PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
THERAVĀDA
-----
LUẬT XUẤT GIA
Quyển hạ
TỨ THANH TỊNH GIỚI
(CATUPĀRISUDDHISĪLA)
---
Soạn giả
TRƯỞNG LÃO HỘ TÔNG
(VAṄSARAKKHITA MAHĀTHERA)
TỨ THANH TỊNH GIỚI (CATUPĀRISUDDHISILA)
1) Biệt biệt giải thoát thu thúc giới (pātimokkhasaṃvarasīla);
2) Lục căn thu thúc giới (indriyasaṃvarasīla);
3) Chánh mạng thu thúc giới (ājīvapārisuddhisīla);
4) Quán tưởng thọ vật dụng giới (paccayasannisstasīla).
I. Biệt Biệt Giải Thoát Thu Thúc Giới (Pātimokkhasaṃvarasīla)
Trong 4 giới trong sạch, xin giải về: “Biệt biệt giải thoát thu thúc giới” là sự thu thúc theo điều học trong giới bổn trước.
Giới mà đức Thế Tôn đã tự thuyết rằng: “Tỳ khưu trong giáo pháp này, đã thu thúc theo giới bổn, đều đủ cả ācāra và gocāra, là người đã thọ trì những điều học, hay có lòng lo sợ tội lỗi, dầu là nhỏ nhen chút ít. Như thế gọi là: “Biệt biệt giải thoát thu thúc giới”.
Tiếng pātimokkha[1] nghĩa là “Pháp mà người đã thọ trì đúng đắn rồi, nó hằng làm cho người đó được thoát khỏi sự thống khổ, nhứt là khỏi khổ trong bốn đường dữ (cầm thú, a-tu-la, ngạ quỉ, địa ngục)”. Tất cả điều học mà đức Thế Tôn đã chế định, hiệp lại gọi là pātimokkha ấy, có thể làm cho người thọ trì theo được nhiều điều lợi ích cao thượng, như đã có giải. Câu nói: “Thu thúc theo pātimokkha”, là nói được thu thúc điều học mà đức Thế Tôn đã truyền răn để lại.
1. Giải về tiếng ācāra và anācāra
Phẩm cách người mong được điều hữu ích, phải cố gắng hành theo, gọi là ācāra, trái lại gọi là anācāra.
Trước hết, xin giải về tiếng anācāra, vì hai pháp ấy có sự tương phản cùng nhau: anācāra về đàng dữ, ācāra về đàng lành. Tiếng anācāra là nói về sự hành ác, do nghiệp thân, nghiệp khẩu, hoặc luôn cả nghiệp thân và khẩu, tức là nói về sự phá giới.
Còn sự nuôi mạng không chơn chánh, là nói về tỳ khưu nuôi mạng nhờ:
1) giả làm cách tề chỉnh;
2) giả làm cách vui vẻ;
3) nói ướm;
4) giả bộ dọa dẫm;
5) được nơi đây đem cho nơi kia, được nơi kia đem cho nơi đây;
6) cho tre;
7) cho lá cây;
8) cho bông hoa;
9) cho trái cây;
10) cho cây xỉa răng;
11) cho nước rửa mặt;
12) cho vật để tắm;
13) cho vật thoa dồi;
14) cho đất (của tăng);
15) tôn kính kẻ thế;
16) thật ít, dối nhiều;
17) giữ giùm con cho người;
18) làm tay sai cho người;
19) làm thầy thuốc cho người;
20) làm kẻ đem tin cho người;
21) chịu cho người sai khiến;
22) đem cơm cho người rồi đi khất thực sau mà ăn;
23) cho đi, cho lại;
24) xem thiên văn địa lý;
25) xem ngày tháng, sao hạn cho người;
26) xem tài tướng và xem thai đàn bà (đẻ trai hay đẻ gái). Nếu tỳ khưu có lòng ham muốn mong được lợi để nuôi mạng theo 26 điều tà mạng trên đây, chẳng được gọi là tỳ khưu (trừ ra không có lòng ham muốn thì không kể).
Anācāra chia ra có 2 nghiệp: kāvika: hành tà do nghiệp thân; vācāsika: hành tà do nghiệp khẩu. Giải: tỳ khưu khi vào giữa giáo hội không lòng cung kính, đứng, ngồi, đụng, chạm, lấn lướt vị cao hạ hơn mình; đứng hoặc ngồi trước vị cao hạ, đứng hoặc ngồi cao hơn vị cao hạ; nói múa tay trước mặt vị cao hạ; vị cao hạ đi chân mà mình mang giày hoặc vị cao hạ ở thấp mà mình ở cao; đứng hoặc ngồi không ngay thẳng; không cho phép vị thấp hạ ngồi; để củi trong nhà khói mà không cho vị cao hạ hay; đi tắm không nhường cho vị cao hạ; lúc tắm và khi tắm xong lên, đi vào xóm hoặc ra xóm cũng như thế; hoặc đi đến nhà nào, vào buồng của người đã khép cửa; có phụ nữ ngồi đâu lại đi vào nơi ấy; vò đầu kẻ trai hoặc gái, các sự hành động như thế gọi là anācāra; hành tà do nghiệp thân.
Có vị tỳ khưu khi vào giữa giáo hội nói những lời vô lễ, không bạch trước với vị cao hạ mà thuyết pháp, hỏi hoặc giảng giới bổn (pātimokkha) đứng nói, múa tay; nếu đi vào xóm thấy phụ nữ, trẻ, hoặc già, kêu nói: cô này, có cháo không? Có cơm không? Có bánh không? Có gì ... ta ăn, uống? ... Có chi dùng? Các cô này! Có chi dâng cho ta v.v... Những lời nói ấy là anācāra, hành tà do nghiệp khẩu.
Còn về ācāra tức là thu thúc theo giới luật trái hẳn với anācāra như đã giải trên, và cũng chia ra có 2 nghiệp: nghiệp thân và nghiệp khẩu, giống nhau. Người học Phật nên lấy đó làm nơi xu hướng.
Tóm lại, tiếng ācāra để nói về phẩm cách vị tỳ khưu có lòng tôn kính và nghiêm trì giới luật, có sự hổ thẹn và gớm ghê những điều tội lỗi, ăn mặc theo điều “Ưng học pháp” (sekhiyavatta), đi tới, thối lui, xem trước nhắm sau, ngồi, đứng phải phép đáng cho người kính nhường, mắt ngó xuống, oai nghi chơn chánh, lục căn thanh tịnh, có sự tiết độ, có trí nhớ, có sự biết mình satisampajañña, ít tham muốn, có độ lượng, không hay trà trộn cùng kẻ thế, hoặc thiên vị theo đảng phái, biết đền ơn trả thảo, tôn kính người đáng tôn kính ...
Những sự hành động ấy gọi là ācāra, hành đúng luật do nghiệp thân và nghiệp khẩu.
Cảnh vật[2] mà lục căn thường xu hướng theo gọi là gocāra.
Giải: lục dục nếu nói cho tột lý thì có cả dữ và lành. Dữ là tư cách làm cho phát sanh tội, nhất là phạm giới. Lành là tư cách làm cho phát sanh phước, nhất là gìn giữ giới luật cho trong sạch.
Giải về tiếng agocāra, đức Phật có tự thuyết rằng: “Tỳ khưu thường hay thân cận phụ nữ, bán nam, bán nữ, tỳ khưu ni, hàng rượu hoặc lưu luyến theo vua chúa, quan lại, người cao sang, phú hộ, kẻ dữ, người không tín ngưỡng tam bảo, hạng khinh rẻ Phật pháp, hay gây gổ cùng tín đồ và tăng chúng. Xu hướng theo những điều ấy gọi là agocāra, trái lại là gocāra”.
Gocāra chia ra có 3 điều:
1) upanissayagocāra: nơi nương nhờ có thể làm cho đức hạnh phát sanh, như thân cận cùng bậc thiện trí thức;
2) ārakkhagocāra: cái có thể gìn giữ lục căn thanh tịnh, như trí nhớ;
3) upanibandhagocāra: phương pháp trau dồi có thể buộc chặt cái tâm, như phép Tứ Niệm xứ.
Giải: những bậc thiện trí thức có đủ 10 lời nói trong sạch[3] hoặc cao minh, hằng tế độ người nương theo Phật pháp, cho được nghe chơn lý chưa từng nghe, nghe được rồi càng thêm ngưỡng mộ, làm cho người hết sự hoài nghi, phát sanh chánh kiến. Những bậc có đủ các pháp: tín, giới, văn[4], thí, tuệ, mà người nào đã nương theo rồi hằng được hưởng điều hạnh phúc, như thế gọi là upanissayagocāra.
Giải về tiếng ārakkhagocāra, đức Phật có tự thuyết rằng: tỳ khưu khi đi vào xóm hoặc đi ngoài lộ, mắt thường ngó xuống, xa lối 1 sải, đi đứng cẩn thận, nghiêm trang không xem xe cộ, ngựa, voi, ... nhất là không để ý đến kẻ bộ hành (trai, gái), không ngó phía trên, nhìn phía dưới ... như thế gọi là ārakkhagocāra.
Còn về upanibandhagocāra, đức Thế Tôn chỉ ngay về pháp Tứ Niệm xứ[5] dạy người tu Phật phải dùng pháp ấy để buộc chặt cái tâm như sau này: Yathāthambhe nibandheyya vacchaṃ damannaro idha bandheyyevaṃ sakkaṃ cittaṃ satiyā rammanedalham. Nghĩa là: trong vũ trụ này, những người khi tập luyện bò con, cần phải buộc chặt nó đứng yên nơi cây trụ, ví như hành giả, khi tu tâm cũng phải dùng pháp Tứ Niệm xứ để buộc chặt cái tâm, mới có thể gìn giữ tâm được yên tịnh. Đó gọi là upanibandhagocāra.
Đức Như Lai kể ācāra và gocāra vào trong giới bổn vì là: giới của tỳ khưu được trong sạch là nhờ có hành thêm ācāra và gocāra. Nhơn đó, đức Phật mới để pháp ācāra và gocāra chung với giới bổn.
3. Giải về tiếng “lo sợ nhỏ nhen chút ít”
Trong điều ưng học pháp sekkhiyavatta và khandhakavatta v.v... điều học nào thuộc về vô ý mà phạm thì cũng bị tội cho nên gọi là tội “nhỏ nhen chút ít”.
Đối với bậc trí tuệ, dầu là tội nhỏ nhen chút ít, các ngài cũng chẳng dám dể duôi phạm đến. Sự lo sợ của các ngài làm cho các ngài thấy những tội ấy lớn bằng núi Tu-di, cao đến 84000 do tuần. Bằng không, với tội nhẹ hơn hết, như tội ác khẩu, các ngài cũng rất lo sợ, xem như đại tội “Bất cộng trụ”. Chẳng phải cũng chỉ thế thôi, cho đến những nghiệp nhỏ nhen mà đức Phật nói “không phải là tội, không phải là sự dể duôi”, các ngài cũng chẳng phạm. Phẩm cách của bậc trí tuệ lo sợ tội lỗi nhỏ nhen chút ít là như thế ấy.
Thọ trì một việc nào là việc phụ thuộc của những điều học “9 điều của đức Phật đã chế định”[6] và gìn giữ hành theo cho đều đủ, như thế gọi là đều đủ theo tất cả điều học.
Tất cả pháp đã giải đều gọi là biệt biệt giải thoát giới – pātimokkha saṃvarasīla.
4. Kết luận trong Biệt biệt giải thoát thu thúc giới
Thật vậy, “Biệt biệt giải thoát thu thúc giới” mà được trong sạch là nhờ có đức tin. Điều học mà đức Phật đã chế định ấy, vược qua khỏi tuệ lực của chư Thinh văn, nên chính mình đức Phật mới có thể chế định được. Nhân đó, các tỳ khưu phải thọ trì điều học, chẳng nên tiếc sự sống mà phạm giới, phải hành theo bài kệ sau đây: Pātimokkhaṃ visadhento appevajīvitaṃ jahe paññattaṃ lokanāthena na bhinde sīlasaṃvaraṃ. Nghĩa là: người có đức tin, khi đã thọ trì giới bổn, nên liều thác, chẳng nên phạm giới của đức Phật đã chế định.
Giải rằng: Chim tê-hoạch liều chết ráng gìn giữ trứng của nó thế nào, thú cāramī liều chết ráng gìn giữ lông nó thế nào, người bá hộ có một trai, rất trìu mến, ráng gìn giữ đứa con đó thế nào, kẻ hư 1 mắt ráng gìn giữ mắt lành kia thế nào, thì các người phải ráng thọ trì giới của mình như thế ấy. Hãy lấy nó làm nơi chí thiết, làm cho giới được trong sạch hoàn toàn cũng như mấy điều kể trên đây.
II. Lục Căn Thu Thúc Giới (indriyasamvarasīla).
Đức Thế Tôn đã tự thuyết rằng: “Tỳ khưu đã thọ trì giới bổn rồi, nếu mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi hửi mùi, lưỡi nếm vị, thân tiếp xúc, tâm biết các pháp mà chẳng cảm xúc, tinh tấn gìn giữ lục căn, không cho ác pháp (tham, sân, si) đè nén được, như thế gọi là lục căn thu thúc giới”.
1. Giải về tiếng “chẳng cảm xúc”
Chẳng cảm xúc là chẳng vì sự tiếp xúc mà cảm động, phân biệt rằng đây là phụ nữ, đây là nam nhân, đây đẹp, đây không đẹp, đây ngon, đây không ngon, v.v... chỉ phải ở trong phạm vi thấy nghe mà thôi.
2. Giải về tiếng “tinh tấn gìn giữ lục căn”
Phải tinh tấn cẩn thận, chăm chỉ không cho lục trần thâm nhập lục căn, ngăn ngừa không cho cảnh nghịch làm cho phát sanh sự thương ghét vào nhiễu loạn tâm linh. Nếu có cảnh nghịch tiếp xúc, phải dùng trí nhớ cản ngăn, nghĩa là, đừng hững hờ để cho tâm duyên theo hoàn cảnh. Phải tinh tấn hành theo pháp ācāra và gocāra cho đều đủ (như đã giải trong đề Biệt biệt giải thoát thu thúc giới).
Sự tinh tấn như thế chỉ để ngăn ngừa lục căn không cho ác pháp (tham, sân, si) vào làm hại thiện pháp trong tâm. Bởi vì ác pháp vào được rồi, thì nó làm tiêu hoại các điều lành trong tâm, ví như đạo tặc vào nhà vậy.
Trong Lục căn thu thúc giới có những điều để phân biệt pháp thu thúc với pháp không thu thúc, khi những điều ấy chưa phát sanh thì không thể gọi là thu thúc hoặc không thu thúc được.
Thế nào gọi là pháp thu thúc (samvaradharma), thế nào gọi là pháp không thu thúc (asamvaradharma)? 5 pháp để phân biệt thu thúc là: sīlasaṃvara: pháp thu thúc tức là giới; satisaṃvara: pháp thu thúc tức là trí nhớ; nānasaṃvara: pháp thu thúc tức là trí tuệ; khantisaṃvara: pháp thu thúc tức là nhịn nhục; viriyasaṃvara: pháp thu thúc tức là tinh tấn. 5 pháp để phân biệt không thu thúc: dussīla: phá giới; mutthasacca: hay quên; aññāna: không trí tuệ; akkhanti: không nhịn nhục; kosajja: lười biếng.
Giải: Khi 1 trong 6 trần tiếp xúc với 1 căn nào mà có 1 trong 5 pháp thu thúc phát sanh thì phải biết rằng căn ấy tỳ khưu đã thu thúc trong sạch rồi. Trái lại, nếu có 1 trong 5 pháp không thu thúc phát sanh, thì nên biết rằng căn ấy, tỳ khưu không thu thúc. Sự thu thúc và không thu thúc chẳng phải chỉ phát sanh trong 1 căn thôi đâu (chúng nó có thể phát sanh trong tất cả lục căn).
Muốn biết những sự thu thúc và không thu thúc phát sanh, cần phải biết con đường đi từng bậc của tâm. Đây xin giải: con đường đi của tâm trong nhãn căn. Khi sắc trần tiếp xúc mắt thì những hiện tượng biết động tiếp tục phát sanh, trước hết:
1) bhavanga: tâm thường tịnh phát sanh 2 sát-na (khana), nghĩa là rung động tâm thường tịnh 2 sát-na[7] rồi diệt;
2) kiriyāmanodhātu: là cái tâm tìm kiếm sắc trần làm cho sự tìm kiếm (āvajjanakicca) sắc trần ấy phát sanh 1 sát-na rồi diệt;
3) cakkhuviññāna: nhãn thức, nghĩa là sự biết sắc trong nhãn căn làm cho sự thấy (dussanakicca) sắc trần ấy phát sanh 1 sát-na rồi diệt;
4) vipākamanodhātu: tâm dung nạp sắc trần làm cho sự dung nạp ấy phát sanh lên 1 sát-na rồi diệt;
5) vipākahetuka manoviññānadhātu: tâm xem xét chu đáo làm cho sự xem xét chu đáo (santīranakicca) ấy phát sanh 1 sát-na rồi diệt;
6) kiriyāhetuka manoviññānadhātu: tâm ghi chép sắc trần làm cho sự ghi chép (voṭṭhapanakicca) ấy phát sanh 1 sát-na rồi diệt;
7) sau rốt javana: tâm tốc lực[8] tùy theo trạng thái của cảnh giới, làm cho phát sanh pháp thu thúc hoặc không thu thúc.
Khi tâm thường tịnh (bhavanga) mới phát sanh thì chưa được gọi rằng thu thúc hoặc không thu thúc. Chỉ đến khi sát-na javana phát sanh mới có thể nhất định được. Bởi tất cả các pháp để phân biện cho biết có thu thúc cùng không thu thúc đều chỉ phát sanh trong sát-na cuối cùng là javana thôi.
Chỗ nói “phải cẩn thận trí nhớ và ráng gìn giữ 6 căn không cho các pháp là tham, sân đè nén được” là chỉ rõ rằng: khi tham, sân không đè nén được thì gọi là thu thúc. Nếu để chúng nó đè nén được thì gọi là không thu thúc. Xin ví dụ cả thân thể như nhà, 6 căn như cửa ngoài nhà, đường đi của tâm ví như buồng trong nhà, trí nhớ như người giữ cửa. Tất cả 5 pháp thu thúc ví như cửa cái, 1 trong 6 trần ví như kẻ dắt đường, tham và sân ví như kẻ cướp; cả 5 pháp không thu thúc ví như bọn tùy tùng của kẻ cướp. Khi người gác cửa tức là trí nhớ quên phận sự mình thì tất nhiên kẻ dắt đường, chính là 1 trong 6 trần, sẽ thừa dịp ấy dẫn kẻ cướp, tức là tham và sân, vào nhà. Kẻ cướp ấy tức là tham, sân, ắt đem theo bọn tùy tùng, tức là 5 pháp không thu thúc xông vào phá buồng trong nhà, tức là đường đi của tâm, để cướp lấy tài sản, tức là thiện pháp (pháp thu thúc).
Vì vậy, cho nên cần phải tinh tấn giữ gìn 6 căn cho cẩn thận, chớ nên hờ hững để cho giác quan phóng túng như mắt hay xem sắc, tai hay nghe tiếng v.v... Những lời đã giải gọi là: “Lục căn thu thúc giới”.
4. Kết luận Lục căn thu thúc giới
Nhờ có trí nhớ mà tỳ khưu gìn giữ 6 căn được thanh tịnh, làm cho các ác pháp, nhất là tham, sân không thể đè nén cái tâm trong sạch được.
Có lời khen rằng “Thu thúc lục căn giới mà được kết quả mỹ mãn rồi, có thể bảo tồn giới bổn được lâu dài, ví như cây lúa mà người gìn giữ tốt tươi, là nhờ có hàng rào kín đáo, ví như tỳ khưu không thể bị đạo tặc phá quấy, tức là các phiền não vào làm hại, hoặc giả ví như 1 xứ kia được quan quân canh giữ các cửa thành rất cẩn thận làm cho bọn giặc không sao xâm nhập được”. Hiệp theo Phật ngôn rằng: Rupesu saddesu adhorasesu gandhesu, phassesu, ca rakkhatindriyaṃ ete hi dvārā pidahitā susamvutā na haranti gāmamva parassa hārino. Nghĩa là: Con người phải gìn giữ lục căn không cho điều nguy hiểm tai hại phát sanh, vì sắc, thinh, hương, vị, xúc, bởi khi các cửa nhất là nhãn căn, mà người đã đóng khít khao rồi, thì chẳng bị cái chi là hại được, ví như trong xứ mà người đã đóng kín cửa thành chắc chắn, thì đạo tặc cũng không sao vào phá hại dân chúng được.
Lại nữa, nếu tỳ khưu nào đã thu thúc lục căn rồi, vì lòng tham dục không sao phá hại tâm của vị đó được, ví như giọt mưa không thể xoi thủng mái nhà đã lợp khít khao vậy. Đúng theo Phật ngôn rằng: Yathā agāraṃ succhannaṃ vuṭṭhi na samativījjhati evaṃ subhāvitaṃ cittaṃ rāgo na samativījjhati. Nghĩa là: Giọt mưa không thể xoi thủng mái nhà mà người đã lợp khít khao thế nào, lòng tham dục cũng không sao xâm nhập vào tâm của người đã trau dồi đúng đắn được.
Những hành giả nào khi đã thấy rõ các đức của sự thu thúc và những tội của sự không thu thúc thì chẳng nên giải đãi, phải hết lòng tinh tấn gìn giữ lục căn theo lời chú giải sau này: Makkato va yāvajivika araññamhi vane bhanto migo viya bālo viya ca uttāsito na chavelolalocano adhe khipeyya cakkhūni yugamattadasso siyā vanamakkatalolassa na cittassa vasaṃ vaje. Nghĩa là: những người nào mong được sự lợi ích, thì mắt chẳng nên láo liên như khỉ trên cây, như thú nhút nhát trong rừng[9], như trẻ con sợ hãi vì xa thân quyến. Theo giới luật thì trong khi đi đứng phải ngó xuống, xem chung quanh mình lối 2 thước, chẳng nể chiều theo vọng tâm, xét cái này, suy cái khác như khỉ trong rừng vậy.
III. Chánh Mạng Thanh Tịnh Giới (ājīvapārisuddhisīla).
Cách nuôi mạng theo lẽ chánh của tỳ khưu, không phạm 6 điều học mà đức Phật đã chế định vì nguyên nhân tà mạng, hoặc chẳng phạm nhất là 5 ác pháp, như thế gọi là giới nuôi mạng trong sạch.
Sáu điều học này mà đức Phật đã chế định là:
1) tỳ khưu chỉ vì nguyên nhân nuôi sanh mạng, có sự tham muốn xấu xa, bị lòng tham đè nén rồi khoe pháp của bậc cao nhơn (pháp đại định hoặc là pháp thánh) mà mình chưa đắc, phạm tội bất cộng trụ;
2) tỳ khưu chỉ vì nuôi sanh mạng, làm mai dong, nói cho trai vừa lòng gái, gái đẹp lòng trai phạm tội tăng tàn;
3) tỳ khưu khoe pháp của bậc cao nhơn, nói không ngay, chỉ nói mí rằng “các ngài hãy xem tỳ khưu nào ở trong tịnh xá của các ngài, chính vị tỳ khưu ấy là bậc A-la-hán vậy”, cách khoe mình như thế chỉ vì sự nuôi sanh mạng phạm tội Trọng tội;
4) tỳ khưu vô bịnh chỉ vì sự nuôi sanh mạng xin vật cao lương để dùng, phạm ưng đối trị;
5) tỳ khưu ni vô bịnh chỉ vì sự nuôi sanh mạng xin vật thực để dùng, phạm ưng phát lộ;
6) tỳ khưu vô bịnh xin vật thực để dùng phạm tác ác.
Năm ác pháp là pháp đê hèn, tội lỗi mà bậc tu hành phải xa lánh là: kuhanā, lapanā, nemittikatā, nippesikatā, lābhenalabhaṃ nijjigimsanatā.
- Trong ác pháp thứ nhất - kuhanā giải rằng: tỳ khưu dục lợi muốn được người tôn kính và khen tặng, nói dối để khoe đạo đức cao thượng mà mình không có và tìm nói dối như mấy cách sau này:
Paccayapatisevana: Phương pháp nói dối về sự thọ lãnh vật dụng. Giải: có hạng tỳ khưu được thí chủ thỉnh đến dâng cúng 4 vật dụng, tuy tâm mong mỏi được mấy món ấy, nhưng giả bộ từ chối, làm cho người tưởng rằng mình là kẻ ít tham, không cần vật quí giá, chỉ dùng vật thấp hèn thôi (như dùng y dơ của người bỏ). Vì lẽ ấy nên thí chủ thật lòng tín ngưỡng mình. Lần sau họ đem nhiều vật đến dâng cúng mới chịu thọ lãnh và kiếm thế chữa mình rằng: “Ta chẳng phải tham dùng các món ấy, nhưng muốn cho quí ngài vui lòng được phước, nên phải buộc mình thọ lãnh”. Chẳng phải chỉ giả dối trong những nơi ấy, mà còn làm ra dáng cao thượng nữa, cho người càng thêm tôn trọng mình. Các cách hành động như thế gọi là dối trá về sự thọ lãnh vật thực.
Sāmantajappana: tỳ khưu dục lợi, muốn được người khen ngợi, giả trá bằng cách nói mí rằng: “Các ngài nên xem tỳ khưu nào mặc y như vầy, thầy tế độ và thầy giáo thọ của vị tỳ khưu ấy như vầy, tỳ khưu ở trong tịnh xá như vầy v.v... Tỳ khưu như thế là bậc Sa-môn cao thượng, bởi ngài có đạo đức thanh cao”. Hoặc nói nhiều cách khác nữa, hoặc tự khoe mình để cho người khác tán tụng. như thế gọi là sāmantajappana
Iriyapathas ghanisita: hoặc sự giả dối xấu xa bằng cách oai nghi đi đứng. Giải: Có hạng tỳ khưu dục lợi bằng cách đê hèn, muốn được danh lợi nên khoe rằng mình có đạo đức cao thượng, thu thúc oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi) theo dáng bậc cao nhơn, làm cho người lầm tưởng rằng mình có đầy đủ trí tuệ, hoặc đã đắc đại định. Như thế gọi là dối trá bằng cách giả bộ thu thúc oai nghi.
- Trong ác pháp thứ nhì - lapanā giải rằng: tỳ khưu tham muốn xấu xa, mong được tài vật và danh tiếng, khi thấy người đến chùa thì niềm nở hỏi han. Nếu người nói đến thỉnh chư tăng thì tự mình đi thỉnh thế cho, hoặc tự khoe rằng: “Ta được từ vua, chí các quan lớn nhỏ đều kính mến”. Hoặc nói lời này tiếng nọ làm cho thí chủ phải dâng cúng vật dụng cho mình. Như thế gọi là lapanā.
- Trong ác pháp thứ ba - nemittikatā giải rằng: tỳ khưu tham muốn xấu xa mong được vật dụng và danh dự, hành động hoặc nói để cho người phải bố thí tài vật đến mình. Như tỳ khưu thấy, người có vật thực ngon ngọt, làm tuồng như không thấy, giả bộ hỏi thăm bằng thế này thế kia, cho người biết rằng mình cần dùng vật ấy, khiến người phải buộc lòng đem dâng cho mình. Các cử chỉ như thế gọi là nemittikatā.
- Trong ác pháp thứ tư - nippesikatā giải rằng: tỳ khưu dục lợi cách đê hèn, mong được tài vật và danh vọng, ỷ quyền chửi mắng[10] thí chủ, dùng lời này tiếng kia, trách người không biết điều, không tín ngưỡng Phật pháp; nói lén hoặc nói xấu người, hoặc đem đến chuyện xấu nhà này nói nhà kia... như thế gọi là nippesikatā.
- Trong ác pháp thứ năm - lābhenalābham nijigimsanatā giải rằng: tỳ khưu dục lợi cách đê hèn, muốn được tài vật danh tiếng, lấy vật được nơi đây đem cho nơi kia, nhà này để cho nhà nọ, mong được của cải thêm nhiều, như thế gọi là lābhenalābham nijigimsanatā.
Những lẽ giải trên đây gọi là sự tà mạng do 5 ác pháp.
Sự biết vô ích, là tư cách hiểu biết thấp hèn, không có ích lợi chi. Tư cách ấy có nhiều thể thức khác nhau, nhưng đây chỉ lược thuật 8 thể thức:
1) biết sách giải về thân thể học (āngaṃ);
2) biết sách giải về các nguyên nhân khác (nimittaṃ);
3) biết sách giải về thiên văn học (uppātaṃ);
4) biết sách giải về pháp đoán điềm mộng (supinaṃ)[11];
5) biết sách giải về thần tướng học (lākkhanaṃ);
6) biết sách giải về y phục bị chuột cắn[12] (musikacchinnaṃ);
7) biết sách giải về sự cúng dường lửa (aggihomaṃ);
8) biết phương pháp cúng dường vá[13] (dobbihonaṃ).
Tỳ khưu thọ dụng những vật thực của thí chủ có lòng tín thành dâng cúng cho, chẳng nên học hỏi sách tướng để tìm cách nuôi mạng bằng sự biết không hữu ích như giải trên.
Tư cách của tỳ khưu, nhất là sự xa lánh 5 ác pháp và 8 điều biết không hữu ích để tìm thế nuôi mạng trong sạch gọi là hành theo chánh mạng vậy.
4. Kết luận trong pháp chánh mạng
Tỳ khưu chánh mạng do sự tinh tấn, thu thúc theo giới luật, nghĩa là nhờ có sự cố gắng thì pháp chánh mạng mới được trong sạch. Sự trì giới này chỉ nhờ đức tinh tấn chơn chánh, hằng xa lánh các ác pháp và sự biết vô ích như đã giải trên, mới có thể tìm vật dụng một cách trong sạch được. Theo lẽ ấy, tỳ khưu mong được điều lợi ích, chẳng nên thọ lãnh vật dụng nhơ nhớp đê hèn, trái lẽ đạo.
Phải biết vật dụng thế nào là trong sạch thế nào là không trong sạch. Đối với các hạng tỳ khưu không tu hạnh đầu đà, những vật dụng của thiện tín thông luật pháp bố thí đến chư tăng hoặc đến 1, 2, 3 vị tỳ khưu, đều gọi là vật trong sạch. Tuy nhiên, vật dụng được do sự hành khuất, lượm lặt của người thí chủ có tâm thỏa thích trong pháp đầu đà dâng cúng, mới đáng gọi là vật dụng trong sạch. Hoặc vật dụng quí giá hay thấp hèn đã được trong một thời kỳ, tỳ khưu không dùng vật quí, đem dâng cho vị khác và để vật hèn lại cho mình, như thế mới đáng gọi là vật trong sạch cao thượng.
