NAMO TASSA BHAGAVATO ARAHATO SAMMĀSAMBUDDHASSA

PHÁP MÔN ĐỨC PHẬT TỔ GOTAMA

Tuyển Tập Những Bài Giảng Của Pháp Sư
Mahā Thongkham Medhivongs

DL.2011 – PL.2554


BÀI 1
PHÁP NHẪN NẠI

Nhẫn nại có nghĩa là "nhẫn nhịn" hay "chịu đựng".

Khi người lớn la rầy kẻ dưới, dầu rầy oan, kẻ dưới nhẫn nhịn không nói lại, hoặc vì lễ nghi, hoặc vì quyền lợi. Đó không phải là nhẫn nại. 

Trái lại, người dưới mình, nhỏ hơn mình, nói hoặc là làm những điều cho mình bực tức, mà mình không bực tức. Đó mới là nhẫn nại.

Đức Phật dạy rằng lòng nhẫn nại là nguồn gốc các pháp lành. Nếu ai làm khổ ta, ta hãy nhẫn nại mà suy xét rằng đó là cái nghiệp của ta vì kiếp trước ta đã làm khổ họ, nên kiếp này ta phải trả.

Sự nhẫn nại ví như lửa, để thiêu đốt các sự oán thù sân hận, tật đố và oan trái. Phật nói: ai thương Như Lai phải có lòng nhẫn nại.

Phương ngôn có câu: gặp Phật thì tu, gặp quỷ thì trừ. Gặp Phật mà tu thì đã đành, còn gặp quỷ thì trừ. Chư thiện tín thử nghĩ xem, ta trừ quỷ bằng cách nào đây? vậy thì câu ấy không đúng với giáo lý của nhà Phật. phải sửa lại như vầy: gặp Phật thì tu, gặp quỷ thì càng phải tu nhiều hơn nữa. vì Phật chỉ dạy ta các giáo lý chơn chánh mà thôi, duy có quỷ nó mới là cái mầm làm cho ta sanh ra các chứng tham lam, sân hận, si mê, và oán thù. gặp quỷ ta phải ráng nhẫn nại tu nhiều hơn nữa là vậy. ta tu tâm, tu tánh mới mong đắc được quả lành.

Xin thiện nam, tín nữ suy xét cho kỹ, tập tánh nhẫn nại, vì theo lời Phật dạy: nhẫn nại là nguồn gốc các pháp lành, nó sẽ đem lại cho thiện tín các sự an vui vĩnh viễn.

Trong kinh, Phật dạy: người thiện tín nên có pháp tánh nhẫn nại, vì tánh ấy tránh cho ta ba điều khổ là: khổ vì lòng tham lam, khổ vì lòng sân hận và khổ vì lòng si mê.

1. Nhẫn nại với sự khổ vì lòng tham lam

con người hay có tính ham muốn. tham tiền của, tham sắc đẹp, tham ăn ngon, tham danh vọng. khi có một muốn mười, có mười muốn trăm. Túi tham không đáy là vậy. muốn thỏa lòng ham muốn, con người sanh ra trộm cướp hoặc lường gạt, hoặc bày mưu sâu kế độc. không lúc nào tâm được an vui, mãi lo tính toán hoài. phải khổ thân, khổ tâm, khổ trí.

vậy ta phải dùng phép nhẫn nại diệt lòng tham muốn thì ta mới được dứt khổ.

2. Nhẫn nại với sự khổ vì lòng sân hận

sân hận nghĩa là nóng giận, nhiều người có tánh hay nóng giận. vì một cử chỉ hoặc một lời nói mà cơn giận phát sanh. Khi ấy ta quên suy xét phải quấy, ta mắng nhiếc, chửi rủa, đập đồ đạc, có khi quá cơn giận đến phải chém giết người là khác. "no hết ngon, giận hết khôn" là vậy đó. Khi hết cơn nóng giận, ta ăn năn, ta thấy ta rất khổ.

vậy ta phải dùng phép nhẫn nại diệt lòng sân hận thì ta mới khỏi khổ được.

3. Nhẫn nại với sự khổ vì lòng si mê

si mê là mờ ám, không phân biệt sự thật, sự giả của vạn vật. có người học nhiều hiểu rộng, mà không sao tránh khỏi tánh si mê. Khi ta có bịnh, ta uất ức, than thở, khi gần chết ta mến tiếc nhà cửa, tiền của, danh vọng và mến tiếc xác thân của ta. Đức Thế Tôn có dạy: muốn khỏi si mê, ta phải nghĩ rằng người sanh ra có thân, thì phải có già, có bịnh và có chết. Khi chết ta không thể đem theo cái gì khác hơn là "cái nghiệp của ta", nó theo ta mãi mãi. nếu trong đời, ta tạo nghiệp lành thì ta được sanh về cõi an vui; nếu trong đời ta tạo nghiệp dữ, ta sẽ sanh về cõi khốn khổ, đau thương.

vậy thiện tín phải đàn áp lòng si mê, nhất là lúc gần lâm chung, phải nhẫn nại, đừng si mê, cố quên những điều dữ, rán nhớ những điều lành. Mà muốn nhớ những điều lành, cần trong đời ta, ta phải tạo nhiều nhân lành là bố thí, giúp đỡ kẻ cùng khổ và rải lòng từ bi chung quanh ta.

Vì lòng si mê mà phải khổ. Tôi xin kể một câu chuyện cho thiện tín dễ hiểu. thuở Đức Phật còn tại thế, có ông bá hộ nọ, chôn một hũ vàng trong nhà không cho vợ con biết. lúc ông lâm chung bệnh gần chết, ông vẫn còn mến tiếc tiền của, nhứt là hũ vàng của ông chôn. Khi chết rồi, ông đầu thai làm con chó giữ nhà cho con trai ông. một bữa nọ, Đức Phật đi khất thực ngang qua nhà con trai ông bá hộ, con chó chạy ra sủa Phật. Phật nhận biết kiếp trước của nó, nên dừng lại nói:

- mi còn tiếc của lắm, nên phải lên mà giữ của.

từ đó con chó buồn bực biếng ăn. người con trai ông bá hộ thấy con chó bỏ ăn, mới kêu người nhà hỏi nguyên cớ, chúng trả lời rằng:

- Bữa nọ, ông Gotama đi ngang qua đây, không biết ông nói gì với con chó mà nó bỏ ăn mấy hôm nay.

người con trai ông bá hộ, chờ Phật đi ngang nhà, liền đón hỏi:

- Này ông Gotama, ông nói gì mà con chó của tôi bỏ ăn mấy bữa rày?.

Đức Phật day qua phía con chó mà hỏi rằng:

- Vàng nhà ngươi chôn đâu, hãy chỉ cho người ta moi lên.

Con chó tức thì chạy vô nhà, đến cào chỗ chôn vàng, người nhà đào lên, quả gặp một hũ vàng.

Đó, chư thiện tín thấy chưa? bởi si mê mà ông bá hộ phải đầu thai lại giữ của. vì si mê mà ta khổ với sự già, sự bịnh hoạn và sự chết. vậy ta phải dùng pháp nhẫn nại đặng diệt khổ bởi lòng si mê.

  • Cái "nhân" sanh lòng nhẫn nại:

Nếu chư thiện tín muốn cho lòng nhẫn nại được tăng thêm mãi mãi, nên suy xét như vầy: người nào nói xấu ta, mắng nhiếc ta, chửi rủa, nói lời đâm thọc để làm cho ta bực tức, ấy là người đem phước đến cho ta. người làm cho ta khổ, là người dạy ta rán học nhiều sự nhẫn nại.

người muốn sanh lòng nhẫn nại phải có 4 điều:

* Suy nghĩ về nghiệp,

* Thấy cái hại của sự thiếu nhẫn nại,

* Thấy quả báo của sự nhẫn nại,

* Thấy nhẫn nại là pháp ba-la-mật của chư Phật khi còn làm vị Bồ-tát.

  • ái "quả báo" của sự nhẫn nại:

nếu chư thiện tín biết các kết quả tốt đẹp, quý báu của pháp nhẫn nại, thiện tín sẽ vui lòng tập rèn tánh nhẫn nại từ đây.

* sự nhẫn nại là mầm sanh các pháp lành, nhứt là giới, định, tuệ.

* sự nhẫn nại hằng đào nhổ tận gốc các pháp dữ. người nhẫn nại gọi là người bứng hết gốc rễ của các tội lỗi và tai hại.

* sự nhẫn nại là vật trang điểm của các bực trí thức. người nhẫn nại là người có lợi lộc, quyền tước, hằng được hạnh phúc là người mà chư thiện và nhân loại hằng thương yêu, quý mến.

* sự nhẫn nại là vật thiêu đốt các điều tội lỗi của các bậc hành phạm hạnh, sự nhẫn nại là một sức mạnh vô biên của người hành phạm hạnh.

* sự nhẫn nại đem lại sự lợi ích cho mình và những người chung quanh mình. người nhẫn nại là người đi trên con đường đi đến thiên đàng và Níp-bàn .

* người nhẫn nại là người hành theo lời giáo huấn của Đức Từ Phụ. người nhẫn nại là người cùng dường Đức Thế Tôn bằng sự cúng dường cao quý.

BÀI 2 GIẢI VỀ SỰ HỒI HƯỚNG PHƯỚC BÁU

Hôm nay có bà tín nữ cầu tôi thuyết pháp, đặng bà hồi hướng phước lành cho ông thân của bà đã quá vãng; tôi xin giải rõ về sự hồi hướng phước báu, lúc nào nên hồi hướng và khi hồi hướng phước của mình đã tạo ra cho người khác, phước ấy có giảm hay tiêu mất chăng ?

1. Người quá vãng mong cầu phước báu của ta

Khi ông bà, cha mẹ cùng anh em quyến thuộc ta đã quá vãng, sanh về cảnh giới khác rồi, họ không thể nào ăn đặng, hoặc thọ lãnh những vật thực của ta cúng dâng cho họ, trong ngày làm tuần hay giỗ chạp.

Nếu họ sanh về cõi an vui, sự hồi hướng phước báu của ta làm cho họ an vui thêm .

Nếu họ sanh về cõi khổ não, thì sự hồi hướng phước báu của ta làm cho họ đỡ khổ. Họ khổ sở, họ mong cầu phước báu, cũng như ở thế gian này trong lúc ta đói mà mong được ăn vậy. Đối với người quá vãng, món ăn cần thiết là phước báu.

Hằng ngày chúng ta làm lễ Tam Bảo được phước, chúng ta hồi hướng phước ấy cho ông bà hoặc cha mẹ ta.

Hằng ngày chúng ta trì giới, bố thí, làm lành, được phước, chúng ta hồi hướng phước ấy, cho người quá vãng.

Không phải chờ đến ngày kỉ niệm làm tuần, cúng giỗ mới hồi hướng, phước báu. Hằng ngày, lúc nào cũng được, chúng ta làm lành, làm phước và hồi hướng phước ấy cho ông bà cha mẹ ta.

2. Sao gọi là phước báu ?

Mỗi khi chúng ta làm điều gì mà tâm ta được an vui, việc làm ấy là việc lành, chúng ta được phước. Thí dụ: chúng ta trì giới chính chắn, tâm ta an vui, đó là phước báu. Chúng ta bố thí, hoặc làm lễ Tam Bảo, tâm được an vui, đó là phước báu. Có người hỏi: còn như đi coi hát, đi ăn tiệc, lòng được sung sướng, có được phước chăng? Trả lời: không được phước, vì sự khoái lạc về mắt, về miệng …v.v... là mầm của sự tai hại, là sự mê say theo ngũ trần, lục dục. Nó không phải là phước, trái lại là cái họa, vì nó dắt dẫn con người đi đến con đường trụy lạc.

Các phước nào nó đem ta đến sự an vui mà tâm ta không thẹn, đó là phước báu, ta có thể hồi hướng cho những người quá vãng thân yêu của ta.

3. Hồi hướng, phước có tiêu mất chăng ?

Chúng ta làm lành, tạo phước. Khi hồi hướng phước ấy cho người quá vãng, phước ấy còn hay mất ?

Hồi hướng nghĩa là cho, là bố thí. Thế thường khi mình cho ai món đồ gì, thì mình không còn món ấy nữa. Trái lại, khi mình hồi hướng phước báu cho người khác, chẳng những phước của mình không mất, mà phước ấy lại được tăng thêm. Tại sao vậy?

Xin chư thiện tín nghe tích sau đây:

Thuở xưa có anh nhà nghèo, ngày nọ bố thí hết bữa ăn của anh cho một Đức Phật Độc Giác, anh vui lòng nhịn ăn ngày ấy. Sự bố thí và sự hi sinh của anh nhà nghèo ấy làm cảm động hàng đại chúng và chư Thiên. Chư Thiên ca tụng công đức của anh thấu tới tai ông bá hộ là chủ của anh. Ông xin anh chia phước cho ông. Anh nhà nghèo chạy theo Phật Độc Giác hỏi rằng:

- Bạch Phật, nếu tôi có phước, người khác muốn xin, tôi cho có được không? rồi tôi còn phước ấy hay hết?

Phật hỏi lại rằng:

- Nếu nhà ngươi có cây đuốc đang cháy sáng, có người xin mồi, ngươi có cho không ?

- Bạch Phật tôi cho mồi.

- Cây đuốc của ngươi có vì đó mà bớt ánh sáng không?

- Bạch Phật, không bớt. Ấy vậy, ánh sáng cây đuốc là phước báu của ngươi; ngươi cho mồi đuốc, là người hồi hướng phước báu của ngươi cho người khác. Đuốc ngươi không mất, mà lại được sáng thêm, ấy là phước ngươi được tăng trưởng. Nếu ngươi cho nhiều người mồi đuốc, nghĩa là ngươi hồi hướng phước cho nhiều người, ánh sáng càng to, phước ngươi càng lớn. Khi ngươi cho hồi hướng phước báu cho người khác, người được thọ lãnh sẽ cám ơn ngươi, cầu sự an vui cho ngươi, nhờ vậy phước ngươi càng lớn nhiều hơn nữa.

Tôi nhắc tích này để thiện tín thấy rõ: sự hồi hướng phước báu cho người quá vãng, hay mời các ông sư đến tụng kinh cầu siêu, cầu cho người chết được siêu thăng tịnh độ. Sự tin tưởng ấy ăn sâu vào lòng ta, bây giờ thành ra cổ tục ta. Nếu xét theo giáo lý nhà Phật, thì cổ tục ấy không bổ ích vào đâu, trái lại còn làm tốn kém và phiền phức.

Thiện tín nghĩ xem, nếu nhà sư có thể tụng kinh cho một người chết được giải thoát, được siêu thăng, thì còn ai tu làm gì? Trong đời cần gì phải làm lành, miễn có tiền khi chết, con cháu mướn các nhà sư tụng kinh cũng được về Níp-bàn, dễ quá.

Phật dạy: khi còn ở thế, chúng ta phải lo trì giới, mỗi người tự giải thoát lấy mình. Phật không thể cứu vớt ai được, nếu người ấy không tự cứu vớt lấy mình. Vì lòng từ bi bác ái, Phật chỉ đường cho chúng sanh đi đến chỗ giải thoát, cũng như ông thầy thuốc chỉ thuốc hay cho người bệnh uống, nếu người bệnh không chịu uống, thì không ai uống thế cho được.

Theo chánh lý của Phật Giáo Nguyên Thủy, tự ăn mới no, tự tu mới giải thoát khỏi khổ được. Chư thiện tín nên nhớ rằng: Phật độ ta là Phật dạy ta bỏ dữ về lành, chớ không phải ẵm ta đem về Níp-bàn.

Bởi vậy, trong Phật Giáo không có Kinh nào để tụng cầu siêu; muốn cho người quá vãng được sự lợi ích, thì chúng ta nên hồi hướng phước báu cho người hằng ngày. Nghĩa là hằng ngày chúng ta nên trì giới, bố thí, giữ sao cho thân, khẩu, ý được an vui, trong sạch, chúng ta được phước và hồi hướng phước ấy cho ông bà cha mẹ ta.

Nếu ta muốn làm phước hồi hướng đến người quá vãng, thì không cần đợi ngày kỉ niệm mới làm, giờ nào ta cũng có thể làm phước và hồi hướng được.

Vậy tôi xin nhắc lại một lần nữa rằng: cầu siêu và cúng không bổ ích gì cho người quá vãng, nếu muốn có phước đến người thì nên tạo phước bằng cách bố thí, trì giới, tham thiền và hồi hướng cho người quá vãng mà thôi. Và sự làm phước không cần đợi ngày giỗ hay ngày kỉ niệm, ngày giờ nào cũng hồi hướng được cả.

BÀI 3 PHƯƠNG PHÁP LÀM NHÀ CHO TÂM

Con người phải chia làm hai phần: thể chất và tinh thần. Thể chất là tứ đại còn tinh thần là tâm. Lẽ cố nhiên người đời thường lo cất nhà cho thân ở, để tránh nắng, mưa, sương, gió và những sự nguy hiểm khác; ngoài ra còn phải lo cho có thức ăn để bổ dưỡng thân. Nếu thân mà thiếu hai điều kiện kể trên thì nó sẽ không được an vui, bực bội khó chịu tóm lại là nó phải khổ, ngoài ra người đời còn tìm những sự mà không cần phải cần thiết cho thân lắm như những đồ trang điểm cho thân này đẹp thêm. Sự trang điểm thân phải tốn kém nhiều, nhưng người đời vẫn vui chịu. Khi người trông thấy đồ trang điểm của mình lỗi thời mau mau đem đi đổi món khác, mặc dầu chịu lỗ cũng vui lòng. Những sự tốn kém nào là làm nhà, vật trang điểm đắt giá là các thức ăn, người phải bao nỗi khổ cực mới lo đầy đủ được. Nhưng hình như người không thấy khó khăn. Tại sao vậy? Vì người quên mình. Trái lại sự làm nhà cho tâm ở, kiếm thức ăn và đồ trang điểm cho tâm, không phải tốn kém tiền của và cực lòng mà lại được an vui. Nhưng người không thích thực hành.

Vì vậy nên hôm nay xin nhắc và chỉ cách làm nhà và tìm thức ăn cùng đồ trang điểm tâm cho chư thiện tín, để được sự an vui và hạnh phúc vĩnh viễn.

Trước hết, tôi xin nói về trạng thái của tâm cho quý vị biết để dễ bề ngăn đón và diệt trừ. Đức Thế Tôn có dạy trong Pháp cú kinh như vầy:

“phandanaṃ capalaṃ cittaṃ,

Dūrakkhaṃ dunnivārayaṃ[1]”.

Nghĩa là: người trí thức dạy tâm (vì nó đang) phóng túng, rung động, khó giữ, khó ngăn ngừa, khó dạy, sanh diệt rất mau lẹ, thích theo đề mục nó thích, hay đi xa, không thường, hằng tầm điều khổ.

Lại có câu:

“vārijova thale khitto,

Okamokata-ubhato;

Pariphandatidaṃ cittaṃ,

Māradheyyaṃ pahātave[2]”.

Nghĩa là: tâm này khi ta đem nó lên khỏi chỗ nó miệt mài là ngũ trần, cho nó giải thoát khỏi vòng luân hồi dưới quyền kiểm soát của Ma vương thì nó hằng phóng túng, rung động cũng như cá mà người ta đem nó ra khỏi nước, không bao giờ chịu nằm yên.

Thức ăn của tinh thần là các thiện pháp. Còn nhà của tâm có có 7 pháp nhưng theo đây xin giải các pháp quan trọng thôi.

Cất nhà cho tâm theo ý tôi muốn nói, tâm chúng ta hằng phóng túng không yên trụ cũng như người không nhà, lẽ cố nhiên người không nhà thì không bao giờ được an vui. Tâm cũng vậy khi không có nhà cho nó ở thì tâm cũng không được an vui.

Phàm nhà phải có vách, cửa và đồ trang điểm trong nhà. Nhà của tâm cũng thế là: có vách là nhẫn nại, cửa ra vào là trí nhớ, đồ trang điểm là trí tuệ

1. Nhẫn nại

Phật dạy:

“Khanti dhīrassalaṅkāro

Khanti tapo tapassino

Khanti balaṃ vā yatanaṃ

Khanti hitasukhāvahā”.

Nghĩa là: nhẫn nại là đồ trang điểm của bậc trí thức. Nhẫn nại là pháp thiện trừ ác pháp của các hành giả. Nhẫn nại là pháp đem dến sự lợi ích và yên vui.

Giải: lẽ cố nhiên bậc trí thức không bao giờ bị người làm hại, hay bị người xấu vì ngài có nhà cho tâm ở là nhẫn nại.

Ngài nhẫn nại với ba điều là:

  • Nhẫn nại với sự khổ do nơi lục căn là nguyên nhân sanh tham. Nghĩa là: khi lòng tham phát sanh do nơi lục căn với lục trần thì làm cho ta khổ là muốn vật mà ta muốn, khi ta không chịu nhẫn nại hay đàn áp nó, ta phải khổ. Chúng ta hãy cho thấy những người không chịu được với lòng tham muốn nên phải truy tố vì tội cướp bóc lường gạt người. khi người nhẫn nại được với sự tham muốn là người đã làm được nhà cho tâm ở, chận sự tai hại và sự bực dọc của tâm, tâm sẽ không hằn học muốn được, nhất là khỏi bị oan trái và ngồi tù.
  • Nhẫn nại với sự khổ là nguyên nhân sanh sân. Ý nói nhịn chịu với những lời nói không nhã nhặn, chê, khen, nói tóm lại là những lời này làm cho ta không vừa lòng, hoặc những điều mà người ta hại mình. Khi chúng ta nhịn được với những điều ấy thì chúng ta thấy chúng ta không có oan trái, oán thù, ăn cũng ngon, ngủ cũng yên. đó là chúng ta đã làm được bức tường kiên cố chận đứng sự oan trái, oán thù. Khỏi những tai hại là mưa nắng, ý nói là sự bệnh hoạn do sự uất hận mà nảy ra. Muốn nhẫn nại được trong trường hợp này, các bậc trí thức dạy rằng: chúng ta có mắt làm như đui, có tai làm như điếc, có thân như bị tê liệt thì mọi việc được nên. nếu ta tỏ ra người mắt sáng… thì càng khổ.
  • Nhẫn nại với sự khổ là nguyên nhân sanh si. Ý dạy nhẫn nại chịu với cái khổ: bệnh không rên la thảm thiết. Hay là nhẫn nại chịu với thọ khổ: không tỏ ra buồn tức. Khi bệnh ta suy nghĩ để thấy rằng: bệnh hoạn ốm đau là chung cho nhân loại, không ai chạy khỏi. Nên suy nghĩ cho thấy rỏ rằng: thân này không phải là của chúng ta, ấy là nhẫn nại với si mê. Ta nên dùng trí tuệ suy nghĩ rằng: thân này là chỗ dùng để tạm nghỉ trong thời gian ngắn thôi.

Hơn ấy nữa, nhẫn nại ví như vật để đựng đồ ăn là các pháp nhất là giới, định, tuệ, hoặc nhẫn nại ví như hạt giống của các thứ. Như ý theo lời Phật dạy:

Sīlasamādhi cunānaṃ

Khanti pathānapakaranaṃ

Sabbepi kusalādhammā

Khantiyāyeva vaddhantite.

Nghĩa là: nhẫn nại là nguyên nhân của các pháp (cao quý) nhất là giới, định, sự thật tất cả các thiện pháp được tấn hoá nhờ nhẫn nại.

Hơn ấy nữa, nhẫn nại ví như dụng cụ để dùng đào bới gốc rễ của những điều tội ác nhất là sự gây gổ, tranh biện.

Người có nhẫn nại sẽ ngăn đón được những tội lỗi sắp làm được như ý nguyện.

Xin nhắc một tích về nhẫn nại:

Ngày kia, có một gánh hát hay xin đến hát cho đức vua xứ Siddhu xem tại cung nội. Trong khi đức vua ngự đến xem có công chúa và thái tử ngồi gần, ngoài ra cũng có nhiều vị đại thần cùng ngồi gần ấy. Đến màn thứ ba, tới lớp của một cảnh gia đình có hai vợ chồng và một đứa bé, dẫn nhau đi quanh vườn hoa. bỗng đứa bé chạy đến níu tay cha và nói rằng:

- Cha! Cha! Sáng mai này con đã nhiều lần xin cha xoài, cha không cho nhưng con lại xin để coi cha thương con hơn hay là thương trái xoài hơn.

Người cha đáp:

- Con ơi! Trong vũ trụ này không có vật gì đáng giá bằng lòng thương của cha đối với con được, con là đời sống của cha, là quả tim của cha. Ví cha thương con hơn trái xoài nên e rằng: lưỡi của con cưng của cha chạm phải vị chua của xoài nên cha mới không cho.

Đứa trẻ lấy làm lạ hỏi:

- tại sao xoài năm nay lại chua không ngọt như năm rồi hở cha?.

- Năm nào cũng như năm nào xoài cũng là xoài cả: trước nhất là phải có vị chua rồi mới đổi lại ngọt. Khi còn non thì nó chua lắm, từ từ nó lại già rồi đến chín, khi chín nó màu vàng và thơm ngọt, như cha đã cho con ăn năm rồi.

- Nếu cha thương con nhiều thật thì cha làm sao cho xoài mau chín cho con ăn.

- Mặc dầu xoài sống hay chín cũng chẳng quan hệ gì, riêng lòng cha thương con không bao giờ xao lãng. Nhưng cha không thể làm cho xoài chín sớm hơn được vì nó quá sức cha.

- Vậy làm sao con có xoài ăn bây giờ hở cha?

- Con ơi! nến con muốn có xoài chín ăn thì con hãy học cho thuộc câu này: "hãy nhẫn nại chờ đợi đã". (Câu này cha của đứa trẻ nói câu phương ngôn Bắc Phạn).

Khi dứt câu, tiếng vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Trong khi ấy đức vua thấy thái tử cởi khăn quấn đầu rất đắt giá trao cho quân hầu đem thưởng cho kép hát. Gần bên ngài, công chúa cởi chiếc nhẫn kim cương trao cho cung nữ thưởng cho người kép. Ngài vừa muốn kêu hai con lại hỏi coi vì sao chỉ một câu nói không đáng giá mà lại thưởng của quý vậy; thì ngài lấy làm lạ hơn nữa là: có một đứa con của một vị đại thần, chạy lại vả miệng vị đại thần. Vị đại thần của ngài không giận, trái lại ôm con vào lòng vuốt ve tỏ vẻ thương hại lắm.

Đức vua truyền cho tạm nghỉ hát để ngài gạn hỏi câu chuyên. Ngài cho gọi thái tử đến gần phán hỏi:

- Này con! Phụ vương nghe câu nói của người kép hát không có giá trị bao nhiêu, sao con lại thưởng quá hậu vậy? hoặc con đã lãnh hội được ý nghĩa thế nào mà phụ vương không hiểu thấu chăng?.

Thái tử quỳ lạy khép nép tâu:

- Tâu phụ vương, con ban thưởng nhiều như thế chỉ vì câu: "hãy nhẫn nại đợi đã". Câu này đối với con có giá trị vô biên. Nó là câu nói chận đứng tâm con không cho con làm tội lỗi.

- Vậy con sắp làm những gì sai lầm chăng? Con hãy nói thật cho phụ vương biết.

Thái tử tâu thật sự rằng:

- Tâu phụ vương! Con đã đến tuổi trưởng thành, mà phụ vương vẫn còn chưa tin con, không trao ngai vàng cho con như các nhà vua láng giềng. Vì vậy con tức giận nhất định đêm nay sẽ hạ sát phụ vương để tiến vị. nhưng vì câu nói: "Hãy nhẫn nại đợi đã" làm cho con ăn năn nghĩ rằng: vì lòng tham muốn của con, con giết hại cha lành. Mặc dầu sau, con đã làm vua, nhưng lịch sử vẫn ghi tội ác của con, hơn ấy nữa là tâm ác làm cho con phải sanh vào bốn đường ác, phải mang chịu tội khổ không sao kể xiết. Con không làm tội lỗi tày trời này là nhờ câu nói ấy. Nên con thấy câu nói ấy đối với con có giá trị vô lượng vô biên. Con định nhẫn nại để nén lòng tham muốn chờ ngày kết quả đẹp.

Đức vua lấy làm hài lòng khi được nghe con can đảm nói sự thật, nên ngài xá tội cho và định sáng hôm sau làm tân vương cho thái tử. Nhắc đến đây muốn cho thiện tín thấy rằng: thái tử có cái nhà cho tâm nên không bị sự tai hại trong kiếp này và vị lai.

Đức vua chưa gọi đến công chúa, nhưng công chúa lại đến quỳ tâu rằng:

- Tâu phụ vương, nhờ câu ấy làm cho tâm của con trở lại với thiện pháp. Nên con thưởng người kép chiếc nhẫn kim cương quý giá.

- Này con! Sự thật của con muốn làm gì mà hồi tâm lại được?

- Tâu phụ vương! Người yêu của con đã nhiều lần khẩn cầu xin phụ vương cho chúng con làm lễ đính hôn với nhau, nhưng phụ vương không bằng lòng. Vì vậy nên con định rằng: đêm nay con sẽ trốn ra đi theo tiếng gọi của tình yêu. Nhưng nhờ câu: "Hãy nhẫn nại mà chờ đợi đã" làm cho con ăn năn hối hận, nhất định nhẫn nại đợi đến ngày tương lai, không dám làm đứa con bất hiếu, người đàn bà hư. Nhưng được trở nên người tốt là nhờ câu hát ấy, nên con coi câu hát ấy rất có giá trị đối với con, con mới thưởng vật quý giá.

Nhắc đến đây để thiện tín thấy rằng. Nhờ nghe biết và hành theo pháp nhẫn nại mà công chúa thắng lòng dục vọng giữ được thanh danh. Đó là cái nhà che chở sự tai hại và đem lại sự an vui. Nhẫn nại là tấm vách chận đứng các ác pháp.

Đức vua nghe xong lấy làm hoan hỷ định sáng hôm sau sẽ cho phép làm lễ sính hôn cho công chúa.

Đức vua cho đòi đứa bé lại hỏi:

- Tại sao ngươi dám vả miệng cha ngươi?

- Tâu đại vương! Hạ thần có tai như điếc không nghe được câu kệ Bắc phạn có đầy hương vị mà ai ai cũng hoan hô. Vì hạ thần không được học khi còn bé, do nơi thân phụ hạ thần không cho hạ thần học, cũng vì cưng con sai với lẽ phải. nhân sự tức giận không nghe được câu ấy, lấy làm thẹn với chúng bạn, nên hạ thần vả miệng phụ thân, để bớt cơn tức giận và để cho ngài trông thấy rằng: lỗi của sự cưng con sai ấy, đặng cho các em hạ thần học các thứ tiếng.

Đức vua quay qua hỏi vị đại thần của ngài:

- Tại sao khanh bị con vả miệng mà không giận.

- Hạ thần biết rõ rằng: con trai hạ thần tức giận vì không hiểu được câu kệ ngôn Sanskrit (Bắc phạn). Vì lẽ hạ thần không cho con học khi còn bé. Sự thật đó là do nơi hạ thần. Hạ thần là người xiềng con và nhốt con vào cái khám ngu dại, đáng lẽ người ta phải chịu sự hình phạt nặng nề hơn, nhưng chỉ bị một vả vào mặt, nên hạ thần phải tỏ vẻ vui và biết ơn con.

Đức vua lấy làm đẹp dạ, rồi cho hát tiếp. Nhắc đoạn này để thiện tín trông thấy rằng: không nên cưng con mà không cho con học. người không cho con học chính là người giam cầm con trong ngục ngu dốt. Riêng người con phải biết công ơn cha mẹ, chẳng nên hờn như thế sái đạo làm con. Con người phải tập tánh nhận lỗi mình như vị quan đại thần ấy; ngài là người có đầy nhẫn nại và biết nhận lỗi mình, đây là gương ta phải noi theo.

2. Trí nhớ

Trí nhớ là cái cửa nhà, nhà có cửa ra vào cũng có cái hại là khi có kẻ trộm vào thì nó lấy cắp đồ của ta. Vì vậy cửa có cái hại:

* Cửa phải kiên cố, ví như trí nhớ biết mình trong khi nói, khi làm.

* Trên ấy nữa, trí nhớ để niệm pháp tứ niệm xứ, như người giữ cửa.

Một khi trí nhớ biết niệm thân, niệm thọ, niệm tâm và niệm pháp thì trí ấy ngăn đón không cho những ác pháp đến gần được và luôn luôn đánh đuổi kẻ hung ác trong nhà ra. Ví như vị quan giữ thành biết rõ người thiện kẻ ác và cấm vào thành. Khi ta có trí nhớ đầy đủ, ta nhận thấy đời sống của ta thay đổi từng phút một là vô thường. Đây là nói về trí nhớ cao thượng bắt dính tâm không cho xu hướng theo các điều ác, biết mình nhớ mình thì thường được kết quả mỹ mãn.

Tôi xin nhắc lại sơ lược tích chim đa đa để quí vị trông thấy cái quả của trí nhớ thường, chớ không nói về tứ niệm xứ. nếu vị nào muốn hiểu rõ về tứ niệm xứ xin hãy nghe bài pháp 41 của tôi đã thuyết về tứ niệm xứ. Có một ông già kia bắt được con chim đa đa. Chim lấy làm kinh sợ và run rẩy, càng đáng sợ hơn nữa là ông lão sắp bóp nghẹt nó để làm thịt. Trong khi ấy, ông lão lấy làm lạ là: nghe chú chim ấy khóc và nói rằng:

- Xin ông khoan giết tôi.

Ông lão ấy hỏi:

- Ngươi sợ chết lắm sao nên khóc?

- Thưa ông không ạ! Tôi cũng biết lẽ cố nhiên chúng sanh không ai khỏi chết nhưng tôi khóc đây vì tôi biết rằng: tôi còn có 4 kho tài sản muốn cho ông, xin ông đợi cho tôi chỉ cho rồi giết tôi rồi cũng chẳng muộn.

- Vậy ngươi hãy chỉ cho ta biết chúng đâu, ta sẽ thương hại mà tha chết cho ngươi, nếu 4 kho tài sản ấy đáng giá.

- Vậy ông hãy cố nhớ, đây là những lời của bậc trí nhớ còn có giá trị hơn các kho châu ngọc nhiều vì nó đem hạnh phúc lại cho ta trông đời này và kiếp vị lai. Xin ông hãy cố nghe, nhớ để thực hành theo. Có 4 câu: một là phải cố gắng duy trì những của mà mình đã có đừng cho mất hay tiêu hoại. Hai là không nên hối tiếc ân hận khi bị mất của. Ba là nếu có trí nhớ, khi nghe người thuật chuyện gì cho mình nghe, nên nghe bằng cách xã giao đừng vội tin. Còn câu thứ tư, tôi không thể nói cho ông nghe được, nếu ông không trả tự do lại cho tôi. Vì trong bốn câu, câu này là quan trọng nhất. Xin ông hãy thả tôi ra trong một vài phút thôi rồi tôi sẽ chỉ điều đáng giá nhất cho ông. Nếu ông không tin tôi thà tôi chết chứ không nói!

Ông lão mới tự nghĩ rằng: ba câu của chim rất có giá trị hơn cả thân hình của nó, thân hình của nó ta có giết mà ăn chăng nữa cũng chỉ được một bụng thôi. Vậy ta muốn biết câu quan trọng thì thả nó củng chẳng lỗ lã gì. Nghĩ rồi ông thả chim. Sau khi được tự do, chim đậu cành cây gần đó và nói rằng:

- Tại sao ông không có trí nhớ để nhớ câu tôi bảo ông rằng: hãy cố giữ vật mà ông đã có, sao ông lại thả tôi? Ông lão quên mất câu thứ nhất của tôi rồi, đây là do nơi thiếu trí nhớ.

Ông lão thấy mình thua trí chim đa đa lấy làm tức giận gãi đầu bứt tóc một lúc lại nói rằng:

- Thôi mặc kệ, ta đã thua nhà ngươi rồi. Vậy ngươi hãy chỉ câu thứ tư cho ta.

- Câu thứ tư không phải câu nhắc nhở ông gì cả, nhưng nó là một tin mừng và là một dịp rất may của ông nhưng ông lại bỏ qua. Vì trong bụng tôi có một viên ngọc 200 karats. Nếu ông giết tôi mổ bụng lấy viên ngọc ấy thì ông sẽ trở nên một vị triệu phú hay là tỷ phú.

Khi nghe xong ông lão uất ức đến nỗi té xỉu tại chỗ, khi tỉnh dậy khóc than thảm thiếc vì tiếc viên ngọc quý.

Chim đa đa mới nói rằng:

- Ông vẫn còn thiếu trí nhớ, nhớ câu thứ nhì của tôi nên ông không thực hành theo được. Tôi bảo ông rằng: “Đừng hối tiếc ân hận mất của”.

Ông lão nghe nhắc câu ấy ông bớt khổ nhưng vẻ mặt vẫn còn buồn. Chim đa đa mới nói tiếp rằng:

- theo tôi biết chẳng những ông đã quên hai câu trước của tôi bảo ông, ông cũng không nhớ câu thứ ba nữa. Tôi xin nhắc lại câu thứ ba tôi nói rằng: nếu có trí nhớ, khi người thuật chuyện gì cho nghe nên nghe bằng cách xã giao đừng vội tin. Tại sao ông không nghĩ cho chu đáo và tìm hiểu nguyên nhân sự thật? Nếu ông thiếu trí nhớ và quan sát thì là sao tìm ra hạnh phúc trong khi ông đang ở trong xã hội không có sự thành thật với nhau. Ông nghĩ rõ coi khi ông nắm tôi trong tay có nặng không? Nếu trong bụng tôi có viên ngọc xoàn 200 karats thì nó đâu có nhẹ, người già yếu như ông làm gì cầm tôi một tay nổi. Xin ông đừng buồn, trong bụng tôi không có ngọc xoàn nào to nhỏ cả, tôi gạt ông đấy thôi.

Sau khi nghe câu ấy xong ông lão hết buồn. Trước khi bay đi chim nói rằng:

- sự thật ông mất tôi là ông mất một bữa ăn ngon, nhưng xin ông đừng vì việc ấy mà buồn. Vì cả thân hình tôi không có giá trị gì nhiều. Tôi thiết tưởng 4 câu tôi chỉ cho ông còn có giá trị hơn thân hình tôi. Nếu có đủ trí nhớ để hành theo thì sẽ được an vui vĩnh viễn và xin gửi lại cho ông 3 câu nữa là: một là phải suy nghĩ cho chu đáo rồi mới nói. Hai là phải suy nghĩ cho hiểu rõ ý nghĩa câu hỏi hay lời nói của người trước đã rồi sẽ trả lời. Ba là phải suy nghĩ cho chu đáo rồi sẽ thực hành hoặc thọ.

Nói đến đây để nhắc cho thiện tín thấy rõ rằng: bao giờ chúng ta cũng phải có trí nhớ đi kèm theo để quan sát mọi việc không cho nó xu hướng theo những chuyện vui mà cũng không để cho nó buồn trong những chuyện buồn. Nhất là không nên vội tin những gì của kẻ khác đem lại thuật lại cho ta nghe. Phải hiểu câu Phật dạy: phải tìm cho thấy cái nhân của cái quả, khi ta diệt ngay nhân thì phiền não làm gì sanh lên được.

Thiện tín cũng nên hiểu thêm những câu của chim dạy.

Một là: cố gắng duy trì những gì của mình đã có đừng cho mất. Ý dạy rằng: của cải nào mà ta có đừng để vuột mất, đây là nói về vật chất, còn về tinh thần những phạm hạnh nào mà mình đã có phải cố gắng duy trì không vì hoàn cảnh mà thả trôi.

Hai là: không nên hối tiếc ân hận khi đã mất. Ý dạy rằng: của đã mất rồi mặc dầu ta có ân hận, hối tiếc, nó cũng chẳng trở lại với ta. Theo Phật dạy: không nên hối tiếc chuyện đã qua. Không nên mơ ước chuyện chưa đến, phải làm cho thân, khẩu, ý trong sạch. Ý dạy chuyện đã qua hay chưa đến không nên hối tiếc và mơ ước, chỉ hành cho tròn phạm hạnh cuả mình hôm nay.

Ba là: nếu có trí nhớ đừng vội tin. Vì người đời xảo trá họ thường dùng lời láo khoét để thêm bớt chuyện có ra không, chuyện không nói có, nếu ta mau tin sẽ bị nhiều tai hại. phải dùng trí nhớ và trí tuệ tìm cho ra nguyên nhân rồi sẽ tin sau, mặc dầu người ta nói rằng: Đức Phật cũng có dạy: không nên vì nghe mà vội tin, phải suy nghỉ coi có đúng nhân quả không, vì có lắm kẻ lợi dụng Phật ngôn để gạt người.

3. Trí tuệ

Dùng trí tuệ để trang điểm cái nhà cho tâm. Lẽ cố nhiên có nhà mà không có trần thiết thì nhà ấy không có giá trị là bao, cũng như khi có trí nhớ mà không có trí tuệ thì làm việc gì cũng không được kết quả mỹ mãn. Vì trí nhớ không quan sát giải quyết bằng trí tuệ, chỉ có kềm tâm đi chung với các thiện pháp và ngăn ngừa tâm không cho duyên theo các ác pháp, còn về phận sự đắc đạo quả cao thượng hơn là phần trí tuệ.

Vì ta thiếu trí tuệ nên không thấy vô thường, khổ não, vô ngã, nên chấp ta, của ta, … nên khi mất nhân vật mà ta cho là ‘của ta’ thì ta buồn rầu, thương tiếc, uất ức. Nếu ta có trí tuệ thì ta trông thấy rằng: những gì ta đã có đều phải mất, khi ta còn sống hoặc khi chết phải bỏ lại. Trong vòng luân hồi này, không có nhân vật nào giữ được những gì mà cho là “của ta”, vì nó không thường, không phải “của ta” mà ta chấp rằng “của ta” là ta phải khổ hằng ngày chúng ta sống trong cái giả, ráng lo bồi bổ cho cái giả, mê trong cái giả, chấp trong cái giả, vui trong cái giả.

Đức Thế Tôn có dạy rằng: thân này giả, ta là người tạm ở với nó, thân này lại từ từ thay đổi rồi đều diệt mất. Đức Thế Tôn thì dạy thế, nhưng than ôi! Chúng ta không chịu hiểu và thấy theo Ngài. Trái lại, chúng ta còn chấp thêm những cái quả đau khổ ngoài ra ta nữa là vợ, con, nhà cửa, của cải… Chúng ta chạy theo vật chất tìm những món đầu độc tinh thần là rượu chè, đờn ca múa hát. Chúng ta không bao giờ trông thấy những cái mà chúng ta đã mê theo ấy đều là giả. Chư thánh nhân nhất là Đức Phật rất lấy làm thương hại cho những người mê thích trong thân này cho là vui, quên cả già đau chết, đến những thời giờ sống còn để đổi lấy cái vui giả tạo mà rất ít, là ngũ trần. Cha mẹ thấy con càng ngày càng lớn rất mừng, nhưng lại quên rằng: ta đã già mất và đi đến cái chết. Lẽ cố nhiên chúng ta trông thấy mặt trời mọc hướng đông khi lặng về hướng tây, không bao giờ cản không cho lặng được mặc dầu người muốn là đức vua. Đời sống của chúng ta cũng vậy, mặc dầu nhà vua hay tên cùng đinh cũng chết như nhau; nhà vua không thể dùng thế lực ngăn đón hay đánh tử thần được.

Vậy người có trí là người không sống vui, sống mê, sống yên trong cái giả. Vì các bậc ấy trông thấy sống trong những cái sống đau khổ. Họ trở về cái sống thực tế hơn là sống với trí tuệ lo trang điểm tâm bằng tâm học là giới, định, tuệ để tiêu trừ tam độc là tham, sân, si.

Thuyết đến đây tôi còn nhớ một đoạn kinh Đức Thế Tôn có dạy sự an vui của hai dòng vua Thích-ca và Koliya rằng: này các thầy Tỳ-khưu! Hai dòng vua trong thời kỳ ấy là dòng Thích-Ca và Koliya. Mặc dầu những vị đế vương ấy phải bỏ ngai vàng quyến thuộc cùng xác thân này lại trong khi các nhà vua ấy còn đang mến tiếc và hết sức tìm phương kế để cũng cố địa vị của mình, nhưng có được đâu. Vì tử thần không thiên vị một ai cả. Ngai vàng ấy tuần tự theo thời gian mà truyền lại đến phụ vương của Như Lai tính ra biết bao nhiêu vị ngồi trên ấy và những vị ấy không khỏi tử thần và cũng không đem gì theo được qua cõi đời khác dầu là miếng vải vụn. Nếu Như Lai mê theo miếng mồi vương bá và ở lại vị trí thì cũng không khác chi mấy vị tiên vương. Vậy nên Như Lai tìm sự an vui ngoài vòng của vô thường.

Sự an vui ở đời không khác nào một giấc mộng đẹp ở canh tàn và đồ mượn của kẻ khác. Lẽ cố nhiên người nằm mộng thấy nào vườn hoa đẹp, ao sen mát… Nhưng khi thức giấc thì cảm thấy mất đi không thể đem lại cho người thứ hai thấy biết được. Còn mượn của kẻ khác, khi chưa bị đòi thì xài coi đẹp thiệt, khi gặp chủ đòi thì không còn gì cả.

Nhắc đến để thiện tín trông thấy rằng: không có gì là “của ta”, là “ta”, ta không đem gì theo cho ta được mặc dầu ta có nhiều lâu đài của cải. Tôi mong rằng thiện tín hãy tạo lấy lâu đài cho tâm, vì lâu đài và của cải ấy thiện tín mới đem theo được.

BÀI 4 PHẢI BIẾT THƯƠNG MÌNH

Trong sự làm lành, không phải chúng ta nhường phước ấy lại cho kẻ khác mà kém phước của ta, ta càng nhường cho kẻ khác phước báo của ta càng tăng trưởng thêm. Vì do nơi lòng lành của ta thương hại người  khác, những người quá vãng cầu được phước, và ta nên tỏ rằng chúng ta sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Đó là một trong 38 điều an lành.

Vì lẽ làm lễ hồi hướng phước đến người quá vãng, nên tôi xin thuyết về vấn đề phải biết thương ta hay gọi là phải biết thương mình. Trước khi giải về "phải biết thương ta". Tôi xin giải về "bốn cái khó ở đời".

Trong bộ kinh Dhammapada (Pháp Cú) quyển thứ 6, phẩm Phật Đà (Buddhavagga), Đức Thế Tôn có dạy rằng:

“Kiccho manussapaṭilābho
Kicchaṃ macchāna jīvitaṃ
Kicchaṃ saddhammasavanaṃ
Kiccho buddhānaṃ uppādo[3]

Nghĩa là:

Sự sanh trở lại làm người, chúng sanh khó mà được

Chúng sanh khó nuôi mạng cho được an vui

Chúng sanh khó mà nghe được Pháp bảo

Chúng sanh khó mà được gặp đấng Giác Ngộ

Tại sao khó sanh được làm người? Phước được sanh lại làm người là nhờ duyên lành đã đào tạo từ vô số kiếp, nên phước báo ấy mới đưa ta sanh lại làm người.

Phần đông chúng sanh làm những điều tội lỗi nên phải bị đọa vào bốn đường ác đạo mà thọ khổ.

Tôi còn nhớ lại trong Kinh, có lúc nọ, Đại Đức Ānanda bạch hỏi Phật rằng:

- Bạch Đức Thế Tôn, chúng sanh sanh vào cõi trời và 4 đường ác đạo, nơi nào nhiều hơn?

Đức Thế Tôn không đáp, trái lại hỏi Đức Ānanda rằng:

- này Ānanda! Con bò có mấy cái sừng và bao nhiêu lông?

- Bạch Đức Thế Tôn, bò chỉ có hai sừng, còn lông thì rất nhiều.

- Ānanda này! Chúng sanh sanh cõi trời cũng như sừng con bò, còn sanh về 4 đường ác cũng như lông con bò kia vậy.

Tôi nhắc lại đây để chư thiện tín thấy rằng: chúng sanh sanh cõi trời rất ít, mà sanh về chỗ khổ rất nhiều.

Vậy chúng ta thử so sánh lại sự sanh sản của loài người và loài vật thì chúng ta thấy rõ rằng: người phụ nữ ít ra 19 hay 20 tuổi mới sanh, mà mỗi lần sanh chỉ 1 đứa con thôi. Lấy trung bình 1 gia đình 6 hoặc 7 người con là nhiều. Còn riêng về loài vật như gà, vịt… mỗi lứa sanh hơn chục, mà mỗi năm sanh nhiều lứa, thì chúng ta trông thấy sở thú nhiều gấp mấy số người.

1. Tại sao sanh làm người khó được an vui và sống lâu?

Vì người đã làm những nghiệp ác từ vô số kiếp, những nghiệp ác ấy vẫn theo bên để trả quả, tùy theo nghiệp thiện ác. Nếu nghiệp thiện thì trả cho người những sự an vui như giàu sang quyền chức. Nói tóm lại là những sự an vui. Còn nghiệp ác thì làm cho con người khổ sở như tật bệnh… Vì vậy nên Đức Thế Tôn có dạy rằng: có 4 hạng người khác nhau là[4]:

  • Manussanerayiko: người nhưng giống như chúng sanh ở địa ngục. Người ấy là hạng người làm việc phi pháp như giết người lấy của, bị nhà vua bắt hành tội đánh khảo theo luật. Những người ấy tuy là người nhưng suốt đời bị khổ ngang hàng với chúng sanh trong địa ngục.
  • Manussapeto: người như hàng ngạ quỉ. Ý nói sanh làm người như mọi người khác, nhưng phải ăn mày, ăn xin vất vả cả đời, không  bao giờ ăn được món ngon vật lạ, mặc quần áo đẹp,... hạng người này sánh như ngạ quỉ bị thiếu ăn thiếu mặc.
  • Manussatiracchāno: người như súc sanh. Ý nói rằng: đã sanh làm người mà phải làm những việc nặng nề như khuân vác, kéo những vật nặng không khác nào con vật, mà lắm lúc lại còn bị kẻ quát mắng, chửi, khinh bỉ hoặc đánh đập.
  • Manussabhūto hay là Manusso: thật là người. Ý nói rằng: người sanh làm người đủ tứ chi ngũ quan có trí tuệ, biết làm điều phước thiện, để đem mình giải thoát về đời vị lai, người như thế mới hoàn toàn là người.

Nhắc lại 4 hạng người này để chư thiện tín thấy rằng: sanh được làm người đã khó, mà sự nuôi mạng cho được an vui cũng khó, hơn ấy nữa là khó sống vĩnh viễn mãi, muốn biết rõ hơn xin quí ông bà hãy nhớ lại coi những người nhỏ hơn ta, bằng ta và những người bằng ta cũng chết đi nhiều rồi, con đường ấy ta cũng đang đi đây. Vậy hôm nay duyên may chúng ta được làm người, dầu ở hạng nào trong 4 hạng trên, chúng ta cũng không nên dể duôi, hãy rán lo tu, tập bỏ dữ về lành, mới gọi là người biết thương ta.

2. Tại sao khó được nghe pháp bảo?

Vì người không có duyên lành với Phật Pháp. Dầu muốn nghe pháp cũng không được dịp may như ở xa các bậc trí thức thông hiểu Phật Pháp, hoặc ở gần chùa có các vị pháp sư nhưng không có dịp đi chùa vì lẽ cho rằng: ta nghèo. Người thường nghĩ rằng: vì trời mưa, nắng, bệnh, có khách … lần lựa ngày tháng qua, vô thường đâu có khoan dung, tha thứ, ngày cuối cùng lại chết, rồi một kiếp người. Kiếp này không có duyên với Phật Pháp, chưa chắc kiếp sau sẽ gặp được giáo lý của Ngài.

3. Tại sao khó gặp được các đấng Giác Ngộ?

Vì lẽ cả muôn triệu năm mới có một Đấng Giác Ngộ ra đời, chớ không phải có hằng ngày như người phàm tục của chúng ta. Vì một vị Giác Ngộ phải hành hạnh ba-la-mật cả 20 a-tăng-kỳ và 100 000 đại kiếp, đây là nói về các đấng hành theo hạnh trí tuệ, có hạnh đức tin và hạnh tinh tấn còn nhiều gấp đôi, gấp tư. Vì vậy nên nói rằng: “Khó mà gặp Phật”. Chẳng những vậy, lắm lúc chúng ta gặp Đức Thế Tôn nhưng còn ham mê trong vòng trần tục nên không được nghe pháp của Ngài. Hai mươi lăm thế kỷ trước có đấng cứu thế giáng sinh, thành đạo và thuyết pháp độ đời, vì chúng ta là chúng sanh duyên mỏng nghiệp dày nên không sanh ra kịp thời ấy. Nhưng chúng ta không nên hối tiếc, vì chúng ta hôm nay chúng ta còn có duyên lành gặp được Giáo Pháp của Ngài để lại, thì trong 4 điều khó chúng ta đã được 3 điều. Chúng ta cũng tạm gọi là người có nhiều duyên lành lắm rồi. Vậy chúng ta không nên dể duôi hãy cố gắng tu hành, cho mau thoát khỏi vòng luân hồi, người ấy mới gọi là người biết thương ta.

Đoạn trên tôi giải về 4 điều khó, để thiện tín trông thấy rằng: một khi chúng ta sanh lại làm người rất khó, khó sống lâu, khó nuôi mạng cho được an vui, khó nghe Phật Pháp, khó gặp Phật, khi ta biết ta được ba phần tư của cái khó rồi, thì ta mới trông thấy cái giá trị cái ta của ta. Ta hãy thương cái ta, yêu cái ta, và bồi bổ cái ta của ta, cho được nhiều sự an vui, hạnh phúc trong đời này và kiếp vị lai. Nhưng than ôi! Người đời nhiều cái thương ta khác hơn đạo đức là: họ chỉ lo cho đầy đủ theo thị dục của họ không nghĩ những việc lành trong kiếp vị lai. Vậy hôm nay tôi xin giải về cái ta của đạo đức để chư thiện tín hiểu.

4. Phải biết thương mình.

Trong bộ kinh Saṃyuttanikāya, Đức Thế Tôn có thuyết rằng: “Natthi attasamaṃ pemaṃ”[5]. Nghĩa là: chúng sanh không thương vật gì bằng thương ta.

Theo câu Phật dạy, chúng ta thấy rõ rằng: người đời thương ta hơn là thương vạn vật. Trong chú giải có câu hỏi: cái gì gọi là ta? Đáp: vật gì để thọ vui và khổ vật ấy gọi là ta. Ý nói rằng: thân và tâm gồm lại gọi là ta, hay nói cho dễ hiểu hơn nữa là mình. Lẽ cố nhiên, tất cả chúng sanh, trong các giới chẳng luận giới nào, đều thương mình hơn các vật khác. Nếu chúng ta dùng trí tuệ xét kỹ thì thấy người đời phải lao tâm khổ trí, trên quan trường, cũng như ở thị trường để làm gì? Phải chăng để đem lại sự vui sướng cho cái ta. Vì thương ta nên quên hoặc biết là khổ nhưng vẫn tầm những cái gì làm cho ta vui sướng, mặc dầu có bị khổ cực, nói tóm lại người đời vì thương mình, nên phải rán tầm sự an vui về cho mình. Nhưng những người ấy chỉ biết tầm sự an vui trong kiếp hiện tại này, mặc dầu họ biết rằng làm như thế có phạm vào ngũ giới thập điều cũng không màng đến, miễn là vừa sở thích của họ là đủ. Những người làm như thế các bậc trí thức nhất là Đức Phật không gọi rằng thương ta trái lại ngài gọi rằng kẻ ấy là người ghét ta. Tại sao: vì kẻ ấy làm những tội lỗi như vậy, sau khi chết phải sanh vào 4 đường khổ, không biết đến bao giờ mới hết khổ nhưng chỉ được sự lợi ích rất ít trong đời này.

Tôi thuyết đến đây, tôi còn nhớ lại trong Tăng chi bộ kinh, Đức Thế Tôn còn thuyết 4 hạng người, tưởng cũng nên nhắc lại để chư thiện tín thấy rõ và tự lựa lấy để hành theo.

Bốn hạng người ấy là

  • Tama tamaparāyaṇa[6]: nghĩa là người mờ tối đi tới nơi mờ tối. Hoặc nghĩa là: người mờ tối về sau cũng mờ tối. Mờ tối đây ý nói rằng: trong kiếp quá khứ người người đã làm những điều ác, nên sanh lại kiếp hiện tại bị tật bệnh, nghèo khó, dốt nát, hèn hạ, nên gọi là mờ tối . Những người ấy không biết mình đang ở nơi mờ tối mà càng làm thêm những việc hung ác, sau khi chết lại sanh vào nơi khổ hơn nữa.
  • Tama jotiparāyaṇa: nghĩa là người mờ tối đi tới nơi sáng suốt. Hoặc nói rằng: người mờ tối về sau được sáng suốt. Ý nói rằng: người biết rằng mình đang ở trong cảnh mờ tối đau khổ, rán lo làm những việc làm để được sanh về cõi an vui trong ngày vị lai, nên gọi là người mờ tối đi tới nơi sáng suốt
  • Joti tamaparāyaṇa: nghĩa là người sáng suốt đi tới nơi mờ tối. Hoặc nói rằng: người sáng suốt về sau mờ tối. Ý nói rằng: người sanh trong đời này, được giàu sang, mạnh khỏe, thông minh, không biết lợi dụng lợi khí ấy, để bồi đắp con đường giải thoát ngày vị lai, trái lại, lại dùng những lợi khí ấy đào huyệt chôn mình, nghĩa là ỷ mình thông minh, giàu có, mạnh khỏe, mà phạm vào ngũ giới, thập ác, nên sau khi chết phải bị sa đọa vào nơi thống khổ nên gọi là người từ chỗ sáng đi đến chỗ tối.
  • Joti jotiparāyaṇa: nghĩa là người sáng suốt đi đến nơi sáng suốt. Hoặc nghĩa là: người sáng suốt về sau càng sáng suốt. Ý nói rằng: người trong kiếp này được giàu có, sang trọng, thông minh, được những sự an vui trong đời này, lợi dụng dịp may ấy, rán lo tu hành làm lành lánh dữ. Sau khi chết được sanh vào cõi an vui hơn, nên gọi là người sáng suốt sanh về nơi sáng suốt

Vậy chúng ta là người biết thương ta, hãy ráng làm như người hạng thứ nhì và thứ tư, người ấy mới là người biết thương mình, lo cho mình. Không có ai thương ta, chịu thế tội lỗi của ta làm, mặc dầu người ấy là cha mẹ vợ con ta. Trong Dhammapada (Pháp Cú), Đức Thế Tôn có dạy rằng:

“Attanā'va kataṃ pāpaṃ
Attajaṃ attasambhavam”[7]

Nghĩa là: tội mà người đã làm rồi nó sẽ sanh lại trong thân tâm người.

Vậy xin nhắc chư thiện tín thấy rằng: không phải ăn uống sung sướng, ăn mặc sang trọng ấy gọi là thương ta đâu. Nếu thương ta, ta phải bỏ những điều ác nghiệp làm việc lành.

Hơn nữa tôi con nhớ có đoạn Kinh, Đức Thế Tôn có dạy bốn hạng người nữa là:

  • Có hạng người chịu chết chìm mãi mãi. Ý nói người mãi ham mê trong vòng tài, sắc, lợi, danh, không khi nào nghĩ đến khổ sanh, già, đau, chết, những cảnh sanh, tử, biệt ly, hoặc những cảnh trái ý nghịch lòng. Vì lòng tham muốn mà con người không bao giờ giải thoát được, phải bị chìm đắm trong vòng luân hồi. Một lý nữa nói rằng: người mãi ham mê trong vòng tài, tình, danh, lợi, quên cả mọi việc khổ. Người ấy không bao giờ giải thoát khỏi khổ được. Nên mới nói rằng: chịu chết đắm mãi trong vòng luân hồi.
  • Có hạng người nổi lên rồi chìm xuống. Ý chỉ những người tỉnh ngộ nhất thời, lo tu tập. Nhưng sự tu tập ấy không thắng được lòng tham muốn, nên phải bị nó kéo chìm vào vòng trần tục. Nghĩa là họ bỏ dở dang việc tu học, để chạy theo tài, sắc, lợi, danh. Ấy là người nổi lên rồi chìm xuống.
  • Có hạng người khi được nổi lên và cố gắng lội vào bờ. Ấy chỉ người hiểu được đạo đức rồi, khi trong thấy bờ giác ngộ, cố gắng tu tập diệt bỏ phiền não, để mau đến nơi giải thoát. Cũng như người đang lội giữa biển trông thấy bờ, rất mừng và cố hết sức mình lội vào bờ để khỏi bị chết đắm, hoặc chết trong miệng cá. Câu này có ý nói rằng: người trông thấy cái hại của sự tranh đua trong vòng tham dục, nên khi tìm được con đường giải thoát cố đi cho khỏi nơi dẫy đầy thống khổ.
  • Có hạng người đã lội đến bờ và đã lên đứng trên bờ. Là người đã khỏi bị dìm trong biển khổ nữa rồi. Đây chỉ các bậc thánh nhân của Đức Chánh Đẳng Chánh Giác, Đức Độc Giác và chư vị A-la-hán.

Trên đời này, người biết thương mình rất ít, phần nhiều chúng sanh thương kẻ khác hơn thương mình, sợ kẻ khác hơn sợ mình, những lời này xin quý vị suy nghĩ lấy. Nên người biết thương mình, nên trao dồi thân, khẩu, ý cho được trong sạch như thế mới gọi là biết thương mình.

Đời sống của con người Đức Thế Tôn có chia ra 3 thời kỳ là: từ 1 đến 33 tuổi là ấu niên, từ 34 đến 67 tuổi là trung niên, từ 68 đến 100 tuổi là lão niên.

Lúc ấu niên con người phải lo học tập một thiện nghiệp nào cho thuần thục. Lúc trung niên do nhờ thiện nghiệp (là nghề thiện) ấy, lập gia đình, dạy vợ, dỗ con. Không phí thời gian vào những việc vô ích như cờ bạc...

Khi lão niên là lúc nên cố gắng lo bù đắp con đường đi về ngày vị lai, nghĩa là lo tu những đức tánh tốt, sám hối những điều ác, như thế mới là người biết thương mình .

Hiện giờ chúng ta không sống đến trăm tuổi, thì các phần nói trên phải sụt lại 10 năm, đây là nói người có thể sống đến ngày cùng của lão niên. Nhưng hiện giờ, có mấy ai sống đến tuổi ấy. Một khi chúng ta biết rằng: đời sống không lâu dài thì nên cố gắng lánh dữ làm lành, đừng nghĩ rằng ta còn trẻ, còn trong thời thiếu niên. Lẽ cố nhiên người trong thời kỳ nào cũng có thể chết bỏ cả những nhân vật thương yêu quý mến.

Hơn nữa, Đức Phật có dạy rằng: người thương mình là người biết bố thí, thọ ngũ giới và bát quan trai giới. Như có câu Phật ngôn trong Pháp Cú Kinh (Dhammapada) như vầy:

“Attānaṃ ce piyaṃ yaññā
Rakkheyya naṃ surakkhitaṃ
Tiṇṇamaññataraṃ yānaṃ
Paṭijaggeyya paṇḍito”[8]

Nghĩa là: nếu người trí thức biết rằng: thân này là thương yêu (của ta), hãy gìn giữ thân này cho tinh khiết (không cho phạm tội lỗi). Nên săn sóc thân này ba thời bất kỳ một thời nào (câu chót ý nói rằng: trong 3 thời kỳ ta phải cố tu một thời nào càng sớm cáng tốt, không nên dể duôi).

Theo câu Phật ngôn dạy trên, ý Đức Thế Tôn nhắc chúng ta là phải rán trau dồi thân tâm cho trong sạch, nghĩa là phải từ bỏ điều ác và làm các việc lành.

Vậy chúng ta hỏi: phải trao dồi thân tâm như thế nào?. Đáp: nếu một người thiện tín nào giàu sang, lên tầng lầu cao nhất vào phòng đóng cửa và nghĩ rằng: ta trau dồi gìn giữ thân tâm thanh tịnh. Hoặc có vị Tỳ-khưu vào tư thất vắng vẻ đóng cửa lại ở yên và nghĩ rằng: ta trau dồi, gìn giữ thân tâm thanh tịnh. Làm như thế cũng không gọi là người trau dồi gìn giữ thân tâm.

Người muốn trau dồi gìn giữ thân tâm trong sạch. Nếu là một người thiện tín nên lo bố thí để diệt lòng bỏn xẻn. Trì giới để ngừa lòng sân hận và tham lam. Tham thiền hay gọi là niệm Phật để bồi đắp thêm đức tin trong ngôi Tam Bảo, hoặc quán sát về vô thường, khổ não, vô ngã để diệt si mê. Còn về phần các bậc xuất gia phải ráng học cho thông suốt kinh, luật; thực hành theo lời giáo huấn của Đức Thế Tôn đã giáo truyền chẳng nên dể duôi.

Có một lúc nọ, Đức Thế Tôn ngự tại Kỳ Viên tịnh xá (Jetavanavihāra) kinh đô Thất-la-phiệt (Sāvatthī). Lúc ấy, đức vua Ba-tư-nặc (Pasenadi), đến hầu Đức Thế Tôn rồi bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn, đệ tử tự nghĩ người phạm vào ngũ giới thập ác, dầu cho họ có nói rằng ta rất thương ta thì cũng không gọi là thương ta được. Chỉ có người thọ trì ngũ giới, giữ thập thiện, làm cho thân, khẩu, ý trong sạch. Dầu người ấy nói rằng ta không thương ta. Nhưng đệ tử cho là người ấy rất thương cái ta của họ”. Đức Thế Tôn tùy lời ấy mà đáp rằng: “Lành thay! Lành thay! Đại vương này! Sự thật đúng như vậy”.

Đây tôi xin nhắc lại cho các vị nhớ rằng: sự ăn sung sướng, mặc đồ tốt đẹp ấy không phải là thương mình đâu, vì ta không làm những việc lành, những sự ăn mặc là vấn đề phụ thuộc thôi. Sự tối cần nhất là sự gìn giữ thân tâm thanh tịnh, không cho phạm vào những diều tội lỗi. Riêng tôi nhắc quý vị rằng: sự ăn ngon, ở cao, mà lòng không thanh cao cũng bằng thừa. Ý tôi nói rằng: ở lầu cao, ăn đồ mỹ vị chỉ bổ dưỡng cho xác thân này thôi, chớ không gọi là cao thượng. Khi tâm ta không nghĩ đến sự oán thù, oan trái, tham lam, sân hận, si mê, trong khi ấy mặc dầu ăn cực, ở nơi ẩm thấp cũng gọi là ăn cao thượng. Vì tinh thần ta trong sạch.

Người biết thương mình, Đức Thế Tôn dạy hãy ngăn ngừa thân, khẩu, ý cho trong sạch như một vị minh quân cai trị trong một xứ. Theo đây tôi xin nhắc một câu Phật ngôn trong bộ Khuddakanikāya/ Dhammapada như vầy:

“Nagaraṃ yathā paccantaṃ
Guttaṃ santarabāhiraṃ
Evaṃ gopetha attānaṃ
Khaṇo vo mā upaccagā
Khaṇātītā hi socanti
Nirayamhi samappitā”[9]

Nghĩa là: các người nên gìn giữ thân tâm cho trong sạch như nhà vua cai trị gìn giữ thành trì, từ trong cung nội cho đến nơi biên giới rất chắc chắn và cẩn thận. không nên bỏ thời gian qua, vì những người bỏ phí thời gian đi, những người ấy sau này sẽ than van khóc lóc nơi cảnh địa ngục.

Theo trong câu này, Đức Thế Tôn nhắc ta hãy ráng giữ mình cho trong sạch và không nên dể duôi để mất thời gian quý báu. Trong câu kệ có câu quan trọng hơn hết là: nên gìn giữ thân tâm cho được trong sạch như một vị minh quân cai trị và gìn giữ thành trì.

Theo trong bộ kinh Anguttaranikāya có dạy rằng: phàm một đấng minh quân cai trị một xứ hằng gìn giữ thành trì bằng 7 điều là[10]:

* Esikā: xây thành chắc.

* Parikhā: đào hào sâu.

* Anupariyāyapatho: làm đường trên bờ thành rộng lớn có chỗ núp an toàn.

* Bahuṃ āvudhaṃ: có nhiều chiến cụ.

* Bahubalakāyo: có quân sĩ nhiều.

* Dovāriko: có quan giữ thành.

* Pākāro: xây tường cao.

Xứ nào đã có 7 điều kể trên, xứ ấy sẽ được an vui, không sợ bị lân bang xâm chiếm. Nhưng ngoài ra còn phải có thêm 4 điều nữa là:

* Có bò, củi, nước cho nhiều.

* Có lúa, gạo, nếp, muối nhiều.

* Có mè, đậu xanh, đậu đỏ, đồ tráng miệng...

* Có sữa bò tươi, sữa đạt, dầu, mật ong, nước mía.

Cũng như các hàng Phật tử gìn giữ thân này cho được an vui bằng 7 điều là pháp gìn giữ thân này cho được an vui không bị cảnh trần chiếm đóng, sẽ được an vui kiếp này và kiếp vị lai.

Bảy pháp mà người Phật tử cần phải có là[11]:

  • Saddhā: đức tin.

Tại sao đức tin ví như thanh chắn? Vì người có đức tin, tin chắc nghiệp hằng đi theo bên ta, trả quả ta, không có nhân vật nào trong cõi thiên hay cõi này có quyền thưởng phạt, ta cũng không thể van vái nhân vật nào để xin sự an vui hay cầu tiêu trừ tai nạn được. Một khi người có đức tin chắc chắn như vậy thì họ biết chắc rằng chỉ có nghiệp của ta trả quả cho ta mà thôi cũng như người ngậm lấy thuốc bổ và thuốc độc vậy, nếu ta ngậm chất nào thì chất ấy thấm vào thân ta chất ấy, và nó sẽ trả quả cho ta tùy theo tánh chất của nó. Khi biết như vậy, người ấy bỏ hết tội lỗi và làm những việc lành. Không có nhân vật nào lay chuyển được. Dù thần linh kia, ông thánh nọ có quyền ban phước hay xử phạt. Do nhờ chánh tín chắc chắn bảo vệ được phước lành, không cho tà tín xâm nhập vào, cũng như có thành trì kiên cố ngừa sự xâm nhập của kẻ bất lương.

  • Hirimā: hổ thẹn không làm điều tội lỗi.

Tại sao hổ thẹn tội lỗi ví như hào sâu: vì hào sâu, để ngừa quân địch đến gần bên thành, và leo lên hãm thành. Cũng như các hàng Phật tử một khi tâm phóng túng muốn làm những điều tội lỗi, tự nghĩ thấy thẹn với lòng mình là một môn đệ của một đấng cao cả các bậc trí thức đều kính trọng. Nhờ có sự thẹn tội lỗi của mình như thế, nên không dám làm điều tội lỗi. Vì vậy nên ví hổ thẹn tội lỗi cũng như là hào sâu ngừa quân thù không cho đến gần.

  • Ottappā: kinh sợ không dám làm điều tội lỗi.

Tại sao kinh sợ tội lỗi ví như đường đi trên thành có chỗ núp? Thời xưa, trên mặt thành rộng để binh lính đi lại và có chỗ núp để phòng khi tấn công trong lúc bị hãm thành. Cũng ví như các hàng phật tử luôn luôn có sự kinh sợ những điều tội lỗi, vì suy nghĩ rằng: những việc làm bất chánh của chúng ta bây giờ là nhân trả quả, làm cho ta phải đau khổ đủ mọi điều trong ngày vị lai. Nhờ nghĩ như vậy nên không dám làm những điều ác.

Hổ thẹn tội lỗi để ngừa tội lỗi khi chưa thâm nhập vào tâm cũng như hào sâu ngừa không cho quân thù vào gần thành. Ghê sợ tội lỗi để trừ tội lỗi, đã thâm nhập vào rồi, ví như quân thù đã vượt qua khỏi hào sâu và hãm thành, cần phải có chỗ núp có đường rộng để đi lại. Vì vậy nên ghê sợ tội lỗi ví như đường rộng và chỗ núp của quân trên mặt thành.

  • Bāhussuta: người học nhiều hiểu rộng về Phật ngôn.

Tại sao người học nhiều hiểu rộng lại ví như có nhiều chiến cụ? Vì phiền não có đủ mánh khóe xảo trá để lừa dối người. Nên người Phật tử phải học nhiều pháp môn của Đức Thế Tôn để lại để tùy phương tiện trừ phiền não. Tôi xin ví dụ như trong trận giặc không thể dùng một thứ vũ khí nào trong mọi trường hợp, như khi đánh ở đồng bằng chúng ta không thể đem vũ khí của thủy quân đi đánh được. Vì vậy, sự học nhiều hiểu rộng ví như nhiều thứ chiến cụ để tùy trường hợp mà dùng. Sự học nhiều hiểu rộng là điều cần thiết cho người xuất gia cũng như người tại gia, không hạng nào không cần đến. Vì vậy, xin nhắc lại cho quý vị nhớ rằng: người muốn giải thoát và khỏi sợ đi lầm vào tà đạo nên cố công học, hỏi cho thông rõ chánh lý, đừng để nghi ngờ làm cho tâm không thể tin chắc vào đâu được.

  • Araddhavīriya: có sự tinh tấn không bỏ qua những việc lành.

Tại sao sự tinh tấn được ví như có quân sĩ nhiều? Có quân binh nhiều mới đủ lực lượng chiến đấu với quân thù được. Người tu cần có sự tinh tấn cố làm những việc lành và trì chí trừ bỏ những việc quấy. Những chiến sĩ đánh với quân thù ở bề ngoài còn dễ hơn, những chiến sĩ đánh với giặc lòng là sự tham lam, sân hận, si mê, ngã mạng, ganh tỵ... đánh với quân thù bên ngoài ta còn thấy có mặt trận để đối phó được dễ dàng. Riêng về mặt trận bên trong là phiền não không biết đâu là mặt trận, đâu là chỗ đóng quân của kẻ thù để dễ bề tiêu diệt. Vì nên Đức Phật dạy người tu Phật cần phải tinh tấn theo 4 cách (sammappadhāna) là:

* Saṃvarapadhāna: tinh tấn cố ngăn trừ những ác pháp chưa sanh.

* Pahānapadhāna: tinh tấn đoạn trừ những ác pháp đã sanh.

* Bhāvanapadhāna: tinh tấn làm cho các pháp lành tăng trưởng

* Ānurakkhāpadhāna: cố gắng giữ những việc lành đã có không cho tiêu diệt.

Bốn điều này cũng ví như chiến sĩ bên ngoài. Bốn điều tinh tấn ấy, chia ra làm hai: một là hai pháp đầu cũng như quân đánh trận, hai là hai pháp còn lại cũng ví như quân trong thành bắt những kẻ mưu loạn. Điều cần nhất là phải tập thêm quân binh. Vì vậy nên các bậc chú giải mới sánh quân sĩ như sự tinh tấn.

Vậy chúng ta là người mong được sự giải thoát, biết thương ta, nên cố gắng có những đạo binh rất mạnh trong tâm, để ngừa và tùy thời trừ diệt quân thù là phiền não, nó đã chiếm lấy hạnh phúc và an vui của ta nhiều kiếp không kể hết được, ta cũng vì nó mà trầm luân mãi trong vòng thống khổ, vì ta dể duôi.

  • Satamā: có trí nhớ giữ mình trong sạch.

Tại sao trí nhớ ví như quân giữ của thành? Vì người giữ cửa thành là người biết rõ rằng: kẻ nào nên cho vào, người nào không nên cho vào. Cũng như trí nhớ biết rõ rằng: những điều nào làm cho tâm vui vẻ hợp theo lẽ đạo thì để cho tâm thọ nhận, còn pháp nào làm cho tâm nhơ đục vì nó là pháp ác thì không cho vào. Đức Thế Tôn ví dụ trí nhớ có nhiều cách khác nhau. Nhưng nơi đây ngụ ý dạy trí nhớ là pháp lừa lọc các pháp ác và thiện. Vì vậy trí nhớ được ví như quan giữ cửa thành.

  • Paññāvā: có trí tuệ để thấy rõ sự sanh diệt của các pháp.

Tại sao trí tuệ lại sánh với tường cao? Vì trí tuệ là pháp thông hiểu các Pháp có thể nói là chúa của các Pháp. Khi xưa, nơi hoàng cung là nơi tốt đẹp và là nơi mà người thời ấy rất kính trọng, vì họ cho rằng: chỗ đó là của người hữu phước ở nên Đức Thế Tôn sánh trí tuệ như thành của hoàng cung.

Khi đã có đủ 7 pháp như 7 điều giữ thành được kiên cố ấy, bên trong thành phải tích trữ lương thực cho nhiều để phòng khi quân thù vây thành. Lương thực ấy ý chỉ thiền định. Một khi hành giả bị một pháp nào có mãnh lực làm cho tâm hành giả phải thối chuyển trong sự tu tập, hành giả nên cố gắng tham thiền hay dùng trí tuệ quán sát về ba tướng là vô thường, khổ não, vô ngã. Hơn nữa, Đức Thế Tôn dạy hành giả nên cố hành cho đắc được sơ thiền để phòng khi gặp những cảnh trần làm cho tâm không thanh tịnh lập tức nhập định, để tránh khỏi những sự bực lòng.

Thời pháp đến đây chấm dứt.

BÀI 5 SÁU BÓNG MÁT

Sao gọi là sáu bóng mát? Chúng sanh có thể nương nhờ sáu bóng mát ấy, cho đặng an vui về vật chất, lẫn tinh thần. Sáu bóng mát ấy là: Phật, Pháp, Tăng, cha mẹ, chồng vợ, vua quan.

1. Đức Phật là một bóng mát.

Đức Phật là đấng hoàn toàn giác ngộ, Ngài đáng cho chúng sanh sùng bái, kính mến công đức vĩ đại. Chúng sanh nương nhờ nơi gương cao quý, như ánh sáng trăng rằm, êm diệu và thanh khiết. Nếu tâm thường niệm Phật, thì khi sắp lâm chung được đến chỗ an vui vì tâm thanh tịnh.

Tích xưa, trước khi Đề-bà-đạt-đa bị đất rút chết trước chùa Kỳ Viên, Đức Ānanda cho Phật hay, Ngài ngự ra khỏi chùa đến nơi Đề-bà-đạt-đa bị sụp tới cổ. Khi thấy tướng tốt của Đức Phật, Đề-bà-đạt-đa đã chắp tay khỏi đầu đảnh lễ Đức Thế Tôn và ăn năn tội lỗi.

Đức Ānanda hỏi

- Tại sao Đức Phật gặp chi kẻ nghịch?

Đức Phật đáp:

- Để cho Đề-bà-đạt-đa thấy ta trong lúc lâm chung đặng hồi tâm sẽ đắc quả Phật Độc Giác.

Đó là do lòng từ bi bác ái nên dầu là kẻ thù nhưng Đức Phật cũng luôn luôn tế độ.

Tích Maṭṭhakuṇḍali là con một người giàu có, song rất hà tiện. Hà tiện đến nỗi con đau mà không cho uống thuốc, đành để nằm rên siết đến gần chết. Đức Thế Tôn biết Maṭṭhakuṇḍali có duyên lành và sắp chết. Ngài ngự đến gần chỗ ông bá hộ ở. Hào quang chiếu sáng, Maṭṭhakuṇḍali thấy Đức Phật đứng trước mặt. Anh ta tượng trong tâm: tôi không có gì dâng cho Đức Phật, với tâm trong sạch, tôi hết lòng kính mến công Đức Phật. Với bấy nhiêu tư tưởng ấy Maṭṭhakuṇḍali chết được sanh vế cõi trời.

Ấy vậy Đức Phật là bóng mát. Nếu chúng sanh hằng niệm tưởng công Đức Phật, nương nhờ lòng từ bi của Đức Phật, hành theo Giáo Pháp của Ngài, thì đời hiện tại được an vui và kiếp vị lai được sanh cõi trời.

2. Pháp là một bóng mát.

Pháp đây chỉ về điều nào mà chúng sanh vâng giữ hành theo cho được sự an vui trong kiếp hiện tại này và đời vị lai đều gọi là Pháp. Nhưng đây ngụ ý chỉ là giới, điều mà chúng sanh thực hành theo cho được an vui. Bây giờ nói đến giới, có người nghe lấy làm lạ, nghĩ giới là gì? Giới là một khuôn khổ để khép thân, khẩu vào nơi yên lặng điều tội lỗi. Hay nói cho rõ hơn, giới là một điều luật thiên nhiên, nếu chúng sanh nào phạm đến là bị tội. Hoặc nói giới là một luân lý dạy con người được thuần mỹ. Nếu trong vũ trụ mà không có luân lý, nghĩa là không có giới đức thì trở nên một thế giới hỗn độn, dã man, nào là giết nhau không lòng thương xót, cướp của nhau giựt vợ con nhau, không còn biết anh em, chị em, thân bằng quyến thuộc. Nói dối nhau, mắng chửi, nói vô ích, nói đâm thọc, nói xuyên tạc, uống rượu say sưa, thù hại lẫn nhau.

Đức Thế Tôn dạy chúng sanh giữ giới không sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ và uống rượu. Đó là giới lành, nếu chúng sanh nào vâng giữ và hành theo thì sẽ được an vui kiếp này, không ân hận rằng ta là người làm điều tội lỗi. Người mà không có điều chi ân hận thì lòng được an tịnh, trí được thảnh thơi, khi ấy sẽ được an vui. Khi được an vui tâm mới trong sạch, khi tâm được trong sạch thì mau an định, khi được an định là nhân sẽ được Vimuttiñāṇadasana (giải thoát tri kiến), khi “giải thoát tri kiến” là diệt được tham ái. Đây chỉ rõ giới là một bóng mát của nhân loại vô cùng vô tận. Nếu có người hỏi: tại sao Đức Thế Tôn có dạy rằng: bậc Tu-đà-huờn phải diệt ba sợi dây chướng ngại là tà kiến, hoài nghi và giới cấm thủ, mà nơi đây lại nói rằng: nhờ giới mà diệt được ái dục là đến Níp-bàn? Giới cấm thủ ở đây chỉ là một cổ tục, một thành kiến mà người ta chấp từ ngàn xưa, như ta tin có một đấng thiêng liêng cứu độ ta nếu ta cầu khẩn trước khi chết. Hoặc ta nói: nhờ cứu tế mà được người tiếp dẫn sanh về cõi an vui. Khi xưa, người Ấn Độ cho rằng: sự khổ hạnh như nằm gai, hơ lửa trong mùa hè, tắm trong mùa đông, ăn cơm đổ dưới đất như các con thú là giới giải thoát. Theo Phật Pháp, đó là tà giới nên bậc Tu-đà-huờn phải diệt tà giới là vậy. Còn 227 giới, thập giới, bát quan trai giới và ngũ giới là Chánh Pháp.

Kể đây cho chư thiện tín thấy Pháp là bóng mát hơn hết vì Pháp dạy ta không nên làm điều tội lỗi, như không nên cờ bạc, không đến nhà đàn bà goá, không đi chơi đêm... Khi chúng ta giữ giới (Pháp) được trong sạch, sự hỷ lạc phát sanh, đúng theo câu Phật ngôn “Dhammo have rakkhati dhammacariṃ”[12] Pháp hộ trì người thực hành theo Chánh Pháp và niệm Phật đắc thiền định.

Chúng ta dùng trí tuệ để quán tưởng về vô thường, khổ não, vô ngã. Chúng ta sẽ được giải thoát.

Nếu tự mình giữ giới trong sạch, khi sắp lâm chung mình không ân hận, không kinh khủng, si mê. Chết sẽ sanh về cõi an vui.

3. Tăng là một bóng mát

Tăng là bóng mát cho chúng sanh. Nhà sư là bậc thừa hành các Pháp của Phật, đủ hạnh kiểm dìu dắt tín đồ trên con đường tu tập, như được núp dưới bóng mát, là để nương nhờ mà hành đạo, tránh được các điều tai hại và tội lỗi.

Nếu chư thiện tín thường gần các nhà sư để nghe thuyết Pháp thì được nhiều phước báu ở kiếp hiện tại, là hiểu rõ về sự trì giới, bố thí, làm các việc lành và tránh các điều ác mà các nhà sư thường hay nhắc nhở, khuyên dạy. Như thế, chư thiện tín được an vui ở đời hiện tại và sẽ được hưởng phước ở kiếp vị lai tùy những nhân lành, nghiệp quả của mình làm.

Như vậy, Tăng là bóng mát của chúng sanh.

4. Cha mẹ là một bóng mát.

Cha mẹ là bóng mát của con, công ơn cha mẹ rất cao dày. Mẹ, từ khi mới tượng, phải mang nặng, đẻ đau nuôi cơm, nuôi áo, cho ăn học. Cha thì lo làm cho có tiền nuôi con, rồi lo dựng vợ, gả chồng. Cho đến khi khôn lớn có gia thất rồi, mà cũng còn lo hoài, vì lòng thương của cha mẹ đối với con không bờ bến.

Đức Phật dạy: “Các con không nên đối với cha mẹ như con kính”. Con kính là con thú rất cực kì lạ lùng; thú mẹ nuôi dưỡng, cho bú mớm, khi lớn lên có răng thì nó ăn mẹ nó trước, rồi ăn cha nó sau.

Các em nhỏ phải vâng lời, phải biết cung kính và không nên làm buồn lòng cha mẹ.

Các nhà sư xuất gia cũng tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ. Thuở xưa có một vị Đại Đức hằng ngày đi khất thực về dâng cho cha mẹ ăn, chia y cho cha mẹ mặc, gánh nước cho cha mẹ tắm.

Đức Thế Tôn, khi vua Tịnh Phạn thăng hà, chính Ngài ẵm vua cha đi tắm, thay y phục cho vua, liệm vào quan tài và cũng chính Ngài phụ khiêng đi thiêu xác. Chư Thiên cung kính bạch Đức Thế Tôn, để các việc ấy cho chư Thiên làm. Đức Phật đáp: đây là phận sự của Như Lai, công ơn cha mẹ sanh dưỡng phận làm con phải lo đền đáp.

Sau khi Đức Thế Tôn lên cõi trời Đạo Lợi ba tháng, thuyết pháp cho mẹ Ngài là hoàng hậu Māyā nghe, có người hỏi: bà Māyā sau khi sanh thái tử  Sĩ-đạt-ta 7 ngày rồi mất, đối với Ngài có công ơn gì cho lắm? Đáp: trong 100 ngàn kiếp và 2 a-tăng-kỳ kiếp bà Māyā đều là mẹ của Đức Phật.

Bà mẹ đầy hạnh kiểm hết lòng lo lắng cho Ngài trong vô số kiếp quá khứ, ngày nay Đức Phật nhớ công lao ấy nên lo tế độ cho mẹ.

Nhắc đến sự hiếu hạnh của Đức Thế Tôn đây là để nhắc chư thiện tín biết rằng: dù Đức Phật là đấng chí tôn chí thánh mà Ngài vẫn còn hết lòng lo báo đáp công ơn sanh dưỡng của cha mẹ. Huống chi chúng ta là đệ tử của Ngài, lại không noi gương của Ngài sao?

5. Chồng là một bóng mát.

Chồng là bóng mát của vợ. Ở xứ Ấn Độ, người đàn bà rất kính trọng chồng và gọi chồng là ông chủ (sāmī). Đối lại, người chồng là chủ trong gia đình, biết phận sự và trách nhiệm mình. Thương mến dạy dỗ vợ con, không cờ bạc, hút sách, rượu chè, đàng điếm.

Đại Đức Mục-kiền-liên khi gặp các chư Thiên nữ hỏi:

- Quý bà có làm phước gì mà được sanh về cõi Đạo Lợi?

Các bà đáp:

- Khi ở thế gian, chúng tôi một niềm cung kính, thương mến chồng và hết lòng săn sóc gia đình

Khi Ngài Mục-kiền-liên hỏi đức Thế Tôn, thì Đức Phật nói: người đàn bà kính mến chồng, làm tròn phận sự gia đình được sanh về cõi trời.

Chồng là bóng mát của vợ là vậy.

6. Vua quan là một bóng mát.

Vua quan là bóng mát của dân. Bổn phận của vua, quan là lấy sự công bình chính trực đối với dân. Không nên vì sự si mê mà hành tội kẻ oan, không nên vì sự si mê mà tây vị kẻ không xứng đáng. Sự si mê ấy là cái nhân sanh các điều ác.

Tích xưa có một ông quan xử kiện, ông vẫn tự hào rằng: ông là một vị quan sáng suốt, thanh liêm, đối với dân một mực công bình chánh trực, không có một điều nào sai lầm. Ngày nọ, ông nghĩ lại coi đời ông có làm gì quấy không, ông lấy làm hài lòng, là không có làm gì đáng ân hận cả. Vừa khi ấy có người bà con đem trái cây biếu ông, trái maddhura là thứ trái rất ngon quý. Ông nảy sanh ý kiến muốn thử xem việc làm của ông này. Ông kêu người ở lại đếm rồi giao cho nó cất. Nhưng sau khi ấy ông lại lén lấy ăn đi hết 4 trái. Qua ngày sau, ông biểu người ở đem ra, ông đếm trước mặt cho nó thấy thiếu 4 trái đó. Ông làm giận, hỏi nó để ai ăn mất và hăm dọa nếu nó không khai thì làm tội cả họ, bằng mà khai thật thì cho nhẹ tội. Người ở vội vàng quỳ xuống thưa rằng: “Bẩm thượng quan, xin ngài rộng lòng tha thứ, vì con thấy trái ngon nên thèm đã ăn lỡ mấy trái”. Nghe qua ông quan bủn rủn; ông tự nghĩ rằng: “Nếu lấy việc này mà suy thì bao nhiêu án công đã xử, biết đâu không vì vô tình đã làm nhiều người bị oan, một vì sợ oai thế, hai vì sợ bị hại cả gia đình thân tộc”. Ông rất ăn năn hối hận (sở kiểm duyệt bỏ phần câu sau).

Qua ngày sau ông vào trào xin từ chức.

Thật ra trong đời rất có sự công bằng (sở kiểm duyệt bỏ phần câu sau).

Bởi vậy các đấng minh quân, các vị quan sáng suốt, công bằng là bóng mát của dân chúng.

Kết luận:

Tôi vừa giảng giải về 6 bóng mát ở trong đời mà chúng sanh cần nương nhờ cho đặng sự an vui ở kiếp hiện tại này.

Phật, Pháp, Tăng là ba bóng mát dành riêng cho chư thiện tín đã tỉnh ngộ, thấy cuộc đời là bể khổ là giả tạm, tìm để nương nhờ, ấy là ba bóng mát rất quí báu cho những người có tâm sáng suốt.

Ba bóng mát sau là vua quan, cha mẹ và chồng là ba bóng mát thế gian. Bóng mát của cha mẹ là tình thương lai láng để cho con nương nhờ. Bóng mát của chồng là ông chủ trong gia đình, để cho vợ nương nhờ. Bóng mát của vua quan là sự công bằng minh chánh để cho dân nương nhờ.

Nếu xã hội mà thiếu ba bóng mát này, thì xã hội ấy mất trật tự sẽ hỗn độn và sẽ đi lần đến ác đạo.

BÀI 6 BẢY CÁI NHÂN ĐỂ TRÁNH KHỎI TAI HỌA

Thiện tín muốn tránh khỏi sự tai hại, cần phải hiểu rõ 7 cái nhân và hành theo như lời Phật dạy. Bảy cái nhân ấy là:

1. Kính trọng Đức Thầy

Đức thầy là Đức Phật. Ngài là bậc hoàn toàn giác ngộ, thấy rõ đường sanh tử luân hồi. Ngài chỉ bảo cho chúng sanh cách diệt trừ các sân hận, si mê; Ngài dạy những pháp diệt phiền não ở lòng, hầu cho chúng sanh đi đến chỗ an vui tuyệt đối. Vì vậy ta phải kính Đức Phật .

Có người hiểu lầm về sự kính Phật, viện lẽ rằng còn nhỏ tuổi không dám thờ Phật; hoặc trong mình dơ không dám lễ Phật nhất là mấy bà tín nữ. Thật sự, Phật không chấp những điều ấy. Phật chỉ dạy sự trong sạch nơi thân (sự trong sạch ở thân về phương diện giới đức là: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm), khẩu, ý của thiện tín mà thôi. Điều thật, Ngài nhận biết rằng thân này hôi thối nhơ nhớp kể từ khi mới cấu tạo bởi tinh huyết của cha mẹ. Chư Thiên hay ghê gớm người như chúng ta đây, xin lỗi chư thiện tín, chẳng khác nào chúng ta gớm những con dòi trong thùng phẩn vậy. Vì vậy, khi nào chư Thiên muốn vào hầu Phật để nghe pháp, đợi đêm khuya người ngủ hết mới xuống hầu nghe pháp. Trong bài kinh Parinibbānasutta (Phật nhập Níp-bàn), ở bộ Dīghanikāya, đức Ānanda, nhân dịp đức Đế Thích vào hầu và đổ phẩn cho Đức Thế Tôn có hỏi rằng:

- Bạch Đức Thế Tôn, đệ tử nghe Đức Thế Tôn dạy rằng chư Thiên ghê gớm thân hôi thối của chúng sanh lắm, tại sao đức Đế Thích hầu đổ phẩn cho Ngài?

Đức Thế Tôn đáp:

- Chư Thiên rất yêu kính ta mà không biết thối, vì bởi mùi thơm giới đức của ta.

Đây để chúng ta thấy rằng xác thân dơ không bằng lòng hung ác, miệng nói dối, mắng chửi, ý tà dâm, tham lam. Đó mới thật là dơ.

Trong bài kinh Parinibbānasutta (Phật nhập Níp-bàn) có ghi rằng: khi Đức Thế Tôn bệnh nặng sắp nhập diệt, có chư Thiên đem các thứ hoa ở cõi trời đến cúng dường, hoa ấy đầy mặt đất mà có chỗ vun cao ngất lên. Đức Thế Tôn trông thấy, Ngài mới dạy Đại Đức Ānanda rằng: người nào hết lòng làm lễ cúng dường dến Như Lai rất trọng thể như vậy, người ấy không gọi là người cúng dường kính trọng quý mến Như Lai. Nếu hàng Tỳ-khưu, Tỳ-khưu ni, thiện nam, tín nữ nào hành theo đúng lời của Như Lai giảng dạy, những người ấy mới gọi là người cúng dường kính trọng quý mến Ngài, không phụ lòng Ngài, là đấng hy sinh cả vô lượng kiếp hầu tế độ chúng sanh, cho đến khi đắc quả Chánh Đẳng Chánh Giác.

Thuở xưa, con gái ông Cấp Cô Độc, có chồng ở xa. Cha chồng cô là người tà đạo. Ngày nọ, ông cha chồng đãi 50 vị A-la-hán đạo loã thể, và ông bảo con dâu ra làm lễ các bậc A-la-hán loã thể ấy. Khi cô dâu vâng lời ra, thấy các ông loã thể ấy, cô không chịu làm lễ và chê các ông ấy không phải là bậc A-la-hán.

Sau khi bị cha chồng quở trách, cô xin cha chồng cho phép cô thỉnh Phật và 500 vị A-la-hán đệ tử Phật đến cho cô cúng dường, nhân tiện để cho cha chồng cô thấy biết thế nào là bậc thánh nhân vô lậu. Đêm ấy cô thành tâm khấn vái yêu cầu Phật và 500 vị A-la-hán đến, dầu rằng từ nhà cô đến nơi Phật ngự rất xa.

Quả sáng hôm sau, Phật và 500 vị A-la-hán đến thọ trai tăng nơi nhà ông tà đạo. Phật thuyết Pháp cho thí chủ nghe. Khi nghe xong, ông tà đạo xin theo là đệ tử Phật.

Ông Cấp Cô Độc hỏi Phật tại sau ở cách xa, mà Phật biết rằng con gái ông thỉnh Phật, Phật đáp: “Người xa ta dầu muôn ngàn dặm, mà có lòng kính ta, cũng như người ấy ở gần bên ta vậy”.

2. Kính trọng Pháp:

Pháp là các sách kinh ghi chép những lời Phật dạy. Có người hiểu sự kính trọng Pháp một cách quá đáng: trước khi đọc Kinh phải thắp nhang, mặc áo dài, rửa mặt, rửa tay cho thiệt sạch, làm như thế là quá đáng. Kính trong Pháp là hiểu và hành theo các lời Phật dạy trong kinh. Đức Phật có dạy rằng: “Dhammo have rakkhahati dhammacariṃ”. Nghĩa là: Pháp bảo hộ trì người thực hành theo Pháp. Ý nói rằng: người muốn được khỏi khổ thì phải hành theo pháp. Hành theo pháp sẽ được kết quả lành là sự an vui.

Tôi xin kể một ví dụ. Trong Kinh dạy ta không nên cột oan trái, oán thù với kẻ khác. Nếu ta kính Pháp thì ta phải hành theo điều dạy ấy. Tích xưa có con gấu nằm ngủ nơi gốc cây. Rủi một nhánh khô rớt nhằm đầu. Nghi ông thọ thần ở cây ấy phá, gấu căm tức, tìm cách trả thù, mới đi tìm anh thợ làm bánh xe, dẫn đến gốc cây, bảo cây này rất chắc, nếu đốn làm căm xe thì tốt lắm. Anh thợ đốn cây ấy. Ông thọ thần biết con gấu hại mình, giận mới trả thù lại. Ông hiện ra bảo anh thợ rằng: đành rằng cây này chắc, song nếu nhà ngươi có mỡ gấu thoa ở đùm bánh xe thì càng quý hơn nữa. Ông thọ thần dẫn anh tìm con gấu. Khi gặp anh kiếm cách gạt con gấu, giết nó mà lấy mỡ. Đó vì sân hận oán thù mà con gấu bị giết. Nếu thiện tín kính trọng Pháp bảo, thì phải thọ trì hành theo Pháp bảo cho đặng tránh sự tai hại.

3. Kính trọng Tăng:

Tăng là một nhóm từ 4 vị Tỷ-kheo trở lên. Kính trọng Tăng là kính trọng hai bậc thánh Tăng và phàm Tăng là những bậc thừa hành giáo Pháp của Đức Thế Tôn, y theo lời Ngài giảng dạy. Những bậc ấy có hạnh kiểm thanh cao, tâm không còn phiền não, là bậc xa lìa các tài tình danh lợi. Kính Tăng là noi gương các ngài tu tập, vâng giữ và hành theo các điều khuyên bảo của Tăng. Chúng ta không nên có tánh “cá nhân tuyển thí” là khi quy y với ông sư nào, thì thiên theo một ông sư ấy mà thôi, không còn muốn cúng dường đến ông sư khác, cũng không dám đi nghe Kinh học Pháp nơi chùa khác. Chúng ta nên nhớ rằng: Tăng là ngọn cờ của Phật Giáo, là người thay mặt cho Phật và Pháp để dẫn chúng sanh đi đến con đường an vui giải thoát.

4. Kính trọng điều học:

Điều học đây là giới. Giới là khuôn khổ, là luân lý của nhà Phật. Kính trọng giới là không sát sanh, để vun bồi đức từ bi; không trộm cắp, nuôi mạng chơn chánh để dứt lòng tham lam; không tà dâm, để ngừa tâm không cho nó say đắm trong tình dục; không nói dối, để sửa lòng cho chân thật; không uống rượu để được chánh niệm và tránh sự si mê. Giới là nấc thang cho thiện tín nương nhờ leo đến chỗ an vui.

5. Kính trọng thiền định:

Thiền định là một phương pháp của Phật dạy chúng ta khép tâm vào một chỗ, cho tâm an trú. Tâm thường rung động và khó dạy nhất. Như con cá sống bắt bỏ trong một cái đĩa bằng vàng, con cá không thể nào nằm yên được, nó dẫy dụa luôn luôn, bởi nó lìa khỏi nước, là nơi nó ưa thích hơn hết. Tâm con người cũng vậy, ưa thích trong sự ham mê tài tình danh lợi; khi bắt tâm phải trụ, tâm luôn luôn phóng túng. Vậy chúng ta phải ráng khép tâm vào một chỗ. Đức Phật có dạy 40 đề mục, tuỳ theo căn cơ của mỗi người. Nếu giảng cả 40 đề mục ra đây rất dài, xin tóm tắt 4 diều chánh là:

  • Nhớ đến ân Đức Phật, Ngài đã hy sinh tận tuỵ, tìm con đường giải thoát cho chúng sanh.
  • Rải lòng từ bi, là không cột oan trái, oán thù, làm hại kẻ khác. Cố tâm nguyện cho chúng sanh ở các hướng đông, tây, nam, bắc được an vui.
  • Quán tưởng thân mình ô trược. Thói thường chúng ta cho thân ta là đẹp, là quý, muốn trẻ hoài. Nếu quán tưởng thấy thân này không trong sạch, biết nó sẽ già, phải chết, nó không là của ta, chúng ta sẽ diệt được lòng ích kỷ. Chừng ấy tâm ta sẽ được an trú.
  • Cái chết là luật chung của nhân loại, chúng ta không thể tránh cái chết, dầu chúng ta có quyền lực đến đâu, giàu sang tột bực, khôn ngoan cho mấy, cũng không tránh khỏi tử thần. Chúng ta có thiên mưu bách kế, để lừa gạt nhau, nhưng chúng ta không có một phương kế nào để lừa gạt tử thần được. Đức Thế Tôn có dạy rằng: buổi chiều đi theo buổi sáng, cũng như cái chết đi theo cái sống luôn luôn. Mặt trời mọc ở hướng đông, lặn ở hướng tây, không khi nào ta yêu cầu mặt trời đừng lặn được, cũng như con người phải có sanh thì có tử, không khi nào chạy khỏi cái chết. Như lắm người đầu bạc răng rụng rồi mà cũng không nghĩ đến cái chết. Lắm người trông thấy đám tang đi ngoài đường mà họ cũng thản nhiên, không nghĩ đến ngày kia họ cũng vào một cái hòm như thế ấy và bị vùi trong ba tấc đất. Thậm đến những ông chủ trại hòm, bán buôn mỗi ngày, những ông ấy cũng không nghĩ rằng ngày ngày đều có người chết, tất nhiên ông ta cũng sẽ chết vậy.

6. Người dễ dạy:

Phần đông chúng ta có tánh ngã mạng, cấp cao. Chúng ta người khó dạy. Hễ là khó dạy, chúng ta không tìm được hạnh phúc. Thuở xưa, lúc Phật còn tại thế có ông Bà-la-môn có tánh ngã mạng khó dạy. Có người cho ông hay rằng đức Thích-ca là người đã đắc đạo. Ông Bà-la-môn nói:

- Thích-ca là con nít, sanh sau ta, làm gì giỏi hơn ta được?

Ông cho các đệ tử đến hỏi đạo với Phật, các đệ tử ấy về thưa lại cho ông hay rằng:

- Phật đã giác ngộ thật.

Ông không tin. Đích thân ông đến ra mắt Phật, thấy 30 tướng tốt của Phật, còn hai tướng nữa là cái lưỡi và chỗ kín của Phật. Phật biết rằng ông Bà-la-môn ấy muốn thấy hai tướng kia, Phật le lưỡi cho ông xem rồi dùng thần thông cho ông thấy luôn tướng tốt thứ 32. Luôn dịp Phật thuyết pháp cho ông nghe. Ông Bà-la-môn được giác ngộ và đắc quả Tu-đà-huờn, khi ấy ông đã 80 tuổi. Vì ngã mạng mà ông rốt chậm trễ trong đường giải thoát.

Vậy ta hãy đè nén sự ngã mạng chấp cao, chúng ta hãy dễ dạy, đặng tìm học, hầu mau đến chỗ an vui.

7. Có bạn lành:

Ở xã hội ai cũng có bạn bè. Song chọn được bạn lành thật không phải dễ. Chọn bạn mà chơi, chúng ta phải chọn cách nào? Làm sao biết rằng bạn ác hay bạn lành? Nếu muốn biết bạn ác hay bạn lành, thì hãy coi sự hành động ở thân, khẩu, ý. Phải coi bằng cách nào? Chúng ta đâu phải thầy coi tướng? Ta hãy coi sự hành động của người ấy, nếu họ sát sanh, trộm cướp, tà dâm, uống rượu, đấy là sự hành động của bạn ác. Nếu khẩu họ nói dối, nói đâm thọc, chửi rủa, mắng nhiếc, nói lời vô ích, đấy là biểu tượng của người ác. Còn về tâm, nếu họ hằng nghĩ sự oán thù, tham lam và si mê, thì họ là người bạn không lành. Xin hỏi: về sự hành động nói năng bề ngoài ta có thể nhận thức được, còn điều suy nghĩ trong tâm họ ta làm sao hiểu được. Đáp: có thể hiểu được, vì ta nên biết tâm làm chủ của thân. Khi nào tâm nghĩ điều gì, đều bộc lộ ra ngoài cho ta biết được, ta coi sự làm và lời nói thì biết ngay được người lành kẻ dữ. Nếu họ là người quá bí mật không cho rành biết bề trong của họ thì mình làm sao biết? Thì coi ở thân và khẩu của họ có các điều ác nói trên thì ta biết rằng họ là kẻ ác rồi. Vì tâm họ quá tham lam, sân hận, si mê nên mới bộc lộ ra ngoài là sát sanh, trộm cướp...

Thuở xưa, khi Phật còn là một vị Bồ-tát, Ngài có một người con trai, người con này không muốn ở gần Bồ-tát để lo tu tập, lại muốn theo đời. Bồ-tát khuyên không nên gần những bạn ác có đủ tật xấu là cờ bạc, hút sách, tham lam... như lá sen là lá không thối, nhưng khi đã gói cá thối thì mùi thối còn dính hoài trên lá sen ấy. Như vậy là không có bạn hơn là có bạn mà chẳng lành. Nếu trên quả địa cầu này không gặp ai lành để mà làm bạn thì con nên ở gần thú dữ còn hơn. Ví như gần con cọp nếu nó ăn thịt con, con có chết đi nữa cũng chết một kiếp này thôi. Còn như ở gần người ác, con sẽ bị lôi cuốn theo những điền tội lỗi, phải bị sa đoạ khổ não không biết là bao nhiêu kiếp.

Lời nói hữu lý thay!

Kết luận.

Tôi vừa giảng giải 7 cái nhân là 7 Pháp của Phật dạy các thiện tín nên hành theo để tránh các điều tai hại. Kính Phật, Pháp, Tăng, Tam Bảo là noi gương và hành theo những lời quí báu của Phật dạy. Trì giới, tham thiền, dễ dạy, có bạn lành là cái nhân làm cho ta được trọn lành, hầu đi đến chỗ an vui tuyệt đối.

BÀI 7 GIẢI VỀ CÁI NGHIỆP

Hôm nay là thuyết pháp lệ, tôi xin trả lời 2 câu hỏi:

* Ông Mun hỏi: tại sao Phật Giáo suy đồi?

* Ông Phán Bút hỏi: tại sao về nạn cháy nhà, hàng vạn người phải bị một lượt?

1. Tại sao Phật Giáo suy đồi?

Phật Giáo bị suy đồi có 3 duyên cớ:

* Một là: nhà sư bởi thất học, bởi sự biếng nhác,  không tìm học giáo lý của Phật cho thấu đáo.

* Những nhà sư có học, mà không đem chân lý giảng giải cho thiện tín hiểu biết.

* Nhiều nhà sư không học, không hiểu và không thực hành các pháp của Phật dạy.

Bởi vậy hồi đức vua A-dục, những nhà sư không đủ hạnh kiểm, không giữ 227 điều giới luật, không thực hành những qui tắc của Đức Thế Tôn để lại, đều bị trục xuất ra thế gian, hằng mấy muôn người.

Về phần thiện tín, cũng có ba duyên cớ làm cho Phật Giáo suy đồi:

* Thiện tín vì dể duôi, vì ngã mạn, không thường đến chùa nghe Pháp.

* Thiện tín vì không hiểu Pháp, không tin có nghiệp, tà kiến, là ưa cầu thần thánh hộ trì.

* Thiện tín ưa cúng tế thần thánh, giết heo, bò, gà, vịt để cúng tế. Sự cúng tế là tà kiến hằng lôi kéo con người làm điều tội lỗi.

Muốn chấn hưng Phật Giáo, làm cho Phật Giáo được thạnh hành, cần nhất về phần nhà sư, là học và hành cho đúng các Pháp của Đức Thế Tôn giáo truyền. Về phần thiện tín phải tinh tấn gần bậc thiện trí thức, học hỏi cho biết giáo lý Phật Giáo, tinh tấn tu tập và hộ trì Chánh Pháp.

2. Tại sao hàng vạn người tai nạn cháy nhà một lượt?

Đó là cái nghiệp chung của nạn nhân, kêu là cộng nghiệp. Vậy tôi xin giải về nghiệp.

Chữ “nghiệp” tiếng Phạn gọi là “kamma” hay “karma”, là những hành vi tạo tác của mỗi người; chữ nghiệp gồm cả nghiệp thiện và nghiệp ác.

Giải về nghiệp có 12 và nếu chia theo chi phối của sự trả quả thì có 3 là:

a) Trả quả theo thì

  • Diṭṭhadhammavedanīyakamma: hiện nghiệp. Hiện nghiệp là nghiệp trả quả trong kiếp hiện tại và cho biết rằng đó là nghiệp lành hay ác đã làm, gọi là hiện nghiệp. Lẽ cố nhiên người làm lành hay làm ác đều do nơi tâm nghĩ và tác ý tạo ra. Tâm khiến cho ta làm tội hay làm phước ấy gọi là kammavacarajavana: nghĩa là javana (tốc lực tâm) ở cõi dục phát khởi từ tốc lực tâm thứ nhất rồi đến thứ nhì, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy. Nếu trong lúc ta đang làm lành hay làm ác mà tâm chuyển hết sức mạnh, trong tốc lực tâm thứ nhất, các nghiệp ấy rất mạnh sẽ trả quả từ khi ta làm, đến khi lâm chung, đó gọi là hiện nghiệp. Còn nếu nó không trả quả trong đời sống này thì gọi là quá nghiệp.

Nhưng đã gọi là nghiệp hiện tại thì bao giờ nó không trả quả trong kiếp hiện tại này. Nếu không trả quả trong kiếp này, phải chăng khi làm điều ác hay thiện, tâm ta không chuyển mạnh, thì không phải là paṭhamajavana (tốc lực tâm thứ nhất) thì không gọi là hiện nghiệp mà thuộc vế hậu nghiệp hoặc tuỳ nghiệp chẳng hạn. Nếu ta có tâm ác đối với người có giới hạnh, những bậc có giới đức cao thượng chừng nào thì nghiệp trả quả lẹ chừng ấy.

Tích xưa vua Thiện Giác là cha vợ của thái tử Sĩ-đạt-ta[13], vì thấy rể mình đi tu, bỏ con gái mình goá bụa, nên sanh lòng oán ghét. Ngày kia, vua nghe tin Đức Phật đi khất thực gần tới, vua ra lệnh cấm không cho các quan dâng bát. Ngài còn bắt ghế ra ngoài ngồi để chận đường tỏ vẻ khi dể và cho Đức Phật là con nít. Khi ấy Đức Phật hiểu ý đức vua Thiện Giác nên không đi đến nữa và Ngài mỉm cười rồi về tịnh xá. Đức Ānanda hỏi:

- Bạch hoá Đức Thế Tôn, vì sao Đức Thế Tôn cười? (Các bậc thánh nhân không bao giờ cười vô cớ, nếu Ngài cười là có nhân gì).

Như Lai đáp:

- Bảy ngày nữa nhà vua sẽ chết vì đất sụp.

Vua Thiện Giác cho người nom theo, nghe lời tiên tri của Phật. Nhà vua sợ lên tầng lầu thứ 7, đặt các võ sĩ canh gát các cửa mỗi tần và căn dặn các võ sĩ, nếu thấy ngài đi ra, thì phải đẩy ngài vô. Trong 6 ngày đầu vẫn bình yên, qua đến ngày thứ 7 thì con ngựa của nhà vua sút xiềng, chạy ra ngoài cắn thiên hạ lung tung, con ngựa này dữ lắm, chỉ có nhà vua và thái tử Sĩ-đạt-ta, ngoài ra không ai cỡi nó được. Trong lúc ấy, nhà vua đứng trên lầu dòm xuống thấy lật đật chạy đi bắt, các võ sĩ thay vì ngăn nhà vua lại, mà lại tuôn theo, không mấy chốc nhà vua xuống tới đất, chạy ra đường, đất sụp nhà vua chết.

Đó là quả trả bởi cái nghiệp, vì tâm ác phát sanh đối với bậc có giới hạnh.

Đây một tích nữa, nói về tâm thiện phát sanh nghiệp thiện[14]. Thuở xưa, Bình-sa vương có người làm vườn, thường ngày hái hoa dâng cho vua. Ngày nọ khi hái hoa xong, ra về anh gặp Đức Phật, thấy tướng mạo tốt đẹp, anh phát tâm hoan hỷ và trong sạch, anh dâng một bó hoa đến đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng thần thông làm cho bó hoa bay lơ lửng trên không, thấy vậy người làm vườn trong sạch hơn, anh cũng dâng luôn bó hoa thứ hai, rồi bó hoa thứ ba, rồi bó thứ tư, các bó hoa đứng sững trên không, chung quanh Đức Phật. Anh làm vui thích vỗ tay reo mừng. Khi về nhà thuật chuyện dâng hoa đến Phật cho vợ nghe. Người vợ lo sợ nói đến vua hay được chắc sẽ bị chết chém vì tội khi quân. Mới biểu chồng làm tờ để, chớ không chịu bị tội liên can, chồng không biết phải làm sao phải y theo lời làm tờ để. Người vợ vô đền báo cáo hành vi của chồng cho Bình-sa vương hay. Vua cho đòi người làm vườn hỏi cho rõ tự sự, đã không quở trách mà lại còn hoan hỷ khen và ban thưởng cho anh ta nữa.

Đó là lòng tín thành và tâm trong sạch làm nghiệp lành, thì quả phước đến rất mau lẹ.

  • Upapajjavedanīyakamma: hậu nghiệp. Nghiệp trả quả trong kiếp thứ nhì. Hậu nghiệp này có là vì tác ý ác hay thiện cùng sanh chung với Sattamajavana (tốc lực tâm thứ 7). Sau khi xong việc của mình làm, kết quả là: sẽ bị hay được hưởng trong kiếp nối liền theo kiếp của ta tạo nghiệp. Nếu nói về nghiệp thiện, chỉ về thiền hữu sắc có 4 và thiền vô sắc có 4. Người được một thiền nào trong 8 thiền ấy, chắc chắn rằng sau khi chết sẽ sanh vào cõi phạm thiên, tuỳ theo sức thiền định của mình mà sanh. Nếu thiền càng cao thì sẽ sanh vào cõi Phạm Thiên càng cao.

Bằng nói về nghiệp ác, thì có ngũ nghịch đại tội là: giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, làm cho Phật đổ máu, chia rẽ Tăng chúng.

Nếu điều đã làm thiện hay ác nói trên mà không trả quả trong kiếp thứ nhì, thì không gọi là hậu nghiệp. Như sức tâm đã đi đúng và ta được y như lời giảng, thì thể nào cũng là hậu nghiệp. Thí dụ, ta ẵm con mèo mà nói là con chuột thì đâu có được. Đều nói rằng: không trả quả kiếp thứ nhì thì không phải là hậu nghiệp. Đây chắc chắn rằng: đã gọi là hậu nghiệp thì trả quả kiếp thứ nhì.

Thuở xưa vua A-Xà-Thế làm nhiều điều phước, kết tập Tam Tạng lần thứ nhất, song vì tội giết vua cha, mà ngài phải sanh địa ngục.

  • Aparāpariyavedanīyakamma: tuỳ nghiệp. Nghĩa là nghiệp trả quả từ kiếp thứ ba trở đi. Nghiệp này theo người mãi mãi, chờ dịp là chen vào trả quả ngay, không bao giờ xa bỏ, ví như bóng theo hình vậy, theo đến bao giờ "nhập" Níp-bàn mới thôi. Các bậc trí khi xưa ví nó như con chó săn theo đuổi con thịt, con thịt chạy đến đâu, con chó cũng cứ theo đến chừng nào bắt được mới thôi. Ta đây là con thịt còn chó là cái nghiệp. Xin nhắc lại một lần nữa: nghiệp ấy kể cả thiện và ác, chớ không phải nghiệp ác không. Người mà làm nghiệp này là do nơi tác ý, duyên theo tốc lực tâm thứ nhì đến thứ 6, một tốc lực tâm nào trong 5 tốc lực tâm ấy. Nên nghiệp làm đó gọi là tuỳ nghiệp.

Đức Mục-kiền-liên là đệ tử của Phật, có đủ pháp thần thông, quảng đại. Khi ngài ở trong tư thất, ba lần bị một bọn người đến vây đánh. Lần thứ nhất ngài biến ra theo mái ngói, lần thứ nhì ngài biến ra theo kẹt cửa, lần thứ ba ngài biến ra theo lỗ ống khoá. Lần chót ngài dùng thần thông bỏ xác thân lại cho bọn ấy đánh chết. Khi bọn đó đi rồi. Ngài nhập vào xác thân rồi về tịnh xá, lễ bái và kiếu từ Đức Phật để nhập Níp-bàn. Đó là vì nghiệp kiếp trước Ngài có đánh cha mẹ Ngài, nên kiếp này phải trả quả cho vừa với nghiệp ác. Một kiếp nọ, tiền thân đức Mục-kiền-liên là một người con rất có hiếu với cha mẹ. Khi lớn lên, cha mẹ khuyên Ngài lấy vợ, Ngài không chịu mà bà mẹ vẫn cưới dâu về. Người vợ ngài có tánh ác, xúi chồng ruồng bỏ cha mẹ, Ngài không nghe. Người vợ đổ cơm, đập chén dĩa, xé quần áo rồi vu cho cha mẹ chồng, vì già quá nên sanh ra những tật ấy. Có lần chị ta đòi về cha ruột ở, nói là không chịu nỗi tánh khó của cha mẹ chồng. Ngài xiêu theo người vợ, ngài mới dối với mẹ là cha mẹ vợ mời, mới chở cha mẹ trên một chiếc xe bò đi, định đem vào rừng giết chết. Khi đi sâu vào rừng, Ngài mới đưa cương cho cha mẹ cầm, rồi nói rằng ở khoảng rừng này có nhiều kẻ cướp, để ngài đi dò đừng ngừa trước, trong chốc lát ngài xách cây lại đánh cha mẹ. Vì cha mẹ mù loà phần trời tối, bà mẹ hốt hoảng la lớn lên rằng:

- Con ơi! Con hãy chạy cho xa, có kẻ cướp đến đây này; cha mẹ già cả, rủi có chết cũng không sao.

Nghe mấy lời ngài hồi tâm, đem cha mẹ về nuôi tử tế. Kiếp sau ngài sanh vào địa ngục vì nghiệp ác đánh cha mẹ.

Vì nghiệp ấy ngài phải luân hồi trả quả cho đến lúc "nhập" Níp-bàn.

  • Ahosikamma: quá nghiệp. Nghĩa là nghiệp không trả quả. Ý nói rằng: những nghiệp đã trả quả đủ theo sức của nó rồi, không theo nữa được. Vì số nợ ta thiếu ta đã trả đủ rồi, chủ nợ sẽ không theo đòi ta nữa được.Hoặc ví như mũi tên bắn ra, khi mà nó đi hết tầm của nó rồi, thì tự nhiên rớt xuống, không còn đi xa hơn nữa được. quá nghiệp cũng vậy, sẽ không trả quả được sau khi nó kiệt sức rồi.

b) Nghiệp trả quả theo phận sự

  • Janakakamma: tạo tác nghiệp. Nghiệp đưa ta đi sanh (sanh đây là ngụ ý chỉ ngay sanh làm người, chớ không phải là trời, địa ngục, ngạ quỉ). Những nghiệp nào lành hoặc dữ trả quả ngày thứ 50 của thai bào là khác. Ngày thứ nhất đến ngày thứ 49 là phận sự của sanh nghiệp trả quả, không có nghiệp nào khác xen vào trả quả được. Nếu có nghiệp nào mạnh chen vào làm cho hư thai đi là được. Nghiệp ấy gọi là Upaghātakamma, nghĩa là nghiệp đoạn tuyệt nghiệp trước. Tàu dịch là chuyển tấn nghiệp.

Sanh nghiệp ví như người mẹ, chỉ có phận sự đẻ con, còn vú nuôi là người khác. Ý nói Sanh nghiệp này chỉ là nghiệp đi sanh thôi, ngoài ra không biết hơn nữa. Còn nói về địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh và chư Thiên cũng vậy. Sanh nghiệp có quyền đưa sanh đến đó. Còn được hay bị thọ nghiệp vui, khổ, lâu, mau tuỳ theo trì nghiệp. Đường trì nghiệp và đoạn nghiệp khác nữa.

  • Upatthammbhakakamma: trợ tiền nghiệp. Nghĩa là trợ giúp vào nghiệp trước. Nếu nghiệp trước thiện trả quả cho ta đẹp, thì nó càng thêm đẹp, mà giàu càng giàu thêm. Còn nếu nghiệp ác ta bị xấu, thì càng thêm xấu và đang nghèo thì càng thêm nghèo. Nghiệp này nếu sanh làm người thì bắt đầu từ ngày thứ 50 trở đi. Bằng như 3 đường ác đạo là ngạ quỉ, a-tu-la, địa ngục thuộc về hoá sanh thì khi sanh có hình thức nó trợ giúp vào. Bằng sanh về chư Thiên thì khi vừa sanh có hình thức thì nó trả quả liền. Riêng về bàng sanh, thì tuỳ theo khi nghiệp đến lúc có hình trong thai, bắt đầu sanh nhân thì nó trả quả.
  • Upapīḷakakamma: đương tiền nghiệp. Nghiệp vào đánh đuổi nghiệp kia dang ra, để nó trả quả. Nghĩa là nghiệp đen cho sanh, rồi nghiệp vào trợ giúp, trong lúc đang trợ giúp ấy, nếu nghiệp thiện làm cho ta an vui. Nghiệp thiện ấy đã yếu, hay là vẫn còn mạnh, nhưng vì nghiệp vào đánh đuổi nghiệp kia là nghiệp ác nó mạnh hơn, nên theo kịp vào đánh đuổi nghiệp kia ra, để nó vào trả quả. Còn bằng nghiệp trợ giúp ác, khi nghiệp thiên theo kịp, thì nó cũng đẩy nghiệp ác ra để nó vào trợ lực. Thì ta thấy có kẻ đang giàu hoá ra nghèo, đang nghèo hoá ra giàu, vì sao, có phải chăng vì chướng nghiệp.
  • Upaghātakamma: chuyển tấn nghiệp. Nghĩa là nghiệp vào đoạn tuyệt nghiệp trước. Nghiệp này khác hơn chướng nghiệp, là nó cắt đứt một cái, chớ không đuổi dần đi. Nghiệp này có thể đưa ta giàu sang một cách cấp tốc, ấy là nói về nghiệp thiện. Bằng mà nghiệp ác là khiến cho ta chết bất đắc kỳ tử.

c) Nghiệp trả quả theo thứ tự

Nghĩa là nghiệp theo tuần tự mà trả quả, nếu nặng trả trước, nhẹ trả sau. Đành rằng nghiệp ta làm sau ấy nặng, cũng chen vào trả quả trước.

  • Garukakamma: đại nghiệp. Nghĩa là nghiệp rất nặng. Nghiệp nặng này tuỳ theo chỗ trả quả: trong kiếp hiện tại, gọi là hiện nghiệp; hoặc trả quả kiếp thứ nhì, là hậu nghiệp. Nghiệp này nói về thiện là đắc từ sơ thiền hữu sắc, hoặc vô sắc. Còn nghiệp ác là ngũ nghịch đại tội.
  • Bahukakamma hay āciṇṇakamma: trường kỳ nghiệp. Nghĩa là nghiệp mình cứ làm mãi mãi một điều gì, dù ít, lâu ngày cũng hoá ra nhiều. Cũng như ta đem cái lu để hứng nước giữa trời, tuy rằng tù mỗi giọt nhỏ thôi, nhưng nhiều giọt lâu rồi cũng đầy. Nghiệp thiện và nghiệp ác cũng vậy.

Như tích xưa, có một người đồ tể làm thịt bò trong 45 năm, anh ăn thịt bò lắm, mỗi ngày đều để dành cho anh ta một miếng lớn. Ngày nọ, người láng giềng có khách, đến mua thịt nhà anh ta, như đã hết, người láng giềng nài nỉ quá, vợ anh đem bán miếng thịt của anh để dành. Khi anh ta về không có thịt, anh tức tối xách dao chạy ra chuồng bò, kéo lưỡi một con ra rồi cắt phăng đi, đem vào bảo vợ nướng cho anh ăn. Khi ăn miếng lưỡi nướng, thì lưỡi anh nóng bừng lên, la lối, rên siết, trong 7 ngày như vậy rồi anh chết. Anh sanh về địa ngục. Ấy là nghiệp nhỏ, nhưng khi làm nhiều lần sẽ bị trả quả cấp thời.

  • Āsannakamma: cận nghiệp. Nghĩa là làm trong khi sắp chết. Những nghiệp thiện hay ác, và người nhớ và làm trong khi sắp chết, những nghiệp ấy ăn sâu vào tâm ta, thì nghiệp ấy dù ít, cũng trả quả trước được, ví như một chuồng bò nhốt nhiều con, con bò già lại đứng gần cửa chuồng, thì nó sẽ được ra trước, tuy rằng nó yếu hơn các con bò tơ, nhưng nó đứng gần cửa.

Tích có ông pháp sư nọ hay tin cha đau, về thăm. Biết cha gần chết mà nghiệp của ông ta là nghề làm thịt bò. Pháp sư bảo người khiêng cha đến tháp thờ Xá Lợi đức Thế Tôn. Khi người cha mở mắt ra thấy nhiều tràng hoa tươi đẹp, treo chung quanh tháp, phát tâm trong sạch, ông chết được sanh về cõi trời.

  • Katattākamma: hoặc nghiệp. Nghĩa là nghiệp làm mà không quan tâm đến. Nghiệp này không nói đến trọng nghiệp, thường nghiệp, cận tử nghiệp. Cái nghiệp này người làm cũng không nhận biết rằng có tội hay có phước, làm để gọi là làm vậy thôi, nên khi trả quả, cũng không biết được rằng mình thọ quả gì. Lắm người giàu mà không nghỉ đến sự bố thí, sang giàu, cũng không có mầm tu và mầm bố thí, vì khi xưa bố thí gọi là bố thí vậy thôi.

Tích xưa, tiền thân Đức Phật là ông Suvaṇṇasāma[15], ở rất có hiếu với cha mẹ. Bữa nọ, ông ôm nồi xuống ao múc nước, vì ông có lòng từ bi, nên các thú rừng như cọp, beo theo hầu ông rất tự nhiên. Lúc ấy, có vua Pīḷiyakkha đi săn, thấy ông Suvaṇṇasāma tướng tốt, không biết phải là người hay thần tiên nên bắn thử, mũi tên đến trúng ông. Ông than rằng: ai nỡ lòng nào bắn tôi làm chi, thịt tôi không ăn được, tôi có một oan trái với ai đâu? Đức Thế Tôn giải rằng: “Ông Suvaṇṇasāma có làm nghiệp mà không để ý. Trong một kiếp trước ông là người bắn tên rất giỏi. Ngày nọ nhàn rỗi, ông muốn bắn chơi, nhưng không biết bắn cái gì, chợt thấy cái bông trên cành cây, ông nhắm bắn ngay cái nhụy bông. Không dè trong nhụy ấy có một con sâu. Vì ông ấy vô ý mà con sâu chết. Sau này con sâu ấy là vua Pīḷiyakkha, sanh lên trả quả tiền kiếp”.

Đó là 12 cái nghiệp mà tôi vừa kể cho thiện tín nghe.

Còn trả lời cho ông Phán Bút về tai nạn ở xóm Bàn Cờ hôm thứ 2 ngày 27/3 năm Nhâm Thìn (21/4/52), trên 1500 cái nhà bị cháy, hằng vạn người không có nhà ở, tôi đã nói đó là cộng nghiệp. Những nạn nhân là kiếp trước có làm những nghiệp chung, vì cộng nghiệp; hoặc giả làm riêng nhau, như nghiệp ấy tương tự nhau. Thì quí vị hãy coi bao nhiêu người đốt rừng, làm đồ tể, làm nghề chài lưới giống nhau nên khi nghiệp đồng nhau, thì phải chịu ảnh hưởng giống nhau. Ta hỏi tại sao ta lại ở chung một chỗ? Và tại sao có nhiều nhà ở cách chừng năm mười thước mà không bị cháy, có nhà ở khít vách mà không sao, lửa lại bắt lan qua chỗ khác? Đây phải chấm một dấu hỏi, để quí vị tự suy nghĩ mà giải quyết có phải chăng vì cộng nghiệp, nên khiến kiếp này cùng ở chung một xóm, để rồi phải chịu cái kết quả một lượt với nhau.

Ngày xưa, giòng Thích-Ca bị vua Vidūdabha tru diệt cùng một lúc Đức Phật cũng không thể làm sao được, vì Ngài biết kiếp trước những người ấy làm nghề chài lưới, đánh cá (?), kiếp này phải chịu cái cộng nghiệp ấy.

Biết đâu những nạn nhân ngày nay, kiếp trước có đốt ổ ong hay ổ kiến hoặc phá ổ chim. Kiếp này họ cùng xóm để rồi kiếp này bị nạn chung.

Tích xưa, có 7 vị Tỳ-khưu đi tham thiền trong rừng[16]. Tối lại xin nghỉ nhờ nơi chùa gần đó; chùa chật, vị trụ trì chỉ một cái hang trên núi, cho các vị Tỳ-khưu ấy vào nghĩ. Nữa đêm có một cục đá to rớt bít kín miệng hang, làm 7 vị Tỳ-khưu ra không được. Người ta xúm nhau đẩy cục đá đi, đặng cứu các vị, mà đẩy không nỗi. Cho đến 7 ngày sau mới lăn cục đá ra khỏi hang được, 7 vị Tỳ-khưu bị đói và ngộp lã người. Khi về hầu Đức Phật và hỏi tại sao có chuyện lạ như vậy, Phật đáp: ngày xưa có 7 đứa trẻ chăn trâu; bữa nọ chúng gặp một con kỳ đà, chúng dí bắt, con kỳ đà rút vô hang, chúng hè nhau bít các miệng hang, tính ngày sau sẽ trở lai bắt kỳ đà làm thịt. Song rồi chúng lại quên mất, đến 7 ngày chúng mới nhớ, khi mở các miệng hang, con kỳ đà bị đói ngộp gần chết, bò ra không nỗi, Chúng thấy tội nghiệp, nên không nỡ bắt làm thịt, nên thả nó đi. 7 đứa chăn ấy là các thầy ngày nay đấy.

Đó, chư thiện tín thấy cái cộng nghiệp nó có cái cộng quả là vậy.

Chúng ta hiểu về cái nghiệp rồi, nếu suy xét rằng, trên vũ trụ này, tất cả chúng sanh đều là quyến thuộc. Ngày nay ta thấy người xa lạ hoặc người thù biết đâu kiếp trước họ là quyến thuộc của ta; nhưng vì cái nghiệp nên khiến kiếp này ta xa lạ, khiến ta oán thù.

Thuở xưa, đức Xá-lợi-phất, trước khi xuất gia, ngài đi coi hát, thấy các đào kép trong tuồng, ngài ngụ ý: cuộc đời không khác nào cuộc hí trường; cũng cô đào đó, lớp trước làm vợ anh kép, lớp sau làm mẹ anh kép, cũng như anh kép lớp đầu làm chồng, lớp sau làm con. Trên sân khấu, các vai tuồng thay đổi liền liền, không khác nào kiếp con người luân hồi mãi mãi. Bởi vì thế mà ngài xuất gia xin làm đệ tử Phật.

Kết luận

Giải về cái nghiệp, chư thiện tín nhận thấy khi đã làm tội rồi, thì không thể nào tránh khỏi cái quả của nghiệp mình làm. Tuỳ trường hợp mà quả ấy đến mau hay chậm. Cái tội lỗi không ai đem đến cho mình đặng. Nó ở trong tâm mình nó sanh ra bởi tâm không trong sạch. Rồi cái quả ác nó theo như bóng theo hình. Như gương vua Thiện Giác cha vợ của thái tử Sĩ-đạt-ta mà tôi đã kể trên. Nhà vua khi biết mình sẽ bị trả quả, sợ chết ngài ngăn ngừa đủ mọi cách, nhưng mà có tránh khỏi đâu. Ngài có biết đâu rằng cái chết không phải từ ngoài nó vào, mà là từ tâm ngài tạo lấy cho ngài mà thôi. Chư thiện tín nên suy nghĩ lấy gương này, để ngăn ngừa các quả ác, hầu tránh khỏi các nghiệp dữ.

Vậy chư thiện tín cần cố tâm trong sạch, đặng hằng làm các việc lành, các vị sẽ thấy kết quả ở kiếp hiện tại và sẽ hưởng các hạnh phúc ở kiếp vị lai.

BÀI 8 HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH

Có lẽ từ cổ chí kim không bao giờ có tín đồ Phật Giáo nào làm như vầy. Vì lẽ ấy người chỉ trích rằng: đạo Phật là đạo để thoát ly trần tục, sao còn xu hướng theo tình dục, làm lễ cưới nơi chùa? Làm như vậy, có phải là gián tiếp vui thích với tình dục và xô người vào vòng thống khổ chăng?

Để trả lời cho hai câu trên tôi xin giải rõ.

A. Sau sáu năm khổ hạnh,dưới cội cây Bồ đề, đức Bồ-tát đắc quả vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nhưng Ngài còn đi khắp nơi thuyết pháp độ đời, chưa về thành để độ quyến thuộc. Riêng về vua Tịnh Phạn đêm ngày trông nhớ người con duy nhất. Ngài hỏi thăm mãi mới biết rằng: thái tử Sĩ-đạt-ta đã đắc quả và đang giáo hoá nhân sanh tại Vương Xá thành. Ngài liền hạ lệnh sai sứ thần đi thỉnh Đức Thế Tôn về, vị sứ thần đi đến nghe thuyết Pháp và đắc đạo quả, xin xuất gia không thỉnh Đức Thế Tôn về Ca-tỳ-la-vệ. Vị sứ thần thứ nhì cũng vậy. Đến lượt thứ ba là ông Udāyi (một trong 7 nhân vật đồng sanh với thái tử Sĩ-đạt-ta). Ông xin phép đức vua xuất gia luôn. Khi đến nơi nghe pháp xong đắc quả A-la-hán mới mời Đức Thế Tôn về Ca-tỳ-la-vệ. Đức Thế Tôn nhân lời cùng chư Tăng ngự về.

Đến đây có lẽ chư thiện tín hoài nghi rằng: tại sao, sau khi thái tử đã thành đạo là một đấng hoàn toàn giác ngộ lại không nhớ đến đấng sanh dưỡng lại đi độ kẻ khác trước? Và hai sứ thần lại quên rước Phật về.

Đấng giác ngộ hồng danh là Purisadammasārathi (Điều Ngự Trượng Phu). Nghĩa là Đức Thế Tôn là đấng tế độ những người hữu duyên nên tế độ. Đức Thế Tôn biết rằng: trước giờ phút ấy mà Ngài có trở về cũng không tế độ quyến thuộc được vì duyên lành chưa đến. Còn các vị sứ thần cũng biết rằng dù các ngài có thỉnh Đức Thế Tôn chăng nữa. Đức Thế Tôn cũng không về, vì Đức Thế Tôn đã biết sự quá khứ của vị lai rồi.

Trước ngày về của đức Thế Tôn, ngài Udāyi về cho dòng Thích-Ca hay trước. Nên quyến thuộc của Ngài hội lại lập một cảnh chùa tên là Nirodhārāma (Ni-cư-đà).

Khi Đức Thế Tôn về đến ngự tại chánh điện trên pháp toà quyến thuộc không chịu lễ bái Ngài vì cho rằng: ngài là con, cháu, em... Ngài biết thế nên bay lên hư không, (dùng thần thông làm cho hình như bụi dưới chân Ngài rớt trên đầu những người ngã mạn)(?). Đức vua Tịnh Phạn thấy vậy kính phục thần thông của Ngài nên làm lễ trước rồi lần lần những quyến thuộc đều lễ bái. Đức Thế Tôn mới ngự về chỗ cũ và thuyết pháp cho quyến thuộc nghe. Sau khi nghe thuyết pháp xong, đức vua, quyến thuộc và bá quan ra về không ai thỉnh Đức Phật đến trai tăng.

Sáng ngày thứ nhì, Đức Thế Tôn và hai muôn vị Tỳ-khưu đồng vào thành khất thực, kẻ mở cửa sổ, kẻ mở cửa cái ra coi.

Riêng về phần bà Da-du-đà-la nghĩ rằng: “Trước kia, thái tử ngự đi đâu cũng đi bằng long xa có quan hầu rất là oai nghiêm. Hôm nay thí phát, khoát cà-sa xin ăn. Vậy Ngài còn cái vẻ đẹp như xưa chăng?”. Lịnh bà mới mở của ra coi, trong thấy hào quang sáu màu rực rỡ. Bà mới ngâm tám câu kệ ca tụng uy nghiêm và vẻ đẹp của Đức Thế Tôn câu kệ ấy gọi là Narasīhagāthā. Rồi bà lật đật chạy đến báo cho vua cha hay rằng: “Phụ vương, phụ vương hãy coi đức thái tử đi xin ăn”. Vua Tịnh Phạn nghe qua lấy làm đau khổ không kịp bới tóc mặc đồ cho trang nghiêm lật đật từ trên lầu chạy xuống, đứng trước mặt Đức Thế Tôn và phán rằng:

- Đức Thế Tôn làm cho trẫm thẹn với mọi người. Ngài đi khất thực để làm gì? Có lẽ Đức Thế Tôn nghĩ bấy nhiêu vị Tỳ-khưu trẫm cúng dường không nổi chăng?

Đức Thế Tôn đáp:

- Tâu đại vương, sự khất thực đây là phận sự của Như Lai.

- Bạch đức Thế Tôn, dòng vua là dòng của chúng ta phải chăng? Đã gọi là dòng vua chúa không ai đi xin ăn cả.

- Tâu đại vương, sự thật dòng vua là dòng của đại vương, riêng về Như Lai là dòng Phật. Tất cả chư Phật đều nuôi mạng bằng sự xin ăn. (Qúy hóa thay kim ngôn của đấng Giác Ngộ không phân giai cấp trong thời kì giai cấp).

Khi ấy Đức Thế Tôn dạy thêm rằng:

“Uttiṭṭhe nappamajjeyya,
Dhammaṃ sucaritaṃ care;
Dhammacārī sukhaṃ seti,
Asmiṃ loke paramhi ca.”[17]

Nghĩa là: người không nên coi rẻ vật thực xin ăn. Nên hành theo thiện pháp. Vì lẽ người hành theo pháp thì hằng được sự an vui.

Dứt câu kệ vua Tịnh Phạn đắc quả Tu-đà-huờn.

Đức Thế Tôn thuyết câu thứ nhì rằng:

“Dhammaṃ care sucaritaṃ,
Na naṃ duccaritaṃ care;
Dhammacārī sukhaṃ seti,
Asmiṃ loke paramhi ca.”[18]

Sau khi dức câu kệ đức vua Tịnh Phạn đắc quả Tư-đà-hàm.

Trong khi ấy, là ngày làm lễ sính hôn cho Nanda (Nan-đà) là em một cha khác mẹ với Đức Thế Tôn (ông là con của bà Gotamī). Đức vua mời Đức Thế Tôn về trai tăng và dự lễ ấy. Sau khi trai tăng xong, thái tử Nanda có mặt gần bên đức Thế Tôn, Ngài mới trao cái bát cho Nanda, tỏ ý bảo Nanda đưa Ngài về chùa. Giờ làm lễ sính hôn vừa đến, nhưng vì sự kính trọng Đức Phật nên đành ôm bát theo. Về đến chùa, Đức Thế Tôn hỏi Nanda rằng:

- Em có muốn xuất gia không?

Vì sự rất kính sợ nên đáp:

- Bạch Đức Thế Tôn muốn.

Tuy ngoài miệng nói vậy chớ trong tâm không muốn tí nào cả Đức Thế Tôn cho xuất gia. Nhắc tích này cho thiện tín trông thấy: sự dự lễ sính hôn dù Đức Thế Tôn còn tại thế Ngài cũng dự như thường. Đức Thế Tôn biết rõ rằng: dù duyên lành của chúng sanh khác nhau, không thể bắt buộc ai ai cũng xuất gia được. Vì vậy Ngài có dạy luật của người cư sĩ, để người còn trong gia đình thừa hành theo để được an vui trong muôn một. Còn nếu nói gián tiếp vui theo tình dục là chuyện rất quấy vì các nhà sư đâu có làm mai, các ngài chỉ là người thọ thực, hoặc có phận sự thuyết pháp hay là cho quy y mà thôi.

B. Trái lại sự làm lễ sính hôn tại chùa lại còn được nhiều sự lợi ích là:

· Đôi nam nữ được đến trước Phật đài lễ bái và chiêm ngưỡng tôn nhan của đấng Giác Ngộ. Được mời chư Tăng ra lễ bái và sám hối tội lỗi, quy y, trì giới, để thực hành theo phận sự của người tại gia cư sĩ.

· Sự làm lễ sính hôn theo gia đình Phật tử được những người đồng đạo và các bậc có giới đức đến chúc mừng đều cao quý hơn hết và không phải giết thứ làm tiệc đãi cơm ngon, thịt béo, rượu nồng, vì đó là những điều phá giới đối với hàng Phật tử.

· Đây là cuộc lễ kỷ niệm của đôi thanh niên nam nữ ăn sâu vào thâm tâm. Bao giờ có sự buồn phiền hay muốn làm tội lỗi nhớ ngày thành hôn tại nơi cao quý và trong bầu không khí lẫn tinh thần cũng hoàn toàn tinh khiết mà không dám làm điều tội lỗi.

Kết luận nói về vật chất và khỏi phải tốn kém về rượu thịt, không phải bỏn xẻn, nhưng đó là một trong năm điều răn của Đức Phật được các bậc đồng đạo đến chúc mừng là thuộc về hình thức bề ngoài. Còn về tinh thần là được quy y Tam Bảo và trì ngũ giới, nghe thuyết Pháp để biết phận sự của người tại gia hầu thuận hành theo đấy là về phương tiện tinh thần.

Hôm nay, tôi là một nhà sư được thỉnh để thuyết pháp trong cuộc lể này. Tôi không xu hướng theo, nhưng tôi lại dự cuộc lễ này vì tôi có phận sự thuyết pháp. Vậy tôi xin thuyết về "hạnh phúc gia đình" để hợp theo cuộc lễ hôm nay và hơn nữa để chư thính giả thấy rằng: chẳng những Phật Giáo dạy về phương pháp giải thoát mà cũng day về phương pháp của những người còn trong gia đình, là hàng cư sĩ hành theo sẽ lần lần đến nơi giải thoát.

Hạnh phúc

Bao giờ còn nhân loại thì khi ấy người cũng vẫn còn đến hai tiếng hạnh phúc. Nguồn sống của người đều do nơi sự hạnh phúc cả. Nhưng mỗi người đều tìm một điều để thực hành cho rằng điều ấy là hạnh phúc. Nhưng có người cố công tìm kiếm tiến bạc cho nhiều, vì người cho rằng: có quyền chức lớn là hạnh phúc, những người ấy phải chạy theo ý  muốn của họ. Có người nghĩ rằng: ta hy sinh hạnh khúc của ta cho kẻ khác đó là sự hạnh phúc, hạng người có mà rất ít. Cũng có người nghĩ rằng: có ăn mặc đầy đủ là hạnh phúc lắm rồi. Nhưng than ôi! Không  phải giàu sang quyền chức, hy sinh cho kẻ khác no ấm là hạnh phúc đâu. Tại sao vậy? Vì giàu sang, quyền chức, danh vọng, ấy là bề ngoài, còn cái bề trong là sự hạnh phúc ở gia đình đầm ấm là khác nữa. Giàu sang quyền chức mà trong gia đình không yên vui, ông chồng bà vợ gây gỗ nhau, nghi kỵ nhau thì đối với giàu sang quyền chức cũng bằng thừa. Đức Thế Tôn biết rõ vậy, nên Ngài dạy các hàng Phật tử, người còn tại gia phải thực hành theo lời giáo huấn của Ngài mới được sự hạnh phúc của gia đình. Những Pháp mà Đức Thế Tôn dạy người cư sĩ hành theo hầu được sự an vui có rất nhiều đoạn, nhưng trong bài kinh Parābhava sutta[19], Siṅgalovāda sutta[20], Maṅgala sutta[21]... đây tôi xin thuyết sơ lược mỗi chỗ một ít cho vừa đủ và thích hợp với thời pháp hôm nay.

Đức Thế Tôn có dạy trong kinh Siṅgalovāda sutta rằng: Người trong gia đình, ông chồng phải có nhiều tư cách tối đối với người vợ, để đáng cho người vợ phải kính sợ, thương yêu.

Pháp ấy có 5 chi là[22]:

  • Sammānanāya: thương mến vợ và nói lời dịu ngọt. Phàm người chồng đứng đắn, dầu ăn ở với nhau đến răng long đầu bạc cũng luôn luôn đối xử với vợ như lúc ban sơ mới biết nhau. Dẫu vợ có làm điều gì trái ý nghịch lòng, ông chồng cũng vẫn dùng lời dịu ngọt khuyên dạy không mắng chửi, đúng theo câu: vợ chồng nên đóng cửa dạy nhau.
  • Avimānanāya: không hà hiếp khinh bỉ vợ. Ông chồng đúng đắn không bao giờ dùng quyền thế là chồng hà hiếp, đánh đập vợ, không khinh bỉ vợ nhà thiếu những gì trong công dung, ngôn, hạnh.
  • Anaticariyāya: không ngoại tình. Ông chồng luôn luôn giữ lấy một lòng thương vợ. Đây là một trong ngũ giới cấm mà vừa đây trước Phật đài, đôi thanh niên nam nữ vừa xin thọ lãnh đễ vâng giữ hành theo. Nhiều gia đình tan nát, do nơi điều này một số lớn.
  • Issariyavossaggena: giao chủ quyền trong gia đình cho vợ. Ông chồng lo việc ở ngoài như trên quan trường hay trên đường thương mãi, giao việc gia đình cho vợ làm chủ. Bà vợ lo xuất phát, đối với người ở và người giúp việc. Chẳng những ông chồng có những điều gì khó khăn hay không cũng đem ra bàn với vợ mặc dầu biết rằng: vợ không thể giải quyết được việc. Nhưng ta phải đem chuyện ra bàn để làm gì? Đây là một phương pháp làm cho vợ vui lòng và nhìn thấy rằng: ta cũng có một phận sự lớn trong gia đình, thì người vợ càng ráng lo. Vì quí bà trong thấy mình có vinh dự được chồng tin cậy. Nếu ông chồng không làm như thế, thì có lắm bà thấy mình hình như không được chồng tin cậy, thì sự thương mến bị nhạt nhạt, và sự nghi kỵ nhau bắt đầu nảy nở.
  • Alaṅkārānupadānena: cho vợ những đồ trang sức. Nếu nói phải cho đồ trang sức mỗi ngày hay là hằng tháng thì làm gì có đủ mà cho? Đây ý nói rằng: tuỳ thời mà cho. Chẳng hạn ông chồng biết cách cư xử với vợ đến ngày sinh nhật của vợ mua một vài món quà cho vợ. Tỏ ra người chồng luôn luôn nhớ đến người vợ duy nhất và bao giờ cũng hết lòng chăm nom như lo cho người em gái nhỏ.

Lẽ cố nhiên người đàn ông nào có đủ năm pháp này tạm gọi là năm đức tánh tốt thì hẳn ra bà vợ ấy cũng kiêng nể và kính vì, không nghi kỵ, thì trong gia đình sẽ tránh được nạn gây gỗ nhau.

Riêng người vợ khi được ông chồng quý báu như vậy thì cũng phải có năm pháp, tạm gọi là năm đức tánh lành để đối lại với chồng để đến lại công ơn ấy.

5 pháp ấy là[23]:

  • Susaṃvihitakammantā: lo sắp đặt việc nhà có thứ tự. Bà vợ là người quan trọng nhất trong gia đình, một khi có khách lạ đến người ta ngó sơ qua sự chưng dọn trong nhà thì người ta có thể đoán ra bà nội trợ là người thế nào. Vì vậy bà vợ phải siêng năng sắp đặt mọi việc trong gia đình cho có trật tự, sạch sẽ, để ông chồng khỏi thẹn với chúng bạn là người có bà vợ vụng về.
  • Susaṅgahitaparijanā: tiếp đãi và giúp đỡ quyến thuộc của chồng như của mình. Nghĩa là hết lòng cung kính cha mẹ chồng tiếp đãi quyến thuộc bè bạn của chồng cũng như của mình không tỏ vẻ buồn giận hay lợt lạt tính thân mật. Không nên có tánh rầy con, mắng tớ, chửi chó, đánh mèo khi có quyến thuộc anh em của chồng đang ở nhà mình, như vậy mới gọi là bà vợ biết yêu kính chồng.
  • Sambhatañca anurakkhati: biết giữ của cải của chồng kiếm được đem về giao cho. Nghĩa là khi được chồng giao quyền làm chủ giữ của cải, thì tùy theo thời xài tiền bạc, không cờ bạc, không đút nhét cho riêng quyến thuộc của mình, không nên lãng phí vô ích. Nếu cần bà vợ nên có một cuốn sổ chi tiêu gia đình để trình bày cho chồng biết sự xây dựng trong gia đình. Đành rằng ông chồng không bắt buộc nhưng đây là sợi dây thiêng liêng để cột chặt hai tâm hồn không có vật gì chia rẽ được.
  • Anaticārinī: không ngoại tình. Đây là một trong năm điều cấm trong Phật Giáo. Ngoại tình là nhân làm cho gia đình phải tiêu diệt. Và sau đó là nhân đưa đến bốn đường ác đạo.
  • Dakkhā ca hoti analasā sabbakiccesu: giỏi giắn, siêng năng, không lười biếng trong mọi việc của gia đình. Nghĩa là bổn phận làm vợ phải lo làm tất cả mọi việc trong gia đình từ miếng ăn thức uống, manh quần tấm áo cho chồng, trong lúc có bệnh phải hết lòng săn sóc.

Hiện giờ có lắm bà vợ có công ăn việc làm, ỷ làm ra tiền bỏ bê cả việc gia đình không nghĩ đến, lắm lúc lãng phí tiền vô ích, chồng rầy, đáp rằng: em xài tiền của em có xài tiền của anh đâu. Phải chăng câu này đã chạm tự ái của ông chồng, rồi từ ấy trở đi tính thân mật cũng tùy thời gian mà phai nhạt. Đã là vợ chồng, không nên vì tiền anh, tiền em, nên nghĩ là tiền chung mới phải. Nếu bà vợ hiền, dù đã có việc làm ra tiền. Nhưng khi rảnh việc coi lại mâm cơm đã làm xong chưa, khâu lại chiếc áo rách của chồng, đan một chiếc áo ngự hàn cho chồng. Đành rằng công việc ấy không là bao, nhưng bao giờ bản tính của người đàn ông cũng thấy đó là quý. Chiếc áo ngự hàn không đẹp bằng cửa hàng, nhưng tự tay người vợ hiền đang ra, nó ấm gấp mấy lần mua ở hiệu. Tại sao vậy? Vì tự tay người vợ hiền làm ra. Một khi bà vợ đối với chồng có những đức tánh nói trên thì không sợ ông chồng ngoại tình bao giờ. Vì dầu sao ông chồng cũng nhận thấy cái phải của vợ nhà, và riêng cũng phải kính nể điều phải của vợ.

Đây là nói riêng bổn phận của vợ chồng đối với nhau. Ngoài ra, vợ chồng mỗi một người phải có bốn điều để trong tâm mình luôn. Bốn pháp ấy là nhân làm cho gia đình càng đầm ấm và càng bền chắc vĩnh viễn không hề chia rẽ.

Bổn phận chung của chồng và vợ. Nếu muốn cho gia đình được an vui và đầm ấm hơn, ngoài ra sự đối đãi nhau giữa tình vợ chồng, mỗi người cần phải có bốn pháp, gọi là bốn pháp để thắng kẻ thù (kẻ thù đây ý nói sự phiền lòng, làm cho tan nát hạnh phúc). Nhưng người có đủ bốn pháp này trong tâm cũng có thể thắng kẻ thù ở ngoài, nhưng tôi chỉ giải theo kẻ thù là sự phiền não làm hại hạnh phúc của gia đình thôi.

4 pháp để thắng kẻ thù là[24]:

  • Sacca: sự chân thật. Vợ chồng đối với nhau cần phải có sự chân thật từ lời nói đến việc làm và trong những ý nghĩ. Điều quan trọng nhất là tâm đừng nghĩ quấy. Vì sự nghĩ quấy ấy lần đi đến chỗ thật sự là làm quấy, nói quấy. Vợ chồng nếu muốn cố xây một nền hạnh phúc gia đình thì cần phải có sự chân thật với nhau. Vì sự chân thật ấy là tấm vách thành kiên cố chận đứng sự hoài nghi. Sự nghi kỵ nhau là nhân đưa đến sự tan rã gia đình. Nếu chưa tan rã đi nữa thì gia đình ấy khó tìm ra hạnh phúc được.
  • Damma: dùng trí tuệ suy nghĩ. Vợ chồng cần phải có trí tuệ để suy xét hầu dung thứ nhau trong những điều đã sai lầm. Lẽ cố nhiên chén trong sóng còn đụng nhau thay, huống chi người cùng chung sống trong một gia đình, thì làm sao tránh khỏi những lúc bão lòng phát động. Lúc ấy người tài công tàu không khéo, sẽ bị chìm tàu, cũng như một khi bão lòng sôi nổi ta không đủ trí tuệ để tìm thấy lỗi của mình thì hằng bị đi đến nơi hư hoại. Vì ta thấy rằng ta phải. Nên không thể nén lòng được. Vậy phương pháp hay nhất là ta nhận thấy lỗi của ta, thì không bao giờ có sự xung đột nhau. Nếu ta không thể nhận lỗi ấy của ta, thì ta hãy nhớ đến những điều phải của người đã làm đối với ta, như câu phương ngôn có dạy rằng: của một đồng công một lượng. Thế thường, người đời hay nhớ cái quấy của người khác ít hơn nhớ cái phải của người. Vậy, vợ chồng phải dùng trí nhớ suy xét cái phải của nhau.
  • Dhiti: cố tinh tấn. Nghĩa là cố gắng làm việc. Vợ chồng cần phải có sự cố gắng làm tròn phận sự, cố gắng đè nén tâm trong khi tâm sân hận. Hãy cố gắng nhường nhịn nhau khuyên bảo nhau trong khi bão lòng nổi lên, hoặc giả trận bão vừa qua làm cho nước tâm đã đục, nên làm cho trong lại. Sự tinh tấn hay là cố gắng đây là một phương pháp làm cho thành tựu được mọi việc mà mình đã nhất định làm.
  • Cāga: dứt bỏ. Nơi đây ngụ ý dứt bỏ tất cả những sự phiền phức đã xảy ra trong gia đình. Vợ chồng mỗi người đều phải có tánh này để hàn lại những điều chẳng lành đã xảy ra. Phần nhiều người vẫn cứ ôm ấp mãi những điều quấy của kẻ khác không thể bỏ được, vì lẽ ấy làm cho tình thân mến lần phai nhạt. Nói tóm lại dứt bỏ là tính khoan dung.

Vậy vợ chồng cần phải có pháp dứt bỏ để dứt bỏ các phiền não đã xảy ra trong gia đình. Đó là phương pháp duy nhất để đem lại sự an vui cho nhau.

Còn những vấn đề rắc rối thường xảy ra đáng tiếc trong gia đình là vấn đề tài chánh. Vì lẽ ấy Đức Thế Tôn dạy, bổn phận làm chủ của gia đình cần phải biết cách chia tiền ra xài theo trường hợp.

4 trường hợp là:

  • Trả nợ cũ. Cha mẹ là đấng hy sinh cả của cải và công lao nuôi dưỡng chúng ta đến lớn khôn lập nên gia đình, ngài là chủ nợ. Ta là người thiếu nợ rất to. Vậy bổn phận làm con phải biết phụng dưỡng mẹ cha để đền đáp công ơn muôn một của hai ngài khi tuổi già. Nên gọi là trả nợ cũ.
  • Cho vay nợ mới. Khi ta có con phải nuôi dưỡng con, cho ăn học dựng vợ gả chồng cho con được an vui. Đây là cho vay nợ mới.
  • Đổ xuống hố sâu. Nghĩa là chi dùng tuỳ theo sức mình không phung phí thái quá mà cũng không keo kiết.
  • Chôn để dành. Khi có tiền phải biết cất để dành, hoặc gởi cha mẹ, hay để vào ngân hàng. Dành để phòng khi có chuyện để xài. Hoặc khi già gặp cảnh đứa con bất hiếu không biết phụng dưỡng cha mẹ, khi ấy ta có tiền xây dựng. Để dành đây ý nói rằng: làm phước thiện để dành về ngày vị lai.

BÀI 9 TOÁT YẾU

Trước khi vào đề thuyết pháp, tôi xin làm lễ Phật, Pháp, Tăng, mong cầu oai lực Tam Bảo hộ trì các vị thính giả được muôn điều hạnh phúc an vui.

Thưa quý ngài,

Nhân dịp các hàng Phật tử thiết đại lễ trồng cây bồ đề từ đất Phật đem về, tôi lấy làm hân hạnh được quan tỉnh trưởng Châu Đốc mời đứng ra giảng một bài pháp về Phật Giáo. Trong khi tôi đương suy nghĩ để chọn lựa một pháp cho phù hợp với cuộc lễ long trọng này, thì có quan tỉnh trưởng đến viếng và yêu cầu tôi đem ra đây giải thích hai vấn đề theo ý muốn của ngài.

* Tại sao phần đông người trong thế gian không đi tu được?

* Đối với những người tại gia cư sĩ, đương bận lo cho gia đình xã hội, Phật Giáo có pháp nào chỉ dạy họ thật hành cho thành công đắc quả như người xuất gia chăng?

1. Về phần thứ nhứt

Chư sơn thiền đức cùng thiện nam tín nữ, ngày nay cùng hội tại đây với cái tâm thành tín về cây bồ đề, vậy tôi xin dựa theo các pháp liên quan mật thiết với cây bồ đề để giải thích câu thứ nhứt. Câu này cũng như câu thứ nhì, thuộc về phạm vi của quý vị tại gia cư sĩ, nên tôi chỉ xin đáp lời cùng hàng tại gia cư sĩ thôi.

Thưa quý ngài,

Cây bồ đề, cũng như các thứ cây khác trên quả địa cầu, thuộc về loại thảo mộc vô tri vô giác, nhưng về cây bồ đề này, nó được đứng trong một trường hợp đặc biệt, là nó ở từ đất Phật đem về đây và nó là một chồi trong muôn ngàn chồi của cây bồ đề mẹ, mà vì một sự tình cờ, được nêu tên trong trang sử vàng của Phật Giáo. Số là trước đây 25 thế kỷ, Bồ-tát Sĩ-đạt-ta, là tiền thân của Phật tổ Gotama, nhờ ngồi tham thiền dưới cội bồ đề ấy mà thành Phật. Nhờ ảnh hưởng của cây Bồ đề mẹ, giá trị của nó chỉ có bấy nhiêu thôi, kỳ dư, nó cũng bị luật vô thường biến đổi chi phối như vạn vật trong vũ trụ, nhưng có lẽ, quý ngài chẳng phải vì riêng cây bồ đề này, mà phải phế bỏ công việc nhà và chịu tốn hao tiền của để đến đây chiêm bái một cái di tích phụ thuộc, các ngài gián tiếp tỏ lòng tôn trọng một đấng Hiền Triết cao siêu đã làm những việc phi thường, mà các ngài và tôi không thể làm được. Hỏi vậy Hiền Triết ấy làm những việc chi mà gọi là phi thường? Ngài không có làm việc chi hơn là “từ bỏ gia đình sự nghiệp để đi tu”. Một vị hoàng tử thanh niên, đang sống một cuộc đời hạnh phúc, mà can đảm lìa bỏ vợ đẹp, hầu xinh, ngôi báu, để tách thân vào non tuyết lãnh, chịu cảnh màn trời chiếu đất, hành khất xin ăn, trọn sáu năm trong non cao rừng thẳm, phải chăng là một việc hy hữu ở thế gian? Bởi là một việc hy hữu nên Bồ-tát Sĩ-đạt-ta mới thành công đắc quả.

Từ 25 thế kỷ trở lại đây, có ai làm được như vậy chưa? Thế gian chỉ có một, tất nhiên khó nỗi cho người đời đi tu được. Đành rằng chúng ta không thể sánh với Phật tổ Như Lai, nhưng nếu tu theo trường hợp của các bậc xuất gia tưởng cũng không khó mà tại sao phần đông người thế gian không đi tu được? Phải chăng tại quý ngài chưa gieo giống bồ đề trong tâm! Chính Bồ đề trong tâm mới có mãnh lực hấp dẫn người đi ngược trào lưu của thế tục. Bồ-tát Sĩ-đạt-ta, nhờ đã gieo mầm Bồ đề trong tâm nhiều kiếp, nên khi dạo chơi ngoài bốn cửa thành vừa gặp một ông già, một người đau, một thây ma và một đạo sĩ. Ngài liền chợt tỉnh, thấy cảnh đau chết sanh lòng chán nản, ghê sợ, bỏ đi tu, để tìm một cái hạnh phúc chơn thật trong chỗ không già, không đau, không chết, chúng ta vì tài sắc lợi danh mà mê sa theo ngũ trần, lục dục, hằng sống trong cảnh già, đau, chết, mà nào biết ghê sợ, lòng chứa đầy những tham lam, sân hận, si mê, cho nên mới sanh ra giặc giã chiến tranh, cướp giựt, thù oán, giết hại lẫn nhau. Thử hỏi trong cảnh tang thương đau khổ, mấy ai lo nghĩ đến tinh thần đạo đức?

Quý ông, quý bà nhờ hấp thụ Phật Giáo, nên có lòng trong sạch với cây bồ đề, tưởng cũng nên nâng cao đạo tâm của chúng ta nên một bực nữa, là lo trồng cây bồ đề trong tâm. Bồ đề là giác ngộ, có giác ngộ mới có đi tu, mới thành chánh quả.

Ngoài cây bồ đề tại Buddha Gaya, còn ba di tích quan trọng nữa: chỗ Phật giáng sanh là rừng Lumbini, chỗ Phật chuyển Pháp Luân là rừng Isipatana, và chỗ Phật Níp-bàn là vườn Kusinārā. Theo cổ truyền, tín đồ nào đi viếng được 4 chỗ nói trên, gọi là 4 chỗ động tâm thì khi chết sẽ được sanh về cõi trời. Đây cũng là một hiểu lầm, có thể gọi là mê tín. Sự thật chẳng phải đến bốn chỗ ấy, mà được sanh làm trời. Động tâm nghĩa là cho tâm cảm xúc, rung động. người trí tuệ đến bốn chỗ động tâm, thấy di tích của Phật, đem lòng suy nghĩ nhớ tưởng đến một bậc siêu nhân, giàu lòng từ bi bác ái, hy sinh trọn đời để tìm sự ích lợi cho chúng sanh. Có suy nghĩ, có cảm mộ, mới có tâm tu hành, mới có thành đạo chánh quả. Những người Ấn Độ sanh nơi bốn chỗ động tâm ấy, nếu họ không biết tu hành cũng không thể về được cõi trời. Lý sự khác nhau là vậy. Cho nên cần phải có trí tuệ, là bồ đề tâm, là huệ nhãn, như Bồ-tát Sĩ-đạt-ta, mới can đảm bỏ nhà cửa, vợ con mà đi tu được. Phần đông chúng ta không thể đi tu được, vì thiếu bồ đề tâm. Vậy từ nay chúng ta nên phát bồ đề tâm, cùng nhau thề nguyện thật hành tôn chỉ từ bi bác ái của Phật tổ Như Lai, hầu ngày kia xuất gia tu hành cho mau thành đạo chánh quả.

2. Về vấn đề thứ nhì

Đây tôi xin tiếp giải câu thứ nhì. Người tại gia cư sĩ là người tập sự trong sự gieo trồng bồ đề tâm. Lẽ tất nhiên Phật Giáo có chỉ dạy nhiều phương pháp thiết thực, để trước nhứt làm cho mình trở nên một phần tử tốt đẹp trong gia đình xã hội, hầu cùng nhau tạo lập một cuộc đời vui tươi tốt đẹp, sau nữa nung đúc một tinh thần đạo đức, hầu lần lần tiến hoá đến trình độ cao cả của các bậc thánh nhân.

Vì thời giờ eo hẹp, tôi chỉ giải thích một phương pháp thôi. Trong gia đình và ngoài xã hội, Phật dạy tín đồ phải áp dụng bốn pháp: chơn thật, dạy tâm, nhẫn nại và dứt bỏ.

a) Chơn thật

Người đời hay lấy giả làm thiệt. Già, đau, chết là sự thật, mà có người cũng già không biết rằng mình già, đau gần hấp hối, vẫn tin tưởng sẽ mạnh, thấy người ta chết, thản nhiên không dè rằng mình cũng chết. Cho nên Đức Phật dạy tín đồ phải hành pháp chơn thật, là:

* Nói lời chơn thật, dầu cho lời chơn thật ấy có hại cho mình cũng phải can đảm nhìn nhận

* Thấy chơn thật là thấy khổ nhiều vui ít, thấy danh lợi như sương trên đầu cỏ, có đó mất đó, thấy nhân nghĩa như của báu. Vì tranh danh đoạt lợi mà con người phải gây ra thù oán, giết hại lẫn nhau. Nhân nào quả nấy kết cuộc phải bị lôi cuốn trong vòng sanh từ luân hồi, để đền bồi tội lỗi.

Hàng Phật tử phải khép thân, khẩu, ý trong chỗ chơn thật, dầu ơi khuất lấp cũng chẳng nên giả dối. Đừng cho rằng trong chỗ mờ tối, mình làm tội mà không ai biết. nếu không ai biết, thì có mình biết lấy mình. Khi mình biết lấy mình, tất là mình bị khép vào luật công bình thiên nhiên của vũ trụ, là luật nhân quả báo ứng. Vì lẽ ấy mà Đức Phật dạy rằng chẳng nên sợ kẻ khác giết hại mình, mà nên sợ mình làm hại cho mình vì thân khẩu ý không chơn thật. Nếu mình chơn thật từ trong ra ngoài, thì đi đến đâu cũng được mọi người kính mến cảm phục.

b) Dạy tâm

Tâm con người thật là khó trị, nếu không kềm thúc nó còn dữ hơn cọp và sư tử. Vì tham lam, kẻ mạnh tàn sát kẻ yếu không gớm tay. Loài thú dữ có giết người, chỉ giết vừa đủ ăn, còn người giết người, thây nằm chật đất cũng chưa vừa lòng. Những tướng sĩ ra trận thắng quân thù, mà còn làm nô lệ cho lòng tham muốn, cũng chưa gọi là toàn thắng, người thắng được trận giặc lòng mới gọi là thắng cao quý. Thắng lòng và thắng nhơn tâm, dầu có chết giữa trận mạc, bậc trượng phu vẫn vui lòng hy sinh trọn kiếp.

Muốn sửa trị cái tâm, cần phải có trí nhớ. Mỗi khi tâm vừa nóng làm việc ác, thì phải nhớ liền để kềm thúc đừng cho tâm duyên theo ác; nếu tâm tính làm việc lành, điều phải, thì trí phải dục thức cho tâm dõng mãnh làm lành.

c) Nhẫn nại

Nhẫn nại là nhẫn nhịn và chịu đựng, mà không sân hận, không uất ức, trong mọi trường hợp. Khi người bề trên la rầy đàn áp, kẻ dưới thì sợ thế lực, vì kỷ luật hoặc vì quyền lợi mà nhẫn nhịn chịu đựng, chưa phải là nhẫn nại. Trái lại, người bề trên bị kẻ dưới tay nhục mạ, gây hấn, mà không bực tức, không sân hận, ấy mới gọi là nhẫn nại, không tham muốn, không giận hờn, trong khi ta được trọn quyền ham muốn, giận hờn, gọi là nhẫn nại.

Phật dạy tín đồ phải nhẫn nại trong sự tham lam, sân hận, si mê, con người vì lòng tham không đáy, nên có một muốn mười, có mười muốn trăm, muốn hoài mà không thoả lòng, nên sanh ra trộm cướp, lường gạt, mưu sâu kế độc, phải khổ thân khổ trí. Nếu diệt được lòng ham muốn, biết tri túc, an phận thủ thường, thì mới được yên vui, tự tại.

Nhẫn nại trong sự sân hận là gìn lòng cho mát mẻ, không chấp nhất những lời nói thô lỗ, những cử chỉ cộc cằn, những điều nghịch lòng trái ý. Người có tánh nóng giận là người tự thiêu đốt lấy mình. Khi bị xúc tâm thì đỏ mặt tía tai, hết biết suy xét phải quấy, phát lời chửi rủa, mắng nhiếc, đánh đập lung tung, có khi lỡ tay giết người. hết cơn lửa đốt, ăn năn đã muộn, phải bị tù đay khổ sở. Nên Phật dạy phải nhẫn nại trong sự sân hận, để ngăn ngừa tai hại.

Nhẫn nại trong sự si mê có nghĩa là chúng sanh vì mê muội không thấu rõ sự vật trên đời là vô thường giả tạm, nên khi lâm bịnh thì than van đau khổ, khi hấp hối thì mến tiếc sự nghiệp, gia đình và xác thân. Phật dạy: khi con người sanh ra thì phải chịu lấy cái già, cái đau cái chết và khi chết không thể đem theo bên kia nấm mồ những nhân vật yêu thương trìu mến được, mà chỉ mang theo cái nghiệp lành và nghiệp dữ, tất cả những cái kết quả của sự hành vi thiện ác của mình. Bởi thế nhẫn nại trong sự si mê, là an lòng trước cái đau, cái già, cái chết, để khỏi phải khổ tâm trong cảnh vô thường biến đổi thiên nhiên trong đời, nhất là trong khi gặp rủi ro tai hại, chớ nên than van uất ức, cũng như gặp tài lợi hạnh phúc, chớ nên khinh thường hưởng tận, và phải biết rằng đây là cái nghiệp ác, kia là cái nghiệp thiện. Nếu thấy ác báo, mau mau tỉnh thức hồi đầu hướng thiện, bằng gặp duyên may, rán sức làm lành, đặng bồi bổ ngày vị lai cho thêm phần tráng lệ.

d) Dứt bỏ

Đem tài sản ra làm việc lợi ích cho gia đình xã hội, như cung phụng mẹ cha, nuôi dưỡng vợ con, giúp đỡ cho kẻ tật nguyền, đói khó, với một tấm lòng trong sạch và không hối tiếc, gọi là dứt bỏ. chẳng những không ăn năn tiếc của, mà không cần ai biết, không muốn ai khen cũng không mong người trả ơn. Đây là bố thí cách cao thượng, khác hơn sự bố thí của những người mong cầu phước, cầu lợi, cầu danh, khác hơn sự bố thí với tâm bỏn sẻn.

Thực hành theo bốn pháp nói trên, chính là gieo giống bồ đề trong tâm, là tiến hoá trên con đường hành trình của các bậc thánh nhơn. Tôi mong các vị cư sĩ tinh tấn thật hành theo, ngày kia các ngài cũng sẽ thành công đắc quả chẳng sai.

Tới đây tôi xin tạm dứt thời pháp, để quý Ngài tiếp tục hành sự theo chương trình cho kịp thì giờ. Sau khi dứt tôi cầu xin cho toàn thể Phật tử đem cả tâm tín thành, vun bồi đạo đức theo Giáo Pháp của Phật tổ Như Lai, lấy tấm lòng từ bi bác ái, thương yêu nhau, trợ giúp nhau, để mưu cầu hạnh phúc hoà bình cho xứ sở quê hương.

BÀI 10 BỒ ĐỀ ĐẠO TRÀNG

Bài pháp này tôi thuyết là bài trả lời hai câu hòi của ngài tỉnh trưởng.

* Tại sao chúng sanh luôn luôn khổ mà không tu?

* Người cư sĩ tu thế nào để giải thoát?

1. Tại sao chúng sanh luôn luôn khổ mà không tu?

Nhân dịp lễ trồng cây bồ đề, tôi xin dựa theo ý nghĩa cuộc lễ ấy mà trả lời câu hỏi thứ nhất của ngài Tỉnh Trưởng.

Cây bồ đề là một loại thảo mộc, cũng như muôn ngàn loại thảo mộc khác, cũng chịu cái định luật vô thường của vạn vật. Tại sao ta quí cây bồ đề? tại ta nhớ lại, khi xưa đức Giác Ngộ ở dưới cây bồ đề mà đắc quả.

Nhắc lại khi thái tử Sĩ-đạt-ta được 16 tuổi, vua Tịnh Phạn cưới vợ cho ngài và từ đó cho đến 29 tuổi, nghĩa là ròng rã 14 năm, Ngài say mê theo cái ái tình, dục lạc. Chúng sanh cũng đồng một căn bệnh như Thái Tử lúc ấy, nên chẳng ai để ý tới sự tu tập. Bởi nghiệp dày duyên mỏng nên chúng ta vẫn miệt mài trong tài sắc lợi danh, bao giờ được tỉnh thức mà lo nghĩ đến con được giác ngộ. Trái lại, thái tử Sĩ-đạt-ta, lúc vừa được 29 tuổi thì duyên lành bộc phát; nên khiến cho tiếng đàn giọng hát của các phi tần, hết còn năng lực cám dỗ ngài trong vòng trụy lạc mà lại thúc giục ngài mau tìm sự giải thoát. Buồn, Ngài đi dạo ngoại thành, gặp một ông già còm lưng sụm gối, chống gậy từ từ bước tới rất khó khăn. Lấy làm lạ Ngài hỏi Sa-nặc. Sa-nặc tâu:

- Đó là người già, mà tất cả nhân loại ai cũng bị già như thế ấy!

Đi du ngoạn lần thứ hai. Thái Tử gặp người bệnh đang nằm rên siết bên lề đường. Sa-nặc cũng tâu:

- Đó là người bệnh mà tất cả nhân loại ai cũng phải mang lấy những cơn khổ đau như thế ấy!

Lần thứ ba, khi ra khỏi thành, Ngài lại gặp một người bịnh đang nằm rên siết bên lề đường. Sa-nặc cũng tâu:

- Đó là người chết, mà tất cả nhân loại ai cũng phải đi đến kết cuộc như thế ấy!

Đến lúc đi dạo lần thứ tư, nhằm ngày 14 tháng 6 âm lịch, năm Mẹo, thái tử trông thấy một vị Sa-môn, tinh thần xem ra khoan khoái, vô tư lự, lạ hơn thường nhơn, cử chỉ đi đứng cho đến xiêm áo trang phục. Thái tử truyền ngừng xa giá đến hỏi vị Sa-môn ấy rằng:

- Ngài là ai?

- Tôi là người xuất gia.

- Người xuất gia là người thế nào?

- Người xuất gia là người tìm đường giải thoát khỏi cái già, cái đau, cái chết.

Thái tử nghe qua dường như cởi được mối thắc mắc cõi lòng. Ngài tự thấy: chỉ có xuất gia, xa lìa thế tục như vị Sa-môn này, mới có thể tìm được sự giải thoát. Giải thoát được bầu tâm sự, thái tử hết sức vui mừng. Ngài liền truyền xa giá trở về vườn thượng uyển. Trưa lại, có quan hầu đưa tin đến cho Ngài rằng: bà Gia-du-đà-la (Yasodharā-vợ Ngài) đã hạ sanh được một vị hoàng nam. Thái tử nghe tin không vui mừng, trái lại than rằng: "Rāhulo jāto bandhanaṃ jātaṃ". Ý nghĩa: lại một sợi dây ràng buộc sanh ra nữa. Rāhula (Ra-hầu-la) nghĩa là trói buộc, Tàu dịch là Phú Chương. Vì tiếng ấy nên con Ngài được đặt tên là Ra-hầu-la.

Chiều về, thái tử Sĩ-đạt-ta đi ngang qua cung điện của bà Gotamī, bà trông thấy Ngài rất đẹp và oai nghiêm, bà nói ngâm câu kệ ca tụng thái tử rằng:

“Nibbutā nūna sā mātā
Nibbuti nūna so pitā
Nibbutā nūna sā nārī
Yassāyaṃ īdiso pati[25]

Ý nghĩa: thái tử là người diệt trừ khổ cho mẹ, ngài là người diệt trừ khổ cho cha, ngài là người diệt trừ khổ cho người phụ nữ nào được ngài làm chồng.

Ý của bà Gotamī muốn tỏ rằng: thái tử là người con được vẹn toàn xinh đẹp, hiếu thuận, làm cho cha mẹ vui lòng, khỏi khổ, còn người phụ nữ nào rất hữu phước nên mới được một người chồng vừa đẹp trai vừa đức hạnh như ngài.

Nhưng trái lại, thái tử Sĩ-đạt-ta hiểu câu kệ ấy một cách khác như vầy: mẫu hậu Gotamī biểu ta hãy tìm đường giải thoát để cứu độ cha mẹ vợ con. Ngài liền cởi vàng ngọc quý báu dâng lên cho bà.

Bao nhiêu sự gặp gỡ khiến tâm Thái tử sáng suốt, Ngài nhứt định xuất gia, lìa bỏ ngai vàng, vợ đẹp con thơ.

Chúng ta hãy tự hỏi: bao nhiêu người được như Thái tử Sĩ-đạt-ta? Lúc Ngài sắp xuất gia, Ngài còn đang nếm các mùi cao sang quyền quý, Ngài chưa từng biết khổ, xuất gia rồi, trọn sáu năm trường, Ngài phải trải qua biết bao nhiêu cơn hành thân hoại xác trong rừng Tuyết Lãnh. Sự khổ hạnh không đem lại kết quả tốt đẹp, Ngài trở lại đi hành khất xin ăn và sau rốt, ngồi dưới cây bồ đề, Ngài tham thiền và đắc quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nói tới cây Bồ đề, ta nhớ ơn đức Giác Ngộ khi tìm được con đường giải thoát,  đi giáo hoá nhân loại trọn 45 năm. Pháp của Ngài còn duy trì cho đến ngày nay, để chúng sanh noi theo mà tu hành. Nhơn loại ngày nay, lắm người đã khổ mà vẫn còn lặn hụp trong biển trầm luân, chưa chịu tỉnh ngộ để tìm con đường hạnh phúc thanh cao. Tại sao? Tại chúng sanh còn mang nặng cái duyên nghiệp đoạ đày.

Khi xưa Đức Phật có dạy: đời sau chúng sanh nào đến bốn chỗ “động tâm” gieo duyên lành, sẽ được sanh về cõi thiên đàng. Bốn chỗ “động tâm” ấy là:

* Vườn Lumbini là nơi Đức Phật giáng sanh

* Bodhigaya là nơi Đức Phật thành đạo

* Isipatana (Rừng Lộc Giả) là nơi Đức Phật chuyển Pháp luân lần đầu tiên

* Vườn Thượng Uyển của vua Malla ở kinh đô Kusinārā, nơi Đức Phật nhập diệt.

Tại sao gọi là chỗ động tâm. "Động tâm" nghĩa là làm cho tâm mình kính sợ. Kinh sợ ở đây không phải là kinh sợ thú dữ, mà chính là kinh sợ cái già, cái đau, cái chết, cái tội, kinh sợ định luật vô thường, khổ não,vô ngã của vạn vật trong vũ trụ này.

Khi đến một trong bốn chỗ nói trên, ví dụ như Bodhigaya dưới cội cây bồ đề mục kích kỷ niệm sự thành đạo của Đức Phật Thích-ca, ta hãy tự dạy tâm ta như thế này: nơi đây, 2500 năm về trước, dưới cội cây bồ đề này, một đấng siêu phàm đã được thành đạo, sau bao nhiêu kiếp hy sinh để tìm chân lý hầu tự giải thoát cho mình và giải thoát cho chúng sanh. Nơi đây, sau khi tham thiền đúng theo Chánh Pháp, Ngài đã tìm ra được con đường sáng lạng có thể đưa chúng sanh về nơi giải thoát, con đường ấy, Ngài chỉ dẫn cho chúng ta trong Giáo Pháp mà Ngài để lại cho chúng ta noi theo đến ngày nay. Đấng Cứu Thế đầy cao cả đến bực ấy, cũng không thoát khỏi định luật vô thường thiên nhiên, Ngài đã nhập diệt. Khi còn tại gia, Ngài hơn chúng ta về dòng giống và địa vị sang cả, khi thành đạo, Ngài hơn cả chư Thiên, Phạm thiên, nhơn loại, thế mà cũng phải chết. Phương chi, chúng ta là chúng sanh còn thấp kém hơn Ngài rất xa về mọi phương diện, chúng ta làm sao thoát khỏi được tay tử thần? Nghĩ như thế, tâm chúng ta sẽ kinh sợ trong sự sanh tử luân hồi, tâm ta sẽ không còn dám dể duôi trong sự tu tập. Quả lành của sự tinh tấn sẽ đưa ta được sanh về cõi thiên đàng.

Chúng ta chớ lầm tưởng như thói quen thường tình rằng: miễn có đến viếng một trong bốn chỗ “động tâm” kể trên, với tư cách của người đi du lịch, không biết quán tưởng, không biết để tâm suy xét như đã nói trên, mà có thể sanh về cõi an vui. Sự thật không phải vậy! Nếu sự thật mà được như thế, thì rằng hoá ra: những con vật ở bốn nơi ấy, cùng những người dân Ấn Độ cư ngụ bốn nơi ấy, khi chết sẽ thành thánh, thành chư Thiên hết ư? Vậy ta nên biết rằng: "động tâm" là làm cho tâm chán nản trong sanh tử luân hồi. Và phải rán tu tập và sửa trị cái tâm đừng cho mê sa theo trần cảnh thì mới được kết quả tốt đẹp.

Chúng ta chớ nên chấp lấy cái “sự” mà bỏ cái “lý”. Cũng như chúng ta chấp rằng: trồng cây bồ đề, thì sẽ được nhiều phước báu, trồng cây Bồ đề như cuộc lễ khởi hành tại đây, đó là “sự”. Còn “lý” là cần phải gieo trồng tâm của mỗi người chúng ta hột giống bồ đề: ấy là bồ đề tâm vậy.

Cây bồ đề ở ngoài, có thể tiêu hoại vì định luật vô thường, duy có “bồ đề tâm” mới có thể tồn tại mãi, nếu chúng ta cố công chăm sóc, vun phân tưới nước cho nó, nó sẽ đơm bông trổ trái, kết quả của nó sẽ đem lại sự an vui đến cho chúng ta, chẳng những trong kiếp hiện tại này, mà chắc chắn nó sẽ đem lại sự giải thoát hoàn toàn đến cho chúng ta trong ngày vị lai.

Vậy xin quý ngài, cùng tôi, tự gieo lấy trong tâm mỗi một vị một hột giống bồ đề. Và từ nay, chúng ta hãy ráng lo săn sóc cây “bồ đề tâm”, cũng như cây bồ đề mà chúng ta vừa hạ thổ đây, cho đạo quả Níp-bàn được thành tựu mau chóng.

2.  Người cư sĩ tu thế nào cho được giải thoát?

Đức Phật dạy ngườicư sĩ muốn được giải thoát , cần phải hành theo bốn pháp sau đây:

* Sacca: chơn thật

* Dama: dạy tâm

* Khantī: nhẫn nại

* Cāga: dứt bỏ

  • Chơn thật  (Phạn ngữ: Satya hay là sacca)

Chơn thật nghĩ là sự không dối người và dối mình. Chơn thật đây thuộc về pháp ba-la-mật của các đấng Giác Ngộ, Chánh Đẳng Chánh Giác, Độc Giác, Thinh Văn và Duyên Giác, gọi là Saccapāramī (Chơn thật ba-la-mật). Một khi người có lỗi mà kẻ khác hỏi, không nhận chịu, chỉ chịu đựng cũng gọi là dối người và dối mình. Chơn thật có 4 điều:

* Sự làm chơn thật

* Sự nói chơn thật

* Sự suy nghĩ chơn thật

* Sự thấy chơn thật

a. Sự làm chơn thật

Chúng ta chớ nên tưởng rằng: khi chúng ta làm tội chỉ nơi khuất mắt người, vì lẽ không ai thấy mà chúng ta là người vô tội. Đức Phật có dạy: “Natthi loke raho nāma[26] (Trong thế gian này không có chỗ nào kín)”. Ý nói ta đừng tưởng rằng làm tội nơi kín đáo mà không ai biết. Thật ra khi chúng ta đã làm tội rồi thì sự làm ấy là của ta, là nghiệp của ta, nó sẽ theo ta mãi mãi. Sự ta đã làm rồi, thật là ta đã làm, nó thật là của ta.

b. Sự nói chơn thật

Lời nói đã thốt ra, chúng ta không chối, chúng ta không nên dối ta, vì dối mình là tự giết mình. Người tín đồ khi hiểu Phật pháp, thì không nói dối, chỉ nói lời chân thật.

Tích xưa, tiền thân của Đức Phật là một bậc Bồ-tát xuất gia tu hành, đắc được tứ thiền, có thần thông bay được. Ngài thường bay về kinh đô Bārānasī. Nơi ấy, Ngài được đức vua có tâm thành kính cúng dường trọng thể. Thình lình trong nước có giặc, đức vua ngự giá thân chinh, vua truyền cho hoàng hậu ở nhà phải lo cúng dường đến vị Đại Đức ấy. Thường ngày, vị đạo sĩ bay đến thọ thực tại hoàng cung. Vì sự thân cận và vì nhan sắc của hoàng hậu, mà vị đạo sĩ phạm giới tà dâm cùng hoàng hậu. Khi dẹp giặc xong, đức vua trở về kinh đô Bārānasī, hay biết tự sự, mời đạo sĩ đến hỏi, vị ấy nhận tội không chối cãi, khi vị ấy bị đưa ra pháp trường đền tội, trước giờ phút bị hành hình, Ngài ngồi trong Sālā niệm tưởng đến thiền định của mình trước khi phạm giới tà dâm, đắc thiền trở lại bay lên hư không, thuyết Pháp dạy chúng sanh nên thu thúc lục căn và đem việc tội lỗi của Ngài ra làm gương, thuyết xong, vị đạo sĩ bay về rừng Tuyết lãnh.

Nhắc tích này để chư thiện tín nhận thấy rằng: đức Bồ-tát phạm lỗi rồi, tự thú nhận không hề nói dối, mặc dầu biết rằng khi thú nhận sẽ bị tội. Đây là: chân thật ba-la-mật của Ngài, vô cùng cao quý vậy.

Nói đến đây, tôi biết rằng thật lòng các vị thường tưởng rằng: Bồ-tát là đấng hoàn toàn trong sạch, không làm tội lỗi, có đủ thần thông, thiên biến vạn hoá. Mà sự thật có phải như vậy đâu! Bồ-tát, nguyên chữ Phạn là: Bodhisatta, người Tàu âm là Bồ-đề-tát-đoả, dịch là Giác Hữu Tình, nghĩa là một loại hữu tình, có trí hơn đồng loại, chúng ta thấy đức Bồ-tát có nhiều trí hơn chúng ta: khi làm vua, Ngài có thể dùng trí tuệ thấy vô thường, khổ não, vô ngã, bỏ đi xuất gia được, hoặc bố thí vợ con được. Còn như trong tích trên Ngài có trí tự nhận chịu lỗi của mình. Các ngài nên biết rằng: Bồ-tát là người còn tu theo 30 pháp ba-la-mật. Và người còn dùng phương pháp (là 30 phép ba-la-mật) để sửa mình (tu là sửa) như thế, thì đâu phải là một người đã hoàn toàn rồi! Người còn lo bồi đắp các đức tính của mình, chưa phải là người được giải thoát. Cũng ví như một sinh viên, Bồ-tát dù là người hành 30 phép ba-la-mật vô cùng cao thượng, cũng vẫn là một chúng sanh.

c. Sự suy nghĩ chơn thật

Là suy nghĩ về sự không oán thù, không cột oan trái, suy nghĩ về sự giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi.

d. Sự thấy chơn thật

Là thấy pháp tứ diệu đế. Khổ đế: khổ sanh, khổ già, khổ đau, khổ chết. Tập đế: là nguyên nhân sanh ra khổ, tức là lòng tham ái làm cho ta phải còn sanh mãi mãi. Diệt đế: là dục tắt tất cả lòng tham ái, ấy là Níp-bàn. Đạo đế: là phương pháp hành để dục tắt lòng tham ái và tất cả sự khổ não, ấy là con đường đi từ khổ đến chỗ an vui tức là bát chánh đạo.

  • Dạy tâm

Dạy tâm là ngăn ngừa tâm, không cho phạm các điều tội lỗi. Đức Phật có dạy rằng: tâm khó trị hơn hết. Các đệ tử hãy tinh tấn dạy tâm.

Thật vậy, thú dữ như cọp, beo rất khó dạy mà người ta còn dạy được, tâm con người còn khó dạy hơn cọp và beo. Các bậc vua chúa, anh hùng hào kiệt, tự cổ chí kim, có thể thắng nhiều trận giặc, song tự thắng cái tâm, không thắng nổi.

Chúng ta hằng ngày cũng đánh trận giặc lòng, là chiến đấu với tâm tham lam, sân hận, si mê. Thắng được trận giặc ấy là điều quý báu hơn hết. Đức Phật dạy ta phải dùng khí giới để thắng giặc lòng ấy là “trí nhớ” quan sát, cái tâm của mình và nhìn nhận lỗi mình.

Đây tôi xin nhắc lại tích ông Naṅgalakulatthera[27]. Khi Đức Thế Tôn ngự tại Kỳ Viên tịnh xá, có một người kia nghèo khổ, ăn mặc rách rưới và làm nghề cày mướn. Ngày nọ có một vị Tỳ-khưu nói với người ấy:

- Người nghèo như thế, xuất gia không quý hơn sao?.

- Tôi là kẻ nghèo khó như thế này, có ai chịu cho xuất gia.

- Nếu người muốn tu ta cho tu.

- Bạch ngài! Nếu vậy hạnh phúc cho tôi lắm!.

Vị Tỳ-khưu dẫn người ấy về chùa cho tắm rửa sạch sẽ rồi cho xuất gia. Vị Đại Đức dạy đem cày và miếng vải rách che thân người ấy để nơi một bọng cây. Từ đó trở đi, vị Tỳ-khưu mới xuất gia ấy có tên là Naṅgalakulatthera. Naṅgalakulatthera được cúng dường đầy đủ, ăn mặc ấm thân. Lắm lúc tâm vọng động, mến tiếc hồng trần, phát sanh không thể đè nén được. Ngài quyết định: ta sẽ không mặc cà-sa của người cúng dường bằng đức tin nữa. Rồi ngài đi đến bọng cây nơi để cái cày và miếng vải rách, tự dạy tâm rằng: này kẻ không hổ thẹn tội lỗi kia ơi! Mi muốn mặc miếng vải cũ này, trở về thế tục làm mướn nuôi thân!. Khi dạy tâm như thế thì ý muốn hoàn tục tiêu tan đi, đôi ba ngày sau lại muốn hoàn tục nữa, ngài cũng đến bọng cây, cũng tự dạy tâm như trước, và như thế không biết mấy lần, đến đổi các thầy Tỳ-khưu thấy vậy mới hỏi ngài:

- Thầy Naṅgalakulatthera, tại sao thầy đến chỗ đó?.

- Thưa các ngài, tôi đi đến chỗ ông giáo sư của tôi!.

Cách đó hai ba hôm, ngài Naṅgalakulatthera đắc quả A-la-hán, nhờ sự dạy tâm ấy. Các thầy Tỳ-khưu kia, thấy lâu quá ngài không đến chỗ bọng cây nữa mới hỏi trêu Ngài: "

- Này ngài Đại Đức! Con đường đi của ngài, hình như không bao giờ cỏ mọc được nổi. Tại sao bây giờ ngài không đi đến ông giáo sư của ngài nữa?.

- Khi phiền não là vật trói buộc còn, tôi còn đi. Nay phiền não ấy, tôi đã diệt được rồi, tôi không đi nữa.

 Các thầy Tỳ-khưu nghĩ thầy Naṅgalakulatthera này nói không thật mới đem việc ấy bạch lại với đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn nghe xong mới dạy rằng:

- Này các thầy Tỳ-khưu, phải! Naṅgalakulatthera con của Như Lai đã tự nhắc nhở mình và đã đến nơi mục đích cuối cùng của người xuất gia vậy! (Mục đích cuối cùng ấy là A-la-hán quả).

Rồi Đức Thế Tôn thuyết câu kệ rằng:

“Attanā codayattānaṃ,
Paṭimaṃsetha attanā;
So attagutto satimā,
Sukhaṃ bhikkhu vihāhisi”[28]

Nghĩa là: các thầy Tỳ-khưu này! Các người nên tự nhắc nhở mình, nên tự quan sát mình. Người có trí nhớ tự kiểm soát mình, được an vui.

“Attā hi attano nātho,
Ko hi nātho paro siyā;
Attā hi attano gati;
Tasmā saṃyamamattānaṃ,
Assaṃ bhadraṃva vāṇijo”[29]

Nghĩa: ta nương nhờ nơi ta, ta là đường đi của ta. Vì vậy ta nên chăm nom ta, như người lái buôn ngựa trông nom ngựa đã dạy thuần rồi.

