp đức Phật. Vị ấy đã giải thích kiếp quá khứ mình đã tìm điều tồi tệ nhất trên đời ra sao. Đức Phật đã giải thích rằng:
1. Người không thể đi đến sự kết thúc của đời bằng việc đi bộ.
2. Đời nói đến đời bản thể, chư hành bị tạo (saṅkhāraloka) [sự tạo hóa toàn diện trên vũ trụ].
3. Sự kết thúc của đời nói đến sự đạt được Nibbāna.
4. Người tu thiền cần phải tìm sự thật bên trong chính thân mình vì việc tìm hiểu đầy đủ.
Chú giải cho bài kinh này đã giải thích thêm:
i. Đời (loka) là khổ đế (dukkhasacca), sự thật về khổ.
ii. Nguyên nhân hay sự tập khởi của đời (lokasamudaya) là sự thật về nguồn gốc của khổ (samudayasacca). Đây là ái (taṇhā).
iii. Sự diệt của đời (lokanirodha) là diệt đế (nirodhasacca). Đây là Nibbāna.
iv. Con đường tu tập đưa đến sự diệt của đời (lokanirodhagāminipaṭipada) là đạo đế (maggasacca). Đây là nhóm tám Thánh Đạo.
Việc quán (vipassanā) là tìm pháp cao quý hay sự thật siêu lý bên trong chính thân mình. Bởi cái đầu tiên, đời hay thế gian (loka) có nghĩa là sự thật về khổ mà là danh-sắc (nāma-rūpa) của chính mình. Chúng ta cần tự quan sát pháp với cái thứ tư, Đạo đế (magga sacca). Đó có nghĩa là chúng ta cần tu tập phát triển Đạo đế (maggasacca) để thấy được khổ đế (dukkhasacca), sự thật về khổ. Vì thế, đạo đế (maggasacca) được gọi là ‘cần phải được tu tập’ (bhāvetabba). Ở đây, đạo đế (maggasacca) nói đến nhóm tám Thánh đạo; nó có tám chi - chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.
Tuy nhiên, trong thế gian, hầu hết mọi người chỉ muốn phát triển ái. Họ muốn nhiều hơn và nhiều hơn nữa. Chỉ có vài người thực sự quan tâm đến việc tu tập phát triển đến Đạo đưa đến sự diệt ái.
Bằng việc tu tập phát triển đạo đế (maggasacca) ở tại cảnh của tu tập quán (vipassanā), đó là khổ đế (dukkhasacca), chúng ta nhận được những thuận lợi chi?
Chúng ta sẽ đạt được
1) Sự trừ tiệt tập đế (samudayasacca) nguồn gốc của khổ, đó là ái,
2) Sự nhận biết diệt đế (nirodhasacca), đó là Nibbāna.
Trước tiên, chúng ta phải trừ tiệt ái là bước đầu, kế đến chúng ta có thể nhận biết Níp-bàn sau, là bước thứ hai. Chúng ta không thể nhảy bước; chúng ta phải đi từng bước. Theo ngôn ngữ bình dị, bằng việc loại bỏ một thứ gì đó - như ái (taṇhā), chúng ta được thứ khác – là Níp-bàn (Nibbāna).
Sau khi đức Phật trở thành bậc Toàn giác, Ngài tự nói ra cảm hứng ngữ (udāna) đầu tiên của mình. Nó bắt đầu như sau: ‘Anekajātisaṃsāraṃ… taṇhānaṃ khayamajjhagā… ..’ sự diệt tận (khaya) ái (taṇhā) nói đến sự đắc Tuệ đạo-quả Ứng cúng (Arahant-magga-phala ñāṇa). Ái sẽ không tự diệt. Chỉ qua việc tu tập đúng bằng pháp quán (vipassanā) và bằng việc tu tập phát triển tuệ quán (vipassanāñāṇa), chúng ta đạt được sự diệt hoàn toàn của ái.
Cuối cùng, chúng ta phải tìm sự diệt của hữu ái (bhavataṇhā). Đây có nghĩa là đạt đạo-quả Ứng cúng (arahatta-magga-phala). Để đạt đạo-quả ấy, chúng ta phải tu tập quán (vipassanā) và phát triển các loại tuệ quán khác nhau. Khi chuỗi tuệ quán (vipassanāñāṇa) được tu tập đầy đủ, thì:
1. Trong lần đầu, người tu thiền đạt đạo và quả Nhập lưu (sotāpatti-magga-phala);
2. Trong lần thứ hai, người tu thiền đạt đạo-quả tuệ của bậc Nhất lai (sakadāgāmi-maggaphala);
3. Vào lần thứ ba, người tu thiền đạt đạo-quả tuệ của bậc Bất lai (anāgāmi-maggaphala);
4. Cuối cùng, khi tuệ quán (vipassanāñāṇa) ở sức lớn nhất và lực mạnh nhất, người tu thiền sẽ đạt đạo-quả tuệ của bậc Ứng cúng (arahatta-magga-phala) và tất cả phiền não như ái, v.v... bị trừ tiệt hoàn toàn.
Nó không theo một loạt các tuệ quán (vipassanāñāṇa) mà người tu thiền sẽ đạt được tất cả bốn Đạo và Quả tuệ (magga-phala ñāṇa) cùng lúc. Dĩ nhiên, nó có thể cho một người tu thiền đạt được bốn đạo và quả tuệ trong một lần ngồi thiền.
Như đã nói trước, qua loạt các tuệ quán (vipassanāñāṇa) khác nhau, người tu thiền sẽ đạt đạo và quả tuệ (magga-phala ñāṇa) khác nhau. Khi sức mạnh thiền mạnh nhất, tuệ quán sắc bén nhất, thì vị ấy sẽ trở thành một bậc Ứng cúng (arahant).
Đạo và quả tuệ của bậc Nhập lưu (sotāpatti-magga-phala) được gọi là dassana trong Pāḷi; nó là nghĩa là thấy. Một số người nghĩ rằng đây chỉ là triết học hay sự tưởng tượng. Trên thực tế, đó là sự thấu rõ của sự nhận biết Nibbāna và nhận biết về bốn Thánh đế lần thứ nhất.
Tuệ đạo của bậc Nhất lai (sakadāgāmimagga), tuệ đạo của bậc Bất lai (anāgāmimagga) cũng như tuệ đạo của bậc Ứng cúng (arahattamagga) được gọi là bhāvanā (sự trau dồi, tu tiến). Chúng được trau dồi và phát triển. Đối với lần đầu, người tu thiền sẽ thấy Níp-bàn qua tuệ quán, kế đến vị ấy phải phát triển đầy đủ những tuệ quán này cho đến khi đạt đến bậc Ứng cúng (arahatship). Đó là lý do tại sao đạo và quả tuệ ở bậc Nhập lưu được gọi là ‘thấy’ trong khi ở các bậc cao hơn còn lại được gọi là ‘tu tiến’ (bhāvanā).
