HỘI PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY VIỆT NAM
---
TAM QUY (The Threefold Refuge)
(The Wheel Publication No 76)
Tác giả
Nyanaponika thera
Người dịch
Phạm Kim Khánh
Pl. 2512 ‒ Dl. 1968
Nhân ngày lễ “Đản-Sanh, Thành-Đạo và Niết-Bàn” của Phật-Tổ Gotama (Vesakha thứ 2512, ngày 11 tháng 6 1968),
Hội Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam ấn tống quyển: TAM QUY
Và thành tâm hồi hướng phước lành đến hương linh của Chư Liệt Vị Chiến Sĩ đã hy sinh vì Tổ Quốc và toàn thể Đồng Bào nạn nhân chiến tranh.
Cầu xin quả phúc nầy sớm đem lại Hòa bình, Thạnh trị cho đất nước Việt Nam.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Sau khi nghe Đức Phật thuyết bài Pháp về Lo Sợ và Kinh Hải vị Bà La Môn Janussoni xin Qui Y Tam Bảo và trở thành một cư sỉ Phật tử. (Trung A Hàm số 4: Kinh Bhayabherava)
Lúc ấy vị Bà-La-Môn đọc ba câu kinh qui y với lời lẽ có đôi phần khác biệt các câu thông thường mà chúng ta đọc ngày nay. Những chữ sau cùng là “Đức Gotama”, thay vì “Đức Phật”.
Trong phần I của quyển sách nhỏ nầy Đức Buddhaghosa chú giải ba câu kinh ấy bằng Phạn ngữ và Đại đức Nyanaponika thông dịch ra Anh ngữ, có rút ngắn chút ít.
Phần II là tư tưởng và chú giải của Đại đức Nyanaponika.
“Tôi đi tìm nương tựa nơi Đức Gotama”
(Bhavantaṃ Gotamaṃ saranaṃ gacchami)
Câu nầy có ý nghĩa: Đức Gotama là nơi nương tựa của tôi và Đức Gotama là lý tưởng lãnh đạo của tôi. Tôi đi tìm ẩn náu, nương tựa nơi Đức Gotama. Tôi hoàn toàn tin cậy và nương nhờ Ngài, xin theo chân và hết lòng tôn kính Ngài vì Ngài dập tắt Phiền Não và tạo Hạnh Phúc. Câu nầy cũng có ý nghĩa: Tôi hiểu biết chắc chắn rằng Ngài có những đặc điểm trên.
Giải thích theo lối nhứ nhì trong Phạn ngữ, căn nguyên của động từ có nghĩa “ra đi” (gati) cũng có nghĩa “hiểu biết” (buddhi).
Do đó câu: “Tôi đi tìm nương tựa nơi Đức Phật” cũng có thể hiểu là: “Tôi hiểu biết và am tường rằng Đức Phật là chổ nương tựa”.
“Tôi đi tìm nương tựa nơi Giáo pháp”
Danh từ Dhamma, giáo lý hay định luật, xuất xứ từ động từ “Dhareti”, giữ gìn hay ôm ấp. Theo sự chuyển hóa nầy, Giáo Pháp (dhamma) có thể được xem là nói nương tựa, chốn ẩn náu vì Giáo Pháp giữ gìn, duy trì và nâng đỡ chúng sanh bằng cách ngăn ngừa không để rơi vào trạng thái đau khổ. Giáo Pháp chỉ dạy một lối sống đúng theo lời giáo huấn để thành đạt Con Đường và thực hiện Dập Tắt (phiền não). Vậy Giáo Pháp (dhamma) trong câu kinh Qui Y là Con Đường Cao Qui mà cũng là Niết Bàn. Ngoài ra Giáo Pháp (dhamma) còn là sự thành tựu Quả Vị Cao Thượng (Tu-Đà-Hườn, Tư-Đà-Hàm, A-Na-Hàm, A-La-Hán) và cũng là Pháp Học (giáo lý ghi chép trong kinh sách, Pariyatti-dhamma).
“Tôi đi tìm nương tựa nơi Tăng”
Tăng (ở đây) là Giáo Hộ của những vị (thánh) Tăng kết hợp trong chánh kiến và giới hạnh chung (ditthisilasanghatena samhato ti sagnho). Như vậy Tăng (trong câu kinh qui y) là tập đoàn của tám hạng Chúng Sanh Cao Quí (ariyapuggala: những vị đã thành tựu bốn thánh đạo: Tu-Đà-Hườn đạo, Tu-Đà-Hàm đạo, A-Na-Hàm đạo, A-La-Hán đạo và bốn quả: Tu-Đà-Hườn quả, Tu-Đà-Hàm quả, A-Na-Hàm quả và A-La-Hán quả).
xXx
Để thấu hiểu rành mạch ý nghĩa của vấn đề “Nương Tựa” (Qui Y) ta phải quen thuộc với phương thức trình bày để cập đến:
1. Danh từ “Sarana”: nương tựa;
2. Đi tìm nương tựa (Saranagamana);
3. Ai đi tìm nương tựa?
4. Những phân hạng của sự qui-y;
5. Kết quả của sự qui-y;
6. Những bợn nhơ trong sự qui-y; và
7. Trường hợp sự Qui Y bị gián đoạn,
1. Về định nghĩa của danh từ “Sarana” (không nhằm vào sự chuyển hóa ngôn ngữ mà hướng về mục đích giải thích) bản chú giải ghi nhận mối liên quan với động từ “Sarati” đập hẹp, đồng nghĩa với “Himsati” giết chết. Nương Tựa được giải thích là “giết” bởi vì đối với người qui-y, chính Nương Tựa tiêu diệt mọi hiểm nguy và lo sợ, mọi khổ não và bợn nhơ. Nương Tựa cũng ám chỉ Tam Bảo.
Có lối giải thích khác: Đức Phật tiêu diệt nỗi lo sợ của chúng sanh bằng cách đem lại hạnh phúc và đánh tan phiền não. Giáo Pháp, bằng cách thoa dịu đau khổ và đưa chúng sanh vượt qua khoảng cách mênh mông của vòng luân hồi. Tăng, bằng cách (giúp thiện tín) thành đạt nhiều kết quả với những lễ nghi thông thường (như lễ bái, cúng dường…)
2. Đi tìm Nương Tựa là trạng thái tâm trong đó sự thành kính và niềm tin nơi Tam Bbo tiêu diệt mọi bợn nhơ, là trạng thái tâm phát triển tự nhiên do sự chấp nhận Tam Bảo là ý tưởng lãnh đạo (parayana) mà không trông cậy vào bất luận nơi nào khác (aparapacccayo).
3. Ai đi tìm Nương Tựa? Là chúng sanh có tâm trạng như được mô tả ở trên.
4. Sự đi tìm Nương Tựa hay Qui Y đại để phần làm hai: Tại thế và Siêu Thế.
Nương Tựa Siêu Thế dành cho những vị đã nhận thức Chân Lý Cao Quí (dittha sacca), ám chỉ tám hạng chúng sanh cao quí. Trong khoảnh khắc nhập lưu (lúc ấy mọi thằng thúc hoài nghi đã tiêu tan), lúc qui-y, Nương Tựa Siêu Thế thành công tận diệt mọi bơn nhơ có thể còn dư sót lại trong sự đi tìm Nương Tựa mà đối tượng là Niết Bàn và cơ năng gồm trọn vẹn Tam Bảo (hướng về đối tượng Niết Bàn),
Nương Tựa Tại Thế dành cho người phàm (puthujjana – tất cả những ai, tăng hay tục, còn ở ngoài vòng tứ thánh) chỉ thành công dồn ép nhất thời những bợn nhơ trong sự đi tìm Nương Tựa (qui-y). Đối tượng là Phật, Pháp và Tăng. Cùng lúc ấy đức tin nơi Tam Bảo tăng trưởng. Nương Tựa Tại Thế gồm có sự nung đúc đức tín (Saddha) nơi ba đối tượng trên. Chính đức tin nơi Tam Bảo được nhắc đến khi, trong thập độ (Mười Hành Động Xứng Đáng, punnakiriya vatthu), sự cố gắng giữ kiến thức luôn luôn chánh đáng (ditthujju kamma) được định nghĩa là Chánh Kiến bắt nguồn từ đức tin (saddhamalika sammaditthi).
