ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA

VÔ TỶ PHÁP TẬP YẾU

Lời Tựa

Chúng tôi phiên dịch Tạng Vô Tỷ Pháp (Tạng Diệu Pháp) cũng không ngoài ra tâm, sở hữu tâm, sắc pháp, Níp-bàn.

Chỉ cho chúng ta thấy rõ pháp hữu vi là vô thường, khổ não và vô ngã để làm bàn đạp, qua rồi mới hoàn toàn rốt ráo rất thật tự nhiên, nêu danh là Níp-bàn (Nibbāna) không luân hồi sanh tử chi cả.

Nhưng chúng ta muốn hiểu thấu, đắc chứng chắc phải nhờ học hành đầy đủ, hầu tránh khỏi sai lầm và mê tín.

Vì thế, nên chúng tôi cố gắng đem lối kinh nghiệm uyển chuyển rất nhiều lần đa cách.

Nay in ra để giúp quí bạn đồng tìm.

Mong lợi ích kiến thức cùng nhau tiến hóa.

Sư cả Tịnh Sự - Santakicco

Giới thiệu

Abhidhammatthasaṅgaha – nghĩa là tập hợp hay gom hợp những pháp trọng yếu chứa trong Abhidhamma (Diệu pháp, Vi diệu pháp, Thắng pháp, Vô Tỷ Pháp). Do đó, Abhidhammatthasaṅgaha gọi tắt là Thắng Pháp Tập Yếu, Vô Tỷ Pháp Tập Yếu hay Vô Tỷ Pháp Nhiếp.

Dhamma’ – pháp, được bắt nguồn từ căn dhar nghĩa là giữa hay ủng hộ. Ở đây, thuật ngữ Pāḷi được dùng trong câu kinh hay lời thuyết.

Pháp, chỉ tất cả trạng thái.

Vấn: Pháp là chi? Đáp: Chi cũng là pháp.

Vấn: Tại sao gọi là pháp? Đáp: Tại có trạng thái nên gọi là pháp.

Vấn: Trạng thái ra sao? Đáp: Ra sao cũng là trạng thái.

Abhi’, theo Atthasālinī, có 2 nghĩa là:

- ‘Atireka’: Cao hơn, lớn hơn, vượt trội.

- ‘Visiṭṭha’: Phi thường, vi diệu, siêu quần, cao nhã, cao quí, thanh lịch, đặc sắc, kiệt xuất, xuất chúng, lỗi lạc, nổi bật, vượt trội, đặc biệt, riêng biệt, rõ rệt, siêu phàm, tuyệt vời, cao cả, bậc cao, hùng vĩ, uy nghi, cực kỳ, siêu phàm, thăng hoa, vi diệu, thắng, vô tỷ - không thể so sánh…

Abhidhammanghĩa là pháp cao hơn vì pháp này làm cho chúng sanh có khả năng đạt đến giải thoát, vì pháp này vượt trội hơn giáo lý trong Sutta Piṭaka (tạng Kinh) và Vinaya Piṭaka (tạng Luật)

Saṅgaha’ có nghĩa là nhiếp, tập yếu, toát yếu, trích yếu, tóm tắt, gom hợp, tập hợp những pháp trọng yếu lại gọi chung một tên.

Trong Sutta Piṭaka (tạng Kinh) và Vinaya Piṭaka (tạng Luật), Đức Phật đã dùng những cụm từ qui ước chế định như là đàn ông, thú vật, con người và v.v… Ngược lại, trong Abhidhamma Piṭaka (tạng Vô Tỷ Pháp), tất cả các pháp được phân tích một cách chi tiết, tỉ mỉ và dùng những thuật ngữ siêu lý để mô tả những trạng thái thực tính của chư pháp hữu vi là một nét độc đáo được tạo làm phương pháp tu tập, những pháp ấy được gọi là Abhidhamma.

Do đó, vấn đề chính yếu là sự vượt trội của giáo lý, hay do những pháp ấy dẫn dắt đến sự giải thoát của chúng sanh.

Abhidhamma Piṭaka (Tạng Vô Tỷ Pháp) gồm có bảy bộ - đó là:

i. Dhammasaṅganī (Bộ Pháp Tụ),

ii. Vibhaṅga (Bộ Phân Tích),

iii. Dhātukathā (Bộ Chất Ngữ),

iv. Puggalapaññatti (Bộ Nhân Chế Định),

v. Kathāvatthu (Bộ Ngữ Tông),

vi. Yamaka (Bộ Song Đối),

vii. Paṭṭhāna (Bộ Vị Trí).

i. Dhammasaṅganī – bộ Pháp Tụ

Quyển này được chia thành 4 chương, đó là:

(1) – Citta – Tâm.

(2) – Rūpa – Sắc.

(3) – Nikhepa – Toát yếu, tóm lược (summary).

(4) – Atthuddhāra – Trích yếu, giải thích làm sáng tỏ (elucidation).

22 Tika mātikā (mẫu đề tam) và 100 Duka mātikā (mẫu đề nhị), bao gồm những tinh túy, cốt lõi của Abhidhamma, được giải thích trong bộ này. Phần lớn của bộ này dành để giải thích mẫu đề tam đầu tiên - kusalā dhammā, akusalā dhammā abyākatā[1] dhammā. Ở một chừng mực nào đó, những pháp ấy vượt qua 13 bhānavāra*, tức là hơn 104,000 chữ.

* Bhānavāra = 250 bài kệ, 1 bài kệ = 4 dòng; 1 dòng = 8 chữ.

Do đó, 1 bhāṇavāra gồm có 8000 chữ.

ii. Vibhaṅga – bộ Phân Tích

Có 18 chương trong bộ này.

Ba chương đầu nói về:

(1) Khandha (uẩn); (2) Āyatana (xứ); (3) Dhātu (giới) là 3 chương quan trọng nhất.

Những chương sau nói về:

(4) Sacca (đế hay sự thật)

(5) Indriya (quyền)

(6) Paccayākāra (duyên khởi, nguồn gốc của duyên, phương thức của duyên)

(7) Satipaṭṭhāna (niệm xứ, nền tảng của niệm)

(8) Sammappadhāna (chánh cần)

(9) Iddhipāda (như ý túc)

(10) Bojjhaṅga (giác chi)

(11) Magga (đạo)

(12) Jhāna (thiền)

(13) Appamaññā (vô lượng)

(14) Sikkhāpada (điều học)

(15) Paṭisambhidā (đạt thông)

(16) Nāṇa (trí)

(17) Khuddaka vatthu (tiểu tông), những chủ đề nhỏ

(18) Dhamma hadaya (pháp tâm), tập yếu của đế.

Mỗi chương trong những chương này gồm có 3 phần – giải hay phân theo Suttanta (Kinh), giải hay phân theo Abhidhamma (Vô Tỷ Pháp) và pañhāpucchaka (phần vấn đáp).

Trong bộ này có 35 bhāṇavāra (280,000 chữ).

iii. Dhātukathā – bộ Chất ngữ

Bộ này thảo luận về việc pháp (dhamma) được gồm hay không được gồm trong, tương ưng[2] hay bất tương ưng từ: Khandha (uẩn), āyatana (xứ) và dhātu (giới).

Trong bộ này có 14 chương. Ở một chừng mực nào đó, những pháp ấy vượt qua 6 bhāṇavāra (48,000 chữ).

iv. Puggalapaññatti – bộ Nhân Chế Định

Phương pháp trình bày tợ như Anguttara Nikāya (Tăng Chi bộ) trong Sutta Pitaka (tạng Kinh).

Thay vì giảng về nhiều pháp (dhamma) khác nhau, bộ này giảng về nhiều loại người khác nhau. Bộ này có mười chương. Chương thứ nhất giảng về từng loại người, chương thứ hai theo đôi, chương thứ ba theo nhóm ba, v.v…

Ở một chừng mực nào đó, những pháp ấy vượt qua 5 bhāṇavāra (40,000 chữ).

v. Kathāvatthu – bộ Ngữ Tông

Đồng tác giả của bộ này được cho là Đại đức trưởng lão Moggalliputta Tissa là người có sức ảnh hưởng trong thời vua Dhammāsoka. Ngài là người chủ trì cuộc kết tập Tam tạng lần thứ ba tại Pātalaliputta vào thế kỷ thứ ba B.C. Ở kỳ kết tập này, việc làm của ông gồm có tạng Abhidhamma.

Chú giải Atthasālinī nêu rằng những pháp ấy chứa 1.000 câu (sutta); 500 chính thống và 500 không chính thống. Ở một chừng mực nào đó, bộ này có độ lớn khoảng Dīgha Nikāya (Trường bộ kinh).

Bộ này giảng về 216 quan kiến hay luận điểm và được chia thành 23 chương.

vi. Yamaka – bộ Song Đối

Bộ này được gọi là ‘Song đối’ là do cách hay phương pháp lý luận. Suốt quyển sách, một câu hỏi và câu ngược của nó được tìm thấy theo nhóm. Ví dụ như đôi thứ nhất của chương thứ nhất của bộ sách giảng về ‘căn’, diễn tiến như sau: Mỗi pháp nào là thiện, những pháp ấy đều gọi là căn thiện? Hay là căn nào là căn thiện đều gọi là pháp thiện phải chăng?

Bộ Yamaka này được chia thành 10 chương – đó là:

(1) Mūla (căn)

(2) Khandha (uẩn)

(3) Āyatana (xứ)

(4) Dhātu (giới)

(5) Sacca (đế)

(6) Saṅkhāra (hành, pháp trợ)

(7) Anusaya (tùy miên)

(8) Citta (tâm)

(9) Dhamma (pháp)

(10) Indriya (quyền)

Ở một chừng mực nào đó, những pháp ấy gồm 120 bhānavāra (960,000 chữ).

vii. Paṭṭhāna – bộ Vị Trí (hay duyên liên quan)

Đây là bộ sách quan trọng và lớn nhất trong Abhidhamma pitaka (tạng Vô Tỷ Pháp). Người kiên trì đọc bộ này sẽ không thể không khâm phục trí uyên thâm và tuệ quán minh sát sắc sảo của Đức Phật. Không nghi ngờ chi, để có những lập luận tỉ mỉ, tinh vi, chắc chắn Ngài phải là một bậc Toàn giác.

Thuật ngữ “Paṭṭhāna”=pa” + “ṭhāna

- “pa” có nghĩa là nhiều thứ khác nhau.

- “ṭhāna” có nghĩa là liên quan hay paccaya (duyên hay điều kiện), người khéo rành xứ và phi xứ.

Trong tất cả 24 duyên này, mỗi ṭhāna gọi là duyên bởi do Đức Phật phân chia chư pháp như là thiện, bất thiện, vô ký do mãnh lực của duyên như ‘nhân duyên’ v.v... Ở đây, paṭṭhāna gọi là “vị trí, xứ” bởi vì là nơi hội họp của những duyên khác nhau.

Bộ sách này được gọi như thế vì nó giảng về 24 duyên hay cách liên quan nhân quả (sẽ được giải thích trong một chương ở phần sau) và Tika (tam đề) và Duka (nhị đề) đã được đề cập trong Dhammasaṅganī (bộ Pháp Tụ) và được gồm trong phần tập yếu của Abhidhamma Piṭaka (tạng Vô Tỷ Pháp).

Phần đính kèm quan trọng theo bộ sách này cũng được gọi là “Mahā pakaraṇa” (Bộ sách lớn), có thể được định cỡ bằng những từ giảng giải được nêu: “Và trong khi Đức Phật quán minh sát về nội dung bộ Pháp Tụ, thân Ngài phát ra những tia hào quang sáng và cũng tợ như thế đối với sự quán minh sát về nội dung của 5 bộ kế. Nhưng khi quán minh sát đến nội dung của bộ “Paṭṭhāna”, Ngài bắt đầu quán về 24 duyên hiện hữu và hào quang sáu màu túa ra, bao trùm khắp hướng, trí Toàn giác của Ngài chắc chắn đã tìm thấy những duyên của nó ở trong đó.

___o0o___

§2. Tattha vuttābhidhammatthā, catudhā paramatthato.

Cittaṃ cetasikaṃ rūpaṃ, nibbānamiti sabbathā.

Dhamma (pháp) chơn đế hay siêu lý đã đề cập trong Abhidhamma (Vô Tỷ Pháp) có bốn:

- Citta (tâm),

- Cetasika (sở hữu tâm),

- Rūpa (sắc pháp),

- Nibbāna (Níp-bàn).

Sacca (đế) – có hai đó là:

- Sammuti-sacca (tục đế) hay paññatti (chế định) là sự thật được định đặt, qui ước.

- Paramattha-sacca (pháp chơn đế hay pháp siêu lý đế) là sự thật tột cùng.

Thông thường, một nhà khoa học vẫn dùng từ ‘nước’, nhưng trong phòng thí nghiệm vị ấy gọi là H2O. Cũng thế, trong Sutta Piṭaka (tạng Kinh) Đức Phật dùng những từ qui ước thông thường như là đàn ông, đàn bà, người, ta, v.v…, nhưng trong Abhidhamma piṭaka, Ngài chọn theo cách khác để mô tả. Ở đây, Ngài dùng phương pháp phân tích và dùng những thuật ngữ trừu tượng như là khandha (uẩn), āyatana (xứ), dhātu (giới), v.v…

Từ ‘Paramattha’ có ý nghĩa là to lớn, cao siêu trong Abhidhamma. Nó là một từ ghép của paramaattha.

- Parama được giải thích là aviparīta (không thay đổi, bất biến), nibbattita (trừu tượng, hay cao siêu, tột cùng, tối thắng, ưu tú); chú giải giải thích từ “parama” là bất biến, không thay đổi hay thực.

- Attha nghĩa là các pháp, ý nghĩa, v.v… “attha” tương ứng với thuật ngữ “pháp”. Ở đây, nó không được dùng theo nghĩa “ý nghĩa”.

Do đó, ‘Paramattha’ là pháp bất biến, không thay đổi, không biến đổi, cao siêu. ‘Pháp siêu lý’ hay ‘Thực tính bất biến’ có thể là cụm từ tương đương gần nhất được thừa nhận. Mặc dù thuật ngữ được dùng ở đây không thay đổi, nhưng không nên hiểu tất cả paramattha (pháp siêu lý) là thường hằng vĩnh viễn.

Paramattha (pháp siêu lý) là chơn tướng, bản thể thật, cố nhiên và tự nhiên, như như không trái lại, không thay đổi (gọi chơn như bản tánh cũng đặng).

Paramattha (pháp siêu lý) có 3 nghĩa: Đặc biệt, cảnh tuệ cao, chủ chế định.

Đặc biệt, đây có nghĩa là như như không thay đổi trái lại sai khác. Nên Pāḷi có chú giải như vầy:

- Paramo uttamo aviparito atthoti = paramattho: Đặc biệt không thay đổi (trái lại) gọi là siêu lý.

- Paramassa vā uttamassa ñāṇassa attho gocaroti = paramattho: Cảnh tuệ cao chỉ sự nhận thức, tỏ ngộ, đắc chứng, biết bằng cách phi thường, chẳng phải hiểu theo trong đời thường thức.

- Paramo vā padhāno atthoti = paramattho: Chủ chế định, tức là bản thể của vũ trụ và tâm chủ trương vạn vật.

Thí dụ, một cái chậu đồng, không phải là paramattha (pháp siêu lý) ví nó thay đổi từng sát-na và có thể được chế tác thành một cái bình. Cả hai vật này có thể được phân tích đến những sắc cơ bản thực tính theo Abhidhamma, được gọi là rūpa paramattha (sắc siêu lý). Những sắc này cũng có thể thay đổi, tuy nhiên, trạng thái đặc biệt của những sắc này thì như nhau dù cho chúng được tìm thấy trong một cái chậu hay một cái bình. Chúng vẫn giữ nguyên thực tính trong bất cứ hợp chất nào được tìm thấy.

Có bốn Paramattha (pháp siêu lý) bao gồm tất cả pháp hiệp thế và pháp siêu thế.

Pháp mà gọi là chúng sanh là hiệp thế, Nibbāna (Níp-bàn) là siêu thế. Pháp hiệp thế gồm có nāma (danh) và rūpa (sắc).

Abhidhamma (Vô Tỷ Pháp) nêu 28 thứ sắc. Những rūpa (sắc) này sẽ đề cập ở chương sau. Nāma (danh pháp) gồm cả tâm và sở hữu tâm. Chương thứ hai trong quyển này trình bày những cetasika (sở hữu tâm). Có tất cả 52 sở hữu tâm. 1 trong 52 cetasika (sở hữu tâm) ấy có vedanā (thọ), 1 cetasika (sở hữu tâm) khác là saññā (tưởng). 50 cetasika (sở hữu tâm) ngoài ra gọi chung là saṅkhāra (hành). Pháp dẫn đầu những cetasika (sở hữu tâm) này là viññāṇa (thức).

Nương theo phần phân tích ở trên, gọi là chúng sanh được gồm pañcakkhandha (năm nhóm hay năm uẩn[3]): Rūpa (sắc), vedanā (thọ), saññā (tưởng), saṅkhāra (hành) và viññāṇa (thức).

Citta, ceta, cittuppāda, nāma, mana, viññāṇa đều là những thuật ngữ đồng nghĩa trong Abhidhamma. Khi gọi chúng sanh được chia thành hai phần, thì từ nāma (danh) được dùng. Khi được chia thành pañcakkhandha (năm uẩn), thì viññāṇa (thức) được dùng. Citta (tâm) thì lúc nào cũng được dùng khi chỉ cho những loại tâm khác nhau. Trong những trường hợp cá biệt, theo ý nghĩa thông thường của ý, cả hai citta (tâm) và mana (ý) thường được dùng.

___o0o___

Namo tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa.

Cung kỉnh đảnh lễ Đức Thế Tôn, bậc Ứng cúng, đấng Chánh đẳng Chánh giác.

Arahaṃ sammāsambuddho bhagavā Buddhaṃ Bhagavantaṃ abhivādemi.

Svākkhāto Bhagavatā dhammo dhammaṃ namassāmi.

Suppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṅgho saṅghaṃ namāmi.

Thutivacana (Lời Tán Dương)

§1. Sammāsambuddhamatulaṃ, sasaddhammagaṇuttamaṃ.

Abhivādiya bhāsissaṃ, abhidhammatthasaṅgahaṃ.

Cung kỉnh đảnh lễ bậc Toàn giác, bậc Vô song, cùng diệu pháp mà Ngài giác ngộ chúng sanh. Con sẽ nói Abhidhammatthasaṅgaha – (Vô Tỷ Pháp Tập Yếu) của Ngài.

§2. Tattha vuttābhidhammatthā, catudhā paramatthato.

Cittaṃ cetasikaṃ rūpaṃ, nibbānamiti sabbathā.

Bốn pháp (Dhamma) chơn đế hay siêu lý đã đề cập trong Abhidhamma (Vô Tỷ Pháp) là citta (tâm), cetasika (sở hữu tâm), rūpa (sắc pháp), Nibbāna (Níp-bàn).

___o0o___

CHƯƠNG I: CITTA[4] SAṄGAHA – TÂM NHIẾP

“Citta” được bắt nguồn từ căn citi + e = cittaṃ hay căn cinta + e = cinteti = cittaṃ, có nghĩa là nghĩ, biết. Theo chú giải, citta là pháp biết (cinteti = vijānāti) cảnh, đối tượng. Do đó, “citta” – được dịch là tâm hay là sự biết cảnh.

“Saṅgaha”, khi chiết tự thì Saṅgaha = saṅ + gaha, mà ‘Saṅ’ có nghĩa là dón gọn, còn ‘gaha’ có nghĩa là gom hợp lại. Do đó, “Saṅgaha” có nghĩa là gom hợp gọn lại, tóm tắt, trích yếu, tập yếu, yếu hợp, gom hợp, tập hợp những pháp trọng yếu lại, hay lấy những phần đồng hợp lại gọi chung một tên là “nhiếp”.

Citta” – Tâm, được Đức Phật dạy trong bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅganī) như sau:

Katamaṃ tasmiṃ samaye cittaṃ hoti? Yaṃ tasmiṃ samaye cittaṃ mano mānasaṃ hadayaṃ paṇḍaraṃ mano manāyatanaṃ manindriyaṃ viññāṇaṃ viññāṇakkhandho tajjā manoviññāṇa dhātu-idaṃ tasmiṃ samaye cittaṃ hoti.

Tâm trong khi có ra sao? Khi nào có sự biết cảnh, tức là tâm, tâm địa, tâm tạng, bạch tịnh, ý, ý xứ, ý quyền, thức, thức uẩn và ý thức giới. Đó gọi là có tâm trong khi ấy. (Dhs.21)

Citta” – Tâm, theo chú giải Pāḷi:

Cittī karotīti = cittaṃ: (Nòng cốt) làm cho chúng sanh đặc biệt sai khác gọi là tâm.

Cintanamattaṃ = cittaṃ: Biết gọi là tâm.

Ārammaṇaṃ cintetīti = cittaṃ: Biết cảnh gọi là tâm.

Citta” – Tâm, nói theo bộ Kho tàng Pháp học của Thái-lan có 5 nghĩa:

1. Thâu bắt biết cảnh rõ rệt gọi là tâm;

2. Do có tâm-lộ đổng[5] lực (thực hay tốc lực) bằng thiện, bất thiện, quả và tố nên gọi là tâm;

3. Chủ trương phiền não quến tựu tạo quả, nên gọi là tâm;

4. Chủ trương khéo léo bằng lối suy xét, tìm, sắp đặt trong đời nhiều cách rất đặc biệt nên gọi là tâm;

5. Thành do ‘cố hưởng duyên hay ‘trùng dụng duyên’’ tích tụ và bị nghiệp tạo, nên gọi là tâm.

Citta” – Tâm, nương theo li gii của thầy (Ācariya) Nep có 6 nghĩa:

1. “Tâm chủ trương làm ra các nghệ thuật”. Tất cả trong đời bao nhiêu kỹ nghệ đều phải có phần chủ trương của tâm mới tạo ra các vật dụng khác biệt theo ý kỹ sư và thợ;

2. “Tâm chủ trương làm cho tâm có phần khác biệt” như là nghiệp có khác nhau, tánh nết có khác nhau, tư tưởng có khác nhau tạo thành 4 giống: Giống thiện, giống bất thiện, giống quả và giống tố;

3. “Tâm chủ trương quến tựu nghiệp và phiền não”. Lẽ thường, mỗi chúng sanh còn nhiều phiền não đâu phải chỉ sanh một hai lần, vì nghiệp còn lưu tồn vô số kể. Nếu không có tâm thì chẳng có phiền não và nghiệp chi cả;

4. “Tâm chủ trương bảo trì quả do nghiệp và phiền não quến tựu”. Dị thục quả là do nghiệp biệt thời trợ tạo;

5. “Tâm chủ trương tự duy trì cơ tánh”, nghĩa là tâm sanh ở mỗi cái sát-na liên tiếp với nhau nhờ có Vô gián duyên và Đẳng vô gián duyên v.v…;

6. “Tâm có chủ trương trong sự biệt tài bắt cảnh” là không có cảnh nào gặp mà tâm không bắt đặng. Dù cho sắc, thinh, khí, vị, xúc, pháp cho đến Níp-bàn. Dù cảnh có thế nào, hễ cảnh đối với tâm, đều bị tâm biết đặng.

Citta” – Tâm, theo thầy Jotika tóm tắt có 3 nghĩa:

1. Tâm vẫn luôn luôn biết cảnh;

2. Tâm làm nhân cho sở hữu tâm biết cảnh, tợ như người dẫn dắt;

3. Tâm (chứng minh) làm cho động vật và bất động vật trong đời thành ra rất nhiều pháp khác biệt.

Citta” – Tâm, theo chú giải phần chánh, có 4 ý nghĩa hay đặc tính:[6]

1. Lakkhaṇa (trạng thái) là biết cảnh (ārammaṇavijānanalakkhaṇaṃ)

2. Rasa (phận sự) là dẫn dắt (sở hữu tâm) (pubbaṅgamarasaṃ)

3. Paccupaṭṭhāna (thành tựu)[7] là nối nhau liên tiếp (sandahanapaccupaṭṭhānaṃ)

4. Padaṭṭhāna (nhân cận) là có danh, sắc (và cảnh) (nāmarūpapadaṭṭhānaṃ)

Theo Ngũ Định luật (Pañca niyāma[8]) thì citta niyāma (định luật về tâm) như lộ trình hay sự diễn tiến của tâm, sự sanh và diệt của tâm, những tác động của tâm, v.v... đều thuộc về định luật của tâm (citta niyāma).

Nhân trợ cho tâm sanh có 4: Nghiệp quá khứ (atītakammo), sở hữu tâm (cetasika), cảnh (ārammaṇa) và vật (vatthu).

PHÂN CHIA “CITTA”- TÂM THEO CÕI

§3. Tattha cittaṃ tāva catubbidhaṃ hoti kāmāvacaraṃ rūpāvacaraṃ arūpāvacaraṃ lokuttarañceti.

Ở đây, ‘citta’ (tâm) được phân thành 4 loại phù hợp với 4 lĩnh vực hay 4 cõi như: Dục giới, sắc giới, vô sắc giới và siêu thế.

I. Tâm dục giới (kāmāvacaracitta) là tâm thường du hành (dạo) trong cõi Dục (Kāma-loka).

II. Tâm sắc giới (rūpāvacaracitta) là tâm thường du hành trong cõi Sắc (Rūpa-loka).

III. Tâm vô sắc giới (arūpāvacaracitta) là tâm thường du hành trong cõi Vô sắc (Arūpa-loka).

IV. Tâm siêu thế (lokuttaracittas) là tâm thường du hành vượt ngoài thế gian.

Bốn loại tâm (citta) trên có thể gọi ngắn gọn là tâm dục (kāmacitta), tâm sắc (rūpa citta), tâm vô sắc (arūpa citta) và tâm siêu thế (lokuttara citta).

- Tâm dục giới là tâm chuyên môn biết cảnh dục và hay nương người dục giới, nên Pāḷi chú giải như vầy: Kāmetīti = kāmo: Chuyên môn biết cảnh dục, gọi là tâm dục giới.

Tâm dục giới (kāmāvacara citta) không chỉ du hành trong cõi Dục mà còn trong những cảnh giới khác. Tâm sắc giới (rūpāvacara citta) và tâm vô sắc giới (arūpāvacaracitta) cũng như thế.

“Dục giới” đây chỉ cho 4 cõi Khổ, cõi Nhân loại và 6 cõi trời Dục giới. Trong tất cả 11 cõi trên, chúng sanh đều thọ hưởng những nhục dục.

- Tâm sắc giới là những tâm chỉ biết cảnh đề mục còn hình thức và thường nương người sắc giới, nên gọi là tâm sắc giới. Pāḷi chú giải như vầy: Rūpe avacaratīti = rūpāvacaraṃ: (Đa) nương theo cảnh phần hình thức nên gọi là tâm sắc giới.

Cõi Sắc giới là nói về 16 cõi được chư Phạm thiên sắc cư trú ... , chư Phạm thiên (Brahma) ấy có hình sắc hay cơ thể.

- Tâm vô sắc giới là những tâm biết cảnh trong đời mà không còn hình thức, thường nương người vô sắc giới nên gọi là tâm vô sắc giới, nên Pāḷi chú giải như vầy: Arūpe avacarātīti = arūpāvacaraṃ: Chỉ nương theo cảnh không hình thức, nên gọi là tâm vô sắc giới.

- Tâm siêu thế là những tâm biết cảnh hoàn toàn ngoài ‘đời’ hay ‘thế gian’ và không còn liên quan đến luân hồi tam giới, nên gọi là siêu thế. Loka + uttara = lokuttara.

‘Loka’ có nghĩa là ‘đời’ hay ‘thế gian’. Mà ‘đời’ (loka)[9] thì có 3 dạng là đời chúng sanh (12 hạng người), đời vũ trụ (31 cõi) và đời bản thể (5 uẩn) tức pháp siêu lý. Ở đây, loka chỉ lấy nghĩa là năm uẩn. Uttara nghĩa là ở trên, vượt qua. Nên Pāḷi chú giải như vầy: Lokato uttarātīti = lokuttaraṃ: Đặng vượt khỏi đời nên gọi là siêu thế.

Chư Phạm thiên (Brahma) thì quyền lực hơn chư thiên (ở cõi Dục). Những vị ấy hưởng sự an lạc và sống lâu hơn chư thiên (cõi Dục).

I. Tâm dục giới (Kāmāvacara citta)

(Tâm thường du hành trong cõi Dục) (Dhs.980)

Kāma – ‘Dục’, ở đây có nghĩa là ham muốn, luyến ái, say đắm dục ái hay sự vừa ý, hợp ý về cảnh dục. Đó là vật dục (vatthukāma) và phiền não dục (kilesakāma).

Ở đây, phiền não dục (kilesakāma) là muốn, là luyến ái, là say đắm, là tầm cầu, là thương yêu, là nồng nhiệt, là mê mẩn, là ràng buộc, là lôi cuốn, là gắn bó, là chấp thủ là che lấp, v.v…; có pháp thực tính là ‘tham’ ngoài sắc ái và vô sắc ái.

Vật dục (vatthukāma) là sự vừa ý, hợp ý (manāpika) về cảnh sắc, về cảnh thinh, về cảnh khí, về cảnh vị, về cảnh xúc, về các loại vật dụng, tài sản v.v… là tất cả ‘pháp dục giới khác’ ngoài pháp sắc giới và vô sắc giới.

‘Kāma’ cũng có nghĩa là 11 cõi khác nhau – đó là 4 cõi Khổ (Apāya), cõi Nhân loại (Manussaloka) và 6 cõi trời Dục (Sagga).

Có Pāḷi chú giải như vầy: “Kāmetīti = kāmo (vā) kāmīyatīti = kāmo”: Pháp bản thể nào có ham muốn cảnh dục thì pháp bản thể ấy gọi là “dục”, đó là “phiền não dục” tức dục ái. Hay pháp bản thể nào là ưa thích dục ái thì pháp bản thể ấy gọi là “dục”, đó là “vật dục” tức 54 tâm dục giới, 52 sở hữu tâm, 28 sắc pháp gọi là “dục”, hoặc 11 cõi Dục.

“Kāmassa bhavoti = kāmo”: Cõi nào là nơi sanh phiền não dục (kilesakāma) và vật dục (vatthukāma) thì cõi ấy gọi là dục (kāma), đó là 11 cõi Dục.

Avacara nghĩa là đi đi lại lại, đi quanh, chuyển quanh, thường lui tới, du hành, lĩnh vực hoạt động, giới v.v…

“Kāme avacaratīti = kāmāvacaraṃ: Tâm nào du hành, sanh trong cõi vật dục và phiền não dục thì tâm ấy gọi là (tâm) dục giới.

Có 54 tâm dục giới (kāmāvacara citta) được chia thành 3 loại:

A) Tâm bất thiện (akusala citta) – có 12.

B) Tâm vô nhân (ahetuka citta) – có 18.

C) Tâm dục giới tịnh hảo (kāma-sobhaṇa citta) – có 24.

Tổng số tâm dục giới là 12+18+24=54. Những thứ tâm này được đặt tên và giải thích ở phần sau.

Người đọc và học nên làm quen với những danh từ Pāḷi được đề cập trong quyển sách này. Những danh từ ấy ngắn gọn, rõ ràng và sẽ giúp người học hiểu phần dịch, viết trong sách hay những quy ước về từ ngữ trong Phật giáo.

(A) Tâm Bất Thiện (Akusala Citta)

‘Akusala’ thì đối lập trực tiếp của ‘kusala’. Theo Atthasālinī cho nghĩa từ nguyên của ‘kusala’ như sau: Ku, xấu, + căn sal, run, run sợ, phá hoại, tàn phá, phá hủy, tiêu diệt. Pháp phá trừ, phá hủy, tiêu diệt pháp xấu ác, đáng khinh nên gọi là thiện ‘kusala’.

‘Akusala’, nghĩa là ‘bất thiện’ là pháp đối lập trực tiếp của ‘kusala’.

Akusalehi yuttanti = akusalaṃ: Hợp tác những pháp trái với thiện gọi là bất thiện.

Bất thiện có 5 nghĩa: Bệnh hoạn (rogyattha), không tốt đẹp (asundarattha), không khôn khéo (achekattha), có sai lỗi (savajjattha), (để nghiệp tạo) quả khổ (dukkhavipākattha).

Nhân trợ cho bất thiện sanh có 5:

1- Tác ý không khéo (ayoniso manasikāra) là những cách suy xét và nhận định làm cho tâm bất thiện phát sanh như nghĩ theo tham, sân, si v.v…; không thấy biết các pháp chỉ là danh pháp, chỉ là sắc pháp, chỉ là tập hợp của danh và sắc, không thấy biết sự tập hợp của danh và sắc đều do duyên trợ tạo, không thấy biết sự diễn tiến của danh và sắc là vô thường, là khổ, là vô ngã, là bất tịnh; mà ngược lại cho rằng sự diễn tiến của danh và sắc là ta, là của ta,[10] là tự ngã của ta, là thường, là lạc, là ngã v.v… nên sanh tâm ham thích, dính mắc, ham muốn, bảo vệ, gìn giữ v.v…

Tattha katamo ayoniso manasikāro: Anicce niccanti ayoniso manasikāro, dukkhe sukhanti ayoniso manasikāro, anattani attāti ayoniso manasikāro, asubhe subhanti ayoniso manasikāro, saccavippaṭikūlena vā cittassa āvaṭṭanā anvāvaṭṭanā[11] ābhogo samannāhāro manasikāro, ayaṃ vuccati ayoniso manasikāro. (Vibh.960)

Tác ý bất tinh vi[12] đó ra sao? Như là sự vật không trường tồn mà tác ý không khéo cho là trường tồn. Sự vật khổ mà tác ý không khéo cho là vui. Sự vật vô ngã lại tác ý không khéo cho là hữu ngã. Sự vật bất mỹ lại tác ý không khéo cho là tốt đẹp. Hay là sự nhớ, sự thường nhớ, sự nghĩ ngợi, cách suy xét, sự tác ý của tâm sai với sự chân thật. Như thế gọi là tác ý bất tinh vi.

2- Ở chỗ không đáng ở (apatirūpadesavāsa) là những chỗ có nhiều sự khiêu khích cho tâm tham, sân và si phát sanh như chỗ ăn chơi, tranh đấu.

3- Thân cận phi hiền nhân (asappurisūpanissaya) là hay thân cận tà sư, ác hữu, những kẻ mưu kế gian hùng, tráo trở v.v…

4- Đời trước không tạo (nhiều) phước (pubbe akatapuññatā) là đời trước người ấy chuyên môn hành động theo các điều bất thiện hay là bỏn xẻn, cho nên đời này chẳng được giàu sang, sung sướng lại thiếu thốn và thiếu hiểu biết v.v… không tránh khỏi câu ‘Bần cùng sanh đạo tặc’.

5- Tự lập trường (phát triển) theo đường lối sai (attamicchāpaṇidhi) là không chịu nương hay tập rèn theo kiến thức tiến hóa chơn chánh hoặc giải thoát cao siêu, cứ hành động và suy xét luôn cả tập rèn theo những lề lối xấu ác mà không chịu bỏ.

Người thường hay phạm những điều nguy hại và hành vi ác xấu bằng những tâm bất thiện, thì những tâm bất thiện ấy trợ hay mang lại quả xấu hay quả khổ.

12 thứ tâm bất thiện được chia thành 3 loại như:

1. Lobha-mūlacitta (tâm căn tham hay quyến luyến, dính mắc) – có 8.

2. Dosa-mūlacitta (tâm căn sân hay lòng xấu xa) – có 2.

3. Moha-mūlacitta (tâm căn si hay trạng thái không biết pháp đáng biết) – có 2.

Lobha-mūla Citta - Tâm căn tham

Gọi là ‘tâm căn tham’ vì khi tâm này phát sanh có ‘sở hữu tham’ làm căn làm gốc.

Có Pāḷi chú giải như sau: Lubbhatīti = lobho: Ham muốn gọi là tham.

Tám thứ tâm căn tham (lobha) như sau:

§4. Tattha katamaṃ kāmāvacaraṃ? Somanassasahagataṃ diṭṭhigatasampayuttaṃ asaṅkhārikamekaṃ, sasaṅkhārikamekaṃ, somanassasahagataṃ diṭṭhigatavippayuttaṃ asaṅkhārikamekaṃ, sasaṅkhārikamekaṃ, upekkhāsahagataṃ diṭṭhigatasampayuttaṃ asaṅkhārikamekaṃ, sasaṅkhārikamekaṃ, upekkhāsahagataṃ diṭṭhigatavippayuttaṃ asaṅkhārikamekaṃ, sasaṅkhārikamekanti imāni aṭṭhapi lobhasahagatacittāni nāma.

Nghĩa:

Somanassa : Hỷ, cảm thọ vừa lòng, thích ý.

Sahagataṃ : Câu hành, cùng với, đi chung.

Diṭṭhi : Tà kiến, thấy sai về kamma (nghiệp) và quả của nghiệp không tồn tại.[13]

Sampayuttaṃ : Tương ưng, liên kết, liên hợp với, hợp với nhau.

Vippayuttaṃ : Bất tương ưng, không liên kết với.

Asaṅkhārikaṃ : Vô dẫn, tự phát, không dẫn dắt, không trợ giúp.

Sasaṅkhārikaṃ : Hữu dẫn, có dẫn dắt, có trợ giúp bởi người hay tự thân.

Upekkhā : Xả hay cảm thọ trung bình, bình thản.

Ekaṃ : Một.

Dịch là: Dục giới đó là những chi? Một câu hành hỷ tương ưng kiến vô dẫn, một hữu dẫn, một câu hành hỷ bất tương ưng kiến vô dẫn, một hữu dẫn, một câu hành xả tương ưng kiến vô dẫn, một hữu dẫn, một câu hành xả bất tương ưng kiến vô dẫn, một hữu dẫn. Đây gọi là tám tâm đi chung với tham dục giới.

Đến đây, 8 thứ tâm căn tham (lobha-mūlacitta) có thể gọi đầy đủ như sau:

1. Một tâm câu hành hỷ tương ưng kiến vô dẫn. (Dhs.275)

2. Một tâm câu hành hỷ tương ưng kiến hữu dẫn. (Dhs.311)

3. Một tâm câu hành hỷ bất tương ưng kiến vô dẫn. (Dhs.312)

4. Một tâm câu hành hỷ bất tương ưng kiến hữu dẫn. (Dhs.315)

5. Một tâm câu hành xả tương ưng kiến vô dẫn. (Dhs.316)

6. Một tâm câu hành xả tương ưng kiến hữu dẫn. (Dhs.320)

7. Một tâm câu hành xả bất tương ưng kiến vô dẫn. (Dhs.321)

8. Một tâm câu hành xả bất tương ưng kiến hữu dẫn. (Dhs.324)

Đây gọi là tám tâm đi chung với tham.

Nhân trợ tham có 4:

- 1/ Tái tục bằng nghiệp có đi kèm với tham (lobhaparivārakamma-paṭisandhikatā) là nghiệp nhân trước có đi chung với tâm tham hoặc tâm tham phát sanh trước, sau những tâm để lại nghiệp ấy như người tạo phước mà mong hưởng trong đời hoặc muốn sanh về cõi ưa thích.

- 2/ Đời kế trước đa tham (lobha ussannabhavatocavamatā) là đời kế trước chuyên môn hưởng lục dục quá quen, nên đời này gặp lục dục thì dễ phát tham.

- 3/ Gặp cảnh tốt (iṭṭhārammaṇasamāyogo) là thấy sắc tốt, nghe tiếng hay, cho đến gặp sự vật quí.

- 4/ Gặp cảnh, vật ưa thích (assādadassanaṃ) là những nhân vật hay công chuyện mà ta vừa lòng ham muốn.

Nhân trợ sanh câu hành hỷ có 4:
- 1/ Tái tục bằng tâm câu hành hỷ (somanassapaṭisandhikatā) là 4 tâm đại quả câu hành hỷ và 4 tâm quả sắc giới câu hành hỷ.
- 2/ Không có sự tế nhị (agambhīrapakatitā) là không có sự trầm ngâm suy xét.
- 3/ Gặp cảnh tốt (iṭṭhārammaṇasamāyogo) (đã giải ở trên).
- 4/ Ly sự điêu tàn (byasanamutti) là không gặp lúc tai nạn, rủi ro.

Như khi đang vui, sướng và mừng với nhân vật mà ta hài lòng thì vui lắm hoặc có trường hợp vui dịu hòa (đây chưa phân tham hay thiện).

Nhân trợ sanh tương ưng tà kiến có 5:[14]

- 1/ Nết quen tà kiến (diṭṭhijjhāsayatā) là cả nghề làm, luôn tư tưởng rất thuần túy theo việc làm và lý thuyết chấp hữu hoặc chấp vô, luôn luôn thành quen nết, như cho rằng linh hồn còn hoài ở trong thân ta hoặc thực hành theo lý thuyết bỏ hết sẽ thành không.

- 2/ Thân cận người tà kiến (diṭṭhivippannapuggalasevanatā) là thường quen với người tà kiến hay học hỏi, tín ngưỡng tôn giáo tà kiến như học phần chỉ chấp theo thực nghiệm, ngoài ra thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng đều cho là không có.

- 3/ Trái với chánh pháp (saddhamma-vimukhatā) là không tin hay phản đối với 4 đạo, 4 quả, Níp-bàn và pháp học.

- 4/ Đa suy xét sai (micchāvitakkabahulatā) là hay nghĩ theo thường thức sai với định luật của thiên nhiên vũ trụ, hoặc hữu hoặc vô, tự tìm nhận định.

- 5/ Không khéo vọt tà kiến (ayoniso ummujjanaṃ) như khởi ra không khéo là vừa khởi nghĩ, là khớp với lý tà kiến như đây là ta, là của ta, là tự ngã của ta, là thường, là lạc, là ngã v.v…

Nhân trợ sanh bất tương ưng tà kiến có 5:

- 1/ Nết không quen tà kiến (adiṭṭhijjhāsayatā) (sassata ucchedadiṭṭhi anajjhāsayatā) là lập hạnh thuần túy theo lý vô thường, khổ não, vô ngã v.v… như nhân trợ sanh vũ trụ như là máy móc, mỗi người là một bộ máy nhỏ là phần tử trong bộ máy lớn, là chung khắp cả vũ trụ tam giới dù thân tâm ai cũng thế, không quá chấp nhận ngã, chỉ làm việc đối với cơ duyên như cái máy bị động.

- 2/ Không thân cận người tà kiến (diṭṭhivippannapuggalasevanatā) là chẳng ở chung hay học hỏi làm quen, tới lui với những người chấp theo tà kiến, chấp thường hoặc chấp đoạn.

- 3/ Đặng nghe Phật pháp (saddhammamukhatā) là đặng nghe Phật thuyết v.v… hay gặp chánh tạng hoặc chú giải không sai, chuyên cần tìm học hỏi, dù chưa đắc đạo quả cũng giảm nhẹ sự chấp lầm.

- 4/ Không hay suy xét sai (micchā vitakka abahulatā) (sammāvitakka bahulatā) ít nghĩ đến sự chấp hữu, chấp vô, chẳng bám chấp, dính mắc đến việc gì.

- 5/ Khéo vọt khỏi tà kiến (yoniso ummujjanaṃ) (ayoniso na ummujjanaṃ) là luôn luôn tránh xa các thái cực bất cập chấp có hoặc chấp không, biết sự việc ở đời đều theo định luật nhân quả.

Nhân trợ sanh vô dẫn có 6:

- 1/ Tái tục bằng nghiệp vô dẫn (asaṅkhārikakammajanita-paṭisandhikatā) là 2 tâm thẩm tấn câu hành xả và 4 tâm đại quả vô dẫn (sẽ giải sau).

- 2/ Thân tâm mạnh mẽ (kallakāyacittatā) là thân tráng kiện, tâm có niệm thường sanh, gặp việc chi đều phát lẹ.

- 3/ Đa nhẫn nại (khantībahulatā) là những người hay quen chịu nắng, mưa, đau, nhức gặp lướt qua như thường, nên đối với sự vật tâm liền mau chóng.

- 4/ Từng thấy nghe kết quả của người khác (purisa ākāresudiṭṭhānisaṃsatā) là đã từng gặp, nghe, thấy người khác làm gặt hái kết quả tốt, nên định chắc tâm không do dự.

- 5/ Thuần thục việc làm (kammapasuttā) là người rành việc, quen cảnh vật, hiểu văn chương, thông nghĩa lý, gặp những sự vật đã từng trải qua, khỏi cần chi ngần ngại.

- 6/ Vật thực, khí hậu thích hợp (utubhojanādisappāyalābho) là chỗ ở, khí hậu phù hợp và thức ăn bổ dưỡng.

Tâm vô dẫn như là tiếng đến nghe liền, vật đến thấy liền, công chuyện nghĩ đến liền nhớ ra… không cần trợ giúp thêm.

Nhân trợ sanh hữu dẫn có 6:

- 1/ Tái tục bằng tâm hữu dẫn (hay nghiệp hữu dẫn) (sasaṅkhārika-kammajanita paṭisandhikatā) là 4 tâm đại quả hữu dẫn và 9 tâm quả đáo đại (sẽ giải sau).

- 2/ Thân tâm yếu (akallakāyacittatā) là người bạc nhược, tâm lơ đãng.

- 3/ Không hay nhẫn nại (akhantībahulatā) là gặp nắng, mưa, nóng, lạnh, đau đớn, buồn rầu, khó vượt qua được nên tâm bị chi phối gặp sự vật không phát sanh ngay.

- 4/ Không từng thấy, nghe kết quả của người khác (purisa ākāresu adiṭṭhānisaṅsatā) là chưa đặng thấy, nghe, biết kết quả thành tựu của người khác, nên gặp sự việc thì do dự, không biết quyết định như thế nào cho đúng.

- 5/ Không thuần thục việc làm (kamma apasuttatā) là người vụng về, thiếu hiểu nên không biết làm cách nào cho đúng.

- 6/ Vật thực, khí hậu không thích hợp (utubhojanādisappāya alābho) là khí hậu chẳng vừa thân, thức ăn không vừa miệng.

Nếu có để ý nhận xét thì tự tâm ta trợ rất dễ. Khi gặp những việc cần quyết định mà trong lòng đã có suy xét rồi thì sẽ nhanh chóng quyết định về sự vật ấy và thực hiện ngay.

8 thứ tâm tham đều có 3 trạng thái: Câu hành hỷ hay câu hành xả, tương ưng kiến hay bất tương ưng kiến, vô dẫn hay hữu dẫn.

Câu hành hỷ đã giải. Câu hành xả là tâm bình thường, không vui, buồn, khổ, lạc. Còn tà kiến thì đã giải thích. Trợ dẫn tức là trường hợp tự thân, khẩu, ý hay tha thân, khẩu, ý trợ giúp thêm lần thứ hai sắp lên rồi tâm tham mới phát sanh.

Sáu cách này sẽ được giải thích từ dễ đến khó như sau:

- 1 là tự tâm trợ tham như vầy: Khi thấy của mà lòng chưa phát sanh ham thích, sau đó vì suy xét cho là đồ tốt hoặc đáng trộm, cướp v.v… mới phát sanh tâm tham muốn lấy.

- 2 là do tha khẩu trợ như gặp kẻ nói văn hoa, đa lời trau chuốt thêu dệt một chút mới khởi tâm tham nhiễm lời lẽ ấy.

- 3 là tha thân trợ tức là do sự hành động của người khác trợ ta như: Đụng, cọ, chà, thoa v.v…

- 4 là tự khẩu trợ tức là miệng ta trợ cho ta thêm mãnh lực mới phát sanh tâm tham như: Ca, hát, hò, xướng, kéo dài mới nhận giọng hay của ta, mới khoái ý hoặc nhiều ít.

- 5 là tự thân trợ tham nghĩa là tâm ta trợ giúp thêm cho tâm ta phát sanh tham như: Múa men hay uốn éo vài cái thấy có điệu hay tự lòng ưa thích bằng cách tham.

- 6 là ý trợ tham bởi do tâm người khác dùng cách tư tưởng điều khiển tâm ta phát sanh tham như là muốn ăn, muốn chơi v.v….

Khi tham sinh khởi, nên phân biệt:

- 1 là khi nào tham vui mừng có chấp theo tà kiến là tâm tham thứ nhất.

- 2 là tham vui mừng chấp theo tà kiến và phải có trợ hay dẫn dắt là tâm tham thứ nhì.

- 3 là tham vui mừng, không chấp theo tà kiến là tâm tham thứ ba.

- 4 là tham vui mừng và có sự trợ là tâm tham thứ tư.

- 5 là khi tham mà vẫn như thường không thấy vui mừng nhưng có sự chấp sai là tâm tham thứ năm.

- 6 là tham không vui mừng, có tà kiến và phải có trợ thêm là tâm tham thứ sáu.

- 7 là không có sự nhận sai, tâm như thường là tâm tham thứ bảy.

- 8 là chỉ khác với tâm tham thứ bảy là có trợ.

Ứng dụng:

Từ lúc thức dậy vào buổi sáng cho đến khi ngủ vào buổi tối, chúng ta luôn tiếp xúc với 5 cảnh (sắc, thinh, khí, vị, xúc) và với những ý nghĩ của chúng ta. Nếu cảnh hay ý nghĩ tốt (hoặc vừa lòng) làm chúng ta thích thú, cảm thấy ái luyến hay dính mắc với chúng và mong mỏi được hưởng thêm nữa. Ngay lúc ấy lobha (sự tham muốn hay ái luyến dính mắc hoặc mong mỏi) sinh khởi trong tâm chúng ta, tức tâm căn tham sinh ra.

Khi nào chúng ta có tâm tham sanh cùng với cảm thọ vui mừng thì khi ấy là tâm căn tham (lobha-mūlacitta) câu hành hỷ (somanassa sahagataṃ).

Khi nào chúng ta có tâm tham sanh cùng với cảm thọ xả (thản nhiên) thì khi ấy là tâm (citta) câu hành xả (upekkhā sahagataṃ).

Khi nào chúng ta không nhận ra tâm bất thiện đang sinh khởi và chúng sẽ mang lại quả khổ, thì khi ấy là tâm căn tham tương ưng (tà) kiến. Trái lại, nếu khi ấy chúng ta nhận ra tâm bất thiện đang sinh khởi và chúng sẽ mang lại quả khổ, thì khi ấy tâm căn tham bất tương ưng (tà) kiến.

Hơn nữa, nếu khi chúng ta cảm thấy dính mắc với cảnh mà không có sự trợ dẫn bởi chính ta hay người khác, thì khi ấy tâm căn tham (lobha-mūlacitta) là vô dẫn. Nếu khi chúng ta cảm thấy dính mắc với cảnh chỉ sau khi có sự trợ dẫn bởi người nào đó, thì khi ấy tâm căn tham (lobha-mūlacitta) là hữu dẫn. Tâm vô dẫn (asaṅkhārika citta) mạnh hơn tâm hữu dẫn (sasaṅkhārika citta) và chúng sinh khởi một cách mạnh mẽ không trở ngại.

Bây giờ, bạn có thể nêu tên loại tâm (citta) mà nó đang sinh khởi với người đang nghe một bản nhạc thích ý ngoài sự suy xét về nghiệp (kamma) và sự ảnh hưởng (quả) của nó không?

Đó là tâm căn tham với tên gọi là:

“Somanassasahagataṃ ditthigatasampayuttaṃ asaṅkhārika citta”. Tâm câu hành hỷ tương ưng kiến vô dẫn.

‘Tham’ như là khi đang trộm cắp, ham muốn khi thấy tài sản của người, ham ưa thích khi gặp lục dục.

Bây giờ, một người đàn ông trộm cái túi xách tay sau nhiều lần phân vân, đắn đo, bởi vì anh ta nhận ra nghiệp bất thiện và quả khổ. Vậy, tâm của anh ta khi ấy là tâm gì?

Đó là tâm căn tham (lobha-mūlacitta) bởi vì tham (lobha) là nguyên nhân của trộm cắp. Tên gọi của tâm ấy là:

“Upekkhāsahagataṃ diṭṭhigatavippayuttaṃ sasaṅkhārika citta”. Tâm (tham) câu hành xả bất tương ưng kiến hữu dẫn.

Những ví dụ khác về 8 loại tâm căn tham (lobha-mūlacitta) được mô tả như sau:

Loại 1: Một người thưởng thức thức ăn, thức uống mà không hề quan tâm đến nghiệp (kamma).

Loại 2: Một người sau khi bị trợ dẫn bởi người bạn, xem phim một cách thích thú mà không hề quan tâm đến nghiệp (kamma).

Loại 3: Một mệnh phụ mặc một cái áo mới, bà ta cảnh giác rằng dính mắc vào chiếc áo là làm dấy lên tâm căn tham.

Loại 4: Một cô gái cảnh giác về nghiệp (kamma) và quả của nghiệp, nhưng cô ta chiều theo sự yêu cầu của những người bạn của cô và nghe nhạc hiện đại một cách thích thú.

Loại 5: Một bé trai ăn cơm trắng với muối với những thứ khác nhưng không hề thưởng thức và hiểu biết gì về nghiệp (kamma).

Loại 6: Một cô gái trân quí chiếc áo mới sau khi được mẹ cô ta giải thích về chiếc áo mới đẹp. Nhưng cô ta chỉ cảm thọ bình thường (xả) và không hiểu biết gì về nghiệp (kamma).

Loại 7: Hiểu biết về nghiệp (kamma), bạn uống cà-phê (cafe) với cảm thọ xả, nhưng bạn vẫn thưởng thức hương vị.

Loại 8: Một mệnh phụ có hiểu biết về nghiệp (kamma), nhưng sau nhiều lần bị thuyết phục bởi nữ thương gia, mệnh phụ miễn cưỡng mua chiếc áo.

Dosa-mūla Citta - Tâm căn sân

Gọi là ‘tâm căn sân’ vì khi tâm này phát sanh có ‘sở hữu sân’ làm căn làm gốc.

Sân là giận, buồn, rầu hoặc khóc lóc v.v…

§5. Domanassasahagataṃ paṭighasampayuttaṃ asaṅkhārikamekaṃ, sasaṅkhārikamekanti imāni dvepi paṭighasampayuttacittāni nāma.

Ý nghĩa và ứng dụng:

Domanassa : Duḥ+manas - ưu, buồn, cảm thọ khổ thuộc về tâm, không hài lòng, tức giận.

Paṭigha : Khuể[15], phẫn, ghét bỏ, căm ghét, tức là sân, phẫn tức là sân mà khác tên (như nói phẫn nộ).

Một tâm câu hành ưu tương ưng khuể vô dẫn, một hữu dẫn. Đây gọi là hai tâm tương ưng khuể.

Tên gọi đầy đủ của hai tâm căn sân (tâm tương ưng khuể) này như sau:

1. Một tâm câu hành ưu tương ưng khuể vô dẫn. (Dhs.326),

2. Một tâm câu hành ưu tương ưng khuể hữu dẫn. (Dhs.329).

Vô dẫn là không có sự trợ giúp thêm của thân, khẩu, ý của ta, hay thân, khẩu, ý của người khác. Đã có giải trong phần tâm tham, nhưng tâm cảnh ở đây có khác biệt là tâm sân và cảnh xấu. Những trường hợp trợ khiêu khích trái nghịch với tâm, làm phát sanh sân như mắng, chửi, đánh, đập v.v… hoặc tự tâm suy diễn thêm mới phát giận, hờn, nóng nảy; tự khẩu nói lên hoặc dạy dỗ kẻ khác nhiều lần mới nổi sân hay tự thân cố gắng làm nhiều lần (như ngoắt hay gọi, hay dạy yoga, vận động v.v…) cũng nổi sân.

Còn tha tâm trợ sân rất ít, vì trường hợp dùng tư tưởng khiến tâm khác phải náo động, sôi nổi, thì chỉ có thôi miên hay huyền bí.

Nhân trợ sanh sân hay câu hành ưu có 4:

- 1/ Tánh nết quen sân (dosajjhāsayatā).
- 2/ Không suy xét cao siêu (agambhīrapakatitā).
- 3/ Thiếu sự học hiểu (appasutatā).
- 4/ Thường gặp cảnh không tốt (aniṭṭhārammaṇasamāyogo).

Khi gặp 6 cảnh rất xấu, chẳng thích hợp, chẳng ưa chi hay gặp công việc, người, vật không vừa lòng, những hoàn cảnh xấu, trừ người tu tập) còn phần nhiều đều phải phát tâm sân.

Khi nào chúng ta có cảm thọ ưu, tức giận, buồn hay ưu phiền, thì tâm căn sân sinh khởi trong khi ấy. Và khi chúng sinh khởi, chúng câu hành với ưu và cảm thọ khổ về tâm. Nếu chúng sinh khởi ngoài sự trợ dẫn của bất cứ người nào, thì đó là vô dẫn. Nếu chúng sinh khởi một cách chậm chạp sau nhiều lần trợ dẫn từ bản thân hay người khác thì đó là hữu dẫn.

Bây giờ, một người mẹ đang lo lắng về người con gái, khi ấy tâm của người mẹ đang sinh khởi là tâm gì? Đó là tâm căn sân với tên gọi là:

“Domanassasahagataṃ paṭighasampayuttaṃ asaṅkhārika dosamūla citta”. Tâm căn sân câu hành ưu tương ưng khuể vô dẫn.

Một người cha giải thích cho người con trai rằng hành động lừa dối của anh ta là xấu, người con trai cảm thấy buồn. Tâm của người con trai có là loại tâm gì?

Đó là “domanassasahagataṃ paṭighasampayuttaṃ sasaṅkhārika dosamūla citta”. Tâm căn sân câu hành ưu tương ưng khuể hữu dẫn.

Tâm tham và tâm sân đều là bất thiện (akusala) nhưng với cường độ mạnh có thể gọi là ác hay độc. Có 3 hay 10:

Tam ác: 1 là thân ác, 2 là khẩu ác, 3 là ý ác. Thân ác có 3: 1 là sát sanh, 2 là trộm cắp, 3 là tà dâm. Khẩu ác có 4: 1 là nói dối, 2 là đâm thọc, 3 là ác khẩu, 4 là nhảm nhí (nói vô ích). Ý ác có 3: 1 là tham ác, 2 là sân độc, 3 là tà kiến ác.

Mười điều ác vừa nêu trên thì tâm tham có thể làm 7 điều: 1 là trộm cắp, 2 là tà dâm, 3 là nói dối, 4 là nói đâm thọc, 5 là nói nhảm nhí, 6 là tham ác, 7 là tà kiến ác. Còn tâm sân cũng phạm 7 điều: 1 là sát sanh, 2 là trộm cắp, 3 là nói dối, 4 là nói đâm thọc, 5 là nói ác khẩu, 6 là nói nhảm nhí (ỷ ngữ), 7 là sân độc. Cho nên, khi gặp những cách này nhận rõ tham, sân rất dễ. (Dhs.892)

Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammattha-saṅgaha)  (Chương 1 - 4)

Moha-mūla Citta - Tâm căn si[16]

Gọi là ‘tâm căn si’ vì khi tâm này phát sanh có ‘sở hữu si’ làm căn làm gốc.

Si là tối tăm, mờ ám không hiểu biết những pháp đáng biết đặng tiến hóa chơn chánh, cao siêu giải thoát.

Tâm căn si (moha) (không biết hay mê mờ) có 2 loại như sau:

§6. Upekkhāsahagataṃ vicikicchāsampayuttamekaṃ, upekkhāsahagataṃ uddhaccasampayuttamekanti imāni dvepi momūhacittāni nāma.

1. Một tâm câu hành xả tương ưng hoài nghi. (Dhs.330)

2. Một tâm câu hành xả tương ưng điệu cử. (Dhs.334)

Đây gọi là hai tâm căn si.

Ý nghĩa và ứng dụng:

Vicikicchā : Hoài nghi về Phật, Pháp, Tăng và sự tu tập.

Uddhacca : Điệu cử.

Hoài nghi gồm có 8 và phân thành 40 điều: 1 là hoài nghi Phật bảo, 2 là hoài nghi Pháp bảo, 3 là hoài nghi Tăng bảo, 4 là hoài nghi tam học, 5 là hoài nghi đời quá khứ, 6 là hoài nghi đời vị lai, 7 là hoài nghi đời hiện tại, 8 là hoài nghi pháp liên quan tương sinh (paṭiccasamuppāda).

1/ Hoài nghi Phật bảo có 5 điều: 1 là hoài nghi Phật có đắc chứng nhất thế chủng trí chăng? 2 là hoài nghi hào quang của Phật sáng thấu chỗ khuất đặng chăng? 3 là hoài nghi hào quang 6 màu của Phật khi suy xét bộ Vị Trí (Paṭṭhāna) phóng ra đầy đủ chăng? 4 là hoài nghi song thông của Phật hiện trên cây xoài để hàng phục chúng ngoại đạo, rồi lên cõi trời Đạo lợi thuyết tạng Vô Tỷ Pháp (Abhidhamma) nhằm hạ thứ bảy, chẳng biết có vậy chăng? 5 là hoài nghi cách diệt trừ vô minh bằng trí tuệ sáng suốt của Ngài, có phải vậy chăng?

2/ Hoài nghi Pháp bảo có 4 điều: 1 là hoài nghi 4 bậc tâm đạo có thật đúng như vậy chăng? 2 là hoài nghi 4 bậc Thánh quả phải chắc có chăng? 3 là hoài nghi Níp-bàn phải là vắng lặng dứt tuyệt rốt ráo hết tất cả khổ phải chăng? 4 là hoài nghi pháp học Tam tạng tám muôn bốn ngàn (84.000) pháp uẩn như thế phải chăng?

3/ Hoài nghi Tăng bảo có 2 điều: 1 là hoài nghi Thánh Tăng chẳng biết thật có đệ tử Phật đắc quả chăng? 2 là hoài nghi phàm Tăng với cách tứ bạch yết ma, chư Tăng chơn truyền đồng nhận chịu bằng cách nín thinh, thì vị ấy đắc Tỷ-kheo phải chăng?

4/ Hoài nghi Tam học có 3 điều: 1 là hoài nghi giới như thế có phải ngăn trừ ác xấu phải chăng? 2 là hoài nghi pháp tịnh có phải dùng tâm yên lặng để tiến hóa chăng? 3 là hoài nghi trí tuệ có phải giúp tỏ ngộ, đắc chứng đến đạo, quả diệt trừ phiền não dứt nhân khổ phải chăng?

5/ Hoài nghi Quá khứ có 5 điều: 1 là nghi rằng đời trước ta có phải chăng? 2 là đời trước ta có hay không có? 3 là đời trước ta có ra như thế nào? 4 là đời trước ta có mà như thế nào? 5 là đời trước ta ra sao và đổi ra sao?

6/ Hoài nghi Vị lai có 5 điều: 1 là đời sau ta sẽ ra sao? 2 là đời sau ta không có phải chăng? 3 là đời sau nếu có ta sẽ thế nào? 4 là đời sau làm sao ta có đặng? 5 là đời sau ta thế nào, rồi sẽ ra sao?

7/ Hoài nghi Hiện tại có 5 điều: 1 là đây là ta phải chăng? 2 là đây thành ra ta phải chăng? 3 là ta đây như thế nào? 4 là ta đây thành ra như thế nào? 5 là chúng sanh có do từ đâu?

8/ Hoài nghi Pháp y tương sinh (paṭiccasamuppāda) có 11 điều: 1 là chúng sanh có già chết phải do sự sanh ra chăng? 2 là tái tục (hay đầu thai) phải do nghiệp hậu hữu chăng? 3 là nghiệp hậu hữu phải do sự thủ chấp cứng chăng? 4 là hậu hữu có phải do sự tham ái chăng? 5 là ái có phải do sự thọ hưởng chăng? 6 là thọ có phải do sự xúc chạm chăng? 7 là xúc có phải do lục xứ chăng? 8 là lục xứ có phải do nhờ danh-sắc chăng? 9 là danh-sắc có phải do nhờ thức chăng? 10 thức tái tục có pháp hành trợ giúp hay chăng? 11 là pháp hành phát sanh có phải do nhờ vô minh hay chăng?

Khi nào suy xét đến những hoài nghi như trên, đó là tâm si hoài nghi! Còn những loại hoài nghi khác là hoài nghi thông thường thì cảnh của các tâm khác có thể là tham, sân, thiện, hay tố dục giới.

Điệu cử[17]- uddhacca là tán loạn, lau chau, say mê, điên cuồng, quên mình chẳng tỉnh táo hay giật mình, cảm thấy bồn chồn, bất an v.v…

Hai thứ tâm này có cùng sức mạnh, không có tâm nào mạnh mẽ hơn tâm nào. Chúng không khác nhau trên phương diện vô dẫn (asaṅkhārika) hay hữu dẫn (sasaṅkhārika).

Một người đang có sự nghi ngờ về nghiệp và sự ảnh hưởng (quả) của nghiệp, thì khi ấy có tâm căn si, có tên gọi là: “Upekkhā-sahagataṃ vicikicchā-sampayutta citta". Tâm câu hành xả tương ưng hoài nghi.

Một người đang nghe giảng bài, nhưng anh ta không hiểu một từ bởi vì ý của anh dao động không yên. Tâm của anh ta trong khi ấy là gì? Đó là một thứ tâm căn si, hay ‘si điệu cử’ như là lúc tán loạn, lau chau, giật mình, lịu lọ, cuồng tâm lãng trí, say quá và mê mờ quên mình dù lõa thể cũng chẳng biết chi cả, đó là si mê tán loạn. Tên gọi của tâm ấy là: “Upekkhā-sahagataṃ uddhacca-sampayutta citta”. Tâm câu hành xả tương ưng điệu cử.

Nhân trợ sanh si có 2:

- 1/ Tác ý không khéo (ayonisomanasikāra) là những cách suy xét về nhận định làm cho tâm bất thiện phát sanh như nghĩ theo tham, sân, si v.v…

- 2/ Pháp lậu làm nền sanh. Pháp lậu có 4, hay gọi là tứ lậu (āsava).

Bốn lậu (āsava) có 3 pháp thực tính (sabhāvadhamma), đó là tham, tà kiến và si:

- 1/ Dục lậu là cách trầm ngâm theo lục dục trong đời hiện tại này, có pháp thực tính là sở hữu tham;

- 2/ Hữu lậu là cách trầm ngâm theo Sắc giới, Vô sắc giới, cũng có pháp thực tính là sở hữu tham;

- 3/ Tà kiến lậu là cách mãi trầm ngâm theo thường kiến chấp có, hay đoạn kiến chấp không, chẳng chịu bỏ, có pháp thực tính là sở hữu tà kiến;

- 4/ Vô minh lậu là cách không chịu theo sáng suốt như muỗi sợ mặt trời, chỉ chấp hẹp hòi như ếch ngồi đáy giếng, đó là sở hữu si.

Vì có sở hữu si làm căn gốc rễ, nên gọi là tâm si. Tâm tham và tâm sân cũng thế. Hoài nghi hay điệu cử cũng đồng có tác ý không khéo làm nhân sanh, vì phần lớn thiếu trí, niệm yếu, nên nghĩ tưởng lôi thôi.

§7. Iccevaṃ sabbathāpi dvādasākusalacittāni samattāni.

Như vậy là tất cả mười hai tâm bất thiện.

§8. Aṭṭhadhā lobhamūlāni, dosamūlāni ca dvidhā, mohamūlāni ca dveti, dvādasākusalā siyuṃ.

Có tám căn tham, hai căn sân và hai căn si, vậy có mười hai bất thiện.

Nhận xét trong một ngày:

Mặc dù tâm bất thiện chỉ có mười hai loại, nhưng hằng ngày, đối với một người, chúng thường sinh khởi nhiều hơn tâm thiện. Đây bởi vì hầu như ý (mano) chịu sự tác động của tham (lobha), sân (dosa) và si (moha). Ba thứ sở hữu (cetasika) bất thiện được gọi là căn bất thiện (akusala-mūla), tức là nguồn gốc của bất thiện.

Do bởi si (moha) và tham (lobha), nên chúng ta luôn luôn muốn hưởng những dục lạc. Trong lúc hưởng, ‘tâm căn tham’ sinh khởi với tỷ lệ hàng tỷ trong mỗi giây. Ngay khi ta đang thích thú trong việc mặc trang phục, đang thưởng thức đồ ăn, thức uống, đang nghe nhạc, đang xem chương trình qua tivi; ngay khi chúng ta đang đọc tiểu thuyết, đang suy nghĩ về sự đạt được và chiếm hữu, khi ấy sẽ có hàng tỷ tâm căn tham (lobha-mūla citta) sinh khởi.

Khi chúng ta không hài lòng với cảm giác hay cảnh mà chúng ta tiếp xúc, khi ấy, tâm căn sân sinh khởi cũng với tỷ lệ hàng tỷ trong mỗi giây. Lắm lúc khi những cảm giác không lôi cuốn, chúng ta cảm thấy bình thường và làm tâm xao lãng[18]. Tâm căn si (moha-mūla citta) sinh khởi trong khi ấy.

Vì vậy, nếu chúng ta tích góp tâm thiện và tâm bất thiện trong một ngày, tâm bất thiện sẽ vượt trội so với số tâm thiện hàng triệu lần. Khi tâm bất thiện để lại hạt giống của nghiệp (kamma) bệnh hoạn, chính những nghiệp ấy sẽ mang lại những quả không thuận lợi và khổ ở hiện tại hay vị lai. Vì thế, sẽ là không khôn khéo nếu ta không thu thúc mà để cho tâm diễn tiến theo tiến trình tự do.

Khi chúng ta có thể phân biệt giữa tâm thiện và tâm bất thiện, chúng ta có thể hướng chúng theo chiều hướng mang lại lợi ích cho chính ta.

(B) Tâm Vô Nhân (Ahetuka Citta)

Hetu : Là nhân, nguyên nhân hay căn (mūla).

Akusala-hetu : Nhân bất thiện hay căn gốc không lành mạnh (tham-lobha, sân-dosa, si-moha).

Kusala-hetu : Nhân thiện hay căn gốc lành mạnh (vô tham-alobha, vô sân-adosa, vô si-amoha).

‘Nhân - hetu’ có 2:

1 là nhân tương ưng (sampayuttahetu) hay nhân nhân, tức là tham, sân, si, vô tham, vô sân và trí phối hợp với tâm.

2 là nhân trợ sanh (upattihetu) tức là những nhân trợ cho pháp hữu vi[19] sinh khởi.

Ở đây, Ahetukacitta (tâm vô nhân) ám chỉ cho những tâm không có nhân tương ưng (sampayuttahetu) cùng phối hợp, chớ chẳng phải nhân trợ sanh (upattihetu).

Trong Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo) có nêu như vầy: Alobhādivipākahetuvirahitaṃ = ahetukaṃ: Không có nhân vô tham v.v… cùng phối hợp, nên gọi là vô nhân.

Tâm mà không có pháp căn, nhân, gốc (nhân tham, nhân sân, nhân si, nhân vô tham, nhân vô sân, nhân vô si) cùng sanh, nên được gọi là tâm vô nhân (ahetuka citta).

Ngược lại tâm mà có pháp căn, nhân, gốc cùng sanh, nên được gọi là tâm hữu nhân (sahetuka citta) (có 121 – 18 = 103 thứ tâm, hay 89 – 18 = 71 thứ tâm).

Có 18 thứ tâm vô nhân (ahetuka citta). Chúng được chia thành 3 nhóm như sau:

1. Akusala vipāka[20]citta - tâm quả bất thiện có 7.

‘Tâm quả bất thiện’ sinh khởi chính là quả của tâm bất thiện, hay là quả sanh từ 12 nghiệp bất thiện, trong đó có thấy, nghe, ngửi... những cảnh không tốt. Hay:

Tâm quả bất thiện (akusala vipāka citta) tức là tâm quả do dị thời ‘nghiệp duyên’ bất thiện trợ tạo, hay là chủng tử bất thiện, do sở hữu tư (cetanā) hợp với tâm bất thiện đã diệt còn để lại ảnh hưởng tợ như hạt giống, khi gặp dịp phát ra tâm quả bất thiện. Cho nên trong Paramatthadīpanīṭīkā (Siêu lý Từ giải) có nêu như vầy: Akusalassa vipākāni = akusalavipākāni: Thành tựu do nơi nghiệp bất thiện, nên gọi là quả bất thiện.

Tâm quả bất thiện vô nhân là tâm không có nhân tương ưng hợp, do mãnh lực của phóng dật / điệu cử tác động. Có lời chú giải như vầy: Sabbaṃ pāpakammaṃ vikkhepayuttaṃsayaṃpicañcalati dubbalaṃ tasmā taṃ kappathītikaṃ samānaṃpi kālantare hetuyuttaṃ vipākaṃ janetuṃ na sakkoti: Vì nghiệp tội (bất thiện) đi chung với phóng dật nên phải yếu ớt, dù để đặng nhiều kiếp nhưng tạo tâm quả không có nhân tương ưng hợp.

2. Ahetuka kusala vipāka citta - tâm quả thiện vô nhân có 8.

Tâm quả thiện vô nhân sinh khởi chính là quả của tâm đại thiện, hay là quả sanh từ 8 nghiệp đại thiện, trong đó có thấy, nghe, ngửi, nếm v.v... những cảnh tốt nhưng là vô nhân. Hay là tâm quả do nghiệp đại thiện trợ tạo mà không có nhân tương ưng hợp, làm việc nhẹ nhàng yếu ớt tợ như cất nhà nhẹ chẳng đóng cừ.

3. Ahetuka kiriya[21]citta - tâm tố vô nhân có 3.

Tâm chỉ làm phận sự của mình mà không có nhân, hay căn tương ưng cùng sanh. Hay là tâm làm chỉ là làm và không có nhân tương ưng hợp. Có giải như vầy: Kariyāti karaṇamattaṃ: Làm chỉ là làm nên gọi là tố, hạnh, duy tác v.v… tợ như trớn chạy, hay như con quay xoay theo sức đánh.

Tâm quả (vipāka citta) và tâm tố (kiriya citta) là những tâm vô ký, chúng không tạo thành nghiệp, không sản sanh ra nghiệp quả.

Akusala Vipāka Citta - Tâm Quả Bất Thiện (Dhs. 472, 476, 479)

§9. Upekkhāsahagataṃ cakkhuviññāṇaṃ, tathā sotaviññāṇaṃ, ghānaviññāṇaṃ, jivhāviññāṇaṃ, dukkhasahagataṃ kāyaviññāṇaṃ, upekkhāsahagataṃ sampaṭicchanacittaṃ, upekkhāsahagataṃ santīraṇacittañceti imāni sattapi akusalavipākacittāni nāma.

Nhãn thức câu hành xả, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức cũng vậy, thân thức câu hành khổ, tiếp thâu câu hành xả, thẩm tấn câu hành xả. Đó gọi là bảy tâm quả bất thiện.

1. Nhãn thức câu hành xả - Upekkhāsahagataṃ cakkhuviññāṇaṃ, chỉ biết cảnh sắc.

Trong Paramatthadīpanīṭīkā có nêu như vầy: Cakkhuṃ nissitaṃ viññāṇanti cakkhuviññāṇaṃ: Tâm thức nương nhãn (thanh triệt) (sanh ra) nên gọi là nhãn thức.

Trong Visuddhimagga giải: Cakkhusannissita rūpavijānanalakkhaṇaṃ = cakkhuviññāṇaṃ: Trạng thái nương nhãn (thanh triệt) sanh ra chỉ biết cảnh sắc, nên gọi là nhãn thức.

- Bốn nhân trợ sanh (upattihetu) nhãn thức: 1 là sắc nhãn thanh triệt (cakkhupasādarūpa), 2 là cảnh sắc (rūpārammaṇa), 3 là ánh sáng (āloka), 4 là có sự để ý (manasikāra) đến màu ấy.

2. Nhĩ thức câu hành xả - Upekkhāsahagataṃ sotaviññāṇaṃ, chỉ biết cảnh thinh.

Trong Paramatthadīpanīṭīkā có nêu như vầy: Sotaṃ nissitaṃ viññāṇanti = sotaviññāṇaṃ: Tâm thức nương nhĩ (thanh triệt) gọi là nhĩ thức.

Trong Visuddhimagga giải: Sotasannissita saddavijānanalakkhaṇaṃ = sotaviññāṇaṃ: Trạng thái nương nhĩ (thanh triệt) sanh, chỉ biết cảnh thinh, nên gọi là nhĩ thức.

- Bốn nhân trợ sanh nhĩ thức: 1 là sắc nhĩ thanh triệt (sotapasādarūpa), 2 là cảnh thinh (saddārammaṇa) các thứ tiếng, 3 là khoảng không (ākāsa), 4 là có sự để ý (manasikāra) đến tiếng ấy.

3. Tỷ thức câu hành xả - Upekkhāsahagataṃ ghānaviññāṇaṃ, chỉ biết cảnh khí.

Trong Paramatthadīpanīṭīkā có nêu: Ghānaṃ nissitaṃ viññāṇanti = ghānaviññāṇaṃ: Tâm mà nương tỷ thanh triệt đặng sanh ra nên gọi là tỷ thức.

Trong Visuddhimagga giải: Ghānasannissita gandhavijānanalakkaṇaṃ = ghānaviññāṇaṃ: Tỷ thức có trạng thái ngửi mùi, chỉ biết cảnh khí, nương mũi sanh khởi, nên gọi là tỷ thức.

- Bốn nhân trợ sanh tỷ thức: 1 là sắc tỷ thanh triệt (ghānapasādarūpa), 2 là cảnh khí (gandhā rammaṇa) các thứ hơi, mùi, 3 là gió phất (vāyo) mang/lùa hơi vào tỷ thanh triệt, 4 là có sự để ý (manasikāra) với hơi, mùi ấy.

4. Thiệt thức câu hành xả - Upekkhāsahagataṃ jivhāviññāṇaṃ, chỉ biết cảnh vị.

Trong Paramatthadīpanīṭīkā có nêu: Jīvhaṃ nissitaṃ viññāṇanti = jivhāviññāṇaṃ: Tâm nương thiệt thanh triệt sanh ra nên gọi là thiệt thức.

Trong Visuddhimagga có nêu: Jivhāsannissitaṃ rasavijānanalakkhaṇaṃ = jīvhāviññāṇaṃ: Thiệt thức có trạng thái nếm vị, chỉ biết cảnh vị, nương lưỡi sanh ra.

- Bốn nhân trợ sanh thiệt thức: 1 là sắc thiệt thanh triệt (jīvhāpasādarūpa), 2 là cảnh vị (rasārammaṇa), 3 là nước tươm (āpo), 4 là có sự để ý (manasikāra).

5. Thân thức câu hành khổ - Dukkhāsahagataṃ kāyaviññāṇaṃ, chỉ biết cảnh xúc không thích hợp.

Trong Paramatthadīpanīṭīkā có nêu: Kāyaṃ nissitaṃ viññāṇanti = kāyaviññāṇaṃ: Thức mà nương thân thanh triệt sanh ra gọi là thân thức.

Trong Visuddhimagga có nêu: Kāyaṃ sannissitaṃ phoṭṭhabbavijānanalakkhaṇaṃ = kāyaviññāṇaṃ: Trạng thái nương thân thanh triệt sanh ra chỉ biết cảnh xúc, nên gọi là thân thức.

- Bốn nhân trợ sanh thân thức: 1 là sắc thân thanh triệt (kāyapasādarūpa), 2 là cảnh xúc (phoṭṭhabbārammaṇa), 3 là chất cứng (thaddha), 4 là có sự để ý (manasikāra).

6. Tâm tiếp thâu câu hành xả - Upekkhāsahagataṃ sampaṭicchana cittaṃ, chỉ biết cảnh ngũ.

Trong Paramatthadīpanīṭīkā có nêu: Suṭṭhuparimukhaṃ icchatīti = sampaṭicchanaṃ: Tâm mà khéo tiếp bắt lấy cảnh ngay sau 1 trong 5 thức trước, nên gọi là tiếp thâu.

Trong Visuddhimagga có nêu: Cakkhuviññāṇadīnaṃ anantaraṃ rūpādivijānanalakkhaṇā-manodhātu: Tâm tiếp thâu sắp về ý giới có trạng thái biết cảnh sắc, thinh, khí, vị v.v… do nhãn thức, nhĩ thức v.v… chuyền qua.

- Nhân trợ sanh tâm tiếp thâu có 3: 1 là sắc ý vật hay sắc nương trái tim (hadayavatthurūpa), 2 là cảnh (ārammaṇa), 3 là sự để ý (manasikāra) đến cảnh ấy.

7. Tâm thẩm tấn câu hành xả - Upekkhāsahagataṃ santīrana cittaṃ, chỉ biết cảnh ngũ.

Tâm thẩm tấn câu hành xả của quả bất thiện là tâm xét soi cảnh ngũ xấu.

- Nhân trợ sanh tâm thẩm tấn giống như nhân trợ sanh tâm tiếp thâu.

Trong bảy thứ tâm nêu trên, năm thứ tâm trước được gọi là ngũ thức, tức năm thứ tâm ấy là những tâm nương sanh nơi năm môn (giác quan).

Hai thứ tâm sau cùng, tức là sampaṭicchana citta (tâm tiếp thâu) và santīrana citta (tâm thẩm tấn), tượng trưng cho hai giai đoạn liên kết trong quá trình nhận biết cảnh.

Thí dụ, khi một ‘cảnh sắc’ xuất hiện hay dội vào mắt, một dòng (chuỗi) tâm thức sanh và diệt theo thứ lớp để thấy biết cảnh sắc ấy. Trước nhất, khai ngũ môn (pañca-dvārāvajjana) là sự chú tâm qua năm môn, hay tâm chú ý đến vật. Kế đó, nhãn thức (cakkhu viññāṇa) tạo dấu ấn (cảnh). Kế đó, tâm tiếp thâu (sampaṭicchana) tiếp nhận dấu ấn (cảnh). Kế đó, tâm thẩm tấn (santīraṇa) quan sát dấu ấn (cảnh). Kế đó, tâm phân đoán hay đoán định (voṭṭhapana) được gọi là khai ý môn (mano-dvārāvajjana) là sự chú tâm, hướng tâm qua ý môn, hay xác định dấu ấn (cảnh) cho dù cảnh ấy là tốt hay xấu. Chúng ta nhận biết cảnh khái quát ở giai đoạn này.

…-Pa-Ca-Sam-Ṇa-Vo-…

Tương tợ như thế, khi một âm thanh dội vào tai, một dòng (chuỗi) tâm thức, tức là khai ngũ môn (pañcadvārāvajjana), nhĩ thức (sotaviññāṇa), tiếp thâu (sampaṭicchana), thẩm tấn (santīraṇa), đoán định (voṭṭhapana tức là mano dvārā-vajjana), v.v... , phải sanh và diệt trước khi chúng ta có thể nghe âm thanh.

Như vậy, tâm tiếp thâu (sampaṭicchana) và tâm thẩm tấn (santīrana) cùng với tâm khai ngũ môn (pañcadvārāvajjanacitta) và tâm khai ý môn (mano dvārā-vajjana citta) là cốt yếu là cơ bản cho sự biết cảnh qua năm môn (mắt, tai, mũi, lưỡi và thân).

Ahetuka Kusala Vipāka Citta - Tâm Quả Thiện Vô Nhân

§10. Upekkhāsahagataṃ kusalavipākaṃ cakkhuviññāṇaṃ, tathā sotaviññāṇaṃ, ghānaviññāṇaṃ, jivhāviññāṇaṃ, sukhasahagataṃ kāyaviññāṇaṃ, upekkhāsahagataṃ sampaṭicchanacittaṃ, somanassasahagataṃ santīraṇacittaṃ, upekkhāsahagataṃ santīraṇacittañceti imāni aṭṭhapi kusalavipākāhetukacittāni nāma.

Nhãn thức câu hành xả quả thiện, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức cũng vậy, thân thức câu hành lạc, tiếp thâu câu hành xả, thẩm tấn câu hành hỷ, thẩm tấn câu hành xả. Đó là tám tâm quả thiện vô nhân.

Nhóm tâm này gồm có 8 thứ tâm, được đặt tên gọi tương tợ như tâm quả bất thiện (akusalavipāka citta) mà chúng tôi vừa trình bày phía trên.

1. Nhãn thức câu hành xả - Upekkhāsahagataṃ cakkhuviññāṇaṃ. (Dhs.338)

2. Nhĩ thức câu hành xả - Upekkhāsahagataṃ sotaviññāṇaṃ. (Dhs.352)

3. Tỷ thức câu hành xả - Upekkhāsahagataṃ ghānaviññāṇaṃ.

4. Thiệt thức câu hành xả - Upekkhāsahagataṃ jivhāviññāṇaṃ.

5. Thân thức câu hành lạc - Sukhasahagataṃ kāyaviññāṇaṃ.

6. Tâm tiếp thâu câu hành xả - Upekkhāsahagataṃ sampaṭicchana cittaṃ. (Dhs.366)

7. Tâm thẩm tấn câu hành xả - Upekkhāsahagataṃ santīraṇa cittaṃ. (Dhs.399)

8. Tâm thẩm tấn câu hành hỷ - Somanassasahagataṃ santīraṇa cittaṃ. (Dhs.382)

Tám thứ tâm quả thiện vô nhân cùng tên với tâm quả bất thiện đi theo đôi 1, 2, 3, 4, 6, 7. Chỉ khác nhân tốt xấu nên cảnh chẳng đồng, về phần ‘quả bất thiện’ đều hứng chịu cảnh xấu, còn phần ‘quả thiện’ đều nương cảnh tốt, ưa thích.

Bốn đôi thức trước đều ‘câu hành xả’, nhưng 2 tâm ‘thân thức’ tại sao có 2 cách ‘câu hành khổ’ và ‘câu hành lạc’.

Vì 4 đôi thức trước do cảnh sắc, thinh, khí, vị đối chiếu hay dội vào nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt thanh triệt là sắc y sinh đối chiếu với sắc y sinh, nên những tâm nương theo sanh ra đều là câu hành xả, ví như bông gòn chạm bông gòn nên chẳng khua bày chi khác thường.

Còn cảnh xúc (đất, lửa, gió) đối chiếu hay dội vào thân thanh triệt là sắc đại hiển đối chiếu với sắc y sinh chẳng khác chi dùi đánh vào trống.

Tâm tiếp thâu quả thiện có tên như tâm tiếp thâu quả bất thiện. Còn 2 tâm thẩm tấn câu hành xả trong Visuddhimagga có giải: Saḷārammaṇa vijānanalakkhaṇā duvidhāpi santīraṇādikiccā manoviññāṇadhātu: Hai thứ tâm thẩm tấn câu hành xả (quả thiện và bất thiện) ý thức giới làm việc thẩm tấn v.v… có trạng thái biết 6 cảnh.

Tâm thẩm tấn câu hành hỷ bắt cảnh quý hay tốt hơn thẩm tấn quả thiện câu hành xả, cũng như người xét đồ gặp vật xấu hay tốt tầm thường thì chẳng đổi sắc. Nếu gặp chi quá tốt thì phát ra trầm trồ đổi sắc mừng rỡ, vui thích, cho nên khi lộ ngũ phát sanh bắt cảnh rất tốt thì thẩm tấn phải câu hành hỷ, vì thế quả thiện vô nhân nhiều hơn quả bất thiện một thứ này.

- Nhân trợ sanh tâm tiếp thâu và thẩm tấn có 3: 1 là sắc ý vật (hadayavatthurūpa), 2 là cảnh (ārammaṇa), 3 là sự để ý (manasikāra) đến cảnh ấy.

Theo Vô Tỷ Pháp (Abhidhamma) giải thích, người tiếp xúc với cảnh trái ý nghịch lòng là do bất thiện nghiệp (akusala-kamma) của chính người ấy trong quá khứ và tại thời khắc ấy tâm quả bất thiện (akusala vipāka citta) sinh khởi trong quá trình nhận biết.

Trái lại, người mà tiếp xúc với cảnh vừa ý thuận lòng là do thiện nghiệp (kusala-kamma) của chính người ấy trong quá khứ và tại thời khắc ấy tâm quả thiện (kusala vipāka citta) sinh khởi trong quá trình nhận biết.

Do đó, có một đôi nhãn thức (cakkhuviññāṇa), một đôi nhĩ thức (sotaviññāṇa), một đôi tỷ thức (ghānaviññāṇa), một đôi thiệt thức (jivhāviññāṇa) và một đôi thân thức (kāyaviññāṇa). Năm đôi này gọi chung là ngũ song thức (dvipañcaviññāṇa).

Dĩ nhiên có hai tâm tiếp thâu (sampaṭicchana citta) và ba tâm thẩm tấn (santīrana citta).

Tất cả tâm quả bất thiện (akusala-vipāka citta) và tâm quả thiện vô nhân (ahetuka kusala vipāka citta) tương đối yếu vì chúng chưa phân biệt được tốt hay xấu, câu hành với xả thọ. Hai tâm thân thức (kāyaviññāṇa citta) câu hành với khổ hay lạc. Tâm thẩm tấn câu hành hỷ (somanassa santīraṇa citta) sinh khởi khi đối cảnh rất tốt và câu hành xả khi đối cảnh tốt vừa đủ hay quá quen thuộc.

Ahetuka Kiriya Citta - Tâm Tố Vô Nhân (Dhs. 482, 489, 485)

§11. Upekkhāsahagataṃ pañcadvārāvajjanacittaṃ, tathā manodvārāvajjanacittaṃ, somanassasahagataṃ hasituppādacittañceti imāni tīṇipi ahetukakiriyacittāni nāma.

Tâm khai ngũ môn câu hành xả, tâm khai ý môn cũng vậy, tâm tiếu sinh câu hành hỷ. Đó gọi là tâm tố vô nhân.

§12. Icceva sabbathāpi aṭṭhārasāhetukacittāni samattāni.

Như vậy là tất cả có 18 thứ tâm vô nhân.

§13. Sattākusalapākāni, puññapākāni aṭṭhadhā, kriyacittāni tīṇīti, aṭṭhārasa ahetukā.

7 dị thục quả bất thiện, 8 dị thục quả thiện (phước), 3 tâm tố, thành 18 tâm vô nhân.

Ba thứ tâm tố vô nhân (ahetuka kiriya citta) được đặt tên là khai/hướng ngũ môn, khai/hướng ý môn và tiếu sinh.

1. Tâm khai ngũ môn câu hành xả - Upekkhāsahagataṃ pañcadvārāvajjana cittaṃ

Tâm khai/hướng ngũ môn là tâm lộ sanh trước hết để làm dịp cho ngũ song thức sanh, như kẻ mở 5 cửa cho những người liên quan đi qua, chẳng khác chi kẻ gác 5 cửa gặp khách trước hơn hết.

Trong Aṭṭhasālinī giải: Idaṃ pañcadvāra valañjanakappavattikāla sabbesaṃ pure uppajjati: Tâm khai ngũ môn trong lộ ngũ môn sanh trước hơn hết để bắt 5 cảnh hiện tại mới đến.

Tâm này cũng được gọi là tác ý thành lộ (vithīpaṭipādakamanasikāra), vì nếu không có tâm này sanh ra thì tâm lộ ngũ môn sẽ không sanh.

Cho nên Pāḷi chú giải như vầy: Vithī paṭipadayatīti = Vithīpaṭipādako: Làm cho tâm lộ thành trật tự, nên gọi là tác ý thành lộ.

2. Tâm khai ý môn câu hành xả - Upekkhāsahagataṃ manodvārāvajjana cittaṃ

Tâm khai ý môn (manodvārāvajjana) là tâm làm việc khai môn (dvārāvajjana) nương theo lộ ý (manodvāra vīthi), nếu sanh theo lộ ngũ (pañcadvārāvajjana) thì làm việc đoán định (voṭṭhapana).

Có câu Pāḷi chú giải như vầy: Uppajjamāṇaṃ pana pañcadvāre voṭṭhabbanaṃ hoti manodvāre āvajjanaṃ: Tâm này nếu sanh theo lộ ngũ thì đoán định còn sanh theo lộ ý thì khai môn.

Tâm khai ý môn còn được gọi là tác ý thành đổng lực (javanapaṭipādaka-manasikāra).

Có Pāḷi chú giải như vầy: Javanaṃ paṭipādayatīti javanapatipādako: Làm dịp cho tâm đổng lực phát sanh thì được gọi là tác ý thành đổng lực, tức là tâm khai ý môn.

- Nhân trợ sanh khai ngũ môn và đoán định thì giống như nhân trợ sanh ngũ song thức và tiếp thâu, thẩm tấn, tùy theo lộ của môn.

3. Tâm tiếu sinh câu hành hỷ - Somanassasahagataṃ hasituppāda cittaṃ

Tâm tiếu sinh (hasituppādacitta) (Dhs.485) là tâm sai khiến sự cười hở răng /mỉm của bậc Tứ quả.

Trong Aṭṭhasālinī có giải: Idaṃ cittaṃ aññesaṃ asādhāraṇaṃ khīṇāsavasseva paṭipuggalikaṃ chasu dvāresu labbhati: Tâm này sanh đặng qua cả 6 môn của bậc Tứ quả, chớ chẳng phải phổ thông cho các bậc khác.

- Nhân trợ sanh tâm tiếu sinh cũng như nhân trợ sanh tâm thẩm tấn, nhưng có cảnh đáng nực cười.

Sự cười có 6 cách:[22] 1 là cười ra nước mắt (upahasita) (cách cười này của phàm phu), 2 là cười nghiêng ngửa (apahasita) (cách cười này cũng của phàm phu), 3 là cười lớn tiếng (atihasita) (cách cười này cũng thuộc phàm phu), 4 là cười nhỏ tiếng (vihasita) (cách cười này của quả hữu học và phàm phu), 5 là cười hở răng (hasita) (cách cười này của 4 bậc quả và phàm phu), 6 là cười nhếch mép (sita) (cách cười này của 4 bậc quả và phàm phu).

Chức năng hay phận sự của hai tâm khai môn (āvajjana), tức là số 1 và số 2 ngay phía trên, trong quá trình nhận biết cảnh đã được trình bày phía trên. Nếu cảnh hiện bày ngay nơi một trong năm môn, đó là khai ngũ môn (pañca-dvārāvajjana) chú ý hướng về cảnh. Tâm khai ngũ môn (pañca-dvārāvajjana) làm việc như một bộ lọc tần số của máy radio. Do vậy, chúng ta có thể quan sát từng cảnh một.

Khi cảnh ngũ hay cảnh ý hiện bày nơi ý môn, đó là khai ý môn (manodvārāvajjana) hướng tâm đến cảnh.

Tâm tiếu sinh (hasituppāda citta) chỉ có thể sinh khởi với chư Phật hay chư Arahatta khi chư vị ấy cười mỉm. Nên nhớ là tâm ấy câu hành với hỷ (thọ), trong khi hai tâm khai môn (āvajjana) thì câu hành với xả (thọ).

Xin xem trước và dẫn chứng phần Lộ Ngũ môn cảnh rất lớn, trong Chương 4: Citta Vīthi.

Đã giải danh nghĩa và pháp, đây sẽ nói thứ lớp cách sanh thì cần phải xen vào bảng lộ tâm phần nhỏ số 1 như vầy: Lúc cảnh chưa đến tâm hữu phần phát sanh luôn không gián đoạn, chẳng khác chi nối liền nhau tợ gìn giữ cơ tâm trong một đời sống. Đến khi có cảnh sắc đối chiếu hay dội vào nhãn thanh triệt, tâm hữu phần đang sanh diệt đó gọi là hữu phần vừa qua, tâm hữu phần sau gọi là hữu phần rúng động, cái thứ 3 kế đó thì không còn hữu phần nối nữa gọi là hữu phần dứt dòng, thì tâm khai ngũ môn sanh ra bắt cảnh sắc rồi diệt, nhãn thức liền sanh cũng bắt cảnh sắc ấy vừa đủ 3 tiểu sát-na cũng diệt, tiếp đó là tâm tiếp thâu sanh ra bắt cảnh sắc đang còn đến đủ 3 tiểu sát-na cũng diệt, liền có tâm thẩm tấn sanh ra xét soi cảnh ấy cũng để lại cho tâm đoán định giao cho 1 trong 29 tâm đổng lực dục giới là 12 tâm bất thiện, tâm tiếu sinh, đại thiện và đại tố (chỉ 1 thứ trong 29 thứ này) sanh làm việc đổng lực 7 cái. Nhưng cảnh còn dư 6 sát-na tiểu, nên mới có 2 cái tâm sanh ra hưởng cảnh dư ấy, nên gọi là tâm na cảnh (tadālambana) tức là tâm thẩm tấn và đại quả thay nhau sanh làm việc này. Nếu cảnh xấu thuộc về 5 thức, tiếp thâu và thẩm tấn quả bất thiện; cảnh tốt vừa vừa thời phần 5 thức, tiếp thâu và thẩm tấn câu hành xả của quả thiện vô nhân; còn cảnh rất tốt thẩm tấn câu hành xả không đặng hưởng, mới có thẩm tấn câu hành hỷ để hưởng mà thôi.

Hai tâm khai môn cảnh nào cũng thế. Những tâm đổng lực do nhân trợ sanh chớ không nhất định.

Đây chỉ cho rõ tâm vô nhân phải có nhiều là như thế. 5 đôi thức thay đổi do 5 cảnh, quả bất thiện và quả thiện do quả tốt xấu vì hiệp cũng có tốt xấu. Chớ nếu nhãn thức chỉ có một, thời hiệp tốt xấu có làm chi.

Lược phân cảnh tốt nói về cảnh sắc: Màu nào mà phần đông rất ưa thích, cảnh sắc ấy gọi là rất tốt; màu nào mà phần đông ưa thích vừa, những màu ấy gọi là cảnh sắc tốt; màu nào mà phần đông không ưa thích, màu ấy thuộc cảnh sắc không tốt.

Riêng cá nhân tại lý do gì thì xét riêng mới phân đặng. Bốn cảnh sau cũng như thế.

Tỷ dụ tâm vô nhân riêng từng phận sự:

Tâm khai ngũ môn như người gác cửa ngõ. Ngũ song thức như người tiếp khách. Tâm tiếp thâu như người chỉ dẫn khách đến thư ký. Tâm thẩm tấn như thư ký hỏi, ghi họ tên. Tâm đoán định như định đoạt cho người khách tiếp xúc với nhân viên trong văn phòng. Tâm tiếu sinh luôn cả bất thiện, đại thiện, đại tố, tỷ như nhân viên chính thức trong văn phòng để tiếp xúc đầy đủ việc làm đối với khách, tức là 7 cái tâm đổng lực (1 trong 29 thứ vừa kể). Còn tâm thẩm tấn và đại quả sanh 2 cái (một thứ) nối với tâm đổng lực để mót cảnh còn dư nên gọi là tâm na cảnh (tadālambana).

Nói về tâm chủ quan (hữu phần) sanh khi cảnh ngũ đã vào cũng như xe đò chạy ngoài lộ. Cảnh đến tỷ như bộ hành ở trong nhà bước ra tới lộ, cái xe thứ nhất chạy qua luôn, cái xe thứ nhì tránh người ra đường cũng chạy luôn, đến xe thứ ba. Về sau khoảng này cách xa nhau nên có xe rước khách xẹt qua rước người ra đường ấy. Xe qua mặt người vừa ra đường là hữu phần vừa qua. Xe tránh người ấy là hữu phần rúng động. Xe chót trong khoảng cách xa đó là hữu phần dứt dòng.

Một tỷ dụ khác: “Người tiều phu đốn củi”. Cây tỷ như cảnh. Người gặp cây tỷ như hữu phần vừa qua. Người đốn cây tỷ như hữu phần rúng động. Người đem cây ra khỏi rừng tỷ như hữu phần dứt dòng. Người chở cây về sở tỷ như tâm khai ngũ môn. Chủ nhận cây tỷ như ngũ song thức. Người đem cây vô nề tỷ như tâm tiếp thâu. Người đo cây tỷ như tâm thẩm tấn. Người cưa cây tỷ như tâm đoán định. Cưa cây rồi đem giao cho vựa cây, tỷ như tâm đổng lực. Còn lại da, có 2 người đến xin tỷ như 2 tâm na cảnh.

Nhiều vị luận sư trước có thí dụ như vầy: Người nằm ngủ dưới gốc xoài. Có một trái xoài chín rụng xuống. Giật mình nghiêng qua ngồi dậy. Xoay ngó thấy trái xoài. Lượm lấy bấm ngửi. Đưa vào miệng cạp 7 lần vừa hết. Vì còn dính trong xơ nên mút thêm vài cái. Nằm ngủ trở lại.

Hợp pháp

Trái xoài rụng tỷ dụ 5 cảnh đến. Người ngủ còn nằm tỷ như hữu phần vừa qua. Nghiêng qua tỷ như hữu phần rúng động. Ngồi dậy tỷ như hữu phần dứt dòng. Ngó 4 phía thấy trái xoài tỷ như tâm khai môn. Lượm lấy trái xoài tỷ như ngũ song thức. Đưa vào mũi tỷ như tiếp thâu. Ngửi bóp thử tỷ như thẩm tấn. Đưa vào miệng tỷ như đoán định. Cạp 7 cái tỷ như tâm đổng lực. Mút 2 cái tỷ như na cảnh. Rồi nằm ngủ trở lại tỷ như hữu phần cũ.

Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammattha-saṅgaha)  (Chương 1 - 4)

Cảnh tốt chung: Đa số ai cũng thích hợp. Cảnh tốt riêng: Chỉ ưa thích của cá nhân. Cảnh xấu cũng thế.

(C) Tâm dục Giới Tịnh Hảo (Kāmavacara-Sobhaṇa Citta)

§14. Pāpāhetukamuttāni, sobhanānīti vuccare. Ekūnasaṭṭhi cittāni, athekanavutīpi vā.

Ngoài bất thiện và vô nhân, gọi là tịnh hảo. Tâm (tịnh hảo) này có 59, hay 91.

Sobhaṇa = tịnh hảo’, tốt đẹp thanh khiết, yên lặng v.v… chỉ cho tâm tịnh hảo (sobhaṇa citta) sinh ra những phẩm chất tốt và chúng liên kết với căn lành như vô tham (alobha), vô sân (adosa) và vô si (amoha).

Sobhanehi yuttānīti = sobhanāni: Hợp với pháp tốt nên được gọi là tịnh hảo, tức là có sở hữu tâm tịnh hảo hợp, nhưng còn thuộc về tâm dục giới nên gọi là tâm dục giới tịnh hảo.

Có 24 tâm dục giới tịnh hảo (kāma-sobhaṇa citta), được chia thành ba loại:

1. Mahā-kusala citta (8) = tâm đại thiện.

2. Mahā-vipāka citta (8) = tâm đại quả.

3. Mahā-kiriya citta (8) = tâm đại tố.

Tâm đại thiện (mahākusala citta) còn được gọi là kāmāvacara-kusala citta (tâm thiện dục giới).

Tâm đại thiện (mahākusala citta) sinh khởi khi phàm nhân (puthujjana) và chư Thánh (Ariya) (ngoại trừ chư Thánh Arahaṃ), trợ cho những hành vi cao thượng như xả thí (dāna), trì giới (sīla) và tu tiến (bhāvanā) v.v…

Tâm đại quả (mahā-vipāka citta) là nghiệp quả của tâm đại thiện (mahākusala citta) từ những đời quá khứ. Chúng hoạt động như tâm tái tục (paṭisandhi citta), tâm hữu phần (bhavaṅga citta) và tâm tử (cuti citta) cho nhân loại và chư thiên ngay trong đời sống hiện tại.

Tâm đại tố (mahā kiriya citta) chỉ sinh khởi với chư Thánh Arahaṃ khi dùng trong những hành vi lành, thiện. Chư Thánh Arahaṃ không dính mắc với bất cứ điều gì. Các Ngài không trông mong thành tựu từ những hành vi lành, thiện, do đó, tâm tố (kiriya citta) của chư Thánh làm chỉ là làm và sẽ không tạo ra bất cứ nghiệp quả ở vị lai. Các vị Arahaṃ không có cuộc sống vị lai nào nữa.

Mahā-kusala citta - Tâm Đại Thiện

Mahā’ = đại, nghĩa là ‘lớn hơn về số lượng’, là cho nhiều quả phát sanh.

- Ku, xấu, + căn sal, run, run sợ, phá hoại, tàn phá, phá hủy, tiêu diệt. Pháp nào phá trừ, phá hủy, tiêu diệt pháp xấu ác, pháp đáng khinh, thì pháp ấy gọi là thiện ‘kusala’.

- Ku (xấu, ác) + căn si (sai lầm) = kusa: Là sai lầm đáng khinh, có sai lỗi.

- Kusa + căn lu (cắt) = Kusala: Là cắt đứt sự sai lỗi.

Hay:

- Ku (xấu, ác) + căn su (giảm) = kusa: làm giảm, nhổ bỏ hay trừ tiệt ác pháp, tức kiến thức bất thiện hay sự không khéo.

- Kusa + căn lu (cắt) = kusala: Là pháp trừ tiệt những ác pháp do sự không khéo.

- Kusa + căn la (lấy) = kusala: Là pháp bị trí nắm bắt.

“Mahākusala” nghĩa là đại thiện, là phần cơ bản ban đầu của thiền, thông, đạo, quả.

‘Kusala’[23] = thiện, có 5 nghĩa (attha): 1 là không bệnh hoạn, 2 là tốt đẹp, 3 là khôn khéo, 4 là chẳng có lỗi, 5 là cho quả vui.

Năm nhân trợ sanh thiện (kusala): Tác ý khéo, thân cận bậc hiền triết, ở chỗ đáng ở, đời trước từng tạo phước, tự lập trường chánh.

- Tác ý khéo là suy xét và hành động đều nương theo trí tuệ, như Phật ngôn: “Trí tiến hóa lối nào thì ta nương theo cách ấy”. Hoặc do tâm thiện suy xét hay đã định thường quen cho đến các duyên trợ thiện có sức mạnh giúp tâm làm dịp cho thiện phát sanh, đó là tác ý khéo.[24]

- Thân cận hiền trí[25] là hay gần gũi những người hiền lành, tâm ý tốt đáng noi theo những cách chơn thật giúp ta tiến hóa, mang lại lợi ích chánh đáng v.v…

- Ở chỗ đáng ở là những nơi trợ cho tâm lành phát sanh do thường có những sự vật làm cho dễ phát sanh tâm thiện, không có những cách khiêu khích tâm bất thiện. Đó gọi là chỗ đáng ở, chớ chẳng phải chỗ tốt hay xấu, vui hay buồn.

- Đời trước (là đời kế trước đây, hoặc các đời trước nữa) từng tạo phước người ấy chuyên hành động theo các điều phước; nhất là bố thí, cho nên đời này chẳng bị nghèo, khổ, thiếu thốn, thiếu hiểu biết v.v… mới dễ tránh khỏi câu: “Bần cùng sanh đạo tặc”.

- Tự lập trường chánh là chí hướng tốt đẹp, mong mỏi cách không hại người, nhất là quyết hành Bồ tát hạnh và tu những pháp không sai hoặc có nghề nghiệp chơn chánh.

‘Tâm đại thiện’ có tên trong chánh tạng là ‘tâm thiện dục giới’ vì làm đủ 10 phúc hành tông (puññakiriyavatthu). Tâm này sanh cho nhiều người, nhiều cõi, hoặc nhân ra đặng nhiều, như là: 8 thứ tâm đại thiện nhân cho 10 hạnh phúc thành 80. Lấy 80 nhân cho 6 cảnh (sắc, thinh, khí, vị, xúc, pháp) thành 480. Lấy 480 nhân cho bốn trưởng (dục trưởng, cần trưởng, tâm trưởng và thẩm trưởng) thành 1.920. Lấy 1.920 nhân cho 3 nghiệp (thân, khẩu, ý) thành 5.760. Lấy 5.760 nhân cho 3 bậc (hạ, trung, thượng) thành ra mười bảy ngàn hai trăm tám chục (17.280). Do đó mới có tên là đại thiện.

8 đại thiện x 10 phúc hành tông x 6 cảnh x 4 trưởng x 3 nghiệp x 3 bậc = 17.280 điều.

Mười phúc hành tông (puññakiriyavatthu): 1 là bố thí thành, 2 là trì giới thành, 3 là tu tiến thành, 4 là cung kỉnh thành, 5 là phụng thị thành, 6 là hồi hướng thành, 7 là tùy hỷ thành, 8 là thính pháp thành, 9 là thuyết pháp thành, 10 là kiến thị thành.[26]

Gọi là phúc hay là phước, nhiều người thường nói, thường nghe. Nhưng ít ai nhận định đầy đủ. Phần nhiều chỉ cho là bố thí mới gọi là phước mà quên còn 9 điều hạnh phúc nữa như vừa nêu.

Trong Pāḷi có chú giải như vầy: Attano santānaṃ punāti sodhetīti = Puññāṃ: Những chi rửa sạch cơ tánh ta, đó gọi là phước, tức là những pháp làm cho tâm ta đặng tốt đẹp có 10 điều như đã kể. Phần giải thích như sau: 1) Bố thí thành là tâm đặng trong sạch, tốt đẹp do bố thí, chia sẻ những sự vật đáng chia sẻ như của cải, sự hiểu biết v.v… Tóm lại có 2: 1 là tài thí, 2 là pháp thí[27]. 2) Trì giới thành là thọ, nguyện, giữ giới như là ngũ giới, bát thanh tịnh giới, thập thiện[28] ngăn thập ác và Sa-di, Tỷ-kheo giới. 3) Tu tiến thành là tu định, nương vào 40 đề mục và tu tuệ hành tứ niệm xứ. 4) Cung kỉnh thành là lễ phép theo các tục nghi. 5) Phụng thị thành là phụng hành theo đúng lẽ phải. 6) Hồi hướng thành là nhớ phước, tưởng, nói, chia cho người quá vãng, hay người hiện tiền. 7) Tùy hỷ thành là vui mừng theo sự cho phước, hay lợi lành của người khác. 8)Thính pháp thành là nghe những lời lẽ chơn chánh, lợi ích v.v… như pháp Phật dạy hay các vị hiền trí chỉ giáo, đặng tâm tốt phát sanh. 9) Thuyết pháp thành là nói những lời lẽ làm cho người nghe đặng sanh tâm tốt, tỏ ngộ, chứng quả v.v… 10) Kiến thị thành là sự nhận thấy đúng với lẽ phải đối với 9 điều trước; cho là nên làm. Nhờ vậy mà hoan hỷ thực hành theo tất cả điều phước.

Muốn biết lúc nào ta có làm phước chăng? Nên nhận rõ tâm tốt thông thường là 8 thứ tâm đại thiện.

§15. Somanassasahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ asaṅkhārikamekaṃ, sasaṅkhārikamekaṃ, somanassasahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ asaṅkhārikamekaṃ, sasaṅkhārikamekaṃ, upekkhāsahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ asaṅkhārikamekaṃ, sasaṅkhārikamekaṃ. Upekkhāsahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ asaṅkhārikamekaṃ, sasaṅkhārikamekanti imāni aṭṭhapi kāmāvacarakusalacittāni nāma.

Nghĩa là: Một câu hành hỷ tương ưng trí vô dẫn, một hữu dẫn, một câu hành hỷ bất tương ưng trí vô dẫn, một hữu dẫn, một câu hành xả tương ưng trí vô dẫn, một hữu dẫn, một câu hành xả bất tương ưng trí vô dẫn, một hữu dẫn. Đây gọi là tám tâm thiện dục giới.

Tám thứ tâm vừa nêu trên có thể dịch nghĩa cũng giống như cách dịch 8 thứ tâm căn tham. Điều cần thay đổi duy nhất là thay ‘diṭṭhi = tà kiến’ bằng ‘ñāṇa = trí’. Trí này là căn bản của sự hiểu biết về sự tồn tại của nghiệp cũng như quả của nghiệp.

Tên gọi đầy đủ của tám thứ tâm này như sau:

1. Một tâm câu hành hỷ tương ưng trí vô dẫn. (Dhs.16)

2. Một tâm câu hành hỷ tương ưng trí hữu dẫn. (Dhs.125)

3. Một tâm câu hành hỷ bất tương ưng trí vô dẫn. (Dhs.126)

4. Một tâm câu hành hỷ bất tương ưng trí hữu dẫn. (Dhs.129)

5. Một tâm câu hành xả tương ưng trí vô dẫn. (Dhs.130)

6. Một tâm câu hành xả tương ưng trí hữu dẫn. (Dhs.134)

7. Một tâm câu hành xả bất tương ưng trí vô dẫn. (Dhs.135)

8. Một tâm câu hành xả bất tương ưng trí hữu dẫn. (Dhs.138)

Câu hành hỷ, vô dẫn và hữu dẫn đã có giải ở phần tâm căn tham, nhưng sự khác biệt ở đây là trường hợp trợ cho tâm tốt phát sanh.

Nhân trợ sanh câu hành xả có 4:

- 1/ Tái tục bằng tâm câu hành xả (upekkhāpaṭisandhikatā) là 2 tâm thẩm tấn câu hành xả, 4 tâm đại quả câu hành xả và 5 tâm quả ngũ thiền hiệp thế (sẽ giải thích sau).

- 2/ Suy xét tế nhị (gambhīrapakatitā) là trầm ngâm nghĩ ngợi những sự lý khó khăn, sâu xa, siêu việt, hay suy nghĩ kỹ lưỡng, không bồng bột vì sự vui mừng hay nóng giận, buồn rầu v.v…

- 3/ Thường gặp cảnh trung bình (majjhattārammaṇa-samāyogo) là gặp sự vật không ưa, không ghét, không thích, không chê.

- 4/ Ly sự điêu tàn (byasanamutti) là lúc không gặp hoạn nạn.

Câu hành xả là tâm bình thường, không vui không buồn, như khi không gặp cảnh tốt, xấu hay khi gặp cảnh trung bình mà ta đôi khi lơ là, không quan tâm tợ như tâm không biết cảnh vậy.

Trí (ñāṇa) và tuệ (paññā) tuy khác tên mà là một pháp thực tính, tức là trạng thái sáng suốt, trạng thái thấy biết rõ cùng sanh với tâm.

Trí tuệ tóm lại có 3: 1 là trí văn, 2 là trí tư, 3 là trí tu.

- Trí văn là do nghe, học mới đặng hiểu biết thấu đáo những nghĩa, lý sâu sắc, cao siêu, như pháp lý bậc cao của nhà Phật hoặc triết học cùng toán học cao hay những tài nghề khó khăn.

- Trí tư là tự tâm sáng suốt, nghiên cứu tìm tòi đặng trải nghiệm, hiểu biết những điều nằm ngoài kiến thức sách vở. Người thế gian thường nói đó là trí thiên tư, chớ kỳ thật là do duyên nghiệp đã tạo trước kia.

- Trí tu là những tuệ phát sanh do tu hành tỏ ngộ đắc chứng khi hành tứ niệm xứ, hoặc tuệ sanh chung với tâm thiền.

Bốn nhân trợ sanh bất tương ưng trí: 1 là nghiệp trước không quen nết trí, 2 là sanh nhằm cõi đa sân, 3 là không tránh phiền não, 4 là gặp khi ngũ quyền không đủ mạnh.

- Nghiệp trước không quen nết trí là đời quá khứ ta không thường dùng trí nên bây giờ rất khó phát sanh.

- Sanh nhằm cõi đa sân; nhất là cõi Nam Thiệm Bộ Châu (trái đất này) trong thời kỳ tuổi thọ ít, sự ác tăng nhiều, việc quá đa đoan làm cho tâm người khó yên tịnh, thiếu nhân cận của trí, như câu: “Thủy thái thanh, ắt vô ngư. Nhân thái cẩn, ắt vô trí”- nghĩa là nước quá trong ắt không cá, người quá gấp ắt không trí.

- Không tránh phiền não là hay bị phiền não phát sanh, thường bị cuốn theo phiền não.[29]

- Gặp khi ngũ quyền không đủ mạnh là thời kỳ đức tin, tinh tấn, chánh niệm, chánh tịnh và trí tuệ chưa đủ, còn yếu kém, vì thiện duyên hay căn lành các đời trước đã tu tập, nhất là Pháp độ (pāramī) chưa đầy đủ cho nên trí tuệ khó phát sanh.

Nhân Trợ Sanh Trí, có 40:

Bốn nhân trợ cho tương ưng trí hay bốn nhân trợ sanh trí: 1 là có nghiệp quen nết trí, 2 là sanh nhằm cõi vô sân, 3 là đặng xa lìa phiền não, 4 là gặp khi ngũ quyền mạnh.

- Có nghiệp quen nết trí là trước kia hay dùng trí, nay còn trớn, thành tánh nết đã quen, như thế trí dễ sanh.

- Sanh nhằm cõi vô sân chỉ cho cõi Sắc giới và Vô sắc giới.

- Xa lìa phiền não là lúc không bị những phiền não phát sanh thì trí tuệ mới dễ phát sanh.

- Gặp khi ngũ quyền mạnh như các bậc đã đầy đủ Pháp độ, nhất là Bồ tát kiếp chót v.v…

Muốn tạo trí tuệ phải tìm hiểu những nguyên nhân trợ sanh cũng như sắm thuyền có đủ thiết bị mới có thể ra khơi. Đây ví như thuyền bát nhã, vì trí có thể giúp đưa người đến bờ kia là Níp-bàn.

Sau đây là 5 phần bổ sung để giúp người muốn nghiên cứu rộng hơn và tạo thuận lợi trong việc thực hành.

Tám nhân tỉnh trí: 1 là chặng còn trẻ tuổi; 2 là quyền tước đang tăng; 3 là cố gắng tìm học hỏi; 4 là thôi xã giao với ngoại giáo; 5 là cố gắng khéo dùng lòng; 6 là cố đàm luận trao đổi ý kiến; 7 là ưa mến tài, trí; 8 là ở chỗ đáng tiến hoá.

1. Chặng còn trẻ tuổi là lúc chưa già. Trong Kinh phân một đời người ra làm 10 chặng, mỗi chặng là 10 tuổi vào thời Đức Phật còn tại thế.

- 1 là chặng yếu khờ, 10 tuổi trở lại, tục gọi là trẻ nhỏ. Độ tuổi này chưa có sức mạnh, chưa hiểu biết đời. Nếu là trẻ ngoan chỉ cũng ngoan do tiền nghiệp.

- 2 là chặng hí lạc, kể từ 10 tuổi đến 20 tuổi, rất ham vui ít biết lo giàu, nghèo, thiếu, đủ.

- 3 là chặng nhan sắc, kể từ 20 đến 30 tuổi, nam nữ trổ mã đủ đầy, du sắc đang độ đẹp nhất.