Một số người nói rằng vì có bốn bậc đạo và quả (magga-phala), cũng có bốn Níp-bàn (Nibbāna). Họ nghĩ rằng Nibbāna được thấy bởi đạo và quả của bậc Nhập lưu (sotāpatti-magga-phala) không giống với Nibbāna trong tuệ đạo và quả của bậc Nhất lai (sakadāgāmi-magga-phala) v.v… Điều đó không đúng.
Tóm lại, Nibbāna mà được thấy lần đầu bằng đạo và quả của bậc Nhập lưu (sotāpatti magga-phala) thực sự được các bậc tuệ Đạo và Quả (magga-phala) sau cao hơn thấy rõ hơn . Khi các giai đoạn tuệ quán (vipassanāñāṇas) đang phát triển, các phiền não dần dần được trừ tiệt. Vào cuối tu tập quán (vipassanā) - đạo Ứng cúng (arahatta magga), các phiền não (kilesa) bắt đầu với vô minh (avijjā), và v.v... hoàn toàn bị nhổ bỏ.
Khi một người tu thiền biết thọ như thật, theo thực tính, hay bởi niệm biết theo thọ chỉ là thọ, thì bằng việc thấy tính vô thường của nó, vị ấy có thể trừ tiệt phiền não.
Đức Phật đã thuyết giảng về phương pháp thiền đã nói trên cho các sa-môn bệnh và các sa-môn chăm sóc các sa-môn bệnh. Những điều này được ghi lại trong hai bài kinh về Bệnh.
Tóm lại, người tu thiền phải tự chính mình niệm biết theo thọ (vedanā) bằng niệm và sự biết rõ, tự chính mình biết sự hiện hữu của thọ lạc (sukha vedanā), thọ khổ (dukkha vedanā) hay thọ phi khổ phi lạc (adukkhamasukha vedanā) cũng như cố gắng để thấy các trạng thái hay tướng vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anatta) của chúng. Kế đến, phiền não tiềm thùy (ānusaya) như tham, sân và si sẽ không xảy ra. Cuối cùng, bằng việc loại bỏ sự tập khởi hay nguyên nhân của thọ (vedanā) đó là thân hay xúc và cũng qua sự diệt phiền não, thì tất cả khổ sẽ diệt vĩnh viễn.
Mong quý thính giả tu tập quan sát theo thọ như đức Phật đã dạy. Mong tất cả các bạn hoan hỷ về thời nói Pháp (dhamma) này và tu tập cho phù hợp.
---
Hôm nay là ngày thứ năm và là ngày cuối cùng của pháp thoại ‘Phân Tích Về Thọ’.
Tôi đã trích toát yếu từ 31 bài kinh trong các bài kinh Tương ưng thọ (vedanā-saṃyutta). Đừng nghĩ rằng hôm nay là ngày cuối và tất cả sự thật liên quan đến thọ đã hoàn toàn được đề cập trong các bài Pháp thoại trước. Thật ra, đức Phật đã giảng nhiều khía cạnh và cơ sở lập luận khác nhau về thọ. Nhưng chúng vẫn còn cơ sở lập luận về thọ mà tôi chưa giải nghĩa. Tại sao không? Trước tiên, tôi nhìn vào những phần đã liên kết. Kinh Đa thọ (Bahuvedanīya)[60] là bài còn sót lại mà trong đó thọ lạc (sukha vedanā) được giải thích lên đến mức Nibbāna. Lý do tôi đã không nói đến bài kinh này vài ngày trước vì nó không liên kết với các loại thọ bình thường.
Nibbāna (Níp-bàn) là hạnh phúc tối thượng
Đức Phật đã thuyết giảng rằng Nibbāna là an lạc tối thượng (Nibbānaṃ paramaṃ sukham)[61]. Ở đây, an lạc ở Nibbāna không liên quan gì đến thọ lạc (sukha vedanā) trong ba loại thọ mà tôi đã đề cập trước.
Mọi người hoài nghi về tuyên bố này. Họ hỏi có thọ lạc trong Níp-bàn hay không. Lạc này được đức Phật nói rõ không giống với thọ lạc mà người bình thường luôn hưởng.
Một lần đại đức Sāriputta đang giảng Pháp cho các sa-môn. Ngài nói: ‘Này các bạn, an lạc là Nibbāna này’. (‘Sukhamidaṃ, āvuso, Nibbānaṃ.[62]’) Khi nói như vậy, đại đức Udāyī không hài lòng, nên ngài chỉ ra: ‘Thưa ngài Sāriputta, không có thọ trong Nibbāna hay chăng? Vậy thì làm sao Nibbāna được gọi là an lạc?’
Thính giả khi ấy không như thính giả bây giờ, ngồi yên lặng, nghe Pháp thoại. Đôi khi có những câu hỏi và câu trả lời giữa người thuyết Pháp và thính giả. Ngoài ra, nếu họ không hài lòng với một số điểm, thì họ sẽ nêu ý kiến của riêng họ.
Sau đó, câu trả lời của đại đức Sāriputta là không có thọ nào trong Nibbāna, đó là lý do tại sao Nibbāna được gọi là an lạc. Tuyên bố này có thể gây nhầm lẫn. Câu trả lời của đại đức Sāriputta cho câu hỏi của Udāyī rất hay và đủ xứng đáng để lưu ý thêm. Vì không có thọ trong Nibbāna, nên nó được gọi là hạnh phúc.
Thông thường, trong thế gian, mọi người nghĩ rằng chỉ khi thọ hiện hữu, thì họ có thể cảm thấy hạnh phúc. Nếu hoàn toàn không có thọ thì chỉ có khổ. Vì vậy, hạnh phúc đối với họ luôn là liên kết và lẫn với thọ.
Một lần, Dhammadinnā bhikkhunī nói với cư sĩ Visākha tịnh tín là người chồng của bà trong cuộc đời cư sĩ của bà. Bà ấy nói, khi thọ lạc (sukha vedanā) hiện hữu, thì có sanh hạnh phúc ; khi nó biến hoại đổi thay, thì trở thành khổ. (‘Sukhā kho vedanā ṭhitisukhā vipariṇāmadukkhā ‘)[63]
Mọi người cũng có thể xem xét như vầy: khi Nibbāna hiện hữu, thì có sự sanh của thọ lạc, khi nó biến hoại đổi thay, thì có khổ. Tuyên bố Pāḷi trên không liên quan gì đến Nibbāna. Vì không có thọ trong Níp-bàn nên chỉ có hạnh phúc. Hạnh phúc này khác với hạnh phúc được biết bởi những người phàm bình thường ở thế gian. Họ chỉ có thể nói so sánh hạnh phúc mà họ đã luôn luôn đối diện. Họ không biết loại hạnh phúc mà được trải nghiệm nơi hoàn toàn không có thọ hiện hữu.