Vật dụng không trong sạch là vật dụng được do sự tà mạng như đã giải trong “Biệt biệt giải thoát thu thúc giới”, trong anācāra, trong 6 điều học, trong 5 ác pháp và trong 8 điều biết vô ích, hoặc vật dụng do sự bom dỗ, làm thầy thuốc mà có hay tự mình mua, đổi. Những vật ấy gọi là vật không trong sạch.
Có lời khen rằng: “Tỳ khưu nào, dầu có sự tai hại đến sanh mạng mình, cũng chẳng thối chuyển trong sự hành theo chánh mạng, thà chết chớ chẳng chịu dùng vật thực không trong sạch, mới đáng gọi là bậc chơn chánh”. Như đại đức Xá Lợi Phất, một thuở nọ, ngài đau bụng gió, tôn giả Mục Kiền Liên hỏi rằng: “Thường khi sư huynh mang bịnh ấy, vậy chớ sư huynh dùng thuốc chi để chuyên trị?” Đức Xá Lợi Phất đáp “Khi còn ở thế bị bịnh này, tôi dùng cơm nấu với sữa tươi không có lộn nước thì bịnh hết”. Trong lúc ấy có 1 vị tỳ khưu nghe được, bèn bảo người nấu cơm y như lời đức Xá Lợi Phất đã nói khi nảy. Ông ta đi khất thực rồi đem về dâng cho đức Xá Lợi Phất, nhưng ngài chẳng chịu dùng, vì cho rằng cơm này phát sanh do lời nói của mình. Ngài bèn thuyết rằng:
“Vacīvaññatti vipphārā
Uppannaṃ madhupāyasaṃ
Sace bhutto bhoveyyāhaṃ
Sājīvo garahito mama
Yadipi me antagunaṃ
Nikkhamitvā bahī care
Nevabhindeyyamājīvaṃ
Cajamānopi jīvitaṃ
Ārādhemi sakaṃ cittaṃ
Vivajjemi anesanaṃ
Nāhaṃ buddhapatikkuṭṭhaṃ
Kāhāmi ca annesanaṃ.”
Nghĩa là: Nếu tôi dùng cơm sữa phát sanh do lời nói của tôi, thì ắt bậc trí tuệ khinh bỉ được. Dầu ruột phải lòi ra ngoài, tôi cũng cam chịu chết, chớ không thối chuyển, để làm hư hoại pháp chánh mạng của tôi. Tôi làm cho tâm tôi phải theo tôi, tôi phải xa lánh vật thực tìm được do tà mạng và không khi nào dám phạm tà mạng mà đức Phật đã răn cấm đâu.
Có lời kệ rằng: Anesanāya cittampi ajanetvā vicakkhano ājīvaṃ parisodheyya saddhāpabbajito yati. Nghĩa là: Những hành giả có trí tuệ, đã xuất gia theo Phật pháp do lòng tính ngưỡng chơn chánh, phải làm cho sự nuôi mạng được trong sạch, không nên chiều theo vọng tâm, thọ lãnh vật dụng thuộc về tà mạng.
IV. Quán Tưởng Về Thọ Vật Dụng Giới (Paccayasannissitasīla).
Giới nương theo 4 vật dụng là nói về tư cách dùng 4 món ấy được trong sạch, nhờ phép quán tưởng.
Tiếng “vật dụng” là nói về vật phải dùng mới có thể sống được. Vật dụng ấy có 4 loại là: civara: vật để mặc, đắp, trùm cho kín thân thể; piṇdapāta: vật để duy trì thân thể; senāsana: chỗ ngồi, chỗ nằm để cho thân thể an nghỉ; gilānabhesajja: thuốc chữa bịnh để hộ thân thể.
Tất cả chúng sanh trong thế gian đều phải dùng 4 vật ấy dầu thế nào cũng phải nhờ 1 trong 4 món ấy mới có thể sống còn được, nên gọi là vật dụng.
Về Dhātupaccavekkhana phải quán tưởng chung với thân thể của mình cho thấy chỉ là nguyên chất “dhātu”, để dứt bỏ sự cố chấp là “ta” hay là “của ta”.
Về patikūlapaccavekkhana phải quán tưởng chung với thân thể của mình cho thấy là vật không sạch, đáng nhờm gớm, để dứt bỏ sự phân biện sai lầm, cho là đẹp là sạch. Nếu trong piṇḍapātapaccaya thì kể vào trong phép thiền định aharapatikūla manasikāra.
Về taṃkhaṇikapaccavekkhana phải quán tưởng trong khi dùng.
Còn về atītapaccavekkhaṇa thì phải quán tưởng thêm khi đã dùng rồi, nội ngày ấy để ngừa, e quên không được quán tưởng trong khi dùng, hầu ngăn lắp lòng ái dục không cho tâm khắn khít trong vật dụng, nhất là để phá huỷ tình dục, sân hận, si mê và ngã chấp không cho phát sanh vì sự thọ dụng ấy.
Nếu tỳ khưu dùng vật dụng mà không quán tưởng, thì sự thọ dụng đó nó chỉ đem lại những thống khổ trong đường dữ, như có Phật ngôn rằng: Ayasāva malaṃ samutthāyataddutthāya, tamava khādati evaṃ atidhonacārinaṃ sānikammāni nayanti duggatiṃ. Nghĩa là: Vật đó sanh từ nơi sắt[14], ra từ nơi sắt, trở lại ăn sắt thế nào, thì các điều tạo tác phát khởi trong tâm, hằng dắt dẫn người làm sái, không cho quán tưởng vật dụng rồi dùng, nên phải chịu sa vào cảnh khổ, cũng như thế ấy.
Sự dùng vật dụng chia ra có 4 phần:
1) dùng như kẻ trộm (theyyaparibhoga): là sự dùng của tỳ khưu phá giới;
2) dùng như kẻ mắc nợ (inaparibhoga): là sự dùng của tỳ khưu có giới nhưng không được quán tưởng;
3) dùng như của di sản phải được (dāyajjaparibhoga): là sự dùng của bậc hữu học[15];
4) dùng như của người chủ (sāmiparibhoga): là sự dùng của hàng vô học (A-la-hán).
Trong sự dùng thứ nhất theyyaparibhoga giải rằng: tỳ khưu phá giới, rồi ẩn mình núp lén thọ vật dụng của thí chủ chung với tăng gọi là trộm vật dụng của thí chủ đem dùng, vì thí chủ chỉ tìm dâng cúng đến tỳ khưu có giới để mong hưởng được nhiều quả phước. Chẳng phải họ tìm dâng đến tỳ khưu phá giới đâu, tỳ khưu phá giới cố ý che mắt người, thọ lãnh và dùng vật dụng, cho nên gọi là trộm của thí chủ. Chẳng những chỉ thế thôi cũng còn gọi là cướp của các tỳ khưu có giới trong sạch nữa. Vì các vật họ dâng cho sự tín ngưỡng ấy, đức Thế Tôn chỉ cho phép các bậc tỳ khưu có giới được thọ hưởng, mà tỳ khưu phá giới lại ẩn mình, che mắt thí chủ, nhận lãnh để dùng. Cho nên gọi là cướp đoạt vật dụng của tỳ khưu có giới.
Trong inaparibhoga giải rằng: tỳ khưu có giới trong sạch, nhưng dùng vật mà không được quán tưởng trong 3 thời, theo 1 trong 4 phép quán tưởng, như thế gọi là dùng vật như kẻ mắc nợ. Tỳ khưu mắc nợ của thí chủ không có thể vẫy vùng cho khỏi khổ sanh tử được, ví như người thiếu nợ không sao đi đến xứ nào theo sở thích được. Bởi cớ ấy, tỳ khưu có giới trong sạch nên quán tưởng trong ý mỗi lần mặc, trong mỗi miếng cơm, trong mỗi chỗ ở, mỗi khi đi vào ngủ. Lúc dùng thuốc, phải quán tưởng luôn trong khi thọ lãnh và trong khi uống.
Trong dāyajjaparibhoga giải rằng: Bậc thánh nhơn hữu học như con của đức Thế Tôn đều được phép thọ lãnh di sản của Ngài. Bốn món vật dụng mà thí chủ hằng bố thí bằng đức tin, ví như di sản của Ngài để lại cho các con. Bởi cớ ấy, sự dùng 4 món vật dụng của bậc hữu học, gọi là dùng di sản mà các bậc hữu học có quyền phải được. Sự dùng của tỳ khưu có giới và được quán tưởng gọi là không mắc nợ (ānanaparibhoga). Như thế cũng được, vì trái hẳn với inaparibhoga hoặc gọi là dāyajjaparibhoga cũng được, vì tỳ khưu có giới ví cũng như bậc hữu học vậy.
Trong sāmiparibhoga giải rằng: Các bậc vô học đã thoát khỏi vòng nô lệ của sự ham muốn. Các ngài được danh hiệu là chủ của vật dụng, vì các ngài dùng vật của người nào, hằng làm cho người ấy được mãn nguyện.
Trong 4 phần thọ dụng ấy có sāmiparibhoga là cao thượng hơn tất cả, dāyajjaparibhoga cao thượng bực trung, còn theyyaparibhoga và inaparibhoga thì không gọi là cao thượng được.
Trong 4 món vật dụng và 4 phép quán tưởng, nếu tỳ khưu không được quán tưởng đều đủ cả vật dụng, đều đủ các phép quán tưởng, chỉ được quán tưởng 1 vật dụng và 1 phép nào trong ngày 1 đêm, vậy paccayasannitasīla của tỳ khưu ấy có hư hoại không, có phạm tội không, do cớ nào? Như thế, paccayasannissitasīla, chưa hư hoại vì giới ấy trong sạch do sự quán tưởng. Miễn là được quán tưởng rồi, dầu chỉ quán tưởng 1 phép trong vật dụng nào 1 lần, hoặc 2 lần cũng được gọi là chưa hư hoại. Trừ ra đến mặt trời mọc lên mà không được quán tưởng lần nào, mới gọi là hư hoại, và tỳ khưu ấy phải bị ở trong vòng inaparibhoga nữa. Ấy là nói về 3 vật dụng trên. Còn về thuốc men, phải quán tưởng trong khi thọ và khi dùng mới nên, nếu không được quán tưởng trong khi thọ, chỉ phải quán tưởng trong khi dùng cũng được. Nếu không được quán tưởng khi dùng, dầu có quán tưởng trong khi thọ cũng phạm tác ác, pātimokkhasamvarasīla cũng hư hoại nữa, nhưng paccayasannissitasīla chưa sao, chỉ khi giới hạn của atītapaccavekkhaṇa đã qua rồi mới hư hoại vì tamkhanikapaccavekkhaṇa trong gilānapaccava gìn giữ được cả pātimokkhasamvarasīla và paccayasannissitasīla, còn atītapaccavekkhaṇa chỉ gìn giữ được paccayasannissitasīla thôi, nghĩa là nếu chỉ được quán tưởng tamkhanikapaccavekkhaṇa rồi atītapaccavekkhaṇa không cần quán tưởng cũng được. Cả 2 giới cũng không hư hoại, nếu không được quán tưởng tamkhanikapaccavekkhaṇa, dầu có quán tưởng atītapaccavekkhaṇa, thì chỉ được có paccayasannissitasīla, còn pātimokkhasamvarasīla phải hư hoại vì tỳ khưu ấy đã phạm tác ác rồi.
3. Kết luận trong thọ vật dụng giới (avasāna kathā paccayasannissita sīla)
Thật vậy, thọ vật dụng giới này, hành giả được kết quả nhờ thế lực của trí tuệ, nghĩa là trí tuệ là pháp hỗ trợ cho được kết quả. Giới ấy chỉ có người trí tuệ thấy rõ tội và phước trong cách thọ 4 vật dụng, mới có thể thành tựu được.
Bởi cớ ấy, hành giả nên dứt sự sa mê theo 4 vật dụng và nên dùng trí tuệ để quán tưởng theo cách thức như đã giải trước, rồi mới nên dùng.
Có lời khen rằng: nếu tỳ khưu hành theo cách thức như thế, tỳ khưu ấy đuợc gọi là người vừa theo lời nguyện đầu tiên[16] của mình đúng theo kệ ngôn như vầy:
Piṇḍaṃ vihāraṃ sayanāsanañca
Āpañca saṅghātirajūpavāhanaṃ
Sutvāna dhammaṃ sugatenadesitaṃ
Sankhāya seve varapaññāsāvako
Tasmāhi piṇḍe sayanāsane ca
Āpe ca saṅghātirajūpavāhane
Etesu dhammesu anūpalitto
Bhikkhu yathā pokkhare vārivindu
Kālena laddhā parato anuggahā
Khajjesu bhojjesu ca sāyanesu ca
Mattaṃ sojañña satataṃ upaṭṭhito
Vaṇassa ālepanarūhane yathā
Kantāre puttamaṃsamva akkhassabbhañjanaṃ yathā.
Evaṃ āhati āhāraṃ yāpanāya amucchito.
Nghĩa là: Hàng thinh văn, người có trí tuệ thanh cao, khi được nghe pháp mà bậc Thiện Thệ đã giảng giải rồi, cần phải quán tưởng trước rồi mới nên dùng: vật ăn, chỗ ngồi, chỗ nằm, thuốc chữa bịnh, nước để giặt, y 2 lớp. Bởi cớ ấy, tỳ khưu không nên say mê trong vật thực, chỗ ngồi, chỗ nằm, thuốc chữa bịnh, nước để giặt, y 2 lớp ấy đâu, phải có tư cách trơn tru không dính mắc, như giọt mưa rớt trên lá sen vậy. Tỳ khưu là người có trí nhớ luôn luôn, cần phải tiết độ trong vật ngọt, vật mặn và các vật thực mà mình đã được theo thời, để tiếp độ thí chủ cũng như dè dặt trong sự rờ rẫm mụt ghẻ do sự thoa thuốc vậy.
Người đi đường xa, cực chẳng đã phải ăn thịt con để gìn giữ sinh mạng trong khoảng đường nguy hiểm, người xa phu bất đắc dĩ mới ăn dầu thoa ốc xe thế nào, thì hành giả buộc lòng thọ thực để duy trì sanh mạng của mình cũng như thế ấy, chẳng nên vì lẽ gì, mà say mê trong vật thực.
4. Phép quán tưởng (Paccayavekkhaṇa)
Những người xuất gia tu Phật phải biết phép quán tưởng ầy hằng ngày, phải học nó cho thông thuộc nằm lòng, cả tiếng Phạn và nghĩa lý.
Các phép quán tưởng ấy có 4 là: y phục để cho người xuất gia dùng nhất là y ca-sa; vật thực để cho người xuất gia được phép ăn từ mặt trời mọc đến đứng bóng, nhất là cơm và bánh; chỗ ngụ để cho người xuất gia an nghỉ; Thuốc để cho người xuất gia dùng ngừa bịnh.
Trong mỗi phép ấy đều có cách quán tưởng khác nhau là: quán tưởng về nguyên chất y phục, quán tưởng về nguyên chất vật thực, quán tưởng về nguyên chất chỗ ở, quán tưởng về nguyên chất thuốc men.
a) Phép quán tưởng về nguyên chất y phục (dhātupaccavekkhaṇa)
Phép quán tưởng này dạy phải thẩm xét trong khi thọ lãnh 4 món vật dùng ấy cho thấy rõ nguyên chất của nó.
Khi thọ lãnh y phục phải quán tưởng bằng cách này: Yathāpaccayaṃpavattamānaṃ dhātumattamevetaṃ yadidaṃ civaraṃ tadupabhuñjakocapuggalo dhātumattakonisattonijjīvosuñño ‒ Y phục này hẳn thật là 1 nguyên chất, chỉ làm ra để dùng. Dầu ta là người dùng nó chẳng hạn, nó cũng là 1 nguyên chất thôi chẳng phải là thú, chẳng phải là ta, cũng chẳng phải là vật chi chi cả.
Khi thọ lãnh món ăn phải quán tưởng bằng các này: Yathāpaccayaṃpavattamānaṃ dhātumattamevetaṃ yadidaṃ pindapāto tadupabhuñjakocapuggalo dhātumattakonisattonijjīvosuñño ‒ Món ăn này hẳn thật là 1 nguyên chất, chỉ làm ra để dùng. Dầu ta là người dùng nó chẳng hạn, nó cũng là 1 nguyên chất thôi chẳng phải là thú, chẳng phải là ta, cũng chẳng phải là vật chi chi cả.
Khi thọ lãnh chỗ ở phải quán tưởng bằng các này: Yathāpaccayaṃpavattamānaṃ dhātumattamevetaṃ yadidaṃ senāsanam tadupabhuñjakocapuggalo dhātumattakonisattonijjīvosuñño ‒ Chỗ ở này hẳn thật là 1 nguyên chất, chỉ làm ra để dùng. Dầu ta là người dùng nó chẳng hạn, nó cũng là 1 nguyên chất thôi chẳng phải là thú, chẳng phải là ta, cũng chẳng phải là vật chi chi cả.
Khi thọ lãnh thuốc men phải quán tưởng bằng các này: Yathāpaccayaṃpavattamānaṃ dhātumattamevetaṃ yadidaṃ gilānappaccaya bhesajja parikkhāro tadupabhuñjakoca puggalo dhātumattakonisattonijjīvosuñño ‒ Thuốc men để cho người bịnh dùng đây hẳn thật là 1 nguyên chất, chỉ làm ra để dùng. Dầu ta là người dùng nó chẳng hạn, nó cũng là 1 nguyên chất thôi chẳng phải là thú, chẳng phải là ta, cũng chẳng phải là vật chi chi cả.
b) Phép quán tưởng về vật đáng ghê gớm (patikūlapaccavekkhaṇa)
Phép này dạy phải quán tưởng trong khi sắp dùng 4 vật dụng ấy cho thấy rõ là vật đáng nhờm gớm.
Khi sắp mặc y phục, phải quán tưởng bằng cách này: Sabbānipanimānicīvarāni ajigucchanīyāni imampūtikāyaṃ patvā ativiyajiguc chanīyānijāyanti ‒ Những y phục này, vốn chẳng phải là vật đáng nhờm gớm. Nhưng đến khi đụng vào mình hôi thối này giờ nào rồi thì liền trở nên vật đáng nhờm gớm lắm.
Khi sắp dùng vật thực, phải quán tưởng bằng cách này: Sabbopanāyaṃ piṇḍapāto ajigucchanīyo imaṃpūtikāyaṃ patvā ativiyajigucchanīyojāyanti ‒ Những món ăn này, vốn chẳng phải là vật đáng nhờm gớm. Nhưng đến khi đụng vào mình hôi thối này giờ nào rồi, thì liền trở nên vật đáng nhờm gớm lắm.
Khi sắp vào chỗ ở, phải quán tưởng bằng cách này: Sabbānipanimānisenāni ajigucchanīyāni imaṃpūtikāyaṃ patvā ativiyajigucchanīyānijāyanti ‒ Những chỗ ở này, vốn chẳng phải là vật đáng nhờm gớm. Nhưng đến khi đụng vào mình hôi thối này giờ nào rồi, thì liền trở nên vật đáng nhờm gớm lắm.
Khi sắp dùng thuốc men, phải quán tưởng bằng cách này: Sabbopanāyaṃ gilānappacceyabhesajjaparikkhāro ajigucchaniyo imaṃpūtikāyaṃ patvā ativiyajigucchanīyojāyanti ‒ Những vật để bảo dưỡng thân thể tức là thuốc men dành riêng cho người bịnh dùng, vốn chẳng phải là vật đáng nhờm gớm. Nhưng đến khi đụng vào mình hôi thối này giờ nào rồi, thì liền trở nên vật đáng nhờm gớm lắm.
c) Phép quán tưởng trong khi dùng các vật dụng (taṃkhaṇikapaccavekkhaṇa)
Phép này dạy phải quán tưởng trong khi dùng 4 vật dụng:
Khi mặc y phục phải quán tưởng bằng các này: Paṭisaṃkhāyoniso civaraṃpatisevāmi yāvadevasītassapatighātāya unhassapatighātāya ḍaṃsamakasavātātapasirimsapa sam phassānaṃpatighātāya yāvadevāhirikopinappaticchādanatthaṃ ‒ Người xuất gia phải quán tưởng rằng: Ta mặc y phục đây để ngừa sự lạnh, nóng, muỗi mòng, nắng, gió, rắn nhỏ, rắn lớn và để che thân thể cho khỏi hổ thẹn (lõa thể) vậy thôi.
Khi ăn phải quán tưởng bằng các này: Paṭisaṃkhāyoniso piṇḍāpataṃpaṭisevāmi nevadavāyana madāya namandaṇāyanavibhūsanāya yāvadeya imassa kāyassathitiyā yāpanāyavihiṃsu paratiyā brahmacariyānuggahāya itipurānañcavedanaṃ paṭihaṃkhāmi navañcavedanaṃnauppādessāmi yātrācamebhavissati anavajjatācaphāsuvi hārocāti ‒ Người xuất gia phải quán tưởng rằng: Ta thọ thực đây chẳng phải để chơi như trẻ con ở thế, cũng chẳng phải để dưỡng sức cho mạnh, say mê như kẻ đánh lộn, chẳng phải để trau dồi sắc thân như phụ nữ, chẳng phải để điểm trang nhan sắc như kẻ chơi bời đàng điếm. Ta thọ thực chỉ để cho thân tâm được mạnh khỏe, đặng chánh sự khó nhọc, hầu tu hành theo đạo cao thượng, cho ta diệt trừ cái khổ đã qua là sự đói khát và ngừa sự ăn quá độ. Cách hành động trong 4 oai nghi, sự vô tội nhất là thân tâm không biếng nhác và sự an lạc trong 4 oai nghi sẽ phát sanh đến cho ta nhờ sự thọ thực này.
Khi vào chỗ cư ngụ, trong thất, nhà, phải quán tưởng bằng các này: Paṭisaṃkhāyoniso senāsanaṃpaṭi sevāmiyāvadevasītassapati ghātāya unhassapatighātāyaḍam samakasavātātapasiriṃ sapasaṃphassānaṃ patighātāya yāvadeva utuparissayavinodanaṃ paṭisallānārāmatthaṃ ‒ Người xuất gia phải quán tưởng rằng: Ta dùng chỗ ở đây để tránh sự lạnh, nóng, muỗi, mòng, gió, nắng, rắn nhỏ, rắn lớn, tránh sự khó chịu bởi thời tiết và được nơi thanh vắng để tham thiền nhập định.
Khi dùng thuốc để ngừa bịnh, phải quán tưởng bằng các này: Paṭisaṃkhāyoniso gilānappaccayabhesajjaparikkhāraṃpatise vāmi yāva deva uppannānaṃ veyyābādhikānaṃ vedanānaṃ paṭighātāya abyāpajjhaparamatāyāti ‒ Người xuất gia phải quán tưởng rằng: Ta dùng thuốc để dưỡng thân đây là thuốc mà người bịnh dùng để ngừa những bịnh hoạn đã phát khởi lên rồi, cho đặng tránh khỏi sự khổ não, nặng nề thường có.
d) Phép quán tưởng các vật dụng đã dùng rồi (atītapaccavekkhaṇa)
Phép này dạy phải quán tưởng 4 vật dụng khi đã dùng rồi trong ngày ấy, nghĩa là vật dụng khi đã dùng qua 1 ngày, 1 đêm, phải hồi tưởng trước khi mặt trời mọc. Trong mỗi món dùng phải quán tưởng 1 hoặc 2 lần, 3 lần cũng được.
Khi quán tưởng y phục phải quán tưởng bằng cách này: Ajjamayā apaccavekkhitvāyaṃ civaraṃ paribhuttaṃ taṃyāvadevasītassapaṭighātāya unhassapaṭighātāya ḍaṃsamakassavātā tapasirimsappasaṃphassānaṃpaṭighātāya yāvadevahirikopinappaṭicchādanatthaṃ ‒ Y phục nào mà ta chưa quán tưởng mà ta mặc trong ngày nay rồi, y phục ấy ta mặc để ngừa sự lạnh, sự nóng, muỗi, mòng, nắng, gió, rắn nhỏ, rắn lớn, cho đặng che thân thể và tránh điều hổ thẹn (lõa thể).
Khi quán tưởng vật thực phải quán tưởng bằng cách này: Ajjamayā appaccavekkhitvāyo piṇḍapāto paribhutto sonevadavāyanamadāyananam danāya navibhū sanāya yāvadeva imassakāyassathitiyā yāpanāyavihimsuparatiyābrahmacariyā nuggahāya itipūrānañcavedanaṃpatihamkhāmi navañcavedanaṃna uppādessāmi yātrācamebhavissatiana vajjatāca phāsuvihārocāti ‒ Vật thực nào ta chưa quán tưởng mà ta dùng trong ngày nay rồi, vật thực ấy chẳng phải để chơi như trẻ con ở thế, chẳng phải để dưỡng sức cho mạnh, say mê như kẻ đánh lộn, chẳng phải để trau dồi sắc thân như phụ nữ, chẳng phải để điểm trang nhan sắc như kẻ chơi bời đàng điếm. Ta thọ thực chỉ để cho thân tâm mạnh khỏe, đặng tránh sự khó nhọc cho đặng tu hành theo đạo cao thượng, để trừ cái khổ đã qua là sự đói khát và ngừa sự ăn quá độ. Cách hành động trong 4 oai nghi, sự vô tội nhất là thân tâm không biếng nhác và sự an lạc trong 4 oai nghi, chỗ phát sanh đến ta là do nhờ sự thọ thực này.
Khi quán tưởng chỗ ở phải quán tưởng bằng cách này: Ajjamayā apaccavekkhitvāyaṃ senāsanaṃ paribhuttaṃ taṃyāvedevasītassapatighāhātāya unhassapaṭighātāya ḍaṃsamakasavātāta pasiriṃsapasamphasānaṃ paṭighātāya yāvadeva utuparissayavino danaṃ paṭisāllānārāmatthaṃ ‒ Chỗ ở nào ta chưa quán tưởng mà ta đã vào cư ngụ trong ngày nay rồi, là để tránh sự lạnh, nóng, muỗi, mòng, gió, nắng, rắn nhỏ, rắn lớn tránh sự khó chịu bởi thời tiết và được nơi thanh vắng để tham thiền nhập định.
Khi quán tưởng thuốc uống phải quán tưởng bằng cách này: Ajjamayā appaccavekkhitvāyo gilānappaccayabhesajjaparikkhāro paribhutto soyāvadeva uppannānaṃ veyyābādhikānaṃ vedanānampaṭighātāya abyāpajjhaparamatāyāti ‒ Thuốc uống để dưỡng thân là thuốc để cho người bịnh dùng, ta đã dùng rồi trong ngày nay mà ta chưa được quán tưởng. Thuốc ấy ta dùng để trừ khước những bịnh hoạn đã phát khởi lên rồi và cho đặng tránh khỏi sự khổ não, nặng nề thường có.
---
1. Tội báo trong sự phá giới (sīlavipatyādīnavakathā)
Nói tóm lại, pháp làm cho giới được trong sạch chỉ do 2 điều là: thấy tội trong sự phá giới; thấy phước trong sự trì giới.
Đây xin giải về sự phá giới trước. Trong phẩm Anguttaranikāya pañcakanipāta, Đức Phật có giảng 5 điều như vầy:
1) người phá giới, người không có giới hằng bị tiêu hủy của cải mau lẹ, vì là nguyên nhân sự dể duôi;
2) danh xấu của người phá giới, người không có giới hằng bị đồn xa đến các hướng;
3) người không có giới, khi vào chỗ đô hội, không được tươi tỉnh, hằng ái ngại hổ thẹn, gục mày;
4) người không có giới, hằng mê loạn tinh thần trong khi hấp hối;
5) người không có giới, khi ta rã ngũ uẩn hằng thọ sanh trong cảnh khổ .
Lại nữa, kẻ phá giới không được vừa lòng Chư thiên và không đáng cho bậc phạm hạnh dạy bảo, phải chịu điều khổ não hoặc lo ngại vì bị người đời chê trách. Kẻ phá giới hằng hối hận vì được nghe người đời ngợi khen bậc có giới, thường có màu da xấu xa dường như vải làm bằng vỏ cây và phải chịu sự khổ lâu dài trong đường dữ.
Người không có giới, nếu thọ lãnh vật dụng thì làm cho kẻ tín thí ít phước, là người khó trau dồi cho mình trở nên trong sạch được, ví như hầm phẩn chất chứa đã lâu năm, là người tiêu hoại, đã xa lìa các đức tánh của hàng Sa-môn và tài sản của cư sĩ, ví như đống tro tàn thiêu tử thi còn sót lại. Dầu có xưng mình là tỳ khưu cũng vẫn không-phải là tỳ khưu, ví như các con lừa theo dính bầy bò, hằng ngày làm cho bò giựt mình luôn. Kẻ ấy bị cho là cừu thù với tất cả loài người, không đáng cho người khác chung chạ, dường như tử thi, dầu có văn đức[17] (suta) cũng không đáng cho hàng phạm hạnh dâng cúng, dường như lửa trong rừng mộ địa không đáng cho bậc Bà-la-môn chiêm bái, là người abhabba trong sự giác ngộ các đức cao thượng, dường như ngưòi mù không thể xem thấy sắc, là người không còn trông cậy nơi Phật pháp, dường như trẻ con thấp hèn[18] không còn mong mỏi thọ hưởng ngôi vua, dầu tưởng rằng: ta có sự vui cũng chẳng khác chi được khổ.
Có kệ ngôn rằng: Abhivādanasādiyane kiṃ nāma sukhaṃ vipannasīlassa dalhavālarajjughaṃsanadukkha dhikadukkha bhāgissa. Nghĩa là: Vui trong ngũ dục mang quả khổ, bứt rứt nóng nảy nhiều hơn điều khổ phát sanh do sự ôm đống lửa. Khi người phá giới không chịu bỏ tánh xấu ấy ra, thì sự vui chánh thức không sao phát sanh được.
Saddhānaṃ añjalīkammasādane kiṃ sukhaṃ asīlassa sattippahāradukkhādhimattadukkhassayaṃ hetu. Nghĩa là: Tư cách nhận lãnh lễ bái của người có đức tin, là nguyên nhân chịu sự khổ rất lớn hơn sự khổ phát sanh do cách bị sát hại bằng gươm đao, sự vui không thể nào có đến cho kẻ phá giới, vì nguyên nhân chịu sự lễ bái của những người có đức tin ấy được.
Civaraparībhogasukhaṃ kiṃ nāma asaññatassa yena ciraṃ anubhāvitabbā niraye jalita ayopattasasamphassā. Nghĩa là: Người không thu thúc phải chịu khổ lâu ngày, vì bị lửa của các miếng sắt cháy hỏa hào trong địa ngục thiêu đốt. Sự vui trong cách thọ dụng các thứ y ca-sa như thế không sao có đến người không thu thúc ấy được.
Madhuropi piṇḍapāto halāhalavisupamo asīlassa ādittā gīlitabbā ayoyulā yena ciraṃrattaṃ. Nghĩa là: Hột cơm mà người không có giới dùng rồi, dầu là ngon miệng đến đâu, cũng ví như chất thuốc độc mạnh, vì kẻ dùng cơm ấy sẽ bị ăn những cục sắt mà lửa địa ngục đốt cháy đỏ lâu ngày.