- 4 là chặng sáng lập, kể từ 30 đến 40 tuổi, đủ sức làm lo dựng nên cơ nghiệp.

- 5 là chặng dụng trí, từ 40 đến 50 tuổi, đủ trí khôn xét đoán kinh nghiệm, nghiên cứu v.v…

- 6 là chặng thoái hoá suy giảm, kể từ 50 đến 60 tuổi, tâm sức giảm lần.

- 7 là chặng biến dịch, từ 60 đến 70 tuổi, thân tâm lần lần thay đổi thành già thân, niệm yếu hay quên, tục gọi là già lú lại.

- 8 là chặng còm lưng, từ 70 đến 80 tuổi, tục gọi là lưng mỏi, gối chùn.

- 9 là chặng thất ngộ, từ 80 đến 90 tuổi, hay lẫn lộn và quên.

- 10 là chặng thường ngọa, từ 90 đến 100 tuổi, rất già, mỏi mệt hay nằm.

Mỗi chặng 10 tuổi là kể từ thời đa sống bách niên (sống lâu trăm tuổi) cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm. Nay số tuổi trung bình giảm còn 75 tuổi, thì mỗi chặng là 7,5 tuổi.

Chặng 1 từ khi sanh đến 7 năm 6 tháng; chặng 2 từ 7 năm 6 tháng đến 15 tuổi;

Chặng 3 từ 15 tuổi đến 22 tuổi 6 tháng; chặng 4 từ 22 tuổi 6 tháng đến 30 tuổi;

Chặng 5 từ 30 tuổi đến 37 tuổi 6 tháng; chặng 6 từ 37 tuổi 6 tháng đến 45 tuổi;

Chặng 7 từ 45 tuổi đến 52 tuổi 6 tháng; chặng 8 từ 52 tuổi 6 tháng đến 60 tuổi;

Chặng 9 từ 60 tuổi đến 67 tuổi 6 tháng; chặng 10 từ 67 tuổi 6 tháng đến 75 tuổi.

Trong một đời người, thời gian dùng trí nhiều hơn hết là từ 30 đến 37 tuổi 6 tháng. Cũng có người sớm, muộn không đồng đều, do nhiều duyên khác.

2. Quyền tước đang khi tăng là thời kỳ đang thịnh vượng, quả tột dồi dào thì phước trí dễ phát.

3. Cố gắng tìm học hỏi; sự hiểu biết phải từ thấy, nghe v.v… thì sự học hỏi mới giúp ta thêm những cái biết chưa từng biết, cho đến hiểu thấu pháp lý cao siêu đa phần nhờ học hỏi. Đó là một nguyên do làm cho trí phát sanh rất nhiều, vững vàng không lui sụt, không lú lẫn. Đó là tỉnh trí.

4. Thôi xã giao với ngoại giáo là ngăn ngừa, dè dặt để tránh không bị tà kiến và tâm bất thiện phát sanh. Nếu không, dù có tâm lành cũng gặp trở ngại trong việc nhận thức pháp lý cao siêu do tác động của những dị đoan hay hủ tục theo pháp lý mê mờ v.v…

5. Cố gắng khéo dùng lòng là ráng sức tìm hiểu những pháp lý chưa từng hiểu và cao siêu đặng cho trí tuệ thường sanh và luôn luôn phải thực hành theo nhận định của trí.

6. Siêng năng đàm luận trao đổi ý kiến với những người kiến thức hơn ta, nhiều khi trợ thêm sự sáng suốt hơn xem sách.

7. Ưa mến tài trí là dù chưa phải bậc tài trí, nhưng ta cũng đã mến mộ, từ từ sẽ được nên tài trí, giỏi giang.

8. Ở chỗ đáng tiến hóa là những chỗ thường được nghe, thấy lời khôn, việc khéo, triết lý văn chương hay kinh nghiệm nghề nghiệp, thời trí tuệ ta phát triển, khỏi tiêu mòn, đó là lý tỉnh trí.

Bốn nhân trợ tạo trí: 1 là tin ân đức bậc Ứng cúng, 2 là nghe Phật pháp cao siêu, 3 là không dể duôi lừng lẫy, 4 là suy xét pháp cao đã nghe.

- Tin ân đức bậc Ứng cúng là tin chắc rằng bậc Phật Toàn giác giáo chủ ngôi pháp bảo, cả bậc Bích Chi Phật và Thinh Văn tứ quả, đều có ân đức, không còn phiền não nên rất đáng cúng dường; mới gọi là Ứng cúng. Người có đầy đủ đức tin, căn lành, phước duyên đã đến thì các Ngài sẽ trợ giúp cho trí hóa phi thường; nhờ vào đức tin đối với bậc Ứng cúng.

- Nghe Phật pháp cao siêu nhờ đó đặng biết điều cao siêu phi thường chưa từng biết. Đó là đã tạo ra trí tuệ.

- Không dể duôi lừng lẫy: Người luôn có niệm sẽ có nền tảng cho những trí tuệ phát sanh dễ dàng.

- Suy xét pháp đã nghe là suy xét pháp lý vô thường, khổ não, vô ngã cho đến Níp-bàn. Nhận thật trúng rõ đó là trí. Nếu những pháp cao đã nghe mà chưa hiểu thấu, nhờ suy xét sẽ đặng tỏ ngộ.

Chín nghiệp trí: 1 là thuyết pháp cho người nghe, 2 là dạy nghề không tội lỗi, 3 là dạy chuyện không tội lỗi, 4 là dạy tài không tội lỗi, 5 là trọng người thuyết pháp, 6 là cầu thuyết pháp cho nghe, 7 là làm phước nguyện sanh trí, 8 là tự soạn sách cao, Kinh chánh, 9 là bố thí sách cao, Kinh chánh.

Nghiệp trí là việc làm giúp trí tuệ phát sanh.

1. Khi thuyết pháp cho người nghe thì phải chuẩn bị, suy xét đến pháp ta sẽ nói, giúp nhận thức được rõ ràng hơn trước.

2. Dạy nghề không tội lỗi là dạy các nghề không tạo ác, chẳng nhiễm tục trần, đúc kết những kinh nghiệm, đưa ra các sáng kiến giúp người học mau hơn khi ta học.

3. Dạy chuyện không tội lỗi như là nhắc lại tích xưa, chuyện cũ v.v… những chuyện cổ nhân đã dùng trí mà không phải tạo tội, hay là những việc, những sáng kiến mà cổ nhân đã làm và gặt hái thành công.

4. Dạy tài không tội lỗi là chỉ dạy và giúp đỡ cho người khác phát triển khả năng đặc biệt của họ, chẳng hạn như biệt tài tổ chức, điều khiển, gieo cảm tình, trình bày mạch lạc và lưu loát, hướng dẫn quần chúng… miễn là những tài năng đó không tạo nên ác nghiệp (tội lỗi). Đây cũng là hành động giúp phát sanh trí tuệ vì khi muốn chỉ dạy cho có kết quả, bản thân người dạy cần phải xem xét tỉ mỉ, tìm hiểu trình độ khả năng và kiến thức tâm tánh của người học rồi ta mới áp dụng phương pháp thích hợp để có kết quả tốt.

5. Trọng người thuyết pháp là kính trọng và tôn quý vị pháp sư có công dạy dỗ ta điều lợi ích trong Phật pháp. Trọng pháp sư cũng chính là trọng Phật pháp. Nhờ sự chỉ dạy của thầy mà ta dễ lãnh hội và thấu hiểu Phật pháp dễ dàng hơn, hầu đem ra thực hành mở mang trí tuệ; vì phần lớn Phật pháp đều chú trọng về sự tiến hóa của tâm.

6. Cầu thuyết pháp cho nghe là thỉnh pháp sư giảng giải Phật pháp, như vậy dễ mở mang thêm trí tuệ, phá hoài nghi và cuối cùng diệt được vô minh khi trí tuệ nhờ ‘nhân duyên’ tròn đủ mà phát sanh đến mức tột đỉnh.

7. Làm phước nguyện sanh trí tuệ là tạo phước lành (đã giải thích ở phần trước) rồi nguyện được phát sanh trí tuệ. Phần đông chúng sanh làm phước được dễ dàng là nhờ tin rằng làm phước có nhiều cách thì quả phước cũng có nhiều loại khác nhau; tùy thuộc vào nguyện lực. Trường hợp này làm phước (đức tin) đi kèm trí tuệ cộng với mãnh lực của lời nguyện, quả báo trí tuệ sẽ phát sanh.

8. Tự soạn sách cao Kinh chánh là nghiên cứu, phiên dịch, soạn thảo những sách về triết lý cao siêu hoặc những Kinh ghi chép 84.000 pháp (uẩn) của Đức Phật đã giáo truyền (Tam tạng). Công việc này cần vận dụng nhiều trí tuệ là nhân để trí tuệ phát sanh lên mãi mãi.

9. Bố thí những Kinh chánh là những Kinh dạy chánh pháp của Đức Phật. Chánh pháp là những pháp hợp chơn lý, nhằm mục tiêu diệt trừ hết phiền não, mở mang trí tuệ và đưa người (hành pháp) đến giải thoát Níp-bàn.

Nếu ta chưa đủ khả năng để thuyết pháp, soạn dịch Kinh thì ta có thể hiến tài sản, chi tiền của ra để in Kinh sách, ấn hành hoặc thỉnh pháp sư thuyết pháp, dạy đạo… đó cũng là hình thức bố thí pháp. Quả báo của sự bố thí pháp là trí tuệ phát sanh và sẽ được giải thoát sau này.

Bảy nhân phát trí: 1 là ưa gặp trí thức học hỏi (paripuccatā), 2 là thân, đồ, chỗ ở sạch sẽ (vatthuvisuddhikiriyā), 3 là gìn giữ lục quyền (indriyasamattapaṭipādanā), 4 là tránh người si mê (duppaññūpuggalaparivajjanā), 5 là thường gặp bậc trí thức (paññavantapuggalasevanā), 6 là cố tìm Phật pháp cao siêu (gambhūrañāṇacariyapaccavekkhanā), 7 là ưa tìm pháp giải thoát (tadadhimuttatā).

1. Ưa gặp trí thức học hỏi, danh từ “trí thức” nơi đây ám chỉ bậc thiện trí thức, tức là người có giới đức lại am tường pháp lý cao siêu của Đức Phật. Học hỏi nơi các vị ấy thì tâm tánh của ta được cởi mở, trí tuệ phát sanh dễ dàng vì các Ngài chỉ dạy toàn các điều lợi ích; nhất là lợi ích về tâm trí.

2. Thân, đồ, chỗ ở sạch sẽ là để tâm khỏi bực bội vì sự bừa bộn, luộm thuộm, bẩn thỉu. Sự sạch sẽ, gọn gàng giúp tâm thơ thới dễ sanh trí.

3. Thu thúc lục quyền là nhãn quyền, nhĩ quyền, tỷ quyền, thiệt quyền, thân quyền và ý quyền. Nếu ta không tác ý khéo để gìn giữ sáu căn khỏi nhiễm đắm cảnh xấu, ác pháp thì tâm trí ta sẽ bị phiền não làm tán loạn, thiêu đốt triền miên. Trí tuệ do đó không thể phát sanh lên được. Vì vậy, ta cần phải gìn giữ lục căn, tránh xa ác pháp để tạo thuận tiện cho trí tuệ dễ phát sanh.

4. Tránh người si mê là tối tăm, có nhiều tà kiến, cần phải tránh xa hạng người đó để khỏi bị nhiễm đắm, ô lây tâm tánh xấu xa, si mê tức là thiếu trí tuệ. Người si mê không thể là nhân giúp ta phát sanh trí tuệ nên cần phải tránh xa.

5. Thường gặp bậc trí thức là những bậc thiện trí như trên đã giải. Hành động của các vị ấy từ việc làm lời nói và tư tưởng đều luôn luôn có trí tuệ đi kèm. Gần gũi các vị ấy ta sẽ được nhiều dịp để học hỏi thêm gương lành và mở mang trí tuệ.

6. Cố tìm Phật pháp cao siêu là chân lý cao siêu mầu nhiệm, là pháp phân tích siêu việt cùng tột để thấy rõ và thông suốt thật tướng của vạn vật, là pháp dành cho các bậc trí thức có nhiều trí tuệ. Người hướng theo Phật pháp cần tìm hiểu, nghiên cứu cho tường tận, thông suốt rốt ráo rồi đem ra thực hành, dĩ nhiên là nhân phát sanh trí tuệ ai ai cũng thấy rõ.

7. Ưa tìm pháp giải thoát là Phật pháp. 84.000 pháp uẩn Đức Phật dạy chỉ có một vị là vị giải thoát. Giải thoát là sang đến bờ bên kia, thoát khỏi luân hồi sanh tử và được an vui tuyệt đối đến Níp-bàn. Pháp này là của bậc cao trí, Toàn giác tìm ra nhờ dùng trí tuệ. Những ai hay tìm hiểu pháp giải thoát, dĩ nhiên trí tuệ sẽ phát sanh và mở mang dễ dàng.

Tám nhân đắc trí: 1 là kính sư (cung kỉnh ông thầy), 2 là cần vấn (siêng năng học hỏi), 3 là thanh tịnh (vắng lặng, êm ái), 4 là trì giới (thu thúc giới hạnh), 5 là cố văn (bền chí nghe pháp), 6 là tự cần (siêng năng), 7 là thuần niệm (niệm mạnh), 8 là quán uẩn (suy xét uẩn sanh, diệt).

1. Kính sư là cung kỉnh thầy, danh từ thầy nơi đây là thầy dạy đạo hơn là thầy dạy đời. Người nào biết cung kỉnh thầy mới mến phục và nghe lời thầy dạy bảo, thì người thầy mới hết lòng đem tâm trí ra dạy bảo cho. Cung kỉnh, dễ dạy biết nghe lời thầy là nhân đắc trí vậy.

2. Cần vấn là siêng năng học hỏi, chuyên cần tìm hiểu dần dần sẽ mau hiểu biết, sớm đắc trí tuệ.

3. Thanh tịnh là vắng lặng, êm ái. Tâm người thường dao động không thanh tịnh vắng lặng nên lu mờ, không sáng suốt, thiếu trí tuệ không soi xét được việc gì cho thấu đáo. Như mặt nước bị sóng đánh sôi sục ba đào, nếu nhìn vào cũng không thấy rõ mặt nước và đáy nước.

4. Trì giới là thu thúc giới hạnh. Người nào thu thúc gìn giữ được giới hạnh trong sạch thì thân tâm sẽ được yên tịnh, phiền não sẽ không còn quấy rầy, đó là ‘nhân duyên’ cho tâm đắc trí dễ dàng. Giới có nhiều loại như: Ngũ giới, bát quan trai giới, thập giới, tứ thanh tịnh giới hay biệt giải thoát giới dành cho bậc xuất gia.

5. Cố văn là cố gắng bền chí nghe pháp. Pháp đây là pháp Phật luôn luôn nhằm mục đích mở mang trí tuệ và đưa người đến bờ giải thoát.

Trí tuệ có 3 loại: 1 là trí văn, 2 là trí tư và 3 là trí tu.

- Trí văn là sự sáng suốt hiểu biết do nhờ nghe giảng giải pháp.

- Trí tư là sự hiểu biết do suy xét đúng theo chân lý hay minh triết nhà Phật.

- Trí tu tức là suy xét nhớ bát đoan cần và bát thê thảm, tức là sự siêng năng hay tinh tấn như trong tứ chánh cần là bốn pháp siêng năng chân chánh:

. 1 là thận cần là sự thành tựu do tu tứ niệm xứ mạnh mẽ, ngăn ngừa các ác pháp không cho phát sanh, chẳng hạn như trì giới, thu thúc sáu căn v.v…;

. 2 là trừ cần là tinh tấn dứt bỏ, bài trừ ba tà tư duy là suy nghĩ về tình dục ngũ trần, suy nghĩ về sự thù oán, suy nghĩ về sự hãm hại người;

. 3 là tu cần là trau dồi các thiện pháp như 7 pháp hiền triết (tín, giới, văn, xả, trí, tàm, úy), là 7 pháp hiền triết giúp sanh làm Đế Thích, và là 7 nhân trợ sanh bồ đề v.v…;

. 4 là bảo cần là gìn giữ các pháp lành đã đắc không để cho bị hư hoại.

6. Tứ chánh cần có pháp thực tính là sở hữu cần rất quan trọng và cần yếu, sẽ giải rõ hơn ở phần sau. Cần chia làm 2:

. 1 là thân cần là sự cố gắng siêng năng, tinh tấn hành động bằng thân như gắng sức ngồi thiền, tinh tấn đi kinh hành;

. 2 là tâm cần là sự siêng năng, cố gắng hành động do nơi tâm như là niệm đề mục thiền định (samatha) hoặc niệm tứ niệm xứ, hành minh sát (vipassanā) v.v…

Nhân cận của sở hữu cần là bát thê thảm là sanh, lão, bệnh, tử, địa ngục, ngạ quỉ, bàng sanh, atula và bát đoan cần là làm rồi, sắp làm, đi mới về, sắp đi xa, vừa mới mạnh, khi chớm đau, lúc đủ ăn, khi thiếu ăn.

7. Thuần niệm là niệm mạnh. Thuần có nghĩa là thuần thục, thuần nhã quá quen. ‘Niệm’ trong từ Pāḷi là ‘Sati’, có nghĩa là ghi nhớ, ức[30] niệm v.v… ‘Niệm’ là chánh niệm hay niệm chơn chánh. Sở hữu niệm là một chi trong bát chánh đạo, nói đúng hơn là tứ niệm xứ (satipaṭṭhānā): 1 là tùy niệm thân (kāyānupassanā), 2 là tùy niệm thọ (vedanānupassanā), 3 là tùy niệm tâm (cittanupassanā), 4 là tùy niệm pháp (dhammānupassanā).

Niệm (sati) là một sở hữu tâm (cetasika) vô cùng quan trọng, rất cần yếu đem lại sự lợi ích cho hành giả. Niệm có mặt trong một số lớn pháp Phật như: Bát chánh đạo, ngũ quyền, ngũ lực, thất giác chi.

Ghi nhớ có 3 cách: 1 là ghi nhớ rõ rệt đề mục hay cảnh giới đưa đến, 2 là ghi nhớ rõ rệt pháp ác khi hành rồi sẽ đem đến kết quả khổ não, 3 là ghi nhớ rõ rệt pháp thiện khi hành rồi sẽ đem đến kết quả lợi ích an vui.

Nhân phát sanh niệm có 4: 1 là sự ghi nhớ biết mình, 2 là xa lánh người không có sự ghi nhớ tức là hay quên, lẫn lộn, 3 là thân cận người có sự ghi nhớ mạnh, 4 là luôn luôn giác tỉnh, chăm chú theo dõi mỗi hành động của mình.

Vì vậy, cần phải có niệm mạnh để trí tuệ dễ phát sanh.

8. Quán uẩn là quán tưởng, quán sát, suy xét, phân biệt về ngũ uẩn. ‘Uẩn’ là đống, bó v.v….

Năm uẩn: 1 là sắc uẩn tức là sắc pháp, 2 là thọ uẩn có pháp thực tính là sở hữu thọ, 3 là tưởng uẩn có pháp thực tính là sở hữu tưởng, 4 là hành uẩn tức là 50 sở hữu tâm (trừ thọ và tưởng), 5 là thức uẩn tức là tâm.

Nếu thường xuyên liên tục quán sát về ngũ uẩn thì một ngày nào đó trí tuệ sẽ phát sanh cho ta thấy rõ sự ‘sanh’ lên của ngũ uẩn (danh-sắc) và do chi nó ‘diệt’. Ta sẽ thấy rõ con người hay chúng sanh chỉ là sự kết hợp tạm thời giữa ‘danh’ và ‘sắc’. Hai pháp này luôn luôn sanh rồi diệt; diệt rồi sanh, vô thường biến đổi tiếp nối trôi chảy không ngừng nghỉ như trường lưu bất tức[31]. Ngoài ra, không có một cái gì có thể gọi là thú, chúng sanh, linh hồn, hay một bản ngã trường tồn vĩnh cữu.

Cái mà ta thường gọi là bản ngã trường tồn chỉ là một huyền tượng và thành kiến chấp ngã phát sanh như một ảo ảnh do sự điều hành phức tạp của ngũ uẩn. Như vậy do nhờ quán sát ngũ uẩn nên trí tuệ dễ phát sanh để thấy rõ sự sanh diệt của danh-sắc và Đức Phật có dạy: “Sống chỉ một ngày mà biết được sự sanh diệt của danh và sắc, còn hơn sống 100 năm mà không biết được danh-sắc là gì!”.

Yo ca vassasataṃ jīve, apassaṃ udayabbayaṃ;

Ekāhaṃ jīvitaṃ seyyo, passato udayabbayaṃ.

“Sống đến trăm năm chẳng ích chi, Nào hay sanh diệt hiểu là gì,

Chào đời nhứt nhật tường sanh diệt, Mới biết hơn kia quí lạ kỳ.

Dhammapadapāḷi - Pháp Cú. 113-

Sahassavaggo - Phẩm Một Ngàn / Việt dịch: Trưởng lão Tịnh Sự

Phật ngôn nói về trí: (Tiểu học có 21, trung học có 8, đại học có 7 câu).

Tiểu học có 21 câu:

1. Không có ánh sáng nào bằng trí.

12. Khéo nghe thì đặng trí.
2. Trí là ánh sáng trong đời. 13. Giác ngộ lý pháp bằng trí.
3. Trí sanh đặng do cố gắng. 14. Người trong sạch nhờ trí.
4. Trí tiêu hết do chẳng siêng năng. 15. Bậc khôn cho trí rất đặc biệt.
5. Trí đem lại sự an vui. 16. Người sống bằng trí là sống đặc biệt.
6. Trí là quí báu của đời. 17. Người trí hiểu ngạn ngữ cũng đặc biệt hơn người.
7. Trí đặc biệt hơn của cải. 18. Người trí tề gia lợi ích cho nhiều người.
8. (Thiền) sự thẩm xét không có với người vô trí. 19. Biết đặng trí của người do đàm luận.
9. Tuệ chẳng có với người không (thiền) thẩm xét. 20. Trí tiến hóa cách nào ta nên theo cách ấy.
10. Trí dạy bảo cho người. 21. Chớ nên coi rẻ trí.
11. Kẻ lười biếng không gặp nẻo trí.

Trung học có 8 câu:

1

Ít nghe thiếu hiểu dẫu cho già

Bò cổ mập nhiều số thịt đa

Tiến nhục tăng thêm nào tiến trí

Chất chồng thêm tuổi khác chi mà.

5

Trí thức nhận rành lối rất vui

Lập trường tiến tới chớ nào lui

Hy sinh thiểu lạc coi như bỏ

Để hưởng an vui quí đáng nhiều.

2

Có trí dù cho của chẳng còn

Sống đời khéo léo với lòng son

Kẻ ngu của cải đầy không hết

Thân mạng thay cho vật cỏn con.

6

Những người thiếu trí đặng ngôi quyền

Ép uổng tự tha khổ liên miên

Bất lợi hai đàng đâu có ích

Hành vi tạo tác đáng sanh phiền.

3

Khôn khéo tri thời thích hợp trường

Chương trình soạn đúng đủ nhiều phương

Sắp rành các cách theo muôn việc

Đặc biệt mà không trái với thường.

7

Tiểu nhân thiếu hiểu não lung lăng

Phá hại hư luôn tốt quí phần

Hảo hạnh thanh danh người quân tử

Liên cang phải chịu lối tương thân.

4

Trí tuệ khôn lanh sáng tợ trăng

Các sao đa số chẳng chi bằng

Hiền nhân các pháp đều nương với

Giới đức tháp tùng bậc trí nhân.

8

Giác ngộ dù cho sống một ngày

Hơn người thiếu trí tánh ngơ ngây

Thọ tăng bá tuế càng thêm luống

Tiến thoái nên so bỏ sớm chày.

Đại học có 7 câu:

1

Hiền triết hằng khen trí tuệ luôn

Không chi phủ nhận khó đo lường

Riêng phần hạnh phúc người ưa lợi

So sánh cùng nhau thắp đủ phương.

5

Trí đồ trắc nghiệm của người nghe

Giúp hẳn nên danh tiếng tước quyền

Đức hạnh đủ đầy luôn khéo léo

Dù cho gặp khổ trở vui yên.

2

Vấn đề tế nhị xét luôn luôn

Chẳng tạo ác chi gốc khổ buồn

Lợi ích theo thời đâu có bỏ

Đặt là người trí há kêu suông.

6

No trí là no đặc biệt hơn

Cành hông vật thực chỉ tiêu mòn

Vì no bằng trí không sôi nổi

Tham ái đành thôi khỏi véo von.

3

Người khờ mang chức cũng làm nô

Trí thức khi cần những việc mô

Bí mật giao cho càng lúng túng

Lừng khừng sự khéo tánh vì thô.

7

Người trí hằng xem dục lạc như

Tật nguyền bệnh hoạn khổ đa chừ

Vô thường thay đổi không ngừng nghỉ

Xét bỏ ham vui đại nạn hư.

4

Biết ơn khen trí của người hay

Giữ giới chắc lời hợp với đây

Hy vọng theo tâm hằng vắng lặng

Vững vàng cơ tánh tốt hiền thay.

Ứng dụng:

Chỉ có hai loại tâm mà mỗi khi sinh khởi, chúng mang nghiệp nhân và sẽ cho ra nghiệp quả. Hai loại tâm ấy là tâm bất thiện và tâm thiện. Do đó, nếu chúng ta có thể điều khiển ý của chúng ta thoát khỏi sự tác động của tham (lobha), sân (dosa) và si (moha), chúng ta sẽ có tâm thiện.

Khi chúng ta cho vật thí, chúng ta có vô tham (alobha) đối với vật thí ấy và vô sân (adosa) trước sự lợi ích của người nhận vật thí ấy. Hơn thế nữa, nếu chúng ta có vô si hay trí (amoha) về nghiệp và quả của nghiệp ngay khi đang bố thí, chúng ta có tất cả ba căn thiện cùng sanh với tâm. Căn thiện sẽ luôn trợ cho sanh tâm tịnh hảo (sobhaṇa citta).

Khi chúng ta dâng cúng vật thí mà không có sự trợ dẫn bởi bất cứ ai và nếu chúng ta cũng cảm thấy hoan hỷ trong lúc dâng cúng, ngay khi ấy sẽ là tâm đại thiện câu hành hỷ tương ưng trí vô dẫn (somanassa sahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ asaṅkhārika mahākusala citta).

Khi những người trẻ, không có sự hiểu biết thấu đáo về nghiệp và quả của nghiệp, bày tỏ sự tôn kính một cách hoan hỷ đến một vị Sa-môn hay một hình ảnh của Đức Phật sau khi được sự khuyên bảo của cha mẹ, khi ấy là tâm đại thiện câu hành hỷ bất tương ưng trí hữu dẫn (somanassasahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ sasaṅkhārika mahākusala citta) sinh khởi.

Tám loại tâm thiện có thể mô tả thêm qua những ví dụ sau:

Loại 1: Một phu nhân có trí hiểu biết về nghiệp và sự hoan hỷ khi dâng hoa ở chùa với sự tự giác.

Loại 2: Một thiếu nữ, sau khi được sự khuyên bảo của bạn, đến nghe một thời pháp thoại với sự hoan hỷ và với trí hiểu biết về nghiệp.

Loại 3: Một thanh niên, xả thí tịnh tài đến người ăn xin một cách tự nhiên với sự hoan hỷ nhưng không có trí hiểu biết về nghiệp.

Loại 4: Một người đàn ông, sau khi được vị trụ trì vận động xả thí một số tịnh tài cho trường học, ông ta hoan hỷ xả thí 100 lạng vàng mà không có trí hiểu biết về nghiệp và quả của nghiệp.

Loại 5: Một thiếu nữ quét sân với cảm thọ xả nhưng biết đó là một việc thiện nên làm.

Loại 6: Một người đàn ông được sự chỉ dạy của một Sa-môn, chặt cây với cảm thọ xả nhưng biết đó là việc nên làm.

Loại 7: Một phu nhân tự nguyện đọc một quyển sách về Phật pháp mà không hiểu nghĩa lý và trí hiểu biết về nghiệp và quả của nghiệp.

Loại 8: Một thiếu nữ được sự chỉ dạy của mẹ là giặt quần áo cho cha mẹ, không có sự hoan hỷ và cũng không có sự suy nghĩ về nghiệp và quả của nghiệp.

Mahāvipāka citta (tâm đại quả) mahākiriya citta (tâm đại tố)[32]

§16. Somanassasahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ asaṅkhārikamekaṃ, sasaṅkhārikamekaṃ, somanassasahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ asaṅkhārikamekaṃ, sasaṅkhārikamekaṃ, upekkhāsahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ asaṅkhārikamekaṃ, sasaṅkhārikamekaṃ, upekkhāsahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ asaṅkhārikamekaṃ, sasaṅkhārikamekanti imāni aṭṭhapi sahetukakāmāvacaravipākacittāni nāma.

Nghĩa là: Một câu hành hỷ tương ưng trí vô dẫn, một hữu dẫn, một câu hành hỷ bất tương ưng trí vô dẫn, một hữu dẫn, Một câu hành xả tương ưng trí vô dẫn, một hữu dẫn, một câu hành xả bất tương ưng trí vô dẫn, một hữu dẫn. Đây gọi là tám tâm quả dục giới.

‘Tâm đại quả’ đều là quả do sở hữu tư (cetanā) hiệp với tâm đại thiện để lại thành Dị thời ‘nghiệp duyên’ (nānakkhanikakammapaccayo) tạo tâm tái tục, tâm hữu phần, tâm tử và tâm na cảnh trong phần Dục giới. Tâm đại quả khi nói theo thọ, phối hợp, trợ dẫn thì cũng giống với những phần của tâm đại thiện.

§17. Somassasahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ asaṅkhārikamekaṃ, sasaṅkhārikamekaṃ, somanassasahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ asaṅkhārikamekaṃ, sasaṅkhārikamekaṃ, upekkhāsahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ asaṅkhārikamekaṃ, sasaṅkhārikamekaṃ, upekkhāsahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ asaṅkhārikamekaṃ, sasaṅkhārikamekanti imāni aṭṭhapi sahetukakāmāvacarakiriyacittāni nāma.

Nghĩa là: Một câu hành hỷ tương ưng trí vô dẫn, một hữu dẫn, một câu hành hỷ bất tương ưng trí vô dẫn, một hữu dẫn, Một câu hành xả tương ưng trí vô dẫn, một hữu dẫn, một câu hành xả bất tương ưng trí vô dẫn, một hữu dẫn. Đây gọi là tám tâm tố dục giới.

Tâm đại tố (đại hành hay đại duy tác) (mahākiriyācitta) là tâm tợ như tâm đại thiện, nhưng chỉ phát sanh trong cơ tánh của bậc Arahatta, không còn để nghiệp nhân trợ tạo ra quả, chẳng sai khiến làm việc phước như tâm đại thiện, nên gọi là tâm đại tố.

Tám thứ tâm mahāvipāka (đại quả) cũng như tám thứ tâm mahākiriya (đại tố) được gọi cùng một cách như tám thứ tâm mahākusala (đại thiện). Khi một người (mong) muốn phân biệt giữa ba loại tâm, người ấy có thể nói như sau:

(1) Somanassasahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ asaṅkhārika mahākusala citta. (Tâm đại thiện câu hành hỷ tương ưng trí vô dẫn).

(2) Somanassasahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ asaṅkhārika mahāvipāka citta. (Tâm đại quả câu hành hỷ tương ưng trí vô dẫn).

(3) Somanassasahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ asaṅkhārika mahākiriya citta. (Tâm đại tố câu hành hỷ tương ưng trí vô dẫn).

Có thể tạm nói là tâm mahākusala (đại thiện) thứ nhất cho quả là tâm mahāvipāka (đại quả) thứ nhất và tâm mahākusala (đại thiện) thứ hai cho quả là tâm mahāvipāka (đại quả) thứ hai, v.v...

Còn phần chi tiết về số lượng tâm quả thì còn tùy thuộc vào những điều kiện như tâm tương ưng hay bất tương ưng trí, đầy đủ ba tư (cetanā) theo ba thời (trước, ngay và sau khi thực hiện hành vi thiện). Xin xem ở phần sở hữu tư (cetanā) trong Chương 2: Cetasika – Sở Hữu Tâm.

Điều kiện hay nhân cho sinh khởi những thứ tâm mahā-kiriya (đại tố) với chư Thánh Arahaṃ cũng giống như đã trình bày ở những tâm đại thiện.

Những thứ tâm bình thường ở một người.

Mặc dù tất cả 54 thứ tâm kamāvacara (dục giới) có thể sinh khởi với một người ở cõi Nhân loại, nhưng tâm tiếu sinh (hasituppāda) và tám thứ tâm đại tố (mahā-kiriya) chỉ có thể xảy ra với chư Thánh Arahaṃ. Do đó, chỉ có 45 thứ tâm dục giới (kāmāvacara) sinh khởi với những phàm nhân, người không phải là Thánh Arahaṃ.

Một người có thể tiến xa hơn để đạt được 5 tâm thiện sắc giới (rūpāvacara kusala citta) hay còn gọi là thiền hữu sắc (rūpajhāna) và 4 thứ tâm thiện vô sắc (arūpāvacarakusala citta) hay còn gọi là thiền vô sắc (arūpajhāna) nếu vị ấy quyết tâm tu theo pháp chỉ (định).

§18. Iccevaṃ sabbathāpi catuvīsati sahetukakāmāvacarakusalavipākakiriyacittāni samattāni.

Như vậy có tất cả 24 tâm thiện, quả, và tố dục giới hữu nhân.

§19. Vedanāñāṇasaṅkhārabhedena catuvīsati.

24 pháp này được chia theo thọ, trí, trợ dẫn.

Sahetukāmāvacarapuññapākakriyā matā.

Hữu nhân, dục giới, dị thục quả, tố

§20. Kāme tevīsa pākāni, puññāpuññāni vīsati, ekādasa kriyā ceti, catupaññāsa sabbathā.

23 tâm dị thục quả dục giới, 20 phúc (quả thiện), phi phúc (quả bất thiện), 11 tâm tố, tất cả là 54

Dứt phần tâm dục giới

Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammattha-saṅgaha)  (Chương 1 - 4)

II. Tâm Sắc Giới (Rūpāvacara citta) (Tâm thường dạo ở cõi Sắc) (Dhs.981)

Gọi là tâm sắc giới bởi vì tất cả 15 tâm này phần lớn du hành sanh trong cõi “vật sắc” và “phiền não sắc”. “Vật sắc” đó là 15 tâm sắc giới, 35 sở hữu. “Phiền não sắc” là sắc ái, tức vừa lòng trong thiền sắc, thần thông, cõi Sắc. Có Pāḷi chú giải như vầy:

- “Rūpassa bhavoti = rūpaṃ”: Cõi nào là nơi sanh của vật sắc và phiền não sắc thì cõi ấy gọi là sắc, đó là 16 cõi Sắc.

- “Rūpe avacaratīti = rūpāvacaraṃ”: Tâm nào du hành sanh trong cõi mà phiền não sắc và vật sắc thì tâm ấy gọi là (tâm) sắc giới.

- Pannaraso rūpāvacaratīti = rūpāvacaro: Thường du hành, hành động, lưu động trong 15 cõi Sắc giới hữu tâm, nên gọi là tâm sắc giới.

Tâm sắc giới khi nói theo thiền có 5. Khi phân chia theo thiện, quả, tố thì có 15.

* Tâm sắc giới chia theo 5 bậc thiền:

- 1 là 3 thứ tâm sơ thiền (paṭhamajjhāna) sắc giới (thiện, quả, tố) đều có 5 chi là: Vitakka (tầm), vicāra (tứ), pīti (hỷ), sukha (lạc) và ekaggatā (định). (Dhs.149)

- 2 là 3 thứ tâm nhị thiền (dutiyajjhāna) sắc giới (thiện, quả, tố) đều có 4 chi là: Tứ, hỷ, lạc và định. (Dhs.150)

- 3 là 3 thứ tâm tam thiền (tatiyajjhāna) sắc giới (thiện, quả, tố) đều có 3 chi là: Hỷ, lạc và định. (Dhs.153)

- 4 là 3 thứ tâm tứ thiền (catutthajjhāna) sắc giới (thiện, quả, tố) đều có 2 chi là: lạc và định. (Dhs.156)

- 5 là 3 thứ tâm ngũ thiền (pañcamajjhāna) sắc giới (thiện, quả, tố) đều có 2 chi là: xả và định. (Dhs.159)

* Mười lăm thứ tâm sắc giới (rūpāvacara) phân thành ba loại, cũng giống như tâm dục giới tịnh hảo (kāmāvacara-sobhaṇa citta), được chia theo tâm thiện (kusala), tâm quả (vipāka) và tâm tố (kiriya).

- Rūpāvacara kusala citta (5) (tâm thiện sắc giới) = rūpa-jhāna (thiền sắc).

- Rūpāvacara vipāka citta (5) (tâm quả sắc giới) = rūpa-jhāna (thiền sắc).

- Rūpāvacara kiriya citta (5) (tâm tố sắc giới) = rūpa-jhāna (thiền sắc).

Tâm thiện sắc giới (Rūpāvacara Kusala citta)

§21. Vitakkavicārapītisukhekaggatāsahitaṃ paṭhamajjhānakusalacittaṃ, vicārapīti-sukhekaggatāsahitaṃ dutiyajjhānakusalacittaṃ, pītisukhekaggatāsahitaṃ tatiyajjhānakusalacittaṃ, sukhekaggatāsahitaṃ catutthajjhānakusalacittaṃ, upekkhekaggatāsahitaṃ pañcamajjhānakusalacittañceti imāni pañcapi rūpāvacarakusalacittāni nāma.

Nghĩa là: Tâm thiền thiện thứ nhất đi cùng với tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm. Tâm thiền thiện thứ hai đi cùng với tứ, hỷ, lạc, nhất tâm. Tâm thiền thiện thứ ba đi cùng với hỷ, lạc, nhất tâm. Tâm thiền thiện thứ tư đi cùng với lạc, nhất tâm. Tâm thiền thiện thứ năm đi cùng với xả, nhất tâm. Đó gọi là năm thiền thiện sắc giới.

Năm tâm thiện sắc giới (rūpāvacara kusala citta) được gọi theo cách khác như sau:

1. Tâm sơ thiền thiện đồng sanh với tầm, tứ, hỷ, lạc, định.

2. Tâm nhị thiền thiện đồng sanh với tứ, hỷ, lạc, định.

3. Tâm tam thiền thiện đồng sanh với hỷ, lạc, định.

4. Tâm tứ thiền thiện đồng sanh với lạc và định.

5. Tâm ngũ thiền thiện đồng sanh với xả và định.

Lưu ý rằng, bốn tâm đầu có ‘sukha’ – lạc là pháp cũng giống như ‘somanassa’ – hỷ. Tâm thứ năm có ‘upekkhā’ – xả.

Tâm thiện sắc giới: Một người tái tục bằng tâm quả tương ưng trí và chưa phải là bậc Arahaṃ, có thể phát triển đến năm thứ tâm thiện sắc giới (rūpāvacara kusala) theo từng bậc bằng cách tu tiến pháp chỉ (định) (samatha-bhāvana) như chú tâm trên hơi thở hay trên đề mục (kasiṇa) khác.

Tâm quả sắc giới (Rūpāvacara Vipāka Citta)

§22. Vitakkavicārapītisukhekaggatāsahitaṃ paṭhamajjhānavipākacittaṃ, vicārapīti-sukhekaggatāsahitaṃ dutiyajjhānavipākacittaṃ, pītisukhekaggatāsahitaṃ tatiyajjhānavipākacittaṃ, sukhekaggatāsahitaṃ catutthajjhānavipākacittaṃ, upekkhekaggatāsahitaṃ pañcamajjhānavipākacittañceti imāni pañcapi rūpāvacaravipākacittāni nāma.

Nghĩa là: Tâm thiền quả thứ nhất đi cùng với tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm. Tâm thiền quả thứ hai đi cùng với tứ, hỷ, lạc, nhất tâm. Tâm thiền quả thứ ba đi cùng với hỷ, lạc, nhất tâm. Tâm thiền quả thứ tư đi cùng với lạc, nhất tâm. Tâm thiền quả thứ năm đi cùng với xả, nhất tâm. Đó gọi là năm thiền quả sắc giới.

Tâm quả sắc giới (rūpāvacara vipāka citta) là nghiệp quả của tâm thiện sắc giới (rūpāvacara kusala). Chúng là tâm tái tục của chư Phạm thiên hữu sắc. Một người đạt được tâm thiện sắc giới (rūpāvacara kusala citta) đầu tiên và duy trì cho đến lúc tử, vị ấy sẽ sanh về cõi Sơ thiền (Rūpa-jhāna) của sắc giới bằng tâm quả sơ thiền làm tâm tái tục.

Năm tâm quả sắc giới (rūpāvacara vipāka citta) được chỉ rõ bởi những tên tương tự như 5 tâm thiện sắc giới. Việc đặt tên cho những tâm quả sắc giới, chỉ thay đổi từ ‘kusala’ – thiện, trong tâm thiện sắc giới, thành từ ‘vipāka’ – quả.

Tâm tố sắc giới (Rūpāvacara Kiriya Citta)

§23. Vitakkavicārapītisukhekaggatāsahitaṃ paṭhamajjhānakiriyacittaṃ, vicārapīti-sukhekaggatāsahitaṃ dutiyajjhānakiriyacittaṃ, pītisukhekaggatāsahitaṃ tatiyajjhānakiriyacittaṃ, sukhekaggatāsahitaṃ catutthajjhānakiriyacittaṃ, upekkhekaggatāsahitaṃ pañcamajjhānakiriyacittañceti imāni pañcapi rūpāvacarakiriyacittāni nāma.

Nghĩa là: Tâm thiền tố thứ nhất đi cùng với tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm. Tâm thiền tố thứ hai đi cùng với tứ, hỷ, lạc, nhất tâm. Tâm thiền tố thứ ba đi cùng với hỷ, lạc, nhất tâm. Tâm thiền tố thứ tư đi cùng với lạc, nhất tâm. Tâm thiền tố thứ năm đi cùng với xả, nhất tâm. Đó gọi là năm thiền tố sắc giới.

Tâm tố sắc giới: Chư Thánh Arahaṃ, do tu tiến pháp chỉ (samatha bhāvanā) có thể phát triển lần lượt năm tâm thiền tố sắc giới (rūpāvacara-kiriya). Điều cần chú ý là đối với chư Thánh Arahaṃ, tâm tố (kiriya citta) sinh khởi thay vì tâm thiện.

Năm tâm tố sắc giới (rūpāvacara kiriya citta) được chỉ rõ bởi cùng những ký hiệu và tên tương tự như 5 tâm thiện sắc giới. Ở đây, ‘kusala’ – thiện, nên được đổi thành ‘kiriya’ – tố.

Do đó, tâm thiện sắc giới (rūpāvacara kusala citta) và tâm tố sắc giới (rūpāvacara kiriya citta) du hành trong cõi Dục cũng như trong cõi Sắc (tế); trong khi tâm quả sắc giới (rūpāvacara-vipāka citta) chỉ du hành trong cõi Sắc (tế).

§24. Iccevaṃ sabbathāpi pannarasa rūpāvacarakusalavipākakiriyacittāni samattāni.

Nghĩa là: Như vậy, tất cả có 15 tâm thiện, quả, tố sắc giới

§25. Pañcadhā jhānabhedena, rūpāvacaramānasaṃ. Puññapākakriyābhedā, taṃ pañcadasadhā bhave.

Nghĩa là: Tâm sắc giới phân năm theo thiền, dị thục quả, và tố thành 15.

Thiền (jhāna) là gì?

Thiền (jhāna) bắt nguồn từ căn jhe là trạng thái cố quyết tập trung, chuyên chú, khắn khít miệt mài trên một đề mục (nghiệp xứ - kammaṭṭhāna).

Có những câu Pāḷi định nghĩa như sau:

- Vitakkādijhānaṅgehi sampayuttaṃ cittanti = jhānacittaṃ: Những tâm mà có tương ưng với chi thiền vitakka (tầm), vicāra (tứ), pīti (hỷ), sukha (lạc), ekaggatā (nhất tâm), là tâm thiền; tức là thiền tướng, vì mượn trạng thái của chi thiền mà gọi.

- Kasinādi ārammaṇaṃ jhāyati upanijjhayatīti = jhānaṃ: Những tâm mà có chi thiền đình trụ trên cảnh đề mục biến xứ (kasiṇa) v.v… gọi là thiền.

- Jhāp nghĩa là thiêu đốt. Paccanikajhāpanato = jhānaṃ: Những pháp thiêu đốt pháp nghịch là pháp ‘cái - nīvarana’, nên gọi là thiền. Chỉ cho chi thiền trong tâm thiền, mà tâm thiền cũng mượn chi thiền để gọi là thiền.

- Jhānena sampayuttaṃ cittanti = jhānacittaṃ: Tâm mà hợp hay tương ưng với chi thiền gọi là tâm thiền.

- Vitakkādijhānangehi sampayuttaṃ cittanti = jhānacittaṃ: Những tâm mà có hợp với chi thiền tầm, tứ, hỷ, v.v…, nên gọi là tâm thiền. Tức là tâm sắc giới, tâm vô sắc giới và tâm siêu thế.

Chi thiền:

‘Thiền’ (jhāna) là sự tổng hợp của các chi thiền (jhānaṅga). Chi thiền có năm:

(1) Tầm (vitakka) = là trạng thái tìm tòi, áp sát ban đầu mang pháp đồng sanh đến cảnh. Vitakkanaṃ = vitakko: Tìm tòi cảnh gọi là tầm.

(2) Tứ (vicāra) = là trạng thái liên tục duy trì sự thẩm sát, chăm nom, kềm giữ cảnh. Vicarānaṃ = vicāro: Chăm nom cảnh gọi là tứ.

(3) Hỷ (pīti) = là trạng thái mừng hớn hở, no nê thân tâm, vui thích trên cảnh, đề mục. Pinayapīti = pīnayo: No nê với cảnh gọi là hỷ.

Pháp hỷ có năm: 1 là tiểu hay thiểu hỷ (khuddakāpīti) là cách mừng như rởn ốc, 2 là đản hay quang thiểm hỷ (khaṇikāpīti) là cách mừng như chớp nhoáng, 3 là lâng hỷ (okkantikāpīti) là cách mừng làm như sóng dội vào bờ, 4 là khinh thân hỷ (ubbegāpīti) là cách mừng như thân nhẹ, cũng có thể bay bổng lên, 5 là sẩm hay sâm thấu hỷ (pharaṇāpīti) là cách mừng làm như ăn, uống vật chi rất bổ dưỡng đượm nhuần cả thân thể.

(4) Thọ (vedanā) = là trạng thái hưởng, hứng chịu, dụng nạp, lãnh lấy cảnh sanh từ xúc.

Có hai loại thọ xảy ra trong thiền là:

(a) Lạc (sukha) = là trạng thái vui thích, cảm giác dễ chịu, vui tâm, lãnh nạp cảnh an vui.

(b) Xả (upekkhā) = là trạng thái cảm giác trung bình, hứng chịu phi khổ phi lạc dụng nạp hưởng lấy cảnh.

(5) Định (ekaggatā) = là nhất hành, nhất thống hay định là đình trụ vào cảnh.

Tầm (vitakka), tứ (vicāra), hỷ (pīti), lạc (sukha), xả (upekkhā) và định (ekaggatā) là những sở hữu tâm (cetasika) có thể tác động hay chi phối tâm trở nên cố định trên một cảnh. Chúng có thể phát triển và trở nên kiên cố bằng cách tu tập pháp chỉ (định), thật sự là một hình thức rèn luyện, dẫn dắt tâm. Cho nên, hầu như những tâm thiền đều là những tâm hữu dẫn[33].

Tâm thiền (jhāna citta) chia làm 2: Tâm thiền hiệp thế (có 27 là 15 tâm sắc giới, 12 tâm vô sắc giới); và tâm thiền siêu thế (có 40 tức là 40 tâm siêu thế).

* Thiền hiệp thế (lokiyajhāna) hay là thiền cảnh đề mục.

- ‘Thiền’ - có Pāḷi chú giải như vầy: Kasiṇādi ārammaṇaṃ jhāyati upanijjhāyatīti = jhānaṃ: Khắn khít miệt mài vào cảnh (đề mục hoàn tịnh) nên gọi là thiền.

- ‘Hiệp thế’ - có Pāḷi chú giải như vầy: Loke niyuttāti = lokiyā: Thường hòa hợp trong đời nên gọi là hiệp thế, tức là tâm sắc giới và tâm vô sắc giới.

Thiền hiệp thế hay là thiền cảnh đề mục, nương cảnh đề mục, chưa vượt khỏi đời và còn liên quan trong vòng luân hồi.

* Thiền siêu thế (lokuttarajhāna) hay còn gọi là thiền trạng thái. Lakkhaṇūpanijjhānato jhānaṃ: Gọi là ‘thiền trạng thái’ là vì những tâm thiền này hướng đến trạng thái của cảnh. Còn gọi là ‘thiền siêu thế’ vì mượn cảnh Níp-bàn mà gọi, bởi do Níp-bàn là pháp hoàn toàn vượt ra khỏi đời, nên Níp-bàn được gọi là pháp siêu thế. Những tâm bắt cảnh siêu thế được gọi là tâm siêu thế.

Pháp ‘cái’ hay pháp ngăn ngại (nīvaraṇa) thiền (jhāna): Bình thường, tâm chúng ta không yên tĩnh hay yên lặng. Chúng liên tục bị khuấy động bởi năm nīvaraṇa (pháp cái hay pháp ngăn che)[34] như dục dục cái (kāmacchanda), sân độc cái (vyāpāda), hôn trầm thùy miên cái (thīna-middha), điệu hối cái (uddhacca-kukkucca) và hoài nghi cái (vicikicchā).

- Dục dục cái (kāmacchanda) khuấy động làm cho tâm nghĩ ngợi về cảnh dục đã từng hưởng.

- Sân độc cái (vyāpāda) khuấy động tâm bằng cách tiếp nhận những cảnh không vừa ý.

- Hôn trầm thùy miên cái (thīna-middha), điệu hối cái (uddhacca-kukkucca) và hoài nghi cái (vicikicchā) làm ngăn che trí tuệ và quấy rối sự tập trung.

Đức Phật đã so sánh ‘dục dục cái’ ví như nước bị pha trộn với nhiều màu sắc, ‘sân độc cái’ ví như nước sôi, ‘hôn trầm thùy miên cái’ ví như nước bị rêu phủ, ‘điệu hối cái’ ví như nước bị khuấy động bởi cơn gió, ‘hoài nghi cái’ ví như nước đục lầy lội hay ví như người không thấy được ảnh phản chiếu của chính mình trong nước. Do đó, với sự hiện diện của năm pháp cái, chúng sanh không thể nhận thấy một cách thấu đáo sự lợi ích của mình, sự lợi ích của người hay sự lợi ích của cả hai.

Những pháp cái (nīvaraṇa) này có thể bị vượt qua và tạm thời bị trấn áp, ngăn chặn bằng cách tu tiến pháp chỉ (định) (samatha bhāvanā). Chúng ta có thể chọn đề mục đất (pathavī kasiṇa) là một đề mục thiền (chỉ). Làm một dĩa tròn có đường kính khoảng 1 gang 4 ngón tay (khoảng 30,48 cm) được lấp đầy, bằng phẳng bằng đất sét có màu mặt trời lặn. Vật này được đặt trên một cái đế thích hợp để người tu có thể nhìn thấy một cách thoải mái.

Ngồi xa ở khoảng cách 114,3 cm từ đề mục dĩa đất tròn, tập trung trên đề mục và niệm hay nói trong ý “pathavī, pathavī...” hay “đất, đất...”. Dĩa đất tròn mà người ấy đang nhìn, được gọi là parikammanimitta[35].

Lúc này, năm chi thiền đang từ từ được phát huy.

- Pháp tầm (vitakka) là tìm, đem những danh pháp đồng sanh đến đề mục (đĩa đất tròn); tạm thời ngăn chặn hôn trầm và thùy miên.

- Pháp tứ (vicāra) duy trì những danh pháp đồng sanh trên đề mục bằng cách liên tục quan sát, kềm giữ, khắn khít cảnh; tạm thời ngăn chặn hoài nghi (vicikicchā).

- Pháp hỷ (pīti) phát triển pháp hỷ hay sự vui tươi, sự thích thú trong đề mục; tạm thời ngăn chặn pháp sân (dosa). Hỷ (pīti) cũng là một điềm báo của lạc thọ (sukha). Hỷ (pīti) tạo nên một sự thích thú trong đề mục, trong khi lạc thọ (sukha) làm cho bậc tu tiến hứng chịu cảnh hay lãnh nạp đề mục.

- Pháp lạc (sukha) lưu giữ tâm trên đề mục lâu dài bằng sự mừng, vui, hứng chịu cảnh an vui; tạm thời xua đuổi pháp điệu cử và hối hận.

- Pháp định hay nhất hành (ekaggatā) gom tâm và những sở hữu hợp với tâm ấy trên đề mục để đạt đến trạng thái hợp nhất hay định; tạm thời ngăn chặn pháp dục-dục cái.

Chi thiền (jhānaṅga) <= đối trị => pháp cái (nīvarana):

Chi ‘tầm’ đối trị ‘cái hôn thùy’,

‘Tứ’ phá ‘hoài nghi’, ‘sân’ ‘hỷ’ thiêu,

‘Điệu hối’ do nhờ chi ‘lạc’ trị,

‘Định’ trừ vọng niệm ‘dục dục’ nhiều.

(Việt dịch: Thera Santakicco)

Khi những pháp cái (nīvaraṇa) tạm thời lắng xuống, tâm không còn hay lang thang ra khỏi đề mục như trước và đạt được định ở mức độ yếu. Ở giai đoạn này, bậc tu tiến có thể thấy đĩa đất tròn với đôi mắt nhắm lại, như vị ấy từng thấy nó với đôi mắt mở. Ấn tướng[36] (nimitta) mường tượng hay hình dung này được gọi là ‘học tướng’ (uggahanimitta)[37].

Nay, bậc tu tiến định hãy chuyên chú trên ‘học tướng’ (uggahanimitta) này với đôi mắt nhắm lại, niệm hay nói trong ý “pathavī, pathavī...” như trước. Khi bậc tu tiến đạt đến mức định cao hơn, ấn tướng đột ngột thay đổi màu sắc của nó và hiện ra. Nó trở nên sáng hơn gấp nhiều lần và mượt mà như một mặt gương. Sự thay đổi tợ như lấy một cái kiếng ra khỏi bao da xù xì. Ấn tướng mới này được gọi là ‘tợ tướng’ (paṭibhāganimitta)[38].

Sự khác biệt giữa hai ấn tướng rất rõ rệt. ‘Học tướng’ (uggahanimitta) là một bản sao trong ý đối với đề mục ban đầu; bao gồm cả những khuyết điểm có hiện diện trong đề mục ban đầu. ‘Tợ tướng’ (paṭibhāganimitta) hoàn toàn không có khuyết điểm hay tỳ vết nào, rất sáng, chói và mượt mà. Sau đó có thể không sở hữu một hình dáng hay màu sắc rõ ràng – “đó chỉ là một cách xuất hiện và được sanh do tưởng.

Ngay khi ‘tợ tướng’ (paṭibhāganimitta) sinh khởi, định (samādhi) đạt đến mức gọi là upācāra-samādhi, nghĩa là cận định. Ở giai đoạn này, năm chi thiền trở nên rõ rệt và mạnh; hỷ (pīti) và lạc (sukha) quá vượt trội làm cho bậc tu tiến trải nghiệm sự hân hoan, hớn hở của hỷ và hứng chịu cảnh an vui của lạc mà vị ấy chưa từng trải nghiệm trước đó.

Bây giờ, bậc tu tiến cho phép ‘tợ tướng’ (paṭibhāganimitta) lan tỏa đến vô tận trong tất cả hướng bằng sức mạnh của ý nguyện và thiền “pathavī, pathavī...” như trước. Cuối cùng vị ấy đạt được thiền định (jhāna-samādhi) hay an chỉ định (appanā-samādhi). Ở giai đoạn này, vị ấy có thể hưởng sự yên tịnh, trầm lặng, hân hoan, an lạc của thiền nhiều lần đến mức như vị ấy muốn. Nếu tu tập tốt, vị ấy có thể duy trì trong định hay nhập định cả một giờ, hai giờ, một ngày, hai ngày hay cho đến bảy ngày. Trong sự nhập định này có một sự hoàn toàn, nhưng chỉ tạm thời, đình chỉ sự hoạt động của năm quyền và của cả năm pháp cái. Trạng thái của tâm thì hoàn toàn tỉnh giác và sáng suốt.

Do đó, người nào muốn hưởng phúc lạc hơn dục lạc, vị ấy nên thực hành thiền chỉ tịnh.

Trong thiền thứ nhất, tất cả năm chi thiền đều hiện diện. Rồi bằng cách thiền (chuyên chú tâm miệt mài) vào paṭibhāga-nimitta của đề mục đất (pathavī kasiṇa) thêm nữa và loại bỏ từng chi thiền thấp hơn, bậc tu tiến có thể đạt đến tầng thiền cao hơn. Vị ấy đạt đến tầng thiền thứ hai khi vitakka (tầm) bị loại trừ, đạt tầng thiền thứ ba khi trừ thêm vicāra (tứ), đạt tầng thiền thứ tư khi trừ thêm pīti (hỷ), đạt tầng thiền thứ năm khi sukha (lạc) được thay bằng upekkhā (xả).

Những tâm thiền sắc giới và đề mục:

* Sơ thiền sắc giới có 3 thứ tâm là thiện, quả và tố nương đặng 25 cảnh đề mục như sau: Thập hoàn tịnh (kasiṇa), thập bất mỹ (asubha), phụ niệm thể trược (kāyagatāsati), niệm số tức quan (ānāpānasati) (niệm hơi thở), 3 vô lượng tâm (Brahmavihāra) (trừ xả).

Thập hoàn tịnh (kasiṇa)[39]:

1 là đất (paṭhavī), 2 là nước (āpo), 3 là lửa (tejo), 4 là gió (vāyo), 5 là màu xanh (nīla), 6 là màu vàng (pīla), 7 là màu đỏ (lohita), 8 là màu trắng (odāta), 9 là hư không (ākāsa), 10 là ánh sáng (āloka).

1. Sắc màu hình thức đất làm đề mục như sau: Chọn loại đất màu đỏ gạch như mặt trời mới mọc, nhồi lọc cho thật nhuyễn, nắn tròn như bánh xe, đường kính 1 gang 4 ngón tay nằm ngang của hành giả để nhìn niệm (pháp hành sẽ giải sau).

2. Nói về nước đựng đầy trong đồ miệng tròn, đường kính 1 gang 4 ngón.

3. Lửa ngọn lớn có thể đặt vòng tròn ở trước cũng có đường kính 1 gang 4 ngón, để nhìn niệm lửa qua vòng tròn có cùng đường kính.

4. Gió là quan sát cỏ cây lay động hay là gió chạm đến thân.

5. Màu xanh, dùng vải lụa nhuyễn bao vòng tròn có cùng đường kính.

6. Màu vàng; 7. Màu đỏ; 8. Màu trắng - cách thức như màu xanh.

9. Hư không, khoét lỗ vách tròn có cùng đường kính hướng nhìn ra ngoài.

10. Nhìn ngang qua ánh sáng nhật, nguyệt, điện, lửa v.v… soi vào lỗ vách tròn có cùng đường kính.

Thập bất mỹ (asubha) quán tử thi:

1 là tử thi sình (uddhumātakaṃ) sau khi chết vài ngày, 2 là tử thi biến sắc (vinīlakaṃ) thay đổi sang sắc xanh, trắng v.v…, 3 là tử thi chảy nước vàng (vipubbakaṃ), 4 là tử thi bể nứt nở (vicchiddakaṃ), 5 là tử thi bị thú ăn (vikhāyikataṃ), 6 là tử thi rã hai (vikhittakaṃ), 7 là tử thi rã từng miếng (hatavikkhittakaṃ), 8 là tử thi máu đọng nhẩm (lohitakaṃ), 9 là tử thi hóa dòi tửa (puḷuvakaṃ), 10 là xương tử thi rải rác (aṭṭhikaṃ).

Thiền sinh cần xem, nhớ kỹ để trở về chỗ hành, nhắm mắt quán tưởng.

Niệm số tức quan (ānāpānasati)[40]

Tức là nhớ đếm đôi hơi thở ra vào kể 1, ra vào 2, 3, 4, 5. Trở lại 1, 2, 3, 4, 5, 6. Trở lại 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7. Đếm trở lại 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8. Đếm trở lại 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9. Đếm trở lại 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10.

Rồi đếm trở lại như trước 1, 2, 3, 4, 5;1, 2, 3, 4, 5, 6 v.v… cho đến 10. Rồi cũng đếm trở lại như trên, ít không dưới 5. Nhiều không quá 10. Cứ thực hành như thế đến khi phát sanh ấn chứng thì không đếm nữa, chỉ chuyên chú theo mũi hay cảnh môi trên, nơi hơi thở quét qua. Thực hành như vậy, cho đến khi pháp ngũ quyền (indriya) đầy đủ trợ cho tâm sơ thiền phát sanh, gọi là đắc sơ thiền.

(Muốn thực hành khỏi sai lầm, cần có thầy đã kinh nghiệm chỉ dạy và hướng dẫn chi tiết).

Phụ niệm thân (kāyagatāsati)

Nhớ tưởng đến 32 thể trược trong thân (koṭṭhassa) như là tóc (kesā), lông (lomā), móng (nakhā), răng (dantā), da (taco) v.v….

Nhắc tên Pāḷi hay Việt để nhớ những vật trong thân thể ta đáng chán, hoặc nhớ đến tên và tưởng như vầy: Tóc, lông, móng, răng, da. Da, răng, móng, lông, tóc. Hay là nhớ tên vật trưởng như vầy: Kesā, lomā, nakhā, dantā, taco. Taco, dantā, nakhā, lomā, kesā.

Dù tên Pāḷi hay tên Việt, cần nhớ những vật đã nói: Tóc, lông v.v… rõ ràng như ta thấy hình thể của chúng. Nếu đủ sức nhớ luôn cho đến 32 thể trược thì càng tốt.

Thiền sinh nên phân thành 6 phần như sau cho dễ nhớ:

  • Phần thứ nhất: 5 thể trược đã kể.
  • Phần thứ hai - (từ 6 đến 10): 6 là thịt (maṃsaṃ), 7 là gân (nahāru), 8 là xương (aṭṭhi), 9 là tuỷ (aṭṭhimiñjaṃ), 10 là thận (vakkaṃ).
  • Phần thứ ba - có năm (từ 11 đến 15): 11 là tim (hadayaṃ), 12 là gan (yakanaṃ), 13 là màng ruột (kilomakaṃ), 14 là bao tử (pihakaṃ), 15 là phổi (papphāsaṃ).
  • Phần thứ tư - có năm (từ 16 đến 20): 16 là ruột già (antaṃ), 17 là ruột non (antaguṇaṃ), 18 là vật thực mới (udariyaṃ), 19 là vật thực cũ hay phân (karīsaṃ), 20 là óc não (matthaluṅgaṃ).
  • Phần thứ năm - có sáu (từ 21 đến 26): 21 là mật (pittaṃ), 22 là đàm (semhaṃ), 23 là mủ (pubbo), 24 là máu (lohitaṃ), 25 là mồ hôi (sedo), 26 là mỡ cục (medo).
  • Phần thứ sáu - có sáu (từ 27 đến 32): 27 là nước mắt (assu), 28 là mỡ lỏng (vasā), 29 là nước miếng (kheḷo), 30 là nước mũi (siṅghānikā), 31 là dịch khớp (lasikā), 32 là nước tiểu (muttaṃ).

Bốn vô lượng (appamaññā): Ba đề mục đưa đến 4 thiền thấp là ‘từ’ (mettā), ‘bi’ (karuṇā) và ‘tùy hỷ’ (muditā). Đề mục đưa đến ngũ thiền là ‘xả’ (upekkhā).

* Ba tâm nhị thiền, ba tâm tam thiền và ba tâm tứ thiền sắc giới: Thiện, quả và tố đều nương đặng 14 đề mục là: Thập hoàn tịnh (kasiṇa), ba vô lượng tâm (Brahmavihāra – Phạm trú) trừ xả, niệm số tức quan (ānāpānasati).

* Ba tâm ngũ thiền sắc giới thiện, quả và tố đều nương đặng 12 cảnh đề mục là: Thập hoàn tịnh (kasiṇa), niệm số tức quan (ānāpānasati), một vô lượng xả (upekkhāvihāra).

Mười đề mục không đắc thiền: 1 là niệm Phật, 2 là niệm Pháp, 3 là niệm Tăng, 4 là niệm giới, 5 là niệm thí, 6 là niệm thiên, 7 là niệm Níp-bàn, 8 là niệm tử, 9 là quán 4 chất (đất, nước, lửa, gió), 10 là quán vật thực.

- Sơ thiền thiện sắc giới trợ cho tâm quả sơ thiền sanh về cõi Phạm thiên (Phạm chúng thiên là dân thường ở cõi Sơ thiền, Phạm phụ thiên là bậc quan ở cõi Sơ thiền, Đại Phạm thiên là vua chúa ở cõi Sơ thiền).

- Nhị thiền thiện và tam thiền thiện sắc giới trợ cho tâm quả nhị thiền và tam thiền sắc giới sanh về cõi Nhị thiền là một bậc người trong 3 bậc (Thiểu quang thiên, Vô lượng quang thiên và Biến quang thiên).

- Tứ thiền thiện sắc giới trợ cho tâm quả tứ thiền tái tục về cõi Tam thiền là 1 trong 3 bậc người ở cõi Tam thiền là Thiểu tịnh thiên, Vô lượng tịnh thiên và Biến tịnh thiên.

- Ngũ thiền thiện sắc giới trợ cho tâm quả ngũ thiền. Nếu hành giả đã đắc ngũ thiền nhưng chưa đắc đến tam quả thì tái tục làm người Quảng quả. Nếu đã đắc ngũ thiền và đắc tam quả thì tái tục về cõi Ngũ Tịnh cư.

Sơ thiền tố, nhị thiền tố, tam thiền tố, tứ thiền tố và ngũ thiền tố chỉ sanh cho bậc Tứ quả.

Dứt phần tâm sắc giới

III. Tâm Vô Sắc Giới (Arūpāvacara citta)

(Tâm thường dạo ở cõi Vô sắc) (Dhs. 982)

Gọi là tâm vô sắc giới bởi vì 12 tâm này phần lớn du hành sanh trong cõi vật vô sắc và phiền não vô sắc. Vật vô sắc đó là 12 tâm vô sắc giới, 30 sở hữu. Phiền não vô sắc đó là vô sắc ái, tức vừa lòng trong thiền vô sắc và cõi Vô sắc. Có Pāḷi chú giải như vầy:

“Arūpassa bhavoti = arūpaṃ”: Cõi nào là nơi sanh vật vô sắc và phiền não vô sắc thì cõi ấy gọi là vô sắc. Đó là 4 cõi Vô sắc.

“Arūpe avacaratīti = arūpāvacaraṃ”: Tâm nào du hành sanh trong cõi Vô sắc và phiền não vô sắc thì tâm đó gọi là (tâm) vô sắc giới.

Có 12 tâm vô sắc giới (arūpāvacara citta) được chia đều thành 3 nhóm: Thiện, quả và tố (kusala, vipāka và kiriya).

1. Arūpāvacara kusala citta = tâm (thiền) thiện vô sắc giới.

2. Arūpāvacara vipāka citta = tâm (thiền) quả vô sắc giới.

3. Arūpāvacara kiriya citta = tâm (thiền) tố vô sắc giới.

Tâm vô sắc giới chia theo thiền có 4 bc. (Dhs.192)

- 3 thứ tâm thiền không vô biên xứ (ākāsānañcāyatana) (thiện, quả, tố) đều có 2 chi là xả và định.

- 3 thứ tâm thiền thức vô biên xứ (viññāṇañcāyatana) (thiện, quả, tố) đều có 2 chi là xả và định.

- 3 thứ tâm thiền vô sở hữu xứ (ākiñcaññāyatana) (thiện, quả, tố) đều có 2 chi là xả và định.

- 3 thứ tâm thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ (nevasaññānāsaññāyatana) (thiện, quả, tố) đều có 2 chi là xả và định.

Đây là sự nhận định để làm đề mục quán tưởng mà đặt tên tâm thiền, chớ chẳng phải tâm như thế, vì bậc thiền này phải bắt cảnh rất vi tế. Hoặc có người vịn đề mục này mà biện lý thuyết không có, không không v.v…

Bốn tâm thiện vô sắc có thể đạt được bởi những người chưa phải là Thánh Arahaṃ (Arahat), trong khi bốn tâm tố vô sắc chỉ có thể sinh khởi với bậc Arahatta (Arahat). Hai loại tâm vô sắc giới này thường du hành trong cõi Dục cũng như cõi Vô sắc.

Bốn tâm quả vô sắc chỉ thường du hành ở cõi Vô sắc. Chúng là những nghiệp quả của tâm thiện vô sắc. Một người đã đạt thiền vô sắc và duy trì thiền ấy cho đến lúc tử thì sẽ sanh về cõi Vô sắc.

Thiền Vô Sắc (Arūpa Jhāna)

Người từng tu tiến đến năm thiền sắc giới có thể đi lên bậc thang của thiền đến thiền vô sắc. Để đạt được điều đó, vị ấy dùng định của ngũ thiền sắc làm nền tảng.

Vị ấy cũng phải hiểu đúng về sự bất toại nguyện của việc có thân hữu sắc và những trở ngại phát sanh do quí tiết (nóng và lạnh), côn trùng cắn, đói và khát, bệnh tật, già và tử.

Khi vị ấy cảm thấy đã tách ra khỏi thân hữu sắc và sắc (rūpa), trước nhất vị ấy nhập ngũ thiền sắc bằng cách định trụ trên ‘tợ tướng’ (paṭibhāganimitta) của đề mục pathavī – đất. Kế đến vị ấy xuất khỏi ngũ thiền và dù ‘tợ tướng’ (paṭibhāganimitta) của đề mục pathavī – đất vẫn hiện hữu trong tầm nhìn của vị ấy, vị ấy không chú ý đến nó và tinh tấn chú tâm vào không gian vô tận và chú tâm niệm trong ý lặp đi lặp lại “ākāso ananto, ākāso ananto” – “không vô biên, không vô biên…”.

Khi sự khắn khít vào ‘tợ tướng’ (paṭibhāganimitta) của vị ấy nhẹ nhàng biến mất, ấn tướng (nimitta) cũng đột ngột biến mất, mở ra một không gian vô tận. Chú tâm niệm trên không gian vô tận này, vị ấy tiếp tục niệm trong ý lặp đi lặp lại “ākāso ananto, ākāso ananto” cho đến khi vị ấy đạt được thiền vô sắc thứ nhất. Jhāna – thiền được gọi là tâm thiền thiện không vô biên xứ (ākāsānañcāyatana kusala citta) bởi vì nó tập trung vào không gian vô tận (ākāsa).

Kế đó vị ấy tiếp tục thiền bằng cách tập trung ý của vị ấy trên tâm thiền thiện không vô biên xứ (ākāsānañcāyatana kusala citta), chú tâm niệm trong ý lặp đi lặp lại “viññāṇaṁ anantaṁ, viññāṇaṁ anantaṁ,” cho đến khi vị ấy đạt được thiền vô sắc thứ hai. Thiền này được gọi là tâm thiền thiện thức vô biên xứ (viññāṇañcāyatana kusala citta).

Để đạt đến thiền vô sắc thứ ba, vị ấy không chú tâm vào tâm thiền thiện không vô biên xứ (ākāsānañcāyatanakusala citta), mà chú tâm vào ‘không có cái chi’, chú tâm niệm trong ý lặp đi lặp lại “natthikiñci” (không có cái chi) cho đến khi vị ấy đạt được jhāna - thiền. Thiền này được gọi là “ākiñcaññāyatana kusala citta”- ‘ākiñcañña’ cũng có nghĩa là ‘vô sở hữu hay không có cái chi’.

Bằng cách dùng tâm thiền vô sắc thứ ba làm đề mục thiền. Vị ấy có thể phát triển xa hơn đến thiền vô sắc thứ tư. Thiền này được gọi là tâm thiền thiện phi tưởng phi phi tưởng xứ (neva-saññānāsaññāyatanakusala citta). ‘Neva-saññānāsaññā-yatanakusala citta’ theo nghĩa của từ là ‘không có sự hiện hữu hay chẳng phải không có sự hiện hữu của tưởng’, ý nói tâm thiền vô sắc thứ tư là thiền rất vi tế, tinh tế, tế nhị, không nhất định nói là có hay không có tâm. Ở tầng thiền này, tâm không còn dễ nhận ra.

Tất cả bốn thiền vô sắc thuộc về nhóm thiền thứ năm, bởi vì chúng dựa trên ngũ thiền sắc giới làm nền tảng. Tất cả bốn thiền vô sắc chỉ có hai chi thiền là xả (upekkhā) và định (ekaggatā).

Nên lưu ý rằng, năm thiền sắc khác nhau về số lượng chi thiền, trong khi bốn thiền vô sắc khác nhau về đề mục thiền.

Tâm thiện vô sắc giới (Arūpāvacara kusala citta)

§26. Ākāsānañcāyatanakusalacittaṃ, viññāṇañcāyatanakusalacittaṃ, ākiñcaññāyatanakusalacittaṃ, nevasaññānāsaññāyatanakusalacittañceti imāni cattāripi arūpāvacarakusalacittāni nāma.

Nghĩa là: Tâm thiện không vô biên xứ, tâm thiện thức vô biên xứ, tâm thiện vô sử hữu xứ, tâm thiện phi phi tưởng xứ. Đó là bốn tâm thiện vô sắc giới.

Bốn tâm thiện vô sắc giới được chỉ rõ bằng những ký hiệu và tên gọi như sau:

1. Upekkh’ekaggatā sahitaṃ ākāsānañcāyatanakusalacittaṃ.

2. Upekkh’ekaggatā sahitaṃ viññāṇañcāyatanakusalacittaṃ.

3. Upekkh’ekaggatā sahitaṃ ākiñcaññāyatanakusalacittaṃ.

4. Upekkh’ekaggatā sahitaṃ n’evasaññā-nā’saññāyatana-kusalacittaṃ.

Nghĩa:

1. Tâm thiện không vô biên xứ đồng sanh với xả và định.

2. Tâm thiện thức vô biên xứ đồng sanh với xả và định.

3. Tâm thiện vô sở hữu xứ đồng sanh với xả và định.

4. Tâm thiện phi tưởng phi phi tưởng xứ đồng sanh với xả và định.

Tâm quả vô sắc giới (Arūpāvacara vipāka citta)

§27. Ākāsānañcāyatanavipākacittaṃ, viññāṇañcāyatanavipākacittaṃ, ākiñcaññāyatanavipākacittaṃ, nevasaññānāsaññāyatanavipākacittañceti imāni cattāripi arūpāvacaravipākacittāni nāma.

Nghĩa là: Tâm quả không vô biên xứ, tâm quả thức vô biên xứ, tâm quả vô sử hữu xứ, tâm quả phi phi tưởng xứ. Đó là bốn tâm quả vô sắc giới.

Bốn tâm quả vô sắc được chỉ rõ bằng những tên gọi như bốn tâm thiện vô sắc. Những tên gọi cũng tương tự, chỉ thay từ ‘quả - vipāka’ vào chỗ của từ ‘kusala - thiện’.

Tâm tố vô sắc giới (Arūpāvacara kiriya citta)

§28. Ākāsānañcāyatanakiriyacittaṃ, viññāṇañcāyatanakiriyacittaṃ, ākiñcaññāyatanakiriyacittaṃ, nevasaññānāsaññāyatanakiriyacittañceti imāni cattāripi arūpāvacarakiriyacittāni nāma.

Nghĩa là: Tâm tố không vô biên xứ, tâm tố thức vô biên xứ, tâm tố vô sử hữu xứ, tâm tố phi phi tưởng xứ. Đó là bốn tâm tố vô sắc giới.

§29. Iccevaṃ sabbathāpi dvādasa arūpāvacarakusalavipākakiriyacittāni samattāni.

Nghĩa là: Tất cả tâm thiện, quả, tố vô sắc giới có 12.

§30. Ālambaṇappabhedena, catudhāruppamānasaṃ. Puññapākakriyābhedā, puna dvādasadhā ṭhitaṃ.

Nhóm vô sắc được phân theo cảnh có 4, phân theo thiện, dị thục quả, tố, có 12.

Dứt phần tâm vô sắc giới

15 tâm sắc giới, 12 tâm vô sắc giới gom thành 27 tâm, gọi là tâm đáo đại. Có Pāḷi chú giải như vầy: “Mahantaṃ gatoti = mahagugato”: Tâm nào đạt đến lớn lao và bậc cao thì tâm đó gọi là (tâm) đáo đại.

54 tâm dục giới, 27 tâm đáo đại gom thành 81 tâm, gọi là 81 tâm hiệp thế (lokiya). Gọi là tâm hiệp thế, bởi vì những tâm này chắc chắn sanh trong 3 cõi là Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Có Pāḷi chú giải như vầy: “Loke niyuttati = lokiyā”: Những pháp nào nhất định kết hợp trong 3 cõi thì những pháp ấy gọi là hiệp thế.

Xin tham khảo bảng tóm tắt ‘40 đề mục thiền chỉ’ ở Chương 9: Kammaṭṭhāna, cuối phần A) Chỉ Nghiệp Xứ.

Dứt phần tâm hiệp thế

IV. Tâm Siêu Thế (Lokuttara citta)

Loka + Uttara = Lokuttara. Ở đây Loka, nghĩa là năm uẩn, đời hay thế gian. Uttara nghĩa là trên, vượt quá, ngoài, hơn… Do đó, lokuttaracitta có nghĩa là tâm biết ngoài năm uẩn, tâm siêu thế, tức biết Nibbāna.

Tâm siêu thế (lokuttaracitta) nghĩa là tâm siêu xuất tam giới luân hồi. Có Pāḷi chú giải như vầy: Loke uttarantīti = lokuttaro: Trong đời mà siêu xuất tam giới luân hồi, nên gọi là siêu thế, tức là cũng thuộc đời bản thể mà chẳng liên quan với luân hồi vì chẳng phải nhân cho quả tái tục và cũng chẳng phải quả để nương vào tam giới.

Đời (loka) có ba: 1 là đời bản chất (lokadhātu) tức là tâm, sở hữu tâm và sắc pháp; 2 là đời chúng sanh (lokasatta) tức là 12 hạng người; 3 là đời vũ trụ (lokabhūmi) tức là 31 cõi.

Tâm siêu thế thuộc về đời bản chất, nhưng khác hơn tâm hiệp thế vì chẳng hợp với luân hồi và không bị phiền não bắt làm cảnh.

Tâm siêu thế (lokuttaracitta) nói theo hẹp có 8 tức là 4 tâm đạo (magga citta) và 4 tâm quả (phala citta) siêu thế.

Tâm đạo (magga citta) vì mượn đạo đế mà gọi, nên có Pāḷi chú giải như vầy: Maggena sampayuttaṃ cittaṃ = maggacittaṃ: Tâm có đạo đế hợp, nên gọi là tâm đạo. Đạo đế tức là 8 chi đạo hợp tâm đạo.

Tứ nhân trợ sanh tâm đạo: 1 là thân cận bậc hiền sĩ (sappurisasaṃseva), 2 là đặng nghe chánh pháp (saddhammasavana), 3 là tác ý khéo (yonisomanasikāra), 4 là hành đúng pháp đến đạo quả (dhammānudhammapaṭipatti).

(A) Tâm Đạo Siêu Thế (Lokuttaramagga citta)

§31. Sotāpattimaggacittaṃ, sakadāgāmimaggacittaṃ, anāgāmimaggacittaṃ, arahattamaggacittañceti imāni cattāripi lokuttarakusalacittāni nāma.

Nghĩa là: Tâm đạo nhập lưu, tâm đạo nhất lai, tâm đạo bất lai, tâm đạo ứng cúng (vô sanh). Đó gọi là bốn tâm thiện siêu thế.

Tâm đạo gom theo 4 bậc Thánh – có 4:

1 là đạo Thất lai (Sotāpattimagga), 2 là đạo Nhất lai (Sakadāgāmimagga)[41], 3 là đạo Bất lai (Anāgāmimagga), 4 là đạo Vô sanh (Arahattamagga)[42].

Tâm đạo gom theo 5 bậc thiền – có 20:

1. Vitakka vicāra pīti sukha ekaggatā sahitaṃ pathamajjhāna Sotāpattimaggacittaṃ sakadāgāmimaggacittaṃ Anāgāmimaggacittaṃ Arahattamaggacittaṃ:

1 tâm đạo Thất lai, 1 tâm đạo Nhất lai, 1 tâm đạo Bất lai, 1 tâm đạo Vô sanh sơ thiền đồng sanh với tầm, tứ, hỷ, lạc và định (nhất hành).

2. Vicāra pīti sukha ekaggatā sahitaṃ dutiyajjhāna Sotāpattimaggacittaṃ sakadāgāmimaggacittaṃ Anāgāmimaggacittaṃ Arahattamaggacittaṃ:

1 tâm đạo Thất lai, 1 tâm đạo Nhất lai, 1 tâm đạo Bất lai, 1 tâm đạo Vô sanh nhị thiền đồng sanh cùng với tứ, hỷ, lạc và định.

3. Pīti sukha ekaggatā sahitaṃ tatiyajjhāna Sotāpattimaggacittaṃ sakadāgāmimaggacittaṃ Anāgāmimaggacittaṃ Arahattamaggacittaṃ:

1 tâm đạo Thất lai, 1 tâm đạo Nhất lai, 1 tâm đạo Bất lai, 1 tâm đạo Vô sanh tam thiền đồng sanh với hỷ, lạc và định.

4. Sukha ekaggatā sahitaṃ catutthajjhāna Sotāpattimaggacittaṃ sakadāgāmimaggacittaṃ Anāgāmimaggacittaṃ Arahattamaggacittaṃ:

1 tâm đạo Thất lai, 1 tâm đạo Nhất lai, 1 tâm đạo Bất lai, 1 tâm đạo Vô sanh tứ thiền đồng sanh với lạc và định.

5. Upekkhā ekaggatā sahitaṃ pañcamajjhāna Sotāpattimaggacittaṃ sakadāgāmimaggacittaṃ Anāgāmimaggacittaṃ Arahattamaggacittaṃ:

1 tâm đạo Thất lai, 1 tâm đạo Nhất lai, 1 tâm đạo Bất lai, 1 tâm đạo Vô sanh ngũ thiền đồng sanh với 2 chi thiền là xả và định.

* Thánh Thất lai là bậc đã đắc đạo và đắc quả này. Nếu tái tục ở cõi Dục giới thì không quá 7 lần. Tâm đạo này có đạo đế sát trừ phiền não tà kiến và hoài nghi dứt tuyệt luôn cả các mãnh lực tạo ác. Theo pháp thực tính là dứt tuyệt tà kiến, hoài nghi luôn cả pháp hợp chung; cho đến mãnh lực tạo ác cùng nghiệp biệt thời tái tục sa đọa và cõi Dục giới. Nói về nghiệp tái tục chỉ còn lại 7 đời. (Dhs.196-270)

Có Pāḷi chú giải như vầy: Sotāpattimaggena sampayuttaṃ cittaṃ = Sotāpattimaggacittaṃ: Tâm hiệp với đạo Thất lai, gọi theo thứ tự là ‘Sơ đạo’.

* Thánh Nhất lai là bậc đắc đạo và quả này rồi. Nếu trở lại cõi Dục giới thì tối đa là một kiếp chư thiên và một kiếp nhân loại. Đạo đế phối hợp với tâm này làm cho pháp bất thiện sơ đạo sát còn sót lại càng yếu. (Dhs.271)

Có Pāḷi chú giải như vầy: Sakadāgāmimaggena sampayuttaṃ cittaṃ = sakadāgamimagga cittaṃ: Tâm tương ưng với đạo đế Nhất lai gọi là tâm đạo Nhất lai, cũng gọi là ‘Nhị đạo’ theo thứ tự.

* Thánh Bất lai là bậc đắc đạo và quả này rồi không còn trở lại cõi Dục giới. Người dục giới đắc đạo và quả này mà không đắc thiền hiệp thế cũng đặng sanh về cõi Sơ thiền. Đạo đế phối hợp với tâm này sát trừ tuyệt sân và những pháp hợp chung. (Dhs.272)

Có Pāḷi chú giải như vầy: Tena sampayuttaṃ cittaṃ = Anāgāmimaggacittaṃ: Tâm hợp với đạo đế Bất lai gọi là tâm đạo Bất lai, cũng gọi là tâm ‘Tam đạo’ theo thứ tự.

* Thánh Vô sanh là bậc đắc đạo và quả này rồi không còn tái tục nữa. Có ba cách gọi khác: 1 là Bất sanh, 2 là Ứng cúng và 3 là Sát tặc. (Dhs.273)

- Bất sanh cũng như Vô sanh.

- Ứng cúng chỉ cho bậc này đã hết phiền não hoàn toàn, đáng làm ruộng phước cho kẻ cúng dường.

- Còn Sát tặc tức là sát trừ tuyệt hết giặc phiền não v.v…

Có Pāḷi chú giải như vầy: Tena sampayuttaṃ cittaṃ = Arahattamaggacittaṃ: Tâm mà hợp với đạo đế vô sanh được gọi là tâm đạo Vô sanh, cũng gọi là ‘Tứ đạo’ theo thứ tự.

(B) Tâm Quả Siêu Thế (Lokuttaraphalacitta) (Dhs.892)

§32. Sotāpattiphalacittaṃ, sakadāgāmiphalacittaṃ, anāgāmiphalacittaṃ, arahattaphalacittañceti imāni cattāripi lokuttaravipākacittāni nāma.

Nghĩa là: Tâm quả nhập lưu, tâm quả nhất lai, tâm quả bất lai, tâm quả ứng cúng (vô sanh). Đó là bốn tâm quả siêu thế.

Tâm quả siêu thế là do dị thời nghiệp của ‘sở hữu tư’ (cetanācetasika) hiệp với ‘tâm đạo’ (magga citta) để lại mà trợ tạo ra, nên gọi là phala (quả). Danh từ Pāḷi có chỗ ghi là vipāka cũng đồng ý nghĩa.

Tâm quả siêu thế (lokuttaraphalacitta) có 4: 1 là tâm quả Thất lai (sotāpattiphalacitta), 2 là tâm quả Nhất lai (sakadagāmiphalacitta), 3 là tâm quả Bất lai (anāgāmiphalacitta), 4 là tâm quả Vô sanh (arahattaphalacitta).

Tên gọi bốn bậc quả cũng như 4 bậc đạo, chỉ khác là do ‘đạo’ làm nhân trợ và phân nhiều bậc theo người.

1/ Tâm quả Thất lai (Sotapattiphalacitta) có 3 loại (Sơ quả): (Dhs. 422)

  • 1 là nhất sanh Thất lai (ekabījī) - là bậc Sơ quả trở lại cõi Dục giới không quá 1 lần.
  • 2 là lục sanh Thất lai (kolaṅkola) - là bậc Sơ quả trở lại cõi Dục giới từ 2 đến 6 lần.
  • 3 là thất sanh Thất lai (sattakattuparama) - là bậc Sơ quả trở lại cõi Dục giới 7 lần.

2/ Tâm quả Nhất lai (Sakadagāmiphalacitta) có 5 loại (Nhị quả):

  • 1 là đắc tại nhân loại Níp-bàn tại nhân loại (Idha patvā idha parinibbāyī);
  • 2 là đắc tại chư thiên Níp-bàn tại chư thiên (Tattha patvā tattha parinibbāyī);
  • 3 là đắc tại nhân loại Níp-bàn tại chư thiên (Idha patvā tattha parinibbāyī);
  • 4 là đắc tại chư thiên Níp-bàn tại nhân loại (Tattha patvā idha parinibbāyī);
  • 5 là đắc tại nhân loại sanh về chư thiên, trở lại Níp-bàn tại nhân loại (Idha patvā tattha nibbatti vā parinibbāyī).

3/ Tâm quả Bất lai (Anāgāmiphalacitta) có 5 loại (Tam quả):

  • 1 là trung bang Bất lai (antara parinibbāyī) - là bậc chứng quả thứ ba nơi nhân loại, nếu chưa chứng Arahaṃ nơi cõi người thì sẽ chứng Arahaṃ nơi cõi Ngũ Tịnh cư từ nửa đời trở về trước trong cõi này;
  • 2 là sanh bang Bất lai (upahacca parinibbāyī) - là đắc nửa đời trở về sau, tức là đắc già;
  • 3 là vô hành bang Bất lai (asaṅkhāra parinibbāyī) - là không cần cảnh rõ rệt cũng tiến hóa đến đạo, quả thứ tư (không cần cố gắng);
  • 4 là hữu hành bang Bất lai (sasaṅkhāra parinibbāyī) - là phải cần cảnh rõ rệt mới có thể tiến hóa đến cõi tột, cõi Níp-bàn (phải cố gắng);
  • 5 là thượng lưu bang Bất lai (uddhaṃsotākaniṭṭhāgāmi) - là bậc sanh về cõi Thánh ngũ tịnh cư mà còn phải luân chuyển sanh lên cõi Sắc cứu cánh (Akānitthā) mới đắc quả thứ tư rồi Níp-bàn.

4/ Tâm quả Vô sanh (Arahattaphalacitta) (hay Tứ quả) có 2 bậc và có 4 bậc.

- Nhị chủng La-hán:

  • 1 là Quán lạc La-hán (sukkhavipassaka) tức là chỉ tu tứ niệm xứ tỏ ngộ luôn đến đắc tứ quả mà không có thiền, thông v.v…;
  • 2 là Lục thông La-hán (chaḷabhiñño) tức là La-hán có thiền, thông v.v…

- Tứ chủng La-hán (chia làm 4 bậc):

  • 1 là La-hán nhất minh (sukkhavipassako) chỉ có tuệ quán là sự tỏ ngộ;
  • 2 là La-hán tam minh (tevijjo) là La-hán đắc thiên nhãn minh, túc mạng minh và lậu tận minh;
  • 3 là La-hán lục thông (chalabbhiñño) là bậc La-hán có đủ 6 thông (thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mạng thông, thần túc thông và lậu tận thông);
  • 4 là La-hán tứ trí (paṭisambhidappatto) hay tứ tuệ phân tích là bậc La-hán đắc 4 trí thông suốt.

- Arahaṃ có 5 bậc:

  • 1 là La-hán giải thoát trí siêu (paññāvimutta Arahatta) tức là La-hán đắc đạo, quả thiền khô hay không thiền.
  • 2 là La-hán giải thoát lưỡng biên (ubhatobhāgavimutta Arahatta) là bậc đắc đạo, quả trải qua tỏ ngộ danh-sắc rộng; thấy sự sanh diệt của danh uẩn, sắc uẩn rất dồi dào; khi hành trí tuệ sanh nhiều hơn bậc trước.
  • 3 là La-hán tam minh (tevijjā Arahatta) là bậc đắc Tứ quả đặng túc mạng minh, thiên nhãn minh và lậu tận minh.
  • 4 là La-hán lục thông (chaḷabhiññā Arahatta) là bậc Tứ quả đắc lục thông gồm thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mạng thông, thần túc thông và lậu tận thông.
  • 5 là La-hán tứ trí đạt thông (paṭisambhidappatta Arahatta) là La-hán đắc 4 pháp thông suốt: Thông suốt nghĩa lý (aṭṭhapaṭisambhidā), thông suốt pháp (dhammapaṭisambhidā), hiểu thấu các thứ tiếng (niruttipaṭisambhidā) và thông suốt tất cả sự vật trong đời (paṭibhāṇa-paṭisambhidā).

La-hán tứ trí hay là La-hán tứ tuệ phân tích: 1 là trí tuệ biết hết ý nghĩa (aṭṭhapaṭisambhidā), 2 là trí tuệ biết tất cả pháp (dhammapaṭisambhidā), 3 là trí tuệ biết các thứ tiếng (niruttipaṭisambhidā) v 4 là trí tuệ biết tất cả sự vật (paṭibhāṇapaṭisambhidā).

- Tứ quả mà Phật đắc chứng có 3 bậc:

  • 1 là Phật Toàn giác (Sabbaññūbuddha),
  • 2 là Phật Độc giác (Paccekabuddha),
  • 3 là Phật Thinh Văn giác (Anubuddha hay là Sāvakabubbha).

Arahaṃ (Arahatta) là bậc tứ quả, dù Toàn giác, Độc giác, Chí thượng Thinh Văn, đại Thinh Văn hay Thinh Văn tầm thường cũng đều gọi là La-hán.

Trước khi đắc ‘đạo’ (magga), bậc tu tiến phải hành lục tịnh (visuddhi), như có nêu trong Abhidhammatthasaṅgaha – Chương 9: Kamaṭṭhāna (Nghiệp Xứ). Có thơ lục bát viết như vầy:

“Nương theo thứ lớp tu trau

Lục tịnh mới đến đạo cao Thánh từng,

Bởi nên bốn đạo gọi xưng

Gọi là tuệ thấy cảnh trưng Níp-bàn.”

Lục tịnh (visuddhi):

- 1 là tịnh giới (sīlavisuddhi), là giữ giới, từ ngũ giới trở lên.

- 2 là tịnh tâm (cittavisuddhi), là có tu đến cận định (upacārasamādhi) hay là tu đắc thiền.

- 3 là tịnh kiến (diṭṭhivisuddhi), là đắc tuệ tỏ ngộ, rõ thấu danh-sắc sanh diệt.

- 4 là tịnh nghi (kaṅkhāvitaraṇavisuddhi), là tu đến bậc tỏ ngộ đắc tuệ, ba tuệ trước: Tuệ tỏ ngộ danh pháp, sắc pháp (nāmarūpaparicchedañāṇa); ‘tuệ quyết thấy rõ nguyên nhân danh, sắc / hiển duyên danh sắc tuệ’ (nāmarūpapaccayapariggaha ñāṇa); ‘tuệ thấy tam tướng phổ thông / phổ thông tuệ’ (sammasañāna) là tỏ ngộ vô thường, khổ não và vô ngã.

- 5 là tịnh kiến đạo, phi đạo (maggāmaggañāṇo dassanavisuddhi). Nói theo thập tuệ là từ tuệ thứ 2 đến thứ 9. Còn nói theo 16 tuệ là từ tuệ thứ 4 đến tuệ thứ 11 là tuệ thuận lưu (anulomañāṇa).

- 6 là tuệ kiến mãn tịnh (paṭipadāñāṇavisuddhi). Nói theo 16 tuệ là từ tuệ thứ 4 đến tuệ thứ 13 là tuệ chuyển tánh (gotrabhūñaṇa).

Có Pāḷi chú giải như vầy: Sammasane = ñāṇaṃ: Trí tuệ thấy rõ danh-sắc, quá khứ, hiện tại và vị lai, gọi là “tuệ” có chỗ dịch là “trí”.

Nếu kể Thất tịnh là thêm Tịnh kiến tuệ.

Thập Tuệ quán (avipassāñāṇa): 1 là phổ thông tuệ (sammasanañāṇa), 2 là Tiến thoái tuệ (udayabbayañāṇa), 3 là diệt một tuệ (bhaṅgañāṇa), 4 là họa hoạn tuệ (bhayañāṇa), 5 là tội quá tuệ (ādīnavañāṇa), 6 là phiền yểm tuệ (nibbidāñāṇa), 7 là dục thoát tuệ (muñcitukamyatāñāṇa), 8 là quyết ly tuệ (paṭisaṅkhāñāṇa), 9 là hành xả tuệ (saṅkhārupekkhāñāṇa), 10 là thuận lưu tuệ (anulomañāṇa).

§33. Iccevaṃ sabbathāpi aṭṭha lokuttarakusalavipākacittāni samattāni.

Như vậy, tất cả tâm thiện và quả siêu thế có 8

§34. Catumaggappabhedena, catudhā kusalaṃ tathā. Pākaṃ tassa phalattāti, aṭṭhadhānuttaraṃ mataṃ.

Tâm thiện phân theo 4 đạo thì có bốn, tâm quả cũng thế. Có 8 tâm siêu thế nên được biết.

§35. Dvādasākusalānevaṃ, kusalānekavīsati. Chattiṃseva vipākāni, kriyacittāni vīsati.

Như vậy, có 12 tâm bất thiện, 21 tâm thiện. 36 tâm dị thục quả, 20 tâm tố.

§36. Catupaññāsadhā kāme, rūpe pannarasīraye. Cittāni dvādasāruppe, aṭṭhadhānuttare tathā.

Tất cả có 54 tâm dục, 15 tâm sắc, 12 tâm vô sắc, 8 tâm siêu thế (vô thượng).

§37. Itthamekūnanavutipabhedaṃ pana mānasaṃ. Ekavīsasataṃ vātha, vibhajanti vicakkhaṇā.

89 thứ tâm này được chư hiền trí chia thành 121 thứ.

Dứt phần tâm Siêu thế

___o0o___

PHÂN CHIA TÂM THEO CHÍN CÁCH

Bao gồm: Giống, cõi, tịnh hảo, thế gian, nhân, thiền, thọ, tương ưng, hữu dẫn.

1. Phân chia Tâm theo 4 giống (jāti)

- 1 là giống thiện (kusala) có 21 hoặc 37 là: 8 tâm đại thiện, 9 tâm thiện đáo đại và 4 hoặc 20 tâm đạo.

- 2 là giống bất thiện (akusala) có 12 tức là 12 tâm bất thiện.

- 3 là giống quả (vipāka) có 36 hoặc 52 là: 15 tâm quả vô nhân, 8 tâm đại quả, 9 tâm quả đáo đại và 4 hoặc 20 tâm quả siêu thế.

- 4 là giống tố (kiriyā) có 20 là 3 tâm tố vô nhân, 8 tâm đại tố và 9 tâm tố đáo đại.

Tâm chia theo 3 giống (jāti)

- 1 là giống thiện có 21 hoặc 37 là: 8 tâm đại thiện, 9 tâm thiện đáo đại và 4 hoặc 20 tâm đạo.

- 2 là giống bất thiện có 12 tức là 12 tâm bất thiện.

- 3 là giống vô ký (abyākatā) có 72 là 52 tâm quả và 20 tâm tố.

2. Phân chia 89 Tâm theo cõi

Catupaññāsadhā kāme rūpe pannarasīriye.[43]

Cittāni dvādasārūpe aṭṭhadhānuttare tathā.

Tất cả học viên phải tính số lượng (phân chia) 89 tâm theo 4 cõi như sau:

- Cõi Dục có 54 tâm (12 tâm bất thiện, 18 tâm vô nhân, 24 tâm dục giới tịnh hảo).

- Cõi Sắc có 15 tâm (5 tâm thiện sắc giới, 5 tâm quả sắc giới, 5 tâm tố sắc giới).

- Cõi Vô sắc có 12 tâm (4 Tâm thiện vô sắc giới, 4 tâm quả vô sắc giới, 4 tâm tố vô sắc giới).

- Cõi Siêu thế có 8 tâm (tính hẹp) hay 40 (tính rộng - 20 tâm đạo, 20 tâm quả).

Cõi có hai loại là:

1. Cõi địa (Ṭhānabhūmi) là nơi ở của tất cả chúng sanh, đó là 31 cõi.

2. Địa giới (Avatthābhūmi) tất cả pháp bị xác định ranh giới do cả 3 ái.

Địa giới có 4 loại là:

(1) Dục địa giới (Kāmāvatthābhūmi) pháp bị xác định ranh giới do dục ái gồm 54 tâm dục giới, 52 sở hữu tâm, 28 sắc pháp.

(2) Sắc địa giới (Rūpāvatthābhūmi) pháp bị xác định ranh giới do sắc ái gồm 15 tâm sắc giới, 35 sở hữu.

(3) Vô sắc địa giới (Arūpāvatthābhūmi) pháp bị xác định ranh giới do vô sắc ái gồm 12 tâm vô sắc giới, 30 sở hữu.

(4) Siêu thế địa giới (Lokuttarāvatthābhūmi) pháp bị xác định ranh giới thoát ly khỏi 3 ái gồm 8 tâm siêu thế, 36 sở hữu tâm, Níp-bàn.

Do đó, cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc có hai loại cõi địa và địa giới; còn siêu thế chỉ có địa giới mà thôi.

3. Phân chia Tâm theo vô tịnh hảo và tịnh hảo

Tâm vô tịnh hảo có 30 là 12 tâm bất thiện và 18 tâm vô nhân.

Tâm tịnh hảo có 59 hoặc 91 là 24 tâm dục giới tịnh hảo, 27 tâm đáo đại (mahaggatacitta) và 8 hoặc 40 tâm siêu thế.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Sobhaṇehi yuttānīti = sobhaṇāni: (Tâm) hợp với pháp (sở hữu) tốt, gọi là (tâm) tịnh hảo.

4. Phân chia Tâm theo thế gian (đời)

Tâm hiệp thế có 81 tâm là 12 tâm bất thiện, 18 tâm vô nhân, 24 tâm dục giới tịnh hảo, 15 tâm sắc giới, 12 tâm vô sắc giới, gom thành 81 tâm hiệp thế.

Tâm siêu thế có 40 tâm là 20 tâm đạo, 20 tâm quả, gom thành 40 tâm siêu thế.

Tâm siêu thế nói gọn và chi tiết:

Catumaggappabhedena catudhā kusalantathā.[44]

Pākantassa[45] phalattāti aṭṭhadhānuttaraṃ mataṃ.

Jhānaṅgayogabhedena katvekekantu pañcadhā.

Vuccatānuttaraṃ cittaṃ cattāḷīsavidhanti ca.

Tất cả học viên phải biết tâm siêu thế nói gọn có 8 tâm là tâm thiện nói theo (trường hợp có) 4 đạo, có 4 quả bởi vì là quả của đạo có 4.

8 tâm siêu thế khi trình bày chi tiết có 40, vì khi phối hợp với chi thiền thì mỗi một tâm siêu thế có 5; do đó thành 40 tâm siêu thế.

5. Phân chia Tâm theo nhân

Tâm vô nhân có 18 tâm là 7 tâm quả bất thiện, 8 tâm quả thiện vô nhân, 3 tâm tố vô nhân.

Tâm hữu nhân có 103 tâm là 12 tâm bất thiện, 24 tâm dục giới tịnh hảo, 15 tâm sắc giới, 12 tâm vô sắc giới, 40 tâm siêu thế.

6. Phân chia Tâm theo thiền

- 1 là tâm sơ thiền có 11 là 3 tâm sơ thiền sắc giới và 8 tâm sơ thiền siêu thế.

- 2 là tâm nhị thiền có 11 là 3 tâm nhị thiền sắc giới và 8 tâm nhị thiền siêu thế.

- 3 là tâm tam thiền có 11 là 3 tâm tam thiền sắc giới và 8 tâm tam thiền siêu thế.

- 4 là tâm tứ thiền có 11 là 3 tâm tứ thiền sắc giới và 8 tâm tứ thiền siêu thế.

- 5 là tâm ngũ thiền có 23 là 3 tâm ngũ thiền sắc giới, 12 tâm vô sắc giới và 8 tâm ngũ thiền siêu thế.

Tâm không phối hợp hay tương ưng với chi thiền gọi là tâm phi thiền có 54 tâm là 12 tâm bất thiện, 18 tâm vô nhân, 24 tâm dục giới tịnh hảo.

Tâm phối hợp hay tương ưng với chi thiền gọi là tâm thiền có 67 tâm là 15 tâm sắc giới, 12 tâm vô sắc giới, 40 tâm siêu thế.

7. Phân chia Tâm theo ngũ thọ (vedanā).

Chú giải: Vedayatīti = vedanā: Hưởng, hứng chịu cảnh gọi là thọ.

Thọ (vedanā) sắp theo cảnh (ārammaṇa) có sáu là sắc, thinh, khí, vị, xúc và pháp là sáu xứ ngoại; còn sáu xứ nội là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý.

Nhãn xứ tụ hội cảnh sắc, nhĩ xứ tụ hội cảnh thinh, tỷ xứ tụ hội cảnh khí, thiệt xứ tụ hội cảnh vị, thân xứ tụ hội cảnh xúc và ý xứ tụ hội cảnh pháp, cũng gọi là sáu thọ.

- Thọ hỷ của người thường có 6.

- Thọ hỷ của người tu tuệ có   6.

- Thọ ưu của người thường có 6.

- Thọ ưu của người tu tuệ có   6.

- Thọ xả của người thường có 6.

- Thọ xả của người tu tuệ có   6.

                                      … … … …. .

                                    Cộng: 36

                                               x3 (quá khứ, hiện tại và vị lai)

                                     … … … …. .

                        Tổng cộng… 108

Ngũ thọ:

- 1 là thọ khổ (dukkhavedanā) có 1 tức là tâm thân thức câu hành khổ (thọ).

- 2 là thọ lạc (sukhavedanā) có 1 tức là tâm thân thức câu hành lạc (thọ).

- 3 là thọ ưu (domanassavedanā) có 2 tức là 2 tâm sân (tâm câu hành khuể phẫn).

- 4 là thọ hỷ (somanassavedanā) có 62 là 4 tâm tham câu hành hỷ, tâm thẩm tấn câu hành hỷ, tâm tiếu sinh câu hành hỷ, 12 tâm dục giới tịnh hảo câu hành hỷ, 12 tâm sắc giới câu hành hỷ và 32 tâm siêu thế câu hành hỷ (trừ ngũ thiền).

- 5 là thọ xả (upekkhāvedanā) có 55 là 20 tâm vô tịnh hảo câu hành xả, 12 tâm dục giới tịnh hảo câu hành xả và 23 tâm ngũ thiền câu hành xả.

8. Phân chia Tâm theo tương ưng (phối hợp)

Tâm tương ưng có 87 tâm là: 4 tâm tương ưng kiến, 2 tâm căn sân, 2 tâm căn si, 4 tâm đại thiện tương ưng trí, 4 tâm đại quả tương ưng trí, 4 tâm đại tố tương ưng trí, 15 tâm sắc giới, 12 tâm vô sắc giới, 40 tâm siêu thế.

Tâm bất tương ưng có 34 tâm là: 4 tâm bất tương ưng kiến, 18 tâm vô nhân, 4 tâm đại thiện bất tương ưng trí, 4 tâm đại quả bất tương ưng trí, 4 tâm đại tố bất tương ưng trí.

9. Phân chia Tâm theo trợ dẫn

Tâm vô dẫn có 37 tâm là: Tâm căn tham thứ 1,3,5,7; tâm căn sân thứ 1; 2 tâm căn si; 18 tâm vô nhân; tâm đại thiện thứ 1,3,5,7; tâm đại quả thứ 1,3,5,7; tâm đại tố thứ 1,3,5,7.

Tâm hữu dẫn có 84 tâm là: Tâm căn tham thứ 2,4,6,8; tâm căn sân thứ 2; tâm đại thiện thứ 2,4,6,8; tâm đại quả thứ 2,4,6,8; tâm đại tố thứ 2,4,6,8; 15 tâm sắc giới; 12 tâm vô sắc giới; 40 tâm siêu thế.

Như vậy có 8 tâm thiện dục giới (kāmāvacara-kusala citta), 5 tâm thiện sắc giới (rūpāvacara-kusala citta), 4 tâm thiện vô sắc giới (arūpāvacara-kusala citta) và 4 tâm thiện siêu thế (lokuttara-kusala citta). Số lượng của tâm thiện dục giới (kāmāvacara-kusala citta) thì nhiều hơn. Cũng như thế đối với tâm đại quả (mahā-vipāka citta) cũng còn gọi là tâm quả dục giới (kāmāvacara-vipāka citta) và tâm đại tố (mahā-kiriya citta) còn gọi là tâm tố dục giới (kāmāvacara-kiriya citta).

___o0o___

Ôn tập vắn tắt về ‘tâm’

1. Akusala citta– tâm bất thiện (12)

Đó là 8 tâm căn tham (lobha mūla citta), 2 tâm căn sân (dosa mūla citta), 2 tâm căn si (moha mūla citta).

2. Ahetuka citta– tâm vô nhân (18)

Gồm có 7 tâm quả bất thiện, 8 tâm quả thiện vô nhân và 3 tâm tố vô nhân.

3. Kāma sobhaṇa citta – tâm thiện dục giới hay tâm dục giới tịnh hảo (24)

Được chia thành 8 tâm đại thiện, 8 tâm đại quả, 8 tâm đại tố.

4. Kāmavacara citta hay kāma citta – tâm dục giới (54)

Gồm có 12 tâm bất thiện, 18 tâm vô nhân và 24 tâm dục giới tịnh hảo.

5. Mahaggata citta – tâm đáo đại (27)

15 tâm sắc giới và 12 tâm vô sắc giới được gom lại và gọi chung là tâm đáo đại, theo nghĩa đen là phát triển lớn mạnh, tức là phát triển, nâng lên cao hay khác thường. Tâm đáo đại là trạng thái ‘tâm đã tu tập’ đạt đến sự chăm chú miệt mài trong đề mục sắc và vô sắc. Tâm đáo đại được tu tập hay được nâng cao hơn so với tâm dục giới.

6. Lokiya citta – tâm hiệp thế (81)

54 tâm dục giới và 27 tâm đáo đại gom chung gọi là 81 tâm hiệp thế.

Lokiya = phàm hoặc phối hợp với 3 cõi hiện hữu đó là cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô sắc.

7. Lokuttara citta – tâm siêu thế (8 hay 40)

4 tâm đạo và 4 tâm quả tạo thành 8 tâm siêu thế. Khi chúng được nhân với 5 thiền sắc, chúng ta có 40 tâm siêu thế.

Lokuttara = siêu thế hay vượt ra khỏi 3 cõi hiện hữu.

8 tâm siêu thế cùng với Níp-bàn tạo thành 9 pháp siêu thế (nava-lokuttara-dhamma).

8. Tổng số tâm (89 hay 121)

81 tâm hiệp thế cùng với 8 tâm siêu thế (vipassana-yānika) tạo thành 89 tâm tất cả.

Hay nếu chúng ta gom 81 tâm hiệp thế với 40 tâm siêu thế thì chúng ta có tất cả 121 tâm.

9. Asobhaṇa citta (tâm vô tịnh hảo)

Gồm 12 tâm bất thiện và 18 tâm vô nhân. Tâm bất thiện không phải là tâm tịnh hảo, bởi vì chúng phối hợp với căn bất thiện là tham (lobha), sân (dosa) và si (moha).

Ahetuka citta (tâm vô nhân) được xem như là tâm vô tịnh hảo (asubha citta) bởi vì chúng không phối hợp với căn thiện là vô tham (alobha), vô sân (adosa) và trí hay vô si (amoha).

10. Sobhaṇa citta (tâm tịnh hảo)

Nếu chúng ta trừ 30 tâm vô tịnh hảo (asubha citta) từ 89 tâm, chúng ta có 59 tâm tịnh hảo (sobhaṇa citta).

Hoặc, nếu chúng ta trừ 30 tâm vô tịnh hảo từ 121 tâm, chúng ta có 91 tâm tịnh hảo.

Tâm tịnh hảo thì phối hợp với những căn thiện.

11. Jhāna citta – tâm thiền (67)

27 tâm đáo đại được gọi là tâm thiền hiệp thế (lokiya jhāna citta). Gom những tâm này với 40 tâm thiền siêu thế, chúng ta có 67 tâm thiền.

Trong những tâm này có 11 tâm sơ thiền, 11 tâm nhị thiền, 11 tâm tam thiền, 11 tâm tứ thiền và 23 tâm ngũ thiền. Lưu ý rằng có 3 tâm sơ thiền trong tâm đáo đại và 8 tâm sơ thiền trong tâm siêu thế; gom chung chúng tạo thành 11 tâm sơ thiền. Tâm nhị thiền, tam thiền, tứ thiền cũng được tính cùng cách ấy. Cách tính tâm ngũ thiền, tất cả 12 tâm vô sắc giới được gom tính chung – do đó chúng ta được 11+12=23 tâm ngũ thiền.

12. Tâm chia theo sanh chủng hay giống (jāti).

Tâm chia theo giống có 4 – đó là giống bất thiện, giống thiện, giống quả và giống tố.

Chúng ta có thể chia 54 tâm dục giới thành 12 tâm bất thiện, 8 tâm thiện, 23 tâm quả và 11 tâm tố. 23 tâm quả được gọi chung là tâm quả dục giới và tâm tố được gọi chung là tâm tố dục giới.

27 tâm đáo đại được chia thành 9 tâm thiện, 9 tâm quả và 9 tâm tố. Những nhóm tâm này chính là 9 tâm thiện đáo đại, 9 tâm quả đáo đại và 9 tâm tố đáo đại.

81 tâm hiệp thế được chia thành 12 tâm bất thiện, 17 tâm thiện, 32 tâm quả và 20 tâm tố theo thứ tự.

Bây giờ, 89 tâm (tính hẹp) có thể được chia thành 12 tâm bất thiện, 21 tâm thiện, 36 tâm quả và 20 tâm tố.

121 tâm (tính rộng) được chia thành 12 tâm bất thiện, 37 tâm thiện, 52 tâm quả và 20 tâm tố.

13. Tâm chia theo thọ (vedanā).

Có 5 loại thọ như:

(i) Somanassa = hỷ thọ, dụng nạp hứng chịu hay hưởng cảnh an vui sanh từ ý xúc.

(ii) Domanassa = ưu thọ, hưởng hay hứng chịu buồn khổ sanh từ ý xúc.

(iii) Sukha = lạc thọ, vui thân, hưởng hay dụng nạp hứng chịu cảnh an vui sanh từ thân xúc.

(iv) Dukkhā = khổ thọ, khổ thân, hưởng hay dụng nạp hứng chịu cảnh không thích hợp thành khổ sanh từ nơi thân xúc.

(v) Upekkhā = xả thọ, dụng nạp hưởng hay hứng chịu cảnh phi hỷ phi phi hỷ sanh từ nơi ý xúc.

Chúng ta cần nhận ra rằng 8 tâm siêu thế (tức là 4 tâm đạo và 4 tâm quả) có thể phối hợp với somanassa (hỷ) hoặc upekkhā (xả). 40 tâm siêu thế có thể được phân biệt do vedanā (thọ).

Chúng ta có thể làm một bảng để phân nhóm tâm theo vedanā (thọ).

Trong 54 tâm dục giới có 18 tâm câu hành hỷ, 2 tâm câu hành ưu, 32 tâm câu hành xả, 1 tâm câu hành lạc, 1 tâm câu hành khổ.

Trong 81 tâm hiệp thế có 30 tâm câu hành hỷ, 2 tâm câu hành ưu, 47 tâm câu hành xả, 1 tâm câu hành lạc, 1 tâm câu hành khổ.

Cuối cùng, trong tổng số 121 tâm, có 62 tâm câu hành hỷ, 2 tâm câu hành ưu, 55 tâm câu hành xả, 1 tâm câu hành lạc, 1 tâm câu hành khổ.

Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammattha-saṅgaha)  (Chương 1 - 4)

Nhân trợ sanh tâm có 4:

1 là nghiệp quá khứ (atītakammo), 2 là sở hữu tâm (cetasika), 3 là cảnh (ārammaṇa), 4 là vật (vatthu).

Xét theo đây không nên chấp theo câu: “Nhất thế duy tâm tạo” và chớ hiểu lầm với câu: Manopubbaṅgamā dhammā: Ý là chủ trương tất cả pháp.

Ý là tâm, tất cả pháp là sở hữu tâm, ám chỉ tâm chủ trương với sở hữu tâm trong sự biết cảnh hay tứ đồng v.v… như đã giải.

___o0o___

CHƯƠNG II: CETASIKA – SỞ HỮU TÂM

Những Trạng Thái Của Sở Hữu Tâm

Cetasika[46] khi chiết tự ra thì ‘cetasika = ceta + s + ika’, mà ‘ceta = citta’ = tâm, còn ‘ika’ = thuộc về, pháp phụ thuộc, sở hữu. Cho nên, ‘cetasika’ được dịch là ‘sở hữu tâm’.

Sở hữu tâm nghĩa là những pháp hợp với tâm và thuộc về sở hữu của tâm.

Katame dhammā cetasikā: Vedanākkhandho saññākkhandho saṅkhārakkhandho, ime dhammā cetasikā.

Chư pháp sở hữu tâm trong khi có ra sao? Thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn. Những chơn tướng này gọi là chư pháp sở hữu tâm. (Dhs.768)

§1. Ekuppādanirodhā ca, ekālambaṇavatthukā. Cetoyuttā dvipaññāsa, dhammā cetasikā matā.

Nghĩa là: Nên biết rằng có 52 sở hữu tâm kết hợp với tâm, chúng cùng sanh, cùng diệt, bắt cùng một cảnh và nương cùng một vật với tâm.

Sở hữu tâm (cetasika) là một trong những nhân trợ cho tâm sanh, chúng luôn tùy thuộc, nương vào tâm (cittanissitalakkhaṇaṃ). Chúng chi phối, tác động tâm thành bất thiện, thiện hay vô ký khi chúng sinh khởi và chúng là những pháp thuộc về sở hữu của ‘tâm’.

Có những câu Pāḷi chú giải như vầy:

- Cetasi bhavaṃ = cetasikaṃ: Câu sanh với tâm (trong thuộc quyền sở hữu) gọi là ‘sở hữu tâm’.

- Cetasi niyuttaṃ = cetasikaṃ: Hợp với tâm khắn khít, nên gọi là ‘sở hữu tâm’.

- Avippayogavasena cetasi niyuttāti = cetasikā: Luôn luôn hợp với tâm bằng mãnh lực không lìa hay rời nhau, nên gọi là ‘sở hữu tâm’.

Theo ‘bốn nhân trợ sanh tâm’ thì sở hữu tâm (cetasika) là một trong bốn nhân [nghiệp quá khứ (atītakammaṃ), sở hữu tâm (cetasika), cảnh (ārammaṇa) và vật (vatthu)] làm nhân (hetu), làm duyên (paccaya) trợ cho tâm sanh.