Khi tôi còn trẻ, tôi đã đọc một tập sách được viết bởi một sayadaw liên quan đến an lạc, hạnh phúc Nibbāna. Hạnh phúc của Nibbāna có thể được so sánh với một giấc ngủ ngon. Giả sử một người rất mệt và có thể ngủ rất ngon. Khi thức dậy, vị ấy cảm thấy sảng khoái và tràn đầy năng lượng và hưởng một điều tốt đẹp, cảm giác thư thái. Vị ấy sẽ nói ‘Đó là một giấc ngủ rất ngon.’ Thật ra, trong khi ngủ, vị ấy ngủ rất ngon và vị ấy không biết thọ nào. Vì không biết thọ nào nên khi vị ấy thức dậy sau đó, vị ấy có thể nói có một loại cảm giác thật tốt.
Giấc ngủ chỉ là một ví dụ để minh họa cho trạng thái của Níp-bàn. Nhưng nó khác quá xa để được chính xác theo nghĩa thực tế. Trong thời gian một giấc ngủ rất ngon, đôi khi những giấc mơ có thể xuất hiện, vì vậy có một số thọ sanh. Nhưng trong giấc ngủ sâu, người ngủ không biết bất cứ thọ nào.
Khi một người tu thiền đang tu tập quán (vipassanā), vị ấy sẽ quan sát những pháp hành (saṅkhāra) bị trợ tạo liên tục sanh và diệt. Chẳng bao lâu sau, vị ấy cảm thấy mệt mỏi, chán ngấy, làm tan ảo mộng và chán ngán với thực tính thoáng qua, chóng tàn của những pháp hành bị trợ tạo. Chẳng bao lâu nữa, không có sự sanh và do đó không có sự diệt. Vào lúc ấy, không có sự mệt mỏi và tỉnh ngộ.
Khi tất cả những pháp hành bị trợ tạo đã diệt là lúc rất hạnh phúc vì không có sự tan ảo mộng, vì vậy chúng ta nói Nibbāna là hạnh phúc tối thượng (‘Nibbānaṃ paramaṃ sukhaṃ’). Nó không thể so sánh được vì nó cao hơn và tốt hơn bất cứ thọ lạc (sukha vedanā) và hạnh phúc nào khác. Thọ lạc khi cảm nhận bởi phàm phu (puthujjana) và liên quan đến tâm được gọi là vedayita (thọ, cảm giác, kinh nghiệm). Còn lạc mà không có mối liên kết nào với tâm được gọi là santi sukha. Santi sukha có nghĩa là an lạc, hạnh phúc, đó là hoàn toàn yên tịnh và yên tĩnh, hay hạnh phúc mà không có bất cứ thọ nào.
Nếu có bất cứ thọ nào, thọ này cũng là đối tượng biến hoại đổi thay (vipariṇāma) và do đó khổ sanh. Vì không có thọ trong Níp-bàn (Nibbāna) nên Níp-bàn không thể biến hoại đổi thay.
Đức Phật nói rằng do vô thường, tất cả thọ được gọi là khổ. Tôi đã đề cập sự trình bày Pāḷi này ‘yaṃkiñci vedayitaṃ sabbaṃ taṃ dukkhasminti’[64] trước đây.
Tại sao tất cả thọ đều được gọi là khổ? ‘Saṅkhārānaṃyeva aniccataṃ sandhāya[65]’, nói đến thực tính vô thường, không ổn định hay không liên tục của những pháp hành bị trợ tạo (saṅkhāra), đức Phật thấy tất cả thọ là khổ
Nương vào thân, một thọ lạc hay thọ khổ sanh. Trong số chúng, thọ mà không lớn trội được gọi là thọ xả hay phi khổ phi lạc (adukkhamasukha vedanā).
Anusaya - Tiềm thùy (phiền não ngủ ngầm)
Khi thọ sanh, nó sanh đơn lẻ phải chăng? Đức Phật dạy, trong phàm phu (puthujjana), khi một thọ lạc (sukha vedanā) sanh, đồng thời, ái tiềm thùy (rāgānusaya) cũng xảy ra. Khi có những duyên thích hợp, nó sẽ sanh. (‘Sukhāya vedanāya rāgānusayo analetīti’)
Ví dụ, khi chúng ta thấy món ăn chúng ta thích, hạnh phúc và thích thú sẽ xuất hiện và chúng ta muốn ăn nó. Các ái tiềm thùy (rāgānusaya) đã xảy ra rồi.
Ở đây, anusaya có nghĩa là tiềm thùy, ngủ ngầm, tiềm lực, khuynh hướng; nó được hình thành bằng hai từ: anu có nghĩa là ‘tiếp tục’, ‘không dừng lại’; saya có nghĩa là ‘tự nó hiện hữu khi các duyên thích hợp hiện hữu’.
Một số người có thể tranh luận rằng anusaya cũng có thể là vô thường (anicca). Phiền não tiềm thùy (anusaya) luôn ở trong năm uẩn của chúng ta. Khi nào duyên đưa đến, nó sẽ hiện ra.
Nó như cái bật lửa. Chỉ cần có chất đốt bên trong, khi chúng ta nhấn vào nút kim loại, nó sẽ đánh vào viên đá lửa bên trong, và một ngọn lửa sẽ được tạo sau đó. Chúng ta có thể gọi là anusaya tiềm lực hay khả năng cho một pháp nào đó xảy ra.
Hay những ai được chẩn đoán là có AIDS hay viêm gan siêu vi được gọi là người có dương tính AIDS, có dương tính viêm gan B hay C. Dương tính có nghĩa là dò ra các mầm bệnh trong thân. Chúng ta không thể tự thấy chúng, nhưng khi chúng bị phát hiện bằng kính hiển vi cho nên chúng ta tin vào sự hiện hữu của chúng. Những mầm bệnh này không đếm xuể. Cũng vậy, ái tiềm thùy (rāgānusaya) trong chúng ta không thể tính được. Nếu chúng ta dương tính với ái tiềm thùy (rāgānusaya), có thể chúng ta phải đi đến bệnh viện để kiểm tra! (Đây là một câu nói đùa!).
Khi chúng ta thấy một cảnh mà chúng ta thích thì vui mừng, thọ hỷ (somanassa) và lạc (sukha) xảy ra. Đồng thời, ái tiềm thùy (rāgānusaya) cũng xảy ra. Nó trở thành một pháp hay xảy ra, và nó theo tiến trình của nó.
Như đã nói, anu có nghĩa là không biết bao nhiêu lần, xảy ra không ngừng; saya có nghĩa là sự sanh của một pháp nào đó khi những duyên trợ giúp nó xảy ra. Vì vậy, anusaya – tiềm thùy theo thọ và nó được bao gồm trong nhóm thọ.
