WALPOLA RAHULA
CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT
KỲ VIỆN TỰ
610, Phan Đình Phùng
SAIGON
Là Phật tử, chúng tôi cố gắng giữ vững lập trường: “Trung thành phục vụ Chánh Pháp”.
Ngoài sự đóng góp vào quỹ “cứu trợ thiên tai” và các công tác xã hội khác, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến việc phiên dịch và ấn tống những tác phẩm có giá trị về Giáo Lý của Đức Phật. Trong năm qua, từ lễ kỷ niệm ngày Vesak thứ 2508 (Đản sanh, Thành Đạo, và Niết Bàn của Đức Thế Tôn) đến nay, nhờ lòng quảng đại của chư thiện tín thập phương, chúng tôi đã xuất bản được bảy tác phẩm và ấn tống 37.000 quyển. Đối với số đồng bào Phật tử, bao nhiêu kinh sách ấn tống ấy thật không đủ vào đâu. Nhưng, với phương tiện rất eo hẹp, đó cũng là kết quả của sự nổ lực của chúng tôi để góp phần nào vào công đức bảo vệ Phật Pháp.
Cũng như tập “Luân Lý Phật Giáo và Xã Hội” đã trích dịch trong quyển “Giáo Lý Của Đức Phật” của một triết gia người Tích Lan, Đại Đức Walpola Rahula, tập “Con Đường Giải Thoát” này là phần thứ nhì, ấn tống vào ngày đại lễ kỷ niệm Đức Phật (Vesak thứ 2509) nhằm rằm tháng tư năm Ất Tỵ (15.05.56).
Cầu xin quả phúc phát sanh do cuộc Thí Pháp này chóng đem lại thanh bình thanh trị cho đất nước.
Chúng tôi thành kính lễ bái Đức Phật.
Toàn thể tín đồ Phật Giáo Nguyên Thuỷ
VESAK 2509
Phật Giáo đặt nền tảng trên Bốn Chân Lý Cao Thượng (cattāri ariyasaccāni). Đức Phật thuyết minh bốn chân lý ấy trong giờ khai đạo, trước sự hiện diện của năm thầy đạo sĩ bạn cũ của Ngài, tại vườn Lộc Giả (Isipatana), gần thành Ba La Nại (Varanasi). Chiếu theo nguyên văn kinh điển Bốn Chân Lý Cao Thượng ấy chỉ được trình bày vắn tắt, nhưng về sau, trong nhiều đoạn kinh, Đức Phật giảng giải tỷ mỷ bằng nhiều cách khác nhau.
Nếu khảo cứu Bốn Chân Lý Cao Thượng ấy theo tài liệu tham khảo và chú thích nói trên chúng ta sẽ thâu nhập được một diễn thuật đầy đủ và chính xác về Giáo Lý chủ yếu của Đức Phật.
Bốn Chân Lý Cao Thượng là:
1. Dukkha, tạm dịch là khổ vì còn nhiều nghĩa khác rất sâu kín sẽ giải sau;
2. Samudaya, có trong chốc lát hay nguyên nhân;
3. Nirodha, sự tắt mất;
4. Magga, con đường (đưa đến chỗ tắt mất của Dukkha).
Dukkha
Chân Lý Cao Thượng đầu tiên này (Dukkha Ariyasacca) được nhiều học giả dịch là Chân Lý Cao Thượng của sự Khổ và chú thích rằng, theo Đức Phật, đời sống cơ hồ như đau khổ và bi thảm. Dịch và giải như thế thật là hoàn toàn thiếu sót và sai lầm. Vì cách phiên dịch chật hẹp, phóng túng và dễ dải và sự giải thích nông nỗi ấy mà nhiều người lầm nhận rằng Phật Giáo là một tôn giáo bi quan.
Trước nhứt nên hiểu rằng Phật Giáo không bi quan cũng không lạc quan. Nói cho đúng, Phật Giáo là một giáo lý thực tế. Phật Giáo xem đời sống và vũ trụ đều hoàn toàn thực tại và nhìn tất cả sự vật một cách khách quan (Yathābhùtam). Phật Giáo không tìm cách ru ngủ chúng ta bằng cái ảo tưởng sống trong cảnh giới cực lạc phỉnh phờ, cũng không cố ý run nhác, hăm doạ chúng ta bằng những tội lỗi, những ghê sợ tưởng tượng. Phật Giáo chỉ dạy một cách khách quan cho chúng ta biết chúng ta là thế nào và vũ trụ bao quanh chúng ta là thế nào. Phật Giáo vạch cho chúng ta con đường giải thoát hoàn toàn, con đường hoà bình, an tịnh và hạnh phúc.
Một vị lương y có thể thêm thắt, cho một chứng bịnh là vô cùng trầm trọng và từ khước không cứu chữa. Một vị khác, vì bất tài, lại quả quyết rằng thân chủ mình không có bịnh, không cần săn sóc và cố gạt bịnh nhân với những bảo chứng nguỵ tạo. Có thể nói rằng vị y sĩ thứ nhứt là bi quan, vị thứ hai là lạc quan. Cả hai đều nguy hiểm. Một vị lương y thứ ba chẩn bịnh đúng đắn, hiểu biết căn nguyên, thấu rõ bệnh trạng, biết có thể điều trị được, cương quyết đầu thang, cứu chữa bịnh nhân lành mạnh. Đức Phật là vị lương y ấy. Ngài là vị Y Vương chữa trị nỗi đau khổ của nhơn loại (Bhisakka hay Bhaisajyaguru).
DUKKHA. - Thật ra theo sự thông dụng của ngôn ngữ Pāli, Dukkha có nghĩa là khổ não, đắng cay, gian lao, khốn cùng, nghịch nghĩa với Sukha, là hạnh phúc, an vui, thích thú. Nhưng cũng chữ Dukkha ấy - khi nó biểu hiện cái Chân Lý Cao Thượng thứ nhứt, là chân lý miêu tả lập trường của Đức Phật về đời sống và vũ trụ - lại có một định nghĩa triết học rất sâu xa và nhiều ý nghĩa khác vô cùng rộng rãi. Trong Chân Lý Cao Thượng thứ nhứt, ta chấp nhận chữ Dukkha theo ý nghĩa thông thường là khổ não, nhưng hơn nữa, nó bao hàm những quan niệm sâu kín về trạng thái “bất hoàn toàn”, “ vô thường”, “xung đột”, “rỗng không”, “vô bản chất”. Thật rất khó mà tìm ra một danh từ gồm tất cả ý nghĩa chứa đựng trong chữ Dukkha trong “Chân Lý Cao Thượng thứ nhứt”. Vậy tốt hơn đừng dịch, hầu khỏi liều lĩnh gán cho nó một quan niệm không thích đáng và sai lầm như người ta đã đơn giản dịch là khổ não, cay đắng.