Nương Tựa Tại Thế có bốn hạng:
a) Sự dâng mình qui phục (attasanniyyatana).
b) Sự chấp nhận (Tam Bảo) là lý tưởng lãnh đạo (tapparayanata).
c) Sự ưng thuận làm môn đệ (sisabhavupagamana).
d) Lòng thành kính biểu lộ dưới hình thức lễ bái (panipata).
a. Sự dâng mình qui phục: Được bài tỏ như sau:
“Ajja ādim katvā ahaṃ attānaṃ Buddhassa niyyātemi Dhammassa Saṅghassā’ti”
“Từ đây trở về sau, con xin dâng mình qui phục Đức Phật… Đức Pháp… Đức Tăng”
Đây cũng là một lối nộp mình dâng lên Tam Bảo có thể trình bày như sau:
“Con xin nộp mình dâng lên Đức Thế Tôn. Con xin nộp mình dâng lên Đức Pháp. Con xin nộp mình dâng lên Đức Tăng. Con xin dâng đời sống của con! Con tự dâng mình, con xin dâng đời sống con! Đến ngày cùng, con xin Qui Y Phật! Đức Phật là chỗ nương tựa, là nơi ản náu là sự đùm bọc của con!”
“Bhagavato attānam pariccajāmi. Dhammassa Danghassa attānam pariccajāmi, jīvitañca pariccajāmi. Paricatto yeva me attā, pariccattam yeva me jīvitaṃ. Jīvita pariyantikam Buddhaṃ Saranaṃ gacchāmi, Buddho me saranaṃ lenaṃ tānan’ti”.
b. Sự chấp nhận lý tưởng lãnh đạo:
“Ajja ādim katvā ahaṃ Buddhaparāyano Dhammaparāyano Sanghaparāyano. Iti maṃ dharetha”.
“Từ đây trở về sau Đức Phật là lý tưởng lãnh đạo của con… Đức Pháp… Đức Tăng. Nhờ đó Qui Ngài sẽ nhận ra con”
Alavaka (Dạ Xoa) diễn đạt sự chấp nhận lý tưởng lãnh đạo như sau:
“Từ làng nầy đến làng khác, từ chợ nầy đến chợ kia, trên đường đi, tôi sẽ ca ngợi tán dương công đức của Bậc Toàn Giác và sự toàn thiện của Giáo Pháp”
Sutta Nipata, câu 192
Như vậy, sự chấp nhận lý tưởng lãnh đạo của Alavaka và những vị khác phải được xem là tương đương với qui-y.
c. Sự ưng thuận làm môn đệ:
“Ajja ādim katvā ahaṃ Buddhassa antevasiko Dhammassa Sanghassa. Iti maṃ dhāretha”.
“Từ đây trở về sau con xin làm môn đệ của Đức Phật, Đức Pháp và Đức Tăng. Nhờ đó Quí Ngài sẽ nhận ra con”.
Sự ưng thuận nầy được diễn đạt qua lời của Đức Kassapa như sau và cũng được xem là tương đương với qui-y:
“Tôi cảm thấy vô cùng hoan hỉ được gặp Đức Tôn Sư. Tôi hằng ước mong được gặp Đức Thế Tôn! Tôi cảm thấy vô cùng hoan hỉ được gặp Đức Như Lai! Tôi hằng ước mong được gặp Đức Thế Tôn! Tôi cảm thấy vô cùng hoan hỉ được gặp Đức Toàn Giác! Tôi hằng ước mong được gặp Đức Thế Tôn!”
“Tôi khấu đầu đảnh lễ Đức Thế Tôn và bạch với Ngài như sau: Bạch hóa Đức Thế Tôn, Ngài là vị Tôn Sư của con và con là môn đệ của Ngài”.
d. Lòng thành kính biểu lộ dưới hình thức lễ bái:
“Ajja ādim katvā ahaṃ abhivādana naccutthāna añjalikamma samīcikammam Buddhādīnaṃ yeva tinnaṃ vatthūnaṃ karomi. Iti maṃ dhāretha.”
“Từ đây trở về sau con chỉ cung kính chào đón, thành tâm hầu hạ, đảnh lễ theo nghi thức añjali (chấp hai tay lại và giơ cao lên khỏi đầu ) và tôn kính Đức Phật, Đức Pháp và Đức Tăng. Nhờ đó Qui Ngài sẽ nhận ra con.”
Lối đi tìm nương tựa nầy biểu lộ lòng tôn kính sâu xa đối với Đức Phật, Đức Pháp và Đức Tăng (và được diễn đạt qua lời lẽ tôn kính của vị Bà-La-Môn Brahmāyu sau khi nghe Đức Phật giảng).
(Kinh Brahmayu, Trường A-Hàm, số 91).
Lòng thành kính biểu lộ dưới hình thức lễ báo có bốn: Lễ bái người (trưởng thượng) trong thân quyến, lẽ bái vì sợ sệt, lẽ bái một ông thầy và lễ bái người cao quí, đang được tôn sùng kín trọng. Chỉ có trường hợp cuối cungd lex bái người đáng được tôn sùng kính trọng, được xem là Qui Y (Đi Tìm Nương Tựa). Sư Qui Y được giữ trọn vẹn hay bị xem là gián đoạn tùy theo trường hợp liên quan đến lễ bái cao thượng nầy.
Nếu có người thuộc dòng Thích Ca hay thuộc thị tộc Koliya đến đảnh lễ Đúc Phật và lúc ấy nghĩ trong tâm: “người nầy là bậc trưởng thượng trong thân quyến ta”, thì không phải là qui-y.
Người ấy cũng có thể nghĩ: “Đạo sĩ Cồ Đàm được các bậc vua chúa tôn sùng và có rất nhiều ảnh hưởng. Nếu ta không đảnh lễ Ngài ắt có hại”. Vậy là lễ bái vì sợ sệt, không phải qui-y.
Người nọ hồi nhớ rằng có lúc nào đã được Bồ Tát Cổ Đàm, trước khi đắc quả Phật, hoặc được chính Đức Phật, sau khi đắt quả, giảng dạy một diều thuộc về kiến thức trần tục. Nếu vì nhớ vậy mà người nọ đảnh lể Đức Phật như ta lễ bái ông thầy thì cũng không phải qui-y.
Tuy nhiên, nếu đảnh lễ Đức Phật với lòng tin vững chắc: “Đây là người đáng tôn sùng kính trọng nhất trên thế gian”. Trường hợp lễ bái duy nhất nầy mới gọi thọ lễ qui-y.
Đàng khác, sự Qui Y được giữ trọn vẹn trong những hoàn cảnh sau đây:
Một thiện nam hay tín nữ, đã Qui Y Tam Bảo đảnh, lễ một người (trưởng thượng) trong thân quyến với ý nghĩ “Người nầy họ hàng với ta”. Dầu đó là một tu sĩ khác tôn giáo sự Qui Y vẫn được trọn vẹn. Sự trọn vẹn nầy càng được hoàn toàn hơn nếu người kia không phải là một tu sĩ khác tín ngưỡng.
