PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY

THERAVĀDA

----- 

LUẬT XUẤT GIA TÓM TẮT

(PABBAJITA VINAYA SAṄKHEPA)

Quyển thượng

Soạn giả

TRƯỞNG LÃO HỘ TÔNG

(VAṄSARAKKHITA MAHĀTHERA) 

Pl.2510 – Dl.1966

TIỂU TỰA

Khi Phật sắp nhập Niết-bàn ông Ananda và ông Upāli, có đến hỏi Phật: Bạch Ðức Thế tôn sau khi Phật diệt độ, chúng tôi phải tôn ai làm thầy? Phật dạy: “Phải tôn giới Ba la đề mọc xa làm thầy.”

“Ba la đề mọc xa” (Pātimokkha) Tàu dịch là: “Biệt biệt giải thoát”, nghĩa là giữ được một giới luật thì thoát khỏi được một tội lỗi.

Phật lại nói: Như Lai chế ra điều học có mười điều lợi ích là: 1) cho có điều tuyệt hảo đến tăng; 2) cho có sự an lạc đến tăng; 3) để khiển trách những người bướng bỉnh phá giới; 4) cho có sự ở an đến tỳ khưu trì giới trong sạch, đáng kính mến; 5) để ngăn ngừa các lậu phiền não trong đời hiện tại; 6) để đẩy lui các lậu phiền não trong đời vị lai; 7) cho những người chưa tin, phát tâm tín ngưỡng; 8) cho những người đã tin, càng thêm tin; 9) cho Phật pháp được kiên cố lâu dài; 10) để bổ trợ tạng luật.

Chư tỳ khưu vui thích trong sự xuất gia, nên ghi nhớ cho rõ các quả vui đều phát sanh do sự thông hiểu “Giới luật” trước, cho có đức tin bền chắc trong giới luật và cần phải thật hành theo cho thuần thục

Người thông hiểu giới luật ví như cha mẹ, như nơi nương nhờ của tất cả hạng người tín ngưỡng Phật pháp. Những người đã thọ Sa di¸ hoặc Tỳ khưu giới thực hành theo điều trọng và điều khinh và biết rõ nơi nào nên tới lui, hoặc không nên tới lui[1], cũng đều nương theo người thông hiểu “giới luật” ấy.

Người mà giữ giới trong sạch, đáng làm nơi nương nhờ cho hàng Phật tử mong tìm sự an vui, thì hằng được tươi tỉnh, nói năng trong khi hội họp không chút chi e ngại. Người trì giới có thể cảm hóa kẻ nghịch trở thuận, làm cho Phật pháp được hưng thạnh lâu dài.

Lại nữa, giới luật có lợi ích phát sanh “sự thu thúc” (saṃvara). Thu thúc có lợi ích phát sanh “sự không bất bình” (vipaṭisāra). Không bất bình có lợi ích phát sanh “sự thỏa thích” (pāmojja). Thỏa thích có lợi ích phát sanh “sự no lòng” (pīti).[2] No lòng có lợi ích phát sanh “tâm yên lặng” (passaddhi). Yên lặng có lợi ích phát sanh “điều an lạc” (sukha). An lạc có lợi ích phát sanh “thiền định” (samādhi). Thiền định có lợi ích phát sanh “sự hiểu biết rõ cả pháp theo chơn lý” (yathābhūtannānadassana). Hiểu biết rõ các pháp theo chơn lý có lợi ích phát sanh “sự chán nản đối với chúng sanh và vật” (nibbidā). Chán nản trong chúng sanh và vật có lợi ích phát sanh “sự xa lìa tình dục” (virāga). Xa lìa tình dục có lợi ích phát sanh “sự giải thoát khỏi phiền não” (vimutti). Giải thoát khỏi phiền não có lợi ích phát sanh “sự hiểu biết rõ rằng được giải thoát” (vimuttināṇadassana). Hiểu biết rõ rằng được giải thoát có lợi ích phát sanh “sự dứt khổ vì hết cố chấp” (anupādāparinibbāna). Quả báo mà phải được theo thứ tự ấy, đều do sự trì giới luật cả.

Cớ ấy, hành giả muốn được an vui tuyệt đối ở cảnh Niết-bàn, chỉ nên tinh tấn vâng giữ giới luật và hết lòng thực hành theo cho chín chắn, ắt được như nguyện chẳng sai.

Mong sao cho tất cả thân quyến chúng ta trong vũ trụ được an vui lâu dài, sớm mau hồi đầu hướng thiện qui y Tam bảo, thọ trì giới luật, một lòng bất thối, để tiến bộ trên đường giải thoát, đạt đến Niết-bàn ngỏ hưởng điều an vui bất diệt.

Mong thay

Bhikkhu Vaṅsarakkhita (Tỳ khưu Hộ Tông).

PL.2510 – TL.1966

DẪN TÍCH

Giải về: Nhân quả của sự trì giới

Từ xưa đến nay, các bậc trí tuệ hằng thỏa thích trong sự tiếp dẫn người đời, lánh dữ làm lành, hầu thọ hưởng những hạnh phúc lớn lao và làm cho sự sống của mình đạt được điều lợi ích. Hạng người như thế, đều là bậc cao đẳng, thường dứt bỏ gia tài, danh vọng và sự vui sướng trong ngũ trần, xuất gia tu hành để dạy bảo người đời noi theo chánh pháp mà tự mình đã giác ngộ. Ðến khi có nhiều người sùng bái qui y, thì được tôn làm “Giáo chủ”. Lời dạy bảo của bậc Giáo chủ ấy mà thiên hạ tôn ngưỡng thực hành theo, gọi là “Tôn giáo”.

Tôn giáo của Ðức Chánh Biến Tri mà được thạnh hành đến ngày nay là vì ngài giáng sanh nơi nhà vua, dòng Thích ca tại xứ Trung Ấn Ðộ, tên ngài là Sĩ Đạt Ta (Siddhattha), phụ vương ngài là Vua Tịnh Phạn (Suddhodana) trị vì trong xứ Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu), mẫu hậu ngài là bà Mada hoàng hậu (Mahāmayādevī). Khi mới sanh ngài ra, có thầy xem tướng tiên đoán rằng: “Nếu ngài ở thế thì sẽ được làm Chuyển luân vương, bằng đi tu ắt làm một giáo chủ trong thế gian”. Khi ngài được 16 tuổi, phụ vương ngài truyền ngôi cho làm chúa trong nước, hoàng hậu của ngài là bà Bambā. Làm vua 13 năm, được 29 tuổi ngài bỏ ngôi, xuất gia đi ẩn tu nơi rừng núi, nhằm ngày mà thái tử Rahulā là con ngài mới ra đời. Xuất gia rồi, Ngài hằng tinh tấn tu khổ hạnh, tìm được vô thượng chánh đẳng chánh giác hết 6 năm mới được giác ngộ, rồi ngài ngự đến các nơi để tùy duyên hóa độ chúng sanh thoát khỏi vòng khổ hải đến 80 tuổi rồi nhập Niết-bàn.

Pháp và Luật mà ngài đã giảng giải gọi là Phật giáo, những người tu theo Phật giáo gọi là Phật tử. Các Phật tử ấy chia ra làm 4 hạng người là: tỳ khưu, tỳ khưu ni, thiện nam, tín nữ. Trong 4 hạng người ấy, các vị tỳ khưu mà được thọ cụ túc giới đầu tiên hết là nhóm 5 tỳ khưu A-nhã Kiều Trần Như (Aññakoṇḍañña).

Ðầu tiên, Phật pháp còn mới, có ít tỳ khưu, giới luật là điều nâng đỡ chư tăng không cần phải có nhiều. Các vị Thinh văn ấy đều là bậc A-la-hán tâm tánh trong sạch, các ngài thấu rõ Phật pháp đều đủ và tôn ngưỡng thật hành theo lý Trung đạo mà Ðức Giáo chủ đã giải bày.

Ðến khi Phật giáo ngày càng thạnh hành dần dần, số tỳ khưu càng tăng trưởng rồi ở riêng theo phe, theo đảng. Có hạng tỳ khưu không được trong sạch, tu hành không đúng đắn, cho nên đức Phật mới chế ra điều học.

---

LỢI ÍCH CỦA SỰ TRÌ LUẬT

Lẽ thường, loài người trong thế gian, ở theo phe, theo đảng, không sao ở cho vừa ý nhau được, nhơn tâm mỗi người mỗi khác, sức không đồng nhau: người có sức lực, cộc cằn thì hà hiếp, kẻ yếu đuối nhu nhược phải chịu khổ không được an vui.

Các đức vua trong nước hằng ngự chế hình luật để ngăn cấm quốc dân không cho làm điều hung dữ. Nếu có kẻ phạm nhằm quốc cấm, sẽ bị nhà vua trừng phạt. Ðức vua cũng có ra lịnh khuyên làm những việc lành cho chúng dân được an cư lạc nghiệp. Cho đến quân lính cũng có pháp luật dạy răn mới có trật tự nghiêm trang được. Dầu trong mỗi gia tộc, cũng có phương pháp riêng để cho thân quyến hành theo mới có thể ở yên dễ dàng được.

Về phần người xuất gia trong Phật pháp cũng phải có phép để ngăn ngừa thân khẩu không cho làm dữ, cho tâm được trong sạch. Ðức Thích Ca Mâu Ni là Giáo chủ của chúng ta, Ngài là bậc Pháp vương tiếp độ các hàng Phật tử và là cha lành của chư tăng, Ngài hằng giáo dục và chăm nom sự quấy phải của Giáo hội. Ngài làm hướng đạo cho 2 điều:

- Ngài chế điều học để ngăn ngừa, không cho hàng Phật tử làm quấy. Nếu tỳ khưu làm sái phép, Ngài ra lịnh rằng: “phạm tội nặng, hoặc tội nhẹ để răn mình chừa cải, luôn đến chư tăng cũng vậy”.

- Ngài dạy làm sự phải, cho chư tỳ khưu trau dồi thân khẩu được trang nghiêm, theo các bậc hiền triết, như các vị đế vương trong nước, ngự chế răn cấm quốc dân không cho làm dữ, dạy phải làm lành, hoặc như cha lành làm chủ trong gia tộc, chỉ dẫn con cháu ăn ngay ở thật, theo thứ tự trong họ hàng.

Pháp mà đức Phật cấm chế và cho phép, dạy hàng Phật tử lánh dữ làm lành hiệp lại gọi là “Luật” nghĩa là pháp tắc để trau dồi thân khẩu cho trang nghiêm.

Pháp luật ví như sợi chỉ xỏ bông làm tràng hoa, người mà đã xuất gia theo Phật pháp như hoa có màu sắc khác nhau, sợi chỉ có thể làm cho hoa đều đặn, cho có màu tươi tốt, liền lạc, không cho bời rời, cũng như “tạng Luật” có thể làm cho tỳ khưu tăng có cách thức đẹp đẽ, không vụng về.

Trong những hạng người tu theo Phật pháp làm tỳ khưu hoặc sa di chẳng phải do một nhà hoặc một họ mà đến, đều là người người khác dòng khác giống, không đồng bực (bực cao, bực trung hoặc bực thấp). Có người khác nước, khác tiếng nói, khác xứ sở cho nên có thói quen khác nhau. Nếu không có tạng Luật làm mực thước hoặc có mà tỳ khưu, sa di không học cho hiểu biết, hoặc đã hiểu biết mà không hành theo, ắt thân khẩu và tư cách hành vi không sao tề chỉnh, không đáng là ruộng phước của người đời, không làm cho người chưa tin, được tin, người đã tin càng thêm tin.

Nếu các tỳ khưu, sa di hòa hảo nhau, thỏa thích nhau, không cố chấp theo phe, theo đảng, không cãi lẽ nhau, hiệp nhứt nhau như nước lộn với sữa, liếc xem nhau bằng cặp mắt từ bi, khuyên nhau tôn trọng, thiệt hành theo giới luật đều đủ, không dư thiếu, mới làm cho phần đông người phát lòng tín ngưỡng, như các thứ hoa trong vườn có sắc tốt và mùi thơm khác nhau mà người bẻ đem để chung trong bình bông, không thứ lớp, không có mẹo mực thành ra vật không đáng thỏa thích. Nếu người bó hoa có trí, lành nghề, họ lấy các thứ hoa như thế đơm cho đều đặn theo cách thức rồi để trong bình, hoa ấy sẽ thành vật đẹp xem không mỏi mắt. Không cần nói đến hoa đẹp, dầu hoa không đẹp cũng dễ coi, nhờ có mẹo mực làm cho ra vật đẹp được

Ðức Thiên Nhân Sư là đấng Giáo chủ của chúng ta, Ngài thấy điều lợi ích như thế, cho nên chế ra tạng Luật cho chư Phật tử hành theo hầu được sự an vui, sự tiến hóa trong đời này và đời sau.

---

BỔN PHẬN LÀM ÔNG THẦY HÒA THƯỢNG

Ðức Phật có giải: Pañcahi bhikkave angehi samannāgatena bhikkhunā upasampādetabbaṃ ‒ Nầy các tỳ khưu! Tỳ khưu có đủ 5 chi[3] mới nên làm ông thầy Hòa thượng truyền Cụ túc giới đến người xuất gia. 5 chi ấy là: 1) āpattiṃ jānāti: biết rằng có phạm tội; 2) ānāpattiṃ jānāti: biết rằng không có phạm tội; 3) lahukaṃ āpattiṃ jānāti: biết rằng có phạm tội nhẹ; 4) garukaṃ āpattiṃ jānāti: biết rằng có phạm tội nặng; 5) dasavasso vā hoti atire kadasavasso vā: tỳ khưu đã tu được 10 hạ hoặc trên 10 hạ.

Trong luật Cullaganthimahāvagga có nói bổn phận ông thầy Hòa thượng phải có đủ 3 chi nữa là: 1) manussabhūto: phải thật là loài người (không phải thú); 2) bhikkhubhāvo: đã thọ cụ túc giới làm tỳ khưu đầy đủ; 3) opajjhāyangasamannāgato: có đủ chi làm ông thầy Hòa thượng.

Trong 3 chi ấy, chi thứ 3 chia ra có 14 điều: 1) maṅgalāmaṅgalānisaṃsaṃ jānāti: biết quả báo của các kinh có điều hạnh phúc, nhứt là Tam bảo kinh (ratanasūtra) và quả báo của kinh không có điều hạnh phúc là kinh tirokudda[4]; 2) kammakammaṃ jānāti: biết là tăng sự hoặc không phải tăng sự; 3) sikkhāpadaṃ jānāti: biết cả 227 điều học trong giới bổn; 4) sikkhāpadangaṃ jānāti: biết các chi của 227 điều luật ấy; 5) saranāgamanaṃ jānāti: biết đọc “tam qui” đúng phép theo Phạn ngữ như đọc “Buddhaṃ saranaṃ gacchāmi” đọc một cách đừng cho gián đoạn; 6) uposathaṃ jānāti: biết phép hành lễ phát lồ theo 9 điều[5]; 7) uposathakammaṃ jānāti: biết cách làm lễ phát lồ có 4 cách[6]; 8) ñatti sampattiṃ jānāti: biết đọc truyền giới trúng phép giữa tăng; 9) ñutti vipattiṃ jānāti: biết đọc truyền giới sái phép giữa tăng; 10) akkhara sampattiṃ jānāti: biết cách đọc trúng giọng Pāli (ñattisam patti)[7]; 11) akkhara vipattiṃ jānāti: biết cách đọc sái giọng Pāli (ñattivipati); 12) ubhayāpatimokkhāni: biết tụng nằm lòng cả giới bổn tỳ khưu và tỳ khưu ni; 13) dasavasso vā hoti atireka dasavasso: đã tu được 10 hạ hoặc 10 hạ trở lên; 14) nāma rāpaṃ jānāti: thông rõ tạng Luận, là tâm, tâm sở, sắc, Niết-bàn.

---

PHÉP TRUYỀN GIỚI SA DI

Giới tử mặc y phục trắng, hai tay bưng y ca sa “vàng” theo ông thầy vào đứng giữa Giáo hội, trước mặt Hòa thượng, bái ngài rồi đọc:

Phạn ngữ

Ukāsa vandāmi bhante sabbaṃ aparādhaṃ khamathame bhante mayā kataṃ puññaṃ sāminā anumoditabbaṃ sāminā kataṃ puññaṃ mayhaṃ dātabbam sādhu sādhu anumodāmi.

Ukāsa karuññam katvā pabbajjaṃ detha me bhante.

Nghĩa:

Tôi xin thành kính làm lễ đại đức. Bạch hoá đại đức, cầu xin đại đức tha các tội lỗi cho tôi. Những việc lành mà tôi đã làm, xin đại đức nhận lãnh, việc lành mà đại đức đã làm xin đại đức chia sớt cho tôi và làm cho điều lợi ích được thành tựu, tôi xin hoan hỉ thọ lãnh.

Tôi xin thành kính, cầu đại đức từ bi thương xót đến tôi và phép xuất gia cho tôi.

Ngồi chồm hổm chấp tay để ngay tam tinh (giữa trán) mà đọc:

Phạn ngữ:

Ahaṃ bhante pabbajjaṃ yācāmi.

Bạch hóa đại đức, xin đại đức làm phép xuất gia cho tôi.

Dutiyampi ahaṃ bhante pabbajjaṃ yācāmi.

Bạch đại đức, xin đại đức làm phép xuất gia cho tôi, lần thứ nhì.

Tatiyampi ahaṃ bhante pabbajjaṃ yācāmi.

Bạch đại đức, xin đại đức làm phép xuất gia cho tôi lần thứ ba.

Rồi đọc bài sau này ba lần dâng y “ca sa” cho thầy:

Sabbadukkhanissaraṃ nibbānasacchikaranatthāya, imaṃ kāsāvaṃ gahetvā pabbājetha maṃ bhante anukampaṃ upādāya.

Bạch hóa đại đức, xin đại đức thâu y ca sa vàng này và thương xót mà phép xuất gia cho tôi được dứt các sự thống khổ và đến Niết-bàn.

Rồi đọc bài sau này ba lần xin y ca sa lại:

Sabbadukkhanissaraṇa nibbānasacchikaraṇatathāya, etaṃ kāsāvaṃ datvā pabbājetha mam bhante anukampaṃ upādāya.

Bạch hoá đại đức, xin đại đức cho tôi y ca sa vàng ấy, và thương xót mà làm phép xuất gia cho tôi được dứt các sự thống khổ và đến Niết-bàn.

Khi giới tử đọc xong ba bận, rồi vị Hòa thượng đưa ca sa cho giới tử và dạy phép tham thiền như sau nầy:

Kesā, lomā, nakhā, dantā, taco.

Tóc, lông, móng, răng, da.

Taco, dantā, nakhā, lomā, kesā.

Da, răng, móng, lông, tóc.

Vị Hòa thượng phải giải sơ về cái thân trược cho giới tử nghe. Xong rồi, giới tử lui ra, để mặc y ca sa và trong khi ấy phải suy ngẫm rằng: “Ta mặc y ca sa đây, để ngừa sự nóng, lạnh, gió, nắng, muỗi, mòng, rắn, rít và tránh sự lõa thể, chẳng mặc để se sua”. Khi mặc xong, giới tử trở vào, tay cầm nhang đèn, quỳ trước mặt vị Hòa thượng, dâng cho ngài và là, lễ, rồi đứng chấp tay mà đọc:

Ukāsa vandāmi bhante sabbaṃ aparādhaṃ khamatha me bhante mayā kataṃ puññaṃ sāminā anumodittabbaṃ sāminā kataṃ puññaṃ mayhaṃ dātabhaṃ sādhu sādhu anumodāmi.

Ukāsa kāruññaṃ katvā tisaranena saha sīlāni detha me bhante.

Tôi xin thành kính làm lễ đại đức. Bạch hóa đại đức, cầu xin đại đức tha các tội lỗi cho tôi. Những việc lành mà tôi đã làm, xin đại đức nhận lãnh. Việc lành mà đại đức chia sớt cho tôi làm cho điều lợi ích được thành tựu, tôi xin hoan hỷ thọ lãnh.

Tôi xin thành kính cầu đại đức từ bi thương xót mà truyền tam qui và giới cho tôi.

Rồi ngồi chồm hổm chấp tay đọc:

Ahaṃ bhante saranasīlaṃ yācāmi.

Bạch đại đức, xin đại đức truyền tam qui và giới cho tôi.

Dutiyampi ahaṃ bhante saranasīlaṃ yācāmi.

Bạch đại đức, xin đại đức truyền tam qui và giới cho tôi, lần thứ nhì.

Tatiyampi ahaṃ bhante saranasīlaṃ yācāmi.

Bạch đại đức, xin đại đức truyền tam qui và giới cho tôi, lần thứ ba.

Hòa thượng đọc:

Yam ahaṃ vadāmitaṃ vadehi.

Ta đọc lời nào, ngươi đọc theo lời nấy.

Giới tử đọc:

Āma bhante.

Dạ (tôi xin đọc theo).

Rồi giới tử đọc theo Hòa thượng:

Namo tassa bhagavato arahato sammāsambuddhassa. (đọc ba lần)

Tôi đem hết lòng thành kính làm lễ Ðức Phá-gá-qua ấy. Ngài là bậc Á-rá-hăn cao thượng, được chứng quả Chánh Biến Tri, do ngài tự ngộ, không thầy chỉ dạy[8].

Buddhaṃ saranaṃ gacchāmi.

Tôi hết lòng thành kính, xin quy y Phật.

Dhammaṃ saranaṃ gacchāmi.

Tôi hết lòng thành kính, xin quy y Pháp.

Saṅghaṃ saranaṃ gacchāmi.

Tôi hết lòng thành kính, xin quy y Tăng.

Dutiyampi buddhaṃ saranaṃ gacchāmi.

Tôi hết lòng thành kính, xin quy y Phật, lần thứ nhì.

Dutiyampi dhammaṃ saranaṃ gacchāmi.

Tôi hết lòng thành kính, xin quy y Pháp, lần thứ nhì.

Dutiyampi saṅgham saranaṃ gacchāmi.

Tôi hết lòng thành kính, xin quy y Tăng, lần thứ nhì.

Tatiyampi buddhaṃ saranaṃ gacchāmi.

Tôi hết lòng thành kính, xin quy y Phật, lần thứ ba.

Tatiyampi dhammaṃ saranaṃ gacchāmi.

Tôi hết lòng thành kính, xin quy y Pháp, lần thứ ba.

Tatiyampi saṅghaṃ saranaṃ gacchāmi.

Tôi hết lòng thành kính, xin quy y Tăng, lần thứ ba.

Hòa thượng đọc:

Tisaranaggahanam paripuṇṇaṃ.

Các thọ phép tam quy đều đủ rồi.

Giới tử đọc:

Āma bhante.

Dạ. (và lạy)

Hòa thượng đọc rồi giới tử đọc theo:

1. Pānātipātā veramaṇi sikkhāpadaṃ samādiyāmi.

1. Tôi xin vâng giữ điều học, là cố ý tránh xa sự giết thác loài sanh mạng.

2. Adinnādānā veramaṇi sikkhāpadaṃ samādiyāmi.

2. Tôi xin vâng giữ điều học, là cố ý tránh xa sự trộm cắp.

3. Abrahmacariyā veramaṇi sikkhāpadaṃ samādiyāmi.

3. Tôi xin vâng giữ điều học, là cố ý tránh xa sự thông dâm.

4. Musāvādā veramaṇi sikkhāpadaṃ samādiyāmi.

4. Tôi xin vâng giữ điều học, là cố ý tránh xa sự nói dối.

5. Surāmeraya majjapamādatthānā veramaṇi sikkhāpadaṃ samādiyāmi.

5. Tôi xin vâng giữ điều học, là cố ý tránh xa sự dể duôi uống rượu.

6. Vikālabhojanā veramaṇi sikkhāpadaṃ samādiyāmi.

6. Tôi xin vâng giữ điều học, là cố ý tránh xa sự ăn sái giờ (từ đúng ngọ cho đến mặt trời mọc chẳng được phép ăn vật chi cả).

7. Naccagita vāditavisūkadassanā veramaṇi sikkhāpadaṃ samādiyāmi.

7. Tôi xin vâng giữ điều học, là cố ý tránh xa sự hát múa, đờn kèn và xem hát múa, nghe đờn kèn.

8. Mālāgandha vilepanadhāraṇa maṇḍana vibhūsanaṭṭhānā veramaṇi sikkhāpadaṃ samādiyāmi.

8. Tôi xin vâng giữ điều học, là cố ý tránh xa sự trang điểm, đeo tràng bông, thoa vật thơm và dồi phấn.

9. Uccāsayanamahāsayanā veramaṇi sikkhāpadaṃ samādiyāmi.

9. Tôi xin vâng giữ điều học, là cố ý tránh xa chỗ nằm và ngồi quá cao và xinh đẹp.

10. Jātaru parajaṭapatiggahaṇā veramaṇi sikkhāpadaṃ samādiyāmi.

10. Tôi xin vâng giữ điều học, là cố ý tránh xa sự thọ lãnh, cất giữ, hoặc bảo kẻ khác thọ lãnh, cất giữ vàng bạc châu báu, hoặc cảm xúc đến các vật ấy.

Ngài Hòa thượng đọc tiếp:

Imāni dassa sikkhāpadāni samādiyāmi.

Tôi xin thọ trì cả 10 điều học ấy.

Sa-di đọc theo ba bận, rồi lạy, xong đứng chấp tay đọc: Vandāmi bhante ... (như trước).

Xong rồi, sa di phải xin nissaya, cầm nhang đèn dâng cho vị Hòa thượng, rồi đứng chấp tay đọc: Vandāmi bhante ... (như trước).

Sa-di đọc tiếp:

Ukāsa kāruññaṃ katvā nissayaṃ detha me bhante.

Tôi xin thành kính, cầu đại đức thương xót mà cho tôi nương dựa theo.

Xong rồi sa di ngồi chồm hổm đọc:

Ahaṃ bhante nissayaṃ yācāmi.

Bạch đại đức, xin đại đức cho tôi nương dựa theo.

Dutiyampi ahaṃ bhante nissayaṃ yācāmi.

Bạch đại đức, xin đại đức cho tôi nương dựa theo lần thứ nhì.

Tatiyampi ahaṃ bhante nissayaṃ yācāmi.

Bạch đại đức, xin đại đức cho tôi nương dựa theo lần thứ ba.

Upajjāyo me bhante hohi.

Bạch ngài, ngài là thầy tế độ của tôi.

Trong mấy tiếng sau này, Hòa thượng nói 1 tiếng nào cũng được (giới tử khỏi đọc theo):

Sādhu

Ngươi làm như thế này, là việc thành tựu điều lợi ích trong Phật pháp rồi.

Lābu

Ngươi làm như thế là sự nhẹ nhàng, là việc nuôi sống dễ dàng trong Phật pháp rồi.

Pāṭirūpaṃ

Ngươi xin đức Hòa thượng như thế là vừa đến sự tôn kỉnh theo pháp xưa rồi.

Opāyikaṃ

Ngươi làm như thế là đúng theo phương pháp đem mình ra khỏi luân hồi khổ não rồi.

Pāsādikena sampādehi.

Ngươi hãy làm cho phép tam học là: giới, định, tuệ được thành tựu tốt đẹp vì đức tin đi.

Xong rồi giới tử đọc:

Ukāsa sampaṭicchāmi, sampaṭicchāmi, sampaṭicchāmi.

Bạch đại đức, tôi xin thành kính hết lòng vâng chịu. Tôi xin hết lòng vâng chịu. Tôi xin hết lòng vâng chịu.

Ajjataggedāni thero mayhaṃ bhāro, Ahaṃpi therassa bhāro.

Kể từ nay tôi phải gánh vác công việc của đại đức, là phải tôn kính làm các việc mà tôi phải làm, về phần đại đức, đại đức cũng hoan hỉ gánh vác, là nên nhắc nhở, và dạy bảo tôi luôn khi.

Dứt phép truyền sa di giới ‒

Sa di phải mang bát đứng dậy đi vào, đến giữa tăng, ngay trước mặt Hòa thượng, rồi vị Kiết ma đặt tên tạm cho sa di là Nāgo nāma, xong rồi hỏi sa di (đây là khi nào giới tử thọ giới sa di rồi xin thọ luôn giới tỳ khưu).

---

PHÉP TRUYỀN TỲ KHƯU GIỚI

Hỏi: Tvaṃ Nāgo nāma.

Hỏi: Ngươi phải là tên Nāgo nāma không?

Ðáp: Āma bhante.

Ðáp: Bạch ngài phải.

Hỏi: Tuyhaṃ upajjhāyo āyasmā tissathero nāma?

Hỏi: Thầy của ngươi, phải chăng là ngài Tissathero nāma không?

Ðáp: Āma bhante.

Ðáp: Bạch ngài phải.

Xong rồi, ông thầy chỉ mấy món sau này, mà hỏi, giới tử trả lời: “Dạ phải”

Hỏi: Ayaṃ te patto.

Hỏi: Ðây phải là bình bát của ngươi không?

Ðáp: Āma bhante.

Ðáp: Dạ phải.

Hỏi: Ayaṃ saṅghāti.

Hỏi: Ðây phải là y tăng-già-lê (y hai lớp) của ngươi không?

Ðáp: Āma bhante.

Ðáp: Dạ phải.

Hỏi: Ayaṃ anuttarā saṅgho.

Hỏi: Ðây, phải là y huất-đà-la-tăng (y mặc vai trái) của ngươi không? 

Ðáp: Āma bhante.

Ðáp: Dạ phải.

Hỏi: Ayaṃ antaravāsako.

Hỏi: Ðây, là y an-đà-hội (y nội) của ngươi không? 

Đáp: Āma bhante.

Đáp: Dạ phải.

Gaccha amumhi okāse tiṭṭhāni.

Ngươi lui ra đứng nơi kia.

Giới tử lui ra (khỏi chỗ tăng ngồi) đứng chấp tay, ngay phía Hòa thượng ngồi, thầy Kiết ma đọc cho tăng nghe:

Suṇātu me bhante saṅgho nāgo āyasmato tissassa upasampadāpekkho yadi saṅghassa pattakallaṃ ahaṃ nāgaṃ anusāseyyaṃ.

Bạch cùng đại đức tăng, xin tăng nghe tôi trình: tên sa di Nāga đệ tử của đại đức Tissa là người nguyện tu lên bực cao. Nếu lời ấy đã đúng theo phép, tôi xin đi dạy sa di tên Nāga.

Xong rồi, thầy Kiết ma lui ra đứng trước mặt giới tử và dạy giới tử những điều sau đây:

Suṇāsi nāga ayante saccakālo bhūtakālo.

Yaṃ jātaṃ taṃ saṅgha majjhe pucchante.

Santam aithiti vattabbam asantaṃ natthiti vattabbaṃ.

Mākho vitthāsi mākho maṅku ahosi.

Tên Nāga ngươi phải nghe hồi này là hồi nên nói thiệt.

Những điều gì mà hỏi ngươi nơi giữa tăng.

Ðiều gì đã có, ngươi nói có; điều gì không, ngươi nói không.

Ngươi nên nói phân minh, không nên hổ ngươi mà làm thinh.

Evantaṃ pucchissanti santi te evarupā ābādhā.

Ta hỏi ngươi như vầy: những tật bịnh như sau đây, ngươi có hay không?

Hỏi: Kuṭṭhaṃ?

Hỏi: Ngươi có bịnh cùi hay không?

Ðáp: Natthi bhante.

Ðáp: Bạch không.

Hỏi: Gaṇḍo?

Hỏi: Ngươi có bịnh ung thư hay không?

Ðáp: Natthi bhante.

Ðáp: Bạch không.

Hỏi: Kilāso?

Hỏi:   Ngươi có bịnh ghẻ ngứa hay không?

Ðáp: Natthi bhante.

Ðáp: Bạch không.

Hỏi: Soso?

Hỏi: Ngươi có bịnh suyễn hay không?

Ðáp: Natthi bhante.

Ðáp: Bạch không.

Hỏi: Apamāro?

Hỏi: Ngươi có bịnh phong điên hay không? Ðáp Bạch không.

Ðáp: Natthi bhante.

Ðáp: Bạch không

Hỏi: Manussosi?

Hỏi: Ngươi phải là người hay không?

Ðáp: Āma bhante.

Ðáp: Bạch phải.

Hỏi: Purisosi?

Hỏi: Ngươi phải là người nam hay không?

Ðáp: Āma bhante.

Ðáp: Bạch phải.

Hỏi: Bhujjissosi?

Hỏi: Ngươi phải là người vô sự không?

Ðáp: Āma bhante.

Ðáp: Bạch phải.

Hỏi: Ānaṇosi?

Hỏi: Ngươi phải là người rảnh nợ không?

Ðáp: Āma bhante.

Ðáp: Bạch phải.

Hỏi: Nasi rājabhato?

Hỏi: Ngươi là người không mắc việc quan phải không?

Ðáp: Āma bhante.

Ðáp: Bạch phải.

Hỏi: Anuññātosi mātāpitohi?

Hỏi: Ngươi có phép cha, mẹ cho xuất gia hay không? 

Ðáp: Āma bhante.

Ðáp: Bạch có.

Hỏi: Paripūṇṇavisa tivassosi?

Hỏi: Ngươi đúng 20 tuổi hay chưa?

Ðáp: Āma bhante.

Ðáp: Bạch phải.

Hỏi: Paripunnante patta civaraṃ?

Hỏi:   Ngươi có đủ y, bát hay không?

Ðáp: Āma bhante.

Ðáp: Bạch có đủ.

Hỏi: Kinnāmosi?

Hỏi: Ngươi tên chữ là gì?

Ðáp: Ahaṃ bhante nāgonāma.

Đáp: Bạch tôi tên là Nāgonāma.

Hỏi: Konāmote upajjāyo?

Hỏi: Thầy ngươi tên chi?

Ðáp: Upajjhāyo me bhante āyasmā tissatthero nāma.

Đáp: Thầy tôi tên là Tissathero nāma.

Chờ ông thầy kêu. Rồi giới tử lại ngồi chồm hổm, chắp tay đọc, khi đọc dạy giới tử, rồi thầy Kiết ma trở vào nơi giữa tăng, đọc tuyên bố và kêu giới tử vào, rằng:

Suṇātu me bhante saṅgho nāgo āyasmato tissassa upasampadāpekkho anusiṭṭho so mayā yadi saṅghassa pattakallaṃ nāgo āgaccheyya āgacchāhiti vattabbo āgacchāhi.

Bạch hoá đại đức tăng, xin đại đức tăng nghe tôi trình: Tên sa di Nāgo (là đệ tử) của ngài Tissa là người nguyện tu lên bực cao. Tên sa di Nāgo ấy, tôi đã dạy bảo rồi. Nếu lễ truyền tỳ khưu giới này đã vừa đến giờ hành tăng sự, thì tên sa di Nàgo nên vào; tên sa di Nāgo ấy, tôi nên gọi cho vào, “Người vào đi”.

Sa di phải đi vào ngồi giữa tăng, trước mặt ngài Hoà thượng, làm lễ ngài Hoà thượng và chư tăng, rồi phải ngồi chồm hổm chấp tay, xin tu lên bậc trên bằng lời này:

Saṅghaṃ bhante upsampadaṃ yācāmi, ullumpatumaṃ bhante saṅgho anukampaṃ upādāya.

Bạch hoá đại đức tăng, xin tăng cho tôi tu lên bậc trên[9]. Bạch hoá đại đức tăng, xin tăng thương xót tiếp độ đem tôi lên cho khỏi tướng mạo sa di và để tôi vào hàng tỳ khưu.

Dutiyampi bhante saṅghaṃ upsampadaṃ yācāmi, ullumpatumaṃ bhante saṅgho anukampaṃ upādāya.

Bạch hoá đại đức tăng, xin tăng cho tôi tu lên bậc trên. Bạch hoá đại đức tăng, xin tăng thương xót tiếp độ đem tôi lên cho khỏi tướng mạo sa di và để tôi vào hàng tỳ khưu, lần thứ nhì.

Tatiyampi bhante saṅghaṃ upsampadaṃ yācāmi, ullumpatumaṃ bhante saṅgho anukampaṃ upādāya.

Bạch hoá đại đức tăng, xin tăng cho tôi tu lên bậc trên. Bạch hoá đại đức tăng, xin tăng thương xót tiếp độ đem tôi lên cho khỏi tướng mạo sa di và để tôi vào hàng tỳ khưu, lần thứ ba.

Khi giới tử đã thọ cụ túc giới giữa tăng, tăng đều ngồi xa nhau 1 hắc, 1 gang[10] xong rồi thầy Kiết ma đọc bài sau này:

Suṇātu me bhante saṅgho ayaṃ nāgo āyasmato tissassa upasampadā pekkho yadi saṅghassa pattakallaṃ ahaṃ nāgaṃ antarāyike dhamme puccheyyaṃ.

Bạch cùng đại đức tăng, xin tăng nghe tôi trình: Tên sa di Nāga, đệ tử của ngài Tissa, là người nguyện tu lên bậc cao nếu việc của tăng làm đây đã đúng theo pháp, tôi xin hỏi sa di Nāga các pháp chướng ngại.

Suṇāsi nāga ayante saccakālo bhūtakālo.

Tên Nāga, ngươi phải nghe: Hồi này là hồi nên nói thiệt.

Yaṃ jātaṃ taṃ pucchāmi.

Những điều gì có thì ta hỏi ngay đến điều ấy.

Santaṃ atthiti vattabbaṃ asantaṃ natthiti vattabbaṃ.

Ðiều gì đã có thì người nói có, điều gì không thì người nói không.

Santi te evarūpā ābadhā.

Những tật bịnh như đây ngươi có hay không?

Hỏi: Kuṭṭhaṃ

Hỏi: Ngươi có bịnh cùi hay không?

Ðáp: Natthi bhante.

Ðáp: Bạch không.

Upajjhāyo me bhante āyasmā tissathero nāma. (Nghĩa như trước, xem nơi chương “Bổn phận làm Hòa thượng”).

Khi thầy Kiết ma hỏi các chướng ngại giữa tăng xong rồi, đọc giới bổn lần tiếp theo cho tăng nghe như sau nầy:

Suṇātu me bhante saṅgho ayaṃ nāgo āyasmato tissassa upasampadāpekkho parisuddho antarāyikehi dhammehi paripuṇṇassa pattacivaraṃ nāgo saṅghaṃ upasampadaṃ yācati āyasmatā tissena upajjhā yena yadi saṅghassa pattakallaṃ saṅgho nāgaṃ upasampādeyya āyasmatā tissena upajjhāyena esā ñatti.

Bạch hoá đại đức tăng, xin tăng nghe tôi trình: Tên sa di Nāga, là đệ tử của đại đức Tissa, là người nguyện tu lên bậc trên cao được trong sạch, không phạm các pháp chướng ngại. Bình bát và ca sa của sa di Nāga này có đều đủ. Sa di Nāga có đại đức Tissa là hoà thượng, đã có đến xin tăng, cho sa di ấy tu lên bậc cao. Lời này là lời để trình cho tăng rõ.

Suṇātu me bhante saṅgho ayaṃ nāgo āyasmato tissassa upasampadāpekkho parisuddho antarāyikehi dhammehi paripuṇṇassa pattacivaraṃ nāgo saṅghaṃ upasampadaṃ yācati āyasmatā tissena upajjhāyena saṅgho nāgaṃ upasampādeti āyasmatā tissena upajjhāyena yassāyasmato khamati nāgassa upasampadā āyasmatā tissena upajjhāyena so tunhassa yassa nakkhamati so bhāseyya dutiyampi, etamatthaṃ vadāmi.

Bạch hoá đại đức tăng, xin tăng nghe tôi trình: Tên sa di Nāga này, là đệ tử của ngài đại đức Tissa, là người nguyện tu lên bực cao được trong sạch, không phạm các pháp chướng ngại. Bình bát và ca sa của sa di Nāga này có đều đủ. Sa di Nāga có đại đức Tissa là hoà thượng, đã có đến xin tăng cho sa di ấy tu lên bực cao. Nếu sự nhận cho sa di Nāga có đại đức Tissa là hoà thượng tu lên bực cao này vừa lòng vị đại đức nào, vị đại đức ấy nên nín thinh, bằng chẳng vừa lòng vị đại đức nào, vị đại đức ấy được phép cải, tôi đã trình lần thứ nhì rồi.

Suṇātu me bhante saṅgho ayaṃ nāgo āyasmato tissassa upasampadāpekkho parisuddho antarāyikehi dhammehi paripuṇṇassa pattacivaraṃ nāgo saṅghaṃ upasampadaṃ yācati āyasmatā tissena upajjhāyena saṅgho nāgaṃ upasampādeti āyasmatā tissena upajjhāyena yassāyasmato khamati nāgassa upasampadā āyasmatā tissena upajjhāyena so tuṇhassa yassa nakkhamati so bhāseyya tatiyampi, etamatthaṃ vadāmi.

Bạch hoá đại đức Tăng, xin tăng nghe tôi trình: Tên sa di Nāga, là đệ tử của đại đức Tissa, … vị đại đức ấy được phép cải. Tôi đã trình việc này lần thứ ba rồi.

Suṇātu me bhante saṅgho ayaṃ nāgo āyasmato tissassa upasampadāpekkho parisuddho antarāyikehi dhammehi paripuṇṇassa pattacivaraṃ nāgo saṅghaṃ upasampadaṃ yācati āyasmatā tissena upajjhāyena saṅgho nāgaṃ upasampādeti āyasmatā tissena upajjhāyena yassāyasmato khamati nāgassa upasampadā āyasmatā tissena upajjhāyena so tuṇhassa yassa nakkhamati so bhāseyya.

Bạch hoá đại đức tăng ... vị đại đức ấy được phép cải... tôi đã trình lần thứ tư rồi.

Upasampanno saṅghena nāgo āyasmatā tisena upajjhāyena khamati saṅghassa tasmā tuṇhi evametaṃ dhārayāmi.

Tên sa di Nāga này có đại đức Tissa là hoà thượng là người mà tăng đã nhận cho tu lên bậc cao rồi. Tôi hiểu chắc rằng: Tăng đã bằng lòng, vì sự nín thinh của tăng.

Thầy Kiết ma đọc dứt bổn phận, trình cho tăng nghe xong giờ nào thì giới tử được lên tỳ khưu giờ ấy (y theo lời của đức Thế Tôn đã giáo truyền).

Những người tu Phật, nếu đã học đủ các phép thọ cụ túc giới theo cách đã giải trước xong rồi, thì phải nên biết rằng trong các phép ấy chia ra làm 2 phần.

Phần đầu chia ra làm 8 phép: 1) khi làm lễ nhận tỳ khưu làm thầy tế độ; 2) khi thầy Kiết ma chỉ bình bát và ca sa; 3) khi thầy Kiết ma bảo giới tử lui ra khỏi tăng và trình cho tăng nghe rõ, để hỏi giới tử; 4) khi thầy Kiết ma trình cho tăng rõ, rồi trở ra dạy giới tử; 5) khi thầy Kiết ma trở vô, có dắt giới tử vào chỗ tăng; 6) khi giới tử làm lễ chư tăng và đọc bài thọ cụ túc giới ở giữa tăng; 7) khi giới tử đọc bài xin thọ cụ túc giới rồi, thầy Kiết ma sẽ hỏi các pháp chướng ngại; 8) thầy Kiết ma đã hỏi các pháp chướng ngại giữa tăng.

Phần sau là từ khi thầy kiết ma khởi sự đọc bài: Suṇātu me bhante sangho... trình cho tăng rõ đến 4 bận.

Phần đầu thuộc về giới tử. Phần sau thuộc về phần của thầy Kiết ma.

‒ Dứt phép truyền cụ túc giới ‒

---

GIỚI LUẬT SA DI

Những người học Phật trước khi muốn vào tu bậc sa di phải thông hiểu luật sa di, nghĩa là phải học luật y theo giáo pháp của đức Phật đã truyền dạy, không được canh cải. Giới luật ấy có 30 điều học chia ra làm 3 phần: sikkhāpada (phép học) có 10 điều học, daṇḍakamma (phép hành phạt) có 10 điều học, nāsanaṅga (phép trục xuất) có 10 điều học.

Mười phép học (sikkhāpada)

1. Pānātipātā veramaṇi sikkhāpadaṃ samādiyāmi.

1. Sát sanh. Tôi xin vâng giữ điều học, là cố ý tránh xa sự giết hại loài sanh mạng.

2. Adinnādānā veramaṇi sikkhāpadaṃ samādiyāmi.

2. Trộm cắp. Tôi xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự trộm cắp.

3. Abrahmacariyā veramaṇi sikkhāpadaṃ samādiyāmi.

3. Thông dâm. Tôi xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự thông dâm

4. Musāvādā veramaṇi sikkhāpadaṃ samādiyāmi.

4. Vọng ngữ. Tôi xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự nói dối.

5. Surāmeraya majjapamādaṭṭhānā veramaṇi sikkhāpadaṃ samādiyāmi.

5. Ẩm tửu. Tôi xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự dể duôi uống rượu.

6. Vikāla bhojānā veramaṇi sikkhāpadaṃ samādiyāmi.

6. Ăn sái giờ: Tôi xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự ăn sái giờ (từ đúng ngọ cho đến mặt trời mọc chẳng được phép ăn vật chi).

7. Naccagīta vāditavisukadassanā veramaṇi sikkhāpadaṃ samādiyāmi.

7. Múa, hát, đờn kèn. Tôi xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự hát múa, đờn kèn và đi xem hát múa, nghe đờn kèn.

8. Mālāgandha vilepanadhāraṇa maṇḍana vibhūsanaṭṭhāna veramaṇi sikkhāpadaṃ samādiyāmi.

8. Trang điểm, thoa vật thơm, dồi phấn và đeo tràng hoa. Tôi xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự trang điểm, thoa vật thơm, dồi phấn và đeo tràng hoa.

9. Uccāsayanamahāsayanā veramaṇi sikkhāpadaṃ samādiyāmi.

9. Nằm ngồi nơi quá cao và xinh đẹp. Tôi xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa chỗ nằm và ngồi nơi quá cao và xinh đẹp.

10. Jātarūparajatapatiggahanā veramaṇi sikkhāpadaṃ samādiyāmi.

10. Thọ lãnh và cất giữ vàng, bạc châu báu. Tôi xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự thọ lãnh, cất giữ hoặc bảo kẻ khác thọ lãnh, cất giữ vàng bạc châu báu hoặc cảm xúc đến các vật ấy.

Mười phép hành phạt (daṇḍakamma)

1. Vikālabhogi hoti.

1.  Ăn sái giờ.

2. Naccādivisūkadassiko hoti.

2. Múa hát đờn kèn và xem múa hát nghe đờn kèn.

3. Mālādidhāranādiko hoti.

3. Trang điểm, đeo tràng hoa hoặc thoa vật thơm.

4. Uccāsayanāyiko hoti.

4. Nằm và ngồi nơi quá cao và xinh đẹp

5. Jātarūparaja tapatigganhako hoti.

5. Thọ lãnh và cất giữ hoặc bảo kẻ khác thọ lãnh, cất giữ và cảm xúc đến vàng bạc châu báu.

6. Bhikkhūnaṃ alābhāya parisakkati.

6. Cố ý làm cho tỳ khưu không có đồ dùng.

7. Bhikkhūnaṃ anatthāya parisakkhati.

7. Cố ý làm cho tỳ khưu mất sự hữu ích.

8. Bhikkhūnaṃ anavāsāya parisakkhati.

8. Cố ý làm cho tỳ khưu không có chỗ ở.

9. Bhikkhu akkosati paribbāsati.

9. Mắng chửi tỳ khưu.

10. Bhikkhu bhikkhūhi bhedeti.

10. Làm cho tỳ khưu bất hoà cùng nhau.

Sa-di phạm 1 trong 10 điều kể trên, thì bị tỳ khưu hành phạt, nhất là bị bắt gánh nước.

Mười phép trục xuất (nāsanaṅga)

1. Pānātipāti hoti.

1. Giết loài động vật.

2. Adinnādāyi hoti.

2. Trộm cắp.

3. Abrahmacāri hoti.

3. Thông dâm.

4. Musāvādi hoti.

4. Nói dối.

5. Majjapāyi hoti.

5. Uống rượu.

6. Buddhassa avaṇṇaṃ bhāsati.

6. Hủy báng Phật.

7. Dhammassa avaṇṇaṃ bhāsati.

7. Hủy báng Pháp.

8. Saṅghassa avaṇṇaṃ bhāsati.

8. Hủy báng Tăng.

9. Micchādiṭṭhiko hoti.

9. Hiểu lầm (quấy cho là phải, phải cho là quấy).

10. Bhikkhuni dūsako hoti.

10. Dâm vải tỳ khưu ni.

Sa di phạm 1 trong 10 điều kể trên, thì bị trục xuất.

Bổn phận sa di phải học thông thuộc 30 phép đã nói trên và cũng phải thọ trì thêm 75 điều ưng học pháp[11].

---

LỜI DẠY TIẾP (ANUSĀSANA)

Lời chỉ giáo mà đức Chánh Biến Tri chế định cho tỳ khưu là thầy tế độ dạy bảo đệ tử mới vừa được thọ lễ tu lên bậc trên[12] (upasampadā) sau khi đã tụng tuyên ngôn lần thứ tư (ñatticatutthakammavācā) cho tỳ khưu mới ấy được biết lần lần, gọi là lời dạy tiếp (anusāsana). Lời dạy tiếp này có 8 điều chia ra làm 2 đoạn: “4 phép nương” (nissaya)[13] và “4 sự không nên làm” (akaraṇiyakicca).

Vật dụng để cho hàng xuất gia dùng gọi là phép nương, có 4: đi khuất thực, mặc y bẩn thỉu, ngụ dưới bóng cây, dùng thuốc ngâm với nước tiểu[14].

Sự mà hàng xuất gia không nên làm, có 4: hành dâm, trộm cắp, giết người, khoe pháp bậc cao nhơn.

---

TAM HỌC (TRISIKKHĀ)

Các đức mà hàng xuất gia phải tu tập gọi là học (sikkhā) có 3: giới (sīla), định (samādhi), tuệ (pañña).

Sự thu thúc thân và khẩu cho chơn chánh gọi là giới, sự trau dồi làm cho yên lặng gọi là định, sự biết rõ trong các sắc tướng gọi là tuệ.

---

PHẠM TỘI (ĀPATTI)

Tội phát sanh vì sự dể duôi điều học mà đức Chánh Biến Tri đã cấm chế[15] gọi là phạm tội. Phạm tội ấy, gọi theo tên có 7: bất cộng trụ (pārājika), tăng tàn (saṅghādisesa), trọng tội (thullaccaya), ưng đối trị (pācittiya), ưng phát lộ (pāṭidesaniya), tác ác (dukkata); ác ngữ (dubbhāsita).

Tội bất cộng trụ mà tỳ khưu phạm rồi, chẳng còn làm tỳ khưu được nữa. Tội tăng tàn, nếu tỳ khưu phạm rồi, phải chịu hình phạt cấm phòng rồi mới khỏi tội. Còn 5 tội sau, khi tỳ khưu đã phạm phải cung xưng sám hối giữa tăng, hoặc 2, 3 vị tỳ khưu, hoặc 1 vị tỳ khưu, rồi mới hết tội.

Thể thức phạm tội (āpattāpajjanākāra).

Thể thức mà tỳ khưu phạm các tội có 6: 1) phạm vì không hổ thẹn (alajjitā); 2) phạm vì không biết tội (aññāṇatā) là không biết rằng làm thế này, thế kia mà phạm; 3) phạm vì hoài nghi mà vẫn làm (kukkuccapakatatta); 4) phạm vì tưởng là nên trong điều không nên (akappiyekappiyasaññitā); 5) phạm vì tưởng là không nên trong điều nên (kappiyeakappiyasaññitā); 6) phạm vì quên (satisammosā).

Chú giải: Nguyên nhân phạm tội có 6 điều ấy như vầy:

1) Phạm vì không hổ thẹn tội, là tỳ khưu không biết xấu hổ tội, vì lòng riêng tư thương riêng (chandāgati), giận riêng (dosāgati), lầm riêng (mohāgati), sợ riêng (bhāyāgati), mà phạm các điều học nhỏ, lớn, không biết xấu hổ, như thế gọi là phạm tội vì không biết xấu hổ.

2) Phạm vì không thông luật cấm: tỳ khưu ngu dốt, không biết rằng điều nào không nên làm rồi lầm lạc, làm điều ấy, điều nào nên làm lại làm sai, quá pháp luật, cho phát sanh tội, hoặc không biết điều học của Phật chế cấm rồi làm như thế, gọi là phạm tội vì sự không thông.

3) Phạm vì hoài nghi: tỳ khưu có sự nghi ngờ, không hỏi luật sư cầu xin quyết định trước rồi mới nên làm, như thế, rồi làm theo ý riêng của mình, vì sự nghi nan nên phạm tội. Khi đã nghi rồi, dù làm điều nên hoặc không nên, cũng không khỏi tội; đều đủ mỗi điều học, điều nào về tăng tàn, trọng tội, ưng đối trị hoặc tác ác thì phạm theo điều ấy, như thế gọi là phạm tội vì hoài nghi.

4) Phạm do tưởng trong điều không nên cho là nên: tỳ khưu tưởng trong thịt không nên dùng là như thịt gấu, cọp mà tưởng là thịt heo, hoặc thịt bò là thịt nên dùng, rồi ăn thì phạm tội, hoặc vật thực không nên dùng tưởng là nên dùng, rồi ăn thì phạm tội, hoặc đã chinh xế rồi tưởng là còn sớm, rồi thọ thực thì phạm tội, như thế gọi là phạm tội vì tưởng trong vật thực không nên cho là nên.

5) Phạm vì tưởng trong vật nên dùng cho là không nên là: tỳ khưu tưởng trong thịt nên dùng, như thịt heo, bò, cho là thịt gấu, thịt cọp không nên dùng, rồi ăn vào thì phạm tội, hoặc ngày còn sớm tưởng là xế, rồi thọ thực vào thì phạm tội, như thế gọi là: phạm tội vì tưởng trong vật thực nên dùng cho là không nên.

6) Phạm vì quên là: tỳ khưu nằm ngủ trong nơi lợp, che với người chưa tu lên bậc tỳ khưu đến 3 đêm, qua đêm thứ tư, rồi quên đi nằm, ngủ chung trong nơi lợp, che nữa thì phạm tội hoặc quên, lìa xa 1 trong 3 y nào thì phạm tội; hoặc thọ thuốc (đường, mật, sữa…) rồi cất giữ quá 7 ngày, thì phạm tội; hoặc thọ y dư để quên không gởi hoặc không cho đến kẻ khác quá 10 ngày thì phạm tội ưng xả đối trị, như thế gọi là phạm tội vì quên.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna).