Hạnh phúc và khổ não đều tương đối. Đời sống không thể hoàn toàn hạnh phúc hoặc khổ não. Đức Phật công nhận cái hạnh phúc trong đời nhưng Ngài cũng nhận có sự khổ.
Ngài nhìn nhận rằng trong đời sống xuất gia cũng như tại gia, hạnh phúc có nhiều hình thức, vật chất và tinh thần.
Trong bộ Anguttara Nikāya, là một trong những kinh điển chơn truyền bằng chữ Pāli, có nhiều bài giảng của Đức Phật đề cập đến một số hình thức khác nhau của hạnh phúc (Sukhāni), như hạnh phúc của đời sống gia đình, của đời sống độc thân, sự vui thích về tình dục, của sự xuất gia, sự luyến ái, và sự đoạn tuyệt luyến ái, hạnh phúc vật chất và hạnh phúc tinh thần, v.v.. (Anguttara, chương 493). Nhưng tất cả các loại hạnh phúc ấy đều nằm trong phạm vi của chữ Dukkha. Cho đến những hành vi hạnh phúc thanh khiết tột độ của tâm trạng an trụ (Dhyāna) thâu đạt được do nhờ thực hành pháp môn thiền định cao siêu, không còn một chút bóng dáng nào của sự khổ theo định nghĩa thông thường của nó, nghĩa là một hạnh phúc hoàn toàn, cho đến tâm trạng không còn thọ vui (Sukka), thọ khổ (Dukkha), tâm trạng tịch tịnh, nhứt niệm, những tâm trạng tột độ cao thượng ấy vẫn còn nằm trong Dukkha. Trong bộ Majjhima Nikāya, sau khi ca tụng các hạnh phúc tinh thần của thiền định, Đức Phật dạy rằng những tâm trạng ấy đều là vô thường, khổ não và luôn luôn thay đổi (Aniccā Dukkha Viparināma – Dhammā: xem quyển Mahadukkhakkhandha sutta, chương 90). Nên nhớ rằng chữ Dukkha dùng nơi đây có ý nghĩa minh bạch. Những tâm trạng ấy đều là Dukkha chẳng phải vì nó có thể dung nạp cái khổ theo ý nghĩa thông thường, mà vì tất cả những gì còn vô thường đều là Dukkha (Yad aniccam tam Dukkham).
Đức Phật thực tế và khách quan. Những gì quan hệ đến đời sống và sự vui thích của giác quan, Ngài dạy rằng có ba điều cần phải nhận thức minh bạch: 1 - Hấp dẫn lực hay là vui thích hưởng thụ (Assāda), 2 - Kết quả xấu, mối nguy hiểm, sự không vừa lòng (Ᾱdīnava) và 3 - Tự thoát (Nissarana). (Xem bộ Majjhima Nikāya II, chương 85…và Samyutta Nikāya III, chương 27…)
Theo đó thì không phải vấn đề bi quan hay lạc quan, mà phải chú ý đến những thích thú trong đời, luôn cả sự đau khổ gian lao và khả năng tự thoát ra khỏi những điều ấy để nhận thức đời sống một cách khách quan. Chỉ nhờ đó mà sự giải thoát thật sự mới có thể đạt được. Về điểm này, trong bộ Majjhima Nikāya chương 87, Đức Phật có dạy rằng:
“Hỡi các Tỳ khưu, nếu những người ẩn dật trong Bà La Môn không nhận thức được một cách khách quan như thế này: sự thọ hưởng những du khoái của nhục thể chỉ là (một sự kiện) thọ hưởng; sự không phỉ lòng về những du khoái ấy chỉ là (một sự kiện) không phỉ lòng; sự giải thoát những điều ấy chỉ là (một sự kiện) giải thoát, thì tự họ không thể hiểu được một cách chắc chắn và đầy đủ sự tham muốn những du khoái của nhục thể và họ cũng không đủ khả năng chỉ dạy cái cứu cánh ấy cho một người khác, và người này, dầu có thực hành lời chỉ dạy của thầy mình, cũng không thông hiểu được hoàn toàn sự tham muốn những du khoái của nhục thể. Này các thầy Tỳ khưu, nhưng nếu có người ẩn sĩ hay bà la môn nào nhận thức được một cách khách quan như thế này: Sự thọ hưởng những du khoái của nhục thể chỉ là (một sự kiện) thọ hưởng; sự không phỉ lòng về những du khoái ấy chỉ là (một sự kiện) không phỉ lòng; sự giải thoát những điều đó chỉ là (một sự kiện) giải thoát, thì chừng ấy họ mới tự hiểu một cách chắc chắn và đầy đủ sự tham muốn những du khoái của nhục thể và có đủ khả năng chỉ dạy cái cứu cánh ấy cho một người khác, đồng thời người này, khi thực hành lời chỉ dạy của thầy mình, sẽ thông hiểu được hoàn toàn sự du khoái của nhục thể”.
Quan niệm cương yếu của Dukkha có thể quan sát dưới ba phương diện khác nhau:
1. Dukkha dưới hình thức của cái khổ thường tình (Dukkha dukkha: khổ vì khổ);
2. Dukkha dưới hình thức của cái khổ phát sanh bởi sự thay đổi (Viparināma: khổ vì vô thường);
3. Dukkha dưới hình thức của tình trạng có điều kiện (Samkhāra dukkha: khổ vì tính cách hữu vi của pháp hành).
Tất cả sự khổ như sanh, già, đau, chết, như chung chạ với người không ưa thích, hoặc bị tuỳ thuộc điều kiện phiền nhiễu, như xa lìa những kẻ yêu mến hoặc mất những điều vừa lòng, như không đạt được điều mong muốn, sanh ra đau khổ, bi than, nguy hiểm, tất cả những hình thức tương tợ của sự khổ về thể xác, tâm trí, đều gọi chung là khổ, nằm trong danh từ Dukkha, tức là cái khổ vì khổ (Dukkha dukkha).
Một cảm giác sung sướng hoặc một trạng thái hạnh phúc của đời sống không bao giờ trường tồn vĩnh cửu. Sự thay đổi sẽ đến chẳng sớm thì chầy. Khi nó đến sẽ có sầu thảm đau khổ, gian lao. Những cơn thạnh suy, thăng trầm ấy đều nằm trong Dukkha, dưới hình thức khổ vì sự thay đổi (Viparināma dukkha).
Hai hình thức Dukkha kể trên rất dễ hiểu, không ai chối cãi được. Hai trạng huống của Chân Lý Cao Thượng thứ nhứt ấy rất thông thường, dễ nhận thức, thuộc về phần kinh nghiệm thường xuyên của đời sống hằng ngày.
Nhưng phương diện thứ ba của Dukkha, vì tình trạng có điều kiện (hữu vi), thuộc phạm vi triết học rất quan trọng của Chân Lý Cao Thượng thứ nhứt. Cần phải giải thích và phải phân tách cái được gọi là “chúng sanh”, “cá nhân” hoặc “cái tôi”.