Tuy nhiên, nó sẽ không luôn xảy ra. Có thọ lạc (sukha vedanā) trong thiền (jhāna), đạo (magga) và quả (phala). Ở những trạng thái tâm cao hơn này, ái tiềm thùy (rāgānusaya) sẽ không xảy ra.
Chỉ sau khi xa lìa ái cảnh dục, hay theo đuổi hạnh phúc trong dục lạc (kāmasukha), thì thọ lạc (sukha vedanā) ở các trạng thái cao hơn như thiền, đạo, quả (jhāna, magga, phala) sẽ xảy ra. Thọ lạc (sukha vedanā) thông thường có cùng thực tính như thọ lạc (sukha vedanā) trong các trạng thái ấy. Nhưng ở các trạng thái cao hơn, thọ xảy ra mà không có ái tiềm thùy (rāgānusaya).
Để đạt được thiền (jhāna) thứ nhất, người tu thiền phải lìa dục lạc và lìa những trạng thái bất thiện, (‘Vivicceva kāmehi, vivicca akusalehi dhammehi’)[66]. Vì vậy, để đạt được thiền (jhāna) thứ nhất, người tu thiền phải xa lìa dục ái (kāmarāga). Do đó, đừng nghĩ rằng ái tiềm thùy (rāgānusaya) lúc nào cũng đang xảy ra với thọ lạc (sukha vedanā).
Chủ định của chúng ta khi quan sát thọ lạc (sukha vedanā) là chi? Chủ định của thiền là xa lìa ái tiềm thùy (rāgānusaya). (‘Sukhāya vedanāya rāgānusaya pahātabba’). Một người tu thiền cần phải cố gắng, tinh cần xa lìa ái tiềm thùy (rāgānusaya) ở thọ lạc (sukha vedanā). Nếu vị ấy không quan sát thọ lạc (sukha vedanā), mà chỉ để nó tiến hành theo hướng riêng của nó, thì bất cứ khi nào một thọ lạc (sukha vedanā) xảy ra, ái tiềm thùy (rāgānusaya) sẽ đi cùng với nó và điều này trở thành một hành vi quen thuộc.
Bên cạnh thọ lạc (sukha vedanā), thọ khổ (dukkha vedanā) cũng sanh khi trạng thái khó chịu. Một khi nó sanh, khuể phẫn tiềm thùy (paṭighānusaya) sẽ xảy ra. (‘Dukkhāya vedanāya paṭighānusayo analetīti.’). Khuể phẫn (paṭigha) có nghĩa là ác ý, sân, tức giận hay khó chịu. Khi thọ khổ (dukkha vedanā) như đau tai, đau răng hay đau dạ dày sanh, mọi người có xu hướng tức giận và không hài lòng.
Trước kia, tôi từng gặp một nữ tín thí bị bệnh đau đầu rất nặng. Khi nó xảy ra, cô ấy thường vẫn tự đánh vào đầu mình bằng nắm tay và đồng thời kêu lên ‘Giúp tôi! Giúp tôi!’ Bạn có bao giờ gặp người nào tức giận hay khó chịu khi thọ khổ (dukkha vedanā) sanh không? Ngay cả bản thân chúng ta cũng có tâm trạng tồi tệ khi thọ khổ (dukkha vedanā) sanh. Không ai trong cơn đau sẽ mỉm cười, mà cau mày và rên rỉ vì đau. Khi khuể phẫn tiềm thùy (paṭighānusaya) đến, nó chỉ xảy ra với thọ ưu (domanassa).
Người nghiên cứu Vô tỷ pháp (Abhidhamma) sẽ biết khuể phẫn (paṭigha) và thọ ưu (domanassa) xảy ra theo đôi; chúng không thể bị tách rời nhau. Có 2 tâm căn sân (dosa-mūla), đó là: 1. ‘tâm câu hành ưu tương ưng khuể vô dẫn’ (domanassa-sahagataṃ paṭigha-sampayutta asaṅkhārika citta) và 2. Tâm câu hành ưu tương ưng khuể hữu dẫn (‘domanassa-sahagataṃ paṭigha-sampayutta saṅkhārika citta’)
Vì vậy, khi khuể phẫn (paṭigha) xảy ra, thọ ưu (domanassa) cũng sanh và ngược lại. Thực tính của chúng không giống nhau; thọ ưu (domanassa) là sở hữu thọ (vedanā cetasika), trong khi khuể phẫn (paṭigha) là sở hữu sân (dosa cetasika). Khi khuể phần tiềm thùy (paṭighānusaya) sanh, nó chưa kết thúc câu chuyện. Các sở hữu tâm bất thiện còn lại cũng sẽ xảy ra.
Đó là lý do tại sao chủ định của thiền là không để khuể phẫn tiềm thùy (paṭighānusaya) sinh khởi theo thọ khổ (dukkha vedanā), mà xa lìa nó. (‘Dukkhāya vedanāya paṭighānusayo pahātabba.’). Ý nghĩa của thiền là xa lìa những pháp không mong muốn; chỉ bằng việc thấy sự thật, chúng ta có thể xa lìa nó.
Có một thọ mà không phải là thọ lạc (sukha vedanā) cũng không phải thọ khổ (dukkha vedanā). Nó là một thọ xả được gọi là thọ phi khổ phi lạc (adukkhamasukha vedanā). Khi nó sanh, ái tiềm thùy (rāgānusaya) hay khuể phần tiềm thùy (paṭighānusaya) sẽ không xảy ra, nhưng vô minh tiềm thùy (avijjānusaya) sẽ xảy ra. Khi chúng ta không biết thọ này, vô minh tiềm thùy (avijjānusaya) sẽ xảy ra. (‘Adukkha-masukhāya vedanāya avijjānusayo analetīti.’)
Đừng nghĩ vô minh tiềm thùy (avijjānusaya) không phải là một tội lỗi. Nó thật sự che khuất sự thật. Do đó, người mà cố gắng tìm con đường giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi (saṃsāra) không thể tìm được lối thoát. Vì chúng ta không biết nó hay chúng ta mù quáng về nó, nên chúng ta không cố gắng hết sức để thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi (saṃsāra).
Tất nhiên, khi chúng ta không biết chúng ta có một số bệnh, chúng ta có thể ở yên. Khi chúng ta biết nó, tâm của chúng ta sẽ bị bối rối và cố gắng trừ tiệt nó. Trước đây chúng ta không biết về nó, chúng ta sẽ không cố gắng hết sức để chữa nó. Như người mù, ngay cả một linh hồn ngồi bên cạnh vị ấy, vị ấy cũng sẽ không bị hoảng sợ. Tại sao? Vì vị ấy không thể thấy nó. Chỉ khi vị ấy nghe âm thanh khiếp đảm của nó, có lẽ vị ấy sẽ sợ. Cũng vậy, người điếc sẽ không sợ nếu bạn làm vị ấy sợ bằng một âm thanh hãi hùng. Cũng vậy, vô minh (avijjā) có thể được so sánh với một người mù không thể thấy gì.