* Tất cả sở hữu tâm (cetasika) đều có bốn ý nghĩa chung như sau:

1. Trạng thái là nương đỗ tâm (cittanissatalakkhaṇaṃ).

2. Phận sự là sanh ra không lìa tâm (aviyoguppādanarasaṃ).

3. Thành tựu là biết chung một cảnh với tâm (ekārammaṇapaccupaṭṭhānaṃ).

4. Nhân cận là phải có tâm sanh (cittuppādapadaṭṭhānaṃ).

Pháp thực tính của sở hữu tâm (cetasika) có 52 pháp luôn phối hợp với tâm.

* Mỗi sở hữu tâm (cetasika) đều có bốn đặc điểm như sau:

1. Sở hữu tâm đồng sanh (ekuppāda) với tâm.

2. Sở hữu tâm đồng diệt (ekanirodha) với tâm.

3. Sở hữu tâm bắt cùng cảnh (ekārammaṇa) mà tâm bắt.

4. Sở hữu tâm nương cùng một vật (ekavatthuka) với tâm.

Trong cả bốn đặc điểm này, ba đặc điểm đồng sanh, đồng diệt, cùng cảnh, hiện bày với sở hữu nhất định. Còn đặc điểm thứ tư là ‘nương cùng một vật’ không phải là đặc điểm nhất định. Những sở hữu tâm này khi sanh trong cõi Ngũ uẩn thì cần phải nương vật sanh, nhưng nếu sanh trong cõi Tứ uẩn thì không cần thiết phải nương vật đặng sanh.

Giữa Tâm (Citta) Và Sở Hữu Tâm (Cetasika), Pháp Nào Quyền Lực Hơn

Khi chúng ta nói tâm là pháp quyền lực nhất trong đời và dẫn dắt đời, đó không phải do một mình tâm thực hiện, mà là sự cùng thực hiện của tâm (citta) và sở hữu tâm (cetasika) làm cho tâm quyền lực nhất.

Vậy pháp nào quyền lực hơn – tâm (citta) hay sở hữu tâm (cetasika)? Không nghi ngờ gì, tâm (citta) là pháp dẫn đầu của nhóm, nhưng sở hữu tâm (cetasika) chi phối tâm (citta) và định hướng cho tâm (citta) thực hiện hay trợ cho những hành động, lời nói và ý nghĩ hoặc thiện hay bất thiện. Những hành động, lời nói hay ý nghĩ này thay đổi thế gian mỗi ngày và những nghiệp (kammic) lực của chúng sẽ tạo nên những đời mới ở vị lai.

Để xác định pháp nào trong hai pháp – tâm (citta) hay sở hữu tâm (cetasika) – quyền lực hơn, chúng ta hãy xem xét hai ví dụ:

(1) Trong một gia đình, người cha là người dẫn đầu, nhưng người mẹ hoàn toàn chi phối người cha và ông ta làm những gì theo bà yêu cầu ông làm. Vậy ai quan trọng hơn? – người cha hay người mẹ?

(2) Trong một xưởng cưa, một con voi di dời những khúc gỗ theo sự chỉ đạo của người nài voi. Con voi không thể làm một mình, người nài voi cũng không thể làm một mình. Con voi có sức mạnh di dời những khúc gỗ; người nài voi không thể di dời những khúc gỗ, nhưng anh ấy có thể ra lệnh cho con voi làm việc. Vậy pháp nào quan trọng hơn? – con voi hay người nài voi?

Điều đó có thể được nhận rằng cả hai, người cha và người mẹ ở ví dụ (1) và cả hai, con voi và người nài voi ở ví dụ (2) đều có tầm quan trọng như nhau.

Tâm (citta) được ví như con voi và sở hữu tâm (cetasika) được ví như người nài voi. Không có sự tồn tại của tâm ngoài sở hữu tâm và không có sự tồn tại của sở hữu tâm ngoài tâm. Chúng cùng hoạt động là sức mạnh và năng lực thực sự. Khi chúng ta càng phát huy chúng, chúng ta càng tiến hóa.

Để nhận rõ tam tướng của pháp hữu vi (bị tạo), bậc tu tiến phải thấy biết theo những trạng thái thực tính của từng pháp hữu vi (danh và sắc) trong giai đoạn tu tiến quán minh sát (vipassana), bằng cách này hay cách khác, dù ở quá khứ, hiện tại hay vị lai. Trước tiên vị ấy cần hiểu những trạng thái riêng của từng pháp hữu vi qua từ ngữ theo lời dạy của Đức Phật trong Tam tạng Pāḷi (Tipitaka Pāḷi), chú giải (aṭṭhakathā) hay sớ giải (tīkā). Tiếp theo phần tâm (citta), sở hữu tâm (cetasika) là những pháp có 4 đặc điểm đồng với tâm, cũng cần được thấy biết rõ bằng tuệ quán.

Tất cả 52 sở hữu tâm (cetasika) được phân thành 3 nhóm, gọi là “rāsī”, như sau:

- “Aññasamānarāsīcetasika – nhóm sở hữu tợ tha” có 13 sở hữu tâm.

- “Akusalarāsīcetasika – nhóm sở hữu bất thiện” có 14 sở hữu tâm.

- “Sobhaṇarāsīcetasika – nhóm sở hữu tịnh hảo” có 25 sở hữu tâm.

Hay còn gọi là 13 sở hữu tợ tha, 14 sở hữu bất thiện và 25 sở hữu tịnh hảo.

Phân Loại Sở Hữu Tâm (Cetasika)

Sở hữu tâm (Cetasika) (52)

I. Sở hữu Tợ tha (Aññasamāna cetasika) (13):

(A). Biến hành tất cả tâm - (Sabba citta sādhāraṇa) (7)

(B). Biệt cảnh - (Pakiṇṇaka) (6)

II. Sở hữu Bất thiện (Akusala cetasika) (14):

(A). Si-phần - (Mohacatukka) (4)

(B). Tham-phần - (Lobha – tri) (3)

(C). Sân-phần - (Dosa catuka) (4)

(D). Hôn-phần & Hoài nghi (3)

III. Sở hữu Tịnh hảo (Sobhaṇa cetasika) (25):

(A). Tịnh hảo biến hành - (Sobhaṇa sādhāraṇa) (19)

(B). Giới phần - (Virati) (3)

(C). Vô lượng phần - (Appamaññā) (2)

(D). Trí quyền - (Paññindriya) (1)

I. Sở Hữu Tợ Tha[47] (Aññasamāna cetasika)

Aññasamāna: Añña = pháp khác. Samāna = tợ, như, như nhau, giống nhau, bằng nhau. Aññasamāna = như pháp khác, giống pháp khác, tợ pháp khác. Aññasamāna cetasika được dịch là những sở hữu tợ như pháp khác hay ‘sở hữu tợ tha’.

Mười ba (13) sở hữu tợ tha có thể phối hợp với cả hai loại tâm tịnh hảo (sobhaṇa) và vô tịnh hảo (asobhaṇa). Chúng là những sở hữu tâm trung lập và làm nổi bật đặc tính của những sở hữu tâm cùng sanh.

Chúng được chia thành hai nhóm:

A) Sabbacitta-sādhāraṇa (7) = sở hữu biến hành là những sở hữu thực tính phối hợp với tất cả tâm.

B) Pakiṇṇaka (6) = sở hữu biệt cảnh là những sở hữu phối hợp riêng với một số tâm tịnh hảo cũng như vô tịnh hảo.

(A) Sở Hữu Biến Hành (Sabbacitta Sādhāraṇa Cetasika)

(Những sở hữu thiết yếu hay cơ bản – có 7)

§2. Kathaṃ? Phasso vedanā saññā cetanā ekaggatā jīvitindriyaṃ manasikāro ceti sattime cetasikā sabbacittasādhāraṇā nāma.

Là chi? Xúc, thọ, tưởng, tư, nhất hành, mạng quyền, tác ý. Bảy sở hữu tâm này gọi là những sở hữu biến hành tất cả tâm.

Sabbacittasādhāraṇa khi chiết tự được ba phần: Sabba + citta + sādhāraṇa.

Sabba = tất cả; citta = tâm; sādhāraṇa = biến hành, đi khắp, chung cả, công cộng.

Gom ba phần lại thành sabbacittasādhāraṇa = khắp tất cả tâm, biến hành tất cả tâm.

Bảy (7) sở hữu biến hành phối hợp với tất cả tâm. Trạng thái biết cảnh bằng tâm được hoàn thành với sự trợ giúp của những sở hữu này.

(1) Xúc (phassa). (5) Nhất hành (ekaggatā) hay định (samādhi).

(2) Thọ (vedanā). (6) Mạng quyền (jīvitindriya) hay bảo tồn sự sống còn.

(3) Tưởng (saññā). (7) Tác ý (manasikāra) hay sự chú ý, sự lưu ý.

(4) Tư, sự cố quyết (cetanā).

Giải thích:

(1) Phassa (xúc)[48] (bắt nguồn từ căn phus + a: Xúc chạm)

Xúc (phassa) cung cấp hay trang bị sự xúc chạm giữa cảnh, vật (sắc thanh triệt) và tâm. Ví dụ, sự xúc chạm giữa cảnh sắc, sắc nhãn thanh triệt và nhãn thức (cakkhuviññāṇa) được thực hiện bởi phassa. Nếu không có phassa, sẽ không có ý thức; cho nên không có sự biết.

Katamo tasmiṃ samaye phasso hoti? Yo tasmiṃ samaye phasso phusanā samphusanā samphusitattaṃ - ayaṃ tasmiṃ samaye phasso hoti. (Dhs. I. 17)

Xúc trong khi có ra sao? Khi nào có sự đụng chạm, cách chạm nhau, hành vi đụng chạm, thái độ xúc chạm. Khi nào như thế. Đây gọi là xúc có trong khi ấy.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Ārammaṇaṃ phusatīti = phasso: (Tâm) chạm cảnh gọi là xúc.

Có 4 ý nghĩa (aṭṭha) của xúc: (Vsm.XIV)

- Trạng thái là chạm (cảnh) (phusanalakkhaṇo).

- Phận sự là tiếp xúc vật (saṅghaṭṭanaraso).

- Thành tựu là hội họp tâm, cảnh và vật (sannipātapaccupaṭṭhāno).

- Nhân cận là có cảnh hiện đến (āpātagatavisayapadaṭṭhāno).

(2) Vedanā (thọ) (bắt nguồn từ căn vid: Thọ nhận)

Thọ (vedanā) là sự hứng chịu hay dụng nạp, hưởng vị của cảnh. Pháp này ví như một vị vua thưởng thức một đĩa thức ăn ngon.

Thọ rất quan trọng đối với người phàm phu. Chúng sanh cố gắng tranh đấu ngày đêm cũng để hưởng dục lạc là pháp không gì khác ngoài lạc thọ. Theo lý nhân quả của pháp liên quan tương sinh (paṭiccasamuppāda), xúc làm duyên trợ cho thọ sanh và thọ làm duyên trợ cho ái (taṇhā) sanh.

Tất cả những khối thọ – thuộc quá khứ, hiện tại, vị lai, nội phần (bên trong), ngoại phần (bên ngoài) được chỉ rõ là thọ uẩn (vedanākhandha) là 1 trong 5 uẩn hiện hữu.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Vedayatīti = vedanā: hứng chịu cảnh gọi là thọ.

Thọ được chia thành 3 hay thành 5. Thọ chia thành 3 gồm: Khổ, lạc, xả; Thọ chia thành 5 gồm: Khổ, ưu, lạc, hỷ, xả.

Năm thọ: 1 là dukkhavedanā (khổ thọ), 2 là sukhavedanā (lạc thọ), 3 là domanassavedanā (ưu thọ), 4 là somanassavedanā (hỷ thọ), 5 là upekkhāvedanā (xả thọ).

o Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của khổ thọ: (Dhs. câu 473) (Vsm.XIV)

- Trạng thái là hứng chịu cảnh xúc không tốt (aniṭṭhaphotthabānubhavana-lakkhaṇaṃ), không thích hợp với thân thanh triệt.

- Phận sự là làm cho pháp tương ưng khô héo (sampayuttanaṃ nilāpanarasaṃ).

- Thành tựu hay sự hiện bày là thân đau đớn (kāyikābādhapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là có sắc thân thanh triệt hay thân quyền (kāyindriyapadaṭṭhānaṃ).

o Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của lạc thọ: (Dhs. câu 354)

- Trạng thái là hứng chịu cảnh xúc thích hợp (iṭṭhaphoṭṭhabbānubhavanalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là làm cho pháp tương ưng tiến triển (sampayuttānaṃ upabrūhanarasaṃ).

- Thành tựu là thân sướng (kāyika assādapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là có sắc thân thanh triệt hay thân quyền (kāyindriyapadaṭṭhānaṃ).

o Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của ưu thọ: (Dhs. câu 326)

- Trạng thái là hứng chịu cảnh không ưa thích (aniṭṭhārammaṇānubhavanalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là hứng chịu cảnh không vừa lòng (aniṭṭhākārāsambhogarasaṃ).

- Thành tựu là ép uổng tâm (cetasikābādhapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là có sắc ý vật (hadayavatthupadaṭṭhānaṃ).

o Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của hỷ thọ: (Dhs. câu 18, 277)

- Trạng thái là hứng chịu cảnh đáng mong mỏi (iṭṭhārammaṇānubhavanalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là hứng chịu cảnh vừa lòng (iṭṭhākārasambhogarasaṃ).

- Thành tựu là danh pháp phơi phới (thích thú) (cetasika assādapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là thân tâm yên tịnh (passaddhipadaṭṭhānaṃ).

o Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của xả thọ: (Dhs. câu 131, 317)

- Trạng thái là hứng chịu cảnh trung bình (majjhattavedayitalakkhaṇā).

- Phận sự là điều hòa pháp tương ưng (sampayuttānaṃ nātiupabrūhanamilāpana-rasā).

- Thành tựu là vắng lặng (santabhāvapaccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là ly pháp hỷ (nippītikapadaṭṭhānā).

Thập (10) xả

- 1 là lục xả (chaḷaṅgupekkhā) nghĩa là 6 cảnh và 6 vật đối chiếu nhau của bậc Tứ quả, lúc nào cũng như nhau; chẳng vì cảnh chuyển mà phải bi quan hay lạc quan. Pháp thực tính là sở hữu hành xả hay là trung bình (tatramajjhattatā).

- 2 là vô lượng xả (Brahmavihārupekkhā) nghĩa là đối với tất cả chúng sanh dù ai bị khổ, hưởng vui vẫn coi như thường; không buồn giùm, không vui theo, vì nhận rõ nhân, quả tốt xấu như hột nào trái nấy là lẽ thường nhiên. Pháp thực tính là sở hữu trung bình.

- 3 là xả giác chi (bojjhaṅgupekkhā) nghĩa là trung bình như thường đối với pháp câu sanh trong những giác chi khác. Pháp thực tính là sở hữu trung bình.

- 4 là cần xả (viriyupekkhā) nghĩa là cố gắng bằng cách trung bình hay trung đạo không thái quá và không bất cập; như dây đàn không quá căng, cũng chẳng quá chùng. Pháp thực tính là sở hữu cần.

- 5 là hành vi xả (saṅkhārupekkhā) nghĩa là trí tuệ tỏ ngộ thấy pháp hành danh-sắc. Vì bậc tu tuệ cao thấy chỉ là thấy, chẳng nghĩ sự đối với danh-sắc ra sao. Pháp thực tính là sở hữu trí.

- 6 là thọ xả (vedanūpekkhā) tức là ngoài ra thọ khổ, lạc, ưu, hỷ cũng thuộc về sở hữu thọ.

- 7 là quán xả (vipassanūpekkhā) nghĩa là bậc tu tuệ cao đắc tuệ thấy vô thường hoặc khổ não hay vô ngã, vẫn coi như thường. Pháp thực tính là sở hữu trí.

- 8 là trung bình xả (tatramajjhattupekkhā) nghĩa là trạng thái làm cho các pháp câu sanh điều hòa không so le. Pháp thực tính là sở hữu trung bình (tatramajjhattatā).

- 9 là thiền xả (jhānupekkhā) nghĩa là bỏ ra hỷ, lạc của các bậc thiền thọ hỷ (từ sơ thiền đến tứ thiền) tức là chi xả của ngũ thiền. Pháp thực tính cũng là sở hữu trung bình.

- 10 là tịnh xả (pārisuddhupekkhā) nghĩa là đối với pháp oái niệm (palibodha) vẫn xem như thường, chẳng bận bịu chi cả. Pháp thực tính là sở hữu trung bình.

(3) Saññā (tưởng)[49] (Saṃ + căn ñā: Biết)

Sở hữu tưởng (saññā cetasika) là sự nhớ tưởng cảnh về màu sắc, hình dạng, hình dáng, tên gọi, v.v… có phận sự tợ như bộ nhớ. Tưởng (saññā) là pháp có khả năng làm cho chúng sanh nhận ra một cảnh từng được biết đến bằng tâm qua các quyền.

Không có tưởng (saññā), chúng ta sẽ không thể nhớ tên của chúng ta, cha mẹ của chúng ta, vợ con của chúng ta, nhà cửa của chúng ta, v.v… Do đó, cuộc sống trong cộng đồng không thể thiếu pháp tưởng (saññā) này.

Tất cả những khối tưởng – thuộc quá khứ, hiện tại, vị lai, nội phần (bên trong), ngoại phần (bên ngoài) – được chỉ rõ là tưởng uẩn (saññākhandha) là 1 trong 5 uẩn hiện hữu.

Katamā tasmiṃ samaye saññā hoti? Yā tasmiṃ samaye tajjāmanoviññāṇadhātusamphassajā saññā (sañjānanā) sañjānitattaṃ-ayaṃ tasmiṃ samaye saññā hoti. (Dhs. I. 19)

Tưởng trong khi có ra sao? Sự nhớ tưởng, cách nhớ tưởng, thái độ nhớ tưởng, sanh từ xúc phối hợp cùng ý thức giới. Khi nào như thế đó, mới gọi là tưởng có trong khi ấy.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu tưởng: (Vsm.XIV)

- Trạng thái là nhớ tưởng (sañjānanalakkhaṇā).

- Phận sự là nhớ nguyên do và tiêu chuẩn (puna sañjānanapaccayanimittakaraṇa-rasā).

- Thành tựu là cố nhớ y như trước (yathā garahitanimittābhinivesa-paccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có cảnh tái hiện lại (yathā upaṭṭhitavisayapadaṭṭhānā).

(4) Cetanā (tư)[50] (bắt nguồn từ căn citi + e = ceteti, cetayati, cetanā)

Citta (tâm) mang ý nghĩa là nhận biết, trong khi cetanā (tư) được dùng với ý nghĩa là cố quyết, sắp xếp, đốc thúc (abhisandhāna) và càng, tích thêm, cố thêm (āyūhana).

Sở hữu tư (cetanā cetasika) là cố quyết và đốc thúc pháp câu sanh cùng khắn khít với cảnh. Hay tư (cetanā) là sự cố quyết hành động phối hợp với những trạng thái danh pháp đồng sanh với chính nó biết theo cảnh của tâm; tợ như một trưởng tông hay tợ như một chủ nông trại luôn làm tròn những nhiệm vụ của anh ấy và kiểm soát việc làm của người khác cho được tốt đẹp. Tư (cetanā) làm tròn phận sự của nó và kiểm soát, điều chỉnh phận sự của những danh sở hữu câu sanh với nó.

Tư (cetanā) hành động theo những sở hữu tâm, hành động trong việc bắt cảnh và theo đuổi để hoàn thành nhiệm vụ; do đó, tư (cetanā) là pháp cố quyết hành động.

Theo Aṅguttara Nikāya – Tăng Chi bộ kinh (iii. 13), / Chakkanipāta / 6. Mahāvaggo.

Đức Phật có dạy: “Cetanāhaṃ, bhikkhave, kammaṃ vadāmi. Cetayitvā kammaṃ karoti – kāyena vācāya manasā. = … tư (cetanā) chính là nghiệp (kamma). Do đó Ta nói, này chư Bhikkhu[51], ngay khi tư (cetanā) sinh khởi, chúng sanh tạo nghiệp qua thân, khẩu, ý”.

Nghiệp có hai loại là nghiệp câu sanh và nghiệp biệt thời. Nghiệp câu sanh là sở hữu tư (cetanā) cùng sanh với tâm (citta) v.v… Nghiệp biệt thời (nānakkhanikakamma) là mãnh lực sẽ tạo quả và sắc nghiệp do sở hữu tư phối hợp với tâm thiện hay bất thiện để ảnh hưởng lại.

Do đó, tư (cetanā) đóng vai trò quan trọng trong tất cả hành động – nó cố quyết dù cho hành động thiện hay bất thiện. ‘Tư’ là sở hữu tâm quan trọng nhất trong tâm hiệp thế (lokiya), trong khi trí (paññā) là sở hữu tâm quan trọng nhất trong tâm siêu thế (lokuttara).

Ngoại trừ thọ (vedanā) và tưởng (saññā), tất cả 50 sở hữu tâm còn lại, với tư (cetanā) đứng đầu, được chỉ rõ là hành uẩn (saṅkhārakkhandha) là 1 trong 5 uẩn hiện hữu.

Katamā tasmiṃ samaye cetanā hoti? Yā tasmiṃ samaye tajjāmanoviññāṇadhātusamphassajā cetanā sañcetanā cetayitattaṃ -ayaṃ tasmiṃ samaye cetanā hoti. (Dhs. I. 20)

trong khi có ra sao? Khi nào có sự tính làm, cách định hành động, thái độ cố quyết hành động sanh từ xúc phối hợp cùng ý thức giới. Như thế gọi là tư có trong khi ấy.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu tư: (Vsm.XIV)

- Trạng thái là quyết, cố quyết, quyết tâm, cố ý (cetayitalakkhaṇā).

- Phận sự là đốc thúc, tích lũy (kamma-nghiệp) (āyūhanarasā).

- Thành tựu là sắp xếp (saṃviddhanapaccupaṭṭhānā).

Nó làm trọn phận sự của nó và của chư pháp khác, như một học trò lâu năm, một người quản lý, một người thợ đứng đầu, v.v…(sakicca-parakicca-sādhakā jeṭṭha-sissa-mahā-vaḍḍhakī-ādayo viya).

- Nhân cận là có 3 uẩn ngoài ra (sesakhandhattayapadaṭṭhānā) tức là thọ uẩn, tưởng uẩn và thức uẩn.

Tham khảo trước:

Tư (cetanā), nói theo thời gian thực hiện hay tạo nghiệp thì có ba, đó là tư tiền, tư hiện và tư hậu.

Tư này khi phối hợp với tâm đổng lực (javana) lúc trước khi hành động, gọi là “tư (cetanā) tiền”, ngay khi hành động gọi là “tư hiện” và sau khi hành động gọi là “tư hậu”.

Nếu nói theo Dị thời ‘nghiệp duyên’ (kammapaccayo) ở “Chương 8: Paccaya”, thì:

· Kusalo dhammo abyākatassa dhammassa nānākkhaṇikakammapaccayena paccayo - Pháp thiện trợ pháp vô ký bằng ‘dị thời nghiệp duyên’.

Tư thiện trợ những uẩn quả và sắc nghiệp bằng Dị thời ‘nghiệp duyên’, có pháp thực tính là sở hữu tư (cetanā) phối hợp với tâm thiện sanh trước trong đời này hay đời trước diệt rồi để lại chủng tử (bīja) trợ tạo tâm quả thiện; kể cả sở hữu tâm và sắc nghiệp.

Một cách nữa:

* Sở hữu tư (cetanā) hiệp với 4 tâm đại thiện tương ưng đủ “tam tư” thuộc về bậc thượng, đã sanh trước trong đời này hay đời quá khứ để lại chủng tử tạo 16 thứ tâm quả thiện, 33 sở hữu tâm và sắc nghiệp của người ở cõi Dục giới.

* Sở hữu tư (cetanā) hiệp với 4 tâm đại thiện tương ưng mà thiếu “tư tiền” hoặc “tư hậu” sẽ trợ tạo 4 đại quả bất tương ưng và 8 quả thiện vô nhân.

* 4 tâm đại thiện bất tương ưng đủ “tam tư” trợ tạo 12 quả như vừa nêu.

* 4 tâm đại thiện bất tương ưng thiếu “tư tiền” hoặc “tư hậu” thì chỉ trợ tạo 8 quả thiện vô nhân mà thôi.

- Nghiệp sơ thiền thiện trợ tạo sơ thiền quả.

- Nghiệp nhị thiền thiện trợ tạo nhị thiền quả.

- Nghiệp tam thiền thiện trợ tạo tam thiền quả.

- Nghiệp tứ thiền thiện trợ tạo tứ thiền quả.

- Nghiệp ngũ thiền thiện trợ tạo ngũ thiền quả.

- Nghiệp không vô biên xứ thiện trợ tạo không vô biên xứ quả.

- Nghiệp thức vô biên xứ thiện trợ tạo thức vô biên xứ quả.

- Nghiệp vô sở hữu xứ thiện trợ tạo vô sở hữu xứ quả.

- Nghiệp phi tưởng phi phi tưởng xứ thiện trợ tạo phi tưởng phi phi tưởng xứ quả.

- Nghiệp sơ đạo trợ sơ quả.

- Nghiệp nhị đạo trợ nhị quả.

- Nghiệp tam đạo trợ tam quả.

- Nghiệp tứ đạo trợ tứ quả.

Nếu đạo có thiền bậc nào thời quả cũng đặng thiền bậc ấy.

· Akusalo dhammo abyākatassa dhammassa nānakkhaṇikakammapaccayena paccayo - pháp bất thiện trợ pháp vô ký bằng ‘dị thời nghiệp duyên’.

12 tâm bất thiện quá khứ đời này hoặc các đời trước để chủng tử (bīja) hay ảnh hưởng mãnh lực tạo 7 thứ tâm quả bất thiện và sắc nghiệp, nhưng nghiệp sanh chung với tâm điệu cử tạo quả tái tục không đặng.

(5) Ekaggatā (Eka + agga + tā = nhất hành, nhất tâm hay sự tập trung, chăm chú trên một cảnh)[52] (Hay vô phóng dật - avikkhepa)

Nhất hành (ekaggatā) là sự không tán loạn, không lau chau, chăm chú, đình trụ tâm và sở hữu tâm trên một cảnh. Nhất hành ngăn ngừa những pháp câu sanh khỏi sự tản mạn, dao động và cố định những pháp ấy trên một cảnh; tợ như nước kết dính những chất với nhau thành một khối bê tông; ví như trụ đá cố định vững chắc không thể bị lay động bởi dông bão.

Nhất hành (ekaggatā) là 1 trong 5 chi thiền. Khi phát triển và tu tiến pháp an chỉ, pháp này được gọi là định (samādhi); là nhân của tất cả sự đình trụ, lựa chọn, chăm chú hay sự không tán loạn (định) của tâm.

Katamā tasmiṃ samaye cittassekaggatā hoti? Yā tasmiṃ samaye cittassa ṭhiti saṇṭhiti avaṭṭhiti avisāhāro avikkhepo avisāhaṭamānasatā samatho samādhindriyaṃ samādhibalaṃ sammā samādhi-ayaṃ tasmiṃ samaye cittassekaggatā hoti. (Dhs.307)

Nhất tâm trong khi có ra sao? Khi nào tâm đình trụ một chỗ, vững lòng vắng lặng, không tán loạn, không lau chau, tâm không bối rối, pháp chỉ, định quyền, định lực và chánh định có trong khi nào, thì nhất tâm có trong khi ấy.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu nhất hành:

- Trạng thái là không tán loạn (avisāhāralakkhaṇā) hoặc không phóng dật, không lau chau (avikkhepa…).

- Phận sự là gom tóm chư pháp câu sanh (sahajātānaṃ sampiṇdanarasā).

- Thành tựu là hiện bày vắng lặng (upasamapaccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có câu hành lạc (tam thọ) (sukhapadaṭṭhānā).

Điều này là lấy phần nhiều hay định mạnh hoặc cách gián tiếp.

(6) Jīvitindriya (mạng quyền) (danh)[53]

Jīvitindriya là từ ghép của hai từ: Jīvita + indriya = mạng, sự duy trì + khả năng kiểm soát, quyền.

Pháp này được gọi là mạng (jīvita) bởi vì nó duy trì, gìn giữ, bảo tồn, cai quản sự sống còn của những danh pháp cùng sanh cho đặng còn, hiện hành, hiện hữu, hiện tồn, đang liên tiếp, đang còn. Pháp này được gọi là quyền (indriya) bởi vì nó kiểm soát chư pháp câu sanh với nó.

Ví như nước duy trì hoa sen và cô bảo mẫu nuôi dưỡng một đứa bé. Cũng thế, mạng quyền (jīvitindriya) duy trì những danh pháp câu sanh.

Mặc dù tư (cetanā) quyết định, định đoạt những hành động của tất cả danh pháp câu sanh, nhưng mạng quyền (jīvitindriya) là pháp truyền hay duy trì sự sống cho tư (cetanā) và những pháp đồng sanh khác. Có Pāḷi chú giải như vầy:

. Jivanti sahajātadhammā etenāti = jivitaṃ: Trọn quyền cai quản sự sống còn của pháp đồng sanh, gọi là mạng.

. Indanti paramaissariyaṃ karontīti = indriyāni: Hành vi rất tự do cai quản gọi là quyền.

Nghĩa của cả hai câu này là trọn cai quản sự sống còn của pháp câu sanh đặng bền vững đủ 3 tiểu sát-na (sanh, trụ, diệt).

Katamaṃ tasmiṃ samaye jīvitindriyaṃ hoti? Yo tesaṃ arūpīnaṃ dhammānaṃ āyu ṭhiti yapanā yāpanā irīyanā vattanā pālanā jīvitaṃ jīvitindriyaṃ-idaṃ tasmiṃ samaye jīvitindriyaṃ hoti.

Mạng quyền trong khi có ra sao? Khi nào có sự sống còn, hiện hành, hiện hữu, hiện tồn, đang liên tiếp, đang còn, hành vi đang còn, dinh dưỡng, gọi mạng quyền tức là cách sống còn của danh pháp. Như thế gọi là mạng quyền vẫn có trong khi ấy.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu mạng quyền: (Vsm. XIV)

- Trạng thái là chăm nom gìn giữ chư pháp câu sanh (sahajātaṃ anupālana-lakkhaṇaṃ).

- Phận sự là làm cho pháp câu sanh tồn tại đủ 3 sát-na (sahajātaṃ pavattanarasaṃ).

- Thành tựu là pháp câu sanh đặng còn đến sát-na diệt (sahajātaṃ thapanapaccu-paṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là phải có chư pháp câu sanh đáng bảo tồn (yāpetabbapaṭṭhānaṃ) và phải có 3 uẩn ngoài ra (sesakhandhattayapadaṭṭhānaṃ).

(7) Manasikāra (tác ý) (Vsm. XIV)[54]

Tác ý (manasikāra) theo nghĩa của từ là làm trong ý, là pháp đầu tiên ‘chạm trán với cảnh’ làm thành cảnh cho tâm; như răng cắn làm thành miếng ăn cho miệng và ‘hướng hay dẫn dắt những danh pháp đồng sanh đến cảnh’ là trạng thái chánh của ‘tác ý’, hay còn gọi là tác ý thành cảnh. Do đó, pháp này là pháp nổi bật trong hai tâm khai môn (āvajjana) – tức là, khai ngũ môn (pañcadvārāvajjana) và khai ý môn (manodvārāvajjana). Hai trạng thái của hai pháp này phá vỡ dòng tâm hữu phần (bhavaṅga), hình thành chặng đầu trong lộ trình tâm.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Ārammaṇaṃ manasipaṭipādāyatīti ārammaṇapaṭipādako: Làm thành cảnh cho tâm gọi là tác ý thành cảnh có pháp thực tính là sở hữu tác ý.

Như bánh lái chỉ dẫn con thuyền đến bến đỗ, tác ý (manasikāra) chỉ dẫn tâm và những sở hữu câu sanh đến cảnh. Không có ‘tác ý’ (manasikāra), những danh pháp còn lại ví như thuyền không bánh lái và chúng không thể nhận ra cảnh. Có câu châm ngôn ở Myanmar được truyền như vầy: “Nếu chúng ta không chú ý hay chăm chú, chúng ta sẽ không thấy cái hang.”

Một cách tổng quát hơn, tác ý (manasikāra) thường xuất hiện trong Kinh là yoniso-manasikāra (như lý tác ý hay suy xét sáng suốt) và ayoniso-manasikāra (phi như lý tác ý hay không suy xét sáng suốt). ‘Như lý tác ý’ dẫn đến tâm thiện, trong khi ‘phi như lý tác ý’ dẫn đến tâm bất thiện.[55]

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu tác ý:

- Trạng thái là dẫn dắt chư pháp tương ưng bắt cảnh vừa vặn (sāranalakkhaṇo).

- Phận sự là làm cho chư pháp tương ưng gắn kết với cảnh (sampayuttānaṃ ārammane saṃyojanaraso).

- Thành tựu là hướng vào cảnh (ārammaṇābhimukhībhāvapaccupaṭṭhāno).

- Nhân cận là phải có cảnh (ārammaṇapadaṭṭhāno).

Bảy sở hữu vừa kể đều phối hợp đặng với tất cả tâm nên gọi là sở hữu biến hành (sabbacittasādhāraṇa). Có Pāḷi chú giải như vầy:

Sabbesaṃ cittānaṃ sādhāraṇāti = sabbacittasādhāraṇā: Hợp với tất cả tâm gọi là biến hành, tức là 7 sở hữu biến hành.

Tầm Quan Trọng Của Những Sở Hữu Biến Hành

Như đã mô tả ở trên, tất cả 7 sở hữu thực tính thực hiện những giải pháp quan trọng và chúng là những thực tính cần thiết cho sự nhận biết cảnh bằng ý. Tác ý (manasikāra) là pháp đầu tiên đối diện hay chạm cảnh và chỉ dẫn tâm cùng danh pháp câu sanh với nó đến cảnh.

Xúc (phassa) làm cho tâm và danh pháp câu sanh với nó xúc chạm cảnh. Thọ (vedanā) hưởng hương vị từ sự xúc chạm (phassa). Tưởng (saññā) nhớ tưởng cảnh và giúp nhận ra cảnh.

Tư (cetanā) cố quyết làm theo tâm và danh pháp câu sanh thực hiện những nhiệm vụ tương ứng một cách hiệu quả cho đến khi phận sự bắt cảnh hay biết cảnh được hoàn thành.

Nhất hành (ekaggatā) chăm chú, đình trụ tâm và danh pháp câu sanh trên cảnh. Nhất hành kết hợp những danh sở hữu với tâm cùng vào trạng thái không tán loạn trên cảnh – là một duyên, cũng là một thực tính cần thiết cho sự nhận biết cảnh.

Mạng quyền (jīvitindriya) duy trì sự sống còn của tâm và danh sở hữu để chúng tồn tại và năng động đến hết mạng sống của chúng. Nếu không có ‘mạng quyền’ những pháp ấy sẽ diệt trước khi hoàn thành phận sự bắt cảnh và biết cảnh.

Dứt phần giải sở hữu biến hành

(B) Sở Hữu Biệt Cảnh (Pakiṇṇaka cetasika) - Có 6

§3. Vitakko vicāro adhimokkho vīriyaṃ pīti chando cāti cha ime cetasikā pakiṇṇakā nāma.

Tầm, tứ, thắng giải, cần, hỷ, dục. Sáu sở hữu tâm này gọi là những sở hữu biệt cảnh.

Pakiṇṇaka - khi chiết tự thì được ba phần: Pa + kiṇṇa + ka.

Pa = thường, kiṇṇa = rải rác, ka = không có ý nghĩa riêng biệt. Gom cả ba phần này lại thành “pakiṇṇaka = thường rải rác”, có nghĩa là 6 sở hữu tâm này thường phối hợp với nhóm pháp hiệp thế, siêu thế, tịnh hảo, vô tịnh hảo, thiện, bất thiện, quả, tố, nhưng không phải tất cả. Khác với sự kết hợp của sở hữu biến hành (sabbacittasādhāraṇa cetasika) là phối hợp khắp và tất cả.

Pakiṇṇaka cetasika (6) = sở hữu biệt cảnh, những sở hữu phối hợp riêng với một số tâm tịnh hảo cũng như vô tịnh hảo. 6 sở hữu tâm này có thể phối hợp với cả tâm tịnh hảo (sobhaṇa) và vô tịnh hảo (asobhaṇa), nhưng không phối hợp với tất cả mà chỉ phối hợp với những tâm nào mà chúng có thể phối hợp đặng.

(1) Tầm (vitakka) = trạng thái tìm, áp sát ban đầu hay nghĩ ngợi, tư duy, suy xét về pháp chế định.

(2) Tứ (vicāra) = trạng thái duy trì, gìn giữ, chăm nom, kềm giữ liên tục hay không suy nghĩ lan man.

(3) Thắng giải (adhimokkha) = trạng thái quyết đoán, quyết định hay sự xác định.

(4) Cần (viriya) = trạng thái siêng năng, tinh tấn, cố gắng, nỗ lực.

(5) Hỷ (pīti) = trạng thái phấn khích hay thích thú.

(6) Dục (chanda) = trạng thái mong muốn.

Giải thích:

(1) Vitakka (tầm hay nghĩ ngợi)[56] (Vi + căn takk: Nghĩ)

Tầm (vitakka) là trạng thái tìm, áp sát, dán áp hay đưa tâm và sở hữu đồng sanh vào cảnh. Như vị cận thần thân tín nhất của vị vua giới thiệu hay mang một ai đó đến vị vua, tương tự như thế, tầm (vitakka) mang tâm và những sở hữu câu sanh đến cảnh.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Vitakkanaṃ = vitakko: Cách tìm kiếm cảnh, gọi là tầm.

Như đã giải thích phía trên, manasikāra (tác ý) hướng hay dẫn dắt tâm và sở hữu câu sanh đến cảnh, trong khi vitakka (tầm) áp sát, đưa những pháp câu sanh vào cảnh.

Tầm (vitakka), tác ý (manasikāra) và tư (cetanā) có thể được cho thấy thêm nữa bằng cách so sánh chúng với những người trong một con tàu đua đến đích. Tác ý (manasikāra) ví như bánh lái – người điều khiển con tàu. Tầm (vitakka) ví như người chèo thuyền trong thân tàu và tư (cetanā) ví như nhóm trưởng của những người chèo, không chỉ tự chèo mà còn đốc thúc những người khác chèo với khả năng của họ và cắm lá cờ chiến thắng khi con thuyền đạt đến đích.

Tầm (vitakka) áp sát, đưa tâm và những sở hữu câu sanh đến những cảnh khác nhau, dẫn đến những lộ tâm khác nhau; còn được gọi là tư duy.

Tầm (vitakka) là 1 trong 5 chi thiền. Tầm (vitakka) ngăn chặn hôn trầm thùy miên (thīna-middha). Khi tầm được phát triển và trau dồi, nó trở thành chi thiền đầu tiên của thiền thứ nhất. Tầm cũng là chi thứ hai gọi là chánh tư duy (sammā-saṅkappa) trong tám Thánh đạo.

Katamo tasmiṃ samaye vitakko hoti? Yo tasmiṃ samaye takko vitakko saṅkappo appanā1 vyappanā cetaso abhiniropanā sammā saṅkappo-ayaṃ tasmiṃ samaye vitakko hoti.

Tầm trong khi có ra sao? Khi nào có sự tìm cảnh, nghĩ ngợi, suy xét, toan tính, cách đem tâm đến cảnh, cách đem tâm áp vào cảnh, cách đem tâm khắn khít và chánh tư duy. Như thế gọi là tầm có trong khi ấy. (Dhs. Câu 7)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu tầm: (Vsm. XIV)

- Trạng thái là đưa tâm và sở hữu tâm đến cảnh (ārammaṇe cittassa abhinirodhana lakkhaṇo).

- Phận sự là làm dịp gặp cảnh (āhanappariyāhanaraso).

- Thành tựu là tâm đặng đến cảnh (ārammaṇe cittassa ānayapaccupaṭṭhāno).

- Nhân cận là phải có cảnh (ārammaṇapadaṭṭhāno) và 3 uẩn ngoài ra (sesakhandhattaya).

(2) Vicāra (tứ)[57] (Vi + căn car: Đi lang thang, nghĩ lan man)

Tứ (vicāra) duy trì, chăm nom, kềm giữ, khắn khít tâm và những sở hữu câu sanh trên cảnh bằng cách để chúng xem xét cảnh nhiều lần.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Vicaranaṃ = vicāro: Kềm giữ cảnh gọi là tứ.

Cũng như tầm (vitakka), tứ (vicāra) là một chi thiền ngăn chặn hoài nghi (vicikiccha).

Tầm (vitakka) là điều báo trước của tứ (vicāra). Hai pháp này nên được phân biệt rằng:

- ‘Tầm’ ví như chim vỗ cánh sắp bay, ‘tứ’ ví như chim đang lượn bay trên bầu trời;

- ‘Tầm’ ví như tiếng trống hay tiếng chuông, ‘tứ’ ví như sự vang dội.

Katamo tasmiṃ samaye vicāro hoti? Yo tasmiṃ samaye cāro vicāro anuvicāro upavicāro cittassa anusandhānatā anupekkhaṇatā-ayaṃ tasmiṃ samaye vicāro hoti.

Tứ trong khi có ra sao? Khi nào có sự gìn giữ cảnh cho tâm, chăm nom, kềm giữ, săn sóc cảnh, tâm khắn khít cảnh và cách tâm dính theo cảnh. Như thế gọi là tứ có trong khi ấy. (Dhs. Câu 8)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu tứ. (Vsm. XIV)

- Trạng thái là hằng chăm nom cảnh (ārammaṇānumajjanalakkhaṇo).

- Phận sự là khắn khít với cảnh (sahajātānuyojanaraso).

- Thành tựu là tâm đặng khắn khít với cảnh (citta anuppabandhapaccupaṭṭhāno).

- Nhân cận là phải có cảnh (ārammaṇapadaṭṭhāno) và 3 uẩn ngoài ra (sesakhandhattaya…).

(3) Adhimokkha (thắng giải)[58] (Adhi + căn muc: Nhả, tháo, phát hành, tung ra)

Thắng giải (adhimokkha) kiên quyết, quyết đoán với sự tôn trọng cảnh, dù cảnh ấy như thế nào cũng nhận bắt liền như thế ấy, chẳng nghi ngờ, chẳng phân vân, thắng giải trái với cách hoài nghi đen tối; ví như vị quan tòa ra phán quyết về một vụ án. Thắng giải được so sánh với một trụ đá chắc với trạng thái kiên định trong lúc quyết định. Pháp này đối lập với hoài nghi (vicikiccha) (hay sự do dự).

Tattha katamo uddhaccapaccayā adhimokkho: Yo cittassa adhimokkho adhimuccanā tadadhimuttatā, ayaṃ vuccati uddhaccapaccayā adhimokkho.

Thắng giải sanh ra do điệu cử làm duyên đó ra sao? Sự quyết đoán, cách quyết đoán, thái độ quyết đoán cảnh của tâm. Dù cách nào như thế gọi là điệu cử duyên thắng giải. (Vibh.357)

Tattha katamo taṇhāpaccayā adhimokkho: Yo cittassa adhimokkho[59]- adhimuccanā tadadhimuttatā, ayaṃ vuccati taṇhāpaccayā adhimokkho. (Vibh.348)

Thắng giải sanh ra do ái làm duyên đó ra sao? Cách quyết đoán của tâm, cách đoán quyết, thái độ đoán quyết cảnh. Dù cách nào như thế đều gọi là ái duyên thắng giải.

Tattha katamo paṭighapaccayā adhimokkho: Yo cittassa adhimokkho adhimuccanā tadadhimuttatā, ayaṃ vuccati paṭighapaccayā adhimokkho.

Thắng giải sanh ra do phẫn nhuế làm duyên đó ra sao? Sự phán đoán, cách giải quyết, thái độ quyết phân cảnh đặng của tâm. Như thế gọi là phẫn nhuế duyên thắng giải. (Vibh.353)

Tattha katamo pasādapaccayā adhimokkho: Yo cittassa adhimokkho adhimuccanā tadadhimuttatā, ayaṃ vuccati pasādapaccayā adhimokkho.

Thắng giải sanh ra do thanh làm duyên đó ra sao? Sự quyết đoán của tâm, thái độ quyết đoán của tâm, sự đoán quyết cảnh của tâm. Dù cách nào như thế gọi là thanh duyên thắng giải. (Vibh.359)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu thắng giải: (Vsm. XIV)

- Trạng thái là cách quyết đoán (sanniṭṭhānalakkhaṇo).

- Phận sự là làm cho khỏi dùng dằng dục dặc, không đầu lụy (asaṃsappanaraso).

- Thành tựu là phán đoán đặng, phán quyết (vinicchayapaccupaṭṭhāna).

- Nhân cận là phải có cảnh cần phán quyết (sanniṭṭhātabbapadaṭṭhāno).

(4) Viriya (cần)[60] (bắt nguồn từ căn aj, đi + īr: thay thế cho aj. Vīra là người làm việc liên tục không gián đoạn)

Cần (viriya) tương ưng với sự cố gắng, siêng năng, tinh tấn, lướt tới, ráng thêm, chịu đựng, bền bỉ, nghị lực, sự nỗ lực, tính kiên cường, tính mạnh mẽ. Cần có thể được định nghĩa là trạng thái chịu đựng, kiên nhẫn, nhẫn nại hay can đảm.

Pāḷi chú giải như vầy: Udukkhasābhe sahanaṃ = ussaho: Đủ sức chịu với sự khó khăn nên gọi là siêng năng (cần).

Cần có trạng thái của sự ủng hộ, nâng đỡ hay duy trì những pháp đồng sanh với nó. Như một ngôi nhà cũ bị nghiêng được chống đỡ bằng những cây cột, không thể bị ngã. Cũng thế, những sở hữu đồng sanh được ủng hộ, nâng đỡ bởi cần (viriya), sẽ không nản chí.

Như là một sự củng cố mạnh mẽ giúp cho một đoàn thể vững vàng, siêng năng thay vì thối thất, cũng thế, cần (viriya) nâng đỡ, ủng hộ những sở hữu đồng sanh.

Cần (viriya) liên quan đến một danh quyền (là cần quyền) vì nó có quyền hạn và vượt qua sự biếng nhác. Cần cũng là 1 trong 5 lực (bala) bởi vì nó không thể bị lay động bởi pháp đối lập là sự biếng nhác. Cần cũng dùng làm một trong bốn như ý túc (iddhapāda).

Theo chú giải bộ Pháp Tụ (Aṭṭhasālini), cần (viriya) được xem là căn nguyên của tất cả sự thành tựu.

Katamaṃ tasmiṃ samaye viriyindriyaṃ hoti? Yo tasmiṃ samaye cetasiko viriyārambho[61] nikkamo1 parakkamo uyyāmo vāyāmo ussāho ussoḷhi[62] thāmo dhiti asithilaparakkamatā anikkhittachandatā anikkhittadhuratā dhurasampaggāho viriyaṃ virindriyaṃ viriyabalaṃ sammāvāyāmo-idaṃ tasmiṃ samaye viriyindriyaṃ hoti.

Cần quyền trong khi có ra sao? Khi nào có sở hữu tâm siêng năng, cố gắng, tinh tấn, sấn sướt, lướt tới, tiến đến, ráng thêm, chịu đựng, bền bỉ, không lui sụt, không lơ là, không bỏ qua việc làm, phò trì phận sự, cần tức là cần quyền, cần lực và chánh tinh tấn có trong khi nào, thì cần quyền có trong khi ấy. (Dhs. Câu 28)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu cần: (Vsm. XIV)

- Trạng thái là tư cách ráng chịu (ussahanalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là trợ cho pháp câu sanh không lui sụt (sahajātupaṭṭhambhanarasaṃ).

- Thành tựu là không lui sụt (asaṃsīdanapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là tám thê thảm (saṃvegavatthupadaṭṭhānaṃ) hay tám đoan cần (viriyārambhavatthupadaṭṭhānaṃ).

Tám thê thảm (saṃvegavatthu)

1 là khổ sanh (jātidukkha). 5 là khổ địa ngục (nirayadukkha).

2 là khổ già (jārādukkha). 6 là khổ bàng sanh (tiracchānadukkha).

3 là khổ bệnh (byādhidukkha). 7 là khổ ngạ quỉ (petadukkha).

4 là khổ tử (maraṇadukkha). 8 là khổ a-tu-la (asurakāyadukkha).

Nhờ nhận xét khổ trên mà đặng thức tỉnh, siêng năng cố gắng tu hành tinh tấn.

Tám đoan cần (viriyārambhavatthu)

có 4 đôi:

  • Nói về việc làm (kamma) có hai: 1 là công việc đã thành tựu, 2 là công việc sắp làm.
  • Nói về đi đường (magga) cũng hai: 1 là đi về đến, 2 là gần sắp đi.
  • Nói về bệnh hoạn (gelañña) cũng hai: 1 là vừa hết bệnh, 2 là vừa nhuốm bệnh.
  • Nói về vật thực (piṇḍa) cũng hai: 1 là thiếu ăn, 2 là đủ ăn.

Tám đoan cần là mối manh khởi đầu giúp đặng siêng năng, cũng thuộc nhân cần thiết phổ cập cho tất cả hạng người để suy xét phát sự siêng năng. Bởi vì công việc vừa xong mà nghĩ đến còn công việc khác thế thì không lười biếng bỏ qua. Khi sắp làm công việc chi mà nhớ phải còn nhiều việc khác nữa, nên làm chẳng lôi thôi.

Khi đi đâu mà vừa về đến nhà thì nhận thấy trong khoảng thời gian ta đi vắng, bê trễ việc nhà, nay phải làm bổ túc những việc bê trễ. Nếu sắp đi đâu cũng nên lo làm trước những việc đáng làm trong khi đi vắng.

Bệnh vừa hết thì nhớ lại những việc bỏ phế trong lúc đau càng gắng làm cho bớt bê trễ. Còn khi tự biết sẽ đau, xét thấy có nhiều việc sẽ bị bê trễ vì vậy mà phải cố gắng làm.

Gặp khi đủ ăn, phải nghĩ rằng chưa chắc đặng luôn luôn như thế này, nên phải lo làm chuẩn bị, e rằng: “Tọa thực sơn băng” - ngồi không mà ăn, của như non cũng hết. Còn khi thiếu ăn cũng phải biết xét nếu ta ráng sức làm thì có lẽ đặng câu: “Tiểu phú do cần”.

(5) Pīti (hỷ)[63] (bắt nguồn từ căn pi: Vui, thích thú)

Sở hữu hỷ là sự mừng phớn phở no thân tâm. Nói chung, hỷ (pīti) được hiểu là sự phấn khích, vui tươi, hạnh phúc, sự quan tâm, sự hăng hái. Hỷ liên quan đến vui mừng (pāmojja) và lạc thọ (sukha), nhưng không phải là một cảm thọ (vedanā) nên không thuộc về thọ uẩn (vedanākkhandha). Hỷ (pīti) là điềm báo của lạc (sukha). Hỷ (pīti) ví như sự thấy được một ao nước của người lữ hành mệt mỏi. Pháp lạc (sukha) ví như thật sự thọ hưởng sự mát mẻ khi uống nước và tắm nơi ao nước ấy.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Pinayatīti = pīti: No nê với cảnh gọi là hỷ.

Katamā tasmiṃ samaye pīti hoti? Yā tasmiṃ samaye pīti pāmojjaṃ āmodanā pamodanā hāso pahāso vitti odagyaṃ attamanatā cittassa - ayaṃ tasmiṃ samaye pīti hoti.(Dhs. Câu 24)

(Pháp) Hỷ trong khi có ra sao? Khi nào có sự mừng no cả thân tâm, hớn hở, sự hân hoan, sự hài lòng, vui tươi, hoan lạc và rất mừng. Như thế là (pháp) hỷ có trong khi ấy.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu hỷ: (Vsm. XIV)

- Trạng thái là mừng (sampiyāyanā-lakkhaṇā).

- Phận sự là no thân tâm (kāyacittapīnanarasā) hoặc sởn gai ốc (pharaṇarasā).

- Thành tựu là bừng tâm lên (odagyapaccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có 3 uẩn ngoài ra (sesakhandhattayapadaṭṭhānā).

Pháp hỷ sanh mạnh do nhờ: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng v.v… (Xin xem Thất Giác Chi trong Chương 7: Samuccaya – Tương Tập).

Tạo một niềm vui liên quan đến cảnh là trạng thái của hỷ (pīti). Hỷ (pīti) là 1 chi thiền giúp ngăn chặn vyāpāda (sân, ghét, ác cảm).

Có 5 giai đoạn của hỷ (pīti):

i. Khuddaka pīti (thiểu hỷ) = cách vui mừng run lên làm cho sởn gai ốc.

ii. Khaṇika pīti (quang thiểm hỷ) = cách vui mừng tức thời như tia chớp.

iii. Okkantikā pīti (lâng hỷ) = cách vui mừng cuồn cuộn như sóng lớn vỗ bờ.

iv. Ubbegā pīti (khinh thân hỷ) = cách vui mừng nâng cao có thể nâng bậc tu tiến lơ lửng trên không.

v. Pharaṇā pīti (sâm thấu hỷ) = cách vui mừng tràn ngập tỏa khắp thân như bong bóng căng phồng hay như cục bông gòn đã thấm dầu hay như sự chảy tràn của một con sông và ao nước, hay như ăn uống vật chi rất bổ khỏe đượm nhuần cả thân thể.

(6) Chanda (dục)[64] (bắt nguồn từ căn chad, mong, muốn)

Dục (chanda) được dịch là muốn, mong muốn, ước muốn. Trạng thái chánh của dục (chanda) là ‘mong muốn làm’. Dục như sự vươn tay để lấy một vật, hay sự thích hợp với cảnh như đồ để vào khuôn vừa vặn.

Dục (chanda) cũng là ‘sự muốn về một việc’ mà không dính mắc vào việc đó. Dục (chanda) là một thuật ngữ theo đúng tâm lý tự nhiên. Dục phải khác với tham (bất thiện) là pháp “có sự ham muốn, khao khát với sự dính mắc”.

Trong dục dục (kāmacchanda) và ái dục (chandarāga), dục (chanda) là bạn đồng hành với tham (lobha); hai từ kép này thật ra miêu tả tham (lobha).

Mỗi hành động đều bắt đầu bằng dục (chanda). Thí dụ, hành động đứng dậy bắt đầu bằng sự muốn (chanda) đứng dậy. Rõ ràng hành trình ngàn dặm được bắt đầu bằng bước đi đầu tiên và bước đi đầu tiên ấy được ví như là dục (chanda). Chúng ta không thể đi mà không có sự mong muốn đi và chúng ta không thể đến nơi nếu không có sự mong muốn đến đó.

Khi mãnh liệt, dục (chanda) trở thành sự quyết tâm, quyết chí và dẫn đến thành tựu tợ như câu ‘có một cách nếu có một sự quyết tâm’. Do đó, cần (viriya), dục (chanda) được gom trong bốn ý nghĩa của sự đạt đến như ý túc (iddhipāda).

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu dục: (Vsm. XIV)

- Trạng thái là mong mỏi cho đặng cảnh (kattukamyatālakkhaṇo), chẳng phải nhiễm đắm như tham.

- Phận sự là tìm tòi cảnh (ārammaṇapariyesanaraso), chẳng phải như sở hữu tầm tìm đến cảnh.

- Thành tựu là cách đặng mong mỏi cảnh (ārammaṇa atthikatāpaccupaṭṭhāno).

- Nhân cận là có cảnh mong đặng (ārammaṇapadaṭṭhāno).

§4. Evamete terasa cetasikā aññasamānāti veditabbā.

Như vậy, 13 sở hữu tâm tợ tha nên được biết.

Bảy sở hữu biến hành (sabbacitta sādhāraṇa cetasika) và sáu sở hữu biệt cảnh (pakiṇṇaka cetasika) gọi chung là mười ba sở hữu tợ tha (aññasamānarāsīcetasika), vì những sở hữu tâm này có trạng thái tợ như pháp khác, nghĩa là những sở hữu tâm này phối hợp với sở hữu tịnh hảo như tín, niệm v.v… cũng đặng, hay phối hợp với sở hữu vô tịnh hảo như tham, si v.v… cũng đặng. Khi những “sở hữu tợ tha” này phối hợp với những sở hữu bất thiện thì chúng trở thành bất thiện, khi những “sở hữu tợ tha” này phối hợp với những sở hữu tịnh hảo thì chúng trở thành thiện hay tịnh hảo.

Dứt phần giải sở hữu tợ tha

___o0o___

II. Sở Hữu Bất Thiện (Akusala cetasika)

§5. Moho ahirikaṃ anottappaṃ uddhaccaṃ lobho diṭṭhi māno doso issā macchariyaṃ kukkuccaṃ thinaṃ middhaṃ vicikicchā ceti cuddasime cetasikā akusalā nāma.

Si, vô tàm, vô úy, điệu cử, tham, tà kiến, ngã mạn, sân, tật, lận, hối, hôn trầm, thùy miên, hoài nghi, mười bốn sở hữu tâm này gọi là sở hữu tâm bất thiện.

14 sở hữu bất thiện có thể được chia thành 4 nhóm như sau:

(A). Moha-catukka = akusala-sādhāraṇa

Si-phần (4) = bất thiện biến hành. Nhóm 4 sở hữu có si dẫn đầu.

(1) Si (moha) = avijjā = sự không biết, tính lờ mờ hay vô minh.

(2) Vô tàm (ahirika) = không có sự hổ thẹn, không mắc cỡ.

(3) Vô úy (anottappa) = không có sự ghê tởm, không có sự sợ hãi.

(4) Điệu cử (uddhacca) = sự không yên, phóng túng, phóng dật.

(B). Lobha-tri = papañca-dhamma

Tham-phần (3) = pháp chướng ngại, ngăn trở. Nhóm 3 sở hữu có tham dẫn đầu.

(5) Tham (lobha) = rāga = taṇhā = ái, tham luyến, dính mắc, ái dục.

(6) Tà kiến (diṭṭhi) = kiến hoặc, nghịch kiến, quan điểm sai trái.

(7) Ngã mạn (māna) = tính tự phụ, kiêu ngạo, kiêu hãnh.

(C). Dosa-catukka

Sân-phần (4) = nhóm 4 sở hữu có sân dẫn đầu.

(8) Sân (dosa) = paṭigha = sự tức giận, sự tức tối, sự ghét, sự ác cảm.

(9) Tật đố (issā) = ganh tị, đố kỵ.

(10) Lận sắt (macchariya) = sự bỏn xẻn, sự keo kiết, sự hám lợi, sự ích kỷ.

(11) Hối hận (kukkucca) = ăn năn, hối tiếc, lo lắng.

(D). Ba sở hữu cuối = những sở hữu trì trệ và do dự.

(12) Hôn trầm (thīna) = sự lui sụt, buồn ngủ, dã dượi, bần thần, uể oải, lười biếng, chậm chạp của tâm.

(13) Thùy miên (middha) = lờ đờ, dã dượi, bần thần của danh thân.

(14) Hoài nghi (vicikicchā) = nghi ngờ, lúng túng, bối rối.

Giải thích:

(A) Si-phần (4) = Bất thiện biến hành (Akusala-sādhāraṇa)

(1) Moha (si)[65] (bắt nguồn từ căn muh: Mê mờ)

Si (moha) là sự tối tăm, mờ ám, không chịu lý đáng biết, không biết, không thấy, chẳng hiểu thấu, không biết bản thể thật tướng của cảnh. Có Pāḷi chú giải như vầy: Ārammaṇe muyhatīti = moho: Mê mẩn, mê mờ trong cảnh gọi là si.

Tất cả chúng sanh hữu tưởng và vô tưởng được tạo bởi danh pháp (nāma) và sắc pháp (rūpa) là những pháp tồn tại với bốn tướng phổ thông là vô thường (aniccā), khổ (dukkhā), vô ngã (anattā), bất tịnh (asubha).

Vì si (moha) che chắn pháp nhãn của chúng ta và ngăn che chúng ta khỏi sự thấy biết bản thể thực tính của các pháp, chúng ta không thể thấy sự sanh diệt vô cùng nhanh và không ngưng nghỉ của danh (nāma) sắc (rūpa) và bốn tướng phổ thông đã đề cập phía trên. Khi không thể thấy bản thể thực tướng của các pháp, chúng ta bị lúng túng cho những tướng đối lập là thật tướng; do đó, chúng ta thấy các pháp là thường (nicca), lạc (sukha), ngã (atta) và tịnh (subha).

Si (moha) là nguyên do của sự nhận định sai hay tà kiến này dẫn đến một chuỗi những quả không mong muốn bao gồm khổ và sự khổ sanh nối tiếp liên tục. Vì thế, si (moha) như người đạo diễn của một bộ phim đạo diễn tất cả nhưng chúng ta không hề nhận thức được; như chúng ta không thể thấy người đạo diễn trên màn hình chiếu phim. Si quả thực là căn nguyên của tất cả điều xấu xa và khổ trong thế gian.

Si (moha) là pháp dẫn đầu của tất cả sở hữu tâm (cetasika) bất thiện. Si (moha) và 3 pháp còn lại trong si-phần (vô tàm-ahiri, vô úy-anottappa và điệu cử-uddhacca) phối hợp với tất cả tâm bất thiện; do đó, chúng được gọi là bất thiện biến hành (akusala sādhārana).

Vì si (moha) tương phản với sự sáng suốt hay trí nên được gọi là ‘avijjā’ (vô minh). Si (moha) làm vẩn đục sự hiểu biết của chúng ta về nghiệp, quả của nghiệp và tứ Thánh đế.

Katamo tasmiṃ samaye moho hoti? Yaṃ tasmiṃ samaye aññāṇaṃ adassanaṃ anabhisamayo ananubodho asambodho appaṭivedho asaṃgāhanā apariyogāhanā asamapekkhanā apaccavekkhanā apaccakkhakammaṃ1 dummejjhaṃ bālyaṃ asampajaññaṃ moho samoho avijjā avijjogho avijjāyogo avijjānusayo avijjāpariyuṭṭhānaṃ avijjālaṅgī moho akusalamūlaṃ, ayaṃ tasmiṃ samaye moho hoti.

Si trong khi có ra sao? Cách vô tri, sự bất kiến, chẳng hiểu thấu, không chịu lý đáng biết, chẳng hiểu theo chơn chánh, không thấu đáo, không cần dùng theo đúng đắn, không công nhận lối đầy đủ, chẳng phán đoán, chẳng suy xét, không chịu làm cho minh hiển, tệ hèn, ngây ngô, khờ khạo, không biết chi, sự mê mờ, sự say mê, sự mê hoặc, cũng là vô minh, vô minh bộc, vô minh phối hợp, vô minh tùy miên, vô minh chi phối, vô minh là chốt gài. Si cũng là căn bất thiện có trong khi nào, đây gọi là si có trong khi ấy. (Dhs.300)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu si:

- Trạng thái là trái với trí (añānalakkhāno) hay không biết cái đáng biết (andhabhavalakkhāno).

- Phận sự là che ngăn cảnh chơn thể mà nhận theo sự vật tốt xấu v.v… (Ālambasabhā-vacchādanaraso) hay là phận sự không thấu rõ chơn như bản thể (appaṭivedharaso).

- Thành tựu là mờ tối (andhakārapaccupaṭṭhāno) hay là làm cho không thể tiến hành theo pháp chơn chánh sáng suốt (asammāpaṭipattipaccupaṭṭhāno).

- Nhân cận là tác ý không khéo (ayonisomanasikārapadaṭṭhāno) tức là tâm khai ý môn xoay chiều hướng cho tâm bất thiện sanh. Nó cần được xem là căn của tất cả pháp bất thiện.

(2) Ahirika (vô tàm)[66] (a + hirika = không + hổ thẹn)

Vô tàm (ahirika) là không có sự hổ thẹn, cách không mắc cỡ, khiến chúng sanh không cảm thấy xấu hổ trước những hành vi, lời nói và ý nghĩ bất thiện, không tôn trọng ân đức của tự thân. Có Pāḷi chú giải như vầy: Na hiriyati na lajjiyati = ahiriko: Chẳng thẹn, chẳng mắc cỡ (với cách làm ác xấu) gọi là vô tàm.

Trong bộ Nhân Chế Định (Puggala paññatti) (câu 62), Đức Phật có nêu:

“Người vô tàm (ahirika) ra sao? Điều kiện vô tàm ra sao? Lẽ phải nào đáng thẹn mà không thẹn cho đến đỗi đầy dẫy tội ác, như thế gọi là điều kiện vô tàm, mà người hiệp với vô tàm như thế gọi là người vô tàm”.

Không xấu hổ trước những việc làm ác xấu, đây gọi là vô tàm. Như một con lợn trong làng không cảm thấy ghê tởm trong việc ăn phân người, cũng thế vô tàm (ahirika) không cảm thấy ghê tởm trong việc phạm vào những ác nghiệp.

Katamaṃ tasmiṃ samaye ahirikaṃ hoti? Yaṃ tasmiṃ samaye na hirīyati hiriyitabbena, na hirīyati pāpakānaṃ akusalānaṃ dhammānaṃ samāpattiyā, idaṃ tasmiṃ samaye ahirikaṃ hoti.

Vô tàm trong khi có ra sao? Trạng thái không hổ thẹn với cách hành động ác xấu đáng hổ thẹn, thái độ không hổ thẹn với những pháp tội ác có trong khi nào, thì vô tàm có trong khi ấy. (Dhs.303)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu vô tàm:

- Trạng thái là không hổ thẹn với thân ác v.v… (kāyaduccaritādihi ajigucchana-lakkhaṇaṃ).

- Phận sự là làm ác (duccaritakaraṇarasaṃ).

- Thành tựu là không lui sụt với cảnh tạo ác (asaṅkocanapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là thiếu sự tôn trọng mình (atta agāravapadaṭṭhānaṃ).

(3) Anottappa (vô úy)[67] (Na + ava + căn tap: Bứt rứt)

Vô úy (anottappa) là không có sự ghê sợ, cách không sợ hãi, khiến một chúng sanh không sợ hãi trong việc phạm vào những hành vi, lời nói và ý nghĩ bất thiện, là không tôn trọng ân đức của tha nhân (người khác). Có Pāḷi chú giải như vầy: Na ottappatīti = anottappaṃ: Chẳng sợ sệt (với sự làm dữ) gọi là vô úy.

Trong bộ Nhân Chế Định (Puggala paññatti) (câu 62) có nêu:

“Người vô úy ra sao? Điều kiện vô úy ra sao? Sự vật lẽ thường đáng ghê sợ mà không ghê sợ cho đến dẫy đầy tội ác, như thế gọi là điều kiện vô úy. Kẻ đã hiệp với sự vô úy gọi là người vô úy”.

Không ghê sợ trước pháp đáng ghê sợ, không sợ hãi trước ác, bất thiện pháp. Đây gọi là vô úy.

Vô úy (anottappa) được ví như một loài bướm bị lửa thiêu đốt. Những con bướm đêm này không nhận thức hay lường trước được những hậu quả, bị thu hút bởi ánh lửa và lao vào ánh lửa. Cũng như thế, vô úy (anottappa) không nhận thức được những hậu quả, bị thu hút bởi những ác, bất thiện pháp và lao vào những ác nghiệp.

Vô úy được đề cập trong Tăng Chi bộ kinh (Aṅguttara Nikāya) (II. 6): “Có hai pháp xấu ác, đó là vô tàm và vô úy v.v…” Nên lưu ý rằng, sự liều lĩnh do vô tàm (ahiri) và vô úy (anottappa) sanh là quả của si (moha), nó che phủ tâm và làm lòa mắt khỏi sự thấy về quả của những ác nghiệp (kamma).

Katamaṃ tasmiṃ samaye anottappaṃ hoti? Yaṃ tasmiṃ samaye na ottappati ottappitabbena, na ottappati pāpakānaṃ akusalānaṃ dhammānaṃ samāpattiyā, idaṃ tasmiṃ samaye anottappaṃ hoti.(Dhs. 304)

Vô úy trong khi có ra sao? Trạng thái không ghê sợ với hành động xấu đáng ghê sợ, thái độ không ghê sợ với những tội ác có trong khi nào thì vô úy vẫn có trong khi ấy.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu vô úy:

- Trạng thái là không ghê sợ với sự tự làm ác (anuttāsamalakkhaṇaṃ) hay là không sợ sệt với cách tự làm ác (asārajjalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là làm việc ác (duccaritakaraṇarasaṃ).

- Thành tựu là không lui sụt với cách làm ác (asaṅkocanapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là thiếu sự tôn trọng ân đức người khác (tha nhân) (paraguṇa agāravapadaṭṭhānaṃ).

Sở hữu vô tàm và sở hữu vô úy dù không làm ác cũng là bất thiện.

(4) Uddhacca (điệu cử)[68] (U = trên, + căn Dhu, dao động, giũ, phủi).

Điệu cử (uddhacca) là trạng thái tán loạn, lau chau, không kềm một cảnh đặng nhiều lộ tâm, sự không ngừng nghĩ của ý; ví như trạng thái tung tóe, tán loạn của đống tro khi ném hòn đá vào. Có Pāḷi chú giải như vầy: Uddhatassa bhāvo = uddhaccaṃ: Tán loạn, lau chau gọi là điệu cử.

Như chúng ta không thể thấy mặt của chúng ta phản chiếu trong nước sôi, một tâm không ngừng nghỉ sẽ không thấy những hậu quả của ác nghiệp. Điệu cử (uddhacca) cũng sanh theo si (moha), là pháp làm cho tâm xáo trộn và làm cho điệu cử sanh liên tục.

Katamaṃ tasmiṃ samaye uddhaccaṃ hoti? Yaṃ tasmiṃ samaye cittassa uddhaccaṃ avupasamo1 cetaso vikkhepo bhantattaṃ cittassa, idaṃ tasmiṃ samaye uddhaccaṃ hoti - pe - (Dhs. 335)

Điệu cử trong khi có ra sao? Sự tán loạn của tâm, sự không vắng lặng của tâm, sự lau chau (vikkhepo) của tâm, sự sôi nổi của tâm có trong khi nào thì điệu cử có trong khi ấy.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu điệu cử:

- Trạng thái là không yên tịnh (avūpasamalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là bất cẩn, không vững vàng (anavaṭṭhānarasaṃ).

- Thành tựu là nguyên do làm cho tâm không yên tịnh (bhantābhāvapaccu-paṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là tác ý không khéo (ayonisomanasikārapadaṭṭhānaṃ).

Bốn sở hữu nêu trên (si, vô tàm, vô úy và điệu cử) gồm lại gọi là bốn si-phần (mohatuka) tức là bọn si, cũng gọi là sở hữu bất thiện biến hành (sabbacittākusala sādhāraṇa cetasika) làm nền tảng cho những pháp bất thiện và hiệp với tất cả 12 tâm bất thiện.

(B) Tham-phần (3) Lobha-tri = Papañca-dhamma

(5) Lobha (tham)[69] (bắt nguồn từ căn lubh: Bám chặt, cột chặt, luyến ái, bám níu)

Tham (lobha) là sự ham muốn, nhiễm đắm chấp cứng, có Pāḷi chú giải như vầy: Lubbhatīti = lobho: Ham muốn gọi là tham.

Tham là sự khao khát mạnh mẽ về vật dục hay sự sung sướng, hạnh phúc trong thiền (jhāna). Tham sẽ không bao giờ từ bỏ thực tính khát khao này mặc dù nhiều người có thể sở hữu nó. Thậm chí tất cả sự giàu sang trên thế gian cũng không thể thỏa mãn sự khao khát của tham (lobha). Nó luôn hướng ra ngoài tìm những điều mới. Do đó, chúng sanh không thể thật sự được hạnh phúc nếu họ không thể đoạn trừ tham (lobha).

Thực tính thứ hai của tham (lobha) là dính mắc, bám dai dẳng vào vật dục hay thiền (jhāna) và sự sung sướng, hạnh phúc trong thiền (jhāna). Tính dính mắc này được so sánh với trường hợp con khỉ bị dính keo. Keo này được chuẩn bị bằng cách nấu vài loại nhựa lấy từ cây rừng tạo thành một loại hỗn hợp keo dính.

Người săn khỉ cho một lượng hỗn hợp keo kết dính này lên thân vài cây rừng. Khi ánh nắng chiếu vào hỗn hợp keo kết dính này, nhiều loại màu quang phổ xuất hiện. Một con khỉ hiếu kỳ đến chạm một tay và bị dính cứng vào hỗn hợp keo ấy. Trong lúc vật lộn kéo bàn tay này ra, con khỉ dùng bàn tay còn lại đẩy vào thân cây và cũng dùng hai chân đạp vào thân cây. Cả hai bàn tay và hai chân đều bị dính vào keo.

Khi con khỉ cố gắng tự kéo ra bằng cách dùng đầu của nó đẩy thân cây, đầu của nó cũng bị dính vào keo. Bây giờ, người săn khỉ có thể đi ra từ nơi ẩn náu và bắt hoặc giết con khỉ một cách dễ dàng.

Tương tự, người phàm phu đang bị tham (lobha) kết dính vào vật dục như tài sản, của cải của họ. Họ không thể từ bỏ thế gian và của cải bao gồm vợ, chồng, con cái. Do đó, họ bị già, bệnh, chết bắt kịp hết kiếp này sang kiếp khác.

Katamo tasmiṃ samaye lobho hoti? Yo tasmiṃ samaye lobho lubbhanā lubbhitattaṃ sārago sārajjanā sārajjitattaṃ abhijjhā lobho akusalamūlaṃ, ayaṃ tasmiṃ samaye lobho hoti. (Dhs. 299)

Tham trong khi có ra sao? Cách ham, sự muốn, rất muốn, dục vọng, yêu mến, rất yêu mến, tham là căn bất thiện có trong khi nào, đây gọi là tham có trong khi ấy.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu tham:

- Trạng thái là chấp cứng cảnh (ālambanaggahaṇalakkhaṇo).

- Phận sự là dính mắc cảnh (abhisaṅgaraso).

- Thành tựu là không buông cảnh (apariccāgapaccupaṭṭhāno).

- Nhân cận là thấy pháp cảnh triền cho rằng đáng ưa thích (saṃyojaniyadhammesu assādadassana-padaṭṭhāno) là tâm hiệp thế, sở hữu tâm và sắc pháp.

(6) Diṭṭhi (tà kiến)[70] (bắt nguồn từ căn dis)

‘Diṭṭhi’ được dịch là ‘kiến, mê tín, quan điểm, v.v…’. Sammā diṭṭhi nghĩa là chánh kiến. Ở đây, diṭṭhi là một sở hữu bất thiện (akusala cetasika), cho nên ‘diṭṭhi’ được dùng với ý nghĩa là ‘tà kiến’. Tà kiến là sự nhận định hay cố chấp theo pháp sai không đúng với chơn lý bản thể thật, tức là micchaṭṭādiṭṭhi đã kể trong phần tâm tham trước rồi, nay chỉ thêm ý nghĩa. Có Pāḷi và cách Chú giải như vầy: Micchā passatīti = diṭṭhi: Nhận thấy sai với chơn pháp gọi là tà kiến.

Moha (si) đã được giải thích phía trên là che mù ý và làm mù pháp nhãn không cho thấy thực tính của pháp. Si làm chúng sanh thấy chư pháp là thường (nicca), lạc (sukha), ngã (atta) và tịnh (subha). Bởi vì tà kiến (diṭṭhi) này, tham (lobha) bám dai dẳng hay dính mắc vào ‘ta hay người’ và tà kiến (diṭṭhi) nhận định sai cho ‘ta và người’ là thật sự hiện hữu.

Tà kiến căn bản và phổ biến nhất là thân kiến (sakkāya-diṭṭhi) hay ngã kiến (atta-diṭṭhi). Thân kiến (sakkāya-diṭṭhi) tin rằng sự phối hợp của tâm và thân là ‘tôi’, ‘bạn’, ‘anh ấy’, ‘cô ấy’, ‘đàn ông’, ‘đàn bà’, ‘người’, v.v… . Ngã kiến (atta-diṭṭhi) tin có sự hiện hữu của một ‘ngã hay linh hồn’ hoặc ‘bản ngã’ hay ‘thực thể’ trong thân.

Xuất phát từ thân kiến (sakkāya-diṭṭhi) hay ngã kiến (atta-diṭṭhi) này cũng như từ sự không biết của si (moha) làm nảy sinh hàng ngàn nhận định sai lầm (tà kiến). Thân kiến (sakkāya-diṭṭhi) là một trong mười pháp triền (quấn chặt) hiện hữu. Nó chỉ được loại trừ khi đạt đến Thất lai đạo (Sotāpatti-magga).

Katamā tasmiṃ samaye micchādiṭṭhi hoti? Yā tasmiṃ samaye diṭṭhi diṭṭhigataṃ diṭṭhigahanaṃ diṭṭhikantāro diṭṭhivisūkāyikaṃ1 diṭṭhivipphanditaṃ diṭṭhisaññojanaṃ gāho patiṭṭhāho2 abhiniveso parāmāso kummaggo micchāpatho micchattaṃ titthāyatanaṃ vipariyesagāho, 3 ayaṃ tasmiṃ samaye micchādiṭṭhi hoti.

Tà kiến trong khi có ra sao? Kiến thức tức là thiên kiến, hoang vu kiến, ký khu kiến, thù nghịch kiến, biến hóa kiến, kiến thức như triền, chấp trước nghịch kiến, kiến hoặc, khinh thị, lộ đồ sai[71], tà đạo, sự sai căn nguyên, tà giáo, chấp ngược có trong khi nào, đây gọi là tà kiến có trong khi ấy. (Dhs. 291)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu tà kiến:

- Trạng thái là chấp cứng những cách không đáng chấp (ayoniso abhinivesalakkhaṇā).

- Phận sự là suy xét sai với sự thật (parāmāsaraso).

- Thành tựu là chấp cứng theo sự nhận sai (micchābhinivesapaccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là chấp cứng rằng chỉ sự nhận thấy của ta là đúng (daḷhaggahapaccupaṭṭhānā) hay là không chịu gặp bậc hiền trí, nhất là Đức Phật v.v… (sappurisavimukkatāpaṭṭhānā).

(7) Māna (ngã mạn)[72] (bắt nguồn từ căn man, nghĩ ngợi)

Ngã mạn (māna), cũng như tà kiến (diṭṭhi), là kết quả phụ (hay sản phẩm phụ) của si (moha) và tham (lobha). Si (moha) trợ sanh ra tà kiến (nhận định sai) về sự tồn tại của ‘chúng sanh’ và cho rằng chúng là thường, lạc, ngã và tịnh. Cũng thế, tham (lobha) đeo bám những chúng sanh này, nhất là pháp đại diện cho chính nó.

Ngã mạn (māna) nhìn tự thân này như là ‘ta là giỏi nhất, ta biết nhiều nhất, ta không có đối thủ trong thế gian’.

Sở hữu ngã mạn là ỷ mình, đem so sánh hay cống cao. Có Pāḷi chú giải như vầy: Seyyomasmīti ādinā maññatīti = māno: Tự ỷ mình so sánh hơn người v.v… gọi là ngã mạn.

Ngã mạn có 3 nhóm ba:[73]

- Ỷ hơn (seyyohamasmi) (quá mạn – atimāna) có 3 cách: 1 là hơn ỷ hơn, 2 là bằng ỷ hơn, 3 là thua ỷ hơn.

- Ỷ bằng (sadiyohamasmi) (māna) có 3 cách: 1 là hơn ỷ bằng, 2 là bằng ỷ bằng, 3 là thua ỷ bằng.

- Ỷ thua (hīnohamasmi) (tự ti, ti mạn – omāna) có 3 cách: 1 là hơn ỷ thua, 2 là bằng ỷ thua, 3 là thua ỷ thua.

Tục ngữ có câu: ‘Trèo cao té nặng’, sự kiêu căng hay ngã mạn không phải là đức tính tốt để tự hào.

Hai cách trên ỷ hơn và ỷ bằng thường hay gặp và dễ nhận. Nhưng 3 cách sau thuộc về ỷ thua thì đáng cho là chẳng có hoặc sai. Vậy xin dẫn chứng một vài trường hợp như là có cách ỷ rằng: Họ giỏi thây kệ họ, tôi dở mặc kệ tôi, giàu nghèo v.v… cũng thế, đó là thua ỷ thua. Tôi cũng vẫn như ai, nhưng ngặt thất thế hoặc lỗi thời, đó là thua ỷ bằng. Còn bằng người kia mọi phương diện mà nghĩ rằng: Tôi thua thây kệ tôi, đó là bằng ỷ thua. Hơn ỷ thua như kinh Trung Hoa nói: “Thượng thượng nhân hữu một ý trí” nghĩa là bậc xuất chúng siêu quần nhưng xét cạn chưa khỏi có phần sơ thất là phải dở, thua lại nghĩ rằng: “Hạ hạ nhân hữu, thượng thượng trí” biết đâu là thấy kẻ hèn tối tăm cũng có trí cao siêu.

Ngã mạn (māna) là một trong mười pháp triền hiện hành. Nó chỉ hoàn toàn bị đoạn tận khi bước vào dòng Thánh Arahaṃ.

Kattha katamaṃ mānasaññojanaṃ? Seyyohamasmīti māno sadisohamasmīti māno hīnohamasmīti māno, yo evarūpo māno maññatā maññitattaṃ unnati unnamo dhajo sampaggāho ketukamyatā cittassa, idaṃ vuccati mānasaññojanaṃ.

Ngã mạn triền trong khi có ra sao? Cách so sánh cho rằng ta tốt hơn họ, ta bằng họ, ta thua họ, sự so sánh, thái độ so sánh, lối so sánh, lúc nào có trạng thái như thế tức là tự nâng cao, đem mình sánh cho bằng kẻ khác, tự so đo với người, tâm cống cao, tánh cần so sánh này gọi là ngã mạn triền (mānasaññojana). (Dhs. 722)

Bốn ý nghĩa của ‘ngã mạn’: (Vsm. XIV)

- Unnatilakkhaṇo: Trạng thái là kiêu ngạo.

- Sampaggaharaso: Phận sự là tự cao.

- Ketukamyatāpaccupaṭṭhāno: Thành tựu là kỳ vọng (lên như cờ).

- Diṭṭhivippayuttalobhapadaṭṭthāno: Nhân cận là có tham bất tương ưng tà kiến.

Tham (lobha) cùng với hai pháp khác trong bọn, là tà kiến (diṭṭhi) và ngã mạn (māna) có nhiệm vụ kéo dài vòng đời hay vòng sinh tử mà thường được gọi là saṃsāra (vòng luân hồi). Trên thực tế, tham (lobha), tà kiến (diṭṭhi), ngã mạn (māna) được gọi chung là pháp chướng ngại (papañca dhamma).

Ba sở hữu ‘tham, tà kiến và ngã mạn’ gom chung lại gọi là tham-phần là bọn sở hữu tham, chỉ hợp trong vòng tâm tham.

(C) Sân-phần (4) Dosa-catukka

(8) Dosa (sân)[74] (bắt nguồn từ căn dus)

Dosa’ được dịch là ‘sân’, sự tức giận, hờn, buồn, rầu, sự ghét, ác cảm, sự căm thù v.v… Có Pāḷi chú giải như vầy: Sayameva dussatīti = doso: Tự ác độc hại gọi là sân.

Sân cũng có tên là phẫn (paṭighā) nghĩa là xâm phạm pháp câu sanh làm cho hư hại, bầm giập, nứt bể v.v… Có Pāḷi chú giải như vầy: Paṭihaññātīti = paṭighā: Cách xâm phạm đè nén pháp câu sanh gọi là phẫn. ‘Paṭigha’ bắt nguồn từ ‘pati’, trái lại, đối lại và căn ’gha’ (han), dội vào, tiếp xúc.

Sân (dosa) hầu như là thực tính hủy diệt trong thế gian. Nó đáng ghê sợ hơn vũ khí nguyên tử. Dĩ nhiên, khi một ai đó kích hoạt vũ khí nguyên tử, ông ta làm dưới sự chi phối của sân.

Thông thường, khi chúng sanh đối diện với sự khao khát về vật dục, sự bám chặt, dính mắc hay tham (lobha) sinh khởi. Khi chúng sanh đối diện với một cảnh không mong muốn, sân hay sự ghét, ác cảm sinh khởi. Sân (dosa) hủy hoại tự thân trước khi hủy hoại tha nhân.

Sân không chỉ tăng trưởng khi nó hiện diện với một người sân mà nó cũng làm trì trệ khi người cảm giác buồn, chán nản bị hủy hoại. Theo Abhidhamma (Vô Tỷ Pháp), người trả thù một lời sỉ nhục thì dại dột hơn người khơi màu sự sỉ nhục.

Katamo tasmiṃ samaye doso hoti? Yo tasmiṃ samaye doso dussanā dussitattaṃ vyāpatti vyāpajjanā vyāpajjitattā virodho paṭivirodho caṇḍikkaṃ asuropo anattamanatā cittassa, ayaṃ tasmiṃ samaye doso hoti - pe - (Dhs. 326)

Sân trong khi có ra sao? Cách tính ác độc, sự tính ác độc, thái độ tính ác độc, cách tính ám hại, sự tính ám hại, thái độ tính ám hại, sự sân, sự tức tối, sự hung dữ, sự ác khẩu, cách tâm không thơ thới có trong khi nào, đây gọi là sân có trong khi ấy.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu sân:

- Trạng thái là làm cho thân tâm thô tháo (caṇḍikkalakkhaṇo).

- Phận sự là thiêu đốt sắc ý vật là nơi nương của mình, nóng nảy (nissayadāhanaraso).

- Thành tựu là hư hoại thân tâm (dussanapaccupaṭṭhāno).

- Nhân cận là những đồ sát hại (upaṭṭhānakāra padaṭṭthāno).

(9) Issā (tật đố)[75] (bắt nguồn từ căn su, đố kỵ, ganh tị)

Tật đố (issā) có trạng thái ganh tị với sự thành tựu hay phát đạt của người khác. Đó là đối tượng của tật đố. Tật đố không nhìn vào tự thân mà nhắm vào tha nhân, người khác. Có Pāḷi chú giải như vầy: Issāyanā = issā: Không chịu được người hơn mình gọi là tật đố.

Tattha katamaṃ issāsaññojanaṃ? Yā pana lābha sakkāra garukāra mānana vandana pūjanāsu issā issāyanā issāyitattaṃ usūyā usūyanā usūyitattaṃ, idaṃ vuccati issāsaññojanaṃ.

Tật đố triền trong khi có ra sao? Cách ganh tị, thái độ ganh tị, cách tật đố, sự tật đố, thái độ tật đố, tật đố vì lợi lộc, tật đố vì cung kỉnh, tật đố vì tín ngưỡng, tật đố vì cách lễ bái, tật đố vì cách cúng dường của người khác. Những cách như thế gọi là tật đố triền. (Dhs. 727)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu tật:

- Trạng thái là tật đố với tài sản danh lợi của người khác (aññasampattīnaṃ ussūyanalakkhaṇā).

- Phận sự là không vừa lòng với tài sản danh lợi của người khác (parasampattiyā anabhiratirasā).

- Thành tựu là tránh mặt với tài sản, danh lợi của người khác (parasampattivimukhata-paccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có tài sản, danh lợi của người khác (parasampattipadaṭṭhānā).

(10) Macchariya (lận sắt)[76]

Lận sắt (macchariya) có trạng thái che đậy, giấu giếm tài sản của mình. Nó không cảm thông, chia sẻ tài sản hay đặc ân với người khác. Lận sắt mang tính bón rít, keo kiệt, bủn xỉn, miễn cưỡng cho tiền vì việc từ thiện. Có Pāḷi chú giải như vầy: Maccherabhavo = macchariyaṃ: Bỏn xẻn gọi là lận.

Như đề cập trong Aṅguttara Nikāya – Tăng Chi bộ kinh (IX, 49), có 5 loại bỏn xẻn như: Bỏn xẻn chỗ ở (āvāsamacchariya), bỏn xẻn dòng giống (kulamacchariya), bỏn xẻn lợi lộc (lābhamacchariya), bỏn xẻn sắc đẹp (vaṇṇamacchariya) và bỏn xẻn pháp (dhammamacchariya).

Trái với issā (tật đố, ganh tị), macchariya (lận sắt, bỏn xẻn) là quan điểm cá nhân. Issāmacchariya làm cho chúng sanh buồn mà không cần pháp trợ dẫn từ những pháp khác. Chúng sanh cảm thấy vui tức khắc khi ‘tật’ và ‘lận’ bị xua tan khỏi tâm ý của họ.

Tattha katamaṃ macchariyasaññojanaṃ? Pañca macchariyāni: āvāsamacchariyaṃ kulamacchariyaṃ lābhamacchariyaṃ vaṇṇamacchariyaṃ dhammamacchariyaṃ, yaṃ evarūpaṃ maccharaṃ maccharāyanā maccharāyitattaṃ vevicchaṃ kadariyaṃ kaṭukañcukatā aggahitattaṃ cittassa, idaṃ vuccati macchariyasaññojanaṃ.

Lận sắt triền trong khi có ra sao? Ngũ lận sắt như là: Bỏn xẻn chỗ ở, bỏn xẻn dòng giống, bỏn xẻn lợi lộc, bỏn xẻn sắc đẹp (danh thơm), bỏn xẻn giáo pháp, cách bỏn xẻn, sự bỏn xẻn, thái độ bỏn xẻn, sự rít rắm, sự keo kiệt, sự không tế độ, không rộng rãi của tâm. Những cách như thế gọi là lận sắt triền. (Dhs. 728)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu lận:

- Trạng thái là giấu giếm tài sản của mình (sakasampattinigūhaṇalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là không chịu người khác dính dấp đến tài sản của mình (parasādhāraṇa akkhamanarasaṃ).

- Thành tựu là không hy sinh tài sản (saṅkocanapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là có tài sản (sakasampattipadaṭṭhānaṃ).

(11) Kukkucca (hối hận)[77]

Hối hận (kukkucca) có trạng thái đau buồn, ăn năn về những ác pháp đã làm và những thiện pháp chưa làm. Có Pāḷi chú giải như vầy: Kaṭaṃ me pāpaṃ akataṃ me puññaṃ: Nghĩa là hối hận với tội đã làm, phước đã không làm, gọi là hối hay hối hận.

Khóc than về việc ly sữa đã bị đổ là điều vô ích, không mang lại lợi ích về việc ăn năn, hối hận hay cảm thấy tiếc về những tà hạnh.

Tattha katamaṃ kukkuccaṃ: Akappiye kappiyasaññitā, kappiye akappiyasaññitā, avajje vajjasaññitā, vajje avajjasaññitā yaṃ evarūpaṃ kukkuccaṃ kukkuccāyanā kukkuccāyitattaṃ cetaso vippaṭisāro manovilekho, idaṃ vuccati kukkuccaṃ. Iti idaṃ ca uddhaccaṃ idaṃ ca kukkuccaṃ, idaṃ vuccati uddhaccakukkuccanīvaraṇaṃ.

Hối hận trong khi có ra sao? Sự đáng cho rằng không đáng, sự không đáng cho rằng đáng, sự có lỗi cho rằng không lỗi, sự không lỗi cho rằng có lỗi, cách chú trọng, sự chú trọng, thái độ chú trọng, cách nóng nảy, sự động tâm. Những trạng thái như thế gọi là hối hận. (Dhs. 752)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu hối hận:

- Trạng thái là hay bực bội những sự đã làm (pacchānutāpalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là bực lòng với việc ác đã làm và thiện đã không làm (katākatā nusocanarasaṃ).

- Thành tựu là ân hận tâm (vippaṭisārapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là đã làm việc xấu và việc tốt đã không làm (katākataduccarita-sucaritāpadaṭṭhānaṃ).

Issā (tật đố, ganh tị), macchariya (lận sắt, bỏn xẻn) và kukkucca (hối hận) là 3 pháp đồng hành hay bầu bạn của sân (dosa). Chúng sinh khởi riêng biệt bởi do nhân trợ sanh của chúng khác khau, nhưng khi một trong chúng sinh khởi thì luôn sanh cùng với sân (dosa).

Sở hữu sân, tật, lận, hối gọi chung là sở hữu sân-phần (docatukacetasika), chỉ phối hợp với tâm sân.

(D) Ba sở hữu cuối = những sở hữu trì trệ và do dự.

(12) Thīna (hôn trầm)[78] (bắt nguồn từ căn su, lùi, chùn bước, + na. Thena = thāna = thīna)

Hôn trầm (thīna) là sự không khéo hòa trộn của tâm (citta), cách không thích hợp với công việc của tâm, trạng thái co rút, lui sụt của tâm, tợ như lông gà gặp lửa. Khi một chúng sanh nhàn rỗi do thiếu viriya (cần), chúng sanh ấy chịu tác động của thīna (hôn trầm). Đó là sự bệnh hoạn của citta (tâm).

Tattha katamaṃ thīnaṃ? Yā cittassa akallatā akammaññatā olīyanā sallīyanā līnaṃ līyanā līyitattaṃ thīnaṃ thīyanā thīyitattaṃ cittassa, idaṃ vuccati thīnaṃ.

Hôn trầm trong khi có ra sao? Sự không khéo hòa trộn của tâm, cách không thích hợp việc làm của tâm, sự chần chừ, sự lùi sụt, sự buồn ngủ, cách buồn ngủ, trạng thái buồn ngủ, sự bần thần, dã dượi, cách dã dượi, bần thần, thái độ bần thần, dã dượi, sự uể oải, cách uể oải, thái độ uể oải. Những trạng thái như thế gọi là hôn trầm. (Dhs. 751)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu hôn trầm:

- Trạng thái là chận đứng siêng năng tiến tới (anussāhanalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là bỏ bớt siêng năng (viriyapanarasaṃ).

- Thành tựu là sự lui sụt (saṃsīdanapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là tác ý không khéo (ayonisomanasikārapadaṭṭhānaṃ).

(13) Middha (thùy miên)[79] (bắt nguồn từ căn middh)

Thùy miên (middha) là sự không khéo hòa trộn của danh thân (cetasika-sở hữu tâm), cách không thích hợp với công việc của danh thân, trạng thái bệnh hoạn, không lành mạnh của danh pháp câu sanh. Khi một chúng sanh cảm thấy thiếu hoạt động hay trí tuệ chậm chạp, chúng sanh ấy bị tác động bởi thùy miên (middha). Đó là sự bệnh hoạn của những sở hữu tâm (cetasika).

Tattha katamaṃ middhaṃ? Yā kāyassa akallatā akammaññatā onāho pariyonāho antosamorodho middhaṃ soppaṃ pacalāyikā supanā supitattaṃ, idaṃ vuccati middhaṃ. Iti idañca thīnaṃ, idañca middhaṃ, idaṃ vuccati thīnamiddhanīvaraṇaṃ.

Thùy miên trong khi có ra sao? Sự không khéo hòa trộn của danh thân, cách không thích hợp với công việc của danh thân, sự chụp đậy, sự bao trùm, sự che lấp phần trong, sự dã dượi bần thần, thái độ dã dượi bần thần, cách dã dượi bần thần, sự buồn ngủ, cách ngáp ngủ, trạng thái ngáp ngủ, sự ngủ gục, cách ngủ gục, trạng thái ngủ gục. Những trạng thái như thế gọi là thùy miên. (Dhs. 751)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu thùy miên:

- Trạng thái là không thích hợp với công chuyện (akammaññatālakkhaṇaṃ)[80].

- Phận sự là hạn chế tâm lộ lần lần (onahanarasaṃ).

- Thành tựu là cách buồn ngủ (pacadāyikapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là tác ý không khéo (ayonisomanasikārapadaṭṭhānaṃ).

Cả hai pháp hôn trầm (thīna) và thùy miên (middha) gọi chung là hôn-phần.

Cả hai pháp hôn trầm (thīna) và thùy miên (middha) là những pháp đối nghịch với cần (viriya). Nơi nào có hôn trầm (thīna) và thùy miên (middha), thì nơi ấy không có cần (viriya).

(14) Vicikicchā (hoài nghi)[81]

Hoài nghi (vicikicchā) là hoài nghi về Phật (Buddha), Pháp (Dhamma), Tăng (Saṅgha), điều học; hoài nghi về những pháp trong những kiếp quá khứ và vị lai; hoài nghi về pháp liên quan tương sinh; và cuối cùng là hoài nghi về tứ Thánh đế.

Hoài nghi (vicikicchā) là 1 trong 5 pháp cái và cũng được gom trong mười pháp triền hiện hữu. Pháp này hoàn toàn bị đoạn trừ và vĩnh viễn đối với Thánh Nhập lưu.

Sở hữu hoài nghi là cách hoài nghi làm ngăn pháp tiến hóa sáng suốt giải thoát. Có Pāḷi chú giải như vầy: Vicikicchātīti = vicikicchā: Cách phát ra nghi lự, nghi hoặc là hoài nghi.

Tattha katamaṃ vicikicchāsaññojanaṃ? Satthari kaṅkhati vicikicchati, dhamme kaṅkhati vicikicchati, saṅghe kaṅkhati vicikicchati, sikkhāya kaṅkhati vicikicchati, pubbante kaṅkhati vicikicchati, aparante kaṅkhati vicikicchati, pubbantāparante kaṅkhati vicikicchati, idappaccayatāpaṭiccasamuppannesu dhammesu kaṅkhati vicikicchati. Yā evarūpā kaṅkhā kaṅkhāyanā kaṅkhāyitattaṃ vimati vicikicchā dveḷhakaṃ dvedhāpatho saṃsayo anekaṃsagāho āsappanā parisappanā apariyogāhanā thambhitattaṃ cittassa manovilekho, idaṃ vuccati vicikicchāsaññojanaṃ.

Hoài nghi trong khi có ra sao? Cách lừng chừng, thái độ lừng chừng, sự xét thấy lạ lùng khác biệt, sự quyết đoán cảnh không đặng, sự nhận thấy thành hai lẽ, sự nhận thấy như đường rẽ hai, sự không quyết một, sự tính vớ vẩn, suy xét lừng chừng, sự không thể dứt khoát, sự sần sượng của tâm, sự tràn lan của tánh. Những trạng thái như thế gọi là hoài nghi triền. (Dhs. 724).

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu hoài nghi:

- Trạng thái là tư cách hoài nghi (saṃsayalakkhaṇā).

- Phận sự là làm cho rung động, lo sợ đối với cảnh (kampanarasā).

- Thành tựu là không thể quyết đoán (anicchayapaccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là tác ý không khéo (ayonisomanasikārapadaṭṭhānā).

Dứt phần giải sở hữu bất thiện

___o0o___

III. Sở Hữu Tịnh Hảo (Sobhaṇacetasika)

(A) Sở Hữu Tịnh Hảo Biến Hành (Sobhaṇasādhāranacetasika)

§6. Saddhā sati hirī ottappaṃ alobho adoso tatramajjhattatā kāyapassaddhi cittapassaddhi kāyalahutā cittalahutā kāyamudutā cittamudutā kāyakammaññatā cittakammaññatā kāyapāguññatā cittapāguññatā kāyujukatā cittujukatā ceti ekūnavīsatime cetasikā sobhanasādhāraṇā nāma.

Tín, niệm, tàm, úy, vô tham, vô sân, trung bình, tịnh thân, tịnh tâm, khinh thân, khinh tâm, nhu thân, nhu tâm, thích thân, thích tâm, thuần thân, thuần tâm, chánh thân, chánh tâm. Mười chín sở hữu tâm này gọi là sở hữu tịnh hảo biến hành.

Sobhaṇasādhāranacetasika khi chiết tự thì là sobhaṇa + sādhārana + cetasika.

- Sobhaṇa = yên tịnh, tốt, đẹp đẽ, không có tội lỗi, tịnh hảo.

- Sādhārana = phổ thông, phổ quát, cùng khắp, biến hành.

- Cetasika = sở hữu tâm.

Khi gom hai phần lại Sobhaṇasādhāranacetasika = sở hữu có sự đẹp đẽ, không tội lỗi khắp cả (các tâm), hay sở hữu tịnh hảo biến hành.

Mười chín (19) sở hữu tịnh hảo này phối hợp chung với tất cả tâm tịnh hảo.

(1) Saddhā = tín, tin.

(2) Sati = niệm, biết theo, sự lưu tâm, sự chú tâm, không lơ đãng,...

(3) Hirī = tàm, có hổ thẹn.

(4) Ottappa = úy, có ghê sợ.

(5) Alobha = vô tham, không bỏn xẻn, rộng lượng.

(6) Adosa = vô sân, thiện chí.

(7) Tatramajjhattatā = trung bình, quân bình danh pháp.

(8) Kāya-passaddhi = tịnh thân, sự yên của (sở hữu) danh pháp câu sanh.

(9) Citta-passaddhi = tịnh tâm, sự yên của tâm.

(10) Kāya-lahutā = khinh thân, sự nhẹ nhàng của danh pháp câu sanh.

(11) Citta –lahutā = khinh tâm, sự nhẹ nhàng của tâm.

(12) Kāya-muditā = nhu thân, sự mềm mại của danh pháp câu sanh.

(13) Citta-muditā = nhu tâm, sự nhẹ nhàng của tâm.

(14) Kāya-kammaññatā = thích thân, sự thích nghi hay thích ứng của danh pháp câu sanh.

(15) Citta-kammaññatā = thích tâm, sự thích nghi hay thích ứng của tâm.

(16) Kāya-paguññatā = thuần thân, sự thuần thục của danh pháp câu sanh.

(17) Citta-paguññatā = thuần tâm, sự thuần thục của tâm.

(18) Kāyujjukatā = chánh thân, tính ngay thẳng của danh pháp câu sanh.

(19) Cittujjukatā = chánh tâm, tính ngay thẳng của tâm.

Giải thích:

(1) Saddhā (tín) (Sam, tốt; + căn dah, thiết lập, đưa vào, đặt, để, dùng)

Tín (saddhā) được thiết lập hay tin vào Tam bảo (ti-ratana); tức là, Phật (Buddha), Pháp (Dhamma), Tăng (Saṅgha). Hay tín (saddhā) là sự tín ngưỡng hay đức tin trong sạch với nhân vật, pháp lý đáng tin.

Chánh tín có 4: 1 là tin nghiệp (kammasaddhā), 2 là tin quả của nghiệp (vipākasaddhā), 3 là tin nghiệp riêng của mỗi người (kammassakatāsaddhā), 4 là tin sự giác ngộ của Đức Như Lai (tathāgatābodhisaddhā).

Khi người Phật tử quy y Tam bảo, đức tin của vị ấy phải hiểu lý do và căn nguyên. Vị ấy được yêu cầu nghiên cứu và kiểm tra đối tượng đức tin của bản thân. Một đức tin Phật giáo không đi ngược lại sự tìm hiểu về tâm linh; bất cứ sự ngờ vực nào về những pháp mơ hồ đều được khuyến khích tìm hiểu chúng.

Tín (saddhā) được ví như ‘ngọc lục bảo’ vô song của vua chuyển luân. ‘Ngọc lục bảo’ này khi đặt trong nước bẩn ấm, nó làm cho tất cả những cặn bã được lắng xuống và hơi ấm được thoát ra, để lại làn nước mát và tinh khiết. Cũng như thế, khi tín (saddhā) phối hợp với tâm (citta), tất cả pháp phiền não như tham (lobha), sân (dosa), si (moha) tan biến với thành tựu là tâm trở nên trong sạch và mát mẻ.

Tín (saddhā) cũng được ví như bàn tay có thể nắm lấy đá quí, nếu một chúng sanh may mắn được lên một ngọn núi đầy những đá quí. Thật ra, vị ấy khi được tiếp xúc với giáo lý của Đức Phật thì còn may mắn hơn là lên ngọn núi châu báu. Bởi vì người với tín (saddhā) có thể đạt được những quả phúc quí giá hơn châu báu. Một người không có tay không thể nắm giữ được những đá quí, cũng thế, người không có tín (saddhā) không thể đạt được những quả phúc.

Si (moha) là pháp dẫn đầu những sở hữu tâm (cetasika) bất thiện. Tín (saddhā) là pháp dẫn đầu những sở hữu tịnh hảo (sobhaṇa cetasika). Đây là châu báu quí giá nhất, là 1 trong 5 quyền (indriya) và 5 lực (bala).

Katamaṃ tasmiṃ samaye saddhindriyaṃ hoti? Yā tasmiṃ samaye saddhā saddahanā okappanā abhippasādo saddhā saddhindriyaṃ saddhābalaṃ-idaṃ tasmiṃ samaye saddhindriyaṃ hoti. (Dhs. 27)

Tín quyền trong khi có ra sao? Khi nào có đức tin, thái độ tín ngưỡng, sự quyết tin, sự rất tín trọng, tín lực, tín quyền, tức là đức tin có trong khi nào, thì tín quyền vẫn có trong khi ấy.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu tín:

- Trạng thái là tin Tam bảo, nghiệp quả đời này và đời sau (saddhāhana-lakkhaṇā).

- Phận sự là tín ngưỡng Tam bảo (pasādanarasā).

- Thành tựu là tâm không dơ bẩn (akālussiyapaccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có nhân vật đáng tín ngưỡng (saddheyyavatthupadaṭṭhānā).

(2) Sati (niệm)[82] (bắt nguồn từ căn sar, nhớ, biết theo)

‘Sati’ là ‘niệm’, lưu tâm, nhớ đặng, nhớ ghi, tỉnh táo, hay biết theo pháp đang diễn tiến. Trạng thái chính của ‘niệm’ là ‘không trôi đi’, tức là, không cho phép không hay biết pháp đang diễn tiến. Khi một người không có đủ ‘niệm’, vị ấy không nhớ những điều được thấy hay nghe; như những cái nồi và những trái bí ngô rỗng trôi đi trên dòng nước.[83]

Có 4 câu Phật ngôn: 1 là niệm pháp tỉnh của đời, 2 là người có niệm hằng đặng tiến hoá, 3 là người có niệm được hưởng an vui, 4 là người có niệm thời hằng ngày đặc biệt.

Với ‘niệm – sati’, chúng sanh có thể nhớ lại những sự kiện ở quá khứ. Niệm (sati) có thể được tu tập, phát triển. Khi ‘niệm’ được phát triển cao độ, vị ấy đạt được sức mạnh nhớ về những kiếp quá khứ. Do đó, niệm (sati) có phận sự nhớ.

Đức Phật nhắc nhở các đệ tử mỗi ngày không quên những nghiệp thiện và luôn nhớ thực hiện tâm nguyện phấn đấu để thoát khỏi tất cả khổ.

Nếu một người luôn ‘niệm’ hay ‘biết theo’ ở 6 cửa, ‘ghi nhớ’ những gì mà vị ấy quan sát chỉ là ‘thấy, thấy’ hay ‘nghe, nghe’, v.v… vị ấy có thể ngăn chặn những phiền não thâm nhập tâm. Trong ý nghĩa này, niệm (sati) được ví như người gác cổng ngăn chặn những kẻ trộm cướp không cho thâm nhập vào thành phố.

Niệm (sati) cũng là 1 trong 5 pháp quyền, là 1 trong 5 pháp lực, là 1 trong 7 giác chi (bojjhaṅga) và là chi thứ bảy trong 8 Thánh đạo.

Katamaṃ tasmiṃ samaye satindriyaṃ hoti? Yā tasmiṃ samaye sati anussati paṭissati sati saraṇatā dhāraṇatā apilāpanatā asammussanatā sati satindriyaṃ satibalaṃ sammāsati-idaṃ tasmiṃ samaye satindriyaṃ hoti.

Niệm quyền trong khi có ra sao? Khi nào có niệm, phụ niệm, hồi quang, nhớ đặng, thường nhớ, vẫn nhớ, không lơ đãng, không quên, niệm quyền tức là niệm, niệm lực, chánh niệm. Đó là vẫn có niệm quyền trong khi ấy. (Dhs. 29)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu niệm:

- Trạng thái là cách tâm không lơ lãng (apilāpanalakkhaṇā) hay cách nhớ đặng luôn luôn (anussaraṇalakkhaṇā).

- Phận sự là không lẫn lộn, không quên cảnh (asammosarasā).

- Thành tựu là không cho cảnh xa lìa tâm, bảo hộ, giữ gìn tâm và cảnh (ārakkha-paccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có sự nhớ chắc (thirasaññāpadaṭṭhānā) hay tứ niệm xứ (satipaṭṭhāna-padaṭṭhānā).

17 nẻo sanh niệm:

1) Niệm phát sanh do hiểu biết (abhijānatosati): là những sự vật, nghĩa lý đã từng quen, khi gặp, lúc cần dùng thì những cách hiểu biết ấy phát hiện nơi tâm rất dễ.

2) Niệm phát sanh do gom góp (kuṭumbikāyasati): là những vật gom góp để vào một chỗ thì tâm đặng chú ý nhiều lần, nên khi cần đến, nhớ ngay lại liền nơi chỗ ấy hay là như tiền dồn hết trong túi, khi dùng thò tay vào túi lấy ra có liền.

3) Niệm phát sanh do thức thô (oḷārikaviññāṇatosati): là do tâm hoạt động thô như là: Nóng giận, buồn nhớ hay thất tình, hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, cụ, rất mạnh nhớ lại cái gì đã qua hoặc hiện tại. Nhưng cũng có khi nhớ đến sự này sự nọ, như giận này nhớ đến oán thù khi xưa.

4) Niệm phát sanh do vật chạm thức (hitaviññāṇatosati), như khi bị đánh là ta đau ta biết ta đau. Hoặc gặp cảnh xúc thích hợp sướng thân thì ta biết ta sướng, hay là nhớ lại sự sướng, sự đau như thế nào.

5) Niệm phát sanh do không vật chạm thức (ahitaviññāṇatosati) như là khi nhớ đến vật này, vật nọ, chớ khỏi lo thân đụng chạm chi cả.

6) Niệm phát sanh do đồng ấn chứng (sabhāganimittatosati), như gặp nhân vật tương tự như nhân vật đã gặp thì nhớ đến nhân vật thường quen.

7) Niệm phát sanh do ly ấn chứng (visabhāganimittatosati) như là sự vật ta đã thường quen, dù cách xa nhau trải qua bao lâu có khi khỏi gặp sự vật tương tự mà cũng nhớ lại.

8) Niệm phát sanh do hứa (kathābhiññāṇatosati), như là đã có hứa hẹn, lúc đến giờ dễ nhớ lại ngay.

9) Niệm phát sanh do nêu (lakkhaṇatosati), tức là làm dấu, sau gặp liền nhớ.

10) Niệm phát sanh nhờ nhắc nhở (saranatosati), như là những sự vật đã qua ta không đặng nhớ, nhờ kẻ khác nhắc giùm liền nhớ lại đặng.

11) Niệm phát sanh do đầu đề (muddhatosati), như là ta thấy đầu đề nhớ đặng cả bài.

12) Niệm phát sanh do đếm tính (gaṇanatosati), như là những sự vật mà ta không nhớ được ngay đó, nhờ đếm đi tính lại mới nhớ ra.

13) Niệm phát sanh do thuộc lòng (dhāraṇatosati) là những gì ta đã thuộc nhuần, nhớ đâu đặng đó.

14) Niệm phát sanh do tu tiến (bhāvanātosati), tức là hành tứ niệm xứ rất chuyên môn thì có trớn, cảnh đến niệm liền.

15) Niệm phát sanh do coi bổn (potthakanibandhanatosati), tức là nhờ coi sách mà được nhớ tới những gì ngoài sách ấy có liên quan tới.

16) Niệm phát sanh do cất để (upanikkhepatosati) là những vật cất có trật tự khi muốn lấy rất dễ.

17) Niệm phát sanh do thường quen (anubhūtosati) là những sự vật đã thường làm và gặp rất nhiều lần thì đến lúc hoặc gặp trường hợp vẫn nhớ vật thường quen rất dễ. Sách Trung Hoa có câu: “Thế thượng vô nan sự, đô lai tâm bất chuyên” nghĩa là trên đời không gì khó hết, đối với mọi người đều do tâm không chuyên môn mới thấy ra khó.

Mười bảy nẻo sanh niệm ở trên là từng trường hợp và đủ loại hạng chúng sanh. Còn về phần bậc tu cao, nên cần tìm thực hành:

Nhân trợ sanh niệm giác chi: 1 là niệm-lương tri (sati-sampajañña), 2 là tránh người lẫn và hay quên (muṭṭhassatipuggalaparivajjanatā), 3 là thân cận người có niệm vững vàng (upaṭṭhitassatipuggalasevanatā), 4 là chăm chú với thân tâm hành động (tadadhimuttatā).[84]

(3) Hirī (tàm)[85] (bắt nguồn từ căn hirī)

Tàm (hirī) làm cho chúng sanh chùn lại hay thoái thác vì thấy hổ thẹn trước những ác hạnh (ác nghiệp).

Chúng sanh có tàm (hirī) thoái thác trước những ác pháp ví như lông gà bị co rút trước lửa.

Katamo ca puggalo hirimā: Tattha katamā hiri: Yā hiri hirīyati hirīyitabbena, hirīyati pāpakānaṃ akusalānaṃ dhammānaṃ samāpattiyā, ayaṃ vuccati hiri, imāya hiriyā samannāgato puggalo hirimā.

Người hữu tàm ra sao? Điều kiện hữu tàm ra sao? Thẹn với pháp thành tội ác, như thế gọi là tàm, người có sự hổ thẹn gọi là người hữu tàm. (Puggala paññatti – câu 72)

Katamā tasmiṃ samaye hiri hoti? Yaṃ tasmiṃ samaye hirīyati hirīyitabbena, hirīyati pāpakānaṃ akusalānaṃ dhammānaṃ samāpattiyā - ayaṃ tasmiṃ samaye hiri hoti.(Dhs. 53)

Tàm trong khi có ra sao? Trạng thái hổ thẹn với cách hành động ác xấu đáng hổ thẹn, thái độ hổ thẹn với những pháp tội ác có trong khi nào, thì tàm có trong khi ấy.

Tàm (hirī) đối lập với vô tàm (ahirika) là pháp phạm vào bất cứ ác pháp nào không hề ăn năn, hối hận dù nhỏ nhất.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu tàm:

- Trạng thái là thoái thác[86] với cách làm tội (pāpatojigucchanalakkhaṇā).

- Phận sự là không làm tội (pāpānaṃ akaraṇarasā).

- Thành tựu là ngần ngại với tội lỗi (pāpatosaṅkocanapaccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là biết trọng mình (attagāravapadaṭṭhānā).

(4) Ottappa (úy)[87] (bắt nguồn từ o + căn tap)

Úy (ottappa) là sự ghê sợ hành theo ác pháp, bởi vì ý thức được sự đa dạng của những ác quả.

Tàm (hirī) khác với sự nhút nhát thông thường, úy (ottappa) khác với sự sợ hãi thông thường của chúng sanh. Một Phật tử không phải sợ hãi bất cứ cá thể nào, cho dù là một vị trời, Phật giáo không dựa trên sự sợ hãi của vô minh.

Katamo ca puggalo ottappī: Tattha katamaṃ ottappaṃ: Yaṃ ottappati ottappitabbena, ottappati pāpakānaṃ akusalānaṃ dhammānaṃ samāpattiyā, idaṃ vuccati ottappaṃ. Iminā ottappena samannāgato puggalo ottappī.

Người hữu úy ra sao? Điều kiện hữu úy ra sao? Pháp nào mà ghê sợ sự vật đáng ghê sợ bằng lối phải đến tội ác, ghê sợ như thế gọi là điều kiện úy. Nếu ai bỏ được sự ghê sợ như thế gọi là người hữu úy. (Puggala paññatti – câu 72)

Katamaṃ tasmiṃ samaye ottappaṃ hoti? Yaṃ tasmiṃ samaye ottappati ottappitabbena, ottappati pāpakānaṃ akusalānaṃ dhammānaṃ samāpattiyā - idaṃ tasmiṃ samaye ottappaṃ hoti. (Dhs. 54)

Úy trong khi có ra sao? Trạng thái ghê sợ với hành động ác xấu đáng ghê sợ, thái độ ghê sợ với những tội ác có trong khi nào, thì úy vẫn có trong khi ấy.

Úy (ottappa) đối lập với vô úy (anottappa) và là pháp có thể khơi nguồn cho những phần pháp sau. Tàm (hirī) sinh khởi với sự tôn trọng tự thân, trong khi úy (ottappa) sinh khởi với sự tôn trọng tha nhân. Giả sử có một gậy sắt, một đầu của cây gậy được đốt nóng cho đến khi cháy đỏ và đầu còn lại bị dính những chất bẩn, có người không dám chạm vào một đầu gậy do ghê tởm và không dám chạm vào đầu gậy còn lại do ghê sợ. Tàm (hirī) được ví như trường hợp trước và úy (ottappa) được ví như trường hợp sau.

Tàm (hirī) và úy (ottappa), ngăn chúng sanh khỏi những thú tính, không cho phép xảy ra những hành vi ác xấu như là việc quan hệ tình dục giữa mẹ và con trai, hay giữa cha và con gái v.v… cho dù vào thời điểm kém văn minh nhất. Do đó, tàm (hirī) và úy (ottappa) được gọi là Lokapāla dhamma, tức là pháp hộ trì thế gian.[88]

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu úy:

- Trạng thái là ghê sợ với tội (pāpa uttāsanalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là không làm tội (pāpānaṃ akaraṇarasaṃ).

- Thành tựu là sự ngần ngại với tội (pāpatosaṅkocanapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là tôn trọng người (paragāravapadaṭṭhānaṃ).

(5) Alobha (vô tham)[89]

Vô tham (alobha) là không ham muốn, không nhiễm đắm và không chấp cứng với cảnh. Vô tham (alobha) là pháp không dính mắc vào vật dục và không ích kỷ là trạng thái chính của vô tham (alobha), trái ngược với tham (lobha). Ví như giọt nước chảy khỏi lá sen mà không dính lá sen. Vô tham (alobha) thoát khỏi những vật dục mà không dính hay bám vào chúng; ví như một vị Arahaṃ (Arahat) là người hoàn toàn không tham.

Khi chúng sanh không dính mắc vào tài sản của mình, vị ấy có thể xả thí tiền, xả thí vật chất cho việc từ thiện. Vô tham (alobha) thể hiện qua hình thức rộng lượng hay hào phóng.

Vô tham (alobha) đối lập với tham (lobha) và có thể khắc chế tham (lobha). Vô tham (alobha) là một trong ba căn thiện, là một đức hạnh tốt liên quan đến lòng vị tha.