NGŨ UẨN LÀ DUKKHA. – Cái mà ta thường gọi là Chúng sanh, Cá nhân hay cái Tôi, theo triết học Phật Giáo chỉ là sự phối hợp của những sức mạnh hay năng lực vật chất và tinh thần, luôn luôn thay đổi, mà người ta có thể chia ra làm năm nhóm, gọi là Ngũ Uẩn (Pañcakkhandha). Đức Phật dạy: “Tóm lại, Năm Uẩn liên kết ấy là Dukkha”. Nơi khác Đức Phật định nghĩa rõ rệt danh từ Dukkha là Ngũ Uẩn: “Hỡi các Tỳ khưu, Dukkha là gì? Phải nói đó là Năm Uẩn kết liên” (Samyutta Nikāya III, chương 158). Điều tối trọng nơi đây là phải nhận thức rõ rệt Dukkha và Năm Uẩn không khác nhau; chính Năm Uẩn là Dukkha vậy. Chúng ta sẽ hiểu tận tường hơn những gì là Năm Uẩn trong cái mà chúng ta gọi là một chúng sanh. Vậy Năm Uẩn là gì?
SẮC UẨN. - Uẩn thứ nhứt thuộc về các vật hữu hình gọi là Sắc uẩn (Rūpakkhandha). Danh từ Sắc uẩn, chỉ bốn nguyên tố truyền thống (Tứ Đại) hiển thị là Đất, Nước, Lửa, Gió (Cattārimahābhūtāni): chất cứng, chất lỏng, chất nóng, chất dao động và luôn cả những vật xuất xứ (Upādāya rūpa) từ bốn nguyên tố ấy (Samyutta Nikāya III, chương 59). Vật xuất xứ từ Tứ Đại, như trong ngũ quan có tác dụng của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể và những đối tượng ở thế giới bên ngoài (ngoại trần), tức là hình sắc, âm thanh, mùi, vị, vật đụng chạm và trong lãnh vực tinh thần có tư tưởng, quan niệm, tín ngưỡng (Dhammāyatana). Toàn lãnh vực của vật chất, từ trong đến ngoài (hữu hình và vô hình) đều thuộc về Sắc uẩn.
THỌ UẨN. - Uẩn thứ nhì hay Thọ uẩn (Vedanakkhandha) thuộc về cảm giác. Thọ Uẩn gồm cảm giác vui, buồn hoặc không vui không buồn, thọ cảm do sự tiếp xúc giữa ngoại cảnh và năm giác quan hữu hình (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân) và một giác quan vô hình (Mạt Na).
Thọ có sáu loại: thọ cảm phát sanh do sự tiếp xúc của nhãn quan với hình sắc (sắc trần), nhĩ quan với âm thanh (thanh trần), tỷ quan với mùi hương (hương trần), thiệt quan với vị (vị trần), của thân với vật có thể sờ được (xúc trần) và của giác quan vô hình (Mạt Na) quan năng thứ sáu của triếc học Phật Giáo với đối tượng vô hình như tư tưởng hay quan niệm. Tất cả cảm giác thuộc loại hữu hình hay vô hình đều là Thọ Uẩn.
Đến đây tưởng cũng nên đề cập sơ qua về cái mà triết học Phật Giáo gọi là giác quan vô hình, Mạt Na (Manas). Giác quan vô hình không phải là cái Tâm đối lập với vật chất.
Phải luôn luôn nhớ rằng Phật Giáo không hề xem cái tâm là đối lập với vật chất như nhiều môn phái triết học khác. Theo Phật Giáo, giác quan vô hình chỉ là một quan năng hay một giác quan (Indriya) cũng như mắt, tai, lưỡi, mũi, thân là những giác quan và ta cũng có thể kiểm soát và phát triển giác quan vô hình (Mat Na) như ta có thể kiểm soát và phát triển các quan năng khác. Đức Phật thường nhắc đến những lợi ích đem lại do sự kiểm soát và rèn luyện sáu quan năng. Với tư cách là quan năng, chỉ có sự khác biệt giữa con mắt và giác quan vô hình là ở chỗ mắt thì ghi nhận những cảm giác của thế giới màu sắc và hình thể còn giác quan vô hình thì ghi nhận những cảm giác của thế giới tư tưởng và quan niệm là đối tượng của tinh thần. Chúng ta ghi nhận ngoại trần khác nhau do những giác quan khác nhau. Ta không thể “nghe” mà chỉ có thể “thấy” màu sắc. Ta cũng không thể “thấy” mà chỉ có thể “nghe” âm thanh. Do ngũ quan hữu hình là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân ta ghi nhận hình sắc, âm thanh, mùi, vị, vật có thể sờ mó. Nhưng thế giới hữu hình chỉ là một phần của vũ trụ, của vạn pháp, không phải là toàn thể. Còn những quan niệm, những tư tưởng thì sao? Quan niệm và tư tưởng cũng là một phần của vũ trụ nhưng mắt không thể thấy, tai không thể nghe v.v... phải có một quan năng khác mới tiếp xúc và ghi nhận được, đó là giác quan vô hình, thuộc về tinh thần. Không phải quan niệm và tư tưởng không chịu ảnh hưởng của thế giới vật chất do các quan năng hữu hình thâu nhận. Quan niệm và tư tưởng phải tuỳ thuộc nơi các cảm giác phát sanh do những giác quan hữu hình. Vì lẽ ấy, một người mù từ lúc sơ sanh không thể quan niệm được màu sắc mà chỉ biết thinh hương vị xúc do tai, mũi, lưỡi, thân thâu nhận.
Quan niệm, tư tưởng là thành phần của vũ trụ, và dĩ nhiên phát nguồn từ những cảm giác có tính cách hữu hình. Sự phát nguồn ấy cũng dĩ nhiên tuỳ thuộc nơi điều kiện của cảm giác hữu hình nói trên và ý thức bởi giác quan của tinh thần gọi là Manas (Mạt Na). Giác quan này được ý thức như một quan năng nhạy cảm hoặc như một giác quan (Indriya) đồng danh nghĩa với con mắt, lỗ tai, v.v...
TƯỞNG UẨN. - Thứ ba là Tưởng Uẩn (Saññākkhandha). Cũng như cảm giác, tri giác có sáu loại liên hệ với sáu quan năng bên trong và sáu đối tượng bên ngoài. Cũng như các cảm giác, tri giác là kết quả phát sanh do sự tiếp xúc của sáu quan năng với thế giới bên ngoài. Chính Tưởng Uẩn nhận ra vật... hữu hình và vô hình (Samyutta Nikaya III, chương 60).