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) trong các điều học có 6: 1) thân, 2) khẩu, 3) thân và khẩu, 4) thân và ý, 5) khẩu và ý, 6) thân, khẩu và ý.

Tội chỉ sanh nơi thân hoặc chỉ sanh nơi khẩu là 1 chỗ sanh, như thế gọi có 1 chi (anga). Sanh nơi thân chung với khẩu, hoặc sanh nơi thân chung với ý, hoặc sanh nơi khẩu chung với ý, là 1 chỗ sanh, như thế gọi là có 2 chi. Sanh nơi thân chung với khẩu và ý là 1 chỗ sanh, như thế gọi là có 3 chi. 3 chỗ sanh trước là thân, khẩu, thân và khẩu gọi là chỗ sanh “không cố ý”[16] (acittaka samuṭṭhāna), nghĩa là: chỗ sanh của tội “không cố ý” không lẫn lộn với ý. Ba chỗ sanh sau là: thân-ý, khẩu-ý, thân-khẩu-ý gọi là chỗ sanh cố ý nghĩa là “chỗ sanh tội cố ý” lẫn lộn với ý.

Tội trong điều học mà tỳ khưu dầu không cố ý cũng phạm gọi là “vô ý” (acittaka). Nếu cố ý, gọi là “cố ý” (sacittaka).

Tội trong điều học mà tỳ khưu phạm chỉ vì chỗ sanh thứ tư là thân-ý, như trong điều học “bất cộng trụ thứ nhất” (dâm dục) (pathama pārājika); chỉ phạm vì chỗ sanh thứ 5 là khẩu ý như trong điều học “thuyết pháp đến phụ nữ” (dhammadesanā sikkhāpada); chỉ phạm vì chỗ sanh thứ 6, là thân khẩu ý như trong điều học “chia rẽ tăng” (saṅghabheda sikkhāpada), ba chỗ sanh này gọi là 1 chỗ sanh.

Tội trong điều học mà tỳ khưu phạm vì chỗ sanh thứ 1 (thân) hoặc thứ 4 (thân-ý) như trong điều học “tỳ khưu thọ lông cừu” (elakaloma sikkhāpada); phạm vì chỗ sanh thứ 2 (khẩu) hoặc thứ 5 (khẩu-ý) như trong điều học “dạy kệ đến người chưa tu bậc tỳ khưu” (upasampanna) (pada dhamma sikkhāpada); phạm vì chỗ sanh thứ 3 (thân-khẩu) hoặc thứ 6 (thân-khẩu-ý) như trong điều học “lễ dâng y thứ nhất”[17] (pathama kaṭhina); phạm vì chỗ sanh thứ 4 (thân-ý); hoặc thứ 6 (thân-khẩu-ý) như trong “điều học trốn quan thuế” (theyya sattha sikkhāpada); phạm vì chỗ sanh thứ 5 (khẩu-ý) hoặc thứ 6 (thân-khẩu-ý) như trong điều học “tỳ khưu ni không hỏi trước mà làm lễ xuất gia cho phụ nữ có tội” (corivutthapana sikkhāpada); 5 điều học này gọi là “có 2 chỗ sanh”.

Tội trong điều học mà tỳ khưu phạm vì chỗ sanh thứ 1 (thân), thứ 2 (khẩu), thứ 3 (thân-khẩu) như trong điều học “tỳ khưu nói thiệt pháp cao nhơn” (bhūtārocana sikkhāpada); phạm tội vì chỗ sanh thứ 4 (thân-ý), thứ 5 (khẩu-ý) hoặc thứ 6 (thân-khẩu-ý) như trong điều học trộm cắp (adinnādāna sikkhāpada). Ðiều học này gọi là có “3 chỗ sanh”.

Tội trong điều học mà tỳ khưu phạm vì chỗ sanh thứ 1 (thân), thứ 3 (thân-khẩu), thứ 4 (thân-ý), thứ 6 (thân-khẩu-ý) như trong điều học “tỳ khưu đi đường xa chung cùng tỳ khưu ni” (addhāna sikkhāpada); phạm vì chỗ sanh thứ 2 (khẩu), thứ 3 (thân-khẩu), thứ 5 (khẩu-ý), thứ 6 (thân-khẩu-ý) như trong điều học “tỳ khưu ni làm lễ xuất gia cho phụ nữ mà cha mẹ chưa cho phép” (ananaññāta sikkhāpada); 2 điều học này gọi là “có 4 chỗ sanh”.

Tội trong điều học mà tỳ khưu phạm vì chỗ sanh thứ 1 (thân), thứ 2 (khẩu), thứ 3 (thân- khẩu), thứ 4 (thân-ý), thứ 5 (khẩu-ý), thứ 6 (thân-khẩu-ý) như trong điều học “làm mai dong” (sañcarita sikkhāpada); điều học này gọi là “có 6 chỗ sanh”.

Tất cả điều học, nói về chỗ sanh tội có 13, cả 13 tội ấy có 13 tên, do chỗ sanh theo điều học chế ra lần đầu tiên như vầy “chỗ sanh điều học bất cộng trụ thứ nhất” (paṭhama pārājika samuṭṭhāna), “chỗ sanh điều học trộm cắp” (adinnādāna samuṭṭhāna), “chỗ sanh điều học làm mai dong” (sañcarita samuṭṭhāna), “chỗ sanh điều học tụng lời khuyên răn” (samanubhāsana samuṭṭhāna), “chỗ sanh điều học lễ dâng y lần thứ nhất” (paṭhama kathina samuṭṭhāna), “chỗ sanh điều học tỳ khưu thọ lông cừu” (elakaloma samuṭṭhāna), “chỗ sanh điều học tỳ khưu đi đường xa chung cùng tỳ khưu ni” (addhāna samuṭṭhāna), “chỗ sanh điều học trốn quan thuế” (theyyasattha samuṭṭhāna), “chỗ sanh điều học thuyết pháp đến phụ nữ “(dhammadesanā samuṭṭhāna), “chỗ sanh điều học tỳ khưu nói thiệt pháp bậc cao nhơn” (bhūtārocana samuṭṭhāna), “chỗ sanh điều học tỳ khưu ni làm lễ xuất gia cho phụ nữ mà cha mẹ chưa cho phép” (ananuññātasamuṭṭhāna):

Phạm tội phát sanh trong điều học do thân và ý, điều học ấy gọi là “chỗ sanh điều học bất cộng trụ thứ nhất” (paṭhama pārājika samuṭṭhāna). Phạm tội trong điều học phát sanh vì cố ý (3 chỗ sanh phía trước), điều học ấy gọi là “chỗ sanh điều học trộm cắp” (adinnādāna samuṭṭhāna). Phạm tội trong điều học phát sanh do cả 6 chỗ sanh, điều học ấy gọi là chỗ sanh điều học “chỗ sanh điều học làm mai dong” (sacañrita samuṭṭhāna). Phạm tội trong điều học chỉ phát sanh do 1 chỗ sanh thứ 6, điều học ấy gọi là “chỗ sanh điều học tụng lời khuyên răn” (samanubhāsana samuṭṭhāna). Phạm tội trong điều học phát sanh do chỗ sanh thứ 3 và thứ 6, điều học ấy gọi là “chỗ sanh điều học lễ dâng y lần thứ nhất” (paṭhama kaṭhina samuṭṭhāna). Phạm tội trong điều học phát sanh do chỗ sanh thứ 1 và thứ 4, điều học ấy gọi là “chỗ sanh điều học tỳ khưu thọ lông cừu” (elakaloma samuṭṭhāna). Phạm tội trong điều học phát sanh do chỗ sanh thứ 2 và thứ 5, điều học ấy gọi là “chỗ sanh điều học dạy kệ đến người chưa tu lên bậc tỳ khưu” (padasodhamma samuṭṭhāna). Phạm tội trong điều học phát sanh do chỗ sanh thứ 1, thứ 3, thứ 4 và thứ 6, điều học ấy gọi là “chỗ sanh điều học tỳ khưu đi đường xa chung cùng tỳ khưu ni (addhāsa samuṭṭhāna). Phạm tội trong điều học chỉ phát sanh do 1 chỗ sanh thứ 5, điều học ấy gọi là “chỗ sanh điều học thuyết pháp đến phụ nữ “(dhammadesanā samuṭṭhāna). Phạm tội trong điều học phát sanh do 3 chỗ sanh vô ý phía trước, điều học ấy gọi là “chỗ sanh điều học nói thiệt pháp bậc cao nhơn” (bhūtārocana samuṭṭhāna). Phạm tội trong điều học phát sanh do chỗ sanh thứ 5 và thứ 6, điều học ấy gọi là “chỗ sanh điều học tỳ khưu ni làm lễ xuất gia cho phụ nữ có tội” (corivutthāpana samuṭṭhāna). Phạm tội trong điều học phát sanh do chỗ sanh thứ 2, thứ 3, thứ 5 và thứ 6, điều học ấy gọi là “chỗ sanh điều học tỳ khưu ni làm lễ xuất gia cho phụ nữ mà chưa có lịnh cha mẹ cho” (ananuññatasamuṭṭhāna).

Về tiếng gọi là “vì thể thức có chỗ sanh” ấy là nói về: làm (kiriyā), tưởng (saññā), ý (citta), tội (vajja), nghiệp (kamma), tít cá (tikka), dạy người làm (aṇatti), theo thứ tự như vầy:

Phạm tội trong các điều học vì làm (kiriyā) có 5: 1) phạm vì làm (kiriyā); 2) phạm vì không làm (akiriyā); 3) phạm vì làm và không làm (kiriyā akiriyā); 4) phạm vì làm cũng có, không làm cũng có (siyā kiriyā siyā akiriyā); 5) phạm vì làm cũng có, làm và không làm cũng có (siyākiriyā siyākiriyā kiriyā).

Tội trong điều học mà tỳ khưu phạm do thân hoặc khẩu, như trong điều học “tỳ khưu đào đất” (paṭhavikhana sikkhāpada), điều học ấy gọi là phạm vì làm (kiriyā). Tội trong điều học mà tỳ khưu phạm vì không làm, nghĩa là: tự mình phải làm hoặc phải nói mà không làm không nói, như trong điều học “lễ dâng y lần thứ nhất” (paṭhama kaṭhina sikkhāpada) không làm dấu và đặt tên, cất giữ y quá 10 ngày, như thế điều học ấy, gọi là phạm vì không làm (akiriyā). Tội trong điều học mà tỳ khưu phạm vì làm và không làm như trong điều học “thọ y nơi tay tỳ khưu ni không phải bà con” (civara paṭiggahaṇa sikkhāpada) không đổi trước[18] mới phạm tội, điều học này gọi là “phạm vì làm và không làm” (kiriyā kiriyā). Tội trong điều học mà tỳ khưu phạm vì làm cũng có và không làm cũng có, như trong điều học “thọ bạc vàng châu báu...” (rūpiya paṭiggahaṇa sikkhāpada), có tỳ khưu phạm vì làm cũng có là thọ bạc vàng châu báu..., có tỳ khưu phạm vì không làm cũng có, là không ra dấu ngăn cản bạc vàng, châu báu... mà người đem đến dâng cho, điều học này gọi là “phạm vì làm cũng có, không làm cũng có” (siyā kiriyā siyā akiriyā). Tội trong điều học mà tỳ khưu phạm vì làm cũng có, vì làm và không làm cũng có như trong điều học “tỳ khưu cất thất tô bằng vôi, hoặc bằng đất sét” (kutikāra sikkhāpada), có khi phạm tội vì cho tăng chỉ chỗ, rồi làm thất lớn quá hạn định, điều học này gọi là “phạm vì làm cũng có, vì làm và không làm cũng có” (siyā kiriyā siyākiriyā akiriyā).

Lại nữa, các điều học nói về ý tưởng (saññā) có 2 là: 1) khỏi phạm vì tưởng (saññāvimokkha); 2) không khỏi phạm vì tưởng (no saññāvimokkha).

Trong điều học khỏi phạm vì tưởng, là không phạm vì tưởng là không phạm tội, như nước có côn trùng mà tưởng rằng không có rồi uống, không phạm tội; điều học này gọi là “khỏi phạm vì tưởng” (saññāvimokkha). Trong điều học không khỏi tội vì tưởng, như mặt trời đã chinh xế mà tưởng rằng chưa rồi dùng vật thực thì phạm tội; điều học này gọi là “không khỏi phạm vì tưởng (nosaññāvimokkha).

Lại nữa, các điều học nói về ý có 2: cố ý (sacittaka) và vô ý (acittaka).

Phạm tội trong điều học phát sanh do 3 “chỗ sanh cố ý” (sacittaka samuṭṭhāna), “thân-ý, khẩu-ý, thân-khẩu-ý”, không lầm lộn với “chỗ sanh vô ý” (acittaka samuṭṭhāna). Ðiều học này gọi là “chỗ sanh cố ý” (sacittaka samuṭṭhāna). Phạm tội trong điều học phát sanh do 3 “chỗ sanh vô ý” (acittaka samuṭṭhāna) là thân, khẩu, thân và khẩu. Ðiều học như thế gọi là vô ý (acittaka).

Điều học nào khỏi phạm vì tưởng (saññāvimokkha), điều học ấy gọi là cố ý (sacittaka). Điều học nào không khỏi phạm vì tưởng (nosaññāvimokkha), điều học ấy gọi là vô ý (sacittaka).

Lại nữa, các điều học nói về tội có 2: tội vì đời (lokavajja); tội vì Phật cấm (pannattivajja).

Phạm tội trong điều học nào, dầu là vô ý, như điều học uống rượu (surāpana sikkhāpada), ý trong thời phạm về phần vô ý, dầu tỳ khưu không biết là rượu, rồi cho vào khỏi cổ thì phạm tội, ấy là ác tâm về gốc xan tham (lobhamūla). Ðiều học này gọi là phạm tội vì đời (lokavajja), là tội mà bậc trí tuệ nên lánh, nên khinh khi trong đời.

Còn nói cố ý biết vật không nên dùng, như biết là rượu rồi uống vì ý tham, không nói về cái ý biết luật cấm là biết rằng không nên, nếu đã biết là không nên mà không tuân lịnh Phật, làm sái điều học vì ý nào, ý ấy (ý bất bình, bực bội) là gốc tội. Cho nên điều học uống rượu (surāpana sikkhāpada), điều học “tỳ khưu đi xem động binh đao” (uyyutta sikkhāpada) và điều học “tỳ khưu đi đến nơi chiến trường” (uyyudhika sikkhāpada) mới gọi là vô ý, có tội về đời. Còn ý biết điều tội trong điều học nào dầu là lành, điều học ấy gọi tội vì Phật cấm, là có tội mà bậc trí tuệ nên lánh vì Phật cấm.

Lại nữa, các điều học, nói về nghiệp có 3: thân nghiệp, khẩu nghiệp, thân và khẩu nghiệp.

Tội trong điều học nào mà tỳ khưu chỉ phạm vì thân môn, như tội phát sanh do chỗ sanh thứ 1 và thứ 4, điều học ấy gọi là “thân nghiệp”. Tội trong điều học nào mà tỳ khưu chỉ phạm vì khẩu môn, như tội phát sanh do chỗ sanh thứ 2 và thứ 5, điều học ấy gọi là “khẩu nghiệp”. Tội trong điều học nào mà tỳ khưu chỉ phạm trong thân và khẩu môn, điều học ấy gọi là “thân nghiệp, khẩu nghiệp”.

Lại nữa, tikka có 2: phần tâm có 3: chỉ nói về thiện tâm; phần thọ có 3: chỉ nói về thọ.

Tỳ khưu khi phạm tội có tâm lành phạm cũng có, tâm dữ phạm cũng có, tâm vô ký như ngủ phạm cũng có.

Lại nữa, thọ khổ mà phạm cũng có, thọ vui mà phạm cũng có, thọ vô ký mà phạm cũng có, như trong điều học nào, nếu nói “chỉ có 1 tâm” (ekacittaṃ) nên hiểu là nói về ác tâm: trong điều học nào, nếu nói “có 2 tâm” (dvicittaṃ) nên hiểu là nói về tâm lành và tâm vô ký, trong điều học nào nếu nói “có 3 tâm” (ticittaṃ) nên hiểu là nói về tâm lành, tâm dữ và tâm vô ký.

Trong điều học nào nói “có 1 thọ” (ekavedanā) nên hiểu là nói về thọ khổ, trong điều học nào nói có 2 thọ (dvivedanā) nên hiểu là nói về thọ vui và thọ vô ký. Trong điều học nào nói “có 3 thọ” (tissovedanā) nên hiểu là nói về thọ vui, thọ khổ và thọ vô ký.

Lại nữa, phạm tội trong điều học mà tỳ khưu tự mình làm hoặc bảo người khác làm cũng phạm điều học ấy gọi là “sāṇattika”, trong điều học mà tỳ khưu tự mình làm mới phạm, bảo kẻ khác làm thì không phạm, điều học ấy gọi là “anānattika”.

Những lời chú giải trên đây, có nói nhất là về chỗ phát sanh tội (samuṭṭhāna), ấy là để phân biệt cho thấy rõ tội trong mỗi điều học, sẽ giải ra sau này.

---

ÐIỀU HỌC (SIKKHĀPADA)

Luật cấm mà đức Chánh Biến Tri chế định từ điều gọi là điều học (sikkhāpada)[19]. Điều học có trong giới bổn[20] (pātimokkha) cũng có, không có trong giới bổn cũng có.

Điều học có trong giới bổn (pāṭimokkha) là: bất cộng trụ (pārājika) có 4 điều, tăng tàn (saṅghādisesa) có 13 điều, bất định (aniyatta) có 2 điều, ưng xã đối trị (nissaggiya pācittiya) có 30 điều, ưng đối trị (suddhika pācittiya) có 92 điều, ưng phát lộ (pātidesanīya) có 4 điều, ưng học pháp (sekhiyavatta) có 75 điều. Tổng cộng có 220 điều. Cộng thêm 7 điều diệt tránh (adhikarana samatha) thành 227 điều.

---

BIỆT BIỆT GIẢI THOÁT THU THÚC GIỚI (PĀṬIMOKKHA SAṂVARASĪLA)

I. Bốn điều bất cộng trụ (pārājika)

Biệt biệt giải thoát thu thúc giới nghĩa là giữ đặng 1 giới khỏi phạm 1 tội. Bất cộng trụ nghĩa là không được ở chung với các tỳ khưu khác.

1. Hành dâm (methuna dhamma)

Tỳ khưu hành dâm phạt Bất cộng trụ. Ðiều học này đức Thế Tôn cấm chế tại xứ Kalanda, gần thành Vesālī, do tỳ khưu Sudinna hành dâm với vợ cũ.

Chú giải: Tỳ khưu đã thọ Cụ túc giới và nuôi mạng chơn chánh theo các vị khác, rồi chưa xả tam y hoàn tục mà hành dâm, dầu là dâm với súc sanh, cũng phạm bất cộng trụ.

Tỳ khưu là người đã thọ Cụ túc giới theo chánh pháp của Phật đã khẩu truyền cho tăng chúng thu nhận, rồi hòa hợp tiếp nối tương truyền[21] cho nhau bằng lời tụng tuyên ngôn 4 lần (catutthakammavācā) tránh khỏi 5 điều hư hỏng là: hư hỏng vì giới tử (vatthuvipati)[22], hư hỏng vì đọc sai giọng Phạn ngữ (natthivipati)[23], hư hỏng vì hỏi thiếu (anussavanavipati)[24], hư hỏng vì địa phận tăng hành sự phân ranh không đúng phép (sāmāvipati), hư hỏng vì thiếu số tăng (purisavipati)[25]. Như thế mới gọi là tỳ khưu. Tỳ khưu là người đi xin ăn, là xin được hoặc không cũng vẫn tự nhiên, xin theo thể thức của bậc thánh nhơn. Sớm mai mặc y cho kín mình, mang bát đến đứng trước nhà của thí chủ không kêu gọi xin ngay nơi người nào, cũng không liếc xem thí chủ là người cao, thấp, trắng, đen, mập ốm, trai, gái.

Tỳ khưu dầu già, trẻ, cao hạ hoặc mới xuất gia, nếu có sự biết mình[26], cố ý muốn bỏ tướng mạo tỳ khưu và tỏ lời xả điều học (giới) không nói chơi, không nói lầm lộn, mới gọi là xả điều học. Còn đọc xả điều học có 22 cách, nhưng đây chỉ kể vài câu thường dùng là: sikkhaṃ paccakkhāmi (tôi xin xả điều học), vinayaṃ paccakkhāmi (tôi xin xả luật), gihītimaṃ dhārehi (xin ngài ghi nhớ rằng tôi là người thế), upāsakotimaṃ dhārehi (xin ngài ghi nhớ rằng tôi là người cận sự nam). Tỳ khưu có lòng thiệt xả bỏ điều học đến vị nào, vị ấy được nghe và biết rõ lời xả ấy. Như thế mới gọi là xả điều học.

Về sự hành dâm (methuna dhamma) là để ngọc hành của mình vào khiếu của người, của thú sống hoặc chết song khiếu chưa rã, hoặc chưa bị thú bươi mổ nhiều chỗ, dầu cho ngọc hành vào bằng 1 hột mè hoặc bằng đầu sợi tóc, vì lòng vui thích, hoặc có kẻ khác dọa dẫm đè ép ngọc hành của mình rồi vui thích trong 4 thời là: lúc để ngọc hành vào, cho ngọc hành vào khiếu, khi vào rồi để đó, rút ngọc hành ra. Hoặc ngọc hành của mình dài rồi đem vào miệng mình, hoặc lưng điệu xuống mút ngọc hành của mình vì lòng vui thích. Những thể cách như thế gọi là hành dâm. Tỳ khưu hành dâm phạm tội bất cộng trụ (pārājika), không được phép hành tăng sự chung cùng các vị tỳ khưu khác.

30 khiếu phát sanh chỗ hành dâm là: nữ nhơn có 3 khiếu, nữ phi nhơn có 3 khiếu, thú cái có 3 khiếu. Chúng sanh có 2 bộ sanh trược khí: nhơn có 3 khiếu, phi nhơn có 3 khiếu, thú có 3 khiếu, nam nhơn có 2 khiếu, phi nhơn nam có 2 khiếu, thú đực có 2 khiếu, bộ nấp nhơn có 2 khiếu, bộ nấp phi nhơn có 2 khiếu, bộ nấp thú có 2 khiếu. Tổng cộng là 30 khiếu.

Về phần thú như vầy. Thú không thuộc loại mình dài như rắn. Thủy tộc như cá, rùa v.v... đều có 3 khiếu vừa cho ngọc hành vào, dầu chỉ bằng hột mè hoặc cọng tóc. Như thế là vật của tội bất cộng trụ. Những khiếu nhỏ hơn là vật của tội “tác ác”. Về loại có 2 chân như: quạ, gà v.v..., Thú có 4 bốn chân như thú nhỏ. Nên hiểu là vật của tội “bất cộng trụ” và “tác ác” như đã nói.

Tỳ khưu có mụt ruồi hoặc lông mọc nơi ngọc hành của mình còn biết sự tiếp xúc, cho vào 1 trong 30 khiếu như đã nói, dầu khiếu ấy mà da và thịt đã lột lở hết, song khiếu còn rõ rệt, nếu có ý muốn, rồi hành dâm thì phạm tội bất cộng trụ. Tỳ khưu có lông hoặc mụt ruồi mọc nơi ngọc hành, không còn biết sự tiếp xúc, cho vào khiếu như đã giải phạm tội tác ác. Nếu các khiếu ấy đã lở hết, dầu hình dạng các khiếu ấy chẳng còn sót, mà tỳ khưu cố ý cho ngọc hành vào nơi ấy phạm “Trọng tội”.

Tỳ khưu cho ngọc hành vào nhãn môn, nhĩ môn, tĩ môn, và thẹo ghẻ (phạm khí giới) của loài người phạm “trọng tội”. Thẹo ghẻ, lỗ mũi của thú lớn như voi, ngựa, tử thi của loài người bị thú ăn nửa thân mình chưa sình, lưỡi hoặc răng bày ra ngoài miệng, đều là vật của “trọng tội”. Lỗ mắt, lỗ mũi, miệng, ghẻ trong thân loài thú nhỏ không thể cho ngọc hành vào được và khiếu đã lở, trong tử thi của người đã sình, đều là vật của tội tác ác. Tỳ khưu để ngọc hành vào miệng tử thi không đụng các phía, phạm tác ác.

Những điều giải trên là phần phạm tội. Còn về thể thức không phạm tội trong điều học này là: Tỳ khưu không biết, không vui thích hoặc điên, tâm tán loạn, bị bịnh hôn mê và tỳ khưu phạm đầu tiên hết. Tỳ khưu ngủ quên (mê) có người đến hành dâm mà không hay biết không phạm tội song chẳng vui thích chi cả, như thế gọi là không vui thích không phạm tội. Tỳ khưu điên hoặc có người làm cho tâm tán loạn, tỳ khưu bị bịnh nặng làm cho tâm hôn mê, như thế gọi là hôn mê, không phạm tội. Tỳ khưu hành dâm đầu tiên (trước hết) làm cho đức Thế Tôn ra điều luật cấm chế như tỳ khưu Sudinna phạm tội hành dâm trước hết các tỳ khưu khác, gọi là “người phạm đầu, bị cấm chế” (ādikammika), không phạm tội.

Lại nữa, điều học không phạm tội bất cộng trụ vì dạy kẻ khác (anāṇattika). Song không khỏi phạm tội tác ác (dukkhata). Có 2 chi: ý tính hành dâm (sevanacittaṃ), cho ngọc hành vào khiếu, tiếp xúc nhằm một chỗ khiếu nào (maggena maggapaṭipādanaṃ). Như thế mới phạm tội bất cộng trụ bằng không đủ 2 chi cũng không phạm tội.

Ðiều học này có 1 chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) gọi là chỗ sanh tội điều học Bất cộng trụ thứ nhất (pathama pārājika samuṭṭhāna), nghĩa là phát sanh do thân, và ý 1 chỗ sanh, phạm vì làm (kirayā), khỏi phạm vì tưởng (saññāvimokkha), phạm vì cố ý (sacittaka), phạm tội vì đời chê trách (lokavajja), phạm do thân nghiệp (kāyakamma), ác tâm (akusalacitta), thọ vui và vô ký (dvivedanaṃ).

2. Trộm cắp (adinnādānā)

Tỳ khưu trộm cắp của người đáng giá 5 māsaka[27] trở lên phạm tội bất cộng trụ. Điều học này đức Thế Tôn cấm chế tại núi Kỳ Xà Quật (Gijjakūta) gần thành Vương Xá (Rājagaha) do tỳ khưu Dhaniya lấy cây của vua Tần Bà Sa (Bimbisāra) đem đi cất tịnh thất.

Chú giải: Thể thức trộm cắp có 6 là.

1) Kiện lấy (adiyana): là kiện lấy ruộng vườn, đất của kẻ khác về làm của mình. Trong khi kiện phạm tội tác ác. Khi chủ đất nghĩ rằng: “ta được hay không được” tỳ khưu phạm trọng tội. Khi chủ bỏ hẳn rằng “không còn là của ta nữa” và tỳ khưu quyết định không trả của ấy lại cho họ mới phạm tội bất cộng trụ. Nếu tỳ khưu thầm tính, chỉ dọa dẫm thôi thì chưa phạm bất cộng trụ. Khi nào cả 2 bên là tỳ khưu chắc chắn không trả lại cho chủ và chủ cũng đã định bỏ của ấy không kêu nài, mới phạm tội bất cộng trụ.

2) Tiếp đem đi (harana): tỳ khưu tiếp (đội, vác) đem của người đi. Nếu cố ý rờ đụng vật (đội) ấy, phạm tội tác ác; mỗi lần rờ đụng làm cho vật ấy cử động qua lại phạm trọng tội; mỗi lần cử động để vật ấy xuống vai hoặc dở hỏng đầu phạm bất cộng trụ; còn về gánh vác trên vai và đem cầm nơi tay cũng kể như đội trên đầu.

3) Dấu nói ngược (ayaharana): tỳ khưu lãnh của người gởi, khi người chủ đến đòi, tỳ khưu cố ý giấu rồi nói ngược lại rằng: “Ta không biết, ta không có lãnh của người đâu”, cố ý như thế phạm tội tác ác; làm cho người chủ nghi ngờ, phạm trọng tội. Khi người chủ tính bỏ vì không đòi được, và tỳ khưu quyết định không cố ý trả lại, phạm bất cộng trụ[28].

4) Làm cho đổi oai nghi (iriyapathavikopana): tỳ khưu cố ý trộm cắp đem của cải và người mang của, rồi đuổi người mang của ấy, đi khỏi bước đầu theo ý mình phạm trọng tội, đi khỏi bước thứ nhì phạm bất cộng trụ.

5) Dời khỏi chỗ (thānācāpana): tỳ khưu tính trộm cắp của để trên khô hoặc trong nước, rồi đụng chạm nhằm, phạm tác ác; làm cho vật cử động tới lui, phạm trọng tội; làm cho vật ấy ra khỏi chỗ, phạm bất cộng trụ.

6) Qua khỏi chỗ quan thuế tra xét (sanketavitināmana): tỳ khưu biết chỗ quan thuế đi đến chỗ tính không đóng thuế, cố ý rờ đụng cầm lấy vật mà mình đem đi, đánh giá thuế 6 cắc, phạm tác ác; đi bước đầu ra khỏi chỗ quan thuế phạm trọng tội, qua bước thứ 2 phạm bất cộng trụ.

Lại nữa, tỳ khưu dạy các vị khác đi trộm cắp rằng “ông đi trộm lấy vật ấy”, tỳ khưu dạy phạm tác ác trong lúc dạy. Tỳ khưu đi trộm phân biện rằng của này hoặc vật này, hoặc biết rằng vật khác, rồi đi lấy được theo lời dạy như thế, cả 2 đều phạm tội. Nếu tỳ khưu trộm cắp phân biện rằng vật này hoặc vật khác, rồi trộm được vật khác, ngoài ra vật của tỳ khưu dạy đi ăn trộm và đã nhứt định, như thế tỳ khưu dạy không phạm, tỳ khưu đi trộm phạm bất cộng trụ thôi.

Tỳ khưu dạy rằng “ông đi trộm của ấy, vật ấy của người kia trong giờ nào, trộm trong giờ ấy”. Như thế, nếu tỳ khưu dạy trộm được theo giờ đã định, cả 2 tỳ khưu đều phạm tội bất cộng trụ trong giờ trộm. Nếu trộm ngoài giờ dạy, tỳ khưu dạy không phạm, tỳ khưu trộm phạm tội bất cộng trụ. Nhiều tỳ khưu rủ nhau đi trộm, chỉ có 1 vị trộm được, cả thảy cũng đều phạm tội bất cộng trụ.

Tỳ khưu hăm dọa cho người sợ, để lấy của như của bọn trộm cướp, phạm bất cộng trụ. Tỳ khưu đổi thẻ có viết tên vị khác mà thí chủ để trên y đem bố thí; lấy thẻ của người cao giá, hoặc thấp hơn hoặc bằng giá như nhau, để gần của phần mình, tỳ khưu cắm thẻ của mình lên, vì muốn để trong phần của người khác, lấy thẻ của mình hoặc của người, mà chưa đổi thẻ để xuống, phần của người về mình, phần của mình về người thì chưa phạm, khi đổi xong, để thẻ xuống rồi mới phạm bất cộng trụ.

Lại nữa, tỳ khưu tính trộm của người rồi đi, lúc đi trộm, đi mỗi bước là 1 Tác ác, rờ đụng nhằm cũng phạm tác ác, làm cử động của trộm phạm trọng tội. Đến khi trộm được của đáng giá 1 cắc, phạm tác ác. Nếu của ấy đáng giá hơn 1 cắc trở lên, chưa đến 6 cắc, phạm trọng tội. Của ấy đáng 6 cắc hoặc nhiều hơn phạm bất cộng trụ.

Lại nữa, điều học trộm cắp này rất sâu xa, vi tế có giải trong luật (sāmantapāsādika). Đây chỉ giải tóm tắt vậy thôi, và chư vị A-la-hán có dạy: điều học này rất cao sâu, khó định nghĩa được. Cho nên khi có người tố cáo tỳ khưu trộm cắp, dầu luật sư có hỏi theo thể thức trộm cắp, nếu thấy cũng không nên vội định tội, nên hỏi đến 5 điều này trước: vật (vatthu), giờ (kāla), xứ (puratesa), giá (agha), dùng (paribhoga). “Vật” là của tỳ khưu trộm, đem vật ấy đến hỏi tra coi, vật ấy có chủ hay không, nếu có chủ, sau khi trộm được, chủ còn thương tiếc hay bỏ. Nếu chủ còn thương tiếc, phải xử theo giá vật trộm, bằng chủ đã bỏ, không nên xử phạm bất cộng trụ. Nếu chủ đòi thì nên trả lại, như thế mới là chơn chánh. “Thời” là lúc trộm vật ấy, có khi của ấy cầm giá, có khi lên giá. “Xứ” là chỗ mà tỳ khưu trộm của được, trộm trong xứ nào, phải xử theo giá trong xứ ấy. “Giá” là giá của vật trộm đã dùng rồi hoặc chưa. Nếu vật ấy người đã dùng rồi thì giá rẻ. Ấy là 5 điều nên tra hỏi trước.

Thể thức không phạm tội: Tỳ khưu tưởng là của mình rồi cầm lấy, lấy vì thân thiết với nhau, mượn nhau để dùng, vật ấy của tinh, quỉ hoặc súc sanh, không phải của người lượm ngoài đường là vật không có chủ và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này phạm tội vì dạy người khác trộm (sāṇattika) có 5 chi: của người gìn giữ (parapariggahitaṃ); tưởng là của người gìn giữ (parapariggahitasaññitā); của ấy đáng giá 1 bát[29] hoặc cao hơn (garuparikkhāro); ý tính trộm cắp (theyyacittaṃ); đã trộm được theo lẽ đã giải trước (avaharanaṃ). Ðều đủ cả 5 chi ấy mới phạm bất cộng trụ.

Điều học này có 3 chỗ sanh gọi là “chỗ sanh tội trộm cắp” (adinnādānā samuṭṭhāna), là tội sanh do: thân-ý, khẩu-ý, thân-khẩu-ý, phạm vì làm (kiriyā), khỏi tội vì tưởng (saññāvimokkha), phạm vì cố ý (sacittaka), phạm tội vì đời (lokavajja), thân nghiệp (kāyakamma), khẩu nghiệp (vacikamma), ác tâm (akusalacitta). Có 3 thọ: thọ khổ (ekāvedanā), thọ vui (dvivedanā), thọ vô ký (tissovedanā).

3. Giết người (manussa viggaha)

Tỳ khưu cố ý giết người phạm tội bất cộng trụ.

Ðiều học này đức Thế Tôn cấm chế tại phước xá[30] có đãnh trong rừng Tuyết sơn, gần thành Vesāli do chư sư sát hại lẫn nhau vì được nghe đức Phật giảng giải sự ô trược và điều khổ của thân ngũ uẩn, rồi tưởng lầm, nên giết lẫn nhau cho hết khổ.

Chú giải: Tỳ khưu cố ý giết người, dầu là bào chế thuốc uống, đập, đánh, chỉ cách giết, hoặc để khí giới giết người, hoặc giảng lời tặng khen về sự chết rằng: người sống có ích chi, xấu xa, đê hèn, không bằng chết còn hơn, chết sanh về cõi vui hoặc dạy cách chết, là dạy “người nên đâm họng, nên uống thuốc độc...” giải như thế mà người chết trong khi ấy, hoặc lâu ngày mới chết, tỳ khưu phạm bất cộng trụ. Người là vật của bất cộng trụ, không phải người tinh, quỉ (phi nhơn) là vật của trọng tội, thú là vật của ưng đối trị.

Tỳ khưu dạy người giết có 6 điều: 1) Định giết người: Dạy kẻ nào, người chịu lời đi giết kẻ ấy thì phạm tội cả 2 người (người dạy và người đi giết), nếu giết lầm kẻ khác, người bảo không phạm bất cộng trụ; 2) Định giờ: Nếu người chịu lời, giết ngoài giờ dạy, thì người dạy không phạm bất cộng trụ; 3) Định chỗ: Nếu tỳ khưu dạy giết người ở trong nhà này, nơi khoảng trống kia, mà người chịu lời đi giết ngoài chỗ đã định, thì người dạy không phạm bất cộng trụ; 4) Định khí giới: Dạy người giết bằng đao, chĩa, người chịu lời lại đi giết bằng khí giới khác, thì người bảo giết không phạm bất cộng trụ; 5) Định oai nghi: Dạy giết kẻ đứng hoặc đi, người chịu lời lại giết kẻ ngồi hoặc nằm, thì người bảo giết không phạm bất cộng trụ; 6) Định cách giết: Dạy giết bằng cách đâm hoặc chém, người chịu lời lại giết bằng cách đánh hoặc cưa, thì người bảo giết không phạm bất cộng trụ.

Lại nữa, nếu người chịu lời đi giết không được, người dạy bảo thêm rằng: nếu ngươi có thể giết được giờ nào nên giết giờ ấy, như thế dầu là lâu đến đâu, người giết chắc sẽ giết được, người dạy phạm trọng tội trong lúc dạy, người giết phạm tội trong khi giết.

Tỳ khưu đào giếng, đào hầm, gài bẫy, để khí giới hoặc bỏ thuốc độc để giết người, nếu muốn giết người nào, người ấy chết mới phạm tội, bằng không định, nghĩ rằng: “nhằm kẻ nào thì kẻ ấy chết”, như thế phạm tội theo hạng người chết; như nhằm A-la-hán, cha, mẹ của tỳ khưu ấy chết thì phạm ngũ ngịch đại tội và “Bất cộng trụ”. Nếu kẻ khác hoặc tinh, ngạ quỉ, hoặc thú chết thì phạm trọng tội hoặc ưng đối trị. Nếu tỳ khưu đưa bẫy, viết thơ cho kẻ khác hoặc bán cho người đem dùng để giết thì phạm tội cả 2 bên. Nếu tỳ khưu ăn năn, đi đòi hoặc mua vật ấy lại thì mới khỏi tội. Tỳ khưu tự mình làm bẫy, viết thơ nên đem đốt cho hết mới khỏi tội. Nếu đốt chưa cháy hết, kẻ khác đem giết người, tỳ khưu cũng không khỏi tội; thơ chưa cháy tiêu có kẻ khác đem học biết cách để giết người, rồi giết theo thơ ấy, tỳ khưu cũng không khỏi tội.

Tỳ khưu đào giếng, đào hầm cho sanh vật chết, lúc đào phạm tội tác ác mỗi lần đào; nếu thú, phi nhân sa vào bẫy, tỳ khưu phạm tội tác ác, thú chết phạm ưng đối trị, phi nhơn chết phạm trọng tội; người mắc bẫy phạm trọng tội, chết phạm bất cộng trụ.

Thể thức không phạm tội: Tỳ khưu không cố ý giết, không biết (như không biết trong cơm có thuốc độc, đem cho kẻ khác ăn rồi chết và tỳ khưu điên đều không phạm tội).

Ðiều học này “phạm tội vì dạy kẻ khác giết” (sānatika) có 5 chi: loài người (manussajātipāno), biết là người có sanh mạng (pānasaññiṭā), cố ý giết (upakkamo),  ráng sức giết 1 trong 6 điều đã giải (vadhakacittaṃ), người ấy chết vì nình ráng sức (tena maranaṃ). Ðều đủ cả 5 chi ấy mới phạm bất cộng trụ.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học trộm cắp (adinnādānā samuṭṭhāna), phạm vì làm (kiriyā), khỏi phạm vì tưởng (saññāvimokkha). Cố ý (sacittaka), phạm vì tội đời (lokavajja), thân nghiệp (kāyakamma), khẩu nghiệp (vacikamma), ác tâm (akusalacitta), thọ khổ (ekāvedanā).

4. Khoe pháp bậc cao nhơn (uttarimanussadhamma)

Tỳ khưu khoe pháp của bậc cao nhơn là pháp của người cao thượng mà tự mình không có, phạm bất cộng trụ.

Ðiều học này đức Thế Tôn cấm chế tại phước xá, có đỉnh (kutāgārasālā), trong rừng Tuyết Sơn gần thành Vesāli, do nhóm tỳ khưu tu gần mé sông Veggumudā khoe pháp bậc cao cho người tín ngưỡng bố thí.

Chú giải: Tỳ khưu chưa giác ngộ, song là người ham muốn sự tặng khen, rồi khoe rằng đắc pháp bậc cao thượng, mà tự mình chưa được, nếu có người biết nghe rõ, trong khi ấy, sau rồi bị tra hỏi hoặc không bị tra hỏi, tỳ khưu ấy cũng phạm bất cộng trụ trong khi khoe ấy. Dầu muốn được trong sạch, hoàn tục rồi trở lại nói rằng: “Tôi không đắc đạo cao nhơn cố ý nói đắc, là tôi nói dối”, như thế ấy cũng không phạm bất cộng trụ.

Pháp của bậc cao nhơn là “4 thiền hữu sắc, 4 thiền vô sắc, lục thông[31]; 4 đạo, 4 quả và Niết-bàn, 37 phần pháp Bồ đề; không tham, không sân, không si, 3 cái giác, 8 cái giác...” Đều là pháp của bậc cao nhân, vì người nào đắc các pháp ấy đều gọi là bậc cao thượng hơn thường nhơn.

Tỳ khưu không có pháp cao nhơn trong mình mà nói rằng “ta đắc sơ thiền... ta đắc thần thông, ta đắc quả...”, nói như thế, khi tính nói cũng biết ta sẽ nói dối, lúc đang nói cũng biết ta đang nói dối, khoe đến kẻ nghe khác, kẻ ấy dầu là bậc xuất gia hay cư sĩ được hiểu biết trong khi ấy rằng: “Vị tỳ khưu đã đắc thiền định đạo quả...”. Họ tin thiệt hoặc họ không tin lời nói thiệt, tỳ khưu cũng phạm bất cộng trụ. Nếu nói đến người nghe, không hiểu biết, tỳ khưu phạm trọng tội. Muốn khoe khoang mà nói mé rằng “người nào mà ngụ trong chùa này đều là người đắc thiền định”, người nghe hiểu biết trong khi ấy, tỳ khưu phạm trọng tội; người nghe không hiểu biết, tỳ khưu phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Nói thiệt rằng mình đã đắc... không cố ý khoe và tỳ khưu điên, đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác khoe (anāṇattika), có 5 chi: khoe pháp cao nhơn mà tự mình không có (uttarimanussadhammassa atāni asantatā); khoe vì muốn được lợi, được khen (pāpicchatāya tassa ārocanaṃ); khoe theo lời của người khác (anaññāpadeso); khoe nói đến người nào, người ấy là loài người (yassu āroceti tassa manussajātikatā); khoe mà người nghe hiểu biết rõ rệt trong khi ấy (taṃ khanaṃ vijānanam). Ðều đủ cả 5 chi ấy mới phạm bất cộng trụ.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) cũng như trong điều học trộm cắp (adinnādānā).

Ðức Phật giải về 5 bọn cướp lớn:

Này các tỳ khưu, trong Phật pháp này có 5 bọn tỳ khưu cướp lớn. Này các tỳ khưu! 5 bọn tỳ khưu cướp lớn như thế nào?

Này, các tỳ khưu! Có bọn cướp lớn trong thế gian, suy xét rằng: bao giờ ta được 100 hoặc 1000 bộ hạ quy thuận, ta sẽ vào trong xóm, làng, châu, quận giết hại đốt phá hoặc bảo kẻ khác giết hại đốt phá dân cư ấy. Ðến sau, bọn cướp ấy được 100 hoặc 1000 người tùy tùng, rồi đem nhau vào xóm, làng, châu, quận đánh đập giết hại các cư dân ấy, thế nào. Này các thầy tỳ khưu! Sự suy xét của tỳ khưu ác trong Phật pháp này cũng như thế. Tỳ khưu ác ấy suy xét rằng: bao giờ ta được 100 hoặc 1000 người sùng bái, ta sẽ vào xóm, làng, châu, quận, ta sẽ được các thứ y, món ăn, chỗ ở và thuốc men mà các hàng cư sĩ hoặc bậc xuất gia thành tâm cúng dường. Đến khi sau, tỳ khưu ác ấy được 100 hoặc 1000 người phục tùng, rồi vào xóm làng châu, quận, xin được y, vật thực, chỗ ở và thuốc men mà các hàng cư sĩ hoặc bậc xuất gia hết lòng tôn kính cúng dường. Nầy các tỳ khưu! Tỳ khưu ấy gọi là kẻ cướp lớn thứ nhất, có rõ rệt trong thế gian.

Nầy các tỳ khưu! Còn nguyên nhân khác nữa: trong Phật pháp này, có tỳ khưu ác, học hỏi pháp luật mà Như Lai đã giảng giải, rồi tự thiêu đốt lấy mình[32]. Này, các tỳ khưu! Tỳ khưu ấy gọi kẻ cướp lớn thứ nhì, có rõ rệt trong thế gian. Này, các tỳ khưu! Còn nguyên nhân khác nữa trong Phật pháp này có bọn tỳ khưu khác vô cớ[33] tố cáo tỳ khưu trì giới thanh cao đang hành pháp cao thượng trong sạch, rằng tu hành không cao thượng[34]. Này, các tỳ khưu! Tỳ khưu ấy gọi là kẻ cướp lớn thứ ba, có rõ rệt trong thế gian. Này, các tỳ khưu! Còn nguyên nhân khác nữa trong Phật pháp này có tỳ khưu ác, muốn làm cho vừa lòng hành cư sĩ, đem tài sản của tăng hoặc phụ tùng là: 1) bông và cây, 2) chỗ trồng bông và cây, 3) tịnh thất, 4) chỗ cất tịnh thất, 5) giường, 6) bàn thấp dài, 7) nệm, 8) gối, 9) nồi, 10) cân, 11) thùng, 12) chậu làm bằng loại kim, 13) dao nhỏ, 14) búa, 15) rìu, 16) xuổng, 17)[35] vá, 18) dây, 19) tre dài 8 ngón tay trở lên, 20) cỏ thường, 21) cỏ năn nỉ, 22) cỏ ống, 23) đất sét, 24) vật làm bằng cây, 25) vật làm bằng đất. Này, các tỳ khưu, tỳ khưu ấy gọi là kẻ cướp lớn thứ tư, rõ rệt trong thế gian. Này, các tỳ khưu! Tỳ khưu nào khoe pháp bậc cao nhơn, mà chính mình không có rõ rệt, tỳ khưu ấy gọi là kẻ cướp thứ năm, là kẻ cướp lớn tột bực trong thế gian và cả luôn cõi trời, cõi Dạ ma thiên (Yāmā), cõi Phạm thiên, trong các bọn chúng sanh cho đến Sa-môn, Bà la môn và các bậc vua chúa.

Vì sao Như Lai giải như thế? Này, các tỳ khưu, vì tỳ khưu cướp cục cơm của hàng cư sĩ đem ăn. (Đức Chánh Biến Tri muốn cho việc này được rõ rệt, mới giải thêm kệ ngôn sau đây): Tỳ khưu nào tu hành không được trong sạch, mà làm cho kẻ khác biết mình là trong sạch, tỳ khưu ấy gọi là cướp vật thực của họ, đem về dùng, như người thợ săn núp mình bên lùm cây mong chờ bắn thú. Tỳ khưu chỉ dùng y ca sa mặc cho kín mình, nhưng tu hành theo phép xấu xa, không thu thúc (theo pháp luật) là người rất dơ bẩn, tỳ khưu ấy chắc hẳn phải đọa vào địa ngục vì tự mình gây ra nghiệp quấy. Nên ăn cục sắt đang cháy như ngọn lửa còn tốt hơn tỳ khưu phá giới không thu thúc (theo pháp luật) ăn cục cơm của hàng cư sĩ.

II. Mười ba điều học tăng tàn (saṅghādisesa)

Tăng tàn là tăng nhờ tăng hợp lại phạt cấm phòng sửa lỗi cho giáo hội giao thiệp (vuttānagamini).

1. Di tinh (sukkavisatthi)

Tỳ khưu cố ý làm tinh di khỏi chỗ, phạm tăng tàn.

Ðiều học này, đức Phật cấm chế tại Kỳ Viên tịnh xá (Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sāvatthī) do tỳ khưu Seyyasaka làm cho tinh di.

Chú giải: Tỳ khưu muốn tinh di cho khỏi bịnh, cho được vui thích... rồi ráng sức dùng tay hoặc dạy kẻ khác làm, hoặc rờ rẫm ngọc hành bằng tay, hoặc nằm sắp đè ngọc hành, hoặc kẹp trong bắp vế ... rồi làm cho tinh di, dầu chỉ vừa cho con ruồi nhỏ nuốt được, dầu tinh chưa ra, là chưa xuất ra ngoài cũng phạm tội tăng tàn. Cố ý muốn cho tinh di, cầm da ngọc hành để tiểu tiện, tinh di phạm tăng tàn, tinh không di phạm trọng tội. Cố ý nắm ngọc hành của sa di đang ngủ, tinh di phạm tác ác. Xem chỗ kín của phụ nữ, tinh di phạm tác ác.  

Thể thức không phạm tội: Lúc nằm mộng không cố ý và tỳ khưu điên đều không phạm tội. Không cố ý cho tinh di và không cố ý vui thích cũng không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika) có 3 chi: tác ý muốn làm cho tinh di (cetanā); ráng sức làm (upakkamo); tinh đã di (mocanaṃ). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm tăng tàn.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) cũng như trong điều học Bất cộng trụ thứ nhất (pathama pārājika samuṭṭhāna).

2. Đụng chạm vào mình phụ nữ (kāyasaṃsagga)

Tỳ khưu cố ý đụng cọ nhằm mình phụ nữ, phạm tăng tàn.

Ðiều học này, đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do tỳ khưu Udāyi rờ rẫm phụ nữ.

Chú giải: tỳ khưu rờ rẫm mình phụ nữ, dầu mới sanh trong vòng 1 ngày cũng phạm tội tăng tàn. Bộ nấp, nữ, ngạ quỉ, tinh, đều là vật Trọng tội; thú cái, thú đực, người nam đều là vật của tội tác ác. Phụ nữ, tỳ khưu biết là phụ nữ rồi chạm nhằm, vì lòng vui thích cho đến sự đụng chạm lông với lông. Phụ nữ đụng mà tỳ khưu có lòng vui thích sự đụng chạm ấy, tỳ khưu phạm tăng tàn. Phụ nữ, tỳ khưu nghi là phụ nữ, hoặc không phải là phụ nữ, hoặc tưởng là bộ nấp, là người nam, là thú rồi đụng nhằm vật dính với thân mình hoặc chạm nhằm vật dính với thân phụ nữ, như cọ nhằm y phục của phụ nữ, hoặc bộ nấp, tỳ khưu phạm trọng tội. Tỳ khưu đụng vật dính với thân phụ nữ, do vật dính với thân mình, hoặc phụ nữ liệng đồ tỳ khưu lãnh, liệng qua lại hoặc chạm nhằm bộ nấp, tỳ khưu nghi hoặc tưởng là phụ nữ, là người nam hoặc người nam mà tỳ khưu tưởng là phụ nữ, là bộ nấp, là thú, hoặc nghi rồi mà có lòng vui thích, rồi đụng nhằm mình hoặc cọ nhằm vật dính với thân liệng vật ấy qua lại... như thế đều phạm tội tác ác, phạm nhiều hay ít tùy theo vật và mỗi lần đụng. Tỳ khưu rờ hình phụ nữ, hoặc nắm chặt, rờ bằng 1 ngón tay hoặc trọn bàn tay, rờ từ đầu tới chân không rời chỉ phạm 1 tội. Nếu vật khác nhau rồi rờ bằng 5 ngón tay thì phạm đến 5 tội.

Thể thức không phạm tội: Phụ nữ đụng nhằm tỳ khưu, tỳ khưu không vui thích vì không cố ý muốn đụng, dầu biết sự đụng chạm ấy hoặc muốn cho khỏi rồi xô ra hoặc chạm nhằm vì vô ý, không biết, quên vì không lòng vui thích, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm vì dạy người khác (anāṇattika) có 5 chi: người phụ nữ (manussitthī); tưởng là phụ nữ (itthīsaññitā); ráng sức đụng chạm vừa theo sự vui thích (tenarāgena vāyāmo); vui thích vì sự chạm nhằm mình phụ nữ (kāyasaṃsaggarāgo); đụng chạm với nhau, nhất là nắm tay (hatthagāhādi samapajjānaṃ). Ðều đủ cả 5 chi ấy mới phạm tăng tàn.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) như trong điều học Bất cộng trụ thứ nhất (pathama pārājika sikkhāpada).

3. Nói lời hoa tình (dutthullavācā)

Tỳ khưu nói lời thấp hèn, nói ngay sản môn, nói với phụ nữ, như thế phạm tăng tàn.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthi do tỳ khưu Udāyi nói lời đê hèn thô tục với phụ nữ.

Chú giải: Tỳ khưu cố ý vui thích rồi trêu ghẹo phụ nữ như trai trêu ghẹo gái, phụ nữ biết được trong khi ấy, phạm tăng tàn. Người phụ nữ biết lời tốt hoặc xấu về sự hành dâm là vật phát sanh tăng tàn. Vật làm cho sanh trọng tội và tác ác như trong điều học trước. Lời nói về sản môn và giang môn về sự dâm dục với phụ nữ đều gọi là đê hèn, thuộc về chỗ phát sanh tăng tàn. Trong thân phụ nữ từ ngực xắp xuống, từ đầu gối trở lên là vật cho sanh Trọng tội, tứ chi ngoài ra là vật cho sanh Tác ác. Tỳ khưu nói: Này phụ nữ nào hầu hạ bằng nhục dục, đến người có giới luật, có đạo đức hành pháp phạm hạnh (hạnh thanh cao) như ta, sự hầu hạ ấy là cao thượng hơn các sự hầu hạ khác, nếu phụ nữ hiểu được trong khi ấy, tỳ khưu phạm tăng tàn.