Ý nghĩa câu kệ này dạy ta rằng: ta hãy có trí nhớ để tâm quan sát tâm ta. Thầy Tỳ-khưu khi được nhắc nhở tâm, quan sát tâm, gọi là thống trị được tâm. Người thống trị được tâm gọi là người có trí nhớ, có trí nhớ thì hằng được hạnh phúc trong mọi nơi, người buôn ngựa, nhờ ngựa mà được tài lợi, nên hết sức chăm nom ngựa. Người hãy cố gắng chăm nom tâm, đừng cho có bịnh là vương điều tội lỗi thì sẽ được lợi ích. Chúng sanh chỉ nương nhờ nơi mình mà thôi, nương nhờ nơi sự tự mình dạy tâm mình, chớ không phải nhờ kẻ khác, họ tự dạy tâm họ, mà mình được hưởng nhiều điều lợi ích cho mình được.

Đức Phật có dạy rằng: sự dạy tâm là khó nhứt và Ngài có chỉ bảo cho người cố dạy tâm mình như vầy: “Saṅgāme me mataṃ seyyo[30]”. Có nghĩa là: chết giữa trận giặc “lòng” còn hơn. Ý nói rằng: thà là mình chết trong khi mình chiến đấu với dục vọng của mình còn hơn là sống mà chịu thua phiền não của mình. Những kẻ thù oán lẫn nhau, giết hại lẫn nhau, thây nằm chật đất, máu chảy thành sông, kẻ thắng chỉ chìu theo lòng tham, tâm sân hận, si mê của mình mà thắng giặc bề ngoài, kỳ thật kẻ ấy đã thua trận giặc bề trong, là trận giặc lòng, giặc phiền não. Trong vũ trụ này, không có gì dữ bằng tâm người. Loài thú giết hại nhau cốt để ăn no một bụng thôi, còn loài người giết chóc nhau, không có ý ăn thịt nhau, mà lại giết đến nỗi thây nằm chật đất. Tâm loài người hung dữ đến bực nào! Như vậy, chúng ta phải cố dạy tâm chúng ta, đừng để cho nó dữ hơn tâm của loài thú. Tại gia cư sĩ cũng như xuất gia, ta nên có trí nhớ để chế ngự lòng tham, sân, si, nên noi gương Đại Đức Naṅgalakulatthera mà sửa mình; cho đáng là người tín đồ Phật Giáo.

  • Nhẫn nại

Nhẫn nại là nhẫn nhịn, là pháp không cho phát sanh các điều tham lam, sân hận, si mê, tà kiến. Tôi đã thuyết nhiều ở bài pháp đêm 14 tháng 2 Nhâm Thìn (09/03/1952) rồi, vậy xin nói tóm tắt.

Nhẫn nại là một trong 10 phép ba-la-mật của Đức Thế Tôn đã thật hành, người nếu muốn biết tâm mình tu được đến bực nào thì đợi gặp dịp kinh nghiệm sẽ thấy, chẳng hạnh như bị kẻ khác mắng nhiếc chửi rủa,... mà ta có thể nhịn chịu được, chừng ấy ta mới biết lòng nhẫn nại của ta đến bực nào.

Tôi xin nhắc lại tích trong bộ Pháp Cú cuốn thứ tám trong đoạn Nāgavagga.

Khi Đức Thế Tôn và đức Ānanda vào khất thực ở thành Kosambi bị bà hoàng hậu Māgandiyā xúi dân trong thành gặp Đức Thế Tôn nơi nào đều chửi nơi ấy, chửi bằng những tiếng thô lỗ. Đức Ānanda thấy vậy mới bạch với Đức Thế Tôn rằng:

- Bạch Đức Thế Tôn người trong xứ này chửi rủa chúng ta. Vậy chúng ta nên đi xứ khác.

- Đi đâu Ānanda?.

- Đi xứ khác, bạch đức Thế Tôn.

- Nếu người ở xứ ấy cũng chửi rủa chúng ta nữa, chúng ta sẽ đi đâu nữa Ānanda?.

- Bạch đức Thế Tôn, chúng ta sẽ đi xứ khác nữa.

- Ānanda này! Làm như vậy không phải việc phát sanh ở nơi nào, sẽ diệt ở chỗ đó. Chúng ta phải ở đây chịu, đến chừng nào người ta hết chửi rủa chúng ta rồi sẽ đi, như vậy mới phải. Vậy ai là người chửi rủa chúng ta?.

- Bạch đức Thế Tôn, bọn ấy toàn là tôi tớ và làm công.

- Này Ānanda, chúng ta ví như tướng giặc vào trận, phải bị tên từ bốn phía bắn tới. Nhẫn nại với sự chửi mắng của những kẻ không tu hành, không giới đức là phận sự của chúng ta.

Ý Đức Thế Tôn muốn dạy tín đồ rằng: điều nào phát sanh nơi nào, kết cuộc sẽ yên lặng nơi ấy. Cũng như khi ta đau nơi nào trong thân ta, khi mạnh cũng mạnh nơi đó. Tướng trận không sợ tên bắn giáo đâm, càng bị tên giáo càng hăng tiết, xông vào trận diệt quân thù, hành giả cũng thế, càng gặp trường hợp khó khăn khổ lòng, càng phải tinh tấn nhịn chịu và cố gắng diệt trừ sự lười biếng, sự dể duôi, sự hèn nhát, bồi bổ sự nhẫn nại, hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi.

Nhẫn nại là phương pháp cao quý. Vật chi vừa lòng, rủi mất không nên mến tiếc. Vật chi không vừa lòng, dẫu đến cho ta, không nên bất bình. Trong hai trường hợp ấy, người nhịn chịu được mới gọi là người trí.

Người nhẫn nại được an vui, có nhiều bạn tốt và được các bậc trí thức yêu mến.

  • Dứt bỏ

Dứt bỏ đây, ý không nói rằng: ta dứt bỏ một món gì của ta đã có, ý nói là dứt bỏ sự tham lam, sân hận, oán thù, si mê, ngã mạn... trong tâm ta. Dứt được của cải ta đem bố thí cho kẻ khác, ấy là dứt lòng bỏn xẻn. Khi bố thí xong, không mong ước phước báo nào trong tam giới, chỉ nguyện đắc quả Níp-bàn, gọi là bỏ phiền não một cách tuyệt đối. Lòng dứt bỏ là lòng mong đoạn tuyệt với ngũ trần lục dục. Đành rằng chúng ta không thể dứt bỏ hoàn toàn trong kiếp này, nhưng đó sẽ là cái nhân để mở đầu, nó sẽ trợ lực cho ta dứt bỏ lần lần trong những kiếp vị lai, cho đến dứt bỏ hoàn toàn.

Kết luận:

Bốn pháp tôi vừa giảng, cần phải có luôn luôn trong tâm của người tại gia cư sĩ. Với bốn pháp ấy, thi hành tinh tấn, chư thiện tín có thể lần lần đi đến nơi giải thoát.

Cư sĩ như người đi bộ, tuy chậm hơn người đi xe, nhưng kết cuộc cũng sẽ đến sở nguyện.

BÀI 11 LỊCH SỬ THÁI TỬ SĨ-ĐẠT-TA

Hôm nay là ngày rằm tháng Tư, ngày kỷ niệm Đức Phật nhập Níp-bàn. Tôi xin giảng giải về lịch sử của đức thái tử Sĩ-đạt-ta.

Phàm muốn thành một bậc Chánh Đẳng Chánh Giác không phải là một chuyện dễ. Theo trong bộ kinh Jinamāhānidāna có dạy rằng: Đức Phật Tổ Gotama trước khi đắc quả Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, phải hành 30 phép ba-la-mật trong 20 a-tăng-kỳ và 100 ngàn kiếp, chia ra làm ba thời kỳ:

  • Thời kỳ thứ nhứt: Đức Bồ-tát, bất cứ làm một điều lành nào, cũng phát nguyện thành Phật, nhưng không nguyện ra miệng, chỉ nguyện trong tâm thôi, hành như thế gọi là Pāramī, Tàu âm là ba-la-mật đến bờ bên, tính ra 7 a-tăng-kỳ
  • Thời kỳ thứ hai: khi ba-la-mật tròn đến bến bờ ấy đầy đủ đức Bồ-tát can đảm nguyện ra miệng, gọi là Upapāramī, Tàu âm là ba-la-mật đến bờ trên, tính ra 9 a-tăng-kỳ.
  • Thời kỳ thứ ba: Đức Bồ-tát được một vị Phật thọ ký. Từ đó, Bồ-tát hết sức tinh tấn hành pháp ba-la-mật, và rất khắng khít với quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác, tính ra 4 a-tăng-kỳ và trăm ngàn đại kiếp.

Đây là trường hợp của đức Thích-ca. Còn chư Phật khác, có tánh cách khác thì sự hành ba-la-mật còn phải nhiều hơn (đây xin miễn giải vì ngoài phạm vi của thời pháp này). Đức Từ Phụ Thích-ca Mưu-ni được 24 vị Chánh Đẳng Chánh Giác thọ ký, kể từ đức Dīpaṅkara (Tàu dịch Nhiên Đăng) đến Đức Phật Kassapa (Ca-diếp). Đến kiếp chót của Ngài tại cõi trần này, trước kiếp thành Phật, Ngài sanh làm vua tên Vessantara. Ngài hành đủ 30 phép ba-la-mật (phàm một vị Bồ-tát, mỗi kiếp chỉ hành được 2 hoặc 3 hay 4 phép ba-la-mật là cùng, chỉ có kiếp chót mới hành được một lúc 30 phép ba-la-mật).

Lẽ cố nhiên, một vị Bồ-tát khi tự biết rằng: hành ba-la-mật chưa được hoàn toàn, dầu Ngài được sanh vào cõi đời nào Ngài cũng không tận hưởng số tuổi trong cõi trời ấy. Ngài muốn mau mau sanh lại làm người để thật hành ba-la-mật. Chỉ có kiếp chót trên cõi trời Đẩu-xuất, Ngài mới đợi có chư Thiên trong sa-bà thế giới đến thỉnh Ngài mới giáng sinh.

Kiếp Ngài làm vua tên Vessantara hành đúng 30 phép ba-la-mật, sau khi chết được sanh về cõi trời Đẩu-xuất tên là Santusitadevaputta, Ngài hưởng tận tuổi thọ của Ngài trong cõi trời ấy là 4 ngàn tuổi, tính năm ở quả địa cầu này là 576 triệu năm. Trong khi ấy, có điềm báo trước gọi là Buddhakolahala, nghĩa là báo trước cho biết rằng: sắp có Đức Phật ra đời. Theo sử dạy rằng: trong lúc ấy có một vị Phạm Thiên ở một trong năm cõi Ngũ Tịnh Phạm thiên xuống cho chúng sanh trong cõi Sa-bà thế giới này hay rằng: hỡi các bạn! Kể từ đây đến một ức năm nữa, sẽ có đức Chánh Đẳng Chánh Giác ra đời, nếu các người muốn gặp Ngài, phải ráng lo thọ trì ngũ giới tham thiền và làm thêm những điều phước thiện. Chư Thiên cả trăm ngàn thế giới Sa-bà nghe được tin ấy, mới hội nhau lại và hỏi rằng: vị đại Bồ-tát nào sẽ đắc quả Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác trong cõi trần?

Một ức năm ấy qua, thì có 5 điều hiện tượng phát sanh đến cho đức đại Bồ-tát Santusita như vầy:

* Tràng hoa để trang điểm khô héo.

* Hàng lụa để mặc mất màu đẹp.

* Mồ hôi chảy ra.

* Thân hình yếu đuối, không vui vẻ khoẻ mạnh như xưa.

* Tâm không vui, tỏ ra chán nản cõi trời.

Trong lúc ấy, vị trời nào có hiện tượng 5 điều ấy, thì chư Thiên biết rằng: đây là vị đại Bồ-tát. Khi ấy chư Thiên vương trong các cõi trời hội lại được 4 muôn vị, và vô số chư Thiên trong năm ngàn thế giới hội lại cõi Đẩu-xuất vào đền của vị đại Bồ-tát Santusita và đồng nói rằng: thưa Ngài! Ngài là đấng đã đào tạo nhiều ba-la-mật, đã phát nguyện thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác đặng đưa chúng sanh từ biển luân hồi, lên bờ giác ngộ. Vậy hôm nay là lúc sắp đắc quả của Ngài, chúng tôi xin cung thỉnh Ngài giáng sanh xuống trần.

Đức Bồ-tát nhận lời và tự Ngài quan sát 5 điều kiện, tiếng Phạn gọi là Pañcavilokana:

  • Kāla-thời kỳ.

Nghĩa là khi tuổi thọ của chúng sanh hơn một ức tuổi, không phải là thời kỳ của Đức Phật giáng sanh. Tại sao? Vì chúng sanh ấy khó trông thấy sự khổ của già, chết, nên có nhiều sự dể duôi, Đức Phật thuyết về vô thường, khổ não, vô ngã không hiểu được. Đối với hạn người như thế Phật Giáo có cũng bằng thừa. Còn tuổi thọ của chúng sanh ít hơn trăm, Đức Phật cũng không giáng sanh. Vì lẽ, chúng sanh trong lúc ấy tội dày phước mỏng, nên không thể hiểu thấu pháp giải thoát của đấng Giác Ngộ được.

  • Dīpa-châu.

Đức Bồ-tát xem coi các châu, chỉ có Nam Thiện Bộ Châu là chỗ Ngài đáng giáng sanh. Vì cõi này có nhiều cảnh đau khổ, chúng sanh mới cố tìm sự giải thoát.

  • Desa-xứ.

Đức Bồ-tát xem coi xứ nào đáng cho Ngài giáng sanh? Ngài thấy chỉ có trung quốc của xứ Ấn Độ (Majjhimapadesa), nơi ấy xưa kia có nhiều vị Phật tổ giáng sanh cạnh núi Hy-mã-lạp cao hơn hết tất cả các quả núi trên vũ trụ này, đây là sự tượng trưng của sự cao cả của đấng cao cả.

  • Kūla-dòng.

Ngài phải sanh vào dòng Vua. Vì dòng vua là dòng có quyền thế nhứt bấy giờ.

  • Mātā-mẹ.

Bà mẹ phải là người có thừa hành theo pháp ba-la-mật và có nguyện làm Phật mẫu.

Sau khi Ngài trông thấy có đủ 5 điều kiện để Ngài giáng sanh rồi, Ngài liền nhận lời yêu cầu của chư Thiên.

Năm ấy nhằm năm Dậu. Theo thường năm, đến ngày rằm tháng sáu, tại kinh đô Ca-bì-la-vệ (Kapilavatthu) có làm lễ rất vui, như có cộ đèn của ta bây giờ. Tất cả dân trong xứ đều nghỉ việc vui chơi. Ngày ấy, đức Ma-da hoàng hậu (Māyādevī) tắm rửa sạch sẽ rồi bố thí 4 ức đồng vàng cho những kẻ nghèo khó xong, trở về cung phát nguyện thụ bát quan trai giới. Giữa đêm ấy, lịnh bà nằm mộng thấy Tứ Đại Thiên Vương đến phò long sàng của lịnh bà đi đến rừng Tuyết lãnh, để long sàng trên tảng đá cao 60 do tuần gần ao Anottasara, đoạn mời lịnh bà xuống tắm, khi tắm xong mới đem đồ trang điểm của chư Thiên đến trang điểm cho lịnh bà, rồi thỉnh lịnh bà nghỉ trong một toà lầu bạc, phía bắc của toà lầu ấy có một quả núi vàng có một bạch tượng từ trên quả núi vàng ấy đi xuống đi về hướng đông rồi vòng xuống hướng nam, đến lâu đài của lịnh bà, nơi vòi có ôm một bó hoa sen trắng nở mùi thơm ngào ngạt, rống một tiếng to đi ngay vào toà lầu, đến long sàng của hoàng hậu đang ngự đi quanh ba vòng rồi hình như chun vào hông tay mặt của hoàng hậu. Trong khi hoàng hậu nằm mộng ấy, chính là đức đại Bồ-tát giáng sanh vào lòng của lịnh bà. Trong lúc đại Bồ-tát giáng sanh có 32 điều phi thường (xin miễn kể ra đây).

Sáng ngày lịnh hoàng hậu mới đem điềm mộng ấy thuật lại cho đức Tịnh Phạn vương nghe. Khi lâm triều đức vua cho triệu 64 vị Bà-la-môn thông hiểu Phệ-đà đến bàn điềm mộng ấy. Tất cả các vị ấy đều tâu rằng: đây là điềm mộng rất tốt và chắc rằng hoàng hậu đã thọ thai. Thai ấy là một vị thái tử, là một đấng có đặc ân cao cả, nên Ngài xuất gia tâm đạo thì Ngài sẽ thành bực Chánh Đẳng Chánh Giác. Đức vua nghe qua lấy làm đẹp dạ và từ ấy đi, đức vua truyền cho ngự y lo thuốc dưỡng thai cho hoàng hậu. Trong những ngày bát quan trai giới, lịnh bà cũng phát nguyện thọ như thường. Đến ngày rằm tháng tư (năm Tuất). Hoàng hậu xin phép đức vua Tịnh Phạn về kinh đô Devadaha (là quê của lịnh bà). Đức vua truyền cho nhân dân làm đường cho bằng phẳng, treo tràng hoa theo đường cho thơm trong khi lịnh bà ngự đi, đức vua có cho rầt nhiều cung phi mỹ nữ và quan quân theo hầu. Khi tới rừng cây Sālā giáp với hai nước Ca-bì-la-vệ và Devadaha, chỗ này là nơi có phong cảnh đẹp nhứt. Lịnh hoàng hậu truyền lịnh vào nghỉ mát trong rừng ấy. Khi hoàng hậu ngự vào rừng Sālā ấy, lịnh bà trông thấy một cây Sālā to trổ hoa rất đẹp, mà tháng không phải là mùa cây Sālā trổ bông. Lịnh bà thấy lạ nên mới đưa tay lên bẻ thì hình như nhánh cây ấy oằn xuống gần tay của lịnh bà. Liền trong khi ấy lịnh bà chuyển bụng. Bọn cung phi mỹ nữ lo giăng màn ra, lịnh bà sanh trong khi ấy. Khi vừa sanh thái tử chưa tới đất thì có 4 vị Phạm Thiên ở cõi trời Ngũ Tịnh Phạm Thiên đến tiếp đón với tấm lưới bằng vàng. Bốn vị ấy mới nói với hoàng hậu rằng: xin hoàng hậu hãy hoan hỷ, vị hoàng tử mà lịnh bà sanh đây là một bậc tài đức vô lượng vô biên. Khi ấy có 2 dòng nước nóng và lạnh từ trên không xối rồi xuống tắm cho thái tử. Sau khi ấy Tứ Đại Thiên Vương mới dùng một tấm da trừu thật mịn tiếp bồng Ngài, rồi mới đến bọn thị nữ dùng gấm Dukula tiếp Ngài. Khi ấy, từ nay của bọn phi tần, đức thái tử mới bước xuống đi về hướng đông 7 bước, có 2 vị chư Thiên bưng đồ triều phục của vua chuyển luân thánh vương đi 2 bên. Ngài mới nói câu kệ rằng:

“Aggohamasmi lokassa,
Jeṭṭhohamasmi lokassa,
Seṭṭhohamasmi lokassa,
Ayamantimā jāti,
Natthidāni punabbhavo”[31]

Nghĩa là: ta là người cao quý và lớn hơn tất cả trong Tam giới. Đây là kiếp chót của ta, ta không còn luân hồi nữa.

Theo chú giải có dạy rằng: khi sanh đức Bồ-tát ra, có bốn vị Phạm Thiên đến tiếp rước, đây là hiện tượng chỉ rằng: Ngài sẽ đắc được tứ thiền vô sắc. Rồi đến bọn phi tần tiếp, là hiện tượng của Ngài đắc thiền hữu sắc. Ngài đứng trên mặt đất là hiện tượng Ngài đắc được 4 phép nguyện vọng pháp mầu. Ngài ngó về hướng đông là hiện tượng của Ngài sẽ thắng tất cả các bực trí thức. Ngài đi 7 bước là hiện tượng, sau này Ngài đắc được thất bồ đề phần và truyền bá Phật Giáo khắp xứ lớn trong thời kỳ ấy. Ngài được chư Thiên che lọng là hiện tượng sau này Ngài đắc được phép giải thoát. Có chư Thiên bưng 5 món đồ của vua Chuyển Luân Thánh Vương theo hầu Ngài là hiện tượng sau này Ngài đắc được 5 phép giải thoát. Ngài nói câu kệ ấy là hiện tượng Ngài không còn luân hồi nữa.

Từ khi phát nguyện thành bực Chánh Đẳng Chánh Giác cho đến khi sanh ra làm thái tử Sĩ-đạt-ta, có 3 kiếp Ngài vừa sanh ra, thì biết đi biết nói là: Mahosatha, Vessantara và thái tử Sĩ-đạt-ta.

Trong khi đức Ma-da hoàng hậu sanh thái tử thì cũng có 7 nhân vật dồng sanh một lượt là:

* Công chúa Gia-du-đà-la (Yasodharā)

* Ānanda (con đức vua Amitodana là em vua Tịnh Phạn)

* Sa-nặc (Channa, người đánh xe, sau này đưa thái tử đi xuất gia)

* Kāludāyi (vị quan sau này thỉnh Đức Phật ngự  về Ca-bì-la-vệ)

* Ngựa Kiền-trắc (Kanthaka)

* Cây bồ đề (Bodhi)

* Bốn hầm châu ngọc

Trong ngày ấy, tất cả chư Thiên trong các cõi trời, nhứt là Thiên Vương cõi Đạo Lợi làm lễ ăn mừng và nói với nhau rằng: thái tử con đức vua Tịnh Phạn tại đế đô Ca-bì-la-vệ đã sanh, Ngài sẽ thành đạo dưới cội Bồ đề, rồi chuyển pháp luân. Chúng ta sẽ gặp được đức Toàn Giác và được thính pháp của Ngài.

Trong khi ấy, có một vị đạo sĩ tên là Kāladevila, đắc phi tưởng phi phi tưởng thiền, đang nghỉ mát ở cõi trời Đạo-Lợi, được nghe lời ca tụng của chư Thiên, Ngài lập tức trở về thành Ca-bì-la-vệ trong buổi chiều ấy. Ngài vào thành xin xem mặt thái tử, nhưng Ngài là người được dòng Thích-ca hết sức kính trọng, nên khi đức vua nghe Ngài đạo sĩ xin vào yết kiến bèn hoan hỷ cho vào liền. Khi vào an vị xong, Ngài đạo sĩ mới hỏi đức vua rằng:

- Bần đạo vừa nghe hoàng hậu sanh được một vị hoàng nam, có phải vậy chăng đại vương?

- Bạch Ngài phải.

- Bần đạo muốn yết kiến thái tử có được chăng?

Đức vua lập tức truyền thị nữ bồng thái tử ra làm lễ Ngài đạo sĩ. Thái tử không làm lễ, trái lại, Ngài đưa chân ngược trở lại phía đầu của Ngài đạo sĩ. Đây là một chuyện lạ, theo chú giải có dạy rằng: kiếp chót của vị Giác Ngộ không khi nào lạy một người nào. Sau khi thấy chuyện lạ như vậy, vị đạo sĩ hết sức kinh sợ, mới nghĩ rằng: “Ta không nên làm hại ta”. Vị đạo sĩ lật đật đứng dậy và hết sức thành kính quỳ xuống đỡ hai chân của đức đại Bồ-tát. Đức Tịnh Phạn vương thấy vậy hết sức kinh ngạc, và rất vui mừng vì Ngài nghĩ rằng: “Con ta đây ví như Phạm Thiên”. Vị đạo sĩ này là người có trí tuệ, biết được việc đã qua trong 40 kiếp và vị lai 40 kiếp, xem tướng của đức Bồ-tát. Ngài biết rằng: thái tử sẽ thành bực Chánh Đẳng Chánh Giác. Ngài mỉm cười rồi Ngài chỉ thêm rằng: vậy ta còn có thể gặp được đức Chánh Đẳng Chánh Giác không? Ngài thấy rằng: sau khi chết sanh vào cõi trời Phạm thiên Vô sắc, dầu có cả ngàn đấng Giác Ngộ cũng không lên độ được Ngài. Ngài lấy làm thương hại cho mình nên khóc. Đức Tịnh Phạn vương lấy làm lạ, mới phán hỏi rằng:

- Bạch Ngài! Tại sao Ngài mỉm cười rồi lại khóc ? Vậy Đông cung thái tử có chuyện gì chẳng lành không?

Ông đạo sĩ mới thuật cho đức vua nghe tự sự. Ngài mới nghĩ thêm rằng: “Trong quyến thuộc của ta có ai có duyên gặp đức Giác Ngộ chăng?” Ngài trông thấy người con của em gái ngài là ông Nālaka xuất gia. Nālaka nghe lời ông xuất gia, sau gặp Phật đắc quả A-la-hán.

Năm ngày sau khi sanh thái tử, đức vua mới truyền làm lễ quán đính (lễ tắm và đặt tên), có mời các nhà vua dòng Thích-ca, bá quan và các vị trưởng giả, có thỉnh riêng 108 vị Bà-la-môn có tiếng hiểu thông Phệ-đà trong thời ấy đến xem tướng và làm lễ đặt tên. Sau khi cúng dường cho các vị Bà-la-môn xong, đức vua chọn lại 8 vị Bà-la-môn giỏi nhứt để xem tướng và đặt tên cho thái tử, 8 vị ấy là: Rāmabrahmaṇa, Lakkhanabrahmaṇa, Yaññabrahmaṇa, Dhajabrahmaṇa, Bhojabrahmaṇa, Sudattabrahmaṇa, Koṇḍaññabrahmaṇa. Tám vị này là người đoán mộng cho lịnh hoàng hậu Ma-da. Trong ấy có 7 vị Bà-la-môn lớn tuổi hơn đưa ra 2 ngón tay tiên tri rằng:

- Đức thái tử có 32 tướng quý, Ngài có 2 lẽ là: nếu Ngài trị vì thì sẽ được làm vua chuyển luân thánh vương, bằng Ngài xuất gia thì sẽ đắc quả Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Riêng thầy Bà-la-môn trẻ tuổi nhứt là Koṇḍañña (Kiều Trần Như), đưa lên một ngón tay quả quyết tâu rằng:

- Tâu đại vương! Theo 32 tướng quý của thái tử chứng rằng Ngài không trị vì thiên hạ, Ngài sẽ xuất gia và đắc quả Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Đức vua nghe như vậy lấy làm lo sợ, mới hỏi rằng:

- Con trẫm sẽ nghe những gì mà xuất gia?".

Thầy đáp rằng:

- Thái tử sẽ trông thấy Tứ thiên sứ giả là già, đau, chết và người xuất gia.

Đức vua nghe xong, mới truyền cho bá quan hết lòng lo ngăn ngừa 4 điều ấy. Đức vua và các vị Bà-la-môn đồng lòng đặt tên thái tử là Siddhattha nghĩa là vạn sự như ý. Đặt tên Siddhattha có 2 lẽ là:

* Đức vua đã 60 tuổi mà không có vị hoàng tử nối ngôi, nên Ngài hết lòng mơ ước, cầu nguyện, nay đã được một vị hoàng nam thì sự mong mỏi của Ngài đã được như nguyện, nên đặt tên là vạn sự như ý.

* Ý nói rằng: sau khi Ngài thành đạo chúng sanh nào theo lời Ngài dạy, hành theo sẽ được sự an lành y như ý nguyện của mình.

Trong cuộc lễ ấy có một muôn sáu ngàn người trong hoàng tộc Thích-ca đến dự. Những hoàng tộc nghe lời tiên tri ấy, mới bàn nhau rằng: “Thái tử Sĩ-đạt-ta sau này sẽ làm vua hoặc xuất gia chẳng hạn, cũng là một việc quý, vậy chúng ta mọi người phải đưa vào một người con để hầu Ngài. Nếu mai sau Ngài là vị Chuyển Luân Thánh Vương, hoặc xuất gia thành Phật, cũng có các quyến thuộc trong hoàng tộc theo hầu”. Riêng về 8 vị Bà-la-môn về nhà, người nào có con cũng gọi đến dạy rằng: “Cha rất tiếc, vì đã già rồi, không thể gặp được thái tử Sĩ-đạt-ta thành bực Chánh Đẳng Chánh Giác. Nếu thái tử đắc quả Phật, con hãy xuất gia theo giáo pháp của Ngài”. Bảy vị Bà-la-môn ấy chết trước khi thành đạo của thái tử, chỉ ông ông Kiều Trần Như còn sống cùng với các người con của các vị Bà-la-môn kia xuất gia đợi hầu thái tử. Sau này ta thường gọi là 5 thầy Kiều Trần Như.

Bảy ngày sau khi sanh thái tử, hoàng hậu Ma-da (Māyā) thăng hà. Theo lời chú giải dạy rằng: đây là luật thiên nhiên của một vị Phật mẫu là vậy, chớ không phải vì lẽ sanh Thái tử mà chết. Vì người đã sanh ra một đấng Giác Ngộ sau này, người ấy không còn làm vợ người nam nào nữa cả và hơn nữa trong bụng ấy không thể còn chứa một chúng sanh nào nữa được. Sau khi thăng hà, lịnh hoàng hậu sanh lên cõi trời Đẩu-xuất, cũng sanh làm một vị chư Thiên nam. Khi ấy, đức vua truyền giao thái tử cho bà Gotamī, bà là em ruột của lịnh bà Ma-da mà cũng là thứ phi của đức Tịnh Phạn vương.

Ngày nọ, nhằm ngày lễ hạ điền, đức vua ngự đi làm lễ ấy, có đem thái tử theo, lúc ấy Ngài vừa 7 tuổi. Đức vua truyền lấy lụa che một chỗ cho mát dưới cội trâm cho thái tử nghĩ, có để phi tần ở lại trông nom Ngài. Vì cuộc lễ rất vui, bon phi tần lén trốn đi chơi hết. Lúc ấy, rất thanh tịnh, Ngài mới ngồi dậy trông ra xa, thấy đất mới cày có trùng dế bò ra, có nhiều giống chim nhỏ bay đuổi bắt để ăn, rồi lại có những chim lớn đuổi chim nhỏ, Ngài có cảm tưởng rằng: trên đời, vì lẽ sống mà chúng sanh giết hại lẫn nhau không chút thương xót. Thật vậy, đời là trường tranh đấu mạnh được yếu thua, ta phải làm sao cứu vãng chúng sanh khỏi vòng thống khổ.

Nghĩ đoạn, Ngài ngồi ngay thẳng, niệm số tức quan đắc sơ thiền trong lúc ấy (xin nhớ lúc ấy Ngài vừa được 7 tuổi). Lễ hạ điền xong, trời đã xế chiều đức vua trở lại rước thái tử về thành; Ngài trông thấy chuyện rất lạ. Lúc ấy những cây khác đều xế bóng, chỉ có cây trâm chỗ thái tử ngồi lại không chinh bóng, cái bóng đứng ngay để che thái tử như một cây lọng. Đức vua thấy chuyện phi thường nhu vậy mới quỳ xuống đảnh lễ con. Đây là lần thứ hai đức vua làm lễ thái tử (lần thứ nhất là khi Ngài đạo sĩ tên Devila vào xem tướng thái tử). Rồi Ngài rước thái tử về thành. Khi mùa lúa chín, đức vua đưa thái tử đi xem ruộng đồng phì nhiêu, Ngài cố ý cho thái tử trông thấy sự giàu sang của nhà vua đặng Ngài say mê trong của cải sự nghiệp. Trước mặt một cánh đồng bao la bát ngát, lúa chín đưa hương bay ngào ngạt. Đức vua phán: “Này con yêu quý của ta! Đây là cánh đồng ruộng phì nhiêu đem huê lợi cho quê hương ta rất nhiều. Còn nhiều cảnh đồng như vầy nữa. Sau này, đều thuộc về của con cả”. Đức thái tử nghe vậy không vui trái lại Ngài có cảm tưởng rằng: “Với đồng lúa mênh mông bát ngát mà ta trông thấy đây, trên lưng mỗi trâu biết bao nhiêu lằn roi, bao nhiêu bò bị đánh, bao nhiêu trùn dế bị chết. Than ôi! Đời có bao sự bất công và đau khổ, ta phải tìm phương dập tắt những nỗi khổ này”.

Trong năm thái tử được 7 tuổi, đức Tịnh Phạn vương truyền đào ao và cất 3 toà lầu cho thái tử ngự.

Đến năm thái tử được 8 tuổi, đức Tịnh Phạn vương nhớ đến lời bàn thầy số năm xưa, Ngài muốn ngừa sự xuất gia của thái tử, nên hội tất cả các quan đến hỏi:

- Chư hiền khanh có biết thầy nào văn hay võ giỏi đáng cho Đông cung thái tử học?".

Bá quan tâu:

- Tâu đại vương, có thầy Svāmitta là vị giáo sư văn võ toàn tài, đáng là sư phó của thái tử.

Đức vua cho triệu vị giáo sư ấy đến, và giao trách nhiệm dạy thái tử học. Khi sắp dạy thái tử học, thầy bảo lấy bảng và phấn để tập viết. Mặc dầu đã lào thông kinh sử nhưng thái tử tỏ ra rất khiêm tốn, kính trọng thầy và kính cẩn nói: tôi sẽ viết theo thầy. Trái lại, Ngài không viết chữ theo thầy dạy. Ngài lại viết những thứ chữ mà ít người biết như Nāgari, Nī, Maṅgala, Parusā, Yava, Tirthi, Uka, Sikhayano Manā, Madhayācarā và nhiều thứ chữ của dân miền núi. Ông thầy lấy làm kinh ngạc nhưng ông không nói ra. Ông mới dạy về số học. Đức thái tử càng tỏ ra lão thông hơn thầy. Ngài ghi giải những bài mà từ cổ chí kim không ai làm được. Ông thầy mới nói rằng: một khi thái tử đã lão thông như thế này, còn bảo hạ thần dạy những gì nữa? Chính thái tử mới là thầy của hạ thần. Ôi! Thái tử là người trẻ tuổi mà có tính khiêm tốn, không kiêu hãnh, Ngài lại chịu làm đệ tử với tôi. Với tài của Ngài, không ai sánh kịp, thấy rõ ràng thái tử thông hiểu hơn các bực viết sách vở. Thật thái tử thông hiểu hơn các bực trí thức. Ngài là bực đáng kính, vì Ngài có nhiều đức lành. Kể từ ngày ấy đi không ai dám lãnh dạy thái tử nữa.

Ngày nọ, nhằm mùa xuân, cây đơm bông trổ trái, những đoàn chim trời bay coi đẹp mắt, cảnh vật ấy làm cho thái tử vui say. Đang lúc ấy bỗng dưng có một con phượng bị tên nơi cánh rớt trước mặt Ngài. Thái tử trông thấy nơi cánh phượng còn mũi tên máu chảy ròng ròng, Ngài lấy làm thương hại, tới ôm phượng vào lòng, tay trái vuốt lông cánh, tay mặt nhổ mũi tên, rồi hái lá đâm với mật cột vào vết thương. Từ bé đến lớn, Ngài chưa từng bị đau và cũng chưa từng thấy người đau. Trong lúc Ngài nhổ mũi tên ra, bất cẩn để mũi tên trúng vào tay trái Ngài, Ngài cảm thấy đau. Ngài tự nghĩ: Chỉ chạm phải chừng này, mà còn thấy đau huống chi mũi tên cắm vào xương còn đau đến chừng nào. Ngài ôm phượng vào lòng tỏ vẻ an ủi, trong khi ấy có tên quan hầu của Đề-bà-đạt-đa vào thưa với thái tử rằng:

- Thưa thái tử! Vừa rồi chủ tôi có bắn trúng một con phượng rớt vào huê viên này, xin thái tử cho tôi xin con phượng ấy

Thái tử đáp:

- Không thể được, nếu con phượng ấy chết thì ta trao lại cho ngươi, nhưng phượng vẫn còn sống, chỉ bị thương thôi.

Đề-bà-đạt-đa đi đến nghe nói như thế mới nói rằng:

- Chim trời, sống hay chết không cần nói, nó chỉ thuộc về quyền sở hữu của người bắn trúng thôi, vậy Sĩ-đạt-ta hãy giao trả cho ta.

Thái tử ôm chặt phượng vào lòng, vẻ mặt nghiêm nghị trả lời rằng:

- Ta đã bảo, ta không trả lại cho ai cả, vì đây là lần đầu tiên ta cứu một con vật với tất cả tấm lòng từ bi. Hiện giờ ta hiểu rằng đây là nhân ta dạy nhân loại phải có lòng từ bi thương hại lẫn nhau. Ta sẽ dạy đời không có sự tối mê, và bớt sự làm những điều tội lỗi đau khổ. Nếu ngươi không bằng lòng thì cứ đi kiện ta đi.

Đề-bà-đạt-đa đi kiện tới đức vua, vì Đề-bà-đạt-đa cũng là một vị thái tử, nên phải cử các quan thẩm án đến xử. Không vị nào xử được, bỗng có một vị đạo sĩ xin vào giải quyết. Vị đạo sĩ ấy dạy rằng:

- Nếu sinh mạng của chúng sanh có quyền tự do, có giá trị, có quyền làm người bình đẳng, thì cứu người hoặc con vật khác khỏi chết, người ấy, có quyền làm chủ nhân, vật mà mình cứu được. Người làm hại nhân, vật khác là người có tội. Còn người cứu nhân vật khác là người có công đáng thưởng.

Các vị thẩm án nghe câu ấy đều cho là có lý, lẽ phải thuộc về thái tử Sĩ-đạt-ta. Vị đạo sĩ ra ngoài biến mất. Ai cũng cho là thiên vương hiện đến xử kiện. Kể từ ấy, Đề-bà-đạt-đa rất oán ghét thái tử, trái lại thái tử không hề quan tâm tới sự oán ghét ấy, chỉ lo chữa vết thương cho con phượng thôi. Khi con phượng mạnh thái tử bồng ra giữa trời nói: con ơi! Hôm nay, ta trả lại tự do lại cho con, con hãy nhập đoàn đi ăn và vui chơi theo rừng núi, đừng dể duôi mà phải tai nạn. Rồi Ngài thả phượng bay đi, Ngài nở một nụ cười sung sướng.

Đức Tịnh Phạn vương thấy những cử chỉ của thái tử Ngài rất lo cho thái tử sau này sẽ xuất gia, nhưng không biết làm sao ngăn cản được. Ngài liền cho hội tất cả các vị lão thần đến, hỏi cách để ngăn ngừa. Có một vị lão thần tâu rằng:

- Tâu đại vương chỉ có ái tình mới có thể làm cho thái tử quên cả mọi việc.

Tất cả bá quan ai ai cũng tán thành. Nhưng đức vua lại phán rằng:

- Nếu tự ta kén vợ cho thái tử sợ thái tử không vừa ý, thì có ích gì. Riêng ta nghĩ ta cho hội tất cả những gái đẹp không phân giai cấp lại, để cho thái tử tự do chọn lấy cho vừa lòng.

Bá quan đều cho là phải. Hôm sau có lịnh truyền rằng:

- Tất cả thiếu nữ đẹp không phân giai cấp, đều có quyền yết kiến thái tử tại hoàng cung, Ngài sẽ tuỳ tiện ban thưởng vàng bạc ngọc ngà.

Đây là một dịp may để cho tất cả thiếu nữ trong nước được thi đua sắc đẹp trước mặt Đông cung. Thời ấy, thái tử khét tiếng là đẹp, trẻ tuổi, tài cao, và có đầy đủ các đức lành...

Khi chưa gặp mặt thái tử thì nàng nào cũng nuôi một giấc mộng vàng là sẽ được thái tử lưu ý đến tài sắc của mình. Nhưng than ôi! Khi đến trước mặt thái tử lại kinh sợ run rẩy, như thỏ đứng trước mặt sư tử vậy. Thái tử lấy làm thương hại, ban cho mỗi cô một phần châu ngọc. Các quan đứng rình coi thái tử để ý yêu một cô nào, nhưng những mỹ nữ qua rồi rất nhiều còn lại rất ít mà thái tử tỏ vẻ thản nhiên. Các quan lấy làm thất vọng và tự nghĩ rằng: vậy cô nào có diễm phúc được thái tử lưu ý?. Châu ngọc vừa hết thì vừa đến người chót. Người sau hết thảy là công chúa Yasodharā (Gia-du-đà-la). Khi công chúa đến thì bá quan đều trông thấy, thái tử tỏ vẻ ngạc nhiên và liếc nhìn bằng cách luyến ái, vì công chúa có một vẻ đẹp mơ mộng và hiền đức.

Khi đến trước mặt thái tử, công chúa ngước mặt lên nhìn ngay thái tử (cả mỹ nữ chỉ có công chúa mới dám nhìn mặt thái tử thôi) chắp tay vái chào rồi mới hỏi rằng:

- Thái tử có gì thưởng cho Yasodharā chăng?.

Thái tử đáp lại bằng một giọng đầy thân ái rằng:

- Những vật để thưởng cho mỹ nhân đã hết rồi!.

Ngài liền mở tràng châu ngọc đeo ở cổ xuống và nói rằng:

- Em Yasodharā, chỉ có tràng châu ngọc này mới xứng đáng với các sắc đẹp của em.

Rồi tự tay Ngài đeo xâu chuỗi ngọc vào cổ công chúa, bốn mắt huyền lại gặp nhau một lần nữa.

Những quan hầu, rình thấy thế mới đem chuyện ấy về tâu lại cho đức Tịnh Phạn vương nghe. Đức vua nghe qua lấy làm mừng vỗ về nói rằng: "

- Thấy chưa! Ta đã được mồi ngon để nhử chim trời, để ta cứ tưởng rằng không chi cột được cánh đại bàng. Vậy ta phải làm lễ hỏi Yasodharā cho thái tử.

Khi cho sứ thần đến hỏi công chúa Yasodharā, đức vua Suppabuddha (Thiện Giác) đáp lại rằng:

- Con gái ta đã có nhiều vị thái tử gấm ghé xin kết hôn, ta sẽ gả cho vị hoàng tử nào văn hay võ giỏi nhứt trong một cuộc thi tài.

Sứ thần về tâu lại cho đức vua nghe, Ngài lấy làm lo buồn vì Ngài biết rằng: trong thời kỳ ấy có những nhân tài có tiếng nhất như Ānanda, Nanda, Devadatta, Arajuna chưa chắc rằng thái tử thắng được các vị thái tử kia. Thái tử Sĩ-đạt-ta trông thấy sắc diện vua cha có vẻ lo âu, Ngài mới hỏi, đức Tịnh Phạn vương mới tỏ bày tự sự cho thái tử nghe, nghe xong thái tử tâu rằng:

- Tưởng chuyện chi lạ, chớ về văn võ xin phụ vương an lòng. Phụ vương hãy truyền hội họp tất cả nhân vật có tài đến thi đua cùng con.

Đức vua nghe con tâu như vậy an lòng mà ra lịnh truyền rằng:

- Bảy ngày nữa sẽ có cuộc thi tài, vậy các bậc kỳ tài, không phân biệt giai cấp hãy đến thi tài cùng thái tử.

Đến ngày thứ sáu, tất cả trai tài trong dòng Thích-ca, dòng Koliya và tất cả võ sĩ các nơi đều hội lại để thi tài cùng thái tử.

Trong khi ấy, cũng có công chúa Gia-du-đà-la đến dự. Trước hết thi bắn, Nanda để một cái trống để xa 6 govo (ước độ 434 thước). Arajuna cũng để xa 6 govo, còn Đề-bà-đạt-đa để xa 8 govo, riêng thái tử đã để xa 10 govo.

Ba người kia bắn trúng vào trống mình, tiếng hoan hô rền một góc thành. Đến phiên thái tử Sĩ-đạt-ta, Ngài cầm lấy cung giương thử, hai đầu cung đụng với nhau, vì Ngài giương rất mạnh. Ngài mới nói rằng:

- Cung này để chưng chơi chớ không dùng vào đâu được, trong dòng Thích-ca không có ai có cây cung nào tốt hơn sao?.

Có một vị quan tâu:

- Có một cây cung tên Sinhahanu, không biết có tự bao giờ, không ai giương nổi, chỉ để thờ mà thôi.

- Vậy xin phiền Ngài cho người mang đến cho tôi.

Cả trăm quân khiêng, đem đến không có một võ sĩ nào giương nổi. Thái tử tay trái cầm cung, tay mặt kéo thử dây đồng, tiếng vang như sấm. Ngài không cần phải nhắm nhưng cũng bắn trúng đích, mũi tên bắn thủng trống rồi ba ra xa mà rớt xuống đất, lút tới chuôi sau không ai nhổ lên nổi, chỉ có thái tử mới nhổ lên nổi, khi nhổ lên chỗ ấy thành một cái giếng, người ta gọi là giếng Tên (Kupasara).

Khi ấy, Đề-bà-đạt-đa kêu nài xin chặt cây coi ai có sức khoẻ. Tức thì những cây to trong khu vườn bị các võ sĩ thi nhau chặt. Chỉ có Nanda chặt cây to hơn hết, thái tử trông không còn cây nào to hơn cây của Nanda đã chặt, chỉ có hai cây to bằng cây của Nanda đã chặt mọc khít nhau. Thái tử rút gươm ra chặt hai cây đứt một lượt, nhưng vì đứt bằng quá nên cây không ngã. Người ta vỗ tay và la lên rằng:

- Thái tử thua cuộc.

Công chúa Gia-du-đà-la nghe qua thương hại cho thái tử, lạnh cả người. Vừa kia ấy, có ngọn gió thổi qua hai cây ngã một lượt, tiếng người hoan hô nhiệt liệt. Công chúa nghe tiếng ấy tỉnh lại. Đến lúc thi cưỡi ngựa thái tử cưỡi ngựa Kiền-trắc, chạy thắng cả các vị thái tử và các võ sĩ. Đề-bà-đạt-đa mới la lên rằng:

- Nếu ta có con ngựa như con ngựa Kiền-trắc thì ta cũng thắng cuộc như Sĩ-đạt-ta vậy. Hãy đem con ngựa ô dữ lại đây coi ai cỡi được, người ấy mới tài.

Khi ấy, quan hầu mới dẫn con ngựa ô lại, con này dữ như sư tử, màu lông đen sậm, không chịu phục người nào cả, ai cỡi đến nó đều bị nó quật chết, người giỏi lắm là mang bịnh vì nó, nên phải nhốt riêng nó một nơi. Khi đem ngựa đến, các võ sĩ ai ai cũng cố cỡi cho được, nhưng kết cuộc chỉ chuốc lấy cái thện là bị ngựa quật té hay bị cắn. Chỉ có Arajuna ngồi được trên lưng một chút, nhưng ngựa không chịu đi một bước nào cả, kế ngựa lồng lên quật Arajuan té xuống, và muốn đạp cho chết, nhưng may, có nhiều quân lính ở gần bắt nó kịp. Những người dự cuộc lễ ấy mới la lên rằng:

- Thôi, thôi, đừng để thái tử Sĩ-đạt-ta cỡi con ngựa nguy hiểm ấy.

Nhưng thái tử điềm nhiên nói rằng:

- Các người hãy mở xích và cương ngựa cho ta, rồi để mặc ta. Thái tử đến, tay trái nắm chóp mao ngựa, tay mặt vuốt từ mặt ngựa đến cổ cũng như bà mẹ vuốt ve đứa con nhỏ. Ngựa đứng yên, tỏ vẻ mến phục đức của Ngài, hình như nó biết rằng:

- Đây là đấng Giác Ngộ.

Thái tử lên cỡi ngựa, cho ngựa đi từ từ như là một con ngựa thật hiền, rồi thái tử xuống ngựa (nên nhớ rằng trong lúc ấy thái tử bảo mở cương ra hết). Tất cả võ sĩ và khán giả lấy làm ngạc nhiên cho thái độ của con ngựa dữ ấy. Khán giả đồng la lên rằng:

- Thôi đừng ai thách đố thi đua gì với thái tử nữa, Ngài là người hoàn toàn thắng cuộc.

Các võ sĩ đồng nói:

- Chúng tôi phục tài thái tử".

Khi ấy, đức vua Suppabuddha (Thiện Giác) đến trước mặt thái tử nói rằng:

- Ta chỉ mong thấy tài của con, hôm nay được thấy tận mắt. Vậy con hãy cho ta biết, con làm thế nào được văn hay võ giỏi tuyệt vời như thế. Vậy con hãy lãnh món quà danh dự này.

Rồi đức vua Suppabuddha (Thiện Giác) nắm lấy tay con gái mình là công chúa Gia-du-đà-la để vào tày của thái tử. Lúc ấy, con ngựa ô dữ cúi xuống liếm chân thái tử. Riêng bà Gia-du-đà-la cầm một xâu ngọc đeo vào cổ thái tử rồi quỳ xuống nói rằng:

- Hôm nay, em là người hầu hạ thái tử, vậy từ đây xin thái tử nhủ lòng thương xót cho em được nhờ.

Sau lễ cưới, đức Tịnh Phạn vương nhường ngôi lại cho thái tử, nhưng vì sợ con tiếp xúc với việc trào chánh sẽ thấy kẻ già, người bịnh hoặc những sự kiện cáo. Thái tử lại chán với cái già và sự ô trược ở đời, nên đức Tịnh Phạn vương vẫn nắm quyền chánh, tóm lại thái tử chỉ mang lấy hư danh mà thôi. Đức Tịnh Phạn vương cũng chưa an lòng. Vợ đẹp hầu xinh, danh vọng ấy là sợi dây buộc ràng thái tử được. Truyền lập ba toà lầu thật đẹp để thái tử ngự trong ba mùa, đức Tịnh Phạn vương còn tổ chức những cuộc múa hát ca vang liên tiếp để làm cho thái tử say mùi tục luỵ. Ngoài ra Ngài còn cấm không cho ai nói tới sự buồn rầu, đau khổ. Rủi có cô mỹ nữ nào bịnh phải đem thế một cô khác vào lập tức. Vì vậy nên thái tử không còn nghĩa hay nhớ đến cái khổ của nhân loại.

Trong khi đang vui say theo mùi thế tục như thế, có một đêm nọ, Ngài nằm mộng thấy đi lạc vào một nơi tối tăm mờ mịt, tâm thần Ngài bải hoải. Đây là giấc mộng khiến Ngài để ý tới, băn khoăn lo nghĩ rằng: “Chắc chắn rằng nhân loại có lâm vào cảnh hãi hùng như vậy”.

Ngày nọ, thái tử nằm gối đầu trên vế của bà Gia-du-đà-la ngủ quên, Ngài mớ: “Ô! Đời, đời của ta! Ta đã nghe, thấy và đã đến”. Bà Gia-du-đà-la lấy làm lo sợ mới gọi thái tử tỉnh lại và hỏi tự sự. Thái tử đã tỉnh nhưng còn trông thấy cảnh chúng sanh đang lặn hụp trong biển khổ. Nhưng Ngài không nói ra vì Ngài không muốn cho vợ buồn mới cười nói lãng sang chuyện khác làm cho Gia-du-đà-la quên đi. Rồi Ngài truyền đem cây đờn ra trước gió để nó phát âm tiếng nghe rất hay (khi ấy có một thứ đờn không cần người khảy, chỉ nhờ tiếng gió xuyên qua, kêu nghe rất hay).

Hôm ấy thái tử nghe tiếng đờn như vầy:

“Ta là tiếng gió, bay ra từ muôn phương xa lạ, để tìm sự an vui nhưng không gặp được sự an vui, vậy (thái tử) hãy coi đời sống cũng như gió vậy (nghĩa là không có sự an vui), đời sống chỉ có những cảnh kinh sợ, bực tức, bận rộn và nóng nảy”.

“Ta không thể biết rõ được đời sống của ta, nguyên nhân sanh ra đời, và nơi cuối cùng của đời ta. Ta với người (thái tử) cũng đồng một thể với nhau, nghĩa là cũng đồng ở trong vòng đen tối. Vậy chúng ta có gì là hạnh phúc trong khi đang ở trong cõi đời người buồn khổ và trong sự vô thường”.

“Những sự an lạc mà Ngài hằng có, và tình yêu đang đem lại cho Ngài sự khoái lạc không bờ bến, và không thay đổi chăng nhưng mà Ngài ôi, đời sống ví như gió, tất cả vạn vật đều không được trường tồn, ví như những tiếng đờn này”.

“Ôi! Thái tử con của hoàng hậu Ma-da ôi! Vì tôi còn phải phiêu dạt trên mặt quả địa cầu này, nên tôi mới tỏ ra những lời trên dây đàn. Tôi không chịu thọ lãnh sự vui sướng, vì trông thấy sự buồn rầu thất vọng, than van rất nhiều (của nhân loại) người ở tất cả mọi nơi trong vũ trụ đượm đôi dòng lệ và đang khoanh tay chịu sự thất vọng”.

“Trong những thời gian, tôi bay đây đó, tôi chỉ trông thấy sự bực tức, phải chi nhân loại nhận biết rằng đời sống của người không bền vững, dù có quyền đảo lộn trời đất giang san, cũng không tồn tại được mãi đâu!”

“Ngài là người có phận sự độ đời. Thời giờ của Ngài đã gần kề, đời không có chỗ nương dựa, chỉ có mong đợi Ngài. Đời đang đen tối và đang bị buồn rầu thất vọng. Thái tử, con hoàng hậu Ma-da ơi! Ngài hãy nhớ đến Ngài và hãy cố tìm sự giải thoát!”

“Tôi là tiếng thiết tha của gió, Ngài hãy nghe theo lời tôi, Ngài sẽ gặp được sự an lạc. Ngài hãy dứt bỏ tình yêu, đem lòng từ bi thương hại chúng sanh đang buồn rầu đau khổ. Nên vụt tắt lửa phiền và cứu độ chúng sanh”.

“Tiếng gió thiết tha đây cũng là vì Ngài không trông thấy sự thật của đời. Tôi phát ra âm thanh để nhắc nhở Ngài đã quên mình (vui say theo tài, sắc, lợi, danh)”.

Sau khi nghe đờn, thái tử càng buồn chán với đời. Ngày nọ, thái tử xin phép vua cha đi xem phong cảnh ngoài thành giải buồn. Đức vua cho quan quân đi truyền khắp mọi nơi phải lo nhà cửa cho sạch và đẹp, cấm kẻ già người bịnh lưu thông, vì vậy, khi thái tử ngự đi, trông thấy toàn là trai lành gái đẹp, hoan hô rải tràng hoa vào xa giá của Ngài. Thái tử trông thấy quang cảnh ấy lấy làm đẹp dạ, Ngài mới phán rằng:

- Ta lấy làm hài lòng trông thấy dân ta vui vẻ, đẹp đẽ, giàu có.

Ngài truyền cho Channa (Sa-nặc) đánh xe ra khỏi thành. Dân chúng ngoài thành sắp bàn hương án tiếp rước và hoan hô:

- Thái tử Sĩ-đạt-ta vạn tuế. Ngài là đấng có nhiều tinh tấn, là vị hiền vương.

Trong khi người người đang vui vẻ hoan hô thái tử thì bỗng dưng có một người ở dưới vệ đường bò lên, chống gậy đi khấp khểnh, đầu bạc, da nhăn, ốm lòi xương, vừa đi vừa khóc tỏ vẻ rất đau khổ; đến gần long xa của thái tử tay cầm gậy, tay ôm ngực thở rất khó khăn và nói:

- Thái tử ơi! Ngài đoái thương đến kẻ cơ hàn, ban bố cho chút phước lành vì tôi già yếu gần chết nay mai.

Rồi ông gục đầu vào xe ho sụ sụ. Quân hầu trông thấy kinh hồn, lại kéo lôi ông già ấy ra và nói:

- Ngươi không biết thái tử ngự đi xem cảnh vật sao?.

Thái tử tỏ vẻ từ bi và nói rằng:

- Người ấy sao mà lại thế Sa-nặc? Đầu bạc, da nhăn, ốm lòi xương, khóc la, nói với ta rằng: thân sẽ chết nay mai.

Sa-nặc tâu rằng:

- Thưa thái tử, đây là người già, tám mươi năm trước lưng của ông ấy khòm, da không nhăn, mắt không lờ, tai không điếc, cũng không ốm lòi xương và cũng không run rẩy lọm khọm như hôm nay. Đời thanh niên tráng kiện của ông ấy mất lần theo thời gian và không gian. Ví như cây đèn càng thắp cháy về lâu, thì dầu lại hết dần đi, rồi đèn phải tắt. Đời của ông già này cũng mỏng manh như đèn dầu sắp tắt vậy. Thôi thái tử đừng bận lòng.

Thái tử hỏi:

- Vậy tất cả nhân loại cũng phải bị như ông lão ấy hết sao Sa-nặc?.

- Thưa thái tử, vậy tất cả những người còn sống lại, cũng y như ông ấy cả.

- Nếu ta sống đến tám mươi năm sau, ta cũng trở nên mắt lờ, tai điếc, yếu ớt, lọm khọm như ông già ấy sao Sa-nặc?

- Thưa thái tử, sự thật nó là vậy.

- Thôi hãy đánh xe về thành ta không ngờ rằng, nay ta trông thấy một sự thật quá sức tưởng tượng của ta như thế.

Về đến hoàng cung Ngài đi thẳng lại nằm trên long sàng, không màng đến sự tiếp rước của phi tần và sự dùng sữa đặc buổi chiều. Những cung phi mỹ nữ đều tỏ vẻ kinh sợ, chỉ có bà Gia-du-đà-la đến gần ôm chân thái tử mà hỏi rằng:

- Thái tử phiền Gia-du-đà-la chăng?

- Gia-du-đà-la thân mến! Ta không có chuyện gì buồn phiền em như là ai cả. Ta buồn vì ta trông thấy sự an vui của ngày kia sẽ cạn, sự già sẽ đến với ta. Gia-du-đà-la ơi! Khi già, thì vẻ đẹp hiện giờ, lại biến mất đi, lớp da mịn màng tươi đẹp sẽ đổi lại là lớp da nhăn nheo và có đốm trắng, lưng còm, tóc bạc, mắt mờ. Sự yêu đương giữa hai ta cũng vì lẽ ấy mà phai lợt. Cũng như đêm về làm mất ánh sáng ban ngày. Những hiện tượng mà ta thấy đây, tâm ta kinh sợ, và đang lo tìm phương pháp để giải thoát cảnh già ấy.

Nói xong thái tử nằm lặng yên tới sáng không ngủ.

Trong đêm ấy đức Tịnh Phạn vương nằm một điềm mộng làm cho lòng Ngài lấy làm lo lắng. Điềm mộng ấy là:

* Ngài trông thấy lá cờ to treo trên cột cao hào quang của đức Đế Thích rọi vào rất sáng. Sau lại có trận gió to làm cho cờ ấy rớt đi. Lại có chư Thiên bay xuống lượm cờ ấy lên, đem về ở cửa cung hướng đông.

* Ngài trông thấy mười thớt tượng, ngà bạc, từ phía nam tiến đến. Người cỡi tượng đi đầu hết là thái tử Sĩ-đạt-ta.

* Ngài thấy có một cỗ xe thắng bốn ngựa rất đẹp, có hào quang chiếu sáng, trong mũi ngựa thở ra lửa và khói trắng, có thái tử Sĩ-đạt-ta ngự trên xe ấy.

* Ngài thấy có một cái bánh xe to, lăn không ngừng, đùm bằng vàng, có hào quang chiếu sáng, quanh bánh xe có nạm ngọc rất quý. Trong khi, bánh xe ấy lăn đi có nháng lửa.

* Ngài thấy có một cái trống rất to, để giữa con đường đi từ cung nội lên núi. Thái tử Sĩ-đạt-ta đánh bằng cái dùi sắt, tiếng trống vang như sấm.

* Ngài thấy có một cái pháo đài mọc lên, cứ từ từ cao lên mãi đến đổi có thể trông thấy khắp hoàng thành, có mây lành bao bọc thái tử ngự trên chót, Ngài rãi hao Biruna và ngọc lựu, hào quang sáng, có rất nhiều nhân dân đến dành nhau lượm.

* Ngài nghe tiếng khóc la thảm thiết. Ngài trông thấy sáu người khóc và lấy tay bụm miệng.

Sáng ngày, đức vua truyền cho mời các nhà đoán mộng chuyên môn đến, không ai đoán được điềm mộng ấy cả. Đức vua mới phán rằng:

- Có lẽ trẫm phải bị tai nạn chăng? Các thầy là người học xa hiểu rộng cũng đoán không được. Vậy xin thiên thần đến đoán giúp trẫm.

Nói xong Ngài tỏ vẻ thất vọng buồn bực. Vừa lúc ấy có một ông già mình đắp da cọp, không ai biết từ đâu đến, và cũng không ai biết mặt biết tên, đến trước hoàng cung nói rằng:

- Hãy đưa ta vào chầu đức vua để đoán bảy điềm mộng của Ngài.

 Ngự lâm quân đưa vào. Vị đạo sĩ làm lễ nhà vua xong mới tâu rằng:

- Bần đạo xin có lời chúc mừng dòng hoàng tộc được gặp nhiều sự may mắn. Xin đại vương an lòng. Bảy điềm mộng làm cho đại vương lo sợ ấy toàn là điềm tốt cả.

* Đại vương trông thấy cờ bay rất đẹp mắt, đó là hiện tượng của Đế Thích, sau cờ ấy lại bị gió thổi rớt đi, ấy là sự sùng bái của Đế Thích (là giáo lý của Bà-la-môn) sẽ không được tồn tại nữa và sẽ có một chánh giáo ra đời.

* Ngài trông thấy mười thớt tượng chạy làm rung động cả mặt đất, đó là hiện tượng mười phép ba-la-mật của đức đại Bồ-tát. Do nhờ mười phép ba-la-mật này, mà thái tử Sĩ-đạt-ta sẽ đắc quả Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác và giúp đời tỉnh mộng, thấy rõ chân lý.

* Ngài trông thấy bốn ngựa kéo xe đẹp, mũi thở ra lửa và khói, đây là hiện tượng phép tứ đế, mà thái tử sẽ đắc. Nhờ ấy, mà Ngài không còn hoài nghi, sẽ được giác ngộ.

* Ngài trông thấy bánh xe lăn đi, đó là hiện tượng của luật, mà đấng Giác Ngộ sẽ truyền để cho tứ chúng hành theo.

* Đức thái tử đánh trống tiếng vang động như sấm là hiện tượng Ngài sẽ truyền bá Chánh Pháp khắp mọi nơi.

* Ngài trông thấy pháo đài cao tận hư không, đây là hiện tượng những pho kinh. Từ trong pháo đài, thái tử rải ra những châu ngọc, ý chỉ lời pháp quý báu của đấng Giác Ngộ giáo truyền có rất nhiều người tìm đến lãnh giáo và vâng giữ hành theo.

* Còn người khác ấy là bọn lục sự ngoại đạo, uất ức than van, vì khi thái tử truyền bá Chánh Pháp nên người không còn sùng bái theo tà giáo.

Tâu đại vương! Xin đại vương hãy an lòng. Thái tử là đấng vĩ nhân, có nhiều công đức cao thượng. Vị đạo sĩ nói xong kiếu từ ra đi, đức vua nghe đoán qua điềm mộng Ngài càng lo, lập tức truyền quân canh tuần hoàng thành rất nghiêm ngặt, và bày thêm các trò vui chơi cho thái tử phải say mùi thế tục. Nhưng mấy ai cản được người đã dày công đào luyện ba-la-mật.

Đức thái tử muốn đi dạo chơi giải khuây, mới vào xin phép vua cha rằng:

- Tâu phụ vương, xin phụ vương cho phép con dạo xem cảnh vật. Kiếp trước nhờ đức lành của phụ vương con được trông thấy sự sinh sống của dân gian, cùng các con đường và cảnh vật thiên nhiên tươi đẹp. Mặc dầu công cuộc sắp rất chu đáo, nhưng con cũng biết rằng, những điều con trông thấy không đúng với sự thật như thế, những ngày khác dân chúng không được vui vẻ như vậy. Sau này, con có phận sự khai hoá thay thế cho phụ vương, con muốn biết sự thật trong cuộc sinh sống của dân. Vậy xin phụ vương vui lòng cho con đi xem cảnh vật, bằng cách bình dân theo ý con, không cần có quan quân canh giữ hoặc theo hầu.

Đức vua nghe mới phán với bá quan rằng:

- Biết đâu kỳ này lại không có những chuyện lạ làm cho tâm con ta thay đổi khác hơn kỳ trước. Vậy các ngươi hãy để ý dọ dẫm coi có chuyện gì lạ không?.

Sáng ngày vừa đứng bóng, thái tử giả dạng thường dân ra đi cùng Sa-nặc. Quân giữ cửa thành cũng không biết là thái tử, để cho đi tự do. Thái tử đi xem mọi nơi lấy làm vui vẻ, trông thấy rõ sự sinh sống thật sự của dân. Ngài đi xem các cửa hành thực phẩm, đồ trang điểm và hoa quả, có kẻ giàu người nghèo, kẻ kéo xe người bưng gánh, khuân vác nặng nề. Ngài nhận thấy sự thật của đời sống, không phải hoàn toàn vui vẻ như Ngài đã trông thấy lần thứ nhứt. Đi một đỗi nữa, bỗng dưng Ngài nghe tiếng người la bên lề đường phía trước rằng:

- Ngài ơi! Cứu tôi với, làm ơn đỡ tôi dậy, nếu không chắc tôi chết.

Người đang rên la ấy là người bệnh trái trời đang đau nhức mình mẩy đầy máu mủ tanh hôi; rồi lại kêu lên nữa rằng:

- Ôi! Sao mà đau nhức thế này! Ai là người có tâm từ bi hãy cứu tôi với! Ôi! Đau nhức chết đi thôi!

Thái tử nghe tiếng kêu la thảm thiết ấy lấy làm thương hại, lập tức quay lại đỡ người ấy lên, bế vào lòng, rờ đầu và nói rất dịu êm rằng:

- Anh! Vậy anh đau nhức chỗ nào? Đau làm sao? Tại sao không đứng lên được?.

Rồi day qua hỏi Sa-nặc rằng:

- Này Sa-nặc, tại sao anh này kêu la thảm thiết như thế? Ta hỏi cũng không trả lời được, thật là đáng thương hại.

- Thưa thái tử, đây là người bị bệnh trái sắp chết máu đã chảy theo khoé mắt. Người đang bị nóng như hơ lửa, tim nhảy không đều. Thái tử hãy coi, người đang uốn mình, các thớ thịt đều nổi lên, người đang cố chống lại với sự đau khổ. Mặc dầu biết khổ, muốn chết nhưng không chết được nào, phải còn bị căn bịnh hành phạt đau khổ đến phút cuối cùng. Ô Thái tử hãy để người bệnh này xuống, vì đó là thứ bệnh truyền nhiễm ai ai cũng ghê sợ".

- Sa-nặc! Chỉ có người này không may phải mang bệnh như vầy, hay là cũng có một phần đông nhân loại bị như thế? Vậy sau này chính Sa-nặc có phải bị như thé không?

- Thưa thái tử, tất cả chúng sanh không ai tránh khỏi tật bệnh, không mắc phải các bệnh này, thì mang bệnh khác như cùi, hủi, ho lao...

- Vậy những bệnh tật ấy, không có ai bắt nó hoặc thấy nó sao Sa-nặc?

- Thưa thái tử! Không ai thấy nó được, mặc dầu người cố ngừa đón thế nào cũng không khỏi.

- Vậy thì nhân loại phải sống trong chuỗi ngày phập phồng kinh sợ sao?

- Thưa thái tử sự thật nó là vậy.

- Nếu vậy, trong đời này không ai dám nói rằng: "Đêm hôm ta ngủ ngon, và khi thức giấc, trông thấy quanh mình ta những nguồn tươi sáng, vui sướng"

- Thưa thái tử, nếu người trí thức thì không bao giờ ai dám nói dám nghĩ như thế.

- Sa-nặc ơi! Tuổi già và bệnh tật lam cho người phải da nhăn má cóp, lọm khọm phải không Sa-nặc?

- Thưa thái tử, phải vậy.

- Còn như ta không đủ sức chịu với cơn bệnh hung dữ ấy thì phải ra thế nào Sa-nặc?

- Thưa thái tử, thì phải chết.

- Ôi! Con người phải chết sao Sa-nặc?

Thái tử liền trở về cung với nỗi lo vô hạn. Bảy ngày sau, Ngài truyền gọi Sa-nặc đến để cùng đi xem cảnh vật với Ngài nữa. Đang xem vui cảnh vật, bỗng Ngài trông thấy phía trước có một đoàn người khóc than thê thảm từ từ tiến đến. Có nhiều người cạo đầu, mặc đồ tang khóc và kêu rằng:

- Ôi! Rāma, xin cứu độ linh hồn người quá cố.

Có kẻ la lên rằng:

- Chúng ta đồng cầu nguyện cho người được siêu thoát.

Sau ấy, trên vạt tre có một cái tử thi, mắt mở, há mồm, mình nám đen, lòi xương sườn trông ghê tởm. Người ta để tử thi ấy lên hoả đài xong, nổi lửa thiêu. Khi ấy, thái tử lấy làm cảm động và phán với Sa-nặc rằng:

- Sa-nặc, có phải đây là cuối cùng của đời sống không?

- Thưa thái tử phải, tử thi trên đống lửa ấy, trước đây cũng biết nóng, lạnh, vui, buồn, đói, khát, yêu thương như chúng ta. Nhưng nay không còn biết gì nữa cả. Những nhân vật thương yêu quý mến đều bỏ lại cả, và những nhân vật thương yêu quý mến người ấy cũng không làm sao cho người ấy sống lại được, họ chỉ biết than khóc mà thôi.

Khi nghe những lời của Sa-nặc, thái tử ngước mặt lên dòm trời, đôi mắt tuôn hai hàng lệ, Ngài nhìn quanh Ngài, hình như Ngài cố tìm một vật gì để cứu khổ chúng sanh, rồi Ngài mới phán rằng:

- Ôi! Đời là bể khổ, quyến thuộc của ta và toàn thể nhân loại đang ở trong vòng thống khổ là già, đau, chết. Hôm nay ta đã thấy, hiểu sự đau khổ của đời. Những lạc thú do ngũ dục, ngày kia cũng phải lạt mùi vị, khi ta già, bịnh và mất hẳn khi ta chết. Ôi! Khi chết rồi người phải sanh về đâu, ai biết? Người phải luân hồi mãi không cùng tận, chỉ chuốc lấy tội khổ vào thân tâm. Người mãi thương yêu theo đời sống của mình, cứ để cho thời gian trôi qua rồi đến chết, có tìm hiểu về đâu, và làm sao giải thoát? Người chỉ để đời mình như dòng sông từ từ chảy, chảy mãi đến bể cả là nơi cùng. Ta đây cũng như các người ấy. Nếu có người muốn giải thoát lại muốn cầu khẩn ở một đấng thiêng liêng cứu độ. Nhưng ta có biết rằng đấng thiêng liêng ấy có cứu độ ta chăng? Sự thật, ta hãy tự tìm phương giải thoát lấy, không phải tìm nhờ một tha lực nào. Tại sao người đời lại lười biếng chỉ mong nhờ nơi một tha lực, còn tự lực của mình để làm gì? Ta không thể ngồi yên để xem chúng sanh bị đau khổ được. Nếu có đấng thiêng liêng nào tạo ra đời, sao lại để cho đời đau khổ như vậy? Vậy sao gọi là đấng lập ra vũ trụ? Vậy thì đấng thiêng liêng ấy không phải là một cứu tinh của nhân loại. Này Sa-nặc, hôm nay ta được thấy một điều lạ, như vậy đủ rồi, thôi chúng ta hãy về cung.

Đức vua Tịnh Phạn nghe qua câu chuyện ấy, cũng lo sợ, mật truyền cho tăng thêm sự canh phòng.

Đêm 13 năm Mẹo, thái tử đang an giấc, bổng dưng bà Gia-du-đà-la đến ôm tay thái tử, khóc và nói rằng:

- Thái tử ơi! Ngài hãy thức giấc mà khuyên nhủ em đôi lời, em lo sợ quá, kinh khủng quá.

Thái tử kéo bà vào lòng và hỏi rằng:

- Chuyện gì hở thế Gia-du-đà-la?.

Bà đáp:

- Em đang ngon giấc bỗng con của thái tử máy mạnh quá làm em đau đớn giựt mình thức dậy, thì trống thành vừa điểm canh hai. Em lại ngủ, thấy 3 điềm mộng làm cho em kinh sợ. Điềm thứ nhất: em thấy một con bò đực trắng, sừng to, giữa trán có hạt ngọc xanh chiếu sáng như sao mai. Bò ấy, thư thả đi theo đường thẳng vào cửa hoàng cung, không ai bắt được. Em có nghe tiếng bảo rằng: "nếu không bắt được bò ấy, thì sự thạnh vượng ở xứ này sẽ tiêu mất. Em lấy làm lo sợ, khóc và chạy lại ôm cổ bò. Rồi truyền cho đóng cửa thành. Nhưng bò rống lên và vùng em té, từ từ đi, không ai làm gì được. Điềm thứ hai: em thấy có 4 vị thiên thần mặt rất sáng, đẹp như Tứ đại thiên vương, từ hư không bay xuống, có rất nhiều vị thiên thần khác bay theo sau, xuống giữa thủ đô của ta. Em thấy rõ ràng ngọn cờ của đức Đế Thích bị gió thổi rớt xuống. Khi ấy lại có một lá cờ khác hào quang chiếu sáng ngời từ hướng đông bay đến, rớt ngay vào hoàng cung.

Thái tử mới dạy rằng:

- Không sao đâu Gia-du-đà-la, những điều ấy đều là mộng lành cả, không có hại gì cả.

- Vậy sao thái tử? Nhưng em lấy làm lo sợ quá. Rồi bà thuật tiếp điềm mộng thứ ba.

- Thái tử ơi! Rồi sau ấy em còn nghe tiếng người kêu rất to rằng: thời giờ đã đến rồi! Thời giờ đã đến rồi! Em lại tiếp tục thấy rằng: em muốn rờ vào người của thái tử, nhưng em chỉ đụng nhằm gối, thái tử đi đâu vắng, thái tử ôi! Thái tử là người yêu duy nhứt của em, là nguồn an ủi của em, là người mà em kính yêu nhứt, mặc dầu trong giấc ngủ em cũng không quên thái tử, vì thái tử là đấng thiêng liêng của em, thiếu thái tử thì đời sống của em không thú vị gì cả. Khi em rờ không đụng thái tử nhưng châu ngọc của thái tử lại ở trên bụng em, những châu ngọc ấy lại trở thành rắn cắn em. Chiếc nhẫn của thái tử ban cho em lại gãy bể nát ra, những tràng hoa trên tóc em lại biến thành tro bụi mất, những tấm màn đỏ đều đứt rơi xuống, tai em còn nghe tiếng con bò ấy rống xa xa. Lại có tiếng kêu “Thời giờ đã đến rồi”. Vì điềm mộng ác này, làm cho lòng em băn khoăn lo nghĩ, không biết đây là điềm báo trước những gì? Nếu em không chết trong khi sanh sản, thì thế nào thái tử cũng bỏ em ra đi. Thái tử ôi! Thì là em chết đi còn hơn là xa thái tử.

Trước tình cảnh ấy, thái tử từ từ lấy tay vuốt tóc vợ, và nhìn cặp mắt đầy vẻ thân mến, yêu thương, rồi Ngài thốt rằng:

- Gia-du-đà-la thân mến! Em hãy an lòng! Mặc dầu điềm mộng ấy có ra sao chăng nữa, thì lòng ta cũng vẫn không quên em. Gia-du-đà-la ơi! Từ trước tới nay, em cũng từng nghe ta nói với em rằng: ta đang tìm phương thế để cứu độ chúng sanh ra khỏi vòng thống khổ, mặc dầu sự hy sinh ấy mắc đến một giá nào em hãy nghĩ xa thêm một chút nữa, coi chí hy sinh của ta có cao cả không? Vì ta nghĩ rằng: tất cả chúng sanh đều là quyến thuộc ta, mà ta rất yêu mến và thương hại, đang trầm luân đau khổ. Riêng em, cũng là một người mà ta rất yêu mến hơn tất cả, vì em là người gần ta, biết ta và rất kính mến ta, lại là mẹ của đứa con ta sau này. Gia-du-đà-la ơi! Tâm ta đang vơ vẩn trên vũ trụ để tìm ra phương cách cứu giúp chúng sanh. Nếu điềm mộng ấy có đúng với sự thật chăng nữa, thì em cũng nên vui lòng, chúng ta đồng hy sinh. Chúng ta hãy yêu nhân loại, cái yêu ấy là cái yêu cao thượng. Ta đã nói với em rằng: không bao giờ ta quên em. Thôi em hãy an lòng uống ly nước mát này rồi đi ngủ. Dầu sao ta cũng yêu Gia-du-đà-la, còn chí hy sinh thì chúng ta phải cố hy sinh vậy.

Bà Gia-du-đà-la tiếp lấy ly nước uống, thái tử Sĩ-đạt-ta ru vợ ngủ. Trong giấc ngủ thôi miên ấy, bà Gia-du-đà-la cũng vẫn còn nghe tiếng kêu văng vẳng rằng: Thời giờ đã đến rồi.

Sáng ngày 14 âm lịch, đức thái tử cùng Sa-nặc lại dạo chơi. Trong lúc đang đi, bỗng thái tử trông thấy người xuất gia, vẻ mặt ôn hoà vui vẻ. Ngài trông thấy cách ăn mặc khác thường, đến gần lễ phép hỏi:

- Thưa ông, ông là người chi mà ăn mặc khác thường?

Người ấy đáp:

- Bần đạo là người xuất gia

- Thưa Ngài, người xuất gia là người thế nào?

- Người xuất gia là người cố xa lánh việc đời và cố làm cho mình được giải thoát khỏi vòng luân hồi đau khổ.

Thái tử nghe qua lấy làm đẹp ý, hình như người chỉ con đường siêu việt cho Ngài. Ngài tự nghĩ rằng: “Lẽ cố nhiên đời là khổ, thì ít ra cũng phải có con đường siêu thoát khỏi chớ chẳng không”. Rồi Ngài bảo Sa-nặc rằng:

- Thôi Sa-nặc, chúng ta hãy trở về.

Khi về, Ngài nghỉ mát tại vườn thượng uyển. Cũng khi ấy bà Gia-du-đà-la hạ sanh được một vị hoàng nam. Đức Tịnh Phạn vương lấy làm đẹp ý, mới truyền cho thị thần báo tin cho thái tử hay. Khi thái tử hay tin ấy, không mừng, trái lại, Ngài than rằng:

- Đây là thêm một sợi dây trói buộc.

Thị thần về phục chỉ, đức vua hỏi:

- Khi con ta nghe được tin ấy có nói gì không?.

Thị thần mới thuật câu than ấy lại cho đức vua nghe. Vì lẽ ấy, nên Ngài đặt tên cháu là Rāhula (Ra-hầu-la) dịch là Phú Chướng.

Thái tử nghỉ mát tại vườn thượng uyển tới chiều mới về cung. Khi đi ngang qua cung điện của lịnh bà Gotamī, bà trông thấy thái tử đẹp quá mới ngâm câu kệ khen rằng:

“Nibbutā nūna sā mātā
Nibbuti nūna so pitā
Nibbutā nūna sā nārī
Yassāyaṃ īdiso pati”[32]

Nghĩa: ngài là người tiêu trừ các điều khổ của bà mẹ, tiêu trừ các điều khổ của ông cha, tiêu trừ các điều khổ của người phụ nữ nào được làm vợ Ngài.

Theo ý của lịnh bà Gotamī nói rằng: ông cha bà mẹ được người con vừa đẹp, vừa tài, và chí hiếu như Ngài, là người có phước, không khổ. Người phụ nữ nào được người chồng hoàn toàn như Ngài, thật là hạnh phúc.

Nhưng trái lại với ý tưởng của bà, thái tử lại hiểu rằng: “Thái tử, con hãy tìm phương pháp dập tắt lửa khổ của cha mẹ vợ con”. Ngài liền cởi tràng ngọc đeo ở cổ dâng đến cho lịnh bà Gotamī .

Khi thái tử về đến lầu, Ngài đi ngay vào phòng, cởi châu ngọc, an nghỉ. Tất cả cung phi mỹ nữ trông thấy thái tử an giấc cũng rủ nhau đi ngủ, vì tưởng rằng thái tử mệt.

Nửa đêm, thái tử thức dậy, trông thấy cung phi mỹ nữ ngủ, kẻ hả miệng nước dãi chảy ra, người thì mồ hôi nhễ nhại làm cho hoen ố phấn son trên mặt, kẻ thì nằm gác tay nhau để lộ những cái không hay, mùi phấn sáp lẫn nước dãi nung lên, làm cho Ngài khó chịu. Ngài có cảm tưởng như đang đứng giữa bãi tha ma. Ngài nghĩ: những tử thi ấy cám dỗ ta truỵ lạc trong vòng thống khổ, từ vô số kiếp, đến hôm nay, ta cũng vẫn còn chung với những tử thi biết cử động này. Ta phải xuất gia để tìm đường giải thoát. Rồi thái tử đi ra ngoài lầu, đến ngạch cửa thấy một người nằm, Ngài hỏi:

- Ai đây?

- Thưa thái tử, thần là Sa-nặc.

- Này Sa-nặc, đêm nay là đêm ta xuất gia, vậy ngươi hãy thắng ngựa Kiền-trắc cho ta

- Ô! Thái tử, Ngài chưa già, còn mạnh khoẻ, đang hưởng sự an vui như vầy, tội gì đi xuất gia cho khổ?

- Sa-nặc, nhà ngươi đã quên rồi, cái chết không chừa một ai cả, dầu trẻ hay già. Ngai vàng cũng không đem theo được, vợ đẹp hầu xinh cũng chẳng chết theo ta, thôi ngươi hãy tuân theo lời ta, mau mau đi thắng ngựa Kiền-trắc.

Sa-nặc vâng lời đi thắng ngựa. Riêng thái tử Ngài nghĩ rằng: Ta phải vào xem mặt con ta là Ra-hầu-la. Rồi Ngài đi vào phòng của Gia-du-đà-la, Ngài trông thấy bà Gia-du-đà-la đang ôm con vào lòng và đang ngon giấc. Ngài muốn bồng con lên nhưng sợ vợ hay, nên Ngài vội vã trở ra. Đến ngạch cửa Ngài ngó lại và nói rằng: thôi bao giờ đắc quả Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác rồi sẽ gặp mặt con. Đoạn này chú giải có dạy rằng: khi Ngài ra đến cửa, trận giặc lòng nổi dậy, khuấy loạn tâm Ngài, Ngài mới dùng gươm trí tuệ nghĩ rằng: vì tình yêu mà ta phải luân hồi vô số kiếp mà hôm nay cũng còn chưa kinh sợ sự luân hồi, khổ não ấy sao? Rồi Ngài bỏ xuống lầu.

Riêng Sa-nặc vâng lời đi thắng ngựa. Ngựa Kiền-trắc là ngựa rất đẹp, màu lông trắng như tuyết, cao 18 hắc từ đầu chí đuôi cũng dài 18 hắt tay. Khi Sa-nặc thắng ngựa, hình như có tánh linh báo trước cho ngựa biết rằng thái tử sẽ xuất gia, nên nó cố gào thét dậm chân cho người nghe. Nhưng vì đêm ấy đức vua ra lịnh cho quan quân được phép ăn uống vui chơi, để mừng ngày sanh của cháu nội Ngài. Ai nấy ngủ mê không hay biết gì cả.

Trong khi Sa-nặc thắng ngựa xong, đang đứng chờ thái tử, thì thái tử cũng vừa ngự đến. Ngựa Kiền-trắc trông thấy chủ, dậm chân la hét. Thái tử mới đến vuốt ve nó và nói rằng:

- Này Kiền-trắc! Ngươi hãy ra công đưa ta đi xuất gia, mai sau ta được giác ngộ, cứu độ chúng sanh khỏi vòng thống khổ đến Níp-bàn, thì ngươi cũng có rất nhiều công đức.

Hình như nghe được tiếng người, ngựa đứng yên để cho thái tử và Sa-nặc lên lưng. Vì sợ thái tử trốn đi xuất gia nên đức Tịnh Phạn vương làm cửa thành rất kiên cố, và mỗi cửa đều có gắn chuông báo động, muốn mở cửa thành phải có hằng ngàn quân mới đẩy nổi, khi thái tử đến cửa thành, thì chư Thiên đã mở sẵn.

Ma vương trông thấy thái tử đi xuất gia mới nghỉ rằng:

- Thái tử Sĩ-đạt-ta muốn thoát khỏi tay ta, vậy ta phải làm thế nào đừng cho giải thoát được.

Khi thái tử vừa ra khỏi thành, Ma vương hiện đứng trên không trung kêu thái tử nói rằng:

- Này thái tử! Ngài đừng xuất gia làm gì, chỉ còn 7 ngày nữa, Ngài sẽ được làm vua Chuyển luân thánh vương, làm chúa cả 4 châu thiên hạ.

- Người là ai?

- Ta là vị thiên vương ở cõi trời Vasavati (cõi trời thứ sáu của cõi Dục giới).

- Này Ma vương! Ta cũng biết rằng xe ngọc của vua Chuyển luân thánh vương sẽ có cho ta. Nhưng ngươi hãy tránh chỗ cho ta đi. Ta không ham mê xe ngọc ấy đâu. Ta chỉ muốn làm cho trăm ngàn thế giới rung động trong khi ta đạt thành Phật quả. Nhà ngươi muốn cám dỗ ta say mê theo tình dục. Nhưng không, nhà ngươi không thể lay chuyển được lòng ta. Tâm ta đã quyết định đưa chúng sanh đi đến nơi giải thoát.

Ma vương không thể nào làm lung lạc được lòng của thái tử, mới tự bảo thân rằng:

- Từ đây trở đi, ta sẽ theo dõi từng sát-na để xem tư tưởng của Sĩ-đạt-ta. Từ ấy trở đi, Ma vương cố xem tâm thái tử có thiên về tư tưởng xấu không, đặng thừa cơ hội cám dỗ Ngài.

Trong đêm ấy, ngựa Kiền-trắc đưa thái tử đi qua 3 xứ là: Sakya (xứ của Ngài), Sāvatthī (Thất-la-phiệt) và Vesālī, kể ra là 30 do-tuần, nếu tính theo bây giờ là 480 cây số ngàn. Trời vừa rạng sáng, đến một con sông, thái tử mới hỏi Sa-nặc rằng:

- Sông này tên gì Sa-nặc?.

- Thưa thái tử, theo địa dư, đây là con sông Ānomā

- Này Sa-nặc, Ānomā có nghĩa là cao thượng tuyệt đối, đây là điềm lành của sự xuất gia cao quý của ta.

Rồi Ngài mới hỏi Sa-nặc rằng:

- Sức ngựa có thể nhảy qua sông này được không?.

Khi ấy thái tử dùng gót chân thúc vào bụng ngựa, ngựa biết rằng thái tử muốn qua sông, liền nhảy qua được dễ dàng. Đây là hiện tượng đến bờ giác ngộ của thái tử. Khi ấy, thái tử mới xuống ngựa đứng trên bãi cát. Ngài cởi cân đai châu ngọc trao lại cho Sa-nặc và dặn rằng:

- Ngươi hãy đem đồ phục sức và ngựa Kiền-trắc về thành, ta định xuất gia nơi đây.

Ngài tự nghĩ rằng: người tu không nên để râu tóc như ta. Rồi Ngài mới cắt tóc, chỉ còn dài ước độ 3 ngón tay. Tóc ấy quắn lại về mé tay mặt, từ đây cho đến ngày nhập Níp-bàn không bao giờ có cạo, tóc cũng không ra thêm. Ngài cầm búi tóc nguyện rằng: Nếu ta được đắc quả Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, xin cho búi tóc này đừng rớt xuống đất. Khi ấy, có đức Đế Thích đem mâm xuống hứng lấy và đem về làm tháp thờ ở cõi trời Đạo Lợi. Tháp ấy tên là Culemanicetiya (nghĩa là tháp thờ tóc). Khi ấy, thái tử mới nghĩ đến đồ phục sức của người xuất gia, vì người xuất gia không mặc tơ lụa sang trọng như Ngài.

Có vị trời phạm thiên tên Ghattikā, là người bạn cũ của Ngài trong kiếp sanh làm Jotipāla trong thời Đức Phật Kassapa (Ca-diếp), biết rằng thái tử xuất gia, mới đem 8 món vật dụng của người xuất gia xuống, 8 món ấy là: y Tăng-già-lê, y vai trái, y nội, bát, dao cạo, ống đựng kim, dây lưng, bình lọc nước. Đổi lấy y phục Ngài, đem về thờ ở cõi trời phạm thiên

Khi xuất gia xong, Ngài mới bảo Sa-nặc lần thứ nhì rằng:

- Ngươi hãy đêm đồ trang sức của ta và ngựa về, tậu lại sư xuất gia của ta cho lịnh phụ vương hay rằng: thái tử Sĩ-đạt-ta vẫn mạnh khoẻ và đang tu hành tinh tấn, cố tìm đường giải khổ cho chúng sanh. Xin phụ vương an lòng. Thái tử xuất gia vì trông thấy cái khổ của chúng sanh, chớ không vì buồn giận người nào trong hoàng tộc. Nếu bao giờ thái tử đắc quả Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác sẽ trở về độ mẹ, cha và quyến thuộc.

Sa-nặc nghe qua lấy làm đau lòng, quỳ xuống ôm chân thái tử và tâu rằng:

- Thái tử ơi! Ngài nỡ lòng nào dứt bỏ tôi ở giữa rừng sâu này. Khi ra đi có thầy trò mà bây giờ tôi phải trở về có một mình. Vậy tôi xin ở lại hầu Ngài.

- Tại sao ngươi muốn xuất gia với ta?

- Vì Ngài là chúa của tôi, là người mà tôi rất kính yêu và có phận sự phải theo hầu

- Vậy, nếu ngươi thật có lòng kính mến thương yêu ta thì ngươi hãy trở về tâu lại những lời của ta cho phụ vương ta rõ, để Ngài khỏi đau khổ, ngươi không nên chần chờ.

Sa-nặc biết rằng không thể yêu cầu thái tử cho ở lại được nên làm lễ Ngài rồi lên ngựa ra về. Riêng ngựa Kiền-trắc cúi xuống liếm chân Ngài, nước mắt chảy ra nhiễu trên chân Ngài. Ngài thấy vậy lấy làm cảm động, lấy tay mặt rờ trên lưng ngựa và nói rằng:

- Kiền-trắc ơi! Ngươi không nên bi luỵ làm chi, công ngươi đưa ta đi xuất gia cũng cao quý lắm rồi. Bao giờ đắc đạo cũng tìm tế độ ngươi khỏi vòng sanh tử luân hồi. Ngươi ráng sống đợi ta.

Khi Sa-nặc trở gót, Ngài trông thấy lòng Ngài thanh tịnh. Ngài ngự nơi rừng Anupiyavana 7 ngày không ăn uống chi cả, vì Ngài lấy làm thoả thích với sự xuất gia của Ngài. Đến ngày thứ tám, Ngài mới ngự ra khỏi rừng xoài ấy, đi vòng Vương Xá thành. Trong lúc Ngài ngự đi hào quang chiếu sáng, khiến cho người trông thấy phải phát tâm kính thành, kinh sợ. Có kẻ bảo:

- Đây là thiên thần.

Người lại cho là:

- Càn-thát-bà.

Kẻ khác lại cải rằng:

- Đây là Thiên Vương Đế Thích.

Người khác lại cải rằng:

- Không đâu, người mà có tướng hảo quang minh như thế này là Mahesavara (một trong ba vị thần thiêng liêng của Bà-la-môn).

Dân chúng trong thành Vương Xá sôi nổi cả kinh thành, đâu đâu cũng bàn về Đức Đại Bồ tát. Thám tử bèn theo dò xem sự hành động của Ngài. Khi đến gần, thấy rõ mặt Ngài nhưng không biết thuộc hạng chúng sanh nào mới vào tâu với đức Bình-Sa vương rằng:

- Tâu hoàng thượng, hôm nay có một người lạ mặt, tướng mạo phương phi, không biết là Long Vương hay Càn-thát-bà hoặc Thiên Thần đang đi xin ăn trong thành Đức Vua mới mở cửa sổ ở lầu cao, trông xuống thấy tướng hảo quang minh của Đức Bồ-tát. Ngài lấy làm lạ mới phán rằng:

- Vậy các ngươi nên theo dõi người ấy. Nếu là phi nhơn, thì ra khỏi thành sẽ biến mất, còn nếu là Chư Thiên thì sẽ bay lên không trung, còn nếu là Long Vương sẽ chun xuống đất, nếu là người sẽ ngồi ăn một chỗ nào.

Mật thám y lệnh, theo gót của Đức Đại Bồ-tát. Ngài không biết gì cả chỉ lo thu thúc lục căn: được vật thực vừa đủ no, Ngài theo đường cũ trở ra, đến chân núi ngồi day mặt về hướng Đông. Ngài là một nhà Vua sang cả chưa từng gặp những món ăn xoàng của hạng bình dân. Hôm nay, Ngài mới gặp trông thấy nó bẩn thỉu làm sao. Nhưng Ngài cố quán tưởng và tự dạy tâm mình rằng: Này Sĩ-đạt-ta ngươi là dòng Vua sang trọng cao quí, chỉ dùng những cao lương mĩ vị. Bây giờ ngươi đã xuất gia thì làm gì có được những cao lương quí giá ngon lành ấy. Rồi Ngài lại quán tưởng đến vật trược, Ngài thọ thực được không còn ghê tởm nữa. Kể từ ngày xuất gia đến ngày thọ thực được là 8 ngày, Ngài không có dùng vật gì cả. Thám tử trông thấy vậy lật đật về báo cho Đức Vua hay đó là người chớ không phải là chi cả. Đức Vua lấy làm trong sạch, lật đật đến chỗ của Đức Bồ-tát đang thọ thực. Khi đến gần, Đức Vua đi chân đến cạnh Đức Bồ-tát và lễ phép hỏi rằng:

- Bạch Ngài, từ đâu Ngài đến đây?

- Từ kinh đô Ca-tì-la-vệ đến.

- Ngài là dòng nào?

- Dòng Vua.

- Tên chi?

- Sĩ-đạt-ta.

Sự thật, khi còn tại ngôi, Thái tử Sĩ-đạt-ta có giao hảo với Đức Bình-sa-vương về lễ vật. Nhưng hai Ngài chưa từng gặp mặt nhau. Đức Bình-sa-vương nghe qua lấy làm trong sạch, Ngài tỏ ý muốn chia hai giang sang của Ngài cho Đức Bồ-tát, nhưng Đức Bồ-tát không chịu nhận lời. Đức Vua mới yêu cầu Ngài bao giờ đắc đạo quả xin trở về độ Ngài với, Đức Bồ-tát nhậm lời.

Ngài mới tìm đến hai vị đại sĩ có tiếng nhất trong thời kỳ ấy là Ālāra và Uddaka để học đạo nhưng Ngài trông thấy rằng: triết lý của hai vị ấy chưa phải là hoàn toàn giải thoát. Đức Bồ-tát mới bỏ ra đi lần đến rừng Uruvela. Ngài trông thấy chỗ ấy mát mẻ, rất tiện bề hành đạo. Khi ấy có 5 vị đạo sĩ thường gọi là Pañcavaggiya (5 thầy Kiều Trần Như) là Kondañña (Kiều Trần Như), Vappa, Bhaddiya, Mahānāma, Assaji đến hầu làm đệ tử Ngài. Trong 6 năm khổ hạnh của Ngài, nào là nhịn ăn, nhịn uống, cực khổ vô cùng. Đây tôi xin tóm tắt lại chia làm 3 thời kì là:

* Thời kỳ nhịn ăn . Vì Ngài nghĩ rằng: Sự ăn làm mất thì giờ.

* Ngài muốn nghiến chặt hai hàm răng để lưỡi trên nóc giọng rán kìm tâm. Làm như thế bực bội khó chịu vô cùng.

* Ngài cố nín hơi không thở, làm cho hơi ra theo, tai miệng làm như thế than mình nóng nảy khó chịu.

Sau khi nhịn ăn, thân hình Ngài càng ngày càng tiều tụy, khổ sở. Nhưng không bao giờ Ngài nhớ đến sự ăn uống sang trọng, trong khi còn ở tại hoàng cung. Thật ra thì sức người có hạng, ta không thể làm quá sức của ta được. Nên một lúc nọ, vì quá đói gầy, không chịu nỗi với sức lạnh, nên Ngài xỉu. Khi ấy có một vị chư Thiên nghĩ rằng: Đức Đại Bồ-tát đã chết rồi. Mới đến cho Đức Tịnh Phạn vương hay. Đức Tịnh Phạn vương hỏi rằng:

- Con ta đã đắc quả Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác rồi chăng?.

Vị chư Thiên đáp:

- Chưa chắc.

Đức Vua mới nổi giận phán rằng:

- Ngươi hãy đi đi, đừng nói nữa. Bao giờ con ta chưa đắc quả Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thì chưa chết đâu.

Sau khi tỉnh dậy, Đức Bồ-tát nghĩ rằng: nếu ta nhịn nhưng còn thở cũng chưa gọi là cao thượng, rồi Ngài lại nín thở. Trong khi Đức Bồ-tát đang khổ hạnh thì Ma Vương mới nghĩ rằng: thái tử Sĩ-đạt-đa rán cố hành để tìm đường giải thoát, vậy ta phải làm thế nào để cám dỗ Ngài cho bỏ sự khổ hạnh ấy. Nhưng chung quy không làm sao cho Ngài ngã lòng được.

Ngày nọ, Đức Bồ-tát nghĩ rằng: “Trong đời này không còn có người nào khổ hạnh bằng ta. Nhưng hành như vầy cũng không phải là con đường giải thoát, vậy phải làm thế nào?” Đức Đế Thích biết Đức Bồ-tát đang suy nghĩ tìm một phương pháp cao thượng hơn, nên Ngài liền hóa ra một người chăn bò, ngồi trước mặt Bồ-tát khải đờn cho Ngài nghe. Cây đờn ấy có ba dây, dây thứ nhất dùn quá nó lại không kêu. Dây thứ nhì thẳng quá vừa khảy lại bị đứt. Dây thứ ba vừa nên tiếng kêu thanh tao mà khi khảy không đứt.

Đức Bồ-tát trông thấy có cảm tưởng: “Ô!Lắm khi kẻ thất học cũng cho ta được bài học”.

Và Ngài liền sanh ra ba điều ngụ ý như vầy:

* Hàng sa-môn hay Bà-la-môn nào, thân không sa ngũ trần tâm còn quyến luyến theo ngũ trần, mà có ý chí khổ hạnh cho đến đâu cũng không giác ngộ được. Cũng như cây tươi đem ngâm nước, rồi đem cọ để lấy lửa, làm gì ra lửa được.

* Hàng sa-môn hay Bà-la-môn nào, thân đã sa ngũ trần tâm còn quyến luyến theo ngũ trần, dầu có khổ hạnh cho đến đâu cũng không thể đắc quả được. Cũng như cây khô đêm ngâm nước, cũng không thể đem cọ lấy lửa được.

* Hàng sa-môn hay Bà-la-môn nào, thân xa trần tục tâm vắng lặng không say đắm trong mùi trần tục, cố hành đạo tinh tấn có thể đắc quả. Cũng như khúc cây khô, không đem ngâm nước, đem cọ sẽ ra lửa.

Sau khi nghĩ thấu 3 lẽ kể trên, Đức Bồ-tát tự biết rằng khổ hạnh không bổ ích chi cho Ngài cả. Nên Ngài định bỏ sự khổ hạnh Ngài đi tắm rửa và thọ thực lại như xưa. Năm thầy Kiều Trần Như thấy vậy mới bàn với nhau rằng: trước kia Thái tử Sĩ-đạt-ta cố tinh tấn hành đạo như thế mà không được đắc quả thay huống chi bây giờ bỏ cả sự tinh tấn ấy thì làm gì đắc được. Rồi các thầy bỏ Đức Bồ-tát ra đi ở vườn Lộc Giả.

Chú giải có đặt ra những câu hỏi như vầy: năm thầy Kiều Trần Như ra đi có hại hay là có lợi cho Đức Bồ-tát? Đáp có lợi chi Ngài, vì lúc ấy Ngài cần ở một mình thanh tịnh để dạy tâm dễ dàng hơn là chung đụng với nhiều người hỏi: Đức Bồ-tát hành khổ hạnh có ích chi cho Ngài không? Đáp sự thật khi Ngài đang khổ hạnh ấy không có ích chi cho Ngài cả. Nhưng có ích sau khi thành Phật. Vì người thời ấy cho rằng: có khổ hạnh mới thành đạo. Còn tu như các thầy Tỳ-khưu này khó mà thành đạo được. Chừng ấy Phật dạy rằng: sự hành khổ hạnh của Như Lai, không một ai hành nỗi nhưng cũng không kết quả gì, con đường trung đạo mới là con đường giải thoát.

Năm thầy Kiều Trần Như ra đi rồi, Đức Bồ-tát ở lại thâm tâm thanh tịnh cố gắng tham thiền.

Đến đêm 14 tháng Tư âm lịch năm Dậu (tức đúng 6 năm kể từ Ngài xuất gia) Đức Bồ-tát nằm mộng thấy 5 điều là:

* Ngài thấy, Ngài nằm ngủ trên mặt đất, lấy núi Hy-Mã-Lạp làm gối, tay mặt thòng xuống hướng biển đông, tay trái Ngài thòng xuống biển hướng tây, hai chân thòng xuống biển hướng nam.

* Cỏ tranh mọc từ rún của Ngài cao tận mây.

* Có nhiều dòi mình trắng đầu đen, bò từ bàn chân Ngài lên đến gối.

* Có 4 dòng chim nhiều màu: loại màu vàng, loại màu xanh, loại màu đỏ, loại màu đen từ bốn hướng bay đến đậu bên chân Ngài, cùng nhau thành một màu trắng.

* Ngài đi kinh hành trên chót núi nơi ấy toàn là phân nhưng những phân ấy không dính chân Ngài tí nào cả.

Khi thức giấc, Ngài nghĩ đến điềm mộng rồi tự nói: "Nếu ta còn ở tại kinh thành thì ta sẽ đem điềm mộng này tâu  lại cho phụ vương nghe. Ngài sẽ cho mời các nhà đoán mộng đến đoán cho ta. Bây giờ ta ở xa, có ai đâu đoán cho ta, vậy ta hãy tự đoán lấy, Ngài đoán:

* Nằm trên mặt đất là hiện tượng của sự đắc quả Vô thượng  Chánh Đẳng Chánh Giác.

* Tranh mọc từ rún lên hư không là hiện tượng Thuyết-bát-chánh đạo cho chư Thiên và nhân loại nghe.

* Dòi bò từ chân đến đầu gối là hiện tượng của người Cư sĩ vào hầu nghe thuyết pháp và đắc quả Tu-đà-huờn.

* Có bốn loại chim bốn màu, từ bốn hướng bay đến đậu dưới chân Ngài trở thành một màu trắng là hiện tượng của bốn hạng người[33] bỏ gia đình xuất gia theo kinh, luật của Ngài và sẽ được giải thoát.

* Đi kinh hành trên chót núi đầy phân mà chân Ngài không lấm nhơ là hiện tượng: sau khi Ngài đắc quả, tín đồ cúng dường rất nhiều, nhưng lòng Ngài không sa-mê theo đồ vật cúng dường ấy.

Đoán xong Ngài mới giải quyết rằng: chắc chắn rằng ta sẽ thành Phật.

Sáng ngày Ngài súc miệng rửa mặt xong, mới ngồi dưới cội cây Nigorodha, hào quang chiếu sáng. Trong ngày ấy, có cô Sujātā con gái của ông Senaka làm lễ cúng dường cho Thọ thần ở cội cây Nigrodha ấy. Trước kia, cô có phát nguyện rằng: nếu tôi có chồng tôi đẹp trai, có nét hạnh, giàu có, quí mến tôi. Khi sanh con cho tôi sanh con trai đầu lòng. Cô được toại nguyện, nên cô chọn ngày lành tháng tốt cúng dường trả lễ cho tổ thần. Cô định ngày rằm tháng tư trả lễ. Nên tới ngày ấy cô sai người tớ gái là cô Punna ra quét cội cây Nigrodha cho sạch đặng cô đem cơm nấu với sữa tươi ra cúng  dường. Khi người tớ gái đến cội cây Nigrodha day mặt về hướng đông, có hào quang chiếu sáng, cô tưởng thọ thần thiện ra để thọ lễ. Lòng mừng khấp khởi cô Punna lật đật chạy về cho cô Sujātā hay rằng:

- Thưa cô, hôm nay vì lòng thành kính của cô, nên thọ thần hiện ra để làm lễ.

Cô Sujātā lấy làm mừng và nói với Punna rằng:

- Từ đây ta coi như là con ta vậy.

Rồi cô đem y phục tốt ra cho Punna mặc. Rồi cô và Punna bưng mâm bằng vàng đầy cơm sữa đến cội Nigrodha. Cô trông thấy Đức Bồ-tát ngồi hào quang sáng chói. Cô cũng đinh ninh rằng thọ thần hiện ra thọ lễ. Cô liền đem mâm vật thực đến thành kính cúng dường. Trong khi ấy cái bát của Đức Phạm Thiên dang lại mất đi từ bao giờ. Ngài không biết xử trí làm sao, mới đưa mắt nhìn cô Sujātā. Cô hiểu ý Ngài hỏi rằng:

- Cô có lấy mâm về không?

Cô đáp:

- Bạch Ngài tôi xin cúng dường cả mâm và chén luôn.

Rồi cô đảnh lễ Ngài và bạch rằng:

- Bạch Ngài, tôi đã cầu nguyện dưới cội cây của Ngài và hôm nay đã được đắc kỳ sở nguyện. Vậy đây là lễ vật cúng dường trả ơn Ngài. Xin Ngài từ bi thâu nhận cho tôi được sự an vui lâu dài.

Nói xong cô đứng dậy ra về, không mến tiếc mâm vàng.

Đức Bồ-tát đứng dậy bưng mâm cơm đi thẳng đến con sông Nerañjatā (Tàu âm là Ni-liên). Ngài xuống tắm, khi tắm xong, Ngài mới vắt cơm ra làm 49 vắt và thọ thực hết cả tại con sông ấy. 49 vắt cơm ấy làm cho Ngài no đến 7 tuần lễ. Khi thọ thực xong, Ngài bưng mâm vàng lên và phát thệ nguyện rằng: “Nếu ta được đắc quả Vô lượng Chánh Đẳng Chánh Giác, xin cho mâm này xuôi ngược dòng sông, nếu ta không thể đắc được quả cao quí ấy, thì xin cho mâm chìm ngay đến chỗ này”. Rồi Ngài để mâm xuống dòng sông. Lạ thay, mâm trôi ngược dòng nước độ 80 hắc tay rồi chìm xuống. Chỗ mâm vàng chìm, đó là một tòa thủy điện của Long Vương. Trong tòa lầu ấy, đã có ba cái mâm của ba vị Phật quá khứ xin mâm vàng của Đức Bồ-tát chạm phải ba cái mâm kia, tiếng kêu vang lên. Long Vương đang ngủ, giật mình thức dậy mới nói rằng: mới hôm qua đây, có một vị đắc thành Chánh Đẳng Chánh Giác, hôm nay lại một vị nữa.

Khi Đức Bồ-tát trông thấy mâm trôi ngược dòng như thế, Ngài đinh ninh rằng: thế nào ta cũng đắc quả Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Ngài mới trở về rừng sâu, hào quang chiếu sáng, có Phạm Phiên Đế-Thích theo hầu, rải hoa cúng dường. Khi ấy có Thầy Bà-la-môn tên Sottiya đem dâng cho Ngài tám bó tranh. Đức Bồ-tát câm tám bó tranh ấy, đi thẳng đến cội cây Bồ đề. Trải bỏ với cội cây ngồi day mặt về hướng đông. Ngài phát nguyện rằng: nếu thật ta đắc quả hôm nay, xin cho nơi này nổi lên một bảo tọa cho ta ngự. Liền khi ấy một bảo tọa màu xanh, cao 14 hắc tay, từ dưới đất nỗi lên. Đức Bồ-tát lấy làm vui lòng và ngự trên ngôi bảo tọa, sắp sữa tham thiền. Ngài phát nguyện rằng: bao giờ lòng ta chưa hết thụy miên phiền não, dầu cho thịt ta có khổ , da ta có héo ta cũng không rời bỏ bảo tọa này. Trong khi ấy, có tất cả chư Thiên, Phạm Thiên trong sa-bà thế giới đem các thứ hoa lạ đến cúng dường cho Ngài và đứng hầu.

Khi ấy, Ma Vương theo bén gót Ngài để xem Ngài, để xem lỗi của Ngài. Hôm nay thấy Đức Bồ-tát ngồi trên bảo tọa lấy làm tức giận mới nghĩ rằng: thật Thái tử Sĩ-đạt-ta có giải thoát ra ngoài vòng thống trị của ta; đối với chúng sanh ta sẽ mất hết uy quyền, vì Thái tử Sĩ-đạt-ta đắc thành Phật quả. Vậy ta phải làm cho trở ngại sự đắc đạo của Sĩ-đạt-ta, rồi gọi tất cả binh ma đến nói rằng:

- Này chư tướng, tất cả chúng sanh từ A-tỳ địa ngục cho đến cõi Phạm Thiên, chẳng có một ai sánh bằng Thái tử Sĩ-đạt-ta. Vì vậy, nên chúng ta không thể đấu chiến trước mặt với Sĩ-đạt-ta được phải đánh lén mới xong. Vậy các ngươi phải biến hóa ra hình tướng hung dữ, cầm đủ khí cụ đến dọa nạt cho Thái tử Sĩ-đạt-ta kinh sợ, bỏ bảo tọa ra đi.

Quân ma vâng lời biến thành nhiều tướng kì dị đáng ghê, từ 4 phương 8 hướng bay đến đầy trời. Riêng Ma Vương ngồi trên lưng tượng Girimekhala cao 150 do tuần, hai bên có quân ma theo hầu, tiếng hét la vang trời như sâm nổ. Phạm tiên, Đế Thích, chư Thiên vương trong Sa-bà thế giới đều bay đi chỉ để Đức Bồ-tát ngồi một mình. Khi ấy Ma Vương kêu to lên rằng:

- Chư tướng! Hãy bắt Thái tử Sĩ-đạt-ta cho ta.

Rất lạ, là không có một tên tướng nào của Ma Vương dám đến gần. Ma Vương thấy binh tướng của mình sợ oai Đức của Bồ-tát tức giận gầm thét:

- Phải xông vào.

Trước tình thế ấy, Đức Bồ-tát nghĩ rằng: “Ma Vương đưa binh tướng đến rất đông, để làm hại ta, nơi đây không có quyến thuộc ta mà chư Thiên, Phạm Thiên cũng bỏ ta đi hết. Ngoài ta ra, thì ta chỉ còn có phép Ba-la-mật của ta để chống với Ma Vương, chớ không còn chi chống nỗi. Vậy ta dùng cặp chân rất mạnh của ta là tinh tấn đứng trên đất thật chắc là giới, tay mặt ta là Đức tin, cầm gươm báu là trí huệ. Những Ba-la-mật kia ta dùng làm cái khiên để chống với tất cả khí cụ lợi hại của Ma Vương, để ta giữ vững bảo tọa này”. Rồi Ngài kêu:

- Hỡi này ba-la-mật, bố thí, trì giới, xuất gia, tinh tấn, .... hãy hội lại nơi đây và cầm các món khí cụ chống với Ma Vương.

Trong khi ấy, hình như có 7 đạo hùng binh có nhiều thần thông hiện ra đứng quanh Bồ-hoàn và nói rằng: Bạch đấng Giác ngộ, xin Ngài an lòng. Có chúng tôi là người đã nuôi dưỡng từ vô số kiếp. Ngài đã xem chúng tôi chống với quân Ma.

Bảy đạo binh ấy là:

* Saddhābala: đạo quân Đức tin

* Vīriyabala: đạo quân Tinh tấn

* Satibala: đạo quân Trí nhớ

* Samādhibala: đạo quân Thiền định

* Paññābala: đạo quân Trí tuệ

* Ottappabala: đạo quân Ghê sợ tội lỗi

* Hirībala :đạo quân Hổ thẹn tội lỗi

Vì có 7 đạo binh tinh nhuệ ấy, nên Ma Vương và binh tướng không dám đến gần Bồ-đoàn. Ma Vương thấy thế càng căm giận làm ra 9 thứ mưa là mưa thường, mưa lửa, mưa đá, mưa tro nóng, mưa gươm đao, mưa sình, mưa cát, mưa sạn và gió lớn. Những thứ mưa ấy đến gần Đức Bồ-tát hóa thành bông hoa thơm và cúng dường Ngài. Khi dùng hết thần thông của mình mà không thấy kết quả. Ma Vương mới đến gần nói với Đức Bồ-tát rằng:

- Này Sĩ-đạt-ta ngươi hãy đứng dậy ra khỏi bảo toạ này, nếu không ta sẽ bắt ngươi mà mổ tim.

Đức Bồ-tát không chút kinh sợ và nóng giận mới đáp:

- Này Ma Vương, chính  ngươi không biết rằng: ngươi bất tài kém sức, không có hành Ba-la-mật, ngươi làm tôi tớ còn chưa đáng (mà đèo bồng). Ta đã đào tạo ba-la-mật. Hôm nay ba-la-mật của ta đã đầy đủ rồi, Pháp cao thượng là quả Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Quả Chánh

Đẳng Chánh Giác không phải là quả mà ai ai muốn cũng đặng. Nếu đem ba-la-mật mà chia làm 16 phần, lấy 1 phần trong 16 phần ấy chia ra làm 16 phần nữa và chia như vậy 16 lần. Công Đức của nhà ngươi không bằng một phần trong 16 phần chót ấy. Trong kiếp ta sanh làm thỏ, dám nhảy vào lửa bố thí sanh mạng ta cho người ăn xin. Vậy ngươi có thấy chăng, việc làm của ta không ai làm được. Công Đức ấy mới xứng với quả tối cao. Mười pháp ba-la-mật ấy cấu tạo ra ta là đấng giác ngộ. Chúng sanh tưởng là một Chư Thiên hoặc Đế Thích hay là  phạm thiên. Nhưng những điều ấy sai lầm cả, vì ta là một vị đại Bồ-tát. Tâm ta không quyến ngũ trần. Ta là người thắng quả trong mọi nơi.

Khi Ma Vương nghe Đức Bồ-tát nói như vậy càng bực tức mới nói:

- Sĩ-đạt-ta, đứng dậy ra đi, ta không cần ngươi nói nhiều, điều cần hơn hết là nhường bảo tọa cho ta, ngươi không đáng ngồi nơi bảo tọa này. Bảo tọa này để cho người quảng đại như ta. Vì ta là người cai quản cả Sa-bà thế giới.

- Vậy lời nói đây là nói thật chứ?

- Thật vậy.

- Vậy ai là người làm chứng cho ngươi?

Ma Vương ngó quân tướng của mình ra đấu, rồi chỉ cho Đức Bồ-tát thấy và nói rằng:

- Những kẻ có mặt nơi đây làm chứng cho ta.

Khi ấy bao nhiêu binh ma điều ứng lên nói rằng:

- Thật bảo tọa này của Ngài:.

Đức Bồ-tát hỏi:

- Vậy bảo tọa nay có từ trước kia sao?"

- Khi trước không có.

- Nếu khi trước không có, tại sao ngươi nói bảo tọa này có là do nơi phước báu của ngươi? Ngươi có làm những công Đức gì?

- Ta cũng có làm nhiều phước lành từ lâu.

- Nếu ngươi có làm nhiều công Đức thì hãy tự phát nguyện cho có bảo tọa mà ngồi. Riêng bảo tọa này, có đây thuộc về của ta nên ta không đi đâu cả.

- Này Thái tử Sĩ-đạt-ta. Sao ngươi không tự lượng sức mình tay không , còn ta có khí cụ, có quân tướng nhiều mà dám chống cự với ta?

- Này Ma Vương. Nếu vậy  cũng không biết sức mạnh của ta, vũ khí, tướng sĩ của ta đã nuôi từ vô số kiếp. Nhờ đó mà ta có đủ can đảm ngồi giữa trận như vầy.

Ma Vương mới nghĩ rằng: từ xưa đến nay, ta nghe chư Thiên ca tụng rằng: Sĩ-đạt-ta không bao giờ nói dối. Tại sao hôm nay lại nói dối. Vậy ta phải hỏi lại mới được. Ròi hỏi rằng:

- Này Sĩ-đạt-ta! Hôm nay ta biết rỏ rằng: ngươi nói dối, vì ngươi ngồi đây một mình mà dám nói rằng: có quan quân cầm vũ khí hộ ngươi, tại sao ta không thấy những đạo quân ấy?

- Này Ma Vương không bao giờ ta nói dối. Nếu nói dối làm sao đắc quả vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Ta có đại đội hùng binh từ khi ta thật hành theo 10 phép ba-la-mật cả thảy 4 a-tăng-kỳ và một trăm ngàn kiếp. Những đại đội hùng binh mà ta đã chuẩn bị và nuôi dưỡng từ lâu ấy, có thể giúp cho ta được két quả mỹ mãn trong mọi việc, có các món vũ khí rất sắc và chắc là trí tuệ. Vì vậy nên ta mới bảo ngươi như thế.

- Này Sĩ-đạt-ta. Ngươi nói rằng ngươi nuôi quân sĩ của ngươi , vậy ngươi nuôi bằng những gì?

- Này Ma Vương. Ta nuôi quân sĩ của ta bằng các sự bố thí gọi là 5 điều đại thí là: puttaparicāg-bố thí con, daraparicāga-bố thí vợ, dhanaparicāga-bố thí của, aṅgaparicāga-bố thí tứ chi, jīvitaparicāga-bố thí sanh mạng. Và ba phép lành là: lokatthacariyā-hành hầu đem sự lợi ích lại cho thế gian, nātathacaricyā-hành hầu đem sự lợi ích lại cho quyến thuộc, buddhatthacariyā-hành hầu đắc quả Phật.

Do nhờ phép ba-la-mật, nên hôm nay ta được bảo tọa này, bảo tọa này không phải là của ngươi.

Khi Ma Vương nghe nói vậy lấy làm tức giận, mới liệng ra một cái vòng như bánh xe, nhưng có chia ra rất sắc, có thể chém nát trái núi Tu-di được, để giết Đức Bồ-tát. Tiếng của vòng ấy kêu vang như sấm nổ và chiếu sáng như trời chớp. Đây là món bửu bối nguy hiểm nhất của Ma Vương chưa bao giờ dùng tới; bọn binh tướng của Ma Vương có phép hay tài lạ cũng đều thi thố ra hết. Đức Bồ-tát không kinh sợ, Ngài ngồi điềm tỉnh như Sư tử ngồi giữa bầy nai. Những phép mầu của Ma Vương và binh tướng đều trở nên tràng hoa cúng dường cho Ngài.

Thấy thế, Đức Bồ-tát mới gạn hỏi Ma Vương lần thứ nhì rằng:

- Này Ma Vương. Ngươi đã nói bảo tọa này của ngươi. Vậy ai làm chứng cho ngươi?

Ma Vương chỉ quân sĩ của mình làm chứng. Rồi hỏi lại Đức Bồ-tát rằng:

- Còn ngươi có ai làm chứng?

- Còn ta thì không có người làm chứng. Vậy thì ta xin nhờ quả địa cầu là vật vô tri vô giác này làm chứng cho ta.

Rồi Ngài chỉ tay xuống đất và nói rằng:

- Bảo tọa này sanh lên do oai đức phước lành của ta, thì đâu có ai biết được mà làm chứng. Ta đã phát nguyện từ vô lượng kiếp. Hầu đắc quả Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác trên bảo tọa. Trong mỗi kiếp ta đều thật hành ba-la-mật. Như trong kiếp ta sanh làm Vessantara bố thí Bạch tượng, ngựa xe, con yêu, vợ quí làm cho quả địa cầu rung động bảy lần. Hiện giờ ta đang ngồi trên bảo tọa, có Ma Vương đến cướp của ta, rồi lại chỉ quân sĩ làm chứng. Vậy quả địa cầu vô tri vô giác ơi. Ngươi hãy nghe lời ta phân trần và làm chứng cho ta.

Lời nói ấy hình như cảm động đến quả địa cầu, đất chuyển động nứt ra, có nhiều dòng nước chảy rất mạnh làm trôi hết quân ma tướng Quỉ. Ma Vương trông thấy lấy làm kinh sợ và rất kính phục tài đức của Đức Bồ-tát, mới nghĩ rằng: thật Sĩ-đạt-ta dày công tu pháp ba-la-mật, nên mới có thần thông như ý muốn. Rồi lật đật bỏ cả khí cụ, chắp tay nói câu kệ ca tụng công Đức của Đức Bồ-tát rằng:

- Bạch Ngài, Ngài là đấng cao cả hơn chúng sanh. Tôi xin đem hết lòng thành kính mà làm lễ Ngài. Ngài sẽ đắc thành Chánh quả, Ngài là đấng có oai lực cảm thắng được binh ma và Ma Vương là người thông minh hơn tất cả chúng sanh, Ngài đã tiếp độ chúng sanh khỏi vòng thống khổ đến nơi bờ an lạc là Đại Niết bàn.

Ma Vương trở về cõi trời. Chư Thiên và Phạm Thiên mới trở lại hầu Đức Bồ-tát.

Có câu hỏi: vậy tại sao chư Thiên và Phạm Thiên lại chạy bỏ Đức Bồ-tát ngồi một mình có phải các vị ấy sợ ma lực của Ma Vương không? Đáp: cũng có hạng sợ, có hạng không. Nhưng Chư Thiên và Phạm Thiên bỏ đi để Đức Bồ-tát lại, đặng Ngài thắng Ma Vương bằng oai Đức của ba-la-mật.

Ngài thắng Ma Vương thì mặt trời lặn. Chư Thiên Phạm Thiên và Long Vương v.v ... đều đến hầu Đức Bồ-tát. Ngài bắt đầu nhập đại định, kế Ngài dùng trí huệ quan sát tiền kiếp của Ngài. Ngài thấy rõ các kiếp sanh làm chư Thiên, Phạm Thiên, người, thú v.v... Cho đến khi ngồi trên bảo tọa, thắng Ma Vương. Đây gọi là Pubbenivasãnãan (nghĩa là trí tuệ trông thấy rõ tiền kiếp).

Đến canh giữa Đức Bồ-tát đắc được Dibbacakkhu (Thiên nhãn thông) nghĩa là Ngài xem thấy sự sanh của chúng sanh sanh lại làm những gì tùy theo duyên nghiệp của mình. Chẳng những vậy mà Ngài còn trông thấy rõ những hình ảnh của chư Thiên các hạng phi nhơn... gần hay xa vô lượng vô biên Ngài cũng trông thấy như ở gần bên.

Đến canh chót, Ngài dùng trí huệ quan sát về thập nhị nhơn duyên, thuận và nghịch. Mặt trời vừa mọc thì Ngài cũng vừa đoạn tuyệt tận gốc phiền não, đắc quả vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Khi ấy Ngài mới thuyết câu kệ rằng:

“Anekajātisaṃsāraṃ,

Sandhāvissaṃ anibbisaṃ;

Gahakāraṃ gavesanto,

Dukkhā jāti punappunaṃ”[34].

Nghĩa là: khi ta chưa giác ngộ, cố lo tìm kiếm ái dục là thợ làm nhà, nên phải bị luân hồi trong biển khổ, phải sanh mãi để bị khổ. Này ái dục là thợ làm nhà (hôm nay) ta thấy rõ ngươi luân hồi. Ngươi không thể làm nhà (là thân) này ta ở nữa được. Vì những phiền não là sườn nhà ta đã phá hoại rồi; nóc nhà (vô minh) ta đã tiêu diệt rồi. Tâm ta dứt khỏi pháp hành đã đến bực không còn tham ái dục nữa, đã đến Niết bàn.

Sau khi đắc quả Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác Đức Thế Tôn ngự dưới cội bồ đề dưới cội bồ đề 7 ngày hưởng vị của sự giải thoát (đây là tuần lễ thứ nhất). Sau đó Ngài đứng dậy đi về hướng đông bắc, day mặt ngó về cội bồ đề, lấy làm thỏa mãn với sự hành ba-la-mật của Ngài. Lúc ấy chư Thiên có lòng hoài nghi rằng: không biết pháp Giác ngộ của Phật có gì hơn nữa không? Đức Thế Tôn biết thế mới dùng thần thông cho chư Thiên biết rằng: đã là đấng Toàn giác, thì có đủ năng lực về mọi phương diện. Đây gọi là Animittacetiya (tuần lễ thứ nhì).

Kế đó, Ngài đi kinh hành trên con đường giữa khoảng cây bồ đề và chỗ Ngài đứng ấy, 7 ngày đây gọi là Ratanacangamacetiya (tuần lễ thứ ba). Tuần lễ thứ tư, Ngài ngự tại trong tòa lầu ngọc thuộc về hướng tây bắc của cội bồ đề. Tòa lầu ngọc ấy ngụ ý chỉ các pháp là: tứ niệm xứ là nền; bốn phép nguyện vọng pháp mầu là cột; luật là vách; tạng Kinh là rui, mè, đòn tay; tạng luật là nóc lầu; trên móc có chạm trỗ là Đại định. Đây ngụ ý rằng: Đức Thế Tôn suy nghĩ về tạng Kinh, Luật, Luận ở hướng tây bắc của cội Bồ đề.

Tuần lễ thứ 5, Đức Thế Tôn ngự dưới cội cây cây Ajapālanigrodha ở về phía đông của cội Bồ đề. Ngài nhập định nơi ấy 7 ngày.

Nói về Ma Vương, sau khi bị Đức Bồ-tát cảm thắng  rồi trở về nửa đường, ngồi bên liền nghĩ rằng: "kể từ khi ta theo Thái tử Sĩ-đạt-ta để thọ tư tưởng của Ngài, không thấy một lỗi nhỏ. Hôm nay Thái tử Sĩ-đạt-ta được giải thoát khỏi lưới của ta. Vì uất hận nên Ma Vương không về cung trời , ngồi bên lề đường lấy tay gạch xuống đất 16 lằn và tính rằng: vì ta không bố thí ba-la-mật, ta không trì giới Ba-la-mật, ta không xuất gia Ba-la-mật, ta không có trí huệ Ba-la-mật, ta không có tinh tấn Ba-la-mật, ta không nhẫn nại Ba-la-mật, ta không chân thật Ba-la-mật, ta không phát nguyện Ba-la-mật, ta không từ Ba-la-mật, ta không xả Ba-la-mật nên không thành Phật như Sĩ-đạt-ta, tính cả thảy là 10 điều. Mỗi lần kể gạch 1 gạch cả thảy 10 lần. Rồi mới tính thêm nữa rằng. Vì ta không hành thêm 6 điều gọi là Asādharanañāṇa (nghĩa là tuệ đặc biệt riêng của các bậc Chánh Đẳng Chánh Giác).

* Indriyaparopariyattiñāṇa: nghĩa là trí tuệ thấy rõ ngũ căn.

* Āsāyānusayāñāṇa: nghĩa là trí tuệ thấy rõ thụ niên phiền não, tánh tình mỗi chúng sanh và sự giải thoát nghĩa là: biết người nào còn mê ngũ trần, người nào còn say đắm trong  ngũ trân.

* Yamakapatihāriyañāṇa: trí huệ thông hiểu cách dùng thần thông gọi là Yamakapatihāriya.

* Mahākaruṇāñāṇa: trí huệ của các bực hành theo Mahākaruṇāsamāpatti (nghĩa là lòng đại bi).

* Sabbaññutañāṇa: trí tuệ của bậc toàn giác hiểu rõ tất cả các pháp hành.

* Anāvarañāṇa: trí tuệ của các bậc hiểu thông tất cả mọi việc không có vật gì ngăn cản được.

Mỗi điều đã kể ra thì gạch một lằn, tất cả là 16 lằn. Rồi Ma Vương kết luận lại rằng: vì ta thiếu 16 điều này nên không thể thành chánh quả được.

Khi ấy, ba người con gái của Ma Vương là Rāga (Tham-ái), Arati (Tật đố), Taṇhā (ái dục) không thấy cha mới hỏi nhau rằng:

- Phụ vương đi đâu vắng.

Ba chị em rủ nhau đi kiếm gặp Ma Vương đang ngồi rầu. Ba cô mới đến hỏi:

- Phụ vương có chuyện gì mà ngồi rầu như thế ?

Ma Vương mới tường thuật tự sự cho ba chị em nghe, ba nàng mới nói một cách hăng hái rằng:

- Phụ vương hãy an lòng, chúng con tình nguyện đi cám dỗ Thái tử Sĩ-đạt-ta dẫn về cho Phụ vương.

- Này các con. Trong tam giới không có một ai cám dỗ Thái tử Sĩ-đạt-ta được đâu.

- Phụ vương hãy an lòng, ba con sẽ cám dỗ bắt Sĩ-đạt-ta bằng các thứ lưới, nhất là lưới ái dục. Chúng con là Thái tử cám dỗ Sĩ-đạt-ta dễ hơn.

Rồi ba nàng đi đến chỗ ngự của Đức Thế Tôn dưới cội cây Ajapālanigrodha bạch rằng:

- Bạch Ngài Sa-môn, chúng em xin hy sinh tấm thân này để hầu hạ Ngài.

Đức Phật ngồi yên, 3 cô thấy vậy mới bàn nhau rằng: "lẽ cố nhiên những người đàn ông có tánh khác nhau, có người thích con gái, người thích cỡ 20 tuổi, người thì thích đàn bà. Vậy chúng ta phải hóa ra 3 hạng cảm dỗ mới được". Rồi ba nàng hóa ra ba hạng phụ nữ khác nhau, đến xin hầu hạ Đức Phật. Khi ấy, Đức Phật mới dạy rằng:

- Các ngươi hãy tránh đi nơi khác, không nên đến đây cám dỗ Như Lai. Có muốn thì nên chọn những ngừơi tham ái. Riêng Như Lai đã tận diệt hết tất cả những phièn não rồi, thì các ngươi làm sao cám dỗ được.

Rồi Đức Thế Tôn ngâm câu kệ rằng:

“Yassa jitaṃ nāvajīyati,

Jitaṃ yassa no yāti koci loke;

Taṃ buddhamanantagocaraṃ,

Apadaṃ kena padena nessatha”[35].

Nghĩa là: những phiền não nào trong thế gian này mà Chánh Đẳng Chánh Giác đã toàn thắng (phiền não ấy) không thể trở lại thắng Đức Chánh Đẳng Chánh Giác được, không bao giờ tâm của đấng giác ngộ chiều theo phiền não, thì các ngươi làm gì cám dỗ được. Lưới ái dục của các ngươi chỉ bắt được những chúng sanh quên mình, ham mê Ngũ trần. Không có gì làm cho (tâm) Đấng Giác ngộ rung động được. Ba cô cả thẹn bỏ ra về.

Tuần lễ thứ sáu: Đức Thế Tôn ngự đến cội cây Mucalinda (cây cà chất) ở về hướng đông của cây bồ đề. Gió lớn thổi lên, mưa to rơi xuống cả ba ngày. Có Long Vương tên Mucalinda ở tại một cái hồ gần đó, trông thấy Đức Phật hào quang tươi đẹp, mới nghĩ: "người này là ai? Có tướng đẹp hơn cả chúng sanh, có hào quang sáng rỡ, có lẽ một vị Thiên Vương chăng? Khi đến gần, nhìn rõ là Đức Phật, Long Vương mới nghĩ rằng: đây là phước báo của ta phải dùng thần thông che cho Ngài được ấm áp. Nghĩ xong Long Vương quấn quanh Kim thân Đức Thế Tôn 7 vồng, hóa ra 7 cái đầu che như cây lộng, không cho một hạt mưa nào xâm phạm vào mình Đức Thế Tôn. Đúng 7 ngày mưa lặng, gió êm, Long Vương mới tháo ra, rồi hóa một người thanh niên đảnh lễ Đức Phật. Đức Thế Tôn mới nói câu kệ rằng:

“Sukho viveko tuṭṭhassa,

Sutadhammassa passato;

Abyāpajjaṃ sukhaṃ loke,

Pāṇabhūtesu saṃyamo”[36]

Nghĩa: người đã trông thấy rõ đạo quả pháp giải thoát trong sự hạnh thanh tịnh là an vui tuyệt đối. Hơn nữa, an vui nào không lẫn lộn với tham ái, do nhờ dứt bỏ khoái lạc của ngũ trần và ngã mạn, là an vui độc nhất.

Tuần lễ thứ bảy: sau khi nói xong câu kệ, Ngài ngự đến cây Rajāyatana ở phía dưới tay mặt của cây Mucalinda, Ngài nhập định nơi cội cây ấy 7 ngày. Tổng cộng cả thảy là 7 tuần lễ. Sau khi xả định ra Ngài cũng vẫn ngồi nơi ấy.

Khi Đức Thế Tôn vừa xả định, Thiên Vương Đế Thích nghĩ rằng: “Đã 49 ngày Đức Thế Tôn hưởng hương vị của pháp giải thoát, không thọ thực”. Rồi Ngài đem trái cà-na rừng đến dâng cúng cho Đức Phật. Sau khi thọ thực xong Ngài đi đại tiện rồi cũng vẫn ngự nơi cội cây ấy. Có hai người lái buôn tên Tapussa và Bhallika là hai anh em ruột mỗi người có 500 cỗ xe chở đầy hàng hóa đến bán ở xứ Ukkalajanapada, đi qua gần chỗ Phật ngự. Có một vị chư Thiên trong kiếp trước có sanh làm quyến thuộc của hai người ấy khi thấy họ đến gần mới nghĩ rằng: "hai người này là quyến thuộc ta trong kiếp trước, họ còn say mê trong đời, không biết Đức Phật, không quy y được. Vị Thiên ấy mới dùng thần thông làm cho cả ngàn cái xe đang đậu bỗng dưng bánh xoay tròn. Nhưng xe nằm yên một chỗ. Những người ấy lấy làm lạ, mới đem bò lại bắt kế vào xe cho kéo đi, nhưng xe không nhúc nhích chút nào. Họ lấy làm kinh sợ, van vái với chư Thiên. Vị Thiên ấy bèn hiện ra, đưa tay chỉ hướng của Đức Phật đang ngự cho hai người lái buôn thấy và nói rằng:

- Này bạn, hiện nay Đức Giác ngộ đã ra đời, Ngài đang ngự dưới cội cây Rājāyatana, hai bạn hãy đến làm lễ và dâng Sattu (bánh làm bằng bột) đến Ngài để được nhiều sự lợi ích, bình an lâu dài.

Nói xong biến mất. Hai người lái buôn ấy vừa lấy làm lạ nên hết sức kính thành vâng lời. Khi đến gần thấy Đức Thế Tôn có 32 tướng tốt, hào quang chiếu sáng, phát tâm tín thành nghĩ rằng: đây là hạnh phúc của ta. Cả hai mới đem bánh Sutta đến gần Đức Thế Tôn, rồi hết lòng đảnh lễ và cúng dường bánh Sutta đến Đức Thế Tôn, ngồi nới phải lẽ rồi bạch Phật rằng:

- Bạch Đức thê tôn. Xin Ngài từ bi thọ lãnh vật thực cúng dường của chúng đệ tử, cho đệ tử được lợi ích, bình an lâu dài.

Trong khi ấy Đức Thế Tôn mới nghĩ rằng: “ta không có bát. Vậy chư Phật trong kiếp quá khứ, có khi nào thọ lãnh vật thực bằng tay không?. Và ta lại thọ lãnh bánh Sutta bằng gì bây giờ”. Khi ấy, Tứ Đại Thiên Vương biết Đức Thế Tôn không có bát nên không thọ lãnh bánh sutta. Bốn Ngài, mỗi vị đem dâng một cái bát bằng đá một lượt với nhau. Đức Thế Tôn phải nhận lãnh cả 4 cái bánh một lượt để khỏi phụ lòng 1 vị nào. Khi thọ xong, Ngài dùng thần thông làm 4 cái trở nên một cái, rồi mới thọ lãnh bánh Sutta. Khi Ngài thọ lãnh bánh xong, Tapassu và Bhallika mới bạch rằng:

- Bạch Đức Thế Tôn. Hai anh em đệ tử xin quy y Phật, quy y Pháp kể từ ngày nay, xin Đức Thế Tôn nhận đệ tử là người thiện nam trong Phật Giáo đến trọn đời.

Rồi mới xin Đức Phật một vật gì để thờ cúng. Đức Thế Tôn mới đưa tay lên vuốt tóc, có 8 sợi dính theo tay Ngài. Ngài cho 2 người phú thương ấy, họ lấy làm thỏa thích. Đây là hai người thiện nam đầu tiên trong Phật Giáo chỉ thọ quy y Nhị Bảo là Phật và Pháp vì lúc ấy chưa có Tăng.

Sau đó, Đức Thế Tôn trở lại ngự dưới cội cây Ajapālanigrodha, Ngài mới nghĩ rằng: Pháp mà Như Lai đã giác ngộ được là pháp rất cao siêu mầu nhiệm, chúng sanh là hạng căn cơ thấp kém khó hiểu được. Trừ ra một ít số người trí thức hiểu được; những chúng sanh đẩy dầy phiền não, làm gì hiểu thấu lý. “THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN” để diệt trừ Ái-dục và chấp uẩn hầu đắc đạo quả Niết-bàn. Nếu chúng sanh không thể hiểu rõ được lý giải thoát, ta có độ đời cũng hoài công thôi.

Khi ấy vị Phạm Thiên tên Sahampati sợ Đức Thế Tôn nhập diệt nên kêu hoảng lên rằng: Ôi! Đời sẽ bị tiêu diệt. Do nhờ thần thông của Ngài làm cho tiếng kêu vang dội khắp trăm ngàn thế giới Sa-bà. Chư Thiên trong các cõi ấy làm sợ không hiểu chuyện gì mới rủ nhau đi hỏi Phạm Thiên Sahampati:

- Thưa Ngài, không biết đời sẽ bị sự tai hại gì?

- Vậy quí vị sẽ không biết đời sẽ bị sự tai hại sao?

Chư Thiên đồng thưa:

- Thưa Ngài. Vị đại Bồ-tát mà chúng ta đã yêu cầu giáng xuống trần. Hôm nay đã thành đạo Ngài là đấng có đủ khả năng cứu độ chúng sanh khỏi vòng thống khổ thì đời còn có tai hại gì nữa?.

- Này Chư Thiên, các bạn chưa hiểu hiện giờ Đức Thế Tôn đang suy nghĩ pháp của Ngài cao siêu, khó chúng sanh đoạt được. Ngài đang tính đến sự diệt độ, không thuyết pháp độ đời. Vì vậy nên ta mới kêu lên như thế. Vậy chúng ta hãy yêu cầu Ngài thuyết pháp độ đời. Chư Thiên đồng nói:

- Lành thay. Lành thay.

Rồi đồng cùng nhau đến cây Rājāyatana. Phạm Thiên Sahampati có hào quang chiếu sáng vô cùng tận. Quỳ đầu gối mặt xuống chấp tay lại, hai cùi chỏ để trên đầu gối trái, tỏ vẻ tôn kính Đức Thế Tôn và bạch rằng:

- Bạch Đức Thế Tôn. Ngài là đấng có Đức hạnh hoàn toàn. Xin Ngài mở lòng từ bi thuyết pháp độ đời. Trong đời cũng có nhiều chúng sanh lòng ít phiền não, thương hại thay những người ấy không nghe được pháp thì mất đạo quả. Những người ấy ví như hao sen mọc lên khỏi nước chỉ có nhờ ánh thái dương là nở, hạng chúng sanh này chỉ mong nghe được một bài kệ cũng có thể đắc đạo quả được. Hạng này không phải là ít, kể cũng hằng muôn triệu. Hơn nữa Đức Thế Tôn đã vun trồng ba-la-mật trong 4 a-tăng-kỳ và một trăm ngà kiếp, cũng chỉ nguyện đưa chúng sanh khỏi vòng luân hồi khổ. Hiện giờ, Đức Thế Tôn đã đắc quả Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác rồi. Tại sao Ngài lại không thuyết pháp độ đời. Nếu vậy thì chúng sanh biết nương dựa nơi đâu.

Khi ấy, Đức Thế Tôn mới phán rằng:

- Này Sahampati. Pháp mà Như Lai đã đắc rất tinh tế nên Như Lai nghĩ rằng: ta không thuyết pháp cho chư Thiên và nhân loại nghe, chỉ e hoài công vô ích. Hôm nay, ngươi đến yêu cầu Như Lai sẽ thuyết pháp mở cửa Niết bàn cho chúng sanh có duyên lành được giác ngộ.

Phạm Thiên Sahampati biết Đức Thế Tôn đã nhận lời lấy làm vui mừng, làm lễ Phật xong đi quanh ba vòng, rồi cùng chư Thiên đi về cõi trời. Sau khi nhận lời của chư Thiên và Phạm Thiên. Đức Thế Tôn mới nghĩ rằng: Như Lai thuyết pháp độ ai trước?. Kẻ nào mau tỏ ngộ? Ngài nhớ đến ông đạo sĩ Ālāra Kālāma đã từ trần 7 ngày. Đức Thế Tôn mới nghĩ đến ông đạo Uddakarāmaputta, thì chư Thiên cũng đến bạch rằng:

- Vị ấy vừa từ trần đêm hôm qua.

Đức Thế Tôn mới nhớ đến 5 người đệ tử cũ là 5 thầy Kiều Trần Như, Ngài mới dùng tuệ nhãn xem biết 5 thầy đang ở lại vườn Lộc giả gần kinh đô Bārānasī. Ngài mới nghĩ rằng: từ khi Như Lai đắc quả vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác đến nay được 8 tuần lễ, kế bỏ ngày nay thì còn 3 ngày nữa đúng hai tháng. Ngày nay là ngày 14 tháng 6 Như Lai sẽ đến vườn Lộc Giả.

Sáng ngày 14 Đức Thế Tôn đi khuất thực về, thọ thực xong, Ngài ngự đi bộ tính cả thảy là 18 do tuần. Chư Phật quá khứ khi ngự đi thuyết pháp lần đầu tiên đều bay đi chỉ có Đức Thế Tôn của chúng ta lại đi bộ, vì Ngài trông thấy duyên lành của người hoại đạo tên Upakajīvaka nên Ngài nghĩ rằng: nếu Như Lai bay đi thì Upakajīvaka sẽ không gặp Như Lai kỳ này để hỏi Như Lai, sau này người sẽ không có duyên xuất gia theo Phật pháp thôi ta càn gì phải bay đi, đi đường bộ cũng được. Ta mà cố đào tạo ba-la-mật đây cũng vì chúng sanh. Khi Đức Thế Tôn ngự đi hào quang sáng rỡ. Người đi ngoại đạo tên Upakajīvaka trông thấy tướng mạo và hào quang của Đức Thế Tôn lấy làm lạ, phân vân không biết là chư Thiên hay là hạng chúng sanh nào, kính cẩn đến gần, lễ phép hỏi:

- Này thầy, lục căn của thầy thật là thanh tịnh, trong người thầy có hào quang sáu màu chiếu sáng. Thầy tên chi? Xuất gia với ai? Ai là thầy của thầy?

Đức Thế Tôn đáp:

- Này thầy, tâm của Như Lai không còn ham mê trong trần cảnh, dứt bỏ hết các pháp ác, không còn ái dục, chấp uẩn. Ta là người cao cả hơn chúng sanh trong tam giới, tự ta đắc quả vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thì đâu có ai làm thầy Như Lai. Như Lai là đấng có 10 hồng danh của chư Thiên ca tụng. Nay Như Lai ngự đến vườn Lộc Giả chuyển pháp luân đánh trống pháp cho chúng sanh thức tỉnh trong giấc mộng Vô-minh để thấy rõ các pháp.

Khi Upakajīvaka nghe vậy mới nghĩ rằng: thầy Sa-môn này nói giọng rất thanh tao, lời nói dịu ngọt, thân hình đẹp. Thầy phát tâm trong sạch nói rằng:

- Thầy có nhiều công đức tự mình ngộ lấy. Vậy thầy đáng được tên là Anatajiṇa (nghĩa là thắng quá đến nơi cùng tột). Thầy là người hơn tất cả chúng sanh.

Đức Thế Tôn muốn cho thầy thêm đức tin nên mới dạy thêm rằng:

- Này Upakajīvaka, những người hết phiền não trong thế gian này, là người thắng quá mọi nơi. Không có ai hơn Như Lai. Vì vậy Như Lai cũng đáng có tên Anantajiṇa như người vừa tặng.

Thầy Upakajīvaka nghe Đức Thế Tôn dạy thế, gật đầu và nói:

- Đúng vậy, đúng vậy.

Rồi bỏ đi.

Chiều ngày rằm tháng 6 năm Dậu, năm thầy Kiều Trần Như tắm xong, ngồi đàm đạo với nhau lại nhớ đến Đức Thế Tôn mới nói rằng:

- Này các bạn, sau khi chúng ta bỏ đi không biết Ngài Sa-môn Gotama ở nơi nào, giờ này đang ngồi đâu, không biết Ngài có nhớ chúng ta không?

Nói vừa dứt lời thì Đức Thế Tôn cũng vừa ngự đến, hào quang sáng ngời. Năm thầy trông thấy ánh hào quang rực rỡ, lấy làm lạ và kinh sợ. Mỗi ông ngó một hướng coi ánh sáng từ đâu đến. Có một ông thấy trước, mới kêu các vị kia nói rằng:

- Các bạn ơi! Thầy Sa-môn Gotama đi tìm ta, Ngài đã bỏ sự tinh tấn, đi khuất thực ăn, khác thường nhiều lắm thì làm sao đắc quả vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác được? Chắc ông ở một mình buồn, nên ông đến tìm chúng ta. Vậy chúng ta đừng tiếp rước ông. Ông thích chỗ nào ngồi chỗ đó.

Cả 5 ông đều đồng ý với nhau. Nhưng khi Đức Thế Tôn ngự đến, thì các ông ấy không thể ngồi yên được vì oai Đức của Đức Thế Tôn. Các ông lăng xăng ông trải tọa cụ; ông tiếp bát; ông múc nước, rửa chân. Khi Đức Thế Tôn an vị xong, 5 thầy mới hỏi:

- Này thầy Gotama, thầy mạnh giỏi chứ? Đi khuất thực cũng được đầy đủ chứ?

Khi nghe 5 thầy kêu tộc của thầy mà hỏi như vậy, Ngài dạy rằng:

- Này các thầy. Các thầy đừng gọi họ Như Lai như thế vì Như Lai đã đắc quả vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác rồi. Vậy các thầy hãy nghiêng tai thính pháp. Như Lai sẽ giảng nơi vô sanh bất diệt là Niết-bàn. Các thầy hành theo lời của Như Lai sẽ hưởng được hương vị vô sanh bất diệt là Niết-bàn.

Mặc dầu Đức Thế Tôn dạy như thế, các Ngài cũng vẫn gọi tộc của Ngài. Đức Thế Tôn mới dạy:

- Này các thầy. Các thầy hãy nhớ lại coi từ trước đến nay Như Lai có từng nói với các thầy như thế này chăng? Vậy các thầy hãy lắng tai thính pháp.

Rồi Đức Thế Tôn mới bắt đầu thuyết pháp. Bài pháp này gọi là Dhammacakkappavattanasutta (Chuyển Pháp Luân).

Thời pháp hôm nay tôi không thể thuyết pháp hết bài kinh Chuyển pháp luân, vì rất dài. Vậy xin thuyết tóm tắt đại cương như vầy. Đức Phật dạy: không nên hành khổ hạnh thái quá và đừng làm cho thân ta sung sướng thái quá, phải theo đường trung đạo. Rồi Ngài thuyết thêm về tứ đế. Sau khi dứt thời pháp thầy Kiều-trần-như đắc quả Tu-đà-huờn xin xuất gia theo chánh pháp. Bốn vị kia cũng phát tâm trong sạch. Khi đức Thế Tôn biết ông Kiều Trần Như đắc Tu-đà-huờn quả Ngài mới khen rằng: Aññāsi vata bho koṇḍañño[37]; nghĩa là: này Kiều Trần Như ngươi hiểu thánh pháp rồi. Ví lời Phật dạy ấy, nên sau này ngài Kiều Trần Như được tên là Aññakoṇḍañña tàu âm A-nhã Kiều-trần-như.

Lẽ thì tôi thuyết hết lịch sử của Đức Phật, nhưng tiếc vì đã khuya lắm rồi vậy tới đây tạm gọi là dứt. Xin hẹn đến sang năm cũng ngày này sẽ thuyết tiếp theo.

BÀI 12 GIẢI VỀ NGỌC XÁ LỢI

Ngọc Xá Lợi là một Thánh Tích vô giá của Phật Tổ Gotama do Phái đoàn Phật Giáo Tích Lan đưa qua Nhật Bổn để hiến cho hàng Phật tử xứ ấy. Trong dịp đại hội Phật Giáo hoàn cầu kỳ nhì tại Đông Kinh (Tokyo), đã được cung nghinh lên kinh đô xứ Việt Nam, một cách vô cùng trọng thể và được trúng tượng cả 1 ngày 1 đêm cho công chúng chiêm bái cúng dường.

Chúng ta nên ghi nhớ rằng, trong ngàn năm muôn kiếp, ngày cung nghinh Xá Lợi vừa rồi là ngày duy nhất trong đời tu Phật của chúng ta ấy là ngày 25 tháng 7 Nhâm Thìn nhằm ngày 13 tháng 9 năm 1952. Kể lại từ khi Đức Thế Tôn nhập diệt đến ngày chúng ta gặp duyên may yết kiến Xá Lợi, thời gian đã trôi trải được 2496 năm 4 tháng 10 ngày.

Thấy rằng, mặc dầu sanh vào thời kỳ xa cách với niên đại nói trên. Chúng ta vẫn còn duyên lành với Phật tổ Như Lai. Vì chúng ta không mong mà tình cờ lại đứng trước hòn ngọc Xá Lợi, để đem tất cả lòng nhiệt thành sùng tín, hoài niệm tưởng nhớ đến công đức của một đấng trọn lành, đã tận tụy hy sinh từ vô số kiếp trước, quyết chí tìm phương cứu vớt sanh linh ra khỏi vòng đau khổ.

Trong kiếp chót, khi đạt được mục đích cao cả rồi. Vị Chánh Đẳng Chánh Giác, ngày đi đêm nghỉ, châu du từ thành này sang xứ nọ, trọn 45 năm trường hướng dẫn tín đồ trên đường giác ngộ. Vì quá thương xót chúng sanh đương bị chơi vơi trong biển khổ mà Ngài hy sinh mệt nghỉ, khỏe đi, cho đến mòn mỏi, kiệt sức, giữa đường thọ bệnh nan y. Đấng cứu thế đã vì nhân loại với cái tuổi thọ 80, với bao nhiêu sự cam go hiểm trở trên những con đường gồ ghề băng xuyên qua núi rừng, dưới những đám mưa phùn tuyết đổ mà Ngài vẫn vui lòng nhẫn nại làm tròn phận sự cho đến giờ phút kiệt quệ phải chịu phép vĩnh biệt thế gian.Trên đời này còn ai hy sinh trong sự mưu cầu hạnh phúc nhân loại hơn Phật tổ Gotama. Cao cả thay cái đường sáng lạng của đấng hiền triết duy nhất của thế gian. Cao quí thay, cái ân Đức từ bi rộng lớn của bậc siêu nhân hi hữu cõi Á Châu. Chúng tôi là kẻ đã thọ ân sâu dày của Ngài nhờ giáo pháp của Ngài để lại biết cải ác tùng thiện theo dõi con đường vạch sẵn của Ngài, xin đem tất cả lòng trong sạch cúi đầu tôn kính Ngài.

Chẳng biết dùng lời nào để tán dương ca tụng ân Đức của Ngài chúng tôi nhân dịp này xin mượn lời của Đức Trời Đế Thích để chiêm bái Ngài: “Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambddhassa”.

Thưa quí ông bà,

Phật Gotama, là một Đức Phật đã ra đời tại xứ Ấn Độ, dấu tích đã còn bằng chứng là ngọc Xá Lợi mà chúng ta đã cung nghinh trọng thể, năm ngày trước đây. Chúng ta chớ nên  lầm lộn mà cho Ngài là một nhân vật thần thoại khi thì biến hóa ra ông Phật này khi thì thị hiện ra ông Phật khác.

Phật Gotama là một người như chúng ta và nhờ tu hành nhiều kiếp mà Ngài tiến hóa đến mức cùng tột trong sự biến hóa loài người, gọi là  bậc Toàn Giác, đến trình độ ấy Ngài không còn bị luật sanh tử luân hồi tất là Ngài không còn biến hóa thị hiện trong thế gian nữa nên gọi tịch diệt.

Đó là sự thật là chơn lý. Nếu còn vịnh theo các pháp thần thông của Ngài mà tin rằng Ngài còn thị hiện trong thế  gian trái với chơn lý. Bởi một khi giải thoát khỏi vòng sanh tử rồi mà còn tái sanh trở lại là một việc không thể có được. Chúng ta không thể tưởng lầm rằng Phật Gotama vì lòng từ bi mà thị hiện giữa tín đồ cứu vớt họ. Hẳn thật Ngài đã có lòng từ bi không bờ bến từ vô lượng kiếp. Trong khi Ngài còn luân chuyển trong chúng ta trong cảnh tương đối. Khi Ngài tiến đến chỗ tuyệt đối rồi thì dầu ta có đem thuyết nào ra trưng bày nói Ngài thế này thế nọ đã không đem lợi ích cho chúng ta mà trái lại còn gieo mối hoài nghi trong tâm trí. Khi tịch diệt rồi Phật chẳng gia hộ mà cũng không còn độ ai nữa. Giáo pháp của Ngài để lại cho chúng ta hành theo ấy là phương pháp độ chúng ta một cách gián tiếp. Lúc Phật Gotama còn tại thế, Ngài hướng dẫn chúng sanh đi theo con đường của Ngài. Ai nghe lời Ngài chỉ dạy người ấy tự tu tự độ. Thật ra Ngài chẳng bao giờ nắm tay ai đưa đến chỗ yên vui tuyệt đối.

Vì sự biến chuyển trong lịch sử Phật Giáo nên có nhiều thuyết đưa ra  làm cho chúng ta hoang mang kẻ tin như thế này, người tin theo thế khác.

Hơn nữa, chúng ta không có dịp khảo cứu kinh điển cổ truyền nên chúng ta tin tưởng một cách mơ hồ. Chúng ta dốt cho đến nỗi không biết rõ rệt sử tích của Xá Lợi ra  thế nào. Nếu không nhờ các nhà sư tham khứu kinh điển và chỉ dạy lại cho chúng ta thì chúng ta nào có biết giá trị của Xá Lợi ra sao? Tiện đây, tôi xin được thuật một đoạn trong kinh "Niết-bàn" để cho quí ông quí bà đôi chút tài liệu về sử tích Xá Lợi.

Ngày kia, Đức Thế Tôn cùng chư thanh văn đến xứ Pāvā vì trời tối nên tạm ngụ trong vườn xoài của con một ngươi thợ bạc tên là Cunda. Khi hay tin có Phật ngự trong vườn mình chàng Cunda đến yết kiến Phật. Nhân dịp ấy, Đức Thế Tôn giảng giải cho chàng hiểu thấu nghiệp quả và khuyến dạy lánh dữ làm lành.

Sáng ngày, Cunda thỉnh Phật và chư tăng đến nhà thọ thực. Bữa cơm nay là bữa cơm cuối cùng. Thân già đi bộ ròng rã xứ này qua xứ nọ, tránh sao cho khỏi lao thân, mệt xác nên khi Ngài thọ thực xong Ngài thấy trong mình phát sanh bệnh kiết lỵ. Ngài gắng gượng lên đường qua xứ Kusinārā. Giữa đường bệnh càng thêm nặng Ngài tạm dừng nghỉ dưới cội cây. Biểu ông Ānanda xuống khe múc nước cho Ngài dùng đỡ khát. Ông Ānanda đi rồi trở lại bạch rằng: bạch Đức Thế Tôn dưới suối nước rất ít lại thêm vừa có 500 cỗ xe thương mãi đi qua làm cho nổi cặn bùn không thể uống được. Như Lai khát nhiều (không thể chờ đợi được) buộc Ānanda cứ đi múc đi cho Ngài dùng. Tội nghiệp thay cho một vị Chánh Đẳng Chánh Giác bệnh càng thêm nặng lại phải cam chịu uống lấy nước khe cho đỡ cơn thắc ngặc. Đỡ khát rồi Đức Thế Tôn gắng gượng lên đường đến chiều tối tới xứ Kusinārā thầy trò vào tạm nghĩ trong rừng Sālā. Đức Thế Tôn kêu ông Ānanda nói rằng:

- Này Ānanda, Như Lai đã mệt nhọc lắm rồi vậy ngươi mau trải y dưới khoảng hai cây đại thọ này cho Như Lai an nghĩ và một đêm nay Như Lai sẽ nhập diệt tại đây. Vậy ngươi kiếp vào hoàn thành tâu cho Vua Malla hay tự sự để sau Vua khỏi phiền trách và hối tiếc không được yết kiến Như Lai trong giờ cuối cùng.

Ông Ānanda vội vã vào đền gặp lúc Vua và hoàng tộc  cùng bá quan đương hội yến đông vầy. Ông Ānanda xin vào chầu vua Malla và tâu rằng:

- Bần tăng vâng lịnh Đức Thế Tôn đến báo cho bệ hạ rõ rằng Ngài vừa ngự đến rừng Sālā và định nhật Niết bàn tại đó nội đêm nay vào canh chót.

Khi nghe được tin ấy Vua và triều thần đồng cảm xúc Phật Gotama là dòng Vua sanh cả mà vì thương xót chúng ta băng rừng, lướt bụi chẳng nài lao khổ, cam chịu bỏ xác giữa rừng, thật đáng cho chúng ta lễ bái cúng dường. Cả Vua và triều thần đồng rơi lụy và đồng nhau đến rừng Sālā xin vào yết kiến Đức Thế Tôn để tỏ lời hối tiếc. Đức Phật dùng lời kim ngôn mỹ từ khuyên nhủ Vua Malla và bá quan trong đường tu tập lấy đạo Đức cùng lòng từ bi mà dìu dắt dân chúng đến nới an vui hạnh phúc. Cả Vua chúa và triều thần lẳng lặng nghe pháp đến cuối canh đầu mới lui gót trở về với một tấm lòng cảm mến và ủ ê. Tới phiên vị đạo sĩ tên Subhadda đến yêu cầu ra mắt Phật đà. Vì thấy Đức Thế Tôn không được khỏe ông Ānanda không cho đạo sĩ Subhadda vào. Nghe lời yêu cầu bên ngoài, Đức Phật hay được bảo ông Ānanda cho đạo sĩ vào. Ông Subhadda vào đảnh lễ và vấn an Đức Phật rồi xin hỏi đạo Phật vui lòng nhậm lời mặc dầu Ngài đã mệt gần đuối sức.

- Bạch Đức Thế Tôn. Ngoài giáo pháp của Đức Thế Tôn còn có lục sư ngoại đạo rất đông tín đồ. Và họ tự cho họ là bậc cao thượng, chẳng hay các Lục Sư ấy cao thượng đến bậc nào?

- Subhadda này. Điều ấy chẳng nên tìm hiểu làm chi. Nếu ngươi muốn biết đạo của Như Lai ra thể nào Như Lai sẵn lòng giải thích cho ngươi nghe.

Subhadda vâng lời cung kính lóng nghe Phật thuyết:

- Subhadda này, đạo là con đường có tám chi, rất quí báu, đưa người đến nơi tận diệt phiền não. Trong tôn giáo nào không có con đường tám chi ấy, thì Sa-môn thứ nhất, thì nhì, thứ ba, thứ tư (đây chỉ về hàng Tứ thánh) chẳng có trong tôn giáo ấy. Subhadda này nếu có người hành đúng theo pháp của Như Lai thì trong cõi đời này vẫn còn có bậc A-la-hán. Subhadda này, kinh luật của Như Lai là phương pháp đem chúng sanh ra khỏi khổ. Vừa 29 tuổi Như Lai đã xuất gia để tìm thiện pháp. Như Lai đã xuất gia được 51 năm rồi. Ngoài đạo của Như Lai chẳng có vị Sa-môn nào xuất thế gian.

Đức Thế Tôn chỉ dạy đạo sĩ đạo sĩ Subhadda rất nhiều nhưng đây xin tóm tắt bấy nhiêu. Ông Subhadda nghe được pháp xin xuất gia đầu Phật liền khi ấy và nhờ Đức Phật khai sáng cho, lại thêm duyên lành sẵn có nên hành thiền trong giây lát đắc quả A-la-hán. Đây là đệ tử chót của Phật có tên là Pacchimavācā nghĩa là ngươi gặt Đức Phật sau chót hết. Đức Thế Tôn kêu các thầy Tỳ-khưu lại gần hỏi rằng:

- Các đệ tử có điều nào còn nghi ngờ trong Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo trong đạo quả hoặc trong sự hành đạo các thầy cứ đi hỏi đi.

Đức Thế Tôn hỏi đến ba lượt mà các thầy vẫn làm thinh, tỏ ý không nghi ngờ điều chi. Bởi trong 500 vị Thinh Văn theo hầu Phật. Những vị có đặc ân nhỏ hơn hết là những vị đã đạt quả Tu-đà-huờn các Ngài toàn là Thánh tăng cả. Hỏi rồi, Đức Thế Tôn dạy lời di-giáo tối hậu:

- Này chư Tỳ-khưu. Như Lai xin nhắc các thầy nên nhớ rằng: các pháp hành có sanh, phải có diệt. Các thầy nên tinh tấn tự tìm sự lợi ích cho mình, nhất là cố gắng thực hành các pháp cao thượng chẳng nên dể duôi.

Đức Thế Tôn gom cả lời giáo huấn trong 45 năm vào một câu là "không nên dể duôi" để nhắc nhở các môn đệ tử đừng đãi trên đường tự tu tự độ.

Từ đó trở đi Đức Thế Tôn không còn nói câu gì nữa. Lấy Niết bàn làm đề mục Ngài nhập định trong các sắc thiền, hữu sắc, vô sắc và diệt thọ vô tương định.

Lúc ấy, có ông Anuruddha là bậc lậu thông thiền định làm người báo tin cho chư Thinh-văn Ngài cũng nhập định theo dõi Đức Thế Tôn rồi xả thiền cho các đạo hữu biết tôn sư nhập định trong thiền nào và sang qua thiền nào. Ông Ānanda chực sẵn kế bên hỏi hoài:

- Bạch sư huynh vậy chứ Đức Thế Tôn nhập diệt chưa?

Đại Đức Anuruddha vào thiền ra thiền từ chập để trả lời ông Ānanda.

Trời vừa rạng đông, quả địa cầu rung động báo điềm Phật tổ Gotama đã nhập vô lượng thọ Niết-bàn (đêm 15/16 tháng 4 năm Tỵ).

Trời Phạm Thiên Sahampati cất tiếng ngâm câu kệ động tâm như vầy:

- Đức Thế Tôn là đấng Trọn Lành có đặc ân cao dày tự ngộ đạo quả Vô thượng Bồ đề mà thân Ngài cũng không tránh khỏi quyền chi phối của luật vô thuờng sanh diệt. Hỡi ôi định luật thiên nhiên nó như thế này, thì tất cả chúng sanh không sót giống nào, lần lượt nối nhau bỏ xác lại thế gian. Ta còn yêu mến chi cái kiếp phù sanh giả tạm này.

Trời Đế Thích tiếp ngâm câu kệ tâm như vầy:

- Ô hô! Các pháp lành thật không bền vững, sanh rồi diệt, diệt rồi sanh. Chỉ có sự dục tắc pháp hành, thì danh sắc, ngũ uẩn mới không sanh ra được.

Đại Đức Anuruddha và Ānanda thay phiên nhau thuyết về pháp động tâm làm cho ai ai cũng chán nản các pháp hữu vi, là pháp danh diệt, chia lìa, đau khổ triền miên. Ai ai cũng nguyện tinh tấn thật hành theo giáo pháp của Đức Thế Tôn di truyền để mong có ngày ra khỏi vòng cương tỏa của luật vô thuờng, hầu siêu sanh về cõi an vui tuyệt đối là Niết bàn.

Sáng ngày, Đại Đức Anuruddha sai ông Ānanda vào đền báo tin cho Vua Kusinārā hay tin Đức Phật đã nhập Niết bàn rồi. Đến nơi thấy Vua và các triều thần hội nhau bàn tán về ngày cuối cùng của vị Chánh Đẳng Chánh Giác, quên lo tới việc triều chánh, khi hay tin Phật diệt độ, cả Vua chúa và quần thần đều chan hòa giọt lệ mến tiếc và ca tụng ân Đức của Đấng Trọn Lành. Đức Vua liền hạ chiếu chỉ cho triều thần và các lớp dân chúng trong xứ Kusinārā đem bông hoa nước thơm và nhạc lễ đến rừng Sālāvana và dạy nội ngày ấy cất rạp cho rồi để thiết đại lễ cúng dường Phật Tổ. Công việc tẩm liệm thi hài của Đức Thế Tôn Vua làm y theo lời bảo của Đại Đức Ānanda: lấy 1.000 cây lụa trắng bao bọc Thánh thể ướp đã thử nước thơm, để vào hòm vàng. Toàn xứ Kusinārā thiết lễ long trọng cúng dường Đức Phật. Cuộc lễ kéo dài đến 6 ngày đêm. Qua ngày thứ 7 là ngày Đức Vua định hành lễ hỏa táng. Đúng giờ phát hành, đám vị lực sĩ của Vua, sắc phục chỉnh tề vào động quan, khiên hòm vào cửa, hương bắc thành Kusinārā và sau khi đi cùng khắp thành phố, trở ra cửa hướng đông, thẳng đến tháp Makutabandhana Cetiya là nơi làm lễ trà kỳ. Trong lúc ấy, từ không trung rớt xuống những bông mạn-thù cùng khắp thành Kusinārā, mùi thơm bát ngát. Dưới đất âm nhạc rền trời. Khi thỉnh hòm để trên hỏa đài rồi, có 4 vị Quốc-sư của Vua từ 4 hướng cung kính đem lửa mồi châm vào 4 góc. Lửa không cháy Vua Malla kinh sợ đến bạch hỏi Đại Đức Anuruddha. Ngài trả lời.

- Nên hưởn lại một chút, chờ Đại Đức Ca-diếp sắp đến trong giây lát.

Một chập sau Đại Đức Ma ha Ca-diếp dẫn 500 đồ đệ đi ngay lại hỏa đài, khoác áo vai trái, chấp tay lễ bái rồi đi quanh hòm vàng ba lượt lại đứng ngay sau hòm cuối đầu lạy dưới chân Thế Tôn 500 vị Tỳ-khưu cũng tiếp làm theo y như thế. Khi Đại Đức Mahākassapa và chư tăng làm lễ vừa xong thì lửa bốc cháy rần rộ, chẳng bao lâu xong cuộc lễ trà-kỳ. Vua Malla đem nước thơm lại tưới lên nước hỏa đài và thỉnh Xá Lợi về hoàng thành thiết đại lễ cúng dường. Xá Lợi gồm có 7 miếng lớn thuộc về xương trán, xương vai và răng nhọn và những xương nhỏ bằng hột đậu xanh, hột gạo và hột cải, cân cả thảy được 16 cân. Một mặt khác Vua Malla hạ lịnh cho tu bổ hào chung quanh đền, tập dượt binh mã và canh phòng nghiêm ngặt để ngừa các nước lân bang đến chiếm đoạt Ngọc-Xá Lợi. Hẳn thật như lời tuyên đoán của Vua Malla, các nước kế cận lần lượt gởi binh mã và xứ thần đến xin chia Xá Lợi. Cả thảy 7 đại diện của: vua Ajātasattu (A-xà-thế) xứ Magadha, Vua Sakya (dòng Thích-già) xứ Sakya, vua Licchavī xứ Vesāli, vua Buli xứ Allakappa, vua Koliya xứ Rāmagāma, vua Kusala kinh đô Sāvatthi xứ Kosala và vị Bà-la-môn Mahārahma thủ lĩnh xứ Veṭhadīpaka. Bảy vị sứ thần đến yết kiến Vua Malla xứ Kusinārā tỏ rằng:

- Chúng tôi hay tin Đức Thế Tôn đã nhập Niết bàn trong xứ của Đại Vương. Vì Đức Giáo Chủ Gotama làvị Pháp Vương cao thượng. Chúng  tôi đây cũng thuộc dòng cao thượng, nên đến xin Đại Vương chia cho một phần Xá Lợi để đem vè lập đền thờ cùng chiêm ngưỡng hàng ngày, mong Đại Vương nhận lời.

Bảy vị sứ thần bề ngoài tỏ vẻ khiêm tốn nhưng đã cương quyết bố thí binh mã ngoài thành,chờ coi Vua Malla định đoạt thế nào. Vua Malla nhất định bát lời yêu cầu của các sứ thần nhưng các vị nay cũng không nản chí, cứ nài nỉ xin chia mãi.

Hàng trí thức nên hiểu rằng Đức Phật định nhập diệt tại Kusinārā là xứ nhỏ, không đủ lực lượng tranh đấu, có lẽ để ngừa sự xung đột về sau.do sự phân chia Xá Lợi với các cường quốc liên bang nên khi Đại Đức Ānanda yêu cầu Phật đến một trong các cường quốc để nhập diệt Ngài không chịu nhậm lời.

Về phần Vua Malla trước sự nhẫn nại và cương quyết của các sứ thần. Ngài suy nghĩ: sức mình yếu kém, không đủ ngăn chống hùng binh. Vả lại, đức Thế Tôn là bậc thông hiểu quá khứ, hiện tại, vị lai mỗi hành vi của Ngài đều đem lại sự lợi ích lâu dài cho chúng sanh. Ngài nhập Niết bàn tại xứ ta ban bố Xá Lợi cho ta, để đem lại hạnh phúc cho ta. Nhưng Xá Lợi nay cũng không bền vững lâu dài và không bằng sự phụng hành giáo lý của Phật để lại, hầu tránh sự giết hại lẫn. Không lẽ các cường quốc này lại khai chiến với ta nghĩ như vậy, Vua Malla càng có đức tin mạnh nơi oai lực của Phật. Một  mặt tỏ ý cương quyết không chia Xá Lợi, một mặt tinh tấn làm lễ cúng dường Xá Lợi để nhăn ngừa tai hại cho xứ Kusinārā. Các sứ thần cũng không chịu nhượng bộ, quyết khai chiến với Vua Malla. Khi ấy có vị Bà-la-môn tên Doṇa là quốc sư của Malla, là bậc trí tuệ và nhiều kinh nghiệm, xin đứng ra làm tài phán phân giải đôi bên. Ông Doṇa nói rằng:

- Thưa các Ngài. Chúng ta nên hiểu rằng Đức Bổn Sư chẳng phải là quyến thuộc của chúng ta, chúng ta muốn có Xá Lợi chẳng qua là chúng ta đã công nhận Đức Thế Tôn là một giáo chủ. Chúng ta có lòng ái mộ, muốn phụng thờ và hành đạo theo chánh giáo của Ngài. Nếu vì sự sùng bái Ngài mà khai chiến với nhau là một việc không phải lẽ và làm mất sự thân thiện của nhau. Vả lại, Đức Thế Tôn xưa kia chẳng hề dạy chúng ta gây chiến cùng nhau. Trái lại, Ngài hằng khuyên chúng ta nhẫn nại, từ bi, hoà hợp dứt bỏ điều oan kết và sự giết hại lẫn nhau. Lại nữa, khi Đức Thế Tôn còn tại thế các tín đồ hằng được gặp, được thấy, được cúng dường Ngài cùng khắp mọi nơi. Giờ đây Đức Thế Tôn nhập diệt rồi Xá Lợi được phân chia trong các xứ, tiện bề cho tín đồ bốn phương chiêm ngưỡng lễ bái hằng ngày thì đại chúng lấy làm hân hạnh biết bao. Hiện giờ các xứ lân bang lớn nhỏ đều có đại diện nơi đây. Nếu chúng ta đem Xá Lợi ra chia nhau mỗi xứ mỗi phần bằng nhau thì tình thân thiện giữa các quốc vương càng kết chặt, thì ai ai cũng vui mừng tránh khỏi tai hại tàn khốc của chiến tranh. Các Xá Lợi được đem về thờ cúng cùng nơi khắp chốn, người người phát tâm trong sạch nơi Phật bảo và hành theo Kinh Luật di truyền xa lánh các điều ác, tạo thêm nghiệp lành, thì kết quả của sự nhẫn nại và hòa thuận hôm nay là được đoàn kết giữa các lân bang để cùng nhau tiến bước trên đường giác ngộ, diệt tận những mối thù oán, giết hại lẫn nhau, như thế ấy chúng ta mới tỏ là người có đủ tư cách làm đệ tử của Đức giáo chủ Gotama.

Vua Malla và các sứ thần công nhận lời phân giải của ông Doṇa. Đồng lòng giao cho ông lãnh trách nhiệm phân chia Xá Lợi cho các xứ. Ông Doṇa dùng một cây cân bằng vàng cân tám phần Xá Lợi bằng nhau, giao lại đại diện cho các xứ luôn cả phần của Malla. Rồi ông xin cây cân vàng về phần ông để làm kỷ niệm, ông được như ý nguyện. Sau khi chia Xá Lợi rồi có dòng Moriya tại xứ Pipphali phái người đến xin lãnh một phần. Vua Malla lấy làm tiếc cho hay rằng Xá Lợi chia ra đều đủ cho lân bang rồi và cho sứ thần ấy một mớ tro đem về thờ thay thế cho Xá Lợi.

Sử tích của Xá Lợi trong thời kỳ thượng cổ như thế ấy. Với các sự thay đổi trong xã hội Ấn Độ và với những sự biến chuyển trong lịch sử Phật Giáo. Hiện giờ chúng ta không thể biết được rõ rệt các Xá Lợi ấy còn hay mất thế nào và chia sớt ở đâu. Vả lại, theo lời của Vua Malla các Xá Lợi cũng không tránh khỏi luật Vô-thuờng, chi phối chỉ có sự thật hành theo giáo pháp của Đức Thế Tôn di truyền là điều cần thiết. Vậy chúng ta nên cố gắng tu học mãi mãi cho đến ngày giải thoát vòng sanh tử luân hồi đến nơi vô sanh bất diệt là đại Niết bàn.

Cư sĩ: NGUYỄN VĂN HIẾU

BÀI 13 NGƯỜI TA Ở ĐÂU LẠI VÀ SẼ VỀ ĐÂU?

Buổi thuyết pháp hôm nay tôi xin giải mấy câu hỏi của cô Bảy An: người ta ở đâu lại? Sẽ sanh về đâu?

Hai câu hỏi này không phải mới có đây đã có từ hơn hai ngàn trăm năm trở về trước, khi Đức Thế Tôn còn tại thế.

Lúc nọ, Đức Thế Tôn ngự đến xứ Ālavī, những tín đồ mời Đức Thế Tôn trai tăng. Sau khi ấy, Đức Thế Tôn dạy rằng: này chư thiện tín, các ngươi nên niệm tưởng đến các sự chết rằng: đời sống của ta không bền vững lâu dài. Ta có sự chết là của ta, cái chết là nơi cùng tột của đời sống ta, đời sống không chắc chắn, duy có cái chết là chắc chắn, những người không niệm tưởng đến cái chết. Khi sắp lâm chung thường kinh sợ la khóc vì sợ chết, ví như trông thấy rắn độc mà kinh sợ vậy. Riêng những người có niệm tưởng đến cái chết, sẽ không kinh sợ. Ví như có người thấy rắn độc ở xa, lấy cây vít nó đi nơi khác vì vậy các người nên niệm tưởng đến sự chết.

Đây tôi xin giải sơ về lời Phật dạy trên đây.

Câu nói: “Ta có sự chết là của ta, ta không thể đem ra để mua chuộc cái sống, khi tử thần đến ta đành phải chịu là kẻ bất lực trước cái chết. Thân ta ví như vật mượn của người khác sẽ bị người đòi lại cái chết của ta, không ai cướp lấy và đòi lại bao giờ”. Câu nói: “Đời sống không chắc chắn duy cái chết là chắc chắn”. Ý nói rằng: ta không biết chắc ta sẽ sống bao nhiêu năm, bao nhiêu ngày nữa và dù ta sống trăm ngàn tuổi cũng không chạy khỏi cái chết bao giờ. Ngươi không nghĩ đến cái chết, không lo làm lành khi sắp lâm chung trông thấy của cải thân thuộc mến yêu nhất là vợ con, đều phải bỏ lại, đem lòng hối tiếc. Người hằng nghĩ đến cái chết, không bao giờ sợ chết. Vì người biết trước rằng ta sẽ chết, rồi lo làm lành, làm phải cho tới ngày cuối cùng.

Sau khi nghe pháp có con gái của người thợ dệt vừa được 16 tuổi. Cô ấy nghĩ trong tâm: thật, lời của Đấng Chí Tôn rất cao quí và thâm thúy vô cùng, vậy ta phải rán hành theo. Rồi cô rán niệm tưởng luôn về cái chết, không hề dãi đãi.

Ba năm sau, một buổi rạng đông, Đức Phật ngự tại Kỳ Viên tịnh xá dùng thiên nhãn để tìm người hữu duyên nên tế độ. Chợt thấy cô con gái của người thợ dệt đúng duyên kỳ đắc quả Tu-đà-huờn và sẽ chết trong ngày ấy. Đức Thế Tôn mới ngự đến xứ Ālavī với 500 Vị Tỳ-khưu. Dân chúng ấy lấy làm vui mừng, mới thỉnh Đức Thế Tôn cùng chư tăng hoan lâm đến một công đường để họ cúng dường một ngọ trai.

Riêng về cô gái con người thợ dệt nghe tin Đức Thế Tôn ngự đến, lấy làm vui vẻ và nghĩ rằng: đã ba năm rồi, ta không được chiêm ngưỡng đức đại Từ Phụ, đức Giáo chủ của ta, hôm nay ta sẽ được trông thấy tôn nhan và sẽ được nghe lời giáo huấn của Ngài.

Khi ấy, cha cô gọi và bảo cô: này con, khổ vải của người mướn dệt, cha dệt còn một gang nữa và phải dệt cho xong nội trông ngày nay. Vậy con hãy đi quay chỉ cho kịp đem lại cho cha. Cô mới nghĩ rằng: ý ta muốn đi nghe Đức Từ Phụ thuyết pháp mà cha lại sai ta như thế này, vậy ta phải tính sao? Đi nghe pháp hay là đi quay chỉ, ắt phải đòn, chi bằng quay xong ta sẽ đi nghe thuyết pháp. Nghĩ xong, cô gái đi quay chỉ.

Những người trong xứ Ālavī rủ nhau rần rộ từng nhóm đi cúng dường Đức Phật. Sau khi thọ thực, lẽ thì Đức Thế Tôn thuyết pháp như thường lệ. Nhưng hôm nay Ngài lại ngồi lặng thinh, vì Ngài nghĩ rằng: “Ta vì con gái của người thợ dệt, không quản ngại đường xa 30 do tuần mà đến đây. Nếu hết ngày nay mà cô ấy không đến, ta cũng không thuyết pháp”. Trong khi Đức Thế Tôn ngồi lặng thinh như thế thì dù Chư Thiên, Phạm Thiên hoặc hàng Vua chúa cũng không ai dám hỏi.

Cô con gái người thợ dệt đi quay chỉ xong để vào giỏ xách về, khi đến nơi Phật ngự, cô ghé vào, liếc mắt nhìn Đức Thế Tôn thấy Đức Thế Tôn nhìn nàng. Nàng hiểu ý Đức Thế Tôn muốn hỏi nàng nơi giữa hàng đại chúng, bèn để giỏ chỉ vào đảnh lễ Đức Thế Tôn xong rồi ngồi nơi phải lẽ.

Khi ấy, Đức Thế Tôn mới phán hỏi?

- Này nàng Kumārikā, ngươi ở đâu đến? (Kumārikā nghĩa là như tiếng Cô ngày nay).

- Bạch Đức Thế Tôn con không biết.

- Ngươi sẽ đi đâu?

- Bạch Đức Thế Tôn con không biết.

- Ngươi không biết sao?

- Bạch Đức Thế Tôn con không biết.

- Người biết thật chứ?

- Bạch Đức Thế Tôn con không biết.

Hàng đại chúng xôn xao tức giận sao cô gái ấy trả lời vô lễ với Đức Thế Tôn và tính buộc tội nàng. Đức Thế Tôn bảo hãy yên lặng để Ngài hỏi thêm cô ấy.

- Này Kumārikā khi Như Lai hỏi rằng ngươi ở đâu đến? Tại sao ngươi đáp rằng không biết?

- Bạch Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đã biết rằng: con từ ở nhà đến. Nhưng Đức Thế Tôn lại hỏi rằng: ngươi từ đâu đến?. Theo ý câu ấy, Đức Thế Tôn muốn hỏi con rằng: ngươi từ đâu sanh đến đây. Con không biết từ đâu con sanh lại đây, nên mới đáp rằng: không biết.

Đức Thế Tôn mới khen cô ấy rằng:

- Lành thay! Lành thay! Này Kumārikā. Thật, ngươi trả lời được câu hỏi cuả ta. Còn tại sao khi Như Lai hỏi ngươi rằng: ngươi sẽ đi đâu?. Người đáp: không biết?.

- Bạch Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đã biết rằng con mang giỏ chỉ đi đến xưởng dệt nhưng Đức Thế Tôn hỏi: ngươi sẽ đi đâu? Theo ý câu ấy Đức Thế Tôn muốn hỏi con rằng: vậy sau khi bỏ kiếp sống ngươi sẽ sanh về đâu?. Con không biết rõ sẽ sanh về đâu nên con mới đáp: con không biết.

Đức Thế Tôn lại khen cô ấy như trước và hỏi rằng:

- Này Kumārikā. Còn khi Như Lai hỏi: ngươi không biết sao?. Ngươi lại trả lời: con biết.

- Bạch Đức Thế Tôn, con đáp: con biết. Vì con biết chắc chắn rằng thế nào con cũng sẽ một lần chết nên con đáp với Đức Thế Tôn như thế.

Đức Thế Tôn lại khen cô một làn nữa và nói tiếp thêm:

- Này Kumārikā, vậy khi Như Lai hỏi: ngươi biết thật chứ?. Tại sao ngươi lại đáp: con không biết?

- Bạch Đức Thế Tôn con chỉ biết rằng, kết liễu kiếp sống này con sẽ có sự chết là chắc chắn, con chỉ biết chừng ấy thôi. Ngoài ra, sự chết sẽ đến cho con bằng cách nào, lúc nào, ban đêm, ban ngày, trưa hay chiều, tối hay khuya, con không biết được. Vậy nên con đáp: con không biết. Khi Đức Thế Tôn hỏi: con biết thật chứ?.

Khi Đức Thế Tôn khen cô:

- Lành thay, lành thay. Ngươi thật hiểu rõ ý nghĩa 4 câu hỏi của Như Lai.

Day qua đại chúng Đức Thế Tôn phán rằng:

- Các ngươi không thể hiểu ý nghĩa của các câu hỏi của Như Lai. Chỉ có Kumarikã này hiểu được và trả lời đúng thôi. Ngươi mà không có tuệ nhãn vì như người sống trong cảnh tối mịt mờ, như kẻ mù quáng.

Rồi Đức Thế Tôn mới thuyết câu kệ rằng:

“Andhabhūto ayaṃ loko,

Tanukettha vipassati;

Sakuṇo jālamuttova,

Appo saggāya gacchati”[38].

Ý nghĩa: chúng sanh ví như người mù trong cõi đời này, ít ai thấy rõ (pháp Tứ đế). Ít người được sanh vào cảnh thiên đàng. Cũng như chim (mắc lưới) khó mà ra khỏi (lưới) được.

Giải rộng ra câu kệ trên có ý nghĩa như vầy: chúng sanh vì thiếu tuệ nhãn, không trông thấy sự sanh tử luân hồi đầy dẫy khổ não để lo tu, chỉ biết mê sa theo tài sắc lợi danh. Biết bao lần mất, bao lần được những điều tham muốn, mà trước khi được cũng khổ, được rồi mất đi cũng khổ. Nhưng than ôi có mấy ai nghĩ đến. Đức Thế Tôn ví chúng sanh như đàn chim bị sa vào lưới rập, không làm sao ra được. Lưới rập ấy là tài sắc danh lợi mà chúng sanh lại cho đó là của của mình. Đó chính là lưới Ma Vương. Còn tham lam sân hận, si mê, chính là Ma Vương vậy. Chúng sanh vẫn còn ngủ say trong giấc mộng vô minh.

Sau thời pháp của Đức Thế Tôn, cô Kumārikā và một số đông thính giả được đắc quả Tu-đà-huờn. Cô Kumārikā đảnh lễ Phật, mang giỏ ra về. Đến nhà khi cô xô cửa bước vô, người cha đang ngủ gật giật minh đẩy mạnh cây thông hông đâm ngay vào ngực cô. Cô chết liền khi ấy.

Nhắc tích này, tôi cố ý chỉ cho thiện tín trông thấy rằng Đức Phật đặt ra những câu hỏi, thức tỉnh chúng sanh mau tìm phương cứu thế giải thoát khỏi cạm bẫy của Ma Vương đó thôi. Chứ sự biết kiếp trước kiếp sau của chúng sanh mau tìm phương cứu thế giải thoát khỏi cạm bẫy của Ma Vương là hoàn toàn vô ích. Vì nếu biết trước được tiền kiếp ta trông thấy trong thời gian quá khứ có kiếp ta giàu có vui sướng, mà ngó lại kiếp này ta nghèo khổ, ta sẽ ân hận. Hoặc giả ta thấy chung quanh ta những người đã cùng với ta có những điều oan trái hoặc đã giết ta, hoặc đã hại ta thì ta lại oán thù những người ấy.

Tiếp đây, tôi nhắc sơ lược một tích nữa cho quí vị thấy rõ những điều lợi hại trong sự tìm biết những kiếp quá khứ.

Ngày nọ, một vị Tỳ-khưu trẻ tuổi nghe 50 vị Tỳ-khưu đi hành đạo nơi xa trở về hầu Đức Phật mà bạch Phật rằng: chúng tôi một tổng xa xôi nọ, được bà mẹ của ông cai tổng nơi ấy lo cúng dường không hề thiếu thốn, nên bề hành đạo rất dễ dàng. Nghe vậy ông Tỳ-khưu trẻ tuổi bèn đi đến nơi ấy. Hẳn thật là bà mẹ ông cai tổng là một tín nữ đắc A-na-hàm, thấy nhà sư trẻ tuổi có giới hạnh trang nghiêm, ân cần tiếp rước và dọn tư thất cho ở. Khi ấy vị Tỳ-khưu ráng lo hành đạo nhưng chưa thấy kết quả chi cả, bà tín nữ, mỗi đêm đều dùng tha tâm thông để xét coi vị Tỳ-khưu ấy làm những gì, nghĩ gì mà không đắc đạo quả? Có đêm bà trông thấy vị Tỳ-khưu món ăn chắc, khi khác món ăn vật khác luôn luôn. Sáng hôm sau bà cho người nhà làm món ấy dâng đến cho vị Tỳ-khưu dùng. Nhiều lần như thế, vị Tỳ-khưu suy xét trong tâm nghĩ rằng: tại sao tâm ta vừa mong vật chi thì bà này lại dâng cho ta vật ấy? vậy thì bà đây là một bậc Thánh. Ta không nên dễ nuôi, ta phải ráng hành đạo. Sau khi cố gắng ông đắc lần từ Tu-đà-huờn quả đến Tu-đà-hàm quả. Đến đây ông mới dùng tuệ nhãn quan sát coi bà tín nữ này trong những kiếp trước có thân thuộc gì với ông, mà bây giờ đối đãi với ông rất tử tế. Ông thấy kiếp trước bà làm mẹ của ông, kiếp sau nữa làm vợ của ông và trong mỗi kiếp bà xử sự vẹn toàn. Tâm ông đến đây vui thích, phiền não, yên lặng dùng minh sát tuệ quan sát vô thường, khổ não, vô ngã đắc quả A-na-hàm. Vừa đắc A-na-hàm quả, vị Tỳ-khưu dùng tuệ nhã quan sát thêm một tiền kiếp kế đó nữa, thấy bà tín nữ cũng sanh làm vợ ông và trong tiền kiếp ấy, bà vì có ngoại tình giết ông chết. Tâm ông liền phát lê bực bội, phẩn uất, đạo tâm vì đó ngưng trệ.

Về phần bà tín nữ đã đắc quả A-na-hàm, trong lúc ấy cũng đang dùng tha tâm thông theo dõi ông Tỳ-khưu. Trong khi Bà đang dụng tâm xem xét coi ông ấy mong vật chi để ngày mai Bà cho người đang đến thì bà bắt gặp ông Tỳ-khưu đang ngưng trệ vừa khi đến mức A-na-hàm quả và bà biết rõ nguyên do. Bà mới dùng thiền định để cảm thông với ông ấy như vầy: xin Ngài hãy xét ra thêm một kiếp nữa. Ông Tỳ-khưu y lời dùng tuệ nhãn xét thêm một kiếp nữa, thấy bà tín nữ cũng sanh là làm vợ ông và trong kiếp ấy bà có hy sinh cứu ông khỏi chết, vị Tỳ-khưu xét đến đây thấy tâm nhẹ nhàng, thơ thới, dùng minh sát tuệ xem rõ vô thường, khổ não, vô Ngã và đắc A-la-hán quả.

Tôi nhắc tích này để chư thiện tín thấy rằng: nếu ta biết tiền kiếp của ta, lắm khi sự ân hận thương tiếc, lo sợ làm cho ta không thể tu hành được. Và nếu ta biết kiếp vị lai , thì lòng ta tham muốn hoặc sự lo sợ cũng phát sanh, làm cho ta không thể tu hành được. Ta hãy coi gương vị Tỳ-khưu trên đã đắc A-na-hàm quả mà vẫn còn buồn khổ. Huống hồ là người còn mê muội như chúng ta, khi thấy mình ở trong cảnh khổ ta có thể chịu được không? Ấy vậy, chúng ta không cần biết đời quá khứ. Ta hãy lo cái tâm hiện tại này, làm sao cho nó được giải thoát khỏi tay và lưới của Ma Vương là đủ. Cũng như người bệnh không cần phải biết rằng: bệnh phát sanh do nơi đâu, bệnh ấy có từ bao giờ, có ai chết về bệnh này không?. Khi có bệnh nên uống thuốc cho mạnh và khi mạnh rồi nên ăn ở cho đúng vệ sinh để ngừa bệnh tái sanh, chẳng cần phải lo sợ vươn lấy bệnh ấy nữa. Bác sĩ khi chữa cho ta khỏi bệnh và đảm bảo cho ta khỏi mắc phải nó nữa và khi lành bệnh rồi nếu không giữ vệ sinh thì công việc chữa chuyên và đảm bảo của bác sĩ cũng hóa ra vô ích. Cũng như sự muốn biết quá khứ và vị lai của ta vậy.

Nếu ta muốn biết tiền kiếp của ta, ta hãy xem xét lại lòng ta. Lòng ta đầy sự bao dung rộng lượng, hỉ xả đối với người với vật, tâm ta sốt sắng cứu giúp kẻ đói khổ. Ấy là ta là một chúng sanh lành từ cõi lành sanh đến đây. Dù kiếp này ta nghèo khổ, điều ấy không qua trọng. Đó là chuyện thường có hoặc vì ta thiếu bố thí trong những kiếp trước, hoặc là quả bố thí của ta chưa trả kịp trong thời buổi này. Người hiểu đạo đức, nghèo không buồn, giàu không vui, luôn luôn làm cho tâm thỏa thích trong các pháp lành và xa lánh điều tội lỗi lầm. Còn nếu lòng ta đầy sự nóng nảy, bực tức, giận dữ không thương xót cứu giúp kẻ nghèo nàn đói khổ, không vui làm việc phước thiện, không kính trọng cha mẹ và bậc trưởng lão. Ta thấy đó thì nên biết rằng ta là một chúng sanh hung ác trong kiếp trước, từ cõi ác sanh đến đây. Biết thế ta phải cố tu tập cho trở nên người giới đức trang nghiêm.

Đây là sự suy xét coi ta từ đâu sanh lại bằng muốn biết khi thoát kiếp này ta sẽ đi đâu? Thì ta hãy xem xét hành động của ta ở kiếp này. Nếu ta làm toàn việc thiện thì ta sẽ sanh về cõi an vui, bằng ta làm ác thì ta sẽ sanh về cõi khổ.

Cô Bảy An lại còn hỏi nhỏ: tại sao những bậc trưởng lão trong gia tộc khi già rồi, lại khó tánh?

Trước hết tôi xin giải chữ “già".

Thuở trước Chư Thiên còn hỏi Đức Phật:

- Bạch Đức Thế Tôn cái gì già? Cái gì không già?

Đức Phật đáp:

- Xác thân này già (cũ). Tên tuổi không già.

Xác thân như cái xe, dùng nhiều năm nó cũ. Như cái xe chở đồ nặng, xác thân chở nào là ngũ uẩn, nào là tham lam, sân hận, si mê. Nào là bao nhiêu những khổ ở đời. Một thân con người đã phải chở nặng dường ấy. Rồi lại thêm có vợ, phải chở thêm năm cái uẩn của vợ và chở cái tham lam sân hận, cái si mê của vợ nữa. Rồi đến sanh con, đẻ cháu, bao nhiêu đứa con là bao nhiêu lần ngũ uẩn, tham lam, sân hận và si mê của chúng nó đè nặng trên xe là xác thân của người cha, thảo nào thân ấy, không già không cũ được?