HÀNH UẨN. - Thứ tư là Hành Uẩn (Sankhārakkhandha). Hành Uẩn bao hàm những quyết ý hành động tốt và xấu. Những gì được khép vào danh từ tổng quát của Nghiệp (Kamma) đều nằm trong Hành Uẩn. Nên nhắc lại đây cái định nghĩa của Đức Phật cho danh từ Nghiệp: “Này các thầy Tỳ khưu, Như Lai gọi Nghiệp (Kamma) là Tác ý (Cetanā) khi muốn, mọi người đều hành động bằng thân, khẩu, ý” (Anguttara Nikāya chương 590)
Sự quyết ý hay chấp ý là một sự cấu tạo tinh thần, một hoạt động tinh thần. Tác dụng của nó là điều khiển Tâm (Citta), trong phạm vi của hành động tốt, xấu hay không tốt không xấu. Cũng như Thọ và Tưởng, sự quyết ý có sáu loại liên hệ với sáu quan năng bên trong và sáu đối tượng hữu hình và vô hình của thế giới bên ngoài (Samyutta Nikāya III chương 60). Thọ và Tưởng không phải là quyết ý hành động, nên không tạo nghiệp. Chỉ có những động tác hữu tâm như sự chú ý (manasikāra), ý muốn (chanda), quyết định (adhimokkha), sự tín nhiệm (saddhā), sự định tâm (samādhi), trí tuệ (paññā), sự tinh tấn (viriya), dục vọng (raga), sự hiềm kỵ hay thù ghét (patigha), sự vô minh (avijja), sự ngã mạn (mana), thân kiến (sakkāyaditthi), v.v... là những động tác tạo nghiệp. Có tất cả 52 hoạt động tinh thần (tâm sở) trong Hành Uẩn[1].
THỨC UẨN. - Uẩn thứ năm là Thức Uẩn (Viññānakkandha). Thức là một phản lực, một áp lực. Gốc của nó là một trong sáu quan năng (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và Manas (Mạt Na). Vật kiện của nó là một trong những hiện tượng đối ứng bên ngoài, như hình sắc trông thấy, âm thanh, mùi, vị, vật sờ mó được, và đối tượng tinh thần, như quan niệm, và tư tưởng. Ví dụ, Nhãn thức (Cakkhu viññāna) có nền tảng là con mắt và đối tượng là hình sắc trông thấy. Mạt na thức (Manas viññāna) có nền tảng là Mạt na (Manas), và đối tượng là quan niệm, tư tưởng, gọi chung là Pháp (Dhamma). Cách thức khác cũng vậy. Thức, cũng như Thọ, Tưởng và Hành, có sáu hình thức liên hệ với sáu quan năng bên trong, đối ứng với sáu loại đối tượng bên ngoài (Samyutta Nikāya III, chương 61).
Nên hiểu rõ rằng không phải Thức nhận ra đối tượng. Thức chỉ là một động tác chú ý, chú ý đến sự hiện diện của một đối tượng. Khi mắt tiếp xúc với màu sắc, - ví dụ như màu xanh, - thì Nhãn thức phát sanh. Sự phát sanh ấy chỉ là một tác động chú ý đến màu sắc thôi, nghĩa là sự trông thấy sự hiện diện của một màu, nhưng thức ấy không nhận ra đó là màu xanh. Chưa có sự nhận biết trong giai đoạn này. Chính Tưởng Uẩn (saññakkhandha) mới nhận ra là màu xanh. Danh từ “Nhãn thức” là một từ ngữ triết học có một ý nghĩa giống như ý nghĩa của danh từ “Trông thấy”. Hẳn thật “Thấy” không có nghĩa là “Nhận ra”. Đối với các thức khác cũng như thế.
BẢN NGÃ – LINH HỒN - Cần phải lặp lại rằng, theo triết học Phật Giáo, không có cái Tâm (Citta) trường tồn, bất di bất dịch, có thể gọi là Bản ngã, là Linh hồn, là cái “Ta” để làm khách thể đối lập với vật. Cũng không nên xem cái Thức (Viññāna) như cái Tâm (Citta) đối lập với vật chất. Nên đặc biệt chú trọng về điểm này, vì quan niệm sai lầm cho rằng Thức là Bản Ngã, là linh hồn bất diệt cấu hợp một bản thể trường cửu xuyên qua đời sống, và quan niệm ấy vẫn khăng khăng từ thời gian quá khứ xa vời đến hiện nay.
Một vị đệ tử của Đức Phật, tên Sāti, ca tụng rằng Đức Phật đã dạy: “Chính cái Thức chuyển sinh và phiêu bạt trong luân hồi”. Đức Phật bảo ông Sāti giải thích cho Ngài nghe sự hiểu biết của ông về cái Thức, thì câu trả lời của ông thật là cổ điển: “Tất cả những gì biểu thị tư tưởng, thọ cảm và thâu gặt những kết quả của hành vi tốt, xấu, nơi đây nơi kia”. Đức Phật hỏi lại:
“Như Lai hà chẳng giảng giải bằng nhiều cách rằng cái Thức phải có điều kiện để phát sanh. Chẳng bao giờ cái Thức tự nhiên sanh ra. Rồi Đức Phật liền giải thích tỷ mỷ: Tên của cái Thức được đặt ra tuỳ trường hợp nếu do mắt và hình sắc bên ngoài mà sanh ra Thức, là Nhãn thức; do tai và âm thanh, mà sanh ra, người ta gọi là Nhĩ Thức; do mũi và mùi, gọi là Tỷ Thức; do lưỡi và vị , gọi là Thiệt Thức; do thân thể và vật đụng chạm gọi là Thân Thức; do giác quan tinh thần (pháp) gọi là Mạt Na Thức (Manas) (Không dịch là Ý Thức vì, - như đoạn trên đã giải. - Thức không phải là Ý, là Tâm).
Đức Phật còn thí dụ thêm: “Một ngọn lửa được đặt tên tuỳ theo thứ bồi làm cho nó cháy. Nếu là củi, người ta gọi là “Lửa củi”, nếu là rơm, người ta gọi là “Lửa rơm”. Thì Thức cũng vậy”.