Vì vậy, ý định niệm biết theo thọ phi khổ phi lạc (adukkhamasukha vedanā) là để xa lìa vô minh tiềm thùy (avijjānusaya) về thọ này.
Nếu ái tiềm thùy (rāgānusaya), khuể phẫn tiềm thùy (paṭighānusaya) và vô minh tiềm thùy (avijjānusaya) nương vào ba thọ có thể bị xa lìa, những phiền não (kilesa) khác sẽ bị xa lìa; thì những pháp triền (saṃyojana) như ngã mạn (māna) và v.v… bị trừ tiệt và tất cả khổ tìm thấy trong vòng luân hồi (saṃsāra) sẽ bị kết thúc. Đây là những thuận lợi và lợi ích của việc tu tập.
Thọ lạc (sukha) cần phải được thấy là khổ
Kế đến, chúng ta cần phải quan sát theo thọ lạc (sukha vedanā) ra sao? Trong bài kinh Cần phải được thấy (Daṭṭhabba-sutta)[67], đức Phật cho chúng ta những phương pháp.
Thọ lạc (sukha vedanā) cần phải được thấy là thọ khổ (dukkha vedanā). (‘Sukhā vedanā dukkhato daṭṭhabbā[68]’). Tất cả mọi người không thích và không hoan nghênh thọ khổ (dukkha vedanā) mà muốn và chỉ ham thích thọ lạc (sukha vedanā), vì vậy chúng ta phải thấy thọ lạc (sukha vedanā) như thọ khổ (dukkha vedanā). Đó là lý do tại sao trong cuộc sống thế gian, người ta chúc nhau một ngày sinh nhật vui vẻ vào ngày sinh nhật của họ, hay chúc nhau một năm mới vui vẻ vào ngày năm mới. Lý do là mọi người thích và ham thích cảm giác sung sướng và vui. Tuy nhiên, một người tu thiền phải thấy thọ lạc (sukha vedanā) như thọ khổ (dukkha vedanā) để xa lìa nó.
Thực hiện điều này ra sao? Điều này phải được thực hiện theo Pāḷi trình bày như: ‘sukha vedanā ṭhitisukhā viparināṃadukkhā’. Thọ lạc vẫn hiện hữu là dễ chịu; khi nó biến hoại đổi thay thì nó trở thành khổ. Thọ lạc (sukha vedanā) không hiện hữu mãi mãi, mà nó có tính tạm thời, thoáng qua và là đối tượng phải chịu sự biến hoại đổi thay. Khi nó biến hoại đổi thay thì khổ sanh. Nếu chúng ta chỉ thấy thọ lạc (sukha vedanā) luôn hiện hữu và thường hằng là thực tính của nó thì chúng ta sẽ không bao giờ đến để thấy nó như thọ khổ (dukkha vedanā). Vì vậy, chúng ta phải thấy thực tính vô thường (anicca) của nó, kế đến chúng ta đến để thấy thọ lạc không tốt đẹp và sai lỗi. Khi ấy, chúng ta sẽ không còn bám vào nó nữa.
Nếu người có pháp triền (saṃyojana) hay gắn bó với ai đó và chỉ thấy sự dễ thương, chỉ thấy khía cạnh có duyên của ai đó, thì có thể nào người ấy cắt đứt pháp triền (saṃyojana) này hay chăng? Chỉ bằng việc thấy những điểm xấu hay các khía cạnh không có duyên của ai đó, thì người ấy có thể giảm sự gắn bó của triền (saṃyojana) vào ai đó.
Thọ khổ cần phải được thấy như gai nhọn hay mũi tên
Đối với thọ khổ (dukkha vedanā), nó cần phải được thấy như gai nhọn (salla). (‘Dukkhā vedanā sallato daṭṭhabbā’)[69]
Thọ khổ (dukkha vedanā) cần phải được quán vì thọ khổ mạnh hơn. Khổ (dukkha) có ba trạng thái hay tướng phổ thông - vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anatta). Nó cần phải được thấy như bệnh tật (ābādha), như gai nhọn (salla) hay như cái nhọt (gaṇḍa).
Có bốn mươi phương pháp thiền để quan sát theo năm uẩn là vô thường, là khổ, như bệnh tật, như cái nhọt, như gai nhọn, là tai họa. (‘Aniccato, dukkhato, rogato, gaṇḍato, sallato, aghato, ābādhato’,)[70] Để làm cho hết ảo mộng về thọ, chúng ta phải thấy thọ khổ (dukkha vedanā) như mũi tên hay gai nhọn (salla). Khi chúng ta thấy thọ khổ (dukkha) như gai nhọn, thì khuể phẫn tiềm thùy (paṭighānusaya) sẽ không xảy ra nữa.
Thọ xả cần phải được thấy là vô thường
Đối với thọ phi khổ phi lạc (adukkhamasukha vedanā), nó cần phải được thấy là vô thường. (‘Adukkhamasukhā vedanā aniccato daṭṭhabbā’). Nó có tính tạm thời, thoáng qua. Nó luôn luôn sanh và diệt. Những cách thấy ba loại thọ này như đã đề cập ở trên được giải thích trong bài kinh Cần phải được thấy (Daṭṭhabba-sutta).
Khi chúng ta thiền về thọ, chúng ta có thể thấy thực tính và nhận biết sự thật. Vì vậy, chúng ta sẽ không quyến luyến hay giữ chặt vào chúng nữa. Bằng việc loại bỏ pháp triền (saṃyojana), những trạng thái tâm bất thiện như ngã mạn (māna), v.v... cũng bị loại trừ, vì vậy tất cả khổ sẽ bị diệt vĩnh viễn.
Cả phàm phu (puthujjana) và chư Thánh (ariya) có tất cả ba loại thọ: thọ lạc (sukha vedanā), thọ khổ (dukkha vedanā), thọ phi khổ phi lạc (asukhamadukkha vedanā). Chư Thánh (Ariya) bao gồm đức Phật (Buddha) và những vị Ứng cúng (Ariya). Khi đối diện với những thọ ấy, sự khác biệt trong phản ứng của các ngài là chi?
Người vô trí (assutavā) là nói đến người phàm phu chưa nghe hay chưa học Pháp. (‘Assutavā puthujjanoti āgamādhigamā-bhāvā ñeyyo assutavā iti.’[71]). Các bậc đa văn, học rộng (bahussuta) là nói đến những người có nghe và học Pháp cũng như tu tập thiền.
Người mà chưa nghe hay học về những bài giảng của đức Phật được gọi là āgama có thể được thừa nhận là ngu phàm phu. Ví dụ, có thể vị ấy không bao giờ nghe trình bày rằng người cần phải xa lìa ái tiềm thùy vì thọ lạc. Vì vị ấy không nghe nên vị ấy thậm chí không biết rằng mình phải xa lìa nó.