Tên tuổi không già là được người nhắc nhở để kính mến hay khinh  bỉ mãi mãi. Tên tuổi không già nhờ lưu danh hậu thế hay bị muôn xứ đến ngàn năm. Đức Phật Thích-ca xả thân cầu đạo, đắc quả chánh đẳng chánh giác. Với lòng từ bi bác ái, Ngài chỉ dẫn chúng sanh đi đến chỗ an vui và giải thoát. Đã 2.500 năm mà tên tuổi Ngài còn được nhắc nhở mãi mãi. Đó là tên tuổi không già vì điều thiện. Còn như Đề-bà-đạt-đa cố làm hại Đức Phật, chia rẽ tăng chúng. Đã 2.500 năm qua mà người ta còn nhắc nhở để khinh khi ghét bỏ. Đó là tên tuổi không già vì điều ác.

Tâm con người cũng vậy, có tâm già và tâm con. Một người còn trẻ tuổi như con gái người thợ dệt chẳng hạn. Tuy còn nhỏ mà biết suy nghĩ đến cái chết, rán lo tu hành, tâm cô ấy là tâm già. Còn có nhiều người tuổi đã cao, đầu đã bạc, răng rụng mà còn sa mê trần tục không nghĩ suy đến cái chết đã gần kề thì những người ấy có thân cũ mà tâm non.

Đáp câu hỏi của cô Bảy An tôi nói rằng: bởi con không hiểu lòng cha mẹ, nên nói là "già sanh tật", chớ thật ra cha mẹ là người thương yêu lo lắng cho con, dầu con đã trưởng thành cha mẹ vẫn lo. Cha mẹ thấy mình càng già càng lo vì sợ chết đi thì không giữ được của hoặc sợ của ấy bị hư hại không còn cho con dùng, sau khi cha mẹ quá vãng. Cha mẹ sợ con không nhớ những lời khuyên bảo, cứ nhắc đi nhắc lại, các con cho rằng cha mẹ già sanh tật. Nếu các người con suy nghĩ rằng cha mẹ nhắc nhiều lần cho con đừng quên thì sẽ thương yêu cha mẹ hơn nữa.

Vậy bổn phận làm con phải biết suy nghĩ mà chiều lòng cha mẹ trong lúc tuổi xế bóng tàn gọi là đền đáp trong muôn một công ơn sanh thành dưỡng dục.

Còn về phần quí ông quí bà tuổi đã cao, có con đã trưởng thành. Tôi khuyên quí ông quí bà nên lo tu tập hơn vì bớt sự lo lắng thương yêu những đứa con đã trưởng thành. Vì sự thương lo lắng là nguồn gốc của cái khổ. Chẳng nên nói nhiều, nhắc nhiều, mệt tâm mệt xác mà các con cho rằng mình khó. Vả lại, hai thế hệ già trẻ không còn giống nhau trong các phương diện. Nhiều ông bà hết lo cho con cho cháu, hết lo cho cháu đến lo cho cháu chít, lo mãi cho đến chết lo không rồi mà con đường tu tập không lo, lo sợ cho con cháu, thương yêu con cháu, chắt chít mãi, sanh ra biết bao khổ sở. Sự thương yêu trìu mến ấy, cũng là một cách bộc lộ của lòng tham ái trong tình dục vậy.

Chư Thiên hỏi Đức Phật:

- Bạch đức Thế Tôn cái gì sái với con đường đi?

Đức Phật đáp:

- Lòng tham ái ham mê trong tình dục là sái con đường đi.

Con đường chánh là bát chánh đạo.

Còn tham ái ắt dẫn người vào đường tội lỗi. Lửa tham ái nóng hơn các thứ lửa. Vì sao? Vì lửa tham ái khiến chúng sanh lam nhiều điều tội lỗi. Khi chết sẽ sanh về bốn đường ác đạo. Ví như tích của tiền thân đức Ānanda mà tôi kể ra đây.

Tiền thân của đức Ānanda là con của một vị bá bộ. Lớn lên ông không lo nghĩ đến việc tu tập, mãi ham mê theo tửu điếm trà đình, cùng với 3 người bạn khác, cũng con nhà giàu có, làm những điều tồi phong bại tục. Sau khi chết bởi phước lành của ông đào tạo từ mấy kiếp trước còn dồi dào và đang thời trả quả, nên ông được sanh lại làm một ông bá hộ. Kiếp ấy ông lo giữ giới, bố thí rất nhiều. Khi thoát kiếp ông bị sa địa ngục để trả quả cho tội tà dâm. Sau khi ở địa ngục một thời gian ông được sanh lên làm con bò đực, rất tốt và mập mạp. Người chủ sợ để nó nhảy cái rồi ốm nên đem đi thiến, hết kiếp bò, ông lại sanh làm lừa đực cũng tốt mập, mạnh lại cũng bị chủ thiến vì lí do nói trên. Hết kiếp lừa ông lại sanh làm khỉ đực. Khi còn nhỏ thì đã bị một con khỉ đột cắn đứt mất dương vật. Hết kiếp khỉ đực ông mới sanh làm một vị công chúa con một vị đức vua giàu mạnh. Lúc ấy là có sự bố thí trì giới đến trả quả lành cho ông nhưng còn bị cái nghiệp dư xót của sự tà dâm nó làm cho ông phải sanh làm phụ nữ.

Tích này cho chúng ta thấy rằng lửa tham ái, nhứt là tình dục đốt người nhiều kiếp, bởi thế nên đức Thế Tôn thuyết rằng lòng tham ái là sái với con đường đem chúng sanh đến tai hại.

Tôi nhắc thêm một tích nữa.

Xưa, có một vị Tỳ-khưu thuyết pháp rất giỏi. Nhà Vua cho thỉnh đến thuyết pháp cho cả triều thần nghe. Công chúa nghe danh tiếng của pháp sư cũng xin phép vua cha cho dự thính. Vua cha sau nhiều lần cầu khẩn của con cho phép công chúa ngồi trong bốn thức rèm để nghe thuyết pháp và không được phép đưa mặt ra ngoài.

Khi nghe pháp hay quá công chúa dằn lòng không nổi, xén bức rèm, ló mặt ra ngoài ngó pháp sư. Vị pháp sư đang thuyết ngon trớn, liếc thấy công chúa đẹp như tiên. Tâm ông xao xuyến quên hết pháp, không thuyết gì được nữa. Đức Vua nổi giận, bỏ đi ra, từ đó vị pháp sư và công chúa tương tư với nhau.

Ấy vậy, lửa tham ái nhất là tình dục, rất nóng nó thiêu đốt chúng sanh rất dễ dàng và tai hại của nó không bờ bến.

Luôn dịp nói thêm về thám ái, tôi xin nói về tham lam.

Chư Thiên hỏi Đức Phật:

- Bạch đức Thế Tôn. Pháp nào thường làm cho thế gian tai hại?

Đức Phật đáp:

- Lòng tham lam là pháp thường làm cho thế gian bị tai hại hơn hết.

Tham lam là mong đoạt của người về cho mình. Người tham lam có thể giết anh em, giết quyến thuộc để đoạt của. Người tham lam dùng chủ mưu chước để đoạt của kẻ khác.

Tích xưa, có hai người đi bán vòng vàng. Một người đi trước ngang qua nhà một bà già. Bà này trước kia giàu có lớn, sau suy sụp nghèo nàn. Cháu bà khi nghe rao hàng khóc đòi mua. Bà già suy nghĩ: mình nghèo quá lấy gì mà mua cho cháu. Rồi bà sực nhớ còn một cái mâm xưa, mới kêu anh lái vào nhà năn nỉ đổi (cái mâm xưa của bà mà bà không nhớ kỹ mâm ấy bằng chất gì) lấy một chiếc vàng để cho cháu. Anh bán vàng sau khi coi kỹ cái mâm biết nó toàn bằng vàng, làm bộ trễ môi nói một cách khinh bỉ với bà già:

- Mâm của bà có giá trị gì mà mong đổi với chiếc vàng của tôi?. Bà có cho không tôi cũng chẳng lấy.

Rồi anh bỏ đi.

Một chập sau, lại có một người bán vòng vàng khác lại đi qua nhà và rao hàng. Đứa cháu cũng khóc bà già kêu và năn nỉ như khi nãy. Người ban vòng vàng khi xem kỹ cái mâm, cung kính thưa với bà:

- Thưa bà, cái mâm của bà toàn bằng vàng, giá trị nó rất cao. Chẳng những một chiếc mà đến cả xâu vòng vàng của tôi đây cũng không xứng đáng đổi với nó.

Bà già cảm động nói với người bán:

- Này anh! Anh là người chơn thật, không tham lam. Vậy để đền đáp bụng tốt của anh, tôi xin đổi cái mâm của tôi với một chiếc vòng của anh thôi.

Người bán hàng thấy ba thành thật muốn có vòng vàng cho cháu mới xin để hết cả vòng vàng của mình lại để lấy cái mâm đi.

Một lúc sau, anh bán vòng vàng thứ nhất trở lại, làm bộ quảng đại nói với bà già:

- Này bà. Thôi để tôi đổi một chiếc vòng vàng của tôi với cái mâm lúc nãy. Vì tôi thấy cháu bà muốn quá mà tội nghiệp.

Bà lão đáp:

- Anh không thật và anh quá tham lam. Cái mâm của tôi cho toàn bằng vàng mà anh bảo rằng vô giá trị. Tôi đã đổi cho anh bán vòng thứ nhì rồi, anh ấy chơn thật hơn anh.

Nghe xong, anh bán vàng thứ nhất toát cả mồ hôi, hỏi thăm bà lão chớ anh thứ nhì đi về hướng nào? Bà lão chỉ. Anh chạy theo một chập đến bờ sông, thấy người buôn vàng thứ nhì đã ôm cái mâm ngồi nghe qua được nữa sông. Anh kêu trở lại, người ấy đáp:

- Không, tôi biết rằng anh kêu tôi trở lại để giết tôi mà cướp cái mâm này.

Anh buôn vàng thứ nhất bèn phát nguyện rằng:

- Ta nguyện rằng từ đây sắp sau, đời đời, kiếp kiếp, kiếp nào ta cũng giết hại cho đặng nhà ngươi.

Anh buôn vàng thứ nhì mới nguyện.

- Vậy thì tôi cũng nguyện rằng kiếp nào tôi cũng được thoát khỏi tay anh và không bao giờ tôi trở lại anh, không bao giờ tôi cột oan trái với anh cả.

Người bán vàng thứ nhất nghe nguyện như vậy lòng sân hận nổi lên dữ dội, tức trào máu chết tại bờ sông.

Người bán vàng thứ nhất là tiền nhân của Đề-bà-đạt-đa, còn người thứ nhì là tiền thân của đức Từ phụ Thích-ca Mâu Ni của chúng ta.

Đó là khởi đầu của sự oan trái không tiền khoáng hậu mà Đề-bà-đạt-đa cột với Đức Phật và sự oan trái ấy làm cho Đề-bà-đạt-đa luôn luôn tìm kẻ hại Đức Thế Tôn.

Nhắc tích này tôi muốn chỉ rỏ sự tai hại của lòng tham lam và điều lợi ích của sự chân thật và không tham lam.

Kết luận

Thời pháp hôm nay nhân mấy câu hỏi của cô Bảy An. Tôi thuyết về những câu hỏi của Đức Thế Tôn hỏi cô gái con người thợ dệt và những câu chư Thiên hỏi Đức Phật. Những câu hỏi chư Thiên hãy còn mà tôi thuyết chưa hết. Nhưng thời pháp đến đây tạm dứt vì đêm đã khuya.

Kết luận thời pháp, tôi xin nhắc lại rằng: quá khứ và vị lai chúng ta không nên nghĩ đến. Ta hãy lo sao trong kiếp hiện tại đây mỗi giờ mỗi phút: thân, khẩu, ý ta được trong sạch là đủ. Không tham lam sân hận, oán thù, ganh tị, tâm không si mê trong trần tục, đó là con đường ra khỏi biển trầm luân trong ngày vị lai.

Chúng ta nên hiểu rõ Giáo Pháp của Đức Từ Phụ chúng ta mà lo tìm đường giải thoát đó là chúng ta lo làm tâm chúng ta già. Hãy lo làm việc thiện để gương cho con cháu. Hãy dứt lần lần tham ái, tham lam vì đó là nguồn cội của tai nạn, của oan trái, oán thù. Đó là ta tự độ lấy ta, không cần van lạy cầu đến ai độ ta khỏi khổ. Vì cái khổ nó tự sanh từ trong tâm của ta, chẳng ai đem lại cho ta. Nó là vật vô hình. Ngoại trừ giáo pháp của Đức Phật chẳng có phương thế nào diệt tận  được nó.

Tôi cũng xin nhắc lại một lần nữa là đạo Phật là tự giác giác tha. Khi ta hãy dùng sức lực của ta hành theo những pháp cao thượng của Đức Phật rồi thì lần ta tự giải thoát cho các phiền não, ta tự giác rồi ta nên dùng sự hiểu biết của ta để tỉnh ngộ ít nhiều những người chung quanh ta, cho tròn nghĩa vụ tự giác giác tha.

BÀI 14 KHÔNG DỂ DUÔI

“Appamādaratā hotha,

Sacittamanurakkhatha;

Duggā uddharathattānaṃ,

Paṅke sannova kuñjaro”[39].

Nghĩa: các thầy nên thỏa thích với sự không dể duôi, phải ráng gìn giữ tâm của mình nên gắng đem mình lên khỏi sình lên tượng sa lầy tự đem mình lên được.

Nguyên nhân có câu kệ này vì có tích rằng:

Đức vua Ba-tư-nặc có một thớt tượng trận. Tượng ấy rất giỏi và hăng. Khi còn tơ đánh trận nào thắng trận ấy. Khi già được nghỉ việc đánh trận, thư thả tự do đi kiếm ăn. Ngày nọ, vì vô ý tượng bị sa lầy. Lẽ cố nhiên khi tượng bị sa lầy thì không thể nào lên được. Vả lại cũng đã già rồi tượng không đủ sức để đem mình lên khỏi lầy và cũng  không có ai có thể gì đem tượng lên được.

Khi ấy, dân chúng lấy làm thương hại tượng có nhiều chiến công oanh liệt ấy, mới nói rằng:

- Thương hại tượng hung hăng mạnh mẽ, bách chiến bách thắng mà khi già bị sa lầy đành chịu chết.

Chuyện ấy thấu tới tai Vua, Ngài mới cho dời quản tượng đến dạy rằng:

- Ngươi phải làm thế nào đem Tượng lên được cho Trẫm.

Người quản tượng nghĩ ra một kế là: sắp binh như sắp xáp trận, trống trận nổi lên. Tượng nghe tiếng trống trận, lòng ngã ái và hiếu chiến nổi lên, cố sức vượt được khỏi sự chết đấm trong vùng lầy.

Các thầy Tỳ-khưu thấy chuyện ấy đem và bạch với đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dạy rằng: này Tỳ-khưu, tượng ấy ráng lên khỏi sình lầy thực tế được, riêng các thầy Tỳ-khưu cũng đang ở trong vũng sình “phiền não”. Vì vậy các  thầy phải ráng bắt đầu tinh tấn lên khỏi sình “phiền não”. Rồi Ngài lại thuyết câu kệ ngôn dạy trên. Dù Ngài dạy rằng: này các thầy Tỳ-khưu, khi Tượng già bị sa lầy, nghe tiếng trống trận lòng tự ái phát sanh, cố hết sức mình vượt lên khỏi sình lầy được. Riêng các thầy nghe tiếng trống pháp của Như Lai cũng phải ráng lên khỏi sình “phiền não”.

Câu chuyện Tượng trận sa lầy chỉ có chừng ấy thôi, nhưng theo câu kệ này có 3 điều đại khái cần phải giải thêm là: phải thỏa thích với sự không dể duôi, phải cố gắng gìn giữ tâm mình, phải gắng đem mình lên khỏi sình.

1. Phải thỏa thích với sự không dể duôi.

Trước hết tôi xin giải thích sự dể duôi để thấy rõ quả của sự không dể duôi. Sự dể duôi là không quan tâm hay bỏ trôi thời giờ quí báu của mình. Nghĩa là không làm lợi ích cho mình và cho người khác. Người dể duôi thường hay nghĩ: bây giờ còn sớm quá, nghỉ đã. Bây giờ khuya rồi, nghỉ đã. Ngày mai ta có chuyện phải đi xa, nghỉ cho khỏe đã. Thế thì bỏ qua thời công phu lễ Phật hay tham thiền. Còn viện ra nhiều lẽ để nghỉ làm việc, đó là nguyên nhân sự dể duôi. Hoặc nghĩ bữa nay mưa, thôi đề kỳ khác sẽ đi chùa sám hối nghe kinh. Xin Thiện tín hãy suy nghĩ: ta biết có còn sống đến ngày mai không.

Có câu Phật dạy rằng: Appamādo amatapadaṃ[40]

Nghĩa: sự dể duôi là con đường của sự chết. Dù nói rằng: khi ta dể duôi là ta đi đến con đường diệt vong.

Hẳn thiện tín cũng thấy rằng: khi ta dể duôi thì giờ quí báu với sự ngồi rồi nói chuyện vô ích v.v... thì những thời giờ cũng đã chết mất rồi. Thời gian đã qua không bao giờ trở lại với ta nữa, cũng như dòng nước chảy từ trên núi xuống thì không bao giờ chảy ngược lên. Thiện tín có thể kiếm được nhiều tiền.

Nhưng xin nhắc quí vị rằng: trong các pháp ác, Ngài không trông thấy pháp nào có mãnh lực bằng sự dể duôi, cũng như các dấu chân của giống thu, không dấu chân nào to bằng dấu chân tượng.

Không biết chư thiện tín đưa tay gỡ tấm lịch, quí vị có nghĩ như vậy không?. Đời sống, tuổi thọ ta bị thâu ngắn lại một ngày rồi và nghĩ thêm rằng: ta đã đến gần cái chết một phần nào rồi. Đời sống của ta như hạt sương trên ngọn cỏ, vì hạt sương đã ít mà mau tan khi bị sức nóng của mặt trời. Đời ta cũng vậy, tuổi thọ đã ít mà tai hại chực chờ để giết hại ta: bịnh hoạn, rủi ro bị xe đụng, lạc đạn v.v... lại nhiều.

Vậy ngày nào cũng như ngày nào, xin thiện tín để một hai giờ tu tập cho đời vị lai của mình, không nên dể duôi theo ngũ trần lục dục.

Một khi người dể duôi thường bị phiền não cám dỗ là:

“Asātaṃ sātarūpena,

Piyarūpena appiyaṃ;

Dukkhaṃ sukhassa rūpena,

Pamattamativattati”[41].

a) Asātaṃ sātarūpenā: chuyện không vui, người dể duôi cho là vui.

Như đức Thế Tôn cho rằng: tài, sắc, lợi, danh là nguyên nhân đem đến khổ cho ta, có nhiều chừng nào càng khổ nhiều chừng ấy. Trái lại, chúng ta cho rằng: càng có nhiều càng vui. Vì chúng sanh thiếu pháp appamāda là không dể duôi.

Vậy muốn thấy rõ, nơi đây xin nhắc tích bà đại thí chủ cũng là một tín nữ có tên tuổi nhất cho chư thiện tín thấy rằng: ta càng thương yêu nhiều càng khổ nhiều.

Khi đức Thế Tôn ngự tại Kỳ-viên Tịnh-xá tại kinh đô Sāvatthi. Buổi sáng nọ có bà tín nữ tên Visākhā mặc đồ ướt vào hầu đức Thế Tôn. Ngài biết rằng trong nhà bà có đám tang. Vì cổ tục của người Ấn, khi nhà có đám tang thì gia chủ bị xối nước. Khi đến nơi lễ Phật ngồi xong đức Thế Tôn phán hỏi rằng:

- Visākhā này tại sao mặt mày buồn bã và khóc than như vậy ?

- Bạch đức Thế Tôn. Cháu gái yêu quí của Đệ tử là Sudatti là đứa có hạnh kiểm tốt đệ tử chưa thấy có người nào sánh bằng, nay đã chết nên đệ tử buồn rầu than khóc.

- Này Visākhā ngươi trong kinh đô Sāvathi (Thất-la-Phiệt) được bao nhiêu người ?

- Bạch đức Thế Tôn có thật nhiều ạ.

- Người có muốn số người ấy làm cháu người hết chăng?

- Bạch đức Thế Tôn muốn.

- Người trong xứ Sāvathi chết mỗi ngày mấy người ?

- Bạch đức Thế Tôn nhiều lắm .

- Nếu vậy ngươi phải bị buồn rầu đau khổ mãi không bao giờ được rảnh phải không?

- Bạch đức Thế Tôn đệ tử hiểu lời dạy của đức Thế Tôn rồi.

Đức Thế Tôn mới dạy câu kệ rằng:

“Pemato jāyatī soko,

Pemato jāyatī bhayaṃ;

Pemato vippamuttassa,

Natthi soko kuto bhayaṃ”[42]

Nghĩa: sự buồn rầu phát sanh lên bởi tình yêu, sự kinh sợ phát sinh bởi tình yêu. Sự buồn rầu không bao người giải thoát khỏi tình yêu. Thì sự kinh sợ làm gì có được ?

Nhắc đây để chư thiện tín thấy rõ rằng: sự mà chúng sanh cho là vui, đó là nguyên nhân buồn rầu, đau khổ, lo sọ. Do nơi đâu? Do sự dể duôi, khi không đủ trí nhớ để bị cảnh trần cám dỗ.

b) Piyarūpena appiyaṃ: điều không đáng thương, người dể duôi bị cám dỗ cho rằng: đáng thương.

Như vạn vật trong vũ trụ này nhất là thân ta đây là đáng cho ta không nên thương tiếc nó, nhưng chúng ta thương tiếc và quí trọng nó, không khi nào chịu xa nó. Vì ta quá thương thân này, nên ta dể duôi không trông thấy lẽ Vô thường, Khổ não và Vô ngã.

c) Dukkhaṃ sukhassa rūpena pamattamativattati: vật khổ, người dể duôi bị cám dỗ cho là vui.

Ý nói rằng: những gì mà bực Thánh nhơn cho là khổ chẳng hạn như thân này là khổ, nhưng chúng sanh cho là vui và luôn luôn say mê theo nó.

Hơn nữa, người dể duôi thường say mê theo hai chiều là:

  • Say mê trong sự nhơ nhớp. Điều này có 2 nghĩa:

* Thân này do tứ đại hợp thành nên nó là vật chất rất nhớp. Khi ta còn sống đây, trong mình ta phát ra những mùi hôi thối. Huống gì khi ta chết thì còn thối biết mấy. Chư thánh nhân dạy: thân này có 9 mụt ghẻ to phát ra những mùi hôi thối, chính mình biết rằng nó hôi thối nếu trong một hai ngày chúng ta không rửa nó. Nhưng chúng ta cũng còn mê đắm một cái ngoài ta cũng hôi thối như ta. Vậy đây xin để câu này cho thiện tín suy nghĩ lấy. Cái ấy là gì ? Và tự giải quyết lấy.

* Sự nhơ nhớp đây là tài, sắc, lợi, danh nó không thơm tho bao giờ. Vì nó là món thuốc độc hại tinh thần. Khi tinh thần bị nó nhiễm vào thì không còn biết sắc ấy thối. Tài ấy hôi, danh lợi kia là nhớp, dám làm những việc tài trời để đem hữu ích cho mình.

  • Ham mê trong cái già cho là thiệt. Nghĩa là không bao giờ người trông thấy thân mình này là vật giả. Ngày kia, phải thay đổi và tiêu diệt. Hiện giờ, ta còn trai trẻ nhưng 80 năm sau là một ông già lụm cụm, mắt lờ mờ tai điếc nhưng ta cũng vẫn còn có yêu nó không bỏ nó được.

Tất cả thiện tín đang ngồi tại chánh điện trước kim thân của đức Từ Phụ đây, đều nhiều tuổi. Ta thử hồi nghĩ lại coi đời sống của ta từ nhỏ đến giờ được là bao nhiêu lâu, thì hẳn cũng như một làng chớp nhoáng. Thế những gì được gặp trong hiện tại này. Trong chốc lát nó lại mất đi vì nó không bền vững mà cũng tìm phương thế để bảo thủ nó mãi. Tại sao vậy? Chúng sanh vẫn nhớ kém trí huệ nên dể duôi thấy giả cho là thiệt.

Theo đây, tôi xin giải thêm trạng thái của người dể duôi: người dể duôi là người oán thù (kẻ khác), người dể duôi là người thiếu trí nhớ, người dể duôi tâm hằng phóng túng, người dể duôi thường tham lam.

Người nhiều sự oán thù kẻ khác là người tự chuốt lấy khổ vào lòng mình. Đức Thế Tôn biết vậy nên Ngài dạy rằng: lòng từ là sabbe puratthimāya sattā averā hontu.

Nghĩa là: cầu xin cho tất cả chúng sanh trong hướng Đông đừng có oan trái lẫn nhau, hãy cho được an vui.

Nhưng miệng thì đọc vậy chớ những người mà mình không ưa dầu có ngồi đọc để đọc thôi. Vì vậy nên không có kết quả gì cả. Vì chỉ từ bi bằng miệng chớ không ở không ở thâm tâm. Khi con người dể duôi không rán lo tu bổ pháp lành, thành ra có nhiều oán thù. Muốn cho đừng có oán thù phải tập tâm xả. Xả nghĩa là dứt bỏ những gì người ta làm cho mình hờn giận. Người có tâm xả là người hành theo pháp giải thoát gọi là ba-la-mật.

Đến đây tôi xin nhắc lại bài kinh Sīhanāsutta, thiên Sīhanāda, bộ Majjhimanikāya. Đức Thế Tôn có thuyết cho đức Xá Lợi Phất nghe rằng: này Xá-lợi-phất. Ta đợi coi bò nhỏ còn bú, của bò vô chủ đi tiêu ra, ta từ từ dùng phân ấy thế cho vật thực. Rồi ngày sau ta đi cầu ra lại bốc dùng lại. Đến bao giờ ta không còn đi cầu nữa mới đi dùng lần thứ nhì. Xá-lợi-phất này đây là một hạnh thọ thực của ta khi khổ hạnh. Này Xá-lợi-phất, Ta vào nơi rừng sau thanh vắng, nơi ấy đáng sợ (vì sự thanh vắng). Người chưa dứt được lòng tham ái vào nơi ấy phải rùng mình rởn óc. Xá-lợi-phất ơi trong mùa lạnh tám ngày (lạnh nhất). Ban đêm Ta nguyện ở đồng trống ban ngày ở dưới cội cây. Trong mùa hè những ngày nóng bức nhất, ban ngày Ta ở nơi đồng trống, ban đêm ở dưới cội cây. Này Xá Lợi Phất khi ấy câu kệ mà ta chưa từng nghe biết lại phát sanh cho là: ta đây tự khô (nóng) tự ướt lấy ở trong rừng thanh vắng kinh sợ một mình, ta lõa thể không hơ lửa, là người tầm sự thanh tịnh. Xá Lợi Phất ơi! Ta ngủ trong bãi tha ma nằm trên đống xương khô. Những đứa bé chăn bò đến gần kê miệng vào tai ta, la to lên, đại tiểu tiện lên mình ta, lấy đất cát rải lên mình ta. Lấy cây nhọn váy tai ta, dùng đót đâm ta, đánh ta. Xá-lợi-phất xét lý tâm ta không có oán thù những đứa trẻ ấy. Xá-lợi-phất đây là hạnh Xả của ta.

Nhắc đến đây để thiện tín thấy rằng: Đức Từ Phụ của chúng ta là một nhà vua. Bỏ ngai vàng, vợ đẹp, con thơ, cha già lại ra đi tìm lẽ đạo. Bị người đánh, đại tiểu tiện lên người Ngài vẫn không oán giận. Thử hỏi ta có kẻ khác mạt sát như cao cả mà Ngài còn xả được huống gì ta, khi chúng ta nghĩ thế thấy lòng ta nhẹ đi một phần nào.

Một khi tôi nhắc những phạm hạnh của Đức Từ Phụ thì tôi thấy lòng tôi băn khoăn  tự thẹn, vì mình tự cho là Phật tử mà trong dòng huyết quản của mình không có một hột máu nào của Ngài cả. Ý tôi muốn nói rằng: chúng ta tự nhận là con của đấng hoàn toàn có phạm hạnh mà chính chúng ta chẳng có một hạnh nào. Vậy nên tôi mong rằng hôm nay, chư thiện tín nên ráng học ‘hạnh xả’ để dứt một phần oán thù và cũng tập thêm hạnh ‘không dể duôi’. Một khi ta tập được là chúng ta có thêm được một vài giọt máu của đức Cha Lành.

Đức Thái tử Sĩ-đạt-ta bỏ ngai vàng, vợ đẹp, con thơ, cha già đi tìm đạo cũng vì lòng hy sinh cho nhân loại.

Tôi còn nhớ đoạn đời của Thái tử Sĩ-đạt-ta đi xuất gia có nói rằng: Gia-du-đà-la ơi!. Có lẽ nàng hiểu nhiều về ta rằng thế nào rồi đây ta cũng sẽ xa nàng trong ngày gần đây. Tâm ta đang bâng khuân lo nghĩ gì đâu. Phải chăng về nhân loại và nàng. Ta rất vui lòng nhận chịu tất cả cái khổ gì của nhân loại để tìm sự giải thoát và tỏ rằng lòng thương nhân loại của ta không bờ bến; hai ta cùng hòa hai dòng máu được một đứa con yêu quí mà hôm nay ta phải xa lìa nàng. Bao giờ tìm được món ăn bất diệt sẽ đem về cho nàng và con. Ta vẫn biết ta đi thì nàng khổ, vì nàng thường than với ta rằng: sự xa thái tử, em coi như một tai nạn tày trời, em cầm nặng hơn cái chết của em. Nhưng ta phải xa nàng, vì sự thương mến cao cả. Nhất là phái dứt bỏ sự thương mến của cá nhân, phải tìm phương pháp giải thoát hay vụt tắt khổ cho nhân loại ấy mới gọi là lòng thương cao cả. Gia-du-đà-la ơi. Vậy nàng hãy vì ta mà hy sinh mà cố gắng của hai ta. Nếu ta ở bên nàng thì làm cho nàng vui như cái vui luân hồi không vĩnh viễn. Vậy nơi đây giờ phút này nàng hãy nghe và nhận lấy sự thật ở lòng ta, ngoài ra nàng không ai biết được.

Thái tử nghĩ thêm rằng: hỡi chúng sanh thân mến của ta ơi! Các người hãy cố ráng chịu sự đau khổ trong một thời gian nữa, bao giờ ta tìm được Tuệ giác thì các người sẽ diệt được sự đau khổ ấy.

Hiện giờ ta đã cương quyết rằng: ta phải xuất gia và không bao giờ trở về nếu trong tay ta không có đuốc tuệ. Ta tự tin rằng ta có đủ cương quyết cố công và đủ điều kiện tìm được pháp giải thoát trong một thời gian gần đây.

Chúng ta hãy xem gương hy sinh của đức Thế Tôn khi Ngài còn là vị Bồ-tát, xa bỏ mọi việc của Ngài đã có mà hôm nay chúng ta vẫn chưa có một đặc ân nào của Ngài đã có. Vậy ta nên suy xét cho cùng khi ta gặp phải trường hợp sân hận. Ta phải dứt bỏ bằng hạnh xả của Ngài. Khi chúng ta nhớ biết gương hy sinh của Ngài như thế thì chúng ta có thể xả bỏ được một phần nào của lòng sân hận oán thù. Khi ta bị những sự trái ý nghịch lòng như bị mắng chửi. Nói xuyên tạc thì ta có thể thấy rõ rằng: người ấy khổ lắm rồi, sự tức giận của họ không thể dằn được nên mới bộc lộ ra ngoài. Nên thương hại người ấy hơn giận họ. Chúng ta nghĩ thêm chút nữa thấy rõ rằng: người mà chửi mắng ta, họ đã bị nghe tiếng xấu ấy trước ta hai lần là: khi nghỉ để nói và khi nói ra, tai họ ở gần nên nghe trước ta.

Ta nghe sau nhưng chỉ có một lần thôi, tội gì mà đi giận cho mệt. Hơn nữa chúng ta biết rằng: người ấy là người xấu đê tiện, ta lại đi gây với kẻ ấy nữa chăng? Vậy muốn không có oán hận nhau phải có trí nhớ không để dể duôi.

Đành rằng hạnh xả khó hành thật nhưng đã có và sẽ có biết bao nhiêu là đức Giác Ngộ, ta cố thì ta sẽ thành được.

Một khi người dể duôi không rán lo tu hành thì các vị Chư Thiên và Dạ-xoa cũng khinh và làm hại được. Vậy tôi xin nhắc tích của ông Sa-di Sāṇu.

Sa-di Sāṇu là một vị Sa-di có giới hạnh trang nghiêm tinh tấn tu hành, dễ dạy, làm tròn phận sự của một vị Sa-di đối với thầy tổ và bạn. Ông đọc kệ giỏi, nên chư Thiên, Phạm Thiên kính nể ông như một vị Đại-Phật-Thiên vì chư Thiên và Phạm Thiên hằng được hướng quả hồi hướng Pháp thí của ông. Người mẹ kiếp trước của ông sanh làm Dạ-xoa cũng đến nghe pháp của ông, chư Thiên và Phạm Thiên đều kính nể bà, vì bà là mẹ của ông Sa-di có giới đức.

Khi lớn lên, ông bị đời cám dỗ, muốn hoàn tục, để tóc dài. Y bát trở nên nhớp mà ông cũng chẳng lo. Ngày nọ ông về nhà, bà mẹ của ông trông thấy mới bảo rằng: con, khi trước con về nhà vơi chư Đại Đức, thầy tế độ hoặc các bạn của con, sau hôm nay con lại về một mình vậy?

Ông thuật sự muốn của của mình cho mẹ nghe. Bà mẹ mới nói cái khổ ở đời cho ông nghe. Nhưng ông cũng không chán nản và nhất định hoàn tục. Bà mẹ bảo rằng: thôi, nếu con nhất định thời đợi mẹ nấu cơm nước xong sẽ đem hàng lụa ra cho con lựa theo ý thích. Bà trải chiếu mời ông Sa-di ngồi gần chỗ bà nấu cơm.

Trong lúc ấy, Dạ-xoa mới nghĩ rằng: ông Sa-di ở đâu kìa? Ông có được vật thực cho độ chưa? Khi ấy bà thấy ông Sa-di đang ngồi ở nhà và định hoàn tục, bà nghĩ rằng: ông sẽ làm cho ta thẹn giữa chư Thiên. Ta phải ngăn cản sự hoàn tục của ông. Bà nhập vào ông Sa-di lập tức bẽ cổ, mắt trợn ngược, té dãy dụa, sôi bọt miếng ra. Bà mẹ ngồi gần đấy thấy thế mới la khóc lên và ôm con vào lòng rồi khóc kể bằng câu kệ rằng:

- Tôi có được nghe những lời dạy bảo của các bậc A-la-hán rằng: người nào giữ bát quan trai giới ngày 14, 15, 8, 23, 29, 30 và giữ ngày đưa rước, người hành phạm hạnh như vậy Dạ-xoa không bao giờ dám dọa nạt người ấy. Hôm nay tôi trông thấy Dạ-xoa bắt ông Sa-di.

Dạ-xoa đáp bằng câu kệ:

- Dạ-xoa không bao giờ bắt người thọ trì bát quan trai giới như bà đã nghe.

Rồi nói tiếp:

- Khi ông Sa-di tỉnh lại, xin bà vui lòng thuật lại câu này của các Dạ-xoa cho ông Sa-di Sāṇu nghe: ông không nên làm điều ác trong chỗ có người và nơi khuất tịch. Một khi mà ông sắp làm tội hay đang làm tội ông có bay trốn cũng không thoát khổ. Người làm tội ác mặc dầu có bay được như chim cũng không bao giờ thoát khỏi những tội tình như thế này.

Rồi bà xuất ra.

Khi ấy, ông Sa-di mới tỉnh lại, thấy mẹ lại xả tóc khóc và có rất nhiều thân bằng quyến thuộc và người cùng xóm rất đông ở quanh mình, ông mới nghĩ: hồi nãy, ta ngồi trên ghế, mẹ ta ngồi nấu cơm, mà bây giờ ta lại nằm dưới đất, sao vậy kìa ? Ông mới hỏi bằng câu kệ rằng:

- Mẹ người ta khóc người đã chết ròi hay là chưa chết mà không thấy rõ (nơi đây). Mẹ, mẹ thấy con còn sống, sao lại khóc con hở mẹ ?

Bà mẹ mới đáp rằng:

- Con ơi! Đúng vậy người ta khóc người đã chết rồi mà không thấy rõ (nơi đây) (ở đây) người ta thương hại khóc cho người đã bỏ trần tục rồi lại còn trở lại với trần. Vì người (ấy) có sống chăng nữa cũng chư chết (vì dể duôi). Con ơi! Con là người giải thoát khỏi vòng trói buộc rồi, lại trở vào vòng trói buộc, thoát khỏi vực thẳm rồi lại rớt vào vực thẳm. Con gì con hãy ráng cho được tấn hóa trong Phật pháp. Vậy tôi phải nhờ ai giải quyết sự này là: con yêu quí của tôi xuất gia theo Phật pháp, cũng như đem của quí trong nhà đang cháy ra. Mà hôm nay lại muốn trở vào nhà cháy. Xin quí vị giúp chúng tôi ngăn cản việc này.

Ông Sa-di nghe vậy chán nản, nói với mẹ sẽ không hoàn tục và đúng tuổi sẽ xuất gia Tỳ-khưu. Bà mẹ vui lòng lo cuộc lễ cho ông xuất gia Tỳ-khưu.

Sau chuyện ấy, Đức Phật được biết, Ngài thuyết rằng: lẽ cố nhiên tâm người hằng đi theo cảnh trần thì tất nhiên tâm người ấy không hềan vui. Vậy người nên cố gắng tinh tấn dạy tâm cho kỳ được như người quản tượng cố gắng dạy tượng hăng được.

Sau khi nghe pháp có nhiều người đắc đạo quả nhất là thay Tỳ-khưu Sãnu. Từ ấy ông học giỏi trở nên vị Pháp sư trứ danh và sống đến 120 tuổi.

Nhắc đến đây để thiện tín thấy rằng: "khi tâm ta phóng túng vì dể duôi, sau biết ăn năn tỉnh ngộ, biết ráng lo hành pháp không dể duôi, ta sẽ được giải thoát. Vậy ta không nên dể duôi để tâm theo cảnh bên ngoài, vì Đức Phật dạy: sự không dể duôi là nguyên nhân sanh các thiện Pháp.

2. Gìn giữ tâm

Phải cố gắng gìn giữ tâm mình. Đức Thế Tôn thường dạy rằng: tâm thuộc về danh pháp khó mà dạy nó được. Vì tâm thường hay phóng túng theo các cảnh trần. Người muốn dạy tâm luôn luôn phải dùng trí nhớ quan sát và không cho nó đi xa ngoài công việc mình làm, mọi cử chỉ gì chẳng hạn trong lúc mình đang hành động, bắt buộc tâm phải biết đang làm và làm gì. Khi mà mình bắt buộc như thế, tâm không đi ngoài công việc làm, phải chăm chú vào mọi cử chỉ ấy. Sự bắt buộc ấy ngày càng quen, khi nó làm gì nó hay không lo nghĩ ngoài phận sự ấy. Thì chúng ta tham thiền thì tâm cũng dễ trụ và dễ đắc đạo quả.

Người gìn giữ tâm luôn luôn không cho tâm nghĩ hối tiếc việc đã qua không cho nghĩ viễn vông những chuyện chưa đến. Làm gì phải biết những việc làm ấy, mọi việc được kết quả mỹ mãn. Đó là phương pháp dạy tâm giản tiện nhất.

3. Lên khỏi sình

Có  mười thứ phiền não làm cho ta mắc dính vào mà không ra khỏi được. Đức Thế Tôn ví 10 thứ phiền não ấy là sình. Mười thứ phiền não ấy là: tham lam, sân hận, si mê, ngã mạn, thành kiến, hoài nghi, hôn trầm, phóng tâm, không ghê sợ tội lỗi, không hổ thẹn tội lỗi.

Chúng ta là người ở trong sình như tượng kia vậy. Tượng nhờ nghe tiếng trống trận nên cố gắng lên khỏi sình được. Hôm nay, chúng ta cũng nghe được tiếng Pháp của Đức Thế Tôn thì chúng ta cũng phải cố gắng lên cho ra được khỏi sình ấy.

Không thể giải một lúc 10 thứ sình được vì thiện tín không thể nhớ hết và thì giờ đã khuya nên xin giải một thứ sình là: ngã mạn.

Ngã mạn nghĩa là chấp ta, một khi cho thân tâm này là ta, thì ta lại tìm những gì mà cái ta thích muốn như cái tài, sắc, lợi, danh đã mang lấy cái ta phải bị khổ già, đau, chết, đói, rét, bịnh hoạn mà ta còn chưa chán, lại có vợ con cũng như ta rồi có, v.v ... ngày càng chồng chất nặng thêm.

Sự thật những gì mà ta cho là ta, trái lại chẳng phải là ta nghĩa là vô ngã.

Nhắc đến đây để chư thiện tín thấy cái chấp ta chỉ có hại và khổ thêm thôi. Lắm lúc mình cho rằng: mình chấp đúng, nhưng cái chấp ấy không đúng với Phật Pháp. Là chấp rằng: chùa của ta, ông sư này là thầy ta, tổ ta. Khi có ai nói động đến nhà sư ấy thì lại giận. Ấy thế là cái hại, đã dứt bỏ sự chấp ở gia đình mà lại đi chấp thêm ông thầy ngoài mình ra nữa. Xin nhắc thiện tín nhớ rằng: ta qui y Phật là ta nương nhờ với tất cả chư Phật quá khứ hiện tại và vị lai. Qui y Pháp là nương nhờ các pháp quá khứ, hiện tại, vị lai của Đức Phật đã tìm thấy. Qui y Tăng là nương nhờ nơi chư Tăng quá khứ, hiện tại vị lai. Quá khứ đã qua, hiện tại đây nhà sư nào có đủ đặc tính lành, học nhiều hiểu rộng thì ta nương theo Ngài để Ngài chỉ rõ đường giải thoát cho ta. Vì Đức Thế Tôn biết cái chấp của chúng sanh như thế nên Ngài dạy qui y Tăng. Nếu chúng ta chấp riêng một ông thầy, khi ông ấy đi hay chết, có chuyện nghi ngờ không dám hỏi nhà sư khác là chuyện sai lầm nhất, không nên chấp vậy.

Riêng tôi, tôi tự nghĩ rằng: tôi là người của nhân loại, là bạn của tất cả những người nào muốn biết sự giải thoát ở tôi, mà tôi có thể chỉ được và tôi cũng không muốn ai chấp tôi là thầy. Vì vậy sự cho "quy y" hay thầy tiếp dẫn hoặc "tế-độ", tôi đều từ chối. Tôi sợ người ta chấp lầm rằng: tôi là ông thầy.

Sự qui y của thiện tín được trong sạch là do tác ý muốn quy y, xin quy y và được Tỳ-khưu nhắc quy y Tam Bảo và năm giới thì là trong sạch. Mặc dầu, vị Tỳ-khưu ấy phàm hay thánh, nhỏ hay lớn vì ta quy y với tăng chớ không phải với vị thánh nhơn Mít, Xoài hay thầy Tỳ-khưu Ổi v.v…

Ta kính mến Đức Thế Tôn mong được giải thoát như Ngài thì chỉ có phương pháp cao thượng hơn hết là hành theo Ngài gọi là cúng dường cao thượng.

Nói đến đây, tôi còn nhớ đến một khi tôi còn đang học tham thiền tại Thái Lan. Có một bà triệu phú cũng học tham thiền. Đêm ấy bà được hỷ lạc mạnh. Cái hỷ lạc này tôi không nói bằng lời được, chỉ có vị nào có hành mới biết. Khi bà được hỷ lạc bà rất lấy làm vui, bà tự nghĩ rằng: mình có tiền hàng triệu mà không được hưởng sự an vui như hôm nay. Sự thật tiền bạc không đem lại sự an vui cho ta bằng sự an vui của tâm không mê sa theo vật chất. Để tỏ  lòng cảm ơn thầy bà định mua chết xe hơi Hoa kỳ thật mới đẹp để dâng cho Đại Đức (đây là bà thuật lại vậy).

Sáng ngày đến hầu để có sự tham thiền được kết quả của mình trong đêm, khi ấy cũng có tôi, bà không nói gì hơn là xin về. Lẽ cố nhiên vị thiền sư trông thấy đáng cho về mới cho khi nghe bà yêu cầu. Ngài lấy làm ngạc nhiên mới hỏi:

- Tại sao bà lại muốn về ?

Bà bạch rằng:

- Bạch Ngài, tôi muốn về mua dâng cho Ngài một chiếc xe hơi Hoa kỳ.

- Tại sao bà lại muốn dâng cho sư chiếc xe ấy ?

- Vì tôi nhận thấy rằng: tôi có tiền dư rất nhiều nhưng tiền ấy không đem hạnh phúc đến cho tôi. Đêm hôm tôi mới được sự an vui mà đời tôi chưa bao giờ có. Vậy nên tôi muốn  tỏ sự biết ơn Ngài, tôi xin mua dâng Ngài chiếc xe cực đẹp.

- Bà nghĩ như vậy không được tốt lắm, xe hơi của bà không thể đưa sư đến thiên đàng hay Niết-bàn được. Trái lại, nó làm cho sự bận rộn, nào là tiền xăng nhớt, chỗ đỗ xe, người lái xe ... thì có ích gì cho sư đâu.

Bà cứ nài nỉ mãi. Ngài Đại Đức mới dạy rằng:

- Bà chỉ biết ơn sư thôi sao ? Còn người mà bà đáng biết  ơn hơn nữa sao bà lại quên ?

- Bạch Ngài, còn có ai hơn Ngài nữa ?

- Còn Đức Thế Tôn nữa. Như sư mà biết pháp chỉ dạy bà đây cũng nhờ đức Thế Tôn dày công tìm kiếm hàng 4 a-tăng-kỳ trăm ngàn kiếp. Chớ chẳng phải tự tôi tìm biết được để dạy bà. Vậy bà nên biết ơn của người trên tôi nữa. Sư xin nhắc câu Phật ngôn này cho bà nhớ và có đền ơn đấng cao cả ấy. Đấng cao cả có dạy rằng: chư Tỳ-khưu, Tỳ-khưu Ni, thiện nam, tín nữ, người nào biết vâng giữ và thừa hành theo những lời dạy bảo của Như Lai (ấy mới gọi là) người biết tôn trọng, kính mến và cúng dường trọng thể đến Như Lai. Thế tại sao bà không nghĩ đến hành đạo giải thoát để làm món cúng dường cao thượng của bà đối với đấng Giác Ngộ? Vậy sư xin bà hãy ráng hành đạo thêm là bà biết cúng dường đến Phật đó. Sư chỉ mong là bà được giải thoát là bà biết ơn sư rồi. Khi bà nghe được mới chịu thôi.

Quí hóa thay, vị Đại Đức ấy không vì lợi riêng mà lợi dụng lòng tốt của thí chủ. Tôi nhắc đây để chư thiện tín nên luôn luôn nghĩ đến Tam Bảo, đừng nghĩ riêng một nhà sư, chấp riêng rằng: "thầy ta", để sa vào một thứ sình rất dẻo.

Kết luận:

Thời pháp đến đây tạm dứt. Xin kết thúc lại là:

1. Xin Thiên tín không nên dể duôi.

2. Giữ tâm cho sạch.

3. Cố lên khỏi sình.

BÀI 15 SỰ AN LÀNH

Sự an lành là điều gì làm cho lòng được vui vẻ, không khổ. Những điều nào làm cho lòng được vui vẻ, cho tâm được nhẹ nhàng, thơ thới, không nhơ đục, không hối hận vì tội lỗi, không tham lam, sân hận, si mê đó là sự an lành.

Người giàu phú quí gọi là có phước. Sự an lành là ảnh hưởng của phước.

Chúng sanh có thể cầu sự an lành đặng chăng? Tụng kinh có cầu được an lành chăng? Đáp: tụng Kinh là một lẽ, tâm được an lành là một lẽ khác. Chúng sanh hành những điều an lành sẽ được an lành. Tụng kinh mà không thực hành theo Kinh, không thể có sự an lành được, tự mình tạo sự an lành cho mình, chẳng phải tụng Kinh đem lại sự an lành cho mình, Đức Thế Tôn dạy: người nào muốn được sự an lành, thì phải hộ trì (thực hành) Pháp, muốn an vui phải giữ phạm hạnh nào phải giữ.

Trong Pháp Cú Kinh cuốn số 4 có nói rằng: có 2 thầy Bà-la-môn cùng là bạn thân. Lớn lên một ông xuất gia tu ít lâu, ông đạo sĩ ấy đắc tứ thiền bay về thăm bạn. Khi đến nơi, người bạn ra lạy ông đạo sĩ. Ông đạo sĩ đáp lễ và cầu xin cho bạn sống trăm tuổi. Khi bà vợ ra làm lễ, ông đạo sĩ cũng cầu cho vợ bạn được sống trăm tuổi. Đến khi đứa con còn bồng ra làm lễ. Thì ông đạo sĩ làm thinh. Bạn thấy làm lạ hỏi duyên cớ. Ông đạo sĩ đáp: “Con anh bảy ngày nữa sẽ bị chế”t. Thấy Bà-la-môn kia hết sức khẩn cầu ông đạo sĩ cứu con thầy. Ông đạo sĩ đáp: “Tôi không có quyền lực cứu con bạn song tôi biết Ngài Đại Đức Gotama có thể giúp bạn đặng”. Vợ chồng thầy Bà-la-môn bồng con đến lạy Đức Phật và xin cứu mạng đứa trẻ. Đức Phật dạy về cất trại, mời chư Tăng đến giảng đạo trong 7 ngày. Đến ngày thứ bảy, Đức Phật ngự đến có Đức Đế Thích, chư Thiên và Tứ Đại Thiên Vương đến hầu. Một quỷ Dạ-xoa cố giết đứa nhỏ ở trong trại ấy, song chẳng dám vào giết, vì có các bậc Thánh đang ở đó. Đứa trẻ khỏi chết. Thầy Bà-la-môn mới đặt tên con là Ayuvadhana (nghĩa là đứa trẻ được thêm tuổi thọ). Sau này đứa bé ấy đắc đạo quả Tu-đà-hườn.

Tích này có lẽ đem lại sự hoài nghi cho chư thiện tín. Nói rằng đạo Phật là tự giác, giác tha tại sao Đức Phật lại cầu an. Đáp: trong 12 cái nghiệp, có nghiệp là Uppachedaka (chuyển tấn nghiệp), nghĩa là nghiệp vô cắt đứt. Song, nếu có nghiệp cao hơn thì nghiệp cắt đứt ấy không vào đặng. Đức Thế Tôn biết quá khứ, hiện tại và vị lai. Ngài muốn nhận rõ cậu bé Ayuvadhana có phước cao quí, cho nên Ngài cứu và Ngài cứu con Dạ-xoa kia khỏi tội và khỏi có oan trái với cậu bé kia nữa.

Chúng sanh không vì lẽ Đức Thế Tôn cứu cậu bé này, mà cho rằng tụng Kinh cầu an đặng.

Trong hạnh phúc kinh, đức Ānanda thuật rằng: lúc nọ, Đức Phật thuyết về 38 sự an lành cho chư Thiên và các hàng đệ tử nghe. Vì sao có bài kinh này? Vì chúng sanh ở đời cần có hạnh phúc, không gây oan trái oán thù và lường gạt lẫn nhau. Những pháp luật của vua, quan không đủ làm cho con người ghê sợ tội lỗi.

Hỏi: cái gì là an lành? Có người đáp "thấy" là an lành nghĩa là sớm mai ra đường quan tài là điềm báo ứng sẽ được tài lợi trong ngày ấy hoặc sớm mai, thấy bạch tượng thì Ngài ấy sẽ gặp sự may mắn. Đó là thuyết "thấy" đem lại sự an lành.

Có người lại đáp "nghe" là an lành. Nghe tiếng chim kêu, tiếng chào hỏi, tiếng ca tụng, đem lại sự an lành. Phong tục Việt Nam nghe tiếng con thú nào kêu trước trong lúc nữa đêm giao thừa để đoán sự an lành của năm mới, ấy là thuyết "nghe" đem lại sự an lành.

Trong 12 tháng dài đằng đẳng mà không có một vị chư Thiên, Phạm Thiên nào giải quyết được điều nào không an lành và điều nào không an lành. Ngày nọ, chư Thiên mới vào hầu và hỏi Thiên Vương Đế Thích về nhân sanh sự an lành. Đức Thiên Vương Đế Thích cũng không giải quyết được. Ngài muốn hỏi:

- Nhân muốn tìm sự an lành phát khởi từ đâu?

Chư Thiên đáp:

- Từ nhân loại, vì lẽ nhân loại phát khổ nên muốn tìm sự an lành.

Đức Thiên Vương Đế Thích mới phán:

- Nếu nhân ấy sanh ở cõi người thì phải đến cõi người mà hỏi. Thế thì chỉ có đức cứu thế là Đức Phật Gotama mới giải quyết được.

Vì vậy chư Thiên mới dẫn nhau đến hầu Đức Thế Tôn tại chùa Kỳ Viên của Trưởng Giả Cấp Cô Độc xứ Savatthĩ. Một vị Thiên đứng ra hỏi Đức Phật bằng lời kệ rằng:

“Bahū devā manussā ca,

Maṅgalāni acintayuṃ;

Ākaṅkhamānā sotthānaṃ,

Brūhi maṅgalamuttamaṃ”[43].

Bạch Đức Thế Tôn: tất cả chư Thiên và nhân loại đều cầu xin được những hạnh phúc và cố tìm xét những điều hạnh phúc. Bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài mở lòng bác ái giảng giải về những hạnh phúc cao thượng.

Đức Thế Tôn tùy lời hỏi của vị Trời ấy đáp lại 8 điều hạnh phúc. Chia ra làm 10 câu kệ và một câu sau kết luận sự hạnh phúc do sự thật hành theo chánh pháp của Ngài đã dạy.

Hôm nay, tôi xin giải câu thứ nhất. Thế Tôn dạy rằng:

“Asevanā ca bālānaṃ,

Paṇḍitānañca sevanā;

Pūjā ca pūjaneyyānaṃ

Etaṃ maṅgalamuttamaṃ”.

Nghĩa là: một, tư cách không thân cận với kẻ ác. Hai, tư cách thân cận người lành. Ba, tư cách cúng dường. Cả ba điều ấy là hạnh phúc cao thượng.

Trước hết Đức Phật dạy 3 sự an lành đầu tiên là: không nên thân cận kẻ ác, nên thân cận người lành, nên cúng dường bậc đáng cúng dường.

1. Không nên thân cận kẻ ác.

Trong nhơn loại có nhiều chủng loại khác nhau. Khác nhau bởi màu da, tiếng nói, khác nhau bởi giai cấp giàu nghèo, sang hèn , khác nhau bởi trình độ học vấn, cùng phong hóa lễ nghi, song đối với Phật pháp có hai hạng người mà thôi: người ác và người thiện.

Làm sao biết được người nào ác người nào thiện?. Đáp: phải xem xét hành vi của mỗi người. Người ác thường ưa sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, tà kiến hay oán thù, ganh tị.

Người thân cận với kẻ ác sẽ bị ảnh hưởng xấu xa, sẽ trở nên người ác. Ví như lá sen trước kia không hôi thối nhưng sau khi gói cá thối, lá sen ấy trở nên thối. Người có bạn thế nào sẽ trở nên thế ấy, đúng theo phương ngôn Việt Nam: Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Hay có câu: ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Chẳng những người cho đến loại cây là loại cây vô tri vô giác, mà khi hai thứ khác mọc gần nhau cũng có ảnh hưởng với nhau.

Như có tích xưa:

Thuở nọ, đức vua xứ Bārānasī tên Dadhavāhana có một cây xoài trái có mùi thơm vị ngọt, nhà vua muốn khoe của quý nên mỗi năm gửi đến cho quốc vương lân bang. Nhưng trước khi gửi, ngài truyền lấy cây sắt rất nhỏ nhọn đâm cho chết cái giống trong hột xoài vì ngài sợ các nhà vua khác trồng được, thì cây xoài của ngài hết giá trị. Các nhà vua ăn xoài thì ngon nhưng muốn trồng không được. Có một nhà vua suy nghĩ biết thâm tâm của đức vua Dadhavāhana nên nghĩ kế làm hại cây xoài. Mới cho tiền cho một người làm vườn của mình giả dạng xin vào ở làm vườn  cho đức vua Dadhavāhana để tìm phương tiện giết hại cây xoài ấy. Người làm vườn phụng mạng đức vua Dadhavāhana bằng lòng thâu nhận người làm vườn mới ấy thay thế cho người làm vườn cũ. Người làm vườn ấy mới trồng cây sầu đau gần bên cây xoài. Còn dưới gốc cây xoài thì trồng dây thần thông. Khi dây thần thông bò quấn cùng khắp cây xoài và cây sầu đâu lớn lên. Hai giống đắng ấy làm cho trái xoài đắng. Năm sau đức vua dùng xoài thấy vị xoài đắng. Người làm vườn biết trước nên lo trốn mất, đức vua Dadhavāhana lấy làm lạ nói cùng với một vị đại thần (là tiền thân của đức Thích-ca) đi xem xét cây xoài ấy. Vua hỏi quan đại thần:

- Này ngài trí thức vì lẽ nào mà cây xoài trở nên đắng? Có phải vì thiếu sự chăm nom săn sóc chăng?

Quan đại thần đáp:

- Tâu Đại Vương cây xoài của Đại Vương bị dây thần thông quấn cả cây, lại bị cây sầu đâu mọc gần bên, đành giao cành vì chung đụng với hai giống đắng ấy mà vị của xoài trở nên đắng.

Đức vua mới truyền nhổ tận gốc dây thần thông, đốt tận rễ cây sầu đâu, đổi đất mới, tưới bằng sữa tươi, rồi giao lại cho người làm vườn cũ chăm sóc.

Đức Thế Tôn giải tích này xong rồi, Ngài có nói rằng:

- Này các Tỳ-khưu, sự ở chung với kẻ không lành là điều bất lợi đem lại những sự không may, cho đến sự thân cận với kẻ ác ấy cũng vậy. Cây xoài là loại vô tri cô giác mà gần sầu đâu thần-thông còn trở nên đắng thay.

Đây để chư thiện tín thấy rõ sự hại của thân cận với kẻ ác. Chúng sanh nếu biết thương mình nên lánh xa người ác dầu người ấy là anh em ruột của mình.

Chúng sanh thường hay sợ kẻ khác hơn sợ mình, sợ kẻ khác giận hay thương kẻ khác hơn thương mình. Chúng sanh tự mình giết mình. Tại sao? Là bởi chẳng biết chọn bạn lành hay gần kẻ ác dắt dẫn đi cờ bạc, rượu trà, hút sách, tà dâm, vọng ngữ. Vì một người bạn mà làm tội tất là mình tự giết mình là vậy.

Tích xưa, tiền thân Đức Phật là một đạo sĩ tên là Kassapa tu ở một nơi hẻo lánh trong rừng, tham thiền đắc tứ thiền, thường ngày tự đi hái trái cây ăn. Ngày nọ, đức Đế Thích muốn thử vị đạo sĩ ấy, bèn biến thành một Sa-môn chờ lúc vị đạo sĩ hái được trái cây đem về để thọ thực, hiện trước mặt để khuất thực. Vị đạo sĩ vui lòng cúng dường thực phẩm của ngài cho vị Sa môn và chịu nhịn ăn ngày ấy. Hai ngày sau vị Sa-môn cũng đón vị đạo sĩ để khuất thực. Liên tiếp ba ngày vị đạo sĩ đều vui lòng nhường bữa ăn của mình để bát cho vị Sa-môn. Đức Đế Thích thấy rõ tâm trong sạch của vị đạo sĩ mới cầu chúc mọi an lành cho vị đạo sĩ, vị đạo sĩ không nguyện cầu chi khác, chỉ nguyện rằng: xin cho tôi đừng thấy kẻ ác, xin cho tôi đừng ở gần, đừng ưa kẻ ác, xin cho tôi đừng nói chuyện với kẻ ác.

Thiên Vương Đế Thích nghe qua lời  nguyện ấy lấy làm lạ mới hỏi:

- Này Ngài Kassapa, kẻ ác đã làm gì Ngài? Xin Ngài hãy nói cho tôi nghe. Tại sao Ngài lại ghê tởm kẻ ác đến thế?

Ý nghĩa câu hỏi của đức Đế Thích muốn hỏi vị đạo sĩ chớ kẻ ác đã giết cha, giết mẹ, hoặc làm hại điều chi đến Ngài hoặc thân bằng quyến thuộc Ngài? Vị đạo sĩ đáp:

- Kẻ ác, thiếu trí hòng dắt dẫn kẻ khác làm những việc không nên làm, những việc không phải phận sự của mình. Sự làm ác là việc ưa thích của kẻ ác. Người ác dù được khuyên răn phải lẽ, cũng oán giận kẻ khuyên mình. Kẻ ác không bao giờ biết rủ người khác làm việc phải. Vì vậy nên tôi không muốn gặp, nghe, thấy, ở gần, nói chuyện với kẻ ác.

2. Thân cận bậc trí thức:

Người thiện là người trí thức chữ trí thức theo ý nghĩa trong Phật Giáo không có nghĩa thông dụng của nó ở ngoài đời, nghĩa là: có học nhiều môn về khoa học triết lý, văn chương. Theo Phật Giáo, bậc trí thức là bậc có thiện tâm, không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu, không tham lam, không sân hận, không si mê.

Người trí thức hành 4 điều lợi ích sau này:

* Uṭṭhānasampadā: siêng năng làm phận sự, lo trau dồi thân, khẩu, ý ngoài đời như trong đạo.

* Ārakkhasampadā: hết lòng giữ của cải, không xa phí. Gìn giữ của cải đây là ngụ ý của của cải bề trong: biết sử dụng thì giờ quí báu, không cờ bạc, không uống rượu, hằng xem Kinh, lễ Phật hoặc đến chùa để nghe Pháp, lo trì giới lo bố thí.

* Kalyānamittatā: có bạn lành, biết chọn bạn nên gần, tìm người đạo đức để học hỏi.

* Samajīvitā: nuôi mạng chơn chánh, không cướp bóc, không lường gạt, không buôn bán khí giới giết người, không buôn thú vật và các chất làm cho say.

Đó là bổn hạnh của bậc trí thức, nơi hiện tại và vị lai, bậc trí thức còn 4 hạnh kiểm nữa là:

* Saddhã: đức Tin.

* Sĩla: trì giới. 

* Cãga: bố thí.

* Pãnnã: trí tuệ.

Sự thân cận với các bậc tri thức, dù trong một giờ đồng hồ cũng đem lại hạnh phúc cho con người thân cận. Hơn nữa, khi ta đang bị sự nguy biến mà trong nhóm của ta có một người tri thức, người trí thức ấy sẽ có thể giải nguy cho ta hoặc giả khi ấy có một người trí thức đi ngang qua ghé mắt trông thấy cũng tìm phương cứu vãng tình thế cho ta đở khổ được.

Đây tôi xin nhắc lại tích của bà hoàng hậu vợ vua Pasanadi (Ba-tư-nặc) trong Kinh Pháp Cú, cuốn số 3 như vầy.

Đêm nọ, đức vua Ba-tư-nặc nghe tiếng "Du-Sa-Na-So" rất lớn nên ngài lấy làm ghê sợ kinh khủng. Sáng ngày lâm trào, vua mới cho mời các thầy Bà-la-môn chuyên đoán mộng đến hỏi về 4 tiếng kêu rùng rợn ấy. Các thầy đồng đáp:

- Đây là việc tai hại nếu lịnh Hoàng Thượng không tế thần Lửa.

Cách thức tế thần lửa thời ấy của bọn Bà-la-môn rất dã man. Lửa được đốt cháy nơi một hầm to, khi ấy loại thú, giống đực 100, giống cái 100, lại thêm giống người: 100 đồng nhi nam, 100 đồng nhi nữ, bị giết lấy máu tươi đổ vào lửa đang cháy nơi hầm ấy, đó là tế thần Lửa.

Những đứa trẻ và các giống thú sắp bị giết kinh sợ la khóc om sòm thấu tai bà Hoàng hậu Mallikā, bà là một tín nữ Phật Giáo rất thông minh. Lịnh bà nghe tiếng ấy lấy làm lạ mới vào hầu đức vua hỏi thăm tự sự. Nghe xong việc đó lịnh bà mới tâu rằng:

- Lịnh Hoàng Thượng thật là thiếu trí. Gần đây có bậc đại trí thức sao Lịnh Hoàng Thượng không đi hỏi, để nghe lời bọn Bà-la-môn?

Đức Vua tỉnh ngộ mới vào hầu Đức Thế Tôn hỏi về việc ấy. Đức Thế Tôn dạy rằng:

- Chuyện ấy không có hại đến một nhân vật nào cả

Và Ngài mới giải rõ cho đức Vua biết nhân sanh 4 tiếng "Du-sa-na-so" ấy. Đó chỉ là bọn Ngạ Quỷ quyến thuộc Ngài, chịu đói từ mấy kiếp. Phật cầu xin Ngài hồi hướng phước đến chúng nó. Đức vua trong sạch tin theo lời Phật dạy về truyền thả cả người và bãi bỏ việc thần Lửa. Tất cả đều tán dương công đức của hoàng hậu Mallikā. Quí vị thính giả nên chú ý rằng: người trí thức đem sự lợi ích cho tất cả mọi người, như bà hoàng hậu, còn kẻ ác như Bà-la-môn chỉ đem khổ hại cho kẻ khác mà thôi.

Các thầy Tỳ-khưu khi nghe câu chuyện ấy mới về hầu Phật và đem câu chuyện ấy ra nói và khen bà hoàng hậu Mallikā thật một bậc tri thức, chỉ một lời nói mà cứu bao sinh linh. Đức Thế Tôn mới dạy rằng:

- Chẳng phải trong kiếp hiện tại này mà bà Mallikā mới cứu sống bao nhiêu sanh linh ấy thôi. Nàng ấy đã dùng trí huệ mà cứu nhiều nhânvật trong kiếp trước nữa.

Rồi đức Thế Tôn mới nhắc một tích xưa cho các thầy Tỳ-khưu nghe rằng: trong quá khứ, có một vị thái tử con của một đức vua xứ Bārānasī. Thái tử ngày nọ đến dưới cội một cây dừng to lớn van vái với vị thọ thần nơi cây ấy rằng: nếu sau khi phụ vương tôi băng hà, Ngài hộ trì cho tôi trước vị và chiếm lấy thêm 101 nước nữa tôi sẽ cúng dường máu của 101 vua và 101 vị hoàng hậu của 101 xứ ấy cho Ngài.

Sau khi vị Thái tử ấy quả được y như ý nguyện, Ngài y theo lời hứa với vị thọ thần bắt 101 nhà vua và 101 vị hoàng hậu đến dưới cội cây dừng để giết lấy máu tế thọ thần. Trừ 1 vị hoàng hậu tên Dhammadinnā vì bà đang có thai.

Khi ấy, vị Thọ thần hốt hoảng vì sự tội lỗi ghê gớm ấy sắp thi hành cũng vì lời van vái của vị tThái tử khi xưa mà chính Ngài làm thọ thần. Không có hộ trì vị ấy làm được vua và chiến thắng 101 nước, nghĩ rằng: nếu để như vầy cõi Diêm Phù đề sẽ không còn vua và cội cây ta sẽ bị dơ uế. Mới day lại hỏi kế chư Thiên vương chỉ có đức Đế Thích bày kế cho Ngài, vị thọ thần lãnh kế trở về cây dừng.

Lúc Đại lễ sắp cử hành, vị  thọ thần mặc một y đỏ. Trong cội cây bước ra. Đức vua xứ Bārānasī mới yêu cầu vị thọ thần ở lại thọ lễ. Vị thọ thần đáp:

- Đại vương có hứa với ta 101 nhà vua  và 101 hoàng hậu. Ngày nay, thiếu một vị hoàng hậu vợ vua Uggasana vậy nên ta không thọ lễ này. Đức Vua nghe qua kinh sợ mới bắt luôn bà Dhammadinnā để giết. Khi đến nơi bà hoàng hậu Dhammadinnā chỉ đảnh lễ chồng mà thôi. Đức vua xứ Baranasi nổi giận hỏi:

- Ta đây là đấng chúa tể đã chinh phục được 101 nước, tại sao nhà ngươi không đảnh lễ ta, lại đảnh lễ chồng nhà ngươi, một đức vua đã bị mất nước?

Hoàng hậu Dhammadinnā trả lời:

- Tâu Đại Vương. Chồng tôi ban bố cho tôi thức ăn mặc, tước vị hoàng hậu này cũng do chồng tôi ban cho, nên tôi đảnh lễ người. Còn Đại Vương. Đại Vương có ban bố cho tôi món gì đâu, mà tôi phải đảnh lễ Đại Vương.

Vị Thọ thần liền vỗ tay khen bà:

- Lành thay. Lành thay.

Đức vua xứ Bārānasī lại tức giận hỏi bà Dhammadinnā:

- Nhà ngươi không làm lễ ta đã đành, nhưng vị thọ thần của ta là đấng Chí Tôn có oai lực hộ trì ta chức Đế vương và chiến thắng 101 nước tại sao nhà ngươi không đảnh lễ?

Bà Dhammadinnā đáp:

- Tâu Đại Vương. Đại vương được tước vị và chiến thắng 101 nước đây là do nhờ hồng phước của Đại vương đã tạo trong nhiều kiếp trước, chớ không phải do nhờ ông Thần Thánh nào cả.

Vị thọ thần lại vỗ tay khen ngợi bà một lần nữa.

Lúc ấy bà Dhammadinnā chợt thấy nhánh mé trái của cây dừng bị cháy mới chỉ đó mà nói tiếp:

- Tâu Đại Vương. Đại Vương phán rằng: tất cả 101 nhà vua phải khuất phục Đại Vương do nhờ oai lực của thọ thần. Vậy chớ thần thông của ông thọ thần đâu mà Ngài cho nhánh cây của Ngài phải cháy?

Vị thọ thần lại hoan hô lần nữa:

- Lành thay. Chí lý thay.

Tôi nhắc lại tích này để chư thiện tín thấy rằng: không có thần thánh nào hộ trì giúp đỡ ta hoặc cho ta tội hoặc ban phước cho chúng ta cả. Những tội phước mà ta chịu hoặc được hưởng trong kiếp hiện tại này đều do nghiệp duyên của ta đã đào tạo từ ngàn xưa lần lượt trả quả cho ta ấy thôi.

Đức Thế Tôn nhắc tiếp tích ấy cho các vị Tỳ-khưu nghe.

Bà Dhammadinnā nói đến đó bỗng dưng khóc òa lên, rồ lại cười sặc sỡ. Đức Vua xứ Bārānasī lấy làm lạ hỏi:

- Này Dhammadinnā, nàng điên rồi sao?

Bà ấy đáp:

- Tâu Đại Vương. Người như thần thiếp đâu có điên.

Đức Vua hỏi:

- Nếu không tại sao nhà ngươi bỗng dưng khóc lại cười?

Bà đáp:

- Thần thiếp nhớ kiếp của thần thiếp. Trong lúc quá khứ có một lần thần thiếp làm thịt một con dê để đãi bạn bè của chồng. Vì tội sát sanh ấy thần thiếp phải đi địa ngục. Khi được sanh lên cảnh giới này, lại phải bị người khác giết chẳng biết bao nhiêu kiếp, đếm ra cũng bằng số lông của con dê bị thần thiếp giết trước kia. Đại Vương Ngài mà giết 101 nhà vua và 101 vị hoàng hậu này sẽ bị tội trả quả nặng đến dường bao. Đại Vương sẽ chịu bị kẻ khác giết trong một số kiếp đến ra bằng số tóc và lông của 101 vị vua và 101 vị hoàng hậu này, nghĩ vậy mà thần thiếp khóc, còn cười? Thần thiếp mà cười đây, vì thần thiếp biết rằng lần này thần thiếp bị giết đay là lần chót, tội của thần thiếp đã trả xong hết rồi.

Vị thọ thần lại hoan hô bà Dhammadinnā:

- Lành thay. Chí lí thay, nàng Dhammadinnā.

Đức Vua xứ Bārānasī nghe đến đây, lấy làm ghê sợ và hổ thẹn tội lỗi, bèn quì xuống xin lỗi 101 nhà vua và 101 vị hoàng hậu và tha cho trở về ngôi vị cũ.

Đức Thế Tôn mới nói:

- Đức vua xứ Bārānasī khi ấy là đức vua Ba-tư-nặc hiện giờ đây. Nàng Dhammadinnā khi ấy là bà Mallikā hiện giờ đây, còn vị thọ thần khi ấy là Như Lai hiện giờ đây. Này các vị Tỳ-khưu, Như-Lai đã nói: chẳng phải trong kiếp hiện tại này mà bà Mallikā đã dùng trí tuệ cứu sống bao nhiêu sanh linh. Bà đã dùng trí tuệ mà cứu sống 101 nhà vua và 101 vị hoàng hậu trong kiếp trước nữa.

Tích này cho chư thiện tín thấy rằng bậc trí thức dù nam hay nữ đều đưa sự an vui đến cho người, cho vật. Theo tác ý, tôi cố nhắc tích này để quý ngài thấy rằng: ta chỉ nhờ phước ta đã đào tạo để hưởng sự an vui, ngoài ta, không ai làm tội hoặc phước cho ta cả. Hơn nữa, quý Ngài nên thấy rằng sát sanh có tội như thế. Người biết thương vợ, con, tôi tớ, không nên vì khẩu dục mà bắt người phải làm tội vì mình.

Điều đáng nhớ nữa là: ta không nên thương người hơn thương ta, sợ người hơn sợ ta, mà làm theo sự xúi giục, sai bảo của người. Và không nên vì sự sanh sống một kiếp này mà phải chịu khổ trong vô lượng kiếp ở ngày vị lai.

Tóm lại, chỉ có làm lành, nói lành và tưởng lành mới được an vui. Bằng chứng vậy, dù tụng Kinh trọn đời hoặc mướn thầy tụng tạng, tụng phẩm và cầu khấn van lạy cho thứ mấy cũng chẳng hiệu quả chi cả. Nếu Kinh Phật có năng lực đem lại hạnh phúc cho ta thì cần chi phải tu? Xem Kinh cho biết nghĩa lý, rồi ăn ở theo lời Phật dạy trong Kinh, không cần tụng đi tán lại, ta vẫn được an lành. Đó là mục đích của sự cầu an, theo Phật Giáo vậy.

BÀI 16 SỰ AN LÀNH(TT)

Trong Kinh 38 điều lành, câu kệ thứ nhứt của Đức Thế Tôn là:

“Asevanā ca bālānaṃ,

Paṇḍitānañca sevanā;

Pūjā ca pūjaneyyānaṃ

Etaṃ maṅgalamuttamaṃ”.

Nghĩa là: không gần người ác, nên gần bậc trí nhân, nên cúng đường đến bậc đấng cúng dường.

Hai pháp đầu tôi giảng rồi, tôi xin giảng tiếp pháp thứ ba.

3. Nên cúng dường bậc đáng cúng dường

Cúng dường cũng có nghĩa là đem cho, nhưng cái cho có tánh cách khác hơn, là cho người có đặc ân cao cả hơn mình và cho bằng cách rất kính trọng. Chẳng hạn như con đem vật đến cho cha mẹ bằng tấm lòng thành kính, biết ơn, khi cho đồ đến tay cha mẹ tỏ dấu khép nép kính trọng, đây gọi là cúng dường. Vì cha mẹ là hai đấng đối với con có một công đức cao dầy là sanh dưỡng, nên con đem đồ đến cho cha mẹ gọi là cúng dường đến cha mẹ. Theo chú giải dạy rằng: chẳng những cha mẹ mà thôi, những quyến thuộc trong gia đình, em đối anh chị, cháu đối với bác, cô dì ông bà nội ngoại, người nhỏ hơn đem một vật cho người lớn bằng cách kính trọng đều gọi là cúng dường. Đây là trường hợp trong gia đình. Còn đối ngoại, người tín đồ của một đạo giáo đem dâng cúng cho người xuất gia trong đạo giáo đó gọi là cúng dường, như thiện tín có đức tin cúng dâng những vật gì đến các vị Sa-môn thì cũng gọi là cúng dường.

Khi Đức Phật còn tại thế, tiếng bố thí được phổ thông hơn bố thí là đem cho. Thí dụ như tiếng bố thí ba-la-mật (Dānapāramitā).

Nếu nói đến bố thí ba-la-mật thì hẳn có một số thiện tín lấy làm nghi ngời: bố thí ba-la-mật chỉ riêng để cho Đức Bồ tát mà thôi, ta làm sao bố thí được? Nếu quý vị nào hiểu như thế, còn chưa hiểu rõ danh từ Phạn ngữ, chữ ba-la-mật do nơi Tàu âm là paramita: nghĩa là đến bờ kia.

Pāramitā chia ra làm ba là:

* Pāramitā: đến bờ bên

* Upapāramitā: đến bờ trên

* Paramatthapāramitā: đến bờ cao thượng.

Mười phép ba-la-mật, từ bố thí cho đến xả, mỗi phép đều chia làm ba là Dānapāramitā (bố thí đến bờ trên), Dāna upapāramitā (bố thí đến bờ trên) và Dāna paramatthapāramittā (bố thí đến bờ cao thượng).

Nói tóm lại là người bố thí để diệt lòng tham lam, bồi thêm lòng thương nhân loại là từ bi và nguyện vọng giải thoát đến bờ bên kia là Niết-bàn gọi là bố thí ba-la-mật. Nhưng nó có khác đến bờ bên, là mình giàu có, nhưng khi cúng dường cúng đồ không xứng đến sự có của mình gọi là ba-la-mật đến bờ bên. Còn đến bờ trên, có thể cho mình thương yêu nhứt, chẳng hạn: ngôi vua, vợ, con. Còn bờ cao thượng như tiền thân Đức Phật là bậc Bồ tát, bố thí máu, bố thí mắt tay, đầu. Ấy là bố thí bBa-la-mật đến bờ cao thượng.

Hỏi: vậy trên đời này có ai bố thí được như vậy chăng? Vậy ta có thể gọi là Bồ tát chăng?. Giải: đây hình như lạc đề nhưng tôi muốn giải chỗ bố thí và cúng dường cũng đều là "cho" nhưng khác chỗ thực hành, như đã giải.

Cúng dường có 2 cách: là cúng dường vật thực (amisapūjā) và cúng dường hành đạo (Paṭipattipūjā).

  • Cúng dường vật thực

Cúng dường vật thực đến cha mẹ, ông bà, hoặc đến các bậc sa môn, thì được phước lớn.

Có một người phụ nữ rất nghèo ở giữa ruộng bắp cho người gần thành Rājagaha (Vương Xá) thường dùng hột bắp làm nổ (bắp rang) để sống. Gần thành Rājagaha có một cái hang tên là Pipphali, vì có dây dương ở gần miệng hang. Sau 7 ngày nhập đại định, Ngài Đại Đức Ma-ha Ca-diếp xuất ra đi khất thực. Ngài để ý coi phải tế độ người nào, Ngài trông thấy duyên lành của cô giữ ruộng bắp nên Ngài mang bắp đi đến nơi ấy. Khi cô thấy Đức Ma-ha Ca-diếp, phát tâm tín thành nghĩ rằng: khi ta có vật cúng dường, không gặp chư Đại Đức để cúng dường, khi không có, lại gặp, hôm nay ta có vật cúng dường mà lại gặp Ngài Đại Đức thì quý báu biết dường nào. Rồi cô đem hột nổ ấy để vào bát của Ngài và phát nguyện rằng: bạch Ngài, duyên lành của đệ tử gieo trồng hôm nay, xin cho đệ tử được làm phước lành, lấy làm thỏa thích niệm tưởng đến phước lành và trở về ruộng bắp, khi ấy cô vô ý đạp nhằm rắn độc cắn cô chết liền tại chỗ. Trong khi tâm cô đang vui với phước lành được sanh về cõi trời Đạo lLợi cũng dường như kẻ đang ngủ giựt mình tỉnh dậy. Cô thấy cô ở trong tòa lầu bằng vàng.

Tích này còn nói dài hơn nữa, song tôi nhắc tóm tắc đây để cho chư thiện tín thấy rằng: sự cúng dường đến xác đấng đáng cúng dường được nhiều hạnh phúc như vậy. Nhắc lại cho thiện tín nhớ một lần nữa rằng: sự bố thí của ta ít, nhưng tấm lòng của chúng ta nhiều. Chúng ta không nên nghĩ rằng: giàu mới làm phước được, nghèo không làm được. Dù giàu, dù nghèo, tùy lượng theo sức mình mà làm, thì cũng quý như nhau cả.

Sự cúng dường về vật thực có phước báu cao quý như thế, nhưng sánh với cúng dường về hành đạo, thì kèm vẫn còn kém vẫn còn kém vô cùng.

  • Cúng dường hành đạo.

Ý dạy rằng: người nào muốn cúng dường cho Đức Thế Tôn bằng cách cao thượng, hơn thì chỉ có qui y thọ trì giới luật, tham thiền, như thế gọi là người cúng dường vật đáng cúng dường đến đấng Giáo chủ.

Sự thật khi Đức Thế Tôn gần nhập diệt dưới cội song long thọ, trong ấy tất cả chư Thiên, Phạm Thiên đem các thứ kỳ hoa dị thảo loại cúng dường Đức Thế Tôn, có chỗ cao như núi, rãi đầy cả mặt đất, như vậy Đức Thế Tôn trong thấy sự cúng dường rất nhiều như thế, Ngài mới gọi Ānanda đến dạy rằng:

- Sabbaphāliphullā kho, ānanda, yamakasālā akālapupphehi. Te tathāgatassa sarīraṃ okiranti ajjhokiranti abhippakiranti tathāgatassa pūjāya. Dibbānipi mandāravapupphāni antalikkhā papatanti, tāni tathāgatassa sarīraṃ okiranti ajjhokiranti abhippakiranti tathāgatassa pūjāya. Dibbānipi candanacuṇṇāni antalikkhā papatanti, tāni tathāgatassa sarīraṃ okiranti ajjhokiranti abhippakiranti tathāgatassa pūjāya. Dibbānipi tūriyāni antalikkhe vajjanti tathāgatassa pūjāya. Dibbānipi saṅgītāni antalikkhe vattanti tathāgatassa pūjāya. Na kho, ānanda, ettāvatā tathāgato sakkato vā hoti garukato vā mānito vā pūjito vā apacito vā. Yo kho, ānanda, bhikkhu vā bhikkhunī vā upāsako vā upāsikā vā dhammānudhammappaṭipanno viharati sāmīcippaṭipanno anudhammacārī, so tathāgataṃ sakkaroti garuṃ karoti māneti pūjeti apaciyati, paramāya pūjāya. Tasmātihānanda, dhammānudhammappaṭipannā viharissāma sāmīcippaṭipannā anudhammacārinoti. Evañhi vo, ānanda, sikkhitabbaṃ[44].

Này Ānanda, hai cây Sālā trổ bông sái mùa rụng trên mình như lai, tỏ ý cúng dường Như Lai, Bông Mandārava (Tàu âm bông mạn thù) từ trên hư không rơi xuống trên mình Như Lai, là tỏ ý cúng dường Như Lai, nhưng tiếng đờn kèn, trống, tiếng ca hát, ở trên hư không, đều là những món cùng dường cho Như Lai cả. Này Ānanda, nhưng Như Lai không gọi rằng cúng dường trọng thể như vậy là kính mến yêu thương, ghê sợ cúng dường Như Lai. Này Ānanda có một tín đồ nào trong hàng tứ chúng chẳng hạn là Tỳ-khưu, Tỳ-khưu ni, thiện nam tín nữ, là người hành đúng theo pháp, theo địa vị của mình, người ấy gọi là: kính mến, yêu thương, ghê sợ và cúng dường trọng thể đến Như Lai. Vậy các tín đồ trong giáo pháp của Như Lai nên học thuộc lòng rằng: chúng ta hành theo chánh Pháp, hết lòng hành không dám dể duôi. Ānanda này, các ngươi hãy nhớ như vậy.

Đức Thế Tôn còn dạy thêm rằng:

- Ānanda này, Như Lai không phải là đấng để cho chúng sanh cúng dường bằng những vật cúng dường chừng này. Ānanda này, những công đức mà ta đã tạo và phát nguyện dưới chơn của các đấng giác ngộ, nhứt là Đức Dīpaṅkara (Nhiên Đăng), không phải ta muốn những vật cúng dường như các hoa thơm này vì lẽ ấy mà Như Lai mới dạy rằng không phải đấng để cho người cúng dường hương hoa nước thơm.

Ta nên để câu hỏi: trong Kinh, Luật, Luận, nhiều chỗ Đức Thế Tôn hằng giải về quả mà sự cúng dường nhỏ nhen như một nắm cát của đứa bé, hay là người chỉ nhớ đến ân Đức Phật đều được của báu vô lượng vô biên, tại sao trong bài Kinh Mahāparinibbānasutta lại không khen sự cúng dường?. Đáp: vì lẽ Đức Thế Tôn muốn cho các hàng tín đồ được bước tới một bực cao quí hơn nữa. Đây ta mới nhận thấy lòng từ bi vô lượng, vô biên của Đức Cứu Thế. Nếu Ngài không dạy như câu nói trên định, huệ, mà lại bày chỉ cho thiện nam tín nữ, cúng dường vật này, bày ra điều nọ, sự thật ra có lập mấy triệu kiểu chùa to, mấy muôn ngàn cái tháp lớn, sự tạo chùa xây tháp ấy cũng không thể làm cho Phật Giáo được thanh hành. Chỉ có sự hành chính chắn theo giới luật thì mới có thể làm cho Phật Giáo được trường tồn.

Theo lời giảng của Đức Thế Tôn trên có nhiều điều lợi ích là: tín đồ hành theo chánh pháp được mau giải thoát, khi hành đúng theo kinh luật thì Phật Giáo không bị suy đồi và các vị Tỳ-khưu không thể lợi dụng sự lập chùa đúc tượng hưởng tư lợi. Nếu có vị muốn làm, bằng tâm trong sạch đi nữa, cũng mất thì giờ hành đạo cao thượng, sự hành đại cao thượng mới là con đường giải thoát, còn sự cúng dường đồ vật là phước báu của nhân thiên.

Có người hỏi: nếu dạy hành theo lẽ chánh hết, thì có ai bố thí cho các thầy Tỳ-khưu?. Đáp: sự bố thí ấy cũng là một lẽ chánh để dứt lòng tham xan, nhưng ngoài ấy ra còn phải trì giới và tham phiền nữa. Đức Thế Tôn dạy như nói trên, là sợ sự lợi dụng của các thầy Tỳ-khưu sau này, thấy lòng tốt của thí chủ mỗi việc cúng dường, không chỉ tới chỗ cao quí cho thiện nam tín nữ biết, một khi mà thiện tín hiểu được lý dạo, không ai kêu gọi cúng dường, người cũng cúng dường, vì người tự thấy phận sự phải hành để diệt tham, sân, si…

Đức Thế Tôn chê về sự cúng dường vật dụng như thế. Ngài khen về sự cúng dường hành đạo rằng: Ānanda, tín đồ nào cũng chẳng hạn, Tỳ-khưu, Tỳ-khưu ni, thiện nam tín nữ hành đạo hợp theo địa vị của mình, người tín đồ ấy gọi là người cúng dường, cung kính, yêu mến Như Lai. Vì lẽ ấy, Ānanda này, các ngươi nên nghĩ rằng: chúng ta nên hành đúng theo chánh pháp.

Những câu phật ngôn trên đây thật là quí báu vô cùng, Ngày giờ của Đấng cao cả sắp nhập diệt rồi mà còn không quên những đứa con nhỏ dại, sợ sau này hờ hững không thật hành theo, nên Ngài căn dặn như vậy. Chúng ta là hàng Phật tử nên nhớ câu này mà thật hành theo.

Ngày rằm tháng giêng, khi Đức Thế Tôn cho các hàng đệ tử hay rằng: còn ba tháng nữa, ta sẽ nhập diệt. Các vị Tỳ-khưu còn phàm than khóc, mến tiếc. Duy có một vị Đại Đức tên là Tissa không than thở, không khóc lóc nghĩ rằng: nghe tin rằng Đức Thế Tôn sắp nhập diệt rằm tháng tư mà tâm ta vẫn còn phiền não, vậy ta phải đoạt được A-la-hán quả trong khi Đức Thế Tôn còn sanh tiền, rồi Ngài kiếm nơi thanh vắng mà ngồi một mình hành đạo. Chuyện thấu tai Đức Thế Tôn, Ngài cho vời Đại Đức đến và hỏi căn do.Vị Đại Đức bạch rằng:

- Bạch Đức Thế Tôn, đệ tử tu lâu chưa đắc quả, đệ tử xét rằng đệ tử không xứng đáng là một tín đồ thật biết thương Đức Thế Tôn.

Đức Phật đáp:

- Lành thay! Các thầy Tỳ-khưu, kẻ nào thật biết thương Như Lai kẻ ấy nên thật hành theo Tissa, vì những kẻ cúng dường Ta bằng có người thật hành theo lẽ đạo, gọi là người cúng dường Như Lai".

Rồi Ngài thuyết câu kệ rằng :

“Pavivekarasaṃ pitvā 

Rasaṃ upasamassa ca;

Niddaro hoti nippāpo,

Dhammapītirasaṃ pivaṃ”[45]

Nghĩa: các bậc thánh nhơn hưởng vị của viveka - thanh tịnh và vị của sự vắng lặng, vị của hỷ lạc trong pháp lành, thì các ngài hết sự nóng nảy, đây là nóng nảy phiền não. Không có tội. Trong câu này, tiếng ‘pháp lành’ đây ý nói Đạo quả và Niết-Bàn.

Tích này chỉ cho thiện tín rõ rằng có một cách cúng dường Đức Phật, được cao quí hơn hết là phải trì giới, tham thiền, bố thí, nghe pháp, giữ hạnh kiểm cho được thanh cao. Nếu chư bền vững đến 5.000 năm.

Nói tóm lại,theo câu kệ thứ nhứt của Đức Thế Tôn :

“Một, tư cách không xu hướng,theo kẻ giữ.

Hai, tư cách thân cận các bậc trí-tuệ.

Ba, tư cách cúng dường  các bậc nên cúng dường.

Cả ba điều ấy là hạnh phúc, cao thượng”.

  • Câu kệ thứ hai, Đức Thế Tôn dạy:

Patirūpadesavāso ca,

Pubbe ca katapuññatā;

Attasammāpaṇidhi ca,

Etaṃ maṅgalamuttamaṃ.

Nghĩa là: Ở trong xứ nên ở, người làm việc lành để dành khi trước, giữ mình theo lẽ chánh. Đó là ba điều đem lại sự hạnh phúc cao thượng.

1. Ở trong xứ nên ở.

Theo chú giải nghĩa đen, xứ nên ở là trung tâm Ấn Độ, là nơi Đức Phật ra đời, đắc quả, chuyển pháp luân và nhập Niết-Bàn. Chúng  ta gọi là 4 chỗ động tâm.

Trung Tâm Ấn Độ là nơi có nhiều tín đồ Đức Phật khi xưa và có nhiều bậc thánh nhơn đắc quả, lịch sử còn ghi chép rõ ràng. Nghĩa rộng của kệ ‘ở trong xứ nên ở’ là xứ nào có thể chúng sanh gần được bậc trí-tuệ, nghe thuyết pháp, sự giao thông dễ dàng, hầu tiếp xúc với các vị Sa-môn cho dễ bề học hỏi.

Xứ nên ở là xứ mà chúng sanh gặp được 6 điều cao thượng sau này.

  • Dassanānuttariya:  thấy cao thượng.

Không phải thấy  nhà vua, thấy thượng bạch, hay thấy chim đại bàng, gọi là thấy cao thượng. Thấy cao thượng là  thấy Đức Phật.

Tích xưa có thầy Bà-La-môn tên là Vakkali, khi thấy Đức Thế Tôn tướng hào quang minh, thầy bỏ nhà, lìa vợ con, theo Đức Phật xin làm đệ tử, hằng ngày thầy cứ nhìn Đức Phật để ngắm sắc đẹp. Có lần Đức Thế Tôn dạy thầy: gần Như Lai mà nhìn thân Như Lai như vậy không cao quý hãy hành theo điều Như Lai dạy mới là cao quý.

Dầu dạy thế nào thầy Vakkali vẫn không bỏ tật cứ theo nhìn kim thân Đức Phật hoài. Có lần Đức Phật đuổi thầy Vakkali. Thầy buồn tủi, leo lên núi cao, tính tự vận. Khi ấy Đức Thế Tôn biết duyên lành của thầy đã đến, hiện ra thuyết pháp cho thầy nghe, thầy đắc quả.

Tích này chỉ rằng: dầu thấy Đức Phật mà không hành theo Pháp lý của Phật cũng chưa phải là đấng Cao thượng:.

Xứ nào mà chúng sanh thất được các giáo lý của Đức Phật là xứ nên ở. Các giáo lý như là 10 pháp ba-la-mật, tứ diệu đế, bát thánh đạo. Vì các pháp ấy sẽ đưa chúng sanh đến nơi giải thoát.

  • Savanānuttariya:  nghe cao thượng.

Nghe ca hát, đờn kèn, nghe lời thêu dệt không phải là nghe cao thượng. Nghe cao thượng là nghe các Pháp báu của Đức Phật Giáo truyền.

Tích xưa, có thầy Tỳ-khưu nghe nói có Thánh nhơn thuyết pháp nơi chùa nọ, cách xa chỗ thầy đến 40 do tuần (640 cây số). Thầy đi bộ bảy ngày bảy đêm, đến nơi để nghe thuyết pháp. Khi đến nơi thì cuộc lễ đã vãng và hết thuyết pháp. Thầy buồn bực, khóc lóc, có người thấy, hỏi ra mới rõ là vì thầy đi trễ, không nghe pháp được nên khóc. Câu chuyện thấu đến tai pháp sư, ngài hoan hỷ thuyết pháp cho vị Tỳ-khưu ở phương xa vừa đến, nghe xong, vị Tỳ-khưu đắc Tu-đà-huờn.

Cũng có tích, cha con người đốn củi trong rừng, khi nghe có đứa nhỏ hái sen dưới dầm hét lớn "hoa sen tuy đẹp, song chớm nở tối tàn, đời người vẫn thế". Hai cho con đốn củi nghe câu hát, suy nghĩ, tâm được trong sạch, hiểu thấu sự thật và đắc Độc Giác.

Hai tích trên chỉ rằng, nghe cao thượng là nghe những lời Phật dạy, những chơn lý, xứ nào được nghe như vậy là xứ nên ở.

  • Lābhānuttariya:  được cao thượng.

Được cái gì gọi là cao thượng?

Được tiền của nhiều, được quyền tước cao không phải là được cao thượng. Vì tiền  của, quyền tước lắm khi làm cho chúng sanh say mê, làm nhiều tội lỗi và phải luân hồi mãi mãi. Tiền của không đem lại hạnh phúc, lắm lúc vì tiền của nhiều nên bị người ta giết hại để họ cướp lấy. Hạnh phúc là sự không lo, không buồn, không sợ, không uất ức. Nói tóm lại là sự an tịnh ở cõi lòng.

Được đức tin cao thượng. Có đức tin, chúng sanh mới tìm chân lý, thấy đời là vô thường, khổ não. Khi thấy được chân lý rồi thì mới mong tìm đường giải thoát. Ấy vậy, được đức tin là cao thượng, hơn cả ngọc ngà, châu báo. Vì vậy, nên Đức Phật dạy: đức tin là chiếc thuyền đưa người qua bể khổ, đến bờ giác ngộ.

Khi Đức Phật còn tại thế, biết bao nhiêu vua chúa, khi nghe Phật thuyết pháp phát sanh đức tin, xin xuất gia, theo làm đệ tử Phật. Đức tin đem lại sự giải thoát cho chúng sanh.

Xứ nào có cái được cao thượng là xứ nên ở.

  • Sikkhānuttariya: học cao thượng.

Sự học cao thượng là trì giới không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm…

Chúng sanh hằng giữ tâm trong sạch, không tham lam, sân hận, si mê. Vâng giữ điều học là học giới luật và hành theo. Các vị Tỳ-khưu vâng giữ điều học là học 227 giới luật và hành theo cho đúng đắn, cho hạnh kiểm được thanh cao. Ấy là pháp học. Học đây là ý nói một người đang cố làm một việc gì, cũng như một người học sinh đi thi lấy bằng cấp, không phải học thuộc lòng mà thôi, còn ráng thực dụng điều mà mình học.

Pháp hành là vào rừng tham thiền, xứ nào chúng sanh có thể gặp được sự học ấy là xứ nên ở.

  • Pāricariyānuttariya: hầu hạ cao thượng.

Hầu hạ cao thượng là hầu hạ Tam Bảo: Phật - Pháp - Tăng.

Nương nhờ theo Tam Bảo đặng gìn giữ điều học, không xao lãng việc tu tập, hầu được sự an vui, giải thoát.

Về bậc xuất gia, sự hầu hạ cao thượng là các bậc thấp hạ phải cung kính, vâng lời bậc cao hạ để học hỏi về kinh luật và thiền định.

Về cư sĩ, sự hầu hạ cao thượng là phải có đủ năng lực, trì chí, học và hành giáo lý của Đức Phật. Dầu gặp khó khăn cách mấy cũng không nản chí mỏi lòng. Ấy là hành cao thượng, là hành theo Pháp Bảo.

  • Anussatānuttariya: nhớ cao thượng.

Nhớ cao thượng là nhớ những điều gì không đem cho người khác sự phiền não, khổ tâm, khổ trí, bởi chúng sanh có xác thân ngũ uẩn này nên hằng nhớ đến sự đòi hỏi vật chất, như sự ăn mặc, sự se sua, sự khoe khoang bề ngoài. Vì tâm chúng sanh còn tham lam, sân hận, si mê cho nên chúng sanh còn khổ mãi mãi. Muốn hết khổ, cần phải nhớ cao thượng, là nhớ xác thân này vô thường, xác thân này rồi sẽ già, sẽ chết, nhớ khi chết không đem theo cái chi khác hơn là tội và phước.

Có 6 điều nên nhớ là: Buddhānussati – nhớ đến ân Đức Phật, Dhammānussati – nhớ đến ân Đức Pháp, Saṅghānussati – nhớ đến ân Đức Tăng (như trong kinh Tam Bảo có giải thích rồi), Sīlānussati – nhớ đến giới, nghĩa là luôn luôn có trí nhớ quán sát coi giới ta có trong sạch không và ngăn không cho phạm giới, Cāgānussati – nhớ đến sự diệt lòng bỏn xẻn, nghĩa là bố thí. Ý nói sau khi bố thí, ta vui mừng rằng: Đã diệt được lòng bỏn xẻn, keo kiệt, giúp đỡ người túng thiếu và nhớ đã bồi bổ lòng bố thí thêm, Devatānussati – nhớ đến ân đức của chư Thiên (nghĩa là nhớ rằng: chư Thiên có bốn đặc ân là: đức tin – saddhā, giới hạnh – sīla, bố thí – cāgā, trí tuệ – paññā).

Nên các ngài được sanh làm chư Thiên. Ta hãy cố bồi bổ những công đức ấy.

Tích Đức Phật khi còn là thái tử Sĩ-đạt-ta, là một tấm gương cao thượng. Từ 16 tuổi đến 29 tuổi, nghĩa là từ ngày thái tử có vợ cho đến 29 tuổi, thái tử cũng vui say trong tài, tình, danh lợi. Nhưng bởi duyên dày nghiệp mỏng khiến ngài có trí nhớ cao thượng. Đối với thái tử, tiếng đàn ca không còn giọng quyến rũ mà là lời cảnh cao oai nghiêm. Bởi nhớ cao thượng là thái tử xuất gia, bỏ ngôi báu, vợ đẹp con thơ để tìm con đường giải thoát.

Nơi nào mà thiện tín có thể được nhớ cao thượng là xứ nên ở.

Tóm tắt, cúng dường sự hành theo chánh pháp là cao quý nhất, các đấng Giác Ngộ hằng ngợi khen.

Còn ở xứ nên ở là nơi nào có giáo Pháp của Đức Thế Tôn giáo truyền, ta có thể học hỏi, hành theo mau đến nơi giải thoát.

Vậy xin chư thiện tín nhớ cúng dường bằng cách hành đạo và ở nơi chỗ phải là hạnh phúc cao thượng.

BÀI 17 SỰ AN LÀNH (TT)

Trong Hạnh Phúc Kinh về 38 sự an lành, câu kệ thứ 2, Đức Thế Tôn dạy:

“Patirūpadesavāso ca,

Pubbe ca katapuññatā;

Attasammāpaṇidhi ca,

Etaṃ maṅgalamuttamaṃ”.

Nghĩa:  tư cách ở trong xứ đang ở, tính cách người làm việc lành để dành trong khi trước, giữ mình theo lẽ chánh. Đó là ba điều đem lại sự hạnh phúc cao thượng.

Kỳ thuyết pháp lệ vừa qua, tôi có giảng rồi điều thứ nhứt: tư cách ở trong xứ đang ở. Tôi xin giảng tiếp hai điều sau:

2. Tính cách người làm việc lành để dành trong khi trước

Theo Phạn ngữ, nghĩa là tánh cách của người làm phước để dành khi trước mà ngày nay người ấy thọ hưởng.

Có người hiểu lầm, mỗi khi được sự an vui do nhờ phước lành lại tưởng rằng đó là sự tình cờ, thật ra sự an hưởng ấy là quả phước do nhân đã tạo trong kiếp trước hoặc trong kiếp này.

Phước là gì? Là những lạc thú ở đời, như giàu sang, quyền tước chức phận, nếu phân tách cái phước thì chúng ta thấy có 3 điều

* Cái “Nhân” của cái phước là điều mình làm với tâm trong sạch, đã không ăn năn, hối tiếc lại thấy trong lòng hân hoan thỏa thích.

* Cái ‘Quả’ của cái phước là sự an vui mà mình hưởng, giàu sang, quyền chức, nhiều người kính nể, không bị oán thù, không bị oan trái.

* Cái ‘Lý’ của cái phước là các sự may mắn đến cho chúng ta, tránh khỏi sự tai nạn, Cái ‘Lý’ này người không tu Phật gọi là sự tình cờ. Thí dụ mình tính đi chuyến xe đò sớm mai, song khi ra đến bến xe vì đi trễ xe đã chạy, rồi mình phải chờ chuyến xe sau. Té ra chuyến xe sớm, dọc đường bị tai nạn, nhờ phước mình tránh khỏi tai nạn rủi ro. Đó là ‘Lý’ của cái phước mà người đời thường gọi là may mắn.

Chư thiện tín đã hiểu cái phước. bây giờ tôi xin hỏi: làm phước cách nào? Cái nhân nào sanh ra phước?

Cái nhân sanh ra phước có ba điều: tâm trong sạch, ba cửa thanh tịnh, tâm rung động.

a) Tâm trong sạch

Là tâm kính ngôi Tam Bảo, hằng tin nơi Phật Pháp, hành theo các lời giáo truyền của Đức Phật. Trái lại tâm nhơ nhuốc là tâm si mê, ỷ quyền cao, tước lớn, mạnh hiếp yếu, sang hiếp hèn.

Tích xưa, ông Maṭṭhakuṇḍali là con một nhà phú hộ rất bỏn xẻn. Khi Maṭṭhakuṇḍali đau, ông phú hộ không cho uống thuốc, để ông nằm trên chiếc đệm, ngoài hàng ba. Bởi ông có duyên lành, nên Đức Thế Tôn biết Ông gần chết nên đến độ ông, Đức Phật dùng phép thần thông hiện ra trước mặt ông Maṭṭhakuṇḍali. Với tâm trong sạch, ông Maṭṭhakuṇḍali tỏ vẻ vui mừng thấy dung nhan Đức Phật, ông nói thầm rằng: ta vô phước sanh làm con người bỏn xẻn. Rồi ông cô đưa tay lên trán lễ bái Đức Thế Tôn, nhưng không thể đưa tay lên được, chỉ hét lòng trong sạch và tự nói thầm rằng đệ tử không có chi cúng dường Đức Thế Tôn, đệ tử xin dâng Đức Phật tấm lòng thành kính của đệ tử. Nói rồi ông tắt thở. Nhờ tâm trong sạch, tưởng đến Đức Phật, nên Ông được sanh về cõi trời Đạo Lợi.

b) Ba cửa thanh tịnh

Là thân, khẩu, ý phải cho trong sạch. Thân trong sạch là không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm. Khẩu trong sạch là không nói dối, nói lời đâm thọc, không mắng nhiếc, không nói lời vô ích. Ý trong sạch là không oán thù, không tham lam, không tà kiến.

Muốn diệt lòng tham lam, người tín đồ phải trì giới cho chín chắn. Muốn diệt lòng bỏn xẻn phải bố thí. Muốn diệt lòng sân hận phải từ bi. Muốn diệt lòng si mê, cần phải suy xét sự vô thường, sự khổ não, vô ngã của chúng sanh.

Có người hiểu lầm rằng thân trong sạch là phải tắm gội và ướp nước thơm. Nghĩ, như thế là hiểu ‘sự’ xong chưa hiểu ‘lý’. Thân trong sạch là thân không tội lỗi, một người kia dầu cùi đài mình mẩy ghẻ chốc, mà không tội lỗi, người ấy cũng được gọi là thân trong sạch vậy.

c) Tâm rung động

Là tâm kinh sợ điều đáng kinh sợ. Ý nói rằng chúng sanh hằng mê say trọng tài, sắc, danh, lợi mà không có tâm rung động là kinh sợ để suy xét rằng: ngày kia họ sẽ già, sẽ bịnh, sẽ chết. Người sao cả đời tàn tật, người sao chết êm thấm, kẻ chết thảm khốc, bao nhiều suy xét, làm tâm rung động, kinh sợ cái quả của nghiệp, khiến không làm tội lỗi, lo tu tập, vì tu là cội phước.

Sau khi chuyển pháp luân tại vườn Lộc Giả xứ Bārāṇasī, Đức Thế Tôn tạm ở lại với 5 vị Kiều Trần Như. Lúc ấy tại thành Bārāṇasī có người con của một vị trưởng giả, tên là Yassakulaputta, được cha cưng như ngọc ngà, cất cao 3 tòa lầu, để ở trong ba mùa, ngày đêm yến tiệc ca hát luôn luôn. Đêm nọ, Yassakulaputta đang xem các mỹ nữ múa hát, phát tâm chán nản nằm ngủ quên. Khuya lại Yassakulaputta tỉnh giấc thây những mỹ nữ ấy hình như những tử thi hôi thối. Ông có cảm tưởng là ông ở giữa bãi tha ma, Ông mới thốt rằng: “Thế gian này bẩn chật quá!” Ý ông nói thế gian này hoàn toàn là những vật nhơ nhớp, người bị trong vòng cương tỏa của sự đau khổ, không nương vào đâu dược. Rồi ông bỏ lầu ra đi về hướng vườn Lộc Giả. Đức Thế Tôn biết duyên lành của ông đã đến nên ngồi đợi nơi một chỗ nọ. Yassakulaputta vừa đi vừa lặp lại câu: “Thế gian này bẩn chật quá”. Đức Thế Tôn kêu Yassakulaputta nói:

- Đây không bẩn chật không bực bội, người hãy đến đây.

Yassakulaputta nói:

- Đảnh lễ Đức Thế Tôn.

 Đức Thế Tôn thuyết về Anupubhikatha cho ông nghe, liền khi ấy ông đắc quả Tu-đà-hườn, đến sáng đắc A-la-hán, nhờ ông hành pháp minh sát tuệ. Ông đắc quả A-la-hán sau 5 vị Kiều Trần Như Ông là vị A-la-hán thứ sáu.

Đức Phật giải cho các đệ tử nghe: kiếp trước của ông Yassakulaputta, là làm nghề thiêu thây ma. Có ngày nọ, ông thiêu thây của một người đàn bà có thai. Khi đốt cháy, ông thấy đứa nhỏ lòi ra rất ghê gớm. Ông phát tâm ghê sợ chán nản về sự nhơ nhớp của xác thân, đó là cái nhân, đến kiếp này khiến cho ông trông thấy mỹ nhân là những tử thi.

Quý Ngài đã hiểu cái ‘nhân’ sanh ra phước. Khi chúng ta tạo được nhân lành rồi, chắc chắn chúng ta sẽ hưởng phước, hoặc trong đời này hoặc trong kiếp sau. Có ai dành giựt hoặc cướp mất phước của ta được không.

Đức Thế Tôn dạy: “Phước ấy đến cho ta như bóng theo hình không ai có thể giựt được”. Người ta có thể cướp tiền của, ruộng nương xong không khi nào cướp cái phước được. Kẻ cướp cướp của người được nhưng nếu người có phước kẻ cướp cướp lấy không được dầu tìm thế lường lường gạt, hay là tin cũng không được.

Tích xưa, ông bá hộ Cấp Cô Độc hay làm phước bố thí, có thầy Bà-la-môn để ý xem coi tại sao bá hộ giàu rồi nghèo, rồi giàu lại, Thầy Bà-la-môn ấy thấy trên đầu con gà trống trắng của ông bá hộ có cục ngọc phước Suri. Thầy đến xin ông bá hộ cho thầy con gà vì thầy cần có con gà gáy đúng canh để thầy và các đệ tử dậy dạy và học cho sớm. Ông bá hộ chịu cho. Khi ấy cục ngọc Suri bay đậu trên cây gậy của ông bá hộ. Thầy Bà-la-môn xin luôn cây gậy của ông bá hộ và nói rằng: tôi cần dùng cây gậy đặng chống vì chân tôi yếu. Ông bá hộ chịu cho cây. Khi ấy cục ngọc Suri bay đậu trên đầu bà vợ của ông bá hộ. Chừng ấy thầy Bà-la-môn thú thật: tôi xin trả con gà trống trắng, cây gậy lại cho ông. Thật ra khi vào nhà ông tôi thấy có cục ngọc phước ở đầu con gà, rồi cục ngọc bay qua cây gậy, hiện giờ nó bay đậu trên đầu bà bá hộ. Ông có cục ngọc quý ấy không ai lấy được.

Tích này nhắc cho chư thiện tín thấy rằng khi mình đã tạo nhân lành thì cái quả lành đến, quả lành ấy là phước, giống như ngọc Suri không ai cướp giật được. Bởi cớ ấy nên Đức Thế Tôn dạy: phước không ai cướp giựt dược.

Quý Ngài nên biết rằng khi ta làm việc lành với tâm sốt sắng, quyết định thì quả lành đến mau lẹ. Trái lại, nếu ta làm phước cách chần chờ, dãi đãi, dụ dự thì sau này cái quả lành nó cũng chậm chạp cũng dãi đãi.

Khi Đức Thế Tôn ngự tại Kỳ Viên tịnh xá (Jetavana) của bá hộ Cấp Cô Độc xứ Sāvatthi, có một thầy Bà-la-môn tên là Culekasetaka (nghĩa là người chỉ có một cái khăn choàng nhỏ) 2 vợ chồng chỉ có một cái khăn choàng thay nhau mà choàng. Ngày kia nghe tin Đức Thế Tôn thuyết pháp tại Kỳ Viên tịnh xá, hai vợ chồng mới bàn với nhau coi ai đi nghe pháp ban ngày, ai đi nghe ban đêm. Bà vợ nói: chàng là đàn ông, thôi đi nghe ban đêm để tôi đàn bà đi nghe ban ngày. Trong khi bà vợ đi nghe thuyết pháp, ông chồng ở nhà cả ngày. Đêm lại, ông chồng mới đi nghe thuyết Pháp. Trong khi nghe thuyết pháp, 5 điều hỷ lạc phát sanh, thầy Bà-la-môn muốn cởi choàng cúng dường cho Đức Phật, rồi lại nghĩ rằng: nếu ta cúng dường choàng này, thì vợ ta không có choàng nào khác, khi ấy tâm bỏn xẻn phát sanh. Sự thật, tâm con người, khi một tâm lành sanh lên, cả ngàn tâm ác kéo lại. Vì tâm ác quá mạnh níu lại, thầy Bà-la-môn Culekasetaka không thể bố thí được. Khi hai tâm chiến đấu bằng nhau: phải cúng dường hay không? Như thế hết canh thứ nhất (thời kỳ ấy chia một đêm có ba canh mà thôi). Đến canh thứ nhì, cũng không thể bố thí được. Qua tới canh thứ ba, tâm thiện cương quyết nói rằng ta phải chiến đấu với tâm bỏn xẻn cả hai canh rồi, thì thây tâm bỏn xen rất mạnh, nó sẽ không cho ta giải thoát khỏi 4 đường ác đạo. ta nhứt định cúng dường cái choàng này. Khi ấy, thầy Bà-la-môn Culekasetaka đè được lòng bỏn xẻn, cởi choàng đem ra để dưới chơn Đức Phật rồi la lên rằng: “Tôi thắng rồi, tôi thắng rồi!”. Đức vua Pasenadi nghe tiếng ấy mới truyền quan hầu cận đến hỏi coi tên Bà-la-môn ấy thắng ai? thắng cái gì? Nhà vua trong thời kỳ ấy đại kỵ với tiếng thắng. Các quan hỏi, thầy Bà-la-môn thuật rõ tự sự. Đức vua mới nghĩ rằng: “Thầy Bà-la-môn này làm chuyện rất khó, ít người làm được”. Rồi vua ban cho thầy Bà-la-môn ấy hai choàng cái choàng, thầy Bà-la-môn ấy đem choàng của nhà vua ban cho dâng đến Đức Thế Tôn. Đức vua ban cho lần thứ nhì 4 cái, lần thứ ba 8 cái, lần thứ tư 16 cái, lần thứ năm 32 cái, thầy Bà-la-môn ấy cũng đem dâng cho Đức Thế Tôn hết. Đức vua mới truyền đem cho thầy 64 cái, đến lần thứ sáu, thầy Bà-la-môn mới lấy 4 cái để cho vợ 2 cái và thấy 2 cái, còn lại 60 cái thầy cũng dâng hết cho Phật. Theo thầy thì muốn bố thí luôn, nhưng e sợ có người dị nghị rằng thầy ỷ lại nơi nhà vua rồi cho mãi. Đức vua trông thấy Bà-la-môn Culekasetakabố thí choàng đến 7 lần như vậy, ngài mới phán với vị đại thần ngồi gần ấy rằng: hiền khanh, thầy Bà-la-môn này làm việc mà người ta khó có thể làm được. Ngài mới dạy, vậy khanh hãy về cung đem lại hai cái choàng thứ Kambola (nhung đỏ) giá mỗi tấm một muổng đồng để cho thầy Bà-la-môn. Thầy Bà-la-môn dâng đến Đức Phật một tấm, còn một tấm để trao làm trần nhà đặng thỉnh Đức Phật và chư tăng đến cúng dường. Đức vua thấy vậy mới bố thí thêm cho thầy mỗi 4 món là: 4 ngàn đồng, 4 con tượng, 4 con ngựa, 4 người tớ trai, 4 người tớ gái, 4 làng để thâu thuế. Sau khi ấy, các thầy Tỳ-khưu mới xúm nhau lại nói rằng:

- Thật quả sự bố thí của thầy Bà-la-môn lạ lùng quá, chỉ trong nháy mắt mà được kết quả đầy đủ, thật thầy gieo giống nhằm ruộng tốt.

Đức Thế Tôn nghe nói, dạy rằng:

- Này các thầy Tỳ-khưu, nếu thầy Bà-la-môn ấy dâng cúng lúc canh một, sẽ được mỗi vật 16 món, còn bố thí lúc canh hai được mỗi vật 8 món. Vì thầy Bà-la-môn ấy chần chờ gần sáng nên chỉ được có 4 món thôi. Sự thật, trong khi người muốn làm phước, không nên để tâm lành sanh lên rồi diệt mất khi nào đã nghĩ thì phải thật hành liền. Vì việc phước thiện mà người làm bằng cách chậm trễ thì quả cũng trả một cách chậm tuỳ theo tâm lành mạnh yếu, vậy hãy làm việc phước thiện bằng tâm mới phát khởi.

Rồi Đức Thế Tôn thuyết câu kệ.

“Abhittharetha kalyāṇe,

Pāpā cittaṃ nivāraye;

Dandhañhi karoto puññaṃ,

Pāpasmiṃ ramatī mano”[46]

Nghĩa là: người cần phải tìm làm điều lành nên ngừng tâm không cho làm ác, vì khi làm việc lành chậm thì tâm sẽ vui thích về điều ác.

Tích này chỉ cho chư thiện tín thấy rằng nếu tâm làm phước còn do dự, suy tính, so đo, thì cái quả lành đến không mạnh.

Mỗi khi ta muốn làm một việc lành, thì cả trăm tâm ác nó ngăn cản nó kéo ta lại không cho ta làm việc thiện ấy. Mỗi khi ta muốn làm một việc quấy, thì cả trăm tâm ác nó xô đẩy ta, xúi dục ta mau mau thi hành việc quấy ấy. Thí dụ ta muốn đi chùa trước sám hối, sau nghe thuyết pháp, thì nghe trong mình không đặng khoẻ hoặc trời gân mưa hoặc cần phải đi thăm người bạn ở xa mới đến hoặc viện lẽ để kỳ tới sẽ đi chùa. nếu có người bạn đến mời ta đi xem khiêu vũ thì tâm ta vui thích, nhận lời ngay không chút dụ dự.

Bởi vậy chư Thiện tín cần phải có trí nhớ, để phân biệt đâu là thiện đâu là ác có can đảm để nén lòng dục vọng bơi tâm ác nó bồng bột, dục ta vào con đường quấy.

3. Giữ mình theo lẽ chánh

Theo Phạn ngữ, nghĩa là để tâm chúng ta theo lẽ phải, Chữ “mình” đây có nghĩa là “tâm”.

Vậy chúng ta để tâm thế nào?

Nếu tâm ta tham lam thì ta kéo tâm ấy theo lẽ chánh là bố thí, bởi bố thí sẽ diệt lòng tham lam, nếu tâm ta tà kiến không thấy sanh tử luân hồi, khiến ta làm những điều ác, ta sẽ kéo tâm ta vào lẽ chánh, là chánh kiến thấy nghiệp là của ta.

Để tâm theo lẽ phải, là kéo tâm thực hành theo chánh đạo, không sân hận, tham lam, oán thù, ganh tị. Đức Phật dạy chúng sanh nên giữ mình theo lẽ chánh, là con đường đi có 8 nhánh là Bát Chánh Đạo, con đường đi ấy dẫn dắt chúng sanh đến chỗ an vui và giải thoát.

Hơn nữa tâm ta khi xưa hay cột oan trái, oán thù với kẻ khác, ngày nay hiểu đạo trông thấy oan trái và oán thù là “nhân” (dẫn vào con đường sanh tử luân hòi, khổ không bờ bến. Vì vậy nên ta đưa tam ta từ trong chỗ tội để vào nơi trong sạch gọi là để tâm chúng ta theo lẽ phải hay gọi là giữ mình theo lẽ chánh. Người vì không để tâm mình nơi lẽ phải, nên hằng chịu đau khổ. Vì vậy, Đức Thế Tôn dạy để tâm theo lẽ phải thì đâu còn khổ nữa? Vậy chúng ta muốn được an lành không phải cầu cạnh ở nơi nào hơn là tự ta sửa mình ta, giữ ta theo lẽ phải.

Tới đây tạm dứt thời pháp và tóm tắt câu kệ thứ hai. Đức Thế Tôn dạy:

“Patirūpadesavāso ca,

Pubbe ca katapuññatā;

Attasammāpaṇidhi ca,

Etaṃ maṅgalamuttamaṃ”.

Nghĩa:           Tư cách ở trong xứ nên ở.

Tánh cách người làm việc lành, để dành trong khi trước.

Giữ mình theo lẽ chánh.

Là ba nguyên nhân đem lại sự hạnh phúc cao thượng.

BÀI 18 SỰ AN LÀNH (TT)

Thuyết tiếp theo, câu kệ thứ 3:

“Bāhusaccañca sippañca,

Vinayo ca susikkhito;

Subhāsitā ca yā vācā,

Etaṃ maṅgalamuttamaṃ”.

Nghĩa: tư cách của người nghe nhiều học rộng, có nghề nghiệp, học thông thuộc Luật, nói lời ngay thật, đây là sự an lành cao thượng.

1. Bāhusacca: người nghe nhiều học rộng

Người nghe nhiều học rộng chia làm hai bực là: người tại gia có nghe nhiều học rộng, người xuất gia có nghe nhiều học rộng.

Sự nghe nhiều học rộng ấy lại chia ra làm hai phần khác nhau là: sự nghe nhiều học rộng theo đời, sự nghe nhiều học rộng theo đạo.

Người đời, khi còn phải làm lụng để nuôi sống, thì người ấy cần phải nghe những việc phải nghe và học những việc phải học. Nghe những điều nhảm nhí không nên nghe, học những điều nhảm nhí không nên học. Học những điều nào có hại như cờ bạc, rượu chè đối với đời là cho vui, nhưng đối với đạo đức đó là những điều không tốt. Còn nghe về đạo đức là nghe luận đạo thuyết Pháp. Học đạo đức là học làm lành, làm tròn phận sự của người cha, mẹ, vợ, con, ông chủ và làm một công dân của nước nhà. Người cư sĩ nhờ nghe nhiều học rộng, tự mình hành đạo không lầm lạc và không bị kẻ khác lừa dối mình. Những điều lầm lạc mà tín đồ hằng có là: đốt giấy tiền vàng bạc, giấy áo giấy quần, làm chay thí giàn, không dám đi cúng chùa, nghe thuyết pháp, sợ nghe rồi không hành đắc tội. Nghe pháp được mở mang trí tuệ, còn hành hay không là việc khác. Hơn nữa, người dù biết rằng điều nào là tội dù không biết mà phạm điều tội ấy thì cũng ví như người biết đó là lửa cùng không biết mà bóc đến cũng bị phỏng như nhau, chớ lửa không tha người không biết rằng nó là lửa.

Đức Thế Tôn dạy: sự nghe nhiều học rộng đem lại cho ta an lành cao thượng. Vậy an lành thế nào?

Một khi người nghe nhiều học rộng nhờ sự nghe nhiều học rộng ấy mà người kiềm chế tâm. Khi ta tự kiềm chế được tâm ta ấy là con đường giải thoát. Người vì không được nghe nhiều học rộng mà làm tội mãi, khi được nghe Pháp bảo nhận thấy lỗi của mình, bỏ lỗi, thật hành theo Chánh đạo thì sẽ được an lành chẳng những cho mình mà cho kẻ khác nữa.

Đây tôi xin nhắc lại tích của cô Khujjuttarā trong Pháp Cú cuốn thứ nhì:

Cô Khujjuttarā là thị nữ của hoàng hậu Samāvatī ở xứ Kosambi rất được hoàn hậu và đức vua tin dùng, mỗi ngày đức vua giao cho cô tám đồng để mua hoa trang điểm cho hoàng hậu. Ngày kia, cô đến chỗ mua hoa, người bán hoa nói với cô:

- Xin cô chịu khó đợi tôi một chút vì hôm nay tôi có thỉnh Đức Từ Phụ của tôi đến để trai tăng và Ngài sẽ thuyết pháp.

Cô Khujjuttarā đáp:

- Được.

Và vì tánh hiếu kỳ cô cũng muốn ở lại để xem có Đức Từ Phụ của anh hàng hoa ra thế nào và nghe xem Ngài sẽ thuyết pháp những gì? Sau khi nghe Đức Thế Tôn thuyết pháp cô Khujjuttarā đắc quả Tu-đà-hườn, chừng ấy nàng rất ăn năn tội lỗi của nàng làm hàng ngày, là ăn lời một nửa số tiền mua hoa cho hoàng hậu. Bữa đó cô mua hết cả tám đồng hoa đem về cung. Hoàng hậu trông thấy hoa nhiều hơn mọi bữa mới phán hỏi:

- Này Khujjuttarā! Hôm nay có phải hoàng thượng cho thêm tiền hay sao mà em mua được nhiều hoa như vậy?

 Cô đáp:

- Tâu mẫu hậu, không có ạ!

- Vậy sao hoa được nhiều?

- Tâu mẫu hậu, những bữa trước tôi ăn lời mất một nửa!

- Thê mà tại sao bữa nay không ăn lời?

- Tâu mẫu hậu! Vì hôm nay tôi được nghe Pháp của Đức Từ Phụ Gotama và được hiểu Pháp! (theo ý cô Khujjuttarā nói hiểu Pháp là được đắc quả Tu đà hườn).

Hoàn hậu thấy thái độ của cô thú nhận tội lỗi và rất trầm tĩnh dường như được no lòng với hương vị của Pháp bảo không buồn phiền và rầy la cô chi hết, trở lại còn yêu cầu cô cho lịnh bà nếm hương vị cao quý ấy với.

Cô Khujjuttarā mới tâu:

- Tâu mẫu hậu, Pháp bảo là món ăn cao quý của tinh thần. Cách thức của người muốn nghe Pháp là phải hết sức kính trọng người thuyết.

Hoàn hậu mới nhường lại cho cô tất cả nước hoa của lịnh bà sắp dùng để tắm gội, tất cả trang sức của lịnh bà để trang điểm cho cô. Lại nhường tọa vị của lịnh bà cho cô ngồi thuyết pháp, còn tự lịnh bà ngồi xuống đất cùng với các thị nữ khác. Sau khi thời pháp dứt hoàng hậu Samāvatī và 500 thị nữ đắc quả Tu-đà-hườn.

Về sau, Đức Thế Tôn có để lời ngợi khen cô Khujjuttarā là một tín nữ có tài thuyết pháp giỏi hơn cả các tín nữ khác trong Phật Giáo.

Chư thiện tín nên thấy: nhờ nghe Pháp và hiểu được Pháp mà cô Khujjuttarā là một thị nữ mà được Hoàng hậu kính nể và được Đức Thế Tôn ngợi khen.

Nghe nhiều học rộng đem hạnh phúc lại cho mình cho người khác là vậy.

Trong câu kệ thứ ba của Đức Thế Tôn mà tôi đem ra thuyết đây ý của Đức Phật nói nghe nhiều học rộng đây là sự nghe, học và hiểu rộng về đường giải thoát. Vì Đức Thế Tôn biết chắc rằng sự nghe nhiều học rộng ở ngoài đời dù đến bực nào đi nữa cũng bởi còn: sanh- già- đau- chết, chỉ hiểu rõ con đường đạo mới được giải thoát.

Đó là về phần nguời tại gia.

Còn sự nghe nhiều học rộng của hàng xuất gia lại càng có nhiều điều lợi ích đến hàng thiện tín, chẳng hạn như khi Đức Nāgasena là một Tỳ-khưu thông hiểu Tam Tạng thuyết pháp cho một vị bá hộ nghe, sau khi dứt thời pháp, pháp sư cùng thính pháp cả hai đều đắc quả Tu-đà-hườn.

Đức Thế Tôn khi còn tại thế thường ngợi khen các bậc thông suốt Kinh Luật. Những bậc học thông Tam Tạng và đem ra dạy bảo kẻ khác những bậc ấy gọi là Pháp bảo mà cũng là những thầy Tỳ-khưu được tạm gọi là Tăng (thay mặt cho Tăng chúng) hay gọi cho dễ nghe là: tủ chứa Tam tạng.

Tôi xin nhắc một tích chỉ rõ rằng nhà sư học thông Tam tạng có thể gọi là Pháp bảo tích này ở trong bài kinh Mahāgosiṅgasalasutra:

Có một thầy Bà-la-môn nghĩ rằng: “Sự cúng dường Phật Bảo và Tăng Bảo ta thấy rõ rệt, còn cúng dường Pháp bảo là thế nào?” Nghĩ vậy, thầy vào hầu và hỏi Đức Thế Tôn, Đức Thế Tôn đáp:

- Này thầy Bà-la-môn! Thầy muốn cúng dường Pháp bảo thì hãy cúng dường đến thầy Tỳ-khưu nào được nghe nhiều học rộng.

- Bạch Đức Thế Tôn! Thầy Tỳ-khưu nào được nghe nhiều học rộng?

- Nhà người hãy đi hỏi thăm các vị Tỳ-khưu.

Thầy Bà-la-môn y lời dạy. Các thầy Tỳ-khưu bảo:

- Chỉ có Đức Ānanda!

Thầy Bà-la-môn đem lễ vật đến dâng cúng Đức Ānanda.

Đức Phật có dạy trong Dutiyavagga-Dutiyapaṇṇāsakaṃ-Aṅguttaranikāya rằng: này các thầy Tỳ-khưu! Các đệ tử về hạng thánh nhơn, diệt được tâm ác, bồi đắp điều thiện được là do nơi sự nghe nhiều học rộng.

Theo chú giải, có dạy rằng: nghe nhiều học rộng là an lành. Vì có quả hiện tại là: sự khen tặng, sự cúng dường của người; còn quả trong ngày vị lai là: do nhờ diệt bỏ tâm hung ác xấu xa, kiếp này không bị người chê, không ân hận trong lòng mà kiếp sau được sanh về cõi an vui. Còn nếu hành đạo cao thượng hơn nữa sẽ đắc đạo quả Niết Bàn.

2. Sippa: có nghề nghiệp.

Nghề nghiệp ở đây theo chú giải có giải rằng: hiểu một nghề nào làm bằng tay, gọi là biết nghề. Nghề chia ra làm hai: nghề lành hay là thiện nghiệp, thuộc về Chánh nghiệp và Chánh mạng nghĩa là không phạm vào ngũ giới; nghề dữ hay là ác nghiệp, thuộc về tà nghiệp và tà mạng nghĩa là phạm vào ngũ giới.

Trong Phật Giáo lại có phân biệt: nghề của người tại gia cư sĩ và nghề của các bậc xuất gia.

Nghề của người tại gia cứ sĩ có rất nhiều nhưng ta chỉ kể những nghề nào vô tội. Đức Thế Tôn dạy con người: từ lúc ấu niên hãy ráng lo học tập một nghề nào đó cho thật rành, thật giỏi thì sẽ được an vui. Tục ngữ Việt Nam có câu: nhứt nghệ tinh, nhứt thân vinh.

Tôi xin nhắc một tích để quý vị thấy rằng: nghề nào chẳng hạn dù hèn mọn thế nào nếu mình rành thì cũng sẽ được trọng dụng.

Khi xứ tại kinh đô Bārāṇasī (Ba-nai-la) có một người hai chân đau bại nhưng có tài búng sạn thật giỏi. Những trẻ nhỏ trong thành thường đẩy xe chở anh ra ngoài cửa thành, để anh dưới cội cây biểu anh lấy sạn búng lá cây lủng lỗ thành hình thú này hay thú nọ chơi, rồi cho anh tiền. Ngày nọ, đức vua ngự chơi vườn thượng uyển đi ngang qua chỗ ấy, những đứa trẻ kinh sợ bỏ chạy chỉ còn anh què ở lại. đức vua trông thấy bừa bãi dưới đất lá cây lủng lỗ có hình thú rất ngộ mới phán hỏi quan hầu cận. Quan ấy biết rõ mới tâu qua mọi lẽ. Đức vua đòi anh què đến hầu rồi phán:

- Này ngươi, trẫm có vị quân sư, có tật ham nói, khi trẫm muốn nói điều chi thì quân sư cướp lời nói hết, trẫm không nói được gì. Ngươi có phương kế chi làm cho ông ấy không nói nhiều được không?

Anh què đáp:

- Tâu Hoàng thượng, nếu có vài cân phân dê hạ thần có phương kế làm được.

Đức vua truyền đem anh què về triều, để anh ngồi một bên ngai, sau một tấm màn có khoét một lỗ và để gần anh một cân phân dê khô. Đoạn, ngài hội trào thần bàn luận việc quốc gia. Vị quân sư quen tật cướp cãi lời nói của mọi người. Khi ông hé miệng, thì bị anh què do theo lỗ rèm búng một viên phân dê khô vào miệng. Ham nói quá, ông nuốt riết viên phẩm dê để nói nữa. Đến chừng đức vua trông thấy anh què đã búng hết cân phân, Ngài mới bảo Quân sư:

- Này quân sư! Vì ham nói, nên khanh đã nuốt hết một cân phân dê khô mà vẫn chưa biết mình. Dạ dày của khanh không thể tiêu hoá được cân phân dê ấy, vậy khanh nên uống thuốc xổ đi.

Quân sư cả thẹn ra về. Từ ấy không còn nói nhiều nữa. Đức vua mới phán rằng:

- Nhờ người bại này, mà lỗ tai của trẫm đỡ bực.

Rồi ngài ban cho anh què thâu thuế bốn làng được ước độ mười muôn dân số.

Một vị quan Đại thần thuộc về hàng trí thức, thấy thế mới tâu rằng:

- Tâu Đại vương, trong đời này, dù nghề nào, người cũng cần phải học. Coi như nghề búng sạn của anh bạn mà cũng được hoàng thượng ban thưởng.

Rồi quan ấy nói câu kệ rằng:

“Sādhu kho sippakaṃ nāma,

Api yādisa kīdisaṃ;

Passa khañjappahārena,

Laddhā gāmā catuddisāti”[47].

Nghĩa: đã gọi là nghề dầu một nghề gì cũng làm cho ta được kết quả. Xin đại vương hãy xem gương người bại được thưởng nhờ tài búng phân dê.

Đó là áp dụng phải thời, dầu nghề mọn cũng cho ta sự an vui. Bằng áp dụng sai thời, nó sẽ đem đến cho ta quả khổ. Tôi xin nhắc luôn đây một tích.

Có một người nọ đến học nghề với anh bại nói trên. Sau khi học rành nghề, người ấy muốn thử tài mình, mới suy nghĩ, nếu mình búng sạn mà nhắm búng thử vào bò, heo dê, ngỗng cùng gà, vịt của người thì sợ bị họ đền và mình bị phạt. Ngày nọ chợt thấy Đức Phật Độc giác Sunetta đi khất thực anh ấy mới nghĩ: nếu ta thử tài với người khác sẽ bị cha mẹ vợ con anh em họ kiện thưa, còn người này cô độc, là kẻ vô thừa nhận, dù ta thử mà nó chết cũng không sao, Nghĩ thế, anh mới búng một viên sạn vào lỗ tai Đức Phật Độc Giác, viên sạn đi xuyên qua từ lỗ tai bên này thấu qua lỗ tai bên kia, theo như người thường phải chết tại chỗ, nhưng Đức Phật Độc Giác dùng thiền định về đến tư thất mới nhập diệt. Anh nọ tìm đến tư thất của Ngài, thấy tín đồ bận lo hoả táng và than khóc anh mới khoe:

- Mấy người biết không? Ngài mà chết đây là do tài búng sạn của tôi.

Tưởng khoe như vậy ta khen mình, nào ngờ tín đồ tức mình lôi anh ra đánh chết. Vì tội giết chết Đức Phật, nên anh bị sa vào A tỳ địa ngục.

Đây là một tích để cho chư thiện tín thấy rằng nghề hay mà áp dụng sai chỗ, sai trường hợp có hại rất lớn. Vậy thiện tín nên chọn lấy nghề nào chánh nghiệp chánh mạng mà làm thì mới được an lành cao thượng.

Nói về nghề của bận xuất gia, như câu của Đức Thế Tôn thuyết trong bài kinh Sattama Sutta ở đoạn Dutiyavagga của bộ Dasakanipāta-Aṅguttaranikāya, dạy rằng:

- Này các thầy Tỳ-khưu, thầy Tỳ-khưu trong Phật Giáo phải siêng năng giúp việc với nhau bất luận trong việc lớn nhỏ, nhẹ nặng. Nên dùng trí tuệ quan sát mọi việc, coi đáng làm hay không. Đây gọi là một nghề của thầy Tỳ-khưu.

Theo câu trên, Đức Thế Tôn dạy các bận xuất gia có nghề trong phạm vi của hàng xuất gia, đó là hạnh phúc cao thượng. Nghề trong phạm vi ấy là: phận sự nhỏ, ví như giúp nhau cắt, may, nhuộm, vá y, …, phận sự quan trọng hơn, ví như làm lễ xuất gia cho giới tử, lễ phát lồ, lễ thọ y, lễ nhập hạ, lễ ra hạ và lễ lớn nhất là lễ Sīmā (kết giới) đó là những phận sự lớn trong Phật Giáo mà bổn phận Tỳ-khưu phải biết cho rành rẽ và giúp nhau làm cho vuông tròn. Cả hai phận sự nhỏ lớn ấy là nghề của thầy Tỳ-khưu. Hành đúng đắn, nó sẽ đem sự lợi ích dễ dàng trong sự tu tập đến các Ngài và đem sự lợi ích lớn lao đến cho Phật Giáo, vì nếu các bậc xuất gia được thông suốt phận sự của mình và hành theo không sơ sót, Phật Giáo không bị suy đồi.

Trái lại, nếu thầy Tỳ-khưu không thông hiểu điều luật về y: y bao lớn, có mấy miếng, tên gì, tại làm sao mà có tên ấy,…, không hiểu sự quan trọng của lễ xuất gia là ở nơi nào và tại sao Đức Thế Tôn lại bó buộc khổ như vậy để rồi ai muốn xuất gia cứ tự ý cạo đầu đắp y mang bát, Phật Giáo gì đó phải suy đồi, một phần lớn do nơi lỗi của bậc xuất gia tiền bối không thông suốt hoặc thông suốt mà dể duôi không hành đúng đắn phận sự của mình. Vậy cũng là một sự thiếu sót lớn lao cho nên thầy Tỳ-khưu cần phải biết rõ nghề của mình.

3. Vinayo ca susikkhito: học thông thuộc Luật

Luật nơi đây có 2 giai đoạn khác nhau: agariyavinaya - luật của người tại gia và anagariyavinaya - luật của bực xuất gia.

a) Agariyavinaya:  luật của người tại gia

Là những điều răn của Đức Thế Tôn truyền ra để chế  ngự thân, khẩu, ý của người không thể xa lìa những người và vật thương yêu quý mến. Luật của người tại gia là mười điều chế ngự thân, khẩu, ý, cũng có chỗ gọi là thập thiện, đối chiếu với thập ác. Đây tôi xin giải về thập ác để quý vị thiện tín biết mà lánh.

Mười điều thập ác chia làm ba phần:

* Pāṇātipātā :sát sanh

* Adinnādānā: trộm cướp, nghĩa là thấy đồ vật của người mà người không bằng lòng cho ta hoặc chưa cho ta bằng thân hoặc khẩu.

* Kāmesu micchācārā: tà dâm.

  • Pāṇātipātā: sát sanh

Vadhakacetanā: người có tác ý muốn giết người hoặc động vật có sự sống, người hay động vật ấy chết vì ta giết hay xúi kẻ khác giết, gọi là sát sanh.

Trong sự sát sanh, nếu ta giết con thú nhỏ thì tội ít, con thú lớn thì tội càng nặng, nếu giết người thì tội càng nặng hơn.

Muốn biết phạm giới sát sanh hay không, ta cần xét lại những chi tiết nhỏ của giới, tất cả có 5 chi, nếu phạm đủ 5 chi thì phạm hẳn giới nặng. 5 chi của giới sát sanh là:

* Pāṇa: chúng sanh có thực tánh.

* Pāṇasaññī: biết rằng chúng sanh có thực tánh.

* Vadhakacitta: cố ý giết.

* Upakkamo: cố gắng tìm cách giết chúng sanh ấy.

* Tenamaraṇaṃ: giết chúng sanh có thực tánh ấy được nhờ sự cố gắng.

Giết người hoặc giết thú vật đầy đủ theo 5 chi này gọi là phạm giới sát sanh, bằng không  đủ theo 5 chi ấy, không gọi là sát sanh nhưng gọi là giới bất tịnh (nhơ đục).

  • Adinnādānā: trộm cướp.

Theyyacetanā: có tác ý trộm cướp, khi biết rằng món đồ ấy có chủ, chủ không bằng lòng cho, mà ta cố ý trộm cướp lấy hoặc xúi kẻ khác trộm cướp lấy về làm của mình, phạm giới trộm cướp. Tuỳ theo của ấy nhiều ít, đáng giá nhiều ít và tuỳ theo giới hạnh của người bị trộm cướp mà tội trả quả nặng nhẹ. Nếu ta trộm cướp của người có tâm từ thiện và giới đức trong sạch thì tội càng nặng.  Giới trộm cướp cũng có 5 chi như giới sát sanh, ấy là:

* Parapariggahitaṃ - của có chủ gìn giữ.

* Parapariggahitasaññī - biết rằng của có chủ.

* Theyyacitaṃ - cố tâm trộm cướp lấy.

* Upakkamo - cố tìm mưu kế trộm cướp lấy.

* Tena haranaṃ - trộm cướp được nhờ sự cố gắng ấy.

Phạm đủ 5 chi ấy là hoàn toàn phạm giới trộm cướp, bằng không đầy đủ gọi là giới nhơ đục.

  • Kāmesu micchācārā: tà dâm.

Kāma: theo tiếng Phạn có nghĩa là vật mà chúng sanh mơ ước- thường được dịch là trần, nhưng ở đây phải dịch là dâm. Dâm có hai cách, phạm tội và không phạm tội.

* Sedasassantoso: sự ăn ở với vợ nhà không phạm tội.

* Paradaragamana: sự ăn ở với vợ kẻ khác, phạm tội.

Tà dâm là một điều mà các bậc trí thức nhứt là Đức Phật hằng chê pháp thấp hèn, làm cho chúng sanh tội lỗi, đau khổ trong luân hồi.

Trong giới tà dâm này, theo Phật Giáo cấm phạm đến 20 hạng phụ nữ kể ra sau đây (gọi là người bất khả xâm phạm, phạn ngữ - Agamanīyatthānaṃ):

* Māturakkhita: người phụ nữ còn có mẹ gìn giữ, ý nói mẹ của người ấy hằng coi chừng săn sóc đến con, sợ con hư, tóm lại là người phụ nữ có chủ coi chừng.

* Piturakkhita: người phụ nữ còn có cha gìn giữ, cũng như mẹ (nói trên).

* Mātāpiturakkhita: người phụ nữ còn có cha mẹ gìn giữ.

* Bhāturakkhita: người phụ nữ còn có anh gìn giữ, ý nói cha mẹ đã quá vãng, hoặc còn mà em gái ở với anh, anh có phận sự gìn giữ anh.

* Bhaginīrakkhita: người phụ nữ còn có chị hay em gái gìn giữ.

* Ñātirakkhita: người phụ nữ còn có quyến thuộc giữ gìn.

* Gottarakkhita: người phụ nữ còn có người trong họ gìn giữ.

* Dhammarakkhita: người phụ nữ tu, ý nói người phụ nữ đã xuất gia, còn có nhiều người cùng đạo giữ gìn.

* Sārakkhā: người phụ nữ đã có chồng hoặc đã có người đi hỏi.

* Saparidaṇḍā: người phụ nữ phạm luật nnước, Ý nói người phụ nữ bị nhà chức trách không cho hành động theo ý muốn của mình hoặc không cho người nam đến giao thiệp.

* Dhanakkītā: người phụ nữ đã có người mua đổi bằng tiền của, dầu nhiều ít.

* Chandavāsinī: người phụ nữ theo trai mà người trai bằng lòng đem về làm vợ.

* Bhogavāsinī: người phụ nữ ưng làm vợ người vì tiền nghĩa là người phụ nữ ấy đã ưng thuận lấy tiền của người nam để về làm vợ người, dầu ít nhiều cũng gọi là có chồng.

* Paṭavāsinī: người phụ nữ ưng làm vợ người vì y phục, ý nói chịu lãnh một số quần áo để về làm vợ người.

* Odapattaginī: người phụ nữ bằng lòng để cho người khác đem bàn tay mình để vào bàn tay một người nam khác rồi nhúng vào chậu nước mà nói rằng: hai người hãy ở với nhau như nước này, không bao giờ chia rẻ nhau. Đây là phép cưới ngày xưa ở xứ Ấn Độ.

* Obhatasumbattā: người phụ nữ đội đồ trên đầu nhờ người nam để xuống, rồi người ấy đem về làm vợ.

* Dasī ca bhariyā ca: người phụ nữ đã làm tớ mà cũng làm vợ, nghĩa là trước làm tớ sau lại ăn ở với ông chủ.

* Kammakārī ca bhariyā ca: người phụ nữ làm công mà cũng làm vợ (như đoạn trên).

* Dhajāhaṭā: người phụ nữ bị quan quân bắt về, ý nói nữ tù binh.

* Muhuttikā: người phụ nữ có tình với người nam, họ gặp nhau một đôi giờ (như tiếng vợ bé thời bây giờ).

20 hạng phụ nữ này gọi là bất khả xâm phạm, đây là nói về người nam, còn người nữ khi biết mình thuộc về một trong 20 hạng ấy mà còn ngoại tình thì cũng gọi là tà dâm.

Cũng như hai giới trên, giới tà dâm nếu phạm vào người ít giới đức thì ít tội, bằng phạm vào người có nhiều giới đức nhiều tội.

Giới tà dâm có 4 chi, để cho người biết mình có phạm giới hoặc giới bị nhơ đục.

* Agamanīyavatthu: người mà ta không nên hành dâm (20 hạng phụ nữ kể trên)

* Tasmiṃ sevanācittam: tâm muốn hành dâm với người không nên hành dâm.

* Upakkamo: cố gắng tìm cách hành dâm.

* Maggena maggappaṭipādanaṃ: đã hành dâm được do sự cố gắng ấy.

Trong ba giới sát sanh, trộm cướp, tà dâm kể trên, sát sanh và trộm cướp do hai cửa thân và khẩu, còn tà dâm chỉ thuộc về cửa thân mà thôi.

Theo Luật của Đức Phật, đều ác sanh lên nơi thân và khẩu. Luật không bắt tội về tâm, vì khi tâm chỉ mới toan tính mà chưa thi hành hoặc xúi kẻ khác thi hành, thì nhân vật mà ta tính làm hại ấy chưa bị hại vì sự suy nghĩ quấy của ta.

Khẩu có 4 điều :

* Musāvāda: nói dối ,

* Pisuṇāvācā: nói đâm thọc,

* Pharusavācā: nói ác, hung dữ

* Samphappalāpa: nói vô ích.

  • Musāvāda: nói dối.

Theo chú giải có giải rằng: chẳng những nói dối bằng miệng mà thôi, người có thể dùng thân để ra dấu hiệu để dối gạt người khác, để cho người lầm, hoặc giả dùng thơ từ dối gạt người, các hành động ấy đều bị khép vào tội nói dối. Hơn nữa, kẻ đã làm tội, mà người khác hỏi đến, sợ, chối thì phạm tội bằng thú nhận thì sợ hình phạt, cứ nín thinh, như vậy cũng phạm tội nói dối.

Nói dối, nếu hại ít người thì nhẹ tội, bằng hại nhiều người thì tội nặng.

Bốn chi của giới nói dối là:

* Atathaṃ vatthu: chuyện, sự nhãn, hay là vật không thật.

* Visaṃvādanacittaṃ: tâm muốn nói sai sự thật.

* Tajjo vāyāmo: cố gắng nói sai sự thật theo ý muốn nói.

* Parassa tadatthavijānānaṃ: làm cho người khác biết rõ chuyện (mà mình nói) ấy.

Có chỗ nói giới nói dối có 3 chi khác nhau hơn là:

* Abhutaṃ vācānaṃ: lời không thật.

* Visaṃ vadanacittaṃ: tâm muốn nói sai sự thật.

* Parassa tadatthavijānānaṃ: làm cho người khác biết rõ chuyện (mà mình nói) ây.

  • Pisuṇavācā: nói đâm thọc.

Tác ý con người bị sự tham lam, sân hận si mê làm mờ ám, khiến người phải mưu toan chia rẽ những kẻ đang thương yêu quý mến nhau, hoặc để cần thân với một phía, hoặc làm cho những kẻ ấy chia rẻ nhau, thù oán lẫn nhau, cho bỏ ghét cho đã hận gọi là Pisuṇavācā nói đâm thọc.

Lời nói đâm thọc, nếu chia rẽ được những người ít giới đức thì tội nhẹ, người nhiều giới đức chừng nào thì tội càng nặng. Còn nếu nói mà không kết quả, không chia rẽ được ai cả, thì tội có ít.

Bốn chi của giới nói đâm thọc là:

* Bhinditabbo paro: người có thể chia rẽ.

* Bhedapurakkhārata và Piyakamyata: sự muốn chia rẽ hoặc muốn cho một bên thân thiện với mình.

* Tajjo vāyāmo: sự cố gắng cho được vừa ý.

* Tadatthaviyanānaṃ: làm cho hai bên biết rằng họ ghét nhau (thành công trong mưu toan chia rẽ ấy).

Phạm đủ 4 chi trên, gọi là nói đâm thọc.

  • Pharusavācā: ác ngữ

Ác ngữ là hung ngữ, chửi rủa. Theo chú giải có dạy rằng: khi ta giận, chửi rủa kẻ khác, muốn cho kẻ khác bị tai nạn, nói những đều xấu của kẻ khác cho người mất danh giá, ấy là ác ngữ. Riêng về phần cha mẹ, khi chửi rủa con, không gọi là ác ngữ, vì mặc dầu ngoài miệng chửi rủa mà trong lòng thương yêu không muốn cho con phải bị tai, nạn như lời rủa của mình.

Như có tích xưa:

Có một gả thanh niên kia cãi lời mẹ đi chơi trong rừng. Bà mẹ sợ con tai nạn, cản ngăn không được mới kêu rủa: mầy đi sẽ bị trâu rừng dữ nó rượt mầy!

Người con đi vào rừng sâu quả bị trâu rừng rượt. Nhắm thế chạy không khỏi, người ấy phát nguyện: mẹ tôi có rủa tôi lúc tôi ra đi. nếu mẹ tôi có tác ý muốn cho tôi chết, tôi xin chịu chết, bằng mẹ tôi chỉ hăm dọa cho tôi sợ, xin cho tôi được an vui.

Người thanh niên vừa dứt nguyện, trâu rừng tự trở gót, không làm hại người ấy.

Nhắc tích này, tôi muốn chỉ cho chư thiện tín thấy rằng: dầu lời nói ác nhưng tâm không cố vào, không gọi hoàn toàn là ác ngữ. Nhưng ấy là tư cách của con người mất dạy, làm giảm mất giá trị con người, thì chúng ta không nên dùng lời ác và đó không phải là subhāsita - lời nói hay, lời nói dịu ngọt, mà tôi sẽ giải sau:

Ác ngữ mà ta dùng đối với bậc ít giới đức thì tội ít, còn đối với bậc giới đức thanh cao chừng nào thì tội càng nặng

Ba chi của ác ngữ là:

* Akkositabbo paro: có kẻ khác để ta chửi rủa.

* Kupitacittaṃ: tâm ta giận.

* Akkosana: đã chửi rủa.

Phạm đủ 3 chi ấy gọi là ác ngữ.

  • Samphappalapa: lời nói vô ích

Tác ý ác khiến cho thân và khẩu thực hành những điều vô ích.

Giới này có 2 chi là:

* Bharatayuddhasita haranadiniratthaka thapurakhārata - sự muốn nói lời vô ích, có những chuyện giặc của Mahabharata và nói về chuyện nàng Sita. (Đây là chuyện xưa, hiện giờ ta nói chuyện tàu hoặc nói về chuyện thế giới, tiểu thuyết…)

* Tatharupikathakathanaṃ - đã nói những chuyện kể trên.

Phạm đủ 2 chi này, gọi là phạm giới nói vô ích.

Giới của phần khẩu có 4 giới kể trên, nói chung lại là Vọng ngữ. Bất luận dùng khẩu để phạm vào Vọng ngữ, hoặc dùng thân ra dấu hiệu, hoặc làm cử chỉ nào có thể dối gạt người, đâm thọc người chửi rủa người, nói vô ích, hoặc dùng thư từ thay thế lời nói dấu hiệu, cũng bị khép vào tội vọng ngữ cả.

Tâm có 3 gọi là ác ý - Manokamma:

* Abhijjhā: tham lam thái quá.

* Byāpāda: oán thù.

* Micchādiṭṭhi: tà kiến.

  • Abhijjhā: tham lam thái quá

Sự tham lam có hai chi là:

*  Parabhaṇḍaṃ: của của kẻ khác.

* Attano pariṇāmanaṃ: đã tìm xem thế đem về cho mình (dù cho mới tính rằng: ta sẽ đem về cho ta, cũng phạm chi này)

Về sự tham lam, nếu ta muốn được của người, nhưng tâm chưa quyết rằng: ta sẽ chiếm đem về cho ta thì chưa phạm giới. Bằng ta đã định chiếm lấy, dù chưa chiếm về được thì cũng phạm hẳn giới này.

Về khoản này, giới luật rất gắt và phải gắt như thế mới có thể buộc tâm hành giả vào khuôn khổ. Hành giả muốn tu cho được giải thoát, cần phải có trí nhớ và công bình để làm quan toà xử mình cho phân minh mà không thiên vị.

  • Byāpāda: oán thù

Oán thù là ác tâm tìm thế làm hại người, tìm mưu chước để làm mất lợi ích và an vui của người.

Oán thù có hai chi là:

* Parasatto: nhân vật khác.

* Tassa vināsacinto: suy nghĩ để làm hại kẻ khác.

Sự oán thù lên bởi lòng nóng giận kẻ khác. Khi nóng giận kẻ khác mà chưa có ý hại người, đem sự tai hại đến cho người thì chưa hẳn phạm điều học này, chừng nào tâm đã quyết và lập thế hai người mới phạm hẳn.

  • Micchādiṭṭhi: tà kiến

Sự hiểu biết sai lầm trái với sự thật gọi là tà kiến. Ấy là sự nhận thức trái với chân lý, ví dụ như tin tưởng rằng một khi đã làm tội rồi, có thể yêu cầu kẻ khác rửa tội cho mình, hoặc chịu tội thế cho mình, tin rằng có kẻ khác cho phước đến cho ta được, chớ không chịu tin rằng: hành vi của ta theo ta như bóng theo hình, ta làm điều nào thì sẽ được hay gặt quả ấy, ăn đồ bổ thì được khỏe mạnh, ăn đồ độc thì phải mắc bệnh hoặc phải chết.

Tà kiến có 2 chi là:

* Vatthuno gahi takaraviparitata: tánh cách của sự chấp điều sai với sự thật.

* Yatha ca taṃ gaṇhati tathābhāvena tassupatthanaṃ: Chấp với tánh cách hiểu lầm, những điều sai với sự thật, mà cho rằng đúng, không chịu bỏ.

Phạm đủ hai chi ấy mới gọi là tà kiến.

Đó là thập ác trái với thập thiện, là 10 điều luật của hàng tại gia cư sĩ.

Ngoài ra, Đức Phật còn dạy người cư sĩ phải làm tròn phận sự của một người cha, một người mẹ, một người chồng, một người vợ, một đứa con, một ông chủ, một người làm công, một công dân của một quốc gia… Nếu thuyết ra đây dài quá, vậy tôi tạm dứt nơi đây, về sau tôi sẽ thuyết về hai đoạn kinh Parathavasutta và Siṅgalovādāsutta, dạy thêm về luật sư sĩ.

Thời tháp đến đây tạm ngưng. Kỳ sau sẽ nói tiếp về Luật xuất gia và lời nói chân thật.

BÀI 19 SỰ AN LÀNH (TT)

Giải về Anāgāriya vinaya.

Đúng theo Phạn ngữ nghĩa là: luật của người vô gia đình. Ý nói: luật của người xuất gia, là những điều răn của Đức Thế Tôn đã khẩu truyền để dạy các người không còn bận việc trần thế. Nói một cách vi tế hơn, luật xuất gia có ý chỉ sự không phạm một điều học nào trong 227 điều.

Trong 227 điều học ấy, gọi là cụ túc giới, nếu phạm đến phải tuỳ theo điều nào sám hối được, hoặc không thể sám hối được, phải bị phạt, cấm phòng, hoặc phải bị cho hoàn tục, nghĩa là bị trục xuất khỏi Tăng Già.

Cụ túc giới chia ra làm 7 phần:

* Pārājika: bất công trụ.

* Saṅghadisesa: tăng tàng.

* Thullaccaya: tội trọng

* Pācittiya: ứng đối trị

* Patidessanīya: ứng phát lộ

* Dukkata: tác ác.

* Dubbhāsita: ác ngữ.

Thầy Tỳ-khưu phạm bất công trụ phải bị trục xuất, bị cho hoàn tục, phạm tăng tàng phải bị phạt cấm phòng, còn phạm 5 phần sau có thể xin sám hối được.

Đừng nói chi đến sự phạm vào bất công trụ và tăng tàng, thầy Tỳ-khưu phạm vào một điều học nào của 5 phần sau, có thể xin sám hối được, mà lại quên mình không xin sám hối, thì điều tội lỗi ấy, dù nhỏ cũng ngăn con đường thiên đàng và Niết bàn vậy, như câu của Đức Thế Tôn dạy rằng: Sapattikassa bhikkhave niriyaṃ vadamitiracchanayanimva! Này các thầy Tỳ-khưu! Như Lai nói rằng: địa ngục hay là súc sanh là cảnh giới dành để cho các thầy Tỳ-khưu phá giới đi sanh.

Đây tôi xin nhắc sơ lược một tích của vị Tỳ-khưu, chỉ phạm một giới nhỏ quên sám hối, mà phải sanh vào cảnh giới súc sanh.

Thời giáo pháp của Đức Phật Kassapa (Ca-diếp) có một vị Tỳ-khưu hành đạo trong rừng 8 muôn năm, giới hạnh trang nghiêm. Ngày nọ, đi ghe theo sông Gaṅga, tới một chỗ nước chảy mạnh ghe đi rát đổi mau, ông kinh sợ, níu một bụi tranh mọc nới bờ, rủi đứt một tội rất bất tịnh, ông quên sám hối, tưởng đó là một tội rất nhỏ thôi. Khi sắp lâm chung, ông thấy dường như có lá tranh đến, quấn vào cổ. Chừng ấy, ông muốn sám hối, nhưng rủi thay! Trong lúc ấy không có một vị Tỳ-khưu nào khác ở đó, để cho ông sám hói, nên ông rất ân hận mà thấy rằng giới hạnh của mình không hoàn toàn trong sạch. Vừa lúc ấy ông lại tắt hơi, được sanh làm vị Long Vương tên Erakapatta, sống từ thời Đức Phật Kassapa đến đời Đức Thế Tôn hiện tại của chúng ta, mới được Ngài thuyết pháp cho nghe. Long Vương nghe pháp xong chỉ thọ tam quy ngũ giới thôi, vì còn mang xác thân súc sanh mà không đắc đạo quả gì được.

Vì lẽ ấy, nên các thầy Tỳ-khưu có dể duôi phạm một điều học nào, dầu nhỏ thế mấy, cũng nên sám hối liền, bằng không, dầu có hành đạo tinh tấn đến đâu sắp đắc quả được cũng phải rớt không đắc quả trong bài kinh Aggikkadhipamasutta nói rằng: một lúc nọ Đức Thế Tôn đi ngang qua xứ Kosala, trông thấy ở lề đường một cay cổ thọ có bông và lửa đang cháy trong bông, đốt thân cây, xem ghê gớm và rất nguy hiểm cho cây ấy. Đức Thế Tôn ngụ ý, đem cây cổ thọ và lửa đang đốt nó, làm ví dụ, để thuyết một bài rất dài, dạy các thầy Tỳ-khưu về lửa phiền não hằng đốt thân con người…Trong khi nghe Đức Phật thuyết, có 60 vị Tỳ-khưu, vì có phạm bất công trụ mà dấu lỗi, phát tâm nóng nảy ân hận, mữa máu tươi ra chết tại chỗ, có 60 vị khác vì có phạm tăng tàng mà dấu lỗi tự xét trong tâm, "Phạm hạnh của Đức Phật dạy thật là cao quý, mà ta không thể hành được" suy nghĩ như thế rồi xin hoàn tục còn có 60 vị nữa, tự xét thấy mình rất trong sạch, đắc quả A-la-hán.

Quý vị nghe đến đây, có lẽ hoài nghi. Phải, và quý vị nên hỏi: nếu vậy, thời pháp của Đức Thế Tôn độ được 60 vị Tỳ-khưu đắc quả A-la-hán quả mà làm cho 60 vị nóng nảy mà chết và 60 vị phải xin hoàn tục. Thời pháp ấy có kết quả lành thì ít mà tai nạn thì nhiều, vậy sao Đức Phật thuyết? và lòng từ bi bác ái của Ngài ở đâu?

Đáp: chúng ta chỉ thấy gần mà không thấy xa. Đức Thế Tôn thấy xa hơn, hiểu nhiều hơn nữa, Nếu Ngài không thuyết thời pháp ấy, thì hai nhóm Tỳ-khưu, phạm bất công trụ và tăng tàng mà dấu lời, tha hồ lợi dụng lòng tín ngưỡng của tín đồ, mà làm hại cho nền Phật Pháp không ít, nhứt là khi các tội lỗi của các thầy thấu đến tai bọn ngoại đạo vè nếu Đức Thế Tôn cử để yên các thầy, các thầy mượn lá cờ Phật Pháp mà làm tội mãi, càng ngày càng chồng chất thì các thầy càng đi xa và đi sâu vào 4 đường ác đạo. Hơn nữa, Đức Thế Tôn không phải thuyết thời pháp ấy để làm hại các thầy. Đó là tự nới cái nghiệp của các thầy tạo, và do nơi sự suy xét và ân hận của các thầy ấy thôi!

Theo luật, nếu thầy Tỳ-khưu biết mình có lỗi xin hoàn tục tội lỗi ấy sẽ không theo trả quả cho thầy nữa.

Anāgāriya vinaya: luật của người vô gia đình đây nói về tứ thanh tịnh giới của các thầy Tỳ-khưu trong Phật pháp.

Catupārisuddhisīla - tứ thanh tịnh giới là:

* Patimokkhasaṃvarasīla: ba la đề mộc xoa thụ thức giới.

*  Indriyasaṃvarasīla: lục căn thu thúc giới.

* Ājīvapārisuddhisaṃvarasīla: chánh mạng thanh tịnh giới.

* Paccayasannissitasaṃvarasīla: quán tưởng thọ vật dụng thanh tịnh giới.

a) Patimokkhasaṃvarasīla: ba la đề mộc xoa thu thúc giới

Người cố tâm ráng thọ trì và thu thúc từ giới trong 227 giới cho được trong sạch cả 227 của Đức Thế Tôn đã giáo truyền gọi là ba la đề mọc xa thụ thúc giới hay là biệt giải thoát giới. Thầy Tỳ-khưu phải giữ cho được trong sạch tinh khiết, dù một giới nào nhỏ thế mấy cũng không nên phạm. Khi xưa, có nhiều vị Tỳ-khưu, thà chịu chết chớ không chjiu phạm một giới thật nhỏ.

Tôi xin nhắc một tích.

Có một vị Tỳ-khưu đi trong rừng gặp một bọn cướp, bắt ngài cột bằng thứ dây bò theo cây, ví như dây bình bát, rồi bỏ đi, vì sợ ngài về thành mách với nhà cầm quyền đến truy nã, chúng trốn đi không kịp chớ không có ác ý gì khác. Thầy Tỳ-khưu ấy không dám làm đứt sợi dây, sợ phạm ứng đối trị (trong điều học làm hại thảo mộc). Thầy cam chịu bị cột và nhịn đói trong 7 ngày, ráng tham thiền hết ngày thứ 7 đắc quả A-la-hàm chết sanh về cõi trời Ngũ Tịnh Phạm Thiên.

Nên có câu kệ.

Pātimokkhaṃ visodhento,

Appeva jīvitaṃ jahe;

Paññattaṃ lokanāthena,

Na bhinde sīlasaṃvaraṃ[48].

Nghĩa: hành giả, có đức tin, hành ba la đề mọc xa giới được thanh tịnh, có đủ can đảm bỏ mình, không chịu để phạm giới mà Đức Lokanatha (Đấng cứu thế) đã giảng giải.

Nghe tích này, trong quý vị có lẽ vi cảm động tư cách xử sự của vị Tỳ-khưu ấy, có vị cho rằng ngài câu nệ một giới rất nhỏ. Tôi xin bào chữa cho ngài như vậy, người như ngài, thật là biết yêu quý chơn giá trị của sự giải thoát và hết sức ghê sợ và hỗ thẹn tội lỗi, nên ngài được giải thoát, riêng chúng ta, còn làm nô lệ cho lòng phiền não cho nên khổ mãi trong vòng sanh già đau chết.

Gương sáng lạng ấy, chẳng những hàng xuất gia, mà quý vị tại gia cư sĩ cũng phải noi theo để gìn giữ tinh khiết giới hạnh của mình và nâng cao trình độ dũng cảm tinh thần của mình trên con đường giải thoát.

b) Indriyasamvarasilla: lục căn thu thúc giới.

Thầy Tỳ-khưu muốn được lục căn thu thúc giới, phải trông thấy quả báu cao thượng của sự thu thúc và tai hại của sự buông lung.

Đức Phật có dạy về hai điều ấy trong đoạn kinh Pathamasangeyyasutra rằng: chỗ sanh ra xúc có 6 là: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Thầy Tỳ-khưu, khi gìn giữ (6 cửa ấy) cho cẩn thận sẽ được an vui, bằng không, sẽ bị khổ tâm bực lòng.

Trong bài kinh Adittapariyāyasutta, Đức Phật có dạy rằng: các Thầy Tỳ-khưu dùng miếng sắt móc tròng con mắt, dao thật bén nạo lỗ tai, dao bén cắt lỗ mũi, dao cạo cắt đứt lưỡi, gươm lót từng miếng thịt, còn hay hơn dùng mắt tai mũi lưỡi thân ấy mà thu nạp các cảnh trần và cho rằng đó là đẹp, hay, thơm, ngon, mềm dịu, vui sướng. Thọ những vui sướng trong trần tục ấy, khi chết, thầy Tỳ-khưu chắc chắn đi về một trong bốn đường ác đạo.

Hơn nữa, thà ngủ quên đi còn hơn, vì ngũ quên chỉ là mọt tội nhỏ hơn khi thức ra mà thầy Tỳ-khưu suy nghĩ quấy. Vì suy nghĩ quấy lâu ngày, sự suy nghĩ quấy ấy sẽ dắc dẫn thầy Tỳ-khưu vào con đường tội lỗi.

Nhắc tóm tắt bài kinh này để quý vị thính giả thấy rằng: nói vi tế, thì dầu chỉ sự suy nghĩ trong tâm, Đức Phật cũng cấm sự suy nghĩ quấy mặc dầu chưa phạm tội.

Vậy, không riêng gì các bậc xuất gia, mà hàng cư sĩ cũng phải nói theo điều học của bài kinh này là lo thu thúc lục căn.

Người không thu thúc lục căn thường bị mất lợi lộc và bị sự tai hại trong kiếp hiện tại.

Tôi xin nhắc một tích.

Khi xưa, có nhiều trừu ở tại một hang núi gần Tuyết Lãnh. Trong bầy có một con trừu cái rất khôn ngoan tên Mendanata. Gần hang ấy có một hang khác của hai vợ chồng sói ở, sói đực tên Pūtimaṃsa, sói cái tên Veṇī, thường bắt trừu ăn thịt, bầy trừu sợ nên kéo nhau đi ở xa. Vợ chồng sói không còn bắt được thịt ăn, sói đực mới bàn với vợ: nàng hãy đến tìm cách làm quen với trừu cái Mendanāta khi thân nhau, nàng sẽ nói với nó rằng chồng tôi đã chết tôi không còn thân thuộc nào cả, chỉ có bạn, vậy bạn hãy đến giúp tôi an táng chồng tôi. Khi nào trừu đến tôi sẽ vật nó để chúng ta ăn thịt. Sói cái y lời rủ mãi đem trừu cái về được. Trừu cái Mendanāta luôn luôn đề phòng việc bất trắc, còn sói đực Pūtimaṃsa giả bộ chết khi nghe tiếng vợ về, sợ không rủ được trừu cái về ngóc đầu lên coi, trừu Mendanāta thấy mình trúng kê lật đật bỏ chạy về rất mau. Sói cái Veṇī tức giận mắng chồng:

“Tvaṃ khosi samma ummatto,

Dummedho avicakkhaṇo;

Yo tvaṃ matālayaṃ katvā,

Akālena vipekkhasi”[49].

Nghĩa: ông bạn! Bạn là người khùng, tính quấy, không có trí tuệ suy xét, đã giả chết mà còn ngóc đầu lên xem, không hợp thời.

Đức Thế Tôn kết luận tích này bằng câu kệ:

“Na akāle vipekkheyya,

Kāle pekkheyya paṇḍito;

Pūtimaṃsova pajjhāyi

Yo akāle vipekkhati”.

Nghĩa: bực trí thức không nê xem sắc trong lúc không nên xem, nên xem hợp thời. Người xem không hợp thời sẽ thất vọng buồn khổ như sói Pūtimaṃsa vậy.

Quý vị nên thấy sự tai hại của sự không thu thúc lục căn. Vậy tại gia cũng như xuất gia, chúng ta nên thu thúc.

c) Ājīvapārisuddhisaṃvarasīla: chánh mạng thanh tịnh giới.

Chánh mạng thanh tịnh giới được trong sạch do do nơi sự gắng sự nuôi mạng cho được trọn chánh ý theo Phật dạy. Trong bài kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta, Phật có dạy: này các thầy Tỳ-khưu! Thế nào gọi là cố gắng nuôi mạng chơn chánh? Này các thầy Tỳ-khưu! Thinh văn đệ tử trong Phật Giáo, cố dứt trừ tà mạng và nuôi mạng chơn chánh. Các thầy Tỳ-khưu này! Thầy Tỳ-khưu hành như thế mới gọi là nuôi mạng chơn chánh.

Chú giải có giải thêm rằng: tà mạng, mà Phật ngôn đề cập ở trên, đó là phương pháp bất chánh mà thầy Tỳ-khưu không nên dùng để được dâng cúng tứ vật dụng, 26 điều tà mạng ấy là:

* Giả làm cách tề chỉnh.

* Giả làm cách vui vẻ.

* Nói ướm.

* Giả bộ dọa hẩm.

* Được đồ nơi đây đem đi nơi khác.

* Cho tre.

* Cho lá cây.

* Cho bông hoa

* Cho trái cây

* Cho cây xỉa răng.

* Cho nước rửa mặt

* Cho vật để tắm (như sa-von)

* Cho vật thoa, dồi (khi xưa Đức Phật có cho phép các thầy Tỳ-khưu có dầu để thoa thân trong mùa rét cho khỏi nứt da)

* Cho đất của tăng.

* Tôn kính kẻ thế.

* Thật ít, dối nhiều.

* Giữ con cho người.

* Làm tay sai cho người.

* Làm thầy thuốc cho nguời.

* Đem tin cho người.

* Chịu cho người sai khiến.

* Đem cơm cho người rồi đi khất thực sau mà ăn.

* Cho đi cho lại

* Xem thiên văn địa lý.

* Xem ngày, tháng, sao hạn cho người.

* Xem tay, xem tướng và xem thai đàn bà.

Trong 26 điều tà mạng kể trên, có điều thuộcvề thân có điều thuộc về khẩu, thầy Tỳ-khưu nào có lòng tham muốn lợi lộc để nuôi mạng, hành theo 1 trong 26 điều, hoặc nhiều điều trong 26 điều, hoặc cả 26 điều kể trên gọi là tà mạng, là nuôi mạng không chơn chánh.

Các bậc thánh nhơn nuôi mạng chơn chánh luôn. Tôi xin nhắc một tích. Một lúc nọ, Đức Xá Lợi Phất (Sāriputta) đau bụng, Đức Mục Kiền Liên thấy vậy mới hỏi:

- Khi sư huynh chưa xuất gia mấy cơn đau bụng như thế này, uống thuốc chi mới mạnh?

- Ăn cơm đề hồ (cơm nấu bằng sữa tươi) tôi mạnh được.

Có một vị Chư Thiên nghe được câu chuyện đi mách với một bà thí chủ của Đức Xá Lợi Phất, bà nấu cơm để hầu dâng bát cho Đức Mục Kiền Liên, Đức Mục Kiền Liên đem về cho Đức Xá Lợi Phất. Đức Xá Lợi Phất từ chối hẳn, không thọ, vì Ngài tự nguyện đã nói phải nói ăn cơm đề hồ mới mạnh. Đức Mục Kiền Liên yêu cầu mấy lượt, Đức Xá Lợi Phất trả lời:

- Ruột tôi có đứt ta từ đoạn và nó có thể chun ra bò trên mặt đất (như rắn) đi nữa, tôi cũng không thọ vật thực này, vì tôi đã nhắc đến nó đêm hôm qua.

Rồi Ngài nhứt định không thọ.

Theo luật, dầu Đức Xá Lợi Phất có thọ cũng vô tội, song các bậc Thánh nhơn thọ trì giới luật rất chơn chánh và chỉnh chấn như vậy, rất đáng khen và đáng kính phục.

Những bậc xuất gia nên noi theo gương cao cả ấy mà cố giữ mình đừng cho phạm vào 26 điều tà mạng.

Đây là giải sơ lược về Chánh Mạng thanh tịnh giới.

d) Paccayasannissitasaṃvarasīla: quán tưởng thọ vật dụng thanh tịnh giới

Quán tưởng thọ vật dụng thanh tịnh giới đây ý nói khi thọ lãnh, khi dùng và lúc dùng xong tứ vật dụng của đàn bà, thí chủ dâng cúng, thầy Tỳ-khưu phải quan tưởng theo những lời của học bài Kinh quán tưởng bằng Phạn ngữ, bằng không hiểu Phạn ngữ thì cần học nghĩa của bài Kinh dịch ra tiếng mẹ đẻ, để lãnh hộ bài kinh để ngăn ngừa tâm không cho duyên theo dục lạc của trần thế. Bài kinh quán tưởng rất dài, nơi đây tôi xin miễn kể ra, sợ e mất nhiều thì giờ của quý vị thính giả.

Khi Đức Phật vừa thành đạo đến 15 năm sau, lúc ấy các đệ tử của Ngài toàn là bậc Thánh nhơn, bằng chẳng vậy cũng là bậc Tỳ-khưu biết yêu kinh giới đức của mình, nên các ngài không xao lãng về quán tưởng.

Về sau, có các vị Tỳ-khưu không quán tưởng vật dụng của thí chủ dân cúng, Đức Thế Tôn biết thế mới dạy rằng: này các Thầy Tỳ-khưu! Tứ vật dụng mà các thầy dùng, cần phải quán tưởng. Vậy từ đây trở đi, các thầy nên quán tương trước rồi sẽ dùng sau. Đức Thế Tôn bèn dạy cách quán tưởng.

Đức Thế Tôn có dạy rằng: các thầy Tỳ-khưu thọ tứ vật dụng của người cúng dường mà không quán tưởng, cũng như thọ thuốc độc.

Thầy Tỳ-khưu không nên dể duôi mà suy nghĩ rằng: vật dụng này của con ta, em ta, chị ta, anh ta, cha mẹ ta, ta kông cần quán tưởng cũng được vì nếu ta không xuất gia, những người ấy vẫn cho ta như thường. Vì thầy Tỳ-khưu, khi đã xuất gia, là người không còn gia đình, là người ly cắt ái để thuộc dòng tăng lữ nhắm mục đích giải thoát, mà thôi, không nên tự nghĩ mình như khi còn ngoài thế tục nữa.

Đức Thế Tôn có dạy: thầy Tỳ-khưu ăn cục sắt nướng đỏ còn hơn là thọ vật thực của thí chủ dâng cúng, nếu giới hạnh mình không trong sạch và khi thọ không quán tưởng.

Tôi xin nhắc lại lời nói của ông Sa-di Bhāgineyyasaṅgharakkhita[50]:

“Upajjhāyo maṃ bhuñjamānaṃ,

Sālikūraṃ sunibbutaṃ;

Mā heva tvaṃ sāmaṇera,

Jivhaṃ jhāpesi asaññato.

Upajjhāyassa vaco sutvā,

Saṃvegamalabhiṃ tadā;

Ekāsane nisīditvā,

Arahattaṃ apāpuṇiṃ.

Sohaṃ paripuṇṇasaṅkappo,

Cando pannaraso yathā;

Sabbāsavaparikkhīṇo,

Natthi dāni punabbhavo”

Nghĩa: tôi đang ăn cơm sali rất ngon, rất mát, thấy tế độ tôi mới kêu tôi mà dạy: này Sa-di người không nên tự để cháy lưỡi người, vì không quán tưởng. Tôi nghe lời dạy ấy làm kinh sợ và lo quán tưởng, tôi đắc quả A-La-hán khi còn ngôi tại chỗ ấy (nhờ sự kinh sợ và lo quán tưởng, đắc quả ngay khi ấy). Tôi suy nghĩ rất ráo như trăng trong ngày rằm. Tôi đã hết phiền não. Tôi sẽ không còn sanh lại nữa.

Vì vậy nên có câu kệ.

“Tasmā aññopi dukkhassa,

Patthayanto parikkhayaṃ;

Yoniso paccavekkhitvā,

Paṭisevetha paccaye”

Nghĩa: bởi vậy các bực hành giả muốn đi đến chõ dứt khổ phải dùng trí tuệ quán tưởng vật dụng trước rồi thọ sau.

Trên đây tôi đã giải tóm tắt về luật xuất gia đáng lẽ phải giải đầy đủ hơn, nhưng nếu như thế thì giải đến bao nhiêu năm cũng chưa hết. Vậy quý vị thiện tín muốn hiểu hãy đọc luật xuất gia lại cho nhuần nhã để biết ai là người mua bán Phật Giáo bằng cách làm màu mè, loè mắt thiện tín bằng những đều tà mạng như đã kể trên. Các vị Tỳ-khưu ấy hành tà mạng cũng ví như người bắt tôm để nhử cá lớn, các vị ấy lợi dụng Thiện tín, Thiện tín thấy vậy đừng tưởng rằng: Đại Đức ấy thương ta, tốt với ta, mà phải cố tránh tai nạn ấy, và ráng loại trừ các con chiên ghẻ phá hoại nền Phật Pháp một cách ngấm ngầm như mối ăn cây, ăn bên trong ăn ra, tuy ở ngoài còn tươi tốt mà ở trong đã bọng.

4. Subhāsita: người nói lối ngay thật (hay chân thật)

Tiếng Phạn Subhāsita rất khó dịch ra tiếng Việt, một tiếng Subhāsita mà gồm nhiều ý, đại khái là lời nói không hại người không hại mình (là người nói) đem sự lợi ích cho người, cho mình, lời nói không làm cho người bị khó chịu (nghĩa là nói dịu ngọt và hợp thời)

Đức Thế Tôn có dạy trong bài kinh Subhāsitasutta: này các vị Tỳ-khưu! Lời nói nào có đủ 4 chi, lời nói ấy mới gọi là Subhāsita, lời nói ấy không ai chê được, không có  tội lỗi. Lời nói có 4 chi ấy là thế nào? Này các vị Tỳ-khưu? Các thầy ở trong Phật Giáo nên nói đúng theo 4 chi là:

* Nên nói lời chân thật (Subhāsita), không nói lời giả dối (Dubhāsita)

* Nên nói Pháp, không nên nói ngoài Pháp.

* Nói lời mà người ưa thích, yêu mến, không nên nói những lời mà người ghét.

* Nói lời thật, không nói lời hoang đàng. Thầy Tỳ-khưu nói đúng theo 4 chi ấy gọi là lời (Subhāsita) chân thật.

Theo chú giải Ṭīkā của Sacokammadvārakātha có dạy: người nói đúng 4 chi này gọi là lời Subhāsita, 4 chi ấy là:

* Không nói đâm thọc.

* Không nói chuyện hoang đàng.

* Không nói lời hung ác.

* Không nói dối.

Theo bài kinh Sabhalahusutta, Đức Thế Tôn có dạy: người hằng nói dối, nói đâm thọc, nói vu vơ, nói hung ác, sẽ bị sanh về 4 đường ác đạo. Vì đó không phải là Subhāsita.

Theo chú giải Aṭṭhasālinī, nói về khẩu nghiệp, có dạy thầy Tỳ-khưu nói đúng theo 4 chi này gọi là nói lời Subhāsita nói ngay thật, không nói đê tiện, nói lời vô tội, và nói lời mà các bận trí thức khen ngợi.

Về trạng thái để ta nhận thức đều là lời Subhasita, có 5 chi mà Đức Thế Tôn có dạy trong kinh Subhāsitasutta: này các vị Tỳ-khưu! Lời nói nào có đủ 5 chi, gọi là lời nói chơn thật Subhāsita. Năm chi ấy là gì? Năm chi ấy là:

* Nói hợp thời

* Nói lời chơn thật

* Nói lời dịu ngọt.

* Nói lời có lợi ích,

* Nói lời đầy vẻ từ bi.

Này các vị Tỳ-khưu! Lời nói có đủ 5 chi ấy, được cả bậc trí thức hằng ngợi khen.

Đây tôi xin giải về 5 chi kể trên.

a) Kālena ca bhāsita hoti:  lời nói hợp thời.

Người ở đời muốn nói, một chuyện gì cần phải xem coi thời buổi có thuận tiện cho mình nói hay không. Lắm khi nói sái thời có hại đến cho mình, cũng như tích của con rùa và hai con hạc mà tôi kể ra đây:

Tích xưa, có con rùa ở một cái ao rừng gần Bārāṇasī mỗi ngày, có một cặp hạc đến ao kiếm ăn. Rùa và hạc lâu ngày làm quen nhau trở nên thân mật, rùa mới hỏi thăm chỗ ở của hạc, biết hạc ở rừng nơi núi Hy Mã Lạp Sơn. Rùa muốn viếng xứ bạn mà ngại đường xa, mới nghĩ ra một kế đem ra bàn với cặp hạc, cặp hạc ngậm hai đầu của khúc cây, để rùa ngậm giữa khúc, cặp hạc bay thì rùa được kéo theo bay được. Cặp hạc bằng lòng và căn dặn rùa khi nghe thấy gì lạ cũng chẳng nên nói, hỏi chi cả. Rùa chịu. Khi bay ngang qua Bārāṇasī, trẻ con thấy lạ la lên rằng: coi con rùa biết bay! Rùa ta muốn cải chánh rằng nó được khiên chớ có bay được đâu, vừa mở miệng, rùa té rớt xuống đất, bể mai chết, ngay trước mặt đức vua và vị quân sư. Vị quân sư mới thừa dịp chỉ và nói với đức vua rằng: người nói không tuỳ thời thì bị tai nạn như vậy. Sau khi nhắc tích này xong, Đức Thế Tôn dạy rằng vị quân sư là tiền thân của Ngài, tuỳ phương tiện nhắc nhở nhà vua hay nói không hợp thời.

Chúng ta nên xem gương ấy mà răn mình. Đừng nói những việc không nên nói, nên chịu đựng trong trường hợp nên chịu đựng, dầu cho mình biết rằng nói ra được hơn người. Nói hơn người mà không hợp thời thì lời nói ấy hóa ra vô ích. Vì vậy nên phương ngôn Sanscrit có câu: câm đi còn hơn nói không hợp thời.

b) Sacca ca bhāsita hoti: lời nói chân thật

Lời nói chân thật có nhiều lẽ, một là ta làm điều nào nói điều ấy, không nao lòng vì tai hại có thể đến cho ta vì nói thật như thế, đây là tánh cách không nói dối. Còn lẽ thứ hai, là nói lời chơn thật tức là nói: tứ diệu đế. Đức Thế Tôn thuyết diệu đế hơn hai ngàn mấy trăm năm về trước mà đến ngày nay cũng không ai chối cãi được vì Ngài nói đó là sự thật, là chân lý. Đức Thế Tôn có dạy: sự chân thật có, mà không mấy người nhận thấy. Ý Ngài dạy: đời đầy khổ não, nào già, nào đau, nào chết, những chúng sanh ở trong khổ não, già, đau, chết ấy không chịu nhận rằng già, đau, chết. Khi quý vị gặp bạn, chào hỏi xong quý vị nói: sao bạn mau gìa quá vậy? Thì ý bạn xem như buồn, còn nếu quý vị nói. Bạn coi trẻ quá, thì ý bạn vui tươi. Sự thật, chúng chìm trong khổ não, mà đa số không nhìn nhận. Cho nên Đức Phật mới dạy rằng sự chân thật hiển hiện mà ít người trông thấy.

Đức Phật thuyết tất cả 8 muôn 4 ngàn pháp môn, toàn là lời chân thật, là chân lý, cho nên đến ngày nay vẫn còn nguyên vẹn, và rất nhiều bậc học thức uyên thâm quan tâm khảo cứu để học và hành theo, đúng theo câu của Đức Thế Tôn dạy: Saccaṃ ve vācā. Nghĩa là: lời nói chân thật là lời nói bất diệt.

c) Saha ca vācā:  lời nói dịu ngọt:

Lời nói dịu ngọt là lời không cộc cằn, không làm cho người nghe khó chịu. Lắm người nham hiểm, không mắng chửi, nói nghe ngọt như mật, mà ý nghĩa mai mỉa, nhứt óc người nghe, lời ấy không gọi là lời dịu ngọt được. Bao giờ nói lời đã dịu ngọt êm ái mà ý nghĩa lời nói không làm cho ai phải khổ, mới phải là lời dịu ngọt. Trên đời này, chẳng có ai ưa lời thô bỉ, chẳng có ai ưa bị mắng nhiếc và bị chọc tức. Lời nói thô bỉ lời mắng nhiếc sẽ có ảnh hưởng tai hại đến người nói như trong tích dưới đây.

Tích xưa, tại xứ Takkhasilā, một thầy Bà-la-môn có một con bò đực tên Nandivisāla, mà thấy thương như con. Bò Nandivisāla lớn lên, cảm mến ơn đức của chủ mới nói với thầy Bà-la-môn:

- Thầy hãy đi đánh cá với ông bá hộ như vầy: bò tôi có thể kéo một trăm cỗ xe nối liền nhau và chở đầy.

- Vậy tôi đánh cá với bò của ông.

Thầy Bà-la-môn y lời, hai bên ưng thuận với số tiền cá là một ngàn đồng. Bắt kế xong, thầy Bà-la-môn ngồi trên xe la lên:

- Con bò chết giầm, hãy kéo đi.

Bò Nandivisāla nghe lời thô bỉ ấy thối chí không kéo xe nổi. Thầy Bà-la-môn thua cuộc về nhà buồn rầu. Bò Nandivisāla thấy thế mới nói:

- Thôi bây giờ thầy hãy cá gấp đôi! Nhưng đừng dùng tiếng bất nhã với tôi nữa.

Thầy Bà-la-môn y lời. Khi bắt kế xong, thầy đến vuốt ve Bò Nandivisāla và nói:

- Con ơi! Con ráng kéo xe cho cha, không thì khổ cho cha lắm!

Bò nghe lời dịu ngọt ấy, phấn khởi trong lòng kéo trăm cỗ xe đi dễ dàng. Thầy Bà-la-môn thắng cuộc.

Đức Thế Tôn nhắc xong tích này mới dạy rằng: bò Nandivisāla ấy là tiền thân của Ngài. Rồi Ngài thuyết rằng: ngày các thầy Tỳ-khưu! Đã là lời thô bỉ thì không ai ưa!. Rồi Ngài ngâm câu kệ rằng:

“Manuññameva bhāseyya,

Nāmanuññaṃ kudācanaṃ;

Manuññaṃ bhāsamānassa,

Garuṃ bhāraṃ udaddhari;

Dhanañca naṃ alābhesi,

Tena cattamano ahūti”[51]

Nghĩa: bao giờ người cũng nên nói lời cho người khác vừa lòng, không nên nói lời làm phật lòng người khác. Khi Thầy Bà-la-môn nói lời dịu ngọt vừa lòng bò Namdavisala, bò kéo nổi xe nặng, giúp thầy được của.

Tôi nhắc lại tích này để quý vị thấy rằng: đối với loài thú, nó còn không ưa lời thô bỉ cộc cằn, vậy ta không nên dùng lời ấy với bất cứ là ai, ta nên dùng lời dịu ngọt. Lắm lúc, có người sẵn sàng giúp ích cho ta, mà nghe ta nói lời không vừa họ thì họ không giúp ta.

d) Atthasanhitā ca thasitā hoti: lời nói có lợi ích

Lời nói có lợi ích là trái lại với lời nói vô ích, là nói chuyện giặc giã, tiểu thuyết, truyện đời xưa, chuyện trào phúng. Nói lời lợi ích là đối với đời chỉ cho người làm việc hợp theo chánh nghiệp chánh mạng, còn đối với đạo, là nói Pháp hợp cho người nghe hoặc khuyên người đừng thù oán làm hại lẫn nhau, hoặc giải những nỗi khổ lòng người tuỳ theo trường hợp. Nói tóm lại, lời nói làm cho người được của hợp theo lẽ đạo và làm cho người được sự an vui trong ngày vị lai, mà không có hại cho kẻ khác, không hại mình là người nói pháp dạy đạo, là nói có lợi ích.

e) Mettācittena ca  bhāsita hoti: lời nói đầy vẻ từ bi.

Lời nói đượm vẻ từ bi khi muốn nói điều chi với người thân hoặc kẻ nghịch, trong thâm tâm ta cố tránh những biến nhẻ, xuyên tạc, chỉ nói lời dịu ngọt và tâm ta coi kẻ thù của ta cũng như ta nghĩa là ta nói không phải vì thù nghịch hoặc tư lợi.

Vậy trong tiếng nói Subhāsita, cân phải có đủ 5 chi nói trên, và lời nói như thế đem lại an vui cho người nói.

Kết luận:

Câu kệ thứ ba, Đức Thế Tôn dạy:

Bāhusaccañca: tư cách người nghe nhiều học rộng.

Sippañca: có nghề nghiệp.

Vinayo ca susikkhito: học thông thuộc Luật

Subhāsitā ca yā vācā: nói lời ngay thật.

Ấy là 4 điều an lành cao thượng.

Nhờ nghe nhiều hiểu rộng mới xét đoán được đâu là chân lý, đâu là Phật Giáo của kẻ lợi dụng Đạo Phật.

Có nghề hạp với khả năng của mình thì tránh được sự nghèo khỏi đói khó.

Người hiểu rõ luật của mình phải hành theo, hay nói dễ nghe là người biết bổn phận của mình, là người có hạnh kiểm cao quý, không phạm điều tội lỗi.

Người nói lời ngay thật (Subhāsita) được bề trên kẻ dưới cùng bạn tác yêu kính vì.

Thực hành 4 điều trên đây, ta sẽ được hạnh phúc cao thượng không cần cầu cạnh nơi một tha lực nào.

BÀI 20 TU VỀ NHÂN ĐẠO - SỰ AN LÀNH (TT)

Tôi xin giải về tu nhân đạo

từ xưa đến nay, người nghe đến tiếng tu, đều có cảm tưởng là phải làm một nhà sư, hay là một ni cô mới gọi là tu. Thành ra, người đời coi Phật Giáo như là một giáo lý để cho người yếm thế, nhưng kỳ thật Phật Giáo là một giáo lý để dạy chung cho tất cả các hạng người, các giai cấp trong xã hội. Phật Giáo ví như bể cả có thể chứa đủ các thứ nước trong lục địa chảy vào.

Vì lẽ ấy nên hôm nay tôi muốn giải "tu về nhân đạo". có lắm người nói rằng: ta tu nhân đạo là đủ rồi. nên có ai cắc cớ hỏi: tu nhân đạo là tu thế nào? Thì người ấy không ngần ngại sẽ đáp rằng: nghĩa là phải ăn ở hiền lành. bởi nhân đạo nói trên nên tôi xin rút câu kệ thứ tư trong bài Hạnh phúc kinh giải ra đây cho thấy rằng: Phật Giáo chẳng những dạy người xuất gia mà thôi, lại dạy cả hàng cư sĩ, để làm cho mình ra một nhân vật đáng gọi là hiền nhân quân tử được.

Câu kệ ấy như vầy:

“Mātāpitu upaṭṭhānaṃ,

Puttadārassa saṅgaho;

Anākulā ca kammantā,

Etaṃ maṅgalamuttamaṃ”

Nghĩa:

Một: nết hạnh phụng sự Mẹ.

Hai: nết hạnh phụng sự Cha,

Ba: sự tiếp độ vợ con,

Bốn: làm xong công việc của mình làm

Cả bốn điều ấy là hạnh phúc cao thượng.

Như trong thời pháp số 14 (18/4 al) với nhan đề báo ơn cha mẹ và lễ quy y. hôm nay, tôi chỉ xin nhắc sơ lược lại một ít nơi đây. Quý vị nên xem thêm bài pháp tôi kể trên.

1. Nết hạnh phụng sự mẹ cha

chúng sanh có xác thân này, là nhờ công ơn cha mẹ sanh dưỡng săn sóc từ nhỏ đến lớn. lớn lên cha mẹ còn lo cho con ăn học, cho có nghề để sau này nuôi mạng chơn chánh. bởi vậy, bổn phận làm con, trước hết phải lo cho tròn chữ hiếu là phải phụng dưỡng cha mẹ. trong sự phụng dưỡng, người con phải tỏ vẻ luôn luôn cung kính cha mẹ, chẳng làm lấy rồi lấy có. lắm gia đình, con nuôi cha mẹ bằng một cách miễn cưỡng, cho nên có câu phương ngôn: cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày.

vậy bổn phận làm con không nên để tệ hơn cây gậy của cha mẹ, như có tích trong Pháp Cú Kinh dạy rằng[52]:

một lúc nọ, Đức Thế Tôn ngự tại Kỳ Viên tịnh xá, khi ấy có một vị Bà-la-môn rất giàu, ông có năm (?) người đã lập nên gia đình cả. sau khi bà vợ quá vãng, ông muốn cưới vợ bé để coi việc gia đình. Năm con dâu nghe mới bàn với chồng rằng: cha đã già rồi cưới vợ để làm gì, để chúng tôi thay phiên nhau chăm sóc cho cha có hơn không? Năm người con trai vào hầu cha thuật tự sự. ông cha bằng lòng chia của cải ra làm năm phần cho năm người con, ông chỉ ở đậu để dâu nuôi dưỡng. ban đầu còn tử tế, sau lần lần phai lợt, cả năm người dâu bỏ ông không lo chăm sóc, trái lại còn đuổi xô ông nữa. ông không thể chịu nổi tình cảnh ấy, cùng cực ông phải đi xin ăn thật là khổ sở. ngày kia ông gặp người bạn cũ tự thuật lại hoàn cảnh của ông và xin người bạn tìm phương cứu giúp. người bạn đáp: tôi không biết phương thế nào cứu giúp bạn được. vậy bạn hãy vào chùa Kỳ Viên để nhờ đấng cứu thế là đức Gotama. Ngài có khả năng cứu người cả vật chất lẫn tinh thần. Ông Bà-la-môn ấy nghe lời vào hầu Phật và xin Đức Phật phương pháp nào khỏi khổ về gia đình của ông. Đức Thế Tôn dạy cho ông tối rằm đến nghe pháp và sau thời pháp phải làm như vầy... như vầy...