Sukhasammatopidukkho asīlino māncapīthaparibhogo yaṃ bādhissanti ciraṃ jalita ayomāncapīthāni dukkhāni. Nghĩa là: cách dùng giường và chõng của người không có giới, dầu là nói được vui, cũng phải chịu khổ, vì người ấy sẽ bị giường và chõng mà lửa địa ngục đốt cháy đỏ, làm hại lâu ngày, bởi sự dùng giường và chõng ấy.
Dussīlassa vihāre saddhādeyyamhi kānivāsaratī jalitesu nivasitabbaṃ yena ayokumbhīmajjhesu. Nghĩa là: sự vui thích do cách nương ngụ trong tịnh thất của người bố thí bằng đức tin, không sao có đến người phá giới được, vì người ấy bị vào ở trong giữa chảo sắt mà lửa địa ngục đã đốt cháy hảo hào.
Sabbabhayehiamutto mutto sabbehi adhikamasukhehi supitahitasaggadāro apāyamaggaṃ samārulho. Nghĩa là: kẻ phá giới không sao tránh khỏi sự kinh sợ đâu. Sự vui trong các cõi đã dứt hẳn rồi, cửa vào cõi trời cũng đã đóng chặt rồi, kẻ ấy chỉ còn có đi trên con đường cảnh khổ thôi.
2. Giải về phương pháp làm cho giới trở nên trong sạch (Suddhi kathā)
Nơi cuối cùng đây, xin giải về 4 Suddhi:
Bốn thanh tịnh giới như đã giải, nếu gọi theo suddhi là sự phải làm cho trở nên trong sạch, mỗi khi đã phá giới ấy, có 4 tên khác nhau như:
1) desanā suddhi: giới trong sạch vì phẩm cách “sám hối”, là nói về “biệt biệt giải thoát thu thúc giới” (pātimokkhasamvarasīla);
2) samvara suddhi: giới trong sạch vì phẩm cách “thu thúc” là nói về “lục căn thu thúc giới” (indriyasamvarasīla);
3) pariyetthi suddhi: giới trong sạch vì phẩm cách “tìm kiếm”, là nói về “nuôi mạng thanh tịnh giới” (ājīvarisuddhisīla);
4) paccavekkhana suddhi: giới trong sạch vì phẩm cách “quán tưởng”, là nói về “thọ vật dụng giới” (paccayasannissitasīla).
Biệt biệt giải thoát thu thúc giới được trong sạch do phẩm cách sám hối là khi đã phạm rồi, cần phải sám hối giữa tăng, hoặc 1, 2, 3 vị tỳ khưu mới có thể trở nên trong sạch được. Lục căn thu thúc giới được trong sạch do phẩm cách thu thúc, là khi phạm rồi cần phải nguyện rằng “Ta không nên làm như thế nữa”, rồi dè dặt thu thúc thêm, mới có thể trở nên trong sạch được. Nuôi mạng thanh tịnh giới được trong sạch do phẩm cách tìm kiếm, là khi phạm rồi phải dứt bỏ anesana, là nguyên nhân phá giới, rồi tìm vật dụng phát sanh đúng theo điều luật mà dùng, mới có thể trở nên trong sạch được. Thọ vật dụng giới được trong sạch do phẩm cách quán tưởng, là muốn cho giới ấy trở nên trong sạch thì cần phải quán tưởng theo cách thức quán tưởng như đã có giải.
Cho nên hành giả có 1 trong 4 giới nào không được trong sạch nên trau dồi theo cách đã giải trên, chẳng nên điềm nhiên giữ lấy vật “ô nhiễm” ấy để trong mình. Những điều đã giải trên đây, chỉ là phương pháp để sửa mình cho hành giả phá giới xu hướng theo. Hành giả là người thành tâm thương giới, cần phải gìn giữ giới cho trong sạch luôn luôn, chẳng nên vì lẽ gì mà phá giới. Phải hành cho đúng theo kệ ngôn, đã có ghi chép rằng: Dhanaṃ caje aṅgavarssa hetu aṅgaṃ caje jīvitaṃ rakkha māno aṅgaṃ dhanaṃ jīvitancāpi sabbaṃ caje naro dhamma manussaranto. Nghĩa là: Chỉ phải dứt bỏ tài sản và tứ chi thân thiết là: nếu thương yêu tứ chi, thì cần phải bỏ của cải ra đổi, khi muốn gìn giữ sanh mạng thì phải bỏ tứ chi ra đổi, khi nhớ thấy chánh pháp thì phải bỏ cả tứ chi, của cải và luôn cả sanh mạng đem ra đổi”.
3. Giải về vật ô nhiễm của giới (sīlassasaṅkilesakathā)
Điều ô nhiễm của giới là: trạng thái giới đứt, trạng thái giới lủng, trạng thái giới vá, trạng thái giới rổ.[19] Cả 4 trạng thái ấy gọi là ô nhiễm của giới, nhất là trạng thái giới đứt, là nói về trạng thái làm cho đứt giới vì 5 nguyên nhân và 7 điều methunasamyoga.[20]
Trạng thái làm cho đứt giới vì 5 nguyên nhân ấy là: Trong 7 phần tội nếu tỳ khưu đứt điều học thứ nhất hoặc điều học cuối cùng vì theo lợi, tham danh gọi là “giới đứt” như y ca-sa đứt bìa. Nếu đã đứt điều học giữa, gọi là “giới lủng” như y ca-sa lủng khoảng giữa. Nếu đứt 2 hoặc 5 điều học liên tiếp nhau gọi là “giới vá” như bò đen hoặc vàng có màu sắc khác nhau nơi lưng, nơi bụng. Nếu đứt điều học từ khoảng gọi là “giới rổ” như bò có nhiều đúm trắng hồng, đen, nhiều chỗ. Trạng thái giới đứt có 5 nguyên nhân vì theo lợi, tham danh như thế.
Phá giới do 7 điều methunasamyoga là:
1) thầy Bà-la-môn đã tự nguyện rằng hành đạo phạm hạnh rồi lại ưa thích trong sự vuốt ve, rờ rẫm vật dụng của phụ nữ rồi ưa thích theo;
2) không làm đến thế, chỉ vui cười giỡn hớt với phụ nữ rồi ưa thích theo;
3) không làm đến thế, chỉ liếc mắt trừng mày với phụ nữ rồi ưa thích theo;
4) không làm đến thế, chỉ nghe tiếng cười, lời nói hoặc tiếng hát của phụ nữ rồi ráng lóng nghe và ưa thích theo;
5) không làm đến thế, chỉ nhớ đến cách cười, tiếng nói, hoặc thói quen đã tiếp xúc với phụ nữ từ trước rồi ưa thích theo;
6) không làm đến thế, chỉ thấy thí chủ hoặc con cháu thí chủ rồi say mê theo ngũ trần và ưa thích giùm hoặc muốn cho được như họ;
7) không làm đến thế, chỉ muốn cho được thành hạng Chư thiên, rồi tu phạm hạnh, cố ý rằng “ta sẽ làm được vị trời như vầy, do sự trì giới này”, rồi ưa thích làm theo. Cả 7 điều ấy gọi là methunasamyoga, xấp xỉ với sự hành dâm. Nếu hạng Bà-la-môn hành theo thể thức ấy, thì giới hoặc pháp phạm hạnh của Bà-la-môn đó bị gọi là: đứt, lủng, vá, rổ như đã giải.
4. Giải về điều trong sạch của giới (sīlassavo dānakathā)
Điều trong sạch của giới là: trạng thái của giới không đứt, trạng thái của giới không lủng, trạng thái của giới không vá, trạng thái của giới không rổ. Ấy là 4 điều trong sạch của giới.
Những hành giả giữ giới không dứt, lủng, vá, rổ được thì cần phải dè dặt không dám phạm 1 điều học nào, hoặc nếu đã phạm 1 giới nào phải mau hối hả tu bổ lại cho trong sạch và phải ráng ngăn ngừa không cho 7 điều là methunasamyoga và 14 ác pháp làm hại đến tâm tánh. Phải nên trau dồi 9 đức tính, mới có thể làm cho giới trong sạch được.
Mười bốn ác pháp:
1) kodho: giận,
2) upanāho: cố giận,
3) makkho: quên ơn người,
4) palāso: tự cao đem mình so sánh với bậc có tài đức,
5) issā: ganh gỗ,
6) macchariyaṃ: bón rít, giấu không cho ai thấy của mình,
7) mayā: giấu lỗi mình,
8) sātheyyaṃ: khoe tài đức mà mình không có,
9) thambho: cương ngạnh, cứng đầu,
10) sārambho: tranh đua, dành phần hơn,
11) māno: tự kiêu,
12) atimāno: khinh người,
13) mado: say mê,
14) pamādo: cẩu thả, dể duôi, buông lung theo ngũ trần (sắc tốt, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, đụng chạm nơi êm ái).
Chín đức tánh:
1) appicchatā: không ham muốn hoặc ham muốn ít;
2) santuthitā: vui thích bình đẳng đối với vật đã được, hoặc với vật dụng của mình;
3) sallekkhatā: tu hành cho giảm lần phiền não;
4) pavivekatā: ưa thích nơi thanh vắng;
5) apacayatā: không cho phiền não đông đặc hoặc thu thập phát sanh lên được;
6) viriyārambhatā: tiến hành không cho ác pháp phát sanh;
7) subharatā: làm người dễ nuôi;
8) appakiccatā: làm người ít bận việc;
9) sallahukavuttitā: người nhẹ nhàng như loài chim chỉ có cặp cánh và đuôi bay đi đến nơi nào cũng được dễ dàng.
5. Phước báu của sự trì giới
Những người vâng giữ các điều học trong sạch được thọ hưởng 5 quả phước là:
1) người có giới hằng được nhiều tài sản vì không có sự dể duôi lười biếng;
2) danh dự của người có giới hằng bay khắp hướng;
3) người có giới hằng đi đến nơi nào đô hội hằng được tươi tỉnh, không hổ thẹn gục mày;
4) người có giới hằng không tán loạn trong khi hấp hối;
5) người có giới sau khi mạng chung hằng được thọ sanh trong nhàn cảnh.
Chẳng phải có thế thôi, người có giới hằng là nơi yêu mến sùng bái vừa lòng của bậc phạm hạnh. Chỉ đến khi chứng quả Niết-bàn thì mới diệt tận những lậu phiền não, y theo kệ ngôn sau này:
1) Nagaṅgā yamunā vāpi sarabhūvā sarassati ninnagā mahī vāpi mahā nadī sakkunanti visodhetuṃ taṃ malaṃ idha pāṇinaṃ visodhayati sattānaṃ yaṃ vesīlajalaṃ malaṃ ‒ Nước của các sông lớn là sông Gangā, Yamunā, Sarabhū, Sarassati, Āciravatī, Mahi[21] cũng không có thể rửa sạch điều nhơ nhớp của tất cả chúng sanh trong thế gian, chỉ có nước tức là giới này mới mong rửa sạch điều nhơ nhớp của tất cả chúng sanh được.
2) Na taṃ sajaladā vātā na cāpi haricandanaṃ nevahārā na manayo na candakiranakkurā samayantīdha sattānaṃ parilāhaṃ surakkhitaṃ yaṃ sametīdaṃ ariyaṃ sīlaṃ accantasītalaṃ ‒ Các ngọn gió có nước, hoặc có mùi thịt đỏ, hoặc các thứ ngọc xích châu mã não, hay là ánh sáng mặt trăng cũng không sao dứt trừ sự bực tức nóng nảy của tất cả chúng sanh trong thế gian này được. Chỉ có giới thanh cao mà người đã vâng giữ chơn chánh rồi là phước đức rất mát mẻ, mới có thể dứt trừ được.
3) Sobhantevanna rāyāno muttāmanvibhūsitā yathā sobhanti yatino sīlabhūsanabhūsitā ‒ Các bậc đế vương trang điểm bằng ngọc xích châu và mã não thường cho là được tốt đẹp rồi, nhưng cũng không bằng hành giả đã trau dồi bằng vật trang sức, tức là sự trì giới đâu.
4) Attānuvādādibhayaṃ viddhaṃsayati sabbaso janeti kittiṃ hāsañca sīlaṃ sīlavataṃ sadà ‒ Giới của các bậc thiện trí thức hằng diệt trừ được những điều kinh sợ, nhất là sự bực bội, không còn thương xót và thường làm cho danh dự và điều ưa thích đước phát sanh.
5) Appakàpi katākarà sīlavan te mahapphālahontiti sīlavā hoti pūjāsakkārabhājanaṃ ‒ Lễ vật mà thí chủ đã cúng dường đến người có giới, dầu là chút ít cũng được nhiều phước báu, vì người có giới đáng gọi là đồ đựng lễ vật cúng dường.
6) Sīlavantaṃ na bādhenti āsavā diṭṭhadhammikā samparāyikadelakkhānaṃ mūlaṃ khaṇati sīlavā ‒ Các pháp phiền não có tánh các giết hại và buộc trói người trong kiếp hiện tại nhưng không sao làm hại những bậc có giới hạnh được. Chẳng phải chỉ có thế thôi, những người hằng đào bứng gốc rễ các thống khổ trong ngày vị lai không cho phát sanh lên được.
7) Yā manussesu sampatti yā cadevesu sampadā na sā sampannasīlassa icchato hoti dullabhā ‒ Những người có giới hạnh đầy đủ, muốn được tài sản trong cõi người và trời cũng không khó.
8) Accantasantā pana yā ayaṃ nibbānasampadā sampannasīlassa mano tameva anudhāvati nibbāna sampatti ‒ Đức tính tuyệt vời không xót xa vì phiền não, người có giới đầy đủ hằng lướt tới, để đạt tài sản Niết-bàn tức là nơi tịch tịnh.
Những hành giả khi đã niệm tưởng quả báu sự trì giới rồi, có thể gớm ghê xa lánh sự phá giới, làm cho giới được trong sạch đầy đủ, không sai. Cớ ấy, bậc thiện trí thức nên niệm tưởng đến tội trong sự phá giới và phước trong sự trì giới như đã có giải rồi, nên tinh tấn cho giới mình được trong sạch đầy đủ.
---
NHỮNG ĐIỀU CẤM RỜI RẠC
Những tỳ khưu vô bịnh không nên đi xe, nếu có bịnh được phép đi xe bò, ngựa (đực), xa phu dầu là nam hoặc nữ cũng được.
Khi vô bịnh không nên mang dép vào xóm.
Không nên ngồi, nằm trên các thứ da: khỉ (matadho), sư tử (kalasīho)... (sarabho), bò, ngựa, trâu và các thú dữ, trừ ra của giáo hội thì không cấm hoặc dùng để làm dép đi cũng được.
Không nên mang dép toàn màu đỏ, xanh, vàng, vàng lợt (như màu rơm), đen, đen sậm (như lưng rít), đỏ như màu lá cây chín, như màu hoa sen. Nếu được những vật như thế, nên làm cho ra khác màu đã cấm, thì dùng được.
Lại nữa, không nên mang guốc, các thứ dép giống như của kẻ thế, dép bít mắt cá, bít lưng chân, có dây buộc đến mắt cá, gót có dồn bông gòn, dép thêu, có dây buộc treo thắt kết, mũi quớt lên như đuôi con bò cạp, như đuôi con công.
Tỳ khưu cao hơn 5 hạ, đáng làm ācāriya đi chơn không, vị nhỏ hạ mang dép, phạm tác ác.
Không nên thọ và ăn thịt, cá sống. Người xuất gia được kẻ thí chủ sát sanh cầm thú dâng cho, cũng chẳng nên ăn. Thí chủ sát sanh dâng đến tỳ khưu, tỳ khưu ấy không dùng, đem cho vị khác, vị này không biết và không nghi, dùng thịt ấy, cả 2 đều không phạm tội (vị trước biết người sát sanh cho mình, không dám dùng, vị sau không hay biết người sát sanh cho tỳ khưu rồi dùng, sau rồi, dầu biết cũng vô tội).
Không biết rồi dùng thịt thú mà đức Phật cấm (akappiyamaṃsa) cũng phạm tội. Sau khi ăn, nếu rõ là thịt (akappiya) thì phải sám hối. Như thế tỳ khưu cần xem xét hỏi lại cho rõ rồi mới nên dùng. Vì khó phân biệt thịt cấm (thịt gấu giống thịt heo, thịt beo, cọp giống thịt thú rừng có 4 chân).
Nếu có mặt vị trưởng lão, thiện tín thỉnh vị nhỏ hạ thuyết pháp, tụng kinh, nên chờ lịnh của vị cả hoặc bạch cho vị cả hay. Nếu vị cả nín thinh thì thuyết pháp, tụng kinh, không lỗi. Bằng vị cả không cho, không nên cãi. Nếu đã lên pháp tọa rồi, vị cả mới đến thì không chờ lịnh.
Không có vải lọt nước, chẳng nên đi đường xa.
Thực phẩm anāmaṭṭha piṇdapatra nên cho đến cha mẹ, người hộ cha mẹ, hộ tăng và giới tử sắp xuất gia (trong khi đang nhuộm y, đốt bát). Với giới tử, dầu dùng đồ đựng của mình đem cho, cũng vô tội. Với cha mẹ, thiện tín thì không nên.
Nên cho anāmaṭṭha piṇdapatra đến kẻ cướp và các quan đến chùa (vì e có sự hại đến Phật giáo và mình). Có người đi lỡ đường đến nhà chùa nên tuỳ tiện cho cơm, cháo, cho nước uống, chỗ nghỉ, song đừng mong được lễ vật, được trả ơn). Với kẻ cướp, dầu là tài sản thuộc của tăng cũng nên cho để ngừa tai hại.
Đem tin cho cha, mẹ người sắp xuất gia, không phạm tội. Hỏi thăm tin, mình nói cũng vô tội. Đem tin cho kẻ khác phạm tác ác.
Cho bông đến cha mẹ và thiện tín để cúng Tam bảo không phạm tội.
Trồng cây để dùng bông trái, bóng mát, hoặc tưới nước bằng lời kappiyavohāra vô tội.
Nhuộm y không nên ngồi quỳ 2 đầu gối xuống đất.
Không dùng tăm xỉa răng có 5 tội: mất sự lợi ích cho mắt; miệng hôi; bộ thần kinh thọ chất bỗ dưỡng không sạch sẽ; mật và đàm hằng bao trùm thực phẩm; thọ thực không biết ngon.
Người, trước khi tu đã có làm thợ cạo, hớt tóc, xin xuất gia không nên đem dao cạo theo.
Không nên nhổ tóc bạc, song, nếu có lông mọc trên mày, mí mắt, làm cho khó chịu, nhổ vô tội.
Không nên hớt tóc, nếu có ghẻ trên đầu, hớt tóc thoa thuốc cũng được. Không nên chải tóc, xức dầu, đánh sáp, vuốt tóc, trừ ra tóc có bụi vuốt cũng được.
Không bịnh chẳng nên che dù đi vào xóm. Có bịnh là: chóng mặt, nhức đầu, choá mắt hoặc có bịnh cần phải che dù, thì không cấm. Nếu có mưa sợ ước y, hoặc sợ kẻ dữ mà che dù, thì không tội, dù bằng lá cây che nơi nào cũng được, nếu muốn khỏi tội, chỉ được phép che dù trong chùa, trong đất chùa mà thôi.
Không nên vẽ, hoặc bảo kẻ khác vẽ hình người và thú để chơi. Nếu vẽ làm cho sanh lòng chán nản, thì vô tội (như vẽ các tích đức Bồ tát).
Không nên máng, treo bát trong nơi nào cả. Để bát trên chỗ bén, cứng (đá, sắt...) cũng phạm tội. Không nên để dành đồ ăn trong bát, rửa tay trong bát và dùng bát đựng đồ dơ (lá, vỏ rác...) đem đi đổ. Dùng tay dơ cầm bát không nên, vật thực ăn vào miệng rồi nhả ra để trong bát không nên. Chẳng nên ăn vật chi mà không có kẻ dâng. Những vật dính trong tử thi chưa rã là da thịt còn nguyên chưa bị thú ăn, không được phép lấy mà dùng. Bát còn ướt không nên đem phơi hoặc cất.
Không nên ngồi và nằm chung chỗ với phụ nữ, bộ nắp và người có cả 2 bộ sanh thực khí.
Không nên ngồi và nằm trên chỗ họ trải lót mà mình chưa xem xét trước (phải lấy tay rờ, lật qua lại). Khi họ trải mình thấy, hoặc lót bằng vải mỏng thì không cần phải xem xét. Chẳng nên ngồi nằm trên chỗ có rải bông, hoặc vật thơm.
Không nên dùng gối thêu, gối dài quá nửa thân mình, gối may 2 mặt bằng vải đỏ sậm, đỏ lợt.
Những vật chi để cho giáo hội dùng trong 1 nơi nào, không nên lấy đem dùng riêng cho mình.
Nếu thí chủ thỉnh đi thọ thực, họ chưa mời, không nên ngồi, phải đứng xa nơi ấy chờ họ thỉnh sẽ ngồi.
Tỳ khưu không nuôi bịnh cho nhau, dầu vị cả không nuôi cũng phạm tác ác. Nếu chia phiên nuôi bịnh thì vô tội. Đức Phật cho phép người nuôi bịnh, nếu người bịnh chết được thọ lãnh phần y bát, ngoài ra vật trong garubhanda thì nhập vào của tăng dùng chung, không được phép chia. Những vật tầm thường thì phải chia với nhau, cho tất cả người xuất gia có mặt trong chùa (tỳ khưu, sa di).
Không nên rờ đụng hình tượng phụ nữ và 7 thứ lúa, dầu lúa trồng ngoài ruộng cũng vậy. Nếu không có đường đi thì nguyện là “đường đi” rồi mới đi, không phạm, nhưng không nên đạp nhằm lúa. Nếu thí chủ thỉnh ăn tại trên đống lúa, gạo, thì không được phép ngồi, phải nói với họ trải trong nơi khác. Nếu không có nơi nào trống thì vô tội.
Không nên rờ đụng trái cây chưa dâng, trái cây rụng trong rừng. Nếu tính lượm về cho anupasampanna thì được phép. Không nên đụng nhằm 10 thứ ngọc thạch và vàng bạc. Ngọc Mutta nếu chưa giồi, đụng không sao. Ngoài ra, đều là vật anāmāsa cũng chẳng nên thọ. Nếu thọ lễ làm thuốc chữa bịnh thì vô tội.
Các thứ khí giới đều là vật không nên rờ, đụng nhằm. Khí giới bỏ nơi chiến trường, bỏ cán ra, lấy lưỡi về làm vật dụng không tội.
Nếu có bụi bay vào bát cơm nên bảo anupasampanna (sa di hoặc cư sĩ) dâng lại, hoặc rửa cho sạch mới nên dùng.
Không nên có ý hát múa, bảo kẻ khác hát múa, hoặc nghe đờn kèn trong chùa. Trong nhà ăn, có bọn hát múa, đờn kèn đến cũng không tội. Nếu cố ý dòm, xem, nghe thì phạm.
Không nên nằm chung trên giường, chiếu đã trải lót, đắp, mùng. Nếu nằm chung trên đồ trải lót, lấy vật chi (y, gậy...) để ngăn ở giữa không phạm.
Không nên ăn chung đồ đựng, uống chung đồ múc nước. Nếu đồ khô để trong 1 dĩa, tô, 1 vị lấy ra ăn, vị khác dùng vật còn lại trong dĩa, tô ấy cũng khỏi phạm tội.
Xin thực phẩm và y bằng miệng không nên. Xin chỗ ở bằng cách nói rằng: Trong lúc này, cất tịnh thất được chăng? Hoặc hỏi cư sĩ rằng: Ông ở đâu? Đáp: Tôi ở trong dinh. Hoặc hỏi tỳ khưu có thể trong dinh được chăng? Xin như thế vô tội.
Đức Phật giải rằng: “Này các tỳ khưu! Có đường đi không có lương thực, ít nước, ít thực phẩm, nếu không dự trữ đồ ăn thì khó đi được. Như Lai cho phép kiếm, trữ lương thực đi đường, được phép xin gạo, đường, muối, khô. Cần dùng vật chi, xin vật ấy”.
Này các tỳ khưu! Có người tín ngưỡng bố thí nói với kẻ hộ tùng rằng: “Nếu đại đức dùng vật chi, người nên dâng vật ấy, Như Lai cho phép dùng vật do vàng bạc mà phát sanh, các ngươi nên ưa thích vật ấy”.
Như Lai không nói rằng: “Nên ưa thích vàng bạc trong nơi nào cả. Chẳng nên tìm vàng bạc đâu. Cần xin lương thực cho vừa để đi đường. Đến nơi rồi, nếu còn dư, phải đem cho kẻ khác.”
Trái cây có người trồng giữ, họ hứa sẽ dâng cúng, chờ họ dâng cúng mới nên thọ. Họ hứa dâng trái cây để sắm 4 vật dụng, nếu tỳ khưu ăn lén, phải xử theo giá trái cây; nhằm cơn đói kém đem ra đổi mua thực phẩm cũng được. Gặp mùa không sao kiếm thực phẩm được, nếu có thể, nên bán, đổi chỗ ở cũ, hư của giáo hội, để nuôi sanh mạng, song phải nên tu bổ mấy chỗ còn chắc.
Nếu có kẻ đến trộm, cướp vật chi của chùa, tỳ khưu phải cho quan hay để tìm vật ấy lại. Nếu quan toà hỏi ai trộm cướp? Dầu tỳ khưu biết cũng chẳng nên nói tên kẻ ác ấy. Cần nói như vầy: Ông nên biết lấy, tôi chỉ xin tìm các vật ấy lại thôi. Nếu thưa kiện, quan xử phạt đến 0$60, tỳ khưu phạm tội bất cộng trụ. Bằng chẳng thưa kiện, không chỉ tên kẻ dữ, dầu quan toà có xử phạt cũng vô tội.
Nếu chân không rửa hoặc đã rửa mà còn ướt, hoặc mang dép đạp lên chỗ ngồi, nằm (giường, chõng, hoặc chỗ có sơn phết), phạm tác ác. Không nên dựa vào chỗ có sơn phết (vách cột, cánh cửa). Nếu để giường, chõng trên chỗ ấy phải lấy đổ lót, kê chân giường, chõng. Nếu vị cả không kê chân giường, mình để vậy cũng vô tội.
Không nên liệng hoặc bảo kẻ khác liệng đồ dơ (phẩn, nước tiểu, đồ ăn dư, rác) ngoài vách tường, ngoài hàng rào. Dầu liệng bỏ vật ấy, và cây tăm (xỉa răng) trên ruộng rẫy của người cũng phạm tội. Liệng trong ruộng rẫy chưa gieo trồng chi hết thì không sao.
Chẳng nên ngủ ngày không đóng cửa. Nếu không đóng cửa mà tin rằng có người vào sau họ đóng hoặc có vị khác coi chừng giùm thì ngủ không phạm. Ngủ đến mặt trời mọc thức dậy cửa không đóng, không phạm. Nhưng đã thức dậy mà không đóng cửa mà ngủ lại nữa thì phạm tội.
Không nên mướn ai làm công việc hoặc xin tài chánh để mướn người làm công việc cho mình, được phép xin họ làm thí công. Nếu họ không rảnh và nói: “Ngài kiếm người làm rồi tôi trả tiền”, thì vô tội.
Muốn cần dùng vật chi chẳng nên xin ngay bằng lời nói. Ví dụ như đốt bát mà không có đồ thoa bát, khi đi khất thực thí chủ đem cơm dâng, lấy tay đậy bát lại, họ hỏi tại sao? Nên đáp: “Đốt bát rồi không có dầu thoa”. Họ xin bát đem thoa rồi để vật thực trong bát, mang đến dâng cúng được.
Nếu đi đường hoặc đi bát mệt, họ trải chiếu hoặc đem ghế cho ngồi, khi đi phải cho chủ hay, bằng không mất đồ phải thường.
Không nên dùng gối dài nửa thân mình, gối may 2 mặt đỏ để trên 2 đầu giường, (phía đầu và phía chân) và gối thêu, trừ ra gối vừa kê đầu thì không cấm.
Tỳ khưu cao hoặc thấp hơn 2 hạ chỉ được phép ngồi chung 2 vị trên giường hoặc chõng vừa ngồi được 3 người.
Được phép ngồi trên ghế của cư sĩ có dồn bông gòn mà không nên nằm. Nếu nệm không dính với ghế thì không nên.
Chẳng nên ngồi, nằm trên chỗ cao quá hơn 8 ngón tay của đức Phật, trên chỗ cao quí (ghế có chạm trổ) và có chạm trổ hình thú dữ.
Không nên nằm trên chỗ có sơn hình thú dữ, trên đồ trải bằng lông dài hơn 4 ngón tay, đồ trải bằng tơ, thêu hình thú dữ, đồ trải trắng làm bằng lông thú, đồ trải làm bằng lông có chùm, đồ trải có dồn gòn, đồ trải có vẻ hình thú dữ, đồ trải có làm lông dựng lên 2 bên, đồ trải có làm lông dựng lên 1 bên, đồ trải có chạy kim tuyến, bằng tơ, hoặc đương bằng đồ quý, đồ trải bằng lông thú vừa cho 16 người khiêu vũ nhảy múa, đồ trải trên lưng voi, ngựa xe, bằng da cọp, đồ ngủ có trần đỏ lên trên lưng, gối có 2 mặt đồ phết và lót, đồ sạch sẽ của tăng. Nếu chưa lót ngọa cụ của mình hoặc đã trải rồi mà ngủ quên, đồ trải cuống vào, thân thể đụng nhằm nơi ấy phạm tội. Lông chạm nhằm nơi nào, phạm tội, đếm theo số lông. Bàn tay và đụng nhằm vô tội.
---
GIẢI VỀ CÁCH CHO VÀ THỌ
Về sự thọ bằng cách thân thiết theo 5 chi: của bạn đã thường thấy nhau; của bạn thường hay ăn chung cùng nhau; của bạn đã nói trước rằng: ngài muốn vật nào của tôi hãy lấy vậy ấy đi; của người bạn còn sống; của người bạn biết rằng mình đã lấy rồi và ưa thích.
Tỳ khưu gởi y trong tay vị khác, nhắn rằng: “Ngài đưa giùm y này đến giùm y tên đó”. Người nhận lãnh, đi đến nữa đường, lấy y bằng cách thân thiết với tỳ khưu gởi, gọi là lấy bằng cách chơn chánh. Nếu lấy bằng cách thân thiết với tỳ khưu chẳng chịu gởi cho gọi là không chơn chánh. Người đi đến nữa đường, nghe tin chủ gởi y chết, nếu nguyện là di sản của vị chết ấy, gọi là nguyện lấy không chơn chánh; nếu lấy bằng cách thân thiết với người gởi gọi là lấy bằng cách chơn chánh. Nghe tin rằng gởi y đến vị nào mà vị ấy đã chết rồi, nguyện là di sản của vị ấy chết gọi là nguyện lấy không chơn chánh; nếu lấy bằng cách thân thiết với người gởi gọi là lấy bằng cách chơn chánh. Nghe tin cả 2 đều chết hết rồi, nếu nguyện là di sản của tỳ khưu đã gởi ấy gọi là nguyện lấy bằng cách chơn chánh, nguyện lấy của tỳ khưu mà chủ chịu gởi cho gọi là nguyện lấy không chơn chánh.