Khi lạy Vua vì lo sợ: “Người nầy được tôn sùng trong toàn quốc, nếu không lễ bái ắt có hại”. Lễ Qui Y cũng không bị gián đoạn.
Quả của lễ Qui Y Siêu Thế, hiểu theo nghiệp quả (vipaka phala) là bốn quả của đời sống xuất gia (samanna phala) tức là bốn thánh quả. Hiểu theo lợi ích hay phước báu (anisamsa phala) quả nầy là dập tắt phiền não. Ngoài ra còn những phước báu được ghi chép trong kinh sách như sau: “Nầy hởi các Tỳ Khưu, người đã thành tựu tuệ giác (ditthi sampanno đắc quả Tu Đà Hườn,…) không thể còn thấy tánh cách hữu ngã, trong vật hữu lậu. Người ấy cũng không thể sát mẹ giết cha hay một vị A-La-Hán, không thể có những tư tưởng thù hận hay làm tổn thương Đức Thế Tôn, không thể gây chia rẽ trong Tăng Gia và không thể chọn một tín ngưỡng khác. Những điều ấy không thể xảy ra”.
Quả của Qui Y Tại Thế chỉ là tái sanh thuận lợi, có tài sản và hưởng những thú vui.
6. Những bợn nhơ trong sự qui-y.
Có ba trường hợp lễ Qui Y Tại Thế không tin khiết, thiếu sáng suốt và kém ảnh hưởng là trường hợp Qui Y có liên quan đến si mê, hoài nghi và tà kiến.
Qui Y Siêu Thế hoàn toàn trong sạch.
7. Trường hợp sự Qui Y bị gián đoạn.
Sự gián đoạn của Nương Tựa Tại Thế có thể đáng bị khiển trách, có thể không. Khi người đã Qui Y Tam Bảo đi tìm nương tựa nơi một nhân vật ở tôn giáo khác thì kết quả sẽ không tốt đẹp. Sự gián đoạn trong lúc lâm chung sẽ vô hại vì không tạo quả. Nương Tựa Siêu Thế hoàn toàn tinh khiết. Dầu trong một kiếp sống khác người đắc quả thánh sẽ không thay đổi tín ngưỡng.
Nyanaponika Thera
Trên toàn thế giới các lãnh thổ Phật Giáo, người tình nguyện bước theo dấu chân Đức Thế Tôn bày tỏ lòng trung thành và kính mến, đối với Ngài và Giáo Lý quảng đại của Ngài, trong lễ Qui Y Tam Bảo cổ kính, giản dị và vô cùng cảm kích. Đúng theo văn tự Phạn ngữ, lễ nầy được gọi là “đi tìm nương tựa nơi Tam Bảo”, một danh từ đầy ý nghĩa thâm thúy.
Qui Y hay đi tìm nương tựa là hành động có ý thức chứ không phải chỉ là việc làm theo tin tưởng, trên lý thuyết suông. Càng không phải là nghi lễ thông thường để tỏ bày lòng thành kính cổ truyền. Nhất định có nương tựa để che chở đùm bọc, nhưng chính ta phải cố gắng đi đến. Tự nó, nó không đến với ta nếu ta cứ điềm nhiên ở một chỗ. Đức Phật hằng dạy rằng Ngài chỉ là ông Thầy “vạch cho ta con đường” (xem Pháp Cú Kinh câu 276, Trung A-Hàm số 107). Vậy sự đi tìm nương tựa một thể hiện của đức tin (saddha) trong Phật Giáo trước hết là hành động có ý thức, biểu lộ ý chí và quyết định, hướng về mục tiêu giải thoát. Do đó quan niệm đức tin như sự thụ động trông đợi suông một “ân huệ cứu rồi” không thể có trong lễ qui-y.
Trong bản chú giải của Đức Buddhaghosa có câu đáng được ghi chú dạy rằng “đi tìm nương tựa” còn có nghĩa là “hiểu biết” và “am tường”. Điều nầy mô tả sắc thái thứ nhì của lễ qui-y, rõ ràng là một hành động có ý thức xuất phát từ sự “hiểu biết thấu đáo”. Do đó trong lễ Qui Y không thể có sự nhẹ dạ tin càng, thiếu suy nghĩ và đức tin mù quáng căn cứ trên một tha lực mù mờ.
Bản chú giải cũng đặc biệt lưu ý đến một sắc thái khác của lễ qui-y, xem sự đi tìm nương tựa là trạng thái tâm không trông không cậy, không nương nhờ nơi ai khác (aparapaccaya). Đức Thế Tôn nhiều lần khuyến cáo các môn đệ không nên chấp nhận giáo lý của Ngài chỉ vì tin tưởng Ngài mà phải tự bản thân thực nghiệm, thực hành và suy gẩm. Về điểm nầy, trong bài Pháp thuyết cho người xứ Kalama Đức Phật dạy: “Không nên nhắm mắt tin càng vì có lời đồn đãi, vì tập tục cổ truyền, vì có người thuật lại, hay vì chuyện nầy đã được ghi chép trong kinh sách nào. Không nên tin chắc vào lý luận vào sự dò xét hợp lý, có phương pháp hay vào những quan điểm đã có suy xét cẩn thận. Không nên chấp nhận vì tôn kính hoặc vì nghĩ rằng: vị đạo sĩ nầy là thầy ta”.
Trong hành động “đi tìm nương tựa” phải có sự nhận định sáng suốt về ba điểm:
- Thế gian mà ta đang sống đây có thật sự nguy hiểm và đầy đau khổ để cần phải tìm chỗ ẩn náu, nương tựa không?
- Một nương tựa như vậy thật sự có không?
- Bản chất của nương tựa ấy là gì?
Rất nhiều người không thấy cần phải nương tựa. Người rất vừa lòng với mình, với một vài hạnh phúc nhỏ mọn và tạm thời của đời sống, hoàn toàn tin chắc rằng “tất cả đều tốt đẹp trên thế gian hoàn hảo nầy”. Người ấy không ước mong, hay không thể ước mong nhìn xa hơn chân trời hẹp hòi của mình. Đối với hạng người nầy không bao giờ Đức Phật hay một vị Đại Giáo Chủ nào khác đã có lần xuất hiện. Nhưng phần đông nhân loại thì, xuyên qua kinh nghiệm chua xót của bản thân, hiểu biết rõ ràng bộ mặt khắt khe và độc ác của thế gian, dấu diếm, che đậy nhất thời dưới lớp mặt nạ hiền lương thân thiện. Có người nhận thức đầy đủ hoàn cảnh thục tiễn của chúng sanh đồng loại, thêm vào đó kinh nghiệm cá nhân do kết quả cuộc quan sát trong đời sống của người khác. Và cũng có nhóm nhỏ hơn suy gẫm khôn ngoan, dựa trên cả hai, kinh nghiệm và quan sát. Nhưng đối với hạng người sau cùng, “những người ít bị cát bụi vào mắt hơn”, đời sống tựa hồ như đại dương mênh mông, chứa đầy khổ não. Trên mặt đại dương thâm thẩm sâu ấy chúng sanh bơi qua lội lại hoặc ngồi trên một loại thuyền mỏng manh nào trong một lúc và lúc ấy, thả nổi đó đây trên mặt nước phẳng lặng hay biểu dương sức khỏe trong cuộc bơi lội lâu dài thì thật là thích thú. Nhưng thời gian lạc thú ngắn ngủi ấy không phỉnh gạt được ai biết mở rộng mắt và tâm. Hạng người nầy đã biết rõ năng lực hùng hậu và hiểm độc của biển cả trong cơn bảo táp. Các vị ấy đã biết rỏ những dòng xoáy, những luồng nước hiểm nguy, những quỉ yêu ác hiểm và quái vật kì dị trạng tận dưới đáy sâu. Các vị ấy đã biết rõ rằng dầu trong những điều kiện thuận lợi nhất, sức khỏe mỏng manh của con người cũng sớm kiệt quệ trong sự đụng chạm với bao nhiêu năng lực nguyên tố của đời sống. Bao cuộc thăng trầm của kiếp nhân sanh không cho ta chút hy vọng cỏn con nào giữ được cái gì lâu dài, trong thời gian biến đổi nối tiếp vô hạn định, dầu là hạnh phúc hay giá trị luân lý ở mức độ thấp nhất. Cũng không thêm được gì nếu ta vượt qua một lần nữa trùng dương vô tận của kiếp sống, dầu phải đi cảnh giới nào. Ở đâu cũng chỉ gặp lại cảnh trăng khuyết trăng tròn, nước ròng nước lớn, xuống lên lên xuống vô cùng tận. Để đối phó với bao nhiêu hiểm nguy luôn luôn ở trước mặt và quá nhàm chán với sự lập lại không ngừng, chỉ còn một tiếng kêu to, trong lòng và trong tâm não, thúc dục đi tìm nương tựa là điều có thể làm được trên thế gian nầy, hợp thời, hợp lý, trong hoàn cảnh hiện tại, Nương tựa là nhu cầu cấp bách nhất trong đời và “đi tìm nương tựa” là hành động ổn kiện nhất mà hoàn cảnh hiện tại đòi hỏi.