Ðiều học này có 5 chi: người nữ (manussitthī); tưởng là người nữ (itthīsaññitā); vui thích trong chỗ nói lời hoa tình (dutthullavācāsarāgo); khen sự vui thích ấy (tenarāgena); phụ nữ nghe hiểu được trong khi ấy (tamkhanaṃ vajānanaṃ).

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) như trong điều học trước, chỉ khác nhau chỗ nói, khen sự hầu hạ bằng nhục dục.

4. Hầu hạ mình bằng nhục dục (attakāma paricariya)

Tỳ khưu có tình dục nói ướm cho phụ nữ hầu hạ mình bằng nhục dục, phạm tăng tàn.

Ðiều học này, đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do tỳ khưu Udāyi bảo phụ nữ hầu hạ mình bằng nhục dục.

Chú giải: Tỳ khưu nói: Này em gái, phụ nữ nào hầu hạ người có giới, có đạo đức, hành pháp phạm hạnh như ta, bằng nhục dục, sự hầu hạ ấy cao thượng hơn các sự hầu hạ khác. Nếu phụ nữ hiểu được trong khi ấy, tỳ khưu phạm tăng tàn.

Ðiều học này có 5 chi: người (manussitthī); tưởng là người nữ (itthīsaññitā); vui thích trong sự hầu hạ mình bằng nhục dục (attakāma pāricāriyāyarāgo); khen sự vui thích (tenaraganavannabhananaṃ); phụ nữ hiểu biết trong khi ấy (taṃkhanaṃvacānanaṃ).

Chỗ sanh tội như trong điều học trước, chỉ khác nhau chỗ nói khen bằng sự nhục dục.

5. Làm mai dong (sañcaritta)

Tỳ khưu làm mai dong cho trai và gái làm vợ chồng nhau phạm tăng tàn.

Ðiều học này, đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do tỳ khưu Udāyi làm mai dong.

Chú giải: Người nam, người nữ (không phải là ngạ quỉ, tinh) là kẻ thế hoặc là người xuất gia chưa được làm chồng vợ, hoặc đã làm chồng vợ mà từ bỏ hẳn nhau rồi, dầu là cha mẹ của tỳ khưu, đều là vật cho sanh tăng tàn.

Sự đem mai mối có 3 chi: 1) nam hoặc nữ, hoặc cha mẹ của người nữ, hoặc của người nam, cầu tỳ khưu nói đến người nữ, hoặc người nam cầu tỳ khưu nói đến cha mẹ của người nữ hoặc tỳ khưu hứa lời của người (patigganhāti); 2) họ cầu đi nói người nào, tỳ khưu nói với người ấy rằng: “ngươi hãy làm chồng, làm vợ với nhau, hoặc trai gái cùng nhau (vimamseti)”; 3) người nào cầu đi nói, tỳ khưu trở về nói lại với người ấy (paccāharati). Làm mai dong cho người, được hoặc không được không quan trọng, nếu có đủ 3 chi ấy, phạm tội tăng tàn. Nếu chỉ có 2 chi, là chịu đi nói hoặc đã nói rồi, trở lại cho hay (1 trong 2 chi nào) thì phạm trọng tội. Nếu chỉ có 1 chi là chịu đi nói hoặc trở về nói lại (trong 1 chi nào) thì phạm tội tác ác.

Nếu trai cầu tỳ khưu đi nói với gái có mẹ gìn giữ, tỳ khưu đi nói với gái ở với cha, như thế sai lời cầu, không phạm tăng tàn. Tỳ khưu làm mai dong cho bộ nấp phạm trọng tội.

Thể thức không phạm tội: Tỳ khưu đem tin của tăng, tin của tỳ khưu bịnh và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này phạm tội vì dạy kẻ khác (sānattika) tỳ khưu đã chịu lời người, dạy kẻ khác nói đến trai, hoặc gái đã nói rồi, dạy kẻ khác trở về nói cho người cầu ấy hay, cũng phạm tăng tàn, có 5 chi: đem lời cho người nào, người ấy là người thiệt (không phải phi nhơn) (yesaṃ sañcariṭṭaṃ samāpajjati tesaṃ manussajātikatā); họ không phải là vợ chồng với nhau từ trước hoặc là đã có làm chồng vợ rồi, song đã từ bỏ nhau hẳn rồi (nanālaṃvacaniyatā); chịu lời cầu (paṭigganhānaṃ); nói theo lời người cầu (vimamsanaṃ); trở lại cho người cầu hay biết (paccāharanāni). Ðều đủ cả 5 chi ấy mới phạm tăng tàn.

Có 6 chỗ sanh (sāmutthāna) là: Tỳ khưu không biết luật cấm, hoặc không biết họ đã từ bỏ hẳn nhau rồi, chịu lời đi nói, hoặc ra dấu hiệu trở lại cho hay bằng cách ra dấu hiệu, như thế là tội phát sanh do thân.

Tỳ khưu ngồi, trai đến cầu gởi rằng: “gái ấy sẽ lại tìm ông, xin ông biết bụng người” rồi tỳ khưu chịu lời rằng “Ờ, phải rồi”. Khi gái đến, tỳ khưu nói lại, khi trai trở lại thì tỳ khưu cho hay như thế, là tội phát sanh do khẩu, vì tỳ khưu không có ra dấu hiệu.

Lại nữa, tỳ khưu nhận lời của trai bằng khẩu, rồi đi đến nhà gái, vì nguyên nhân nào khác, gặp gái ấy rồi nói, rồi vì nguyên nhân nào khác trở lại gặp nói lại với trai ấy, như thế, gọi là chỉ phát sanh do khẩu.

Tỳ khưu không biết luật cấm, dầu bậc A-la-hán cha dạy đi, ngài cũng đi nói với mẹ (đây nói về cha mẹ đã từ bỏ nhau rồi), rằng: người hãy trở về hầu hạ cha đi, rồi tỳ khưu trở về cho cha hay biết, như thế gọi tội phát sanh do thân, khẩu (3 cách) như thế gọi là “chỗ sanh tội vì vô ý” (acittaka samuṭṭhāna) nghĩa là: tỳ khưu biết, hoặc là không biết cũng phạm tội.

Tỳ khưu biết luật cấm, hoặc biết rằng: họ đã từ bỏ hẳn rồi, còn đem mai mối cả 3 cách ấy, 3 chỗ sanh ấy gọi là “chỗ sanh điều học làm mai dong” vì ý biết luật cấm và biết rõ họ đã bỏ hẳn nhau rồi gọi là: có 6 chỗ sanh như thế.

Phạm vì làm (kiriyā), không khỏi phạm vì tưởng (nosaññāvimokkha), không cố ý cũng phạm (acittaka), tội vì Phật cấm (paṇṇatiitvajja) thân nghiệp (kāyakamma), khẩu nghiệp (vacikamma), có 3 tâm (ticittaṃ), có 3 thọ (tissovedanā), thọ vui, thọ khổ và thọ vô ký.

6. Tạo thất (saññācika)

Tỳ khưu tạo thất tô bằng vôi với đất sét không có người đứng làm chủ cất cho mình ở, phải làm cho đúng mực thước, là: bề dài 12 gang, bề ngang 7 gang (1 gang của đức Phật, bằng 3 gang người bực trung), khi cất phải cho tăng chỉ chỗ trước rồi mới nên cất, nếu không do tăng (saṅgha) chỉ chỗ hoặc cất cho quá mực, phạm tăng tàn. (Điều học này gọi kūtikāra cũng được)

Ðiều học này, đức Phật cấm chế tại Trúc Lâm tịnh xá (Veluvanā) gần thành Vương Xá (Rājagaha) do chư sư A-la-vi dạy người cất thất cho mình quá mực định.

Chú giải: Tỳ khưu chủ thất không cho tăng chỉ chỗ cho cất, hoặc cất lớn quá thước tấc, trong mỗi khi làm phạm tội tác ác, còn dư vôi 2 cục nữa thì cất xong, còn dư 1 cục đầu phạm trọng tội, làm xong phạm tăng tàn.

Ðiều học này có 7 chi: mô tả phía trong và phía ngoà; phía dưới không đúng thước; không có tăng chỉ chỗ cho; cất lớn quá thước; cất cho mình ở; cất làm để ở; tô cả nóc và vách

Chỗ sanh tội như trong điều học làm mai dong (sañcarita).

7. Tạo thất lớn (mahallaka)

Tỳ khưu tạo thất lớn, nếu thất ấy có thí chủ, làm chủ cất, làm lớn quá mực thước được, song phải trình cho tăng chỉ chỗ trước mới nên làm. Nếu tỳ khưu không cho tăng chỉ chỗ, cất phạm tăng tàn.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại tịnh xá của trưởng giả (ghosita) gần thành Kosambi do tỳ khưu Channa tạo thất lớn quá mực thước.

Chú giải: điều học này như điều học trước, chỉ khác nhau đây là không định “thất lớn, nhỏ”.

8. Vô cớ cáo gian (amūlaka)

Tỳ khưu giận rồi cố ý cáo vị khác phạm tội bất cộng trụ, do không có cớ, phạm tăng tàn.

Ðiều học này, đức Phật cấm chế tại Trúc Lâm tịnh xá (Veluvana), gần thành Vương Xá (Rājagaha) do tỳ khưu Mettiya và Kummajaka cáo gian đại đức Dabbamallaputta, sa di 7 tuổi đắc A-la-hán quả.

Chú giải: tỳ khưu vô cớ cáo gian dầu sau có ai hỏi, hoặc không có ai hỏi, rồi tự mình khai rằng “Tôi đã nói dối”, như thế ấy cũng phạm tăng tàn. Trong khi tố cáo ấy, mắt không thấy, tai không nghe, không nghi rằng: “Tỳ khưu ấy phạm 1 trong 4 tội bất cộng trụ”, không nghe ai nói, như thế gọi là vô cớ cáo gian. Cáo gian có 4 cách, cáo rằng: ông hành dâm (chỉ vật); ông phạm tội vì hành dâm (chỉ tội); hành lễ phát lộ (uposatha), là lễ tự tứ (pavāraṇā[36]), hành tăng sự với ông không được; ông không phải là Sa-môn (cấm ngăn sự tôn kính). Cáo gian đều đủ đến điều thứ tư, mới phạm tội.

Tỳ khưu cáo gian đến người trong sạch (vô tội) hoặc không trong sạch, cáo vì tội bất cộng trụ nào, người ấy không phạm tội bất cộng trụ ấy, muốn làm cho tỳ khưu ấy xa khỏi phạm hạnh (brahmacariya), không cho tỳ khưu biết trước bằng lời này “Ngài hãy cho phép tôi, tôi muốn nói với ngài (karotume āyasmā okāsaṃ ahantaṃ)”, nếu không nói như thế trước, rồi tố cáo sau, mà tỳ khưu ấy biết trong khi ấy rằng “Họ cáo mình như thế”, tỳ khưu tiên cáo phạm tội tăng tàn và tội tác ác trong mỗi lời cáo gian, khi tiên cáo cho tỳ khưu bị cáo biết trước rồi sẽ cáo sau, chỉ có phạm 1 tội tăng tàn, dầu là tỳ khưu cáo bằng lời nói hoặc ra dấu hiệu trước mặt, cũng vậy. (Cáo “sau lưng”, lúc vắng mặt không kể).

Tỳ khưu dạy kẻ khác cáo, người cáo, do theo lời dạy cáo gian, thì chỉ có người dạy phạm tội, như đoạn trên đã có giải rõ. Nếu người chịu lời đi cáo nói “ta cũng được thấy, được nghe vậy”, thì phạm tội tăng tàn cả 2 người. Tỳ khưu không cho người biết trước rồi chửi mắng phạm tội ưng đối trị và tội tác ác. Nếu cho biết trước rồi cảnh cáo sau, chỉ phạm 1 tội ưng đối trị.

Thể thức không phạm tội: Tỳ khưu tưởng là người không trong sạch là người trong sạch, là người trong sạch trong người không trong sạch đi cáo, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này phạm tội vì dạy người (sānattika), có 5 chi: tự mình cáo hoặc dạy người cáo người đã tu lên bực trên (upasampannoti saṃkhayaṃ gamaṇaṃ); tưởng người ấy là người trong sạch (tasmiṃ suddhasaññitā); cáo vì tội bất cộng trụ, không có cớ (amūlakatā); tự mình cáo hoặc dạy người cáo trước mặt, cho xa khỏi phạm hạnh (cāvanādhippāyenasammukhācodanāvācodāpadāvā); người bị cáo biết trong khi ấy (tassataṃ khanaṃ vijānanaṃ). Ðều đủ 5 chi ấy mới phạm tăng tàn.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) cũng như trong điều học trộm cắp (adinnādāna samuṭṭhāna) chỉ khác nhau điều học này thuộc về thọ khổ.

9. Nhơn cớ khác cáo gian (annabhāgiya)

Tỳ khưu giận hờn vị khác rồi cố tìm cớ, nhất là tìm dòng, phái đem cáo người vì tội bất cộng trụ, phạm tăng tàn.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Veluvana gần thành Rājagaha do tỳ khưu Mettiyavākummajaka nhơn cớ khác mà cáo gian vị A-la-hán Dabhamallaputta.

Chú giải: tỳ khưu nhơn cớ khác, nhất là dòng vua, đem cáo vị khác phạm một tội bất cộng trụ nào, rồi dùng dòng ấy làm cớ để cho tỳ khưu cũng thuộc dòng vua như nhau rằng “người là dòng vua, hành dâm phạm tội bất cộng trụ” vì ta được thấy, được nghe, hoặc nghi như thế; phạm tội tăng tàn trong khi ấy, dầu sau có khai thiệt cũng không khỏi phạm tội.

10. Chia rẽ tăng (saṅghabheba)

Tỳ khưu ráng sức chia rẽ tăng (saṅgha[37]) cho xa nhau, tăng đã tụng lời khuyên can, ngăn cấm cho bỏ sự ấy, nếu không bỏ, phạm tăng tàn.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Veluvana gần thành Rājagaha do tỳ khưu Đề bà đạt đa (Devadatta) chia rẽ tăng.

Chú giải: tỳ khưu khuyên “ngài chẳng nên làm như thế, ngài hãy thuận hoà với tăng, vì Tăng hoà hảo như thế mới được an vui”, nếu tỳ khưu không nghe lời khuyên can thì phạm tội tác ác. Tỳ khưu được nghe, được thấy mà không ngăn cấm cũng phạm tội tác ác. Tỳ khưu không thể khuyên can được nữa, nên cho các tỳ khưu khác hay biết để gọi tỳ khưu ấy vào giữa tăng, cho tăng tụng samanubhāsana[38], nếu chịu bỏ thì tốt, bằng không thuận, phạm tác ác. Tăng tụng Samanubhāsana xong 1 bận, tỳ khưu phạm 1 tội tác ác; tụng xong 2 bận, tỳ khưu không bỏ, phạm trọng tội; tụng xong 3 bận, phạm tăng tàn.

Thể thức không phạm tội: Tăng chưa tụng samanubhāsana mà tỳ khưu chịu bỏ, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này có 4 chi: ráng sức chia rẽ tăng (bhedāyaparakkamanaṃ); tăng hành tăng sự theo pháp (dhammakammena samanubhāsanaṃ); tụng dứt thời khuyên can lần thứ ba (dhammavācā pariyosānaṃ); không chịu bỏ tà kiến (appatinissajanaṃ).

Chỗ sanh tội: thuộc về tụng lời khuyên răn (samanubhāsana samuṭṭhāna), phạm vì không làm (akiriyā) không phạm vì tưởng (saññāvimokkha), cố ý (sacittaka), tội vì đời (lokavajja), thân nghiệp (kāyakamma), khẩu nghiệp (vacīkamma), ác tâm (akusalacitta), thọ khổ (dukkhavedanā).

11. Hành theo tỳ khưu chia rẽ tăng (bhedānuvattaka)

Tỳ khưu hành theo tỳ khưu chia rẽ tăng, các vị khác khuyên can không nghe, tăng tụng samanubhāsana ngăn cấm cho dứt bỏ sự hành vi ấy, nếu không tuân theo phạm tăng tàn.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) cũng như trong điều học trước.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Veluvana gần thành Vương Xá (Rājagaha) do tỳ khưu Kajamo, Rakatissa, Khanda, Deviputta và Samuddadatta hành theo tỳ khưu chia rẽ tăng.

12. Tỳ khưu cứng cỏi (dubbaccayātika)

Tỳ khưu có tánh khó dạy, vị khác khuyên dạy cũng không nghe, tăng đã tụng samanubhāsana ngăn cấm cho bỏ chừa nghiệp ấy, nếu không tuân theo phạm tăng tàn.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Ghositārāma gần thành Kosambi do tỳ khưu Channa cứng cỏi.

Chú giải: tỳ khưu không cho vị khác thức tỉnh, nói rằng “các ngài đừng nói lời chi tốt, hoặc lời chi xấu đến tôi, tôi cũng chẳng nói lời lành hoặc dữ đến với các ngài, vậy các ngài hãy nín thinh, đừng nhắc nhở tôi như thế”. Khi các vị khác đã khuyên lơn mà không nghe, nên đem tỳ khưu ấy đến giữa tăng để tụng samanubhāsana. Khi tụng đến 3 bận mà không chừa bỏ tánh cũ, không tuân theo lời khuyên nhủ của tăng thì phạm tội tăng tàn.

13. Tỳ khưu nịnh hót (kuladūsaka)

Tỳ khưu bợ đỡ kẻ thế, tăng đã xử, đuổi ra khỏi chùa, rồi còn trở lại hủy báng tăng. Tăng đã tụng samanubhāsana ngăn cấm, nếu không tuân theo, phạm tội tăng tàn.

Ðiều học này cấm chế tại Kỳ Viên tịnh xá (Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sāvatthī) do tỳ khưu Assagi, Punabhasuka nịnh hót.

Chú giải: tỳ khưu ngụ nơi làng, xóm, nịnh hót, cho trái cây, bông cây... đến kẻ thế cho họ mất quả phước của sự bố thí đã làm đến mình, như thế gọi là nịnh hót.

Tỳ khưu có tánh xấu xa trồng cây để cho người thế, làm những việc ấy rõ rệt, đến tai, mắt người, vị khác được thấy, được nghe, nên đuổi ra khỏi xóm làng, tỳ khưu ấy trở lại nói xấu tăng đã đuổi rằng “thiên vị”, vì thương (chandāgati) hoặc ghét (dosāgati), hoặc lầm lạc (mohagati) hoặc sợ (bhayagati), nói như thế, các vị khác nghe được, thấy được, nên ngăn cấm không cho hủy báng tăng, nếu ngăn cấm không được phải đem đến giữa tăng để tụng samanubhāsana 3 bận rồi mà không bỏ tánh xưa thì phạm tăng tàn.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) như trong điều học trước.

Từ điều học “di tinh” (sukkavisatthi) đến điều học “nhơn cớ khác cáo gian” (aññabhāgiya), tỳ khưu phạm tội trong khi phá giới lần đầu (pathamāpattikā) trong 4 điều học sau (10,11,12,13) tỳ khưu phạm tội sau khi tăng đã tụng samanubhāsana xong 3 bận (yāvatatiyakā) mà không tuân theo thì mới phạm tăng tàn.

III. Hai điều học bất định (aniyatta)

Bất định nghĩa là chỗ kín hoặc chỗ trống không định cho nên có phạm tội, nhưng không có thể định tội trước được

1. Chỗ có thể hành dâm (alaṃkammaniya)

Tỳ khưu ngồi trong chỗ khuất mắt, chỉ hai người với phụ nữ, nếu có người đáng tin lời nói được, đến cáo vì phạm 1 trong 3 tội bất cộng trụ hoặc tăng tàn hoặc ưng đối trị, nếu tỳ khưu thú tội nào cho luật sư xử đoán theo điều luật ấy, hoặc họ đã cáo ngay tội nào cho luật sư trừng phạt ngay điều ấy.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ Viên tịnh xá (Vihāra Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sāvatthī) do nàng Visākhā thấy tỳ khưu Udāyi, ngồi nơi khuất mắt với 4 người nữ.

Chú giải: tỳ khưu nằm hoặc ngồi trong chỗ khuất mắt với 1 người phụ nữ, nếu có tín nữ đáng tin lời là bậc quý nhơn được thấy tỳ khưu rồi đi cáo vì tội bất cộng trụ hoặc tăng tàn hoặc ưng đối trị, tỳ khưu thú tội nào cho luật sư xử theo tội ấy, nếu chịu có hành dâm thì phạm theo điều học Bất cộng trụ, chịu có rờ rẫm phụ nữ thì nên phạt cấm phòng, do theo điều học tăng tàn, nếu chỉ có ngồi hoặc nằm với phụ nữ nên phạt ưng đối trị, bằng khai rằng: mình đứng hoặc phụ nữ đứng, không có làm điều chi thì luật sư không nên xử phạt, vì sự thấy ấy có khi cũng đúng như được thấy, có khi cũng không đúng thiệt như thấy không rõ rệt.

Tỳ khưu tìm phụ nữ nơi thanh vắng vì tình dục, đi mỗi bước mỗi phạm tội tác ác, đi đến nơi ngồi, hoặc nằm và phụ nữ mới đến ngồi hoặc nằm xuống hoặc phụ nữ đã ngồi hoặc nằm, tỳ khưu mới đến ngồi hoặc nằm xuống, hoặc hai người cùng ngồi hay nằm cùng nhau phạm ưng đối trị. Nếu có người nam sáng mắt ngồi xa 1, 2 hắc tay, vừa xem thấy được, là người có tâm phóng đãng, dầu ngồi ngủ gục, tỳ khưu cũng không khỏi phạm tội, người sáng mắt nhưng ngủ quên,tỳ khưu cũng không khỏi phạm tội, người mù dầu ngồi kề bên, dầu có 100 phụ nữ, tỳ khưu cũng không khỏi phạm tội.

Thể thức không phạm tội: Có người nam biết chuyện, mắt không mù, nằm không ngủ, hoặc người nam đi vào nơi ấy, hoặc tỳ khưu khi đứng, hoặc phụ nữ đứng, tỳ khưu ngồi mà tâm tưởng đâu đâu và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người (anāṇattika).

Chỗ phạm tội trong điều học này là lời thú nhận của tỳ khưu. Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) như trong điều học bất cộng trụ thứ nhứt (pathama pārājikakkhāpada).

2. Chỗ không thể hành dâm (anālam kammaniya)

Tỳ khưu ngồi chỗ khuất tai 2 người với phụ nữ, nếu có người đáng tin lời được đến cáo vi phạm 1 trong 2 tội tăng tàn hoặc ưng đối trị. Nếu tỳ khưu nhận phạm tội nào cho luật sư xử theo tội ấy, nếu họ cáo ngay điều học nào, cho luật sư xử phạt ngay tội ấy.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī do nàng Visākhā thấy tỳ khưu Udāyi ngồi chỗ khuất tai với hụ nữ.

Chú giải: điều học này cũng như điều học trước, chỉ khác nhau chỗ, dầu phụ nữ hoặc người nam biết chuyện, không mù, không điếc, ngồi hoặc đứng trong khoảng cách xa 12 hắc dầu có tâm phóng túng hoặc ngủ quên, tỳ khưu cũng khỏi tội. Người điếc dầu mắt sáng, người mù không điếc cũng không ngừa khỏi tội được.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) như trong điều học trộm cắp (sikkhāpada adinnādānā).

IV. Ba mươi điều học ưng xả đối trị (nissaggiya pācittiya).

Ưng xả đối trị nghĩa là phạm phép chứa cất y cāsa, bình bát, vàng, bạc… trái phép, nếu chịu xả vật ấy giao cho tăng rồi sám hối mới được khỏi tội.

Chia làm 3 phần: lễ dâng y lần thứ nhất (civaravagga) có 10 điều, ngọa cụ trộn với chỉ tơ lần thứ nhì (kosivavagga) có 10 điều, bình bát dư lần thứ ba (pattavagga) có 10 điều.

1. Lễ dâng y lần thứ nhất. Có 10 điều học:

1) Lễ dâng y lần thứ nhất (paṭhama kathina). Y chưa gởi, chưa nguyện gọi là y dư (atirekacivara) khi hết hạn quả báo lễ dâng y rồi tỳ khưu cất giữ y dư ấy, lâu lắm là đến 10 ngày. Nếu quá 10 ngày phạm ưng xả đối trị, nghĩa là y ấy là vật phải xả, còn tỳ khưu phạm ưng xả đối trị (pācittiya).

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại tháp Gotamaka gần thành Xá vệ (Sāvatthī) do Ānanda hỏi Phật.

Chú giải: Y có 6 thứ: y dệt bằng chỉ vỏ cây (khomaṃ); y dệt bằng chỉ bông (kappāsikaṃ); y dệt bằng chỉ tơ (koseyyaṃ); y dệt bằng lông thú (trừ lông của người, lông đuôi, lông cánh của thú) (kambalaṃ); y dệt bằng cây gai (sānaṃ); y làm trộn với 5 thứ chỉ trên (bhangaṃ). Tất cả y làm bằng 1 trong 6 thứ chỉ ấy, nếu tỳ khưu cất giữ đến mặt trời mọc đến ngày thứ 11 kể từ ngày thọ y mà không gởi, không nguyện, không xả, trong hạn kỳ 10 ngày, thì phạm ưng xả đối trị. Nếu không xả cho tăng, cho 1, 2 hoặc 3 tỳ khưu trước mà đem ra mặc, phạm tác ác (dukkaṭa). Y đã quá 10 ngày, tỳ khưu biết rằng quá 10 ngày hoặc nghi, hoặc tưởng chưa quá cũng phạm ưng xả đối trị. Y chưa quá 10 ngày, tưởng đã quá, hoặc nghi đem ra mặc, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Tỳ khưu đã nguyện, gởi, xả cho người nào trước 10 ngày, y thấy tiêu mất, bị lửa cháy, bị trộm cắp, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người (anāṇattika) có 5 chi: y của mình (civarassa attanosantakatā); y ấy đã đến tay mình, hoặc được nghe rồi là y của mình (gananupagātā); 2 điều bận (palibodha) đã dứt (niccha palibodhabhāvo)[39]; y ấy là y dư (atirekacivaratā); đã quá 10 ngày (dasāhātikamo). Đều đủ cả 5 chi ấy mới phạm ưng xả đối trị.

Chỗ sanh tội như trong điều học lễ dâng y lần nhứt (paṭhamakathina), phạm tội phát sanh do thân nghiệp (kayakamma), do thân-khẩu-ý (kāyavācācitta), phạm vì không làm (akiriyā), không khỏi phạm vì tưởng (nosaññāvimokkha), vô ý cũng phạm (acittaka), phạm vì Phật cấm (pannāttiviajja), thân nghiệp (kāyakamma), khẩu nghiệp (vacīkamma), có 3 tâm (ticittam), có 3 thọ (tissovedanā).

2) Lễ dâng y lần thứ nhì (dutiya kathina). Khi mãn hạn kỳ quả báo lễ dâng y rồi, tỳ khưu còn xa lìa tam y, dầu chỉ trong 1 đêm cũng phạm ưng xả đối trị, trừ ra tỳ khưu có bịnh và được tăng cho phép (điều học này gọi là “uddosita” cũng được).

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do đức Ānanda đi thấy tỳ khưu đem y để hong nắng rất nhiều, nên hỏi thăm mới hay là y của chư tỳ khưu gởi, bỏ đi đến xứ khác, do cớ ấy, đức Ānanda bèn bạch với Phật.

Chú giải: Tỳ khưu để y trong chỗ không có ngăn, che, phải ở trong nơi ấy không nên ở xa khỏi 1 hắc, 1 gang. Nếu nơi ấy có nhiều chủ, là nơi có ngăn che, để y nơi nào, phải ở trong nơi ấy, hoặc ở trong chỗ đô hội, hoặc gần cửa là nơi vô ra, không nên xa lìa khỏi hắc (hatthapāsa). Nếu để xa khỏi hắc đến mặt trời mọc, phạm ưng xả đối trị. Phải xả y ấy đến tăng, đến 2, 3 tỳ khưu hoặc đến 1 tỳ khưu, mới nên mặc được. Phải xả trước rồi sám hối sau mới khỏi tội. Tam y mà tỳ khưu đã xa lìa rồi, biết rằng đã xa lìa, hoặc nghi, hoặc tưởng, không xa lìa cũng phạm ưng xả đối trị. Tam y mà tỳ khưu chưa xa lìa, hoặc chưa xả mất mà tưởng đã mất… nghi, hoặc chưa xả, chưa nguyện (đặt tên y làm dấu) rồi xa lìa y ấy, cũng phạm ưng xả đối trị. Tam y mà tỳ khưu chưa xa lìa, tưởng rằng đã xa lìa hoặc nghi rồi đem mặc, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: tỳ khưu đã xả nguyện gởi... trước khi mặt trời mọc, tỳ khưu có bịnh, có tăng cho phép; và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm vì dạy người (anāṇattika) có 4 chi: y mà tỳ khưu đã nguyện đặt tên rồi (adhiṭṭhita civaratā); không có quả báo lễ dâng y (anatthatakathinatā); không có tăng cho phép (aladdhasammatitā); ở xa y ấy đến khi mặt trời mọc (rattivikappavāso). Ðều đủ cả 4 chi ấy phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội trong điều học lễ dâng y lần thứ nhất chỉ khác nhau là điều học trước không được nguyện, không được gửi gọi là phạm vì không làm (akirayā), trong điều học này phạm vì không xả nguyện trước khi mặt trời mọc gọi là phạm vì không làm (akiriyā).

3) Lễ dâng y lần thứ 3 (tatiya kathina). Nếu vải phát sanh ngoài lễ dâng y[40] (akālacivara) đến tỳ khưu, tỳ khưu được rồi muốn làm y nhưng vải ấy thiếu, không đủ, nếu cố ý để tìm thêm hoặc tin chắc rằng sẽ được vải nữa, nên để vải ấy lâu lắm đến 1 tháng, bằng cất giữ hơn 1 tháng phạm ưng xả đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Xá Vệ (Sāvatthī) do Ngài ngự xem thấy tỳ khưu được vải muốn làm y mà thiếu, song cố ý tìm vải thêm để may y.

Chỗ sanh tội như trong điều học lễ dâng y lần thứ nhất, chỉ khác nhau là điều học này để quá 1 tháng.

4) Dạy tỳ khưu ni giặt y (civara dhovana). Tỳ khưu sai tỳ khưu ni không phải bà con đi giặt y hoặc nhuộm y cũ, phạm ưng đối trị (điều này gọi là purānacivara cũng được).

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do tỳ khưu Udāyi sai tỳ khưu ni là vợ cũ đi giặt y.

Chú giải: Tỳ khưu bảo tỳ khưu ni không phải bà con đi giặt, nhuộm y cũ đã có mặc rồi, dầu chỉ đã mặc rồi 1 lần, cũng phạm ưng xả đối trị.

5) Lãnh y nơi tay tỳ khưu ni (civarappaṭigahana). Tỳ khưu thọ y nơi tay tỳ khưu ni không phải bà con phạm ưng xả đối trị, trừ ra đổi y với nhau.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Veluvana gần thành Rājagaha do tỳ khưu Udāyi lãnh y nơi tay tỳ khưu ni.

6) Xin y nơi người không phải bà con (aññatakaviññatti). Tỳ khưu xin y nơi người thế không phải bà con, không phải người có yêu cầu, nếu xin được y phạm ưng xả đối trị (trừ ra có duyên cớ nên xin y được, là khi y bị cướp, hoặc bị hư, mất, cháy).

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do tỳ khưu Upananda xin y nơi nhà phú trưởng giả không phải bà con.

Chú giải: thí chủ là bà con, tỳ khưu tưởng không phải bà con, nghi rồi đi xin phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Xin có duyên cớ[41], hoặc xin nơi bà con, hoặc nơi người có yêu cầu, xin cho người khác, đổi với nhau và tỳ khưu điên đều không phạm tội. Nếu có cớ, đức Phật cho phép xin y nơi người không phải bà con, nếu chưa được xin đi đến chùa trước, dùng y để trong chùa, y để trải giường, nệm của tăng trong chùa này rồi sẽ trả lại cũng nên. Nếu không có ý như thế, nên che mình bằng cỏ hoặc lá cây rồi mới nên đi, nếu đi lõa thể, phạm tác ác. Người thế có đức tin bạch rằng “tôi yêu cầu bố thí 4 món vật dụng, nếu đại đức cần dùng món chi xin cho tôi biết, tôi sẽ dâng” như thế gọi là yêu cầu, người yêu cầu bố thí ngay món nào, nếu cần dùng chỉ nên xin món ấy; dâng sao dùng vậy chẳng nên đòi hỏi thêm. Xin nơi bà con và người yêu cầu của mình, xin cho tỳ khưu khác không phạm.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người (anāṇattika) nhờ tỳ khưu khác đi xin nơi bà con và người yêu cầu của tỳ khưu cho mình, không phạm tội, có 4 chi: y có thước tất vừa gởi (vikappanupagacivaratā); không có duyên cớ (samayābhāvo); xin nơi người không phải bà con (aññātakaviññattita); xin được (patilābho). Ðều đủ cả 4 chi ấy mới phạm ưng xả đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) như trong điều học làm mai dong (sañcarita samuṭṭhāna), phạm vì làm (kiriyā), không khỏi phạm vì tưởng (nosaññāvimokkha), vô ý cũng phạm (acittaka), phạm vì Phật cấm (pannattivajja), thân nghiệp (kāyakamma), khẩu nghiệp (vacīkamma), có 3 tâm (ticitam), có 3 thọ (tissovedanā).

7) Trong mấy duyên cớ ấy (taduttara). Trong mấy duyên cớ ấy, tỳ khưu chỉ được phép xin y nội và y vai trái thôi (antaravāsaka, uttāsanga), nếu xin quá số, xin được thì phạm ưng xả đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do chư tỳ khưu phe thập thất sư, tìm các tỳ khưu bị mất y rồi dạy đi xin y rất nhiều.

Chú giải: Tỳ khưu cố ý muốn xin nhiều y nơi người không phải bà con, ra đi mỗi bước phạm mỗi tội ác, nếu xin được y phạm ưng xả đối trị.

Thể thức không phạm tội: Tỳ khưu nói “ta chỉ làm 2 cái y còn dư ta trả lại”, thí chủ nói “vải còn dư xin để dâng ngài”, xin nơi bà con hoặc người có yêu cầu và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người (anāṇattika) có 4 chi: vui thích trong y nhiều quá số (taduttarita); không có duyên cớ mất hết y (acchinnādikāramatā); xin y nơi người không phải bà con (aññātakaviññathitā); xin y được để cho mình (patilābho).

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) như trong điều học trước.

8) Định giá y lần thứ nhất (pathama upakkhata). Nếu thí chủ không phải bà con, không có yêu cầu họ nói sẽ dâng y đến tỳ khưu tên này, tỳ khưu ấy được biết rồi, đi nói cho họ dâng y như vầy, như kia, cao giá tốt hơn y của người đã định dâng, được y phạm ưng xả đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do tỳ khưu Upananda dạy người dâng y ca sa cao giá hơn của họ đã định.

Chú giải: Thí chủ bà con, tưởng không phải bà con, phạm tác ác.

Thí chủ mua y tốt hoặc giá cao, tỳ khưu dạy mua y xấu hoặc rẻ, hoặc bằng giá y mà họ đã định hoặc xin nơi bà con, nơi người có yêu cầu hoặc của mình nhờ kiếm giùm và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này thuộc về tikkapācittiya, có 3 chi: dạy dâng y cao giá hơn của người đã định (civarabhiyyokamyatā); xin nơi thí chủ không phải bà con (aññātakaviññathitā); được y theo giá định ấy (patilābho). Đều đủ 3 chi ấy mới phạm ưng xả đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) như trong điều học “trong mấy duyên cớ ấy”.

9) Định giá y thứ nhì (dutiya upakkhata). Nếu có người thí chủ, họ chung đậu dâng y đến tỳ khưu, từ 2 người trở lên đều là không phải bà con, không phải người có yêu cầu, tỳ khưu đi nói cho họ chung đậu nhau để mua y cao giá hoặc tốt hơn y mà họ đã định dâng ấy, được y phạm ưng xả đối trị.

Điều học này như trước, chỉ khác nhau là điều học này có nhiều thí chủ.

10) Các thí chủ nhất là vua (rāja). Nếu có người đem dâng để mua y, họ hỏi tỳ khưu “Bạch ngài, người nào hộ ngài?” Tỳ khưu cần dùng y nên chỉ người hộ (veyyāvaccakaraṇa) hoặc cận sự nam[42] (upāsaka) cho họ biết rằng “người này hộ chư sư trong chùa”. Khi họ đã giao y đến người hộ ấy, rồi đến bạch với tỳ khưu rằng: “Nếu ngài cần dùng y, xin cho người ấy hay. Khi tỳ khưu cần dùng y, nên cho người hộ ấy hay rằng “Ta cần dùng y”, như thế đến 3 lần, nếu không được y nên đi đứng cho vừa người hộ ấy xem thấy, đứng nhiều lắm đến 6 lần, nếu chưa được mà đi đòi cho quá 3 lần, đi đứng quá 6 lần, được y phạm ưng xả đối trị. Nếu đã đi đòi, đi đứng đủ, theo luật định, mà không được y, nên đi cho thí chủ hay hoặc dạy người đi nói rằng “Của ấy không được thành sự lợi ích đến người đâu”. Cho họ đòi của họ lại.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do tỳ khưu Upananda thúc hối người dâng y lập tức, người hộ vì có việc gấp nên yêu cầu để qua ngày khác mà tỳ khưu Upananda không chịu.

Chú giải: khi tỳ khưu cần dùng y nên cho hay rằng “Ta cần dùng y”, không nên nói “Ngươi nên dâng y đến ta, đem y đến cho ta”, nói như thế không nên. Nếu đi đòi 2, 3 lần được thì tốt, bằng không được tỳ khưu nên đi đến đứng làm thinh đến 4, 5 lần hoặc 6 lần là nhiều, đừng ngồi, đừng thọ vật chi, đừng nói đạo cho họ. Nếu họ hỏi “Ngài đến có việc chi? Nên đáp “Ngươi hãy nên biết lấy”. Nếu tỳ khưu ngồi, hoặc thọ vật chi của họ, nói pháp cho họ nghe gọi là bỏ oai nghi đứng, làm cho hư hỏng sự đi đến. Nếu tỳ khưu đứng làm thinh, đứng 6 lần là nhiều, được y thì tốt, bằng không được y, tỳ khưu ráng đến đứng quá 6 lần thì phạm tác ác, trong mỗi lần đứng, được y thì phạm ưng xả đối trị. Tỳ khưu chỉ đi đứng, không đòi, đứng được 12 lần, nếu người hộ mà thí chủ chỉ, tỳ khưu đi đòi 100 lần cũng được. Nếu làm cả 2 oai nghi, thì chỉ đi đòi được 3 lần, đứng đến 6 lần.

Thể thức không phạm tội: Tỳ khưu đòi theo phép và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người (anāṇattika) có 4 chi: tỳ khưu chỉ người hộ (kappiyakārakāssābhikkhanoniditthabhāvo); người tay sai nói cho người hộ hay rồi cho tỳ khưu biết nữa (dātena appitatā); ráng đi đòi, đi đứng quá luật định (taduttarivāyamo); được y vì sự ráng sức ấy (tānavāyāmenapatilābho). Ðều đủ cả 4 chi ấy mới phạm ưng xả đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) như trong điều học xin y nơi người không phải bà con.

2. Ngọa cụ trộn với chỉ tơ lần thứ nhì (kosiyavagga). Có 10 điều học:

1) Ngọa cụ trộn với chỉ tơ (kosiya). Tỳ khưu làm ngọa cụ bằng lông cừu trộn với chỉ tơ, phạm ưng xả đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại tháp Aggālava gần thành Ālavi do phe lục sư dạy người nấu tơ cho nhiều để làm ngọa cụ bằng chỉ tơ.

Chú giải: dầu làm ngọa cụ có trộn một sợi chỉ cũng phạm ưng xả đối trị.

Thể thức không phạm tội: Tỳ khưu làm trần thất, làm sáo che, làm nệm, gối và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì người dạy người (sānātika), có 3 chi: làm ngọa cụ trộn với chỉ tơ (kosiyamissakabhāvo); mình làm hoặc dạy người làm cho mình (attano atthāyasantha tassa karanakārāpanaṃ); làm được (patilābho). Ðiều đủ 3 chi ấy mới phạm ưng xả đối trị.

Ðiều học này có 6 chỗ sanh tội vì làm (kiriyā), không khỏi phạm vì tưởng (nosaññāvimokkha), vô ý cũng phạm (acittaka), phạm vì Phật cấm (pannattivajja), thân nghiệp (kāyakamma), khẩu nghiệp (vacikamma), có 3 tâm (ticitta), 3 thọ (tissovedanā).

2) Ngọa cụ lông cừu toàn màu đen (suddhakālaka). Tỳ khưu làm ngọa cụ lông cừu bằng màu đen, phạm ưng xả đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại phước xá Kūtāgāra, trong rừng Tuyết sơn gần thành Vesāli do phe lục sư làm ngọa cụ bằng lông cừu toàn màu đen.

3) Ngọa cụ lông cừu là màu đen hơn 2 phần (dvebhāga). Tỳ khưu làm ngọa cụ mới phải để lông cừu đen 2 phần, lông trắng 1 phần, lông cừu đỏ 1 phần, thành 4 phần. Nếu không làm như thế rồi để lông cừu đen nhiều hơn 2 phần, phạm ưng xả đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư làm ngọa cụ để lông cừu đen nhiều hơn 2 phần.

4) Dùng ngọa cụ mới chưa đến 6 năm (chabhassa). Tỳ khưu làm ngọa cụ mới phải dùng cho đến 6 năm, nếu chưa đến 6 năm, rồi làm ngọa cụ mới khác, phạm ưng xả đối trị (trừ ra tỳ khưu có bịnh, có tăng cho phép).

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do chư tỳ khưu xin lông cừu rất nhiều để làm ngọa cụ.

5) Làm tọa cụ (nissidanasanthata). Tỳ khưu làm tọa cụ phải cắt lấy chung quanh tọa cụ cũ một gang của đức Phật đem may chung với tọa cụ mới, làm cho hoại sắc tọa cụ mới, nếu không làm như thế, phạm ưng xả đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do chư tỳ khưu bỏ rải rác tọa cụ.

6) Thọ lãnh lông cừu (Elakaloma). Khi tỳ khưu đi đường xa, nếu có lông cừu phát sanh đến mình, rồi muốn cần dùng, thì được phép lãnh, nếu không có người hộ, được phép tự mình đem đi xa lắm đến 3 do tuần. Ðem đi xa quá 3 do tuần, phạm ưng xả đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do tỳ khưu thọ lông cừu đi xa quá 3 do tuần.

7) Khiến tỳ khưu ni giặt lông cừu (elakalomadhovāpana). Tỳ khưu dạy tỳ khưu ni, không phải bà con đi giặt, hoặc nhuộm, hoặc chải lông cừu, phạm ưng xả đối trị.

Ðiều này đức Phật cấm chế tại Tịnh xá Nigrodhā gần thành Kāpilavatthu do phe lục sư dạy tỳ khưu ni giặt lông cừu.

Chú giải: chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) của 6 điều học trên đây như trong điều học “ngọa cụ trộn với chỉ tơ” (kosiya).

8) Thọ lãnh vàng bạc (rūpiya). Tỳ khưu lãnh hoặc dạy người khác lãnh vàng bạc hoặc vui thích ngay vàng hoặc bạc mà người cất giữ cho mình phạm ưng xả đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại thành Rājagaha do tỳ khưu Upananda thọ vàng bạc.

Chú giải: vàng lá, vàng cục, bạc hình, bạc cục, bạc nén, bạc giấy... hoặc các vật dùng để mua, bán, đổi thế cho vàng bạc cũng đều gọi là vàng bạc là vật phải xả bỏ. Ngọc ngà, châu báu, 7 thứ lúa, tớ trai, tớ gái, ruộng vườn, trái, bông cây, đều là vật phát sanh tội tác ác. Chỉ gai, vải bông các thứ đậu, mè, thuốc, sữa, dầu mật, nước mía... đều là vật dụng thọ lãnh được, không phạm.

Trong vật phải xả bỏ, tỳ khưu thọ, hoặc dạy người lãnh cất cho mình, hoặc người cất ngay trước mặt họ nói: “vật này là của ngài”, hoặc vật ấy để nơi kín, chủ chỉ dâng bằng thân, hoặc bằng khẩu, hoặc ra dấu nói như vầy “bạc, vàng của tôi có trong chỗ đó, bạc vàng ấy là của ngài”. Nếu họ nói như thế, tỳ khưu không ngăn cấm, bằng ra dấu hoặc bằng khẩu cũng gọi là vui thích bạc vàng mà họ cất, phạm ưng xả đối trị. Nếu đã phạm nên xả như vầy: ahaṃ bhante rūpiyaṃ paṭiggahesiṃ idaṃ me bhante nissaggiyaṃ imāhaṃ saṅghassa nissajāmi ‒ Nghĩa: Bạch đại đức Tăng, tôi thọ bạc vàng rồi, bạc vàng ấy là của tôi phải xả, tôi xin xả bạc vàng ấy đến tăng.

Nếu có mặt người thế nơi đó, cho tăng nói với họ rằng “Người hãy biết vật này”. Nếu họ hỏi: “Với của này, tôi phải đem vật chi đến?” Tỳ khưu không nên nói: “Phải đem vật chi chi...”, chỉ nên nói “đem vật nên dùng” (sữa, dầu, mật…). Nếu họ đem các vật ấy đến, các tỳ khưu nên chia nhau dùng, trừ ra tỳ khưu đã thọ bạc vàng ấy, tỳ khưu đã thọ bạc vàng không nên dùng đến. Nếu người thế họ không muốn lấy bạc vàng ấy, tăng nên nhờ họ rằng “Ngươi nên liệng bỏ vật ấy đi”, nếu liệng trong một chỗ nào, hoặc họ lấy đi, chẳng nên ngăn cản, nếu họ không chịu liệng, tăng nên bảo một vị có đủ 5 chi để liệng bạc vàng ấy, không nên định chỗ liệng, nếu định chỗ liệng, tỳ khưu ấy phạm tác ác. Không phải bạc vàng, tưởng là bạc vàng, hoặc nghi, hoặc lãnh bạc vàng cho người khác, nhất là thọ cho tăng hoặc cho tháp, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Họ dâng vàng, hoặc cất để trong nơi khuất mắt, hoặc trước mặt họ nói rằng “Vật này là vật dụng của ngài”. Nếu tỳ khưu có tâm vui thích muốn lấy rồi ngăn cản ra, bằng cách ra dấu, hoặc bằng khẩu rằng “Vật ấy không nên”, hoặc nếu không ngăn cản bằng thân hay khẩu mà có tâm trong sạch, không vui thích, tính rằng là “Vật không nên đến ta”, cũng được, không có tội. Tỳ khưu lấy, hoặc dạy người lấy bạc vàng của người rớt trong chùa, hoặc trong chỗ mình ở, tính rằng “Của người nào, người ấy hãy lại lấy” như thế, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này, phạm tội vì dạy người (sānattika) có 3 chi: vật ấy là bạc vàng, là vật phải xả bỏ (jātarūparajatabhāvo); về phần của mình (attudesikatā); tự mình lãnh hoặc dạy người khác lãnh, hoặc người cất giữ mà mình vui thích (patiggahanādisuaññatarabhāvo). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm ưng xả đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) như trong điều học làm mai dong, chỉ khác nhau là điều học này phạm vì lãnh (siyā kiriyā) và phạm vì không làm là không ngăn cản (siyā akiriyā) bạc vàng mà họ cất giữ cho.

9) Mua, bán, đổi vàng bạc (rūpiyasamvohāra). Tỳ khưu mua bán, đổi vàng bạc là vật mà người dùng thế cho vàng bạc, phạm ưng xả đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ Viên tịnh xá gần thành Sāvatthī do phe lục sư mua bán, đổi vàng bạc.

Chú giải: chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) như trong điều học trước.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người (anāṇattika) có 2 chi: vật đã đổi được hoặc của mình đem đi đổi (yamattanodhane parivateti tassavā dhanassavārūpiyabhāvoceva); thành tựu được trong việc mua bán, đổi (parivatanañca). Đều đủ 2 chi ấy phạm tội ưng xả đối trị.

10) Mua, bán, đổi vật y, bát (kayavikaya). Tỳ khưu mua, bán, đổi các vật nhất là y, vật thực với người thế phạm ưng xả đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī do tỳ khưu Upananda đổi y.

Chú giải: Tỳ khưu nói với người thế “ngươi hãy cho vật này”, do vật này hoặc ngươi lấy vật này cho vật kia cho tôi, lấy vật này, đổi vật này như thế, phạm tác ác, đổi được phạm ưng xả đối trị. Lấy vật của người gọi là mua, đem của mình cho người gọi là bán, cho nên tỳ khưu đưa vật của mình, lấy vật của người như thế, trừ ra hạng người xuất gia (sa di), tỳ khưu dầu là của cha mẹ, nếu nói tiếng “đổi”, thì phạm ưng xả đối trị. Tỳ khưu cho vật thực hoặc vật gì khác đến người thế rồi nói người nên dùng vật này, rồi đem vật kia đến cho tôi hoặc làm việc này cho tôi hoặc làm việc kia cho tôi rồi dạy lấy nước nhuộm hoặc vật khác hoặc dạy đào đất, làm cỏ... như thế phạm ưng xả đối trị. Nếu có vật phải xả, bằng không có vật xả thì sám hối tội ưng xả đối trị.

Thể thức không phạm tội: Tỳ khưu hỏi giá rằng: của giá bao nhiêu hoặc muốn lấy vật gì nơi tay người ấy, nhờ kẻ khác, dầu là bà con của chủ vật ấy tiếp đổi giùm, rằng “ngươi hãy lấy của này, đổi vật kia lại cho ta”, hoặc nói không ra dấu, như người đi đường chỉ có gạo mà muốn được cơm nên nói với chủ cơm rằng: “Ta có gạo, không cần dùng, ta cần dùng cơm” như thế, chủ lấy gạo đi, cho cơm lại tỳ khưu, và tỳ khưu điên, đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người (anāṇattika), có 3 chi: của mình đem đi đổi hoặc của người đổi lại (tesaṃkappiyavatthutā); chủ của ấy là người thế (asahadhammikatā); đổi như cách đã nói (kāyavikkayāpajjanaṃ). Đều đủ cả 3 chia ấy mới phạm ưng xả đối trị.

Chỗ phạm tội như trong điều học thọ lãnh vàng bạc.

3. Bình bát lần thứ ba (pattavagga). Có 10 điều học.

1) Bình bát dư (patta). Bình bát chưa gởi, chưa nguyện gọi là bình bát dư. Tỳ khưu cất giữ bình bát dư ấy lâu lắm đến 10 ngày, nếu cất giữ quá 10 ngày phạm ưng xả đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư cất giữ nhiều bình bát.

Chú giải: Bình bát có 2 thứ: bình bát sắt và bình bát đất vừa cho Sa-môn dùng mới nên nguyện và gởi.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) như trong điều học lễ dâng y lần thứ nhất (pathamakathina).

2) Bình bát chưa nứt bể đến 5 chỗ (onapancabhanna). Bình bát nứt bể 2 ngón tay gọi là nứt bể 1 chỗ, tỳ khưu có bình bát nứt bể chưa bể chưa đủ 5 chỗ, nghĩa là có nứt bể chưa đủ 10 ngón tay, rồi đi xin bình bát mới nơi người thế không phải bà con, nơi người không có yêu cầu, nếu xin được, phạm ưng xả đối trị.

Điều học này đức Phật cấm chế tại Nigrodha tịnh xá gần thành Kapilavatthu do chư tỳ khưu xin bình bát mới nhiều.

Chú giải: Tỳ khưu phạm ưng xả đối trị phải xả bình bát trước mặt 5 vị tỳ khưu trở lên, 5 tỳ khưu thế mặt cho tăng ấy là người đổi bình bát. Nên đem bình bát của vị cao hạ đem dâng cho vị thấp hạ, đổi theo thứ tự, lần xuống như thế, cho đến tỳ khưu ngồi sau cuối cùng chư tăng, rồi lấy bình bát của tỳ khưu này, cho tỳ khưu xả ấy và nói “bình bát của ngài, ngài hãy dùng cho đến bể không bỏ, không nên cho ai”.

Thể thức không phạm tội: Tỳ khưu có bình bát nứt hoặc bể, xin nơi bà con, nơi người có yêu cầu của mình, nơi bà con và người có yêu cầu của tỳ khưu khác, xin cho vị khác hoặc kiếm do của mình và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika) có 4 chi: bình bát nên nguyện, nứt bể chưa đủ chỗ (onapancahaṃdanattā); xin cho mình (attuddesikatā); xin nơi người không phải bà con, không có yêu cầu (agataviññattitā); xin được (patilābho). Ðều đủ cả 4 chi ấy mới phạm tội ưng xả đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) như trong điều học “khiến tỳ khưu ni giặt lông cừu” (ekaloma dhovāpana).

3) Thuốc chữa bịnh (bhesajja). Tỳ khưu lãnh 1 trong 5 thứ thuốc là: sữa lỏng, sữa đặc, dầu, mật ong, nước mía, chỉ được phép để dành dùng lâu lắm là đến 7 ngày, nếu quá 7 ngày, phạm ưng xả đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ Viên tịnh xá (Jetavana) gần thành Sāvatthī do chư tỳ khưu cất giữ thuốc ấy lâu ngày.

Chú giải: Tỳ khưu cất giữ 1 trong 5 thứ thuốc ấy đến mặt trời mọc ngày thứ 8, phạm ưng xả đối trị. Kể theo mỗi thứ thuốc, nếu đựng chung trong 1 chỗ phạm 1 tội. Thuốc xả rồi, dùng thoa, xức được, uống không được.

Cả 5 thứ thuốc ấy, nếu đã giao cho người chưa thọ tỳ khưu giới (sa di, thiện tín) trong 7 ngày được lại dùng không phạm. Tỳ khưu đã thọ rồi, tính dùng, rồi để cho quá 7 ngày mới phạm ưng xả đối trị, nếu không tính uống để thoa xức, dầu quá 7 ngày cũng không phạm tội.