Katamo tasmiṃ samaye alobho hoti? Yo tasmiṃ samaye alobho alubbhanā alubbhitattaṃ asārāgo asārajjanā asārajjitattaṃ anabhijjhā alobho kusalamūlaṃ - ayaṃ tasmiṃ samaye alobho hoti. (Dhs. 47)

Vô tham trong khi có ra sao? Khi nào có vô tham là trạng thái không ham muốn, không nhiễm đắm, không tham ác, không mong mỏi, không tham vọng, cách không tham, hành vi không tham, tức là căn thiện vô tham. Như thế gọi là vô tham vẫn có trong khi ấy.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu vô tham:

- Trạng thái là không ham muốn cảnh (agedhalakkhaṇo) hay là không mắc dính theo cảnh (alaggabhāvalakkhaṇo) như một giọt nước trên lá sen.

- Phận sự là không chấp cứng (apariggaharaso).

- Thành tựu là không dính mắc cảnh đáng ưa thích (anallīnapaccupaṭṭhāṇo).

- Nhân cận là tác ý khéo (yonisomanasikārapadaṭṭhāno).

(6) Adosa (vô sân)[90] hay mettā (từ) (bắt nguồn từ căn mid)

Vô sân (adosa) là không giận, không buồn, không khóc lóc. Vô sân (adosa) là pháp đối lập với sân (dosa) và có thể khắc chế sân (dosa), còn gọi là từ (mettā). Vô sân không chỉ thiếu vắng sự ganh ghét hay ác cảm, mà còn là một đức hạnh tốt.

Sân (dosa) có trạng thái thô lỗ, cứng sượng và ác độc, trong khi trạng thái của vô sân (adosa) là tính nhu mì và sự bao dung. Sân (dosa) ví như kẻ thù, trong khi vô sân (adosa) ví như một người bạn tốt dễ chịu. Vô sân (adosa) cũng được xem như thiện chí với bản chất thiện và lợi ích của nó.

Khi nào vô sân (adosa) hướng sự chú ý đến chúng sanh, cầu mong cho họ đặng hạnh phúc, khi ấy vô sân được gọi là ‘mettā’, tức là ‘từ’ hay lòng trắc ẩn.

Vô sân (adosa) cũng là một trong ba căn thiện.

Katamo tasmiṃ samaye adoso hoti? Yo tasmiṃ samaye adoso adussanā adussitattaṃ[91] avyāpādo avyāpajjho adoso kusalamūlaṃ - ayaṃ tasmiṃ samaye adoso hoti.

Vô sân trong khi có ra sao? Khi nào không có sự giận dỗi, không hờn, không tức mình, không tính hại, không nghĩ đến sự ác độc tức là căn thiện vô sân. Như thế gọi là vô sân có trong khi ấy. (Dhs. 48)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu vô sân:

- Trạng thái là không hung ác (acaṇdikkalakkhaṇo) hay là không phẫn nộ (avirodha-lakkhaṇo).

- Phận sự là không gây thù oán, không nóng nảy (āghātapariḷāhavinayaraso).

- Thành tựu là trong trẻo như trăng rằm (sammabhāvapaccupaṭṭhāna).

- Nhân cận là tác ý khéo (yonisomanasikārapadaṭṭhāno).

(7) Tatramajjattatā (trung bình) (Vsm. XIV- Uẩn Xiển Minh)

Trung bình (tatramajjattatā) có trạng thái chính của tatramajjattatā là nhìn hay quan sát cảnh vô tư, không thiên vị, ‘giữ tất cả các pháp quân bình’, điều hòa những pháp đồng sanh cho bằng với nhau không thái quá bất cập hay chênh lệch so le, tức là dung hòa các pháp đi chung.

Trung bình được ví như người đánh xe ngựa điều khiển hai con ngựa thuần thục chạy đồng bước. Nó cũng đóng vai trò như người chủ tọa của buổi họp trao cơ hội công bằng đến những cộng sự. Trung bình giúp quân bình tâm (citta) và những sở hữu tâm (cetasika) câu sanh cùng hành động nhịp nhàng, ngăn chặn bất cứ sự vượt trội quá mức hay lui sụt kém cỏi nào.

Với ý nghĩa bình thản, nó thường được gọi là xả (upekkhā), là trạng thái trung bình giữa bi (karuṇā) và tùy hỷ (muditā). Upekkhā này (tức là tatramajjattatā) nuôi dưỡng chân giá trị của 1 trong 7 bojjhaṅga (giác chi). Nó khác với xả thọ (upekkhā vedanā).

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu trung bình:

- Trạng thái là cách dìu dắt, quân bình những pháp đồng sanh (samavāhita-lakkhaṇā).

- Phận sự là ngăn pháp hợp nhau không cho thái quá bất cập (unādhikatānīvaraṇarasā).

- Thành tựu là trung bình đối với cảnh (majjhattabhāvapaccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có chư pháp tương ưng (sampayuttadhammapadaṭṭhānā).

(8, 9) Kāya-passaddhi citta-passaddhi (Dhs. 55, 56) (Passambh + ti = passadhti = passaddhi)

Tịnh thân và tịnh tâm. Ở đây ‘kāya’ không có nghĩa là ‘thân thể’; mà chỉ cho nhóm sở hữu (danh pháp câu sanh với tâm).

Passaddhi là sự yên tịnh, sự yên lặng, sự yên tĩnh, sự thanh bình.

Cũng thế, kāya-passaddhi (tịnh thân) là sự yên tịnh của những sở hữu hay những danh pháp câu sanh, trong khi citta-passaddhi (tịnh tâm) là sự yên tịnh của tâm (citta).

Từ passaddhi (yên tịnh) cho đến ujjukatā (chánh) có 6 đôi cetasika (sở hữu tâm) đi với kāya (thân) và citta (tâm). Lý do Đức Phật trình bày những pháp này theo đôi là vì chúng cùng nhau sinh khởi và chúng cùng kháng lại những pháp đối lập với chúng.

Trường hợp của saddhā (tín), sati (niệm), hirī (tàm), v.v…, được trình bày đơn lẻ bởi do chỉ mỗi pháp ấy có thể kháng lại pháp đối lập với chúng.

Với citta passaddhi (tịnh tâm), chỉ có tâm yên tịnh. Với kāya-passaddhi (tịnh thân), không chỉ là những sở hữu tâm (những danh pháp câu sanh) yên tịnh, nhưng thân cũng yên tịnh do sự lan truyền của sắc tâm thiện, đó là tâm trợ duyên cho sắc pháp sanh.

Passaddhi có đặc điểm chính là ngăn hay làm giảm sự sôi nổi của sự sân giận. Nó đóng vai trò như bóng mát của một cây đến người bị tác động bởi nhiệt mặt trời.

Passaddhi (yên tịnh) đối lập với kukkucca (hối hận). Khi phát triển cao độ, passaddhi trở thành một chi của giác ngộ (bojjhaṅga).[92]

Katamā tasmiṃ samaye kāyapassaddhi hoti? Yā tasmiṃ samaye vedanākkhandhassa saññākkhandhassa saṅkhārakkhandhassa passaddhi paṭippassaddhi[93] passambhanā paṭippassambhanā[94] paṭippassambhitattaṃ[95] ayaṃ tasmiṃ samaye kāyapassaddhi hoti.

Tĩnh[96] thân trong khi có ra sao? Trạng thái tĩnh, tự yên, tự tĩnh, thái độ tĩnh, cách tự yên tĩnh của thọ uẩn, tưởng uẩn và hành uẩn có trong khi nào, thì tĩnh thân có trong khi ấy. (Dhs. 55)

Katamā tasmiṃ samaye cittapassaddhi hoti? Yā tasmiṃ samaye viññāṇakkhandhassa passaddhi paṭippassaddhi passambhanā paṭippassambhanā paṭippassambhitattaṃ - ayaṃ tasmiṃ samaye cittapassaddhi hoti.

Tĩnh tâm trong khi có ra sao? Trạng thái tĩnh, tự yên, tự tĩnh, thái độ tĩnh, cách tự yên tĩnh của thức uẩn có trong khi nào, thì tĩnh tâm có trong khi ấy. (Dhs. 56)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu tịnh thân và tịnh tâm:

- Trạng thái là yên tịnh của sở hữu tâm và tâm, lìa sự động của phiền não (kāyacittadaratha-vūpasamalakkhaṇā).

- Phận sự là sở hữu tâm và tâm bài trừ cách hành động của phiền não (kāyacittadaratha-nimmaddanarasā).

- Thành tựu là sở hữu tâm và tâm yên tịnh, mát mẻ (kāyacittānaṃsantasātala-paccupaṭṭhāṇā).

- Nhân cận là có sở hữu tâm và tâm (kāyacittapadaṭṭhānā).

(10, 11) Kāya-lahutā và citta-lahutā (Dhs. 57, 58)

Lahutā (khinh) là sự nhẹ nhàng hay nhanh nhẹn. Trạng thái chính của kāya-lahutā (khinh thân) là ngăn chặn sự nặng nề của những danh pháp câu sanh (sở hữu tâm); trạng thái chính của citta-lahutā (khinh tâm) là ngăn chặn sự nặng nề của tâm. Nó là sự đặt gánh nặng xuống.

Kāya lahutācitta-lahutā (khinh thân và khinh tâm) đối lập với thīnamiddha (hôn trầm và thùy miên) là những pháp gây ra sự nặng nề và cứng sượng cho những danh pháp câu sanh (sở hữu tâm và tâm).

Katamā tasmiṃ samaye kāyalahutā hoti? Yā tasmiṃ samaye vedanākkhandhassa saññākkhandhassa saṅkhārakkhandhassa lahutā lahuparināmatā adandhanatā avitthanatā - ayaṃ tasmiṃ samaye kāyalahutā hoti.

Khinh thân trong khi có ra sao? Sự nhẹ nhàng, cách thay đổi nhẹ nhàng, không nặng nề, không sần sượng của thọ uẩn, tưởng uẩn và hành uẩn có trong khi nào thì khinh thân có trong khi ấy. (Dhs. 57)

Katamā tasmiṃ samaye cittalahutā hoti? Yā tasmiṃ samaye viññāṇakkhandhassa lahutā lahuparināmatā adandhanatā avitthanatā - ayaṃ tasmiṃ samaye cittalahutā hoti.

Khinh tâm trong khi có ra sao? Sự nhẹ nhàng, cách thay đổi nhẹ nhàng, không nặng nề, không sần sượng của thức uẩn có trong khi nào, thì khinh tâm vẫn có trong khi ấy. (Dhs. 58)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu khinh thân và khinh tâm:

- Trạng thái là nhẹ nhàng sở hữu tâm và tâm không nặng nề (kāyacittagarubhāvavūpasama-lakkhaṇā).

- Phận sự là sở hữu tâm và tâm bài trừ sự nặng nề (kāyacittagarubhāvanimmaddanarasā).

- Thành tựu là sự không đình trệ của sở hữu tâm và tâm (kāyacittānaṃ adandhatāpaccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có sở hữu tâm và tâm (kāyacittapadaṭṭhāṇā).

(12, 13) Kāya-mudutā và citta-mudutā (Dhs. 59, 60)

Kāya-mudutā (nhu thân) và citta-mudutā (nhu tâm). Hai sở hữu tâm (cetasika) này chỉ cho sự mềm dẻo, linh hoạt của những danh pháp câu sanh (sở hữu tâm và tâm) theo thứ tự.

Chúng loại trừ tính cứng trong tâm gây ra bởi những sở hữu bất thiện như diṭṭhi (tà kiến) và māna (ngã mạn).

Mudutā (nhu) được ví như sự mềm dẻo của da khi được chăm sóc tốt bằng cách thoa dầu, nước v.v… mudutā (nhu) là pháp đối lập với tà kiến và ngã mạn.

Katamā tasmiṃ samaye kāyamudutā hoti? Yā tasmiṃ samaye vedanākkhandhassa saññākkhandhassa saṅkhārakkhandhassa mudutā maddavatā akakkhaḷatā akaṭhinatā - ayaṃ tasmiṃ samaye kāyamudutā hoti. (Dhs. 59)

Nhu thân trong khi có ra sao? Sự mềm, sự dịu, không cứng, không kiên ngạnh của thọ uẩn, tưởng uẩn và hành uẩn có trong khi nào, thì nhu thân có trong khi ấy.

Katamā tasmiṃ samaye cittamudutā hoti? Yā tasmiṃ samaye viññāṇakkhandhassa mudutā maddavatā akakkhaḷatā akaṭhinatā - ayaṃ tasmiṃ samaye cittamudutā hoti.

Nhu tâm trong khi có ra sao? Sự mềm, sự dịu, không cứng, không kiên ngạnh của thức uẩn có trong khi nào, thì nhu tâm có trong khi ấy. (Dhs. 60)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu nhu thân và nhu tâm:

- Trạng thái là mềm dịu của sở hữu tâm và tâm (kāyacittathoddhatāsama-lakkhaṇā).

- Phận sự là hạn chế cách cứng cỏi, sượng sần của sở hữu tâm và tâm (kāyacittathaddhabhāvanimaddanarasā).

- Thành tựu là sở hữu tâm và tâm không uể oải (appaṭighātapaccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có sở hữu tâm và tâm (kāyacittapadaṭṭhānā).

(14, 15) Kāya-kammaññatā và citta-kammaññatā (Dhs. 61, 62) (Kamma + nya + tā = Kammanyatā = Kammaññyatā)

Thích thân (kāya-kammaññatā) và thích tâm (citta-kammaññatā), hai sở hữu tâm này chỉ cho khả năng thích ứng của những danh pháp câu sanh (sở hữu tâm và tâm) và tính tốt đẹp trong việc thực hiện nhiệm vụ của chúng.

Trạng thái chính của chúng là ngăn ngừa sự không thích ứng hay không thể làm của tâm (citta) và những sở hữu.

Như được nêu trong chú giải bộ Pháp Tụ rằng hai sở hữu tâm (cetasika) này làm yên tịnh (pasāda), thuận lợi trong các pháp lợi ích và có thể thích nghi như vàng ròng.

Katamā tasmiṃ samaye kāyakammaññatā hoti? Yā tasmiṃ samaye vedanākkhandhassa saññākkhandhassa saṅkhārakkhandhassa kammaññatā kammaññattaṃ kammaññabhāvo - ayaṃ tasmiṃ samaye kāyakammaññatā hoti.

Thích thân trong khi có ra sao? Sự thích hợp với việc làm, cách thích hợp với việc làm, trạng thái thích hợp việc làm của thọ uẩn, tưởng uẩn và hành uẩn có trong khi nào, thì thích thân có trong khi ấy. (Dhs. 61)

Katamā tasmiṃ samaye cittakammaññatā hoti? Yā tasmiṃ samaye viññāṇakkhandhassa kammaññatā kammaññattaṃ kammaññabhāvo - ayaṃ tasmiṃ samaye cittakammaññatā hoti.

Thích tâm trong khi có ra sao? Sự thích hợp với việc làm, cách thích hợp với việc làm, trạng thái thích hợp việc làm của thức uẩn có trong khi nào, thì thích tâm vẫn có trong khi ấy. (Dhs. 62)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu thích thân và thích tâm:

- Trạng thái là sở hữu tâm và tâm không lìa cách thích hợp công việc thiện (kāyacitta akam-maññatāsamalakkhaṇā).

- Phận sự là sở hữu tâm và tâm bài trừ cách không thích hợp với công việc (akammañña-niddhamanarasā).

- Thành tựu là sở hữu tâm và tâm tiếp cảnh đầy đủ (ārammaṇakaraṇasampatti-paccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có sở hữu tâm và tâm (kāyacittapadaṭṭhānā).

(16, 17) Kāya-pāguññatā và citta-pāguññatā (Dhs. 63, 64)

Thuần thân (kāya-pāguññatā) và thuần tâm (citta-pāguññatā) chỉ cho sự thành thạo hay thuần thục của những danh pháp câu sanh (sở hữu tâm và tâm) trong việc làm của chúng. Trạng thái chánh của chúng là ngăn ngừa bệnh hoạn của những danh pháp câu sanh (sở hữu tâm và tâm).

Katamā tasmiṃ samaye kāyapāguññatā hoti? Yā tasmiṃ samaye vedanākkhandhassa saññākkhandhassa saṅkhārakkhandhassa paguṇatā paguṇattaṃ paguṇabhāvo - ayaṃ tasmiṃ samaye kāyapāguññatā hoti. (Dhs. 63)

Thuần thân trong khi có ra sao? Sự thuần thục, cách thuần thục, trạng thái thuần thục của thọ uẩn, tưởng uẩn và hành uẩn có trong khi nào, thì thuần thân vẫn có trong khi ấy.

Katamā tasmiṃ samaye cittapāguññatā hoti? Yā tasmiṃ samaye viññāṇakkhandhassa paguṇatā paguṇattaṃ paguṇabhāvo - ayaṃ tasmiṃ samaye cittapāguññatā hoti.

Thuần tâm trong khi có ra sao? Sự thuần thục, cách thuần thục, trạng thái thuần thục của tâm có trong khi nào, thì thuần tâm vẫn có trong khi ấy. (Dhs. 64)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu thuần thân và thuần tâm:

- Trạng thái là làm cho bệnh sôi nổi, nóng nảy của sở hữu và tâm đặng yên tịnh (kāyacittagelaññavūpasamalakkhaṇā).

- Phận sự là thủ tiêu nóng nảy của sở hữu tâm và tâm (kāyacitta-gelaññanimaddanarasā).

- Thành tựu là xa lìa tội lỗi, phiền não (nirādīnavapaccupaṭṭhānā) hoặc xa lìa bệnh tà kiến, ngã mạn v.v… (aragayapaccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có sở hữu tâm và tâm (kāyacittapadaṭṭhānā).

(18, 19) Kāyujjukatā và cittujjukatā (Dhs. 65, 66)

Chánh thân (kāyujjukatā) và chánh tâm (cittujjukatā) chỉ cho sự chánh trực, sự thẳng thắn trong những danh pháp câu sanh và tâm theo tuần tự. Do đó, hai pháp này đối lập với sự quanh co, dối trá hay xảo trá với sự ảo tưởng, giả dối (māyā) và sự gian trá (sātheyya).

19 sở hữu tịnh hảo đã nêu trên trở nên dễ thấy đối với người thường thực hiện những hành động như xả thí, trì giới và tham thiền. Khi chúng cùng phối hợp với những tâm tịnh hảo (sobhaṇacitta), những pháp này được gọi là sobhaṇa-sādhāranacetasika (những sở hữu tịnh hảo biến hành).

Katamā tasmiṃ samaye kāyujjukatā hoti? Yā tasmiṃ samaye vedanākkhandhassa saññākkhandhassa saṅkhārakkhandhassa ujutā ujjukatā ajimhatā avaṅkatā akuṭilatā - ayaṃ tasmiṃ samaye kāyujjukatā hoti. (Dhs. 65)

Chánh thân trong khi có ra sao? Sự ngay thẳng, cách ngay thẳng, không cong vạy, không co vẹo của thọ uẩn, tưởng uẩn và hành uẩn có trong khi nào, thì chánh thân có trong khi ấy. (Dhs. 66)

Katamā tasmiṃ samaye cittujjukatā hoti? Yā tasmiṃ samaye viññāṇakkhandhassa ujutā ujjukatā1 ajimhatā avaṅkatā akuṭilatā - ayaṃ tasmiṃ samaye cittujjukatā hoti.

Chánh tâm trong khi có ra sao? Sự ngay thẳng, cách ngay thẳng, không cong vạy, không co vẹo của thức uẩn có trong khi nào, thì chánh tâm vẫn có trong khi ấy.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu chánh thân và chánh tâm:

- Trạng thái là cách chánh trực của sở hữu tâm và tâm (kāyacitta ajjava-lakkhaṇā).

- Phận sự là tiêu diệt cách không chánh trực của sở hữu tâm và tâm (kāyacitta-kuṭilabhāvaniddamanarasā).

- Thành tựu là không vạy vọ (ajimhatāpaccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có sở hữu tâm và tâm (kāyācittapadaṭṭhānā).

Từ sở hữu tín (saddhā) đến sở hữu chánh tâm (cittujukatācetasika) là 19 sở hữu tịnh hảo biến hành (sobhanasādhāraṇa-cetasika) là những sở hữu phối hợp đủ với tất cả tâm tịnh hảo.

(B) Sở Hữu Ngăn Trừ (Virati Cetasika)

§7. Sammāvācā sammākammanto sammāājīvo ceti tisso viratiyo nāma.

Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng. Ba sở hữu tâm này gọi là sở hữu ngăn trừ.

Viraṭi = Vi + căn ram. Ba virati cetasika (sở hữu ngăn trừ phần) được gọi là những sīla maggaṅga (chi đạo giới). Chúng tạo thành sīla sikkhā (học giới) là nền tảng của 8 chi đạo, đó là:

(20) Sammā-vācā = chánh ngữ.

(21) Sammā-kammanta = chánh nghiệp.

(22) Sammā-ajīva = chánh mạng.

Giải thích:

(20) Sammā-vācā (chánh ngữ)

Sammā-vācā (chánh ngữ) có bốn phần, tức là ngăn ngừa khỏi:

1) Musāvādā = nói dối, vọng ngữ.

2) Pisuṇavācā = nói lời đâm thọc, nói hai lưỡi, nói phỉ báng.

3) Pharusavācā = nói lời ác độc, ác ngữ.

4) Samphappalāpa = nói nhảm nhí, vô ích, tạp uế.

Khi chúng sanh đối diện với việc phạm một trong 4 phần trên và vị ấy từ chối việc phạm, vị ấy đạt được sammā-vācā (chánh ngữ) tức thì trong sự ngăn ngừa.

Katamā tasmiṃ samaye sammāvācā hoti? Yā tasmiṃ samaye catūhi vacīduccaritehi ārati virati paṭivirati veramaṇī akiriyā akaraṇaṃ anajjhāpatti velā-anatikkamo setughāto sammāvācā maggaṅgaṃ maggapariyāpannaṃ, ayaṃ tasmiṃ samaye sammāvācā hoti.

Chánh ngữ trong khi có ra sao? Sự chừa bỏ, cách chừa bỏ, càng chừa bỏ, tránh xa không làm, không đá động, không hiệp tác, không phạm đến tứ ác ngữ, chánh ngữ là chi của đạo, trọn liên hệ trong đạo, lời nói chơn chánh có trong khi nào, thì chánh ngữ có trong khi ấy. (Dhs. 218)

(21) Sammā-kammanta (chánh nghiệp)

Sammā-kammanta (chánh nghiệp) ở đây nghĩa là thân hành động ngăn ngừa khỏi:

(1) Pāṇātipātā = sát, giết (chúng sanh).

(2) Adinnādānā = trộm cắp.

(3) Kāmesu Michhācārā = tà dâm.

Và nữa, khi chúng sanh đối diện với việc phạm một trong những ác hạnh trên mà từ chối việc phạm, vị ấy đạt được sammā-kammanta (chánh nghiệp) tức thì trong sự ngăn ngừa.

Katamo tasmiṃ samaye sammākammanto hoti? Yā tasmiṃ samaye tīhi kāyaduccaritehi ārati virati paṭivirati veramaṇī akiriyā akaraṇaṃ anajjhāpatti velā-anatikkamo setughāto sammākammanto maggaṅgaṃ maggapariyāpannaṃ, ayaṃ tasmiṃ samaye sammā kammanto hoti. (Dhs. 219)

Chánh nghiệp trong khi có ra sao? Sự chừa bỏ, cách chừa bỏ, càng chừa bỏ, tránh xa, không làm, không đá động, không hiệp tác, không phạm ba thân ác hạnh, chánh nghiệp là chi của đạo, trọn liên hệ trong đạo, hành động chơn chánh có trong khi nào, thì chánh nghiệp có trong khi ấy.

(22) Sammā-ājīva (chánh mạng)

Sammā-ājīva (chánh mạng) nghĩa là kiêng khem, từ chối nghề mà mang lại sự tai hại cho chúng sanh khác, như là mua bán vũ khí, chúng sanh, chất say và chất độc cũng như sự giết hại, câu cá, nghiệp binh đao, gian dối lừa lọc, bói toán, lừa đảo, v.v…

Katamo tasmiṃ samaye sammā-ājīvo hoti? Yā tasmiṃ samaye micchāājīvā ārati virati paṭivirati veramaṇī akiriyā akaraṇaṃ anajjhāpatti velā-anatikkamo setughāto sammā-ājīvo maggaṅgaṃ maggapariyāpannaṃ, ayaṃ tasmiṃ samaye sammā-ājīvo hoti.

Chánh mạng trong khi có ra sao? Sự chừa bỏ, cách chừa bỏ, càng chừa bỏ, tránh xa không làm, không đá động, không hiệp tác, không phạm tà mạng, chánh mạng là chi của đạo, trọn liên hệ trong đạo, sự nuôi mạng chơn chánh có trong khi nào, thì chánh mạng có trong khi ấy. (Dhs. 220)

Ba sở hữu trên gọi chung là sở hữu giới phần (viratīcetasika) cùng có 4 ý nghĩa như sau:

- Trạng thái là ngăn trừ khỏi làm thân, khẩu ác (viratīduccarita avītikkamalakkhaṇā).

- Phận sự là thoái thác khỏi thân, khẩu ác (tatosaṅkocanarasā).

- Thành tựu là không đành làm thân, khẩu ác (akiriyapaccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có ân đức tài sản của bậc hiền triết như là tín, niệm, tàm, úy và thiểu dục (saddhāsatihiriottappa appicchatādiguṇapadaṭṭhānā).

Sở hữu giới phần (viraticetasika) phối hợp với 8 tâm đại thiện và 8 hoặc 40 tâm siêu thế. Nhưng đối với tâm siêu thế hợp nhất định và đủ luôn luôn, nên trong văn lục bát nói: “Giới phần mười sáu hiệp chan”. Đối với tâm siêu thế phối hợp nhất định, mỗi lần đều có và đủ ba. Còn phối hợp với đại thiện thì bất định, khi có khi không và hiệp riêng mỗi thứ.

(C) Sở Hữu Vô Lượng (Appamaññā Cetasika) có 2:

§8. Karuṇā muditā appamaññāyo nāmāti sabbathāpi paññindriyena saddhiṃ pañcavīsatime cetasikā sobhanāti veditabbā.

Bi, tùy hỷ gọi là sở hữu vô lượng, với trí quyền. Tất cả thành 25 sở hữu tịnh hảo nên được biết.

(23) Karuṇā = Bi

(24) Muditā = Tùy hỷ

Có bốn trạng thái vô lượng hay vô hạn. Để nêu theo thứ tự thường được tu tập, đó là mettā (từ), karuṇā (bi), muditā (tùy hỷ) và upekkhā (xả).

Hai pháp đã được trình bày ở trên là mettā (từ) được gom trong adosa (vô sân) và upekkhā (xả) trong tatramajjattatā (trung bình). Do đó, chỉ có hai pháp còn lại sẽ được trình bày ở đây.

Trong việc tu tiến bất cứ pháp nào trong bốn vô lượng, chúng ta có thể hướng sự chú tâm đến một chúng sanh hay tất cả chúng sanh trong thế gian. Do đó, những pháp này được gọi là ‘vô lượng’.

- Trong việc tu tiến pháp ‘từ’ (mettā), chúng ta niệm ‘mong cho tất cả đặng sự an vui’.

- Trong việc trau dồi pháp ‘bi’ (karanā), chúng ta niệm ‘mong cho tất cả thoát khỏi những khổ’.

- Trong việc tu tập pháp ‘tùy hỷ’ (muditā), chúng ta hoan hỷ trước sự thành tựu của chúng sanh và niệm ‘mong cho họ đạt được những lợi ích lâu dài’.

- Trong việc tu tiến pháp ‘xả’ (upekkhā), chúng ta duy trì sự quân bình tâm và niệm: ‘Dù cho tất cả chúng sanh như thế nào đều do nghiệp của họ’.

Người nào rải khắp thế gian với pháp từ (mettā), bi (karuṇā), tùy hỷ (muditā) và xả (upekkhā) thì được gọi là sống trong cõi trời hay Phạm thiên. Do đó, bốn vô lượng cũng được gọi là “Brahma-vihāra”, tức là Phạm trú.

Mettā (từ) (bắt nguồn từ căn mid) là thành thật mong những điều tốt đẹp và lợi ích cho tất cả. Nó loại trừ những ác tâm là kẻ thù trực tiếp. Kẻ thù gián tiếp của nó là tình thương (pema). Trạng thái chánh của nó là thái độ nhân từ.

(23) Karuṇā (bi)[97] (căn Kar làm, chế tạo + unā)

“Bi” là cách thương hại, tội nghiệp cho chúng sanh đang và sẽ khổ, tức là không đành để cho chúng sanh chịu những khổ hay là muốn cứu khổ cho chúng sanh. ‘Bi’ làm cho tâm của hiền nhân rung động khi chúng sanh bị đau khổ với nỗi đau; trạng thái chánh là mong nhổ cái khổ của chúng sanh. Nó loại trừ sự hung ác và nguy hại (hiṃsa) là kẻ thù trực tiếp. Kẻ thù gián tiếp là pháp ưu (domanassa).

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu bi:

- Trạng thái là mong muốn chúng sanh khỏi khổ (paradukkhāpanayanākārapavatti-lakkhaṇā).

- Phận sự là không chịu nổi để nhìn coi chúng sanh (ngoài ra ta) chịu khổ (paradukkhāsahanarasā).

- Thành tựu là không ép uổng chúng sanh (ngoài ra ta) (avihiṃsapaccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có chúng sanh thọ khổ (dukkhābhibhūtānaṃ anāthabhāvadassana-padaṭṭhānā).

(24) Muditā (tùy hỷ)[98] (bắt nguồn từ căn mud) không chỉ vui theo, đồng cảm mà còn vui cảm kích, vui theo sự tiến hóa lợi ích phần tốt của người khác như là: Thấy người tạo phước có tâm đồng ý v.v… hay thấy người được hưởng sự vui cao siêu chơn chánh cũng mừng giùm. Trạng thái chính của tùy hỷ là hoan hỷ trước sự thịnh vượng của chúng sanh khác. Kẻ thù trực tiếp của pháp này là pháp ganh tị, tật đố (issā) và kẻ thù gián tiếp là sự vui thích (pahāsa). Tùy hỷ ngoại trừ sự ghét (arati).

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu tùy hỷ:

- Trạng thái là lạc quan với sự yên vui của người khác (pamodanalakkhaṇā).

- Phận sự là không ganh tị với sự yên vui, lợi ích tiến hóa của người khác (anissāyanarasā).

- Thành tựu là phá trừ cái không tùy hỷ (arativighātapaccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có tài sản của người khác (parasampattipadaṭṭhānā) hoặc tốt đẹp hay quyền tước (lakkhidassanapadaṭṭhānā).

Bi và tùy hỷ gồm lại gọi là sở hữu vô lượng phần (appamaññācetasika) nghĩa là đối với vô lượng chúng sanh; chẳng phải chỉ giới hạn nơi một chúng sanh hay trong phần nào có hạn định.

Sở hữu vô lượng phần phối hợp với 8 tâm đại thiện, 8 tâm đại tố và 12 tâm sắc giới câu hành hỷ, không nhất định và đi riêng, nên văn lục bát nêu: “Đẳng phần hai mươi tám hiệp đoàn chẳng dư” (chữ đẳng là văn quyền thế cho chữ vô lượng). Hai sở hữu tâm này hiệp không nhất định và đi riêng.

Upekkhā (xả) hay trung bình (Upa = công bằng, không thiên vị, vô tư, thích đáng + căn ikkh) là đối với tất cả chúng sanh một cách vô tư, công bằng, không thiên vị, dù thương hay ghét. Xả là trạng thái quân bình của tâm. Kẻ thù trực tiếp là tham luyến (rāga) và kẻ thù gián tiếp là không thông minh, không hiểu biết, sự lãnh đạm, thờ ơ. Trạng thái chính của pháp này là thái độ công bằng, vô tư.

(D) Sở Hữu Trí (Pañña)

(25) Trí Quyền (Paññindriya)[99] hay Vô si (Amoha)

Pa = đúng đắn; ñā, biết; paññā, theo nghĩa đen là biết đúng.

Paññā là trí hay sự sáng suốt và indriya là quyền điều hành.

Paññindriya (trí quyền) là cai quản trong phần hiểu biết thấu đáo, tức là phần sáng suốt của tâm hoặc gọi trí hay gọi tuệ (paññā, ñāṇa) cũng là một pháp. Paññindriya (trí quyền) có quyền trong sự hiểu biết thực tính của các pháp như chúng đang là, tức là thấy về aniccā (vô thường), dukkhā (khổ) và anattā (vô ngã). Bởi vì trí khắc chế vô minh, nó được gọi là amoha (vô si, không mê mờ hay tuệ). ‘Trí’ có thể dỡ bỏ màn che của si (moha) khỏi sự vẩn đục pháp nhãn của chúng sanh và loại bỏ sự chìm đắm trong bóng tối do si (moha) hay avijjā (vô minh), nó được gọi là vijjā (minh).

Paññindriya (trí quyền) được gọi theo thông thường là ‘paññā cetasika (sở hữu trí)’. Trong Abhidhamma (Vô Tỷ Pháp), paññā (trí), ñāṇa (tuệ) và amoha (vô si) là đồng nghĩa. Amoha (vô si) là một trong ba căn thiện, là một trong bốn ý nghĩa đạt đến mục đích của chúng sanh iddhipāda (như ý túc), paññā mang tên vīmaṃsā (tuệ phân tích hay thẩm).

Sau khi đã thanh tịnh giới rồi tiến hành tu tập pháp chỉ đạt đến thanh tịnh tâm, paññā (trí) đảm trách vai trò quyền lực của abhiññā (thông hay trí siêu phàm). Khi đã phát triển cao độ, paññā (trí) trở thành một bojjhaṅga (giác chi) dưới tên gọi dhamma vicaya (trạch pháp) và cũng là một chi trong tám Thánh đạo dưới tên gọi là sammā diṭṭhi (chánh kiến). Tột đỉnh của trí là trí toàn tri của Đức Phật.

Katamaṃ tasmiṃ samaye paññindriyaṃ hoti? Yā tasmiṃ samaye paññā (pajānanā) vicayo pavicayo dhammavicayo sallakkhaṇā upalakkhaṇā paccupalakkhaṇā paṇḍiccaṃ kosallaṃ nepuññaṃ vebhavyā cintā upaparikkhā bhurī medhā parināyikā vipassanā sampajaññaṃ patodo paññā paññindriyaṃ paññābalaṃ paññāsatthaṃ paññāpāsādo paññāāloko paññāobhāso paññāpajjoto paññāratanaṃ amoho dhammavicayo sammādiṭṭhi-idaṃ tasmiṃ samaye paññindriyaṃ hoti.

Tuệ quyền trong khi có ra sao? Khi nào có tuệ là sáng suốt, khôn khéo, nhận rõ, hiểu thấu, lương tri, trạch pháp, lựa chọn, nghiên cứu, hiểu biết rõ đặc tính, thấu vi tế, cách trí thức, cách hiểu rành, sự nghĩ ngợi, suy xét rõ, gạn xét, quán xét, lương tri, tuệ như ngọc, tuệ như đèn, tuệ như ánh sáng, tuệ như gươm, tuệ như vũ khí, tuệ như đại địa, tuệ như hoàng cung, tuệ như kẻ dẫn đường, (tuệ trừ tuyệt phiền não), cũng là vô si, tuệ quyền, chánh kiến có trong khi nào, thì tuệ quyền vẫn có trong khi ấy. (Dhs. 31)

Trí, tuệ quyền, chánh kiến, tuệ lực, lương tri, (pháp) quán là pháp bản thể thực tính.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu trí: [100]

- Trạng thái là thông thấu hiểu rõ đúng đắn (yathābhutapaṭivedhalakkhaṇā).

- Phận sự là làm cho cảnh rõ rệt (visayobhāsanarasā).

- Thành tựu là không mê với cảnh (asammohapaccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là tác ý khéo (yonisomanasikārapadaṭṭhānā), hoặc nhân cận là pháp quyền đầy đủ (indriyaparibakatāpadaṭṭhānā), hoặc nhân cận là xa lìa phiền não (kilesaduribhāvapadaṭṭhānā), hoặc nhân cận là tái tục bằng tâm ba nhân (tihetukapaṭisandhikatāpadaṭṭhānā).

40 nhân trợ sanh trí: [Xin xem lại Chương I: Citta (Tâm), Phần - Tâm dục giới tịnh hảo (kāma-sobhaṇa citta)].

Sở hữu bất thiện và sở hữu tịnh hảo không phối hợp với nhau, trong khi sở hữu tợ tha có thể phối hợp với cả sở hữu bất thiện và sở hữu tịnh hảo.

Dứt phần giải sở hữu Tịnh hảo

§9. Ettāvatā ca – Terasaññasamānā ca, cuddasākusalā tathā; sobhanā pañcavīsāti, dvipaññāsa pavuccare.

Đến đây, 13 sở hữu tợ tha, 14 sở hữu bất thiện, 25 sở hữu tịnh hảo, gọi là 52 sở hữu tâm

___o0o___

IV. Sở Hữu Tâm (Cetasika) Phối Hợp (Sampayoga) Với Tâm (Citta)

§10. Tesaṃ cittāviyuttānaṃ, yathāyogamito paraṃ.

Cittuppādesu paccekaṃ, sampayogo pavuccati.

§11. Satta sabbattha yujjanti, yathāyogaṃ pakiṇṇakā.

Cuddasākusalesveva, sobhanesveva sobhanā.

Sự Phối Hợp Của Mỗi Sở Hữu Tâm (Cetasika) Với Những Tâm (Citta) Khác Nhau

Về tổng thể, chúng ta có thể nói rằng:

(i) 7 sabbacitta sādhārana (biến hành tất cả tâm) phối hợp với tất cả tâm.

(ii) 6 pakiṇṇaka (biệt cảnh) phối hợp với một số tâm tịnh hảo và vô tịnh hảo nhất định.

(iii) 14 akusala cetasika (sở hữu bất thiện) chỉ phối hợp với những tâm bất thiện.

(iv) 4 akusala sādhāraṇa (bất thiện biến hành) phối hợp với tất cả tâm bất thiện.

(v) 19 sobhaṇa sādhārana (sở hữu tịnh hảo biến hành) phối hợp với tất cả sobhaṇa citta (tâm tịnh hảo).

(vi) 6 sobhaṇa cetasika (sở hữu tịnh hảo) còn lại chỉ phối hợp với một số tâm tịnh hảo tương ứng.

Một nghiên cứu chi tiết tổng hợp về mỗi cetasika (sở hữu tâm) phối hợp (sampayoga) với những tâm khác nhau, được trình bày trong bảng thống kê ở cuối chương 2 này.

(A) Sở Hữu Tợ Tha Phối Hợp (Aññasamāna Cetasikasampayoganayo)

1. 7 sabbacitta sādhāraṇa (biến hành tất cả tâm) nghĩa là 7 sở hữu biến hành phối hợp được với tất cả tâm. Có Pāḷi chú giải như vầy:

Sabbesaṃ cittānaṃ sādhāraṇāti = sabbacittasādhāraṇā: Hợp với tất cả tâm gọi là biến hành hay biến hành nhất thế tâm, tức là 7 sở hữu biến hành.

2. Vitakka (tầm) là trạng thái tìm cảnh hay đem danh pháp đồng sanh đến cảnh v.v…, phối hợp với 55 tâm gồm có 44 kāma citta (tâm dục giới) [trừ dvipañca viññāṇa - ngũ song thức (10)] và 11 tâm sơ thiền (jhāna). Vì ‘tầm’ (vitakka) là trạng thái đem tâm đến cảnh, 55 tâm này phải có sự kiếm hay đưa tâm đến cảnh, nên phải có sở hữu tầm phối hợp.

Trái lại, ngũ song thức thì bắt cảnh hiện tại ngay như kiếng thâu hình, tức do cảnh (ārammaṇa) đối chiếu hay dội thẳng vào vật (vatthu), không cần có trạng thái tìm hay đưa tâm đến cảnh, tức không có ‘tầm’. Từ nhị thiền trở lên, chi định càng mạnh, như kẻ đi qua con đường lần thứ hai nên không cần ai dẫn đi. Do đã phát triển sức mạnh tu tiến (bhāvanā) và thấy tính thô thiển của tầm rồi tác ý lướt qua ‘tầm’ để đến nhị thiền và những thiền cao hơn, cho nên không có trạng thái tìm cảnh hay đưa tâm đến cảnh của ‘tầm’. (Dhs. 974)

3. Vicāra (tứ) là trạng thái duy trì, chăm nom, kềm giữ, khắn khít những danh pháp đồng sanh (tâm và những sở hữu tâm câu sanh) trên cảnh v.v…, phối hợp được với 66 tâm, gồm 44 tâm dục giới [trừ ngũ song thức (10)], 11 tâm sơ thiền và 11 tâm nhị thiền. Vì những tâm này bắt cảnh không chắc, nên cần phải có sở hữu ‘tứ’ để kềm.

Sở hữu tứ không hợp với 55 tâm là ngũ song thức, 11 tâm tam thiền, 11 tâm tứ thiền và 23 tâm ngũ thiền. Lý do: 5 cảnh đối với ngũ song thức ví như vật để vào khuôn, không xê chạy, nên không cần kềm giữ. Còn từ tam thiền trở lên do sức định mạnh gắn cứng vào đề mục, tợ như mũi nhọn ghim sâu khỏi người kềm, nên đều là vô tứ (avicāra). (Dhs. 975)

4. Adhimokkha (thắng giải) là trạng thái quyết đoán v.v…, phối hợp với 78 tâm tính hẹp hay 110 tâm tính rộng [trừ ngũ song thức (10) và vicikiccā-sampayutta citta (tâm tương ưng hoài nghi)].

Sở hữu thắng giải không phối hợp với 11 tâm là ngũ song thức và si hoài nghi. Ngũ song thức đối với cảnh hiện ngay tâm rõ rệt, cảnh si hoài nghi được so sánh như việc đang điều tra không phải trong thời gian đoán định, nên thắng giải không hiệp. ‘Hoài nghi’ là trạng thái do dự, phân hai, đối lập với trạng thái quyết đoán của ‘thắng giải’ nên không hiệp đặng.

5. Viriya (cần) là trạng thái cố gắng, lướt tới, ráng thêm, v.v…, phối hợp với 73 tâm tính hẹp hay 105 tâm tính rộng gồm 12 tâm bất thiện, khai ý môn, tiếu sinh và 59 hoặc 91 tâm tịnh hảo [trừ ngũ song thức (10), 2 sampaṭicchana citta (tâm tiếp thâu), 3 santīraṇa citta (tâm thẩm tấn) và 1 pañcadvārāvajjanacitta (tâm khai ngũ môn)]. Những tâm này làm việc lớn lao nặng nề hơn, nên phải có sự nỗ lực hay sức mạnh mới đặng, tức là phải có sở hữu cần.

Sở hữu cần không phối hợp với 16 tâm vô nhân (trừ khai ý môn và tiếu sinh), vì 16 tâm này làm việc nhỏ, nhẹ nhàng, không cần nỗ lực nên không có sở hữu cần.

6. Pīti (hỷ) là trạng thái mừng v.v…, chỉ phối hợp với 27 hoặc 51 somanassa sahagatacitta (tâm câu hành hỷ) gồm có 4 lobha mūla somanassa citta (tâm căn tham hỷ thọ), 1 somanassa santīraṇa citta (tâm thẩm tấn hỷ thọ), 1 hasituppāda citta (tâm tiếu sinh), 12 kāma sobhaṇa somanassa citta (tâm dục giới tịnh hảo hỷ thọ), 11 tâm sơ thiền, 11 tâm nhị thiền, 11 tâm tam thiền. Những tâm này có sự vui, không quá yên lặng nên trạng thái mừng vẫn đi chung luôn dù yếu hay mạnh.

Sở hữu hỷ không phối hợp với 54 hoặc 70 tâm phi câu hành hỷ là: 8 tâm bất thiện phi câu hành hỷ, 16 tâm vô nhân phi câu hành hỷ, 3 hoặc 11 tâm tứ thiền, 15 hoặc 23 tâm ngũ thiền. Những tâm câu hành khổ, câu hành lạc, câu hành ưu, câu hành xả không thể có sự mừng. Tâm tứ thiền dù câu hành hỷ mà rất yên lặng, không thô kệch như sở hữu pīti (hỷ), nên sở hữu pīti (hỷ) không thể đi chung. (Dhs. 976, 978)

7. Chanda (dục) là trạng thái muốn, phối hợp với 69 tâm tính hẹp hay 101 tâm tính rộng [trừ 2 moha mūla citta (tâm căn si) và 18 ahetuka citta (tâm vô nhân) là những tâm trì trệ, thụ động không có trạng thái muốn làm của ‘dục’].

Tâm tham, tâm tịnh hảo đều có sở hữu dục, chỉ có hai tâm sân là trạng thái không ưa thích mà sở hữu dục vẫn phối hợp. Vì cảnh đến với tâm mạnh đặng hai nhân sắp lên có nhiều sức khắn khít với cảnh, đó là sở hữu dục. Như kẻ đi săn bắn gặp mũi tên rớt thì muốn lượm lấy rồi sẽ bắn ra là cách muốn của sở hữu dục. Còn như kẻ thấy tiền rơi muốn lượm vào cất kín; đó là cách thích hợp của tham.

Từ ‘sở hữu tầm’ đến ‘sở hữu dục’, cả sáu sở hữu tâm (cetasika) này gồm chung lại gọi là ‘sở hữu biệt cảnh’ (pakiṇṇaka), nghĩa là chỉ phối hợp với một số tâm nhất định.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Sobhaṇā sobhanesu pakirantīti = pakiṇṇakā: Phối hợp lẻ tẻ với tâm tịnh hảo hay bất tịnh hảo mà chẳng đồng đều nên gọi là biệt cảnh (tợ như một nhóm người cùng đoàn mà khác hoàn cảnh).

Trường hợp không phối hợp:

- Sở hữu ‘tầm’ không phối hợp với 66 tâm,

- Sở hữu ‘tứ’ không phối hợp 55 tâm,

- Sở hữu ‘thắng giải’ không phối hợp với 11 tâm,

- Sở hữu ‘cần’ không phối hợp với 16 tâm,

- Sở hữu ‘hỷ’ không phối hợp với 70 tâm,

- Sở hữu ‘dục’ không phối hợp với 20 tâm.

Trường hợp phối hợp:

- Sở hữu ‘tầm’ phối hợp với 55 tâm, - Sở hữu ‘tứ’ phối hợp với 66 tâm,

- Sở hữu ‘thắng giải’ phối hợp với 78 tâm, - Sở hữu ‘cần’ phối hợp với 73 tâm,

- Sở hữu ‘hỷ’ phối hợp với 51 tâm, - Sở hữu ‘dục’ phối hợp với 69 tâm (tính hẹp).

Sở hữu biến hành và sở hữu biệt cảnh gồm lại gọi chung là sở hữu tợ tha (aññasamānacetasika), vì phần nhiều hợp chung sở hữu khác, như là bất thiện và tịnh hảo, thì trở thành pháp bất thiện và thiện v.v… Có Pāḷi chú giải như vầy: Aññehi samānāti = aññasamanā: Phần nhiều giống theo (sở hữu) khác (có pháp thực tính là sở hữu bất thiện và sở hữu tịnh hảo), vì đó nên gọi là tợ tha.

Dứt phần giải sở hữu tợ tha phối hợp

(B) Sở Hữu Bất Thiện Phối Hợp (Akusala Cetasika)

1. 4 akusala sādhāraṇa (bất thiện biến hành) là si-phần (mohatuka) tức là bọn si – gồm moha (si), ahirika (vô tàm), anottappa (vô úy) và uddacca (điệu cử) – phối hợp với tất cả 12 akusala citta (tâm bất thiện).

(Vô minh lậu sanh trong tất cả tâm bất thiện - Dhs. 913),

(Điệu cử, vô tàm và vô úy sinh trong tất cả tâm bất thiện - Dhs.962).

Tất cả tâm bất thiện đều có hiện hữu những trạng thái như mê mờ, không biết về nghiệp và quả của nghiệp, không thấy biết bản thể thật tướng của các pháp bị tạo, không có sự hiện hữu của trạng thái hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi, không tôn trọng ân đức của tự thân và của tha nhân, ngăn che không cho thấy sự tốt đẹp, an vui, v.v... là những pháp trợ làm nền tảng cho chư pháp bất thiện khác sinh khởi. Cho nên chúng được gọi là những sở hữu bất thiện biến hành.

2. Lobha (tham) là trạng thái ham muốn, chấp cứng cảnh, phối hợp với 8 lobha mūla citta (tâm căn tham). (Dục lậu đồng sanh với 8 tâm tham hiện hành - Dhs. 913)

Diṭṭhi (tà kiến) là trạng thái chấp cứng theo cái thấy sai, phối hợp với 4 diṭṭhigaha sampayutta citta (tâm tương ưng kiến). (Tà kiến lậu đồng sanh với 4 tâm tham tương ưng tà kiến hiện hành - Dhs. 913)

Māna (ngã mạn) là trạng thái kiêu ngạo so sánh, phối hợp với 4 diṭṭhigaha vippayutta citta (tâm bất tương ưng kiến) theo cách bất định (khi có khi không). (Ngã mạn triền đồng sanh với 4 tâm tham bất tương ưng tà kiến hiện hành - Dhs.919)

Ba sở hữu ‘tham’, ‘tà kiến’ và ‘ngã mạn’ gộp chung lại gọi là tham-phần, là bọn sở hữu tham, chỉ hợp trong vòng ‘tâm tham’.

Hai sở hữu diṭṭhi (tà kiến) và māna (ngã mạn) chỉ hợp với tâm căn tham do có liên quan đến trạng thái dính mắc vào ngũ uẩn. Hai pháp này không bao giờ cùng hiện hữu trong cùng một tâm hay cùng 1 sát-na tâm (do cảnh của chúng khác nhau).

Tà kiến thì luôn phối hợp với cả 4 ‘tâm bất thiện tương ưng kiến’. Còn ngã mạn thì hợp với 4 ‘tâm bất thiện bất tương ưng kiến’ bất định (khi có khi không).

3. Dosa (sân) là trạng thái thô tháo của thân tâm, issā (tật) là trạng thái ganh tị, macchariya (lận) là trạng thái giấu giếm và kukkucca (hối) là trạng thái ăn năn – gom chung lại gọi là sân-phần (docatukacetasika) chỉ phối hợp với 2 dosa mūla citta (tâm căn sân).

(Sân độc cái phát khởi trong 2 tâm hiện hành đồng sanh với ưu thọ - Dhs.931).

(Tật đố triền và lận sắt triền đồng sanh với 2 tâm hiện hành đồng sanh ưu thọ - Dhs. 919)

(Hối hận cái phát sanh trong 2 tâm hiện hành đồng sanh với ưu thọ Dhs. 931).

Nhưng tật, lận, hối thì bất định và không đi chung với nhau (vì không đồng cảnh hay đối tượng – xin xem lại phần tứ đồng). Còn ‘sở hữu sân’ nhất định luôn luôn hợp với tâm sân không khi nào thiếu.

4. Thīna (hôn trầm) và middha (thùy miên) phối hợp với 5 akusala sasaṅkhārika citta (tâm bất thiện hữu dẫn). (Hôn trầm - thùy miên cái sanh trong tất cả tâm bất thiện hữu dẫn – Dhs.931).

Tâm hữu dẫn là những thứ tâm yếu, còn tâm vô dẫn là những tâm mạnh mẽ.

Sở hữu hôn – thùy là những sở hữu không khéo hòa trộn v.v… của tâm (citta) và sở hữu tâm (cetasika), nên chỉ thích hợp với những tâm bất thiện hữu dẫn.

5. Vicikicchā (hoài nghi) chỉ phối hợp với moha mūla vicikicchā sampayutta citta (tâm căn si tương ưng hoài nghi). (Hoài nghi cái phát sanh trong tâm hiện hành đồng sanh với hoài nghi – Dhs. 931).

Dứt phần giải sở hữu bất thiện phối hợp

(C) Sở Hữu Tịnh Hảo Phối Hợp (Sobhaṇa Cetasika)

1. 19 sobhaṇa sādhāraṇa cetasika (sở hữu tịnh hảo biến hành) phối hợp với tất cả sobhaṇa citta (tâm tịnh hảo) có 59 tính hẹp hay 91 tính rộng là: 24 tâm dục giới tịnh hảo, 15 tâm sắc giới, 12 tâm vô sắc giới và 8 hoặc 40 tâm siêu thế.

2. 3 virati cetasika (sở hữu ngăn trừ), bao gồm sammā vācā (chánh ngữ), sammākammanto (chánh nghiệp) và sammā ājīvo (chánh mạng) ‘phối hợp bất định đi riêng’ với 8 mahākusala citta (tâm đại thiện) và ‘phối hợp nhất định đi chung’ với 8 lokuttara citta (tâm siêu thế).

‘Sở hữu ngăn trừ phần’ phối hợp với 8 thứ ‘tâm đại thiện’ (phối hợp bất định đi riêng) chỉ khi những tâm này làm việc ngăn ngừa những tà ngữ, tà nghiệp hoặc tà mạng. Khi tâm đại thiện làm việc cung kỉnh, tùy hỷ, thì ba pháp này không sanh cùng. Khi hợp với tâm đại thiện thì ba pháp này sanh riêng lẻ tùy trường hợp.

‘Sở hữu ngăn trừ phần’ là 3 chi trong ‘8 chi đạo’ (maggaṅga) luôn cùng phối hợp với 8 ‘tâm siêu thế’ không khi nào thiếu do năng lực của pháp siêu thế, làm việc ngăn ngừa những pháp bất thiện chưa sanh và sát trừ những phiền não (kilesa) (tùy theo bậc Thánh).

3. 2 appamaññā cetasika (sở hữu vô lượng) – đó là karuṇā (bi) và muditā (tùy hỷ) – ‘phối hợp bất định đi riêng’ với 28 tâm gồm 8 mahākusala citta (tâm đại thiện), 8 mahākiriya citta (tâm đại tố) và 12 mahaggata citta (tâm đáo đại) [trừ 15 tâm ngũ thiền hiệp thế].

Cả hai sở hữu vô lượng phần này đều có thể đi cùng với xả thọ (upekkhā) hay hỷ thọ tùy theo sự thuần thục.

4. Paññindriya (trí quyền), tức là paññā cetasika (sở hữu trí), phối hợp với 47 tâm gồm có 12 kāma sobhaṇa ñāṇasampayutta citta (tâm dục giới tịnh hảo tương ưng trí), 27 mahaggata citta (tâm đáo đại) và 8 lokuttara citta (tâm siêu thế).

Dứt phần sở hữu tịnh hảo phối hợp

V. Tâm (Citta) Nhiếp (Saṅgaha) Sở Hữu Tâm (Cetasika)

Sự Phối Hợp Của Những Sở Hữu Khác Nhau Với Những Tâm Khác Nhau

(A) Tâm Bất Thiện Nhiếp (Akusalacittasaṅgaho)

Tên của mỗi tâm bằng Pāḷi nên được tham khảo trước khi liệt kê những sở hữu phối hợp riêng với tâm.

Nếu tâm là somanassa sahagataṃ (câu hành hỷ), tất cả 13 aññasamāna cetasika (sở hữu tợ tha) sẽ phối hợp với tâm câu hành hỷ. Nếu tâm là upekkhā sahagataṃ (câu hành xả) hay domanassa sahagataṃ (câu hành ưu), hỷ (pīti) phải được loại trừ khỏi nhóm 13 aññasamāna cetasika (sở hữu tợ tha).

1. Katame dhammā akusalā? Yasmiṃ samaye akusalaṃ cittaṃ uppannā hoti somanassasahagataṃ diṭṭhigatasampayuttaṃ rūpārammaṇaṃ vā saddārammaṇaṃ vā gandhārammaṇaṃ vā rasārammaṇaṃ vā phoṭṭhabbārammaṇaṃ vā dhammārammaṇaṃ vā yaṃ yaṃ vā panārabbha, tasmiṃ samaye phasso hoti, vedanā hoti, saññā hoti, cetanā hoti, cittaṃ hoti, vitakko hoti, vicāro hoti, pīti hoti, sukhā hoti, cittassekaggatā hoti, viriyindriyaṃ hoti, samādhindriyaṃ hoti, manindriyaṃ hoti, somanassindriyaṃ hoti, jīvitindriyaṃ hoti, micchādiṭṭhi hoti, micchāsaṅkappo hoti, micchāvāyāmo hoti, micchāsamādhi hoti, viriyabalaṃ hoti, samādhibalaṃ hoti, ahiribalaṃ1 hoti, anottappabalaṃ hoti, lobho hoti, moho hoti, abhijjhā hoti, micchādiṭṭhi hoti, ahirikaṃ hoti, anottappaṃ hoti, samatho hoti, paggāho hoti, avikkhepo hoti, ye vā pana tasmiṃ samaye aññepi atthi paṭiccasamuppannā arūpino dhammā, ime dhammā akusalā.

Chư pháp bất thiện trong khi có ra sao? Tâm bất thiện đồng sanh hỷ, tương ưng tà kiến; hoặc có cảnh sắc, thinh, khí, vị, xúc, pháp, hay là những chi mở mối sanh ra trong khi nào, thì xúc, thọ, tưởng, tư, tâm, tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm, cần quyền, định quyền, ý quyền, hỷ quyền, mạng quyền, tà kiến, tà tư duy, tà tinh tấn, tà định, cần lực, định lực, vô tàm lực, vô úy lực, tham, si, tham ác, tà kiến, vô tàm, vô úy, (pháp) chỉ, chiếu cố, vô phóng dật, hay là những pháp phi sắc nào khác nương sanh cũng vẫn có trong khi ấy. Những chơn tướng này gọi là pháp bất thiện. (Dhs.275)

Somanassasahagataṃ diṭṭhigatasampayuttaṃ asaṅkhārikaṃ lobhamūlacittaṃ:Tâm căn tham câu hành hỷ tương ưng kiến vô dẫn”, hay “Tâm bất thiện câu hành hỷ tương ưng kiến”[101] nhiếp đặng 19 sở hữu tâm – đó là 13 aññasamāna cetasika (sở hữu tợ tha), 4 akusala sādhāraṇa (bất thiện biến hành), lobha (tham) và diṭṭhi (tà kiến).

Khi có trạng thái tâm, cảnh và vật (hay môn) có sự hội họp, chạm nhau, thì đó gọi là xúc (phasso). Khi tâm sanh ra phải bắt cảnh, hưởng cảnh hay hứng chịu cảnh, ấy là trạng thái của sở hữu thọ (vedanā). Thọ mà vui, mừng đó là trạng thái của thọ hỷ (somanassavedanā) và sở hữu hỷ (pīti). Tâm sau nhớ tưởng sự vật đã qua là sở hữu tưởng (saññā). Trạng thái ráng sức và cố quyết để bắt cảnh, đó gọi là cần (viriya) (cetanā). Tâm chăm chú ngay cảnh là sở hữu nhất hành hay định (ekaggatā), tợ như vuốt mối chỉ gom lại cho nhọn xỏ lọt vào lỗ kim. Cảnh hiện vào tâm vừa phần thâu biết đặng, làm thành cảnh cho tâm, đó gọi là sở hữu tác ý (manasikāra).

Tìm cảnh hay đưa tâm đến cảnh, gọi là tầm (vitakka). Cảnh được duy trì, chăm nom, kềm, gìn giữ, đó là sở hữu tứ (vicāra). Sự quyết đoán cho là cảnh đáng ham muốn là sở hữu thắng giải (adhimokkha). Những sự vật bị biết và tâm biết đặng sự vật ấy, hai phần này ăn khớp vững vàng như vật để vào khuôn là do sở hữu dục (chanda).

Đối với cảnh bị tối mờ như chui vào trong hang hố là do sở hữu si (moha). Không thoái thác đối với pháp bất thiện là sở hữu vô tàm (ahirika), không ghê sợ lỗi nhiễm là sở hữu vô úy (anottappa), có sự tán loạn, lau chau đó là điệu cử (uddhacca). Do có trạng thái nhiễm hít cứng cảnh đó là sở hữu tham (lobha). Nhận thức cảnh theo cách thái quá, bất cập, bằng lối vô hay hữu v.v… gọi là tà kiến (micchādiṭṭhi). Sự duy trì/ còn của tâm và sở hữu đặng đủ 3 tiểu sát-na gọi là (danh) mạng quyền; có pháp thực tính là sở hữu mạng quyền (jīvitindriya).

Lý do không hợp:

Sở hữu tịnh hảo thuộc về phần tốt không thể hợp với tham, tỷ như giữa trắng và đen, sáng và tối v.v… không bao giờ thành một. Sở hữu sân-phần luôn bắt cảnh nghịch, tức là cảnh trái với sự mong muốn. Tâm tham luôn luôn bắt cảnh thuận ý vừa lòng theo cách ham muốn và nhiễm đắm. Sở hữu hoài nghi (vichikicca) ngăn chặn sự quyết tiến đến lợi ích, sáng suốt, cao siêu như vầng mây che nhật nguyệt không hợp với trạng thái ưa thích, càng không tới mức nhiễm đắm v.v… Hai sở hữu hôn-phần (hôn trầm thùy miên – thīnamiddha) không hợp với tâm tham, vì tâm tham thứ nhất này chẳng cần cách trợ hay dẫn dắt, vì là tâm mạnh mẽ. Còn ngã mạn (māna) thuộc về so sánh ta với người mới có sự hơn thua v.v… tợ như đem hai vật so sánh có cái trội hơn. Cách dùng sai không khác với nhân kiến thức lệch lạc đó là tà kiến (diṭṭhi), thì ngã mạn (māna) phải tránh xa, không hợp chung đặng.

2. Somanassasahagataṃ diṭṭhigatasampayuttaṃ sasaṅkhārikaṃ lobhamūlacittaṃ:Tâm căn tham câu hành hỷ tương ưng kiến hữu dẫn”, hay “Tâm bất thiện câu hành hỷ tương ưng kiến hữu dẫn” (Dhs. 311) nhiếp đặng 21 sở hữu tâm – đó là 13 aññasamāna cetasika (sở hữu tợ tha), 4 akusala sādhāraṇa (bất thiện biến hành), lobha (tham) và diṭṭhi (tà kiến), thīna (hôn trầm) và middha (thùy miên).

3. Somanassasahagataṃ diṭṭhigatavippayuttaṃ asaṅkhārikaṃ lobhamūlacittaṃ:Tâm căn tham câu hành hỷ bất tương ưng kiến vô dẫn”, hay “Tâm bất thiện câu hành hỷ bất tương ưng kiến” (Dhs. 312) nhiếp đặng 19 sở hữu tâm – đó là 13 sở hữu tợ tha, 4 sở hữu bất thiện biến hành, lobha (tham) và māna (ngã mạn) (māna - bất định; khi có khi không).

4. Somanassasahagataṃ diṭṭhigatavippayuttaṃ sasaṅkhārikaṃ lobhamūlacittaṃ: Tâm căn tham câu hành hỷ bất tương ưng kiến hữu dẫn” hay “Tâm bất thiện câu hành hỷ bất tương ưng kiến hữu dẫn” (Dhs. 315) nhiếp đặng 21 sở hữu tâm – đó là 13 sở hữu tợ tha, 4 bất thiện biến hành, lobha (tham) và māna (ngã mạn), thīna (hôn trầm) và middha (thùy miên).

5. Upekkhāsahagataṃ diṭṭhigatasampayuttaṃ asaṅkhārikaṃ lobhamūlacittaṃ: “Tâm căn tham câu hành xả tương ưng kiến vô dẫn”, hay “Tâm bất thiện câu hành xả tương ưng kiến” (Dhs. 316) nhiếp đặng 18 sở hữu tâm – đó là 12 sở hữu tợ tha [trừ pīti (hỷ)], 4 sở hữu bất thiện biến hành, lobha (tham) và diṭṭhi (tà kiến).

6. Upekkhāsahagataṃ diṭṭhigatasampayuttaṃ sasaṅkhārikaṃ lobhamūlacittaṃ:Tâm căn tham câu hành xả tương ưng kiến hữu dẫn”, hay “Tâm bất thiện câu hành xả tương ưng kiến hữu dẫn” (Dhs. 320) nhiếp đặng 20 sở hữu tâm – đó là 12 sở hữu tợ tha [trừ pīti (hỷ)], 4 bất thiện biến hành, lobha (tham) và diṭṭhi (tà kiến), thīna (hôn trầm) và middha (thùy miên).

7. Upekkhāsahagataṃ diṭṭhigatavippayuttaṃ asaṅkhārikaṃ cittaṃ: Tâm căn tham câu hành xả bất tương ưng kiến vô dẫn”, hay “Tâm bất thiện câu hành xả bất tương ưng kiến” (Dhs. 321) nhiếp đặng 18 sở hữu tâm – đó là 12 sở hữu tợ tha [trừ pīti (hỷ)], 4 bất thiện biến hành, lobha (tham) và māna (ngã mạn).

8. Upekkhāsahagataṃ diṭṭhigatavippayuttaṃ sasaṅkhārikaṃ lobhamūlacittaṃ: “Tâm căn tham câu hành xả bất tương ưng kiến hữu dẫn”, hay “Tâm bất thiện câu hành xả bất tương ưng kiến hữu dẫn” (Dhs. 324) nhiếp đặng 20 sở hữu tâm – đó là 12 sở hữu tợ tha [trừ pīti (hỷ)], 4 bất thiện biến hành, lobha (tham) và māna (ngã mạn), thīna (hôn trầm) và middha (thùy miên).

Lưu ý rằng 4 lobha mūla sasaṅkhārika citta (tâm căn tham hữu dẫn) nhiếp đặng những sở hữu tương ứng asaṅkhārika citta (tâm vô dẫn) cộng thīna (hôn trầm) và middha (thùy miên).

9. Domanassasahagataṃ paṭighasampayuttaṃ asaṅkhārikaṃ dosamūlacittaṃ:Tâm căn sân câu hành ưu tương ưng khuể vô dẫn” hay “Tâm bất thiện câu hành ưu tương ưng khuể phẫn” (Dhs. 325) nhiếp đặng 20 sở hữu tâm – đó là 12 aññasamāna cetasika (sở hữu tợ tha) [trừ pīti (hỷ)], 4 akusala sādharana cetasika (sở hữu bất thiện biến hành) và 4 dosa catukka cetasika (sở hữu sân-phần).

10. Domanassasahagataṃ paṭighasampayuttaṃ sasaṅkhārikaṃ dosamūlacittaṃ:Tâm căn sân câu hành ưu tương ưng khuể hữu dẫn”, hay “Tâm bất thiện câu hành ưu tương ưng khuể phẫn hữu dẫn” (Dhs. 329) nhiếp đặng 22 sở hữu tâm – đó là 12 sở hữu tợ tha [trừ pīti (hỷ)], 4 sở hữu bất thiện biến hành và 4 dosa catukka cetasika (sở hữu sân-phần), thīna (hôn trầm) và middha (thùy miên).

11. Upekkhāsahagataṃ vicikicchāsampayuttaṃ mohamūlacittaṃ:Tâm căn si câu hành xả tương ưng hoài nghi”, hay “Tâm bất thiện câu hành xả tương ưng hoài nghi” (Dhs. 330) nhiếp đặng 15 sở hữu tâm – đó là 10 sở hữu tợ tha [trừ adhimokkha (thắng giải), pīti (hỷ), chanda (dục)], 4 sở hữu bất thiện biến hành và vicikicchā (hoài nghi).

12. Upekkhāsahagataṃ uddhaccasampayuttaṃ mohamūlacittaṃ:Tâm căn si câu hành xả tương ưng điệu cử” hay “Tâm bất thiện câu hành xả tương ưng điệu cử” (Dhs. 334) nhiếp đặng 15 sở hữu tâm – đó là 11 sở hữu tợ tha [trừ pīti (hỷ), chanda (dục)] và 4 sở hữu bất thiện biến hành.

Dứt phần tâm bất thiện nhiếp

(B) Tâm Vô Nhân Nhiếp (Ahetukacittasaṅgaho)

1. 10 dvipañca viññāṇa citta (tâm ngũ song thức) chỉ nhiếp đặng 7 sabbacitta sādhāraṇa cetasika (sở hữu biến hành tất cả tâm), (Dhs. 338-352, 472) vì làm việc nhỏ nhoi, hẹp hòi lại bị dưới quyền nhãn thanh triệt, nên hạn chế chỉ thấy mà thôi, như cái máy sử dụng rất ít bộ phận.

2. 2 sampaṭicchana citta (tâm tiếp thâu) (Dhs.366), pañcadvārāvajjana citta (tâm khai ngũ môn) (Dhs.482) và 2 upekkhā santīraṇa citta (tâm thẩm tấn xả thọ) (Dhs.399-414, 476, 479) mỗi tâm nhiếp đặng 10 aññasamāna cetasika (sở hữu tợ tha) [trừ viriya (cần), pīti (hỷ) và chanda (dục)].

3. Somanassa santīraṇa citta (tâm thẩm tấn hỷ thọ) (Dhs.382) nhiếp đặng 11 aññasamāna cetasika (sở hữu tợ tha) [trừ viriya (cần) và chanda (dục)].

4. Manodvārāvajjana citta (tâm khai ý môn) (Dhs.489) nhiếp đặng 11 aññasamāna cetasika (sở hữu tợ tha) [trừ pīti (hỷ) và chanda (dục)].

5. Hasituppāda citta (tâm tiếu sinh) (Dhs.485) nhiếp đặng 12 aññasamāna cetasika (sở hữu tợ tha) [trừ chanda (dục)].

Dứt phần tâm vô nhân nhiếp

Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammattha-saṅgaha)  (Chương 1 - 4)

Còn sở hữu tham, sở hữu sân, sở hữu si, sở hữu vô tham, sở hữu vô sân, sở hữu vô si (trí), chung lại gọi nhân tương ưng.

Sáu sở hữu vừa nêu trên không bao giờ có với 18 thứ tâm trong bảng này. Cho nên 18 tâm này được gọi là tâm vô nhân !

(C) Tâm Đại Thiện Nhiếp (Mahākusalacittasaṅgaho)

1. Mahākusala citta (tâm đại thiện) đôi thứ nhất[102]Somanassasahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ mahākusalacittaṃ: Tâm đại thiện câu hành hỷ tương ưng trí, mỗi tâm nhiếp đặng 38 cetasika (sở hữu tâm) – đó là 13 aññasamāna cetasika (sở hữu tợ tha) và 25 sobhaṇa cetasika (sở hữu tịnh hảo).

Mahākusala citta (tâm đại thiện) không bao giờ hợp với sở hữu bất thiện (akusalacetasika) thì dễ nhớ vì chúng mang những trạng thái đối lập.

Những sở hữu tịnh hảo đối lập trực tiếp với những sở hữu bất thiện như:

  • Sở hữu tàm (hiri) đối lập với vô tàm (ahirika).
  • Sở hữu úy (ottappa) đối lập với vô úy (anottappa).
  • Sở hữu vô tham (alobha) đối lập với tham (lobha) và lận (macchariya).
  • Sở hữu vô sân (adosa) đối lập với sân (dosa) và ưu (domanassa).
  • Sở hữu trí (vô si) đối lập với si (moha) và tà kiến (diṭṭhi).
  • Sở hữu tùy hỷ (muditā) đối lập với tật đố (issā).

Những sở hữu tịnh hảo ngoài ra cũng có phần đối lập riêng và chung. Sở hữu tợ tha đi đôi với sở hữu tịnh hảo cũng giống theo tịnh hảo, trái với những sở hữu tợ tha hiệp bất thiện. Xét thêm từ sở hữu ‘tịnh thân’ cho đến sở hữu ‘chánh tâm’, phần tâm tốt cố nhiên phải có như thế.

Đôi đại thiện thứ nhất này có tất cả là 38 sở hữu hợp. Trong đó có 33 sở hữu hợp nhất định, hễ tâm đại thiện sanh lúc nào ít lắm cũng có 33 sở hữu tâm này hoặc nhiều hơn cùng phối hợp. Còn những sở hữu ‘giới phần’ và ‘vô lượng phần’ là những sở hữu bất định đi riêng, nếu gặp cảnh thích hợp thì mới sanh, như khi ngăn cảnh khẩu ác là chánh ngữ, khi ngăn cảnh thân ác là chánh nghiệp, khi ngăn cảnh thân, khẩu ác vì nuôi thân là chánh mạng. Gặp lúc chúng sanh thân tâm khổ, lòng cứu vớt phát sanh là trạng thái của sở hữu bi. Mừng giùm, vui theo chúng sanh đặng nhân hay quả lợi lành v.v… là trạng thái của sở hữu tùy hỷ. Nếu không gặp cảnh như thế thì chẳng có.

2. Tâm đại thiện đôi thứ hai[103]Somanassasahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ mahākusalacittaṃ: Tâm đại thiện câu hành hỷ bất tương ưng trí, mỗi tâm nhiếp đặng 37 cetasika (sở hữu tâm) – đó là 13 sở hữu tợ tha và 24 sobhaṇa cetasika (sở hữu tịnh hảo) [trừ paññā (trí)] chỉ khác với đôi trước là bớt sở hữu trí tuệ, vì không đặng biết cảnh cao siêu, không sáng suốt thấu đáo những điều sâu sắc v.v…

3. Tâm đại thiện đôi thứ ba[104]Upekkhāsahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ mahākusalacittaṃ: Tâm đại thiện câu hành xả tương ưng trí, mỗi tâm nhiếp đặng 37 cetasika (sở hữu tâm) – đó là 12 sở hữu tợ tha [trừ pīti (hỷ)] và 25 sobhaṇa cetasika (sở hữu tịnh hảo). Tâm đại thiện đôi thứ ba câu hành với xả thọ, không có sở hữu hỷ, nên ít hơn đôi thứ nhất một sở hữu.

4. Tâm đại thiện đôi thứ tư[105]Upekkhāsahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ mahākusalacittaṃ: Tâm đại thiện câu hành xả bất tương ưng trí, mỗi tâm nhiếp đặng 36 cetasika (sở hữu tâm) – đó là 12 sở hữu tợ tha [trừ pīti (hỷ)] và 24 sobhaṇa cetasika (sở hữu tịnh hảo) [trừ paññā (trí)]. Tâm đại thiện đôi thứ tư chỉ khác với đôi thứ ba là bớt sở hữu trí.

Lưu ý rằng thīna (hôn trầm) và middha (thùy miên) là những sở hữu bất thiện, không phối hợp với sasaṅkhārikasobhaṇa citta (tâm tịnh hảo hữu dẫn). Do đó, những sở hữu phối hợp với những tâm tịnh hảo asaṅkhārika (vô dẫn) và sasaṅkhārika (hữu dẫn) trong mỗi đôi đều giống nhau; sự khác biệt về mãnh lực giữa hai tâm sasaṅkhārika asaṅkhārika là sự khác nhau về sức mạnh của 2 cetanā (tư).

Trên thực tế, khi một “Tâm đại thiện”, dù là vô dẫn hay hữu dẫn, sinh khởi trong 1 sát-na tâm thì có nhiều nhất là 34 sở hữu tâm (cetasika) gồm 13 sở hữu tợ tha, 19 sở hữu tịnh hảo biến hành, trí tuệ và 1 trong 5 sở hữu ‘ngăn trừ phần và vô lượng phần’.

Dứt phần tâm đại thiện nhiếp

(D) Tâm Đại Quả Nhiếp (Mahāvipākacittasaṅgaho)

Những tâm đại quả là quả của nghiệp quá khứ, không thực hiện hành vi thiện nào. Do đó, chúng không phối hợp với 3 virati cetasika (sở hữu giới phần) và 2 appamaññā cetasika (sở hữu vô lượng) là những sở hữu tâm làm phát sanh nghiệp thiện.

1. Mahāvipāka citta (tâm đại quả)[106] đôi thứ nhất là Somanassasahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ mahāvipākacittaṃ: Tâm đại quả câu hành hỷ tương ưng trí, mỗi tâm nhiếp đặng 33 cetasika (sở hữu tâm) – đó là 13 aññasamāna cetasika (sở hữu tợ tha) và 20 sobhaṇa cetasika (sở hữu tịnh hảo) [trừ virati (ngăn trừ phần) và appamaññā (vô lượng phần)].

2. Tâm đại quả đôi thứ hai là Somanassasahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ mahāvipākacittaṃ: Tâm đại quả câu hành hỷ bất tương ưng trí, mỗi tâm nhiếp đặng 32 cetasika (sở hữu tâm) – đó là 13 sở hữu tợ tha và 19 sobhaṇa sādhāraṇa (sở hữu tịnh hảo biến hành), (bớt trí do là tâm bất tương ưng trí).

3. Tâm đại quả đôi thứ ba là Upekkhāsahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ mahāvipākacittaṃ: Tâm đại quả câu hành xả tương ưng trí, mỗi tâm nhiếp đặng 32 cetasika (sở hữu tâm) – đó là 12 sở hữu tợ tha [trừ pīti (hỷ)] và 20 sở hữu tịnh hảo [trừ ngăn trừ phần và vô lượng phần].

4. Tâm đại quả đôi thứ tư là Upekkhāsahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ mahāvipākacittaṃ: Tâm đại quả câu hành xả bất tương ưng trí, mỗi tâm nhiếp đặng 31 cetasika (sở hữu tâm) – đó là 12 sở hữu tợ tha [trừ pīti (hỷ)] và 19 sobhaṇa sādhāraṇa (sở hữu tịnh hảo biến hành), (bớt trí do là tâm bất tương ưng trí).

Dứt phần tâm đại quả nhiếp

(E) Tâm Đại Tố Nhiếp (Mahākiriyacittasaṅgaho)

Tâm đại tố[107] là những tâm chỉ sanh cho bậc Tứ quả là những bậc không còn tạo ác nghiệp, ngoài ra thì cũng như tâm đại thiện. Cho nên 3 virati cetasika (sở hữu giới phần) là kusala dhamma (pháp thiện), không phối hợp với mahākiriya citta (tâm đại tố) mà những tâm này là abyākata dhamma (pháp vô ký) (abyākata = kammically-trung lập).

Tuy vậy, 2 appamaññā cetasika (sở hữu vô lượng phần) phối hợp với tâm đại tố, bởi vì chư Arahaṃ vẫn thiền đề mục karuṇā (bi) và muditā (tùy hỷ).

1. Mahākiriya citta (tâm đại tố) đôi thứ nhất là Somanassasahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ mahākiriyacittaṃ: Tâm đại tố câu hành hỷ tương ưng trí, mỗi tâm nhiếp đặng 35 cetasika (sở hữu tâm) – đó là 13 aññasamāna cetasika (sở hữu tợ tha) và 22 sobhaṇa cetasika (sở hữu tịnh hảo) [trừ virati (ngăn trừ phần)].

2. Tâm đại tố đôi thứ hai là Somanassasahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ mahākiriyacittaṃ: Tâm đại tố câu hành hỷ bất tương ưng trí, mỗi tâm nhiếp đặng 34 sở hữu tâm – đó là 13 sở hữu tợ tha và 21 sở hữu tịnh hảo [trừ virati (ngăn trừ phần) và paññā (trí)]. Bậc Ứng cúng có khi cũng không suy xét đến cao siêu hay những điều thắc mắc thì đại tố khỏi dùng trí.

3. Tâm đại tố đôi thứ ba là Upekkhāsahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ mahākiriyacittaṃ: Tâm đại tố câu hành xả tương ưng trí, mỗi tâm nhiếp đặng 34 sở hữu tâm – đó là 12 sở hữu tợ tha [trừ pīti (hỷ)] và 22 sở hữu tịnh hảo [trừ virati (ngăn trừ phần)].

4. Tâm đại tố đôi thứ tư là Upekkhāsahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ mahākiriyacittaṃ: Tâm đại tố câu hành xả bất tương ưng trí, mỗi tâm nhiếp đặng 33 sở hữu tâm – đó là 12 sở hữu tợ tha [trừ pīti (hỷ)] và 21 sở hữu tịnh hảo [trừ virati (ngăn trừ phần) và paññā (trí)].

Dứt phần tâm đại tố nhiếp

(F) Tâm Đáo Đại[108] Nhiếp (Mahaggatacittasaṅgaho)

Trong phần liệt kê những sở hữu phối hợp với mahaggata citta (tâm đáo đại), những chi thiền phải được xem xét: Vitakka (tầm) bị loại trừ từ nhị thiền, vicāra (tứ) từ tam thiền và pīti (hỷ) từ tứ thiền. Trong ngũ thiền, thay sukha (lạc) bằng upekkhā (xả), không có sự thay đổi về số lượng cetasika (sở hữu tâm), bởi vì cả hai upekkhā (xả) và lạc (sukha) đều tượng trưng cho vedanā cetasika (sở hữu thọ).

Hơn nữa, 3 virati cetasika (sở hữu ngăn trừ phần) không phối hợp với mahaggata citta (tâm đáo đại) bởi vì những thứ tâm này tập trung trên paṭibhāga nimitta[109] của kasiṇa (đề mục), v.v… và vì thế những vị ấy không thể dùng những đề mục liên quan đến virati (ngăn trừ).

Karuṇā (bi) và muditā (tùy hỷ) có thể phối hợp với sơ cho đến tứ thiền, bởi vì những thiền này có thể tu tập bằng thiền đề mục karuṇā (bi) hay muditā (tùy hỷ). Ngũ thiền chú tâm trên upekkhā (xả), do đó, cả hai karuṇā (bi) và muditā (tùy hỷ) đều bị loại ra.

1. 3 tâm đáo đại thiền (paṭhamajjhāna) (Dhs.139, 149; Vbh. 711, 715) nhiếp đặng 35 sở hữu tâm – đó là 13 aññasamāna cetasika (sở hữu tợ tha) và 22 sobhaṇa cetasika (sở hữu tịnh hảo) [trừ virati (ngăn trừ phần) vì chúng không phải là cảnh của đáo đại sơ thiền].

[Có đủ 5 chi thiền vitakka (tầm), vicāra (tứ), pīti (hỷ), sukha (lạc), ekaggatā (định)].

2. 3 tâm đáo đại nhị thiền (dutiyajjhāna) (Dhs.140, 150; Vbh. 712, 713) nhiếp đặng 34 sở hữu tâm – đó là 12 sở hữu tợ tha [trừ vitakka (tầm)] và 22 sở hữu tịnh hảo [trừ virati (ngăn trừ phần)].

Định của nhị thiền mạnh hơn sơ thiền. Do bậc tu tiến đã thuần thục trong việc đưa tâm đến cảnh đề mục và nhận ra tính giới hạn về lực định trên nimitta khi có sự hiện diện của vitakka (tầm) trong sơ thiền, nên vị ấy, từ sơ thiền, tác ý loại hay lướt qua khỏi tầm (vitakka) để đạt đến nhị thiền [có 4 chi thiền là vicāra (tứ), pīti (hỷ), sukha (lạc), ekaggatā (định)]. Vô lượng phần có thể có hoặc không; tùy theo trường hợp như đã giải.

3. 3 tâm đáo đại tam thiền (tatiyajjhāna) (Dhs.143, 153; Vbh. 713, 717) nhiếp đặng 33 sở hữu tâm – đó là 11 sở hữu tợ tha [trừ vitakka (tầm) và vicāra (tứ)] và 22 sở hữu tịnh hảo [trừ virati (ngăn trừ phần)].

[Có 3 chi thiền pīti (hỷ), sukha (lạc), ekaggatā (định)], bớt cả sở hữu tầm và tứ, vì sức định mạnh hơn nhiều, bắt buộc cảnh phải đến và khắn khít.

4. 3 tâm đáo đại tứ thiền (catutthajjhāna) (Dhs.146, 156; Vbh. 714, 718) nhiếp đặng 32 sở hữu tâm – đó là 10 sở hữu tợ tha [trừ vitakka (tầm), vicāra (tứ) và pīti (hỷ)] và 22 sở hữu tịnh hảo [trừ virati (ngăn trừ phần)].

[Có 2 chi thiền sukha (lạc), ekaggatā (định)], cùng câu hành với hỷ thọ nhưng tế nhị hơn những tâm câu hành hỷ khác là vui chớ không mừng, nên bớt luôn sở hữu hỷ, còn sở hữu bi và tùy hỷ có thể có 1 hoặc không.

5. 15 tâm đáo đại ngũ thiền (pañcamajjhāna) (Dhs.159; Vbh. 719, 720) nhiếp đặng 30 sở hữu tâm – đó là 10 sở hữu tợ tha [trừ vitakka (tầm), vicāra (tứ) và pīti (hỷ)] và 20 sở hữu tịnh hảo [trừ virati (ngăn trừ phần) và appamaññā (vô lượng phần)].

[Có 2 chi thiền upekkhā (xả), ekaggatā (định)], 15 tâm ngũ thiền hiệp thế không bắt cảnh bi và tùy hỷ, phần sở hữu nhất định là chỉ có 30. Dù tu đề mục xả là cảnh của hành xả mà sở hữu tâm này đã có trong số 30 sở hữu nhất định.

Dứt phần tâm đáo đại nhiếp

(G) Tâm Siêu Thế Nhiếp (Lokuttaracittasaṅgaho)

40 lokuttara citta (tâm siêu thế)[110] cũng là jhāna citta (tâm thiền); do đó, chi thiền cũng phải bị loại như đã đề cập ở trên - phần ‘tâm đáo đại’.

3 virati cetasika (sở hữu ngăn trừ) là chi của tám Thánh đạo, tuần tự phối hợp với tất cả tâm siêu thế.

2 appamaññā cetasika (sở hữu vô lượng) không phối hợp với tâm siêu thế mà chú tâm trên Nibbāna (Níp-bàn), vì thế không thể dùng những đề mục liên quan với karuṇā (bi) và muditā (tùy hỷ).

1. 8 tâm siêu thế thiền nhiếp đặng 36 sở hữu tâm – đó là 13 aññasamāna cetasika (sở hữu tợ tha) và 23 sobhaṇa cetasika (sở hữu tịnh hảo) [trừ appamaññā cetasika (sở hữu vô lượng)]. Vô lượng phần không phải là cảnh của tâm siêu thế, mà có giới phần, thuộc tám chi Thánh đạo, để trừ tuyệt sự sai khiến phá giới (pháp ác hay bất thiện) và tượng trưng kết quả thành tựu.

2. 8 tâm siêu thế nhị thiền nhiếp đặng 35 sở hữu tâm – đó là 12 sở hữu tợ tha [trừ vitakka (tầm)] và 23 sở hữu tịnh hảo [trừ sở hữu vô lượng].

3. 8 tâm siêu thế tam thiền nhiếp đặng 34 sở hữu tâm – đó là 11 sở hữu tợ tha [trừ vitakka (tầm) và vicāra (tứ)] và 23 sở hữu tịnh hảo [trừ sở hữu vô lượng].

4. 8 tâm siêu thế tứ thiền nhiếp đặng 33 sở hữu tâm – đó là 10 sở hữu tợ tha [trừ vitakka (tầm), vicāra (tứ) và pīti (hỷ)] và 23 sở hữu tịnh hảo [trừ sở hữu vô lượng].

5. 8 tâm siêu thế ngũ thiền nhiếp đặng 33 sở hữu tâm – đó là 10 sở hữu tợ tha [trừ vitakka (tầm), vicāra (tứ) và pīti (hỷ)] và 23 sở hữu tịnh hảo [trừ sở hữu vô lượng].

Dứt phần tâm siêu thế nhiếp

___o0o___

VI. Sở Hữu Nhất định Và Sở Hữu Bất Định (Niyata yogī và Aniyata yogī)

Trong 52 sở hữu tâm, có 41 sở hữu được gọi là niyata yogī (sở hữu nhất định) và 11 sở hữu còn lại được gọi là aniyata yogī (sở hữu bất định).

Niyata yogī (sở hữu nhất định) luôn phối hợp với những tâm mà chúng phối hợp. Aniyata yogī (sở hữu bất định) không luôn phối hợp với những tâm mà chúng phối hợp, chúng chỉ sinh khởi khi cần thiết.

11 aniyata yogī (sở hữu bất định) là issā (tật), macchariya (lận), kukkucca (hối), māna (ngã mạn), thīna (hôn trầm), middha (thùy miên), 3 virati (ngăn trừ) và 2 appamaññā (vô lượng). Cách mà những sở hữu tâm này phối hợp với tâm sẽ được trình bày dưới đây:

1. Dù tật, lận, hối phối hợp với 2 tâm căn sân, nhưng chúng không luôn sanh chung mỗi khi tâm căn sân sanh.

Issā (tật) chỉ sanh khi chúng sanh ganh tị với sự thành công hay tài sản của chúng sanh khác; ngoài ra nó không sanh. Khi issā (tật) sanh, macchariya (lận) và kukkucca (hối) không sanh. Macchariya (lận) chỉ sanh khi chúng sanh giấu giếm tài sản của mình hay khi chúng sanh bủn xỉn, keo kiệt; ngoài ra nó không sanh. Khi macchariya (lận) sinh khởi, issā (tật) và kukkucca (hối) không sanh. Kukkucca (hối) chỉ sanh khi chúng sanh đau lòng về những việc ác đã làm hay về những việc thiện không làm; ngoài ra nó không sanh. Khi kukkucca (hối) sanh thì issā (tật) và macchariya (lận) không sanh. Do đó, issā (tật), macchariya (lận), kukkucca (hối) không đồng sanh; chúng sanh riêng lẻ và chỉ sanh khi hội đủ những duyên. Cách phối hợp của những sở hữu tâm này được gọi là nānā-kadāci (khác thời) hay bất định.

2. Māna (ngã mạn) phối hợp với 4 diṭṭhigata vippayutta lobhamūlacittaṃ (tâm căn tham bất tương ưng kiến), nhưng nó không luôn sinh khởi khi những tâm này sanh. Ngã mạn chỉ sanh khi chúng sanh nghĩ đến việc nâng cao mình hay xem thường chúng sanh khác. Nó không sanh khi chúng sanh không có tánh kiêu ngạo, ngạo mạn.

3. Thīna (hôn trầm) và middha (thùy miên) phối hợp với 5 akusala-sasaṅkhārika cittaṃ (tâm bất thiện hữu dẫn), nhưng chúng chỉ phối hợp với những tâm này khi những tâm này và những pháp câu sanh bị trì trệ, chậm chạp và không mạnh; ngoài ra chúng không sanh.

4. 3 virati cetasika (sở hữu ngăn trừ) – đó là sammā-vācā (chánh ngữ), sammā-kammanto (chánh nghiệp) và sammā-ājīvo (chánh mạng) – cũng sanh trong cách nānā-kadāci (khác thời) hay bất định. Sammā-vācā (chánh ngữ) chỉ sanh khi chúng sanh kiêng khem, ngăn ngừa khỏi vọng ngữ, ngoài ra nó không sanh. Sammā-kammanta (chánh nghiệp) chỉ sanh khi chúng sanh ngăn ngừa khỏi thân ác (hành động sai quấy), ngoài ra nó không sanh. Sammā-ājīvā (chánh mạng) chỉ sanh khi chúng sanh ngăn ngừa khỏi sự kiếm sống, nuôi mạng sai quấy, ngoài ra nó không sanh.

5. 2 appañña cetasikaṃ (sở hữu vô lượng) – đó là karuṇā (bi) và muditā (tùy hỷ) – cũng sanh trong cách nānā-kadāci (khác thời) hay bất định. Karuṇā (bi) chỉ sanh khi chúng sanh có lòng trắc ẩn cho chúng sanh khác, ngoài ra nó không sanh. Muditā (tùy hỷ) chỉ sanh khi chúng sanh tùy hỷ, vui theo sự thành tựu hay tài sản của chúng sanh khác, ngoài ra nó không sanh.

Ứng Dụng:

1. Một người đàn ông buồn, giận bởi vì người vợ của ông phục vụ vật thực không ngon. Loại tâm của người đàn ông này là gì? Và những sở hữu phối hợp với tâm này là gì?

Khi người đàn ông giận, ông ta có dosamūla cittaṃ (tâm căn sân). Tên của tâm này là domanassa sahagataṃ paṭigha sampayuttaṃ asaṅkhārika cittaṃ (tâm câu hành ưu tương ưng khuể vô dẫn).

Những sở hữu phối hợp với tâm này là 12 aññasamāna cetasika (sở hữu tợ tha) [trừ pīti (hỷ)], 4 akusala sādhāraṇa cetasika (sở hữu bất thiện biến hành) và sân (dosa). Issā (tật), macchariya (lận), kukkucca (hối) không phối hợp với tâm này.

2. Khi chúng sanh cảm thấy buồn phiền, bực bội vì chúng sanh khác được việc làm tốt hơn bản thân. Loại tâm này là gì và những pháp câu sanh với nó là gì?

Tên của loại tâm này giống như trên. Nhưng khi chúng sanh ganh tị, tật đố với sự thành đạt của chúng sanh khác, do đó issā (tật đố) cũng sẽ phối hợp với tâm cộng với 17 sở hữu đã đề cập ở trên.

3. Khi chúng sanh cảm thấy khó chịu, bởi vì vị ấy không muốn chia sẻ văn phòng với người mới đến. Loại tâm này là gì và những sở hữu phối hợp với tâm này là gì?

Tâm này là domanassasahagataṃ paṭighasampayuttaṃ asaṅkhārikaṃ dosamūlacittaṃ (tâm căn sân câu hành ưu tương khuể vô dẫn).

Những sở hữu phối hợp với tâm này là 12 aññasamāna cetasika (sở hữu tợ tha) [trừ pīti (hỷ)], 4 akusala sādhāraṇa cetasika (sở hữu bất thiện biến hành), sân (dosa) và macchariya (lận), (Tổng cộng = 18).

4. Một tín nữ bày tỏ tâm thành kính đến bảo tháp với niềm hoan hỷ và với sự hiểu về kamma (nghiệp). Tâm của tín nữ trong khi ấy là gì và những pháp câu sanh phối hợp với nó là gì?

Tâm của tín nữ trong khi ấy là somanassasahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ asaṅkhārikaṃ mahākusala cittaṃ (tâm đại thiện câu hành hỷ tương ưng trí vô dẫn).

Những sở hữu phối hợp với tâm ấy là 13 aññasamāna cetasika (sở hữu tợ tha), 19 sobhaṇa sādhāraṇa cetasika (sở hữu tịnh hảo biến hành) và paññindriya (trí quyền).

Viriya (giới phần hay ngăn trừ phần) và appamaññā (vô lượng) không phối hợp với tâm này.

5. Một bé gái miễn cưỡng thú nhận với mẹ rằng bé ấy đã lấy cắp 5 kyats[111] từ ví tiền của mẹ. Khi ấy, bé không hoan hỷ và không hiểu về kamma (nghiệp). Tâm và những sở hữu phối hợp với tâm đó trong khi ấy là gì?

Tâm của bé gái trong khi ấy là upekkhāsahagataṃ ñānṇavippayuttaṃ sasaṅkhārikaṃ mahākusalacittaṃ (tâm đại thiện câu hành xả bất tương ưng trí hữu dẫn).

Những sở hữu là 12 aññasamāna cetasika (sở hữu tợ tha) [trừ pīti (hỷ)], 19 sobhaṇa sādhāraṇa cetasika (sở hữu tịnh hảo biến hành) và sammā-vācā (chánh ngữ), (tổng cộng = 32).

6. Khi hiểu, ý thức về nghiệp và quả của nghiệp, dù miễn cưỡng, một ngư dân vẫn nghĩ đánh bắt cá vì sự sống. Tâm và những pháp câu sanh trong khi ấy là gì?

Tâm của vị đó trong khi ấy là upekkhāsahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ sasaṅkhārikaṃ mahākusalacittaṃ (tâm đại thiện câu hành xả tương ưng trí hữu dẫn).

Những sở hữu là 12 aññasamāna cetasika (sở hữu tợ tha) [trừ pīti (hỷ)], 19 sobhaṇa sādhāraṇa cetasika (sở hữu tịnh hảo biến hành), paññindriya (trí quyền) và sammā-ājīva (chánh mạng), (tổng cộng = 33).

7. Một đứa bé cảm thấy thương xót một con chó bị xe đụng. Khi ấy, đứa bé không hoan hỷ và không ý thức về nghiệp.

Vì vậy, tâm của đứa bé trong khi ấy là upekkhāsahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ asaṅkhārikaṃ mahākusalacittaṃ (tâm đại thiện câu hành xả bất tương ưng trí vô dẫn).

Những sở hữu là 12 aññasamāna cetasika (sở hữu tợ tha) [trừ pīti (hỷ)], 19 sobhaṇa sādhāraṇa cetasika (sở hữu tịnh hảo biến hành) và karuṇā (bi), (tổng cộng = 32).

8. Một người cha hoan hỷ chúc mừng con trai của ông đã vượt qua kỳ sát hạch kiểm tra. Khi ấy, người cha không nghĩ về nghiệp và quả của nghiệp.

Tâm của người cha trong khi ấy là somanassasahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ asaṅkhārikaṃ mahākusalacittaṃ (tâm đại thiện câu hành hỷ bất tương ưng trí vô dẫn).

Những sở hữu là 13aññasamāna cetasika (sở hữu tợ tha), 19 sobhaṇa sādhāraṇa cetasika (sở hữu tịnh hảo biến hành) và muditā (tùy hỷ), (tổng cộng = 33).

9. Một thiện nam chuyên chú trong tứ thiền bằng cách khắn khít miệt mài trên paṭibhāga nimitta của pathavī kasiṇa (đề mục đất). Tên tâm và những sở hữu phối hợp với tâm trong khi ấy là gì?

Tâm trong khi ấy là “Tâm thiện sắc giới tứ thiền”; cũng có thể gọi là Sukh’ekaggatā sahitaṃ catutthajjhāna kusalacittaṃ (tâm thiện tứ thiền câu hành với lạc và định).

Những sở hữu phối hợp với tâm trong khi ấy là 10 aññasamāna cetasika (sở hữu tợ tha) [trừ vitakka (tầm), vicāra (tứ), hỷ (pīti)], 19 sobhaṇa sādhāraṇa cetasika (sở hữu tịnh hảo biến hành) và paññidriya (trí quyền), (tổng cộng = 30).

10. Những sở hữu phối hợp với Sotāpatti phalacittaṃ (tâm quả Thất lai) câu hành với sơ thiền là gì?

Những sở hữu ấy là 13 aññasamāna cetasika (sở hữu tợ tha), 19 sobhaṇa sādhāraṇa cetasika (sở hữu tịnh hảo biến hành), 3 virati cetasika (sở hữu ngăn trừ) và paññidriya (trí quyền), (tổng cộng = 36).

Làm Điều Bất Khả Thi

Trong Abhidhamma (Vô Tỷ Pháp), Đức Phật đã phân tích tâm và những thành phần của tâm, gọi là citta (tâm) và cetasika (sở hữu tâm). Những thành phần này là những thực tính siêu lý, gọi là paramattha. Những thực tính ấy rất tinh vi. Chúng không có hình thái, hình dáng và do đó chúng không thể bị thấy cho dù dưới kính hiển vi điện tử hiện đại nhất.

Giờ đây chúng ta biết rằng citta (tâm) là một bản thể thực tính siêu lý với trạng thái biết cảnh. 52 cetasika (sở hữu tâm) cũng là những bản thể thực tính có những trạng thái khác nhau. Dù có những trạng thái khác nhau, nhưng những ‘sở hữu tâm’ kết hợp có hệ thống với tâm, tổng cộng có 89 thứ tâm tính hẹp hay 121 thứ tâm tính rộng là có thật.

Tâm nguyên thể thì như ly nước tinh khiết. Khi thêm một giọt mực đỏ vào nước, toàn bộ ly nước trở thành đỏ. Khi một giọt mực đen được thêm vào, toàn bộ nước trở thành đen. Cũng như thế, khi tâm được phối hợp bởi những sở hữu bất thiện xấu xa, toàn khối - tức là tâm - trở nên bất thiện và xấu xa. Khi tâm được phối hợp bởi những sở hữu tốt đẹp, tịnh hảo, tâm trở nên tốt đẹp và lương thiện.

Tập hợp tâm và sở hữu tâm sanh và diệt ở một tốc độ kinh khủng – hơn cả một ngàn tỷ lần trên một cái nháy mắt như đã nêu trong chú giải Abhidhamma. Làm thế nào một người có thể biết những pháp này với sự thay đổi nhanh chóng?

Để minh họa, chúng ta hãy lấy một ly nước từ một dòng sông. Có thể nào phân biệt được nước đến từ dòng suối nhỏ và dòng suối lớn khác nhau chảy vào sông? Việc này được dễ dàng quán sát để so sánh hơn là quán sát tập hợp những citta (tâm) và cetasika (sở hữu tâm).

Dù sao Đức Phật đã hoàn thành việc bất khả thi trong vấn đề quán sát tâm đến cùng tột. Giờ đây, câu hỏi có thể được đặt ra “mục đích của việc quán sát này là gì?”

Mục đích của việc quán sát này hoàn thành là vì lợi ích của sự thấy các pháp đúng theo thực tính siêu lý. Nếu một người có thể thấy phận sự của những pháp siêu lý này, vị ấy có thể hiểu rằng không có ta hay linh hồn hoặc người và do đó có thể rời bỏ những quan điểm lệch lạc về thân kiến (sakkāyadiṭṭhi). Nếu vị ấy đi đến Thánh đạo, vị ấy sẽ sớm thấy rõ Nibbāna (Níp-bàn).

Bây giờ là câu hỏi khác: Có thể nào quán thấy biết rõ tập hợp của những tâm, sở hữu tâm diệt ngay sau khi sanh chăng? Câu trả lời là “Có”. Làm sao chúng ta có thể thấy?

Trước tiên chúng ta có thể tu tập định (samādhi). Khi câu hành với upacārasamādhi (cận định) hay jhāna samādhi (thiền định), mano viññāṇa (ý thức) có thể thấy tập hợp citta (tâm) và cetasika (sở hữu tâm) và quán sát chúng. Những phương pháp quán sát được trình bày trong Buddhist canon như Saṃyutta Nikāya (2, 12), Samādhi Sutta, Visudhi Magga (2, 222) Bodhipakkhiya Dīpanī và Kammaṭṭhāna Kyangyi của ngài Ledi Sayadaw của Myanmar, tức là, những phương pháp này đang được tu tập thành công trong một vài trung tâm thiền ở Myanmar như là International Pa-Auk Forest Meditation Centres ở Yangon, Mandalay, Mawlamyine, v.v…

Do đó, hiểu biết Abhidhamma không phải là cái biết suy đoán, mà cũng không phải là vì lợi ích của sự hiểu biết cao hơn sự hiểu biết. Hiểu biết Abhidhamma là được học, hiểu thấu và tu tập vì lợi ích của sự giác ngộ và giải thoát khỏi tất cả khổ.

Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammattha-saṅgaha)  (Chương 1 - 4)

CHƯƠNG III: PAKIṆṆAKA SAṄGAHA - LINH TINH (HỖN HỢP)[112] NHIẾP

Phần Linh Tinh hay Hỗn Hợp

§1. Sampayuttā yathāyogaṃ, tepaññāsa sabhāvato. Cittacetasikā dhammā, tesaṃ dāni yathārahaṃ.

§2. Vedanāhetuto kiccadvārālambaṇavatthuto. Cittuppādavaseneva, saṅgaho nāma nīyate.

Chúng ta đã thấy citta (tâm) và 52 cetasika (sở hữu tâm) là 53 pháp thực tính với những trạng thái khác nhau nhưng rõ ràng. 53 pháp này được phân theo ‘vedanā’ (thọ), ‘hetu’ (nhân hay căn), ‘kicca’ (sự hay việc làm), ‘dvāra’ (môn), ‘ārammaṇa’ (cảnh) và ‘vatthu’ (vật) sẽ được đề cập trong chương này.

Tựa đề của chương này ‘Pakiṇṇaka’ nghĩa là ‘Linh tinh hay hỗn hợp’. Chúng ta cũng nên chú ý đến mối tương quan giữa nāma (danh pháp) và rūpa (sắc pháp) trong chương này.

Khi tâm, cảnh và vật gặp nhau gọi là xúc (phassa) làm duyên trợ cho thọ (vedanā) cùng sanh. Thọ (vedanā) có trạng thái là hứng chịu cảnh với những phần chánh sau đây.

I. THỌ NHIẾP (VEDANĀ SAṄGAHA)

Vedayatīti = vedanā: Hưởng, hứng chịu cảnh gọi là thọ.

‘Saṅgaha’ nghĩa là nhiếp, tóm lược. Ở đây, citta (tâm) và cetasika (sở hữu tâm) sẽ được gom hợp ngắn gọn phù hợp với thọ hay cảm thọ (vedanā). [Xin ôn lại phần Sở hữu Thọ (vedanā) trong Chương II: Cetasika – Sở Hữu Tâm]. Đức Phật có dạy như sau:[113]

§3. Tattha vedanāsaṅgahe tāva tividhā vedanā sukhaṃ dukkhaṃ adukkhamasukhā ceti, sukhaṃ dukkhaṃ somanassaṃ domanassaṃ upekkhāti ca bhedena pana pañcadhā hoti.

Vedanā (thọ) được phân theo hai cách:

(a) Thọ phân theo cảnh, có 3:

1. Sukha vedanā = lạc thọ, hứng chịu cảm giác thích ý khi tiếp xúc với cảnh vừa lòng.

2. Dukkhā vedanā = khổ thọ, hứng chịu cảm giác đau đớn, buồn phiền khi tiếp xúc với cảnh không vừa lòng.

3. Upekkhā vedanā = xả thọ hay cảm giác trung bình tức không lạc không khổ; được trải nghiệm khi tiếp xúc với cảnh chẳng phải vừa lòng hay không vừa lòng.

(b) Thọ phân theo indriya (quyền)[114], có 5:

1. Somanassa vedanā = hỷ thọ trong tâm, hứng chịu cảnh vui lòng.

2. Domanassa vedanā = ưu thọ trong tâm, hứng chịu chịu cảnh khổ tâm.

3. Sukha vedanā = lạc thọ trong thân, hứng chịu cảnh sướng thân.

4. Dukkhā vedanā = khổ thọ trong thân, hứng chịu chịu cảnh đau thân.

5. Upekkhā vedanā = xả thọ hay cảm giác trung bình, hứng chịu cảnh bình thường không vui hay là ngoài ra khổ, lạc, ưu, hỷ.

Thọ phân theo sáu là thọ kể theo 6 môn dụng nạp 6 cảnh như là: nhãn môn dụng nạp cảnh sắc, nhĩ môn dụng nạp cảnh thinh, tỷ môn dụng nạp cảnh khí, thiệt môn dụng nạp cảnh vị, thân môn dụng nạp cảnh xúc và ý môn dụng nạp cảnh pháp. ‘Thọ’ dụng nạp 6 cảnh qua 6 môn. Khổ hoặc lạc trong thân ta thường đối với cảnh lúc nào cũng có (trừ ra khi ngủ quên hoặc không để ý đến), như khi ta tắm lạnh quá là thọ khổ, nóng quá là thọ khổ, ngồi mỏi là thọ khổ. Lạnh ta được sưởi ấm là thọ lạc, nóng ta được quạt mát là thọ lạc. Khi thọ khổ, phần nhiều là có câu hành ưu tiếp sau gần đó. Khi thọ lạc phần nhiều là có thọ hỷ sau gần đó. Thọ ưu là khi buồn, rầu, than khóc, hoặc do khi không gặp rồi nhớ, nghĩ đến hoàn cảnh mà không có sự liên hệ đến thân đau là thọ ưu, không có liên hệ với thọ khổ. Thọ hỷ là vui mừng, khi nghĩ, nhớ hoặc tính đến sự vật ưa thích.

Trong phần phân loại (a) thì sukha hàm ý lạc thọ (hay thích ý) về tâm hoặc thân, trong khi dukkhā hàm ý khổ thọ (hay cảm giác đau đớn) về tâm hoặc thân.

Trong phần phân loại (b) thì sukkha được chia thành somanassa (hỷ) và sukha (lạc), trong khi dukkhā được chia thành domanassa (ưu) và dukkhā (khổ). Do đó, nên lưu ý rằng thọ trong tâm khác với thọ trong thân và một chúng sanh có thể vui vẻ, hoan hỷ dù là tâm hay thân của họ.

Phân Sở Hữu Tâm Theo Thọ

Sở hữu tâm gặp khổ thọ hay lạc thọ đều đồng sở và đồng thứ, nhưng khi phối hợp với thân thức câu hành khổ thì gặp khổ thọ, còn khi phối hợp với tâm thân thức câu hành lạc thì gặp lạc thọ.

Sở hữu tâm gặp ưu thọ đều là những sở hữu phối hợp với tâm sân (dosa), mà tâm sân nói chung tất cả có 22 sở hữu hợp. Vì nói ‘gặp ưu thọ’, nên không tính thọ mới còn 21.

Sở hữu tâm gặp hỷ thọ trong rất nhiều trường hợp, không cần kể hết, nên chỉ nêu những sở hữu không gặp đặng hỷ thọ như là sân-phần và hoài nghi là những sở hữu không phối hợp với tâm câu hành hỷ hay tâm câu hành lạc. Còn sở hữu thọ (vedanā cetasika) cố nhiên không được tính vào, nên 46 sở hữu còn lại hợp đặng hỷ thọ.

Sở hữu tâm gặp xả thọ cũng phối hợp rất nhiều tâm, chỉ trừ sở hữu hỷ phối hợp với tâm câu hành hỷ và sân-phần phối hợp với tâm sân (câu hành ưu). Trên đây là lý do mà những sở hữu không hợp được với xả thọ, 46 sở hữu còn lại đều có hợp với xả thọ. Còn sở hữu thọ như trước đã giải.

Phân Tâm Theo Thọ

Citta (tâm), citta được chỉ rõ theo 5 loại vedanā (cảm thọ) và “Phân Tâm Theo Thọ”. Ở “Chương I: Citta– Tâm” chúng ta đã phân tâm phù hợp với 5 loại thọ. Có thể nói rằng:

1. Sukha vedanā (lạc thọ) chỉ phối hợp với một tâm – đó là ahetuka kusalavipāka sukhasahagataṃ kāyaviññāṇacittaṃ (tâm thân thức câu hành lạc quả thiện vô nhân).

2. Dukkhā vedanā (khổ thọ) chỉ phối hợp với một tâm – đó là akusalavipāka dukkhāsahagataṃ kāyaviññāṇacittaṃ (tâm thân thức câu hành khổ quả bất thiện vô nhân).

3. Domanassa vedanā (ưu thọ) phối hợp với hai tâm – đó là dosamūlacittaṃ (tâm căn sân).

4. Somanassa vedanā (hỷ thọ) phối hợp với 62 tâm – đó là 18 kāma somanassa cittaṃ (tâm dục giới hỷ thọ), 12 mahaggata somanassa citta (tâm đáo đại hỷ thọ) và 32 lokuttara somanassa citta (tâm siêu thế hỷ thọ).

5. Upekkhā vedanā (xả thọ) phối hợp với 55 tâm – đó là 32 kāma upekkhā vedanā cittaṃ (tâm dục giới xả thọ), 15 mahaggata upekkhā cittaṃ (tâm đáo đại xả thọ) và 8 lokuttara upekkhā cittaṃ (tâm siêu thế xả thọ).

Lưu ý:

Phần phân loại citta (tâm) nêu trên cũng đã bao gồm phần phân loại cetasika (sở hữu tâm) theo vedanā (thọ). Lý do là những sở hữu phối hợp với sukha sahagataṃ cittaṃ (tâm câu hành lạc) sẽ được phối hợp với sukha vedanā (lạc thọ), những sở hữu tâm phối hợp với dukkhā sahagataṃ cittaṃ (tâm câu hành khổ) sẽ phối hợp đặng với dukkhā vedanā (khổ thọ), những sở hữu phối hợp với domanassa cittaṃ (tâm ưu thọ) cũng sẽ phối hợp đặng với domanassa vedanā (ưu thọ) và v.v…

Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammattha-saṅgaha)  (Chương 1 - 4)

II. NHÂN NHIẾP (HETU SAṄGAHA)

Ở đây, citta (tâm) và cetasika (sở hữu tâm) sẽ được gom gọn theo hetu (nhân), nên gọi là ‘Nhân nhiếp’.

Hetu – nhân’ nghĩa là pháp mà cho quả sanh ra, cho pháp quả đó trụ trên cảnh và tiến hóa.

Pháp quả sanh từ nhân như là thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp là thiện, bất thiện hay vô ký.

Những cảnh như sắc, thinh, khí, vị, xúc là trạng thái pháp có liên quan đến chúng sanh hữu tưởng hay vô tưởng có tên khác nhau, lời nói khác nhau, nguồn gốc khác nhau.

Có 6 hay 9 loại hetu (nhân hay căn).

1. Akusala hetu (nhân bất thiện) có (3) = lobha (tham), dosa (sân), moha (si).

2. Kusala hetu (nhân thiện) có (3) = alobha (vô tham), adosa (vô sân), amoha (vô si).

3. Abyākata hetu (nhân vô ký) có (3) = alobha (vô tham), adosa (vô sân), amoha (vô si).

Akusala hetu (nhân bất thiện) là những nhân phối hợp với akusala citta (tâm bất thiện).

Kusala hetu (nhân thiện) là những nhân phối hợp với kusala citta (tâm thiện).

Abyākata hetu (nhân vô ký) là những nhân phối hợp với vipāka citta (tâm quả) và kiriya citta (tâm tố). Abyākata hetu (nhân vô ký) giống như kusala hetu (nhân thiện).

Abyākata nghĩa là vô ký – tức là không phải nhất định như nghiệp thiện hay bất thiện. Vipāka citta (tâm quả) và kiriya citta (tâm tố) cùng với những sở hữu câu sanh được gọi là abyākata (pháp vô ký), bởi vì chúng là những nghiệp chẳng phải thiện mà cũng chẳng phải bất thiện (trung lập).

Phân Tâm Theo Nhân

1. Ahetuka citta (18) = 18 tâm vô nhân (tâm không có nhân) – đó là 7 akusala vipāka citta (tâm quả bất thiện vô nhân), 8 ahetuka kusala vipāka citta (tâm quả thiện vô nhân) và 3 ahetuka kiriya citta (tâm tố vô nhân).

2. Sahetuka citta (71) = 71 tâm hữu nhân (tâm có nhân) được chia thêm như sau:

(a) Ekahetuka citta (02) = 2 tâm một nhân, đó là: 2 tâm căn si chỉ có nhân si.

(b) Dvihetuka citta (22) = 22 tâm hai nhân, đó là: 8 lobha mūla citta (tâm căn tham) có nhân tham và nhân si; 2 dosa mūla citta (tâm căn sân) có nhân sân và nhân si; và 12 kāma sobhaṇañāṇavippayutta citta (tâm dục giới tịnh hảo bất tương ưng trí) có nhân vô tham và vô sân.

(c) Tihetuka citta (47) = 47 tâm ba nhân, đó là: 12 kāma sobhaṇa ñāṇasampayutta citta (tâm dục giới tịnh hảo tương ưng trí), 27 mahaggata citta (tâm đáo đại) và 8 lokuttara citta (tâm siêu thế) có nhân vô tham, vô sân và vô si.

Lưu ý: Những sở hữu tâm phối hợp tương ứng với tâm sẽ cùng loại như tâm. Khi tâm thiện hay bất thiện phát sanh trú trên cảnh, hưởng vị của cảnh càng nhiều, tức những tâm ấy nương vào sáu nhân này càng nhiều, càng bền lâu, thì mãnh lực nghiệp của những tâm tương ưng với sáu nhân này càng tăng trưởng, đến mức đủ mạnh để thực hiện những hành động thiện hay bất thiện như sát sanh, trộm cắp, tà dâm, v.v… hay xả thí, trì giới, tu tiến, cho đến chứng đắc thiền, thông, đạo, quả, v.v…

III. SỰ NHIẾP (KICCA SAṄGAHA)

Kicca – được dịch là ‘sự hay việc làm’.

Sự (kicca) nghĩa là sự vụ hay công tác, là nhiệm vụ hay phần việc phải làm.

Karaṇaṃ = kiccaṃ: Việc làm gọi là sự.

Ở đây, citta (tâm) và cetasika (sở hữu tâm) sẽ được gom gọn theo phận sự, việc làm hay chức năng, nên gọi là ‘sự nhiếp’. Có Pāḷi chú giải như vầy:

Kiccabhedena cittacetasikānaṃ saṅgaho = kiccasaṅgaho: Cách gom tâm và sở hữu theo phần sự việc, nên gọi là ‘sự nhiếp’.

Mỗi ‘tâm’ cùng những danh pháp đồng sanh (sở hữu tâm) khi sanh và diệt ở mỗi 1 sát-na tâm đều có phận sự hay việc làm tương ứng. Không có ‘tâm’ và ‘sở hữu tâm’ nào sinh khởi mà không làm việc chi cả. Những sự hay việc liên quan đến thân, khẩu được thành tựu đều do sự trợ giúp hay điều khiển của ‘tâm’ và ‘sở hữu tâm’ (trừ ngũ song thức không tạo sắc tâm), còn những sự / việc thuộc về ý thì chính ‘tâm’ và ‘sở hữu tâm’ làm việc.

Có 14 sự (việc) thực hiện bởi những tâm khác nhau. Điều đáng lưu ý là mỗi tâm thực hiện (hay làm) ít nhất một sự (việc).

Có 14 Sự (Kicca)

1. Paṭisandhi kicca = (S) = sự tái tục, nối tiếp đời cũ qua đời mới, nối đời quá khứ với đời hiện tại là cái tâm sơ khởi ban đầu của đời mới, ngay sau sát-na diệt của tâm tử đời trước; làm việc nối tiếp đời mới với đời cũ. Có Pāḷi chú giải như vầy: Paṭisandhānaṃ = paṭisandhi: Việc làm nối tiếp với đời mới gọi là tái tục.

2. Bhavaṅga kicca = (H) = sự hữu phần[115] hay phần sanh hữu làm việc tợ như hộ kiếp là giữ gìn kiếp sống là nhân quan trọng nối liền một đời sống cho còn, hay duy trì sự hình thành dòng chảy của kiếp sống không dứt cho đến khi tử. Có Pāḷi chú giải như vầy: Bhavassa aṅgaṃ = bhavaṅgaṃ: Nhân quan trọng của đời sống làm cho không đứt đoạn, gọi là hữu phần.

3. Āvajjana kicca = (K) = sự khai môn hay hướng môn; là tâm bắt tóm, suy xét cảnh mới, nắm lấy cảnh hay chú tâm hướng đến cảnh. Có Pāḷi chú giải như vầy: Āvajjiyate = āvajjanaṃ (hay là Avaṭṭiyate = āvajjanaṃ): Bắt cảnh mới gọi là khai, hoặc chặn đứng dòng hữu phần không cho tiếp tục gọi là chỉ lưu (ngăn không cho chảy nữa).