Đã chấp nhận sự cần thiết của nó, có chăng một nương tựa để ẩn náu, để tránh những phiền nhiễu của đời sống? Người Phật tử quả quyết rằng có và, trong khi quả quyết như vậy, chứng minh rằng mình không bi quan. Nương tựa mà người Phật tử thành tâm hướng về gồm có ba: Đức Phật, Giáp Pháp của Ngài và Giáo Hội của các vị Thánh, Đệ Tử Ngài, những gì trong sạch nhất, cao quí nhất, gọi là “Tam Bảo”. Tuy nhiên, vì đây là nương tựa cuối cùng chớ không phải là nơi ẩn náu tạm bợ nên chỉ có thể chứng minh bằng sự thành tựu thật sự.
Tam Bảo tồn tại khách quan như một ý niệm vô ngã hay một lý tưởng, đối với ai hiểu biết và quí mến. Tam Bảo chắc chắn vẫn còn bền vũng và là nguồn năng lực tích cực của thế gian. Nhưng từ ý niệm vô ngã, Tam Bảo có thể trở nên Nương Tựa thật sự, hữu ngã, theo mức độ mà ta nhận thức trong tâm và thể hiện trong đời sống. Do đó và do bản chất đặc biệt, Tam Bảo, xem như nương tựa, không thể chứng minh ngoài những ai đã tìm được bên trong nhờ sự tinh tấn riêng của mình.
Nương tựa trở thành và tăng trưởng do phương thức mà ta đi tìm.
“Nhờ tinh tấn, kiên trì và tự kiểm soát
Người trí tuệ biến mình thành một hải đảo
Trên đó không lượn thủy triều nào tràn lên tới”
Pháp Cú Kinh, Câu 25
Nương tựa chỉ tồn tại khi nào có cái gì bên trong ta thuận ứng và tương xứng với nó. Do đó vị Lục Tổ Thiên Sư dạy:
“Hãy nương tựa nơi Tam Bảo trong tâm”
Về Nương Tựa thứ nhất là Đức Phật, chính Đức Thế Tôn dạy, sau khi thành tựu đạo quả:
“Cũng giống Như Lai, ai thành công tận diệt bợn nhơ là chiến thắng”. (Ariyapariyesana sutta)
Nương tựa thứ nhì là Giáo Pháp. Trước giờ lâm chung, Đức Phật dạy:
“Hãy lấy các con làm hải đảo của các con! Hãy lấy các con làm nơi nương tựa của các con! Không nên chấp nhận nương tựa nào khác! Giáo Pháp là hải đảo của các con! Giáp Pháp là nương tựa của các con! Không nên nương tựa vào nới nào khác!” (Maha-parinibbana-sutta)
Trong văn tự chú giải có câu (liên quan đến một đoạn khác nhưng có thể áp dụng ở đây):
“Giáo Pháp được gọi là “Ta” (atta) vì vớ người trí tuệ Giáo Pháp không khác gì chính mình và bởi vì Giáo Pháp đã thấm nhuần và hòa đồng với sự sinh tồn cá nhân của mình”. (Tika to Maha Satipatthana Sutta)
Nương tựa thứ ba, Tăng, là Giáo Hội của các vị để tử đã chứng đạt thánh quả, là khuôn mẫu tươi sáng vĩ đại gây nguồn cảm hứng thanh cao, là gương lành tinh khiết. Nền tảng thật sự của nương tựa nầy là khả năng cố hữu, là mầm móng trong mỗi chúng sanh để trở thành một trong tám (hạng) chúng sanh cao quí, nhưng vị kết hợp cấu thành Giáo Hội Tăng Già, nương tựa thứ ba.
Đến điểm thứ ba, bản chất cùng tột của Nương Tựa (Tam Bảo).
Ta thấy rằng nương tựa chỉ có thể thành đạt và chỉ nhận ra được ở cội rễ, ở nền tảng thật sự của nó trong cái tâm thông thường. Cũng như đóa sen, nó trưởng thành trong dòng nước của đời sống phàm tục, nở nang, phát triển dưới nước và lấy chất dinh dưỡng từ trong nước. Tuy nhiên, cái gì còn chìm đắm trong biển trần và trong khổ não không thể là nương tựa cùng tột, không thể là nơi an toàn và phước báu. Nương tựa cùng tột không phải chỉ an ủi nhất thời, thao dịu một lúc hay thảo mãn tạm bợ mà cuối cùng phải vượt lên, thoát ra khỏi thế gian nguy hiểm đầy lo sợ và mọi thứ xấu xa, khổ não, tựa như hoa sen kia vươn mình vọt lên khỏi mặt nước, hoàn toàn trong sạch, hoàn toàn tinh khiết, không vướn chút bợn nhơ của bùn. Vậy, Nương Tựa trong câu kinh Qiu-Y Tam Bảo cổ truyền, phải có tính chất siêu thế, lokuttara, nghĩa là vượt lên khỏi thế gian phàm tục: Dục. Sắc và Vô Sắc Giới. Nương Tựa đầu tiên không phải là đạo sĩ Cồ-Đàm mà là Đức Phật, thể hiện sự giác ngộ xuất thế, tượng trưng cho trí tuệ vô thượng (bodhi). Kinh Vimamsaka nhắc đến vị đệ tử cao quí của Đức Phật như sau: “Ngài tin tưởng vào sự giác ngộ hoàn toàn của Đức Thế Tôn”.