4) Y tắm mưa (vassikasātikā). Còn 1 tháng hết mùa nóng, kể từ 16 đến cuối tháng 5, trong nửa tháng ấy là hạn định cho tỳ khưu phải kiếm y tắm mưa, từ ngày mùng 1, đến rằm tháng 6, trong nửa tháng này, tỳ khưu phải kiếm và làm cho xong y tắm mưa và mặc cũng được, nếu kiếm, làm, mặc sái thì giờ đã định, phạm ưng xả đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại tịnh xá Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư kiếm làm, mặc y tắm mưa trước thì giờ đã định.

Chú giải: Thể thức không phạm tội: Tỳ khưu có y bị trộm cướp hoặc mất và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người (anānattika pariyesanāpatti)[43] có 3 chi: y tắm mưa của mình; tìm kiếm ngoài hạn kỳ; xin được. Navāsanāpatti[44] có 4 chi: không có hư mất; tỳ khưu có y đều đủ; y tắm mưa của mình; mặc ngoài hạn kỳ.

Chỗ sanh tội như trong điều học “khiến tỳ khưu ni giặt lông cừu”.

5) Đòi y (civarācchindana). Tỳ khưu đã cho y đến vị khác, rồi giận đòi lại hoặc dạy kẻ khác đòi lại, đòi y được, phạm ưng xả đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại tịnh xá Jetavana gần thành Sāvatthī do tỳ khưu Upananda cho y đến tỳ khưu rồi giận mà đòi lại.

Chú giải: Không phải tỳ khưu tưởng là tỳ khưu, sa di tưởng là tỳ khưu hoặc nghi, hoặc biết là sa di rồi đòi lại hoặc cho các y phục tùng khác đến tỳ khưu, rồi đòi lại, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Người được y vui, hoặc giận rồi trả y lại và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người (anāṇattika), có 5 chi: y có thước tấc nên gởi (vikkappanupaga pacchimacivaratā); chính tay mình cho (sāmaṃdinnatā); tưởng là của mình (sakkhasaññatā); người đi theo là tỳ khưu (upasaṃpannatā); chính mình đòi hoặc dạy kẻ khác đòi y vì giận (kodhavasena acchintanaṃ vā acchindāpanaṃ vā). Ðều đủ cả 5 chi ấy mới phạm ưng xả đối trị.

Chỗ sanh tội như trong điều học trộm cắp (adinnādāna samuṭṭhāna) chỉ khác nhau là điều này thuộc về thọ khổ.

6) Xin chỉ nơi người không phải bà con (suttavinnatti). Tỳ khưu xin chỉ nơi người thế không phải bà con, không phải người có yêu cầu đem cho thợ dệt y, phạm ưng xả đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Veluvana gần thành Rājagaha.

Chú giải: khi thợ dệt sắp sửa dệt, phạm tác ác, mội lần dệt phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Xin chỉ để may vá các thứ y hoặc cho thợ dệt bà con hoặc người có yêu cầu, xin cho kẻ khác, kiếm do của mình và tỳ khưu điên đều không phạm tội

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người (anāṇattika), có 3 chi: xin chỉ để dệt y; cho mình; cho người thợ dệt và xin chỉ nơi người không phải bà con hoặc không phải người có yêu cầu. Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm tội ưng xả đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) như trong điều học “khiến tỳ khưu ni giặt lông cừu”.

7) Thợ dệt (mahapesakāra). Người thế không phải bà con, không có yêu cầu, họ cho thợ dệt y để dâng đến tỳ khưu. Nếu tỳ khưu đi nói với thợ, cho họ dệt y tốt rồi thưởng thêm, được y, phạm ưng xả đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại tịnh xá Jetavana gần thành Sāvatthī do tỳ khưu Upananda nói với thợ dệt cho tốt rồi thưởng thêm.

Chú giải: Tỳ khưu nói với thợ dệt: “người hãy dệt cho dài, cho lớn, cho mịn, cho tốt, khéo”, như thế, rồi đem vật chi chẳng hạn cho thợ (hoặc cho vật thực), nếu thợ dệt thêm chỉ rồi theo lời dạy, trong mỗi lần dệt phạm tác ác, dệt xong đem về phạm ưng xả đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) như trong điều học trên, nhưng đây có 4 chi: tỳ khưu dạy thợ dệt của thí chủ không phải bà con, không có yêu cầu (vikappamāpajjanatā); cho mình (attuddesikatā); thợ dệt thêm chỉ theo lời tỳ khưu (suttavaddhanaṃ); được y (civarapatilābho).

8) Cất giữ y quá hạn kỳ (accekacivara). Còn 10 ngày nữa đến kỳ lễ tự tứ, là từ ngày mùng 5 tháng 9 nếu có thí chủ muốn dâng y nhập hạ gấp đến tỳ khưu, tỳ khưu nên thọ để dành đến hết hạn kỳ giữ y, nếu để cho quá hạn, phạm ưng xả đối trị.

Hạn kỳ giữ y ấy như vầy: nếu đã nhập hạ rồi không được thọ lễ dâng y, hạn kỳ giữ y chỉ có 1 tháng, kể từ ngày 16 tháng 9 đến rằm tháng 10, nếu có thọ lễ dâng y thì hạn kỳ giữ y có 5 tháng, kể từ 16 tháng 9 đến rằm tháng 2 (5 tháng ấy gọi là hạn kỳ giữ y).

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại tịnh xá Jetavana gần thành Sāvatthī do chư tỳ khưu không dám lãnh y gấp vì chưa có lịnh cho.

Chú giải: Y gấp vì người mắc đi chinh chiến, người có bịnh, hoặc phụ nữ sắp sanh sản, hoặc có người đức tin mới xin dâng y đến tăng trong ngày mùng 5 tháng 9. Y như thế tỳ khưu thọ rồi nên để dành cho sự dứt hạ sẽ đem dâng lại cho tăng, nếu không dứt hạ, cất giữ đến hết hạn kỳ giữ y, không gởi, không nguyện cũng được. Nếu cất giữ cho quá kỳ giữ y, phạm ưng xả đối trị. Y ngoài kỳ hạn ấy, kể từ ngày 16, nếu không được thọ lễ dâng y thì được phép cất giữ đến rằm tháng 10 (trong 1 tháng), được thọ lễ dâng y thì được phép cất giữ đến rằm tháng 2 (trong 5 tháng) gọi là hạn kỳ y.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) như trong điều học lễ dâng y lần thứ nhất (pathama kathina) chỉ khác nhau là điều học này có 4 chi: y dâng cúng gấp có thước tấc, dầu nhỏ hơn hết là vừa gởi vừa nguyện (accekacivarassa attanosantakatā); y phát sanh từ ngày mùng 5 tháng 9 (uppannabhāno); y không được gởi, không được nguyện (anadhiṭṭhita avikappitatā); qua khỏi hạn kỳ giữ y (civarakālātikkamo). Ðều đủ cả 4 chi ấy mới phạm ưng xả đối trị.

9) Chỗ nguy hiểm (sālaṅka). Tỳ khưu nhập hạ trong rừng là nơi có điều lo sợ, khi ra hạ rồi, còn trong tháng là (1 tháng) từ 16 tháng 9 đến rằm tháng 10, nếu muốn để 1 trong 3 y nào trong xóm, chỉ được phép để trong 1 tháng ấy, khi có cớ đi khỏi nơi ấy được phép xa lìa y ấy chỉ trong 6 đêm, xa lìa quá 6 đêm thì phạm ưng xả đối trị, trừ ra có tăng chứng nhận cho.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ Viên tịnh xá gần thành Sāvatthī do chư tỳ khưu để y trong xóm quá 6 đêm, làm cho y phải hư mất.

Chú giải: Khi có đều đủ 4 chi, đức Phật cho phép gởi 3 y trong xóm được, 4 chi là: tỳ khưu nhập hạ ngày 16 tháng 6 và được làm lễ tự tứ (pavāraṇā); từ 16 tháng 9 đến rằm tháng 10; chỗ ở trong rừng xa xóm, ít lắm là 500 cây cung[45]; chỗ ở trong rừng có điều lo sợ, nghĩa là trong chùa hoặc nơi gần chùa là chỗ ở, chỗ ăn, chỗ ngồi của bọn cướp, thấy rõ rệt, chỗ ở có điều lo sợ là trong chùa hoặc nơi gần chùa, bọn cướp giựt đánh phá người cũng thấy rõ. Ðều đủ cả 4 chi như thế, tỳ khưu được phép gởi tam y trong xóm chỉ trong 1 tháng. Nếu hữu sự, tỳ khưu muốn đi khỏi nơi ấy, chỉ nên xa lìa tạm lâu lắm là 6 đêm, nếu xa lìa quá 6 đêm không trở lại chỗ ở trong rừng hoặc nơi xóm, gởi y ấy trong 6 đêm, qua ngày thứ 7 mặt trời mọc lên, phạm ưng xả đối trị (trừ ra tỳ khưu có bịnh, có tăng cho phép xa lìa tam y).

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) như trong điều học lễ dâng y lần thứ nhì (ditiyakathina).

10) Đoạt lợi về cho mình (parinata). Tỳ khưu biết rằng: lợi mà thí chủ họ sẵn dành để dâng đến tăng rồi đoạt về cho mình, phạm ưng xả đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ viên tịnh xá (Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sāvatthī) do phe lục sư đoạt y về cho mình, phạm ưng xả đối trị.

Chú giải: Tỳ khưu biết rằng lợi ích của tăng là 4 vật dụng họ để dâng cho tăng, bằng lời “chúng ta sẽ dâng y đến tăng”. Tỳ khưu biết như thế rồi đoạt về cho mình, trong mỗi lời nói khuyên người dâng đến mình ấy, phạm tác ác, nếu đoạt được thì phạm ưng xả đối trị.

Lợi mà thí chủ đã dâng cho tăng, rồi tỳ khưu nghi, tính đoạt về cho mình, lợi mà họ dâng đến 1 giáo hội, tính đoạt về 1 giáo hội khác, hoặc cho tháp, như thế phạm tác ác. Lợi mà họ tính dâng cho 1 tháp rồi đoạt về cho tháp khác, hoặc đoạt về cho tăng, cho tỳ khưu, hoặc lợi mà họ để dâng cho tỳ khưu, nói cho cùng, họ để cho chó, rồi tỳ khưu tính đoạt về cho tỳ khưu hoặc cho chó khác, hoặc lợi mà họ chưa dâng, tỳ khưu tưởng đã dâng, nghi, đoạt về cho mình, cho người khác, đều phạm tác ác (trong khi nói).

Thể thức không phạm tội: Lợi của họ đã dâng rồi, tỳ khưu tưởng chưa dâng rồi nói họ dâng cho mình, cho người khác, hoặc thí chủ hỏi “tôi nên dâng cho ai?” Tỳ khưu đáp “Ngươi có đức tin nơi nào nên dâng đến nơi ấy” nói như thế, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người (anāṇattika), có 3 chi: lợi mà thí chủ đã dâng đến tăng rồi (saṅgheparinatabhāvo); đã biết rồi mà còn về đoạt về cho mình (attanopariṇāmanaṃ); được lợi (patilābho). Đều đủ cả 3 chi ấy mới phạm tội ưng cả đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) cũng như trong điều học trộm cắp (sikkhāpada adinnādānā samuṭṭhāna).

V. Ưng đối trị (pācittiya)

Pācittiya nghĩa là tội làm cho thiện pháp phải sa sẩy. Tàu dịch là “Ưng đối trị”, nghĩa là không phải như tội cất chứa y, bình bát trái phép, cho nên không phải xả, chỉ nên sám hối trước mặt 1, 2, 3 tỳ khưu hoặc giữa tăng thì được khỏi tội.

Có 92 điều học chia làm 9 phần: nói dối phần thứ nhất (musāvādavagga) có 10 điều học; thảo mộc phần thứ nhì (bhūtagāmavagga) có 10 điều học; dạy pháp phần thứ ba (ovādavagga) có 10 điều học; vật thực phần thứ tư (bhojanavagga) có 10 điều học; đạo lõa thể phần thứ năm (accelokavagga) có 10 điều học; uống rượu phần thứ sáu (surā pānavagga) có 10 điều học; giết côn trùng phần thứ bảy (sappānakavagga) có 10 điều học; nói theo pháp phần thứ tám (saha dhammikavagga) có 12 điều học; trong đền vua phần thứ chín (rājavagga) có 10 điều học. Tổng cộng có 92 điều học.

1. Nói dối - phần thứ nhất (musāvādavagga). Có 10 điều học

1) Nói dối (musāvādā). Tỳ khưu nói dối phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī do tỳ khưu Hatthaka nói dối.

Chú giải: Tỳ khưu trước khi nói, trong khi nói biết là sự không sự thiệt, rồi ra dấu giả dối, như có hỏi hỏi “thấy hay không thấy” rồi dối, lúc lắc đầu cho người biết là không thấy, hoặc nói dối phạm ưng đối trị.

Tỳ khưu nói dối để khoe pháp bậc cao nhơn, phạm bất cộng trụ: nói dối vô cớ để cáo tỳ khưu khác phạm bất cộng trụ thì phạm tăng tàn, nói dối vô cớ để cáo gian tỳ khưu khác phạm tội tăng tàn thì phạm ưng đối trị, nói dối cáo gian tỳ khưu khác phạm tội làm quấy thì phạm tác ác, người nghe hiểu biết ý nghĩa thì phạm trọng tội, người nghe không rõ ý nghĩa thì phạm tác ác.

Tỳ khưu nói dối: thấy, nói không thấy; nghe nói không nghe; biết rằng mũi, lưỡi, thân, mà nói không biết; hoặc không thấy, không nghe, nói có thấy, có nghe; không biết, nói biết; tâm không biết, nói rằng biết, như thế phạm ưng đối trị.

Thể thức không phạm tội: Chưa suy nghĩ rồi nói gấp hoặc tính nói như vầy rồi nói lộn lời khác, sai lời thiệt và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác nói (anāṇattika), có 2 chi: tính nói lời không thiệt (visaṃvādanapurekkhāratā); ra dấu hoặc nói cho người nghe hiểu sự lý mà mình cố ý muốn nói sai lời thiệt (viññā pana payogo). Ðều đủ cả 2 chi ấy mới phạm tội ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) như trong điều học trộm cắp (adinnādana sikkhāpada).

2) Chửi mắng (omasavāda). Tỳ khưu chửi rủa hoặc mắng nhiếc vị khác, phạm ưng đối trị.

Điều học này, Đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Xá Vệ, do phe lục sư chửi mắng tỳ khưu có giới trong sạch.

Chú giải: Tỳ khưu chửi mắng ngay trước mặt, phạm ưng đối trị, chửi mắng sau lưng thì phạm tác ác, kể theo mỗi tiếng chửi. Tỳ khưu cố ý chửi để giễu chơi thì phạm tác ác, kể theo mỗi tiếng chửi.

Thể thức không phạm tội: Tỳ khưu không cố ý chửi mắng, nói đạo, dạy đạo, và tỳ khưu điên, đều không phạm tội.

Điều học này không phạm tội vì dạy người khác chửi (anāpattika), có 4 chi: chửi tỳ khưu (tassa upasampannattā); chửi trước mặt (jāti ādihi akkosanaṃ); người bị chửi biết rằng mình bị chửi (mamakkosatitijānanatā); không phải nói đạo, thuyết pháp dạy người (atthadhamma purekkhāratādinābhāvo). Đều đủ cả 4 chi ấy thì mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học trộm cắp (adinnādana sikkhāpada). Chỉ khác nhau là trong điều học này thuộc về thọ khổ (dukkhavedanā).

3) Lời đâm thọc (pesuñña). Tỳ khưu nói lời đâm thọc vị khác, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ viên tịnh xá (Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sāvatthī) do phe lục sư nói dối đâm thọc các vị tỳ khưu khác.

Chú giải: Tỳ khưu nghe vị khác chửi tỳ khưu với nhau, rồi cố ý muốn cho người chửi ấy thương mình hoặc muốn cho cả 2 người chia rẽ nhau rồi nói lời đâm thọc, đem lời chửi của vị này, đến nói với vị kia, phạm ưng đối trị, đều đủ mỗi tiếng. Nếu đem lời của tỳ khưu chửi không nói ngay đến tỳ khưu bị chửi, hoặc đem lời của sa di chửi đến cho tỳ khưu hay, hoặc đem lời chửi của sa di đến cho sa di hay, đều phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Tỳ khưu không cố ý muốn cho vị bị chửi thương mình, hoặc không muốn cho cả 2 vị chia rẽ nhau và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người đâm thọc (anāṇattika), có 3 chi: được nghe lời người chửi (không phải do người khác mà biết) rồi đem nói lại cho người bị chửi (jāti ādihi... bhikkhussa upasaṃharaṇaṃ); muốn cho người bị chửi thương yêu mình hoặc muốn cho 2 người chia rẽ nhau (piyakamyatā bhedādhippāyesu aññataratā); người bị chửi hiểu biết sự lý (tassa vijjānanaṃ). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học trộm cắp (adinnādanā sikkhāpada).

4) Dạy kệ pháp (padasodhamma). Tỳ khưu dạy kệ pháp đến người chưa tu lên bực trên (upasampanna) đọc chung cùng nhau phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư dạy kệ đến người chưa tu lên bực tỳ khưu và đọc chung cùng nhau.

Chú giải: như “rūpaṃ aniccaṃ” gọi là 1 câu đầu, câu sau như “vedanā aniccā” gọi là câu nối (anupada), tỳ khưu khi dạy pháp làm bằng kệ rằng: asevanācabālānaṃ, đọc rồi sa di đọc theo, tỳ khưu đọc chung cùng nhau với sa di, rồi đọc tiếp nối thêm asevanā cabālānaṃ, đọc chung cùng nhau như thế phạm ưng đối trị, kể theo mỗi câu. Tỳ khưu dạy pháp 1 lần 2 câu như là “asevanācabālānaṃ pandiṭānañca sevanā” rồi trở lại đọc nữa với sa di, sa di đọc câu đầu không kịp, đọc theo kịp câu thứ nhì thì rằng “panditā nañca sevanā” chung cùng với tỳ khưu như thế gọi là trước đọc khác nhau, sau đọc chung cùng nhau, phạm ưng đối trị kể theo câu sau. Tỳ khưu dạy sa di đọc “rūpaṃ aniccaṃ vedanā aniccā”, rồi tỳ khưu chỉ đọc được rūpaṃ aniccaṃ, sa di lẹ miệng đọc đến vedanā aniccā là câu nối tiếp liền theo câu aniccaṃ như thế phạm ưng đối trị, kể theo mỗi câu.

Thể thức không phạm tội: Học Pāli chung với sa di hoặc học nơi sa di hoặc đọc chung nhau, tụng kinh đã đọc thuộc lòng rồi hoặc sa di tụng sai, tỳ khưu dạy rằng “đọc như vầy” rồi đọc chung cùng nhau, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 3 chi: người chưa tu lên bậc tỳ khưu (anupassam pannatā); dạy học pháp bằng câu kệ (vuttalakkhanaṃ dhammaṃ padaso vācanatā); đọc dính chung cùng nhau (ekato osāpanaṃ). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm tội ưng đối trị.

Chỗ sanh tội là dạy pháp bằng kệ (padasodhamma samuṭṭhāna), phạm vì làm (kiriyā), không khỏi phạm vì tưởng (nosaññāvimokkha), không cố ý cũng phạm, phạm tội vì Phật cấm (pannattika), khẩu nghiệp (vācikamma), có 3 tâm, 3 thọ.

5) Nằm chung trong chỗ có che lợp lần thứ nhất (pathamasahaseyya). Tỳ khưu nằm trong chỗ có dừng, lợp chung với người chưa tu lên bực trên[46] (upasaṃpanna) quá 3 đêm phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại tháp Aggālava gần thành Aggalavi, do tỳ khưu mới xuất gia ngủ quên trong phước xá chung cùng với cư sĩ.

Chú giải: Tỳ khưu ngủ trong nơi dừng kín, hoặc lợp kín, hoặc lợp nhiều, dừng nhiều chung với người chưa tu lên bực trên (trừ ra tỳ khưu với nhau), dầu ngủ chung với súc sanh có khiếu có thể sanh tội bất cộng trụ, quá 3 đêm, phạm ưng đối trị, kể từ đêm thứ 4. Chỗ ở có dừng vách không chí với nóc, cao 1 hắc, 1 gang chung quanh gọi là “chỗ ở dừng kín” hết, cho nên chỗ ở như thế dầu là lầu 7 tầng hoặc nhà 4 mặt, có 100 phòng, nếu có 1 cửa ra vào chung cùng nhau, cũng gọi là chỗ ở chung cùng nhau. Tỳ khưu ngủ chung cùng người chưa tu lên bực trên, trong chỗ ở như thế đến 3 đêm, rồi qua ngày thứ 4, khi mặt trời đã lặn, người ấy nằm trước tỳ khưu đóng cửa phòng hoặc không đóng rồi nằm, hoặc tỳ khưu nằm trước, người ấy nằm sau mà tỳ khưu không ngồi dậy thì phạm ưng đối trị, kể theo mỗi lần nằm xuống và ngồi dậy với người ấy và kể theo số người (sa di, cư sĩ) nằm trong nơi ấy. Tỳ khưu mà tưởng là sa di hay là cư sĩ hoặc nghi rồi nằm phạm tác ác. Chỗ ở lợp phân nửa dừng phân nửa, lợp kín dừng ít, lợp nhiều dừng ít, dừng kín lợp ít, dừng nhiều lợp ít, đều là vật cho phát sanh tội tác ác.

Thể thức không phạm tội: Chỗ ở lợp kín, không dừng hoặc không lợp mà dừng kín hoặc không lợp nhiều, không dừng nhiều đều là vật không cho phát sanh tội, ngủ đến 2 hay là 3 đêm hoặc trong đêm thứ 3, ra trước mặt trời mọc rồi ở thêm nữa đến đêm thứ 4, sa di, cư sĩ nằm, tỳ khưu ngồi hoặc tỳ khưu nằm, đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người nằm (anāṇattika) có 3 chi: chỗ ở cho sanh tội ưng đối trị (pācittiyavatthu senāsanaṃ); nằm cùng người chưa tu lên bực trên, trong nơi ấy (tattha anupasampanne sahanipajjanaṃ); mặt trời đã lặn trong ngày thứ 4 (catutthadi vasesuri yatthamgamanaṃ). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học thọ lông cừu (elakaloma samuṭṭhāna).

Phạm tội do thân, do thân ý, phạm vì làm (kiriyā) không khỏi phạm vì tưởng (nosaññā vimokkha) vô ý cũng phạm (acittaka), tội vì Phật cấm (paṇṇattivajja) thân nghiệp (kāyakamma) có 3 tâm, 3 thọ.

6) Nằm chung trong chỗ kín lần thứ nhì (dutiyasahaseyya). Tỳ khưu nằm trong chỗ lợp, dừng chung cùng phụ nữ, dầu chỉ trong 1 đêm, cũng phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī do đức Anuruddha vào ngụ chung trong nhà với phụ nữ.

Chú giải: Dầu nằm chung với phụ nữ mới sanh 1 ngày cũng phạm tội ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học trước, chỉ khác nhau là điều học này dầu nằm chung chỉ trong 1 đêm cũng phạm.

Tỳ khưu nằm chung với tinh nữ, ngạ quỉ nữ có thân hình rõ rệt, bộ nấp và thú cái là vật cho sanh sự hành dâm, phạm tác ác.

7) Thuyết pháp đến phụ nữ (dhamma desanā). Tỳ khưu nói pháp quá 6 tiếng đến phụ nữ, không có người nam, biết nghe chung với, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī do tỳ khưu nói pháp đến phụ nữ.

Chú giải: Tỳ khưu nói pháp quá 6 tiếng như đã giải trong điều học “dạy kệ đến người chưa tu lên bực trên” (padasodhamma), đến phụ nữ biết nghe lời quấy phải và lời thô tục, phạm ưng đối trị, kể theo số phụ nữ, theo câu kệ, trừ ra có người nam biết nghe ở chung với, như đã có nói trong điều học “bất định thứ nhì” thì không phạm tội. Không phải phụ nữ, tưởng là phụ nữ hoặc nghi rồi mới nói pháp đến tinh nữ, ngạ quỉ nữ, bộ nấp và thú cái có thân hình như người thì phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Tỳ khưu chỉ nói pháp đến 6 tiếng, hoặc ít hơn 6 tiếng hoặc có người nam như đã có giải ở chung với hoặc tỳ khưu nói rồi ngồi xuống, rồi nói tiếp thêm, hoặc phụ nữ đứng dậy, rồi ngồi xuống, rồi tỳ khưu nói tiếp thêm, hoặc nói pháp đến phụ nữ khác, hoặc phụ nữ hỏi đạo, tỳ khưu đáp và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người nói pháp (anāṇattika) có 5 chi: nói pháp quá 6 tiếng (channaṃ vāpānaṃ uparidesanā); phụ nữ như đã có giải (vuttalahhkanomātugāmo); không thay đổi oai nghi (iriyā patha parivattanābhāvo); không có người nam biết nghe ở chung với (viññupurisābhāvo); không có sự luận đạo (apanhavisajjanā). Ðều đủ cả 5 chi ấy mới phạm tội ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học “dạy kệ pháp đến phụ nữ” (padasodhamma samuṭṭhāna) chỉ khác nhau là điều học này phạm vì làm và không làm (kiriya akiriyā) làm là: thuyết quá 6 tiếng, vì không làm là “không đổi oai nghi”.

8) Khoe sự thiệt (bhūṭṭārocana). Tỳ khưu khoe pháp bậc cao nhơn mà tự mình đã đắc, đến người chưa tu lên bực trên, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Phước xá Kūtāgāra gần thành Sāvatthī do chư tỳ khưu khoe pháp cao nhơn cùng nhau.

Chú giải: Tỳ khưu khoe pháp bậc cao nhơn như là đắc thiền định mà chính mình đã được, đến người chưa tu lên bực trên, phạm ưng đối trị.

9) Khai tội nặng (duṭṭhullārocana). Tỳ khưu nói tội nặng (là tội tăng tàn) mà vị khác đã phạm, đến người chưa tu lên bực trên, phạm ưng đối trị, trừ ra tăng cho phép nói.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư nói tội tăng tàn của tỳ khưu Upananda đến người thế.

Chú giải: không phải tội nặng tỳ khưu tưởng là tội nặng, nghi rồi nói hoặc nói phạm 5 tội khác (trọng tội, ưng đối trị,...) đến người chưa tu lên bực trên, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Nếu chỉ nói ngay điều học rằng: Tỳ khưu này cố ý cho tinh di hoặc đụng chạm phụ nữ hoặc chỉ tội rằng: Tỳ khưu này phạm tăng tàn, phạm trọng tội, hoặc tăng cho phép nói đến đâu thì nói đến đó và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác nói (anāṇattika), có 3 chi: nói tội tăng tàn của tỳ khưu cả và cách phạm tội (savatthukosaṅghādiseso); nói đến người chưa tu lên bực trên (anūpasampannassa ārocanaṃ); tăng không cho phép (bhikkhusammatiyābhāvo). Đều đủ cả 3 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học “trộm cắp”, chỉ khác nhau là điều học này thuộc về thọ khổ.

10) Đào đất (pathāvīkhanana). Tỳ khưu đào đất, hoặc dạy người khác đào đất bằng lời không nên, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Tháp Aggālava gần thành Ālavi do phe Tỳ khưu Alavi đào đất và dạy người khác đào đất.

Chú giải: Đất có 2 thứ: đất có đất nhiều hơn các vật khác (jātapathavi) và đất có đất ít hơn các vật khác. Đất thứ nhất toàn là đất phân, đất sét, đất có đá ít, có sỏi ít, có cát ít, có phần đất nhiều, có đất sét nhiều, hoặc đất mà họ chưa từng đốt, hoặc đống phân đất, đống đất sét mà chưa có mưa xuống nhằm trên 4 tháng gọi là đất phì (đất tốt). Đất thứ nhì: đất toàn là đá, toàn là sỏi, toàn là cát có đất phần ít, có đất sét ít có cát nhiều, đất đã có người đốt rồi gọi là đất chai (ajātapathavi); lại nữa, đống phân đất nào, đống đất sét nào mà mưa rớt nhằm ít hơn 4 tháng cũng gọi là đất chai. Đất toàn là sỏi, đá, cát thì không phạm tội. Tỳ khưu cố ý đào hoặc dạy người đào bằng lời không nên, làm cho đất nẻ, bể, lở, phạm ưng đối trị, kể theo mỗi lần làm. Tỳ khưu dạy nói “ngươi hãy đào, xô, xoi, bươi cuốc đất này” thì phạm tội, người chịu dạy, dầu đào suốt ngày, chỉ phạm 1 tội ưng đối trị thôi, người dạy nhiều lần phạm nhiều tội ưng đối trị. Đất tỳ khưu nghi, không phải đất tưởng là đất, hoặc nghi rồi làm cho cử động, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Ðất cục không dính với đất liền, đất lở không phạm, hoặc nói “ngươi hãy biết cái lỗ cột này, ngươi hãy cho tôi đất này, ngươi hãy lầy đất này cho tôi, tôi cần dùng đất”, không cố ý làm cho cử động, hoặc dùng ngón chân, tay, xủi đất, hoặc tưởng không phải là đất đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người (anāṇattika) có 3 chi: chất đất phì (jītapathavitā); biết là đất (pathavisaññitā); tự mình đào hoặc dạy người khác đào (khananakhanāpanānaṃ aññataraṃ). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm tội.

Chỗ sanh tội như trong điều học trộm cắp (adinnādāna samuṭṭhāna), chỉ khác nhau là trong điều học này phạm tội vì Phật cấm (pannattivajja) có 3 tâm, 3 thọ.

2. Thảo mộc - phần thứ nhì (bhūtagāmavagga). Có 10 điều học:

1) Phá hoại thảo mộc (bhūtagāma). Tỳ khưu phá hoại cây cỏ sanh, mọc trên đất hoặc trong 1 nơi nào, cho đứt lìa, gãy, tét, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Tháp Aggalava gần thành Aggāvi, do tỳ khưu đốn cây làm các công việc.

Chú giải: Các thứ cây cỏ, dầu nhỏ nhen đến đâu (rong rêu), mọc trong một nơi nào chẳng hạn, tỳ khưu đã biết mà tự mình hoặc dạy kẻ khác nhổ, chặt, bẻ làm cho lìa khỏi chỗ nó mọc, phạm ưng đối trị. Các thảo mộc mà người đã đào đã nhổ khỏi chỗ nó mọc dầu không có rể, mụt, củ, hột... mà còn giống (bījagāma), họ đem để trong đồ đựng hoặc cất trong một nơi nào (có thể còn gieo trồng nữa được) mà tỳ khưu làm hại thì phạm tác ác. Nghi trong thảo mộc, hoặc các thứ giống thảo mộc, không phải thảo mộc tưởng là thảo mộc hoặc giống của thảo mộc, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Thảo mộc hoặc giống của thảo mộc tưởng là không phải rồi làm hại, tỳ khưu điên vô ý hoặc kéo cây, lăn đá mà thảo mộc chết đều không phạm tội. Không cố ý giết hại, không cố ý nhớ như tỳ khưu nói chuyện cùng nhau mà lấy ngón chân hoặc tay làm hại thảo mộc cũng không phạm tội, hoặc nói: người nên biết bông cây này, người nên biết trái cây này, người nên lấy bông cây này, trái cây này đem cho tôi, tôi cần dùng bông cây này, trái cây này, người nên làm bông cây này, trái cây này cho tôi dùng được; nói như thế không phạm tội. Khi ăn rau, cần phải nhờ sa di hoặc thiện tín làm cho có thể ăn được khỏi phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người (anāṇattika), có 3 chi: thảo mộc (bhūtagāmo); biết là thảo mộc (bhūtagamasaññitā); tự mình hoặc dạy kẻ khác phá hoại (vikopanaṃ vāvikapāpanamvā). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) như trong điều học đào đất (paṭhavīkhaṇanaṃ).

2) Lời nói tráo trở (aññavādaka). Tỳ khưu làm quấy, tăng đã gọi đến hỏi tra mà cố ý nói tráo trở, hoặc nín thinh không nói. Nếu tăng đã tụng lời khuyên răn, mà còn giữ thái độ như thế phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại tịnh xá Ghosita gần thành Kosambi do tỳ khưu Channa làm quấy, đến tăng hỏi mà nói lời tráo trở.

Chú giải: Tỳ khưu cố ý muốn giấu lỗi, nói tráo trở như nói “ai phạm, phạm tội gì, phạm chỗ nào”, nói như thế hoặc nín thinh làm khó cho tăng, phạm tác ác. Đến khi tăng đã tra hỏi mà còn tráo trở nữa, hoặc nín thinh phạm ưng đối trị. Tỳ khưu không làm khó cho tăng, không nói tráo trở như thế phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Tỳ khưu không biết tội hoặc không biết mình phạm tội hoặc hỏi “ngài hỏi thế nào”, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này có 3 chi: tụng để cáo tội (dhammakamme āropitā); tăng tra hỏi tội hoặc điều phạm tội (ānuyujjiyamānatā); nói tráo trở, hoặc nín thinh, vì muốn giấu lỗi (patticaranaṃvā tuṇhībhāvovā). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm tội ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) như trong điều học trộm cắp (adinnādāna samuṭṭhāna) chỉ khác nhau là điều học này không phạm tội vì dạy người (anāṇattika).

3) Tỳ khưu nói xấu vị khác (ujjhāpanaka). Tỳ khưu nói xấu vị khác mà tăng đã chỉ định để làm việc cho tăng như lót chỗ ngồi, hoặc chia tài vật, nếu vị ấy làm việc cho tăng được đúng đắn, tỳ khưu nói xấu phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Veluvāna gần thành Rājagaha do phe lục sư nói xấu đức A-la-hán Dabbamallaputta.

Chú giải: Nếu tỳ khưu mà tăng đã chỉ định hành đúng theo phép, thì vị nói xấu phạm ưng đối trị, hành không đúng theo phép vị nói xấu thì phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Tỳ khưu nói xấu vị khác hành theo 4 pháp tây vị (āgati) (như thương riêng) nghĩa là: không làm đúng phép và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác nói xấu (anāṇattika), có 6 chi: người mà tăng đã chỉ định hành đúng theo phép (dhamma kammena sammatāta); người mà tăng chỉ định ấy là tỳ khưu (upasampannatā); làm không tây vị (agatigamanābhāvo); cố ý cáo tội đến người ấy (tassa avaṇṇakāmatā); cáo tội hoặc nói xấu đến người nào, người ấy là tỳ khưu (tassa upasampannatā); cáo tội hoặc nói xấu (ujjhāpanaṃ vākhi yanaṃvā). Ðều đủ cả 6 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) như trong điều học trộm cắp (adinnādāna samuṭṭhāna). Chỉ khác nhau là: điều học này thuộc về thọ khổ (dukkhavedanā).

4) Chỗ ngồi nằm thứ nhất (pathamasenāsana). Tỳ khưu lấy ngọa cụ của tăng đem trải nằm trong thất của tăng, khi đi khỏi nơi ấy, mà không dọn, hoặc không nhờ người khác dẹp cất, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī do chư sư đem vật lót ngồi, nằm nơi trống mà không dọn cất.

Chú giải: Ngoài 4 tháng mưa, trong nơi mát, dưới cội cây mà thú không đại, tiểu tiện nhằm, tỳ khưu để ngọa cụ nơi ấy, đi ra khỏi không phạm tội. Tỳ khưu lót cho các vị khác mà các vị này không ngồi trong nơi ấy, hoặc không nói “Ông đi đi” thì còn về phận sự người lót trải. Tỳ khưu ngồi trên bàn ghế, giường mà tự mình dọn ra, hoặc nhờ người dọn ra cho mình, các vật ấy đều về phận sự mình. Tỳ khưu đứng trong nhà ăn, dạy rằng: người đem để trong giữa chùa rồi đi đi, tỳ khưu ấy ra khỏi nhà ăn, đi đến nơi khác như thế, nên cho luật sư phạt tội. Nếu chỗ ngồi nằm của tăng thì phạm ưng đối trị, vật riêng của tỳ khưu thì phạm tác ác. Vật để trải lót (chiếu, đệm) cho đến vật để chùi lau tay chân mà tỳ khưu bỏ ngoài mưa nắng… rồi đi thì phạm tác ác. Tỳ khưu ngụ trong rừng, nếu không có chỗ che mưa, đem các vật ấy để trên nhánh cây cho khỏi thú phá hại (như mối ăn) rồi đi khỏi nơi ấy cũng được.

Thể thức không phạm tội: Chỗ ngồi nằm của mình hoặc của tỳ khưu thân thiết nhau, không phạm tội. Tự mình cất hoặc nhờ người khác cất, hoặc gởi đem phơi rồi đi, tính sẽ trở lại dọn cất, hoặc có người lại ở hoặc có tỳ khưu trưởng lão[47] lại đuổi, hoặc cho sa di, người thế đến lấy, có thú dữ đến đứng nơi ấy, không được dọn dẹp rồi đi khỏi vì sợ có điều hại hoặc khó tu hành, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này phạm tội vì dạy người khác (sānattika) có 6 chi: nhất là giường, bàn thấp dài của tăng (mañcādinaṃ saṃghikatā); tự mình hoặc dạy người đem ra ngồi nằm trong chỗ đã nói (santhāranaṃ vā santhārāpanaṃ vā); không có người lại tranh giành (abalibuddhatā); không có điều hại (āpadāyābhāvo); không cố ý trở lại dẹp cất (nirapekkhatā); đi khỏi nơi ấy (lenducātātikkamo). Đều đủ 6 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học lễ dâng y lần thứ nhất (pathamakathinasamuṭṭhāna). Chỉ khác nhau là điều học này phạm vì làm là dọn ra, và không làm là không dọn cất, hoặc không gởi cho người khác (kiriyakiriyā).

5) Chỗ ngồi, nằm thứ nhì (dutiya senasana). Tỳ khưu đem ngọa cụ của tăng lót nằm trong thất của tăng, khi đi khỏi nơi ấy, không dọc cất, hoặc không nhờ người khác dọn, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe thập thất sư đến trải lót ngọa cụ rồi bỏ ra đi không dẹp nên bị mối ăn hư hết.

Chú giải: các thứ ngọa cụ của tăng, nệm, y lót lưng, y lót giường, y đắp, chiếu, đệm, da, tọa cụ có bìa... tỳ khưu lấy 1 thứ ngọa cụ nào đem lót nằm trong chùa, thất của tăng, rồi không đem cất, hoặc không nhờ kẻ khác cất, đi ra khỏi nơi ấy, 1 bước đầu phạm tác ác, khỏi bước thứ 2 phạm ưng đối trị. Trong nơi nào không có điều hại, dầu không gởi rồi cũng phạm, gởi là phận sự của tỳ khưu. Trong chỗ của tăng thì phạm ưng đối trị, trong chỗ của tỳ khưu thì phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Chỗ ở của mình hoặc của tỳ khưu thân thiết tự mình dọn cất hoặc nhờ người dọn cất, hoặc có người tranh dành (như đã có giải) rồi bỏ đi, hoặc tính sẽ lại dọn cất trong ngày ấy, hoặc đi rồi tính trở lại nhưng có tai hại không thể trở lại được và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này phạm tội vì dạy người (sānattika), có 7 chi: chỗ nằm như đã nói (vuttalakkhanāseyā); chỗ nằm ấy của tăng (tassāsamghikatā); mình lót trải hoặc dạy người khác lót trải trong nơi như đã nói (santharanaṃ vā saṇtharāpanaṃ vā); không có người tranh dành (apalibhudhatā); không có điều hại (āpadāyābhāvo); đi đến nơi khác, không cố ý trở về (anapekkhassadisā pakkamanaṃ); đi khỏi ranh chùa (upacāra simātikkamo). Ðều đủ cả 7 chi ấy mới phạm tội.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) như trong điều học trên.

6) Chen lấn (anūpakhajja). Tỳ khưu biết là thất của tăng đã có vị khác vào ngụ trước rồi, cố ý lấy đồ trải lót ngồi, hoặc nằm chen lấn trong nơi ấy, làm cho vị đã vào ngụ trước phải chịu chật hẹp, khó khăn, rồi bỏ đi ra khỏi, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư dành chỗ ở tốt đẹp làm cho chư trưởng lão phải khó khăn.

Chú giải: tự mình hoặc dạy kẻ khác lót trải ngọa cụ trong chỗ ở của tăng, phạm tác ác; ngồi hoặc nằm phạm ưng đối trị. Trong chỗ ở của tỳ khưu phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Lót trải trong chỗ ở của mình hoặc trong chỗ ở của tỳ khưu thân thiết, trong chỗ tỳ khưu bịnh, hoặc vì có điều hại, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 4 chi: chỗ ở của tăng (saṅghikahāratā); biết rằng đã có người vào ở trước không nên chen lấn (anumaṭṭhāpaniyabhāvajānanaṃ); cố ý làm cho tỳ khưu ấy chật hẹp (sambādhetukāmatā); đã ngồi hoặc nằm trong nơi ấy (upacārenisīdanaṃ vā nippajūnaṃ vā). Ðều đủ cả 4 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học bất cộng trụ thứ nhất (paṭhama pārājika), chỉ khác nhau là điều học này thuộc về thọ khổ (dukkhavedanā).

7) Lôi tỳ khưu ra khỏi thất (nikaḍḍhana). Tỳ khưu giận hờn vị khác rồi kéo lôi hoặc đuổi vị ấy ra khỏi thất của tăng, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư giành chỗ ở nên kéo lôi phe thập thất sư.

Chú giải: Tỳ khưu giận đuổi, dạy người khác kéo lôi, trong khi dạy phạm tác ác; đuổi hoặc lôi ra khỏi cửa thất, phạm ưng đối trị; đuổi, kéo hoặc lôi ra khỏi chỗ ở tỳ khưu phạm tác ác; đuổi sa di, liệng vật dụng ra khỏi chỗ ở của tăng, phạm tác ác, kể theo mỗi vật dụng.

Thể thức không phạm tội: Kéo lôi ra khỏi chỗ ở của mình, hoặc chỗ ở của tỳ khưu thân thiết, hoặc can gián người cãi cọ rồi liệng vật dụng của cải ra khỏi chỗ ở của tăng, hoặc kéo tỳ khưu phá giới, đệ tử của mình làm quấy, hoặc liệng vật dụng của người quấy và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này phạm tội vì dạy người khác (sāṇattika), có 3 chi: chỗ ở của tăng (saṅghikavihāratā); kéo lôi tỳ khưu vô tội không cãi cọ (bhaṇḍanakārakabhāvādivimuttatā); tự mình kéo hoặc dạy người khác kéo lôi tỳ khưu ấy vì giận hờn (kopenanikaḍḍhanaṃ vā nikaḍḍhāpanaṃ vā). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm tội ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học trộm cắp (adinnādānā sikkhāpada). Chỉ khác nhau là điều học này thuộc về thọ khổ (dukkhavedanā).

8) Gác trong thất (vehāsakutī). Tỳ khưu ngồi hoặc nằm trên giường, ghế mà họ chỉ kê đỡ, chưa làm thiệt chắc, để trên gác trong thất, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī do vị tỳ khưu ở trên gác, ngồi trên giường mà họ kê đỡ, rớt xuống nhằm đầu tỳ khưu ở tầng dưới.

9) Tịnh thất lớn (mahallaka). Tỳ khưu dùng đất và vôi tô tịnh thất chỉ được phép tô nhiều lắm là 3 lớp, nếu tô quá 3 lớp phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại tịnh xá Ghosita gần thành Kosambī do tỳ khưu Channa tô thất lớp nhiều lớp làm cho thất phải ngã sập.

Chú giải: Phải đứng tránh chỗ cây xanh (cây, cỏ) là đứng xa cho khỏi ruộng, vườn, mà người có trồng cây, gieo mạ, trồng đậu... Nếu đứng trong các nơi ấy mà tô, sơn, phết, phạm tác ác.

10) Nước có côn trùng (sappānaka). Tỳ khưu biết nước có côn trùng sống rồi đem tưới cây, cỏ, hoặc tưới đất phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại tháp Aggālava, gần thành Aggalavi, do các tỳ khưu xứ Aggalavi dùng nước tưới côn trùng đem tưới cỏ, đất.

Chú giải: Liệng cây, cỏ xuống chỗ nước ít làm cho côn trùng chết, liệng 1 lần phạm 1 tội. Trong nước không có côn trùng tưởng là có, hoặc nghi, rồi đem tưới cây cỏ, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Tưới vì tưởng là nước không có côn trùng, không cố ý, quên không biết, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này phạm vì dạy người (anāṇattika), có 4 chi: nước có côn trùng sống (udakassasasappānakatā); biết rằng côn trùng sẽ chết vì sự tưới nước (marissantitijānanaṃ); nước sẽ rút hết (tabbāndakaṃtādisameva); như đem nước tưới cỏ vì 1 lẽ gì (tinādinaṃsibbānaṃ). Ðều đủ cả 4 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học trộm cắp (adinnādānā sikkhāpada). Chỉ khác nhau là điều học này phạm tội vì Phật cấm (paṇṇattivajja), có 3 tâm, 3 thọ.

3. Dạy pháp - phần thứ ba (ovādavagga). Có 10 điều học:

1) Dạy pháp cho tỳ khưu ni (bhikkhunovāda). Tỳ khưu mà tăng không chỉ định, rồi đi dạy 8 điều trọng pháp cho tỳ khưu ni, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư thấy các đại đức dạy đạo cho tỳ khưu ni được nhiều vật dụng, bèn rủ nhau đi dạy tỳ khưu ni.

Chú giải: Tỳ khưu có đủ 8 chi: thu thúc theo giới bổn; học rộng; thông cả 2 giới bổn (tỳ khưu, tỳ khưu ni); tiếng thanh tao dễ nghe; đáng cho tỳ khưu ni kính mến; có sức vừa dạy bảo tỳ khưu ni được; tỳ khưu không quen phạm điều trọng pháp với tỳ khưu ni; xuất gia được 20 hạ hoặc nhiều hơn 20 hạ. Ðều đủ cả 8 chi ấy tăng mới nên chỉ định cho đi dạy tỳ khưu ni.

8 trọng pháp là: 1) tỳ khưu ni dầu tu được 100 hạ cũng phải làm lễ tỳ khưu mới xuất gia trong một ngày; 2) không nên nhập hạ trong chỗ không có tỳ khưu; 3) nên cố ý hỏi ngày lễ phát lộ, sám hối và đến thọ giáo nơi tỳ khưu tăng trong nửa tháng; 4) nhập hạ rồi nên hành phép tự tứ trong hai phái tăng; 5) phạm trọng pháp (là tăng tàn) rồi nên cho 2 phái tăng giao hiệp lại; 6) phải tu bậc thất xoa ma na (sikkhamānā) thọ trì 6 giới trong 2 năm nơi 2 phái tăng rồi mới được phép xuất gia lên tỳ khưu ni; 7) không được phép mắng nhiếc tỳ khưu; 8) cấm hẳn tỳ khưu ni không cho dạy tỳ khưu; cho phép tỳ khưu dạy tỳ khưu ni kể từ ngày đầu tiên mới xuất gia. Tỳ khưu ni phải nên tôn kính thọ trì 8 trọng pháp ấy cho đến trọn đời không được bỏ qua.

2) Mặt trời lặn (atthaṅgata). Dầu là tỳ khưu mà tăng chỉ định khi mặt trời đã lặn mà còn dạy đạo đến tỳ khưu ni, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī do đại đức A-la-hán Culapanthaka dạy đạo cho tỳ khưu ni đến tối; tỳ khưu ni mến tài đức ngài, đưa ngài ra khỏi thành, bị thành đóng cửa vào không được, làm cho thiên hạ nói xấu.

3) Tại chỗ ở của tỳ khưu ni (upassaya). Tỳ khưu đi dạy tỳ khưu ni nơi chỗ ở của cô, phạm ưng đối trị, trừ ra dạy tỳ khưu ni có bịnh.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại tịnh xá Nigrodha gần thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu), do phe lục sư đi dạy đạo cho phe 6 tỳ khưu ni tại chỗ ở của các cô.

4) Mong được tài vật (āmisa). Tỳ khưu nói xấu vị khác rằng đi dạy tỳ khưu ni vì mong được tài vật, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư nói các đại đức đi dạy tỳ khưu ni vì muốn được lợi.

5) Cho y đến tỳ khưu ni (civaradāna). Tỳ khưu cho y đến tỳ khưu ni không phải bà con, phạm ưng đối trị, trừ ra đổi y với nhau.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī do 1 tỳ khưu cho cà sa đến tỳ khưu ni không phải bà con.

6) May y cho tỳ khưu ni (civarasibbana). Tỳ khưu tự mình may hoặc dạy kẻ khác may y cho tỳ khưu ni không phải bà con, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī do tỳ khưu Udāyi may y cho tỳ khưu ni.

7) Rủ tỳ khưu ni đi chung đường (samvidhāna). Tỳ khưu rủ tỳ khưu ni đi chung đường, dầu chỉ đi xa 1 khoảng trong xóm cũng phạm ưng đối trị, trừ ra đường có sự nguy hiểm.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư rủ tỳ khưu ni đi chung đường.

8) Rủ tỳ khưu ni đi chung thuyền (nāvābhirūhana). Tỳ khưu rủ tỳ khưu ni đi chung thuyền, đi ngược hoặc đi xuôi nước cũng phạm ưng đối trị, trừ ra đi qua sông rạch.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư rủ tỳ khưu ni đi chung thuyền.

9) Dọn nấu ăn (paripācana). Tỳ khưu đã biết thọ thực (vật ngọt, hoặc mặn) mà tỳ khưu ni dọn, dạy thiện tín dâng cúng, phạm ưng đối trị, trừ ra thiện tín đã tính trước.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Veluvana gần thành Rājagaha do tỳ khưu Davadatta đã biết nhờ tỳ khưu ni nên được mời ăn mà còn đi dự.

10) Chỗ khuất mắt (rahonisajja). Tỳ khưu ngồi hoặc nằm trong chỗ khuất mắt với tỳ khưu ni phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī do tỳ khưu Udāyi vào ngồi nơi kín với tỳ khưu ni (vợ trước).

4. Vật thực - phần thứ tư (bhojanavagga). Có 10 điều học:

1) Nhà thí thực (āvasathapiṇḍa). Vật thực trong phước xá mà họ bố thí không phân hạng người, tỳ khưu không bịnh chỉ được phép thọ thực 1 ngày rồi phải nghỉ, bỏ qua 1 ngày nữa thọ mới được, nếu thọ thực liên tiếp đến ngày thứ nhì, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư đến thọ thực nhà thí thực ấy luôn khi, làm cho người chê trách.

Chú giải: Có bịnh tưởng là không bịnh hoặc nghi rồi thọ thực, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Có bịnh biết là có bịnh, chỉ thọ thực 1 lần thọ thực cách 1, 2 ngày hoặc thọ rồi qua ngày sau đi khuất thực nơi khác mà có sự rủi ro, trở lại thọ nữa được, hoặc thí chủ thỉnh thọ luôn, hoặc họ để dành riêng cho tỳ khưu hoặc thọ ngoài 5 món ăn (cơm, bánh sốt, bánh nguội, thịt, cá) và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 3 chi: cơm trong phước xá (āvasathapiṇḍatā); không có bịnh (agilānātā); ở chờ ăn (anuvasitvābhojanaṃ). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội như trong điều học thọ lông cừu (elakalomasikkhāpada).

2) Thọ thực chung nhiều vị (gānabhojana). Nếu thí chủ họ thỉnh, cho biết tên vật thực 5 món là (cơm, bánh, sốt, bánh nguội, cá, thịt) một món nào, nếu tỳ khưu thọ vật thực ấy chung nhau từ 4 vị trở lên, rồi ăn chung hoặc ăn riêng, phạm ưng đối trị, trừ ra có 7 duyên cớ này: tỳ khưu bịnh (gilānasamayo); lễ dâng y (cīvaradānasamayo); kỳ làm y (cīvarakārasamayo); đi đường xa (addhānagamanasamayo); đi chung thuyền (nāvātirūhanasamayo); tỳ khưu hội hợp quá số, vật thực không đủ dùng (mahāsamayo); vật thực ấy của các hạng xuất gia thỉnh thọ thực (samanabhattasamayo). Có 1 trong 7 duyên cớ ấy thọ thực không phạm tội (trong điều học này chỉ lấy cớ đi thọ thực chung cùng nhau làm bằng).

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Veruvana gần thành Rājagaha do phe tỳ khưu Devadatta dẫn đi thọ thực chung cùng nhau thường thường tìm xin vật ngon.

Chú giải: Dầu tỳ khưu lên tiếng xin ngay tên của vật thực rằng: người cho tôi xin cơm... cá... thịt ... xin chung chỗ, hoặc khác chỗ, nhưng thọ trong 1 chỗ cùng nhau cũng phạm tội. Thọ thực chung cùng nhau nhiều vị, trong khi thọ phạm tác ác, ăn vào phạm ưng đối trị, mỗi khi đã ăn vào khỏi cổ. Không phải thọ thực chung nhiều vị mà tưởng là thọ chung, hoặc nghi rồi ăn, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Không phải thọ thực chung nhiều vị biết là không phải, hoặc 2, 3 tỳ khưu thọ thực chung cùng nhau, hoặc nhiều tỳ khưu đi khuất thực rồi về ăn chung, hoặc thọ thực chung ngoài 5 món ăn, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 3 chi: thọ thực chung nhiều vị (ganabhojanatā); không có duyên cớ (samayābhāvo); đã ăn vào khỏi cổ (ajjhoharanaṃ). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học thọ lông cừu (ekalakalomasikkhāpada).

3) Thọ thực nơi khác (paramparabhojana). Tỳ khưu đã chịu thỉnh đi thọ 1 trong 5 món ăn, trong 1 nơi nào, rồi không đi trong nơi ấy, trở lại đi thọ trong nơi khác phạm ưng đối trị, trừ ra đã có cho tỳ khưu đi thế cho mình hoặc có 1 trong 3 duyên cớ này: tỳ khưu bịnh, lễ dâng y, kỳ làm y.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Veluvana gần thành Rājagaha do chư tỳ khưu đã chịu thỉnh rồi mà còn đi thọ thực nơi khác làm cho thí chủ bất bình.