Lại nữa, tỳ khưu gởi y trong tay của vị khác rằng: Tôi cho y này đến tỳ khưu tên này, tỳ khưu nhận lãnh đi đến nữa đường, lấy bằng cách thân thiết với tỳ khưu mà chủ gởi cho gọi là lấy không chơn chánh; lấy bằng cách thân thiết với tỳ khưu gởi gọi là lấy bằng cách chơn chánh. Nghe tin rằng tỳ khưu gởi hoặc tỳ khưu phải được đều chết cả, nếu lấy bằng cách thân thiết với vị phải được như thế là lấy bằng cách chơn chánh; nếu lấy bằng cách thân thiết với vị gởi, hoặc lấy mà nguyện là di sản của vị gởi, như thế gọi là lấy không chơn chánh.
Về cách thọ theo “5 chi mới nên” là: vật vừa cho người có sức lực bậc trung dỡ lên nổi; ở xa trong 1 hắc, 1 gang rõ rệt; ý định dâng cho rõ rệt; Chư thiên hoặc người hay thú, dâng bằng thân hay bằngvật dính với thân, hoặc thầy cho; tỳ khưu thọ lãnh vật ấy bằng thân, hoặc bằng vật dính với thân.
Nếu thí chủ lấy đồ đựng thực phẩm đội chồng lên đầu, đến đứng gần tỳ khưu, xin tỳ khưu thọ lãnh, không có ý định dâng trước thì không nên thọ. Nếu họ có ý kính dâng, tỳ khưu đưa tay lấy đồ đựng phía dưới thì đồ đựng phía trên cũng gọi là thọ rồi, hoặc giả muốn vật nào thọ vật ấy cũng được.
Về đồ đựng, nếu thí chủ gánh cơm đến cố tâm dâng gánh đồ trong hatthapāsa, tỳ khưu thọ cũng được. Dầu là tre dài 30 hatthapāsa, 1 đầu buộc nước mía, 1 đầu sữa, nếu đã thọ đòn gánh cũng gọi là thọ cả 2 món thuốc ấy. Ở trong hatthapāsa rồi dùng vật dính theo mình mà thọ gọi là thọ chơn chánh, trừ ra dùng vật phát sanh ra trong nơi ấy, như dùng lá sen để bợ, thọ thì không nên, vì vật ấy không phải là vật dính theo mình. Nếu thí chủ đứng xa hatthapāsa rồi dâng, thì nên bảo họ lại gần. Nếu họ không nghe, phải thọ mới lại (thọ rồi đưa cho anupasampanna dâng lại nữa). Đi khuất thực có bụi bay vô trong bát, phải nhờ người dâng bát lại rồi mới nên thọ đồ ăn, nếu không có ai dâng mà dùng bát ấy đi thọ nữa, phạm tác ác. Nếu nói mà họ không nghe, hoặc không để ý, thọ không phạm. Nhưng khi xong, phải nhờ kẻ khác dâng bát lại, rồi mới nên đi khất thực nữa. Có gió thổi bụi bay vào bát không thể thọ thực được. Nhưng nên chú ý rằng thọ để đem về cho anupasampanna thì vô tội.
Về đến chỗ ngụ, cho đứt đồ ăn ấy đến anupasampanna, rồi anupasampanna dâng lại, hoặc mình lấy bằng cách thân thiết rồi ăn cũng được. Nếu mình cho bát và cơm có dính bụi ấy đến tỳ khưu trong bọn, nên nói với tỳ khưu ấy cần phải thọ mới lại dùng đi. Nếu bụi rớt trên mặt đồ ăn thì nên rửa, hoặc lấy bỏ ra, ăn vật cón dư ấy cũng được. Nếu bụi dính phía dưới, phải thọ mới lại. Nếu không có anupasampanna, không nên rời bát khỏi tay, phải đi tìm anupasampanna để thọ lại. Bụi vào cơm và bánh thì lấy bụi ra rồi ăn cũng được. Nếu bụi nhỏ lắm bay vào cơm phía trên, nên lấy cơm phía trên ra, hoặc thọ lại rồi sẽ ăn cũng được.
Thí chủ đem cháo hoặc canh để trước mặt mình, văng bọt rớt trong bát, nên thọ bát lại. Nếu họ để bát, bọt trong cơm rớt vào bát trước, gọi là rớt vào chơn chánh, vì họ đã có ý định dâng cúng rồi. Nếu họ dâng có cơm và cà ràng có tro, than bay rớt vào không tội, vì họ đã kính dâng đến rồi. Nếu họ dâng theo thứ tự tỳ khưu ngồi liên tiếp nhau, cơm rớt vào bát tỳ khưu khác, gọi là rớt vào chơn chánh. Nếu cắt, chặt, xẻ (vật ăn) dâng đến 1 vị tỳ khưu mà làm văng vào bát 1 vị khác nên thọ bát lại. Họ cắt xẻ vật ăn trên bát vị nào, văng vào bát vị ấy vô tội, vì họ đã chú tâm dâng cúng rồi. Họ dâng mà mình không hay biết và không cố ý thọ, không gọi là thọ. Đồ ăn nóng hoặc mình nằm chung trong 1 chỗ có cuộc để bát, nếu họ dâng thực phẩm mà mình lấy tay hoặc chân vịn chân bát để thọ cũng được. Vật chi họ dâng mà rơi rớt được phép lượm dùng. Nếu vật rơi văng gần tỳ khưu khác, vị này lượm giùm cũng được, hoặc mình nói cho tỳ khưu ấy dùng cũng vô tội. Nếu tỳ khưu chủ vật không nói lời chi, thì tỳ khưu kia không nên lượm. Nhưng nếu cố ý lượm giùm thì không phạm.
Nếu dao có sét, róc dính mía, hoặc lấy chày đâm thuốc, thấy thuốc dính sét, nên thọ lại mới dùng được. Bụi sét dính không rõ rệt, dùng không phạm. Đi bát có mưa trên mình hoặc trên y rớt vào bát nên thọ bát lại, dầu ngồi ăn dưới bóng cây có mưa rớt vào bát cũng vậy. Nếu trời mưa 7 ngày, nước mưa trong mình hoặc mưa rớt từ trên thanh không, dùng khỏi phạm.
Khi cho cơm đến sa di, không nên rờ đụng vật trong bát của sa di hoặc phải thọ bát của sa di đã, vì đụng nhằm vật trong bát của sa di, rồi trở lại lấy cơm trong bát của mình, cơm dính theo ấy thuộc về uggahita. Nếu muốn cho, nên bảo sa di: “Ngươi lấy bát hốt cơm đi”. Sa di bạch: “Tôi có đủ dùng rồi”. Dầu tỳ khưu có nói nữa rằng: “Vật ấy ta đã bố thí cho ngươi rồi”, mà sa di bạch lại rằng: “Tôi không cần dùng”, như thế dầu có nói đến 100 lần thì của ấy vẫn còn lại của mình (của tỳ khưu). Cơm của tỳ khưu đã cho đến sa di rồi, nếu cơm ấy rớt vào bát của mình thì tỳ khưu nên thọ bát lại.
Thí chủ nấu cháo rồi họ đi, có sa di còn nhỏ không sao nhắc nồi cháo xuống được, tỳ khưu nên nghiên bát vào, sa di nên nghiên nồi đổ cháo ra ngay miệng bát, cháo rớt vào bát gọi là dâng chơn chánh. Với thúng bánh, thúng cơm hoặc bó mía cũng vậy, như bó mía nặng vừa cho sức người bậc trung dỡ lên dâng mà được 2, 3 sa di giúp nhau dỡ lên dâng, dầu 2, 3 vị tỳ khưu tiếp nhau để thọ cũng được.
Về đựng dầu hoặc đường treo máng dưới chân giường, tỳ khưu ngồi trên giường thọ cũng được, vì không phải là vật uggahita. Hai cái nồi chồng nhau, thọ nồi trên, không thọ nồi dưới, cầm lấy nồi phía trên cũng được. Nồi phía dưới thọ rồi, nồi trên chưa thọ, khi dỡ nồi trên lên, cầm lấy nồi dưới, nồi trên là uggahita. Nồi dầu chưa dâng để dưới giường, khi quét dọn đụng nhằm không gọi là uggahita.
Tính lấy vật đã thọ mà lấy lộn vật chưa dâng, biết rồi đem để lại chỗ cũ, không phải là uggahita. Đã đem vật ra, ngồi rồi mới hay thì không nên để phía ngoài, phải đem cất lại chỗ cũ. Làm vậy không tội, song chẳng nên đụng nhằm nữa. Nếu vật mà thí chủ không đậy nắp rồi cất, tỳ khưu không nên đậy nắp, phải để như thường cho họ.
Người leo lên cây thốt nốt hoặc cây dừa, lấy dây buộc quày thòng xuống rồi kêu bảo thọ thì không nên thọ. Nếu có người đứng trên đất, họ cầm mối dây buộc quày thốt nốt hoặc dừa họ dâng thì thọ được. Nên bảo làm kappiya nhánh cây lớn có trái rồi sẽ thọ, thì các trái cây trên nhánh đều là vật đã thọ rồi cả.
Tỳ khưu cầm nhánh có trái làm dù che đi, rồi muốn ăn trái cây ấy, phải nhờ người dâng mới nên dùng.
Sa di muốn nấu cơm song dỡ nồi không nổi, tỳ khưu nên thọ gạo và nồi rồi đổ gạo và bắc nồi lên cà ràng, nhưng đừng nổi lửa, khi dỡ nắp xem chừng, nếu thấy chưa chín, đập nắp lại cho chín thì không nên, bằng đậy không cho bụi tro rớt vào thì được; đến khi chín, nhắc nồi xuống ăn cũng được.
Sa di có thể nấu được nhưng không rảnh, tỳ khưu nên nói: “Ngươi phải dâng gạo, nồi và nước đã, rồi bắt nồi lên cà ràng, nhúm lửa cho cháy rồi đi đi”. Như thế tiếp theo tỳ khưu làm các công việc như trên cũng được. Tỳ khưu muốn dùng cháo, để nồi sạch trên cà ràng nấu nước cho sôi cũng được. Khi nước sôi, sa di đổ gạo vào nồi, từ đó tỳ khưu không được chụm lửa thêm nữa. Lúc cháo chín thọ lãnh rồi ăn cũng được. Sa di đang nấu cháo, tỳ khưu lại rờ nồi, đụng hoặc dỡ nắp đụng thì không được phép ăn cháo ấy.
Tỳ khưu đi khất thực về, để bát trên chân bát, vật ấy không cần phải dâng nữa. Nếu tỳ khưu rờ rẫm bát, nắp bát mà chơi, cơm đã được trong bát, không nên đến tỳ khưu ấy. Nếu tỳ khưu dỡ bát lên rồi để bát xuống, cơm ấy không nên đến tất cả tỳ khưu.
Tỳ khưu nấu nước sôi uống cũng được, song nếu có tro bụi bay rớt vào, nên thọ mới lại. Tỳ khưu đang dùng mía, sa di xin ăn, tỳ khưu dạy cho sa di bao nhiêu, sa di lấy theo lời cho, vật còn dư lại không cần phải dâng, dầu với đường cũng vậy.
Thực phẩm ợ ra khỏi miệng nuốt vào khỏi cổ, ngoài buổi ăn, phạm tội, dầu vật ăn dính kẻ răng cũng vậy. Gần đúng ngọ dùng cơm trong nơi không có nước, nên khạc nhổ 2, 3 cục rồi đi đến nơi có nước sẽ súc miệng cũng được.
Nếu không muối, lấy nước biển dùng cũng được, nước mặn đã thọ rồi để dành trở thành muối, hoặc muối tan ra nước, hoặc nước mía trở thành đường hay là đường tan ra nước, nên thọ lại.
Nước múc trong sông, giếng, dầu đục cũng không cần phải dâng. Về nước đục nơi đồng ruộng, nếu nước bưng, bàu, có bông, lá cây rụng vào, làm cho nước có mùi vị thì nên thọ rồi sẽ uống; nếu không có mùi vị rõ rệt, không cần phải dâng. Nước trong ao sen có nhụy sen trên mặt nước, nhận đồ đựng xuống trong nước múc cũng được.
Tỳ khưu bảo người làm tăm xỉa răng, nên cho họ dâng. Tăm không thọ để dành, dầu không biết vị nuốt vào cổ cũng phạm tội, vì điều học ấy về acittaka.
Vật thực có mùi khó ăn, được phép để vào chút rượu cho bán mùi, song không nên để nhiều, có hơi rượu. Thuốc có mùi vị rượu, không phép uống, nhưng thoa xức được.
Khi dùng bijagāma (trái cây còn gieo trồng được) nên bảo anupasampanna rằng: “Ngươi nên làm cho ra vật nên dùng (kappiyam karohi)”, rồi mới nên ăn, là phải làm theo 5 điều: dùng lửa đốt; dùng dao xắt, gọt, xẻ; dùng ngón tay bấm, gạch; trái không bija; trái có bija mà lấy hột ra được. Ớt còn tươi sống, nên làm kappiya lấy hột ra hoặc làm cho chín, hoặc bấm hột cho nát đều đủ. Nếu làm sai 1 điều nào trên đây gọi là phạm tác ác.
1) Tỳ khưu trộm vật đáng giá là vatthu pārājika gọi là ekabhaṇda; cắp nhiều vatthu song mỗi vật chưa đến giá, phạm bất cộng trụ, gọi là nānābhanda.
2) Sự cầm lấy vissasa phải có đủ 3 chi: là người đã từng quen thấy, gặp nhau hoặc đã có nói trước với nhau; biết rằng đã cầm lấy rồi, tài chủ vừa lòng; người chủ còn sống mới gọi là cầm lấy chơn chánh.
3) Nếu saddhinvihārika hoặc antevāsika ở chung với upajjhāya, ācāriya rồi, 2 vị này phải: chia lābhaphala, dạy pháp, có tâm metā; có giới tinh nghiêm; có sự tôn trọng: tam bảo, upajjhāya, ācāraya hoặc tôn trọng mahātthera khác là bậc cao hạ hơn mình; không nên làm cho trò buồn lòng, cần cho đệ tử bỏ dữ về lành, khiến cho trò được tiến hoá và càng ưa thích thầy.
4) Tỳ khưu chưa đủ 5 hạ, thông hoặc không thông luật pháp, gọi là navakabhikkhu, cần phải có nissaya luôn khi; từ 5 hạ trở lên đến 10 hạ và thông hiểu luật pháp là angaguna đang đến nissaya muttaka[22] được gọi là majjhimabhikkhu; được trên 10 hạ và thông thuộc luật pháp có đủ angaguna gọi là thera.
5) Tỳ khưu nhập hạ đầu đứt rồi, qua hạ sau nhập không được, chỉ khi hữu sự (bịnh), nhập hạ trước không kịp, mới được phép nhập hạ sau.
6) Làm uposatha cần có đủ 4 anga: nhằm ngày 14, 15 hoặc là ngày sāmaggi; tỳ khưu từ 4 vị trở lên và nếu là pakatāttabhikku không phạm pārājika hoặc bị tăng phạt ukkhepanīyakamma (song 2 hạng đó, có trong vị thứ thứ tư mới là không được), các ngày ngự trong hatthapāsa cùng nhau; các ngài không phạm sabhāgāpatti; tránh hạng người không được phép ngồi trong atthapasa, như thế mới làm uposatha được.
7) Trong 1 chùa có 5 tỳ khưu nhập hạ trước, qua kỳ sau có 5 vị khác đến nhập hạ, tới kỳ pavāraṇā đầu, cả 10 vị phải hội nhau trong chánh điện làm đủ pubbakicca, rồi 5 vị trước nên ñatti rồi làm pavāraṇā, 5 vị sau phải tỏ parasudhi. Đến kỳ pavāraṇā sau, 5 vị sau cần ñatti, pavārana, 5 vị trước tỏ parisuddhi.
8) Vào đến cetiyathāna không nên mang giày, trùm y, tỏ ý dể duôi nơi khác, nói lớn tiếng, ngồi khoanh tay, nhổ khạc, ngồi ngay trước gần kim thân. Tỳ khưu nghi hoặc nhớ không chắc không nên sám hối.
9) Về sikkhāpada thứ 8 của kosiyavatta nói rằng: “Ưa thích vàng bạc mà người cất giữ cho mình, gọi là nissaggīya pācittiya. Nghĩa là khi thí chủ yêu cầu rằng: “vàng bạc mà họ cất giữ đó để cho mình là của mình”, rồi tỳ khưu không ngăn bằng thân, hoặc bằng khẩu, có tâm ưa thích, thì phạm nissaggīya pācittiya. Nếu họ không tỏ cho biết, dầu có ưa thích cũng không phạm.
10) Tỳ khưu mà thí chủ không thỉnh, đi chung theo với tỳ khưu được thỉnh, khí thí chủ cũng dâng cúng đến vị đó nữa, tỳ khưu ấy phạm về ājīvavipatti, cần cho hoàn tục.
11) Phải tụng bhikkhupātimokkha cho đến dứt (thuộc nằm lòng), nếu không có antarāya, 1, 2, vị tụng pātimokkha không được. Tụng thuộc lòng phân nửa, tụng xem trong pātimokkha phân nửa không nên.
12) Sīla có 2 thứ: paññatti và ācāra. Tất cả sikkhāpada có trong pātimokkha đều là paññatti. Các hạnh kiểm tốt nên hành, không có trong pātimokkha gọi là ācāra.
13) Đức Phật thuyết 4 nissaya để trong anusāsana (piṇḍapada civara pasukūla). Ngụ dưới bóng cây, dùng thuốc ngâm nước tiểu đó, vì Ngài là bậc đế vương ra khỏi dòng Sakya, có đủ sự sang cả, là điều mà mọi người mong mỏi. Tuy nhiên, muốn được vui cũng lắm khi làm quấy, khiến cho quyến luyến các cảnh giới, lầm lạc say mê trong ngũ dục, phải nóng nảy bận bịu, buộc ràng, thương thiếc, lúc các vật mến yêu đó hư hao, tiêu hoại. Cho nên Ngài chán nản, xuất gia tìm sự vui yên lặng, không quyến luyến trong các vật đó. Trong thời đi tầm đạo giải thoát gặp ācāriya mà phần đông sùng bái rằng là ông thầy đệ nhất, Ngài cũng vào thọ giáo, đến khi học thuần thục, thấy rằng chưa dứt bỏ được điều quyến luyến, xấu xa (là còn ham mê ngũ dục, còn mắc trong pháp thế gian), Ngài liền đi trong nơi khác. Dầu chính mình ngài chưa dứt được điều nhơ nhớp, tâm chưa yên lặng, là còn say mê ưa thích, Ngài cũng chưa vừa lòng. Ngài chỉ nhất tâm hành theo chơn lý, cho đến giác ngộ mới thôi. Thuở độ sanh, Ngài hay tùy tiện chỉ bảo, nhất là pháp tri túc (sandosa), lánh xa khỏi sự ham muốn xấu xa mà Ngài đã từng gặp rồi, không phải là trung đạo, để giác ngộ. Cớ đó, Ngài mới ban hành 4 nissaya cho bậc xuất gia dùng, vì là hạng người lánh ngũ dục, tìm xuất gia để làm bực thu thúc thân, khẩu, ý cho chơn chánh, chỉ cần tu phạm hạnh pháp (brahmācariyadhamma), có giới là điều trọng yếu, là phải trong sạch đầy đủ trước hết, rồi sẽ tu định, tu tuệ tiếp theo.
Nếu bậc xuất gia hành trọn nghĩa vụ như thế mới không có sự khổ trong chánh mạng, như bắt cá 2 tay. Lẽ đó, Ngài dạy bậc xuất gia cần tìm thực phẩm mà thí chủ tuỳ sức cúng dâng. Bốn nissaya đó là vật dễ tìm kiếm hơn hết. Ngài cho phép dùng để ngăn ngừa cái tâm không cho lay chuyển, vì là người nương nơi kẻ khác, họ cho chi dùng nấy, mới gọi là bậc xuất gia, có tâm tri túc, ưa thích vật dùng tuỳ được tuỳ có, là người dễ nuôi tức nhiên trì giới cũng dễ, để tu thiền định và trí tuệ nối tiếp là nấc thang cao thượng, được dễ dàng.
14) Tỳ khưu chưa có nissaya muttaka, khi vào xóm cần bạch cho upajjhā, ācāriya mới nên đi.
15) Trong 6 samuṭṭhāna phạm āpatti điều alajjitā, phạm mà không biết thẹn, là tội xấu xa nặng nề hơn hết, vì không biết hổ thì điều nào cũng có thể phạm được cả.
16) Khoe lokiyanaddhā, calassaddhā thì phạm pācittiya, khoe lokuttarasaddhā, acalasaddhā thì phạm pārājika.
17) Tiếng “civara” chẳng phải kể chung tất cả y từ 8 + 4 ngón. Chỉ nói về sikkhāpada 1, 5, 6 của civaravagga, trong sikkhāpada thứ 5, 6 của pattavagga, trong sikkhāpada thứ 5 của ovādavagga, trong sikkhāpada thứ 10 của surāpanavagga, trong sikkhāpada thứ 11 của sahadhammikavagga.
18) Nếu làm vinayakamma để dùng vật đã ngăn đó cho ra vật ăn được theo sikkhāpada thứ 5 của bhojanavagga, phải làm vinayakamma như vầy: lấy bhojana đem để có nơi, đi thỉnh vị khác, không ngăn bhojana đến thọ thực, làm cho có phép rồi cho vị kia dùng được.
19) Tỳ khưu tính hoàn tục, mặc thứ y kẻ thế, phạm dukkata.
20) Từ mặt trời mọc đến đứng bóng gọi là purebhattakala. Từ quá ngọ đền gần sáng gọi là pacchābhattakāla.
21) Phạm bhedanaka pācittiya, phải phá bỏ vật sanh āpatti trước, rồi sám hối sau (như sikkhāpada thứ 4 của rājavagga) mới nên. Phạm chedanaka pācittiya cần cắt bỏi vật sanh āpatti cho trúng theo luật, rồi mới nên sám hối (như sikkhāpada thứ 6 của rājavagga).
22) Vật che thân có 3: y, nhà tắm trong nước.
Sāpattikassa bhikkhave nirāyaṃ vadāmi tiracchānayonimvā ‒ Này các tỳ khưu! Như Lai nhất định nói: địa ngục và cầm thú để cho các tỳ khưu phạm tội[23].
---
GIẢI VỀ CÁCH THỨC SÁM HỐI
Các tội mà tỳ khưu đã cố ý phạm rồi thì làm cho hư hoại đường trời đạo quả và Niết-bàn, vì là phạm điều răn của đức Phật.
Cho nên tỳ khưu khi đã phạm điều học Bất cộng trụ phải xin xả giới hoàn tục, phạm tăng tàn nên khai tội ấy cho tăng xử tội theo luật định, phạm các tội nhẹ cần phải đối với tăng hoặc 3, 2 hay 1 vị tỳ khưu mà sám hối, mới trở nên trong sạch được.
Tỳ khưu phạm tội mặc y chừa 1 bên rồi đi tìm vị khác, ngồi chồm hổm, chắp tay đọc bài sám hối:
- Nếu phạm 1 tội đọc: Ahaṃ āvuso (bhante) ekaṃ thullaccayaṃ (pacittiyaṃ/ dukkataṃ/ dubbhāsitaṃ)[24]. Āpattim āpannotam patidesemi. Nghĩa là: Bạch ông (đại đức), tôi phạm trọng tội (tội ưng đối trị / tội tác ác / tội ác khẩu). Nay tôi xin sám hối tội lỗi ấy.
Người chứng nhận đọc: Passatha bhante[25]. Nghĩa: Bạch đại đức đã thấy rồi chăng? Hoặc: Passāsi āvuso. Nghĩa: Ông đã thấy rồi chăng?
Người sám hối đọc: āma āvuso (bhante) passāmi. Nghĩa là: Bạch ông (đại đức), tôi đã thấy.
Người chứng nhận đọc: Āyatin bhante saṃvarareyyātha. Nghĩa là: Bạch, từ đây đại đức nên thu thúc lấy. Hoặc: Āyatin āvuso saṃvareyyāsi. Nghĩa là: Bạch, từ đây ông nên thu thúc lấy.
Người sám hối đọc: Sādhu sutthu āvuso (bhante) saṃvarissāmi. Nghĩa là: Bạch ông (đại đức), phải rồi tôi xin thu thúc chơn chánh.
- Nếu phạm 2 tội đọc: Ahaṃ āvuso (bhante) dve thullaccayāyo (pacittiyāyo/ dukkatāyo/ dubbhāsitāyo). Āpattiyo āpannotā pātidesemi.
- Nếu phạm 3 tội đọc: Ahaṃ āvuso (bhante) sambahulā thullaccayāyo (pacittiyāyo/ dukkatāyo/ dubbhāsitāyo). Āpattiyo āpannotā pātidesemi.
Nếu phạm nhiều tội ưng xả đối trị nên xả bỏ vật (y, bát) trước rồi mới nên sám hối tội ưng xả đối trị sau:
- Xả y đọc: Idamme āvuso (bhante) civaraṃ dasāhātikkantaṃ nissaggiyaṃ imāhām āyasmato nissajjāmi. Nghĩa là: Bạch ông (đại đức), y này của tôi đã quá 10 ngày, là vật phải xả, tôi xin xả y ấy của tôi đến ông (đại đức).
Xả như thế, rồi sám hối tội ưng đối trị (pācittiya) như đã giải trên.
Người chứng nhận đọc câu này để trả y ấy lại: Imaṃ civaraṃ āyasmato dammi. Nghĩa là: Tôi cho y này đến ngài.
- Nếu phải xả y ca-sa thì đọc: Ayamme āvuso (bhante) saṅghāti (uttarāsango/ antaravāsako) ekarattin vippavuttho aññatrabhikkhu sammatiyā nissaggiyā imāhaṃ āyasmato nissajjāmi.
- Nếu xả bát giữ quá 10 ngày, đọc: Ayamme āvuso (bhante) patto dasāhātikkhanto nissaggiyo imāham āyasmato nissajjāmi.
- Nếu xả nhiều đọc: Imme āvuso (bhante) pattā dasāhātikkhanā nissaggiyā imāham āyasmato nissajjāmi.
Về rūpiya, vật mua, đổi bằng rūpiya, và bát nứt bể chưa đủ 5 chỗ, phạm 3 điều học ấy phải xả vật ở giữa tăng.
Nếu có nghi nên tỏ sự nghi ấy trước rồi sau mới nên xả y dư, nghi rằng chưa addhitthāna trước 10 ngày nên nói: “Nếu y này thiệt chưa addhitthāna, khi đã xả như thế sẽ trở thành vật cho tôi dùng được”. Nói như thế rồi nên xả y như đã có giải trên. Khi đã nói cho biết như vậy rồi làm vinayakamma, không phạm tội nói dối.
Lại nữa trong ngày uposatha pavāraṇā mình nghi phạm tội, nên tỏ cho hay sự nghi ấy trước rồi mới nên làm uposatha pavāraṇā và nghe giới bổn (pātimokkha). Chẳng nên làm hại đến uposatha và pavārana vì sự nín thinh, không sám hối. Nên mặc y chừa vai 1 bên, tìm vị tỳ khưu rồi ngồi chồm hổm chấp tay:
- Nếu nghi 1 tội đọc: Aham āvuso (bhante) ekissā thullaccayāya (pacittiyāya/ dukkatāya/ dubbhāsitāya). Āpattiyā vematiko yadānibbomatiko bhavissāmi tadatam āpattin patikarissāmi. Nghĩa là: Bạch ông (đại đức), tôi nghi trong trọng tội (tội ưng đối trị/ tội tác ác/ tội ác khẩu). Khi hết nghi, tôi sẽ sám hối tội ấy.
- Nếu nghi 2 tội, đọc: Ahaṃ āvuso (bhante) dvīsu thullaccayāsu (pacittiyāsu). Āpattisu vematiko yadānibbomatiko bhavissāmi tadātam āpattiyo patikarissāmi.
- Nghi nhiều tội đọc: Ahaṃ āvuso (bhante) samba hulāsu thullaccayāsu (pacittiyāsu).
- Nghi phạm nhiều tội mà điều học khác nhau: Ahaṃ āvuso (bhante) samba hulāsu nānāvatthukāsu thullaccayāsu (pacittiyāsu/ dukkatāyāsu/ dubbhāsitāyasu).
Không nghi bày tên tội mà sám hối cũng nên, sám hối như vầy:
- Như mặt trời bị mây che áng, nghi là buổi sáng hoặc buổi chiều, rồi dùng vật yāvakālika, tôi đã nghi rồi mà dùng vật yāvakālika.
- Nếu buổi sáng thì phạm tác ác, đọc: Ahaṃ āvuso (bhante) yātamin vatthusmim sambahulā dukkatāyo (pacittiyāyo) āpattiyo āpannotā patidesemi.
Người chứng nhận đọc như đã giải trên:
Lại nữa, tỳ khưu sám hối hoặc chứng nhận tội phạm đồng nhau (sabhāgāpatti) phạm tội tác ác, vì đức Phật có dạy: “Na bhikhave sabhāgā āpatti desetabbā... patiggahetabbā. Nghĩa là: Tội đồng nhau, tỳ khưu không nên sám hối, nếu sám hối phạm tác ác. Tội đồng nhau, tỳ khưu không nên chứng nhận, nếu chứng nhận phạm tác ác.
Hai tỳ khưu phạm tội đồng nhau (chung 1 điều học) như ăn sái giờ cùng nhau không nên sám hối, không nên chứng nhận lời sám hối với nhau. Nếu 1 vị phạm tội ăn sái giờ, sám hối với vị phạm tội dùng vật thực không phải của dư, của tỳ khưu bịnh, cũng được.
Nhưng tội nào, có phạm điều học giống nhau mà tỳ khưu sám hối rồi, cũng gọi là sám hối chơn chánh. Người sám hối phạm thêm Tác ác khác (vì sám hối), còn người chứng nhận cũng phạm thêm Tác ác khác (vì chứng nhận), tội ấy gọi là tội có điều học khác nhau. Cho nên trở sám hối cùng nhau nữa cũng được.
Trong khi nghe tụng giới bổn hoặc pavāraṇā, nếu nhớ tội được, nên cho tỳ khưu ngồi gần hay tên tội như vầy:
- Nếu nhớ đến 1 tội đọc: Ahaṃ āvuso (bhante) ekaṃ thullaccayaṃ (pacittiyaṃ/ dukkataṃ/ dubbhāsitaṃ). Āpattim āpanno ito vuttha hitvā taṃ āpattin patikarissāmi. Nghĩa là: Bạch ông (đại đức), tôi phạm 1 trọng tội (1 tội ưng đối trị/ 1 tội ác/ 1 tội ác khẩu). Khi đứng dậy khỏi nơi đây tôi sẽ sám hối tội ấy.