Đức Pháp trong Nương Tựa thứ nhì không phải là hình ảnh mập mờ, gián đoạn hay méo mó của Giáo Pháp như phản chiếu trong tâm người chưa thoát ra khỏi vòng tam giới (puthujjna) mà là Bát Thánh Đạo, dẫn đến Niết Bàn. Bản chú giải nhấn mạnh tánh cách siêu thế của Nương Tựa thứ nhì bằng cách ghi nhận rằng Giáo Pháp, xem như Pháp Học (pariyatti dhamma) chỉ nằm trong Nương Tựa khi nào nó phát sanh ở bậc thánh cùng một lúc với quả vị Nhập Lưu…
Đức Tăng trong Nương Tựa thứ ba, không gồm trọn vẹn giáo đoàn tăng chúng với những yếu hèn kém cỏi của mỗi đoàn viên và những khuyết điểm của tập đoàn nhân loại, còn nặng mùi trần tục. Đức Tăng, đúng ra là hội đoàn huynh đệ giữa các vị thánh, không nhất thiết phải là tăng sĩ, môn đệ của Đức Phật, kết hợp lại trong vòng vô hình và công cộng của sự thành đạt bốn từng đạo quả cao thượng. Nói cách khác, bản chất của Nương Tựa thứ ba là siêu thế. Đức Tăng là một đảm bảo của sự tiến bộ có thể có, vượt lên đến tầng cao xuất thế của tâm trong sạch và trở thành thánh tâm.
xXx
Sau khi nhận định sáng suốt về ba điểm: nhu cầu cấp bách Đi Tìm Nương Tựa, hiện hữu của Nương Tựa và bản chất của Nương Tựa, lễ Qui-Y-Đi Tìm Nương Tựa – trở thành hành động có ý thức phát sanh từ Trí Tuệ hay hiểu biết thấu đáo.
Trí tuệ là nền tảng vũng chắc của một sắc thái khác, thuộc về xúc cảm, của lễ qui-y. Sắc thái này gồm ba phương diện: tín nhiệm, tâm đạo và lòng kỉnh mộ. Hiểu biết rằng có Nương Tựa giúp cho tín nhiệm trở nên vững chắc và hợp tình hợp lý, tâm được đảm bảo và trở nên trầm tỉnh và sau cùng tăng trưởng lòng quả quyết tin chắc. Thấu hiểu nhu cầu cấp bách “đi tìm nương tựa” nung đúc lòng nhiệt thành không lay chuyển của đạo tâm. Am tường bản chất cao cả của Nương Tựa rót đầy vào tâm não lòng kính mộ vô lượng đối với bậc Tuyệt Trác nhất có thể quan niệm được. Tín nhiệm là vũng chắc trong đức tin. Đạo tâm là kiên nhẩn chịu đựng trong sự phục vụ chân thành và trong tinh tấn. Lòng kỉnh mộ tăng ý nghĩa của ba thành phần cấu tạo nầy qiu-y cũng là hành động của đức tin sáng suốt.
Giờ đây có thể định nghĩa sự Qui Y hay Đi Tìm Nương Tựa là một hành động có ý thức thể hiện ý chí, hướng về giải thoát, căn cứ trên sự hiểu biết thấu đáo và bắt nguồn cảm hứng từ Đức Tin. Hay vắn tắt: một hành động có ý thức của ý chỉ, trí tuệ và đạo tâm.
Ba sắc thái kể trên của sự qui y phản chiếu trên phương diện tác ý, lý trí và cảm xúc của tâm. Do đó phải đồng đều vun bồi cả ba để tâm tánh được phát triển điều hòa.
Ý chí, Trí Tuệ và Đức Tin nâng nỡ lẫn nhau trong nhiệm vụ chung. Ý Chí trở thành hành động có chủ đích giúp Đức Tin tránh khỏi những hiểm nguy của lợi dưỡng cảm tình và tri thức lý trí khỏi ngừng ngang trong lý thuyết suông. Ý Chí tăng cường năng lực của cả hai, xúc cảm và trí thức và đưa cả hai vào đường thực nghiệm xác thật. Trí Tuệ hướng dẫn Ý Chí, giúp Ý Chí tiến triển có phương thức và giữ Đức Tin ở mức độ vừa phải. Đức Tin giữ vững Ý Chí, tăng cường bồi dưỡng và hướng tri thức lý trí về mục tiêu.
Hiện hữu của ba sắc thái kể trên là tính chất đặc biệt của Đức Tin (Saddha) trong Phật Giáo. Theo quan niệm đức tin trong các tôn giáo khác, chỉ có sắc thái xúc cảm là được đặc biệt chú ý (đảm bảo, tâm đạo và kỉnh mộ). Hai sắc thái còn lại, ý chỉ và trí tuệ, bị tín điều trở ngại, ở trong trạng thái hoặc kém phát triển hoặc hoàn toàn không có. Ý chí nhận lãnh trách nhiệm cá nhân bị thay thế bằng sự thành kính vâng lời như điều kiện căn bản tất yếu bằng sự hướng dẫn bắt buộc, sự khuất phục hoàn toàn dưới ý chí của một Thần Linh. Trí tuệ, bị thay thế bằng tín ngưỡng độc đoán, đòi hỏi, hay bao hàm ý nghĩa đỏi hỏi, sự hy sinh của trí thức.
Thay vì, một cách đơn độc. đặc biệt lưu ý đến đức tin thuộc cảm xúc, từ bước đầu tiên của cuộc huấn luyện tinh thần, Phật giáo hướng về tính cách trọn vẹn và bồ khuyết, tức là phát triển điều hòa và đầy đủ các khả năng tinh thần. Vậy, theo đúng ý nghĩa, sự Qui-Y, Đi Tìm Nương Tựa, chỉ được thành tựu khi nào chứa đựng ý chí có chủ đích và hiểu biết xác thật, ít ra ở mức tối thiểu. Chỉ có trường hợp này Đức Tin (Saddha) mới có giá trị của một “hạt giống”, hạt giống có khả năng turởng thành và sản xuất ở tương lai. Yếu tố ý chí trong hạt giống đức tin sẽ đâm mộng nở chồi và vươn mình tiến dần đến Ý Muốn Giải Thoát (muñcitu kamyatāñāma) không thể cưỡng bách một trong những tầng cao nhất trên đường Minh Sát Tuệ (Vipassanā, xem Thanh Tịnh Đạo, Visuddhi Magga). Yếu tố hiểu biết sơ khởi trong đức tin chánh đáng tăng dần đến Trí Tuệ sâu sắc, thấu đáo sự vật và cuối cùng đòi sự đảm bảo của đức tin ra tâm vững chắc phát sanh trong đạo quả thành tựu.
Thọ lễ Qui Y bằng cách vô ý thức lập lại câu kinh là hình thức thoái hóa của một tập tục cổ truyền đáng kính, làm mất ý nghĩa thật sự và hiệu năng của nó. Qui Y hay Đi Tìm Nương Tựa phải thể hiện ý thức cấp bách bên trong, không khác nào trong đời sống hang ngày, ta có thể thấy hiểm nguy trước mặt, gấp rút chạy tìm nơi ẩn trú, một chỗ nương tựa châu toàn.
Khi thọ lễ qui-y, phải tưởng niệm trong tâm ý nghĩa cao thượng của hành động như diễn tả ở trên. Cùng một lúc, đó là lỗi luyện tâm có lợi ích, hướng về Chánh Niệm. Phải luôn luôn tự vấn: “Đã thọ lễ qui-y, giờ đây ta phải làm thế nào diễn đạt sự Đi Tìm Nương Tựa bằng ngôn ngữ của Ý Chí và Trí Tuệ “. Thấy rằng ngôi nhà của đời sống rầm rộ bốc cháy ta không nên chỉ quỳ xuống cung kính đảnh lễ để bày tỏ long tôn sung ngưỡng mộ tự do và an toàn, lúc ấy ở bên ngoài, đang vẫy tay ngoắc ta, mà không có hành động nào thiết thực để tiến dần đến đó. Trong khi cần thoát than ta cần một cử chỉ thực tiễn để tự cứu mình. Bước đầu tiền hướng về an toàn va tự do là Qui Y Tam Bảo một cách chánh đáng, nghĩa là hành động có ý thức quyết định, trí tuệ vào đạo tâm.
xXx
Đoạn chú giải trích dịch trên đây là một tài liệu quí giá về lối hành đạo của người phật tử thời xưa. Văn kiện này cho thấy rằng lúc bấy giờ hang thiện tín phân tách kỹ càng và suy ngẫm rất thận trọng khi thọ lễ Qui Y Tam Bảo. Sự Qui Y hay tìm nương tựa chia làm bốn hạng (I), gồm bốn câu sắp theo thứ tự từ trên xuống, khởi đầu với hình thức Qui Y cao thượng nhất là hoàn toàn quy phục và chấm dứt ở hình mức thấp nhất là sự biểu lộ lòng thành kính trong nghi lễ cúng bái.