Chú giải: Khi thọ vật thực nơi thí chủ thỉnh sau phạm tác ác, khi ăn vào phạm ưng đối trị (mỗi miếng ăn mỗi tội) trừ ra có 1 trong 3 duyên cớ đã nói. Không phải thọ thực nơi khác mà tưởng là phải, hoặc nghi, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Biết không phải thọ thực nơi khác, đã cho người đi thọ thế cho mình, hoặc ăn chung 1 lượt, hoặc ăn theo vật thực đã thọ (thọ trước, ăn trước, thọ sau ăn sau), (ngoài 5 vật thực đã nói thì không kể) và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 3 chi: vật thực của người khác (paramparabhojanatā); không có duyên cớ (samayābhāvo); đã ăn vào (ajjhoharanaṃ).

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học lễ dâng y lần thứ nhất (pathamakathina sikkhāpada). Chỉ khác nhau là điều học này phạm vì làm và không làm (kiriya akiriyā).

4) Thọ bánh (kānamātā). Tỳ khưu vào xóm khuất thực, nếu có thí chủ họ đem bánh nhiều đến dâng, được phép thọ nhiều lắm đến 3 bát, nếu thọ quá hạn định, phạm ưng đối trị. Bánh mà tỳ khưu đã thọ được 2 hay 3 bát ấy, phải chia sớt cho tỳ khưu khác, mới nên.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī do chư tỳ khưu thọ bánh của mẹ nàng Kānā.

Chú giải: Tỳ khưu đã thọ 2 bát, khi ra khỏi gặp, tỳ khưu nơi phía ngoài nên nói “trong chỗ ấy tôi đã thọ 2 bát rồi, ngài chỉ nên thọ thêm 1 bát nữa”. Tỳ khưu này thấy vị khác nên cho hay “Tỳ khưu đến trước đã thọ 2 bát rồi, tôi cũng đã thọ 1 bát rồi, ngài không nên thọ nữa”. Tỳ khưu đã thọ trước 1 bát rồi, cũng phải nói lại với tỳ khưu khác như thế. Tỳ khưu đã thọ 3 bát rồi, thấy vị khác nên ngăn cản không cho đến thọ nữa, nếu không ngăn cản, phạm tác ác. Tỳ khưu đã nghe vị khác ngăn cản mà còn đi đến thọ nữa, phạm tác ác. Tỳ khưu ấy về đến nhà ăn, hoặc đến nơi thường thọ thực, để cho mình 1 bát còn dư lại phải dâng đến tăng, cho theo ý muốn mình không được (không nên cho đến người thân thiết). Tỳ khưu thọ được 1 bát, không muốn cho ai cũng được tùy sở thích.

5) Ngăn vật thực lần thứ nhất (pathamapavāraṇā).Tỳ khưu đương ăn, nếu có thí chủ đem trong 5 vật thực đến dâng, ở trong khoảng 2 hắc 1 gang mà không thọ gọi là “ngăn vật thực”. Tỳ khưu đã ngăn vật thực không phải của tỳ khưu bịnh hoặc vật chưa làm theo luật (vinaya kamma) phạm ưng đối trị.

Chú giải: ngăn vật thực[48] có 5 chi: đương khi ăn (āsanaṃpaññāyati); vật ăn và vật ăn (5 thứ vật thực) (bhojanampaññāyati); người dâng ở trong khoảng 2 hắc 1 gang (hatthapāsethito); họ dâng vật thực vào (abhiharati); ngăn ra (patikkhepopaññāyati). Đều đủ cả 5 chi ấy mới gọi là ngăn. 7 thứ mễ hoặc bánh làm bằng 7 thứ mễ là vật sanh “ngăn vật thực”. Thịt và cá mà tỳ khưu đương ăn mà họ dâng thịt cá, dầu nhỏ bằng hột cải để trong đồ đựng, nếu tỳ khưu chưa ăn mà ngăn các vật thực khác, có thể làm cho sanh “ngăn vật thực” cũng không gọi là ngăn. Nhưng thịt và cá mà tỳ khưu đương ăn, 1 miếng còn trong tay, và trong bát, nếu tỳ khưu ngăn thịt, cá khác, gọi là ngăn cả 2 miếng. Cơm dầu 1 hột, vật thực trong bát, trong miệng và trong tay mà tỳ khưu còn tiếc rồi ngăn vật thực khác, gọi là ngăn. Nếu tỳ khưu không tiếc vật thực còn dư lại, vật thực ấy tỳ khưu không cố ý để ăn, hoặc muốn cho đến người khác, hoặc muốn đi ăn trong nơi khác, tỳ khưu ấy dầu ngăn cũng không gọi là ngăn.

Giải về hắc (hatthapāsa): Nếu tỳ khưu ngồi thì kể từ chỗ cuối cùng phía sau, nếu đứng kể từ gót chân, nằm nghiên bên nào, kể từ lưng bên ấy đến chỗ cuối cùng tay, chân của người dâng, ngồi hoặc đứng, hoặc nằm (trừ ra tay đưa ra dâng, được 2 hắc, 1 gang gọi là hắc). Họ đứng ở trong hắc rồi cúi dâng đến mà tỳ khưu ngăn ra mới gọi là “ngăn”. Nếu quá hắc mà ngăn thì không gọi là “ngăn”.

Giải về vật thực đến: Nếu tỳ khưu ngồi theo hàng ngũ, không đưa bát trong tay hoặc trên chân ra, chỉ nói “ngươi hãy lấy cơm” như thế, nếu tỳ khưu ngăn cũng không gọi là “ngăn”, dầu vật trong thúng đem để trước mặt rồi bạch như thế cũng vậy. Chỉ đến khi xúc cơm lên rồi tỳ khưu ngăn mới gọi là ngăn, dầu 2 người đồng nhau đở lên cũng gọi là ngăn. Khi họ dâng đến tỳ khưu ngồi theo hàng ngũ rồi tỳ khưu ở ngoài tiếp đập bát, gọi là ngăn vật mà họ dâng đến người khác, vì lẽ ấy, không gọi là ngăn.

Giải về cách ngăn: Trong vật mà họ dâng đến bằng lời, thì ngăn không được. Vật mà họ dâng bằng thân, cũng phải ngăn bằng thân, như đưa tay ra chận ngăn hoặc nói “vừa rồi, đừng dâng nữa, như thế mới gọi là ngăn”.

Một người dâng canh thịt rằng “Bạch ngài, xin ngài thọ canh”. Tỳ khưu nghe, ngăn người ấy ra, như thế không gọi là ngăn. Khi nào họ nói: “Bạch ngài, xin ngài thọ canh thịt” mà tỳ khưu ngăn mới gọi là ngăn. Nếu họ nói “xin ngài thọ vật này” mà tỳ khưu ngăn cũng gọi là ngăn. Dầu họ làm thịt cho ra món khác rồi họ nói “xin thọ thịt”, nếu còn chút ít thịt bằng hột cải mà ngăn thì cũng gọi là ngăn. Họ nấu canh cá, thịt chung với mít và canh măng, rồi đem đến dâng rằng: “Bạch ngài, xin ngài thọ canh mít, canh măng”, nếu ngăn cũng không gọi là ngăn, vì họ nói tên của vật nên dùng, không sanh sự ngăn. Nếu họ nói “xin ngài thọ canh cá, canh thịt” hoặc nói “hãy thọ vật này” mới gọi là ngăn.

Ngăn vật thực có 5 chi: tỳ khưu đương ăn, họ đem vật thức đến dâng nữa, họ ở trong hắc, họ dâng vật thực vào, tỳ khưu ngăn vật thực. Như thế mới gọi là ngăn.

Trong 4 oai nghi (nằm, đi, đứng, ngồi), tỳ khưu ngăn trong oai nghi nào, đừng thay đổi oai nghi ấy, ăn không có tội.

Vật dùng mà không làm theo luật (vinaya kamma) và không phải là vật dư của tỳ khưu bịnh gọi là “không phải vật dư” (anatiritta) dùng không được, vật thực đã làm theo luật và vật dư của tỳ khưu bịnh gọi là “vật dư” (atiritta) nên dùng được.

Bảy cách làm theo luật (vinaya kamma): 1) các vật thực như trái cây hoặc củ mà người không được làm thành vật cho tỳ khưu dùng được (samanakappa)[49] và thịt không nên dùng, tỳ khưu người làm theo luật (vinaya kamma) lấy các vật không nên dùng ấy đem làm theo luật rằng “tất cả vật này nên rồi” (alametaṃ sabbaṃ); 2) vật mà tỳ khưu, người làm theo luật chưa thọ, rồi làm theo luật rằng “tất cả vật này nên rồi”; 3) vật mà tỳ khưu đem đến cho tỳ khưu, người làm theo luật, làm cho thành vật nên dùng, nhưng chưa dở lên hoặc chưa dâng vào, rồi làm theo luật rằng “tất cả vật này nên rồi”; 4) tỳ khưu đem vật đến cho tỳ khưu trong bọn làm theo luật ấy ở ngoài hắc, rồi làm theo luật rằng “tất cả vật này nên rồi”; 5) một tỳ khưu nào làm theo luật rằng “tất cả vật này nên rồi” nhưng tỳ khưu, người làm theo luật ấy, chưa ăn rồi làm theo luật rằng “tất cả vật nên rồi”; 6) tỳ khưu, người làm theo luật được ăn rồi, đã ngăn vật thực rồi, đứng dậy khỏi chỗ ngồi rồi, đi làm theo luật cho vị khác rằng “tất cả vật này nên rồi”; 7) tỳ khưu người làm theo luật nói rằng “tất cả vật này nên rồi” (alamataṃ sabbaṃ). Một trong 5 thứ vật thực nào, mà không phải là vật dư của tỳ khưu bịnh, vật không nên làm theo luật (7 cách trên) hoặc vật thực không phải là của dư của tỳ khưu bịnh, cả 2 phần vật thực ấy gọi là không phải của dư (anatiribhojana).

Không phải vật dư (anatiritta) là nói về vật không được làm theo luật là: 1) vật mà không được làm cho thành vật nên; 2) vật mà tỳ khưu không được thọ, rồi làm cho ra vật nên; 3) vật mà tỳ khưu không được dở lên hoặc không được dâng vào gần cho tỳ khưu làm ra vật nên; 4) tỳ khưu ở trong hắc rồi làm; 5) tỳ khưu chưa được ăn rồi làm; 6) tỳ khưu đã ăn rồi, được ngăn vật thực rồi đứng dậy, khỏi làm; 7) vật mà tỳ khưu không nói “tất cả vật này nên rồi”, và vật không phải của dư của tỳ khưu bịnh. Cả 2 vật thực ấy gọi là “không phải vật dư” (anatiritta).

Vật dư (atiritta) là nói về vật đã được làm theo luật (vinaya kamma) là: 1) vật mà họ làm cho ra vật nên; 2) vật mà tỳ khưu được thọ lãnh rồi làm cho ra vật nên; 3) vật mà tỳ khưu dở lên hoặc dâng vào gần cho làm ra vật nên; 4) tỳ khưu ở trong hắc rồi làm; 5) tỳ khưu đã ăn rồi mới làm; 6) vật mà tỳ khưu đã ăn, ngăn vật thực rồi chưa đứng dậy khỏi chỗ ngồi, rồi làm; 7) vật mà tỳ khưu nói “tất cả vật này nên rồi” và vật dư của tỳ khưu bịnh. Cả 2 thứ vật thực ấy gọi là vật dư (atiritta).

Tỳ khưu ngăn cơm như có giải trên, nếu đã thay đổi oai nghi rồi thọ vật không phải của tỳ khưu bịnh, để dùng phạm tác ác, vì thọ; ăn vào phạm ưng đối trị, mỗi miếng ăn. Nhất là thọ yāmakālika để làm vật thực, ăn ngoài bữa ăn, thế cho vật thực. Vật dư của tỳ khưu bịnh mà tưởng là không phải của tỳ khưu bịnh, hoặc nghi, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Thọ vật thực không phải của tỳ khưu bịnh vì nghĩ sẽ đem cho tỳ khưu khác làm kappiya cho, rồi mới dùng, thọ cho người khác, thọ yāmakālika[50] sattāhakālika[51], yāvajīvika[52] ngoài vật thực, dùng theo luật là đức Phật đã cho phép, và tỳ khưu bịnh không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người (anāṇattika), có 3 chi: người ngăn cơm và đã ra khỏi chỗ ngồi (pavāritabhāvo); vật thực chưa làm kappiya không phải vật dư của tỳ khưu bịnh (amisassa anarittatā); ăn trong giờ (kāle ajjhoharaṇaṃ). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học lễ dâng y lần thứ nhất. Chỉ khác nhau là điều học này phạm vì làm là ngăn cản, phạm vì không làm là không được làm theo (kiriyakiriyā) trước rồi mới nên ăn.

6) Ngăn vật thực - lần thứ nhì (dutiya pavāraṇā). Tỳ khưu biết rằng vị khác đã ngăn vật thực như thế, tính cáo tội vị ấy, rồi cố ý lấy vật thực không phải của tỳ khưu bịnh, hoặc không được làm theo luật (vinayakamma), đem nài nỉ hoặc ép, nếu vị ấy ăn, tỳ khưu nài nỉ hoặc ép ấy phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do tỳ khưu đem vật không phải của dư đến nài ép tỳ khưu mà mình cố oán đó ăn.

Chú giải: Khi tỳ khưu nài nỉ hoặc ép dâng vật thực đến tỳ khưu khác phạm tác ác, ăn vào phạm ưng đối trị.

Thể thức không phạm tội: Cho vật thực dư của tỳ khưu bịnh, hoặc cho vì có lời rằng “ngài dạy họ làm thành vật thực dư của tỳ khưu bịnh rồi sẽ dùng” hoặc đem cho người khác, hoặc như cho yāmakālika rồi nói “khi có duyên cớ sẽ dùng”, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người (anāṇattika), có 5 chi: tỳ khưu đã ngăn cơm (pavārittatā); đã biết tỳ khưu ấy ngăn cơm (pavārittasaññittā); cố ý để cáo tội (asādanāpekkhatā); lấy vật không phải của dư của tỳ khưu bịnh đem cho (abhihatthumpavāranatā); tỳ khưu ấy đã ăn rồi (bhojanapariyosānaṃ). Ðều đủ cả 5 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học trộm cắp (adinnādānā sikkhāpada). Chỉ khác nhau là điều học này thuộc về thọ khổ (dukkhavedanā).

7) Ăn vật thực sái giờ (vikālabhojana). Tỳ khưu ăn vật thực trong khi sái giờ là từ chinh xế đến mặt trời mọc, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Veluvana gần thành Rājagaha do phe thập thất sư thọ thực sái giờ.

Chú giải: Thọ nhất là yāmakālika để dùng làm vật thực trong khi sai giờ hoặc trong giờ, là từ sớm mai đến đúng ngọ, hoặc tưởng là sai giờ, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: trong giờ biết là trong giờ, ăn không phạm, có duyên cớ ăn yāmakālika trong khi sai giờ cũng được, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người (anāṇattika), có 3 chi: trong lúc sái giờ (vikālatā); vật thực là yāvakalika[53] (yāvakālikatā); đã ăn vào (ajjhoharaṇaṃ). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học thọ lông cừu (elakalomāsikkhāpada).

8) Vật thực để dành (sannidhikāraka). Tỳ khưu dùng vật thực đã thọ, rồi để dành cách đêm, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do tỳ khưu Velatthasīsa ẩn tu trong rừng (thầy của đại đức Ananda) phơi cơm khô để ăn nhiều ngày.

Chú giải: Nếu rửa bát không sạch, lấy tay chùi thấy rõ dấu tay, đem phơi trong chỗ có nắng, hoặc thọ cháo nóng, mồ hôi bát chảy ra, tỳ khưu dầu ăn trong bát như thế, trong buổi mai ngày sau, phạm ưng đối trị.

Vật nào mà tỳ khưu đã cho dứt đến sa di không còn tiếc rồi sa di cất giữ, tỳ khưu được vật ấy dùng cũng nên. Trong vật để cách đêm phạm ưng đối trị. Thọ yāmakalika, sattāhakalika và yāvajivika để cách đêm làm vật thực, hoặc như vật thực, hoặc trong vật thực không phải để cách đêm, tưởng là vật để cách đêm, hoặc nghi đều phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Biết là không phải vật để cách đêm, cất yāvajivika, yāmakalika và sattāhakalika, không quá hạn định, rồi dùng theo hạn định, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người (anāṇattika), có 3 chi: vật thực dùng buổi sáng (anisaṃ); đã thọ vật thực ấy rồi để cách đêm (sannidhibhāvo); đã ăn vật ấy vào (tassa ajjhoharaṇaṃ). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học thọ lông cừu (ekalomāsikkhāpada).

9) Vật thực quí (panībhojana). Tỳ khưu không bịnh xin cơm chung với 9 vật thực quí là: mỡ lỏng, sữa lỏng, sữa đặc, dầu, mật ong, nước mía (đường), cá, thịt, sữa tươi, sữa chua, 1 vật quí nào nơi thiện tín không phải bà con, không phải người có yêu cầu đem ăn, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī, do nhóm Lục sư xin 9 vật thực quí để ăn.

Chú giải: xin vật quí không chung với cơm phạm tác ác. Xin cơm với cá, họ cho cơm với thịt không phạm tội. Có bịnh tưởng là không bịnh, nghi, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Biết mình có bịnh xin trong khi có bịnh, hết bịnh rồi ăn, hoặc ăn vật dư của tỳ khưu bịnh, xin nơi bà con, nơi người có yêu cầu, xin cho người khác hoặc đổi, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người xin (anāṇattika), có 4 chi: cơm với vật thực quí (panītabhojanatā); không có bịnh (agilānatā); xin được (kataviññattiyāpatilābho); đã ăn vào (ajjhoharaṇaṃ). Ðều đủ cả 4 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Ðiều học này tội sanh do thân, thân khẩu, thân ý, thân khẩu ý, phạm vì làm (kiriyā), không khỏi phạm vì tưởng (nosaññavimokkha), không cố ý cũng phạm (acitaka), phạm vì Phật cấm (pannattikavajja), thân nghiệp, khẩu nghiệp, có 3 tâm, 3 thọ.

10) Trừ ra tăm và nước trắng (dantapona). Tỳ khưu dùng vật thực mà người không dâng phạm ưng đối trị, trừ ra nước trắng và tăm xỉa răng.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại phước xá trong rừng Tuyết sơn gần thành Tỳ-sa-ly (Vesālī), do tỳ khưu ẩn tu nơi mồ mả ăn vật thực của họ đem cúng mồ rồi bỏ nơi ấy, làm cho người chê trách.

Chú giải: Tỳ khưu dầu thọ vật nhỏ nhem bằng cát bụi mà họ không dâng, thì phạm tác ác, đã ăn vào khỏi cổ, phạm ưng đối trị, trừ ra nước trắng và tăm. Nước không cần dâng, được phép dùng tuỳ thích; tăm không cần dâng vì không phải là vật ăn vào khỏi cổ, nếu ăn vật qua khỏi cổ mà không hay biết cũng phạm ưng đối trị; trong vật thọ mà người không dâng, phạm ưng đối trị; trong vật thọ mà người đã dâng, tưởng là chưa dâng hoặc nghi, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Biết là vật mà họ đã dâng, ăn vào khỏi cổ không phạm tội: 4 thứ thuốc: nước tiểu, phẩn, tro, đất, khi hữu sự là bị rắn mổ mà không có người hộ thì mình lấy dùng, và tỳ khưu điên đều không phạm tội hoặc có người hộ mà khó dạy hoặc không thể làm được. Khi không có tro, tỳ khưu được phép đốt củi khô, củi khô không có, bẻ cây tươi đốt làm tro cũng nên.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người thọ (anāṇattika), có 4 chi: vật không có người dâng (apatiggahitakatā); vật ấy đức Phật không cho phép (ananuññātāta); vật ấy không phải là abbohārika như khói, lửa (dhumādi abboharikabhāvo); đã ăn vào khỏi cổ (ajjhoharanaṃ). Ðều đủ cả 4 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học thọ lông cừu (elakalomāsikkhāpada).

5. Đạo Lõa thể - phần thứ năm (accelakavagga). Có 10 điều học

1) Kẻ tu đạo Lõa thể (Accelaka). Tỳ khưu tự tay mình cho hoặc dạy kẻ khác cho vật thực đến kẻ tu đạo lõa thể, tu ngoại đạo, phạm ưng đối trị (mỗi lần cho mỗi tội).

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại phước xá Kutāgāra trong rừng Tuyết sơn, gần thành Vesālī, do đại đức Ānanda cho bánh đến phụ nữ tu đạo lõa thể.

2) Rủ đi khất thực (uyyojana). Tỳ khưu rủ vị khác đi khất thực cùng nhau tính làm quấy, rồi đuổi vị ấy trở về, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī do tỳ khưu Upananda rủ đệ tử người bạn đi khuất thực rồi đuổi về.

Chú giải: đuổi sa di, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Ðuổi có duyên cớ như 2 vị ở chung chỗ cùng nhau, vật thực không vừa đủ nuôi mạng sống, hoặc thấy vật tốt cao giá, hoặc thấy phụ nữ rồi sanh lòng tham, khó chịu hoặc dạy đem vật chi đến tỳ khưu bịnh hoặc không tính làm quấy rồi đưa đi về, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này phạm tội vì dạy người đuổi (anāṇattika), có 3 chi: tính làm việc quấy (anācāramācaritukamatā); đuổi tỳ khưu vì sự lợi ích ấy (tadatthameva upasaṃ pannassanyojanata); người bị đuổi đi khỏi chỗ (evaṃ uyyojetassa upacārātikkamo). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học trộm cắp (adinnādānā sikkhāpada).

3) Chỉ có 2 vợ chồng (sabhojana). Tỳ khưu vào ngồi trong nhà không có người khác ngồi với, chỉ có 2 vợ chồng chủ nhà, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī do tỳ khưu Upananda vào ngồi trong buồng của vợ người bạn.

4) Chỗ khuất mắt (rahopaticchanna). Tỳ khưu ngồi hoặc nằm trong chỗ khuất mắt với một người nữ không có người nam ngồi chung với, phạm ưng đối trị. Ðiều học này gọi là (pathama rahonisajja) cũng được.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī, do tỳ khưu Upanada vào ngồi nơi khuất mắt với vợ người bạn.

Chú giải: dầu ngồi chung với phụ nữ mới đẻ trong ngày cũng phạm ưng đối trị.

5) Chỗ khuất tai (rahonisajja). Tỳ khưu ngồi hoặc nằm chỗ khuất tai với một người nữ, phạm ưng đối trị. Ðiều học này gọi là “dutiya rahonisajja” cũng được.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī, do tỳ khưu Upananda vào ngồi trong nhà với vợ của người bạn.

Chỗ sanh tội (samutthāna vidhī) của 2 điều học này như trong điều học bất cộng trụ thứ nhất (pathama parajikasikkhāpada); ngoài ra, nên xem thêm điều học “bất định”.

6) Đi nơi khác (cāritta). Tỳ khưu được thỉnh đi thọ 1 trong 5 món ăn, rồi đi nơi khác, trước giờ ăn hoặc ăn rồi đi từ sớm mai đến đứng bóng phải cho tỳ khưu trong nơi ấy hay với, mới nên đi, nếu không cho hay mà đi, phạm ưng đối trị, trừ ra có 1 trong 2 duyên cớ, là: kỳ lễ dâng y, làm y.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Veluvana gần thành Rājagaha, do tỳ khưu Upananda đã chịu thỉnh ăn mà còn đi đến các nhà thiện tín khác, làm cho chư sư phải chờ gần đến giờ, nên thọ thực không được vừa lòng.

Chú giải: Dầu tỳ khưu đã chịu thỉnh để ăn của thí chủ rồi, hoặc chưa ăn, không từ giã tỳ khưu trong bọn rồi đi đến nơi khác từ sớm mai đến đứng bóng, khi đi bước thứ nhất phạm tác ác, đi đến bước thứ nhì phạm ưng đối trị.

Thể thức không phạm tội: Biết là họ không mời, hoặc có một trong hai duyên cớ, từ giã tỳ khưu trong bọn, không từ giã đi về chùa, đi đến chỗ ở tỳ khưu ni, đi đến nơi ngoại đạo, đi đến nhà ăn, đi vì có tai hại, và tỳ khưu điên, đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 5 chi: vui thích trong sự thỉnh đi ăn 1 trong 5 thứ vật thực (aññatarenanimantana sādiyanaṃ); không cho tỳ khưu trong bọn hay (santaṃbhikkhumanānucchatā); đi đến nơi khác, khỏi nhà họ mời (aññassagharassapavesanaṃ); chưa quá đứng bóng (majjhantikānatikkamo); không có duyên cớ hoặc tai hại (samayassavā āpadānaṃ vā abhāvo). Ðều đủ cả 5 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học “lễ dâng y lần thứ nhất” (pathamakathina sikkhāpada). Chỉ khác nhau là điều học này, phạm vì làm là chịu thỉnh đi thọ thực, vì không làm là không từ giã tỳ khưu trong bọn (kiriyā kiriyā).

7) Chỉ được phép xin vật dụng theo hạn định (mahānāma).[54] Nếu thí chủ họ yêu cầu dâng 4 vật dụng có hạn 4 tháng hoặc định vật dụng, tỳ khưu không bịnh, nên xin trong hạn kỳ hoặc trong vật đã định thôi, xin quá hạn định ấy, phạm ưng đối trị, trừ ra họ đã yêu cầu thêm hoặc họ yêu cầu luôn.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại tịnh xá Nigrodha gần thành Kapilavatthu xứ Sakya do phe lục sư xin thuốc quá hạn.

Chú giải: Xin không quá hạn định tưởng là quá, hoặc nghi rồi xin, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Biết là không quá hạn định, xin không phạm tội, khi cần dùng cho họ biết thiệt, rồi xin trong hạn định hoặc xin nơi trong bà con và người đã yêu cầu vô hạn, hoặc xin cho kẻ khác, hoặc đổi, và tỳ khưu điên, đều không phạm tội.

Ðiều học này phạm tội vì dạy người xin (sāṇattika), có 4 chi: họ yêu cầu đến tăng (saṅghapavāraṇatā); xin thuốc cho quá số định (tato uttaribhesajjaviññātti); không có bịnh (agilānatā); xin quá hạn kỳ (pariyantātikkamo). Ðều đủ cả 4 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) như trong điều học làm mai dong (sañcarittasikkhāpada).

8) Xem động binh (uyyutta). Tỳ khưu đi xem động binh ra trận, phạm ưng đối trị, trừ ra khi có duyên cớ nên đi, là có bà con mang bịnh trong nơi ấy.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư xem động binh.

Chú giải: Voi vừa cho 12 người cưỡi, ngựa vừa cho 3 người cưỡi, xe vừa cho 4 người có cầm khí giới ngồi, gọi là động binh. Tỳ khưu đứng trong nơi nào rồi thấy trong nơi ấy, ngó xem thường thường, phạm ưng đối trị. Động binh tưởng là đội binh thường, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Biết là không phải động binh rồi đi xem không phạm, ở nơi chùa rồi xem, hoặc gặp giữa đường rồi xem, hoặc có tai hại, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 4 chi: động binh ra đi (uyyuttasenaṃ); đi để xem (dassanatthāyagamanaṃ); và xem trong các chỗ khác, ngoài khoảng trống mà đức Phật đã cho phép (aññatradassanaṃ); không có duyên cớ hoặc tai hại (āpadāyavā abhāvo). Ðều đủ cả 4 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học thọ lông cừu (elakalomāsikkhāpada). Chỉ khác nhau là điều học này phạm tội vì đời (lokavajja), phạm vì ác tâm, có 3 thọ.

9) Ngụ trong cơ binh (senavāsa). Nếu có duyên cớ, có thể đi được, tỳ khưu ngụ trong binh cơ ấy lâu lắm là trong 3 ngày, nếu ở quá hạn, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại tịnh xá Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư đi xem cơ binh.

10) Đi đến chiến trường (uyyodhika). Trong khi ngụ trong cơ binh theo hạn định ấy, tỳ khưu đi đến chiến trường, hoặc nơi động binh hoặc xem cơ binh, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại tịnh xá Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư đi đến chiến trường.

6. Uống rượu - phần thứ sáu (surāpānavagga). Có 10 điều học:

1) Uống rượu (surāpāna). Tỳ khưu uống nước có chất say, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại xứ Bhaddavatikā, do tỳ khưu Sāgata uống rượu.

Chú giải: nước say làm bằng chất say nhất là làm bằng bột gọi là rượu (sura), nước mà người ngâm nhất là ngâm bông cây gọi là “meraya”. Cả 2 thứ nước ấy, dầu tỳ khưu uống 1 nhỏ, cũng phạm ưng đối trị. Không phải nước say tưởng là nước say, hoặc nghi rồi uống, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Biết là không phải nước say, uống không phạm tội, uống thuốc không có chất say, mà có màu, mùi và vị như nước say, hoặc canh, thịt, dầu, tầm ruột rừng và đường mà người để chút ít nước say vào cho bán mùi hôi, và tỳ khưu bịnh đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 2 chi: nước có chất say (majjabhāvoca); uống nước có chất say ấy (tassapānaṃ). Đều đủ cả 2 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học thọ lông cừu (elakalomāsikkhāpada). Chỉ khác nhau là điều học này phạm tội vì đời (lokavajja), phạm vì ác tâm (akusalacitta), có 3 thọ.

2) Dùng tay chọc léc (aṅgulipatodaka). Tỳ khưu dùng tay chọc léc vị khác, phạm ưng đối trị.

Điều học này do đức Phật cấm chế tại Kỳ Viên tịnh xá, gần thành Xá Vệ, do phe lục sư chọc léc vị khác.

Chú giải: Chọc léc sa di, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Không cố ý chọc léc chơi rồi đụng nhằm, có việc rồi đụng nhằm, và tỳ khưu điên, đều không phạm tội .

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 2 chi: cố ý chọc léc chơi (hassādhippāyatā); tay mình đụng nhằm tỳ khưu khác (upasampannassakāye nakāyamasanaṃ). Ðều đủ cả 2 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học bất cộng trụ thứ nhất (pathama pārājika sikkhāpada).

3) Giỡn nước (hassadhamma). Tỳ khưu giỡn nước phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe tỳ khưu Vagga giỡn nước.

Chú giải: Giỡn trong nước sâu từ cườm chân trở xuống phạm tác ác. Mỗi lần lặn xuống ngước lên phạm ưng đối trị, lội phạm ưng đối trị, mỗi lần tay bơi chân quậy. Nếu lội nổi trên nước, phạm ưng đối trị, mỗi lần tay chân bơi quậy; xuống chơi trong nước cạn dưới cườm chân, hoặc chơi ghe, hoặc lấy tay, chân, cây... chận nước hoặc giỡn nước trong đồ đựng, giỡn bùn, hoặc khoát nước chơi, đều phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Viết chữ giải nghĩa không cố ý chơi, xuống tắm như thường, lội ngang rạch, sông hoặc có tai hại, và tỳ khưu điên, đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 2 chi: nước sâu ngập cườm chân (uparigoppahatā); xuống cố ý giỡn chơi cho vui (hassādhippāyenakilanaṃ). Ðều đủ cả 2 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học bất cộng trụ thứ nhất (pathama pārājikasikkhāpada).

4) Không kiên luật (anādariya). Tỳ khưu tỏ dạng không kiên luật hoặc không kiên người giảng luật, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại tịnh xá Ghosita, gần thành Kosambi, do tỳ khưu Channa không kiên pháp luật.

Chú giải: Tỳ khưu nhờ vị khác thức tỉnh, khuyên dạy dìu dắt, cấm răn theo điều học của đức Phật đã cấm chế mà không kiên vị ấy, hoặc không kiên luật pháp, phạm ưng đối trị. Nghĩ rằng “Vị này kiếm điều bắt tội chê trách, nói xấu, lời vị này, ta không hành theo” rồi không kiên nể, như thế gọi là không kiên; với tỳ khưu, phạm ưng đối trị, với sa di, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Tỳ khưu có học Phạn, đáp: “sự học đọc Pāli và chú giải của thầy giáo thọ của tôi như vầy”, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 2 chi: tỳ khưu thức tỉnh theo luật mà Phật cấm chế (upasampannassa paññattena vacanaṃ); dể duôi không kiêng nể (anādariya karanaṃ). Ðều đủ cả 2 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học trộm cắp (adinnādānā sikkhāpada). Chỉ khác nhau là điều học này thuộc về thọ khổ (dukkhavedanā).

5) Nhát tỳ khưu khác (bhiṃsāpana). Tỳ khưu nhát hoặc làm cho vị khác kinh sợ, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư nhát phe thập thất sư.

Chú giải: Làm cho tỳ khưu khác sợ là nói: chỗ nầy có kẻ cướp độc ác, hoặc đem vật gì làm cho sợ, nói lời chi cho tỳ khưu khác sợ, tỳ khưu này dầu sợ hay không, tỳ khưu nhát cũng phạm ưng đối trị; tỳ khưu nhát người tu lên bậc trên phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Không tính làm cho người sợ, nói lời thiệt, như nói “đường này xa, có bọn cướp”, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 2 chi: người ấy là tỳ khưu (upasampannatā); cố ý ráng làm cho tỳ khưu kinh sợ, trong khi vị này nghe và thấy (bhiṃsāpetukāmatāya vāyamanaṃ). Ðều đủ cả 2 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như điều học trên.

6) Nhúm lửa lên ngọn (jotisamā dahana). Tỳ khưu vô bịnh tự mình hoặc dạy người khác nhúm lửa cho lên ngọn đặng hơ, phạm ưng đối trị. Nếu đốt vì hữu sự như đốt bát, không phạm tội.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại rừng Bhesaka do các tỳ khưu nhúm lửa để hơ trong tháng lạnh.

Chú giải: Nhúm lửa chưa cháy phạm tác ác, cháy lên ngọn phạm ưng đối trị. Tỳ khưu có bịnh, không có lửa chịu không được gọi là: “có bịnh”. Tỳ khưu có bịnh tưởng là không bịnh, nghi rồi nhúm lửa để hơ, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Biết là có bịnh rồi nhúm lửa hơ không phạm tội, hơ lửa của người khác nhúm, nhúm lửa vì hữu sự hoặc có tai nạn, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 4 chi: vô bịnh (agilānatā); không có duyên cớ mà đức Phật cho phép (anuññātakaranābhāvo); cố ý để hơ (visibbhetukāmata); tự mình hoặc dạy kẻ khác nhúm lửa cháy lên ngọn (samādahanaṃ). Ðều đủ cả 4 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học làm mai dong (sancaritta sikkhāpada).

7) Tắm (nhāna). Tỳ khưu ở xứ Trung Ấn Độ, 15 ngày tắm một kỳ được, nếu chưa đủ 15 ngày rồi tắm, phạm ưng đối trị, trừ ra có dịp mới tắm được. (Điều học này chỉ cấm ở xứ Trung Ấn Độ, xứ ngoài như xứ ta nên tắm thường thường, không phạm tội).

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Veluvana gần thành Rājagaha. Do chư tỳ khưu tắm lâu, làm cho đức vua Tần Bà Sa chờ đợi.

8) Làm dấu (dubhaṇṇakarana). Tỳ khưu được y mới, nếu muốn mặc, cần phải dùng 1 trong 3 màu là: màu xanh chàm, đen xậm, xám tro (bùn), để làm dấu tròn (bandukappa) mới nên mặc, nếu chưa làm dấu tròn mà dùng, phạm phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī do chư tỳ khưu không biết nhìn y đã bị bọn cướp đoạt.

Chú giải: Tỳ khưu đã mặc y làm dấu mà tưởng là chưa làm, hoặc nghi mà mặc, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Ðã làm dấu tròn, biết đã làm rồi mặc, hoặc đã làm mà dấu tròn đã bay tan, hoặc chỗ làm dấu tròn ấy đứt rách mất, hoặc y làm không được, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 3 chi: y chưa làm dấu tròn (civarassa akatakappatā); không phải tỳ khưu có y mất (nanaṭṭhācivaraditā); đã mặc hoặc đắp y ấy (nivāsanaṃ vā pārupanaṃ vā). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học thọ lông cừu (elakaloma sikkhāpada). Chỉ khác nhau là điều học này phạm vì làm, là mặc, đắp, vì không làm là không làm dấu (kiriyā kiriyā).

9) Gởi y (vikappana). Tỳ khưu gởi y cho 1 trong 5 hạng người xuất gia, tỳ khưu, tỳ khưu ni, thất xoa ma na (sikkhamānā), sa di, sa di ni, mà không cho người lãnh gởi xả phép gởi cho, rồi đem y về mặc, đắp, phạm ưng đối trị. Ðiều học này gọi là “paccudhāra” như thế cũng được.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Jetavana gần thành Sāvatthī do tỳ khưu Upananda gởi y khi lấy y đem vể mặc không nhờ người lãnh gởi xả phép gởi.

Chú giải: Tỳ khưu đã gởi y rồi đem về mặc mà chưa xả phép gởi ấy phạm ưng đối trị. Nguyện đặt tên hoặc lìa xa y chưa xả phép gởi, phạm tác ác; đã xả phép gởi tưởng là chưa xả hoặc nghi rồi mặc, đắp, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Biết đã xả phép gởi rồi mặc, đắp, người chịu gởi đã xả phép gởi cho, hoặc dùng y vì thân thiết với người chịu gởi, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 3 chi: không xả y mà mình đã gởi (sāmaṃvikappi tassa apaccudhāro); y ấy đủ thước tấc (bề ngang, bề dài) nên gởi (vikappanūpaga civaratā); đã mặc, đắp (paribhogo). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học lễ dâng y lần thứ nhất (pathamakathina sikkhāpada).

10) Giấu vật dụng (ananidhāna). Tỳ khưu giấu 1 trong 5 món, bát, ca sa, tọa cụ, ống kim, dây thịt lưng của vị khác, để giễu chơi, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư giấu các vật dụng (bát, cà sa...) của phe thập thất sư.

Chú giải: Người lãnh đem giấu phạm tác ác; tỳ khưu giấu hoặc dạy người đem giấu, phạm ưng đối trị; giấu của người chưa tu lên bực trên phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Vật dụng của người khác cất không kỹ lượm giùm cất cho, hoặc lượm cố ý để thức tỉnh, rồi mới cho lại, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này phạm tội vì dạy người khác (sānattika), có 2 chi: nhất là giấu bát của tỳ khưu (pattādinaṃ apanidhānaṃ); cố ý làm cho chủ khó lòng, hoặc giễu chơi (hassadhippāyatā). Ðều đủ cả 2 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học trộm cắp (adinnādānā sikkhāpada).

7. Giết côn trùng - phần thứ bảy (sappānakavagga). Có 10 điều học

1) Giết súc sanh (sañcicapāna). Tỳ khưu cố ý giết súc sanh phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do tỳ khưu Udāyi bắn thác điểu thú (quạ).

Chú giải: Tỳ khưu cố ý giết súc sanh dầu nhỏ bằng trứng chí, trứng rệp cũng phạm ưng đối trị. Thú lớn thì nghiệp ác lớn, nghi con thú còn sống, hoặc không phải thú còn sống mà tưởng là còn sống, rồi giết phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Biết rằng không phải thú, không cố ý, quên, không biết, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

2) Giết côn trùng (sappānaka). Tỳ khưu biết trong nước có côn trùng sống rồi dùng nước ấy để: uống, tắm hoặc rửa tay, chơn, hoặc rửa đồ đựng, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư dùng nước có côn trùng sống.

3) Nhắc vụ cũ lại (ukkotana). Tỳ khưu biết tăng đã giải sự tranh biện theo 1 trong 7 pháp diệt tránh nào đúng theo pháp rồi mà còn nhắc việc ấy lại nữa, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư nhắc lại việc cũ mà tăng đã xử xong đúng theo phép.

Chú giải: Tỳ khưu nào biết tăng đã diệt tránh rồi mà còn đến nói với tỳ khưu ấy rằng “Tăng xử việc ấy không đúng đâu, phải xử lại nữa” nói như thế thì phạm ưng đối trị. Tăng sự đúng theo pháp nghi, tưởng là không dùng theo pháp, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Tưởng là tăng sự không đúng theo pháp, biết tăng sự không đúng, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 3 chi: tranh biện mà tăng đã diệt theo pháp (yathādhammaṃ nihatabhāvo); đã biết (jānanatā); nhắc lại (ukkotanaṃ). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học trộm cắp (adinnādānā sikkhāpada). Chỉ khác nhau là điều học này thuộc về thọ khổ (dukkha vedanā).

4) Giấu tội nặng (duṭṭhullapaticchādana). Tỳ khưu biết tỳ khưu khác phạm tội nặng là tội tăng tàn, mà lại giùm giấu tội ấy, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do tỳ khưu Upananda nhờ tỳ khưu khác giấu tội tăng tàn làm mai dong mà ngài đã phạm.

Chú giải: Trong tội nặng, nghi, tưởng là không phạm tội nặng, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Tính sợ có sự cãi lẻ đến tăng hoặc nghi rằng: người ấy hung ác sẽ có tai hại đến sinh mạng hoặc đến phạm hạnh, rồi nín thinh, chưa gặp tỳ khưu đáng nói nên chưa nói hoặc không muốn giấu rồi nín thinh, không nói vì nghi, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 2 chi: biết là tỳ khưu phạm tội nặng (upasam pannassa dutthullāpattijānanaṃ); định không nói với người khác vì muốn giấu tội nặng ấy (dhūranikkhapo). Ðều đủ cả 2 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) tội sanh vì thân khẩu ý, phạm vì làm (kiriyā), khỏi phạm vì tưởng (saññāvimokkha), vô ý cũng phạm (acittaka), phạm tội vì đời (lokavajja), thân nghiệp, khẩu nghiệp, ác tâm (akusalacitta), thọ khổ (dukkhavedanā).

5) Người chưa đủ 20 tuổi (onavisativassa). Tỳ khưu biết là người chưa đủ 20 tuổi rồi làm thầy tế độ cho tu lên bực trên (upasaṃpadā), phạm ưng đối trị. Người ấy vẫn còn là sa di, chưa được lên bậc tỳ khưu đâu.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Vihāra Veluvana gần thành Rājagaha do chư tỳ khưu truyền tỳ khưu giới cho những người trẻ tuổi.

Chú giải: Tỳ khưu làm hoà thượng tế độ, phạm ưng đối trị. Ngoài ra, các tỳ khưu khác chứng minh đều phạm tác ác. Về phần người tu lên bậc trên ấy, dầu hoà thượng biết, hay không làm phép cho lên bậc trên cũng không được lên. Người ấy khi đã tu được 10 hạ rồi, được làm hoà thượng cho kẻ khác tu lên bậc trên, trừ hoà thượng ấy ra, nếu các tỳ khưu chứng minh đủ số, người mới tu ấy được gọi là lên bực trên đúng đắn. Dầu người chưa được lên bực trên kia, chưa biết mình đến đâu thì đường trời và Niết-bàn cũng không hư hại đến đó. Nếu biết thì nên làm lễ tu lên bực trên lại.

6) Trốn quan thuế (theyyasattha). Tỳ khưu biết bọn buôn tính trốn thuế nhà nước, trốn quan thuế, rồi còn rủ đi chung đường cùng nhau, dầu đi khỏi một khoảng xóm cũng phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do 1 vị tỳ khưu đi chung với bọn buôn lậu bị bắt rồi được thả ra.

Chú giải: đi đường rừng không có xóm, qua khỏi nửa do tuần cũng phạm ưng đối trị.

Người không rủ, tỳ khưu không rủ, hoặc bọn buôn mà tỳ khưu nghi, hoặc không phải bọn buôn, tỳ khưu nghi là bọn buôn, đều phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Tỳ khưu tưởng là không phải là bọn buôn lậu, không rủ mà đi chung đường cùng nhau hoặc người rủ mà tỳ khưu không rủ, hoặc rủ nhau đi vì có tai hại, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 4 chi: bọn buôn lậu (theyyasatthabhāro); đã biết (jānanaṃ); cả 2 bên đồng rủ nhau đi (saṃvidhānaṃ); đi khỏi xóm hoặc đã quá nửa do tuần (avisanketenagamanaṃ). Ðều đủ cả 4 chi ấy mới phạm tội ưng đối trị.

Tội phát sanh do thân ý, thân khẩu ý, phạm vì làm (kiriyā), khỏi phạm vì tưởng (saññāvimokkha), phạm vì cố ý (sacittaka), phạm vì Phật cấm (pannattivajja), thân nghiệp, khẩu nghiệp, 3 tâm, 3 thọ.

7) Rủ phụ nữ đi chung (saṃvidhāra). Tỳ khưu rủ phụ nữ đi chung đường cùng nhau, dầu chỉ đi qua khỏi xóm cũng phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do 1 vị tỳ khưu rủ 1 người phụ nữ đi chung đường.

Chú giải: Trong tinh nữ, ngạ quỉ nữ, bộ nấp và thú cái có thân hình như người, tỳ khưu phạm tác ác. Tỳ khưu rủ, phụ nữ không rủ, hoặc không phải phụ nữ tưởng là phụ nữ, hoặc nghi đều phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Biết là không phải phụ nữ, không phạm tội, ngoài ra như điều học trên, trừ ra có sự nguy hiểm.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 3 chi: cả hai bên đồng rủ nhau đi chung đường (dvinaṃpisaṃ vidahitvā maggapati pannatā); không sai ý muốn (avisanketatā); đã đi qua khỏi xóm hoặc đi khỏi nữa do tuần (gāmantārogamanaṃ vā adhayojanātikkamovā). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Tội phát sanh do thân khẩu, thân ý, thân khẩu ý, phạm vì làm (kiriyā), không khỏi phạm vì tưởng (nosaññāvimokha), vô ý cũng phạm tội (acittaka), phạm vì Phật cấm (pannattivajja), thân nghiệp, khẩu nghiệp, có 3 tâm, có 3 thọ.

8) Tỳ khưu tà kiến (ariṭṭha). Tỳ khưu chấp tà kiến, hiểu thấy sai lầm pháp luật mà đức Phật đã giảng giải, các tỳ khưu khác ngăn cản cũng chẳng nghe, nếu tăng đã tụng lời khuyên răn đến 3 lần (samanubhāsanakamma) mà còn chưa dứt bỏ tà kiến, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do tỳ khưu Ariṭṭha tà kiến.

Chú giải: Tỳ khưu tà kiến là nói “tiếp xúc phụ nữ không có tội, ví như đụng nhằm vật lót, trải, mềm dịu, không thấy tội, trong sự dâm dục như thế, vị khác nghe biết nên giảng tội ngũ trần, răn cấm tỳ khưu ấy đến 2, 3 lần mà không nghe, tỳ khưu tà kiến ấy phạm tác ác. Vị khác thấy mà không khuyên răn cũng phạm tác ác. Nếu tỳ khưu tà kiến không chịu bỏ kiến thức xấu xa nên dẫn đến cho tăng khuyên răn. Nếu đã khuyên mà không nghe, tăng tụng samanubhāsana đến 2 lần mà tỳ khưu ấy cũng chưa bỏ tánh cũ thì phạm tác ác, khi tụng dứt lần thứ 3 rồi, phạm ưng đối trị.

9) Thân cận cùng tỳ khưu si mê (ukkhitasambhoga). Tỳ khưu biết rõ vị ấy chưa bỏ kiến thức lầm lạc như thế rồi thân cận cùng vị ấy, là ăn chung hoặc hành tăng sự chung (saṅghakamma), ngủ trong nơi dừng che cùng nhau, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư hành tăng sự chung với tỳ khưu Ariṭṭha.

Chú giải: Tỳ khưu nào đã phạm tội, tăng không cho ở chung cùng tăng, vì không thấy tội hoặc không chịu sám hối, hoặc không bỏ tà kiến mà vị nào được biết như thế rồi cho vật thực, hoặc ăn chung cùng nhau, hoặc học hay dạy pháp, hoặc cho tỳ khưu ấy làm tăng sự chung cùng nhau ... phạm ưng đối trị. Nghi trong tỳ khưu mà tăng đã cáo tội ấy thì phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Tưởng là tỳ khưu mà tăng không cáo tội, biết là tỳ khưu đã bỏ tà kiến, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 3 chi: tăng không hành theo pháp (akatānudhammatā); biết rõ (jānanaṃ); có làm việc nhất là thân cận cùng tỳ khưu ấy (sambhogādikaranaṃ). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học trộm cắp (adinnādānā sikkhāpada), chỉ khác nhau là điều học này phạm tội vì đời (lokavajja) có 4 tâm, 3 thọ.

10) Dỗ dành sa di (kanthaka). Tỳ khưu biết sa di mà tỳ khưu đã hủy bỏ rồi vì tội thấy quấy ngoài pháp luật mà đức Phật đã giải, dỗ dành sa di ấy về cho hầu hạ mình, hoặc ăn chung ngủ chung trong chỗ che lợp, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī, do phe lục sư dỗ dành sa di Kanthaka tà kiến cho hầu hạ mình.

Chú giải: Tỳ khưu nghe thấy biết sa di tà kiến như thế rồi khuyên răn đến 2, 3 lần mà không nghe nên tụng lời hủy thương[55] (nāsana) đến sa di ấy rằng: “Ajjatagge te āvuso samanuddesa nacevaso bhagavā satthā apadisitabboyampicaññe samanudde sālabhanti bhikhūhisaddhim dirattatirattaṃ sahaseyyaṃ sāpite natthi caraparevinassāti”.

Nghĩa là: Này sa di! Kể từ ngày nay ngươi chẳng nên ỷ lại nơi đức Thế Tôn là tôn sư của ngươi nữa. Các sa di khác được phép ngủ chung với tỳ khưu đến 2, 3 đêm là hạn định, dầu như thế ngươi cũng không được phép ngủ chung, ngươi lánh xa ra đi, ngươi là người xấu xa, hãy hư hại đi”, như thế nếu tỳ khưu nào đã biết sa di mà tăng đã phá hoại như vậy rồi lại dỗ dành cho vật dụng hay dạy đạo, cho hầu hạ mình, vui thích thân cận hoặc ở chung cùng sa di ấy, phạm ưng đối trị.

8. Nói theo pháp - phần thứ tám (dhammika vagga). Có 12 điều học

1) Nói theo pháp (sahadhammika). Tỳ khưu làm quấy, khi vị khác thức tỉnh mà còn cãi lẽ rằng “Tôi chưa học hỏi điều học ấy, chờ tôi học hỏi các ngài bác học, luật sư đã”, nói lời như thế, phạm ưng đối trị.

Lẽ thường, tỳ khưu học hỏi, nếu chưa được biết rõ điều nào cần phải học tập cho thấu đáo điều ấy nơi bậc minh sư, cầu ngài giảng giải cho thấy rõ rệt.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Ghositārāma gần thành Kosambī, do tỳ khưu Channa làm quấy.

Chú giải: cãi lẽ với người chưa tu lên bậc trên, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Tỳ khưu nói “Tôi biết tôi sẽ học hỏi”, và tỳ khưu điên, điều này không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 2 chi: tỳ khưu đã có vị khác khuyên răn theo điều luật cấm chế (upasampannassapaññattena vacaṇaṃ); cãi lẽ như thế (asikkhitukāmatāya evamvacanaṃ). Ðều đủ cả 2 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học trộm cắp (adinnādānā sikkhāpada). Chỉ khác nhau là điều học này thuộc về thọ khổ (dukkhavedanā).

2) Nói cho người giải đãi (vilekhana). Tỳ khưu đương học luật, vị khác cố ý nói xấu điều học làm cho tỳ khưu ấy giải đãi, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư nói cho tỳ khưu giải đãi.

Chú giải: Nói xấu rằng “học tập điều học có ích chi, người nào học như thế chỉ làm khó khăn, nóng nảy bực bội trong tâm thôi”, nói như thế phạm ưng đối trị. Nói cho sa di phạm tác ác, nói xấu kinh và luận trong tỳ khưu và sa di phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Không cố ý nói xấu, nói rằng “hãy đọc kinh hoặc luận, hoặc kệ ngôn đi, sau sẽ học luật”, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 2 chi: cố ý nói xấu (garahitukāmatāca); nói xấu điều học trong tỳ khưu (upasampannassa santi kesikkhāpadavivaṇṇa naṃca). Ðều đủ cả 2 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học trộm cắp (adinnādānā sikkhāpada). Chỉ khác nhau là điều học này thuộc về thọ khổ (dukkhavedanā).

3) Làm như không biết (mohana). Tỳ khưu phạm tội, cố ý nói “tôi chỉ mới biết đây rằng: điều ấy có trong giới bổn (pātimokkha). Nếu vị khác nói: tỳ khưu ấy đã từng biết trước rồi mà nói như thế ấy là cố ý làm như không biết. Tăng nên tuyên bố bài moharo panakamma[56] đến tỳ khưu ấy khi tăng đã tụng rồi mà vẫn còn “làm như không biết” nữa, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư làm như tuồng không biết.

4) Đánh tỳ khưu khác (pahāradāna). Tỳ khưu giận vị khác rồi đánh vị ấy như bợp tai, đá, cú ..., phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư đánh phe thập thất sư.

Chú giải: Dầu vị ấy bị đánh như thế mà rủi có chết cũng phạm ưng đối trị, vì chỉ cố ý đánh cho đau khổ thôi. Đánh sa di thì phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Nếu có người muốn làm hại đánh mình, mình có thể cự lại cho khỏi bị hại, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 3 chi: giận hờn (kupikatā); không cố ý, muốn cho mình khỏi bị hại (namokkhādhippāyatā); đánh người tu lên bậc trên (upasaṃ pannassapahāradānaṃ). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học bất cộng trụ thứ nhất (pathamapārājika sikkhāpada). Chỉ khác nhau là điều học này thuộc về thọ khổ (dukkhavedanā).

5) Dá tay muốn đánh (talasattika). Tỳ khưu giận hờn vị khác rồi dưa tay lên muốn đánh, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư dá tay muốn đánh phe thập thất sư.

Chú giải: Nếu tỳ khưu dá tay muốn đánh rồi quên đánh nhằm phạm tác ác, vì không cố ý đánh. Nếu trúng nhằm mình bị bịnh thế nào, cũng phạm tác ác. Ngoài ra cũng như trong điều học trên.

6) Cáo vô cớ (amūlaka). Tỳ khưu vô cớ, là không được thấy, không được nghe, không nghi mà cáo vị khác vì tội tăng tàn, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư vô cớ cáo các tỳ khưu trong phe.