- Nếu phạm nhiều tội nên khai tiếng khác vào như đã có giải trên.
Phải tỏ với tỳ khưu sabhāga, không nên nói đến tỳ khưu visabhāga vì e có sự cãi lẽ. Nếu không có tỳ khưu sabhāga, thì cần ghi nhớ trong tâm rằng: Khi ra khỏi nơi, ta sẽ sám hối. Rồi làm uposatha, pavāraṇā được.
Nếu tất cả chư tỳ khưu trong chùa đều phạm điều học giống nhau, nên cho 1 vị đến chùa khác sám hối rồi trở về cho tỳ khưu trong chùa sám hối lại.
Nếu không có thể được thì vị tỳ khưu thông hiểu nên đọc tuyên ngôn giữa tăng rằng: Sunātu me bhante saṅgho ayaṃ sabbo saṅgho sabhāgaṃ āpattim āpanno yādā aññambhikkhuṃ suddhaṃ anāpatti taṃ apattiṃ patikarissati. Rồi làm uposatha pavāraṇā.
Nếu nghi, nên tụng tuyên ngôn giữa tăng: Sunātu me bhante saṅgho ayaṃ sabbo saṅgho sabhāgā āpattiyā ve metiko yadānibbo matiko bhavissati tādātaṃ apattin patikarissati. Rồi làm uposatha pavāraṇā.
Nếu có tỳ khưu cho rằng: nên sám hối sabhāgāpatti ấy, rồi 2 vị sám hối cùng nhau. Đã sám hối gọi là sám hối chơn chánh, cả 2 tỳ khưu ấy phạm tội khác điều học nhau như đã có giải trước. Cho nên phải sám hối cũng nhau thêm nữa. Cả 2 vị ấy đều trong sạch. Chư tỳ khưu khác nên sám hối với 2 vị ấy. Tỳ khưu phạm tội chưa sám hối nghe giới bổn hoặc pavāraṇā, thì phạm tác ác.
Phạm bất cộng trụ, Tăng tàn, không nên sám hối. Không tội, không nên sám hối. Tội đã sám hối, không nên sám hối nữa. Không nên sám hối với tỳ khưu không đồng đẳng nhau. Không nên sám hối một lượt với nhau. Không nên sám hối trong tâm. Không nên sám hối với tỳ khưu mà “tăng” đã phạt cấm phòng (không cho ở chung), không cho làm uposatha pavāraṇā chung.
Lại nữa, nhiều tội khác nhau, không nên sám hối chung lại 1 tội, phạm 1 tội, sám hối nhiều tội gọi là sám hối chơn chánh.
Phạm tội bất cộng trụ rồi huờn tục theo phép, gọi là sám hối Bất cộng trụ.
---
GIẢI VỀ PHÉP ĐẦU ĐÀ (DHUTANGAKATHĀ)
Tiếng đầu đà - dhutangakatha nghĩa là: Chi[26] của người dứt phiền não, hoặc tư cách có trí tuệ để dứt trừ phiền não, là điều kiện và là sự tu hành để phá huỷ nghịch pháp. Nói tóm tắt là tác ý để thọ trì chi ấy.
Đầu đà có 13 phép:
1) pamsukūkanga: chi của tỳ khưu là người có phẩm cách, thường mặc y ca-sa có trạng thái đáng gớm như phẩn đất;
2) tecīvarikanga: chi của tỳ khưu là người chỉ thường mặc tam y (y 2 lớp, y vai trái và y nội);
3) pindapātikanga: chi của tỳ khưu là người có phẩm cách thường đi để khất thực;
4) sapadānacārikanga: chi của tỳ khưu là người có phẩm cách để đi khất thực theo mỗi nhà;
5) ekāsanikanga: chi của tỳ khưu là người có phẩm cách chỉ thường dùng vật thực trong 1 chỗ ngồi;
6) pattapiṇḍikanga: chi của tỳ khưu là người có phẩm cách chỉ thường dùng vật thực trong 1 bát;
7) khalupacchābhattikanga: chi của tỳ khưu là người có phẩm cách không dùng vật thực mà mình đã ngăn, sau rồi mới được lại;
8) āraññikanga: chi của tỳ khưu là người có phẩm cách thường trú ngụ trong rừng;
9) rukkhamūlikanga: chi của tỳ khưu là người có phẩm cách trú ngụ gần cội cây;
10) abbhokāsikanga: chi của tỳ khưu là người có phẩm cách thường trú ngụ trong nơi khoảng trống;
11) sosānikanga: chi của tỳ khưu là người có phẩm cách thường trú ngụ trong rừng mộ địa;
12) yathāsanthatikanga: chi của tỳ khưu là người có phẩm cách chỉ ngụ trong chỗ mà tăng đã cho đầu tiên, không dời đổi;
13) nesajjikanga: chi của tỳ khưu là người thường có phẩm cách ngăn oai nghi nằm, chỉ đứng và ngồi.
Giải về cách thọ trì đầu đà (dhutangasamādāna vidhānādikathā)
Khi đức Thế Tôn còn tại thế, phải đối với Ngài mà thọ phép đầu đà. Sau khi Ngài nhập Niết-bàn rồi phải thọ với chư đại Thinh văn. Sau khi không còn chư đại Thinh văn, nên xin giữ với bậc A-la-hán, A-na-hàm, Tư-đà-hàm, Tu-đà-huờn, với bậc thông hiểu Tam tạng hoặc 2 tăng, hoặc 1 tăng. Sau nữa nên xin với bậc đã hành phép đầu đà trước. Nếu không có, nên quét dọn tháp, chùa cho sạch, hết lòng thành kính lễ bái cúng dường như thuở đức Chánh Biến Tri còn tại tiền, rồi ngồi chồm hổm chắp tay xin thọ, bằng không thì thọ nơi mình cũng được.
1. Cách thọ trì trong đầu đà thường mặc y ca-sa đáng gớm như phẩn đất (pamsukūlikanga).
Có 2 cách thọ: tôi xin ngăn[27] y ca-sa mà thí chủ dâng cúng (gahapatidānacivaraṃ patikkhipāmi); tôi xin thọ trì chi của tỳ khưu, là người có phẩm cách thường mặc y ca-sa đáng gớm như phẩn đất (pamsukūlikāngam samādiyāmi). Trong 2 cách ấy muốn thọ theo cách nào tuỳ ý.
Hành giả khi đã thọ trì đầu đà này rồi, phải tìm 1 trong 23 thứ vải, kể dưới đây, kiếm thứ nào còn chắc, đem vá cắt, may làm ca-sa, rồi đổi bộ y mà thí chủ đã dâng cho mình đang dùng, mặc y đáng gớm ấy.
23 thứ vải đáng gớm ấy là: vải bỏ nơi mồ mả (sosānika); vải bỏ nơi quán hàng chợ (āpanika); vải dơ mà kẻ tín thí muốn bố thí đem bỏ giữa đường đi (rathiyacola); vải dơ bỏ nơi đống rác (sankāracola); vải chùi mình dơ rồi bỏ (sotthiya); vải dơ mà người bịnh mặc để cho thầy làm phép tắm rồi bỏ (nānacola); vải bỏ tại bến nước (titthacola); vải dơ bó tử thi rồi bỏ (gatapaccāgata); vải đã bị cháy 1, 2 chỗ rồi bỏ (aggidaḍḍha); vải bị bò xé rồi bỏ (gokhāyita); vải bị mối ăn rồi bỏ (upacikākhāyita); vải bị chuột cắn rồi bỏ (undīrakhāyita); vải rách bìa rồi bỏ (antacchinna); vải rách biên rồi bỏ (dasacchinna); vải làm cờ và phướng rồi bỏ (dhajāhata); vải rịt ghẻ rồi bỏ (thūpacivara); vải mà sa-môn bỏ (samanacivara); vải dùng trong việc tôn vương rồi bỏ (ābhisokika); vải của tỳ khưu ehibhikkhu[28] cho (iddhimaya); vải rơi rớt giữa đường đi (panthika)[29]; vải bị gió thổi bay, chủ bỏ (vātāhata); vải chư thiên đem bố thí, bỏ 1 nơi nào (devadattiya); vải bị sóng biển đáng tắp vào bờ (sāmuddiya).
Trong 23 thứ vải đã kể trên, khi tỳ khưu đã nguyện giữ đầu đà rồi, kiếm được và may đủ, thì phải bỏ y cũ (y đã mặc lúc còn ở chùa là của thí chủ dâng cúng). Không phép dùng y của thí chủ dâng đến tay, nếu tỳ khưu với nhau cho thì mặc được.
Tỳ khưu giữ đầu đà này có 3 bực. Bực thượng: Chỉ mặc tam y làm bằng vải dơ lượm nơi mộ địa. Bực trung: Làm bằng vải dơ của người bỏ. Bực hạ: Mặc tam y làm bằng vải dơ của thí cố ý làm phước, đem gần bỏ gần bên chân. Ba bậc tỳ khưu này nếu thọ lãnh y nơi tay thí chủ dâng cúng, gọi là phá phép đầu đà mà mình đã nguyện giữ.
Cho nên chẳng phải chỉ có đầu đà này đâu, đầu đà là 12 đầu đà sẽ giải ra phía sau, nếu tỳ khưu đã nguyện giữ rồi mà phá hư, nhưng cố ý hành nữa cần phải thọ mới lại.
Đầu đà này có 12 quả báu.
1) Nissayānurūpapatipattisabbhāvo: người có tư cách hành vừa theo phép nương[30] mà vị hoà thượng dạy bảo khi mới thọ cụ túc giới.
2) Pathame ariyavaṃse patiṭṭhānam: tư cách ở trong vòng thánh thứ nhất.[31]
3) Ārakkhadukkhābhāvo: không có khổ vì sự gìn giữ y.
4) Aparāvattavuttitā: không có sự quyến luyến vì kẻ khác.
5) Corabhayena abhayatā: không lo sợ vì kẻ cướp.
6) Paribhogataṇhāya abhāvo: không ham muốn trong sự thọ dụng.
7) Samanasārupparikkhāratā: người có vật phụ tùng vừa theo phận Sa-môn.
8) Bhagavata saṃvaṇṇitapaccayatā: người có vật dùng mà đức Thế Tôn khen ngợi.
9) Pāsādikatā: người đem đức tin đến kẻ khác.
10) Appicchatā dīnaṃ phalanipphatti: tư cách thành tựu các thứ quả, nhất là không tham hoặc ít tham.
11) Sammāpaṭipattiyā anubrūhanaṃ: tư cách làm cho chánh đạo được tăng trưởng.
12) Pacchimāya janatāya ditthānuggati āpādanam: tư cách làm mô phạm cho kẻ hậu lai. Ấy là 12 quả báo trong đầu đà mặc tam y đáng gớm mà tỳ khưu được gìn giữ chín chắn.
Kết luận trong đầu đà mặc tam y đáng gớm: Mārasenam vighātāya pamsukūladharo yati sannaddhakavaco yuddhekhattiyo viya sobhati pahāya kāsikādini varavatthāni dhāritam yaṃ lokagarunā ko tam pamsukūlaṃ na dhāraye tasmā hi attano bhikkhu patiññaṃ samanussaraṃ yogācārānukūlamhi pamsukūle rato siyā. Nghĩa là: “Bậc đế vương mang thiết giáp bền chắc trong nơi chiến trường thế nào, hành giả là người hành đầu đà mặc tam y đáng gớm, bền chắc trong tư cách sát hại quân ma cũng như thế ấy”.
Đức Thế Tôn là tổ sư của chúng sanh trong tam giới mà Ngài cũng bỏ các y quí giá, nhứt là y được ở xứ Kāsi, trở lại mặc y ca sa đáng nhờm gớm. Vậy tỳ khưu nào lại dám không mặc y ca sa đáng gớm ấy được. Cho nên hành giả khi đã nhớ đến lời nguyện của mình nên ưa thích trong y ca sa đáng gớm, vừa theo sự tinh tấn.
2. Cách thọ trì trong đầu đà chỉ mặc tam y (tecīvarikanga).
Trong đầu đà này cũng có 2 cách thọ: tôi xin ngăn y thứ 4 (catutthakacīvaraṃpatikkhipāmi); tôi xin thọ trì chi của tỳ khưu, người chỉ dùng tam y (tecīvarikangam samādiyāmi).
Trong 2 cách ấy muốn thọ theo cách nào tùy ý. Tỳ khưu hành đầu đà này, khi đã thọ trì nếu được vải để làm y (ngoài tam y cũ) mà chưa làm xong hoặc còn thiếu vải, thiếu kim, chỉ, được phép cất giữ vải ấy không có tội trong sự ưa thích y thứ tư, vì nguyện nhận cất giữ vải ấy. Nhưng khi đã nhuộm rồi, không nên để dành. Nếu còn tích trữ, gọi là kẻ cướp lớn về phần đầu đà.
Tỳ khưu giữa đầu đà này có 3 bậc. Bậc thượng: trong khi nhuộm y, nếu nhuộm y nội trước thì mặc y vai trái, y nội khô, lấy mặc vào rồi nhuộm y khác; muốn nhuộm y nội và y vai trái một lượt cũng được, nhưng phải ngồi gần chỗ phơi y, như có kẻ ngoài đi đến, nên lấy mặc vào, chẳng nên để thân trần truồng và mặc y 2 lớp. Bậc trung: nếu muốn nhuộm y 1 lượt thì được phép mặc đỡ y để nơi nhà nhuộm. Bậc hạ: trong khi nhuộm y được phép mặc đỡ y của vị khác (trong bọn) hoặc dùng ngoạ y cũng được. Ba bậc tỳ khưu này, nếu dùng đến tứ y, gọi là phá phép đầu đà mà mình đã nguyện giữ[32].
Phép đầu đà này có 11 quả báo:
1) Santuttho: được gọi là người có tri túc trong số y vừa đủ mặc;
2) Samādāyevagamanam: tư cách chỉ có tam y thôi, dường như loài chim[33] (bay đến nơi nào chỉ có cặp cánh);
3) Appasamārambhatā: người ít bận việc gì khỏi lo hong phơi hoặc xếp cất các y dư;
4) Vatthasannidhiparivajjanam: tư cách tu hành, không có sự gom thu để dành y;
5) Sallahuka vuttitā: người hành vi nhẹ nhàng mau mắn;
6) Atirekacivaralolupappahānam: tư cách dứt bỏ sự dứt bỏ sự ham muốn xấu sa thái quá trong y dư;
7) Kappiyemattakāritā: trạng thái có tiếp độ trong y vừa (đủ dùng)[34];
8) Sallekhavuttitā: người tu hành làm cho phiền não trở nên nhẹ nhàng;
9) Appicchapādīnam phaḷanipphatti: tư cách thành tựu các thứ quả, nhất là không tham hoặc ít tham;
10) Sammāpatipattiyā anubrūhanam: tư cách làm cho chánh đạo được tăng trưởng;
11) Pacchimāya janatāya ditthanugati āpādanam: tư cách làm mô phạm cho kẻ hậu lai. Ấy là 11 quả báo trong đầu đà chỉ mặc tam y mà tỳ khưu đã được thọ trì chín chắn.
Kết luận trong đầu đà chỉ mặc tam y: Atirekavatthatanhaṃ pahāya sannidhivivajjito dhīro santosa sukharasaññu ticivaradharo bhavati yogī tasmā sapattacararano pakhīva sacīvarova yogivaro sukkha manuvicaritukāmo civaraniyam ratim kayirā. Nghĩa là: Hành giả là người có trí tuệ, biết lương vị của điều an vui phát sanh do sự tri túc, hằng dứt bỏ lòng ham muốn trong y dư quá số, các ngài năng lánh xa tư cách gom thu y dư để dành, chỉ dùng tam y thôi. Cho nên hành giả cao thượng (trong Phật pháp này), khi muốn đi đâu được an vui, chỉ nên có 3 manh y dính theo mình, dường như loài chim bay, chỉ có cặp cánh dính theo mình mà thôi. Phải nên vui thích trong y có hạn định ấy.
3. Cách thọ trì đầu đà thường đi để khuất thực (pindapātikānga)
Trong đầu đà này cũng có 2 cách thọ: tôi xin ngăn lễ vật ngoài thực phẩm mà tôi đi xin được[35] (atirekalābham patikkhipāmi); tôi xin thọ trì chi của tỳ khưu là người có phẩm cách đi để khất thực (pindapātikangam samādiyāmi). Trong 2 cách ấy muốn thọ theo cách nào cũng được.
Hành giả đã nguyện thọ phép đầu đà này rồi không nên ưa thích trong 14 thực phẩm dư nữa (atirekalābha).
14 thực phẩm dư là:
1) sanghabhatta: thực phẩm mà thí chủ dâng đến tất cả chư tăng;
2) uddesabhatta: thực phẩm mà họ dâng đến 1 hoặc 2 vị tỳ khưu thế mặt cho tăng;
3) nimantanabhatta: thực phẩm họ thỉnh tỳ khưu đến rồi dâng;
4) salākabhatta: thực phẩm họ dâng theo cách rút thăm;
5) pakkhikabhatta: thực phẩm họ dâng trong 1 tuần, hoặc mỗi tháng chỉ có 1 ngày;
6) uposathikabhatta: thực phẩm họ dâng trong mỗi ngày lễ bát quan trai;
7) pātipadikabhatta: thực phẩm họ chỉ dâng trong ngày mùng 1 hoặc 16;
8) āgantukabhatta: thực phẩm họ dâng đến tỳ khưu ở xa mới đến;
9) gamikabhatta: thực phẩm họ dâng đến tỳ khưu sắp ra đi đường xa;
10) gilānabhatta: thực phẩm họ dâng đến tỳ khưu bịnh;
11) gilānupatthākabhatta: thực phẩm họ dâng đến tỳ khưu nuôi bịnh;
12) vihārabhatta: thực phẩm họ dâng đến chùa, đến thất;
13) dhurabhatta: thực phẩm họ để dành trong nhà có việc, rồi họ dâng;[36]
14) varabhatta: thực phẩm họ chia phần nhau dâng.
Trong cả 14 thực phẩm ấy, tỳ khưu hành đầu đà đi khất thực không nên thọ. Nhưng nếu thí chủ thông hiểu, không thỉnh rằng: “Ngài thọ trai tăng”, mà nói: “Xin đại đức tăng thọ thực trong nhà chúng tôi, ngài cũng vậy.” Như thế, tỳ khưu ấy thọ được, hoặc họ rút thăm để dâng các món thuốc không phải là vật ăn buổi sáng để phát sanh đến tăng, hoặc vật thọ thực nấu trong chùa, tỳ khưu ấy thọ cũng được.
Tỳ khưu hành đầu đà này có 3 bậc. Bậc thượng: Trong khi khất thực, nếu có tín thí do phía trước, hay là phía sau mà đến, hoặc lúc trở về thí chủ đem vật thực dâng cúng, thì được phép lãnh, trừ ra ngồi xuống rồi thì không được phép thọ. Bậc trung: Dầu ngồi xuống rồi cũng còn thọ lãnh được. Bậc hạ: Nếu có thiện tín thỉnh trước để dâng cơm cũng được. Ba bậc tỳ khưu này, nếu thọ lãnh 14 thứ vật thực đã kể trên, gọi là phá phép đẩu đà mà mình đã nguyện giữ.
Đầu đà này có 15 quả báo:
1) nissayānurūpapatipattisabbhāvo: người hành vừa theo phép nương[37];
2) dutiye ariyavamse patitthānam: tư cách ở trong vòng thánh thứ nhì[38];
3) apparāyattāvuttitā: người có sự không dính dấp vì nuôi kẻ khác;
4) bhagavatā samvannita paccayatā: người có vật dụng mà đức Thế Tôn hằng ngợi khen;
5) kosajjanimmathanatā: người có sự dứt bỏ tánh lười biếng;
6) parisuddhājivitā: người có sự tinh tấn trong cách nuôi mạng trong sạch;
7) sekhiyapatipattipūranam: phương pháp tư tập phép ưng học pháp;
8) aparapositā: người không cần phải nuôi kẻ khác vì biết tiết độ trong sự thọ lãnh;[39]
9) pāranuggahakiriyā: phương pháp tiếp độ kẻ khác vì sự thọ lãnh mỗi nhà mỗi chút;
10) mānappahānam: phương pháp dứt trừ tâm kiêu hãnh nghĩa là không chọn lựa vì trông cậy có vật thực khác;
11) rasatanhāya nivāranam: phương pháp ngăn sự mong mỏi trong vị ngon của vật thực khác;
12) ganabhojanaparamparabho janacāritta sikkhapadehi anāpattitā: người không phạm tội vì thọ ganabhojana, parampabhojana và cāritta[40] do không chịu mời thọ thực;
13) appicchatādīnam anulomavuttitā: người có tư cách hành vừa theo các đức tánh, nhất là không hoặc ít tham (appicchatā);
14) sammāpatipattibrūhanam: phương pháp làm cho chánh đạo được tăng trưởng;
15) pacchimājanatānukampanam: phương pháp tiếp độ kẻ hậu lai. Ấy là 15 quả báo trong đầu đà để đi khất thực mà tỳ khưu hành được chơn chánh.
Kết luận trong đầu đà đi để khất thực: Pindiyālopasantuttho aparāyattajīviko pahīnāhārololuppo hoticātuddiso yati vinodayati kosajjam ājīvassa visujjhati tasmā hinātimaññeyya bhikkhācāram sumedhaso. Nghĩa là: hành giả có sự vui thích bình đẳng trong hột cơm mà người cho từ vá, có tư cách không nuôi kẻ khác, đã dứt bỏ lòng ham muốn xấu xa trong vật thực, là người có thể đi đến bốn phương được dễ dàng, dứt trừ sự lười biếng, cách nuôi mạng của tỳ khưu ấy được trong sạch.
Cho nên người có trí tuệ cao thượng không nên khinh rẻ sự khất thực ấy. Thật vậy, tỳ khưu hành đầu đà “đi để khất thực” là người chỉ nuôi một thân mạng không phải nuôi kẻ khác. Như thế Chư thiên hằng yêu mến, trọng đãi và hộ trì, vì sự không mong được lễ vật và lời ngợi khen.
4. Cách thọ trì trong đầu đà thường đi khất thực theo mỗi nhà (sapadānacārikanga)
Trong đầu đà này cũng có 2 cách thọ: tôi xin ngăn tư cách đi để khất thực theo ý muốn (loluppacārampatikkhipāmi); tôi xin thọ trì chi của tỳ khưu là người có phẩm cách thường đi khất thực theo mỗi nhà (sapadānacārikangamsamādiyāmi). Trong 2 cách ấy muốn thọ theo cách nào tùy ý.
Tỳ khưu thọ phép đầu đà này, khi vào đến xóm nên đứng xem, e có điều rủi ro[41], nếu có sự biến cố nào, nên bỏ qua, đi đến nhà khác cũng được. Nơi nào quen chừng không được vật chi chút ít cả, nên cho rằng không phải là nhà thí rồi đi đến xóm khác. Song nếu được chút ít trong nơi nào, không nên bỏ qua và càn phải khất thực cho sớm, đặng phòng ngừa sự bỏ qua những nơi có điều rủi ro, để đi đến nơi khác không cho quá giờ, nếu có người bố thí trong chùa, hoặc gặp giữa đường, họ xin bát để vật thực đem đến dâng cũng được.
Tỳ khưu hành đầu đà này, trong lúc đi theo đường, nếu đến buổi ăn, không nên đi trớt, dầu không được vật thực hoặc được chút ít, cũng phải đi khất thực mỗi nhà.
Tỳ khưu hành đầu đà này có 3 bậc. Bậc thượng: Nếu có thí chủ đến do phía trước hoặc phía sau, hoặc lúc trở về, họ đem vật thực dâng cúng thì chẳng nên thọ, chỉ được phép lãnh khi đứng trước nhà. Bậc trung: được phép thọ, trừ ra khi đã ngồi xuống. Bậc hạ: ngồi xuống rồi cũng còn lãnh được. Ba bậc này, nếu đi khất thực theo ý muốn gọi là phá phép đầu đà mà mình đã nguyện giữ
Đầu đà này có 8 quả báo:
1) kulesu niccanavakatā: người thường đi xin trong các khoảng nhà;
2) cantupamatā: người lành ví như mặt trăng, vì không dính dấp trong nhà nào cả;
3) kulamaccherappahānam: tư cách dứt bỏ sự bón rít trong các nhà;
4) samānukampitā: người có sự tiếp độ bình đẳng đủ cả nhà;
5) kulupākīdenavābhāvo: người không có tội trong sự đi vào xóm;
6) avhananabhinandana: tư cách không vui thích lời họ kêu gọi thỉnh mời;
7) abhihārena anatthikatā: người không có sự cần dùng vật thực mà họ đem đến dâng;
8) appicchatādīnam anulomavuttitā: người có sự hành vừa theo các đức tánh, nhất là không tham hay ít tham. Ấy là 8 quả báo trong sự thọ đầu đà đi khất thực theo mỗi nhà mà tỳ khưu được thọ trì được chín chắn.
Kết luận trong đầu đà đi khất thực theo mỗi nhà: Candūpamo niccanavo kulesu amaccharī sabbasamānukampo kulūpakādīnavavippamutto hotīdhabhikkhu sapadānacārī loluppacāram pajahāya tasmā okkhittacakkhu yugamattadassī ākankhamāno bhuvisericāram careyya dhīro sapadānacāram. Nghĩa là: tỳ khưu hành đầu đà đi khất thực theo mỗi nhà, trong Phật pháp này, là người lành ví như mặt trăng, là người thường đi xin ăn, là người không bón rít trong các nhà, có sự tiếp độ bình đẳng đủ cả nhà, là người đã thoát khỏi tội, phát sanh do sự đi vào xóm.
Cho nên bậc trí tuệ, nếu muốn đi trên mặt đất theo sở thích, cũng phải dứt bỏ cách đi khất thực theo ý muốn, phải có cặp mắt ngó xuống, chỉ nên liếc xem ra 1 ách (2 sải) rồi nên hành đầu đà đi khất thực theo mỗi nhà.
5. Cách thọ trì trong đầu đà thường ngồi ăn trong một chỗ (ekāsanikanga)
Trong đầu đà này cũng có 2 cách thọ: tôi xin ngăn tư cách ngồi ăn trong nhiều chỗ (nāsāsanabhojanam patikkhipāmi); tôi xin thọ trì chi của tỳ khưu là người có phẩm cách chỉ ngồi ăn trong 1 chỗ (akāsanikangam samādiyāmi). Trong 2 cách ấy muốn thọ cách nào tuỳ ý.
Tỳ khưu thọ phép đầu đà này, trong nhà ăn, không nên ngồi trên chỗ của vị trưởng lão. Phải phân biện trước chỗ ngồi vừa theo địa vị mình, rồi mới nên ngồi. Khi đương ăn, nếu có ông thầy dạy đạo, hoặc vị hoà thượng đi đến nên đứng dậy làm lễ, nhưng không được trở lại ăn nữa.
Tỳ khưu hành đầu đà này có 3 bậc. Bậc thượng: dầu có vật thực nhiều hay ít, nếu có thò tay vào thì chẳng nên ăn vật nào khác thêm nữa. Bậc trung: nếu vật thực trong bát còn được phép thọ thêm. Bậc hạ: nếu chưa ra khỏi chỗ ngồi ăn, được phép lãnh thêm. Ba bậc này nếu ngồi ăn nhiều chỗ gọi là phá phép đầu đà mà mình đã nguyện giữ.
Đầu đà này có 8 quả báo:
1) appābādhatā: trạng thái người ít có bịnh;
2) appātankatā: trạng thái người sống không khổ, là khỏi bị khổ trong thân thể;
3) lahutthānam: cách trỗi dậy lẹ làng;
4) balam: có thân thể khỏe mạnh;
5) phasuvihāro: cách ở được an vui;
6) anatirittapaccayā anāpatti: không phạm tội vì thọ vật thực anatirittabhojana[42];
7) rasatanhāyavinodanam: cách không mong được vị ngon;
8) appicchatādīnam anulomavuttitā: trạng thái người có sự hành vừa theo các đức tánh, nhất là không tham hay ít tham. Ấy là 8 quả báo trong đầu đà ăn trong 1 chỗ ngồi mà tỳ khưu thọ trì được chín chắn.
Kết luận trong đầu đà ăn trong một chỗ ngồi: Ekāsanabhojane rataṃ nayatim bhojanapaccayā rujā visahantirase aloluppo parihāpeti na kammamattano iti phāsuvihāra kārane suvisallekharatupasevite janaye thavisuddhamānaso ratimekāsanabhojaneyati. Nghĩa là: các thứ bịnh phát sanh do dùng vật thực, hằng không làm hại đến hành giả vui thích trong cách thường thọ thực trong 1 chỗ ngồi. Sự chẳng lựa chọn vị ngon hằng không làm cho tiêu hoại nghiệp tinh tấn của hành giả.
Cho nên, tỳ khưu là người có tâm trong sạch nên làm cho sự vui thích phát sanh trong đầu đà, chỉ nên ngồi ăn trong 1 chỗ là nguyên nhân làm cho cách ở được an vui.
6. Cách thọ trì trong đầu đà thường ăn trong một bát (pattapindikānga)
Trong đầu đà này cũng có 2 cách thọ: tôi xin ngăn đồ đựng thứ nhì (dutiyabhājanam patikkhipāmi); tôi xin thọ trì chi của tỳ khưu, là người có phẩm cách chỉ thường thọ thực trong 1 bát[43] (pattapindikāngam samādiyāmi). Trong 1 cách ấy muốn thọ theo cách nào tuỳ ý.
Tỳ khưu thọ phép đầu đà này, khi dùng cháo phải để cháo trong đồ đựng, nếu được đồ an khô (khô, mắm) nên ăn đồ khô trước cũng được, húp cháo trước cũng được, để đồ ăn khô trong cháo e có mùi hôi tanh, ăn rồi mửa ra, nhưng nếu ăn được cũng tốt. Về mật ong, hoặc đường thì phải để chung vào ăn với cháo. Các vật ấy, tỳ khưu phải thọ cho có tiết độ. Trong khi ăn, nếu có nước chấm và củ, trái, rau, phải cầm ăn không tiện phải nên để vào bát.
Tỳ khưu hành đầu đà này có 3 bậc. Bậc thượng: ăn vào miệng rồi dầu gặp xương, gặp rác cũng chẳng nên nhả ra (trừ ra ăn mía được phép nhả xác). Bậc trung: ăn nhằm xương hoặc rác được phép nhả bỏ, nhưng không nên bóp, trộn vật thực trong bát rồi mới ăn. Bậc hạ: dầu trộn vật thực trong bát rồi mới ăn cũng được. Ba bậc này, nếu ăn ngoài bát thì gọi là phá phép đầu đà mà mình đã nguyện giữ.