Để giải rõ thêm nữa, Đ.Đ. Buddhaghosa, một vị chú thích cao đệ dạy: “... lửa bắt mồi do củi, nhưng chỉ bốc cháy lên khi có sẵn củi và sẽ tắt tại chỗ khi hết củi, vì điều kiện đã thay đổi. Lửa ấy không cháy lan qua vỏ bào để trở thành “Lửa vỏ bào”... Cũng như thế ấy, Thức phát sanh ra do mắt và vật hữu hình, Thức ấy chỉ biểu lộ tại nhãn môn khi nào có đủ điều kiện: con mắt, vật hữu hình, ánh sáng và tác động chú ý. Và tắt liền tại đó, khi không còn các điều kiện ấy nữa. Nghĩa là Nhãn thức không sang qua lỗ tai, lỗ mũi, v.v... để trở thành Nhĩ Thức hay Tỷ Thức v.v... (Majjhima Nikāya II, chương 306, 307)
Đức Phật đã dạy minh bạch rằng Thức tuỳ thuộc nơi sắc, thọ, tưởng, hành. Ngoài các điều kiện ấy, Thức không sinh tồn. Và Ngài thêm: “Thức có thể sanh, khi nhờ “Sắc” làm phương tiện (Rūpupāyam) nhờ “Sắc” làm đối tượng (Rūpārammanam), nhờ “Sắc” làm nền tảng (Rūpapattham) và vì duyên theo hứng cảm, thức có thể nảy nở, lớn lên, phát triển. Hay là Thức có thể phát sanh do nhờ Thọ, hoặc Tưởng hoặc Hành làm phương tiện; hoặc do nhờ Hành làm đối tượng, và duyên theo hứng cảm, Thức có thể nảy nở, lớn lên, phát triển. Nếu có người nào nói rằng tôi sẽ chứng minh sự phát sanh, sự nảy nở, sự phát triển của Thức, không tuỳ thuộc nơi Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, thì người ấy nói một chuyện không bao giờ có” (Samyutta Nikyāa III, chương 58).
Tóm lại, chính Ngũ Uẩn mà chúng ta gọi là chúng sanh, cá nhân hay cái ta, một cái tên giản dị, một nhãn hiệu dính liền vào sự phối hợp của nó. Tất cả Ngũ Uẩn đều vô thường, biến đổi không ngừng. Tất cả những gì vô thường là Dukkha (Khổ) “Yadaniccam tam dukkham”. Đó chính là nghĩa của câu Phật ngôn: “Tóm lại Ngũ Uẩn là Dukkha”. Trong hai khoảnh khắc liên tiếp, Ngũ Uẩn không còn giống nhau. Ở đây, A không bình quân với A. Đây chỉ là một triều lưu sanh diệt mau như chớp.
“Này các Sa môn, chẳng khác nào như một thác nước trên núi, chảy rất xa và rất mau, lôi cuốn tất cả; không có một khoảnh khắc nào, một giây nào nó ngừng chảy. Nó tuôn không dứt, chảy hoài, chảy mãi liên tiếp. Này các Sa môn, đời sống của nhân loại tương tợ như thác nước ấy (Anguttara Nikāya, chương 700). Cũng như Đức Phật đã nói với Ô. Ratthapāla: “Đời sống là một triều lưu bất tận và vô thường biến đổi”.
Một vật biến mất, tạo điều kiện cho vật kế tiếp bằng một dây liên tục Nhân và Quả. Không có một bản chất nào bất biến. Sau triều lưu ấy không có một cái chi xem như một Bản Ngã trường tồn, không có một cá tính nào có thể gọi là Tôi. Khi Năm Uẩn hữu hình và vô hình ấy là vật tuỳ thuộc lẫn nhau, hoạt động chung nhau, liên hợp chặt chẽ như một bộ máy (Tâm thần) vật lý, chúng ta quan niệm đó là cái Ta. Chính đó là một quan niệm sai lầm, một “Pháp Hành” trong 52 pháp hành của Uẩn thứ tư (Hành Uẩn), như đã đề cập đến nơi trên về Thân Kiến (Sakkāya ditthi).
Năm uẩn ấy kết hợp lại, mà chúng ta gọi là một chúng sanh, cũng là Dukkha (Samkhāra dukkha: Khổ Hành). Không có một chúng sanh nào khác, hay cái Tôi nào đứng sau Năm uẩn để chịu khổ. Như Đ.Đ.Buddhaghosa nói: “Chỉ có cái khổ, mà không người chịu khổ. Chỉ có hành động mà không người hành động” (Visuddhimagga, chương 513).
Không có một chủ động bất động nào sau sự vận hành, chỉ có sự vận hành thôi. Nói rằng đời sống đương vận chuyển là không đúng; mà chính đời sống là sự vận chuyển. Đời sống và sự vận chuyển không phải là hai vật khác nhau. Không có người tư tưởng sau tư tưởng. Tư tưởng chính là người tư tưởng. Nên nhấn mạnh nơi đây rằng quan niệm này của Phật Giáo hẵn là đối chọi với quan niệm của Descartes (một triết học và toán học gia người Pháp): “Tôi suy tưởng tức là có tôi” (Cogito Ergosum).
KHỞI THUỶ CỦA ĐỜI SỐNG. - Bây giờ ta lại tự hỏi vậy đời sống có một khởi thuỷ không? Theo Đức Phật, khởi thuỷ của triều lưu sinh mệnh của chúng sanh đương sống không thể tưởng tượng được. Người nào đã tin rằng đời sống do Thượng Đế sanh ra, sẽ ngạc nhiên trước câu này. Nhưng nếu có ai hỏi lại người ấy: “Khởi thuỷ của Thượng Đế ra sao?” Họ sẽ thản nhiên đáp rằng: “Thượng Đế không có khởi thuỷ”, và chính họ cũng không ngạc nhiên về câu trả lời của mình. Đức Phật dạy:
“Này các thầy Tỳ khưu, vòng sanh tử luân hồi thật là vô tận, và khởi thuỷ của chúng sanh không thể tưởng tượng được; tất cả đều linh đinh trôi dạt, quanh quẩn trong vòng vô minh (avijjā), trong cương toả của ái dục (tanha)” (Samyutta Nikāya II, chương 178,179 và III, chương 149-151). Và để nhắc lại rằng vô minh là nguyên nhân chánh yếu của sự liên tục, của đời sống, Đức Phật dạy: “Khởi thuỷ của vô minh không thể thấu rõ được, dĩ nhiên không ai có thể biện minh rằng đã không có vô minh ngoài một địa điểm nào nhất định” (Anguttara Nikāya V, chương 113). Bởi thế không thể nói rằng đời sống không có ngoài một ranh giới nhứt định.
Tóm lại, trên đây là ý nghĩa của Chân Lý Cao Thượng về Dukkha (Khổ). Hiểu biết chân lý này rất trọng yếu, vì Đức Phật dạy rằng: “Kẻ nào thấy khổ, cũng thấy được nhân sanh khổ, cũng thấy được sự diệt khổ và cũng thấy được con đường đưa đến sự diệt khổ.” Samyutta Nikāya V, chương 437). Đức Phật nói thêm: “Kẻ nào thấy chẳng luận Chân lý nào trong bốn Chân lý, cũng thấy được Ba Chân Lý khác.” Bốn Chân Lý đều hổ tương liên phối nhau.