Adhigama có nghĩa là đạt đạo (magga) và quả (phala) như đạo của bậc Nhập lưu (sotāpatti magga) lên đến đạo Ứng cúng (arahatta-magga). Nó cũng nói đến việc đạt được tuệ quán (vipassanāñāṇa).
Các thính giả không nên là một người vô trí (assutavā). Đó là lý do tại sao ở những buổi nói Pháp này, tôi lấy sự khổ để nói cho bạn biết về các khía cạnh của thọ: thọ là chi, sự tập khởi hay nguyên nhân của thọ là chi, những trạng thái bất thiện (akusala) sanh do thọ ra sao. Khi bạn đã học những sự thật này, bạn sẽ có āgama (kiến thức của Thánh giáo) và trở thành một một trong những bậc đa văn, học rộng (bahussuta).
Để đạt được (adhigama), bạn phải tu tập quán (vipassanā) để bạn đạt được tuệ quán (vipassanāñāṇa). Vì vậy, sự khác biệt giữa phàm phu và các bậc Thánh khi đối diện thọ khổ là chi?
Khi một phàm phu bị khổ về thân (kāyika dukkha) như đau răng, đau lưng; hay khổ về danh (cetasika dukkha) như nghĩ đến những điều xấu, thì vị ấy sẽ sầu muộn (soka). Một số sẽ than van, trào nước mắt hay thét lên. Một số sẽ bị kinh ngạc, tâm của họ sẽ ở trong mê mờ và thậm chí họ không biết phải làm gì kế tiếp.
Một số người sẽ tìm cách thoát khỏi thọ khổ (dukkha vedanā). Một số dùng paracetamol, và một số đi tiêm thuốc giảm đau. Tuy nhiên, những cách này tạm thời làm cho có thể thoát khỏi vấn đề. Thọ khổ có khả năng quay trở lại.
Mọi người làm tất cả những thứ để thoát khỏi thọ khổ vì họ không biết những duyên và nguyên nhân của nó hay không nhận biết thực tính của nó. Nếu khuể phẫn tiềm thùy (paṭighānusaya) đã xảy ra thì si (moha) đã được bao gồm rồi. Vì vậy, họ phải đối mặt với nhiều vấn đề hơn. Thứ nhất, sầu muộn và than khóc thuộc về danh do khổ đau. Thứ hai, họ sẽ tìm dục lạc (kāmasukha) để giải vây thọ khổ. Thứ ba, họ khao khát và mong đợi hạnh phúc. Chúng ta có thể so sánh các trường hợp này với người bị đâm bởi cái gai nhọn nhiều lần.
Hay chúng ta có thể gọi gai nhọn thứ nhất là khổ về thân (kāyika dukkha). Có sự đau khổ vì bị đâm bởi cái gai nhọn, người ấy không thể chịu đựng được, vì vậy khổ về danh (cetasika dukkha) như sân hay sầu muộn và v.v… sẽ xảy ra. Thọ khổ về danh là gai nhọn thứ hai. Kế đến, có sự mong muốn và khao khát đối với dục lạc và như vậy dục ái (kāmarāga) là gai nhọn thứ ba sẽ đâm người ấy.
Hay, gai nhọn thứ nhất đâm vào thân nói đến thọ khổ (dukkha vedanā). Khi nó chưa được kéo ra và vẫn còn bên trong thân, thì khuể phẫn tiềm thùy (paṭighānusaya) xảy ra. Nó được coi là gai nhọn thứ hai. Kế đến, gai nhọn thứ ba, mong muốn dục lạc, đó là ái tiềm thùy (rāgānusaya) cũng xảy ra. Nó đau đớn làm sao! Hãy hình dung chúng sanh lần lượt bị gai nhọn này đến gai nhọn khác đâm. Gai nhọn đầu tiên vẫn chưa được rút ra, mà gai nhọn thứ hai đâm vào và gai nhọn thứ ba cũng đâm vào thân. Chúng ta có thể hình dung rằng nó rất đau.
Khi phàm phu (puthujjana) gặp phải khổ, họ không chỉ phải đối mặt với thọ khổ (dukkha vedanā), khuể phẫn tiềm thùy (paṭighānusaya) cũng sẽ đi vào. Do khuể phẫn (paṭigha), nên họ tìm dục lạc vì họ không biết lối thoát thực sự. Họ chỉ biết cách tìm để giải khuây và hạnh phúc sanh trong dục lạc (kāmasukha) và cố gắng hưởng mình họ. Một số khẳng định họ hưởng một cách hợp pháp (dhamma), nhưng trên thực tế, hầu hết thời gian họ sống theo cách phi pháp (adhamma).
Phàm phu không thể thoát khỏi luân hồi khổ vì họ không biết những khía cạnh về thọ: sự tập khởi hay nguyên nhân của thọ (samudaya), sự diệt của thọ (atthaṅgama), sự khoái vị về thọ (assāda), sự yểm ly (nibbidā) và sự thoát khỏi (nissaraṇa).
Thọ lạc (sukha vedanā) sẽ đến với ái tiềm thùy (rāgānusaya), thọ khổ (dukkha vedanā) với khuể phẫn tiềm thùy (paṭighānusaya), thọ phi khổ phi lạc (adukkhamasukha vedanā) với vô minh tiềm thùy (avijjānusaya). Thọ luôn hợp với những pháp tiềm thùy (anusaya) này.
Thọ không chỉ sanh một mình, mà là thọ luôn hợp với những tiềm thùy (anusaya) này. Do đó, khi thọ sanh, chúng ta phải tách khỏi những pháp tiềm thùy (anusaya). Đó là lý do tại sao chúng ta phải quan sát tất cả thọ bằng niệm và đạt tri biết thấu đáo (pariññā).
Ngay cả đức Phật và các vị Ứng cúng cũng bị đau bụng và đau chân. Nhưng các ngài có thể thấy những thọ khổ (dukkha vedanā) này là gai nhọn, và biết rõ rằng thọ phải chịu sự biến hoại đổi thay. Các ngài chỉ có một loại khổ đó là thọ khổ về thân (kāyika dukkha) nhưng không có thọ khổ về danh (cetasika dukkha).
Làm sao để dừng thọ ở mức thọ, không để nó phát triển đến tiềm thùy (anusaya)? Chú giải về bài kinh Đại niệm xứ (Mahāsatipaṭṭhāna-sutta)[72] nói đến một vài chuyện thú vị về cách vượt qua thọ.
Có một sa-môn gọi là Tissa. Vị ấy từ bỏ bốn ngàn mười triệu (koṭi) tiền cho em trai của mình và người vợ. Sau đó vị ấy một mình vào rừng để tu tập thiền. Khi ấy, vợ của em trai lo sợ rằng khi anh xả y và yêu cầu trả lại tiền của anh, thì họ phải chia nó với người anh trai. Vì vậy, cô đã thuê năm trăm tên cướp để giết người anh trai.