Đầu đà này có 6 quả báo:
1) nānārasatanhāvinodanam: cách dứt bỏ sự mong mỏi trong vật thực có vị ngon;
2) atricchatayapahānam: cách dứt bỏ trạng thái người có sự ham muốn trong món ăn;
3) āhārepayojanamatta dassitā: trạng thái người thấy điều hữu ích về sự tiết độ trong vật thực;
4) thālakādipariharanakhedābhāvo: không có sự cực nhọc nhất là cất giữ vật thực;
5) avikkhittabhojitā: trạng thái người không có tâm thay đổi vật thực khác;
6) appicchatādinam anulomavuttitā: trạng thái người có cách hành vừa theo các đức tánh, nhất là không tham hay ít tham. Ấy là 6 quả báo trong đầu đà chỉ thường ăn trong một bát mà tỳ khưu thọ trì được chín chắn.
Kết luận trong đầu đà thường ăn trong một bát: Nānābhājanavikkhepam hitvā okkhittalocano khananto viya mūlāni rasatanhāya subbato sarūpam viya santutthim dhārayanto sumānaso paribhuñjeyya āhāram ko añño pattapindiko. Nghĩa là: hành giả là người dứt sự thay đổi trong nhiều món ăn khác, có cặp mắt ngó xuống, có hành vi chơn chánh, để đào bứng gốc rễ của lòng tham muốn, là người có thiện tâm hành phép tri túc, như người gìn giữ thân thể mình thế nào, thì tỳ khưu hành đầu đà chỉ thường ăn trong một bát, lẽ nào lại thọ thực (trong đồ đựng bát khác được).
7. Cách thọ trì trong đầu đà ngăn atirittabhojana (khaluppacchābhattikanga)
Khi tỳ khưu đương ăn có thí chủ đem vật thực đến dâng trong hắc mà không lãnh gọi là “ngăn vật thực”. Đến khi đứng dậy khỏi chỗ ấy rồi mà dùng vật thực ấy hoặc vật thực khác, phải cho người làm theo luật (vinayakamma) mới ăn được. Không làm thì phạm ưng đối trị. Vật thực nhờ người làm vinayakamma được cho phép ăn nữa ấy gọi là atiritabhojana.
Trong đầu đà này có 2 cách thọ: tôi xin ngăn cách dùng (atirittabhojanam patikkhipāmi); tôi xin thọ trì chi của tỳ khưu là người có phẩm cách không dùng vật thực đã ngăn rồi, mà sau lại được (khalupacchābhattikangam samādiyāmi). Trong 2 cách này muốn thọ theo cách nào tuỳ ý.
Tỳ khưu thọ đầu đà này, khi đã ngăn vật thực rồi không nên nhờ người làm cho vật thực dùng được đâu. Đầu đà này có nghĩa giống nhau với điều học (pathama pavāraṇā) nhưng đây cao thượng hơn.
Nên biết đầu đà này có nghĩa cao thượng hơn điều học pathama pavāraṇā như thế nào? Trong điều học pathama pavāraṇā nói: tỳ khưu đã ngăn vật thực rồi, khi đã đứng dậy khỏi chỗ ngồi, nếu nhờ người làm vinayakamma rồi thì ăn vật thực ấy được. Trong đầu đà này không phải như thế, dầu có là người làm vinayakamma cho thành vật ăn được, cũng không nên ăn, ấy là chỗ cao thượng hơn, đối với điều học pathama pavāraṇā.
Tỳ khưu hành đầu đà này có 3 bậc. Bậc thượng: khi đang cầm vật thực ăn mà ngăn vật thực của người dâng cúng thì chẳng được phép thọ thực phẩm còn lại trong bát. Bậc trung: đang ăn vật thực nào chỉ được phép ăn món ấy. Bậc hạ: được phép ăn cho đến khi đứng dậy. Ba bậc này, nếu đã ngăn vật thực rồi mà còn ăn nữa gọi là phá pháp đầu đà mà mình đã nguyện giữ.
Đầu đà này có 5 quả báu:
1) anatirittabho janāpattiyā durībhāvo: trạng thái người lánh xa khỏi sự phạm tội vì cách dùng vật thực anatirittabhojana[44];
2) odarikattābhavo: không có cử chỉ người ăn quá no;
3) niramisasannidhita: trạng thái người không gom thu để dành vật thực;
4) punapariye sanāya abbāvo: không có cách tìm kiếm thêm nữa
5) appicchatādīnam anulomavuttitā: trạng thái người có cách hành vừa theo các đức, nhất là không tham hay ít tham. Ấy là 5 quả báo trong đầu đà này, mà tỳ khưu đã thọ trì chín chắn.
Kết luận trong đầu đà ngăn vật thực: Pariyesanāya khedaṃ na yāti na karoti sannidhiṃ dhiro odarikattaṃ pajahati khahipacchabhattiko yogītasmā sugatappasatthaṃ santosagunādivuḍḍhi sañjananaṃ dose vidhu nitukāmo bhajeyya yogīdhutangamidaṃ. Nghĩa là: Hành giả là người có trí tuệ, là người thọ trì chi của tỳ khưu có phẩm cách không dùng vật thực mà mình đã ngăn rồi sau khi được lại, là người không có sự khổ cực vì cách tìm vật dụng, không chất chứa vật thực, là người bỏ tư cách thọ thực quá no.
Cho nên, hành giả là người có trí tuệ, muốn dứt bỏ điều khổ não, nên hành đầu đà này mà đức Thiện Thệ hằng ngợi khen và đó là phương pháp làm cho tăng trưởng các đức tánh, nhất là đức tri túc.
8. Cách thọ trì trong đầu đà thường nương ngụ trong rừng (araññikanga)
Trong đầu đà này cũng có 2 cách thọ: tôi xin ngăn cách ngụ nơi khoảng nhà trước khi mặt trời mọc (gāmantase nāsanaṃ patikkhi pāmi); tôi xin thọ trì chi của tỳ khưu, là người có phẩm cách thường nương ngụ trong rừng (araññikangaṃ samādiyāmi). Trong 2 cách ấy muốn thọ theo cách nào tuỳ ý.
Tỳ khưu hành đầu đà này, khi đã thọ trì rồi, không nên ở trong khoảng nhà trước khi mặt trời mọc. Cần phải ngụ nơi rừng trước khi mặt trời mọc. Chỗ ở nơi khoảng nhà là nói về chỗ ở trong xóm.[45] Còn gọi là rừng ấy là chỉ về chỗ ngoài xóm và ngoài chỗ gần xóm. Chỗ nói xóm là: dầu xóm nào chỉ có 1 hoặc nhiều nhà có hàng rào hoặc vách tường, có tường xung quanh hoặc không có, có người ở hoặc không có, chỗ nào có bọn buôn bán đến trú ngụ trong nơi ấy hơn 4 tháng cũng đều gọi là xóm cả. Chỗ ở trong rừng nên đo từ ranh xóm (chỗ có nhà chòi, trạm nghỉ) cho xa được 1000 thước. Nếu không có ranh xóm, chòi, trạm nên đo từ chỗ cục đất mà người trai có sức lực bực trung liệng rớt ấy. Nếu gần xóm nghe tiếng người mà bị khuất núi, hoặc có sông ngăn, không có thể đi ngay tới được, nên đo theo đường mà họ thường đi tới lui. Nhưng không nên rào ngăn đường đi tắt gần của họ (nếu làm như thế gọi là “kẻ cướp lớn” về phần đầu đà này.
Đầu đà này có 8 quả báo:
1) bhabbo aladdhaṃ vā samādhiṃ paṭi laddhuṃ: người đáng đắc thiền định chưa đắc;
2) laddhaṃ vā rakkhituṃ: người có thể gìn giữ thiền định đã đắc;
3) satthāpissa attamano: đức Thiên Nhơn Sư hằng vừa lòng đối với tỳ khưu ấy;
4) asappāyarūpādayo cittaṃ na vikkhipanti: nhất là sắc trần là điều không vừa lòng, không sao quấy rối tâm tỳ khưu ấy được;
5) vigatasantāso: xa lánh khỏi sự kinh sợ;
6) jīvitanikantiṃ pajahati: có thể dứt bỏ sự vui thích trong sanh mạng được;
7) pavivekasukharasaṃ assādeti: được nếm mùi vị của sự an vui nơi thanh vắng;
8) paṃsukūlikādibhāvo: người có thể thọ trì đầu đà mặc y ca-sa đáng gớm dễ dàng được. Ấy là 8 quả báo đầu đà thường ngụ trong rừng.
Kết luận trong đầu đà thường ngụ trong rừng: Pavivitto asaṃsaṭṭo pantasenāsane rato ārādhayanto nāthassa vanavāsena mānasaṃ eko araññe nivasaṃ yaṃ sukhaṃ labhate yati rasaṃ tassana vindanti api devā sandakā. Paṃsukūlañca esovakavacaṃ viya dhārayaṃ araññasangā magato avasesadhutāyudho samattho nacirasseva jetuṃ māraṃ sabāhanaṃ tasmā araññavā samhi ratiṃ kayirātha paṇdito. Nghĩa là: Hành giả có tâm yên lặng, không lẫn lộn vì phe đảng, hằng vui thích trong nơi thanh vắng, là người có thể làm cho đức Phật được vừa lòng và khen rằng: Hành giả là người nương ngụ trong rừng một mình, hằng được an vui cho đến nỗi tất cả Chư thiên và Thiên đế cũng chẳng đặng nếm hương vị của sự an vui ấy. Như thế, nếu hành giả được hành thêm đầu đà mặc y đáng gớm làm thiết giáp rồi, xông vào chiến trường tức là rừng, dùng 11 pháp dhuta làm quân binh, thì có thể chiến thắng Ma vương cùng bọn quân ma được dễ dàng không lâu.
Cho nên, bậc trí tuệ cần phải vui thích trong phương pháp nương ngụ trong rừng.
9. Cách thọ trì trong đầu đà thường nương ngụ gần cội cây (rukkhamūlikanga)
Trong đầu đà này cũng có 2 cách thọ: tôi xin ngăn chỗ ở có che lợp (channaṃ patikkhipāmi); tôi xin thọ trì chi của tỳ khưu là người có phẩm cách thường nương ngụ gần cội cây (rukkhamūlikangam samādiyāmi). Trong 2 cách ấy, muốn thọ theo cách nào tuỳ ý.
Tỳ khưu hành đầu đà này, khi đã thọ rồi nên tìm nương ngụ gần cội cây, cây nào ở xa chùa, nhà, trừ ra cây chỗ ranh xóm, cây mà họ hay đến cúng vái, cây có dầu, cây có trái, có bông mà họ cần dùng, có dơi chim, cò ở.
Tỳ khưu hành đầu đà này có 3 bậc. Bậc thượng: chẳng nên lựa bóng cây theo ý mình, phải tránh các thứ cây đã kể trên, lấy chân đùa lá cây, để làm chỗ ở. Bậc trung: nếu có người nào ở gần, nhờ họ quét giùm cũng được. Bậc hạ: được phép cậy người ở chùa quét giùm và làm hàng rào cho. Bữa nào có nhiều người hội hiệp nơi ấy, phải tìm nơi khuất tịch khác. Ba bậc này, nếu vào ở nơi nào có che lợp đến mặt trời mọc gọi là phá phép đầu đà mà mình đã nguyện giữ.
Đầu đà này có 6 quả báo:
1) nissayānurūpapatipattisabbhāvo: người tu hành vừa theo phép nương mà vị hoà thượng đã dạy khi mới thọ cụ túc giới rằng: người xuất gia nên nương ngụ gần cội cây;
2) bhagavatā saṃvaṇṇitapaccayatā: người có vật dụng mà đức Thế Tôn hằng ngợi khen là vật dụng ít, dễ kiếm và không tội;
3) aniccasaññāsamuṭṭhapanatā: trạng thái có thể làm cho phép vô thường tưởng (aniccasaññā) phát sanh vì được thấy thường thường cái hiện tượng[46] của cây và lá;
4) senāsanamaccherakammārāmatānaṃ abhāvo: không bón rít trong chỗ ở và là người vui thích trong phận sự mình;
5) devatāhi sahavāsitā: trạng thái người được ở chung cùng với Chư thiên;
6) appicchatādīnaṃ anulomavuttitā: trạng thái người có phẩm cách tu hành vừa theo các đức tánh, nhất là không tham hay ít tham. Ấy là 6 quả báo trong đầu đà này mà tỳ khưu đã thọ trì được chín chắn.
Kết luận trong đầu đà thường nương ngụ gần cội cây: Vaṇṇito buddhaseṭṭhena nissayoti ca bhāsito nivāso pavivittassa rukkhamūlasamo kuto āvāsamaccheraharedevatā paripālite pavivitte vasanto hi rukkhamūlamhi subbato abhirattāni nīlāni paṇḍūni patitāni ca passanto tarupannāni niccasaññaṃ panūdati tasmā hi buddhadāyajjaṃ bhāvanābhiratālayaṃ vivittaṃ nātimaññeyyā rukkhamūlaṃ vicakkhaṇo. Nghĩa là: chỗ ở của tỳ khưu, là người có tâm yên lặng mà đức Phật hằng ngợi khen và giảng rằng: Chỗ ở trong rừng là nơi nương náu của bậc xuất gia, chẳng có chi sánh bằng. Tỳ khưu ngụ trong rừng là nơi thanh vắng, có thể dứt bỏ được sự bón rít trong thất, có Chư thiên nương theo rừng hộ trì nữa. Chẳng phải có thế thôi, tỳ khưu là người ở gần cội cây, khi thấy lá mới trổ tươi xanh hoặc lá cây chín có màu vàng đã rụng, có thể dứt trừ phép thường tưởng[47] (niccasaññā).
Bởi cớ ấy, bậc có trí tuệ không nên khinh rẻ chỗ yên lặng gần cội cây, là chỗ của đức Chánh Biến Tri đã ngự, là nơi cư trú của các hành giả ưa thích trong phép thiền định.
10. Cách thọ trì trong đầu đà thường ngụ trong khoảng trống (abbhokasikanga).
Trong đầu đà này cũng có 2 cách thọ: tôi xin ngăn chỗ ở che lợp và chỗ ở gần cội cây (channanca rukkhamūlanca patikkhipāmi); tôi xin thọ trì chi của tỳ khưu là người có tư cách thường nương ngụ trong khoảng trống (abbhokāsikangam samādiyāmi). Trong 2 cách ấy muốn thọ theo cách nào tuỳ ý.
Tỳ khưu hành đầu đà này, nếu vào tịnh xá để nghe pháp, hoặc làm lễ uposatha mà có mưa, không nên vội ra đi, chờ cho mưa tạnh sẽ đi, hoặc đã vào nhà ăn, nhà khói đã làm phận sự (giúp việc cho vị trưởng lão, cho tăng cũng nên). Nếu đi theo đường có cầm vật phụ tùng của vị trưởng lão mà mắc mưa nên vào đụt mưa trong các phước xá (nhà trạm) cất giữa đường cũng được, dầu không có cầm vật chi của vị trưởng lão, vào nơi ấy đụt mưa cũng nên, song phải đi chậm rãi, hoặc không nên tính ở nghỉ trong phước xá ấy.
Tỳ khưu hành đầu đà này có ba bậc. Bậc thượng: Chẳng nên ở dưới bóng cây, trong núi, nhà mát. Bậc trung: Nếu có việc phải vào nhà không lỗi. Bậc hạ: Vào nghỉ các nơi ấy cũng được nhưng không nên ở đến mặt trời mọc. Ba bậc này nếu ở trong các nơi có che lợp, hoặc dưới cội cây hoặc ở chỗ che lợp đến mặt trời mọc, gọi là phá phép đầu đà mà mình đã nguyện giữ.
Quả báo trong abbhokāsikanga - đầu đà này có 5 quả báo:
1) āvāsapaliboddhupacchedo: cách dứt bỏ sự bận trong tịnh thất (chùa);
2) thīmamiddhappanīdanaṃ: cách dứt trừ sự lường biếng trong thân tâm;
3) nissangatā: trạng thái người không bận lòng vì sự lo gìn giữ chỗ ở;
4) catuddisatā: trạng thái người đi đến 4 phương được, không có sự trở ngại, vì khỏi lo sợ không có chỗ ngụ;
5) appicchatādīnaṃ anulomavuttitā: trạng thái người có sự hành vừa theo các đức tánh, nhất là không tham hay ít tham. Ấy là 5 quả báo trong đầu đà này mà tỳ khưu thọ trì được chín chắn.
Kết luận trong đầu đà ngụ trong khoảng trống: Anagāriyabhāvassa anurūpe adullabhe tārāmani vitānamhi candadi pappabhāsite abbhotāse vasaṃ bhikkhu migabhūtena cetasā thinamiddhaṃ vinodetvā bhavanārāmataṃ sito pavivekarasassādaṃ nacirasseva vidatiyasmā tasmāhisappañño obhokāse ratosiyā. Nghĩa là: Hành giả không gìn giữ chỗ ở, ví như thú rừng, hằng nương theo trạng thái vui thích trong phép thiền định, tìm kiếm chỗ ngụ trong khoảng trống, là nơi vừa cho hàng xuất gia, lấy các ngôi sao làm trần, có ẩn dạng ngọc mã não, lấy mặt trăng làm đèn để soi sáng, có thể dứt trừ sự lười biếng trong thân tâm và không bao lâu sẽ được hưởng điều vui thích trong hương vị của pháp yên lặng.
Cho nên, hành giả là người có trí tuệ nên ưa thích trong khoảng trống như thế.
11. Cách thọ trì trong đầu đà thường ngụ nơi mộ địa (sosānikanga).
Trong đầu đà này cũng có 2 cách thọ: tôi xin ngăn chỗ không có mồ mả (sasusānaṃ patikkhipāmi); tôi xin thọ trì chi của tỳ khưu là người thường có phẩm cách thường nương trong nơi mộ địa (sosānikangaṃ samādiyāmi). Trong 2 cách ấy muốn thọ theo cách nào tuỳ ý.
Nơi thiêu người hoặc chôn tử thi dầu là họ còn đương thiêu hoặc chôn thường ngày hay là đã bỏ từ 12 năm rồi, cũng gọi là mộ địa. Những nơi nào họ nói là mộ địa mà chưa từng thiêu hoặc chôn tử thi, không gọi là mộ địa được. Thật vậy, tỳ khưu ngụ trong mộ địa không nên bảo người làm chỗ đi kinh hành, chỗ để giường chõng, không nên chứa nước uống, tắm, rửa hoặc dạy người học kinh luật. Vì đầu đà này trọng lắm, cần phải ngừa sự rủ ro. Phải trình cho vị trưởng lão trong chùa và các viên chức việc trong làng, tổng hay trước, rồi mới được phép vào ngụ, không nên dể duôi. Khi đi vào, phải theo đường lộ, đến khi đi kinh hành phải liếc mắt xem chỗ thiêu hoặc chôn tử thi. Ban ngày nên phân biện cho rồi chỗ có cây, đá, gốc cây; nếu có phi nhơn[48] kêu la trong ban đêm, không nên dùng vật chi để đánh đập, đuổi xô đâu. Cần đi đến mộ địa mỗi ngày, nếu đi vào nơi ấy lúc nửa đêm, khuya rồi trở về cũng được. Không nên ăn mè, bột trộn, với đậu rājamāsa, cá, thịt, hoặc bánh trộn với sữa tươi, dầu và đường mía, là vật vừa miệng của hành phi nhơn. Chẳng nên đi vào đình, miếu cất trong nơi ấy.
Tỳ khưu hành đầu đà này có 3 bậc. Bậc thượng: nên ở trong nơi nào mà họ thường chôn hoặc thiêu tử thi hoặc thường đến chôn ấy mà than khóc. Bậc trung: nơi nào không thường chôn hoặc thiêu tử thi cũng ở được. Bậc hạ: nơi nào có chôn hoặc thiêu tử thi một đôi lần cũng ở được. Ba bậc này nếu lúc canh 5 (là canh chót, ít hơn hết) mà chẳng vào ở nơi mồ mả gọi là phá phép đầu đà mà mình đã nguyện giữ.
10 quả báo trong sosānikanga:
1) maranassaṭipatilābho: phương pháp đắc phép niệm sự chết do được thường thấy tử thi;
2) appamādavihāratā: trạng thái người không dể duôi, nhờ cách đắc phép niệm về sự chết;
3) asubhanimittādhigamo: phương pháp tham thiền thấy cảnh tử thi, do được xem tử thi bỏ trong mộ địa;
4) kāmarāgavinodanaṃ: cách dứt giảm tình dục về sự tham thiền thấy cảnh tử thi ấy;
5) abhiṇhaṃ kāyasabhāvadassanaṃ: cách thường thấy trạng thái của thân thể không sạch;
6) saṃvegabahulatā: trạng thái người có nhiều sự cảm sợ (samvega) do đắc phép niệm về sự chết;
7) ārogyamadādippahānaṃ: cách dứt bỏ sự say mê, do được thấy người bịnh trong nơi ấy;
8) bhayabheravasahanatā: trạng thái người kiên nhẫn trong điều kinh sợ đáng ghê gớm vì quen gặp cảnh đáng ghê tởm;
9) amanussānaṃ garubhāvaniyatā: trạng thái người có phẩm cách đáng cho phi nhơn tôn kính và ngợi khen;
10) appicchatādinaṃ anulomavuttitā: trạng thái người có sự hành vừa theo các đức tánh, nhất là không tham hay là ít tham. Ấy là 10 quả báu trong đầu đà này mà tỳ khưu thọ trì được chín chắn.
Kết luận trong đầu đà thường ngụ trong nơi mộ địa: Sosānikañhi maranānusa dippabhāvā niddāga tampi na phusanti pamādadosā sampassato cakunapāni bahūni tassa kāmānurāgavasagampi na hoti cittaṃ saṃ vegameti vipulaṃ na madaṃ upeti sammā atho ghataṭi nibbutimesamāno sosānikangamitineka guṇāvahattā nibbānaninnahadayena nisevitabbaṃ. Nghĩa là: tỳ khưu là người ngụ trong mộ địa, dầu muốn ngủ trong nơi ấy cũng trái lẽ, vì không bị các sự dể duôi tiếp xúc do thắng lực của phép thiền định về sự chết đã đắc trong nơi ấy. Chẳng phải có thế thôi, tâm của tỳ khưu ấy khi đã thường thấy tử thi thì không sao bị tình dục lôi cuốn mà chỉ có nhiều samvega[49] không say mê.
Cho nên, hành giả mong đạt đến Niết-bàn là nơi dứt khổ, phải tinh tấn hành đầu đà này, nhờ tâm chơn chánh xu hướng về Niết-bàn do phép đầu đà thường ngụ trong mộ địa là pháp đem đến rất nhiều đức tánh như đã có giải.
12. Cách thọ trì trong đầu đà thường ở trong chỗ tăng đã cho đầu tiên không dời đổi (yathāsanthatikanga)
Trong đầu đà này cũng có 2 cách thọ: tôi xin ngăn sự chọn lựa chỗ ở (senāsanalolupaṃ paṭikkhipāmi); tôi xin thọ trì chi của tỳ khưu là người có phẩm cách thường ở trong chỗ mà tăng đã cho đầu tiên, không dời đổi (yathāsathatikangaṃ samādiyāmi). Trong 2 cách ấy muốn thọ theo cách nào tuỳ ý.
Hành giả thọ đầu đà này, nếu tỳ khưu thế mặt tăng cho chỗ ở đầu tiên thế nào, thì phải vui thích theo chỗ ở ấy thôi, không được tìm hỏi, hoặc đi lựa chỗ ở nào khác.
Tỳ khưu hành đầu đà này có 3 bậc. Bậc thượng: chẳng nên hỏi thăm chỗ ở của mình xa hay gần, hoặc có ma quỷ phá quấy hay chăng? Giáo hội định chỗ nào phảỉ ở nơi ấy. Bậc trung: được phép hỏi, nhưng chẳng nên đi xem chỗ ở theo ý mình. Bậc hạ: được phép hỏi và đi xem chỗ ở, nếu không vừa ý cũng không nên xin đổi chổ. Ba bậc này, nếu đã phát lòng tham muốn chỗ ở theo ý mình, gọi là phá phép đầu đà mà mình đã nguyện giữ.
Đầu đà này có 6 quả báo:
1) ovādakaraṇaṃ: được gọi là hành theo lời dạy của đức Thế Tôn. Ngài có giải rằng: chỗ ở mà mình đã được rồi, thì mình phải nên vui thích theo chỗ ấy, không nên dời đổi như thế;
2) sabramacārīhitesitā: trạng thái người tìm điều lợi ích cho hàng phạm hạnh cùng nhau là nhường chỗ ở khác cho các vị khác;
3) hīnapanītavikappariccāgo: cách dứt bỏ sự phân biện, thấp hèn hay là cao sang;
4) anurodhavirodhappahānaṃ: phương pháp dứt bỏ sự vừa lòng và điều trái ý được;
5) atricchatāyadvārapidahanaṃ: cách cấm ngăn sự ham muốn đã qua[50];
6) appicchatādinaṃ anulomavuttitā: trạng thái người có cách hành vừa theo các đức tánh nhất là không tham hay là ít tham. Ấy là 6 quả báo trong đầu đà thường ở chỗ mà tăng già đã cho mà tỳ khưu thọ trì được chín chắn.
Kết luận trong đầu đà thường ngụ trong chỗ tăng đã chỉ cho đầu tiên không dời đổi: Yaṃ laddhaṃ tena santuṭṭho yathāsan thatiko yati nibbikappo sukkhaṃ seti tina santhara kesupi na so rajjāti seṭṭhamhi hīnaṃ laddhā na kuppati brahmacārinavake hitena anukampati tasmā ariyatācaṇṇaṃ munipunga vavaṇṇitaṃ anuyruñjetha medhāvī yathāsantarāmataṃ. Nghĩa là: hành giả có sự tri túc trong chỗ ở, được sao ở vậy, là người ngụ chỗ mà tăng cho, không tìm ở chỗ cao sang, thì hằng ngủ được an vui, dầu là nằm trên chiếu cỏ. Người không vui thích trong chỗ quí trọng, dầu được chỗ thấp hèn cũng chẳng bất bình hờn giận, mới đáng gọi là người tiếp độ các hàng phạm hạnh mới xuất gia cho được điều lợi ích.
Bởi cớ ấy, bậc trí tuệ nên có lòng vui thích trong chỗ ở mà tăng đã cho, là cổ lệ của hàng thánh nhơn, mà đức Phật đã thường khen ngợi.
13. Cách thọ trì trong đầu đà ngăn oai nghi nằm (nesajjikanga)
Trong đầu đà này cũng có 2 cách thọ: tôi xin ngăn oai nghi nằm (seyyaṃ paṭikkhipāmi); tôi xin thọ trì chi của tỳ khưu là người có phẩm cách ngăn oai nghi nằm và thường dùng oai nghi ngồi (nesajjikangaṃ samādiyāmi). Trong 2 cách ấy muốn thọ theo cách nào tuỳ ý.
Tỳ khưu đã nguyện hành đầu đà này rồi, ban đêm, trong 3 canh đi kinh hành trọn một canh cũng được, nhưng không nên nằm.
Tỳ khưu hành đầu đà này có 3 bậc. Bậc thượng: dầu dựa mình vào đâu cũng chẳng được. Bậc trung: Được phép dựa. Bậc hạ: Nếu dùng giường ghế theo luật định cũng được (trừ ra không nên nằm). Ba bậc này nếu nằm trước mặt trời mọc, gọi là phá phép đầu đà mà mình đã nguyện giữ.
Quả báo đầu đà nesajjikanga (đầu đà ngăn oai nghi nằm) - đầu đà này có 5 quả báo:
1) cetasoviniban dhassa upacchedanaṃ: phương pháp nhất là dứt trừ cái tâm đã quen thỏa thích trong sự mê ngủ;
2) sabbakammatthānānayogasappāyatā: trạng thái của oai nghi được sự an vui đến phẩm cách tinh tấn trong cách thiền định[51];
3) pāsadikariyāpathatā: trạng thái người có oai nghi đem sự tín ngưỡng đến nhiều người;
4) viriyārambhānukulatā: trạng thái vừa đến người có chi tinh tấn;
5) sammāpatipattiyāsamupabrūhanaṃ: phẩm cách phát sanh sự tu hành chơn chánh. Ấy là 5 quả báo trong đầu đà mà tỳ khưu đã thọ trì được chín chắn.
Kết luận trong đầu đà ngăn oai nghi nằm: ābhuyitvāna pallaṅkaṃ panidhaya ujuṃ tanuṃ nisīdānto vikampeti mārassa hādayaṃ yati seyyasukhaṃ middhasukhaṃ hitvā āraddhaviriyo nisajjā bhirato bhikkhu sobhayanto tapovanaṃ nirāmisaṃ pītisukhaṃ yasmā samodhigacchati tasmā samanuyuñjeyya dhīro nesajjikaṃ vataṃ. Nghĩa là: Hành giả ngồi bán già, thân hình cho ngay thẳng, có thể làm cho tâm của Ma Vương phải rung động; tỳ khưu là người có tâm tinh tấn dứt bỏ cách nằm và ngủ cho vui sướng, chỉ ưa thích trong oai nghi ngồi, làm cho rừng, tức là tapadhamma[52] được soi sáng rõ ràng, hằng được phỉ dạ[53] vừa lòng không có amisa[54].
Bởi cớ ấy, bậc có trí tuệ nên giữ gìn phép đầu đà nesajjika này cho được chín chắn.
Giải về sự đoán xét chung trong 13 đầu đà (samāsavinicchayakathā)
Mười ba đầu đà này nếu tóm lại chỉ còn 8 phần: 3 phần chánh và 5 phần không chung lộn. Tóm lại nữa còn 4 phần: 2 đầu đà nương theo ca-sa (civarapaṭisaṃyutta); 5 đầu đà nương theo sự khất thực (pinḍapātapaṭisaṃyutta); 5 đầu đà nương theo chỗ ở (senāsanapaṭisaṃyutta); 1 đầu đà nương theo sự tinh tấn (viriyapaṭisaṃyutta). Tóm lại nữa có 2 phần: đầu đà nào hành giả đã thọ rồi mà thiền định được tiến hóa thì phải thọ; đầu đà nào hành giả đã thọ mà thiền định không phát sanh thì không nên thọ. Nhưng đầu đà nào mà hành giả không thọ hoặc đã thọ mà thiền định vẫn được tiến hóa không tiêu hoại cũng gọi là thọ, là phải thọ để làm khuôn mẫu cho kẻ hậu lai; hoặc đầu đà nào mà hành giả thọ hay không thọ mà thiền định vẫn không phát sanh cũng gọi là thọ, là phải thọ như thường để làm gương đến người hậu tấn. Tóm lại nữa, chỉ còn một, là nói về tác ý thọ trì cả 13 đầu đà ấy.