đêm rằm, có nhiều tín đồ trong đó cũng có con ông Bà-la-môn ấy và có đức vua Ba-tư-nặc ngự đến thính pháp. Sau khi nghe pháp xong, tín đồ đứng dậy ra về, ông Bà-la-môn đứng lên nói: xin chư quý thiện nam, tín nữ và đàn na thí chủ hãy tạm ngừng để cho lão bộc bạch đôi lời. có lẽ quý vị không quên già này, trước đây là một phú hộ trong thành Thất-la-phiệt (Sāvatthī) này. Hôm nay già phải đi xin ăn, thật ra già có con mà con của già không bằng cây gậy này, vì cây gậy này già chống đi ngừa lúc chân rung tay yếu, hoặc đuổi chó đánh mèo, nhưng riêng con của già khi được chia của cho lại bỏ già đói lạnh xin ăn như thế này. Các tín đồ tại nơi ấy, nhất là đức vua mới hỏi: ai là con ông? Ông chỉ đức vua và công chúng muốn biết rõ. Nhưng những đứa con ấy biết ăn năn xin đem cha về nuôi dưỡng. khi đem về vợ tỏ vẻ bất bình, những người con trai ấy mới nói rằng: nếu các người không bằng lòng thì cứ tự nhiên ra đi, riêng chúng tôi không thể hèn hơn cây gậy của cha chúng tôi.

nhắc tích này, tôi muốn chỉ rằng: làm con không biết phụng dưỡng cha mẹ, hoặc phụng dưỡng một cách miễn cưỡng còn thua loài ăn cỏ. và điều thứ nhì là Đức Thế Tôn chẳng những cứu người ra khỏi vòng luân hồi khổ mà thôi, riêng về vật chất ngài cũng tìm phương tế độ.

Chúng ta hãy coi theo gương của Đức Thế Tôn đối với vua cha là đức Tịnh Phạn vương và hoàng hậu Ma-Da hết lòng hiếu thuận. sau khi đắc quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác rồi, ngài ngự trên cõi trời Đạo Lợi, độ mẹ là hoàng hậu Ma-Da đắc quả Tu-đà-huờn, về triều độ vua cha đắc quả A-la-hán, và sau khi vua cha thăng hà, tự ngài lo liệm xác vua cha và thân hành khiêng quan tài đến chỗ trà tỳ tự tay ngài nổi lửa thiêu đốt.

Đức Phật có dạy rằng: các bậc trí thức đều kính trọng những người biết phụng dưỡng cha mẹ và người biết phụng dưỡng cha mẽ sẽ được nhiều sự an vui nhờ quả của sự phụng thờ cha mẹ. như trong túc sanh truyện có tích như vầy. khi xưa có con kên kên rất hiếu thảo với cha mẹ. vì già nên không thấy đường, không thể đi kiếm ăn được, hai kên kên già chỉ nhờ con đi kiếm mồi đem về nuôi và vải đem về làm ổ cho ấm. bữa nọ, kên kên đi kiếm mồi, rủi mắc chân vào bẫy của một anh thợ săn. Anh thợ săn liền hỏi kên kên rằng:

- ta nghe loài kên kên mắt trông thấy xa ngàn dặm, sao ngươi để cho mắc bẫy của ta?

Kên kên trả lời:

- thưa ông, thật mắt tôi thấy xa, nhưng khi cái nghiệp nó đến rồi, không có tài lực nào mà ngăn nó được khiến cho mắt sáng thành ra vô dụng. nay tôi sa vào lưới của ông rồi, tôi đàng chịu chết, không oán trách, song tôi thương hại cho cha mẹ tôi, mù lòa, già cả, không ai nuôi dưỡng, rồi phải chết, mà cái chết đáng thương là chết đói.

Anh thợ săn thấy kên kên có hiếu với cha mẹ nên thương, liền mở bẫy ra. Con kên kên này là tiền thân của đức bổn sư Thích-Ca. nếu con người không biết lo phụng dưỡng cha mẹ thì còn tệ hơn loài cầm thú kia vậy. tôi nhắc tích này để chư thiện tín tông thấy rằng: người có hiếu có thể làm cho những người dầu hạng nào cũng thương hại ta được.

2. Giúp đỡ vợ con

bổn phận làm cha mẹ đối với con có 5 điều[53]:

* Pāpā nivārenti: không cho con làm điều tội lỗi

* kalyāṇo nivesenti: dạy con làm việc

* sippaṃ sikkhāpenti: cho con đi học chữ hoặc làm nghề

* paṭirūpena dārena saṃyojenti: khi con lớn nên định vợ hoặc gả chồng

* samaye dāyajjaṃ niyyādenti: chịu chia gia tài cho con khi con đã có gia đình (nếu giàu có).

Chẳng những vậy, về phần tinh thần, cha mẹ cũng phải dạy cho con biết, nếu con không có đức tin thì nên liệu thế nào dắt dẫn cho con trở thành người chánh tín, cũng như bá hộ Cấp Cô Độc. ông bá hộ Cấp Cô Độc có người con trai tên là Kāla[54]. người con này không tin Phật Pháp, ưa theo tà kiến. ông kiếm đủ phương thế để cho con trở nên chánh kiến nhưng không thể cảm hóa được, bữa kia ông mới kêu con mà nói rằng: nếu con chịu thọ bát quan trai giới với Đức Phật thì cha sẽ cho con một trăm ngàn đồng. người con vâng lời đến thọ giới cho có chừng, rồi về nhà lãnh một trăm đồng vàng.

lần khác, ông Cấp Cô Độc kêu con đến bảo rằng: NếU con đến nghe Đức Phật thuyết pháp và con nhớ được một câu Phật ngôn, chỉ một câu thôi, cha sẽ thưởng con một ngàn đồng vàng. người con chịu đi nghe, thầm tín ráng nhớ một câu rồi rút lui không khó.

Khi cậu Kāla vào giảng đường nghe thuyết pháp, cậu cố nhớ một câu rồi đứng dậy ra về, khi ra về lại quên đi, đây là do thần thông của Đức Thế Tôn. cậu lấy làm tức mình, chăm chú nghe đặng nhớ một câu. Hôm ấy, Đức Thế Tôn thuyết về sự chết, không chúng sanh nào thoát khỏi cái chết. cậu Kāla hiểu và phát tâm kinh sợ, diệt trừ phiền não đắc Tu-đà-huờn quả.

về nhà, cậu nhớ đến số tiền cha sẽ thưởng, cậu rất hổ thẹn đóng cửa ở trong phòng một mình.

Sáng ngày, nhân dịp Đức Thế Tôn đến trai tăng nơi nhà, ông bá hộ Cấp Cô Độc mới kêu con ra lãnh số bạc một ngàn đồng vàng, người con mắc cỡ không chịu ra và không chịu lãnh số tiền thưởng. Đức Thế Tôn biết Kāla đang lúng túng và rất hổ thẹn trước mặt chư Tăng và cha mẹ nên ngài dạy câu kệ rằng:

“Pathabyā ekarajjena

saggassa gamanena vā

sabbalokādhipaccena

sotāpattiphalaṃ varaṃ”[55]

Nghĩa: Tu-đà-huờn quả cao quý hơn đế vị, sự an vui trên cõi trời, và tất cả sự may mắn chủ quyền trong vũ trụ (ý nói làm Chuyển Luân Thánh Vương)

Theo ý Đức Thế Tôn dạy rằng: không thể đem vật gì ở trong tam giới này lại sánh với quả Tu-đà-huờn được.

Khi đã đắc quả Tu-đà-huờn rồi, thì vàng bạc ngọc ngà đối với Kāla không còn có giá trị gì hết.

Tích này chỉ cho ta thấy rằng: một người cha sáng suốt có thể dắt con đi về con đường chánh được. vậy bổn phận làm cha mẹ chẳng những lo cho con được an vui trong kiếp hiện tại này mà thôi. cần phải lo cho con khỏi phải đi lạc vào đường tà và phải tìm phương pháp cho con đi vào chánh đạo để khỏi sa đọa vào 4 đường ác, như thế mới gọi là làm tròn bổn phận làm cha mẹ đối với con.

Không nên vì tiền bạc hay danh vọng mà bán rẻ con hay đẩy con vào con đường mờ tối.

bổn phận người chồng đối với vợ có 5 pháp là[56]:

* sammānanāya: thân mến nói toàn lời ngọt dịu

* anavamānanāya: không làm khổ, đánh đập, mắng chửi vợ

* anaticariyāya: không ngoại tình

* issariyavossaggena: để cho vợ làm chủ cai quản gia đình

* alaṅkārānuppadānen: mua đồ trang điểm cho vợ

đối với ông Phán khi bà Phán đã quá vãng rồi, ông có bổn phận là làm việc lành như niệm Phật, bố thí, trì giới, hầu hồi hướng các phước báu ấy đến cho bà, như thế tâm linh của bà phán ở cảnh giới khác sẽ được an vui. người quá vãng không thể ăn uống các vật thực cúng kiến, không thể mặc những đồ bằng giấy đốt dâng, mà cũng thể dùng những giấy tiền vàng bạc đốt cúng cho để mua ăn được. người quá vãng cần được phước báu của người trong cõi đời này hồi hướng cho, cũng như người đi trong bãi sa mạc cần nước vậy.

người quá vãng mà ta có than khóc thương tiếc người ấy cũng chẳng nghe biết tới, như có câu Phật ngôn rằng[57]:

“Na hi ruṇṇaṃ vā soko vā

yācaññā paridevanā

na taṃ petānamatthāya

evaṃ tiṭṭhanti ñātayo”.

Nghĩa: các sự than khóc, uất ức hoặc thương tiếc, thảy đều vô ích. Nhất là sự than khóc chẳng có ích chi cho người quá vãng. Khi người khóc lóc, thương tiếc, uất ức, ăn năn sau này đều là sự vô ích, vì người quá vãng chẳng được nghe và thấy những điều ấy.

vậy nếu trong gia đình ta có người quá vãng thì nên dùng trí tuệ mà nghĩ rằng: trong vũ trụ này từ hàng vua chúa đến một người ăn xin không ai tránh khỏi tay tử thần. đây tôi xin kể lại tích trong Túc sanh truyện[58] để chư thiện tín nghe và lấy làm gương suy nghĩ, đừng để phải đau khổ trong khi quyến thuộc có người quá vãng.

Khi xưa có một nhà vua có chín anh em. khi thái tử chết, đức vua lấy làm buồn rầu, bỏ ăn bỏ uống, cả ngày chỉ than khóc thôi, không ai khuyên được ngài. Trong chín người em của đức vua có một người em trai tên Ghaṭapaṇḍita. Ông này ra đường đứng khóc hoài, mọi người đều hỏi ông:

- tại sao ông khóc?

Ông đáp:

- tôi muốn bắt con thỏ ở cung trăng mà không biết làm sao bắt được.

ai cũng cho rằng ông điên và đem câu chuyện ấy thuật lại cho vua hay. Trong chín người anh em đức vua thương ông Ghaṭapaṇḍita hơn hết. khi nghe chuyện ấy, ngài lật đật chạy ra đường nắm tay em và nói rằng:

- tại sao em đi lang thang cùng thành đòi bắt thỏ như là kẻ mất trí vậy? Em muốn thỏ bằng vàng, bạc, ngọc ngà, xích châu... vương huynh sẽ bảo thợ kim hoàn làm cho em, hay em muốn thỏ thật. vậy em muốn thứ thỏ nào bảo cho vương huynh biết nào?

Ghaṭapaṇḍita đáp:

- những loại thỏ nào có mặt trong quả địa cầu này em đều không muốn, em chỉ muốn thỏ trên cung trăng thôi.

đức vua nghe như thế lấy làm rầu khổ vì nghĩ rằng Ghaṭapaṇḍita đã điên rồi. nên nói rằng:

- này Ghaṭapaṇḍita, chắc thế nào em cũng chết về chứng bệnh này, có lý nào em lại muốn được thỏ trên cung trăng.

vương huynh biết rằng:

- người mơ ước thỏ trên cung trăng sẽ bị chết, vì không bắt được thỏ buồn rầu thất vọng mà chết. tại sao vương huynh lại than khóc hoàng tử đã ly trần, vì ngươi đã chết rồi không còn trông thấy hình ảnh nữa.

Ghaṭapaṇḍita mới dạy thêm rằng:

- tâu vương huynh câu nói rằng con sanh ra không khi nào chết, câu này tất cả chư Thiên và nhân loại không có ai được nghe, vương huynh khóc con đã chết, vương huynh cũng không thể đem quân đi đáng tử thần để cướp con về được. đã gọi là chết thì không ai đem của cải ra mua chuộc hoặc đem quân ra chiến đấu hay dùng mưu trí để trốn được, mà cũng không thể dùng quyền chức để đe dọa được. tất cả nhân loại từ vị hoàng đế đến kẻ ăn xin, các nhà trí thức cùng các vị đạo sĩ cũng không trốn thoát, đến các bậc Giác ngộ cũng phải nhập Níp-bàn.

đức vua Vāsudeva nghe qua hiểu rõ sự chết là của chung của nhân loại nên không buồn phiền nữa.

nhắc tích này, trước là ông Phán và chư thiện tín nên dùng trí tuệ quan sát thấy rõ rằng: tất cả nhân loại đều đi chết mà trong ấy ta là một. khi đã quan sát như thế không còn buồn thương uất ức đồi với người đã quá vãng và chính mình cũng không dám làm tội lỗi, mà khi sắp lâm chung cũng không kinh sợ, vì mất nhân vật yêu thương quý mến nhất là thân này.

Như đã thuyết ở đoạn trên đối với người quá vãng có buồn than là việc vô ích, đối với người chỉ có hồi hướng phước báu là họ mới được thọ lãnh, đây tôi xin nhắc lại tích trong bộ kinh Petavatthu để quý vị thấy quả của sự hồi hướng.

Có ba chục vị Tỳ-khưu hành đầu đà ở rừng, sáng sớm các ngài ra xóm khất thực. đi đến mé sông Gaṅgā (Hằng hà) gặp một con ngạ quỷ đứng ở bờ sông, các ngài mới hỏi:

- ngươi làm gì đứng đó?

Ngạ quỷ đáp muốn đi tìm nước uống. các vị Tỳ-khưu nói:

- nước đầy cả sông sao không xuống mà uống?

Ngạ quỷ đáp:

- bạch chư Đại Đức, một khi tôi xuống đến mé sông thì nước đều hóa ra lửa.

Chư Tỳ-khưu nghe tình thế ấy lấy làm thương hại, nên bảo ngạ quỷ nằm xuống, các thầy dùng bát múc nước đổ vào miệng từ rạng đông cho đến mặt trời gác ngọn cây mới hỏi ngạ quỷ rằng:

- ngươi đã đã khát hay chưa?

ngạ quỷ đáp:

- bạch chư Đại Đức, không có một giọt nước nào vào đến cổ tôi cả. nếu tôi mà có nói dối, tôi xin nguyện vĩnh đọa mãi trong địa ngục.

nhắc đến đây để cho chư thiện tín thấy rằng: đổ nước vào miệng mà còn không được uống thay, phương chi chúng ta cúng vái mà có ăn chịu vào đâu. Đáng ghê sợ thay cái nghiệp ác.

buổi chiều, trong lúc Đức Thế Tôn đang dạy đạo cho chư thiện tín, ba chục vị Tỳ-khưu mới đem chuyện ấy bạch hỏi Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dạy rằng:

- chỉ có hồi hướng phước báu đến mới được.

Đức Thế Tôn có dạy cách làm. Ba chục vị Tỳ-khưu đi nấu nước, thiện tín thì bố thí đường, sữa, trà, mời chư Tỳ-khưu đến cúng dường. ba chục vị Tỳ-khưu ấy mới hồi hướng phước ấy cho ngạ quỷ. Đêm ấy, trong khi ba chục vị đang đi kinh hành có một vị chư Thiên hào quang sáng rỡ bay đến đảnh lễ các ngài và cho biết rằng là ngạ quỷ buổi sáng do nhờ quý ngài hồi hướng phước báu đến, cho nên được sanh làm chư Thiên, nói xong bay về trời.

đây để chư thiện tín thấy rằng: người sanh về cảnh giới khác không ăn uống được đồ của ta, người ấy cũng có đồ vật dụng như ta ở trong cõi đời này. Vì vậy nên xin nhắc lại cho chư thiện tín biết rằng khi ta muốn làm phước ngày nào thuận tiện thì làm liền chúng ta không cần phải làm ngày kỷ niệm, biết đâu người ấy đang đau khổ đợi ta cho phước.

3. Làm xong công việc của mình làm

theo Phạn ngữ câu kệ này có nghĩa là làm việc đàng hoàng không bỏ mứa. như người định cất nhà lo mua đủ gạch ngói, lo dựng cột, làm vách, rán làm cho rồi chứ không bỏ mứa, làm nửa chừng rồi để đó.

người cư sĩ hay là hàng xuất gia cũng vậy. khi mình đã quyết định làm một việc gì thì trước nhất phải suy xét cho rốt ráo, rồi khi bắt tay vào làm công việc ấy, dầu có gặp điều gì trở ngại cũng không thối chí ngã lòng, cương quyết làm tròn phận sự, không nên viện một cớ gì mà bỏ dở, điều cần thiết là nói ít làm nhiều hơn nói nhiều nhưng làm ít. Chúng ta hãy noi gương của một vị Tỳ-khưu tham thiền tinh tấn, tích ấy như vầy:

Có một vị Tỳ-khưu tham thiền, song cứ mỗi lần tham thiền ông hay buồn ngủ. Muốn làm tròn bổn phận mình, ông tìm đủ phương chước trừ tật buồn ngủ. Trong mùa lạnh tại sông Gaṅgā (Hằng hà) là nơi rất lạnh, khi ông buồn ngủ ông lấy cỏ khô quần lại đội lên đầu rồi xuống trầm mình xuống nước sông, ông tự bảo rằng: Ta thả trôi sự buồn ngủ rồi. Thầy Tỳ-khưu ấy tinh tấn kiên nhẫn như vậy 12 năm mới đắc quả A-la-hán.

Kiếp chót của Đức Phật là thái tử Sĩ-đạt-ta, sau khi xuất gia, phải 6 năm khổ hạnh, còn xương bọc lấy da, Ngài không nản chí. Trong khi Ngài chưa đắc quả Ngài tinh tấn quá sức trờ nên khổ hạnh. Sau Ngài tỉnh ngộ trông thấy rằng khổ hạnh không phải con đường giải thoát, Ngài bỏ đi và trở lại hành theo con đường trung đạo. Sau rốt, dưới cội Bồ đề, Ngài mới phát nguyện rằng: nếu ta không thành đạo quả, dầu xương tan thịt nát cũng không rời cội Bồ đề này. Với lòng kiên nhẫn chí cương quyết, Ngài tìm thấy con đường giải thoát và thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác. Đây là những gương quý chúng ta hãy noi theo gương ấy và hãy cố đem lại soi lòng ta trong khi ta không được tinh tấn để làm tròn phận sự. Đức Phật có dạy không phải mang cái giống đực đó là người nam được, trong cái giống ấy còn cần phải có sự cương quyết kiên nhẫn làm tròn phận sự mới gọi là nam nhân được. cũng như chẳng phải cạo đầu, đắp y, mang bát đó là Tỳ-khưu. một vị Tỳ-khưu cần phải xuất gia hợp luật, học giữ giới hạnh thanh cao đúng theo lời giáo huấn của đức giáo chủ. Nhung than ôi! Lắm kẻ lợi dụng lòng tôn kính của tín đồ lợi dụng ngay bộ cà-sa để nuôi mạng. hoặc có kẻ cũng xuất gia đúng theo Chánh Pháp nhưng không ở chung với các hàng trí thức để các ngài chỉ bảo thêm cho, chỉ muốn ở riêng biệt một mình vì nhiều lẽ là: khi ở chung với các vị cao Tăng Đại Đức thường hay bị các ngài khiển trách vì làm không tròn phận sự của một vị Sa-môn. Vì muốn ra lãnh một cái chùa để có tín đồ riêng, hoặc muốn cho người biết rằng: cũng là một vị trụ trì, một vị pháp sư. những kẻ này rất đáng thương và đáng sợ, đáng thương là người đã xuất gia mong được giải thoát ngoài vòng của sự bận lòng, mà trái lại mang vào một cái gia đình khổng lồ khác; còn đáng sợ là sợ vì ham mê danh lợi khó chạy khỏi 4 đường ác, chẳng những cho mình mà còn đưa những người nghe theo mình đi đến nơi không lành. vậy chư thiện nam, tín nữ không phải thấy đắp y mang bát là tin được. cần phải xem luật xuất gia để hiểu rõ tránh và đào thải những con chiên ghẻ của Phật Giáo.

Giáo Pháp của đấng Cứu Thế đã để lại rõ ràng, chúng sanh nên noi theo mà thực hành cho được an vui, an vui trong đời hiện tại và kiếp vị lai, còn chúng sanh nào duyên dày, nghiệp mỏng thì được giải thoát nhập Níp-bàn, hưởng sự bất sanh bất diệt.

Đức Thế Tôn tiên đoán biết rằng: giáo lý của Ngài rất cao sâu khó cho chúng sanh thông thấu được nên Ngài luôn luôn chỉ dạy những pháp phù hợp theo duyên của chúng sanh. Có nhiều người thường nói rằng: theo Phật toàn là để cho người thoát tục, vậy chúng ta lo tu nhơn đạo trước tốt hơn. Vì vậy hôm nay tôi mới giải về cách tu nhơn đạo của nhà Phật là[59]:

* nết hạnh phụng sự mẹ

* nết hạnh phụng sự cha

* sự tế độ vợ con

* làm xong việc của mình làm

bốn tánh cách trên, khi người đã thực hành hoàn toàn rồi mới tạm gọi là người tu tròn nhơn đạo.

đến đoạn này đáng ra là dứt thời pháp, nhưng thì giờ còn sớm tôi xin nhắc thêm câu kệ là:

“Supinena yathāpi saṅgataṃ,

paṭibuddho puriso na passati;

evampi piyāyitaṃ janaṃ,

petaṃ kālakataṃ na passati”[60]

Nghĩa: người đã tỉnh mộng rồi, thì không thấy cảnh trong mộng nữa. cũng như người còn sống không thể gặp người yêu đã quá vãng.

Huống chi, Đức Phật có dạy rằng: trong đời này có 4 hạng ngựa là:

* ngựa bắt kế vào xe biết phận sự mình nên kéo xe chạy

* ngựa bắt kế vào xe rồi, cần phải thấy bóng roi rồi mới chịu chạy

* ngựa bắt kế vào xe rồi, cần phải bị một roi cho đau mới chịu chạy

* ngựa bắt kế vào xe rồi, dẫu đánh chết cũng không chạy

cũng như bốn hạng người là:

* người khi sanh ra có xác thân này ví như ngựa kép cái xe. một khi người biết rằng: có thân này tất nhiên phải chết. nên người ấy hết sức kinh sợ cái chết, ráng lo tu hành để giải thoát khỏi vòng sanh tử. cũng như ngựa bị bắt kế vào xe nó biết rằng: chỉ có phận sự là chạy nên nó cố chạy.

* Người thứ nhì, không nghĩ đến cái chết, đến khi thấy người hành xóm chết, mới nghĩ rằng: ngày kia ta cũng phải chết như người ấy. nên kinh sợ, ráng lo tu hành. Cũng như con ngựa thứ nhì khi trông thấy bóng roi kinh sợ rán chạy.

* người thứ ba, không khi nào nghĩ đến cái chết mặc dầu đã trông thấy người hàng xóm chết cũng chẳng màng. đến khi có người trong gia quyến chết mới biết kinh sợ cái chết sẽ đến mình, chừng ấy mới ráng lo tu. Cũng như ngựa thứ ba, phải bị một roi rất đau mới chịu chạy. một đại đa số người biết ăn năn nhờ trường hợp này. Hôm nay tôi nhắc câu Phật ngôn này cố ý nhắc lại cho ông Phán nhớ thêm rằng: bà mà quá vãng đây, phải chăng là một vết thương mà cũng là một điều nhắn nhủ ông hãy rán tu hành tinh tấn thêm lên, không vì lẽ mất người thân mà buồn khổ. Xin ông nhớ câu kim ngôn của đức Giáo Chủ mà tôi đã lập lại lúc nãy để cố quên sự buồn rầu, và nên thương hại lấy mình cố gắng tu tập. chỉ có quả lành mới thấu đáo đến người quá vãng. Khi ta buồn thương chẳng có ích chi cho người quá vãng, mà trái lại mất thì giờ của ta tu học, Đức Thế Tôn gọi hạng người như thế là người quên mình thương kẻ khác hơn thương mình. vậy chúng ta là hàng Phật tử hãy cố bỏ sự thường tình ở thế gian là sự ăn năn, uất ức, thương tiếc, buồn rầu, nên rán lo tu hành để mau giải thoát khỏi vòng thống khổ.

* người thứ tư khi trông thấy người trong gia đình mình chết cũng không nghĩ đến ngày của mình cũng sẽ chết như người ấy, chỉ biết khóc than rồi sau chuỗi ngày qua lòng nhớ thương lần lần phai lợt. cũng trở vào vòng của tài, sắc, lợi, danh, đến chết cũng để cho cái nghiệp dẫn đi. Cũng như con ngựa bị bắt kế vào xe, dầu bị đánh đến chết cũng chịu, chớ không chịu chạy.

rất mong tất cả hành đệ tử Phật, không bi lụy trước cảnh tang thương biến đổi, không quên mình như hạng người thứ tư, và rất có trí nhớ trong mỗi phút về sự giải thoát khỏi cõi đời ô trược dẫy đầy sự đau khổ này.

BÀI 21 SỰ AN LÀNH (TT)

Trong Hạnh Phúc Kinh câu kệ thứ 5, Đức Thế Tôn có dạy rằng:

“Dānañca dhammacariyā ca,

Ñātakānañca saṅgaho;

Anavajjāni kammāni,

Etaṃ maṅgalamuttamaṃ”

Nghĩa là:

Một: nết hạnh bố thí.

Hai: nết hạnh theo Phật pháp.

Ba: hạnh giúp đỡ quyến thuộc,

Bốn: những điều vô tội,

Cả bốn điều ấy là hạnh phúc cao thượng.

1. Hạnh bố thí

bố thí là đem tiền của, hoặc vật thực hay áo quần cho kẻ khác

Đức Phật dạy chúng ta bố thí để diệt lòng bỏn xẻn và bồi bổ thêm đức từ bi. nhiều người vì bỏn xẻn có tiền dư, không cho kẻ khác đói khó hơn mình, họ bo giữ của hoặc tìm phương làm cho sanh lợi thêm, lo tích trữ thêm cho nhiều. những người ấy càng làm cho lòng dục vọng tăng trưởng thêm. Đành rằng những việc làm của họ không ác nhưng với tánh tham lam và bỏn xẻn ấy không phải là tánh tốt, nên không gọi là người tu được. những người ấy chúng ta có thể gọi là người không làm ác thôi. Nhưng trái lại những người này, họ cho rằng họ là người tu. Vì họ nói rằng: tôi không có làm điều gì ác. Nên đây tôi xin nhắc lại rằng: sự không làm dữ là cướp của người về cho mình ấy vì ghê sợ có tội đối với quốc gia hoặc vì danh dự, hay vì chưa gặp trường hợp thuận tiện mà thôi. Trái lại, người tu là người phát nguyện cố xa lánh những điều tội lỗi vì ghê sợ tội lỗi trong ngày vị lai và rất thẹn với lương tâm, nên cố xa lánh những điều tội lỗi. hơn ấy nữa, người ấy cố làm thêm việc lành như bố thí để diệt lòng bỏn xẻn và bồi bổ thêm đức từ bi.

Chúng ta nên suy nghĩ coi, vạn vật trên đời này đều không bền vững. một tai nạn xảy ra như lửa cháy, nước lụt, trộm cướp, giặc giã thì bao nhiêu của cải của ta tích trữ sẽ vì nạn ấy mà tiêu tan. thậm chí như không có tai nạn gì xảy ra, đến khi ta chết cũng không đem của cải ấy theo được, ta không thể nhờ của cải mà mua chuộc cái già và lo lót với tử thần cho khỏi chết. vậy của cải là vô thường, nó không đem lại sự hạnh phúc cho ta. Vì vậy nên Đức Thế Tôn có dạy rằng: tiền tài là món thuốc độc hại kẻ thiếu trí. Trái lại, các bậc trí thức tiền tài là món đại bổ. theo ý của câu Phật ngôn này dạy rằng: người thiếu trí vì say mê theo tiền bạc không hề làm việc lành, chẳng những vậy, khi thấy của người tới mắt dám giết người, hoặc tìm phương này thế nọ để lường gạt người đem về cho mình. Hơn ấy nữa vì lòng bỏn xẻn keo kiệt, những người có nhiều của cải ham mê theo của cải ấy không bố thí được. khi sắp lâm chung nhớ đến của cải của mình đã có mà mến tiếc, phải bị luân hồi vào nơi khổ sở. tôi xin nhắc tích của ông bá hộ tên Macchariya (Bỏn xẻn)

tại xứ Sāvatthī, có một ông bá hộ rất bỏn xẻn, người ta đặt tên ông là Macchariya. ông có chôn rất nhiều khạp vàng, khi ông sắp chết ông sực nhớ đến khạp vàng của ông chôn nhưng sức đã kiệt không thể chỉ cho con được. ông lấy làm tiếc của ấy, nên sau khi chết, ông sanh làm con chó trong gia đình ấy. vì có tình quyến thuộc khi xưa nên con ông bá hộ rất cưng con chó mới sanh. Khi đã lớn, con chó ấy rất lo giữ của. ngày nọ, Đức Phật đi khất thực ngang qua nhà ông bá hộ, con chó ấy chạy ra sủa Đức Phật. ngài hỏi rằng:

- bá hộ Macchariya ngươi đã sanh vào nhà này rồi há?

nhờ oai đức của đấng Chí Tôn nên khiến cho chó ta nhớ lại tiền kiếp của mình, lấy làm buồn khổ, lầm lũi vào nhà tìm nơi yên tĩnh mà nằm. khi ông bá hộ con đi về không thấy chó ra mừng như thường ngày, lấy làm lạ đi kiếm, thấy chó nằm buồn, mới hỏi những người trong nhà:

- tại sao hôm nay chó thấy ông về không mừng?

có người biết đáp rằng:

- không biết khi nãy, thầy Gotama nói những gì với nó làm cho nó buồn.

ông bá hộ đi mời Đức Thế Tôn đến hỏi. khi Đức Thế Tôn đến ngài không trả lời câu hỏi, trái lại ngài hỏi con chó rằng:

- này Macchariya! Ngươi còn chôn vàng ở đâu sao không chỉ cho con ngươi?

Chó líu ríu lại moi chỗ chôn vàng. Bá hộ con mới moi những chỗ ấy lên được những khạp vàng.

nhắc tích này lại để chư thiện tín trông thấy rằng: lòng bỏn xẻn, sự tham mê, quyến luyến của cải có hại như vậy. vậy các bậc trí thức biết dùng của cải làm vào việc từ thiện là bố thí, gởi của cải mình về ngày vị lai. người bỏn xẻn trong kiếp này tuy ăn dư ăn để nhưng kiếp sau sẽ trơ trọi nghèo nàn, tại sao vậy? bởi người bỏn xẻn không có kết được duyên lành với kẻ khác, không có lòng từ bi thương hại kẻ khác đang chịu cảnh thiếu thốn cơ hàn. Vì quả của sự bỏn xẻn ấy nên kiếp sau sẽ thiếu hụt, không người giúp đỡ và không có bạn hiền.

hiện nay, đông bào bị nạn lụt nhiều nơi, cả ngàn người không nhà ở, không cơm ăn, không áo mặc. quý ông, quý bà đọc báo cũng thấy rõ tình cảnh nguy nan của dân chúng trong các nơi như Phan Thiết, Biên Hòa, Tây Ninh, Thủ Dầu Một... đồng bào đang lâm vào cảnh khổ, họ cần sự giúp đỡ của ta. Trong lúc chúng ta đang ngồi nơi ấm áp, ăn món ngon, bỏ những đồ thừa thải, thì biết bao nhiêu đồng bào của chúng ta đang mong được của thừa ấy. vậy hôm nay, sư không ngần ngại gì xin chư thiện tín hãy mở lòng từ bi thương xót đến những người đang thiếu thốn ấy. nên giúp đỡ ít nhiều, ra tay tế độ, như thế chúng ta mới đáng gọi là người con biết noi gương theo đức Từ Phụ. Đem ánh sáng đến chỗ tối tăm, đem chén cơm tấm áo đến nơi đói lạnh.

Đức Phật dạy rằng: người có tác ý lành bố thí là người được nhiều hạnh phúc. Vì người ấy diệt lòng bỏn xẻn và bồi đắp đức từ bi, người ấy đem sự an vui đến cho kẻ thiếu thốn tức là người ấy được sự hạnh phúc cao thượng.

quý vị được duyên may ở nơi chỗ không bị tai nạn, quý vị thấy vui vẻ. nếu quý vị chịu khó đem mình để vào cảnh của người dành dụm của cải hằng mấy mươi năm, hôm nay hết sạch, không có cơm ăn, áo mặc, mất vợ lạc con, mất cha mẹ, anh em, thì chắc quý vị thấy rùng mình lo sợ tai nạn ấy. nếu quý vị muốn không bao giờ gặp cảnh tượng hãi hùng ấy, thì bây giờ ta hãy tìm kế bài trừ nó trước đi. phải bài trừ bằng cách nào? Theo lời Phật dạy thì người muốn được sự an vui, hãy cho sự an vui đến kẻ khác. hiện giờ đây, những kẻ bị tai nạn đang muốn được sự an vui, ta hãy chia sự an vui một phần ít tùy theo sức của mình cho những người thiếu hụt ấy. trong khi ta đang vui chơi nơi hí trường, nơi các hiệu cao lầu thì biết bao nhiêu kẻ khóc vì thiếu ăn, con đau vợ bệnh phải ăn khoai củ qua ngày. vậy xin quý vị hãy nghĩ đến cảnh đau khổ ấy nhịn chút ít vui thừa để tiếp độ đồng bào đang đói khó. sự bố thí như thế gọi là diệt lòng bỏn xẻn, hay gọi là nung đúc thêm đức từ bi. phải chi 2 triệu dân ở Sài thành này (bấy giờ) mỗi người nhịn ăn quà bánh, hoặc coi chiếu bóng, cải lương một buổi, một đêm, số tiền ấy đem giúp cho đồng bào bị nạn lụt, thì biết bao nhiêu người nhờ của thừa thải ấy được no ấm trong bao nhiêu ngày.

Đức Phật dạy bố thí, đây, ý Ngài muốn chúng sanh chia sớt sự sung sướng của mình cho nhân loại. vậy xin nhắc lại cho thiện nam, tín nữ và các nhà có đạo tâm, nên nhớ đến đấng Chí Tôn cả đời tận tụy hy sinh bỏ sự an vui của đời đế vương, tầm đường giải thoát và tiếp độ chúng sanh. Chí hướng của ngài chỉ muốn cho nhân loại được an vui. vậy chúng ta là đệ tử của Ngài, mặc dầu không thể làm được như ngài, thì chúng ta cũng nên tập cho được đôi chút đức hạnh của ngài, là hy sinh chút ít hạnh phúc của ta cho đồng bào đang trông sự giúp đỡ của chúng ta.

2. Hành theo pháp

pháp là những điều nào đúng theo ta gọi là Pháp, Phạn ngữ là Dhamma. Ý nghĩa của tiếng Dhamma là phàm vật chi nó giữ được tánh chất của nó không thay đổi gọi là Dhamma (Pháp). Có lẽ chư thiện tín phân vân rằng: tại sao thiện cũng là Pháp mà ác cũng là Pháp? Như đã giải trên rằng: pháp là những điều đúng theo sự thật. nghĩa là dù thiện hay ác cũng đều là sự thật, nhưng nó chỉ khác nhau tính cách là ác hay thiện mà thôi. một khi ta làm điều thiện thì tức nhiên quả của điều thiện ấy sẽ gìn giữ ta không cho ta sanh vào bốn đường ác. nếu ta làm ác thì quả của cái ác cũng không cho ta sanh vào chỗ an vui. Nên gọi là Pháp.

Nói đây, ý dạy rằng: hàng Phật tử hành theo pháp là hành theo 10 điều lành, gọi là thập thiện, thân có 3 pháp lành, khẩu có 4 pháp lành, ý có 3 pháp lành, gọi là hành theo pháp.

  • thân phải cho trong sạch là phải tránh sự sát sanh, trộm cắp, tà dâm. Có người hiểu lầm rằng: muốn giữ thân cho trong sạch là phải tắm gội cho thường, xổ cho sạch ruột, ấy gọi là trong sạch. hiểu như vậy là hiểu bề ngoài về vệ sinh thôi.

Đức Phật dạy ta giữ thân cho sạch về tinh thần, chẳng phải tắm dưới sông Hằng mà hết tội, chẳng phải uống nước cam lồ mà sạch ruột.

nếu một khi người đã phạm vào sát sanh, trộm cướp, tà dâm, thì thân của người ấy đã nhơ bẩn rồi, không thể dùng nước sông, nước biển mà rửa sạch được. duy có một thứ nước là trì giới của Đức Phật mà thôi.

Tích xưa, khi Đức Phật còn tại thế, chư Thiên thường xuống nghe thuyết pháp, lúc đêm khuya. đức Ānanda mới bạch hỏi Phật rằng:

- Bạch Đức Thế Tôn, tại sao chư Thiên, Phạm Thiên hằng chờ đến đêm khuya mới xuống nghe thuyết pháp?

Đức Thế Tôn đáp rằng:

- vì các bậc trời rất ghê tởm thân trược của chúng sanh, nên chờ đến đêm khuya vắng lặng, nhân loại an nghỉ hết mới xuống.

Có lần Đức Phật bị bệnh kiết. ban đêm, Đức Đế Thích xuống săn sóc và đổ phẩn cho Đức Thế Tôn, Đức Ānanda mới bạch hỏi Phật rằng:

- bạch Đức Thế Tôn, nghe nói các bậc trời ghê tởm thân của con người, tại sao đức Đế Thích lại đến đổ phẩn cho đức Thế Tôn?

Đức Phật đáp Ngài là đấng có giới đức thanh cao, trời Đế Thích rất kính mến giới đức ấy, nên không còn biết vật gì sạch hay dơ, chỉ biết giới đức là cao cả. nhắc đây để thiện tín trông thấy rằng giới đức mới là một hương vị cao thượng hơn các hương vị khác. Vì hương thơm chỉ bay theo chiều gió, còn giới đức dầu ở nơi nào cũng thấu đáo.

  • khẩu phải giữ cho trong sạch là không nói dối, không nói đâm thọc, không nói lời vô ích, không chửi rủa mắng nhiếc kẻ khác

một khi mà người đã phạm vào trong 4 điều tội ác kể trên rồi, thì miệng ấy là miệng dơ bẩn, dầu dùng phấn thơm đến đâu để súc miệng cũng vẫn dơ. Duy chỉ có một thứ phấn của Đức Phật có thể làm cho miệng trong sạch là phấn trì giới vọng ngữ. trong giới vọng ngữ có ý bao gồm cả nói đâm thọc, nói lời vô ích, chửi rủa, mắng nhiếc kẻ khác.

  • ý là phải giữ cho trong sạch là không tham lam, sân hận, si mê

chúng ta bị luân hồi từ vô số kiếp đến nay, cũng vì chúng ta không kềm được ý ác của chúng ta. Đành rằng sự dạy tâm là một việc rất khó, song đức Từ Phụ đã có dạy ta các phương pháp để dạy tâm ta. trước hết phải có trí nhớ. Trí nhớ ví như cây đót của người cày ruộng, dùng để chích con bò trong lúc nó lười biếng và quên làm phận sự. muốn diệt lòng tham lam, ta phải thường hay bố thí, niệm tâm từ. muốn diệt lòng sân hận (nóng giận) ta cần phải tập tánh từ bi và nhẫn nại. sự sân hận làm cho người nói quấy, làm quấy, nghĩa quấy. vì sân hận khiến ta cột oan trái, oán thù với người khác, không được bạn lành. những kẻ có tánh sân hận thường hay phao vu cho kẻ khác bị tai hại. đây tôi xin nhắc lại tích của Đại Đức Sārīputta (Xá-lợi-phất) bị một thầy Tỳ-khưu phao vu cho đã giận của thầy ấy[61]

Lúc nọ, Đức Thế Tôn ngự tại Kỳ Viên tịnh xá. Khi ấy nhằm lúc ra hạ, đức Xá-lợi-phất muốn vào an nghỉ tham thiền ở rừng. ngài vào hầu Đức Thế Tôn xin phép đi rừng. có rất nhiều vị Tỳ-khưu đến đưa ngài đi, trong khi ngài tiếp các vị Tỳ-khưu, có một vị Tỳ-khưu nhỏ tuổi, lạ, ngài không biết mặt và tên rõ, nên ngài không kêu gọi và nhắc nhở sự tu hành. Hơn nữa vì nhiều vị quá nên cũng không tiếp chuyện cho được đầy đủ mỗi vị. thầy Tỳ-khưu ấy mới nghĩ rằng: ông Xá-lợi-phất không hỏi han gì ta cả, khi ta quá. thầy cột oan trái và kiếm kế phao vu cho ngài Đại Đức phải xin lỗi thầy. thừa lúc ngài Đại Đức đi ngang qua mặt thầy, chéo y của ngài chạm nhầm, được dịp may, thầy đợi cho đức Xá-lợi-phất ra khỏi chùa rồi hầu Phật và tố cáo rằng: ngài Xá-lợi-phất ỷ mình là đại đệ tử Phật, khi ra đi còn bộp tai đệ tử thật là đau, mà ngài cũng không xin lỗi đệ tử nữa. Đức Thế Tôn không nói gì cả, cho các thầy Tỳ-khưu ra gọi đức Xá-lợi-phất vào. Khi ấy đức Mục-kiền-liên và đức A-nan-đa nghĩ rằng: chắc Đức Phật biết rằng sư huynh ta không có đánh vị Tỳ-khưu này, nhưng ngài muốn tự miệng của sư huynh ta nói sự thật. hai vị Đại Đức đi mở cửa chùa gọi các thầy Tỳ-khưu vào nghe đức Xá-lợi-phất thú tội.

Khi đức Xá-lợi-phất vào đến đảnh lễ Đức Thế Tôn xong, ngồi nơi phải lẽ, Đức Thế Tôn mới hỏi:

- tại sao ngươi đánh thầy Tỳ-khưu này?

Ngài đảnh lễ Đức Thế Tôn xong rồi đáp rằng ngài ví thân ngài như mặt đất, như nước, như gió, như vải dơ, như người Caṇḍāla (Chiên-đà-la), như bò bị rụng sừng, sự mang lấy cái thân này nặng nề cực nhọc như con rắn mang cái xác nặng nề, sự rán tập thân này như chén mỡ đặc. sau khi Đại Đức Xá-lợi-phất ví ngài với 9 điều ấy, quả địa cầu là vật vô tri vô giác mà cũng rung động như tỏ lòng kính phục đức từ bi và nhẫn nại của ngài. Các thầy Tỳ-khưu có mặt nơi ấy đều rơi lụy. riêng thầy Tỳ-khưu phao vu ấy, lấy làm ăn năn hối hận việc làm của mình, đến quỳ dưới chân Đức Thế Tôn xin ngài tha lỗi. Đức Thế Tôn dạy đức Xá-lợi-phất tha lỗi cho thầy Tỳ-khưu ấy. đức Xá-lợi-phất quỳ xuống bạch rằng:

- bạch Đức Thế Tôn đệ tử vui lòng tha thứ tội lỗi cho thầy Tỳ-khưu ấy và xin thầy vui lòng tha lỗi cho đệ tử, nếu đệ tử có lỗi với thầy.

nhắc tích này để thiện tín thấy rằng: tâm từ bi, nhẫn nại nhận lỗi của mình có thể dứt được lòng sân hận, oán thù của mình, còn hơn ấy nữa ta là người làm gương cho những người tu Phật sau này. Đây tôi xin giải 9 điều ví của ngài. Ngài ví ngài như mặt đất. vì lẽ cố nhiên, người ta đem các thứ hoa thơm rưới trên mặt đất, hoặc các thứ xe đi trên mặt đất, hay chúng ta đại tiểu tiện trên mặt đất, thì mặt đất cũng không vì lẽ được người rưới nước hoa mà vui hay bị người đại tiểu tiện mà buồn. ngài ví ngài như nước. vì lẽ cố nhiên người có đem nước đi uống, tắm hoặc rửa đồ dơ bẩn ấy mà cũng không vui mà cũng chẳng buồn. ngài ví ngài như lửa. lẽ cố nhiên, người ta có đem lửa đi cúng, thờ (tục lệ Ấn Độ khi xưa thờ thần lửa), lửa cũng không vui, nếu đem đi đốt tử thi thì lửa ấy cũng không buồn và không bao giờ lửa chọn vật để cháy, nghĩa là vật gì cũng có thể cháy được hết. ngài ví ngài như vải dơ chùi chân. lẽ cố nhiên, vải lau đồ dơ nó không khi nào biết phàn nàn tại sao đem nó đi lau đồ dơ. Ngài ví ngài như hạng Caṇḍāla (Chiên-đà-la) vì hạng này là hạng hèn nhất ở Ấn Độ trong thời ấy, ai muốn đánh, chửi, mắng nhiếc, thậm chí đến dầu cho giết chết cũng vô tội. ý ngài muốn nói rằng ai làm gì ngài, ngài cũng cam chịu không buồn than gì cả. trong khi ngài ví ngài như hạng người này, làm cho thầy Tỳ-khưu phao vu ngài lấy làm hổ thẹn và rất cảm động. ngài ví ngài như bò bị rụng sừng, nó rất sợ chạm phải vật cứng, nhất là sự gây chuyện với kẻ khác. Ý ngài nói ngài rất sợ sự gây chuyện với kẻ khác. Ngài ví ngài với con rắn mang cái xác nặng nề cực nhọc. ý ngài nói ngài mang lấy ngũ uẩn này rất nặng nề khổ sở. ngài không ham chuyện gây gỗ, kiện tụng nhau, ngài chỉ mong sự giải thoát mà thôi, ngài không vì cái thân đem sự đau khổ này mà đi tranh giành những gì với kẻ khác. Ngài ví ngài như chén mỡ đặc, ý ngài muốn nói rằng chén mỡ đặc không đụng vào đâu được.

trong 9 điều này, ý ngài đều chỉ rằng: ngài là người không thích sự tranh tụng gây gỗ, hơn nữa ngài là người mà ai ai muốn làm gì cũng được. ngài không quyền cấm cản ai và cũng không chống lại với ai cả, ngài chỉ biết sống ngày nào hay ngày ấy thôi. nếu toàn thể chúng ta đều là người nghĩ như ngài là nhìn lỗ, mặc dầu mình là người phải thì không bao giờ có sự gây oán thù cột oan trái nhau. Vì vậy nên Đức Phật sánh lòng sân hận như đống lửa đang bừng cháy, cần phải có nước mới tắt được. vậy tôi xin ví nước ấy như lòng từ, vật đựng nước là sự nhẫn nại, người tưới nước vào lửa ấy là trí nhớ, sức mạnh của người vụt lửa ấy là sự tinh tấn đại cường. người muốn trừ lòng sân hận phải có trí nhớ, nhẫn nại, từ bi, tinh tấn mới vụt tắt được lòng sân hận.

si mê là tin những điều không đáng tin như tin ở tha lực, tin sự cúng tế cầu phước, tin có người cho ta giàu nghèo,... các sự tin ấy gọi là tin lầm hay mê tín. Đức Phật dạy chỉ tin ở cái nghiệp mà thôi, tin ở luật nhân quả và điều đáng nhớ nhất là tự ta giải thoát cho ta.

muốn diệt lòng si mê cần phải gần bậc thiện trí thức và học hỏi thêm về các phép giải thoát.

3. Giúp đỡ quyến thuộc

quyến thuộc là bà con cả hai bên nội và ngoại, từ ông bà xuống đến con cháu.

nếu hiểu nghĩa rộng theo giáo lý nhà Phật thì quyến thuộc là cả người trong một xứ và rộng hơn nữa, quyến thuộc là gồm cả nhân loại. tại sao? Vì từ vô số kiếp, chúng sanh luân hồi mãi mãi, trở đi trở lại, hoặc làm người, hoặc làm vật. trong vô số kiếp ấy, chúng ta cũng như các vai tuồng trên sân khấu, cũng anh kép đó khi thì làm cha, làm con, làm chồng, cũng một cô đào đó, khi thì làm mẹ, làm vợ, làm con.

Chúng sanh đều là quyến thuộc nhau, chúng ta nên niệm lòng từ bi, giúp đỡ quyến thuộc trong khi bị những điều khốn khổ như nạn lụt, cháy nhà,...

Giúp đỡ quyến thuộc là một trong ba hạnh của các bậc Bồ-tát. Ba hạnh (Buddhacariyā) ấy là:

* Lokatthacariyā: hành hầu lợi ích cho thế gian, nghĩa là ngài tìm phương thế làm cho đời được an vui

* Ñātatthacariyā: hành hầu lợi ích cho quyến thuộc nghĩa là ngài làm cho quyến thuộc ngài khỏi tai hại hay là giúp cho quyến thuộc được an vui

* Buddhatthacariyā: hành hầu đạt quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nghĩa là ngài hành theo 30 pháp ba-la-mật hầu giác ngộ cứu nhân sinh.

người có của lo bo bo giữ của, không biết giúp đỡ quyến thuộc, người ấy không phải là đệ tử Phật. vì nếu đệ tử Phật hằng noi theo gương của Phật cố tìm sự an vui cho quyến thuộc.

như có tích rằng[62]: tiền thân của Đức Phật là một con quạ ở tại thành Bārānasī. bữa nọ, có một ông quan đi tắm ở sông Hằng, trong bầy quạ có một con nói với bọn nó rằng:

- để tôi đại tiện trên đầu tên này chơi.

Trong đoàn có con cản rằng:

- người ấy là vị đại thần xứ này, nếu làm cho người này giận thì chúng ta không thể ở yên và sẽ bị người tru diệt.

nhưng con quạ kia không nghe lời, đại tiện trên đầu ông quan ấy. ông này tức giận nói rằng:

- ta sẽ tru diệt hết bọn bây.

Trong thâm tâm ông tìm cách trả thù loài quạ.

Lúc ấy, trong thành vua, chuồng tượng cháy, những thớt tượng bị phỏng thành bịnh ghẻ không phương thuốc chi trị hết. đức vua buồn rầu nên phán hỏi bá quan coi vị nào có phương pháp chi đặng chăng. Thì ông quan ấy mới tâu vua rằng:

- chỉ có mỡ quạ trị được bệnh ấy.

vua nghe theo, truyền khắp dân chúng phải bẫy bắt loài quạ trị bệnh cho tượng. lúc ấy loài quạ bị bắt giết rất nhiều. quạ là tiền thân của Đức Phật thấy quyến thuộc của mình bị giết hại rất nhiều, mới phát nguyện xin nhờ phép ba-la-mật cho biết nói và khi bay vào đền vua không có ai bắt được. trong khi đức vua đang lâm triều, quạ ta bay vào và chun dưới bàn của nhà vua mà nằm, quan hầu muốn bắt nhưng đức vua thấy lạ nên không cho bắt. sau khi nghỉ khỏe, quạ ra đứng trước bàn cúi đầu kính cẩn chào và tâu rằng:

- xin hoàng thượng mở lòng dung thứ cho loài quạ vô tội. loài quạ không bao giờ có mỡ, dầu có mỡ cũng không trị được bệnh của tượng. đó chẳng qua là lời vu cáo của ông quan kia vì muốn trả thù một con quạ ỉa trên đầu, lúc ông đang đi tắm ở sông Hằng.

đứa vua nghe qua hiểu rõ tự sự, truyền chỉ tha cho loài quạ còn sót và không cho bắt nữa. đây chỉ cho thấy rõ nhờ sự hy sinh của đức Bồ-tát mà quyến thuộc ngài khỏi bị tru diệt.

hôm nay, tôi nhắc tích này để chư thiện tín thấy rằng chúng ta là đệ tử của đấng từ bi, vậy ta phải noi gương của ngài là cứu giúp quyến thuộc. lúc này là lúc hết sức hợp thời vì nhằm lúc đồng bào ta đang bị nạn bão lụt. thật chúng ta không thể hy sinh như đức Bồ-tát nhưng cũng có thể giúp được ít nhiều. rất mong rằng quý vị không bỏ qua. lẽ ra hôm nay phải thuyết cho hết câu kệ này nhưng đêm khuya rồi xin để thời khác tôi sẽ giải làm điều vô tội.

BÀI 22 SỰ AN LÀNH (TT)

Vậy xin tiếp tục giảng câu kệ thứ 5 của bài kinh An lành

Một: hạnh bố thí

Hai: hạnh theo Phật pháp

Ba: hạnh giúp đỡ quyến thuộc

Bốn: hạnh làm những việc vô tội

ba điều trên tôi đã giảng ở thời pháp trước, hôm nay tôi giảng tiếp theo điều thứ tư là: hạnh làm những việc vô tội (anāvajjāni kammāni)

4. Làm những việc vô tội

Kamma đây chỉ việc làm. Theo chú giải Maṅgalasutta dạy rằng: sự thọ trì bát quan trai giới, sự giúp đỡ và sự trồng cây trong chùa "cho mát", sự làm cầu là việc vô tội. vì 8 điều học ấy, cốt ý làm cho tâm người sạch phiền não bên trong và đánh đuổi, ngừa đón phiền não bên ngoài không cho xâm nhập vào. 8 điều ấy là: không: sát sanh, trộm cướp, thông dâm, nói dối, uống rượu, ăn sái giờ, không múa hát, xem múa hát, trang điểm vòng vàng, dồi phấn, thoa vật thơm, không nằm ngồi nơi cao sang và đẹp.

trong 8 điều, từ 1 tới 5 giới (ngũ giới) chỉ khác giới thứ tư là thông dâm và tà dâm. Tà dâm đây ý nói rằng không cho tư tình với vợ con kẻ khác. Còn thông dâm đây ý dạy trong ngày thọ bát quan trai giới dầu vợ nhà cũng chẳng đặng gần.

  • Không ăn sái giờ

theo nguyên văn của Pāli nói rằng: không nên ăn quá giờ. khi Đức Thế Tôn còn tại thế, Ngài không dùng đồng hồ chỉ dùng mặt trời để đo bóng mà thôi. khi mặt trời mọc đến đứng bóng gọi là trong thời, xế bóng một sợi tóc gọi là ngoài thời. ngài biết rằng: nếu đúng giờ thì mỗi chỗ giờ khác nhau thì các thầy Tỳ-khưu ở các xứ khác thì làm sao thọ thực được. nhưng nếu ta giải nghĩa không ăn sái giờ thì rất chướng tai và khó hiểu. giới này Đức Thế Tôn còn dạy để con người bớt tham ăn, bớt mất thì giờ về sự ăn, không tốn kém nhiều. Đức Thế Tôn dạy điều này để chúng ta biết tri túc trong sự ăn uống, chúng sanh khổ cũng vì sự tìm lẽ sống là món ăn, lắm lúc gây oan trái oán thù, như vậy với sự ăn uống phải mất thì giờ tu tập. người không có ăn cơm chiều mới thấy mình nhẹ nhàng thơ thới dễ chịu. nói tóm lại là không ăn chiều làm cho trong mình nhẹ nhàng, dễ chịu và dễ bề niệm Phật khi yên tịnh.

  • Không múa hát, đờn kèn

Không xem múa hát, không nghe đờn kèn. Vì múa hát, nghe và xem múa hát chẳng những làm mất thì giờ quý báu, mất tiền mà còn làm cho ta lung lạc vì hoàn cảnh bề ngoài lắm lúc vui buồn, giận, ghét thương lẫn lộn, phải chăng đây là một phiền não tự mình đem tiền đi mua, hay tự mình làm cho có. Không trang điểm và thoa vật thơm là cố ý diệt bớt cái lòng thương bề ngoài của ta là thân. Và gián tiếp nhắc nhở rằng: hãy thương cái ta bề trong là tâm phải mài dũa phiền não và trang điểm tâm bằng các đức tính là giới, định và tuệ.

  • Không nằm ngồi nơi quá cao sang và xinh đẹp

Đức Thế Tôn biết chúng sanh còn phiền não và ham mê trong sự vui sướng về vật chất là nằm chỗ chạm trổ đẹp, mềm dịu, ấm áp, khi được cảm xúc ấy, lòng dục vọng phát sanh. Vì lòng dục vọng ấy mà chúng sanh mới luân hồi, không biết đâu là sơ khởi mà đâu là nơi cùng tột. dù không có chỗ cao rộng tốt đẹp thái quá ấy, người cũng không chết không hại, mà có nó phải giữ nó, tìm nó. Đây là một phương pháp mà Đức Thế Tôn chế ngự phiền não từ ngoài xâm nhập vào.

giường cao đây không cho cao quá 8 ngón tay của Đức Phật (mỗi ngón tay của Đức Phật lớn bằng 3 ngón tay của người bậc trung) tính ra là 27 ngón tay của người bậc trung. Còn vật nằm xinh đẹp là có thêm những con thú hoặc hình lõa thể chạm ở chân giường thì chớ nên làm.

Bát quan trai giới có 3 cách khác nhau là:

* pakati uposattha là bát quan trai giới thường. bát quan trai giới này thọ trì trong một ngày một đêm. mỗi tháng có 8 ngày là 5, 8, 15, 20, 23, 29, 30 tháng thiếu thọ ngày 28, 29. đây là nói người có đức tin thọ đủ 8 ngày muốn thọ 2 ngày, 4 ngày ... thì tùy tiện sức mình chớ không bị bắt buộc

* pāṭijāgara uposattha nghĩa là bát quan trai giới nhắc theo trật tự. ý nói rằng trước ngày chánh của bát quan trai giới phải nhớ sửa mình trong ngày ấy, rồi ngày sau là ngày chánh, nên tạm gọi là bát quan trai giới thọ ngày rước và đưa. Bát quan trai này trong mỗi tháng có 12 ngày là: 1, 4, 6, 7, 9, 13, 16, 19, 21, 22, 24, 28 (tháng thiếu ngày 27). Hai bát quan trai này nếu người thọ đủ mỗi tháng phải thọ 20 ngày

* paṭihāriya uposatha là bát quan trai giới thọ trì 16 tháng 6 cho tới rằm tháng 9. nghĩa là thọ theo trong ba tháng của nhà sư nhập hạ

trong bộ chú giải của bài kinh Uposathasutta có dạy: người muốn thọ trì bát quan trai giới cho trong sạch thì trước ngày thọ phải coi sóc việc trong nhà cho hoàn toàn, rồi sáng lại đi thọ, người thọ chín chắn trong một ngày một đêm ấy không nên nói tới gạo trắng gạo đen, cơm khô, nhão, nói tóm lại là chuyện gì trong trần thế còn lẫn phiền não hãy bỏ đi.

Chúng ta không nên thọ bát quan trai giới như người chăn bò. người chăn bò sáng ngày đến lãnh bầy bò lùa ra đồng, bỏ đó, đến tối lại lùa về giao cho chủ, mặc kệ bò no đói, xin cho đủ số là được. cũng như người thọ bát quan trai vậy, sáng ra đến thọ vì nhà sư, khi thọ xong về tha hồ không nghĩ gì cả, chỉ gọi thọ cho có chừng là được phước, cả ngày lẫn đêm ấy không có niệm tưởng đến ân đức Tam bảo, không nghĩ đến cái chết gì cả, nên gọi là người thọ giới như kẻ chăn bò.

Trong bài kinh Uposattha, Đức Thế Tôn có dạy bà tín nữ tên Visākhā rằng: nhà vua trị được 16 nước lớn trong đời ấy có cả 7 thứ báu, là người có quyền hành, giàu có, sang trọng nhất, nhưng cái phước ấy cũng không bằng một phần 16 của công đức thọ bát quan trai giới ngày và đêm trọn vẹn.

Đây tôi xin nhắc tích của đức vua Udaya lại để các vị nhớ (J. III, 444). Trong lúc trú ngụ tại xứ Bārāṇasī có một ông trưởng giả tên Suciparivāra chỉ thích làm phước. những người trong gia đình ông từ vợ con cho đến tôi tớ trong nhà đều dạy phải thọ bát quan trai giới ít lắm là 6 ngày. Khi ấy, có một người đến xin làm công với ông, nhưng ông sơ ý, không nói cho người mới xin ở biết rằng tất cả người nhà ông đều thọ bát quan trai giới. người ấy làm công việc rất siêng năng. Ngày nọ nhằm ngày giới, ông trưởng giả mới bảo những người nấu ăn rằng: ngày nay là ngày bát quan trai giới, hãy nấu cơm cho nhân công trong nhà ăn sớm vì họ chỉ có ăn một buổi. họ làm theo lời của ông. Riêng người làm công ấy cứ đi làm theo thường lệ vì không ai cho anh biết. trong khi những người khác thì ngồi yên niệm Phật, hoặc quan sát lại phẩm hạnh của mình. Sau khi làm xong phận sự về, người làm bếp mới dọn cơm ra cho anh ăn. Anh lấy làm lạ hỏi:

- mỗi khi chừng này, người ta ăn uống om sòm, bữa nay họ đi đâu hết?

người làm bếp đáp:

- những người ấy giữ bát quan trai giới nên họ về chỗ nghỉ của họ hết.

anh ấy mới nghĩ rằng: ta ở chung với toàn thể người có giới đức, vậy ta không nên để cho ta là kẻ không có giới đức. anh không ăn cơm, vào hầu ông trưởng giả và nói rằng:

- thưa ông, nếu tôi phát nguyện thọ bát quan trai giới vào giờ này thì tôi có được phước báu của bát quan trai giới ấy không?

- ngươi không phát nguyện thọ từ sớm mai, nếu ngươi thọ từ bây giờ thì ngươi chỉ được có phân nửa thôi

anh ấy nghĩ rằng: dầu phân nữa cũng được, bằng hơn là không có. rồi anh mới xin phát nguyện thọ. Sau khi ấy mới về chỗ nghỉ và quan sát về giới của mình. Vì cả ngày làm lụng vất vả, tối không được ăn uống gì, nên khuya lại anh bị ngộ gió độc. ông trưởng giả đem thuốc và vật thực lại bảo rằng:

- đây, con hãy dùng thuốc và vật thực đi.

người ấy nghĩ: ta nguyện không nên phạm giới. mới trả lời rằng: tôi giữ giới trong sạch đến chết. lúc rạng đông, anh không chịu nổi với chứng bệnh làm anh mê man. người nhà mới nghĩ rằng: người này sắp chết, mới khiêng ra ngoài hiên. người thời ấy cử kẻ chết trong nhà.

Ngày ấy, đức vua Bārāṇasī ngự đi quanh thành để xem sự sinh sống của dân. Anh ở mướn ấy trông thấy sự sang cả của vua liền ước muốn được như thế. Anh chết liền khi ấy, anh vào lòng hoàng hậu của xứ Bārāṇasī do nhờ quả của anh thọ bát quan trai giới. sau khi sanh ra, đức vua liền đặt tên là Udaya. Khi lớn lên thái tử nối ngôi của vua cha. Ngài nhớ kiếp trước nên nói rằng: đây là nhờ quả của bát quan trai giới mà ta đã thọ trì. từ ấy ngài càng cố công tu.

Khi Đức Thế Tôn thuyết tích này xong, Ngài mới dạy rằng: này chư thiện tín, một khi các người thọ trì bát quan trai giới gọi là làm những việc lành mà các bậc trí thức xưa kia được hưởng quả cao quý.

Đây để chỉ thấy bát quan trai giới là một việc làm vô tội mà trái lại còn có rất nhiều phước, mà hơn nữa việc ấy lại là một phương pháp để diệt trừ phiền não mới từ ngoài vào như 3 giới đã giải trên.

Cũng trong sự anh lành này, chú giải có nói: sự giúp đỡ cũng như sự an lành. Giúp đỡ đây là sự giúp đỡ nhũng người già cả mang nặng, đi lạc đường, chúng ta chỉ dùm hay chỉ đường cho các vị Sa-môn đi khất thực. nói tóm lại là làm những điều gì lợi người, không hại mình và kẻ khác gọi là làm điều vô tội.

sự trồng cây để có bóng mát hay là làm cầu, đắp đường cũng là việc làm đem sự hữu ích lại cho mọi người cũng đều gọi là làm việc vô tội.

  • Hôm nay còn dư thời giờ, vậy tôi xin tiếp tục giải câu kệ thứ 6 của bài kinh An lành là:

“Āratī viratī pāpā,

Majjapānā ca saṃyamo;

Appamādo ca dhammesu,

Etaṃ maṅgalamuttamaṃ”.

nghĩa:

Một: nết hạnh ghê sợ và tránh xa tội lỗi

Hai: sự thu thúc để tránh khỏi sự uống rượu

Ba: sự không dể duôi Phật pháp.

Cả ba điều ấy là hạnh phúc cao thượng.

1. Nết hạnh ghê sợ và tránh xa tội lỗi

Tiếng ārati nghĩa là tránh xa hay không ưa. Virati nghĩa là chừa hay xa. Trong câu này ý nói rằng: sự không ưa và cố tránh xa điều tội lỗi. trong sự xa lánh tội lỗi này có 3 điều khác nhau là:

  • Sampattavirati nghĩa là xa lánh nhất thời trong khi gặp phải. Trong điều này, đại ý nói rằng: một người kia không biết tu hành là gì nhưng có lúc gặp việc có thể giết con vật được nhưng không giết vì thương hại. như tánh của Cakkana khi còn trẻ chưa quy y với Tam bảo.

Khi Cakkana chưa hiểu Phật Pháp. Ngày nọ, mẹ của ông đau, lương y dạy rằng: cần có máu thỏ tươi mới làm thuốc cứu mẹ ông được. anh của ông sai ông bắt thỏ, ông vào rừng bắt được thỏ, khi đi gặp thỏ, thỏ hoảng hốt chạy, ông rượt theo, thỏ vướng vào bụi chạy không được, ông bắt được thỏ ôm vào lòng. thấy thỏ run rẩy sợ chết, ông mới tự nghĩ: sự giết một sinh mạng khác vì bệnh tình của mẹ ta thật là một chuyện không đáng làm, vì chúng sanh ai cũng sợ chết mà mình lại giết một mạng để cứu một mạng. ông liền vuốt ve thỏ và nói rằng: thôi ta trả tự do lại ngươi, xin ngươi hãy vui vẻ về bầy. ông về tỏ thật với người anh, người anh rầy mắng ông, ông vào ôm mẹ phát nguyện rằng: từ khi sơ sanh đến nay tôi không hề cố ý sát sanh, nhờ oai đức ấy cầu xin cho mẹ tôi mạnh. Do lời nguyện vọng và phước báu của ông nên mẹ ông lành bệnh. Đây để chỉ rõ sự xa lánh khỏi điều ác trong khi gặp mà không làm.

  • Samādānavirati nghĩa là xa lánh những gì mà có phát nguyện thọ trì. Ý nói rằng: một khi thiện nam tín nữ có phát nguyện thọ trì giữa Tam bảo hay là với một nhà sư. người ấy có thể thà chịu chết chớ không chịu phạm vào điều học mà mình đã phát nguyện vâng giữ hành theo. Đây tôi xin nhắc lại một chuyện tích của một thiện nam giữ bát quan trai giới.

Có một thiện nam ở Uttaravaḍḍhamāna thọ bát quan trai giới với ngài Đại Đức Piṅgalabuddharakkhita tại chùa Ambariya, sau khi thọ xong ông đi cày ruộng, khi ấy bò của ông mất, ông mới lên núi tìm, ông vô ý bị một con trăn to quấn ông, lúc bấy giờ trên tay ông có cầm một con dao bén, ông mới nghĩ rằng: một khi ta đã thọ giới với một bậc có đức hạnh thanh cao, không nên để giới hạnh ta hư hại. ông nghĩ như thế ba lần, ông mới định tâm rằng: ta nhất định thà chết còn hơn là phạm giới, rồi ông liệng dao ra rất xa, vì ông sợ còn cầm dao trên tay, ông sẽ bị tâm ác làm cho ông bị phạm giới sát sanh. Vì oai lực hy sinh, cố gìn giữ giới cho trong sạch, hình như làm cho con trăn cảm động tháo ra bỏ đi mất.

  • Samucchedavirati nghĩa là xa lánh tuyệt. Ý nói: một khi đã đắc đạo quả rồi, gọi là bậc đã sanh vào dòng thánh nhân, vị ấy không bao giờ nghĩ đến việc giết hại sanh mạng. nói tóm lại về phần giới đức hoàn toàn trong sạch. Theo chú giải có nói rằng: tâm là nhân phạm vào ngũ giới của các bậc thánh nhân đã bị diệt tận. vì lẽ ấy nên các ngài không bao giờ bị sự kinh khủng lo sợ về 5 điều tội ác, nhất là sát sanh.

bốn điều tội ác gọi là Kammakilesa nghĩa là tội, Kammakilesa theo chú giải có giải rằng: chúng sanh hằng bị nhơ đục vì việc làm (nghiệp) bởi vậy nên việc làm (nghiệp) ấy, Đức Phật gọi là kammakilesa. Kilesa nghĩa là phiền não hay là sự nhơ đục, kamma là nghiệp hay là việc làm, ý nói rằng: vì còn có phiền não nên làm điều tội lỗi.

Bốn điều Kammakilesa (Tàu dịch là tứ trọng) ấy là:

* Pāṇātipāta: sát sanh

* Adinnādāna: trộm cắp

* Kāmesumicchācāra: tà dâm

* Musāvāda: vọng ngữ

Theo lời dịch của Phạn ngữ và lời dịch của Tàu là tứ trọng thì thấy khác nhau xa, vậy quý vị tự hiểu lấy.

những tội lỗi mà chúng ta làm sẽ là nguyên nhân đưa chúng ta sanh vào cảnh khổ, vì nó mà chúng ta phải bị chịu những điều khổ trên đời này nên gọi là tội. vậy ta phải biết kinh sợ và tránh xa. Trong 4 điều kể trên, chỉ có điều nói dối, có lẽ gần trong vòng trần tục nhiều hơn hết rất khó tránh khỏi. trong giới nói dối còn ẩn ý nói đâm thọc, nói lời vô ích, chửi rủa, mắng nhiếc kẻ khác. Nói đâm thọc là chẳng phải tự mình nói ra mới gọi là nói đâm thọc, viết thơ hoặc làm cách gì cho 2 người ghét nhau, thù nhau hoặc không thù ghét nhưng xa nhau đều có tội cả. vậy tôi xin nhắc tích này trong bộ kinh Dhammapada Pháp cú[63].

kể từ khi vị Tỳ-khưu tên Koṇḍadhāna xuất gia, thầy đi đến đâu thì sau lưng thầy cũng có một người phụ nữ theo sau, riêng thầy thì thầy không hiểu biết gì cả, nhưng ai ai cũng đều thấy. những thí chủ đặt bát để vào bát ngài hai muỗng cơm, muỗng thứ nhất nói rằng: muỗng này thuộc về phần ngài và muỗng thứ nhì về phần cô bạn của ngài.

Các vị Tỳ-khưu thấy như vậy đinh ninh rằng thầy phạm bất cộng trụ mới đi nói với trưởng giả Cấp Cô Độc và yêu cầu ông đuổi thầy Tỳ-khưu Koṇḍadhāna ra khỏi chùa. Ông trưởng giả không dám, chư Tỳ-khưu cho bà tín nữ Visākhā biết, bà cũng không dám. Các thầy mới vào chầu đức vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) và thuật tự sự, đức vua nhận lời, chiều lại vào chùa, ngài cho quan quân bao chánh điện, thầy Koṇḍadhāna nghe ồn ào mới ra coi, thì đức vua thấy sau lưng thầy có một phụ nữ, riêng thầy khi biết đức vua ngự đến ngài trở vô, đức vua đảnh lễ nhưng ngài lại không thấy hình người phụ nữ lúc ở ngoài, ngài tìm coi trong kẹt cửa, dưới gầm giường cũng không thấy, mới hỏi:

- bạch ngài, trẫm vừa thấy một người phụ nữ ở tại đây, cô ấy đâu rồi?

- tâu đại vương, bần đạo cũng chẳng thấy.

- chính trẫm thấy một người phụ nữ đứng sau lưng ngài.

thầy cũng quả quyết rằng không biết và không thấy. đức vua nghĩ chuyện này sao kỳ thế, mới nói:

- vậy xin ngài hãy đi ra ngoài.

Khi ngài đi thì lập tức có người phụ nữ đi theo sau lưng. đức vua trông thấy rồi mới mời vào. thầy trở vào và ngồi xuống. đức vua trông chừng theo hình của người phụ nữ ấy, nhưng bỗng dưng lại biến mất đi. đức vua lấy làm lạ mới hỏi:

- bạch ngài, còn người phụ nữ ấy đâu?

- tâu đại vương, bần đạo chẳng thấy người phụ nữ nào cả.

- xin ngài thành thật nói cho trẫm rõ

- tâu đại vương, hàng đại chúng đều nói rằng có một người phụ nữ đi sau lưng bần đạo, mà bần đạo không thấy.

đức vua mới nghĩ rằng đây là hình giả, nhưng hãy còn nghi, nên lại phán rằng:

- vậy xin mời ngài đi khỏi chỗ này lần nữa.

thầy ra đứng ngoài thì hình người phụ nữ lại hiện ra đứng sau lưng. đức vua hỏi, thầy vẫn trả lời như trước, ngài mới nghĩ rằng quả thật là hình giả. Ngài mới nói:

- bạch ngài, một khi có điều không được trong sạch như thế này, thì không có ai trong sạch cúng dường cho ngài, vậy ngài cứ vào cung nội, trẫm xin cúng dường những vật dụng cho ngài.

Các thầy Tỳ-khưu mới nói nhau rằng:

- các ngài hãy coi nhà vua ương hèn thái quá, một khi chúng ta mời vào để coi tình tệ như thế này lại không chịu đuổi thầy Tỳ-khưu phá giới ấy, lại mời vào cung mà cúng dường.

rồi các thầy mới nói với thầy Koṇḍadhāna rằng:

- này kẻ phá giới! nhà vua cũng là kẻ hèn như ngươi vậy.

Lúc trước thầy không có bằng cớ để đáp lại, nhưng bây giờ đã được nhà vua làm chứng nên liền trả lời rằng:

- các người là kẻ phá giới, các người là kẻ dẫn gái đi.

Các thầy Tỳ-khưu mới đem chuyện ấy vào bạch với Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn gọi thầy vào hỏi thầy xem có mắng các vị Tỳ-khưu kia chăng. thầy bạch:

- vì các thầy ấy nói đệ tử.

Đức Thế Tôn hỏi các thầy kia:

- tại sao các thầy lại mắng vị Tỳ-khưu này?.

Các thầy đáp:

- bọn đệ tử thấy có một cô phụ nữ đi theo sau lưng của thầy Tỳ-khưu này.

Đức Thế Tôn mới phán hỏi thầy Tỳ-khưu Koṇḍadhāna rằng:

- các thầy Tỳ-khưu này có thấy một người phụ nữ đi theo sau lưng ngươi. Vậy tại sao ngươi lại không thấy mà lại gây với các thầy Tỳ-khưu ấy. quả này cũng do nghiệp đê tiện của ngươi kiếp trước, vậy mà hiện nay tại sao ngươi cũng không bỏ tánh đê tiện ấy?.

các thầy Tỳ-khưu đồng bạch hỏi rằng:

- bạch hóa Đức Thế Tôn, thầy Koṇḍadhāna làm nghiệp thế nào trong quá khứ?

Đức Thế Tôn mới dạy rằng:

- trong thời kỳ đức Chánh Đẳng Chánh Giác tên Kassapa, có hai vị Tỳ-khưu yêu thương nhau chẳng khác nào anh em cùng một cha mẹ. thời kỳ ấy, mỗi năm chư Tăng hội lại làm lễ phát lồ một lần. gần đến ngày phát lồ, hai thầy rủ nhau ra đi định làm lễ phát lồ. có một vị chư Thiên ở cõi trời Đạo Lợi thấy hai vị thương nhau mới nghĩ rằng: hai vị Tỳ-khưu này rất thương nhau, ta có thể chia rẽ được không. Trong khi đang nghĩ kế chia rẽ thì một trong hai thầy nói rằng:

- Xin ngài đợi tôi đi sông một chút.

vị chư Thiên ấy mới đợi thầy Tỳ-khưu đi sông xong, từ trong bụi chui ra liền hóa ra một người phụ nữ, một tay nắm lấy quần, một tay vén tóc làm như mới ân ái với vị Tỳ-khưu xong. vị chư Thiên ấy biết thầy Tỳ-khưu kia thấy rồi nên liền biến mất. khi vị Tỳ-khưu kia đến mới nói với vị Tỳ-khưu vừa đi sông rằng:

- Thầy là người phá giới.

thầy Tỳ-khưu nọ mới trả lời rằng:

- bạch ngài đâu có.

- vừa rồi chính tôi trông thấy một cô gái đi sau lưng thầy.

- bạch ngài, chuyện này thật tôi không có.

Hai thầy cãi nhau, kết cuộc, 2 thầy chia đường đi vì không bao giờ hợp nhau vì không bằng lòng làm lễ phát lồ chung nhau.

vị chư Thiên thấy vậy mới nghĩ rằng: ta đã làm nên tội quá đáng lắm rồi, nên hiện xuống nói rằng: giới đức của vị Tỳ-khưu này vẫn trong sạch, đây là do nơi tôi muốn thử hai ngài thôi, xin hai ngài cùng làm lễ phát lồ chung. Chừng đó hai vị Tỳ-khưu mới chịu nghe theo và cùng làm lễ phát lồ. vì nghiệp đê tiện ấy, sau khi chết, vị chư Thiên mới bị đọa vào Avīci (A-tỳ địa ngục) một khoảng thời gian bằng với thời gian của một vị Phật, đến nay mới sanh lại làm Koṇḍadhāna.

Khi nhắc tiền kiếp xong, Đức Thế Tôn mới phán rằng: thầy Tỳ-khưu vì nghiệp đê tiện ấy nên mới có chuyện phi thường như hôm nay mà người vẫn còn giữ tính đê tiện ấy. không nên, ngươi không nên nói tiếng gì với các thầy Tỳ-khưu, ngươi hãy làm ra người không có lời (ý nói người câm, cũng như cái cồng mà người ta bỏ cục u ở chính giữa) khi ngươi làm như thế thì ngươi sẽ đắc quả Níp-bàn. rồi Đức Thế Tôn mới dạy câu kệ rằng:

Sace neresi attānaṃ
kaṃso upahato yathā
esa pattosi nibbānaṃ
sārambho te na vijjati.[64]

Nghĩa là: ngươi không nên nói lời bất nhã với ai, nhưng người mà bị ngươi nói sẽ trả lời lại với ngươi, sự kình chống nhau là nguyên nhân đem sự khổ đến, những sự đánh đập kẻ khác sẽ trở lại ngươi. nếu ngươi làm ra người không lay động cũng như cái cồng mà người ta đã bỏ cục u, ngươi sẽ đến Níp-bàn, ngươi không còn kình chống với ai cả.

Sau khi dứt câu kệ Koṇḍadhāna đắc quả A-la-hán

Ý nghĩa câu kệ nói: không nên mắng chửi kẻ khác. nếu ta mắng chửi kẻ khác ta sẽ bị người ấy mắng lại, sự kình chống nhau phần nhiều đều bị khổ. sự đánh đập, nó sẽ trả lại khi đánh đập kẻ khác, một khi làm cho tâm không bị hoàn cảnh lung lạc như cái cồng bị mất cái u ra, không khi nào đánh kêu. người không bị lung lạc bởi hoàn cảnh bên ngoài thì sẽ đến Níp-bàn.

nếu ngươi muốn mau đến Níp-bàn thì hãy làm như cái ống tre cắt đứt hai đầu, đổ nước không đọng lại. một khi tâm người không thâu nạp cảnh trần thì đâu có tham vọng, si mê nữa.

nhắc tích này lại để quý vị thấy rằng: sự làm chia rẽ và phao vu cho kẻ khác có nhiều tai hại như thế. vị chư Thiên ấy không chia rẽ bằng lời nói nhưng bằng việc làm cũng thuộc về sự đâm thọc, vì cốt ý của sự đâm thọc là làm chia rẽ nhau. vậy việc gì ta gặp ở trên bờ bỏ trên bờ, gặp dưới sông bỏ dưới sông, ở ngoài đường bỏ ngoài đường, đừng đem về nhà, đừng đem đi nơi khác, như thế mới mong giữ được khẩu thanh tịnh.

2. Thu thúc sự uống rượu

Các thứ chất say, người ta làm bằng ngũ cốc, bằng trái cây có chất ngọt, có men.

tại sao uống rượu là một tai hại?

theo lời Đức Phật dạy thì sự uống rượu có những điều tai hại là:

* phí tiền của để mua rượu.

* phí thì giờ quý báu. Nghĩa là khi say rồi không làm việc gì được chỉ ngủ mà thôi, như thế những công ăn việc làm bị đình trệ lại. có người nói rằng: tôi uống vừa phải để ngủ, những hạng này không thấy thì giờ là vàng bạc, những thì giờ ấy ta có thể để coi sách xem kinh, quan sát lại những việc làm của ta coi có làm điều gì sai với lương tâm bỏ đi, hay sửa lại, mà dù uống ngủ cũng không chạy khỏi sự mất tiền vô ích.

* khi say sưa chửi vợ mắng con, làm cho gia đình vì đó mà buồn bực, không hòa nhã yên vui, chẳng những vậy thôi, có khi còn gây chuyện với người cùng xóm.

* khi say la lối om sòm theo dọc đường không biết hổ thẹn.

* người say rượu dù có tài giỏi cũng không ai dám mướn hoặc giao phó một điều gì quan trọng.

* bao nhiêu sự kín đáo bí mật đều khai ra hết. chính bọn cướp giết hại Đại Đức Mục-kiền-liên vì uống rượu say nên khai ra hết mới bị mật thám của vua Ba-tư-nặc bắt về giết.

* người uống rượu say sanh nhiều bệnh khó trị, hay bị cảm gió sương, chết theo đường xá.

* người uống rượu trí óc lu mờ, mất cả sự khôn ngoan. Đây là cái hại của kiếp này, về kiếp sau nghiệp còn dư sót, sanh lại làm người tối tăm học không thuộc, nếu thuộc cũng không nhớ lâu.

một khi say rồi dám làm tất cả những điều gì mà người ấy khi chua say không dám làm. Vì những tai hại ấy cho nên Đức Thế Tôn dạy không nên uống rượu.

nếu người không uống rượu, thì người ấy sẽ tránh khỏi những điều tai hại kể trên. người ấy được an vui trong cõi này khỏi cần phải cầu cạnh với ai, khỏi phải lo sợ những tai nạn sắp tới. vì vậy nên sự không uống rượu hay là các chất say là sự an lành cao thượng.

3. Sự không dể duôi các pháp

dể duôi là tánh người không làm tròn phận sự hoặc hay lừa đảo để kiếm cách không làm phận sự. có người nói tôi chưa già chưa khổ cần gì phải tu. Mà họ quên rằng: của cải nhiều, con cái đông không phải là hạnh phúc, vì có của nhiều lo sợ mất, mà nhất định là nó phải mất như khi ta chết không thể đem theo được, hay bị kẻ cướp giựt, nhiều con cháu thì khi đứa này đau, đứa kia bệnh càng làm cho ta khổ và điều họ quên là trong nghĩa địa không phải chỉ có mộ ông già mà thôi, bao nhiêu mộ của người trẻ tuổi hơn họ cũng có. Đây là sự dể duôi.

Theo chú giải nói rằng: sự mến tiếc việc trần tục gọi là dể duôi. Có lời Phật dạy rằng: hai pháp là dể duôi và không dể duôi ấy như thế nào? sự bỏ qua những việc làm. sự để tâm phóng túng theo ngũ trần làm cho thân hoặc thân hay ý nhơ đục gọi là dể duôi. Hơn nữa sự không chú tâm làm, sự không tiếp tục làm mãi mãi, sự làm gián đoạn, sự lười biếng, sự bỏ dở việc làm; không sốt sắn, không cố tâm làm những việc làm đều gọi là dể duôi. sự dể duôi, sự không quan tâm, sự trụy lạc trong trần tục như thế, Như Lai gọi là dể duôi.

Theo chú giải rằng: sự không đầy đủ trí nhớ để đè nén tâm phóng túng lung lạc theo tài, sắc, lợi, danh gọi là dể duôi.

Hai pháp là dể duôi và không dể duôi có quả báo khác nhau. Vì dể duôi nên phát sanh những điều tội lỗi, không dể duôi là nhân sanh phước thiện. vì vậy nên có câu Phật ngôn rằng: “Nāhaṃ,  bhikkhave, aññaṃ ekadhammampi samanupassāmi yena anuppannā vā akusalā dhammā uppajjanti uppannā vā kusalā dhammā parihāyanti yathayidaṃ, bhikkhave, pamādo.  Pamattassa, bhikkhave, anuppannā ceva akusalā dhammā uppajjanti uppannā ca kusalā dhammā parihāyanttī’ti”

“Nāhaṃ,  bhikkhave,  aññaṃ  ekadhammampi  samanupassāmi yena anuppannā vā kusalā dhammā uppajjanti uppannā vā akusalā dhammā parihāyanti yathayidaṃ,  bhikkhave,  appamādo.  Appamattassa, bhikkhave, anuppannā ceva kusalā dhammā uppajjanti uppannā ca akusalā dhammā parihāyantī’ti”[65]

Nghĩa: này các thầy Tỳ-khưu! Như Lai suy nghĩ không thấy pháp nào là nguyên nhân làm cho các ác pháp chưa phát sanh và là nguyên nhân làm cho pháp lành đã sanh rồi phải bị tiêu diệt bằng pháp dể duôi. Này các thầy Tỳ-khưu! Vì một người dể duôi thì tất cả các pháp ác chưa sanh cũng phát sanh và các pháp thiện đã có lại từ từ tiêu diệt.

rồi ngài dạy thêm rằng: này các thầy Tỳ-khưu! Như Lai không thấy một pháp nào là nguyên nhân sanh các pháp thiện, là nguyên nhân làm cho các  pháp ác bị tiêu diệt bằng pháp không dể duôi. Này các thầy Tỳ-khưu! Một khi người không dể duôi làm thì các thiện pháp chưa sanh lại phát sanh và các ác pháp đã có rồi cũng phải bị tiêu diệt.

Đức Phật có dạy trong kinh Pháp Cú Dhammapada, Appamāda thiên không dể duôi trong tích của bà Sāmāvatī rằng:

“Appamādo amatapadaṃ
pamādo maccuno padaṃ
appamattā na mīyanti
ye pamattā yathā matā”[66]

Nghĩa là: sự không dể duôi gọi là không chết. người dể duôi mặc dầu sống cũng như chết.

ý nói rằng: sự không dể duôi không làm nên tội và diệt trừ phiền não là con đường đi đến Níp-bàn, là nơi vô sanh bất diệt. còn người dể duôi cứ làm nô lệ mãi cho phiền não là để tâm chạy theo tài sắc, lợi danh. người ấy quên rằng: đời sống con người như một chậu nước đầy mà dưới đáy chậu có một lỗ mọt nhỏ nước từ từ chảy, nước kia sẽ cạn. nước trong chậu ví như tuổi thọ của loài người, ngày lần lượt qua, tuổi thọ lần lượt giảm đến ngày chết. khi sắp chết, ta muốn làm một việc lành cũng chẳng đặng nào, vì tâm ta bấn loạn ân hận.

Đức Phật có dạy trong Pháp Cú, thiên Sahassavagga rằng:

“Yo ca vassasataṃ jīve
apassaṃ dhammamuttamaṃ
ekāhaṃ jīvitaṃ seyyo   
passato dhammamuttamaṃ”[67]

Nghĩa là: sự sống một ngày của một người thấy pháp cao quý (pháp giải thoát) cao quý hơn người sống trăm năm mà không thấy pháp cao quý.

Ý nói rằng: người sống lâu nhiều tuổi, nhưng người ấy không biết kinh sợ sự sinh, già, bệnh, chết cứ mãi ham mê trong tài tình danh lợi thì cái sống ấy như sống thừa, sống một đời sống vô vị, không biết tìm hạnh phúc cho mình, mặc dầu sống nhưng cũng như xác chết chưa chôn. người trẻ tuổi trông thấy đời hoàn toàn ảo mộng như một sân khấu mà chúng ta là kép trên sân khấu, khi mang râu đội mão là vua chúa, khi hết lớp tuồng là người thường.

Cũng có lắm người cố tu, nhưng vì sự dể duôi tùy lòng của chúng bạn làm hư hại điều lành của mình. Thí dụ như ngày bát quan trai chỉ ăn một bữa trưa, song chiều lại có một người bạn lại mời đi dự tiệc. vì sợ bạn phiền hay vì tính dể duôi nên nghĩ rằng: một lần không đến đâu, thôi thì ta đi dự tiệc. đây là sự dể duôi làm cho đức lành của ta phải bị tiêu diệt, rồi khi dự tiệc ấy bị các bạn khác cám dỗ ta phạm vào điều khác vì ta không đủ cương quyết, lại nghĩ: thì một lần có đến đâu, bất quá ta sám hối. thế tội lại nảy sanh, thế là ta đã liều lĩnh một lần, hai lần, ba lần cứ như thế hóa ra là một thói quen, chỉ hẹn lần sau sẽ rán trong sạch, đó là dể duôi. Như thế, ta không bằng người đầy tớ của ông bá hộ mà tôi vừa nói khi nãy.

Trong câu chú giải có vấn như vầy: tại sao người dể duôi ví như người chết?. Đáp: vì người ấy không làm xong nhiệm vụ.

nghĩa là không bao giờ người ấy nghĩ rằng: ta làm điều thiện là bố thí, giữ giới, thọ trì bát quan trai giới, niệm Phật.

nói tóm lại, người làm một việc gì không dể duôi bỏ mất thì giờ, lười biếng, thì người ấy sẽ được kết quả theo ý muốn. nên Đức Thế Tôn gọi đó là sự an lành cao thượng.

BÀI 23 SỰ AN LÀNH (TT)

Trước khi thuyết tiếp theo sự an lành, hôm nay nhân dịp rằm tháng 10, phần đông người Việt Nam chúng ta cho là rằm lớn, rủ nhau vào chùa làm lễ cúng bái, thành ra một thói quen, theo Phật Giáo Nguyên Thủy thì không có những cái rằm ấy, nghĩa là không có ngày nào xấu, ngày nào tốt, ngày nào lớn, ngày nào nhỏ cả, phải chăng xấu tốt là do ở lòng ta, nghĩa là ở chỗ nói ác, nghĩ ác, làm ác mà thôi, còn tốt là nghĩ lành, nói lành, làm lành, đây là ngày tốt cả. theo Phật Giáo Nguyên Thủy có rằm tháng giêng là ngày Đức Thế Tôn có thuyết pháp cho 500 vị đại A-la-hán, tự các ngài hội lại không ai mời, trong nhóm ấy không có vị nào đắc Tu-đà-huờn và hơn nữa toàn là những bậc xuất gia với đức Thế Tôn, mà cũng sẵn đó làm lễ ngày của đấng giác ngộ hứa với Ma vương rằng: ba tháng nữa, Ngài sẽ nhập diệt. còn rằm tháng tư, là lễ quan trọng vì là ngày kỷ niệm của Đức Thế Tôn nhập diệt, đản sanh, thành đạo. trong 2 ngày rằm này là ngày có tính cách kỷ niệm chứ không có tính cách cúng cầu phước. nếu nói trong Phật Giáo Nguyên Thủy không có 3 cái rằm ấy có lẽ làm cho chư thiện tín thấy nghi ngờ. Vậy 3 cái rằm ấy từ đâu đến? theo tôi thiết tưởng cũng nên kể sơ lai lịch của 3 cái rằm này cho chư thiện tín hiểu.

trong một năm có 3 cái rằm lớn là: rằm tháng giêng gọi là thượng nguơn, rằm tháng 7 gọi là trung nguơn và rằm tháng 10 gọi là hạ nguơn. Ba cái rằm này không phải của Phật Giáo tạo ra. số là bên Tàu hồi đời nhà Đường mới lập quốc, ông vua đầu tiên tên là Đường Thế Dân, khi lên cầm chánh quyền, nhà vua là một người rất thành tâm kính trọng Phật Giáo. Vì vậy nên các chi đạo khác lần lượt bị suy đồi. Ước chừng năm thứ 7 sau khi ngài trị vì có bọn đạo sĩ nghĩ rằng: lúc này nhà vua và phần đông dân chúng nghĩ về Phật Giáo, vậy không bao lâu giáo lý của chúng ta sẽ bị tiêu diệt. khi ấy có 7 thầy đạo sĩ vào hầu vua viện lý rằng trong một năm có 3 ngày rằm lớn là: rằm tháng giêng gọi là thượng nguơn thiên quan trì phước, rằm tháng 7 gọi là trung nguơn địa quan xá tội, rằm tháng 10 gọi là hạ nguơn thủy quan giải ách và yêu cầu vua cho phép làm lễ.

vì không muốn làm phiền lòng các vị ấy nên đức vua chuẩn tấu. từ ấy về sau, các đệ tử Phật dựa theo đó mà làm chay cúng tế. sự thật theo Phật Giáo thì không cúng tế như thế, vì người chết còn nằm đây mà không thể ngồi dậy ăn cơm thay thì cúng chi vô ích.

Hôm nay tôi nhắc sơ lược lại, theo thân tâm tôi muốn cho tín đồ Phật Giáo Nguyên Thủy bao giờ cũng hướng về Nguyên Thủy không vì phong tục, chúng ta tu hành khó thành chánh quả được vì chúng ta theo cổ tục rất nhiều chứ theo chánh lý là ít. thậm chí đến lắm người trong lúc làm lễ sính hôn không dám nói đến sự tang tế, sợ e rằng nói thế lại có cái không hay.

giờ xin trở lại giải tiếp câu kệ thứ 7 trong 38 điều an lành là:

“Gāravo ca nivāto ca,

Santuṭṭhi ca kataññutā;

Kālena dhammassavanaṃ

Etaṃ maṅgalamuttamaṃ”.

Nghĩa là:

Một: sự tôn kính các bậc nên tôn kính

Hai: nết hạnh khiêm nhường

Ba: vui mừng vì đã có của (tri túc)

Bốn: nết hạnh biết ơn người

Năm: nết hạnh tùy thời nghe pháp

Cả năm điều ấy là hạnh phúc cao thượng.

1. Gāravo: sự tôn kính các bậc nên tôn kính

Theo ý nghĩa Phạn ngữ nói rằng: những điều mà ta đáng làm cho nặng gọi là garu, tiếng garu này ý là cao cả, có nghĩa là thầy (những bậc đáng cho ta phải làm cho cao cảnghĩa là kính thờ cha mẹ, thầy tổ nên gọi là garu).

Tôn kính tính cách của người biết kính trọng các bậc cao thượng gọi là gārava. Theo chú giải có dạy rằng: người biết tôn thờ, kính trọng các đấng có đặc ân cao cả như Phật, thinh văn đệ tử Phật, chư Độc Giác, thầy tổ, cha mẹ, anh chị, chú bác, gọi là người có sự tôn kính. chẳng những phải kính trọng người trong gia quyến mà thôi; dù là người ngoài mà có tuổi hơn ta, mặc dầu người có phần nghèo hơn ta, ta cũng nên kính người, không vì ỷ tài cao, giàu có, quyền chức, dòng quý phái mà khinh bỉ người.

sự kính trọng nhau Đức Thế Tôn gọi là nguyên nhân của sự an lành.

Trong Phật ngôn (M. I, 196) dạy Subha trong Cūḷakammavibhaṅgasutta rằng:

- Này Subha! người nữ hoặc nam trong đời này là người cường ngạnh, ngã mạn, không chịu lễ bái các bậc đáng lễ bái, không chịu đứng dậy tiếp rước những bậc đáng tiếp rước, không chịu ngường chỗ ngồi cho bậc đáng nhường, không tiếp đãi bậc đáng tiếp đãi, không kính trọng các bậc đáng kính trọng, không thân mến các bậc đáng thân mến, không cúng dường bậc đáng cúng dường... người ấy sau khi chết sẽ bị sanh vào ác đạo vì nghiệp mà tự mình đã làm lấy. nếu người ấy không sanh về 4 đường ác đạo, khi được sanh lại làm người sẽ bị sanh vào gia đình đê tiện. này thanh niên Subha, người mà có tính cường ngạnh, ngã mạn... không cúng dường các bậc đáng cúng dường, chính người ấy tự làm để đi đến gia đình dòng họ đê tiện. Này thanh niên Subha! Trái lại nam hay nữ trong đời này không cường ngạnh, ngã mạn, chịu lễ bái bậc đáng lễ bái, cúng dường bậc đáng cúng dường. người ấy sau khi thác sanh sẽ được về cõi thiên đàng, vì người ấy đã tạo ra thiện nghiệp vậy. nếu người ấy không sanh về cõi trời, sanh lại làm người đều được sanh vào gia đình cao cả, quý phái. này thanh niên Subha, người không cường ngạnh, ngã mạn, lễ bái bậc đáng lễ bái... cúng dường bậc đáng cúng dường, đó là hành vi đi đến an vui.

Theo Phật ngôn này thì ta thấy rằng: sự kính trọng này không phân giai cấp trong xã hội, chỉ biết kính trọng người có tuổi tác, đức hạnh mà thôi.

Đây tôi xin nhắc lại một tích trong túc sanh truyện 37[68]: có lúc nọ, chư Tăng hội lại rất đông để hầu Phật. nhiều thầy Tỳ-khưu choán chỗ rộng lớn, có vị một mình chiếm 2 hoặc 3 chỗ. Đại Đức Xá-lợi-phất đến sau, không có chỗ ở, đành phải ở ngoài trời, khuya lại đi kinh hành gặp Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đã biết chuyện ấy, nhưng để đến khi gặp đức Xá-lợi-phất, ngài mới hỏi tại sao ở ngoài đông, thầy mới bạch rằng vì tới trễ nên không có chỗ nghĩ.

Nhân chuyện ấy, sáng ngày Đức Thế Tôn mới cho nhóm chư vị Tỳ-khưu lại nhắc một tích như sau:

Lúc quá khứ, tại rừng Tuyết lãnh có một cây vừng to, cây vừng ấy là nơi tụ họp của ba con thú và cũng là ba người bạn thân là chim đa đa, khỉ và tượng. ba con thú ấy chơi với nhau rất thân nhưng không biết ai lớn nhỏ, ba con mới nói nhau rằng:

- chúng ta chơi với nhau như vầy chưa đủ vì chúng ta thiếu phép cung kính nhau, vì không biết kẻ lớn người nhỏ để dạy nhau, vâng lời nhau.

rồi mới hỏi nhau rằng:

- vậy chúng ta ai biết cây vừng này từ bao giờ?

Tượng đáp:

- này các bạn, trong khi tôi còn là tượng con, mẹ tôi dẫn đi ăn thì cây này còn ở dưới bụng tôi. Tôi biết cây vừng trong khi ấy.

Khỉ đáp:

- này các bạn, khi tôi còn bú, tôi ngồi trên đất không cần ngước đầu lên, cũng có thể dùng miệng cắn ngọn cây này được. Vậy tôi biết cây vừng này từ khi ấy.

Chim đa đa đáp:

- này các bạn, khi trước ở bên kia có cây vừng to, tôi ăn trái vừng về đại tiện nơi đây nên mới có cây vừng này. Vậy tôi biết cây vừng này trong khi ấy.

từ lúc ấy đi, khỉ và tượng tôn chim đa đa lên làm anh cả, cả hai phải kính trọng, vâng lời chỉ bảo, hai con khỉ và tượng vâng lời chim đa đa xa việc ác là: sát sanh, trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ, uống nước say, sau khi chết được sanh về cõi trời.

sau khi nhắc tích này xong, Ngài mới dạy các thầy Tỳ-khưu rằng:

- này các thầy Tỳ-khưu! Loài thú mà nó còn biết kính trọng nhau thay, huống chi các thầy xuất gia hành theo Giáo Pháp chân chánh của Như Lai sao không biết kính trọng nhau.

Sau khi ấy, Đức Thế Tôn có dạy thêm câu kệ rằng:

- kẻ nào thông hiểu pháp biết kính trọng bậc cao thượng hơn mình, kẻ ấy trong đời này đáng là người (mà được kẻ khác) ngợi khen. về đời sau được sanh về cõi trời.

theo chú giải có nói gom ý câu kệ như vầy: này các thầy Tỳ-khưu! Chúng sanh bất luận hạng nào, vua chúa, Bà-la-môn, nông gia, người xuất gia, hoặc Chiên-đà-la hoặc Thủ-đà-la chẳng hạn là người thông hiểu về sự tôn kính các bậc nên tôn kính, người lớn tuổi hoặc người có đức hạnh thanh cao, chúng sanh ấy trong đời này được lời ca tụng ngợi khen, về vị lai được sanh về cõi trời. tích này để chỉ ta rằng: nên kính trọng bậc niên cao kỷ trượng, người có đức hạnh, dù người ấy thuộc về hạng người nào trong xã hội, để diệt lòng ngã mạn, tính khi kẻ khác.

Hơn nữa, sự tôn kính gọi là hạnh phúc, vì nơi sự tôn kính ấy đưa người qua khỏi sự tai hại, được những đặc ân là thi quan và minh sát. Vì vậy nên có một vị chư Thiên vào hầu Phật bạch với Đức Phật rằng:

- bạch đức Thế Tôn, 7 pháp này là pháp làm cho các thầy Tỳ-khưu khỏi bị tai hại. 7 pháp ấy là 7 pháp gì?

* buddhagāravatā: tư cách người biết kính trọng Phật

* dhammagāravatā: tư cách người biết kính trọng Pháp

* saṅghagāravatā: tư cách người biết kính trọng Tăng 

* sikkhāgāravatā: tư cách người biết kính trọng điều học (giới)

* samādhigāravatā: tư cách người biết kính trọng thiền định

* appamādagāravatā: tư cách người biết kính sự không dể duôi

* paṭisandhāragāravatā: tư cách người biết kính trọng sự tiếp đãi

Bạch đức Thế Tôn, 7 pháp làm cho vị Tỳ-khưu khỏi bị tai hại.

đến sáng ngày, Đức Thế Tôn thuật câu chuyện ấy cho chư vị Tỳ-khưu bằng câu kệ rằng:

“Satthugaru dhammagaru,

Saṅghe ca tibbagāravo;
samādhigaru ātāpī ,

Sikkhāya tibbagāravo.
appamādagaru bhikkhu,

Paṭisanthāragāravo;
abhabbo parihānāya,

Nibbānasseva santike”.

Nghĩa là: thầy Tỳ-khưu có sự kính trọng Phật, có sự kính trọng Pháp, có sự kính trọng Tăng... là người không bị tai hại (là xa đạo quả) thì thầy Tỳ-khưu ấy đã ở gần Níp-bàn.

Câu kệ này Đức Thế Tôn dạy trong Aṅguttaranikāya / Sattaka / Nipāta / Paṭhamapaṇṇāsaka / Devatāvaggo / Appamādagāravasutta.

Đây tôi xin giải về 7 điều kính trọng ấy:

sự kính trọng là một pháp rất cần cho mọi người dầu ở đời cũng như trọng đạo. một khi người biết kính trọng bậc trưởng thượng thì làm gì cũng được an vui dễ dàng, vì có người giúp đỡ.

a) Kính trọng Phật.

trước hết nói về sự kính trọng Phật, ta phải tự hỏi: tại sao ta phải kính trọng ngài? Ta kính trọng ngài vì hai lẽ:

* Dù là người còn tại gia, ngài cũng là một vị đế vương, dòng cao sang.

* Khi ngài đã xuất gia tìm được mối đạo, ngài là đấng cứu thế dùng đuốc tuệ rọi đường phá tan bầu không khí mờ tối mà đã làm cho nhân loại phải lạc lầm. tất cả chư Thiên, phạm thiên đều hoan hô, ca tụng ngài có 10 đặc ân cao thượng là Arahaṃ (Ứng Cúng), Bhagavā (Thế Tôn)...

trong chú giải có dạy rằng: khi Đức Thế Tôn còn tại thế, các bậc Tỳ-khưu biết kính trọng Phật mỗi ngày đều vào hầu Phật, để nghe những kim ngôn của ngài giáo huấn. khi đi kinh hành, thấy Đức Thế Tôn đi dưới gió hoặc đi nơi thấp hơn thì không bao giờ dám đi trên gió hoặc đi nơi cao hơn, đây gọi là các thầy Tỳ-khưu biết trọng Phật về mặt vật chất. nhưng sự cung kính ấy cũng không cao quý bằng vâng giữ hành theo lời giáo huấn của ngài.

Riêng chúng ta hôm nay cũng đã xa không gặp được Phật, chúng ta muốn kính trọng ngài phải làm sao? Không phải mỗi ngày ngồi trước kim thân của ngài khấn vái lạy cầu mà cho là kính trọng ngài. điều đúng đắn hơn hết là phải hành theo lời ngài đã dạy.

b) Kính trọng pháp.

Pháp tiếng Phạn gọi là Dhamma, Sanskrit gọi là Dharma, Tàu âm là đà-la-ni, nghĩa là tổng trì, ta thường gọi là Pháp. trước hết xin giải nghĩa tiếng Dhamma – Pháp cho dễ hiểu. Dhamma – pháp nghĩa là: phàm vật gì có bản tính là giữ gìn tính chất của nó không cho hư hại hay bị tiêu diệt. tôi xin ví dụ cho dễ hiểu: như miếng vải trắng, nó giữ được màu trắng của nó, khiến cho người trông thấy đều nhận biết là miếng vải trắng, chứ không ai hiểu rằng đó là vải đen. Nói cho dễ hiểu là vật gì mà có 2 lẽ: giữ chắc cái tính chất của nó và phô bày ra kiểu, cảnh, màu sắc cho người nhận định, phân biệt được đều nên gọi là pháp. Nói kính trọng Đức Thế Tôn đây tức là kính trọng pháp, ý nói rằng: ta hết lòng học và hành theo lời giáo huân của ngài. Pháp có 3 điều khác nhau là:

* Pariyattidhamma: Pháp học, đây ý chỉ 8 muôn 4 ngàn pháp môn, người muốn thông hiểu phải gắng thông hiểu phải gắng công trì chí học, không dể duôi.

* Paṭipattidhamma: Pháp hành, là giới, định,  tuệ, là pháp mà hành giả vâng giữ hành theo đúng sẽ được giải thoát.

* Paṭivedhadhamma: Pháp thành, là chỉ các bậc một khi đã được đắc quả từ Tu-đà-huờn trở lên là các bạc trông thấy Níp-bàn đây gọi là thành pháp.

Ba pháp trên có quả báo khác nhau. Pháp học sẽ làm cho người thông minh hiểu rõ chân lý để hành theo đúng chánh đạo. Pháp hành làm cho con người được có phẩm hạnh thanh cao. Pháp thành là pháp làm cho các bậc trông thấy rõ lý của các pháp mà dứt bỏ được tham ái, phiền não,... mà đắc đạo quả và Níp-bàn. một khi người đã học hiểu chân lý và hết lòng hành theo sẽ đắc được đạo quả thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi nên gọi là sự kính trọng là pháp đem lại sự an lành.

Riêng nơi đây, tôi muốn giải thêm cho chư thiện tín thấy rằng người mà hết lòng nghe pháp rất cung kính cũng được sự an lành, như có tích trong pháp cú 368-376 (DhpA.) tích Sambahulabhikkhu rằng: ngài Đại Đức Kaccāna ở truyền đạo tại xứ Kurara tại Avanti gần núi Pavatta có một người thiện nam tên Soṇakoṭikaṇṇa xuất gia Sa-di 3 năm sau mới xuất gia Tỳ-khưu. Sau khi xuất gia xong, ông xin phép thầy tế độ đi đến Kỳ Viên tịnh xá hầu Phật. khi vào hầu Đức Thế Tôn, Ngài cho cùng ở chung một tư thất với Ngài. đến gần sáng Đức Thế Tôn bảo ngài đọc soḷasasutta (16 bài kinh) bằng sarabhañña (đọc như ta ngâm thơ) (16 bài kinh này có trong Tam tạng ở Aṭṭhakavaggo, Suttanipāta, Khuddakanikāya). Sau khi đọc xong, Đức Thế Tôn khen rằng: hay lắm! hay lắm! lành thay! lành thay! một khi vị Tỳ-khưu hoặc thiện nam tín nữ hay là chư Thiên được Đức Thế Tôn khen thì tất cả thọ thần chư Thiên và các bậc thiên vương đều hoan hô nhiệt liệt. vì vậy nên ngài Soṇa được chư Thiên và Phạm Thiên ca tụng.

Trong khi ấy tại nhà bà tín nữ mẹ ngài Soṇa, xa chùa Kỳ Viên 120 do tuần, có một vị vỗ tay ca tụng rằng:

- lành thay! lành thay!

Bà tín nữ lấy làm lạ hỏi:

- tiếng ai hoan hô vậy kìa?

vị Thiên đáp:

- ta.

- ngài là ai?

- Ta là chư Thiên ở tại nhà này

- tại sao từ trước đến nay ngài không hoan hô cầu chúc cho tôi như vầy?

- hôm nay đâu phải ta hoan hô bà

- nếu vậy ngài hoan hô ai?

- Ta hoan hô vị Đại Đức Soṇakoṭikaṇṇa là con của bà

- Con của tôi làm gì mà ngài hoan hô

- Con của bà ở chung với Đức Thế Tôn một tư thất và thuyết pháp cho Đức Thế Tôn nghe. Sau khi dứt lời pháp, Đức Thế Tôn ca tụng con bà nên ta ca tụng ngài Đại Đức vì hoan hô theo lời của đấng giác ngộ

- Thưa ngài, con của tôi thuyết pháp cho Đức Thế Tôn nghe  hay là Đức Thế Tôn thuyết cho con tôi nghe?

- Con bà thuyết cho Đức Thế Tôn nghe

Bà tín nữ nghe qua lấy làm thỏa thích đắc được 5 điều hỷ lạc và nghĩ rằng: nếu con ta được ở chung một tư thất với Đức Thế Tôn và dám thuyết pháp cho ngài nghe thì cũng có thể thuyết cho ta nghe. Khi nào con ta về ta sẽ yêu cầu con ta thuyết pháp, ta sẽ nghe

về sau ngài trở về xứ, đi khất thực, mẹ ngài trông thấy mời vào nhà hỏi rằng:

- này con, mẹ có nghe rằng: con ở chung một tư thất với Đức Phật rồi thuyết pháp cho Đức Phật nghe có phải không?

- chuyện này ai thuật lại với mẹ?

- chư thiên trong nhà này hoan hô con

đoạn bà thuật chuyện lại và nới thêm rằng:

- mẹ nghĩ, nếu con có thể thuyết pháp cho Đức Thế Tôn nghe được, thì có lẽ con cũng thuyết cho mẹ nghe được. vậy con cũng nên thuyết cho mẹ nghe với.

ngài Đại Đức vui lòng nhận lời hứa. bà nghĩ rằng: trước khi nghe pháp, ta phải cúng dường cho chư Tăng trước, nên bà cho tôi tớ trong nhà nấu đồ vật thực quý giá đem vào chùa trai Tăng sẵn dịp nghe thuyết pháp luôn.

Trong lúc đang nghe pháp có 900 tên cướp kiếm thế vào nhà bà. Vì nhà giàu, sự trông nom chu đáo nên chúng không có dịp, nay nhân khi bà vào chùa nên bọn cướp tìm cách vào nhà. Sau khi vào nhà đốt đuốc tìm lấy của thì người tớ gái của bà đến nói cho bà hay rằng:

- thưa bà, một bọn cướp, rất nhiều, đã vào nhà lấy tiền.

- bọn cướp ấy tìm được bao nhiêu tiền trong nhà thì ngươi cứ để cho chúng lấy hết đi, để cho ta yên tịnh nghe Pháp

riêng bọn cướp lấy hết tiền xong mới đến kho chứa bạc, phá cửa và hốt bạc. người tớ gái lại đến kêu bà nữa. bà đáp:

- ngươi để cho bọn cướp muốn lấy bao nhiêu thì lấy, đừng làm hại sự nghe pháp của ta.

bọn cướp lấy hết bạc lại đến kho vàng. người tớ gái lại đến kêu bà lần nữa. bà nói:

- ô! Cái con nhỏ này, ngươi đến làm rộn ta nhiều lần rồi, ta đã bảo rằng: bọn cướp muốn lấy bao nhiêu thì lấy, ngươi đừng đến làm hại sự nghe pháp của ta, nếu còn đến nữa sẽ bị đòn, ngươi hãy về đi.

Cô tớ gái về thuật tự sự cho tên tướng cướp nghe, tên tướng cướp mới nghĩ rằng: nếu chúng ta lấy của người như thế này thì sẽ bị trời đánh. Nghĩ vậy, tên tướng cướp mới đến bảo bọn lâu la rằng:

- các ngươi nên đem đồ đạc của bà tín nữ này để lại chỗ cũ.

bọn cướp vâng lời trả lại như cũ.

Đây để cho quý vị thấy rằng: người rán thực hành theo lời của Phật thì được nhiều sự an lành, đúng theo kim ngôn của Đức Thế Tôn dạy rằng:

Dhammo have rakkhati dhammacāriṃ,

Dhammo suciṇṇo sukhamāvahati;

Esānisaṃso dhamme suciṇṇe,

Na duggatiṃ gacchati dhammacārī[69].

Nghĩa là: pháp ấy hằng hộ trì người thực hành theo pháp. một khi người thực hành đúng theo pháp rồi, sẽ đem sự an vui đến cho. Đây là quả báu của sự hành theo Chánh Pháp.

Ý nói rằng: người vâng giữ hành theo chân lý của Đức Thế Tôn đã dạy thì khỏi phạm vào những tội mình đã lánh xa tức là mình được pháp hộ trì mình khỏi khổ.

bọn cướp đến nghe thuyết Pháp. Khi vừa rạng đông thì dứt thời Pháp. Tên cướp đến quỳ mọp dưới chân bà thí chủ và nói rằng:

- thưa bà, xin bà xá tội cho tôi.

Bà lấy làm lạ hỏi rằng:

- chuyện gì thế?

- thưa bà, tôi là người oán ghét bà, định đến đây giết bà.

- nếu vậy ta miễn lỗi cho con

bọn cướp thấy chủ tướng của mình làm như vậy cũng bắt chước làm theo, bà cũng nói như trước. bọn họ mới nói:

- thưa bà, nếu bà tha lỗi cho chúng tôi thì xin bà hãy nói với con bà cho chúng tôi xuất gia.

Bà mới nói với ngài Đại Đức rằng:

- con ơi! những tướng cướp này trong sạch với con, muốn xuất gia theo con. vậy con hãy vui lòng cho người xuất gia với.

Đại Đức đáp:

- lành thay!

rồi ngài cho xuất gia, 900 vị Tỳ-khưu ấy lên núi tham thiền. Đức Thế Tôn ở cách xa 120 do tuần, Ngài hiểu rõ câu chuyện ấy, dùng thần thông cho các vị Tỳ-khưu mới thấy Ngài và thuyết 9 lần kệ. khi Đức Thế Tôn thuyết một câu kệ thì có 100 vị Tỳ-khưu đắc A-la-hán quả bay về hầu Đức Thế Tôn.

Tôi nhắc tích này lại để quý vị thấy rằng: người hết lòng nghe pháp, hết lòng thực hành theo pháp thì được sự an lành như thế, đây cũng là cái gương để ta thực hành theo.

Trong tích này, đáng cho quý vị nghĩ rằng: một khi xuất gia rồi tại sao bà mẹ vẫn kêu là con và ông con cũng vẫn kêu bằng mẹ? theo trong Phạn ngữ là vậy chứ không phải tùy ý tôi muốn nói. Theo tôi biết dầu xuất gia hay tại gia, bà mẹ không thể quên tiếng con và ông con cũng không thẻ quên tiếng mẹ. hơn nữa, đây là tiếng xưng hô giữa mẹ con cũng không thấy có chỗ nào cấm.

c) Saṅghagāravat - kính trọng Tăng

Tăng có 2 bậc là phàm Tăng và thánh Tăng. Phàm Tăng là những bậc xuất gia cố nghiêm trì giới luật của Đức Thế Tôn đã khẩu truyền. người thiện tín biết kính trọng Tăng, vì họ hiểu rằng: Tăng là bậc thừa hành theo giáo lý của Phật, các ngài là bậc cố xa lìa phiền não, là người dẫn đường sáng suốt, các ngài là ngọn cờ Phật Giáo. vậy tín đồ muốn cho Phật Giáo được trường tồn, cũng nên biết cách kính trọng chư Tăng, không phải tôi là nhà sư muốn cho quý vị kính trọng mà nói thế. Theo thâm tâm tôi muốn cho quý vị biết thế nào gọi là nhà sư. Vì hiện giờ có lắm kẻ lợi dụng y bát của Phật cho rằng: ta là người xuất gia. thật ra thì không hiểu giáo lý của nhà Phật là gì cả, chỉ dẫn những người tìm theo ý kiến của mình, làm cho người cố tìm sự giải thoát càng lạc thêm. phải chăng những người ấy lợi dụng bộ cà-sa để nuôi sống dễ dàng. lắm người nói rằng: người ấy giàu có đi tu thì họ có gì gọi là lợi dụng? những người ấy không lợi dụng về lợi nhưng họ còn muốn lợi dụng danh, vì họ muốn làm một vị giáo chủ. sự thật người ta có thể bỏ lợi để mua danh. vậy thiện tín muốn kính trọng Tăng phải phân biệt bằng cách nào? nếu muốn biết rõ cho dễ phân biệt xin mời quý vị gai công học cho rõ thông phận sự của người xuất gia, trước là khỏi bị bọn lợi dụng Phật Giáo lường gạt và những kẻ muốn lợi dụng cái chưa được thông suốt của ta để họ dễ làm một giáo chủ. Hai nữa là, để biết đâu là Chánh Pháp để thực hành theo, hoặc để trông thấy cái quấy của các nhà sư quên mình và thành thật nhắc nhở các ngài, đó là ta giúp cho Phật Giáo được trường tồn. khi ta học rõ luật ta mới phân biệt được Phật Giáo được trường tồn đến năm ngàn năm chăng cũng nhờ sự hiểu thông kinh, luật của hành tứ chúng.

d) Sikkhāgāravatā: tư cách người biết kính trọng điều học

điều học đây ngụ ý chỉ là: giới hạnh của người đã thọ trì rồi không cho phạm vào, nghĩa là luôn luôn trông coi giới hạnh của mình như người đã mù một mắt rồi rán lo săn sóc mắt kia không cho đau, vì sợ rủi ro mù nốt. đại ý dạy rằng: rất cố gắng bài trừ những phiền não còn trong lòng ta, không dám dể duôi.

e) Samādhigāravatā: kính trọng thiền định

kính trọng đây là cố hành không dám xao lãng. thiền định là một phép dạy tâm, kềm chế tâm không cho xao lãng phóng túng theo trần cảnh, bắt buộc cho tâm phải yên trụ. nhất là các bậc xuất gia, thiền định là điều quan trọng hơn hết, nhờ có thiền định là nấc thang thứ nhì của sự giải thoát đến Níp-bàn.

Trong bộ chú giải Visuddhimagga có sánh trần cảnh như một thứ nhựa rất dẻo và rất dính. Mùa nắng, nhựa ấy chảy ra dưới gốc cây, trông thấy như một miếng nhung đẹp. có một con khỉ lại gần, thấy nhựa tưởng là tấm nhung ngồi lên, bị dính cứng vào nhựa. khỉ chống hai tay để đứng lên, tay lại bị dính luôn, dùng 2 chân để chỏi đặng đứng dậy cũng bị dính. khỉ tìm đủ mọi cách để thoát thân nhưng vô hiệu quả. Sau rốt khi dùng miệng để cắn đặng gỡ nhựa thì cả mồm cũng bị dính luôn, trước tình cảnh ấy, chúng ta đáng thương hại cho khỉ ấy lắm.

Riêng người, không mắc phải nhựa ấy nhưng lại mắc một thứ nhựa càng dẻo, càng dai, càng dính chắc hơn các thứ nhựa khác là trần tục. khi còn nhỏ ở trong gia đình thư thả, sau có vợ là bắt đầu dính như khỉ mới dính cái đít, sau có con cũng như khỉ mới dính hai tay, khi có tiền của cũng như khỉ mắc thêm hai chân, đến có quyền chức cũng như khỉ mắc luôn các cái mồm, chỉ còn chịu chết thôi. thật ra tâm con người thường bị dính vào tài, sắc, lợi danh, khó mà gỡ ra được, chỉ do nhờ thiền định là phương pháp chữa và sửa lần, không cho tâm say mê theo trần cảnh nữa.

thuở xưa xứ Ấn Độ, trước khi làm lễ hỏa táng, người nhà dùng chỉ buộc hai tay và hai chân cùng cổ. không ai hiểu ý nghĩa ấy ra sao, có người đến hỏi Đại Đức Kāla, ngài giải rằng: con là cái vòng cột cổ, vợ là cái vòng buộc chân, của cải là cái vòng buộc tay. Vì thương con nên không thể tu hành gì được, chỉ lo kinh doanh hầu để lại sự nghiệp cho con mà quên mình già và chết. cũng vì thương vợ nên ráng lo bòn tảo để tìm chút danh vọng để vợ được hãnh diện với chúng bạn, không nhớ rằng: những tội lỗi mà ta đã làm không ai chịu thế cho ta được. vì thương mến vợ con nên không thể đem tiền của ra giúp đỡ đồng bào vì sợ hết tiền của cho vợ con dùng, vì vậy nên ví cũng như sợi dây cột tay.

tục lệ này dùng để dạy người một cách gián tiếp rằng: con người khi đến chết vẫn còn phải bị cột chặt vào 3 nơi là con, vợ, và của cải. thật ra tâm người cũng còn mến tiếc 3 điều kể trên như sợi dây trói chặt lại không bao giờ giải thoát được.

Đức Thế Tôn dạy ta phải kính trọng thiền định nghĩa là phải cố chuyên trì hành theo không cho gián đoạn. như tôi đã nói, thiền định là nấc thang thứ nhì (sau giới) để đi đến giải thoát. vậy một khi quý vị biết đời là bể khổ, nên cố gắng niệm Phật, đành rằng ta không thể giải thoát trong kiếp này nhưng đó là duyên lành để trợ lực về sau, vì là nhân mài dũa một phần nào phiền não hiện tại. đời không phải giàu sang quyền tước là hạnh phúc. Tôi xin nhắc sơ lược tích của Đại Đức Anuruddha để quý vị thấy gương lành của ngài. đức Anuruddha là dòng Thích-Ca, được kế vị cho đức Tịnh Phạn vương. Sau lại ngài xuất gia, ngài hằng ở dưới cội cây hay nơi rừng vắng. khi ngài ở những nơi ấy, ngài thường nói rằng: hạnh phúc thay! hạnh phúc thay! Các vị Tỳ-khưu nghe vậy mới vào bạch với Đức Thế Tôn rằng:

- ngài Anuruddha có ý muốn khoe mình về đạo, quả.

Đức Thế Tôn cho kêu ngài vào hỏi có phải như vậy không.

Ngài đáp:

- có.

- tại sao ngươi nói như vậy?

- bạch đức Thế Tôn, khi đệ tử còn trị vì, có thành trì kiên cố, có ngự lâm quân canh tuần nghiêm ngặt, nhưng đệ tử vẫn còn e ngại có kẻ thích khách, ngoài ra còn sợ quan xâm lăng của các cường quốc. ngày nay đệ tử xuất gia bỏ ngai vàng ở nơi rừng sâu thanh vắng, cội cây mà lòng đệ tử vẫn được an vui hạnh phúc, không sợ kẻ cướp của giật đồ. Vì đệ tử trông thấy quả của sự không có của cải như vậy nên đệ tử nói rằng: hạnh phúc thay!

Nhắc tích này lại để chư thiện tín thấy rằng: của cải quyền chức không đem lại sự an vui, trái lại làm cho ta kinh sợ, lo lắng. hạnh phúc thật sự là sự không lo mất còn, có không, người muốn cho lòng mình thơ thới như vậy chỉ có trì giới, tham thiền thì mới nếm được hương vị của sự an vui ấy. vì Đức Thế Tôn biết lòng chúng sanh còn rất nhiều phiền não và nên cố gắng đừng xao lãng, ấy gọi là kính trọng thiền định.

f) Appamādagāravatā: tư cách biết kính trọng sự không dể duôi

sự không dể duôi là sự không phung phí thì giờ quý báu của mình mà làm những điều vô ích.

sự không dể duôi ấy chia làm hai phần là: sự không dể duôi bậc thấp và sự không dể duôi bậc cao

sự không dể duôi bậc thấp có 3 điều là:

* không dể duôi trong sự diệt trừ các điều tội lỗi do thân, khẩu, ý và làm thêm điều thiện.

* không diệt trừ các điều tội lỗi do khẩu nghiệp và cố nói những điều lành.

* không dám nghĩ đến sự hung dữ xấu xa, vì cố dạy tâm những việc lành.

về bậc cao có 3 là

* không dể duôi trong sự quan sát gìn giữ tâm không cho tâm tham mến theo trần tục, trong khi có cơ hội gần trần tục

* không dể duôi để tâm si mê, giải đãi, phóng túng

* không dể duôi để tâm sân hận, trong khi gặp phải trường hợp sân hận

ba điều này thuộc về bậc cao vì ba điều này là nhân nhận thấy rõ Níp-bàn. người mà không dể duôi trong những điều kể trên hoàn toàn rồi, gọi là biết kính trọng sự không dể duôi.

g) Paṭisandhāragāravatā: tư cách người biết kính trọng sự tiếp đãi

sự tiếp đãi này thuộc về phép lịch sự ở đời. nhưng trong sự tiếp đãi có hai cách là:

  • āmisapaṭisandhāra: tiếp đãi bằng vật thực

nghĩa là khi có khách đến nhà ta tiếp bằng những bữa cơm hoặc đãi nước, vui vẻ tiếp chuyện

  • dhammapaṭisandhāra: tiếp đãi bằng pháp

nghĩa là trong trường hợp nào có thể thuận tiện cho ta khuyên người bỏ dữ, hoặc giải những nguyên nhân gì làm cho người nhận thấy lẽ phải, hoặc ta dạy bảo quyến thuộc. sự tiếp đãi sẽ được kết quả nhiều sự lợi ích là cột được sự thân ái với tất cả mọi người, được nhiều bạn lành, sau khi chết được sanh về cõi trời, sanh về ngày vị lai có nhiều quyến thuộc, và nếu có lầm lạc có các bậc trí thức nhắc nhở.

Vậy trong câu kệ này có năm điều an lành, tôi chỉ giải có một. trong bảy điều kính trọng. kính trọng Tam bảo là để làm cho tâm ta càng dính chắc vào ba ngôi cao quý, kính trọng điều học, thiền định, sự không dể duôi và sự tiếp đãi là phương pháp diệt trừ phiền não là ỷ lại, dể duôi, lười biếng, tỏ vẻ nhã nhặn về xã giao hơn nữa là tùy dịp dạy pháp lành. vậy bảy pháp này là pháp cần yếu cho Phật tử, mong rằng chư thiện tín cố thực hành theo.

BÀI 24 SỰ AN LÀNH (TT)

Câu kệ thứ tám:

“Khantī ca sovacassatā,

Samaṇānañca dassanaṃ;

Kālena dhammasākacchā,

Etaṃ maṅgalamuttamaṃ”.

Nghĩa:

Một: sự nhẫn nhịn.
Hai: nết hạnh người dễ dạy.
Ba: sự được thấy được gặp các bậc Sa-môn.
Bốn: tánh cách biện luận về Phật pháp theo thời.
Cả bốn đều ấy là hạnh phúc cao thượng.

1. Khantī nghĩa là nhẫn nại.

Nhẫn nại nghĩa là nhịn, nín, ý nói cố gắng mà chịu những sự bực tức. Khantī (nhẫn nại) lại có ý là nhịn chịu nghĩa là gắng chịu những điều sỉ nhục bằng lời nói hay là bằng sự đánh đập, mặc dầu oan hay là ưng chịu của người lớn hơn mình. Khantī (nhẫn nại) lại có ý nghĩa đặc biệt là nhịn chịu với những lời hỗn láo của kẻ nhỏ hơn mình. Đại cương trong tiếng khantī (nhẫn nại) ấy dạy rằng: dù kẻ lớn hay nhỏ, họ dùng lời thô lỗ cộc cằn, mắng nhiếc, đá, đánh đập ta, mà ta nhịn chịu được, không đánh mắng lại gọi là khantī nhẫn nại .

Theo chú giải có dạy rằng: thầy Tỳ-khưu có lòng nhẫn nại là người có tánh cách như là điếc, không cần nghe những lời kẻ khác khen hay chê hoặc chửi mắng, hay làm như bại xuôi không đánh trả lại khi người ta đánh đập mình cũng như vị đạo sĩ  Khanti hằng cố gắng làm cho tâm của ngài trong sạch bằng đức nhẫn nại, hoặc như ngài Đại Đức tên Puṇṇa là vị được Đức Thế Tôn khen là một vị đại đệ tử có nhiều đức nhẫn nại. Đây tôi tôi xin nhắc lại 2 tích ấy.

Trong lúc quá khứ, đức Bồ-tát sanh vào dòng Bà-là-môn tên Kuṇḍakakumāra[70] tại kinh đô Bārānasī, ngài xuất gia làm đạo sĩ ở tai rừng Tuyết Lãnh rất lâu, Ngài về thành Bārānasī ở tại vườn Thượng Uyển. Lúc ấy đức vua Bārānasī tên Kalābu uống rượu say, dẫn phi tần vào vườn thượng uyển. Các phi tần thấy nhà vua đã an giấc rủ nhau đi chơi, gặp vị đao sĩ đang ngồi dưới gốc cây vừng mới làm lễ ngài rồi ngồi nghe pháp.

Sau khi tỉnh rượu đức vua tỉnh dậy, không thấy có một phi tần nào hầu ngài, nổi giận xách gươm đi kiếm. Khi ấy có một bà vương phi mà đức vua yêu nhất giựt gươm của ngài. Khi đi đến cội vừng, thấy vị đạo sĩ đang ngồi thuyết pháp mới hỏi:

- Này sa-môn, ngươi hằng dạy (người) những gì?

- Tâu đại vương bần đạo hằng dạy về sự nhẫn nại.

- Nhẫn nại là gì?

- Nhẫn nại là sự không sân hận trong khi kẻ khác chửi mắng đánh đập, khinh bỉ mình.

- Nếu vậy, ta sẽ trông thấy ngươi có nhẫn nại hay là không.

Rồi ngài truyền rằng:

- Giám sát, ngươi hãy đè vị đạo sĩ này xuống, hãy đánh khắp châu thân hai ngàn roi cho trẫm. Giám sát làm y theo lời.

Rồi đức vua hỏi:

- Ngươi hằng dạy (người) những gì?

- Tâu đại vương, bần đạo thường dạy về nhẫn nại. Có lẽ đại vương tưởng rằng: nhẫn nại theo da của bần đạo chăng? Nhẫn nại không theo da của bần đạo đâu, nhẫn nại trong thân tâm của bần đạo.

- Các ngươi hãy chặt tay chặt chân vị đao sĩ này cho trẫm.

Sau khi chặt tay và chân xong đức vua hỏi như trước. Ngài đạo sĩ tâu rằng:

- Tâu đại vương, bần đạo hằng dạy về nhẫn nại. Đại vương tưởng rằng: nhẫn nại theo tay chân của bần đạo chăng? Nhẫn nại không theo tay chân đâu.

- Các ngươi hãy lắt tai xẻo mũi tên đạo sĩ này cho ta.

Sau khi thực hành xong, đức vua cũng hỏi như trước, vị đạo sĩ cũng trả lời như trước. Đức vua tức giận vô cùng mới nện gót chân lên ngực của vị đạo sĩ, rồi bỏ ra đi. Mặt của quả địa cầu chịu nổi sức nặng của Tuyết Lãnh, nhưng không chở nổi tội lỗi của nhà vua đã làm, nên nứt ra một lằn. Đức vua bị sụp đất chết, sanh vào địa ngục tên Avīci (A-tỳ). Sau khi đức vua ra đi, có một vị đại thần vào lau máu cho ngài đạo sĩ và nói rằng:

- Bạch ngài, nếu ngài có giận, xin ngài giận nhà vua làm hại ngài, đừng giận chúng tôi.

Vị đạo sĩ đáp:

- Nhà vua nào truyền chặt tay chân, cắt tai, lắt mũi ta, ta xin nhà vua ấy được sống lâu. Vì người như ta không bao giờ biết giận.

Tích này trong bộ Túc sanh truyện (Jātaka).

Quý hóa thay hạnh của đấng cao cả, mặc dù đã chết nhưng hôm nay vẫn còn lưu lại hương lành. Hôm nay tôi nhắc đây để chúng ta thấy gương của ngài để hành theo đức nhẫn nại ấy. người muôn biết ta có tu hay không là biết trong khi gặp trường hợp phải sân hận, tham lam nhưng ta nhịn chịu được, như thế mới gọi là người có tu, hay là tu đến bậc nào. nếu muốn tu pháp nhẫn nại thì luôn luôn phải có trí nhớ, nhớ rằng: những trường hợp nào làm cho ta lung lạc đó là những chuyện thử thách lòng ta, coi ta tu được đến mực nào, ta phải dùng nhẫn nại để thắng những điều ấy. nếu người có đủ lòng nhẫn nại là chúng ta có đủ những vũ khí để thắng kẻ hung ác như tích của Đại Đức Puṇṇa. Tích ấy như vầy:

Có một người phú thương tên Puṇṇa ở xứ Sunāparanta đi đến kinh đô Thất-la-phiệt (Sāvatthī) để buôn bán, được vào hầu Đức Phật và nghe pháp, phát tâm tín thành muốn xuất gia, nên mới gọi người quản lý đến bảo rằng:

- ngươi hãy đem hết gia tài của ta về trao lại cho em ta là Cūḷapuṇṇa.

rồi ông xin xuất gia học tham thiền với Đức Thế Tôn. Khi ông ở tham thiền tại Thất-la-phiệt không có kết quả tốt đẹp. ngài mới nghĩ rằng: chỗ này không hợp phong thổ với ta. Ngài muốn đi về xứ Sunāparanta, nên vào hầu Phật, xin phép Đức Thế Tôn đi về xứ Sunāparanta. Đức Thế Tôn hỏi:

- thầy muốn đi ở nơi nào?

- bạch đức Thế Tôn, đệ tử xin đi ở xứ Sunāparanta.

Đức Thế Tôn biết rõ Puṇṇa là người có tính nhẫn nại vô lượng vô biên. Nhưng Đức Thế Tôn muốn cho ngài giải 7 điều nhẫn nại cho các thầy Tỳ-khưu khác nghe và cho thiện tín thấy cái đức nhẫn nại của ngài. Tích này có trong tạng kinh bộ Majjhimakikāya, Uparipaṇṇāsa, Saḷāyatanavagga, bài kinh Puṇṇavādasutta như vầy. Đức Thế Tôn hỏi:

- này Puṇṇa, nếu người xứ ấy sẽ chửi ngươi, dọa nạt ngươi, thì ngươi có phương pháp chi đối với người ấy?

- bạch. Đức Thế Tôn, nếu người xứ Sunāparanta, chửi mắng, dọa nạt đệ tử, đệ tử sẽ nghĩ rằng: những người xứ Sunāparanta tử tế quá, thật là tử tế, vì họ không đánh ta bằng tay. bạch đức Thế Tôn, theo trường hợp này, đệ tử nghĩ vậy.

- này Puṇṇa! nếu những người xứ Sunāparanta đánh ngươi bằng tay, theo trường hợp này ngươi nghĩ đối phó thế nào?

- Bạch đức Thế Tôn, nếu những người xứ Sunāparanta đánh đệ tử bằng tay đệ tử sẽ nghĩ rằng: những người xứ Sunāparanta thật là tử tế, vì những người ấy không chọi ta bằng gạch. bạch đức Thế Tôn, theo trường hợp này, đệ tử nghĩ vậy.

- này Puṇṇa! nếu những người xứ Sunāparanta chọi nhà ngươi bằng gạch đá, theo trường hợp này ngươi nghĩ đối phó thế nào?

- Bạch đức Thế Tôn, nếu những người xứ Sunāparanta chọi đệ tử bằng gạch đá, đệ tử vẫn nghĩ rằng: những người xứ Sunāparanta thật là tử tế, vì họ chưa đánh ta bằng cây. bạch Đức Thế Tôn, theo trường hợp này, đệ tử suy nghĩ như vậy.

- này Puṇṇa! nếu những người ở xứ Sunāparanta, họ sẽ đánh nhà ngươi bằng cây, theo trường hợp này nhà ngươi nghĩ đối phó thế nào?

- Bạch Đức Thế Tôn, nếu những người xứ Sunāparanta đánh đệ tử bằng cây, đệ tử sẽ nghĩ rằng: những người xứ Sunāparanta thật là tử tế, vì họ chưa đâm ta bằng kiếm, chém ta bằng đao. bạch đức Thế Tôn, theo trường hợp này, đệ tử suy nghĩ như thế.

- này Puṇṇa! nếu những người ở xứ Sunāparanta, họ sẽ đâm nhà ngươi bằng kiếm, chém nhà ngươi bằng đao, theo trường hợp này nhà ngươi nghĩ đối phó bằng cách nào?

- Bạch Đức Thế Tôn, nếu những người xứ Sunāparanta đâm đệ tử bằng kiếm, chém đệ tử bằng đao, đệ tử sẽ nghĩ rằng: những người xứ Sunāparanta thật là tử tế, vì họ chưa giết ta. bạch Đức Thế Tôn, theo trường hợp này, đệ tử nghĩ như vậy.

- này Puṇṇa! nếu những người ở xứ Sunāparanta, họ sẽ giết ngươi, theo trường hợp này ngươi nghĩ đối phó bằng cách nào?

- Bạch Đức Thế Tôn, nếu những người xứ Sunāparanta họ sẽ giết đệ tử, đệ tử sẽ nghĩ rằng: chư Thinh Văn đệ tử Phật, chán nản gớm ghê thân này, các Ngài hằng muốn trừ nó, riêng về phần đệ tử không kiếm nhưng may lại được. bạch Đức Thế Tôn, theo trường hợp này, đệ tử suy nghĩ như thế.

Đức Thế Tôn nói lời hoan hỷ rằng:

- Lành thay! Lành thay! Puṇṇa ngươi là người có tâm thanh tịnh là sự nén lòng, ngươi có thể đi đến ở xứ Sunāparanta được. vậy ngươi hãy tùy tiện đi.

Tôi nhắc tích ngài Puṇṇa nhẫn nại với 7 điều ấy là: chửi, doạ nạt, mắng nhiếc, đánh bằng tay, chọi bằng đá gạch,  đánh bằng cây, chém bằng đao, đâm bằng kiếm và giết chết.

để cho thiện nam tín nữ trông thấy đức nhẫn nại cao cả của ngài như thế mới xứng đáng gọi là đệ tử Phật. Nhờ đức nhẫn nại ấy mà ngài chinh phục được tất cả lòng người trong xứ ấy, những người chửi mắng ngài đều trở nên tín đồ của ngài cả. riêng ngài, ngài nhờ sự nhẫn nại ấy nên ngài hành đắc quả A-la-hán trong xứ Sunāparanta. Chúng ta hãy coi gương ngài mà vâng giữ hành theo, nhờ có kẻ hung dữ nên ta mới thấu sự tu của ta tới bậc nào, cũng như có vật đen mới biết vật trắng; nếu hai vật đều đen hết thì làm sao phân biệt được. nhắc đây để quý vị thấy rằng câu nói: gặp Phật thì tu, gặp quỷ thì trừ. đối với Phật, Ngài nào có làm cho ta sân hận, oán ghét ngài đâu, mà dầu ta là kẻ dữ không tu hành ở gần Ngài cũng được an vui mát mẻ. còn ở gần kẻ ác là quỷ ấy nó làm cho ta bực tức khó chịu, ta nhịn chịu được với trường hợp ấy mới gọi là người tu. Theo tôi nên sửa câu này như vầy: gặp Phật phải ráng học cách tu, khi gặp quỷ ta phải thực hành những phương pháp tu mà ta đã học, nghĩa là ráng tu với quỷ. Tu đây ý nói là sửa chữa lầm lỗi của ta. lẽ cố nhiên, người ta tìm loại đá để thử vàng, chớ không bao giờ người tìm vàng để thử đá. Cũng như người tu, bao giờ gặp phải sự khổ lòng nhịn chịu được vì nghĩ rằng: đây là phương pháp tập cho ta tu, đây là điều thử lòng ta, coi tu đến bậc nào. trường hợp mà ta gặp là phương pháp thử lòng ta. những điều chạm phải như đá để thử lòng vàng.

người mà có đủ nhẫn nại như ngài Đại Đức Puṇṇa mới đáng làm hướng đạo dạy đời hai tiếng nhẫn nại. nhắc đến gương của ngài thì ta trông thấy hai điều là:

* ngài là bậc hy sinh cho lẽ đạo, mặc dầu biết rằng nơi ấy là nơi khó khăn

* một khi ngài xuất gia cố giải thoát thì ngài không nài lao khổ miễn là giải thoát là toại lòng và nhờ ấy mà truyền bá Phật pháp được dễ dàng. tiếc vì các vị pháp sư thời bây giờ hình như thiếu đức tính ấy, không thể chịu được sự chỉ trích của tín đồ, không gắng thế chịu được sự chỉ trích của tín đồ, không gắng thế chịu được mọi sự khó nhọc trong các trường hợp khi truyền đạo, còn thiện tín thì không đủ nhẫn nại để khuyên rủ người tu, và trước cảnh trời mưa, có khách, hoặc vì sự trái ý nghịch lòng đôi chút giữa bạn đồng đạo lại bỏ rơi sự tu tập xa lần chùa, đây là do nhân thiếu sự nhẫn nại. khi mà quý vị trông thấy có những gì làm cho lòng ta giải đãi thì nên nghĩ và nhớ đến tích của hai vị tôi kể trên làm gương thì sẽ phá tan được sự lười biếng và thêm lòng nhẫn nại.

Theo chú giải của bài kinh Saṅgītisutta (D. III, 207) có dạy rằng: sự nhẫn nại là sự nhịn chịu không làm hại kẻ khác, không làm cho kẻ khác khóc than buồn khổ. Theo Ṭīkā của bài kinh này lại dạy rằng: sự nhẫn nại là sự nhịn chịu với sự làm ác, nói ác của kẻ khác đối với mình, và hơn nữa không oán giận (vì phần đông, nhịn được nhưng sự bực tức vẫn còn trong tâm). Vậy ta cần phải có trí nhớ để quan sát coi lòng ta còn có sự bực tức không, nếu còn thì ta nên biết rằng: ta chưa đủ đức tính nhẫn nại trong tâm, chỉ mới học được sự chịu đựng thôi, vì mầm oán giận hãy còn. Nếu ta thấy lòng ta mát mẻ vui vẻ thì ấy mới thật là nhẫn nại. Người làm chủ tâm của mình được thì ngoài mặt như trong lòng, không chút giận hờn oán ghét và vui vẻ như thường. Nhất là rất hài lòng vì thấy sự tu tập của mình có tiến bộ, như thế mới gọi là làm chủ được tâm, tạm gọi là đủ đức tính nhẫn nại. Hơn nữa tâm người khi gặp cảnh trái ý nghịch lòng nhưng vẫn hoan hỷ không nóng nảy, bực tức, giận dữ, gọi là người làm chủ tâm mình.

Theo Ṭīkā của bài kinh Sabbāsavasutta trong Mūlapaṇṇāsa (Majjhimanikāya) có dạy rằng: nhẫn nại là sự nhẫn nhịn ý nói, sự nhịn chịu những điều sỉ nhục của kẻ khác (đối với mình) mà mình không oán giận. Theo chú giải bộ kinh Sabbāsavasutta dạy rằng: nhẫn nại là sự nhịn chịu với tất cả sự khó khăn, như đối với sự nóng, lạnh, đói, rét. Vậy tôi xin nhắc tích của hai vị Đại Đức cho quí vị thấy để làm gương noi theo.

Có vị Đại Đức tên Lomasanāgatthera (MA. I, 65). ngài ở hành đạo tại hang tên Piyaṅgū núi Cetiyapabbata, khi ấy nhằm mùa nắng, trời thật nóng nhưng ngài vẫn tự nhiên ngồi tham thiền giữa trời mồ hôi đổ ra. Các đệ tử thấy vậy nóng lòng, nên đến bạch xin ngài vào ngồi trong mát. Ngài đáp: vì tôi sợ nóng lắm nên mới ngồi vào đây. Rồi ngài mới quan sát đến cái nóng của địa ngục còn bằng mấy trăm triệu lần cái nóng mặt trời, nhờ vậy ngài đắc quả A-la-hán tại chỗ ấy. Đây là một gương lành chúng ta nên soi vào để noi theo, khi truyền đạo cũng như lúc hành đạo, đừng câu nệ nắng, mưa, đói, rét, thất vọng v.v... hãy ngó ngay vào ích lợi chung của toàn thể chúng sanh và sự giải thoát của ta.

lại còn một tích của một vị Đại Đức, khi đi khất thực thiếu cơm ăn đã hai ba ngày, sự đói khát làm cho ngài rất khổ. Nhưng không vì lẽ ấy mà thối chí ngã lòng, ngài càng suy nghĩ đến cái khổ như vầy: khi ta còn luân hồi trong cõi sa-bà này, thì biết bao nhiêu lần ta sanh làm ngạ quỷ phải bị đói khát gấp trăm triệu lần như thế này. Ngài lại nghĩ đến lúc sanh làm A-tu-la và vào địa ngục... khi ấy tâm ngài kinh sợ trong sự luân hồi khổ, ngài dùng trí tuệ quán sát thân này vô thường, khổ não và vô ngã, ngài đắc quả A-la-hán. vậy ta không vì những sự đói lạnh, hoặc lẽ khác gì mà giải đãi sự tu tập của ta.

những thành tích vẻ vang của các bậc vĩ nhân mà tôi vừa nhắc lại, để chư thiện tín trông thấy rằng: các ngài làm được sự lợi ích cho mình và cho người là nhờ sự nhẫn nại. vì vậy nên nhẫn nại gọi là một điều hạnh phúc, mà toàn thể chúng ta đều ước mong. vậy chúng ta nên cố gắng hành theo pháp nhẫn nại.

trong Túc sanh truyện tên Sarabhaṅgajātaka[71] nói rằng: có một vị đạo sĩ tên Sarabhaṅga nói với đức Đế Thích rằng: người dứt được lòng sân hận thì không bao giờ có sự than van. Các bậc đạo sĩ hằng khen tặng sẽ không quên ơn người. những người nhịn chịu được sự chê bai, khinh bỉ của kẻ khác, các bậc trí thức gọi là sự nhẫn nại cao thượng.

cũng ngài đạo sĩ Sarabhaṅga có dạy rằng: người nhịn chịu được những lời nói của người lớn hơn mình vì lẽ sợ. nhịn chịu được lời nói của người bằng mình vì sợ không chống trả (vì sợ có oan trái). chỉ có người nhịn chịu được với những lời của những kẻ nhỏ hơn mình, hèn hơn mình. Các bậc trí thức hằng ca tụng người ấy là người nhẫn nại cao thượng. theo câu nói của ngài đạo sĩ cho ta trông thấy rằng: bao giờ ta nhịn chịu được những lời khinh bỉ của kẻ hèn hơn ta, mới gọi là sự nhẫn nại thật sự.

như có tích rằng[72]: khi xưa thường có trận giặc giữa chư Thiên và A-tu-la vương. Lúc nọ đức Đế Thích thắng trận bắt được A-tu-la vương tên là Vepacitti đem về, cột tại cột cờ. A-tu-la vương chửi đức Đế Thích rằng:

- ngươi là kẻ cướp, là kẻ hung ác, là kẻ ngu si, ngươi là bò, là lừa, là lạc đà, là loài địa ngục, là súc sanh, là người không còn đường sanh về cõi trời nữa, chỉ sanh vào ác đạo thôi. Không phải ngươi được thắng trận mãi đâu, bao giờ A-tu-la thắng, khi ấy, ta sẽ cột ngươi như thế này, để nằm trước thành của A-tu-la rồi sẽ đánh ngươi.

Khi ấy có một vị Thiên tên Mātali mới hỏi đức Đế Thích rằng:

- đại vương nhẫn nại chịu cho A-tu-la vương chửi mắng mắng như thế này vì sợ hay vì sự nhẫn nại?

đức Đế Thích đáp rằng:

- không phải vì ta sợ Vepacitti mà ta nhịn đâu.

rồi ngài mới thêm rằng:

- tất cả những sự lợi ích, chỉ có sự lợi của ta là cao quý hơn hết, trong những sự lợi ích ấy chỉ có nhẫn nại là sự lợi ích cao thượng tuyệt đối. kẻ nào có sức mạnh (các thứ thế lực) mà lại nhẫn nại đối với kẻ yếu sức hơn, vì kẻ yếu hơn ta có thể ức hiếp được trong mọi trường hợp (nếu ta muốn).

ý đức Đế Thích nói rằng: a-tu-la vương trong tay ngài, ngài muốn làm sao cũng được, nhưng đây là ngài nhẫn nại thật. trong câu này chú giải có dạy rằng: làm lợi ích cho ai cũng không bằng làm lợi ích cho mình, mà những phương pháp làm lợi ích cho mình chỉ có nhẫn nại là cao thượng hơn hết

Đức Phật có dạy trong Pháp Cú kinh rằng: người không làm hại kẻ khác chửi (mình), đánh (mình) và bắt (mình). người mà nhẫn nại được như vậy, Như Lai gọi người ấy là người có sức mạnh là nhẫn nại, có một đạo hùng quân (là nhẫn nại) gọi là Bà-la-môn[73]... theo chú giải có dạy rằng: người nhẫn nhịn được với tất cả các sự làm khổ nhục của kẻ khác, không buồn giận, vì có nhiều lòng nhẫn nại, Đức Thế Tôn gọi rằng: người ấy là người có đạo quân tinh nhuệ là nhẫn nại, đánh đuổi được tội lỗi một cách dễ dàng. Theo chú giải bài kinh Vāseṭṭhasutta[74] có dạy rằng: người nào giận trả lại người đang sân hận, người ấy càng tệ hơn kẻ sân hận. người không giận người sân hận là người thắng trận giặc mà khó có người thắng được.

theo câu này cho ta thấy rằng: sự giận dữ trả lại người sân hận là sự rất hèn. vậy một khi người trông thấy cái hại của sự không nhẫn nại, nên cố gắng nhẫn nại, vì người nhẫn nại là người được danh là thanh tịnh, vắng lặng. người muốn trở nên người có nhẫn nại, trước hết phải có trí nhớ để quan sát những sự suy nghĩ của ta, và các điều mà ta bị cảm xúc. Trí nhớ sẽ nhắc ta không cho ta sân hận, không uất ức, buồn phiền. nhờ trí nhớ làm cho ta nhớ rằng: người đang giận dữ không khác nào con thú đang hăng máu. Khi ta tập được tánh nhẫn nại thì ta sẽ được câu của Đức Phật khen như vầy: sự nhẫn nại sẽ thắng được các sự khó khăn trên đời. sự nhẫn nại ví như lưỡi gươm rất bén cắt đứt những sự trở ngại.

nhẫn nại có rất nhiều quả báo cao thượng, như tôi đã thuyết trong bài pháp số 1 (14/2 âl Nhâm Thìn, 9/3/52). vậy nơi đây tôi xin nhắc 5 điều quả báo nhẫn nại là:

* piyomanāpo: (người có nhẫn nại) là người có nhiều người thương mến.

* naverabahulo: (người có nhẫn nại) không bị nhiều oan trái.

* navajjabahulo: (người có nhẫn nại) không có nhiều tội lỗi.

* asammulho: (người có nhẫn nại) không kinh khủng si mê trong khi sắp chết.

* sugatiṃ: (người có nhẫn nại) sau khi chết được sanh về cõi trời.

một khi người có đầy đủ nhẫn nại, được những sự hạnh phúc như đã kể trên, nên Đức Thế Tôn gọi rằng: nhẫn nại là một sự an lành. vậy người muốn được an lành, không cần cầu cạnh với ai cả, chỉ rán hành hạnh nhẫn nại là được. nhẫn nại là 1 trong 10 pháp ba-la-mật mà các đấng giác ngộ đã thực hành theo.

2. Sovacassatā: nết hạnh người dễ dạy

Nghĩa là người có tính cách khi có người dạy điều hay lẽ phải, không tỏ vẻ buồn giận hay làm như không nghe, trái lại tỏ vẻ biết ơn người chỉ điều lầm lỗi của mình.

người đời làm sao khỏi sự lỗi lầm, nhưng khi có người nhắc nhở nên rán ăn năn chừa lỗi thì mới mong đi đến nơi an vui. Ta hãy coi, những vật mà ta đang dùng, như con dao chẳng hạn, nếu thép ấy cứ nằm mãi trong mỏ, không nhờ các vị kỹ sư tìm được, đem về nấu lọc, rèn mãi ra lưỡi dao, thì nó đâu được ta nâng niu dùng nó. người cũng vậy, không đi qua những sự sai lầm, có người dạy bảo, làm sao trở nên người tốt được. người dễ dạy các bậc trí thức nói rằng: người ấy có một bảo vật để nương nhờ. Vì có câu Phật dạy trong Sattamasutta bộ Aṅguttaranikāya rằng: này các thầy Tỳ-khưu! Các thầy Tỳ-khưu dễ dạy, có nhẫn nại, vui lòng vâng giữ người chỉ dạy, pháp (hạnh) này là pháp (hạnh mà các thầy) nương nhờ. Trong câu này theo chú giải có giải rằng: trong lúc đã phạm vào điều quấy bị người chỉ trích không bao giờ buồn, hơn nữa nếu làm phải mà có người chỉ trích cũng không cãi lại. như thế mới hoàn toàn.

Tính cách của người dễ dạy, Đức Thế Tôn dạy rằng: đó là một điều an lành. Vì người dễ dạy thì hằng được các bạn đồng đạo, hay các bậc trí thức vui lòng chỉ những điều lầm lỗi, làm những việc lành.

Trong bài kinh Ammānasutta (?) đức Mục-kiền-liên  có dạy rằng: nếu có vị Tỳ-khưu nào trình bày rằng: xin quý ngài vui lòng chỉ bảo những điều sai lầm để tôi lánh, điều chánh để tôi hành. Ngoài miệng nói như vậy, nhưng khi chỉ bảo không tuân theo, đây không gọi là người dễ dạy. người dễ dạy dầu không yêu cầu các bậc trí thức chỉ, nhưng khi nghe hay thấy điều xấu của kẻ khác cố xa lánh những điều xấu ấy, cố hành điều lành nên cũng gọi là người dễ dạy.

người dễ dạy có hai hạng là: một hạng nên khen và một hạng đáng chê. Theo câu Phật dạy trong bài kinh Kakacūpamasutta[75] rằng: này các thầy Tỳ-khưu! vị Tỳ-khưu nào là người dễ dạy, có tính dễ dạy vì lẽ là được lợi lộc như y, vật thực, chỗ ở, thuốc. Như Lai không gọi người ấy là người dễ dạy. này các thầy Tỳ-khưu! Vì nếu các thầy ấy không được y, vật thực, thuốc, chỗ ở thì cũng khó dạy. đây ý Đức Phật dạy rằng: người làm bộ vâng lời để được kẻ khác thương cho đồ chớ không thật tâm hành theo, chỉ có vị nào muốn hành hầu giải thoát mới đáng khen, như câu Phật ngôn dạy: này các thầy Tỳ-khưu! Các thầy Tỳ-khưu nào không vì lẽ được lợi lộc cúng dường, mà vì lẽ đạo mà dễ dạy. Như Lai mới gọi là người có tánh cách dễ dạy. vậy các thầy Tỳ-khưu, các thầy nên nhớ rằng: chúng ta chỉ cúng dường (sự hành đạo) cho Pháp bảo, kính trọng Pháp làm người dễ dạy (không phải vì lẽ lợi lộc mà vâng lời làm như dễ dạy).

những người hết lòng cung kính Giáo Pháp, không ỷ mình là sang trọng giàu có, quyền chức, niên cao kỷ trưởng, dễ dạy, những người ấy gọi là người biết hành theo đường giải thoát. Như tích của ngài Rādha[76], trong Pháp cú có nói về tích của ngài rất nhiều, nhưng đây tôi xin nhắc sơ lược như vầy. ngài Rādha trước kia là Bà-la-môn. Sau phát tâm tín thành muốn xuất gia theo Phật Giáo nhưng vì già nên các thầy Tỳ-khưu không cho, vì các ngài sợ không đủ sức và trí nhớ để hành phạm hạnh, nhất là những người có tuổi cao ít chịu nghe lời ông thầy nhỏ tuổi hơn. chỉ có đức Xá-lợi-phất còn nhớ ơn ông có dâng cúng cho ngài một vá cơm nên cho ông xuất gia. Sau khi xuất gia xong, tự ông thấy mình đã già, đời sống còn thừa rất ít, nên ông cố hết sức vâng lời, ba tháng sau ông được đắc quả A-la-hán. đức Xá-lợi-phất mới dẫn ông về lạy Phật. Đức Thế Tôn hỏi rằng:

- Xá-lợi-phất, đệ tử của thầy có dễ dạy không?

- bạch Đức Thế Tôn, thầy Rādha thật là dễ dạy, một khi đệ tử chỉ bảo điều nào thì vâng giữ hành theo không buồn giận.

nhân dịp ấy, Đức Thế Tôn mới dạy rằng:

- này các thầy Tỳ-khưu! lẽ cố nhiên khi làm một vị Tỳ-khưu nên dễ dạy như Rādha, mặc dầu bị người chỉ trích cũng không nên buồn. này các thầy Tỳ-khưu! người dạy bảo ta không khác người chỉ mỏ vàng cho ta[77].

Theo ý nghĩa câu này Đức Phật dạy rằng: có người kia nghèo bị người nọ mắng chửi, song họ lại chỉ cho một hầm vàng, người nghèo ấy không bao giờ giận, trái lại mang ơn vì được hầm vàng. Cũng như ta khi làm tội, có người trông thấy chỉ dạy cho ta, ta bỏ đi và thực hành theo Chánh Pháp, thì sẽ khỏi khổ được vui, đây là người chỉ kho tàng vô giá, thì ta dại gì mà giận người.

người dễ dạy hằng gặp được nhiều sự an lành, nhất là khỏi khổ và được giải thoát. vậy tôi xin nhắc thêm Túc sanh truyện tên Valāhakassajātaka[78] như vầy:

có 500 người lái buôn, sắm vật liệu để đi buôn xa, phải trải qua những biển to. Nói về tại hòn đảo tên Tambapaṇṇi có nhiều Dạ-xoa cái. Khi có thuyền bị đắm, vớt về trước là thỏa mãn tình dục, sau ăn thịt. trong khi ấy, ghe của 500 người lái buôn bị đắm, Dạ-xoa vớt về. khi vớt về đến đảo, Dạ-xoa nói rằng:

- hôm nay tôi vớt được các người về thật là may, vì chồng chúng tôi cũng là lái buôn, trước đây ba tháng bị chìm ghe chết hết, chúng tôi ở đây thiếu người bầu bạn, vậy các người ở lại lại đây làm bạn với chúng tôi.

những người ấy ham mê sắc đẹp của Dạ-xoa nên nhận chịu liền, bọn Dạ-xoa đem những người chồng trước đi ăn thịt hết. trong ấy có người thuyền trưởng lấy làm lạ là mỗi đêm vợ ông cứ đi vắng một lúc rồi về, ông sanh nghi mới rình coi thì bắt gặp vợ ông hiện nguyên hình Dạ-xoa ăn thịt người. ông mới thừa dịp kêu các người kia trốn, chỉ có 250 người nghe lời ông trốn thôi còn những người kia ham mê theo trần tục nên không nghe lời. trong khi ấy có con ngựa tên là Valāhaka ở tại rừng Tuyết Lãnh, có thần thông bay đi cùng mọi nơi. Ngày ấy ngựa đến Tambapaṇṇi gặp 250 người ấy hỏi muôn trở về quê hương không. những người ấy xin về, ngựa cho lên trên lưng bay đưa những người ấy tới quê nhà được an vui.

Sau khi thuyết tích này xong, Đức Thế Tôn dạy rằng: này các thầy Tỳ-khưu! những người lái buôn vì say đắm sắc đẹp của Dạ-xoa nên bị hại, những người biết nghe lời khỏi chết được sự an lành. Nếu hàng tứ chúng không nghe theo lời giáo huấn của Như Lai sẽ bị khổ trong 4 đường ác (vì làm những điều ác). nếu biết thực hành theo lời của Như Lai thì sẽ được 3 điều lợi ích: được sanh vào cõi trời, cõi phạm thiên và Níp-bàn. Đức Thế Tôn mới dạy câu kệ rằng: kẻ nào không thực hành theo lời của Như Lai, kẻ ấy sẽ bị tai hại như những người đi buôn ấy vậy. còn kẻ nào biết vâng lời Như Lai, người ấy được đi đến nơi an vui.

vậy chẳng những người tại gia thôi, dầu bậc xuất gia cũng phải hết lòng vâng giữ theo lời chỉ dạy của Đức Phật. người tín đồ muốn cho Phật Giáo thịnh hành phải làm cho mình ra người dễ dạy.theo Chattasutta bộ Aṅguttaranikāya có dạy rằng: này các thầy Tỳ-khưu! Các thầy khó dạy, hành theo pháp làm cho ra người khó dạy, không nhẫn nại, không chịu nghe lời giảng dạy. hai điều này là nhân làm cho Phật Giáo suy đồi. các thầy Tỳ-khưu dễ dạy hành theo pháp, trở nên người dễ dạy, nhẫn nại, hằng chịu nghe lời dạy bảo. này các thầy Tỳ-khưu, hai pháp này là hai pháp làm cho Phật Pháp được trường tồn, không tiêu hoại và không làm hại Phật Pháp.

3. Samanānañca dassanaṃ: sự được thấy, được gặp các bậc Sa-môn

Theo chú giải dạy rằng: nếu các thầy Tỳ-khưu vào hầu, giúp đỡ được nghe, được gặp các bậc Sa-môn có giới đức trang nghiêm, lòng thanh tịnh, người đã dạy thân, khẩu, ý được hoàn toàn, gọi là được gặp các bậc sa-môn.

Tại sao sự được thấy, được gặp các bậc sa-môn là sự an lành cao thượng? Đức Thế Tôn có dạy trong Bojjhaṅgasaṃyutta[79] rằng: này các thầy Tỳ-khưu! vị Tỳ-khưu nào có giới, định, tuệ giải thoát và giải thoát tri kiến đầy đủ. Này các thầy Tỳ-khưu, sự trông thấy, gặp các vị ấy Như Lai gọi là sự thấy đem lại lợi ích, khi được vào hầu các vị ấy, được ngồi gần các vị ấy, nhớ đến các vị ấy, được xuất gia theo các vị ấy, Như Lai gọi là thấy và gặp sự lợi ích nhiều. tại sao vậy? Các thầy Tỳ-khưu, khi người được nghe pháp các vị ấy sẽ được 2 điều là: xa thân (vupakattho), xa khẩu (anussarati) (ý nói thân xa nơi đo thị ở nơi vắng lặng, khẩu thanh tịnh, nghĩa là làm cho thân và khẩu đều thanh tịnh xa các pháp ác). một khi các thầy Tỳ-khưu xa hai điều ấy thì hằng nhớ đến các pháp, hằng suy nghĩ đến các pháp, hằng niệm tưởng đến các pháp thì satisambojjhaṅga (niệm giác chi) nghĩa là nhờ sự niệm ấy mà giác ngộ (ý nói niệm tứ niệm xứ) phát sanh. một khi được có trí nhớ niệm các pháp được đầy đủ rồi, thì có trí tuệ hiểu các pháp. Khi có trí tuệ suy nghĩ các pháp rốt ráo thì đắc được dhammavicayasambojjhaṅga (trạch pháp giác chi) nghĩa là nhờ sự suy nghĩ mà giác ngộ. một khi cố gắng suy nghĩ các pháp được thấu đáo thì đắc được vicayasambojjhaṅga (tinh tấn giác chi) nghĩa là sự tinh tấn mà giác ngộ. khi cố gắng tinh tấn được hoàn toàn rồi thì đắc được sự hỷ lạc (đặc biệt) không phải sự vui của tình dục, hỷ lạc phát sanh do sự tinh tấn ấy gọi là pītisambojjhaṅga (hỷ giác chi) nghĩa là hỷ lạc là nhân giác ngộ. khi thầy Tỳ-khưu cố gắng hành thêm hoàn toàn thì tâm sẽ được thanh tịnh, khi thân tâm được thanh tịnh thì passaddhisambojjhaṅga (trừ giác chi) nghĩa là thân tâm thanh tịnh là nhân giác ngọ phát sanh. Khi thân tâm được trong sạch, thanh tịnh, an vui triệt để phát sanh chừng ấy samādhisambojjhaṅga (định giác chi) nghĩa là sự an vui của tâm là nhân giác ngộ phát sanh. Này các thầy Tỳ-khưu, khi mà tâm được hoàn toàn an trụ thì upekkhāsambojjhaṅga (xả giác chi) nghĩa là sự xả bỏ hết (mọi việc có tính cách còn sanh trong tam giới) là nhân giác ngộ phát sanh.

Theo bài kinh Sampannasīlasutta[80], Đức Phật có dạy rằng: này các thầy Tỳ-khưu, sự thật, sự thấy các vị Tỳ-khưu ấy, sự vào hầu các vị Tỳ-khưu ấy, sự vào ngồi gần các vị Tỳ-khưu ấy, này các thầy Tỳ-khưu, sự xuất gia theo các thầy Tỳ-khưu ấy, Như Lai gọi là có được nhiều sự lợi ích. tại sao vậy? các thầy Tỳ-khưu này! Vì khi thầy Tỳ-khưu thân thiện, vào hầu, vào ngồi gần các vị Tỳ-khưu như thế (ý nói vị ấy có giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến) thì làm cho giới đức của ta chưa trong sạch được trong sạch, thiền định của ta chưa đến tuyệt đối được đi đến tuyệt đối, trí tuệ chưa được viên dung được viên dung, giải thoát ta chưa được hoàn toàn thì được hoàn toàn, giải thoát tri kiến của ta chưa được mỹ mãn được mỹ mãn. Theo lời nói được thấy được gặp các bậc Sa-môn, không phải thấy lỏ mắt trao tráo ra ngó, hay gặp như một con vật lạ, một người không quen, sự thấy và gặp đây ý nói thân cận, hầu học những điều giải thoát, những lời giáo huấn và noi theo hạnh kiểm của các ngài để hành cho mau đến nơi giải thoát, nên gọi là thấy gặp cao thượng.

4. Kālena dhammasākacchā: tánh cách biện luận về Phật pháp theo thời.  

khi các thầy Tỳ-khưu thuộc về pháp học, khi học bộ kinh nào có chỗ nghi ngờ, khi gặp bạn đồng học, nên đem đoạn nghi ngờ của mình ra biện luận để giải sự nghi ngờ và hiểu thêm chỗ mình chưa học hay là vô ý không thấy cái tinh hoa của bài học, hơn nữa có dịp ôn lại những điều mà ta đã quên. Còn riêng về thiện tín cũng vậy, khi gặp người đồng đạo nên đem đạo lý ra bàn với nhau, không nên nói chuyện thế sự hay quốc gia, vì những chuyện ấy không đem ích lợi chi cho ta và trái lại đem sự phiền lòng cho ta nhiều hơn, hoặc có nhiều chuyện tai hại bất ngờ. Đức Phật dạy tính cách biện luận về Phật Pháp được an vui, vì lẽ tránh khỏi những điều tai hại như nói những lời vô ích mất thì giờ quý báu. sự biện luận Phật Pháp theo thời được sự hạnh phúc như lời Phật dạy trong bộ kinh Aṅguttaranikāya như vầy: các thầy Tỳ-khưu! bốn thời này mà người thường hành theo sẽ dứt được phiền não và ngũ trần trong tâm.

bốn thời ấy là:

* kālena dhammassavanaṃ: tùy thời thính pháp.

* kālena dhammasākacchā: tùy thời luận đạo.

* kālena desanā: tùy thời thuyết pháp.

* kālena vipassanā: tùy thời hành minh sát.

này các thầy Tỳ-khưu! người thực hành theo bốn điều này sẽ làm tiêu lần những phiền não. Các thầy Tỳ-khưu này! Ví như đám mưa to, nước từ trên núi chảy xuống những chỗ thấp, theo những khe nước, những dòng suối nhỏ, rồi làm cho các thung lũng ngập, rồi chảy ra sông nhỏ sông lớn, những con sông ấy đầy hết mới chảy ra biển. cũng như bốn thời kể trên làm cho phiền não bị tiêu diệt.

Trở lại vấn đề tư cách biện luận Phật Pháp theo thời. xin chư thiện tín nhớ rằng: sự biện luận Phật Pháp chứ không phải cãi hơn thua với nhau để lấy danh tiếng. ý tôi muốn nói rằng: khi ta đem ra một vấn đề nào để bàn với nhau cho ra lẽ, tìm cái chính nghĩa của câu ấy. một khi lý thuyết ta không đủ nhân và quả hay ta không có lý thì ta hãy nhìn nhận câu của người có đủ lý hơn không vì ngã mạn cãi lấy hơn người. phàm sự biện luận Phật Pháp phải căn cứ vào Kinh, Luật, Luận làm gốc, không nên tùy theo ý kiến phàm phu của ta mà giải những lời của đấng hoàn toàn giác ngộ. điều quan trọng hơn hết là phải cố dứt bỏ ngã mạn trước đã. sự biện luận Phật Pháp đem lại sự an lành là khi nào người biện luận ấy là người thật lòng muốn tìm phương giải thoát thật sự, muốn hiểu chân lý để hành theo. lắm người biết chân lý nhưng không rõ chân lý. Ý tôi muốn nói rằng: có kẻ học võ vẽ đôi ba Túc sanh truyện, một hai câu Phật ngôn, xem qua đôi ba quyển sách tạm gọi là nói sơ về Phật Giáo, họ tự hào rằng: ta đây là người rất thông hiểu Phật Pháp. Nhưng than ôi! triết lý của Phật đâu phải chỉ có chừng ấy đâu. Riêng về người hiểu đạo đức học chừng nào càng thấy mình dốt chừng ấy.

Tóm lại sự biện luận Phật Pháp là nhân đem lại sự an lành, là bao giờ người muốn tìm hiểu chân lý để hành theo chớ không phải để cãi nhau, tranh lấy cái hơn và được thêm tiếng đời ca tụng: là người hiểu thông học giỏi. nếu ta có tâm ấy thì không được an lành, trái lại còn gây thêm oan trái vì sự ngạo mạn của mình. Nói về sự biện luận Phật Pháp, tôi không thể quên tích của Đại Đức Xá-lợi-phất. vậy tôi xin nhắc lại cho quý vị nghe, tích ấy như vầy[81]:

Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên là hai người bạn rất thân, hai người cũng là con của trưởng giả ở gần thành Vương Xá. Ngày nọ trong thành Vương Xá có lễ, hai người rủ nhau đi xem cuộc lễ. trước nhất đến xem hát, ngày ấy hình như duyên lành nhắc nhở hai ông, nên khi coi hát hai ông đều có cảm tưởng rằng: đời người không khác nào kép hát trong một vở tuồng. khi mang hia đội mão là vua chúa, có khi vợ chồng lại làm mẹ con hoặc người thù, khi bỏ râu mão thì là anh kép hát, cuộc đời thay đổi như thế thì có gì vui đẹp. hai ông đồng lòng đi tu tìm pháp giải thoát, nhưng duyên lành chưa đến nên chưa gặp Giáo Pháp của đức Thế Tôn, hai ông mới học đạo với Sañjaya. Hai ông thấy rằng đây không phải là con đường giải thoát, nên mới bảo nhau rằng: hai ta, nếu ai tìm được chánh pháp trước phải bảo cho nhau. Hai người mỗi người đi một ngã.

Trong khi ấy, Đức Thế Tôn đã thành đạo và đã có 60 vị đại A-la-hán. Đức Thế Tôn cho mỗi vị đi mỗi nơi để truyền Chánh Pháp. Ngài Đại Đức Assaji là một trong 5 vị Kiều Trần Như đi về thành Vương Xá. Ngài ở tại Trúc Lâm tịnh xá (Veḷuvana). Sáng ngày, ngài đi khất thực, cũng trong lúc ấy Xá-lợi-phất cũng khất thực đến nơi thanh vắng thọ thực xong và về chùa của ông. Ông gặp Đại Đức Assaji giữa đường, trông thấy tướng mạo trang nghiêm của ngài, phát tâm kính thành ông nghĩ rằng: từ xưa nay ta chưa từng thấy bậc xuất gia nào có hạnh kiểm trang nghiêm như thế này, và cũng chưa từng có vị nào đắc quả A-la-hán, mà vị này có lẽ là một trong các vị A-la-hán chăng? vậy ta phải đi theo đến chỗ vị này để hỏi pháp giải thoát. Ông nghĩ thêm rằng: giờ này là giờ hóa trai của ngài, ta không nên làm bận ngài, phải đợi ngài thọ thực xong sẽ hỏi. ông cứ theo sau ngài Đại Đức mãi. Sau khi khất thực vừa đủ, ngài Đại Đức tìm nơi thanh vắng ngồi thọ thực. ông Xá-lợi-phất biết ý lật đật lấy ghế của ông mang theo trãi cho ngài Đại Đức ngồi (luật của bọn ngoại đạo đi đâu đều mang ghế ngồi bầu nước theo), lấy bầu múc nước đem lại dâng cúng, còn ông thì ngồi hầu một bên. Khi thọ thực xong, ông mới hỏi rằng:

- bạch ngài, ngài là vị Sa-môn tướng mạo quang minh, vậy ngài xuất gia với ai? Ai là đấng tế độ ngài? Ngài học đạo với ai?

Ngài Assaji đáp:

- này đạo hữu! ngài đại Sa-môn dòng Thích-Ca là thầy tế độ tôi. Tôi xuất gia với ngài và học đạo với ngài.

- bạch ngài, thầy của ngài dạy những gì?

Ngài Đại Đức nghĩ rằng: lẽ cố nhiên những người ngoại đạo thường hay chỉ trích Phật Giáo, mà Xá-lợi-phất là người thông minh có tiếng, vậy ta phải nói pháp cao mới được. rồi ngài mới nói rằng:

- Này đạo hữu! tôi cũng mới vừa xuất gia theo Phật, tôi không thể giảng giải lý đạo cho rõ được.

- bạch Đại Đức, tôi tên Upatissa (đây là tên thật của ông) người cứ tùy tiện thuyết nhiều ít cũng được.

ngài Đại Đức thuyết câu kệ rằng:

“Ye dhammā hetuppabhavā
Tesaṃ hetuṃ tathāgato
Tesañca yo nirodho ca
evaṃ vādī mahāsamano”.

Nghĩa là: những pháp nào sanh lên do nhân, một khi nhân ấy diệt thì các pháp ấy cũng diệt theo. đức giáo chủ thuyết như thế

sự thật theo câu kệ này ngài Đại Đức chỉ về 3 điều diệu đế, ngài không nói về đạo đế, mà điều quan trọng nhất là diệt đế. Ông Xá-lợi-phất chỉ nghe hai câu đầu là hiểu rõ chân lý, đắc quả Tu-đà-huờn. ông nói:

- thôi ngài Đại Đức, chừng này được rồi. vậy đấng giáo chủ của chúng ta, ngài ngự ở đâu?

- ngài ngự tại Trúc Lâm tịnh xá (Veḷuvana)

ông nghe nói vậy, liền day mặt về hướng ấy làm lễ. rồi ông nói với Đại Đức Assaji rằng:

- tôi còn phải đi tìm người bạn tôi và chỉ chân lý cho bạn tôi.

Câu chuyện còn dài, nhưng tôi nhắc tích này lại để cho quý vị thấy rằng: sự tùy thời hỏi pháp được kết quả mỹ mãn như thế. Vì vậy nên Đức Thế Tôn dạy rằng: sự tùy thời biện luận về Phật Pháp được an lành như thế.

Hơn nữa theo ý tôi muốn nhắc tích này cho quý vị thấy rằng: Đại Đức Xá-lợi-phất vì muốn học đạo giải thoát, nên ngài cố ý nghe Giáo Pháp chứ không ỷ mình là người thông minh, cật vấn để cho người phục tài.

Sau khi tìm được bạn, ông mới thuật lại những lời châu ngọc của Đại Đức Assaji. Ông Mục-kiền-liên cũng đắc Tu-đà-huờn quả. cả hai mới rũ nhau đi khuyên ông thầy cũ là Sañjaya. Ông Sañjaya không bằng lòng nghe theo và lại hỏi:

- trong đời này, người thông minh nhiều hay kẻ ngu dốt nhiều?

- thưa thầy, người thông minh ít

- vậy hai ông đi theo thầy Gotama đi, để kẻ ngu dốt cho ta.

Biết rằng ông Sañjaya không thể đi theo đường chánh nên hai ông mới đi đến Trúc Lâm tịnh xá. 500 đệ tử ông Sañjaya đi theo hai ông hết. rất căm hờn vì mất hết đệ tử, ông Sañjaya thổ huyết ra chết. than ôi! Vì lòng ngã mạn tự cao không chịu làm đệ tử người khác. Nói đến đây tôi còn nhớ câu châm ngôn Sanskrit dạy rằng: người nhiều ngã mạn, thà làm đầu con cầy chứ không chịu làm đuôi con sư tử. Lại cũng có câu: thà là đi trước bầy gà hơn đi sau bầy phượng.

Kết luận

Câu kệ thứ 8 trong bài kinh An lành, Đức Phật dạy:

1. sự nhẫn nại

2. nết hạnh dễ dạy.

3. sự được thấy được gặp các bậc sa-môn.

4. tánh cách biện luận về Phật pháp theo thời.

Là 4 điều an lành cao thượng.

Dứt câu kệ thứ 8

BÀI 25 SỰ AN LÀNH (TT)

thuyết tiếp theo, câu kệ thứ 9 Thế Tôn dạy:

“Tapo ca brahmacariyañca,

Ariyasaccāna dassanaṃ;

Nibbānasacchikiriyā ca,

Etaṃ maṅgalamuttamaṃ”.

nghĩa là:

Một: sự cố gắng đoạn tuyệt điều ác.
Hai: nết hạnh hành theo pháp cao thượng.
Ba: nết hạnh thấy các pháp diệu đế.
Bốn: nết hạnh làm cho thấu rõ Níp-bàn.
cả bốn điều ấy là hạnh phúc cao thượng.

1. Sự cố gắng đoạn tuyệt điều ác.

Pháp ác là điều làm cho tâm ta đau khổ, bực bội khó chịu, đem lại những điều tội lỗi. Các pháp ác cần phải có pháp để thiêu đốt. pháp để tiêu trừ thiêu đốt các ác pháp gọi là Tapa. Chú giải có dạy rằng: pháp gọi là tapa vì nó có tính cách là thiêu đốt tất cả pháp ác

Có rất nhiều pháp tapa, vì theo Phạn ngữ, tapa có nghĩa là làm cho các pháp ác nóng nảy (thiêu đốt). bởi thế nên pháp lành nào có tánh cách làm cho tội lỗi phát sanh lên không được, hoặc diệt trừ được điều tội lỗi, đều gọi là tapa. Có câu Phật dạy rằng: tapassapajāhanti pāpakammaṃ. Nghĩa: bực trí thức dựt được ác nghiệp nhờ pháp tapa.

Sự nhẫn nại là một pháp tapa Phật ngôn có câu: khantī tapa tapasino. Nhẫn nại là pháp tapa của người hành hạnh tinh tấn. lại có câu Phật dạy nữa rằng: khantā paramaṃ tapa tītikkhā. Sự nhẫn nhịn là pháp tapa cao thượng.

Giới là một pháp tapa trong kinh Somasakassajātaka (túc sanh truyện tên Somasaka) có nói rằng: ta sẽ dứt bỏ những dục trần bằng tapa. Ý nói: sự trì giới không cho phạm.

bát quan trai giới là một pháp tapa. Bát quan trai giới là một pháp ngăn ngừa các ác pháp không cho phát sanh và không cho thâm nhập vào tâm, đánh đuổi không cho chúng nó ở trong tâm

hôm nay tôi thuyết 3 pháp tapa rất quan trọng là:

* yonisomanasikāra: dùng trí nhớ và trí tuệ quan sát tâm

* viriya: tinh tấn

* Indriyasaṃvara : sự thu thúc lục căn

a) Yonisomanasikāra:  dùng trí nhớ và trí tuệ quan sát tâm.

Trí tuệ quan sát là dùng trí tuệ để suy nghĩ. bất cứ trường hợp nào ngoài đời cũng như trong đạo, cần phải quan sát không tin càng, điều cần yếu ta phải có trí nhớ trước, rồi dùng trí tuệ quan sát sau, như thế mới phân biệt được điều hay lẽ phải. trí tuệ quan sát là một pháp nóng rất cao quý, có thể tiêu trừ các pháp ác trong tâm ta. Chúng ta vì có xác thân này, nên trong mỗi giây mỗi phút đều thọ lấy trần cảnh, tâm ta bị cảnh trần chi phối, nên phải làm nô lệ cho lòng ham muốn, sân hận, oán ghét, si mê, nên ta phải bị bao nhiêu sự khổ sở. vì vậy nên Đức Thế Tôn dạy ta phải có trí tuệ quan sát giúp cho ta tiêu trừ tam độc là tham, sân, si. Tôi xin nhắc tích của em ngài Đại Đức Xá-lợi-phất cho quý vị thấy cái quý của pháp dùng trí tuệ để quan sát

Khi đức Xá-lợi-phất xuất gia, Ngài còn một người em trai và một người em gái. mẹ Ngài là người tà kiến, không tin theo Phật Giáo, nên Ngài có căn dặn chư Tăng, khi nào em trai Ngài có xuất gia thì cứ tự tiện cho, không cần chờ sự ưng thuận của mẹ Ngài.

Bà mẹ thấy người con trai lớn của bà là Ngài Đại Đức Xá-lợi-phất xuất gia bà sợ con trai út cũng xuất gia theo anh nên bà lo đi cưới vợ cho con. Ngày làm lễ rước dâu, theo phong tục người thời ấy thì phải chọn một người rất già mà còn đủ vợ chồng đến xối nước lên tay cô dâu và chú rễ. Trong khi ấy chọn được bà ngoại của cô dâu là người có đủ điều kiện, khi làm lễ bà ngoại vợ lại nắm tay cặp tân nhân rồi xối nước và nói rằng: bà cầu chúc hai con được như bà vậy (ý của bà nói rằng: bà cầu xin cho hai cháu ăn ở với nhau cho đến răng long tóc bạc như bà vậy). em của đức Xá-lợi-phất nhìn vợ thật là đẹp, khi day qua nhìn bà ngoại vợ già, miệng thì móm, da nhăn tóc bạc, coi rất xấu. ống mới có cảm tưởng rằng: bà ngoại vợ ta trước kia cũng đẹp mà hôm nay cái đẹp ấy không còn, thì sau này vợ ta cũng phải chịu cái cảnh già này. vậy thì sắc đẹp đâu có tồn tại mãi đâu? Trên đời này không có chi trường tồn bền vững. khi mà sắc đẹp của ta phai lạt với thời gian, thì còn thú vị gì nữa? thảo nào mà anh cả ta lại đi tìm đường giải thoát. Suy xét đến đó, ngài phát tâm chán nản mùi giàu sang, vợ đẹp, ý ngài muốn xuất gia theo gương của anh, ngài mới nghĩ ra một kế, khi rước dâu theo đường làm bộ đau bụng cứ đòi xuống sông đi mãi. nhiều lần như vậy, bà mẹ tưởng con mình bị kiết nên không để ý, cho để ngài tự do và cho xe rước dâu về trước, để ngài đi sau. dịp may của ngài, ngài chạy thẳng vào chùa ở rừng, xin chư Tăng cho phép xuất gia. Chư Tăng hỏi:

- người có được sự ưng thuận của cha mẹ chưa?

- bạch Đại Đức chưa.

Chư Tăng không dám cho phép xuất gia vì theo luật Đức Thế Tôn cấm không cho người xuất gia trong khi cha mẹ chưa cho phép.

Khi hết sức yêu cầu chư Tăng mà quý ngài không bằng lòng cho xuất gia, ngài mới la lên rằng:

- bớ người ta! Ăn cướp! Nó cướp của tôi đây này.

Chư Tăng lấy làm lạ mới hỏi rằng:

- Gã kia! Ngươi đã điên rồi chăng? tại sao ở giữa Tăng chúng đây, có ai cướp của ngươi mà ngươi la lên như thế?

Ngài đáp:

- bạch chư tăng, trong vòng sanh tử luân hồi, đệ tử đã bị Ma Vương cướp lấy duyên lành của đệ tử rất nhiều rồi, và hơn nữa tử thần đã cướp lấy sinh mạng của đệ tử nhiều không kể xiết. hôm nay chư Tăng không cho tôi xuất gia, tôi sẽ bị Ma Vương cướp mất con đường giải thoát của đệ tử, tử thần sẽ đến giết cướp lấy sinh mạng này đi, thì làm sao gặp được chơn lý giải thoát như Phật đạo.

Chư Tăng nghe nói có lý mới hỏi:

- ngươi là con của ai?

- Bạch chư Tăng, đệ tử là em của ngài Xá-lợi-phất.

chư Tăng mới sự nhớ đến lời của Đại Đức Xá-lợi-phất, nên cho em ngài xuất gia.

nhắc đây để chư thiện tín thấy rằng: trong lúc đám cưới, ngài đã trông thấy sự thay đổi của thân này, đem trí tuệ quan sát thấy vô thường, khổ não, vô ngã mà bỏ sự nghiệp to, vợ đẹp mà đi xuất gia. nhờ vậy nên ngài đắc A-la-hán được dễ dàng. Trí tuệ quan sát có quả báo cao thượng vô cùng như thế. vậy ta nên áp dụng trí tuệ trong mỗi trường hợp, dầu chuyện rất nhỏ. nhờ ấy mà ta tránh khỏi những tai nạn là tội lỗi, và hơn là con đường giải thoát của chúng ta.

b) Viriya:  tinh tấn.

Trong bộ kinh Aṅguttaranikāya, Đức Thế Tôn có dạy rằng: sự cố gắng tiêu trừ những sự lười biếng cũng gọi là Tapa. Vì sự cố gắng diệt trừ lười biếng sẽ đắc được minh sát và đạo quả Níp-bàn. Người đời cũng vì sự lười biếng nên không tu hành tinh tấn được, nhờ sự tu hành tinh tấn ấy mới tiêu trừ sự lười biếng được. Ta nên nhớ rằng: những điều ta làm chưa xong là món nợ ta trả chưa hết.

Trong bộ kinh Aṅguttaranikāya, Đức Thế Tôn có dạy rằng: không bao giờ Như Lai giải đãi, vì Như Lai nghĩ rằng: mặc dầu máu thịt của ta khô đi, chỉ còn lại da, gân và xương ta cũng chẳng màng. Nếu một khi ta không đoạt được quả Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác bằng sự cố tinh tấn của người nam, không khi nào ta thối chí (nghĩa là đi khỏi chỗ này). Này các thầy Tỳ-khưu, Như Lai đắc được tuệ giác vì không dể duôi. Pháp an vui tuyệt đối là sự giải thoát khỏi bể trầm luân, Như Lai đắc được bằng sự không dể duôi. Các thầy Tỳ-khưu! Vậy các thầy hãy ráng tinh tấn đừng thối chuyển cố phát nguyện tinh tấn như vầy: máu thịt của ta có khô đi cũng mặc kệ, bao giờ ta không giải thoát hoàn toàn bằng sự tinh tấn của người nam thì ta không thối chuyển. Này, các thầy Tỳ-khưu! Trong thời gian không lâu, thì các thầy sẽ đắc quả an vui tuyệt đối, sẽ đến nơi cùng tột của phạm hạnh. Vì lẽ ấy các thầy Tỳ-khưu này! Các thầy Tỳ-khưu này! Các thầy nên học nằm lòng rằng: chúng ta là người tinh tấn, không có sự giải đãi, ta phát nguyện rằng: mặc dầu máu thịt ta có khô đi …v.v...

Theo chú giải bài kinh Caturangaviriya có giải rằng: Đức Thế Tôn dạy câu này ý nói rằng: các thầy Tỳ-khưu này! Khi Như Lai chưa đắc quả Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Như Lai cố hành theo pháp tinh tấn không hề thối chuyển, mặc dầu thân này còn tiều tụy còn da bọc xương mà không đắc đạo quả, thì cũng không bỏ sự cố diệt trừ phiền não, nhờ vậy mà dưới cội bồ đề thắng Ma vương và diệt tận gốc phiền não.

Vậy chúng ta là hàng đệ tử Phật không nên thối chí ngã lòng. Nếu đã có giải đãi với sự tu tập vì trường hợp nào rồi, khi sực nhớ lại nên cứu vãng lại, đừng nghĩ rằng đã lỡ rồi đi luôn. Trong mọi trường hợp ta có thể cứu vãng lại được, cũng có vị Tỳ-khưu trẻ tuổi thối chí không muốn tu nữa, sau biết ăn năn hành lại, tôi xin nhắc sự tích này để quí vị trông thấy cái lợi của sự tinh tấn.

Có vị Tỳ-khưu nhỏ tuổi, học thiền định với Đức Thế Tôn xong vào rừng cố tham thiền. Ròng rã 3 tháng hạ, ông rất tinh tấn nhưng không có kết quả gì cả, ông mới nghĩ rằng: Đức Thế Tôn có dạy rằng: có bốn hạng người mà ta là một trong hạng người không thể đắc đạo quả được trong kiếp này. Vậy thì sự ở rừng của ta rất vô ích, ta sẽ trở về chùa để chiêm ngưỡng dung nhan của đức Từ Phụ mà nghe pháp. Rồi thầy trở về chùa Kỳ Viên. Có nhiều vị Tỳ-khưu khác biết chuyện ấy, mới vào bạch với Đức Thế Tôn rằng:

- Bạch đức Thế Tôn! Vị Tỳ-khưu này đã bỏ sự tinh tấn về đây.

Đức Thế Tôn mới phán rằng:

- Thầy Tỳ-khưu! Thầy là người xuất gia theo giáo lý của Như Lai, là con đường giải thoát, sao ngươi không làm cho kẻ khác biết rằng: ngươi là người tri-túc, ít tham vọng, người thanh tịnh, không chung đụng với thiện tín, là vị Tỳ-khưu có nhiều tinh tấn? Rất nhiều người do nhờ sự cương quyết tinh tấn của một mình ngươi mà được nước uống, trong khi ở giữa bãi sa mạc. Tại sao, bây giờ ngươi lại thối chuyển bỏ sự tinh tấn?

Khi ấy có nhiều vị Tỳ-khưu muốn hiểu rõ chuyện quá khứ, yêu cầu Đức Thế Tôn thuyết lại. Đức Thế Tôn mới thuyết rằng:

- Lúc quá khứ, có người đi buôn bằng xe, có năm trăm cổ xe kéo đồ đi bán tại xứ Bārānasī. Khi ấy phải đi qua một bãi sa mạc 60 do tuần. Vì vậy nên mọi người đi qua bãi sa mạc đều phải chuẩn bị đủ nước, củi, gạo, cỏ, …v.v... cho đủ dùng. Đi trong bãi sa mạc chỉ đi vào ban đêm. Nên người dẫn đường thường hay mệt mỏi. Khi ấy, đoàn xe đi được 59 do tuần (một do tuần ước chừng 16 cây số ngàn bây giờ) Người hướng đạo mới bỏ hết đồ cần thiết như nước cho nhẹ xe đỡ mệt bò. Vì nhiều đêm đi đường mệt người hướng đạo ngủ quên để bò đi trở lại chỗ cũ, khi xem sao mai thì biết đã đi lạc, không thể nào cứu vãng tình thế ấy được vì đã sáng rồi. Thôi đành dừng xe lại nghỉ nhưng chuyện tối cần hơn hết là vấn đề nước. Người hướng đạo phải lo cho có nước. Người hướng đạo phải đi cùng hết mới thấy chỗ nọ có cỏ mọc, mới nghĩ rằng phía dưới thế nào cũng có nước nên cỏ mới mọc được, ông liền kêu cả đoàn lại đào chỗ ấy. Khi đào sâu đến 60 hắc tay mà không có nước ai ai cũng ngã lòng. Người hướng đạo xuống coi thì thấy một tảng đá to. Ông kê sát tai vào nghe có tiếng nước chảy. Ông mới gọi người ở của ông lại bảo rằng: này con! Một khi mà ta bỏ sự trì chí thì cả đoàn đều phải chết khát, vậy con hãy đến lấy khúc sắt này xuống đập cho bể tảng đá thì sẽ có nước uống. Người ấy vâng lời xuống đập bể tảng đá tức thì có một mội nước to bằng cây thốt nốt, nhờ có người đó mà cả đoàn khỏi bị chết khát.