Những tên cướp có năm thủ lĩnh với hàng trăm người mỗi tên. Chúng đã điều tra chỗ ở của người anh trai và sau đó đến khu rừng để giết người anh trai khi màn đêm đến. Khi bị bọn cướp bao quanh, sa-môn hỏi chủ định của chúng là chi. Chúng đáp rằng đó là để lấy mạng của người anh trai.
Người anh trai yêu cầu: ‘Bây giờ tôi không thể trốn thoát, vui lòng đợi một đêm. Tôi muốn thiền’. Chúng nói: ‘Nếu ông trốn thoát thì sao?’ ‘Không, tôi hứa rằng tôi sẽ không chạy trốn.’ Nói vậy, người anh trai lấy một hòn đá gần đó và dùng nó đập vào cả hai chân của mình. Rồi cả hai chân đã bị gãy. ‘Ông đã hài lòng chứ, tôi không thể trốn thoát vì cả hai chân đều bị gãy.’ Khi ấy, vị ấy không có paracetamol hay không có tiêm bất cứ loại thuốc giảm đau nào. Vị ấy chỉ phải dũng cảm chịu đau.
Chúng cho phép người anh trai ngồi thiền trong một đêm. Chúng vây quanh vị ấy và ngủ thiếp đi. Vị ấy đã thiền cả đêm.
Chúng ta có thể hình dung nó khủng khiếp làm sao, những chấn thương từ cả hai chân bị gãy. Ở một người bình thường không niệm biết theo thọ khổ (dukkha vedanā), khuể phẫn tiềm thùy (paṭighānusaya) sẽ sanh. Kế đến, bằng việc mong muốn vì dục để thoát khỏi khổ, thì ái tiềm thùy (rāgānusaya) sẽ sanh.
Tuy nhiên, vị sa-môn ấy có thể quan sát thọ khổ. Làm sao vị ấy có thể chế ngự nó? Trước tiên, vị ấy quan sát giới của mình. Vị ấy nhớ lại rằng kể từ khi anh trở thành một sa-môn, vị ấy chưa bao giờ phạm bất cứ tội gì và vị ấy có giới thuần tịnh. Lấy giới của mình mà vị ấy đã hành trì làm cảnh đề mục thiền, hỷ (pīti) và hân hoan (pāmojja) sanh và vì vậy vị ấy có thể tạm gác lại nỗi đau của cả hai chân gãy.
Sau đó, bằng việc chế ngự cơn đau bằng hỷ (pīti) và hân hoan (pāmojja), vị ấy chuyển sang tu tập thiền quán (vipassanā). Vào lúc bình minh, vị ấy trở thành một bậc Ứng cúng. Khi ấy, ngài đã thốt ra những lời như vầy:
‘Đã bị gãy cả hai chân,
Tôi sẽ cho bạn sự cam đoan của tôi,
Tôi sẽ xấu hổ nếu chết với ái.
Đã xem xét như vậy,
Tôi đã tu tập quán (vipassanā) thấy sự thật như thật.
Khi bình minh ló dạng, tôi đã trở thành một bậc Ứng cúng.’
Lý do để tự mình làm gãy chân là vị ấy xấu hổ vì khi chết có ái (sarāga-maraṇa) như một người phàm phu (puthujjana). Cho dù vị ấy đã bị giết hay không, đã không được đề cập trong bài kinh. Chắc chắn phải nói, vị ấy đã đắc được Thánh Pháp, và trở thành một bậc Ứng cúng. Vì vậy, một người có giới có thể chinh phục thọ khổ (dukkha vedanā) đã hứng chịu như một người phàm, do đó khuể phẫn tiềm thùy (paṭighānusaya) sẽ không xảy ra.
Bây giờ, hãy nói về một câu chuyện khác. Sau khi nhận sự hướng dẫn thiền từ đức Phật, ba mươi vị sa-môn đã bàn và đi đến một thỏa thuận giữa họ để thiền trong một khu rừng rất sâu. Một ngày nọ, khi họ đang tu tập thiền, một con hổ đến bắt và mang một sa-môn đi. Vị ấy không gây ra bất cứ tiếng ồn nào để làm con hổ sợ hãi khi bị nó mang đi, để làm náo động các sa-môn khác trong thiền.
Khi cuộc họp của các sa-môn được tổ chức vài ngày sau đó, các sa-môn không có đủ mặt. Bốn hay năm sa-môn đã vắng mặt. Khi điều tra về nơi ở của các sa-môn mất tích, họ có thể đoán có những nguy hiểm xung quanh họ. Họ quyết định rằng khi đối mặt với một số nguy hiểm, họ phải báo tin cho nhau biết; nếu bị hổ bắt thì họ có thể hét lên để được giúp đỡ.
Vào ngày kế, con hổ đến lần nữa. Con hổ thích ăn thịt người, cũng như người thích thịt lợn. Nó bắt đầu đến gần một sa-môn, vồ ngay lấy vị ấy và sau đó mang vị ấy đi. Vị ấy hét lên: ‘Hổ! Hổ!’ Khi các sa-môn khác nghe tiếng kêu của vị ấy, họ bước ra từ chòi thiền của họ, lấy gậy và đuốc lửa, họ bắt đầu đuổi theo và đã đuổi con hổ. Con hổ ngậm cổ họng của vị sa-môn ấy, nhảy qua một ngọn đồi và chạy đến ngọn đồi kế sau. Các sa-môn không thể đuổi theo nữa. Họ đã hợp lại với nhau và hét lên để khuyên vị ấy: “Hỡi bạn thân mến, không có cách nào chúng tôi có thể cứu bạn được nữa. Mong bạn hãy tự cứu mình. Đây là lúc để cho thấy sự xuất chúng của bạn là một sa-môn!”
Vị sa-môn đó giữ tâm mình yên tịnh. Con hổ đã cắn vị ấy ở cổ họng và thậm chí vị ấy không thể cử động. Nhưng vị ấy vẫn chưa chết. Khi hổ đến nơi của nó, nó bắt đầu ăn thịt vị sa-môn từ chân. Vị ấy thiền về khổ, mà không liên kết với khái niệm về “ta” hay “con hổ đang ăn thân của ta”, và chỉ quan sát những thọ khổ sanh ở thân. Nó sẽ rất khó để làm như vậy, nhưng vị ấy đã kiềm chế để làm. (Trên thực tế, Sri Lanka không có con hổ mà có con voi và con báo. Ấn Độ và Myanmar có con hổ. Câu chuyện này có thể đã xảy ra ở Ấn Độ.)