Chú giải: Tỳ khưu tự mình cáo vô cớ hoặc dạy kẻ khác cáo phạm 1 trong 13 tội tăng tàn, nếu vị bị cáo được biết rằng mình bị cáo thì tỳ khưu tiên cáo phạm ưng đối trị; cáo sa di phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Tưởng là tỳ khưu phạm rồi cáo theo ý tưởng, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này phạm tội vì dạy người khác (sāṇattika), có 4 chi: bị cáo là người tu lên bậc trên (upasampannatā); cáo tội tăng tàn không có cớ (saṅghādisesassa amūlakata); tự mình cáo hoặc dạy kẻ khác cáo (anuddhasanatā); trong khi bị cáo biết rằng mình bị cáo (tamdhaṇaṃvijānanaṃ). Ðều đủ cả 4 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học trộm cắp (adinnādānā sikkhāpada). Chỉ khác nhau là điều học này thuộc về thọ khổ (dukkhavedanā).

7) Cố ý làm cho tỳ khưu nghi ngờ (sañcicca). Tỳ khưu cố ý làm cho sự nghi ngờ lo buồn phát sanh đến các vị khác, dầu là trong một chốc lát cũng phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư cố ý làm cho phe thập thất sư nghi ngờ.

Chú giải: Làm cho phát sanh sự nghi ngờ là nói “có lẽ ngài chưa đúng 20 tuổi chăng? Tu không lên bậc trên được, có lẽ ngài ăn vật thực sái giờ, có lẽ ngài uống nước có chất say, có lẽ ngài ngồi trong chỗ kín với phụ nữ”, làm cho người lo buồn, như thế phạm ưng đối trị; làm cho sa di nghi, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Không cố ý làm cho tỳ khưu buồn lo, là nói vì muốn cho sự lợi ích đến tỳ khưu ấy, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 3 chi: người đã tu lên bậc trên (upasaṃpannatā); cố ý làm cho tỳ khưu ấy lo buồn (adhāsukāmatā); làm cho sự lo buồn phát sanh như đã giải (kukucca upādanaṃ). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) như trong điều học trên.

8) Rình nghe lén (upassuti). Khi các tỳ khưu đương tranh biện nhau, tỳ khưu đi rình nghe lén, tính rằng các tỳ khưu này nói lời chi, ta nghe lời ấy rồi cố ý để cáo, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư cãi lẽ với tỳ khưu khác trong sạch, rồi đi rình nghe lén.

Chú giải: Tỳ khưu khi đến nơi nghe các tỳ khưu khác đương tranh biện rồi ra dấu “tằng hắn” hoặc nói “tôi ở đây”, nếu không làm như thế, nín thinh để nghe cũng phạm ưng đối trị; rình nghe sa di thì phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Ði rình nghe, tính rằng được nghe các ngài nói, ta trở về, ta lánh đi, ta chịu nhịn, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 3 chi: người đã tu lên bậc trên (upasampannatā); cố ý cáo (codanā dhippāyo); rình nghe lén được (savanaṃ).

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học trốn qua thuế (theyyasattha sikkhāpada), phạm vì làm là mình nghe lén (siya kiriyā), phạm vì không làm là không “tằng hắn” cho người biết (siyā akiriyā), khỏi phạm vì tưởng (saññāvimokkha), phạm vì cố ý (sacittaka), phạm tội vì đời (lokavajja), thân nghiệp, khẩu nghiệp (kāyakamma vacīkamma), phạm ác tâm (akusalacitta), thuộc về thọ khổ (dukkha vedanā).

9) Phỉ báng tăng làm việc phải (kammapaṭibāhana). Tỳ khưu nhận chịu cho tăng, làm việc phải, đến sau trở lại nói xấu tăng làm việc ấy, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư nói xấu tăng làm việc phải.

Chú giải: Tỳ khưu nghi trong tăng sự đúng theo pháp, hoặc trong tăng sự đúng theo pháp mà nói là không đúng, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Tỳ khưu tưởng trong tăng sự không đúng theo pháp, rồi nói xấu, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 3 chi: tăng sự đúng theo phép (dhammakammatā); tưởng là tăng sự đúng theo phép (dhammakammamtisaññā); đã nhận chịu rồi nói xấu (chandaṃ datvākhiyanaṃ). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học trộm cắp (adinnādānā sikkhāpada), chỉ khác là điều học này thuộc về thọ khổ (dukkha vadanā).

10) Chưa ưng chịu mà bỏ ra đi (pakkamana). Khi tăng đương hội họp để diệt tránh hoặc làm tăng sự. Tăng chưa làm xong việc ấy, tỳ khưu ở trong hội chưa ưng chịu mà bỏ ra đi, phạm ưng đối trị. Điều học này gọi là “chandamadatvā gamana” như thế cũng được.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do tăng hội họp làm tăng sự có tỳ khưu chưa ưng chịu rồi bỏ ra đi.

Chú giải: Tỳ khưu bỏ ra đi, bước chưa khỏi hắc “tăng” (haṭṭhapāsa saṅghaṃ) phạm tác ác, ra khỏi hắc tăng phạm ưng đối trị, nghi trong tăng sự đúng theo phép hoặc trong tăng sự không đúng theo phép, tưởng là không đúng đều phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Biết là tăng sự không đúng theo phép, bỏ ra đi không phạm tội, biết rằng sẽ có tiếng chẳng lành đến tăng, hoặc tăng làm không đúng theo phép rồi bỏ ra đi, hoặc có bịnh, hoặc đi tiểu, đại tiện, hoặc đi ra tính sẽ trở lại, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 6 chi: trong khi phân xử (vinicchayaka thāyavaggamānatā); tăng sự đúng theo pháp (dhamma kammatā); biết rằng tăng sự đúng theo pháp (dhammakammasannitā); ở trong giới hạn tăng (samānasīmāyathitatā); mình có sự đồng đẳng với tăng (samānasaṃvāsakatā); cố ý làm cho hư tăng sự, rồi bỏ ra đi khỏi tăng hội (kotitukāma tāyahatthapāsavijahanaṃ). Ðều đủ cả 6 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội samanubhāsana, tội sanh do thân, khẩu, ý, phạm vì làm là bỏ ra đi và không làm là không hữu sự (kiriyā kiriyā), khỏi phạm vì tưởng (saññāvimokkha), phạm vì cố ý (sacittaka), phạm vì tội đời (lokavajja), thân nghiệp, khẩu nghiệp, ác tâm (akusalacitta), thọ khổ (dukkha vedanā).

11) Phỉ báng các tỳ khưu (khiyyadhamma). Tỳ khưu đồng ý với tăng đã thưởng y đến 1 tỳ khưu nào, đến sau trở lại nói xấu rằng “các tỳ khưu ấy đem lợi của tăng đến tỳ khưu vì ý riêng”, như thế phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Veluvana gần thành Rājagaha, do phe lục sư nói xấu vị A-la-hán Dabbamalla.

12) Đoạt về cho người khác (parināmana). Tỳ khưu biết rằng lợi mà thí chủ đã sẵn lòng dâng đến tăng rồi thành lợi đến tăng ấy về cho người khác, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư đoạt của tăng về cho tỳ khưu khác.

Chú giải: như trong điều học đoạt về cho mình (parihatta sikkhāpada) trong ưng xả đối trị. Chỉ khác là trong điều học đoạt về cho mình phạm tội ưng xả đối trị vì đoạt về cho mình, trong điều học này chỉ phạm ưng đối trị, vì đoạt về cho người khác.

9. Trong đền vua - phần thứ chín (rājavagga). Có 10 điều học:

1) Trong cung cấm (antepura). Đức vua được thọ lễ tôn vương làm chúa trong nước, ngài còn ngự trong cung cấm với hoàng hậu, tỳ khưu chưa được lịnh đòi vào cung cấm ấy, phạm ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do đức Ānanda vào trong cung cấm trong khi đức vua Pasenadikosala cùng hoàng hậu còn ngự trên long sàn.

2) Lượm vật báu (ratana). Tỳ khưu thấy vật dụng của người thế rơi hoặc bỏ quên trong nơi nào, cho là vật làm rớt rồi tự mình hoặc bảo kẻ khác lượm lấy, phạm ưng đối trị, trừ ra vật ấy rơi hoặc bỏ quên trong chùa hoặc chỗ ở của mình, phải lượm cất cho chủ, nếu không lượm cất, phạm tác ác.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do một tỳ khưu đi tắm lượm được túi bạc đựng 500 lượng của người bà-la-môn. Bà-la-môn đã nhờ tỳ khưu cho túi bạc lại, rồi tính cáo gian rằng của tôi có đến 1000 lượng không phải chỉ 500 lượng đâu, bèn bắt tỳ khưu ấy rồi thả ra.

Chú giải: Tự mình lượm lấy hoặc bảo kẻ khác lượm lấy bạc vàng cho mình, phạm ưng đối trị. Cho tăng, cho tháp và cho vị khác, phạm tác ác. Dầu của cha mẹ rồi lượm cất như người giữ kho, phạm ưng đối trị. Nếu người thế nói: “xin ngài cất giùm vật này”, thì nên ngăn “không nên”. Nếu họ bất bình liệng vật ấy rồi bỏ đi, gọi là việc bận của tỳ khưu, tỳ khưu nên lượm cất.

Thợ mộc, hoặc người của nhà nước làm việc trong chùa, họ gởi vật chi hoặc gởi chỗ ở, xin cất giữ giùm cho, cũng chẳng nên vị mặt, sợ sệt, nên chỉ chỗ cất để cũng được. Dầu phía trong chùa hoặc phía trong chỗ ở hoặc trong nơi mà họ nghi, có lẽ tỳ khưu hay sa di lượm lấy vật rơi rớt trong chỗ như thế, nên tự mình hoặc bảo kẻ khác lượm lấy rồi làm dấu cất và nên nói: “Vật của người nào người ấy hãy vào lấy đi”. Nếu người vào đến, nên hỏi người ấy rằng “vật của ngươi làm mất ấy như thế nào”, nếu họ nói trúng thì nên cho họ, nói không trúng nên đáp “Ngươi hãy vào kiếm đi”. Nếu tỳ khưu đi khỏi nơi ấy, nên gởi cho vị khác đáng gởi, nếu không có vị như thế, nên gởi cho người cư sĩ đáng tin cậy, rồi ra đi được.

Tỳ khưu không đi khỏi chùa và không thấy chủ lại kiếm, nên lấy vật ấy dùng làm chỗ ở hoặc tháp, hoặc ao sen, là vật bền chắc. Nếu đã quá lâu ngày mà chủ lại đến, nên chỉ rõ vật bền chắc ấy, rồi nói “Ngươi nên hoan hỉ đi”. Nếu chủ không vui lòng, muốn đòi lại nên cho người khác lấy vật bền chắc ấy làm của họ, rồi huờn vật mà họ làm rơi trong chùa hoặc trong chỗ ở của mình ấy lại cho họ. Nếu không lượm cất, phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Vật rơi trong chỗ mà đức Phật cho phép lượm, tỳ khưu lượm cất vật có thể cất được, lượm vật ấy vì sự cần thiết, hoặc là vật mượn, hoặc lượm lấy cho là vật đã bỏ, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này phạm tội vì dạy người khác (sānattika), có 4 chi: không có cớ mà đức Phật cho phép (anuññātakāranaṃ); vật của người khác (parasantakatā); không phải lượm lấy vì cho là vật bỏ và mượn (vissāsagānakapālukulasaññānaṃ abhāvo); tự mình lượm hoặc bảo kẻ khác lượm (uggahanaṃ vā uggahāpanaṃ vā). Ðều đủ cả 4 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học làm mai dong (sañcaritta sikkhāpada).

3) Đi vào xóm sái giờ (vikālegāmappavesana).

Tỳ khưu không cho vị khác trong bọn hay mà đi vào xóm sái giờ phạm ưng đối trị, trừ ra có việc gấp, nhất là có rắn mổ tỳ khưu trong bọn.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư đi vào xóm sái giờ để nói chuyện vô ích làm cho thiên hạ chê trách.

Chú giải: Ra đi vào xóm bước đầu, phạm tác ác. Qua bước thứ nhì phạm ưng đối trị. Ăn trong nhà thiện tín hoặc trong nhà ăn rồi muốn đi vào xóm, nếu có tỳ khưu ngồi bên trái hoặc bên mặt cũng phải từ giã, bằng không có nên nghĩ rằng “không có” rồi đi. Khi đi ra đến đường dầu thấy tỳ khưu khác cũng phải từ giã bằng lời này “Tôi xin từ giã đi vào xóm trong lúc sái giờ” (vikalegāmappavesanam āpucchāmi), trong lúc sái giờ phạm ưng đối trị; trong giờ tưởng là sái giờ phạm tác ác.

Thể thức không phạm tội: Biết là buổi sớm có việc gấp, hoặc có từ giã vị khác rồi đi, không có vị nào khác rồi đi, hoặc đi đến chùa mà phải qua xóm, hoặc đi đến chỗ ngụ của tỳ khưu ni, đi đến chỗ người tu ngoại đạo hoặc có tai hại, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anāṇattika), có 3 chi: không từ giã tỳ khưu trong bọn (santambhikkhunī anāpucchā); không có cớ mà đức phật cho phép (anuññātakaraṇabhāvo); đi vào xóm sái giờ (vikālegāmappanesanaṃ). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna vidhī) như trong điều học lễ dâng y lần thứ nhất (pathamakathina), chỉ khác nhau là điều học này phạm tội vì làm và không làm (kiriyā kiriyā).

4) Làm ống đựng kim (sūcighana). Tỳ khưu làm ống đựng kim bằng xương, hoặc bằng ngà, bằng sừng, phạm ưng đối trị. Phải phá bỏ ống đựng kim ấy rồi sám hối rồi mới hết tội.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại tịnh xá Nigrodha gần thành Kapilavatthu, xứ “Thích Ca”, do chư sư xin rất nhiều ống đựng kim bằng ngà, thí chủ không rảnh làm việc để nuôi sanh mạng và vợ con, làm cho thiên hạ chê trách.

Thể thức không phạm tội: Làm ống đựng thuốc nhỏ mắt, cán dao, ống lược nước và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này phạm tội vì dạy người khác (sānattika) có 3 chi: ống đựng kim (sūcigharatā); làm, nhứt là bằng xương (atthima yāditā); tự mình làm hoặc bảo kẻ khác làm cho mình làm được (attano atthāya karanaṃ vā kārāpetvā vā paṭilābho). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm tội ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) như trong điều học làm mai dong (sancaritta sikkhāpada).

5) Làm giường (mañca). Tỳ khưu làm giường hoặc bàn nhỏ thấp dài, nên làm chân cao hơn hết là chừng 8 ngón tay[57] của đức Phật (kể từ dạ dưới giường trở xuống), nếu làm quá mực thước, phạm ưng đối trị. Phải cắt bỏ cho bằng hạn định rồi sám hối, mới hết tội (điều học này gọi là “chedanaka” như thế cũng được).

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī, do tỳ khưu Upananda làm giường cao quá hạn định.

Thể thức không phạm tội: Bảo họ làm cho vừa hạn định hoặc cao quá giới hạn rồi dạy họ cắt bỏ cho vừa và tỳ khưu điên đều không phạm tội. Có hai chi: giường hoặc bàn nhỏ dài cao quá giới hạn (pamānātikkantani añcapithatā); tự mình làm hoặc bảo kẻ khác làm cho mình, làm được (attano attāyakaranaṃ vā kārāpetvā vā paṭilābho). Ðều đủ cả 2 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) ngoài ra, như trong điều học làm ống đựng kim (sūcighara sikkhāpada).

6) Làm giường có dồn gòn (tulonaddha). Tỳ khưu làm giường hoặc bàn nhỏ thấp dài có dồn gòn hoặc dồn bông, phạm ưng đối trị. Phải phá bỏ rồi sám hối mới hết tội.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī, do phe lục sư làm giường có dồn bông làm cho thiên hạ chê trách.

Thể thức không phạm tội: Trong các đồ trang sức, dây nịch lưng, áo bát, vải lược nước, gối có dồn bông không tội.

Ðiều học này phạm tội vì dạy người khác (sānattika), có 2 chi: giường hoặc bàn nhỏ thấp dài có dồn gòn (tulonaddhamañcapithatā); tự mình làm hoặc bảo kẻ khác làm cho mình, làm được (attano atthāyakaranaṃ vā kārādetvā vā paṭilābho). Ðều đủ cả 2 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

7) Làm tọa cụ (nisīdana).

Tỳ khưu làm tọa cụ để ngồi, nên làm theo hạn định là bề dài 2 gang, bề ngang một gang rưỡi, bìa 1 gang của đức Phật, nếu làm quá hạn định phạm ưng đối trị. Phải cắt bỏ cho bằng mực thước rồi sám hối mới hết tội.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư làm toạ cụ quá hạn định.

Thể thức không phạm tội: Làm cho vừa theo hạn định hoặc nhỏ hơn người khác làm cho, quá hạn định rồi cắt bỏ ra cho bằng và tỳ khưu điên đều không phạm tội. Có 2 chi: toạ cụ quá hạn định (nisīdanassapamānātikknatatā); tự mình làm hoặc bảo kẻ khác làm, làm được (attano atthāya karanaṃ vā karāpetvā patilābho). Ðều đủ cả 2 chi ấy mới phạm ưng đối trị.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) như trong điều học trên.

8) Vải rịt ghẻ (gandappaticchādi). Tỳ khưu làm vải rịt ghẻ, nên làm cho đúng theo hạn định là bề dài 4 gang, bề ngang 2 gang của đức Phật. Nếu làm quá hạn định phạm ưng đối trị. Phải cắt bỏ cho bằng hạn định rồi sám hối mới hết tội.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī, do phe lục sư làm vải rịt ghẻ quá giới.

9) Làm y tắm mưa (vassikasātikā). Tỳ khưu làm y để tắm mưa, nên làm theo hạn định là: bề dài 6 gang, bề ngang 2 gang của đức Phật, nếu làm quá giới phạm ưng đối trị. Phải cắt bỏ cho đúng theo luật định, rồi sám hối mới hết tội.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư làm y tắm mưa quá giới.

10) Làm cà sa lớn (nanda). Tỳ khưu làm ca sa dài, lớn bằng cà sa của Phật phạm ưng đối trị. Ca sa của Phật có bề dài 9 gang, bề ngang 6 gang của đức Thế Tôn. Phải làm theo luật định là cắt cho vắn, cho nhỏ hơn ca sa của Phật, rồi sám hối mới hết tội. Ðiều học này gọi là Nandatthera cũng được.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do tỳ khưu Nanda (em của Phật) có tướng mạo rất đẹp (bề cao thấp hơn đức Phật 4 ngón), mặc ca sa lớn bằng ca sa của Phật, ở xa đi lại, chư tỳ khưu tưởng là đức Thiên Nhơn Sư, bèn sửa soạn đứng dậy tiếp nghinh, rõ lại không phải là đức Vô Thượng Sĩ, nên chê trách.

VI. Bốn điều học ưng phát lộ (patidesanīya)

Patidesanīya nghĩa là tội mà tỳ khưu phải sám hối bằng cách khác (có giải nơi chương sau).

1. Tự tay mình thọ lãnh (hatthatopaṭiggahana)

Tỳ khưu tự tay mình thọ lãnh vật thực nơi tay tỳ khưu ni không phải bà con, phạm ưng phát lộ.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do 1 tỳ khưu thọ vật thực nơi tay tỳ khưu ni đi bát dâng cho đến 4 ngày, làm cho tỳ khưu ni ấy phải nhịn đói, mình gầy sức yếu.

2. Ðương ăn trong chỗ họ thỉnh mời (kulesunimantitā)

Tỳ khưu đang ăn trong chỗ họ thỉnh mời, nếu có tỳ khưu ni đến dạy thí chủ đem vật này, vật kia đem đến dâng đến tỳ khưu ấy, vì lòng thương yêu trọng đãi tỳ khưu, nên đuổi tỳ khưu ni ra khỏi, nếu không đuổi thì phạm ưng phát lộ.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư được mời thỉnh ăn, có phe sau tỳ khưu ni đến dạy thí chủ dâng vật này, vật nọ đến phe lục sư, lục sư nhờ đó mà ăn no. Các vị khác phải chịu nhịn.

3. Bậc thánh mà tăng đã chỉ định (sekkhasammata)

Bậc thánh nhơn nào mà tăng đã ra lịnh định là bậc có đức tin nhiều mà nghèo, nếu tỳ khưu không bịnh, không được thỉnh mà thọ vật thực nơi ấy đem về dùng, phạm ưng phát lộ.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Veluvana gần thành Rājagaha do chư sư thọ lãnh vật thực nơi bậc thánh nhơn mà nghèo, làm cho nhà ấy phải chịu đói khát.

4. Chỗ ở trong rừng nguy hiểm (araññikasenāsana)

Chỗ ở trong rừng là nơi xa xóm ít nhất là 1000 thước. Tỳ khưu ngụ trong rừng là nơi nguy hiểm có điều lo sợ, nếu không bịnh mà thọ lãnh vật thực của thí chủ đã cho tin trước rằng “họ sẽ đến dâng vật thực trong nơi ấy” và tỳ khưu không cho họ hay có sự nguy hiểm trong nơi ấy, tự tay mình thọ lãnh đem dùng, phạm ưng phát lộ.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Nigrodha tịnh xá, gần thành Kapilavatthu (dòng Thích Ca), do chư sư ngụ nơi rừng nguy hiểm, có phe tín nữ vào trai tăng bị bọn trai hung ác đón đường cướp của và hãm dâm.

Thể thức không phạm tội: Tỳ khưu cho hay sự nguy hiểm ấy mà tưởng là chưa cho hay, hoặc nghi, hoặc tưởng đã có cho hay rồi, có bịnh, thọ lãnh vật thực của thì chủ dâng đến mà mình đã cho hay trước, hoặc dùng vật thực dư của tỳ khưu bịnh, hoặc dùng củ, trái cây mà mình được thọ lãnh ngoài chùa, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này có 7 chi: chỗ ngụ trong rừng như đã nói (yacāvutta āraññika senāsakatā); vật thực không phải phát sanh trong nơi ấy (yāvakālikassa attatthajātakatā); không có bịnh (agilānatā); vật thực không phải của dư của tỳ khưu bịnh (agilānāvasesakatā); không cho hay (appatisaṃ viditatā); thọ lãnh trong chùa (ajjhārame paṭiggahanaṃ); đã ăn vào (ajjhoharanaṃ). Ðều đủ cả 7 chi ấy mới phạm ưng phát lộ.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) như trong điều học lễ dâng y lần thứ nhất (pathama kathina sikkhāpada). Chỉ khác nhau là điều học này phạm tội vì làm (kyriyā) là thọ lãnh và vì không làm là không cho hay trước (akiriyā).

Nếu phạm 1 trong 4 tội ưng phát lộ ấy nên sám hối như vầy: Tôi đã phạm phép đáng cho đức Phật chê trách là phép ưng phát lộ mà người phạm cần phải bày tỏ ngay, tôi xin bày tỏ pháp ấy. Còn lời xin sám hối và lời thọ tiếp theo như lời sám hối trong các tội khác ‒ Gārayhaṃ bhante [āvuso] dhammaṃ āpajjiṃ asappāyam patidesaniyaṃ taṃ patidesemi. Nếu nhiều vị, đọc āpajjimhā thế cho āpajjiṃ, paṭidesama thế cho paṭidesemi.

VII. Bảy mươi lăm điều học ưng học pháp (sekkhiyavatta)

Ưng học pháp là điều học mà chư tỳ khưu, sa di phải học và hành. Chia làm 4 phần: mặc y cho nghiêm trang, phần thứ nhất, có 26 điều (sārūpa); thọ thực cho tề chỉnh, phần thứ nhì, có 30 điều học (bhojanapatisaṃyutta); thuyết pháp cho đúng phép, phần thứ ba, có 16 điều học (dhammadesanāpatisamyutta); lượm lặt, phần thứ tư, có 3 điều (pakiṇṇaka).

1. Mặc y cho nghiêm trang - phần thứ nhất (sārūpa). Có 26 điều học:

1) Tỳ khưu nên làm như vầy: Ta phải mặc, đắp y cho kín mình (parimaṇdalanivāsana).

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư mặc y nội phía trước và phía sau không đồng, làm cho thiên hạ chê trách.

Chú giải: Phải mặc y nội phía trên cho kín rún, phía dưới từ đầu gối xuống 8 ngón tay như thế gọi là mặc kín mình. Nếu dể duôi, mặc phía trước hoặc phía sau xệ xuống, phạm tác ác.

Nếu phạm 1 trong 75 điều “ưng học pháp” gọi là phạm tác ác cả, không cố ý, quên không biết có bịnh, có điều rủi ro, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Không cố ý là: Tính mặc cho kín mình thiệt mà quên, rồi mặc không kín như thế gọi là không cố ý; không phạm tội: tâm tưởng nơi khác, rồi mặc không kín như thế gọi là quên, quên nên không phạm tội. Không biết mặc cho kín như thế, gọi là không biết, không phạm tội, nhưng lệ thường, tỳ khưu phải học hỏi trước, nếu không học hỏi trước, như thế gọi là dể duôi, cũng không khỏi phạm tác ác.

Tỳ khưu nào, đầu gối lớn, ống chân dài, mặc y phục xuống khỏi 8 ngón tay cho kín cũng nên. Tỳ khưu có ghẻ nơi đầu gối hoặc trong chân như thế gọi là có bịnh, mặc y cao lên hoặc thấp xuống cũng nên. Thú dữ rượt hoặc bọn cướp đánh đuổi gọi là: có điều rủi ro, trong khi rủi ro như thế không phạm.

Các nguyên nhân không sanh tội nhất là: không cố ý như đã nói trên, cũng kể vào trong tất cả điều học ưng học pháp sẽ giải ra phía sau, nơi nào có điều chi khác nhau sẽ giải thêm trong điều ấy.

Trong tất cả điều học ấy, đều không phạm tội vì bảo kẻ khác làm (anāṇattika). Ðiều học này có 3 chi: không dè dặt cẩn thận (anādasiyaṃ); không có nguyên nhân không phạm tội (anāpatti karaṇābhāvo); mặc không kín mình (aparimandalaṃ nivāsanaṃ). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm tác ác.

Trong mỗi điều học ưng học pháp đều có 3 chi giống nhau như trong điều học này. Cho nên trong mấy điều học sau, không cần phải nói đến phần chi phạm tội nữa.

Chỗ sanh tội sẽ giải ra phía sau cuối cùng. Trong mỗi câu đầu của ưng học pháp không nói tên tội, chỉ có câu: tỳ khưu nên làm như vầy; “đều đủ cả điều học” (sikkhākaranīyā). Biết rằng phạm tội tác ác, vì tiếng “không cẩn thận” mà làm thì phạm tác ác. Cho nên phía sau không cần phải nói tên tội nữa, cũng nên biết là phạm tội vì không cẩn thận.

2) Tỳ khưu nên làm như vầy: Ta nên đắp y cho kín mình, mặc y vai trái phía dưới từ đầu gối xuống khoảng 4 ngón tay, phía trên trùm cho kín cánh chỏ tay trái (parimandala pārāpana).

3) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta nên trùm y cho kín mình khi đi vào khoảng nhà (supaṭicchanno antaragharegamana).

4) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta nên trùm y cho kín mình khi ngồi trong khoảng nhà (supaṭicchanno antaragharenisīdana);

Vào ngụ trong khoảng nhà dầu ngồi rồi ra y, mặc cho kín mình (như trong khi ở trong chùa) trong lúc ban ngày hoặc ban đêm cũng không phạm tội.

Tiếng “vāsupagatassa” trong kinh chú giải rằng: “đi vào để ngụ”, nhưng không định ngụ đêm hay là ngụ đỡ. Có chỗ lại nói “vāsupagato” nghĩa là đi vào ngụ đêm.

5) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta nên thu thúc cho chánh đáng là không nên múa tay quơ chơn khi đi vào khoảng nhà (susamvuto antaragharegamana).

6) Tỳ khưu nên làm như vầy: Ta nên thu thúc cho chánh đáng là không múa tay quơ chơn khi ngồi trong khoảng nhà (susaṃvuto antaragharenisīdana).

7) Tỳ khưu nên làm như vầy: Ta nên ngó xuống là xem phía trước, xa 4 hắc khi đi vào khoảng nhà (nghỉ đứng trong nơi nào rồi liếc xem để ngừa sự rủi ro tai hại: như voi, ngựa, xe cũng nên) (okkhittacakkhuantaraghare gamana).

8) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta nên ngó xuống xa 4 hắc khi ngồi trong khoảng nhà (okkhittacakkhu antaragharenisīdana).

9) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nên dở y lên khi đi vào trong khoảng nhà, dầu trong khi thọ thực cũng không nên dở y lên (na ukkhittakāya antaragharegamana).

10) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nên dỡ y lên, khi ngồi trong khoảng nhà (na ukkhittakāya antaraghare nisīdana).

11) Tỳ khưu nên làm như vầy: Ta không cười lớn tiếng khi đi vào khoảng nhà, dầu có bịnh cũng không khỏi phạm tội (na ujjhaggikāya antaragharegamana).

12) Tỳ khưu nên làm như vầy: Ta không cười lớn tiếng khi ngồi trong khoảng nhà. Nếu có cớ nên cười, thì mỉm cười, không phạm tội (na ujjhaggikāya antaragharenisīdana).

13) Tỳ khưu nên làm như vầy: Ta nên nói nhỏ nhẹ khi đi vào khoảng nhà (appasaddho antaragharegamana).

14) Tỳ khưu nên làm như vầy: Ta nên nói nhỏ nhẹ khi ngồi trong khoảng nhà (appasaddho antaragharenisīdana). Nói nhỏ nhẹ là như nhà bề dài 12 hắc, đại đức (sư cả) ngồi đầu, vị thứ nhì ngồi giữa, vị thứ ba ngồi sau chót.

Nếu vị cả nói với vị thứ nhì, vị này vừa đủ nghe rõ, còn vị thứ ba chỉ nghe tiếng mà không phân biệt được lời lẽ chi của 2 vị ngồi trước, như thế gọi là nói nhỏ nhẹ. Còn nói lớn tiếng là tiếng nói nghe đến vị thứ ba phân biện được sự lý, như thế gọi là lời nói lớn.

Trong kinh chú giải nói: phân biện tiếng nhỏ, tiếng lớn là tiếng nói thường không nhỏ không lớn nhưng có người có tiếng lớn, có người có tiếng nhỏ. Vậy nên nói tiếng thường làm mẫu.

15) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không uốn mình khi đi vào khoảng nhà (nakāyappacālakaṃ antaragharegamana).

16) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không uốn mình khi khi ngồi trong khoảng nhà (nakāyappacālakaṃ antaragharenisīdana).

17)Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nên đánh đồng xa khi đi vào khoảng nhà (nabāhuppacālakaṃ antaragharegamana).

18) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nên uốn vai khi ngồi trong khoảng nhà (nabāhuppacālakaṃ antaragharenisīdana).

19) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nên lắc đầu khi đi trong khoảng nhà (nasisappacālakaṃ antaragharegamana).

20) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không lắc đầu khi ngồi trong khoảng nhà (nasīsappacā lakaṃ aṃantaragarenisīdana). Nên ngồi cho thân thể, tay chân ngay thẳng, trong khi ngồi trong khoảng nhà.

Trong 3 điều học nói về khi ngồi ấy, nếu vào ngụ đêm trong xóm, dầu uốn mình, lắc đầu cũng không phạm tội.

21) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nên chống nạnh khi đi vào trong khoảng nhà (nakhambhakato antaragharegamana).

22) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nên chống nạnh khi ngồi trong khoảng nhà, vào ngụ đêm chống nạnh không phạm tội (nakhambhakato antaragharenisīdana).

23) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nên trùm đầu khi đi vào trong khoảng nhà (na ogunthito antaragharegamana).

24) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nên trùm đầu khi ngồi trong khoảng nhà (na ogunthito antaragharenisīdana). Vào ngụ đêm trùm đầu không phạm tội.

25) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nên nhón gót khi đi vào trong khoảng nhà (na ukkutikāya antaragharegamana).

26) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nên ngồi khoanh tay choàng đầu gối khi ngồi trong khoảng nhà (napallathikāya antaragharenisīdana), vào ngụ đêm không phạm tội.

Trong cả 26 điều này, tỳ khưu vì dể duôi, cố ý làm sai luật cấm phạm tác ác.

Không cố ý, quên, không biết, có sự hại và tỳ khưu bịnh, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

2. Thọ thực cho chỉnh tề - phần thứ nhì (bhojanapatisamyutta). Có 30 điều học:

1) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta nên chú ý thọ lãnh vật thực cho đúng phép, là không làm như thế lấy đem đi đổ bỏ vì giận (sakkaccaṃ piṇḍapāta patiggahaṇa).

2) Tỳ khưu nên làm như vầy: khi thọ thực ta chỉ nên ngó trong bát (pattasaññi piṇḍapāta paṭiggahana).

3) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta chỉ nên thọ lãnh canh vừa với cơm (samasūpaka piṇḍapāta paṭiggahana).

4) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta chỉ nên thọ lãnh vật thực vừa miệng bát (samatittika piṇḍapāta paṭiggahana), dầu thọ lãnh vật ajāmakālika, sattāhakālika hoặc yāvajivika đầy tràn bát cũng nên.

Nếu thọ lãnh 2 bát nên thọ trước 1 bát rồi để vào nơi khác gởi về chùa, rồi thọ thêm nữa, hoặc mía đã róc, chặt ra từng đoạn, hoặc trái cây mà họ gói lại để lên bát, như thế nói là vun bát cũng không đặng, cho nên thọ lãnh cũng nên.

Trong điều này, dầu tỳ khưu đau thọ lãnh vật thực, vung tràn bát cũng không khỏi tội.

5) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta nên ăn cho chỉnh tề (sakkaccaṃ piṇḍapāta bhuñjana).

6) Tỳ khưu nên làm như vầy: khi ăn ta chỉ nên ngó trong bát (pattasaññi piṇḍapāta bhuñjana).

7) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta phải ăn vật thực cho đều, là không ăn sâu giữa bát, hoặc đùn vun lên (sapadāna piṇḍapāta bhuñjana).

8) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta chỉ dùng canh cho vừa với cơm (samasūpaka piṇḍapāta bhuñjana).

9) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nên đùa cơm vun lên giữa bát mà ăn (nathūpikato omadditā piṇḍapāta bhuñjana).

10) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nên đùa cơm khuất lấp đồ ăn, cố ý muốn được nhiều thêm nữa, dầu tỳ khưu bịnh cũng không khỏi phạm tội.

Nếu không cố ý muốn được thêm mà đùa khuất vật thực không phạm tội (nasūpaṃ vā byañjanaṃ vā odane napaṭicchādana).

11) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không bịnh không xin vật thực để ăn; xin nơi bà con hoặc nơi người có yêu cầu, hoặc xin cho người khác không phạm tội (nasūpaṃ vā byañjanaṃ vā odanaṃ vā agilāno attano atthāya viññāpetvā bhuñjana).

12) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nên liếc xem bát vị khác, cố ý tìm lỗi người, tỳ khưu bịnh cũng không khỏi phạm tội.

Liếc xem cố ý cho thêm, hoặc không cố ý tìm lỗi không phạm tội (na ujjhāna saññiparesaṃ pattaolokana).

13) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không làm vắt cơm cho lớn quá bằng trứng ngỗng, gọi là lớn quá, nhỏ bằng trứng gà gọi là nhỏ quá, nhỏ hơn trứng ngỗng, lớn hơn trứng gà thì vừa (nātimahan takavalakarana).

14) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta làm vắt cơm cho tròn không dài (parimandala ālopakarana).

15) Tỳ khưu nên làm như vầy: khi vắt cơm chưa đến miệng, ta không hả miệng chờ (na anāhataka valemuhkadvā ravivarana).

16) Tỳ khưu nên làm như vầy: trong khi ăn, ta không nhét trọn bàn tay vào miệng (nabhuñjamanosabbamhatthammukhepakkhipana).

17) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nói chuyện khi vật thực còn trong miệng (nasakavalena mukhenabyāharaṇa).

18) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không thảy vật thực vào miệng mà ăn (napindukkhepakabhuñjana).

19) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không cắn vắt cơm mà ăn (nakavalāvaccedakabhuñjana).

20) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không ăn độn cơm bên má như khỉ ăn (na avagaṇḍakārakabhuñjana).

21) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không búng rảy tay trong khi ăn (rảy rác được) (nahatthaniddhūnakabhuñjana).

22) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không làm cho cơm đổ, liệng, bỏ rác, có đổ cơm không phạm tội (nasiṭṭhāvakārakabhuñjana).

23) Tỳ khưu nên làm như vầy: trong khi ăn ta không le lưỡi ra khỏi miệng (na jivchānicchārakabhuñjana).

24) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nên ăn và chắp (nacapucapukārakabhuñjana).

25) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không dùng vật thực nghe tiếng rột rột (nasurusurukārakabhuñjana).

Ðiều học này, đức Phật cấm chế tại Ghosita tịnh xá, gần thành Kosambī, do 1 vị tỳ khưu nghe tăng thọ sữa húp rột rột rồi giễu rằng: có lẽ tăng húp sữa cho nguội chăng?

26) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không ăn, liếm tay (nahatthanilehakabhuñjana).

27) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nên ăn liếm bát và vét bát (napattanillehakabhuñjana).

28) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không liếm môi trong khi ăn (na otthanille napattanillehakabhuñjana).

29) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không dùng tay còn dính vật thực, cầm đồ đựng nước, tính đem rửa tay hoặc cho người khác rửa, cầm không phạm tội (nasāmi senahatthenapā nīyathālakapaṭiggahana).

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại rừng Bhesakalā gần thành Sumsumāratira, do chư tỳ khưu tay còn dính cơm mà cầm đồ đựng nước bị thí chủ chê trách.

30) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không đổ nước rửa bát còn hột cơm trong khoảng nhà. Nên lượm cơm cho nát rồi đổ, hoặc đổ trong ống nhổ, rồi đem đi đổ hoặc đem đổ nơi khác, đều không phạm tội (nasasitthakaṃpattadhovanaṃantaragharechaddana). Ðiều học này đức Phật cấm chế tại rừng Bhesakalā gần thành Sumsumāratira, do chư tỳ khưu đổ nước rửa bát có lộn cơm là cho thí chủ chê trách.

Trong cả 30 điều học này, tỳ khưu nào dể duôi, cố ý, phạm tác ác. Không cố ý, không trí nhớ, không biết mình, có sự hại, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Tỳ khưu bịnh không phạm tội, trừ ra trong 4 điều học thọ vật thực đầy tràn miệng bát, móc ăn giữa bát, đùa cơm lấp vật thực và liếc xem bát tỳ khưu khác để tìm lỗi người, dầu tỳ khưu bịnh cũng không khỏi phạm tội.

3. Thuyết pháp cho đúng phép - phần thứ ba (dhammadesanāpaṭisaṃyutta). Có 16 điều học:

1) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nói pháp đến người vô bịnh, có dù trong tay.

Chú giải: Nếu người khác họ che cho, hoặc dù để trong mình cho vừa rảnh tay cũng gọi là người không có dù trong tay, nói pháp đến người ấy cũng nên (nachattapānissa agilānassadhammadesana).

2) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nói pháp đến người vô bịnh, có gậy trong tay (như trong điều học trên) (nadaṇḍapānissa agilānassadhammadesana).

3) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nói pháp đến người vô bịnh, có vật bén (dao, gươm) trong tay (như trong điều học trên) (nasatthapānissagilānassadhammadesana).

4) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nói pháp đến người vô bịnh có cung tên, súng trong tay (naāvudhapānissagilānassadhammadesana).

5) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nói pháp đến người vô bịnh, có mang dép guốc (napādukārudhassa agilānassadhammadesana).

6) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nói pháp đến người vô bịnh, có mang giày da (naupāhanārullhassa agilānassadhammadesana).

7) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nói pháp đến người vô bịnh, ngồi trên xe, võng... ngồi trên xe với nhau, nói pháp cũng được.

Tỳ khưu ngồi trên xe cao, người nghe ngồi xe thấp hoặc ngồi trên xe bằng nhau, tỳ khưu ngồi xe trước, người nghe ngồi xe sau, đều nói pháp được hết, nhưng người ngồi xe sau, dầu cao hơn mà nói pháp đến người ngồi xe trước không nên (nayānagatassa agilānassadhammadesana).

8) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nói pháp đến người vô bịnh, ngồi hoặc nằm trên giường (nasayanaga tassa agilānassadhammadesana).

Tỳ khưu nằm nơi cao nói pháp đến người nằm nơi thấp cũng nên, người nằm nói pháp đến người đứng, hoặc ngồi nói đến người đứng, hoặc ngồi với nhau, hoặc đứng nói với người đứng đều được cả.

9) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nói pháp đến người vô bịnh, ngồi khoanh tay choàng qua đầu gối (napallatthikāyanisinnassa agilānassadhammadesana).

10) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nói pháp đến người vô bịnh, có bịt khăn (navetthitasīsassa agilānassadhammadesana).

11) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nói pháp đến người vô bịnh, đội khăn hoặc nón (na ogunthitasīsassa agilānassadhammadesana).

12) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không ngồi sà đất nói pháp đến người vô bịnh, ngồi trên chiếu, đệm (nachamāyamnisīditvā āsanenisinnassa agilānassadhammadesana).

13) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không ngồi trên chỗ thấp nói pháp đến người vô bịnh ngồi nơi cao (nanīce āsanenisīditvā uce āsanenisinnassa agilānassadhammadesana).

14) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không đứng nói pháp đến người vô bịnh ngồi (nathitonisinnassa agilānassadhammadesana).

Trong kinh chú giải có nói, dầu tỳ khưu trẻ đến chỗ tỳ khưu cao hạ, rồi tỳ khưu trẻ ấy đứng, vị trưởng ngồi hỏi đạo, tỳ khưu trẻ không nên đáp. Nếu tỳ khưu trẻ không có thể bảo vị trưởng lão đứng dậy mới nên hỏi, không dám nói, vì tôn kính vị trưởng lão, nên nghĩ rằng: ta nói pháp đến tỳ khưu trẻ đứng gần bên, rồi nói cũng nên.

15) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không đi phía sau nói pháp đến người vô bịnh đi phía trước (napacchato gacchanto pūrato gacchantassa agilānassadhammadesana).

Kinh chú giải có nói, nếu người đi trước nói đạo không nên đáp, nên nghĩ rằng: ta nói pháp đến người đi phía sau, như thế rồi nói.

16) Tỳ khưu nên làm như vầy: Ta không đi ngoài đường, nói pháp đến người vô bịnh đi trong đường (na upathena gacchanto pathena gacchantassa agilānassadhammadesana). Nếu mỗi người đi 1 bên đường, nói pháp cũng nên.

Trong cả 16 điều học, tỳ khưu dể duôi cố ý phạm tác ác, quên, không biết mình, có bịnh, có điều hại, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

4. Lượm lặt - phần thứ tư (pankinnaka). Có 3 điều học:

1) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không bịnh, không đứng tiểu hoặc đại tiện. Trong khi mắc đại tiểu tiện gấp rút không phạm tội (nathito agilāno uccāraṃ vā passāvaṃ vā karaṇa).

2) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không bịnh, không đại hoặc tiểu tiện, khạc nhổ, hỉ mũi trên chỗ xanh nhứt là cây cỏ tươi, dầu rễ cây còn sống thấy rõ trên mặt đất hoặc nhánh cây còn sống cũng đều gọi là xanh cả (naharite agilāno uccāram vā passāvaṃ vā karana).

Lên ngồi trên nhánh cây để đại tiểu tiện rớt xuống chỗ không có vật xanh cũng nên. Ði tiểu chỗ không có vật xanh, dầu đại tiểu tiện đến gấp rút cũng gọi như người có bịnh, không tội. Nếu tìm không kịp nơi không có vật xanh, nên kiếm vật chi lót đại tiểu tiện có chảy nhằm vật xanh cũng vô tội.

3) Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không bịnh không đại hoặc tiểu tiện, nhổ, hỉ mũi trong nước (na udake agilāno uccāraṃ vā passāvaṃ vā karaṇa).

Nước để dùng được, nước không dùng được không phạm tội. Nước ngập không có gò đất, đại tiểu tiện trong nước ấy không tội. Đại tiểu tiện trên khô chảy xuống nước không phạm tội.

Trong cả 3 điều học ấy, tỳ khưu dể duôi cố ý phạm tác ác. Không cố ý, không có trí nhớ, không biết mình có bịnh, có sự rủi ro, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Trong cả 75 điều ưng học pháp (trừ ra điều 25, 29, 30 trong phần thọ thực tề chỉnh), đức Phật cấm chế tại Kỳ Viên tịnh xá (Vihāra Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sāvatthī) do phe lục sư làm quấy.

2 điều học cười lớn, 2 điều học nói lớn tiếng, 1 điều học nói chuyện còn vật thực trong miệng thành 5 điều học: ngồi sát đất nói pháp đến người trên chiếu đệm; ngồi nơi thấp nói pháp đến người ngồi nơi cao; đứng nói pháp đến người ngồi; đi ngoài đường nói pháp đến người đi trong đường; đi sau nói pháp đến người đi trước ‒ 5 điều học này với 5 điều trên thành 10 điều học. 10 điều học này thuộc về samanubhāsanasamuṭṭhāna là tội sanh do thân khẩu ý, phạm tội vì làm (kiriyā), khỏi phạm tội vì tưởng (saññāvimokkha), phạm tội vì cố ý (sacittaka), phạm tội vì đời (lokavajja), thân nghiệp (kāyakamma), khẩu nghiệp (vacīkamma), ác tâm (akusalacitta), thọ khổ (dukkhavedanā).

Xin đồ ăn, xin cơm thuộc về theyyasatthasamutthāna, tội sanh do thân-ý, thân-khẩu-ý (kiriyā, saññāvimokkha, sacittaka, lokavajja, kāyakamma, vacīkamma, akusalacitta, dukkhavedanā.

Nói pháp đến người vô bịnh, có dù trong tay, có gậy trong tay, có vật bén (dao, gươm) trong tay, có cung tên trong tay, mang guốc, dép, mang giày da đến người đi trên xe, người nằm, đến người ngồi khoanh tay choàng qua đầu gối, người bịt khăn, người đội khăn. 11 điều học ấy thuộc về dhamma desanasamuṭṭhāna là tội sanh do khẩu-ý (kiriyā, kiriyā, saññāvimokkhā, sacittaka, lokavajja, vacikamma, akusalacetta, dukkhavedanā). Còn lại 53 điều học chỗ sanh tội (sanutthāna) như trong điều học bất cộng trụ thứ nhất (pathamapārājika sikkhāpada).

Lại nữa, ưng học pháp không có nhất định là chỉ bấy nhiêu, mà không nhất định ấy là cách thức tỳ khưu nên học và hành chẳng phải có bấy nhiêu đâu, dầu là pháp hành đức Phật đã chế định trong phần hành (vattakhanidha) cũng gọi là ưng học pháp, vì là pháp hành mà tỳ khưu nên học và hành theo.

---

DUYÊN CỚ TRANH BIỆN (ADHIKARANA).

Duyên cớ tranh biện[58] có 4: 1) tranh biện điều phải trái (vivadā adhikaraṇa) là nói rằng: cái này là pháp là luật, cái này không phải là pháp, không phải là luật; 2) bắt tội nhau (anevādādhikarana) là buộc tội nhau vì phạm tội này tội kia; 3) phạm các tội (apattādhikarana); 4) việc mà tăng nên làm (kiccādhikarana).

DIỆT TRANH (ADHIKARAṆA SAMATTHA)

Diệt tranh[59] có 7 phép: 1) Sự dứt trong 4 điều tranh biện trong nơi giữa tăng, giữa pháp, giữa luật là dứt điều cãi lẽ do theo pháp, do theo luật, đúng theo lời của đức Phật cấm chế và chuẩn hành[60] (budhappaññatti, budhānuññatti) trước mặt người là tiên cáo và bị cáo hoặc tỳ khưu thú nhận tội (sammukhāvinaya); 2) Sự mà tăng tụng để tuyên bố chỉ tên A-la-hán là bậc có trí nhớ đủ rồi, không kẻ nào buộc tội chi được cả (sativinaya); 3) Sự mà tăng tụng để tuyên bố chỉ tên tỳ khưu điên đã hết điên rồi; không cho kẻ nào cáo tội mà tỳ khưu ấy đã phạm trong khi còn điên (amulhavinaya); 4) Sự định tội theo lời thú nhận mà người khai thiệt (patiññatakaraṇa); 5) Sự phân đoán, lấy theo lời khai của phần đông người có đạo đức (yebhuyyasikā); 6) Sự mà luật định đến người phạm tội (tassapāpiyasika); 7) Sự giải hòa cho nhau cả hai bên không cần xử đoán việc trước (tinavatthāraka).

NHỮNG ÐIỀU HỌC NGOÀI GIỚI BỔN

1. Trọng tội (thullaccaya).

Thullaccaya dịch là trọng tội hay là tội xấu, nghĩa là: tội trọng hay tội xấu hơn các tội khác (ngoài tội bất cộng trụ và tăng tàn).

Giải về trọng tội có hai điều:

1) Tỳ khưu không bỏ.

2) Không nên chia tài sản trọng của tăng, nếu bỏ hoặc chia, phạm trọng tội, vì Phật có cấm rằng: tài sản trọng có 5 phần:

- Phần thứ nhất: 1) ārāmo: vườn, trái cây, bông cây; 2) arāmāvatthu: đất vườn.

- Phần thứ nhì: 3) vihāro: thất, nhà; 4) vihāravatthu: đất chùa, thất.

- Phần thứ ba: 5) mañco: vườn; 6) pithaṃ: bàn nhỏ thấp dài; 7) bhisī: nệm; 8) bimbohanaṃ: gối.

- Phần thứ tư[61]: 9) lohakimbhī: nồi; 10) lohabhānakaṃ: cân; 11) lohavārako: thùng lớn; 12) lohakajāhaṃ: chậu; 13) vāsī: dao nhỏ; 14) pharasu: búa; 15) kuthārī: rìu; 16) kuddāro: xuổng; 17) nikhādanaṃ: vá;

- Phần thứ năm: 18) vali: dây; 19) velu: tre (dài 8 ngón tay ngón tay trở lên); 20) muñjaṃ: cỏ óng; 21) pabbajjaṃ: cỏ năn nỉ; 22) tinaṃ: các thứ cỏ để che lợp (từ 1 bó trở lên); 23) mattika: đất sét; 24) dārubhandaṃ: vật dụng làm bằng cây; 25) mattikābhandaṃ: vật dụng làm bằng đất.

Tất cả 25 món ấy, món nào thí chủ đã dâng đến Giáo hội, hoặc phát sanh trong Giáo hội đều gọi là tài sản trọng của “Tăng-dà” (garubhaṇḍa) nghĩa là: Tăng-dà hoặc nhóm (2,3 tỳ khưu) hoặc 1 tỳ khưu nên không bỏ, không nên chia, dầu bỏ dầu chia cũng không gọi là bỏ, là chia của ấy cũng còn là của Tăng-dà như cũ. Tỳ khưu nào, vì chấp mình làm lớn, bỏ hoặc chia của Tăng-dà như thế phạm trọng tội (thullaccaya). Nếu cố ý bỏ, hoặc chia, cho luật sư trừng phạt theo giá của vật. Nếu làm sanh sự lợi ích đến Tăng-dà, đem đổi vật bền chắc, theo phép, hoặc vật cao giá hơn, hoặc dùng vật thấp hèn đổi lấy gạo để ăn, hoặc để tu bổ chùa, thất... trong cơn đói cũng nên.

Tất cả tài sản trọng của Tăng-dà một món nào chẳng hạn, tỳ khưu lấy dùng riêng cho mình, nên kiếm vật khác bằng giá, hoặc cao giá hơn đem thế lại mới nên; nồi bát tách bình trà, ô ... bằng kim loại; đũa, thuốc nhỏ mắt... ống khoá, chìa khoá vật bằng kim loại; hoặc bằng cây đang làm, nên chia được, dây, và tre... đem làm việc cho Tăng-dà, hoặc cho tháp thờ, rồi còn dư, đem dùng làm việc cho tỳ khưu cũng nên. Ðây chỉ giải vắn tắt, nếu muốn học cho rộng, tìm thêm trong phẩm Catutthasāmantapāsādikā.

Lại nữa không nên cho ai mổ trong chỗ kín, hoặc mổ gần chỗ kín cách chừng lối 2 ngón, nếu thoa thuốc không cấm. Ðiều học này phạm vì cố ý (sacittaka).

Không nên ăn thịt người, không nói đến thịt người, dầu là xương, máu, da, lông cũng không nên. Ðiều học này phạm vì vô ý (acittaka).

Không nên lõa thể, không nên mặc y làm bằng lá tranh, bằng vỏ cây, bằng tóc người, bằng lông đuôi của thú, bằng lông cánh chim, da cọp, y làm bằng vỏ gai. Không nên đụng chạm nhằm chỗ kín thú cái. Không gấp làm lễ Phát lồ (Uposatha) hoặc Tự tứ (Pavāraṇā) vì cố ý cho tỳ khưu khác không làm được. Tỳ khưu nào phạm các điều trên đây gọi là phạm trọng tội (thullaccaya).

2. Tác ác (dukkaṭa).

Tỳ khưu không nên mặc y phục như kẻ thế. Không nên mặc y màu xanh, vàng nhợt. Không nên mặc y may đường chỉ xuôi (không có cắt may đường ngang, nghĩa là không có “điều”). Không nên mặc y có bông hoa và thêu thùa. Không nên chỉ mặc y nội và y vai trái mà đi, vào xóm, trừ ra có duyên cớ mới được phép để y 2 lớp lại (y tăng dà lê). Không nên mang dép đi vào xóm nếu không có bịnh. Không nên mang dép 2 lớp, dép rơm, guốc, giày hàm ếch, giày thêu, giày có nhiều màu[62], da cọp, da beo, da voi, da cá nược. Không nên thoa phấn sức dầu, soi hình trong kiếng và trong nước, nếu vô bịnh. Không nên đeo vòng cà rá. Không nên cho ai hớt tóc, hớt râu, nhổ tóc bạc.

Không nên xem nhan sắc phụ nữ.

Không nên lấy cây mà kỳ mình trong khi tắm. Không nên đâu lưng nhau mà kỳ trong khi tắm.