Khi nhắc tích này xong, Đức Thế Tôn thuyết rằng:

- những người không nản chí đào giếng giữa bãi sa mạc, cũng như các bực trí thức kiên chí, không lười biếng, không dể duôi, sẽ được sự yên lặng cõi lòng.

rồi Đức Thế Tôn thuyết thêm về pháp tứ đế, vị Tỳ-khưu ấy niệm về minh sát đắc A-la-hán quả. Đức Phật mới dạy rằng:

- người hướng đạo ấy là Như Lai, còn người đập tảng đá ấy chính là Tỳ-khưu trẻ tuổi này.

Pháp tapa là sự tinh tấn là pháp an lành như tích tôi đã nhắc trên, vậy thiện tín muốn được an lành nên hành hạnh tinh tấn.

c) Indriyasaṃvara:  thu thúc lục căn.

Theo chú giải bộ Maṅgalasutta có giải rằng: sự thu thúc lục căn gọi là tapa, vì có câu nói rằng: sự thu thúc lục căn gọi là tapa, vì tapa là pháp thiêu hủy các ác ý như tham lam, sân hận, si mê. Hơn nữa, tapa có nghĩa tổng quát là ngăn ngừa, tiêu trừ tất cả ác pháp.

sự để trí nhớ không cho tâm phóng túng theo cảnh trần gọi là saṃvara nghĩa là thu thúc. Theo chú giải bài kinh Sabbāsavasutta[82] có giải rằng: pháp gọi là saṃvara (thu thúc) vì pháp ấy là pháp chận đứng (không lục căn tiếp xúc với lục trần). lẽ cố nhiên người biết chận đứng không cho lục căn tiếp xúc với lục trần, gọi là người thiêu hủy ác pháp hay là người thu thúc lục căn. Đức Thế Tôn dạy ta thu thúc lục căn vì ngài biết rằng: khi một căn nào chạm phải cảnh trần tức nhiên sẽ bị cảnh trần chi phối, làm cho tâm phải tham hoặc sân hay là si, tùy theo trường hợp mà ta đã gặp. vậy đây tôi xin nhắc lại tích của vị đạo sĩ vì không thu thúc lục căn nên bị sắc đẹp cám dỗ, để quý vị thấy cái hại của sự không thu thúc.

Lúc quá khứ có một vị đạo sĩ tên Lomasakassapa[83] là tiền thân của đức từ phụ Thích-ca Mâu Ni. Ngài hành đạo tại rừng Tuyết Sơn. Vì sự hành đạo cao thượng của ngài nên nóng đến đức trời Đế Thích. đức Đế Thích lấy làm lạ, mới tìm coi vì sao có sự nóng nảy ngồi đứng không yên, hoặc có chuyện gì? Ngài trông thấy vì oai lực của vị đạo sĩ ấy. ngài nghĩ ra một kế để làm cho vị đạo sĩ ấy bớt sự hành đạo tinh tấn. đêm khuya lại, ngài hiện ngay vào long sàng của đức vua, hào quang chiếu sáng, kêu đúc vua dậy nói rằng: đại vương! đại vương! Hãy tỉnh dậy. trẫm đây là Đế Thích, đến mách cho đại vương biết rằng: nếu đại vương muốn làm chúa tể cõi diêm phù này, hãy đem công chúa giao cho vị quốc sư seyyaha cho ông ấy đem đến rừng Tuyết Lãnh cám dỗ cho được ông đạo sĩ tên Lomasakassapa. rồi đại vương nhờ vị đạo sĩ ấy giết thú tế thần lửa (nhờ quả ấy) đại vương không già đau chết như thiên vương Đế Thích và được làm chúa cả cõi diêm phù.

(Ta thấy tâm của đức Đế Thích này thật là ác, nhưng kỳ thật ngài biết rằng bao giờ Bồ-tát cũng không làm những điều ác như thế. Ngài chỉ muốn cho đức Bồ-tát bớt sự hành đạo tinh tấn như thế. Vì sự hành đạo tinh tấn của đức Bồ-tát làm cho ngài nóng nảy vì kém đức hơn).

Sáng ngày, đức vua lâm triều thật hành theo lời của đức Đế Thích lập tức. vị quốc sư đem công chúa Candadevī đến trêu ghẹo vị đạo sĩ ấy. vì không thu thúc nên bị sắc đẹp làm cho vị đạo sĩ quên cả lẽ phải nghe theo lời của vị quốc sư bằng lòng về thành làm lễ tế thần lửa để được vợ.

Sự tế thần lửa của Bà-la-môn khi ấy phải giết tất cả mỗi con thú trên đời này mỗi giống một con đực và một con cái, có cả đồng nhi nam và nữ nữa. khi trông thấy vị đạo sĩ ấy mình mặc đồ đạo sĩ mà đi sát sanh, nên những người ấy mới la lên rằng: ông đạo sĩ, ông làm chuyện không hợp lẽ đạo. rồi họ mới nói câu kệ rằng:

“balaṃ cando balaṃ suriyo
balaṃ samaṇabrāhmaṇā
balaṃ velā samuddassa
balātibalamitthiyo”[84]

nghĩa: mặt trăng có sức mạnh (làm cho sáng bầu trời đen tối), mặt trời có sức mạnh, Sa-môn và Bà-la-môn có sức mạnh (là nhẫn nại), bờ biển có sức mạnh là chứa được nhiều nước. nhưng chỉ có hành phụ nữ có sức mạnh hơn tất cả sức mạnh khác. Vì bà công chúa Candadevī cám dỗ được vị đạo sĩ tên là Lomasakassapa là người hành được phép tapa, phải về làm lễ tế thần lửa cho phụ vương của bà.

Ý câu kệ nói rằng: những sức mạnh nào cũng không bằng sức mạnh của phụ nữ. các bậc xuất gia tu hành tinh tấn làm cho thiên vương Đế Thích phải nóng nảy, mà còn phải bị lụy về sắc của bà Candadevī. Vì vậy các vị trí thức nên biết rằng: chỉ có sức mạnh của phụ nữ là mạnh hơn tất cả sức mạnh khác.

đồng thời khi người ta đang thốt ra câu kệ ấy, thì vị đạo sĩ ấy cũng vừa đưa đao lên chặt đầu tượng. trước cái chết ấy làm cho tượng kinh sợ rống to lên, kế trâu, bò và những con thú khác cũng la rống lên nghe vang rền. vị đạo sĩ nghe tiếng la rống của thú lẫn tiếng khóc của người, làm cho ông có cảm tưởng rằng: chúng sanh đều kinh sợ cái chết, mà ta hằng tự giết bao nhiêu người vật để đổi lấy hạnh phúc dục tình một mình ta, thật là đáng thẹn với các bậc trí thức. Ông mới tự dạy lấy ông rằng: việc làm của nhà ngươi thật là đê tiện. ông liền bỏ đao xuống, rồi niệm lại đề mục của ông khi còn ở rừng, ông đắc tứ thiền lại như trước. ông liền bay lên hư không, dạy nhà vua hãy bãi bỏ sự cúng dường không hợp lẽ đạo và phóng sanh những con thú ấy đi. Nhà vua trông thấy sự lạ thường ấy, ngài vâng lời, làm theo lời của ngài đạo sĩ.

nhắc tích này lại để quý vị trông thấy rằng: nếu vị đạo sĩ ấy biết thu thúc lục căn không nhìn xem sắc đẹp của công chúa, ông nhập đại định thì đâu có phải đến phải ăn năn và bị người đời chỉ trích.

Vì vậy nên trong bộ chú giải Sabbāsavasutta có dạy rằng: sự thu thúc nghĩa là bắt buộc lục căn không cho chạm phải lục trần và phải có trí nhớ kiểm soát tâm trong mọi trường hợp. một khi thiếu trí nhớ để lục căn thọ lấy lục trần rồi khó mà sửa trị được. cũng như nhà vua muốn cho dân chúng được an vui, thì một mặt tra xét kẻ bất lương cho nghiêm ngặt, một mặt phải tuần phòng và phải đóng cửa thành. Cũng như cách đắc định cần phải thu thúc lục căn, không nên hững hờ. còn những bậc xuất gia chưa đắc được những gì thì sự thu thúc càng phải có nhiều hơn nữa. vậy người tu, dầu xuất gia hay là tại gia cũng phải thu thúc lục căn trước đã, rồi sẽ tới thiền định.

2. Brahmacariyā: hành theo phạm hạnh

Phạm hạnh tôi đã có thuyết rồi, thiết tưởng nơi đây tôi chỉ thuyết tóm tắt để không thiếu một trong 38 điều an lành thôi

Theo chú giải sự an lành có dạy rằng: các bực trí thức là hạnh chánh kiến hành theo hạnh cao thượng, sự hành động cao thượng ấy gọi là brahmacariya nghĩa là phạm hạnh. Vì những hành động ấy không lẫn với pháp ác, trái lại làm cho lòng từ bi tăng trưởng.

Brahmacariya, phạm hành ấy ngài Đại Đức Sirimaṅgala có giải rằng: phạm hạnh có 10 điều là:

* dāna: bố thí nghĩa là sự chia tài sản của mình cho người.

* veyyāvacca: sự ráng tầm kiếm (giúp đỡ) sự phước thiện của người khác.

* pañcasīla: thọ trì ngũ giới.

* appamaññā: niệm tứ vô lượng tâm.

* methunavirati: xa lánh sự dâm dục.

* sadārasantosa: sự tri túc với vợ nhà (không tà dâm, nghĩa là không ngoại tình)

* viriya: sự tinh tấn.

* uposatha: bát quan trai giới.

* ariyamagga: thánh đạo.

* sāsana: lời giáo huấn của Đức Thế Tôn.

a) Dāna:  bố thí

Vì trong túc sanh truyện Vidhura[85] có nói rằng: đức bổn sư Thích-Ca khi còn là một vị Bồ-tát tên Vidhurapaṇḍita có tiếng là thông minh và có đức lành. Ngài được đến cõi long vương tên Varuṇa, trông thấy sự cao sang của long vương, ngài mới hỏi rằng:

- tâu đại vương, trong kiếp quá khứ, đại vương hành pháp nào? phạm hạnh gì? Ngài có nhiều oai lực, sức mạnh, hào quang trong cõi này, do nhờ quả của nghiệp chi? vậy đây có phải đền đài của đại vương chăng?

Long vương đáp:

“ahañca bhariyā ca manussaloke,

Ahañca bhariyā ca manussaloke,

Saddhā ubho dānapatī ahumhā;

Opānabhūtaṃ me gharaṃ tadāsi,

Santappitā samaṇabrāhmaṇā ca.

Mālañca gandhañca vilepanañca,

Padīpiyaṃ seyyamupassayañca;

Acchādanaṃ sāyanamannapānaṃ,

Sakkacca dānāni adamha tattha.

Taṃ me vataṃ taṃ pana brahmacariyaṃ,

Tassa suciṇṇassa ayaṃ vipāko;

Iddhījutībalavīriyūpapatti,

Idañca me dhīra mahāvimānaṃ”.

nghĩa: trong hai người trẫm và hoàng hậu khi sanh làm người, là người có đức tin làm chủ sự bố thí, nhà của trẫm ví như giếng nước nghĩa là nơi hội họp của Bà-la-môn và sa-môn, trẫm lo phụng sự nuôi dưỡng đầy đủ. Trong cõi người, trẫm hết lòng thành kính bố thí, là những tràng hoa, vật thơm, vật thoa, đèn, chỗ ngủ, nhất là nệm chiếu, chỗ cư ngụ (là nhà), y phục, cơm nước, sự bố thí là pạhm hạnh của trẫm. tất cả những gì trẫm được trong cõi này đều nhờ quả của sự phạm hạnh trẫm đã tạo ra. Này thiện trí thức, đây là đền đài của trẫm.

Theo câu của vị long vương nói trên thì sự bố thí là phạm hạnh của ngài. Vì lẽ ấy nên các bậc chú giải dạy rằng: bố thí là một trong những phạm hạnh.

Hơn nữa, bố thí là nguyên nhân phát khởi lên rồi dẫn cho tác ý của ta đem của của mình ra cho kẻ khác. người muốn cho phước báu của sự bố thí được đầy đủ phải làm cho tròn đủ 6 nguyên nhân. Như trong bộ kinh Aṅguttaranikāya Đức Thế Tôn có dạy rằng: lúc Đức Thế Tôn ngự tại kỳ viên tịnh xá của trưởng giả cấp cô độc, gần thành Sāvatthi (thất-la-phiệt). có một cô tín nữ tên Velukandakinandamātā đang bố thí hợp theo 6 pháp đến chư Tăng, trong ấy có Đại Đức Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên. Đức Thế Tôn trông thấy bằng thiên nhãn của Ngài, nên ngài gọi các thầy Tỳ-khưu đến và bảo rằng:

- có cô tín nữ tên Velukandakinandamātā đang bố thí hợp theo 6 điều đến chư Tăng có Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên làm tọa chủ. vậy 6 điều ấy là những gì? Sáu điều ấy, thí chủ có 3 điều, người thọ thí có 3 điều. 3 điều của thí chủ là: các thầy Tỳ-khưu! Thí chủ phải có tâm trong sạch trước khi cho, lúc đang cho tâm cũng trong sạch, khi cho xong cũng làm cho tâm trong sạch, đây là 3 điều của thí chủ. người thọ lãnh cũng có 3 điều là: này các thầy Tỳ-khưu người thọ lãnh trong Phật Giáo này, hết tham ái hoặc hành để diệt trừ lòng tham ái, hết sân hận hoặc hành để diệt trừ lòng sân hận, hết si mê hoặc hành để diệt trừ lòng si mê. 3 điều này là 3 điều người thọ thí phải có.

người bố thí được 5 điều quả báo là:

* dānaṃ saggasopāna: bố thí là cái thang đi đến cõi trời.

* dānaṃ āpāyassa channaṃ: bố thí ấy che được 4 đường ác đạo. nghĩa là nhờ sự bố thí khỏi sanh vào ác đạo.

* dānaṃ sahāya sambhūtaṃ: bố thí là người bạn đi đường, trong cảnh giới vị lai.

* pātheyya mutramaṃ: bố thí là tư lương (vật thực riêng) rất cần yếu cho người đi đường

* mokkhappathavaraṃ: bố thí là con đường đi đến Níp-bàn.

đây là phạm hạnh thứ 1.

b) Veyyāvaca:  sự ráng tìm kiếm.

Theo bộ chú giải an lành có dạy rằng: ráng tinh tấn giúp đỡ người trưởng thượng, người có ơn, hay là các bậc xuất gia như Sa-môn, Bà-la-môn trong khi lạc đường, hoặc chỉ đường cho các Ngài đi khất thực.

đây là phạm hạnh thứ 2.

c) Pañcasīla: thọ trì ngũ giới

Ngũ giới là điều luật. Chẳng phải khi có Phật mới có 5 điều luật ấy, đã có trước rồi. Nếu trong đời người này không ai giữ ngũ giới thì thế giới không thể tồn tại được, vì nạn giết hại lẫn nhau, dù sao vẫn còn nhiều bậc trí thức quan tâm đến trong một hay là điều. Ngũ giới là một trong những phạm hạnh. Vì nhờ có phạm hạnh nên chúng sanh trở nên người lành và được nhiều hạnh phúc. Như có câu Phật dạy trong bộ kinh Aṅguttaranikāya rằng:

“Yo pāṇaṃ nātipāteti,

Musāvādaṃ na bhāsati;

Loke adinnaṃ nādiyati,

Paradāraṃ na gacchati;

Surāmerayapānañca ,

Yo naro nānuyuñjati."

Pahāya pañca verāni,

Sīlavā iti vuccati;

Kāyassa bhedā sappañño,

Sugatiṃ sopapajjati"[86]

Nghĩa: trong đời này, kẻ nào không sát sanh, không nói dối, không lấy của người (trong khi người không cho), không tà dâm, hơn nữa, kẻ nào không uống nước say. Kẻ ấy, gọi là người dứt được 5 nghiệp chướng. Thiện trí thức gọi người ấy là người có giới đức, người có trí, sau khi quá vãng thế nào cũng sanh về cõi trời.

Theo lời Phật dạy trên, thì chúng ta trông thấy rằng: ngũ giới là pháp đưa mình tới chỗ an vui, không cần phải xuất tiền ra mua chi, ta cố làm cho ngũ giới trong sạch.

Có một lúc nọ Đức Thế Tôn ngự tại Pāṭaligāma. Ngài có dạy quả báu của sự trì giới có 5 điều trong bài kinh Mahāparinibbānasutta bộ Dīghanikāya rằng: pañcime, gahapatayo, ānisaṃsā sīlavato sīlasampadāya. Katame pañca? Người có giới hạnh trong sạch được năm điều quả báu là:

* idha, gahapatayo, sīlavā sīlasampanno appamādādhikaraṇaṃ mahantaṃ bhogakkhandhaṃ adhigacchati. Ayaṃ paṭhamo ānisaṃso sīlavato sīlasampadāya.

Nghĩa: này các gahapati (nghĩa: người chủ gia đình), người có giới hạnh tròn đủ sẽ được nhiều tài sản quý báu, nguyên nhân bởi không dể duôi. Đây là quả thứ nhất.

* puna caparaṃ, gahapatayo, sīlavato sīlasampannassa kalyāṇo kittsaddo abbhuggacchati. Ayaṃ dutiyo ānisaṃso sīlavato sīlasampadāya.

Nghĩa: này các gahapati, một lẽ nữa người có giới đức tròn đủ sẽ được tiếng tốt đồn đi khắp nơi. Đây là quả thứ nhì.

* puna caparaṃ, gahapatayo, sīlavā sīlasampanno yaññadeva parisaṃ upasaṅkamati yadi khattiyaparisaṃ yadi brāhmaṇaparisaṃ yadi gahapatiparisaṃ yadi samaṇaparisaṃ visārado upasaṅkamati amaṅkubhūto. Ayaṃ tatiyo ānisaṃso sīlavato sīlasampadāya.

Nghĩa: này các gahapati, hơn nữa người có giới đức đầy đủ, trong sạch, khi hợp với dòng nào như dòng vua,... cũng không kinh sợ gầm mặt xuống (nghĩa là không hổ thẹn vì mình là người có lỗi). đây là quả thứ ba.

* puna caparaṃ, gahapatayo, sīlavā sīlasampanno asammūḷho kālaṅkaroti. Ayaṃ catuttho ānisaṃso sīlavato sīlasampadāya.

Nghĩa: này các gahapati, một lẽ nữa, người có giới hạnh đầy đủ trong sạch là người không si mê trong khi quá vãng. Đây là quả thứ tư.

* puna caparaṃ, gahapatayo, sīlavā sīlasampanno kāyassa bhedāparaṃ maraṇā sugatiṃ saggaṃ lokaṃ upapajjati. Ayaṃ pañcamo ānisaṃso sīlavato sīlasampadāya.

Nghĩa: này các gahapati, một lẽ nữa, người có giới hạnh đầy đủ trong sạch, sau khi thân này hư hoại được sanh về cõi trời. đây là quả thứ năm.

Ngũ giới đã giải trên gọi là phạm hạnh thứ 3.

d) Appamaññā:  tứ vô lượng tâm

Trong bài kinh Mahāgovindasutta, bộ Dīghanikāya, Đức Thế Tôn có dạy rằng: có lúc nọ, Đức Thế Tôn ngự tại Gijjhakūta gần vương xá thành. Khi ấy có vị Càn-thát-bà tên Pañcasikha từ cõi trời đến hầu Đức Thế Tôn trong lúc giữa đêm, ông mới bạch hỏi Đức Thế Tôn theo lời ông đã nghe tại chỗ của vị phạm thiên tên Sanankumāra có thuyết pháp cho chư Thiên nghe rằng:

- có thầy Bà-la-môn tên Mahāgovindabrahmaṇa là một trong 7 vị đại thần của vua Renu xuất gia, sau này có nhiều người xuất gia làm đệ tử của ông, phần đông đều là dòng hoàng phái và quan. Thầy Bà-la-môn Mahāgovinda tham thiền về tứ vô lượng tâm đạt đến phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền. ngài thường giảng dạy giáo lý của ngài cho các đệ tử, vị nào nghe và thực hành theo, thì được sanh về các cõi trời. sự xuất gia của những người ấy, được kết quả tùy theo sức của mình. bạch đức Thế Tôn, ngài có nhớ chuyện ấy không?

- Này Pañcasikha! Như Lai biết rõ chuyện ấy lắm, vị Mahāgovindabrahmaṇa ấy, không ai xa lạ, chính là Như Lai vậy. Như Lai có thuyết pháp chỉ cõi trời phạm thiên cho đệ tử. nhưng Pañcasikha này! Những phạm hạnh ấy không phải pháp hành cho thoát khỏi luân hồi, không phải hành để xa lìa dục vọng trong luân hồi, không phải hành để hiểu rõ luân hồi, không phải hành tỉnh thức khỏi sự luân hồi, không phải hành hầu đắc Níp-bàn, hành như thế chỉ đến cõi phạm thiên là cùng. Này Pañcasikha! Nhưng phạm hạnh là bát chánh đáo, mới là pháp hành hầu đắc được chỉ, quán, đạo, quả và Níp-bàn.

đoạn này cốt chuyện là ngài dạy tứ vô lượng tâm là phạm hạnh. Theo tứ vô lượng tâm mà Đức Phật dạy, mỗi một chi có hai điều quả báo như tôi đã thuyết rồi, nhưng mỗi chi có kết quả cho người khác nhau là:

* sự dứt bỏ oán thù là quả của tâm từ

* sự dứt bỏ làm hại người là quả của tâm bi

* sự dứt bỏ lòng bực tức hoặc sự không vừa lòng là quả của tâm hỷ

* sự tiêu diệt tham ái là quả của tâm xả

hơn nữa, tâm từ là phương pháp làm cho người không có sự oán thù. Tâm bi là phương pháp làm cho người không có sự làm hại kẻ khác. Tâm hỷ là phương pháp làm cho người không có nhiều sự bực tức, không vừa lòng. Tâm xả là phương pháp làm cho người dứt được lòng tham ái.

người muốn hành theo hạnh này thì phải cố gắng rãi lòng từ, bi, hỷ, xả cho chúng sanh. sự rãi tâm từ, bi, hỷ, xả có 3 cách là:

* anodhiso bharaṇā - rãi không phân biệt nam, nữ

* odhiso bharaṇā - rãi còn phân biệt nam, nữ

* disā bharaṇā - rãi đi cùng các hướng

  • Anodhiso bharaṇā: rãi không phân biệt nam, nữ.

Có 4:

Sabbe satā averā abyāpajjhā anīghā sukhi attānam parihārantu.

Nghĩa: tất cả satta (chúng sanh) đừng có cột oan trái nhau, đừng oán thù nhau, đừng có khổ, hãy giữ mình cho được an vui.

*  Sabbe pāna averā...

Nghĩa: tất cả pāna (loại có thức tánh) đừng có cột oan trái, đừng oán thù nhau, đừng có khổ, hãy giữ mình cho được an vui.

*  Sabbe bhūta averā...

Nghĩa: tất cả bhūta (hạng đã sanh) đừng có cột oan trái, đừng oán thù nhau, đừng có khổ, hãy giữ mình cho được an vui.

*  Sabbe attabhāvapariyāpanno…

Nghĩa: tất cả attabhāva (những người có sanh mạng còn sống) đừng có cột oan trái, đừng oán thù nhau, đừng có khổ, hãy giữ mình cho được an vui.

Chú giải những tên satta (chúng sanh) nghĩa là người còn dính (nghĩa là còn ham mê ngũ trần, như khỉ dính nhựa cây, hay là như cá mắc câu). Pāna nghĩa là sống bằng hơi thở ra vô. Bhūta nghĩa là sanh trong cảnh giới. puggala nghĩa là người. attabhāvapariyāpannā nghĩa là thuộc về hạng có thức tánh hoặc là biết có thân này.

Bốn điều kể trên tuy là khác tiếng nhưng cũng chỉ chúng sanh cả

  • Odhisopharanā: rãi còn phân biệt.

có 7 điều là:

* sabbe itthiya averā abyāpajjhā anīghā attānaṃ parihārantu…

Nghĩa: tất cả hàng phụ nữ đừng có cột oan trái lẫn nhau, đừng oán thù nhau, đừng có khổ, đừng làm hại nhau, hãy giữ mình cho được an vui.

*  sabbe purisā averā...

Nghĩa: tất cả người nam đừng cột oan trái lẫn nhau...

*  sabbe ariyā averā...

Nghĩa: tất cả các thánh nhân đừng cột oan trái lẫn nhau... (sự thật thì các bậc thánh nhân không bao giờ cột oan trái với nhau, nhưng đây là một bài kinh kể cho đủ các hạng, và để tương đối với câu sau

*  sabbe anāriyā averā...

Nghĩa: tất cả hạng không phải thánh nhân (phàm nhân) đừng cột oan trái lẫn nhau...

*  sabbe devā averā...

Nghĩa: tất cả chư Thiên đừng cột oan trái lẫn nhau...

*  sabbe manussā averā...

Nghĩa: tất cả nhân loại đừng cột oan trái lẫn nhau...

*  sabbe vinipatikā averā...

Nghĩa: tất cả hạng sanh vào các đạo đừng cột oan trái lẫn nhau...

  • Disāpharanā: rãi đi khắp mọi nơi.

Có 10 điều là:

* sabbe puratthimāya disāya averā abyāpajjhā anīghā attānaṃ parihārantu…

Nghĩa: tất cả chúng sanh ở hướng đông, xin đừng cột oan trái nhau, đừng oán thù nhau, đừng có khổ, hãy giữ mình cho được an vui

* sabbe pacchimāya disāya averā...

Nghĩa: tất cả chúng sanh ở hướng tây...

* sabbe uttarāya disāya averā...

Nghĩa: tất cả chúng sanh ở hướng bắc...

* sabbe dakkhināya disāya averā...

Nghĩa: tất cả chúng sanh ở hướng nam...

* sabbe puratthimāya anudisāya averā...

Nghĩa: tất cả chúng sanh ở hướng đông...

* sabbe pacchimāya anudisāya averā...

Nghĩa: tất cả chúng sanh ở hướng tây...

* sabbe uttarāya anudisāya averā...

Nghĩa: tất cả chúng sanh ở hướng bắc...

* sabbe dakkhināya anudisāya averā...

Nghĩa: tất cả chúng sanh ở hướng nam...

* sabbe hetthimāya disāya averā...

Nghĩa: tất cả chúng sanh ở hướng dưới...

* sabbe uparimāya disāya averā...

Nghĩa: tất cả chúng sanh  ở hướng trên...

cách rãi lòng bi, hỷ, xả cũng như cách rãi lòng từ vậy

tứ vô lượng tâm muốn rãi tóm tắt, rãi như vầy:

* tâm từ: sabbe sattā averā hontu.

Nghĩa: tất cả chúng sanh không nên cột oan trái nhau

* tâm bi: sabbe sattā dukkhā pamuñcantu.

Nghĩa: tất cả chúng sanh hãy khỏi khổ

* tâm hỷ: sabbe sattā laddhasampattito mā vigacchantu.

Nghĩa: tất cả chúng sanh đừng bị hư hoại tài sản, là sự an vui thạnh lợi cho mình

* tâm xả: sabbe sattā kammasakā kamadāyādā.

Nghĩa: tất cả chúng sanh nghiệp là của mình, nghiệp là di sản (của mình, phải thâu nhận không thể từ chối được)

theo những lời giảng trên, các bực trí thức nên biết rằng: người muốn rãi lòng từ thì hãy nghĩ đến nỗi khổ sự cột oan trái của chúng sanh làm đề mục. đề mục của tâm bi là trông thấy chúng sanh đau khổ mà thương hại. đề mục tâm hỷ là nghĩa đến của cải người đã được mà vui theo, chớ không ganh tỵ. đề mục của tâm xả là thấy chúng sanh được vui hay bị khổ đều nghĩ rằng: đây là do nơi cái quả của họ đã tạo ra từ kiếp trước nên không bi quan hay vui mừng.

tứ vô lượng tâm đã giải trên là phạm hạnh thứ 4.

e) Medhunavirati:  sự xa lánh điều dâm dục

tại sao phải xa lánh dâm dục? vì sự dâm dục là pháp của người còn sự ham mê trong luân hồi của thế tục, không phải của bậc xuất gia. người phải giết hại nhau một phần cũng vì sự không cao quý ấy. nên người xa lánh dâm dục gọi là người hành phạm hạnh.

sự xa lánh dâm dục là phạm hạnh thứ 5.

f) Sadārasantosa:  sự biết tri túc vợ nhà

Nghĩa là người có vợ nhà, chỉ thương yêu vợ nhà thôi, không tư tình với kẻ khác. Riêng về đàn bà cũng chỉ biết thương chồng của mình thôi. rất nhiều gia đình bị tan vỡ cũng vì tại ông chồng hay bà vợ không biết tri túc trong tình dục là phạm hạnh của người tu tại gia.

sự biết tri túc trong tình dục là phạm hạnh thứ 6.

g) Viriya: sự tinh cần, không bỏ qua sự làm những việc lành.

Đây tôi xin nhắc lại Phật ngôn để quý vị nghe mà hành theo

* idha bhikkhave, bhikkhunā kammaṃ kattabbaṃ hoti. Tassa evaṃ hoti ‘kammaṃ kho me kattabbaṃ bhavissati, kammaṃ kho mayā karontene ne sukaraṃ buddhānaṃ sāsanaṃ manasi kātuṃ. Handāhaṃ paṭikacceva vīriyaṃ ārabhāmi  appattassa pattiyā anadhigatassa adhigamāya asacchikatassa sacchikiriyāyā’ti. So viriyaṃ ārabhati appattassa pattiyā anadhigatassa adhigamāya asacchikatassa sacchikiriyāya. idaṃ, bhikkhave, paṭhamaṃ ārambhavatthu.

Nghĩa: này các thầy Tỳ-khưu! vị Tỳ-khưu trong Phật Giáo, khi còn có phận sự cần phải làm không thể bỏ qua được, thầy Tỳ-khưu ấy nghĩ rằng: thế nào ta cũng làm chuyện này. Khi ta làm xong rồi chưa chắc ta có giờ hành đạo được. vậy ta phải cố gắng tinh tấn hành trước, hầu được được đặc ân mà ta chưa được. thầy Tỳ-khưu ấy liền cố tinh tấn. đây là nguyên nhân sanh sự tinh cần siêng năng.

* puna caparaṃ, bhikkhave, bhikkhunā kammaṃ kataṃ hoti. Tassa evaṃ hoti ‘ahaṃ kho kammaṃ akāsiṃ. kammaṃ kho panāhaṃ karonto nāsakkhiṃ buddhānaṃ sāsanaṃ manasi kātuṃ. Handāhaṃ paṭikacceva vīriyaṃ ārabhāmi  appattassa pattiyā anadhigatassa adhigamāya asacchikatassa sacchikiriyāyā’ti. So vīriyaṃ ārabhāmi. idaṃ bhikkhave dutiyaṃ ārambhavatthu…

Nghĩa: này các thầy Tỳ-khưu! một lẽ nữa, khi thầy Tỳ-khưu lànm xong việc mới nghĩ rằng: ta đã làm việc ấy xong, trong khi ta làm việc, ta không cố gắng hành đạo. vậy bây giờ ta phải cố gắng hành đạo để được đặc ân mà ta chưa được. đây là nguyên nhân sanh sự siêng năng thứ nhì.

* puna caparaṃ, bhikkhave, bhikkhunā maggo gantabbo hoti. Tassa evaṃ hoti ‘maggo kho me  gandhabbo bhavissati. maggaṃ kho pana me gacchantena na sukaraṃ buddhānaṃ sāsanaṃ manasi kātuṃ. Handāhaṃ vīriyaṃ... pe.... idaṃ, bhikkhave tatiyaṃ ārambhavatthu

Nghĩa: này các thầy Tỳ-khưu! thầy Tỳ-khưu có việc cần đi xa, thầy Tỳ-khưu ấy nghĩa rằng: thế nào ta cũng phải đi xa, trong khi đi ta không thể hành tròn phận sự được. vậy trước hết ta phải cố gắng hành (tròn phận sự) hầu được đặc ân mà ta chưa được. thầy ấy cố gắng tinh tấn. đây là nguyên nhân thứ ba phát sanh sự siêng năng.

* puna caparaṃ, bhikkhave, bhikkhunā maggo gato hoti. Tassa evaṃ hoti ‘ahaṃ kho maggaṃ agamāsiṃ. maggaṃ kho panāhaṃ gacchanto nāsakkhiṃ buddhānaṃ sāsanaṃ manasi kātuṃ. Handāhaṃ vīriyaṃ ārabhāmi... pe... idaṃ, bhikkhave catutthaṃ ārambhavatthu

Nghĩa: này các thầy Tỳ-khưu! Khi thầy Tỳ-khưu nghĩa rằng: ta đã đi đường xong rồi, trong khi đi, ta không thể chú ý hành phận sự được. vậy ta nên cố gắng tinh tấn hành đạo, hầu được đặc ân mà ta chưa được. thầy Tỳ-khưu ấy cố hành. đây là nguyên nhân thứ tư phát sanh sự siêng năng.

* puna caparaṃ, bhikkhave, bhikkhu gāmaṃ vā nigamaṃ vā piṇḍāya caranto na labhati lūkhassa vā paṇītassa vā bhojanassa yāvadatthaṃ pāripūriṃ. Tassa evaṃ hoti ‘ahaṃ kho gāmaṃ vā nigamaṃ vā pṇḍāya caranto na labhati lūkhassa vā paṇītassa vā bhojanassa yāvadatthaṃ pāripūriṃ. Tassa me kāyo lahuko kammañño. handāhaṃ vīriyaṃ ārabhāmi... pe... idaṃ, bhikkhave pañcamaṃ ārambhavatthu

Nghĩa: này các thầy Tỳ-khưu! Thầy Tỳ-khưu vào làng xóm để khất thực, không được vật thực mặc dù rấy rẻ tiền, hoặc không đủ no, vị ấy nghĩ rằng: ta khất thực được vật thực không đủ no, thân ta được nhẹ nhàng và hành thiền định được. vậy ta ráng cố tinh tấn hầu được đặc ân mà ta chưa được. thầy Tỳ-khưu ấy cố gắng hành. đây là nguyên nhân thứ năm làm cho phát sanh sự siêng năng.

* puna caparaṃ, bhikkhave, bhikkhu gāmaṃ vā nigamaṃ vā piṇḍāya caranto labhati lūkhassa vā paṇītassa vā bhojanassa yāvadatthaṃ pāripūriṃ. Tassa evaṃ hoti ‘ahaṃ kho gāmaṃ vā nigamaṃ vā piṇḍāya caranto na labhati lūkhassa vā paṇītassa vā bhojanassa yāvadatthaṃ pāripūriṃ. Tassa me kāyo balavā kammañño. handāhaṃ vīriyaṃ ārabhāmi... pe... idaṃ, bhikkhave chaṭṭhaṃ ārambhavatthu

Nghĩa: này các thầy Tỳ-khưu! Thầy Tỳ-khưu vào làng xóm khất thực, khi được vật thực vừa đủ no. vị ấy mới nghĩ rằng: ta khất thực vật thực vừa đủ no, thân ta được an vui vừa với sự hành thiền định. vậy ta nên cố hành hầu được đặc ân mà ta chưa được. thầy Tỳ-khưu ấy cố gắng hành. đây là nguyên nhân thứ sáu làm phát sanh sự siêng năng.

* puna caparaṃ, bhikkhave, bhikkhuno uppanno hoti appamattako ābādho. Tassa evaṃ hoti ‘uppanno kho me ayaṃ appamattako ābādho. ḷhānaṃ kho panetaṃ vijjati yaṃ me ābādho pavaḍḍheyya. handāhaṃ paṭikacceva vīriyaṃ ārabhāmi... pe... idaṃ, bhikkhave sattamaṃ ārambhavatthu

Nghĩa: này các thầy Tỳ-khưu! Thầy Tỳ-khưu có chút ít bệnh, nghĩ rằng: ta có bịnh, thế nào bịnh cũng tăng thêm. Vậy ta nên ráng tinh tấn hành đạo hầu đắc được đặc ân mà ta chưa được. thầy Tỳ-khưu ấy cố gắng hành. đây là nguyên nhân thứ bảy của sự tinh tấn, siêng năng.

* puna caparaṃ, bhikkhave, bhikkhu gilānā vuṭṭhito hoti aciravuṭṭhito gelaññā. Tassa evaṃ hoti ‘ahaṃ kho gilānā vuṭṭhito aciravuṭṭhito gelaññā. ḷhānaṃ kho panetaṃ vijjati yaṃ me ābādho pavaḍḍheyya. handāhaṃ paṭikacceva vīriyaṃ ārabhāmi appattassa pattiyā anadhigatassa adhigamāya asacchikatassa sacchikiriyāya. idaṃ, bhikkhave, aṭṭhamaṃ ārambhavatthu…

Nghĩa: này các thầy Tỳ-khưu! Khi thầy Tỳ-khưu vừa lành bệnh, thầy ấy nghĩ rằng: ta đã mạnh rồi, nhưng những bệnh ấy có thể trở lại được. Vậy ta phải cố gắng tinh tấn trước hầu được đặc ân mà ta chưa được. thầy Tỳ-khưu ấy cố hành. đây là nguyên nhân thứ tám sanh sự siêng năng.

người cố tâm hành theo thiện pháp, khi biết nhân phát sanh sự lười biếng và siêng năng thì hãy cố gắng dứt sự lười biếng, không nên để thối chuyển.

đây là phạm hạnh thứ 7.

h) Uposatha:  bát quan trai giới.

Bát quan trai giới là tám điều răn của Đức Thế Tôn giáo truyền. tôi có giải rõ trong những thời pháp trước rồi, như là trong 10 điều phạm hạnh.

Trong bộ kinh Mahānipāta có tích của đức vua Nimirāja rằng: đức vua Nimirāja trị vì tại xứ Mithilā thành Vedeha. Ngài là nhà vua rất nhân từ. trong những ngày thọ bát quan trai giới, ngài thọ bát quan trai giới xong, ngài đi bố thí, còn ngày thường, ngài để cho các quan coi bố thí. Ngày nọ, nhằm ngày bát quan trai giới, ngài thọ xong, đêm lại ngài nghĩ rằng: bố thí và thọ bát quan trai giới điều nào cao thượng hơn. Ngài không giải quyết được. đức Đế Thích mới hiện ra. đức vua Nimirāja biết là thiên vương Đế Thích mới hỏi sự hoài nghi của mình.

Thiên vương mới đáp bằng câu kệ rằng:

Hīnena brahmacariyena,

Khattiye upapajjati;

Majjhimena ca devattaṃ,

Uttamena visujjhati.

Na hete sulabhā kāyā,

Yācayogena kenaci;

Ye kāye upapajjanti,

Anāgārā tapassino[87].

Nghĩa: người nào được sanh vào dòng vua do nhờ phạm hạnh bậc thấp. sanh làm chư Thiên do phạm hạnh bậc trung. Sanh vào phạm thiên do nhờ phạm hạnh rất trong sạch. người xuất gia nếu có tapa thì sẽ được sanh vào cõi phạm thiên. Trong cõi phạm thiên thí chủ không thể sanh được.

Theo chú giải dạy rằng: phạm hạnh bậc thấp là sự trì giới của bọn ngoại đạo là chỉ cố xa sự dâm dục mà thôi. Vì những hạng này, không thể có phương pháp nào hơn phạm hạnh bực trung là thọ trì bát quan trai giới. vì quả bố thí không cho sanh vào cõi phạm thiên.

Chư thiện tín nào muốn coi rõ hơn xin coi trong thời pháp số 7, 13, 16 có giải rõ về bát quan trai giới.

i) Ariyamagga:  thánh đạo

thánh đạo nghĩa là con đường cao quý hay là con đường của bậc thánh nhân, các ngài đi theo con đường ấy đến Níp-bàn.

Trong bài kinh Brahmacariyasutta bộ Sampayuttanikāya. Đức Thế Tôn có dạy về thánh đạo như vầy.

một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngụ tại Kỳ Viên tịnh xá của trưởng giả Cấp Cô Độc gần thành Thất-la-phiệt. khi ấy có một vị Tỳ-khưu vào hầu Đức Thế Tôn và bạch rằng:

- bạch đức Thế Tôn! Đức Thế Tôn có thuyết phạm hạnh, vậy phạm hạnh là những chi. một lẽ nữa đâu là nơi cùng tột của phạm hạnh?

- Này thầy Tỳ-khưu! Có 8 con đường cao thượng quý báu gọi là phạm hạnh, 8 con đường ấy là: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Nơi hết tham ái, sân hận, si mê là nơi cùng tột của phạm hạnh.

Theo trong bài kinh này, Đức Thế Tôn dạy thánh đạo là phạm hạnh.

Đây tôi xin nhắc lại những câu Phật dạy để giải sơ về thánh đạo cho thiện nam, tín nữ dễ hiểu:

Này các thầy Tỳ-khưu! sự thấy rõ điều khổ, thấy rõ tham ái là nguyên nhân sanh khổ, thấy rõ Níp-bàn là nơi diệt khổ, biết con đường hành đi đến Níp-bàn là nơi diệt khổ. Các Tỳ-khưu này! Như lai gọi là chánh tư duy

Này các thầy Tỳ-khưu! sự xa lánh điều nói dối, nói biếm, nói đâm thọc, mắng nhiếc chửi rủa, nói vô ích. Như lai gọi là chánh ngữ

Này các thầy Tỳ-khưu! sự xa lánh sát sanh, trộm cướp, tà dâm. Như lai gọi là chánh nghiệp

Này các thầy Tỳ-khưu! Các bậc thánh nhân trong Phật đạo dứt bỏ tà mạng, hành theo chánh mạng. Như lai gọi là chánh mạng

Này các thầy Tỳ-khưu! Vị Tỳ-khưu trong Phật Giáo, thỏa thích trong sự tinh tấn, hành tinh tấn và cố tinh tấn gom tâm lại, làm cho tâm trụ một chỗ, hầu ngăn ngừa các pháp ác chưa phát sanh không cho phát sanh. thầy Tỳ-khưu thoả thích trong sự tinh tấn, cố tinh tấn gom tâm lại, cố làm cho tâm trụ vào một chỗ, hầu để vun trồng mầm phước thiện chưa phát sanh cho sanh lên. thầy Tỳ-khưu làm cho sự thoả thích phát sanh là tinh tấn, cố tinh tấn gom tâm lại, làm cho tâm trụ một chỗ hầu làm cho phước thiện đã có càng mạnh mẽ thêm. Này các thầy Tỳ-khưu! bốn điều tinh tấn này gọi là chánh tinh tấn.

Này các thầy Tỳ-khưu! Thầy Tỳ-khưu trong Phật Giáo, hằng quan sát (thân này là vật trược "niệm thân"). cố tinh tấn tiêu trừ phiền não, là người không dể duôi, dứt bỏ tham, sân, si, không chấp rằng: ngũ uẩn là ta. Như Lai gọi là chánh niệm.

Này các thầy Tỳ-khưu! thầy Tỳ-khưu trong Phật Giáo vắng lặng (nghĩa là không say mê theo ngũ trần) đắc được từ sơ thiền đến ngũ thiền, có trí nhớ đầy đủ. Như Lai gọi là chánh định."

j) Sāsanā - giáo huấn

lời giáo huấn là lời giảng giải của đức Thế Tôn. Theo trong bài kinh Mahāparinibānasutta, bộ Dīghanikāya có dạy rằng: khi Đức Thế Tôn sắp nhập diệt có dạy rằng: trước khi còn 3 tháng nữa ngài nhập diệt có Ma vương đến thỉnh Đức Thế Tôn nhập diệt. Ma vương có bạch rằng:

- bạch đức Như Lai! Xin ngài nhập diệt. vì lúc trước (khi thành đạo dưới cội bồ đề) ngài có dạy tôi rằng: này Ma vương! Như Lai chưa nhập diệt đâu, vì phạm hạnh của Như Lai chưa phổ cập đi mọi nơi, chưa có nhiều người hiểu biết, hàng chư Thiên và các bậc trí thức chưa (có ai thuyết được). bây giờ, phạm hạnh của Đức Thế Tôn đã được phổ cập mọi nơi rồi, có nhiều người hiểu rõ, chư Thiên và các bậc trí thức đã thuyết được, vậy xin Đức Thế Tôn nhập diệt.

- này Ma vương! Ngươi chớ nên lo, không lâu đâu, chỉ còn ba tháng nữa Như Lai sẽ nhập diệt.

lời nói phạm hạnh trên đây ngụ ý chỉ Phật ngôn. Theo Phật ngôn chia ra làm 3 điều quan trọng là:

* adhisīlasikkhā: giới chỉ về Ba-la-đề-mộc-xoa

* adhicittasikkhā: tâm chỉ về thiền tịnh là chỉ quán minh sát

* adhipaññāsikkhā: chỉ về minh sát tuệ, là trí tuệ quan sát thấy rõ ba tướng là vô thường, khổ não, vô ngã

vì những lẽ kể trên, nên các bậc chú giải dạy rằng: kim ngôn của Đức Thế Tôn giáo truyền là phạm hạnh. Vì 8 muôn 4 ngàn pháp môn đều là những phương pháp đưa chúng sanh đến nơi giải thoát.

thời pháp đến đây tạm dứt, kỳ sau sẽ giải tiếp theo

BÀI 26 CHẲNG NÊN CHÊ BAI, KHINH BỈ VÀ LÀM HẠI KẺ KHÁC

i. Chẳng nên chê bai, khinh bỉ người khác

Khi mình chê bai, khinh bỉ người nào là vì tự cho mình là cao hơn, bởi tánh ngã mạn. Cái quả hiện tại là mình không có bạn lành và mình sẽ bị khinh bỉ lại. Đây là một tích chỉ rõ cái quả của sự khinh bỉ.

Xưa kia, một ông Đại Đức tên Cūḷapanthaka[1] ròng rã 3 tháng hạ mà không học thuộc bài kệ bốn câu, mỗi câu chỉ có tám tiếng. Anh của ông Đại Đức quở trách sao tối dạ, cho rằng không thể tu tập được nên đuổi ông ra khỏi tịnh xá. Ông Đại Đức buồn bực, sáng ngày mang bát ra về. Đêm ấy, Đức Thế Tôn thấy rõ duyên lành của Ngài Cūḷapanthaka đã đến và sẽ đắc quả A-la-hán nên vừa rạng đông, Đức Thế Tôn đi kinh hành ở cửa ngõ chùa. Khi Ngài Cūḷapanthaka vừa ra tới thì gặp Đức Thế Tôn đón hỏi:

- Ai đó!

- Bạch Đức Thế Tôn, đệ tử tên Cūḷapanthaka.

- Thầy đi đâu sớm vậy?

- Bạch Đức Thế Tôn đệ tử đi về.

Thầy mới thuật rõ tự sự. đức Phật hỏi :

- Nhà ngươi giận anh nhà ngươi chăng?

- Bạch Đức Thế Tôn, giận.

- Anh nhà ngươi đã làm gì ngươi giận chứ? Như Lai có làm nhà ngươi giận đâu mà về? Vậy trước kia nhà ngươi nguyện xuất gia với ai?

- Bạch Đức Thế Tôn, đệ tử nguyện xuất gia theo Đức Thế Tôn.

- Nếu nhà ngươi nguyện xuất gia theo Như Lai, Như Lai có làm gì nhà ngươi giận đâu mà về hoàn tục?

đức Phật mới dạy ông niệm 32 thể trược trong thân: tóc, lông, móng, răng, da … Ông vâng lời hành theo và đắc được quả A-la-hán.

Ngày nọ, có ông thầy thuốc tên Kumārabhatta, thỉnh chư sư để trai Tăng. Khi chư Tăng đến nơi đủ hết, duy còn thiếu ông Đại Đức vừa đắc quả A-la-hán. Phật cho người về thỉnh ông Đại Đức ấy. Song người về bạch lại rằng:

- nơi tịnh xá còn rất nhiều chư Tăng đang dọn quét, song không thỉnh được vì chư sư tản mát cùng khắp tịnh xá. Phật dạy hãy vào giữa chánh điện thấy sư nào ngồi giữa mà mở miệng đáp lời thỉnh trước thì nắm lấy ông sư ấy, các sư kia sẽ biến mất hết. Đó chỉ là phép thần thông của một vị Đại Đức vừa đắc quả A-la-hán. Phật dạy: tại sao ông Đại Đức ấy học không thuộc bài kệ trong 3 tháng hạ? Vì kiếp trước ông hay mắng người ta ngu nên kiếp này ông phải trả quả.

Khi mình dùng những lời tự cao để mạt sát, khinh bỉ kẻ khác, mình bị nghiệp ác, mang tội ác khẩu. Chúng ta thử nghĩ, khi ta mạt sát, khinh bỉ kẻ khác, nói cho vừa khẩu dục, ta không mập thêm cân thịt nào, cũng không cao được tấc nào mà trái lại phải mang bao nhiêu điều khổ não, là cái nghiệp chướng nó đeo theo và phải trả quả.

Tội càng nặng nếu mình mạt sát đến bậc thánh nhân. Tích xưa[2], hồi đời đức Phật Ca-diếp, có một ông Tỳ-khưu trụ trì tại chùa nọ, tánh ngã mạn hay khinh bỉ kẻ khác. Ngày kia, có ông Đại Đức đã đắc quả A-la-hán đi ngang qua chùa. Người chủ chùa trông thấy hạnh kiểm cao quý của đức A-la-hán, hết lòng trong sạch mới thỉnh về chùa, đem giường, ghế, mùng, mền, gối, nệm, chiếu ra trải mời Ngài nghỉ, kêu thợ lại cạo đầu, dâng đồ vật thực và y mới. Ông chủ chùa mới bạch với vị trụ trì, mời Ngài mai đi trai tăng nơi nhà của ông và xin mời vị Đại Đức mới nữa. Thầy Tỳ-khưu trụ trì lấy làm khó chịu vì nghĩ rằng: “Ta ở đây lâu rồi mà người thiện nam này không tử tế với ta bằng thầy ở phương xa đến”. Ông tức giận, mới kêu vị Đại Đức ấy nói rằng:

- Này thầy, thầy đừng ăn cơm của thí chủ, ăn phẩn còn hơn. Thầy không nên để thợ cạo tóc, thầy lấy lá thốt nốt cạo tóc còn hơn. Thầy không nên mặc y của thí chủ, nên loã thể còn hơn. Thầy không nên nằm giường của thí chủ, nằm đất còn hơn.

Vị Đại Đức là bậc A-la-hán, Ngài nghe những tiếng mạt sát ấy, tự nghĩ: ta không nên để gã phàm nhân này vì sự khinh bỉ ta. Nghĩ vậy, Ngài liền đi mất.

Sáng ngày, thầy Tỳ-khưu trụ trì lấy móng tay gõ chuông, làm hiệu để đi khuất thực, rồi một mình đến nhà vị thí chủ. Khi đến nơi, thí chủ hỏi thăm vị Đại Đức mới thì ông đáp rằng:

- Vị Đại Đức ấy còn ngủ, ông đánh kẻng quét chùa cũng không chịu dậy. Người thí chủ nhận thấy điều ấy rõ rệt nhưng cũng không nói gì cả.

Khi trai tăng xong, ông mới gửi đồ về dâng vị Đại Đức. Ông trụ trì không đem về, lại đem đổ đi vì nghĩ rằng: nếu đem về cho nó ăn, nó sẽ ở mãi mãi. Nhưng khi khi về thì vị Đại Đức đã đi mất rồi.

Vì tội khinh bỉ, mắng nhiếc bậc Thánh nhân mà vị Tỳ-khưu trụ trì sau 2 muôn năm hành đạo (tuổi thọ chúng sanh thời ấy được 2 muôn năm), phải sanh về địa ngục một kiếp Phật để trả quả tội khinh bỉ, phỉ báng kể trên. Đến đời Phật Thích-ca, vị Tỳ-khưu ấy sanh vào một gia đình nọ, đặt tên là Jambu Jīvaka. Từ nhỏ đến lớn, Jīvaka không bận áo, không ưa cơm mà lại thích ăn phẩn. Lớn lên, anh vào tu với một nhóm tà đạo. Khi các đạo sĩ thấy anh ăn phẩn, đuổi anh ra khỏi chùa.

Anh ra ở trên một mõm đá, dưới mõm đá người ta thường hay đổ phẩn. Ban ngày anh đứng một chân và hả miệng. Có người hỏi anh ta làm gì mà sống, anh ta trả lời rằng tu khổ hạnh, chỉ ăn gió mà sống. Đứng một chân, vì nếu anh ta đứng hai chân thì trái đất sẽ lật đổ. Thiện tín dâng cơm đến anh ta, anh ta không thọ. Ban đêm, anh ta lén xuống hầm ăn phẩn. Trả quả như vậy đến 55 năm, ngày kia Đức Thế Tôn biết nghiệp của anh ta đã mãn, Ngài ngự đến tiếp độ anh. Đến nơi Đức Thế Tôn  xin với anh Jīvaka cho Ngài tá túc một đêm. Anh Jīvaka không cho. Phật xin tạm nghỉ phía bên kia mõm đá. Anh ấy chịu. Tối lại, anh Jīvaka thấy nơi Phật ngồi có hào quang chiếu sáng, đến nửa đêm và khuya hơn, hào quang lại càng sáng rỡ thêm hơn. Sáng ngày anh tà đạo hỏi Phật nguyên do những ánh sáng ấy. Phật đáp:

- đầu hôm có Tứ Đại Thiên Vương đến làm lễ, nửa đêm có đức Đế Thích xuống hầu, khuya lại có phạm thiên đến viếng.

Anh Jīvaka hỏi:

- ông tu đắc quả hơn Phạm Thiên sao?

Phật đáp:

- Như Lai đã giác ngộ, đắc quả cao thượng hơn tất cả trời và người.

Jīvaka nói thêm rằng:

- ta hành đạo cao thượng ở đây đã 55 năm rồi, mà sao không có một vị chư Thiên nào đến hầu ta? Đức Thế Tôn  thấy thế, Ngài mới phán rằng:

- nhà ngươi dối được kẻ thường dân mê tín, chớ không dối được Như Lai. Vì nghiệp khinh bỉ, mắng nhiếc bậc Thánh nhân mà nhà ngươi phải bị khổ sở không biết bao nhiêu năm nay.

Tôi nhắc tích này để cho chư thiện tín nhớ rằng: ở đời lắm kẻ lợi dụng lòng tín thành của tín đồ để nuôi sống hay là làm hậu thuẫn cho mình, vì tại tín đồ chỉ tin sự huyền bí hoặc khổ hạnh mà quên tầm chân lý. Như người không ăn cả đời làm sao sống được, không uống cả đời làm sao sống được, mà cả đời chỉ đứng một chân làm sao chịu nổi được.

Khi ấy, đức Phật bố thí cho chàng Jīvaka một cái chăn để mặc vào thân cho khỏi loã lồ và thuyết cho chàng nghe năm pháp báu :

1. Bố thí

Chúng sanh, dầu người ác cũng vậy, ai ai cũng có trong tâm cái mầm thương xót. Bố thí để diệt tắt lòng bỏn xẻn, làm lành, kiếp sau sẽ hưởng sự giàu sang. Bố thí là một trong mười phạm hạnh. Người bố thí là người có lòng từ bi.

2. Trì giới

Bố thí chưa đủ, phải trì giới, là không sát sanh, trộm cắp, tà dâm…cái quả của sự trì giới là kiếp sau ta có của cải nhiều, không bệnh tật, không chết yểu, không điên, không bị lường gạt.

3. Sanh về cõi trời

Cõi trời là nơi an vui, không già, không đau, chỉ có luân hồi mà thôi. Chúng sanh bố thí, trì giới được sanh về cõi trời hưởng an vui.

4. Tội ngũ trần

Ngũ trần là sắc, thinh, khí, vị, xúc bởi con người sanh ở cõi trần, có ngũ căn nên tiếp xúc với ngũ trần: ưa sắc đẹp, tiếng hay, vị ngọt, mùi thơm, xúc lạc… Ngũ trần là nguồn đem đến cho ta các sự khổ. Khi những điều ưa thích của ta mất đi, ta mến tiếc, ta khổ.

Đành rằng cõi thượng thiên là vui đẹp nhưng mà không bền vững, ngày kia nó cũng tiêu diệt đi.

Thuở xưa, khi Đức Phật còn là vị Bồ-tát, con của một vị vua nọ. Bồ-tát đến hầu một vị Phật Độc Giác học hỏi về đạo. Vị Phật Độc Giác dạy:

- Thái tử muốn được an vui thì hãy rời bỏ xứ này, qua xứ khác, dọc đường phải thu thúc lục căn, đừng ham mê nó mà bị nữ nhân cám dỗ.

Thái tử cùng bốn vị quan hầu bỏ xứ ra đi. Dọc đường một vị quan vì ham mê sắc đẹp mà bị hại, một ông khác vì ham mê giọng hát mà chết, ông thứ ba vì ưa mùi thơm mà bị chết, đến ông thứ tư vì ham ăn ngon mà trúng độc chết. Còn thái tử vì thu thúc ngũ căn nên vượt qua các tai hại.

Thiện tín thấy rằng ngũ căn là 5 cái ổ khổ, là 5 cái mội nước chảy ra biết bao điều thống khổ.

5. Xuất gia

Người xuất gia là người ở ngoài vòng tài, tình, danh, lợi. Người xuất gia không còn bị khổ vì ngũ căn của người đã thanh tịnh, không còn tham sắc đẹp, mùi thơm, vị ngon…

Tích xưa, Mahākappina[3] bỏ ngôi, xuất gia theo làm đệ tử Phật. Thường ngày, vua ngồi trong rừng, dưới cội cây, miệng lâm râm: “Hạnh phúc thay! Hạnh phúc thay!”. Các vị Tỳ-khưu thấy vậy đem câu chuyện thuật lại cho Đức Thế Tôn  nghe. đức Phật cho mời ông Tỳ-khưu Mahākappina vào hỏi vì sao ông thường niệm câu “hạnh phúc thay”. Đức vua thưa rằng:

- Bạch Đức Thế Tôn, khi tôi còn làm vua, tuy rằng có bao nhiêu kẻ hầu hạ, có vệ sĩ canh phòng nghiêm ngặt nhưng tôi thấy ăn không ngon, ngủ không yên vì chung quanh tôi có bao nhiêu người muốn hại tôi, mong dành ngôi báu, các nước lân bang hờm xâm lấn bờ cõi. Lúc ấy lòng tôi hằng ngày xao xuyến vì quá lo sợ. Bây giờ tâm tôi rất thanh tịnh, tôi thấy tôi đầy hạnh phúc.

Đó chỉ cho chư thiện tín biết: khi mình có của cải, nhiều danh vọng, bà con quyến thuộc đông thì cái khổ cũng nhiều theo như vậy. Người xuất gia lòng được thanh tịnh, an vui là nhờ không còn ham của cải danh vọng, là người đã giải thoát được gia đình, quyến thuộc.

Khi nghe Đức Phật thuyết pháp rồi, ông Jīvaka đắc quả A-la-hán, lúc ấy ông hơn 60 tuổi. Vì tội khinh bỉ bậc Thánh nhân mà kiếp này ông bị khổ sở, loã thể, ăn phẩn cho đến hơn 60 tuổi, sau khi bị đoạ địa ngục trong một kiếp Phật, nghĩa là trong hàng triệu triệu năm, nhờ đức Phật tiếp độ, ông mới đắc quả.

II. Không nên làm hại người khác.

Không nên làm hại người khác vì mình không muốn ai làm hại mình. Chúng sanh ai ai cũng muốn có hạnh phúc, vậy ta không nên làm mất hạnh phúc của người khác. Hễ ta gieo giống nào thì ta hái, gặt giống nấy. Hễ ta gieo nghiệp ác thì ta mang quả dữ.

Tích xưa[4], có thầy Tỳ-khưu kia được một người thợ ngọc trọng đãi, mời mỗi ngày đến nhà đặt bát, trên mười mấy năm. Bữa nọ, anh thợ mài ngọc đang xắt thịt, có vua Ba-tư-nặc (Pasenadi) cho người đến mướn anh mài một viên ngọc. Khi người ra về, anh thợ bước ra cửa sau rửa tay, nhà anh có con chim cù đèn, đánh hơi thịt, đến gần và nuốt viên ngọc của đức vua. Khi anh thợ trở vào, thấy mất viên ngọc thì nghi cho vị Tỳ-khưu lấy. Vợ anh cản không nên nghi như vậy vì vị Tỳ-khưu là người có phẩm hạnh thanh cao. Người chồng không nghe lời vợ, đánh vị Tỳ-khưu đến nổi thịt văng máu đổ. Anh lấy dây cột đầu vị Tỳ-khưu, lấy cây vặn xiết lại. Nhức nhối không tả được. Khi nghe mùi máu, chim cù đèn lại gần, nhân lúc giận, anh thợ đá nó ngã lăn ra chết. Vị Tỳ-khưu thấy thế mới hỏi anh thợ mài ngọc :

- Con cù đèn chết chưa?

- Nó chết rồi, nếu ông không trả viên ngọc lại thì ông cũng chết như nó vậy.

- Anh hãy mở dây cho tôi, tôi chỉ viên ngọc cho. Chính con cù đèn nó nuốt khi nãy khi anh ra nhà sau rửa tay.

Anh thợ mổ bụng con cù đèn, thật có viên ngọc trong ruột nó. Chừng ấy anh ăn năn, xin lỗi vị Tỳ-khưu. Vị Tỳ-khưu đáp:

- Với tôi, anh không có tội gì hết, mà dầu có tôi cũng tha thứ cho anh. Còn cái tội tự nhiên tôi cũng không biết được. Quấy tại nơi tôi không đi khuất thực, không vâng lời Đức Thế Tôn dạy. Tôi nguyện từ nay không tá túc dưới một mái nhà nào nữa hết.

Từ đó, thầy Tỳ-khưu tinh tấn tu hành, đắc quả A-la-hán.

Anh thợ mài ngọc vì thiếu trí xét đoán, làm hại người oan nên sau khi chết sanh về địa ngục. Vợ anh được sanh về cõi trời vì người có làm phước lành là bố thí đến vị Tỳ-khưu. Vị này được đắc quả là vì Ngài giữ giới rất chính chắn và bảo toàn phẩm hạnh thanh cao. Thà Ngài bị đánh đến chết chứ không khai cho còn cù đèn nuốt ngọc. Ngài thà hy sinh tính mạng của mình chứ không chịu tội sát sanh gián tiếp.

Đây để nhắc lại cho chư thiện tín nên lấy gương vị Đại Đức này để làm tiêu biểu, hãy ráng giữ phẩm hạnh cho được thanh cao. Đành chịu chết chớ không làm điều sai quấy. Người như thế mới gọi là người biết thương mình và người biết yêu kính đức Như Lai.

III. Kết luận.

Người muốn được giải thoát không nên khinh bỉ, chê bai kẻ khác, không nên làm hại kẻ khác dù bằng lời hay bằng thân, nghĩa là việc làm không lành của mình. Nếu muốn cho thật trong sạch thì dù mới nghĩ đến các điều quấy ấy cũng hãy ráng chừa.

BÀI 27 HẠNH KIỂM CỦA BẬC XUẤT GIA

Trước khi giảng giải về hạnh kiểm của bậc xuất gia, tôi xin trả lời câu hỏi của một bà tín nữ. Bà ấy hỏi như vầy: “Tại sao chư sư ngồi điềm tĩnh, không đáp lễ lại khi thiện tín đảnh lễ, hoặc khi thiện tín có yêu cầu việc chi thì các Ngài tỏ vẻ làm thinh?”

Về câu hỏi thứ nhất, thiện tín nên nhớ rằng, khi lễ bái chư sư là không phải lạy ông sư Mít hay ông sư Xoài mà chính là lạy các bậc Thinh Văn đệ tử Phật mà chư sư là tượng trưng vậy. Vì đó chư sư không đáp lễ lại, dầu rằng trong thân tâm rất ái ngại. Phật và chư Thinh Văn không xá, hoặc cúi đầu trước chúng sanh. chư Tăng noi theo cổ tục ấy nên chỉ đáp lễ bằng cách điềm nhiên.

Về câu thứ hai, tại sao khi chư sư bằng lòng lại tỏ vẻ làm thinh? Bậc xuất gia, tâm luôn phải thanh tịnh, dầu trước hoàn cảnh nào cũng vậy. Khi thiện tín dâng lễ cúng dường, chư sư không cưỡng lại cũng không lấy đó làm mừng. Bằng lòng thì chư sư làm thinh, nếu có điều chi liệu không được hoặc không thể chấp nhận sự yêu cầu của thiện tín, khi ấy chư sư giải rõ cho thiện tín biết.

Nhân hai câu hỏi của bà tín nữ vừa nói trên, tôi tưởng nên giỏi rõ về hạnh kiểm của bậc xuất gia cho chư thiện tín được biết.

Thế nào gọi là bậc xuất gia? Xuất gia trái hẳn với tại gia cư sĩ. Người xuất gia là người tự cố gắng diệt trừ các phiền não trong tâm, là người có lòng nhẫn nại, là người không hề làm hại kẻ khác.

Người cạo đầu, mang y bát có thể gọi là xuất gia chăng? Không được, muốn xuất gia phải có hội Tăng-già thâu nhận.

Có lẽ thiện tín cho rằng phiền phức. Song theo kinh luật, Đức Thế Tôn biết trước rằng: “Sau này sẽ có nhiều người tự ý xuất gia mà không đủ hạnh kiểm. Những người ấy lợi dụng lòng tín ngưỡng của chúng sanh làm những điều phi pháp.”

Sự thật, khi Đức Thế Tôn mới đắc quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thì chưa có luật xuất gia. Tại sao Đức Thế Tôn không ban hành luật khi vừa có Tăng chúng, để đến khi sau mới chế ngự điều luật? Đức Thế Tôn không lập luật trước khi có người phạm, vì lẽ: nếu chưa có thầy Tỳ-khưu nào phạm luật mà Ngài chế luật ra trước để khép các vị Tỳ-khưu vào khuôn khổ thì các thầy Tỳ-khưu cho rằng Ngài là độc tài. Vì vậy khi chưa có thầy Tỳ-khưu nào phạm lỗi thì không có luật. Đến bao giờ có thầy nào phạm điều nào thì Ngài mới cấm điều ấy. Khi xưa cũng có người lợi dụng bộ cà-sa, lòng tín ngưỡng của Phật tử để nuôi mạng sống cho được sung sướng nhưng không biết Phật là ai.

Hiện giờ cũng có nhiều người lợi dụng lòng tín ngưỡng của tín đồ bằng y bát mà không biết luật và tông chỉ của đức Phật là thế nào. Có những nhà sư giả, không biết luật nhà Phật, đến 2, 3 giờ chiều mà còn mang bát ngoài đường xin ăn.

Giới luật là gì? đức Phật lập ra những luật cho hội Tăng-già, luật ấy ví như một sợi chỉ kéo thẳng kết lại những hoa thơm tốt đẹp. Các bậc xuất gia như ở Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cao Miên và Ấn Độ đều một mực hành theo luật của Đức Từ Phụ di truyền như là lập những đoàn thể có kỷ luật, có trật tự, đâu đâu cũng hành động giống nhau như một. Trước hết, khi xuất gia cần phải có 6 vị Tỳ-khưu thâu nhận. Phải làm lễ dâng y bát. Khi đó có thầy tế độ thâu y bát rồi trao lại cho mình. Thầy tế độ dạy mình 10 giới luật phải hành theo, ấy là mình được thâu nhận làm Sa-di.

Khi đúng 20 tuổi, thầy Sa-di ấy phải vào xin với Hội Tăng-già đặng thâu nhận mình làm Tỳ-khưu. Trước khi thâu nhận thầy Sa-di làm Tỳ-khưu, Hội Tăng-già cần phải tụ hội lại một nơi có kiết giới sīmā và phải biết thầy Sa-di có đủ hạnh kiểm chăng? Nếu trong sạch, Hội mới thâu nhận thầy làm Tỳ-khưu.

Theo luật của Phật Giáo, những người không đủ ngũ quan, câm, đui, điếc, què thì không được thâu nhận làm Sa-di. Tại sao? Vì những người ấy chỉ mượn áo cà-sa để đi xin ăn, không đáng cho chúng sanh lễ bái cúng dường và không thể tế độ chúng sanh đặng.

Tại sao đức Phật không cho các người có tật bệnh xuất gia trong Phật Giáo? Tại có nhiều lẽ :

* Vì Phật Giáo được có các nhà vua, các quan và nhiều bậc phú hộ, trí thức tôn trọng, cúng dường, khi thấy các vị Sa-di hay Tỳ-khưu có tật bệnh, ở dơ, xấu xa thì các vị ấy không đủ nuôi mình nên mới nương theo lá cờ của bậc Thánh nhân mà nuôi mạng. Họ sẽ bớt lòng tín ngưỡng, cúng dường và kính mến.

* Những kẻ có tật bệnh không thể học và thực hành theo phận sự của người xuất gia được.

* Khi không thực hành và học chân lý ráo rốt được thì tín đồ không vui lòng bố thí. Như thế, đã chẳng bố thí cho Phật Giáo mà trái lại còn làm cho Phật Giáo suy đồi.

* Tín đồ hết còn trong sạch với Phật Giáo cũng vì những người ấy.

Vì những lẽ kể trên mà đức Phật không cho những kẻ có tật bệnh xuất gia trong Phật Giáo của Ngài.

Các thầy Tỳ-khưu phải cố diệt vi trần ở tâm. Vi trần là các thứ bụi đóng trong tâm, làm cho tâm bị lu mờ, cần phải được rửa chùi cho thật sạch. Có 9 thứ vi trần xin kể ra đây:

1. Diệt lòng sân hận

Sân hận là nóng giận. Khi nóng giận thì chửi rủa, mắng nhiếc, quên các lễ độ làm người. Người nóng giận như kẻ điên, như người ngồi trên than lửa. Đức Thế Tôn dạy phải diệt lòng sân hận, muốn diệt tánh ấy cần phải dùng pháp nhẫn nại.

Khi xưa, đức vua A-dục là một tín đồ rất tinh tấn và trong sạch, có lập 8 muôn 4 ngàn cảnh chùa. Song khi gần thăng hà, vì một chút nóng giận mà phải đầu thai làm con rắn.

Thiện tín thấy cái quả của sự sân hận có hại dường nào.

2. Phải nhớ ơn người

Người xuất gia luôn luôn nhớ ơn người, dầu một ơn rất nhỏ cũng vậy. Sự quên ơn là thứ bụi làm cho bớt hạnh kiểm của bậc xuất gia.

Thuở xưa[5], ông Xá-lợi-phất (Sārīputta) đi khất thực, nhờ ông Bà-la-môn nọ cho một vá cơm. Ông Xá-lợi-phất ghi nhớ ơn ấy mãi mãi. Khi ông Bà-la-môn ấy đến xin Hội Tăng-già cho phép xuất gia, Hội không thâu nhận vì ông đã quá già, không thể làm hết phận sự của một vị Tỳ-khưu. Khi ấy đức Phật hỏi trong hàng đệ tử có vị nào đã thọ lãnh ân huệ chi của ông Bà-la-môn không? Đức Xá-lợi-phất bạch rằng: “Chính đệ tử có nhận một vá cơm của ông ấy, vậy xin Đức Thế Tôn từ bi thâu nhận ông Bà-la-môn”. Phật cho phép đức Xá-lợi-phất thâu nhận ông Bà-la-môn ấy làm đệ tử và khen đức Xá-lợi-phất biết ơn người dầu ơn rất nhỏ, mà người xuất gia phải luôn luôn ghi nhớ.

3. Diệt lòng ganh tị

Thấy người giỏi hơn mình, giàu hơn mình hoặc có chức tước hơn mình, mình ghét và kiếm cách làm hại, đó là ganh tị.

Ganh tị làm cho mình luôn luôn khổ tâm, khổ trí. Muốn diệt lòng ganh tị cần phải có trí suy xét. Ta nên suy xét rằng: người mà được giàu sang hoặc có quyền tước hơn ta là vì người ấy kiếp trước có tạo căn lành quả báu, nhờ vậy mà ngày nay họ được hưởng phước ấy. Ta phải biết tự túc, an phận vì duyên lành ta có ít, ta ráng làm lành, sức ta kém ta phải ráng học tập. Khi diệt được lòng ganh tị thì ta mới được an vui.

4. Diệt lòng bỏn xẻn

Lòng bỏn xẻn là lòng không vui thích trong sự bố thí. Có người nói: tôi không cướp giật của ai, tôi không tu cũng như tu. Thật vậy, không cướp giật là không làm ác, song chưa đủ, vì ta chưa làm lành. Diệt lòng bỏn xẻn để làm lành là bố thí. Có 5 thứ bỏn xẻn :

* Bỏn xẻn chỗ ở, không cho người lỡ đường tá túc.

* Bỏn xẻn gia đình, sợ thiện tín cúng dường cho sư khác.

* Bỏn xẻn tài lợi, không chia đồ cúng dường cho các sư khác.

* Bỏn xẻn sự khen, không muốn ai khen sư khác.

* Bỏn xẻn pháp, không nói Pháp cho sư khác biết.

Ông sư mà còn các tật bỏn xẻn kể trên, vì ví như con chim cồng cộc, hoặc như con gà. Chim cồng cộc rình cá dưới nước, khi bắt được cá rồi, thì lên cành phơi cánh. Còn con gà, khuya dậy gáy rồi ngủ lại đến sáng. Cũng như các nhà sư khi giảng rồi, phủi tay, không thi hành các hạnh kiểm thì chẳng khác chi hai con chim kể trên.

5. Diệt sự giấu lỗi mình

Bậc xuất gia phải đủ can đảm thú lỗi mình trước hội Tăng-già. Trong 227 giới, nếu có phạm giới nào, phải sám hối và trình bày trước tăng chúng. Mình phải ráng chừa lỗi ấy và thu thúc không cho tái phạm nữa.

6. Diệt sự khoe mình

Khoe mình là một tánh rất có hại. Như con gà hay ghét tiếng gáy. Nếu mình hay khoe khoang, người ta ghét mình. Tục ngữ có câu: mình cao có người cao hơn. Muốn diệt tánh khoe mình, ta nên tập tánh hiếu học. Trong khi ta tìm tòi học tập, chừng ấy ta càng học thì ta càng thấy ta còn thiếu hoài, dở hoài. Nhờ vậy mà ta trừ được tánh khoe mình.

7. Diệt sự nói dối

Nói dối là tội trọng. Bậc xuất gia không được nói dối hoặc nín thinh khi Hội Tăng-già hỏi đến mỗi ông Tỳ-khưu về 227 giới. Chẳng những diệt sự nói dối, mà diệt trừ những lời vô ích, lời đâm thọc, chửi mắng.

Trong kinh có ghi rằng: khi Bồ-tát giáng sanh, khi thành đạo, khi đức Phật chuyển Pháp Luân, có 32 điều hiện tượng lạ. Trong 32 điều ấy có điều nên kể ra đây là: người câm biết nói. Ý nghĩa nói con người dối trá, không biết nói lời lành, duy biết chửi rủa, mắng nhiếc, nói lời vô ích, lời đâm thọc, như vậy con người thuở ấy dầu biết nói cũng như kẻ câm. Khi Đức Thế Tôn đắc đạo, đem lời lành, pháp báu truyền khắp chúng sanh. Từ đó người câm biết nói là vậy.

Tôi xin nhắc một tích chỉ rõ sự nói dối là có hại. Thuở xưa, có cô Ciñcā[6], người tà đạo, lập kế hại Đức Thế Tôn. Cô độn nơi bụng một khúc gỗ tròn rồi đến trước mặt Phật, vu cho Phật tà dâm mà cô có chửa. Lúc ấy, chư Thiên hóa hình chuột lắt cắn dây, làm cho khúc gỗ rơi xuống đất. Cô Ciñcā mắc cỡ, chạy ra khỏi tịnh xá, thì đất liền nẻ ra, cô sụp chết. Đó, nói láo có hại là vậy.

8. Diệt lòng mong mỏi quá sức mình

Mình tối dạ mà muốn cho sáng láng, mình nghèo mà muốn giàu, mình hèn mà muốn sang. Chẳng nên mong mỏi quá sức mình. Cần phải biết tri túc và biết năng lực mình. Phải suy xét nghiệp mình đặng an phận. Mong mỏi quá sức mình sẽ đem lại sự tật đố và làm cho mình khổ luôn luôn.

9. Diệt lòng tà kiến

Diệt lòng tà kiến là không tin sự dị đoan, không thờ thần thánh đặng cầu phước, cầu giàu sang. Đời hiện tại là do cái nghiệp mình tu kiếp trước, chớ không thần thánh nào làm cho mình giàu sang được.

Kết luận.

Khi diệt hết các thứ vi trần kể trên, người xuất gia được tâm trong sạch, phẩm hạnh được nâng cao, thân, khẩu, ý được trong lành. Người đáng làm gương cho thiện tín noi theo để tu hành và đáng cho chúng sanh đãnh lễ cúng dường. Ấy vậy, không phải cạo đầu, mang y bát mà gọi là xuất gia. Cần nhất là phải giữ hạnh kiểm cho thanh cao. Người có sẵn đức tin sẽ tinh tấn thọ trì giáo lý Phật Pháp. Người chưa có đức tin sẽ tin và cố gắng tu tập. Như vậy, các bậc xuất gia phải thi hành đúng theo Phật Pháp mới đáng là con của đức Từ Phụ. Phật có dạy rằng: “Người xuất gia mà không thi hành các giáo lý của Phật, khi ăn cơm của thiện tín cúng dâng, chẳng khác nào ăn những cục sắt nướng đỏ”. Những người ấy sẽ đắc tội với xã hội, nhất là đắc tội với Phật, vì người ấy làm cho đạo Phật bị khinh bỉ và bị chê bai: thiện tín nào có đức tin sẽ bớt tin, thiện tín nào ít tin sẽ không tin nữa, còn những ai chưa tin sẽ khinh bỉ Phật Pháp.

Ấy vậy bậc xuất gia là bậc phải có hạnh kiểm cao quí, để thiện tín kính vâng, tin tưởng và soi nơi gương lành để mà tu tập. Khi thiện tín lễ bái cúng dường các bậc Tỳ-khưu, là thiện tín lễ bái các bậc đầy hạnh kiểm cao siêu, tượng trưng cho các Thinh Văn đệ tử Phật, là những bậc thừa hành Phật pháp.

Tiếng Phạn “pabbajita” tạm gọi là “xuất gia”.

Tiếng pabbajita đây, Đức Thế Tôn có giải rằng: người tu mài giũa vi trần ở trong mình trong sạch gọi là pabbajita. Người chiến sĩ có đủ khí cụ đánh với quân thù. Cũng như Pabbajita có khí cụ là tam y, quả bát để đánh với trận giặc đói lạnh bên ngoài. Còn có giới hạnh, thiền định, trí tuệ để đánh với trận giặc phiền não bề trong. Không phải riêng các bậc pabbajita mới mài giũa những vi trần như tôi đã thuyết, phần các tín đồ như quí Ngài cũng phải ráng cố công tiêu trừ những vi trần ấy, đừng nghĩ rằng đây chỉ là phận sự của bậc xuất gia, dầu cư sĩ mà những vi trần ấy còn trong tâm thì cũng khó mà hiểu được sự giải thoát để tiến hóa đến Níp-bàn.

BÀI 28 NHẬP HẠ

Theo Phật giáo Nguyên Thủy, lễ nhập hạ bắt đầu từ 16 tháng 6 đến rằm tháng 9, nghĩa là trong vòng 3 tháng các nhà sư không được đi xa, phải tụ họp lại một chỗ và không được đi đâu cách đêm.

Hôm nay 16 tháng 5 nhuần, kể như tháng 6, cho nên chư sư làm lễ nhập hạ, ngày hôm nay, lễ này rất đơn giản. chư sư sẽ đến trước kim thân đức Phật và làm lễ nguyện rằng: “Chúng tôi sẽ ở trong chùa này hết mùa mưa”.

Tại sao có tục nhập hạ? Lúc Đức Thế Tôn còn tại thế, mấy năm đầu, các vị Tỳ khưu trọn năm đi truyền đạo từ làng này qua làng kia, xứ này qua xứ nọ, mùa nào cũng đi, dầu mưa, dầu nắng, rất cực nhọc. Vì sự đi lại của các thầy Tỳ-khưu như vậy nên những kẻ ngoại đạo nói rằng: “Đến mùa mưa, loài chim, kiến còn biết làm ổ ở, mà các thầy Tỳ-khưu cứ đi mãi và giậm phải côn trùng”. Vì lẽ ấy nên Đức Thế Tôn dạy các thầy Tỳ-khưu phải nhập hạ. Nói để nghe là ở tại một chỗ hết mùa mưa.

Tại xứ Ấn Độ, một năm có 3 mùa là: mùa lạnh, mùa mưa và mùa nắng. Mùa mưa bắt đầu từ 16 tháng 6 đến rằm tháng 9 (mưa già, ngoài ra mưa ít), mùa lạnh từ tháng 9 đến tháng 2, mùa nắng từ tháng 2 đến tháng 6.

Tại sao nhập hạ ngày 16 mà ra ngày rằm? Xứ Ấn Độ xưa kia chia một tháng làm hai giai đoạn, ta tạm gọi là 2 tuần là thượng tuần kể từ mùng một đến rằm, hạ tuần từ 16 đến 30. Ngày 16 cũng như ngày mùng một của hạ tuần. Vì vậy nên nhập hạ ngày 16, ra hạ ngày rằm vì ngày rằm là ngày chót của thượng tuần.

Như khi xưa, xứ Việt Nam chúng ta mỗi tháng chia ra làm 3 tuần là thượng tuần, trung tuần và hạ tuần. Ngày chót của tuần là ngày của bá quan triều thần được nghỉ như ngày chủ nhật bây giờ.

Trong lúc nhập hạ, các vị Sa-môn phải bị bó buộc ở trong chùa hoài chăng?. Không phải, các ngài phải đi khất thực như thường lệ, vì ở chùa không được phép nấu nướng (trừ ra nấu nước mà thôi). Các ngài cần ôn nhuần Kinh Luật và nghiên cứu Tam Tạng Pháp Bảo, hoặc tham thiền mặc tưởng cho rõ giáo lý mầu nhiệm của Đức Thế Tôn.

Trong trường hợp nào đức Phật cho phép đi xa?. Trong mùa nhập hạ, đức Phật cho phép đi xa không quá 7 ngày, trong 7 trường hợp sau đây: cha đau, mẹ đau, thầy tế độ đau hoặc người trong đạo hữu sự cần phải đi thăm, Tỳ-khưu-ni đau, Sa-di đau, Sa-di ni đau, người hữu học để tu Tỳ-khưu hoặc Tỳ-khưu-ni đau. Các sự thăm này khỏi phải ai mời thỉnh nhưng phải trở về chùa trong ngày thứ bảy. Trước khi đi nhà sư cần phải đến trước kim thân Đức Phật làm lễ và nguyện rằng: tôi sẽ về đến chùa trong ngày thứ bảy. Ngoài ra nếu có thiện tín thỉnh đi trai tăng, thuyết pháp cũng được quyền đi 7 ngày. Nếu có những nguyên nhân sau đây, thầy Tỳ-khưu có thể bỏ chỗ nhập hạ đi chỗ khác vô tội :

* Trong hạ bị thú dữ và Dạ-xoa đến quấy rối có thể bỏ chỗ ấy đi nới khác được.

* Xóm thầy Tỳ-khưu thường đi khất thực mà thiện tín vì lẽ gì không ở đó nữa, thầy Tỳ-khưu không thể nhờ nơi khác nữa nên phải bỏ nơi ấy đi ở nơi khác.

* Chỗ ở hư nát hoặc không thể khất thực nuôi sống được nên buộc lòng phải bỏ chỗ ấy đi nơi khác.

* Bị phụ nữ lân cận thường đến cám dỗ phải bỏ đi chỗ khác.

* Thấy có vàng, bạc, ngọc ngà chôn gần nơi cư ngụ, sợ ở lâu sanh tâm tham lam và hoàn tục đặng lấy của ấy nên phải lánh chỗ đó đi ở nơi khác.

Những điều này, dầu đứt hạ cũng vô tội. Nếu chỗ ở của thầy Tỳ-khưu có thiện tín, khi thiện tín vời đi nơi khác, họ yêu cầu thầy Tỳ-khưu theo họ, các thầy Tỳ-khưu theo được vô hại.

Ấy vậy, nhập hạ không có nghĩa là giam hãm mình ở chùa, các vị Sa-môn cũng còn tự do đi lại theo các duyên cớ trên.

Luôn dịp đây, tôi xin trả lời câu hỏi của ông Phủ, ông hỏi rằng: chư thiện tín có được quyền biết 227 giới của các thầy Tỳ-khưu chăng?. Đáp: chẳng những chư thiện tín có quyền biết mà các vị cần phải biết 227 giới của các bậc xuất gia. Tại sao? Vì các vị Tỳ-khưu là gương mẫu của tin đồ, các ngài phải có hạnh kiểm trang nghiêm, đáng làm mô phạm. Nếu các ngài không giữ 227 giới và chư thiện tín làm lơ không chỉ trích thì ra Phật Giáo phải suy đồi, làm sao duy trì đạo Phật cho đến 5 ngàn năm.

Theo tôi, thiện tín cần biết luật của các nhà sư càng nhiều càng hay, vì thiện tín chẳng những biết cách đối với nhà sư mà còn biết cách nhắc nhở nhà sư khi quên mình, và trông vào biết rằng: nhà sư nào hành theo chân lý, kẻ nào lợi dụng lòng tín ngưỡng của tín đồ. Hơn nữa, để cho những kẻ lợi dụng Phật Pháp không thể lường gạt tín đồ bằng tam y và một quả bát. Trong 38 điều an lành có một điều dạy rằng: tư cách suốt thông phận sự của người xuất gia và tại gia là hạnh phúc cao thượng. Vậy nếu đức Phật cấm không cho tín đồ học luật xuất gia, tại sao lại dạy phải suốt thông phận sự của người xuất gia và tại gia.

Năm pháp làm cho con người can đảm.

Hôm nay, nhân dịp lễ nhập hạ, tôi giảng về 5 pháp làm cho con người can đảm, 5 pháp ấy sẽ dắt dẫn chúng sanh đến chỗ an vui.

1. Đức tin (saddhā)

đức tin là sự tin tưởng của mỗi người nhưng với Phật Giáo, Đức Thế Tôn  dạy đức tin có 2 điều :

* Saddhā ñānasampayutta: nghĩa là đức tin có trí tuệ theo quan sát, ý nói rằng đức tin ấy khi tin một điều gì đều dùng trí tuệ quan sát thấy rõ sự lý nhân quả trước rồi mới tin sau. Đây tôi tạm gọi là chánh tín cho dễ hiểu.

* Saddhā ñānavippayutta: nghĩa là đức tin trước, nhưng tin một lẽ nào không dùng trí tuệ quán sát trước, ý nói đức tin ấy không suy nghĩ sự lý nhân quả trước, ai nói điều gì cũng tin điều ấy. Đây tạm gọi là tà kiến.

Tà kiến chẳng phải không tin nhân quả gọi là tà kiến, bất luận tin có thần linh gia hộ hoặc có cứu độ khỏi tai nạn, gọi là tà kiến.

Chánh tín còn chia ra 2 lẽ nữa :

* Chánh tín của bậc phàm nhân: đức tin của phàm nhân không được vững chắc, lắm lúc thấy những chuyện lạ thường trước mắt như gồng chém không đứt, hay đồng cốt, coi bói hay nhẹ dạ tin theo chớ không nhớ đến luật nhân quả. Những người ấy sau khi chết sanh về kiếp sau, vì đã thân cận với kẻ tà kiến, không đủ sức quyết đoán theo nhân quả rồi duyên tà kiến ấy. Đây là đức tin của phàm nhân, gọi là đức tin rung động (celasaddhā), ý nói còn rung động.

* Chánh tín của bậc Thánh nhân: đức tin này không bao giờ thay đổi dầu bậc Thánh nhân ấy còn là luân hồi trong đời này như các bậc Tu-đà-hườn, cũng không có gì cám dỗ bỏ đức tin được. Đây gọi là đức tin không rung động (acelasaddhā), ý nói là không bao giờ tin gì hơn là nghiệp quả.

Tích xưa có người Bà-la-môn rất nghèo mà có bệnh cùi. Khi nghe đức Phật thuyết Pháp đắc quả Tu-đà-huờn, hết lòng tin nơi Tam Bảo. Ngày nọ, Đức Đế Thích muốn thử ông, hiện ra một người lương y đến trước mặt người Bà-la-môn nói rằng:

- Ông tin chi ông Cồ-đàm, đâu có nghiệp quả gì. Ông hãy tin tôi, tôi cứu ông hết bệnh và cho ông nhiều tiền của.

 Ông Bà-la-môn ngó vị lương y nói rằng:

- Bệnh tôi do cái nghiệp tôi đã tạo, khi nghiệp hết bệnh tôi sẽ hết. Người như ông dù có muôn triệu người cũng không làm cho tôi quên ngôi Tam Bảo được. Ông đi đi.

Đức Đế Thích nói:

- Lành thay!

Rồi biến mất.

Quý bà thường hay xin xăm hoặc coi bói, quý bà nên để ý như vầy. Thầy bói hoặc xin xăm nói rằng đến ngày đó, tháng đó sẽ có tai nạn đến cho quý bà, song nếu quý bà làm phước bố thí thì tai qua nạn khỏi. Đây, quý bà thấy rằng, thần thánh cũng không cứu mình được, chỉ có nghiệp lành mới đem sự an lành và ngăn ngừa tai hại.

Đức Thế Tôn có dạy: “Chúng sanh thiếu đức tin thì không đắc được đạo quả”.

Ấy vậy, đức tin làm cho con người can đảm.

2. Trì giới (sīla)

giới là luân lý, là khuôn khổ, buộc thân, khẩu, ý không phạm những điều ác.

Đại Đức Nāgasena so sánh “giới” như vị thuốc trừ bệnh rét người bị rét, run rẩy rồi chết. Bệnh rét của tâm là sát sanh, trộm cắp, tà dâm, uống rượu. Muốn trừ rét của tâm, duy có giới là thuốc hay hơn hết. Đại Đức so sánh “giới” như cái thang để chúng sanh leo từ cõi ta-bà khổ não đến cõi thiên đàng cực lạc và Níp-bàn. Đại Đức so sánh “giới” như món thuốc giải độc, chất độc trong tâm chúng sanh là tham lam, sân hận, si mê. Muốn giải chất độc ấy trì giới là món thuốc hay hơn hết.

Ngoài ngũ giới còn có bát quan trai giới mà chư thiện tín nên thọ trong 8 ngày mỗi tháng là: ngày mồng 5, mồng 8, ngày 14, ngày rằm, ngày 20, ngày 23, ngày 29 và ngày 30 (nếu tháng thiếu thì ngày 28 và 29).

Nếu thọ bát quan trai giới trọn ba tháng hạ thì phước lớn không đo lường được.

Đây, tôi xin giải về bát quan trai giới.

Bát quan trai giới nghĩa là gì? Bát quan trai giới nghĩa là 8 điều học làm cho tâm người được trong sạch. Tâm con người hằng ngày vì mê sa theo ngũ trần, lục dục nên miệt mài trong sự ăn ngon ngũ kỹ, ca hát, nghe ca hát, trang điểm, thoa son phấn.

Đức Thế Tôn biết những điều ấy là một phần thụy miên phiền não trong tâm con người, ngũ giới không thể nào rửa sạch được nên Ngài dạy thọ trì bát quan trai giới để trừ lần thụy miên phiền não ấy. Nếu có người hỏi rằng: “Tại sao một tháng Đức Thế Tôn cho giữ những ngày mà Ngài đã định, không cho giữ những ngày khác, vậy chúng ta giữ ngày khác có được không?”. Đáp: Đức Thế Tôn biết rằng, lắm chúng sanh thọ giới muốn khoe mình nên Ngài muốn nhất định ngày.

Như có anh Mít hỏi anh Xoài rằng:

- Anh thọ giới một tháng mấy ngày?

Anh Xoài đáp:

- 8 ngày.

Anh Mít nói:

- tôi 9 ngày.

Anh Ổi nói:

- tôi 10 ngày.

Rồi họ khen nhiều chê ít, thành ra người tu để người khác khen hay là lấy đó làm danh dự, cái tu ấy không dứt trừ phiền não. Nên Phật nhất định 8 ngày để khép các tin đồ vào một khuôn khổ in nhau. Luật đã nhất định như vậy, không thể làm quá luật được.

Theo đúng Luật, thọ bát quan trai giới phải có đủ 3 chi :

* Kāla: là thời kỳ, ý chỉ những ngày bát quan trai đã kể trên.

* Cetanā: tác ý, là có tác ý cố giữ 8 điều học.

* Vacibheda: nguyện ra miệng, nghĩa là đến trước nhà sư hoặc trước kim thân Đức Thế Tôn nguyện giữ  8 điều học.

Khi thọ trì hợp theo 3 lẽ kể trên, người ấy gọi là người thọ bát quan trai giới. Còn một cách giữ bát quan trai giới nữa là ngày 16 tháng 6 đến rằm tháng 9, thiện nam tín nữ muốn giữ trọn 3 tháng ấy được gọi là patihāriya-uposatha.

3. Học nhiều hiểu rộng (bāhusaccaṃ).

học nhiều, hiểu rộng không phải là có nhiều bằng cấp, đâu cao về văn chương khoa học. Đây có ý nói sự học hiểu về Tam Tạng Pháp bảo.

Thuở xưa có nhiều vị Thinh văn đệ tử Phật thuộc cả 3 Tạng hoặc thuộc trọn một Tạng trong 3 Tạng. Do nhờ sự học nhiều hiểu rộng ấy mà các Ngài mới cảm hóa nhân loại và gìn giữ Giáo Pháp của Phật được thạnh hành đến ngày hôm nay. Riêng về thiện tín nên thông hiểu về Kinh, Luật, Luận, càng tinh tấn hộ trì Tam Bảo, mong cho Phật Giáo được trường tồn. Chẳng luận trong một nước nào, nếu toàn là người thiếu học thì nước ấy phải bị suy nhược. Trong Phật Giáo, nếu tín đồ dốt nát thì cũng làm cho đạo Phật mau bị suy đồi. Vậy bổn phận người tại gia phải ráng học Kinh, Luật để hiểu, đặng răn mình và giáo hóa kẻ khác.

Người trí thức, tín đồ Phật Giáo hằng đề tâm tìm tòi, học hỏi kinh điển và cố gắng hành theo đặng nâng cao trình độ tiến hóa của mình.

Ấy vậy, sự học rộng làm cho con người can đảm.

4. Tinh cần (viriyārambha)

là tính cách của người bền chí, cố gắng làm một công việc gì cho đến khi thành tựu không ngã lòng, không gián đoạn.

Tích xưa, tiền thân đức Phật là một con sóc cha có một con sóc con, thường ở trên cây gần mé biển. Ngày nọ, con sóc con rủi té xuống biển chìm mất. Sóc cha tìm cách kiếm cái xác của con, thò đuôi chấm nước biển rồi rẩy nước ấy lên đất, làm như vậy hoài hết ngày này qua ngày nọ. Sự tinh tấn ấy làm động lòng Thiên Vương Đế Thích. Đức Đế Thích hiện xuống hỏi sóc:

- Nhà ngươi làm gì vậy?

Sóc đáp:

- Tôi tát cho cạn biển kiếm xác con tôi.

Đế Thích nói:

- Ngươi dại quá, làm gì ngươi tát cho cạn nổi biển cả.

Sóc đáp:

- Người đời có chí cương quyết thì làm nên việc, tôi tát đời này không cạn sẽ tát tới đời sau.

Đế Thích nghe thế mới nghĩ đây có lẽ là vị đại Bồ-tát mới có chí cao cả như vậy, Ngài mới nói:

- Lành thay!

Rồi tìm xác sóc con lên dùm sóc cha.

Các tích của tích này là đức Bồ-tát dùng pháp tinh tấn để tát cho cạn cái biển lòng là sự tham ái, ganh tị, si mê, sân hận, oán thù, hoài nghi…

đức Phật nhờ sự tinh tấn trong nhiều kiếp mà Ngài đắc quả Chánh Đẳng Chánh Giác.

Chúng sanh nên noi gương đức Phật mà tinh tấn tu hành, chẳng nên thái hóa, chẳng nên bất cập, phải từ từ mà học đạo, không nên gián đoạn. Chẳng nên tinh tấn như con cắc ké, nghe tiếng động thì chạy, một khúc lại ngừng, rồi chạy nữa, rồi ngừng. Người tín đồ tinh tấn theo như cách ấy, sau này cái quả của nó trả cũng gián đoạn như vậy: lúc an vui, lúc khổ, lúc giàu, lúc nghèo.

Chúng ta nên noi gương con sóc tát biển mà tìm xác con. Chúng ta tinh tấn tát cho cạn biển lòng là biển trầm luân ở trong tâm chúng ta.

5. Trí tuệ (paññā)

trí tuệ không phải là trí nhớ, trí tuệ là sự sáng suốt đến cho người hành đạo khi người này có pháp nhãn.

Chúng sanh bởi nghiệp còn dày, duyên rất mỏng cho nên không có trí tuệ. Chúng sanh còn nhục nhãn, chưa tát cạn cái biển lòng cho nên còn phải luân hồi.

Chúng sanh hành theo Bát Chánh Đạo là con đường 8 nhánh có giới, giới sanh định, định sanh tuệ, có tuệ rồi mới dùng trí tuệ ấy quan sát sự vô thường, khổ não, vô ngã của đời hiện tại này mới đắc đạo quả Níp-bàn.

Trí tuệ chỉ cho ta thấy đâu là chân lý, đâu là tà, đâu là chánh. Người có trí tuệ là người đã bước một bước khá dài trên con đường giải thoát.

Kết luận.

Với 5 pháp kể trên, người tín đồ chắc chắn sẽ được an vui, là người can đảm. Với đức tin theo lẽ chánh, quý vị tin có nghiệp, có nhân quả, nhờ đức tin ấy quý vị sẽ tinh tấn, trì chí để học hỏi, để giữ giới. Khi thọ giới viên mãn rồi quý vị tham thiền thì tâm sẽ được định và tuệ. Khí quý vị có trí tuệ, nhờ có trí tuệ quý vị mới tát cạn biển lòng, là các vị đến nơi vô sanh bất diệt.

5 pháp này gọi là 5 pháp làm cho người can đảm, ý nói rằng: người có đủ 5 pháp ấy là người không rụt rè trong chỗ hội họp đông đảo các bậc trí thức, vì mình là người hoàn toàn trong sạch, không sợ các vị trí thức chỉ trích. Còn nói về tâm lý thì khi có đủ 5 pháp kể trên, không bao giờ biết kinh sợ trận giặc lòng là phiền não và sẽ thắng giặc ấy trong mọi nơi, vì có đủ đức tin, có giới, có học nhiều hiểu rộng và tinh tấn thì lo sợ gì những trận giặc lòng ấy.

BÀI 29 LỄ DÂNG Y.
NGƯỜI XUẤT GIA PHẢI HÀNH ĐÚNG 5 ĐIỀU NHƯ HẠNH CON RÙA

Theo Phật Giáo Nguyên Thủy, lễ dâng y là cuộc lễ long trọng nhất. Nơi chùa Kỳ Viên, lễ này cử hành hôm nay là lần thứ nhất. Vì mấy năm trước chùa chưa làm lễ kiết giới sīmā nên không được phép làm lễ dâng y, tôi xin nhắc lại những điều cần yếu của cuộc lễ là :

* Lễ dâng y có tự bao giờ?

* Do nơi đâu có lễ dâng y?

* Ai là người dâng lễ dâng y trước nhất? Lễ ấy cử hành tại đâu?

* Tại sao trong các tài thí chỉ có lễ dâng y là long trọng nhất?

* Tiếng gọi Kaṭhina nghĩa là lễ dâng y có đúng không?

* Người làm lễ dâng y được những quả báu gì?

I. Lễ dâng y có tự bao giờ?

Theo lịch sử, sau khi thành đạo dưới cội bồ đề, đến ngày nhập diệt của Đức Thế Tôn là 45 năm, trong 45 năm ấy chia ra làm 3 thời kỳ, là từ năm thứ nhất đến năm thứ 15, từ năm 16 đến năm 30 là thời kỳ thứ hai, từ năm 31 đến 45 là thời kỳ thứ ba. Trong 3 thời kỳ ấy, Đức Thế Tôn  cho phép các thầy Tỳ-khưu thọ lãnh nhằm vào thời kỳ thứ hai.

II. Do nơi đâu mà có lễ dâng y?

Lúc nọ, Đức Thế Tôn ngự tại Kỳ Viên tịnh xá của trưởng giả Cấp Cô Độc (Anāthapiṇḍika) tại thành Sāvatthi.

Trong khi ấy, có 30 vị Tỳ-khưu tại thành Pātheyya. Theo chú giải, 30 vị này là anh em một cha khác mẹ, con của đức vua Kosala, xuất gia nhằm thời kỳ thứ nhất sau khi Đức Phật thành đạo. 30 vị ấy toàn là bậc đắc quả Tu-đà-huờn đến A-na-hàm. Các Ngài muốn về thành Sāvatthi để hầu Đức Thế Tôn. Nhưng hiềm vì đường xa về không kịp, vì cận ngày nhập hạ nên các Ngài nhập hạ tại xứ Sāketa. Khi trong hạ, các ngài Đại Đức ấy nghĩ rằng chỉ còn có 6 do tuần nữa đến nơi Đức Thế Tôn nhập hạ mà chúng ta chịu như vầy thật là khó chịu.

Đến ngày làm lễ ra hạ xong, các Ngài rủ nhau đi hầu Đức Thế Tôn  liền. Trong khi ấy, mưa dầm vẫn còn nên các Ngài bị ướt hết đồ vật dụng và y cũng bị rách. Khi đến nơi vào hầu Đức Thế Tôn, Đức Thế Tôn hỏi thăm về sự hành đạo và sức khỏe của các Ngài, các Ngài đáp rằng vẫn được an vui. rồi mới thuật đến sự đi đường rất cực nhọc của các thầy cho Đức Thế Tôn nghe. Đức Thế Tôn tùy theo dịp ấy thuyết về sự luân hồi khổ cho các Ngài nghe, sau khi dứt thời Pháp mỗi vị cũng đều đắc quả A-la-hán.

Khi ấy, Đức Thế Tôn mới nghĩ rằng: “nếu trước kia, Như Lai cho các thầy lãnh lễ (dâng y) Kaṭhina thì các thầy khỏi đem Tăng-già-lê theo, thì đâu có đến nỗi khổ như vậy. Chư Phật quá khứ đều cho phép đệ tử thọ lãnh lễ Kaṭhina (dâng y)”. Khi ấy, Đức Thế Tôn  mới cho hội chư Tăng lại truyền điều luật như vầy: “Anujānāmi bhikkhave vassaṃ vutthānaṃ bhikkhūnaṃ attharituṃ. Atthatakaṭhinaṃ vo bhikkhave pañca kappisanti”.

Nghĩa là: này các thầy Tỳ-khưu, Như Lai cho phép các thầy đã nhập hạ được lãnh lễ Kaṭhina (dâng y). Này các thầy Tỳ-khưu, khi các thầy thọ lãnh lễ Kaṭhina xong, được 5 điều quả báu. Đây là nhân của chư Tăng được quyền lãnh lễ dâng y.

III. Ai là người dâng lễ dâng y trước nhất? Lễ ấy cử hành tại đâu?

Người làm lễ dâng y trước nhất trong Giáo Pháp của đức Từ Phụ Thích-ca Mâu-ni là bà tín nữ Visākhā. Cuộc lễ cử hành tại Kỳ Viên Tịnh xá vì trong khi bà nghe Đức Thế Tôn cho phép thì bà xin làm lễ ấy liền. Bà là một vị tín nữ và là một vị đại thí chủ trong Phật Giáo.

IV. Tại sao trong các tài thí chỉ có lễ dâng y là long trọng nhất?

Trong các cách làm phước về tài thí chỉ có lễ dâng y là được phước cao thượng hơn hết. Vì Đức Thế Tôn buộc có đủ điều kiện và phải hành đúng theo tạng Luật.

Những điều kiện ấy là:

* Thầy Tỳ-khưu đã nhập hạ và không bị đứt hạ, nghĩa là thầy Tỳ-khưu phải nhập hạ từ 16/6 đến rằm tháng 9.

* Phải có đủ từ 5 vị Tỳ-khưu trở lên mới lãnh lễ dâng y ấy được. Khi lãnh lễ dâng y phải có tụng tuyên ngôn. Theo các cuộc lễ bố thí khác dầu long trọng cỡ nào cũng không có tụng tuyên ngôn như cuộc lễ dâng y.

* Lễ dâng y là cuộc lễ chung của chư Tăng chớ không riêng và thiên vị một vị nào. Theo Luật, khi có cuộc lễ dâng y, dầu đức Phật còn tại thế Ngài cũng ngự đến dự lễ như việc đo, may, cắt…

Trong bộ Chú giải Vinayavinicchaya có dạy rằng: “Thầy Tỳ-khưu phải thuộc 8 điều mới đáng thọ lãnh lễ dâng y”. 8 điều ấy Ngài có dạy bằng câu kệ rằng:

“Aṭṭhadhammakovido

Kaṭhinatthāramarahati

Pubbapaccuddharādhiṭṭhā

Natthāro mātikāpi ca

Palibodho ca uddhāro

Ānisaṃsā panaṭṭhime”[7].

Thầy Tỳ-khưu thông thuộc 8 điều mới đáng thọ lãnh lễ Kaṭhina:

* Pubbakaraṇa: sự làm trước khi thọ lãnh lễ dâng y.

* Paccuddhāra: xả bỏ y cũ.

* Adhiṭṭhāna: chú nguyện đặt tên y mới.

* Atthāra: thọ lãnh lễ Kaṭhina

* Mātikā: nguyên nhân xả lễ dâng y (8 chi tiết).

* Palibodha: sự làm cho lễ dâng y không bị xả.

* Uddhāra: hành lễ của dâng y, xả đúng theo 8 điều mātikā.

* Ānisaṃsa: 5 quả báu của thầy Tỳ-khưu.

Đây tôi xin giải về 7 điều Pubbakicca, gọi là 7 điều sơ khởi. Trước kia, thiện nam tín nữ không thông về luật của nhà sư nên mỗi khi làm lễ dâng y thì chỉ đem vải vào dâng đến chư Tăng, rồi tự các Ngài làm lấy 7 điều:

* Dhovanaṃ: giặt.

* Vicāro: đo.

* Chedanaṃ: cắt.

* Bandhanaṃ: lược, nghĩa là khi đo xong phải ráp lại cho đúng thước tấc  đúng Luật quy định.

* Sibbanaṃ: may.

* Rajanaṃ: nhuộm.

* Kappaṃ: làm dấu và đặt tên.

Đây là 7 điều làm trước, xong rồi mới đem đến chỗ có sīmā  mà hành lễ. Trong khi Đức Thế Tôn còn tại thế, Ngài cũng thân hành đến làm 7 điều này như các vị Tỳ-khưu khác.

Khi xưa là vậy, nhưng hôm nay các thiện nam tín nữ hiểu rõ Luật biết làm thành một bộ y đến dâng cho chư Tăng. Riêng tôi, tôi cảm thấy rằng: thiện nam tín nữ càng biết Luật càng đem sự an vui cho Tăng chúng. Tôi rất mong sao chư thiện tín cố gắng học cho thông hiểu Luật của nhà sư hầu đem lại sự lợi ích cho chư Tăng, hơn ấy nữa là làm cho những kẽ phá giới hổ thẹn tội lỗi, không dám làm những điều gian dối.

Mātikā có 8 chi, 8 chi ấy làm cho quả của sự dâng y được tròn đủ đến 4 tháng. Lẽ ra tôi giải nơi đây nhưng không nói rõ được vì quá dài. Vậy nếu quý vị muốn hiểu rõ xin xem “Luật xuất gia” quyển hai của Ngài Hộ Tông sẽ rõ.

Lễ dâng y là lễ long trọng nhất trong các việc bố thí khác vì một khi chư Tăng được thọ lãnh lễ dâng y rồi, các Ngài được hưởng 5 quả báo:

  • Anāmantacāro: là khi ra đi nơi nào cũng khỏi phải trình.

Nghĩa là khi chưa hết tháng quả báo dâng y hoặc chư Tăng không có tuyên ngôn xả bỏ, thầy Tỳ-khưu muốn đi nơi nào không cần phải trình cho thầy Tỳ-khưu cao hạ hơn biết. Nghĩa là thầy Tỳ-khưu khỏi phạm vào điều luật thứ 6 gọi là Carita (ra đi) trong Accedavagga (thiên nói về đạo lõa thể). Trong điều luật ấy dạy rằng: thầy Tỳ-khưu được thỉnh đi thọ thực trong 5 món ăn, rồi đi nơi khác trước giờ ăn, từ sớm mai đến đứng bóng phải cho vị Tỳ-khưu trong nơi ấy hay mới nên đi, nếu không cho hay mà đi thì phạm ưng đối trị, trừ ra có một trong hai duyên cớ là lễ dâng y và làm y.

  • Asamādānacāro: là thầy Tỳ-khưu khỏi phải đem theo 3 lá y trong khi còn quả báo của lễ dâng y.

Nghĩa là thầy Tỳ-khưu khỏi phải phạm vào điều luật thứ hai gọi là Dutiyakaṭhina trong Cīvaragga (thiên nói về lễ dâng y thứ nhì). Trong điều luật này đại ý như vầy: khi mãn hạn kỳ quả báo dâng y rồi, thầy Tỳ-khưu còn xa lìa tam y, dầu chỉ trong một đêm cũng phạm ưng xả đối trị, trừ ra thầy Tỳ-khưu có bệnh và Tăng cho phép.

  • Gaṇabhojana: là khi thí chủ thỉnh các ngài đi trai Tăng, mà có nói tên 5 món ăn.

Các thầy có quyền thọ thực chung nhau không phạm ưng đối trị trong điều học thứ nhì là Ganabhojana (thọ thực chung nhiều vị) trong Bhojanavagga (thiên nói về vật thực). Trong điều học ấy đức Phật dạy rằng: nếu thí chủ thỉnh đi trai tăng, có cho biết 5 món ăn là cơm, bánh sốt, bánh nguội, cá, thịt, một món nào. Nếu thầy Tỳ-khưu thọ thực chung từ bốn vị trở lên, ngồi ăn chung, hoặc ăn riêng cũng phạm, trừ ra có 7 duyên cớ là: thầy Tỳ-khưu bệnh, lễ dâng y, kỳ làm y, đi đường xa, đi chung thuyền, Tỳ-khưu hội họp quá số, vật thực không đủ, vật thực ấy của các bậc xuất gia thỉnh thọ thực.

  • Yāvadattacīvaraṃ: là thầy Tỳ-khưu muốn có y mấy bộ để dành cũng được, khỏi phải gởi và đặt tên y.

Nghĩa là khỏi phạm ưng xả đối trị ở điều học Pathamakaṭhina (lễ dâng y lần thứ nhất) trong Cīvaragga (thiên nói về y). Trong điều học ấy, đức Phật dạy rằng: y chưa gởi chưa nguyện gọi là y dư. Khi biết hạn kỳ quả báo của lễ dâng y rồi, thầy Tỳ-khưu cất giữ y ấy lâu lắm là 10 ngày. Nếu quá 10 ngày phạm ưng xả đối trị, nghĩa là y ấy là vật phải xả bỏ. Còn thầy Tỳ-khưu phạm ưng đối trị.

  • Yo ca tatthacīvaruppādo: là y của Sa-di, Tỳ-khưu đã quá vãng, hoặc y của thí chủ dâng cho Tăng, hoặc y mà người ta đem lại do nơi của Tăng.

Nghĩa là Tăng có đất hoặc có vườn cho người mướn, đến năm họ đem y đến cho Tăng thế số tiền mướn tại sīmā. Những vật ấy phải chia cho Tăng đã được lãnh lễ dâng y trong sīmā ấy. chư Tăng không có thọ lãnh lễ dâng y trong sīmā ấy không được quyền thọ lãnh. Đại ý rằng: lợi lộc nào phát sanh tại sīmā mà chư Tăng đã nhập hạ và được lãnh lễ dâng y, các vị ấy có quyền lãnh, chư Tăng tha phương hoặc chư Tỳ-khưu bị đứt hạ không được quyền đòi hỏi gì cả.

Đây là 5 điều quả báo mà chư sư được do nơi lễ Kaṭhina nên mới nói rằng: trong những sự bố thí về tài thí chỉ có lễ dâng y là cao quý hơn hết.

Các cuộc lễ bố thí khác như Kāladāna (thời thí) có 5 điều tuy là cao thượng lắm nhưng thí chủ có thể được hoài, trái lại, lễ dâng y không thể làm như thời thí được. Vì lễ dâng y chỉ dâng được trong hạn kỳ 16/9 đến 15/10 mà thôi. Hơn nữa, mỗi chùa chỉ hạn định lãnh được một lần mà thôi chớ không lãnh mãi được, mà các vị ấy phải là vị không đứt hạ mới được.

Thời thí có 5 điều[8] là:

* Āgantukadāna: bố thí đến chư Tăng tha phương mới đến.

* Gamikadāna: bố thí đến chư Tăng sắp đi xa.

* Dubbhikkhadāna: bố thí trong khi mất mùa.

* Navadāna: bố thí những vật đầu mùa, như trái, bông.

* Gilādāna: bố thí đến chư Tỳ-khưu bệnh.

V. Tiếng gọi Kaṭhina nghĩa là lễ dâng y có đúng không?

Gọi là Kaṭhina, chúng ta cắt nghĩa là lễ dâng y, ở đây chưa đúng. Vì chữ Kaṭhina có nghĩa là bền vững, chắc chắn, ý nói rằng: khi thầy Tỳ-khưu thọ lãnh kaṭhina thì lễ ấy làm cho 5 điều quả báo được vững chắc 4 tháng. Chữ “kaṭhina” chia ra làm 2 phần là “ka” và “ṭhina”. Chữ “ka” do chữ “karanasamatthāya”, nghĩa là có thể làm (cho có) 5 quả báo. Chữ “ṭhina” do chữ “thira” có nghĩa là chắc chắn. Hai chữ ấy ghép lại là “kaṭhina”, nghĩa là có thể làm cho 5 điều quả báo được chắc chắn. Theo chúng ta gọi là lễ dâng y, ở đây là coi theo thể thức của người đem lại dâng cho chư Tăng, chư Tăng lãnh lễ ấy rồi gọi là lễ dâng y. Tôi rất mong rằng từ đây về sau, chúng ta chịu khó kêu theo Phạn ngữ là kaṭhina cho được đầy ý nghĩa và không mất nguyên văn Phạn ngữ.

VI. Người làm lễ dâng y được những quả báu gì?

Người làm lễ dâng y được quả báo cao thượng vì sanh trong kiếp nào cũng không thiếu đồ trang điểm tốt đẹp, đắt giá, và điều cần hơn hết là khi gặp đức Phật được xuất gia bằng cách “Ehi Bhikkhu!”. Nghĩa là khi Đức Thế Tôn cho xuất gia, Ngài chỉ bảo rằng: “Ngươi hãy trở nên vị Tỳ-khưu”. Thì lúc ấy râu tóc, quần áo của người giới tử đều trở thành y và có quả bát, còn râu tóc thì rụng hết. Đây là quả báo của lễ dâng y.

Hôm nay tôi xin thuyết tóm tắt về lễ dâng y như thế cho thiện tín hiểu. Cũng còn nhiều thì giờ, tôi xin giảng về 5 hạnh con rùa mà hành giả, người muốn tầm đường giải thoát cần phải hành theo.

Không nói rõ ra thì quý vị cũng biết loài rùa thuộc về loài thủy tộc. Nó có 5 đặc tính :

1. Lội trong nước và cũng sống trong nước.

Đối với hành giả phải có tâm từ, rải tâm từ, cố ý đem sự lợi ích cho nhân loại, không bao giờ cột oan trái, oán thù và hằng để tâm vào tứ vô lượng tâm.

Rùa sống trong nước. Nước đây tượng trưng cho sự trong sạch và mát mẻ. Đối với hành giả, nước là lòng từ bi bác ái. Hành giả cần phải có nước là lòng từ bi bác ái để thương xót chúng sanh, dập tắt lửa sân hận và oán trái, oán thù. Nhờ lòng từ bi ấy mà hành giả hy sinh hạnh phúc của mình đưa đến cho chúng sanh và chinh phục được lòng hung ác của kẻ khác. Hành giả đã có lòng từ bi đầy đủ thì được an vui, được 11 quả báu[9]:

* Sukkhaṃ supati: ngủ được yên giấc, nghĩa là không lo sợ người làm hại vì oán thù, nhất là không có sự bực tức trong tâm.

* Sukkhaṃ patpujjhati: khi thức giấc cũng được an vui, nghĩa là sau khi thức dậy thấy an vui vì không lo buồn gặp kẻ thù.

* Na pāpikaṃ supinaṃ passati: không nằm mộng thấy điều hung dữ.

* Manussānaṃ piyo hoti: là người được mọi người thương yêu và quý mến.

* Amanussānaṃ piyo hoti: là người được hạng phi nhân thương yêu và quý mến.

* Devatā rakkhanti: chư Thiên hộ trì.

* Nassa aggi visaṃ vā satthaṃ kamati: lửa, thuốc độc, vũ khí không làm hại được.

* Tuvataṃ cittaṃ samadhiyati: tâm của người có lòng từ bi an trú được mau lẹ.

* Mukha vanno vippasīdati: sắc mặt người có lòng từ bi trông rất đẹp.

* Asamulho kālaṃ karoti: khi sắp lâm chung, tâm không bị tán loạn.

* Uttariṃ appivijjhanto brahmalokupako: nếu chưa đắc đạo quả thì được sanh lên cõi Phạm Thiên.

Nước đem lại sự mát mẻ cho rùa, cũng như lòng từ bi làm cho thân tâm của hành giả được mát mẻ vả rửa sạch các phiền não là sân hận, oán thù, cột oan trái. Hành giả kinh sợ trong sự luân hồi cần phải có nước là tâm từ để dứt những điều hung dữ trong tâm. Người có tâm từ bi không bao giờ chấp nê những người làm cho mình đau khổ, chỉ nghĩ thương hại kẻ ấy vì si mê. Chúng ta là Phật tử, tưởng cũng nên ráng tập cái hạnh như cha của ta. đức Phật từ bi đến nổi khi Đề-bà-đạt-đa (Devadatta) bị bệnh nặng, muốn trở về lễ Phật, các tín đồ của y nói rằng: “Ông là người làm hại Phật nhiều lần mà hôm nay còn về làm gì?”. Đề-bà-đạt-đa đáp cho các người không hiểu tâm của đức Phật: “Ngài đối với kẻ thù của Ngài cũng như là đối với Rāhula vậy, tâm của Ngài ví như mặt đất không bao giờ biết thương ghét kẻ nào cả, Ngài chỉ có một tấm lòng từ bi vô lượng vô biên thôi”. Tôi muốn nhắc tới câu của Đề-bà-đạt-đa để quý vị trông thấy rằng lòng từ bi của đức Phật thật rộng lớn, đến kẻ thù của Ngài cũng biết và không ngớt ca tụng công đức của Ngài. Đành rằng chúng ta là kẻ phàm nhân không thể hành như Ngài được nhưng ta phải cố tập từ bây giờ thì ngày kia ta cũng được như Ngài, bằng ta cứ nói không thể sanh với Phật thì bao giờ ta mới được như Ngài và không xứng đáng làm con Phật.

2. Rùa lặn trong nước, khi nổi lên trông thấy vật gì thì lặn xuống ngay lập tức, để đừng trông thấy điều ấy.

Cũng vậy, đối với hành giả, một khi phiền não phát sanh nên cố đè nén cho nó chìm vào nước là đề mục thiền định. Nghĩa là làm cho tâm trụ vào đề mục không cho phiền não ăn sâu vào tâm và phát triển thêm nữa.

Trong câu này ý nói rằng: khi hành già biết lòng mình bị cảnh trần làm cho không trong sạch vì tham lam, sân hận, si mê. Trong khi muốn nhận chìm những phiền não ấy chỉ có trí nhớ là món khí cụ tối cần, vì trí nhớ là pháp kéo tâm trở lại với 40 đề mục chỉ quán, nếu dùng chỉ quán thì do nơi trí nhớ ấy quan sát về 3 tướng: vô thường, khổ não, vô ngã. Hơn nữa, khi hành giả gặp chỗ không hợp với mình, nghĩa là chỗ làm cho tâm nhơ đục, phải bỏ ngay chỗ ấy đi, tìm nơi khác, cũng như rùa khi trông thấy những điều gì lạ liền lặn ngay, không chịu thấy cảnh ấy lâu.

Với trí nhớ là món tối cần của hành giả, vì các vị nhờ trí nhớ ấy quan sát tâm mình, không vì lợi của mình làm hại kẻ khác. Dùng trí nhớ cả ghê sợ và hổ thẹn tội lỗi lập nên một tòa án để thẩm xét những lỗi của mình và thẳng tay trừng trị, không nên làm trạng sư chữa lỗi của mình.

3. Khi rùa lên khỏi mặt nước, không thấy điều gì lạ, rùa phơi mình trên bãi cát trắng, hứng lấy ánh nắng của mặt trời.

Cũng như hành giả, khi ở nơi vắng lặng, những cảnh trần, hành giả dùng trí nhớ quan sát về tứ chánh cần (sammappadhāna) là :

* Thận cần (saṃvarapadhāna): cố gắng không cho các ác pháp phát sanh, nghĩa là coi điều nào mình chưa phạm thì cố gắng không cho phạm, dầu phải bị thiệt hại cũng không làm.

* Trừ cần (pahānapadhāna): cố gắng diệt trừ những điều ác nào còn trong tâm mà chưa diệt trừ được, nghĩa là xem lại lòng mình coi còn điều tội lỗi nào không và cố diệt tận gốc, không cho dư sót.

* Tu cần (bhāvanāpadhāna): cố gắng làm cho các pháp lành chưa sanh được phát sanh, nghĩa là khi quan sát thấy còn thiếu những đức lành nào như nhẫn nại, bác ái. thì cố làm cho các pháp lành ấy phát sanh lên.

* Bảo cần (anurakkhanāpadhāna): cố gắng giữ những đức lành đã có không cho tiêu diệt, nghĩa là khi ta đã có được những đức lành nào rồi thì hành giả cố giữ, không cho những đức lành ấy vì lẽ gì mà phải bị tiêu diệt, trong sự tu tập ta phải kiên quyết, đừng để vì hoàn cảnh mà thối chí.

4. Rùa đào đất chun nằm dưới đất.

Cũng như hành già bỏ tất cả tài, sắc, danh, lợi ở đời vào ở nơi thanh vắng.

Đây ý nói rằng: hành già là người muốn giải thoát sự khổ não nên cố suy nghĩ cho thấy rằng: người còn luân hồi khổ là còn vì trong vòng tài, sắc, lợi, danh, không thể lội ra khỏi khổ ải được, nên dứt bỏ những điều ấy rồi nên đi đến nơi thanh vắng. Lấy một đề mục nào trong 40 phép chỉ quán, cố niệm cho tâm trụ lại. Đây là phương pháp đánh đuổi, tiêu trừ những phiền não ngủ ngầm trong tâm bị tiêu tan. Trước khi tâm vắng lặng do nhờ sự vắng lặng bên ngoài là thân xa những cảnh trần, nghĩa là dứt bỏ như sự nói và thuyết pháp. Thuyết đến đây, tôi còn nhớ đến câu của ngài Đại Đức Upasenavaṅgantaputta[10] có dạy rằng:

“Vivittaṃ appanigghosaṃ

Vāḷamiganisevitaṃ

Seve senāsanaṃ bhikkhu

Paṭisallānakāraṇā”.

Nghĩa: hành giả nên ở nơi thanh tịnh, yên lặng, không có tiếng ồn ào, là chỗ ở của thú dữ. Vì lẽ tránh xa cảnh trần.

Trong câu này, ngài Đại Đức muốn dạy rằng: muốn xa cảnh trần phải ở nơi thanh vắng, vì nơi thành thị là cái trường của tài, sắc, lợi, danh. Chỉ nơi hang sâu rừng vắng là chỗ yên tịnh của người thoát tục.

5. Khi bò đi, nếu trông thấy dạng người hay thú, hoặc nghe tiếng động, lập tức rút đầu vào trong mai và nằm yên.

Cũng như hành giả, một khi căn nào trong lục căn chạm phải lục trần, lập tức phải thu thúc lục căn, dùng trí nhớ và biết mình giữ gìn tâm, chuyên cần không cho nó phòng túng, cố đem tâm vào một đề mục, không cho thương nhớ, mến tiếc cảnh trần ấy nữa. Như có câu kim ngôn của Đức Thế Tôn trong Sagāthāravagga, bộ Saṃyuttanikāya rằng:

“Kumova aṅgāni sake kapāle,

Samodahaṃ bhikkhu manovitakke;

Anissito aññamaheṭhayāno,

Parinibbuto nūpavadeyya kañcī”[11].

Nghĩa: thầy Tỳ-khưu nên trị cái tâm đừng cho sa ngã vào tà tư duy; không nên mến tiếc trong ái dục và tà kiến; không làm hại kẻ khác, vắng lặng dục, tắt phiền não; không nói phạm đến ai cả, cũng như rùa rút đầu và bốn chân vào cái mai.

Đại ý câu kệ trên dạy rằng: cái mai là cái vỏ của rùa, gặp lúc nguy nan, rùa rút mình vào trong cái mai để tránh điều tai hại. Đối với hành giả, các tai nạn kinh khủng là phiền não mà Ma Vương là người chủ mưu để làm hại. Cái mai rùa cũng như sự thu thúc lục căn, vì khi nào rùa nghe thấy những gì thì rút vào mai lập tức. Riêng hành giả khi lục căn tiếp xúc lục trần phải thu thúc lục căn, dùng trí nhớ và trí tuệ kiềm chế, quan sát không cho tâm ham mê, ưa thích trong trần cảnh nữa.

Sự thật ở đời tài, sắc, lợi, danh ví như mật ong dính ở lưỡi dao. Mật ong ngọt nhưng lưỡi dao cũng thật bén, chúng ta ham mến trong tài, sắc, danh, lợi cũng như đứa trẻ liếm mật nơi lưỡi dao vậy, khi muốn liếm không nghĩ đến cái đau của sự bị đứt lưỡi, khi bị đứt chỉ biết khóc thôi. Chúng ta là người mong giải thoát không nên nghĩ đến nếm hương vị của trần, hoặc đã nếm rồi cũng nên cố bỏ đi, sự thật thì đối với người còn nặng trong tình dục thì thấy nó cũng vui, nhưng sau cái vui bao giờ cũng phải trả một cái giá rất đắt là khổ. Người chỉ ham mê tài sắc phải chịu khổ lắm, có khi phải chết. Nhắc đến đây tôi còn nhớ một tích chuyện của đức Bồ-tát tiền thân Đức Phật trong túc sanh truyện Pañcabhiruka, bộ Ekanipāta. Tích ấy như vầy :

Người con út của đức vua Brahmadatta ở xứ Bārānasī đi với 4 vị đại thần đến Takkasilā, theo lời của đức Phật Độc Giác dạy rằng: ngươi hãy đi về hướng này sẽ được lắm nhưng trong khi đi đường ngươi hãy thận trọng sự thương, yêu, vui, muốn, ghét. Khi thái tử đi đến khu rừng nọ gặp bọn Dạ-xoa cái biến thành mỹ nữ ở tòa lầu bên đường. Bốn vị quan ấy trông thấy, say mê theo sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm nên quyết ở lại tận hưởng sự an vui ấy. Thái tử hết lòng cản ngăn nhưng không thể nào cản được, ngài bỏ đi vì ngài còn nhớ lời dạy của vị Phật Độc Giác. Bốn vị đại thần ấy làm mồi cho Dạ-xoa. Khi thái tử đi, có một con Dạ-xoa cái theo sau ngài khóc than thảm thiết để ngài động lòng nhưng thái tử không rung động trước sắc đẹp. Khi tới thành Takkasilā, thái tử nghỉ tạm ngoài thành, trong cái Quái Nhai đình. Dạ-xoa biến ra thành một mỹ nữ ngồi khóc gần thái tử. Trong khi ấy đức vua đi ngang qua thấy Dạ-xoa đẹp lòng, ngài mới hỏi thái tử rằng:

- Người phụ nữ này là chi của ngươi?

Thái tử đáp:

- Là người đi đường, không phải chi của hạ thần.

Đức vua mới đem Dạ-xoa về thành và cho làm hoàng hậu. Đến đêm bày ra yến ẩm vui chơi, trong khi vua say, Dạ-xoa mới tâu rằng:

- Xin hoàng thượng cho thần thiếp có quyền lực hơn những phi tần trong cung nội.

Đức vua bằng lòng. Sau khi mãn tiệc, nhà vua và phi tần đều say cả, Dạ-xoa mới bay về rừng kêu quyến thuộc đến ăn thịt hết những người trong cung.

Sáng ngày, bá quan văn võ vào chầu thấy đền vắng, vào đến cung nội thì than ôi! Chỉ còn những đống xương to mà thôi. Lúc ấy người ta mới biết rằng mỹ nữ hôm qua là Dạ-xoa. Khi ấy, các vị bá quan và bô lão mới bàn với nhau rằng:

- Người thanh niên ở Quái Nhai đình hôm qua thật là bậc trí thức, không say mê theo sắc đẹp của Dạ-xoa. Người không say mê theo sắc đẹp là người có đức tánh tốt, học rộng tài cao, đáng cho chúng ta suy tôn người ấy trị dân. Khi ấy, người người đều đồng lòng rước Thái tử về làm vua xứ Takkasilā.

Nhắc tích này để chỉ cho quý vị thấy rằng: bốn vị đại thần không thu thúc, thiếu trí nhớ và không biết mình nên phải bị tai nạn như vậy. Chỉ có đức Bồ-tát là thu thúc, có trí nhớ và biết mình nên được hưởng quả lành. Tôi mong rằng tích này sẽ làm gương cho quý vị, bớt say mê theo tài, sắc, lợi, danh, chính nó là nhân làm cho chúng ta phải khổ, không giải thoát được. Mong rằng quý vị không quên hạnh con rùa và tu tập theo.

BÀI 30 THẾ NÀO GỌI LÀ SA-MÔN

Theo lời yêu cầu của một ông thiện nam, tôi xin giải nghĩa 3 danh từ, Tỳ-khưu, hành giả, Sa-môn và luôn dịp tôi xin cắt nghĩa 10 của Sa-môn cho quý Ngài rõ.

I. Tỳ-khưu.

Tỳ-khưu có nghĩa là người xin ăn, hay khất sĩ. Thầy Tỳ-khưu là người dứt bỏ gia đình và thân bằng quyến thuộc, là người được Hội Tăng-già thâu nhận. Thầy Tỳ-khưu phải biết luật của Đức Thế Tôn, phải giữ 227 giới hay Ba-la-đề-mộc-xoa. Từ xưa, ta thường thấy các nhà sư bận áo có nhiều thứ vải đủ màu ráp lại, gọi là áo “bá nạp” (trăm miếng) hay “phá nạp”, nghĩa là một khổ vải cắt ra rồi may lại. Đó là một điều không hợp với luật nhà Phật. đức Phật cho các Tỳ-khưu bận y có nhiều miếng, nhưng có số nhất định, và mỗi miếng đều có tên khác nhau, phải là một thứ vải và nhuộm một màu vàng. Tại sao đức Phật lại bắt buộc một thứ vải? Đức Thế Tôn muốn các thầy Tỳ-khưu giống nhau. Tại sao mỗi bộ phận của y có tên khác nhau tùy theo chỗ, là y có bề trái bề mặt, mé trên mé dưới như áo có vạt trước vạt sau, có cổ, có bâu và có tay vậy. Tại sao Đức Thế Tôn không cho các vị Tỳ-khưu đặt nguyên một khổ vải mà phải cắt ra? Vì khi xưa, cũng vì dùng nguyên khổ vải nên các vị Tỳ-khưu thường bị bọn cướp giật đem y về bận, nhà vua muốn truy nã nhưng không thể bắt được vì khó phân biệt. Đức Thế Tôn mới cho cắt ra từng miếng có thước tấc nhất định rồi ráp lại và có tên riêng. Trong y có lằn ngang, lằn dọc chứ không có xéo xéo như hình miếng chả nhỏ bằng bàn tay. Tại sao lại cho cắt những đường dọc và ngang? Vì một ngày nọ, Đức Thế Tôn ngự đi với tôn giả Ānanda, trông thấy nhiều thửa ruộng, Đức Phật đứng xem rồi mỉm cười. Ngài dạy tôn giả Ānanda cắt y làm sao giống như những thửa ruộng ấy. Chiều về tôn giả Ānanda cắt y xong và đem dâng cho Đức Thế Tôn xem. Ngài bằng lòng theo kiểu ấy. Ngài mới khen tôn giả Ānanda là thông minh và Ngài truyền cho chư tăng may y giống như kiểu ấy.

Tại sao Đức Thế Tôn lại dạy may y giống như các thửa ruộng? Ngài muốn chư Tỳ-khưu tượng trưng cho phước điền của nhân loại và Ngài nhắc thầm cho chư Tỳ-khưu nhớ rằng các thầy là ruộng báu của thế gian.

Sau khi Phật nhập diệt được 218 năm (có chỗ để là 235 hoặc 236 năm) có nhiều người bệnh hoạn, trốn xâu lậu thuế, giả dạng tu hành, tự mặc y và cho mình là bậc xuất gia để nương nhờ của tín thí. Các bậc Thánh nhân thấy vậy mới không chịu làm lễ “phát lồ” chung với họ, nghĩa là tụ hội lại tụng giới bổn một tháng hai lần vào ngày rằm và 30. Đức vua A-dục (Asoka) mới hội chư Tỳ-khưu lại và hạch hỏi về các bộ phận trong y phục của người xuất gia. Vị nào không trả lời được thì bị trục xuất ra khỏi Giáo hội. Rồi Ngài mới mời chư Thánh Tăng kết tập Tam Tạng lần thứ 3. Bởi thấy sự lợi ích xa như vậy nên Đức Thế Tôn mới định niêm luật may y và buộc các thầy Tỳ-khưu phải mặc giống nhau, phải biết tên của mỗi điều để tránh những hạng trốn xâu lậu thuế, giả dạng tu hành lường gạt tín đồ.

Bây giờ, các thầy Tỳ-khưu mang y có kiểu mẫu thước tấc phân minh, có mặt trái, mặt phải, trên, dưới, không phải muốn may sao tự ý.

Thầy Tỳ-khưu sống nhờ sự bố thí của thiện tín, song luôn luôn phải giữ một phẩm hạnh thanh cao, đi đứng trang nghiêm, không xin xỏ hoặc tỏ dấu cho thiện tín để bát.

II. Hành giả

Tiếng phạn gọi là yogāvacara, là người thực hành theo lời dạy của Đức Thế Tôn đã khẩu truyền. Các bậc xuất gia, các thiện tín có thể gọi là hành giả, chỉ riêng có tiếng này gọi được cả tại gia và xuất gia.

III. Sa-môn.

Tiếng phạn gọi là Samaṇa, là thanh tịnh hay trong sạch. bậc Sa-môn là người không tham muốn, sân hận, si mê, là người giải thoát khỏi vòng tình, danh, lợi, luôn luôn thanh tịnh.

Sa-môn là người thường hay quán tưởng, suy xét để sưu tầm chân lý, là người hành trình trên con đường giải thoát của bậc Thánh nhân.

Những người tự xưng là Sa-môn mà không hạnh kiểm, không hành trì thanh tịnh giới chẳng khác nào là kẻ cướp không cần vũ khí, mượn áo cà-sa lừa gạt tín đồ để nuôi thân sống cho dễ dàng.

Trong một đoạn kinh, Đức Thế Tôn có dạy rằng: “Này các thầy, nếu có người hỏi các thầy là gì, thì hẳn các thầy đáp: “Tôi là Sa-môn. Mà các thầy có biết hạnh Sa-môn ra thế nào chăng? Chẳng phải cạo đầu, đắp y, mang bát xin ăn mà gọi là Sa-môn đâu. Bậc xuất gia nào hành phạm hạnh thanh cao, dạy tâm thanh tịnh mới gọi là Sa-môn”. Có 10 pháp của bậc Sa-môn phải thực hành.

Thầy Sa-môn hoàn toàn đủ hạnh kiểm là người giữ 10 pháp sau đây:

1. Hổ thẹn tội lỗi

Thầy Sa-môn biết hổ thẹn tội lỗi, dầu tội lỗi ấy âm thầm, khuất tai mắt của quần chúng. Thầy nhận xét rằng không nơi nào gọi là kín. Khi đã làm tội lỗi thì có tâm mình biết, có chư thiên biết. Dối kẻ khác được chứ dối lòng mình không được. Pháp này không dành riêng cho Sa-môn mà thiện tín nên noi theo mà hổ thẹn tội lỗi.

2. Ghê sợ tội lỗi

Tội lỗi nó theo mình như bóng với hình. Đời hiện tại chúng ta vui hay khổ, là do sự hành động của kiếp quá khứ của chúng ta. Hễ nhân lành thì hưởng phước, nhân ác thì thọ khổ.

đức Phật gọi hai pháp này là hai pháp hộ trì thế gian (lokapāladhamma), ý Ngài dạy rằng: nếu mỗi người đều biết hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi của mình như sự sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ và uống rượu thì hẳng không dám làm những điều ấy. Khi không làm điều tội thì không bị oán thù, không bị người làm hại, không có oan trái. Người đời thù nhau, cướp của nhau, giết nhau vì đâu? Có phải chăng vì không biết hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi.

Thế giới nhỏ là thân tâm của chúng ta, nếu áp dụng hai Pháp trên thì thân tâm được an vui vì ta là người vô tội. Thế giới lớn là xã hội, là gia đình tổng hợp: nếu gia đình an vui thì xã hội an vui, là thế gian được an vui.

3. Thân được trong sạch

Thân của chúng ta không được trong sạch về vật chất đã đành, song về tinh thần, những sự sát sanh, trộm cắp, tà dâm làm thân càng dơ hơn nữa. Muốn cho thân được thanh tịnh, trong sạch cần phải giữ giới cho chín chắn.

4. Khẩu được trong sạch :

Miệng trong sạch là không nói dối, nói vô ích, nói đâm thọc, chửi rủa, mắng nhiếc. Miệng trong sạch là không nói chơi, vì khi nói chơi lắm khi có hại sanh ra cãi cọ, xung đột. Thà câm còn hơn nói lời không ích cho mình, cho người. Tục ngữ có câu: “Cái miệng nó kiện cái thân”.

5. Lòng được trong sạch

Lòng trong sạch là lòng không tham lam, sân hận và si mê.

Muốn diệt lòng tham lam, cần phải giữ giới là không trộm cắp. Hãy bố thí để diệt lòng bỏn xẻn. Thầy Sa-môn hay suy xét về vô thường, dầu tham lam, có nhiều của cải, đến ngày chết ta cũng không mang theo được gì.

Muốn diệt lòng sân hận nên quán tưởng hai điều :

* Sân hận sẽ đem lại cho ta các điều khổ sở như bị tù, bị phạt vạ, hoặc là bị kết oan trái.

* Cái quả của sân hận là: chúng ta không có bạn lành, hình thể ta xấu xa, kiếp sau nếu sanh làm người sẽ có tướng mạo thô lỗ, vô duyên, không ai ưa.

Muốn diệt lòng si mê cần phải niệm Phật và suy xét rằng: ngũ quan này không phải là của ta. Có thân thì phải có già, có đau và chết. Một khi thấy tóc ta bạc, răng ta rụng, mắt ta mờ là có triệu chứng cho ta thấy rằng ta đã gần với cái chết vậy.

6. Nuôi mạng chân chánh

đức Phật dạy các thầy Sa-môn không được nuôi mạng sống bằng cách bợ đở tín thí, làm bùa, coi tay, coi tướng, xủ quẻ, bàn xâm, hốt thuốc… Những hành động ấy không phải vì lòng từ bi, trái lại nó có hại vì lợi lộc, vì mê hoặc tín đồ. Dùng bùa ngải mà trị bệnh dị đoan, hốt thuốc trị bệnh không phải là phận sự của thầy Sa-môn. Tôi xin thuật lại một câu chuyện. Khi còn ở xứ Lào, có lần tôi cứu được một trò nhỏ vì bệnh ma lai. Người ta tin rằng chỉ có nhà sư mới trị được bệnh ấy, vì họ cho rằng nhà sư biết nhiều môn phép lạ. Bữa nọ đi đường, có người trong nhà chạy ra khẩn cầu tôi chữa giùm bệnh ma lai cho con. Thật tôi không biết chữa bệnh, song thấy người cầu khẩn lại là người hay phỉ báng nhà sư, tôi làm liều vào nhà xem bệnh. Lúc ấy tôi bối rối. Nhưng tôi nghĩ ra dù ma quỷ có thật thì hạng ấy cũng kính trọng người có giới đức và giàu lòng từ bi, tôi đã đọc nhiều tích trong Kinh Pháp Cú, lòng từ bi thắng cả chư Thiên. Nghĩ thế, tôi liền đọc một câu kệ của Đức Thế Tôn  bằng tiếng Phạn, ý nghĩa nói: “Các chúng sanh chẳng nên làm hại lẫn nhau” và đọc 10 ân đức Phật. Người bệnh được mạnh lại như thường trong nửa giờ sau. Từ đấy, người trong gia đình ấy rất tôn kính, quý mến tôi, tôi muốn cái gì là được như ý, trong chùa có làm phước, tôi cần mượn xe hơi hoặc mượn tấm bạt dựng rạp che mưa được dễ dàng, còn các sư khác đến mượn rất khó, lắm lúc còn bị từ khước. Tôi tự thấy mình hành động chữa bệnh là quấy lắm, vì tôi đưa người đến chỗ tin nơi huyền bí chớ không tin nơi nghiệp, nơi luật nhân quả.

Chắc thiện tín cho rằng nhà sư lo chữa bệnh bằng bùa ngãi là có lòng từ bi. Không phải. Đó là thiện tín chỉ thấy chuyện thực tế hiện tại chớ không nghĩ đến ý nghĩ sâu xa của Đức Thế Tôn. Ngài là đấng hướng đạo hoàn toàn sáng suốt, Ngài chỉ muốn chúng sanh tin nơi luật nhân quả và nơi nghiệp của mình để lo tu hành chớ không tin nơi huyền bí, tức là là tin nơi tha lực. Phật dạy chúng ta nên tự mình giải thoát cho mình, tự mình cứu khổ cho mình.

Phật có dạy rằng: “Những nhà tu hành mà hành phép tà như chữa bệnh bằng bùa chú, thuốc men để được sùng bái cúng dường thì thọ sự cúng dường ấy chẳng khác nào thọ đồ nhơ nhớp vậy”.

Rất mong tín đồ Phật Giáo dùng trí tuệ suy nghĩ thêm một chút, đừng tin những nhà sư làm bùa chú, thuốc men để trị bệnh và kính họ làm tôn sư vì họ xô tín đồ vào hầm hố tối tăm.

Tôi rất ăn năn về việc làm của tôi ở xứ Lào và tôi tự nguyện rằng: tôi sẽ cương quyết không còn làm liều như thế có hại cho lòng tín ngưỡng của tín đồ và chỉ mong rằng từ đây tín đồ chỉ tin lý nhân quả và nơi nghiệp của mình, tôi sẽ ráng khảo cứu kinh sách và dùng sức học, công đức tu tập của tôi để dẫn dắt thiện tín trở nên những người chánh kiến.

Thầy Sa-môn phải nuôi mạng bằng hai ống chân thôi, nghĩa là phải xin ăn. Nuôi mạng chân chánh là vậy.

7. Thu thúc lục căn

Lục căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm. Sáu căn này tiếp xúc với cảnh trần.

Con mắt ta ví như con rắn, ưa chỗ ẩm thấp như mắt ưa sắc đẹp. Lỗ tai ví như con sâu, ưa nằm êm ở bãi sông, như tai thích nghe tiếng êm dịu. Lỗ mũi như con chim bay trên không trung, như mũi ưa mùi thơm. Cái lưỡi như con chó điên, thèm ăn ngon hoặc nói lời vô ích. Cái thân như con cho sói, sống ở sa mạc, thích ăn thây ma. Cái tâm như con khỉ, phóng túng cùng rừng. Vì tâm mà 5 cảnh trên ưa thích cảnh trần.

Muốn thu thúc lục căn cần phải thiêu đốt cái rừng mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Thiêu đốt như thế này: mắt không quyến luyến sắc đẹp của trần, mũi không quyến luyến mùi thơm của trần, tai không quyến luyến tiếng hay của trần, lưỡi không quyến luyến vị ngọt của trần, thân không quyến luyến sự tiếp xúc mềm mại, êm dịu của trần. Khi rừng bị thiêu đốt rồi thì cái tâm là con khỉ không còn phóng túng được nữa.

8. Biết điều độ trong sự ăn

Thầy Sa-môn không tham ăn, không mê ăn, có thân này ăn để sống, không phải vì thân này, sống để ăn. Có người mê ăn, ăn sớm, ăn trưa, ăn tối, ăn hoài sanh bệnh bởi ăn không điều độ.

Thuở xưa có ông sư nọ ưa ăn bánh đậu xanh. Mẹ ông mỗi ngày làm bánh đem đến cho ông ăn. Song, vì tánh mê ăn nên ông không chia cho các sư khác. Bữa nọ, bà mẹ nói với ông rằng: “mẹ đem dâng cho sư 3 cái bánh, nếu sư biết ăn thì mẹ sẽ đem lại, bằng không biết ăn mẹ sẽ không cho nữa”. Ông sư vì mê ăn, không chia cho ai hết, ăn trọn một mình. Qua bữa sau, bà mẹ không làm bánh đậu xanh cho con ăn nữa.

9. Cần thức tỉnh

Thầy Sa-môn cần phải biết mình và tỉnh ngộ ngay trong các trường hợp. Thuở xưa, có một bà tín nữ thường mời một vị Tỳ-khưu đến nhà đặt bát. Buổi sáng nọ, bà kêu con gái dặn rằng: “Con hãy lựa gạo tốt, lấy sữa tươi làm bánh đặng để bát cho sư huynh con. Còn mẹ thì ăn gạo lức và rau lang cũng được”. Khi bà đang nói thì vị Tỳ-khưu đó đi tới, ông nghe hết mấy lời căn dặn của bà lão. Ông tỉnh ngộ suy xét: “ta không phải con cháu của bà mà bà đãi ta rất hậu”. Nghĩ như vậy, ông rất thẹn. Ông nguyện phải hành đạo cho đắc quả cho xứng đáng với lòng tôn kính của bà tín nữ ấy. Khi lãnh bát xong, ông hối hả trở về tịnh thất quyết nhập định tìm cho được đạo quả. Ông nguyện khi thành công mới thọ thực. Nhờ vậy mà trong giây lát ông chứng quả A-la-hán. Chừng ấy ông mới dùng cơm của bà tín nữ.

10. Trí nhớ

Đây là pháp chót và là pháp cần thiết cho vị Sa-môn. Khi đi đứng, lúc nằm ngồi, luôn luôn có trí nhớ, không làm quấy, không nói quấy, tai không nghe quấy… Nhờ trí nhớ mà sự tu tập được tinh tấn, giới hạnh được trong sạch. Muốn có trí nhớ cần phải niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.

Kết luận

Mười pháp mà tôi vừa giảng là 10 pháp cần cho các bậc Sa-môn phải thọ trì cho đúng đắn. Nhưng quý vị là tín đồ nhà Phật cũng nên ghi nhớ và hành theo 10 pháp ấy thì quý vị sẽ được an vui trong đời hiện tại và sẽ được quả lành trong kiếp vị lai. Khi biết hổ thẹn tội lỗi, ghê sợ tội lỗi rồi thì quý vị sẽ giữ thân, khẩu và tâm được trong sạch. Nuôi mạng chân chánh, điều độ sự ăn, thu thúc lục căn là những pháp lành làm cho hạnh kiểm được thanh cao. Cần thức tỉnh và có trí nhớ là hai phương pháp nhắc ta là tín đồ Phật Giáo phải nhớ hành theo lời Phật dạy. Hai phương pháp ấy kéo ta trở lại con đường chánh nếu vì một lẽ nào đó mà ta quên giới luật của Phật.

Hổ thẹn tội lỗi và ghê sợ tội lỗi là nhân làm cho giới đức của ta được cao quý. Còn trí nhớ và biết mình là nhân làm cho giới đức của ta được trong sạch. Hai pháp kể trên đây, các bậc hành giả phải luôn luôn có trong tâm mình.

BÀI 31 PHẠM HẠNH

Phạm hạnh là hạnh thanh cao của trời Phạm Thiên. Thuở xưa, ở xứ Ấn Độ có đạo Bà-la-môn thờ các chư Thiên và trời. Trời cao quý hơn cả là trời Phạm Thiên. Do vậy, Phật dùng danh từ phạm hạnh để chỉ cho hạnh cao quý hơn hết, đem chúng sanh đến con đường giải thoát.

Pháp hành phạm hạnh có 10 điều. Hôm nay, tôi xin giảng một trong 10 điều ấy, là pháp bố thí (dāna).

1. Bố thí (dāna).

Pháp bố thí là pháp để bồi bổ lòng từ bi, diệt lòng bỏn xẻn. Vậy chúng ta phải bố thí bằng cách nào. Bởi không biết cách bố thí mà hành động chúng ta không có kết quả tốt đẹp, có khi nó hại cho mình và hại người nữa.

  • Vì tà kiến

Ví dụ tôi là nhà sư không hạnh kiểm, không biết giữ giới, tôi uống rượu, cờ bạc. Quý vị đem tiền của đến cho tôi vì tôi là trụ trì, gọi là bố thí. Mục đích quý vị là làm phước nhưng có dè đâu sự bố thí ấy có hại cho tôi và hại cho nền giáo lý cáo quý của đức Phật, mà sự bố thí của quý vị cũng không có kết quả gì cả, ví như đem lúa mà gieo trên tảng đá vậy.

  • Vì danh vọng

Có người tranh nhau bố thí, mục đích là cho công chúng biết rằng: ông Ổi cất mấy cảnh chùa, ông Xoài tạo mấy trăm tượng Phật. Trong thân tâm thí chủ không phải là bố thí để tạo phước lành mà để mua tiếng tốt, khoe giàu. Bố thí như vậy không lợi cho mình, lắm khi có hại. Vì tranh hơn thua, mình bố thí quá sức mình. Vì sợ mất danh tiếng phải mang nợ, phải nghèo.

Ba điều cần trong sự bố thí.

Khi thiện tín muốn bố thí, xin nhớ ba điều sau này cho sự bố thí không hại người, không hại mình.

* Tác ý (cetanā). Sự bố thí mà ta muốn làm đây, do lòng ta suy xét, không phải vì tranh đua, vì danh vọng, vì tà kiến. Ta có tác ý trong sạch là diệt lòng bỏn xẻn, tu bổ thêm lòng từ bi. Không ai ép buộc ta, ta bố thí vừa sức ta thôi.

* Xa lánh (virati). Virati có nghĩa là xa lánh. Khi bố thí, ta xa lánh sự sát sanh, trộm cắp, tà dâm…Trì giới gọi là cách bố thí cao thượng, gọi là vô úy thí. Khi đi ngoài đường, gặp cá giữa lộ, ta bắt thả xuống nước, gặp của rơi, ta tìm chủ trả lại, đây gọi là cách bố thí sự an vui cho người khác.

* Đồ vật để bố thí (deyyadhamma). Người thí của cần phải có đồ để cho đến người nhận lãnh. Tác ý là muốn làm một điều gì, như muốn bố thí, mà ít ra muốn thì phải có cái gì để cho. Nên vật để cho ấy gọi là deyyadhamma, nghĩa là đồ vật để bố thí. Đồ vật hợp theo tạng Luật có 4 điều là: y phục, vật thực, chỗ ở và thuốc men. Còn theo tạng Kinh thì có 10 điều là: cơm, nước, y phục, xe thuyền, tràng hoa, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm ngồi, chỗ ở, đèn.

Người muốn bố thí cho phước của mình được cao thượng thì trước khi bố thí, tâm phải vui vẻ với sự làm của mình, và phải dùng trí tuệ suy nghĩ vô thường, khổ não, vô ngã. Trong khi đang bố thí, gặp chuyện trì trở ngại, mình cũng chẳng giận buồn, hết lòng kính trọng người thọ lãnh, dầu người ấy là người ăn mày chẳng hạn, không nên cho như cách quăng bỏ. Tại sao Đức Thế Tôn dạy như vậy? Để người đừng nghĩ: “Ta là người có của, ta là thí chủ, muốn cho sao cũng được tùy ý mình” mà trái lại phải tỏ vẻ kính trọng người thọ lãnh. Tôi còn thấy lắm nơi, người thí chủ đứng ra bố thí như để bát cho một hai trăm nhà sư, có nhiều người đến giúp, khi ấy có chuyện gì xảy ra, người thí chủ la om sòm, tỏ vẻ mình là thí chủ mà quên rằng những người kia đến giúp mình có ăn tiền của mình đâu? Lại có lắm chỗ, những vị sư Sa-di mới tu hình như bị khinh mạt, thí chủ không quan tâm đến. Chính tôi khi còn đi học ở trường cao đẳng, một ngày nọ cũng được một người thí chủ để bát một cách miễn cưỡng và rất thiếu thốn trong ngày ấy, vì lẽ tôi trẻ tuổi phải đi sau cùng các vị trưởng thượng.

Vậy xin thành thật nhắc lại, thiện tín nhớ rằng: ta bố thí để diệt lòng bỏn xẻn, bồi bổ lòng từ bi đối với kẻ khác, để nén lòng ngã mạn, khinh rẻ ăn xin và cần nhất là phải có sự công bằng, không nên coi mặt mà bố thí. Người đời vì thiếu sự công bằng nên làm điều tội lỗi, ta là người tu, không nên có sự thiên vị rằng: đây là ông quan xuất gia, ông ấy là cử nhân, tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ xuất gia. Thiện tín nên nhớ rằng các bằng cấp ấy không thể đem cầu chứng tại hội Tăng-già được. Tại hội Tăng-già chỉ có phạm hạnh là quý nhất. Vậy chúng ta không nên tùy đời quá, nghĩa là không nên làm theo thường tình thế gian, là chỉ kính trọng bậc xuất gia thuộc hạng quý phái. Chẳng phải bằng cấp và danh vọng của họ đem các vị đến chỗ giải thoát đâu, chỉ có đức hạnh của người được bố thí và lòng trong sạch của thiện tín mới đem lại phước báu nhiều. Nếu thiện tín còn nể chấp như vậy thì kết quả không cao quý. Cho nên đức Phật dạy không khen tặng sự bố thí vì lòng thiên vị.

Sau khi bố thí, người thí chủ hãy tỏ ra hoan hỷ với phước của mình và luôn luôn nhớ rằng mình có làm điều lành, chớ không phải nhớ để kể ơn với người thọ thí hay là nhớ ơn để cầu phước được sanh nhà giàu, vua, chúa… Đây là ba nguyên nhân làm cho tâm trong sạch và phước báu của mình càng cao quý.

Tài thí (āmisadāna) và pháp thí (dhammadāna).

Tài thí là bố thí tiền hoặc vật dụng.

Pháp thí là thuyết pháp cho chúng sanh nghe, dìu dắt chúng sanh vào con đường chánh. Thiện tín không biết thuyết pháp thì ấn tống kinh sách hoặc giảng giải những điều mình nghe cho người khác hiểu. Người nghe Pháp cũng được phước mà chư sư thuyết pháp cũng vậy. Bố thí Pháp là sự bố thí cao thượng, quý báu hơn các sự bố thí khác. Như một ông bá hộ giàu có, mời các chư Phật và Thánh Tăng ngồi chật hết quả địa cầu mà cúng dường, phước của ông ấy chỉ bằng một phần 16 của nhà sư thuyết một câu pháp của một bài kệ (một bài kệ có bốn câu, mỗi câu có 8 tiếng).

Có một vị Trời hỏi Phật:

- Bố thí vật gì gọi là bố thí Níp-bàn?

Câu hỏi ấy thật khó trả lời vì chúng ta có thấy Níp-bàn ra sao đâu, rờ cũng không thấy đụng thì làm sao mà bố thí. đức Phật đáp:

- Người bố thí Pháp là bố thí Níp-bàn.

Tại sao bố thí Pháp gọi là bố thí Níp-bàn? Hẳn ra chư thiện tín cũng biết rằng: các bậc Thánh nhân, ngoài đức Chánh Đẳng Chánh Giác và Độc Giác ra đều phải nghe Pháp mới đắc được đạo quả hay là nhờ nghe Pháp hiểu được việc dữ và biết rõ việc lành mà hành theo. Quý vị thấy rằng, các bậc Thánh nhân nhờ nghe Pháp mà đắc quả thì rõ ràng người bố thí Pháp là bố thí Níp-bàn. Có người hỏi: chúng tôi đây nghe Pháp mà không đắc được đạo quả thì bố thí Pháp ấy có phải là bố thí Níp-bàn không? Cũng gọi là bố thí Níp-bàn. Tại sao vậy? Vì chúng ta duyên lành ít mà nghiệp chướng nhiều nên chưa thể đắc được bây giờ, nhưng nó cũng chẳng mất đâu. Ngày kia, khi tội mỏng phước dày, nghiệp trần đã dứt, khi ấy chúng ta gặp đức Phật giải cho một Pháp nào mà chúng ta đã nghe, là duyên lành của chúng ta, nhờ đó chúng ta được giác ngộ. Thì bây giờ, bố thí Pháp là nhắc kẻ khác làm điều lành, tránh điều ác cũng là sự bố thí cao thượng, bố thí Níp-bàn vậy. Người mà được bỏ dữ làm lành nhờ ta nhắc nhở, đó gọi là ta bố thí Níp-bàn vậy.

Phật dạy: “khi thiện tín cúng dường cho nhà sư, không nên có tánh “cá nhân tuyển thí” là bố thí cho người mình ưa thôi”. Khi xưa, bà di mẫu của đức Phật là bà Gotamī có nhã ý trồng bông vải, bà săn sóc, hái bông, dệt rất kỹ lưỡng một bộ y rồi đem dâng đức Phật. Nhưng Phật không nhận lãnh, bà Gotamī buồn rầu, than khóc. Khi ấy, Đại Đức Ānanda bạch Phật nhận dùm, vì lẽ bà là di mẫu của đức Phật. Bà lo lắng cho đức Phật từ nhỏ đến lớn, công ơn rất dày, tại sao Phật không thọ lãnh y của bà dâng? Phật đáp: “Ta không thọ lãnh vì bà tưởng có một mình ta mà thôi chứ bà không cùng dường cho các vị Sa-môn khác. Nếu bà bố thí đến Tăng chúng thì mới có phước báu cao quý hơn. Đây là bà còn “cá nhân tuyền thí”.

Phước hữu lậu (vattagaminikusala) và phước vô lậu (vivattagaminikusala).

Phước hữu lậu là phước của thí chủ khi bố thí còn mong kiếp sau được giàu sang, được làm quan, có quyền tước. Có bà làm phước rồi nguyện kiếp sau được sanh làm hoàng hậu. Có người nguyện được sanh về cõi trời. Bao nhiêu sự ham muốn ấy làm cho ta còn phải luân hồi mãi mãi. Dầu ở cõi trời cũng phải chịu quy luật chung của tất cả chúng sanh là phải luân hồi. đức Phật so sánh ngũ trần như cái lò lửa. Chúng sanh vì vô minh nên còn ham muốn ngũ trần, là sắc, thinh, khí, vị, xúc. Bởi ham muốn ngũ trần nên chúng sanh lăn vào lò lửa cho nó thiêu đốt, luân hồi nhiều kiếp. Chúng ta đâu có chắc rằng khi được giàu sang rồi, chúng ta lo tu đặng giải thoát hay là sa mê theo ngũ trần, mà ta còn trầm nịch trong biển khổ? Nên chúng sanh nào làm việc thiện mà còn muốn trong vòng tam giới đều gọi là phước hữu lậu.

Phước vô lậu là phước cao quý tuyệt đối. Khi thí chủ làm phước, không mong kiếp sau được giàu sang, không mong sanh về cõi trời. Thí chủ nguyện diệt lòng bỏn xẻn, mong được hạnh từ bi như đức Từ Phụ, noi gương Đức Phật được giải thoát kiếp luân hồi khổ não.

Trong kinh, Đức Phật dạy về 38 pháp hạnh phúc, trong đoạn dạy về sự bố thí, làm phước đặng diệt lòng tham ái, phiền não, si mê, bỏn xẻn. Phật dạy rằng: “Người vì lòng ái dục mới làm phước báu, sau khi làm xong hãy diệt lòng ái dục ấy mới gọi là cao quý”. Ý Đức Thế Tôn nói rằng: người đời vì muốn được phước, kiếp sau được an vui hạnh phúc nhưng mà sự an vui hạnh phúc ở kiếp sau cũng chẳng trường cửu, nó vẫn còn luân hồi khổ não. Vậy ta hãy nguyện giải thoát khỏi vòng thống khổ và vì lòng thương xót chúng sanh trong tam giới, hãy hồi hướng phước báu ấy đến tất cả chúng sanh để diệt sự ham giàu sang sung sướng ở kiếp sau và bồi đắp lòng tư bi của mình. Đây gọi là diệt lòng ham muốn.

đức Phật dạy ta thường tưởng niệm các phước báu của ta đã tạo cho chúng ta nhớ và tâm ta khắng khít với việc lành. Lúc gần lâm chung, chúng ta không thấy khổ và không ân hận trong việc làm lành. Được như vậy chúng ta mới tránh được bốn đường ác đạo là súc sanh, ngạ quỷ, A-tu-la và địa ngục.

Người mà kiếp này được giàu sang là nhờ kiếp trước họ có bố thí nhiều nên nay họ hưởng quả lành. Song có người giàu sang mà lo tu hành, còn có người giàu sang mà phóng túng buông lung. Tại sao có 2 hạng giàu sang khác nhau như thế? Là do sự bố thí với tâm sáng suốt hay với tâm si mê, làm phước với tâm sáng suốt là hiểu rõ ràng đời là vô thường, khổ não, vô ngã, làm phước với tâm trong sạch, không mong mỏi được người trả ơn lại, hoặc được giàu sang hay sanh vể cõi trời. Bởi nghiệp duyên chưa dứt, sanh lại kiếp này cũng được giàu sang và nhờ ý nguyện sáng suốt trong khi bố thí nên biết lo tu tập đặng giải thoát luân hồi.

Làm phước với tâm si mê, là tâm rỗng không, không hiểu biết chi hết, hoặc si mê, còn ham muốn ngũ trần là giàu sang, sung sướng. Kiếp này bởi sự si mê ấy mà quên đường tu tập. Với hạng này, luân hồi còn lâu.

Phật ví tâm con người như ngôi nhà đang cháy. Người có tâm sáng suốt lo đem tiền bạc ra lập một cái nhà khác. Người có tâm si mê, không hay biết chi cả, mê trần dục, mê xác thân, mê ngũ trần, không trì giới, không bố thí, cũng như nhà cháy mà không lo đem món chi ra cả, để của cải cháy tiêu hết.

Kết luận.

Bố thí là pháp hành phạm hạnh, để dứt phiền não, dắt dẫn chúng sanh đến nơi an vui, giải thoát.

Thiện tín nên nhớ rằng: bố thí với tâm sáng suốt là bố thí cao thượng, bố thí với tâm si mê thì được phước hữu lậu, còn phải luân hồi trong tam giới.

BÀI 32 MƯỜI ĐIỀU PHẠM HẠNH (tiếp theo)

Tôi xin giảng tiếp về 10 điều phạm hạnh mà điều thứ nhất là bố thí, tôi đã giảng rồi. Nay, tôi xin tiếp mấy điều sau.

2. Phục vụ hay giúp đỡ (veyyāvacca).

Chúng sanh cần hiểu và thực hành các sự giúp đỡ hợp chánh pháp, là sự giúp đỡ không hại người, không hại mình. Giúp đỡ kẻ nghèo thiếu thốn, giúp đỡ bậc xuất gia trong việc tu học. Khi mình giúp đỡ ai là mình gieo duyên lành với người ấy. Trong vô số kiếp, Đức Phật hằng giúp đỡ và gieo duyên lành với tất cả chúng sanh, Ngài kết dây thân thiện trong vô số kiếp.

Những người được Ngài giúp đỡ, chính là Ngài gieo duyên lành, là sự thân mến giữa Ngài với người ấy. Nên khi giác ngộ, Ngài thuyết pháp để độ người rất dễ dàng. Tại sao vậy? Vì những người ấy đã có cảm tình với Ngài từ xưa, chúng ta đây cũng được Ngài giúp đỡ nhưng không được nhiều như các bậc Thánh nhân nên không đắc quả mà chỉ được Giáo Pháp của Ngài để được tiến hóa đến nơi giác ngộ.

Cũng thời pháp sư thuyết mà có vị được thiện tín ưa thích, có vị thiện tín không thích nghe, pháp sư được nhiều người mến là do từ xưa các ngài đã gieo duyên lành với tín đồ ấy. Ta hiểu lý này để khi trông thấy người được nhiều kẻ quý mến không ganh tị, chỉ biết là người ấy có nhiều duyên lành hơn ta. Chúng ta có thể giúp đỡ bằng công sức, nếu chúng ta không có tài đức.

Tích xưa, có vị thái tử nọ đi buôn, lạc vào sa mạc không nước uống, ngài gặp một vị trời dùng ngón tay chỉ ra thì nước tuôn theo, thái tử hỏi:

- Ông có làm phước chi không mà ngày nay có phép huyền bí như vậy?

Vị trời đáp:

- Kiếp trước tôi là người thợ may, ở gần nhà ông bá hộ, thường hay bố thí cho các bậc Sa-môn và kẻ ăn xin. Tôi hay chỉ đường cho các bậc ấy đến trai Tăng và xin ăn nơi nhà ông bá hộ. Tôi giúp có thế ấy thôi. Sau khi chết, tôi được sanh về cõi trời.

Chư thiện tín nên nhớ rằng, mình giúp đỡ với tâm trong sạch, dầu giàu nghèo, phước báu cũng bằng nhau. Sự giúp đỡ là nhân đem đến duyên lành cho ta, ở kiếp này ta có nhiều người thân mến và chúng ta được hưởng nhiều hạnh phúc ở kiếp vị lai. Xin nhắc chư thính giả rằng: không phải đem tiền ra bố thí cho nhiều để cầu danh là có phước nhiều đâu, ý nói rằng: ta giúp đỡ bằng cách nào chẳng hạn, dù công dù của, nhiều hay ít, quan trọng nhất là tâm ta cố làm điều ấy để giúp ích cho người và diệt trừ sự tham sang là phước cao thượng.

3. Ngũ giới (pañcasīla).

Giới là khuôn khổ. Sự trì giới đúng đắn là một phạm hạnh. Đức Thế Tôn thấy rõ ràng các tội lỗi của chúng sanh đều do thân, khẩu, ý mà ra. Bởi vậy Ngài mới đặt ra ngũ giới để ngừa thân, khẩu, ý. Các tín đồ hành theo cho đúng đắn thì được phước báu, được sanh về cõi trời, được giàu sang, được giải thoát, Níp-bàn. Trông thấy người ấy thì biết là người tu vì thấy có giới đức.

Khi giữ giới trong sạch rồi thì tâm mới có thể định, khi đã định thì tuệ mới phát sanh, mới đoạn tuyệt các phiền não, được giải thoát.

  • Kiêng tránh do đối đầu (sampattavirati).

Nghĩa là tác ý tránh xa tội lỗi, khi lâm vào hoàn cảnh có thể phạm tội được nhưng không làm. Ý nói rằng: người không phải là người cố giữ giới, với tác ý tránh xa tội lỗi nhưng khi gặp trường hợp phạm tội, chẳng hạn là sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu, người nhận thấy điều ấy không hợp với lương tâm nên không làm, đó gọi là Sampattavirati.

Theo đây, tôi xin nhắc sơ lược một tích cho dễ hiểu. Trong gia đình của Kaccana (không phải là người thiện nam vì không thọ tam quy), có bà mẹ bị đau, lương y dạy phải có máu thỏ để làm thuốc. Người anh mới sai Kaccana đi gài bẫy bắt thỏ. Kaccana vâng lời anh bắt được một con thỏ, khi vừa ôm thỏ, Kaccana thấy nó rung rẩy lập cập,  ra vẻ kinh sợ. Kaccana nghĩ rằng: con thỏ này sợ chết quá, thấy bộ nó hoảng hốt mà thương hại, tuy nó là con thú nhưng nó cũng ham sống sợ chết như ta, ta nỡ nào giết nó để mưu cầu sự sống cho mẹ ta? Khi Kaccana nghĩ như thế mới thả nó đi. Về nhà người anh hỏi thật, người anh căm giận hăm giết bỏ vì không hiếu kính với mẹ. Kaccana kinh sợ mới ôm mẹ và tỏ mọi sự. Sau khi ấy, Kaccana mới phát nguyện rằng: vì sự hiếu hạnh của tôi, tôi không nỡ giết thỏ, xin nhờ sự lành ấy khiến cho mẹ tôi lành mạnh. Từ ấy trở đi, bệnh của mẹ Kaccana lần hồi thuyên giảm.

Đây để chỉ rõ rằng: Kaccana không cố ý giữ giới từ trước nhưng khi gặp trường hợp lòng thương xót mà phát sanh, không làm tội khi có thể làm được nên gọi là Sampattavirati.

  • Kiêng tránh do tuân thủ (samādānavirati).

Nghĩa là: tác ý cố tránh xa 5 điều tội lỗi, vì cố ý phát nguyện trước ngôi Tam Bảo. Đây chỉ để thấy rằng: điều này khác hơn điều trước là điều trước không cố thọ và không phải là người thiện nam, còn điều này là cố thọ trước mà lại là người thiện nam. Ý của câu này là: người có tác ý muốn xa lánh điều ác, có phát nguyện ra lời, do nơi một nhà sư truyền giới nên gọi là Samādānavirati. Nếu nói về tâm lý thì người này luôn có tác ý lành, cố xa lánh khi chưa gặp trường hợp, nên theo tác ý ấy mà người cố thọ trì trước cao quý hơn không thọ trước, khi gặp hoàn cảnh mới xa lánh.

Có người hỏi tại sao cao quý hơn? Đáp: nếu nói đến tâm cố ngừa điều ác và có phát nguyện thì đủ thấy rằng người ấy là người cố tu tập, sửa lỗi nhiều điều xấu của mình, còn người kia đợi khi tâm thiện nhắc nhở mới xa lánh. Ta cứ trông vào 2 điều ấy thì thấy rõ người cố xa lánh trước là cao thượng hơn.

Tôi xin nhắc một tích. Đến ngày bát quan trai giới, một thiện nam vào thọ giới với một vị Đại Đức, thọ xong ra về. Ông có chuyện cần phải đi vào rừng, lúc ông đi vô ý bị con trăn quấn lấy, trên tay ông có cầm con dao nhưng ông nghĩ rằng: “Vừa khi nãy ta mời thọ giới đây, bây giờ nếu ta giết con trăn này thì ta phạm giới sát sanh, thà ta chết còn hơn”. Rồi người ấy quăng con dao thật xa, bởi sợ còn con dao ở gần lúc bị con trăn siết mạnh không thể nhẫn nại được, rồi sẽ lượm con dao giết trăn. Khi liệng con dao xong, ông niệm lòng từ bi không cột oan trái với trăn. Vì tâm lành ấy hình như cảm động đến trăn nên nó tháo bỏ chạy.

Nhắc tích này để quý vị thấy, người cố ý thọ trì giới có tác ý trước là cao quý hơn. Sự thọ trì trước chư Đại Đức, đó là một điều nhắc nhở gián tiếp để ta giữ lòng ta cho được thanh cao. Quý vị nên nhớ rằng không phải thọ một giới mà thôi, phải thọ đủ 5 điều, nếu biết rằng không thể trong sạch hết nhưng phải cố giữ lần lần rồi được. 5 điều ấy ví như cái nhà có 5 cửa để ngừa đạo tặc, nếu ta đóng một trong 5 cửa, hay 4 cửa trong 5 cửa, còn một kẻ đạo tặc cũng vào trộm được. Một khi đã thọ trì giới luật, thì ta phải cố giữ sao cho trọn mới được.

Vậy quý vị phải tự thương mình, cố giữ mình cho trong sạch, hầu mau giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi.

  • Kiêng tránh do đoạn trừ (samucchedavirati).

Cố tâm xa lánh, đoạn tuyệt, không hề phạm lỗi. Đây chỉ có bậc Thánh nhân mới giữ được điều này.

Đại ý câu này: khi vị nào đắc được một quả trong tứ Thánh rồi thì vị ấy trì giới bất thối, dù phải chết cũng không bao giờ chịu làm cho giới đức của mình bị nhơ đục, đây là nói nhơ đục chứ không phải phạm như ta.

Tôi xin nhắc tích một thiện nam đắc Tu-đà-huờn là Visakha. Một ngày nọ, đức vua muốn ăn thịt chim đa đa. Vua cho đòi một người có giữ giới trong sạch, là ông Visakha, bảo ông làm thịt cho vua ăn. Ông không giết được, ông mở trói thả chim đi và than rằng thà ta chịu tội với vua chớ ta không thể nào giết con vật vô tội được. Vua nhận thấy sự hành động của ông, khen ông giữ giới đúng đắn. Vua tha tội và nói rằng:

- Ta dời nhà ngươi đến chẳng qua là muốn thử nhà ngươi thôi chứ thiệt tình ta muốn ăn thịt chim đa đa. Vậy nhà ngươi có thể kiếm chim đa đa cho ta được chăng?

Ông Visakha đáp:

- Tâu Hoàng thượng, kẻ hạ thần sẽ làm vừa lòng Ngài.

Nói rồi, ông Visakha đi thẳng ra chợ, mua chim đa đa mà người ta làm sẵn, đem về nấu dâng lên đức vua.

Tích này cho ta thấy rằng người có giới hạnh trì giới một tấm lòng cứng rắn, thà sống một giờ mà được cao quý hơn sống ngàn năm không biết giới hạnh.

Giới sánh như chiếc thuyền đưa chúng sanh từ bể khổ đến chỗ an vui. Giới sánh như cái thang để chúng sanh leo lên từ chỗ ta bà khổ não đến nơi cực lạc, giải thoát. Ngũ giới là phạm hạnh, đưa ta từ cõi dục đến cõi trời.

4. Tứ vô lượng tâm (appamaññā).

Tứ vô lượng tâm là từ (mettā), bi (karuṇā), hỷ (muditā), xả (upekkhā).

  • Từ (mettā).

Theo tiếng Pāli, mettā  có nghĩa là sự thân thích thương mến, sự làm lợi ích đến người bạn của mình.

Từ có tính cách đào tạo sự lợi ích chung cho nhân sanh, đó là thật tướng của tâm từ.

Từ có tính cách là thu thập sự lợi ích đem lại cho nhân sanh, đó là phận sự của tâm từ.

Từ có tính cách tiêu trừ sự thù hiềm, đó là quả của tâm từ.

Từ có tính cách thấy rõ chúng sanh đều là người đáng thương mến, đó là nhân của tâm từ.

  • Bi (karuṇā).

Tiếng karuṇā có nghĩa là thương hại. Ý nói, khi thấy chúng sanh, dầu kẻ thù, bị khổ, bằng tâm thương hại, rángg tiêu trừ, dứt khổ cho nhân sanh.

Bi có tính cách tiêu trừ các điều khổ của nhân loại, dầu kẻ ấy là kẻ thù, đó là thật tướng của bi.

Bi có tính cách là không thể điềm nhiên trong khi thấy chúng sanh bị trong vòng thống khổ, đó là phận sự của bi.

Bi có tính cách không bao giờ làm hại chúng sanh nào, dầu kẻ ấy là kẻ thù, đó là quả của bi.

Bi có tính cách là thấy chúng sanh hằng bị khổ dồn dập, chúng sanh là kẻ mồ côi cô độc, không nơi nương nhờ, ấy là nhân phát sanh tâm bi.

  • Hỷ (muditā).

Tiếng muditā có nghĩa là vui vẻ.

Hỷ có tính cách là vui vẻ, hân hoan khi trông thấy kẻ khác được sự lợi ích, dù người ấy là kẻ thù, đó là thật tướng của hỷ.

Hỷ có tính cách là không bao giờ ganh tị với ai, khi thấy người được sự lợi ích, đây là phận sự của hỷ.

Hỷ có tính cách tiêu trừ sự buồn bã hoặc sự không thỏa mãn, đó là quả của tâm hỷ.

Hỷ có tính cách thấy rõ, chúng sanh có được của cải là có được hạnh phúc, đó là nhân sanh của hỷ. Ý nghĩa là: chúng sanh có của cải nhiều sẽ vui vẻ, ta không vì lợi mình mà làm hại sự an vui của kẻ khác.

  • Xả (upekkhā).

Tiếng upekkhā có nghĩa là không quyến luyến một điều gì, hoặc là khi trông thấy sự vui khổ của chúng sanh, tâm vẫn thản nhiên không vui buồn. Vì vui buồn với hoàn cảnh ấy vẫn còn là trong vòng phiền não.

Xả có tính cách đối với tất cả chúng sanh rất công bằng, không vì thương ghét, đó là thật tướng của tâm xả.

Xả có tính cách thản nhiên trước sự được lợi, bị hại của người thân yêu và kẻ thù, đó là phận sự của tâm xả.

Xả có tính cách tiêu trừ sự giận và mừng hoặc thương, ghét đối với tất cả chúng sanh, đó là quả của tâm xả.

Xả có tính cách thấy chúng sanh đều phải thọ quả ác và được hưởng quả thiện của mình đã tạo, đó là nhân của tâm xả.

Người có đủ 4 tâm cao quý trên thì được những quả báu:

* Khi ngủ được an giấc, nghĩa là không lo sợ việc gì.

* Khi thức giấc cũng vui vẻ, vì ngủ được, không sợ người làm hại.

* Không bao giờ ngủ gặp ác mộng, vì tâm không tính ác và nghĩ ác.

* Được kẻ khuất mặt là chư thiên, A-tu-la, ngạ quỷ yêu mến.

* Được nhiều người yêu thương, quý mến.

* Chư Thiên, dầu ác thần cũng hộ trì người ấy.

* Sẽ khỏi bị chết vì sự oán ghét của kẻ khác, hay là bị chết bất đắc kỳ tử.

* Tâm của người ấy sẽ được đắc thiền định lẹ làng.

*  Luôn luôn có một sắc mặt vui tươi, đẹp đẽ.

* Khi sắp lâm chung không bị kinh sợ, vì lẽ không làm tội ác.

* Sau khi chết được sanh về cõi an vui.

Thế thường, người ta dùng quyền lực, dùng sức mạnh để thắng kẻ khác, song sự thắng ấy không bền vững, lâu dài bằng tâm từ, bi, hỷ, xả thắng người. Làm cha mẹ phải có tâm từ, bi, hỷ, xả với con. làm quan vua phải có tâm từ, bi, hỷ, xả với dân.

Tâm từ, bi, hỷ, xả là nhân, là pháp hành để sanh về cõi trời. Tứ vô lượng tâm là phạm hạnh cao quý của bậc trí thức.

5. Xa sự tà dâm (medhunavirati).

Người có giới hạnh đều xa lánh sự tà dâm, là người biết tri túc. Có vợ chồng, không còn ý muốn ngoại tình với kẻ nào khác. Trong gia đình nào có vợ lớn vợ bé, gia đình ấy không khi nào được an vui. Đến khi vợ bé có con càng thêm nhiều oan trái, con hai dòng bất hòa, tranh ăn, tranh sự nghiệp, thưa kiện, gây oán thù. Người đàn bà, dầu cho hiền lương cách mấy cũng không khi nào bằng lòng cho chồng có vợ bé bao giờ, cũng như người đàn ông chẳng bao giờ chịu cho vợ mình ngoại tình.

Sự tà dâm, lắm khi đem đến cho ta nhiều kết quả không hay. Tôi xin nhắc tích Dhammapala về quả báu của sự tà dâm. Có một kiếp nọ, tiền thân của Đức Thích-ca sanh làm con một vị đại phú hào. Ngài tên Dhammapala, rất thông minh và được đi học với một vị giáo sư trứ danh trong thời ấy. Ngài học thật giỏi và có hạnh kiểm thanh cao. Lúc thầy vắng mặt, thì Ngài thay thế trông coi các trò. Ngày kia, con ông thầy chết, tất cả học trò, quyến thuộc và ông thầy đều than tiếc. Riêng Dhammapala vẫn thản nhiên, các trò hỏi:

- Tại sao không thấy buồn?

Ngài đáp:

- Nhà tôi không bao giờ có kẻ chết yểu như vậy. Người còn trẻ mà chết không có gì đáng thương tiếc cả.

Các học trò vào bạch thầy, ông thầy nghe lấy làm lạ mới kêu vào hỏi, Ngài cũng nói thật. Thầy không tin mới lấy xương đem thiêu rồi gói lại. Đoạn ông kêu Dhammapala thay ông coi học trò vì ông có việc đi xa. Ông đến nhà Dhammapala, khi vừa ngồi, ông òa lên khóc. Cha của Dhammapala hỏi. Ông thầy nói:

- Con của ông là Dhammapala thật là một đứa bé có tánh tốt và thông minh, không may bị đau chết, đây là gói xương của con ông đây.

Cha của Dhammapala không nói không buồn, trái lại vỗ đùi cười ngất và nói rằng:

- Có lẽ xương gì chứ không phải xương của con tôi. Con tôi không khi nào chết yểu.

Ông thầy thấy làm lạ mới hỏi tại sao? Ông cha đáp:

- Gia đình chúng tôi hành phạm hạnh là xa lánh sự tà dâm, một vợ một chồng, không bao giờ nghĩ đến sự tà dâm với kẻ khác. Vì lẽ ấy nên trong gia đình tôi không có người chết yểu.

Ông thầy mới thú thật.

Nếu có người hỏi: tại sao cha mẹ tà dâm mà con lại chết yểu, có phải con bị ảnh hưởng việc làm của cha mẹ không?. Không! Vì đức Phật có dạy: người mà sanh làm cha mẹ, anh em không có nghiệp đồng nhau. Cha mẹ là kẻ không có giới đức, chúng sanh nào không có giới đức mới sanh vào làm con, nên nghiệp của con, con chịu. Mà do nơi sự đồng nhau mới sanh ra. Trong một gia đình bẩm tánh và sắc diện của mỗi đứa con đều giống ít nhiều với cha mẹ, là do nơi nghiệp tương phù, đưa đẩy họ gặp gỡ cùng nhau, chẳng khác nào người cờ bạc thường hội họp nhau nơi trường đổ bác, tín đồ Phật tử thường rủ nhau vô chùa nghe Kinh, mỗi người đều có nghiệp riêng của họ tự đào lấy. Ấy là luật công bình thiên nhiên, chớ nên lầm tưởng rằng tội phước do một tha lực nào đem lại cho ta.

Bậc trí thức nên xa lánh tà dâm, ấy là phạm hạnh đưa ta đến chỗ an vui.

BÀI 33 MƯỜI ĐIỀU PHẠM HẠNH (tiếp theo)

Trong mấy kỳ thuyết pháp trước, tôi đã giảng về 5 điều phạm hạnh :

1. Bố thí (dāna)

2. Phục vụ (veyyāvacca)

3. Ngũ giới (pañcasīla)

4. Tứ vô lượng tâm (appamaññā)

5. Xa sự tà dâm (medhunavirati)

Hôm nay, tôi sẽ giảng tiếp tục về 5 điều phạm hạnh sau cùng.

6. Tri túc vợ nhà (sadārasantosa).

Vì ham muốn tình dục nên người đàn ông thường có tội tà dâm. Lòng dục vọng ấy là nhân sanh ra các điều khổ não trong gia đình, lắm khi sanh sự giết hại lẫn nhau. Người làm chồng phải biết tri túc, không ngoại tình để gầy dựng hạnh phúc gia đình cho được an vui và để làm gương tốt cho con cháu. Điều mà mình không muốn đến cho mình thì không nên làm cho người khác. Mình không muốn cho vợ con mình bị người khác dụ dỗ thì mình không nên dụ dỗ vợ con người ta.

Ngoài ra, mình không nên lân la đến những chỗ như ca lầu, tửu quán cho đặng khỏi lãng phí tiền bạc, khỏi bệnh hoạn, khỏi mất phẩm hạnh của mình.

Trong Kinh dạy về 38 pháp hạnh phúc, có tích vị thái tử nọ, đã có vợ nhưng không biết tri túc. Thái tử lén lút với một bà phi trong cung. Vua cha hay được, đuổi thái tử ra khỏi cung, vợ thái tử là một vị công chúa cũng theo chồng vào rừng, đặng lo cung phụng chồng. Trong rừng thuở ấy có giống Kinnari rất đẹp, như một người con gái. Giống ấy khi gắn cặp cánh vào thân là bay được. Khi gần con Kinnari, thái tử vì lòng ham dục, lại muốn con Kinnari và theo nó hoài, bà vợ can gián thế nào cũng không được. Bà công chúa thấy chồng đành bỏ mình, không biết làm sao nên rất buồn tủi. Lúc về, bà tìm đến hầu một vị đạo sĩ. Vị ấy khuyên bà nên tự chủ lấy mình, không nên buồn. Bà công chúa nghe lời về đi tu và đắc được tứ thiền.

Nói về thái tử, mãi lo mê con Kinnari nên đi sâu vào rừng, rồi nó ráp cánh bay mất, bỏ thái tử ở lại một mình. Buồn rầu, thái tử tính trở về với người vợ cũ. Khi ông đến chỗ bà công chúa tu, bà khuyên ông không nên trở lại làm gì, nói rồi bà cũng bay đi mất. Thái tử rầu rĩ khóc lóc, than phiền với vị đạo sĩ ấy là tiền thân của Đức Phật.

Tích này nói rằng: người làm chồng mà không biết tri túc thì có lắm điều tai hại, bị người khác khinh khi, ruồng bỏ, vì tham tình dục rốt cuộc lại mất người vợ hiền.

7. Tinh tấn (viriya).

Đức Thế Tôn dạy phải cố siêng năng, không lười biếng trong việc làm thiện. Trong Kinh Sīhanādasutta, bộ Majjhimanikāya Mūlapaṇṇāsaka, Đức Thế Tôn nhắc cho Ngài Sārīputta nghe rằng: lúc Ngài hành khổ hạnh 6 năm cho đến khi lãnh cơm nấu với sữa, khi ấy Như Lai hành hết sức tinh tấn, không một ai bì kịp. Vì vậy, Đức Thế Tôn gọi tinh tấn là phạm hạnh. Trong bộ Aṅguttaranikāya Dukanipāta, Đức Thế Tôn có dạy rằng: “Này các thầy Tỳ-khưu, khi Như Lai còn là vị Bồ-tát hằng ở trong sự cố gắng, không thối chuyển, mong được quả vô thượng là ngôi Chánh Đẳng Chánh Giác mới cố hành pháp tinh tấn: da hay gân hoặc xương, xin cho nó còn lại, còn thịt và máu lần lần tiêu diệt đi. Một đặc ân cao thượng mà ngươi phải được, bằng sự tinh tấn, bằng cố gắng của người. Nếu Ta đắc được đặc ân ấy, Ta không hề bỏ cố gắng để trở thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác mà Như Lai được đây, bởi nhờ sự không dể duôi với pháp giải thoát vòng trầm mịch”.

Theo câu này, tôi dịch Kinh Phạn nên khó hiểu. Tóm lại như thế này, Đức Thế Tôn nói: da, gân và xương không thể tiêu đi được, chỉ có thịt mới tiêu, vậy ta sẽ ráng hành đạo, dầu cho thống khổ đến đâu, như phải ốm cho đến khi hết thịt, chỉ còn da, gân và xương, Ta cũng chẳng nài. Nhất định nêu không thành Phật thì không đứng dậy khỏi cội bồ-đề.

Con người không có tinh tấn, là vì có tánh lười biếng, bởi lười biếng nên không làm được việc gì. Những nhân sanh lười biếng là :

* Viện lẽ mệt, không làm phận sự.

* Viện lẽ buồn ngủ, không làm phận sự.

* Viện lẽ bệnh, không làm phận sự

* Viện lẽ vừa hết bệnh, không làm phận sự.

* Viện lẽ đói quá, không làm phận sự.

* Viện lẽ no quá, không làm phận sự.

* Viện lẽ nóng quá, không làm phận sự.

* Viện lẽ lạnh quá, không làm phận sự.

Tám cái nhân ấy làm cho con người không tinh tấn được. Vậy ta cần phải siêng năng, cố gắng làm việc không gián đoạn. Sách có câu “Thế thượng vô nan sự, nhân tâm tự bất kiên”, nghĩa là “trên đời không có cái gì khó, chỉ lòng ta không bền”. Tu cho đến thành Phật là một điều khó, mà xưa nay biết bao nhiêu Đức Phật đã ra đời. Núi tuy cao nhưng nếu chúng ta cố leo lên thì cũng có lúc bàn chân ta cũng đạp trên chót núi được.

Tôi xin nhắc tích ông Cakkhupāla[12] ở bộ Dhammapada quyển một. Ông Cakkhupāla trước kia tên là Mahāpāla, là người giàu có, sau khi cha mẹ chết, ông vào chùa nghe pháp. Khi nghe pháp, ông tự nghĩ vợ con, tiền bạc cũng không theo mình về ngày vị lai được, vậy ta đi xuất gia. Ông vào xin xuất gia, Đức Thế Tôn không cho vì quyến thuộc của ông chưa bằng lòng.

Ông về kêu người em lại, giao cho tất cả tài sản và nói với em rằng :

- Đây, những gia sản này anh cho em hết, em giữ lấy mà xài.

- Còn anh đi đâu?

- Anh xuất gia.

- Anh nói sao thế? Khi mẹ chết thì em tin tưởng anh như mẹ, khi cha chết thì em tin tưởng anh như cha. Gia tài rất nhiều, vậy anh làm phước không được sao mà phải đi xuất gia?

- Anh đã nghe Đức Phật thuyết pháp nói về vô thường, khổ não, vô ngã rất vi tế. Trong gia đình không thể hành theo pháp giải thoát được. Vậy anh phải xuất gia để thực hành theo Chánh Pháp.

- Anh ơi, hiện giờ anh còn trẻ trung, tinh thần tráng kiện vậy hãy đình lại, để chừng nào già rồi xuất gia.

- Này em, dù cho tay chân của ta, ta bảo nó đừng già, nó vẫn cứ già, thì em nghĩ coi có quyến thuộc không ích gì cả. Tay chân của kẻ nào bị già xâm chiếm (yếu, rung), người ấy không làm được nữa vì kiệt lực, chừng ấy có thể nào hành theo pháp giải thoát được. Vậy nên anh xuất gia.

Người em khóc than, cản trở cách mấy cũng không được, ông vẫn cương quyết ra đi.

Sau khi xuất gia, ông học với Đức Thế Tôn 5 năm về thiền định. Giỏi rồi, ông cùng với 60 vị Tỳ-khưu đi đến một nơi nọ, cách xứ Sāvatthi 120 do tuần. Đến một xóm nọ, người trong xóm thấy chư sư có hạnh kiểm trang nghiêm mới thỉnh ở lại nhập hạ nơi ấy. Ngày nhập hạ, ông Cakkhupāla hỏi các vị Tỳ-khưu rằng:

- Vậy trong hạ này các thầy hành đạo cách nào?

- Bạch ngài, chúng tôi hành theo sự tinh tấn trong tứ oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi không biếng nhác.

- Này các thầy, vậy tạm được. Chúng ta được đấng Giác Ngộ dạy về thiền định, ta không nên khoe mình, ỷ lại, phải ráng hành theo cho đáng với công của Ngài. Vậy xin các thầy không nên dể duôi.

- Còn ngài, ngài hành như thế nào?

- Riêng tôi trong hạ này, tôi hành 3 oai nghi là nhất định không nằm.

- Quý hóa thay, chúng tôi rất phục ngài. Xin ngài cứ tinh tấn.

Ông Cakkhupāla không nằm được một tháng thì bị đau mắt vì ít ngủ, nước mắt chảy hoài. Các thầy Tỳ-khưu hỏi, ngài nói là ngài đau mắt. Có thầy thuốc chuyên môn đến chữa nhưng vì ngài không chịu nằm xuống nhỏ thuốc nên bệnh không hết. Thầy thuốc yêu cầu ngài nằm nhỏ thuốc thì mới mạnh để hành đạo được. Yêu cầu ngài nhiều lần, ngài nói để ngài hỏi lại quyến thuộc ngài. Ý ngài nói là để hỏi lại tâm ta, rồi ngài tự hỏi: “Này Palita, ngươi hãy trả lời coi, ngươi trọng con mắt hay là Giáo Pháp cao siêu. Trong vòng luân hồi không biết đâu là ban sơ, đâu là cùng tột, còn về kiếp đui của người tính ra không cùng, dầu cho bậc Giác Ngộ cũng không thể cho ngươi hết kiếp đui của ngươi. Ngươi đã có nguyện rằng: người sẽ không nằm trong 3 tháng, vì vậy, dầu mắt ngươi có nổ, có mù cũng mặc kệ. Hãy tin giáo lý của đấng Thế Tôn làm tròn. Mắt mà ngươi chấp của ta hư hoại đi, hoặc tất cả cơ quan ở thân này dù có hư hoại hết cũng mặc kệ. Này Palita, tại sao ngươi lại dể duôi? (nó đã tiêu hoại nhiều kiếp rồi và kiếp này nó cũng tiêu hoại, ngươi đừng mê say nó mà dể duôi)”. Ngài không chịu nằm nhỏ thuốc, mắt ngài đui đi, nhưng khi vừa đui thì tuệ nhãn phát sanh thấy được tứ đế, đắc quả Níp-bàn.