Tâm làm việc āvajjana kicca (khai môn) là tâm sơ khởi của mỗi lộ, làm nhân, dịp cho tâm lộ phát sanh cũng gọi là tác ý thành lộ. Có Pāḷi chú giải như vầy: Vithiṃ paṭipādayatīti vithipaṭipādako: Tâm làm cho ‘tâm lộ’ phát sanh, gọi là tác ý thành lộ, tức là tâm khai ngũ môn.

Tâm khai ý môn làm dịp cho tâm đổng lực phát sanh cũng gọi là tác ý thành đổng lực. Có Pāḷi chú giải như vầy: Javanam paṭipādayatīti = javanapaṭipādako: Tâm làm cho tâm đổng lực phát sanh, gọi là tâm khai ý môn.

4. Dassaṇa kicca = (5) = sự thấy cảnh sắc, tức là nhãn thức biết đặng cảnh sắc.[116]

5. Savana kicca = (5) = sự nghe âm thanh, tức là nhĩ thức biết đặng cảnh thinh.[117]

6. Ghāyana kicca = (5) = sự ngửi mùi, tức là tỷ thức biết đặng cảnh khí.

7. Sāyana kicca = (5) = sự nếm vị, tức là thiệt thức biết đặng cảnh vị.

8. Phusana kicca = (5) = sự xúc chạm cảnh, tức là thân thức biết đặng cảnh xúc.

9. Sampaṭicchana kicca = (T) = sự tiếp thâu, tiếp nhận cảnh là thâu cảnh bằng cách rành rẽ để chuyển qua cho tâm thẩm tấn v.v…. Có Pāḷi chú giải như vầy: Sampaṭicchiyate = sampaṭicchanaṃ: Bảo đảm cảnh ngũ được chuyển cho các tâm sau chung một lộ, gọi là tiếp thâu.

10. Santīraṇa[118] kicca = (Th) = sự thẩm tấn, thẩm xét, xét đoán, điều tra cảnh là cách khám xét điều tra đối tượng (cảnh) đầy đủ. Có Pāḷi chú giải như vầy: Sammātīraṇaṃ = santīraṇaṃ: Cách xét cảnh ngũ đặng hoàn toàn gọi là thẩm tấn.

11. Voṭṭhapana kicca = (P) = sự đoán định, quyết đoán, quyết định cảnh, phân chia cảnh tốt xấu theo sự hiểu biết của mình. Có Pāḷi chú giải như vầy: Vavatthāpiyate = voṭṭhapanaṃ: Cách quyết đoán phân định cảnh tốt, xấu gọi là đoán định.

12. Javana[119] kicca = (C) = sự đổng lực hay thực, hưởng vị của cảnh hay trải nghiệm cảnh; là trạng thái quan trọng có mãnh lực tạo nghiệp (kamma). Có Pāḷi chú giải như vầy: Javatīti = javanaṃ: Có mãnh lực đủ sức hưởng dùng cảnh gọi là đổng lực (hay tốc lực).

13. Talambaṇa[120] kicca = (N) = sự na[121] cảnh nhận hay mót cảnh còn dư lại tiếp ngay sau tâm đổng lực, tiếp tục hưởng vị của cảnh còn sót lại. Có Pāḷi chú giải như vầy: Tassa ārammaṇaṃ yassāti = tadārammaṇaṃ: Tâm nào bắt cảnh theo cảnh của tâm đổng lực, gọi là na cảnh.

14. Cuti kicca = (Ử) = sự tử, chết, hay là sự chấm dứt của một kiếp sống hay sự cùng tận của mỗi đời sống của chúng sanh, không khác thứ với tâm tái tục và tâm hữu phần, chỉ khác hơn hai sự kia là cái tâm chót hơn hết của một đời sống. Có Pāḷi chú giải như vầy: Cavanaṃ = cuti: Cơ quan dứt liền kiếp sống gọi là tử.

Bhavaṅga = (H) = hữu phần. Khi cảnh không còn tồn tại nữa, lộ trình tâm chấm dứt và dòng tâm thức rơi vào dòng hữu phần, tức là tâm hữu phần tuôn chảy, diễn tiến như thường cho đến khi cảnh mới xuất hiện đi vào một trong những môn và một lộ tâm mới sinh khởi để nhận biết cảnh. Sự hữu phần là sự chính yếu tối cần để giữ gìn đời sống chúng sanh, tức là từ tâm kế sau ‘tâm tái tục’ cho đến tâm kế trước ‘tâm tử’, trừ khi những tâm lộ (vīthi citta) phát sanh thì thứ ‘tâm hữu phần’ này chỉ nhường chỗ trong thời gian ấy, ngoài ra thì toàn là tâm hữu phần sanh diệt liên tục, luôn cả trong khi ngủ không chiêm bao thì cũng chỉ là cùng một loại ‘tâm hữu phần’, luôn cho đến tử.

Tâm làm Paṭisandhi kicca (việc tái tục), Bhavaṅga kicca (việc hữu phần) và Cuti kicca (việc tử) trong một kiếp sống của một chúng sanh là cùng một thứ tâm (trong 19 thứ tâm), bắt cùng một cảnh như tâm ban đầu (tâm tái tục), có cùng số sở hữu phối hợp, nhưng chỉ sanh khác thời, khác cái sát-na tâm.

“Tái tục, hữu phần, xả thân (tử)

Ba tâm một thứ, mỗi lần in nhau,

Vẫn đồng làm việc chung trào

Cảnh thời giống cảnh trước sau cũng là.”

Đại ý bài này nói: Ba việc ‘tái tục’, ‘hữu phần’ và ‘tử’ chung một kiếp sống, tâm một thứ nhưng khác cái sát-na tâm, tái tục chỉ một cái tâm sơ khởi, tâm tử là cái tâm chót. Còn hữu phần tính theo cái thì vô số kể, vì sanh diệt nối nhau luôn luôn cả một đời sống. Nói về cảnh: Tâm tái tục biết cảnh nào thì ‘tâm hữu phần’ và ‘tâm tử’ cũng biết cảnh y như vậy.

Lưu ý: Atimahantārammaṇa vīthi (lộ cảnh rất lớn) còn được gọi là tadālambaṇa vāra vīthi (lộ chót na cảnh) vì nó kết thúc bằng tadālambaṇa citta (tâm na cảnh).

Sự (Việc) Có Mấy Tâm

1. Có 19 tâm làm việc tái tục (paṭisandhi kicca) là 2 upekkhā santīraṇa citta (tâm thẩm tấn câu hành xả), 8 mahā vipāka citta (tâm đại quả) và 9 mahaggatā vipāka citta (tâm quả đáo đại).

Cảnh của tái tục có 3: (Xin xem kỹ ở Chương V trong tập sách Abhidhammattha-saṅgaha này).

- 1 là cảnh ‘nghiệp’ (kamma) là hiện ra cảnh y hệt như ta từng làm như: Ta nhớ lại sự hành động chuyên môn đã làm, hoặc như phim hát bóng chiếu lại cảnh trước của ta.

- 2 là cảnh ‘điềm nghiệp’ (kammanimitta) hay nghiệp tướng, là ấn tướng của nghiệp thiện hay bất thiện hiện ra lúc lâm chung như là người giết thú nhiều, thời thấy thú đến đòi mạng hoặc cắn rứt v.v…; còn điềm nghiệp tốt như là người thường tạo phúc đức khi gần chết thấy người đem đồ tặng cho v.v…

- 3 là cảnh ‘điềm sinh’ (gatinimitta) hay thú tướng, là ấn tướng biểu hiệu chỗ sẽ tái tục như: Sắp hóa sanh về cõi thiên đàng thì thấy cung điện hoặc thiên đàng v.v… hoặc thấy lằn sáng là biểu hiệu[122] sanh làm người, hoặc thấy đường tăm tối thì sẽ sanh làm thú, hoặc thấy ngọn lửa, hoặc lạnh, hoặc nóng v.v… thì là điềm sẽ sanh vào cõi Địa ngục.

Những cảnh hiện ra lúc sắp chết diệt đồng với tâm tử. Còn tâm tái tục nương theo những cảnh cận tử ấy mà trạng lại, chỉ bắt tinh hoa bản chất của cảnh ấy mà thôi.

2. Có 19 tâm làm việc hữu phần (bhavaṅga kicca) cũng là 19 tâm làm việc tái tục. Chúng được gọi là bhavaṅga citta (tâm hữu phần) khi những tâm này làm việc duy trì sự hình thành dòng chảy của danh pháp, hay còn gọi là ‘hộ kiếp’.

3. Có 2 tâm làm việc khai môn (āvajjana kicca). Chúng là pañca dvārāvajjana citta (tâm khai ngũ môn) và mano dvārāvajjana citta (tâm khai ý môn).

pañca dvārāvajjana citta (tâm khai ngũ môn) hay mano dvārāvajjana citta (tâm khai ý môn) cũng là khai môn, nên gom chung lại là một sự.

4. Có 2 tâm làm việc thấy (dassaṇa kicca), đó là 2 tâm cakkhuviññāṇa (nhãn thức), biết cảnh sắc. (Dhs.338)

5. Có 2 tâm làm việc nghe (savana kicca), đó là 2 tâm sotaviññāṇa (nhĩ thức), biết cảnh thinh. (Dhs.352)

6. Có 2 tâm làm việc ngửi (ghāyana kicca), đó là 2 tâm ghānaviññāṇa (tỷ thức), biết cảnh khí.

7. Có 2 tâm làm việc nếm (sāyana kicca), đó là 2 tâm jihvāviññāṇa (thiệt thức), biết cảnh vị.

8. Có 2 tâm làm việc đụng (phusana kicca), đó là 2 tâm kāyaviññāṇa (thân thức), biết cảnh xúc chạm.

9. Có 2 tâm làm việc tiếp thâu (sampaṭicchana kicca), đó là 2 tâm sampaṭiccanacitta (tiếp thâu).

10. Có 3 tâm làm việc thẩm tấn (santīraṇa kicca), đó là 3 tâm santīraṇa citta (thẩm tấn).

11. Có 1 tâm làm việc đoán định (voṭṭhapana kicca), đó là 1 tâm manodvārāvajjana citta (tâm khai ý môn).

12. Có 55 (hay 87) tâm làm việc đổng lực (javana kicca), đó là 12 akusala citta (tâm bất thiện), 21 (hay 37) kusala citta (tâm thiện), 4 (hay 20) tâm phala-ñāṇacitta (tâm quả tuệ) và 18 kiriya citta (tâm tố) [(trừ 2 tâm khai môn)]. Những tâm này có thể dễ dàng được nhớ bằng cụm từ: ‘Aku-ku-kri-phala’.

Hay nói cách khác: Tâm làm việc đổng lực (javana) có 55 hoặc 87 thứ là: 12 tâm bất thiện, tâm tiếu sinh, 8 tâm đại thiện, 8 tâm đại tố, 18 tâm đổng lực đáo đại và 8 hoặc 40 tâm siêu thế.

Kāma javana citta (29) (tâm đổng lực dục giới) = 12 akusala citta (tâm bất thiện) + 8 mahākusala citta (tâm đại thiện) + 8 mahā kiriya citta (tâm đại tố) + 1 hasituppāda citta (tâm tiếu sinh).

Appanā javana citta (26 hay 58) (tâm đổng lực kiên cố) = 9 mahaggata kusala citta (tâm thiện đáo đại) + 9 mahaggata kiriya citta (tâm tố đáo đại) + 4 hay 20 magga-ñāṇa citta (tâm đạo tuệ) + 4 hay 20 phala-ñāṇa citta (tâm quả tuệ).

13. Có 11 tâm làm việc na cảnh (tadālambaṇa kicca) (hay tiếp tục hưởng vị của cảnh), đó là 3 santīraṇa citta (tâm thẩm tấn) và 8 mahāvipāka citta (tâm đại quả).

14. Có 19 tâm làm việc tử (cuti kicca), chúng cũng giống như 19 tâm làm việc tái tục, đó là 2 upekkhā-santīraṇa citta (tâm thẩm tấn câu hành xả), 8 mahāvipāka citta (tâm đại quả) và 9 mahaggata vipāka citta (tâm quả đáo đại).

Tâm Làm Mấy Sự (Việc)

1. Có 68 tâm chỉ làm một sự (việc), đó là 10 dvi-pañcaviññāṇa citta (tâm ngũ song thức), 3 manodhātu citta (tâm ý giới) và 55 hay 87 javana citta (tâm đổng lực). [Manodhātu citta (tâm ý giới) gồm có pañca-dvārāvajjana (khai ngũ môn) và 2 sampaṭicchana citta (tâm tiếp thâu)].

Hay nói cách khác: Tâm làm 1 việc có 68 hoặc 100 là: 12 tâm bất thiện, 10 tâm ngũ song thức, 3 tâm ý giới, 1 tâm tiếu sinh, 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo, 18 tâm đổng lực đáo đại và 8 hoặc 40 tâm siêu thế.

2. Có 2 tâm làm chỉ hai sự (việc), đó là somanassa-santīraṇa citta (tâm thẩm tấn hỷ thọ) làm việc thẩm tấn và na cảnh và manodvārāvajjana citta (tâm khai ý môn) làm việc khai ý hay đoán định.

3. Có 9 tâm làm ba sự (việc), đó là 9 mahaggata vipāka citta (tâm quả đáo đại) làm việc paṭisandhi (tái tục), bhavaṅga (hữu phần) và cuti (tử).

4. Có 8 tâm làm bốn sự (việc), đó là 8 mahā-vipāka citta (tâm đại quả) làm việc paṭisandhi (tái tục), bhavaṅga (hữu phần), cuti (tử) và tadālambaṇa (na cảnh).

5. Có 2 tâm làm năm sự (việc), đó là 2 upekkhā-santīraṇa citta (tâm thẩm tấn xả thọ) làm việc paṭisandhi (tái tục), bhavaṅga (hữu phần), cuti (tử), santīraṇa (thẩm tấn) và tadālambaṇa (na cảnh).

Sở Hữu Tâm Làm Mấy Sự (Việc):

1. Sở hữu làm một sự (việc) (thực hay đổng lực) có 17 là: 14 sở hữu bất thiện, 3 sở hữu ngăn trừ phần.

2. Sở hữu làm bốn việc (tái tục, hữu phần, tử và đổng lực) có 2 là 2 sở hữu vô lượng phần.

3. Sở hữu làm năm việc (tái tục, hữu phần, tử, đổng lực và na cảnh) có 21 là: 19 sở hữu tịnh hảo biến hành, sở hữu trí và sở hữu dục.

4. Sở hữu làm sáu việc (tái tục, hữu phần, tử, đổng lực, na cảnh và thẩm tấn) có 1 tức là sở hữu hỷ.

5. Sở hữu làm bảy việc (tái tục, hữu phần, tử, khai môn, đoán định, đổng lực và na cảnh) có 1 tức là sở hữu cần.

6. Sở hữu làm chín việc (tái tục, hữu phần, tử, khai môn, tiếp thâu, thẩm tấn, đoán định, đổng lực, na cảnh) có 3 là: Sở hữu tầm, tứ và thắng giải.

7. Sở hữu làm đủ mười bốn việc có 7 là 7 sở hữu biến hành.

Dứt phần Sự nhiếp

5 sự là thấy, nghe, ngửi, nếm và đụng gồm chung thành một sở gọi là sở ngũ. Ngoài ra sự nào sở nấy, còn cách rộng 25 sở sẽ giải tiếp theo phần lộ tâm.

Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammattha-saṅgaha)  (Chương 1 - 4)

Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammattha-saṅgaha)  (Chương 1 - 4)

SỞ HẸP CÓ 10

Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammattha-saṅgaha)  (Chương 1 - 4)

Ṭhāna – Sở

Ṭhāna’ nghĩa là ‘sở hay nơi làm việc’. Như chúng ta cần một nơi hay văn phòng để hoàn thành việc riêng, cũng vậy tâm cần nơi thực hiện những việc của nó. Sở là thân vật chất (body-substance) của mỗi tâm, có vai trò như là nơi thực hiện những việc làm của tâm.

Nơi làm việc của mỗi tâm cũng giống như tâm.

Có 10 ṭhāna (sở) bởi vì có 5 sự (việc) liên quan làm việc tuần tự trong 1 ṭhāna (sở) gọi là pañca-viññāṇaṭhāna (sở ngũ thức).

10 ṭhāna (sở) là:

1. Paṭisandhi ṭhāna (sở tái tục) = 19 tâm tái tục.

2. Bhavaṅga ṭhāna (sở hữu phần) = 19 tâm hữu phần.

3. Āvajjana ṭhāna (sở khai môn) = 2 tâm khai môn.

4. Pañca-viññāṇahāna (sở ngũ thức) = 10 tâm ngũ song thức.

5. Sampaṭicchanaṭhāna (sở tiếp thâu) = 2 tâm tiếp thâu.

6. Santīraṇaṭhāna (sở thẩm tấn) = 3 tâm thẩm tấn.

7. Voṭṭhapanaṭhāna (sở đoán định) = Tâm khai ý môn.

8. Javanaṭhāna (sở đổng lực) = 55 tâm đổng lực.

9. Tadālambaṇaṭhāna (sở na cảnh) = 11 tâm na cảnh.

10. Cutiṭhāna (sở tử) = 19 tâm tử.

IV. MÔN NHIẾP (DVĀRA SAṄGAHA)

‘Dvāra’ nghĩa là ‘môn, cửa’. Ở đây, ‘dvāra’ trong lộ trình tâm (citta vīthi) làm dịp, nhân hay điều kiện để lộ tâm sinh khởi. Nói cách khác, tất cả những tâm trong lộ sanh đặng đều do nương qua môn (dvāra), tợ như tất cả những người trong một công ty đều nương qua cửa của công ty để vào bên trong làm những phận sự riêng của mỗi người.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Dvāraṃ viyati = dvāraṃ: Pháp mà tợ như cửa, gọi là môn.

Ở phần này, citta (tâm) và cetasika (sở hữu tâm) sẽ được gom gọn theo 6 môn trong thân của chúng ta, qua đó, những cảnh bên ngoài có thể đi vào. ‘Dvāra’ - ‘môn hay cửa’ có 6:

1. Cakkhu-dvāra = nhãn môn (cakkhu pasāda – nhãn thanh triệt).

2. Sota-dvāra = nhĩ môn (sota pasāda – nhĩ thanh triệt).

3. Ghāna-dvāra = tỷ môn (ghāna pasāda – tỷ thanh triệt).

4. Jivhā-dvāra = thiệt môn (jivhā pasāda – thiệt thanh triệt).

5. Kāya-dvāra = thân môn (kāya pasāda – thân thanh triệt).

6. Mano-dvāra = ý môn (19 bhavaṅga citta – tâm hữu phần).

Ý giới có thể nương 5 môn vì sanh với lộ ngũ môn. Ý thức giới dục giới có thể nương cả 6 môn, nên hai phần này đối với mỗi 1 môn trong 5 môn đều bất định là thay đổi sanh đặng cả.

Còn nhãn thức chỉ nương nhãn môn chớ không đặng nương nhĩ, tỷ, thiệt hoặc thân môn. Nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức hoặc thân thức cũng như thế. Cho nên, đối với 5 đôi thức, đôi nào nương môn ấy là nhất định.

Lưu ý:

Những tên trong ngoặc chỉ cho những pháp thực tính của mỗi môn. ‘Pasāda’ là những sắc thanh triệt là nơi mà tâm nương đặng sinh khởi.

Năm dvāra (môn) trước là rūpa dvāra (môn sắc), trong khi môn thứ sáu là một nāma dvāra (môn danh).

Những tâm ở mỗi môn (môn có mấy tâm)

1. Có 46 tâm nương sanh qua nhãn môn:

(a) pañcadvārāvajjana 01 (khai ngũ môn).

(b) cakkhu viññāṇa 02 (nhãn thức).

(c) sampaṭicchāna 02 (tiếp thâu).

(d) santīraṇa 03 (thẩm tấn).

(e) voṭṭhapaṇa (đoán định) hay

mano dvārāvajjana 01 (khai ý môn).

(f) kāma javana 29 (đổng lực dục giới).

(g) tadālambaṇa 08 (na cảnh).

Tổng cộng: 46 (tâm dục giới, trừ 4 đôi thức ngoài ra).

Lưu ý: 11 tadālambaṇa (tâm na cảnh), 3 santīraṇa (tâm thẩm tấn) đã được tính trong 1. (d). Nên chỉ có 8 mahā vipāka citta (tâm đại quả) được tính trong 1. (g).

2. 46 tâm sanh qua nhĩ môn. Những tâm ấy như trong câu 1. chỉ thay cakkhu viññāṇa (nhãn thức) bằng sota viññnāṇa (nhĩ thức).

3. 46 tâm sanh qua tỷ môn. Những tâm ấy như trong câu 1. chỉ thay cakkhu viññāṇa (nhãn thức) bằng ghāna viññnāṇa (tỷ thức).

4. 46 tâm sanh qua thiệt môn. Những tâm ấy như trong câu 1. chỉ thay cakkhu viññāṇa (nhãn thức) bằng jivhā viññnāṇa (thiệt thức).

5. 46 tâm sanh qua thân môn. Những tâm ấy như trong câu 1. chỉ thay cakkhu viññāṇa (nhãn thức) bằng kāya viññnāṇa (thân thức).

6. Có 67 (hoặc 99) tâm sanh qua ý môn:

(a) mano dvārāvajjana 01 (khai ý môn).

(b) javana 55 (đổng lực) hoặc 87.

(c) tadālambaṇa 11 (na cảnh).

Tổng cộng: 67 (hoặc 99 - trừ ngũ song thức, 3 tâm ý giới và 9 tâm quả đáo đại).

Nói về ý môn thì tâm thiền đổng lực luôn luôn phải nương, nên gọi là nương ý môn nhất định. Còn 41 tâm ý thức giới dục giới (trừ ngũ song thức và 3 tâm ý giới) cũng có thể nương ý môn hoặc không, nên thuộc về phần nương ý môn bất định.

7. Ngoại môn: Tâm sanh vượt ngoài cả 6 môn có 19 thứ tâm là: Tâm thẩm tấn câu hành xả (2), tâm đại quả (8), tâm quả đáo đại (9).

19 thứ tâm này trong lúc làm việc ‘tái tục’, ‘hữu phần’, ‘tử’ là ngoại môn, nghĩa là vào sát-na làm việc ‘tái tục’ và ‘tử’ đó, chính nó cũng chưa là ý môn bởi vì không có lộ tâm phát sanh và trong sát-na làm việc ‘hữu phần’ đó, chính nó cũng đã là ý môn rồi.

Nên lưu ý có bài kệ tóm tắt về tâm nương môn như sau:

“Một cửa ba chục sáu tao

Ngũ môn ba thứ, lục hào băm dư,

Hoặc sáu hoặc khỏi có mười

Không nương cửa nẻo lối từ chín tâm.”

1. Tổng số tâm sinh khởi qua pañca dvāra (5 môn) hay rūpa dvāra (môn sắc) là 54 – bao gồm pañca dvārāvajjana 1 (khai ngũ môn), dvi pañca viññnāṇa 10 (ngũ song thức), sampaṭicchāna 2 (tiếp thâu), santīraṇa 3 (thẩm tấn), voṭṭhapaṇa (đoán định) hay mano dvārāvajjana 1 (khai ý môn), kāma javana 29 (đổng lực dục giới) và tadālambaṇa 08 (na cảnh). Đây là 54 kāmāvacara citta (tâm dục giới). [123]

2. “Một cửa ba chục sáu tao”, tâm nương 1 môn có 36 hay 68 là: Ngũ song thức, 18 tâm đổng lực đáo đại và 8 hay 40 tâm siêu thế.

3. “Ngũ môn ba thứ,…” là những tâm chỉ nương sanh ở pañca dvāra (5 môn) là 1 pañca dvārāvajjana (khai ngũ môn) và 2 sampaṭicchāna (tiếp thâu). 3 tâm này được gọi là mano dhātu (ý giới).

4. “…, lục hào băm dư,” là những tâm có thể sanh qua 6 mônsomanassa santīraṇa (thẩm tấn hỷ thọ), manodvārāvajjana (khai ý môn) và 29 kāma javana citta (tâm đổng lực dục giới), (tổng cộng = 31).

5. “Hoặc sáu hoặc khỏi có mười” là những tâm đôi khi sanh qua 6 môn và đôi khi không sanh qua 6 môn (nương bất định) là 2 upekkhā santīraṇa citta (tâm thẩm tấn xả thọ)[124] và 8 mahā vipāka citta (tâm đại quả) khi làm việc na cảnh nương 6 môn, còn khi làm việc tái tục v.v… khỏi nương môn, (tổng cộng = 10).

6. “Không nương cửa nẻo lối từ chín tâm” là những tâm luôn sanh ngoài môn là 9 mahaggata vipāka citta (tâm quả đáo đại). 9 tâm quả đáo đại chỉ làm việc: Tái tục, hữu phần và tử, không bao giờ làm việc theo khách quan nên khỏi nương môn (vì chính nó là môn).

7. 19 paṭisandhi citta (tâm tái tục), 19 bhavaṅga citta (tâm hữu phần) và 19 cuti citta (tâm tử) được gọi là dvāravimutti (tức là ngoại môn) bởi vì:

(i) Chúng không sanh ở bất cứ môn nào, như là nhãn môn, v.v…

(ii) Tự những bhavaṅga citta (tâm hữu phần) đóng vai trò là ý môn.

(iii) Chúng tồn tại mà không nhận bất cứ ngoại cảnh mới nào liên quan đến kiếp sống hiện tại.

Hay nói cách khác:

Ý giới có thể nương 5 môn vì sanh với lộ ngũ môn. Ý thức giới dục giới có thể nương cả 6 môn, nên hai phần này đối với mỗi 1 môn trong 5 môn đều bất định là thay đổi sanh đặng cả.

Nhãn thức chỉ nương nhãn môn, không thể nương nhĩ, tỷ, thiệt hoặc thân môn. Nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức hoặc thân thức cũng như thế. Cho nên 5 đôi thức, đôi nào nương môn ấy là nhất định.

Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammattha-saṅgaha)  (Chương 1 - 4)

V. CẢNH NHIẾP (ĀLAMBAṆA SAṄGAHA)[125]

Ālambaṇa hay ārammaṇa nghĩa là ‘cảnh’ hay ‘đối tượng’ (của tâm)[126]. ‘Cảnh’ là phần sở tri của tâm, tức là những chi bị tâm biết đặng đều gọi là ‘cảnh’, có nghĩa là nơi vui thích, nắm bắt, bám, đeo, níu của ‘tâm’ và ‘sở hữu tâm’. Ví như một người già hay người tàn tật cần nương cây gậy hay sợi dây là dụng cụ bám níu để đứng dậy hay đi được như thế nào, thì ‘tâm’ và ‘sở hữu tâm’ phải có cảnh làm nơi nương bắt để phát sanh liên tiếp nhau như thế ấy. Hay một vườn hoa là nơi vui thích cho tất cả mọi người đeo níu như thế nào, thì 6 cảnh như là cảnh sắc, v.v... là nơi vui thích cho ‘tâm’ và ‘sở hữu tâm’ đeo níu như thế ấy. Có Pāḷi chú giải như vầy:

“Ā abhimukhaṃ ramanti etthāti ārammaṇaṁ” (tiền tố (pubba) ā, căn ramu, vĩ ngữ yu). Tất cả tâm và sở hữu cùng đến vui thích đeo níu theo pháp thực tính nào, thì pháp thực tính ấy được gọi là “cảnh”.

“Cittacetasikehi ālambiyatīti ālambaṇaṁ”, tất cả ‘tâm’ và ‘sở hữu tâm’ nắm bắt, níu, quớ pháp thực tính nào thì pháp thực tính ấy gọi là ālambaṇa (cảnh).

‘Cảnh’ phân rộng thì có 21cảnh, còn khi nói gọn theo ‘môn’ (dvāra) thì có 6.

Cảnh Phân Rộng, Có 21:

- 1 là cảnh sắc (rūpārammaṇa) tức là các thứ màu.

- 2 là cảnh thinh (saddārammaṇa) tức là các thứ tiếng.

- 3 là cảnh khí (gandhārammaṇa) tức là các mùi thơm, thúi v.v…

- 4 là cảnh vị (rasārammaṇa) tức là mặn, lạt, chua, cay, v.v…

- 5 là cảnh xúc (phoṭṭhabbārammaṇa) tức là nóng, lạnh, cứng, mềm, chùng, thẳng và lay động.

- 6 là cảnh ngũ (pañcārammaṇa) tức là 5 cảnh trên gọi chung là cảnh ngũ.

- 7 là cảnh pháp (dhammārammaṇa) tức là ngoài ra cảnh ngũ, đều gọi là cảnh pháp.

- 8 là cảnh siêu lý (paramatthārammaṇa) là tâm, sở hữu tâm, sắc pháp và Níp-bàn.

- 9 là cảnh chế định (paññattīrammaṇa) là ngoài ra tâm, sở hữu tâm, sắc pháp và Níp-bàn tức là chúng sanh, vũ trụ và sự vật v.v…

- 10 là cảnh dục giới (kāmārammaṇa) tức là tâm dục giới, sở hữu tâm và sắc.

- 11 là cảnh đáo đại (mahaggatārammaṇa) tức là tâm sắc giới, tâm vô sắc giới và sở hữu hợp.

- 12 là cảnh Níp-bàn (nibbānārammaṇa) tức là Níp-bàn.

- 13 là cảnh danh pháp (nāmārammaṇa) tức là tâm, sở hữu tâm và Níp-bàn.

- 14 là cảnh sắc pháp (rūpārammaṇa) tức là 28 sắc pháp.

- 15 là cảnh quá khứ (atītārammaṇa) tức là tâm, sở hữu và sắc đã diệt.

- 16 là cảnh hiện tại (paccupannārammaṇa) tức là tâm, sở hữu và sắc đang còn.

- 17 là cảnh vị lai (anāgatārammaṇa) tức là tâm, sở hữu và sắc sẽ sanh.

- 18 là cảnh ngoại thời (kālavimuttīrammaṇa) tức là Níp-bàn và chế định. Vì Níp-bàn không sanh, diệt. Còn chế định chẳng phải thật sanh diệt.

- 19 là cảnh nội phần (ajjhattārammaṇa) tức là tâm, sở hữu và sắc sanh theo thân, tâm ta.

- 20 là cảnh ngoại phần (bahiddhārammaṇa) tức là Níp-bàn và tâm, sở hữu tâm và sắc pháp sanh ngoài thân tâm ta.

- 21 là cảnh nội và ngoại phần (ajjhattabāhiddhārammaṇa) tức là cảnh nội phần và ngoại phần, nói chung lại gọi là cảnh nội và ngoại phần.

Ở đây, Citta (tâm) và cetasika (sở hữu tâm) sẽ được gom gọn dựa theo 6 cảnh.

Cảnh Phân Theo ‘Môn-Dvāra’, Có 6:

1. Rūpārammaṇa = Cảnh sắc (rūpa hay vaṇṇa) là sắc cảnh sắc, tức các màu, hình dáng, hình thể.

2. Saddārammaṇa = Cảnh thinh (sadda) là sắc cảnh thinh, tức các tiếng.

3. Gandhārammaṇa = Cảnh khí (gandha) là sắc cảnh khí, tức các mùi.

4. Rasārammaṇa = Cảnh vị (rasa) là sắc cảnh vị, tức các vị.

5. Phoṭṭhabbārammaṇa = Cảnh xúc [pathavi (đất), vāyo (lửa), tejo (gió)] là xúc chạm, cứng, mềm, lạnh, nóng, căng, chùng.

6. Dhammārammaṇa = Cảnh pháp, cảnh ý.

Cảnh pháp có 6 phần: (i) 5 pasāda rūpa (sắc thanh triệt), (ii) 16 sukhuma rūpa (sắc tế)[127], (iii) 89 citta (tâm), (iv) 52 cetasika (sở hữu tâm), (v) Nibbāna (Níp-bàn) và (vi) paññatti (chế định)[128] như là kasiṇa nimitta (tướng hay ấn chứng của đề mục). Cảnh pháp không thể sanh ở pañca dvāra (ngũ môn).

Lưu ý: Những tên trong ngoặc của 5 cảnh trước là những thực tính cốt lõi của cảnh. Còn cảnh pháp, 6 cảnh được đề cập phía trên là những phần trọng yếu.

Có hai loại cảnh là:

1. Samañña ārammaṇa: Cảnh phổ thông, bình thường, không có cái gì đặc biệt.

2. Adhipati ārammaṇa: Cảnh đặc biệt (cảnh làm trưởng – cảnh trưởng).

Cảnh đặc biệt hay cảnh trưởng là cảnh có năng lực xâm lấn ‘tâm’, ‘sở hữu tâm’ và níu giữ cả ‘tâm’ và ‘sở hữu tâm’ ấy đến với cảnh. Như vua Kusa đi theo nàng Prabhavadī đoạn đường dài 100 do tuần, do năng lực của sắc đẹp, tức cảnh sắc của nàng Prabhavadī có thể trói buộc tâm của vua Kusa đi theo cho đến tận được. Có Pāḷi chú giải như sau: “Cittacetasika ālambatīti = ālambaṇaṁ”: Pháp thực tính nào níu kéo cả ‘tâm’ và ‘sở hữu tâm’ thì pháp thực tính ấy gọi là ālambaṇa, đó là 6 cảnh làm trưởng.

Cảnh Phân Theo Thời

Cảnh phân theo ‘thời’ có hai là ‘cảnh nội thời’ (tekālika ārammaṇa) và ‘cảnh ngoại thời’ (kālavimuttā ārammaṇa):

1) Cảnh nội thời (tekālika ārammaṇa): Là cảnh liên hệ với cả 3 thời là hiện tại, quá khứ, vị lai. Đó là tâm, sở hữu tâm, sắc pháp.

Tâm, sở hữu tâm, sắc pháp mà là cảnh hiện tại, nghĩa là vào sát-na cảnh đang hiện bày trong lộ nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; tức đang thấy, đang nghe, đang ngửi, đang nếm, đang xúc, đang bắt cảnh pháp mà cảnh phát sanh ấy chưa diệt đi. Những điều này gọi là cảnh hiện tại.

Tâm, sở hữu tâm, sắc pháp mà là cảnh quá khứ, nghĩa là những cảnh đã qua rồi, tức cảnh đã thấy, đã nghe, đã ngửi, đã nếm, đã xúc chạm, còn lộ ý thì nghĩ ngợi về cảnh đã qua rồi.

Tâm, sở hữu tâm, sắc pháp mà là cảnh vị lai, nghĩa là các cảnh khác nhau, sẽ đến xuất hiện trong lộ nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý tức sẽ thấy, sẽ nghe, sẽ ngửi, sẽ nếm, sẽ xúc chạm, lộ ý đó nghĩ ngợi đến cảnh mà sẽ đến hiện bày.

Gom cả 3 trường hợp này gọi là cảnh nội thời (tekālika ārammaṇa).

2) Cảnh ngoại thời (kālavimuttā ārammaṇa): Là cảnh không liên hệ với cả 3 thời. Đó là Níp-bàn và chế định.

Níp-bàn và chế định là cảnh ngoại thời, vì 2 pháp này là pháp vô vi, là pháp không bị tạo tác do 4 duyên. Do đó, sự phát sanh của 2 pháp này không có, do đó không thể nói Níp-bàn và chế định này là pháp hiện tại, quá khứ hay vị lai. Nên gọi là cảnh ngoại thời (kālavimuttā ārammaṇa).

Những Tâm Biết Cảnh Do Nương Môn Và Không Nương Môn hay

Cảnh Đặng Mấy Tâm

Nói gọn theo 6 môn:

1) 46 tâm[129] sanh qua nhãn môn được gọi là cakkhu dvārika citta (tâm nương nhãn môn), biết cảnh sắc hiện tại,[130] và 2 tâm thông là 48 thứ tâm.

Trong đó, 2 tâm nhãn thức biết cảnh sắc nhất định. Còn 2 tâm thông và 44 tâm dục giới (trừ 4 đôi thức sau) biết cảnh sắc bất định.

2) 46 tâm sanh qua nhĩ môn được gọi là sota dvārika citta (tâm nương nhĩ môn), biết cảnh thinh hiện tại và 2 tâm thông là 48 thứ tâm.

Trong đó, 2 tâm nhĩ thức biết cảnh thinh nhất định. Còn 2 tâm thông và 44 tâm dục giới (trừ 4 đôi thức ngoài ra) biết cảnh thinh bất định.

3) 46 tâm sanh qua tỷ môn được gọi là ghāna dvārika citta (tâm nương tỷ môn), biết cảnh khí hiện tại và 2 tâm thông là 48 thứ tâm.

Trong đó, 2 tâm tỷ thức biết cảnh khí nhất định. Còn 2 tâm thông và 44 tâm dục giới (trừ 4 đôi thức ngoài ra) biết cảnh khí bất định.

4) 46 tâm sanh qua thiệt môn được gọi là jvīha dvārika citta (tâm nương thiệt môn), biết cảnh vị hiện tại và 2 tâm thông là 48 thứ tâm.

Trong đó, 2 tâm thiệt thức biết cảnh vị nhất định. Còn 2 tâm thông và 44 tâm dục giới (trừ 4 đôi thức ngoài ra) biết cảnh vị bất định.

5) 46 tâm sanh qua thân môn được gọi là kāya dvārika citta (tâm nương thân môn), biết cảnh xúc hiện tại và 2 tâm thông là 48 thứ tâm.

Trong đó, 2 tâm thân thức biết cảnh xúc nhất định. Còn 2 tâm thông và 44 tâm dục giới (trừ 4 đôi thức ngoài ra) biết cảnh xúc bất định.

6) 67 tâm sanh qua ý môn được gọi là mano dvārika citta (tâm nương ý môn)[131], biết tất cả 6 cảnh có thể là hiện tại, quá khứ, vị lai hay ngoại thời (Níp-bàn và chế định).

7) Tâm ngoại môn là tâm không nương môn, phát sanh do năng lực của nghiệp quá khứ và 1 trong 6 cảnh. Những tâm ngoại môn này sanh ra làm việc paṭisandhi (tái tục), bhavaṅga (hữu phần) và cuti (tử). Cả 19 thứ tâm này, có 1 trong 6 cảnh lúc cận tử gọi là cảnh ‘nghiệp’, điềm nghiệp, điềm sinh, thuộc hiện tại, quá khứ và chế định có đổng lực cận tử qua 6 môn nhận cảnh từ đời trước.

Thông thường khi 6 cảnh đến hiện bày cho người cận tử, nếu là cảnh sắc, thinh, khí, vị, xúc chạm, 1 trong 5 cảnh ấy đều gọi là cảnh ‘điềm nghiệp’, tùy trạng thái của cảnh đến hiện bày làm ấn chứng đó là cảnh gì. Nhưng nếu là cảnh pháp mà liên hệ với đổng lực cận tử bắt lấy cảnh đến từ kiếp trước lúc gần tử thì gọi là cảnh ‘nghiệp’, điềm nghiệp hay cảnh ‘điềm sinh’.

Còn 6 cảnh mà đến hiện bày ở lộ nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý trong thời bình nhật đối với tất cả chúng sanh khi cận Níp-bàn không gọi là cảnh ‘nghiệp’, cảnh ‘điềm nghiệp’, cảnh ‘điềm sinh’ đặng, bởi do không có sự sanh kế tiếp nữa.

Nói rộng theo 21 cảnh:

1) Cảnh sắc có 48 tâm biết là: 2 tâm nhãn thức biết cảnh sắc nhất định. Còn 2 tâm thông và 44 tâm dục giới (trừ 4 đôi thức sau) biết cảnh sắc bất định.

2) Cảnh thinh có 48 tâm biết là: 2 tâm nhĩ thức biết cảnh thinh nhất định. Còn 2 tâm thông và 44 tâm dục giới (trừ 1 đôi thức trước và 3 đôi thức sau) biết cảnh thinh bất định.

3) Cảnh khí có 48 tâm biết là: 2 tâm tỷ thức biết cảnh khí nhất định. Còn 2 tâm thông và 44 tâm dục giới (trừ 2 đôi thức trước và 2 đôi thức sau) biết cảnh khí bất định.

4) Cảnh vị có 48 tâm biết là: 2 tâm thiệt thức biết cảnh vị nhất định. Còn 2 tâm thông và 44 tâm dục giới (trừ 3 đôi thức trước và 1 đôi thức sau) biết cảnh vị bất định.

5) Cảnh xúc có 48 tâm biết là: 2 tâm thân thức biết cảnh xúc nhất định. Còn 2 tâm thông và 44 tâm dục giới (trừ 4 đôi thức trước) biết cảnh xúc bất định.

6) Cảnh ngũ có 46 tâm biết là: 3 tâm ý giới biết cảnh ngũ nhất định. Còn 2 tâm thông và 41 tâm dục giới (trừ ngũ song thức và 3 tâm ý giới) biết cảnh ngũ bất định.

Nói về cảnh sắc, thinh, khí, vị và xúc, mỗi cảnh mỗi đôi thức như là: Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân. Đôi nào theo cảnh nấy, nhất định như thế. Nhãn thức nếu không có cảnh sắc thì không bao giờ sanh ra. Khi gặp cảnh sắc tốt thì về phần nhãn thức quả thiện, còn khi gặp sắc xấu thì về phần quả bất thiện, không khi nào bắt cảnh khác.

Tám thức sau cũng như thế. Ba tâm ý giới cũng biết đủ 5 cảnh. Nếu nói riêng thì ý giới biết không nhất định, vì sanh cùng lộ với nhãn thức thì chỉ biết cảnh sắc theo phần nhãn thức. Sanh một lộ với nhĩ thức thì biết cảnh thinh theo nhĩ thức v.v… Nếu nói chung 5 cảnh gọi là cảnh ngũ (pañcārammaṇa) thì ý giới biết nhất định, không biết ngoài cảnh ngũ. Tâm thông (abhiññā) và 41 tâm dục giới (trừ ngũ song thức và ý giới) đối với 6 cảnh nói trước đều bất định cả, vì cũng biết cảnh pháp.

7) Cảnh pháp có 78 hoặc 110 tâm biết là: 27 tâm đáo đại và 8 hoặc 40 tâm siêu thế biết cảnh pháp nhất định. 2 tâm thông và 41 tâm dục giới (trừ ngũ song thức và 3 tâm ý giới) biết cảnh pháp bất định.

Hai tâm thông và 41 tâm dục giới (trừ ngũ song thức và 3 tâm ý giới) vì những tâm này biết cảnh ngũ, nên biết cảnh pháp bất định. Thiền hiệp thế dù đề mục nào cũng là cảnh pháp.

8) Cảnh siêu lý có 70 hoặc 102 tâm biết là: 8 hoặc 40 tâm siêu thế, 3 tâm thức vô biên, 3 tâm phi tưởng phi phi tưởng, 8 tâm đại quả và 17 tâm vô nhân (trừ khai ý môn) biết cảnh siêu lý nhất định. Còn 12 tâm bất thiện, tâm khai ý môn, 8 tâm đại thiện, 8 tâm đại tố và 2 tâm thông biết cảnh siêu lý bất định.

Tâm siêu thế (lokuttaracitta) sanh ra luôn luôn chỉ bắt Níp-bàn làm cảnh. Ba tâm thức vô biên sanh ra đặng do bắt đề mục không vô biên làm cảnh. Thức đây là tâm không vô biên, là nhận định cho rằng tâm không vô biên ấy rỗng rang vô cùng, vô tận không bờ mé. Ba tâm phi tưởng phi phi tưởng xứ khi phát sanh ra chỉ bắt cảnh đề mục cho rằng tâm vô sở hữu ấy chẳng phải có chẳng phải không. Còn 8 tâm đại quả và 17 tâm vô nhân (trừ khai ý môn) sanh ra không bao giờ biết cảnh chế định như trong bài đọc nói: “Trọn quớ cảnh dục hai mươi lăm”, nghĩa là 25 tâm này sanh ra hoàn toàn biết cảnh siêu lý thuộc về Dục giới.

9) Cảnh chế định có 52 tâm biết là: 15 tâm sắc giới, 3 tâm không vô biên và 3 tâm thức vô biên biết cảnh chế định nhất định. 12 tâm bất thiện, khai ý môn, 8 tâm đại thiện, 8 tâm đại tố và 2 tâm thông biết cảnh chế định bất định.

Cảnh chế định trong văn lục bát nói: “Hơn hăm chế bày” là 21 tâm hoàn toàn biết cảnh chế định, không bao giờ biết cảnh siêu lý. 15 tâm sắc giới biết trong vòng 26 đề mục đều là chế định như: Thập hoàn tịnh, thập bất mỹ, tứ vô lượng tâm, quán thân thể trược và đếm hơi thở cho đến khi biết hơi thở đụng môi hoặc mũi cũng đều chế định cả.

Ba tâm không vô biên chỉ bắt đề mục chế định hư không không cùng tột. Ba tâm vô sở hữu cũng bắt cảnh đề mục chế định, cho rằng không chi có, vì thế mới có phái chấp không do giả định này. 2 tâm thông, khai ý môn và 28 tâm đổng lực dục giới hữu nhân, cũng có khi bắt pháp siêu lý, tùy trường hợp.

10) Cảnh dục giới có 56 tâm biết đặng là: 8 tâm đại quả và 17 tâm vô nhân (trừ khai ý môn) biết cảnh dục giới nhất định. Còn 12 tâm bất định, khai ý môn, 8 tâm đại thiện, 8 tâm đại tố và 2 tâm thông biết cảnh dục giới bất định.

Như trước có nhắc: “Trọn quớ cảnh dục hai mươi lăm” nghĩa là 25 tâm biết cảnh dục giới nhất định là 8 tâm đại quả và 17 tâm vô nhân (trừ khai ý môn) vì luôn luôn biết cảnh siêu lý thuộc về dục giới. Còn 2 tâm thông, 28 tâm đổng lực dục giới hữu nhân và khai ý môn cũng biết cảnh ngoài ra pháp dục giới hoặc siêu lý hoặc chế định.

11) Cảnh đáo đại có 37 tâm biết đặng là: 3 tâm thức vô biên và 3 tâm phi tưởng phi phi tưởng biết cảnh đáo đại nhất định. Còn 2 tâm thông, 16 tâm thức dục giới tịnh hảo, tâm khai ý môn và 12 tâm bất thiện biết cảnh đáo đại bất định.

Ba tâm thức vô biên bắt cảnh không ngoài không vô biên. Ba tâm phi tưởng phi phi tưởng cũng chỉ bắt cảnh bằng tâm vô sở hữu. Vì thế nên 6 tâm này luôn luôn phát sanh ra đều biết cảnh đáo đại. Còn 28 tâm đổng lực dục giới hữu nhân và khai ý môn nếu suy xét đến những tâm thiền mới biết cảnh đáo đại, nên thuộc về bất định.

12) Cảnh Níp-bàn có 19 hoặc 51 tâm biết đặng là: 8 hoặc 40 tâm siêu thế, biết cảnh Níp-bàn nhất định. Còn tâm khai ý môn, 8 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo tương ưng và 2 tâm thông biết cảnh Níp-bàn bất định.

Tâm siêu thế luôn luôn hưởng cảnh Níp-bàn nên thuộc về nhất định. Còn khai ý môn, 8 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo tương ưng, 2 tâm thông, thứ nào có sanh chung với đạo, quả và hoặc bậc đã đắc đạo quả rồi có khi suy xét nhớ nghĩ đến Níp-bàn, thời mấy tâm này mới biết Níp-bàn đặng, nên gọi là biết cảnh Níp-bàn bất định.

13) Cảnh danh pháp có 57 hoặc 89 tâm biết đặng là: 8 hoặc 40 tâm siêu thế, 3 tâm thức vô biên và 3 tâm phi tưởng phi phi tưởng biết cảnh danh pháp nhất định. Còn 2 tâm thông và 41 tâm dục giới (trừ ngũ song thức và 3 tâm ý giới) biết cảnh danh pháp bất định.

Sáu tâm chỉ biết cảnh đáo đại và tâm siêu thế thì không bao giờ biết cảnh sắc pháp và chế định, cho nên biết danh pháp nhất định. Còn 41 tâm dục giới (trừ ngũ song thức và 3 tâm ý giới) cũng biết sắc pháp và chế định, nên đối với danh pháp là bất định.

14) Cảnh sắc pháp có 56 tâm biết đặng là: Ngũ song thức và 3 tâm ý giới biết cảnh sắc pháp nhất định. Còn 2 tâm thông và 41 tâm dục giới (trừ ngũ song thức và 3 tâm ý giới) biết cảnh sắc pháp bất định.

Ngũ song thức và ý giới sanh ra không bao giờ biết cảnh ngoài ra sắc pháp. Còn 43 tâm dục giới ngoài ra, khi sanh theo lộ ngũ thì biết cảnh pháp và kể chung 2 tâm thông khi suy xét đến sắc pháp cũng biết đặng, cho nên 43 tâm đều biết cảnh sắc pháp không nhất định.

15) Cảnh quá khứ có 49 tâm biết đặng là: 3 tâm thức vô biên và 3 tâm phi tưởng phi phi tưởng biết cảnh quá khứ nhất định. Còn 2 tâm thông và 41 tâm dục giới (trừ ngũ song thức và 3 tâm ý giới) biết cảnh quá khứ bất định.

Cảnh quá khứ có 49 tâm biết. Ba tâm thức vô biên và 3 tâm phi tưởng phi phi tưởng bắt cảnh thiền thấp hơn kế trước. Vì những thiền sở tri đã diệt rồi, nên 6 tâm này biết cảnh trái với quá khứ là không có. Còn 43 tâm ngoài ra cũng biết cảnh hiện tại và vị lai đặng; nên đối với cảnh quá khứ là bất định.

16) Cảnh hiện tại có 56 tâm biết đặng là: Ngũ song thức và 3 tâm ý giới biết cảnh hiện tại nhất định. Còn 2 tâm thông và 41 tâm dục giới (trừ ngũ song thức và 3 tâm ý giới) biết cảnh hiện tại bất định.

17) Cảnh vị lai có 43 tâm biết đặng là: 2 tâm thông và 41 tâm dục giới (trừ ngũ song thức và 3 tâm ý giới) biết cảnh vị lai bất định.

Ngũ song thức và ý giới chỉ sanh theo lộ ngũ và bắt cảnh ngũ thuộc về sắc pháp hiện tại. 2 tâm thông và 41 tâm dục giới ngoài ra cũng biết cảnh quá khứ, vị lai; cho nên cảnh vị lai có 43 tâm này đều biết không nhất định cả.

18) Cảnh ngoại thời có 60 hoặc 92 tâm biết đặng là: 15 tâm sắc giới, 3 tâm không vô biên, 3 tâm vô sở hữu và 8 hoặc 40 tâm siêu thế, biết cảnh ngoại thời nhất định. Còn 2 tâm thông và 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo, khai ý môn và 12 tâm bất thiện, bắt cảnh ngoại thời bất định.

Tâm chỉ biết Níp-bàn và chế định luôn luôn thuộc về ngoại thời, không có quá khứ, hiện tại, vị lai chi cả (vì chế định không phải thật có). Còn 2 tâm thông và 29 tâm ngoài ra biết cảnh dục giới nhất định, vì cũng biết cảnh hữu vi đặng và Níp-bàn, chế định cũng có, cho nên đối với cảnh ngoại thời là bất định.

19) Cảnh nội phần có 62 tâm biết đặng gồm: 3 tâm thức vô biên, 3 tâm phi tưởng phi phi tưởng biết cảnh nội phần nhất định. 54 tâm dục giới và 2 tâm thông biết cảnh nội phần bất định.

Ba tâm thức vô biên và ba tâm phi tưởng phi phi tưởng sanh cho người nào chỉ bắt tâm thiền không vô biên và tâm thiền vô sở hữu của người ấy, chớ không bao giờ bắt tâm của người khác mà đắc thiền được, vì thế nên 6 tâm này biết cảnh nội phần nhất định. 2 tâm thông và tâm dục giới cũng biết ngoài ra thân tâm ta được, cho nên đối với cảnh nội phần không nhất định.

20) Cảnh ngoại phần có 82 hoặc 114 tâm biết đặng là: 15 tâm sắc giới, 3 tâm không vô biên, 8 hoặc 40 tâm siêu thế biết cảnh ngoại phần nhất định. 54 tâm dục giới và 2 tâm thông biết cảnh ngoại phần bất định.

Tâm siêu thế chỉ biết Níp-bàn là chẳng phải trong thân tâm ta. Có người hiểu Níp-bàn tự tâm là quá sai. Ba tâm không vô biên đối với đề mục (kasiṇa) hoàn tịnh hữu hình cho là không có, mà lại định cái không ấy lớn lao thênh thang vô cùng vô tận không bờ mé, thì cái chế định như thế hẳn là ngoài phạm vi thân tâm ta và 15 tâm sắc giới không kể tâm thông cũng bắt theo đề mục chớ chẳng phải thứ nào có trong thân tâm ta, cho nên đều thuộc về cảnh ngoại phần nhất định. Tâm dục giới và tâm cũng có thể biết đặng thông ngoài thân tâm ta, cho nên đối với cảnh ngoại phần là bất định.

21) Cảnh nội phần và ngoại phần có 56 tâm biết đặng là: 2 tâm thông và 54 tâm dục giới biết cảnh nội và ngoại phần bất định.

Lấy cảnh nội phần và cảnh ngoại phần kêu chung lại, chớ không có cảnh như thế. Vì nêu tâm biết cảnh nội phần cũng được và biết cảnh ngoại phần cũng được, nên chỉ có phần bất định.

Tâm biết cảnh nhất định có 35 hoặc 67 tâm thiền. Tâm biết cảnh bất định có 31 là: 2 tâm thông, 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo, tâm tiếu sinh và 12 tâm bất thiện. Còn tâm biết cảnh nhất định và bất định có 25 là: 8 tâm đại quả và 17 tâm vô nhân (trừ tiếu sinh).

Ba phần tóm tắt: 1 là tâm biết cảnh nhất định có 35 hoặc 67; 2 là tâm biết cảnh bất định có 31; 3 là tâm biết cảnh nhất định và bất định có 25.

Tâm tất cả là 123 (tính luôn 2 tâm thông), phân theo 21 cảnh, chia 3 phần như sau:

- 1 là phần những tâm biết cảnh nhất định, tức là mỗi khi sanh vẫn biết những cảnh đồng như thứ tâm đã sanh trước, dù sau này sanh mấy lần vẫn biết cảnh không khác như là tâm sắc giới, tâm không vô biên và tâm vô sở hữu luôn luôn biết cảnh chế định. Ba thứ tâm thức vô biên và 3 thứ tâm phi tưởng phi phi tưởng vẫn biết cảnh đáo đại v.v… dù thay đổi chi cũng không ngoài những cảnh ấy. Còn tâm siêu thế luôn luôn biết cảnh Níp-bàn và những cảnh tính chung như là cảnh pháp, cảnh siêu lý v.v….

- 2 là phần những tâm biết cảnh bất định như là tâm thông, tâm đổng lực dục giới hữu nhân và tâm khai ý môn biết rất nhiều cảnh mà không có cảnh nào nhất định.

- 3 là phần những tâm biết cảnh nhất định và bất định như là ngũ song thức khi biết cảnh ngoại phần thì không biết cảnh nội phần, khi biết cảnh nội phần thì không biết cảnh ngoại phần, nhưng mỗi đôi thức đều biết cảnh nhất định tương ứng. Ba tâm ý giới biết 6 cảnh nhất định là cảnh ngũ, cảnh siêu lý, cảnh sắc pháp, cảnh dục giới, cảnh nội/ ngoại phần và cảnh hiện tại. 5 cảnh không nhất định là sắc, thinh, khí, vị, xúc nội và cảnh ngoại. Tâm thẩm tấn, tâm tiếu sinh và tâm đại quả biết 4 cảnh nhất định là cảnh ngũ, cảnh dục giới, cảnh siêu lý và cảnh nội ngoại. Tâm biết 13 cảnh nhất định là cảnh nội, cảnh ngoại, cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh khí, cảnh vị, cảnh xúc, cảnh quá khứ, cảnh hiện tại, cảnh vị lai, cảnh danh pháp, cảnh sắc pháp và cảnh đáo đại. Sở hữu bất thiện biết 20 cảnh bất định (trừ tật), không bao giờ biết đạo, quả và Níp-bàn. Sở hữu tật biết 1 cảnh ngoại phần nhất định. 19 cảnh (trừ Níp-bàn) biết không nhất định. Ba sở hữu giới phần biết cảnh siêu lý nhất định, còn 19 cảnh kia (trừ quá khứ) biết bất định. Hai sở hữu vô lượng phần biết 4 cảnh nhất định là cảnh pháp, cảnh chế định, cảnh ngoại thời và cảnh ngoại phần. 33 sở hữu ngoài ra biết 21 cảnh đều bất định.

Tâm Biết Đặng Mấy Cảnh

- Tâm biết 3 cảnh có 3 là: Ba tâm vô sở hữu xứ ghi số 3, nêu 3 tâm này biết cảnh pháp, cảnh chế định và cảnh ngoại thời.

- Tâm biết 4 cảnh có 18 là: Ba tâm không vô biên xứ và 15 tâm sắc giới, ghi số 4, nêu những tâm này biết 4 cảnh là: Cảnh pháp, cảnh chế định, cảnh ngoại thời và cảnh ngoại phần.

- Tâm biết 6 cảnh có 14 hoặc 46 là:

Ba tâm thức vô biên xứ và 3 tâm phi tưởng phi phi tưởng xứ ghi số 6, nêu 6 tâm này biết 6 cảnh là: Cảnh pháp, cảnh đáo đại, cảnh siêu lý, cảnh quá khứ, cảnh danh pháp và cảnh nội phần.

Tâm siêu thế ghi số 6; nêu những tâm này biết 6 cảnh là: Cảnh pháp, cảnh siêu lý, cảnh Níp-bàn, cảnh ngoại phần, cảnh ngoại thời và cảnh danh pháp.

- Tâm biết 7 cảnh có 10 là: Ngũ song thức ghi số 7, nêu những tâm này biết 7 cảnh là: Cảnh sắc, cảnh hiện tại, cảnh dục giới, cảnh siêu lý, cảnh nội phần, cảnh ngoại phần và 1 trong cảnh ngũ.

- Tâm biết 13 cảnh có 3 là: 3 tâm ‘ý giới’ ghi số 13, nêu 3 tâm này biết 13 cảnh là: Cảnh ngũ, cảnh sắc pháp, cảnh dục giới, cảnh siêu lý, cảnh hiện tại, cảnh nội phần, cảnh ngoại phần, cảnh nội và ngoại phần, cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh khí, cảnh vị, cảnh xúc.

- Tâm biết 17 cảnh có 12 là: 3 tâm thẩm tấn, tâm tiếu sinh, 8 tâm đại quả ghi số 17, nêu những tâm này biết 17 cảnh là: 21 cảnh trừ ra 4 cảnh Níp-bàn, đáo đại, chế định và ngoại thời.

- Tâm biết 20 cảnh có 20 là: 12 tâm bất thiện và 8 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo bất tương ưng biết 20 cảnh là 21 cảnh trừ ra cảnh Níp-bàn luôn đạo, quả.

- Tâm biết 21 cảnh có 11 là: Tâm khai ý môn, 8 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo tương ưng và 2 tâm thông ghi số 21, nêu những tâm này biết 21 cảnh, tùy theo bậc khác nhau.

Chỉ có 6 thứ tâm là tâm khai ý môn, 4 tâm đại tố tương ưng và tâm thông tố sanh cho bậc Toàn giác, biết đặng tất cả 21 cảnh, cho nên trong văn lục bát nói: “Nuốt trọn đặng có 6 tâm”.

Nên thuộc nhuần những câu như sau!!!

“Trọn quớ cảnh dục hai lăm,

Sáu leo đáo đại hơn hăm chế bày,

Níp-bàn có tám quyết nay,

Ăn chừa siêu thế đặng rày hai mươi,

Chỉ trừ La-hán đạo cư,

Cũng là quả tột nửa mười là năm,

Nuốt trọn đặng có sáu tâm,

Hợp đồng cảnh giới dón trong bảy phần.”

Những Tâm Và Cảnh Riêng

1. Cakkhu viññāṇa dvi (đôi nhãn thức) chỉ biết cảnh sắc hiện tại (nhất định).

Sota viññāṇa dvi (đôi nhĩ thức) chỉ biết cảnh thinh hiện tại (nhất định).

Ghāna viññāṇa dvi (đôi tỷ thức) chỉ biết cảnh khí hiện tại (nhất định).

Jīvha viññāṇa dvi (đôi thiệt thức) chỉ biết cảnh vị hiện tại (nhất định).

Kāya viññāṇa dvi (đôi thân thức) chỉ biết cảnh xúc hiện tại (nhất định).

2. 3 mano dhātu (ý giới) [pañca dvārāvajjana (khai ngũ môn) và sampaṭicchanna dvi (đôi tiếp thâu)] biết 5 cảnh trên thuộc về hiện tại.

3. 11 tadālambaṇa (na cảnh) và hasituppāda (tiếu sinh) biết 6 cảnh dục gồm có 54 kāma citta (tâm dục), 52 kāmacetasika (sở hữu dục) và 28 thứ rūpa (sắc pháp).

4. 12 akusala citta (tâm bất thiện), 4 ñāṇavippayutta mahākusala citta (tâm đại thiện bất tương ưng trí) và 4 ñānavipayutta mahākiriya citta (tâm đại tố bất tương ưng trí) biết 6 cảnh hiệp thế (lokiya), gồm có 81 lokiya citta (tâm hiệp thế), 52 lokiya cetasika (sở hữu tâm hiệp thế), 28 thứ rūpa (sắc pháp) và pháp chế định.

5. 4 ñāṇasampayutta mahākusala citta (tâm đại thiện tương ưng trí) và rūpa kusala abhiññā[132] (thông thiện sắc) biết tất cả 6 cảnh trừ Arahatta magga (Arahaṃ đạo) và phala (quả). Những cảnh này gồm có 87 tâm (trừ Arahaṃ đạo và quả), 52 sở hữu phối hợp với 87 tâm, 28 thứ sắc, chế định và Níp-bàn.

6. 4 ṇāṇasampayutta mahākiriya citta (tâm đại tố tương ưng trí), kiriya abhiññā (thông tố) và mano dvārāvajjana citta (tâm khai ý môn) biết tất cả 6 cảnh gồm có 89 tâm, 52 sở hữu tâm, 28 sắc pháp, chế định và Níp-bàn.

7. 15 rūpāvacara citta (tâm sắc giới), trừ abhiññā dvi (đôi thông) có pháp chế định là cảnh.

8. 3 ākāsānañcāyatana citta (tâm không vô biên xứ) có ākāsa (hư không không cùng tận) và ākiñcañña (vô sở hữu) tuần tự làm cảnh.

9. 3 viññāṇañcāyatana citta (tâm thức vô biên xứ) và 3 nevasaññā nāsaññāyatana citta (tâm phi tưởng phi phi tưởng xứ) có ākāsānañcāyatana kusala / vipāka citta (tâm thiện / quả không vô biên xứ) và ākiñcañña kusala / vipāka citta (tâm thiện / quả vô sở hữu xứ) tuần tự làm cảnh.

10. 8 lokuttara citta (tâm siêu thế) có Nibbāna (Níp-bàn) làm cảnh.

11. 19 paṭisandhi citta (tâm tái tục), 19 bhavaṅga citta (tâm hữu phần) và 19 cuti citta (tâm tử) có maranāsanna nimitta (điềm cận tử) làm cảnh. Điềm này có thể là dưới dạng kamma (cảnh ‘nghiệp’), điềm nghiệp hay điềm sinh.

VI. VẬT NHIẾP (VATTHU SAṄGAHA)[133]

Vatthu’ nghĩa là ‘vật’, nương vào sắc ‘vật’ này, những citta (tâm) và cetasika (sở hữu tâm) khác nhau phối hợp đặng sanh.

Vật (vatthu) có hai loại là vật cụ thể nói theo pháp chế định và vật nói theo bản thể thực tính siêu lý. Vật cụ thể nói theo pháp chế định chỉ cho sáu vật hiện bày ra như: Con mắt, lỗ tai, lỗ mũi, cái lưỡi, cái thân, trái tim. Vật nói theo bản thể thực tính siêu lý là những sắc thanh triệt sẽ được trình bày ở đây.

Có Pāḷi chú giải như vầy: “Vasanti patiṭṭhahanti cittacetasikā etthāti = vatthu”: Tâm và sở hữu tâm nương nơi sắc thực tính nào đặng sanh, thì sắc thực tính ấy gọi là ‘vật’.

Vatthu’, nói theo bản thể thực tính siêu lý chỉ cho 5 sắc thanh triệt và sắc nghiệp nương trái tim, tất cả có sáu như là:

1. Cakkhu vatthu (nhãn vật) có pháp thực tính là cakkhu pasāda (nhãn thanh triệt).

2. Sota vatthu (nhĩ vật) có pháp thực tính là sota pasāda (nhĩ thanh triệt).

3. Ghāna vatthu (tỷ vật) có pháp thực tính là ghāna pasāda (tỷ thanh triệt).

4. Jīvha vatthu (thiệt vật) có pháp thực tính là jvihā pasāda (thiệt thanh triệt).

5. Kāya vatthu (thân vật) có pháp thực tính là kāya pasāda (thân thanh triệt).

6. Hadaya vatthu (sắc ý vật), là sắc vật cụ thể tồn tại trong máu trong trái tim, nên tạm gọi là ‘sắc trái tim’.

Năm sắc vật trước là năm giác quan, trong khi vật thứ sáu là sắc trái tim.

Tâm nương vật chỉ lấy phần tâm nương môn nhất định, vì nương bằng cách nương sanh cũng có phần tương tự như nương ở và cũng nhờ sắc thanh triệt trợ giúp cho biết đặng cảnh. Năm đôi thức đều nương 5 vật tương ứng. Còn những tâm dục giới ngoài tâm ngũ song thức chỉ nương vật (sắc thanh triệt) bằng lối nương môn là có dịp sanh chung với lộ ngũ cũng như người đi theo qua cửa, chẳng khác như cầu quay cho tàu qua, ghe xuồng theo sau cũng qua luôn đặng.

Thông thường, tất cả các loại cây cối sanh sôi và đẹp đẽ tiến hóa được do nương nhờ mặt đất như thế nào thì tâm, sở hữu tâm hiện bày và phát sanh liên tục đặng cũng do nương nhờ 6 loại sắc vật như thế ấy.[134] Ở đây, cả 6 sắc vật này cũng ví như mặt đất. Tâm, sở hữu tâm ví như vật có sự sống và vật không có sự sống.

Có một sự so sánh của sự đánh diêm quẹt. Diêm quẹt là yếu tố được đánh, bề mặt nhám của hộp quẹt là yếu tố tiếp nhận và ngọn lửa là yếu tố thành tựu. Bây giờ ngọn lửa không hiện hữu bất cứ nơi đâu trước khi đánh diêm quẹt. Khi duyên phát sanh đầy đủ thì lửa phát sanh.

Cũng như thế, cảnh sắc là yếu tố đối chiếu hay dội vào, nhãn vật là yếu tố tiếp nhận và nhãn thức là yếu tố thành tựu. Tâm nhãn thức không hề hiện hữu trước và sau sự xúc chạm giữa cảnh sắc và nhãn vật; nó chỉ sinh khởi ngay lúc tiếp xúc.

Bây giờ nhãn vật, tức là cakkhu pasāda (nhãn thanh triệt) làm môn, mà qua môn ấy cảnh sắc thâm nhập vào tâm. Do đó, cakkhu pasāda (nhãn thanh triệt) được gọi là cakkhu dvāra, tức là nhãn môn.

Kế tiếp, tâm nhãn thức cùng với 7 danh pháp câu sanh với tâm ấy sinh khởi tại thời điểm xúc chạm, tức là trên cakkhu pasāda (nhãn thanh triệt), tùy thuộc vào nhãn thanh triệt làm nền tảng. Do đó, cakkhu pasāda (nhãn thanh triệt) được gọi là cakkhu vatthu (nhãn vật).

Diễn tiến của 4 sắc thanh triệt còn lại cũng tợ như thế.

Vatthu (Vật) và Bhūmi (Cõi)

Bhūmi’ nghĩa là ‘cõi hiện hữu’.

1. Trong 7 Kāma loka (cõi Dục) có tất cả 6 vatthu (vật) đều hiện hữu.

2. Trong Rūpa loka (cõi Sắc), chỉ có 3 vật; đó là, cakkhu vatthu (nhãn vật), sota vatthu (nhĩ vật) và hadaya vatthu (ý vật) hiện hữu. Trong khi tu tiến pháp chỉ tịnh để vào rūpa jhāna (thiền sắc), người tu thiền phải hạn chế thọ hưởng những ‘dục dục’ bằng cách điều khiển tâm của vị ấy không cho dạo quanh, du hành nơi những cảnh dục. Do đó, khi jhāna kusala kamma (nghiệp thiền thiện) trợ duyên cho vị ấy được tái tục trong Rūpa-loka (cõi Sắc). Ở Rūpa-loka (cõi Sắc), vị ấy không có khả năng với ghāna vatthu (tỷ vật), jīvha vatthu (thiệt vật) và kāya vatthu (thân vật), tức là sự hưởng ‘dục dục’ không có ở nơi đó. Brahma (Phạm thiên) thì hoan hỷ với jhāna sukha (thiền lạc). Tuy nhiên, họ cần mắt để thấy Buddha (Đức Phật), tai để nghe dhamma (pháp) và hadaya vatthu (sắc ý vật) để những mano viññāṇa citta (tâm ý thức) và sở hữu tâm nương đặng sinh khởi.

3. Trong Arūpa loka (cõi Vô sắc) không có vatthu (vật) hiện hữu, bởi vì không có sắc hiện hữu ở đó – lần nữa, theo định lực của samatha bhavanā (tu tiến chỉ tịnh) để vào những arūpa jhāna (thiền vô sắc).

Thức Giới (Viññāṇa dhātu) Nương Vật

‘Viññāṇa’ nghĩa là ‘citta’ (tâm hay thức) trong khi ‘dhātu’ nghĩa là ‘giới’ hay là những pháp tự trì trạng thái.

Những citta dhātu hay giới được chia thành 7 loại:

1. Cakkhu viññāṇa dhātu (nhãn thức giới)[135] = là cakkhu viññāṇadvi (đôi nhãn thức) chỉ nương cakkhu vatthu (nhãn vật) để sinh khởi.

2. Sota viññāṇa dhātu (nhĩ thức giới) = là sota viññāṇadvi (đôi nhĩ thức) chỉ nương sota vatthu (nhĩ vật) để sinh khởi.

3. Ghāna viññāṇa dhātu (tỷ thức giới) = là ghāna viññāṇadvi (đôi tỷ thức) chỉ nương ghāna vatthu (tỷ vật) để sinh khởi.

4. Jivhā viññāṇa dhātu (thiệt thức giới) = là jivhā viññāṇadvi (đôi thiệt thức) chỉ nương jīvha vatthu (thiệt vật) để sinh khởi.

5. Kāya viññāṇa dhātu (thân thức giới) = là kāya viññāṇadvi (đôi thân thức) chỉ nương kāya vatthu (thân vật) để sinh khởi.

6. Mano dhātu (ý giới) = là pañca dvārāvajjana (khai ngũ môn) và sampaṭicchanadvi (tiếp thâu) nương hadaya vatthu (sắc ý vật) để sinh khởi.

7. Mano viññāṇa dhātu (ý thức giới) = là 72 thứ tâm còn lại nương hadaya vatthu (sắc ý vật) để sinh khởi.

Ý giới (mano dhātu) và ý thức giới (mano viññāṇa dhātu) nương ý vật (hadayavatthurūpa) có 75 hoặc 107 tâm (trừ ngũ song thức và 4 quả vô sắc). Những tâm nương ý vật khi sanh ở cõi Vô sắc thì không nương ý vật, nên gọi là tâm nương ý vật bất định.

7 thức giới nương 6 sắc vật sanh trong 11 cõi Dục.

4 thức giới (là nhãn thức giới, nhĩ thức giới, ý giới và ý thức giới) nương 3 sắc vật (là: Nhãn vật, nhĩ vật, ý vật) sanh trong 15 cõi Sắc (trừ cõi Vô tưởng).

1 ý thức giới không nương sắc vật sanh trong 4 cõi Vô sắc.

Nói về ý vật đây giúp cho những tâm nương không quá chặt chẽ như sắc thanh triệt với ngũ song thức, nên đặng nhiều thứ tâm nương; ví như đò đưa rước từ người trong một xứ chỉ ngoại trừ kẻ ở nhà bè hay xứ khác (nhà bè chỉ cho ngũ song thức, xứ khác là 4 quả vô sắc).

Những tâm nương ý vật mà có thể sanh ở cõi Vô sắc thì khi ấy khỏi nương ý vật (ý quyền), nên gọi là nương ý vật bất định.

Cõi Dục giới có đủ 6 vật (vatthu) là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý vật (tim). Nên nương theo giới có 7 giới là nhãn thức giới, nhĩ thức giới, tỷ thức giới, thiệt thức giới, thân thức giới, ý giới và ý thức giới. Cách nương như bài đọc, học. Có thơ lục bát như vầy:

“Dục giới mười một cõi gần

Bao nhiêu bảy giới tùy cần sáu căn.”

Nghĩa là 11 cõi Dục giới có đủ 6 vật, tâm nương đủ 7 giới. Có Pāḷi như vầy: Chavatthū nissitā kāme satta.

Cõi Sắc giới hữu tưởng chỉ đặng ba vật là: Nhãn vật, nhĩ vật và ý vật (tim). Tâm nương đặng 4 giới là nhãn thức giới, nhĩ thức giới, ý giới và ý thức giới. Có thơ lục bát như vầy: “Bốn giới, Sắc giới ba căn”, nghĩa là cõi Sắc giới hữu tưởng có 3 vật mà tâm được 4 giới. Có Pāḷi như vầy: Rūpe catubbidhā tivatthū nissitā.

Cõi Vô sắc giới không có vật (vatthu), tâm tham, tâm si, tâm khai ý môn, tâm đại thiện, tâm đại tố và tâm ngũ thiền siêu thế (trừ sơ đạo) sanh đặng ở cõi Vô sắc (khỏi nương vật), tâm sanh đặng một giới, nên có văn lục bát như: “…một giới Vô sắc không thân phù trần…”, nghĩa là có một ý thức giới sanh cõi Vô sắc, khỏi nương vật. Có Pāḷi như vầy: Arūpe dhāvekānissikā.

Những tâm không thể sanh ở cõi Vô sắc thì phải nương vật (vatthu) nhất định có 47 là 2 tâm sân, 5 tâm sơ đạo, 15 tâm sắc giới, 8 tâm đại quả và 17 tâm vô nhân (trừ khai ý môn).

Những tâm cũng sanh ở cõi Vô sắc thì nương vật bất định có 42 là: 8 tâm tham, 2 tâm si, tâm khai ý môn, 8 tâm đại thiện, 8 tâm đại tố, 4 tâm thiện vô sắc, 4 tâm tố vô sắc và 7 hoặc 35 tâm siêu thế (trừ sơ đạo).

Còn 4 tâm quả vô sắc không nương vật, nên văn lục bát nói như vầy:

“Bốn mươi ba lẻ hằng hằng

Nương nhờ căn sắc làm bằng chỗ mong.”

Nghĩa là 43 (tâm sơ đạo tính 1) hoặc 47 (tâm sơ đạo tính 5) thứ tâm nương vật nhất định. Có Pāḷi như vầy: Tecattāḷīsa nissāya jāyare, nghĩa là 43 thứ tâm phải nương vật mới sanh ra đặng.

“Bốn mươi hai lẻ hoặc không” (theo hẹp) là 42 tâm nương vật bất định. Có Pāḷi như vầy: Dvecattāḷīsa nissāya ca anissāyajāyare.

“Tứ quả Vô sắc khỏi vòng dựa ai”, nghĩa là 4 tâm quả vô sắc giới sanh ra luôn luôn khỏi nương vật chi cả. Có Pāḷi như vầy: Pakaruppā anissitā jāyare. Vì 4 tâm này tái tục làm người vô sắc. Tâm nào sanh theo cõi nấy, chớ không bao giờ sanh theo cõi hữu sắc, nên hoàn toàn không nương vật nào cả.

Phân Loại Tâm Nương Vật Nhất định Và Bất Định

1. Có 10 tâm luôn nương 5 vật (nương nhất định) [cakkhu vatthu (nhãn vật), sota vatthu (nhĩ vật), ghāna vatthu (tỷ vật), jivhā vatthu (thiệt vật), kāya vatthu (thân vật)]. Chúng là dvi pañca-viññāṇa – tức là, ngũ song thức.

2. Có 33 hay 37 tâm luôn nương hadaya vatthu (ý vật) (nương nhất định) để sinh khởi ở cõi Ngũ uẩn. Chúng là 2 dosa mūla citta (tâm căn sân), 3 mano dhātu citta (tâm ý giới), 3 santīraṇa citta (tâm thẩm tấn), hasituppāda citta (tâm tiếu sinh), 8 mahā vipāka citta (tâm đại quả), 15 rūpavacana citta (tâm sắc giới) và 1 hay 5 Sotāpatti magga citta (tâm đạo Thất lai).

Gom (1.) và (2.) thì những tâm nương vật (vatthu) nhất định có 47 là: 2 tâm sân, 5 tâm sơ đạo, 15 tâm sắc giới, 8 tâm đại quả và 17 tâm vô nhân (trừ khai ý môn).

3. Có 42 hay 70 tâm nương ý vật bất định (đôi khi nương vật, đôi khi không nương vật) để sinh khởi ở cõi Ngũ uẩn hay Tứ uẩn. Đó là mano dvārāvajjana citta (tâm khai ý môn), 10 akusala citta (tâm bất thiện) [trừ 2 dosa mūla citta (tâm căn sân)], 8 mahākusala citta (tâm đại thiện), 8 mahā kiriya citta (tâm đại tố), 4 arūpāvacara kusala citta (tâm thiện vô sắc giới), 4 arūpāvacara kiriya citta (tâm tố vô sắc giới), 7 hoặc 35 lokuttara citta (tâm siêu thế) [trừ Sotāpatti magga (đạo Thất lai)].

Những thứ tâm này nương vatthu (vật) khi chúng sinh khởi trong cõi Hữu sắc (cõi Dục và cõi Sắc) và chúng không nương vatthu (vật) khi chúng sinh khởi trong cõi Vô sắc (Arūpa).

4. Có 4 tâm không bao giờ nương vật khi sinh khởi, đó là 4 arūpāvacara vipāka citta (tâm quả vô sắc giới) là những tâm chỉ sinh khởi ở cõi Vô sắc (Arūpa).

Có Pāḷi như vầy: Dvecattāḷīsa nissāya ca anissāyajāyare. Tứ quả Vô sắc khỏi vòng dựa ai, nghĩa là 4 tâm quả vô sắc giới sanh ra luôn luôn khỏi nương vật chi cả. Pakaruppā anissitā jāyare. Vì 4 tâm này tái tục làm người vô sắc. Tâm nào sanh theo cõi nấy, chớ không bao giờ sanh theo cõi Hữu sắc, nên hoàn toàn không nương vật nào cả.

Những tâm không thể sanh ở cõi Vô sắc thì phải nương vật nhất định. Còn những tâm có thể sanh ở cõi Hữu sắc lẫn Vô sắc thì nương vật bất định.

Xin xem lại bốn nhân trợ sanh tâm ở đầu Chương I.

Ở cõi Dục giới có đủ sáu vật, ở cõi Sắc giới hữu tưởng có 3 vật (trừ tỷ, thiệt, thân vật), ở cõi Vô sắc không có vật.

Lưu ý: Có 46 tâm (đã đề cập trong 3. và 4. ở trên) sanh trong cõi Vô sắc (Arūpa).

Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammattha-saṅgaha)  (Chương 1 - 4)

CHƯƠNG IV: CITTA VĪTHI SAṄGAHA – LỘ TRÌNH TÂM NHIẾP

Vīthi’ theo nghĩa đen là ‘loạt, dãy, chuỗi, con đường’. Ở đây, ‘vīthi’ chỉ cho một chuỗi tâm sinh khởi và thực hiện phận sự tương ứng để nhận biết cảnh xuất hiện ở một trong những môn. Chuỗi tâm cũng có thể được xem như tiến trình liên quan đến nhận thức để biết cảnh bằng citta (tâm).

Như con đường đi xuyên qua từ làng này đến làng khác mà không bỏ qua bất cứ làng nào hay thay đổi trật tự thứ lớp của những làng ấy. Cũng thế, những citta (tâm) sinh khởi từng tâm một theo trật tự thứ lớp, theo citta niyāma (định luật của tâm).

Kệ Mở Đầu:

§1. Cittuppādanaṁ icc’ evaṁ, katvā saṅgahaṁ uttaraṁ, Bhūmipuggalabhedena, pubbāparaniyāmitaṁ.

Pavattisaṇgahaṁ nāma, paṭisandhipavattiyaṁ,

Pavakkhāmi samāsena, yathā sambhavato kathaṁ.

Sau khi đã hoàn thành xuất sắc phần citta (tâm) và cetasika (sở hữu tâm) nhiếp theo cách đã được trình bày, tôi nêu khái quát mà tôi có thể, sự phát khởi của cả hai tâm và sở hữu tâm lúc tái tục và trong thời bình nhật theo người và những cõi hiện hữu, yếu tố quyết định tâm nào trước và tâm nào theo sau, nó được trình bày ra sao?

Sáu Nhóm Sáu:

2. Cha vatthuni, cha dvārāni, cha ārammaṇāni,

Cha viññāṇāni, cha vīthiyo, chadhā visayappavatti,

C’ eti vīthisaṅgahe cha chakkāni veditabbāni.

3. Vīthimuttānaṁ pana kammakammanimitta-gatinimitta-vasenatividhāhoti visayappavatti.

4. Tatha vatthu-dvār’ ārammanāni pubbe vuttanayan’ eva.

Trong lộ tâm nhiếp, có sáu loại trong mỗi nhóm với sáu chi như sau:

(i) Sáu vật. (iv) Sáu loại thức.

(ii) Sáu môn. (v) Sáu loại lộ trình tâm.

(iii) Sáu cảnh. (vi) Sáu loại cảnh hiện bày.

Cảnh hiện bày với những tâm ngoại lộ có 3 nhóm, đó là cảnh ‘nghiệp’ (kamma), cảnh ‘điềm nghiệp’ và cảnh ‘điềm sinh’. Trong sáu nhóm sáu trên, những vật, môn và cảnh đã được trình bày trong Chương Pakiṇṇaka – Linh Tinh.

(i) Sáu vật (Vatthu)

1) Nhãn vật (cakkhu vatthu) có pháp thực tính là nhãn thanh triệt (cakkhu pasāda).

2) Nhĩ vật (sota vatthu) có pháp thực tính là nhĩ thanh (sota pasāda).

3) Tỷ vật (ghāna vatthu) có pháp thực tính là tỷ thanh (ghāna pasāda).

4) Thiệt vật (jivhā vatthu) có pháp thực tính là thiệt thanh (jivhā pasāda).

5) Thân vật (kāya vatthu) có pháp thực tính là thân thanh (kāya pasāda).

6) Ý vật (hadaya vatthu).

Có sáu vật cụ thể tùy theo những tâm (citta) và những sở hữu tâm (cetasika) khác nhau phối hợp sinh khởi. ‘Pasāda’ là sắc thanh triệt.

(ii) Sáu môn (Dvāra)

1) Nhãn môn (cakkhu dvāra) có pháp thực tính là nhãn thanh triệt (cakkhu pasāda).

2) Nhĩ môn (sota dvāra) có pháp thực tính là nhĩ thanh (sota pasāda).

3) Tỷ môn (ghāna dvāra) có pháp thực tính là tỷ thanh (ghāna pasāda).

4) Thiệt môn (jivhā dvāra) có pháp thực tính là thiệt thanh (jivhā pasāda).

5) Thân môn (kāya dvāra) có pháp thực tính là thân thanh (kāya pasāda).

6) Ý môn (hadaya dvāra) tâm hữu phần (bhavaṅga citta).

Đây là 6 môn trong thân và tâm của chúng ta, qua đó ngoại cảnh có thể đối chiếu hay dội vào.

(iii) Sáu cảnh (Ārammaṇa)

1) Cảnh sắc (rūpārammaṇa) – là sắc cảnh sắc, tức là các màu (vaṇṇa).

2) Cảnh thinh (saddhārammaṇa) là sắc cảnh thinh, tức là âm thinh (sadda).

3) Cảnh khí (gandhārammaṇa) là sắc cảnh khí, tức là các mùi (gandha).

4) Cảnh vị (rasārammaṇa) là sắc cảnh vị, tức là các vị (rasa).

5) Cảnh xúc (phoṭṭhabbārammaṇa) là sắc cảnh xúc, tức là đất, lửa, gió (pathavī, tejo, vāyo).

6) Cảnh pháp (dhammārammaṇa):

Gồm 5 sắc thanh triệt, 16 sắc tế (sukhuma rūpa), 89 tâm (citta), 52 sở hữu tâm (cetasika), Níp-bàn (Nibbāna) và chế định (paññatti). Cảnh pháp chỉ có thể xuất hiện trong ý môn.

(iv) Sáu loại thức (Viññāṇachakka)

5. Cakkhuviññāṇaṁ sotaviññāṇaṁ ghānaviññāṇaṁ jivhāviññāṇaṁ kāyaviññāṇaṁ manoviññāṇaṁc’eti cha viññāṇāni.

Sáu loại thức là:

1) Đôi nhãn thức – cakkhuviññāṇadvi.

2) Đôi nhĩ thức – sotaviññāṇadvi.

3) Đôi tỷ thức – ghānaviññāṇadvi.

4) Đôi thiệt thức – jivhāviññāṇadvi.

5) Đôi thân thức – kāyaviññāṇadvi.

6) Ý thức – manoviññāṇa (79 tâm).

Ý thức gồm 3 ý giới (mano-dhātu) và 76 ý thức giới (manoviññāṇa-dhātu).

Lưu ý: tâm nhãn thức sanh qua nhãn môn, nương vào nhãn vật (vatthu) và v.v… . Những tâm ý thức sanh qua ý môn, nương vào sắc ý vật (hadaya vatthu) trong trái tim.

Năm loại thức trước mỗi thức gồm có 2 thứ, trong khi mano viññāṇa (ý thức) bao gồm 79 thứ tâm thức.

(v) Sáu loại lộ (Vīthichakka)

6. Cha vīthiyo pana cakkhudvāravīthi sotadvāravīthighānadvāravīthi jivhādvāravīthi kāyadvāravīthi manodvāravīthi c’eti dvāravasena vā, cakkhuviññāṇavīthi sotaviññāṇavīthi ghānaviññāṇavīthi jivhāviññāṇavīthi kāyaviññāṇavīthi manoviññāṇavīthi c’etiviññāṇavasena vā dvārappavattā cittappavattiyo yojetabbā.

Sáu loại lộ tâm theo 6 môn là:

1) Cakkhudvāravīthi – lộ nhãn môn, lộ tâm liên hệ với nhãn môn hay nhãn thức.

2) Sotadvāravīthi – lộ nhĩ môn, lộ tâm liên hệ với nhĩ môn hay nhĩ thức.

3) Ghānadvāravīthi – lộ tỷ môn, lộ tâm liên hệ với tỷ môn hay tỷ thức.

4) Jivhādvāravīthi – lộ thiệt môn, lộ tâm liên hệ với thiệt môn hay thiệt thức.

5) Kāyadvāravīthi – lộ thân môn, lộ tâm liên hệ với thân môn hay thân thức.

6) Manodvāravīthi – lộ ý môn, lộ tâm liên hệ với ý môn hay ý thức.

Lưu ý: Cakkhudvāravīthi – Lộ nhãn môn là lộ tâm sinh khởi thực hiện phận sự tương ứng để biết cảnh sắc xuất hiện tại nhãn môn.

Những lộ tâm còn lại nên được hiểu theo cùng cách ấy.

Nói theo viññāṇa (thức) thì có sáu lộ là:

1) Cakkhuviññāṇavīthi – lộ nhãn thức, hay lộ tâm liên hệ với nhãn thức.

2) Sotaviññāṇavīthi – lộ nhĩ thức, hay lộ tâm liên hệ với nhĩ thức.

3) Ghānaviññāṇavīthi – lộ tỷ thức, hay lộ tâm liên hệ với tỷ thức.

4) Jivhāviññāṇavīthi – lộ thiệt thức, hay lộ tâm liên hệ với thiệt thức.

5) Kāyaviññāṇavīthi – lộ thân thức, hay lộ tâm liên hệ với thân thức.

6) Manoviññāṇavīthi – lộ ý thức, hay lộ tâm liên hệ với ý thức.

Lộ tâm liên hệ với môn nên được phối hợp với những tâm tương ứng.

Những Nhân / Duyên Trợ Cho Vīthi (Lộ Trình) Sanh

1) Cả bốn nhân (duyên)[136] phải hội họp cho sự sinh khởi của cakkhu dvāra vīthi (lộ nhãn môn) là:

(i) Cakkhu pasāda (sắc nhãn thanh triệt) phải còn tốt.

(ii) Rūpa rammaṇa (cảnh sắc) phải hiện diện.

(iii) Aloka (ánh sáng) phải hiện diện.

(iv) Manasikāra (sự chú ý) phải hiện diện.

2) Cả bốn nhân (duyên) phải hội họp cho sự sinh khởi của sota dvāra vīthi (lộ nhĩ môn) là:

(i) Sota pasāda (sắc nhĩ thanh triệt) phải còn tốt.

(ii) Saddā rammaṇa (cảnh thinh) phải hiện diện.

(iii) Ākāsa (khoảng trống) cho sự di chuyển của âm thanh phải hiện diện.

(iv) Manasikāra (sự chú ý) phải hiện diện.

3) Cả bốn nhân (duyên) phải hội họp cho sự sinh khởi của ghāna dvāra vīthi (lộ tỷ môn) là:

(i) Ghāna pasāda (sắc tỷ thanh triệt) phải còn tốt.

(ii) Gandhārammaṇa (cảnh khí) phải hiện diện.

(iii) Vāyo (thực tính khí mang mùi) phải hiện diện.

(iv) Manasikāra (sự chú ý) phải hiện diện.

4) Cả bốn nhân (duyên) phải hội họp cho sự sinh khởi của jivhā dvāra vīthi (lộ thiệt môn) là:

(i) Jivhā pasāda (sắc thiệt thanh triệt) phải còn tốt.

(ii) Rāsarammaṇa (cảnh vị) phải hiện diện.

(iii) Āpo (thực tính chất lỏng như là nước miếng) phải hiện diện.

(iv) Manasikāra (sự chú ý) phải hiện diện.

5) Cả bốn nhân (duyên) phải hội họp cho sự sinh khởi của kāya dvāra vīthi (lộ thân môn) là:

(i) Kāya pasāda (sắc thân thanh triệt) phải còn tốt.

(ii) Phoṭṭhabbārammaṇa (cảnh xúc) phải hiện diện.

(iii) Thaddha pathavī (thực tính cứng, mềm) phải hiện diện để truyền sự xúc chạm.

(iv) Manasikāra (sự chú ý) phải hiện diện.

6) Cả bốn nhân (duyên) phải hội họp cho sự sinh khởi của mano dvāra vīthi (lộ ý môn) là:

(i) Mano dvāra (ý môn) phải hiện diện.

(ii) Dhammārammaṇa (cảnh pháp, cảnh ý) phải hiện diện.

(iii) Hadaya vatthu (sắc ý vật) phải hiện diện.

(iv) Manasikāra (sự chú ý) phải hiện diện.

Lưu ý: Bốn nhân là những nhân (duyên) cần thiết cho sự sinh khởi mỗi loại vīthi (lộ trình), ba nhân trước thì hầu như tương tự những điều kiện mà giới khoa học được biết. Nhân thứ tư, tức là, manasikāra (tác ý) thì giới khoa học không biết đến. Tuy nhiên, nhiều trường hợp được trích dẫn cho thấy rằng nhân này tuyệt đối cần thiết cho sự biết cảnh.

Ví dụ, một người mẹ có một em bé phải thức giấc vài lần trong mỗi đêm để chăm sóc em bé của cô ta. Sau khi mất ngủ vài ngày, cô ta có thể đôi khi rơi vào giấc ngủ sâu, cho dù tiếng sấm to làm rung chuyển ngôi nhà thì cũng không thể đánh thức cô ta. Nhưng nếu em bé khóc, cho dù thật nhỏ, cô ta sẽ thức dậy tức thì. Ví dụ này cho thấy tầm quan trọng của manasikāra (tác ý) như thế nào.

(vi) Sáu cảnh ở tại môn (Visayappavatti)

7. Atimahantaṁ mahantaṁ parittaṁ atiparittañ c’eti pañcadvāre, manodvāre pana vibhūtaṁ avibhūtañ c’eti chadhā visayappavatti veditabbā.

Sáu loại cảnh hiện bày nên được hiểu như sau:

‘Visayappavatti’ nghĩa là ‘trình bày cảnh ở tại môn’. Có sáu loại ‘visayappavatti’ – bốn ở tại ngũ môn và hai ở tại ý môn.

(a) ‘Visayappavatti’ ở tại pañca dvāra– (trình bày cảnh ở tại ngũ môn).

1) Atimahantārammaṇa (cảnh rất lớn) = 5 cảnh với cường độ rất lớn làm cho[137] một lộ tâm rất dài sinh khởi.

2) Mahantārammaṇa (cảnh lớn) = 5 cảnh với cường độ lớn trợ duyên cho một lộ tâm dài sinh khởi.

3) Parittārammaṇa (cảnh nhỏ) = 5 cảnh với cường độ nhỏ trợ duyên cho một lộ tâm ngắn sinh khởi.

4) Atiparittārammaṇa (cảnh rất nhỏ) = 5 cảnh với cường độ hơi nhỏ không trợ duyên cho một lộ tâm sinh khởi.

(b) ‘Visayappavatti’ ở tại mano dvāra – (trình bày cảnh ở tại ý môn).

1) Vibhūtārammaṇa (cảnh rõ) = cảnh hiện bày rõ ràng.

2) Avibhūtārammaṇa (cảnh không rõ) = cảnh hiện bày không rõ.

Xác Định Cường Độ Của Cảnh

8. Kathaṁ? Uppādaṭhiti bhaṅga vasena khaṇattayaṁ ekacittakkhaṇaṁ nāma.

9. Tāni pana sattarasa cittakkhanāni rūpadhammānaṁ āyū.

10. Ekacittakkhaṇātītānivābahucittakkhaṇātītāni vā ṭhitippattān’eva pañcārammanāni pañcadvāre āpātham āgacchanti.

Cường độ của cảnh được xác định ra sao? Ba tiểu sát-na đó là: Tiểu sát-na sanh, tiểu sát-na trụ và tiểu sát-na diệt – gom thành 1 sát-na tâm (cittakhaṇa = thọ mạng của một tâm).

17 sát-na tâm được xác định là thọ mạng của sắc pháp (22 loại sắc là trừ 2 sắc biểu tri – viññatti rūpa và 4 sắc trạng thái – lakkhaṇa rūpa).

5 cảnh xuất hiện tại 5 môn chỉ khi chúng đạt đến giai đoạn trụ sau một hay vài sát-na tâm trôi qua.

Thọ Mạng (Āyu) Của Tâm (Citta)

Theo Chú giải, citta (tâm) sanh và diệt ở một tỷ lệ rất lớn, hơn cả một ngàn tỷ lần trên một cái nhấp nháy và có khoảng 250 cái nhấp nháy trong một giây. Do đó, thọ mạng của citta (tâm) thì ít hơn một ngàn tỷ lần của một giây.

Thọ mạng hay tuổi thọ của citta (tâm) được tính bằng 3 tiểu sát-na của ba đặc tính nổi bật trong thọ mạng của một tâm là: (i) uppāda – sanh; (ii) ṭhīti – trụ; (iii) bhaṅga – diệt.

Do đó, thọ mạng của một tâm là 3 tiểu sát-na, tượng trưng cho tiểu sát-na sanh, tiểu sát-na trụ và tiểu sát-na diệt của chính tâm ấy.

Hay nói cách khác, thọ mạng của một tâm là 1 sát-na tâm (cittakkhaṇa), tức là bằng 3 tiểu sát-na.

Theo Citta niyāma (định luật của tâm), tâm sinh khởi liên tiếp không ngừng và mỗi tâm chỉ trụ (ṭhīti) 1 tiểu sát-na. Do đó rất khó quán tâm.

Thọ Mạng (Āyu) Của Sắc (Rūpa)

Thọ mạng của rūpa (sắc pháp) thì dài hơn 17 lần so với thọ mạng của citta (tâm). Vì thế, chúng ta có thể nói rằng: Thọ mạng của rūpa thì bằng 17 cittakhaṇa (sát-na tâm) hay 17 x 3 = 51 tiểu sát-na (có 3 tiểu sát-na trong 1 sát-na tâm).

Rūpa (sắc pháp) cũng sanh và diệt ở một tỷ lệ rất lớn, hơn 58 tỷ lần trên mỗi cái nhấp nháy hay một bật ngón tay. Thọ mạng của một sắc pháp cũng có ba đặc tính nổi bật. Lần nữa có sự sanh, trụ và diệt. Cũng như tâm, mỗi sự sanh và sự diệt của sắc pháp đều tồn tại 1 tiểu sát-na, còn sự trụ của sắc pháp tồn tại 49 tiểu sát-na và trong khi nó đang trụ, những bọn sắc khác (rūpa kalāpa) tiếp tục sanh vào mỗi tiểu sát-na. Kết quả là hàng tỷ bọn sắc pháp có cơ hội kết hợp lẫn nhau hình thành những khối sắc pháp to lớn mà có thể thấy bằng mắt thường, trong khi dòng tâm thức thì lướt qua nhanh không thể thấy được bằng mắt thường.

Tâm Lộ Và Tâm Ngoại Lộ (Vīthi Citta và Vīthi Vimutticitta)

Những citta (tâm) tham gia trong vīthi (lộ trình) tâm được gọi là vīthi citta (tâm lộ).

Những citta (tâm) không tham gia trong vīthi (lộ trình) tâm được gọi là vīthi vimutti citta (tâm ngoại lộ).

Trong Chương Pakiṇṇaka – Linh Tinh, chúng ta đã được học citta (tâm) làm 14 loại kicca (sự) và mỗi tâm làm ít nhất một sự. Bởi vì những tâm khác nhau làm những sự việc tương ứng với cảnh xuất hiện ở môn mà tâm biết.

Trong 89 thứ tâm (tính hẹp), có 19 tâm được gọi là paṭisandhi citta (tâm tái tục), bhavaṅga citta (tâm hữu phần) và cuti citta (tâm tử) khi chúng làm những phận sự tương ứng là paṭisandhi kicca (sự tái tục), bhavaṅga kicca (sự hữu phần) và cuti kicca (sự tử).

19 tâm đó là: 2 upekkhā santīraṇa citta (tâm thẩm tấn xả thọ), 8 mahā vipāka citta (tâm đại quả) và 9 mahaggata vipāka citta (tâm quả đáo đại), đều không sanh trong lộ khi chúng làm việc tái tục, hữu phần, hay tử. Do đó, những thứ tâm này được gọi là vīthi vimutti citta (những tâm ngoại lộ) – tức là, số tâm ngoại lộ là 19. (19 thứ tâm này là dvāra vimutti (ngoại môn) – đã được đề cập trong Chương III.)

Vì chúng là ngoại môn, nên chúng không tham gia trong lộ trình tâm, do đó chúng cũng được gọi là vīthi vimutti citta (tâm ngoại lộ) khi chúng làm việc tái tục, hữu phần và tử.

Dù sao, trong 19 thứ tâm ngoại lộ, 2 tâm thẩm tấn xả thọ (upekkhā santīraṇa citta) tham gia trong lộ tâm khi chúng làm việc thẩm tấn (santīraṇa kicca) hay việc na cảnh (tadālambana kicca) và 8 tâm đại quả (mahāvipāka citta) cũng tham gia trong lộ tâm khi chúng làm việc na cảnh. Do đó, 2+8=10 tâm này phải được tính trong tâm lộ (vīthi citta). Chỉ có 9 tâm quả đáo đại (mahaggata vipāka citta) là không bao giờ tham gia trong lộ vì chúng không làm bất cứ việc nào khác ngoài việc tái tục, hữu phần và tử.

Do đó, số tâm lộ (vīthi citta) là 89-9=80 trong cõi Dục. Tâm lộ (vīthi citta) sẽ xuất hiện trong lộ trình tâm theo thứ tự của việc mà chúng làm như đã mô tả trong bảng 4.1.

Bảng 4.1: Thứ tự việc làm của những tâm lộ (vīthi citta).

Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammattha-saṅgaha)  (Chương 1 - 4)

12 – Sự tái tục, hữu phần và tử được thực hiện bởi 19 thứ tâm ngoại lộ (vīthi citta).

Ba Loại Tâm Đồng Nhất (Giống Nhau)

Cuộc sống của một chúng sanh hữu tưởng bắt đầu bằng một paṭisandhi citta (tâm tái tục). Sau khi tâm này diệt, bhavaṅga citta (tâm hữu phần) sanh và diệt liên tục cho đến khi tâm hữu phần thực hiện hay làm việc tử.

Tâm hữu phần cuối cùng được gọi là tâm tử (cuti citta) vì khi ấy nó làm việc tử.

Đối với một chúng sanh hữu tình, ba loại tâm này [đó là paṭisandhi citta (tâm tái tục), bhavaṅga citta (tâm hữu phần) và cuti citta (tâm tử) thì giống nhau khi jāti (sinh khởi)] có cùng sở hữu tâm và bắt cùng một cảnh. Đối với một chúng sanh phàm phu, 1 trong 8 mahāvipāka citta (tâm đại quả) làm việc như paṭisandhi citta (tâm tái tục), bhavaṅga citta (tâm hữu phần) và cuti citta (tâm tử). Ba tâm ấy giống nhau trong một chúng sanh, vì chúng là quả của cùng nghiệp phối hợp với kusala citta (tâm thiện). Nếu kusala citta (tâm thiện) là somanassasahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ asaṅkhārika mahākusalacittaṃ (tâm đại thiện câu hành hỷ tương ưng trí vô dẫn), thì somanassasahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ asaṅkhārika mahāvipākacittaṃ (tâm đại quả câu hành hỷ tương ưng trí vô dẫn) sẽ làm phận sự paṭisandhi (tái tục), bhavaṅga (hữu phần) và cuti (tử).

Cảnh mà những tâm này bắt là maraṇāsanna nimitta (cảnh cận tử), tức là điềm hay dấu hiệu xuất hiện ngay trước khi tử trong kiếp vừa qua. Nimitta (tướng hay cảnh) thì dưới dạng kamma (cảnh ‘nghiệp’), kammanimitta (cảnh ‘điềm nghiệp’), hay gatinimitta (cảnh ‘điềm sinh’). Hiện tượng (pháp) này sẽ được giải thích thêm phía sau.

Những Điềm, Dấu Hiệu Hay Cảnh Cận Tử (Maraṇāsanna Nimitta)

Trong kiếp sống hiện tại, một người sẽ được tiếp tục sống khi kusala kamma (nghiệp thiện) là pháp trợ cho vị ấy tái tục vào kiếp sống này, vẫn tiếp tục hộ trợ vị ấy, tức là, vẫn tiếp tục trợ cho sinh ra bhavaṅga citta (tâm hữu phần) là quả của nghiệp.

Ngay trước khi sự hộ trợ của nghiệp tắt dần (yếu đi), nhiều nghiệp thiện và nghiệp bất thiện tợ như tranh đua với nhau để có cơ hội sinh ra nghiệp quả, nghiệp nào nổi bật thì nghiệp ấy trổ sanh.

Nghiệp thành tựu này có thể xuất hiện trong hữu phần (ý môn) của người lúc cận tử làm kamma (cảnh ‘nghiệp’). Khi vấn đề này xảy ra, vị ấy có thể nhớ lại những hành động tốt hay xấu mà vị ấy từng làm trong quá khứ liên quan đến nghiệp quả (thành tựu). Tâm thiện hay bất thiện từng sanh ở một thời điểm nào đó, nay sanh là một tâm mới (khác). Hay nói cách khác, đó là sự lặp lại của tâm mà tâm ấy được biểu hiện qua hành động.

Lúc này nó có thể là một dấu hiệu hay ký hiệu gắn liền với nghiệp thành tựu xuất hiện ở một trong những môn. Nó có thể là 1 trong 5 cảnh cụ thể được biết qua 1 trong 5 môn là một cảnh hiện tại, hay được biết qua ý môn là 1 cảnh quá khứ. Cảnh quá khứ hay hiện tại này gắn liền với nghiệp quả thành tựu được gọi là ‘kamma nimitta’ (dấu hiệu của nghiệp hay cảnh ‘điềm nghiệp’).

Đôi khi vài dấu hiệu hay cảnh của nơi mà vị ấy sẽ tái tục đến dựa theo nghiệp quả có thể xuất hiện nơi ý môn.

Thí dụ, chư thiên hay lâu đài, v.v… có thể xuất hiện với người đang tử nếu vị ấy sẽ tái tục đến một trong những cõi trời, người khổ trong địa ngục hoặc chó săn địa ngục, v.v… có thể xuất hiện với vị ấy nếu vị ấy sẽ sanh vào địa ngục. Những cảnh này liên quan đến nơi tái tục, nên được gọi gati nimitta (điềm sinh).

Hay giả sử một người nghe pháp vào lúc cận tử và nghiệp thiện của vị ấy trở thành nghiệp thành tựu trợ cho nghiệp quả cho kiếp sống kế tiếp sanh. Trong trường hợp này, nắm bắt âm thanh của những lời pháp qua tai trở thành kamma nimitta (điềm nghiệp).

Nói cách khác, giả sử một vị thầy đang dần tiến đến lúc tử thấy học trò cũ qua ý thức (manoviññāṇa). Đây cũng là kamma nimitta (điềm nghiệp) dưới dạng cảnh quá khứ xuất hiện ở ý môn.

Còn có trường hợp khác là một đồ tể đang dần tiến đến lúc tử nghe tiếng rên rỉ của gia súc mà vị ấy từng giết. Cảnh thinh quá khứ này cũng là kamma nimitta (điềm nghiệp) tái hiện với vị ấy qua ý môn.

Do đó, khi một người đang tử, 1 trong 3 loại maraṇāsanna nimitta[138] (cảnh hay dấu hiệu cận tử), đó là kamma (cảnh ‘nghiệp’), kamma nimitta (cảnh ‘điềm nghiệp’) hay gati nimitta (cảnh ‘điềm sinh’), sẽ luôn xuất hiện ở tại một trong 6 môn. Người sắp tử và sẽ tái tục ngay sau khi tử qua một kiếp sống kế tiếp. Như thế thì paṭisandhi citta (tâm tái tục), bhavaṅga citta (tâm hữu phần) và cuti citta (tâm tử) của vị ấy trong kiếp sống kế tất cả sẽ bắt maraṇāsanna nimitta (cảnh cận tử) của kiếp sống vừa qua.

Ba Loại Tâm Hữu Phần (Bhavaṅga Citta)

Trong kiếp sống hiện tại, bhavaṅga citta (tâm hữu phần) lấy cảnh cận tử (maraṇāsanna nimitta)[139] của kiếp vừa qua làm cảnh. Cảnh này không phải là cảnh ngoại mới xuất hiện ở một trong những môn trong kiếp sống hiện tại trợ cho phát sanh một lộ trình tâm, chúng ta không thấy rõ nó. Nói cách khác, cảnh này không diễn tiến theo từng giai đoạn để chúng ta nhận biết. Do đó, khi chúng ta ngủ hay chúng ta không biết bất cứ điều gì, những tâm hữu phần này sẽ được sanh và diệt với một tốc độ rất lớn, hơn một ngàn tỷ (1012) lần trên một cái nhấp nháy.

Bây giờ, giả sử một ngoại cảnh đối chiếu hay dội vào một trong những môn. Tâm cần biết cảnh mới này và từ đó chúng ta có thể phản ứng như là sự sinh khởi cần thiết. Để biết cảnh mới, dòng tâm thức phải xoay chiều hướng đến cảnh mới này. Do đó, tâm hữu phần phải được dừng lại hay cắt đứt. Kế đến, lộ tâm phải sanh để bắt cảnh mới và giải quyết theo từng giai đoạn để nhận biết cảnh.

Dòng chảy bhavaṅga (hữu phần) không thể đột ngột bị ngăn lại ngay sau khi cảnh mới vừa xuất hiện ở một trong những môn, ví như một người đang chạy rất nhanh không thể đột ngột dừng ngay lại, ít nhất phải thêm một vài bước trước khi dừng lại. Cũng tợ như thế, 2 bhavaṅga citta (tâm hữu phần) phải đi qua sau khi cảnh xuất hiện trước khi dòng bhavaṅga (hữu phần) có thể hoàn toàn dứt hay ngưng.

Hai bhavaṅga citta (tâm hữu phần) này, trong việc cố gắng từ bỏ maraṇāsanna nimitta[140] (cảnh cận tử) cũ và bắt cảnh mới, bị rúng động một chút so với lúc bình thường, do đó, chúng được gọi là bhavaṅga calāna (hữu phần rúng động). Nhưng khi dòng bhavaṅga (hữu phần) bị ngăn hay cắt đứt sau bhavaṅga calāna (hữu phần rúng động) thứ hai, tâm này được gọi lại là bhavaṅga paccheda (hữu phần dứt dòng).

Bây giờ, 5 cảnh chưa được rõ ràng hay dễ nhận ở tại những môn ngay sau khi chúng đối chiếu hay dội vào (hay tiếp xúc với) những môn. Dù cho cảnh có cường độ rất lớn (atimahantā rammaṇa) cũng phải mất 1 cittakhaṇa (sát-na tâm) để tự phát triển hoàn thiện thành nổi bật cho đến khi xuất hiện ở tại môn.

Do đó, phải qua 1 tâm hữu phần (bhavaṅga citta), kể từ khi cảnh tiếp xúc với môn cho đến khi cảnh xuất hiện ở môn. Bhavaṅga citta (tâm hữu phần) này được gọi là atīta bhavaṅga citta (tâm hữu phần vừa qua).

Khi cảnh với cường độ lớn (cảnh lớn (mahantārammaṇa)) đối chiếu hay dội vào môn, phải trải qua 2 hoặc 3 bhavaṅga citta (tâm hữu phần), kể từ lúc cảnh tiếp xúc với môn cho đến khi cảnh xuất hiện ở môn. 2 hoặc 3 bhavaṅga citta (tâm hữu phần) này được gọi là atīta bhavaṅga citta (tâm hữu phần vừa qua).

Vì thế, chúng ta có 3 loại bhavaṅga citta (tâm hữu phần).

1. Ata bhavaṅga = ‘Hữu phần Vừa qua’. Những tâm bhavaṅga (hữu phần) này đi qua từ lúc cảnh đối chiếu hay dội vào môn đến khi cảnh xuất hiện ở môn.

2. Bhavaṅga calāna = ‘Hữu phần Rúng động’ phát sanh khi cảnh xuất hiện ở môn.

3. Bhavaṅgupaccheda = ‘Hữu phần Dứt dòng’ theo ngay sau hữu phần rúng động. Sau tâm hữu phần này, dòng bhavaṅga (hữu phần) bị cắt đứt và citta vīthi (lộ trình tâm) bắt đầu sanh.

I. LỘ NGŨ MÔN (PAÑCADVĀRA VĪTHI)

Lộ ngũ môn là trật tự thứ lớp của những tâm sanh do nương qua 5 môn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân) từ khi 5 cảnh đến đối chiếu hay dội vào 5 sắc thanh triệt, thì những tâm bắt cảnh ấy thuộc về tâm lộ, có 54 thứ tâm dục giới. Cũng có khi cảnh đến với cường độ rất yếu hay rất không rõ, tâm lộ không bắt được thì tâm ngoại lộ cũng chỉ rúng động trước cảnh ấy.

Những lộ này sanh đặng với 8 hạng người là 4 phàm và 4 Thánh quả. Lộ nhãn, nhĩ sanh ở 26 cõi Ngũ uẩn. Lộ tỷ, thiệt, thân sanh ở 11 cõi Dục giới.

Có 5 dạng lộ ngũ môn, do tính theo cường độ của cảnh, là: 1. lộ ngũ môn cảnh rất lớn; 2. lộ ngũ môn cảnh lớn; 3. lộ ngũ môn cảnh nhỏ; 4. lộ ngũ môn cảnh rất nhỏ. 5. lộ ngũ môn cận tử.

(A) Diễn tiến lộ nhãn môn cảnh rất lớn (Cakkhudvāra atimahantārammaṇa vīthi)

Tasmā yadi ekacittakkhaṇātītakaṁ rūpārammaṇaṁ cakkhussa āpāthaṁ āgacchati, tato dvikkhattuṁ bhavaṅge calite bhavaṅgasotaṁ vochinditvā tam eva rūpārammaṇaṁ āvajjantaṁ pañcadvārāvajjanacittaṁ uppajjitvā nirujjhati.

Vì thế, nếu một cảnh sắc đã qua 1 sát-na tâm (sau khi đối chiếu hay dội vào nhãn môn), trở nên rõ rệt ở nhãn môn, thì hữu phần rúng động 2 sát-na tâm rồi dứt. Kế đó chuyển cảnh sắc qua cân nhắc, suy xét, khai ngũ môn (pañcadvārāvajjana) sanh và diệt.

Tato tass’ ānantaraṁ tam eva rūpaṁ passantaṁ cakkhuviññāṇaṁ, sampaṭicchantaṁ sampaṭicchana cittaṁ santīrayamānaṁ santīraṇacittaṁ, vavatthapentaṁ voṭṭhabbanacittañ c’eti yathākkammaṁ uppajjitvā nirujjhanti.

Sau khi khai ngũ môn (pañcadvārāvajjana) diệt, không có bất cứ sự gián đoạn nào, sự sanh và diệt theo đúng thứ tự như nhãn thức (cakkhuviññāṇa) thấy cảnh sắc. Tiếp thâu (sampaṭicchana) tiếp nhận cảnh, thẩm tấn (santīraṇa) thẩm tra cảnh và tâm khai ý môn (manodvārāvajjana) làm việc đoán định (voṭṭhapana) cảnh cho dù cảnh ấy tốt hay xấu.

Tato paraṁ ekūnatiṁsa kāmāvacarajavanesu yaṁkiñci laddhapaccayaṁ yebhuyyena sattakkhattuṁ javati, javanānubandhāni ca dve tadārammaṇapākāni yathārahaṁ pavattanti, tato paraṁ bhavaṅgapāto.

Theo sau tâm khai ý môn (là tâm làm việc đoán định (voṭṭhapana)), 1 trong 29 tâm đổng lực dục giới (kāmāvacarajavana citta) phù hợp với nhân như là tác ý hay hướng tâm đúng, thông thường, tiến trình hoạt động có đổng lực đến 7 sát-na tâm. Nối tiếp theo sau đổng lực (javana), tâm quả na cảnh (tadārammana vipāka citta) sinh khởi tùy theo người. Sau tâm na cảnh (tadārammaṇa) thứ hai, tiến trình hoạt động của dòng hữu phần diễn tiến như thường.

11. Ettāvatā cuddasa vīthicittuppādā, dvebhavaṅgacalanāni, pubbevātītakaṁ ekacittakkhaṇan ti katvā sattarasa cittakkhaṇañi paripūrenti tato paraṁ nirujjhati. Ārammanaṁ etaṁ atimahantaṁ nāma gocaraṁ.

Đến đây, 17 sát-na tâm được hoàn tất, đó là 14 thứ tâm lộ (vīthi citta) cùng với sở hữu tâm, 2 hữu phần rúng động (bhavaṅga calana) [hữu phần dứt dòng (bhavaṅgupaccheda) cũng là hữu phần rúng động (bhavaṅga calana) cuối] và 1 sát-na tâm trôi qua trước đó (chỉ cho hữu phần vừa qua (atītabhavaṅga). Sau khi 17 sát-na tâm đã đầy đủ, cảnh diệt mất. Cảnh này được gọi là cảnh rất lớn (atimahantārammana).

Giải lộ nhãn môn cảnh rất lớn:

Khi cảnh sắc có cường độ rất lớn đối chiếu hay dội vào nhãn môn với cường độ rất lớn, atimahantārammaṇa vīthi (lộ cảnh rất lớn) sinh khởi. Lộ trình tâm ấy có thể được hình dung bằng những ký tự sau:

Ký tự theo Pāḷi:

…-Bh--Na-Da-Pa-ca-Sp-St-Vo-Ja-Ja-Ja-Ja-Ja-Ja-Ja-Dā--Bh-…

Ký tự theo Việt:

…-H-“V-R-D-K-5-T-Th-P-C-C-C-C-C-C-C-Na-Na”-H-…

Ký tự theo Pāḷi | Ký tự theo Việt

Bha (bhavaṅga) = H = hữu phần. Khi không có cảnh đối chiếu vào môn, tâm lộ chưa sanh, dòng bhavaṅga citta (tâm hữu phần) vẫn luôn tuôn chảy trong kiếp sống.

Ti (ata bhavaṅga) = V = hữu phần vừa qua. Vào tiểu sát-na sanh của tâm này, cảnh sắc và cakkhupasāda (nhãn thanh triệt) đồng sanh. Đây là sát-na sanh (uppāda) của rūpārammaṇa (cảnh sắc).

Na (bhavaṅga calāna) = R = hữu phần rúng động. Vào tiểu sát-na sanh của tâm hữu phần rúng động này, rūpārammaṇa (cảnh sắc) xuất hiện (trở nên rõ rệt) ở tại cakkhupasāda (sắc nhãn thanh triệt) (còn gọi là nhãn môn) có cường độ rất lớn. Phải mất 1 cittakkhaṇa (sát-na tâm) để nó hoàn thiện thành rõ rệt tại môn sau khi sanh.

Da (Bhavaṅgupaccheda) = D = hữu phần dứt dòng. Dòng hữu phần bị cắt đứt sau tiểu sát-na diệt của tâm này.

Pa (pañcadvārāvajjana) = K = khai ngũ môn hay hướng ngũ môn. Tâm này luôn là tâm đầu tiên đối diện với cảnh trong pañca dvāra vīthi (lộ ngũ môn). Nó hướng dòng tâm thức chú ý đến cảnh.

Ca (cakkhu viññāṇa) = Nh = nhãn thức. Tâm này thấy biết cảnh sắc. Nó làm thành dấu ấn và truyền dấu ấn ấy qua tâm kế tiếp trước khi nó diệt mất.