Không nên máng bát lên nhánh cây. Không nên chứa đốn ăn còn dư trong bát. Không nên lấy bát còn ướt đem cất.

Không nên ngồi chung nghế hoặc chung chiếu cùng phụ nữ, hoặc bán nam bán nữ, hoặc kẻ thấy trai biến ra gái, thấy gái biến ra trai (có cả 2 bộ sanh trược khí). Không nên ngồi chung giường, chung ghế cùng tỳ khưu tu lâu hơn 3 hạ. Không nên nằm ngồi chỗ cao và rộng, chỗ có lót nệm gòn, nệm bông và tọa cụ bằng lông cừu tốt. Không nên dùng gối lớn dài quá nửa mình. Không nên ngồi chỗ có trải lót trước, nếu chưa xem xét. Không nên nằm chỗ có treo bông hoa. Không nên ngồi chỗ của vị tỳ khưu lâu năm, thường hay ngồi.

Không nên lạy 10 hạng người (tỳ khưu tu sau mình; sa di và kẻ thế; tỳ khưu tu lâu năm hơm mà hành sái theo kinh luật; phụ nữ; bán nam bán nữ; tỳ khưu phạm phép tăng tàn; tỳ khưu đáng cho giáo hội phạt lại như trước vì đang khi bị phạt mà lại phạm thêm phép tăng tàn; tỳ khưu đang sửa mình để cho giáo hội giao thiệp lại như trước; tỳ khưu đang bị hành phạt sửa lỗi để cho giáo hội giao thiệp lại; tỳ khưu đã bị hành phạt rồi mà giáo hội đang chứng cho nhập vô giáo hội lại).

Không nên lấy đồ lót trải ngủ của tỳ khưu nào đem dùng nơi khác. Không nên bảo tỳ khưu nào đứng dậy trong khi vị ấy đang ăn. Không nên đuổi tỳ khưu nào có bịnh đi ra khỏi chỗ ở mà phải nên săn sóc. Không nên cấm vị khác ngủ đậu, nếu vị ấy có bịnh chút ít.

Không nên thọ lãnh thịt và cá tươi. Không ăn thịt mà mình biết hoặc nghe hoặc thấy họ giết để cho mình ăn (nếu có 1 trong 5 hạng người xuất gia thấy giết thì không nên ăn).

Không nên học hoặc dạy kẻ khác những việc ngoại đạo. Không nên nói đạo trong chỗ đông người, nếu có mặt vị tỳ khưu trưởng lão mà ngài chưa thỉnh nói. Không nên tụng kinh kéo dài như giọng hát. Không nên không cho mượn vải lọc nước (nếu có vị khác muốn mượn).

Không nên làm cho tài vật của thí chủ bố thí ít phước (vì sự tà mạng). Không nên đem đồ khuất thực cho kẻ thế ăn trước mình (trừ ra cho cha, mẹ vua, kẻ cướp, người sắp vào tu). Không nên làm thầy thuốc. Không nên làm kẻ đi thơ. Không nên bợ đở kẻ thế mong được lợi. Không nên trồng kiểng. Không nên đánh đờn, thổi kèn, đánh cờ. Không nên lấy đá cục, đá sỏi thảy mà chơi. Không nên vô cớ mà leo cây. Không nên đốt rừng.

Không nên dùng bát làm bằng cây, thau, đồng, nhất là bát có màu xanh và đen sậm.

Không nên lấy cây dài quá 8 ngón tay, hoặc cụt hơn 4 ngón tay mà chà răng.

Không nên rù quến người xuất gia làm điều vô đạo.

Không nên nhuộm y bằng nước nghệ, nước cây dan, nước cây vàng lồ.

Không nên động đến hình tượng phụ nữ, đồ nữ trang, 7 thứ lúa, 10 thứ ngọc thạch, đờn, kèn, trống, trái còn trên cây và khí giới, nhất là đao, gươm, súng. Không nên cầm lấy những vật đựng đồ mà thí chủ chưa dâng cúng.

Tỳ khưu đi xa mới đến, phải lột giày, sập dù, và không nên ngồi gần trưởng thượng. Không nên cấm vị mới tu ngồi phải chỗ. Không nên làm cho nước văng đầy y các vị ngồi gần. Không nên ra vô lật đật, khi đi khất thực. Không nên đứng xa hoặc gần người dâng cơm lắm. Không nên lật đật thọ lãnh vật thực. Không nên dòm, ngó mặt người thí chủ. Không nên quét, giũ, đập đồ chỗ có người hoặc gần các vị khác, hoặc gần nước uống hay phía trên gió. Không nên dạy ai học, hoặc tụng kinh, thuyết pháp mà chưa bạch cùng vị trưởng thượng trong lúc ở chung. Không nên nhúm lữa, hoặc tắt lửa, đóng hoặc mở cửa sổ mà không bạch cùng vị trưởng lão, trừ ra ngài có cho phép trước. Không nên đi đụng nhằm, hoặc phất y trúng nhằm vị trưởng lão.

Không nên đi vào nhà xí mà còn chấp tôn ti thượng hạ. Không nên đi vào nhà xí lật đật nếu cửa đóng thì phải gõ cửa. Không nên cởi y ở ngoài nhà xí. Không nên đại tiện, rặn nghe lớn tiếng. Không nên đại tiện hoặc tiểu tiện phía ngoài lỗ xí. Không nên nên khạc nhổ, hỉ mũi ngoài lỗ xí. Không nên dùng cây có gai, cây mụt mà chùi. Không nên rửa nghe lớn tiếng. Không nên để nước dư trong lon, nếu nhà xí dơ quét rửa cho sạch. Không nên đi ra nhà xí lật đật. Không nên chưa mặc y mà ra khỏi nhà xí.

Không nên đi xem hát đờn kèn. Không nên mặc y nội, thiếu dây lưng mà đi vào xóm. Không nên mở cửa mà tay còn cầm bát. Không nên ngủ chung cùng nhau trên chỗ có trải lót.

Không nên ăn tỏi, không có món chi trộn chung.

Không nên đi trên chỗ ngồi, chỗ nằm, nhất là: đi trên giường ghế và chỗ đẹp hoặc có sơn phết, nếu chân chưa rửa hoặc còn ướt, hoặc còn mang giày. Không nên dựa vách nhà có tô vôi hoặc sơn phết và nhổ nước miếng nơi ấy. Không nên trải ngọa cụ trước khi nằm trên chỗ ngủ sạch sẽ của Giáo hội.

Không nên để tóc dài quá 2 ngón tay, hoặc lâu hơn 2 tháng mới cạo. Không nên để râu, lông mũi, móng tay, móng chân dài quá. Không nên đánh bóng móng tay và móng chân.

Không nên ăn vật chi nếu chưa quán tưởng. Không nên ăn thịt voi, thịt ngựa, thịt chó, thịt rắn, thịt sư tử, thịt beo, thịt gấu, thịt chó rừng, thịt cọp.

Các tỳ khưu nào đã phạm nhằm những phép đã kể trên, gọi là phạm tác ác (dukkaṭa).

3. Ác khẩu (dubbhāsita)

Tỳ khưu không nên mắng chửi làm cho người hổ thẹn.

Không nên chơi với vị khác, hoặc trong bọn hay nói xiên xéo rằng “Mày là vua, ngươi là Bà-la-môn, cháu là thú, anh là bậc thông minh, ngươi là kẻ trộm cướp”. Kêu danh hiệu giễu chơi như cách ấy, phạm tội ác khẩu (dubbhāsita) (mỗi tiếng mỗi tội).

4. Giải về 10 điều lầm lạc.

Sau khi Phật diệt độ 100 năm, 700 vị đại A-la-hán cu hội lần thứ nhì, có đại đức Sabbakāmithero làm tọa chủ để giải quyết 10 lầm lạc sau này:

1) Muối để trong ống bằng sừng được phép ăn (kappati siṅgilonakappo).

Luật dạy rằng: Trong các món được phép ăn buổi sáng, nếu tỳ khưu thọ lãnh rồi để dành qua ngày khác đem ra ăn lại, phạm ưng đối trị.

Các tỳ khưu xứ Vajjiputtaka lại nói “muối để dành trong ống làm bằng sừng, nếu qua ngày khác đem ra ăn với đồ lạt cũng được không phạm.

2) Xế bóng 2 ngón tay còn ăn được (kappatidvangulakappo).

Luật dạy rằng: Trong các món buổi mai, nếu xế bóng mà tỳ khưu đem ra ăn, phạm ưng đối trị.

Các tỳ khưu xứ Vajjiputtaka lại nói “Nếu chính xế qua 2 ngón tay cũng còn ăn được không phạm”.

3) Ði vào xóm còn ăn được (kappatigāmantarakappo).

Luật dạy rằng: Nếu tỳ khưu ăn rồi, đi khỏi nơi ấy mà còn ăn nữa, phạm ưng đối trị.

Các tỳ khưu xứ Vajjiputtaka lại nói “Ta đi vào trong xóm, ăn nữa cũng được, không phạm”.

4) Ở chung chỗ làm phép “sám hối” riêng cũng được (kappati āsāsakappo).

Luật dạy rằng: Chỗ ở thuộc về Giáo hội, tỳ khưu không nên làm phép sám hối[63] riêng, nếu làm thì phạm tác ác. Phép sám hối ấy cũng không kết quả chi.

Các tỳ khưu xứ Vajjiputtaka lại nói “Làm như thế cũng được, không phạm”.

5) Làm phép sám hối theo ý mình cũng được (kappati anumatikappo).

Luật dạy rằng: Tỳ khưu làm phép sám hối phải hiệp nhau nơi chỗ của Giáo hội hành đạo vào ngồi đâu mặt nhau, nếu có vị nào đau phải cho hay rồi mới nên hành. Bằng chẳng tuân theo đây gọi là hành theo phe đảng, phạm tác ác.

Các tỳ khưu xứ Vajjiputtaka lại nói: không cần phải hiệp chung nhau như thế. Ai đến trước sám hối lần lần cũng được, không phạm.

6) Làm theo thói quen cũng được (kappati āciṇṇakappo).

Kinh luật đã dạy phân minh chỉ cho biết: sao là trật, sao là trúng. Những việc hành động theo ý riêng ông thầy của mình, nếu đúng theo kinh luật thì nên hành theo, bằng không đúng trò chẳng nên nghe.

Các tỳ khưu xứ Vajjiputtaka lại nói: trò làm theo thói quen của ông thầy cũng được, không phạm.

7) Sữa tươi để chua thiệt chua dùng cũng được (kappati amathitakappo).

Sữa tươi để lâu 1 lát chẳng còn chất sữa như hồi mới nặn ra, nhưng chưa đến nổi chua.

Luật dạy rằng: Tỳ khưu ngăn thực rồi, đi khỏi nơi ấy mà còn dùng sữa như vậy phạm ưng đối trị.

Các tỳ khưu xứ Vajjiputtaka lại nói: dùng được, không phạm.

8) Rượu mới, chưa thiệt mạnh uống cũng được (kappati jalogimpātuṃ).

Luật dạy rằng: rượu mới bỏ men vào, chua thành rượu thiệt, nếu tỳ khưu uống thì phạm ưng đối trị.

Các tỳ khưu xứ Vajjiputtaka lại nói: rượu ấy tỳ khưu uống cũng được, không phạm.

9) Tọa cụ không có bìa dùng cũng được (kappati adasakaṃ nisīdana).

Luật dạy rằng: Tỳ khưu làm tọa cụ, phải làm cho có bìa, bằng không, phạm ưng đối trị.

Các tỳ khưu xứ Vajjiputtaka lại nói: kKhông cần làm cho có bìa dùng cũng được, không phạm.

10) Cảm xúc vàng bạc cũng được (kappati jātarūparajataṃ).

Luật dạy rằng: Tỳ khưu không nên thọ lãnh hoặc cảm xúc đến vàng bạc, nếu thọ lãnh, hoặc cảm xúc, thì phạm ưng đối trị. Luật cho phép, tỳ khưu cảm xúc đến 4 món vật dụng: áo ca sa, vật thực, chỗ ở, thuốc ngừa bịnh, nhưng cấm cảm xúc đến vàng bạc.

Các tỳ khưu xứ Vajjiputtaka lại nói: tỳ khưu thọ lãnh hoặc cảm xúc đến vàng bạc cũng không phạm.

Các tỳ khưu xứ Vajjiputtaka khởi nói 10 điều lầm lạc này giờ nào làm cho Phật pháp suy đồi giờ nấy, làm cho xúc động đến tất cả chư vị A-la-hán. Các ngài hội hiệp lại để chỉnh đốn Phật pháp và quyết rằng 10 điều của các tỳ khưu xứ Vajjiputtaka nói trên là tà đạo, trái hẳn với Phật pháp đã có điểm giải phân minh từ lúc ấy rồi.

Những người xuất gia tu Phật, chẳng nên hành theo của các tỳ khưu xứ Vajjiputtaka đã nói trên.

5. 14 Pháp hành (vatta)

1) Những việc của tỳ khưu xa mới đến phải hành (āgantukavatta).

Tỳ khưu ở nơi khác mới đến, muốn vào chùa phải làm như sau đây:

Nếu có mang giày phải cởi ra và xách đi. Nếu che dù thì sập xuống. Nếu đội khăn thì lấy xuống và cởi y trùm mình ra (mặc vừa vai mặt) rồi mới đi chầm chậm vào, thấy các tỳ khưu nhóm ở nơi nào phải đi ngay vào nơi ấy, để bát xuống và ngồi chỗ mình nên ngồi, hỏi thăm nước uống, nước tắm. Nếu cần dùng nước uống, nước rửa thì được phép dùng. Phải rửa chơn, một tay xối, một tay rửa: hỏi giẻ chùi châm mà chùi, lấy giẻ khô chùi trước giẻ ước chùi sau, rồi đem đi phơi. Nếu thầy tu lâu năm hơn thì mình phải lạy trước, bằng mình cao hạ hơn thì vị kia phải làm lễ mình trước. Hỏi thăm chỗ ở, chỗ đi khuất thực cho gần hay xa, đi sớm hay là đi trưa, chỗ nào không nên đi (là nhà không tin Phật pháp và quen cho có 1 vá cơm hoặc một hoặc 1, 2 vị xin). Hỏi cho biết có vị nào đắc thánh, mà còn ở thế đã có Giáo hội nhận. Hỏi thăm nhà xí. Hỏi thăm chỗ mà Giáo hội đã dạy phải vào phải ra, cho biết giờ vô, ra đặng ngừa thú dữ người ác. Nếu thất cất trệt bỏ trống, thì phải gõ cửa chờ 1 chặp đã, rồi xô cửa xem xét khắp nơi, rồi mới nên bước vào, e có sự hại. Nếu thất ấy có rác, bụi tên giường, quét được thì phải quét. Nếu không làm theo đây thì phạm tác ác.

2) Những việc tỳ khưu ở chùa phải hành (āvāsikavatta).

Tỳ khưu ở chùa phải lo cho có nước uống, nước tắm, ván lót, giẻ chùi chân sẵn để cho các vị ở phương xa đến dùng. Nếu tỳ khưu ở xa mới đến, tu lâu năm hơn mình, mình phải đi rước y bát, lót chỗ ngồi và chỉ chỗ vừa cho người nghỉ, mình phải lạy trước. Nếu vị ở xa tu ít hạ hơn, thì bảo vị ấy để đồ xuống theo chỗ, vị ấy phải làm lễ mình trước. Mình phải chỉ chỗ nào nên đi, chỗ nào là nhà của các vị đã đắc thánh quả mà Giáo hội đã nhận, chỉ nhà xí và nơi nhà Giáo hội đã dạy đi vô ra có giờ định. Nếu vị ở xa cao hạ hơn dầu mình có bận việc: may y hay đang làm việc gì khác phải dẹp lại đó, dầu đang khi quét hoặc rửa tháp cũng vậy. Nếu vị ở xa biết điều, nên để cho mình làm việc càng tốt. Đang khi làm thuốc cho tỳ khưu bịnh nếu bịnh ấy vừa vừa thì để đó mà đi tiếp rước. Nếu bịnh nặng thì cho thuốc trước đã. Nếu vị ở xa biết điều, nên để cho mình cho thuốc. Nếu dâng nước 1 lần, vị ở xa uống hết phải đem thêm. Nếu quạt nên quạt dưới chân 1 lần. Nếu vị ở xa dạy thôi quạt thì quạt trở xuống, nếu đến 3 lần thì để quạt xuống.

Nhữnng lời trên đây là dạy phận mình phải ở với vị cao hạ hơn. Nếu tu ít năm hơn, nên chỉ nước uống, nước tắm, chỗ ở, bấy nhiêu cũng được.

3) Những việc của tỳ khưu ra đi đáng phải hành (gamikavatta).

Tỳ khưu có việc đi xa khỏi chùa, phải dẹp cất đồ trong thất của mình, dẹp giường, ghế của Giáo hội và đóng cửa thất, giao thất cho tỳ khưu hoặc sa di, hoặc người chức việc trong chùa, hay thí chủ nào cũng được. Nếu không có ai thì lấy 4 cục đá làm dấu, để kê chân giường, chồng ghế lên, chiếu, gối, chồng lên ghế, cây ván chất lại cho có chỗ, đóng cửa sổ hết rồi mới nên đi. Nếu thất ấy dột thì lợp dặm lại, nếu dặm không được, phải lấy đồ (chiếu, gối, mền, giường) để lên trên 4 cục đá xa vách, chỗ không dột. Nếu thất dột gần hết phải đem các món ấy gởi trong xóm. Nếu không cần đem gởi phải kê giường lên trên 4 cục đá để chính giữa thất, gối, chiếu, đệm để lên trên như trước và lấy cỏ, lá cây đậy lên, rồi mới nên ra đi. Đây là nói thất lợp bằng lá.

4) Những việc của tỳ khưu ở trong nhà ăn phải hành (anumodanavatta).

Đức Phật cho phép tỳ khưu đọc kinh trong nhà ăn. Vị trưởng lão đọc kinh trước, các vị ngồi kế chờ đọc tiếp, rồi đến mấy vị sau đọc tiếp nữa, hoặc vị cả dạy vị nhỏ đọc cũng được, mấy vị ngồi kế đó chờ. Vị cả cùng mấy vị khác đi ra trước cũng được (không cần phải ngồi chờ). Nếu vị cả bảo, thôi chúng ta đi, ngài ở lại, vị nhỏ lại bạch: dạ ngài đi đi. Nếu vị nhỏ không trả lời các vị lớn tính ra chờ bên ngoài cũng được. Ra ngoài rồi nên bảo các trò mình, chờ vị kia đọc kinh rồi đã, nói như vậy càng tốt. Nếu thí chủ mời 1 vị nào đọc kinh theo ý họ, vị ấy đọc cũng vô lỗi. Nếu thí chủ thỉnh thuyết pháp thì nên bạch cho vị cả hay trước. Một nữa, các vị ngồi chờ ấy, muốn đi đại tiện hay tiểu tiện phải từ giã vị ngồi gần mình, rồi mới nên đi.

5) Những việc của tỳ khưu chịu mời ăn phải hành (bhattaggavatta):

Nếu có thí chủ mời trai tăng, tỳ khưu mặc y cho đúng phép, mang bát theo, đi thong thả, không nên đi trước vị lớn. Phải mặc y cho kín mình, giữ theo 75 điều ưng học pháp, đi đứng cho tề chỉnh, ngồi cho nghiêm trang, không nên ngồi khoanh tay, (không nên ngồi gần đụng vị cả, chỗ ngồi ngang nhau). Nếu chỗ ngồi rộng rãi, phải ngồi chừa cách 1, 2 chỗ ngồi xa hơn vị cả. Nếu chiếu chật hẹp, không dám ngồi gần, vị cả nên cho phép ngồi. Nếu vị cả không nói, nên bạch rằng: chỗ ngồi đây trọng lắm. Nếu đã nói như vậy mà vị cả không trả lời, sẽ ngồi không lỗi, chỉ một mình vị cả lỗi thôi. Nếu vị nhỏ không bạch mà vẫn ngồi là phạm phép. Không nên ngồi trên y 2 lớp.

Nếu thí chủ dâng nước rửa bát, phải 2 tay bợ mà thọ lãnh nước theo phép (nếu tay không dính cơm). Phải rửa bát cho tử tế không nên động khua nghe tiếng. Nếu có ống nhổ thì đổ vào đó cho êm ái bằng không thì đổ xuống đất cho dè dặt, sợ e văng nước trúng nhằm vị khác. Không nên thọ lãnh cơm đầy bát, để dành chỗ đựng đồ ăn. Vị cả phải dạy thí chủ nên đem cơm chia ra cho đủ. Nếu đổ ăn vừa đủ 1, 2 vị thì nên làm thinh. Khuất thực chỉ phải nhìn xem trong bát (lãnh 2 phần đồ ăn, 2 phần cơm). Nếu thí chủ chia vật thực chưa đủ cho các vị, vị cả chưa nên ăn. Ðây nói về nhà ăn chật hẹp. Nếu nhà ăn rộng rãi vừa cho các vị ngồi ăn, các tỳ khưu ngồi 1 bên, thí chủ ngồi 1 bên, phải ăn thong thả, theo 75 điều ưng học pháp. Nếu tay dơ, không nên cầm chém nước mà uống. Nếu các tỳ khưu ăn chưa xong, vị cả không nên lãnh nước rửa bát, đến khi đi ra (khỏi nhà ăn) vị nhỏ phải ra trước (vị lớn ra sau) bởi nhà ăn chật hẹp. Khi ra khỏi rồi, phải đứng chờ vị cả, phải theo phép (lớn trước, nhỏ sau). Không nên đi gần nhau lắm, đi chừa cách khoảng vừa cho 1 người qua lọt. Không nên vừa đi vừa chơi. Phải giữ theo 75 điều ưng học pháp cho đến khi về tới chùa.

6) Những việc của tỳ khưu đi khuất thực phải hành (piṇḍacārikavatta).

Tỳ khưu lúc ra đi khuất thực phải mặc y cho đúng theo phép như đã nói trên, lấy bát mang vào xóm, đi chậm rải, trùm mình cho kín, giữ theo 75 điều ưng học pháp, đi ngay hàng. Khi đến xóm phải nghĩ rằng: “Mình đi vào phía này, ra phía này”.

Không nên đi vô, ra lật đật, không nên đứng xa hoặc gần thí chủ lắm. Không nên quay mình lật đật, xem chủ nhà thọ thí cơm hay không. Nếu họ thôi làm việc và đứng dậy, bưng thau cơm, hoặc mời thì hiểu rằng họ chịu dâng, nên đứng chờ. Nếu họ để cơm thì phải dùng tay trái đỡ y, tay mặt bợ bát đưa ra và dở nắp bát bằng tay trái và bợ bát luôn. Không nên xem mặt thí chủ, chỉ biết họ chịu dâng cùng không. Nếu họ cầm thau cơm, hoặc vá cơm, họ mời mình đứng lại thì rõ họ chịu dâng. Nếu họ để bát rồi thì đậy bát lại, bỏ y xuống quanh mình đi cho tề chỉnh, giữ theo 75 điều ưng học pháp.

Vị nào trở về chùa trước phải trải lót nhà ăn, lo rửa chân, giẻ chùi chân, rửa chén dành để đồ ăn, nước uống, nước rửa cho đủ sẵn. Ði khuất thực trở về hiệp nhau rồi ăn, đổ bỏ đồ ăn dư nơi trống, hoặc đổ xuống nước nào không có côn trùng (sợ nó chết). Quét nhà ăn cho sạch, vị nào thấy nước uống, nước xài, hoặc nước trong nhà xí không có, nên gánh đổ cho đầy, gánh 1 mình không nổi, gọi vị khác tiếp với.

7) Những việc của tỳ khưu ẩn tu trong rừng phải hành (āraññikavatta).

Tỳ khưu ẩn tu nơi rùng phải thức cho sớm, sửa soạn mang bát vào xóm, mang y vai trái, đóng cửa thất rồi ra đi. Gần đến xóm, nếu có mang dép, phải lột ra gõ đất ra cho tử tế, trùm mình cho kín theo phép. Ðến khi trở về, nếu ngoài xóm không có nước thì ăn trong xóm. Nếu có nước ngoài xóm, nên ăn ngoài xóm, rồi rửa bát cho sạch, mang bát và đắp y vai trái, mang dép vào mà đi (đây nói trong rừng vắng vẻ không ai thấy, nếu đi vào xóm thì không nên). Mặc như vậy, trong phải có lót mồ hôi, rồi trở về rừng.

Lại nữa, tỳ khưu ở trong rừng phải xách nước uống, nước xài để dành nếu không có lu, lấy ống tre mà đựng và phải nhúm lửa để dành (ngừa khi hữu sự), có ống quẹt thì không cần, ở rừng hoặc đi đàng xa cũng phải vậy. Nếu có bạn cùng nhau, không có lửa cũng không cần, chỉ có gậy, phải biết xem phương hướng (ngừa sự lạc đường).

8) Những việc của tỳ khưu ở thất phải hành (senāsanavatta).

Tỳ khưu ở chùa (ở thất), nếu thất dơ phải quét. Khi quét phải lấy y bát để có nơi và đem tọa cụ, chiếu, nệm, giường ra ngoài cho tử tế. Nếu trong thất có rác, váng nhện, phải quét ở trên trước, vách cửa làm bằng cây có sơn phết, nên rửa chùi cho sạch; đổ rác cho có nơi; không nên đập quét bụi bay gần thất vị khác, gần nước uống, nước xài; không nên giũ đập trên gió; đệm có đóng mốc phải phơi cho hết rồi đem vào để chỗ cũ; giẻ chùi chân cũng phải đem phơi, phải chùi giũ giường, ghế cho sạch; chiếu gối, tọa cụ cũng vậy. Ðem y bát cất cho có nơi, gió thổi bụi vào phía nào đóng cửa phía ấy. Mùa lạnh trưa phải mở cửa, tối phải đóng; mùa nóng khi ngủ mở cửa cho mát. Sân nhà ăn, nhà bếp có rác nhiều phải quét cho sạch. Không có nước uống, nước xài phải gánh cho có, nước rửa nhà xí cũng vậy. Trong thất có tỳ khưu lớn tuổi, nếu muốn đọc kinh, nói kinh, hoặc làm việc khác (trừ ra mở cửa cái) phải bạch với vị trưởng lão mới nên làm. Bạch 1 lần mà vị cả cho phép, không cần bạch nữa cũng được.

9) Công việc phải hành ở nhà bếp (jantaghararavatta).

Tỳ khưu nào nhúm lửa trong nhà bếp, nếu có vị trưởng lão cấm, không cho chất củi nhiều mà chẳng vâng theo thì phạm tác ác. Không nên đóng cửa nhà bếp và ngồi chờ, nếu không vâng lời thì phạm tác ác. Vị nào đến nhà bếp trước thấy tro nhiều phải hốt đổ, có rác phải quét cho sạch, thiếu nước phải đổ cho đầy rồi mới nên vào nhà bếp. Không nên ngồi gần đụng vị trưởng lão; nếu siêng bóp mình cho ngài. Ði ra nên lấy ghế đem ra, đóng cửa trước, sau rồi mới nên đi. Không nên tắm trước vị trưởng lão và tắm phía trên gió; không nên đi trước ngài. Nhà bếp dơ phải quét rồi tắt lửa rồi mới nên đi ra. Phật cho phép hơ mình nếu có bịnh.

10) Công việc phải hành trong nhà xí (vaccakuṭivatta).

Phật dạy tỳ khưu, đi đại tiểu tiện mà không rửa thì phạm tác ác. Nếu có nước mà không có chỗ kín, thì múc nước đem đến chỗ kín mà rửa. Không có đồ múc phải lấy bát mà múc. Không có bát thì mới gọi là không đồ múc. Nếu nơi ấy trống trải lắm thì đi kiếm nơi kín khác. Ði tới trước mà không có nước, gần đến giờ khuất thực nên kiếm cây mà chùi, rồi đi khất cũng được.

Lại nữa tỳ khưu vào nhà xí, không nên câu chấp tôn ti, thượng hạ, câu chấp phạm tác ác. Phật cho phép ai đến trước vào trước, đến sau vào sau. Ði đến nhà xí phải lên tiếng (tằn hắn hoặc ho). Nếu có ai ở trong phải tằng hắn trả lời. Vào nhà xí phải máng y khuất đà la tăng ở ngoài.

Không nên đi vào lật đật. Không nên cổi y trước khi vào. Không nên rặn lớn tiếng. Không nên đại tiểu tiện và xỉa răng. Không nên đại tiện hay tiểu tiện ngoài lỗ xí. Không nên khạc nhổ, hỉ mũi ngoài lỗ xí. Không nên dùng cây nhọn, cây mục, cây gai, cây có lỗ mà chùi. Không nên bỏ cây chùi vào lỗ xí, chùi đứng dậy mặc y lại không nên đi ra lật đật. Không nên chưa mặc y mà đi. Không nên để dư nước lại trong ống, nếu có uống thuốc xổ để dành nước trong ống thì không sao.

Nhà xí dơ phải quét cho sạch, có nước không có đồ múc, hoặc có đồ múc mà không có nước mới gọi là không có chi. Nếu có giỏ đựng cây chùi thì đem đi đổ. Nhà xí, hàng ba, hoặc sân nhà xí dơ, phải quét cho sạch, phải gánh nước để trong nhà xí.

11) Bổn phận trò đối với thầy hoà thượng (upajjhāyavatta).

Tỳ khưu hoặc sa di phải giữ cho tròn bổ phận đối với ông thầy hoà thượng. Sớm mai thức dậy, nếu có mang dép lột ra và mặc y chừa vai trái, lấy tăm xỉa răng, nước rửa mặt dâng cho thầy, dọn dẹp chỗ ngủ và chỗ ngồi.

Có cháo phải đem cho thầy dùng: phải dâng và dọn dẹp đồ ăn, phải thủ lễ theo phép (không nên khua chén bát) và dâng nước rửa. Thầy muốn đi vào xóm, phải lấy y vai trái, y 2 lớp và dây lưng đem dâng. Thầy muốn cho trò đi theo, trò phải mặc y theo phép và đi theo sau. Không nên đi theo gần hoặc xa lắm, đi vừa cho thầy kêu nói. Bát của thầy đầy cháo hoặc cơm, phải đổi bát cho mình.

Thầy đang nói chuyện không nên nói xía vào. Thầy nói gần phạm lỗi, phải nhắc thầy bằng cách này: “Bạch thầy! Nói vậy có phạm lỗi chăng?” Chẳng nên cãi bằng lời vô lễ. Lúc trở về, trò phải về trước dọn dẹp chỗ ngồi, múc nước rửa chân, kiếm cây kê để rửa chân. Thầy về đến phải ra rước bát, lấy y đem cho thầy đổi và đem ra hong 1 lát rồi xếp cất; phải xếp vắn 1 lớp, lớp sau xếp cho bằng lại (bìa 1 bên, xếp qua chừa 4 ngón tay, rồi xếp lớp sau cho bằng nhau). Lấy dây lưng xế để vào y vai trái.

Nếu có cơm mà thầy muốn ăn, phải dâng nước trước rồi mới dâng đồ ăn và ngồi xem chừng, ngừa thiếu thốn; thầy ăn rồi dọn bát cất cho có nơi không nên động khua; lấy nước rửa chùi cho khô, đem phơi 1 lát, đừng phơi lâu và đem y, bát cất cho tử tế. Thầy đi ra khỏi rồi dọn dẹp chỗ ăn. Thầy muốn tắm, phải lo cho có sẵn nước. Thầy muốn tắm nước lạnh phải có nước lạnh, nước nóng phải có nước nóng. Thầy muốn vào nhà bếp, đem ghế cho thầy ngồi, lấy y cất cho có nơi và đi theo vào nhà bếp. Phải đấm bóp cho thầy. Lúc thầy trở ra cũng phải làm y theo phép (xem trong việc nhà bếp). Thầy tắm phải xối nước, kỳ cho thầy tắm rồi lấy y dâng lên, chùi lau cho thầy, dâng y cho thầy, lấy ghế đem cất, xem chừng nước rửa chân,giẻ chùi chân có sẵn. Nếu muốn học chữ Phạn, phải bạch thầy cho; thất của thầy có rác, phải quét cho sạch.

Thầy buồn muốn hoàn tục, phải khuyên thầy đi chỗ này chỗ nọ cho thầy giải buồn hoặc nói kinh cho thầy nghe. Nếu thầy bất bình phải khuyên lơn thầy, hoặc kiếm tỳ khưu khác khuyên giùm cũng được. Thầy làm theo tà kiến phải thức tỉnh thầy hoặc cậy các tỳ khưu khác khuyên giùm. Thầy phạm lỗi nặng (điều tăng tàn), bị phạt cấm phòng hoặc phạm lỗi nhỏ, phải lo tính đừng để cho Giáo hội đuổi thầy. Tính cho thầy ở lại, xin Giáo hội phạt tội nhẹ. Nếu Giáo hội phạt rồi nên liệu tính cho thầy hành đạo cho mau được tấn hoá, đừng để cho Giáo hội phạt nữa.

Y dơ thì giặc cho sạch, nhuộm, giũ, chải. Khi nhuộm phải trở qua, trở lại cho đều, phơi phải xem chừng, khô đem cất. Muốn đem y bát hoặc vật gì cho 1 vị nào, hoặc muốn cạo tóc cho ai, đều phải bạch cho thầy hay trước. Không nên thọ lãnh y, bát hoặc vật gì của ai mà mình chưa bạch cùng thầy hay biết. Không nên theo 1 bên vị nào khác cũng chẳng nên để cho ai theo 1 bên mình. Không nên đem đồ ăn cho ai. Không nên đi theo ai vào nghịch với thầy mình. Muốn vào xóm phải bạch với thầy, rồi mới nên đi. Không đi lâu. Ði khuất thực, phải bạch với thầy, thầy cho phép mới nên đi. Những việc nói trên đây, thầy cho phép thì việc chi cũng được, bằng không cho, phải nài nỉ đến 3 lần, thầy cho thì đi bằng không thì thôi.

Lại nữa, nếu thầy dốt nát không thông đạo lý, trò muốn học chữ Pāli hoặc phép tham thiền mà thầy không biết, chỉ biết ngăn cấm, thầy như vậy, dầu có cấm đến đâu, cãi lời cũng được. Thầy đau phải nuôi cho trọn đời, không nên bỏ thầy. Nếu có vị khác ở nuôi, phải đi kiếm thuốc cho vị ấy, để chữa bịnh cho thầy.

12) Bổn phận của thầy hòa thượng phải ở cùng trò (saddhiṃvihārikavatta).

Bổn phận của thầy phải đối với trò là phải dạy cho trò học kinh luật, học phép thiền định. Phải thường khuyên lơn nhắc nhở trò. Nếu y, bát hoặc các vật dụng nào mà thầy có dư phải chia cho trò. Phải giúp đỡ cho trò mau được tấn hoá trên đường đạo đức. Trò có bịnh, thầy phải hết lòng chăm nom, y như lúc trò chăm sóc cho thầy vậy. Trừ ra khi đi ra khỏi chùa không cần phải cho trò hay.

13) Bổn phận của trò phải ở cùng vị a xà lê là thầy nương tựa (ācariyavatta).

Trò phải làm cho trọn bổn phận cùng thầy mà mình nương tựa, y theo cách mà mình cùng ông thầy hoà thượng vậy.

14) Bổn phận của vị a xà lê ở cùng trò (antevāsikavatta).

Ông thầy mà mình nương tựa cũng phải ở cùng trò, như hòa thượng đối với trò vậy.

Trong 14 phép hành kể trên, nếu vị nào không tuân theo, thì phạm điều tác ác (phạm nhằm 1 điều là 1 tội).

6. Uposatha - bố tát

Uposatha, Tàu dịch là lễ phát lộ, nghĩa là: khai cái tội để sám hối. Ðức Phật có dạy “Như Lai chế định phải tụng giới bổn trong ngày uposatha” (anujānāmi bhikkhave uposatha pāṭimokkha addissiluṃ).

Ngày lễ uposatha có 3 ngày là: 14 (cātuddasī uposatha)[64], ngày 15 (paṇṇarāsi uposatha)[65], và ngày tăng hoà hợp (samaggī uposatha). Tăng chia rẽ nhau và sự cãi lẽ như chư tỳ khưu trong xứ Kosambī, đến kỳ không làm lễ uposatha không làm pavāraṇā rồi trở lại hoà hảo nhau, định giải hoà trúng ngày nào, ngày ấy gọi là hoà hợp (samaggī uposatha) rồi làm uposatha trong ngày ấy.

Lại nữa, nói về người hành lễ uposatha có 3: tăng uposatha là từ 4 vị tỳ khưu trở lên hội hợp tụng giới bổn; nhóm (gana uposatha) 2, 3 vị tỳ khưu tỏ cho nhau biết sự trong sạch của mình; người (puggala uposatha) là 1 vị tỳ khưu nguyện sự trong sạch của mình.

Tăng hành lễ uposatha phải tụng tuyên ngôn: suṇātu me bhante saṅgho... rồi đọc giới bổn.

2, 3 vị tỳ khưu hành lễ uposatha là khi đến ngày lễ như có 3 tỳ khưu hội họp nhau, tỳ khưu thông hiểu nên tụng tuyên ngôn: suṇātu me bhante āyasmanto ajjuposattho catuddaso /[paṇṇaraso] yadāyas mantā pattakallaṃ mayaṃ aññamaññaṃ parisuddhi uposathaṃ kareyyāma. Nghĩa là: Xin các ngài nghe tôi trình. Nay là ngày 14 / [15] là ngày lễ uposatha, nếu sự đã đến kỳ cho các ngài rồi, chúng ta nên làm pārisuddhi uposatha chung cùng nhau. Rồi vị cao hạ mặc y chừa vai mặt, ngồi chồm hổm chấp tay, đọc 3 bận tỏ sự trong sạch của mình đến các vị khác rằng: “Parisuddho ahaṃ āvuso parisuddho ti maṃ dhārethi” ‒ nghĩa là: Này các ngài, tôi là người trong sạch, xin các ngài nhớ rằng, tôi là người trong sạch. Vị thấp hạ đọc tiếp 3 bận, tỏ sự trong sạch của mình: “Parisuddho ahaṃ bhante parisuddho timaṃ dhāretha” (nghĩa như trên).

Nếu chỉ có 2 vị, thì vị cao hạ đọc 3 bận: “Parisuddho ahaṃ avuso parisuddho timaṃ dhārehi”. Vị thấp hạ đọc tiếp 3 bận: “Parisuddho ahaṃ bhante parisuddho timaṃ dhāretha”.

Tỏ sự trong sạch của mình (parisuddhi) với tỳ khưu có 2 cách, là tỏ với tỳ khưu hành lễ pavāraṇā rồi và với tỳ khưu chưa hành lễ pavāraṇa. Tỳ khưu nhập hạ sau (pacchimikāvassā: nhập hạ ngày 16 tháng 7) hoặc nhập hạ trước (purimikāvassā: nhập hạ ngày 16/6) nhưng đứt hạ, đến ngày pavāraṇā nên đến tỏ sự trong sạch của mình (parisuddhi) với tỳ khưu hành lễ pavaranā rồi, rằng: parisuddho ahaṃ āvuso /bhante parisuddhotimaṃ dhāretha /dhārehi.

Trong các ngày khác, ngoài ngày pavāraṇā, tỳ khưu trong chùa hành lễ uposatha dứt rồi, chưa đứng dậy hoặc đã đi ra khỏi chùa rồi, có tỳ khưu ở xa lại, số tỳ khưu khác bằng nhau hoặc ít hơn số tỳ khưu trong chùa, tỳ khưu ở phương xa ấy nên tỏ sự parisuddhi với tỳ khưu trong chùa đã hành lễ uposatha rồi, như đã có giải, như thế gọi là parisuddhi uposatha. Adhiṭṭhāna uposatha là, nếu chỉ có 1 tỳ khưu thì nên làm pubba karaṇa (quét tịnh xá, trải đệm, chiếu, đèn, nước) rồi ngồi chờ tỳ khưu khác phương xa đến, nếu chắc không có vị nào đến, nên adhiṭṭhāna rằng “ajja me uposatho” nghĩa là “nay là ngày uposatha của tôi”. Trong kinh, chú giải dạy addhiṭṭhāna theo ngày rằng: ajja me uposatha catuddasati /paṇṇarasoti adhiṭṭhāmi.

Nếu đến ngày uposatha, ngày pavāraṇā, tỳ khưu không hành lễ uposatha, không hành lễ pavāraṇā, ra khỏi chùa đi đến nơi không có chùa, không có tỳ khưu hoặc có tỳ khưu mà là nơi không đồng đẳng, phạm tác ác, trừ ra ở chung với tăng hoặc có điều nguy hiểm.

Sự phải làm trước khi hội hợp (pubbakaraṇa) để hành lễ uposatha, pavāraṇā có 4: quét tịnh xá; nếu tối phải đốt đèn; dự trữ nước, nước uống, nước rửa; lót trải chiếu, đệm. Tỳ khưu trẻ, không bịnh, nếu vị trưởng lão dạy bảo mà không làm pubbakaraṇa ấy phạm tác ác.

Sự phải làm trước khi tụng giới bổn có 5: đem lời (channa) của tỳ khưu bịnh; đem parisuddhi pavāraṇā của tỳ khưu bịnh; tỏ thời tiết là mùa này, tên này, ngày uposatha trong mùa này đã qua rồi được bao nhiêu đây, ngày uposatha, ngày pavāraṇā còn lại bao nhiêu đây; số tỳ khưu hội họp hành lễ bây nhiêu đây; dạy bảo tỳ khưu ni.

Tỳ khưu ở trong ranh chùa có bịnh hoặc có đại sự đến hội họp tại tịnh xá không được, đến ngày hành lễ uposatha phải cho channa, cho parisuddhi, đến ngày pavāraṇā phải cho channa, cho pavāraṇā đến 1 vị tỳ khưu. Cách cho channa ấy để hành lễ uposatha, pavāraṇa với tăng, bằng không tăng sự không sao được thành tựu. Cho nên, sự cho parisuddhi, cho pavāraṇā, cho channa ‒ nhưng hiện thời nếu ranh tịnh xá nhỏ, tỳ khưu ở trong vòng ranh, không xa khỏi hắc (hatthapāsa) với nhau, sự đem channa, đem parisuddhi, đem pavāraṇā, cũng không cần làm ‒ tỳ khưu ni hiện nay cũng không có, cho nên dạy bảo (ovāda) tỳ khưu ni cũng không cần. Hành lễ uposatha pavāraṇā phải có đủ 4: 1) Phải là ngày uposatha, ngày pavāraṇā (ngày 14, 15, ngày tăng hoà hợp, 1 trong 3 ngày ấy); 2) Tỳ khưu nên hành lễ saṅgha uposatha, gana uposatha và saṅgha pavāraṇā, gana pavāraṇā được. Các tỳ khưu ấy không ngồi xa khỏi hắc (hatthapāsa) cùng nhau, khi hành lễ trong ranh tịnh xá; 3) Không phạm tội giống nhau (sabhāgāpatti) (như tăng không dùng vật thực sái giờ); 4) Vajjanīya puggala[66] không có trong hắc tăng.  Uposatha, pavāraṇā đều đủ 4 chi ấy mới nên hành, mới nên nói: “pattakallaṃ” được.

Hành lễ uposatha có 4 cách: theo phe mà không đúng theo pháp; đồng ý nhau mà không đúng theo pháp; theo phe mà đúng theo pháp; đồng ý nhau và đúng theo pháp.

Trong một chùa, có 4 tỳ khưu, đem channa, đem parisuddhi của 1 tỳ khưu đi, nhưng 3 tỳ khưu hành parisuddhi uposatha hoặc còn 3 tỳ khưu đem channa parisuddhi, đem channa parisuddhi của 1 tỳ khưu đi nhưng 2 vị tụng giới bổn như thế gọi là “theo phe mà không đúng theo pháp” (adhammena vaggaṃ). Nếu 4 vị hội họp nhau hành parisuddhi uposatha hoặc 2 vị hoặc 3 vị đọc giới bổn, như thế gọi là “đồng ý nhau mà không đúng theo pháp” (adhammena samaggaṃ). Nếu 4 vị tỳ khưu ở chung chỗ cùng nhau hội họp tụng giới bổn, có 3 vị hành parisuddhi uposatha hoặc có 2 vị tỏ parisuddhi với nhau như thế gọi là “đồng ý nhau và đúng theo pháp” (dhammena samaggaṃ), 3 cách trên là điều không nên hành, chỉ nên hành theo thứ 4.

Lại nữa, tỳ khưu tụng giới bổn, cố ý làm cho tăng không nghe được, phạm tác ác. Không cố ý, không tội. Tỳ khưu mà vị trưởng lão chưa thỉnh, tụng giới bổn giữa tăng, phạm tác ác. Nếu không có 1 trong 10 điều nguy hiểm mà tụng giới bổn tóm tắt, phạm tác ác. 10 điều nguy hiểm là khi chư tỳ khưu hội họp làm lễ uposatha có: đức vua đến, bọn cướp đến, lửa cháy đến, nước lụt đến, nhiều người đến, tinh ma phá tỳ khưu, thú dữ đến, rắn mổ tỳ khưu, tỳ khưu bịnh hoặc tịch, người đến níu kéo hoặc bắt tỳ khưu hoàn tục. Nếu có 1 trong 10 điều nguy hiểm ấy nên tụng giới bổn tóm tắt (là) tỳ khưu tuyên bố tụng hết điều học bất cộng trụ ...). Nếu không có điều nguy hiểm nào, nên tụng cho hết giới bổn. Không hành lễ uposatha phạm tác ác.

Nếu hành lễ uposatha ngoài ngày 14, 15 (ngày rằm và 30 hoặc 29 Việt Nam, nếu tháng thiếu), ngày tăng hoà hợp, phạm tác ác. Đức Phật có dạy, tụng ngày uposatha, vị trưởng lão phải hội trước ‒ trong kinh chú giải nói, nếu vị trưởng lão không hội trước thì phạm tác ác. Nếu không đồng ý nhau, không xin phép nhau trước, hỏi luật giữa tăng, phạm tác ác.

7. Vassā - an cư

Vassā dịch là hạ hoặc nhập hạ, nghĩa là chư vị tỳ khưu phải nghỉ trong 1 nơi, không được đi ra khỏi chỗ ngụ trước mặt trời mọc trong 3 tháng mưa (trừ khi hữu sự).

Ðức Phật có dạy “Như Lai cho phép nhập hạ trong mùa mưa” (anujānāmi bhijkkhave vassāne vassaṃ upagantuṃ...). Nhập hạ có 2 kỳ: nhập kỳ trước (purimikāvassupanāyikā) là nhập ngày 16/6; nhập hạ kỳ sau (pacchimikāvassupanāyikā) là nhập hạ ngày 16/7.

Ðến kỳ nhập hạ nên quét dọn trong ranh chùa, chứa nước uống nước rửa ... làm lễ Tam bảo xong rồi, nên đọc 3 bận “Imasmiṃ vihāre imaṃ te māsaṃ vassaṃ upemi” (ta nhập hạ trong nơi này hết 3 tháng) [nếu không có chùa, thì đọc āvāse thế chữ vihāre].

Nếu tăng đã định (nhưng quên không đọc câu kinh nhập hạ) ở trong chỗ của tăng mà mình đã xin rồi cũng gọi là nhập hạ chơn chánh. Đến ngày mà không muốn nhập hạ, cố ý đi đến chỗ này nơi kia, phạm tác ác. Nếu nhập hạ không có chỗ ở hoặc chỗ ở không có dừng, che lợp, không có cửa đóng kín, phạm tác ác. Nếu đã nhập hạ rồi mà đi khỏi chỗ ở trước mặt trời mọc, phạm tác ác. Trừ ra các hữu sự được phép đi 7 ngày thì không phạm tội.

Trong khi nhập hạ nếu có 7 hạng người: tỳ khưu, tỳ khưu ni, sikkhamānā, sa di, sa di ni, cha, mẹ hữu sự cho hay hoặc không cho hay, tỳ khưu được phép đi ra khỏi chỗ nhập hạ trong khoảng 7 ngày. Nếu đi quá ngày thứ 8, mặt trời mọc lên, phạm tác ác. Ngoài 7 hạng người kể trên, nếu có cư sĩ hữu sự muốn làm phước cho người đến thỉnh tỳ khưu cũng được phép đi 7 ngày, bằng họ không thỉnh, không nên đi.

Cách thức đi trong khoảng 7 ngày (sattāhakicca) ấy như vầy: Tỳ khưu hoặc sa di trong hạ trước khi đi ra đường xa phải nguyện: “Ta sẽ trở về trong khoảng 7 ngày” như thế rồi đi, không cần phải đọc Pāli cũng được. Nếu muốn đọc Pāli cho chắc chắn, càng thêm tốt, song nên đối trước 1 tỳ khưu hoặc 2, 3 vị hoặc giữa tăng mà đọc hay là đọc trước “kim thân” hoặc xá lợi Phật cũng được. Phải đọc như vầy: “Sace me antarāyo natthi, sattāhabbhantare ahaṃ puna nivattisāmi. Dutiyampi... Tatiyampi...”Nghĩa là: nếu không có sự rủi ro đến tôi, tôi sẽ trở về trong khoảng 7 ngày. Lần thứ nhì... Lần thứ ba...

Sattāhakicca ấy có 2 cách là:

1) Nhập hạ được 1 hay 2 ngày hoặc trong ngày mới nhập hạ ấy, đã nhập từ buổi chiều cho đến rạng đông, trước khi mặt trời mọc, nếu có việc thì được phép đi trong khoảng 7 ngày, khi đi rồi đã làm xong việc của mình hết 6 ngày, cần phải trở về cho kịp trước khi mặt trời mọc ngày thứ 7.

Phải tính ngày, đi ra là 1 ngày, rồi trở về chỗ nhập hạ cho kịp trong buổi tối trước mặt trời mọc, nghĩa là mặt trời mọc lên thì kể là ngảy thứ 7. Nếu mới nhập hạ trong buổi chiều rồi, nguyện đi liền thì không nên, phải chờ đến gần sáng mới đi được như thế gọi là “việc phải làm trong khoảng 7 ngày thứ nhất” (pathamasattāha).

2) Còn 7 ngày nữa ra hạ, là ngày mùng 9 tháng 9[67] hoặc mùng 9 tháng 10[68], nếu có việc thì được phép đi trong 7 ngày; nhưng phải nguyện trở lại cho kịp trong khoảng 7 ngày. Đi rồi mà có thể làm xong công việc trong không 7 ngày, sẽ làm pavāraṇā chung với tỳ khưu nơi chùa khác gần đó cũng được, không cần phải trở về, cũng không đứt hạ. Nhưng trước, không nên nguyện rằng “Ta sẽ không trở về” như thế đứt hạ, từ khi đi ra khỏi chùa đến bước thứ 2, như thế gọi là “Việc phải làm trong khoảng 7 ngày cuối cùng”.

Kinh chú giải có nói rõ rằng “Navamito patthāya gantuṃ vattati, āgacchatu vā, magacchatu vā, anāpatti na dukkatāraho vā hoti”. Nghĩa là: Nếu chỉ còn 7 ngày nữa sẽ ra hạ, tỳ khưu có việc nguyện đi trong khoảng 7 ngày, nếu không có thể được không trở về cũng không sao, không phạm tội tác ác.

Nguyên nhân đứt hạ, nhưng không phạm tội có 4: tăng chia rẽ nhau; chư tỳ khưu muốn chia rẽ tăng; có sự rủi ro đến sanh mạng; có sự rủi ro đến phạm hạnh.

Lại nữa, nếu nhập hạ có thú dữ, khó đi khất thực, kẻ cướp hoặc ma quỉ phá hại, hoặc chỗ ở bị lửa cháy nước lụt, hoặc khó nuôi sanh mạng, thiếu thuốc ngừa bịnh, thiếu người hộ độ, được phép đi ra khỏi nơi ấy, không phạm giới, nhưng đứt hạ. Nếu có phụ nữ trêu ghẹo, có người xin gả con, có thể làm cho hư phạm hạnh, bỏ đi khỏi chỗ ấy, không phạm tội.

Lại nữa, nếu thấy hoặc nghe tin có tỳ khưu chia rẽ tăng, cố ý chia rẽ tăng, mình tính đi đến có thể hoà giải được, bỏ đi như thế cũng vô tội, nhưng đứt hạ. Nếu có thí chủ thỉnh nhập hạ 3 tháng, mình đã nhận chịu rồi mà lại bỏ đi, phạm tác ác, hoặc có tỳ khưu rủ nhập hạ cùng nhau để học Pāli trong 1 chỗ, đã ưng thuận rồi bỏ đi, phạm tác ác.

Lại nữa, câu “Imasmiṃ vihāre imaṃ temāsaṃ vassaṃ upemi” để đọc nhập hạ ấy, không phải là Phật ngôn, chỉ là lời chú giải của các A-la-hán. Cho nên, tỳ khưu nếu tâm đã quyết định nhập hạ rồi không cần phải đọc câu Pāli ấy cũng được. Phải nên phân ranh chỗ nhập hạ và nên biết mặt trời: mặt trời đỏ đã mọc rồi phải ra khỏi chùa, nếu vào chùa thì phải vào cho kịp trước khi có ánh sáng đỏ mặt trời.

8. Pavāraṇā - tự tứ

Pavāraṇā dịch là tự tứ, là sau khi đã nhập hạ 3 tháng (từ 16 tháng 6 đến rằm tháng 9), chư vị tỳ khưu nhóm lại mà tỏ tội lỗi cùng nhau.

Ðức Phật có dạy “Như Lai cho phép, tỳ khưu đã nhập hạ mãn mùa mưa rồi phải hành lễ pavāraṇā theo 3 điều: vì được thấy; vì được nghe; vì được nghi. Pavāraṇā là sự tỏ cho nhau, thức tỉnh cho nhau, cho khỏi phạm tội để làm gương cho nhau và cho kẻ hậu lai noi theo.