Tiếc rằng nhiều điều lien quan đến vấn đề này không được giải thích. Nhiều câu hỏi có thể phát sanh trong tâm ta mà không được giải đáp. Thí dụ như, bốn câu này đọc lên để thay thế hay để them vào những câu thường lệ? Ai đọc và trong trường hợp nào phải đọc ba câu sau? Có phải chăng thiện tín đọc những câu này khi thọ lễ, cũng như hiện này, cũng trong dịp này, ta đọc những câu kinh Qui Y cổ truyền? Tất cả ba câu sau đềm chấm dứt bằng lời kêu gọi chứng mình: “Nhờ đó Quý Ngài sẽ nhận ra con ! ““Iti mamdharitha ! “Câu tiếng Phạn dùng số nhiều (Quí Ngài) vì có nhiều vị ban lễ hay đó chỉ là một hình thức tôn kính khi tiếp chuyện với vị lãnh đạo tinh thần (guru)? Dẫu sao, “lời kêu gọi chứng minh” làm tăng năng lực toàn thể câu kinh và lời chú nguyện them phần long trọng, khác hẳng với các câu kinh Qui Y thường đọc. Những chữ khởi câu cũng vậy “Từ đây trờ về sau…” nhấn mạnh tính cách quyết định của một lời nguyền, khác với nghi thức thuần túy không có sự lãnh nhận trách nhiệm cá nhân. Đoạn “Từ đây trở về sau” đánh dấu ngày mà lời nguyền nay được phát biểu lần đầu tiên như khai thông một giai đoạn mới trong đời người thiện tín. Cả hai, lời mở đầu và lời chấm dứt ba câu kinh Qui Y này, là tiếng dội của những câu thường được đọc trước thời ấy: “Con xin nương tựa (qui-y) nơi Đức Cồ Đàm, Giáo Pháp và Giáo Hội Tăng Già! Cầu xin Đức Cồ Đàm nhận con là “thiện tín!”
Lời chú giải chỉ qui chiếu ba lối Qui Y sau với những đoạn kinh không làm sáng tỏ vấn đề lắm. Do đó có thể kết luận rằng vào thời Đức Buddhaghosa người thọ lễ Qui Y không còn đọc ba câu này mà chi nhắc qua thôi. Nếu không, tác giả đã chú giải với nhiều chi tiết hơn và có lẽ còn thêm vào những mẫu chuyện nho nhỏ mà Ngài thường thích kể lại cho vấn đề thêm sáng tỏ. Câu đầu tiên, cũng là lối Qui Y cao thượng nhất, chắc chắn được quen thuộc nhiều hơn vào thời bấy giờ, vẫn còn được những người tích cực hành thiền đọc, như kinh Thanh-Tịnh-Đạo dạy.
Tuy nhiên, dầu thiếu sót tài liệu chính xác ta cũng nhận định rành mạch những sự kiện sau đây xuyên qua bốn câu trên:
Người thiện tín thời xưa, đã kết tinh tâm đạo mình trong bốn câu và đọc lên cúng Tam Bảo, rõ ràng phải am hiểu ý nghĩa sâu xa của lễ qui-y, một bước tiến vô cùng quan trọng và có tính cách quyết định trong đời người. Khi lựa chọn một trong bốn lối Qui Y tất nhiên phải phân tách, phải suy nghĩ. Không thể thọ lễ Qui Y một cách vô ý thức như làm một việc theo tập tục cổ truyền. Người thiện tín thời xưa am hiểu thấu đáo tầm quan trọng của hành động xem như rất giản dị ấy và ý thức nhận lãnh trách nhiệm thiêng liêng. Người thiện tín thời xưa biết rằng sự Qui Y chỉ thật sự thành tựu một cách có ý nghĩa khi có sự hiến mình chân thật và trọng vẹn trước Tam Bảo. Trong ba lối Qui Y kém hơn, lúc dâng mình đến Tam Bảo vẫn còn giữ lại chút gì, vẫn còn dè dặt. Dầu sao, đó cũng là những bước vững chắc đầu tiên để tiến dần lên hình thức cao thượng và do đó đáng được vun quén đắp bồi. Cũng như tất cả các sự phát triển tinh thần điều hòa, hình thức Qui Y cao thượng nhất không nằm ngoài ba hình thức thấp hơn, trái lại, đã thấm nhuần và bao gồm cả ba. Như vậy, để tìm hiểu bốn lối qui-y, hãy bắt đầu bằng hình thức thấp nhất.
I.- Lòng tôn kính là sự biểu hiện ra ngoài một thái độ tinh thần bắt nguồn từ sự xách nhận và than phục cái gì cao quý hơn mình. Lòng tôn kính biểu hiện bằng cử chỉ hoặc lời nói, và muốn bộc lộ, trước tiên phải đập tan cái vỏ dày rất cứng của tính ngã mạn và lòng tự mãn mù quáng không còn biết gì tốt đẹp hơn cái ta nhỏ bé thấp hèn của mình. Khi loài thú hay hạng người kém mở mang – “man rợ” hay văn minh – gặp cái gì cao quí hơn mình thì ngờ vực, sợ sệt bỏ chạy hay bay đi, tấn công, thù ghét, cừu địch, ngược đãi, v.v…bởi vì chúng chỉ nhìn hình thức tốt đẹp ấy của đời sống như cái gì khác biệt, xa xăm và do đó, khả nghi. Biết tôn kính, than phục người xứng đáng, muốn coi đó là gương tốt để cố gắng noi theo là dấu hiệu của một cái tâm thật sự mở mang. Vậy, xác nhận và thán phục cái cao quí là điều kiện sơ khởi của sự trưởng thành tinh thần, và lòng tôn kính thành thật, xuất phát từ đấy, là căn bản của nền giáo dục luân lý. Không Phu Tử gọi lễ là đức tánh đầu tiên của lòng nhân.
Vậy, trong mối liên quan giữa con người và Tam Bảo, bậc Tối Thượng, tức nhiên lòng tôn kính thành thật là bước đầu tiên và trong sự qui-y, lòng tôn kính hồn nhiên biểu hiện lòng cảm mộ mạnh mẽ và sâu xa thầm kín khi ta nhận ra và thấu hiểu ý nghĩa của Nương Tựa Tối Thượng. Đó là phản ứng bộc nhiên tự phát của lòng tri ân, ngưỡng mộ, sùng bái và hoan hỉ khi ta cảm thấy giá trị quan trọng của sự qui y, một nương tựa châu toàn để lánh xa thế gian đầy khổ não nầy. Hình ảnh tôn kính của bản chú giải không được phác họa như một tập tục tôn sùng cổ truyền của người thiện tín cố cựu mà là lễ qui y vô cùng cảm kích của một vị Bà-La-Môn lớn tuổi, xúc động, quì xuống đảnh lễ Đức Thế Tôn và ôm hôn chân Ngài (kinh “Brahmayu”,Trung A-Hàm, số 91).