Sam (sampaṭicchana) = T = tiếp thâu. Tâm này tiếp nhận dấu vết của cảnh sắc được chuyền qua bởi nhãn thức, nó lần lượt chuyền dấu ấn của cảnh qua tâm sanh kế tiếp.

Ṇa (santīraṇa) = Th = thẩm tấn. Tâm này thẩm tra cảnh cho dù là cảnh tốt hay xấu. Nó lần lượt chuyền dấu ấn của cảnh cùng với kết quả của sự thẩm tấn qua tâm sanh kế tiếp.

Vo (Voṭṭhapana) = P = đoán định, phân đoán. Tâm này quyết định dù là cảnh tốt hay xấu.

Ja (Javana) = C = đổng lực. Tâm đổng lực hưởng vị của cảnh. Một trong 29 kāma javana citta (tâm đổng lực dục giới), tùy thuộc vào manasikāra (sự chú ý) phối hợp với voṭṭhapana (đoán định), thường sanh bảy lần, qua 7 sát-na tâm. Ở chặng này chúng ta biết cảnh dục khái quát và hưởng vị của cảnh.

Dā (talambaṇa) = Na = na cảnh. Tâm này sanh ngay sau tâm đổng lực cuối và sanh hai lần chiếm mất 2 sát-na tâm để cố hưởng lại vị của cảnh. Vào tiểu sát-na diệt của tadālambaṇa citta (tâm na cảnh) thứ hai, cảnh sắc và sắc nhãn thanh triệt (cakkhupasāda) mà đồng sanh, nay đồng diệt bởi vì thọ mạng qua 17 sát-na nay đã dứt.

Bha (bhavaṅga) = H = hữu phần. Khi cảnh không còn tồn tại nữa, tâm lộ không còn sanh và dòng tâm thức rơi vào dòng hữu phần như thường.

Lưu ý: Atimahantārammaṇa vīthi (lộ cảnh rất lớn) cũng được gọi là tadālambaṇa vāra vīthi (lộ chót na cảnh) vì nó kết thúc bằng tadālambaṇa citta (tâm na cảnh). Tâm na cảnh chỉ sanh trong trường hợp cảnh có cường độ rất lớn. Tâm lộ thường là 15 cái sát-na tâm, thọ mạng của cảnh còn 2 sát-na tâm nữa mới diệt, nên na cảnh mới sanh. Nếu cường độ của cảnh không đủ lớn, phải mất hơn 1 cái sát-na tâm cảnh mới hiện rõ ở môn, thì thọ mạng còn lại của cảnh ở cuối lộ không còn đủ 2 sát-na tâm để na cảnh sanh.

Trường hợp lộ nhãn môn cảnh rất lớn này chỉ có một tâm hữu phần vừa qua. Ngoài trường hợp tâm lộ chót là na cảnh, còn có trường hợp tâm chót là đổng lực hay hữu phần khách.

- Nhân trợ sanh hữu phần khách có bốn: 1 là người dục giới, 2 là tái tục bằng tâm câu hành hỷ, 3 là gặp cảnh rất tốt, 4 là đổng lực bằng tâm sân.

Về tổng quát của những lộ ngũ môn thì có 54 thứ tâm lộ, do gom ngũ song thức chung có 10 thứ tâm. Nếu nói riêng theo từng loại như lộ nhãn môn, hay lộ nhĩ môn v.v… thì mỗi loại có 46 thứ tâm vì trong phần ngũ song thức chỉ lấy 2 thứ tâm tương ứng của lộ như nhãn thức, hay v.v…

Những thứ tâm có thể tham gia trong lộ ngũ môn gồm: Tâm khai môn (1 thứ là tâm khai ngũ môn), ngũ song thức (2 trong 10 thứ tâm), tiếp thâu (một trong 2 thứ), thẩm tấn (một trong 3 thứ), đoán định (1 thứ là khai ý môn), chặng đổng lực (một trong 29 thứ tâm đổng lực dục giới sanh 5 hay 7 cái sát-na), chặng na cảnh (một trong 11 thứ nhưng trừ 3 tâm thẩm tấn, còn 8 tâm đại quả sanh 2 cái sát-na), cộng cả thảy là 46 thứ tâm (tính riêng cho từng loại lộ) hay 54 thứ tâm dục giới (tính chung cả 5 loại lộ).

7 chặng: 1 là chặng khai môn, 2 là chặng ngũ song thức, 3 là chặng tiếp thâu, 4 là chặng thẩm tấn, 5 là chặng đoán định, 6 là chặng đổng lực, 7 là chặng na cảnh.

8 hạng người là 4 phàm, 4 Thánh quả.

11 cõi Dục giới là Địa ngục, Ngạ quỉ, Bàng sanh, A-tu-la, Nhân loại, Tứ thiên vương, Đạo lợi, Dạ-ma, Đâu xuất, Hóa lạc và Tha hóa tự tại (vì có tâm na cảnh, nên không sanh ngoài cõi Dục giới).

Những “lộ nhĩ, tỷ, thiệt, thân môn cảnh rất lớn” cũng diễn tiến tợ như “lộ nhãn môn cảnh rất lớn”. Phần cái tâm, chặng, thứ tâm, người và cõi thì cũng tợ như thế. Chỉ thay tâm nhãn thức thành tâm nhĩ thức, hay tỷ thức, hay v.v…

(B) Diễn tiến lộ nhãn môn cảnh lớn (Cakkhudvārika mahantārammaṇa vīthi)

12. Yāva tadārammaṇuppāda pana appahont’ ātītakaṁ āpāthaṁ āgataṁ ārammaṇaṁ mahantaṁ nāma, tattha javanāvasāne bhavaṅgapāto va hoti, n’atthi tadārammanuppādo.

Ngoài ra, cảnh mà đối chiếu hay dội vào môn trở nên rõ rệt (sau 2 hoặc 3 sát-na tâm), nhưng không thể tồn tại cho đến khi tâm na cảnh sinh khởi, được gọi là mahantārammaṇa (cảnh lớn). Trong ấy, lộ tâm chót đổng lực, có sự rơi vào hữu phần và không có sự sinh khởi của tâm na cảnh.

Khi cảnh với cường độ đủ lớn đối chiếu hay dội vào nhãn môn, 2 mahantārammaṇa vīthi (lộ cảnh lớn) có thể sinh khởi như sau:

Ký tự theo Pāḷi:

(1) Bh-“-Tī-Na-Da-Pa-Ca-Sam-Ṇa-Vo-Ja-Ja-Ja-Ja-Ja-Ja-Ja-Bh”-…

(2) Bh-“-Tī-Tī-Na-Da-Pa-Ca-Sam-Ṇa-Vo-Ja-Ja-Ja-Ja-Ja-Ja-Ja”-…

Ký tự theo Việt:

(1) …-H-“V-V-R-D-K-5-T-Th-P-C-C-C-C-C-C-C-H”-H-…

(2) …-H-“V-V-V-R-D-K-5-T-Th-P-C-C-C-C-C-C-C”-H-…

Giải thích:

(1)

Trong mahantārammaṇa vīthi (lộ cảnh lớn) thứ nhất, cảnh và cakkhupasāda (nhãn thanh triệt hay nhãn môn) đồng sinh khởi (uppāda) vào tiểu sát-na sanh của tâm atabhavaṅga (V) (hữu phần vừa qua) thứ nhất. Cảnh này chiếm mất 2 sát-na tâm hữu phần vừa qua (Ti-Ti) để phát triển hoàn toàn đầy đủ và trở thành rõ rệt ở tại nhãn môn vào tiểu sát-na sanh của tâm bhavaṅgacalāna (R) (hữu phần rúng động).

Tiếp sau tâm hữu phần rúng động, 2 sát-na tâm (R-D) rồi dừng hay cắt đứt dòng hữu phần tại tiểu sát-na diệt của bhavaṅgupaccheda (D) (hữu phần dứt dòng). …-H-“V-V-V-R-D-… . Khi ấy lộ trình tiếp tục như sau:

Ký tự theo Pāḷi | Ký tự theo Việt

Pa (pañcadvārāvajjana) = K = khai ngũ môn. Tâm này hướng dòng tâm thức chú ý đến cảnh.

Ca (cakkhu viññāṇa) = Nh = nhãn thức. Tâm này thấy biết cảnh sắc và tạo dấu ấn.

Sam (sampaṭicchana) = T = tiếp thâu. Tâm này tiếp nhận dấu ấn của cảnh sắc.

Ṇa (santīraṇa) = Th = thẩm tấn. Tâm này thẩm tra xét cảnh dù tốt hay xấu.

Vo (Voṭṭhapana) = P = đoán định hay phân đoán (tức tâm khai ý môn (manodvārāvajjana). Tâm này quyết định dù tốt hay xấu.

Ja (Javana) = C = đổng lực. Tâm đổng lực hưởng vị của cảnh. Một trong 29 kāma javana citta (tâm đổng lực dục giới) là pháp sở duyên bị trợ bởi tác ý (manasikāra) phối hợp với phân đoán (voṭṭhapana), sanh bảy lần.

Đến đây, 16 sát-na tâm đã trôi qua từ khi cảnh phát sanh ở tại nhãn môn và chỉ còn lại 1 sát-na tâm trước khi cảnh diệt mất. Do đó, 2 talambaṇa citta (tâm na cảnh) không thể sanh nữa. [Talambaṇa citta (tâm na cảnh) chỉ sanh khi atimahantārammaṇa (cảnh rất lớn)]. Tâm na cảnh hoặc sinh hai lần, hoặc hoàn toàn không sinh. Thay vào đó, 1 bhavaṅga citta (tâm hữu phần) sinh khởi, cảnh và cakkhupasāda (sắc nhãn thanh triệt), cùng diệt vào tiểu sát-na diệt của bhavaṅga citta (tâm hữu phần) này. Sau đó, dòng hữu phần chảy tiếp như thường.

(2)

Trong mahantārammaṇa vīthi (lộ cảnh lớn) thứ hai, cường độ của cảnh yếu hơn một chút so với cường độ của cảnh ở lộ trước (1). Vì thế, sau khi cảnh phát sanh ở tại nhãn môn, 3 atabhavaṅga citta (3V) (tâm hữu phần vừa qua) trôi qua trước khi cảnh trở nên phát triển đầy đủ và rõ rệt ở tại nhãn môn. Kế tiếp, hữu phần rúng động hai lần rồi dứt (Na-Da). Sau đó, lộ tâm diễn tiến như ở lộ trước (1), tức là, theo thứ tự của pañcadvārāvajjana (khai ngũ môn), cakkhu viññāṇa (nhãn thức), sampaṭicchana (tiếp thâu), santīraṇa (thẩm tấn), voṭṭhapana (đoán định) và 7 javana (đổng lực). Vào tiểu sát-na diệt của tâm đổng lực thứ bảy, cảnh và cakkhupasāda (nhãn thanh triệt) cùng diệt. Do đó, lộ trình tâm kết thúc và hữu phần tiếp tục diễn tiến như thường.

Vì thế, có 2 mahantārammaṇa vīthi (lộ cảnh lớn) kết thúc bằng tâm đổng lực, 2 lộ tâm này được gọi là javanavāra vīthi (lộ chót đổng lực).

Đôi khi có thêm trường hợp là tâm hữu phần khách chen giữa chặng đổng lực và tâm hữu phần của hai lộ trên, nên có thể tính thêm 2 lộ là thành 4 lộ trong phần lộ nhãn cảnh lớn.

Lưu ý: Khi tính những thứ tâm lộ, thì không tính những tâm hữu phần (Ti, Na, Da, Bh).

(C) Diễn tiến lộ nhãn môn cảnh nhỏ (Cakkhudvārika parittārammaṇa vīthi)

13. Yāva javanuppādā pi appahont’ ātītakaṁ āpāthaṁ āgataṁ ārammaṇaṁ parittaṁ nāma. Tattha javanaṁ pi anuppajjitvā dvattikkhattaṁ voṭṭhabbanam’ eva pavattati, tato paraṁ bhavaṅga pāto’va hoti.

Cảnh đối chiếu vào môn và trở nên rõ rệt (sau 4 đến 9 sát-na tâm) nhưng không thể tồn tại cho đến khi những javana (đổng lực) sinh khởi, được gọi là parittārammaṇa (cảnh nhỏ). Trong lộ ấy, mặc dù tâm javana (đổng lực) không sinh, nhưng tâm voṭṭhapana (đoán định) vẫn sinh khởi 2 hoặc 3 lần và kế đó rơi vào bhavaṅga (hữu phần).

Khi cảnh sắc với cường độ nhỏ đối chiếu hay dội vào nhãn môn với cường độ nhẹ, yếu ớt, parittārammaṇa vīthi (lộ cảnh nhỏ) sinh khởi. Lộ trình tâm có thể được hình dung như sau:

Ký tự theo Pāḷi

(1) …-Bha-“Ti-Ti-Ti-Ti-Na-Da-Pa-Ca-Sam-Ṇa-Vo-Vo-Vo-Bha-Bha-Bha-Bha”-Bha-…

(2) …-Bha-“Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Na-Da-Pa-Ca-Sam-Ṇa-Vo-Vo-Vo-Bha-Bha-Bha”-Bha-…

(3) …-Bha-“Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Na-Da-Pa-Ca-Sam-Ṇa-Vo-Vo-Vo-Bha-Bha”-Bha-…

(4) …-Bha-“Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Na-Da-Pa-Ca-Sam-Ṇa-Vo-Vo-Vo-Bha”-Bha-…

(5) …-Bha-“Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Na-Da-Pa-Ca-Sam-Ṇa-Vo-Vo-Vo”-Bha-…

(6) …-Bha-“Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Na-Da-Pa-Ca-Sam-Ṇa-Vo-Vo”-Bha-…

Ký tự theo Việt

(1) “V-V-V-V-R-D-K-5-T-Th-P-P-P-H-H-H-H”…

(2) “V-V-V-V-V-R-D-K-5-T-Th-P-P-P-H-H-H”…

(3) “V-V-V-V-V-V-R-D-K-5-T-Th-P-P-P-H-H”…

(4) “V-V-V-V-V-V-V-R-D-K-5-T-Th-P-P-P-H”…

(5) “V-V-V-V-V-V-V-V-R-D-K-5-T-Th-P-P-P”…

(6) “V-V-V-V-V-V-V-V-V-R-D-K-5-T-Th-P-P”-H…

Giải Thích:

(1)

Trong parittārammaṇa vīthi (lộ cảnh nhỏ) đầu tiên, cảnh và cakkhupasāda (nhãn thanh triệt) đồng sinh khởi vào tiểu sát-na sanh của tâm atabhavaṅga (hữu phần vừa qua) thứ nhất. Cảnh này chiếm mất 4 sát-na tâm để hoàn toàn phát triển và trở nên rõ rệt vào tiểu sát-na sanh của tâm bhavaṅgacalāna (hữu phần rúng động) (R). Kế đó, dòng tâm hữu phần bị rúng động lần hai rồi dứt (R-D). Tiếp đến, lộ trình tiếp tục theo thứ tự pañcadvārāvajjana (khai ngũ môn), cakkhu viññāṇa (nhãn thức), sampaṭicchana (tiếp thâu), santīraṇa (thẩm tấn) và voṭṭhapana (đoán định). Tại thời điểm này, 11 sát-na tâm đã trôi qua từ khi cảnh phát sanh và cảnh chỉ có thể tồn tại 6 sát-na tâm nữa.

Trong trường hợp bình thường, javana (đổng lực) thường sinh khởi 7 sát-na tâm và nếu không có đủ thời gian, nó hoàn toàn không sinh khởi. Nói cách khác, khi cảnh không rõ và không được biết một cách chính xác, không có javana (đổng lực) sanh để hưởng vị của cảnh.

Do đó, thêm 2 tâm voṭṭhapana (đoán định) nữa sanh vào vị trí của tâm javana (đổng lực) xác định thêm hai lần nữa dù cho cảnh tốt hay xấu. Sau đó, dòng tâm thức rơi vào dòng hữu phần. Cảnh và nhãn thanh triệt diệt vào tiểu sát-na diệt của tâm bhavaṅga (hữu phần) thứ tư. Sau đó dòng hữu phần chảy tiếp như thường.

(2-6)

Trong 5 vīthi (lộ) kế tiếp liên tục, ata bhvaṅga (hữu phần vừa qua) (V) được tăng từng cái một khi cảnh trở nên yếu dần. Vì vậy, những tâm phía sau phải lần lượt bị cắt đứt từng tâm một do tổng số sát-na tâm không thể vượt quá tuổi thọ (tức là 17 sát-na tâm) của cảnh. Do đó, ở lộ trình tâm thứ sáu, lộ kết thúc sau 2 tâm voṭṭhapana (đoán định).

Số tâm voṭṭhapana (đoán định) không thể bị giảm ít hơn vì phải có ít nhất 2 tâm voṭṭhapana (đoán định) khi nó làm việc ở chỗ của tâm javana (đổng lực). Do đó, có 6 parittārammaṇa vīthi (lộ cảnh nhỏ) đều kết thúc bằng tâm voṭṭhapana (đoán định); Những lộ này được gọi là voṭṭhapana vāra vīthi (lộ chót đoán định). Vì không có javana (đổng lực) trong những lộ này, không có trạng thái hưởng vị của cảnh. Cảnh không được biết một cách chính xác – mà dường như được biết rất khái quát. Những lộ này xảy ra với những trẻ sơ sinh do cakkhupasāda (nhãn thanh triệt) yếu. Dù khi cảnh có cường độ lớn, nó không xuất hiện rõ.

(D) Diễn tiến lộ nhãn môn cảnh rất nhỏ (Atiparittārammaṇa vīthi)

14. Yāva voṭṭhabbanuppādā ca pana appahont’ ātītakaṁ āpāthaṁ āgataṁ nirodhāsannaṁ ārammanaṁ atiparittaṁnāma, tatha bhavaṅgacalanam eva hoti, n’atthi vīthicittuppādo.

Lại nữa, cảnh mà đối chiếu vào môn trở nên rõ rệt sau 10 đến 15 sát-na tâm; sắp kết thúc và không thể tồn tại cho đến khi tâm đoán định sinh khởi; được gọi là cảnh rất nhỏ. Trong lộ ấy chỉ có hữu phần rúng động, nhưng không có lộ tâm sinh khởi.

Khi cảnh với cường độ rất yếu đối chiếu vào nhãn môn, cảnh chiếm 10 đến 15 sát-na tâm để phát triển đầy đủ. Vì cường độ cảnh quá yếu là nguyên nhân làm cho bhavaṅga (hữu phần) rúng động hai lần mà không thể dứt dòng hữu phần, do đó, không có vīthi citta (tâm lộ) sanh và cảnh hoàn toàn không được biết đến. Sáu dạng lộ tâm sau có thể được viết để mô tả atiparittārammaṇa vīthi (lộ cảnh rất nhỏ).

Ký tự theo Pāḷi

(1) “Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Na-Na-Bha-Bha-Bha-Bha-Bha”…

(2) “Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Na-Na-Bha-Bha-Bha-Bha”…

(3) “Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Na-Na-Bha-Bha-Bha”…

(4) “Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Na-Na-Bha-Bha”…

(5) “Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Na-Na-Bha”…

(6) “Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Ti-Na-Na”…

Ký tự theo Việt

(1) “V-V-V-V-V-V-V-V-V-V-R-R-H-H-H-H-H”…

(2) “V-V-V-V-V-V-V-V-V-V-V-R-R-H-H-H-H”…

(3) “V-V-V-V-V-V-V-V-V-V-V-V-R-R-H-H-H”…

(4) “V-V-V-V-V-V-V-V-V-V-V-V-V-R-R-H-H”…

(5) “V-V-V-V-V-V-V-V-V-V-V-V-V-V-R-R-H”…

(6) “V-V-V-V-V-V-V-V-V-V-V-V-V-V-V-R-R”…

Giải Thích:

Thông thường, cảnh và cakkhupasāda (nhãn thanh triệt hay nhãn môn) đồng sanh vào sát-na sanh của tâm ata bhavaṅga (hữu phần vừa qua) thứ nhất. Do cường độ của cảnh rất yếu, nên chiếm mất 10 đến 15 sát-na tâm để hoàn toàn phát triển. Khi đã phát triển đầy đủ, nó xuất hiện ở môn. Nhưng vì cường độ của cảnh rất yếu, nó chỉ có thể làm cho bhavaṅga (hữu phần) bị rúng động hai lần mà không phá vỡ dòng chảy của hữu phần. Do đó, nó chỉ làm bhavaṅga calāna citta (tâm hữu phần rúng động) 2 sát-na tâm, rồi tâm bhavaṅga (hữu phần) tiếp tục tuôn chảy như thường. Cảnh và cakkhupasāda (nhãn thanh triệt) sẽ cùng diệt vào cuối của 17 sát-na tâm sau khi nó hình thành.

Cảnh hoàn toàn không được biết vì không có vīthi citta (tâm lộ) sanh. Bởi vì những trường hợp này bị thiếu vīthi citta (tâm lộ), chúng được gọi là mogha vāra vīthi (lộ chót không).

Những lộ ngũ môn khác

15. Icc’ evaṁ cakkhudvāre, tathā sota dvārādīsu c’ eti sabbathā pi pañcadvāre tadārammaṇajavana voṭṭhabbana moghavāra saṅkhātānaṁ catunnaṁ vārānaṁ yathākkamaṁ ārammaṇabhūtā visayappavatti catudhā veditabbā.

Như được mô tả về sự sinh khởi của lộ nhãn môn, cũng thế, lộ sinh khởi qua nhĩ môn, v.v… do đó, qua tất cả 5 môn. Sự trình bày bốn nhóm cảnh nên được hiểu đúng theo thứ lớp trong bốn cách được gọi là: Lộ chót na cảnh, lộ chót đổng lực, lộ chót đoán định và lộ chót không.

75 Lộ Ngũ Môn

Trình bày bốn nhóm cảnh nơi nhãn môn, chúng ta được 1 lộ chót na cảnh (tadālambana vāra vīthi), 2 lộ chót đổng lực (javana vāra vīthi), 6 lộ chót đoán định (voṭṭhapana vāra vīthi) và 6 lộ chót không (mogha vāra vīthi), tất cả thành 15 lộ.

(1) 1 atimahantā rammaṇa tadārammaṇa vāra vīthi (lộ cảnh rất lớn chót na cảnh).

(2) 2 mahantā rammaṇa jāvana vāra vīthi (lộ cảnh lớn chót đổng lực).

(3) 6 parittā rammaṇa voṭṭhapana vāra vīthi (lộ cảnh nhỏ chót đoán định).

(4) 6 atiparittā rammaṇa mogha vāra vīthi (lộ cảnh rất nhỏ chót không).

Tất cả có 15 lộ qua nhãn môn.

Tương tự như thế, có 15 lộ có thể sanh qua mỗi môn như nhĩ môn, tỷ môn, thiệt môn, thân môn. Cho nên, tổng số pañca dvāra vīthi (lộ ngũ môn) qua 5 môn là 15 x 5 = 75 lộ.

Trên lý thuyết, những lộ và lời giải thích cho lộ nhĩ môn, nhĩ thức (sota viññāṇa) (cũng thế) được thay chỗ của cakkhu viññāṇa (nhãn thức) và cảnh thinh và nhĩ thanh triệt (sotapasāda) tuần tự được thay chỗ cảnh sắc và nhãn thanh triệt (cakkhupasāda). Sự thay đổi tương tự nên được thực hiện cho 3 môn còn lại.

Sự So Sánh với Một Trái Xoài

Atimahantā rammaṇa (cảnh rất lớn) có thể được so sánh với việc trái xoài rụng. Giả sử một lữ khách mệt mỏi ngủ thiếp ở gốc cây xoài. Trạng thái ngủ thiếp này tương tự như dòng chảy lặng lẽ của hữu phần trước Atimahantā rammaṇa (cảnh rất lớn).

Khi trái xoài chín muồi rụng xuống đất gần người khách lữ hành, sự kiện này tợ như cảnh sắc với cường độ rất lớn đập vào nhãn môn.

Âm thanh của trái xoài rụng xuống đất đánh thức người khách lữ hành làm cho ông ấy ngẩng đầu dậy. Việc này tợ như sự xuất hiện của cảnh sắc ở nhãn môn làm cho hữu phần rúng động hai lần rồi dứt.

Người khách lữ hành mở mắt và nhìn quanh, tìm nguyên do gây ra tiếng động. Phản ứng này tợ như pañcadvāra vajjana (khai ngũ môn) hướng dòng tâm thức đến cảnh.

Người khách lữ hành thấy trái xoài, điều này tợ như tâm nhãn thức thấy cảnh. Vị ấy nhặt trái xoài, việc này tợ như sampaṭicchana (tiếp thâu) hay tiếp nhận cảnh.

Vị ấy kiểm tra trái xoài có ăn được hay không. Đây tợ như santīraṇa (thẩm tấn) thẩm tra cảnh.

Người khách xác định rằng trái xoài ngon và có thể ăn được. Đây tợ như voṭṭhapana (đoán định) định đoạt đó là cảnh tốt.

Vì đang đói bụng, người khách cắn trái xoài 7 lần và thưởng thức vị của nó. Đây tợ như sự diễn tiến của 7 javana citta (tâm đổng lực) hưởng vị của cảnh.

Khi người khách mót và dùng hết những phần còn dư sót và nước của trái xoài còn dính ở răng, lưỡi và nuốt hai lần. Đây tợ như 2 tadālambaṇa citta (tâm na cảnh) theo ngay sau javana (đổng lực) và hưởng vị của cảnh.

Khi người khách nằm xuống và ngủ thiếp, đây tợ như rơi vào dòng bhavaṅga citta (tâm hữu phần).

Pañcadvāra-vīthi citta (Tâm Lộ Ngũ Môn)

16. Vīthicittāni satt’ eva, cittuppādā catuddasa. Catupaññāsa vitthārā, pañcadvāre yathārahaṃ. Ayaṁ ettha pañcadvāre vīthicittappavattinayo.

Ở tại 5 môn, 7 loại vīthi-citta (tâm lộ) trong số 14 thứ tâm lộ trong tiến trình lộ phù hợp với môn và cảnh. Về chi tiết, có 54 tâm xảy ra qua năm môn.

Ở đây, những gì được nói mô tả sự diễn tiến của những tâm lộ qua 5 môn.

Giải:

Nếu chúng ta nghiên cứu atimahantārammaṇa vīthi (lộ cảnh rất lớn), chúng ta có thể thấy rằng lộ cảnh rất lớn này chứa số tâm lộ lớn nhất, gồm bảy loại tâm lộ. Bảy loại tâm đó là:

Pañcadvārāvajjana (khai ngũ môn), pañcaviññāṇa (ngũ thức), sampaṭicchana (tiếp thâu), santīraṇa (thẩm tấn), voṭṭhappana (đoán định), javana (đổng lực) và tadālambaṇa (na cảnh)”.

Số tâm lộ tham gia trong lộ dài nhất tức là, atimahantā rammana vīthi (lộ cảnh rất lớn), gồm: 1 pañcadvārāvajjana (khai ngũ môn), 1 pañcaviññāṇa (ngũ thức), 1 sampaṭicchana (tiếp thâu), 1 santīraṇa (thẩm tấn), 1 voṭṭhappana (đoán định), 7 javana (đổng lực) 2 tadālambaṇa (na cảnh). Tổng cộng có 14. Khi tính thứ tâm lộ, không được tính tâm hữu phần vào

Tổng số tâm có thể tham gia trong lộ ngũ môn là:

(a) pañcadvārāvajjana citta (tâm khai ngũ môn) 01

(b) pañcaviññāṇa citta (tâm ngũ thức) 10

(c) sampaṭicchana citta (tâm tiếp thâu) 02

(d) santīraṇa citta (tâm thẩm tấn) 03

(e) voṭṭhappana citta (tâm đoán định) 01

(f) javana citta (tâm đổng lực) 29

(g) tadālambaṇa citta (tâm na cảnh) 08

Tổng cộng: 54

Có 54 kāmāvacara citta (tâm dục giới). Nếu chúng ta đếm tâm qua 1 môn, thí dụ như nhãn môn, chúng ta có 2 cakkhu viññāṇacitta (tâm nhãn thức), thay vì 10 pañcaviññāṇa citta (tâm ngũ thức) ở phần (b). Do đó, tổng số tâm là 46. Điều này phù hợp với số đã nêu trong chương III – phần Môn có mấy tâm.

Lưu ý rằng, bhavaṅga citta (tâm hữu phần) không gồm trong tâm lộ.

Cảnh và Vật Diễn Tiến Ở Mỗi Tâm Lộ

Tất cả những pañcadvāra vīthi citta (tâm lộ ngũ môn) đều bắt cảnh hiện tại đang hiện hữu ở môn. Pañca viññāṇa citta (tâm ngũ thức) sanh đặng do pañca vatthu (năm vật), tức là, cakkhu viññāṇa citta (tâm nhãn thức) sanh đặng do nương cakkhu vatthu (nhãn vật), sota viññāṇa citta (tâm nhĩ thức) sanh đặng do nương sota vatthu (nhĩ vật), v.v…, trong khi mano viññāṇa citta (tâm ý thức) sanh đặng do nương hadaya vatthu (ý vật) [141].

Để minh họa, tất cả những cakkhu dvāra atimahantārammaṇa vīthi cittaṃ (tâm lộ nhãn môn cảnh rất lớn) bắt cảnh sắc xuất hiện ở nhãn môn vào tiểu sát-na sanh của tâm bhavaṅga calāna (hữu phần rúng động) và diệt vào tiểu sát-na diệt của tâm tadālambaṇa citta (na-cảnh) thứ hai.

Hai cakkhu viññāṇa citta (tâm nhãn thức) sanh đặng do nương cakkhu vatthu (cakkhu pasāda) [nhãn vật (sắc nhãn thanh triệt)]. Sắc vật nào cùng sanh với cảnh sắc vào sát-na sanh của tâm atīta bhavaṅga (hữu phần vừa qua), thì những sắc vật này có cùng tuổi thọ với cảnh sắc, được gọi là “majjhimāyuka vatthu” (sắc vật trung thọ). Những sắc vật nào sanh sớm hơn cảnh sắc sẽ diệt sớm hơn cảnh sắc, được gọi là “mandāyuka vatthu” (sắc vật thiểu thọ). Còn những sắc vật nào sanh trễ hơn cảnh sắc sẽ diệt trễ hơn cảnh sắc, được gọi là “amandāyuka vatthu” (sắc vật phi thiểu thọ).

Tất cả những pañcadvāra vīthi citta (tâm lộ ngũ môn) còn lại là mano viññāṇa cittaṃ (tâm ý thức); chúng sanh đặng do nương hadaya vatthu (sắc ý vật) một cách riêng lẻ và theo thứ tự. Sắc này sanh cùng với tâm trước, tức là, hadaya vatthu (sắc ý vật) tồn tại 1 sát-na sắc[142]. Thí dụ, pañcadvārāvajjana (khai ngũ môn) sanh đặng do nương hadaya vatthu (sắc ý vật) sanh cùng với bhavaṅgacalāna (hữu phần rúng động)[143]; sampaṭicchana (tiếp thâu) sanh đặng do nương hadaya vatthu (sắc ý vật) sanh cùng với cakkhu viññāṇa (nhãn thức); santīraṇa (thẩm tấn) sanh đặng do nương hadaya vatthu (sắc ý vật) sanh cùng với sampaicchana (tiếp thâu) và v.v…

(E) Lộ ngũ môn cận tử (Maraṇāsanna vīthi)

Lộ ngũ môn cận tử là tiến trình sanh diệt của dòng tâm thức do nương qua 1 trong 5 môn, bắt 1 trong 5 cảnh, ngay trước khi tử.

Lộ ngũ môn cận tử là vừa thấy, hoặc nghe, … liền chết chẳng kịp suy nghĩ chi. Cho nên hết lộ ngũ môn là tâm tử chớ không có lộ nào khác nữa (trừ ra sau khi tái tục). Lộ ngũ môn cận tử có 45 thứ tâm sanh đặng trong lộ là 45 tâm dục giới (trừ 9 tâm tố đổng lực dục giới). Lộ này sanh đặng với 7 hạng người là 4 phàm và 3 Thánh quả 26 cõi Ngũ uẩn.

Hai loại lộ cận tử cho cảnh sắc rất lớn đối chiếu hay dội vào nhãn môn:

(i) Có xen hữu phần ngay trước khi tử

Ký tự theo Pāḷi

…Ti-Na-Da-“Pa-Ca-Sam-Ṇa-Vo-Ja-Ja-Ja-Ja-Ja-Dā-Dā”-Bha-Cuti-Paṭi-Bha…

Ký tự theo Việt

…V-R-D-“K-Nhãn-T-Th-P-C-C-C-C-C-N-N”-H-Ử-S-H…

(ii) Không có xen hữu phần ngay trước khi tử

Ký tự theo Pāḷi

…Ti-Na-Da-“Pa-Ca-Sam-Ṇa-Vo-Ja-Ja-Ja-Ja-Ja-Dā-Dā”-Cuti-Paṭi-Bha…

Ký tự theo Việt

…V-R-D-“K-Nhãn-T-Th-P-C-C-C-C-C-N-N”-Ử-S-H…

Nhân đưa đến tử có bốn, đó là: (i) do hết tuổi thọ; (ii) do hết nghiệp lực; (iii) do hết cả hai cùng lúc; (iv) do sự can thiệp của đoạn nghiệp (upaghātaka kamma).

Xin xem phần lộ cận tử (maraṇāsanna vīthi) trong Chương V: Ngoại Lộ Nhiếp.

___o0o___

II. LỘ Ý MÔN (MANO DVĀRA VĪTHI)

Lộ Ý Môn gồm:

A/. Kāmajavana-vāra vīthi (Lộ chót đổng lực dục giới)

1/. Tadālambaṇa-vāra vīthi (Lộ chót na-cảnh)

2/. Javana-vāra vīthi (Lộ chót đổng lực)

3/. Voṭṭhapaṇa-vāra vīthi (Lộ chót đoán định)

4/. Mogha-vāra vīthi (Lộ chót không)

B/. Appanājavana-vāra vīthi (Lộ chót đổng lực kiên cố)

B1/. Loki appanā vīthi (Lộ kiên cố hiệp thế)

B1.1/. Rūpāvacara appanā vīthi (Lộ kiên cố sắc giới)

B1.2/. Arūpāvacara appanā vīthi (Lộ kiên cố vô sắc giới)

B1.3/. Jhāna samāpatti vīthi (Lộ nhập thiền)

B1.4/. Abhiññā appanā vīthi (Lộ kiên cố thông)

B2/. Lokuttara appanā vīthi (Lộ kiên cố siêu thế)

B2.1/. Magga vīthi (Lộ đạo)

B2.2/. Phala vīthi (Lộ quả)

B2.3/. Nirodha samāpatti vīthi (Lộ nhập thiền diệt)

B2.4/. Lộ kiên cố cận Níp-bàn

17. Manodvāre pana yadi vibhūtaṁ ārammaṇaṁ āpāthaṁ āgacchati, tato paraṁ bhavaṅgacalana manodvārāvajjana-javan’āvasāne tadārammaṇapākāni pavattanti, tato paraṁ bhavaṅgapāto.

Bây giờ, khi một cảnh rõ trở nên rõ rệt tại ý môn, kế đến là hữu phần rúng động, tâm khai ý môn (hướng ý môn), đổng lực (javana) và sau tâm đổng lực cuối là na cảnh sinh khởi. Ngay sau những tâm lộ này có sự rơi vào hữu phần (bhavaṅga).

18. Avibhūte pan’ ārammaṇe jāvanāvasāne bhavaṅgapāto va hoti, n’atthi tadārammaṇuppādo ti.

Mặt khác, trong trường hợp của cảnh không rõ, có sự rơi vào hữu phần (bhavaṅga) ngay sau đổng lực cuối. Không có tâm na cảnh (tadārammaṇa) sinh khởi.

Giải lộ ý môn:

Khi 1 trong 6 cảnh đi vào qua ý môn, theo sau là manodvāra vīthi (lộ ý môn). Manodvāra vīthi (lộ ý môn) trước tiên có thể được chia thành hai loại là lộ ý môn đổng lực dục giới và lộ ý môn đổng lực kiên cố.

A/. Kāmajavana manodvāra vīthi (Lộ ý môn đổng lực dục giới) - ở đây, 1 trong 29 tâm đổng lực dục giới (kāmajavana citta) làm việc đổng lực (javana), tức là hưởng vị của cảnh. Trong sinh hoạt hằng ngày, khi chúng ta nhận ra nhiều cảnh có liên quan đến kāmajavana manodvāra vīthi (lộ ý môn đổng lực dục giới).

B/. Appanājavana manodvāra vīthi (Lộ ý môn đổng lực kiên cố) - ở đây, 1 trong 26 tâm đổng lực kiên cố (Appanājavana citta) làm việc đổng lực (javana). Appanā’ nghĩa là kiên cố. Kiên cố đây chỉ cho thiền (jhāna), đạo (magga), quả (phala), do đó, appanājavana manodvāra vīthi (lộ ý môn đổng lực kiên cố) chỉ liên quan đến sự miệt mài trong thiền hay sự thấy biết pháp siêu thế.

(A) Lộ Ý Môn Đổng Lực Dục Giới (Kāmajavana manodvāra vīthi)

Có 19 tâm hữu phần làm ý môn, tức làm dịp, làm điều kiện, hay làm duyên cho những tâm lộ sanh. Lộ này sanh đặng với 8 hạng người là 4 phàm và 4 Thánh quả trong 30 cõi hữu tưởng. Tâm lộ sanh nương qua ý môn, thông thường có 41 thứ là 12 tâm bất thiện, 3 tâm thẩm tấn, 1 tâm khai ý môn, 1 tâm tiếu sinh và 24 tâm dục giới tịnh hảo.

Tiến trình lộ ý môn dục giới này có hai phần:

(1) Tiến trình lộ ý môn nối tiếp lộ ngũ môn (pañcadvārānubandhakā)

(2) Tiến trình lộ ý môn độc lập (visuṁsiddhā)

(1) Tiến trình lộ ý môn nối tiếp lộ ngũ môn (pañcadvārānubandhakā)

Như khi cái dùi gõ vào cái chiêng, cái chiêng tạo ra một dòng âm vang liên tục. Cũng thế, khi 1 trong 5 môn xúc chạm với cảnh, sau khi lộ ngũ môn dừng, cảnh quá khứ được chụp (bắt) lại bằng ý môn và làm sinh khởi nhiều chuỗi lộ ý môn. Vì những lộ này sinh khởi là phần quả của lộ ngũ môn, chúng được gọi là tiến trình quả thành tựu.

Trong lộ ngũ môn, dấu ấn (của cảnh) được xử lý chỉ ở mức độ được biết khái quát, cho dù cảnh ấy là tốt hay xấu. Hình thể, hình dạng, nét đặc trưng và tên gọi của cảnh chưa được biết.

Từ khi ý môn có thể tiếp nhận cảnh quá khứ, sau một lộ ngũ môn (pañcadvāra vīthi), một lộ ý môn (manodvāra vīthi) nhanh chóng theo sau bắt lại cảnh của lộ ngũ môn, giờ là một cảnh quá khứ.

Kế đến, lộ ý môn (manodvāra vīthi) thứ hai theo sau quan sát toàn bộ cảnh. Kế đến, lộ ý môn (manodvāra vīthi) thứ ba quan sát hình thể, hình dạng của cảnh.

Lần nữa, lộ ý môn (manodvāra vīthi) thứ tư sinh khởi cân nhắc, xem xét tên gọi của cảnh. Nếu cần thiết, nhiều lộ ý môn nhanh chóng xảy ra liên tiếp xem xét những chi tiết đặc trưng của cảnh, cũng như thời gian, nơi chốn liên quan đến cảnh, nếu cảnh từng được quan sát trước đó.

Chỉ sau nhiều lộ ý môn nối tiếp này, người ấy mới biết cảnh cùng với hình thể, hình dạng, tên gọi và những chi tiết khác.

Xem xét thực tế rằng tâm (citta) có thể sinh và diệt với một tốc độ rất nhanh hơn một ngàn tỷ lần trên một cái nhấp nháy và lộ ý môn chỉ có khoảng mười tâm lộ (vīthi citta), nhiều tỷ lộ có thể xảy ra trong một phần nhỏ của một giây. Do đó, chúng ta có thể biết cảnh mà chúng ta thấy hoặc nghe hầu như tức khắc và thậm chí chúng ta nghĩ rằng chúng ta thấy và nghe cùng lúc (song song).

(2) Tiến trình lộ ý môn độc lập (visuṁsiddhā)

Khi bất cứ cảnh nào trong 6 cảnh vào đường ý môn và trở nên rõ rệt ở môn, một lộ ý môn độc lập sinh khởi. Có hai loại lộ ý môn liên quan dục giới được nhận ra qua cường độ của cảnh, đó là lộ ý môn cảnh rõ (vibhūtārammaṇa vīthi) và lộ ý môn cảnh không rõ (avibhūtārammaṇa vīthi).

a/. Lộ ý môn cảnh rõ (vibhūtārammaṇa vīthi)

…-Bha-“Na-Da-Ma-Ja-Ja-Ja-Ja-Ja-Ja-Ja-Dā-Dā”-Bha-…

Khi 1 cảnh rõ đi vào đường ý môn và trở nên rõ rệt ở tại môn, tâm hữu phần (bhavaṅga citta) rúng động hai lần rồi dứt (Na-Da), kế đó, 1 tâm khai ý môn (manodvārāvajjana citta) hướng tâm đến cảnh, quan sát và quyết định cảnh dù cho cảnh là tốt hay xấu. Kế đến, 1 trong 29 tâm đổng lực dục giới (kāmāvacara javana citta) sinh khởi làm việc đổng lực (javana) bảy lần hưởng vị của cảnh. Sau khi 2 tâm na cảnh (tadālambana citta) sanh làm việc na cảnh. Kế đến, tiến trình tâm rơi vào hữu phần.

b/. Lộ ý môn cảnh không rõ (avibhūtārammaṇa vīthi)

…-Bha-“Na-Da-ma-Ja-Ja-Ja-Ja-Ja-Ja-Ja”-Bha-…

Khi 1 cảnh không rõ đi vào đường ý môn và trở nên rõ rệt ở tại môn, tâm hữu phần (bhavaṅga citta) rúng động hai lần rồi dứt (Na-Da). Kế đó, 1 tâm khai ý môn (manodvārāvajjana citta) hướng tâm đến cảnh, quan sát và quyết định cảnh dù cho cảnh là tốt hay xấu. Tiếp đến, 1 trong 29 tâm đổng lực dục giới (kāmāvacara javana citta) sinh khởi làm việc đổng lực (javana) bảy lần hưởng vị của cảnh. Sau đó, tiến trình tâm rơi vào hữu phần.

Lưu ý:

1) Ý môn không phải là môn sắc (tức sắc thanh triệt – pasāda rūpa); chính tâm hữu phần (bhavaṅga citta) làm việc như ý môn. Ý môn có nhiều quyền lực hơn ngũ môn.

2) Cả 6 loại cảnh, có thể là quá khứ, hiện tại, vị lai hay ngoại thời gồm tâm (citta) và sở hữu tâm (cetasika) mà thọ mạng chỉ 1 sát-na tâm, có thể xuất hiện ở ý môn.

Do đó, không cần tâm hữu phần vừa qua (atīta bhavaṅga) sanh; cảnh xuất hiện ở tại ý môn ngay khi cảnh đối chiếu hay dội vào môn.

3) Cảnh xuất hiện nơi ý môn không được phân biệt là cảnh rất lớn (atimahantārammaṇa) hoặc cảnh lớn (mahantārammaṇa); chúng được biểu hiện là cảnh rõ (vibhūtārammaṇa) hoặc cảnh không rõ (avibhūtārammaṇa).

4) Ngài Ledī Sayādaw, một vị sư rất thông thái, đã chỉ ra rằng khi cảnh không rõ, một tiến trình có thể kết thúc bằng sự lóe lên 2 hay 3 tâm khai ý môn (manodvārāvajjana).

5) Cũng có quan điểm cho rằng khi cảnh là một trong những sắc thực tướng hay thực tính hiện tại, thì tuổi thọ của cảnh vẫn là 17 sát-na tâm và cần thời gian từ 1 đến 7 cái sát-na tâm để cảnh hiện bày rõ rệt tại ý môn (tùy theo độ rõ của cảnh). Còn nếu cảnh là sắc thực tướng thuộc thời quá khứ hay vị lai, hoặc danh pháp (citta, cetasika) thuộc 3 thời, thì những lộ này không có hữu phần vừa qua.

Kāmajavana manovāra vīthi (lộ ý môn chót đổng lực dục giới) có thể được chia thêm thành bốn loại nữa theo hệ thống như đã mô tả ở phần trên, trong khi appanājavana vāra vīthi (lộ chót đổng lực kiên cố) có thể được chia nhỏ ra thành hai loại – đó là loki appanā vīthi (lộ kiên cố hiệp thế) và lokuttara appanā vīthi (lộ kiên cố siêu thế). Tất cả những lộ này sẽ được giải thích phía dưới.

Do đó, theo ngài Ledī Sayādaw, trong ý môn có 4 loại cảnh hiện bày:

- Lộ có cảnh hiện bày rất rõ (ativibhūtā) kết thúc bằng na cảnh;

- Lộ có cảnh hiện bày rõ (vibhūtā) kết thúc bằng đổng lực (javana);

- Lộ có cảnh hiện bày không rõ (avibhūtā) kết thúc bằng khai ý môn;

- Lộ có cảnh hiện bày rất không rõ (atiavibhūtā) kết thúc bằng hữu phần rúng động.

Sự hiện bày rõ tùy thuộc vào sự nổi bật, cường độ của cảnh hay sức mạnh của tâm. Cảnh nổi bật có thể hiện bày rõ cho dù khi tâm yếu, trong khi một tâm mạnh có thể nhận biết cảnh rõ ràng cho dù một cảnh mờ nhạt không rõ.

1/. Ativibhūtārammaṇa vīthi (lộ cảnh rất rõ) [tadālambaṇa-vāra vīthi (lộ chót na-cảnh)]

Ký tự theo Pāḷi: …-Bha-“Na-Da-ma-Ja-Ja-Ja-Ja-Ja-Ja-Ja-Dā-Dā”-Bha-…

Ký tự theo Việt: -H-“R-D-K-C-C-C-C-C-C-C-N-N”-H-…

2/. Vibhūtārammaṇa vīthi (lộ cảnh rõ) [javana-vāra vīthi (lộ chót đổng lực)]

Ký tự theo Pāḷi: …-Bha-“Na-Da-ma-Ja-Ja-Ja-Ja-Ja-Ja-Ja”-Bha-…

Ký tự theo Việt: -H-“R-D-K-C-C-C-C-C-C-C”-H-…

3/. Avibhūtārammaṇa vīthi (lộ cảnh không rõ) [voṭṭhapana-vāra vīthi (lộ chót đoán định[144])]

Ký tự theo Pāḷi: …-Bha-“Na-Da-ma-Ma-Ma”-Bha-Bha-…

Ký tự theo Việt: -H-“R-D-K-K-K”-H-…

4/. Atiavibhūtārammaṇa vīthi (lộ cảnh rất không rõ) [mogha-vāra vīthi (lộ chót không)]

Ký tự theo Pāḷi: …-Bha-“Na-Na”-Bha-Bha-…

Ký tự theo Việt: -H-“R-R”-H-H-…

Bha – bhavaṅga - hữu phần. Trước khi tiếp xúc cảnh, dòng chảy của tâm chỉ có những tâm hữu phần hiện hữu.

Na – bhavaṅga calana - hữu phần rúng động. Vào tiểu sát-na sanh của tâm này, cảnh xuất hiện hay trở nên rõ rệt tại ý môn.

Na – bhavaṅgupaccheda - hữu phần dứt dòng. Dòng hữu phần bị cắt đứt ngay sau khi tâm này diệt.

Ma – Manodvārāvajjana – khai ý môn hay hướng ý môn. Tâm này làm 2 việc là: (a) hướng dòng chảy của danh pháp về cảnh và đưa cảnh vào phân đoán. (b) xác định cảnh dù cảnh ấy tốt hay xấu.

Ja – javana – tâm đổng lực hưởng vị của cảnh. 1 trong 29 tâm đổng lực dục giới (kāmajavana) làm việc đổng lực.

– tadālambaṇa – tâm na cảnh. Ngay sau chặng đổng lực, tâm na cảnh sanh hai lần hưởng vị của cảnh và làm việc na cảnh.

Bha – bhavaṅga - hữu phần. Ở cuối lộ trình tâm, dòng tâm thức rơi vào hữu phần.

Xin xem thêm phần Lộ ý môn cận tử (manodvāra maraṇāsanna vīthi) ở Chương V: Ngoại Lộ Nhiếp.

Lộ Ý Môn Cận Tử (Manodvāra Maraṇāsanna Vīthi) Thông Thường

Lộ ý môn cận tử cảnh rất rõ (Ativibhūtārammaṇa manodvāra maraṇāsanna vīthi)

Ký tự theo Pāḷi: …Na-Da-“Ma-Ja-Ja-Ja-Ja-Ja-Dā-Dā-Bha-Cuti-Paṭi”-Bha…

Ký tự theo Việt:…R-D-“K-C-C-C-C-C-N-N-H-Ử-S”-H…

Ký tự theo Pāḷi: …Na-Da-“Ma-Ja-Ja-Ja-Ja-Ja-Dā-Dā-Cuti-Paṭi”-Bha…

Ký tự theo Việt:…R-D-“K-C-C-C-C-C-N-N-Ử-S”-H…

Lộ ý môn cận tử cảnh rõ (Vibhūtārammaṇa manodvāra maraṇāsanna vīthi)

Ký tự theo Pāḷi: …Na-Da-“Ma-Ja-Ja-Ja-Ja-Ja-Bha-Cuti-Paṭi”-Bha…

Ký tự theo Việt:…R-D-“K-C-C-C-C-C-H-Ử-S”-H…

Ký tự theo Pāḷi: …Na-Da-“Ma-Ja-Ja-Ja-Ja-Ja-Cuti-Paṭi”-Bha…

Ký tự theo Việt:…R-D-“K-C-C-C-C-C-Ử-S”-H…

Phần ‘Lộ ý môn cận Níp-bàn’ diễn tiến tợ như ‘Lộ ý môn cận tử’ (vừa nêu), tâm chót có thể là tâm hữu phần, na cảnh hay đổng lực. Tâm cuối là tâm tử Arahaṃ rồi sau đó danh pháp vĩnh viễn không còn sanh trở lại nữa.

Ký tự theo Pāḷi: …Na-Da-Ma-Ja-Ja-Ja-Ja-Ja-Dā-Dā-Bha-Cuti./.

Ký tự theo Việt:…R-D-K-C-C-C-C-C-N-N-H-Ử./.

Ký tự theo Pāḷi: …Na-Da-Ma-Ja-Ja-Ja-Ja-Ja-Dā-Dā-Cuti./.

Ký tự theo Việt:…R-D-K-C-C-C-C-C-N-N-Ử./.

Ký tự theo Pāḷi: …Na-Da-Ma-Ja-Ja-Ja-Ja-Ja-Bha-Cuti./.

Ký tự theo Việt:…R-D-K-C-C-C-C-C-H-Ử./.

Ký tự theo Pāḷi: …Na-Da-Ma-Ja-Ja-Ja-Ja-Ja-Cuti./.

Ký tự theo Việt:…R-D-K-C-C-C-C-C-Ử./.

Còn phần lộ chiêm bao thì diễn tiến tợ như những lộ ý môn thông thường chót na cảnh, chót đổng lực, chót hữu phần khách, chót khai môn và chót không. Trong mỗi lộ có thể có một hữu phần vừa qua hoặc không có hữu phần vừa qua.

- Nhân trợ sanh chiêm bao có 6: 1 là do phong kích thích; 2 là do mật kích thích; 3 là do đàm kích thích; 4 là do cảm mạo; 5 là do thần quyền, chư thiên v.v…; 6 là do điềm nghiệp tốt xấu v.v…

Kāma javana mano dvāra vīthi citta (Tâm lộ ý môn đổng lực dục giới)

19. Vīthicittāni tīṇ’ eva cittuppādā das’ eritā. Vītthārena pan’ etth’ ekacattālīsa vibhāvaye. Ayaṁ ettha prittajavanavāro.

Trong tiến trình lộ ý môn đổng lực dục giới này và sự sinh khởi của 10 loại tâm đã kể. Về chi tiết nó nên được nêu rõ rằng 41 tâm tham gia trong tiến trình lộ.

Ở đây, những từ này mô tả đổng lực dục giới trong bảng trích yếu lộ tâm.

Giải:

Trong lộ ý môn đổng lực dục giới chỉ có 3 loại tâm – đó là avajjana (khai môn hay hướng tâm), javana (đổng lực) và tadālambaṇa (na cảnh).

Số tâm trong lộ, nhiều nhất là: 1 manodvārāvajjana (tâm khai ý môn hay tâm hướng ý môn), 7 javana (tâm đổng lực) và 2 tadālambaṇa (tâm na cảnh), tổng cộng có 10.

Số tâm có thể tham gia trong lộ ý môn là:

Manodvārāvajjana citta (tâm khai ý môn hay tâm hướng ý môn) 01

Kāmajavana citta (tâm đổng lực dục giới) 29

Tadālambaṇa citta (tâm na cảnh) 11

Tổng cộng: 41

Một trong 6 cảnh có thể là hiện tại, quá khứ, vị lai hay ngoại thời, phải vào ý môn để khởi đầu kāmajavana manodvāra vīthi (lộ ý môn đổng lực dục giới). Nếu cảnh không phải là một sắc thực tính hiện tại thì không có hữu phần vừa qua.

1. Khi cảnh đến hiện bày rất rõ (với cường độ rất lớn) ở tại ý môn, tâm hữu phần rúng động hai lần rồi dứt (Na-Da hay R-D). Kế đó hướng sự chú ý của dòng danh pháp (tâm và sở hữu tâm) đến cảnh, tiếp nhận và quyết định cảnh, dù cảnh ấy tốt hay xấu.

Để phù hợp với quyết định này, 1 trong 29 kāmajavana citta (tâm đổng lực dục giới) làm phận sự javana (đổng lực) 7 sát-na tâm để hưởng vị của cảnh. Kế đó, 2 tadālambaṇa citta (tâm na cảnh) hưởng lại vị của cảnh thêm nữa. Sau đó bhavaṅga citta (tâm hữu phần) ấy rơi vào dòng hữu phần.

Lộ này được gọi là ativibhūtārammaṇa vīthi (lộ cảnh rất rõ) hay tadālambaṇa-vāra vīthi (lộ chót na-cảnh) vì nó kết thúc bằng tadālambaṇa citta (tâm na cảnh).

H-…-V-R-D-“K-C-C-C-C-C-C-C-N-N-H-…

2. Khi cảnh đến hiện bày rõ (với cường độ vừa đủ lớn), dòng tâm thức diễn tiến như trên, nhưng kết thúc bằng javana citta (tâm đổng lực) không có tādalambaṇa (na cảnh). Lộ này được gọi là vibhūtārammaṇa vīthi (lộ cảnh rõ) hay javana-vāra vīthi (lộ chót đổng lực).

H-…-V-R-D-“K-C-C-C-C-C-C-C-H-…

3. Trong avibhūtārammaṇa vīthi (lộ cảnh không rõ) là cảnh với cường độ nhẹ và xuất hiện nơi ý môn không được rõ như hai trường hợp trên. Do đó, sau hữu phần dứt dòng, mano dvārāvajjana citta (tâm khai ý môn) sanh ba lần cố gắng hướng tâm đến cảnh, quan sát và quyết định cảnh. Nhưng cảnh không được biết một cách chính xác nên không có javana citta (tâm đổng lực) sanh và hưởng vị của cảnh. Sau mano dvārāvajjana (khai ý môn), bhavaṅga citta (tâm hữu phần) rơi vào dòng hữu phần.

Lộ này được gọi là avibhūtārammaṇa vīthi (lộ cảnh không rõ) hay voṭṭhapana-vāra vīthi (lộ chót đoán định[145]) vì nó kết thúc bằng voṭṭhapana citta (tâm đoán định)

H-…-V-R-D-“K-K-K-…

4. Trong atiavibhātārammaṇa vīthi (lộ cảnh rất không rõ), cảnh có cường độ rất yếu. Nó chỉ có thể làm cho hữu phần rúng động hai lần mà không dứt (dòng chảy của hữu phần). Do đó, không có vīthi citta (tâm lộ) sinh khởi và cảnh không được biết đến.

Lộ này được gọi là mogha vāra vīthi (lộ chót không), vì nó thiếu tâm lộ.

H-…-V-R-R-H-H…

Lưu ý:

1) Manodvāra (ý môn) không phải là 1 môn hay cửa vật chất; 1 trong 19 bhavaṅga citta (tâm hữu phần) làm phận sự như là ý môn trong một chúng sanh.

2) Tất cả 6 cảnh có thể là quá khứ, hiện tại, vị lai, ngoại thời, có thể xuất hiện ở ý môn.

3) Cảnh ý như là citta (tâm), cetasika (sở hữu tâm), kasiṇa nimitta (ấn chứng của biến xứ) hay nibbāna (Níp-bàn).

4) Cảnh xuất hiện ở ý môn không khác với atimahantārammaṇa (cảnh rất lớn) hay mahantārammaṇa (cảnh lớn); những cảnh ấy cần phải được phân biệt với vibhūtārammana (cảnh rõ) hay avibhūtārammaṇa (cảnh không rõ).

Sự xác định qua tu tập

Pañcadvāra vīthi (lộ ngũ môn) và manodvāra vīthi (lộ ý môn) sanh ở một tỷ lệ cực kỳ lớn và không dứt trong mỗi người. Mỗi người có thể tự xác minh điều này. Citta (tâm) thì không thể bị thấy dù dưới thiết bị kính hiển vi tốt nhất, nhưng một thiết bị mạnh mẽ hơn kính hiển vi điện tử tân thời sẽ cần thiết để quán sát tâm. Thiết bị này không gì khác hơn là tự tâm cùng với upacāra-samādhi (cận định) hoặc jhāna samādhi (thiền định).

Tôi từng phỏng vấn nhiều thiền sinh ở Trung Tâm Rừng Thiền Pa-Auk gần Mawlamyine, nơi hướng dẫn tu tiến samatha (pháp chỉ) và vipassanā (pháp quán, minh sát) một cách đúng đắn dựa theo sự hướng dẫn đã được nêu trong kinh sách Phật giáo.

Ở đây, những thiền sinh được yêu cầu tu tập định trước. Sau khi họ đạt được định theo yêu cầu, những vị ấy được dạy quán rūpa (sắc pháp) phân tách những sắc ấy chi tiết thành 27 loại trong một người. Đó là thấy bản thể thực tính liên quan đến rūpa (sắc pháp).

Khi những thiền sinh được dạy quán trên nāma (danh pháp hay tâm và sở hữu tâm), họ phải tập trung sự chú ý tuần tự trên mỗi vatthu (vật). Quán sát một cảnh đối chiếu vào vật và thấy rõ lộ trình tâm sinh khởi ở pañca dvāra (ngũ môn) cũng như ở ý môn.

Những vị ấy có thể thấy vīthi citta (tâm lộ) sinh khởi một cách chính xác như đã mô tả trong sách này. Và sau đó cũng có thể phân biệt những cetasika (sở hữu tâm) khác nhau phối hợp với mỗi citta (tâm).

(B) Lộ Ý Môn Đổng Lực Kiên Cố (Appanājavana Manodvāra Vīthi)

Lộ kiên cố là lộ tâm đắc thiền, nhập thiền, hiện thông, đắc đạo quả và nhập thiền quả. Lộ tâm kiên cố có 69 thứ tâm là 1 tâm khai ý môn, 8 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo tương ưng, 18 tâm đổng lực đáo đại (hay đáo quảng), 2 tâm thông và tâm siêu thế hay xuất thế. Lộ này sanh đặng với 9 hạng người là 4 đạo, 4 quả và tam nhân, ở 26 cõi Vui hữu tưởng.

20. Appanājavanavāre pana vibhūtabhedo n’ atthi, tatthā tadārammaṇuppādo ca.

21. Tattha hi ñāṇasampayutta kāmāvacara javanānaṁ aṭṭhannaṁ aññatarasmiṁ parikamm’ opac’ ārānuloma-gotrabhu-nāmena catukkhattuṃ tikhattum eva vā yathākkamaṁ uppajjitvā niruddhānantaram eva yathārahaṁ catutthaṁ, pañcanaṁ vā chabbīsati – mahaggata lokuttara-javanesu yathābhinīhāravasena yaṁ kiñci javanaṁ appanāvīthiṁ otarati, tato paraṁ appanāvasāne bhavaṇgapāto’ va hoti.

Bây giờ, trong appanā javana-vāra vīthi (lộ ý môn chót đổng lực kiên cố), không có sự khác biệt giữa cảnh rõ và cảnh không rõ. Cũng vậy, không có sự sinh khởi của tâm na cảnh (sự chuyên chú chỉ có thể xảy ra với cảnh rõ).

Thêm nữa, trong appanā javana-vāra vīthi (lộ ý môn chót đổng lực kiên cố) này, bất cứ 1 trong 8 ñāṇasampayutta kāmāvacara javana citta (tâm đổng lực dục giới tương ưng trí) (tức là: 4 ñāṇasampayutta mahākusala citta - tâm đại thiện tương ưng trí; và 4 ñāṇasampayutta mahākiriya citta - tâm đại tố tương ưng trí) sanh và diệt 4 lần hoặc 3 lần theo trình tự như parikamma (chuẩn bị), upacāra (cận hành), anuloma (thuận thứ) và gotrabhu (chuyển tánh). Ngay sau chúng diệt, vào sát-na thứ tư hay thứ năm tùy theo bậc tuệ chậm hay tuệ nhanh, 1 trong 26 tâm đổng lực (đáo đại hay siêu thế), bắt đầu tiến trình chuyên chú bằng tâm tu tiến pháp chỉ-quán (samatha-vipassanā bhāvanā citta). Sau đó, ở cuối đổng lực kiên cố có sự rơi vào dòng hữu phần.

…H-R-D-K-Ẩ-Ậ-U-B-Ề-H…

22. Tattha somanassasahagatā ‘va pāṭikaṅkhitabbā, upekkhāsahagata-javanānantaraṁ upekkhāsahagatā’ va. Tatth’āpi kusalajavanānantaraṁ kusala-javanañ c’eva heṭṭhimañ ca phalattayaṁ appeti, kiriyajavanānantaraṁ kiriyajavanaṁ Arahattaphalañ cā ti.

Trong appanājavana-vāra (chót đổng lực kiên cố) ấy, ngay sau một đổng lực câu hành hỷ, sự chuyên chú của tâm đáo đại câu hành với hỷ thọ là điều bình thường. Ngay sau một đổng lực câu hành xả, sự chuyên chú tâm đáo đại câu hành với xả thọ là điều bình thường.

Trong javana-vāra (chót đổng lực) có cùng vedanā (thọ), ngay sau 1 mahākusala ñāṇasampayutta javana (đổng lực đại thiện tương ưng trí), mahaggata hay lokuttara kusalajavana (đổng lực thiện đáo đại hay thiện siêu thế) và 3 phalajavana (đổng lực quả) siêu thế thấp có thể sanh làm appanājavana (đổng lực kiên cố hay thiền). Ngay sau 1 mahākiriya ñāṇasampayutta javana (đổng lực đại tố tương ưng trí), mahaggata kiriya javana (đổng lực tố đáo đại) cũng như Arahattaphalajavana (đổng lực quả Ứng cúng) có thể sinh khởi làm đổng lực thiền. Do đó, nên lưu ý vấn đề này.

23. Dvattiṁsa sukkhapaññamhā, dvādas’ opekkhakā paraṁ, sukhitakriyato aṭṭha, cha sambhonti upekkhākā.

24. Puthujjanāna sekkhānaṁ kāmapuññatihetuto, tihetukāmmakriyato, vītarāgābaṁ appanā. Ayaṁ ettha manodvāre vīthicittappavattinayo.

Theo sau 2 somanassasahagataṁ ñāṇasampayuttaṁ mahākusalajavanacittaṃ (tâm đổng lực đại thiện câu hành hỷ tương ưng trí), 32 appanājavana citta (tâm đổng lực kiên cố) có thể sanh.

Theo sau 2 upekkhāsahagataṁ ñāṇasampayuttaṁ mahākusalajavanacittaṃ (tâm đổng lực đại thiện câu hành xả tương ưng trí), 12 appanājavana citta (tâm đổng lực kiên cố) có thể sanh.

Sau 2 somanassasahagataṁ ñāṇasampayuttaṁ mahākiriyajavanacittaṃ (tâm đổng lực đại tố câu hành hỷ tương ưng trí), 8 appanājavana citta (tâm đổng lực kiên cố) có thể sanh. Sau 2 upekkhāsahagataṁ ñāṇasampayuttaṁ mahākiriyajavana cittaṃ (tâm đổng lực đại tố câu hành xả tương ưng trí), 6 appanājavana citta (tâm đổng lực kiên cố) có thể sanh.

Đối với người phàm và 3 bậc Thánh quả thấp (44) javana citta (tâm đổng lực) có thể sanh sau 4 kāmakusala tihetuka citta (tâm thiện dục giới tam nhân). Đối với những bậc thoát khỏi ái dục (tức bậc Ứng cúng – Arahatta) 14 tâm đổng lực có thể sanh sau 4 tihetuka kāmakiriya citta (tâm tố dục giới tam nhân). (32+12) và (8+6).

Những gì vừa trình bày là mô tả sự sanh của lộ nương qua ý môn.

Ghi chú:

(1) Theo sau 2 somanassasahagataṁ ñāṇasampayuttaṁ mahākusalajavana citta (tâm đổng lực đại thiện câu hành hỷ tương ưng trí), có thể sanh 4 somanassa mahaggatakusala javana (đổng lực thiện đáo đại hỷ thọ), 16 somanassa magga javana (đổng lực đạo hỷ thọ) và 12 somanassa javana (đổng lực hỷ thọ) của ba quả thấp, tổng cộng là 32 javana (đổng lực).

(2) Theo sau 2 upekkhāsahagataṁ ñāṇasampayuttaṁ mahākusalajavanacittaṃ (tâm đổng lực đại thiện câu hành xả tương ưng trí), có thể sanh 5 upekkhā mahaggatakusala javana (đổng lực thiện đáo đại xả thọ), 4 upekkhā magga javana (đổng lực đạo xả thọ) và 3 upekkhā javana (đổng lực hỷ thọ) của ba quả thấp, tổng cộng 12 javana (đổng lực).

(3) Theo sau 2 somanassasahagataṁ ñāṇasampayuttaṁ mahākiriyajavanacittaṃ (tâm đổng lực đại tố câu hành hỷ tương ưng trí), có thể sanh 4 somanassa mahaggata kiriya javana (đổng lực tố đáo đại hỷ thọ) và 4 somanassa Arahattaphala javana (đổng lực quả Ứng cúng hỷ thọ), tổng cộng 8 javana (đổng lực).

(4) Theo sau 2 upekkhāsahagataṁ ñāṇasampayuttaṁ mahākiriyajavana citta (tâm đổng lực đại tố câu hành xả tương ưng trí), có thể sanh 5 upekkhā mahaggata kiriya javana (đổng lực tố đáo đại xả thọ) và 1 upekkhā Arahattaphala javana (đổng lực quả Ứng cúng xả thọ), tổng cộng 6 javana (đổng lực).

Giải Lộ Ý Môn Đổng Lực Kiên Cố (Appanā-Javana) (Lộ Đắc Thiền)

Appanā’ nghĩa là ‘chuyên chú, chăm chú, sáp nhập, miệt mài’. Nó ám chỉ cho sự miệt mài chăm chú vào jhāna (thiền), magga (đạo) hay phala (quả).

Trong thiền chỉ và thiền quán, appanā javana manodvāra vīthi (lộ ý môn đổng lực kiên cố) sanh khi bậc tu tiến đạt được jhāna (thiền), magga (đạo) hay phala (quả). Trong những lộ này, 1 trong 26 appanā javana citta (tâm đổng lực kiên cố) tham gia vào việc đổng lực.

26 đổng lực kiên cố = 5 rūpācavara kusala citta (tâm thiện sắc giới).

+ 4 arūpācavara kusala citta (tâm thiện vô sắc giới).

+ 5 rūpācavara kiriya citta (tâm tố sắc giới).

+ 4 arūpācavara kiriya citta (tâm tố vô sắc giới).

+ 4 magga citta (tâm đạo).

+ 4 phala citta (tâm quả).

Nếu một người tam nhân chưa thành bậc Arahatta (Ứng cúng), tu tập thiền chỉ tịnh đúng đắn và tinh tấn, thì có thể đạt 5 rūpāvacara kusala jhāna (thiền thiện sắc giới) và 4 arūpāvacara kusala jhāna (thiền thiện vô sắc giới), được gọi chung là 9 mahaggata kusala citta (tâm thiện đáo đại).

Nếu một bậc Arahatta (Ứng cúng) tu tập thiền chỉ tịnh, vị ấy có thể đạt 5 rūpāvacara kiriya jhāna (thiền tố sắc giới) và 4 arūpāvacara kiriya jhāna (thiền tố vô sắc giới), được gọi chung là 9 mahaggata kusala citta (tâm tố đáo đại).

Người tam nhân tu tập thiền quán minh sát một cách đúng đắn và tích cực có thể đạt 4 maggañāṇa (đạo tuệ) và 4 phalañāṇa (quả tuệ) phối hợp với 8 lokuttara citta (tâm siêu thế).

B1.1/ Năm lộ kiên cố sắc giới (rūpāvacara appanā vīthi)

Theo ký tự Pāḷi:

Manda paññā (tuệ chậm) …Bha-Na-Da-“Ma-Pa-U-Nu-Go-Jhā”-Bha-…

Tikkha paññā (tuệ nhanh) …Bha-Na-Da-“Ma-U-Nu-Go-Jhā”-Bha-…

Theo ký tự Việt:

Manda paññā (tuệ chậm) …-H-R-D-“K--Ậ-U-B-Ề”-H-…

Tikkha paññā (tuệ nhanh) …-H-R-D-“K-Ậ-U-B-Ề”-H-…

1. Khi paṭibhāga nimitta[146]của đề mục kasiṇa xuất hiện ở ý môn, hữu phần rúng động hai lần rồi dứt (Na-Da).

Kế tiếp, manodvārāvajjana (Ma) (khai ý môn) hướng dòng tâm thức đến paṭibhāga nimitta, quan sát và quyết định cảnh dù cho cảnh ấy tốt hay xấu.

Kế tiếp, 1 trong 2 somanassasahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ mahākusala citta (tâm đại thiện câu hành hỷ tương ưng trí) làm phận sự upacāra samādhi javana (đổng lực cận định) bốn lần đối với bậc manda paññā (tuệ chậm hay yếu) dưới những tên gọi như:

Pa = parikamma = chuẩn bị đến thiền.

U = upacāra = cận thiền.

Nu = anuloma = thuận thứ, thích hợp hay liên kết giữa parikammajhāna (thiền); đóng vai trò là nhịp cầu làm hài hòa hay cân đối những tâm thấp hơn với những tâm cao hơn.

Go = gotrabhū = chuyển tánh là tâm cắt đứt dòng kāma (dục) để hình thành dòng bậc cao hay mahaggata (đáo đại).

Bốn tâm này được gọi là upācāra samādhi javana (đổng lực cận định). Trong trường hợp của người tikkha paññā (tuệ nhanh hay mạnh), parikamma (Pa) (chuẩn bị) bị loại trừ.

Ngay sau gotrabhū (chuyển tánh), rūpāvacara kusala pathamajjhāna citta (tâm sơ thiền thiện sắc giới) chỉ sanh một lần làm appanā javana (đổng lực kiên cố). Sau sự diệt tắt của pathamajhāna citta (tâm sơ thiền), tiếp sau là dòng bhavaṅga (hữu phần) chảy như thường lệ.

2. Rūpāvacarā appanā vīthi (lộ kiên cố sắc giới) thứ hai sinh khởi như trên, nhường chỗ cho rūpāvacara kusala dutiyajjhāna citta (tâm nhị thiền thiện sắc giới) làm phận sự appanā javana (đổng lực kiên cố) chỉ một lần.

3. Rūpāvacarā appanā vīthi (lộ kiên cố sắc giới) thứ ba cũng sinh khởi như (1.) nhường chỗ cho rūpāvacara kusala tatiyajjhāna citta (tâm tam thiền thiện sắc giới) làm phận sự appanā javana (đổng lực kiên cố) chỉ một lần.

4. Rūpāvacarā appanā vīthi (lộ kiên cố sắc giới) thứ tư sanh lần nữa như ở (1.) nhường chỗ cho rūpāvacara kusala catutthajhāna citta (tâm tứ thiền thiện sắc giới) làm phận sự appanā javana (đổng lực kiên cố) chỉ một lần.

5. Rūpāvacarā appanā vīthi (lộ kiên cố sắc giới) thứ năm sanh như ở (1.), nhưng thay vì 1 trong 2 somanassa sahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ mahākusalacittaṃ (tâm đại thiện câu hành hỷ tương ưng trí), thì 1 trong 2 upekkhā sahagataṃ ñāṇasampayutaṃ mahākusalacittaṃ (tâm đại thiện câu hành xả tương ưng trí) làm phận sự upacāra samādhi javana (đổng lực cận định) bốn hoặc ba lần. Sau đó rūpāvacara kusalapañcamajjhāna citta (tâm ngũ thiền thiện sắc giới) sanh chỉ một lần làm phận sự appanā javana (đổng lực kiên cố).

Lưu ý:

Khi bậc tu tiến chú tâm trên đề mục kasiṇa, somanassa hay upekkhā mahākusala citta (tâm đại thiện hỷ hay xả thọ) sẽ làm phận sự đổng lực.

Khi bậc tu tiến nhập định, upacāra samādhi javana (đổng lực cận định) và jhāna javana (đổng lực thiền) phải hợp với cùng một loại vedanā (thọ).

Từ khi 4 rūpāvacara jhāna (thiền sắc giới) trước câu hành với sukha (lạc thọ) chúng được xem là somanassasahagata citta (tâm hỷ thọ). Do đó, trong những trường hợp này, upacāra samādhi javana (những đổng lực cận định) cũng phải là somanassa sahagataṃ citta (câu hành hỷ).

Trong trường hợp thiền thứ năm là upekkhā sahagataṃ citta (tâm câu hành xả), do đó, upacāra samādhi javana (những đổng lực cận định) cũng phải là upekkhā sahagataṃ (câu hành xả).

B1.2/ Bốn lộ kiên cố vô sắc giới (arūpāvacara appanā vīthi)

Theo ký tự Pāḷi:

Manda paññā (tuệ chậm) …-Bha-Na-Da-“Ma-Pa-U-Nu-Go-Jhā”-Bha-…

Tikkha paññā (tuệ nhanh) …-Bha-Na-Da-“Ma-U-Nu-Go-Jhā”-Bha-…

Theo ký tự Việt:

Manda paññā (tuệ chậm) …-H-R-D-“K--Ậ-U-B-Ề”-H-…

Tikkha paññā (tuệ nhanh) …-H-R-D-“K-Ậ-U-B-Ề”-H-…

Những lộ này, trên hình thức giống như rūpāvacara appanā vīthi (lộ kiên cố sắc giới). Nhưng arūpāvacara jhāna (thiền vô sắc giới) thì cao hơn rūpāvacara jhāna (thiền sắc giới) về góc độ của sự tập trung, sự tĩnh lặng và tính bậc cao. Bậc tu tiến phải dùng ngũ thiền làm nền tảng bước cao hơn đến arūpāvacara jhāna (thiền vô sắc giới) và cũng phải tập trung trên một đề mục (không phối hợp với sắc).

Để đạt đến thiền vô sắc giới, bậc tu tiến phải đạt ngũ thiền sắc giới qua thực hành thiền trên một đề mục kasiṇa và phải suy ngẫm về những khuyết điểm của rūpa (sắc) trong thân sắc.

Trong tu tập, trước nhất bậc tu tiến phải tu tập ngũ thiền bằng cách chú tâm trên paṭibhāga nimitta[147] của đề mục kasiṇa. Kế tiếp, vị ấy xuất khỏi thiền, không chú tâm trên paṭibhāga nimitta vì nó liên quan đến sắc (trong trường hợp đề mục kasiṇa này), mà tập trung, chú tâm vào ākāsa (hư không vô tận) hiện hữu vượt qua khỏi paṭibhāga nimitta và niệm: “Ākāsa, ākāsa”. Khi sự khắn khít tinh tế, nhu nhuyến vào paṭibhāga nimitta của vị ấy dứt, nimitta (tướng hay ấn chứng) đột nhiên mất đi, mở ra một hư không không bờ mé. Bậc tu tiến thiền trên “Ākāsa, ākāsa” và khi mức độ tập trung của vị ấy đủ cao, arūpāvacara appanā vīthi (lộ kiên cố vô sắc) sẽ thành tựu.

1. Khi đề mục ākāsa (không vô biên) xuất hiện ở ý môn, dòng bhavaṅga (hữu phần) rúng động hai lần rồi dứt (Na-Da). Kế đó, manodvārāvajjana (Ma) (khai ý môn hay hướng ý môn) hướng dòng chảy danh pháp đến cảnh quan sát và xác định cảnh dù cảnh ấy tốt hay xấu.

Sau đó, 1 trong 2 upekkhāsahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ mahākusalacittaṃ (tâm đại thiện câu hành xả tương ưng trí) làm phận sự parikamma (Pa) (chuẩn bị), upacāra (U) (cận thiền), anuloma (Nu) (thuận thứ) và gotrabhū (Go) (chuyển tánh), [đối với người manda paññā (tuệ chậm)]; hay là upacāra (U) (cận thiền), anuloma (Nu) (thuận thứ) và gotrabhū (Go) (chuyển tánh), [đối với người tikkha paññā (tuệ nhanh)]. Theo sau những đổng lực cận định này, arūpāvacara kusala jhāna (thiền thiện vô sắc giới đầu tiên), tức là ākāsānañcāyatana kusala citta (Jhā) (tâm thiện không vô biên xứ) sinh khởi một lần làm appanā javana (đổng lực kiên cố). Sau đó, những bhavaṅga citta (tâm hữu phần) tuôn chảy liên tục như thường.

2. Để bước cao hơn đến arūpāvacara kusala jhāna (thiền thiện vô sắc) thứ nhì, bậc tu tiến lấy ākāsānañcāyatana kusala cittaṃ (tâm thiện không vô biên xứ) làm đề mục thiền. Vị ấy chăm chú miệt mài niệm: “Viññāṇa, viññāṇa” lặp đi lặp lại cho đến khi độ tập trung, chú tâm đủ cao, vị ấy đạt đến sự chuyên chú.

Arūpāvacara appanā vīthi (lộ kiên cố vô sắc) thứ hai thì giống như (1.). Cảnh hay đề mục xuất hiện ở ý môn là ākāsānañcāyatana kusala citta (tâm thiện không vô biên xứ) là tâm làm duyên cho dòng tâm thức sinh khởi như là bhavaṅga calana (Na) (hữu phần rúng động), bhavaṅga paccheda (Da) (hữu phần dứt dòng), manodvārāvajjana (Ma) (khai ý môn), parikamma (Pa) (chuẩn bị) (bỏ qua tâm này đối với người tikkha paññā-tuệ nhanh), upacāra (U) (cận thiền), anuloma (Nu) (thuận thứ) và gotrabhū (Go) (chuyển tánh) và viññāṇañcāyatana kusala citta (Jhā) (tâm thiện thức vô biên xứ) làm appanā javana (đổng lực kiên cố) sinh khởi. Sau đó là dòng bhavaṅga (hữu phần) tuôn chảy như thường lệ.

3. Trong trường hợp của arūpāvacāra jhāna (thiền vô sắc giới) thứ ba, cảnh hay đề mục xuất hiện ở ý môn là natthibho (không có chi) là quả từ sự phủ nhận ākāsānañcāyatana kusala cittaṃ (tâm thiện không vô biên xứ). Lộ tâm sinh khởi như trước và kết thúc bằng ākiñcaññāyatana kusala cittaṃ (Jhā) (tâm thiện vô sở hữu xứ) làm appanā javana (đổng lực kiên cố).

4. Để bước lên arūpāvacara jhāna (thiền vô sắc) thứ tư, bậc tu tiến tập trung, chú tâm trên ākiñcaññāyatana kusala cittaṃ (tâm thiện vô sở hữu xứ) làm đề mục thiền. Khi thấy rõ thiền vô sắc thứ tư, đề mục ākiñcaññāyatana kusala cittaṃ (tâm thiện vô sở hữu xứ) này xuất hiện ở ý môn làm duyên cho lộ tâm sinh khởi như trước. Trong trường hợp này, nevasaññā-n’asaññāyatana kusala cittaṃ (Jhā) (tâm thiện phi tưởng phi phi tưởng xứ) sinh khởi một lần làm appanā javana (đổng lực kiên cố) và kế tiếp những bhavaṅga citta (tâm hữu phần) tuôn chảy như thường.

Lưu ý: Độc giả nên ôn lại phần trình bày về Arūpa jhāna ở phần Arūpa jhāna (thiền vô sắc) – Chương Citta để trợ giúp cho việc học Arūpāvacana Appanā Vīthi (lộ kiên cố vô sắc giới).

(1) Khi tất cả arūpāvacara jhāna (thiền vô sắc giới) là câu hành xả, upacārasamādhi javana citta (tâm đổng lực cận định) đi trước cũng phải là upekkhāsahagataṁ (câu hành xả).

(2) Arahaṃ (bậc Ứng cúng) có thể tu tập rūpāvacara jhāna (thiền sắc giới) và arūpāvacara jhāna (thiền vô sắc giới) giống như cách đã mô tả trên. Nhưng thay vì kusala citta (tâm thiện), thì kiriya citta (tâm tố) sinh khởi. Hình thức của lộ giống như trên. Trong việc mô tả diễn tiến của lộ, không chỉ appanā vīthi (đổng lực kiên cố), mà tất cả upacāra samādhi javana (đổng lực cận định) đi trước cũng phải là kiriya citta (những tâm tố) tương ứng.

B1.3/ Lộ nhập thiền (jhāna samāpatti vīthi)

Samāpatti” nghĩa là “nhập”. Một người đã từng đắc sơ thiền sắc giới có thể nhập vào thiền ấy bất cứ khi nào vị ấy muốn. Nếu thuần thục, vị ấy có thể nhập vào thiền ngay tức khắc và duy trì trạng thái nhập định hàng một, hai, ba giờ đồng hồ cho đến bảy ngày. Trong giai đoạn này, chỉ có tâm thiền tương ứng sinh khởi lặp đi lặp lại và liên tục lấy paṭibhāga nimitta làm cảnh. Do đó, vị ấy sẽ không nghe bất cứ âm thanh hay biết bất cứ cảnh nào khác trong lúc nhập định.

Người đã đạt được tất cả thiền sắc giới và vô sắc giới có thể nhập vào bất cứ thiền nào mà họ đắc, nhưng trước tiên vị ấy phải nhập vào sơ thiền. Kế tiếp, bằng cách loại bỏ vitakka (tầm), vị ấy vào nhị thiền. Kế tiếp, bằng cách loại bỏ vicāra (tứ), vị ấy vào tam thiền và v.v…

Jhāna samāpatti vīthi (lộ nhập thiền) diễn tiến như sau:

Theo ký tự Pāḷi:

Manda paññā (tuệ chậm) …-Bha-Na-Da-“Ma-Pa-U-Nu-Go-Jhā-Jhā-Jhā… nhiều vô số…”-Bha-…

Tikkha paññā (tuệ nhanh) …-Bha-Na-Da-“Ma-U-Nu-Go-Jhā-Jhā-Jhā… nhiều vô số…”-Bha-…

Theo ký tự Việt:

Manda paññā (tuệ chậm) …-H-R-D-“K--Ậ-U-B-Ề-Ề-Ề… nhiều vô số…”-H-…

Tikkha paññā (tuệ nhanh) …-H-R-D-“K-Ậ-U-B-Ề-Ề-Ề… nhiều vô số…”-H-…

1. Nhập rūpāvacara jhāna (thiền sắc giới):

Paṭibhāga nimitta của đề mục thiền kasiṇa xuất hiện ở ý môn làm cho hữu phần rúng động hai lần rồi dứt (Na-Da). Kế tiếp mano dvārāvajjana (Ma) (khai ý môn) hướng dòng danh pháp đến paṭibhāga nimitta, quan sát và quyết định dù nó tốt hay xấu. Sau đó, 1 trong 2 somanassa sahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ mahākusala cittaṃ [tâm đại thiện câu hành hỷ tương ưng trí (lấy upekkhāsahagataṃ (câu hành xả) để vào ngũ thiền)] làm phận sự parikamma (Pa) (chuẩn bị) [bỏ qua tâm này đối với người tikkha paññā (tuệ nhanh)], upacāra (U) (cận thiền), anuloma (Nu) (thuận thứ) và gotrabhū (Go) (chuyển tánh). Kế tiếp, rūpāvacara kusala citta (Jhā) (tâm sơ, hoặc nhị, tam, tứ hay ngũ thiền thiện sắc giới) sanh nhiều lần làm phận sự appanā javana (đổng lực kiên cố). Khi xuất khỏi thiền hay chấm dứt trạng thái miệt mài, bhavaṅga citta rơi vào dòng hữu phần.

2. Nhập aūpavacara jhāna (thiền vô sắc giới):

Ākāsa (hư không vô biên) mở ra khi Paṭibhāga nimitta mất đi (bắt cảnh tương ứng cho thiền vô sắc cao hơn) vào lộ ý môn và trở nên rõ rệt ở tại ý môn; làm cho hữu phần rúng động hai lần rồi dứt (Na-Da). Kế tiếp, mano dvārāvajjana (Ma) (khai ý môn) tác ý xoay dòng danh pháp hướng đến Paṭibhāga nimitta quan sát hư không không cùng tận và quyết định dù nó là tốt hay xấu.

Sau đó, 1 trong 2 upekkhāsahagataṃ ñānasampayuttaṃ mahākusala citta (tâm đại thiện câu hành xả tương ưng trí) làm phận sự parikamma (Pa) (chuẩn bị) [bỏ qua tâm này đối với người tikkha paññā (tuệ nhanh)], upacāra (U) (cận thiền), anuloma (Nu) (thuận thứ) và gotrabhū (Go) (chuyển tánh). Kế tiếp, ākāsānañcāyatana kusala cittaṃ (tâm thiện không vô biên xứ) [hay arūpāvacara kusala cittaṃ (tâm thiện vô sắc giới) cao hơn] làm phận sự appanā javana (đổng lực kiên cố) nhiều lần. Khi xuất khỏi thiền hay chấm dứt trạng thái miệt mài, bhavaṅga citta rơi vào dòng hữu phần.

B1.4/ Lộ kiên cố thắng trí hay thần thông (abhiññā[148] appanā vīthi)

Những ai đã từng đắc tất cả rūpāvacara jhāna (thiền sắc giới) và tất cả arūpāvacara jhāna (thiền vô sắc giới) có thể tu tiến thêm nữa dựa theo sự hướng dẫn được trình bày trong Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo) hay những kinh sách khác của Phật giáo để đạt đến 5 lokiya abhiññā [thắng trí (thần thông) hiệp thế]. Những thắng trí này đạt được qua sự toàn hảo trong sự chú tâm và chúng liên quan đến trí cao hơn phối hợp với rūpāvacara pañcamajjhāna (ngũ thiền sắc giới). Chúng là gì?

1. Iddhi vidha abhiññā = thần thông, gồm những khả năng siêu phàm khác nhau như một hóa thành nhiều, nhiều hóa thành một. Vị ấy xuyên qua tường và núi mà không gặp trở ngại như thể xuyên qua hư không. Trong đất, vị ấy độn thổ và trồi lên như thể trong nước. Vị ấy đi trên nước không chìm như thể đi trên đất. Tréo chân và bay trong hư không như một con chim bay.

2. Dibba sota abhiññā = thiên nhĩ thông, có thể nghe cả hai âm thanh trời và người, xa và gần.

3. Dibba cakkhu abhiññā = thiên nhãn thông có thể thấy cả hai cảnh trời và người, xa và gần, ẩn hay hiện. Vị ấy có thể thấy chúng sanh ở cõi Địa ngục thấp cũng như ở cõi trời. Vị ấy thấy được sự chết, diệt tắt và sanh trở lại, kẻ thấp hèn và người cao sang, người đẹp và người xấu. Vị ấy thấy chúng sanh sanh trở lại tùy theo hạnh nghiệp của họ.

4. Paracitta vijjhānana abhiññā hay Ceto pariya ñāṇa = tha tâm thông, khả năng biết tâm chúng sanh khác bằng nhiều cách hay thâm nhập tâm của người khác.

5. Pubbe nivāsānussati abhiññā = túc mạng thông, khả năng nhớ nhiều kiếp sống như một kiếp, hai, ba, bốn, năm kiếp v.v… một trăm ngàn kiếp; nhớ nhiều sự hình thành và hoại diệt của nhiều thế giới: “Tôi đã từng ở đó, có tên gọi… và chết ở đó, tôi sanh vào nơi khác…. Và chết ở đó, tôi lần nữa sanh lại ở đây”.

Dựa trên Dibba cakkhu abhiññā (thiên nhãn thông), vị ấy có thể tu tập thêm hai năng lực thông như sau:

6. Yathākammūpagañāṇa = tùy nghiệp trí, năng lực thấy chúng sanh trong 31 cõi hiện hữu và cũng như những nghiệp tương ứng của họ làm cho họ tái tục. Trí này thấy chúng sanh tử và tái tục, những người bậc thấp và bậc cao, những người đẹp và xấu. Trí này thấy chúng sanh tái tục tùy theo nghiệp của họ.

7. Anāgataṁsañāṇa = vị lai trí, năng lực biết những việc ở vị lai, những sự sống ở vị lai và những thế giới vị lai.

Do đó, chúng ta có thể nói có 7 lokiya abhiññā [thắng trí (thần thông) hiệp thế]. Nhưng khi tính năm thông (trí siêu phàm) thì yathākammūpagañāṇa (tùy nghiệp trí) và anāgataṁsañāṇa (vị lai trí) được gồm trong dibba cakkhu Abhiññā (thiên nhãn thông). Cũng như cutūpāpatañāṇa (sanh tử trí) là trí về tử và tái tục của chúng sanh, được gồm trong dibbacakkhu (thiên nhãn).

Khi tính sáu thần thông như trong Chalābhiññā, chúng ta cộng āsavakkhayañāṇa (lậu tận thông) vào 5 lokiya abhiññā [thắng trí (thần thông) hiệp thế].

8. Āsavakkhayañāṇa = Arahattamaggañāṇa (Trí đạo Vô sanh hay trí lậu tận) là trí phối hợp với Arahattamagga (đạo Vô sanh) là đạo có thể đoạn tuyệt tất cả pháp lậu (āsava).

Lộ thắng trí có dạng:

Na-Da-“Ma-Pa-U-Nu-Go-Bhiñ”-Bha-…

Hay: R-D-“K--Ậ-U-B-Ô”-H-…

Giả sử một người từng đạt thắng trí hiệp thế, muốn hóa thành nhiều thân. Vị ấy chú tâm trên đề mục pathavī-kasiṇa (kasiṇa đất) và tu tập rūpāvacara kusala pañcamajjhāna (ngũ thiền thiện sắc giới) một vài sát-na. Kế tiếp, vị ấy xuất khỏi thiền và chặn lại hữu phần, lập một nguyện mạnh mẽ hay quyết tâm: “Hãy có 1000 thân tách biệt và giống y như tự thân tôi”.

Vị ấy hoàn toàn tự tin rằng lời nguyện của vị ấy sẽ thành hiện thực. Những hình tướng xuất hiện ở ý môn của vị ấy làm cho hữu phần rúng động hai lần rồi dứt. Manodvārāvajjana (khai ý môn) xoay dòng danh pháp hướng đến cảnh, quan sát những hình tướng và quyết đoán dù cảnh sắc ấy tốt hay xấu. 1 trong 2 upekkhāsahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ mahākusalacittaṃ (tâm đại thiện câu hành xả tương ưng trí) làm phận sự parikamma (Pa) (chuẩn bị), upacāra (U) (cận thiền), anuloma (Nu) (thuận thứ) và gotrabhū (Go) (chuyển tánh). Kế tiếp quan sát 1000 hình tướng, rūpāvacara kusala pañcamajjhāna (ngũ thiền thiện sắc giới) sanh một lần làm phận sự abhiññā javana (đổng lực thông hay thắng trí). Kế tiếp, bhavaṅga citta (tâm hữu phần) theo sau và vị ấy xuất ra khỏi thiền. Ngay khi abhiññā javana (đổng lực thông hay thắng trí) sinh khởi, 1000 hình tướng xuất hiện.

Những phần thông khác được phát huy tương tợ như cách này.

B2.1/ Lộ đắc đạo (lộ đạo kiên cố - magga appanā vīthi)

Bậc tu tiến pháp quán (minh sát), chú tâm trên ba trạng thái hay ba tướng phổ thông là aniccā (vô thường), dukkhā (khổ) và anattā (vô ngã). Sau khi tu tập 10 loại vipassanā ñāṇa (tuệ quán) đắc magga (đạo) và phala (quả của đạo) theo sau. Có bốn bậc maggaphala. Magga appanā vīthi (lộ đạo kiên cố) diễn tiến như sau:

Theo ký tự Pāḷi:

Manda paññā (tuệ chậm) Na-Da-“Ma-Pa-U-Nu-Go-Mag-Pha-Pha”-Bha…

Tikkha paññā (tuệ nhanh) Na-Da-“Ma -U-Nu-Go-Mag-Pha-Pha-Pha”-Bha…

Theo ký tự Việt:

Manda paññā (tuệ chậm) R-D-“K--Ậ-U-B-Ạ-Ả-Ả”-H-…

Tikkha paññā (tuệ nhanh) R-D-“K-Ậ-U-B-Ạ-Ả-Ả-Ả”-H-…

1. Khi một trong ba tướng phổ thông vào lộ ý môn của bậc tu tiến phàm phu (kẻ trần tục hay người bị bao vây bởi 10 loại phiền não), hữu phần rúng động hai lần rồi dứt (Na-Da). Kế tiếp, quan sát và quyết đoán những tướng phổ thông, mano dvārāvajjana (Ma) (khai ý môn) sanh một lần tác ý xoay dòng danh pháp hướng đến cảnh, quan sát cảnh và quyết định dù cho cảnh tốt hay xấu. Kế tiếp, 1 trong 4 ñāṇasampayuttaṃ mahākusala cittaṃ (tâm đại thiện tương ưng trí) quán sát những tướng phổ thông sanh ba lần làm những phận sự như parikamma (Pa) (chuẩn bị), upacāra (U) (cận đạo), anuloma (Nu) (thuận lưu) và tiếp đến quan sát Nibbāna (Níp-bàn) làm một phận sự nữa là gotrabhū (Go) (chuyển tánh). Tiếp đến, Sotāpatti magga javana (Mag) (đổng lực Thất lai đạo) sinh khởi một lần quan sát Nibbāna (Níp-bàn). Liền sau đó, quả của đạo, tức là, Sotāpatti phala cittaṃ (Pha-Pha) (tâm quả Thất lai) làm phận sự appanā javana (đổng lực kiên cố) hai lần. Sau đó, bhavaṅga citta (tâm hữu phần) rơi vào dòng hữu phần và vị ấy ra khỏi lộ đắc đạo. Nếu vị ấy là người tikkha paññā (tuệ nhanh) thì bỏ qua tâm parikamma (chuẩn bị) và phala javana (Pha-Pha-Pha) (đổng lực quả) sinh khởi ba lần. Nay, vị ấy trở thành sotāpanna (bậc Thánh Nhập lưu) là giai đoạn thứ nhất của bậc Thánh.

Lưu ý: Trong magga-vīthi (lộ đắc đạo) trên, parikamma (Pa) (chuẩn bị), upacāra (U) (cận đạo), anuloma (Nu) (thuận lưu) và gotrabhū (Go) (chuyển tánh) biểu thị cho những việc sau:

Pa = parikamma = chuẩn bị của đạo.

U = upacāra = cận đạo.

Nu = anuloma = thuận lưu. Sự thích thú, sự kết nối; làm hài hòa, cân đối, hòa hợp giữa tâm thấp với tâm cao.

Go = gotrabhū = chuyển tánh là tâm cắt đứt dòng puthujjana (phàm) để hình thành dòng Ariya (Thánh).

Một puthujjana (phàm phu) là người ham mê vật chất, kẻ trần tục, hay người bị trói bởi cả mười pháp triền.

Một khi vị ấy trở thành một Ariya (bậc Thánh), vị ấy không bao giờ trở lại puthujjana (phàm) lần nữa. Do đó, gotrabhū (chuyển tánh) cắt đứt dòng phàm chỉ một lần. Trong ba lộ magga-phala (đạo-quả) sau, Vo = vodāna (dũ tịnh) được thay vào chỗ của Go = gotrabhū (chuyển tánh) của lộ đắc sơ đạo.

2. Để thấy rõ maggaphala (đạo và quả) thứ hai, sotāpanna hay sotapan (bậc Thất lai là người đã thấy rõ đạo và quả lần đầu) phải quán về tam tướng phổ thông của pháp hữu vi lần nữa. Khi lộ nhị đạo sinh khởi diễn tiến như trên – chỉ cần thay:

Vodāna (dũ tịnh)’[149] vào chỗ của ‘gotrabhū (chuyển tánh)’,

Sakadāgāmi magga (Nhất lai đạo)’ vào chỗ của ‘Sotāpatti magga (Thất lai đạo)’,

Sakadāgāmi phala (Nhất lai quả)’ vào chỗ của ‘Sotāpatti phala (Thất lai quả)’.

Sau magga vīthi (lộ đạo thứ hai) này, vị ấy trở thành một Sakadāgāmi hay Sakadāgam (bậc Nhất lai, tức là, vị ấy sẽ trở lại cõi Dục chỉ một lần).

3. Nếu sakadāgam (bậc Nhất lai) tu tiến pháp quán thêm nữa, vị ấy có thể phát triển magga vīthi (lộ đắc đạo) thứ ba diễn tiến như lộ đạo thứ hai. Chỉ đổi sakadāgāmi (bậc Nhất lai) thành Anāgāmi (bậc Bất lai).

Vị ấy nay thành một Anāgāmi hay Anāgam (bậc Bất lai, tức là, vị ấy sẽ không tái tục ở cõi Dục lần nào nữa).

4. Nếu anāgam (bậc Bất lai) tu tiến pháp quán thêm nữa, vị ấy có thể phát triển magga vīthi (lộ đắc đạo) thứ tư. Lộ này lần nữa diễn tiến như trước. Chỉ đổi Anāgāmi (bậc Bất lai) thành Arahatta (bậc Vô sanh).

Khi ấy, vị này trở thành một bậc Arahatta (Ứng cúng – toàn hảo).

B2.2/ Lộ nhập thiền quả (phala samāpatti vīthi)

Có bốn bậc Thánh: Sotāpanna (bậc Thất lai, Nhập lưu), sakadāgāmi (bậc Nhất lai), Anāgāmi (bậc Bất lai) và Arahat (bậc Vô sanh).

Mỗi bậc Thánh có thể nhập quả tương ứng với đạo mà vị ấy đã đắc. Bằng cách ấy, vị ấy hưởng sự vắng lặng của Nibbāna (Níp-bàn). Trong lúc nhập thiền quả, lộ nhập quả diễn tiến như sau:

Theo ký tự Pāḷi:

Manda paññā (tuệ chậm) Na-Da-“Ma-Pa-U-Nu-Vo-Pha-Pha-…”-Bha-…

Tikkha paññā (tuệ nhanh) Na-Da-“Ma-U-Nu-Vo-Pha-Pha-Pha-…”-Bha-…

Theo ký tự Việt:

Manda paññā (tuệ chậm) R-D-“K--Ậ-U-B-Ả-Ả-…nhiều lần…”-H-…

Tikkha paññā (tuệ nhanh) R-D-“K-Ậ-U-B-Ả-Ả-Ả-…nhiều lần…”-H-…

Để phát triển phala samāpatti vīthi (lộ nhập quả), chư Thánh phải triển khai thiền quán minh sát lần nữa, chú tâm trên ba trạng thái (hay tướng) của pháp hữu vi cho đến khi phala samāpatti vīthi (lộ nhập quả) sinh khởi.

1. Khi một trong ba tướng phổ thông của pháp hữu vi đi vào lộ ý môn của một sotāpanna (bậc Thất lai), hữu phần rúng động hai lần là bhavaṅga calana (hữu phần rúng động) và bhavaṅgupaccheda (hữu phần dứt dòng) (Na-Da) rồi dứt. Kế tiếp, mano dvārāvajjana (khai ý môn) hướng dòng danh pháp đến tướng phổ thông, quan sát nó và quyết định dù cảnh tốt hay xấu. Sau đó, 1 trong 4 ñāṇasampayuttaṃ mahākusala citta (tâm đại thiện tương ưng trí) quan sát ti-lakkhaṇa (cảnh tam tướng) ba lần, làm phận sự parikamma (chuẩn bị) [bỏ qua tâm này đối với người tikkha paññā (tuệ nhanh)], upacāra (cận hành) và anuloma (thuận thứ) (Pa-U-Nu)[150] và quan sát Nibbāna (Níp-bàn) làm phận sự vodāna (dũ tịnh) một lần. Sau đó, Sotāpatti phala citta (tâm quả Thất lai) quán sát Níp-bàn làm phận sự appanā javana (đổng lực kiên cố) nhiều lần như vị ấy muốn cho đến bảy ngày. Khi bhavaṅga citta (tâm hữu phần) rơi vào dòng hữu phần và vị ấy xuất khỏi lộ phala-samāpatti (nhập thiền quả).

Lộ nhập thiền quả của những bậc Thánh cao hơn thì giống như trên – chỉ đổi Sotāpanna Sotāpatti phala citta (tâm quả Thất lai) thành Sakadāgāmi Sakadāgāmi phala citta (tâm quả Nhất lai); Anāgāmi Anāgāmi phala citta (tâm quả Bất lai) và Arahat Arahat phala citta (tâm quả Vô sanh) tương ứng.

2. Khi một trong ba tướng phổ thông đi vào lộ ý môn của một Sakadāgāmi (bậc Nhất lai), … sakadāgāmi phala citta (tâm quả Nhất lai) …

3. Khi một trong ba tướng phổ thông đi vào lộ ý môn của một Anāgāmi (bậc Bất lai), … Anāgāmi phala citta (tâm quả Bất lai) …

4. Khi một trong ba tướng phổ thông đi vào lộ ý môn của một Arahat (bậc Vô sanh), … 1 trong 4 ñāṇasampayuttaṃ mahākiriya citta (tâm đại tố tương ưng trí) … Arahat phala citta (tâm quả Vô sanh) …

Tadārammaṇa-Niyāma (Định Luật Na Cảnh)

25. Sabbatthā pi pan’ ettha aniṭṭhe ārammaṇe akusala-vipākān’ eva pañcaviññāṇa-sampaticchana-santīraṇa-tadārammaṇāni.

26. Iṭṭhe kusalavipākāni.

27. Ati itthe pana somanassa sahagatān’eva santīraṇatadārammaṇāni.

Hơn nữa, trong 5 môn này và lộ ý môn, đối với tất cả loại cảnh (rất lớn, lớn, nhỏ, rất nhỏ, v.v…), nếu cảnh không đáng mong mỏi, chỉ những quả bất thiện, thì akusalavipāka pañcaviññāṇa (ngũ thức quả bất thiện), sampaṭicchana (tiếp thâu), santīraṇa (thẩm tấn) và tadārammaṇa (na cảnh) sẽ sanh. Khi cảnh đáng mong mỏi, chỉ có quả thiện là kusalavipāka pañcaviññāṇa (ngũ thức quả thiện), sampaṭicchana (tiếp thâu), santīraṇa (thẩm tấn) và tadārammaṇa (na cảnh) sẽ sanh.

Tatth’ āpi somanassasahagata-kiriyajavanāvasāne somanassasahagatān’ eva tadārammaṇāni bhavanti, upekkhāsahagatakiriyajavanāvasāne ca upekkhā sahagatān’ eva honti.

Giữa những tadārammaṇa (na cảnh), chỉ somanassasahagata tadārammaṇa (na cảnh câu hành hỷ) sẽ sanh ở cuối somanassasahagata kiriyajavana (đổng lực tố câu hành hỷ) và chỉ upekkhāsahagata tadārammaṇa (na cảnh câu hành xả) sẽ sanh ở cuối upekkhāsahagata kiriyajavana (đổng lực tố câu hành xả).

28. Domanassasahagata javanāvasāne ca pana tadārammaṇāni c’ eva bhavaṅgāni ca upekkhāsahagatān’ eva bhavanti.

Hơn nữa, ở cuối domanassasahagata javana (đổng lực câu hành ưu), chỉ có upekkhāsahagata tadārammaṇa (na cảnh câu hành xả) và upekkhāsahagatā bhavaṅga citta (tâm hữu phần câu hành xả) có thể sanh.

Tasmā yadi somanassapaṭisandhi kassa domanassasahagatajavanāvasāne tadārammaṇasambhavo n’ atthi, tadā yaṁ kiñci paricitapubbaṁ parittārammaṇam ārabbha upekkhāsahagata santīraṇaṁ uppajjati. Tam anantaritvā bhavaṅgapāto’ va hotī ti vadanti Ācariyā.

Cho nên, trong trường hợp của người tái tục bằng tâm câu hành hỷ, nếu ở cuối là domanassasahagata javana (đổng lực câu hành ưu) thì không có tâm na cảnh sanh, nên các bậc thầy giải thích, có sự sinh khởi của 1 upekkhāsahagata santīraṇa citta (tâm thẩm tấn câu hành xả) bắt lấy bất cứ cảnh quen thuộc bình thường nào. Ngay sau đó, có sự rơi vào dòng hữu phần.

Lưu ý: Hỷ thọ và ưu thọ là hoàn toàn đối lập. Những tâm câu hành với thọ đối lập nhau thì không thể sanh liền kề. Những tâm câu hành với 1 trong 2 thọ này thì tâm sanh ngay sau có thể là câu hành xả. Do đó, nếu có cơ hội cho tadālambana citta (tâm na cảnh) theo sau những tâm domanassa javana (đổng lực ưu thọ) chỉ có những tâm upekkhāsahagata tadālambaṇa (na cảnh câu hành xả) sẽ sanh. Nếu không có dịp cho tadālambaṇa (na cảnh) thì tiếp ngay sau những domanassa javana (đổng lực ưu thọ) sẽ là những upekkhāsahagatā bhavaṅga citta (tâm hữu phần câu hành xả).

Đối với người tái tục bằng somanssasahagata mahāvipāka citta (tâm đại quả câu hành hỷ), thì bhavaṅga citta (tâm hữu phần) của vị ấy thì cũng là somanssasahagata mahāvipāka citta (tâm đại quả câu hành hỷ). Nếu khi người này nổi giận và không có cơ hội cho tadālambana citta (tâm na cảnh) sanh, bhavaṅga citta (tâm hữu phần) phải theo sau tâm đổng lực ưu thọ. Nhưng somanassa bhavaṅga (hữu phần hỷ thọ) thường không thể sanh ngay sau tâm ưu thọ. Vì theo định luật thì tâm câu hành với thọ đối lập không thể sanh liền kề. Trong trường hợp đó, những bậc tiền bối Abhidhamma dạy rằng upekkhāsahagatā santīraṇaa citta (tâm thẩm tấn câu hành xả) sanh một lần, đóng vai trò là một pháp đệm trung gian giữa ưu thọ của javana (đổng lực) và hỷ thọ của bhavaṅga (hữu phần). Trường hợp upekkhā santīraṇa (thẩm tấn xả thọ) không thực hiện sự thẩm tấn. Nó bắt một cảnh khác với cảnh của lộ - một vài không liên quan với cảnh dục, cảnh mà vị ấy đã quen thuộc và đơn giản là làm việc lót hay mở đường trở lại dòng chảy bình thường của somanassa bhavaṅga (hữu phần hỷ thọ). Tâm thẩm tấn câu hành xả đặc biệt này được gọi là “āgantuka bhavaṅga” (hữu phần khách).

29. Tathā kāmāvacarajavanāvasāne kāmāvacarasattānaṁ kāmāvacara-dhammesv’evva ārammaṇabhūtesu tadārammaṇaṁ icchantī ti.

Những tadārammaṇa citta (tâm na cảnh) chỉ sanh ở cuối kāmāvacara javana (đổng lực dục giới), chỉ với những người dục giới, chỉ khi cảnh dục thuộc về cõi Dục.

Lưu ý: Tadālambaṇa (na cảnh) chỉ sanh ở cuối sau đổng lực dục giới, chỉ với người dục giới, chỉ khi cảnh dục xuất hiện ở môn. Chúng không sanh sau những appanājavana (đổng lực kiên cố) hay ở những cõi Phạm thiên hoặc khi cảnh là paññatti (pháp chế định), mahaggata (đáo đại) hay Nibbāna (Níp-bàn).

30. Kāme javanasattālambaṇānaṁ niyame sati, vibhūte‘timahante ca, tadārammaṇaṁ īritaṁ.

Ayaṁ ettha tadārammaṇaniyamo.

Khi chắc chắn rằng những đổng lực, người và cảnh thuộc về cõi Dục, thì khi ấy có thể nói rằng những tadārammaṇa citta (tâm na cảnh) sanh trong cả hai vibhūtārammaṇa vīthi (lộ cảnh rõ) và atimahantārammaṇa vīthi (lộ cảnh rất lớn).

Ở đây, những gì được nói là định luật hay trình tự của na cảnh.

Diễn Tiến của Na Cảnh

Tadālambaṇa (na cảnh) chỉ sanh với người dục giới khi chúng bắt cảnh dục bằng kāma javana-vāra vīthi (lộ chót đổng lực dục giới).

Nói chung, theo sau upekkhā jāvana (đổng lực xả thọ) là upekkhā tadālambaṇa (na cảnh xả thọ) hay theo sau somanassa javana (đổng lực hỷ thọ) là upekkhā tadālambaṇa (na cảnh hỷ thọ). Trong tu tập, những diễn tiến như sau được quán sát:

1. Sau 4 mahā kiriyaupekkkhā javana (đổng lực đại tố xả thọ) và 2 domanassa javana (đổng lực ưu thọ), có thể 4 mahā vipāka upekkhā tadālambaṇa (na cảnh đại quả xả thọ) và 2 santīraṇa upekkhā tadālambaṇa (na cảnh thẩm tấn xả thọ) sinh khởi.

2. Sau 4 mahākiriya somanassa javana (đổng lực đại tố hỷ thọ) và hasituppāda javana (đổng lực tiếu sinh), có thể 4 mahā vipāka somanassa tadālambaṇa (na cảnh đại quả hỷ thọ) và 1 somanassa santīraṇa tadālambaṇa (na cảnh thẩm tấn hỷ thọ) sinh khởi.

3. Sau 10 akusala javana (đổng lực bất thiện) và 8 mahā kusala javana (đổng lực đại thiện) còn lại, tất cả 11 tadālambaṇa (na cảnh) có thể sinh khởi.

B2.3/ Lộ nhập thiền diệt (nirodha samāpatti vīthi)

Nirodha samāpatti’ nghĩa là đạt đến sự diệt tắt của cái biết. Lộ này được phát triển để tạm thời đình chỉ sự hoạt động của tất cả tâm và sở hữu tâm, theo ngay sau neva saññā-n’āsaññā yatana jhāna (thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ).

Chỉ có Anāgāmi (bậc Bất lai) và Arahat (bậc Vô sanh), người thuần thục trong tất cả 8 jhāna (thiền) có khả năng phát triển nirodha samāpatti vīthi (lộ nhập thiền diệt). Tiến trình để tu tập đạt đến thiền này như sau:

Trước nhất, bậc tu tiến, người muốn nhập thiền diệt trên paṭibhāganimitta của kasina đất theo trình tự nhập rūpāvacara kusala paṭhamajhāna (sơ thiền thiện sắc giới), rồi xuất khỏi thiền và chú tâm trên những chi thiền bằng sự chú tâm đến những trạng thái / tướng vô thường, khổ não và vô ngã tướng của nó. Vị ấy lặp lại tiến trình này với nhị, tam, tứ và ngũ thiền thiện sắc giới và cũng với thiền vô sắc giới thứ nhất, thứ hai và thứ ba.

Kế tiếp, vị ấy lập bốn adhiṭṭhāna (điều nguyện)

1. Nguyện cho tôi trú hay duy trì trong nirodha samāpatti (nhập thiền diệt) một giờ, hai giờ, v.v…, một ngày, hai ngày, v.v…, bảy ngày (nêu thời gian không quá tuổi thọ mà vị ấy có thể biết).

2. Nguyện cho thân thể của tôi, những vật dụng mà tôi đang dùng và chỗ ở mà tôi đang trú không bị tổn hại hay tiêu hoại bởi bất cứ nguyên do nào (vị ấy có thể phân ranh khu vực đến mức tối đa theo vị ấy thích).

3. Nguyện cho tôi xuất khỏi nirodha samāpatti (nhập thiền diệt) ngay khi Đức Phật muốn gặp tôi (đây là vào thời khi Đức Phật còn tại thế).

4. Nguyện cho tôi xuất khỏi nirodha samāpatti (nhập thiền diệt) ngay khi hội chúng tăng muốn tôi hiện diện (điều này vì do sự kính trọng của Tăng đoàn).

Bây giờ, vị ấy tu tập arūpāvacara kusala catutthajhāna (tứ thiền thiện vô sắc giới) và ngay sau nevasaññā-n’āsaññā yatana cittaṃ (tâm phi tưởng phi phi tưởng xứ) sanh làm appanā javana (đổng lực kiên cố) 2 sát-na tâm, dòng tâm thức bị cắt đứt – không có citta (tâm), cetasika (sở hữu tâm) và cittaja rūpa (sắc tâm) sinh khởi nữa.

Vị ấy sẽ vẫn giữ nguyên trong trạng thái diệt tắt của citta (tâm), cetasika (sở hữu tâm) và cittaja rūpa (sắc tâm) cho đến cuối giai đoạn mà vị ấy kiên quyết duy trì trong nirodha samāpatti (nhập thiền diệt). Mặc dù không thở, ăn, uống hay biết pháp chi, vị ấy vẫn sống. Khi vị ấy xuất khỏi nirodha samāpatti (nhập thiền diệt), Anāgāmiphalacitta (tâm quả Bất lai) sanh một lần làm đổng lực kiên cố nếu vị ấy là một Anāgāmi (bậc Bất lai), hay Arahattaphalacitta (tâm quả Arahaṃ) sanh một lần làm đổng lực kiên cố nếu vị ấy là một Arahat (Arahaṃ). Kế tiếp, bhavaṅga citta rơi vào dòng hữu phần.

Lộ nirodha samāpatti (nhập thiền diệt) diễn tiến như sau:

Theo ký tự Pāḷi:

Manda paññā (tuệ chậm) …-Bha-Na-Da-ma-Pa-U-Nu-Vo-Jhā-Jhā……phala-Bha-…

Tikkha paññā (tuệ nhanh) …-Bha-Na-Da-ma-U-Nu-Vo-Jhā-Jhā……phala-Bha-…

Theo ký tự Việt:

Manda paññā (tuệ chậm) …-R-D-K--Ậ-U-B-Ề-Ề…tâm không sanh…Ả-H-…

Tikkha paññā (tuệ nhanh) …-R-D-K-Ậ-U-B-Ề-Ề…tâm không sanh…Ả-H-…

B2.4/ Lộ ý môn kiên cố cận Níp-bàn

Lộ ý môn kiên cố cận Níp-bàn diễn tiến ngay trước khi Níp-bàn cũng như những lộ kiên cố cận tử, nhưng sau những lộ này là sự diệt tắt của pháp hành (saṅkhāra), tức Níp-bàn.

Trong tất cả những lộ ý môn kiên cố: Đối với bậc tuệ yếu thì có sát-na tâm ‘Chuẩn bị”, còn đối với bậc tuệ mạnh thì không có sát –na tâm upacāra (chuẩn bị).

- Lộ ý môn liên thiền tố cận Níp-bàn, diễn tiến tợ như lộ nhập thiền thiện:

Có 9 lộ cho 9 bậc thiền x 2 bậc tuệ mạnh và yếu = 18 lộ.

Có xen hữu phần: …-R-D-K-Ẩ-Ậ-U-B-Ề-Ề-Ề-…bds…-H-Ử (có 18 lộ)

Không xen hữu phần: …-R-D-K-Ẩ-Ậ-U-B-Ề-Ề-Ề-…bds…-Ử (có 18 lộ)

- Lộ ý môn liên thông tố cận Níp-bàn, diễn tiến tợ như lộ hiện thông:

Có xen hữu phần: …-R-D-K-Ẩ-Ậ-U-B-Ô-H-Ử (nhân 2 tuệ = 2 lộ)

Không xen hữu phần: …-R-D-K-Ẩ-Ậ-U-B-Ô-Ử (nhân 2 tuệ = 2 lộ)

- Lộ ý môn phản khán (xem lại) chi thiền tố (tùy bậc thiền), cận Níp-bàn:

Mỗi lộ phản khán 1 chi thiền: (sơ thiền 5 chi+4+3+2+2+2+2+2+2) chi = 24 lộ x 2 tuệ.

Có xen hữu phần: …-R-D-K-Ẩ-Ậ-U-B-Ề-Ề-bds-H-R-D-K-7C-H-R-D-K-5C-H-Ử

Không xen hữu phần: …-R-D-K-Ẩ-Ậ-U-B-Ề-Ề-bds-H-R-D-K-7C-H-R-D-K-5C-Ử

- Lộ ý môn phản khán (xem lại) phiền não, đạo, quả (tùy bậc Thánh), cận Níp-bàn:

Lộ này còn gọi là lộ đắc đạo tột mạng, tức là đắc đạo-quả ngay trước lộ ý môn phản khán phiền não rồi Níp-bàn. Mỗi lộ phản khán 1 trong 10 phiền não.