Tôi nhắc tích này để chư thiện tín lấy đó làm gương, cố tinh tấn, không vì một lẽ nào mà xao lãng. Xem gương một người anh cao quý hy sinh cả gia đình, tài sản để tìm con đường giải thoát cho mình, vậy trong chúng ta có ai nghĩ đến không? Nếu có, chắc là trong lúc chưa nghe đây thôi, chừng về tới nhà, bị những vui thích trong vòng tài, sắc, danh, lợi thì quyên hẳn đi, rồi đâu lại vào đấy, không đủ chí cương quyết để tự đem mình ra khỏi vòng thống khổ.

Ấy vậy, sự tinh tấn là phạm hạnh kéo chúng sanh ra khỏi vòng khổ não và đưa chúng sanh đến nơi giải thoát.

8. Bát quan trai giới (uposatha)

Là pháp so sánh như lửa để thiêu đốt các nhân sanh ra phiền não, là 8 sự cố gắng để lánh xa các tội lỗi.

* Cố ý lánh xa sự giết hại sinh mạng (pāṇātipātā veramaṇī)

* Cố ý lánh xa sự lấy, cướp của mà người khác không cho bằng thân hay khẩu (adinnādānā veramaṇī)

* Cố ý lánh xa sự phi  phạm hạnh (thông dâm) (abrahmacariyā veramaṇī)

* Cố ý lánh xa sự nói dối (musāvādā veramaṇī)

* Cố ý lánh xa sự uống rượu và các chất say (surāmerayamajjapamādaṭṭhānā veramaṇī)

* Cố ý lánh xa sự ăn sái giờ (vikālabhojanā veramaṇī)

* Cố ý lánh xa sự múa hát, đờn kèn hoặc nghe kẻ khác đờn ca, múa hát, xức dầu thơm, dồi phấn thoa son và đeo nữ trang (naccagītavāditavisū-kadassanamālāgandhavilepanadhāraṇamaṇḍanavibhūsanaṭṭhānā veramaṇī)

* Cố ý lánh xa sự nằm ngồi cao sang (uccāsayanamahāsayanā veramaṇī)

Năm giới đầu thuộc về ngũ giới (pañcasīla) nhưng có khác giới thứ 3 là xa lánh sự thông dâm. Theo nguyên văn Phạn nói là: lánh xa sự phi phạm hạnh, nghĩa là: người hành phạm hạnh không khi nào còn gần một người phụ nữ, dầu người ấy là vợ nhà. Ngày thọ bát quan trai giới là ngày tạm xuất gia của hàng cư sĩ, nên gắng hành theo như bậc xuất gia. Hơn nữa, sự gần một người phụ nữ, Đức Thế Tôn dạy không phải là sự giải thoát, không cao thượng, nhưng lòng tham dục của con người không cao thượng từ vô số kiếp mà hãy còn mãi mãi về sau. Vậy, Ngài dạy ta cố xa lần để đi đến nơi cao thượng. Hàng phụ nữ cũng như nam nhân, đối với chồng cũng không phải là pháp giải thoát. Tóm lại, người nam hay người nữ hành đúng theo pháp thanh khiết, cao quý là phạm hạnh vậy.

Tại sao không nên ăn sái giờ? Ngày thọ bát quan trai giới, thiện tín ăn cơm buổi sáng mà thôi, buổi chiều nghỉ. Từ vô số kiếp, chúng ta đã tham ăn, bây giờ tập lần trước nhất mỗi tháng 2 ngày, rằm và mồng một ăn một bữa thôi, để mà chi? Để bụng đói được nhẹ nhàng và dành riêng thì giờ ấy để tham thiền và tưởng niệm ân đức Phật.

Tại sao không nên múa hát, đờn ca, dồi phấn, xức dầu thơm, và đeo nữ trang? Vì nghe hát, nghe đờn là cái nhân sanh ra tình dục, làm xao lãng tâm trí người tu hành. Còn sự tự mình ca hát thường bộc lộ sa ngã về tình dục ở lòng mình, vì tiếng ca hát phần nhiều là lời kêu gọi về tình đủ mọi cách, còn nếu chính ta hát lại càng kích thích dục tình thêm lên. Vì vậy nên Đức Thế Tôn dạy không nên ca hát và cũng không nên đi coi hát. Trang điểm, phấn son, dầu thơm và đeo nữ trang là vì lòng thương mình rất lớn, muốn cho người ta thương mình, ấy là bộc lộ lòng ái dục, ngoài sự lãng phí mất thời gian mà mình còn tự dối mình, dối người, như mình đẹp ít, ráng trang điểm để người ta thấy mình đẹp nhiều hơn, chẳng khác mình quên mình đã  già và tìm cách giấu cái già ấy. Muốn còn đẹp hoài về vật chất, mà quên lo trao dồi cái đẹp về tinh thần. Đẹp về vật chất là vô thường, còn đẹp về tinh thần là sự nhẫn nại, là cái “nhân” của các phước báu.                                                                                                  

Tại sao không nên nằm ngồi chỗ cao sang? Là vì muốn ngăn ngừa sự ham muốn phát sanh lòng thương yêu bồng bột, làm sao lãng sự tu tập. Có khi chư thiên dùng đờn kèn cúng dường đức Phật. đức Phật dạy chư Tỳ-khưu rằng: “Đức Thế Tôn không cho đờn kèn, múa hát là giải thoát, vì các sự cảm xúc ấy không đem người đến chỗ giải thoát được”.

Trong kinh Kim Cang có câu “Nhược dĩ sắc kiến ngã dĩ âm thinh cầu ngã, thị nhơn tà đạo, bất năng kiến Như Lai”, nghĩa là: nếu sắc thấy ta, dùng tiếng cầu ta, là tà đạo, không thể thấy Như Lai. Chư thiện tín khi thọ bát quan trai giới, hãy cố gắng hành theo trong 24 giờ, hành cho tinh tấn, chẳng nên xao lãng.

Ngày thọ bát quan trai giới là ngày phải ráng hành phạm hạnh như bậc Thánh nhân, tâm hằng suy niệm ân đức Phật, Pháp, Tăng, quán tưởng và suy xét tội lỗi, ăn năn, sám hối, không trang điểm là cố ý diệt trừ sự xa hoa trần tục, gọi là Ariyuposatha, bát quan trai giới của bậc Thánh nhân.

Tích xưa, có bà Visākhā hỏi các bà già:

- Các bà thọ bát quan trai giới, ý các bà muốn được gì?

- Tôi muốn sau này được sanh về cõi trời.

Rồi bà hỏi các cô phụ nữ có chồng:

- Quý cô thọ bát quan trai giới, ý các cô muốn gì?

- Tôi nguyện cho sanh được trai đầu lòng.

Bà hỏi các cô gái chưa chồng, các cô trả lời:

- Nguyện được chồng giàu sang, xinh đẹp và biết thương vợ.

Bà Visākhā vào bạch hỏi Đức Thế Tôn vì sao chúng sanh thọ bát quan trai giới? đức Phật đáp:

- Này Visākhā, lẽ cố nhiên của các pháp có sự sanh là nhân dẫn nhân sanh đi. Sanh đưa đến chỗ già, già đưa đến chỗ đau, đau đưa đến chỗ chết. Chết sẽ đứt đoạn sanh mạng của mình, ví như người chặt cây khô bằng búa bén. Dầu vậy, không có chúng sanh nào muốn nguyện đến Vivatta-thoát vòng luân hồi- chỉ mãi mê say theo luân hồi mà thôi.

Nói xong, Đức Thế Tôn  mới dạy câu kệ rằng :

“Yathā daṇḍena gopālo

Gāvo pāceti gocaraṃ

Evaṃ jarā ca maccū ca

Āyuṃ pācenti pāninaṃ”[13].

Ý Đức Thế Tôn dạy rằng: ngày ngày của chúng ta bị thời gian thâu mất tuổi thọ của chúng ta ngắn lại và một ngày kia sẽ đi đến chỗ chết.

9. Thánh đạo (ariyamagga)

Thánh đạo hay Chánh đạo là 8 con đường từ Chánh Kiến trở đi. Nhưng Bát thánh đạo và Bát chánh đạo có ý nghĩa khác nhau đôi chút: Bát chánh đạo là 8 con đường chánh, người hành theo lẽ chánh nhưng người ấy chưa đắc được một quả Thánh nào trong 4 quả Thánh nên gọi là 8 con đường chánh. Còn Bát thánh đạo là 8 con đường cũng từ Chánh Kiến trở đi nhưng người hành ấy đã đắc được một quả trong 4 quả Thánh. Nên có tên riêng biệt để dễ nhận thức.

Đối với tín đồ Phật Giáo, chúng ta gọi Bát chánh đạo là con đường chánh để dẫn dắt chúng sanh đến nơi giải thoát. Con đường ấy có 8 nhánh :

  • Chánh Kiến (Sammādiṭṭhi)

là sự thấy chơn chánh, hiểu rõ lý của tứ diệu đế. Thân này là khổ, nguyên do sự khổ là do lòng ham muốn, sân hận, si mê. Muốn diệt các sự khổ cần phải theo bát chánh đạo.

  • Chánh Tư Duy (Sammāsaṅkappo

 là suy nghĩ chân chánh, không oán thù, không cột oan trái, tìm phương cách ra khỏi vòng tài, sắc, danh, lợi, vì đó là ngũ trần trói buộc.

Hai điều này thuộc về Trí tuệ (Paññā).

  • Chánh Ngữ (Sammāvācā)

là không nói dối, không nói lời đâm thọc, không nói lời vô ích, không chửi rủa, mắng nhiếc.

  • Chánh Nghiệp (Sammākammanto)

là các việc làm chánh, không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm.

  • Chánh Mạng (Sammā-ājīvo)

là nuôi mạng sống chơn chánh, không bán vũ khí, không bán người, không bán thú vật, không bán chất say, không bán thuốc độc.

Ba điều này thuộc về giới (sīla).

  • Chánh Tinh Tấn (Sammāvāyāmo)

là siêng năng không cho các ác pháp sanh ra ở trong tâm, cố gắng diệt trừ các ác pháp đã sanh, cố gắng gìn giữ các pháp lành đã sanh ra trong tâm, cố gắng làm cho các pháp lành sanh ra trong tâm.

  • Chánh Niệm (Sammāsati)

là niệm nhớ chơn chánh, là niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp. Nên niệm bằng tâm vì tâm hằng phóng túng.

  • Chánh Định (Sammāsamādhi)

là hành cho đắc được đến tứ thiền.

Ba điều này gọi là Định (Samādhi).

10. Phật ngôn (Sāsana)

Phật ngôn là những lời dạy quý báu của đức Phật đã khẩu truyền, là 8 muôn 4 ngàn pháp môn của đức Phật gồm 3 tạng Kinh, Luật, Luận. Như trong Kinh có bao nhiêu bài, mỗi bài có bao nhiêu pháp môn, mỗi pháp môn có bao nhiêu chữ đều ghi chép hẳn hòi, các nhà sư theo đó mà đọc, không thêm không bớt. Dầu Kinh bằng tiếng Phạn, tiếng Lào, tiếng Thái thì cũng giống nhau như một, chứ không phải vì dịch ra tiếng khác mà được phép thêm bớt chữ trong Kinh mà đức Phật đã giáo truyền.

Bởi vậy, chư thiện tín nên thận trọng trong sự khảo cứu kinh điển không nên tin vội. đức Phật trước khi Níp-bàn, Ngài biết trước sau này có kẻ lợi dụng danh hiệu Ngài đặt ra những bài huyền hoặc không hạp với tôn chỉ của Ngài rồi cũng nói là lời của Đức Phật.

Đức Thế Tôn dạy: “Chớ nên vội tin những lời mà sau này người ta nói là lời của Như Lai. Các đệ tử nên cần phải suy xét coi lời ấy có đúng với chân lý không. Lời nào không đúng với chân lý thì không phải lời của Như Lai”.

Ta làm sao nhận thức được đâu là giáo lý của Đức Thế Tôn? Đức Thế Tôn có dạy Đại Đức Upāli rằng: “Này Upāli, những pháp nào của Như Lai dạy có đủ 7 điều là :

* Hành theo pháp ấy, lòng chán nản (sanh, tử, luân hồi) phát sanh.

* Hành theo pháp ấy để dứt lòng tham ái.

* Hành theo pháp ấy để tắt tất cả phiền não.

* Hành theo pháp ấy để cõi lòng thanh tịnh.

* Hành theo pháp ấy để đắc được lục thông.

* Hành theo pháp ấy để được giác ngộ.

* Hành theo pháp ấy để thấy rõ Níp-bàn.

Nếu hành theo pháp nào mà trái ngược với 7 pháp này thì đó không phải là Phật Pháp”.

Hơn nữa, Đức Thế Tôn có thuyết cho bà Gotamī biết để nhận định điều nào là của Phật, điều nào là không phải. Gọi là để nhận định Phật ngôn và tà thuyết có 8 điều[14] :

* Ime dhammā  sarāgāya saṃvattanti: những pháp nào hành tăng trưởng lòng dục (no virāga).

* Saṃyogāya saṃvattanti: những pháp nào hành làm cho thêm khổ.

* Ācayāya saṃvattanti: những pháp nào làm cho phiền não càng tăng thêm (no visaṃyoga).

* Mahicchatāya saṃvattanti: những pháp nào hành theo càng làm cho lòng ham muốn nhiều (no pacaya).

* Asantuṭṭhiyā saṃvattanti: những pháp nào hành theo không tri túc, trái lại còn muốn nhiều thêm (no santuṭṭhī)

* Saṅgaṇikāya saṃvattanti: những pháp nào hành theo càng có nhiều sự thân cận với bạn ác (nhiều bạn, nhiều quyến thuộc không hành đạo được) (no paviveka)

* Kosajjāya saṃvattanti: những pháp nào hành theo càng thêm lười biếng (no viriyārambha)

* Dubbharatāya saṃvattanti: những pháp nào hành theo càng làm cho người khó nuôi (no subhāratā)

Neso dhammo neso vinayo netaṃ satthusānan’ti: ấy không phải là Kinh, là Luật, không phải là lời giảng của bậc Đạo Sư.

Quý vị thử xét, như có Kinh nào dạy khi niệm Phật thì tai qua nạn khỏi, kinh ấy có phải là Giáo Pháp của đức Như Lai không? Nếu Kinh nào dạy niệm Phật thì được Ngài rước nhập Níp-bàn hay là về cõi trời, kinh ấy có phải là Pháp môn chăng?

Tôi xin trả lời: Kinh ấy không phải là pháp môn của đức Phật Thích-Ca giáo truyền. Vì kinh dạy như thế trái với tôn chỉ của Đức Phật.

đức Phật có dạy niệm Phật nhưng Ngài không dạy niệm Phật để tiêu tai giải nạn. Phải chăng Đức Phật biết rằng tâm của nhân sanh hằng phóng túng theo những cảnh trần, tham mê tài, sắc, danh, lợi nên Ngài dạy pháp niệm Phật để kéo tâm lại và ngừa đừng cho phóng túng.

Chúng ta không thể ngụy biện rằng: đức Phật có nhiều thần thông tiếp độ chúng sanh, nếu chúng ta nói thế, tức là chúng ta phao vu cho đấng Giác Ngộ.

Tại sao tôi dám nói như vậy? Vì tôi nhận thấy trong tạng Luật, Đức Thế Tôn không cho các bậc Thinh Văn dùng thần thông hoặc sự huyền bí như bùa phép để thâu phục tín đồ. Vị nào phạm điều ấy là phạm tội tác ác (dukkata). Vị nào dùng những thần thông hay tà thuật mà được người cúng dường, vị ấy dùng đồ cúng dường như vậy là dùng những vật bất tịnh. Và nếu nói rằng người niệm hồng ân đức Phật thì được Ngài tiếp độ, vậy lòng từ bi của Ngài có rộng lớn không? Chư thiện tín hãy tự nghĩ xem. Vậy tâm Ngài có thương riêng một cá nhân không?

Bây giờ xin hỏi lại: tại sao Ngài không muốn chúng sanh tin nơi thần thông của Ngài? Vì Ngài không muốn chúng sanh ỷ vào nơi tha lực, Ngài dạy rằng tự mình tìm Giác Ngộ lấy mình. Ngài chỉ là hướng đạo, nói cho đúng, Ngài chỉ muốn nói rằng: “Các con ăn thì các con no, chớ Như Lai không thể ăn thế cho các con”.

Ai là tín đồ Phật Giáo Nguyên Thủy xin hãy ráng nâng cao tinh thần Phật Giáo, nên dùng trí thẩm xét thêm lên, nên thấy sự thực tế, không nên ỷ lại nơi tha lực. đức Phật là người tìm ra lửa, quý vị muốn sáng hãy tìm củi khô lại mà thôi, nghĩa là đức Phật tìm được con đường Giác Ngộ là lửa, quý vị muốn được Giác Ngộ thì hãy hành theo, cũng như muốn sáng hãy đem dầu, đèn đến mồi đem ánh sáng về cho mình.

Nếu nói rằng: ta tùy duyên mà giáo hóa tin đồ, vì căn cơ họ còn thấp kém, không thể nói vậy được vì người có nhiệm vụ thay thế Đức Thế Tôn dẫn dắt chúng sanh đến chỗ cao, nếu cứ tùy căn duyên thì bao giờ người thấp mới hiểu được đạo.

Khi xưa, Đức Thế Tôn có tùy trình độ mà dạy chúng sanh nhưng không chỗ nào Ngài dạy tin nơi oai lực của Ngài cả. Như trong Pháp Cú Kinh, Đức Thế Tôn có dạy con gái ông triệu phú Cấp Cô Độc là cô Subhaddā và Ngài Đại Đức Vaggali rằng: người nắm chéo y ta mà không thực hành theo chánh pháp cũng bằng xa ta ngàn dặm. Câu này, khi dòng tộc Thích-Ca bị Vidūdabha sát hại lúc Ngài còn tại thế, Ngài biết đó là nghiệp nên vẫn thản nhiên.

Vậy chúng ta muốn hành theo chánh đạo, hãy dùng trí tuệ suy nghĩ cho thấu đáo, đừng tin vội mà phải lầm lời ngụy biện của kẻ lợi dụng giáo lý của đức Giáo Chủ đưa ta đi lạc đường.

Phật Giáo Nguyên Thủy dạy phải tin ở chân lý, dùng trí tuệ quan sát làm chủ. Tôi biết: nói không nhờ tha lực thì phật lòng tín đồ nhưng tại sao tôi không chiều theo? Vì tôi tự thấy tôi phải để tất cả mọi vật, dù đời sống của tôi dưới nền chánh đạo, phải làm sao tín đồ thấy, hiểu rõ chánh Pháp, không lợi dụng, ngụy biện bao giờ và tôi hết sức tin rằng hiện giờ tinh thần dân chúng đạt tới trình độ thực tế, không chịu tin mơ hồ như trước.

Nếu niệm Phật mà được tai qua nạn khỏi thì những người không niệm Phật ắt bị tai nạn cả sao? Những tai nạn xảy ra đến cho mình là do nơi nghiệp của mình từ kiếp trước, hoặc do cái nhân mình tạo ở kiếp này. Nếu hằng ngày mình làm những điều ác, thì chắc chắn rằng thì mình sẽ thọ những quả ác, nó đến với mình thì không thần thánh nào cứu được. Bởi có câu: lành, dữ đều trả quả như bóng theo hình.

Kết luận.

Mười điều phạm hạnh đến đây là hết. Tôi khuyên chư thiện tín nên coi đi coi lại 10 điều quý báu ấy của Đức Phật dạy để hành theo. Đó là pháp cần coi đi coi lại hoài, cần để tâm suy xét, vì phạm hạnh là hạnh cao quý, dắt dẫn chúng sanh đến chổ an vui và giải thoát.

BÀI 34 BÁO ƠN CHA MẸ VÀ LỄ QUY Y

Thời pháp hôm nay tôi sẽ giảng về sự đền đáp ơn cha mẹ và tại sao phải quy y.

Đức Thế Tôn có dạy 3 pháp gọi là Sappurisapaññatti, nghĩa là các bậc trí thức dạy, hãy nói cho dễ nghe, các bậc trí thức thực hành và dạy chúng sanh hành theo 3 pháp Sappurisapaññatti là:

* Bố thí - dāna

* Xuất gia - pabbajā

* Phụng dưỡng cha mẹ - mātāpitu-upaṭṭhāna

Riêng về hôm nay, tôi muốn giải thích rõ nhất chỗ phụng dưỡng cha mẹ vì đây là cuộc lễ chúc thọ một ông thiện nam làm cầu phước cho thân mẫu. Sau hết tôi sẽ giải thích về sự quy y. Vì hôm nay cũng có nhiều vị thí chủ nam nữ phát nguyện quy y.

I. Báo ơn cha mẹ

1. Bố thí - dāna.

Bậc trí thức cần phải hiểu và hành theo pháp bố thí. Đã nhiều lần đức Phật dạy phải bố thí, không nên bỏn xẻn. Người bỏn xẻn là người không muốn đem tiền ra cho ai hết, người thiếu lòng thương xót kẻ khác.

Tại sao người ta bỏn xẻn? Là tại họ không quán tưởng, suy xét rằng: các vật trên đời này là vô thường, không trường tồn được. Khi ta chết, ta không đem theo của cải theo được, nhà cửa, sự nghiệp của ta sẽ về tay người khác, rồi sẽ tiêu hoại dần. Ta bỏn xẻn vì tâm ta say mê theo của cải, lúc lâm chung ta phải sanh lại mà giữ của ấy. Vì vậy Đức Thế Tôn dạy: “Lòng bỏn xẻn che ám tâm ta không trông thấy sự vô thường”.

Tích xưa, có vị Tỳ-khưu có một bộ y đẹp. Lúc nọ ông bệnh, khi gần chết, ông nhớ đến bộ y của mình. Sau khi chết, ông sanh làm con rận trong bộ y ấy. Khi các Tỳ-khưu khác đem vật dụng của ông ra chia thì con rận trong bộ y la rằng các thầy Tỳ-khưu giựt y của nó. Đức Thế Tôn nhờ có thiên nhĩ thông, nghe và hiểu con rận, Ngài không cho chia y. Liền khi ấy, Ngài chế ra điều luật không được chia đồ vật liền sau khi vị Tỳ-khưu quá vãng, phải chờ 7 ngày sau mới được phép chia y. Tích này được ghi chép trong tạng Luật.

Tích này chỉ cho chúng ta thấy, chúng ta phải luân hồi mãi mãi vì tâm chúng ta còn mến tiếc ngũ trần lục dục. Nhất là lúc lâm chung, sự mến tiếc ấy kéo chúng ta đi đầu thai lại để giữ của ấy.

Theo lời Đức Phật dạy, chúng ta nên bố thí để gieo duyên lành, để gây thiện cảm với chúng sanh, để hồi hướng phước báu đến cho những người thân yêu của chúng ta.

2. Xuất gia - pabbajā.

Đức Thế Tôn thấy rõ chúng sanh hằng vui thích trong tài, sắc, lợi, danh, vì vậy chúng sanh luôn luôn phải khổ. Tài, sắc, danh, lợi chẳng khác chi mật ong thoa trên lưỡi dao bén. Trẻ con ham ngọt mà phải đứt lưỡi. Mồi phú quý, bã vinh hoa đối với chúng sanh chẳng khác nào trẻ con ưa ngọt vậy.

Sự ham muốn của con người không bờ bến, không biết đủ. Lòng tham muốn ví như lửa, mồi vinh hoa phú quý ví như củi, dầu củi rơm, củi sao, củi thông, hễ gặp lửa là bốc cháy. Bởi thế, chúng sanh còn luân hồi mãi mãi, vì nghiệp ác chất chồng không biết đời nào kiếp nào mới giải thoát.

Đức Thế Tôn dạy, muốn giải thoát cần phải xuất gia. Người xuất gia là người cố xa lánh lửa tham dục, không đeo đuổi tài, sắc, lợi, danh, là người tì hạnh phúc ở cõi lòng thanh tịnh. Do đó, tâm từ bi nở sanh ra, người xuất gia được an vui ở kiếp hiện tại và sẽ được hoàn toàn giải thoát trong ngày vị lai.

Tích xưa, có thầy Bà-la-môn nọ kiếm con trâu đi lạc, gặp đức Phật và hỏi :

- Này ông Cồ-đàm, ông có thấy con trâu của tôi chạy ngang qua đây không.

- Nhà ngươi đi tìm một vật không đáng tìm, nhà ngươi nên tìm nhà ngươi mới phải.

- Ông nói gì lạ vậy, tôi không hiểu.

- Nhà ngươi nên tìm nhà ngươi, khi tìm được ngươi, nó đem lại hạnh phúc và sự an vui cho ngươi. Chúng sanh hằng tìm kiếm những điều đem lại khổ não, không nhớ đến sự tìm mình. Mà hạnh phúc ở cõi đời ta cần tìm nó ở trong cõi lòng ta.

Thầy Bà-la-môn sau khi nghe Đức Phật giảng, được giác ngộ, thấy rõ rằng: “Từ xưa đến nay, y chỉ tìm những vật ở ngoài cái ta, vì quên mình, tìm những cái không phải của ta nên đau khổ mãi mãi. Nếu không may gặp được đức Phật thì vẫn còn tìm cái giả và còn luân hồi mãi”. Khi ấy, thầy hết lòng thành kính và xin quy y Tam Bảo.

3. Phụng dưỡng cha mẹ - mātāpitu upaṭṭhāna.

Phận sự làm con thì phải đền đáp công ơn cha mẹ. Sự phụng dưỡng cha mẹ, các bậc trí thức, nhất là đấng Giác Ngộ hằng khen ngợi và Ngài dạy rằng: “Đó là một hạnh mà các Đại Bồ-tát hằng thực hành và dạy người hành theo trong mỗi kiếp”.

Như có một kiếp nọ, ông đạo sĩ Sonapadita (là tiền thân của Phật Thích-ca) dạy các nhà vua về sự thực hành mà chúng sanh ít người thực hành theo được. Chỉ có người làm mẹ mới thực hành theo được mà thôi. Có câu kệ Pāli thật dài nhưng ở đây tôi xin nói đại ý (câu kệ này trong Túc sanh truyện Sanananda): cha mẹ hy sinh các hạnh phúc cho con. Một khi bà mẹ biết trong mình đã thọ thai, chưa biết mặt con ra sao nhưng lòng vẫn băn khoăn, lo sợ, hằng van vái cho cái thai được bình an. Vẫn chưa vừa lòng và còn đi coi bói cho biết con trai hay con gái, năm, tháng, tuổi tác có hạp hay không. Rồi lại tìm hỏi những người già cả coi phải cử món chi, ăn được những món chi, ước mong làm sao sanh được con quý.

Những điều làm khổ cho cha mẹ nhất là: khi thọ thai rồi, bà mẹ hay có bệnh dohaḷinī, nghĩa là bệnh ốm nghén, bện thèm rất lạ, thèm những món ăn mà khi chưa có thai không bao giờ nghĩ đến. Ngoài ra còn mang nặng, chẳng những vậy khi sanh càng đau khổ không thể tả được, không có gì nguy hiểm bằng người đàn bà sanh. Vì vậy mới có câu hát:

Đàn ông đi biển có đôi

Đàn bà đi biển mồ côi một mình.

Phải chăng đây là sự kinh nghiệm của các bà mẹ đã biết sanh, đã biết đau khổ trong khi sanh, gồm lại trong hai câu hát bao hàm đầy ý nghĩa.

Chẳng những bà mẹ có công đức, mang nặng đẻ đau mà thôi, bà lại có biệt tài là biết cách nuôi dưỡng, săn sóc con từ nhỏ, khi chưa biết nói mà bà đã hiểu ý muốn của nó. Khi nghe con khóc, lật đật bồng ẵm vào lòng ru hát vỗ vê, chẳng luận ngày, đêm, khuya, trưa, tối. Nếu dỗ không nín, bà cho bú bao giờ con nín mới thôi, vì vậy nên đức Phật gọi bà mẹ là “poseti”, nghĩa là người phụ nữ biết vỗ về đứa bé chưa biết gì, đến đổi phải vừa lòng với bà.

Đức Thế Tôn dạy các thầy Tỳ-khưu trong bộ Kinh Majjhimanikāya Mūlapaṇṇāsaka rằng: “Này các thầy Tỳ-khưu, cha mẹ là người có tâm lành, rất là lành đối với con. Bắt đầu từ khi đã biết thọ thai, bà mẹ hết sức lo bảo dưỡng thai bào, ông cha lo thang thuốc cả trong 10 tháng như vậy. Các thầy Tỳ-khưu này, bà mẹ là người hết sức lo và hết sức cố gắng để săn sóc con, không một việc nào bà mẹ cho là quan trọng hơn, bà là người sang sớt máu của mình để nuôi con, chẳng những lo cho con khi còn ở trong thai mà cả khi vừa sanh cho đến khi khôn lớn. Bà mẹ và ông cha lo cho đến khi nào ông bà quá vãng mới thôi”.

Vì lẽ nói trên nên đức Phật gọi bà là “poseti”, nghĩa là người phụ nữ biết cách nuôi con, từ khi sơ sanh chưa biết một điều gì cho đến khi lớn khôn thành gia lập thất.

Hơn nữa, bà mẹ và ông cha không dám ăn xài vô ích như khi chưa có con. Hai ông bà tiết kiệm tiền của đặng mai sau để lại cho con. Lắm khi vì lòng thương con, dám làm điều tội ác để có tiền nuôi con hay để dành cho con về sau. Khi nào con đi đâu về trễ, ông bà lo sợ, nhất là bà mẹ, dựa cửa ngóng trông đợi con gặp những điều tai hại, rủi ro như bị đánh, bị bắt, bị giết, bị cọp ăn, xe cán… những cảm tưởng ghê sợ ấy phải chăng là do nơi lòng quá thương con mà ra.

Vì lẽ ấy nên Đức Thế Tôn dạy: “cha mẹ có 4 đức tánh từ, bi, hỷ, xả”. Lại có câu kệ rằng: “Ubhopocetebrahma pubbadeva pubbācariya āhuneyyaticavuccanti”, nghĩa là: đối với hai bậc ân nhân này, đức Phật ban cho 4 hồng danh là: Phạm Thiên (Brahma), Chư Thiên Thuở Đầu (Pubbadeva), Vị Tôn Sư Trước Nhất (Pubbācāriya), Bậc Đáng Cúng Dường (Āhuneyya).

  • Đặc ân thứ nhất: Phạm Thiên – Brahma.

Phạm Thiên (brahma), nơi đây nghĩa là cao quý. Ý nói rằng cha mẹ nuôi dưỡng con hoàn toàn không nài khổ nhọc vì cha mẹ có tứ vô lượng tâm (appamaññā), nghĩa là 4 tâm cao quý không đo lường được: từ (mettā), ti (karuṇā), hỷ (muditā), xả (upekkhā). Bốn tâm này giờ phút nào cha mẹ cũng ban bố cho con.

Vì chư Phạm Thiên bao giờ cũng niệm tứ vô lượng tâm không ngừng nghỉ. Vì vậy nên Đức Thế Tôn mới cho cha mẹ cái hồng danh là Phạm Thiên.

Hỏi: vậy cha mẹ có tâm Từ đối với con từ bao giờ?. Đáp: tâm từ phát sanh đến cha mẹ kể từ khi bà mẹ biết mình có thai, khi ấy lo lắng mong thấy mặt con, cho biết trai hay gái, đẹp hay xấu, có tật bệnh gì không? Sự suy nghĩ như thế gọi là tâm Từ của cha mẹ thương con.

Hỏi: cha mẹ có tâm bi đối với con từ bao giờ?. Đáp: có từ khi bà mẹ vừa sanh con ra khỏi lòng, nghe tiếng khóc của con, dầu bà mẹ có đau đớn đến đâu cũng nghĩ đến đứa con trước nhất. Nói tóm lại, khi vừa sanh con ra, nghe tiếng khóc thì cha mẹ đã đem lòng thương yêu. Bi nghĩa là thương xót con. Luôn luôn, lòng thương của bà mẹ đối với con không bờ bến nào mà nói được.

Tôi còn nhớ khi nhỏ, lúc lên mâm cơm, mẹ tôi để cho tôi ăn trước, món nào tôi thích, không khi nào bà mó đũa vào. Sau khi tôi ăn xong, bà mới ăn mấy món còn thừa lại. Nhưng lúc ấy tôi nào có biết rằng vì lòng thương xót tôi quá lẽ mà mẹ tôi vui lòng nhịn miếng ăn cho tôi. Ngày nay tôi mới nhận thấy lòng bi của mẹ đối với tôi. Chẳng những riêng một mình mẹ tôi mà tất cả các bà mẹ đều có lòng thương con như một. Nói về tâm lý, xin mời quý vị cứ xem nhưng em bé gái chơi búp bê, nó kêu con và nựng nịu thương mến. Phải chăng đây là dấu hiệu của một tấm lòng thiêng liêng của người mẹ dành cho con.

Hỏi: vậy chớ mẹ có tâm hỷ đối với con từ bao giờ?. Đáp: cha mẹ có tâm hỷ đối với con từ khi con biết đi đứng cho đến khi tạo lập gia đình. Cha mẹ thấy con được an vui hạnh phúc thì càng hoan hỷ, không bao giờ nghĩ đến sự ganh tị với con. Dầu con có nuôi cha mẹ hay không, cha mẹ cũng vui lòng, không buồn phiền, trách cứ. Đó là tâm Hỷ.

Hỏi: tâm xả phát sanh từ bao giờ?. Đáp: phát sanh khi thấy con có gia thất, mà không lo phụng dưỡng mẹ cha, mẹ cha cũng hỷ xả, không cột oan trái oán thù hoặc nguyền rủa con bị tai nạn gì cả.

Cha mẹ đối với con có cái ân đặc biệt như vị Phạm Thiên đối với nhân loại nên đức Phật ví cha mẹ như phạm thiên.

  • Đặc ân thứ hai: Chư Thiên Thuở Đầu – Pubbadeva.

Ý nói cha mẹ là người cố tâm đưa sự hạnh phúc đến cho con, không bao giờ tìm tội lỗi đưa đến cho con. Trong thời kỳ ấy, nhóm Bà-la-môn khi sanh ra chỉ biết chư Thiên là người tiếp độ cho sanh về cõi an vui. đức Phật nhân đó dùng tiếng chư thiên để ám chỉ cha mẹ chớ không có thiên thần nào tiếp độ, đây là một lý cao quý riêng.

  • Đặc ân thứ ba: vị Tôn Sư Trước Nhất Pubbācāriya.

Cha mẹ là vị thầy tổ dạy con mọi việc, nào là sự đi, đứng, nói, cười… trước hơn tất cả các vị giáo sư sau này.

  • Đặc ân thứ tư: Bậc Đáng Cúng Dường – Āhuneyya.

Nghĩa là bậc đáng thọ lãnh của cúng dường. Ý nói cha mẹ là đấng thọ lãnh những vật cúng dường của con.

Trong Brahmasutta, Đức Thế Tôn có dạy: cha mẹ là hai đấng có ân đức cao dày vô lượng vô biên đối với con, không sao tả được.

Nếu người con nào có hiếu, ra sức thu phục 5 châu 4 biển đem về cho cha mẹ thống trị cũng chưa gọi là đền đáp công ơn dưỡng sanh trong muôn một.

Có câu hỏi: tại sao làm như thế cũng không đáng gọi là đền đáp công ơn muôn một?. Đáp: không thể được vì người ấy chỉ lo cho cha mẹ về phần trần dục mà thôi, là chỉ lo đời hiện tại, không nghĩ đến kiếp vị lai. mặc dầu làm vua đi nữa, cha mẹ cũng có thể gây ra tội lỗi. Người con có hiếu phải cố gắng làm cho cha mẹ biết và hành theo 4 pháp dẫn đến lợi ích tong tương lai (samparāyikatthasaṃvattanika-dhamma) là :

* Đức tin – Saddhā, thành tựu chánh tín đối với thiện pháp, tin Tam Bảo, tin nghiệp quả.

* Bố thí – Cāga, thành tựu hạnh bố thí, có tâm vui thích phân chia lợi lộc, hoan hỷ bố thí cúng dường.

* Trì giới – Sīla, thành tựu hạnh nghiệp tốt đẹp, nghiêm trì giới luật, có sở hành đạo đức.

* Trí tuệ – Paññā, thành tựu lý trí, có sự hiểu biết chơn chánh, có trí biết rõ điều ác, biết rõ lợi hại, biết rõ điều nên làm và điều không nên làm.

Khi biết và hành đủ 4 pháp này, là nhân đưa cha mẹ sanh về cõi an vui. Nếu cha mẹ đã quá vãng thì làm phước hồi hướng. Như vậy mới gọi là con có hiếu, biết lo cho cha mẹ.

Khi người có con rồi, mới biết công ơn cha mẹ thì khi ấy cha mẹ đã quá vãng, muốn tìm lại bậc đại nhân ấy cũng không được.

Hạnh phúc thay cho chư thiện tín nào được cha mẹ sống toàn, có dịp dâng cúng đến các Ngài, hầu đền ơn sanh dưỡng.

Người mà còn cha mẹ trong gia đình thì cũng như người có bậc Thánh nhân trong nhà. Đức Thế Tôn sánh hai bậc ân nhân ấy như chư Thánh Tăng, bởi cúng dường đến cha mẹ có phước vô lượng vô biên như cúng dường đến chư vị A-la-hán.

II. Quy y

Sau đây tôi xin giải tiếp, tại sao phải quy y?

Quy y có nghĩa là nương nhờ hay trở về. Nương nhờ với ai, trở về với ai? Nương nhờ dưới ánh từ quang của đấng Từ bi trọn lành là Phật, Pháp, Tăng. Còn trở về là về với đấng Trọn lành.

Quy nghĩa là trở về, ý nói người tha phương cầu thực, nay trở về với gia đình, có cha lành mẹ hiền và các anh có hạnh kiểm thanh cao. Cha lành là đức Từ Phụ, mẹ hiền là các Pháp giải thoát và các anh có hạnh kiểm thanh cao là chư Tăng.

Theo ý nghĩa của chữ “quy” là chúng ta là người đi trong vòng luân hồi khổ não, ví như kẻ tha phương cầu thực, phải bị khổ sở với những hoàn cảnh không nương vào đâu được. Hôm nay chúng ta biết mà trở về với Phật, là “đấng hoàn toàn giác ngộ”. Chúng ta trở về với Đức Thế Tôn và noi theo gương của Ngài để tiến thủ trên con đường Ngài đã đi và đã đến nơi an vui tuyệt đối.

Theo chữ “y” là từ ngàn xưa đến nay, chúng ta là kẻ hung ác, xảo trá, lường gạt, oán thù, căm giận, hoài nghi, si mê theo ngũ trần lục dục, không biết tội mà lánh, phước mà làm. Vì lẽ ấy chúng ta bị luật nhân quả xô đẩy đi theo chiều của nghiệp lực là bị luân hồi. Hôm nay may ra gặp được đấng Trọn lành cứu thế, Đấng sáng suốt có đủ năng lực dạy người thoát khổ. Ta trở về với Ngài và y theo lời dạy của Ngài. Hay là y theo phạm hạnh của Ngài đã thực hành, ráng hành theo, tâm ta cương quyết cố gắng và tin chắc nới sáng suốt của đấng hướng đạo hầu ra khỏi bể khổ sông mê.

“Quy y Phật” nghĩa là trở về, nương nhờ nơi đức Phật vì Ngài đã chiến thắng tất cả phiền não, đến nơi vô sanh bất diệt để tiến hóa theo Ngài, chớ không phải để cầu Ngài ban phước.

“Quy y Pháp” nghĩa là trở về, nương nhờ với Pháp. Pháp đây là những điều thật, là chân lý, chẳng hạn như người chết rồi bỏ cả nhân vật thương yêu quý mến lại, chỉ đem theo tội, phước mà thôi. Nhưng từ cổ chí kim không ai nghĩ đến cũng không tìm cách giải thoát. Đây là vì sự si mê lầm lạc mà làm cho con người không đủ trí giác nhận thức chân lý. Vì tối mê nên cứ say đắm trong vòng ảo mộng, tạo nhân tác ác mà phải luân hồi mãi mãi trong bể khổ trần ai.

Hôm nay chúng ta hiểu rõ chân lý, cố quyết tinh tấn thực hành theo Pháp Bảo để tìm đường ra khỏi vòng sanh tử luân hồi. Quy y Pháp là vậy, chớ không phải cầu được sự an lành mạnh khỏe.

“Quy y Tăng” nghĩa là nương nhờ với các bậc ly gia cắt ái, thừa hành theo lời giáo huấn của đấng tổ sư. Tăng là người thực hành theo chánh đạo, là ngọn cờ của Phật Giáo, các ngài không vì tư lợi, các ngài là đấng anh hiền, noi gương cha lành dẫn dắt đàn em ra khỏi vòng thống khổ. Các ngài là người hiểu rõ đường tà nẻo chánh, có nhiệm vụ thay thế đấng Giáo Chủ dìu dắt tín đồ trên đường giác ngộ.

Thường thiện tín hay hiểu lầm chữ “quy y”, tưởng “quy y” là nương nhờ với một ông Hòa thượng nào, nhận là ông thầy rồi trọn đời chỉ biết có ông thầy đó mà thôi, ngoài ra không muốn nghe và không muốn cúng dường đến ông sư nào khác. Hiểu như thế là sai lầm.

Khi thiện tín quy y Tam Bảo, nghĩa là quy y Phật, Quy y Pháp, Quy y Tăng.

Quy y Phật là nương nhờ nơi chư Phật, cả Phật quá khứ, Phật hiện tại và Phật vị lai.

Quy y Pháp là nương nhờ tất cả các Pháp của chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai.

Quy y Tăng là nương nhờ tất cả chư Tăng quá khứ, hiện tại và vị lai.

Có người hiểu lầm rằng quy y đặng sau này khỏi xuống địa ngục, hoặc khỏi sanh về làm ma quỷ, súc sanh. Nếu ta quy y mà không trì giới, ta cứ làm những điều ác thì làm sao tránh được những con đường tội lỗi ấy.

Có người quy y mong lãnh được một lá phái, chờ khi chết xuống Diêm Vương trình ra, Diêm Chúa biết mình là tu Phật mà không làm tội. Nghĩ như thế là dị đoan, người đã thấu rõ chân lý của Phật Giáo rồi thì không thể nào có những ý tưởng lầm lạc như vậy.

Hỏi: nếu tôi thường đến chùa lễ Phật, nghe Pháp, trì giới mà không quy y có được không?. Đáp: thì cũng như người cạo đầu, đắp y, mang bát đi khất thực mà không có Hội Tăng-già thâu nhận, họ cũng tu vậy. Song, họ làm không đúng theo khuôn khổ của Đức Thế Tôn giáo truyền đó thôi.

Hỏi: theo giáo lý nhà Phật, là quý trọng tâm, tâm tôi theo Phật, theo Pháp, theo Tăng không quý sao?. Đáp: quý trọng ở tâm, đức Phật dạy chúng ta tùy theo trường hợp. Như chúng ta nghèo, bố thí ít, tuy rằng ít thật nhưng cái ít ấy đối với ta là nhiều, tùy của cải mình có. Còn việc quy y phải có thân, khẩu, ý. Thân, trước Phật đài hết sức thành kính đãnh lễ. Khẩu, cầu xin trở về với Tam Bảo. Ý, cố nương theo.

Hỏi: nhưng nếu không làm như vậy, chẳng có phước gì ư?. Đáp: làm như vậy cũng có phước nhưng rất ít. Ví như chiếc vàng trơn cũng là chiếc vàng nhưng không lau chùi, không có giá trị, hoặc không bằng chiếc vàng chạm trổ, có nạm kim cương.

Người quy y có được nhiều điều hữu ích, là vì khi nào vào dòng Thích tử, các nhà sư mới dám nhắc nhở. Vì nhà sư nhận thấy người ấy là một tín đồ chớ không phải là một vị thí chủ. Các bạn đồng đạo dám nhắc nhở khi người ấy lầm lạc. Người ấy sẽ đủ can đảm để hỏi nhà sư nhiều điều nghi ngờ của mình, không rụt rè e lệ, vì họ tự nhận là tín đồ. Một khi lỡ làm điều gì tội lỗi, họ sẽ thấy thẹn  với bạn đồng đạo của mình.

Lễ quy y có ý nghĩa sâu xa về giáo lý và tâm lý.

Về giáo lý, như tôi đã nói trên. Làm lễ quy y, nhà sư truyền quy giới rồi thiện tín đọc theo, gọi là khẩu truyền tâm thọ.

Về tâm lý, ảnh hưởng của lễ quy y rất lớn. Trước Phật đài và trước mặt chư Tăng cùng các thiện tín ta bằng lòng nương theo Tam Bảo và chịu hành theo các quy điều của Đức Phật.

Sau này tâm ta xao lãng, ta nhớ lại ngày ta quy y, như có cái gì thắc mắc trong lòng, như sợi dây thiêng liêng vô hình buộc kéo ta trở lại con đường chánh.

Sự lợi ích của lễ quy y là vậy.

BÀI 35 PHÁP CỦA BẬC TRÍ THỨC

Tôi xin thuyết về Sappurisadhamma, nghĩa là Pháp của bậc trí thức.

Sappurisadhamma nghĩa là gì? Tại sao gọi là Sappurisadhamma? Sappurisadhamma nghĩa là Pháp hằng có trong tâm của các bậc trí thức, hay là pháp làm cho người trở thành bậc trí thức. Gọi là Sappurisadhamma vì người thực hành theo pháp ấy, chẳng luận nam hay nữ, có học thức tuy dốt nát đều trở thành bậc trí thức cả. Theo Phật Giáo, không phải người học cao mới được gọi là trí thức mà chỉ gọi là có học thức thôi. Vì trong những bậc ấy có lắm ông nhiều bà không nghĩ đến tương lai của mình. Còn những người nào, dù  không hay chữ, nhưng biết làm cho mình không sa ngã trong tài, tình, danh, lợi, người ấy mới gọi là trí thức được.

Vậy tôi xin giải về pháp của bậc trí thức, hay gọi là pháp làm cho trở nên bậc trì thức, có 7 điều :

1. Biết nhân (dhammañutā):

Đức Thế Tôn dạy biết nhân để làm gì? Biết để dập tắt cái nhân ấy khi nó vừa sơ khởi trong lòng ta. Cũng như chúng ta biết lửa đang cháy nơi nào, ta dập tắt nơi ấy. Những cái nhân đó là: tham, sân, si; là nguồn cội của các ác pháp, các ác pháp tuy nhiều nhưng không ngoài 3 nguyên nhân trên.

Người đời có 2 hoàn cảnh là:

* Hoàn cảnh làm cho mình vui lòng đẹp ý.

* Hoàn cảnh làm cho mình bất bình không vừa lòng.

Trong hai nhân ấy, chắc hẳn chư thiện tín thích cái nhân vừa lòng hơn. Nhưng cái nhân vừa lòng kia là cái nhân thường làm cho ta càng trụy lạc, say đắm trong vòng tài, tình, danh, lợi, tâm chúng ta thích những cái vui ấy là nhân sanh tình dục. Có lắm cái vui mà người trần tục cho là vui như tửu, sắc, tài, khí giết mất thì giờ quý báu của ta. Những cái nhân ấy không bổ ích vào đâu, trái lại làm cho ta hao tốn tinh thần, tiền của, lắm khi mất danh tiết là khác. Những điều kể trên đức Phật gọi là nhân quấy, là những điều làm cho tâm ta bị ô nhiễm.

Lẽ cố nhiên, mọi việc trên đời mà ta đã gặp hay là đang gặp, sẽ gặp trong ngày vị lai đều do nơi một nhân mà ta đã tạo từ xưa hoặc tạo trong kiếp này, dầu ngoài đời hay trong đạo cũng vậy.

Tôi xin nhắc sơ lược tích của Ngài Assaji đáp lại với thanh niên Upatissa. Ngày kia, Đại Đức Assaji (là một trong năm vị nhóm Koṇḍañña – Kiều Trần Như) đi khất thực. Thanh niên Upatissa thấy Ngài trầm tĩnh oai nghi, trong sạch nên đến gần bạch hỏi :

- Thưa Ngài, Ngài là người có lục căn thu thúc trông thật đẹp, vậy Ngài xuất gia theo đạo nào? Ai là Đấng Giáo Chủ của Ngài? Ngài học những pháp gì?

- Này thiện nam, vị đại Sa-môn con dòng Thích-ca là Giáo Chủ của bần đạo. Bần đạo xuất gia theo đạo của Ngài và học chân lý của Ngài.

- Bạch Ngài, Đức Giáo Chủ dạy những chân lý gì?

- Đức Giáo Chủ dạy:

“Ye dhammā hetuppabhavā
Tesaṃ hetuṃ tathāgato
Tesañ ca yo nirodho ca
Evaṃ vādī mahāsamaṇo”[15].

Nghĩa:

Về các Pháp phát sanh do một nhân.
Nhân ấy, Như Lai đã chỉ rõ.
Và Như Lai cũng dạy phương pháp để chấm dứt.
Đó là giáo huấn của vị Đại Sa-môn.

Người mà không biết nhân thì không dập tắt được tận nguồn cội của phiền não nên Đức Thế Tôn dạy phải biết nhân, là khi mình gặp vui hay khổ phải dùng trí tuệ quán xét thấy rằng mọi vật mà ta có đây, gặp đây, ta sẽ bị mất khi ta còn sống hay ta chết bỏ lại, để cho ta không còn ham mê trong sự ưa thích hoặc không đau khổ trong sự chìa lìa.

Đức Thế Tôn dạy các bậc trí thức nên biết cái nhân và phải dập tắt cái nhân ấy, nếu không có nhân làm gì có quả, nếu đâu có quả thì đâu có buồn rầu, đau khổ, thất vọng. Một khi ta biết lửa lòng là lửa phiền não bừng cháy tại nơi nào thì ta hãy dập tắt nó ngay tại nơi ấy, không nên nghĩ viễn vong. Ý nói rằng ta có thân này, mọi vật ta gặp đây đều do nhân ta đã tạo, bây giờ ta không còn biết đến quá khứ hay vị lai làm gì. Chẳng nên tìm biết về dĩ vãng, không cần biết ta sanh ở đâu, kiếp trước ta là gì và cũng không cần mơ mộng viễn vong ở tương lai.

Hãy ráng làm tròn phận sự trong mỗi giờ hiện tại là đủ rồi, không nên nghĩ chuyện quá khứ vì nó làm ta ân hận, sầu khổ, mến tiếc…còn tương lai, ta có mơ ước cũng không ích gì vì ta đã tạo nhân nào thì sẽ hưởng quả ấy. Ta biết vậy, việc qua rồi  thôi để cho nó qua, còn việc chưa đến ta nên ngừa nó bằng sự hành thiện là đủ. Tóm lại, sự biết nhân đem lại hai lợi ích: biết dập tắt và ngừa đó những điều sai với chân lý.

2. Biết quả (atthaññutā)

Hiểu được cái nhân đã giải ở trên là do nhờ cái quả hiện tại. Hạnh phúc hay tai hại hiện giờ đều do nơi nhân mà ra. Khi ta gặp những trường hợp như bị tai nạn hoặc được sự an vui thì ta cần phải dùng trí xét đoán, tìm cái nhân của nó thì thấy rõ.

Chú giải có dạy về một trong 38 điều hạnh phúc là “Pubbekatapuññutā – tư cách của người đã làm được việc lành để dành khi trước”. Sự mà người có làm việc lành để dành trong khi trước là nhân đưa sự hạnh phúc cao thượng đến mình trong kiếp hiện tại này.

Đây tôi xin nhắc lại tích của bà Kisagotamī để quý vị thấy rằng phước của người nào thì người đó tự hưởng, không ai cướp được. Có một ông bá hộ ở xứ Sāvatthi giàu có vô số, ngày kia, của cải tiền bạc của ông đều biến ra thành than cả. Ông buồn rầu vô hạn, đem chuyện ấy thuật cho một người bạn nghe. Ông bạn mới góp ý, chắc nhà ông hết nghiệp, muốn cứu vãn, ông nên đem than ra chợ bán, nếu có người nào nói than ấy là vàng bạc, là phước của người đó, nếu là con gái thì ông cưới về cho con ông, còn con trai thì gả con gái của ông cho người ấy. Ông bá hộ y lời thực hành theo. Ngày đó, cô Kisagotamī đi chợ, thấy than đó toàn là vàng, cô mới hỏi:

- ông đem vàng ra đổ đống bán thế này, có lẽ nhà ông nhiều vàng lắm thì phải.

Ông bá hộ đáp:

- Đâu, đây là than mà. Nếu cục nào là vàng, cô cầm lên coi.

Quả, khi cầm đến miếng than nào cũng hóa ra vàng hết, ông mới cưới cô về cho con trai ông. Nhắc tích này cho chư thiện tín thấy rằng tại sao cả chợ ai cũng thấy là than, chỉ có cô Kisagotamī mới nhận là vàng. Phải chăng ấy là phước của cô?

Vậy Đức Phật dạy ta biết quả để làm gì? Để :

* Diệt lòng ganh tị với kẻ khác.

* Diệt lòng sân hận, oán ghét kẻ khác.

* Diệt lòng tự kiêu, ngã mạn.

3. Biết về bản thân (attaññutā)

Nghĩa là mình phải biết mình ở hạng nào, sức tới đâu để tùy tiện cư xử với mọi người cho phải lẽ. Sự giao thiệp có ảnh hưởng đến đời sống ta chẳng nhỏ. Nếu người nào không biết tự lượng sức mình thì người ấy sẽ đi đến chỗ diệt vong. Như tích con chó chóc Siṅgala.

Tại rừng Hy Mã Lạp Sơn có một con chó chóc đang đi kiếm ăn bỗng gặp sư tử, lấy làm kinh sợ, quỳ xuống nói với sư tử rằng:

- Tôi là loại thú yếu hèn, mong ngài tha thứ cho tôi theo hầu.

Sư tử bằng lòng, từ ấy trở đi chó chóc được hưởng những thịt thừa của sư tử nên mập mạp khỏe mạnh. Chó ở lâu ngày thấy sư tử bắt mồi dễ dàng, nó nghĩ rằng nó cũng làm được như sư tử vậy, nó nghĩ: các thứ thịt rừng ta đều có nếm qua, chỉ có thịt tượng là ta chưa ăn được, vậy ta đi giết tượng ăn chơi. Khi ấy, cho mới nói với sư tử:

- Thưa chúa công, hôm nay xin ngài ở lại hang nghỉ, để tôi kiếm tượng bạch đem về cho ngài xơi.

Sư tử nói:

- người đừng nghĩ vậy, tượng là giống thú to và mạnh, ngươi làm sao giết nổi được.

Chó ta không nghe lời, chạy lên đứng trên tảng đá cao, chờ tượng đi ngang qua đặng nhảy xuống cắn cổ như sư tử vậy. Nhưng khi nhảy xuống không trúng lưng mà lại rớt xuống chân, tượng chà chết.

Chó chóc chết đây là vì không biết lượng sức mình nên làm chuyện rồ dại như vậy. Đức Thế Tôn dạy: “Sư tử là tiền thân của Ngài, chó chóc là Devadatta, vì không biết lượng sức mình nên mới gặp điều tai hại”.

Nhắc tích này để chư thiện tín nhớ rằng khi ta muốn làm việc gì phải biết lượng sức mình và đừng ỷ vào quyến thuộc của ta là giàu có, quan quyền hay là chủ ta có nhiều thân thế sẽ bênh vực ta. Tục ngữ có câu “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Các bậc trí thức hằng biết mình cho nên gặp bất cứ trường hợp nào cũng xoay trở dễ dàng.

4. Biết độ lượng (mattaññutā)

Phàm người làm việc gì cũng cần phải biết độ lượng. Đức Thế Tôn có dạy biết độ lượng về việc xây dựng tiền bạc trong gia đình là :

* Nuôi cha mẹ.

* Nuôi vợ con.

* Chi phí trong gia đình như ăn uống, may mặc và giao thiệp tùy theo sức, không quá keo kiệt hay phung phí.

* Giúp đỡ quyến thuộc.

* Tiết kiệm.

* Bố thí.

Người biết độ lượng xây dựng tiền bạc như thế này gọi là người trí thức. Chớ không phải dùng tiền để cờ bạc, rượu chè, hút xách hay là tiêu phí vào sự vô ích. Đức Thế Tôn dạy: “Người thiểu trí hằng bị tiền bạc giết hại mình”. Ý rằng: người thiểu trí có tiền bạc hay ỷ thế hiếp người, say mê theo vật chất làm điều tội lỗi.

Vì lẽ ấy, Đức Thế Tôn dạy chúng ta phải biết độ lượng.

5. Biết phân bố thời gian (kālaññutā)

Trọn ngày ta làm việc để nuôi sống, ăn uống, nghỉ ngơi đã mất đi một ngày rồi, còn về đêm nhàn rỗi ta lại tìm chuyện vui chơi nơi hí trường, tiệm hút, quán rượu, những thời gian lãng phí ấy sẽ đem lại những điều tai hại. Riêng về các tín đồ Phật Giáo. Đức Giáo Chủ dạy cách sử dụng thời gian nhàn rỗi của mình là :

* Thời gian nghe Pháp (kālenadhammasavaṇaṃ).

* Thời gian biện luận về luân lý (kālenadhammasākacchā).

* Thời gian làm cho tâm yên trụ (kālenasamatho).

* Thời gian làm cho tâm trong sạch (kālenavipassanā).

Giảng về 4 điều trên.

  • Thời gian nghe Pháp (kālenadhammasavaṇaṃ).

Đức Thế Tôn biết rằng tâm chúng sanh hằng nhơ đục bởi ngũ trần, bao giờ có dịp là tìm đến ngũ trần ngay nên Ngài dạy phải để thời gian đi nghe Pháp, bởi nghe Pháp là nhân tạo duyên lành vô cùng tận. Rồi Ngài nhắc một chuyện tiền thân của Ngài.

Có một kiếp nọ, Ngài sanh làm vua xứ Bārānasī. Lúc ấy Ngài muốn nghe pháp lành để tu, Ngài mới truyền rằng: “Nếu ai nói Pháp trẫm nghe, một tiếng cũng được, trẫm sẽ cho một con tượng và chở đầy vàng”. Không có người nào lãnh nói Pháp, Ngài nghĩ chừng ấy hãy còn ít. Rồi Ngài hứa cho 10 con tượng. Kế đó hứa cho tất cả bao nhiêu tượng của Ngài có, sau lại hứa chia hai giang sơn, cuối cùng Ngài hứa nhường cả ngôi vua cho người nào biết Pháp dạy Ngài, cũng không có. Ngài mới bỏ ngôi đi tìm Pháp. Tâm lành làm động lòng Đế Thích (Sakka). Đức Đế Thích mới hóa ra con Dạ-xoa đón đường vua và tỏ rằng:

- biết thuyết pháp nhưng vì đói quá không được, nếu muốn nghe thì vua phải nạp thịt cho no thì mới nói được.

Đức vua hỏi:

- Nếu ngươi ăn ta rồi thì nói cho ai nghe?

- Đợi kiếp sau ta sẽ nói cho nghe.

Đức vua nghĩ: đợi kiếp sau thì lâu lắm, Ngài mới tìm ra một kế rồi nói rằng :

- Vậy ta lên đỉnh núi nhảy xuống, ngươi ở dưới nói Pháp ti lên cho ta nghe. Chừng rớt xuống tay ngươi, nghe bao nhiêu hay bấy nhiêu.

Dạ-xoa bằng lòng. Khi đức vua rớt đến tay thì Dạ-xoa biến thành Đế Thích đỡ đức vua và cho biết rằng ngài đến để dạy đạo nhà vua.

Rồi Ngài dạy rằng:

- “Giới” như chiếc thuyền, cột buồm như “thiền định”, “trí tuệ” như tay lái và người lái rất giỏi chiếc thuyền chở đầy vàng ngọc là sự bố thí. Đế Thích thuyết xong liền biến mất. Còn đức vua trở về hoàng cung lo bố thí, trì giới và tham thiền.

Nhắc tích này để thiện tín thấy, được nghe Pháp không phải là chuyện dễ, mà hôm nay càng dễ nghe Pháp lại có lắm bà càng dể duôi, khi nghe Pháp lại nói chuyện, đi tới đi lui, ăn trầu, uống nước lăng xăng hoặc viện cớ bận công chuyện rồi ở nhà. Lắm người dùng thì giờ nhàn rỗi nói chuyện thế sự, cờ bạc. Thật uổng phí thời giờ quý báu.

  • Thời gian biện luận về luân lý (kālenadhammasākacchā).

Nếu không gặp dịp nghe Pháp thì nên đem một vài câu Phật ngôn ra bàn luận cho tâm vui thích trong vòng đạo đức.

  • Thời gian làm cho tâm yên trụ (kālenasamatho).

Về sự không yên trụ của tâm, Đức Thế Tôn có dạy trong Pháp Cú kinh: “Tâm ví như khỉ trong rừng. Khỉ là tâm ta, cây rừng là tài, tình, danh, lợi (ngũ trần). Khỉ trong rừng chẳng bao giờ ngồi yên một chỗ. Tâm ta cũng vậy, buông trần này bắt trần kia không bao giờ yên trụ”. Đức Thế Tôn biết vậy nên Ngài dạy ta niệm những đề mục :

* Niệm ân đức Phật.

* Niệm tâm từ.

* Niệm về tử thi.

* Niệm về sự chết.

Đây là những phương pháp làm cho tâm ta trụ lại.

  • Thời gian làm cho tâm trong sạch (kālenavipassanā).

Phàm con người, tâm không sáng suốt, không trông thấy đời là vô thường, mọi vật không bền vững. Vạn vật đều là mầm khổ đau. Nếu vật gì không bền vững và đau khổ, vật ấy không phải là của ta.

Vì lẽ không thấy 3 tướng kể trên nên người mê say mãi theo vòng tài, tình, danh, lợi. Khi trên giường bệnh, lúc sắp lâm chung, không nhớ đến quá kiếp của mình, lại lo mến tiếc mọi sự mọi vật mình đã có, sợ phải xa quyến thuộc, sợ tiền của sẽ về tay người khác. Nhất là sợ chết rồi thân này sẽ bị tiêu diệt mất.

Đức Thế Tôn biết tâm ta mê tối như vậy mà phải luân hồi mãi nên Ngài dạy phương pháp quán tưởng cho thấy rõ vô thường, khổ não, vô ngã để khi chia lìa, biệt ly, không còn mến tiếc, đau buồn.

đức Phật dạy hàng Phật tử sử dụng thời gian theo cách đã dạy. Đừng để thì giờ trôi chảy trong những cuộc vui chơi phóng túng theo đời.

6. Biết rõ hội chúng chỗ mình đến (parisaññutā)

Phải biết khi ta ở trong hàng đại chúng, ta phải nhận thức, từ người sang đến kẻ hèn, phân biệt các Tôn giáo để tùy phương tiện khôn khéo giao thiệp trong mọi trường hợp. Pháp này cần thiết cho sự giao tiếp trong các giới, nếu ta không có pháp này sẽ bị coi như là người thiếu lịch sự.

Đức Thế Tôn áp dụng pháp này trong các trường hợp nên Ngài thuyết pháp trong hạng nào họ cũng đều kính nể và quy phục Ngài.

Biết rõ cá tính, trình độ của từng người (puggalaparoparaññutā).

Ở đời, ta phải biết người, nghĩa là ta phải biết phân biệt kẻ xấu, người tốt. ta nên thận trọng trong sự chọn bạn, nên lánh xa người ác và nên tìm gần người thiện, dù người ấy thấp kém hơn ta.

Đức Thế Tôn dạy nên thân cận với người thiện, dầu người ấy nghèo đến đâu hay xâu đến đâu cũng vậy (xấu ở đây là xấu về hình dáng). Sự thân cận có ảnh hưởng rất lớn trong đời ta, sự giao hữu với người ác có thể ví như lá sen  mà đem gói những con cá thối, như tục ngữ có câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Ta phải chọn bạn mà chơi là điều cần thiết.

Tích người coi ngựa cho đức vua Bārānasī, có tật ở chân nên đi cà nhắc, con ngựa thấy cũng đi cà nhắc theo. Đức vua thấy lạ mới hỏi ông quan đại thần:

- Tại sao con ngựa của trẫm không bị thương tích gì mà đi cà nhắc như vậy?

Vị đại thần suy nghĩ hồi lâu rồi mới tâu:

- Tâu hoàng thượng, xin cho đổi người giữ ngựa thử xem. Nhà vua y lời, tự nhiên sau đó con ngựa đi ngay thẳng bình thường.

Nhắc tích này là cho ta thấy sự thân cận là có ảnh hưởng như thế nào. Chẳng hạn như trồng bắp, nếu ta trồng bắp đỏ trên gió và bắp trắng dưới gió thì ta thấy bắp sẽ bị pha màu, nghĩa là không còn trắng nữa.

Nên nhắc lại, ta cần quan sát kỹ càng người bạn của ta. Ta phải xa, phải cương quyết đừng sợ mích lòng những người ấy, trong khi họ rù quến làm những việc chẳng lành. Ta nên sợ mích lòng ta thôi, ta nên sửa trị cái tâm ta là hơn.

Sự thân cận với bạn có liên hệ đến đời ta, vậy ta nên để tâm quan sát và chọn người lành để kết bạn.

Bảy pháp này sẽ làm cho chúng ta trở thành người trí thức hay nếu ta hành theo 7 pháp này thì là bậc trí thức.

BÀI 36 TÔNG CHỈ CỦA PHẬT GIÁO.

TẠI SAO NGƯỜI TA TU?

I. Tông chỉ của Phật Giáo.

Tông chỉ hay tôn chỉ là chí hướng cao quý, một Tôn giáo nào cũng có chí hướng cao quý của Tôn giáo ấy. Chúng ta là tín đồ nhà Phật cũng nên biết chí hướng cao quý của đạo Phật là chí hướng nào?

Tôn chỉ của Phật Giáo là “tự giác, giác tha”, nghĩa là tự mình tỉnh ngộ kẻ khác. Bốn chữ này gồm cả đời cao thượng của đức Phật Thích-ca và cũng là tôn chỉ của Phật Giáo.

đức Phật Thích-ca là người hướng đạo, nghĩa là người chỉ đường. Ngài đã ra khỏi sa mạc, Ngài biết rõ nẻo ra, Ngài giúp đỡ người đang đi lạc ra khỏi bãi sa mạc ấy. Trước kia, Ngài cũng là người như chúng ta, cũng luân hồi, cũng khổ sanh, già, đau, chết. Nhờ tu tập nhiều kiếp mà kiếp này Ngài đắc quả dưới cội bồ-đề. Đó là Ngài tự giác. Ngài không còn là chúng sanh nữa. Vì lòng từ bi bác ái không bờ bến, Đức Phật chỉ lại con đường đã đi rồi cho chúng sanh. Đó là giác tha. Chư thiện tín cũng biết rõ con đường ấy là con đường nào: là 10 pháp Ba-la-mật, là Bát chánh đạo, là Tứ diệu đế. Nói một cách dễ hiểu, tông chỉ của Phật Giáo là tự mình tu, tự mình đắc quả, tự mình ăn, mình no bụng. Không ai tu dùm cho mình hoặc không ai ăn dùm cho mình được hết. Khi mình đau, tự mình uống thuốc, cũng như tự mình tu, tự mình giải thoát chứ không thể cầu nguyện ai giải thoát cho mình được. Bởi tông chỉ của đạo Phật là tự giác, giác tha cho nên đạo Phật là đạo “Vô thần giáo”, nghĩa là đạo không thờ thần thánh. Như tôi đã nói đoạn trên, chúng ta tự giải thoát mình chớ không thần thánh nào có thể giải thoát cho mình được.

Muốn biết tông chỉ Phật Giáo ra thế nào, tôi xin nhắc lại một tích chuyện trong tạng Kinh cuốn thứ 6, trong Gamasaṃyutta bộ Kinh Saṃyuttanikāya Sagāthāvagga có giải rằng: lúc nọ, Đức Thế Tôn ngự tại Pāvārika Ambavana gần xứ Nālandā. Khi ấy, Asibandhaputtagāmaṇi vào hầu Phật và bạch Phật:

- Bạch Đức Thế Tôn, bọn Bà-la-môn người làng Pacchābhūma thường hay mang bầu nước và xuống ao, hồ, sông đê hút rong và bẻ hoa sen về trang điểm để tỏ rằng mình là người trong sạch và hay tắm trong buổi sáng và buổi chiều để rằng nước làm cho trong sạch được. Họ cho rằng sự tế thần lửa có hạnh phúc, họ cho rằng có thể đem người chết lên thiên đàng được, nghĩa là khi có người chết rồi, họ đem người chết ấy đến chỗ cao, rồi họ lại đứng xung quanh cái hòm, đồng nói rằng hãy sanh về cõi Phạm Thiên.

Bạch Đức Thế Tôn, vậy chúng sanh trong thế gian này sau khi chết được sanh về cõi trời bởi lẽ gì?

Theo đoạn này, trong chú giải có nói rằng theo phong tục của Bà-la-môn trong làng Pacchābhūma, thường sau khi chết họ đưa linh hồn người chết về cõi trời bằng cách để quan tài ở nơi cao rồi họ đứng xung quanh đọc câu: Hãy sanh về cõi phạm thiên. Chuyện này làm cho người Bà-la-môn tên Asibandhaputtagāmaṇi là người tai mắt trong chỗ ấy lấy làm bực mình và nghi ngờ nên mới vào hỏi đức Phật để Ngài chỉ con đường sanh về cõi trời và muốn biết coi phong tục của người Bà-la-môn có đúng không?

Trong khi ấy, Đức Thế Tôn  muốn giải cho biết rằng đó là điều không đúng nhưng Ngài không nói, Ngài hỏi ngược lại Gāmaṇi như vầy:

- Này Gāmaṇi, Như Lai hỏi thầy về một câu chuyện, theo ý thầy biết thế nào, thầy trả lời thế ấy. Như có người sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, nói lời vô ích, chửi rủa, mắng nhiếc và uống rượu, tà kiến, oán thù làm hại người khác, sau khi chết, tất cả hàng đại chúng đều hội nhau lại đứng xung quanh người ấy, đưa tay lên khỏi đầu và cầu nguyện rằng: “Xin cho người này về cõi trời”. Vậy thầy nghĩ thế nào? Người ấy có được sanh về cõi trời vì sự cầu nguyện của hàng đại chúng, vì sự ca tụng và ngợi khen ấy không?

- Bạch Đức Thế Tôn, không thể được.

- Này thầy Gāmaṇi, người ta đem một tảng đá to quăng xuống sông, rồi tất cả hàng đại chúng hội nhau lại yêu cầu tảng đá ấy nổi lên. Vậy chớ tảng đá ấy có nổi lên không?

- Bạch Đức Thế Tôn, không thể được.

- Này Gāmaṇi, điều này cũng ví như người làm 5 điều tội lỗi, nhất là sát sanh không thể sanh về cõi trời theo lời cầu nguyện của người được, người ấy chỉ sanh đi địa ngục mà thôi. Này Gāmaṇi, người ấy đã xa lánh các điều tội lỗi, nhất là sát sanh, sau khi người ấy chết, tất cả hàng đại chúng hội nhau lại nguyền rủa rằng: “Xin cho người này sanh vào 4 đường ác đạo”. Vậy người ấy có sanh vào 4 đường ác đạo theo lời của hàng đại chúng nguyền rủa hay không?

- Bạch Đức Thế Tôn, không.

- Này Gāmaṇi, có một người kia, lấy một cái nồi đổ đầy dầu, trong nồi có một viên đá, người ấy mới đem nồi ấy liệng xuống sông, viên đá làm thủng nồi, dầu chảy ra, vậy dầu trong nồi chìm luôn hay nổi lên? Nếu có đại chúng đứng quanh nguyền rủa: “Xin cho dầu chìm”. Vậy dầu ấy có chìm không?

- Bạch Đức Thế Tôn, lẽ cố nhiên dầu ấy sẽ nổi lên và dù cho đại chúng có nguyền rủa cho chìm cũng không thể chìm được.

- Này Gāmaṇi, điều này cũng ví như người đã xa lánh 5 điều ác, khi lâm chung, dầu cho có người đến nguyền rủa cho đi địa ngục cũng không thể nào đi địa ngục được, người ấy sẽ sanh về cõi trời.

Sau khi Đức Thế Tôn thuyết như thế, thầy Bà-la-môn hết lòng trong sạch ca tụng Đức Thế Tôn, rồi xin làm đệ tử Đức Thế Tôn.

Theo câu đáp của Đức Thế Tôn, chúng ta thấy rằng Đức Thế Tôn không bao giờ chê bai một chi đạo nào nhưng Ngài trả lời một cách rất khôn khéo, làm cho người không có đức tin phát sanh đức tin, người đã có đức tin càng trong sạch với Phật Giáo thêm lên.

Theo lời giảng của Ngài thì chúng ta thất rằng nếu người làm tội thì sẽ chịu quả khổ, bằng người làm lành thì được hưởng quả an vui trọn đời này và đời sau. Đúng theo câu Phật ngôn, trong Kinh Pháp Cú có dạy rằng:

“Attanā hi kataṃ pāpaṃ

Attanā saṅkilissati

Attanā akataṃ pāpaṃ

Attanā visujjhati

Suddhī asuddhi paccattaṃ

Nāñño aññaṃ visodhaye”[16].

Nghĩa là: người làm cho mình trong sạch thì được trong sạch, người làm cho mình nhơ đục thì bị nhơ đục, người này không thể làm cho người kia trong sạch hay nhơ đục được. Vì vậy, theo tôn chỉ của Phật Giáo thì tự mình tu và tự mình giải thoát cho mình chớ không có một ai cho phước hay đưa tội đến cho ta cả. Vậy chúng ta là đệ tử Phật nên hiểu thêm chút nữa là phải tự tu mới giải thoát được, chớ không phải vì lẽ cầu khẩn kẻ khác cho mình khỏi tội.

Theo Phật Giáo Nguyên Thủy thì sự cần thiết hơn hết là “tự tu tự độ”. Vậy các bậc trí thức nên hiểu biết rằng: Đức Thế Tôn là đấng hướng đạo có đủ khả năng đưa chúng sanh khỏi vòng luân hồi khổ não nhưng sự đi theo hay không là do nơi tâm của chúng sanh mà thôi. Nếu nói thêm rõ, thì Phật Giáo chỉ dạy tin nơi nghiệp và quả của nghiệp, chớ không tin ở nơi nào khác. Tôi xin nhắc lại câu chuyện dòng Thích-ca bị tru diệt khi Đức Thế Tôn còn tại thế nhưng Ngài vẫn thản nhiên. Vì Ngài biết đó là nghiệp của chúng sanh. Nhắc đây để chư thiện tín nhớ rằng dù là quyến thuộc của Ngài, Ngài vẫn tùy theo duyên nghiệp mà thôi. Nơi đây mới thấy sự công bằng và chân lý của Phật Giáo. Vậy tôi xin nhắc lại tín đồ Phật Giáo lần nữa là phải tin nghiệp hơn tin ở sự tiếp độ của kẻ khác, cũng như chúng ta tin rằng hễ ta ăn thì ta no, ta không thể nhờ kẻ khác ăn mà ta no được.

Nếu có người hỏi: nói rằng Phật Giáo là vô thần giáo vậy sao còn thờ Phật? Ngày rằm và 30 hội nhau lại cầu khẩn van vái những gì? Như thế Phật Giáo là thần giáo chăng?

Đáp: theo Phật Giáo Nguyên Thủy, những người đã hứa và chịu mình là một đệ tử Phật thì mục đích thờ Phật không phải là để cầu khẩn van vái và sám hối với Ngài. Tín đồ Phật Giáo Nguyên Thủy thờ kim thân đức Giáo Chủ của mình để làm chỗ tôn kính nhất của cuộc đời tu học với Ngài. Và mỗi đêm, trước Phật đài kính cẩn nhớ đến ân đức cao cả của Ngài, là đấng hoàn toàn giác ngộ, đấng rất trong sạch, đấng có đầy đủ đức từ bi vô lượng vô biên. Khi tín đồ nhớ đến các đặc ân ấy thì cố hành theo gương của đấng Từ Phụ, phải ráng tu tập cho được trong sạch ở thân, khẩu, ý, phải có đầy đủ đức từ bi. Hơn nữa là một khi ta muốn làm điều tội lỗi, trông thấy trên Phật đài một đấng Chí tôn đầy đủ hạnh kiểm thanh cao, đấng Chí tôn ấy là Từ Phụ của ta, là đấng hằng dạy bỏ dữ về lành. Một khi trông thấy kim thân Ngài thì người ấy tự thẹn, sẽ không làm điều hung ác. Đó là cách dạy gián tiếp. Đến những ngày rằm và 30, tín đồ hội lại để lễ Phật, ôn nhớ lại điều quấy và sám hối. Trong bài Kinh đọc, nếu nghe kỹ đâu có câu nào nhờ Ngài tha tội hay là cho phước, ý nghĩa là nguyện bỏ dữ về lành.

Theo tín đồ Phật Giáo Nguyên Thủy, hiểu hai chữ “sám hối” như vầy: sám nghĩa là thú tội, hối là ăn năn. Sám hối nghĩa là thú tội của mình và ăn năn mà sửa đổi. Ý nghĩa sám hối của tín đồ Phật Giáo Nguyên Thủy là thú tội và hứa hẹn ăn năn, chừa bỏ, không tái phạm nữa. Sau lễ sám hối còn lễ long trọng hơn là thỉnh Pháp sư thuyết Pháp. Tín đồ chỉ có sự nghe Pháp là hệ trọng hơn hết vì Pháp là món thuốc bổ tinh thần của tín đồ. Nói tóm tắt, đến chùa trong những ngày rằm và 30 trước là lễ Phật, sám hối, điều đáng chú trọng hơn nữa là thính pháp. Ngoài ra còn có dịp cho tín đồ gặp mặt nhau mà luận đạo thêm tinh tấn.

II. Tại sao người ta tu?

Ấy là câu thứ hai mà ông Phan Bút hỏi. Có phải vì người ta thất vọng vì tài, tình, danh, lợi, người không chịu nổi sự khổ đau dồn dập ở đời như đàn bà bị chồng ruồng bỏ, hay là gặp phải nghịch cảnh, rầu khổ, thối chí rồi đi tu. Hoặc đàn ông bị thất bại vì tình, vì công danh rồi đi tu. Cũng như trẻ con bốc lửa mới nói lửa nóng, nếm ớt mới nói ớt cay, rồi từ đó chừa không dám bốc lửa, không dám cắn ớt nữa.

Đáp: chúng ta không thể so sánh chúng ta với đứa trẻ không đủ lý trí suy xét, cũng như chúng ta không thể so sánh với con thiêu thân, con vật thiếu lý trí nhào vô ngọn đèn để rồi chết.

Trong bộ Kinh Majjhimanikāya, nơi đoạn Majjhimapaṇṇāsa, bài Kinh Raṭṭhapālasutta thuật rằng: Đại Đức Raṭṭhapāla là con của một nhà đại phú hộ. Sau khi nghe pháp, Ngài chán cuộc đời giả tạm, xin cha mẹ xuất gia. Ngài phải chịu tuyệt thực cha mẹ mới cho phép xuất gia. Không bao lâu Ngài đắc quả A-la-hán. Ngày nọ, Đại Đức Raṭṭhapāla đến nghĩ mát nới vườn thượng uyển của đức vua Korabya. Nhờ người làm vườn cho hay, đức vua Korabya xin ra mắt Đại Đức và hỏi rằng:

- Bạch Đại Đức, tôi nghe nói có 4 điều tai hại làm cho con người chán mà xuất gia, 4 điều ấy là :

* Có người vì già nua rồi, không còn kiếm tiền được, hoặc không làm điều gì lợi ích nên đi tu. Ngài còn trẻ tuổi, tóc còn đen, sức còn mạnh, vậy Ngài nghe và trông thấy những gì mà đi xuất gia?

* Có người vì tật bệnh kinh niên, không thể làm việc nuôi sống nên đi xuất gia. Ngài còn tráng kiện, đầy sức khỏe, vậy Ngài nghe và trông thấy những gì mà xuất gia?

* Có người trước kia giàu có sang trọng, sau bị nghèo khổ, đến nỗi không đủ tiền nuôi sống, phải xuất gia để nhờ ân huệ của thí chủ. Ngài là con của một trưởng giả giàu sang nhất xứ Thulla Kotthita này, vậy Ngài nghe và trông thấy những gì mà xuất gia?

* Có người trước kia nhiều thân bằng quyến thuộc, sau vì bị tai nạn gì, mất hết bà con họ hàng, tự nghĩ rằng ta phải xuất gia vì ta không còn bà con, anh em giúp đỡ. Ngài còn quyến thuộc nhiều, vậy Ngài nghe và trông thấy những gì mà xuất gia?

Đại Đức Raṭṭhapāla là một vị A-la-hán có tài biện luận rất danh tiếng trong thời ấy. Ngài trả lời cho đức vua Korabya rằng:

- Tâu Đại vương, đức Giáo Chủ của chúng tôi là Đấng Toàn Giác, Ngài có thuyết 4 điều, bần tăng được hiểu 4 điều ấy, rất thỏa thích về sự xuất gia theo tôn giáo của Ngài:

* Upanīyati loko addhuvo: thế giới không bền vững, hằng bị dẫn dắt.

* Attano loko anabhissaro: thế giới không có vật gì che chở được và không có quyền tự chủ.

* Assako loko sabbaṃ pahāya gamanīyaṃ: thế giới không có cái gì là của ta, phải bị bỏ các nhân vật lại.

* Ūno loko atitto taṇhādāso: thế giới hằng bị thiếu thốn, không biết no đủ, làm nô lệ cho lòng ái dục.

Bốn điều ấy là 4 điều đấng Giác Ngộ đã thuyết, bần tăng được hiểu, được thấy, được nghe mà xuất gia.

Theo Phật Giáo, thế giới hay vũ trụ có 2 nghĩa: thế giới hay vũ trụ lớn là quả địa cầu, thế giới hay vũ trụ nhỏ là xác thân chúng ta. Theo bài kinh này, chữ thế giới có nghĩa là xác thân của chúng sanh.

  • Upanīyati loko addhuvo: thế giới không bền vững, hằng bị dẫn dắt.

Đức vua Korabya muốm hiểu rõ, Ngài mới hỏi tiếp:

- Bạch Đại Đức, câu thứ nhất ngài đã dạy, ý nói thế nào?

- Tâu đại vương, trong khi đại vương còn trong thời kỳ 20 hoặc 25 tuổi, ngài cường tráng, võ nghệ tinh thông lão luyện, ngài có ra trận không?

- Có. Lắm lúc trẫm trông thấy không có một người nào có tài lực bằng trẫm, thuở ấy trẫm đánh đâu thắng đó.

- Tâu đại vương, hiện giờ đại vương còn sức khỏe như xưa chăng?

- Bạch Đại Đức, không còn như xưa vì trẫm đã 80 tuổi rồi, tay chân rũ riệt.

- Đấy, tâu đại vương, đức Đại Giác đã trông thấy thế giới không bền vững, hằng bị dẫn đi, nghĩa là hằng bị sự già dẫn đi đến nơi chết. Bần tăng đã hiểu, đã thấy, đã nghe rồi nên mới xuất gia theo Chánh Pháp.

- Bạch ngài, lời của đấng Giác Ngộ thật là chân lý.

  • Attano loko anabhissaro: thế giới không có vật gì che chở được và không có quyền tự chủ.

- Bạch Đại Đức, trong cung trẫm có hàng vạn quân hầu, trong thành có tượng binh, xa binh, kỵ binh, bộ binh để ngừa đón các sự tai hại. Tại sao Đức Thế Tôn dạy là thế giới không có vật gì che chở được và không có quyền tự chủ?

- Tâu đại vương, từ xưa đến nay có khi nào đại vương bệnh nặng không?

- Bạch ngài có, lắm khi bá quan và các vị hoàng thân họ bàn với nhau rằng kỳ này chắc hoàng thượng không qua được.

- Tâu đại vương, trong hoàng tộc và bá quan có ai chia sự đau khổ cho Đại vương chút nào chăng?

- Bạch ngài, không ai chia sẻ được, trẫm phải chịu một mình.

- Đấy, tâu đại vương, đức Phật là đấng Giác Ngộ, Ngài thấy rõ sự ấy nên Ngài dạy thế giới không có vật gì che chở được và không có quyền tự chủ. Bần tăng đã hiểu, đã thấy, đã nghe rồi nên mới xuất gia theo Chánh Pháp.

- Bạch ngài, lời của đấng Giác Ngộ rất lạ thường và rất chân lý.

  • Assako loko sabbaṃ pahāya gamanīyaṃ: thế giới không có cái gì là của ta, phải bị bỏ các nhân vật lại.

- Bạch Đại Đức, hiện trẫm có không biết bao nhiêu ngọc ngà châu báu, trong ngân khố hoàng gia có rất nhiều của cải. Tại sao Đức Thế Tôn dạy rằng không có cái gì là của ta?

- Tâu đại vương, sau khi đại vương thăng hà, ngài còn hưởng lạc thú của ngũ trần nữa chăng? Hay là đại vương để lại cho kẻ khác, riêng đại vương sanh về cảnh giới mới?

- Bạch Đại Đức, trẫm không còn được hưởng lạc thứ của ngũ trần như thế này nữa, những của cải để lại cho kẻ khác, còn trẫm thì sanh theo duyên nghiệp.

- Tâu đại vương, đức Chánh Giác, Ngài hiểu và biết rõ như vậy nên Ngài dạy rằng thế giới không có cái gì là của ta, phải bị bỏ các nhân vật lại. Bần tăng đã hiểu, đã thấy, đã nghe rồi nên mới xuất gia theo Chánh Pháp.

- Bạch ngài, thật lời kim ngôn của đấng Giác Ngộ rất chân lý.

  • Ūno loko atitto taṇhādāso: thế giới hằng bị thiếu thốn, không biết no đủ, làm nô lệ cho lòng ái dục.

- Bạch Đại Đức, còn câu nói thứ tư của Đức Thế Tôn  xin ngài giải rõ cho tôi hiểu.

- Tâu đại vương, ngài là chúa tể của xứ Kuru rộng lớn này phải chăng?

- Bạch ngài, phải.

- Nếu người tâm phúc của đại vương ở hướng đông về tâu rằng: “Thần có trông thấy một xứ kia rất giàu có, to lớn, dân số đông, song không có phòng thủ, với một số quân rất ít, đại vương có thể chinh phục đất ấy dễ dàng”. Đại vương nghĩ sao?

- Trẫm sẽ đi đánh liền dù trẫm đã già, trẫm sẽ để lại cho con cháu trẫm.

- Tâu đại vương, nếu có người ở hướng bắc, hướng nam, hướng tây về tâu như vậy, đại vương xử trí thế nào?

- Trẫm cũng đi chinh phục hết, vì miếng mồi đến miệng không ăn cũng uổng.

- Tâu đại vương, đức Giáo Chủ thấy lòng tham của con người không đo lường được nên Ngài mới dạy rằng thế giới hằng bị thiếu thốn, không biết no đủ, làm nô lệ cho lòng ái dục. Bần tăng đã hiểu, đã thấy, đã nghe rồi nên mới xuất gia theo Chánh Pháp.

- Bạch ngài, lời kim ngôn của đức Từ Phụ là chân lý.

- Bần tăng trông thấy rất nhiều người giàu có trong đời này lại là người thiếu trí, không bố thí, bo bo giữ của, lòng tham càng tăng trưởng. Các vua chúa được sang trọng cao cả cũng không tự mình biết đủ, vẫn còn muốn chiếm hết cả bốn bể làm giang san của mình. Vì lòng ái dục, con người không bao giờ biết đủ, than thiếu mãi đếm giờ lâm chung. Toàn thể người phàm tục đều thiếu thốn về trần dục. Chúng sanh vì ái dục cầu nguyện, than khóc xin cho khỏi chết hoặc lâu chết để hưởng các trần dục nhưng rốt cuộc chúng sanh ấy vẫn bị cuốn bằng một mảnh vải đem bỏ trong rừng hoặc thiêu ở bãi tha ma. Dầu cho miếng vải vụn cũng không mang theo được, phải bỏ tất cả vợ con thương mến, bỏ cả gia tài của cải, người chết chỉ mang theo nghiệp duyên của mình mà thôi. Ấy vậy, chúng sanh không thể nhờ của cải mà sống mãi được, nhờ của cải mà thoát tay tử thần được. Các bậc trí thức đều biết đời sống con người rất ngắn ngủi, không bền vững chắc chắn, luôn bị thay đổi. Dầu giàu sang, nghèo hèn, khôn dại cũng đều chịu một quy luật chung nhau, nhưng khác nhau ở chỗ, kẻ thiếu trí khi gặp khổ chỉ biết than khóc, còn người có trí gặp khổ không hề kinh sợ và than van. Vì vậy nên trí tuệ là nhân sanh làm cho người đạt quả Níp-bàn. Những kẻ thiếu trí hằng làm những việc ác và phải bị luân hồi mãi mãi. Tâu đại vương, những điều mà ta yêu, ta mến, nó là vật làm cho tâm ta đau khổ đủ điều, người trí trông thấy tội của ngũ trần như vậy. Tất cả nhân loại, dầu già hay trẻ cũng đều bị chết, cũng như các thứ trái cây dầu sống hay chín cũng đều bị rụng. Bởi bần tăng thấy chân lý ấy mà xuất gia theo Chánh Pháp.

Trong kinh giải về 38 điều hạnh phúc, có một tích, tôi xin nhắc lại cho chư thiện tín nghe.

Thuở xưa, vị vua nọ có hai người con trai. Khi ông qua đời, ngôi vua về phần đông cung, song đông cung vì thấy khi người chết rồi không đem theo của cải gì được. Ngài vui lòng nhường ngôi lại cho em, rồi ngài bỏ qua một xứ khác, vào làm tôi cho một ông bá hộ nọ. Được ít lâu, ông bá hộ biết rõ tông tích của đông cung nên ông rất hậu đãi và cung phụng như bậc đế vương. Tiếng đồn dân chúng trong xứ ấy cũng đến làm lễ đông cung và xin miễn thuế. Lòng tham muốn của đông cung nảy sinh từ đó. Đông cung cử binh mã về nước buộc em trả lại ngôi vua cho mình. Người em suy nghĩ, nếu đánh lại thì dân chết vô ích, Ngài bằng lòng nhường ngôi lại cho anh.

Khi ấy, đức Đế Thích hóa thành một người tráng sĩ xinh đẹp, xin vào ra mắt vua anh và tâu rằng:

- Tâu hoàng thượng, kẻ hạ thần xin giúp hoàng thượng  đánh lấy xứ gần biên giới đây, xứ ấy giàu lắm. Vậy ngày mai hạ thần sẽ đến cùng hoàng thượng cử binh đi đánh.

Sáng hôm sau, người tráng sĩ không đến, vua đợi hoài không được, sanh bệnh vì thất vọng. Vua mơ ước chinh phục nước lân bang. Lúc ấy có một vị lương y đến, xin ra mắt và chữa bệnh cho vua. Ông lương y là vị Bồ-tát, tiền thân của Đức Phật. Vị Bồ-tát yêu cầu vua cho biết sự thật rồi Ngài sẽ chữa bệnh. Vua thuật lại câu chuyện tính toán cùng vị tráng sĩ cho Bồ-tát nghe. Nghe xong, Bồ-tát hỏi:

- Tâu hoàng thượng, nếu hoàng thượng cử binh đánh lấy xứ ấy rồi, hoàng thượng có thêm được hạnh phúc gì không? Hay là cũng ăn ngày ba bữa, cũng mặc một bộ áo, cũng ngũ trên một long sàng? Trái lại, vì giặc giả mà quốc dân đồ thán? Lòng ham muốn của con người làm cho thân, tâm ta khổ, sự tham muốn không giới hạn, không bờ bến, còn lớn hơn bốn bể, lớn hơn tam giới.

Khi vua nghe vị Bồ-tát giảng giải, vua tự ăn năn. Ngài quên việc chinh phục nước lân bang.

III. Kết luận.

Bài thuyết hôm nay tôi giảng về hai câu hỏi của ông Phán Bút.

Tôn chỉ của Phật Giáo là “tự giác, giác tha” và đạo Phật là vô thần giáo. Chư thiện tín nên ghi nhớ rằng, tự mình tạo lấy nghiệp cho mình và cũng tự mình tinh tấn lo trì giới, tu tập, hầu tự giải thoát lấy mình, không cầu khẩn nơi ai được.

Tại sao người ta tu? Là bởi người trí thức có trí xét đoán, hiểu rõ như Đại Đức Raṭṭhapāla, rằng đời là vô thường, là khổ não, là vô ngã, thân ta là nô lệ cho lòng ái dục. Vì lòng ái dục ấy mà tạo nghiệp phải luân hồi mãi.

Trên đời, kẻ thiếu trí và người có trí khác nhau. Kẻ thiếu trí khi khát nước mới đào giếng, người có trí thì dự trữ nước, hay đào giếng trước khi khát nước. Cũng như kẻ thiếu trí đợi bị hoàn cảnh làm cho thất vọng, xã hội ruồng bỏ mới xuất gia. Còn các bậc trí khi biết khổ, thấy người khổ thì xuất gia chớ không đợi tự mình khổ mới xuất gia.

BÀI 37 ĐẾ THÍCH VẤN ĐẠO

Đức Đế Thích ở cung trời Đạo Lợi cậy một chư Thiên xuống hầu Đức Phật và xin phép Đức Phật hỏi đạo. Vì có lần đức Đế Thích yết kiến Đức Phật, song Ngài đang nhập định nên phải trở về cõi trời Đạo Lợi.

Sau khi đãnh lễ Đức Phật và đứng chỗ nên đứng (chỗ nên đứng là không quá gần, không quá xa, không ngay trước mặt, không khuất sau lưng), đức Đế Thích bạch:

- Bạch Đức Thế Tôn, chẳng hiểu tại sao các chúng sanh ai cũng muốn được an vui mà không thể được?

đức Phật đáp:

- chúng sanh ai cũng muốn an vui, không muốn khổ cực, không muốn buồn rầu, không muốn uất ức, song không thể được vì hai duyên cớ: ganh tị và bỏn xẻn.

1. Ganh tị.

Lòng ganh tị làm cho chúng sanh phải khổ sở, bực tức vì luôn luôn cố tâm dòm ngó kẻ khác, coi họ có hạnh phúc hơn mình không? Họ có an vui hơn mình không? Họ có giàu sang hoặc may mắn hơn mình không?

Đó là ganh tị, không muốn ai hơn mình về tiền, tài, danh, lợi, người có lòng ganh tị hay dòm ngó hay bực tức hay đố kỵ. Nhiều khi muốn được hơn kẻ khác, họ tìm đủ phương kế để gây thù chuốc oán. Vì đó mà họ gây oan trái với nhau mãi mãi.

Xin nhắc lại tích: có hai người đàn bà nọ, là vợ lớn với vợ bé ở chung nhà. Khi người vợ lớn thấy cô nhỏ có thai thì lòng ganh tị phát sanh, lo sợ sau này có con rồi chồng hất hủi mình và thương cô nhỏ hơn. Vợ lớn bỏ thuốc độc trong cơm canh cho cô vợ nhỏ ăn, làm cho thai hư đi. Hư thai như vậy đến 3 lần, mà lần thứ 3 vì thuốc trễ nên thai không hư mà lại nằm ngang. Đến ngày sanh cả hai mẹ con đều chết. Trước khi chết, cô vợ nhỏ biết duyên cớ nên uất ức, mới nguyện kiếp sau sẽ trả thù. Cô vợ lớn bị chồng rầy rà đánh đập, sanh bệnh cũng chết.

Vợ nhỏ chết sanh làm con mèo, người vợ lớn sanh làm con gà mái cùng ở chung một chủ. Khi gà mái đẻ ấp được bao nhiêu thì gà con đều bị mèo ăn hết, ba lứa như vậy rồi thì ăn luôn tới gà mẹ. Con gà trước khi chết nghĩ: “Con ta nó ăn hết, cho đến ta nó cũng không chừa, nguyện kiếp sau ta sẽ trả thù”.

Con gà chết sanh làm con cọp, con mèo chết sanh làm con nai cái. Khi con nai cái đẻ được bao nhiêu nai con đều bị cọp rình bắt ăn hết, sau rốt ăn tới nai mẹ. Con nai cái chết, oán hận nguyện trả thù.

Con nai cái chết đầu thai làm con chằn, con cọp chết đầu thai làm con gái một ông bá hộ. Lớn lên có chồng, người con gái của ông bá hộ sanh được đứa con nào đều bị chằn ăn hết, hai lần như vậy. Lần sau, cô ấy có thai, xin cha mẹ chồng cho về quê quán, vì sợ ở bên chồng chằn cái sẽ đến ăn thịt con. Nhưng vì bận dàn xếp chuyện gia đình chậm trễ đến ngày sanh. Sau khi sanh rồi vợ chồng mới bồng con ra đi.

Con chằn nhớ đến, chừng trở lại kiếm nhưng không gặp, nó bay lên cao nhìn tứ phía, thấy vợ chồng cô nọ đang bồng con đi, mới rượt theo. Vợ chồng thấy chằn rượt theo, hoảng sợ bồng con kiếm đường trốn tránh.

May thay! Chỗ ấy gần chùa Kỳ Viên, là nơi Đức Phật ngự. Người chồng bồng con chạy vô chùa, quỳ lại dưới chân Đức Phật, xin dâng con cho Đức Phật. Một lúc sau con chằn cũng chạy đến chùa nhưng chư Thiên cản không cho vào. đức Phật bảo Đại Đức Ānanda kêu chằn vào và dạy rằng: “Nhà người không nên đem oán mà trả oán, oán ấy biết bao giờ cho dứt, nên đem ân mà trả oán thì oán ấy mới tiêu”.

Rồi Đức Phật chỉ tiền thân của hai người cho họ biết. Khi Đức Phật thuyết xong, hai người đều quỳ xuống đảnh lể đức Phật và tỏ lòng thương yêu nhau.

Ấy vậy, sự ganh tị làm cho con người bị khổ não và luân hồi mãi mãi, buộc oan trái cho nhau kiếp này sang kiếp khác, biết tới bao giờ mới được an vui.

2. Bỏn xẻn (macchariya)

Chúng sanh không được an vui vì lòng bỏn xẻn. Sự bỏn xẻn có năm hình trạng khác nhau :

  • Bỏn xẻn lợi lộc (lābhamacchariya).

Bỏn xẻn lợi lộc là khi mình có tiền của, mình không chia sớt cho ai, miễn mình sung sướng thì thôi. Người bỏn xẻn không có tâm từ bi thương xót. Thậm chí đến bà con quyến thuộc đói rách mình cũng không giúp đỡ, bố thí. Người như thế bà con họ hàng xa lánh, hàng xóm láng giềng không ưa. Vì bỏn xẻn lợi lộc mà mình phải sống một mình.

  • Bỏn xẻn dung sắc (vaṇṇamacchariya).

Mình muốn cho ai ai cũng khen mình, thấy người khác được khen, mình không ưa và kiếm cách dèm siểm, đôi khi tỏ ra thái độ rất đê hèn.

Tích xưa có thầy Tỳ-khưu Udāyi nghe thiện tín khen Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết pháp hay thì không vui. Thầy nói Tôn giả Xá-lợi-phất có giỏi gì đâu mà khen. Tôi đây còn giỏi hơn ông nữa. Thiện tín xin ngài thuyết pháp cho chúng tôi nghe. Được, đến tối tôi sẽ thuyết pháp cho quý ngài nghe. Đến tối ông kêu đau bụng, hẹn khuya sẽ giảng. Tới khuya ông nói quên hết, xin cho ông đọc kinh; thiện tín chịu nghe kinh, ông bảo quên kinh nhưng thuộc kệ; thiện tín xin nghe kệ, ông đọc những lời lảm nhảm không phải kinh cũng không phải kệ. Chư thiện tín xù xì tỏ vẻ bất mãn. Ông Udāyi bỏ ra ngoài, chư thiện tín bỏ ra theo, ông tưởng người ta rượt nên vụt chạy. Vì sơ ý, ông Udāyi chạy lọt xuống hầm phẩn. Người ta lôi ông lên đem đi tắm rửa.

Khi Đức Thế Tôn thấy chư Tỳ-khưu nhốn nháo, hỏi ra mới biết họ bàn tán về chuyện ông Udāyi. đức Phật dạy: “kiếp trước ông Udāyi cũng có lần ngâm phẩn”.

Thuở xưa, trong khu rừng nọ có con sư tử hay bắt heo ăn thịt. Có một con heo thấy vậy mới nghĩ làm cách nào cho sư tử không ăn được và phải sợ mình nữa. Sư tử là giống thú hay gớm, biết thế heo ra lăn mình trong phẩn rồi lên phơi nắng cho khô. Đoạn heo ta đi tìm sư tử mà thách đố rằng:

- Nhà ngươi là chúa sơn lâm, vậy hãy thử với ta cho biết tài cao thấp.

Sư tử đáp:

- mình nhà ngươi dơ quá, ta gớm lắm, ta chịu thua nhà người đó.

đức Phật dạy: “con heo là thầy Tỳ-khưu Udāyi, còn sư tử là Tôn giả Xá-lợi-phất”.

  • Bỏn xẻn chỗ ở (āvāsavamacchariya).

Bỏn xẻn chỗ ở là không vui lòng cho người lỡ đường tá túc, kiếm đủ cách từ chối, hoặc nói nhà chật, hoặc chê người hôi hám, rách rưới.

Về nhà sư thì viện cớ chùa chật, không có liêu cốc dư.

Tích xưa có một vị A-la-hán đến xin tá túc một chùa nọ, gặp ông hòa thượng trụ trì là người bỏn xẻn, keo kiết. Ông nói chùa chật, chỉ có cái cốc nhỏ cho ông ở. Khi người chủ chùa đến thấy vị sư lạ, diện mạo đoan trang nên hết lòng thành kính, vào chùa lo chỗ nằm, chỗ ăn, dâng y, mướn thợ cạo đầu cho vị sư ấy. Ông trụ trì tỏ vẻ không bằng lòng.

Sáng ra, ông lấy ngón tay gỏ chuông, ra dấu cho các thầy Tỳ-khưu đi khất thực, bỏ vị A-la-hán ở chùa. Người thí chủ hỏi, ông đáp:

- Ông ấy làm biếng, ngủ trưa, sáng tôi dậy đổ kẻng um xùm quét dọn trong chùa mà ông cũng còn ngủ mê.

Thí chủ gửi cơm đem về cho vị A-la-hán thì ông trụ trì đem đổ hết. Ông về chùa dằn sự bực tức không được, ông kêu vị A-la-hán lại mà nói:

- Ông không nên ăn cơm, ăn phẩn còn hơn, ông không nên nằm trên giường, trên chiếu, ngủ dưới đất còn hơn, ông cạo đầu bằng dao mà chi, cạo bằng tàu lá thốt nốt còn hơn, cần gì mặc y, trần truồng còn hơn.

Kiếp sau ông trụ trì sanh về địa ngục và khi sanh lên làm người thì ông không ưa ăn cơm, lại lén ăn phẩn, ông không mặc quần áo, ông cạo đầu bằng lá thốt nốt và ngủ dưới đất.

  • Bỏn xẻn thí chủ (kulamacchariya).

Đây nói về các bậc xuất gia. Có vị không muốn cho thí chủ của mình đối đãi tử tế với vị Tỳ-khưu khác, kiếm cách hại người, gây thù chuốc oán.

Tích xưa, lúc đức Phật còn tại thế, trong hàng đệ tử có một vị Tỳ-khưu có tính bỏn xẻn thí chủ. Thường có một bà thí chủ hay dâng y bát và lo lắng cho ông. Lúc nọ, bà nghe nói Đức Thế Tôn thuyết pháp hay, bà muốn đến nghe nhưng vị Tỳ-khưu ngăn cản không cho đi. Sau cùng bà cũng lén đi. Vị Tỳ-khưu đến nhà thấy vắng bà thí chủ, hỏi ra bà đi rồi. Ông bèn trở lại nơi tịnh xá, vào chỗ Đức Thế Tôn  thuyết pháp và bạch rằng:

- Bạch Đức Thế Tôn, bà này quen với đệ tử, bà rất tối dạ, nói nhiều bà không hiểu, xin Đức Thế Tôn giảng thật dễ cho bà nghe.

  • Bỏn xẻn Pháp (dhammamacchariya).

Keo kiệt Pháp là giấu sự hiểu biết của mình, không muốn chỉ dạy người khác. Giấu tài, giấu nghề, sợ người khác biết thì mất lợi, hoặc bớt sùng kính mình.

Còn nói về nhà sư, sự bỏn xẻn pháp là không nói Pháp cho sư khác biết, sợ sư kia giỏi hơn mình rồi thiện tín hết lễ bái mình.

Trái lại, nên đem sự hiểu biết của mình giảng giải cho người khác nghe. Nhà sư thuyết pháp để truyền bá lời quý báu của đức Phật để độ đời, chỉ dẫn từ chỗ dễ đến chỗ khó.

Khi thiện tín nghe pháp, phát sanh đức tin trong sạch và chúng ta sẽ không thẹn là vì đã được làm tròn bổn phận của người Phật tử.

BÀI 38 TỨ NIỆM XỨ

Hôm nay, tôi xin rút trong bộ kinh Milandapañhā (Mi-lan-đà vấn đạo), đoạn Anumānapañhā giải về người tu phải hành theo mặt trăng trong thượng tuần.

Thiết tưởng, chư thiện tín cũng nên biết sơ lược về tiểu sử của bộ kinh này. Sau khi đức Phật nhập diệt khoảng 500 năm, có một nhà vua tên Milanda (Mi-lan-đà) đa mưu túc trí. Sau khi chiếm được Ấn Độ, ngài muốn diệt tất cả các tôn giáo và Phật Giáo, để ngài bành trướng tôn giáo của ngài là Hồi giáo. Nhưng ngài sợ dùng quyền lực đàn áp làm cho tín đồ phẩn uất làm loạn nên ngài dùng trí đến vấn nạn các vị tổ sư và chư Tỳ-khưu trong Phật Giáo, không có một vị nào đủ tài biện luận để giải những sự nghi ngờ của ngài nên bỏ chỗ cư ngụ của mình đi nơi khác. Phật Giáo cũng như các tôn giáo khác phải chịu thiệt thòi trong một thời gian khá lâu.

Sau lại, có một vị Tỳ-khưu trong Phật Giáo tên Nāgasena (tàu âm là Na-tiên) 7 tuổi đã xuất gia Sa-di, 20 tuổi xuất gia Tỳ-khưu, học thông Tam Tạng tại chùa Asokārāma với Đại Đức Dhammakukhita. Đức vua Milanda được vấn đạo Đại Đức Na-tiên. Nhờ trí tuệ đã vun trồng từ vô số kiếp, Đại Đức giải thích cho nhà vua hiểu thông đạo lý, phá tan các mối hoài nghi. Từ ấy trở đi, nhà vua trở thành một vị hộ pháp chân chánh trong đạo. Lúc ấy, Phật lịch ước độ khoảng 550 năm. Sau đó, Đại Đức Buddhaghosācāriya lục lại các câu vấn đáp và đề lời tựa, lúc Phật lịch 956, chia bộ Milandapañhā ra làm sáu phần.

Nhắc sơ lược lịch sử bộ Kinh này, tôi cố ý nhấn mạnh để chư thiện tín hiểu và nhớ rằng: bộ kinh này rất có giá trị là do một vị Đại Đức hệ phái Nam Tông chép ra, lại nữa, khi phát sanh cuộc luận đạo cũng do một vị Thánh nhân (Đại Đức Na-tiên) đáp và giải chớ không phải là phàm nhân như chúng ta tưởng.

Hôm nay, tôi xin đem lại một câu chuyện trong phần thứ 6 để giải thích cho quý vị rõ.

Đức vua Mi-lan-đà đã hỏi:

- Bạch Đại Đức Na-tiên, hành giả cần phải hành theo 5 điều của mặt trăng thượng tuần, 5 điều ấy như thế nào?

Đại Đức Na-tiên đáp:

- Tâu Đại vương, trăng thượng tuần mặt trăng ngày càng đầy. Cũng như hành giả cố tinh tấn cần phải làm tăng trưởng mãi những đặc ân là: giới, những pháp cần phải học, những pháp cần phải đắc (nhất là Níp-bàn), phải giữ tâm không cho phóng túng (niệm Tứ niệm xứ), phải thu thúc lục căn không cho ham ăn mê ngủ.

Khi xưa, một tháng chia ra làm hai tuần là thượng tuần và hạ tuần. Thượng tuần là từ mồng 1 đến rằm, hạ tuần là từ 16 đến 30.

Câu của Đại Đức Na-tiên dạy, hành giả phải tu theo trăng thượng tuần, nghĩa là mặt trăng lúc đầu tháng còn khuyết, rồi lần lần đầy, cho đến ngày rằm thì tròn đủ và sáng lạng. Hành giả phải ráng hành theo mặt trăng. Ý nói, ban sơ học hành có ít, lần lần tinh tấn chuyên cần, sự hiểu biết càng tăng trưởng, hạnh kiểm càng thanh cao cho đến khi viên mãn như mặt trăng trong ngày rằm.

Trong sự tu tập cần nhất là đừng cho gián đoạn và phải tinh tấn nhắm thẳng vào mục tiêu là Níp-bàn mà đi, đừng thối chí ngã lòng. Hãy coi gương người leo núi, chót núi rất cao nhưng người cố leo mãi không dừng bước và không trở lại, ngày kia chót núi sẽ ở dưới chân của người ấy. Cũng như chúng ta đây, đừng nghĩ rằng: Níp-bàn cao xa, ta không thể đi tới, ta cứ cố đi, được bước nào hay bước đấy, ngày kia ta cũng đến Níp-bàn được. Từ xưa có biết bao nhiêu Đấng Toàn Tri Toàn Giác đã tìm được con đường  đi đến Níp-bàn và giáo hóa nhân loại, lại còn biết bao nhiêu bậc được siêu thoát cũng nhờ đi theo con đường ấy.

Thời pháp hôm nay, theo thâm tâm tôi muốn thuyết về: “Con đường mà Đấng Giác Ngộ đã tìm thấy”. Theo câu của Ngài Đại Đức Na-tiên đáp trên, không có chỗ nào đáng nghi ngờ và phải giải thêm, chỉ có câu: phải niệm Tứ niệm xứ.

Theo tôi thiết nghĩ, thiện tín cũng nên biết cho tường tận: Tứ niệm xứ, Đức Thế Tôn thuyết ở đâu? Tại sao Đức Thế Tôn thuyết ở nơi ấy? Và dạy những gì?

Tôi xin đáp: Đức Thế Tôn thuyết Tứ niệm xứ tại xứ Kuru. Đức Thế Tôn thuyết tại đó vì hai lẽ :

* Ngài nhận thấy người trong xứ Kuru có nhiều duyên lành niệm được.

* Hàng tứ chúng (Tỳ-khưu, Tỳ-khưu-ni, cận sự nam, cận sự nữ) tại đó là những người có đức tin và hợp với pháp Tứ niệm xứ, có nhiều trí tuệ hiểu rõ giáo lý cao siêu.

Bài kinh Tứ niệm xứ rất dài nhưng đây tôi xin rút tóm tắt như vầy:

Này các thầy Tỳ-khưu, đây là con đường độc nhất, đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh lý, chứng ngộ Níp-bàn. Ðó là Bốn niệm xứ. Thế nào là bốn?

* Này các thầy Tỳ-khưu, các thầy Tỳ-khưu trong Phật Giáo nên luôn quán tưởng thấy thân trong thân, cố tinh tấn làm cho phiền não bị nóng nảy, bị thiêu đốt, có sự biết mình và trí nhớ đánh đuổi sự vui và ghét trong cõi đời này.

* Các thầy Tỳ-khưu trong Phật Giáo nên luôn quán tưởng thấy thọ trong thọ, cố tinh tấn làm cho phiền não bị nóng nảy, bị thiêu đốt, có sự biết mình và trí nhớ đánh đuổi sự vui và ghét trong cõi đời này.

* Các thầy Tỳ-khưu trong Phật Giáo nên luôn quán tưởng thấy tâm trong tâm, cố tinh tấn làm cho phiền não bị nóng nảy, bị thiêu đốt, có sự biết mình và trí nhớ đánh đuổi sự vui và ghét trong cõi đời này.

* Các thầy Tỳ-khưu trong Phật Giáo nên luôn quán tưởng thấy pháp trong pháp, cố tinh tấn làm cho phiền não bị nóng nảy, bị thiêu đốt, có sự biết mình và trí nhớ đánh đuổi sự vui và ghét trong cõi đời này.

Theo Phật ngôn trên có nhiều chổ khó hiểu đối với người mới học Phật, vậy tôi xin giải tóm tắt vì thời giờ ít mà lý lẽ lại nhiều. Trước hết, tôi xin giải về chữ Ekāyanamagga nghĩa là con đường duy nhất. Chữ Ekāyanamagga có 4 nghĩa:

* Ekāyanamagga có nghĩa là đường đi của một cá nhân. Ý dạy rằng: người muốn đi trên đường ấy phải dứt bỏ các việc bận rộn ở đời, tìm nơi vắng vẻ niệm tưởng một mình.

* Ekāyanamagga có nghĩa là đường đi riêng của một Đấng Giác Ngộ. Ý nói rằng: tự Ngài ngộ lấy và đem ra giảng giải cho chúng sanh cùng hiểu rõ, không thầy nào chỉ dạy.

* Ekāyanamagga có nghĩa là đường chỉ có một nơi. Ý nói rằng: con đường Tứ niệm xứ chỉ có trong Phật Giáo mà thôi.

* Ekāyanamagga có nghĩa là đường đi đến một nơi. Ý nói rằng: người muốn đến Níp-bàn phải hành đúng theo Tứ niệm xứ thì sẽ được đi đến nơi sở nguyện.

1. Niệm thân (kāyanupassanā).

Thân, tiếng Pāli là kāya, có 2 nghĩa:

* Kāya có nghĩa là hội hợp. Hội hợp những gì? Hội hợp những phần là 32 thể trược có tóc, lông, móng, răng, da… và 32 thể trược ấy cũng do nơi Tứ đại hợp thành.

* Kāya có nghĩa là chỗ sanh ra những vật nhơ nhớp, bẩn thỉu, đây nói rằng: thân này là vật cấu tạo bởi những món không sạch của cha mẹ và hằng tiết ra những mùi hôi thối. Hơn ấy nữa, vì có thân này nên sinh ra một nhớ nhớp hơn tất cả các thứ nhơ nhớp khác là sự hung ác của loài người.

Chữ “kāya” do nơi chữ “ku” và “āya” hợp thành chữ “kāya” có nghĩa là nơi hợp thành của các vật đáng nhờm gớm hoặc là nới phát sanh vật đáng nhờm gớm.

Trong Phật ngôn dạy quán tưởng thấy thân trong thân, Đức Phật cố ý dạy hãy suy nghĩ trông thấy mỗi phần nhỏ riêng biệt khác nhau ở trong một khối lớn. Ví như chúng ta tháo một cái xe ra từng bộ phận, như chúng ta chia thân này ra từng phần là tóc, lông, móng, răng… mỗi phần đều có tên riêng của nó thì có gì là của ta đâu mà lại cố chấp thân này của ta.

Khi chia từng phần xong, chúng ta suy nghĩ thấy các phần ấy dưới quyền sở hữu của 4 pháp :

* Aniccato: thân này vô thường.

* Dukkhato: thân này khổ não.

* Anattato: thân này vô ngã.

* Asubhato: thân này không sạch.

đức Phật có dạy hành giả nên quan sát thân này là vật đáng nhờm gớm như vầy: “Này các thầy Tỳ-khưu, các thầy nên quan sát thấy thân trong thân rằng: về phần trên, về phần trên bắt đầu từ tóc đến chân, phần dưới là từ chân lên tóc, chung quanh có một lớp da bao lấy những thể không sạch, trong thân này có 32 thể trược là tóc, lông, móng… Này các thầy Tỳ-khưu, các thầy nên quan sát thấy thân trong thân như vậy”.

Giải thích:

Thể trược là những thể chất không sạch, trược do 5 điều: màu, hình, mùi, chổ ở và giới hạn.

Vì thời gian rất ngắn nên đây tôi xin tạm giải một thể để làm kiểu mẫu, nếu giải hết 32 thể thì rất dài.

Tóc: có màu đen, hình dáng dài, ở trên da đầu, mùi hôi khó chịu, ranh giới của nó từ trán đến sau ót, từ vành tai trái qua vành tai mặt.

Hành giả đừng lầm tóc với lông, vì tóc mọc có giới hạn, phải phân biệt màu sắc, hình thể của mỗi thể cho biết rõ.

Riêng nói về tóc là thể trược ấy có 5 điều là: đã gọi là tóc thì màu, hình dáng, mùi, chỗ ở và giới hạn của nó toàn là chỗ trược cả thảy.

Lẽ cố nhiên, khi người đang dùng cơm trông thấy vật gì có màu đen như tóc, dầu món ăn ấy ngon cũng coi cho rõ, nếu thấy tóc thì không tự mình đem bỏ cũng sai người khác đem bỏ, đây là nói về màu trược. Còn khi đang ăn, người nuốt phải sợi gì dài dài như sợi tơ hoặc sợi chỉ, người cũng cảm thấy gớm gớm, nghĩ rằng ta nuốt nhằm tóc, đây là nói về hình thể trược của tóc. Còn nếu người không năng gội rửa và xức nước hoa cho nó thì trong vòng đôi ba ngày, nó sẽ xông ra một mùi hôi khó chịu, bằng như ta đem tóc ấy đốt đi thì nó sẽ xông ra một mùi khét khó chịu. Dầu cho người yêu tóc thấy tóc màu đen huyền, dài óng ả cho là đẹp nhưng khi bị mùi nó xông ra trong khi đốt hay sau đôi ba ngày không gội rửa thì người ấy cũng nhận đáng gớm. Tóc mọc trên da đầu ví như cỏ mọc trên đất, miếng đất ấy trước kia là cầu tiêu cũ, cỏ ấy được tốt cũng nhở phẩn cũ. Cũng như tóc này mọc trên da đầu, mà da đầu sống được là nhờ ta chu cấp cho nó những vật thực bẩn thỉu ở bên ngoài đem vào. Cỏ mọc trên đất ấy không biết rằng trên ta có cỏ, mà cỏ mọc trên đất cũng không biết rằng ta mọc trên đất. Vì vậy, Đức Thế Tôn dạy tóc là vật đáng gớm mà lại sanh nhằm chổ không sạch. Hơn ấy nữa, tóc không biết rằng chính nó mọc trên da đầu, mà da đầu cũng không biết rằng trên nó có tóc mọc.

Ngoài ra, tóc là một thể trược, mà lại là một vật thay đổi không thường. Một khi vật không thường là nhân đem cho ta khổ vì sự thay đổi trạng thái khác thường của nó, về bệnh của tóc thì không đáng kể mấy bằng những chứng bệnh của những thể khác. Sự thật, những vật gì đem đau khổ  lại cho ta thì vật ấy không phải là của ta.

đức Phật biết rằng: thói thường chúng sanh hay chấp cái ta, cho nên khi có ai động đến cái ta thì ta khổ, ta buồn, ta giận, vì ta cho rằng: danh dự của ta bị xúc phạm. Vì vậy nên đức Phật dạy người nên phân tích thân này ra từng thể, suy nghĩ cho thấy thân này phải thay đổi hoài bắt đầu từ khi mới phôi thai vào lòng mẹ cho đến ngày già và chết. Phân tích thân ra từng thể riêng biệt sẽ thấy nó toàn là những vật nhơ nhớp. Ta nhận thức rằng: vì có những thể ấy mà ta khổ, ta có 32 thể trược là 32 ổ khổ, là 32 nơi phát sanh ra những nhơ nhớp, chẳng những thế mà còn vì nó mà ta phải khổ về tinh thần, bệnh về tinh thần. Vì ta chấp nó là của ta nên ta phải cố làm, dầu phải làm những chuyện ác để cung phụng cho đủ về vật chất của thân như sắc đẹp, vị ngon, mùi thơm, tiếng hay…

Đức Thế Tôn dạy pháp niệm thân này phù hợp với người có tánh ái dục thô thiển, vì người ấy bao giờ cũng trông thấy vạn vật là tốt đẹp, đáng yêu, đáng mến, nên Đức Thế Tôn mới chỉ những cái không hay để người ấy nhận thấy vạn vật ghê gớm rồi xa lần sự chấp đẹp.

2. Niệm thọ (vedanānupassanā).

Niệm thọ là suy nghĩ hay quan sát những cái gì mà ta đã thọ. Ý nói rằng: quán tưởng thấy mỗi một phần của thọ trong những cái thọ, quan sát thấy riêng từng chi, như thọ vui, thọ khổ, thọ không vui không khổ.

Thọ (vedanā) có 2 nghĩa :

* Vedanā có nghĩa là nhận chịu, lãnh thâu.

* Vedanā có nghĩa là biết

Hai nghĩa cùng đồng một ý. Thọ nghĩa là nhận chịu, lãnh thâu, biết. Biết có nghĩa là biết những điều mình đã thọ. Quan sát về thọ có 3 chi là :

  • Phải quán tưởng rằng sự an vui sẽ đổi ra sự đau khổ.

 Nghĩa là khi ta thọ hưởng sự an vui ấy không vĩnh viễn, vào một lúc nào đó sẽ mất đi vì sự tàn phá của thời gian, hoặc bị kẻ khác trộm cướp mất, hay là ta phải chết bỏ những vật ấy lại. Nếu ta đang thọ khổ bệnh thì ta nên suy nghĩ ta có thân này ví như tấm bia, có cả muôn ngàn mũi tên bắn vào thân này. Ý nói rằng: có thân này phải chịu cả trăm ngàn thứ bệnh, ngoài ra còn phải chịu khổ của sự sinh sống, phải cạnh tranh với đời để tìm lấy miếng ăn, đồ mặc, chổ ở… Sự thật đời người khổ nhiều vui ít. Nếu có vui thì cũng có lúc lại mất, trên đời này vui rất khó tìm được mà lại mau mất đi. Con người thì thiếu trí nhớ và trí tuệ nên mau quên hay không công nhận thấy cái khổ, chỉ an vui chút ít thì quên những ngày đau khổ. Nếu ta thọ không vui không khổ, nên quán tưởng rằng: sự không vui, không khổ đây cũng thông thường, sau đó cũng phải hiện tại khổ hay vui, mặc dầu được thọ vui chăng nữa cũng không trường cửu được. Mà đã gọi là thọ, mặc dầu vui, hay khổ, hay không vui không khổ, nó cũng không tồn tại được trong lòng ta mãi. Chung quy, thọ nào trong ba thọ cũng không bền vững, mà vật chi không bền vững là khổ, mà vật nào khổ thì vật ấy không phải là của ta.

Hành giả suy nghĩ thọ theo 3 điều đã giải trên gọi là sự niệm chơn chánh (sammāsati), đúng theo câu kệ:

“Yo sukhaṃ dukkhato adda

Dukkhamaddakkhi sallato

Adukkhamasukhaṃ santaṃ

Addakkhi naṃ aniccato

Sa ve sammadaso bhikkhu

Upasanto carissatī’ti”[17].

Nghĩa là: kẻ nào quán tưởng trông thấy sự an vui là khổ, quán tưởng thấy khổ như mũi tên, quán tưởng sự không vui không khổ là không bền vững, người ấy gọi là người trông đúng theo Chánh Pháp sẽ trở nên thanh tịnh.

  • Phải quan sát đúng theo 7 điều là :

* Aniccaṃ: thọ này vô thường, nghĩa là hành giả nên quán tưởng rằng: ta thọ vui, thọ khổ, hay thọ không vui không khổ đây, tất cả thọ này đều không vĩnh viễn, chỗ cuối cùng của thọ này là phải bị thay đổi.

* Dukkhaṃ: thọ này khổ não, nghĩa là tất cả các thọ đều khổ, vì nó phải ở dưới định mạng của vô thường.

* Anattā: thọ này vô ngã, nghĩa là một khi ta thọ vui, ta không thể bảo rằng: thọ ơi, người đừng bỏ ta đi, hãy tồn tại trong lòng ta mãi mãi. Thọ ấy không thể theo lời ta mà trái lại nó thay đổi theo thời gian, vì nó là vật không phải là của ta.

* Nibbidā: thọ này đáng chán, nghĩa là hành giả nên nghĩ rằng: thọ này đem đến cho ta những sự vui buồn trong tình dục, vì nó mà ta mê say, phải luân hồi mãi mãi.

* Virāga: thọ này không đáng yêu, không đáng mến, ý nói hành giả nên suy nghĩ rằng: thọ không phải là thọ của ta, nó có trạng thái thay đổi không ngừng. Vì ta là người thiếu trí, say mê yêu mến nó, phải chạy theo chiều thương mến ấy nên ta phải luân hồi mãi. Nguồn cội của sự luân hồi của ta là vì quên mình mà ta ưa đồ giả. Vậy ta nên nhớ không nên yêu thương những gì đem lại sự khổ cho ta.

* Nirodha: nên dập tắt lòng yêu, nghĩa là hành giả suy nghĩ rằng: từ ngày xưa đến nay, vì ta say mê trong giấc mộng vô minh, theo chiều ảo mộng yêu thương mến tiếc, chấp lấy cái thọ dù vui hay khổ, cho rằng đó là của ta. Hôm nay ta hiểu rõ đó là ảo mộng, khổ nhiều vui ít, vì nó mà không bao giờ tâm ta được thảnh thơi, tự tại. Vậy ta phải dập tắt ngay các thọ ấy bằng sự niệm tưởng nguồn gốc của nó là vô thường, khổ não và vô ngã.

* Paṭinissagga: nên dứt sự yêu, nghĩa là hành giả nên cố suy nghĩ rằng: trong những ngày đen tối là những ngày ta chấp thọ giả dối kia, cho nó là của ta, ta bị khổ mãi. Vậy hôm nay ta nên dứt sự yêu thương, tất cả cái thọ mà ta đã thọ mặc dầu khởi đầu vui sướng nhưng khi kết liễu là một điều đau khổ.

  • Hành giả phải quán tưởng thấy 9 phần của thọ:

Phật ngôn có dạy: “Này các thầy Tỳ-khưu, các thầy hằng quan sát thấy thọ nghĩa là sự tiếp lấy hay thâu nhận trần cảnh của thọ. Vậy sự quan sát như thế nào? Này các thầy Tỳ-khưu, thầy Tỳ-khưu trong Phật Giáo, khi thọ vui thì biết rằng: hiện giờ ta đang thọ vui, hiện giờ ta đang thọ khổ, hiện giờ ta đang thọ không vui không khổ, hiện giờ ta đang thọ an vui bởi tài lộc (ý nói sự an vui của kẻ thế có ẩn tài lộc), hiện giờ ta đang thọ an vui bởi không tài lộc (ý nói sự an vui của bậc xuất gia), hiện giờ ta đang thọ khổ bởi tài lộc (ý nói vì mất tài lộc nên phải khổ), hiện giờ ta đang thọ khổ bởi không có tài lộc, hiện giờ ta đang thọ không vui không khổ bởi có tài lộc, hiện giờ ta đang thọ không vui không khổ bởi không có tài lộc.

Thầy Tỳ-khưu nên quan sát thấy thọ của thọ ở bên trong, ở bên ngoài và cả trong lẫn ngoài. Nên suy nghĩ thấy lẽ cố nhiên, nghĩa là quan sát thấy sự sanh lên của thọ và sự sanh diệt của thọ. Nên có trí nhớ niệm tưởng rằng: thọ vẫn có và nó đang ở trước mặt ta nhưng nó chỉ là sự hiểu biết. (Ý nói rằng: thọ vẫn có nhưng nó chỉ là sự cảm xúc để ta nhận thức các đề mục bên ngoài mà thôi, chớ không đem lại cho ta sự an lạc vĩnh viễn. Nói thêm cách khác cho dễ hiểu là: thọ chỉ giúp cho ta tiếp xúc với trần cảnh. Thọ không bao giờ đưa ta đến sự an vui tuyệt đối là Níp-bàn). Một khi các thầy quan sát và hiểu rõ như thế thì tà kiến và ái dục không thể ở trong tâm của các thầy, các thầy không còn chấp một vật gì ở đời này cả. Này các thầy Tỳ-khưu, thầy Tỳ-khưu hằng quan sát thọ của thọ như thế”.

Giải thích:

Theo Phật ngôn dạy: khi thầy Tỳ-khưu thọ vui, khổ, không vui không khổ thì hãy biết rằng có thọ. Theo câu này, ý Ngài dạy phải nhận biết khổ ấy theo lẽ đạo chớ không nên nhận biết như đứa trẻ ăn thì vui mà nghịch ý thì buồn, hoặc như thường tình của người thế tục, khi được vui thì vui, khi buồn thì than van, uất ức. Đức Thế Tôn dạy nên biết rằng: đây chỉ là cái thọ, nó không phải là của ta, nó chỉ là ngoại cảnh đến làm cho ta đau khổ hay vui sướng trong một thời gian rồi mất đi.

Đức Thế Tôn dạy hành giả phải nhận định cho rõ, trong lúc đang thọ vui, khổ hay không vui không khổ. Trong ba cái thọ này chỉ có thọ không vui không khổ là khó nhận thức nhất nên chú giải có dạy rằng: khi được thọ vui, tâm ta phơi phới vui vẻ. Tương phản với vui là khổ, nghĩa là khi ta bị thọ khổ thì thân tâm ta khó chịu. Còn thọ không vui không khổ rất khó hiểu, vì nó không thiên về một bên nào. Thọ không vui không khổ là đầu đường nối tiếp với vui hay khổ. Ví như người thợ săn đuổi một con nai chạy trước, người cứ đuổi mãi theo dấu chân, khi đến phiến đá thì tìm mãi không thấy dấu chân ấy, người thợ săn biết nai đi qua phiến đá, đi lần qua bên kia phiến đá thì không thấy dấu chân. Phiến đá ấy cũng như thọ không vui không khổ và hai đầu phiến đá là sự nối tiếp của thọ vui và thọ khổ. Đức Thế Tôn dạy chúng ta hãy nhận định cho rõ biết thọ phát sanh lên do một nhân nào, để dập tắt cái nhân ấy đừng cho sanh lên nữa và dứt bỏ liền khi biết nó còn lưu lại trong tâm ta. Hơn ấy nữa, để ta đừng ham mê trong những thọ ấy, mặc dầu may ra được cái thọ vui vẻ, nhưng nó cũng sẽ bị thay đổi ra thọ khác tùy theo thời gian và không gian.

Một khi hành giả nhận định được nhân sanh lên thọ và đang thọ sẽ giúp cho tâm mình không dao động trước cảnh sanh tử biệt ly và những cảnh gặp được sự an vui theo ý nguyện. Đây tôi xin nhắc một tích xưa:

Có một vị Đại Đức kia ở tại núi Cittalatā. Ngày nọ, Đại Đức bệnh nặng, không thể nhẫn nại được với sự nhức nhối nên ngài rên. Có một vị Tỳ-khưu trẻ đến hỏi Đại Đức rằng:

- Bạch ngài, trong người ngài đau nhức chỗ nào?

- Này thầy, tôi không thể chỉ được, trong thân tôi không có chỗ nào không đau đớn nhức nhối.

- Bạch ngài, một khi ngài biết chỗ đau nhức như thế ngài có nên cố nhẫn nại chịu đựng không?

- Tôi cũng hết sức nhẫn nại để chịu đựng nhưng cái khổ này quá sức chịu của tôi.

- Nhờ sự nhịn chịu được với các trường hợp nên đức Giác Ngộ mới gọi là nhẫn nại cao thượng.

Vị Đại Đức ấy cố dùng trí nhớ và trí tuệ quan sát, kiềm chế tâm không cho vọng động. Trong lúc ấy, vì sự cố rằng nên ngài bị đứt ruột. Khi ấy, ngài gọi vị Tỳ-khưu trẻ tuổi đến hỏi rằng:

- Này thầy, sự nhẫn nại như thế này có vừa hợp với lẽ đạo không?

Vị Tỳ-khưu trẻ tuổi làm thinh. Ngài Đại Đức dùng Minh sát tuệ quan sát vô thường, khổ não và vô ngã, đắc A-la-hán quả, nhập diệt trong khi ấy.

Hành giả khi biết ta đang thọ khổ nên lợi dụng ngay dịp ấy niệm thọ như vị Đại Đức kể trên. Ba cái thọ không khi nào phát sanh lên một lượt, nó thường thay đổi lẫn nhau, vì đó là pháp môn vô thường, như lời Phật dạy ông Bà-la-môn Aggivesana rằng: “Này Aggivesana, khi thọ vui sanh lên thì không có thọ khổ hoặc không vui không khổ, khi thọ khổ thì không có thọ vui và thọ không vui không khổ, khi có thọ không vui không khổ thì không có thọ vui và thọ khổ. Ba thọ này hoàn toàn là vô thường, nó sanh lên do một nhân nào rồi diệt đi do nơi nhân ấy, lẽ cố nhiên của thọ là vậy. Các bậc Thinh Văn đệ tử Phật nhận thức rõ ràng như thế nên mới chán và dứt bỏ sự thỏa mãn (trong thọ đầu là thọ vui). Khi dứt bỏ được sự thỏa mãn thì được giải thoát. Khi giải thoát được là dứt bỏ sự tái sanh, như thế là hành xong phạm hạnh, sự hành để giải thoát đã chấm dứt”.

Tóm lại, Đức Thế Tôn biết rằng: chúng sanh là hạng còn nhiều phiền não, ưa vui ghét khổ, khi được vui thì càng muốn và càng tìm thêm, khi bị khổ thì cố dứt bỏ, diệt trừ và oán ghét. Vì 2 lẽ ấy và theo trào lưu ấy, gây ra biết bao oan trái, oán thù, tội lỗi. Chung quy vì chúng sanh không thấy được sự biến đổi của vô thường, đau khổ và van vật không phải là của ta, ta phải bị nó bỏ ra hoặc ta phải xa nó. Vì vậy nên Đức Thế Tôn dạy chúng ta hãy niệm thất tất cả những cái thọ mà ta đã thọ, toàn là khổ nhiều vui ít, mà dầu có vui chăng nữa, nó cũng lần lượt tiêu mòn theo thời gian vì nó là vật không bền vững, không phải là của ta.

Chúng ta nên nhớ rằng “thọ là nhân sanh lên ái dục”. Vì ái dục ấy mà ta phải gây ra bao nhiêu nghiệp chướng để phải sanh lại và thọ lãnh cái khổ già, đau, chết. Biết vậy, ta nên cố hãm bớt tốc lực của tâm, chẳng nên để nó chạy theo ái dục. Một khi ta thấy rõ chân tướng của thọ là kẻ lừa đảo để cướp lấy của quý của ta thì ta nên cố giữ đừng cho tâm ta ham mê theo nó thì ái dục đâu đem ta vào cảnh khổ được.

3. Niệm tâm (cittānupassanā).

Niệm tâm là phương pháp quan sát tâm để biết sự hành vi của nó trong mổi trường hợp hầu để sửa trị nó được dễ dàng. Cũng như vị bác sĩ đại tài biết rõ căn bệnh và thứ thuốc để trừ căn bệnh, trị bệnh nào lành bệnh ấy.

Có lời Phật dạy rằng: “Các thầy Tỳ-khưu hãy luôn luôn quan sát tâm, cố tinh tấn thiêu đốt phiền não, hãy có trí nhớ biết mình và nên đánh đuổi tham ái, sân hận trong đời này.

Này thầy Tỳ-khưu, thế nào là thầy Tỳ-khưu quan sát thấy tâm trong tâm? Này thầy Tỳ-khưu, thầy Tỳ-khưu trong Phật Giáo, khi tâm tham ái biết rõ tâm tham ái, tâm không tham ái biết tâm không tham ái, tâm sân hận biết tâm sân hận, tâm không sân hận biết tâm không sân hận, tâm si mê biết tâm si mê, tâm không si mê biết tâm không si mê, tâm hôn trầm biết tâm hôn trầm, tâm phóng túng biết tâm phóng túng, tâm vô sắc (tâm của người đắc thiền vô sắc) biết rằng tâm đắc thiền vô sắc, tâm dục giới biết tâm cõi dục giới (tâm của người còn trong cõi dục), tâm của phàm phu biết rằng tâm của phàm phu, tâm không phải của bậc Thánh (tâm của sắc giới hoặc tâm vô sắc giới) biết rằng tâm không phải của bậc Thánh, tâm định (hay cận định) biết rằng tâm định (hay cận định), tâm không định biết rằng tâm không định, tâm giải thoát biết rằng tâm giải thoát, tâm không giải thoát (tâm không có định-tuệ để giải thoát) biết rằng tâm không giải thoát.

Thầy Tỳ-khưu quan sát thấy tâm trong tâm, quan sát thấy tâm của tâm bên ngoài, quan sát thấy tâm của tâm bên trong hằng suy nghĩ thấy lẽ cố nhiên. Nghĩa là: sự phát sanh và sự diệt của tâm, có trí nhớ nhận biết tâm có trước mắt các ngươi, nó chỉ là sự nhận thức, tạm gọi là sự nhận thức tạm thời. Ngươi hãy làm thế nào cho ra người mà ái dục và tà kiến không thể tồn tại trong tâm được, là nhờ ngươi không chấp vạn vật ở trong đời này là của ta.

Này các thầy Tỳ-khưu, các thầy Tỳ-khưu nên quan sát thấy tâm trong tâm như thế”.

Giải thích:

Tâm (citta) nghĩa là tính (toan tính), suy nghĩ, thâu góp những cảnh bê ngoài. Citta có nhiều tên nhưng cũng đồng một ý nghĩa là:

* Viññāna: thức.

* Mano: ý.

* Mana: ý.

* Hadaya: quả tim.

Nếu tâm ấy đi theo những điều lành gọi là tâm thiện (kusalacitta), nếu duyên theo điều ác gọi là tâm bất thiện (akusalacitta).

Thầy quan sát thấy tâm bên trong, nghĩa là quan sát thấy tâm của mình. Quan sát thấy tâm bên ngoài, nghĩa là quan sát thấy tâm của kẻ khác. Khi quan sát thấy tâm ta và tâm người như thế mới quan sát thấy nơi của thức rằng thức sanh ra vô minh. Vì có vô minh là nhân nên mới có hành. Vì có hành mới sanh ra thức. Khi trông thấy nguyên nhân sanh thức là hành vi vô minh rồi, bắt đầu dập tắt thức. Muốn dập tắt thức nên suy nghĩ rằng: thức diệt thì hành diệt, hành diệt là do nơi vô minh diệt. Khi hành giả suy xét nhân sanh và diệt như vậy cho đến khi hiểu rõ bằng tuệ (đắc A-la-hán quả). Suy xét như thế mới gọi là thấy tâm trong tâm.

Trong bộ Abhidhammatthavibhāvinī có hỏi rằng: thế nào gọi là citta (tâm).

Đáp: citta là một pháp thuộc về danh pháp. Citta nghĩa là suy nghĩ hay thâu nạp những pháp thiện, ác, không thiện không ác. Nếu thâu nạp điều thiện gọi là tâm thiện…

Theo pháp niệm tâm này, ý muốn dạy hành giả, nếu biết rõ tâm của mình còn có những phiền não nào để diệt trừ, gọi là niệm tâm.

Tâm là pháp rất khó giải cho tròn đủ trong thời pháp vắn tắt này vì tâm thuộc về Vi Diệu Pháp. Vậy xin nói tóm lại rằng: nếu tâm ác thì phải sanh vào 4 đường ác đạo là địa ngục, ngạ quỷ, a-tu-la, súc sanh; nếu tâm thiện thì được sanh về hai nơi yên vui là người và trời.

Vì vậy, hành giả nên vun trồng đức tin và trí nhớ trong tâm, luôn luôn dùng trí nhớ đi đôi với trí tuệ, quan sát tâm, chặn đứng không cho tâm làm điều tội lỗi, ráng vun trồng phước thiện, lần lần đẩy lui những điều tội lỗi. Và không nên để mất những dịp may có thể làm được những điều lành như sự tích ông Bà-la-môn Culekasātaka mà tôi đã thuyết. Do tích này Đức Thế Tôn có dạy rằng: Abhitthaklyana… Nghĩa là: bậc trí thức làm điều phước thiện nên làm ngay, dầu là người cư sĩ. Khi nghĩ: ta bố thí thì bố thí ngay không chần chờ. Nếu là bậc xuất gia, khi nghĩ muốn làm điều phải làm nên thi hành lập tức. Vì tâm chúng sanh thường hay thối chuyển và ưa trở lại chổ cũ của nó là hung ác.

Lại có câu dạy “Phàm một tâm thiện sanh lên thì cả ngàn tâm ác kéo lại, còn nếu một tâm ác sanh lên thì muôn cái tâm ác phụ nhau đẩy cho đi mau”. Ý nói rằng: khi ta muốn bố thí hay làm một điều thiện nào thì nó bớt lại không cho ta làm được nhiều. Còn khi ta tính làm ác thì trái lại còn tìm phương kế làm cho nhiều, làm cho được.

Nói về trạng thái của tâm. Đức Thế Tôn có dạy trong bộ Kinh Pháp Cú rằng:

“Phandanaṃ capalaṃ cittaṃ

Dūrakkhaṃ dunnivārayaṃ

Ujuṃ karoti medhāvī

Usukārova tejanaṃ”[18].

Nghĩa là: tâm là vật hay rung động, khó giữ được cho yên tịnh, vì nó có tánh hay ưa suy nghĩ và thâu góp đề mục vừa lòng hay trái ý. Bởi vậy, nên gọi là vật hay chiều theo cảnh trần, khó mà giữ được vắng lặng. Không bao giờ tâm chịu dưới quyền sở hữu của người thiếu trí nhớ kiềm chế nó. Vì lẽ ấy, nên người hằng bị khổ hơn được vui. Nên Đức Thế Tôn có dạy rằng: “Cittena nīyati loko”.

Nghĩa là: thế gian (ý nói thế gian nhỏ là thân người) hằng bị tâm dẫn dắt. Ý nói rằng: chúng sanh đi thiên đàng hay địa ngục cũng do nơi tâm cả.

Đức Thế Tôn có dạy thêm rằng: “Nāhaṃ  bhikkhave  aññaṃ  ekadhammampi  samanupassāmi” Nghĩa: này các thầy Tỳ-khưu, tâm mà ngươi chưa dạy được, cai trị được, gìn giữ được, hằng đi đến nơi tai hại.

Lại có câu: “Cittaṃ bhikkhave dantaṃ mahato atthāya saṃvattatī’ti”. Nghĩa: này các thầy Tỳ-khưu, tâm mà ngươi dạy được rồi, cai trị được rồi, gìn giữ được rồi, hằng đi đến nơi lợi ích cao cả.

Sự thật, người làm một điều gì, nói một chuyện gì cũng do tâm nghĩ trước. Một lẽ nữa, những việc làm hay ác phải trả quả nhiều hay ít cũng do nơi tác ý, đúng theo câu Phật ngôn có dạy: “Cetanāhaṃ bhikkhave kammaṃ vadāmi”. Nghĩa: này các thầy Tỳ-khưu, Như Lai nói rằng: Tác ý là nghiệp (ý nói tác ý là nhân làm mọi việc.

Một khi biết tâm là vật quan trọng như thế thì nên giữ tâm đừng cho nó làm tội, theo lời Phật dạy: “Cittaṃ rakkhetha medhāvī”. Nghĩa: người trí thức nên giữ tâm. Câu nói gìn giữ tâm đây ý nói hãy ngăn đón tâm, không cho tâm suy nghĩ những điều ác, phải biết những người bạn ác của tâm mà từ xưa đến nay tâm rất thân mến, có 16 người gọi là Tùy phiền não. 16 điều ấy là :

* Tham lam (abhijjhā, visamalobha)

* Sân hận (byāpāda, dosa)

* Phẫn nộ (kodha)

* Oán thù (upanāha)

* Phản phúc (makkha)

* Hiểm độc (palāsa)

* Ganh tị (issā)

* Bỏn xẻn (macchariya)

* Man trá (māyā)

* Xảo quyệt (sātheyya)

* Ương ngạnh (thambha)

* Hiếu tranh (sārambha)

* Ngã mạn (māna)

* Quá mạn (atimāna)

* Kiêu ngạo (mada)

* Cẩu thả (pamāda)

Khi một phiền não nào trong 16 phiền não xâm nhập vào tâm đều làm cho tâm nhơ đục. Tâm ví như người chủ nhà, những phiền não ví như khách. Một khi có nhiều khách đến, người chủ nhà không biết lựa khách nào để giao tiếp thì hằng bị khổ lây vì những hạng khách bất lương, cũng như tâm rước phải những phiền não kể trên. Vậy nếu người muốn giữ tâm không cho nhơ đục cần phải có trí nhớ, trí nhớ là một pháp tối cần cho người tu. Hành giả quan sát và nhận thấy các cảnh trần thiện hay ác cũng do nhờ trí nhớ cả. Nhờ vậy mà các pháp ác không thể xâm nhập vào tâm được, mà nếu đã xâm nhập vào tâm rồi cũng bị đánh đuổi đi liền. Cũng như quan giữ hoàng cung biết rõ người nào đáng cho vào triều kiến hoặc người nào không đáng cho vào.

Những đứa trẻ khó dạy, vì từ bé được cha mẹ cưng chiều, muốn gì được nấy, lâu ngày thành khó dạy, như lời tục ngữ thường ví “Dạy con từ thuở còn thơ”; hoặc là “Còn măng không uốn, ra tre uốn không được”. Tâm con người cũng vậy, vì chúng ta chìu nó mãi, đến lúc nó quen đi, trở nên rất khó dạy. Vậy trong mỗi trường hợp nào ta cũng phải dạy tâm ta cho cao thượng thêm lên. Chẳng những khi tâm ta làm ác, ta dạy nó đã đành, nhưng trong khi làm điều thiện chúng ta cũng phải bắt buộc nó làm bằng cách trong sạch và tinh tấn. Mà ta muốn dạy tâm dễ dàng cần phải có trí nhớ để quan sát nó từng sát-na. Vì vậy trong bài kinh Tứ niệm xứ Đức Thế Tôn có dạy quan sát tâm có 16 cách như đã giải rồi.

Ta dùng trí nhớ quan sát trong khi thức tiếp xúc với ngũ trần do nơi ngũ căn. Một khi ngũ trần xâm nhập vào tâm thì những phiền não như tham ái, sân hận… phát sanh lên lập tức. Trong khi ấy, ta nhờ có trí tuệ phán đoán và diệt trừ không cho nó ẩn núp bằng cách suy xét rằng cái thọ mà ta đang hưởng đây, nó không bền vững, nó chỉ tồn tại trong lòng ta chốc lát lại thay đổi đi, vì nó không phải là của ta nên nó làm cho ta đau khổ. Trí nhớ và trí tuệ quan sát như thế gọi là Cittānupassanā satipaṭṭhāna, nghĩa là Tâm quán niệm xứ. Niệm tâm theo cách này, Đức Thế Tôn dạy để áp dụng cho người có tánh si mê, cho rằng “vạn vật thường tồn”. Vì người có tánh này không bao giờ trông thấy đời hằng bị thay đổi, nên Đức Phật dạy phải quan sát cho thấy sự thay đổi trong lòng mình. Một khi người trông thấy vô thường thì sẽ quay lại tìm và nhận thấy khổ thì sẽ biết rằng: vạn vật không phải của ta thì lần lần không chấp uẩn này nữa, một khi người biết ngũ uẩn không phải của ta thì những cảnh trần vui khổ không thể làm cho họ buồn đau, vui sướng được. Vì người ấy nhận thức rằng: sanh trong đời này chỉ thọ những cái phải thọ thôi chớ không có gì bền vững.

Trong bài kinh Tứ niệm xứ, đức Giác Ngộ có dạy các hành giả để dứt tâm ác như vầy: “Ātāpī sampajāno satimā”, nghĩa là cần phải có sự tinh tấn, trí nhớ và sự biết mình. Nếu thiếu tinh tấn, tâm sẽ lười biếng, không đủ trí nhớ để niệm được, nếu thiếu sự biết mình thì trí nhớ lại càng bị giảm. Nếu thiếu trí nhớ thì sự hành không còn áp dụng vào đâu nữa. Nghĩa là người niệm tâm phải tròn đủ cả 3 chi :

* Phải cố tinh tấn nhận những để mục của tâm đã thọ bên ngoài bằng trí nhớ.

* Phải quan sát bằng sự biết mình, nghĩa là có trí tuệ quan sát.

* Phải có trí nhớ để biết và thấy rõ trạng thái của tâm từng sát-na (sát-na là một thời gian rất ngắn).

Một khi hành giả có đủ 3 chi này trong tâm rồi mới có thể niệm tâm được, nhờ những pháp kể trên mới diệt được sự tham lam thái quá, sân hận và si mê trong ngũ trần. Đây là nhân giúp cho ta diệt tận gốc của sự sanh khổ.

Tóm lại, người niệm tâm phải có 3 chi là:

* Ātāpī: tinh tấn

* Sampajāno: biết mình

* Satimā: trí nhớ

Cách niệm: hành giả muốn niệm tâm cần phải có 3 điều kể trên rồi cố quan sát để thấy hiện giờ tâm ta như thế nào (ác hay thiện) trong mỗi hơi thở ra vào.

Đại cương, Đức Thế Tôn dạy chúng sanh phải niệm tâm, nghĩa là luôn luôn phải có trí nhớ quan sát tâm không cho nó phóng túng. Chúng sanh vì để tâm tự do hành động theo sở vọng của nó nên phải luân hồi vô lượng vô biên kiếp. Vì lẽ đã quen trong sự luân hồi nên tâm rất quyến luyến theo trần cảnh là mùi của tài, sắc, lợi, danh, sanh ra sự tham lam, sân hận, oán thù, cột oan trái, cố làm hại lẫn nhau. Say mê trong ảo mộng, cho đó là ta, là của ta.

Tâm của người ví như con cá; tài, sắc, lợi, danh ví như nước; không khi nào cá nằm yên trong nước và cũng không khi nào cá nằm yên ở chổ nào không phải là nước. Cũng vậy, tâm của chúng sanh bao giờ cũng tìm sự an vui trong ngũ trần, lục dục, không khi nào biết chán, biết đủ và cũng không thích ở chổ nào không có ngũ trần, lục dục. Vậy nên Đức Thế Tôn dạy hàng đệ tử cố quan sát cho biết tâm mình trong mỗi phút, coi nó ở trong những đề mục nào, để đem nó ra và không cho nó theo những đề mục tội lỗi ấy nữa.

4. Niệm pháp (dhammānupassanā).

Đức Thế Tôn dạy trong bài kinh Satipaṭṭhānasutta rằng: “Ngươi nên quan sát thấy pháp, phải có tinh tấn làm cho phiền não nóng, có trí nhớ và biết mình hãy đánh đuổi sự tham lam, sân hận trong đời này”.

Giải về Dhamma (Pháp). Pháp nghĩa là gì? Pháp nghĩa là vật chi nó hay giữ gìn cái tánh chất của nó, không cho biến mất và nó hay phô bày tình trạng của nó cho người nhận biết được. Ví như mực xanh, nó là chất nước, nước ấy xanh nên người ta biết là mực xanh. Tóm lại, vật chi có đủ 2 điều là: tánh chất và trạng thái mà người ta có thể nhận thức được thì gọi là Pháp. Nói cho dễ hiểu hơn, nghĩa chữ Pháp giống như những tiếng: cái này, cái nọ, món này, vật kia mà thế tục thường hay kêu. Thế thì vạn vật hữu hình hoặc vô sắc như sông, núi, đất, nước, động vật, thực vật  cho đến tâm lý, nhân quả, phải trái… cũng đều gọi là Pháp.Vậy nên hiểu rõ thêm rằng: pháp là tiếng chung của sự vật trong vũ trụ.

Riêng về bài kinh Tứ niệm xứ, đoạn niệm pháp, Đức Thế Tôn có dạy các thầy Tỳ-khưu suy tưởng đến 5 pabba (phần, đoạn). 5 phần ấy là :

* Nīvaraṇapabba: 5 pháp che lấp, hay 5 pháp chướng ngại.

* Khandhapabba: ngũ trần.

* Āyatanapabba: 12 căn.

* Bojjhaṅgapabba: thất giác chi.

* Catusaccapabba: tứ đế.

Trong phạm vi chật hẹp của thời pháp này, tôi không thể giải hết 5 pabba vì rất dài. Vậy tôi xin giải phần thứ nhất là Nīvaraṇapabba, sau sẽ lần lượt giải 4 phần kia.

  • Giải về 5 pháp che lấp (Nīvaraṇapabba :

Đức Thế Tôn có dạy rằng: Này các thầy Tỳ-khưu, thế nào gọi là thầy Tỳ-khưu hằng quan sát thấy pháp? Này các thầy Tỳ-khưu, thầy Tỳ-khưu trong Phật Giáo nên suy nghĩ thấy pháp là 5 pháp che lấp. Này các thầy, những pháp ấy là gì? Này các thầy Tỳ-khưu, thầy Tỳ-khưu trong Phật Giáo khi: kāmāchanda (tham dục, là lòng ưa thích, quyến luyến theo ngũ dục: sắc, thinh, khí, vị, xúc), byāpāda (oán giận, tâm hờn giận muốn làm hại người khác), thīnamiddha (hôn trầm, sự làm cho tâm biếng nhác, buồn ngủ), uddhaccakukkucca (phóng tâm, tâm hay vọng động, không yên trụ), vicikicchā (hoài nghi, lòng không tin chắc, do dự không quyết định) có ở trong tâm thì biết rõ 5 pháp này có ở trong tâm, hoặc khi 5 pháp ấy không có ở trong tâm cũng biết rõ 5 pháp ấy không có trong tâm. Khi 5 pháp này chưa sanh, khi nó sanh lên do một nhân nào, thầy Tỳ-khưu phải biết nhân ấy. Một khi 5 pháp này diệt được rồi, không thể sanh lên nữa do pháp nào, thầy Tỳ-khưu phải biết pháp ấy. Thầy Tỳ-khưu nên quan sát thấy pháp của pháp bên trong, nên quan sát pháp của pháp bên ngoài, nên quan sát thấy pháp của pháp bên trong lẫn bên ngoài. Nên quan sát biết rõ sự cố nhiên là: sự sanh lên, sự tiêu diệt, sự sanh và diệt. Hoặc có trí nhớ nhận định rằng có pháp ở trước mặt các thầy nhưng pháp ấy chỉ là sự hiểu biết, là sự nương dựa (ý nói dựa nơi thân này mà sanh) và sự nhận biết mà thôi. Ý nói: vì có thân này mới có sự sanh ra những cảnh trần mà ta thọ, những cảnh ấy chỉ là sự làm cho mình thọ mà thôi chớ không vĩnh viễn, hằng bị thay đổi. Thầy hãy làm cho ra người mà ái dục và tà kiến không thể ở được trong tâm. Chẳng nên trách một vật gì trong đời này.

Này các thầy Tỳ-khưu, thầy Tỳ-khưu trong Phật Giáo suy nghĩ thấy pháp là 5 pháp che lấp như vầy:

a) Nguyên nhân sanh tham dục (kāmāchanda) có 3 điều:

  • Ayonisomanasikāra: không quan sát cho thấu đáo, không dùng trí tuệ và trí nhớ để quan sát những cảnh trần.
  • Anupāyamanasikāra: trông thấy vạn vật cho là đẹp.
  • Uppathamanasikāra: hiểu sai, trông thấy mọi vật bền vững, an vui và chấp như vậy.

Phương pháp đối trị.

  • Phải quan sát tương đối là:

* Yonisomanasikāra: dùng trí tuệ và trí nhớ suy nghĩ thấu đáo.

* Upāyamanasikāra: thấy vạn vật đều là uế trược.

* Anuppathamanasikāra: suy nghĩ theo sự thật, là thấy vô thường, khổ não và vô ngã.

  • Phải quan sát 6 điều:

* Asubhanimitta-uggaha: học 10 đề mục về tử thi: uddhumātaka asubha: (tử thi sình trướng), vinīlaka asubha: (tử thi biến sắc xanh), vipubbaka asubha: (tử thi chảy nước vàng), vicchiddaka asubha: (tử thi có vết đứt), vikkhāyitaka asubha: (tử thi bị thú ăn), vikkhittaka asubha: (tử thi rã rời chi thể), hatavikkhittaka asubha: (tử thi bị cắt đoạn), lohitaka asubha: (tử thi bị bê bết máu), puḷuvaka asubha: (tử thi bị dòi rút), aṭṭhika asubha: (tử thi còn xương cốt).

* Asubhabhāvanānuyoga: niệm về 10 đề mục tử thi.

* Indriyaguttadvāratā: thu thúc lục căn.

* Bhojanemattaññutā: ăn uống tiết độ.

* Kalyāṇamittatā: thân cận các bậc trí thức, ý nói là thân cận với các bậc trí thức chuyên hành về niệm đề mục tử thi.

* Sappāyakathā: nói những lời vui vẻ, ý nói rằng: nói, nhắc về đề mục tử thi là đề mục mình đang hành để tâm càng khắn khít.

Tại sao Đức Thế Tôn dạy người học và niệm để mục tử thi? Vì tánh tham dục trông thấy vạn vật đều đẹp nên Đức Thế Tôn cho học thấy những tử thi ghê gớm để thấy rõ sự uế trược của thân này, ví như người đạp gai lấy gai lể. Người đắc A-la-hán mới diệt trừ được.

b) Nguyên nhân sanh lòng oán hận (byāpāda).

Paṭighanimittatāyonisomanasikāra: chỉ suy nghĩ những việc giận hờn, nghĩ rằng: chửi ta, đánh đập ta, làm hại ta. Vậy ta phải trả thù.

Phương pháp đối trị.

  • Phải để tâm trong pháp mát, tâm phải suy nghĩ về lòng từ, nghĩa là ráng niệm tâm từ cho đến cận định hoặc định.
  • Phải để tâm vào 6 pháp:

* Mettānimitta uggaha: học về lòng từ, nghĩa là học cách rải lòng từ, từ cá nhân cho đến toàn thể chúng sanh.

* Mettābhāvanānuyogo: rải lòng từ.

* Kammassakatāpaccavekkhaṇā: suy xét thấy nghiệp là của chúng sanh, ai làm lành được hưởng quả lành, ai làm ác phải chịu khổ.

* Paṭisaṅkhānabahulatā: phải suy nghĩ cho nhiều, không gián đoạn trong việc niệm lòng từ.

* Kalyāṇamittatā: thân cận với bạn lành, thân cận với các bậc trí thức đã từng trải và thông thạo về cách niệm lòng từ.

* Sappāyakathā: nói lời dễ dàng, nói về sự từ, không bao giờ nói về việc gì sanh lên lòng sân hận.

Sự oán hận này, bao giờ người đắc được A-na-hàm  đạo mới hoàn toàn diệt được.

c) Nguyên nhân sanh hôn trầm (thīnamiddha).

  • Giải đãi, chán nản điều phước thiện.
  • Không thỏa thích.
  • Mệt mỏi (khi lười biếng, thấy điều phải làm, làm như mệt mỏi, mặc dầu trong người không có bệnh).
  • Say vì vật thực (khi ăn quá độ thì sanh ra buồn ngủ, lừ đừ).
  • Tâm mờ tối.

Phương pháp đối trị.

  • Phải suy nghĩ những pháp sau này :

* Bắt đầu tinh tấn lại.

* Cố siêng năng, ý nói là dầu sao cũng ráng chống lại sự lười biếng.

* Cố gắng làm cho thấy nhiều, ý nói là làm việc không gián đoạn.

  • Phải suy xét 6 pháp:

* Atibhojana nimittaggāha: không ăn quá độ.

* Iriyāpathasamparivattanatā: thay đổi tứ oai nghi, ý nói là khi biếng ngồi thì đứng, biếng đứng thì đi, bao giờ thấy chán oai nghi nào thì phải đổi liền.

* Ālokasaññāmanasikāra: suy nghĩ đến ánh sáng hay quán tưởng đến ánh sáng, nghĩa là làm cho tâm mình như đang ở giữa trời và hình như thấy quanh mình sáng.

* Abbhokāsavāsa: ở chổ sáng, trống trải, không tù túng, không nóng nực, có gió mát.

* Kalyāṇamittatā: thân cận bạn lành, làm bạn với người không có tính hôn trầm.

* Sappāyakathā: nói lời dễ dàng, nói những lời nào làm cho tâm sáng suốt, siêng năng, không bao giờ nói điều làm cho tâm mờ tối.

Bao giờ  người đắc được A-la-hán đạo mới hoàn toàn dứt được hôn trầm.

d) Nguyên nhân sanh phóng tâm (uddhaccakukkucca).

Cete avūpasamāyonisomanasikāra: nghĩ chuyện phóng túng, nghĩa là mãi suy nghĩ những chuyện đã qua và sẽ đến, lúc nghĩ chuyện này, khi nghĩ chuyện nọ, nếu cố yên tịnh là vào rừng, chừng ấy thấy các giống chim lại đem so sánh coi giống nào đẹp xấu…

Phương pháp đối trị.

  • Cete vūpasamāyonisomanasikāra: nghĩ đến sự yên tịnh như nghĩ đến hơi thở ra vô, hoặc dùng trí nhớ buộc tâm vào một đề mục cho đến khi tâm trụ.
  • Suy tưởng đến 6 pháp:

* Bāhussuttā:  học nhiều, ý nói học về thiền định.

* Paripucchakatā: hỏi những điều nghi ngờ, nghĩa là khi học xong thiền định phải hỏi  cho rõ những điều nghi ngờ.

* Vinayapakataññutā: thông rõ sự bắt buộc, biết rõ cách bắt buộc tâm an trụ trong khi vọng động.

* Vuddhasevitāgapavudhapuggala: thân cận với bậc trưởng thưởng để được dạy bảo.

* Kalyāṇamittatā: thân cận với bạn lành.

* Sappāyakathā: nói lời vui vẻ, nói những điều làm cho tâm không phóng túng.

Sự phóng tâm này sẽ dứt hẳn khi người đắc được A-la-hán đạo.

e) Nguyên nhân sanh sự hoài nghi (vicikicchā).

  • Suy nghĩ những điều hoài nghi.
  • Suy nghĩ đủ mọi việc nhưng không hiểu việc nào.

Phương pháp đối trị.

  • Phải suy nghĩ cho thấu đáo các pháp:

* Thiện hay là ác.

* Có tội hay không.

* Nên thâu dụng hay không.

* Đê hèn hay cao thượng.

* Đen hay trắng (tội hay phước).

  • Phải quan sát đến 6 pháp:

* Bāhussuttā: học nhiều (ý nói là học cho thông).

* Paripucchakatā: hỏi (ý nói hỏi cho rõ nhân quả, ý lý nghĩa).

* Vinayapakataññutā: hiểu thông luật, hiểu rõ nhân và quả của sự đúng hay sai lầm, nên thực hành hay chăng…

* Okappaniyasaddhā: tin việc đáng tin, tin chắc Tam Bảo không bao giờ thay đổi.

* Kalyāṇamittatā: thân cận bạn lành, thân cận bậc thường chỉ nhân và quả của sự thật.

* Sappāyakathā: nói lời vui vẻ, nói những lời nhân quả, tìm hiểu nhân quả.

Sự hoài nghi sẽ diệt được sau khi đắc Tu-đà-huờn quả.

Nguyên nhân 5 pháp che lấp.

* Thấy cảnh trần cho là đẹp là nguyên nhân sanh tham dục (kāmāchanda).

* Thấy cảnh nghịch rồi bất bình là nhân sanh oán giận (byāpada).

* Không suy nghĩ cho chu đáo là nhân sanh hôn trầm (thīnamiddha).

* Không có trí nhớ là nhân sanh phóng tâm (uddhaccakukkucca).

* Không có đức tin đầy đủ là nhân sanh hoài nghi (vicikicchā).

Phương pháp đối trị 5 pháp che lấp.

* Tham thiền về tử thi (asubhakammaṭṭhāna), niệm Phật là pháp đối trị tham dục.

* Tứ vô lượng tâm (appamaññā) là pháp đối trị oán giận.

* Mười điều niệm (anussati): niệm ân đức Phật, Pháp, Tăng… là pháp đối trị hôn trầm.

* Niệm 10 đề mục (kasiṇa) là đất, nước, gió… là pháp đối trị phóng tâm.

* Tử thi (asubha) và minh sát (vipassanā) là pháp đối trị hoài nghi.

Pháp đã diệt trừ 5 pháp che lấp.

* Trí tuệ quan sát thấy là nơi đáng kinh sợ là nhân diệt tham dục và oán giận.

* Trí tuệ quán sat thấy đời đầy dẫy tội lỗi là nhân diệt hôn trầm và phóng tâm.

* Trí tuệ quán sát thấy đời là nơi đầy kinh sợ là nhân diệt sự không yên tỉnh.

* Trí tuệ quán sát thấy đời là nơi đầy dẫy sự đau khổ là nhân diệt sự hoài nghi.

Các thầy Tỳ-khưu quan sát thấy rằng: các pháp che lấp sanh lên do nhân nào gọi là người quan sát thấy pháp của pháp, nghĩa là trông thấy 5 pháp cái ấy.

Còn lại 4 pháp nữa xin giải ở thời pháp sau.

Thời pháp mà tôi thuyết hôm nay là do lòng trong sạch của tôi thuyết. Và tôi muốn tự tôi hồi hướng phước báu hôm nay đến chư thiện tín để tỏ lòng tri ngộ mà quý vị đối với tôi hết lòng nhắc nhở tôi và sốt sắn tổ chức cuộc làm phước ngày hôm qua để hồi hướng phước báu cho thân phụ tôi.

Cầu xin cho oai lực của thời pháp tôi thuyết về Tứ niệm xứ hôm nay, là mối duyên lành nhắc nhở chư thiện tín trong những kiếp sau không bao giờ quên Tứ niệm xứ cho đến khi đắc quả bồ-đề. Bằng chẳng vậy, xin quả phước hôm nay hộ trì quý vị được mọi sự an vui.

BÀI 39 VUDDHI– PHÁP LÀM CHO TẤN HOÁ

Tôi còn nhớ trong bộ kinh Aṅguttaranikāya Catukkanipāta, Đức Thế Tôn có dạy: “Cattāro me bhikkhave dhammā paññāvuddhiyā saṃvattanti. Katame cattāro? Sappurisasaṃsevo saddhammasavanaṃ yonisomanasikāro dhammānudhammappaṭi-patti – ime kho, bhikkhave, cattāro dhammā paññāvuddhiyā saṃvattanti”.

Nghĩa: này các thầy Tỳ-khưu, bốn pháp là pháp hành hầu làm cho trí tuệ phát sanh, tiến triển. Bốn pháp ấy là gì? Bốn pháp ấy là :

* Sappurisasaṃseva: thân cận, gần gũi, giao du với bậc trí thức.

* Saddhammasavana: siêng học hỏi, nghe pháp chân chánh.

* Yonisomanasikāra: khéo tác ý, dùng trí tuệ quán sát, suy luận.

* Dhammānudhammappaṭipatti: hành đúng theo pháp đã nghe và hiểu.

Này các thầy Tỳ-khưu, bốn pháp này là pháp hành hầu làm cho trí tuệ phát sanh và tiến triển.

Còn một lẽ nữa cũng trong bộ Kinh này, bốn pháp kể trên còn có tên là pháp rất hữu ích cho người sanh trong đời này.

1. Giải chi thứ nhất.

Sappurisasaṃseva, gặp gỡ các bậc trí thức. Theo Phật Giáo, “trí thức” có giá trị khác hơn ngoài đời, vì ngoài đời người ta cho rằng học nhiều, có bằng cấp cao gọi là trí thức. Theo đạo đức không thể đem bằng cấp ra cầu chứng rằng: tôi đây là người trí thức được. Ở Phật Pháp lấy sự hành vi, lời nói và suy nghĩ làm chứng. Người nào làm lành, nói lành, suy nghĩ lành, ấy là người trí thức, mặc dù người ấy là hạnh cùng đinh, ít học.

Người càng học cao càng biết đủ trăm phương ngàn kế để lường gạt, cướp bóc, làm hại kẻ khác…Tóm lại, người làm cho kẻ khác khổ để đem lại sự an vui cho mình thì không thể gọi là trí thức hay thiện trí thức được.

Người trí thức là người luôn luôn có chánh nghiệp, cháng mạng, còn về khẩu thì chánh ngữ, về ý thì chánh tư duy. Tóm lại, gọi là trí thức thì không bao giờ nói ác, làm ác, suy nghĩ ác hay làm hại người khác để lợi cho mình.

Thuyết đến đây tôi nhớ trong bộ Dīghanikāya ở phẩm Pāthikavagga, bài Kinh Saṅgītisuttaṃ có dạy trạng thái của bậc trí thức cho ta nhận biết, có 7 điều là :

* Dhammaññutā: người hiểu nhân, như hiểu rằng: Pháp thiện là nhân đem đến sự an vui, rồi làm việc thiện, pháp ác là nhân đem đến khổ, rồi bỏ điều ác.

* Atthaññutā: người hiểu quả, hiểu rằng: ta được hưởng sự an vui là do nghiệp thiện đã gieo trồng, thọ khổ là do nơi ác nghiệp đã tạo.

* Attaññutā: người biết mình, biết rằng: ta là dòng sang hay hèn. Biết rằng ta là người đang hành phạm hạnh hay không? Trong tâm ta có những gì cao quý? Pháp biết mình đây là một nhân không làm cho mình làm sai phận sự.

* Mattaññutā: biết độ lượng, là người biết cách xây dựng của cải của mình, không bỏn xẻn thái quá, cũng không tiêu xài phung phí, nhất là không quên mình để chạy theo việc làm quá độ. Đây là nhân để thiện tín biết tri túc.

* Kālaññutā: người biết thời kỳ, người biết sử dụng thời giờ của mình, không bỏ qua phận sự.

* Parisaññutā: người biết hàng đại chúng, ý nói rằng: mình phải biết mình đang ở trong nhóm đông nào, đây là hàng quý phái hay quan liêu… để cư xử và nói cho phù hợp theo trình độ của những người ấy.

* Puggalaparopaññutā: người biết người khác, ý nói rằng: mình phải biết người này có tánh cách thế nào, thành tích ra sao? Thiện hay ác để xa lánh hay thân cận.

Người vì không nhận thấy và cố hiểu người bạn bên mình thì không bao giờ được an vui. Vì chúng ta không hiểu được trình độ và kiến thức của người nên chúng ta muốn cho con người đồng nhau một thể thì không bao giờ nào được. Cũng như một đám rừng, ta muốn uốn nắn theo chiều của ta thì quả là việc quá sức. Thuyết đến đây, tôi còn nhớ đến túc sanh truyện tên Kāraṇḍiya (Jā.356) như vầy:

Khi Đức Thế Tôn  ngự tại Kỳ Viên Tịnh xá. Lúc ấy, đức Xá-lợi-phất thường khuyên những người thợ săn và đánh cá  thọ trì Tam quy – Ngũ giới. Vì lòng kính trọng Ngài nên những người ấy không dám cải, họ vui vẻ thọ nhưng họ không thể bỏ việc làm của họ, vì hoàn cảnh và đời sống của họ và cả gia đình đều nhờ vào chừng ấy.

Tôn giả Xá-lợi-phất mới gọi đệ tử lại nói rằng:

- Những người ấy được tôi truyền giới, nhưng không thực hành theo.

- Bạch Ngài, Ngài giảng Pháp cho họ trái với mong ước của họ và vì họ không dám cưỡng lại lời Ngài nên họ chấp nhận đấy thôi. Từ nay Ngài chớ giảng Pháp cho những ấy nữa.

Ngài không nghe, vẫn truyền giới đến những kẻ ấy. Khi các thầy Tỳ-khưu hội lại nơi giảng đường đem chuyện ấy ra bàn, Đức Thế Tôn ngự đến hỏi các thầy đang hội họp chuyện gì. Các thầy Tỳ-khưu bạch sự thật. Đức Thế Tôn mới dạy rằng:

- Này các thầy Tỳ-khưu, không phải chỉ bây giờ mà xưa kia cũng thế, ông ấy giảng pháp cho bất cứ ai mà ông gặp dù họ chẳng yêu cầu.

Rồi Đức Thế Tôn mới thuyết Túc sanh truyện rằng:

Lúc quá khứ, đức vua Brahmadatta, trị vì xứ Bārānasī. Đức Bồ-tát giáng sanh vào dòng Bà-la-môn tên Kāraṇḍiya, cha mẹ cho đi học với một vị giáo sư trứ danh tại xứ Takkasilā. Khi ấy, vị giáo sư gặp bọn thợ săn, bọn chài lưới nơi nào cũng kêu họ thọ giới. Bọn ấy nể lời ông nên thọ giới cho ông vui lòng nhưng không thực hành theo làm cho ông phiền lòng. Ông mới gọi học trò lại thuật chuyện ấy và tỏ ý phàn nàn những người ấy. Bọn đệ tử nói:

- Vậy xin thầy đừng cho những người ấy thọ giới nữa vì họ không cầu xin.

Ông thầy không nghe vẫn làm như lúc trước.

Ngày kia, có một người làm lễ cúng dường nên mời thầy và năm trăm đệ tử đến thọ thực. Thầy vì bận việc nên không đi được, để Kāraṇḍiya thế thầy dẫn đệ tử đi thọ thực. Khi thọ thực xong, về đến con sông, anh em ngồi nghỉ mát. Riêng Kāraṇḍiya nghĩ rằng: “Thầy ta cứ kêu gọi cho giới những người họ không yêu cầu, vậy ta phải thức tỉnh thầy ta đừng cho giới đến những người ấy nữa”. Nghỉ xong, Kāraṇḍiya chạy đi lượm đá nhỏ lớn liệng xuống sông. Năm trăm học trò thấy thế làm lạ, hỏi:

- Sư huynh làm gì lạ thế?

Kāraṇḍiya không đáp, các học trò mới về cho thầy hay hành vi lạ lùng của Kāraṇḍiya. Ông thầy lật đật đến hỏi Kāraṇḍiya câu kệ rằng :

“Eko araññe girikandarāyaṃ

Paggayha mahantaṃ silaṃ pavecchasi

Punappunaṃ santaramānarūpo

Kāraṇḍiya ko nu tava yidhattho”.

Nghĩa: này Kāraṇḍiya, một mình con chạy đi chạy lại lượm đá lớn đá nhỏ liệng xuống sông từ trên cao đổ xuống. Thầy hỏi con liệng đá xuống sông có lợi ích gì?

Kāraṇḍiya nghe thế đáp :

“Ahaṃ imaṃ sāgara sevitantaṃ

Samaṃ karissāmi yathāpi pāṇi

Vikiriya sānūni ca pabbatāni ca

Tasmā silaṃ dariyā pakkhipāmi”.

Nghĩa: thưa thầy, con lượm đá lớn nhỏ lấp sông và trải ra, ý con muốn làm cho quả địa cầu và bốn châu cùng bốn biển bằng phẳng như bàn tay con. Vì vậy nên con mới lượm đá liệng xuống sông.

Ông thầy mới nói :

“Na yimaṃ mahiṃ arahati paṇikappaṃ

Samaṃ manusso karaṇāya meko

Maññāmi maññeva dariṃ jigīsaṃ

Kāraṇḍiya hāhasi jīvalokaṃ”.

Nghĩa: này Kāraṇḍiya con ơi, thầy thiết tưởng một người không thể làm cho quả địa cầu bằng như bàn tay được, con mà cố lấp con sông này, chỉ chuốc lấy cái chết vô ích thôi.

Kāraṇḍiya đáp:

“Sace ahaṃ bhūtadharaṃ na sakkā

Samaṃ manusso karaṇāya meko

Evameva tvaṃ brahme ime manusse

Nānādiṭṭhike nānayissasi te”.

Nghĩa: thưa thầy, một người không thể làm cho mặt quả địa cầu bằng được, cũng như một mình thầy không thể làm cho con người mà kiến thức, giai cấp hay trình độ khác nhau trở thành một được.

Ý câu này dạy rằng: cũng như thầy đi bắt buộc kẻ không có đức tin đang làm điều ác là sát sanh phải thọ giới, mà trước khi thầy không dạy cho họ biết là làm như thế là có hại như thế nào.

Ông thầy nghe xong câu này tự biết rằng: “Kāraṇḍiya dùng phương tiện dạy ta” nên mới nói rằng:

“Saṅkhittarūpena bhavaṃ mamatthaṃ

Akkhāsi kāraṇḍiya evametaṃ

Yathā na sakkā pathavī samāyaṃ

Kattuṃ manussena tathā manussāti”.

Nghĩa: này Kāraṇḍiya con ơi, con dùng phương pháp thiết thực để nhắc thầy, cũng như thầy không thể làm cho người có trình độ kiến thức, giai cấp khác nhau trở thành một được.

Từ ấy trở đi, ông thầy bỏ đi sự cho giới ấy. Nhắc đây để thiện tín trông thấy rằng: ta phải biết người mà ta gần có trình độ tới đâu? Kiến thức thế nào? Giai cấp nào? Để cho ta có thể nói chuyện được. Nếu không vậy thì việc làm của ta không có kết quả. Cũng như là ta kêu người đạo Gia-tô lạy Phật thì ta chỉ chuốc lấy sự mắng của họ thôi.

Đức Thế Tôn dạy gần người thiện trong giây phút cũng đem sự hạnh phúc đến cho mình được. Lẽ cố nhiên, các bậc trí thức hằng tìm phương tiện để dạy người thoát khổ. Nhắc đến đây, tôi con nhớ trong Túc sanh truyện Sujāta (Jā 352) như vầy :

Thuở quá khứ, đời đức vua Brahmadatta trị vì xứ Bārānasī. Đức Bồ-tát sanh làm con của một ông triệu phú tên là Sujāta. Ngài là người thông minh, trí thức. Một ngày nọ, ông nội của Ngài mãn phần. Cha Ngài làm lễ hỏa táng xong xuôi, đem cốt về làm tháp thờ trong vườn hoa. Từ ngày ấy, cha Ngài bỏ cả ăn uống, cứ nằm gần bên tháp ấy mà than khóc, lâu ngày thân hình tiều tụy. Đức Bồ-tát Sujāta, con ông mới nghĩ rằng: “Từ khi ông nội ta mất, cha ta đi đâu cũng cứ đắm chìm trong sầu muộn. Ta chắc rằng chẳng ai ngoài ta ra có khả năng khuyên nhủ được người. Ta sẽ tìm cách giải thoát cho người khỏi cơn sầu khổ”.

Ngày nọ, Sujāta ra đồng gặp con bò chết. Đức Bồ-tát Sujāta mới nghĩ ra một kế, đi cắt cỏ non, múc nước trong đem lại để gần miệng bò và kêu rằng:

- Bò ơi, hãy dậy ăn cỏ non, uống nước trong đi.

Bò không dậy. Đức Bồ-tát kêu khóc thảm thiết. Người trong xóm trông thấy chuyện lạ mới nói rằng: “Sujāta, cậu khùng rồi sao? Cậu kêu bò chết dậy ăn cỏ và uống nước sao?”. Đức Bồ-tát không trả lời, chỉ biết kêu khóc thôi. Những người ấy mới đến nhà ông triệu phú cho ông biết Sujāta làm chuyện lạ đời thế.

Ông lật đật đến chổ con trai đang ôm bò khóc thảm thiết mà hỏi rằng:

- Sujāta con ơi, ai ai cũng cho con là bậc trí thức, tại sao con lại đem cỏ và nước cho bò chết?

Rồi ông đọc hai bài kệ :

“Kiṃ nu santaramānova

Lāyitvā haritaṃ tiṇaṃ

Khāda khādāti lapasi

Gatasattaṃ jaraggavaṃ.

 

Na hi annena pānena

Mato goṇo samuṭṭhahe

Tvañca tucchaṃ vilapasi

Yathā taṃ dummatī tathā”.

Nghĩa: cha hỏi con, tại sao con cắt cỏ tươi lại kêu khóc bò chết rồi rằng: “Bò ơi hãy ăn cỏ?” Sự thật, khi bò đã chết rồi không thể sống lại bởi nước và cỏ. Người thiếu trí mới than khóc như thế. Mà con cũng than khóc như vậy sao?

Đức Bồ-tát đáp lại bằng hai bài kệ rằng :

“Tatheva tiṭṭhati sīsaṃ

Hatthapādā ca vāladhi

Sotā tatheva tiṭṭhanti

Maññe goṇo samuṭṭhahe.

 

Nevayyakassa sīsañca

Hatthapādā ca dissare;

Rudaṃ mattikathīpasmiṃ

Nanu tvaññeva dummati”.

Nghĩa: đầu, chân trước, chân sau, đuôi, tai bò vẫn còn như thường. Vì vậy nên con tưởng bò đã chết rồi có thể sống lại nên con mới kêu khóc cho bò sống lại. Còn đầu, tay, chân, thân hình của ông nội, cha không thấy. Tại sao cha lại cứ khóc than nơi tháp mãi?

Khi nghe xong câu kệ, cha của đức Bồ-tát mới nghĩ rằng: Sự thật thì con ta là người trí thức, biết sự lợi ích đời này và đời sau. Con ta làm như thế này là muốn nhắc nhở ta một cách gián tiếp. Ông mới nói với đức Bồ-tát rằng:

- Sujāta con ơi, con thật là một bậc trí thức, nhờ con, cha mới biết mọi việc trên đời này còn có sự cấu tạo thì có sự tan rã là lẻ cố nhiên. Kể từ nay, cha sẽ không than khóc nữa. Chưa từng có đứa con nào dập tắt lửa khổ của người cha đang đau khổ như con.

Rồi ông nói 4 bài kệ ca tụng con ông rằng :

 “Ādittaṃ vata maṃ santaṃ

Ghatasittaṃva pāvakaṃ

Vārinā viya osiñcaṃ

Sabbaṃ nibbāpaye daraṃ”.

 

“Abbahī vata me sallaṃ

Yamāsi hadayassitaṃ

Yo me sokaparetassa

Pitu sokaṃ apānudi”.

“Sohaṃ abbūḷhasallosmi

Vītasoko anāvilo

Na socāmi na rodāmi

Tava sutvāna māṇava”.

 

“Evaṃ karonti sappaññā

Ye honti anukampakā

Vinivattenti sokamhā

Sujāto pitaraṃ yathāti.

Nghĩa: con là người tưới tắt sự rất nóng nảy của cha và làm cho cha dứt được sự buồn dọc bởi buồn rầu, đau thương. Ví như người dập tắt lửa bằng nước.

Con là người đến nhổ mũi tên là sự buồn rầu than khóc đã cắm sâu vào tim cha ra trong khi cha đang bị sự uất ức, khóc than ám ảnh, con đến dập tắt. Cha là người nhổ đứt gốc của buồn rầu. Hết sự buồn rầu ở tâm thì tâm được trong sạch.

Này con, cha mà hết buồn rầu than khóc là nhờ con, con Sujāta của cha ơi! Con làm cho cha hết buồn rầu than khóc do nơi trí tuệ của con, cũng như bậc trí thức hằng làm cho người đang buồn rầu đau khổ hết được và thêm sự an vui.

Nhắc tích này lại để chư thiện tín, nhất là tang gia và bà Nhân trông thấy rằng: dầu cho có khóc than đi nữa thì người chết cũng chẳng nghe được đâu, ta chỉ chuốc lấy cái đau khổ cho mình, nếu muốn an vui hãy dứt bỏ khổ. Ý Ngài dạy rằng, không phải bỏ sự than khóc ấy làm cho ta trở thành đứa con bất hiếu. Hiếu thảo không phải ở chổ khóc lóc mà ở chổ ráng tu đễ giải thoát cho mình và cầu phước cho cha mẹ.

Thuyết đến đây, tôi còn muốn giải thêm một tích nữa để làm gương cho những người cần dập tắt lửa đau khổ trong lúc tử biệt sanh ly.

Lúc nọ, Đức Thế Tôn ngự tại Kỳ Viên tịnh xá của Trưởng giả Cấp Cô Độc, Ngài có đến thuyết pháp độ một người Kutumbi (Jā 354) rầu con chết, bỏ cả công ăn việc làm.

Sau khi con chết, Kutumbi buồn rầu, bỏ ăn uống, cứ than khóc mãi, Đức Thế Tôn ngự đến nơi, khi gia chủ tiếp rước và an vị xong, Đức Thế Tôn hỏi rằng :

- Này Kutumbi! Ngươi buồn khổ lắm phải không?

- Bạch Đức Thế Tôn, từ ngày con của đệ tử chết đến nay, đệ tử đau khổ vô cùng.

- Đã gọi là pháp hành thì phải tiêu diệt là lẽ cố nhiên. Sự tiêu diệt ấy không dành để riêng cho một nhân vật nào, mà cũng chẳng phải để riêng cho một gia tộc nào, một xóm, một làng nào… nó là của chung của nhân loại. Lại nữa, pháp giải thoát là pháp bất sanh bất diệt, người ta không thể tìm ra được trong vũ trụ này, không ai có quyền thế gì làm cho chúng sanh trong luân hồi này khỏi chết được. Tất cả pháp hành không có pháp nào là bền vững. Tất cả chúng sanh phải chết là lẽ cố nhiên như vậy. Các bậc trí thức khi con chết không bao giờ than khóc, mến tiếc bởi hiểu rằng: đời là phải hư hoại, phải tiêu diệt.

Khi thuyết đến đó, Đức Thế Tôn lại ngồi yên không thuyết nữa, Kutumbi mới yêu cầu Phật dạy cho biết cái hiểu của bậc trí thức như thế nào mà không khóc con.

Đức Thế Tôn thuyết:

- Thuở quá khứ, đức vua Brahmadatta trị vì xứ Bārānasī. Đức Bồ-tát sanh vào gia đình Bà-la-môn gần thành Bārānasī. Ngài chỉ chuyên nghề làm ruộng, có hai con, một trai một gái, một cô dâu và một người ở. Cả Ngài và vợ Ngài là sáu người. Người trong gia đình ấy rất quý mến nhau, đức Bồ-tát dạy rằng:

- Các ngươi nên tùy sức mình mà bố thí hay thọ bát quan trai, và phải để trí nhớ niệm về sự chết. Vì đời người không bền vững lâu dài, của cải bị tiêu diệt. Ta phải chết, vậy chẳng nên để thời gian di qua một cách vô ích.

Các người ấy vâng lời Ngài lo niệm về sự chết. Có ngày nọ, nhằm mùa mưa, Ngài và con trai ra ruộng, con Ngài lo đốt cỏ gần gò mối, còn Ngài thì đi cày. Vì đốt rác, khói theo hang vào trong gò mối. Trong hang ấy có con rắn độc, bị khói cay mắt, bò ra gặp ngay người thanh niên, cắn cậu ấy chết tại chỗ. Khi cày đến nơi thấy con chết, Ngài biết là bị rắn cắn. Ngài liền bồng con để dưới một tàng cây, đắp kín lại và quán tưởng rằng: “Các hành thật không bền vững, nó là vật phải tiêu diệt như thế. Vật phải chết nay đã chết rồi. Kết cuộc của pháp hành là chết thế ấy thôi.”

Khi ấy, Ngài thấy có một người thanh niên đi về xóm, Ngài bèn kêu lại hỏi rằng:

- Này em, em đi về nhà phải không?

- Thưa ông phải - Người thanh niên đáp.

Ngài nói:

- Nếu vậy xin em ghé lại nói với người nhà của tôi rằng: “Hôm nay đem ra một phần ăn thôi. Những ngày trước người tớ gái đem ra, hôm nay phải ra đủ mặt và phải mặc đồ sạch, đem tràng hoa và nước thơm ra”.

Khi người thanh niên ấy nói với vợ của Ngài, bà hỏi:

- Ai nhắn tin ấy về cho tôi?

- Thưa bà, ông nhắn về.

Bà biết rằng con bà đã chết. Mặc dù biết thế, bà cũng không hề tỏ vẻ buồn gì cả. Bà kêu con gái, con dâu và người ở tắm rửa sạch sẽ, mặc đồ sạch, đem bông và một phần ăn ra ruộng. Cả bốn người không ai nghĩ gì là buồn rầu cả. Khi đem cơm đến nơi, đức Bồ-tát ngồi ăn chỗ thi hài con bình thường, không buồn gì cả. Khi ăn xong, cả năm người đi chặt cây lượm củi làm hỏa táng người con.

Khi lễ hỏa táng xong, lửa cháy rực mà không một ai trong năm người nhỏ một giọt nước mắt. Vì oai lực giới đức của năm người ấy làm nóng đến đức Đế Thích nên ngài hóa ra một vị Bà-la-môn đến hỏi thử lòng năm người ấy. Ngài hỏi đức Bồ-tát rằng :

- Các ngươi làm gì đây?

- Thưa ông, tôi đang làm lễ hỏa táng một người.

- Vậy mà tôi tưởng các người nướng thịt chớ.

- Thưa không phải, chúng tôi làm lễ hỏa táng thật.

- Nếu vậy người chết này là kẻ thù của các ngươi?

- Thưa không, người ấy là con ruột của tôi.

- Nếu là con thì chắc không phải là đứa con yêu quý của ông?

- Thưa không, trái lại với ông tưởng, nó là đứa con quý mến của tôi.

- Nếu là con quý mến của ông sao không thấy ông không than khóc?

Đức Bồ-tát muốn tỏ rõ lòng mình nên ngâm kệ :

“Uragova tacaṃ jiṇṇaṃ

Hitvā gacchati saṃ tanuṃ

Evaṃ sarīre nibbhoge

Pete kālaṅkate sati.

 

Ḍayhamāno na jānāti

Ñātīnaṃ paridevitaṃ

Tasmā etaṃ na socāmi

Gato so tassa yā gat”.

Nghĩa: rắn lột da cũ ra, nó không mến tiếc da ấy. Điều này ví như con tôi đã bỏ xác thân này rồi, sanh về cảnh giới khác thì nó cần gì với sự than khóc bi thương của quyến thuộc.

Xác thân của con tôi bị đâm bằng chỉa nhọn, đốt bằng lửa cũng không biết đau đớn, cũng như con tôi không biết gì với sự than khóc của quyến thuộc. Nhân cơ ấy nên tôi không than khóc với nó. Nhân sanh của nó thế nào thì thọ sanh như thế ấy. (Ý nói tạo nghiệp duyên thế nào thì phải sanh theo nghiệp duyên đã tạo).

Đức Đế Thích nghe thế mới quay sang hỏi bà vợ của đức Bồ-tát rằng :

- Thưa bà, người chết ấy là chi của bà?

- Nó là con tôi.

- Lẽ cố nhiên của người cha, tâm cứng rắn nên không khóc là phải, còn nói về bà mẹ thì tâm rất thương con, đối với con rất yêu mến, tại sao bà lại không khóc?

Bà bày tỏ sự không khóc của bà bằng hai bài kệ :

“Anabhito tato āgā

ananuññāto ito gato

yathāgato tathā gato

tattha kā paridevanā”.

 

“Ḍayhamāno na jānāti

Ñātīnaṃ paridevitaṃ

Tasmā etaṃ na socāmi

Gato so tassa yā gati”.

Nghĩa: con tôi đây, tôi không mời nó từ cảnh giới khác đến, tự nó đến nhà tôi. Đến khi nó đi khỏi cõi này, tôi cũng không cho phép nó. Khi nó đến đây tùy theo ý thích của nó thế nào thì khi nó muốn đi cũng theo ý thích của nó như thế ấy.

Sự than khóc với cái chết của nó có ích chi? Thân của con tôi bị lửa cháy mà cũng không biết đau khổ, cũng như nó chẳng biết chuyện quyến thuộc đang than khóc. Nhân sanh của nó thế nào thì nó đi thọ sanh như thế ấy.

Đức Đế Thích quay qua hỏi cô con gái của đức Bồ-Tát :

- Người chết ấy là chi của cô?

- Thưa ông, là anh ruột tôi.

- Lẽ cố nhiên, người em gái thường thương mến anh em trai lắm. Tại sao cô không khóc?

Cô gái mới đáp bằng hai bài kệ :

“Sace rode kisā assaṃ

Tassā me kiṃ phalaṃ siyā

Ñātimittasuhajjānaṃ

Bhiyyo no aratī siyā”.

   

“Ḍayhamāno na jānāti

Ñātīnaṃ paridevitaṃ

Tasmā etaṃ na socāmi

Gato so tassa yā gati”.

Nghĩa: một khi anh tôi đã chết mà tôi có than khóc đi chăng nữa, tôi cũng chỉ được cái hậu quả là ốm o gầy mòn, mà anh tôi cũng chẳng được lợi ích gì bởi sự than khóc ấy, khi tôi khóc, tôi cũng chẳng được quả báu gì, chỉ gánh lấy cái khổ.

Trong khi anh tôi bị thiêu như thế này mà vẫn không biết đau khổ thì cũng không biết sự đau khổ của quyến thuộc. Vì nhân ấy, nên tôi không khóc. Nhân sanh anh tôi thế nào thì để anh ấy thọ sanh như thế ấy.

Đức Đế Thích mới hỏi cô con dâu của đức Bồ-tát rằng :

- Người chết là chi của cô?

- Thưa ông, người ấy là chồng của tôi.