Nhận ra như thế thì đời sống của người Phật tử chẳng hề ưu sầu bi khổ, như có kẻ tưởng tượng sai lầm. Tóm lại một Phật tử thuần thành là người có hạnh phúc hơn tất cả. Vì không sợ sệt và cũng không phiền muộn, luôn luôn bình thản và yên tịnh. Chẳng có cuộc hỗn loạn và tai ách nào làm cho họ xao xuyến. Họ thấy rõ chơn tướng của sự vật. Đức Phật chẳng hề ưu tư, buồn bã. Những nhân vật đồng thời với Đức Phật đều miêu tả Ngài với “vẻ mặt luôn luôn mỉm cười” (Mihita pubbamgama). Trong những họa phẩm và điêu khắc phẩm gương mặt của Đức Phật luôn luôn hoan hỉ, tự tại, viên mãn và từ bi. Chẳng ai tìm ra nơi Ngài một vết đau khổ, ưu phiền, bi thảm. Nghệ thuật kiến trúc và đền thờ chẳng hề biểu lộ một cảnh tượng ưu sầu, buồn bã, trái lại toàn là một không khí thanh tịnh vui thú.
THÁI ĐỘ CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ. - Mặc dầu đời sống gian khổ, người Phật tử thuần thành không hề lộ vẻ buồn rầu, cũng không bực tức, nóng nảy. Theo Phật Giáo, một trong những đau khổ là sự hiềm ố và oán ghét; sự oán ghét (patigha) đồng nghĩa với ác ý đối với chúng sanh, trước sự đau khổ và những gì liên quan với đau khổ. Tác động của nó không ngoài mục đích tạo ra một... tình trạng khốn khổ, một cử chỉ xấu xa. Vậy, không nhẫn nại trước cái khổ là một sự lầm lạc. Không nhẫn nại hay tỏ ra bực tức trước cái khổ, thì không thể diệt khổ được. Trái lại còn làm tăng trưởng nỗi khổ tâm, thêm cay nghiệt tình trạng điêu đứng sẵn có. Điều cần phải làm là đừng nản chí, đừng bực tức, mà phải nhận thức cái khổ, tìm hiểu cách nào nó đến cho ta, cách nào ta dứt bỏ nó và cố gắng bắt tay vào việc một cách nhẫn nại khôn ngoan và cương quyết.
Phật Giáo có hai bộ chú giải thi ca tuyệt vời, là bộ Theragāthā và bộ Therigāthā chứa đầy từ ngữ hoan lạc của các vị đệ tử phái nam và phái nữ của Đức Phật là những bậc đã tìm được sự an tịnh nơi cõi lòng và hạnh phúc theo phương pháp chỉ dạy của Đức Phật. Một lúc nọ, vua Kosala lưu ý Đức Phật rằng khác hẳn với tín đồ các đạo giáo, những vị đệ tử của Ngài đều vui vẻ hân hoan (hattha – pahattha), phỉ chí vui cười (udaggudagga), nhàn lạc trong đời sống tinh thần (abhiratarupa), lục căn thanh tịnh (pinitindriya), dứt khỏi phiền não (appossukha), yên lặng (pannaloma), tĩnh tịch (paradavutta), tinh thần thư thái vô tư lự như đoàn linh dương (migabhutena cetasa). Đức vua còn thêm rằng những đạo hạnh phước đức ấy cấu tạo được do nhờ chư thinh văn đã chứng đạt ý nghĩa cao siêu và đầy đủ giáo lý của Đức Phật. (Majjhima Nikāya II, chương 121).
Phật Giáo đại kỵ một tâm trạng ưu tư, buồn bã, mờ tối, u sầu, vì đó là một trở ngại cho sự chứng ngộ chân lý. Chúng ta nên ghi nhớ rằng sự phỉ lạc (Pīti) là một trong bảy nhân sanh quả bồ đề (Bojjhanga), là những đặc tính tối trọng phải gieo trồng để chứng đạt đạo quả Niết Bàn (Nibbana).
Samudaya
NGUYÊN NHÂN CỦA DUKKHA. - Chân Lý Cao Thượng thứ nhì là Chân Lý về sự phát sanh hay về nguyên nhân của Dukkha (Dukkhasamu daya ariyasacca). Cái nghĩa thông thường và được biết rõ hơn hết, đã gặp nhiều chỗ trong Tam Tạng, là : “Đó là sự khao khát, lòng Ái Dục (Tanhā) hằng dẫn đến sự tái sanh và sự tuần hoàn luân chuyển (ponobhavikā) bị vương vấn vào lòng tham vô độ (nandīrāgasa hagatā) và luôn luôn say đắm những lạc thú mới mẻ, ở đây hay một nơi khác (tatratatrābhinandinī), như sự khao khát về những du khoái của nhục thể trong Dục Giới (kama tanhā) - sự khao khát muốn được tồn tại và luân chuyển mãi mãi trong Sắc Giới (bhava tanhā) của chủ trương Thường kiến, - và sự khao khát muốn đoạn tuyệt đời sống và được đeo níu trong Vô Sắc Giới (vibhava tanhā) của chủ trương Đoạn kiến (Mahavagga, chương 3 và Samyutta Nikāya V, chương 421).
Chính sự khao khát, dục vọng, tham lam vô độ và khát vọng ấy, - khi biểu hiện bằng nhiều cách, sanh ra đủ hình thức khổ và đủ loại chúng sanh. Nhưng theo Phật Giáo, chẳng nên lấy đó làm khởi nhân, vì tất cả đều tương đối và tuỳ thuộc lẫn nhau. Cho đến sự Ái Dục (Tanhā), đã được kể như là nhân, nguồn gốc của Dukkha, cũng tuỳ thuộc nơi một nhân khác là Thọ (vedanā) mới phát sanh được (Majjhima Nikāya I, chương 51). Và Thọ cũng phải tuỳ thuộc nơi Xúc (phassa) v.v... và tiếp nối xoay quanh thành một vòng tròn gọi là “Thập Nhị Duyên Khởi” (Patticca samuppāda) mà ta sẽ đề cập đến trong đoạn sau.
Như thế Ái Dục (Tanhā), sự khao khát, chẳng phải là nhân đầu tiên hay duy nhứt sanh ra Dukkha (khổ). Nhưng chính Tanhā là cái nhân rõ rệt hơn hết và trực tiếp hơn hết, là một sự kiện chánh yếu, một sự kiện lan tràn khắp nơi. Do đó trong nhiều đoạn kinh văn căn bản Palī, định nghĩa của chữ Samudaya, hay nguồn gốc của sự khổ, bợn nhơ, hàm xúc nhiều ô trọc khác (kilesā sāsavā dhammā), mà Ái dục, sự khao khát, lại được đứng đầu (Vibhanga, chương 106). Trong phạm vi của sự thảo luận này, chúng ta cần phải nhắc lại rằng Ái Dục, sự khao khát, là trung tâm điểm của quan niệm sai lầm về sự hiện hữu của một Bản Ngã, xuất xứ từ vô minh.