Có xen hữu phần: …-R-D-K-Ẩ-Ậ-U-B-Ạ-3Ả-4H-R-D-K-7C-4H-R-D-K-5C-H-Ử

Không xen hữu phần: …-R-D-K-Ẩ-Ậ-U-B-Ạ-3Ả-4H-R-D-K-7C-4H-R-D-K-5C-Ử

Vipāka Niyāma – Định luật Quả

“Niyāma” nghĩa là “định luật”. Như vipāka citta (tâm quả) là quả của kamma (nghiệp). Chúng thường sanh trong vīthi (lộ) theo kamma (nghiệp) như ảnh hiện trong gương y như người trước gương.

Khi một người gặp những vật bất tịnh như là xác chúng sanh thối rữa, phân, v.v…, là do akusala kamma (nghiệp bất thiện). Tại sát-na ấy, akusala vipāka cittaṃ (tâm quả bất thiện) là cakkhu viññāṇa (nhãn thức), sampaṭicchana (tiếp thâu), santīraṇa (thẩm tấn) và tadālambaṇa (na cảnh) sanh trong lộ.

Khi một người gặp những cảnh tương đối tốt, kusala vipāka cittaṃ (tâm quả thiện) – đó là cakkhu viññāṇa (nhãn thức), sampaṭicchana (tiếp thâu), upekkhā-santīraṇa (thẩm tấn xả thọ) và upekkhā-tadālambaṇa (na cảnh xả thọ) sanh trong lộ. Khi gặp cảnh rất tốt somanassa-santīraṇa (thẩm tấn hỷ thọ) và somanassa-tadālambaṇa (na cảnh hỷ thọ) sanh thay vì upekkhā (xả thọ).

Kusalaakusala javana (đổng lực thiện và bất thiện) không thường sanh như vipāka citta (tâm quả). Yoniso manasikāra (khéo tác ý)[151] dẫn đến sự sinh khởi của kusala javana (đổng lực thiện), trong khi ayoniso manasikāra (không khéo tác ý)[152] làm cho akusala javana (đổng lực bất thiện) sinh khởi.

Javana Niyāma - Định luật Đổng lực

31. Javanesu ca parittajavanavīthiyaṁ kāmāvacarajavanāni sattakkhattuṁ chakkhattuṁ eva vā javanti.

32. Mandappavattiyaṁ pana maraṇa-kālādīsu pañcavaram eva.

Hơn nữa, giữa những đổng lực trong một lộ với đổng lực dục giới (kāmājavana), những đổng lực dục giới sanh hoặc bảy, hoặc sáu lần.

Trong trường hợp của một tiến trình lộ yếu, không rõ, như lúc đang tử, đổng lực dục giới (kāmājavana) chỉ sanh năm lần.

33. Bhagavato pana yamakapāṭihāriyakālādīsu lahukappavattiyaṁ cattāri pañca vā paccavekkhaṇacittāni bhavantī ti pi vadanti.

Hơn nữa, lúc Đức Phật hiện song thông và tương tự, khi lộ diễn tiến một cách nhanh chóng, paccavekkhaṇa javana citta (những tâm đổng lực phản khán) chỉ sanh bốn hoặc năm lần. Đó là lời giải của những nhà chú giải.

Tần suất[153] của Đổng lực Dục giới

Thông thường, kāma-javana (đổng lực dục giới) sanh lên bảy lần trong một vīthi (lộ). Với những em bé và người bất tỉnh, hadaya vatthu (sắc ý vật) còn yếu và do đó kāma-javana (đổng lực dục giới) sanh sáu hay năm lần trong một vīthi (lộ).

Trong maraṇasanna vīthi (lộ cận tử)[154] sanh vào lúc đang tử, kāma-javana (đổng lực dục giới) chỉ sanh năm lần.

Trong paccavekkhaṇa vīthi (lộ phản khán phiền não), bậc tu tiến xem lại những chi thiền rất nhanh và kāma-javana (đổng lực dục giới) chỉ sanh bốn hay năm lần trong một vīthi (lộ).

Trong upacāra samādhi javana (đổng lực cận định), kāma-javana (đổng lực dục giới) sanh bốn lần như là parikamma (chuẩn bị), upacāra (cận định), anuloma (thuận thứ) và gotrabhū (chuyển tánh) đối với người tuệ chậm, hay ba lần như là upacāra (cận định), anuloma (thuận thứ) và gotrabhū (chuyển tánh) đối với người tuệ nhanh.

Tần suất của Đổng lực Kiên cố

34. Ādikammikassa pana paṭhamakappanāyaṁ mahaggatajavanāni abhiññājavanāni ca sabbadā pi ekavāram eva javanti, tato paraṁ bhavaṅgapāto.

Trong lộ sơ thiền của người sơ cơ, mahaggatajavana (đổng lực đáo đại) chỉ xảy ra một lần. Cũng thế, abhiññājavana (đổng lực hiện thông) trong suốt thời gian ấy chỉ sanh một lần. Kế tiếp rơi vào dòng hữu phần.

Trong tất cả những rūpāvacara jhānaarūpāvacara jhāna vīthi (lộ thiền sắc giới và vô sắc giới), những đổng lực tương ứng chỉ sinh khởi một lần với bậc lần đầu đạt được jhāna (thiền). Để nhập vào trạng thái miệt mài tương ứng với thiền đó, vị ấy có thể phát triển jhāna samāpatti vīthi (lộ nhập thiền), trong đó appanā-javana (đổng lực kiên cố) sinh khởi liên tục nhiều lần.

Trong abhiññā appanā vīthi (lộ thông kiên cố), rūpāvacara kusala pañcamajjhāna (ngũ thiền thiện sắc giới) sanh một lần làm phận sự abhiññā-javana (đổng lực thông). Đối với một Arahat (bậc Vô sanh) rūpāvacara kiriya pañcamajjhāna (ngũ thiền tố sắc giới) sanh một lần làm abhiññā-javana (đổng lực thông).

35. Cattāro pana magguppādā ekacittakkhaṇikā, tato paraṁ dve tīṇī phalacittāni yathārahaṁ uppajjanti, tato paraṁ bhavaṅgapāto.

Ngoài ra, bốn tâm đạo, mỗi tâm chỉ sanh 1 sát-na tâm. Sau đó, hai hoặc ba tâm quả tương ứng sanh tùy theo người manda-paññā (tuệ chậm) hay tikkha-paññā (tuệ nhanh). Rồi sau đó rơi vào hữu phần.

Trong magga appanā vīthi (lộ đạo kiên cố), magga javana (đổng lực đạo) tương ứng chỉ sanh một lần và tiếp ngay sau đó là 2 phala citta (tâm quả) làm appanā-javana (đổng lực kiên cố) đối với người tuệ chậm hoặc 3 phala citta (tâm quả) làm appanā-javana (đổng lực kiên cố) đối với người tuệ nhanh.

36. Nirodhasamāpattikāle dvikkhattuṁ catutthāruppajavanaṁ javati, tato paraṁ nirodhaṁ phusati.

37. Vuṭṭhānakāle ca Anāgāmiphalaṁ vā Arahattaphalaṁ vā yathārahaṁ ekavāram uppajjitvā niruddhe bhavaṅgapāto’ va hoti.

Ngay trước khi nhập thiền diệt (nirodhasamāpatti), arūpavacara javana (đổng lực vô sắc giới) thứ tư sanh hai lần, sau đó citta (tâm), cetasika (sở hữu tâm) và cittajarūpa (sắc tâm) dừng hay không sanh. Khi những pháp ấy sanh trở lại từ trạng thái dừng hay không sanh, Anāgāmiphala citta (tâm quả Bất lai) hay Arahattaphala citta (tâm quả Ứng cúng) sanh một lần tùy theo bậc của vị ấy là bậc Bất lai hay bậc Ứng cúng. Sau khi tâm quả này diệt là sự rơi vào dòng hữu phần.

Trong nirodha samāpatti vīthi (lộ nhập thiền diệt), nev saññā-n’āsaññāyatana cittaṃ (tâm phi tưởng phi phi tưởng xứ) sanh hai lần ngay trước khi sự hoạt động của tâm và tất cả sở hữu tâm diệt mất. Trong khi nirodha samāpatti (nhập thiền diệt), citta (tâm) cũng như cetasika (sở hữu tâm) và cittajarūpa (sắc tâm) đều diệt tắt; do đó không có javana (đổng lực) tồn tại. Khi xuất khỏi nirodha samāpatti (nhập thiền diệt), Anāgāmi phala cittaṃ (tâm quả Bất lai) sinh khởi một lần làm phận sự appanā javana (đổng lực kiên cố) đối với bậc Bất lai, hay Arahatta phala cittaṃ (tâm quả Ứng cúng) sanh một lần làm phận sự appanā javana (đổng lực kiên cố) đối với bậc Arahat (Ứng cúng).

38. Sabbatthā pi samāpattivīthiyaṁ bhavaṅgasoto viya vīthiniyamo n’atthī ti katvā bahūni pi labbhantī ti.

Trong tất cả jhānasamāpattiphalasamāpatti (lộ nhập thiền và nhập quả), như trong dòng hữu phần, không có trình tự cố định được lưu ý. Nên hiểu rằng nhiều [mahaggata (đáo đại) hay phala (quả)] javana (đổng lực) sanh (nối tiếp liền kề).

Trong phala samāpatti vīthi (lộ nhập quả), phala citta (tâm quả) tương ứng sanh nhiều lần không cách quãng làm phận sự appanā-javana (đổng lực kiên cố).

Thông thường, quá trình của javana (đổng lực) ngay sau 1 somanassakāma javana (đổng lực dục giới hỷ thọ), xuất hiện 1 samonassa appanā javana (đổng lực kiên cố hỷ thọ) là điều bình thường. Sau kāma javana (đổng lực dục giới), câu hành xả, chắc chắn là 1 appanā javana (đổng lực kiên cố) câu hành xả.

Tóm lại:

39. Sattakkhattuṁ parittāni, maggābhiññā sakiṁ matā. Āvasesāni labbhanti, javanāni bahūni pi.

Ayaṁ ettha javananiyamo.

Nên hiểu rằng, kāmāvacarajavana (đổng lực dục giới) hầu như sanh bảy lần, magga javana (đổng lực đạo) và abhiññāṇa javana (đổng lực thông) sanh chỉ một lần. Tất cả mahaggatajavana (đổng lực đáo đại) và phalajavana (đổng lực quả) sanh nhiều lần.

Đến đây kết thúc phần ‘định luật đổng lực’.

Āgantuka Bhavaṅga (Hữu phần khách)

Đối với người tái tục bằng somanassa citta (tâm hỷ thọ), suốt đời tâm hữu phần của vị ấy cũng phải là 1 somanassa bhavaṅga (hữu phần hỷ thọ). Tâm tái tục và tâm hữu phần của một chúng sanh phải phù hợp với bhūmi (cõi), citta (tâm), sampayutta dhamma (pháp tương ưng), vedanā (thọ) và saṅkhāra (hành).

Khi chúng sanh ấy sân giận, theo sau domanassa javana (đổng lực ưu thọ) không thể là somanassa tadālambaṇa (na cảnh hỷ thọ) và somanassa bhavaṅga (hữu phần hỷ thọ), vì domanassa vedanā (ưu thọ) đối lập với somanassa vedanā (hỷ thọ) như lửa đối nghịch với nước. Nhưng theo tâm tái tục của vị ấy, somanassa tadālambaṇa (na cảnh hỷ thọ) và somanassa bhavaṅga (hữu phần hỷ thọ) phải sanh.

Trong tình huống khó này, upekkhā santīraṇa (thẩm tấn xả thọ) sanh một lần làm āgantuka bhavaṅga (hữu phần khách)[155]; trong khi ấy chỉ làm phận sự hữu phần mà không làm phận sự santīraṇa (thẩm tấn).

Upekkhā vedanā (xả thọ) có thể hợp được với cả 2 domanassa vedanā (ưu thọ) và somanassa vedanā (hỷ thọ). Āgantuka bhavaṅga (hữu phần khách) không thể nhận biết cảnh mà domanassa javana (đổng lực ưu thọ) tiếp nhận. Nó chỉ nhận biết một cảnh dục đã được quan sát vài lần trong quá khứ.

Tóm lại, hữu phần khách là 6 tâm na cảnh câu hành xả.

Tứ nhân trợ sanh hữu phần khách:

(i) người dục giới, (ii) tái tục tâm câu hành hỷ.

(iii) gặp cảnh rất tốt, (iv) đổng lực bằng tâm sân.

Vì thế tâm na cảnh câu hành hỷ sanh ra để hưởng lại vị của cảnh (na cảnh) rất tốt không sanh đặng, bởi chẳng nối tâm đổng lực sanh. Còn tâm tái tục câu hành hỷ cũng không nối với tâm sân nên mới có hữu phần khách xen vào để can thiệp giữa chặng sân và hỷ.

___o0o___

Bhūmi ca Citta (Cõi Và Tâm)

Bhūmi” nghĩa là cõi hiện hữu. Trong cõi Dục, 80 citta (tâm) có thể tham gia trong vīthi (lộ), 9 mahaggata vipāka citta (tâm quả đáo đại) làm việc tái tục, hữu phần và tử trong những cõi Phạm thiên tương ứng.

Trong cõi Sắc, 2 ghānaviññāṇa citta (tâm tỷ thức), 2 jivhā viññāṇa citta (tâm thiệt thức), 2 kāyaviññāṇa citta (tâm thân thức), 8 mahāvipāka citta (tâm đại quả), 2 domanassa citta (tâm ưu thọ) và 4 arūpavipāka citta (tâm quả vô sắc), tổng cộng tất cả có 20 tâm không sinh khởi, còn lại 69 tâm có thể sanh ở cõi Sắc. Trong 69 tâm này, 5 rūpavipāka citta (tâm quả sắc) không thể tham gia trong lộ; do đó chỉ còn 64 tâm sẽ tham gia trong lộ.

Ở cõi Arūpa (Vô sắc), 42 tâm có thể hoặc không thể nương hadaya vatthu (sắc ý vật) đặng sanh, như đã đề cập trong “Chương 3 - Pakiṇṇaka”, cùng với 4 arūpa vipāka citta (tâm quả vô sắc), tổng cộng tất cả có 46, có thể sanh. Trong 46 tâm, 4 arūpa vipāka citta (tâm quả vô sắc) không tham gia trong lộ; do đó, chỉ còn 42 tâm sẽ tham gia trong lộ.

Puggala bheda (Phân giải về Người)

40. Duhetukānaṁ ahetukānañ ca pan’ ettha kiriyājavāni c’ eva appanājavanāni ca labbhanti.

41. Tatthā ñāṇasampayuttavipākāni ca sugatiyaṁ.

41. Duggatiyaṁ pana ñāṇavippayuttāni ca mahāvipākāni na labbhanti.

Hơn nữa, trong những lộ này kiriyājavana (đổng lực tố) và appanājavana (đổng lực kiên cố) không sanh đối với người nhị nhân hay người vô nhân. Ñāṇasampayutta mahāvipāka citta (tâm đại quả tương ưng trí) cũng không sanh trong cõi Vui. Ñāṇavippayutta mahāvipāka citta (tâm đại quả bất tương ưng trí) không sanh trong cõi Khổ.

Giải:

‘Ahetuka puggala’ (người vô nhân) là người tái tục bằng tâm không có nhân.

Duggati ahetuka puggala (người khổ vô nhân) chỉ cho người trong cõi Khổ, tức là 4 cõi Khổ - đó là Niraya (địa ngục), Peta (ngạ quỉ), Tiracchāna (bàng sanh), Asura (atula) tái tục bằng tâm thẩm tấn quả bất thiện vô nhân.

Sugati ahetuka puggala (người lạc vô nhân) chỉ cho người nhân loại mà chậm phát triển về thể chất và trí, đui hay điếc lúc tái tục trong cõi Nhân loại và Catumahārājika deva (cõi trời Tứ đại thiên vương) tái tục bằng tâm thẩm tấn quả thiện vô nhân.

Dvi hetuka puggala (người nhị nhân) là người tái tục bằng tâm có hai nhân (alobha-vô tham và adosa-vô sân), chỉ cho người nhân loại và chư thiên được tái tục bằng ñāṇavippayutta mahāvipāka citta (tâm đại quả bất tương ưng trí) là tâm thiếu trí.

Những người này không thể đắc jhāna (thiền) và magga (đạo) trong kiếp hiện tại, dù cho họ cố gắng đến đâu. Dù sao, họ có thể trở thành tihetuka puggala (người tam nhân) trong kiếp sống kế tiếp là quả của sự tinh tấn tu tập thiền trong kiếp hiện tại và khi ấy đắc thiền và đạo dễ dàng nếu họ tiếp tục tu tập thiền nữa. Do đó, javana (đổng lực) kiên cố, ngoại trừ chư Thánh Arahatta (Ứng cúng), không thể sanh với họ.

Hơn nữa, trong cõi Vui như cõi Nhân loại hay những cõi trời Dục giới, ñāṇasampayutta mahāvipāka citta (tâm đại quả tương ưng trí) không sanh với những người vô nhân hay hai nhân thực hiện việc na cảnh; với người nhị nhân, tadālambana citta (tâm na cảnh) là ba tâm santīraṇa (thẩm tấn) và 4 ñāṇavippayutta mahāvipāka citta (tâm đại quả bất tương ưng trí) trong khi những người ahetuka (vô nhân), chỉ 3 santīraṇacitta (tâm thẩm tấn) làm việc na cảnh.

Do đó, trong những cõi Khổ hạn chế chỉ có những người vô nhân. Ñāṇavippayutta mahāvipāka citta (tâm đại quả bất tương ưng trí) không sanh.

43. Tihetukesu ca khīṇāsavānaṁ kusalākusalajavanāni na labbhanti.

44. Tathā sekkhaputhujjanānaṁ-kiriyajavanāni.

45. Diṭṭhigatasampayutta vicikicchājavanāni ca sekkhānaṁ.

46. Anāgāmipuggalānaṁ pana paṭighajavanāni ca na labhanti.

47. Lokuttarajavanāni ca yathārahaṁ Ariyānam eva samuppajjantī ti.

Đối với những người tam nhân, sau khi đã trở thành chư Thánh Arahaṃ (Ứng cúng), không có kusala javana (đổng lực thiện) hay akusala (bất thiện) sanh. Tương tự, với những bậc Thánh hữu học cũng như những phàm, đổng lực tố không sanh. Đổng lực tương ưng tà kiến và hoài nghi cũng không sanh với chư Thánh hữu học, tức là những bậc Thánh chưa phải là Arahaṃ (Ứng cúng). Đối với những Anāgāmī (bậc Bất lai) không có đổng lực tương ưng khuể[156]. Đổng lực siêu thế chỉ được chư Thánh (Ariya) trải nghiệm, tùy theo sự đắc chứng tương ứng.

Giải:

Tihetuka puggala (người tam nhân) là người có tâm tái tục ba nhân (alobha-vô tham, adosa-vô sân và amoha-vô si) (chỉ cho người nhân loại và chư thiên được tái tục bằng ñāṇasampayutta mahāvipāka citta (tâm đại quả tương ưng trí) là tâm có trí. Những người này có thể đắc tất cả jhāna (thiền), magga (đạo) và phala (quả) nếu họ tích cực tu tiến samatha-vipassanā (pháp chỉ và pháp quán).

Vì tâm bất thiện (akusala) và tâm thiện (kusala) không còn sanh với chư Thánh Arahaṃ (Ứng cúng), những vị ấy không dùng đổng lực bất thiện và thiện (kusalajavana). Mặt khác, chỉ có kiriyajavana (đổng lực tố) có thể sanh với chư Thánh Arahaṃ (Ứng cúng). Những người phàm và chư Thánh hữu học không thể dùng kiriyajavana (đổng lực tố).

Vì chư Thánh hữu học đã hoàn toàn đoạn tận tà kiến và hoài nghi, những bậc ấy sẽ không dùng đổng lực tương ưng tà kiến và hoài nghi.

Chư Thánh Bất lai cũng đã hoàn toàn đoạn tận dosa (sân) cộng với diṭṭhi (tà kiến) và vicikicchā (hoài nghi), do đó đổng lực sân sẽ không bao giờ sanh với chư Thánh Bất lai.

Bốn người đạo và bốn người quả là người tam nhân. Người đạo chỉ tồn tại trong 1 sát-na tâm trong khi họ đắc maggañāṇa (đạo tuệ) tương ứng. Sau đạo tuệ, họ trở thành người quả.

Những tâm được trải nghiệm bởi những người khác nhau.

48. Asekkhānaṁ catucattāḷīsa sekkhānaṁ uddise.

Chapaññās’ āvasesānaṁ, catupañṇāsa sambhavā.

Ayaṁ ettha pugggalabhedo.

Tổng số tâm lộ có thể sanh với bậc Arahatta (Ứng cúng) là 44, với bậc Hữu học là 56 và với phàm phu là 54.

Đây là cách phân tích theo người.

Giải:

Chư Thánh Arahaṃ (Ứng cúng), chỉ đến chư Thánh vô học, nghĩa là ‘những bậc vượt qua sự tu tiến’, đã đoạn trừ tất cả phiền não và do đó không còn dùng bất cứ tâm bất thiện nào. 44 tâm mà những vị ấy có thể dùng là: 18 ahetuka citta (tâm vô nhân) + 8 mahāvipāka citta (tâm đại quả) + 8 mahākiriya citta (tâm đại tố) + 5 rūpāvacarakiriya citta (tâm tố sắc giới) + 4 arūpāvacarakiriya citta (tâm tố vô sắc giới) + 1 arahaṃaphala citta (tâm quả Ứng cúng).

Những tâm này chỉ cho những bậc đắc tất cả 9 thiền đáo đại trong cõi Dục. Với những ai chưa đắc tất cả thiền, số tâm thiền họ có thể dùng là số còn lại sau khi trừ số tâm thiền chưa đắc từ tổng số tâm.

Những phàm phu tái tục với ba nhân có thể đạt được 9 thiền thiện đáo đại bằng cách tu tiến pháp chỉ. Do đó, 54 tâm mà họ có thể dùng là: 12 akusala citta (tâm bất thiện) + 17 ahetuka citta (tâm vô nhân) (trừ hasituppāda – tiếu sinh) + 8 mahākusala citta (tâm đại thiện) + 8 mahāvipākla citta (tâm đại quả) + 5 rūpāvacarakusala citta (tâm thiện sắc giới) + 4 arūpāvacarakusala citta (tâm thiện vô sắc giới).

Lần nữa, với những ai chưa từng đắc thiền, 9 mahaggatakusala citta (tâm thiện đáo đại) phải được trừ ra khỏi tổng số 54.

Bây giờ ‘sekkha’ nghĩa là ‘hữu học’, chỉ cho 4 maggaṭṭha (bậc Thánh đạo) và 3 phalaṭṭha (bậc Thánh quả thấp). Chư Thánh đạo chỉ tồn tại 1 sát-na tâm trong khi những tâm đạo tương ứng đang sanh. Ngay sau những tâm đạo đã diệt, những vị ấy trở thành phalaṭṭha (chư Thánh quả). Ba bậc Thánh quả thấp là Sotāpanna (Thánh Thất lai), Sakadāgāmi (Thánh Nhất lai) và Anāgāmi (Thánh Bất lai).

Sotāpatti-magga (Thánh đạo Thất lai) hoàn toàn đoạn trừ diṭṭhi (tà kiến) và vicikicchā (hoài nghi), 4 diṭṭhigatasampayutta lobhāmūla citta (tâm căn tham tương ưng tà kiến) và vicikicchāsampayutta mohamūla citta (tâm căn si tương ưng hoài nghi) không thể sanh với một bậc Nhập lưu. Trừ 5 tâm này khỏi 54 tâm có thể sanh với một người phàm tam nhân và cộng 1 Sotāpatti-phala citta (tâm quả Thất lai) mà bậc Thất lai có thể hưởng, chúng ta được 50 tâm có thể sanh trong một bậc Nhập lưu (Thất lai). (Dhs. 970)

Lần nữa, nếu chúng ta cộng 4 magga citta (tâm đạo), Anāgāmi phala citta (tâm quả Bất lai) và Sakadāgāmi phala citta (tâm quả Nhất lai) với 50, chúng ta được 56 tâm có thể sanh với chư Thánh hữu học.

Bhūmi bheda (Phân giải về Cõi)

49. Kāmāvacarabhūmiyaṁ pan’ etāni sabbāni pi vīthicittāni yathārahaṁ upalabbhanti.

50. Rūpāvacarabhūmiyaṁ paṭighajavana tadārammaṇa vajjitāni.

51. Arūpāvacarabhūmiyaṁ paṭhamamagga rūpāvacara hasanaheṭṭhimā ruppa vajjitāni ca labbhanti.

Trong Kāmābhūmi (cõi Dục), tất cả vīthicittā (tâm lộ) đã đề cập này sinh khởi tùy theo người.

Trong Rūpābhūmi (cõi Sắc), tất cả vīthicittā (tâm lộ), ngoài dosamūlajavana (đổng lực sân) và tadārammaṇa (na cảnh), sẽ sanh.

Trong Arūpābhūmi (cõi Vô sắc), tất cả vīthicittā (tâm lộ), trừ dosamūlajavana (đổng lực sân) và tadārammaṇa (na cảnh), trừ thêm Sotāpattimagga citta (tâm đạo Thất lai), rūpāvacaracitta (tâm sắc giới), hasituppāda (tiếu sinh) và arūpavacara citta (tâm vô sắc giới thấp), sẽ sanh.

52. Sabbathā pi ca taṁtaṁ pasādarahitānaṁ taṁtaṁ dvārikavīthicittāni na labbhant’ eva.

53. Asaññasattānaṁ pana sabbthā pi cittappavatti n’attha’ ev’ āti.

Trong tất cả cõi, những người không có một vài pasāda (sắc thanh triệt) nào đó, thì những lộ liên kết với các môn tương ứng không sanh. Đối với chư Phạm thiên vô tưởng (người mà chỉ có rūpa-sắc pháp), tất cả dạng lộ không sanh.

54. Asīti vīthicittāni, kāme rūpe yathārahaṁ.

Catusaṭṭhi that’ ārūpe, dvecattāḷīsa labbhare.

Ayaṁ ettha bhūmivibhāgo.

Trong Kāmābhūmi (cõi Dục), tất cả số vīthicittā (tâm lộ) có thể sanh trong những người khác nhau có tổng số 80. Trong cõi Rūpābhūmi (cõi Sắc), 64 vīthicittā (tâm lộ) có thể sanh, trong khi trong Arūpābhūmi (cõi Vô sắc) 42 tâm có thể tham gia trong tiến trình lộ.

Đây là phần giải theo các cõi.

Giải:

80 tâm lộ sanh trong cõi Dục bao gồm tất cả tâm, ngoại trừ 9 mahaggata vipāka citta (tâm quả đáo đại) không bao giờ tham gia trong tiến trình lộ.

Trong cõi Sắc giới, 2 dosamūla citta (tâm căn sân), 8 mahāvipāka citta (tâm đại quả), 2 ghānaviññāṇa (tỷ thức), 2 jivhāviññāṇa (thiệt thức), 2 kāyaviññāṇa (thân thức), tổng cộng 16 tâm, không sanh. Rūpa Brahma (Phạm thiên sắc) không có ghānapasāda (tỷ thanh triệt), 2 jivhāpasāda (thiệt thanh triệt), 2 kāyapasāda (thân thanh triệt) và việc na cảnh. Dosamūla citta (tâm căn sân) làm hoại jhāna (thiền) và có thể đốt cháy chư Rūpa Brahma (Phạm thiên sắc) đến chết. Cho nên trừ 16 tâm này ra khỏi 80 tâm lộ trên, chúng ta có 64 tâm lộ cho cõi Sắc.

Trong cõi Vô sắc, bậc Thánh Sotāpattimagga (đạo Thất lai), 5 rūpāvacarakusala citta (tâm thiện sắc giới), 5 rūpāvacarakiriya citta (tâm tố sắc giới), hasituppāda (tiếu sinh), pañcadvārāvajjana (khai/hướng ngũ môn), 2 cakkhuviññāṇa (nhãn thức), 2 sotaviññāṇa (nhĩ thức), 2 sampaticchana (tiếp thâu), 3 santīraṇa (thẩm tấn), tổng cộng 22 tâm, cũng không sanh. Do đó, số tâm lộ cho cõi Vô sắc là 64-22=42.

___o0o___

12 Hạng Người

Có 4 hạng người puthujjana (phàm) và 8 hạng người Ariya (Thánh).

Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammattha-saṅgaha)  (Chương 1 - 4)

Giải:

‘Puggala’ nghĩa là người hay cá thể.

‘Duggati’ nghĩa là ‘khổ cảnh, khổ thú, cõi Khổ’ và

‘Sugati’ nghĩa là ‘lạc cảnh, nhàn cảnh, thiện thú, cõi Vui’.

Duggati ahetuka puggala (người khổ vô nhân) nghĩa là người tái tục bằng ahetuka akusalavipāka santīraṇa cittaṃ (tâm thẩm tấn quả bất thiện vô nhân) vào cõi Khổ. Những cõi Khổ chỉ cho bàng sanh, a-tu-la, ngạ quỉ và người khổ trong địa ngục.

Sugati ahetuka puggala (người lạc vô nhân) là người tái tục bằng ahetuka kusalavipāka santīraṇa cittaṃ (tâm thẩm tấn quả thiện vô nhân) nương sanh nương ở trong cõi Nhân loại và cõi Catumahārājika deva (Tứ đại thiên vương) bậc thấp. Họ là những người chậm phát triển, đui, điếc, hay câm từ lúc tái tục. (xin tham khảo thêm về ’11 tật của người lạc vô nhân’ trong phần Ghi Chú ở cuối sách, trang 778).

Dvi hetuka puggala (người nhị nhân) chỉ cho người nhân loại và chư thiên, những người tái tục bằng ñāṇavippayutta mahāvipāka citta (tâm đại quả bất tương ưng trí) tức là tâm thiếu trí. Những người này không thể đắc jhāna (thiền) và magga (đạo) trong kiếp sống hiện tại cho dù họ có cố gắng rất nhiều. Tuy nhiên, họ có thể trở thành người tam nhân trong kiếp sống kế tiếp; là quả của sự cố gắng, tinh tấn thiền trong kiếp hiện tại của họ; và đắc jhāna (thiền) và magga (đạo) dễ dàng nếu họ tiếp tục thiền.

Ti hetuka puggala (người tam nhân) chỉ cho người nhân loại và chư thiên tái tục bằng ñāṇasampayutta mahāvipāka citta (tâm đại quả tương ưng trí) tức có trí. Những người này có thể đắc tất cả thiền và tất cả đạo nếu vị ấy nỗ lực tu tiến thiền chỉ và thiền quán minh sát.

4 maggaṭṭha (hạng người đạo) và 4 phalaṭṭha (hạng người quả) là 8 hạng người Ariya (Thánh). Tất cả những hạng người này đều là tihetuka puggala (người tam nhân). Maggaṭṭha (người đạo) chỉ tồn tại 1 sát-na tâm trong lúc những vị ấy chứng ngộ maggañāṇa (đạo tuệ) tương ứng. Ngay sau magga citta (tâm đạo) diệt, phala citta (tâm quả) sanh, những vị ấy trở thành phalaṭṭha (bậc Thánh quả) được gọi là người Thánh Sotāpanna (Thất lai), Sakadāgāmi (Nhất lai), Anāgāmi (Bất lai) và Arahaṃ (Vô sanh).

___o0o___

Kết luận:

55. Icc’evaṁ chadvārikacittappavatti yathāsambhavaṁ bhavaṅgantaritā yāvatāyukam abbocchinnā pavattati.

Như đã nêu, tiến trình lộ tâm nơi 6 môn liên tiếp không ngừng cho đến kiếp sống chót/cuối theo định luật và chỉ tách biệt bằng những tâm bhavaṅga (hữu phần) giữa những lộ tâm.

Iti Abhidhammatthasaṅgahe, Vīthisaṅgahavibhāgo nāma, Catuttho paricchedo.

Như thế, kết thúc chương thứ tư trong “Vô Tỷ Pháp Tập Yếu” với tựa đề “Lộ Trình Tâm Nhiếp”.

Câu hỏi ôn tập:

1. Vīthi (lộ trình) là gì? Sáu loại tâm và 6 loại lộ vīthi (lộ) liên quan đến chúng là gì?

2. Nhân trợ sanh citta vīthi (lộ trình tâm) là gì?

3. Mô tả sự hiện bày của sáu loại cảnh nơi 6 môn. Ba loại cảnh hiện bày ngoài lộ tâm là gì?

4. Citta (tâm) và rūpa (sắc pháp) tồn tại bao lâu? Cường độ của cảnh có thể được xác định ra sao?

5. Vīthi citta (tâm lộ) và vīthi vimutti citta (tâm ngoại lộ) là gì? Những tâm nào tham gia trong tiến trình lộ trong cõi Dục?

6. Khi cảnh sắc với cường độ rất lớn đối chiếu hay dội vào nhãn môn, lộ tâm sẽ sanh là gì? Giải thích.

7. Trình bày tiến trình lộ nhãn môn cảnh lớn và giải thích.

8. Giải thích lộ tâm sanh khi một âm thanh lớn đối chiếu vào nhĩ môn.

9. Khi bạn ngửi mùi nước hoa, loại tiến trình lộ gì sẽ sanh? Giải thích.

10. Khi cảnh sắc với cường độ yếu đối chiếu vào nhãn môn, loại lộ sẽ sanh là gì? Trình bày tiến trình lộ và giải thích những ký tự.

11. Liệt kê những tâm có thể tham gia trong lộ ngũ môn. Những tâm nào tham gia trong lộ ý môn.

12. Khi chúng ta xem phim, chúng ta dường như thấy và nghe cùng lúc. Giải thích lý do tại sao vấn đề này xảy ra.

13. Khi chúng ta nhớ một sự kiện ở quá khứ, loại tiến trình lộ gì xảy ra? Xin giải thích.

14. Sự khác nhau giữa tiến trình quả và tiến trình độc lập trong kāmajavana manodvāra vīthi (lộ ý môn đổng lực dục giới) là gì? Xin giải thích và thí dụ.

15. Giải thích atibhūtārammaṇa manodvāra vīthi (lộ ý môn cảnh rất rõ), số tâm có thể tham gia trong lộ đó.

16. Tiến trình lộ tâm nào sinh khởi khi một thiền sinh đang niệm (1) kasina đất với mắt mở và (2) ấn tướng đạt được với mắt nhắm?

17. Một thiền sinh đang xem lại tợ tướng của đề mục kasina đất, giải thích lộ tâm sanh với vị ấy. (1) trước khi đắc thiền và (2) khi vị ấy đạt đến thiền.

18. Một người sơ cơ đang tu tập đề mục nhập tức xuất tức niệm (anapanasati), giải thích lộ tâm sanh khi vị ấy (1) đạt đến thiền (2) đạt đến thiền sắc giới thứ nhất.

19. Một thiền sinh đắc sơ thiền sắc giới bằng đề mục nhập tức xuất tức niệm (anapanasati) và chú tâm vào patibhāganimitta để đạt đến nhị thiền. Giải thích lộ tâm sanh (1) trước khi đắc nhị thiền và (2) khi vị ấy đạt nhị thiền.

20. Một người đàn ông nhập từ ngũ thiền sắc và chú tâm vào không vô biên xứ. Lộ tâm của vị ấy ra sao (1) trước khi đạt đến thiền và (2) khi đạt đến thiền?

21. Một người thiền trên tâm thiện vô sở hữu xứ. Lộ tâm nào sẽ sanh khi đạt đến kiên cố?

22. Một người thiền bằng tâm vô sở hữu xứ (ākincaññāyatana kusala citta). Lộ tâm gì sẽ sanh khi vị ấy đạt đến kiên cố (appanā).

23. Một thiền sinh duy trì sự chăm chú vào sự đạt được thiền thiện sắc giới thứ ba. Giải thích lộ tâm của vị ấy.

Người và Tâm

Những tâm có thể sanh với những người khác nhau ở những cõi khác nhau được kể ra phía dưới.

Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammattha-saṅgaha)  (Chương 1 - 4)

CHƯƠNG V: VĪTHIMUTTA SAṄGAHA – NGOẠI LỘ NHIẾP

Vīthimuttacitta (Tâm Ngoại Lộ)

Trong chương trước, phận sự của vīthi citta (tâm lộ) đã được trình bày. Nay trong chương này, chúng ta bàn về phận sự của 19 vīthimutta citta (tâm ngoại lộ), tức là những tâm ngoài lộ.

19 vīthimutta citta (tâm ngoại lộ) gồm có: 2 upekkhā santīraṇa citta (tâm thẩm tấn xả thọ), 8 mahā vipāka citta (tâm đại quả) và 9 mahaggata vipāka citta (tâm quả đáo đại).

Những tâm này làm phận sự tâm tái tục để tất cả chúng sanh tái tục vào những cõi tương ứng. Kế đến, những tâm này làm phận sự hữu phần trọn kiếp sống của mỗi chúng sanh và là tâm tử của chúng sanh.

Vì những cõi liên quan đến việc trình bày những phận sự của những vīthimutta citta (tâm ngoại lộ) này, chương này được gọi là Bhūmi (cõi) cũng như Vīthimutta (ngoại lộ).

1. Vīthicittavasen’ evaṁ, pavattiyam udīrito,

Pavattisaṅgaho nāma sandhiyaṁdāni vuccati.

Tâm nhiếp (sự gom hợp những danh pháp khi tâm sinh khởi) đã được trình bày qua tiến trình lộ trong khi đang hiện bày, hiện hữu. Bây giờ sẽ trình bày phần tâm nhiếp (sự gom hợp những danh pháp khi tâm sinh khởi) lúc tái tục.

2. Catasso bhūmiyo, catubbidhā paṭsandhi, cattāri kammāni, catudhā maraṇuppati c’ eti vīthimuttasaṅgahe cattāri catukkāni veditabbāni.

Trong phần nhiếp (gom hợp) những tâm ngoại lộ, 4 nhóm bốn được hiểu như sau:

Catukka (Nhóm bốn)

I/. Bhūmi catukka = nhóm bốn cõi hiện hữu (hay bốn sanh thú).

II/. Paṭisandhi catukka = nhóm bốn dạng tái tục.

III/. Kamma catukka = nhóm bốn loại nghiệp.

IV/. Maranuppatti catukka = nhóm bốn nhân đưa đến tử.

I. Bhūmi Catukka (Nhóm Bốn Cõi Hiện Hữu Hay Bốn Sanh Thú)

Cõi (bhūmi) là nơi mà chúng sanh nương ở, luân chuyển để ‘sống’ và cuối cùng ‘tử’.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Bhavanti sattā etthāti = bhūmi: Nơi mà nương sanh và nương ở, nơi/ chỗ ấy gọi là cõi.

Cõi (bhūmi) có 3 hoặc 4. Còn nói rộng thì có đến 31.

- Cõi phân theo 3 còn gọi là tam giới: Cõi Dục giới (Kāmāvacarabhūmi) có 11, cõi Sắc giới (Rūpāvacarabhūmi) có 16, cõi Vô sắc giới (Arūpāvacarabhūmi) có 4. Cộng lại có 31 cõi.

- Cõi phân theo 4: Cõi Khổ thú (Apāyabhūmi) có 04, cõi Dục lạc hay vui Dục giới (kāmasugatibhūmi) có 07, cõi Sắc giới (Rūpāvacarabhūmi) có 16, cõi Vô sắc giới (Arūpāvacarabhūmi) có 04; cộng lại có 31 cõi.

3. Tattha Apāyabhūmi kāmasugatibhūmi rūpāvacarabhūmi arūpāvacarabhūmi c’eti catasso bhūmiyo nāma.

Trong số này, bốn cõi hiện hữu là:

(A) Apāya bhūmi hay

kāmaduggati bhūmi = cõi Khổ hay cõi khổ Dục giới có 04

(B) Kāmasugati bhūmi = cõi vui Dục giới có 07

(C) Rūpa bhūmi = cõi Sắc có 16

(D) Arūpa bhūmi = cõi Vô sắc có 04

Tổng cộng có 31 cõi.

(A) Apāya bhūmi (Cõi Khổ hay cõi Khổ dục giới) có 4.

4. Tāsu nirayo tiracchānayoni pettivisayo asurakāyo c’ eti Apāyabhūmi catubbidhā hoti.

Trong những cõi này, Apāya bhūmi (cõi Khổ) có bốn:

(i) Niraya (Địa ngục).

(ii) Tiracchāna (Bàng sanh).

(iii) Peta (Ngạ quỉ).

(iv) Asura (A-tu-la).[157]

(kāmaduggati = khổ dục là hưởng cảnh dục lạc nhưng có rất nhiều sự khổ).

Giải:

Từ Apāya theo nghĩa đen là thiếu vắng sự an vui. Đây là tên chung cho những cõi Khổ hiện hữu; mà trong những cõi ấy sự khổ và cảnh khổ lớn vượt trội hơn sự vui. Đây là những cõi/ nơi mà chúng sanh bị tái tục vào do quả của những ác nghiệp.

Apāyabhūmi’ (cõi Khổ) còn được gọi là ‘Kāmaduggatibhūmi’ (cõi Khổ dục giới). Chúng sanh trong những cõi này cũng hưởng những dục lạc, nhưng những sự khổ đầy dẫy với họ. Bốn cõi Khổ cũng thuộc về Kāmaloka (cõi Dục), cũng như bảy cõi vui Dục. Do đó, cõi Dục gồm có 11 cõi.

(1) Niraya (Địa ngục)

Niraya’ hay ‘ni + aya’ theo nghĩa đen là ‘không có sự an vui’. Niraya hay Địa ngục là cõi thấp nhất trong những cõi hiện hữu theo Phật giáo; là cõi có sự khổ khắc nghiệt nhất. Chúng sanh trong địa ngục chịu những quả khổ do ác nghiệp của họ từ lúc bắt đầu những kiếp sống của họ cho đến khi kết thúc không gián đoạn, cho dù đó không phải là vô gián địa ngục. Khi ác nghiệp bị suy kiệt, những chúng sanh này có thể tái tục vào thiện thú do quả của nghiệp thiện (kamma) trong quá khứ của họ.

Có 8 đại địa ngục tồn tại dưới bề mặt quả địa cầu, với cường độ của sự khổ tăng dần. Những địa ngục ấy có tên theo thứ tự khoảng cách từ bề mặt của quả địa cầu là Sañjiva, Kāḷasutta, Saṅghāta, Roruva, Mahāroruva, Tāpana, MahātāpanaĀvīci là địa ngục thấp nhất và khủng khiếp nhất. (Độc giả có thể tham khảo Lược đồ Bhūmi (cõi). Trong lược đồ cũng đề cập khoảng cách giữa những cõi theo đơn vị là Yojana; khoảng 18 dặm (miles)).

Mỗi đại địa ngục có dạng hình vuông, được bao quanh ở mỗi cạnh của 4 cạnh bằng 5 tiểu địa ngục – tức là, đầm phẩn, đồng tro nóng, rừng cây gai, rừng lá dao và sông nóng với cây mây. Cho nên, mỗi đại địa ngục được bao quanh bởi 20 tiểu địa ngục (ussada), tổng số có 160 tiểu địa ngục. (MN.130 - Devadūta sutta)

Pāḷi chú giải Natthi ayo etthāti = Nirayo: Sự an vui không có nơi đây, nên gọi là Địa ngục.

(2) Tiracchāna (Bàng sanh)

‘Tiracchāna’ theo nghĩa đen là ‘dịch chuyển, đi đi lại lại, chuyển động’. Bàng sanh là những chúng sanh di chuyển theo chiều dọc, không thẳng đứng như người nhân loại. Chúng sanh di chuyển theo chiều dọc dài, có số hai chân, có số bốn chân, có số nhiều chân và có số không chân. Một số sống trong nước, một số sống trong đất và một số trong không khí.

Phật giáo xác nhận lĩnh vực bàng sanh là một cõi Khổ, vì sự khổ lớn vượt hơn sự an vui và vì nơ ấy không đáp ứng những điều kiện thích hợp để thực hiện những nghiệp xứng đáng. Người nhân loại phạm vào những ác nghiệp có thể tái tục thành bàng sanh. Với quả của nghiệp thiện đã tích lũy hay nghiệp thiện đã đạt được gần nhất, chúng sanh ấy có thể được tái tục thành người nhân loại, hay thậm chí thành chư thiên trong cõi Trời.

Pāḷi chú giải: Tiro añjantīti = Tiracchānā: Những loại đi lưng nằm ngang, nên gọi là Bàng sanh, tức là phi cầm, tẩu thú, vi trùng v.v….

(3) Peta (Ngạ quỉ)

Từ ‘Peta’ thường được dịch là ‘Ngạ quỉ hay quỉ đói’; chỉ cho hạng chúng sanh bị dày vò bởi sự cực kỳ đói và khát cũng như những nỗi khổ từ sự đói khát mà không thể tìm ra lối thoát. ‘Peta’ (Ngạ quỉ hay quỉ đói) không có thế giới riêng. Họ sống cùng với thế giới nhân loại – trong những ngóc ngách và những góc giữa những ngôi nhà, trong những mộ địa, đầm lầy và rừng rậm, v.v... – nhưng người nhân loại vẫn không thể nhìn thấy họ. Chỉ khi họ tự hiện hay những bậc có thiên nhãn thấy được họ.

Hồn ma, quỉ dữ, yêu quái, v.v... thuộc về hạng ‘Peta’ (Ngạ quỉ hay quỉ đói).

Pāḷi chú giải sukhasamussayato pākaṭṭhaṃ entīti = Peta: Vì xa lìa tất cả sự vui, nên gọi là quỉ khổ hay Ngạ quỉ.

(4) Asura (A-tu-la)

‘Asurakāya = asura + kāya’ theo nghĩa đen là đám ‘Asura’. Từ ‘Asura’ thường được dịch là ‘Titan’ chỉ cho hạng chúng sanh là những quỉ đói to lớn. Chúng có thân rất lớn với cổ rất nhỏ và chịu khổ từ sự đói nhiều hơn ‘Peta’ (Ngạ quỉ hay quỉ đói). Chúng sống xa với người nhân loại, như trong rừng rậm, trên cồn hay bờ đất của những sông lớn và hải ngạn (ven biển). Dù sống gần nước nhưng họ không thể uống nước. Khi họ xuống nước, nước khô cạn và chỉ còn cát nóng. Vài ‘Asura’ không có gì để ăn suốt cả chu kỳ trái đất.

Những ‘Asura’ này khác với ‘Asura’ đấu tranh với chư thiên ở cõi trời Tāvatiṁsā (Đạo lợi) là những vị được gồm trong chư thiên Tāvatiṁsā.

Pāḷi chú giải: Na suranti issariyakīḷādīhi na dibbantīti = Asurā: Những hạng không tiến hóa sáng suốt, chẳng mấy gì tự do, cho nên gọi là A-tu-la.

(B) Kāmasugati bhūmi (Cõi vui Dục giới) có 7.

(Kāmasugati = có rất nhiều cảnh dục lạc) – có 7

5. Manussā cātumahārājikā tāvatiṁsā yāmā tusitā nimmānarati paranimmitavasavattī c’ eti kāmasugati bhūmi sattavidhā hoti.

6. Sā pan’ āyaṁ ekādasavidhā pi kāmāvacarabhūm’icc’eva saṅkhaṁ gacchati.

Cõi Dục giới vui có 7 đó là:

(v) Cõi Nhân loại (Manussā).

(vi) Cõi Tứ đại thiên vương (Cātumahārājikā) hay thần bảo hộ.

(vii) Cõi Tam thập tam thiên (Tāvatiṁsā) hay Đạo lợi thiên

(viii) Cõi Da-ma thiên (Yāmā).

(ix) Cõi Đâu suất thiên (Tusitā) hay vui sướng, thích thú.

(x) Cõi Hóa lạc thiên (Nimmānarati) là cõi trời của chư thiên thường tự hóa ra ngũ dục để hưởng.

(xi) Cõi Tha hóa tự tại thiên (Paranimmitavasavattī) là cõi mà chư thiên ở đây hưởng ngũ dục do vị khác hóa ra.

Giải:

‘Sugati’ được gọi là nhàn cảnh, thiện thú. Do đó, ‘Kāmasugati bhūmi’ là những cõi vui Dục giới; là nơi mà chúng sanh có quả thiện theo nghiệp thiện trổ sanh.

‘Duggati’ nghĩa là khổ cảnh, khổ thú. Do đó Kāmaduggati bhūmi là những cõi Dục giới khổ; là nơi mà chúng sanh có quả khổ theo nghiệp bất thiện trổ sanh.

4 cõi khổ Dục giới và 7 cõi vui Dục giới tạo nên 11 cõi Dục (kāma bhūmi).

(5) Manussā (cõi Nhân loại)

Cõi Nhân loại, cõi Bàng sanh, cõi Ngạ quỉ (Peta) và cõi A-tu-la (Asura) tồn tại trên bề mặt quả địa cầu. Những cõi này không tách biệt, nhưng chúng sanh đi đi lại lại, du hành trong thế giới riêng của họ.

Từ ‘Manussa’ – Nhân loại, theo nghĩa đen là những người có sự nhạy bén hay tâm đã phát triển. Tâm người nhân loại thì rất nhạy bén. Điều này làm cho người nhân loại có khả năng cân nhắc những hành động thiện và bất thiện nhiều hơn so với bất cứ hạng chúng sanh hữu tưởng nào. Người nhân loại có khả năng phát triển những trọng nghiệp thiện đến sự giác ngộ và những trọng nghiệp ác như giết cha, giết mẹ… Cõi Nhân loại là nơi trộn lẫn cả hai đau khổ và an lạc, khổ não và hạnh phúc; nhưng vì nó mang đến cơ hội để đạt đến hạnh phúc cao nhất, nên được xem là một cõi Vui.

Pāḷi chú giải: Mano ussannaṃ etesanti = Manussā: Vì có tâm mở mang và dũng cảm nên gọi là Nhân loại.

(6) Cātumahārājikā (cõi Tứ đại thiên vương) hay thần bảo hộ.

Cātumahārājika’ nghĩa là ‘Tứ đại thiên vương’ hay ‘Bốn vua trời cai quản’.

Cõi Tứ đại thiên vương - cõi trời thấp nhất nơi mà bốn vua trời bảo vệ, cư trú với những tùy tùng của họ. Vài chúng sanh thấp hơn ở cõi này có nơi ngụ trên quả địa cầu.

Cõi trời Tứ đại thiên vương được cho là trên đỉnh của núi Yugandhara, ở tận trong cùng của bảy dãy núi bao quanh núi Meru là núi to lớn hình thành nơi trung tâm của hệ vũ trụ theo vũ trụ học cổ đại. Mặt trời và mặt trăng được cho là di chuyển ở độ cao của núi Yugandhara.

Cõi Tứ đại thiên vương có bốn phần hay khu theo bốn hướng. Mỗi hướng được cai quản bởi vua trời cai quản của chính hướng đó và có một hạng tiểu chư thiên khác ở sống. Ở hướng Tây, vua trời Dhataraṭṭha cai trị Gandhabba (chư Càn-thát-bà), nhạc trời. Ở hướng Nam, vua trời Virūḷhaka cai trị chư thiên Kumbhaṇda, bí mật canh giữ những khu rừng, núi và những châu báu giấu kín. Ở hướng Đông, vua trời Virūpakka cai trị Nāga, những tiểu thần dưới dạng những con rồng. Và ở hướng Bắc, vua trời Vessavaṇa cai trị những Yakkha hay dạ xoa.

Cõi Tứ đại thiên vương được cho là trải dài từ đỉnh núi Yugandhara cho đến bề mặt của trái đất, nơi một số chư thiên thấp đang trú ngụ.

Pāḷi chú giải: Cattāro mahārājāno = catumāhārājāno: Cõi có 4 vị chư thiên rất lớn, nên gọi là Tứ thiên vương.

(7) Tāvatiṁsā (cõi Tam thập tam thiên) hay Đạo lợi thiên

Cõi trời Tāvatiṁsā này được gọi như thế do dựa theo truyền thuyết về một nhóm 33 người đàn ông có tư tưởng cao thượng đã cống hiến cuộc đời của họ vì phúc lợi của các chúng sanh khác; sanh về đây làm vua trời bao gồm Sakka và 32 người trợ giúp. Sakka còn được gọi là Indra; là vua của những vị trời ngụ trong cõi trời này và trú trong lâu đài Vejayantā trong thủ đô vương quốc Sudassana. Vị ấy cai trị hai cõi trời Tāvatiṁsā (Đạo lợi) và Catumahārājika (Tứ đại thiên vương).

Pāḷi chú giải: Tettiṃsājanā nibbattanti etthāti = Tettimsā: Cõi 33 vị sanh lên (làm vua), nên gọi là Đạo-lợi (Tam thập tam thiên) là cõi trời 33 vị vua, tục gọi là cõi Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Yāmā, Tusitā, v.v… mỗi cõi này nằm trong khoảng không phía trên cõi trước đó và trải dài đến bức tường của hệ vũ trụ.

(8) Yāmā (cõi Da-ma thiên)

Cõi trời này nằm trong khoảng không phía trên cõi trước đó và trải dài đến tường của hệ vũ trụ.

Yāmā thiên là cõi của sự vui sướng lớn lao. Cõi này được cai quản bởi vua trời Suyāma hay Yāma.

Pāḷi chú giải: Yāmānaṃ nivāsā = Yāmā: Có sự vui sướng theo tiên, xa lìa khó khăn, nên gọi là Da-ma (Yāmā).

(9) Tusitā (cõi Đâu suất thiên) hay vui sướng, thích thú, thú vị, say mê.

Cõi trời này nằm trong khoảng không phía trên cõi trước đó và trải dài đến tường của hệ vũ trụ.

Cõi trời Tusitā là cõi mà chư Bồ tát vui thích nương trú mỗi khi tái tục vào thiên giới.

Pāḷi chú giải: Tusitānaṃ nivāsā = Tusitā: Nơi chư thiên đều hưởng sự vui mừng tự tài sản điềm lành nên âm là Đâu xuất.

(10) Nimmānarati (cõi Hóa lạc thiên)

Cõi trời này nằm trong khoảng không phía trên cõi trước đó và trải dài đến tường của hệ vũ trụ.

Chư thiên ở cõi trời Hóa lạc có năng lực hóa ra những vật dục để hưởng bằng ý nghĩ theo sự mong muốn của họ.

Pāḷi chú giải Nimmānaratīnaṃ nivāsā = Nimmānaratī: Chư thiên thường tự hóa ra ngũ dục để hưởng, nên gọi là Hóa lạc thiên.

(11) Paranimmitavasavattī (Cõi Tha hóa tự tại thiên)

Cõi trời này nằm trong khoảng không phía trên cõi trước đó và trải dài đến tường của hệ vũ trụ.

Chư thiên ở cõi Tha hóa tự tại không tự tạo những vật dục, nhưng họ điều khiển những người hầu hóa ra những vật dục để họ sử dụng. Māra (Ma vương) nương trú trong cõi trời này.

Pāḷi chú giải: Paranimmitavasavattīnaṃ nivāsā = Paranimmitavasavattī: Cõi mà chư thiên hưởng ngũ dục do vị khác hóa ra, nên gọi là Tha hóa tự tại. Cõi này có 1 vị làm chủ lớn hơn hết, gọi là Ma vương (Māra).

Sáu cõi trời này (từ cõi Tứ thiên vương đến cõi Tha hóa tự tại) là những cõi Vui tạm, nơi chúng sanh hưởng những dục lạc là quả của những nghiệp thiện của họ.

Mười một cõi vừa kể trên, gồm lại gọi là cõi Dục giới (Kāmāvacarabhūmi).

Có Pāḷi chú giải như vầy: Kāmassabhavoti = kāmo: Cõi nào là chỗ sanh phiền não dục và sắc dục, gọi là cõi Dục tức là Dục giới (đa sanh).

Cao hơn những cõi Dục là những cõi Brahma (Phạm thiên), nơi chúng sanh vui thích trong thiền – đạt được niềm vui thích bằng rūpāvacara arūpāvacara – kusala kamma (những nghiệp thiện sắc giới và vô sắc giới).

(C) Rūpa bhūmi hay Rūpaloka (Cõi Sắc), có 16.

7. Brahmapārisajjā Brahmapurohitā Mahābrahmā c’ eti Paṭhamajjhānabhūmi.

8. Parittābhā Appamāṇābhā Ābhassarā c’eti Dutiyajjhānabhūmi.

9. Parittasubhā Appamāṇasubhā Subhakiṇhā c’eti Tatiyajjhānabhūmi.

10. Vehapphalā Āsaññasattā Suddhāvāsā c’ eti Catutthajjhānabhūmī ti Rūpāvacara-bhūmi soḷasavidhā hoti.

11. Avihā Atappā Sudassā Sudassī Akaniṭṭhā c’ eti Sudhāvāsabhūmi pañcavidhā hoti.

Cõi Phạm chúng, cõi Phạm phụ và cõi Đại phạm tạo thành cõi Sơ thiền.

Cõi Thiểu quang, cõi Vô lượng quang và cõi Biến quang tạo nên cõi Nhị thiền.

Cõi Thiểu tịnh, cõi Vô lượng tịnh và cõi Biến tịnh tạo nên cõi Tam thiền.

Cõi Quảng quả, cõi Vô tưởng, cõi Tịnh cư làm nên cõi Tứ thiền.

Do đó, cõi Sắc giới được hình thành từ 16 cõi cả thảy.

Năm cõi Tịnh cư gồm Vô phiền, Vô nhiệt, Thiện kiến, Thiện hiện và Sắc cứu cánh.

Giải:

Cõi Sắc là cõi dành cho những bậc đã tu tập thiền tái tục về. Trong kiếp sống, những vị ấy đã tu tập đạt một trong những bậc thiền sắc và vào lúc tử vẫn có thiền ấy. Về ý nghĩa, họ có khả năng nhập vào thiền, không bị hoại cho đến lơ đễnh và ám ảnh bởi những trạng thái ngăn ngại.

Cõi Sắc được chia thành bốn tầng phù hợp với bốn thiền sắc giới của hệ thống bốn bậc thiền. Trong hệ thống bốn bậc, vitakka (tầm) và vicāra (tứ) cùng lúc bị loại để tiến từ sơ thiền thiện sắc giới (rūpāvacara kusala jhāna) lên nhị thiền thiện sắc giới. Theo hệ thống thiền năm bậc, sự hiện hữu của cõi Nhị thiền tương ứng với nhị tam thiền, cõi Tam thiền tương ứng với tứ thiền và cõi Tứ thiền tương ứng với ngũ thiền.

Mỗi tầng trong bốn tầng của cõi Sắc được chia thành 3 cõi, trừ cõi cuối là cõi Tứ thiền được chia thành 7 cõi. Sự tái tục xảy ra ở những cõi này sẽ được giải thích sau.

Cõi Sắc giới nằm cao hơn những cõi Dục nhiều. Mỗi cõi Sắc sau nằm trên cõi trước nó.

Cõi Sắc là nơi cao hơn nhiều so với những cõi Dục giới, gồm có 3 cõi Sơ thiền, 3 cõi Nhị thiền, 3 cõi Tam thiền, 7 cõi Tứ thiền. Tất cả có 16 cõi.

(i) Ba cõi Sơ thiền:

(12) Brahma parisajjā (cõi Phạm chúng thiên)

Cõi Phạm chúng thiên là nơi trú của chư Phạm thiên tùy tùng.

Pāḷi chú giải: Parisati bhāvā = Parisajjā: Những hạng thường dân, nên gọi là Phạm chúng.[158]

Bậc tu tiến sơ thiền đặng thứ thông thường sanh đến bậc nào? Bậc tu tiến sơ thiền đắc chủng thông thường sanh lên bậc Phạm chúng thiên (Brahmapārisajjā).

(13) Brahma purohitā (cõi Phạm phụ thiên)

Cõi Phạm phụ thiên là nơi trú của chư Phạm thiên phụ trách.

Pāḷi chú giải: Pure ucce ṭhāne ohanti tiṭṭhantīti = Purohitā: Bậc có chức phận cao và phụ trách của đức Đại phạm, nên gọi là Phạm phụ thiên.

Bậc tu tiến sơ thiền đặng chủng trung bình sanh lên bậc nào? Bậc tu tiến sơ thiền đắc chủng trung bình sanh lên cõi Phạm phụ thiên (Brahmapurohita).

(14) Mahā Brahmā (cõi Đại Phạm thiên)

Pāḷi chú giải: Mahanto brahmā = Mahābrahmā: Ngôi Phạm thiên lớn hơn hết, nên gọi là Đại Phạm thiên.

Bậc tu tiến sơ thiền đặng chủng tinh vi sanh lên cõi nào? Bậc tu tiến sơ thiền đắc chủng tinh vi sanh lên cõi Đại Phạm thiên (MahāBrahma).

Ba bậc vừa kể đều ở tầng Sơ thiền thiên.

(ii) Ba cõi Nhị thiền:

(15) Parittābhā (cõi Thiểu quang thiên)[159]

Pāḷi chú giải: Parittā ābhā etesanti = Parittābhā: Phạm thiên có hào quang ít hơn cấp trên, nên gọi là Thiểu quang thiên.

Bậc tu tiến nhị thiền đắc chủng thông thường sanh lên cõi nào? Bậc tu tiến nhị thiền mà đắc chủng thông thường thì sanh lên cõi trời Thiểu quang thiên (Parittābhā).

(16) Appamānābhā (cõi Vô lượng quang thiên)

Pāḷi chú giải: Appamāṇābhānaṃ nibbattāti = Appamāṇābhā: Là Phạm thiên có hào quang không đo lường đặng, nên gọi là Vô lượng quang thiên.

Bậc tu tiến nhị thiền đắc chủng trung bình sanh lên cõi nào? Bậc tu tiến nhị thiền đắc chủng trung bình thì sanh lên cõi trời Vô lượng quang thiên (Appamāṇābhā).

(17) Abhassarā (cõi Biến quang thiên)

Pāḷi chú giải: Ābhāsarā etesanti = Ābhassarā: Hào quang phún ra khắp cả thân mình, nên gọi là Biến quang thiên (Trung Hoa dịch là Quang âm thiên).

Bậc tu tiến nhị thiền đắc chủng tinh vi sanh lên cõi nào? Bậc tu tiến nhị thiền mà đặng chủng tinh vi thì sanh lên cõi trời Quang âm thiên hay Biến quang thiên (Ābhassara).

Ba bậc vừa kể đều ở tầng Nhị thiền thiên.

(iii) Ba cõi Tam thiền

(18) Paritta subhā (cõi Thiểu tịnh thiên)[160]

Pāḷi chú giải: Parittā Subhā etesanti = Parittasubhā: Phạm thiên có hào quang tốt đẹp trong ngần nhưng ít hơn bậc trên, nên gọi Thiểu tịnh thiên.

Bậc tu tiến tam thiền đặng thứ thông thường sanh lên cõi nào? Bậc tu tiến tam thiền đắc chủng thông thường thì sanh lên cõi trời Thiểu tịnh thiên (Parittasubhā).

(19) Appamāṇa subhā (cõi Vô lượng tịnh thiên)

Pāḷi chú giải: Appāmāṇā subhā etesanti = Appamāṇasubhā: Là Phạm thiên có hào quang tốt đẹp, trong ngần không đo lường được nên gọi là Vô lượng tịnh thiên.

Bậc tu tiến tam thiền đắc chủng trung bình sanh lên cõi nào? Bậc tu tiến tam thiền đắc chủng trung bình thì sanh lên cõi trời Vô lượng tịnh thiên (Appamāṇasubhā).

(20) Subha kinhā (cõi Biến tịnh thiên)

Pāḷi chú giải: Subhāhi akiṇṇāti = Subhakiṇhā: Là Phạm thiên có hào quang trong ngần tốt đẹp khắp cả châu thân, nên gọi là Biến tịnh thiên.

Bậc tu tiến tam thiền đặng chủng tinh vi sanh lên cõi nào? Bậc tu tiến tam thiền mà đắc chủng tinh vi thì sanh lên cõi Biến tịnh thiên (Subhakiṅha).

Ba bậc kể trên đều ở tầng Tam thiền thiên.

(iv) Bảy cõi Tứ thiền:

(21) Vehapphala (cõi Quảng quả thiên)

Pāḷi chú giải: Vipulaṃ phalaṃ etesanti = Vehapphalā: Là Phạm thiên mà có quả phước lớn lao rất rộng, nên gọi là Quảng quả thiên.

(22) Asaññā satta (cõi Vô tưởng thiên) – là nơi trú của chư Phạm thiên có rūpa (sắc) mà không có nāma (danh).

Pāḷi chú giải: Natthi saññā etesanti= Asaññā: Là sở hữu tưởng không có với Phạm thiên ấy, nên gọi là Vô tưởng.

Suddhāvāsa cõi Ngũ Tịnh cư – chỉ có bậc Anāgāmi (Bất lai) và Arahat (Ứng cúng) được tìm thấy trong những cõi này

Suddhāvāsa (Ngũ Tịnh cư) có 5 cõi:

(23) Avihā (cõi Vô phiền thiên)

Pāḷi chú giải: Attano sampattiyā na hāyantīti = Avihā: Là những Phạm thiên không bị suy sụp tài sản của mình, nên gọi là Vô phiền thiên.

(24) Atappā (cõi Vô nhiệt thiên)

Pāḷi chú giải: Na tappantīti= Atappā: Là Phạm thiên không có sự phải nóng nảy tâm, nên gọi là Vô nhiệt thiên.

(25) Sudassā (cõi Thiện kiến thiên)

Pāḷi chú giải: Sukhena dissantīti= Sudassā: Là những Phạm thiên mà kẻ khác gặp thấy có sự an vui, nên gọi là Kiến lạc thiên (Trung Hoa dịch là thiện kiến, dịch theo Pāḷi là Thiện lạc).

(26) Sudassī (cõi Thiện hiện thiên)

Pāḷi chú giải: Sukhena passantīti =Sudassī: Là Phạm thiên có thể thấy vạn vật bằng cách dễ dàng, nên gọi là Thiện hiện thiên.

(27) Akaniṭṭha (cõi Sắc cứu cánh thiên)

Pāḷi chú giải: Natthi kaniṭṭho etesanti = Akaniṭṭhā: Là tài sản an vui, những phần nhỏ nhoi không có với Phạm thiên ấy, nên gọi là Sắc cứu cánh thiên (là cõi cao nhất).

Bảy tầng thiền vừa kể, đều ở tầng Sắc giới Tứ thiền thiên. Nhưng 5 tầng thiền nói sau (Vô phiền thiên, Vô nhiệt thiên, Thiện kiến thiên, Thiện hiện thiên và Sắc cứu cánh thiên) đều chỉ có người tam quả, cho nên kể chung lại, gọi là Ngũ Tịnh cư hay là Thánh cư (Suddhāvāsa).

Mười sáu cõi vừa kể trên, gồm lại gọi là cõi Sắc giới (Rūpāvacarabhūmi). Có Pāḷi chú giải như vầy: Rūpassa bhavoti = Rūpaṃ: Cõi nào là chỗ sanh sắc vật chất và sắc phiền não, gọi là cõi Sắc, tức là cõi Sắc giới. Vì trên hơn những cõi hưởng ngũ dục là Dục giới mà chưa đến cõi Vô sắc, nên chỉ gọi là Sắc giới. Trong 16 bậc đã kể, chỉ hoàn toàn là sắc (Rūpa), nên lấy sắc làm tiêu chuẩn.

(D) Arūpa bhūmi hay arūpaloka (Cõi Vô sắc), có 4.

12. Ākāsānañcāyatanabhūmi viññāṇañcāyatanabhūmi Ākiñcaññāyatanabhūmi Nevasaññānāsaññāyatanabhūmi c’ eti Arūpabhūmi catubbidhā hoti.

Cõi Vô sắc được hình thành từ bốn cõi, đó là:

(28) Ākāsānañcāyatana bhūmi (cõi Không vô biên xứ)

Pāḷi chú giải: Ākāsanañcāyatanassa bhūmi = Ākāsānañcāyatana-bhūmi: Là cõi làm vị trí cho tâm thiền không vô biên, nên gọi là cõi Không vô biên xứ (cụm từ vị trí nghĩa là cảnh).

(29) Viññāṇañcāyatana bhūmi (cõi Thức vô biên xứ)

Pāḷi chú giải: Viññāṇañcāyatanassa bhūmi = Viññāṇañcāyatana-bhūmi: Là cõi làm vị trí cho tâm thiền thức vô biên, nên gọi là cõi Thức vô biên xứ.

(30) Ākiñcaññāyatanabhūmi (cõi Vô sở hữu xứ)

Pāḷi chú giải: Ākiñcaññāyatanassa bhūmi = Ākiñcaññāyatana-bhūmi: Là cõi làm vị trí cho tâm thiền vô sở hữu, nên gọi là cõi Vô sở hữu.

(31) N’evasaññā-n’āsaññāyatana bhūmi (cõi Phi tưởng phi phi tưởng xứ)

Pāḷi chú giải: Nevasaññā nāsaññāyatanassa bhūmi = Nevasaññānāsaññāyatanabhūmi: Là cõi làm vị trí cho tâm thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ, nên gọi là cõi Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Bốn cõi vừa kể trên, gồm lại gọi là cõi Vô sắc giới. Có Pāḷi chú giải như vầy: Arūpassa bhavoti =Arūpaṃ: Cõi nào là nơi sanh thứ vô sắc và phiền não vô sắc, nơi đó gọi là cõi Vô sắc (chữ "cõi" nghĩa như chữ "giới").

Người Nương Cõi

13. Puthujjhanā na labbhanti, suddhāvāsesu sabbathā. Sotāpannā ca sakadāgāmino c’ āpi puggalā.

14. Ariyā n’ opalabbhanti, Asaññ’ āpāyabhūmisu.

Sesaṭṭhānesu labbhanti, Ariy’ ānariyā pi ca.

Idaṁ ettha Bhūmicatukkaṁ.

Trong cõi Tịnh cư (Suddhāvāsā) không khi nào có người phàm, người Nhập lưu, hay Nhất lai.

Những người Thánh không được tìm thấy trong cõi Vô tưởng (Asaññā) và những cõi Khổ. Trong những cõi còn lại được tìm thấy cả hai người Thánh và phàm.

Do đó, đây là 4 cõi trong Ngoại lộ nhiếp (Vīthimuttasangaha).

Thông thường, 31 cõi được gom thành 3 bhūmi, đó là Kāmabhūmi (cõi Dục), Rūpabhūmi (cõi Sắc), Arūpabhūmi (cõi Vô sắc). Trong tâm ngoại lộ nhiếp, cõi Dục lại được chia thành Kāmaduggatibhūmi (cõi Khổ dục) và Kāmasugatibhūmi (cõi vui Dục), hay nói cách khác, cõi Khổ và cõi vui Dục. Cho nên có bốn bhūmi (cõi).

Mười hai hạng người đã được đề cập ngay trước phần kết của Chương IV. Nay chúng ta định vị những người này nương ở những cõi thích hợp riêng với họ.

1) Người khổ vô nhân (duggati ahetuka) nương trong 4 cõi Khổ.

2) 11 hạng người (trừ người khổ vô nhân) nương trong cõi Nhân loại và cõi Tứ đại thiên vương (catumahārājika).

3) 10 hạng người [trừ người khổ vô nhân (duggati ahetuka) và người lạc vô nhân (suggati ahetuka)] nương trong 5 cõi Dục giới cao.

4) Người phàm tam nhân (tihetuka puthujjhāna) và 8 hạng người Thánh (Ariya) nương trong 10 cõi Phạm thiên sắc (rūpa Brahma), [trừ người vô tưởng (asaññā satta) và Ngũ Tịnh cư (Subhāvāsa)].

5) Người lạc vô nhân (suggati ahetuka) mà tái tục bằng sắc mạng quyền (jīvita rūpa) chỉ nương trong cõi trời Vô tưởng (Asaññā satta).

6) Người quả Bất lai (Anāgāmiphalaṭṭha), người đạo Ứng cúng (Arahatta maggapuggala) và người quả Ứng cúng (Arahatta phalapuggala) nương trong cõi trời Ngũ Tịnh cư (Suddhāvāsā). Người Bất lai (Anāgāmi) đắc ngũ thiền thiện sắc giới (rūpāvacara kusala jhāna) trong cõi Nhân loại được tái tục về đây sau khi họ mãn kiếp ở cõi Nhân loại. Theo trình tự, họ đạt đến Arahat (Ứng cúng) magga (đạo) và phala (quả) ở những cõi trời Tịnh cư (Subhāvāsa).

7) 7 hạng người Thánh (Ariya) [trừ người đạo Thất lai (Sotāpatti maggapuggala)] và người phàm tam nhân (tihetuka puthujjana) nương trong 4 cõi Vô sắc. Phàm ba nhân đắc thiền thiện vô sắc (arūpāvacara kusala jhāna) sẽ được tái tục trong cõi Vô sắc tương ứng sau khi mãn kiếp nhân loại, nhưng họ không thể tu tiến đến Đạo Thất lai (Sotāpatti magga) trong cõi Vô sắc.

8) Người Thất lai (Sotāpanna) (Nhập lưu), Nhất lai và Bất lai mà đắc thiền thiện vô sắc (arūpāvacara kusala jhāna) ở cõi Nhân loại có thể được tái tục ở cõi Vô sắc như những bậc Thánh. Ở đây, họ có thể đắc những đạo tuệ (maggañāṇa) và quả (phalañāṇa) cao hơn theo trình tự mà không quán minh sát thêm nữa.

Những chúng sanh có mãnh lực của phước báu trợ đưa đến Dục giới và Sắc giới, dù cho đến cõi Phạm thiên cao tột cũng vẫn có thể trở lại cõi Khổ. Những chúng sanh sống lâu đến thế cũng vẫn còn phải tử do hết tuổi thọ, không có cõi nào gọi là trường tồn. Vì thế nên bậc Toàn giác tìm công đức cao siêu rộng rãi mới thuyết để cách ấy. Bởi thế bậc trí là người có tuệ khôn khéo chu đáo nghĩ đến sự thật của điều ấy mới tiến hóa theo đường lối tu tiến, đường lối bậc cao hầu thoát khỏi tử sanh. Đang khi tu tiến theo đường lối thanh tịnh trong sạch dĩ nhiên phải làm cho chúng sanh thấy rõ Níp-bàn thành bậc không còn lậu, bởi nhận rõ tất cả lậu dứt hết; như thế đều sẽ hoàn toàn viên tịch.

Tính tất cả cõi riêng lẻ, chúng ta được 4 cõi Khổ, 7 cõi vui Dục giới, 16 cõi Sắc giới và 4 cõi Vô sắc giới, tất cả thành 31 cõi.

Người Xài Đặng Mấy Tâm

Người khổ xài đặng 37 tâm là: 8 tâm đại thiện và 29 tâm vô tịnh hảo (trừ tâm tiếu sinh).

Người khổ (duggatipuggala) nương sanh nương ở, gọi là cõi Vô lạc hay cõi Khổ (apāyabhūmi) tức là Địa ngục, Bàng sanh, Ngạ quỉ, A-tu-la (Ngạ quỉ hay A-tu-la thuộc về địa ngục). Vì A-tu-la không có phần riêng biệt, những ngạ quỉ và địa ngục hung ác đều gọi là A-tu-la về phần thấp, nên tạm gọi là Địa a-tu-la tức là quỉ dữ. Ba mươi bảy tâm đã kể trong bài đọc học có thể sanh theo cơ tánh của một người khổ nói theo hẹp, tức là Địa ngục, Ngạ quỉ, Bàng sanh, Địa a-tu-la, nói theo rộng.

Lý do? Vì người khổ tái tục do nghiệp bất thiện trợ tạo, cho nên đại quả không thể sanh vào cơ tánh với bậc chẳng phải người tam nhân, nên thiền thiện cho đến đạo quả không sanh. Cũng không phải bậc Tứ quả, nên tâm đổng lực tố không sanh. Còn tâm quả đáo đại để riêng mỗi người tái tục cõi ấy. Hoặc có nghi rằng: Người địa ngục và ngạ quỉ, tâm đại thiện làm sao sanh đặng? Nếu có dịp may gặp trường hợp cảnh trợ, hoặc do suy nghĩ cũng sanh đặng mà rất ít lắm.

Người lạc và nhị nhân xài đặng 41 tâm là: 8 tâm đại thiện, 4 tâm đại quả bất tương ưng và 29 tâm vô tịnh hảo (trừ tâm tiếu sinh).

Người lạc vô nhân (sugati ahetukapuggala) hoặc gọi là người vui vô nhân hữu tưởng, sanh cõi Người, cõi Tứ thiên vương. Người nhị nhân (dvihetukapuggala) sanh trong 7 cõi vui Dục giới (Kāmasugatibhūmi). Hai hạng người vừa nêu trên, đặng tâm nhiều hơn người khổ 4 thứ là 4 đại quả bất tương ưng vì tái tục bằng tâm cao hơn.

Người tam nhân ở cõi Dục giới xài đặng 45 hoặc 54 tâm là: 8 tâm đại thiện, 8 tâm đại quả, hoặc 9 tâm thiện đáo đại và 29 tâm vô tịnh hảo (trừ tâm tiếu sinh).

Người tam nhân (tihetukapuggala) sanh ở 7 cõi vui Dục giới, xài đặng 45 thứ tâm dục giới (trừ đổng lực tố). Nếu đắc thiền, tùy bậc tính thêm.

Mười bậc phàm sắc giới hữu tưởng dùng đặng 39 tâm là: 1 trong 5 tâm quả sắc giới, 8 tâm tham, 2 tâm si, 2 tâm nhãn thức, 2 tâm nhĩ nhức, 3 tâm ý giới, 3 tâm thẩm tấn, khai ý môn, 8 tâm đại thiện, 5 tâm thiện sắc giới, còn 9 tâm thiện đáo đại, tùy bậc đắc thiền tính thêm.

Nên kể luôn 10 bậc phàm Sắc giới hữu tưởng là Phạm chúng, Phạm phụ, Đại phạm, Thiểu quang, Vô lượng quang, Biến quang (Quang âm), Thiểu tịnh, Vô lượng tịnh, Biến tịnh và bậc Quảng quả. Tâm có thể sanh đặng như sau: 1 trong 5 tâm quả sắc giới, 8 tâm tham, 2 tâm si, 2 tâm nhãn thức, 2 tâm nhĩ thức, 2 tâm tiếp thâu, 3 tâm thẩm tấn, 2 tâm khai môn, 8 tâm đại thiện. Còn 9 tâm thiện đáo đại tùy bậc đắc thiền tính thêm.

Lý do không đặng sanh: Vì những bậc Sắc giới và Vô sắc giới do mãnh lực pháp hỷ (pīti) và quả của những nghiệp thiền có ảnh hưởng mạnh, cho nên tâm sân không thể sanh. Còn tỷ, thiệt, thân thức vì thiếu 3 thanh triệt này là thiếu nhân tạo (upattihetu) nên không sanh.

Người tam nhân ở cõi Không vô biên xài đặng 20 hoặc 24 tâm là: 8 tâm tham, 2 tâm si, khai ý môn, 8 tâm đại thiện, tâm quả không vô biên hoặc 4 tâm thiện vô sắc.

Người tam nhân sanh ở cõi Không vô biên xứ tái tục bằng tâm quả không vô biên. Vì chẳng có thân sắc nên những tâm nương vật nhất định không sanh được ở cõi Vô sắc. Do chưa đắc đạo, quả nên còn đủ tham, si. Có lộ tâm phải có khai ý môn. Tâm đại thiện sanh đặng ở cõi hữu tưởng. Còn thiền thiện vô sắc, nếu có đắc thiền nào, thì tính thêm.

Người tam nhân ở cõi Thức vô biên xài đặng 20 hoặc 23 tâm là: 8 tâm tham, 2 tâm si, khai ý môn, 8 tâm đại thiện, tâm quả thức vô biên, hoặc 3 tâm thiện vô sắc (trừ không vô biên).

Người tam nhân ở cõi Vô sở hữu xài đặng 20 hoặc 22 tâm là: 8 tâm tham, 2 tâm si, khai ý môn, 8 tâm đại thiện, tâm quả vô sở hữu, hoặc tâm thiện vô sở hữu và tâm thiện phi tưởng phi phi tưởng.

Người tam nhân ở cõi Phi tưởng phi phi tưởng xài đặng 20 hoặc 21 tâm là: 8 tâm tham, 2 tâm si, tâm khai ý môn, 8 tâm đại thiện, tâm quả phi tưởng phi phi tưởng, hoặc tâm thiện phi tưởng phi phi tưởng.

Mỗi người đạo chỉ đặng 1 cái tâm đạo, tùy theo bậc.

Người đạo chánh thức chỉ ngay 3 tiểu sát-na của một cái tâm đạo sanh mà thôi, nên mỗi người đạo chỉ được 1 thức một cái, tùy theo cõi v.v….

Bậc Sơ, Nhị quả ở cõi Dục giới xài đặng 41 hoặc 50 tâm là: 8 tâm đại thiện, 8 tâm đại quả, tâm sơ hay nhị quả hoặc 9 tâm thiện đáo đại và 24 tâm vô tịnh hảo (trừ tâm tiếu sinh, si hoài nghi và 4 tâm tham tương ưng.)

Người Sơ và Nhị quả sanh ở cõi Dục giới đặng tâm chỉ khác với người tam nhân là thêm 1 cái tâm sơ hoặc nhị quả, tùy bậc thiền và bớt 5 thứ tâm là 4 tâm tham tương ưng và si hoài nghi, còn lại thì như trong bài đọc.

Vì đắc quả nên tính thêm tâm quả, bớt những tâm không còn sanh cho bậc ấy nữa do đã bị sơ, nhị đạo sát trừ tuyệt 5 thứ tâm như trong bài học.

Bậc Tam quả ở cõi Dục giới xài đặng 39 hoặc 48 tâm là: 4 tâm tham bất tương ưng, tâm si điệu cử, 8 tâm đại thiện, 8 tâm đại quả, 1 tâm tam quả hoặc 9 tâm thiện đáo đại và 17 tâm vô nhân (trừ tâm tiếu sinh).

Người Tam quả sanh ở cõi Dục giới chỉ khác với người Sơ, Nhị quả là bớt 2 tâm sân và đổi tâm sơ, nhị thành tâm tam quả, nên ít hơn sơ, nhị quả 2 thứ tâm căn sân, vì đã bị tâm đạo sát trừ tuyệt.

Ba quả hữu học (sekkhā) (Sơ quả, Nhị quả và Tam quả) nương cõi Sắc giới xài đặng 45 thứ tâm là: 4 tâm tham bất tương ưng, tâm si điệu cử[161], 8 tâm đại thiện, 1 trong 5 tâm quả sắc giới, 1 trong 15 tâm quả hữu học, 11 tâm vô nhân (trừ tỷ, thiệt, thân thức và tiếu sinh). Nếu đắc thiền bậc nào thì tính thêm thiện đáo đại bậc ấy.

Bậc Tam quả ở cõi Ngũ Tịnh cư (Suddhāvāsa) xài đặng 35 tâm là: 4 tâm tham bất tương ưng, tâm si điệu cử, 8 tâm đại thiện, tâm quả ngũ thiền sắc giới, 9 tâm thiện đáo đại, tâm tam quả ngũ thiền siêu thế và 11 tâm vô nhân (trừ tỷ, thiệt, thân thức và tâm tiếu sinh).

Bậc Tam quả ở cõi Tịnh cư, tái tục bằng tâm quả ngũ thiền sắc giới. Vì bậc này đã đắc tam quả và có ngũ thiền đời trước, cho nên nhất định sanh cõi Thánh cư. Nếu chẳng thế thì sanh về cõi Sơ thiền hoặc Nhị, Tam thiền. Còn tam quả ở cõi Quảng quả, vì đắc tam quả sau khi sanh về cõi ấy, nên gọi là tam quả ở cõi Quảng quả, vì còn là người Quảng quả do sự sanh trước kia. Bậc Tam quả cõi Sắc giới, nói chung chỉ khác nhau do sự tái tục mà thôi, chớ tâm xài cũng đồng số.

Bậc quả Hữu học ở cõi Không vô biên xài đặng 16 hoặc 20 tâm là: 4 tâm tham bất tương ưng, tâm si điệu cử, tâm khai ý môn, 8 tâm đại thiện, 1 tâm quả hữu học ngũ thiền, tâm quả không vô biên hoặc 4 Tâm thiện vô sắc giới.

Bậc quả hữu học tái tục tâm quả không vô biên, vì không thân nên chỉ dùng đặng những tâm có thể sanh cõi Vô sắc trừ những tâm liên quan đến đạo quả La-hán và 3 đạo thấp không còn sanh nữa với những bậc này.

Bậc quả Hữu học ở cõi Thức vô biên xài đặng 16 hoặc 19 tâm là: 4 tâm tham bất tương ưng, tâm si điệu cử, tâm khai ý môn, 8 tâm đại thiện, 1 tâm quả hữu học ngũ thiền, tâm quả thức vô biên hoặc 3 Tâm thiện vô sắc giới (trừ không vô biên).

Bậc quả Hữu học ở cõi Vô sở hữu xài đặng 16 hoặc 18 tâm là: 4 tâm tham bất tương ưng, tâm si điệu cử, tâm khai ý môn, 8 tâm đại thiện, tâm quả vô sở hữu hoặc tâm thiện vô sở hữu, tâm thiện phi tưởng phi phi tưởng và 1 tâm quả hữu học ngũ thiền.

Bậc quả Hữu học ở cõi Phi tưởng phi phi tưởng xài đặng 17 tâm là: 4 tâm tham bất tương ưng, tâm si điệu cử, tâm khai ý môn, 8 tâm đại thiện, 1 tâm quả hữu học ngũ thiền, tâm quả hoặc tâm thiện phi tưởng phi phi tưởng.

Ba trang kế sau đây, thứ lớp chỉ bớt 2 thêm 1 như cõi Thức vô biên bớt 2 tâm thiện, quả không vô biên, thêm vào tâm quả thức vô biên, như trong văn lục bát nói:

Cõi Vô sắc giới tử luân.

Tái tục đặng tám, thiền từng chẳng lui.

Thiền từng chẳng lui’ có nghĩa là người bậc cao không tái tục bậc thấp được là do tâm bậc thấp không thể sanh cho bậc cao.

Bậc Tứ quả ở cõi Dục giới xài đặng 35 hoặc 44 tâm là: 18 tâm vô nhân, 8 tâm đại quả, 8 tâm đại tố, 1 tâm tứ quả hoặc 9 tâm tố đáo đại (nếu đắc thiền).

Bậc Tứ quả ở cõi Dục giới đã sát trừ hết bất thiện, không còn xài thiện, mà toàn xài tâm tố (hành, hạnh), tâm quả dục giới và 1 tâm tứ quả tự chứng.

Bậc Tứ quả ở cõi Sắc giới xài đặng 31 tâm là: 1 tâm tứ quả, 1 trong 5 tâm quả sắc giới, 8 tâm đại tố hoặc 9 tâm tố đáo đại và 12 tâm vô nhân (trừ tỷ, thiệt, thân thức).

Bậc Tứ quả ở cõi Sắc giới khác hơn ở cõi Dục giới là bớt: Tỷ, thiệt, thân thức, luôn 8 tâm đại quả, mà thêm 1 tâm quả sắc giới và 1 tâm tứ quả có thiền.

Bậc Tứ quả ở cõi Không vô biên xài đặng 11 hoặc 15 tâm là: Tâm khai ý môn, 8 tâm đại tố, tâm quả không vô biên, tâm tứ quả ngũ thiền hoặc 4 tâm tố vô sắc giới.

Bậc Tứ quả ở cõi Không vô biên thì tính thêm 1 tâm tứ quả và tâm tái tục cõi Không vô biên. Bậc này không còn xài đại thiện mà xài đại tố. Còn tâm khai ý môn có, thì tâm đổng lực phải có, hay là có tâm khai ý môn mới có tâm đổng lực. Tâm tố vô sắc, tùy theo đắc thiền mới tính thêm.

(Ba phần sau, bớt quả, tố thiền thấp, chỉ thêm quả tái tục mỗi cõi tương ứng).

Bậc Tứ quả ở cõi Thức vô biên xài đặng 11 hoặc 14 tâm là: Tâm khai ý môn, 8 tâm đại tố, tâm tứ quả ngũ thiền, tâm quả thức vô biên, hoặc 3 tâm tố vô sắc giới (trừ không vô biên).

Bậc Tứ quả ở cõi Vô sở hữu xài đặng 11 hoặc 13 tâm là tâm khai ý môn, 8 tâm đại tố, tâm tứ quả ngũ thiền, tâm quả vô sở hữu hoặc tâm tố vô sở hữu và tâm tố phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Bậc Tứ quả ở cõi Phi tưởng phi phi tưởng xứ xài đặng 11 hoặc 12 tâm là: Tâm khai ý môn, 8 tâm đại tố, tâm tứ quả ngũ thiền, tâm quả phi tưởng phi phi tưởng xứ, hoặc tâm tố phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Tâm Sanh Đặng Với Mấy Hạng Người

Tâm tiếu sinh, tâm đại tố, tâm tố đáo đại và tâm tứ quả sanh đặng với bậc Tứ quả.

Tâm tam quả sanh đặng với bậc Tam quả.

Tâm nhị quả sanh đặng với bậc Nhị quả.

Tâm sơ quả sanh đặng với bậc Sơ quả.

Tâm tứ đạo sanh đặng với bậc Tứ đạo.

Tâm tam đạo sanh đặng với bậc Tam đạo.

Tâm nhị đạo sanh đặng với bậc Nhị đạo.

Tâm sơ đạo sanh đặng với bậc Sơ đạo.

4 tâm tham tương ưng kiến và tâm si hoài nghi sanh đặng với 4 hạng người phàm.

Tâm thiện đáo đại sanh đặng với 4 hạng người là: Phàm tam nhân và 3 quả hữu học.

4 tâm đại quả tương ưng và tâm quả đáo đại sanh đặng với 5 hạng người là: Phàm tam nhân và 4 bậc Thánh quả.

2 tâm sân sanh đặng với 6 hạng người là: 4 người phàm và 2 quả thấp (Sơ quả, Nhị quả).

4 tâm tham bất tương ưng kiến, tâm si điệu cử và tâm đại thiện sanh đặng với 7 hạng người là: 4 hạng người phàm và 3 quả Hữu học.

4 tâm đại quả bất tương ưng sanh đặng với 7 hạng người là: 3 phàm vui và 4 bậc quả.

15 tâm quả vô nhân và 2 tâm khai môn sanh đặng với 8 hạng người là: 4 người phàm và 4 bậc quả.

Trên đây là kể theo 12 hạng người. Còn kể rộng đến 214 hạng người là cộng người ở đặng mấy cõi.

Cõi Đặng Mấy Tâm

Bốn cõi Khổ thú có 37 tâm sanh đặng là: 8 tâm đại thiện và 29 tâm vô tịnh hảo (trừ tiếu sinh).

Nói về 4 cõi Phi lạc (Apāyabhūmi) hay cõi Khổ tức là chốn nương sanh nương ở của người khổ. Người ở những cõi này đặng tâm đồng nhau (theo như cách đọc), vì tâm tiếu sinh chỉ sanh cho bậc Tứ quả mà thôi. Ngoài ra, do người khổ tái tục bằng tâm quả thấp nên không thể xài đặng tâm cao. Tạm dụ như tiền ít mua chẳng đặng đồ tốt, hoặc móc thấp chọc không được trái cao, hay là đồ nhỏ không đựng đặng vật lớn.

Bảy cõi vui Dục giới có 80 hoặc 112 tâm sanh đặng là: 54 tâm dục giới, 18 tâm đổng lực đáo đại và 8 hoặc 40 tâm siêu thế.

Bảy cõi vui Dục giới bao gồm nhiều hạng người, nên chỉ trừ tâm quả đáo đại vì những tâm này tái tục thành người sắc giới và vô sắc giới.

Ba cõi Sơ thiền có 65 hoặc 97 tâm sanh đặng là: 22 tâm vô tịnh hảo (trừ tâm sân, tỷ, thiệt và thân thức), 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo, 18 tâm đổng lực đáo đại, tâm quả sơ thiền, 8 hoặc 40 tâm siêu thế.

Ba cõi Nhị thiền sắc giới có 93 tâm sanh đặng là: 8 tâm tham, 2 tâm si, 2 tâm nhãn thức, 2 tâm nhĩ thức, 3 tâm ý giới, 3 tâm thẩm tấn, tâm khai ý môn, tâm tiếu sinh, 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo, 18 tâm đổng lực đáo đại, tâm quả nhị-tam thiền sắc giới và 35 tâm siêu thế (trừ 4 tâm sơ đạo và tâm tứ quả sơ thiền).

Hay lấy 97 tâm sanh ở cõi Sơ thiền sắc giới bớt 4 Tâm đạo sơ thiền, 1 tâm quả sơ thiền sắc giới và 1 tâm tứ quả sơ thiền, thêm 2 tâm quả nhị và tam thiền sắc giới, nên ít hơn trang trước 4 thứ.

Ba cõi Tam thiền sắc giới có 82 tâm sanh đặng là: 8 tâm tham, 2 tâm si, 2 tâm nhãn thức, 2 tâm nhĩ thức, 3 tâm ý giới, 3 tâm thẩm tấn, tâm khai ý môn, tâm tiếu sinh, 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo, 18 tâm đổng lực đáo đại, tâm quả tứ thiền sắc giới, 8 tâm đạo tứ và ngũ thiền siêu thế, 5 tâm sơ quả, 5 tâm nhị quả, 5 tâm tam quả, 2 tâm tứ quả tứ và ngũ thiền.

Hay lấy 93 tâm sanh ở cõi Nhị thiền sắc giới bớt 8 tâm đạo nhị, tam thiền, 2 tâm quả nhị, tam thiền sắc giới và 2 tâm nhị, tam thiền quả La-hán, thêm 1 tâm quả tứ thiền sắc giới nên số tâm ít hơn 3 cõi Nhị thiền là 11.

Cõi Quảng quả có 77 tâm sanh đặng là: 8 tâm tham, 2 tâm si, 2 tâm nhãn thức, 2 tâm nhĩ thức, 3 tâm ý giới, 3 tâm thẩm tấn, tâm khai ý môn, tâm tiếu sinh, 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo, 18 tâm đổng lực đáo đại, tâm quả ngũ thiền sắc giới, 4 tâm đạo ngũ thiền siêu thế, 5 tâm sơ quả, 5 tâm nhị quả, 5 tâm tam quả và tâm tứ quả ngũ thiền siêu thế.

Hay lấy 82 tâm sanh ở cõi Tam thiền sắc giới bớt Đạo tứ thiền, quả vô sắc và tứ thiền tứ quả, thêm tâm quả ngũ thiền sắc giới, nên ít hơn tâm sanh ở cõi Tam thiền sắc giới 4 thứ.

Cõi Ngũ Tịnh cư có 55 tâm sanh đặng là: 4 tâm tham bất tương ưng, tâm si điệu cử, 12 tâm vô nhân (trừ tâm tỷ, thiệt và thân thức), 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo, 18 tâm đổng lực đáo đại, tâm quả ngũ thiền sắc giới, tâm tam quả ngũ thiền, 2 tâm đạo và quả La-hán ngũ thiền.

Thơ lục bát (đổi quả cho rõ hơn đạo):

“Sơ quả, nhị quả phàm gia.

Đều không sanh đặng đến mà Thánh cư.”

Lý do 3 đôi tỷ, thiệt và thân thức không sanh đặng trong 15 cõi Sắc giới hữu tưởng là vì mãnh lực tâm thiền, tâm thiền quả làm ý môn như cửa nghiêm nhà yên tịnh thời kẻ thô tháo chẳng có dịp đến; cho nên 2 tâm sân không thể sanh cho bậc người tái tục bằng quả tâm thiền. Tâm hữu phần là quả thiền đối với tâm khách quan hay tâm lộ rất chặt chẽ, không chần chờ, nên chẳng có dịp cho tâm na cảnh tức là đại quả chẳng đặng sanh. Còn 4 tâm quả vô sắc chỉ tái tục thành người vô sắc mà thôi. Lý do 3 cõi Nhị thiền bớt số tâm còn ít hơn cõi Sơ thiền là vì nếu người đắc đạo tại cõi Nhị thiền là bậc đã đặng nhị thiền, cho nên nếu đắc đạo thì phải đạo nhị thiền sắp lên. Tứ quả sơ thiền chẳng phải đắc cõi khác mà tái tục lại cõi Nhị thiền. Còn tâm quả sơ thiền không thể tái tục làm người nhị thiền được.

Mấy phần sau bớt cũng lý này.

Cõi Không vô biên xứ có 28 hoặc 43 tâm sanh đặng là: 8 tâm tham, 2 tâm si, tâm khai ý môn, 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo, tâm quả không vô biên, hoặc 8 tâm đổng lực vô sắc giới và 7 tâm ngũ thiền siêu thế (trừ sơ đạo).

Cõi Thức vô biên có 28 hoặc 41 tâm sanh đặng là: 8 tâm tham, 2 tâm si, tâm khai ý môn, 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo, tâm quả thức vô biên hoặc 6 tâm đổng lực vô sắc giới và 7 tâm ngũ thiền siêu thế (trừ tâm đổng lực không vô biên và tâm sơ đạo ngũ thiền).

Cõi Vô sở hữu xứ có 28 hoặc 39 tâm sanh đặng là: 8 tâm tham, 2 tâm si, tâm khai ý môn, 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo, tâm quả vô sở hữu xứ, hoặc 2 tâm đổng lực vô sở hữu xứ, 2 tâm đổng lực phi tưởng phi phi tưởng và 7 tâm ngũ thiền siêu thế (trừ sơ đạo).

Cõi Phi tưởng phi phi tưởng xứ có 28 hoặc 37 tâm sanh đặng là: 8 tâm tham, 2 tâm si, tâm khai ý môn, 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo, tâm quả phi tưởng phi phi tưởng, hoặc tâm đổng lực phi tưởng phi phi tưởng và 7 tâm ngũ thiền siêu thế (trừ tâm sơ đạo).

Cõi Không vô biên xứ chẳng có thân sắc, cho nên những tâm nương vật nhất định đều không sanh đặng ở cõi Vô sắc. Cõi này nhất định chỉ có 1 tâm là tâm quả không vô biên. Còn 42 tâm là 8 tâm tham, 2 tâm si, khai ý môn, 8 đại thiện, 8 đại tố, 8 tâm đổng lực vô sắc, 7 tâm ngũ thiền siêu thế (trừ sơ đạo) sanh cõi này và cõi khác cũng đặng.

Ba phần kế sau đổi tâm tái tục và bớt tâm đổng lực thiền thấp hơn.

Tâm Sanh Đặng Mấy Cõi

- 4 tâm quả vô sắc, mỗi tâm sanh đặng mỗi cõi Vô sắc.

- Tâm quả sơ thiền sắc giới sanh đặng ở 3 cõi Sơ thiền.

- Tâm quả nhị và tam thiền sắc giới sanh đặng ở 3 cõi Nhị thiền.

- Tâm quả tứ thiền sắc giới sanh đặng ở 3 cõi Tam thiền.

- Tâm quả ngũ thiền sắc giới sanh đặng ở 6 cõi là: Cõi Quảng quả và 5 cõi Tịnh cư.

- 8 tâm siêu thế (thiền khô) và 8 tâm đại quả sanh đặng ở 7 cõi vui Dục giới.

- 4 tâm đạo và tâm tứ quả sơ thiền sanh đặng ở 10 cõi là 7 cõi vui Dục giới và 3 cõi Sơ thiền.

- Tâm tỷ, thiệt, thân thức và sân, sanh đặng ở 11 cõi Dục giới.

- 8 tâm đạo nhị-tam-thiền và 2 tâm tứ quả nhị-tam-thiền, sanh đặng ở 13 cõi là: 7 cõi vui Dục giới, 3 cõi Sơ thiền và 3 cõi Nhị thiền.

- 4 tâm đạo tứ thiền và tâm tứ quả tứ thiền, sanh đặng ở 16 cõi là: 7 cõi vui Dục giới, 3 cõi Sơ thiền, 3 cõi Nhị thiền và 3 cõi Tam thiền.

- Tâm sơ đạo ngũ thiền sanh đặng ở 17 cõi là: 7 cõi vui Dục giới và 10 cõi phàm Sắc giới hữu tưởng.

- 5 tâm sơ quả, 5 tâm nhị quả và 2 tâm nhị, tam đạo ngũ-thiền sanh đặng ở 21 cõi phàm Vui hữu tâm.

- 10 tâm đổng lực sắc giới và tâm tiếu sinh sanh đặng ở 22 cõi là: 7 cõi Dục giới và 15 cõi Sắc giới hữu tưởng.

- 2 tâm đổng lực không vô biên sanh đặng ở 23 cõi là: 22 cõi Vui ngũ uẩn và cõi Không vô biên.

- 2 tâm đổng lực thức vô biên sanh đặng ở 24 cõi là: 22 cõi Vui ngũ uẩn, cõi Không vô biên và cõi Thức vô biên.

- 2 tâm đổng lực vô sở hữu xứ sanh đặng ở 25 cõi là: 22 cõi Vui ngũ uẩn, cõi Không vô biên, cõi Thức vô biên và cõi Vô sở hữu xứ.

- 4 tâm tham tương ưng và tâm si hoài nghi sanh đặng ở 25 cõi phàm hữu tâm.

- 2 tâm nhãn thức, 2 tâm nhĩ thức, 3 tâm ý giới, 3 tâm thẩm tấn, sanh đặng ở 26 cõi Ngũ uẩn.

- 8 tâm đại tố, 5 tâm tam quả hữu thiền, 2 tâm đổng lực phi tưởng phi phi tưởng và tâm đạo, quả thứ tư ngũ thiền sanh đặng ở 26 cõi Vui hữu tưởng.

- 4 tâm tham bất tương ưng, tâm si điệu cử, tâm khai ý môn và 8 tâm đại thiện sanh đặng ở 30 cõi (trong 31 cõi trừ cõi Vô tưởng).

- Đạo, quả không thiền (thiền khô) chỉ đắc ở cõi Dục giới.

Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammattha-saṅgaha)  (Chương 1 - 4)

Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammattha-saṅgaha)  (Chương 1 - 4)

Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammattha-saṅgaha)  (Chương 1 - 4)

Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammattha-saṅgaha)  (Chương 1 - 4)

___o0o___

II. Paṭisandhi Catukka (Nhóm Bốn Dạng Tái Tục)

15. Apāyapaṭisandhi Kāmasugati paṭisandhi Rūpāvacarapaṭisandhi

Arūpāvacarapaṭisandhi c’ eti

catubbhidhā paṭisandhi nāma.

Có bốn dạng tái tục, đó là:

(A) Apāya paṭisandhi (tái tục ở cõi khổ Dục giới).

(B) Kāma sugati paṭisandhi (tái tục ở cõi vui Dục giới).

(C) Rūpa paṭisandhi (tái tục ở cõi Sắc giới).

(D) Arūpa paṭisandhi (tái tục ở cõi Vô sắc giới).

(A) Apāya paṭisandhi (Tái tục ở cõi khổ Dục giới)

16. Tattha akusalavipāk’ opekkhāsahagatasantīraṇaṁ Apāyabhūmiyaṁ okkantikkhaṇe paṭisandhi hutvā tato paraṁ bhavaṅgaṁ pariyosāne cavanaṁ hutvā vocchijjati. Ayaṁ ek’ āpāyapaṭisandhi nāma.

Dạng tái tục bằng tâm thẩm tấn câu hành xả quả bất thiện làm tâm tái tục, vào sát-na ấy rơi vào cõi Khổ. Sau đó nó rơi vào hữu phần và cuối cùng, vào lúc cuối của kiếp hiện hữu, nó trở thành tâm tử và cắt đứt kiếp sống. Đây là một tâm tái tục khổ cảnh.

Trong 19 tâm tái tục, tâm thẩm tấn câu hành xả quả bất thiện (akusalavipāka upekkhāsahagata santīraṇaṁ cittaṃ) làm việc như tâm tái tục trong tất cả bốn cõi Khổ. Ngạ quỉ, A-tu-la, Bàng sanh và chúng sanh khổ trong Địa ngục sanh bằng tâm tái tục này là quả của nghiệp bất thiện. Tâm thẩm tấn câu hành xả quả bất thiện (akusalavipāka upekkhāsahagata santīraṇaṁ cittaṃ) làm việc như tâm tái tục, hữu phần và tử trong tất cả người khổ.

(B) Kāma sugati paṭisandhi (Tái tục ở cõi vui Dục giới)

17. Kusalavipāk’ opekkhāsahagata santīraṇaṁ pana Kāmasugatiyaṁ manussānañ c’ eva jaccandhādinaṁ paṭisandhi bhavaṅga cuti vasena pavattati.

18. Mahāvipākāni pana aṭṭha sabbatthā pi Kāmasugatiyaṁ paṭisandhi bhavaṅga cuti vasena pavattanti.

19. Imā nava Kāmasugatipaṭisandhiyo nāma.

20. Sā pan’ āyaṁ dasa vidhā pi kāmāvacarapaṭisandh’ icc’ eva saṅkaṁ gacchati.

Tâm thẩm tấn câu hành xả quả thiện (kusalavipāka upekkhāsahagata santīraṇaṁ cittaṃ) sinh khởi làm tâm tái tục, tâm hữu phần và tâm tử của người nhân loại dị tật trong cõi vui Dục giới như là sanh đui, điếc, v.v… cũng như vài địa Asura, thấp, nhỏ, Asura mắc đọa làm người hộ trì (gìn giữ rừng, núi, cây cối, v.v…).

Tám tâm đại quả (mahāvipākacitta) sinh khởi như tâm tái tục, tâm hữu phần và tâm tử trong tất cả những cõi vui Dục.

Chín loại tái tục này được gọi là tái tục trong những cõi vui Dục.

Tóm lại, mười dạng tái tục vừa nêu trên [(A) (B)] được liệt vào tái tục dục giới (kāmāvacara paṭisandhi).

Giải (A) (B):

Hai tâm thẩm tấn xả thọ (upekkhāsantīraṇa) và 8 tâm đại quả (mahāvipāka citta) làm thành 10 tâm tái tục, tâm hữu phần và tâm tử.

- Hai tâm thẩm tấn xả thọ (upekkhāsantīraṇa) của người nhân loại bậc thấp như là những người mù, điếc, câm, chậm phát triển hay dị tật lúc tái tục và địa Asura mắc đọa như là phi nhân thuộc về cõi Tứ đại thiên vương thấp.

- Tám tâm đại quả (mahāvipāka citta) làm việc tái tục, tâm hữu phần và tử của chúng sanh nhân loại bình thường trong cõi Nhân loại và chư thiên nương trong sáu cõi Dục giới vui. Giữa nhân loại và chư thiên, người nhị nhân (dvīhetuka) tái tục bằng 4 tâm đại quả bất tương ưng trí (mahāvipāka ñāṇavippayutta citta) trong khi người tam nhân (tihetuka) tái tục bằng 4 tâm đại quả tương ưng trí (mahāvipāka ñāṇasampayutta citta).

Tuổi Thọ Trong Cõi Dục

21. Tesu catunnaṁ Apāyānaṁ Manussānaṁ Vinipātikāsurānañ ca āyuppamāṇagaṇanāya niyamo n’ atthi.

22. Catumahārānaṁ pana devānaṁ dibbāni pañcavassasatāni āyuppamāṇaṁ, manussagaṇanāya navutivassasatasahassappamāṇaṁ hoti;

Tato catuggaṇaṁ Tāvatiṁsānaṁ tato catugguṇaṁ yāmānaṁ, tato catugguṇaṁ Tusitānaṁ, tato catugguṇaṁ Nimmānaratīnaṁ, tato catugguṇaṁ Paranimmita-vasavattīnaṁ devānaṁ āyuppamāṇaṁ

23. Navasatañ c’ ekavīsa, vassānaṁ kotiyo tathā,

Vassa satasahassāni, saṭṭhi ca vasavattisu.

Trong số những chúng sanh cõi Dục, người trong bốn cõi Khổ cũng như người nhân loại và Asura mắc đọa xứ có thọ mạng không nhất định.

Lại nữa, thọ mạng của chư thiên Tứ đại thiên vương (Catumahārājika) là 500 năm ở cõi Trời ấy; tính theo cõi Nhân loại là 9,000,000 năm.

Tuổi thọ của chư thiên Đạo lợi (Tāvatimsā) gấp bốn lần chư thiên Tứ đại thiên vương. Tuổi thọ của chư thiên Da-ma (Yāmā) gấp bốn lần chư thiên Đạo lợi. Tuổi thọ của chư thiên Đâu suất (Tusitā) gấp bốn lần chư thiên Da-ma. Tổng số bốn lần đó là tuổi thọ của chư thiên Hóa lạc (Nimmānarati). Lần nữa, bốn lần tổng số ấy là tuổi thọ của chư thiên Tha hóa tự tại (Paranimmitavasavattī).

Trong cõi trời Tha hóa tự tại (Paranimmitavasavattī), tuổi thọ của chư thiên là 9,216,000,000 năm.

Giải:

Trong bốn cõi Khổ, thọ mạng không cố định, nhưng dao động rất lớn, tùy vào mãnh lực của ác nghiệp trợ cho tái tục ở đó. Do đó, trong những địa ngục cũng như trong cõi Peta (Ngạ quỉ) và Asura (A-tu-la), có một số chúng sanh chịu khổ chỉ vài ngày rồi đi tái tục tiếp ở nơi khác, trong khi những chúng sanh khác phải chịu sự đau khổ hàng triệu năm.

Trong thời Đức Phật, vị tu sĩ Tissa sau khi mạng chung tái tục thành con bọ chét 7 ngày trong chiếc y mới do chị của vị ấy dâng, mà vị ấy bị trói buộc, quyến luyến vào lúc lâm chung.

Lại nữa, hoàng hậu Mallikā của đức vua Kosala phải chịu đau khổ trong cõi Địa ngục 7 ngày do nghiệp bất thiện và kế đó bà ấy tái tục trở lại vào cõi Dục giới vui do nghiệp thiện của bà. Mặt khác, Devadatta đã được định trước là phải chịu khổ một a-tăng-kỳ (aeon) trong cõi Khổ vì đã phạm vào trọng ác nghiệp như tạo nên sự chia rẽ trong Tăng chúng.

Trong cõi Nhân loại cũng thế, tuổi thọ có thể dao động từng phút cho đến hơn một trăm năm. Hơn nữa, theo vũ trụ học trong Phật giáo, tuổi thọ trung bình của người nhân loại cũng dao động theo thời gian. Giới hạn tuổi thọ tăng từ 10 năm cho đến vô số tuổi (a-tăng-kỳ - asaṅkheyya)[162] và rồi giảm xuống cho đến 10 năm lần nữa.

Địa chư thiên và Asura bậc thấp thuộc về cõi Tứ đại thiên vương (Catumahārājaka) thấp. Họ cũng không có tuổi thọ cố định.

Tuy nhiên, chư thiên dục và chư Phạm thiên ở những cõi Trời có tuổi thọ cố định. Bộ Phân Tích (Vibhaṅga) nêu rõ rằng một ngày ở cõi trời Tứ đại thiên vương bằng 50 năm ở cõi Nhân loại; ba mươi ngày như thế thành một tháng cõi Trời; mười hai tháng như thế thành một năm ở cõi Trời.

Trong cõi trời Đạo lợi (Tāvatimsā), một ngày cõi Trời bằng 100 năm ở cõi Nhân loại; trong cõi trời Yāmā, 200 năm Nhân loại; và v.v…, nhân đôi trong mỗi cõi Trời cao hơn.

Tuổi thọ trong 6 cõi trời Dục giới

Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammattha-saṅgaha)  (Chương 1 - 4)

(C) Rūpa paṭisandhi (Tái tục ở cõi Sắc giới)

24. Paṭhamajjhānavipākaṁ Paṭhamajjhānabhūmiyaṁ paṭisandhi-bhavaṅga-cutivasana pavattati.

25. Tathā dutiyajjhānavipākaṁ tatiyajjhānavipākañ ca Dutiyajjhānabhūmiyaṁ.

26. Catutthajjhānavipākaṁ Tatiyajjhānabhūmiyaṁ.

27. Pañcamajjhānavipākaṁ Catutthajjhānabhūmiyaṁ

28. Asaññasattānaṁ pana rūpam eva patṭisandhi hoti. Tathā tato paraṁ pavattiyaṁ cavanakāle ca rūpam eva pavattatvā nirujjhati.

Imā cha Rūpāvacarapaṭisandhiyo nāma.

Tâm quả sơ thiền sinh khởi trong cõi Sơ thiền như tâm tái tục, tâm hữu phần, tâm tử.

Tương tự, tâm quả nhị thiền và tâm quả tam thiền sinh khởi trong cõi Nhị thiền như tâm tái tục, tâm hữu phần, tâm tử. Tâm quả tứ thiền trong cõi Tam thiền; tâm quả ngũ thiền trong cõi Tứ thiền.

Nhưng với Chư Phạm thiên vô tưởng sắc tự sanh liên kết tái tục. Tương tự sau đó, trong tiến trình hiện hữu và vào sát-na tử, chỉ có sắc pháp tồn tại và diệt.

Có sáu cách tái tục trong cõi Sắc giới.

5 rūpāvacaravipākacitta + jīvitanavakakalāparūpa-paṭisandhi [(5 tâm quả sắc giới) + tái tục bằng bọn sắc mạng cửu pháp].

Giải:

Lý do về một vài bất đồng trong những tên gọi của những cõi Sắc giới và những tâm tái tục tương ứng là có hai cách tính những thiền sắc (rūpa jhāna).

Với người tuệ chậm, sau khi đắc sơ thiền sắc giới (rūpāvacara jhāna), những vị ấy phải loại (ly) từng chi thiền một để lên từng bậc thiền cao hơn. Do đó, với người này, có năm thiền sắc giới (rūpāvacara jhāna).

Với người tuệ nhanh, sau khi đắc sơ thiền sắc giới (rūpāvacara jhāna), những vị ấy phải lìa (ly) chi thiền tầm (vitakka) và chi thiền tứ (vicāra) cùng lúc để lên thiền thứ hai. Cho nên, nhị thiền của những người tuệ nhanh tương đương với tam thiền của người tuệ chậm, tam thiền của những bậc tuệ nhanh tương đương với tứ thiền của những bậc tuệ chậm và tứ thiền của những bậc tuệ nhanh tương đương với ngũ thiền của những bậc tuệ chậm. Do đó, chỉ có bốn thiền sắc giới (rūpāvacara jhāna) đối với những bậc tuệ nhanh. Phần đông những người tu tiến có thể lìa (ly) tầm (vitakka) và tứ (vicāra) cùng lúc để tiến từ sơ thiền lên nhị thiền. Do đó, cách tính bốn bậc thiền sắc giới (rūpāvacara jhāna) là cách phổ biến hơn và vì vậy những cõi Sắc giới được gọi tên theo cách tính này.

Hai cách tính thiền sắc giới (rūpāvacara jhāna) cùng với những tên gọi của những cõi Sắc được trình bày như sau.

- Brahma parisajjā (cõi Phạm chúng thiên), Brahma purohitā (cõi Phạm phụ thiên) và Mahā Brahmā (cõi Đại Phạm thiên) tạo thành cõi Sơ thiền.

- Parittābhā (cõi Thiểu quang thiên), Appamānābhā (cõi Vô lượng quang thiên), Abhassarā (cõi Biến quang thiên) tạo thành cõi Nhị thiền.

- Paritta subhā (cõi Thiểu tịnh thiên), Appamāna subhā (cõi Vô lượng tịnh thiên), Subha kinhā (cõi Biến tịnh thiên) tạo thành cõi Tam thiền.

- Vehapphala (cõi Quảng quả thiên), Asaññā satta (cõi Vô tưởng thiên) và năm Suddhāvāsa (cõi Ngũ Tịnh cư), bảy cõi này tạo thành cõi Tứ thiền.

[Suddhāvāsa (Ngũ Tịnh cư) gồm có Avihā (cõi Vô phiền thiên), Ātappā (cõi Vô nhiệt thiên), Sudassā (cõi Thiện kiến thiên), Sadassī (cõi Thiện hiện thiên), Akaniṭṭha (cõi Sắc cứu cánh thiên)].

Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammattha-saṅgaha)  (Chương 1 - 4)

Tuổi thọ trong cõi Sắc giới

29. Tesu Brahmapārisajjānaṁ devānaṁ kappassa tatiyo bhāgo āyuppamāṇaṁ.

30. Brahmapurohitānaṁ upaḍḍhakappo.

31. Mahābrahmānaṁ eko kappo.

32. Parittābhānaṁ dve kappāni.

33. Appamāṇābhānaṁ cattarikappāni.

34. Ābhassarānaṁ aṭṭha kappāni.

35. Parittasubhānaṁ soḷasa kappāni.

36. Appamāṇasubhānaṁ dvattiṁsa kappāni.

37. Subhakiṇhānaṁ catusaṭṭhi kappāni.

38. Vehapphalānaṁ Asaññasattānañ ca pañcakappasatāni.

39. Avihānaṁ kappasahassāni.

40. Atappābaṁ dve kappasahassāni.

41. Sudassānaṁ cattāri kappasahassāni.

42. Sudassīnaṁ aṭṭha kappasahassāni.

43. Akaniṭṭhānaṁ soḷasa kappasahassāni āyuppamāṇaṁ.

Trong những cõi này, thọ mạng của chư Phạm chúng thiên là 1/3 đại kiếp; của Phạm phụ thiên là 1/2 đại kiếp; Đại Phạm thiên là 1 đại kiếp;

Thọ mạng của Thiểu quang thiên là 2 đại kiếp; Vô lượng quang thiên là 4 đại kiếp; Biến quang thiên là 8 đại kiếp;

Thọ mạng của Thiểu tịnh thiên là 16 đại kiếp; Vô lượng tịnh thiên là 32 đại kiếp; Biến tịnh thiên là 64 đại kiếp;

Thọ mạng của Quảng quả thiên và Vô tưởng thiên là 500 đại kiếp;

Thọ mạng của Vô phiền thiên là 1000 đại kiếp; Vô nhiệt thiên là 2000 đại kiếp; Thiện kiến thiên là 4000 đại kiếp; Thiện hiện thiên là 8000 đại kiếp; Sắc cứu cánh thiên là 16000 đại kiếp.

Giải:

Trong Kinh Phật giáo có chỉ rõ ba loại kappa (kiếp) – một antarakappa, một āyukappa và một mahākappa.

Một antarakappa là thời kỳ tuổi thọ của người nhân loại (āyukappa) tăng từ 10 tuổi đến tối đa vô số tuổi, rồi giảm trở lại đến 10 tuổi.