Vấn: Chia đầu đà ra làm 3 phần chánh và 5 phần không chung lộn ấy như thế nào? Đáp: sapadāna cārikanga, ekāsanikanga, abbokāsikanga, cả ba đầu đà ấy gọi là đầu đà chánh. Nghĩa là: Khi đã thọ sapadāna cārikanga rồi thọ luôn piṇḍapātikanga cũng được, nếu đã thọ ekāsanikanga rồi thọ luôn pattapiṇḍikanga và khalupacchābhattikanga cũng được, nếu đã thọ abbokāsikanga rồi không lẽ không thọ rukkhamūlikanga, yāthāsanthatikanga nữa thế nào được.
Āraññikanga, paṃsukūlikanga, tecīvarikanga, nesajjikanga, sosānikanga, cả 5 đầu đà ấy gọi là 5 đầu đà không chung lộn nhau, vì không mường tượng với đầu đà khác.
Vấn: Chỗ nói tóm lại, còn 4 phần ấy như thế nào? Đáp: Pamsukūlikanga, tecīvarikanga, cả hai đầu đà này gọi là nương theo ca-sa vì dính dấp cùng nhau trong cách dùng ca-sa. Piṇḍapātikanga, sapadānacārikanga, ekāsanikanga, pattapiṇḍikanga, khalupacchābhattikanga, cả 5 đầu đà này gọi là nương theo thọ thực vì dính dấp cùng trong cách thọ thực. Āraññikanga, rukhamūlikanga, abbhokāsikanga, sosānikanga, yathāsanthatikanga, cả 5 đầu đà này gọi là nương theo chỗ ở vì có sự dính dấp cùng nhau trong chỗ ở. Nesajjikanga gọi là nương theo tinh tấn vì dính dấp cùng nhau trong sự tinh tấn.
Vấn: Chỗ nói tóm lại, còn 2 phần ấy như thế nào? Đáp: 12 đầu đà trên gọi là nương theo vật dụng. Một đầu đà nesajjikanga sau cuối cùng gọi là nương theo tinh tấn.
Giải về phân phát đầu đà (byāssavinicchayakathā)
- Tỳ khưu nên thọ trì cả 13 đầu đà.
- Tỳ khưu ni chỉ nên thọ trì 8 đầu đà (vì khó giữ).
- Sa di không có luật buộc phải adhiṭṭhāna tam y, rút tecīvatikanga ra chỉ còn 12 đầu đà.
- Sikkhamānā và sa di ni không bị buộc phải adhiṭṭhāna tam y như sadi và phận sự phụ nữ như tỳ khưu ni nên bỏ āraññikanga, khalupacchābhattikanga, abbhokāsikanga, rukkhamūlikanga, sosānikanga, tecīvarikanga ra còn lại 7 đầu đà.
Cận sự nam và cận sự nữ[55] nên thọ trì 2 đầu đà là ekāsanikanga và pattapiṇḍikanga.
---
PHẨM PARIVĀRA (Trích lục trong tạng Luật)
1) Tỳ khưu có 5 chi, không nên ở không có nissaya (không nương theo ông thầy)[56]: tỳ khưu không biết ngày hành uposatha; không biết hành uposatha; không thông pātimokkha; không thông uddesa của pātimokkha; chưa đủ 5 hạ.
2) Tỳ khưu có 5 chi khác nữa cũng không nên ở không có nissaya: tỳ khưu không biết ngày pavāraṇā; không biết hành pavāraṇā; không thông pavāraṇā; không thông uddesa của pātimokkha; chưa đủ 5 hạ.
3) Tỳ khưu có 5 chi khác nữa cũng không nên ở không có nissaya: tỳ khưu không biết sự phạm tội và không phạm tội; không biết tội nhẹ và tội nặng; không biết sāvasesāpatti và anāvasesāpatti; không biết dutthullāpatti và adutthullāpatti; chưa đủ 5 hạ.
4) Tỳ khưu có đủ 5 chi[57] được phép ở không có nissaya: tỳ khưu có đức tin; có sự hổ thẹn tội lỗi; có sự ghê sợ tội lỗi; có sự tinh tấn; có trí nhớ.
5) Tỳ khưu cố ý phạm tội rồi giấu tội và chiều theo pháp tây vị (thương, ghét, si mê, sợ sệt) như thế gọi là alajji.
6) Tỳ khưu có 5 chi hằng sa địa ngục: tỳ khưu không ngay thẳng tình thương; tỳ khưu không ngay thẳng vì ghét; tỳ khưu không ngay thẳng vì dốt nát; tỳ khưu không ngay thẳng vì sợ; tỳ khưu dùng của tăng như của mình[58].
7) Tỳ khưu không có trí nhớ, hay quên mình, ngủ mê có 5 tội: ngủ cũng khổ; thức dậy cũng khổ; nằm mộng thấy điều không tốt; chư thiên không hộ trì; di tinh.
8) Tỳ khưu đi đến nhà cư sĩ, hay chung chạ với người thế trong lúc quá giờ, hằng có 5 tội: thường liếc xem phụ nữ; khi đã đi xem phụ nữ sẽ có lòng quyến luyến; khi quyến luyến sẽ sanh sự thân thiết; khi đã bị thân thiết sẽ bị tình dục đè nén; khi đã bị tình dục đè nén, tỳ khưu ấy sẽ giải đãi trong phạm hạnh hoặc phạm 1 tội nào, hay là xin xả giới hoàn tục.
9) 5 pháp hằng thành tựu đến tỳ khưu nhất là hành đầu đà thường đi khất thực: đi vào xóm không cần phải trình cho tỳ khưu trong xóm hay; thọ thực chung nhiều vị được (ganabhojana); thọ thực paramparabhojana được; không adhiṭṭhāna y cũng được; không gởi y dư cũng được.
10) Người không nên hành đầu đà có 6 hạng: người cố ý mong việc xấu xa; người có tâm ganh gổ; người giả dối; người chỉ thấy bụng mình hay là chỉ tin bụng mình; người muốn được lễ vật; người mong được kẻ khác ngợi khen.
11) Người nên hành đầu đà có 10 hạng: có đức tin; có trí tuệ; có sự hổ thẹn tội lỗi; không giả dối, phải ngay thật; tinh tấn trong điều hữu ích; thuần tính; vui thích trong sự học hỏi; làm việc chi cũng chín chắn; không hay nói điều lỗi của người; có vô lượng tâm là lòng từ ái.
12) Tỳ khưu hành đầu đà có 5 hạng: vì dốt nát; vì ham muốn xấu xa, bị sự ham muốn đè nén; vì điên, cuồng tâm; vì nghĩ rằng đức Phật và chư Thinh văn ngợi khen; vì ham muốn ít, nương theo sự tri túc, mong trau dồi tâm tánh, nương theo sự yên lặng, nương theo sự hành vi có điều lợi ích.
13) Người không nên làm lễ có 5 hạng: tỳ khưu đương khi vào xóm; đương đi theo đường đi; đương ở trong nơi tối; tỳ khưu bận việc không để ý đến sự làm lễ; tỳ khưu đương ngủ.
14) Người không nên làm lễ có 5 hạng nữa: tỳ khưu đương ăn; tỳ khưu đương ở trong nhà ăn; tỳ khưu có sự giận hờn nhau; tỳ khưu đương toan tính việc; tỳ khưu để mình trần.
15) Người không nên làm lễ có 5 hạng nữa: tỳ khưu đương ăn vật ngọt; đương ăn vật mặn; đương tiểu tiện; đương đại tiện; tỳ khưu đương bị tăng phạt cấm phòng.
16) Tỳ khưu tiên cáo phải có 5 chi (cáo, vì): có lòng thương xót (karunā); mong được điều hữu ích; có sự tiếp độ; muốn được khỏi tội; muốn duy trì tạng Luật.
17) Tỳ khưu phải có 4 chi mới đáng gọi là tỳ khưu: phải hằng chú ý tưởng nhớ đến ân đức của Phật (buddhānussati); phải hằng có lòng từ ái (metta); phải tham thiền về 10 thứ tử thi (asubhaṃ); phải hằng chủ ý tưởng nhớ đến sự chết (maraṇasati).
18) Sa-môn phải có đủ 4 chi, mới đúng gọi là sa-môn: phải có tâm nhịn nhục (khanti); không dể duôi trong việc phước đức (appamādo); phải dứt bỏ lợi danh và phiền não (ratipahānam); không bận lòng lo những việc vô ích (thế sự) (akiṅcanam).
19) Tỳ khưu không nên cho nissaya đến tỳ khưu có 3 chi: tỳ khưu không biết hổ thẹn; tỳ khưu dốt nát; tỳ khưu không phải pakatattā.
20) Người xôm tới, đi vào đường dữ, đi xuống địa ngục có 3 hạng: người không phải hành đạo cao thượng mà tự xưng là cao thượng; người cáo gian bậc phạm hạnh trong sạch A-la-hán; người nói ngũ trần không tội rồi hằng thọ dụng ngũ trần.
21) Lời nói cao thượng có 4: không thấy nói không thấy; không nghe nói không nghe; nói không trúng nói rằng nói không trúng; không biết rõ rệt nói rằng không biết rõ rệt.
22) Tỳ khưu có giới đáng tôn trọng có 4 chi: không tây vị vì thương; không tây vị vì ghét; không tây vị vì lầm lạc; không tây vị vì sợ.
23) Tỳ khưu có 6 chi đáng làm hoà thượng (truyền cụ túc giới), đáng cho nissaya, đáng cho sa di hầu hạ: tỳ khưu có thể hộ hoặc cho người hộ đệ tử có bịnh; có thể giải sầu hoặc cho người giải sầu đã phát sanh; có thể phá nghi hoặc cho người phá nghi đã phát sanh; biết sự phạm lỗi; biết cách sám hối; được 10 hạ hoặc trên 10 hạ.
24) Tỳ khưu có 5 chi gọi là chia rẽ tăng, hằng đi thọ sanh trong đường dữ, sa vào địa ngục trọng 1 đại kiếp, hết mong sửa mình được: tỳ khưu thuyết pháp, không phải là pháp mà nói là pháp; tỳ khưu thuyết luật, không phải là luật mà nói là luật; tỳ khưu thuyết pháp mà nói không phải là pháp; tỳ khưu thuyết luật mà nói không phải là luật; giả bộ không biết rồi làm tăng sự khác nhau.
25) Tỳ khưu có 7 chi mới gọi là luật sư: biết là āpatti; biết không phải āpatti; biết là tội nhẹ; biết là tội nặng; có giới và thu thúc trong Biệt biệt giải thoát thu thúc giới; có đều đủ ācāra và gocāra; có sự lo sợ trong tội lỗi dầu là nhỏ nhen chút ít.
26) Trò đối với thầy có 5 điều: phải hết lòng thương yêu thầy; phải hết lòng tín ngưỡng thầy; phải hết lòng hổ thẹn tội lỗi; phải hết lòng tôn kính thầy; phải hết lòng nhớ tưởng thầy.
27) Ông thầy đáng cho trò nương nhờ có 7 điều: ông thầy phải có lòng từ ái bình đẳng; ông thầy phải có giới tinh nghiêm; ông thầy phải đáng cho trò tôn trọng; ông thầy phải nhịn nhục, khi trò bất bình, thầy tùy cơ cảm hoá trò; ông thầy phải biết lý đạo cao siêu và biết cách giảng giải theo sức của trò; ông thầy phải ngăn ngừa không cho trò làm điều vô ích tội lỗi; ông thầy phải tìm phương pháp chỉ dẫn trò cho mau được tiến hoá.
28) Bát có 2 thứ: bát làm bằng đất; bát làm bằng sắt. Chỉ được dùng 2 thứ ấy thôi.
---
GIẢI VỀ KAṬHINA (Kaṭhina Kathā).
Vấn: Tiếng gọi kaṭhina nghĩa như thế nào? Đáp: Tiếng kaṭhina là 1 tiếng trong Phật giáo phát sanh theo lời chuẩn hành của đức Thế Tôn, để buộc chặt 5 quả báo cho thành tựu đến tỳ khưu, người thọ và người anumodanā, cho đến hạn kỳ quả báo ấy.
5 quả báo (ānisansa)
Tỳ khưu thọ kaṭhina rồi được hưởng 5 quả báo là:
1) nếu kaṭhina chưa xả, tỳ khưu không từ giả vị trong nhóm, rồi đi cũng được, nghĩa là không phạm tội trong điều học cāritta;
2) tỳ khưu không đem tam y theo mình rồi đi cũng được, không phạm tội trong điều học asamādānacāro;
3) tỳ khưu thọ thực chung nhiều vị cũng được, không phạm tội trong điều học ganabhojana;
4) cất giữ y, dầu không ādhitthāna không gởi cũng được, không phạm tội trong điều học pathamakaṭhina;
5) y của tỳ khưu hoặc sa di tịch hoặc y họ dâng đến tăng, y phát sanh do tài sản của tăng thì tỳ khưu đã thọ kaṭhina được phép lãnh dùng. Tóm lại tỳ khưu đã thọ kaṭhina được hưởng 5 quả báo ấy.
Cách thức thọ kaṭhina (kaṭhinatthāna vidhānakathā).
Vấn: Người hạng nào mới thọ kaṭhina được. Người hạng nào thọ kaṭhina không được? Đáp: Nếu nói về số người phải có ít lắm là 5 vị trở lên[59] mới thọ kaṭhina được, ít hơn 5 vị không phép thọ kaṭhina.
Còn nói về nhập hạ, tỳ khưu nhập hạ trước (purimikavassā) pavāraṇā trong ngày pavāraṇā trước (là pavāraṇā trong ngày rằm tháng 9 Việt Nam) mới thọ kaṭhina được. Tỳ khưu đứt hạ hoặc nhập hạ sau (nhập hạ ngày 16 tháng 6 sau, năm nhuần) và tỳ khưu nhập hạ chùa khác, thọ kaṭhina không được.
Vấn: Người hạng nào mới nên dâng kaṭhina? Đáp: Một trong mấy hạng người sau này là: chư thiên, người thiện tín, tỳ khưu, sa di đều dâng được cả. Thí chủ phải vào dâng trong hắc, tăng ngồi hoặc đứng trong chùa nhập hạ rồi dâng, nói như vầy: Chúng tôi xin dâng y kaṭhina (Kaṭhina cīvaraṃdema).
Vấn: Khi thí chủ dâng y kaṭhina, tăng phải thọ bằng cách nào? Đáp: Không nên thọ bằng thân hoặc khẩu, phải cần thọ bằng tâm của tăng, là phải thọ bằng cách làm thinh.
Vấn: Tỳ khưu nào đáng thọ kaṭhina? Đáp: Tăng giao y kaṭhina cho tỳ khưu nào, tỳ khưu ấy phải thọ.
Vấn: Tăng phải giao y kaṭhina cho tỳ khưu nào? Đáp: Tỳ khưu nào có y cũ, tăng nên giao cho tỳ khưu ấy. Nếu nhiều vị có y cũ, tăng phải giao cho vị cao hạ hơn và thông rõ 8 pháp, có thể làm phép thọ cho kịp trong ngày ấy. Nếu tỳ khưu cao hạ không thông thì giao cho tỳ khưu thấp hạ thông hiểu phép thọ. Nhưng tăng nên bàn tính trước với vị trưởng lão, cầu ngài thọ rằng: bạch ngài, xin ngài thọ đi, rồi chúng tôi giúp làm với ngài. Khi tăng được y kaṭhina rồi, hội họp nhau ngồi (trong hắc) trong sīmā, chỉ định 2 vị để tuyên ngôn trình cho tăng rõ.
Vị thứ nhất Hỏi: Bạch đại đức tăng, y kaṭhina đã phát sanh đến tăng rồi, tăng nên giao kaṭhina này cho tỳ khưu nào thọ kaṭhina? Vị thứ hai đáp: tỳ khưu nào có y cũ, tăng nên giao cho vị ấy.
Vị thứ nhất nói: Tỳ khưu có cīvaraṃ cũ, có nhiều vị, hoặc nói trong nơi đây không có vị nào có y cũ cả. Vị thứ hai nói: tăng nên giao kaṭhina cho vị trưởng lão.
Vị thứ nhất nói: Trong nơi đây, tỳ khưu nào cao hạ? Vị thứ hai đáp: tỳ khưu (... để pháp danh tỳ khưu thọ vào đây ...).
Vị thứ nhất nói: Vị trưởng lão ấy có thể làm y được và thọ kịp trong ngày nay chăng? Vị thứ hai đáp: Ngài làm được; hoặc nói: Tăng nên tiếp độ đến vị trưởng lão.
Vị thứ nhất hỏi lại nữa rằng: Vậy ngài trưởng lão ấy có đủ 8 chi chăng? Vị thứ hai đáp: Ngài trưởng lão có đủ 8 chi rồi.
Nếu vị thứ nhất bằng lòng thì nói: Sādhu, đúng rồi. Tăng nên giao cho ngài trưởng lão ấy. Phải cho tỳ khưu thông hiểu trình cho tăng hay.
Vấn: Tăng hội cần giao kaṭhina cho tỳ khưu, người thọ bằng cách thức như thế nào? Đáp: Tăng phải giao bằng cách tụng tuyên ngôn 2 bận (ñattidutiyakammavācā). Cách thức để tụng tuyên ngôn 2 bận để giao y ấy, theo lời Phật chuẩn hành[60] (buddhānuññātta) trong phẩm Mahāvagga rằng: Phải cho tỳ khưu thông hiểu trình đến tăng biết như vầy: Sunātu me bhante saṅgho, idaṃ saṅghassa kaṭhinadussam uppannam, yadi saṅghassa pattakallaṃ, saṅgho imaṃ kaṭhinadussaṃ (itthannāmassa)[61] bhikkhuno dadeyya kaṭhinaṃ attharituṃ, esāñatti.
Sunātu me bhante saṅgho, idaṃ saṅghassa kaṭhinadussam uppannaṃ, saṅgho imam kaṭhinadussaṃ (itthannāmassa) bhikkhuno deti kaṭhinamattharituṃ, yassāyasmato khaman amassa kaṭhina dussassa (itthannāmassa) bhikkhuno dānam kaṭhinaṃ attharituṃ, so tuṇhassa yassa nakkhamati, so bhāseyya, dinnaṃ idaṃ saṅghena kaṭhinadussaṃ (itthannāmassa) bhikkhuno kaṭhinaṃ attharituṃ, khamati saṅghassa, tasmā tunhi evametaṃ dhārayāmi.
Nghĩa là: Bạch hoá đại đức tăng, xin tăng nghe tôi trình y kaṭhina này đã phát sanh đến tăng rồi, nếu (giờ này) vừa đến tăng rồi, nên giao y kaṭhina ấy đến cho tỳ khưu (...) để thọ kaṭhina, ấy là lời trình.
Bạch hoá đại đức tăng, xin tăng nghe tôi trình, y kaṭhina này đã phát sanh đến tăng rồi (nay) tăng giao y kaṭhina ấy đến cho tỳ khưu (...) để thọ kaṭhina, sự giao y kaṭhina cho tỳ khưu (...) để thọ kaṭhina vừa đến ngài nào, ngài ấy nên làm thinh, không vừa đến ngài nào, ngài ấy phải nói lên. Y kaṭhina ấy, tăng đã giao cho tỳ khưu (...) rồi để thọ kaṭhina (sự này) vừa đến tăng rồi, vì lẽ ấy, tăng nên làm thinh, tôi ghi nhớ sự này do trạng thái làm thinh ấy.
Vấn: Nếu tăng giao y kaṭhina như thế rồi, tỳ khưu thọ kaṭhina phải làm như thế nào? Đáp: Tỳ khưu thọ kaṭhina ấy phải giặt, vò, phơi, đo, cắt, may, nhuộm, làm dấu cho xong trong ngày ấy rồi thọ kaṭhina. Nếu thí chủ đã cắt may sẵn, tỳ khưu thọ chỉ phải nhuộm hoặc làm dấu (kappabindu) thôi, rồi thọ kaṭhina.
Nếu muốn thọ y 2 lớp (sanghati) phải (paccuddhāra) xả y 2 lớp cũ, adhiṭṭhāna y 2 lớp mới rồi đọc làm lễ thọ (hoặc muốn thọ y vai trái (uttārāsānga), hoặc y nội (antaravāsaka) cũng nên làm như nhau.
Vấn: Tỳ khưu phải thọ kaṭhina bằng thế nào? Đáp: trong phẩm parivāna có nói rằng: nếu tỳ khưu muốn thọ y 2 lớp (saṅghāti) cần (paccuddhāra) xả y 2 lớp cũ của mình, rồi adhiṭṭhāna y 2 lớp mới, rồi đọc ra tiếng cho tăng nghe rõ rằng: “Imāya saṅghātiya kaṭhinaṃ atthārāmi” (tôi thọ kaṭhina bằng y 2 lớp này).
Nếu thọ y bằng y vai trái uttarāsanga, phải (paccuddhāra) xả y vai trái cũ của mình adhiṭṭhāna y vai trái mới, rồi đọc ra tiếng cho tăng nghe rõ rằng: “Iminā uttarāsangena kaṭhinaṃ attharāmi” (tôi thọ kaṭhina bằng y vai trái này).
Nếu thọ y antaravāsaka, phải paccuddhāra xả y nội cũ của mình, adhiṭṭhāna y mới, rồi đọc ra tiếng cho tăng nghe rõ rằng: “Iminā antaravāsakena kaṭhinaṃ attharāmi” (tôi thọ kaṭhina bằng y nội này).
Khi tỳ khưu đã thọ kaṭhina theo cách thức ấy rồi[62], vào gần tăng hoặc gana hoặc pugala, mặc y vai trái chừa một bên, ngồi chồm hổm chấp 2 tay đọc cho các vị ấy (anumodanā) rằng: “Atthataṃ bhante[63] saṅghassa kaṭhinaṃ dhammiko kaṭhinatthāro anumodanā[64]” (Bạch các đại đức, kaṭhina của tăng tôi đã thọ rồi, sự thọ kaṭhina ấy đúng theo pháp, xin các đại đức anumodanā đi).
Về phần tỳ khưu anumodanā, phải mặc y vai trái chừa một bên, ngồi chồm hổm chấp hai tay đọc anumodanā rằng: Atthataṃ āvuso[65]saṅghassa kaṭhinaṃ dhammiko kaṭhinatthāro anumodanā[66](Bạch các đại đức, kaṭhina của tăng ngài đã thọ rồi, sự thọ kaṭhina (ấy) đúng theo pháp, chúng tôi xin anumodanā).
Trong kinh chú giải: Evaṃ sabbesaṃ atthataṃ hoti kaṭhinaṃ (nếu một vị thì đọc kaṭhina, các vị khác anumodanā như thế gọi là kaṭhina đủ cả các vị).
Giải về thể thức thọ kaṭhina không được kết quả (anatthatakaṭhinakathā)
Vấn: Tỳ khưu thọ kaṭhina không kết quả do 24 cách thế nào? Đáp: Tỳ khưu thọ kaṭhina không kết quả do 24 điều là:
1) ullikhitamattena: thọ kaṭhina bằng vải chưa làm thành y, vải mới đo;
2) dhovanamattena: thọ kaṭhina bằng vải chưa làm thành y, vải mới giặt;
3) civaravicāranamattena: thọ kaṭhina bằng vải chưa làm thành y, vải mới sắp sửa theo cách cắt;
4) chedanamattena: thọ kaṭhina bằng vải chưa làm thành y, vải mới cắt;
5) bandhanamattena: thọ kaṭhina bằng vải chưa làm thành y, vải mới may lược;
6) ovattikakaraṇamattena: thọ kaṭhina bằng vải chưa làm thành y, vải mới may bìa;
7) kandūsakaraṇamattena: thọ kaṭhina bằng vải chưa làm thành y, vải mới để rải khung đặng cột;
8) dalhīkammakaraṇamattena: thọ kaṭhina bằng y thường của mình, chỉ lấy vải kaṭhina đến may nhập với nhau;
9) anuvātakaraṇamattena: thọ kaṭhina bằng vải y chưa may rồi, mới để biên xuôi thôi;
10) paribhaṇdakaraṇamattena: thọ kaṭhina bằng vải y chưa may rồi, mới để biên ngang thôi;
11) ovatteyyakaraṇamattena: thọ kaṭhina bằng y chưa làm rồi, mới để điều;
12) kambalamaddaṇamattena: thọ kaṭhina bằng y nhuộm còn non màu[67];
13) nimittakatena: thọ kaṭhina bằng y phát sanh do tỳ khưu nói cách này, thế nọ (ta thọ y này được, tốt);
14) pārikathākatena: thọ kaṭhina bằng y phát sanh vì tỳ khưu bảo thí chủ dâng (được phước lớn);
15) kukkukatena: thọ kaṭhina bằng y mượn của người hoặc tự mình kiếm, hoặc bằng y của mình đã có sẵn;
16) sannidhikatena: thọ kaṭhina bằng y để dành qua ngày sau;
17) nissaggiyena: thọ kaṭhina bằng y đang làm để qua ngày khác;
18) akappakatena: thọ kaṭhina bằng y chưa làm dấu;
19), 20), 21) aññatra saṅghātiyā, aññatra uttarāsaṅgena, anntra antaravāsakena: thọ kaṭhina bằng y 2 lớp, y vai trái, y nội;
22) aññatra pañcakena và atirepañcakena và tadaheva sañchinnena samandalīkatena: thọ kaṭhina bằng y không cắt điều may, hoặc cắt điều không đúng phép;
23) aññtra puggalassa atthāra: thọ kaṭhina nhiều vị (2, 3, 4 vị trở lên);
24) nissīmattho anumodati: tỳ khưu đem y ra ngoài vòng sīmā mà mình nhập hạ, nếu chùa ấy chưa có bandhasīmā, chỉ ra tụng tuyên ngôn rồi trở vào thọ kaṭhina trong chùa mà mình nhập hạ cũng được. Kaṭhina mà tỳ khưu làm phép thọ phạm 1 trong 24 điều ấy không thành kaṭhina đâu.
Giải về cách thức thọ kaṭhina được kết quả được (atthatakaṭhinakathā)
Thọ 17 thứ vải sau này được thành kaṭhina:
1) ahatena: thọ kaṭhina bằng y người chưa mặc;
2) ahatakappena: thọ kaṭhina bằng y người mới giặt 1, 2 lần song còn như mới; 3) polotikāya: thọ kaṭhina bằng y làm bằng vải cũ;
4) paṃsukūlena: thọ kaṭhina bằng y làm bằng vải lượm hoặc y mà tỳ khưu hành đầu đà tìm được;
5) āpaṇikena: thọ kaṭhina bằng vải bỏ rơi gần chợ mà thí chủ lượm đem dâng làm y;
6) animittakatena: thọ kaṭhina bằng y không phải vì nói ướm mà được, trái với y thứ 13 trong antthatākāra;
7) aparikathākatena: trái với y thứ 14 anatthatākāra;
8) akukkukatena: trái với y thứ 15 anatthatākāra (không phải y mượn);
9) asnannidhikatena; trái với y thứ 16 anatthatākāra;
10) anissaggiyena: trái với y thứ 17 anatthatākāra;
11) kappaketena: trái với y thứ 18 anatthatākāra;
12), 13), 14) saṅghātiyā uttarāsangena antaravāsakena: trái với y thứ 19, 20, 21 (là làm lễ thọ 1 trong 3 y, không thọ 3 hoặc 2 y một lần); 15) pañcakena và atirekapañcakena và tadaheva sañchinnenasamandalīketena: trái với y thứ 22 là y làm đúng theo điều trong nội ngày;
16) puggalassa atthārā: trái với y thứ 23 (là 1 vị tỳ khưu làm lễ thọ);
17) sīmattho anumodāti: trái với y thứ 24 là tỳ khưu ở trong sīmā làm lễ thọ hoan hỉ theo (không ở ngoài vòng sīmā). Trong 17 thứ y này, từ thứ 1 đến thứ 5 chỗ chặng giữa 12, 13, 14 là y không định, miễn dâng theo 1 thứ nào cũng được, từ thứ 6 đến thứ 11, từ 15 đến 17 là y nhất định, phải có điều đủ theo phép mới làm lễ thọ được.
Giải về nguyên nhân kaṭhina xả (ubbhatakaṭhinakathā).
Đức Phật có dạy: Kathañca bhikkhave ubbhataṃ hoti kaṭhinaṃ aṭṭhimā bhikkhave kaṭhinassa ubbhārāya. Nghĩa là: “Này các tỳ khưu, 8 mātikā này là nguyên nhân làm cho kaṭhina xả”.
Tiếng “mātikā” nghĩa là mẹ, hay là người sanh đẻ, cớ sao vì 8 mātikā ấy mà cho kaṭhina xả? Đáp: 8 mātikā ấy là:
1) Pakkamanantikā: tỳ khưu đã thọ kaṭhina rồi tính rằng: “Ta không trở lại chùa nữa đâu”, rồi đem y đã làm đi ra, vừa ra khỏi vòng sīmā, kaṭhina của tỳ khưu ấy xả, tỳ khưu ấy hết được 5 quả báo. Như thế gọi “pakkamanantikā” là hành trình kaṭhina xả theo mātikā thứ nhất.
2) Nithānantikā: tỳ khưu đã thọ kaṭhina rồi đem y của mình (y thọ kaṭhina) (y làm chưa xong) đến chùa khác, đi ra vừa khỏi vòng sīmā, tính rằng: “Ta nhờ người giùm làm y này, trong chùa này, ta không trở lại chùa cũ đâu”. Tỳ khưu ấy cậy người làm y ngoài vòng sīmā mà mình nhập hạ, chỉ làm y vừa xong, kaṭhina của tỳ khưu ấy xả, như thế gọi nitthānantikā, là hành trình kaṭhina xả theo mātikā thứ nhì.
3) Sannitthānantikā: tỳ khưu đã thọ kaṭhina rồi, đem y chưa làm, đến chùa khác tính rằng: “Ta không cậy người làm y này đâu, ta không trở về chùa cũ đâu”. Chỉ tính quyết định như thế, thì kaṭhina xả, gọi sannithanantikā, là hành trình kaṭhina xả theo mātikā thứ ba.
4) Nāsanatikā: tỳ khưu đã thọ kaṭhina rồi, đem y chưa làm đến chùa khác tính rằng: “Ta nhờ người làm y trong chùa này, ta không trở lại chùa cũ đâu”, đương làm y, y đó bị trộm hoặc cướp đoạt mất, kaṭhina của tỳ khưu ấy xả, như thế gọi nāsanantikā, là hành trình kaṭhina xả theo mātikā thứ tư.
5) Savanantikā: tỳ khưu đã thọ kaṭhina rồi, tính rằng: “Ta sẽ trở lại chùa này”, rồi đem y chưa làm ra đi. Khi đến chùa khác tính rằng: “Ta cậy người làm y trong nơi này”. Khi đã làm xong, lại nghe tin rằng tỳ khưu tăng trong chùa đọc xả kaṭhina rồi. Chỉ nghe tin như thế, kaṭhina của tỳ khưu ấy xả, như thế gọi savanantikā, kaṭhina xả theo mātikā thứ 5.