Nơi đây, danh từ khao khát chẳng những bao hàm sự ham muốn, sự say đắm về du khoái nhục dục, sự tham mê tiền của, quyến tước, mà cũng gồm có sự cố chấp về quan niệm, lý tưởng, nghị luận, học thuyết khái niệm và tín ngưỡng (Dhamma Tanhā) (Majjhima Nikāya I, ch.51, Samyutta Nikāya II, ch.72, Vibhanga, ch.380).
Theo sự phân tích của Đức Phật, tất cả nguy biến, xung đột trên thế giới, từ việc gây gổ nhỏ nhen giữa cá nhân trong gia đình đến những cuộc đại chiến giữa các cường quốc, đều phát sanh từ lòng khao khát ấy (Majjhima Nikāya I, ch.86). Các chánh khách đương cố gắng giàn xếp những cuộc tranh chấp quốc tế và nói đến chiến tranh cùng hoà bình bằng ngôn ngữ chánh trị, kinh tế, đều chỉ sờ trên một khía cạnh bên ngoài mà chẳng hề đi đến tận gốc của vấn đề. Đức Phật đã nói với Ô. Ratthapāla: “Chúng sanh đau khổ vì thất vọng, họ tham muốn vô độ, họ là nô lệ của Ái Dục (Tanhādāso)”.
TÁI SANH. – Ai ai cũng công nhận rằng những tai họa đều do tham lam ích kỷ sanh ra. Điều ấy rất dễ hiểu. Nhưng vì sao tham lam khao khát lại có thể đem lại sự tái sanh và sự luân chuyển tuần hoàn (ponobhavikā)? Thật không phải dễ hiểu. Ta hãy tìm xem phần triết học sâu kín của Chân Lý Cao Thượng thứ nhì trong mối liên quan của nó với Chân Lý thứ nhứt, tức là tìm hiểu học thuyết về Nghiệp Báo (Kamma) và Tái sanh.
Có bốn yếu tố nuôi dưỡng sự sống, bốn loại vật thực (Ahāra) làm nhân, làm điều kiện cần yếu cho sự sinh tồn và tiếp nối của chúng sanh:
1. Vật thực thông thường (Kabalin kārāhāra).
2. Sự tiếp xúc của lục căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, mạt na) với lục trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp) (Phassāhāra).
3. Thức (Viññnāhāra)
4. Sự cố ý hay ý chí (Manosance-tanāhāra)(Majjhima Nikāya I, ch. 48).
Trong bốn thứ vật thực ấy, sự cố ý bao hàm cả lòng tham khát đeo níu sự sống; ý chí muốn sống, muốn tồn tại, muốn sống thêm mãi mãi, luân chuyển hoài hoài (Cố ý có thể sánh với danh từ nhục dục (libido) của tâm lý học tân thời). Nó là nguyên nhân của sự sinh tồn, sự nối tiếp, sự tranh đấu mà con người theo đuổi bằng hành động, tốt hoặc xấu (kusalākusalakamma) (Majjhima Nikāyatthahathā I, ch. 210). Sự cố ý ấy chính là Tác Ý (Cetanā): Manosañcetanā ti cetanā eva vuccati. (Majjhima Nikāyatthahāthā, ch. 209). Ở đoạn trên chúng ta thấy rằng Tác Ý (Cetanā) là Nghiệp (Kamma). Ám chỉ Tác Ý, Đức Phật phán rằng: “Khi con người hiểu được vật thực của Tác ý, họ hiểu ba hình thức của ái dục” (khao khát nhục dục, khao khát sống hoài, khao khát chết mất: kamma tanhā, Bhava tanhā; vibhava tanhā xem ch.13). Cho nên những danh từ khao khát, cố ý và Nghiệp đều đồng nghĩa, và biểu hiện sự tham muốn, ý chí muốn sống, muốn tồn tại, muốn tái sanh, muốn luân chuyển; muốn sanh sản thêm mãi, muốn tích luỹ luôn luôn. Chính đó là nhân sanh khổ. Sự tham muốn ấy nằm trong Hành Uẩn, một trong năm uẩn cấu hợp chúng sanh.
Đây là một trong các điểm quan trọng, cốt yếu của giáo lý Đức Phật. Chúng ta hãy ký chú rõ rệt, kỹ lưỡng và ghi nhớ rằng nhân cái phôi chúng sanh ra Dukkha nằm trọn vẹn trong Dukkha và nhân ấy không có ở ngoài Dukkha. Chính đó là ý nghĩa của định thức, mà ai cũng biết rõ, thường gặp trong Tam Tạng Palī: Yam kiñci samudayadhammam sabbam tam nirodha dhammam, nghĩa là: Cái chi có bản chất sanh, cái đó bản chất diệt (Majjhima Nikāya III, ch.280. Samyutta Nikāya IV, ch.47, 107, V, ch.423). Một chúng sanh, một vật, một hệ thống, nếu tự nó có bản chất sanh, bản chất phát hiện, thì tự nó cũng có bản chất, có phôi chủng diệt, hoại. Như thế Dukkha, - hay Ngũ Uẩn - tự nó có bản chất sanh và tự nó cũng có bản chất diệt. Chúng ta sẽ trở lại quan niệm này, khi đề cập đến Chân Lý thứ ba, Nirodha (sự tắt mất).
Danh từ Palī “Kamma” (Nghiệp), theo chánh nghĩa văn tự, có nghĩa là Hành Vi, là Tác Động. Nhưng theo học lý Phật Giáo về Nghiệp, danh từ Kamma có nghĩa đặc biệt là “Cố ý hành động” và chẳng phải bất cứ hành động nào. Cố ý hành động cũng không có nghĩa là kết quả của Nghiệp, như nhiều người đã nhận định một cách phi lý, hoàn toàn sai lầm. Theo danh từ riêng của Phật Giáo, Nghiệp không bao giờ có nghĩa là kết quả của Nghiệp. Kết quả của Nghiệp gọi là “Quả” hay “Báo Ứng” (kamma phala hay kamma vipāka).
Ý chí (ý lực), tương đối có thể tốt hay xấu; sự tham muốn cũng vậy. Một Nghiệp tốt (kusala) sẽ đem lại quả tốt; một nghiệp xấu (akusala) sẽ đem lại quả xấu. Sự khao khát, sự cố ý, nghiệp tốt hoặc xấu, sanh ra một năng lực: năng lực tiếp nối, tiếp nối theo một chiều hướng tốt hoặc xấu. Thiện và ác là tương đối và ở trong phạm vi của vòng luân hồi (samsāra)[2]. Một vị A la Hán (Arahant) dầu có hành động cũng không tạo nghiệp, bởi Ngài đã ra khỏi cái quan niệm sai lầm về Ngã chấp. Ngài đã thoát khỏi sự khao khát, khỏi vòng tiếp nối luân chuyển, khỏi chốn bợn nhơ ô trượt (kilesa, sāsavādhammā). Đối với Ngài sự tái sanh đã chấm dứt.