Chư tỳ khưu nên hành lễ pavāraṇā như vầy: cho tỳ khưu thông hiểu tuyên bố cho tăng biết rằng: “suṇātu me bhante saṅgho ajja pavāraṇā pannarasī /catuddasī yadi saṅghassa pattakallaṃ saṅgho pavāreyya ‒ Bạch đại đức Tăng, xin tăng nghe tôi trình, ngày nay là ngày pavāraṇā 15 /14 nếu lễ pavāraṇā đến kỳ cho chư tăng, chư tăng nên hành lễ pavāraṇā”. Rồi vị trưởng lão nên mặc y chừa vai một bên ngồi chồm hổm chấp tay đọc: “Saṅghaṃ āvuso pavāremi diṭṭhena vā sutena vā parisaṅkāya vā vadantu maṃ āyasmanto anukampaṃ upadāya passanto paṭikarissāmi. Dutiyampi... Tatiyampi... ‒ Này ngài, tôi xin pavāraṇā với tăng nếu có thấy, nghe hoặc nghi, xin các ngài đem lòng tiếp độ thức tỉnh tôi, khi được biết tôi sẽ hành theo, lần thứ nhì... lần thứ ba...” Rồi vị thấp hạ đọc: “Saṅghaṃ bhante pavāremi … patikarissāmi. Dutiyampi... Tatiyampi...” Như thế gọi là lễ pavāraṇā.

Ngày pavāraṇā có 3: ngày rằm, 30 hoặc 29, nếu tháng thiếu, và ngày chư tăng hòa hợp (samaggī). Nếu nhập hạ kỳ trước phải hành lễ pavāraṇā trong ngày rằm tháng 9, nhập hạ kỳ sau phải hành lễ pavāraṇā trong ngày rằm tháng 10, như đã có giải trong lễ uposatha.

Lại nữa pavāraṇā nói về người hành có 3: tăng pavāraṇā; gana pavāraṇā; puggala pavāraṇā. Tỳ khưu từ 5 vị trở lên gọi là tăng saṅgha pavāraṇā, nêu hành như đã có giải trước. Tỳ khưu 2, 3, 4 vị gọi là gana pavāraṇā. Nếu có 3 hay 4 vị, nên cho vị thông hiểu tụng tuyên ngôn: “Suṇātu me ayasmamto ajja pavāraṇā pannarasī /catuddasī yadāyasmantā naṃ pattakallaṃ mayaṃ aññamaññaṃ pavareyyāma”, rồi vị cao hạ nên mặc y chừa vai 1 bên, ngồi chồm hổm chấp tay trước mặt các vị khác đọc: “Ahaṃ āvuso āyasmanto pavāremi... patikarissāmi. Dutiyampi... Tatiyampi...” Rồi vị thấp hạ đọc: “Ahaṃ bhante (āyasmanto) pavāremi... patikarissāmi. Dutiyampi... Tatiyampi...”. Nếu chỉ có 2 vị, không nên đọc tụng tuyên ngôn, hội họp nhau rồi vị cao hạ nên mặc y chừa vai 1 bên, ngồi chồm hổm, chấp tay trước mặt các vị thấp hạ đọc: “Ahaṃ āvuso āyasmantaṃ pavāremi vadantuman ayasmā... paṭikarissāmi. Dutiyampi... Tatiyampi...”. Vị thấp hạ đọc: “Ahaṃ bhante...” Như thế gọi là gana uposatha. Nếu có 1 vị, khi đến ngày pavāraṇā nên hành pubbakarakiccha trước (quét dọn tịnh xá…) rồi ngồi chờ các tỳ khưu khác. Nếu không có vị nào đến nên adhiṭṭhāna rằng: “Ajja me pavāraṇā”. Trong kinh chú giải dạy rằng: phải để thêm ngày như vầy: “Ajja me pavāraṇā catuddasī /paṇṇarasī adhiṭṭhāmi”. Như thế gọi là puggala pavāraṇā.

Trong kỳ lễ pavāraṇā có nhiều vị, không nên đọc pavāraṇā chung cùng nhau, phải đọc mỗi vị 3 bận, trừ ra có duyên cớ như: thí chủ đương bố thí, tỳ khưu đương nghe pháp, đêm gần tàn, hành pavāraṇā, mỗi vị 3 bận không kịp, hoặc 10 điều nguy hiểm, không thể hành pavāraṇā mỗi vị đọc 3 bận không kịp, thì đọc mỗi vị 2 bận, nếu đọc mỗi vị đọc 2 bận không kịp, thì đọc mỗi vị 1 bận, nếu đọc mỗi vị 1 bận không kịp thì đọc chung cùng nhau với những vị đã nhập hạ chung một kỳ, nhưng phải tụng tuyên ngôn trước như vầy: “Suṇātu me bhante saṅgho ayaṃ brahmacariyantarāyo sace saṅgho tevācikaṃ pavāressati appavārito vā saṅgho bhavissati yadi saṅghassa pattakallaṃ saṅgho (devācikaṃ) ekavācikaṃ (samānavassikaṃ) pavāreyya”, đọc xong rồi nên pavāraṇā như trước. Nghĩa là: “Bạch đại đức tăng, xin tăng nghe tôi trình, ấy là điều nguy hiểm đến phạm hạnh, nếu tăng pavāraṇā 3 bận chắc không kịp, điều nguy hiểm đến phạm hạnh ấy ắt sẽ phát sanh lên không sai. Nếu tăng sự vừa đến tăng rồi, tăng nên pavāraṇā (2 bận), (1 bận) cho tỳ khưu nhập hạ chung 1 kỳ nhau đều pavāraṇā chung cùng nhau (samānavassikā pavāraṇā)”.

9. Vật dùng theo thời (kālika)

Vật dùng theo thời có 4: vật để dùng trong buổi sáng (yāvakālika); vật để dùng trong 1 ngày, 1 đêm (yāmakālika); vật để dùng trong 7 ngày (sattāhakālika); vật để dùng cho đến hết (yāvajīvika).

  • Yāvajīvīka. Giải về yāvajīvika trước cho dễ bề phân biệt.

Ðức Phật cho phép dùng 5 thứ thuốc: rễ cây; nước cốt cây; lá cây; trái cây; nước nhựa cây, trái và múi luôn cả, và bông, vỏ cây. Các món ấy đều là vật để dùng cho đến hết. Đã thọ các vật ấy, khi có bịnh đem ra dùng, được phép cất giữ cho đến hết. Không bịnh mà dùng, phạm tác ác (tanipaṭīggahetvā yāvajīvaṃ pariharituṃ satipaccaye paribhuññituṃ asatipaccaye paribhuññatassa āpatti dukkatassa).

  • Yāvakālika.

5 món ăn: cơm, bánh sốt, bánh nguội, cá, thịt gọi là bhojana (vật thực).

Ngoài bhojana, yāvakālika, sattāhakālika và yāvajīvika ra, các món ăn khác gọi là vật nhai ăn (khādaniya), các thứ bánh làm bằng gạo, nếp, đậu, mè không cần phải kể, dầu là rễ cây, khoai, củ, cộng, đọt lá, vỏ, bông, trái... cũng đều gọi là khādaniya cả. Tóm lại, vật để làm thuốc gọi là yāvajīvika, vật ăn không gọi là yāvajīvika được.

Vỏ mía còn vị ngọt gọi là món ăn, ngoài ra các thứ vỏ cây khác đều thuộc về yāvajīvika cả. Các thứ lá như lá khoai, lá đậu, lá cải, lá xoài không gọi là thuốc được. Các thứ bông cũng vậy. Các thứ trái như: mít, sa kê, thốt nốt, dừa, xoài và những trái khác dùng để làm món ăn không gọi là yāvajīvika được, các thứ hột cũng vậy. Bột làm bằng 7 thứ mể, đậu, mè, mít, sa kê đều là vật thực. Các thứ nước nhựa, chỉ nước mía là vật sattāhakālika, ngoài ra đều là món thuốc, được phép để dùng cho đến hết.

5 thứ bhojana và các món khādaniya là vật chỉ được phép để dùng từ khi mặt trời mọc cho đến đúng ngọ, dùng ngoài giờ ấy phạm ưng xả đối trị. Thọ lãnh để dành qua ngày sau cũng phạm ưng xả đối trị.

  • Yāmakālika

Có 8 thứ nước: nước làm bằng xoài sống hoặc chín (ambapānaṃ), nước làm bằng trái diêm phù (jambupānaṃ), nước làm bằng chuối có hột (pocapānaṃ), nước làm bằng chuối không hột (mocapānaṃ), nước làm bằng trái cà na (madhupānaṃ), nước làm bằng trái thị hoặc trái nho (muddikāpānaṃ), nước làm bằng rễ cây hoặc ngó sen (sālukapānaṃ), nước làm bằng trái nhãn, chôm chôm (phārūsakapānaṃ). 8 thứ nước làm bằng trái cây ấy gọi là vật chỉ được phép để dùng trong 1 ngày 1 đêm.

Giải về các làm nước bằng trái xoài: nên để xoài vào trong nước rồi đâm, xong đem ra phơi nắng cho chín, lược lấy nước, thêm mật ong hoặc đường vào rồi dùng. Nếu tự mình làm thì chỉ được dùng trong buổi sáng. Người chưa tu lên bậc trên làm, được phép để đến 1 ngày 1 đêm, nếu đem dùng chung với cơm cũng được nhưng không nên để quá ngọ.

Các thứ nước trái cây khác cũng làm như thế. Không nên nấu (phơi nắng cho chín thì được). Ðức Phật có dạy: “Như Lai cho phép dùng vị các thứ trái cây trừ ra 7 thứ mể. Như Lai cho phép dùng vị của các thứ lá cây, trừ ra các lá để ăn đã luộc chín. Như Lai cho phép dùng vị của các thứ bông cây, trừ ra bông cà na. Như Lai cho phép dùng vị của nước mía ròng (anu... sabbaṃ phalarasaṃ thapetvā dhaññaha lasaraṃ ‒ anu... sabbaṃ pattarasaṃ thapetvā dākarasaṃ ‒ anu... sabbaṃ puppharasaṃ thapetvā madhuka puppharasaṃ ‒ anu... ucchurasaṃ).

Các thứ lá cây đều thuộc về vật để dùng cho đến hết. Nếu làm cho chín, chung lộn với vật nào, chỉ được phép để dùng theo vật ấy (vật ăn buổi sáng, vật dùng, 1 ngày, 1 đêm, hoặc vật dùng trong 7 ngày). Nấu với nước lã thì thuộc về vị thuốc. Các thứ lá sống hoặc luộc chín là vật ăn chung trong bữa cơm. Lá vò với nước mát, hoặc phơi nắng cho chín để làm thuốc cũng nên. Các thứ bông, trừ ra bông cà na, nên làm thuốc được cả.

Các yāmakālika, nếu thọ rồi để dùng quá 1 ngày 1 đêm, đến mặt trời mọc, phạm tác ác.

  • Sattāhakālika

Sữa lỏng (sappi), sữa đặc (navanitaṃ), dầu (telaṃ), mật ong (madhu), nước mía (phāṇitaṃ) đều là vật để dùng đến 7 ngày. Ðến ngày thứ 8 mặt trời mọc lên, phạm ưng xả đối trị, ăn vào phạm thêm tội tác ác.

Sữa bò, sữa dê, sữa trâu, các thứ thịt của loài thú mà đức Phật không cấm[69],  sữa của loài thú ấy gọi là sữa; về phần mỡ cũng vậy. Sữa bò, sữa dê, sữa trâu... gọi là sữa tươi (khīraṃ). Sữa ấy để lâu, đến chua gọi là sữa chua (dadhi). Sữa chua họ thắng lại gọi là dầu (takkaṃ). Dầu ấy họ thắng lại nữa gọi là bơ đặc (navanitaṃ)[70]. Bơ đặc ấy họ thắng lại nữa gọi là bơ lỏng (sappi).

Sữa tươi, sữa chua, dầu thuộc về yāvakālika, là vật dùng trong buổi sáng. Sữa đặc, bơ lỏng là món để dùng đến 7 ngày (sattāhakālika). Dầu, mật ong, nước mía, sữa đặc, sữa lỏng mà tỳ khưu đã thọ trong buổi sáng dùng làm vật ăn được, nhưng quá ngọ rồi không nên. Nếu để dùng ngoài buổi ăn sáng, được cất đến 7 ngày, quá 7 ngày thì phạm ưng xả đối trị, kể theo mỗi vật và đồ đựng.

Dầu mè, dầu đu đủ, dầu cà na là vật ăn buổi sáng. Các thứ dầu khác như dầu hột cải đều thuộc về yāvajīvika. Thọ lãnh dầu mè, buổi sáng, ăn chung trong buổi cơm cũng được, nhưng quá ngọ rồi không nên, dùng ngoài bữa ăn được cất đến 7 ngày để làm thuốc được phép dùng cho đến hết. Dầu có lộn chút ít nước, hoặc hâm nóng, chỉ nên dùng trong buổi sáng. Thọ dầu chung với vật thực cũng vậy, dùng để ngoài da, được phép thoa bóp cho đến hết.

Thọ hột mè, hột đu đủ, làm dầu trong ngày, để được đến 7 ngày. Nếu để qua ngày thứ 2 mới thắng dầu, được dùng đến 6 ngày, thắng trong ngày thứ 3, thứ 4 hoặc thứ 6, nên để đến 5, 4 hoặc 2 ngày; làm trong ngày thứ 7 chỉ được dùng trong ngày ấy thôi. Thọ hột mè, hột đu đủ để quá 7 ngày, phạm tác ác.

Thọ dầu dừa, dầu hột cải và các thứ dầu khác, thứ dầu không có kể trong Pāli, để quá 7 ngày, phạm tác ác; khác nhau với dầu có nói trong Pāli. Thọ mỡ trong buổi sáng, thắng trong buổi sáng, dùng ngoài bữa ăn, được phép để đến 7 ngày. Thọ sái giờ thắng lược sái giờ, đem dùng, phạm 3 tội tác ác. Thọ trong giờ, thắng lược sái giờ, đem dùng, phạm 3 tội tác ác. Thọ trong giờ, thắng trong giờ, lược ngoài giờ, đem dùng, phạm 1 tội tác ác. Thọ trong giờ, thắng trong giờ, lược trong giờ, không phạm tội. Thọ trong giờ đem dùng với cơm cũng nên (không được để quá ngọ). Thọ sái giờ chỉ nên dùng ngoài bữa cơm và được phép để đến 7 ngày, quá 7 ngày, phạm ưng xả đối trị.

Thọ nước mía (sống hoặc chín) không lộn với xác (cái) được phép dùng như mật ong. Thọ đường thẻ, đường tán, đường phèn làm bằng nước mía mà họ dâng trong buổi sáng đem dùng với cơm cũng nên. Tự mình làm chỉ dùng được ngoài buổi ăn sáng. Các thứ đường ấy là vật sattāhakālika, dầu có bịnh hoặc không cũng dùng được đến 7 ngày.

Ðức Phật cho phép: đối với người bịnh, đối với người, đối với thì giờ, đối với dịp, đối với xứ, đối với mỡ, đối với vị thuốc. Ðối với người có bịnh như: Ngài chỉ cho phép tỳ khưu bị ma nhập được ăn thịt tươi, máu tươi (trừ ra thịt người), ăn trong buổi sáng hoặc buổi chiều cũng được. Cho phép đối với người, như: người ăn hay ợ cơm trở ra khỏi cổ, rồi nuốt vào không phạm tội. Cho phép đối với thì giờ, như: tỳ khưu bị rắn cắn được phép dùng 4 thứ thuốc: nước tiểu, phẩn, tro, đất, nếu không có ai dâng, tự mình lấy dùng cũng nên. Cho phép đối với dịp, như: cho phép tỳ khưu dùng vật thực nhiều vị trong khi có dịp, ngoài ra không nên dùng. Cho phép đối với xứ, như: cho tỳ khưu ngoài xứ Trung Ấn Độ, từ 5 vị trở lên được phép truyền tỳ khưu giới. Cho phép, tỳ khưu thọ mỡ thắng, lược trong giờ, chỉ nên dùng mỡ lỏng, cho phép cần dùng mỡ lỏng làm bằng các thứ mỡ của loài thú. Cho phép đối với thuốc, như: sữa lỏng, sữa đặc, dầu, mật ong, nước mía, mà tỳ khưu đã thọ rồi được phép dùng tuỳ thích trong buổi sáng ngày ấy; quá ngọ, nếu có bịnh nên dùng đến 7 ngày, nhưng các thứ đường cứng (đường thẻ, đường sắc, đường om, đường tán, đường phèn) nếu có bịnh thì được phép nhai, không bịnh nên dùng chung với nước. Cả 5 thứ thuốc ấy, dùng đến 7 ngày, còn dư nên cho đến người khác hoặc để thoa bó cũng được.

Giải về: Yāvakālika, yāmakālika; sattahakālika và yāvajīvika, để lộn chung cùng nhau rằng: “Yāvakālikena bhikkhave yāmakālikaṃ tadahu paṭiggahitaṃ... sattāhāti kantenakappati”. Nghĩa là: “Này các tỳ khưu! Yāmakālika sattāhakālika, yāvajīvika, 1 trong 3 vật ấy mà tỳ khưu thọ lãnh chung với yāvakālika, chỉ nên dùng trong buổi sáng ấy, quá ngọ rồi thôi”. Thọ 1 trong 2 vật sattāhakālika và yāvajīvika, chung với yāmakālika, chỉ nên dùng trong 1 ngày, 1 đêm thôi. Thọ yāvajīvika chung với sattāhakālika chỉ nên để đến 7 ngày; qua ngày thứ 8 cho đến người khác. Ấy là nói về vật có vị lộn chung cùng nhau.

Nếu thọ 1 trong 8 thứ nước yāmakālika chung lộn với dừa, lấy dừa ra, 8 thứ nước yāmakālika dùng ngoài giờ được. Thọ sữa cục với cơm nguội, lấy sữa ra cất dùng đến 7 ngày cũng nên; mật ong, đường cũng vậy.

Vật yāmakālika, sattāhakālika và yāvajīvika trộn lộn với vật thực, nếu có thể lấy ra, làm cho thật sạch để dùng theo thời đều được cả. Không sạch, không nên cất giữ.

Tỳ khưu không nên nấu nướng vật thực mà được phép hâm nóng những vật đã chín sẵn. Thí chủ họ dâng cháo nóng, có bỏ hành tỏi, gừng... tỳ khưu không nên đem khuấy cho chín, tính làm cho nguội được, dầu cơm còn ngòi không nên tính đậy cho chín, đậy cho nóng được, nếu vật đã chín sẵn đem hâm lại không sao.

10. Giải về cách thức adhiṭṭhāna

Y nên adhiṭṭhāna[71] có 7 thứ: tam y (ticīvara), y tắm mưa (vāsikasāṭikā), y lót ngồi (nisīdanaṃ), y lót nằm (paccattharanaṃ), y rịt ghẻ (kaṇḍupaṭicchādi), y lau mặt (mukhamuñchana colaṃ), các thứ y phụ tùng nhỏ như vải lược nước, áo bát, đãy (parikkharacolaṃ). Cả 7 thứ y đều là vật nên adhiṭṭhāna theo tên.

Ðức Phật dạy phải adhiṭṭhāna tam y, không cho gởi; adhiṭṭhāna y tắm mưa đến 4 tháng, hết 4 tháng mưa rồi phải gởi, adhiṭṭhāna y lót ngồi, không cho gởi; adhiṭṭhāna vải rịt ghẻ, cho đến khi hết ghẻ rồi gỡ, adhiṭṭhāna y lau mặt, không cho gởi, adhiṭṭhāna các thứ y phụ tùng, không cho gởi.

Tam y là: y 2 lớp để đắp trùm (saṅghāṭi), y vai trái (uttarāsaṅga), y nội để mặc (antaravāsaka). Ba y ấy phải cắt, may làm cho đúng phép rồi nhuộm cho có màu, làm dấu (bindukappa) rồi mới nên nguyện đặt tên (adhiṭṭhāna), không cắt không nên mặc vì đức Phật có dạy “nābhikkhave acchinnakāni civarāni dhāretabbāni”. Chẳng nên mặc y cà sa không cắt, tỳ khưu nào dùng ca sa không cắt, phạm tác ác.

Tam y, dầu cắt cho lớn rộng đến đâu đến đâu cũng phải nhỏ hơn y của Phật mới nên; nhỏ hơn hết là: y 2 lớp và y vai trái, bề dài 4 hắc 1 bàn tay, bề ngang 2 hắc 1 bàn tay; y nôi bề dài 4 hắc 1 bàn tay, bề ngang dầu 2 hắc cũng được. Lớn hoặc nhỏ hơn kiểu ấy không nên nguyện đặt tên là ca sa.

Khi đã cắt may, nhuộm xong nên: 1) Làm dấu y, nên dùng 1 trong 3 màu (đem, xanh, sám tro, hoặc bùn) vẽ vòng tròn bằng mắt ngỗng, đọc “imaṃ bindukappaṃ karomi” rồi adhiṭṭhāna; 2) adhiṭṭhāna có 2 cách: adhiṭṭhāna bằng thân và bằng khẩu.

Nếu y 2 lớp cũ, nên đọc xả adhiṭṭhāna rằng “imaṃ saṅghātiṃ paccuddhārāmi ‒ tôi xả y 2 lớp này” lấy tay cầm y 2 lớp hoặc để trên mình đọc trong tâm rằng “imaṃ saṅghātiṃ adhiṭṭhāna ‒ tôi adhiṭṭhāna y hai lớp này” như thế gọi là adhiṭṭhāna bằng thân. Adhitthānabằng khẩu thì đọc “imaṃ saṅghātiṃ adhiṭṭhāmi”. Adhitthāna bằng khẩu có 2 cách: trong hắc; ngoài hắc. Nếu y ở trong hắc, đọc “imaṃ saṅghātiṃ adhiṭṭhāmi”. Y ở ngoài hắc để trong phòng, trong chùa, phải nhớ đến chỗ để y, rồi đọc “etaṃ saṅghatiṃ adhiṭṭhāmi”. Các y khác cũng phải làm như thế, chỉ nên đổi tên thôi. Ðọc xả y ở trong hắc: Imaṃ / Etaṃ[72] uttarāsaṅgam paccuddharāmi antaravāsakaṃ paccuddharāmi.

Ðọc adhiṭṭhāna: “Imaṃ / Etaṃ uttarasaṅgam adhiṭṭhāmi, antaravāsakaṃ adhiṭṭhāmi, vassikasātikaṃ adhiṭṭhāmi, paccattharanaṃ adhiṭṭhāmi, kaṇḍupaṭicchādi adhiṭṭhāmi, mukhamuñchanacolaṃ adhiṭṭhāmi, parikkhāracolaṃ adhiṭṭhāmi”. Nếu adhiṭṭhāna tam y làm y phụ tùng, đọc: “Imaṃ / Etaṃ cīvaraṃ parikkhāracolaṃ adhiṭṭhāmi”. Nếu adhiṭṭhāna nhiều y chung cùng nhau đọc: “Imaṃ / Etaṃ cīvarāni parikkhāracolaṃ adhiṭṭhāmi”. Nếu adhiṭṭhāna patta thì đọc: “Imaṃ pattam adhiṭṭhāmi”.

11. Giải về cách gởi y dư (vikappa)

Ðức Phật dạy: “Anujānāmi bhikkhave atirekacīvaraṃ vikappetuṃ. Anu... āyāmena atthaṅgulaṃsugataṃ gulena caturaṅgulavitthataṃ pacchimaṃ cīvaraṃ vikappetuṃ ‒ Này các tỳ khưu! Như Lai dạy phải gởi y dư, Như Lai dạy phải gởi y pacchimacīvara là y nhỏ hơn hết bề dài 8 ngón tay, bề ngang 4 ngón tay (ngón tay của đức Phật).

Y tắm mưa, vải rịt ghẻ, khi đã hết kỳ adhiṭṭhāna rồi nên gởi bằng 2 cách: gởi trước mặt, gởi khuất mặt.

  • Gởi y trước mặt 2 cách:

- Trong hắc đọc: Imaṃ cīvaraṃ tuyhaṃ vikappemi. Nhiều y thì đọc: Imāni cīvarāni tuyhaṃ vikappemi.

- Ngoài hắc đọc: Etaṃ cīvaraṃ tuyhaṃ vikappemi. Nhiều y thì đọc: Etāni cīvarāni tuyhaṃ vikappemi. Đọc gởi trước mặt 1 vị tỳ khưu, rồi cất y cũng được.

Nếu đem ra mặc, xả hoặc adhiṭṭhāna không nên. Khi người chịu gởi đọc: Imaṃ cīvaraṃ mayhaṃ santakaṃ (nhiều y: Imāni cīvarāni mayhaṃ santakaṃ) paribhuñjavāvisajjehivā yathāpaccayamvākarohi ‒ Ngài lấy dùng, hoặc xả hoặc làm theo việc cần dùng của tôi. Ðọc xả như thế rồi đem dùng mặc, đắp cũng nên.

  • Gởi y để khuất mặt

- Gần, đọc: Imaṃ cīvaraṃ tuyhaṃ vikappanatthāyadammi. Nhiều y: Etāni cīvarāni tuyhaṃ vikappanatthāyadammi ‒ Tôi gởi y này đến ngài.

- Xa, đọc: Etaṃ cīvaraṃ tuyhaṃ vikappanatthāyadammi. Nhiều y: Etāni cīvarāni tuyhaṃ vikappanatthāyadammi.

Đọc gởi trước mặt 1 vị tỳ khưu, tỳ khưu chịu lãnh gởi nên hỏi chủ y rằng “Người xuất gia nào thân thiết hay gần gũi với ngài?” Chủ gởi y, tùy thích nói: “Ngài Tissa (hoặc sa di Tissa) là người thân thiết với tôi”. Vị chịu lãnh gởi nói “Ahaṃ tissabhikkhudammi” hoặc “Ahaṃ tissassasāmañerassa dammi” theo tên mà tỳ khưu xin gởi ấy. Như thế gọi là khuất mặt, rồi cất giữ, như thế ấy cũng được. Khi tỳ khưu giùm chịu lãnh gởi ấy đọc: “Tissassabhikkhuno santakaṃ paribhuñjavāvisajjehi vā yathāpaccayaṃ vā karohi” như đã có giải trong cách gởi trước mặt, điều thứ 2 ấy rồi, mới gọi là xả, khi đã xả rồi, đem y ra mặc đều được cả.

Vấn: Gởi trước mặt và khuất mặt khác nhau như thế nào? Ðáp: Trong cách gởi trước mặt ấy, tự mình gởi nhờ người khác xả. Trong cách gởi khuất mặt, nhờ người khác gởi cho, nhờ người khác xả cho, khác nhau như thế ấy. Nếu đã gởi đến người nào, người ấy không thông hiểu các xả, nên đem y ấy gởi cho tỳ khưu thông hiểu, rồi nhờ vị ấy xả, mới nên. Người chủ đem y ấy adhiṭṭhāna theo tên rồi dùng, dầu quá 10 ngày, cũng không phạm tội, ấy là adhiṭṭhāna và vikkappa y dư trước 10 ngày, nếu để quá 10 ngày phạm ưng xả đối trị theo điều học “lễ dâng y lần thứ nhất” (pathamakathina sikkhāpada).

12. Giải về cách đứt adhiṭṭhāna

Y đã adhiṭṭhāna theo tên, như đã có giải, đứt adhiṭṭhāna do 9 điều: 1) cho đến người khác (aññassadāṇena); 2) bị bọn cướp đoạt (acchinditvāgahaṇena); 3) bạn thiết lấy (vissāsagāhena); 4) trở làm người thấp hèn (phạm bất cộng trụ theo ngoại đạo) (hīnāyāvattaṇena); 5) xả giới (sikkhāpaccakkhāṇena); 6) chết (kālakiriyāya); 7) đổi tướng mạo (trai biến ra gái, gái biến ra trai) (lingaparivattaṇena); 8) xả bỏ adhiṭṭhāna (paccuddharaṇena); 9) lủng lỗ.

Y lủng lỗ bằng lưng móng tay út, lủng đứt hết chỉ mới đứt adhiṭṭhāna. Y hai lớp, y vai trái rách bề dài từ bìa vào 1 gang, rách bề ngang từ bìa vào 8 ngón tay mới đứt adhiṭṭhāna. Y nội rách bề dài từ bìa vào 1 gang, bề ngang từ bìa vào 4 ngón tay mới đứt adhiṭṭhāna. Y đã đứt adhiṭṭhāna như thế, phải may vá lại rồi adhiṭṭhāna thêm, đem mặc mới nên. Nên vá y trong 10 ngày kể từ ngày rách, để quá 10 ngày phạm ưng xả đối trị như y dư.

---

TRÍCH DỊCH Ở TẠNG LUẬT

Bhāsitamitaṃ tena bhagavatā jānatā passatā ahetā sammāsaṃbuddhena ‒ Ðức Thế Tôn đã hiểu, thấy, Ngài là bậc Chánh đẳng Chánh giác có giảng thuyết rằng:

Sampannasīlā bhikkhave viharatha sampannappātimokkhā ‒ Này các thầy tỳ khưu! Các thầy hãy là người có giới đầy đủ, có pātimokkha[73] ấy đủ rồi ở yên đi.

Pātimokkha saṃvaravuto viharatha ācāragocāra sampanno ‒ Hãy là người thu thúc bằng sự kiềm chế trong pāṭimokkha, đầy đủ hạnh kiểm và nơi vãng lai thích hợp.

Anumattesu vajjesu bhayadassāvī samādāya sikkhāttha sikkhāpadesūti ‒ Hãy là người thường thấy sự lo sợ tội lỗi dù là nhỏ nhen chút ít, rồi nghiêm trì các điều học (sikkhāpada).

Tasmātihaṃhehi sikkhitabbaṃ ‒ Vì thế, chúng ta là hàng xuất gia trong Phật giáo nên học hành rằng: Sampamasīlā viharissāma sampannappātimokkhā ‒ Chúng ta là người có giới đầy đủ, có pātimokkha đầy đủ rồi ở yên. Pāṭimokkhasaṃvarasaṃvutā vihārissāma ācāra gocārasampanno ‒ chúng ta sẽ là người thu thúc, kiềm chế trong pāṭimokkha, có đầy đủ hạnh kiểm và nơi vãng lai thích hợp rồi ở yên. Anumattesu vajjesu bhayadassāvī samādāya sikkhissāma sikkhāpadesūti ‒ chúng ta sẽ là người thấy sự lo sợ, tự nhiên, trong tội nhỏ nhen chút ít, rồi nghiêm trì các điều học. Evañhino sikkhitabbaṃ ‒ chúng ta phải học hành như vậy.

Pāṭimokkhaṃ visodhento appeva jīvitaṃ jahe ‒ bậc xuất gia tín thực[74] khi đã trau giồi pātimokkha thu thúc giới, dám hy sinh sanh mệnh mình.

Paññattaṃ lokañathenana bhinde sīlasamvaraṃ ‒ không phá thu thúc giới mà đấng cứu thế chế ngự để lại đâu.

Kikīva aṇḍaṃ camarīva vāladhiṅ ‒ chim cà cưỡng liều mình cố giữ trứng nó, thú camari[75] liều thân ráng giữ lông nó, thế nào.

Piyaṃvā puttaṃ nayanaṃva ekakaṃ ‒ người cố chăm sóc con một.

Taheva sīlaṃ anurakkhamānakā ‒ người chột mắt cố duy trì mắt sáng thế nào, ta hãy thọ trì giới ta cho được, nhất là như chim cà cưỡng vậy

Supesalā homa sadā sagāravo ‒ cho được là người có giới, là nơi thương yêu, có lễ phép đúng đắn và tôn kính mãi mãi.

Satthā sāvakkānaṃ sikkhapādaṃ paññapeti dasa atthavase paṭicca ‒ đức thầy chế ngự điều học đến các hàng Thinh văn vì 10 điều lợi ích là: 1) Saṅghasuṭṭhutāya ‒ cho có điều tuyệt hảo đến tăng; 2) Saṅghaphāsuttāya ‒ cho có sự an lạc đến tăng; 3) Dummaṅkūnaṃ puggalānaṃ niggahāya ‒ để khiển trách kẻ bướng bỉnh phá giới; 4) Pesalānaṃ bhikkhūnaṃ phāsuvīhārāya ‒ cho có sự ở yên đến chư tỳ khưu có giới là nơi thương mến; 5) Diṭṭha dhammikānaṃ āsavānaṃ saṃvarāya ‒ để ngăn ngừa các lậu phiền trong hiện tại; 6) Samparāyikānaṃ āsavānaṃ paṭighātāya ‒ để đẩy lui những lậu phiền não trong đời vị lai; 7) Appasannānaṃ pasādāya ‒ để kích thích những người bất mãn, được tín ngưỡng; 8) Pasannānaṃ bhiyyo bhāvāya ‒ khiến kẻ thích càng tin chắc; 9) Saddhammatthitiyā ‒ cho chánh pháp được thêm kiên cố; 10) Vinayā nuggahāya ‒ để hỗ trợ tạng Luật.

Vinayamhi mahatthesu

Pesalānaṃ sukhāvaho

Niggahānañca papicche

Lajjīnaṃ paggahesuca

Sāsamādhārane ceva

Sabbaññuji nugocare

Anaññavisaye kheme

Suppaññatte asaṃsaye.

Khi tạng Luật có đại lợi đem sự vui đến tăng có giới đáng kính mến, khiển trách nhóm tỳ khưu ham muốn xấu xa, nâng cao nhóm tỳ khưu có sự hổ thẹn, có khí chất duy trì giáo pháp là nơi vãng lai của đấng Chánh Biến Tri không thuộc quyền hạn của kẻ khác, là nơi yên tâm; nghĩa là đức Thế Tôn đã chế ngự chân chánh không còn ngờ được.

Khandhake vinaye ceva parivāre ca mātike yathattakāri kusalo paṭipajjati yoniso ‒ bậc trí tuệ hay làm điều lợí ích thích hợp hằng thực hành theo phương pháp trong thiên Luật[76] trong parivāra và mātika.

Pamutthami ca suttante

Adhidhame ca tāvade

Vinaye avinatthamhi

Puna titthati sāsanam.

Dù là tạng Kinh và tạng Luận đã phá hủy mà tạng Luật chưa tiêu hoại, thì Phật giáo vẫn tồn tại.

PHÁP LÀM CHO TRỞ NÊN SA-MÔN

Ðức Chánh Biến Tri có giảng thuyết về danh hiệu và cái pháp của Sa-môn rằng “Samanā samanāti vo bhikkhave jano jano sañjānāti” ‒ này các tỳ khưu, đại chúng hằng rõ danh hiệu của các ngươi rằng là Sa-môn. Về phần các ngươi cũng vậy, khi có ai hỏi rằng: “Ông là chi?” Các ngươi cũng nhận rằng: “Chúng tôi là Sa-môn”.

Như vậy, nếu các ngươi có danh hiệu như thế và nhận mình đúng như vậy rồi biết rằng: Ye dhammā samaṇakarāṇā brahmana karaṇā ‒ các pháp nào làm cho thành Sa-môn và Bà- la-môn, chúng ta sẽ thọ trì những pháp đó. Hành động như thế, mới vừa sự nhận thức chơn chánh của chúng ta, theo lời họ đã gọi thật.

Lại nữa, chúng ta đã thọ dụng y, bát, thực phẩm, chỗ ngụ, thuốc men của những thí chủ nào thì cái nghiệp lành của họ sẽ sanh phước lớn, có nhiều quả báo chẳng sai vậy, vì họ nương nhờ nơi chúng ta. Hơn nữa, sự xuất gia của chúng ta, chẳng phải là vô hiệu quả dầu là pháp để tu hành được nhiều phước báu thật. Này các tỳ khưu! Các ngươi cần biết mình như vậy, chẳng nên quên.

Ngài bèn giảng tiếp 2 pháp trọng yếu nhất là: hổ thẹn (hiri) và ghê sợ (ottappa) tội lỗi, rồi giải rằng: Parisuddhi kāyasamācāra, parisuddhi vacīsamā cāra, parisuddhi manosamācāra, parisuddha ājīva, indriyasamvara bhojanamattaññūjāgariyānuyoga, satisampajañña: Sự nương ngụ trong nơi thanh vắng, cách trau dồi cái tâm cho xa khỏi pháp cái (nīvaranadhamma) rồi tập trung tinh thần cho trí tuệ thấy rõ Tứ Diệu đế. Tất cả pháp đó là pháp của Sa-môn.

1) Hổ thẹn (hiri) về sự xấu hổ đối với các pháp ác. 2) Ghê sợ (ottappa) là nói về sự ghê sợ các tội lỗi. Cả hai pháp trên đây là quan trọng đặc biệt của Sa-môn, bằng không cũng chẳng gọi là Sa-môn được. Có 2 pháp đó rồi, các đức tánh khác mới có thể phát sanh lên được. 3) Thân trong sạch đầy đủ (parisuddhi kāyāsamācāra) chỉ về 3 nghiệp lành của thân. 4) Khẩu trong sạch đầy đủ (parisuddhivacīsamācāra) chỉ về 4 nghiệp lành của miệng. 5) Tâm trong sạch đầy đủ (parisuddhimanosamācāra) chỉ về 3 nghiệp lành của ý. 6) Sự nuôi mạng trong sạch (parisuddha ājīva) tức là sự nuôi sống cho thanh cao (xem trong Chánh mạng Thanh tịnh giới). 7) Lục căn thu thúc (indriyasaṃvara) (xem trong Lục căn Thanh tịnh giới). 8) Biết tiết chế trong thực phẩm (bhojanamataññū) chỉ về biết tiết độ trong sự thọ thực (xem trong phép Quán tưởng thọ vật dụng Thanh tịnh giới). 9) Tỉnh thức thường thường (jāgariyānuyoga) là dạy phải thức nhiều ngủ ít. 10) Trí nhớ biết mình (satisampajañña). 11) Sự nương ngụ trong nơi thanh vắng, nghĩa là sự trú ẩn trong rừng hoặc dưới bóng cây hay là nơi tịnh thất vắng vẻ. 12) Sự trau dồi cái tâm cho xa khỏi pháp triền cái, rồi chú tâm tham thiền. 13) Làm cho trí tuệ thấy rõ pháp Tứ điệu đế là làm cho phát sanh sự thấy biết rõ rệt cái khổ, nhân sanh khổ, sự diệt khổ, đạo diệt khổ (xem trong Tứ diệu đế). Tất cả các pháp đó là pháp của Sa-môn cần phải có, bằng không ắt sẽ sa vào trong 4 ác đạo chẳng sai.

Ðức Thế Tôn giảng thuyết về hàng Sa-môn và cái pháp của hàng Sa-môn như thế.

Phương tiện cho pháp sanh pháp của bậc xuất gia hoặc Sa-môn.

Người đã tự nguyện xuất gia hoặc Sa-môn phải chú tâm rằng “Ta là bậc xuất gia hoặc Sa-môn rồi, cần gìn giữ đức tín thanh cao vừa theo cái tướng mạo của người xuất gia hoặc Sa-môn mới đặng”. Hay quán tưởng theo Phật ngôn rằng: “Bây giờ đây ta có tướng mạo khác hơn kẻ thế, nhất là cách thức hành động của Sa-môn thế nào, ta cần phải làm theo, không nên sai suyển”. Bậc xuất gia ví như người thương mãi, buôn bán muốn được lợi, nếu hành đúng cách mới được lời nhiều, bằng làm sái ắt phải lỗ vốn. Vì thế đức Phật có giảng về pháp đè nén cái tâm của người xuất gia như vầy: Kusoyathā duggahito hatthamevā nukan tati sāmannaṃ dupparamatthaṃ nirāyāyūpakadhati yaṃkiñci sithilaṃ kammaṃ samkilitthañca yaṃvattaṃ sankassaraṃ brahmacariyaṃ nataṃ hoti mahapphalaṃ kayirā ce kayirāthenaṃ dalhamenaṃ parakkame sithilo hi paribhajo bhiyyo akirate rajaṃ.

Lẽ thường, cỏ tranh mà người không khéo lắm, kéo ngược trở lại ắt phải đứt tay, thế nào, sự xuất gia của hành giả, tu không chơn chánh, sái pháp luật, hằng lôi kéo họ sa trong địa ngục, cũng như thế ấy.

Tội của bậc xuất gia tu hành không chơn chánh.

Người mặc y vàng, song không thu thúc theo pháp của Sa-môn, cũng không khỏi sa địa ngục, như Phật ngôn rằng: Kāvāvakanthā bahavo pāpadhammā asannatā pāpā papehi kammehi nirayaṃ te upapajjare ‒ phần đông người có áo cà sa dính cổ, tức là mặc y vàng, song là kẻ có pháp xấu xa, không thu thúc theo pháp của Sa-môn, thường phải bị đọa trong cảnh địa ngục, do các nghiệp xấu của họ đã tạo.

Lại nữa, người xuất gia đã phá giới, rồi thọ thực của thí chủ dâng cúng bằng đức tin không nên đâu, ráng dùng cục sắt đương nóng còn hơn, hiệp theo Phật ngôn rằng: Seyyo ayogulo bhutto tatto aggisikhū pamo yañce bhuñjeyya dussilo raṭṭha piṇḍaṃ asaññato ‒ người xuất gia phá giới, là người không thu thúc mà cũng dùng vắt cơm của kẻ thế chẳng dễ đâu, ráng ăn cục sắt đương nóng còn hơn.

Ðức Phật đã giảng thuyết chỉ rõ tội khổ của bậc xuất gia và Sa-môn không trú trong pháp của họ, như những qui tắc đã giải.

Mười pháp mà bậc xuất gia phải quán tưởng thường thường.

1) Bậc xuất gia nên quán tưởng thường rằng: Bây giờ ta đã có tướng mạo khác hơn kẻ thế, nghĩa vụ nào của Sa-môn ta phải làm cho tròn. 2) Bậc xuất gia nên quán tưởng thường thường rằng: Sự nuôi sanh mạng của ta nương nơi kẻ khác, ta cần phải làm cho người cấp dưỡng dễ dàng. 3) Bậc xuất gia nên quán tưởng thường thường rằng: sự làm cho thân khẩu thêm chơn chánh, vẫn còn nữa chẳng phải chỉ có bấy nhiêu. 4) Bậc xuất gia nên quán tưởng thường thường rằng: tâm ta không tự chê bai ta vì giới không đầy đủ chăng? 5) Bậc xuất gia nên quán tưởng thường thường rằng: hàng trí tuệ đã xem xét rồi, họ không khiển trách ta vì giới không đầy đủ chăng? 6) Bậc xuất gia nên quán tưởng thường thường rằng: ta phải chia lìa sự vật mà ta thương yêu vừa lòng, không sao tránh khỏi được. 7) Bậc xuất gia nên quán tưởng thường thường rằng: ta có cái nghiệp là của ta, ta làm lành thì được vui, gây dữ thì chịu khổ. 8) Bậc xuất gia nên quán tưởng thường thường rằng: ngày và đêm hằng qua mau lẹ, bây giờ đây ta làm được cái chi chăng? 9) Bậc xuất gia nên quán tưởng thường thường rằng: ta có ưa thích trong nơi thanh vắng chăng? 10) Bậc xuất gia nên quán tưởng thường thường rằng: ta đã có các đức cao quí chăng? Khi có bậc phạm hạnh đến hỏi ta trong giờ cuối cùng, ta sẽ không hổ thẹn chăng?

Mười pháp mà các bậc xuất gia nên quán tưởng thường thường đó gọi là thập pháp (dasadhamma), song dịch như trên đó, mới thật đúng lý. Người tu học cần phải hiểu rằng thập pháp là pháp dành cho hàng xuất gia, tuy nhiên, như đã có giải: điều nào thuộc về bậc xuất gia, điều ấy người cư sĩ hành theo cũng được.

Trong 10 pháp đó nên hiểu như vầy: điều thứ 1: dạy phải quán tưởng về tướng mạo; điều thứ 2: dạy quán tưởng về chánh mạng; điều thứ 3: dạy quán tưởng về sự hành động; điều thứ 4 và 5: dạy phải quán tưởng về qui tắc; điều thứ 6 và 7: dạy phải quán tưởng về luật tự nhiên; điều thứ 8: dạy phải quán tưởng về thời gian; điều thứ 9: dạy phải quán tưởng về chỗ ngụ; điều thứ 10: dạy phải quán tưởng về đức hạnh cao quí.

Về phước báu trong sự quán tưởng có chia ra làm 2 là: phần riêng và chung. Giải về phần riêng của mỗi điều trước:

1) Giải về phương tiện phát sanh sự hổ thẹn (hiri) và ghê sợ (ottappa) tội lỗi, để thực hành cho vừa với bổn phận của người xuất gia, nghĩa là điều nào không đúng quy tắc của bậc xuất gia thì phải chừa bỏ, nhất là phải hành những pháp chơn chánh, như là trì giới, cho thân khẩu trong sạch, tu định cho tâm yên lặng, hành tuệ cho thấy rõ chánh tà. Phải cần kíp làm cho tròn nghĩa vụ.

2) Khi đã quán tưởng như vậy thì sẽ được 2 điều lợi ích: được làm tròn phận sự đối với người cấp dưỡng; sẽ có sự hành động cho họ dễ nuôi, nghĩa là làm cho mình thành người biết đủ (sandosa), thọ 4 vật dụng tùy có tùy được. Họ cho vật chi thì vừa lòng với vật ấy không được chọn tốt, xấu, ngon, dỡ.

3) Bậc xuất gia chưa chứng đạo quả, là đức hạnh cuối cùng trong Phật giáo gọi là còn phận sự phải hành, nghĩa là phải tu tập cho thanh cao hơn nữa, cần phải học những điều chưa biết, thực hành những điều đã biết. Khi đã trì giới được trong sạch thì cần tu thiền thêm lên, cho trí tuệ phát sanh để đắc đạo quả Niết-bàn là mục đích tối cao của Phật giáo. Nếu bậc xuất gia được biết mình như vậy, thì hằng có sự lợi ích, để tự hóa trở thành nên bậc cao nhân. Nếu lầm tưởng rằng: Mình là đủ, không cần tu tập nữa, vừa lòng với bấy nhiêu thì không cần mẫn hành bậc cao mà mình chưa đắc. Như thế, bậc xuất gia vẫn còn mắc trong vòng phàm tục và phải bị luật vô thường chi phối, sa vào 4 ác đạo chẳng sai. Nếu hành giả hằng quán tưởng biết mình như thế ắt sẽ tinh tấn tu hành thêm lên.

4)5) Bậc xuất gia quán tưởng hiểu rõ trong điều thứ tư và điều thư năm như vậy rồi, sẽ thấy mình chưa toàn thiện thì phát tâm cố gắng tu trì, không để, không để mình tự chê trách mình được. Nhưng lẽ thường phàm nhơn hiếm có người được biết chân chánh như thế. Vì vậy, có lúc làm sai mà họ cho là phải, có khi hành chánh mà họ cho là tà.

Cho nên có Phật ngôn rằng: “Tội mình khó biết, lỗi người dễ xem!” Nhân đó, đức Phật dạy phải luôn luôn quán tưởng những điều trên đây, cho phát sanh trí nhớ.

6) Đã thường thường quán tưởng điều này, thì sẽ thấy rõ sự chia lìa do 2 lẽ là: các sự vật mà ta thương yêu vừa lòng, nó sẽ lìa ta khi ta còn sanh tiền cũng có; trong giờ mạng chung, ta phải bỏ nó cũng có, đó là lẽ tự nhiên không sao tránh được.

Khi thấy rõ 2 pháp trên rồi, mình được 3 điều lợi ích: dứt tâm bất bình nóng giận khi gặp sự vật đáng ghét bỏ; ngăn tâm không cho buồn rầu thương tiếc lúc ly biệt sự vật thương yêu; kiềm chế tâm ham muốn sự vật của mình để tránh tà mạng gây ra các nghiệp ác. Ðó là 3 điều lợi ích mà bậc xuất gia nhờ sự quán tưởng thường thường mới thấy rõ được.

7) Trong điều này nên hiểu câu “Ta có cái nghiệp là của ta” rằng: Mọi người trong mỗi kiếp đều có tạo nghiệp, không dữ thì lành, chẳng tốt thì xấu, không có một ai tránh khỏi, cho nên gọi là “Ta có cái nghiệp là của ta”. Lại nữa, nếu làm lành thì được vui, làm dữ thì chịu khổ. Cớ ấy sự quán tưởng trong điều thứ 7 mới có lợi ích, không cho làm ác, chỉ tạo việc lành, vì đã hiểu rõ quả báo của nghiệp.

8) Đức Phật có khuyên các tỳ khưu cần phải biết thời gian qua rồi, chẳng khi nào trở lại. Nên hiểu rõ chơn chánh rằnh: Nó chỉ thoáng qua mau lẹ, nếu không thì hằng để cho ngày giờ trải qua vô ích, sẽ có điều hối hận ăn năn. Có Phật ngôn rằng “Những người còn trai tráng, có tánh thông minh mà lười biếng không chuyên cần làm các công việc thì khó gặp được xuất thế bằng “trí tuệ”. Lời Phật dạy đây để tỉnh thức họ cho tinh tấn trong niên cấp còn khỏe mạnh, cho sự tu hành mau được tấn hoá trong 2 phương diện đời và đạo, sự quán tưởng thường thường trong điều này hằng đem lại hạnh phúc yên vui cho mình chẳng sai.

9) Khi đã quán tưởng thường thường thì có sự tĩnh tâm vừa lòng trong nơi thanh vắng, lìa xa bè đảng, bậu bạn, ưa thích trong nơi yên lặng để tham thiền cho tâm an trụ, rồi suy xét điều chi cũng được chân chánh rõ rệt, không có trở ngại và bậc tu thượng được dễ dàng.

10) Giải rằng: “Các đức tính cao quí chỉ về tâm thiền định hoặc giải thoát”. Nếu đã quán tưởng thường như thế thì được tĩnh tâm, không hề vừa lòng với các hạnh phúc nhỏ nhen bực hạ, tinh tấn trong đức tánh cao thượng theo thứ tự.

Về phước báu trong cách quán tưởng 10 điều đó, hằng đem lại sự yên lặng cho tâm, để tiến bộ trong chánh pháp, tu giới, định, tuệ cho càng tăng trưởng thanh cao. Nói tóm lại, sẽ được mãn nguyện trong 2 đường: đời và đạo xuất thế, chứng quả Niết-bàn là mục đích cứu cánh của Phật giáo.

PHẬT NGÔN

1) Tỳ khưu có 5 chi[77] hằng sa địa ngục: tỳ khưu tư vị vì thương; tỳ khưu tư vị vì ghét; tỳ khưu tư vị vì dốt nát; tỳ khưu tư vị vì sợ; tỳ khưu dùng của tăng như của mình.

2) Tỳ khưu có đủ 4 chi mới đáng gọi là tỳ khưu: phải hằng niệm tưởng đức của Phật; phải hằng có tâm bác ái (mettā); phải hằng tham thiền đối tưởng tử thi (asubha); phải hằng niện tưởng sự chết (maranasati).

3) Sa-môn có đủ 4 chi mới gọi là Sa-môn: phải có tâm nhẫn nại; phải thận trọng trong việc phước đức; phải dứt bỏ lợi danh và phiền não; không bận lòng về thế sự.

4) Người sớm tới đi vào địa ngục có 3 hạng: người không phải hành đạo cao thượng mà tư xưng là hành đạo cao thượng; người cáo gian bậc phạm hạnh; người nói ngũ dục không có tội, rồi hằng thọ dụng ngũ dục.

5) Lời nói cao thượng có 4: không thấy, nói không thấy; không nghe, nói không nghe; nói không trúng, nói rằng nói không trúng; không biết rõ rệt, nói rằng không biết rõ rệt

6) Tỳ khưu có giới đáng tôn kính có 4 chi: không tư vị vì thương, không tư vị vì ghét, không tư vị vì si mê, không tư vị vì sợ.

7) Đệ tử đối với thầy có 5 pháp: phải hết lòng thương yêu thầy, phải hết lòng tin tín thực thầy, phải hết lòng hổ thẹn tội lỗi, phải hết lòng tôn trọng thầy, phải hết lòng nhớ tưởng thầy.

8) Thầy đáng cho đệ tử nương tựa có 7 pháp: phải có tâm bác ái bình đẳng, phải có giới tinh nghiêm, đáng cho trò tôn kính, phải nhẫn nại khi trò bất bình và biết tùy cơ cảm hoá trò, phải biết đạo lý cao siêu và biết giảng giải theo sức trò, phải ngăn trò không cho làm điều vô ích tội lỗi, phải tìm phương pháp để chỉ dẫn trò cho mau tiến hoá.

9) Bậc minh tuệ có 4 chi (panditā) là bậc đáng nương tựa: biết ơn người đã làm đến mình (kataññū), biết làm cho mình được trong sạch (attasuddhi), biết làm cho người được trong sạch (parasuddhi), tế độ người tế độ (saṅgho).

10) Bậc tịnh giả (thiện trí thức) có 7 chi: biết nhân, biết quả, biết mình, biết tiết độ, biết thì giờ, biết nơi hội hợp, biết người.

Ba bậc trên đây (8, 9, 10) là hạng người đáng nương tựa, thân cận thì sẽ được hưởng thụ 4 quả báu: hằng làm cho giới được tăng tiến cao thượng, hằng làm cho định được tăng tiến cao thượng, hằng làm cho tuệ được tăng tiến cao thượng, hằng làm cho sự giải thoát được tăng tiến cao thượng.

Tỳ khưu có 7 pháp đáng cho hàng phạm hạnh thương mến: không mong được lợi, không mong được danh giá, không ngã chấp, hổ thẹn tội lỗi, ghê sợ tội lỗi, không ganh tỵ, không bỏn xẻn (đáng thân cận).

Tỳ khưu có 7 pháp không đáng cho hàng phạm hạnh thương mến: mong được lợi, mong được danh giá, ngã chấp, không thẹn tội lỗi, không ghê sợ tội lỗi, ganh tỵ, bón rít (không nên gần gũi).

Sáu đặc tính của kẻ si mê: mong được người ca tụng, mong được đứng đầu trong hàng tỳ khưu, mong được làm cả trong chùa, mong được thiện tín cúng dường, mong được người ưa thích việc của kẻ khác làm mà nói là của mình, mong được kẻ khác ở dưới quyền mình trong tất cả mọi việc. Những kẻ có đặc tính như thế là người hèn hạ không nên thân cận

Sáu hạng xuất gia: xuất gia của người dốt nát, xuất gia của người hay giận, xuất gia của người chơi giỡn, xuất gia của người thu góp của cải, xuất gia của người để nuôi sống, xuất gia của người muốn được thoát khổ (chỉ có hạng người xuất gia thứ 6 mới gọi là chơn chánh).

‒ Dứt tác phẩm 1. Luật xuất gia – quyển thượng (Pl.2510-Dl.1966)‒