6) Āsāvacchedikā: tỳ khưu đã thọ kaṭhina rồi, ra đi có ý tìm y trong nơi khác. Khi đi đến nơi khác, tính rằng: “Ta tìm kiếm y ngoài sīmā đây, ta không trở lại chùa cũ đâu”. Tỳ khưu chỉ tìm kiếm y trong nơi ấy, khi kiếm không được, sự mong được y ấy đứt, chỉ đứt sự mong mỏi kiếm y, kaṭhina của tỳ khưu ấy xả, như thế gọi āsāvacchedikā là hành trình kaṭhina xả theo mātikā thứ 6.
7) Sīmātikkantikā: tỳ khưu đã thọ kaṭhina rồi, tính rằng: “Ta sẽ trở lại chùa này”, rồi đem y chưa làm ra đi đến chùa khác cho người làm giùm, khi đã làm y xong, cũng còn tính rằng: “Ta sẽ trở lại chùa”, nhưng chần chờ ở ngoài vòng sīmā cho đến hết hạn kỳ kaṭhina xả, nghĩa là qua khỏi ngày rằm tháng 2 Việt Nam, kaṭhina của tỳ khưu ấy xả, như thế gọi là sīmātikkantikā, là hành trình kaṭhina xả theo mātikā thứ 7.
8) Sahubbhārā: tỳ khưu đã thọ kaṭhina rồi, tính rằng: “Ta sẽ trở lại chùa này”. Rồi đem y chưa làm xong ra đi. Khi đã nhờ người làm y ấy rồi tính rằng: “Ta sẽ về chùa”, rồi trở về kịp kỳ xả kaṭhina trong chùa. Kaṭhina của tỳ khưu ấy xả chung với các tỳ khưu trong chùa, xả như thế gọi sahubbhārā là hành trình kaṭhina xả theo mātikā thứ 8.
Trong phẩm Mahāvagga có giải rộng 8 mātikā ấy, đây chỉ xin giải tóm tắt bấy nhiêu. Nếu vị nào muốn biết cho rộng, nên xem trong phần ấy.
Bó buộc (palibodha)
Theo Phật ngôn trong phẩm Mahāvagga có giải rằng: Dve me bhikkhave kaṭhinassa palibodhā. Nghĩa là: Này các tỳ khưu! Cả 2 điều ấy là palibodhā của kaṭhina.
Palibodhā là điều buộc kaṭhina không cho xả, có 2: āvāsapalibodha: sự bận trong chùa (là chỗ đã thọ kaṭhina); civarapalibodha: sự bận trong y ca-sa (là y ca-sa về quả báo của kaṭhina).
Giải: Đức Phật có dạy trong phẩm Mahāvagga rằng: Idha bhikhave bhikkhu vasatitasmiṃ āvāse vā sāpekkho vā pakkamati paccessanti evaṃ kho bhikhave āvāsapalibodho hoti. Nghĩa là: Này các tỳ khưu, tỳ khưu trong giáo pháp này, ngụ trong chùa hoặc đi ra khỏi chùa, nhưng còn tiếc rằng: “Ta sẽ trở lại”. Này các tỳ khưu, như thế gọi là sự bận trong chùa (āvāsapalibodha).
Về phần civarapalibodha, đức Phật có giảng trong phẩm Māhāvagga rằng: Idha bhikkhave bhikkhuno civaraṃ akataṃ vā hoti vippankataṃ vā cīvarāsā vā anupacchinnā, evaṃ kho bhikkhave civarapalibodho hoti. Nghĩa là: Này các tỳ khưu, y ca-sa của tỳ khưu trong giáo pháp này, chưa làm hoặc làm chưa rồi, hay là sự mong trong[68] y chưa dứt. Này các tỳ khưu! Như thế gọi là civarapalibodha.
Có 2 điều ấy thuộc về kaṭhina không cho xả, miễn là còn mắc trong 2 điều, kaṭhina cũng chưa xả. Chỉ khi đứt cả 2 điều ấy, kaṭhina mới xả.
Hành trình kaṭhina xả (ubbhāra hay uddhāra)
Hành trình kaṭhina xả có 2 (vì thế lực của 8 mātikā): ubbhāra, antarubbhāra. (Nếu chia ra nữa có đến 9 là 8 mātikā ubbhāra và 1 antarubbhāra).
Giải: Atthamātikā nghĩa là hành trình kaṭhina xả theo 8 mātikā là:
1) Hành trình kaṭhina xả, để cho tỳ khưu ra ngoài vòng sīmā, rồi làm cho kaṭhina xả 1 lượt trong nơi ấy.
2) Hành trình kaṭhina xả, là sahubbhāra, để cho tỳ khưu ra ngoài vòng sīmā, xong trở lại kịp kaṭhina xả trong giữa thời gian hạn kỳ, trong chùa thọ kaṭhina, rồi được vào làm phép xả chung với các tỳ khưu.
Tám hành trình kaṭhina xả ấy gọi là aṭṭhamātikā ubbhāra, vì kể vào trong 8 mātikā.
3) Antarubbhāra nghĩa là hành trình kaṭhina xả trong giữa thời gian hạn kỳ, là hành trình kaṭhina xả do tụng tuyên ngôn 2 bận (dutiyakammavācā) để xả kaṭhina, không kể vào trong 8 mātikā gọi là antarubhāra, vì là hành trình kaṭhina xả để cho các tỳ khưu không đi ra ngoài vòng sīmā chỉ ngồi trong chùa hội họp nhau làm, trong giữa thời gian hạn kỳ (chưa đến thời kỳ định). Trong phẩm Vinayālaṅkāratikā có giải thêm rằng: antarubbhāra, sahubbhāra, natthidutiyakammavācāyena katāpakkamanantikādayo satta kathinubbhārā nā kammavācā yakatā. Nghĩa là: Trong antarubbhāra và sahubbhāra, tỳ khưu tụng tuyên ngôn 2 bận thì kaṭhina mới xả, còn 7 kathinubbhāra nhất là pakkamānantikā, tỳ khưu không cần tụng tuyên ngôn, nghĩa là nếu có dịp đáng cho kaṭhina xả, kaṭhina xả tự nhiên không cần phải tụng tuyên ngôn.
Vấn: Hai hành trình kaṭhina xả là antarubbhāra và sahubbhāra khác nhau như thế nào? Đáp: Trong phẩm Vinayālaṅkāratikā có giải rằng: antarubbhāra để cho các tỳ khưu (nhiều vị) không ra ngoài vòng sīmā chỉ ngồi trong chùa tụ hội nhau làm phép xả. Còn sahubbhāra để cho một vị tỳ khưu đã ra ngoài vòng sīmā rồi trở lại kịp antarubbhāra ấy vào làm phép xả chung cùng nhau với các tỳ khưu ngụ trong sīmā ấy. Đó là điều khác nhau của hai hành trình ấy.
Vấn: Antarubbhāra tuồng như một hành trình kaṭhina xả khác ngoài 8 mātikā; nếu như thế, mātikā là nguyên nhân cho kaṭhina xả cho đến 9 chăng? Đáp: Không phải như thế, hành trình kaṭhina xả có 1 thôi, song giải ra làm 2 gọi là:
1) sahubbhāra: để cho tỳ khưu đã đi ra ngoài vòng sīmā rồi trở về;
2) antarubbhāra: để cho nhiều vị tỳ khưu không được ra ngoài vòng sīmā. Nên hiểu rằng khi tăng tụ hội tụng xả kaṭhina trong giữa thời gian hạn kỳ, nếu có tỳ khưu đã ra ngoài vòng sīmā, trở về làm phép xả chung cùng nhau, một lần cũng được gọi là 2 trong một lần, bằng không có cũng gọi chỉ có 1 lần thôi. Cho nên Đức Phật chỉ chế ra có 8 mātikā như đã có giải.
Vấn: Tỳ khưu tăng cần phải tụng tuyên ngôn xả kaṭhina trong thời gian giữa hạn kỳ, vì nguyên nhân chi? Đáp: Tỳ khưu tăng cần phải tụng tuyên ngôn xả kaṭhina trong giữa thời gian hạn kỳ như thế vì có các thí chủ thỏa thích làm đại lễ, họ cầu tụng xả cho họ dâng cúng y ngoài thời kaṭhina đến tăng ở phương xa đến hội họp nhiều[69]. Tích này Đức Phật cho phép tỳ khưu ni vì có một người cận sự nam bạch cầu xin. Đức Thế Tôn có dạy tụng xả kaṭhina như vầy: phải cho tỳ khưu thông hiểu trình cho tăng biết rằng: Sunātu me bhante saṅgho yadi saṅghassapattakallaṃ saṅgho kaṭhinaṃ uddhareyya, esānatti.
Sunātu me bhante saṅgho kaṭhinaṃ uddharati yassāyasmato khanati kaṭhinassa uddhā roso tunhassa yassa nakkhamati so bhāseyya ubbhataṃ sanghena kaṭhinaṃ khamati saṅghassa tasmā tunhī evametaṃ dhārāyāmi. Nghĩa là: Bạch hóa đại đức tăng được rõ, xin tăng nghe tôi trình (sự này) nếu đã vừa thời đến tăng rồi, tăng nên xả kaṭhina ấy là lời trình.
Bạch hóa đại đức tăng, xin tăng nghe tôi trình, (nay) tăng xả kaṭhina. Sự xả kaṭhina vừa đến ngài nào, ngài ấy phải nín thinh, không vừa đến ngài nào, ngài ấy phải nói lên. Kaṭhina tăng đã xả rồi (sự ấy) vừa đến tăng rồi, vì nguyên nhân tăng làm thinh, tôi ghi nhớ sự ấy do trạng thái tăng làm thinh như thế, lẽ thường kaṭhina xả chỉ vì lìa khỏi 5 quả báo, do đứt cả hai palibodhā.
Cho nên, nếu đứt cả 2 palibodhā phải biết rằng kaṭhina xả rồi, tỳ khưu ấy cũng không còn được 5 quả báo nữa. Nếu còn cả 2 hoặc 1 trong 2 palibodhā, thì kaṭhina chưa xả, tỳ khưu ấy còn được hưởng 5 quả báo; nhưng muốn cho biết palibodhā nào đứt, palibodhā nào không dứt, hoặc palibodhā nào đứt trước, palibodhā nào đứt sau hoặc đứt một lượt cùng nhau chỉ giải phân biện theo 8 mātikā như đã có giải trong phẩm parivāra và phẩm taliyasamantapāsātikā aṭṭhakatha rằng:
1) Trong mātikā thứ nhất pakkamananantikā, civarapalibodha đứt trước là đứt từ khi còn ngụ tại chùa, vì y đã làm xong, không còn bận việc làm nữa. Avāsapalibodha đứt sau, là đứt một lượt với 1 hành trình tỳ khưu ra ngoài vòng sīmā, kaṭhina xả trong thời ấy.
2) Trong mātikā thứ 2 nitthānantikā, āvāsapalibodha đứt trước là đứt trong khi tỳ khưu định rằng không trở lại chùa cũ nữa. Civarapalibodha đứt sau là đứt khi đã làm y rồi, kaṭhina cũng xả trong thời ấy.
3) Trong mātikā thứ 3 sanniṭṭhānantikā, cả 2 palibodha đứt 1 lượt cùng nhau không trước không sau là đứt khi tỳ khưu quyết định rằng y cũng không nhờ người làm giùm, chùa cũ cũng không trở về, kaṭhina cũng xả trong thời ấy.
4) Trong mātikā thứ 4 nāsanantikā, āvāsapalibodha đứt trước là đứt khi tỳ khưu quyết định rằng không trở lại chùa cũ nữa, civarapalibodha đứt sau là đứt trong khi y đã hư mất, kaṭhina cũng xả trong thời ấy.
5) Trong mātikā thứ 5 savanantikā, civarapalibodha đứt trước là đứt trong khi đã làm y rồi, āsāsapalibodha đứt sau là đứt 1 lượt vừa khi nghe tin rằng tăng trong chùa tụng xả kaṭhina rồi, kaṭhina cũng xả trong thời ấy.
6) Trong mātikā thứ 6 āsāvacchekika, āvāsapalibodha đứt trước là đứt trong khi tỳ khưu định rằng: không trở lại chùa cũ nữa, civarapalibodha đứt sau là đứt trong khi không còn mong được y nữa, kaṭhina cũng xả trong thời kỳ ấy.
7) Trong mātikā thứ 7 sīmatikkantikā, civarapalibodha đứt trước là đứt trong khi đã làm y xong, āsāsapalibodha đứt sau là đứt trong khi hết hạn kỳ, kaṭhina cũng xả trong thời ấy.
8) Trong mātikā thứ 8 sahubbhāra, cả 2 palibodha đứt 1 lượt cùng nhau không trước không sau là đứt trong khi tăng tụng dứt 2 bản tuyên ngôn, kaṭhina cũng xả trong thời ấy.
Vấn: Hành trình kaṭhina xả trong sīmā có mấy, ngoài sīmā có mấy, có khi trong sīmā có khi ngoài sīmā có mấy? Đáp: Hành trình kaṭhina xả trong sīmā có 2 là: antarubbhāra và sahubhāra. Ngoài sīmā có 3 là: pakkamanantika, savanantika và sīmātikkantika. Có khi trong sīmā, có khi ngoài sīmā có 4 là: niṭṭhanantika, sanniṭṭhānantika, nāsanantika và āsāvacchedika.
Giải rằng: antarubbhāra và sahubhāra kaṭhina xả trong thời chung cùng nhau là xả vì năng lực tăng tụ hội tụng xả trong vòng sīmā thọ kaṭhina ấy, thuộc về hành trình kaṭhina xả trong vòng. Pakkamanantika, savanantika và sīmātikkantika, kaṭhina xả đối với 1 tỳ khưu, đi làm cho kaṭhina xả, phía ngoài vòng sīmā thọ kaṭhina ấy, thuộc về hành trình kaṭhina xả phía ngoài vòng sīmā. Niṭṭhānantika, samuṭṭhānantika, nāsanantika và āsāvacchedika, kaṭhina xả đối với 1 tỳ khưu. Nhưng nếu tỳ khưu ấy khi trước không bận tìm phần y mà mình phải được, rồi đi ra ngoài vòng sīmā, hết tiếc rằng: “Thôi trở lại”, mà sau đó tỳ khưu khác thức tỉnh ép, cho đi đoạt phần y đó lại, rồi trở về làm cho kaṭhina cũng xả trong vòng sīmā đã thọ kaṭhina. Vậy chỉ về việc phần y mà mình phải được ấy, thuộc về hành trình kaṭhina xả trong vòng sīmā. Nếu tỳ khưu đem phần y mà mình phải được ra ngoài vòng sīmā rồi làm cho kaṭhina xả trong nơi ấy, chỉ 1 lần thì thuộc về hành trình kaṭhina xả ngoài vòng sīmā.[70]
Vấn: Mūla của kaṭhina có mấy? Vatthu có mấy? Bhūmi có mấy? Đáp: Mūla của kaṭhina có 1 là: Tăng tụ hội. Vatthu có 3 là: saṅghāti, uttarāsaṅga và antaravāsaka. Bhūmi có 6 là: y làm bằng chỉ cây, y làm bằng bông, y làm bằng tơ, y làm bằng lông thú, y làm bằng vỏ cây.
Thật vậy, kaṭhina thì đủ mūla, vatthu, bhūmi như đã có giải, thọ mới kết quả được. Nếu chỉ thiếu 1 điều nào, như số tỳ khưu ít hơn 5 vị hoặc thọ kaṭhina bằng y khác ngoài 1 trong 3 y, hoặc y ấy họ làm bằng vật nào khác ngoài 6 thứ chỉ ấy, thì kaṭhina không được kết quả.
Vấn: Pháp chỉ về phần đầu kaṭhina, pháp chỉ về phần giữa, pháp chỉ về phần cuối cùng là thế nào? Đáp: Pubbakaraṇa thuộc về phần kaṭhina, sự xả y cũ adhiṭṭhāna y mới về phần giữa, sự thọ và anumodanā về phần cuối cùng.
Giải: Trong sự phải thọ kaṭhina (kaṭhinatthārakicca) chia ra làm 3 giai đoạn. Đoạn đầu phải lo làm pubbakaraṇa (giặt, vò, nhuộm y) nếu thí chủ họ chưa làm. Đoạn giữa phải xả y cũ (paccuddhāra) của mình rồi adhithāna y mới để thọ kaṭhina ấy. Đoạn cuối cùng phải thọ ra tiếng cho tăng hội được nghe rõ, rồi làm tăng gana, puggala, phải anumodanā, được anumodanā như thế gọi là sự phải thọ kaṭhina (kaṭhinatthārakicca) được kết quả.
Vấn: Người có mấy chi không nên thọ kaṭhina, người có mấy chi nên thọ kaṭhina? Đáp: Người có 8 chi không nên thọ kaṭhina:
1) người không biết pubbakaraṇa (sự phải làm trước khi thọ kaṭhina);
2) không biết paccuddhāra (xả y cũ);
3) không biết adhiṭṭhāna (nguyện đặt tên y mới);
4) không biết atthāra (sự thọ kaṭhina);
5) không biết mātikā (nguyên nhân xả kaṭhina);
6) không biết palibodha (sự buộc kaṭhina);
7) không biết uddhāra (hành trình kaṭhina xả theo 8 mātikā);
8) không biết quả báo (nguyên nhân không phạm tội).
Người có đủ 8 chi (trái với 8 điều giải trên) mới nên thọ kaṭhina được là:
1) biết pubbakaraṇa;
2) biết paccuddhāra;
3) biết adhiṭṭhāna;
4) biết atthāra;
5) biết mātikā;
6) biết palibodha;
7) biết uddhāra;
8) biết quả báo cānissamsa.
Tỳ khưu thọ kaṭhina phải biết nhớ rõ rệt 8 điều trên đó mới nên thọ kaṭhina.
Vị tỳ khưu biết nhớ các pháp ấy được rõ rệt mới có thể làm cho kaṭhinatthārakicca được kết quả là:
1) phải pubbakaraṇa ngừa sợ e y mà thí chủ họ chưa làm xong (vì không thông hoặc chưa làm kịp);
2) phải biết paccuddhāra để xả y cũ của mình ra;
3) phải biết adhiṭṭhāna để adhiṭṭhāna y kaṭhina sắp thọ;
4) phải biết atthāra để thọ kaṭhina cho đúng theo phép;
5) phải biết mātikā, palibodha, uddhāra cho biết hành trình khi kaṭhina xả;
6) phải biết quả báo cho rõ thế lực của kaṭhina. Nếu không biết, không nhớ các pháp ấy cho rõ rệt, không nên thọ kaṭhina đâu, trừ ra tỳ khưu là vị trưởng lão có tăng hộ trợ lo sắp đặt thế cho.
Vấn: Pubbakaraṇa (sự phải làm trước) giải như thế nào? Đáp: Có 7 điều:
1) dhovana (giặt, vò);
2) vicārana (đo);
3) chedana (cắt);
4) bandhana (may, lượt);
5) sibbana (may xong);
6) rajana (nhuộm);
7) kappakaraṇa (làm dấu y).
Giải rằng: cả 7 điều ấy, nếu còn sót điều nào, tỳ khưu phải làm cho rồi trước khi thọ kaṭhina, không nên thọ rồi sau mới làm. Điều thứ nhất: Nếu vải kaṭhina ấy còn mới, dính bột dệt, hoặc vải cũ dơ thì phải giặt. Điều thứ nhì: phải lo đo cho đúng theo luật định. Điều thứ ba: phải cắt bằng dao hoặc bằng kéo cho đứt có điều lớn, điều nhỏ. Điều thứ tư: phải lượt theo đường đã cắt ấy. Điều thứ năm: phải may theo đường chỉ đã lượt. Điều thứ sáu: phải nhuộm bằng nước nhuộm mà đức Phật cho phép có màu vừa theo sắc bậc Sa-môn. Điều thứ bảy: phải làm dấu bằng 1 trong 3 màu[71] cho hoại sắc y. Phải làm theo thứ tự, từ thứ nhất đến thứ nhì là không nên làm sai, trước làm sau, sau làm trước, nhưng nếu họ đã làm xong thì càng tốt, bằng còn sót điều nào phải làm cho rồi mới được (hiện thời chỉ còn sót điều thứ 7, tỳ khưu thọ cần phải làm có bấy nhiêu thôi).
Vấn: Paccuddhāra, adhiṭṭhāna giải như thế nào? Đáp: Paccuddhāra nói về 3 pháp là: saṅghāti, uttarāsanaga và antaravāsaka. Adhiṭṭhāna cũng nói về 3 pháp ấy. Nhưng paccuddhāra nói về saṅghāti, uttarāsanaga và antaravāsaka cũ mà mình đã dùng, còn adhiṭṭhāna nói về saṅghāti, uttarāsanaga và antaravāsaka là y kaṭhina ấy. Nếu muốn thọ bằng saṅghāti, phải paccuddhāra xả saṅghāti cũ, rồi adhiṭṭhāna saṅghāti mới. Thọ uttarāsanaga hoặc antaravāsaka cũng phải xả uttarāsanaga hoặc antaravāsaka cũ ra, rồi adhiṭṭhāna uttarāsanaga hoặc antaravāsaka mới như nhau.
Vấn: Atthāra (sự thọ) nói về mấy pháp? Đáp: Atthāra chỉ nói về 1 pháp là nói ra tiếng. Giải: Tỳ khưu thọ phải nói ra tiếng cho tăng hội nghe rõ rệt mới kết quả kaṭhina, nếu thọ thầm thì một mình[72], tăng hội không được nghe với, thì kaṭhina không được kết quả. Còn về cách thức phải thọ như thế nào đã giải ở phía trước đều đủ rồi.
Vấn: Sự thọ kaṭhina của mấy hạng người không được kết quả, mấy hạng người được kết quả? Đáp: Sự thọ kaṭhina của 3 hạng người không được kết quả là: người ở ngoài vòng sīmā thọ anumodanā kaṭhina; người thọ anumodanā kaṭhina không nói ra tiếng; người thọ ra tiếng không cho kẻ khác nghe hiểu nghĩa lý.
Sự thọ kaṭhina của 3 hạng người sau này mới được kết quả là: người ở trong vòng sīmā thọ anumodanā kaṭhina; người thọ anumodanā kaṭhina được nói ra tiếng; người nói ra tiếng cho người khác nghe nghĩa lý được rõ rệt.
Vấn: Sự thọ kaṭhina mấy cách không kết quả, mấy cách được kết quả? Đáp: 3 cách thọ kaṭhina không kết quả là: vatthuvipanna, kālavipanna, karaṇavipanna. Cách thọ kaṭhina được kết quả là: vatthusampanna, kālasampanna, karaṇasampanna.
Giải: Tiếng vatthuvipanna nghĩa là vật sái nói về y kaṭhina không nên dùng (akapiya) là y không đúng phép. Kālavipanna nghĩa là ‘thời sái’, nói về thời là họ dâng y trong ngày nay, tăng giao cho tỳ khưu người thọ trong ngày mai. Karaṇavipanna: nghĩa là ‘làm sái’, nói về thí chủ họ chưa làm y xong, rồi tỳ khưu không cắt làm cho rồi trong ngày ấy. Tiếng vatthusampanna nghĩa là ‘vật phải’, nói về y kaṭhina làm đúng theo phép. Kālasampanna nghĩa là ‘thời phải’, nói về thí chủ họ dâng trong ngày nào, tăng giao cho tỳ khưu người thọ trong ngày ấy. Karaṇasampanna nghĩa là ‘làm phải’, nói về thí chủ dâng y làm đúng theo phép hoặc họ làm chưa xong, tăng giao cho trong ngày nào, tỳ khưu người thọ được cắt làm cho đúng trong ngày ấy, không để qua đến ngày khác. Nói tóm lại, tỳ khưu thọ kaṭhina bằng y không nên dùng (akappiya) như y có bông, có màu sái, thí chủ dâng y đến trong ngày nay, tăng giao cho tỳ khưu thọ đến ngày mai, thọ như thế thì kaṭhina không được kết quả. Trừ ra y làm bằng vải, nên dùng (kappiya), tăng cũng giao cho tỳ khưu thọ trong ngày ấy, thọ như thế kaṭhina mới được kết quả.
Vấn: Tháng nào nên thọ kaṭhina? Đáp: Tháng nên thọ kaṭhina là trong 1 tháng cuối cùng của mùa hạ. Giải: Sự thọ kaṭhina, đức Thế Tôn chỉ cho phép thọ được trong 1 tháng chót mùa hạ: kể từ 16 tháng 9 đến rằm tháng 10. Trong khoảng 29 ngày ấy, ngày nào cũng thọ được cả. Ngoài vòng 29 ngày ấy, thọ kaṭhina không kết quả, dầu có thọ cũng chẳng kết quả chi.
Vấn: Sự thọ kaṭhina sái (atthāravipatti) hay là thọ phải (atthārasampati), phải biết bằng cách nào? Đáp: sự thọ kaṭhina sái hoặc thọ phải biết theo 24 thể thọ, không kết quả và 17 thể thức thọ được kết quả như đã có giải.
Trích dịch trong Kaṭhinakhandhaka thứ 7 của phẩm Mahāvagga, cũng vừa đủ nghĩa lý chỉ có bấy nhiêu.
Khemam pappontu pānino. Cầu cho tất cả chúng sanh đều được vui.
Bhikkhu Vansarakkhita
Tỳ khưu Hộ Tông
---
GIẢI VỀ CÁCH THỨC CÁC THỨ Y CA-SA
1) Kusi: dịch là miếng vải dài ở ngay chỗ anuvāta dài chung quanh là ngay chỗ khoảng dài.
2) Addhakusi: dịch là miếng vải nửa phần kusi, tức là miếng vải vắn ở ngay chỗ khoảng vắn.
3) Mandala: dịch là miếng vải lớn ở ngay chỗ khoảng lớn (nếu y ngũ điều, điều lớn này có 5 khoảng).
4) Addhamandala: dịch là miếng vải nửa phần miếng vải lớn, tức là miếng vải nhỏ (nếu y ngũ điều, điều nhỏ này có 5 khoảng).
5) Vivatta: dịch là miếng vải mở ra (khi nào trùm thấy rõ ngay cho phía trên lưng), chi này ở ngay khoảng lớn chính giữa.
6) Anuvivatta: đây là miếng vải mở tiếp theo (khi nào trùm chỉ thấy phân nửa), chi này ở ngay chỗ 2 bên khoảng anuvivatta.
7) Gīveyyaka: dịch là miếng vải quấn (khi nào trùm thì trùm ngay cổ), chi này ở ngay chỗ khoảng vivatta về phía trên.
8) Jangheyyaka: dịch là miếng vải phải đậy trên xương chả vai, chi này ở chỗ 2 khoảng anuvivatta về phía dưới.
9) Bahanta: dịch là miếng vải phải đắp bắp tay, khi trùm phải ở ngay phía trên bắp tay, chi này ở ngay chỗ adhamandala nơi 2 khoảng phía ngoài cuối cùng.
Tóm lại, y có 9 chi như thế mới hiệp theo lời của đức Phật chế định. Cả 3 y (y 2 lớp, y vai trái, y nội) phải làm theo 9 chi ấy (trừ ra thiếu vải cắt may không đủ).
Phép dâng y kaṭhina đến tăng (saṅgha)
Vấn: thí chủ dâng cúng y kaṭhina dāna như thế nào mới gọi là tăng thí (saṅghadāna)? Đáp: y để thọ kaṭhina là vật kể vào trong saṅghadāna thì dâng theo Pāli như vầy:
Cách dâng thứ nhất: “Imaṃ dussaṃ kaṭhina civaraṃ bhikkhusaṅghassa demā
dutiyampi, ... tatiyampi, ...” (đọc 3 lần). Nghĩa: chúng tôi xin dâng y này để làm lễ Kaṭhina đến tỳ khưu tăng (bhikkhusaṅgha), lần thứ nhì, lần thứ ba.
Về vật phụ tùng (parikkhāra) đã dâng theo thói quen như vầy: Yenamhākaṃ kaṭhinaṃ kahitvā kathināni sansāni tasseva. Nghĩa: vị tỳ khưu nào lãnh Kaṭhina của chúng tôi, chúng tôi xin dâng các vật phụ tùng này đến vị đó.
Trong chú giải (atthakathā) có thuyết minh rằng; nếu thí chủ dâng mà đọc Yenamhākaṃ ... như vầy, thì tăng không có quyền làm chủ các vật parikkhāra đó được. Cho nên nếu cần muốn dâng vật nào đến tăng, phải dâng bằng cách khác, tóm tắt (không cần để tên các vật dâng theo Pāli) như vậy.
Cách dâng thứ nhì: “Imaṃ mayam[73] bhante vatthūni bhikkhusaṅghassa niyyādema”. Nghĩa: Bạch các ngài, chúng tôi xin dâng những vật này đến tỳ khưu tăng.
Lại nữa, cũng có 1 cách dâng kaṭhina chung với vật phụ tùng 1 lần rất tiện lợi theo Pāli như vầy.
Cách dâng thứ ba: “Imaṃ bhante saparivāraṃ kaṭhina civaradussaṃ bhikkhusaṅghassa onojayāma sādhu no bhante bhikkhusaṅgho imaṃ saparivāraṃ kaṭhina civaradussaṃ patigganhātu patiggahetvā ca iminā dussena kaṭhinaṃ attharatu amhākaṃ dīgharattaṃ hitāya sukhāya”. Nghĩa: bạch chư Đại đức, chúng tôi xin nghiêng mình dâng y kaṭhina cùng với vật phụ tùng này đến tỳ khưu tăng. Bạch chư Đại đức cầu xin tỳ khưu tăng lãnh y kaṭhina cùng với những vật phụ tùng của chúng tôi đây, khi đã nhận rồi, xin thọ dụng y này, cho chúng tôi được sự lợi ích và yên vui lâu dài.
---
Y ngũ điều
Coi theo số: 1: Kusi. 2: Aḍḍhakusi. 3: Maṇdala. 4: Aḍḍhamaṇḍala. 5: Vivaṭṭa. 6: Anuvivaṭṭa. 7: Gīveyyaka. 8: Janjheyyaka. 9: Bāhanta.
Y thất điều
Coi theo số: 1: Kusi. 2: Aḍḍhakusi. 3: Maṇdala. 4: Aḍḍhamaṇḍala. 5: Vivaṭṭa. 6: Anuvivaṭṭa. 7: Gīveyyaka. 8: Janjheyyaka. 9: Bāhanta.
Y cửu điều
Coi theo số: 1: Kusi. 2: Aḍḍhakusi. 3: Maṇdala. 4: Aḍḍhamaṇḍala. 5: Vivaṭṭa. 6: Anuvivaṭṭa. 7: Gīveyyaka. 8: Janjheyyaka. 9: Bāhanta.
Y thập nhứt điều
Coi theo số: 1: Kusi. 2: Aḍḍhakusi. 3: Maṇdala. 4: Aḍḍhamaṇḍala. 5: Vivaṭṭa. 6: Anuvivaṭṭa. 7: Gīveyyaka. 8: Janjheyyaka. 9: Bāhanta.
‒ Dứt. Luật xuất gia tập 2 (PL.2495)‒