- Lẽ thường của phụ nữ, khi chồng chết thì thường khóc lóc than tiếc vì trở nên góa phụ, không biết nương tựa vào ai. Tại sao cô không khóc?

Cô con dâu liền ngâm hai bài kệ :

“Yathāpi dārako candaṃ

Gacchantamanurodati

Evaṃ sampadamevetaṃ

Yo petamanusocati”.

   

“Ḍayhamāno na jānāti

Ñātīnaṃ paridevitaṃ

Tasmā etaṃ na socāmi

Gato so tassa yā gati”.

Nghĩa: đứa bé chưa hiểu đời, khi nó thấy mặt trăng trên không trung, nó cứ theo khóc, đòi cha mẹ đem lại cho nó, mãi mãi nó không khi nào được như ý nguyện. Cũng ví như người nào cứ kêu khóc người đã quá vãng thì nào có kết quả gì.

Chồng tôi bị người ta đốt cũng không biết đau khổ gì, cũng như chồng tôi không biết rằng: thân nhân đang khóc tiếc. Vì cớ ấy tôi không than khóc. Chồng tôi nhân sanh thế nào thì đi thọ sanh như thế ấy.

Đức Đế Thích mới quay lại hỏi người tớ gái :

- Người chết này là gì của cô?

- Thưa ông, là chủ của tôi.

- Chắc cô thường bị người đánh đập lắm chăng nên cô không than khóc, tiếc thương? Vì cô nghĩ rằng: Người ấy chết chăng nữa cũng là một chuyện tố.

- Xin ông đừng dạy thế, vì không đúng sự thật. Cậu chủ của tôi là người rất tốt, có lòng từ bi đối với tôi, yêu mến tôi như em.

- Nếu vậy tại sao cô không khóc?

Muốn giải nỗi lòng của mình, cô tớ gái nói lên hai bài kệ:

“Yathāpi udakakumbho

Bhinno appaṭisandhiyo

Evaṃ sampadamevetaṃ

Yo petamanusocati”.

   

“Ḍayhamāno na jānāti

Ñātīnaṃ paridevitaṃ

Tasmā etaṃ na socāmi

Gato so tassa yā gati”.

Nghĩa: cái nồi đất đã bị bể rồi, ráp cho nó dính lại như trước cũng không được. Cũng như người nào mà than khóc thường tiếc người quá cố thì người ấy nào biết.

Chủ tôi mà người đang thiêu đây cũng không biết đau đớn thì nào biết sự than khóc của tôi. Nhân cớ ấy, tôi không khóc. Nhân sanh chủ tôi thế nào thì để cậu thọ sanh như thế ấy.

Giải thích câu này: người có phép thần thông không thể làm cái nồi bể dính lại được, cũng như người không thể làm cho người chết sống lại được.

Sau khi nghe năm người ấy nói xong, đức Đế Thích phát tâm tính thành mới dạy rằng:

- Các ngươi chẳng nên dể duôi với sự niệm tử. Từ ngày nay trở đi, các ngươi hãy nghỉ làm việc mệt nhọc. Ta đây là Đế Thích, cho các ngươi bảy thứ ngọc vô giá đầy nhà. Các ngươi nên bố thí và thọ trì bát quan trai giới.

Nói xong, Ngài dùng thần thông biến cho các thứ ngọc đầy nhà của đức Bồ-Tát.

Nhắc đến tích này cốt để tang gia chẳng nên buồn rầu với sự chết của quyến thuộc làm gì, đã không bổ ích lại càng không hợp lẽ đạo. Hơn nữa, để chư thiện tín do nhờ gần gũi các bậc trí thức nên dứt được sự ưu phiền, được sự lợi ích ở đời này và đời sau.

Trong bộ kinh Khuddakanikāya, Đức Thế Tôn có dạy rằng:

“Muhuttamapi ce viññū

Paṇḍitaṃ payirupāsati

Khippaṃ dhammaṃ vijānāti

Jivhā sīparasaṃ yathā”[19].

Nghĩa: bậc trí thức khi thân cận với người trí, dầu một thời gian ngắn cũng hiểu đạo rất mau lẹ. Ví như lưỡi mau biết vị của canh.

Theo câu kệ này, thấy rõ rằng: khi gần bậc trí thức thì mau đem lại sự lợi ích.

2. Giải chi thứ hai.

Saddhammasavana: thính Pháp. Câu này ý nói rằng: tác ý lành phát sanh lên ngăn đón không cho tâm phóng túng, hôn trầm và buộc tâm phải chú ý vào một việc lành là nghe lời giảng dạy. Tác ý đó là nghe pháp.

Giải thích: khi người thí chủ nam nữ nào có đức tin phát tâm trong sạch, trông thấy quả báu của sự nghe pháp rồi nghĩ rằng: ta nên nghe pháp bằng tất cả lòng trong sạch và cung kính.

Chúng ta có thể nhận biết rằng: người thiện nam, tín nữ nào có đức tin hay tinh tấn trong khi họ đến nghe pháp. Vì người có đức tin và muốn giải thoát đối với sự nghe lời giải thoát của họ bao giờ cũng thấy thiếu thốn, khi nghe pháp hết lòng cung kính, không dám làm động đến kẻ ngồi gần. Người ấy nghe pháp như thế thì được quả báu hiện tại là trí tuệ và phước, có thể đắc được đạo quả. Còn về ngày vị lai thì được dung mạo đẹp và trang nghiêm khiến cho người trông thấy phải kính nể và cảm mến.

Thuyết đến đây tôi còn nhớ một tích truyện trong Pháp Cú Kinh có dạy rằng:

Lúc nọ, Đức Thế Tôn ngự tại Kỳ Viên tịnh xá. Buổi tối, Ngài thuyết pháp cho chư thiện tín nghe. Khi ấy có một cô tín nữ nghèo bồng con nhỏ vào chùa nghe pháp. Vì có con nhỏ nên cô không vào chùa, cô ngồi dưới gốc cây nghe rất cung kính nhưng đứa bé cứ làm rộn cô. Cô mới cột nó vào gốc cây, đứa bé bò đi bò lại và thọc tay xuống một cái hang. Trong hang ấy có con rắn độc nên đứa bé bị cắn. Khi đứa bé bị rắn cắn, nó vùng vẫy. Lòng thương con của người mẹ trước hoàn cảnh như vậy làm cô bối rối, nhưng cô nghĩ rằng: “Nếu ta làm ầm lên thì hàng đại chúng không thính pháp được và làm đứt đoạn Pháp Bảo, vậy không nên. Sự chết sống là lẽ thường tình”. Cô càng cố trấn tỉnh lòng để nghe pháp. Sau đó cô đắc được quả Tu-đà-huờn. Khi nghe pháp xong, do oai lực lòng cung kinh pháp của cô làm động đến đức Đế Thích, Ngài đến cho đứa bé uống thuốc sống lại.

Nhắc tích này để thiện tín thấy rằng: thời xưa, người ta nghe Pháp để giải thoát thật sự nên đắc được đạo quả. Riêng hôm nay, chúng ta không hoàn toàn được như thế, làm sao đắc được đạo quả. Vậy chúng ta hãy ráng tinh tấn trong khi nghe pháp, cố ngồi yên để tâm kính trọng Pháp Bảo, chẳng nên làm bực cho người ngồi xung quanh, nhất là vị Pháp sư.

Sự nghe pháp có 5 điều quả báu:

* Người thính pháp sẽ được nghe những chuyện lạ mà mình chưa nghe.

* Người nghe pháp sẽ được nghe những pháp mà mình đã nghe rồi làm cho nhớ và hiểu thêm ý nghĩa cao siêu hơn.

* Người thính pháp dứt trừ lòng hoài nghi của mình.

* Người thính pháp dứt trừ lòng hoài nghi thì sự trong sạch lại tăng trưởng.

* Tâm trong sạch phát sanh thì chánh kiến dõng mãnh và rất cung kính Tam Bảo.

3. Giải chi thứ ba.

Yonisomanasikāra: khéo tác ý. Ý nói rằng: sự quan sát cho thấy, hiểu rõ nhân quả, lý lẽ mọi vật mà mình đã gặp, thấy đúng theo chánh pháp.

Sự thật, mọi việc trong đời mà người đã làm rồi, đang làm hay chưa làm thì cần phải suy nghĩ cho chu đáo rồi mới thực hành theo. Như vậy, những việc làm của mình sẽ được kết quả mỹ mãn, không phải ân hận. Người làm việc gì mà không có suy nghĩ chu đáo thường hay bị thất bại. Sự suy nghĩ cho chu đáo này, nếu nói ngay là trí tuệ không được, vì nó là một phương pháp giúp làm cho phát sanh trí tuệ, hiểu rõ các việc làm và lời nói. Lẽ cố nhiên, khi chúng ta học một môn gì hay thấy món gì mà không quan sát, suy nghĩ cho kỹ thì ta không hiểu chu đáo.

Có câu Phật dạy trong Pháp Cú Kinh rằng: “Natthi paññā na ajhayino”[20]. Nghĩa: người mà không suy nghĩ quan sát thì sẽ không có trí tuệ. Vì vậy, khi ta gặp những gì, phải đem chuyện ấy ra suy nghĩ. Nhờ có sự suy nghĩ ấy ta mới biết được điều ác, làm thêm việc lành và cũng nhờ phương pháp này nên nhiều vị được giải thoát.

Đức Thế Tôn dạy sự suy nghĩ cho hiểu chu đáo theo Phật Pháp khi gặp thấy một điều nào là chúng ta phải để tâm suy nghĩ trông thấy vô thường, khổ não, vô ngã trong đó. Sự suy xét như thế chính là nguyên nhân đắc được tuệ giác.

Theo đây, tôi xin nhắc lại tích của vị Sa-di Paṇḍita, lúc xuất gia mới 7 tuổi thôi. Nhưng ông lại là một vị đại A-la-hán có nhiều thần thông và trí tuệ, nhờ ông thấy và suy nghĩ những chuyện bên ngoài.

Trong kiếp quá khứ, thời đức Phật Kassapa (Ca-diếp), Ngài ngự tại kinh đô xứ Sāvatthi với hai muôn Tỳ-khưu. Ngày nọ Đức Thế Tôn mới thuyết pháp rằng: “Này chư thiện tín, người trong đời này có hạng chỉ bố thí một mình, không kêu gọi kẻ khác, vì vậy ngày vị lai được giàu sang nhưng có quyến thuộc. Có người lại kêu gào kẻ khác bố thí nhưng chính mình lại bỏn xẻn, người ấy ngày vi lai có nhiều quyến thuộc giàu có nhưng bản thân mình thì nghèo”. Có người tự mình bố thí và kêu gọi người khác bố thí, người ấy đời sau được giàu sang và có nhiều quyến thuộc.

Trong nhóm thiện tín nghe pháp, có một ông thiện nam nhiều trí tuệ, muốn được giàu sang và nhiều quyền thế, ông đến đãnh lễ Đức Thế Tôn và xin thỉnh Đức Thế Tôn cùng hai muôn vị Tỳ-khưu ngày mai đến nhà ông thọ thực, Đức Thế Tôn im lặng nhận lời.

Khi ấy, ông đi yêu cầu từng người, hỏi mỗi người thỉnh bao nhiêu vị để ông ghi vào sổ. Trong lúc đó, có một người đi lang thang bên đường. Ông thiện nam thấy vậy mới bảo rằng:

- Này ông bạn của tôi ơi, hôm nay tôi có thỉnh Đức Thế Tôn và hai muôn vị Tỳ-khưu đến trai tăng ngày mai. Người trong thành này ai ai cũng thỉnh một hay nhiều vị về nhà trai tăng. Vậy bạn muốn thỉnh mấy vị?

- Tôi là kẻ nghèo khó, chính tôi còn bữa đói bữa no, lấy gì mà cúng dường.

Ông thiện nam phân bày lý lẽ làm người ấy phát tâm thành kính xin thỉnh một vị. Nhưng ông thiện nam ấy quên ghi tên vào sổ, vì ông ngại rằng: “Người này hứa chỉ vì nể ta mà thôi”.

Sau khi nhận cúng dường một vị, người nghèo ấy lật đật chạy về nhà bảo vợ:

- Em ơi, người trong thành họ tổ chức cuộc cúng dường vĩ đại ngày mai này. Anh cũng thọ lãnh một vị Tỳ-khưu để cúng dường. Vậy chúng mình cố làm thuê làm mướn nhiều hơn để có đồ cúng dường ngày mai.

Cô vợ nghe chồng nói, lấy làm vui lòng. Hai vợ chồng mới đến xin làm công cho một ông trưởng giả, chồng bửa củi, vợ giã gạo.. Hai người ca hát liền miệng, tỏ vẻ vui sướng không mệt nhọc. Thấy hai người làm việc khác thường, ông trưởng giả mới hỏi nguyên nhân. Hai vợ chồng nói lên sự vui mừng của mình vì được cúng dường một vị Đại Đức. Nghe qua, ông trưởng giả lấy làm thỏa thích với sự trong sạch của hai vợ chồng. Ông mới cho sữa, dầu, gạo thật tốt sau khi làm công xong.

Trong khi xách cá đem về, lòng rất hân hoan, vì đức lành ấy làm nóng đến đức Đế Thích. Ngài biết rõ ngày mai Đức Thế Tôn sẽ thọ thực tại nhà người ấy. Ngài liền hóa ra người trù phòng đến xin giúp nấu ăn cho anh nhà nghèo, nhờ oai lực thần thông của đức Đế Thích nên các món ăn đều thật ngon và thật quý.

Rạng đông ngày sau, Đức Thế Tôn dùng Tuệ nhãn xem chúng sanh nào hữu duyên được Ngài tế độ trong ngày ấy. Ngài thấy rằng hai vợ chồng nghèo có duyên lành và xứng đáng hơn hết do lòng trong sạch hết lòng lo làm lể cúng dường một vị Đại Đức. Ngoài Ngài ra thì không ai có công đức xứng đáng thọ lãnh vật thực ấy. Nên khi người đến thỉnh chư Tăng về nhà, Đức Thế Tôn đóng cửa hương thất và ngồi gần cửa sổ. Tuy đã mặc y xong và được các hàng vua chúa, trưởng giả đến thỉnh nhưng Đức Thế Tôn vẫn không đi.

Khi người nhà nghèo đến hỏi ông thiện nam, vị Đại Đức của y thỉnh để thỉnh về nhà. Ông thiện nam vì sơ ý không ghi vào sổ nên phải nói thật là không có. Người nhà nghèo ấy khóc và bắt phải có một vị cho anh cúng dường. Túng quá, ông thiện nam chỉ vào thỉnh đức Phật. Anh nhà nghèo ấy không biết, đi vào ngay Hương thất của đức Phật để thỉnh Ngài. Đức Thế Tôn trao bát cho anh và đi đến nhà anh. Các vị vua chúa, trưởng giả đều lấy làm lạ và yêu cầu anh trao bát lại cho họ, họ sẽ cho anh một số tiền lớn. Anh một mực chối từ, dù số tiền đó lên đến hàng triệu hàng tỷ. Những người ấy nghĩ rằng: “Tại sao đức Phật lại thọ thực ở nhà người nghèo ấy? Ta hãy đến coi vật thực quý làm sao”.

Đến nơi, người nhà nghèo mang vật thực đến dâng Đức Thế Tôn. Mở nắp ra, mùi thơm của vật thực bay ra bát ngát, thơm cả thành. Sau khi thọ thực xong, Đức Thế Tôn chúc phúc cho vợ chồng người ấy. Anh nhà nghèo ôm bát tiễn đức Phật về. Khi Đức Thế Tôn ra khỏi nhà thì trong nhà người ấy hiện ra đầy vàng và ngọc quý, khi trở về thấy lạ mới đến trình báo nhà vua biết. Hiểu rằng hiện tượng ấy là do nơi phước của anh, vua liền ban cho anh chức trưởng giả.

Đoạn này nhắc lại hình như lạc đề, nhưng nơi đây tôi muốn nhắc lại để thiện tín thấy rằng: sự cúng dường chẳng luận nhiều hay ít, miễn tùy theo sức và lòng trong sạch của mình mà được quả nhiều hay ít. Xin quý vị hãy lấy tích này làm gương, mặc dầu của ít nhưng tâm thành nhiều cũng quý vậy.

Sau khi chết, hai vợ chồng người ấy sanh về cõi trời cho đến đời Đức Thế Tôn của chúng ta, ông chồng sanh làm con của một nhà giàu có, lại là đệ tử của Ngài Xá-lợi-phất ở thành Sāvatthi, tên là Paṇḍita (trí thức). Ông được tên này là vì khi mẹ ông có thai thì người nào trong gia đình dù có ngu dại cỡ nào cũng khôn ngoan và học giỏi. Khi ông được 7 tuổi, được xuất gia Sa-di theo Ngài Xá-lợi-phất, cha mẹ ông rất vui lòng.

Ngày nọ, ôm bát theo thầy đi khất thực, thấy rãnh nước, ông Sa-di lấy làm lạ mới hỏi thầy :

- Bạch thầy, cái này người ta gọi là chi?

- Gọi là rãnh nước, người ta khai để dẫn nước qua bên kia.

- Bạch thầy, nước có tâm thức không?

- Không.

- Bạch thầy, người ta cũng có thể đưa nước, là vật không có tâm thức qua bên kia được sao?

- Được chứ.

Ông nghe dạy như thế mới nghĩ rằng: “Người đời có thể đem nước, là vật không có thức tánh đi đến chổ họ muốn. Như vậy tại sao con người có tâm thức mà lại không làm cho tâm dưới quyền mình được để hành theo chánh pháp”.

Đi đến phía trước, thầy Sa-di trông thấy một người thợ làm tên đang uốn một cây tên rồi đưa lên nhắm. Ông Sa-di mới hỏi thầy rằng:

- Bạch thầy, người ấy làm gì?

Ngài Đại Đức bảo là làm tên và làm như vậy cho ngay để bắn tên cho trúng đích. Thầy Sa-di mới nghĩ rằng: “Cây mà người ta còn làm cho ngay để bắn vào mục tiêu thì huống chi là tâm ta”.

Đi một đoạn nữa, thấy thợ đang đẽo cây làm bánh xe và đùm xe. Hỏi lại thầy, ông Sa-di biết họ đẽo cây làm bánh xe, nên nghĩ rằng: “Người có thể đẽo cây làm bánh xe, còn tâm ta không sửa chữa được sao?”

Tích này có nói thật rõ trong Pháp Cú Kinh, nơi đây chỉ nhắc sơ lược để chư thiện tín thấy rằng: nếu chúng ta trông thấy chuyện gì rồi đem lại suy nghĩ làm tiêu chuẩn để thấy rõ nguyên nhân đem lại để hành. Như khi ta thấy người bắt chó xách vòng rình theo để bắt chó thì ta có cảm tưởng  chúng ta đây vui theo danh lợi, tiền của mà quên rằng bên ta cũng có tử thần xách vòng theo để bắt ta. Khi ta suy nghĩ như thế thi không bao giờ ta dám dể duôi bỏ sự tu tập và làm thêm việc lành.

Sau khi thầy Sa-di thấy ba điều chán nản, muốn dạy tâm mình nên giao bát cho thầy và xin về hành đạo. Khi về đến tư thất, thầy Sa-di cố hết sức hành đạo và đắc A-la-hán trong ngày ấy.

Tích này cho ta thấy rằng: mọi việc gì ta phải suy nghĩ để làm cho tâm ta chán, đừng vui theo.

4. Giải chi thứ tư.

Dhammānudhammappaṭipatti: hành đúng theo pháp đã nghe. Ý dạy những pháp nào mà ta đã quan sát, đã thấy rõ theo chi thứ ba thì ta phải thực hành, tất sẽ có quả lành. Có người thường hỏi rằng: Tôi hành nhưng không thấy kết quả gì. Tại sao vậy? Vì người ấy hành chưa hoàn toàn đúng theo chánh pháp.

Lấy ngũ giới của chư thiện tín làm ví dụ. Nếu ta muốn hoàn toàn an vui thì ta phải thọ cho hoàn toàn trong sạch 5 điều, thiếu một điều nào khó mà được an vui. Như chúng ta thọ được 4 điều, còn điều trộm cắp không giữ được. Khi ta bị bắt, trở lại đổ thừa rằng: tu hành không kết quả, đó là chuyện quấy ở mình không thực hành đúng chớ không phải do nơi Pháp. Vì vậy, Đức Thế Tôn dạy phải thực hành đúng theo chánh pháp. Như người bệnh uống thuốc phải đúng theo căn bệnh mới trị hết được.

Đến đây tôi xin tạm dứt thời pháp, và xin thay mặt cho thiện tín hồi hướng phần pháp thí này đến ông Trương Hoàng Lâu, xin ông được thọ hưởng tùy ý. Sau khi thọ hưởng rồi thì được thoát khỏi những điều thống khổ, được an vui lâu dài.

BÀI 40 NGƯỜI TU SÁNH NHƯ NGƯỜI BẮN TÊN

Hàng Phật tử muốn tu hạnh giải thoát phải sánh như người bắn tên. Trước hết, người ấy phải đứng trên mặt đất khố ráo chắc chắn, hay chân đứng có thế, ngay lưng, nạp tên và nhắm vào mục tiêu. Người bắn tên phải dày công sửa bộ, nhắm ngay bắn, cốt yếu là nhắm cho ngay mục tiêu. Cũng như hành giả tập rèn tâm tánh cho thật hoàn toàn trong sạch, cốt yêu là giải thoát nhập Níp-bàn.

Đây tôi xin giải rõ mỗi cử chỉ của người bắn tên, so sánh với cử chỉ của hành giả.

1. Đứng trên mặt đất.

Đất là nền tảng của người bắn tên, cũng như giới luật là nền tảng của hành giả. Hành giả phải luôn luôn cố chuyên trí giới đức cho được trong sạch, như người yêu xác thân này ráng lo săn sóc không cho mọc mụt, tàn nhang. Người chân tu ráng lo giới đức của mình sợ bị hư hoại cũng như người đui một mắt rất sợ khi mắt đau vì sợ đui luôn mắt bên kia.

Không những hàng xuất gia mà hàng cư sĩ cũng phải nghiêm trì giới luật cho được trong sạch, vì người có giới đức thường có chư thiên hộ trì và kính trọng. Như tôi còn nhớ tích Đế Thích. Tích rằng:

Mỗi sáng sớm, đức Đế Thích ra lễ bái sáu phương. Có vị chư Thiên hầu Ngài là Mātali thấy lạ mới hỏi rằng:

- Tâu Đại vương,  nghe nói rằng Ngài là bậc đắc quả Tu-đà-huờn, là bậc có chánh kiến đệ tử Phật, tại sao mỗi ngày còn lễ bái lục phương?

- Mātali này, không phải ta lễ bái cầu phước như ngươi tưởng đâu, trái lại là ta lễ bái các bậc có trì giới đức, dầu là ngũ giới.

Nhắc đến đây để chư thiện tín thấy giới đức mới là vật làm cho chư Thiên kính trọng và quý mến.

Tại sao Đức Thế Tôn sánh giới đức như mặt đất? Vì người tu Phật muốn giải thoát trước hết phải nghiêm trì giới luật. Vì một khi giới được trong sạch mới làm cho ĐỊNH phát sanh, khi có ĐỊNH hoàn toàn thì TUỆ mới phát sanh, có TUỆ thì mới có giải thoát được. Ví như người muốn làm lâu đài, trước hết phải có đất chắc chắn bằng phẳng thì mới làm lâu đài tốt đẹp và chắc chắn, cũng như hành giả muốn giải thoát thì trước hết phải có giới đức trong sạch. Vậy tôi xin nhắc lại tích một vị Tỳ-khưu nhờ có giới đức trong sạch mà đắc A-la-hán quả.

Khi Đức Thế Tôn còn tại thế, có một vị Tỳ-khưu tham thiền ở hang núi. Trong hang ấy có một vị chư Thiên tà kiến, vì có vị Tỳ-khưu ở gần đó nên vị chư Thiên lấy làm khó chịu. Vì một khi chư Thiên ở trên cao mà các bậc giới đức đến thì phải xuống dưới thấp. Vị Tỳ-khưu ấy cứ ở tại hang ấy làm cho vị Thiên càng thêm bực. Vị Thiên ấy cố tìm lỗi của vị Tỳ-khưu ấy nhưng không được. Nếu vị Tỳ-khưu có vọng mong chi hay làm điều gì quấy, dầu rất nhỏ y cũng đuổi đi lập tức. Y mới nghĩ ra một kế. Ngày kia, con của một người thí chủ đau bụng rên la, uống đủ mọi thứ thuốc nhưng không hết, sau y mới bảo rằng:

- Nếu muốn hết, các ngươi hãy xin thuốc của vị Tỳ-khưu đi khất thực ngang đây, uống thì sẽ hết ngay lập tức, nếu không có thuốc, xin nước rửa tay của ngài uống cũng hết bệnh.

Sau đó một lúc, vị Tỳ-khưu đi khất thực đến. Người thí chủ thỉnh ngài vào nhà dâng cúng vật thực. Thí chủ ấy sau khi dâng cúng vật thực xong thì xin thuốc của vị Tỳ-khưu. Vị Tỳ-khưu mới đáp rằng:

- Tôi là người xuất gia, không biết thuốc gì cả.

Người thí chủ mới nói tiếp:

- Nếu Ngài không biết thuốc, vậy tôi xin nước rửa tay của Ngài sau khi thọ thực cũng được.

Vị Tỳ-khưu bằng lòng. Sau khi thọ thực xong, người thí chủ xin nước rửa tay cho con uống thì đứa con khỏe trở lại. Vị Tỳ-khưu trở về hang, khi vừa đến nơi thì vị Thiên hiện ra và nói:

- Thầy Tỳ-khưu phá giới kia, thầy không được vào hang nữa.

- Tại sao vậy?

- Hãy tự suy nghĩ lấy.

Vị Tỳ-khưu cố tìm coi sự lỗi lầm của mình thì nhận thấy rằng: Từ khi xuất gia đến nay không có phạm một lỗi nhỏ nào. Nhờ vậy nên tâm được an tịnh, dùng trí tuệ quán sát vô thường, khổ não và vô ngã, đắc được A-la-hán quả. Vị chư thiên ấy lấy làm kinh sợ, quỳ xuống sám hối với Ngài.

Nhắc tích này để chư thiện tín thấy rằng: do nhờ giới đức làm nền tảng cho thân tâm được trong sạch và đắc được đạo quả, đúng theo lời Phật dạy: “Sīlena nibbutiṃ yanti”, nghĩa là: người đến Níp-bàn được cũng nhờ giữ giới. Vì vậy, gọi giới là nền tảng của mặt đất để chúng sanh nương nhờ và trồng hoa quả là các pháp hành.

2. Hai chân đứng vững.

Hai chân của người bắn cung ví như sự tinh tấn của hành giả. Tinh tấn nghĩa là sự cố gắng làm việc nào tùy theo sức của mình. Lẽ cố nhiên, nếu hai chân yếu thì không thể nào đứng vững, cũng như người tu Phật nếu thiếu sự tinh tấn thì không thể nào đi đến nơi giải thoát được. Người tu Phật có tinh tấn năng đến chùa để nghe lời giảng giải của các bậc Đại Đức thông hiểu Kinh Luật, hầu dứt bỏ những điểm xấu xa và ngăn ngừa những điều ác không cho tái phạm bằng cách trì giới. Người có thể sửa chữa các nghiệp của mình đã tạo trong kiếp quá khứ, do bởi sự tu hành tinh tấn của mình trong kiếp này. Tinh tấn ví như con bò kéo xe, nếu người đánh xe (trí tuệ) có đầy đủ trí tuệ quán sát, điều khiển con bò không cho kéo xe đi ngang qua chổ trũng, khỏi bị rớt xuống hố. Những lỗ trũng là hành vi của con người, còn con đường ví như đời sống của con người. Nếu ta khéo tu thì sẽ qua khỏi những cái nghiệp của ta. Đây tôi xin nhắc lại tích của con thỏ hết sức tinh tấn chạy thoát được những cái chết rất thường.

Có một con thỏ đi ăn, bị một người thợ săn bắn trúng, liền bỏ chạy. Lại bị hổ rượt, thỏ nghĩ rằng: “Ta không muốn chết trong cái nồi của anh thợ săn nên cố chạy đến đây, lẽ nào lại chết trong miệng cọp”. Thỏ lại cố gắng chạy, đến cùng đường, nó nhào xuống hố. Trước khi chết, thỏ tự hào nói rằng: “Nhờ có sự tinh tấn mà ta khỏi chết trong nồi của anh thợ săn và trong bụng cọp, ta chết như thế này quý hơn hai chỗ ấy, vì đã hết sức của ta”.

Nhắc tích này để chư thiện tín nhớ rằng: chúng ta hãy cố gắng các hoàn cảnh chi phối ta, chúng ta làm mọi việc không được kết quả vì chúng ta thiếu sự tinh tấn. Ta có thể sửa đổi cái xấu thành cái tốt, trái lại nếu ta hững hờ thì những cái tốt sẽ trở nên xấu.

Tóm lại ta phải tinh tấn để đi trên tất cả sự trở ngại. Những người thiếu tinh tấn, làm việc gì cũng đổ cho nghiệp. Sự thật, theo Phật Giáo, dạy phải tin nơi nghiệp nhưng phải tinh tấn vượt qua trên cái nghiệp, nghĩa là cố sửa chữa cái nghiệp của mình, chớ không phải nằm chờ cho nghiệp đến.

3. Đứng có thế, chân trước chân sau

Cách đứng có thế của người bắn cung như sự nhẫn nại và chịu đựng của hành giả. Người bắn tên đứng chụm chân lại hay dang ra quá, rất khó bắn cho trúng mục tiêu, cũng như hành giả thiếu nhẫn nại và chịu đựng, trước những hoàn cảnh trái ý nghịch lòng thì bị khó chịu bực tức, không thể tinh tấn được.

Người bắn tên có đủ hai chân có sức mạnh, nhưng đứng không đúng thế thì bắn không ngay được, cũng như hành giả có đủ tinh tấn nhưng không có nhẫn nại hành theo Bát Chánh đạo, hoặc hành theo thế pháp, nghĩa là để lòng mình tùy theo thế tục, không can đảm nhẫn nại diệt bỏ được thế pháp thì không bao giờ đi đến nơi giải thoát được.

Hành giả mà thiếu nhẫn nại cũng như người chiến sĩ thiếu giáp sắt, cung, tên, đao, kiếm và ngựa vậy. Vì nhẫn nại là món vũ khí chống với tất cả quân thù là sự trở ngại.

4. Lưng thẳng

Người bắn tên cần đứng lưng cho ngay, cũng như hành giả cần sửa tâm cho ngay, nghĩa là phải làm cho tâm trụ lại. Phàm, tâm của chúng sanh thường hay phóng túng theo tài, sắc, lợi, danh, không khi nào ngừng nghỉ. Vì mãi say đắm theo mùi trần tục nên không bao giờ được sự an vui. Một khi người mãi say mê chạy theo sự ưa muốn của mình, khi đạt được ý muốn thì cho là vừa lòng nhưng họ đã quên rằng: khi ta đang đeo đuổi cái mà ta muốn thì ta phải gặp biết bao nhiêu điều khốn khổ, đến khi được trong tay còn phải tấn công giữ cho được tồn tại của ta mãi. Vì vậy nên trong kiếp Đức Thế Tôn sanh làm vua Mahājanaka (Jā 539), là vị đại Bồ-tát có dạy rằng :

“Ajinamhi haññate dīpi

Nāgo dantehi haññate

Atha kena nu vaṇṇena

Viddheyyaṃ maṃ amaññatha”.

Nghĩa: cọp bị giết vì da, tượng bị giết vì ngà, người bị giết vì dành nhiều của cải. Không ai đi giết những người vô gia đình không còn tham ái.

Nhắc câu này để thiện tín thấy được những vật gì mà tâm ta mê say theo, những vật ấy có hậu quả là vui ít khổ nhiều. Chỉ có làm cho tâm thanh tịnh là được an vui tuyệt đối. Sự an vui của đời cũng như mật có trộn thuốc dược. Người mãi lo mê mật ngọt mà bị trúng độc cũng không hay. Thời bây giờ, khoa học rất tiến bộ, có thể tìm được và chữa trị được những thứ bệnh ngày xưa cho là nan y, song, trước bệnh say mê theo tài, tình, danh, lợi và tâm bệnh thì cũng đành bó tay, vì những ông lương y cũng đồng một bệnh với nhau. Chỉ có đức Phật Thích-ca, Ngài là đấng tìm ra các lý do mà con người mê say theo trần tục. Vì lẽ con người quên mình, quên mình sẽ bị già, bị đau và sẽ chết. Những vật ta đã mất trước khi chết hay khi ta chết không mang theo gì được, Ngài chỉ rõ cho chúng sanh biết chẳng nên ham mê theo trần tục. Ngài dạy cách làm cho tâm không vọng động, chữa trị cho nó yên lặng còn vui vẻ hơn được ngôi vua Chuyển Luân Vương. Vì vậy nên các nhà sư, các vị đạo sĩ chịu khổ cực ở rừng sâu để làm gì. Phải chăng các ngài hưởng được hương vị của tâm an trụ, không màng tới các sự vui của thế tục.

Muốn cho tâm ngay, nghĩa là trụ lại một chỗ, Đức Thế Tôn có dạy :

* Phải có trí nhớ nhiều để kiểm soát tâm, không cho tâm nghĩ quấy và say mê theo trần tục.

* Bắt tâm phải niệm một trong 40 đề mục tham thiền để tập cho tâm không phóng túng.

đức Phật ví tâm chúng sanh như con khỉ, ngũ trần ví như đám rừng. Một khi khỉ ở trong rừng thì mặc sức chuyền từ cây này sang cây khác, muốn cho khỉ đừng chuyền nữa thì phải đốn những cái cây đó đi. Nghĩa là dùng trí tuệ quán sát thấy tội ngũ trần là vật vui ít khổ nhiều, ta không đủ thế lực, quyền hành giữ ngũ trần ấy tồn tại với ta mãi mãi. Khi đốn hết chỉ còn một cây thôi, nghĩa là khi làm cho tâm chán với trần và một mặt thì ta thu thúc lục căn. Khi ấy ta mới bắt được khỉ, khi bắt xong nên cột nó vào cây cọc, nghĩa là phải bắt tâm niệm một đề mục của pháp chỉ quán. Khi niệm ta cần có trí tuệ quán sát tâm không cho phóng túng. Cũng như người đã cột khỉ rồi nhưng phải coi chừng khỉ giở trò. Sau khi trị được tâm rồi thì ta sẽ thấy được cái quả báu của sự yên lặng cõi lòng. Rất tiếc rằng không có lời nào tả được cái tinh hoa của sự an tịnh ấy. Vậy có vị nào muốn biết mùi vị  của sự an vui do cõi lòng thanh tịnh thì từ nay hãy học tham thiền mới được.

5. Nhắm ngay vào mục đích

Người bắn tên dòm đủ mọi phía rồi nhắm ngay vào mục tiêu để bắn. Người bắn tên dòm quanh mình để biết hoàn cảnh bên ngoài để khỏi giật mình, xao động khi bắn. Cũng như hành giả bao giờ cũng xem xét và thành thật nhận thấy lỗi của mình đặng ăn năn sám hối, không vì ngã mạn mà giấu lỗi của mình. Hơn nữa, trong khi thấy kẻ khác phạm lỗi nào thì suy nghĩ coi mình có phạm lỗi ấy như người đó chưa. Nếu thấy có thì phải ăn năn sám hối, bằng không phạm thì hãy mừng cho mình đã có được một đức lành. Trái lại không khinh bỉ  người ấy mà còn thương hại  người đó. Tóm lại, tất cả những hoàn cảnh nào quanh hành giả đều là những bài học cho hành giả tập bò hay cố gắng bổ túc thêm cho được cao thượng.

Bắn ngay mục tiêu là bắn vào thân này. Ý dạy rằng: hành giả quán tưởng thân này không tồn tại lâu dài, ngày kia phải hư hoại đi, nó là nhân đem lại sự buồn rầu, thất vọng…nó chẳng phải là của ta, nó là ổ tật bệnh, vì nó mà ta phải chịu những cái khổ hằng ngày như thiếu ăn, thiếu mặc…

Vì ta có thân nên phải lo cho thân sống, phải làm việc có tiền để sắm thức ăn cho thân và phải có đồ trang sức, phải tranh đấu với đời để mưu cầu sự sống, chạy sao khỏi sự đụng chạm, oán thù. Nếu ta giàu thì có lắm kẻ ganh tị, bằng nghèo thì nhiều kẻ khinh bỉ. Vì lẽ sinh sống làm sao tránh được sự tội lỗi. Vô số kiếp ta bị màn vô minh che áng bởi ái dục nên không bao giờ chúng ta trông thấy khổ, trái lại còn ưa mến xác thân này nên ta luân hồi mãi mãi. Ta yêu mến thân này vì ta không nhận thấy thân là khổ, là ổ khổ, là một cửa khổ nên ta đem hết năng lực của vật chất và tinh thần để tìm lấy cái vui ảo mộng ở đời là tài, tình, danh, lợi, nhưng ta ngờ đâu những cái vui mà ta đang tìm là những cái lưới, những miếng mồi, những lưỡi câu của Ma Vương để bắt ta.

Chỉ có cái vui tuyệt đối của Níp-bàn là không lởn nhởn những điều khổ khác. Nếu chúng ta muốn được an vui của Níp-bàn thì phải cố dùng trí tuệ quán sát thấy rõ thân này thật không bền vững, không phải là của ta. Khi ta suy nghĩ như thế, tâm ta chán nản với thân này thì ta mới tránh bớt được sự yêu thương và những tham vọng thường tình thế gian, nhưng nó cũng là cái mầm, là trợ lực của sự giải thoát của chúng ta sau này.

Mong rằng thời pháp hôm nay sẽ đem lại nhiều sự lợi ích cho chư thiện tín. Xin quý vị ráng lo tu hành tinh tấn để khỏi phụ lòng của đấng đã trong đời hy sinh cho nhân loại là Đức Thế Tôn.

BÀI 41 CHÁNH NGỮ

Thời pháp hôm nay phát sanh lên do nơi một bà tín nữ muốn tạo pháp thí để hồi hướng cho con bà sắp đi du học ở Pháp quốc. Đây để tỏ lòng người mẹ biết lo cho con về vật chất cũng như tinh thần. Về vật chất lo cho con đủ về nhu cầu, còn về tinh thần lo tạo phước hồi hướng cho con có phước hầu tránh khỏi các điều tai hại.

Vậy hôm nay tôi xin thuyết về Chánh ngữ, là chi thứ ba trong Bát chánh đạo. Đây ví như cái bánh xe của chiến xa với giặc phiền não, nghĩa là giữ không cho phạm vọng ngữ.

Trong bộ Kinh Majjhimanikāya, bài Kinh Mahācattārīsakasutta có dạy: “Sammāvācaṃpahaṃ bhikkhave dvāyaṃ  vadāmi atthi bhikkhave sammāvācā sāsavā puññabhāgiyā upadhivepakkā atthi bhikkhave sammāvācā   ariyā   anāsavā   lokuttarā   maggaṅgā”.

Nghĩa: này các thầy Tỳ-khưu, Như Lai thuyết lời chân thật có hai là :

* Lời chân thật còn lẫn phiền não về phần tâm thiện (thiện pháp là phàm đạo), khi trả quả còn trong vòng luân hồi.

* Này các thầy Tỳ-khưu, Chánh ngữ không còn lẫn phiền não là Thánh đạo.

Chánh ngữ thuộc về phàm đạo là lời nói dịu ngọt của phàm nhân, còn lẫn phiền não.

Chánh ngữ thuộc về Thánh đạo là lời nói chân chánh của các bậc Thánh.

Chung hai điều ấy phải có đủ 4 chi như Đức Thế Tôn có dạy trong bài Kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta mới gọi là Chánh ngữ. Đức Thế Tôn có dạy rằng: “Musāvādā  veramaṇī pisuṇāya  vācāya veramaṇī pharusāya vācāya veramaṇī samphappalāpā veramaṇī ayaṃ vuccati bhikkhave sammāvācā”.

Nghĩa: tác ý tránh xa lời nói không thật là một. Xa lời nói đâm thọc là một. Xa lời nói thô bỉ (chửi mắng, nói lời không nhã nhặn) là một. Xa lời nói vô ích là một. Này các thầy Tỳ-khưu, Như Lai gọi là Chánh ngữ.

  • Tác ý tránh lời nói không thật, đây chỉ tác ý nói lời chân thật, nghĩa là không nói dư, không nói thiếu, không thêm bớt câu chuyện mà người hiểu biết, trông thấy.

Người nói chân thật có 4 chi là:

* Attanā ca musāvādā paṭivirato hoti: tự mình xa lánh tánh cách không chân thật.

* Parañca musāvādā veramaṇiyā  samādapeti: dìu dắt, chỉ dẫn kẻ khác bỏ và đừng nói dối.

* Musāvādā veramaṇiyā ca samanuñño hoti: vui thích nói lời chân thật.

* Musāvādā veramaṇiyā ca vaṇṇaṃ bhāsati: ca tụng, khen ngợi sự xa lánh lời nói không chân thật.

  • Tác ý xa lánh lời nói đâm thọc, là tác ý của người thấy rõ cái tai hại của sự nói đâm thọc và trông thấy cái quả của lời nói làm cho đoàn kết.

Người tránh xa lời nói đâm thọc có 4 chi là:

* Attanā  ca  pisuṇāya  vācāya  paṭivirato hoti: cố xa lánh lời nói đâm thọc.

* Parañca pisuṇāya vācāya veramaṇiyā samādapeti: chỉ bảo, dìu dắt kẻ khác không nói lời đâm thọc.

* Pisuṇāya vācāya veramaṇiyā ca samanuñño hoti: thỏa thích trong sự tránh xa lời nói đâm thọc.

* Pisuṇāya vācāya veramaṇiyā ca vaṇṇaṃ bhāsati: ca tụng sự tránh xa lời nói đâm thọc.

Chửi mắng và nói lời vô ích cũng có 4 chi như vậy nên ở đây miễn ghi.

Trong bộ Majjhimanikāya, Đức Thế Tôn có dạy lời nói vô ích có 27 điều, nơi đây xin miễn kể ra. Xin quý vị biết rằng: Nói lời nào không hại kẻ khác và không bổ ích cho mình thì đó là lời vô ích.

Những lời nào đem lại sự lợi ích cho mình và cho người, khi người hành theo lời ấy được giải thoát gọi là Chánh ngữ.

Có 10 điều người thọ trì Chánh ngữ nên nói là[21]:

* Appicchakathā: nói lời làm cho người tham muốn ít.

* Santuṭṭhikathā: nói lời làm cho có tri túc.

* Pavivekakathā: nói lời làm cho tâm thanh tịnh.

* Asaṃsaggakathā: nói lời làm cho không còn thân cận với đời.

* Vīriyārambhakathā: nói lời làm phát sanh tinh tấn.

* Sīlakathā: nói về giới.

* Samādhikathā: nói về định.

* Paññākathā: nói về tuệ.

* Vimuttikathā: nói về giải thoát.

* Vimuttiñāṇadassanakathā: nói về giải thoát tri kiến.

Chánh ngữ có 3 điều để ta nhận thức là:

* Trạng thái: nói cho hiểu rõ lời thật.

* Phận sự: xa điều ác, tội lỗi.

* Quả: dứt bỏ lời nói sai lầm.

Thuyết đến đây tôi còn nhớ tiền thân của Đức Thế Tôn. Ngài hiểu rằng: nếu nói thật thì phải chết, nhưng thà chết còn hơn nói dối[22] . Đức Thế Tôn có dạy rằng:

Thuở quá khứ, Ngài sanh làm một vị quốc sư của đức vua Korabya xứ Kuru tại kinh đô Indapatta. Ngài tên Vidhura, là người thường dạy người khác bỏ dữ về lành, nói lời dịu ngọt, giải quyết được mọi việc rất hay, nhất là Ngài không bao giờ nói dối.

Ngày nọ, nhằm ngày bát quan trai giới, đức Đế Thích thọ bát quan trai giới nhưng ngài thấy không được hoàn toàn trong sạch vì ngài còn lẫn với cung phi mỹ nữ. đờn ca hát xướng nên ngài bỏ cõi trời xuống cõi trần, ở nơi rừng thanh vắng.

Trong ngày bát quan ấy có một vị Long vương tên Varuṇa cũng thọ bát quan trai giới. Ngài trông thấy rằng ở long cung không thể làm cho ngài có giới đức trong sạch được nên ngài lên cõi này, cũng ở một nơi thanh vắng.

Đồng thời cũng có một vị chúa của Kim-sí-điểu thọ bát quan trai giới cũng trông thấy rằng: nếu còn chung chạ với vợ con thì cũng không được trong sạch nên đến cõi đời này tìm chổ thanh vắng lo tu hành.

Cũng trong ngày ấy, đức vua Korabya cũng thọ bát quan trai giới. Khi trông thấy nơi hoàng cung không thể nào giữ giới trong sạch được vì bọn cung tần và những việc triều chính nên ngài cũng đi tìm nơi thanh vắng.

Nhắc tới đây tôi muốn nhấn mạnh cho chư thiện tín thấy rằng: bốn vị đế vương can đảm dứt bỏ sự hạnh phúc của mình và cố chịu cực nhọc vào rừng lo tu hành. Vậy quý vị nên suy nghĩ coi có bằng 4 vị đế vương ấy không?

Buồi chiều ấy, bốn vị chúa tể của bốn loài gặp nhau ở một bờ ao Pokkharaṇī. Khi vừa gặp nhau thì phát tâm quý mến yêu thương nhau. Vì bốn ngài đã từng sanh làm bạn cùng hành phạm hạnh với nhau trong tiền kiếp. Cả bốn vị chào hỏi nhau rất thân mật. Sau khi hỏi thăm thân thế và biết rõ nhau, bốn vị chia ra cấp bậc và ngồi nơi phải lẽ. Khi an vị xong, đức Đế Thích mới hỏi rằng:

- Bốn chúng ta toàn là người có tâm lành, dứt bò của cải, ngôi vị để hành chánh đạo là bát quan trai giới, làm cho tâm trong sạch, trau dồi phạm hạnh của mình. Nhưng có điều đáng hoài nghi là không biết trong chúng ta ai là người hành đạo cao quý hơn cả.

Khi ấy Long vương mới nói rằng:

- Phạm hạnh của tôi mới là cao quý hơn.

Đức Đế Thích mới hỏi:

- Này Long vương Varuṇa, tại sao ngài cho rằng giới của Ngài hơn hẳn chúng tôi?

- Tâu Đại vương, vì tôi là người nhẫn nại với lòng sân, Ngài biết không? Kim-sí-điểu là kẻ thù độc nhất của tôi. Lẽ cố nhiên loài rồng từ bé chí lớn hoặc lúc còn trong thai đã oán thù Kim-sí-điểu vì Kim-sí-điểu thường bắt rồng ăn thịt. Đáng lẽ ra tôi là người giận ghét, nhưng trái lại, khi gặp nhau tôi lại thương yêu quý mến, vui vẻ trò chuyện, dứt bỏ sự oán thù. Vì thế, tôi cho rằng giới hạnh tôi cao quý hơn.

Long vương muốn cho lời nói của mình có giá trị hơn nên đọc lên bài kệ :

“Yo kopaneyye na karoti kopaṃ

Na kujjhati sappuriso kadāci

Kuddhopi so nāvikaroti kopaṃ

Taṃ ve naraṃ samaṇamāhu loke”.

Nghĩa: vua, Bà-la-môn, thương gia, nông dân, người làm bếp, người nào hành theo pháp nhẫn nại, không giận người mình đáng giận. Như chuyện của đạo sĩ Khantivādī[23] không giận đức vua Kalāburāja. Các bậc trí thức khen ngợi rằng: là một vị sa môn trong đời, lẽ cố nhiên người trí thức hằng lấy sự nhẫn nại làm đức lành, là sức mạnh của loài thú để cởi đi Níp-bàn hay là sức mạnh của mình. Bậc trí thức ấy không bao giờ sân hận. Nếu khi có gặp trường hợp sân hận chăng nữa cũng cố nhẫn nại. Sự nhẫn nại là một đội kiện binh xung phong đánh tan quân thù của ngài. Không bao giờ ngài để lòng sân hận bộc lộ ra bên ngoài một tí nào.

Người nào cố đè nén được lòng sân hận không cho lộ vẻ bên ngoài, các bậc trí thức gọi vị ấy là bậc Sa-môn, là vị dẹp được các ác pháp trong tâm.

Tâu Đại vương, đặc ân mà tôi đã kể đây đã có chắc trong lòng tôi, vì vậy tôi trông thấy rằng: Giới của tôi cao thượng hơn giới của ba Ngài.

Kim-sí-điểu nghe vậy mới tâu rằng:

- Tâu ba vị đại vương, giới của tôi là cao thượng hơn cả ba ngài. Vì chẳng những tôi thọ giới, thu thúc thân, khẩu, ý thanh tịnh mà còn thu thúc bao tử của tôi nữa. Vì lẽ cố nhiên, Long vương đây là món mồi ngon của tôi, vậy mà khi tôi trông thấy, tôi lại nhẫn nại kiềm chế được, sự tôi không làm tội vì sự thèm muốn của tôi cho nên tôi nhận thấy rằng: Giới của tôi trong sạch hơn cả.

Muốn nhấn mạnh thêm lời của mình, Kim-sí-điểu mới đọc câu kệ:

“Ūnūdaro yo sahate jighacchaṃ

Danto tapassī mitapānabhojano

Āhārahetu na karoti pāpaṃ

Taṃ ve naraṃ samaṇamāhu loke”.

Nghĩa: bao tử của kẻ nào lép, nghĩa là rất đói, nhưng còn cố chịu nhẫn nại với sự khổ, không làm tội lỗi  vì vấn đề bao tử, cố hành thu thúc, chỉ nương nhờ nơi giới hạnh của mình, chỉ ăn uống có điều độ, không làm tội vì miếng ăn. Các bậc trí thức đều khen ngợi người ấy là người diệt trừ các ác pháp trong đời này. Thưa quý vị, trong ngày nay tôi không làm tội vì vấn đề vật thực. Vì lẽ ấy nên tôi nói rằng: Giới của tôi là cao thượng hơn hết.

Đức Đế Thích mới phán rằng:

- Thưa cùng ba vị, giới của tôi mới là cao quý nhất, vì tôi đủ mọi nghị lực dứt bỏ sự an vui cõi trời, xuống cõi đời ô trọc này để cố thu thúc giới đức của mình.

Xong, đức Đế Thích nói lên câu kệ:

“Khiḍḍaṃ ratiṃ vippajahitvāna sabbaṃ

Na cālikaṃ bhāsasi kiñci loke

Vibhūsaṭṭhānā virato methunasmā

Taṃ ve naraṃ samaṇamāhu loke’.

Nghĩa: người trong đời này dứt bỏ sự hãnh diện ở thân, khẩu, dứt bỏ sự thỏa thích trong ngũ trần, mặc dầu một tiếng sai lầm cũng không hề nói. Xa lánh tà dâm, dứt bỏ hai điều trang điểm cho xác thịt và cho sắc đẹp. Trang điểm cho sắc đẹp là ướp thoa chất thơm, son phấn và đeo tràng hoa. Sự dứt bỏ hãnh diện ở thân, khẩu, dứt bỏ sự không thỏa thích ở ngũ trần, không nói lời vô ích, không tà dâm, dứt bỏ hai điều trang điểm xác thịt và sắc đẹp mà người nào đã thực hành, bậc trí gọi người ấy là bậc sa môn xa vắng các ác pháp.

Đức vua Korabya nói:

- Thưa ba vị! Tôi thấy giới của tôi mới cao quý hơn. Vì tôi cương quyết dứt bỏ việc triều chính, vào rừng hành bát quan trai giới.

Rồi Ngài nói lên câu kệ :

“Pariggahaṃ lobhadhammañca sabbaṃ

Yo ve pariññāya pariccajeti

Dantaṃ ṭhitattaṃ amamaṃ nirāsaṃ

Taṃ ve naraṃ samaṇamāhu loke”.

Nghĩa: người nào thông hiểu cái hại của vật dục và ái dục là nguyên nhân sanh vật dục. Bởi 3 điều suy nghĩ là:

* Ñātapariññā: sự hiểu rõ tánh cách của ngũ uẩn (là vô thường, khổ não và vô ngã).

* Tīraṇapariññā: sự suy nghĩ thấy rõ tánh cách của ngũ uẩn.

* Pahānapariññā: sự suy nghĩ thấy rõ cái hại của ngũ uẩn rồi dứt bỏ sự ưa thích trong tham ái.

Khi trông thấy cái hại của vật dụng do nơi ái dục phát sanh do nơi 3 điều suy nghĩ rồi. Dứt bỏ được phiền não dục, tiêu trừ ngạo mạn và tà tư duy. Để tâm định vắng lặng phiền não. Người có đặc ân như thế vì vậy nên tôi nhận định rằng giới của tôi cao quý hơn ba ngài.

Trong khi ấy, bốn vị đế vương không ai chịu thua ai. Thấy vậy, đức vua Korabya mới nói rằng:

- Thưa các ngài, tôi có một vị quốc sư tên Vidhura thông minh công bình và rất giỏi về sự giảng dạy cho người hiểu lẽ đạo. Vậy chúng ta nhờ người ấy phân giải.

Khi đến nơi, bốn vị đế vương đồng thanh nói một lượt bằng một câu kệ rằng :

“Pucchāma kattāramanomapaññaṃ

Kathāsu no viggaho atthi jāto

Chindajja kaṅkhaṃ vicikicchitāni

Tadajja kaṅkhaṃ vitaremu sabbe”.

Nghĩa: Ngài trí thức! Ngài là người thông hiểu nhân khổ không phải nhân và việc đáng làm hay không nên làm. Hiện giờ chúng tôi đang bất đồng ý kiến về giới đức. Mỗi người đều nói rằng “Giới mình cao thượng”. Xin Ngài vì từ bi mà giảng giải. Ví như vị thiên vương cắt đứt chót nói Sumeru bằng ngọc quý. Xin ngài làm cho chúng tôi thoát khỏi sự nghi ngờ.

Khi đức Bồ-tát hỏi rõ nguyên nhân tại sao sanh cuộc bất đồng ý kiến đó. Bốn nhà vua thuật lại và chấp lấy cái hay của mình.

Sau khi nghe xong, đức Bồ-tát mới dạy câu kệ rằng:

“Sabbāni etāni subhāsitāni

Na hettha dubbhāsitamatthi kiñci

Yasmiñca etāni patiṭṭhitāni

Arāva nābhyā susamohitān”i.

Nghĩa: tâu chư Đại vương, lời của quý ngài toàn là chánh ngữ, không có lời nào ta ngữ cả. Bốn pháp mà chư Đại vương có đây nếu có đủ cả trong tâm của một nhân vật nào thì cũng ví như căm xe, vành xe và niền xe phải liên quan với đùm xe vậy (nếu thiếu một trong bốn vật ấy không sao chạy được). Nhân vật nào có đủ bốn pháp ấy trong tâm, các bậc trí thức ca tụng, ngợi khen: là vị Sa-môn vắng lặng các ác pháp trong đời này. Giới đức của bốn vị Đại vương có quả báu bằng nhau.

Sau khi nghe xong, bốn ngài lấy làm hoan hỷ. đức Đế Thích cho một tấm lụa quý, khi mặc vào được thoát mọi điều tai hại. Kim-sí-điểu vương tặng một cành bông vàng rất đẹp và bảo rằng:

- Cành bông này có trăm tay, có nhuỵ bằng ngọc ma-ni tôi xin cúng dường Pháp bảo của ngài.

Long vương cúng cho ngài một viên ngọc ma-ni rất quý và nói rằng:

- Tôi rất trong sạch với Pháp bảo, xin cúng dường ngài viên ngọc ma-ni.

Còn đức vua Korabya cúng dường ngài rất nhiều bò và của cải.

Sau khi về đến long cung, hoàng hậu không thấy ngọc ma-ni mới hỏi. Long vương ca tụng trí tuệ của Vidhura cho hoàng hậu của Ngài là Vimalārājadevī nghe. Khi nghe xong câu chuyện, bà muốn nghe pháp của vị trí thức nên bà nghĩ rằng: “Nếu ta nói muốn nghe pháp của Vidhura thì không bao giờ chồng ta đi mời Vidhura đến. Thôi thì bây giờ chỉ có kế là ta giả đau, muốn ăn tim của Vidhura. Khi nhà vua hỏi ta, ta nói vì thèm ăn tim của Vidhura nên bệnh, nhà vua phải tìm cách đem Vidhura đến”.

Khi ấy, Hoàng hậu giả đau, càng ngày càng bỏ ăn, gầy ốm cả người. Long vương thấy vậy mới hỏi, bà nói y như kế của bà.

Khi đức vua nghe hoàng hậu muốn ăn tim vị trí thức Vidhura, ngài mới nói rằng:

- Hỡi này Vimalā, em muốn ăn tim của Vidhura nào khác gì em muốn được mặt trăng giữa không trung hoặc muốn bắt thần gió là người không có hình ảnh gì cả. Vì Vidhura là người mà tất cả nhà vua cõi Diêm-phù-đề đều nương nhờ và chăm nom, không ai có thể bắt được vị đại trí thức ấy.

Nghe xong, Hoàng hậu không nói gì cả, kéo khăn trùm đầu nằm thiêm thiếp. Long vương lấy làm thương hại vợ nhưng ngài lại hiểu lầm vợ ngài muốn ăn tim của Vidhura thật chứ không nghĩ đến cái ngụ ý của bà là nghe Pháp. Ngài sợ hoàng hậu không thoát khỏi tay tử thần vì bệnh ngày càng nguy kịch. Sự ưu phiền lộ ra mặt làm cho công chúa tên Irandhatī trông thấy sự ưu phiền của cha mới hỏi Long vương thuật rõ tự sự cho con nghe. Long vương mới nói thêm rằng:

- Irandhatī ơi! Cha không còn phương pháp nào làm mẹ con vừa lòng được, không lẽ ngồi coi mẹ con chết hay sao? Cha chỉ mong nhờ nơi con là người hy sinh để cứu mẹ thôi. Vậy với sắc đẹp không ai sánh bằng của con, những người ấy phải bắt được Vidhura về đây.

Sự thật Long vương dạy con như thế đó là sai với chánh đạo nhưng ngài đã mắc vào lưới của ái dục nên không còn biết phải quấy, chỉ còn sợ mất người yêu thôi.

Khi nghe lời cha truyền, công chúa mới tâu rằng:

- Xin phụ vương yên lòng, con sẽ cố làm như ý của phụ vương.

Rồi công chúa vào thăm mẹ và tỏ đôi lời an ủi, hứa rằng:

- sẽ đem quả tim của Vidhura về cho mẫu hậu dùng.

Công chúa đi đến đỉnh núi Kāḷagiri, nơi ấy cảnh núi tịch mịch, xinh tươi, Công chúa đứng trên chót núi múa hát với giọng thanh cao rằng:

“Ke gandhabbe rakkhase ca nāge

Ke kimpurise cāpi mānuse

Ke paṇḍite sabbakāmadade

Dīgharattaṃ bhattā me bhavissati”.

Nghĩa: người nào là Càn-thát-bà, Kim Sí Điểu, Long vương hay Dạ-xoa, hoặc là Kinnara (loài này như con người nhưng có cánh bay được), hay là bậc trí thức có thể đem quả tim của Vidhura cho mẹ tôi dùng, người ấy là chồng của tôi.

Trong khi ấy, có Dạ-xoa tên Puṇṇa, là cháu của đức vua Vessavaṇa (một trong bốn vị thiên vương) đang kiêm chức tổng binh cai trị Dạ-xoa, trông thấy sắc đẹp của công chúa muốn bắt ngang nhưng công chúa kháng cự và cho biết rằng:

- Công chúa là con của Long vương, Dạ-xoa không được phép làm ngang như thế được. Thế phải chiều lòng công chúa, theo công chúa về long cung để yêu cầu Long vương gả cho. Nhưng Long vương dạy chỉ cần có được quả tim của Vidhura bằng cách đúng Chánh Pháp.

Dạ-xoa Puṇṇa nhận chịu và đinh ninh rằng: “sẽ lấy được quả tim của Vidhura”. Dạ-xoa về xin phép Vessavaṇa ra đi, đến xứ Indapatta hoá ra một người thanh niên đẹp trai, đi ngay vào chỗ của một trăm lẻ nhà vua đang hội họp và gọi tên đức vua Korabya là vị chủ toạ trong 100 vị ấy. Puṇṇa biết đức vua Korabya đánh cờ giỏi lắm nên mới đến rủ đánh cờ, ăn cuộc một viện ngọc Manoharacindā. Viên ngọc này Puṇṇa đánh cắp của bọn Dạ-xoa giữ làm của báu dành cho đức vua Chuyển Luân Vương.

Đức vua Korabya mới nghĩ rằng: “Từ xưa đến nay ta chưa từng thấy một người nào can đảm gọi tên ta rủ đánh cờ như người thanh niên này. Vậy tại sao người thanh niên này cam đảm như thế?” Ngài mới phán hỏi:

- Này gã thanh niên kia, ngươi ở đâu đến? Giọng nói của người không giống giọng nói của người Kuru này, ngươi lại không tỏ vẻ kính trọng bậc đế vương, ngươi tên gì?

Puṇṇa nghĩ thầm trong bụng: “người Kuru thường đặt tên cho những người đầy tớ là Puṇṇa, nếu ta nói thiệt tên ta thì đức vua tưởng rằng ta là hạng đầy tớ, ngài sẽ khi ta, vậy ta nên nói tên khác”.

- Tâu đại vương, hạ thần tên Kaccāyana, ở xứ Kālacampā, thủ đô Aṅga. Thần đến đây cố ý đánh cờ với đại vương vì biết đại vương là bậc cao cờ nhất.

- Này người thanh niên, ngươi muốn đánh cờ với ta, vậy ngươi có nhiều ngọc chăng? Lẽ cố nhiên số ngọc trong ngân khố hoàng gia không ít, còn ngươi đến đây với hai tay không mà muốn đánh cờ với ta là muốn làm sao? Nếu ta thắng ngươi thì ngươi sẽ trả cho ta những gì?

- Tâu đại vương, thần có một viên ngọc maṇijoti là một viên ngọc rất quý có thể làm cho người được y như ý nguyện, còn đây là con ngựa sức chạy mau hơn gió.

- Này thanh niên kia, ngươi chỉ có một viên ngọc và một con ngựa, còn ta ngọc và ngựa thì có thiếu chi.

- Tâu đại vương, xin đại vương đừng đem số nhiều so sánh của quý. Xin ngài hãy xem tài ngựa của thần.

Rồi Dạ-xoa mới cởi ngựa bay cho đức vua coi và thử ngọc ma-ni làm cho đức vua loá mắt, lòng tham phát sanh, bằng lòng đánh cờ với Dạ-xoa. Dạ-xoa hỏi :

- Nếu đại vương thắng thì thần dâng hai món quý này, bằng thua thì đại vương cho thần những gì?

- Ngoài trẫm với ngai vàng và hoàng hậu thì người muốn gì thì tuỳ lựa lấy một vật.

Khi ấy, đức vua truyền sắm sang chổ đánh cờ. Đức vua ỷ lại có một vị Thiên giúp ngài trong sự đánh cờ nên ngài mới dám đánh cá như thế. Nhưng hôm nay gặp phải Puṇṇa nên vị chư Thiên ấy cũng phải nể oai không dám giúp. Kết cuộc, đức vua thua cuộc cờ.

Puṇṇa la to rằng:

- Jitaṃ me! Jitaṃ me! Ta thắng rồi! Ta thắng rồi!

Đức vua nghe câu ấy lấy làm phiền lòng lộ vẻ ra mặt, Puṇṇa mới khuyên nhủ rằng:

- Tâu đại vương, lẽ cố nhiên sự cờ bạc ăn thua là lẽ thường tình, xin đại vương đừng buồn. Nếu đại vương thắng thì được của quý, vậy đã thua xin ngài cho tôi xin món mà tôi muốn.

- Này người thanh niên, ngươi đừng nghi ngờ gì cả, ta vẫn giữ lời hứa. Vậy tuỳ người chọn lấy những gì người muốn ngoài ra vật ta không thể cho ngươi được.

- Tâu đại vương, những gì ngài đã ban bố cho thần không lấy làm cần thiết lắm. Thần chỉ muốn được vị quốc sư Vidhura thôi.

- Người thanh niên ơi, con người Vidhura chính là thân của trẫm, vì Vidhura chính là người mà trẫm tin cậy và nhờ vã điều cần yếu. Vidhura ví như hơi thở của trẫm. Trước kia trẫm có hứa với ngươi rằng: muốn được vật gì tuỳ ý chọn lấy, ngoài ra thân trẫm, mà Vidhura là đời sống của trẫm. Vậy ngươi chọn món khác.

- Tâu đại vương, thần và đại vương có cãi nhau cũng vô ích. Vậy chúng ta đến nhờ Vidhura phân xử. Vidhura giải quyết sao thì chúng ta thực hành như vậy.

Đức vua bằng lòng. Khi đến nơi, Dạ-xoa Puṇṇa nói với bồ-tát rằng:

- Thưa ngài, tôi được nghe danh ngài là một vị quốc sư xứ Kuru này. Ngài là một người công bình, chánh trực, không bao giờ nói dối, ngài là đấng giữ chánh ngữ rất trong sạch. Trên vũ trụ này không ai không biết danh ngài. Hôm nay tôi sẽ thấy rõ sự thật. Tôi sẽ nghe và sẽ vâng theo lời phán đoán của ngài. Tôi chỉ xin ngài trả lời cho tôi biết rằng: dòng giống của ngài thấp hơn đức vua hay là cùng chung một dòng, hoặc cao quý hơn. Ngài là tôi của đức vua hay là quyến thuộc? Xin ngài dạy rõ.

Đức Bồ-tát nghĩ rằng: “Nếu ta nói thế nào thì người thanh niên nghe theo thế ấy. Nhưng trên đời này không có vật gì cao quý đáng cho ta nương nhờ hơn là chánh ngữ. Ta phải nói lời chân thật, mặc dù có chết cũng chẳng sao”. Ngài Vidhura mới nói rằng:

- Ngài không phải là quyến thuộc. Ngài chỉ là bề tôi thôi.

Theo lời chú giải có dạy rằng: vì Ba-la-mật của ngài sắp viên mãn rồi nên không bao giờ để phạm vào một điều nào trong giới đức.

Khi Dạ-xoa nghe vậy mới la to lên rằng:

- Hôm nay ta thắng nhà vua hai phen.

Đức vua nghe vậy lấy làm buồn vì ngài nghĩ rằng: “Vidhura không theo ta, ta đã lo nuôi dưỡng, phong quan chức mà hôm nay lại về bên người thanh niên này làm ta thua cuộc”.

Đức vua mới nói với Dạ-xoa rằng:

- Vidhura không nhận là quyến thuộc mà nhận là bề tôi, vì vậy ngươi mới được một vị trí thức ví như viên ngọc quý hơn hết vạn vật trên cõi Diêm-phù-đề này, ngươi có quyền đem đi nơi nào cũng được.

Rồi ngài nghĩ rằng: “Nếu gã thanh niên này đem Vidhura đi thì từ đây đâu còn ai thuyết pháp dạy đời. Vậy ta phải hỏi về phận sự của người cư sĩ để Vidhura giảng dạy lần chót”.

Đức vua mới nói với Vidhura rằng:

- Này Vidhura ơi, khi mà khanh xa trẫm thì trẫm mất hết sự nương nhờ, khi không có khanh thì trẫm không nghe được những lời bổ ích, rất hay. Vậy trẫm xin yêu cầu khanh hãy an vị trên bảo tọa này và giảng giải về pháp của người tại gia cư sĩ cho trẫm.

Khi ấy, đức Bồ-tát thuyết rằng :

“Na sādhāraṇa dārassa

Na bhuñje sādumekako

Na seve lokāyatikaṃ

Netaṃ paññāya vaḍḍhanaṃ”.

Nghĩa: tâu Đại vương, lẽ cố nhiên, người tại gia cư sĩ muốn được an vui trong gia đình thì trước hết phải có trí nhớ, biết mình, không để tâm bị phiền não chi phối, không nên tà dâm với vợ con kẻ khác, dù là người kỹ nữ cũng không nên gần.

Hai là người cư sĩ khi có đồ ăn ngon không nên ăn một mình, phải chia sớt cho kẻ khác tùy theo của mình đã có.

Ba là người tại gia cư sĩ không nên học, đọc sách nhảm nhí có hại cho tinh thần, ngoài ra sách đọc có ích và sách dạy giải thoát.

Nếu người cư sĩ là nhà vua nên phải là một vị minh quân, không nên nghe lời kẻ dua nịnh. Phải dùng trí tuệ và trí nhớ xét đoán mọi hành động của mọi người hơn là tin. Phải hiểu đâu là thiện pháp, đâu là ác pháp. Chẳng nên ngã mạn. Nên để tâm nghe lời chỉ giáo của bậc trí thức. Làm việc gì cũng phải dùng lòng từ bi đi trước, cố dứt bỏ lòng bỏn xẻn ám ảnh lòng. Khi nói chuyện với mọi người không nên dùng lời bất nhã, càng làm lớn càng dùng lời dịu ngọt làm cho người nghe càng thích nghe. Thân, khẩu phải cho có trật tự, nghĩa là phải biết cung kính mọi người, không tỏ thái độ bất nhã. Luôn luôn quan sát lòng mình để diệt trừ những điều xấu tà vạy. Phải giúp đỡ quyến thuộc tùy theo sức của mình. Đối với bạn bè phải trung thành ngay thật, không nên lừa đối nhau. Nếu đã là bạn thì luôn chỉ sự phải quấy, không nên giấu lỗi, nhưng khi chỉ nên dùng lòng từ bi và lời nhã nhặn. Phải bố thí cho kẻ nghèo, cùng dường cho các bậc Sa-môn và Bà-la-môn, phải có chánh nghiệp là sự làm ăn chơn chánh. Phải thông về việc làm của mình, như người làm ruộng phải biết lúc nào nên gieo mạ… Người tại gia cư sĩ phải luôn luôn nghĩ rằng: ta phải hành theo thiện pháp làm cho tâm trong sạch, không nên thối chuyển trong thiện pháp và nên càng ngày càng tinh tấn đánh đổ ác pháp. Những gì đã học rồi không nên quên. Nên học một nghề nào cho lão thông. Phải gần các bậc Sa-môn, Bà-la-môn là những bậc hiểu thông sự giải thoát để chỉ dạy những điều phải quấy, khi vào học đạo đức phải dẹp bỏ lòng ngã mạn, tỏ vẻ cung kính.

Phận sự của người tại gia cư sĩ phải hành theo những điều kể trên chắc chắn sẽ có sự an vui.

Sau khi dứt, đức Bồ-tát xuống bảo tọa, Dạ-xoa bảo rằng:

- Này ngài đại trí thức, ngài là người mà chủ của ngài đã giao cho tôi, hôm nay đối với chủ của ngài, ngài đã làm tròn bổn phận, giờ ngài phải theo mạng lệnh của tôi gọi là ngài theo mạng lệnh của chủ ngài.

- Này người thanh niên kia ơi, tôi đã biết rõ phận sự của tôi nhưng ngài cũng nên hoãn lại cho tôi ba ngày để tôi dạy vợ con tôi lần chót. Vì người mà được tôi đây cũng do tôi giữ lời nói chân thật, nếu tôi nói dối thì ngài làm gì được tôi. Vậy người cũng nên từ bi đối với tôi.

Dạ-xoa nghĩ rằng: “chẳng những ba ngày mà dù một tháng ta cũng vui lòng”. Dạ-xoa nhận thấy ân của đức Bồ-tát nên nhận lời xin của ngài.

Ngài dẫn Dạ-xoa về bảo người nhà sắm sửa một tòa lầu rất nguy nga, tiện nghi cho Dạ-xoa ở. Ngài mới hội vợ con lại dạy rằng:

- Này các con, hôm nay cha đã được đức vua giao phó cho người thanh niên này vì ngài thua cờ. Chỉ còn ba ngày nữa cha sẽ theo người ấy, không biết đi đến nơi nào, không biết sống chết ra sao. Nếu sau khi cha đi rồi, đức vua có chọn vị quốc sư để lo việc triều chính mà có gọi các con đến hỏi rằng: Cha đã dạy các con những gì? Các con nên thuật lại cho ngài nghe. Với lòng khoan dung, ngài sẽ cho các con ngồi ngang hàng với ngài. Các con không nên vì sự vinh dự mà quên mình là phận tôi con, đừng ngã mạn, hống hách mà gánh lấy sự ganh tị oán thù. Ở trong gia đình phải có hiếu và nhường.

Hiếu: nghĩa là hết lòng thờ kính cha mẹ, phàm cây có cội, nước có nguồn, con người phải có cha mẹ. Nói về công ơn cha mẹ, Đức Thế Tôn có dạy rằng: “Nếu công đức của cha mẹ đối với con có thể đem ra đo lường thì tam giới này không đủ chỗ để mà để, bốn châu thiên hạ cũng không nặng bằng”. Nói tóm lại, bao nhiêu xương thịt máu da của ta đều chi một phần ở cha mẹ, đã mang nặng đẻ đau lo cho con an vui, trong khi bệnh hoạn chân không bén đất và khi lo cho con, cha mẹ không quảng gì tội lỗi mà mình phải gánh trong ngày vị lai.

Thuyết đến đây, tôi hồi nhớ lại khi tôi còn nhỏ, ngày nọ đi học về, không có món ăn theo sở thích của tôi, tôi sẽ không ăn. Bà thân sinh tôi biết được, nhà sẵn có cá lóc ruộng để dành, bà bắt một con chặt khúc dưới cuốn rốn đem chiên cho tôi ăn. Loại cá lóc chặt như thế vẫn còn sống. Đến sáng ngày, tôi trông thấy con cá ấy mình trắng nhạt. Tôi nói:

- Tội nghiệp con cá quá má ơi!

Bà nói:

- Đâu bằng má tội nghiệp con.

Trong khi ấy tôi không có cảm tưởng gì cả. Về sau biết Phật Pháp, tôi nghĩ thương hại cho bà thân tôi, rồi đây phải chịu cực hình trả lại cho con cá ấy, phải khổ sở dở sống dở chết vì ai? Vì con. Vì lòng thương con của cha mẹ vô bờ bến. Chẳng riêng gì cha mẹ tôi, mà tất cả cha mẹ ai cũng thương con như thế cả. Thiện tín có lẽ cũng thường nghe cha mẹ nói rằng: “Có con thì phải lo cho con no ấm và lo cho nó có một cái di sản về sau”. Mặc dù trong công việc nhiều khi thấy tội lỗi nhưng nếu làm ra có tiền cũng vẫn làm. Cha mẹ thường nói làm ra tiền để cho con chớ cha mẹ có lột da sống đời đâu mà ăn của ấy. Nhiều gia đình giàu có, cha mẹ để lại cho con hàng triệu mà chính ông bà không đem theo được đồng trinh cắc bạc nào về thế giới bên kia. Cha mẹ thương con thật không bờ không bến, mặc dù ông bà đã 100 tuổi mà con 80 tuổi, đều cao tuổi như nhau nhưng cha mẹ vẫn yêu con như khi còn một hai tuổi. Nếu cha mẹ không thương con thì khi có thai đã uống thuốc phá thai mất rồi để sanh ra làm gì. Vì lẽ ấy ta không nên viện cớ là cha mẹ có phận sự là phải nuôi con. Nếu vì phận sự thì không bao giờ làm tròn, chỉ làm qua loa thôi. Cha mẹ mà hết lòng hy sinh cho con cũng vì tình thương không gì nói được. Thậm chí có nhiều bà khi có thai đi coi bói, coi thai ấy trai hay gái hoặc hỏi những ông già bà cả. Chính tôi cũng bị nhiều người nhờ coi số dùm cho biết trai hay gái. Tại sao quý bà làm như vậy? Vì quý bà có sự yêu thương con ngay từ khi có thai. Chẳng những cử ăn uống mà còn uống thuốc hay tiêm thuốc cho con có sức khỏe. Nhiều bà còn lo trước về sự may quần áo, đan nón, tất tay, chân cho con. Nếu nói là phận sự thì không bao giờ lo chu đáo như thế. Vì vậy công ơn cha mẹ cao dày không gì so sánh kịp. Đức Bồ-tát có dạy: phận sự của con đừng để tệ hơn cục phẩn của cha mẹ. Lẽ cố nhiên khi cha mẹ đi cầu, khi phẩn ra khỏi đại trường thì lẽ cố nhiên không còn đau bụng nữa. Còn khi mang con trong bụng đã chịu nặng nề cực nhọc hằng mười tháng, khi chuyển bụng sanh nó đau đớn vô cùng. Sanh ra khỏi lòng rồi chưa chắc đã hết đau. Vì nếu con là đứa ngỗ nghịch, không biết vâng lời cha mẹ dạy bảo thì lòng đau xót từng giờ từng phút. Khi đứa con ấy đi đâu càng xa càng lâu thì cha mẹ càng lo âu và càng khổ nhiều. Lòng cha mẹ thương con là vậy. Thiện tín có nghe lời ví “Hùm dữ không ăn thịt con”. Thì ta trông thấy rằng tình thương giữa cha mẹ và con cái không phải là phận sự. Đó là tình thương thiêng liêng, cao quý. Hổ là một giống thú dữ nhưng nó vẫn nuôi con cho đến lúc lớn khôn. Tôi muốn nhấn mạnh nơi đây cho các em nhỏ thấy rằng: ta đừng tệ hơn cục phẩn của cha mẹ. Đức Bồ-tát có dạy rằng: thà là đui đi còn hơn là có mắt mà mắt mù. Cũng như thà đừng có con hơn là có đứa con bất hiếu. Lẽ cố nhiên có mắt mà mờ mờ thật khó chịu hơn đui. Chính tôi, tôi biết khi bỏ kiếng ra trông xa mờ mờ thật khó chịu. Vậy bổn phận làm con không nên để như cặp mắt mù hay là cây gai đâm vào thân thể cha mẹ. Thiện nam tín nữ có biết con quạ không? Loại quạ có tính xấu là trộm đồ nhưng nó có tính rất quý đối với cha mẹ. Khi nó còn nhỏ, cha mẹ tha mồi về cho nó ăn, nó ngặm miếng mồi nhưng không ăn, nó đút lại cho cha mẹ. Bao giờ cho mẹ không ăn nó mới ăn. Khi lớn lên, cha mẹ già, nó phải đi tìm mồi về cho cha mẹ ăn trước rồi nó mới ăn sau. Vậy ta làm người không nên để thua con thú ấy. Đức Thế Tôn, Ngài sánh công đức của cha mẹ ngang hàng với công đức của Phật. Đứa con biết cúng dường cha mẹ cũng như cúng dường cho Đức Phật. Bổn phận làm con có rầy la mắng chửi chăng nữa cũng nên cố gắng làm vui, không nên tỏ vẻ bất bình. Vì nếu không có cha mẹ và cha mẹ không cố lo cho mình thì mình có còn sống đâu. Một người khi có cảnh buồn gì hồi nhớ đến cha mẹ, muốn co cha mẹ ở bên cạnh để an ủi ta thì chừng ấy đã muộn rồi. Khi quyến thuộc, bạn bè, vợ con ta chết hết, ta còn có thể tìm lại được nhưng khi cha mẹ mất rồi ta không thể tìm đâu ra hai đấng ân đức cao dày ấy để ta phụng dưỡng nữa. Vậy khi cha mẹ còn tại tiền cũng không khác nào có Đức Phật trong nhà.

Nhường: là biết cung kính người lớn hơn mình trong gia đình.

Sau khi dạy quyến thuộc đúng ba ngày, ngài mặc tấm lụa của đức Đế Thích cho, vào làm lễ triều kiến và kiếu từ đức vua xin gửi lại gia quyến. Đức vua và bá quan lấy làm thương xót ngài. Xong xuôi, ngài đến lâu đài của Dạ-xoa bảo rằng:

- Hỡi người thành niên, tôi đã làm xong phận sự của tôi, vậy người muốn bắt tôi đi đâu tôi xin vâng theo.

- Này ngài đại trí thức, vậy ông nắm lấy đuôi ngựa của tôi cho chắc, vì đường mà tôi đem ông đi đây rất xa. Tôi và ông đây không còn trở lại cõi đời này lần thứ nhì nữa. Ông chỉ thấy lần này là lần cuối cùng trong đời ông. Ông cũng đừng lo sợ chi, hãy nắm lấy đuôi ngựa của tôi cho chắc.

- Này người thanh niên, ta không bao giờ biết kinh sợ và thân, khẩu, ý của ta trong sạch. Không một điều ác nào có thể đem ta đi địa ngục được vì những điều hung ác không có trong thân tâm ta nên ta không có sự sợ hãi.

Khi đó, Ngài phát nguyện rằng: “Công trình vun trồng Ba-la-mật xin cho y phục của ta mặc đừng sút ra, mặc dù người thanh niên này có đem ta đi đến đâu”.

Đức Bồ-tát nắm đuôi ngựa. Dạ-xoa nghĩ: “không cần đem Vidhura đi đâu cho nhọc xác. Ta cho ngựa chạy theo kẹt núi khe nước và rừng rậm thì Vidhura chạm vào đá cũng đủ chết rồi ta mổ lấy tim”. Nghĩ xong liền cho ngựa chạy cùng các nơi hiểm trở ấy. Ngựa chạy lẹ hơn gió, cố làm cho đức Bồ-tát chết nhưng một lúc sau ngó lại thấy ngài vẫn tự nhiên, mặt không đổi sắc. Tức giận, Dạ-xoa cho ngựa bay vào những nơi có gió lớn ở hư không, cố làm cho đức Bồ-tát chết. Nhờ quả Ba-la-mật nên gió lớn không làm gì được đức Bồ-tát, Dạ-xoa làm như thế bảy lần thấy không kết quả mới đem ngài lên chót núi và nghĩ rằng: “Một khi Vidhura vẫn còn sống thì không thể được kết quả mỹ mãn. Ta phải giết nhưng ta không giết, ta phải làm cho Vidhura sợ mà chết”. Nghĩ xong mới hóa ra Dạ-xoa hình tướng đanh ác đến bắt, la và dọa nhưng đức Bồ-tát vẫn ngồi yên. Hóa ra rắn chúa to đến quấn vào mình ngài, phùng mang làm rất dữ cũng không hiệu quả. Làm cho bão to để đức Bồ-tát bị té chết, nào là đá bay cây ngã nhưng Ngài vẫn ngồi yên. Dạ-xoa nghĩ: “Ta đã làm đủ cách mà Vidhura không chết thì ta phải giết”. Dạ-xoa hiện hình to lớn nắm hai bàn chân của đức Bồ-tát thật chắc, liệng lên hư không, rớt xuống cũng chẳng sao như người rớt trên gòn. Tức giận, càng quăng cao cũng chẳng sao. Càng tức giận, Dạ-xoa nghĩ: “Thế thì đập vào đá”. Đập vào đá cũng không chết, hình như đá đối với ngài như là một chiếc mền.

Đức Bồ-tát thật mệt nhọc, khó chịu mới nghĩ rằng: “Tại sao người thanh niên này lại cố giết ta? Vậy ta phải hỏi xem sao”. Ngài mới hỏi:

- Này người thanh niên, ta là người có giới hạnh, không làm gì nên lỗi, tại sao ngươi lại cố giết ta? Hành hạ ta khổ sở thế này? Người tên gì? Thuộc về hạng Dạ-xoa nào? Tâm hung ác cố giết ta có ích gì?

- Này ông trí thức, tôi tên là Puṇṇa, cháu của vua Vesavaṇa, kiêm cả chức Tổng binh. Tôi cố làm như thế này vì tôi yêu con gái của Long vương Varuna.

- Này Puṇṇa, ngươi không nên làm như thế, thế gian ta lớn như thế này mà tiêu hoại cũng vì sự hiểu lầm nghe lộn của ngươi. Puṇṇa ơi, tại sao vì tình yêu của ngươi mà làm ta khổ sở đến thế này?

- Không phải vô cớ mà tôi làm khổ ngài, vì Long vương buộc tôi phải tìm được tim của ngài đem về làm lễ mới gã công chúa cho. Vì lẽ ấy tôi mới giết ngài.

Nghe xong, đức Bồ-tát biết rằng: “Long vương đã từng nghe pháp nên về thuật lại cho hoàng hậu nghe, hoàng hậu Vimalādevī cũng muốn nghe pháp nên bà muốn quả tim này, ý bà muốn thính pháp nhưng những người thiếu trí không hiểu được ý nghĩa”. Đức Bồ-tát nói:

- Nếu ngươi muốn được tim ta, ngươi để ta xuống, ta thuyết  Sādhunaradhamma, pháp của người lành cho ngươi nghe. Rồi giết sau cũng không muộn.

Puṇṇa mới nghĩ: “Pháp này Vidhura chưa từng thuyết cho ai cả, vậy ta để xuống”. Rồi để Ngài ngồi trên chót núi Kāḷagiri yêu cầu Ngài thuyết pháp.

Đức Bồ-tát nói:

- Này Puṇṇa, mình mẩy ta dơ quá, vậy để ta tắm rửa cho sạch sẽ đã.

Puṇṇa liền đem nước lại cho ngài tắm và đem vật thực cho ngài dùng, lấy lụa trải thật đẹp cho ngài ngự thuyết pháp. Puṇṇa làm vậy để tỏ lòng kính trọng pháp. An vị xong, đức Bồ-tát thuyết:

“Yātānuyāyī ca bhavāhi māṇava

Allañca pāṇiṃ parivajjayassu

Mā cassu mittesu kadāci dubbhī

Mā ca vasaṃ asatīnaṃ nigacche”.

Nghĩa: này thiên vương, Sādhunaradhamma này có bốn điều: hãy đi theo các bậc tiền nhân, đừng tự đốt bàn tay đang ướt của mình, đừng làm hại bạn, đừng nghe lời kẻ khác.

Puṇṇa nghe qua không hiểu gì cả, mới xin Ngài giảng giải rộng cho dễ hiểu.

Đức Bồ-tát dạy câu kệ rằng:

“Asanthutaṃ nopi ca diṭṭhapubbaṃ

Yo āsanenāpi nimantayeyya

Tasseva atthaṃ puriso kareyya

Yātānuyāyīti tamāhu paṇīitā”.

Nghĩa: này thiên vương, câu nói hãy đi theo các bậc tiền nhân có ý rằng: “Người nào đã có ơn với ta thì nên cố tìm phương trả ơn”.

Đây đức Bồ-tát muốn dạy con người phải biết ơn kẻ khác, mặc dù chuyện nhỏ nhặt không đáng kể như nhường chỗ ngồi. Sự thật trên cõi đời này rất khó kiếm được kẻ tri ân, có kẻ dù nuôi họ hoặc giúp đỡ họ đến đâu họ cũng chẳng biết ơn, thật người như vậy còn tệ hơn gia sức. Con chó được ta cho ăn ngày hai lần, khi gặp ta nó biết mừng, còn con người mặc dù cho ăn tim mình, nhường đời sống cho họ, khi họ giận thì chẳng thấm gì với tấm lòng tốt của mình đối với họ.

“Yassekarattampi ghare vaseyya

Yatthannapānaṃ puriso labheyya

Na tassa pāpaṃ manasāpi cintaye

Adubbhapāṇiṃ dahate mittadubbho”.

Nghĩa: đừng đốt bàn tay đang ướt, nghĩa là người đang ở nhà kẻ khác chỉ trong một ngày hay một đêm, hoặc một bụm, một hớp nước, khi không nghĩ đến ơn người cũng gọi là đốt bàn tay đang ướt. Nên biết ơn người ấy, cố trả lại ơn, người như thế mới là người lành.

“Yassa rukkhassa chāyāya

Nisīdeyya sayeyya vā

Na tassa sākhaṃ bhañjeyya

Mittadubbho hi pāpako”.

Nghĩa: đừng làm hại bạn, nghĩa làm làm sự lợi ích cho bạn, người không biết ơn, làm hại bạn là người đê tiện nhất. Người dụt mát hay trú mưa dưới tàn cây, khi ra đi lại bẻ nhánh cây cũng gọi là người đê tiện, làm hại bạn.

“Puṇṇampi cemaṃ pathaviṃ dhanena

Dajjitthiyā puriso sammatāya

Laddhā khaṇaṃ atimaññeyya tampi

Tāsaṃ vasaṃ asatīnaṃ na gacche”.

Nghĩa: đừng nghe lời kẻ ác, nghĩa là đừng nghe lời đàn bà. Lẽ cố nhiên, người phụ nữ mặc dù người nam có của cải đến bao nhiêu hoặc cho ngôi Chuyển Luân Vương rồi nghĩ rằng: “Người phụ nữ ấy trung thành với ta”. Nhưng nếu có dịp may, người phụ nữ ấy cũng ngoại tình được. Phụ nữ thường khi chồng, mặc dầu người chồng có cho của cải vô số kể. Vì vậy, người ác đây chỉ cho người phụ nữ, đừng làm tội ác theo lời người ấy.

“Evaṃ kho yātaṃ anuyāyi hoti

Allañca pāṇiṃ dahate punevaṃ

Asatī ca sā so pana mittadubbho

So dhammiko hohi jahassu adhammaṃ”.

Nghĩa: này thiên vương, người không noi theo bước chân các bậc tiền nhân gọi là người tự đốt tay mình, người phụ nữ nói trên không phải là phụ nữ và người kể trên không đáng là con người. Vậy Ngài hãy hành theo Sādhunaradhamma (pháp của người lành), nếu ngài hành theo thì sẽ được hạnh phúc.

Khi nghe xong, Puṇṇa nghĩ rằng: “Vidhura xin ta đừng giết ông. Sự thật ông là người làm ơn cho ta mà lại là người không từng quen biết. Ta đã được ông cho hưởng ân huệ khi lưu lại nhà ông ba ngày. Ta làm những điều đê tiện tội lỗi như thế này là do nơi sắc đẹp của phụ nữ. Khi ta làm hại Vidhura, ta là người không hành theo pháp của người lành. Vậy đối với sắc đẹp ấy không có ích gì cho ta. Vậy ta nên lau nước mắt cho toàn thể dân chúng xứ Indapatta bằng sự trả lại cho họ vị trí thức của họ”.

Đây là gương đáng cho khen cho người trông thấy lợi ích của toàn thể hơn là chính mình.

Khi ấy Dạ-xoa nói :

“Avasiṃ ahaṃ tuyha tīhaṃ agāre

Annena pānena upaṭṭhitosmi

Mitto mamāsī visajjāmahaṃ taṃ

Kāmaṃ gharaṃ uttamapañña gacche”.

Nghĩa: này ngài đại trí thức, tôi là Dạ-xoa Puṇṇa. Ở nhà ngài ba ngày, tôi được ngài phụng sự cơm nước đầy đủ. Hôm nay, ngài sẽ được tôi tha ngài. Tôi sẽ dứt bỏ sự cố để được cưới con gái của Long vương. Dầu có được cô ấy hay không cũng chẳng sao. Thưa ngài đại trí thức, tôi đã nhận hiểu lời nói chánh lý của ngài.

- Thiên vương, ông đừng đưa tôi về, ông hãy đưa tôi đến chỗ Long vương.

Rồi đức Bồ-tát nói lên câu kệ :

“Handa tuvaṃ yakkha mamampi nehi

Sasuraṃ te atthaṃ mayi carassu

Mayañca nāgādhipatiṃ vimānaṃ

Dakkhemu nāgassa adiṭṭhapubbaṃ”.

Nghĩa: này Puṇṇa, ông hãy đem tôi tới nơi của Long vương Varuna, cha vợ của ông. Ông hãy giúp tôi gặp được Long vương để tôi được trông thấy ngai vàng của chúa rồng. Chỗ ấy tôi chưa từng thấy, xin ông từ bi cho tôi xem với.

Puṇṇa thấy đức Bồ-tát muốn xem nên nhắc nhở rằng:

“Yaṃ ve narassa ahitāya assa

Na taṃ pañño arahati dassanāya

Atha kena vaṇṇena amittagāmaṃ

Tuvamicchasi uttamapañña gantuṃ”.

Nghĩa: ngài thiện trí thức ơi, lẽ cố nhiên, người trí thức khi biết rằng: Cái gì có hại, không đem lại lợi ích thì không bao giờ muốn gặp chuyện ấy. Tại sao ngài lại muốn gặp kẻ thù, là người muốn được quả tim của ngài? Xin ngài chỉ bảo tôi.

Đức Bồ-tát đáp:

“Addhā pajānāmi ahampi etaṃ

Na taṃ pañño arahati dassanāya

Pāpañca me natthi kataṃ kuhiñci

Tasmā na saṅke maraṇāgamāya”.

Nghĩa: này Dạ-xoa Puṇṇa, lời của ông tôi đã hiểu. Còn tôi trước kia, dầu ở nơi nào cũng không làm điều tội ác. Tôi không biết sợ tai hại gì đến tôi cả. Hơn nữa, hỡi này thiên vương, chính ông là người rất hung ác, đã đày đọa tôi khổ sở mọi điều, ông là kẻ thù của tôi nhưng tôi vẫn còn có thể làm cho ông trở nên người bạn không nỡ làm hại tôi. Vì vậy, sự làm cho Long vương khâm phục tôi là phận sự của tôi. Tôi có thể thuyết pháp dạy Long vương là kẻ thù của tôi để trở thành bạn được. Vậy xin ông hãy đem tôi đi.

Long vương Viruna lấy làm nóng lòng trông đợi Dạ-xoa Puṇṇa, không biết có bắt được Vidhura không, trong khi ấy thì bệnh tình của hoàng hậu ngày càng trầm trọng.

Ngày ấy, Puṇṇa về, Long vương lấy làm mừng rỡ, ra đón rước và hỏi rằng:

- Con lãnh lệnh ra đi có được như ý chứ? Hãy nói cho rõ nào, ta đang nóng lòng trông đợi.

- Tâu đại vương, đã như ý. Hiện giờ Vidhura có mặt nơi đây. Tâu Đại vương, Vidhura là người hành theo Chánh Pháp, tôi được Vidhura một cách chân chánh. Đây Đại vương hãy xem Vidhura là một người thuyết pháp rất hay. Tâu Đại vương, lẽ cố nhiên, người mà được thân cận với các bậc trí thức như Vidhura thì các bậc ấy thường đem lại sự an vui.

Puṇṇa nói như thế là cố ý để cho tâm Long vương thương Vidhura. Sự thật, Dạ-xoa tính trước rằng: “Ta phải ca tụng công đức Vidhura để Long vương trong sạch không giết Ngài”. Long vương trông thấy Vidhura mới hỏi rằng:

“Adiṭṭhapubbaṃ disvāna

Macco maccubhayaṭṭito

Byamhito nābhivādesi

Nayidaṃ paññavatāmivā”.

Nghĩa: này vị trí thức của nhân loại, ông là người được đến trông thấy cõi Long vương mà ông chưa bao giờ thấy thì gọi là sự đe dọa rồi. Tại sao ông không sợ chết? Không lễ bái ta? Lẽ cố nhiên, bậc trí thức khi ở trong tay kẻ thù không đường nào trốn thoát thì tỏ vẻ cung kính kẻ thù, sự hành động của ông hình như không phải là tính cách của bậc trí thức.

Đức Bồ-tát biết Long vương muốn mình lễ bái, ngài rất thông minh, không trả lời ngay câu hỏi ấy và không muốn lễ bái nên nói rằng:

- Tâu Đại vương, tôi là kẻ tội nhân phải bị giết để lấy tim cứu hoàng hậu Vimalādevī. Tim tôi sẽ là vật đổi cô Irandhatī.

Đức Bồ-tát nói lên câu kệ: (xin miễn viết Pāli)

- Tâu đại vương, tôi được trông thấy cõi Long vương mà tôi chưa từng thấy và gọi là phải bị tử thần đe dọa, cái kinh khủng sự chết, tôi không bao giờ biết sợ. Lẽ cố nhiên, tội nhân bị xử tử không lạy giám sát bao giờ, còn giám sát không bao giờ cho tội nhân lạy. Tội nhân có lạy bao nhiêu đi nữa cũng không khỏi chết. Người lạy hay người được lạy cũng không có lợi ích gì. Vậy đại vương hãy cho người giết và móc trái tim tôi. Tôi là tội nhân, đại vương là giám sát. Tôi lạy đại vương có ích gì cho tôi và cũng không thể làm cho đại vương thương mà tha thứ được. Vì lẽ ấy mà tôi không lạy Ngài.

- Thật là lời nói chánh đáng, tôi xin khen ông trí thức, ông nói hợp lẽ đạo và đời.

- Tâu đại vương, tòa lâu đài này do nơi oai đức của ngài, tuy nó là vật vô thường nhưng thoạt trông là trường tồn vĩnh cửu. Quả báu như thế do oai đức của ngài. Ngài là đấng có hào quang chiếu sáng. Sự mà việc ngài được sanh vào cảnh này và vạn vật trong cảnh này sanh lại cho ngài. Tâu đại vương, xin đại vương cho biết rằng: những điều này mà có là do nơi ngài tạo ra hay do nơi của quả phước, xin ngài vui lòng chỉ cho tôi biết.

- Này vị đại trí thức, tòa lầu mà tôi được đây không do nơi kẻ nào cho tôi mà cũng chẳng phải tự tôi tạo ra hay là có vị chư Thiên nào dùng thần thông hóa ra. Tôi được là nơi nghiệp không xấu, là nghiệp thiện. (ý Long vương nói là do quả của sự bố thí, thọ trì bát quan trai giới).

- Tâu đại vương, ngài hành phạm hạnh gì? Và pháp nào là phạm hạnh của ngài? Ngài là người có hào quang, có thần thông, có sức mạnh, tinh tấn và được sanh làm chúa rồng, hưởng sự an lạc trong tòa lâu đài to lớn này, đây là do oai lực của phước gì?

- Này đại trí thức, trong kiếp trước, trẫm và hoàng hậu Vimalādevī là kiếp người ở thành Campaka, là người có đức tin trong sạch nơi Phật Pháp. Nhà trẫm là nơi cư ngụ của các bậc phạm hạnh. Chúng tôi được phụng sự các bậc phạm hạnh để các ngài no ấm. Tôi và hoàng hậu Vimalādevī được cúng dường về vật thơm thoa mình, đồ phụ tùng của đèn, chỗ ngủ, chỗ ở, xiêm y, chăn và cơm nước. Này ông trí thức, sự bố thí hết lòng thành kính là phạm hạnh của tôi. Oai đức vô lượng vô biên mà tôi có là do nơi quả lành mà tôi đã tạo. (theo lời của Long vương nói tỏ ý nói rằng: ngài sanh làm Long vương có nhiều thần lực là do nơi đức tin và giới).

- Tâu đại vương, nếu tòa lâu đài này đại vương được do nơi oai đức của sự bố thí như lời ngài vừa phán thì ngài đã hiểu rõ các thiện pháp. Vì vậy xin đại vương đừng dể duôi, hành theo thiện pháp hầu được hưởng quả lành vĩnh viễn.

Theo lời của đức Bồ-tát dạy chỉ cho Long vương thấy rằng: do nhờ thân, khẩu, ý trong sạch nên được sanh lại hưởng quả an vui, nếu dể duôi thì phải sa đọa, sẽ không được hưởng sự an vui như thế này vĩnh viễn.

Nghe xong, Long vương hiểu ý liền nói lại bằng câu kệ rằng:

- Ngài trí thức ơi, tôi làm sao làm thiện pháp như bố thí được vì cõi Long vương không có người hành phạm hạnh. Tôi xin hỏi ngài trí thức, nhờ ngài chỉ dẫn cho tôi được ở lại với tòa lâu đài này vĩnh viễn.

- Tâu đại vương, tất cả các vị thái tử, hoàng hậu và quyến thuộc cùng sanh với đại vương rất nhiều, xin đại vương đừng có lòng làm hại về việc làm hay lời nói. Xin ngài cố giữ pháp không làm hại kẻ khác. Nghĩa là ngài có tâm từ. Nếu ngài giữ pháp ấy cho đến ngày cùng thì được sanh về cõi trời sau khi thăng hà. Cõi ấy còn cao quý hơn, vì do nơi tâm từ xin ngài vui lòng hành theo.

Đức vua Varuna nghe đức Bồ-tát nhắc nhở ngài hãy vun trồng tâm từ lấy làm thỏa thích và nghĩ rằng: “Không nên để Vidhura nói chuyện nơi đây nhiều, mất thì giờ. Vậy ta nên đem vào trong thuyết pháp cho vợ ta nghe, may ra hiểu được chánh pháp thì không còn muốn ăn tim Vidhura nữa”. Nghĩ xong, Long vương mời đức Bồ-tát vào trong bằng lời kệ rằng:

- Này Vidhura, ngài là một vị quốc sư dạy đức vua Korabya xứ Kuru, khi mà đức vua Korabya mất ngài rồi thì sẽ buồn rầu, đau khổ, nhưng nếu gặp được ngài thì sẽ được an vui, không còn buồn rầu, đau khổ nữa.

Ý nói: khi gặp được ngài, được uống thuốc chữa bệnh tinh thần sẽ được an vui, ngài là một vị trí thức hoàn toàn.

- Tâu đại vương, ngài là bậc nói đúng theo Chánh Pháp mà các bậc trí thức ca tụng khen ngợi, câu này gọi là chánh ngữ. Đặc ân cao quý có trong mình tôi sẽ hiện ra trong khi gặp sự tai hại.

Đức vua mới hỏi về việc Puṇṇa bắt ngài có hợp theo luật không? Đức Bồ-tát đáp:

- Vì đức vua thua cờ nên giao ngài cho Puṇṇa hợp theo lẽ đạo.

Đức vua Viruna lấy làm hài lòng, đến năm tay đức Bồ-tát vào phòng của hoàng hậu. khi đến phòng, đức vua nói với hoàng hậu bằng bài kệ rằng:

- Này Vimalā, nàng đang bệnh, ốm yếu, màu da như lá cây có màu vàng do nhân gì? Vậy nàng hãy tỉnh mà thọ thực. Công đức của vị trí thức Vidhura không ai có từ trên mặt đất đến đây rồi. Ngài sẽ thuyết pháp cao quý, giải lý lẽ của đạo pháp huyền diệu cho nàng nghe vì sự nghe pháp của các bậc trí thức khó mà gặp được.

Khi vừa trông thấy đức Bồ-tát thì hoàng hậu chắp tay vái chào, tỏ vẻ kính trọng người trí thức và hỏi sơ mất câu chuyện xã giao. Rồi bắt đầu hỏi đạo giống như Long vương hỏi. Sau khi nghe xong, hoàng hậu lấy làm trong sạch và kính trọng ngài. Đức Bồ-tát biết rõ thế mới nói bằng lời kệ :

- Tâu đại vương, xin ngài đừng nghi sợ rằng ta làm hại bạn lành. Và ngài cũng đừng do dự rằng ta phải giết Vidhura để lấy tim không? Xin đại vương cứ thực hành mổ lấy tim tôi. Nếu ngài nghĩ rằng nhờ nghe pháp của tôi nên không nỡ giết tôi, thì tôi sẽ tự tử để ngài được như ý.

- Này vị đại trí thức, trí tuệ gọi là quả tim của bậc trí thức. Hai chúng tôi lấy làm thỏa thích với quả tim là Pháp của ngài. Dạ-xoa Puṇṇa cũng được vợ hôm nay và Puṇṇa sẽ đưa Ngài về xứ Kuru kinh đô Indapatta.

Long vương cho Dạ-xoa Puṇṇa đưa đức Bồ-tát về.

Tích này đến đây tạm dứt, xin nhắc lại cho thiện tín nhớ rằng: Đức Bồ-tát là bậc có chánh ngữ, không bao giờ chối cãi những gì khi sự đó là sự thật. Ngài đi đến đâu cũng nói lời chân chánh. Và muốn nhắc đi nhắc lại cho quý vị nhớ ba chỗ đại khái là: Đức Bồ-tát thuyết cho vua nghe, dạy con, thuyết cho Long vương.

Để quý vị ráng thực hành theo trong những đoạn ấy sẽ được kết quả mỹ mãn. Đây là một chi trong chiến xa, sẽ đem lại thắng lợi trong mọi nơi.

Theo lời yêu cầu của thí chủ, tôi xin hồi hướng quả báu hôm nay đến cô Sương, là người sắp sang Pháp, xin hãy thọ lãnh phước báu, và xin nhờ oai đức của phước lành này giúp cô tránh mọi sự tai nạn, có nhiều trí tuệ học hành tinh tấn mau được kết quả như ý nguyện.

Riêng thiện tín, mong rằng quý vị hành theo chánh ngữ để mau giải thoát.

BÀI 42 BẢY ĐIỀU CỦA HÀNH GIẢ
NOI THEO GƯƠNG CỦA MẶT TRỜI

Mặt trời soi sáng khắp thế gian và có 7 pháp mà các hành giả nên noi theo để tu tập:

1. Mặt trời làm cho nước và vạn vật đều khô héo.

Hành giả cũng phải có pháp nóng như mặt trời để làm cho khô héo các phiền não con ở trong tâm. Sức nóng bên trong của hành giả chính là trí tuệ, nhẫn nại, thu thúc lục căn, dùng các pháp ấy để thiêu đốt làm cho tiêu diệt phiền não. Các phiền não ấy là: ái dục, sân hận, oán thù, ngã mạn, tà kiến…

Nhưng nơi đây tôi muốn nói riêng về ái dục vì các pháp sau sẽ giải lần lượt ở chi thứ 2, 3…

Các phiền não ái dục là điều rất quan hệ vì ái dục là nhân làm cho con người phải luân hồi, như trong Tứ diệu đế có dạy: ái dục là tập đế, nghĩa là nhân làm cho chúng sanh luân hồi. Ái dục là sự ưa muốn trong trần tục.

Trần tục ấy chia ra làm hai:

* Vật dục (vatthukāma): nghĩa là lòng ham muốn trong các động sản hay bất động sản.

* Phiền não dục (kilesakāma): là lòng ham muốn sắc đẹp, vị ngon, mùi thơm, tiếng hay, sự cảm xúc êm đẹp. đức Phật có dạy: “Ái dục là pháp rất nóng hơn các thứ lửa”. Vì lửa bề ngoài chỉ làm cho ta nóng xác thân này thôi, còn lửa ái dục là pháp rất nóng, đốt lòng chúng ta từng phút. Hơn ấy nữa, người vì ái dục sai khiến làm những điều tội lỗi, phải bị đọa vào 4 đường ác đạo.

Đây tôi xin nhắc sơ lược tích của đức vua Ariṭṭhapura, vì lòng ái dục làm ngài rất khổ sở[24].

Thưở xưa, xứ Ariṭṭhapura có một vị trưởng giả có tiền đến 80 kinh, sanh được một người con gái đẹp lạ thường. Phàm những người thanh niên trông thấy nàng thì đều say mê như người say rượu, vì vậy nên nàng có tên là Ummadantī. Khi nàng được 16 tuổi, cha nàng nghĩ rằng: “Không ai xứng làm rể của ông”. Nên ông vào chầu đức vua Sivi tâu rằng:

- Tâu hoàng thượng, hạ thần có sanh được một mỹ nhân. Xin hoàng thượng cho quan thông về tướng số đến xem.

Đức vua liền cho 8 ông Bà-la-môn thông về tướng số đến xem tướng nàng, cha nàng cho nàng ra tiếp đãi 8 vị Bà-la-môn ấy để các vị xem tướng luôn. Khi ấy, các vị Bà-la-môn trông thấy sắc đẹp của cô làm cho các ông quên ăn. Cô thấy vậy nổi giận vì cô hổ thẹn sao các vị ấy lại ngó cô bằng cách khả ố, cô truyền gia đinh đuổi 8 vị Bà-la-môn ấy khỏi nhà lập tức. Vì sự nóng nảy của cô làm cho 8 vị Bà-la-môn căm tức, về tâu với đức vua rằng:

- Tâu đại vương, cô Ummadantī đẹp thật nhưng cô có tướng sát phu, có thể làm hại thánh thượng, xin đừng rước về cung. đức vua nghe qua lấy làm kinh sợ, không dám nghĩ đến việc rước nàng về làm hoàng hậu.

Nhắc đến đây tôi muốn chỉ thêm cho quý vị biết và thấy rõ là lòng sân hận, khinh người có hại như nàng Ummadantī vậy. Một khi ta có tài sắc nhiều thì lại cần nhã nhặn nhiều hơn để tăng thêm cái đẹp tinh thần.

Sau đó, ông trưởng giả gả cô cho một vị tướng quốc xứ Ariṭṭhapura tên là Abhipāraka. Ông rất quý mến nàng như châu ngọc. Ngày nọ, vì phải đi tuần sát ở biên thùy nên quan tướng quốc mới nói với vợ rằng:

- Hiền thê ơi, ngày mai là ngày lễ, theo tục lệ thì đức vua sẽ ngự đi xem mọi nơi trong thành để xem cho biết rõ sự sanh tồn của nhân gian. Thế nào nhà vua cũng đi ngang qua đây, vậy hiền thê không nên cho hoàng thượng trông thấy. Rồi ngài ra đi, riêng nàng Ummadantī muốn làm nhà vua khổ để trả thù việc không chịu rước nàng về làm hoàng hậu nên nàng đợi khi nhà vua ngự đến tòa lầu của nàng, nàng làm như không biết gì cả, đứng dựa cửa mong ở nơi xa xăm. Đức vua trông thấy sắc đẹp phi thường của nàng làm cho ngài thèm muốn, lửa ái dục phát khởi lên. Ngài không còn lòng nào để đi hứng cảnh nên truyền xa giá về nội cung. Từ ấy trở đi, ngài tưởng nhớ đến người đẹp mãi, bỏ bê cả việc triều chính, ăn, ngủ, bệnh tình ngày rất trầm trọng. Quan tướng quốc đi tuần du về trông thấy thế và hỏi rõ lại thì biết đức vua tương tư vợ ngài, nếu không được nàng thì thế nào cũng chết.

Ông mới kêu một người tâm phúc đến bảo rằng:

- Ngươi hãy đến ẩn mình trong một bọng cây mà người ta thường hay cúng vái, trong khi ta đến cầu khẩn, ngươi hãy nói như vầy, như vầy…

Sáng ngày, tướng quốc hội triều thần và phát biểu ý kiến như thế, ai ai cũng tán thành nên ngài cùng triều thần sắm lễ vật đến cúng thọ thần nơi cây đã định trước. Khi sắm lễ vật xong thì ngài mới quỳ xuống khấn rằng:

- Kính thưa với chư Thiên vương, trong khi đang cử hành cuộc lễ hằng năm vui vẻ, không biết tại sao hoàng thượng của chúng tôi lại bỏ dở cuộc vui trở về hoàng cung, từ ấy trở đi ngài trở bệnh rất nguy kịch, xin ngài cho biết bệnh gì và vì cớ nào?

Người trong bọng cây mới đổi giọng nói rằng:

- Này quan tướng quốc, nhà vua của quý vị bị bệnh tương tư nàng Ummadantī, vợ của quan tướng quốc. Nếu nhà vua được nàng Ummadantī thì sẽ mạnh, bằng không thì sẽ chết, vậy quan tướng quốc hãy đem vợ vào dâng nhà vua đi.

Quan tướng quốc đáp:

- Lành thay, tôi sẽ y theo lời ngài.

Trở về chầu đức vua, thuật lại việc thần linh mách bảo và hứa rằng sẽ dâng nàng Ummadantī vào hầu.

Đức vua nghe qua tự lấy làm hổ thẹn rằng: “Mình chỉ thương thầm nhớ trộm mà các bậc thần linh đều hiểu biết, thật là xấu hổ”. Ngài mới phán rằng :

- Này hiền khanh, vậy vị thổ thần biết rằng trẫm tương tư vì nàng Ummadantī chăng?

- Tâu đại vương phải vậy.

Nhà vua lấy làm hổ thẹn, cố nén sự thương yêu. Nhắc đến đây để thiện tín trông thấy rằng: lòng thương về sắc đẹp là phiền não dục có một năng lực phi thường, dắt dẫn chúng sanh luân hồi đau khổ mãi, nó có sức nóng vô cùng, hơn sức nóng của lửa thường vô số kể. Người muốn trừ ái dục cần phải nhẫn nại, thu thúc lục căn, có trí tuệ, trí nhớ và biết mình, người ấy mới có thể giải thoát khỏi vật dục và phiền não dục được.

2. Mặt trời diệt trừ bóng tối và soi sáng thế gian.

Cũng như hành giả phải cố gắng diệt trừ bóng tối trong tâm như mặt trời soi sáng thế gian. Các bóng tối trong tâm là tham ái, sân hận, si mê, ngã mạn, tà kiến, oán thù. Đó là những bóng tối không có ánh sáng nào rọi sáng được trừ ra trí tuệ, hay cũng gọi là các chứng bệnh nan trị, ngoài ra vị dược sư là đức Chánh Đẳng Chánh Giác mới trị được. Xin giải sơ lược những bóng tối ấy hay là những chứng bệnh đã tả trên.

  • Tham ái (rāga): nghĩa là ham muốn trong dục tình, muốn vật này, thương vật kia. Tham ái là một chi phụ thuộc đi đôi theo ái dục. Nói tóm lại, khi tham điều gì, ham vật chi, mặc dầu là thuộc về của cải hay tình dục cũng đều gọi là tham. Tham ấy chung quy cũng do ái dục mà ra nên nói ái dục là có lý tổng quát đến tham ái và tham lam. Nơi đây xin miễn giải rộng.
  • Sân hận (dosa): nghĩa là sự nóng giận, nó hằng làm cho tâm ta mờ tối, không còn biết phải quấy, trong lúc giận dữ dám giết người hoặc đánh đập, chửi mắng người khác. Vì lòng nóng giận nên ta gây ra biết bao tội ác, nào là sát sanh và gây ra nhiều oan trái. Đức Thế Tôn biết vậy nên Ngài có dạy trong Kinh Pháp Cú quyển 6 rằng: “Natthi dosasamo kali”[25], nghĩa là cái hại nào cũng không bằng sân hận. Ý nói rằng: người sân hận hằng bị nhiều sự tai hại.

Như tích xưa có ghi lại chuyện tượng và chim hoành hoạch, chim hoành hoạch làm tổ trên đường đi của tượng. Bữa ấy, tượng đi ngang qua. Chim đứng trước mặt tượng, chấp cánh đưa lên tỏ vẻ tôn kính và nói rằng :

- Thưa ngài, ngài là chúa của sơn lâm xin ngài mở lòng thương tưởng đến con ở ổ trước đây, nó chưa biết bay. Ngài hoan hỷ đi đường khác.

Tượng không thương hại, trái lại nói rằng :

- Loài chim chóc như người có sá gì, chẳng những đạp con ngươi mà ngươi ta cũng chà nát.

Rồi tượng đi đến chà đạp ổ chim, chim con bị giết chết. Chim mẹ tức giận bay lên cây nói:

- Ngươi ỷ sức mạnh làm hại kẻ nhỏ, ngươi đừng lầm tưởng rằng kẻ nhỏ không báo thù được. Rồi chim bay bỏ đi. Nó lo kiếm mồi vê nuôi một ổ quạ. Quạ mẹ thấy cảm tình ấy mới hỏi tự sự. Chim kể lại và yêu cầu quạ mổ đui mắt tượng. Quạ mổ mắt tượng xong rồi chim mới lập kế với ễnh ương xin đi kêu ở trên núi. Tượng vì đui nên không biết chỗ nào có nước, nghe tiếng ễnh ương kêu nên mò lên núi, khi lên tới trên thì nghe tiếng ở phía dưới, tượng quay xuống thì bị té xuống hồ chết. Tượng ấy là tiền thân của Devadatta.

Nhắc tích này để chư thiện tín thấy rằng: lòng sân hận thường bị oán thù. Mặc dù ta có sức mạnh, giàu có, quyền thế nhưng một khi có kẻ thù, dầu kẻ thù ấy nhỏ hơn ta, họ cố ý làm hại cũng khó tránh. Nếu muốn tránh tai nạn ấy thì phải có pháp nhẫn nại và lòng từ bi. Trong tích này có điều lạ là chim và tượng biết nói nhưng tôi vẫn đem ra nói vì tôi tin rằng: quý vị chỉ xem và hiểu cốt truyện để diệt lòng sân hận vậy thôi, còn tin hay không là tùy quý vị.

  • Si mê (moha): có nghĩa là không nhận rõ chân lý là pháp Tứ diệu đế chớ không phải nói si mê là ngu muội.

Người si mê là người tưởng mình còn trẻ hoài chưa già, chấp lấy ta, tưởng sống hoài không chết, chấp rằng danh vọng, tiền của bền vững, những vật ấy là vật sở hữu của ta. Như vậy gọi là si mê. Vì không trông thấy vạn vật vô thường, dầu thân này là của ta nhưng ngày kia nó sẽ thay đổi, tiêu diệt mất, nên Đức Thế Tôn có dạy rằng: Người mặc dầu ở nơi sáng suốt nhưng khi bị si mê che đậy thì không thấy chân lý và vô thường, khổ não, vô ngã nên mới cho si mê là một bóng tối nhất. Muốn diệt trừ si mê cần phải gần gũi các bậc trí thức, học về chân lý và dùng trí tuệ quán sát thấy rõ ba tướng vô thường, khổ não và vô ngã.

  • Ngã mạn (māna): là sự coi mình là người cao thượng, khôn ngoan, trí thức hơn kẻ khác. Hoặc nghĩ rằng: ta già hơn, khôn hơn kẻ trẻ, không học hỏi với người trẻ tuổi hơn mình. Ngã mạn là một trở lực không cho con người đi đến chỗ giải thoát hoàn toàn.

Như có tích trong cuốn Pháp Cú Kinh thứ nhất về chuyện ông Sañjaya[26], ngài Đại Đức Assaji là một trong 5 thầy Kiều-Trần-Như thuyết pháp độ được ông Xá-lợi-phất đắc Tu-đà-huờn quả. Ông Xá-lợi-phất mới về nói lại cho bạn là ông Mục-Kiền-Liên nghe, ông cũng đắc Tu-đà-huờn quả. Khi ấy hai ông mới nghĩ đến việc xuất gia theo Chánh pháp. Xá-lợi-phất là người biết ơn nên mới bàn với Mục-Kiền-Liên rằng:

- Về dẫn dắt thầy cũ của mình là Sañjaya theo Chánh pháp.

Khi về đến nơi, vào hầu thầy, ông Sañjaya mới hỏi:

- Hai thầy đã tìm được Chánh pháp rồi chăng?

- Thưa thầy, đã được rồi. Hiện giờ có Tam Bảo là Phật, Pháp, Tăng. Từ xưa nay chúng ta hành sai, vậy hôm nay xin thầy theo về chánh đạo với chúng tôi.

- Vậy hai thầy đi đi, tôi không đi được.

- Thưa thầy, tại sao vậy?

- Vì ta là một vị giáo chủ mở đạo dạy đời, ta không thể làm đệ tử ai được.

- Xin thầy đừng cố chấp quá như thế.

- Thôi để mặc tôi. Hai thầy tùy tiện đi đi.

- Thưa thầy, kể từ ngày có đấng Giác Ngộ dạy đời, hàng đại chúng sùng kính hành theo rất nhiều. Chúng tôi cũng hành theo đạo giáo của Đấng Giác Ngộ. vậy thầy làm sao?

- Này hai thầy, người trên đời này, kẻ ngu và người trí ai nhiều?

- Thưa thầy, người trí ít hơn.

- Vậy người trí hãy đi theo Sa-môn Cồ-đàm đi, để người ngu cho ta dạy. Ta không thể đi được.

Hai ông ấy thấy lòng ngã mạn của Sañjaya quá nặng, không còn khuyên được nữa nên từ tạ ra đi. Trong nhóm đệ tử của Sañjaya có 500 người đều mến tài đức của hai thầy nên đi theo hai thầy. Sañjaya thấy vậy tức mình hộc máu ra chết liền.

Nhắc tích này cho chư thiện tín thấy rằng: vì lòng ngã mạn nên không gặp được Chánh pháp và phải chịu khổ đau. Nếu vì lòng ngã mạn ấy bị sự thất bại nặng thì có thể phải chết.

Vậy lòng ngã mạn cũng là một bóng tối ở lòng mình làm cho mình bị trở ngại trong việc giải thoát. Vì bóng tối ấy nên chúng sanh vẫn bị đi lạc mãi trong vòng đau khổ.

  • Tà kiến (micchādiṭṭhi): là sự hiểu sai lầm. Tà kiến là cái bóng tối làm cho tâm ta không thấy chơn lý. Bởi tà kiến nên chúng sanh tin những điều không đáng tin. Như tin có một đấng thiêng liêng ban phước tha tội rồi ỷ vào đó làm điều tội lỗi. Sự thật không có ai cho phước, không có ai tha tội. Tội và phước tự ta tạo lấy cho ta. Cũng vì tà kiến mà chúng ta không thấy Tứ diệu đế là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Bởi tà kiến, ta nhận biết rằng cái nghiệp là của ta, là quyến thuộc của ta, kiếp này ta được hưởng quả lành dữ cũng do nghiệp thiện ác khi xưa.

Muốn diệt trừ bóng tối là tà kiến, ta cần phải có chánh kiến soi sáng. Chánh kiến là sự thấy chơn chánh. Thấy chơn chánh là thấy pháp Tứ diệu đế.

3. Mặt trời xoay từ Đông qua Tây[27]:

Nghĩa là mặt trời chỉ đi theo con đường duy nhất của nó, không thay đổi. Cũng hành giả tu hành đi theo chánh đạo, là con đường duy nhất, bắt buộc tâm phải đi ngay về một hướng là Níp-bàn, không cho phóng túng.

Ánh sáng làm cho tâm không phóng túng, đó là trí nhớ và trí tuệ. Người vì thiếu trí nhớ và trí tuệ nên không trông thấy vô thường, khổ não, vô ngã. Vậy tôi xin nhắc lại tích của vị Bồ-tát chỉ thấy sợi tóc bạc mà kinh sợ, đi xuất gia.

Có một bà công chúa chị vua có chồng làm quân sư trong triều. Chồng bà đẹp trai mà lại nhỏ tuổi hơn bà. Bà nhận thấy sự chênh lệch về tuổi tác như vậy nên thường tìm cách để chồng thương, không bỏ bà. Ngày nọ, bà bắt chí cho chồng nghỉ trưa, bà nghĩ ra một kế bứt tóc bạc của bà trao cho chồng và nói rằng:

- Ông cũng có tóc bạc đây.

Ông chồng cầm lấy sợi tóc bạc xem và suy nghĩ: “Tóc ta đã bạc, đây là điềm báo trước cho ta biết ta đã già mà vẫn không hay biết gì cả. Ta còn say mê gì với bả vinh hoa này trong khi tử thần rình rập giết ta. Ta không thể chống lại với tử thần. thời gian qua rất nhanh, ta không thể trì hoãn, phải tìm đường giải thoát sớm giờ nào hay giờ ấy”.

Sau khi suy nghĩ như vậy, vị quân sư tìm thế xuất gia, bỏ lại quyền cao chức rộng và người vợ yêu . người ấy là tiền thân của đức Từ Phụ của chúng ta hằng ngày đây.

Quý hóa thay, những bậc có trí nhớ và trí tuệ, chỉ một sợi tóc bạc thôi mà có thể thức tỉnh, tìm về con đường giải thoát. Hôm nay thấy kẻ khác tóc bạc cũng không ghê sợ, mà chính chúng ta tóc bạc như bông, râu cũng bạc mà không nghĩ đến giải thoát.

4. Mặt trời như một khối lửa tròn không bao giờ khuyết.

Cũng như hành giả tinh tấn làm cho tâm mình trụ lại, sáng láng, không xao động vì pháp thế gian là tài, sắc, lợi, danh. Tâm chúng sanh hằng chạy theo thế pháp, không khi nào trụ lại được. Vì không trụ nên phải luân hồi khổ não. đức Phật có dạy, người giữ tâm mình được hoàn toàn thoát khổ. Như có tích trong Pháp Cú Kinh quyển hai, thiên dạy về Tâm rằng:

Trong khi Đức Thế Tôn ngự tại Kỳ Viên Tịnh xá, kinh đô Sāvatthī. Khi ấy có một người con của ông bá hộ vào hầu một vị Đại Đức và hỏi rằng:

- Bạch ngài, đệ tử muốn giải thoát khỏi vòng thống khổ này, xin ngài hoan hỷ chỉ cho con con đường giải thoát.

- Nếu ngươi muốn giải thoát, ngươi hãy bố thí. Chia của ra làm 3 phần: một phần để làm vốn sinh sống, một phần nuôi vợ con, một phần giúp ích cho Phật Pháp.

- Bạch ngài, đệ tử xin vâng theo lời ngài.

Sau khi hành theo lời ngài Đại Đức một thời gian mới vào hỏi thêm rằng :

- Bạch ngài, đệ tử đã làm theo lời của ngài được rồi. Vậy ngoài ra những việc ấy còn có gì cần thiết cho người tu giải thoát nữa chăng?

- Vậy người nên thọ trì tam quy và ngũ giới.

thọ Quy Giới xong, con ông bá hộ ấy mới hỏi rằng:

- Còn phương pháp nào cao thượng hơn nữa chăng?

- Vậy người hãy thọ thập giới.

bởi người ấy cứ tuần tự làm việc lành từ bậc nên người ta đặt tên là Anupubbaseṭṭhiputta, nghĩa là con ông bá hộ tuần tự làm việc lành.

- Bạch ngài, ngoài ra thọ thập giới còn có pháp nào cao thượng hơn nữa chăng?

- Vậy người hãy xuất gia.

Người ấy bằng lòng xuất gia. Ngài Đại Đức cho một vị Tỳ-khưu thông tạng Luận làm thầy tiếp dẫn, vị Luật Sư làm thầy tế độ. Sau khi tu xong, thầy tế độ cố kiềm thầy theo tạng Luật, thầy tiếp dẫn kiềm chỉ cho ông về cách dạy tâm. Thành ra thầy Tỳ-khưu mới tu ấy thấy mình khó hành được hoàn toàn Giáo Pháp của đấng Giác Ngộ nên thối chí. Ông mới nghĩ rằng: “Ta muốn được giải thoát mới xuất gia, và khi xuất gia trong Phật Giáo còn khổ bằng mấy ở đời, vậy ta ở tại gia cũng giải thoát được vậy. Thế thì ta nên hoàn tục”. Từ ấy trở đi thầy không cố tâm hành phạm hạnh, muốn trở về với thế tục.

Khi ấy, các thầy Tỳ-khưu trông thấy ông giảm bớt sự tinh tấn và ốm lần (vì muốn hoàn tục) nên hỏi ông có bệnh gì chăng? Ông đáp vì muốn hoàn tục. Các thầy Tỳ-khưu mới hỏi lý do. Ông bèn kể lại sự thật cho các thầy nghe. Các thầy Tỳ-khưu bạch với Đức Thế Tôn.

Đức Thế Tôn cho gọi thầy Tỳ-khưu kia lại hỏi coi có ý như vậy không. Thầy Tỳ-khưu chịu thật có vậy. đức Phật hỏi:

- Tại sao muốn hoàn tục?

- Bạch Đức Thế Tôn, vì đệ tử muốn giải thoát mới xuất gia. Thầy tiếp dẫn của đệ tử chuyên dạy về kiềm chế tâm. Thầy tế độ dạy về sự kiềm chế thân và khẩu. Đệ tử tự giải quyết rằng: trong Phật Giáo không được thong thả, vậy làm cư sĩ cũng giải thoát được, thế nên ta hoàn tục.

- Này thầy Tỳ-khưu, nếu ngươi có thể giữ một điều, một điều mà thôi thì những sự cần phải lo gìn giữ khác khỏi phải lo gì cả.

- Bạch Đức Thế Tôn, điều ấy là gì?

- Là giữ tâm của ngươi.

- Bạch Đức Thế Tôn, nếu vậy có thể được.

- Vậy ngươi hãy cố gắng chuyên chú sửa trị và gìn giữ tâm ngươi cho hoàn toàn thì ngươi sẽ thoát khổ.

Rồi Đức Thế Tôn dạy câu kệ rằng:

“Sududdasaṃ sunipuṇaṃ

Yatthakāmanipātinaṃ

Cittaṃ rakkhetha medhāvī

Cittaṃ guttaṃ sukhāvahaṃ[28]”.

Nghĩa: người trí thức nên giữ tâm là một vật khó trông thấy, rất vi tế, hằng đi theo đề mục (cảnh trần) ưa thích. Tâm mà người giữ được hoàn toàn, sẽ đem sự an vui đến.

Ý câu kệ này dạy rằng: người thiếu trí mãi chiều lòng theo dục vọng tà tâm nên hằng bị sự tai hại. Riêng về các bậc trí thức biết thu thúc tâm không cho duyên theo trần cảnh. Vì vậy nên chúng ta phải biết thu thúc tâm, đừng cho xao động. khi ấy sẽ được an vui tuyệt đối là đạo quả.

Một khi hành giả dùng một trong 40 đề mục tham thiền cho tâm trụ lại được rồi, hành giả nhờ đây mà trí tuệ sáng suốt, hiểu rõ lý vô thường, khổ não, vô ngã.

Sau khi dứt thời pháp, thầy Tỳ-khưu đắc Tu-đà-huờn quả.

Nhắc tích này cho chư thiện tín thấy rằng nên làm cho tâm mình trụ lại, ý nói làm cho nó hoàn toàn không bị khuyết và xéo như mặt trời vậy.

5. Mặt trời có sức nóng làm cho nhân loại ấm áp cùng vạn vật phải khô héo.

Cũng như hành giả dùng pháp nóng để thiêu đốt tất cả phiền não từ ngoài xâm nhập vào và thiêu đốt phiền não trong thân tâm.

Sự thu thúc lục căn, gìn giữ giới luật cho trang nghiêm là một thứ lửa thiêu đốt phiền não bên ngoài, không cho xâm nhập vào tâm.

Sự cố làm cho tâm không vọng động do nơi chỉ quán và làm cho tâm trong sạch là minh sát, đây là pháp nóng để thiêu đốt phiền não bên trong.

Đây là pháp nóng thiêu đốt phiền não cho khô héo, như mặt trời thiêu đốt vạn vật vậy.

một khi hành giả là người có giới đức trang nghiêm, hạnh kiểm thanh cao, ấy là phước điền của nhân loại, cũng như mặt trời làm cho nhân loại được ấm áp. Hơn ấy nữa, hành giả đủ tài đức là gương lành cho nhiều người trông thấy đức hạnh mà noi theo.

6. Mặt trời luôn luôn kinh sợ Rāhu.

Khi xưa, người ta cho rằng: trong một năm, mặt trời bị Dạ-xoa tên Rāhu đến nuốt một lần, bây giờ chúng ta gọi là nhật thực.

Trong khi Dạ-xoa đến, nhật thần thấy lấy làm kinh sợ phát run lên (đây là nói theo lý của người thời ấy). Cũng như hành giả luôn luôn kinh sợ những tội ác của mình làm hay đã làm hoặc thấy của kẻ khác, kinh sợ lo sửa đổi tâm tính của mình. Đây tôi xin nhắc sơ lược tích của người trông thấy kẻ khác làm tội lỗi mà kinh sợ, lo tìm đường giải thoát.

Lúc nọ, có một ông bá hộ vào chầu nhà vua, khi ra về theo đường thấy nhiều người say rượu đi ngã tới ngã lui, la lối om sòm, lắm người đánh cờ. Ông mới suy nghĩ rằng: “Ở đời lắm kẻ giết thời gian một cách vô lối như thế. Sao họ không dùng thời gian làm việc có ích cho người và mình”. Thật ra, vì sự si mê nên không nhận thấy thời giờ rất cao đối với người muốn sống để hành đạo giải thoát. vậy ta không nên mê mến sự giàu sang mà uổng thời giờ quý báu.

Khi về đến nhà, người lo phương thế xuất gia. Người ấy chính là tiền thân Đức Phật Thích-ca của chúng ta. Nhắc ở đây để chư thiện tín thấy bậc trí thức luôn luôn dùng trí tuệ quán sát mọi việc và đem những điều ấy dạy mình. Điều đại khái hơn hết là các Ngài kinh sợ tội lỗi. Thậm chí đến lắm lúc làm vua chúa cũng bỏ đi xuất gia, vì các ngài trông thấy sự đời mà kinh sợ lấy mình.

Lúc quá khứ, đức vua Mahājanaka[29] trị vì tại xứ Mithilā, Ngài hằng bố thí cho các vị đạo sĩ và Bà-la-môn. Ngày nọ, có người giữ vườn đem hoa đến dâng cúng cho ngài, trông thấy hoa đẹp nên muốn vào vườn thượng uyển xem nên ngài truyền sửa sang vườn hoa để ngài ngự đến. Khi đi, ngài ngự trên lưng bạch tượng, đến cửa vườn thượng uyển ngài trông thấy hai cây xoài, một cây có trái rất sai, còn một cây không trái. Ngài hái một trái thấp nhất dùng thử. Thật xoài ngon ngọt. Ngài định khi trở về sẽ lệnh cho người làm vườn bẻ dâng cho Ngài.

Đến chiều, về đến cây xoài, thấy cây có trái cành lá gãy tơi bời không còn một trái, còn cây không trái vẫn tự nhiên, thấy vậy đức vua mới hỏi người làm vườn :

- Tại sao cây xoài bị tả tơi như thế?

- Tâu hoàng thượng, trước đây không ai dám bẻ xoài này vì người ta thấy hoàng thượng chưa dùng, hôm nay họ trông thấy hoàng thượng đã bẻ dùng nên họ tự tiện bẻ cây, lấy cây, đá chọi phang, leo hái hay dùng cây thọc, móc, đập nên cây mới ra thế này.

Đức vua nghe qua lấy làm chán nản mới nghĩ rằng: “Cây xoài kia còn tươi xanh, đẹp đẽ, không bị gãy nhánh rụng lá vì nó không có trái. Cây xoài này lá rụng cành gãy tả tơi vì nó có trái. Ta đây cũng như cây xoài này, vì ta quyền cao danh vọng lớn nên có nhiều kẻ muốn hại ta mà chiếm đoạt. Nếu ta xuất gia dứt bỏ ngai vàng thì sẽ khỏi bị kẻ thù hại như cây xoài không trái vậy. Người đời càng có của cải nhiều, quyền chức lớn, danh vọng cao thì sẽ có nhiều kẻ ganh tỵ, oán ghét và quyết tâm làm hại”.

Từ ngày ấy trở đi, đức vua chỉ lo chuyện xuất gia thôi. Ngày nọ, ngài bỏ ngai vàng trốn đi xuất gia. Bà hoàng hậu tên Sīvalī hay tin lập tức đuổi theo ngài. Yêu cầu ngài trở về, ngài nhất định không trở lại, bà cũng cứ theo mãi, nhà vua thấy vậy mới nghĩ thầm: “Phàm người xuất gia mà còn có phụ nữ đi theo thì còn tu hành gì được, mà chác thêm tiếng đời dị nghị”. Trong khi ấy, ngài trông thấy một cô gái đang giã gạo, một tay đeo hai chiếc vòng, một tay đeo một chiếc. khi đang giã thì tay có đeo hai chiếc vòng có tiếng chạm nhau. Ngài suy nghĩ: “Nếu Sīvalī đến ta, ta sẽ hỏi cô này, nhờ lời của cô ta sẽ đưa Sīvalī về”. Trong khi ấy, hoàng hậu chạy đến, đức vua mới hỏi cô gái giã gạo ấy rằng:

- Tại sao cô giã gạo lại nghe tiếng leng keng không đều nhau?

- Thưa ông, vì hai tay tôi đều có đeo vòng nhưng một tay đeo hai chiếc, một tay đeo một chiếc, đôi vòng trên tay nó chạm nhau còn chiếc vòng trên tay kia không chạm phải vật gì nên nó không kêu. Cũng ví như người tu phải ở một mình mới thanh tịnh, bằng có hai người thì phải chạm nhau như hai chiếc vòng này. Còn ông là người xuất gia, tại sao không chịu bỏ vợ, dẫn theo như vậy không sợ làm nhơ dục phạm hạnh sao? Người xuất gia phải xa lìa phụ nữ, dù là chị em, cô, dì hay là quyến thuộc xa gần cũng chẳng được theo. Còn ông dẫn vợ theo, khuyên ông không nên quyến luyến vợ con.

Đức vua quay qua nói với hoàng hậu rằng :

- Sīvalī, nàng hẳn đã nghe lời đứa trẻ nói, có đau đớn xâu hổ không. Nếu khi ta còn trị vị thì nó không đáng làm thị nữ của ta, còn bây giờ nó dạy khôn ta. Đến đây có con đường rẽ, vậy hai ta hãy chia đôi mỗi người một ngã. Ta không còn suy nghĩ Sīvalī là vợ ta nữa, ngươi muốn đi đừng nào tùy ý.

- Ngài là người nam, thôi hãy đi về phía tay phải, tôi là nữ sẽ đi về phía tay trái.

Rồi hai người đi hai ngã. Nhưng chỉ đi được một khoảng thôi, bà lại nhớ thương đức vua nên nhất định theo nữa. Bà liền hối hả chạy trở lại.

Trong lúc ấy, đức vua đi đến nhà của người làm tên. Thấy người thợ đang uốn mũi tên cho ngay rồi đưa lên mắt, còn mắt kia thì nhắm lại đặng nhắm coi có ngay không. Đức vua mới nghĩ ra một kế đuổi hoàng hậu về. Ngài đến gần người làm tên hỏi rằng:

- Này anh thợ, tại sao anh nhắm mũi tên lại phải nhắm một mắt?

- Bạch thầy Sa-môn, khi ngó bằng hai mắt không chắc đúng, vì hai mắt nó dành nhau thấy, bởi vậy ta không trông thấy chắc được. Khi ta nhắm vật gì, nhắm đi một mắt mới trông thấy được chắc, mới trông thấy chỗ ngay và chỗ cong. Bạch Ngài, cũng như các bậc Sa-môn nên ở một mình như người muốn trông thấy ngay phải nhắm một mắt. Lẽ cố nhiên, khi vợ con theo bên mình thì không thể nào hành phạm hạnh cho trong sạch được, không thể giải thoát được.

Khi người thợ nói xong, đức vua giải thêm cho hoàng hậu nghe và khuyên hãy trở về hoàng cung. Nhưng vì lòng thương chồng nên hoàng hậu cứ theo mãi cho đến ven rừng Tuyết Lãnh. Đức vua cúi xuống nhổ một nắm cỏ đưa lên nói với Hoàng hậu rằng:

- Muñjāvesikā pavāḷhā ekā vihara sīvalī” Này Sīvalī, cỏ mà ta nhổ lên rồi không thể nào trở lại như cũ được, cũng như ta và Sīvalī không còn là vợ chồng nhau nữa. Vậy ta khuyên Sīvalī đừng theo ta nữa, hãy trở về triều. Riêng ta phải vào rừng để hành đạo. Nếu Sīvalī muốn giải thoát như ta thì hãy kiếm nơi thanh vắng thanh thiền.

Hoàng hậu biết nhà vua đã cương quyết nên trở về.

nhắc tích này để chư thiện tín thấy rằng: các bậc trí thức chỉ thấy cây xoài vì có trái nên bị người làm tả tơi như vậy liền nghĩ đến phận mình là người có quyền chức, e phải bị như cây xoài nên lo xuất gia. Vậy chúng ta nên noi gương Ngài. Nhà vua ấy chính là tiền thân của Đức Bổn Sư Thích-ca vậy.

7. Mặt trời làm cho sáng thế gian.

Ý dạy hành giả tinh tấn tu hành để đạt lấy quả vị thanh cao rồi đem ra giáo hóa chúng sanh, cho họ trông thấy ánh sáng chân lý như mình.

Đến đây tạm dứt thời pháp, mong sao chư thiện tín cố tinh tấn hành theo bảy pháp của mặt trời. Đây là con đường giải thoát chung của chúng sanh vậy.

BÀI 43 BẢY ĐIỀU CỦA HÀNH GIẢ
NOI THEO GƯƠNG CỦA MẶT TRỜI (tiếp theo)

Hôm nay, tôi định thuyết hồng danh Purisadammasārathi nhưng trước khi lên pháp tọa, tôi có xem bài pháp số 42 về “7 điều hành giả noi theo gương của mặt trời” sẽ ấn tống hôm nay vẫn còn có những khuyết điểm nên tôi xin thuyết thêm những chỗ còn khuyết ấy.

1. Mặt trời làm cho vạn vật nóng cũng như hành giả cần có pháp nóng để thiêu đốt các phiền não.

Trong đời này có nhiều chất độc có thể giết người lẹ vô cùng nhưng vẫn chưa bằng phiền não ở trong tâm ta. Vì chất độc chỉ giết chết ta trong đời này thôi, riêng về chất độc phiền não, nó làm cho ta phải vĩnh đọa trong ác đạo, chịu cảnh sanh diệt không sao kể xiết. Đức Thế Tôn biết phiền não đốt lòng người từng phút và nóng hơn các thứ lửa trên đời, hoặc nó độc hơn các chất độc nên Ngài dạy phải diệt trừ nó.

Các phiền não tôi đã giải trong 16 tùy phiền não ở bài Pháp số 41 với nhan đề “Tứ Niệm Xứ”, nơi đây tôi xin giảng những điều cần.

  • Ái dục.

Ái dục là một lòng tham muốn không ngừng nghỉ, nó là nguyên nhân sanh khổ nên gọi là Tập Đế. Sau khi thành đạo, thời Pháp của Đức Thế Tôn thuyết đầu tiên nêu ngay cái hại của ái dục trước và Ngài dạy phải diệt nó mới mong giải thoát được. Thế thì chúng ta biết là nguy hiểm dường nào.

Trong kinh, Đức Thế Tôn có dạy: “Nếu ái dục của một người (đây chỉ nói riêng một người) mà có hình ảnh thì nó có thể chật tam giới”.

Trước một sự vĩ đại như thế, tôi tưởng thiện tín nên kinh sợ, chẳng nên dể duôi mà ráng mài dũa nó. Câu này còn có một lý cao hơn nữa là: chúng sanh nào còn trong tam giới là còn ái dục, chỉ khác nhau chổ ít hay nhiều.

Tôi còn nhớ, ngày nọ đi ngang qua núi Châu Thới, tôi thấy núi bị lủng lỗ hang, tôi có cảm tưởng theo câu Phật dạy rằng: “Lòng ái dục có thể dời non lấp bể được”. Thì thật vậy, trước kia, những con đường chúng ta đi đâu có được bằng phẳng như bây giờ. trước kia là những đầm lầy nước đọng mà hôm nay trở nên như thế này, đều cũng do nơi ái dục mà ra cả, thì trách nào núi Châu Thới không thành bình địa.

Sự thật, ái dục là lòng tham muốn không bờ bến Đức Thế Tôn có dạy rằng: có một kiếp Ngài sanh làm Chuyển Luân Vương, Ngài là một nhà vua có phạm hạnh nên đức Đế Thích cảm động, mời Ngài về cõi Đạo Lợi, rồi chia hai cõi trời ra cho Ngài cùng hưởng. Được như thế còn chưa hài lòng, Ngài lại muốn đánh đức Đế Thích để chiếm luôn cả cõi Đạo Lợi. Nhưng vì tài hèn đức kém, đánh không lại đức Đế Thích, đành phải trở về cõi người. sau khi đắc quả vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, Ngài mới dạy rằng: ái dục là Pháp tham muốn vật dụng và phiền não dục không bờ bến, không biết đủ, mặc dầu đã là vua Chuyển Luân Vương và được chia cõi Đạo Lợi mà cũng chưa vừa”.

Vì vậy, Đức Thế Tôn dạy phải thiêu đốt nó, vì có diệt ái dục mới có giải thoát.

Trong kinh Pháp Cú quyển 8, thiên về ái dục (taṇhā), Đức Thế Tôn có dạy: “Chúng ta cũng là con nhện ở giữa lưới của nó, ăn ở trong lưới, già và chết cũng ở trong lưới”[30].

Lẽ cố nhiên, nhện làm lưới bằng tơ của nó rồi nằm giữa lưới ấy, khi biết rõ có con gì dính vào lưới, nó lật đật đến bắt ăn rồi trở lại chỗ cũ, rồi cứ như thế ấy mãi.

Ái dục ví như lưới nhện, chúng sanh ở trong lưới của ái dục cũng như con nhện, những món ăn của trên ví như tài, sắc, lợi, danh. Lẽ cố nhiên, nhện cố làm được mảnh lưới rồi lại nằm trong lưới mà đợi mồi, không khi nào bỏ lưới đi đâu cả, cũng như chúng sanh không thể bỏ ái dục được. Nếu ái dục đã phát sanh ưa thích một vật gì thì nó phải cố tìm cho kỳ được, khi tìm được thì chấp lấy làm của ta, cố giữ không cho hư hoại, như có nhà cửa thì mến tiếc nhà cửa, có xe cộ thì mến tiếc xe cộ… kể không xiết. Chỉ riêng có các bậc công dày đức rộng, tuệ nhiều mới thấy rõ cái hại của ái dục.

Đây xin tóm tắt lại cho dễ hiểu hơn, ái dục làm ra cái nhà là xác thân này, nó chấp rằng: “Đây là ta, là vợ ta, con ta, của cải ta, không thể bỏ sự chấp ta được”. Tâm phải bị khổ sở vì sự tai hại của ái dục và phải làm nô lệ cho lòng ham muốn. Tâm bị chôn sâu mãi trong xác thân này. Quý cái thân phối hợp với tinh huyết của cha mẹ, không dám quên nó, như tích của bà hoàng hậu tôi kể sau đây:

Bà Khemā[31] là hoàng hậu của vua Bình-sa Vương (Bimbisāra). Bà có tạo nhiều Ba-la-mật kể từ đời Đức Thế Tôn Padumuttara. Bà có nguyện làm một vị đệ tử chánh thức phái nữ của Đức Thế Tôn. Bà là người đẹp nhất trong thành Vương Xá (Rājagaha) nhưng cũng vì sắc đẹp ấy làm bà mê, không bao giờ bà dám nghe đến già và chết. Bà cho rằng nghe đến già và chết sẽ có hại cho tinh thần. đức vua thì muốn bà hiểu đạo giải thoát, riêng bà, thì bà thường nghe Đức Thế Tôn chê thân này là vô thường, nhơ nhớp, cấu tạo bởi vật bất tịnh, vật bẩn thỉu hơn các vật khác nên bà không chịu đi nghe pháp. đức vua Bình-sa Vương mới nghĩ ra một kế là cho các danh ca đặt ra những bài ca rất hay để ca tụng về vẻ đẹp của Trúc Lâm tịnh xá, thừa đêm khuya thanh vắng ca và đờn xa xa vừa cho bà nghe. Khi nghe ca tụng như thế, bà tính tò mò nên muốn thưởng thức vẻ đẹp nên thơ của Trúc Lâm tịnh xá như thế nào nên bà lén đi đến. Mặc dầu bà lén nhưng không tránh khỏi tuệ giác của Đấng Giác Ngộ. Bà bị cảnh đẹp nên thơ của rừng trúc nên quên mình, cứ tiến bước mãi cho đến khi trông thấy chùa Trúc Lâm, thật nguy nga đồ sộ, rất nhiều trai lành gái tín và chư Tỳ-khưu và Tỳ-khưu-ni, y vàng phấp phới làm cho bà bùi ngùi nhớ một cảnh gì xa xăm mà vui vẻ đi lần lần đến, trông thấy Đức Thế Tôn ngự giữa hàng tứ chúng hào quang sáng rực, uy nghiêm và đầy vẻ từ bi, hình như có một sức thôi miên thu hút bà. Lòng lâng lâng nhẹ nhàng, bà liên tục từ từ vào hầu Phật. Khi ngó qua một bên, thoạt trông thấy một thiếu nữ 16 tuổi, cái đẹp không thể tả được bằng lời, mà các họa sĩ trứ danh cũng không thể vẽ ra được bằng hình. Người đẹp như mà sánh với cô ấy cũng như con quạ mà sánh với chim phượng. Bà mới nghĩ rằng: “Người ta thường đồn “Đức Thế Tôn hằng chê sắc đẹp, đó là chuyện không xác thực, chỉ phao vu cho Ngài thôi vì ta đây thấy người đẹp ngồi quạt hầu cho Ngài. Cái đẹp của ta đối với cô ấy không bằng một phần trăm”.

Khi bà nghĩ như thế, bà không nghe mộ câu kinh, một lời pháp nào, chỉ ngồi nhìn vẻ đẹp của cô gái ấy. Đức Thế Tôn biết hoàng hậu Khemā đã quên mình, mê theo sắc đẹp của cô gái do nơi thần thông của Ngài hóa ra. Đức Thế Tôn mới từ từ làm cho cô gái ấy biến chuyển từ 17 tới 18, 19, 20 rồi lần lần da nhăn tóc bạc, đến không thể cầm nổi quạt nữa, rồi cô ấy té quỵ xuống chết, rồi sình lên, nào là ruồi, quạ, kên kên đến ăn.

Khi ấy hoàng hậu mới nghĩ rằng: “Thân hình đẹp đẽ như thế cũng phải bị sức vô thường tàn phá. thật ra thân này không bền vững lâu dài, vật không có lỗi”.

Trong khi ấy, Đức Thế Tôn hiểu rõ tâm bà nên Ngài thuyết rằng:

- Hỡi này hoàng hậu Khemā, hoàng hậu tưởng rằng: thân này chắc chắn bền bỉ lắm chăng? Hoàng hậu nên hiểu và thấy rõ rằng: thân này không chắc. Này hoàng hậu Khemā, bà nên biết rằng: thân này là vật bực bội, bẩn thỉu, bài tiết ra mùi hôi thối tha, nhơ nhớp ghê gớm, nó hằng chảy ra các thứ nước dơ mà các bậc trí thức không khen mà người thiếu trí lại mê mến.

Nghe dứt câu, bà đắc Tu-đà-huờn quả.

Đức Thế Tôn thuyết tiếp:

- Này Khemā, chúng sanh ham muốn dục tình, uất ức, sân hận, si mê, quên mình nên không lội qua khỏi nguồn ái dục, vì vậy nên bị luân hồi lặn hụp mãi mãi trong dòng ái dục của mình.

Đức Thế Tôn thuyết lên bài kệ:

“Ye rāgarattānupatanti sotaṃ

Sayaṃ kataṃ makkaṭakova jālaṃ

Etampi chetvāna vajanti dhīrā

Anapekkhino sabbadukkhaṃ pahāya”[32].

Nghĩa: người nào chiều mến theo dục tình, người ấy bị rơi vào dòng ái dục, cũng như con nhện phải ở trong lưới của chính nó làm. Bậc trí thức đã cắt đứt lưới ấy rồi nên không còn chiều mến nữa, nên đã giải thoát khỏi các điều thống khổ.

Sau khi dứt câu kệ, bà Khemā đắc quả A-la-hán. Đức vua vui lòng cho xuất gia liền. Bà là một vị Tỳ-khưu-ni rất đắc lực trong Phật Pháp.

Nhắc tích này để quý vị trông thấy ái dục là một thứ dây trói buộc con người chắc hơn vạn vật. Một bậc như bà Khemā có tạo nhiều duyên lành trong quá khứ mà còn bị cám dỗ, ràng buộc quên mình thì làm sao chúng ta giải thoát được.

thuyết đến đây tôi cũng nhớ một tích trong Pháp Cú Kinh quyển 8, thiên dạy về ái dục, Đức Thế Tôn có dạy rằng: “Ái dục là một thứ xiềng xích chắc nhất, hơn các loại xiềng xích trong tam giới này”[33].

Có 30 vị Tỳ-khưu vào thành Vương Xá khất thực đi ngang qua một khám đường trông thấy bọn cướp bị gồng cùm xiềng xích rất khổ sở. Khi khất thực về, vào hầu Đức Thế Tôn và bạch rằng:

- Bạch Đức Thế Tôn, hôm nay chúng con vào thành khất thực, trông thấy bọn cướp bị đóng gông cùm xiềng xích thật là khổ, không thể nào trốn được. bạch Đức Thế Tôn, đây gọi là sự trói buộc rất kiên cố hơn các thứ khác, có thứ nào chắc hơn nữa không?

- Này các thầy Tỳ-khưu, những sự trói buộc ấy đâu gọi là trói buộc được, chỉ có sự trói buộc của phiền não là ái dục mới là sự trói buộc kiên cố hơn hằng triệu lần.

Nói xong, Đức Thế Tôn thuyết lên Túc Sanh Truyện[34] (xin miễn kể nơi đây).

Khi thuyết xong, Đức Thế Tôn thuyết lên hai câu kệ :

“Na taṃ daḷhaṃ bandhanamāhu dhīrā    

Yadāyasaṃ dārujapabbajañca      

Sārattarattā maṇikuṇḍalesu

Puttesu dāresu ca yā apekkhā.      

 

Etaṃ daḷhaṃ bandhanamāhu dhīrā         

Ohārinaṃ sithilaṃduppamuñcaṃ 

Etampi chetvāna paribbajanti

Anapekkhino kāmasukhaṃpahāya”[35].    

Nghĩa: gông, cùm, xiềng, xích làm bằng sắt, bằng cây, bằng cỏ. Các bậc trí thức không nói rằng: “Những vật ấy là kiên cố”. Sự tham muốn ngọc ma-ni của người nào còn trong tâm nhiều và sự quyến luyến vợ con, các bậc trí thức gọi là quyến luyến yêu mến và tham lam ấy (ái dục) là vật kiên cố, rất dẻo, không thẳng, không cứng nhưng gở ra rất khó. Các bậc trí thức dứt bỏ sự trói buộc ấy là người không thích trong dục tình rồi xuất gia.

Nhắc tích này để quý vị thấy rằng: ái dục là mảnh lưới rất kiên cố, đối với khám đường có gông, cùm, xiềng, xích rất nặng nề mà Đức Thế Tôn chưa gọi là cứng, chưa chắc, chúng sanh hạng thiếu trí khó dứt được. Vì vậy, Đức Thế Tôn dạy phải thiêu đốt ái dục bằng sức nóng là Bát chánh đạo.

  • Cột oan trái.

Oan trái là sự giận một người nào đó rồi cố chấp trong lòng, nhất định phải làm cho người ấy đau khổ mới vừa lòng. Khi tâm ấy có trong lòng rồi thì cứ tìm cách và dịp may để thực hành cho thỏa lòng mong đợi và rình rập của mình. sự hành động như thế gọi là sự kết cấu thù hiềm, cột oan trái với nhau.

Người nào còn nhớ tội lỗi của người ta gieo cho mình rằng: họ đã chửi ta, mắng ta, đánh ta, lường gạt ta, cướp của ta, giết hại thân nhân ta. Người ấy gọi là người cột oan trái.

Còn người nào lòng khoan dung những tội lỗi kẻ khác gây ra cho mình, người ấy gọi là người không cột oan trái. Sự cột oan trái với nhau là nhân gây ra sự luân hồi để trả thù nhau. Người muốn đừng luân hồi hay không oan trái thì phải dùng lòng từ ái và sự nhẫn nại dứt bỏ những gì đã làm ta khổ. Cũng ví như người sợ chất dơ dùng nước rửa.

Vậy quý vị hãy coi gương cột oan trái dưới đây đặng mà tránh.

Sau khi cha chết, một thanh niên con của một gia đình khá giả kia phải làm việc ngoài đồng như trong nhà thật là vất vả, còn lo phụng sự mẹ già. Bà mẹ thấy thế thương hại con, mới cưới vợ cho con. Dâu bà là một người đàn bà giỏi về công, dung, ngôn, hạnh và gia đình đình cũng thuộc hàng trung lưu, nhưng khổ nỗi ở với chồng nhiều năm mà không có con. Bà mẹ muốn cưới thiếp cho con. Cô hay được và nghĩ rằng: “Thà ta đứng ra cưới vợ lẻ cho chồng còn hơn bà cưới, nếu ta cưới về thì ta có quyền hơn”. Rồi tự tiện cô cưới vợ lẻ cho chồng. Cô vợ lớn mới nghĩ rằng: “Nếu may ra con này có con thì con nó sẽ làm chủ gia đình, vậy ta phải làm sao cho nó đừng có con”. Cô mới nói cho cô vợ lẻ rằng:

- Khi nào em có thai thì nói cho chị biết đặng chị mừng. Cô vợ bé vì còn khờ nhỏ nên nói rõ khi mình có thai cho cô vợ lớn nghe. Cô vợ lớn mới tìm cách phá thai, cô tìm thuốc phá thai để vào thức ăn. Cô vợ bé ăn vô bị hư thai. đến lần thứ nhì cũng vậy. Đã hai lần làm cho cô nghi ngờ và người hàng xóm cũng hỏi nên cô mới nói tự sự. Người hàng xóm bảo tử đây cô đừng dùng đồ ăn của người vợ lớn nữa.

Lần thứ ba, cô vợ lớn biết cô vợ bé có thai nên buộc cô uống thuốc dưỡng thai, trong thuốc dưỡng thai có thuốc phá thai. Khi cô vợ bé uống vào, thuốc hành cô rất khổ sở. Thai ấy không ra được nên đã chết trong bụng. Trong những ngày đau đớn trên giường bệnh, trước khi sắp chết, cô mới kết oan trái rằng:

- Người đã cố làm hại ta đến hai lần, đến nay ngươi cố giết ta, ta nguyện sau khi chết, ta sanh ta giống gì cũng sẽ ăn thịt mẹ con ngươi mới vừa lòng ta.

Sau khi chết, cô sanh làm con mèo cái trong nhà ấy. Khi người chồng biết rõ chuyện nên đánh người vợ lớn chết. Cô vợ lớn sanh làm con gà mái trong nhà ấy.

Về sau, gà mái đẻ, mèo lại ăn hai lần, đến lần thứ ba ăn cả gà mẹ. Trước khi chết, gà mẹ cột oan trái rằng:

- Ngươi đã ăn trứng của ta ba lần, nay ăn cả ta, ta nguyện kiếp sau ăn ngươi và con ngươi lại.

Sau khi chết, sanh làm cọp cái. Con mèo sanh làm con nai cái. Khi nai đẻ, cọp lại bắt con ăn hai lần, đến lần thứ ba ăn luôn mẹ và nai con. Nai giận, kết oan trái rằng:

- Ngươi ăn con ta cả lần lại ăn ta, ta nguyện sẽ ăn mẹ con ngươi lại.

Sau khi chết, nai sanh làm Dạ-xoa, còn cọp sanh làm con gái của một gia đình khá giả trong xứ Sāvatthi. Sau lại cô có chồng ở gần cửa thành Sāvatthi. Khi cô sanh thì Dạ-xoa mới hóa ra một người phụ nữ đến hỏi rằng:

- Người bạn gái của tôi ở đâu?

Người nhà không biết tưởng người quen mới chỉ rằng:

- Cô nằm trong buồng kia.

Dạ-xoa xin vào thăm, khi được dịp liền bắt con cô ấy ăn. Lần thứ nhì cũng vậy. Đến lần thứ ba, khi gần đến ngày sanh, cô ấy bảo với chồng:

- Chỗ này có Dạ-xoa ăn con mình hai lần rồi, vậy lần này tôi về nhà cha mẹ tôi sanh.

Chồng cô đồng ý.

Trong lúc ấy, nhằm phiên Dạ-xoa phải đi múc nước ở hồ Anotatā đem về dâng cho đức vua Vessavaṇa tắm mỗi phiên bốn hay năm tháng. Sau khi làm xong phận sự, cô đi kiếm hỏi thăm, được biết cô kia về ở quê nhà nên lập tức đi theo. Lúc ấy nhằm lúc hai vợ chồng bồng con về nhà chồng, đi đến gần Kỳ Viên tịnh xá nhằm lúc có Đức Thế Tôn ngự. Cô lại muốn tắm ở ao Pokkharaṇī trước chùa. Tắm xong, cô bồng con cho chồng xuống tắm thì Dạ-xoa vừa theo kịp. Cô lấy làm kinh sợ nên la lên rằng:

- Dạ-xoa đến rồi và chạy vào Kỳ Viên tịnh xá.

Lẽ cố nhiên, Đức Thế Tôn ngự nơi nào thì có chư Thiên hầu nên Dạ-xoa vừa đến cửa chùa không vào được phải đứng đợi. Cô bồng con chạy đến gần Phật để con bên chân Phật, cô mới bạch rằng:

- Bạch Đức Thế Tôn, con xin dâng đứa trẻ này cho Ngài, xin Ngài từ bi cứu nó.

Đức Thế Tôn bảo Tôn giả Ānanda đi ra gọi Dạ-xoa vào. Khi Dạ-xoa đến, Đức Thế Tôn mới phán rằng:

- tại sao con lại làm thế? nếu hai con mà không gặp đức Chánh Đẳng Chánh Giác như Như Lai thì sẽ kết oan trái đến cả kiếp, cũng như oan trái của rắn với chồn, hay gấu với cây căm xe, hoặc như chim mèo với quạ, oan trái mà diệt được là nhờ sự dứt oan trái với nhau.

Xong Đức Thế Tôn  thuyết lên câu kệ :

“Akkocchi maṃ avadhi maṃ

Ajini maṃ ahāsi me

Ye ca taṃ upanayhanti

Veraṃ tesaṃ na sammati.

 

Akkocchi maṃ avadhi maṃ

Ajini maṃ ahāsi me

Ye ca taṃ nupanayhanti

Veraṃ tesūpasammati.

 

Na hi verena verāni

Sammantīdha kudācanaṃ

Averena ca sammanti

Esa dhammo sanantano[36].”

Nghĩa: người nào kết oan trái rằng: họ đã giết ta, đánh ta, thắng (hơn) ta, cướp của ta, oan trái của người này không bao giờ dứt. Người nào không cột oan trái như thế ấy thì oan trái mới dứt. Kể từ ngàn xưa đến nay, oan trái không bao giờ dứt bởi sự oan trái, oan trái dứt được là do nhờ sự không cột oan trái.

Sau khi dứt câu kệ, Dạ-xoa và cô ấy đắc quả Tu-đà-huờn.

Thuyết đến đây tôi còn nhớ ngày có cuộc lễ dâng y ở chùa Bửu Quang (23-8 âl-Ất Mùi). Nhân buổi lễ quy y trước Xá-lợi Phật, tôi có nhắc đến báu thân và pháp thân của Đức Thế Tôn, thiết tưởng hôm nay cũng nên nhắc lại cho nhiều thiện tín được nghe.

Báu thân là thân tứ đại của Ngài nhưng cao quý hơn chúng ta vì có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp do bà Māyā hoàng hậu sanh ở vườn Lumbini. Sau khi tịch diệt, hỏa táng xong, báu thân ấy thành những hạt ngọc Xá-Lợi, Xá-Lợi ấy thật quý giá không chi sánh bằng. Nếu chúng sanh nào hết lòng trong sạch lễ bái cúng dường sẽ được nhiều phước báu. Mặc dầu là vậy nhưng cũng không thoát khỏi định luật vô thường.

Hơn báu thân ấy một bậc, Đức Thế Tôn còn có pháp thân, ngoài vị Chánh Đẳng Chánh Giác không có một vị thánh nhân nào có được. Vì muốn đắc được pháp thân, Ngài phải hành 30 pháp ba-la-mật trong 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp. Đây chỉ nói về các bậc Chánh Đẳng Chánh Giác thuộc về hạnh trí tuệ. đức Từ Phụ Thích-ca Mâu-ni của chúng ta phải trải 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp hành theo 30 pháp ba-la-mật, kiếp chót 6 năm khổ hạnh dưới cội bồ-đề. Ngài đắc quả vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. 45 năm truyền đạo, tổng cộng có 84.000 pháp môn, tức là 84.000 viên ngọc Xá-lợi có giá trị cao quý hơn Xá-lợi báu thân. Vì người chiêm ngưỡng báu thân chỉ được hưởng phước nhân thiên thôi, hoặc người để Xá-lợi trong mình để chiêm bái thôi chứ Xá-lợi ấy không đem mình đi Níp-bàn được. Đọc qua lịch sử các vị thánh nhân, chúng ta chưa thấy vị nào đắc A-la-hán vì để Xá-lợi trong mình. Trái lại, các Ngài để Xá-lợi là Pháp của đức Phật trong tâm. Nghĩa là nhờ hành theo Pháp Bảo.

Trên thiền sàng dưới hai cội sa-la, Đức Thế Tôn trông thấy chư Thiên cúng dường bằng các thứ hoa cao bằng non mà Ngài cũng cho là sự cúng dường không cao thượng. Hơn nữa, khi ấy, Tôn giả Ānanda có hỏi về cách cư xử làm sao với báu thân của Ngài sau khi Ngài nhập diệt thì Đức Thế Tôn có dạy rằng:

- Này Ānanda, các ngươi không nên bận lòng về sự cúng dường hỏa táng thi hài Như Lai. Nên tinh tấn hành đạo, cố tầm lý sự lợi ích cho mình, không nên dể duôi[37].

Câu này cho ta thấy rõ rằng: trọn đời hy sinh cho nhân loại, Ngài chỉ mong nhân loại được giải thoát, không vì tư lợi và Ngài chỉ chú trọng về Pháp Bảo là cao thượng. Vậy nên Xá-lợi là pháp thân của Ngài mới là cao quý hơn hết. Vậy hôm nay mong chư thiện nam tín nữ, mỗi người hãy lãnh lấy vài viên Xá-lợi là Pháp của đức Phật về để trong mình. Chắc quý vị còn nhớ câu Phật dạy Vakkali[38] rằng: “Này Vakkali, kẻ nào trông thấy pháp, người ấy gọi là trông thấy Như Lai. người nào trông thấy Như Lai, người ấy gọi là thấy pháp”.

Ý câu này dạy rằng: Ngài Đại Đức Vakkali vì mê sắc đẹp của Đức Thế Tôn nên cứ theo hầu gần Ngài mãi để xem cho thỏa thích. Đức Thế Tôn dạy câu kệ trên ý nói rằng: thân Ngài không làm cho thầy giải thoát được, phải trông thấy pháp trước đã.

Nhắc đến đây, chư thiện tín trông thấy rằng: Xá-Lợi Pháp mới là quý báu hơn, vì nhờ sự hành theo pháp mới thoát khổ, nên hôm nay sư xin yêu cầu quý vị mỗi người lãnh một hạt Xá-Lợi Pháp là không cột oan trái để vào lòng, hầu cúng dường bằng cách thực hành theo Chánh pháp đặng mau giải thoát khỏi vòng luân hồi thống khổ.

  • Ngã mạn

Ngã mạn nghĩa là chấp ta. Theo chú giải tạng Luận, đoạn nói về ý có dạy rằng: “ngã mạn ví như người say rượu hay người điên”. Vì người chất chứa nhiều sự chấp ta thì lòng tham lam quyền chức, lợi lộc, sự ca tụng và sự an vui càng gia tăng vô cùng vô tận. Khi có những điều kể trên thì lòng khinh bỉ kẻ khác lại có. Tưởng rằng: không ai bằng ta, ta giàu, ta lớn, ta mạnh… khi không có một pháp nào ngăn cản thì phải bị tai hại. Cũng như chó chóc lầm tưởng mình là sư tử. Thiết nghĩ, nên kể ra đây cho chư thiện tín thấy rõ cái hại của ngã mạn là thế nào.

Lúc nọ, đức Bồ-tát sanh làm sư tử chúa[39] ở rừng tuyết lãnh. Ngày nọ, sư tử giết một con trâu rừng, ăn xong xuống suối uống nước rồi trở về hang. Khi ấy có một con cho chóc gặp sư tử bất thình lình nên tránh không kịp mới mọp xuống trước mặt sư tử. Sư tử hỏi:

- Ngươi có chuyện gì không?

- Muôn tâu chúa thượng, không có chuyện gì cả, thần xin hiến thân này hầu chúa thượng.

- Vậy ngươi hãy theo ta về hang.

Từ ấy trở đi, chó chóc chỉ có phận sự giữ hang nên được hưởng ân huệ ăn thịt dư của sư tử rất dồi dào. Chó chóc mập và mạnh. Chó chóc lấy làm tự cao tường mình có sức mạnh như sư tử nên ngã mạn phát sanh. Ngày nọ, vào hầu sư tử, chó chóc nói rằng:

- Tâu chúa thượng, từ lâu hạ thần làm bận lòng ngài đem thịt về cho. Hôm nay, xin ngài an nghỉ tại hang để thần đi tìm thịt tượng về dâng chúa thượng.

- Này chó chóc, ta khuyên ngươi đừng làm chuyện ấy, không phải phận sự của ngươi đâu, ngươi để ta giết cho mà ăn. Tượng là loài thú to lớn và mạnh, ngươi đừng làm liều mà hại lấy thân.

Mặc dầu sư tử hết lòng ngăn cản, chó chóc cũng không nghe vì nó tưởng mình đủ sức. Chó chóc thường thấy trước khi đi kiếm mồi, sư tử hay rống lên ba tiếng thật to nên cũng bắt chước nhưng rống không ra tiếng, đành tru lên ba hồi dài rồi cũng đứng trên chót núi ngó quanh thấy một con tượng đi dưới chân núi. Chó chóc nghĩ rằng: “Ta nhảy lên lưng tượng rồi cắn gáy nó”. Không may cho nó là không rơi trúng lưng tượng mà rơi ngay gần chân tượng nên bị đạp chết.

Sư tử đứng trên chóp núi thấy cái chết thảm hại của chó chóc mới nghĩ rằng: “Chó chóc chết vì ngã mạn”. Sư tử mới đọc lên câu kệ :

“Asīho sīhamānena

Yo attānaṃ vikubbati

Kotthūva gajamāsajja

Seti bhūmyā anutthunaṃ”.

Nghĩa: không phải sư tử mà muốn làm như sư tử thì cũng như chó chóc bị tượng chà. Cũng như người không tự lượng sức mình, trí tuệ, dòng giống của mình mà đi so sánh với người có quyền chức, giàu sang, quý tộc, mạnh mẽ (người ấy chỉ tổ rước cái hại) như chó chóc vậy.

 Phải suy nghĩ trước sẽ làm sau, phải lượng sức và trí của mình, biết dựa vào học thức của mình và phải biết nói cho khôn ngoan, người ấy mới hoàn toàn thắng được.

Lẽ cố nhiên, kẻ vũ phu chỉ biết gây gổ làm đầu, không lượng sức mình, kết cuộc chỉ chuốc lấy cái khổ do lòng ngã mạn. Ngã mạn là một phiền não làm ngưng trệ hay ngăn cản con đường tiến hóa của ta về mặt vật chất cũng như tinh thần. Lắm kẻ vì lòng ngã mạn mà không dám nhìn lỗi của mình, đó là một cách chất thêm một phần tội lỗi xấu xa.

  • Phải thắng mình.

Người đời vì lòng tham lam, sân hận phát sanh, muốn được lợi cho mình hay làm cho người khác khổ. Những sự phát sanh như thế là những điều phiền não.

Khi tham lam phát sanh, ta muốn được của cải của người khác, tùy theo trường hợp là giật, cướp hoặc lường gạt để đem về. Khi lòng sân hận phát sanh, ta muốn đánh, giết, làm hại kẻ khác hoặc nói xấu, kiếm lỗi của kẻ khác để mình được thắng, nghĩa là hơn người ấy, ta lấy làm vui vẻ thỏa thích với ý muốn ấy. Nhưng mà than ôi, người ấy đâu có trông thấy cái hậu quả thảm khốc của họ là do oán thù oan trái mà người bị thua sẽ mang tâm hại họ.

đức Phật có dạy: “Người thắng kẻ khác, chắc thêm lo, người thua chồng thêm những sự hờn giận, uất ức mà cột oan trái, oán thù”.

Nghe kim ngôn này, chúng ta thấy dù thắng hay bại cũng không vui, chỉ có người không thắng bại mới yên vui. Đức Thế Tôn dạy: “Người chiến sĩ thắng trận giặc nào rồi còn bị thua lại, chưa gọi là toàn thắng”. Ý nói chúng ta thắng kẻ khác rồi bị người thắng lại thì cái thắng ấy không phải là hoàn toàn, chỉ có thắng phiền não mới là thắng hoàn toàn. thắng phiền não là thắng bằng cách nào? Thắng phiền não là thắng những điều xấu xa phát sinh trong tâm như tham, sân, si, oán thù, oan trái… vì nó là cái nhân làm ta phải khổ hơn người khác, để ta phải bị oan trái, oán giận và phải lo âu về sau. Ta không nhìn thấy rằng: ta chiều theo nó, chính ta đã thua trận giặc phiền não bên trong, khi chưa chắc chắn thắng kẻ khác mà đã thua một mặt rồi thì thà ta đừng thực hành theo còn hơn. Rủi ta lại thua kẻ khác nữa là phải thua về hai mặt về vật chất lẫn tinh thần. May ra thắng được kẻ khác, ta còn phải chuẩn bị để chống lại sự trả thù. Rõ là người thắng kẻ khác là người hại trước rồi.

thuyết đến đây tôi còn nhớ một túc sanh truyện tên Kuddālapaṇḍita[40] về câu chuyện thắng bại như sau:

lúc quá khứ, tiền thân của Đức Thế Tôn sanh làm một người bán đồ hàng bông tên Kuddālapaṇḍita. Sau khi cha quá vãng, Ngài có vợ con cùng làm nghề bán hàng bông. Tất cả gia tài để nuôi sống vợ con chỉ có cái cuốc và những thứ giống hàng bông thôi. Ngài sống theo chánh mạng. Ngày nọ, bỗng dưng Ngài nghĩ rằng: “Đời không thường như thế này, ra sẽ già rồi chết thì có già hạnh phúc mà lưu luyến hồng trần này, phải xuất gia mới được”. Rồi Ngài mới đem cái cuốc và các thứ giống giấu ở một nơi rất kín và xuất gia làm đạo sĩ. Xuất gia không lâu, lòng vọng mong nhớ đến cuốc, hột giống, nhớ đến cuộc đời thế tục nên Ngài trở lại cuộc đời thế tục với các cuốc và các thứ giống. Ngài làm như thế sáu lần cũng vì các cuốc và các thứ giống ấy. và lần này, ta không nên cất cái cuốc với các thứ giống này, phải quăng xuống sông rồi đi xuất gia. Ngài nghĩ rằng: “Nếu mình liệng mà còn thấy chỗ rớt của cái cuốc, khi sự tham muốn sanh lên, mình sẽ lội xuống mò nó nữa”. Nghĩ xong, Ngài nhắm mắt cầm cán cuốc đưa qua khỏi đầu quăng cho thiệt mạnh xuống sông rồi mới la to lên rằng:

- Ta thắng rồi.

Trong khi ấy, đức vua Brahmadatta ngự giá thân chinh vừa thắng trận trở về bơi mé sông ấy. Ngài nghe tiếng đức Bồ-tát la như vậy mới phán rằng:

- Người này nói “Ta thắng rồi”, vậy người này thắng ai? Chư hiền khanh bắt người ấy đến đây cho trẫm.

Quan hầu đi bắt đức Bồ-tát lại cho ngài. Đức vua phán hỏi:

- Này người thanh niên kia, trẫm thân chinh dẹp loạn đắc thắng hồi trào, lấy sự thắng làm vinh dự. Vậy còn ngươi thắng ai mà la to lên: “Ta thắng rồi” ?

- Tâu đại vương, người mà thắng trận như đại vương mặc dầu thắng hàng ngàn ngàn cũng chẳng gọi là thắng được vì ngài chưa thắng được trận giặc lòng bên trong là phiền não. Còn hạ thần thắng được phiền não bên trong là tham lam mới gọi là người toàn thắng được.

Sau khi nói xong, đức Bồ-tát day mặt về mé sông, lấy nước làm đề mục tham thiền đắc được tứ thiền và thần thông. Ngài bay lên hư không thuyết pháp cho đức vua nghe như vầy:

- Tâu đại vương, sự chiến thắng rồi chiếm lấy quê hương của người khác mà ngài vừa làm xong nhưng nhà vua chiến bại cũng sẽ tìm cách đánh lại. Sự thắng ấy không gọi là toàn thắng được. Sự cao quý hơn là khi mình thắng hay đàn áp được kẻ thù, mà kẻ thù ấy không có phương pháp nào thắng được ta. Sự thắng ấy mới gọi là hoàn toàn đem lợi ích cho ta. Tại sao lại nói thế? Vì cái thắng mà kẻ thù không thể thắng lại được mới là cao thượng.

Thuyết xong, nghĩ một lát mới dạy rằng:

- Tâu đại vương, mặc dầu ngài thắng lần này hay là muôn lần rồi nhưng cũng không thể gọi là thắng được, không thể là một chiến tướng bách chiến bách thắng được. Vì phiền não trong tâm ngài mà ngài vẫn chưa thắng được. Người chiến tướng nào thắng được các tướng khác trong trận chiến thì chỉ gọi là tướng tài.

Khi ấy, đức vua Brahmadatta và bá quan cùng quân sĩ đều phát tâm trong sạch. đức vua hỏi ngài rằng:

- Ngài trí thức ơi, bây giờ ngài định đi đâu?

- Thần sẽ về rừng Tuyết Lãnh.

- Vậy trẫm xin xuất gia theo ngài.

Khi ấy, đức vua và những người có mặt đều xuất gia theo đức Bồ-tát. về sau, người xứ Bārāṇasī nghe đức vua xuất gia nên cũng xuất gia rất nhiều.

Sau khi thuyết tích này, Đức Thế Tôn thuyết câu kệ :

“Na taṃ jitaṃ sādhu jitaṃ

Yaṃ jitaṃ avajīyati

Taṃ kho jitaṃ sādhu jitaṃ

Yaṃ jitaṃ nāvajīyati”.

Nghĩa: sự thắng một điều nào rồi còn phải bị bại lại, sự thắng ấy dầu đã thắng rồi cũng không cao quý. Sự thắng một điều không bị bại lại, sự thắng ấy mới là thắng cao quý.

Câu nói: “Sự thắng một điều nào rồi mà không bị bại lại”, ý nói là sự thắng người như là thắng kiện hay chiếm lãnh thổ kẻ khác, như thế không thể gọi là toàn thắng được, vì có nhiều lẽ, người thua sẽ trả thù lại hay đánh giành quê hương họ lại. lẽ thứ nhì là trước khi ta chiến thắng trận giặc thì ta đã thua giặc phiền não là tham lam và sân hận rồi.

Còn thắng tâm xấu xa ám ảnh ta là chiến thắng cao thượng vì không lo bị oan trái bởi không làm người khác khổ, như thế là khỏi bị đọa ác đạo. Người đời vì thích thắng kẻ khác hơn thắng mình mới có oan trái và chiến tranh kéo dài sự tang thương đau khổ cho nhân loại.

2. Mặt trời soi sáng vạn vật cũng như hành giả dùng trí tuệ soi lòng.

Lẽ cố nhiên, mặt trời soi sáng cho thế gian nhưng có chỗ mặt trời không soi được như câu nói: “Chậu úp khó soi”, cũng như mặt trời khó soi sáng được lòng người đang suy nghĩ sự hung ác hay điều lành, muốn soi sáng lòng bên trong phải có trí tuệ và trí nhớ mới soi thấu được.

Sự tối mê bên trong, Đức Thế Tôn dạy không phải là sự dốt nát, ngu dại. Trái lại, cái tối mê bên trong là sự làm ác con người. Chỉ biết quyền lợi riêng của mình mặc dầu có hại cho kẻ khác cũng chẳng cần. Một khi lòng mình muốn sao thì làm vậy, cái cá tính như vậy là một chất tối không gì soi sáng được, một chất mực không gì rửa được, ngoại trừ trí tuệ và trí nhớ biết rõ trong lúc suy nghĩ, lúc nói, hành động của mình, thấy thiện hay ác rồi cố thắng cho được điều ác mới gọi là soi sáng lòng mình.

Con người vì không có trí tuệ để soi sáng lòng mình nên trót đời chỉ làm tội. con người ấy không thấy câu Phật dạy: “Kiccho manussapaṭilābho[41]”, ta có câu “Nhân sanh nan đắc”, nghĩa là: khó sanh được làm người.

Sự thật, chúng sanh khó sanh được làm người, duyên may đã được sanh làm người thì không biết lợi dụng ngay cái thân này để làm lành mà trái lại còn làm ác.

Nhắc đến đây, tôi nhớ một tích truyện như vầy :

Ngày nọ, chó chóc mẹ dẫn con đi ăn, bỗng dưng gặp một tử thi sình, chó chóc con bắt được mùi thật ngon vì từ nhỏ đến lớn chưa từng thấy và được món ngon như vậy nên kêu mẹ rằng :

- Ô kìa mẹ, cái gì thế, đã thơm mà to thế mẹ?

- Đó là cái tử thi sình của người.

- Ô, sung sướng quá, con sẽ ăn con mắt nó.

- Con, con, đừng ăn con mắt nó.

- Tại sao vậy mẹ?

- Vì con mắt nó nhơ nhớp lắm. trong lúc nó còn sanh tiền, nó không dùng con mắt nó để xét lỗi mình mà trái lại cứ rình xem lỗi người khác.

- Thế thì con ăn lỗ tai nó được không mẹ?

- Í, lỗ tai lại càng chẳng nên. Vì lỗ tai ấy lúc sanh tiền không chịu nghe điều lành, điều phải, trái lại, lại đi nghe những lỗi lầm của kẻ khác, nếu ai nhắc đến lỗi lầm của nó thì nó lấy làm bất mãn rồi gây oán thù.

- Vậy con ăn lưỡi của nó.

- Con ơi, lưỡi của nó lại càng không nên ăn nữa. vì khi còn sanh tiền, nó nói lỗi của kẻ khác, chửi rủa, nói đâm thọc, nói dối, nói lời vô ích. Không bao giờ nói một lời lành.

- Vậy con ăn hai chân của nó nha mẹ?

- Cũng không được, vì khi còn sanh tiền, nó chỉ dùng hai chân làm điều ác như trộm cắp của cải hay vợ con người khác, hay đi tới tửu điếm chớ không dùng vào việc lành.

- Vậy con ăn hai tay nó nha mẹ?

- Cũng không được, vì khi còn sanh tiền nó dùng hai tay để trộm cắp, đánh đập… không dùng vào việc thiện.

- Thôi, con ăn bộ lòng của nó. Được không mẹ?

- Càng không nên con à. Vì khi còn sanh tiền, trong lòng nó chất chứa những chất độc như là: tham lam, lường gạt, sân hận, giận dữ, ngã mạn, hoài nghi, si mê và còn rất nhiều cái hung ác khác không kể xiết được. Một khi con ăn thì những chất độc ấy nó sẽ tiêm nhiễm vào máu thịt con, con sẽ trở thành một giống ác thú hơn các con khác trên thế gian này. Con ơi, thà là chúng ta nhịn đói chết đi con hơn là ăn phải chất độc mà không có phường thuốc nào trị được.

- Vậy con cũng chẳng thèm ăn làm chi cái giống độc ác kho tiêu ấy vào lòng.

Rồi hai mẹ con chó chóc dẫn nhau ra đi.

Nhắc đến đây, để thiện tín thấy rằng: con người hung ác khi chết chó cũng chê. Vậy chúng ta may mắn có được ngũ quan đầy đủ nên đem nó dùng trong việc lành, điều thiện. Sau khi chết, có đem bỏ rừng hoang cũng có ích cho chó chóc hơn là bỏ thúi mà chó lại chê.

Thời pháp hôm nay tạm dứt. trước khi dứt lời, xin nhắc lại một lần nữa là: mong thiện tín nên lãnh lấy Xá-lợi Pháp để vào tâm, hầu để vâng giữ hành theo cho đến ngày hoàn toàn giải thoát đến Níp-bàn.

Mong rằng quý vị không phụ lòng sư.

BÀI 44 NGƯỜI TU CẦN PHẢI HÀNH THEO 5 PHÁP CỦA TRÁI ĐẤT

Thời pháp hôm nay tôi xin giảng về những pháp rất gần và rất dễ hiểu, nếu người thực hành đúng sẽ được giải thoát. Ấy là 5 điều của quả địa cầu mà người tu Phật cần thực hành theo.

1. Địa cầu không biết vui khi người ở trên mình nó đem nước hoa tô điểm cho nó và cũng không biết buồn giận khi người ở trên mình nó đại, tiểu tiện trên nó.

Tâm người tu Phật cũng phải như thế, không nên vui thích trong tài sản, danh vọng lớn, trong ngũ trần lục dục, lợi lộc, không nên vui khi gặp được dịp may. Trái lại, không nên buồn tủi, than tiếc khi được lợi rồi bị mất, được danh bị mất danh, bị khổ. Nói tóm lại, tâm người đệ tử Phật cần giải thoát khỏi thế gian pháp. thế gian lớn là địa cầu, vũ trụ; còn vũ trụ nhỏ là xác thân ta đây. Hai thế gian tuy lớn nhỏ khác nhau nhưng cùng ăn khớp với nhau là tứ đại hợp thành và cùng một thế hệ là dưới định luật của vô thường, khổ não, vô ngã.

tại sao gọi là thế gian pháp? bởi trong thế gian lớn thường có 8 pháp là: được lợi, mất lợi, được quyền chức, mất quyền chức, được khen, bị chê, được vui, phải khổ. thế gian nhỏ bị ảnh hưởng của 8 pháp hấp dẫn ấy. vì con người thiếu trí chạy theo trào lưu bên ngoài nên cái khổ không bờ bến ấy vẫn theo bên ta mãi.

Vì ta không hãm được cái trớn của vũ trụ nhỏ là lòng ta chạy vụt theo trào lưu của đời nên ta phải khổ mãi. người tại gia cư sĩ còn phải lặn lội bươn chải với đời và bị đời lôi cuốn ví như mắc trong vòng của sợi dây lòi tói từ đời này đến đời kia, kiếp này đến kiếp nọ không ngừng nghỉ. Ta là người tu Phật, phải suy nghĩ thấy đó là pháp thế gian, không cho nó chi phối tâm ta. Khi đạt được lý đạo như thế mới thoát khỏi khổ được.

Có một lúc nọ, Đức Thế Tôn cùng các thầy Tỳ-khưu thấy có người kia rất đau khổ vì mất tiền. trong những vị Tỳ-khưu ấy, có những vị không biết giá trị của tiền tài vì các ngài xuất gia lúc còn nhỏ nên lấy làm lạ, hỏi Đức Thế Tôn:

- Bạch Đức Thế Tôn, tại sao con người ta lại có thể đau khổ, than khóc đến thế chỉ vì mất tiền?

Đức Thế Tôn mới giải thích về cái khổ ở đời và giá trị của đồng tiền đối với người nặng mùi trần tục, duy chỉ có các bậc xuất gia chân chánh là được thảnh thơi về vấn đề sinh sống, tâm mới được yên lành tu hành.

Đức Thế Tôn có dạy một tích để chư Tỳ-khưu thấy thế nào là giữ tâm không rung động về 8 pháp thế gian. thuở xưa, đức vua Kosala cử binh đánh xứ Bārāṇasī. đức vua Bārāṇasī mới nghĩ rằng: “Ta chống cự để làm gì? Quân sĩ hai bên đều bị chết cũng vì ta muốn bảo tồn ngôi báu và sự ăn sung mặc sướng cho mình, cho hoàng tộc. thôi thì ta thà hy sinh đời ta để lo cho sanh linh khỏi đồ thán”. Ngài nghĩ thế nên không chống lại, để cho quân địch vào bắt ngài. Khi bị dẫn đem ra pháp trường, đức vua Bārāṇasī niệm tưởng đến 8 giới đức của mình và tham thiền đắc được tứ thiền, bay lên hư không. đức vua Kosala trông thấy sự phi thường như thế mới lật đật quỳ xuống hỏi rằng:

- Hoàng thượng, ngài là người mất nước, mất ngôi và mất cả tự do, ngài bị đem ra pháp trường nhưng tại sao ngài không buồn lo lại đắc được thiền định và thần thông như thế?

- Tôi được như thế là nhờ tôi suy nghĩ của cải ta có thể bị mất đi khi ta còn sống, hoặc bị cướp giật, bị cháy, nếu không như thế thì khi ta chết cũng phải bỏ lại, dầu ta có đem sự nghiệp to lớn hay là vợ con ra đổi lấy đời sống ta với tử thần cũng không được. trên đời này có 4 hạng người xấu :

* thiện nam tín nữ không tinh tấn tu hành.

* bậc xuất gia không lo hành đạo trau dồi giới đức.

* vua hôn quân vô đạo, nhiều tham vọng.

* bậc trí thức thiếu nhẫn nại, thường sân hận.

đức vua Kosala nghe đến đây tự xét thấy mình thuộc hạng thứ ba trong 4 hạng kể trên nên rất ăn năn tội lỗi của mình, liền trả lại ngai vàng cho đức vua Bārāṇasī rồi rút binh về.

Đức Thế Tôn dạy tích này xong mới giải thêm rằng:

- đức vua Bārāṇasī chính là tiền thân của Như Lai. Còn đức vua xứ Kosala chính là tiền thân của Ānanda đây.

Chú giải có dạy thêm rằng: đức vua Bārāṇasī không mất ngôi báu nhờ không lo buồn trong sự mất còn, tâm không rung động trong thế gian pháp, đó chính là một trợ duyên cho ngài để đạp đổ trở lực trong việc đắc quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác trong ngày vị lai. nhờ ngài rèn tâm cứng rắn như thế từ vô số kiếp nên ngài mới có thể bỏ ngai vàng cùng vợ đẹp con thơ mà đi xuất gia tìm đạo, đắc được quả Chánh Đẳng Chánh Giác dưới cội bồ đề trong kiếp chót của Ngài.

2. Địa cầu không kêu người ta trang điểm cho nó và luôn luôn nó giữ được mùi đất của nó.

người tu Phật cũng phải như thế, nghĩa là người tu Phật phải tô điểm cho mình mùi thơm của giới đức.

tại sao người Phật tử phải giữ ngũ giới cho trọn vẹn cả 5, không được sơ sót một giới nào? Trong 5 giới ấy, giới nào ta giữ được trong sạch thì ta được an vui theo quả của giới ấy. nhưng chúng tôi xin ví dụ, khi người thọ 4 giới trong sạch nhưng giới uống rượu lại không thọ được trong sạch, sau khi sanh về vị lai, được sống lâu, ít bệnh, vợ con trung thành nhưng phải cái tội hay lãng trí, học dở hơn chúng bạn, thử nghĩ có hạnh phúc gì? Đây chưa nói đến cái quả phải bị điên khùng hay thích gây gổ, nóng nảy. vì vậy nên người trì giới phải ráng giữ cho vuông tròn cả 5 giới. tôi xin ví dụ thêm cho dễ hiểu, như người kia giàu có nhưng vì lẽ phạm một tội lỗi nào phải bị án tù, thì của cải của mình đã có cũng không dùng được khi ở trong ngục. cũng như người phạm một giới nào thì mặc dầu những giới kia trong sạch nhưng ta không hưởng được quả của nó, đợi đến bao giờ hết tội mới hưởng được quả phước của mình, vì vậy nên người phải ráng thọ trì giới hạnh trong sạch. nếu tu hành tinh tấn nên thọ trì bát quan trai giới thì càng thanh cao.

Bậc xuất gia cần phải trau giồi giới đức nhiều hơn người tại gia. Hơn nữa, bậc xuất gia không nên trang điểm trái thời như người thế tục, lắm cái mà khi đức Phật còn tại thế không có mà bây giờ lại có như đồng hồ đeo tay chẳng hạn, trong giới luật không có cấm. vì khi Đức Thế Tôn còn tại thế, không có vật ấy. Đức Thế Tôn có dạy, thầy Tỳ-khưu không được trang điểm như người thế tục hoặc giả những điều nào mà các thầy Tỳ-khưu thực hành mà người thế gian cho là không hợp với tính cách người xuất gia, mà các thầy Tỳ-khưu thực hành theo thì phạm “tác ác”. vậy nơi đây có câu đáng nghi ngờ là: Đức Thế Tôn là đấng giáo chủ dạy chúng ta con đường giải thoát thì ta thực hành theo Ngài chớ người thế tục có phải thầy ta đâu mà ta thực hành theo họ? đáp: đành là ta không tu theo người thế tục nhưng ta hãy nghĩ ta là người xuất gia nên cũng phải khác hơn người đời, ta có phận sự bảo tồn chân lý, mà muốn cho chân lý tồn tại mãi mãi thì phải nhờ sức của tín đồ. một khi ta hành động không đúng và ta để cho tín đồ trông thấy những cái không hay của ta thì họ không có lòng trong sạch, hoặc người đã có rồi thì giảm đi, đó chính là vô tình ta phá hoại Phật Pháp. Vì lẽ kể trên nên ta phải tránh tiếng người đời. nói cho dễ hiểu hơn, người đã xuất gia thì không nên có tánh cách gì của người thế từ cử chỉ cho đến cách ăn mặc… như thế mới đúng. Xin nhắc lại, người tu Phật, bậc hành giả, dầu người tại gia hay xuất gia cần phải tri túc, bởi chúng ta càng có nhiều của càng thêm phiền não, nên trang điểm hay là tìm thêm những hạnh nào mà mình còn thiếu là cao quý hơn. Như thế mới gọi là đệ tử Phật.

3. Quả địa cầu thật dày, không có lỗ hang, che chở chúng sanh ở trên nó không cho sụp.

cũng như người tu Phật phải gìn giữ giới đức của mình cho trong sạch, để giới ấy làm nền tảng che chở ta khỏi nơi tội lỗi.

người tu Phật phải yêu giới đức của mình như người phụ nữ trong thời kỳ trẻ đẹp thường hay chăm sóc sắc đẹp của họ, không cho có một bợn nhơ nào ở nơi họ muốn giữ.

người tu Phật hằng ngày phải coi lại giới của mình có được vuông tròn hay không, cũng như người phụ nữ thường soi gương  xem có tàn nhang hay mụn không?

người tu Phật hằng trông nom, săn sóc tâm như con sơn vương nó trông nom cái đuôi của nó.

người tu Phật tự giải phẫu lấy cái tâm của họ, coi có những tội lỗi nào để tìm phương chữa trị.

người tu Phật luôn luôn cố giữ giới đức của mình cho trong sạch, thà là chết chớ không để phạm tội nhỏ.