Khi con hổ cắn ở mắt cá chân của vị ấy, vị ấy đã trở thành một bậc Nhập lưu (sotāpanna); đến đầu gối của vị ấy, vị ấy đã trở thành một bậc Nhất lai (sakadāgāmī); và đến đùi của vị ấy, vị ấy trở thành một bậc Bất lai (anāgāmī). Trước khi con hổ ăn trái tim của vị ấy, vị ấy đã trở thành một bậc Ứng cúng (Arahant). Vị ấy là một anh hùng thực sự.
Sự khác nhau giữa một phàm phu và một bậc Thánh
Tóm lại, một người có giới thực sự, dù ở trạng thái phàm phu, có thể kiểm soát tâm của mình và có thể thiền để thắng thọ khổ cho đến khi người ấy đạt được Thánh Pháp.
Mặt khác, những người phàm hay những người không học, họ không thể kiểm soát, tâm của họ cảm thấy sầu (soka) và ưu (domanassa) khi thọ khổ sanh. Khuể phẫn tiềm thùy (paṭighānusaya) đã xảy ra trong họ. Sau đó, họ tìm dục lạc và vì vậy ái tiềm thùy (rāgānusaya) cũng xảy ra. Vô minh tiềm thùy (avijjānusaya) cũng bao gồm vì họ không biết lối thoát. Những tiềm thùy (anusaya) này xảy ra không biết bao nhiêu lần. Vị ấy sẽ có cả hai loại khổ - khổ về thân (kāyika dukkha) và khổ về danh (cetasika dukkha).
Chư Thánh không như vậy. Các ngài có thể niệm biết theo thọ khổ để khuể phẫn tiềm thùy (paṭighānusaya) không sanh. Các ngài sẽ không mong mỏi, khao khát hạnh phúc trong các dục, vì vậy ái tiềm thùy (rāgānusaya) không đến. Các ngài cũng biết thực tính của thọ, do đó vô minh tiềm thùy (avijjānusaya) không đến. Vì vậy, tham (lobha), sân (dosa) cũng như si (moha) hay vô minh (avijjā) sẽ không xảy ra. Chúng ta có thể nói rằng những bậc Thánh (Ariya) đã xa lìa tham, sân và si thành công, và các ngài đã thoát khỏi tất cả khổ liên quan đến vòng sanh tử luân hồi.
Đức Phật đã giảng quan sát theo thọ trong bài kinh về Cái Gai nhọn (Salla-sutta). Đây là thiền quán (vipassanā) có thể đưa người tu thiền đến Níp-bàn (Nibbāna). Cho nên, thưa quí thính giả thân mến, mong các bạn thiền về thọ, để:
i. Ái tiềm thùy (rāgānusaya) sẽ không xảy ra khi thọ lạc (sukha vedanā) đến.
ii. Khuể phẫn tiềm thùy (paṭighānusaya) sẽ không xảy ra khi đau đớn hay thọ khổ (dukkha vedanā) đến.
iii. Vô minh tiềm thùy (avijjānusaya) sẽ không xảy ra khi thọ phi khổ phi lạc (adukkhamasukha vedanā) đến.
Để xa lìa các pháp tiềm thùy (anusaya), bạn cần tu tập thiền quán (vipassanā). Sau đó, bạn có thể thoát khỏi tất cả pháp triền (saṃyojana). Tất cả những khổ đã hứng chịu trong các vòng luân hồi sẽ diệt và bạn có thể đạt được an lạc và hạnh phúc tối thượng - Nibbāna. Mong bạn hoan hỷ trong thời nói pháp này và tu tập thành công trong thiền quán (vipassanā) của bạn.
Tham khảo: Tất cả các từ và câu tiếng Pāḷi được trích từ Chaṭṭha Saṅgāyana Tipiṭaka Phiên bản 4.0 (CST4) được cung cấp bởi Viện nghiên cứu Vipassanā.
---
Tiểu sử của Dr. Nandamālābhivaṃsa
Sayadaw Dr. Nandamālābhivaṃsa, sinh ở Myanmar năm 1940, bắt đầu đường học vấn của Ngài ở Mandalay. Vào năm 16 tuổi, Ngài đã thi đậu kỳ thi Dhammācariya (Pháp sư); và năm 21 tuổi, Ngài đã vượt qua kỳ kiểm tra khó về Abhivaṃsa. Ngài cũng học tập ở Sri Lanka tại Đại học Kelaniya, Colombo lấy bằng Thạc sĩ và đạt được bằng tiến sĩ tại India.
Bởi vì kiến thức tuyệt vời của ngài về kinh điển Phật giáo và kinh nghiệm giảng dạy của mình, ngài đã được khen tặng với nhiều danh hiệu cao quý và trách nhiệm như Aggamahāganthavācakapaṇḍita và Aggamahāpaṇḍita.
- Hiệu trưởng Đại học Truyền giáo Phật giáo Nguyên Thủy Quốc tế (Theravāda Buddhist Missionary University) (ITBMU).
- Hiệu trưởng của Học viện Phật giáo Quốc tế Sītagu (Sītagu International Buddhist Academy) (Sagaing Hills).
- Hiệu trưởng Học viện Quốc tế Abhidhamma (International Institute of Abhidhamma) (Yangon).
- Padhāna-Nāyaka của Học viện Mahāsubhodhārāma (Sagaing).
- Padhāna-Nāyaka của Học viện Sadhammajotaka Subhodhārāma (Monywa).
Ngài là trụ trì theo truyền thống, tu viện nổi tiếng Mahāsubodhayon (Học viện Mahāsubhodhārāma) ở Sagaing Hills. Ngài thành lập Dhammavijjālaya, Trung tâm nghiên cứu Phật giáo, liền kề Tu viện Mahāsubodhayon cho người nước ngoài tha thiết việc học và thực hành của họ thêm nữa. Ngài cũng thành lập trung tâm học Phật giáo mới gọi là Trung tâm Dhammasahāya Sāsanā (IDE Institute of Dhamma Education) ở Pyin Oo Lwin.
Ngài là Hiệu trưởng của Đại học Truyền dạy Phật giáo Theravāda Quốc tế, nơi tạo cơ hội cho người nước ngoài và người Myanmar đến học Phật pháp lấy Bằng tốt nghiệp lên đến trình độ Tiến sĩ về Anh ngữ.
Ở Myanmar và nước ngoài, cả một số năm ở Châu Âu, ngài đã giảng dạy nhiều khóa học chủ yếu về Abhidhamma và Vipassanā cho các giáo viên Vipassanā, học sinh và người tu thiền phương Tây.
Phương pháp giảng dạy của Sayadaw Dr. Nandamāla có cách tiếp cận riêng, sinh động và thiết thực, sử dụng các ví dụ từ đời sống hàng ngày, cũng như từ các luận thuyết và chú giải của Suttanta và Abhidhamma. Sayadaw giảng dạy bằng tiếng Anh và rất vui vẻ và có lòng từ (mettā).