Qui Y là hành động có ý thức của đức tin và lòng tôn kính, biểu lộ dưới hình thức lễ bái, sắc thái thuộc về cảm xúc, sự qui y bằng cử chỉ, lời nói và tư tưởng tôn kinh chuẩn bị cho người thiện tín sẵn sàng bước qua giai đoạn trọn vẹn dâng mình lên Tam Bảo. Đây là bước đầu tối quan trọng để lên đến tuyệt đỉnh, nhưng từ đây lên đó còn một khoảng trống cần thiết và khuyết điểm ấy là sự hiểu biết thấu đáo và ý chí cương quyết. Vậy phải còn trải qua hai giai đoạn bổ túc.
II.- Bày tỏ lòng tôn kính vẫn còn là thái độ đơn phương, theo một chiều từ thiện tín đến Tam Bảo. Vẫn còn sự cách biệt giữa bậc Tối Thượng và thiện tín. Người thiện tín vẫn còn ở bên ngoài Chánh Điện, bên ngoài Giáo Pháp, chưa nhập môn. Chấp thuận làm môn đệ là bước tiến ngang qua ngưỡng cửa. Xuyên qua giai đoạn tụ tập, mối thông cảm tương quan bắt đầu vững chắc, hay ta cũng có thể nói, cương vị và bản chất của ông thầy, lời dạy và học trò dần dần biểu lộ rõ ràng. Tâm của người đệ tử hướng về ẩn náu, nương tựa nơi bậc Trí Tuệ Tối Thượng và dần dần thấm nhuần ánh sáng.
Người đệ tử nhờ lòng thành kính đưa qua cảnh của vào thánh đường thâm u của trí tuệ. Ông thầy, hiểu theo người phương đông, Guru, chỉ chấp nhận một người làm đệ tử khi người nầy tỏ dấu hiệu sẵn sàng lãnh giáo huấn. Ở dây, dấu hiệu ấy chính là thái độ thành kính.
Đối với người Qui Y theo nghĩa chấp thuận làm môn đệ, đời sống trở thành một khóa học liên tục, sự tu tập không ngừng, như khép tâm vào khuôn khổ mà Đức Phật, Đức Pháp và Đức Tăng đã đặt để Người Qui Y lập tâm, quyết cho và luôn luôn cố gắng nhắm gương lành của bậc thiện trí thức làm khuôn vàng thước ngọc.
Chấp thuận làm môn đệ là phương diện lý trí của lễ qui-y, hành động có ý thức của sự hiểu biết thấu đáo. Nó đem lại những lý do đầy đủ và vững chắc để bày tỏ lòng tôn kính và cùng một lúc, tăng trưởng năng lực và tánh cách chân thành của tâm đạo.
Tuy nhiên, con người khong phải lúc nào cũng học hỏi và luôn luôn có tâm đạo nhiệt thành. Còn rất nhiều việc trong đời sống mà riêng đức tin và trí tuệ không thể dễ dàng nắm vững. Cần phải có ý chỉ sắt đá và quyết định vững vàng cũng như kinh nghiệm và khôn ngoan đầy đủ để hướng mọi hoạt động phức tạp của đời sống về chiều nương tựa. Làm cho nương tựa trở thành trung tâm điểm của đời sống là nhiệm vụ của lối Qui Y thứ ba.
III.- Khi chấp nhận Tam Bảo là lý tưởng lãnh đạo người thiện tín đã tự nguyện khép dần sanh hoạt chánh yếu của đời sống vào những lý tưởng kết tinh nơi Tam Bảo. Người thiện tín tự nguyện đặt hết năng lực trong nhiệm vụ in sâu dấu hiệu của Tam Bảo thiêng liêng vào đời sống cá nhân và cũng vào khung cảnh thân cận trong mức độ mình có thể vượt qua các chướng ngại. Lễ Qui Y Tam Bảo, xem như Lý Tưởng Lãnh Đạo hay yếu tố quyết định của đời sống, đòi hỏi một sự cung hiển trọn vẹn trong lãnh vực sinh hoạt thường ngày.
Ít ra, đây là ý nghĩa của lối Qui Y thứ ba – tapparayanata – mà chúng tôi mạo muội dẫn khởi. Khi nêu lên điểm nầy chúng tôi theo chiều hướng tư tưởng đã được diễn đạt trước về ba yếu tố cấu thành đức tin trong Phật Giáo, và thêm vào đấy, chúng tôi cũng thuận theo đoạn ngủ ngôn mà nhà chú giải thuật lại trong dịp nầy. Kinh điển mà đoạn nầy được trích dẫn ghi lại câu chuyện hai vị trời, sau khi họ lễ qui y, có lời nguyền đi khắp thế gian để hoẳng dương Giáo Pháp. Thí dụ nầy có thể đại khái tiêu biểu cho sự phục tùng của người thiện tín trước oai lực của Tam Bảo.
Tuy nhiên chấp thuận đem hết năng lực phục vụ Tam Bảo chưa phải là hình thức cao thượng nhất mà người thọ lễ qui y có thể chú nguyện. Dầu sao, trong tâm não người đệ tử vẫn có sự khác biệt giữa mục tiêu cao thượng và con người đang cố gắng đạt đến mục tiêu ấy. Cái “ta” huyền ảo vẫn luôn luôn tồn tại đâu đó, thích thú khi thành công và phiền muộn âu sầu lúc thất bại trên đường hành đạo. Như vậy, trong hình thức tế nhị, công trình tu tập tức sự cố gắng thành đạt mục tiêu trở thành nương tựa chớ không phải là Tam Bảo. Nếu không đồng nhất hóa toàn vẹn được cái “ta” với công trình tu tập thì cái “ta”, ẩn nấp dưới công trình, sẽ tách rời, thoát ly, đi tìm và trọn vẹn dâng mình đến nương tựa thật sự. Bước tiến vượt qua khỏi mức ấy chỉ có thể thành tựu khi sự phục vụ lý tưởng lãnh đạo được thực hiện trong tinh thần hoàn toàn vị tha, không mảy may ích kỷ.
IV.- Thái độ bất vụ lợi trong công trình hành đạo sẽ là một trong nhiều quả vị mà hành giả có thể thành đạt khi trọn vẹn dâng mình đến Tam Bảo. Quả vị của lễ Qui Y cuối cùng và cao đẹp nhất thật không hạn định. Nếu sự hiểu biết thầu đáo cho thấy trước rằng ta không thể thêm được cái gì trong vòng Luân Hồi (là sắc thái khách quan của cái “ta” thì do đó, ta cũng không có gì mất trong sự tự dâng mình đến Tam Bảo (sắc thái chủ quan của vòng luân hồi-Samsara). Mặc dầu cái “ta” là ảo tưởng, thái độ phục tùng, dâng cái ta (tức một ảo tưởng) đến Tam Bảo là một hy sinh vô cùng trọng đại, rất khó thực hiện. Tuy nhiên, muốn thoát ra khỏi vòng trói buộc của luân hồi, sớm muộn gì cũng có lúc ta phải có thái độ tự nguyện đầu hàng ấy và như vậy thà làm ngày hôm nay còn hơn chờ đến ngày mai.
Phần thưởng lớn lao và cao đẹp nhất chỉ có thể thành đạt bằng sự hy sinh cao cả nhất. Tuy đối tượng của sự hy sinh ấy chỉ là cái “ta” huyền ảo nhưng nó có nhiều oai lực hùng hậu đòi hỏi một nổ lực tột bực để vượt qua. Khi thọ lễ Qui Y bằng cách tự dâng mình đến Tam Bảo người thiện tín, một cách khiêm tốn, chú nguyện noi theo gương lành trong sạch của Đức Thế Tôn và suy niệm lời của Bồ Tát trong cuộc tranh đấu cam khổ cuối cùng chống lại kẻ thù bên trong, nhân cách hóa bằng hình ảnh Ma Vương:
“Ta đã vắt cỏ Munja trên đầu! Sống sót là nhục nhã! Thà chết ở trận địa còn hơn sống đời nhục nhã của kẻ thất bại!”