Tôi xin nhắc một tích. thuở xưa, có nhà vua tên Dhammikatissamahārāja. Ngài là một nhà vua hết lòng sùng kính Phật Pháp, có giới đức trang nghiêm. Ngài lại thèm ăn thịt đa đa nướng nhưng không dám thổ lộ với ai vì sợ nếu ngài phán ra thì hàng ngàn con đa đa sẽ bị giết chết. Ngài nhịn chịu như vậy đến 3 năm. đến sau, ngài không thể nhịn được nữa mới phán hỏi :

- Vậy trong xứ ta ai là người có giới đức trang nghiêm?

- Tâu đại vương, có một người thiện nam tên Tissa, là người trang nghiêm trì giới luật rất là tinh anh, ai ai cũng biết.

đức vua muốn thử lòng người thiện nam ấy coi có đúng sự thật không nên mới truyền người ấy đến. khi người thiện nam đến, đức vua mới phán rằng:

- Có phải ngươi tên Tissa không?

- Tâu đại vương phải.

- vậy trẫm cho phép ngươi trở về.

người thiện nam ấy ra về. nhà vua truyền bắt một con gà sống đem đến cho người thiện nam và dạy rằng:

- Phải giết gà và làm ba món.

nếu là gà chết, tôi làm theo lời của đức vua, nhưng đây là gà sống nên tôi không thể làm theo lời của đức vua vì tôi không bao giờ sát sanh. thị thần về tâu lại mọi lẽ với đức vua. Nhà vua truyền thị thần đi một lần nữa. người thị thần bảo rằng:

- Lệnh vua rất là quan trọng, anh không nên dể duôi. Khi anh phạm giới thì có thể sám hối được, có sao đâu. vậy anh hãy giết gà làm thức ăn cho nhà vua đi.

- Trong một đời người chỉ chết có một lần. vậy nên tôi không sát sanh.

thị thần cũng về tâu với nhà vua. Nhà vua sai đi một lần nữa. thiện nam Tissa cũng không bằng lòng làm theo. đức vua mới truyền võ đao quân bắt Tissa chém nhưng ngài lại mật truyền vị đại thần rằng:

- Khanh hãy coi chừng, đừng cho giết người thiện nam ấy, đây chỉ là cuộc thử lòng thôi.

Khi giám sát đem người thiện nam ấy đến pháp trường, để nằm trên một miếng cây. lúc sắp chém, có người đem gà đến trao tận tay người thiện nam và bảo rằng:

- Nếu anh giết gà thì sẽ được tha.

Trước cái chết như thế, người thiện nam vẫn thản nhiên không hề kinh sợ, người thiện nam mới ôm gà vào lòng và nói rằng:

- Ta sẽ tha ngươi, ngươi đừng kinh sợ.

nói xong, mở dây thả gà đi. Gà bay đậu trên cây vừng gáy. Vì lẽ tha gà nên chỗ ấy được tên là Kukkuṭagini.

đức vua nghe tin ấy nên truyền cho người đến thả người thiện nam. Ngài ban thưởng cho châu báu rồi phán rằng:

- trẫm không có ý gì làm tội khanh nhưng trẫm muốn thử lòng khanh thôi vì trẫm thèm ăn thịt đa đa 3 năm rồi, khanh có thể làm thịt đa đa cho trẫm dùng chăng?

- Tâu đại vương, được ạ.

Khi người thiện nam ấy ra đến cổng thành thấy có người bán thịt đa đa mới mua về làm thịt cho đức vua dùng.

Chư thiện tín nên lấy tích này làm gương, người có giới đức thanh cao, thương yêu giới đức của mình, dầu tội nhỏ nhen cũng không làm, ấy mới thật là người biết thương mình. người có giới hạnh thanh cao, nhờ giới đức ấy đưa đến chỗ an vui, cũng ví như chiếc thuyền đưa người qua biển khổ vậy. nhờ có giới đức thanh cao mà con người tránh khỏi những điều tội lỗi cũng như nhờ có quả địa cầu nâng đỡ con người.

4. Địa cầu không khi nào than “nặng” khi phải chịu đựng những quả núi to lớn trên mình, mặc dầu phải chở trên mình những tòa lầu cao chọc trời cũng không buồn phiền than trách ai cả.

tâm của hành giả cũng phải như thế. Khi gặp phải trường hợp khó khăn nào cũng không nên nghĩ rằng: đây là sự khó khăn trở ngại, hay nói đây là chuyện cực nhọc quá sức ta. người đệ tử Phật phải can đảm cương quyết chịu đựng với mọi khó khăn, trở ngại trên đời cũng như trong đạo, và phải ví ta như con đường, trên đó các sự khó khăn của trường hợp phải lăn qua lại cũng như xe cộ lớn nhỏ, nặng nhẹ trên đường mà đường không buồn phiền gì cả.

5. Quả địa cầu không biết vui buồn trong khi những người đang ở trên nó vui hay buồn.

tâm của hành giả cũng nên tập như thế. bậc hành giả nên xét rằng: có vui rồi cũng sẽ đến lúc hết vui, khi bị khổ cũng có lúc hết khổ. Đức Thế Tôn dạy chúng ta nên sống vui với lẽ đạo là hơn vì cái vui tinh thần, vui không phiền não, vui thanh cao, vui ấy là cai vui đem lợi ích cho ta trong kiếp này và ngày vị lai là Níp-bàn.

người thế tục mãi đặt mình vào thế gian pháp nên bao giờ cũng trông thấy mình buồn tẻ và thiếu thốn mọi điều. riêng về đệ tử Phật, tự đặt mình ra khỏi vòng thế tục thường tình, can đảm bỏ tất cả những gì mà người đời cho là thanh cao vui sướng nên không còn lo buồn, ân hận hay là uất ức, than van, buồn rầu chi cả.

đây là 5 pháp rất cần cho hành giả cố suy xét cho chu đáo hầu thực hành theo. Ta đang ở trên mặt đất thì ta nên lấy nó làm gương để trau dồi đức hạnh. Nên hãm bớt trớn của tâm chạy theo hoàn cảnh rồi từ từ tiến về con đường giải thoát.

BÀI 45 LOKAVIDŪ – THẾ GIAN GIẢI

Hôm nay, giải về Lokavidū, Tàu dịch là “Thế Gian Giải”. theo bộ chú giải Visuddhimagga giải nghĩa tiếng Lokavidū như sau: “Sabbathāpi  viditalokattā  pana  lokavidū”, nghĩa là: Đức Thế Tôn được hồng danh là Lokavidū vì Ngài thông rõ cả vạn vật trong cõi thế gian.

Theo Pāli, tiếng “loka” ta tạm cắt nghĩa là thế gian nhưng xin hiểu tiếng ấy có hai nghĩa :

* loka: mặt quả địa cầu mà chúng ta ở.

* Loka: đời, là một kiếp sống của con người.

Đức Thế Tôn biết rõ thế gian này đầy dẫy đau khổ. biết nhân sanh lên thế gian này do tham ái. biết rõ chỗ không có khổ hay là nơi tắt khổ rồi là Níp-bàn. Và biết rõ cách tắt khổ là Bát chánh đạo.

Đức Thế Tôn biết chúng sanh là hàng tội dày phước mỏng, trí tuệ kém trông thấy thế gian này đang trang điểm bằng tài, sắc, lợi, danh cho thật đẹp mà quên đó là những vật làm cho ta khổ. Khi trông lại thấy đời sống của mình với tài, sắc, lợi, danh thì sung sướng, say mê theo, không biết: ta phải khổ, cũng đang khổ và nếu bao giờ ta chưa dứt bỏ nó thì ta vẫn khổ mãi không biết đến bao giờ.

Các bậc trí thức nhất là Đức Thế Tôn trông thấy đời khác hơn chúng ta như vầy:

  • Ngài hiểu rõ người đời dĩ nhiên phải làm việc mới sống trong thế gian.

Đức Thế Tôn hiểu rằng: chúng sanh phải đem hết sức mình cố làm việc mới mưu cầu sự sống còn. Khi tranh đấu nhau về các lập trường, thường thì có sự không ưa nhau vì lẽ mất lợi, ganh tị lại sanh ra oán giết rồi làm hại nhau, kẻ nhỏ bị người lớn hiếp, kẻ yếu bị người mạnh đàn áp nên thường có oán thù nhau. nếu không có oán thù đi chăng nữa, lại càng làm oai để người ta kiêng nể, hầu củng cố địa vị của mình. người vì thiếu lòng từ bi nên không trông thấy cái khổ của người khác. Ngài hiểu vậy nên Ngài thường dạy chúng sanh phải có lòng thương hại, diệt lòng ganh tị, oán thù. nếu muốn được an vui, trước hết phải thương hại và đừng làm khổ cho kẻ khác, như trong Pháp Cú kinh có dạy như sau[42]:

Ngày nọ, Đức Thế Tôn ngự vào thành Sāvatthī khất thực, Ngài trông thấy nhiều đứa trẻ rượt đạp một con rắn giữa đường, Ngài mới phán hỏi rằng:

- này các con, các con làm gì thế?

- bạch Đức Thế Tôn, chúng con đập rắn.

- tại sao các con lại đập rắn?

- vì chúng con sợ nó cắn.

- các con nghĩ rằng: ta tìm sự an vui cho ta nên giết rắn, các con sẽ không được hưởng an vui trong ngày vị lai. sự thật, người không nên vì sự an vui của mình mà giết hại kẻ khác.

Đức Thế Tôn thuyết lên hai câu kệ:

“Sukhakāmāni bhūtāni

Yo daṇḍena vihiṃsati

Attano sukhamesāno

Pecca so na labhate sukhaṃ”.

 

“Sukhakāmāni bhūtāni

Yo daṇḍena na hiṃsati

Attano sukhamesāno

Pecca so labhate sukhaṃ[43]”.

Nghĩa: chúng sanh đã sanh lại trong cõi đời này đều muốn được sự an vui cho mình. Nhưng không dùng quyền thế làm hại người khác, người ấy sau khi sanh về cõi đời vị lai sẽ được an vui.

giải hai câu kệ để chư thiện tín thấy rõ rằng: Đức Thế Tôn dạy chúng ta phải giúp kẻ khác được an vui bằng lòng từ bi hay là không làm hại kẻ khác thì chúng ta mới được an vui ở đời này và vị lai.

  • Ngài hiểu rõ sự thay đổi của thế gian.

thế gian chúng ta đang cư ngụ đây đầy sự vui về trần tục, có nào là xe tốt, lầu đẹp, nhà cao… nhưng ngày gần đây ta đâu biết rằng: sẽ bị tàn phá dưới sức của vô thường, một thủ đô vui vẻ, tươi đẹp biết đâu nó sẽ thánh bãi tha ma. những cái mà chúng ta cho là kiên cố như là những kỳ quan Vạn Lý Trường Thành, Kim Tự Tháp hay là Đế Thiên Đế Thích hôm nay cũng bị hư hoại. đó là nói về thế gian bề ngoài. Còn nói về thế gian bên trong đời sống ta thì ta trông thấy rằng lắm người giàu sang, ta tưởng người ấy sẽ không bao giờ nghèo. Nhưng trái lại với sự tưởng tượng của ta, người ấy phải đi ăn xin, lắm kẻ lại không có hòm mà chôn. lắm người đang ở địa vị, chức tước cao, ai cũng kính trọng, kính nể mà ngày sau lại là người bị tù đày. thế cuộc đổi thay như thể sân khấu, còn đội mão, vẽ mặt là quan vua, khi lột ra thì chỉ là con hát. Nói cho đúng là một kép hát đang đóng trò trên sân khấu lớn mà chúng ta cho “thật là đời ta, của ta, là ta”.

Hơn ấy nữa, đời sống ta thường thay đổi từ tuổi thiếu niên, dáng hình mạnh mẽ trở nên da nhăn, mắt mờ, tai điếc, mặc dầu ta cố tìm cách làm cho ta đạp và trẻ mãi. Nhưng than ôi! Có được đâu. Chúng ta không trông thấy sự thật của đời, chỉ có Đức Thế Tôn trông thấy sự thật của đời nên Ngài mới được hồng danh là Thế Gian Giải.

Đức Thế Tôn Ngài trông thấy mặt trái của đời như thế nên Ngài dạy chúng ta phải trông thấy sự thật để đừng mê theo đời, chạy theo trào lưu của đời là lợi danh mà phải khổ vì quên mình đang bị thay đổi theo định luật vô thường.

  • Ngài hiểu rõ tất cả chúng sanh dầu ở trong hoàn cảnh nào cũng khổ theo hoàn cảnh ấy.

Ý nói rằng: người nhà nghèo khổ vì thiếu thốn mọi phương tiện, thấy mình khổ nên nghĩ: chắc người giàu có thì an vui. Trái lại, người giàu có lại nghĩ mình khổ vì phải tìm cho có nhiều hơn, còn phải tranh đua với chúng bạn, khi có nhiều thì cần phải giữ gìn cho đừng tiêu hoại, thì trở lại càng khổ hơn người nghèo. người dân trông thấy ông quan là sung sướng, trái hơn hết, nhà vua là người khổ nhất. như tích của đức vua Mahānāma dòng Sakya (Thích-ca). sau khi đức vua Tịnh Phạn thăng hà, ngai vàng không ai nối vị vì thái tử Nanda và Rāhula đã xuất gia nên Mahānāma nối ngôi. Sau ngài bị cháu ngoại là Vidūdabha đem binh bắt ngài. Ngài liền tự tử nhưng không chết, thoát nạn, sau ngài xuất gia.

Sau khi xuất gia, Ngài ở nơi nào cũng nói rằng:

- Hạnh phúc thay! Hạnh phúc thay!

Các thầy Tỳ-khưu nghe câu ấy lấy làm khó chịu mới vào bạch đức Phật rằng:

- Ngài Mahānāma là người khoe mình là bậc cao nhân, ở nơi nào cũng rằng “Hạnh phúc thay! Hạnh phúc thay!”

Đức Thế Tôn mới gọi Tôn giả Mahānāma vào hỏi coi có đúng vậy không. Ngài bạch có. Đức Thế Tôn hỏi nguyên nhân nào mà Tôn giả nói như thế. Ngài mới bạch rằng :

- bạch Đức Thế Tôn, khi đệ tử còn tại ngai vàng trong hoàng cung có ngự lâm quân canh giữ, ngoài ra còn có thành cao hào sâu. Khi ngự đi nơi nào cũng có quan bảo giá nhưng lòng luôn lo âu vì sợ có thích khách hay có nước khác đem binh qua xâm chiếm hoặc có trộm cướp phá cuộc trị an. bề ngoài thì xem ra an vui nhưng bên trong thật khổ. Nhưng cũng chỉ ăn một bụng, ấm một thân, ngủ một chỗ ngủ như kẻ khác mà lại lo cho hàng triệu người. hôm nay, đệ tử xuất gia ở rừng sâu, dưới cội cây hoặc nơi thanh vắng chẳng còn sợ một tai hại gì. đệ tử nhận thấy sự an vui này nên thường nói “Hạnh phúc thay! Hạnh phúc thay!”

- lành thay! Lành thay!

Đức Thế Tôn khen.

nhắc tích này để thiện tín thấy rằng: mặc dầu người còn ở địa vị nào cũng đều khổ theo địa vị ấy, không phải giàu sang, quyền chức là hoàn toàn có hạnh phúc. vậy khi ta khổ trong hoàn cảnh nào cũng đừng than van: “chỉ có một mình ta khổ”. Hàng tỷ người còn khổ hơn ta, hoặc cùng một bậc hay khác hơn. Vì vậy nên Đức Thế Tôn mới dạy rằng: “tam giới là hầm khổ, là biển khổ”. chỉ có một mình Ngài hiểu rõ bề mặt và bề trái của cuộc đời nên chư thiên, Phạm Thiên và nhân loại ca tụng Ngài là Lokavidū - Thế Gian Giải.

  • Ngài hiểu rõ trần dục là phiền não ràng buộc và đốt lòng chúng sanh.

Tâm của chúng sanh hằng bị vướng mắc trong trần dục là sắc, thinh, khí, vị, xúc. Năm vật kể trên đây là miếng mồi hay là vật quyến rũ lòng chúng sanh mê theo ái dục. khi chúng sanh đã mê theo rồi sẽ bị nó thiêu đốt lòng từng phút. Khi ta muốn mà không được cũng là khổ. khi được rồi, cố giữ không cho mất cũng khổ, hay bị người khác chiếm lấy, lại còn cái khổ khi ta đang ưa thích vật ấy mà phải chết bỏ lại. còn cái khổ mà chúng sanh rất bực mình mà cứ gặp là nhân vật ta không muốn bỏ mà bỏ, không muốn gặp mà cứ gặp. thiện tín hãy nghĩ cho kỹ về điều này. Bao giờ lòng ái dục sanh lên thì nên suy nghĩ rằng: đã gọi là ái dục thì không bao giờ đem lại sự an vui, lợi ích cho ta, nó là nhân của khổ nhiều vui ít. Xin nhắc lại câu Phật ngôn cho thiện tín nhớ để tùy thời diệt phiền não.

“Taṇhāya jāyate soko

Taṇhāya jāyate bhayaṃ

Taṇhāya vippamuttassa

Natthi soko kuto bhayaṃ”[44].

Nghĩa: sự ưu phiền sanh lên vì ái dục, kinh sợ sanh lên cũng vì ái dục, sự ưu phiền không bao giờ sanh trong tâm người đã giải thoát thì làm gì có sự kinh sợ.

người có trí là người biết rõ, thấy rõ ái dục là nguyên nhân đem sự đau khổ, ưu phiền, uất ức đến cho thế gian, tức là thân này, nên cố tiêu diệt nó.

Đức Thế Tôn Ngài thuyết câu kệ trên vì có tích rằng: ngày nọ, có thầy Bà-la-môn tà kiến đến gần mé sông đốn cây để làm ruộng. Đức Thế Tôn biết thầy có duyên đắc được đạo quả nên Ngài ngự đến chỗ thầy đang làm. Khi trông thấy đức Phật nhưng làm như không hay không biết gì cả. Đức Thế Tôn mới hỏi bằng giọng đầy thân ái rằng:

- Thầy Bà-la-môn, thầy làm gì thế?

- Thưa thầy Cồ-Đàm, tôi đang đốn cây để làm ruộng.

Đức Thế Tôn chỉ hỏi chừng ấy rồi đi.

Sáng ngày, Đức Thế Tôn cũng ngự đến nơi làm ruộng và cũng hỏi như trước. thầy đáp:

- Tôi đang cày ruộng.

Ngày sau, Đức Thế Tôn cũng vẫn ngự đến và hỏi như thế. thầy đáp:

- Tôi đang gieo mạ…khai nước…cấy…

Ngày nọ, thầy Bà-la-môn mới bạch rằng:

- Thưa thầy Cồ-Đàm, thầy đến đây từ khi tôi mới phá rừng để làm ruộng, nếu ruộng tôi có kết quả thì tôi sẽ chia cho thầy. tôi không ăn trước khi tôi chia cho thầy. từ khi làm đám ruộng này, thầy là người bạn của tôi.

về sau, lúa đơm bông chín tốt sắp gặt. thầy nghĩ rằng: “mai này, ta sẽ cho người ra gặt”. đêm ấy, trời mưa to, nước sông dâng cao làm cho lúa thầy bị ngập và trôi hết, còn như một cánh đồng hoang.

Sáng ngày, thầy Bà-la-môn ấy đến, thấy còn ruộng không nên lấy làm buồn rầu, nghĩ rằng: “Thầy Sa-môn Cồ-Đàm đến ruộng ta từ khi còn sơ khởi, mà ta cũng có hứa khi gặt xong sẽ chia phần cho thầy, ta không ăn trước khi chia cho thầy, thầy là bạn thân của ta, sự ước nguyện của ta đã tiêu diệt rồi”. thầy Bà-la-môn lấy làm uất ức, bỏ ăn, nằm vật vựa khóc mãi.

Đức Thế Tôn biết rõ vậy nên Ngài ngự đến nhà thầy hỏi thăm. Khi thầy biết Đức Thế Tôn ngự đến, lật đật kêu người nhà bảo rằng:

- Các ngươi ra mời bạn ta vào đây.

Khi Đức Thế Tôn an vị xong mới hỏi:

- thầy Bà-la-môn đi đâu vắng?

- bạch Ngài, nằm trong buồng.

- các ngươi đem thầy ấy ra đây cho Như Lai.

Khi người nhà dẫn thầy ra, Đức Thế Tôn hỏi:

- sao vậy thầy Bà-la-môn?

- Thưa thầy Cồ-Đàm, thầy đến ruộng của tôi từ khi khởi sự, tôi có nói rằng: sau khi gặt xong sẽ chia phần cho thầy, nhưng hôm nay sở nguyện của tôi không tròn nên tôi buồn.

- thầy Bà-la-môn này, thầy có biết sự ưu phiền này sanh lên do nơi đâu không?

- Thưa thầy, tôi không biết.

- Này thầy Bà-la-môn, sự thật, sự ưu phiền hay sự kinh sợ sanh lên do lòng tham ái.

Khi ấy, Đức Thế Tôn mới thuyết câu kệ như trên. Ông Bà-la-môn đắc Tu-đà-huờn quả.

nhắc đến đây để chư thiện tín thấy rằng: ái dục là tập đế, nghĩa là nguyên nhân cấu tạo nên khổ. Con người bị khổ vì chiều theo lòng dục vọng không ngừng nghỉ.

thiện tín quên rằng: khi có của cải thì quý vị thấy vui nhưng cái vui ấy rất ít. những cái làm cho ta vui tạm thời ấy ví như thuốc ngủ, nó chỉ làm cho ta bớt nhúc trong khi ngủ thôi. Khi hết hiệu lực của nó thì ta đau khổ như xưa. Cũng như khi ta mong ước được gì mà chưa được là khổ. Khi được về là vui chút, sau ấy vì chán hay lo mất, hoặc biết sẽ bị người khác đoạt, hoặc giả biết ta chết không đem theo được thì nó có vui nào?

Đức Thế Tôn biết rõ ái dục làm cho thế gian khổ từng sát na nên Ngài truyền phương pháp dục tắt lửa phiền não. Vì vậy Ngài có hồng danh là Lokavidū - Thế Gian Giải.

  • Ngài là đấng thông hiểu tâm trạng của người và hình thể của địa cầu bề ngoài.

Ý dạy rằng: Đức Thế Tôn hiểu rõ địa sư là hình thể thế sông ngòi bên ngoài. Tóm lại, những gì khoa học tìm ra hiện thời thì Ngài đã hiểu thấu khi Ngài còn ngự dưới cội Bồ-đề hơn ba ngàn năm về trước.

Còn nhiều tâm trạng của con người là: Ngài hiểu lòng con người nghĩ gì, tham hay sân hoặc si mê… vì vậy nên Ngài dạy dập tắt ngay chuyện mà người đang muốn thấu hiểu. Ngài thông hiểu tâm địa con người như thế nên Ngài được hồng danh Lokavidū - Thế Gian Giải.

  • Ngài hiểu rõ cõi đời của ta bị nghiệp dẫn đi dưới quyền của nghiệp lực và Ngài chi phương pháp sửa chữa đời mình.

nghiệp là sự tạo tác do hành vi, hay nói cách khác cho dễ hiểu hơn là việc làm của mình do thân, khẩu mà ra. rồi nghiệp ấy sẽ trả quả cho ta vui hay khổ tùy theo hành vi mà ta đã làm, đó gọi là quả. mỗi việc làm của ta trong đời này hay quá khứ cũng đều có cái hậu quả. Ví như tiếng la và tiếng dội khi ta la giữa rừng. tiếng vang dội mà có đó là do nơi tiếng của ta, cũng như sự làm thì sẽ đưa lại cái quả. Ví như bóng với hình, vì hình thế nào thì bóng thế ấy. vì vậy nên có câu: “Yādisaṃ vappate bījaṃ tādisaṃ harate phalaṃ[45].”

Nghĩa: người gieo giống nào gặt giống ấy. nhưng người đời thích gieo giống nhưng không ưa gặt. tại sao vậy? vì phần nhiều gieo toàn giống không lành thì làm gì được quả vui.

nếu có người hỏi rằng: nếu chỉ do một hành vi trong quá khứ đưa lại thì kiếp này ta không cần làm gì cả, chỉ ngồi đợi các quả trả có hơn không? Vì chúng ta còn có vận mệnh. Đáp: nghiệp có phân ra làm 12 điều khác nhau. vậy xin xem thời pháp số 9 có thuyết rồi.

Khi biết rõ nghiệp chia ra nhiều điều khác nhau thì ta nhận thấy chúng ta có thể ngăn đón nghiệp quá khứ bằng sự làm thiện của ta bây giờ. Vì nghiệp trước muốn trả cũng do ta tạo thêm trong kiếp này, khi cái nhân quá khứ và cái nhân hiện tại đồng hội ngộ thì mới cho quả. Cũng như cây đèn khi có đủ điều kiện, khi đem lửa lại đốt mới cháy. nghiệp trước muốn trả quả cũng do nơi nhân hiện tại này hợp nên nó mới đến. vì lẽ ấy, khi chúng ta cố làm lành thì sẽ cải tạo được những nghiệp quá khứ cũng như tạo tương lai bao giờ cũng được an vui.

Như đã giải trên, vì hai nhân đồng một mới sanh quả hiện tái. kiếp này ta cố bố thí, tham thiền hoàn toàn nhân tốt thì lẽ cố nhiên cái nhân xấu thuở xưa muốn chen vào cũng rất khó. ngoại trừ cái nghiệp lúc xưa có mãnh lực cực kỳ mạnh liệt ta mới không cải được. vì Đức Thế Tôn hiểu như vậy nên Ngài dạy phương pháp cải tạo thế gian (thân này) bằng cách làm việc lành. nếu tất cả chúng sanh trong vũ trụ này lo tu hành, làm lành lánh dữ thì cũng có thể trở nên một cực lạc được. Ngài hiểu sự cải tạo thế gian nên Ngài mới được hồng danh Lokavidū - Thế Gian Giải.

  • Đức Thế Tôn hiểu rõ sự thật của thế gian có pháp hành cấu tạo nên.

Vũ trụ bên ngoài có lâu đài tráng lệ, nguy nga cũng do nơi cấu tạo bởi lòng ái dục của con người bên trong. những lâu đài tráng lệ, nguy nga do lòng ái dục chủ trương lên cố làm thật kiên cố, như Vạn Lý Trường Thành, Kim Tự Tháp hoặc Đế Thiên Đế Thích. Nhưng than ôi! Nào có được tồn tại mãi mãi đâu, phải bị hư hoại dưới định luật vô thường. Đức Thế Tôn hiểu lòng tham ái vô thường nên khi tạo ra vật ấy cũng vô thường. Ngài hiểu rõ thế gian bên ngoài là vậy nên Ngài được chư Thiên và Phạm Thiên ca tụng là Lokavidū, nghĩa là Thế Gian Giải.

Còn Ngài hiểu cái vũ trụ bên trong là thân này cấu tạo bởi nhiều nguyên nhân là noãn châu của mẹ và tinh trùng của cha hợp lại và nhờ có vật thực giúp vào. thế gian là thân này nhờ đó mà tuần tự tiến hóa rồi đến cái cuối cùng là tiêu diệt tan rã. Cũng như mặt trời càng trưa càng sáng càng nóng, đến đứng bóng rồi lại từ từ xê lần ánh sáng và sự nóng bớt lại, rồi lặn mất. đời người cũng thế.

thuyết đến đây, tôi còn nhớ câu kệ của Đức Thế Tôn:

“Suññato lokaṃ avekkhassu

Mogharāja sadā sato

Attānudiṭṭhiṃ ūhacca

Evaṃ maccutaro siyā

Evaṃ lokaṃ avekkhantaṃ

Maccurājā na passati[46]”.

Này Mogha, ngươi phải có trí nhớ luôn luôn, trông thấy thế gian này là vật rỗng không, nhờ bỏ sự chấp ta như vậy ngươi mới thoát khỏi tay tử thần. tử thần sẽ không trông thấy người nhìn thấy thế gian như vậy.

Theo câu này, vì chấp thân này nên chúng ta mê theo, và vì lẽ ấy nên ma vương và tử thần theo bên ta, cám dỗ và giết hại chúng ta. nếu chúng ta trông thấy thân này không chắc, không bền bỉ, tuần tự thay đổi, nó là cái hình của anh thợ mả làm bằng khúc sậy với những tờ giấy màu dán bằng hồ rồi tô thêm đường nét cho người mê. Nhưng khi chia ra từng phần thì không có gì hơn là giấy, hồ, khúc sậy và vài đốm mực. thân ta cũng vậy, đem phân tích ra thì có xương, thịt và máu. vậy chúng ta thử đem thân này ví như vạn lý trường thành có được không? thế thì tìm sự bền bỉ của thân sao được mà ta cứ mãi theo nó.

lại có câu đức Phật dạy:

“Etha passathimaṃ lokaṃ

Cittaṃ rājarathūpamaṃ

Yattha bālā visīdanti

Natthi saṅgo vijānataṃ”[47].

Nghĩa: này các người, hãy xem thế gian này như cái long xa mà người thiếu trí đam mê nhưng bậc trí không màng.

Ý Đức Thế Tôn dạy rằng: long xa đẹp thật, vì long xa được chạm trổ rất khéo, sơn son thếp vàng, nạm ngọc, nhưng một ngày kia cũng phải hư cũ và bỏ làm củi. đối với người thiếu trí, vì họ không nhận thấy cái hư của ngày sau nên họ thích. Cũng như người thiếu trí trông thấy thân này vẫn đẹp và son trẻ mãi, bền vững luôn luôn nên họ miệt mài theo. Riêng về các bậc trí thức biết rằng: mặc dầu long xa ấy đẹp nhưng vì thời gian và không gian tuần tự trôi qua sẽ trở thành thứ gỗ vô dụng. thân này có khác gì, nó bao bọc bởi một lớp da, tráng thêm ít phụ tùng và thêm lụa là coi đẹp nhưng cũng không tránh khỏi ngày hư hoại. kết cuộc là một đống máu mủ hôi tanh, những khúc xương vô dụng. có ai sống mãi không chết.

Đức Thế Tôn hiểu thân này như thế nên Ngài có hồng danh Lokavidū - Thế Gian Giải.

Hơn ấy nữa, Ngài được hồng danh Lokavidū là hiểu rõ Thánh Pháp, dục tắt lửa khổ, đi đến Níp-bàn, là nơi cùng tột của tam giới, của thế gian. người đi đến nơi cùng tột của thế gian là người hiểu rõ thế gian. người hiểu rõ thế gian là người hiểu rằng:

* biết thế gian đầy đau khổ.

* biết nguyên nhân sanh thế gian – ái dục

* biết sự dục tắt hay tiêu diệt thế gian – diệt đế.

* biết phương pháp diệt được thế gian – tám đạo.

trong bộ kinh Aṅguttaranikāya Catukkanipāta, thiên về Rohitassavagga, Đức Thế Tôn có dạy rằng: “Này các thầy, trong thân bề dài một sải, bề ngang một gang này có tưởng và tâm. Như Lai gọi là thế gian, nguyên nhân sanh thế gian, sự dục tắt thế gian và con đường đưa đến chỗ mất thế gian.”

Đức Thế Tôn biết cách sử dụng thế gian nhỏ này, đi đến nơi cùng tột của thế gian là Níp-bàn nên Ngài được hồng danh là Thế Gian Giải - Lokavidū.

vậy ta là đệ tử của đấng hồng danh Thế Gian Giải cũng nên ráng học và hành theo để biết và giải thoát khỏi thế gian ô trọc này. Không nên miệt mài trong tài, sắc, lợi, danh. Nên thấy người trong trường hợp nào, hoàn cảnh nào cũng đều đau khổ. Khi ta thấy rõ như thế sẽ không vui cũng chẳng buồn trước trường hợp mà ta được hay bị. ráng giữ cho lòng mình, đừng cho ái dục xâm chiếm đô hộ. như thế tạm gọi là giải thoát được một phần.

mong rằng thiện tín cố hành cho thấy rõ thế gian.

BÀI 46 SATTHADEVAMAMUSSANAM THIÊN NHƠN SƯ

Hôm nay, nhân cuộc lễ dâng đại y, lẽ ra phải thuyết về vấn đề lễ dâng đại y, nhưng tôi đã có thuyết và đã có ấn tống thời pháp số 31, tưởng thuyết lại cũng bằng thừa. Vậy hôm nay, xin thuyết về hông danh thứ tám là: satthadavamanussanam-Thiên Nhơn Sư.

Đức Thế Tôn, Ngài có hồng danh này là do nơi oai lực ba-la-mật của Ngài đã đào tạo từ vô lượng kiếp. Sau khi Ngài đắc quả vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thì chư Thiên, Phạm Thiên đồng hoan hô ca tụng công đức Ngài, chớ không phải một cá nhân nào đặt. Mà trong tam giới này không có một nhân vật nào mà đáng được hồng danh này. Vậy nên, nơi đây, tôi muốn giải rõ ý, lý cao siêu của hồng danh này để phát tâm tín thành với đấng cao cả.

Thiên Nhơn Sư nghĩa là vị giáo sư dạy cả trời người cả loại súc sanh.

Theo chú giải dạy, chúng sanh là một đoàn người đi lạc trong bãi sa mạc. Nếu thiện tín có đi qua trên bãi cát chừng hai, ba ngàn thước thì mới biết cái khổ trong bãi sa mạc là dường nào. Riêng tôi, tuy chẳng bị lạc trong bãi sa mạc, nhưng đã từng đi qua đống cát ước độ hai ngàn thước, trong lúc vào độ bốn giờ chiều, tôi phải thuyết pháp trong lúc 7 giờ, nên phải cố đi cho kịp. Khi ấy, tôi cảm thấy người tôi càng ngày càng nặng, còn chân càng lúc càng chôn sâu xuống đất, rất mệt và khát nước không sao tả được. Tôi cảm thấy khổ quá, phương chi người đi lạc trong bãi sa mạc thiếu ăn thiếu uống ban ngày nóng như lò lửa, ban đêm thì lạnh như cắt. Những người ấy bao giờ cũng bị thiếu thốn mọi nhu cầu và tử thần đe dọa trong từng phút.

Trước kia, Đức Thế Tôn cũng là một nhân vật đi lạc trong bãi sa mạc như chúng ta. Nhưng Ngài được hơn chúng ta chỗ Ngài tìm được con đường ra, rồi Ngài trở vào dắt chúng ta ra, người mà chỉ đường dẫn lối cho chúng ta gọi là hướng đạo hay là giáo sư. Đây là nói về sự còn lý là.

Bãi sa mạc đây, ý chỉ cho cõi đời này, vì cõi đời này đầy sự đau khổ thiếu thốn mọi việc nhu cầu đời sống, ngoài ra còn những thảm họa là già, đau, chết ấy chưa kể đến những cai khổ khác như sanh, tử, biệt ly. Nguyên nhân mà chúng ta khổ mãi đây là do lòng ái dục. Khi hiểu rõ ái dục là nguyên nhân sanh luân hồi, Đức Thế Tôn mới tìm đạo ra con đường rất đẹp, hai bên đường có cây cao bóng mát, hoa thơm, ao sen để chúng ta noi đó mà ra khỏi phải bị vất vã. Khi có mệt cũng có trạm nghỉ hai bên vệ đường, đó là bát chánh đạo hoàn toàn giải thoát đến nơi an vui là Níp-bàn .

Hoặc ví chúng sanh như người đang đi lạc trong rừng sâu, không thể tìm đường ra được. Trong nhóm ấy có một người tìm được con đường ra và lại vào kêu gọi người ra. Hơn ấy nữa lại có vẽ họa đồ và viết sách chỉ con đường ra cho những người muốn ra khỏi rừng sâu ấy. Người ấy gọi là vị giáo sư.

Lẽ cố nhiên, người bị lạc trong rừng sâu thường bị những sự hãi hùng đe dọa nào là rắn, rít, cọp, beo, sư tử, tượng…, ngoài ra còn nạn thiếu ăn vá rét làm cho người kinh sợ, lo âu nhứt.

Rừng ấy ví như đời này, chúng ta ở trong đời này thường hay có sự thiếu thốn đủ mọi phương tiện, phải làm việc vất vã cả ngày mới mong được no bụng ấm thân. Ngoài ra còn bị khổ của nạn bóc lột, hoặc cướp giật, trộm cắp. Những điều ấy còn chưa đáng sợ, vì chúng ta còn phương chống trả và trốn lánh được. Cái đáng sợ hơn nữa là ta không có ngăn đón được tử thần thường cướp mất nhân vật thương yêu quí mến của ta, chẳng những vậy, đời sống của ta, ta cũng không bảo đãm được với của cải hay mưu trí cùng sức mạnh của ta.

Những nổi khổ và lo âu sợ hải này, nguồn gốc của nó là lòng ái dục, vậy nên có câu Phật dạy[48]:

“Taṇhāya jāyatī soko,

Taṇhāya jāyatī bhayaṃ;

Taṇhāya vippamuttassa,

Natthi soko kuto bhayaṃ”.

Nghĩa: sự buồn rầu lo âu phát sanh lên cũng bởi ái dục. Sự kinh sợ sanh lên cũng bởi ái dục. Người giải thoát khỏi ái dục thì sự buồn rầu lo âu không có. Như thế làm gì có sự kinh sợ.

Vì lẽ nói trên, Đức Thế Tôn ví chúng ta như người còn bị lạc trong rừng ái dục, phải bị bao hãi hùng. Nên Ngài chỉ con đường là Bát chánh đạo cho chúng ta thấy đó mà đi ra. Vì vậy nên Ngài có hồng danh là Thiên Nhơn Sư.

Hơn là một vị giáo sư, Ngài là một vị dược sư. Phàm các bác sĩ chỉ chữa bệnh vật chất thôi, không thể chữa được bệnh tinh thần. Riêng về Đức Thế Tôn chẳng những chữa được bệnh tinh thần thôi ngoài ra Ngài còn chữa được bệnh vật chất. Như trong tạng luật có một đoạn Ngài dạy toàn là “thuốc” để chữa các chứng bệnh cho các thầy Tỳ-Khưu. Những bệnh điên vì tứ đại bất hòa, các vị bác sĩ có thể chữa được. Riêng về bệnh điên vì mất tài, tình, danh, lợi, thì các ông cũng đành thúc thủ vậy. Phần Đức Thế Tôn về bệnh gì Ngài cũng có thể chữa được dễ dàng. Thuyết đến đây tôi còn nhớ trong kinh Pháp Cú quyển tư thiên thứ tám[49]. Đức Thế Tôn có độ một người phụ nữ điên, xin tóm tắt sau đây.

Tại kinh đô Sāvatthī, có một ông trưởng giả có một người con gái tên Paṭacārā vừa 16 tuổi. Ông rất cưng để cô ở riêng biệt trên từng lầu thứ bảy, chỉ có một người đem cơm lên cho cô ăn thôi. Vì tuổi trẻ cô không nhằn được dục tình, cô lại tư tình với người đem cơm cho cô. Ngày nọ, cô bảo người tình của cô rằng:

- cha mẹ sắp gả em cho một nơi nọ, vậy anh phải đem em đi trốn ở một nơi nào.

Người tình cô đáp:

- được! vậy mai này, anh sẽ đợi em ở cửa thành, em phải ra cho sớm mới được.

Sáng ngày, cô lấy vàng bạc, đồ trang sức đáng giá mà cô có để vào cà om (như cái như cái nồi của ta mà miệng nhỏ), còn cô thì mặc đồ rách rưới, lấy lọ thoa mặt lọ lem ra đi, người nhà nghĩ rằng: “cô là những người tớ gái trong nhà đi đội nước, nên để cô thong thả ra đi.”

Cô ở với người ấy không bao lâu, có thai. Cô mới xin chồng cô rằng:

- Ở đây tứ cố vô thân, không ai lo cho em trong khi sanh, vậy anh hãy đưa về nhà cha mẹ em.

- Em ơi! Em nói sao thế? Em thử nghĩ: khi cha mẹ em gặp anh có tha thứ cho anh không? Anh không dám về.

Mặc dù cô hết lời nài nỉ chồng cô cũng không chịu. Đợi chồng đi làm cô trốn về và nhắn với người lối xóm rằng:

- nếu chồng tôi hỏi tôi, các anh chị nói giùm tôi đã về quê nhà.

Rồi cô ta ra đi, khi chồng cô biết chuyện lật đật chạy theo cô và yêu cầu cô trở lại. Khi ấy, cô lại sanh giữa đường. Sau khi cô sanh xong cô mới nghĩ rằng:

- Ta về quê cốt để sanh, mà nay đã sanh rồi thì còn về để làm gì?

rồi cô trở lại với chồng cô.

Về sau, cô lại có thai, lần này cô cương quyết ra về, mặc dù chồng cô theo nói thế nào cũng không nghe. Cô lại chuyển bụng. Cô kêu chồng mà cô bảo rằng:

- em đã chuyển bụng rồi, anh kiếm chỗ nào kín gió và không ướt cho em sanh.

Người chồng trông thấy nơi gò mối cao ráo và kín, nên anh xách dao lại chặt cây làm chổ cho vợ đẻ. Chẳng may, anh bị rắn cắn chết tại chổ.

Riêng cô trông chồng càng ngày càng bặt. Chuyển bụng lại càng thúc tới, cô sanh giữa trời mưa. Khi ấy, hai con cô vì lạnh chịu không nổi nên khóc quá; cô phải quì xuống chống hai tay để con ở dưới mình cho đỡ lạnh và ướt. Sau khi hết mưa, thì sáng lại, cô phải tay dắt tay bồng con đi tìm chồng chỉ thấy chồng cô còn là một tử thi màu xanh nằm trên gò mối. Cô chỉ khóc và than rằng:

- cũng vì sở thích của em mà anh chết một cách đau khổ thê thảm như thế này.

Rồi cô lại cứ về quê.

Khi đi tới bờ sông Aciravatī, thì trận mưa đêm hôm làm cho nước sông đầy; không thể cùng một lúc đem hai đứa qua được, cô mới bồng đứa bé mới đẻ lội qua để bên kia trước, rồi trở qua đem đứa này qua. Khi cô đem đứa nhỏ qua bên kia vừa lội qua nửa sông để đem đứa lớn qua, trong khi ấy có một con diều hâu, trông thấy đứa bé mới sanh tưởng là miếng thịt non, nó bay xuống xớt bắt đi ăn. Cô trông thấy mới vỗ tay đuổi, đứa con bên này tưởng mẹ kêu nên lại lần xuống bị nước sông cuốn trôi đi, thế hai con cùng chết một lúc. Thật là một thảm họa.

Cái khổ chết chồng và con không sao đo lường được, cô cũng ráng về quê. Khi về đến quê nhà trông thấy cảnh nhà bị sập đổ hỏi lại mới biết cha mẹ cô bị sập nhà vì trận bão đêm trước chết hết và đã làm hỏa táng rồi. Thế là cô không còn làm chủ được lòng cô nữa, cô bức tóc gải tai than khóc rằng:

- chồng chết theo đường, hai con cùng chết mà cha mẹ và anh cũng không còn.

Rồi lần lần cô nàng quên mình cởi bỏ xiêm y. Cứ đi than khóc cùng đường. người ta ai ai cũng nói cô là người điên, và bọn trẻ chạy theo coi la lối ầm theo đường.

Đức Thế Tôn dùng tuệ nhãn xem biết ngày này nàng Paṭacārā sẽ đắc thánh quả, vì nàng có tạo nhiều duyên lành từ vô lượng kiếp nên ngự đến thuyết pháp giữa hàng đại chúng gần con đường của cô đi đến. Ngoài ra, Ngài dùng thần thông dắt dẫn cô tới chỗ Ngài ngự. Khi cô đến nơi Phật ngự, cô thư thả đi vào như người vô tư lự. Tín đồ thấy cô lỏa thể nên không cho cô vô. Đức Thế Tôn dạy:

- các ngươi hãy tránh ra để cho cô ấy tự tiện vào.

Rồi Đức Thế Tôn mới nói với cô rằng:

- này Paṭacārā con! Mau hồi tâm tỉnh lại!

Ngài chỉ mới phán chừng ấy nhưng nhờ oai đức của Ngài làm cho cô tỉnh hẳn, biết mình, cô lấy làm thẹn liền ngồi xuống lập tức. Cô trông lại thân cô không có mảnh vải vụn che thân. Trong khi ấy có một ông thiện nam cởi cho cô một cái khăn choàng, khi mặc xong cô mới bò đến chân Phật bạch rằng:

- bạch Đức Thế Tôn cứu khổ! Con của con một đứa bị diều hâu xớt một đứa bị nước cuốn trôi, chồng chết theo đường, cha mẹ và anh bị nhà sập chết.

- Này Paṭacārā! nước mắt và người khóc than những thân nhân đã chết trong vòng luân hồi này còn nhiều hơn nước trong bốn bể cả còn ít hơn nước mắt của một người bị sự đau khổ rồi than khóc. Vậy tại sao con còn dể duôi hở Paṭacārā!

Khi cô nghe xong câu kệ, cô dứt bớt được khổ rất nhiều. Đức Thế Tôn hiểu rõ tâm trạng cô, Ngài mới dạy thêm rằng:

- này Paṭacārā đã gọi là thân nhân nhất là con, không có người nào ngăn đón, phòng ngừa hay nơi nương nhờ của người chết được. Vì vậy, mặc dù ta còn có thân nhân quyến thuộc nhiều nhưng không bổ ích cho ta cả. Riêng các bậc trí thức chỉ biết trông nom giới hạnh của mình cho trong sạch, tạo con đường đi đến nơi vô sanh bất diệt là Níp-bàn.

 Câu này ý Đức Thế Tôn dạy rằng: “Khi ta chết hay bệnh không ai chịu thế cho ta được mặc dù ta có con chí hiểu nhiều thân nhân muốn hy sinh cho ta”.

Đức Thế Tôn mới thuyết thêm rằng:          

“Na santi puttā tāṇāya,

Na pitā nāpi bandhavā;

Antakenādhipannassa,

Natthi ñātīsu tāṇatā.

 

Etamatthavassaṃ ñatvā,

Paṇḍito sīlasaṃvuto;

Nibbānagamanaṃ maggaṃ,

Khippameva visodhaye”

Nghĩa: các con cha, mẹ, thân bằng quyến thuộc, bạn thân, vợ, chồng, không có ai ngăn đón (sự tàn phá thật là tàn khốc là cái chết của ta được).

Một khi, tử thần đến (ta) thì với thân nhân (chúng ta) không thể chống cự lại được. Bậc trí thức hiểu rõ oai đức của sự lợi ích nên thu thúc giới đức. Nên tạo con đường đi đến Níp-bàn .

Sau khi dứt câu kệ, cô đắc Tu-đà-huờn quả, xin xuất gia. Không bao lâu cô đắc A-la-hán quả và trở nên một bà pháp sư rất có tiếng được liệt vào hàng đệ tử chánh thức của Đức Thế Tôn .

Nhắc tích này lại để thiện tín trông thấy rằng: chẳng những Đức Thế Tôn là một hướng đạo viên, một vị giáo sư kỳ tài mà cũng là một dược sư trong tam giới không một ai sánh kịp. Vì các bác sĩ trị bệnh vật chất, nhưng những bệnh thuộc về tâm bệnh như là bà Paṭacārā thì làm sao chữa được.

Hồng danh Thiên Nhơn Sư có đặc tính là:

1. Không vì tư lợi

Phàm các vị giáo sư, không có vị nào dạy mà không nghĩ đến đồng lương của mình. Vì các ông ấy còn lo cho mình và phụng sự gia đình.

Riêng Đức Thế Tôn khác hơn các vị giáo sư ấy là Ngài dứt bỏ ngai vàng đầy sự an vui mà tất cả chúng sanh ai cũng đều mơ ước. Ngài tìm đạo dạy đời, trong khi dạy chúng sanh, Ngài không nài hang cùng ngỏ hẽm, chẳng luận giòng sang, hèn, giàu, nghèo, vua chúa, quan, dân, vì Ngài dạy không màng lợi lộc, chỉ mong chúng sanh giải thoát là đủ. Trong mùa nóng như lúc mùa giá rét chỉ có ba là y, Ngài chu du mọi nơi. Chẳng luận ngày đêm nếu chúng sanh nào cần đến hỏi Ngài, thì Ngài vui lòng chỉ cho, thậm chí đến trên thiền sàng tại vườn thượng uyển của vua Malla xứ Kusinārā, lúc sắp nhập diệt, Ngài cũng không nài cực nhọc mệt thân vấn đáp lại những câu hỏi cuối cùng của Subhadda. Như thế, thì chúng ta mới trông thấy lòng hy sinh và tận tụy của Ngài. Nhưng xin quý vị nhớ rằng: khi thực hành như thế Ngài không cần lợi lộc gì cả. chẳng những vậy Đức Thế Tôn còn phải dạy các thầy Tỳ-khưu phải bỏ lợi lộc nhưng tôi còn nhớ trong bài kinh Labhasamyutta rằng: “này các thầy Tỳ-khưu! Khi các thầy còn là phàm nhân bị lợi lộc chi phối thì sẽ bị tai hại. Lợi lộc là điều nóng nảy đê tiện, nó là vật chướng ngại của sự đoạt quả vị thanh cao. Này các thầy Tỳ-khưu  các thầy hãy học hiểu câu này”.

Câu phật ngôn dưới đây dạy cho ta biết rằng: lợi lộc và Chánh Pháp, hai pháp này không thể đi đôi với nhau được. Nơi nào có danh lợi thì chỗ ấy không có Chánh Pháp. Người muốn tìm Chánh Pháp mà còn trong danh lợi thì không khác gì tìm dầu mè trong hột sạn. Vì lợi lộc mà người bị giết hại mà cũng vi lợi lộc ấy mà người bị ngồi tù (lợi lộc đây chỉ của cải). Theo đây chỉ cho chúng ta thấy rõ lợi lộc mua cho chúng ta cái hậu quả vui lẫn khổ hay vui ít khổ nhiều. Vì vậy kẻ xuất gia phải bỏ lợi lộc như lời Phật dạy trên. Riêng người tại gia phải biết tri túc, tự túc, hành như thế mới mong được an vui.

2. Thuyết với với tâm từ bi

Bao giờ Đức Thế Tôn thuyết pháp cho chúng sanh nghe Ngài thuyết bằng lòng thương hại chúng sanh như con Ngài là Rāhula. Theo câu của người thù nhất là ông Đề-Bà-Đạt-Đa nói rằng: “các thầy đừng nghĩ rằng đức Phật giận và ghét ta, Ngài thương tất cả chúng sanh mặc dù người ấy đã làm hại Ngài cũng thương như thái tử La-hầu-la vậy”. Theo câu này thì quí vị trong thấy rằng: Đức Thế Tôn thương hại chúng sanh mà thuyết pháp chứ không vì lẽ tài lợi, nên chi Ngài không nài cực nhọc, tùy trường hợp mặc dù phải nhịn đói hay phải thọ thực những thứ rất hèn như là cám Ngài cũng vẫn thọ, miễn là người ấy có thể lãnh hội được pháp lý cao siêu và giải thoát của Ngài là đủ. Vì vậy nên Ngài được chư Thiên, Phạm Thiên ca tụng Ngài là Thiên Nhơn Sư. Thuyết đến đây tôi còn nhớ một tích trong kinh Pháp Cú như vầy[50]:

Lúc nọ, Đức Thế Tôn ngự tại núi Gijjhakūta (Khứu Phong) gần thành Vương Xá, có một ông phú hộ buộc người tớ gái Puṇṇa phải giã gạo quá nhiều, cô phải làm suốt đêm không được nghỉ, cô giã như thế đến nửa đêm mình đượm mồ hôi, cô ra ngoài hứng gió mát. Cô mới trông về núi Khứu Phong thấy ánh sáng chập chờn đi đi lại lại do nơi thần thông của một vị đại đức tên Dabbamallaputta hóa ánh sáng đưa chư Tăng về tư thất. cô mới nghĩ rằng: “thân ta nghèo nàn phải làm nô lệ, bị chủ làm công suốt ngày lẫn đêm, muốn ngủ cũng không có giờ ngủ, còn các Ngài có tội tình gì, đêm hôm khuya khuắt như thế này vẫn không chịu ngủ còn đi đi lại lại, chắc có vị nào bị bệnh hay bị rắn cắn chăng?”

Sáng ngày, cô có được ngủ hay nghỉ cho yên thân đâu phải đi lội nước. Đói lòng cô lấy cám để vào bụm tay để nước vào khuấy cho sệt sệt rồi đem đi nướng làm bánh, hầu như hằng ngày cô sống với thức ăn này. Làm xong chưa kịp ăn là phải bị sự hối thúc phải đi cho lẹ. Cô phải gói miếng bánh ấy vào chéo khăn rồi đội gà om đi đội nước.

Đồng thời, với thiên nhãn thông, Đức Thế Tôn biết cô ấy có tâm trong sạch làm được việc lành, Ngài cũng đến bến nước. Khi cô chợt thấy Đức Thế Tôn, cô nghĩ rằng: “những ngày trước ta gặp Đức Thế Tôn mà ta không có đồ vật để cúng dường, có ngày có vật thực cúng dường lại không gặp được Ngài. Hôm nay, đã gặp được Đức Thế Tôn mà lại có vật thực cúng dường, đây là duyên lành của ta. Nếu Đức Thế Tôn không chê đây là của bố thí không đáng giá thì ta sẽ cúng dường cho Ngài bánh cám nướng này”. Nghĩ thế xong cô không ngần ngại, can đảm để gà om xuống đến đãnh lễ Đức Thế Tôn một cách rất thành kính và bạch rằng:

- xin Đức Thế Tôn thọ lãnh món này để tiếp độ con khỏi vòng thống khổ.

Đức Thế Tôn ngó đức A-nan-đa, đức A-nan-đa hội ý, đem bát lại dâng cho Ngài, Đức Thế Tôn thọ lãnh cám nướng. Sau khi để bát xong cô mới nói nguyện rằng:

- xin cho đệ tử đắc những pháp mà Đức Thế Tôn đã đắc;

Đức Thế Tôn mới cầu chúc cho cô rằng:

- xin cho cô được như ý nguyện.

Sau khi ấy, cô Puṇṇa nghĩ rằng: “thật sự Đức Thế Tôn vì lòng từ bi mà thọ lãnh cám nướng của ta, nhưng chưa chắc Ngài thọ thực cám ấy. Thế nào rồi Ngài đến phía trước đây cũng bỏ cho qua hay chó ăn. Còn Ngài thì vào hoàng cung, hoặc dinh các quan thần thọ thực những món cao lương mỹ vị”.

Với tha tâm thông Đức Thế Tôn hiểu thấu lòng cô. Nên Ngài lại nhìn đức A-nan-đa, đức A-nan-đa hiểu ý lập tức trải tọa cụ tại nơi ấy. Cô Puṇṇa lấy làm sung sướng vì cảm động đức từ bi vô cùng, cô chỉ đứng trân mà nhìn Phật. Cô không hiểu và không biết rằng đây là sự thật hay trong giấc mơ, vì cô không bao giờ nghĩ Đức Thế Tôn sẽ thọ thực cám nướng của cô.

Sau khi thọ thực xong, Đức Thế Tôn gọi cô đến hỏi rằng:

- tại sao người ta lại coi thường đệ tử của Như Lai.

Cô khép nép và cung kỉnh đáp rằng:

- bạch Đức Thế Tôn không khi nào con dám nghĩ thế.

- Vậy khi đêm, ngươi trông thấy đệ tử Như Lai, ngươi nói gì.

- Bạch Đức Thế Tôn con nghĩ: đêm khuya khoắt mà con không được nghỉ, vì công chuyện quá nhiều, còn chư đại đức lại không ngủ, thức làm gì trong đêm khuya cho cực thân? chắc có vị nào bệnh hay rắn cắn chăng?

Đức Thế Tôn nghe câu ấy mới dạy rằng:

- này Puṇṇa! Ngươi không ngủ được vì ngươi thân tôi đòi phải đòi làm nhiều việc, còn đệ tử của Như Lai cũng không ngủ, phải cố hành đạo luôn luôn thức mãi. (để không làm nô lệ cho phiền não)

Rồi Đức Thế Tôn dạy câu kệ rằng :

“Sadā jāgaramānānaṃ,

Ahorattānusikkhinaṃ;

Nibbānaṃ adhimuttānaṃ,

Atthaṃ gacchanti āsavā[51]”.   

Nghĩa: người đã thức tỉnh hằng gắng học cả ngày lẫn đêm để tâm vào Níp-bàn, thì phiền não không thể nào cư ngụ được trong tâm (người ấy)

Ý câu kệ dạy rằng: bậc trí thức khi biết đời là khổ gọi là tỉnh mộng thì hằng cố gắng hành cho được giải thoát, thì phiền não làm gì ở trong tâm được.

Theo tích này cho chúng ta thấy với lòng từ bi của Đức Thế Tôn chẳng nài cực nhọc, kẻ hèn người sang đến sự ăn uống Ngài cũng không cần. Vì vậy nên gọi Ngài là một vị giáo sư lành nghề biết cách dạy chúng sanh tùy duyên tùy tục.

3. Dạy lấy pháp làm căn bản

Ý dạy rằng: khi chùng ta nghe Ngài thuyết hay nghe một nhân vật nào nói chuyện gì, không nên tin vội mà cũng chẳng nên bỏ vội, phải dùng trí tuệ suy nghĩ cho rõ chân lý, an vui trong kiếp này và kiếp vị lai không? Trong những điều này có mất một điều nào thì không nên thật hành. Ít lắm có lợi cho mình mà không hại ai cả, mà cái lợi ấy không có hậu quả là đau khổ trong kiếp vị lai. Điều đáng chú ý hơn hết chớ vội nghe nói đây là Phật ngôn mà thầy mình đã dạy, vì lắm ông thấy đã đui mà còn muốn tiến dẫn người khác, không thông rõ lời Phật dạy nghĩ theo ý mình rồi nói là Phật ngôn cho đệ tử tin.

Tóm lại là chúng ta không nên vội tin, nhất là ta nói đây là lời của thầy tổ đã dạy. Nên chú ý chỗ kết quả

4. Dạy mình trước sẽ dạy người khác sau

Đức Thế Tôn có dạy rằng: phải có một đặc ân cao thượng trong mình rồi sẽ dạy kẻ khác sau. Hãy dạy mình cho được hoàn toàn đã, sẽ dạy người khác sau. Dạy người phải có giới đức, có hổ thẹn, ghê sợ tội lỗi, thì người dạy thì phải có những đặc ân ấy trước đã. Không phải chỉ mang lấy kinh điển ra đọc rồi thôi. Phật Pháp dạy cốt ở chỗ thực hành trước đã, vì người không thực hành đúng theo lời của mình nên không được lòng tín nhiệm và bị phỉ báng. Phật Pháp suy đồi hay không được thạnh hành là vì lẽ ấy.

Trong khi Đức Thế Tôn còn tại thế, Ngài truyền bá giáo pháp được mau lẹ vì Ngài dạy thế nào thực hành như thế ấy, dạy và thực hành không mâu thuẫn nhau, nên rất được lòng tin tưởng của tín đồ. Thuyết đến đây xin nhắc một đoạn trong bài kinh lohiccasutta trong Sīlavagga bộ Dīghanikāya, Đức Thế Tôn có dạy rằng: có ba hạng giáo sư đáng chê là:

* Người xuất gia rồi, không hành cho đắc được thánh pháp trước, lại lo đi dạy kẻ khác. Lời thuyết pháp của kẻ ấy, ví như người chỉ biết thương phụ nữ chứ không biết thương mình.

* Nếu người (chưa đắc đạo quả) như vậy, lời thuyết pháp ấy may ra được người để ý thực hành, hoặc tán dương, thỏa thích chăng nữa. Người ấy (chỉ vị giáo sư), vì thỏa thích nên bỏ phận sự mình còn phải hành. Người này (chỉ vị giáo sư) ví như người bỏ ruộng của mình đi cày ruộng người khác.

* Người (chưa đắc đạo quả) như vậy, khi đi dạy kẻ khác, họ không hành theo, người này lại bỏ sự lợi ích của mình có thể thực hành được, đi làm việc mà mình không thể thực hành được.

Nầy các thầy! ba hạng giáo sư này đáng chê đáng chỉ trích.

Theo trong đoạn kinh này chúng ta thấy rõ rằng: Đức Thế Tôn là một đấng giáo sư rất từ bi, vừa là một kiểu mẫu rất đẹp rất quí, đáng kính và đáng cúng dường sự thực hành theo chân lý của Ngài, để tỏ rằng: chúng ta là một đệ tử biết ơn thầy.

Vì những lẻ kể trên nên chư thiên phạm thiên và nhân loại mới ca tụng Ngài là Thiên Nhơn Sư.

5. Thông hiểu về sự chỉ dạy

Đức Thế Tôn là vị giáo sư biết tùy thời, tùy trường hợp dạy người không phân giai cấp. Ngài rõ thấu trình độ chúng sanh và rất tài về lấy sự làm lý để dạy người. Như một lúc nọ, Ngài trông thấy lửa đang cháy, Ngài muốn dạy các thầy Tỳ-khưu, Ngài liền dạy rằng: “đống lửa to ấy cũng không bằng lửa của lục căn, vì lửa ngoài cháy ta có thể chữa được, hay có lửa ấy cháy chết chăng nữa cũng chết trong một kiếp này thôi. Riêng lửa ái dục đốt nóng không tắt được bằng nước, mà một khi vì nó, thì không khỏi thối đọa trong ác đạo”.

Hơn ấy nữa, Đức Thế Tôn muốn nhắc một người thiện tín nào giải đãi bằng một phương pháp rất giản dị, hoặc nói xa xa ngụ ý nhắc nhở phải tinh tấn tu hành, mà người bị nhắc ấy không hề buồn giận Ngài, trái lại rất cảm mến và thực hành theo.

Thuyết đến đây tôi còn nhớ trong kinh tụng, bài kinh Pabbatūpamasutta[52] có ba tích rằng:

Vì bận việc triều chính, đức vua Ba-tư-nặc vắng vào hầu Phật, thính pháp một thời gian lâu. Ngày nọ, có giờ rảnh trong buổi trưa đức vua mới vào hầu Phật, Đức Thế Tôn muốn nhắc nhở đức vua tinh tấn, nhưng Ngài không nói về việc tu hành, Ngài mới hỏi:

- vậy đại vương ngự đi đâu về trong lúc đứng bóng nóng như thế này.

Đức vua Ba-tư-nặc quỳ xuống kính cẩn tâu rằng:

- bạch Đức Thế Tôn! đệ tử bận việc triều chánh, không có giờ rảnh để vào hầu Đức Thế Tôn thính pháp. Mặc dù giờ này nóng nực nhưng giờ rảnh phải vào hầu Đức Thế Tôn .

Muốn nhắc nhở đức vua đừng quá lo việc triều chánh, vì việc đời mà có lo nhiều lắm chăng nữa cũng chẳng có ích chi, Đức Thế Tôn mới hỏi một cách khéo rằng:

- Tâu đại vương! Có một chuyện như thế này, đại vương hiểu sao? chuyện ấy là: có người kia đại vương có thể tin cậy được từ hướng đông đến, một người từ hướng bắc đến, một người từ hướng tây đến, một người từ hường nam đến, người thứ nhất tâu với đại vương rằng: “muôn tâu hoàng thượng! hạ thần từ hướng đông về, được trông thấy quả núi cao tận trời mà rất to lăn đến đây, nó cán sập nhà cửa lâu đài dinh thự, và chết không sót một nhân vật nào. Nếu hoàng thượng có phép mầu gì ngăn đón được, nên chuẩn bị chống lại”. Người thứ nhì tâu: “tâu đại vương! hạ thần từ hương bắc về trông thấy quả núi cao tận hư không lăn từ hướng bắc đến đây, lâu đài dinh thự nhà cửa và người đều sập đổ và chết không sót một nhân vật gì, vậy đại vương nên chuẩn bị gì đi, để chống lại hay trốn trước”. Người thứ ba tâu: “tâu đại vương! hạ thần từ hướng tây về, trông thấy một quả núi to và lớn tận hư không, lăn từ hướng tây đến đây, cán sập và chết tất cả nhân vật không còn sót một mảy mai nào cả. Vậy đại vương chuẩn bị những vật cần phải chuẩn bị để chống lại hay trốn trước”. Người thứ tư tâu rằng: “tâu đại vương! hạ thần từ hướng nam về, trông thấy một quả núi cao tận trời và rất to từ hướng nam lăn đến đây để đè sập đổ vạn vật và cán chết chúng sanh không sót một nhân vật nào. Vậy xin đại vương cần chuẩn bị những gì nên chuẩn bị trước để chống lại”.

Đức Thế Tôn dạy tiếp:

- tâu đại vương! Trong khi có sự cực kỳ kinh khủng như thế, trong khi có sự tiêu diệt nhân loại một cách vô cùng tàn khốc như vậy, đại vương phải làm sao? Trong khi đại vương biết (sanh làm người khó mà sanh lại được).

- bạch Đức Thế Tôn! Ngoài ra sự hành chánh đạo, làm lành, thì không có chuyện gì làm khác hết.

- Này đại vương! Như Lai xin nhắc nhở đại vương rằng: đại vương đang bị già, chết tàn phá từng sát-na. chết như thế thì phải làm sao?

- Bạch Đức Thế Tôn! người hành ngoài chánh đạo, làm lành làm phước thì không đáng làm gì cả. Vì già và chết ấy không có ai có thể dùng xa binh, tượng binh, mã binh, bộ binh chống lại được. Trong triều của đệ tử có nhiều vị quan có phép mầu, có thể dùng phép ấy thắng quân được, nhưng trước tử thần, phép ấy trở thành vô dụng. Trong ngân khố hoàng gia có nhiều châu, ngọc, vàng, bạc, có thể dùng của ấy dụ quân thù được, nhưng không thể dùng của ấy cám dổ tử thần được. Trong khi, già và chết uy hiếp đệ tử thì không gì chống lại được, chỉ có hành chánh đạo, làm lành bố thí.

- Đại vương này sự thật là thế. Trong khi đại vương bị già và chết tàn phá từng sát na, thì nào có việc gì đại vương đáng làm ngoài ra thực hành chánh đạo làm lành.

Đức Thế Tôn thuyết câu kệ rằng:

“Yathāpi selā vipulā

Nabhaṃ āhacca pabbatṃ

Samantānupariyāyeyyuṃ

Nippothento catuddisā.

 

Evaṃ jarā ca maccu ca

Adhivattanti pāṇine

Khattiye brāhmaṇe vesse

Sudde caṇḍālapukkuse”

Nghĩa: quả núi cao to tận hư không, lăn tận bốn phương đến, lăn đến để cán chúng sanh, cũng như già và chết tàn phá giết hại (vạn vật, chúng sanh) không phân biệt rằng: đây là vua chúa, quan, Bà-la-môn, thương gia, nông dân, Tù-xá-xá, Chiên-đà-la, đối với già, đau chết, chúng ta không thể dùng bộ binh, mã binh, xa binh, tượng binh, hay của cải để thắng hay chống lại được.

Vì vậy người trí thức là người trông thấy lợi ích của mình, người biết xét đoán, có đức tin với Phật, Pháp, Tăng, người hằng uốn nắn sửa chửa thân, khẩu, ý, người ấy khi sống trong cõi đời này đáng khen và đáng gọi là sống với những ngày hữu ích, khi thoát sanh sẽ được hưởng sự an vui.

Theo bài kinh trên đây thiện tín trông thấy rằng: Đức Thế Tôn dạy đức vua nên dẹp bớt việc triều chánh, lo tu hành, khéo hỏi câu hỏi làm cho đức vua thấy sự kinh khủng của già và chết, như thế đức vua không buồn phiền mà hết lòng thành kính trọng lời vừa từ bi vừa chán nản và kinh sợ. Như vậy mới gọi là vị giáo sư thông hiểu cách dạy chúng sanh như biết bắt cá mà nước không đục.

Đoạn này, riêng tôi xin nhắc quý vị rằng: chúng ta đang ở giữa bốn bể tám hướng của quân thù là già và chết đang bao bọc càng phút càng tiến gần đến ta, vậy chúng ta chẳng nên dể duôi bỏ lãng sự tu hành chỉ ham mê mùi tục lụy.

Mong rằng thời pháp hôm nay có nhiều điều lợi ích cho quý vị.

BÀI 47 PHÁP XA

Ngày nay, cuốn kinh “Đế Thích vấn đạo” đã in ấn xong, trước phát hành, chư thiện tín có tâm trong sạch muốn làm tăng thêm phước báu do sự bố thí kinh ấy, nên mời nhà sư thuyết một thời pháp để làm lễ khánh thành sự ấn tống cuốn kinh ấy. Lễ khánh thành này chẳng khác chi một lễ khánh thành ngôi Tam Bảo hoặc khánh thành giảng đường.

Chư thiện tín có lẽ có người tự hỏi: Lễ này có lợi ích gì? việc bố thí kinh, là có phước một cách dĩ nhiên rồi. Đáp: lễ khánh thành có lợi ích, nhờ đó mà cái phước được chôn sâu vào tâm trí mọi người.

Những cuộc lễ khánh thành đã có lúc từ đức vua Bimbisāra (Bình-Sa Vương) đã cất và dâng đến Đức Thế Tôn ngôi Trúc Lâm tịnh xá (Veḷuvanārāma).

Vì lẽ Đức Thế Tôn cho phép làm những cuộc lễ khánh thành? Ngài chẳng biết rằng làm phước là được phước một cách tự nhiên sao? Đức Thế Tôn biết rõ nhân loại thường tình, say đắm trong trần tục, tạo phước ít mà làm tội nhiều. đến khi làm phước ít thì nhớ đến, mà đến khi làm tội thì nhớ nhiều. Lúc sắp lâm chung, không làm chủ được cái tâm của mình, để cho nó cứ nhớ đến tội, quên phước, tâm ân hận, phải bị nghiệp tội lỗi vào bốn đường ác đạo.

Bởi thế cho nên Đức Thế Tôn cho phép thí chủ tổ chức những cuộc lễ khánh thành, tùy theo trường hợp, ví như khánh thành ngôi chùa, tịnh xá, giảng đường, dâng y, bố thí kinh v.v…trong khi đội y đi ba vòng Tam Bảo, người Miến, Lào, Thái để ra một người đi đầu hô to lên rằng: “Anumodāna”, nghĩa là: các bạn hãy vui thích trong phước của mình đã tạo thành, đọc trong suốt ba vòng.

Nói tóm lại, lễ khánh thành cốt để để cho tâm thí chủ khắn khít trong phước mình làm, mãnh lực của tâm vui thích trong sự phước, điếu kiện ấy sẽ thắng quá trong mọi trường hợp nhất là lâm chung, ví như ta trồng bông trong vườn, nếu cứ để gieo giống rồi để tự nhiên mặc dù mưa nắng bông cũng mọc, nhưng nếu ta cố vun phân, xới đất, tưới nước trong khi hạn che mát trong lúc nắng thì bông sẽ tăng phần tốt đẹp, sắc rực rỡ, hương thâm trầm. Hơn nữa có nhiều vị đại đức giảng rằng: khi người ta đi ba vòng để suy nghĩ về vô thường, khổ não, vô ngã và dùng trí tuệ nghĩ thêm rằng: chúng sanh phiền não nên luân hồi trong ba cõi mãi như kiến bò quanh miệng chén, khi “vào đến” Níp-bàn mới khỏi luân hồi. Ba vòng ấy ví như ba cõi, còn chánh điện mà ta đi vào đây ví như Níp-bàn, khi đến Níp-bàn  như chúng ta vào chánh điện.

Riêng về cuộc lễ khánh thành ngày hôm nay là khành thành một sự “pháp thí”. Tôi xin trân trọng nhắc lại hầu chư vị thiện tín cùng thính giả câu phật ngôn dạy rằng: “sabbadānam dhammadānamm jināti”. Trong cái sự bố thí chỉ có pháp thí là cao thượng hơn hết. Bố thí pháp là bố thí Níp-bàn, như tôi đã giảng trong thời pháp thuyết ngày 19 tháng 3 Nhâm Thìn (13.4.52) nhan đề: “phạm hạnh”.

Giờ phút này tôi chỉ xin nhắc thêm rằng: nhà sư thuyết pháp, viết kinh sách. Thiện tín tổ chức mời nhà sư thuyết pháp, hùn tiền in kinh. Điều làm phước: pháp thí, hoặc nói là: bố thí Pháp.

Ảnh hưởng tốt đẹp của sự pháp thí, có thể làm thành tựu ý nguyện của ta, như tích đức Xá-lợi-phất làm một nhà phú hộ, đã hộ trì Phật Pháp, cúng dường đến chư A-la-hán, có hỏi các bậc A-la-hán ấy:

- làm cách nào cho được phước? làm cách nào cho được trở nên một vị đại đệ tử của Phật trong ngày vị lai?

Chư A-la-hán đồng bảo:

- Ngài nên chép kinh để bố thí cho công chúng.

đức Xá-lợi-phất nghe y lời làm theo và nguyện kiếp sau trở nên một vị đại đệ tử của Phật, được thông minh hơn cả.

Tôi nhắc tích này, để chư thiện tín nên vui thích trong việc pháp thí rất cao thượng ngày nay. Sự vui thích mà tôi nói đây không phải là bảo quí vị vui thích trong sự được phước để được sanh vào làm quan, vua, phú hộ, hoặc chư thiên, sự vui thích đây ý tôi muốn nói rằng: “vui thích làm được điều lành cao quí đưa mình và người đi đến nơi vô sanh bất diệt là Níp-bàn”.

Sau khi giải xong ý nghĩa cuộc lễ khánh thành ngày nay, tôi xin đề cập đến thời pháp mà tôi đã dự định thuyết cho hợp với ý nghĩa ấy, thời pháp này nhan đề: Pháp Xa (dhammayāna).

Bài pháp này, nếu thuyết cho tròn đủ thì rất dài, dài quá phạm vi chật hẹp của một thời pháp nên đây tôi chỉ rút lại một đoạn ngắn sau chót mà thôi.

Bài pháp này, tôi xin giải phương pháp cho những vị thiện nam tín nữ nào ngộ Chánh Pháp trong lúc đời sống đã xế bóng, bước đường còn ngắn mà sự tu tập ít oi, hãy cố tâm trì chí hành theo cho được có một phần kết quả trong kiếp sống hiện tại, ví như ông Phán Bút thường than với tôi: “già sắp chết, tu còn ít…”

Pháp xa ấy là gì? Vì sao có danh từ: Pháp xa?

Pháp xa là xe pháp chở người tử chỗ khổ đến chỗ an vui.

Thời pháp tôi sắp thuyết đây Đức Thế Tôn có dạy trong kinh Jāṇussoṇibrāhmaṇasutta[53] trong tạng Kinh bộ Saṃyutanikāya, thuyết tại chùa Kỳ Viên của trưởng giả Cấp Cô Độc thành Sāvatthī, Tàu âm Thất-la-phiệt.

Ngày nọ, đức Ānanda đi khất thực gặp ông Bà-la-môn tên Jāṇussoṇi đi trên một cái xe đẹp lộng lẫy. về đến chùa, Ngài mới bạch hỏi Đức Thế Tôn có thể nào dùng pháp tạo thành một cái xe đẹp như thế cho chúng sanh đi từ chỗ khỏi khổ đến chỗ an vui chăng? Đức Thế Tôn đáp rằng: “được”. Đức Thế Tôn nói: “này Ānanda, xe của thầy Bà-la-môn tên Jāṇussoṇi tương đối với xe Bát Chánh Đạo gọi là Brahmayāna phạm xa, Dhammayāna Pháp xa hoặc gọi là Saṅgāmavijayayāna Chiến xa. Này Ānanda, hàng đại chúng thấy xe của thầy Bà-la-môn ấy khen rằng xe cao quí vì chỗ tốt đẹp chắc chắn đắt giá mà thôi. Nhưng không quí báu xứng với lời khen (vì không đưa đến nơi giải thoát) chỉ có xe trong giáo pháp của Như Lai mới đáng khen và quí báu. Vì xe ấy không còn có sự tai nạn lẫn tội ác mà các bậc trí thức hằng chê và khinh bỉ. do nhờ xe ấy mà các bậc Thánh nhân đi tới chỗ diệt khổ là Níp-bàn được. Vì lẽ ấy nên Như Lai gọi là Phạm xa. Phạm xa ấy để chiến thắng đối phương là tham ái, sân hận và si mê.

Đức Thế Tôn giảng sơ về Bát Chánh Đạo xong, mới thuyết thêm câu kệ rằng:

“Yassa saddhā ca paññā ca

Dhammā yuttā sadā dhuraṃ.

Hirī īsā mano yottaṃ

Sati ārakkhasārathi.

Ratho sīlaparikkhāro

Jhānakkho cakkavīriyo.

Upekkhā dhurasamādhi

Anicchā parivāraṇaṃ.

Abyāpādo avihiṃsā

Viveko yassa āvudhaṃ.

Titikkhā cammasannāho

Yogakkhemāya vattati.

Etadattani sambhūtaṃ

Brahmayānaṃ anuttaraṃ.

Niyyanti dhīrā lokamhā

Aññadatthu jayaṃ jayanti”.

Nghĩa là: thánh đạo ấy có đức tin và trí tuệ đi cập nhau. đức tin ví như ách, hổ thẹn, tội lỗi ví như cây tó, tâm ví như dây cương, ghi nhớ ví như xa phu, giới ví như đồ phụ tùng trang điểm. Định ví như xe, tinh tấn ví như bánh xe, xã ví như miếng sắt để kê cái ách (và gông) sự không tham là dây để cột.

Riêng về hành giả người có ân không làm hại người lại có sự thanh tịnh do nhờ sự thanh vắng là khí cụ, có sự nhẫn nại là giáp sắt. hành giả ấy sẽ đến nơi an vui tuyệt đối là Níp-bàn.

Xe ấy có năng lực thắng qua trong mọi nơi, dầu chỗ nào xe ấy cũng có thể đi được. Hành giả đi trên xe ấy có thể thắng tất cả quân thù. Con ngựa là ý, sợi dây cương là tâm, người cầm cương là trí nhớ.

Như đã nói trên, tôi chỉ giải nơi đây câu sau: hành giả có thể thắng quân thù là: dosa (sân hận), vihiṃsāra (sự làm hại kẻ khác), ganasanganika (sự chung lộn với nhiều người), kilesasanganika (tâm còn chung chạ và khắn khít theo phiền não), sabbākusalā (sự trở ngại là pháp ác).

1. Dosa (sân hận).

Nghĩa là tâm ác khi gặp cảnh nghịch ý phật lòng, thì nổi giận lên, phô bày bằng lời nói và việc làm.

Đức Phật có dạy: “không lửa nào nóng cho bằng lửa sân”.

Khi người gặp cảnh trái ý nghịch lòng, mà không đè nén nổi lửa sân, thiếu trí nhớ (là người cầm cương) để kèm con ngựa (là ý) bằng sợi dây cương (là tâm) thì sức mạnh của con ngựa (là tác ý) có thể tung chạy cùng hết khắp nơi ví như người sân rồi, làm không biết bao nhiêu điều tai hại, điều ác.

Chúng ta không nên sợ kẻ khác đốt ta mà nên sợ tự ta đốt ta. Vì kẻ khác đốt ta chỉ cháy mình trong kiếp này là cùng, riêng về ta đốt ta là khổ sở uất ức trong tâm, trong kiếp này; đến sau khi chết vì sự bực tức ấy sẽ thiêu đốt ta trong bốn đường ác trong bao nhiêu triệu năm. Chúng ta tự đốt lấy ta bằng lửa nào? Chính bằng lửa sân vậy, lửa sân có năng lực thiêu đốt tất cả phước lành của ta đã tạo.

Tôi xin nhắc sơ lược về đức vua A-dục, ngài là vị vua đã đào tạo những phước lành vĩ đại trong Phật Giáo mà trong khi sắp lâm chung, vì giận một vị quan hầu cận, mà chết phải sanh làm con rắn để đợi đón cắn vị quan ấy. Nhờ đức Mahindathera là một vị A-la-hán trông thấy cha mình sanh làm rắn, mới đến nhắc ngài: “phụ vương vì lòng sân mà quên cả phước báu của mình đã làm nên hôm nay phải sanh vào ác đạo như vầy. Nếu phụ vương còn oán hận đón cắn chết vị quan ấy thì càng sanh vào nơi khổ hơn nữa. Vậy phụ vương phải ráng trì giới cho trong sạch và niệm Phật hầu thoát khỏi vòng ác đạo này”. Rắn nghe theo, giữ ngũ giới không có vật ăn nên bảy bữa chết, nhờ phước báu đưa sanh về cõi trời.

Tôi nhắc tích này để chư thiện tín thấy rằng quả của sự trì giới rất cao quí, và cái hại của lòng sân. Khi đã sân rồi không còn nghĩ đến việc lành. Chư thính giả hãy trông thấy cái quả thảm hại của sân hận.

Phương pháp đối trị: đối trị sân ta phải có tâm từ.

Tâm từ là một những cái tâm thiện của Phạm Thiên, tâm từ là một tâm biết thương mến kẻ khác.

Không phải thương mến vợ con, thân quyến mà gọi là tâm từ. Tất cả tình thương mến nào trong vòng dục vọng là không thuộc vào tâm từ, mà chỉ ở trong vòng tham ái.

Tâm từ là tâm khoan dung, có thể dung cho kẻ thù của mình, xem kẻ ấy như một người bạn, một người thân thuộc của mình. Người có tâm từ đưa những vật nhu cầu cho kẻ thiếu thốn và không mong người trả ơn. Tâm từ là lòng thật tốt của người không giận, không oán thù kẻ khác.

Tâm từ là một món chiến cụ dùng để chiến thắng với kẻ thù là lòng sân, đúng theo câu Phật ngôn dạy rằng: “metta dosaṃ vijjhati”. Nghĩa là tiêu diệt được lòng sân nhân bởi tâm từ. Đó là về sân.

Còn hận? hận là lòng oán thù mong cột oan trái để thừa kịp giết hại kẻ khác. Tâm hận làm cho ta gặp lắm nổi khó khăn, nếu ta cột oan trái với kẻ khác, chính là ta đem những sự oan trái ấy đến ta tự đốt lấy ta.

Phật dạy dùng oan trái để rửa oan trái làm sao được, ta phải mở oan trái bằng sự không cột oan trái. Nếu có người cột oan trái với ta, làm hại ta; ta bị hại kiếp này, ta cột oan trái với người ấy, nguyện kiếp sau trả thù, thì sợi dây oan trái ấy ngày ngày càng siết chặt ta và người ấy lại, biết đợi kiếp nào mới dứt được? theo thường tình thế gian, sự oan trái không bao giờ dứt, chỉ trừ khi gặp được Đức Phật nhắc lại cho hai người thù hận lẫn nhau nghe tiền kiếp của hai người từ lúc mới cột oan trái với nhau lần đầu; đến chừng ấy hai người mới sợ cái sức tàn phá khốc liệt của dây oan trái; nó hằng cuốn cả hai vào lòng tội lỗi và nó còn đốt cháy tâm can cả hai trong vô số kiếp đến chừng nào hai người mới dứt được oan trái lẩn nhau và trở lại thương mến nhau. Đây tôi xin nhắc lại tích thái tử Dighāvu-con vua Kosala cho thính giả nghe.

Vua xứ Kosala tên Dighāti, khi vua Kāsī đem binh đến đánh, nghĩ rằng không nên đối phá hại, chết sanh linh để bảo vệ ngôi báu của mình, mới bàng luận với hàng hậu rồi đồng bỏ ngôi vị giả làm người tu trốn xa, an vui được một lúc. Bà hoàng hậu ốm nghén không thèm món chi lại chỉ muốn xem bổn đạo hùng binh và uống nước rửa gươm vua, chồng bà mới bảo rằng việc đó quá sức ngài. Bà hoàng  hậu nằng nặc đòi mãi, túng thế ngài mới trở về xứ Kosala tìm đến người bạn cũ của ngài, đang làm quân sư cho tân quân, để nhờ người bạn ấy tính cho. Vị quân sư mới bày kế, khiến đức vua Kāsī cho biểu diễn bổn đạo hùng binh. Bà hoàng hậu ốm nghén được dắt đi để một chỗ khuất để lén xem và được uống nước rửa gươm của đức vua Kāsī, từ ấy đến sau hết ốm nghén. Vị quân sư mới bàn hiện tượng ấy là hoàng hậu sẽ sanh một trai sau này sẽ làm vua. Chính cái thai ấy là tiền thân của đức Thích-ca Mâu-ni sẽ sanh ra.

Khi sanh xong và nuôi con đến lớn, đức vua và hoàng hậu cho con đi học xa. Vua Kāsī tìm kiếm vua Kosala để giết, trừ hậu hoạn, ngày nọ nhờ người mách, bắt được vua Kosala đem về giết, nhằm lúc con ngài tên Dighāvu trở về thăm cha mẹ, đức vua Kosala mới dạy con rằng: “mākho tvaṃ dighāvu…”, nghĩa là: này Dighāvu, con yêu dấu, con đừng thấy xa mà bỏ gần, đừng thấy gần mà bỏ xa. Con ơi lẽ cố nhiên, oán thù oan trái không bao giờ dứt được với sự còn cột oán thù mà chỉ dứt được nhờ sự bao dung quảng đại tha thứ cho người.

Khi đao thủ đã giết xong đức vua Dighāti, ngài Dighāvu mới phục rượu quân canh để chúng say cho ngài có thể trộm xác vua cha đem đi thiêu. Đức vua Kāsī ngự tại hoàng cung trông thấy ngọn lửa ấy, biết rằng có hậu hoạn nhưng chẳng biết làm sao trừ.

Ngài Dighāvu thiêu xác vua cha xong, giả nghèo xin vào ở với người làm vườn hoa của đức vua Kāsī, thường ngày đờn ca hát nghêu ngao, giọng hát thanh tao, giọng đờn ai oán. Đức vua Kāsī nghe hát phát tâm yêu mến đem ngài vào hầu cận, sau cùng ngài càng thân mật. Ngày nọ đức vua đem xa giá đi săn với Dighāvu, trưa mệt vua Kāsī nằm ngủ trên vế của kẻ thù là ngài chực rước ngài Dighāvu, cố đưa ra mà không ngờ rằng tử thần đã mấy lần chực rước ngài. Ba lần Dighāvu rút gươm ra khỏi vỏ để rửa hận, ba lần nhớ lời di huấn của cha mà ngài đút trở vô. Lần chót tiếng gươm khua khiến vua Kāsī giựt mình thức dậy, tay chân bủn rủn, thân toát mồ hôi. Dighāvu hỏi:

- tâu đại vương có chuyện chi mà ngài kinh khủng thế?

đức vua vừa nói vừa run:

- trẫm nằm mộng thấy chính con của vua Kosala về đây cầm gươm giết trẫm, trẫm sợ quá giựt mình thức dậy.

Dighāvu nghe nói lẹ như chớp, một tay nắm tóc đức vua, một tay rút gươm ra nói:

- phen này tôi phải giết hoàng thượng mới được, chính tôi đây là con vua Kosala, trong suốt giấc ngủ của ngài, đã ba lần tôi tính giết ngài, mà ba lần rút gươm ra tôi phải đút gươm vô, vì tôi nhờ lời di huấn của cha tôi. Bây giờ ngài đã biết rằng tôi đây là Dighāvu thì ngài sẽ giết tôi, thôi, thà tôi giết ngài cho xong.

Đức vua Kāsī năn nỉ tha chết. Dighāvu mới xin trở lại:

- nếu tôi tha cho hoàng thượng bây giờ, thì hoàng thượng cũng nên hứa tha chết cho tôi.

Đức vua ưng thuận. Khi trở về trào, vua hội bá quan lại hỏi:

- Nếu các ngươi thấy hoặc gặp Dighāvu con vua Kosala thì các khanh làm sao?

Các quan đồng tâu:

- chúng tôi giết.

Vua mới chỉ Dighāvu và phán:

- Dighāvu ở đây này. Nhưng ta không nên giết người vì đó là một vị anh hùng, không nỡ giết trẫm trong khi trẫm ngủ trưa, dầu để trên vế người.

Rồi đức vua mới hỏi Dighāvu rằng:

- này Dighāvu con, chẳng biết lời di huấn của vua Kosala cha của con có ý nghĩa thế nào?

Ngài Dighāvu mới giải:

- Ý cha tôi dạy thấy xa chẳng nên bỏ gần là: tôi cùng hoàng thượng có mối thù tôi lo trả thù cho cha thì cha cũng đã chết rồi, dầu tôi có giết được hoàng thượng đi nữa thì cha tôi cũng không sống lại được, trái lại tôi vong ơn bội nghĩa với hoàng thượng là người đã hết sức tín nhiệm tôi. Còn khi giết hoàng thượng rồi tôi phải bị bá quan truy nã, tôi phải lo trốn tránh, sợ chết mãi trong tâm. Như vậy là tôi cột thêm oan trái, oan trái ấy sẽ kéo dài. Ấy là lòng sân mà tôi quên ơn người mà phải mắc vào vòng tội lỗi và vì sự oán thù cột oan trái mà siết chặt sợi dây oan trái vào mình. Do nhớ đến lời di huấn ấy mà khi giết được hoàng thượng một cách dễ dàng mà tôi không giết, như lúc đi săn, cũng như tại hoàng cung, trông khi dâng rượu cho hoàng thượng sẵn có thuốc độc mà tôi không nỡ thuốc hoàng thượng, cốt ý tôi là cắt đứt dây oan trái giữa hoàng thượng và gia quyến tôi. Còn thấy gần ý nói rằng: con ơi! chẳng nên vì lòng sân hận mà vội bỏ những bạn lành trong khi có chuyện xích mích nhau chút ít.

Lẽ cố nhiên người đời vì lòng sân hận họ chỉ nghĩ rằng: mặc kệ có bạn không có cũng chẳng cần. Khi nghĩ như vậy thì không chịu nhịn nhau trong lúc nóng giận ấy, từ đó đến sau người đã bị mất bạn lành. Vậy nên khuyên quí vị khi giận hãy cố nhớ đến điều phải của người cố khoan dung, đừng thấy rồi làm theo ý mình đây gọi là thấy giận mà không thấy hại ở xa.

Cha của hạ thần dạy: lẽ cố nhiên oan trái oán thù không bao giờ dứt, hỏi còn cột oan trái oán thù, ý ngài dạy rằng: “Dighāvu con ơi, oan trái và oán thù sẽ dứt đi vì sự ta không cột trả lại. Hôm nay hạ thần đứng giữa trào mà không bị giết hại là nhờ hành theo lời di huấn của đấng từ thân”.

Vua Kāsī nghe xong phán rằng:

- lành thay! Lành thay! Đây là một chuyện phi thường tự cổ chí kim chưa từng có. Dighāvu là một người có trí thức hiểu rõ lý của cha dạy. Đức vua Kosala cũng là một bậc trí thức đấng anh hùng đáng khâm phục.

Ngài truyền gã công chúa cho Dighāvu, rồi ngài nhường ngôi lại cho và ngài xuất gia.

Dighāvu là tiền thân của đức Phật, còn đức vua Kosala là tiền thân của đức Tịnh Phạn Vương.

Vậy ta cũng nên noi theo lời dạy bảo của đức Phật, dứt bỏ cả oán thù cho tâm được yên tịnh. Sự thật kẻ cướp bề ngoài ta không đáng sợ vì ta chỉ cướp mất của cải trong kiếp hiện tại mà thôi, ta nên sợ kẻ cướp trong nhiều kiếp

Vihiṃsāra làm hại người phàm trong tâm sân ấy nó còn những chi phụ thuộc bề trọng là: khi sân rồi sanh ra oán thù mới có cột oan trái, khi có sự oan trái thì lại có sự làm hại nhân vật mà mình đã giận. Làm hại người đây cũng là một trong những chi đã nói trên.

Người đã cố tâm làm hại kẻ khác thì luôn luôn tìm phương kế để hại người. những người ấy không biết rằng chính họ đã bỏ trí óc ra đào cái hố để chôn họ, cái hố ấy chính là đường ác vậy. Tại sao cái hố ấy là bốn đường ác đạo? vì một khi làm hại người thì phải bị tội của mình đã làm cho kẻ khác phải khổ. Chẳng những vậy, khi mà kẻ khác bị khổ họ biết cái khổ ấy do nơi ta thì họ sẽ trả thù lại trong kiếp này, không vậy thì họ lại cột oan trái về kiếp sau, sau nữa. Chung qui cũng vì lòng sân hận làm hại người nên ta phải mãi mãi luân chuyển trong vòng luân hồi khổ não. Cũng như tích của người vợ lớn và vợ bé cùng làm hại nhau, cũng cột oan trái nhau cả ba đời như: thời pháp của pháp sư Hộ Giác đã thuyết đêm 14 tháng tư Nhân Thìn (7.5.52) với nhan đề “đế thích vấn đạo”. Tích này có dạy trong kinh Dhammapada (pháp cú).

Đây để cho quý vị thấy tâm làm hại người là tâm rất ác, nó sanh do nơi tân sân phát ra, nếu ta muốn cho vắng sự làm hại người năng niệm tâm từ là nhân đàn áp trước. Ngược bằng ta không thể đàn áp nổi, hoặc sự cột oan trái và sự làm hại người có trước khi ta hiểu Phật Pháp thì sau này ta có tâm bi để đàn áp lòng hại người.

Tâm từ và tâm bi có nghĩa khác nhau là: tâm từ làm tâm thấy kẻ khác thiếu thốn lấy làm thương xót bố thí cho và không cố oán thù trong khi đã giận nhau trước rồi; tâm bi là tâm thương người đang khổ sở, cố đem người ấy khỏi sự tai hại. Vì lẽ ấy nên người có tâm bi không bao giờ làm hại kẻ khác, vì trông thấy người bị khổ cũng như mình.

Vậy nên có câu Phật dạy rằng: “karuṇāya vihiṃsaṃ vijjhati”[54]. Nghĩa: tiêu diệt được lòng cố làm hại người bằng tâm bi, nghĩa là tâm thương hại người.

Phương chi trong tạng Kinh[55] đức Phật có dạy rằng:

“Pubbeva dānā sumano

Dadaṃ cittaṃ pasādaye

Datvā attamano hoti

Esā yaññassa sampadā”.

Nghĩa là: người có tâm lành khi sửa sang bố thí có tâm vui vẻ không buồm giận, trong khi đang bố thí cũng vui vẻ. Sau khi bố thí xong cũng vui vẻ. Do nơi ba đặc ân trên nên gọi là bố thí đúng theo phép lành thì sẽ có kết quả rất nhiều.

Vì lẽ câu kệ trên mới tổ chức làm lễ khánh thành trước khi làm lễ khánh thành ấy là nhân để làm cho tâm ta vui thích. Như đi ba vòng để ta sửa lại tâm ta đừng có sự uất ức, sân hận, bỏn xẻn, lại có người kêu nhắc cho chúng ta nhớ phước lành của mình.

Hôm nay trông thấy chư thiện tín làm một cuộc phước đáng gọi là trọng thể nhất vì hai lẻ là:

* làm lễ ấn tống quyển đế thích vấn đạo lá một việc Pháp thí.

* chẳng những vậy lại muốn được hoàn toàn thỉnh nhà sư thuyết pháp gọi là làm lễ khánh thành sự ấn kinh.

Hai điều kể trên đều là sự bố thí tạm gọi là giải thoát khỏi phiền não. Vậy tôi xin hồi hướng quả này đến chư thiện tín và nhân loại hãy được hưởng sự an vui xin cho thoát khỏi sự oan trái, oán thù nhau, nhất là chư quí vị có mặt tại đây, cầu xin phước báu ấy theo cận bên để nhắc nhở sự tu tập của quí vị cho được thành tựu các quả lành theo ý nguyện của quí vị như đức Xá-lợi-phất hoặc đắc được quả vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

BÀI 48 PHÁP XA (tiếp theo)

Tôi xin giảng tiếp bài thuyết pháp kỳ rồi: “người muốn giải thoát phải đối phó với 5 pháp ác”.

1. Dosa: sân hận. Phải dùng “tâm từ” mà diệt sân hận, không cột oan trái để trừ hận.

2. Vihiṃsāra: lòng hại người. Phải dùng “tâm bi” mà diệt lòng hại người.

3. Ganasangankika: thân cận với nhiều người. đây ý nói sự thân cận của vị Tỳ-khưu với chư thiện tín và các vị Tỳ-khưu khác.

Sự thân cận với nhiều người thế nào cũng xảy ra nhiều tai hại như nghe những lời ta không muốn nghe, như nói những lời không đáng nói, thấy những điều ta không nên thấy. sự thân cận nhiều người làm cho ta thêm bực mình, khó chịu nhất là làm trở ngại cho sự tham thiền của người tu giải thoát. Muốn sự tham thiền được kết quả, cần phải ở nơi thanh vắng, cho tâm được an trụ, tránh khỏi các điều phiền phức bề ngoài.

Như trước khi thuyết pháp thầy Tám Chương có hỏi: “tại sao khi tham thiền tâm cứ vọng động mãi?”. Theo tôi thiết tưởng như thiện tín đều này lấy làm lạ chỗ ấy. Nhưng còn lạ gì hơn là cả ngày chúng ta phải chạy theo trần cảnh nào nói vô ích, nghe chuyện hoang đàng, coi những điều vô ích và suy nghĩ việc chẳng lành. Nếu không đến nổi làm ác, nhưng những chuyện sanh sống hằng ngày cũng làm cho tâm ta bực lắm rồi, làm sao cho trụ được dễ dàng. Vì lẽ ấy nên Đức Thế Tôn dạy muốn làm cho tân thanh tịnh phải làm cho thân thanh tịnh trước đã, nghĩa là làm xa những điều kể trên.

Sự thân cận nhiều người thì hay sanh ra sự gây gổ. Như khi Đức Thế Tôn còn tại thế, ở xứ Kosambi, trong chùa có năm trăm vị pháp sư và năm trăm vị luật sư.

Một bữa nọ, có một vị pháp sư, sau khi đi cầu còn quên để nước rửa dư trong ống nước. Một vị luật sư vào đi cầu sau gặp hỏi, thì vị pháp sư chịu lỗi vì không biết và xin sám hối, vị luật sư nói, nếu thầy không biết thì vô tội. Khi về tư thất lại thuật câu chuyện ấy cho các vị đệ tử và nói:

- vì pháp sư ấy không biết mình phạm giới.

Các đệ tử này đem câu chuyện ấy thuật lại cho các vị đệ tử pháp sư và cố ý dèm pha. Các vị đệ tử pháp sư về hỏi lại thầy, vị pháp sư thuật rõ câu chuyện đệ tử ông giận mới đến với đệ tử của luật sư rằng:

- khi thầy tôi nhận lỗi có sám hối thì thầy của quí ông nói vô tội mà hôm nay còn nói đến tội ấy nữa chính là thầy của các ông không hiểu luật tí nào cả. thành thử hai phái luật sư và pháp sư kình chống nhau, sanh ra sự gây gổ.

Câu chuyện ấy thấu đến Đức Thế Tôn, Ngài bảo cả hai bên nên hòa nhau, không nên thù nhau. Nhưng hai phe viện cớ rằng:

- Đức Phật là đấng Giác Ngộ, không còn phiền não, các vị ấy còn phiền não nên họ không thể để yên được, cần phải giải quyết bên nào hơn, nên nào thua.

Đức Thế Tôn thấy sự bất hòa không thể giải được, Ngài để Ānanda ở lại, Ngài vào thành Kosambi khuất thực rồi đi thẳng vào rừng Pārileyyaka. Tại rừng này cũng có tượng chúa đoàn, bỏ đoàn đi ở riêng một mình vì tự nghĩ rằng: “ta ở chung với bọn tượng, bọn ấy đi trước ăn cỏ non uống nước trong, riêng ta đi sau ăn cỏ già uống nước đục thật là ở chung nhiều thì càng khổ nhiều”. Nên mới tách đi ở riêng một mình. Cũng trong khi ấy, tượng gặp Đức Thế Tôn phát tâm tính thành hầu hạ Đức Thế Tôn đủ mọi việc hôm sớm, Đức Thế Tôn ở nơi rừng nhập hạ chỉ có tượng hầu hạ mà thôi. Ở chùa thiện nam tín nữ thấy vắng Đức Thế Tôn, nên vào hỏi Ānanda nên Ngài thuật lại thiện tín đồng lòng không dâng cúng cho các thầy Tỳ-khưu, các thầy thiếu ăn lấy làm khổ sở, nên phải giải hòa và chịu lỗi, thiện tín không bằng lòng buộc phải thỉnh Phật về mới được. chư Tỳ-khưu ấy yêu cầu đức Ānanda đi thỉnh, đức Ānanda phải vào rừng thỉnh cầu Đức Thế Tôn mới nhận lời cho chư Tỳ-khưu ấy vào hầu. Khi vào hầu chư Tỳ-khưu đảnh lễ Đức Thế Tôn xong rồi ngồi vào nơi phải lẽ và nói rằng:

- Đức Thế Tôn là đấng cao quí, khi Ngài còn tại thế là một vị đế vương cao sang tột bực, mà phải nhập hạ ở rừng sâu ba tháng thật là nhọc nhằn quá.

Đức Thế Tôn đáp:

- những phận sự hằng ngày của Như Lai (là quét chỗ ngủ, xếp tọa cụ, hoặc nước súc miệng, rửa mặt, rửa bát v.v…) có tượng Pārileyyaka làm thế, người mà được bạn lành như thế nên ở chung nhau, nếu một khi không được bạn lành như thế, thì ở một mình còn hơn.

Đức Thế Tôn dạy như thế để chúng ta thấy rằng: sự chung đụng nhau nhiều người sẽ gặp nhiều trường hợp khó khăn, nếu có thể tránh được một phần nào thì cũng nên tránh.

4. Kilesasanganika

Tư cách còn lẫn lộn với phiền não tâm nào còn phiền não là tâm hay chiều theo ngủ trần, tâm hay rung động. Đức Phật ví tâm như cá quen lội bơi trong nước, đem cá lên khỏi nước, mặc dù để nó nằm trong dĩa bằng vàng, nó cũng nhảy vọt, khó chịu. Đối với tâm con người, nước đây là ngũ trần, tâm thường quen bơi lội trong ngũ trần, vui thích với ngũ trần, một khi đem tâm ra khỏi ngũ trần, thì tâm khó chịu, hay phóng túng.

Người tu giải thoát cần phải chống với tâm phóng túng, phải làm sao cho tâm được yên trụ và xa lần phiền não, cũng người thợ làm tên, trước hết, anh vào rừng đốn cây, lột vỏ đem cây về ngâm, chẻ ra từng miếng nhỏ, ngâm với nước cơm, rồi hơ lửa, uốn cho ngay.

Hành giả cần phải giải thoát cũng như người thợ làm tên kia vậy. Cần phải lột tâm cho hết phiền não thô siền là vỏ, do nơi sự trì giới và hành một phép trong 13 phép đầu đà , rồi thoa dầu là đức tin, hơ bằng lửa là tinh tấn, cố gắng uốn bằng kẹp là Chỉ Quán và Minh Sát, rồi làm cho tâm ngay không vậy nữa.

Theo Phật ngôn đã dạy trên thì thấy rằng: tâm có tư cách không an trụ, không chịu vắng lặng, không bao giờ biết chán với sự thọ lãnh cảnh trần. Sự ngăn cản tâm không cho nó theo ngủ trần là chuyện rất khó, cũng như người chăn bò giữa đám ruộng lúa khó mà không cho nó ăn được. Vậy các bậc trí thức nên cố dạy tâm và đem tâm cho xa phiền não, làm cho tâm ngay có thể áp dụng trong mỗi trường hợp được như cây tên đã uốn ngay.

Đức Phật dạy ta, muốn kéo tâm vào nơi an trụ, cần phải dùng bốn pháp sau đây là:

* Sati: niệm

* Viriya: tinh tấn

* Khantī: nhẫn nại

* Paññā: trí tuệ

Trong Pháp Cú kinh cuốn số 2 có nói rằng[56]: có một thầy Tỳ-khưu trẻ tuổi tên là Bhāgiṇeyyasaṅgharakkhita theo hầu một vị A-la-hán là bác của thầy. Sau ngày ra hạ được thí chủ cúng dường cho hai khổ vải một khổ tám hắc tay và một khổ ba hắc tay. Thấy mới định trí rằng: “khổ tám hắc tay này đắt giá đẹp để dâng cho ông bác là thầy tế độ ta”. Rồi thầy đi đến hầu ông bác. Khi đến nơi làm lễ và lo dọn dẹp xong, mới bạch với thầy xin dâng y. Ngài Đại Đức nói rằng y của ngài còn đủ dùng. Thầy cố nài nỉ đôi ba lượt, Ngài Đại Đức cũng không chịu nhận trong khi thầy Tỳ-khưu cháu đang đứng quạt, mới nghĩ bụng rằng khi ta còn ở ngoài thế tục ta là cháu của ngài, khi ta xuất gia là đệ tử của ngài. Vậy mà ngài không chịu dùng đồ của ta. Nếu ngài không cần ta, thì ta cần gì tu, ta sẽ hoàn tục. Rồi thầy nghĩ thêm rằng: “sự ở tại gia là chuyện khó ta phải làm sao mới được. Vậy ta bán khổ vải tám hắc tay này ta mua dê, lẽ cố nhiên dê mau có con bán dê lấy tiền làm vốn, khi được nhiều tiền ta cưới vợ, sắm xe chở vợ đến thăm ông bác. Khi đi theo đường vợ ta bồng con không được để nó khóc, ta nổi giận lấy cây đót đánh vào đầu nó”. Trong khi ấy thầy quên mình đang cầm cây quạt nên thầy đập cây quạt vào đầu ông thầy, chừng ấy thầy mới giật mình nghĩ: “chết nỗi, cớ sự như thế này ta còn tu làm sao?” rồi ông bỏ chạy. Các thầy Sa-di, thầy Tỳ-khưu rượt theo bắt được đưa đến tư thất của Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn hỏi:

- các ngươi làm gì thế? Các thầy Tỳ-khưu  ấy mới thuật tự sự. Đức Thế Tôn mới hỏi ông Bhāgiṇeyyasaṅgharakkhita rằng:

- này Bhāgiṇeyya, có đúng thế không?

- bạch Đức Thế Tôn đúng như thế.

- Này thầy Tỳ-khưu! Tại sao ngươi làm như vậy để được sự bổ ích gì? người được duyên lành Phật tử của đấng hoàn toàn giác ngộ như Như Lai. người không thể làm cho ra người mà tín đồ gọi là Tu-đà-huờn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, trái lại làm tồi tệ như vậy.

- Bạch Đức Thế Tôn, đệ tử muốn hoàn tục.

- Tại sao ngươi muốn hoàn tục?

Thầy Tỳ-khưu  ấy mới thuật lại tự sự.

- Này Bhāgiṇeyya! Ngươi chẳng nên đi đâu làm gì. Lẽ cố nhiên, tâm có phận sự là lãnh cảnh trần ở phương xa tít, không cùng tận. Bổn phận làm một vị Tỳ-khưu nên cố gắng làm sự lợi ích cho mình là làm cho giải thoát khỏi tham ái, sân hận và si mê. Rồi Đức Thế Tôn thuyết câu kệ rằng:

“Dūraṅgamaṃ ekacaraṃ asarīraṃ guhāsayaṃ

Ye cittaṃ saṃyamessanti mokkhanti mārabandhanā[57]”.

Nghĩa: các ngươi nên thu thúc tâm, đi rất xa, đi độc chiết, không có hình ảnh, chỉ nương nhờ ở hang (là thân này khi thu thúc hoàn toàn) thì người ấy sẽ giải thoát khỏi lưới Ma Vương.

Lẽ cố nhiên, tâm không phải xuất ra đi cùng bốn phương trời, nhưng nó có thể thâu các cảnh trần ở tít phương trời xa. Hơn nữa, không bao giờ tâm phát sanh lên một lượt năm, bảy cái, nhưng người vì thiếu trí nhớ thấy tâm sanh ra lẹ không phân biệt được, nhưng sự thật tâm chỉ lần lượt sanh lên mỗi lần một tâm mà thôi, nên Đức Thế Tôn dạy rằng: “nó đi độc chiết”. Tâm không có hình tượng màu sắc gì để ta phân biệt được, vì vậy nên Đức Thế Tôn dạy rằng: “nó không có hình ảnh, chỉ nương nhờ nơi thân tứ đại là cái hang này”. Vậy nên hàng Phật tử nên cố gắng thu thúc tâm không nên cứ để tâm tự do phóng túng theo cảnh trần là lưới của ma vương. Và chẳng nên mến tiếc sự đã qua cũng chẳng nên mơ ước đến những sự chưa có như vị Tỳ-khưu trẻ tuổi đã nói trên.

Tích này chỉ cho chúng ta thấy rằng: tâm là hay phóng túng là pháp ác, là một trở lực của người muốn giải thoát.

5. Sabbākusalā: nhiều pháp ác trong tâm.

Những pháp ác ngủ ngầm trong tâm của chúng sanh, chẳng khác nào cây độc đã mọc chồi, đâm rễ, choán hết khoản đất, là tâm của chúng sanh. Có cả thảy là mười thứ cây độc (dasa upadhi)[58] ấy là :

* Taṇhūpadhi: tham ái là phiền não đã nảy nở ăn sâu trong tâm.

* Diṭṭhūpadhi: tà kiến là phiền não đã nảy nở ăn sâu trong tâm.

* Kilesūpadhi: sự nhơ đục là phiền não đã nảy nở ăn sâu trong tâm.

* Kammūpadhi: nghiệp là phiền não đã nảy nở ăn sâu trong tâm.

* Duccaritūpadhi: ác pháp “sự làm ác” là phiền não đã nảy nở ăn sâu trong tâm.

* Āhārūpadhi: vật thực là phiền não đã nảy nở ăn sâu trong tâm.

* Paṭighūpadhi: sự bực lòng là phiền não đã nảy nở ăn sâu trong tâm.

* Catasso upādinnadhatuyo upadhi: chấp uẩn là phiền não đã nảy nở ăn sâu trong tâm.

* Cha viññāṇakāyā upadhi: lục thúc là phiền não đã nảy nở ăn sâu trong tâm.

* Cha ajjhattikāni āyatanāni upadhi: lục căn là phiền não đã nảy nở ăn sâu trong tâm.

Mười điều này là phiền não ăn sâu trong tâm, trói buộc tâm chúng sanh không cho giải thoát ngoài vòng của ma vương được. Theo đây, tôi xin giải thích sơ lược những đoạn cần phải giải.

  • Taṇhūpadhi: cây tham ái

Là lòng tham thương mến không bờ bến, đức Phật so sánh lòng tham ái của chúng sanh còn lớn hơn mặt quả địa cầu. Vì lòng tham ái mà chúng sanh hại lẫn nhau, cột oan trái với nhau.

Tích xưa, có ông bá hộ rất tiện ăn, làm có tiền không dám xài, góp nhóp vàng mà đem chôn trong nhà. Khi gần chết, ông mến tiếc của nên sau khi chết, ông sanh làm con chuột giữ hủ vàng ấy.

Nhắc tích này để quý vị thấy rằng: lòng tham ái là cái nhân làm cho chúng sanh phải luân hồi mãi mãi. Muốn diệt lòng tham ái, ta cần phải biết tri túc, nghĩa là biết đủ, chúng ta không bồn chồn, cực nhọc theo tiền, tài, danh, lợi, để có thì giờ rãnh xem kinh sách và làm việc lành. Chúng ta nên nhớ rằng: cây tham ái nó đã choáng gần hết tâm ta, cần phải chặt bớt nhánh, chồi và nhổ lần lần các gốc rễ của nó.

  • Diṭṭhūpadhi: cây tà kiến.

Là lòng tà, hay là sự tin tưởng những điều sai lầm. Có người tin chết là hết chuyện. Không hiểu con người có tạo nghiệp, phải chịu luật luân hồi, quả báo. Có người tin ma quỷ bắt, bói toán, đồng bóng, cầu cạnh quỷ thần cứu độ. Rồi sát sanh, hại vật để cúng tế quỷ thần. Sự tà kiến đem lại nhiều tai hại và phải luân hồi mãi mãi.

Muốn diệt lòng tà kiến phải dùng chánh kiến đễ tiêu trừ. Chánh kiến là thấy phải, làm phải, là tự ta cứu độ lấy ta, chớ không có quỷ thần nào đến cứu ta hay hại ta đặng. Ta tự giết ta chớ không ai giết ta được. Đức Phật có dạy: “Kẻ khác giết ta, ta ít sợ cho bằng tự ta giết ta”. Ta giết ta bằng cách nào? Bằng cách tạo nghiệp ác, là sát sanh, trộm cắp… kẻ khác giết ta, ta cố thể tránh được hay chống lại để giữ lấy sự an vui của ta. Nếu họ có giết được ta đi nữa thì cũng chỉ là giết được ta trong kiếp này thôi. Riêng ta giết ta bằng những tội lỗi kể trên thì ta không thể tránh và không biết để mà chống lại được. Nghiệp ấy dẫn ta vào 4 đường ác đạo là súc sanh, ngạ quỷ, A-tu-la và địa ngục. Không biết bao nhiêu triệu triệu kiếp, thật là một cái tự sát ghê gớm. Cây tà kiến cũng mọc rễ đâm chồi trên miếng đất phì nhiêu là tâm ta. Vậy chúng ta cần phải bứng cho hết gốc, rễ của nó bằng cách dùng trí tuệ quán sát thấy các nghiệp ác là của ta, ta phải mang theo nó về vị lai.

  • Kilesūpadhi: cây là nghiệp đục.

Nhơ đục đây ý nói là những phiền não ăn sâu trong tâm ta, làm cho ta nhơ đục, không bao giờ trong sạch để làm những việc lành được. Nếu nói là phiền não có rất nhiều nhưng chung quy không ngoài tam độc. Nếu muốn diệt trừ tam độc cần có tam học là Giới, Định, Tuệ.

  • Kammūpadhi: cây là nghiệp.

Đây ý nói rằng: người còn đào tạo nghiệp thiện hay ác do nơi phiền não nên vẫn còn luân hồi mãi không ngừng nghỉ. Vì nghiệp hoàn toàn là thiện nên không đến chỗ hoàn toàn vui. Vậy ta hãy cố gắng làm việc gì chẳng nên để cho phiền não lẫn vào, hãy nghĩ đến việc diệt trừ nó và luôn luôn niệm tường đến sự giải thoát.

  • Duccaritūpadhi: cây là ác pháp.

Ác pháp đây chỉ cho thập ác mà người đã tạo khiến phải sanh vào 4 đường ác đạo.

  • Āhārūpadhi: cây là vật thực.

Vật thực về vật chất là cơm, canh. Vật thực về tinh thần là sự muốn, sự ghét.

Đức Phật dạy rằng: con người không biết no trong sự muốn. Khi nghèo thì muốn giàu, khi giàu rồi muốn sang, khi sang rồi thì muốn sang hơn nữa. Muốn vật chi, nếu được thì vui, không được thì khổ, cái khổ là ghét. Ao ước có tiền, nếu không tiền là khổ, là ghét. Bằng như có tiền, rủi mất đi thì cũng khổ, cũng ghét.

Sự ham muốn, dầu cho đều vui thích, nó không nhàm nhưng chung quy nó cũng đem lại cái khổ cho chúng sanh. Vì những sự ham muốn ấy là một nguồn nước mạnh đẩy trôi con người mãi mãi không thể lội vào bờ được. Nghĩa là chúng ta mê sa theo vật chất ấy nên phải bị luân hồi mãi mãi.

Vậy muốn tu giải thoát, cần phải bứng gốc cây vật thực của tâm là cây vật dục cú chúng sanh, nó choáng một phần lớn trong tâm.

  • Paṭighūpadhi: cây là sự bực lòng.

Chúng ta thường bực lòng với tất cả mọi công việc. Cũng vì sự bực lòng ấy mà ta không thể thống trị tâm ta. Khi nó sôi nổi đến cực điểm, ta sẽ làm những điều tội lỗi, ta phải bị sanh theo nhân ta đã tạo. Mà nếu đúng ra thì ta làm gì bằng sự bực lòng thì không bao giờ nó là nhân tốt cả.

  • Catasso upādinnadhatuyo upadhi: cây là chấp uẩn.

Ý nói người đời vì chấp uẩn này là của ta nên hết sức lo lắng và bênh vực nó, lo cho nó được an vui trong vòng thống khổ. Lắm lúc vì ta chấp uẩn của ta nên ta làm đủ điều tội lỗi.

  • Cha viññāṇakāyā upadhi: cây là lục thúc.

Ý nói vì có lục thúc nên tiếp xức với lục trần làm cho lòng mình phải vui khổ, vì vui khổ nên tạo nghiệp. Rồi phải sanh lại để thọ nghiệp ấy nữa không biết bao giờ hết.

  • Cha ajjhattikāni āyatanāni upadhi: cây là lục căn.

Phạn ngữ āyatana nghĩa là mội nước mà chảy ra các thứ nước, cũng như do 6 căn của con người chảy ra sự vui, khổ, buồn, rầu…

Lục căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm. Lục căn ấy tiếp xúc với lục trần là sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, cảm xúc êm dịu và sự vui khổ trong tâm.

Mắt ưa sắc đẹp, tai ưa tiếng hay… là nguyên nhân đem lại sự khổ cho chúng sanh. Như mắt ưa sắc đẹp thì tìm đủ phương cách đem cái đẹp ấy về cho mình. Nếu không được thì khổ. Còn như được rồi thì mình cũng còn khổ là phải giữ gìn nó, sợ nó qua tay kẻ khác. Mà sự thật vạn vật trên đời này có vật gì được trường tồn, cái đẹp nó sẽ thay đổi theo thời gian, trở thành vật không đẹp, mình cũng khổ. Một cái mội nước là con mắt mà còn đem cho con người bao nhiêu cái khổ thì huống chi 6 cái mội nước thì cái khổ lại càng tăng trường đến chừng nào. Hơn nữa, nói về phương diện thực tế thì ta thấy rằng: vì có mắt nên bị bệnh ở mắt, có tai phải bị bệnh ở tai… sự thật, vật gì còn có tứ đại hợp thành là nguồn của bệnh khổ. Nhưng vì chúng sanh quên mình nên ngộ nhận rằng: đây là của ta, quên rằng mắt, mũi, tai, lưỡi, thân và tâm không phải của ta, là cái ổ tật bệnh.

Con người vì có cây lục căn sanh chồi, mọc rễ trong tâm từ vô lượng kiếp nên chúng sanh thường chạy theo cái giả mà tưởng là thiệt, tự tìm cái khổ mà không hay.

Đức Phật dạy phải thu thúc lục căn, phải dùng trí nhớ để quán sát cái khổ, nguyên nhân sanh khổ và tìm con đường thoát khỏi cái khổ luân hồi.

Chẳng những các bậc xuất gia phải thu thúc lục căn mà các bậc tại gia cũng phải thu thúc lục căn nhiều hơn. Tại sao vậy? Vì người tại gia còn rất gần gũi với ngũ trần lục dục.

Theo thời pháp này, mười điều tôi giải đây xin tạm cắt nghĩa là cây tham ái… để lấy lý cho chư quý vị dễ nghe và dễ hiễu theo lý mà thôi, chứ sự thật phải cắt nghĩa cho đúng với pāli như tôi đã cắt nghĩa đoạn đầu.

Kết luận thời pháp hôm nay, tôi giải thêm về ba đạo quân thù làm trở ngại sự giải thoát của hành giả, vậy hành giả phải có chiến cụ để đối đầu với đối phương là:

  • Kāyavivekena gaṇasaṅgaṇikaṃ vijjhati: diệt trừ được tận sự lẫn lộn với bạn tác bằng thân thanh tịnh, nghĩa là ở nơi thanh vắng không gần gũi với những sự sanh ra buồn, giận…
  • Cittavivekena  kilesasaṅgaṇikaṃ vijjhati: diệt trừ được sự lẫn lộn với phiền não bởi tâm thanh tịnh. Ý nói là sự vắng lặng của tâm an trụ, là chỉ cho tâm đắc được định, trước khi tâm định thì phải làm cho thân thanh tịnh trước đã.
  • Upadhivivekena sabbākusalaṃ vijjhati: diệt trừ được các ác pháp bởi nhờ sự diệt trừ nguồn gốc 10 ác pháp ăn sâu trong tâm ta, làm cho ta đau khổ mãi, đó là phiền não. Ý như 10 thứ cây mọc mà nó ăn sâu trong tâm ta như đã giải trên.

Vậy hành giả muốn thắng được đối phương là phiền não thì phải có đủ năm khí giới tối tân để diệt tận nguồn gốc của đối phương là phiền não, thì “pháp xa” mà hành giả cỡi đi ấy sẽ đi thẳng đến một pháp xứ hoàn toàn an vui tuyệt đối, đó là Níp-bàn.

BÀI 49
BRAHMAYĀNA - PHẠM XA
DHAMMAYĀNA - PHÁP XA
SAṄGĀMAYĀNA - CHIẾN XA

Trước đây 25 thế kỷ, có một đấng vĩ nhân tên là Sĩ-đạt-ta đạt quả vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác dưới cội Bồ-đề, Ngài tìm được nơi an vui tuyệt đối, nghĩa là vui không còn lẫn lộn với sự sanh tử luân hồi, nơi ấy gọi là Níp-bàn.

Khi tìm được nơi an vui bất sanh bất diệt Níp-bàn, Ngài mới “mở cửa” Níp-bàn và kêu gọi chúng sanh vào. Ngoài ra, Ngài có vẽ đồ họa và viết sách chỉ rõ con đường giải thoát ấy nữa.

kể từ ngày Đức Thế Tôn chỉ con đường giải thoát đến nay đã 25 thế kỷ, con đường ấy vẫn chưa bị diệt.

vậy chúng ta là người có nhiều duyên lành gặp được con đường ấy, hãy cố gắng hành để khỏi khổ và đáp lại tấm lòng quý báu cao cả của đấng đã vô số kiếp hy sinh cho nhân loại.

lắm người không muốn đi theo con đường giải thoát cho tinh thần, họ chỉ muốn tìm sự an vui cho thân. chẳng hạn, người có thể bỏ tiền ra đi hứng gió, đi ăn trong các cao lầu nhưng không chịu đi hứng lấy gió ở tận cõi lòng và ăn món ăn tinh thần. gió mát và miếng ăn tinh thần ấy chính là pháp bảo. Đức Thế Tôn có dạy: “đời là một cảnh dẫy đầy thiếu thốn không bao giờ biết đủ”.

Thì đây, ta hãy xem lòng tham muốn của con người tuần tự gia tăng từ ít đến nhiều, từ nhỏ đến lớn. mặc dầu tiền bạc dư ăn dư để nhưng con người vẫn cho là chưa đủ. rồi cứ mãi chạy theo triều lưu của lòng tham để cho phải khổ. Đức Thế Tôn trông thấy chúng sanh miệt mài trong cái khổ vô tận nên Ngài mới chỉ rõ con đường cho người đi hứng gió mát và ăn đồ ngon là Bát Chánh Đạo để đi đến nơi an vui tuyệt đối.

Trong bài kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkappavattanasutta)[59], Đức Thế Tôn có dạy: “Bát Chánh Đạo là trung đạo, là con đường hành không khổ hạnh thái quá mà cũng không sung sướng lắm”.

Trong bộ kinh Saṃyuttanikāya, Đức Thế Tôn có dạy cách làm xe để đi đến nơi an vui tuyệt đối là Níp-bàn[60]. người không thể dùng thuyền, tàu, phi cơ hay xe đi tới chỗ an vui tuyệt đối được. vì cái khổ ấy không ở ngoài lòng ta cho nên khi trong lòng ta còn khổ thì ở đâu cũng không được an vui. Nên Ngài chỉ cách làm xe cho chúng sanh đi.

vậy hôm nay tôi xin thuyết về ba cái xe ấy là Phạm xa (Brahmayāna) hay Pháp xa (Dhammayāna) hay là Chiến xa (Saṅgāmayāna) để biếu cho quý vị có mặt tại đây mỗi người một chiếc, đây tôi chỉ biếu không chớ không đòi công ơn chi cả, chỉ mong mỗi vị lãnh lấy một chiếc về dùng, đã không tốn xăng, nhớt, tài xế và nhà xe mà cũng không sợ đụng hay là cán ai cả. đã muôn phần giản tiện hơn xe thường, lại còn được tới nơi an vui tuyệt đối.

gọi là Phạm xa (Brahmayāna), ý nói là: các bậc thánh nhân cỡi xe ấy đến nơi hoàn toàn an vui giải thoát.

gọi là Pháp xa (Dhammayāna), ý nói rằng: các bậc trí thức hành theo những pháp nào hoàn toàn giải thoát, những pháp ấy ví như những cái xe đưa các Ngài đến Níp-bàn nên gọi là pháp xa. Pháp xa nghĩa là cái xe pháp đưa người trần tục đến nơi hoàn toàn giải thoát.

gọi là Chiến xa (Saṅgāmayāna), ý nói rằng: các bậc thánh nhân khi xưa cũng là người phàm tục, nhưng nhờ tạo được một chiến xa có đủ khí cụ tối tân, các Ngài toàn thắng phiền não ma vương và được đến Níp-bàn. Xe của các Ngài gọi là chiến xa.

sự thật, các đấng anh hùng chiến sĩ có thể đánh giặc bên ngoài và có thể thắng dễ dàng vì giặc ấy có mặt trận. riêng về giặc phiền não thì khó mà thắng được, vì nó có trăm mưu ngàn chước để lừa gạt và đánh úp ta một cách bất ngờ.

theo Đức Thế Tôn thì Ngài không khen chiến sĩ thắng bên ngoài. tại sao vậy? vì nhiều nguyên nhân là: khi ta thắng kẻ khác, ta chắc lấy oan trái vào người, ta sẽ hại lại mình. sự lo âu ấy đốt lòng mình từng phút từng giây thì đời sống còn gì là thú vị nữa. và ta không đủ can đảm thắng lòng ta thì cái thắng bên ngoài không bổ ích gì cả. trái lại, Đức Thế Tôn gọi là bại trận vì ta thua trận giặc phiền não ở lòng ta nên mới cố thắng kẻ khác, không thắng lòng dục vọng của mình.

Riêng về người thua thì uất ức, ăn không ngon, ngủ chẳng yên, toan lo mưu kế trả thù. Vì vậy, Đức Thế Tôn dạy sự thắng bại ở đời không có gì đáng chê mà cũng không có gì đáng khen vì nó không cao thượng, không đem lại hạnh phúc cho ta. chỉ có ta thắng được tâm ta mới là cao thượng.

Đức Thế Tôn có dạy: “saṅgāmaṃ mattaṃ seyyo” (người chết giữa trận gặc lòng quý báu hơn). Ý nghĩa dạy rằng: người vì tham muốn hay là oán giận kẻ khác mà không trả thù hoặc cướp lấy của người, rồi vì lòng tham hay sự uất hận ấy mà có chết đi, như thế là chết giữa trận giặc lòng, chết ấy quý báu hơn. Hay nói cho dễ hiểu, khi ta hành một phạm hạnh nào như nhẫn nại chẳng hạn, mà có người đến làm hại ta, ta có thể nhẫn không oán thù, không cột oan trái, ấy gọi là thắng được giặc lòng, dầu có chết cũng vẫn là cao thượng.

vậy, hôm nay, xin mời quý vị lên chiến xa của Phật là Bát Chánh Đạo. chiến xa ấy rất tối tân, bền chắc, có đủ tiện nghi và khí cụ tối tân để chống với mọi trường hợp bên ngoài. Tôi xin chi cách cho quý vị điều khiển, rất dễ dàng, miễn là nghe, nhớ, thuộc và thực hành theo. Khi thực hành đúng, sẽ thắng được quân thù, đi đến nơi an vui tuyệt đối. khi đến nơi rồi, quý vị khỏi bận lòng đi hứng gió biển của trần gian, ăn những món ăn khó tiêu của thế tục. mong rằng không mấy khi tổ chức chuyến du lịch này, quý vị không bỏ qua và không phụ lòng tốt của tôi cặm cụi tìm thấy chiến xa của Đức Thế Tôn để lại.

trước hết, xin giải nguyên nhân có Bát Chánh Đạo. chỉ riêng Bát Chánh Đạo mới có trong Giáo Pháp của đức Chánh Đẳng Chánh Giác thôi.

Bát Chánh Đạo là một pháp đặc biệt được Đức Thế Tôn chọn thuyết đầu tiên tại vườn Lộc Giả (Isipattana) độ năm thầy Kiều-trần-như, Ngài thuyết lên như vầy :

- Dveme bhikkhave antā pabbajitena na sevitabbā[61].

Này các thầy Tỳ-khưu, pháp đi vòng có hai pháp mà bậc xuất gia không nên hành theo là:

* Yo cāyaṃ kāmesu  kāmasukhallikānuyogo  hīno  gammo  pothujjaniko  anariyo  anatthasaṃhito: sự ham mê an vui của trần tục là pháp thấp hèn, pháp của người thế tục, không phải của bậc thánh nhân, không có lợi ích.

* Yo cāyaṃ attakilamathānuyogo  dukkho  anariyo  anatthasaṃhito: sự khổ hạnh làm cho thân tiều tụy hằng đem sự khổ nhọc đến cho thân, không phải là pháp của bậc thánh nhân, không có kết quả lợi ích.

Này các thầy Tỳ-khưu, chỉ có con đường trung đạo là con đường giữa, không có lẫn hai pháp (đã giải) ấy. Như Lai đã ngộ được sự hành, hầu phát sanh tuệ nhãn, nghĩa là dùng trí tuệ hiểu rõ mọi lẽ, hành để diệt tận phiền não, để đắc Níp-bàn.

Các thầy Tỳ-khưu, trung đạo ấy là Ariyamagga, nghĩa là Thánh đạo.

Thánh đạo ấy có 8 chi :

* sammādiṭṭhi: chánh Kiến (thấy chân chánh).

* sammāsaṅkappo: chánh Tư Duy (suy nghĩ chân chánh).

* sammavācā: chánh Ngữ (nói chân chánh).

* sammākammanto: chánh Nghiệp (việc làm chân chánh).

* sammā ājīvo: chánh Mạng (nuôi mạng chân chánh).

* sammāvāyāmo: chánh Tinh Tấn (tinh tấn chân chánh).

* sammāsati: chánh Niệm (niệm tưởng chân chánh).

* sammāsamādhi: chánh Định (định tâm chân chánh).

Trong 8 đạo ấy, tôi xin chia ra làm ba phần: bánh xe, thân xe và khí cụ. bánh xe ví như giới, thân xe ví như định, khí cụ ví như tuệ.

Bát Chánh Đạo chia ra làm 3 phần là giới, định, tuệ. Chánh Kiến, Chánh Tu Duy thuộc về tuệ; Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng thuộc về giới; Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định thuộc về định. Nơi đây tôi xin ví chánh tinh tấn như bộ máy của chiến xa. thế là thiện tín đã hiểu rõ các bộ phận của chiến xa rồi. vậy tôi xin tiếp tục giải từng cách sử dụng và từng bộ phận cho quý vị hiểu.

trước hết, Đức Thế Tôn để khí cụ trước vì khí cụ là vật quan trọng và tối cần thiết khi chiến đấu với phiền não. Vì vậy Ngài đề cập đến Chánh Kiến và Chánh Tư Duy trước nhất, đó là hai món khí cụ tối tân tinh xảo để đánh tan phiền não.

1. Chánh Kiến - Sammādiṭṭhi: là sự thấy chân chánh, ngụ ý chỉ cho sự thấy Tứ diệu đế, có bốn điều là:

* hiểu rõ 12 điều khổ nhất là sanh, tức là khổ đế.

* hiểu rõ ái dục là nguyên nhân sanh khổ, tức là tập đế.

* hiểu rõ Níp-bàn là nguyên nhân dục tắt khổ, tức là diệt đế.

* hiểu rõ cách hành để giải thoát khỏi khổ, tức là đạo đế.

Trong Majjhimanikāya, bài kinh Mahācattārīsakasutta (Đại Kinh Bốn Mươi) Đức Thế Tôn có dạy rằng: sammādiṭṭhiṃpahaṃ bhikkhave dvāyaṃ vadāmi-atthi…này các thầy Tỳ-khưu, Như Lai thuyết chánh kiến có hai phần là: chánh kiến còn lẫn phiền não thuộc về pháp thiện (pháp đạo). này các thầy Tỳ-khưu, Chánh Kiến cao quý là không lẫn phiền não là thánh đạo.

lokiyasammādiṭṭhi. Chánh Kiến của phàm nhân có là sự hiểu biết như vầy :

* atthi dinnaṃ: người bố thí đã bố thí rồi có phước.

* atthi yiṭṭhaṃ: rồi cúng dường đã cúng dường rồi có phước.

* atthi hutaṃ: sự tiếp độ người (quyến thuộc, bạn bè, vợ con) đã làm rồi có phước.

* atthi sukatadukkaṭānaṃ kammānaṃ phalaṃ vipāko: quả nghiệp mình đã làm thiện hay ác đều có phước.

* atthi ayaṃ loko: đời này có.

* atthi paro loko: đời khác có (ý nói ta là người đang ở trong đời này thì cõi đời khác cũng có hoặc khổ hay vui).

* atthi mātā: mẹ có ơn (có kẻ cho rằng mẹ không có ơn, vì bà nuôi ta là phận sự. sự thật, nếu thật sự bà nuôi ta vì phận sự thì không cần phải lo cho ta một cách mất ăn quên ngủ, hy sinh những gì mặc dầu là tội lỗi và đường nào cũng dám làm).

* atthi pitā: cha có ơn.

* atthi sattā opapātikā: có hàng chúng sanh thuộc về hạng hóa sanh (như chư Thiên và Phạm Thiên)

* atthi loke samaṇabrāhmaṇā: các hàng Sa-môn và Bà-la-môn đắc pháp cao thượng. ý nói rằng: tin rằng có các hàng tu hành chân chánh đắc được thiền định hay đạo quả. Theo đây cho thấy rằng: chánh Kiến của các bậc thánh nhân là thấy rõ tứ đế. Còn Chánh Kiến của phàm nhân là thấy rõ nghiệm của mình để tránh các điều ác, làm việc lành như trong kinh nhân quả có dạy: “dục tri tiền thế nhân. Kim sanh thọ giả thị. dục tri hậu thế quả”. Nghĩa :muốn biết nhân đời trước thì chúng ta hãy xem những quả báo mà chúng ta đang sống. Muốn biết quả tương lai của chúng ta như thế nào, thì chúng ta hãy nhìn những hành vi mà chúng ta đang làm..

Đức Thế Tôn dạy chúng ta không nên tin ngày giờ, sao hạn tốt xấu, không có ngày giờ xấu. xấu hay tốt do thân, khẩu, ý của con người ma ra thôi. lẽ cố nhiên, họa hay phúc đến cho chúng ta cũng đều do nơi chúng ta kêu gọi nó đến.

Tôi vẫn còn nhớ câu đức Phật dạy :

“Sunakkhattaṃ sumaṅgalaṃ

Suppabhātaṃ suhuṭṭhitaṃ

Sukhaṇo sumuhutto ca

Suyiṭṭhaṃ brahmacārisu[62]”.

Nghĩa: trong giờ phút mà chúng sanh trao đổi thân, khẩu, ý trong sạch gọi là ngày lành, giờ tốt, là hạnh phúc, là giờ sáng suốt, là ngày quang đãng, là sát-na lành, thời gian lành. (sự cúng dường mà người đã cúng dường đến chư thánh nhân giờ phút ấy), gọi là sự cúng dường cao thượng.

Ngày ấy gọi là thân, khẩu, ý được tấn hóa trong điều lành, sự mong ước của người đem được sự lợi ích đến (nghĩa là kết quả mỹ mãn).

Nói rõ ra, ngày giờ làm tội dầu lúc nào cũng đều là ngày xấu. ngày giờ lành gọi là ngày tốt. thời giờ mà chúng ta hoang phí trong cuộc truy hoan, phá sản là thời giờ xấu, còn những giờ mà chúng ta biết dùng vào công cuộc phước thiện là ngày giờ tốt.

Chúng ta không nên dùng thời giờ nhàn rỗi mà đào cái hố chôn mình. Ý tôi muốn nói rằng: chúng ta dùng thời giờ nhàn rỗi để cờ bạc, rượu chè, ấy tức là phá sản, cũng như chúng ta tự đào hố chôn mình. Đây là nói hiện tại, còn vị lai phải chịu cái quả mình đã tạo là đau khổ, nghèo đói, thiếu thốn, tật nguyền do ta đã tạo trong khi ta phá sản. nói cho dễ hiểu hơn, chẳng những hại trong lúc này mà kiếp sau còn đau khổ nữa. vậy những thời giờ nào làm lành đều là thời giờ tốt.

Ngoài ra, không có gì là hèn hạ hay xui, không có thần linh nào ban phước hay tác tội cho chúng ta. phải chăng tội phước đều do ta tạo ra, nó sẽ trở lại với ta như hình với bóng. nhắc đây để thiện tín thấy rằng: ngày mùng 5, 14, 23 là ngày xui, theo tôi, ngày đó rất tốt đối với thiện tín nào thọ Bát quan trai giới. người mà tin hiểu biết như thế gọi là Chánh Kiến của phàm nhân.

2. Chánh Tư Duy - Sammāsaṅkappo: là suy nghĩ chân chánh, có 3 điều :

* Nekkhammasaṅkappo: suy nghĩ về sự thoát ly trần tục.

* abyāpādasaṅkappo: suy nghĩ không oán thù.

* vihiṃsāsaṅkappo: suy nghĩ sự không làm hại người.

  • Giải chi thứ nhất

ý nói rằng: hãy suy nghĩ cho thấy rõ tội ngũ trần là vật vô thường, khổ não, vô ngã, nó là nguồn cội của sự đau khổ. người có trí nên kinh sợ và cố dứt bỏ nó. Ví như người đi bắt cá, khi họ thấy hang, nghĩ rằng chắc có cá, thọc tay vào bắt cá mà họ lại nắm nhằm rắn hổ. người ấy biết là rắn thì họ càng bóp chặt vì họ biết nếu không cẩn thận thì rắn cắn chết. từ từ kéo ra và lựa thế đạp chết. như người đời, trước kia thấy nhân này là của ta, sắc, thinh, khí, vị, xúc là đẹp, là vật đem lại sự an vui cho ta. Sau lại, thấy thân này là khổ, nó luôn luôn thay đổi. sắc, thinh, khí, vị, xúc là vật thường phản bội ta, hằng làm hại ta. Khi ấy họ biết rằng: từ xưa đến nay họ chấp lầm và họ nằm trong khuôn khổ của thân cũng như người nắm cổ rắn. họ cố phân tách ngũ uẩn ra từng chất để nhận thấy cái bất tịnh là vật uế trược, họ lại không nhận và chấp rằng của ta cũng như người đập rắn chết.

muốn xa ngũ trần, muốn phân tách thân này ra cho rõ rệt để mình thấy đời đầy sự giả dối, khổ sở đau đớn, chỉ có một con đường là xuất gia. Vì có xuất gia hành đạo mới đủ phương tiện thấy rõ cái khổ của ngũ trần, mới mong giải thoát khỏi ngũ trần. nên suy nghĩ thấy tài, sắc, lợi, danh đưa lại khổ rất nhiều mà vui rất ít.

thuyết đến đây tôi nhớ lại tích của đức Bồ-tát Temiya[63] là tiền thân đức Từ Phụ Thích-ca. Ngài vì sợ làm vua nên xuất gia. Trong khi ấy Ngài phải chịu 17 năm cực hình mới thoát ly được.

thuở xưa, đức vua Kāsika trị vì tại Bārāṇasī, ngài là một vị hiền vương nhưng rất tiếc là từ hoàng hậu đến phi tần không có người nào có con. Nhân dân lấy làm lạ mới yêu cầu đức vua khấn vái cầu nguyện làm sao có con đặng nối ngôi báu.

đức vua mới truyền cho hoàng hậu và các phi tần cầu nguyện cho có con. Khi ấy, hoàng hậu là công chúa con vua Maddarāja, bà là một vị hiền đức, từ bé đến lớn không bao giờ xa phạm hạnh là bố thí và thọ bát quan trai giới.

ngày bát quan trai giới, lịnh bà bố thí xong, ráng quan sát lại giới của mình xong mới phát nguyện rằng: “nếu giới hạnh của tôi hoàn toàn trong sạch, xin cho tôi sanh được một đứa con trai”.

Do oai đức của lịnh bà, làm nóng lòng đến đức Đế Thích. Ngài mới yêu cầu một vị chư thiên là Bồ-tát giáng sanh xuống trần, trước là bồi đắp ba-la-mật, sau là làm cho hoàng hậu vui lòng, vì bà là người có giới hạnh. đức Bồ-tát nhận lời hứa của đức Đế Thích giáng sanh vào lòng hoàng hậu.

Khi bà có thai, đức vua lấy làm hài lòng cho ngự y đến trông nom thuốc men. đến ngày lâm bồn, lịnh bà sanh được một hoàng tử. ngày lễ quáng đính, đức vua cho mời nhiều vị Bà-la-môn thông suốt tướng số đến, trước là cúng dường, sau xem tướng và đặt tên cho đông cung thái tử.

Sau khi xem tướng xong, các thầy bàn rằng: “đông cung thái tử sau này sẽ là một vị Chuyển Luân Vương”. đức vua lấy làm vui lòng đặt tên thái tử là Temiya. Nguyên nhân đặt tên ấy vì ngày sanh thái tử thì trời mưa, làm cho con người và cây cỏ xanh tươi. lẽ thứ nhì là làm cho đức vua cùng hoàng hậu và dân chúng được toại nguyện như nắng hạn gặp mưa nên đặt tên là Temiya.

Khi Temiya vừa được 1 tháng, phi tần mới trang điểm thật đẹp cho vua bồng. trong khi đang bồng thái tử thì có quan bắt 4 tên cướp đến cho đức vua phân xử. đức vua truyền một tên ra đánh một ngàn roi, tên thứ nhì bị giam chung thân, tên thứ ba bị đem đâm chết và tên thứ tư bị cột vào cọc rồi phóng bằng lao để đền tội cướp phá dân.

Trong chú giải có dạy rằng: trong 10 kiếp chót sắp thành Phật, khi sanh ra Bồ-tát có trí thông minh, hiểu biết, nói và đi như trẻ lớn.

Khi thái tử lắng tai nghe, Ngài lấy làm kinh sợ mới nghĩ rằng: “phụ vương vì muốn củng cố ngai vàng mà làm những điều tội lỗi xấu xa, chắc chắn không khỏi đọa vào bốn đường ác đạo”.

Ngày nọ, người vắng lặng, cảnh tịch mịch làm lòng thái tử hồi nhớ những cảnh ngày trước. Ngài mới nhìn quanh, thấy toàn là châu ngọc, màn nệm, toàn là nhung gấm thật sang cả. Ngài dùng trí tuệ hồi nhớ đến kiếp trước như vầy: “tư đâu ta sanh đến đây?” nhờ duyên lành nhiều, nghiệp trần mỏng nên Ngài biết được từ đạo lợi thiên đến. trước kiếp sanh lên Đạo Lợi, Ngài ở trong địa ngục Ussada đến tám muôn năm. trước khi sanh vào địa ngục, Ngài là một vị đế vương trị vì tại Bārāṇasī này 20 năm. Ngài trông thấy cái hậu quả của một nhà vua là thế. Lâu đài, dinh thự là miếng mời độc của ma vương. Ngài mới nghĩ thầm rằng: “bây giờ ta phải trở lại với ngai vàng, rồi đây làm sao tránh khỏi địa ngục. ta phải phân xử những chuyện mà phụ vương đã làm”.

Ngài rất kinh sợ, lo âu ngày kia phải lâm vào nơi ấy. Ngài trông thấy ngai vàng là tội khổ, muốn tìm kế thoát ly nhưng không biết làm sao.

Khi ấy, có một vị thiên nữ đang ở trong lâu đài, đã từng làm mẹ của ngài, bà hiểu lòng thái tử đang tìm phương giải thoát. Bà mới hiện ra bảo rằng:

- này thái tử con ơi, con đừng buồn lo, nếu quả con muốn thoát ly khỏi ngai vàng thì mẹ sẽ chỉ dẫn cho con một phương pháp thoát ly. Con phải làm như người câm, điếc, ngu đần, khi con làm được như thế mới mong thoát ly được.

Khi ấy, bà dạy câu kệ rằng :

“Mā paṇḍiccayaṃ vibhāvaya

Bālamato bhava sabbapāṇinaṃ

Sabbo taṃ jano ocināyatu

Evaṃ tava attho bhavissati”.

Nghĩa: con chẳng nên tỏ ra mình là người thông minh, hãy làm cho người tưởng rằng ngu đần thì mọi người khi dễ và ghét con. Vì lẽ ấy, sự lợi ích sẽ phát sanh cho con.

Nghe xong như thế, thái tử đáp lại bằng bài kệ rằng:

“Karomi te taṃ vacanaṃ

Yaṃ maṃ bhaṇasi devate

Atthakāmāsi me amma

Hitakāmāsi devate”.

Nghĩa: thưa mẹ là thiên nữ, con sẽ thực hành theo lời mẹ nói. mẹ là người mong được sự lợi ích cho con.

từ ấy trở đi, thái tử cố làm theo lời dạy của thiên nữ. đức vua bỗng nhiên thấy con mình lại câm điếc, bại xuội như thế lấy làm lạ và rất buồn. đức vua mới truyền đem trẻ đồng trang lứa với thái tử đến để nằm chơi gần. khi đói, những trẻ ấy khóc đòi bú. Thái tử cũng đói lắm nhưng ngài tự dạy mình rằng: “mặc dầu thân này có tiều tụy, khô héo như dây bầu chăng nữa vẫn còn quý hơn phải sanh vào địa ngục”. nhờ vậy nên ngài không la khóc như những trẻ khác.

Phi tần thấy vậy lấy làm lạ và cảm động nên cho bú.

Riêng đức vua mới hội các vị lão thần và Bà-la-môn đến hỏi rằng :

- phải làm thế nào đối với thái tử?

- nếu vậy xin hoàng thượng bỏ đói ngài thì ngài sẽ cử động la khóc đòi bú.

kể từ ấy trở đi, cả một hai ngày mới cho thái tử bú một lần nhưng ngài không hề la khóc mặc dầu rất khổ.

nhắc đến đây, tôi xin nói thêm rằng: các đấng Giác Ngộ khi xưa rất kinh khủng đối với tội lỗi và lấy những cảnh khổ để dạy mình. Còn chúng ta hôm nay, mặc dầu nhà sư có nhắc nhở đi chăng nữa cũng không biết sợ, chỉ mong tìm cái vui cho thân trong kiếp sống của những ngày tàn của hiện tại thôi. Mong rằng quý vị nhớ đến ơn của đấng siêu phàm vô số kiếp hy sinh cặm cụi chế ra chiến xa để chống với giặc lòng, để đi đến nơi an vui hoàn toàn. Hôm nay, chúng ta được gặp không nên bỏ thời giờ quý báu, cố gắng hành theo, đó là cúng dường cao thượng.

sau lại, các vị lão thần tâu:

- trẻ con 1 tuổi thích ăn bánh. vậy xin đem các trẻ khác lại gần cho nó bóc ăn. tất nhiên thái tử sẽ thèm và bóc ăn.

đức vua thực hành theo. Lúc trẻ ăn vui vẻ bò qua bò lại làm thái tử rất thèm. Ngài mới tự nhủ với lòng rằng: “này Temiya ơi, ngươi muốn đi địa ngục lắm sao mà thèm ăn vật ấy?”

cách thử thách này tiếp diễn một năm nhưng không làm ngài bỏ tinh tấn. như thế mới trông thấy sự kinh sợ của các bậc trí thức và sự cương quyết của đức Bồ-tát.

Năm thái tử 2 tuổi, các lão thần tâu rằng:

- trẻ 2 tuổi thích ăn trái cây.

Nhà vua thực hành theo. Năm ấy, cả năm làm thế ấy nhưng vẫn không làm cho ngài rung động. khi lòng tham thèm muốn phát sanh, ngài tự dạy mình rằng: “Temiya ơi, ngươi đã bị đói khổ trong địa ngục đếm kiếp không cùng, đếm năm không hết mà ngươi chưa kinh sợ sao?”

Các vị lão thần tâu:

- trẻ 3 tuổi thích đồ chơi.

đức vua tìm các thứ đồ chơi đẹp cho thái tử chơi nhưng ngài vẫn kiên trí làm lơ.

Các vị lão thần tâu:

- trẻ 4 tuổi thích vật thực.

đức vua ban cho thái tử các thức ăn ngon nhưng vẫn không hiệu quả.

Các vị lão thần tâu:

- trẻ 5 tuổi sợ lửa.

đức vua truyền làm nhà bằng lá thật to, đem thái tử để làm chơi với các trẻ khác tại ấy rồi đốt trại ấy đi. Khi lửa cháy, các trẻ khác kinh sợ bỏ chạy hết. riêng thái tử dạy mình: “mặc dầu lửa này có nóng thế nào cũng không bằng lửa địa ngục”. Ngài nghĩ như vậy nên nằm yên. Các phi tần mới bồng thái tử ra. Thái tử bị thử thách như vậy trong một năm.

Các vị lão thần tâu:

- tâu đại vương, trẻ 6 tuổi sợ tượng.

đức vua truyền đem thái tử đến chỗ duyệt binh với các trẻ rồi ngài truyền thả tượng dữ. các trẻ sợ la khóc om sòm. đức Bồ-tát nghĩ: “ta bị tượng này đâm ta bằng ngà còn hơn là đọa vào địa ngục”. khi đoàn tượng ấy đến gần ngài, dùng vòi kéo tay chân ngài chơi làm ngài rất khó chịu. những người quản tượng thấy thế đến đuổi tượng đi. Thái tử bị một năm cực hình như thế.

Các vị lão thần tâu:

- trẻ con 7 tuổi sợ rắn.

đức vua truyền bắt rắn nhổ răng, may miệng lại rồi thả gần chỗ Ngài. rắn bò tới bò lui quanh ngài phùng mang như muốn mổ làm ngài rất khó chịu. nhưng ngài tự nghĩ rằng: “mặc dầu ta có chết vì nọc rắn quý hơn là bị đọa vào địa ngục”. Ngài chịu cực hình như vậy một năm.

Các vị lão thần tâu:

- trẻ con 8 tuổi thích ca hát.

đức vua truyền đem thái tử và các trẻ khác đến sân rộng cho múa hát. Có phi tần múa hát cho xem, đức Bồ-tát không màng gì đến cái vui địa ngục ấy.

Các vị lão thần tâu:

- trẻ con 9 tuổi sợ gươm đao và các khi giới khác.

đức vua mới truyền giám sát mặc đồ rất dữ, kẻ cầm búa người xách đao đến chỗ Bồ-tát và trẻ con đang chơi. bọn ấy dọa nạt tính giết các trẻ. bọn trẻ kinh sợ chạy trốn hết chi còn một mình đức Bồ-tát. Ngài mới nghĩ rằng: “ta dù có bị đứt đầu đi nữa cũng còn hơn đọa vào địa ngục”. thế nên ngài không sợ. cuộc thử thách ấy cũng một năm.

Các vị lão thần tâu:

- trẻ con 10 tuổi sợ tiếng động lớn.

đức vua mới truyền che phòng kín để thái tử nằm trong, trên một cái sạp thật to. mật truyền cho những người thổi kèn ẩn dưới sạp ấy đồng thổi kèn lên một lúc làm cho thái tử giật mình. nhưng ngài vẫn không thối chuyển.

Các vị lão thần tâu:

- trẻ con 11 tuổi sợ tiếng đồng la và cồn.

đức vua thực hành theo nhưng vẫn không hiệu quả.

Các vị lão thần tâu:

- trẻ con 12 tuổi sợ đèn.

đức vua truyền đem Bồ-tát vào chỗ thật tối rồi đốt đuốc lên một lượt cho thật sáng. kết quả vẫn như không. Thái tử chịu như vậy một năm.

Các vị lão thần tâu:

- trẻ con 13 tuổi sợ ruồi.

đức vua truyền đem mật đường đến thoa khắp mình thái tử rồi đem Ngài để nơi có ruồi nhiều. ruồi được hơi đường mật liền bu lại ăn, nào là khóe mắt, khóe miệng…làm cho đau nhức và nhột. khi bị khổ sở khó chịu, thái tử mới nghĩ rằng: “ta thà chết vì ruồi đục khoét còn hơn là bị đọa vào địa ngục”. Ngài phải cố gắng lắm mới không cử động trong lúc ấy. đây là điều làm cho ngài khó chịu nhất trong thời gian qua. Ngài chịu như thế hết một năm.

Các vị lão thần tâu:

- trẻ con 14 tuổi sợ đồ ô uế.

đức vua truyền phi tần không được tắm cho thái tử, để đại tiểu tiện dính mình. Ngài phải nằm trên đống phẩn và nước tiểu của mình, ruồi nhặng đến bu đã dơ mà còn hôi thối nữa. đức Bồ-tát nghĩ rằng: “mùi hôi thối này thật khó chịu nhưng không bằng mùi hôi thối của địa ngục”. Ngài chịu cực hình này đến một năm.

Các vị lão thần tâu:

- trẻ con 15 tuổi sợ nóng.

đức vua truyền đem thái tử đến nằm trên một giường tre, đem những lò than đốt lửa rất to để dưới giường Ngài. Ngài bị sức nóng làm phỏng cả da, khó mà chịu nổi. Ngài lấy làm khổ sở nhưng ngài tự dạy mình rằng: “lửa địa ngục nóng hơn lửa này gấp mấy ngàn lần, lửa này ta cũng vẫn còn chịu nổi”. rồi Ngài phát nguyện nhẫn nại chịu tất cả những hình phạt nặng nề hơn nữa cũng không sờn lòng. lại một năm thử thách nữa như thế.

Các vị lão thần tâu:

- lẽ cố nhiên chúng sanh ở cõi đời này dù đui, mù, què, điếc, bại xuội, câm, khùng cũng không chạy khỏi mỹ nhân kế. vậy xin đại vương hãy dùng sắc đẹp, chắc chắn sẽ thu phục được thái tử. vì đó là món mồi ngon, không chúng sanh nào chê cả.

Đây là một ván chót mà cũng là một giai đoạn rất khó vượt qua như tình cảm của thái tử. lập tức rất nhiều mỹ nữ được tuyển chọn. đức vua cho trang điểm lộng lẫy và lã lơi đi vào phòng thái tử mà trêu ghẹo ngài. Thái tử liền nhắm mắt lại, dường như không biết gì về vạn vật thế giới bên ngoài. những cảm xúc thơm tho, êm ái cũng không làm cho ngài rung động chút gì. Ngài phát nguyện rằng: “xin cho những mỹ nữ này không dám sờ mó đến thân ta nữa”.

trước kia, các mỹ nữ tưởng có thể cảm hóa được thái tử, sau lại thấy thái tử nằm yên không cử động và nhắm mắt không thấy thở như người chết. vì lòng phát nguyện của bậc đã dày công tu tập ba-la-mật nên khiến lòng các cô ấy hồi hộp rồi lo sợ rồi đâm ra nghi hoặc:

- thái tử quả thật không phải con người. chắc là Dạ-xoa cho nên thân hình mới cứng rắn như vậy.

vì nghĩ thế nên kinh sợ không dám đến gần. các mỹ nữ lần lần rủ nhau trốn hết.

các vị lão thần và Bà-la-môn cùng đức vua Kāsika đã thử lòng thái tử suốt 16 năm nhưng không được gì. đức vua không còn biết làm gì nữa khiến lòng Ngài bâng khuâng, buồn rầu không thể nhẫn nại được nữa. đức vua mới nghĩ rằng: “có lẽ con ta là người đê tiện nên mới có những tật quá xấu như vậy”. Ngài bèn truyền các thầy Bà-la-môn đến xem tướng cho thái tử lần nữa. đức vua mới phán hỏi rằng :

- trước kia, các thầy xem tướng con ta, có tiên tri rằng: con ta là đấng có nhiều phúc đức cao quý. tại sao hôm nay thái tử thành một kẻ phế nhân như vậy?

- tâu đại vương, chúng thần biết trước thái tử sẽ trở nên như thế này nhưng vì lẽ thái tử là người con duy nhất của hoàng thượng nên không dám nói rõ vì sợ hoàng thượng không vui. nếu hoàng thượng còn cố nuôi thái tử sẽ bị ba điều tai hại là: hoàng thượng phải thăng hà, ngai vàng sẽ bị sụp đổ và hoàng hậu phải ly thân. sự thật, thái tử là người đê tiện nhất trong cõi đời này. Hãy chở ra phía tây thành chôn sống mới được.

đức vua nghe qua lấy làm kinh sợ nên truyền thực hành theo lời của các thầy Bà-la-môn.

nhắc đến đoạn này xin thiện tín nhớ rằng: sự đoán tướng thật không chân chánh đâu. Khi giàu họ đoán khác, nghèo họ đoán khác, không đúng vào đâu cả.

khi hoàng hậu Candādevī nghe lệnh ấy làm kinh sợ, bà vào chầu xin tội cho con và xin đức vua cho thái tử trị vì 7 năm. đức vua không cho, nài nỉ mãi đến còn 7 ngày.

đức vua vì nể hoàng hậu nên đồng ý chuẩn tấu, lệnh truyền đi khắp nơi cho nhân dân biết ngài truyền ngôi cho thái tử Temiya 7 ngày.

đức vua truyền đem thái tử tắm rửa sạch sẽ, cho mặc triều phục, có bá quan văn võ phủ phục tung hô rồi đưa đi quanh thành để dân chúng tung hô.

Sau cuộc lễ, thái tử được đem vào cung, hoàng hậu mới đến ôm con vào lòng khóc và nói rằng:

- Temiya yêu quý của mẹ ơi, 16 năm trường mẹ đau khổ vì con, mẹ mất ăn mất ngủ vì con, vì sự tật nguyền của con. mẹ biết con không phải là đứa con ngu ngốc, đần độn, câm điếc. con ơi! Con đừng để mẹ sống những ngày bơ vơ sầu thảm. con ơi! nguồn an ủi của mẹ là con, mà lỡ nào con lại quên mẹ, dứt áo ra đi một mình cho đành. mất con rồi, tình mẫu tử mẹ biết tìm nơi nào hở con?

Hoàng hậu khóc như thế 6 ngày đêm. Sáu ngày này là một cực hình đối với thái tử. vì lòng thương mẹ nhưng thái tử không dám mở miệng.

rạng sáng ngày thứ 7, đức vua truyền xe đem thái tử chôn sống ở rừng sâu. Hoàng hậu mới ôm con vào lòng than khóc rằng:

- Temiya yêu quý của mẹ ơi, phụ vương đã quyết định đem chôn sống con ngày hôm nay. Con mà có hệ gì làm sao mẹ sống nổi, đối với mẹ, thiếu con là thiếu cả sự an vui. Cung nội đầy vui sướng xa hoa, đối với mẹ mà thiếu con thì khác nào cảnh ngục tù. chỉ có con mới đem an vui cho đời mẹ. mẹ mà thiếu con thì sống làm sao hở con? Temiya ơi! mẹ không dè đời mẹ vô phúc thế này.

Thái tử rất đau lòng khi thấy mẹ than khóc vì mình. 16 năm thử thách cực kỳ đau khổ nhưng không bằng lời than khóc của mẹ. Ngài định nói một lời để an ủi mẹ nhưng ngài nghĩ dầu làm cho mẹ vui trong kiếp này không bằng cứu mẹ giải thoát. Ngài đã chịu cực hình 16 năm, nếu nói ra làm sao thoát ly được những lâu đài, xinh đẹp, mỹ nữ yêu kiều và nhất là không thoát khỏi địa ngục nên ngài nín lặng.

Khi xa phu bắt thái tử, hoàng hậu nằm lăn ra than khóc thảm thiết. thái tử thấy mẹ khổ sở vì mình mới tự bảo lòng rằng: “mẹ ơi! Con đành nhẫn tâm dứt áo ra đi để mẹ phải đau khổ là vì con muốn giải thoát. Con nguyện tìm ra pháp dục tắt lửa khổ để cứu phụ vương và mẫu hậu”.

lẽ thì phải lấy xe bắt tội nhân nhưng vì oai đức của đức Bồ-tát, xa phu không hiểu lại đem long xa đưa ngài đi. Khi đến rừng, xa phu đào lỗ, để thái tử nằm một mình. Thái tử tự nghĩ: “cả 16 năm không cử động, vậy ta có cử động được không?” nếu cử động không được làm sao thoát khỏi tay xa phu. Nghĩ thế, ngài mới phát nguyện rằng: “do nhờ phước báu và pháp ba-la-mật đã tạo từ nhiều kiếp, xin cho ta cử động được dễ dàng”. nguyện xong, ngài từ từ đứng dậy, đi và thấy khỏe mạnh như thường. Ngài đến gần xa phu lo đào huyệt, vỗ tay hỏi rằng:

- này anh xa phu, anh đào lỗ làm gì? Anh cho tôi biết với.

- thái tử Temiya là người đê tiện, đã câm điếc, bại xuội, lại còn ngu ngốc nên đức vua truyền dạy tôi đem chôn sống.

- này xa phu, đức vua dạy người đem chôn sống vì lẽ ta là kẻ phế nhân nhưng sự thật không phải vậy. nay ngươi hãy xem rõ ta coi. tứ chi ta còn đủ, có tật nguyền gì đâu.

Xa phu nghe và xem lại lấy làm lạ mới hỏi :

- Ngài là ai? Có phải là thiên vương hoặc Càn-thát-bà hay là Đế Thích?

- Ta là thái tử Bārāṇasī mà người sắp chôn sống đây. Ngươi không nên như thế. Khi ngươi trú mưa dưới gốc cây nào, khi ra đi không nên bẻ nhánh cây ấy. cây ấy ví như phụ vương ta, nhánh cây ví như ta, còn người núp dưới bóng cây ấy chính là ngươi. Nếu ngươi chôn sống ta là ngươi làm chuyện phi pháp, tiếng xấu lưu lại muôn đời.

Xa phu nghe qua lấy làm vừa lòng, bèn quỳ xuống yêu cầu thái tử trở về thành. Thái tử nhất định xuất gia. Khi ấy xa phu mới nghĩ rằng: “thái tử ráng nhẫn nại trong 16 năm, bị thử thách mọi điều đau khổ hầu mong thoát ly ngai vàng như người mau mau tránh khỏi tử thi sình, không tiếc, không ưa, không mến. còn ta là một tên xa phu vậy mà còn mê gì với cái thân nô lệ này. vậy ta nên xuất gia theo thái tử”.

Thái tử nghĩ: “nếu ta cho xa phu xuất gia theo thì phụ vương và mẫu hậu sẽ không có dịp đến nghe pháp”. Vì vậy ngài mới nói rõ cho xa phu nghe. Xa phu lại trở về.

Khi xa phu đánh xe về đến hoàng cung, hoàng hậu trông thấy mới hỏi rằng:

- này xa phu, khi ngươi chôn con ta, con ta có cử động chút nào không?

Xa phu mới đem chuyện ấy thuật lại cho đức vua và hoàng hậu nghe. đức vua và hoàng hậu lấy làm mừng rỡ, truyền sắp xa giá, quân sĩ để ngài rước thái tử trở về hoàng cung.

Khi đến nơi trông thấy con mặc đồ đạo sĩ, hoàng hậu tủi lòng ôm con vào than khóc thảm thiết.

đức vua hỏi:

- phụ vương lấy làm lạ rằng con ở rừng sâu, ăn trái, khoai củ và lá cây mà sao thân hình con tươi đẹp như thế này?

- Tâu phụ vương, được như thế này là nhờ con ở nơi thanh vắng, xa cả mọi việc đời, nhất là tài, sắc, lợi, danh, do nơi sự không buồn thương, mến tiếc những của đã có và lo sợ những của sắp mất. vì vậy nên thân hình con đẹp đẽ.

Câu này chứng tỏ rằng: trong khi lòng đầy dẫy phiền não thì dù có ăn ngọn mặc đẹp cũng chẳng bổ ích gì. bệnh nơi nào chữa nơi ấy. phiền não làm cho ta đau lòng khổ sở thì nên diệt trừ ngay phiền não. Khi hết lo âu buồn tiếc thì sẽ ăn ngon, ngủ yên, tự nhiên sẽ mập và mạnh khỏe. vậy xin nhắc thiện tín nên chữa tâm bệnh hơn là thân bệnh.

đức vua mới nói rằng:

- phụ vương yêu cầu con trở lại ngai vàng. Con còn trẻ tuổi, tóc còn đen, con đang thời kỳ niên thiếu thì sự xuất gia tầm đạo có bổ ích chi cho con đâu. Con nên trở về thành làm lợi ích cho nhân dân, nhân dân đang trông đợi con như nắng hạn đợi mưa.

Thái tử thuyết lên câu kệ:

“Yuvā care brahmacariyaṃ

Brahmacārī yuvā siyā                  

Daharassa hi pabbajjā

Etaṃ isīhi vaṇṇitaṃ”.

Nghĩa: tâu phụ vương, người thanh niên mới là người cần hành đạo, vì sự xuất gia và sự an tịnh của người thanh niên mới được các bậc trí thức ngợi khen.

- Tâu phụ vương, vì vậy con mới cố gắng hành đạo. con không ham muốn ngai vàng vì con hiểu rõ mặc đầu những đứa trẻ nam hay nữ đều có thể chết được hoặc người thanh niên cũng có thể chết được trước khi già.

Vì lẽ ấy nên người chẳng nên nói rằng: ta còn trẻ, chưa đến thời kỳ chết. lẽ cố nhiên tuổi thọ của người rất ít, càng ngày càng giảm ví như đời sống của loài cá trong ao cạn lúc mùa nắng. tất cả chúng sanh đều có sự kinh khủng, nhất là chết, già và đau (hai thứ ấy) đi theo tàn phá cho sức ngày càng yếu.

Tâu phụ vương, ngày và đêm trôi qua, chẳng phải trôi qua không không, ngày và đêm ấy đã giết mất tuổi thọ của con người. ngoài ra nó còn đoạt mất sắc đẹp và thân thể tráng kiện của con người. tuổi thọ con người càng ngày càng ngắn lại. ví như người thợ dệt dệt vải càng phút càng nhiều thêm. tuổi con người đã qua rồi, không bao giờ trở lại được. như dòng nước từ trên núi chảy xuống, nó chỉ chảy xuống một chiều nhưng không bao giờ nó chảy ngược lên. đời con người ở gần tử thần như cây ở gần bờ sông, không lâu sẽ bị đổ vì nước xoáy lở đất. vậy phụ vương còn yêu cầu con trở về ngai vàng làm gì nữa.

nhắc đến đây để thiện tín biết rằng: đức thái tử kinh sợ mùi bá vương, phú quý, vinh hoa nên không dám thọ lãnh. Vì ngài sợ sa đọa vào bốn đường ác đạo. riêng chúng sanh không có lại kiếm thêm cho nhiều thì làm sao mà không khổ.

đức vua nghe qua lòng đã chán và kinh sợ nên muốn xuất gia nhưng Ngài yêu cầu thái tử lần nữa.

thái tử kiên quyết nói lên câu kệ :

“Kiṃ dhanena yaṃ khīyetha

Kiṃ bhariyāya marissati

Kiṃ yobbanena jiṇṇena

Yaṃ jarāyābhibhuyyati”.

Nghĩa: tâu phụ vương, những của cải đã có, nó không bền vững lâu dài. Vì người chủ của ấy mặc dầu con sống đi nữa, của ấy lại bị mất đi vì những tai nạn là trộm cướp… hoặc khi của ấy chưa mất mà người chủ kia chết đi phải bỏ lại.

Tâu phụ vương, vì lẽ ấy nên sự trở lại với ngai vàng có ích gì cho con đâu mà phụ vương yêu cầu.

Còn nói về vợ đẹp cũng không bền vững. khi ta còn sống, họ lại chết bỏ ta, hoặc khi họ sống thì ta lại chết bỏ họ. như vậy, phụ vương muốn con trở về với ngai vàng làm gì. mặc dầu con vẫn còn trong độ tuổi thiếu niên nhưng đời không bền vững vì có cái già theo tàn phá từng sát-na.

Đành rằng con còn trẻ mà không có bổ ích gì khi ở ngai vàng, vì chúng sanh trong đời đều lệ thuộc tử thần. vậy thì lòng con có gì vui mà hãnh diện với ngũ trần. tâu phụ vương, con không có ý ưa thích gì với mùi bá vương và vợ con. Vì con đã cố xa mùi tục lụy, vợ con. mặc dầu con đã hiểu sự thật như thế nhưng con nào đã thoát khỏi tay tử thần. tử thần vẫn theo bên con, tàn sát con. một khi con biết tử thần theo bên con, tàn sát con thì con còn có lòng nào mà mê say của cải và vợ con. Tâu phụ vương, lẽ cố nhiên, khi chúng sanh đã sanh ra thì chắc chắn phải chết. ví như trái cây chín chắc chắn sẽ rụng. con người gặp nhau buổi sáng thì buổi chiều lại chết. gặp buổi chiều lại chết buổi sáng. người muốn mở mặt trận đấu với tử thần bằng thủy lục, không quân không được, mặc dầu người ấy có rất nhiều quân sĩ hùng dũng cũng không thắng được, vì tử thần đánh với ta không có mặt trận.

Tâu phụ vương, tử thần có rất nhiều quyền lực, không tha thứ các bậc đế vương có nhiều quyền lực cao quý nhất hay là bọn Chiên-đà-la hèn hạ nhất.

Vì vậy các bậc trí thức nên cố gắng làm lành, không nên dể duôi. Có ai biết chắc rằng ngày mai ta chết mà xin tử thần khoan đến. tâu phụ vương, con không còn đủ can đảm để say mê theo bã vinh hoa, mùi bá vương khi mà tử thần rình rập giết con.

vậy xin phụ vương hãy trở về ngai vàng, phần con thì đã quyết định rồi.

đức vua nghe qua lấy làm chán với ngai vàng, ngài hiểu rõ rằng: “đối với tử thần thì đành thúc thủ, không chiến đấu được. ngai vàng phải bỏ lại trong khi mà ngài chưa muốn bỏ. không có vật gì ta có thể đem theo về thế giới mới được”.

Ngài liền xin xuất gia theo thái tử và mọi người có mặt nơi đó cũng xin xuất gia theo.

Có hai vị vua xứ láng giềng nghe tin liền đi đến xứ Bārānasī và sau đó cũng xin xuất gia.

kết thúc, Đức Thế Tôn dạy rằng: “này các thầy Tỳ-khưu, chẳng phải chỉ trong kiếp này Như Lai thấy khổ, bỏ ngai vàng đi xuất gia như thế”.

Đức Thế Tôn dạy thêm rằng: “thái tử Temiya chính là tiền thân của Như Lai, vị chư thiên chỉ cách cho Như Lai tu chính là Tỳ-khưu ni Uppalavannā, người xa phu chính là Xá-lợi-phất, đức vua Kāsika chính là phụ vương Như Lai, hoàng hậu Candādevī chính là mẫu hậu ta”.

nhắc tích này để thiện tín thấy rằng: chánh Tư Duy là suy nghĩ chân chánh, là suy nghĩ xa ngũ trần, tội ác. Đây là một trong ba chi. sự thật con người luân hồi vì si mê theo tài, sắc, lợi, danh. nếu biết kinh sợ như thái tử thì không bao giờ đọa vào ác đạo, mà được giải thoát mau lẹ.

  • Giải chi thứ nhì

sự suy nghĩ không cột oan trái, oán thù. người nên dùng trí tuệ suy nghĩ thấy cái hại của sự cột oan trái là một thứ lửa đốt lòng ta từng phút. Khi gặp mặt kẻ thù, ta cảm thấy khó chịu. người cột oan trái, oán thù hay là bị người khác cột oán thù thì không bao giờ ăn ngon ngủ yên được, luôn băn khoăn lo ngại, bị ốm, gầy mòn vì kinh sợ.

vì vậy Đức Thế Tôn có dạy câu kệ:

“Na hi verena verāni

Sammantīdha kudācanaṃ

Averena casammanti

Esa dhammo sanantano[64]”.

Nghĩa: sự oan trái, oán thù không bao giờ dứt vì sự cột oan trái, oán thù. sự oán thù sẽ dút vì sự không cột oán thù. Đó là pháp mà các bậc trí thức nhất là Đức Phật khi xưa hành để dục tắt oán thù.

vậy xin quý vị nhớ câu này và ráng cố dứt bỏ sự oán thù, oan trái mới có sự an vui.

  • Giải chi thứ ba.

Suy nghĩ về sự không làm hại người. người thường ganh tị hay oán thù khi trông thấy kẻ khác được an vui, muốn phá hoại. vậy muốn trừ cái nạn ấy, ta phải suy nghĩ sự không làm hại người, nên có trí thấy cái hại của kẻ khác. Theo câu Phật dạy: “người có nhiều bệnh hoạn là do nơi làm hại kẻ khác”. Nên nghĩ lấy mình rằng: khi mà có người đến làm hại ta, ta đau khổ buồn rầu, tức giận, mặc dầu người ấy làm bằng hành động hay lời nói.

tại sao ta lại không bằng lòng? Vì sợ bị cái khổ. Thì ta không nên đưa cái mà ta không thích đến người khác. Ta thích an vui, sợ khổ thì ta sẽ được an vui, như Phật có dạy: “muốn người kính trọng mình thì hãy kính trọng người. muốn người cúng dường mình thì hãy cúng dường người”.

tóm lại, ta nên thương hại kẻ khác. Khi ta biết rằng: kẻ khác làm hại ta như thế ta không thích. Suy nghĩ được như vậy thì không bao giờ làm hại kẻ khác. mặc dầu ta suy nghĩ làm hại kẻ khác mà ta không thực hành, tác ý ấy cũng là một hình ảnh xấu chụp vào lòng ta rồi. tốt hơn hết là đừng có tập chi cho nó ảnh hưởng không tốt đến ta. Mong rằng quý vị nhớ hai món khí cụ này để dành đánh quân thù phiền não.

thời pháp sau lần lượt giải về bánh xe và thân xe.

BÀI 50 ĐỜI ĐÁNG YÊU HAY ĐÁNG CHÁN?

bạch hóa chư Đại Đức tăng.

Kính thưa quý Ngài trong ban giám đốc hội TTHVN và quý thính giả.

đại diện cho bổn đạo chùa Kỳ Viên, một nhóm tối thiểu tín đồ đã từng sống trong Phật Giáo Đại Thừa, nhưng vì một quan niệm riêng biệt, sau khi xem qua các giai đoạn biến chuyển trong lịch sử Phật Giáo, muốn sống trở lại thời kỳ Đức Phật Gotama còn tại thế, mong tìm cái tinh hoa đầu tiên của Phật Pháp trước khi nó bị phai lạt mùi vị, do sự chia rẽ của tín đồ ra hai phái Đại Thừa và Tiểu Thừa, tôi trộm thấy, từ giáo lý của Phật Giáo Đại Thừa trở lại tôn chỉ cũ của Phật Giáo Nguyên Thủy. chúng tôi là kẻ đi ngược trào lưu hiện hữu.

trong bước phản bộ về nguồn gốc, chúng tôi không thể tiến kịp các tập đoàn Phật Giáo đàn anh. Hơn nữa, chúng tôi là những kẻ tài sơ trí siển, chỉ có một tấm lòng thành thật, đem đến đây một hòn gạch mọn, cống hiến vào công việc kiến trúc nền mống của tòa lầu huynh đệ đại đồng do hội TTHVN chủ trương sáng lập. với trình độ thấp kém, quan niệm của chúng tôi bao giờ cũng thô sơ, mong cầu chư Đại Đức Tăng và quý vị thiện hữu trí thức niệm tình tha thứ cho thì ân đức ấy rất thâm trọng.

trước khi vào đề, tôi xin lễ bái ba ngôi Tam Bảo tóm tắt: tôi xin nghiêng thân, khẩu, ý trong sạch, hết lòng thành kính làm lễ Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo, là ba nơi lễ bái cúng dường của chư Thiên và nhân loại.

do sự lễ bái này, mong cầu oai lực Tam Bảo hộ trì cho các bậc Tỳ-khưu và quý vị thiện hữu trí thức hiện diện nơi đây được xa lánh các sự rủi ro tai hại và được nhiều hạnh phúc lâu dài.

Tôi xin nhập đề.

đời đáng yêu hay đáng chán?

đầu đề đã nêu ra như thế ấy, sở dĩ vì đời, vì phép lịch sự ở đời, vì xã giao với đời mà chúng tôi buộc phải đường đột ra giữa cuộc cộng đồng giáo lý này, để trước nhất khỏi phụ tấm lòng hoài cổ của quý anh trong hội TTHVN, sau nữa là để phụ một phần nhỏ nhen trong vai trò đời hơn là đưa tài biện luận về đời. bởi thế nên chúng tôi xin đóng vai trò chạy hiệu để vác giáo, cầm cờ, hùa, đùa 6 rể theo mệnh lệnh của các bậc huynh trưởng đã lão thông việc đời và đã từng sống một cuộc đời thanh cao.

Chúng tôi tự hỏi: nếu yêu đời, đâu có chán đời. bằng chán đời, ắt hết yêu đời. mà đời là gì? hiểu đời thế nào gọi là yêu đời? sống đời bằng cách nào mà phải chán đời? mục đích của đời ra sao? Ai là người có đủ tư cách yêu đời?

đặt ra câu hỏi phải ráng trả lời, hay-dở thôi kệ, ỷ lại có các anh phê bình và dạy thêm cho.

đời là gì?

phải chăng đời là khoảng thời gian trôi chảy từ lúc con người mới lọt lòng mẹ, khóc lên ba tiếng oa oa gọi là chào đời đến khi bị tử thần uy bách, phải thở hơi thở cuối cùng gọi là qua đời.

với sự phát triển và thay đổi liên tiếp của tất cả các phần trong người, như xác thịt, tâm hồn và tinh thần, với các xu hướng về lý tưởng, luân lý và xã hội. với những khó khăn thất bại, hy vọng và can đảm. với những thành công đắc chí, ngạo mạn và kiêu căng. với những vui buồn trong sự thay đổi hoặc cảnh sum họp chia lìa? Đây chỉ là cái đời chật hẹp của cá nhân, chưa mấy đúng theo định nghĩa của chữ đời.

vậy thì đời rộng lớn phải chăng là sự sống chung của những người trong một xứ, hoặc của toàn thể nhân loại, trong khoảng thời gian không nhất định, với tất cả tình trạng riêng tư của những đời cá nhân và trào lưu tiến hóa của xã hội?. theo Phật Giáo, đời là sông mê, biển khổ, đời là những thác hiện tượng có 3 tánh cách vô thường, khổ não, vô ngã.

Tóm lại, nếu chúng tôi không lầm thì về phương diện thế tục, đời có 2: đời chật hẹp của mỗi cá nhân và đời rộng lớn của xã hội. theo quan niệm Phật Giáo, đời là sống tạm, luân hồi và khổ não.

hiểu đời thế nào là yêu đời?

đời là sự sống của ta thì ai lại không yêu đời. đời là tình trạng tồn tại của nòi giống ta, ta phải có phận sự duy trì nó.

hiểu đời như thế ấy để yêu đời thì tình yêu kia có giới hạn, tất là thấp thỏi bởi tánh cách ích kỷ của loài người. vì thường đời của ta, ta phải bảo tồn nó, phải làm cho nó được hạnh phúc. lẽ cố nhiên ta phải tranh đấu, mà tranh đấu là giành giựt, câu xé, trước nhất với những người xung quanh ta, gây ra sự chênh lệch giữa quyền lợi của ta và của nòi giống ta là điều không thể tránh được. nhưng nếu ta biết đem sức lực và tài năng làm ăn chấn chất thì sự tranh đấu mới là chánh đáng.

nếu đó là một điều lợi ích cho sự yêu đời trong sạch thì cái lợi này không thể bù sớt cho những sự hại của phương pháp nuôi sống theo tà mạng.

lòng tham sống hằng sai khiến người đời cướp bóc lẫn nhau, không kiêng nể luật nước, thậm chí giết người đoạt của cũng chẳng gớm tay, dầu cho người ấy cùng một nòi, một giống.

yêu đời bằng cách ích kỷ, hại nhân như thế ấy, với những mưu mô xảo trá, với những sự xung đột về lý tưởng và tai hại về luân lý đã gây ra nhiều đau khổ cho nhân loại.   hoặc chiến tranh đã đem lại cho thế giới bao nhiêu điều tàn khốc, mà ngòi khói lửa vẫn còn đang chờ ngày bùng nổ vì sự hiểu đời trong phạm vi chật hẹp, vì sự yêu đời trong giới hạn gia đình, chủng tộc, trong chủ nghĩa vị kỷ của bè đảng, trong quan niệm câu chấp của một tông phái.

Yêu đời mình mà phải thương tổn đến đời kẻ khác, yêu đời của dân tộc mình mà phải đi chinh nghiêng, điên đảo đời dân tộc khác, là yêu theo làn sóng văn minh vật chất. cho nên trong thế hệ chúng ta, hơn tất cả thế hệ khác, ai ai cũng cảm thấy mình đang sống trong cảnh phập phòng lo sợ và tự hỏi đời phải phó thác nơi đâu cho khỏi kinh hoàng, bi thảm, khỏi sự khó khăn trong cuộc sinh tồn.

Không cần phó thác và ỷ lại nơi đâu, con người có thể sống một cuộc đời thanh cao, vui thú, miễn là biết quý trọng đời của kẻ khác như đời mình và toàn thể nhân loại yêu nhau như con một nhà.

Nhưng than ôi, số người biết thương đời với tinh thần bình đẳng, bác ái, với đức từ bi rộng lớn bao la thật hy hữu, bởi xã hội chưa chịu áp dụng và thực hiện nghệ thuật sống đời.

sống bằng cách nào mà phải chán đời?

cùng chung ở trên mặt đất, thở chung một không khí, hưởng chung những sản vật thiên nhiên mà không chịu sống chung. Khi gặp vui thì giành hưởng một mình, lúc lâm khổ cũng ráng thọ khổ một mình. Nhưng đến lúc bỉ thời, có người than thân trách phận, đâm ra chán đời.

sống theo thường tình thế gian chỉ có một cách, kẻ chán đời với người yêu đời có khác nhau là khác trong cảnh ngộ tương đối thôi. Tranh đấu để mưu cầu hạnh phúc cá nhân, kết cuộc họ không được toại nguyện, như thất bại trong công cuộc kinh danh, lập nghiệp phải bị phá sản, nghèo cực, bị bạn tác phụ bạc khinh rẻ, hoặc thất vọng vì tình, hoặc say mê theo cờ bạc, nợ nần níu kéo, vợ con đói khổ, hoặc phải mang lấy chứng bệnh nan y, họ đâm ra chán đời.

trong hoàn cảnh ấy, có người tưởng rằng mục đích của đời sống là sự chết nên hối hả đi gấp đến mục đích bằng cách quyên sinh tự tử. có kẻ cảm thấy bất lực trước sức mạnh vật chất nên cam phận ký sinh, gượng sống trong các cơ quan từ thiện hoặc am tự để chờ ngày lìa bỏ cõi đời vô vị. chán đời như thế ấy chẳng qua là sự bất đắc dĩ đó thôi, và cũng bởi người ta không chịu tìm mục đích ở đời.

mục đích ở đời.

sống là luôn luôn bị tai họa đe dọa, sống để khổ, sống để thấy được những người xung quanh ta bị đau khổ, sống như thế ấy, chúng ta không tham sống.

trong giờ nghiêm trọng chúng ta sống ở đây, ai ai cũng có cảm giác bị lôi kéo đến chỗ diệt vong nên cùng khắp năm châu bốn biển, dường như người ta kinh sợ và hối hả trù tính kế hoạch cải thiện đời sống nhân loại trong khuôn khổ hòa bình, hạnh phúc. Nhưng hòa bình chưa thực hiện còn chiến tranh vẫn kéo dài. Bao nhiêu mâu thuẫn đã chứng tỏ rằng con người hiện sống không thành thật, không từ thiện và không lợi ích. người ta vẫn hiểu biết như vậy nhưng bản tánh ích kỷ không cho phép sống cách nào khác hơn.

hắc lực của ích kỷ biểu phải sống trên xương máu của đồng loại. huệ tâm của bác ái dạy sống là tiến, tiến đến chỗ hoàn thiện là thực hiện cái mộng công bình, nhân đạo, hạnh phúc, để đạt mục đích thanh cao. mục đích ấy mặc dầu chúng ta chưa đủ tài thi thố, phải tươi cười tử tế, an ủi những kẻ bất hạnh, phải săn sóc người khốn khó, để tỏ cho họ thấy rằng đời người có thể tốt đẹp đáng yêu, đáng quý vì nó có một ý nghĩa, vì nó đáng sống. chúng ta đang sống trong cơn bồi hồi, lo sợ vì tình thế căng thẳng giữa các dân tộc, vì bởi người không công nhận cái nguyên tắc “quên mình để sống cho kẻ khác”.

nhận thấy thảm họa trước mắt mà không biết và không thực hành mục đích ấy, dầu có yêu đời cũng không bổ ích cho đời.

ai là người có đủ tư cách yêu đời?

người biết quên mình sống cho kẻ khác, trong đời có ít. Toàn cõi Châu Á chỉ có một người đã thực hiện mục đích ấy chính là Bồ-tát Siddhattha. Đang sống trong cảnh giàu sang phú quý mà Ngài hy sinh cả giang san, sự nghiệp, vợ đẹp, con yêu để tìm phương phụng sự cho đời.

trải qua vô lượng kiếp Ngài đã hy sinh quên mình, mong đem lại lợi ích cho đời, trước bố thí tiền của, sau bố thí vợ con, tay mắt và cả sinh mạng mà Ngài vẫn chưa lấy làm toại nguyện. bởi vì Ngài nhận thấy phương pháp ấy chưa được cứu cánh, vì nhân loại vẫn còn trầm mê trong biển khổ trần ai. nhờ thấy rõ cái khổ ở đời nên kiếp nào Ngài cũng thực hành cái chí nguyện giúp ích cho đời. Ngài đã từng can đảm cắt đứt tình thương chật hẹp của đời Ngài, để yêu mến bao hàm cả đời chúng sanh. nhờ vậy mà Ngài thành Phật, diệt tận nguồn gốc sự khổ và thông suốt cái định luật nhân quả luân hồi.

sau khi thành công đắc đạo, trọn 45 năm, đức Phật Gotama du hành từ thành này qua xứ nọ, gióng trống chân lý, tỉnh thức quần sanh đang ngủ ngầm trong giấc mộng vô minh. tuổi già 80 còn tận tụy hy sinh đến mòn hơi mới chịu lìa bỏ xác thân, để lại cho thế gian một sự nghiệp vĩ đại, khiến cho ai ai cũng phải nghiêng mình kính phục.

trong những lời di huấn tối hậu, đức Phật dạy rằng: “kính mến Như Lai bằng cách thờ cúng Như Lai chẳng cao thượng bằng thực hành theo Giáo Pháp của Như Lai”. Đi theo con đường phóng sẵn của Đức Phật là noi gương yêu đời và phụng sự đời như Đức Phật.

muốn yêu đời trước hết phải yêu đời mình cho chính đáng là ăn ở theo đạo lý luân thường, giữ tròn phận sự làm người, không sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu để tỏ ra mình có đủ nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Đó là thương mình, tôn kính mình, nâng cao tinh thần đạo đức mình cho xứng đáng với phẩm hạnh của người làm người. phải làm ăn theo chánh mạng, không tham lam xảo trá, lường gạt, bóc lột, không ỷ lại nơi kẻ khác mà phải tự cường, tự lực, nuối sống lấy mình và gia đình mình. phải đem lòng từ thiện, thương xót đồng loại và giúp ích cho đời.

nếu được một người, mười người, trăm vạn người, toàn dân trong một nước, tất cả nhân loại đều hành theo tôn chỉ nói trên thì xã hội sẽ được vui sống một cuộc đời ôn hòa, nhu thuận. mỗi người mỗi biết yêu đời cá nhân của mình và biết giữ tròn phận sự của một tín đồ Phật Giáo. chẳng cần đề cập đến đời sống xã hội mà kết cuộc nó sẽ được yêu quý đồng đều và tình huynh đệ đại đồng có lo cũng bằng thừa.

xử tròn nhân đạo là giai đoạn đầu tiên trong phương pháp yêu đời của Đức Phật Gotama. Trên bước sơ khởi này, muốn tiến hóa cho mau chóng nên đến chỗ cứu cánh, Đức Phật dạy:

- trong khi yêu đời và phụng sự đời, hàng Phật tử phải thường xuyên suy xét về 3 tướng vô thường, khổ não, vô ngã của vạn vật và tham cứu tường tận cái định luật nhân quả luân hồi để thấu rõ tánh cách giả tạo của đời, hầu khỏi mê lụy vì đời và đừng gây nhân tạo nghiệp mà phải trầm luân trong biển luân hồi. trao dồi cho được tinh thông pháp minh xét ấy mới mong chứng đạo quả vô thượng bồ đề.

Đây là pháp cao thượng chỉ dành cho một số ít người đã làm tròn nhiệm vụ đối với gia đình và xã hội.

phần đông chúng ta còn nặng nợ đời, dầu muốn chạy mau đến mức cũng không được. phận sự của chúng ta đối với gia đình và xã hội chưa rồi, muốn được chơn giải thoát, phải nỗ lực yêu đời và phụng sự đời y theo lời Phật dạy. chừng đó, dầu muốn dầu không, chúng ta sẽ giải thoát, giải thoát cả phận sự đối với đời.

đó là chân lý của Phật Giáo. Mà chân lý chỉ có một không hai, chúng ta sẽ gặp nhau dưới ánh sáng của chân lý, miễn là chúng ta thành thật yêu chuộng chơn lý, để lấy chơn lý làm dây liên kết trên đường tiến hóa đến chỗ huynh đệ đại đồng.

kết luận.

toàn thể nhân loại yêu đời, yêu rồi có khi chán, mà chán rồi trở lại yêu. Yêu để triền miên gây khổ cho nhau, thế thì tình yêu ấy chẳng đáng khen đâu.

Yêu đời với tinh thần Phật Giáo, yêu để yêu thêm, yêu hoài, yêu mãi, yêu cho đến ngày vô sanh bất diệt mà không biết chán mới thật là yêu.

Namo Buddhāya. Tôi xin tôn kính Đức Thế Tôn.

Cư sĩ Nguyễn Văn Hiểu.

VÀI NÉT PHÁP SƯ THÔNG KHAM

Pháp sư Thông Kham tên thật Lê Phùng Xuân, sanh năm 1920. Thuở nhỏ theo cha mẹ sinh sống ở đất nước chùa tháp  Ai Lào. Chính mảnh đất phật giáo này đã nuôi lớn tâm hồn đạo đức và đã hướng ngài thọ giới xuất gia Sa di vào năm 1930. Tuy mới xuất gia Sa di không bao lâu, nhưng ngài có trí nhớ và sự thông minh phi thường nên học Trung cấp Phật học ở Lào nổi tiếng và ngày tốt nghiệp đổ thủ khoa. Ngày nhận văn bằng tốt nghiệp cũng là ngày được vua Lào nhận làm con nuôi. Năm 1940, ngài được Giáo hội Phật Giáo Lào gởi sang Camphuchia để tiếp tục học Cao Đẳng Pali- đây là ngôi trường cao nhất của Phật giáo hoàng gia Campuchia vào thời đó, cũng thời điểm này ngài thọ giới tỳ khưu tại Campuchia. Vị sư Việt Nam thời đó cùng học với ngài trong trường Cao đẳng Pali, đó là sư Hộ Giác.

Năm 1945, ngài tốt nghiệp Cao đẳng Pali.

Từ năm 1945 đến 1950, chu du  hoằng pháp ở Campuchia và Lào. Thời điểm này, ngài biên soạn và viết hơn 5 đầu sách tiếng Lào và Campuchia. Tên tuổi của ngài đã vang bóng một thời của hai vương quốc này.

Năm 1950, Pháp sư nhận lời mời của Hòa thượng Huệ Nghiêm về Việt Nam hoằng pháp ở Tổ đình Bửu Quang và chùa Kỳ Viên. Đặc biệt tại chùa Kỳ Viên pháp sư thường xuyên thuyết giảng phật pháp  và thường trụ tại đây.

Năm 1956, do bịnh duyên nên pháp sư hoàn tục để dưỡng bịnh trong một căn nhà trên đường Trần Hưng Đạo, Q.5, cho đến ngày viên tịch vào năm 1981.

Mặc dù vậy, Pháp sư vẫn được mời đến chùa Kỳ Viên giảng pháp vào những ngày chủ nhật. Chính những thời giảng của pháp sư giúp cho hàng Cư sỹ tại gia thông hiểu phật pháp Nguyên thủy trong thời kỳ sơ cơ mới du nhập. Chính những thời pháp của pháp sư biên soạn trước khi giảng, nên sau này trở thành tài liệu sách tham khảo của Chư tăng và Phật tử Việt Nam.

Pháp sư Thông Kham là tác giả dịch từ Theravada thành  Phật Giáo Nguyên Thủy đầu tiên, từ Phật Giáo Nguyên Thủy đã chính thức sử dụng vào năm 1952 trong quyển sách của pháp sư xuất bản tại chùa Kỳ Viên. Năm 1957, được sử dụng khi giáo hội chính thức được phép hoạt động với danh xưng: Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam trụ sở đặt tại Kỳ Viên Tự.

Pháp sư đã vĩnh viễn không còn ở dương thế này nữa, nhưng những tác phẩm của pháp sư vẫn còn sống mãi trong lòng của Tăng Ni và Phật tử Việt Nam. Những tác phẩm đó: Ba ngày luận đạo, Đế thích vấn đạo, Sưu tập pháp, 38 pháp an lành, Tam độc và pháp đối trị, Pháp môn phật tổ Gotama v.v…