Chẳng nên lầm lộn học thuyết của Kamma với quan niệm “Công Lý Đạo Đức” với thành kiến “Thưởng Phạt”. Quan niệm và thành kiến ấy phát sanh do tín điều chấp nhận có một Đấng Cao Cả, một Tạo Hoá phán xét, quy định lành dữ. Hai chữ Công Lý rất mơ hồ và nguy hiểm. Nhân danh nó, người ta gây nhiều tội ác cho nhân loại hơn là ban bố hạnh phúc. Học Thuyết Nghiệp Báo là học thuyết của Nhân và Quả, của tác động và phản động. Nó là một định luật thiên nhiên không liên quan đến công lý thưởng phạt. Một tác động nào phát xuất do sự cố ý là sanh ra quả, tác động tốt sanh quả tốt, tác động xấu sanh quả xấu. Đó không phải là vấn đề công lý hay thưởng phạt do một uy lực xét đoán tính chất của hành động và ban ra. Đó chỉ là tính chất tự nhiên của hành động, của luật tự nhiên. Điều đó không phải khó hiểu. Nhưng cái khó nhận được chính là, theo học thuyết Nghiệp Báo, những báo ứng của một hành động cố ý có thể tiếp tục biểu hiện sau khi tác giả đã qua đời. Vậy cần phải giải thích, theo Phật Giáo, chết là gì?
CÁI CHẾT. – Chúng ta đã biết rằng một chúng sanh chỉ là sự phối hợp của nhiều thể lực và tính lực vật chất lẫn tinh thần. Cái mà chúng ta gọi là chết chỉ là sự đình chỉ hoàn toàn của bộ máy vận chuyển cơ thể vật chất. Thể lực và tính lực ấy có hoàn toàn cáo chung với sự đình chỉ của bộ máy vận chuyển cơ thể hay không? Phật Giáo nói rằng: Không. Ý chí, tham muốn, khao khát sống, tiếp nối luân chuyển, là một mãnh lực phi thường làm cho thân thể, đời sống sinh vật, vũ trụ, phải vận chuyển. Đó là năng lực lớn nhứt, mạnh nhứt trên thế gian. Theo Phật Giáo mãnh lực ấy không ngưng vận chuyển với sự đình chỉ của nguồn máy cơ thể, mà chúng ta gọi là cái chết. Nó tiếp tục biểu hiện với một hình thể khác tạo một kiếp sống khác, gọi là tái sanh.
Một câu hỏi khác: Nếu không có một bản chất trường tồn, bất di dịch, hoặc một thực thể như cái Bản Ngã hay cái Linh Hồn (Atman) thì cái gì tái sanh, sau cái chết? Trước khi bàn đến cái sống sau cái chết, chúng ta xét lại coi cái gì là cái sống hiện tại và hiện giờ nó tiếp tục như thế nào. Sự sống như chúng ta đã lặp lại, là sự phối hợp của năm uẩn, sự phối hợp của năng lực vật chất và tinh thần. Những năng lực này thay đổi liên tiếp không bao giờ giống nhau trong hai khoảnh khắc liên tục. Nó sanh và diệt từ chập: “Hỡi các thầy Tỳ khưu các người sanh, hoại, và diệt trong mỗi chập” (Paramathajotikā I, ch. 78).
Bởi đó, chính trong thời gian của kiếp sống này, chúng ta sanh và tử từng chập, và mặc dầu vậy chúng ta vẫn tiếp tục sống. Nếu chúng ta hiểu được rằng trong kiếp sống này chúng ta tiếp tục tồn tại, mặc dầu không có một bản chất trường cửu, bất di dịch như một Bản Ngã, một Linh Hồn, tại sao chúng ta không hiểu được rằng những năng lực vật chất và tinh thần nói trên tự nó tiếp tục hoạt động mà không cần phải có một Bản Ngã hoặc một linh hồn để làm chủ lực hoạt động cho nó, sau khi bộ máy vận chuyển cơ thể đình chỉ?
Khi thể xác này không còn vận chuyển nữa, những năng lực không chết theo nó, mà tiếp tục vận chuyển trong một hình thể khác, gọi là một kiếp sống khác. Trong một đứa trẻ, tất cả quan năng thể xác, tinh thần, trí tuệ đều mềm dẻo, yếu ớt, nhưng nó cũng có một tiềm lực để trở thành một trai tráng. Năng lực thể xác và tinh thần cấu hợp ra một chúng sanh đều sẵn có thiên bẩm thay đổi hình thể mới, từ từ lớn lên và đạt tới một sức mạnh đầy đủ.
Bởi không có một bản chất trường cửu bất di dịch, thì không có gì truyền nối từ chập này sang chập khác. Hẳn thật không có chi trường cửu, bất di dịch chuyển sinh từ kiếp này qua kiếp khác. Chỉ là một tràng liên tục, không dứt đoạn, nhưng thay đổi từng chập. Nói cho đúng ra tràn liên tục ấy chỉ là một cuộc vận hành. Cũng như một ngọn lửa cháy suốt đêm: không phải một ngọn, cũng không phải ngọn khác. Một trẻ em lớn lên, rồi nó trở thành một người 60 tuổi. Người này thật ra không phải hoàn toàn là chính đứa trẻ đã sanh ra 60 năm về trước, lại cũng không phải hoàn toàn là một người khác. Cũng như thế ấy, một người chết ở đây và tái sanh nơi khác, thật ra không phải chính người ấy, mà cũng không phải người khác (Nā ca so na ca añño). Chỉ là một liên tục của một tràn liên tục. Sự khác biệt giữ cái chết và cái sanh chỉ là một chập trong tư tưởng của chúng ta.
Chập tư tưởng cuối cùng trong kiếp này dọn đường cho chập tư tưởng đầu tiên trong kiếp kế, mà kiếp kế tiếp ấy chỉ là một liên tục của tràng liên tục. Trong kiếp sống này cũng vậy, một chập tư tưởng dọn đường mở lối cho chập tư tưởng kế. Như vậy theo lập trường Phật Giáo, vấn đề sống sau khi chết không phải là một sự huyền bí và một Phật tử không bao giờ nghĩ đến vấn đề ấy.
Bao giờ còn khao khát muốn tồn tại, muốn luân chuyển, thì con đường luân hồi (samsāra) vẫn tiếp diễn. Luân hồi chấm dứt khi nào năng lực vận chuyển là Ái Dục bị nhổ tận gốc, bị đoạn tuyệt bởi tuệ giác thấu rõ Thực Tại, Chân Lý, Niết Bàn.
CÒN NỮA
Quyển nhì (III) sẽ tiếp tục ấn tống trong dịp Rằm tháng Bảy