Sutta Nipaka Câu 440.
Thời xưa, khi lâm trận, người chiến sĩ Ấn Độ vắt cỏ Munja trên đầu và nguyện “chiến thắng hay chết”. Loại cỏ nầy cũng phải tượng trưng cho người chiến sĩ tinh thần vậy. Nếu có phần nào dè dặt, tiếc rẻ hay gượng gạo thì đó là nổ lực nửa chừng. Chỉ có sự cố gắng tận lực mới đưa đến thành công cuối cùng.
Người vừa thọ lễ qui y theo lối cao thượng nầy nghe thoang thoảng đến mình một cảm giác nhẹ nhàng khoan khoái, không băn khoăn thắc mắc, không còn sợ sệt lo âu. Cái “ta” mà người thiện tín vừa từ bỏ không thể và không cần phải lo sợ cho một đời sống đã trọn vẹn dâng đến Tam Bảo, đời sống mà mình đã hoàn toàn ủy thác trong một công trình nhất định là dùng nó để thành tựu đạo quả cao nhất. Vì vậy, trong những ngày sơ khai của Đạo Pháp, những người đã quyết tâm bước vào “địa phận sinh hoạt tinh thần” (Kammathana – tức là những người đã chọn một đề mục thiền định để chuyên chú tu hành cho đến ngày thành đạt thánh quả), thường khởi đầu công trình ấy bằng sự chú nguyện dâng mình đến Tam Bảo với lời lẽ mà Kinh Thanh Tịnh Đạo khuyên dạy như sau:
Sau khi đến gần vị đạo hữu cao thượng (vị pháp sư) hành giả trước tiên dang mình đến Đức Phật, Đức Thế Tôn, hay đến Pháp Sư. Sau đó, càng mong muốn và càng quyết tâm, hành giả xin một đề mục hành thiền. Sự dâng mình đến Đức Phật được diễn đạt như sau:
“Bạch hóa Đức Thế Tôn, con xin dâng kiếp sống nầy đến Ngài!” “Imāhaṃ Bhagavā attabhāvaṃ tumhākaṃ pariccajāmi” bởi vì người ở lẻ loi nơi vắng vẻ mà không tự dâng mình như vậy sẽ không kháng cự nỗi những mối lo sợ, phải trở về xóm làng sống giữa người không biết tu hành, có thể lầm đường lạc lối trong phương pháp tu tập và cuối cùng phải thất vọng. Nhưng người đã trọn vẹn dâng mình thì không còn gì lo sợ. Chỉ có sự thảo thích phát sinh khi suy niệm: “Hữu hạnh thay! Hởi con người trí tuệ, người đã tự dâng mình” Khi dâng mình đến thầy, hành giả phải nói: “Bạch Đại Đức, con xin dâng kiếp sống nầy đến ngài. Vì không dâng mình như vậy hành giả không khép mình vào kỹ thuật, còn ngoan cố không chấp nhận lời dạy. Hành giả sẽ tự ý đi rong rỗi, không cần phải thưa gởi vị thầy, ông thầy sẽ không tận tình giúp đỡ hành giả về cả hai mặt vật chất lẫn tinh thần và không dạy bảo những kinh sách khó. Vì không nhận được những sự giúp đỡ của thầy hành giả sẽ kém đạo đức hoặc phải hoàn tục”.
Lẽ dĩ nhiên, Qui Y theo lối dâng mình đến Tam Bảo chưa hẳn là hoàn toàn diệt ngã, cũng không trọn vẹn dập tắt si-mê. Nhưng đó là phương tiện rất hữu hiệu đưa đến mục tiêu ấy. Đó là giai đoạn giao thời giữa Nương Tựa Tại Thế, cảnh giới mà hành giả ở trong ấy, và Nương Tựa Siêu Thế, mục tiêu mà hành giả cố thành đạt.
Về hình thức, trong bốn lối qui-y, câu kinh dâng mình đến Tam Bảo cũng khác biệt với ba câu dưới, rõ ràng nhất là ở đoạn cuối cùng, “lời kêu gọi chứng minh”, đặc điểm của những lối Qui Y nầy. Do đó có thể kết luận rằng điều nghiêm chỉnh và quan trọng nhất được chú nguyện thầm kín trong thâm tâm vì nó thích hợp với tính cách thiêng liêng của sự quyết định. Ở đây hành giả không kêu gọi chứng minh như một phương tiện nâng đỡ tinh thần để giúp minh giữ trọn lời nguyền. Khi còn thấy cần đến một nâng đỡ từ bên ngoài như vậy là chưa đủ trưởng thành để thực hiện bước tiến cuối cùng. Mọi biểu hiện rườm rà chỉ giảm thiểu giá trị cao cả của lời nguyền mà cũng làm cho hành giả khó lòng giữ trọn vì không giữ được tự nhiên, luôn luôn phải ái ngại, rụt rè hay trở nên ngã mạn.
Đây là lần đầu tiên một câu ngắn của Kinh Thanh-Tịnh_đạo được diễn đạt dong dài trong ngôn ngữ Tây phương. Trình bày ở đây, chúng tôi hy vọng rằng những câu kinh được trích dịch từ Phạn ngữ nầy được tiếp nhận với lòng thành kính xứng đáng của một tài liệu quí giá đề cập đến tâm đạo nhiệt thành của người thiện tín thời xưa. Những tài liệu mà, nhờ áp dụng đúng mức và tận tình, đã có những vị đã rực rỡ thành đạt mục tiêu cao thượng. Chúng tôi cũng xin thêm vào đây điều ước mong chân thành và khẩn thiết rằng câu kinh nầy không được đọc suông một cách vô ý thức hay trong một lúc bồng bột nhất thời. Lời chú nguyện long trọng nầy chỉ đọc lên sau khi trắc nghiệm lâu ngày nghị lực của mình, xuyên qua ba lối Qui Y thấp kém và dễ thực hành hơn. Nên hết sức thận trọng kẻo làm giảm thiểu những giá trị tinh thần cao cả nhất. Phải biết chắc mình có đủ ý chỉ và kiên nhẫn để giữ tròn lời nguyền và phải biết mình có đủ can đảm để khước từ mọi cám dỗ. Không nên chú nguyện một cách nhẹ dạ, vô ý thức. Không nên vội vả ôm ấp một chuyện làm quá sức mình để rồi một ngày nào, thấy lợi ích phai dần và tiêu tan trong tay, hay vì quá mỏi mệt, phải buông tay đánh rơi xuống.
Như vậy, nếu không chắc chắn sức mình thì chớ nên tự chuốc lấy những đòi hỏi quá nặng nề như tự dâng mình mà hãy chọn một trong ba lối qui-y, tuy thấp kém hơn, nhưng có thể giúp ta rất nhiều trên đường tiến bộ tinh thần đạo đức.
Trong khi nghiêm chỉnh và khôn ngoan chọn mộ trong bốn lối Qui Y của người Phật tử thời xưa, chúng ta duy trì một tập tục cổ truyền rất được thông dụng trong Phật Giáo và tránh cho lễ Qui Y thành một sức mạnh, một sinh lực, một nguồn động lực vô cùng hùng hậu của tâm đạo nhiệt thành để trong một ngày tốt đẹp nào đưa ta đến Hải Đảo Yên Vui, Niết Bàn, nơi mà cả hai, nơi nương tựa và người nương tựa, trở thành một.