Sáu mươi bốn antarakappa bằng một asaṅkheyyakappa (a-tăng-kỳ kiếp) và bốn asaṅkheyyakappa tạo thành một đại kiếp (mahākappa) là tuổi thọ của một chu kỳ thế giới. Thời gian của một đại kiếp được mô tả là dài hơn thời gian cần cho một người làm mòn quả núi đá kim cương mỗi cạnh một yojana (khoảng 8 dặm), dài, cao bằng cách vuốt quả núi một lần mỗi 100 năm bằng một miếng vải lụa. (S. 15:5, 181-2)

Theo những nhà chú giải, ‘kiếp’ chỉ cho cách tính tuổi thọ trong cõi Sơ thiền là asaṅkheyyakappa, trong khi ‘kiếp’ chỉ cho tuổi thọ trong cõi cao hơn là đại kiếp (mahākappa).

(D) Arūpa paṭisandhi (Tái tục ở cõi Vô sắc giới)

44. Paṭhamāruppādivipākāni Paṭhamārupādibhūmīsu yathākkamaṁ patṭisandhi-bhavaṅga-cuti-vasena pavattanti. Imā catasso Arūpapāṭisandhiyo nāma.

Arūpavacara-vipāka-citta (tâm quả vô sắc giới) thứ nhất sinh khởi làm tâm tái tục, tâm hữu phần và tâm tử trong cõi Vô sắc thứ nhất và những arūpavacara-vipāka-citta (tâm quả vô sắc) khác sanh làm cùng phận sự trong từng cõi tương ứng. Có bốn dạng tái tục trong cõi Vô sắc.

Tái tục ở cõi Vô sắc giới = 4 arūpāvacara vipāka citta. (4 tâm quả vô sắc giới).

Giải:

Ākāsānañcāyatana vipāka citta (tâm quả không vô biên xứ) khi sinh khởi làm việc tái tục, hữu phần và tử trong Ākāsānañcāyatana bhūmi (cõi trời Không vô biên xứ).

Viññāṇañcāyatana vipāka citta (tâm quả thức vô biên xứ) khi sinh khởi làm việc tái tục, hữu phần và tử trong Viññāṇañcāyatana bhūmi (cõi trời Thức vô biên xứ).

Ākiñcaññāyatana vipāka citta (tâm quả vô sở hữu xứ) khi sinh khởi làm việc tái tục, hữu phần và tử trong Ākiñcaññāyatana bhūmi (cõi trời Vô sở hữu xứ).

N’evasaññā-n’āsaññāyatana vipāka citta (tâm quả phi tưởng phi phi tưởng xứ) khi sinh khởi làm việc tái tục, hữu phần và tử trong N’evasaññā-n’āsaññāyatana bhūmi (cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ).

Lưu ý:

(i) Một loại tái tục ở cõi khổ Dục giới (Apāya paṭisandhi), một loại tái tục ở cõi vui Dục giới vô nhân (Kāma sugati ahetuka paṭisandhi) và 8 loại tái tục vui Dục giới hữu nhân (Kāmasugati sahetuka paṭisandhi) tất cả có 10 loại tái tục ở cõi Dục.

(ii) Tái tục bằng 5 tâm quả sắc giới (rūpāvacaravipāka citta) và bằng bọn sắc mạng chín pháp (jīvitanavakakalāpa rūpa paṭisandhi), tất cả có 6 loại tái tục ở cõi Sắc.

(iii) Mười loại tái tục ở cõi Dục (Kāma paṭisandhi), 6 tái tục Sắc (Rūpa paṭisandhi) và 4 tái tục Vô sắc (Arūpa paṭisandhi) tất cả có 20 loại tái tục.

Số loại tái tục vượt qua số tâm tái tục là một, bởi vì có một loại tái tục bằng sắc (rūpa paṭisandhi).

Tuổi Thọ Ở Cõi Vô Sắc

45. Tesu pana ākāsānañcāyatanūpagānaṁ devānaṁ vīsatikappasahassāni āyuppamāṇaṁ.

46. Viññāṇañcāyatanūpagānaṁ devānaṁ cattālīsakappasahassāni.

47. Ākiñcaññayatanūpagānaṁ devānaṁ saṭṭhikappasahassāni.

48. Nevasaññānāsaññayatanūpagānaṁ devānaṁ caturāsītikappasahassāni āyuppamāṇaṁ.

Hơn nữa, giữa những chư Phạm thiên vô sắc, tuổi thọ của chư Phạm thiên sanh về Ākāsānañcāyatana bhūmi (cõi trời Không vô biên xứ) là 20,000 đại kiếp; của chư Phạm thiên sanh về Viññāṇañcāyatana bhūmi (cõi trời Thức vô biên xứ) là 40,000 đại kiếp; của chư Phạm thiên sanh về Ākiñcaññāyatana bhūmi (cõi trời Vô sở hữu xứ) là 60,000 đại kiếp; của chư Phạm thiên sanh về N’evasaññā-n’āsaññāyatana bhūmi (cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ) là 84,000 đại kiếp.

Những Tâm Giống Nhau Trong Một Kiếp Hiện Hữu

49. Paṭisandhi bhavaṅga ca tathācavanamānasaṁ.

Ekam eva that’ ev’eka-visayañ c’ekajātiyaṁ.

Idaṁ ettha Patisandhicatukkaṁ.

Trong một kiếp hiện hữu, tâm tái tục, tâm hữu phần và tâm tử thì giống nhau và chúng có cùng một cảnh.

Ở đây, có bốn dạng tái tục.

Giải:

Kiếp sống của một chúng sanh hữu tưởng bắt đầu bằng tâm tái tục (paṭisandhi citta). Sau khi tâm này diệt, tâm hữu phần (bhavaṅga citta) sanh và diệt liên tục cho đến khi tâm hữu phần làm việc tử (cuti).

Tâm hữu phần (bhavaṅga citta) cuối cùng được gọi là tâm tử (cuti citta), vì tâm này làm việc tử.

Đối với một chúng sanh hữu tưởng, ba tâm, đó là tâm tái tục (paṭisandhi citta), tâm hữu phần (bhavaṅga citta) và tâm tử (cuti citta) thì giống nhau khi sanh (jāti), cùng sở hữu tâm (cetasika) phối hợp và bắt cùng một cảnh.

Đối với người nhân loại thông thường, một trong tám tâm đại quả (mahāvipāka citta) làm việc như tâm tái tục (paṭisandhi citta), tâm hữu phần (bhavaṅga citta) và tâm tử (cuti citta). Ba thứ tâm này đều giống nhau trong một chúng sanh vì chúng là quả của cùng nghiệp (kamma) phối hợp với một tâm đại thiện (mahākusala citta). Nếu tâm này là tâm đại thiện câu hành hỷ tương ưng trí vô dẫn (somanassa-sahagataṁ ñāṇasampayuttaṁ asaṅkhārika mahākusala cittaṃ), thì tâm đại quả câu hành hỷ tương ưng trí vô dẫn (somanassa-sahagataṁ ñāṇasampayuttaṁ asaṅkhārika mahāvipāka cittaṃ) sẽ làm việc như tâm tái tục (paṭisandhi citta), tâm hữu phần (bhavaṅga citta) và tâm tử (cuti citta).

Cảnh mà những tâm này bắt là cảnh cận tử (maranāsanna nimitta) xuất hiện ngay trước khi tử trong kiếp sống kế trước của người ấy. Cảnh cận tử này xuất hiện dưới dạng cảnh ‘nghiệp’ (kamma), cảnh ‘điềm nghiệp’ (kamma nimitta), cảnh ‘điềm sinh’ (gati nimitta). Nếu tâm tái tục lấy điềm nghiệp làm cảnh, thì tâm hữu phần và tâm tử sẽ cũng lấy điềm nghiệp làm cảnh.

Tứ Sanh

1) Aṇḍaja paṭisandhi = noãn sanh – sanh trong trứng.

2) Jalābuja paṭisandhi = thai sanh – sanh trong tử cung.

3) Saṃsedaja paṭisandhi = thấp sanh – sanh trong nơi trũng của một hốc cây, trong 1 trái cây, trong hoa hay trong đầm lầy.

4) Opapātika paṭisandhi = hóa sanh – tái tục dưới dạng một người hoàn toàn trưởng thành khoảng 16 tuổi như nhảy ra từ hư không.

Lưu ý: Noãn sanh (aṇḍaja paṭisandhi) và thai sanh (jalābuja paṭisandhi) đều gọi chung là phúc sanh (gabbhaseyaka paṭisandhi).

Ứng dụng:

1) Người khổ trong Địa ngục chỉ tái tục theo dạng hóa sanh (opapātika paṭisandhi).

2) Ngạ quỉ (Peta) và Atula (Asura) tái tục theo dạng thai sanh (jalābuja paṭisandhi) hay hóa sanh (opapātika paṭisandhi).

3) Bàng sanh tái tục theo cả bốn dạng sanh.

4) Người nhân loại ban đầu tái tục theo dạng hóa sanh (opapātika paṭisandhi) lúc khởi thế và sau theo dạng thai sanh (jalābuja paṭisandhi) hay thấp sanh (saṃsedaja paṭisandhi).

5) Địa Atula tái tục theo dạng thai sanh (jalābuja paṭisandhi) hay hóa sanh (opapātika paṭisandhi).

6) Chư thiên dục giới hay chư Phạm thiên chỉ tái tục theo dạng hóa sanh (opapātika paṭisandhi).

Sự Tiêu Hoại Của Thế Giới

Theo Phật pháp, có vô số thế giới và không có thế giới nào là thường tồn, vĩnh cửu. Quả địa cầu của chúng ta sẽ đi đến ngày hoại diệt. Đây có phần tương quan đến sự quan sát qua kính viễn vọng về những hành tinh già đang bị đốt cháy và những hành tinh mới đang được hình thành.

Thế giới sẽ bị hoại diệt do lửa, nước hay gió. Khi bị hoại do lửa, tất cả thế giới lên đến 3 cõi Sơ thiền sẽ bị thiêu đốt. Sau khi bị hoại diệt bảy lần liên tiếp do lửa, vào lần thứ tám tất cả thế giới cho đến 3 cõi Nhị thiền sẽ bị hoại diệt do nước.

Sau khi bị hoại trong chu kỳ bình thường 7 lần do lửa và 1 lần do nước, tất cả thế giới lên đến ba cõi Tam thiền sẽ bị hoại do gió vào lần thứ 64.

Thông thường, chư thiên hộ trì thế giới (lokapāla deva) báo trước cho người nhân loại về sự hoại của thế giới sắp đến, đặng người nhân loại không sợ hãi, thực hành theo nghiệp thiện và hành pháp chỉ (samatha) đạt đến thiền cao hơn để sanh về cõi Trời cao hơn hầu thoát khỏi tai ương.

___o0o___

III. Kamma Catuka (Nhóm Bốn Loại Nghiệp)

Kamma, Sanskrit Karma, theo nghĩa đen là hành động hay nghiệp. Là một định luật về nghiệp, những nghiệp thiện mang lại những quả vui và những nghiệp bất thiện mang lại những quả khổ.

Hành động hiện tại có thể được thực hiện bằng thân (kāya), bằng khẩu (vacī), hay bằng ý (mano). Nhưng thân và khẩu không thể tự hành; chúng phải hành theo tâm (citta) qua những bọn sắc tâm (cittaja rūpa).

Và nữa, tâm (citta) chỉ là trạng thái biết cảnh. Nó không ra lệnh hay chỉ đạo thực hiện một hành động theo cách riêng của nó, mà do ‘tư’ (cetanā) là pháp dẫn dắt, chỉ đạo tâm (citta) và những pháp câu sanh với nó thực hiện hành động. Do đó, ‘tư’ (cetanā) chính là pháp chịu trách nhiệm về việc thực hiện một hành động hay tạo ra nghiệp.

Do đó, nói một cách nghiêm túc, kamma nghĩa là tất cả ‘tư’ (cetanā) thiện và bất thiện. ‘Tư’ (cetanā) cùng sanh với căn hay nhân là si (moha) hay nhân vô minh, tham hay luyến ái (lobha) hoặc sân (dosa) là ác là ‘tư’ bất thiện. Còn tư (cetanā) cùng sanh với vô tham (alobha), vô sân (adosa) và trí (paññā) là ‘tư’ thiện.

Nói cách khác, ‘tư’ (cetanā) hiện diện trong 12 tâm bất thiện (akusala citta) là bất thiện ‘nghiệp’ (kamma); trong khi ‘tư’ (cetanā) hiện diện trong 8 tâm thiện (kusala citta), 5 tâm thiện sắc giới (rūpāvacara kusala citta) và 4 tâm thiện vô sắc giới (arūpāvacara kusala citta) là thiện ‘nghiệp’ (kamma).

Nay ‘tư’ (cetanā) và pháp câu sanh [tức là tâm (citta) và sở hữu tâm (cetasika) ngoại trừ ‘tư’ (cetanā)] diệt sau khi thực hiện những mục đích tương ứng của chúng. Nhưng trước khi chúng diệt, chúng để lại tính chất hay đặc tính (property) của nghiệp (kamma) trong dòng tâm thức. Đặc tính nghiệp này là một nghiệp (kamma) tiềm tàng, là pháp sẽ trợ sanh quả (phần quả tiềm tàng) khi đủ duyên hay điều kiện. Pháp quả sẽ tác động vào ngay chính pháp tạo ra nó.

Tương tự với định luật chuyển động thứ ba trong vật lý của Newton có nêu: “Trong mỗi hành động, có một đồng lực tương tác và đối lập”[163], một người thực hiện một nghiệp thiện hay bất thiện, nên tin chắc rằng một lực đối lập có cùng độ lớn sẽ phản ứng ngược lại (nghiệp quả) hoặc trong kiếp này hay trong một vài kiếp ở vị lai.

Phản ứng ngược ấy có thể đến nhiều lần như là nghiệp (kamma) được nhân lên hơn một tỷ lần do tính chất của tâm (citta). Bằng cách nào? Như đã đề cập ở trước đây, tâm (citta) có thể sinh khởi với tỷ lệ hơn một ngàn tỷ lần trên một cái nháy mắt. Nhiều tỷ tâm câu hành với ‘tư’ (cetanā) trong việc giết một con muỗi sẽ sanh trong lúc đập muỗi. Nhiều tỷ tâm này cùng với ‘tư’ (cetanā) trong việc sát sanh ấy sẽ kí thác[164] nhiều tỷ nghiệp (kamma) nhân trong dòng tâm thức.

Như một hạt cải làm phát sanh một cây cải mới cùng loại, rồi cây ấy lại tạo ra hạt, cũng thế, một nghiệp nhân sẽ trợ cho một chúng sanh mới sanh trong một cõi tương ứng. Một nghiệp bất thiện sẽ trợ cho tái tục về cõi Khổ, trong khi một nghiệp thiện sẽ trợ cho tái tục vào cõi Vui.

Cũng như nhiều tỷ nghiệp (kamma) bất thiện được trợ sanh trong một hành động như sát hại một con muỗi; cũng vậy, nhiều tỷ nghiệp (kamma) thiện được trợ sanh trong việc thực hiện một việc thiện như là xả thí (dāna).

Vì thế, số nghiệp (kamma) thiện cũng như bất thiện đã tích góp trong kiếp này cũng như trong vô lượng kiếp quá khứ là vô số đến máy siêu vi tính cũng không thể kham nổi. Chưa hết, tất cả những nghiệp này đeo bám trong dòng tâm thức của mỗi chúng sanh, dù chúng sanh ấy có tái tục vào bất cứ nơi đâu trong kiếp sống mới.

Cũng như mỗi vật đều đồng hành với bóng của nó, cũng thế, mỗi nghiệp (kamma) đều đồng hành với phần ảnh hưởng (quả tiềm tàng) của nó. Nghiệp (kamma) là hành động và quả (vipāka) là ảnh hưởng của hành động. Đó là nhân và quả. Giống như cây là nghiệp (kamma), trái là quả (vipāka). Như chúng ta gieo, chúng ta gặt hoặc trong kiếp này hay trong một kiếp vị lai. Những gì chúng ta gặt hái hôm nay là những gì chúng ta từng gieo trong hiện tại hay trong quá khứ.

Nghiệp là một định luật trong chính nó và nó hoạt động trong phạm vi của chính nó mà không bị bất cứ sự can thiệp của một ngoại lực chi phối nào. Nghiệp vốn có tiềm năng trợ sanh phần ảnh hưởng (quả tiềm tàng). Kamma là nhân, vipāka là quả. Nhân trợ sanh ra quả, quả giải về nhân. Định luật nhân và quả thống trị mọi nơi.

Mặc dù chúng ta không thể biết nghiệp riêng của mỗi chúng sanh, nhưng chúng ta có thể sắp xếp nghiệp thành vài loại như Đức Phật đã mô tả và tiên đoán khi nào, ở đâu và như thế nào mỗi loại sẽ tạo ra quả của nó.

(A) Kiccakamma catukka (Nhóm bốn nghiệp nói theo phận sự)

50. Janakaṁ upatthambakaṁ upapīḷakaṁ upaghātakañ c’ eti kiccavasena.

Về phận sự, nghiệp có bốn loại, đó là:

(i) Janaka kamma = nghiệp sản sanh (sanh nghiệp).

(ii) Upatthambhaka kamma = nghiệp hộ trợ (trợ nghiệp).

(iii) Upapīḷaka kamma = nghiệp ngăn trở (chướng nghiệp).

(iv) Upaghātaka kamma = nghiệp phá hủy hay hoại diệt (đoạn nghiệp).

Giải:

Tựa đề của phần này, kammacatuka, nghĩa là nhóm bốn loại nghiệp. Thật ra phần này giới thiệu 4 nhóm bốn loại nghiệp. Tất cả có mười sáu loại nghiệp, có được do áp dụng theo bốn cách phân tích khác nhau.

Vậy, kamma là gì? Kamma theo nghĩa đen là hành động hay hành vi. Theo Phật giáo, kamma chỉ cho “tư” là sự cố quyết. Theo quan điểm chuyên môn, kamma có nghĩa là tư” thiện hay tư” bất thiện. Tư” là nhân tố chịu trách nhiệm cho hành động.

“Tư” (sự cố quyết) chỉ cho cetanā – là 1 cetasika (sở hữu tâm) phối hợp với tất cả tâm. Cetanā (tư) sắp đặt mục đích thực hiện một hành động. Cetanā (tư) khích động, thôi thúc và thúc giục citta (tâm) và những cetasika (sở hữu tâm) đang cùng phối hợp với nó để hoàn thành sự cố quyết hành động. Tư sắp xếp thực hiện sự phối hợp của nó để hoàn thành hành động.

Cetanā (tư) hành động theo những pháp câu sanh với nó, đóng vai trò bắt cảnh và làm cho hoàn thành nhiệm vụ; do đó, nó cố quyết hành động.

Do đó, Đức Phật tuyên bố: “Này chư Bhikkhu, Cetanā (tư), ta gọi là kamma (nghiệp), có sự cố quyết, mà chúng sanh thực hiện hành động qua thân, khẩu, ý.” (A. 6:63/iii/ 415)

Bây giờ, vì hơn một ngàn tỷ citta (tâm) có thể sanh và diệt trong một cái nhấp nháy, nhiều tỷ citta (tâm) sẽ sanh và diệt trong một hành động. Nhiều tỷ cetanā (tư) sanh cùng với những tâm này thực hiện hành động; cho nên chúng (tư - cetanā) là tác nhân thật sự thực hiện hành động. Chúng được Đức Phật gọi là sahajāta kamma (câu sanh nghiệp). Kamma (nghiệp) này có thể được xem như nghiệp trực tiếp là nhân đưa đến những hành động, hay hành động là quả của nghiệp. Hành động này bây giờ trở thành nhân và nó sẽ trợ cho quả sanh lần nữa. Quả này kế đó sẽ trở thành nhân trợ cho quả sau của nó nữa. Nó tợ như ném một viên đá vào hồ là nơi mà chúng ta thấy những gợn sóng tròn liên tục đi ra. Nghiệp này và quả của nó có thể được quan sát tổng quát bởi người vì ‘hành động thiện trợ cho quả thiện sanh và hành động bất thiện trợ cho quả bất thiện sanh’.

Nhưng ở khía cạnh sâu sắc hơn về nghiệp là tiềm lực to lớn trong việc chịu quả trong nhiều kiếp sống tiếp theo sau. Những quả này được trợ bởi tiềm lực của nānakkhaṇika kamma (dị thời nghiệp) hình thành trong khi hành động. Nhiều tỷ cetanā (tư) thực hiện hành động rồi diệt ngay sau khi chúng sinh khởi. Nhưng chúng để lại tiềm lực kamma (nghiệp) trong dòng chảy của danh pháp trước khi chúng diệt. Đây giống như việc bảo tồn năng lượng sau khi hành động được hoàn thành, như trong khoa học theo định luật bảo tồn năng lượng có nêu: “Năng lượng không thể tạo hay phá hủy”, chúng ta có thể dùng năng lượng để làm việc, nhưng năng lượng đó sẽ tiếp tục tồn tại dưới dạng khác.

Do đó, nhiều tỷ hạt giống của kamma (nghiệp) sẽ được gieo trong dòng danh pháp trong một hành động. Chúng được truyền từ một tâm này sang một tâm khác xuyên suốt kiếp sống của một chúng sanh và chúng sẽ được tiếp tục bằng dòng danh pháp đến kiếp sống vị lai khi dòng danh pháp vẫn chưa bị cắt đứt sau thời tử.

Do đó, nhiều tỷ tỷ tiềm lực nghiệp từ vô số kiếp sống quá khứ cũng như nhiều tỷ tiềm lực nghiệp được trợ sanh trong kiếp sống hiện tại sẽ được tích lũy trong dòng danh pháp. Người ta không thể tiên đoán khi nào thì một trong những nghiệp này sẽ gặp đúng duyên để cho quả.

Định luật của nghiệp (kammaniyāma) hoạt động độc lập trong lĩnh vực của nó và tự tồn tại trong cách hoạt động của nó. Chắc chắn rằng tiềm lực nghiệp trợ sanh quả phù hợp với phẩm chất giới đức của nhân chỉ khi chắc chắn là những hạt giống cho quả phù hợp với chủng loại của nó. Quả trực tiếp của kamma (nghiệp) là những vipāka citta (tâm quả), cetasika (sở hữu tâm) phối hợp với chúng và kammaja rūpa (sắc do nghiệp trợ tạo), cùng tạo thành năm uẩn hiện hữu.

Cũng như hạt giống được bảo quản tốt, khi gieo trong một mảnh đất đã được tưới tốt sẽ làm cho nảy mầm, tương tự, nghiệp thiện hay nghiệp bất thiện, với sự trợ giúp của avijjā (vô minh) và taṇhā (ái) sẽ làm cho phát sanh một mầm mới dưới dạng năm uẩn hiện hữu.

Những tiềm lực nghiệp khác nhau có những mãnh lực khác nhau. Đức Phật phân chúng thành bốn nhóm theo phận sự của chúng.

(i) Janaka kamma - nghiệp sản sanh (sanh nghiệp)

Nghiệp sản sanh là nghiệp trợ cho danh uẩn [vipāka citta (tâm quả) và những cetasika (sở hữu tâm)] và sắc uẩn [kammaja rūpa (sắc do nghiệp trợ tạo)] sanh vào sát-na tái tục cũng như suốt kiếp sống của một chúng sanh.

Chỉ một kamma (nghiệp) giành được vị trí trong suốt quá trình có thể đóng vai trò là một nghiệp sản sanh và làm phận sự trợ sanh tâm tái tục, hữu phần và cuối cùng là tâm tử cùng với sắc nghiệp xuyên suốt một kiếp sống.

(ii) Upatthambhaka kamma - nghiệp hộ trợ (tr nghiệp)

Nghiệp này không đủ mạnh để trợ cho sanh một kiếp sống mới, nhưng nó ủng hộ, nâng đỡ cho nghiệp sản sanh (janaka kamma) hoặc tác động cho sanh quả vui hay khổ suốt một thời gian dài, hoặc bằng cách tăng cường tính liên tục của những uẩn bị trợ sanh do nghiệp sản sanh (janaka kamma).

Ví dụ, thông qua nghiệp sản sanh phận sự của một nghiệp thiện trợ cho chúng sanh được tái tục làm người nhân loại, nghiệp hộ trợ có thể góp phần kéo dài thọ mạng của chúng sanh và đảm bảo rằng chúng sanh ấy được khỏe mạnh và đầy đủ về nhu cầu của cuộc sống.

Khi một chúng sanh tái sanh là một bàng sanh do mãnh lực của nghiệp sản sanh bất thiện, nghiệp hộ trợ có thể làm tăng quả khổ do nghiệp sản sanh trợ sanh, hay có thể trợ sanh quả khổ của chính nó, hoặc thậm chí kéo dài thọ mạng để tính liên tục của những quả bất thiện sẽ kéo dài.

(iii) Upapīḷaka kamma - nghiệp ngăn trở (chướng nghiệp)

Nghiệp ngăn trở là nghiệp làm yếu, phá vỡ hay làm chậm chức năng của nghiệp sản sanh (janaka kamma). Khi nghiệp sản sanh (janaka kamma) thiện làm phát sanh một kiếp sống mới trong một cõi Vui, nhiều tỷ nghiệp thiện cũng như bất thiện sẽ đeo bám theo dòng danh pháp sang kiếp sống mới. Một số nghiệp thiện này sẽ trợ sanh quả vui là nghiệp sản sanh; và một số nghiệp bất thiện sẽ trợ sanh quả khổ là nghiệp ngăn trở.

Cùng hiện tượng sẽ xảy ra khi một nghiệp sản sanh (janaka kamma) làm cho tái tục trong một cõi Khổ. Nhưng những nghiệp thiện này sẽ đóng vai trò làm nghiệp ngăn trở (upapīḷaka kamma) bằng cách ngăn quả của nghiệp sản sanh (janaka kamma) trong khi nghiệp bất thiện sẽ đóng vai trò của nghiệp hộ trợ (upatthambhaka kamma) bằng cách làm tăng những quả khổ của nghiệp sản sanh (janaka kamma).

Do đó, tục ngữ có câu: “Cuộc sống không phải là một luống hoa hồng và nó cũng không là một ruộng gai. Luôn có sự thăng trầm trong cuộc sống.”

(iv) Upaghātaka kamma - nghiệp phá hủy (đoạn nghiệp)

Nghiệp phá hủy là nghiệp không chỉ cắt đứt quả của nghiệp sản sanh (janaka kamma) nhưng cũng không làm vô hiệu nghiệp sản sanh (janaka kamma) và còn tạo ra quả của chính nó. Nói cách khác, một chúng sanh đột tử và tái tục theo nghiệp phá hủy (upaghātaka kamma).

Một nghiệp phá hủy (upaghātaka kamma) có thể là nghiệp thiện hay bất thiện. Nghiệp phá hủy thay thế nghiệp yếu khác, ngăn chặn những nghiệp ấy khỏi cho quả, thay vào đó nó trợ cho sanh quả của chính nó. Ví dụ, một người có thể sanh làm một chúng sanh nhân loại, do nghiệp sản sanh (janaka kamma), ban đầu được trù định cho một thọ mạng dài, nhưng một nghiệp phá hủy (upaghātaka kamma) có thể sanh và khiến cho chết yểu bởi cơn đau tim, tai nạn xe, v.v…

Như một thí dụ về hoạt động của bốn loại nghiệp trên, trường hợp của Devadatta có thể được trích dẫn. Nghiệp sản sanh (janakakamma) thiện trợ cho ông ta được sanh trong gia đình hoàng tộc. Sự sung túc và thịnh vượng liên tục của ông là do hoạt động của nghiệp sản sanh (janaka kamma) cũng như nghiệp hộ trợ (upatthambhaka kamma). Nghiệp ngăn trở (upapīlaka kamma) nhập cuộc khi ông ta bị khai trừ ra khỏi Tăng đoàn (Saṅgha) và chịu nhiều sự nhục nhã. Kế tiếp ‘trọng nghiệp bất thiện’ gây chia rẽ trong Tăng chúng (Saṅgha) tác động như là nghiệp phá hủy (upaghātaka kamma) đưa ông ta xuống địa ngục A-tỳ (Avīci).

(B) Pākadānap Ariyāyakamma catukka (Nhóm bốn nghiệp nói theo cấp độ ưu tiên)

51. Garukaṁ āsannaṁ āciṇṇaṁ kaṭattākammañ c’ eti pākadānapariyāyena.

Nghiệp nói theo mãnh lực ưu tiên tạo ra quả, có bốn loại:

(i) Garuka kamma = trọng nghiệp.

(ii) Āsanna kamma = cận tử nghiệp.

(iii) Āciṇṇa kamma = thường nghiệp.

(iv) Kaṭattā kamma = bất định nghiệp.

Phần này liên quan đến cấp độ ưu tiên giữa những nghiệp khác nhau trong việc đảm nhận vai trò tạo ra tái tục trong kiếp sống kế tiếp.

(i) Garuka kamma - trọng nghiệp

Là nghiệp rất mạnh; không có nghiệp nào khác có thể ngăn phận sự của nó trong kiếp kế tiếp. Nói cách khác, tất nhiên trọng nghiệp sẽ trợ sanh ra quả của nó trong kiếp kế tiếp.

Trọng nghiệp bất thiện là pañcānantariya kamma (năm nghiệp vô gián) – đó là: Giết mẹ; giết cha; giết Arahaṃ; đả thương một Đức Phật (Buddha); tạo ra sự chia rẽ trong Tăng chúng (saṅgha). Thường kiến phủ nhận kamma (nghiệp) và quả của nghiệp và nền tảng cho giới đức cũng được gồm trong trọng nghiệp bất thiện.

Về mặt thiện, 5 nghiệp thiện sắc giới (rūpāvacara kusala kamma) và 4 nghiệp thiện vô sắc giới (arūpāvacara kusala kamma) là trọng nghiệp thiện. Nghiệp thiện siêu thế (lokuttara kusala kamma) hay đạo siêu thế (lokuttara magga) đạt được của đạo tuệ (maggañāṇa), cũng là một trọng lực đóng cửa của 4 cõi Khổ vĩnh viễn.

Nếu người đã tu tập thiền (jhāna) đã phạm một trong những nghiệp vô gián, nghiệp thiện của vị ấy sẽ bị hoại bởi ác nghiệp và sau đó làm cho vị ấy tái tục trong địa ngục. Thí dụ, Devadatta, anh họ của Đức Phật (Buddha) mất thần thông và bị tái tục trong địa ngục Avīci do đả thương Đức Phật (Buddha) và gây ra chia rẽ trong Tăng chúng (saṅgha).

Hơn nữa, nếu ai phạm một trong những nghiệp vô gián, thì sau đó vị ấy không thể vươn lên đạt tới một pháp bậc cao hay siêu thế, vì ác nghiệp gây nên sự chướng ngại không thể vượt qua. Do đó, đức vua Ajātasattu, trong khi lắng nghe Đức Phật giảng bài kinh Quả Báo Sa-môn (Sāmaññaphala sutta), có đủ tất cả các duyên để đạt đến Thánh Nhập lưu; nhưng vị ấy không thể đạt đạo và quả vì vị ấy đã giết cha của vị ấy, vua Bimbisāra cũng là một bậc Nhập lưu. Sau đó, mặc dù vị ấy đã thực hiện nhiều đại nghiệp thiện gồm cả sự đỡ đầu cho đại hội đồng Phật giáo và xây dựng một đại tháp thờ xá lợi Phật, ông ta đã vẫn không thoát khỏi tái tục trong địa ngục do nghiệp vô gián của vị ấy.

(ii) Āsanna kamma - cận tử nghiệp

Cận tử nghiệp là nghiệp được thực hiện hay nhớ ngay trước khi tử.

Đây là một nghiệp mạnh đã được thực hiện hay nhớ lại trong thời gian ngắn, không lâu trước khi tử. Khi không có bất cứ trọng nghiệp nào, cận tử nghiệp này thường sẽ làm vai trò của nghiệp sản sanh vì uy lực lớn lao của nó do sự gần gũi.

Nếu người có tánh nết xấu thực hiện một hành vi tốt hay nghiệp thiện ngay trước khi tử hay nhớ lại một nghiệp thiện mà vị ấy từng làm trong thời khắc cuối cùng, vị ấy sẽ nhận một phúc sanh hay tái tục may mắn. Ngược lại, nếu là một người tốt mà cứ nhắc đi nhắc lại một ác nghiệp trước đó, hay thực hiện một ác nghiệp ngay trước khi tử, vị ấy sẽ trải qua một khổ sanh hay tái tục bất hạnh.

Với lý do này, rất quan trọng trong việc sắp xếp cho cha mẹ của chúng ta hay người thân thực hiện những nghiệp xứng đáng và ấn tượng ngay trước khi tử, hay nhắc một người đang tử về những nghiệp thiện của vị ấy hay thúc vị ấy khơi dậy những ý nghĩ thiện trong thời khắc cuối cùng của vị ấy.

Dù một người xấu có thể đạt một phúc sanh nhờ một cận tử nghiệp thiện, không có nghĩa là vị ấy sẽ thoát khỏi những quả của nghiệp bất thiện mà vị ấy đã phạm trong suốt quá trình của sự sống. Khi gặp những duyên thuận lợi, những nghiệp bất thiện này sẽ cho ra những quả tương ứng.

(iii) Āciṇṇa kamma - thường nghiệp

Thường nghiệp là nghiệp được thực hiện thường xuyên hay có thể là nghiệp được thực hiện một lần mà được gợi lại và luôn nhớ.

Đây là nghiệp thiện hay bất thiện, mà một chúng sanh thực hiện một cách thường xuyên, hoặc đó có thể là một hành vi (nghiệp) được thực hiện một lần và thường được nhớ lại. Nếu không có trọng nghiệp hay cận tử nghiệp mạnh, thường nghiệp thường có vai trò trợ sanh tái tục kế tiếp.

Đây là nghiệp mà chúng ta nên áp dụng, cố gắng thực hiện thường xuyên để chuẩn bị cho sự tử của chúng ta. Chúng ta có thể chọn bất cứ nghiệp xứng đáng nào chúng ta thích như đặt bát, thọ trì giới luật, hay thiền. Nếu chúng ta thực hiện thường xuyên, nó trở thành nết quen làm cho toại nguyện và hạnh phúc và vào lúc tử, nó sẽ trở thành āsanna-kamma (cận tử nghiệp) và cho quả để trợ sanh một tái tục thiện.

(iv) Kaṭattā kamma - bất định nghiệp

Đây là loại nghiệp ngoài những loại nghiệp đã nêu, là nghiệp đã được thực hiện từ trước và đã quên, nhưng đủ mạnh để đảm nhận vai trò trợ sanh tái tục. Loại nghiệp này trở nên có tác dụng khi không có nghiệp nào trong ba loại kia thực hiện việc này.

Vào thời cận tử, nhiều tỷ nghiệp đang đeo bám trong dòng danh pháp của chúng sanh dường như tranh đua với nhau để có cơ hội cho quả. Nếu một trọng nghiệp hiện diện, nó sẽ dễ dàng thắng cuộc đua và trợ cho tái tục kế tiếp.

Thông thường, nếu không có bất cứ trọng nghiệp (garuka kamma) nào, chúng ta phải nương vào cận tử nghiệp (āsanna kamma) trợ cho kiếp sống kế tiếp của chúng ta. Để có được cận tử nghiệp (āsanna kamma) thiện, con trai, con gái hay quyến thuộc và bạn bè phải sắp đặt những nghiệp thiện như là dâng y đến chư Tăng hay thính pháp cho đến thuyết pháp đến người sắp tử trên giường. Người đang tử cũng nên được nhắc về những nghiệp thiện trong quá khứ của họ.

Có một ví dụ hay là cha của Reverend Sona trong Ceylon. Người cha từng làm nghề thợ săn để mưu sinh. Khi ông ta quá già không còn đi săn được nữa, ông ta xuất gia thành tu sĩ trong tu viện của con ông ta. Không lâu sau ông ta lâm bệnh và trông thấy bầy chó săn đang lên đồi để cắn ông. Ông ta khiếp sợ và yêu cầu con trai của ông đuổi bầy chó đi xa.

Con trai của ông là một bậc Arahatta, biết rằng cha mình đang có một gati-nimitta (cảnh ‘điềm sinh’) sẽ bị sa vào niraya (địa ngục). Vị ấy đã yêu cầu các môn đồ nhanh chóng mang hoa rải khắp bảo tháp trong tu viện. Kế đến, họ mang người cha với cả chiếc giường của ông đến bảo tháp. Đại đức Sona nhắc người cha tỏ lòng tôn kính đến bảo tháp và hoan hỷ trong việc dâng hoa nhân danh của cha.

Vị sư già đã bình tĩnh, tỏ lòng tôn kính đến bảo tháp và hài lòng trong việc thấy hoa được dâng cúng bảo tháp nhân danh của ông. Ngay khi ấy, gati-nimitta (cảnh ‘điềm sinh’) của ông thay đổi. Ông ta nói với người con rằng: “Những người mẹ kế của con từ cõi Trời đến rước ta đi”. Người con hài lòng với kết quả do nỗ lực của mình.

Đây là cách rất tốt cho sự báo ân mà chúng ta nợ cha mẹ chúng ta.

Để chắc chắn được cận tử nghiệp (āsanna kamma) thiện, chúng ta nên phát triển một thường nghiệp (āciṇṇa kamma) thiện khi còn sống. Thường nghiệp tốt nhất là thiền chỉ tịnh như niệm ân đức Phật (Buddhānussati) hay tu tiến pháp Từ (Mettābhāvanā) hay thiền quán là pháp mà chúng ta luôn có thể tu tập. Khi trở thành thuần thục, nó sẽ được nhớ lại khi cận tử, sẽ trở thành āsanna-kamma (cận tử nghiệp) thiện và trợ cho một kiếp sống an vui.

Vua Duṭṭhāgāni của xứ Ceylon lúc sinh thời có thói quen đặt bát dâng cúng vật thực đến chư Tăng trước khi ông dùng bữa. Có lần, anh trai của đức vua nổi dậy chống lại đức vua và đức vua phải lánh vào rừng. Trong lúc trốn trong rừng, đức vua hỏi người cận sự xem có gì để ăn không. Người cận sự đáp rằng ông ta có mang theo một tô vật thực từ hoàng cung.

Đức vua đã chia tô vật thực ấy thành bốn phần nhỏ - một phần nhỏ dành cho đức vua, một phần nhỏ dành cho người cận sự, một phần nhỏ dành cho con ngựa và một phần nhỏ còn lại dành để dâng cúng. Kế tiếp, đức vua yêu cầu người cận sự thỉnh mời vị tăng sĩ hay ẩn sĩ đến và nhận phần nhỏ vật thực của đức vua dâng cúng.

Dĩ nhiên họ thấy không có ai xung quanh. Nhưng đức vua nhất định bảo người cận sự phải mời to. Nghe đây!... Và rồi một vị tăng sĩ đáng kính đã phi thân[165] đến. Vị Tăng sĩ ấy là một bậc Arahatta có thần thông. Đức vua rất hài lòng và đã dâng không chỉ phần nhỏ vật thực còn lại mà còn luôn cả phần nhỏ của đức vua. Người cận sự cũng bắt chước và dâng phần nhỏ của ông. Về phần con ngựa, nó gật đầu ra hiệu cho biết rằng nó cũng muốn dâng phần nhỏ của nó.

Đức vua vô cùng hạnh phúc được một khoảng thời gian và kế đó lại cảm giác đói nữa. Biết rằng vị Arahaṃ có thể nghe bằng nhĩ thông (dibba sota), ông ta cầu mong vị ấy gửi cho ông phần vật thực thừa còn lại sau khi ăn. Vị Arahaṃ đã gửi cho ông nguyên cái bát khất thực bay đến trong hư không. Đức vua nhận cái bát và nhận thấy đầy vật thực. Vật thực có thể được nhân lên bằng thần thông (iddhividha abhiññā). Đức vua, người cận sự và con ngựa có thể ăn đến khi no nê.

Sau đó, đức vua khôi phục quyền lực và xả thí một lượng lớn châu báu của ông cho Phật giáo (Buddhasāsana) để xây dựng đại bảo tháp (thūpa) gọi là đại tháp (mahācetiya), nhiều tu viện và những tòa nhà của những tôn giáo khác. Đức vua cho ghi chú, lưu lại tất cả những nghiệp thiện của ông. Khi đức vua trên giường bệnh lúc cận tử, ông nghe đọc lại những thành tích đã được lưu. Khi nghe đến mục dâng vật thực đến vị Arahaṃ trong rừng, đức vua yêu cầu người đọc ngưng đọc. Đức vua trong niềm đại hoan hỷ và nhớ đến nghiệp ấy rồi băng hà. Nghiệp thiện này trợ cho đức vua tái tục về cõi trời Đâu suất (Tusitā).

Cunda, vị đồ tể mưu sinh bằng nghề mổ heo hơn năm mươi năm. Khi mãn kiếp, lửa từ địa ngục (niraya) vọt lên và đốt cháy ông làm ông thét lên như một con heo trong bảy ngày. Ông bị sa xuống địa ngục ngay sau khi tử. Trường hợp này, thường nghiệp (āciṇṇa kamma) trở thành cận tử nghiệp (āsanna kamma) và trợ sanh ra quả của nó.

Sự So Sánh Của Một Chuồng Bò

Giả sử nhiều con bò bị nhốt qua đêm trong một cái chuồng to. Vào buổi sáng, cửa chuồng được mở cho bò đi ra ngoài đồng cỏ. Bây giờ con bò nào sẽ ra trước?

Tất cả những con bò đều muốn thoát ra càng sớm càng tốt. Do đó, sẽ có sự chen lấn dồn và trườn lên để đi đến cái cổng. Nhưng nếu có một con bò to, khỏe nổi bật, được tất cả những con khác tôn trọng như một con đầu đàn, con này sẽ đi đến cái cổng một cách oai vệ và đi ra trước. Con này tợ như trọng nghiệp (garuka kamma) là nghiệp không cải được và cho quả ngay trong kiếp sống kế.

Tuy nhiên, nếu không có con bò nào to khỏe nổi bật, được xem là con đầu đàn, thì con nào gần cửa nhất sẽ đi ra trước nhất. Đây tợ như cận tử nghiệp (āsanna kamma) cho quả trong kiếp sống kế.

Đôi khi có con thường cảnh giác chú ý thời gian khi cửa chuồng được mở, có thể đi đến cửa ngay trước khi cửa được mở và đi ra trước. Đây được ví như thường nghiệp (āciṇṇa kamma) đảm nhiệm vai trò của janaka-kamma (nghiệp sản sanh) để trợ sanh ra tái tục trong kiếp sống kế.

Lại nữa, khi không có con bò nổi bật hay một con gần cửa nhất, hoặc một con thận trọng, sẽ có sự trườn lớn của những con mạnh hơn đẩy giành đường. Trong việc trườn này, một con bò già yếu bị những con bò khác đẩy có thể đi ra cửa trước. Đây tợ như trường hợp khi một bất định nghiệp (kaṭattā kamma) có cơ hội trợ cho kiếp sống kế.

Hoàng hậu Mallika của thành Sāvatthī từng dẫn đầu cuộc sống thiện hạnh. Bà đã làm nhiều việc thiện nổi bật cùng với vua Kosala. Nhưng có một lần, trong khi bà ta đang tắm, một con chó đi vào phòng tắm và bà ta hành dâm với con chó. Khi đi ra khỏi phòng tắm, con chó vẫn theo bà. Điều này bị đức vua nhận ra và tức khắc hỏi bà. Bà ta kịch liệt chối cãi đức vua và nói đức vua có cái nhìn méo mó về việc bà đi ra một mình. Đức vua đã tin lời vợ yêu và xin lỗi bà. Nhưng hành động bất thiện này gợi lại trong tâm của bà vào thời khắc cận tử. Bởi vì kaṭattā-kamma (bất định nghiệp) bất thiện này làm việc trợ sanh tái tục, bà ta phải chịu khổ bảy ngày trong địa ngục Āvici là địa ngục khổ nhất. Tuy nhiên, bà được nghiệp thiện mạnh cứu vãn và đã tái tục trong cõi trời Tusitā.

Do đó, chúng ta không nên cho phép kaṭattā-kamma (bất định nghiệp) lôi kéo, điều khiển vận mạng của chúng ta. Có nhiều tỷ bất định nghiệp, cả thiện và bất thiện. Chúng ta không thể mong cầu một bất định nghiệp thiện đảm trách việc trợ cho tái tục. Chúng ta nên định hướng vận mệnh của chúng ta như chúng ta mong cầu bằng cách phát triển một trọng nghiệp thiện hay một thường nghiệp thiện trong khi vẫn còn thời gian làm điều đó.

(C) Pākakālakamma catuka (Nhóm bốn nghiệp chia theo thời gian)

52. Diṭṭhadhammavedanīyaṁ upapajjavedanīyaṁ aparāpariyavedanīyaṁ ahosikammañ c’ eti pākakālavasena cattāri kammāni nāma.

Về khía cạnh cho quả theo thời gian, có bốn loại nghiệp (kamma), đó là:

(i) Diṭṭhadhammavedaniya kamma = hiện báo nghiệp.

(ii) Upapajjavedaniya kamma = sanh báo nghiệp.

(iii) Aparāpariyavedaniya kamma = hậu báo nghiệp.

(iv) Ahosi kamma = vô hiệu nghiệp.

Giải:

Những loại nghiệp có sức mạnh khác nhau. Một số có thể cho quả trong kiếp hiện tại, một số trong kiếp thứ hai sắp tới và một số từ kiếp thứ ba cho đến kiếp cuối cùng khi vị ấy Nibbāna. Và dù có nhiều tỷ nghiệp trong mỗi loại, chỉ có một vài trong chúng sẽ có cơ hội cho quả trong khi những nghiệp còn lại sẽ trở thành vô hiệu.

Hiện tượng này có phần tương tự như gieo giống, một số có thể mọc thành cây cho quả trong cùng một năm; một số mọc thành cây rồi cho quả trong năm kế trong khi một số mọc thành cây nhỏ hay cây to cho quả từ năm thứ ba, tư, năm v.v... cho đến cây chết. Nhưng cũng có nhiều tỷ hạt giống sẽ trở thành vô hiệu.

(i) Diṭṭhadhammavedaniya kamma - hiện báo nghiệp

Hiện báo nghiệp là nghiệp cho quả trong kiếp hiện tại.

Khi một người thực hiện hành động thiện hay bất thiện, kusala citta (tâm thiện) hay akusala citta (tâm bất thiện) sanh bảy lần trong mỗi lộ trình tâm. Cetanā (tư) phối hợp với javana citta (tâm đổng lực) thứ nhất là tâm đổng lực yếu nhất trong 7 tâm đổng lực, được gọi là diṭṭhadhammavedaniya kamma (hiện báo nghiệp). Tâm đổng lực này là tâm đổng lực yếu nhất do vì đây là tâm đổng lực đầu tiên trong chặng đổng lực, chưa có sự lặp lại của những tâm đổng lực, nên không có mãnh lực của āsevanapaccaya (‘trùng dụng duyên’) trợ sanh từ tâm đổng lực trước.

Khi nghiệp này chín muồi thì trợ cho quả sanh trong kiếp hiện tại. Nếu nó không gặp cơ hội chín muồi trong cùng một kiếp, nó sẽ trở thành vô hiệu (ahosi).

DevadattaCunda, người đồ tể, bị lửa địa ngục thiêu đốt trong khi họ vẫn còn sống do những ác nghiệp của họ. Cặp vợ chồng nghèo Kākavaliya của thành Sāvatthī sau khi dâng cơm đến Đại đức Sāriputta, trở nên rất giàu trong bảy ngày.

…-H-“V-R-D-K-5-T-Th-P-C-C-C-C-C-C-C-Na-Na”-H-…

-H-“R-D-K-C-C-C-C-C-C-C-N-N”-H-…

(ii) Upapajjavedaniya kamma - sanh báo nghiệp

Sanh báo nghiệp là nghiệp cho quả trong kiếp sống kế (kiếp thứ hai).

Cetanā (tư) phối hợp với javana citta (tâm đổng lực) thứ bảy là tâm đổng lực yếu thứ nhì trong 7 tâm đổng lực, được gọi là upapajjavedaniya kamma (sanh báo nghiệp). Nếu nghiệp này được chín muồi phải cho ra quả trong kiếp sống vị lai thứ nhất, tức kiếp sống liền kề ngay sau kiếp hiện tại này. Nếu không, nó trở thành vô hiệu (ahosi).

Cụ bà Canḍālī kiếm sống bằng cách xin ăn. Bà chỉ có cơ hội đảnh lễ Đức Phật ngay trước khi bà tử. Nghiệp thiện này trợ duyên cho bà được tái sanh trong cõi trời Tāvatiṁsā. Đức vua Ajātasattu là người giết cha của ông ấy, bị đọa vào địa ngục do ác nghiệp này.

…-H-“V-R-D-K-5-T-Th-P-C-C-C-C-C-C-C-Na-Na”-H-…

-H-“R-D-K-C-C-C-C-C-C-C-N-N”-H-…

(iii) Aparāpariyavedaniya kamma - hậu báo nghiệp

Hậu báo nghiệp là nghiệp cho quả từ kiếp thứ ba cho đến kiếp sống cuối cùng khi người ấy thấy rõ Níp-bàn (Nibbāna).

Cetanā (tư) phối hợp với 5 javana citta (tâm đổng lực) giữa là những đổng lực lớn gấp năm lần về số lượng so với mỗi đổng lực của hai loại nghiệp trước, được gọi là aparāpariyavedaniya kamma (hậu báo nghiệp). Chúng có thể chín muồi vào bất cứ lúc nào khi có cơ hội cho quả kể từ kiếp vị lai thứ hai trở đi cho đến kiếp sống cuối cùng khi vị ấy đắc quả Ứng cúng Arahaṃ. Chúng không bao giờ trở thành vô hiệu với điều kiện là vòng luân hồi vẫn tiếp diễn. Không ai, cho dù Đức Phật hay Arahaṃ, dù như Đại đức Mahāmoggalāna, không được miễn khỏi và phải chịu quả của hậu báo nghiệp.

…-H-“V-R-D-K-5-T-Th-P-C-C-C-C-C-C-C-Na-Na”-H-…

-H-“R-D-K-C-C-C-C-C-C-C-N-N”-H-…

(iv) Ahosi kamma - vô hiệu nghiệp

Vô hiệu nghiệp là nghiệp không tồn tại tức không còn cho quả.

Tất cả nghiệp không có cơ hội trổ quả trong khoản thời gian đã định, trở thành vô hiệu hay không còn tồn tại. Trong trường hợp của Arahaṃ, tất cả nghiệp đã tích lũy của họ do chín muồi trong kiếp vị lai trở nên vô hiệu với sự tử cuối cùng của những bậc Thánh Arahaṃ ấy.

Vì thế, mỗi hành động chúng ta thực hiện, chúng ta phải tin chắc rằng quả không chỉ trổ trong kiếp này mà cả trong những kiếp bất định ở vị lai khi chúng ta còn lang thang trong vòng luân hồi (saṃsāra). Do đó – hãy cẩn thận !

(D) Pākaṭṭhānakamma catuka (Nhóm bốn nghiệp chia theo nơi chín muồi)

53. Tathā akusalaṁ kāmāvacara-kusalaṁ rūpāvacarakusalaṁ arūpāvacarakusalañ c’ eti pākaṭṭhānavasena.

Về khía cạnh cõi, nơi mà quả trổ sanh, có bốn loại nghiệp (kamma), đó là:

(A) Akusalakamma = nghiệp bất thiện.

(B) Kāmāvacarakusala kamma = nghiệp thiện dục giới.

(C) Rūpāvacarakusala kamma = nghiệp thiện sắc giới.

(D) Arūpāvacarakusala kamma = nghiệp thiện vô sắc giới.

Giải:

Đối với nơi mà nghiệp quả trổ sanh, kamma (nghiệp) được chia thành bốn loại:

(A) Akusalakamma (nghiệp bất thiện)

Cetanā (tư) phối hợp với 12 akusala citta (tâm bất thiện) được gọi là kamma (nghiệp) bất thiện. Những nghiệp bất thiện này sẽ cho quả của chúng, đó là những vipāka citta (tâm quả), phối hợp với cetasika (sở hữu tâm) và kammaja rūpa (sắc nghiệp), trong bốn cõi Khổ.

(B) Kāmāvacarakusala kamma (nghiệp thiện dục giới)

Cetanā (tư) phối hợp với 8 mahākusala citta (tâm đại thiện) được gọi là kamma (nghiệp) thiện liên quan đến cõi Dục giới. Những nghiệp thiện này sẽ cho quả của chúng, đó là những kiếp sống mới trong bảy cõi vui Dục giới, là cõi Nhân loại và sáu cõi trời Dục giới.

(C) Rūpāvacarakusala kamma (nghiệp thiện sắc giới)

Cetanā (tư) phối hợp với 5 rūpāvacarakusala citta (tâm thiện sắc giới) được gọi là kamma (nghiệp) thiện liên quan đến cõi Sắc giới. Những nghiệp thiện này sẽ cho quả của chúng, đó là những kiếp sống mới là Phạm thiên sắc, trong mười sáu cõi trời sắc giới.

(D) Arūpāvacarakusala kamma (nghiệp thiện vô sắc giới)

Cetanā (tư) phối hợp với 4 arūpāvacarakusala citta (tâm thiện vô sắc giới) được gọi là kamma (nghiệp) thiện liên quan đến cõi Vô sắc giới. Những nghiệp thiện bậc cao này cho quả của chúng là Arūpabrahmā (Phạm thiên Vô sắc) trong bốn cõi trời Vô sắc.

Nhóm Ba Nghiệp Bất Thiện Theo Kamma (nghiệp) môn

54. Tatha akusalaṁ kāyakammaṁ vacīkammaṁ manokammañ c’ eti kammadvāravasena tividhaṁ hoti.

Trong bốn loại nghiệp, nghiệp bất thiện có ba theo nghiệp môn, đó là: Thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp.

55. Kathaṁ? Pāṇātipāto adinnādānaṁ kāmesumicchācāro c’ eti kāyaviññattisaṅkhāte kāyadvāre bāhullavuttito kāyakammaṁ nāma.

Vì sao? Sát sanh, trộm cắp, tà dâm thuộc về thân nghiệp, vì chúng thường xảy ra qua thân môn, tức thân biểu tri.

56. Musāvādo pisuṇavācā pharusavācā samphappalāpo c’ eti vacīviññattisaṅkhāte vacīdvāre bāhullavuttito vacīkammaṁ nāma.

Nói dối, nói lời phỉ báng, nói lời ác, nói nhảm nhí thuộc về khẩu nghiệp, vì chúng thường sanh qua khẩu môn, tức khẩu biểu tri.

57. Abhijjhā vyāpādo micchādiṭṭhi c’ eti aññatar’ āpi viññattiyā manasmiṁ yeva bāhullavuttito manokammaṁ nāma.

Tham ác, sân độc, tà kiến thuộc về ý nghiệp, vì chúng chỉ thường sanh trong ý môn, không có thân biểu tri và khẩu biểu tri.

Giải:

Một hành động được gọi là bất thiện khi nó được thực hiện bằng cetanā (tư) bất thiện làm tổn hại đến chúng sanh, dù từ tự thân hay người khác và trợ sanh quả bất thiện. Cetanā (tư) phối hợp với căn bất thiện [lobha (tham), dosa (sân), moha (si)] trở thành bất thiện và làm cho phát sanh kamma (nghiệp) bất thiện là nghiệp sẽ cho quả ở những cõi Khổ.

Nghiệp bất thiện được thực hiện qua ba cách, đó là kāyakamma (thân nghiệp), vacīkamma (khẩu nghiệp), manokamma (ý nghiệp).

Cách mà một hành động được thực hiện gọi là kammadvāra (nghiệp môn). Nghiệp môn chỉ cho nơi mà kamma (nghiệp) xảy ra hay cách mà nghiệp sinh khởi.

Lưu ý:

(i) Về căn bản, nên lưu ý rằng:

Nghiệp bất thiện (akusala kamma) = 12 tư (cetanā) phối hợp với 12 tâm bất thiện (akusalacitta).

Nghiệp thiện dục giới (kāmāvacarakusala kamma) = 8 tư (cetanā) phối hợp với 8 tâm đại thiện (mahākusalacitta).

Nghiệp thiện sắc giới (rūpāvacarakusala kamma) = 5 tư (cetanā) phối hợp với 5 tâm thiện sắc giới (rūpāvacarakusalacitta).

Nghiệp thiện vô sắc giới (arūpāvacarakusala kamma) = 4 tư (cetanā) phối hợp với 4 tâm thiện vô sắc giới (arūpāvacarakusalacitta).

(ii) Quả của nghiệp có hai loại – danh uẩn quả (vipākanāmakkhandha) và sắc bị trợ tạo (kaṭattā rūpa).

Sắc bị trợ tạo (kaṭattā rūpa) = sắc nghiệp (kammaja rūpa) và sắc quí tiết (utuja rūpa).

Sắc nghiệp (kammaja rūpa) là sắc sanh do nghiệp trợ.

Sắc quí tiết (utuja rūpa) là sắc sanh do nhiệt độ nóng lạnh trợ.

Và nữa, quả của nghiệp phát sanh vào thời tái tục (paṭisandhikāla) (tức là vào sát-na sanh của tâm tái tục) cũng như vào thời bình nhật (pavattikāla) (tức là từ sát-na trụ của tâm tái tục cho đến tử).

Ba loại kammadvāra (nghiệp môn)

Nơi nghiệp trổ sanh hay nghiệp phát sanh được gọi là nghiệp môn (kammadvāra), Có ba nghiệp môn.

1. Thân môn (kāyadvāra) là cử chỉ, hành động đặc biệt gọi là thân biểu tri (kāyaviññatti) nơi thân nghiệp (kāyakamma) biểu hiện hay cách mà thân nghiệp sinh khởi.

2. Khẩu môn (vacīdvāra) là cách nói năng tạo ra chuyển động của miệng gọi là khẩu biểu tri (vacīviññatti) bằng cách ấy khẩu nghiệp (vacīkamma) sinh khởi.

3. Ý môn (manodvāra) tất cả tâm là nơi ý nghiệp (manokamma) xảy ra; là cách mà ý nghiệp sinh.

Ba loại kamma (nghiệp) tương ứng với ba loại kammadvāra (nghiệp môn)

1. Thân nghiệp (kāyakamma) thường thực hiện những chuyển động đặc biệt của thân gọi là thân biểu tri (kāyaviññatti).

2. Khẩu nghiệp (vacīkamma) thường thực hiện những chuyển động đặc biệt của miệng gọi là khẩu biểu tri (vacīviññatti).

3. Ý nghiệp (manokamma) thực hiện trong ý và bằng ý nên gọi là ý môn qua suy nghĩ, thiền, v.v…

Mười con đường của nghiệp bất thiện (akusala kamma patha)

‘Akusalakamma patha’ (con đường của nghiệp bất thiện) là tên gọi cho một nhóm mười loại nghiệp bất thiện. Mười con đường của nghiệp bất thiện có thể được chia thành ba nhóm tương ứng với ba môn, đó là – ba thuộc về thân, bốn thuộc về khẩu và ba thuộc về ý. Mỗi con đường được nhận ra bằng cetanā (tư) bắt đầu một sự cố quyết để hoàn thành từng hành vi. Cetanā (tư) ấy là một nghiệp bất thiện dù cho hành vi ấy có được hoàn thành hay không. Nếu một hành vi được hoàn thành và đạt được mục đích của nó, thì nó trở thành một con đường hành động. Trạng thái của một con đường hành động là kamma (nghiệp), mà nghiệp ấy có sức mạnh đảm nhiệm vai trò vào thời tái tục, đó là vai trò của janaka kamma (nghiệp sản sanh).

1. Thân nghiệp bất thiện (akusala kāya kamma), có 3:

1) Pāṇātipātā: Sát sanh hay giết hại vật có sự sống.

2) Adinnādānā: Trộm cắp hay lấy tài sản của người khác một cách phi pháp.

3) Kāmesu micchācārā: Tà dâm như là quan hệ tình dục một cách bất chánh.

2. Khẩu nghiệp bất thiện (akusala vacī kamma), có 4:

4) Musāvādā : Nói dối.

5) Pisuṇavācā : Nói hai lưỡi, nói lời đâm thọc, nói lời phỉ báng, vu cáo.

6) Pharusavācā : Nói lời độc ác, nói lời khiếm nhã hay nói lời ác nghiệt.

7) Samphappalāpa : Nói ỷ ngữ, tạp uế ngữ, nói lời nhảm nhí, nói lời vô ích.

3. Ý nghiệp bất thiện (akusala mano kamma), có 3:

8) Abhijjhā: Tham dục, tham muốn, tham lam, mưu tính để giành được tài sản của người khác một cách phi pháp.

9) Byāpāda: Sân, oán hận, ác cảm, hay muốn gây tổn hại đến chúng sanh khác.

10) Micchāditthi: Tà kiến; trở thành một con đường hành động khi tin vào một trong những dạng đoạn kiến, tức phủ nhận giá trị giới đức và hứng chịu quả của nghiệp. Ba quan điểm ấy thường được đề cập trong tạng Kinh.

(i) Natthika diṭṭhi - nihilism (vô hữu kiến) phủ nhận sự tồn tại, hiện hữu của chúng sanh sau khi tử, đưa đến việc phủ nhận tầm quan trọng, ý nghĩa của những hành vi giới đức hay nghiệp thiện.

(ii) Akiriya diṭṭhi (vô hành kiến) là quan niệm về quả của nghiệp; cho rằng những hành động hay nghiệp không có hiệu lực trong việc trợ sanh ra quả và do đó mới phủ nhận tính vượt trội của giới đức.

(iii) Ahetuka diṭṭhi (vô nhân kiến) là quan niệm rằng không có nhân hay duyên trợ cho phiền não và sự thanh tịnh của chúng sanh. Chúng sanh bị ô nhiễm hay thanh tịnh là do ngẫu nhiên, do định mệnh, v.v…

Nhân của nghiệp bất thiện

58. Tesu pāṇātipato pharusavācā vyāpādo ca dosamūlena jāyanti.

59. Kāmesumicchācāro abhijjhā micchādiṭṭhi ca lobhamūlena.

60. Sesāni cattāri pi dvīhi mūlehi sambhavanti.

61. Cittuppādavasena pan’ etaṁ akusalaṁ sabbathā pi dvādasavidhaṁ hoti.

Trong mười nghiệp bất thiện:

Sát sanh, ác khẩu và ác ý xuất phát từ căn hay gốc của lòng căm hờn, chúng được thực hiện bằng dosamūla citta (tâm căn sân);

Tà dâm, tham lam và tà kiến xuất phát từ căn lận sắt, bỏn xẻn được thực hiện bằng lobhamūla citta (tâm căn tham); và

Những nghiệp bất thiện còn lại phát sanh từ hai căn. Chúng phạm vào cả hai dosamūla citta (tâm căn sân) và lobhamūla citta (tâm căn tham).

Về sự sinh khởi của tâm, akusala kamma (nghiệp bất thiện) tổng số có 12 loại là 12 cetanā (tư) phối hợp với 12 akusala citta (tâm bất thiện) được gọi là akusala kamma (nghiệp bất thiện).

Mười nghiệp bất thiện còn được gọi là thập ác hạnh (ducarita).

Trong mười pháp ấy, sát sanh, nói lời độc ác, sân hận được phối hợp với tâm căn tham (lobhamūla citta).

Trộm cắp, nói dối, nói hai lưỡi, nói ỷ ngữ có thể được phối hợp với tâm căn tham (lobhamūla citta) hay tâm căn sân (dosamūla citta).

Nghiệp Thiện Dục Giới (Kāmāvacarakusala kamma)

62. Kāmāvacarakusalaṁ pi kāyadvāre pavattaṁ kāyakammaṁ, vacīdvāre pavattaṁ vacīkammaṁ manodvāre pavattaṁ manokammañ c’ eti kammadvāravasena tividhaṁ hoti.

Nhóm ba nghiệp thiện dục giới nương theo nghiệp môn, đó là thân nghiệp sinh khởi tại thân môn, khẩu nghiệp sinh khởi tại khẩu môn, ý nghiệp sinh khởi tại ý môn.

63. Tathā dāna-sīla-bhāvanāvasena.

64. Cittuppādavasena pan’etaṁ aṭṭhavidhaṁ hoti.

Tương tự, nó là nhóm ba trong cụm từ: Xả thí (như đặt bát…), trì giới và tu tiến (pháp chỉ và pháp quán). Hơn nữa, về sự sinh khởi của tâm, nghiệp thiện của cõi Dục có tám, đó là 8 cetanā (tư) phối hợp với 8 mahākusala citta (tâm đại thiện).

65. Dāna-sīla-bhāvan’ āpacāyana-veyyāvacca-pattidāna-pattānumodanadhammas-savana-dhammadesanā-diṭṭhijjukammavasena dasavidhaṁ hoti.

Nó cũng là nhóm mười trong cụm từ: Xả thí (như đặt bát…), trì giới, tu tiến, cung kỉnh, phục vụ, hồi hướng, tùy hỷ, thính pháp, thuyết pháp và kiến thị (củng cố chánh kiến, cải đổi tri kiến).

66. Taṁ pan’ etaṁ vīsatividhaṁ pi kāmāvacarakammaṁ icc’ eva saṅkhaṁ gacchati.

Và nữa, tất cả 20 loại nghiệp bất thiện và nghiệp thiện được gọi là nghiệp liên quan đến cõi Dục.

Giải:

Phương pháp thứ nhất nêu những nghiệp bất thiện liên quan đến cõi Dục là nhóm ba gồm có thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp tương ứng với những loại nghiệp bất thiện tương tự. Trên thực tế, tránh xa mười loại nghiệp bất thiện, có nghĩa là mười loại nghiệp thiện liên quan đến cõi Dục.

Mười con đường của nghiệp thiện (kusala kamma patha)

Có mười cách hay hướng thiện liên quan đến cõi Dục – ba thuộc về thân, bốn thuộc về khẩu và ba thuộc về ý. Mỗi hướng được nhận ra bằng cetanā (tư) khởi đầu một sự cố quyết hoàn thành từng hành vi. Cetanā (tư) ấy là một nghiệp thiện dù cho hành vi ấy có hoàn thành hay không. Nếu hành vi được hoàn thành và đạt đến mục đích ngăn ngừa những hành vi bất thiện của nó, thì nó trở thành một cách hay một hướng, đó là một janaka kamma (nghiệp sản sanh) bằng mãnh lực trợ sanh một kiếp sống mới.

1. Thân nghiệp thiện (kusala kāya kamma) có 3:

1) Pāṇātipātā virati : Tránh xa sát sanh hay giết hại vật có sự sống.

2) Adinnādānā virati : Tránh xa trộm cắp hay tránh xa việc lấy tài sản của người khác một cách phi pháp.

3) Kāmesu micchācārā virati: Tránh xa tà dâm như là tránh xa quan hệ tình dục một cách bất chánh.

2. Khẩu nghiệp thiện (kusala vacī kamma) có 4:

4) Musāvādā virati : Tránh xa nói dối.

5) Pisunavācā virati : Tránh xa nói hai lưỡi, nói lời đâm thọc, nói lời phỉ báng, vu cáo.

6) Pharusavācā virati : Tránh xa nói lời độc ác, nói lời khiếm nhã hay nói lời ác nghiệt.

7) Samphappalāpavirati : Tránh xa nói ỷ ngữ, lời tạp uế, nói lời nhảm nhí, nói lời vô ích.

Nói cách khác, chúng sanh nên tận dụng việc nói thật, nói lời hòa giải, nói lời ôn hòa và nói khôn ngoan, sáng suốt.

3. Ý nghiệp thiện (kusala mano kamma) có 3:

8) Anabhijjhā : Không tham dục, không tham muốn, không tham lam.

9) Abyāpāda[166] : Không sân, không oán hận, không ác cảm, không muốn gây tổn hại đến chúng sanh khác.

10) Sammāditthi : Chánh kiến, tin về nghiệp và quả của nghiệp.

Nên lưu ý rằng, mười ‘nghiệp bất thiện’ còn được gọi là ‘ducarita’, nghĩa là mười ‘ác hạnh’, trong khi mười ‘nghiệp thiện’ còn được gọi là ‘sucarita’, nghĩa là mười ‘thiện hạnh’.

Cho nên, những ai biết pháp nào là xấu, bất thiện và pháp nào là tốt, thiện nên tránh xa mười nghiệp bất thiện và đồng thời thực hiện mười nghiệp thiện. Bên cạnh việc thực hiện những nghiệp thiện ấy, vị ấy cũng thanh lọc tâm của vị ấy bằng cách ngăn chặn những căn hay nhân bất thiện không cho sinh khởi. Do đó, vị ấy có thể sống đúng với lời dạy của tất cả chư Phật: “Tránh xa tất cả ác làm những hạnh lành và thanh lọc tâm ý”.

Người có thể đạt được mục đích này chỉ bằng cách tuân theo pañcasīla (năm giới) một cách thận trọng. Để thực hiện thêm những hành vi thiện và từ đó tích lũy thêm những nghiệp thiện và thanh lọc tâm ý thêm nữa. Đức Phật đã trình bày mười loại phúc nghiệp, gọi là Puññakiriya vatthu (Phúc hành tông).

Mười phúc hành tông (puñña kiriya vatthu) hay nền tảng hạnh phúc.

“Puññakiriya vatthu” nghĩa là mười nền tảng của phúc hạnh mà chúng sanh nên thực hiện, vì những hạnh này có thể trợ sanh những hạnh phúc to lớn và là những pháp nên được hoàn thành bằng mọi cách.

1. Dāna : Xả thí.

2. Sīla : Trì giới là thọ trì năm giới, tám giới, mười giới v.v…

3. Bhāvanā : Tu tiến, cả hai pháp chỉ tịnh và pháp quán minh sát.

4. Apacāyana : Cung kính, kính trọng bậc tôn sư, trưởng thượng, người già.

5. Veyyāvacca : Phục vụ trong những việc thiện.

6. Pattidāna : Hồi hướng.

7. Pattānumodana : Tùy hỷ, vui theo thành tựu hay thiện pháp của người khác.

8. Dhammasavana : Thính pháp, nghe chánh tạng hay giảng giải lời Phật dạy.

9. Dhammadesanā : Thuyết, dạy hay giảng pháp, trình bày, giải thích Phật pháp.

10. Diṭṭhujukamma : Kiến thị, cải chánh tri kiến.

Mười phúc nghiệp hay nền tảng của hạnh phúc trên có thể được gom lại thành ba nhóm:

1. Nhóm xả thí : Gồm có xả thí, hồi hướng, tùy hỷ.

2. Nhóm trì giới : Gồm có trì giới, cung kính, phục vụ.

3. Nhóm tu tiến : Gồm có tu tiến, thính pháp, thuyết pháp, kiến thị.

Kiến thị (diṭṭhijukamma) cũng có thể được gồm trong cả ba nhóm, bởi vì chúng sanh sẽ thực hành xả thí (dāna), trì giới (sīla) và tu tiến (bhāvanā) chỉ khi chúng sanh có tri kiến đúng về nghiệp (kamma) và quả của nghiệp.

- Nhóm xả thí (dāna) tượng trưng cho vô tham (alobha) và đối nghịch với tật đố (issā) cùng lận sắt (macchariya). Xả thí được ví như chân.

- Nhóm trì giới (sīla) tượng trưng cho vô sân (adosa) và đối nghịch với tham (lobha) và sân (dosa). Trì giới được ví như thân.

- Nhóm tu tiến (bhāvanā) tượng trưng cho vô si (amoha) hay trí tuệ và đối nghịch với si (moha). Tu tiến được ví như đầu.

Để có đầy đủ một bộ chân, thân và đầu, chúng sanh phải hành tất cả ba nhóm của thập phúc hành tông (puñña kiriya vatthu).

Thập phúc hành tông (puñña kiriya vatthu) được thực hiện bằng tám tâm đại thiện (mahākusala citta) trừ bậc đắc thiền hay đạo. Thập phúc hành tông thường làm cho nghiệp thiện dục giới (kāmāvacara kusala kamma) phát sanh.

Nghiệp thiện sắc giới (rūpāvacara kusala kamma) và nghiệp thiện vô sắc giới (arūpāvacara kusala kamma) hoàn toàn là ý nghiệp và thuộc về nhóm tu tiến (bhāvanā).

Kệ về pháp xả thí:

“Thí pháp cao siêu hơn thí thường,

Vị ngon của pháp vị nào đương,

Vui chi cho sánh bằng vui pháp,

Ái tận khổ tiêu, chơn lạc thường.”

(Dhammapāda.354 - Việt dịch: Thera Santakicco)

Nghiệp thiện hai nhân hay ba nhân

Khi chúng sanh hành một hành vi thiện với hiểu biết về nghiệp và quả của nghiệp, tức là nghiệp về trí (kammassakatañāṇa), rồi tâm đại thiện tương ưng trí (ñāṇasampayutta mahākusala citta) sinh khởi. Tư (cetanā) phối hợp với những tâm này là đi cùng ba căn – đó là vô tham (alobha), vô sân (adosa) và vô si (amoha). Do đó, có được nghiệp thiện ba nhân (tihetuka kusala kamma).

Hơn nữa, trong lúc thực hiện những nghiệp thiện, chúng sanh có thể tu tập tuệ quán (vipassanāñāṇa) bằng cách lập luận (reasoning) tất cả pháp là vô thường, khổ và vô ngã. Nghiệp thiện (kusala kamma) đạt được lần nữa được phối hợp với ba căn thiện.

Mặt khác, nếu chúng sanh thực hiện một hành vi thiện mà không hiểu biết về nghiệp và quả của nghiệp hay không có tuệ quán (vipassanāñāṇa), vị ấy làm với tâm đại thiện bất tương ưng trí (ñāṇavippayutta mahākusala citta). Do đó, tư (cetanā) của vị ấy sẽ phối hợp với hai căn thiện – đó là vô tham (alobha), vô sân (adosa). Cho nên, vị ấy chỉ đạt được nghiệp thiện hai nhân (dvihetuka kusala kamma).

Nghiệp thiện ba nhân (tihetuka kusala kamma) thì cao hơn nghiệp thiện hai nhân (dvihetuka kusala kamma).

Nghiệp thiện (kusala kamma) bậc cao (ukkaṭṭha)[167] và bậc thấp (omaka)[168]

Ukkaṭṭha nghĩa là tốt nhất, to lớn, bậc cao trong khi omaka nghĩa là nhỏ nhoi, thấp kém hay bậc thấp.

Nếu chúng sanh có thể phát triển tâm thiện (kusala citta) trước và sau một hành vi lành hay thiện, khi đó cetanā (tư) thiện, tức là nghiệp đạt được trong khi hành động, sẽ được vây quanh bởi cetanā (tư) thiện và vì vậy tiềm lực hay mãnh lực của nó sẽ được nâng cao. Cho nên loại nghiệp này được gọi là nghiệp bậc cao (ukkaṭṭha kamma).

Để đạt được loại nghiệp này, chúng sanh nên nghĩ về thiện hạnh trước khi hành động thiện và hoan hỷ vì có cơ hội thực hiện nó. Và nữa, sau khi thực hiện hành vi thiện, vị ấy nên hoàn toàn hoan hỷ nghĩ về khía cạnh tốt của hành vi.

Mặt khác, nếu chúng sanh cảm thấy nhàn rỗi, miễn cưỡng, hay keo kiệt trước khi thực hiện một hành vi thiện như là xả thí,… và rồi trở nên buồn, ăn năn, hối tiếc sau khi thực hiện hành vi thiện, thì cetanā (tư) thiện sẽ được vây quanh bởi tư bất thiện (akusala cetanā) và vì vậy tiềm lực hay mãnh lực của nó sẽ bị giảm. Nghiệp thiện đạt được trong trường hợp này được gọi là nghiệp bậc thấp (omaka kamma).

Nghiệp Thiện Cõi Sắc Giới (Rūpāvacarakusala kamma)

67. Rūpāvacarakusalaṁ pana manokammaṁ eva, tañ ca bhāvanāmayaṁ appanāppattaṁ, jhānaṅgabhedena pañcavidhaṁ hoti.

Ngoài ra, rūpāvacarakusala kamma (nghiệp thiện sắc giới) hoàn toàn là ý nghiệp. Ý nghiệp này sinh khởi bằng thiền định đạt đến sự chuyên chú và nhóm năm chi thiền.

Cetanā (tư) phối hợp với 5 rūpāvacara kusala citta (tâm thiện sắc giới) được gọi là rūpāvacara kusala kamma (nghiệp thiện sắc giới). Năm tâm thiện sắc giới khác nhau trong chi thiền.

Nghiệp Thiện Cõi Vô sắc Giới (Arūpāvacarakusala kamma)

68. Tathā arūpāvacarakusalañ ca manokammaṁ, tam pi bhāvanāmayaṁ appanāppattaṁ, ārammaṇabhedena catubbidhaṁ hoti.

Cũng thế, arūpāvacarakusala kamma (nghiệp thiện vô sắc giới) cũng hoàn toàn là ý nghiệp. Ý nghiệp này cũng sinh khởi bằng thiền là pháp đã đạt đến sự chuyên chú và là nhóm bốn do đặc điểm của cảnh.

Cetanā (tư) phối hợp với 4 arūpāvacara kusala citta (tâm thiện vô sắc giới) được gọi là arūpāvacara kusala kamma (nghiệp thiện vô sắc giới). Bốn Tâm thiện vô sắc giới khác nhau trong cảnh mà chúng bắt.

Nghiệp Trợ Cho Quả Ra Sao

Một tâm quả (vipāka citta) cùng với những sở hữu tâm (cetasika) phối hợp với nó cung cấp danh uẩn quả (vipāka nāmakkhandha), tức là bốn nhóm quả danh. Nghiệp (kamma) cũng trợ sanh sắc nghiệp liên tiếp ở mỗi tiểu sát-na. Dựa trên sắc nghiệp (kammajarūpa), sắc quí tiết (utuja rūpa) cũng sinh khởi.

4 danh uẩn (nāmakkhandha) và sắc uẩn (rūpakkhandha) cùng tạo nên 5 uẩn hình thành một chúng sanh.

1/. Quả của nghiệp bất thiện (akusalakamma)

69. Etth’ ākusalakammaṁ uddhacca rahitaṁ Āpāyabhūmiyaṁ uddhacca rahitaṁ Apāyabhūmiyaṁ paṭisandhiṁ jan’ eti, pavattiyaṁ pana sabbaṁ pi dvādasavidhaṁ sattākusalapākāni sabbatthā pi Kāmaloke Rūpaloke ca yathārahaṁ vipaccati.

Trong 4 loại nghiệp, nghiệp bất thiện, ngoại trừ điệu cử làm tái tục trong cõi Khổ. Nhưng trong quá trình diễn tiến của kiếp sống, tất cả 12 nghiệp bất thiện tác động đến 7 quả bất thiện trong tất cả cõi Dục cũng như trong cõi Sắc, tùy theo trường hợp.

Giải:

Trong 12 akusala citta (tâm bất thiện), mohamūla uddaccasampayutta citta (tâm căn si tương ưng điệu cử) là yếu nhất và do đó, không thể đảm nhiệm vai trò của janaka kamma (nghiệp sản sanh) vào sát-na sinh của tâm tái tục, đó là paṭisandhi kāla (thời tái tục). Dù sao, trong suốt kiếp sống là pavatti kāla (thời bình nhật), nó có thể tham gia làm nghiệp hộ trợ.

Người đọc nên tham khảo Lược đồ số 7 để thấy nghiệp cho quả ra sao. Từ lược đồ này có thể được thấy rằng:

11 cetanā (tư) bất thiện, trừ cetanā (tư) yếu phối hợp với uddaccasampayutta citta (tâm tương ưng điệu cử), vào paṭisandhi kāla (thời tái tục) trợ sanh akusalavipāka upekkhāsantīraṇa citta (tâm thẩm tấn thọ xả quả bất thiện) là tâm Apāya paṭisandhi (tái tục khổ cảnh) trong 4 cõi Khổ.

Lược đồ số 7: BHŪMI (CÕI) – Nghiệp (kamma) Cho Quả Ra Sao. (xin xem lược đồ ở phần kế)

Tất cả 12 cetanā (tư) bất thiện, vào thời bình nhật, trợ sanh 7 akusalavipāka citta (tâm quả bất thiện) trong 11 cõi Dục. Chúng trợ sanh 4 akusalavipāka citta (tâm quả bất thiện) [trừ ghānaviññāṇa (tỷ thức), jivhāviññāṇa (thiệt thức) và kāyaviññāṇa (thân thức)] trong 15 cõi Sắc (trừ cõi Vô tưởng).

2/. Quả của nghiệp thiện dục giới (kāmāvacarakusalakamma)

70. Kāmāvacarakusalaṁ pi Kamasugatiyaṁ eva paṭisandhiṁ jan’ eti, tathā pavattiyañ ca mahāvipākāni, ahetukavipākāni pana aṭṭha pi sabbatthā pi kāmaloke rūpaloke ca yathārahaṁ vipaccati.

Nghiệp thiện dục giới chỉ trợ sanh tái tục trong cõi vui Dục giới. Chỉ trong cõi vui Dục này nó trợ sanh những tâm quả trong kiếp sống. Hơn nữa, nó trợ sanh đến tất cả 8 quả thiện vô nhân (không có căn) trong tất cả cõi Dục cũng như trong cõi Sắc, tùy theo trường hợp.

71. Tatth’āpi tihetukaṁ akkaṭṭhaṁ kusalaṁ tihetukaṁ paṭisandhiṁ datvā pavatte soḷasa vipākāni vipaccati.

Trong những nghiệp thiện dục giới, nghiệp thiện bậc cao ba nhân (tức nghiệp tam nhân đủ tam tư) trợ sanh tâm tái tục cũng câu hành hay đồng sanh với ba nhân và trong kiếp sống nó trợ sanh đến 16 loại tâm quả.

72. Tihetukaṁ omakaṁ dvihetukaṁ ukkaṭṭhañ ca kusalaṁ dvihetukaṁ paṭisandhiṁ datvā pavatte tihetukarahitāni dvādasa vipākāni vipaccati.

Nghiệp thiện ba nhân bậc thấp (tức nghiệp tam nhân thiếu tam tư) và nghiệp thiện hai nhân bậc cao trợ sanh tâm tái tục hai nhân và trong kiếp sống nó trợ cho 12 loại tâm quả (trừ 4 tâm ba nhân) sanh.

Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammattha-saṅgaha)  (Chương 1 - 4)

73. Dvihetukaṁ omakaṁ pana kusalaṁ ahetukaṁ omakaṁ pana kusalaṇ ahetukam eva paṭisandhiṁ deti, pavatte ca ahetukavipākañ’eva vipaccati.

Hơn nữa, nghiệp thiện hai nhân (hai căn) bậc thấp trợ sanh tâm tái tục vô nhân (không có căn) và trong kiếp sống chỉ trợ cho 8 tâm quả vô nhân sanh.

Giải:

Tám cetanā (tư) phối hợp với 8 mahākusala citta (tâm đại thiện) tượng trưng cho 8 kusala kamma (nghiệp thiện) trong cõi Dục. Trong những nghiệp này, bốn tương ưng hai nhân và bốn tương ưng ba nhân. Lại nữa, nghiệp hai nhân thì có hai loại, đó là ukkaṭṭha (bậc cao) và omaka (bậc thấp) tùy vào cetanā (tư) thiện hay bất thiện bao quanh kamma (nghiệp). Tương tự, nghiệp ba nhân thì cũng có hai loại, đó là ukkaṭṭha (bậc cao) và omaka (bậc thấp). Cho nên, có bốn nhóm của 4 loại nghiệp, mỗi nhóm được trình bày như sau:

4 tâm đại thiện bất tương ưng trí (ñāṇavippayutta mahākusala citta) trợ cho 4 nghiệp đại thiện hai nhân (dvihetuka mahākusala kamma), trong khi 4 tâm đại thiện tương ưng trí (ñāṇasampayutta mahākusala citta) trợ cho 4 nghiệp đại thiện ba nhân (tihetuka mahākusala kamma).

4 nghiệp đại thiện hai nhân (dvihetuka mahākusala kamma) có thể là bậc cao (ukkaṭṭha) hoặc bậc thấp (omaka), chúng ta có:

(i) 4 nghiệp đại thiện hai nhân bậc thấp (dvihetuka omaka mahākusala kamma).

(ii) 4 nghiệp đại thiện hai nhân bậc cao (dvihetuka ukkaṭṭha mahākusala kamma).

Tương tự, từ 4 nghiệp đại thiện ba nhân (tihetuka mahākusala kamma), chúng ta có:

(iii) 4 nghiệp đại thiện ba nhân bậc thấp (tihetuka omaka mahākusala kamma).

(iv) 4 nghiệp đại thiện ba nhân bậc cao (tihetuka ukkaṭṭha mahākusala kamma).

Trong bốn nhóm phụ ấy, (i) là tệ nhất, (ii)(iii) hơi có phần trung bình và (iv) là tốt nhất. Những quả mà chúng trợ sanh như sau:

(i) 4 nghiệp đại thiện hai nhân bậc thấp (dvihetuka omaka mahākusala kamma) vào thời tái tục (paṭisandhikāla), trợ sanh tâm thẩm tấn xả thọ quả thiện (kusalavipāka upekkhāsantīraṇa citta) trợ cho tái tục dục giới vui vô nhân (kāmasugati ahetuka paṭisandhi) trong cõi Nhân loại và cõi Tứ thiên vương thấp (Catumahārājika) với chúng sanh thấp.

Vào thời bình nhật, chúng trợ sanh 8 tâm quả thiện vô nhân (ahetuka kusala vipāka citta) trong 11 cõi Dục. Trong 15 cõi Sắc [trừ cõi Vô tưởng (asaññā satta)], chúng tạo ra 5 tâm quả thiện vô nhân (ahetuka kusala vipāka citta) [trừ tỷ thức (ghānaviññāṇa), thiệt thức (jivhāviññāṇa) và thân thức (kāyaviññāṇa)].

(ii) và (iii) 4 nghiệp đại thiện hai nhân bậc cao (dvihetuka ukkaṭṭha mahākusala kamma) và 4 nghiệp đại thiện ba nhân bậc thấp (tihetuka omaka mahākusala kamma). Vào thời tái tục, trợ sanh 4 tâm đại quả bất tương ưng trí (ñāṇavippayutta mahāvipāka citta) trợ cho tái tục dục giới vui hai nhân (kāmasugati dvihetuka paṭisandhi) trong 7 cõi vui Dục giới.

Vào thời bình nhật, chúng trợ sanh 8 tâm quả thiện vô nhân (ahetuka kusala vipāka citta) và 4 tâm đại quả bất tương ưng trí (ñāṇavippayutta mahāvipāka citta) trong 7 cõi vui Dục giới; 8 tâm quả thiện vô nhân trong 4 cõi Khổ và 5 tâm quả thiện vô nhân [trừ tỷ thức (ghānaviññāṇa), thiệt thức (jivhāviññāṇa) và thân thức (kāyaviññāṇa)] trong 15 cõi Sắc [trừ cõi Vô tưởng (asaññā satta)].

(iv) 4 nghiệp đại thiện ba nhân bậc cao (tihetuka ukkaṭṭha mahākusala kamma), vào thời tái tục, trợ sanh 4 tâm đại quả tương ưng trí (ñāṇasampayutta mahāvipāka citta) trợ cho 4 tái tục dục giới vui ba nhân (kāmasugati tihetuka paṭisandhi) trong 7 cõi vui Dục.

Vào thời bình nhật, những nghiệp này trợ sanh:

- 8 tâm quả thiện vô nhân (ahetuka kusala vipāka citta) và 8 tâm đại quả (mahāvipāka citta) trong 7 cõi vui Dục giới.

- 8 tâm quả thiện vô nhân (ahetuka kusala vipāka citta) trong 4 cõi Khổ; và

- 5 tâm quả thiện vô nhân (trừ tỷ thức, thiệt thức, thân thức) trong 15 cõi Sắc (trừ cõi Vô tưởng).

Một quan điểm khác

74. Asaṅkhāraṁ sasaṅkhāravipākāni na paccati.

Sasaṅkhāraṁ asaṅkhāra vipākāni ti kecana.

Tesaṁ dvādasa pākāni, das’ aṭṭha ca yathākkamaṁ

Yathāvuttānusārena, yathāsambhavaṁ uddise.

Một số giáo sư nói rằng asaṅkhārika kusala kamma (nghiệp thiện vô dẫn) không trợ sanh sasaṅkhārika vipāka citta (tâm quả hữu dẫn); và sasaṅkhārika kusala kamma (nghiệp thiện hữu dẫn) không trợ sanh asaṅkhārika vipāka citta (tâm quả vô dẫn).

Theo lời tuyên bố trên, sự sinh khởi của tâm quả nên được nêu ra theo thứ tự là mười hai, mười và tám.

Giải:

Quan điểm về sự sinh của những vipāka citta (tâm quả) như đã nêu trên trước đó được chuyển từ bậc thầy Tam tạng Trưởng lão Cūḷanāga và là quan điểm thường thấy ở những thầy Abhidhamma. Quan điểm khác hiện tại được bảo vệ bởi những thầy trường của trưởng lão Mahādhammarakkhita, một giáo sư Abhidhamma tại tu viện Moravāpi cổ xưa ở Sri-Lanka. Quan điểm trước được gọi là samāna-vāda, quan niệm sau được gọi là kecivāda.

Theo quan điểm này, cả hai thời tái tục và thời bình nhật, tâm thiện vô dẫn chỉ trợ sanh quả vô dẫn và tâm thiện hữu dẫn chỉ trợ sanh quả hữu dẫn.

Do đó:

2 asaṅkhārika ñāṇasampayutta tihetukaukkaṭṭha kamma (nghiệp vô dẫn tương ưng trí tam nhân bậc thượng) trợ sanh 8 ahetuka kusala vipāka citta (tâm quả thiện vô nhân) và 4 asaṅkhārika mahāvipāka citta (tâm đại quả vô dẫn), tổng cộng có 12.

2 sasaṅkhārika ñāṇasampayutta tihetukaukkaṭṭha kamma (nghiệp hữu dẫn tương ưng trí tam nhân bậc thượng) trợ sanh 8 ahetuka kusala vipāka citta (tâm quả thiện vô nhân) và 4 sasaṅkhārika mahāvipāka citta (tâm đại quả hữu dẫn), tổng cộng có 12.

Tương tự, nghiệp thiện tam nhân bậc hạ và nhị nhân bậc thượng, nếu chúng là vô dẫn thì trợ sanh 8 tâm quả thiện vô nhân và 2 tâm đại quả vô dẫn, tổng cộng có 10. Nếu chúng là hữu dẫn thì trợ sanh 8 tâm quả thiện vô nhân và 2 tâm đại quả hữu dẫn. Tổng cộng có 10.

Trong trường hợp nghiệp thiện nhị nhân bậc hạ, cả hai nghiệp vô dẫn và nghiệp hữu dẫn thì chỉ trợ sanh 8 tâm quả thiện vô nhân.

Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammattha-saṅgaha)  (Chương 1 - 4)

3/. Quả của nghiệp thiện sắc giới (rūpāvacara kusala kamma)

75. Rūpāvacarakusalaṁ pana paṭhamajjhānaṁ parittaṁ bhāvetvā Brahmapārisajjesu uppajjanti.

76. Tad eva majjhimaṁ bhāvetvā Brahmapurohitesu.

77. Paṇitaṁ bhāvetvā Mahābrahmesu.

Về phần nghiệp thiện sơ thiền thiện sắc giới, nếu đã tu tập phát triển đến bậc hạ thì sinh ra trong cõi trời Phạm chúng (Brahmapārisajjā); nếu đã tu tập phát triển đến bậc trung thì sinh ra trong cõi trời Phạm phụ (Brahmapurohitā); và nếu đã tu tập phát triển đến bậc thượng thì sinh ra trong cõi trời Đại Phạm (Mahābrahmā).

78. Tathā dutiyajjhānaṁ tatiyajjhānañ ca parittaṁ bhāvetvā Parittābhesu.

79. Majjhimaṁ bhavetvā Appamāṇābhesu.

80. Panītaṁ bhāvetvā Ābhassaresu.

Tương tự, nhị thiền và tam thiền thiện sắc giới, nếu đã tu tập phát triển đến bậc hạ thì sinh ra trong cõi trời Thiểu quang (Parittābhā); nếu đã tu tập phát triển đến bậc trung thì sinh ra trong cõi trời Vô lượng quang (Appamānābhā); và nếu đã tu tập phát triển đến bậc thượng thì sinh ra trong cõi trời Biến quang (Abhassarā).

81. Catutthajjhānaṁ parittaṁ bhāvetvā Parittasubhesu.

82. Majjhimaṁ bhāvetvā Appamāṇasubhesu.

83. Paṇītaṁ bhāvetvā subhakiṇhesu.

Tứ thiền thiện sắc giới, nếu đã tu tập phát triển đến bậc hạ thì sinh ra trong cõi trời Thiểu tịnh (Parittasubhā); nếu đã tu tập phát triển đến bậc trung thì sinh ra trong cõi trời Vô lượng tịnh (Appamānasubhā); và nếu đã tu tập phát triển đến bậc thượng thì sinh ra trong cõi trời Biến tịnh (Subhakinhā).

84. Pañcamajjhānaṁ bhāvetvā Vehapphalesu.

85. Tad eva saññāvirāgaṁ bhāvetvā Assaññasattesu.

86. Anāgāmino pana suddhāvāsesu uppajjanti.

Ngũ thiền thiện sắc giới, nếu đã được tu tập phát triển, sinh ra trong cõi trời Quảng quả (Vehapphalā). Sau khi đắc ngũ thiền, nếu bậc tu tiến phát triển sự chán ghét về tưởng, vị ấy sẽ tái tục trong cõi trời Vô tưởng. Lại nữa, bậc Bất lai ngũ thiền sẽ tái tục trong cõi trời Tịnh cư (Suddhāvāsā).

Giải:

Khi dục (chanda), cần (viriya), tâm (citta) và trí (paññā) (trong tứ trưởng) phối hợp với tâm thiền (jhāna citta) chúng sanh thường trở nên vượt trội (adhipati – trưởng). Dựa trên đặc tính của chi trưởng này, thiền (jhāna) có thể được phân biệt là bậc thấp (paritta), bậc trung (majjhima) hay bậc cao (paṇīta).

(1) Nghiệp sơ thiền thiện bậc thấp tái tục về cõi Phạm chúng thiên (Brahmaparisā) bằng tâm quả sơ thiền làm tâm tái tục, hữu phần và tử.

Nghiệp sơ thiền thiện bậc trung tái tục về cõi Phạm phụ thiên (Brahmapurohitā) bằng tâm quả sơ thiền làm tâm tái tục, hữu phần và tử.

Nghiệp sơ thiền thiện bậc cao tái tục về cõi Đại Phạm thiên (MahāBrahma) bằng tâm quả sơ thiền làm tâm tái tục, hữu phần và tử.

(2) Nghiệp nhị thiền và tam thiền thiện bậc thấp tái tục về cõi Nhị thiền Thiểu quang thiên (Parittābhā) bằng tâm quả nhị thiền và tâm quả tam thiền làm tâm tái tục, hữu phần và tử, theo thứ tự.

Nghiệp nhị thiền và tam thiền thiện bậc trung tái tục về cõi Vô lượng quang thiên (Appamāṇābhā) với tâm quả nhị thiền và tâm quả tam thiền làm tâm tái tục, hữu phần và tử, theo thứ tự.

Nghiệp nhị thiền và tam thiền thiện bậc cao tái tục về cõi Biến quang thiên (Quang âm thiên) (Ābhassarā) với tâm quả nhị thiền và tâm quả tam thiền làm tâm tái tục, hữu phần và tử, theo thứ tự.

Hai phương pháp tính thiền sắc giới đã được trình bày trước. Tam thiền theo cách tính năm bậc, tương đương với nhị thiền theo cách tính bốn bậc, sinh ra trong cõi Nhị thiền. Đối với những thiền cao hơn cũng thế.

(3) Nghiệp tứ thiền thiện bậc thấp tái tục về cõi Thiểu tịnh thiên (Parittasubhā) với tâm quả tứ thiền làm tâm tái tục, hữu phần và tử.

Nghiệp tứ thiền thiện bậc trung tái tục về cõi Vô lượng tịnh thiên (Appamāṇasubhā) với tâm quả tứ thiền làm tâm tái tục, hữu phần và tử.

Nghiệp tứ thiền thiện bậc cao tái tục về cõi Biến tịnh thiên (Subhakiṇhā) với tâm quả tứ thiền làm tâm tái tục, hữu phần và tử.

(4) Nghiệp ngũ thiền thiện tái tục về cõi Quảng quả thiên (Vehapphalā) với tâm quả ngũ thiền làm tâm tái tục, hữu phần và tử.

Sau khi đắc ngũ thiền, nếu vị ấy tu tiến lìa tưởng (thiền phát triển không có sự mong mỏi về tưởng và tâm) đến rốt ráo thì nghiệp này sẽ trợ tái tục về cõi Vô tưởng thiên (Asaññāsattā) chỉ bằng sắc mạng quyền (là cõi chỉ có sắc pháp mà không có danh pháp).

Hơn nữa, bậc Bất lai đắc ngũ thiền thì nghiệp ngũ thiền thiện của bậc Bất lai (Anāgāmi) ấy trợ cho tái tục về cõi Tịnh cư (Suddhāvāsa) bằng tâm quả ngũ thiền làm tâm tái tục, hữu phần và tử.

Lại nữa, tùy vào năng lực của pháp quyền nào làm trưởng mà sự tái tục của những bậc Bất lai ấy xảy ra trong 5 cõi Tịnh cư (Suddhāvāsa) như sau:

Năng lực của tín (saddhā) … cõi Vô phiền (Avihā).

Năng lực của cần (viriya) … cõi Vô nhiệt (Atappā).

Năng lực của niệm (sati) … cõi Thiện kiến (Sudassā).

Năng lực của định (samādhi) … cõi Thiện hiện (Suddassī).

Năng lực của trí (paññā) … cõi Sắc cứu cánh (Akaniṭṭha).

4/. Quả của nghiệp thiện vô sắc giới (arūpāvacara kusala kamma)

87. Arūpavacarakusalañ ca yathākkamaṁ bhāvetvā āruppesu uppajjantī ti.

Arūpāvacara kusala jhāna (Thiền thiện vô sắc) được phát triển đầy đủ, cho quả trong cõi Vô sắc, theo thứ tự.

88. Itthaṁ mahaggataṁ puññaṁ yathābhūmivavatthitaṁ, jan’ eti sadisaṁ pākaṁ, paṭisandhippavattiyaṁ. Idaṁ ettha kammacatukkaṁ.

Như đã được trình bày, nghiệp thiện đáo đại cho quả ở những cõi tương ứng trong cả hai thời, đó là thời tái tục và thời bình nhật.

Đến điểm này, đây là bốn loại nghiệp.

Giải:

Nghiệp thiện không vô biên xứ (ākāsānañcāyatana kusala kamma) tái tục trong cõi Không vô biên xứ bằng tâm quả không vô biên xứ làm việc như tâm tái tục, hữu phần và tử.

Nghiệp thiện thức vô biên xứ (viññāṇañcāyatana kusala kamma) tái tục trong cõi Thức vô biên xứ bằng tâm quả thức vô biên xứ làm việc như tâm tái tục, hữu phần và tử.

Nghiệp thiện vô sở hữu xứ (ākiñcaññāyatana kusala kamma) tái tục trong cõi Vô sở hữu xứ bằng tâm quả vô sở hữu xứ làm việc như tâm tái tục, hữu phần và tử.

Nghiệp thiện phi tưởng phi phi tưởng xứ (nevasaññā-nāsaññāyatana kusala kamma) tái tục trong cõi Phi tưởng phi phi tưởng xứ bằng tâm quả phi tưởng phi phi tưởng xứ làm việc như tâm tái tục, hữu phần và tử.

___o0o___

IV. Maraṇupatti Catuka (Nhóm Bốn Nhân Đưa Đến Tử)

89. Āyukkhayena kammakkhayena ubhayakkhayena upacchedakakammunā c’eti catudhā maraṇuppatti nāma.

Đưa đến tử có bốn yếu tố, đó là: (i) do hết tuổi thọ; (ii) do hết nghiệp lực; (iii) do hết cả hai cùng lúc; (iv) do sự can thiệp của hoại nghiệp.

Giải:

Tử được chính thức vạch rõ là cắt đứt mạng quyền (jīvitindriya) gồm trong giới hạn của chỉ một kiếp sống.

Bốn yếu tố đưa đến tử có thể được so sánh với 4 cách dập tắt một ngọn đèn dầu.

Ngọn lửa của đèn dầu có thể bị tắt khi: 1) tim đèn bị cháy hết; 2) dầu bị cháy hết; 3) cả hai tim đèn và dầu đều bị cháy hết; hay 4) đột nhiên gió thổi tắt hoặc ngọn lửa bị tắt một cách chủ ý dù tim đèn và dầu đều còn.

Cũng thế, một người có thể tử theo một trong những cách sau:

(i) Āyukkhaya maraṇa - tử do hết tuổi thọ.

(ii) Kammakkhaya maraṇa - tử do hết sức mạnh của nghiệp sản sanh.

(iii) Ubhayakkhaya maraṇa - tử do hết cả hai tuổi thọ và sức mạnh của nghiệp sản sanh.

(iv) Upacchedaka maraṇa - hoạnh tử là tử do sự can thiệp của một nghiệp phá hủy. Đó là đột tử như thình lình gặp tai nạn xe hay tự sát.

Những Cảnh, Điềm Hay Tướng Xuất Hiện Lúc Cận Tử (Maraṇāsanna nimitta)

90. Tathā ca marantānaṁ pana maraṇakāle yathārahaṁ abhimukhībhūtaṁ bhavantare paṭisandhijanakaṁ kammaṁ vā, taṁkammakaraṇakāle rūpādikam upaladdhapubbaṁ upakaraṇabhūtañ ca kammanimittaṁ vā, anantaraṁ upajjamānabhave upalabhitabbaṁ upabhogabhūtañ ca gatinimittaṁ vā, kammabalena channaṁ dvārānaṁ aññatarasmiṇ paccupaṭṭhāti.

Tiếp tục trong trường hợp của những người gần tử do bốn nhân trên, vào lúc cận tử, một trong những điềm sau chắc chắn tự hiện diện qua bất cứ môn nào trong 6 môn do sức mạnh của nghiệp (là nghiệp sẽ trợ sanh tái tục kế tiếp):

(i) Cảnh ‘nghiệp’ (kamma) là nghiệp làm cảnh trợ cho tái tục trong kiếp sống kế.

(ii) Cảnh ‘điềm nghiệp’ (kamma nimitta) là hình ảnh, âm thanh, mùi, v.v… là cảnh từng nắm bắt trước đó trong khi tạo nghiệp.

(iii) Cảnh ‘điềm sinh’ (gati nimitta) hay thú tướng là cảnh người hay vật liên quan với nơi mà vị ấy sắp tái tục đến phù hợp với nghiệp quả.

Giải:

Với những ai sắp tử, do sức mạnh của nghiệp (sẽ trợ cho kiếp sống kế tiếp), một trong ba tướng hay điềm (nimitta) sau luôn tự hiện diện tại những môn thích hợp.

(i) Cảnh ‘nghiệp’ (kamma) là cảnh hiện ra giống như ta từng làm: Ta nhớ lại những hành động chuyên môn đã làm, ví như phim chiếu lại cảnh trước của ta, là nghiệp thiện hay bất thiện sẽ trợ sanh ngay sau tái tục.

(ii) Cảnh ‘điềm nghiệp’ (kamma nimitta) là hình ảnh, âm thanh, mùi, v.v… là cảnh từng nắm bắt trước đó trong khi tạo nghiệp, mà nghiệp đó sẽ cho quả. Hay là cảnh của nghiệp thiện hay bất thiện hiện ra lúc lâm chung như là người giết thú nhiều, thời thấy thú đến đòi mạng hoặc cắn rứt v.v… còn cảnh ‘điềm nghiệp’ tốt như là người thường tạo phúc đức khi gần chết thấy người đem đồ tặng cho v.v…

(iii) Cảnh ‘điềm sinh’ (gati nimitta) là cảnh người hay vật liên quan với nơi kế tiếp mà vị ấy tái tục đến; như cảnh bào thai mẹ, nhà, thiên cung, địa ngục, hay những vật dụng, người mà vị ấy sẽ gặp ở nơi tái tục. Hay là cảnh tiêu biểu hiện tượng chỗ sẽ tái tục như: Sắp hóa sanh về cõi thiên đàng thì thấy cung điện hoặc thiên đàng v.v…, hoặc thấy lằn sáng là biểu-hiệu sanh làm người, hoặc thấy đường tăm tối thì sẽ sanh làm thú. Hoặc thấy ngọn lửa, hoặc lạnh, hoặc nóng v.v… là điềm sẽ sanh vào cõi Địa ngục.

Cũng cần nhấn mạnh rằng, một trong những điềm trên sẽ chắc chắn tự nó hiện diện đến tiến trình đổng lực của người đang tử, tự nó không đến tâm tử. Tâm tử bắt cùng cảnh mà tâm tái tục và tâm hữu phần đã bắt của kiếp sống hiện tại. Cảnh của tiến trình đổng lực cuối của kiếp sống hiện tại sẽ làm cảnh của tâm tái tục, hữu phần và tử của kiếp sống kế tiếp.

Những cảnh hiện ra lúc sắp chết diệt cùng với tâm tử. Còn tâm tái tục nương theo những cảnh ấy mà chỉ bắt tinh hoa bản chất của cảnh ấy mà thôi.

“Tái tục, hữu phần, xả thân

Ba tâm một thứ, mỗi lần in nhau,

Vẫn đồng làm việc chung trào

Cảnh thời giống cảnh trước sau cũng là.”

[Yêu cầu người đọc ôn lại cảnh cận tử (Maraṇāsanna nimitta) đã trình bày ở chương Lộ trình tâm (Vīthi)].

Lộ Cận Tử (Maraṇāsanna vīthi)

Tato paraṁ tam eva tath’ opaṭṭhitaṁ ārammanaṁ ārabbha vipaccamānaka kammānurūpaṁ parisuddhaṁ upakkiliṭṭham vā cittasantānaṁ abhiṇhaṁ pavattati bāhullena. Tam’eva vā pana janakabhūtaṁ kammaṁ abhinavakaraṇavasena dvārappattaṁ hoti.

Sau đó, bắt cảnh đã hiện diện như thế, dòng tâm thức tiếp tục tuôn chảy phù hợp với nghiệp sẽ cho quả, cho dù hoàn hảo hay tỳ vết và phù hợp với sự tồn tại hay kiếp sống của người đang tái tục, hầu như hướng về kiếp sống ấy. Hay nghiệp sản sanh ấy là nghiệp sẽ trợ cho tái tục tự hiện diện trong ý môn bằng sức mạnh của sự tự nối tiếp.

91. Paccāsannamaraṇassa tassa vīthicittāvasāne bhavaṇgakkhaye vā cavanavasena paccuppannabhavapariyosānabhutaṁ cuticittaṁ uppajjhitvā nirujjhati.

Tasmiṁ niruddhā vasāne tass’ ānantaraṁ eva tathāgahitaṁ ārammaṇaṁ ārabbha savatthukaṁ avatthukam eva vā yathārahaṁ avijjānusayaparikkhittena taṇhānusayamūlakena saṅkhārena janīyamānaṁ sampayuttehi pariggayha mānaṁ sahajātānaṁ adhiṭṭhānabhāvena pubbaṅ gamabhūtaṁ bhavantarapaṭisandhāna-vasena paṭisandhisankhātaṁ mānasaṁ uppajjamānam eva patiṭṭhāti bhavantare.

Với người cận tử, cho dù ở cuối của lộ trình tâm hay lúc diệt của tâm hữu phần, tâm tử, cuối của kiếp sống hiện tại, sanh và diệt theo cách tử.

Ngay sau sự diệt của tâm tử, một tâm tái tục sinh khởi và được thiết lập ở kiếp sống sau, bắt lấy cảnh đã được bắt bằng đổng lực cận tử, dù cho có chỗ chịu bằng sắc ý vật hay không, do thích hợp. Tâm tái tục này được trợ sanh bởi nghiệp thiện hay bất thiện, mà nghiệp ấy được bao quanh bởi avijjānusaya (vô minh tiềm thùy) và căn kāmārāgānusaya (ái tiềm thùy). Nó được gọi là paṭisandhi citta (tâm tái tục) vì nó liên kết hai kiếp sống liền kề với nhau. Nó được kết nối bằng những danh sở hữu và đóng vai trò như pháp dẫn đầu phối hợp cùng sanh như nền tảng của chúng.

Cảnh Của Tâm Tái Tục

92. Maraṇāsannavīthiyaṁ pan’ ettha mandappavattāni pañc’ eva javanāni pātikaṅkhitabbāni, tasmā yadi paccuppannārammaṇesu āpāthagatesu dharantesv’ eva maraṇaṁ hoti, tadā paṭisandhi bhavaṅgānam pi paccuppannārammaṇatā labbhatī ti katvā Kamāvacarapaṭisandhiyā chadvāraggahitaṁ kammanimittaṁ gatinimittañ ca paccuppannamatītārammanaṁ upalabbhati. Kammaṁ pana atītam eva, tañ ca manodvāraggahitaṁ. Tāni pana sabbāni pi parittadhammabhūtān’ ev’ārammanāni.

Lại nữa, ở chỗ này trong lộ cận tử, chỉ có 5 javana (đổng lực) yếu sẽ sanh. Do đó, khi đến lúc tử, trong khi cảnh hiện tại đối chiếu vào môn và vẫn còn đang hiện diện, tâm tái tục và tâm hữu phần của kiếp sống mới sẽ bắt cùng cảnh hiện tại ấy. Với lý do này, tái tục trong cõi Dục, khi cảnh là một cảnh ‘điềm nghiệp’ (kammanimitta) hay một cảnh ‘điềm sinh’ (gatinimitta) được nhận biết tại một trong 6 môn, cảnh ấy có thể là cảnh hiện tại hay cảnh quá khứ. Nhưng cảnh ‘điềm nghiệp’ (kammanimitta) làm cảnh thì chỉ là cảnh quá khứ và chỉ được nhận biết tại ý môn. Thêm nữa, tất cả những cảnh của tái tục cõi Dục này chỉ là cảnh dục.

93. Rūpāvacarapaṭisandhiyā pana paññattibhūtaṁ kammanimittam ev’ ārammanaṁ hoti.

94. Tathā Arūpapaṭisandhiyā ca mahaggatabhūtaṁ paññattibhūtañ ca kammanimittam eva yathārahaṁ ārammaṇaṁ hoti.

Lại nữa, trong trường hợp tái tục trong cõi Sắc giới, cảnh là một pháp chế định và luôn là một cảnh ‘điềm nghiệp’ (kammanimitta). Cũng thế, trong trường hợp tái tục trong cõi Vô sắc, cho dù cảnh có thể là tâm đáo đại (mahaggata citta) hay một pháp chế định, thì luôn là một cảnh ‘điềm nghiệp’ (kammanimitta).

95. Assaññasattānaṁ pana jīvitanavakam eva paṭisandhibhāvena patiṭṭhāti, tasmā te rūpapaṭisandhikā nāma.

96. Ārūpā rūpapaṭisandhikā.

97. Sesā rūpārūpapaṭisandhikā.

Thêm nữa, chư Phạm thiên vô tưởng (Asaññasatta brahmā), chỉ có bọn sắc mạng chín pháp (jīvitanavaka kalāpa) thành cố định trong cách kết nối tái tục. Do đó, chúng được gọi có tái tục sắc (rūpa paṭisandhi). Chư Phạm thiên vô sắc (Arūpa brahmā) được gọi có tái tục danh (nāma paṭisandhi). Tất cả những chúng sanh còn lại được gọi là có tái tục danh-sắc (tức là họ được sanh có đủ cả năm uẩn).

Giải:

Khi chúng sanh gần tử, điềm cận tử (maraṇāsanna nimitta) luôn xuất hiện tại 1 trong 6 môn. Điềm cận tử có thể dưới dạng của một nghiệp quá khứ sẽ trợ cho tái tục trong kiếp sống mới, hay dưới dạng cảnh ‘điềm nghiệp’ (kammanimitta) có thể là quá khứ hay hiện tại, hay dưới dạng của một cảnh ‘điềm sinh’ hay thú tướng (gatinimitta) là điềm thường hiện diện.

Nghiệp hoàn chỉnh là cetanā (tư) cũng như điềm nghiệp (kammanimitta) quá khứ sẽ xuất hiện ở ý môn trong khi điềm nghiệp (kammanimitta) hiện tại cũng như điềm sinh (gatinimitta) sẽ xuất hiện ở 1 trong 5 môn, đó là một cảnh sắc sẽ xuất hiện tại nhãn môn, cảnh thinh sẽ xuất hiện tại nhĩ môn và v.v…

Khi cảnh cận tử xuất hiện tại 1 trong 6 môn, tâm khai ý môn (āvajjana citta) sẽ bắt cảnh cận tử và một dòng tâm thức tuôn chảy, gọi là lộ cận tử. Hợp với nghiệp sản sanh sẽ trợ cho kiếp sống kế. Một tâm thiện hay bất thiện bình thường sanh năm lần làm việc đổng lực trong lộ này. Những đổng lực này được gọi là đổng lực cận tử (maraṇāsannajavana).

(a) Lộ nhãn môn cận tử cảnh rất lớn

(Atimahantārammaṇa cakkhudvāra maraṇāsanna vīthi)

Hai loại lộ cận tử cho cảnh sắc rất lớn đối chiếu vào nhãn môn:

(i) Lộ này là lộ chót na cảnh có xen hữu phần trước khi tử.

Ký tự theo Pāḷi

…Ti-Na-Da-“Pa-Ca-Sam-Ṇa-Vo-Ja-Ja-Ja-Ja-Ja-Dā-Dā”-Bha-Cuti-Paṭi-Bha…

Ký tự theo Việt

…V-R-D-“K-Nhãn-T-Th-P-C-C-C-C-C-N-N”-H-Ử-S-H…

(ii) Lộ này là lộ chót na cảnh không có xen hữu phần trước khi tử.

Ký tự theo Pāḷi

…Ti-Na-Da-“Pa-Ca-Sam-Ṇa-Vo-Ja-Ja-Ja-Ja-Ja-Dā-Dā”-Cuti-Paṭi-Bha…

Ký tự theo Việt

…V-R-D-“K-Nhãn-T-Th-P-C-C-C-C-C-N-N”-Ử-S-H…

Giải:

Cảnh ‘điềm nghiệp’ (kamma nimitta) hiện tại hay điềm sinh (gati nimitta) đối chiếu hay dội vào nhãn môn vào sát-na sanh của tâm hữu phần vừa qua thứ nhất (atīta bhavaṅga) với cường độ rất lớn, nó trở nên rõ rệt vào sát-na sanh của tâm hữu phần rúng động (bhavaṅga calana). Tâm hữu phần rúng động này sanh liên tục làm việc rúng động 2 sát-na tâm (Na-Da) rồi dứt. Kế tiếp, quan sát cảnh, tâm khai ngũ môn (pañcadvārāvajjana), nhãn thức (cakkhuviññāṇa), tiếp thâu (sampaṭicchana), thẩm tấn (santīraṇa), đoán định (voṭṭhapana), 5 đổng lực (javana), 2 na cảnh (tadālambaṇa) và 1 hữu phần (bhavaṅga) sanh trong lộ (vīthi). Kế đó, tâm tử (cuti) sanh khi người ấy tử. Trong lộ thứ nhì, tâm tử trực tiếp theo ngay sau tâm na cảnh mà không có bất cứ sự can thiệp nào của một tâm hữu phần.

Ngay sau tâm tử (cuti) diệt, tâm tái tục (paṭisandhi citta) sanh liền kề trong kiếp sống kế tiếp; không có bất cứ khoảng ngưng hay khoảng thời gian nào xen giữa trong dòng tâm thức. Kiếp sống kế có thể xuất hiện ở một nơi rất xa như một cõi Phạm thiên (Brahma), song không có khoảng trống.

Như thế, dòng tâm thức tiếp tục tuôn chảy, không có chướng ngại về thời gian và không gian. Ý nghĩa về thời gian và không gian được hình dung ở đây, cũng là ý nói về linh hồn lang thang loanh quanh trước khi nó vào một kiếp sống kế là một quan kiến sai trái. Không có linh hồn hay người trong Vô Tỷ Pháp (Abhidhamma) – chỉ có dòng chảy không ngừng của danh pháp (nāma) và sắc pháp (rūpa) hợp với lý liên quan tương sinh (paṭiccasamuppāda), sẽ được giải thích trong Chương VIII.

(b) Lộ nhãn môn cận tử cảnh lớn

(mahantārammaṇa cakkhudvāra maraṇāsanna vīthi)

Hai loại lộ cận tử có một cảnh sắc với cường độ lớn đối chiếu hay dội vào nhãn môn được trình bày như sau:

Ký tự theo Pāḷi

…Tī-Tī-Na-Da-“Pa-Ca-Sam-Ṇa-Vo-Ja-Ja-Ja-Ja-Ja-Bha-Cuti-Paṭi”-Bha…

Ký tự theo Việt

…V-V-R-D-“K-Nhãn-T-Th-P-C-C-C-C-C-H-Ử-S”-H…

Ký tự theo Pāḷi

…Tī-Tī-Tī-Na-Da-“Pa-Ca-Sam-Ṇa-Vo-Ja-Ja-Ja-Ja-Ja-Cuti-Paṭi”-Bha…

Ký tự theo Việt

…V-V-V-R-D-“K-Nhãn-T-Th-P-C-C-C-C-C-Ử-S”-H…

Điềm cận tử với cường độ tương đối lớn trở nên rõ rệt tại môn chỉ sau hai hoặc ba hữu phần vừa qua (atīta bhavaṅga) đã trôi qua. Kế đó, tâm hữu phần rúng động hai lần (Na-Da) rồi dứt. Sau đó là tâm khai ngũ môn (pañcadvārāvajjana), nhãn thức (cakkhuviññāṇa), tiếp thâu (sampaticcana), thẩm tấn (santīraṇa), đoán định (voṭṭhapana), năm đổng lực (javana) và sau đó, một tâm hữu phần (bhavaṅga) có thể sanh (hoặc không) kết thúc tiến trình lộ. Ngay sau đó, tâm tử sanh kết thúc kiếp sống hiện tại. Và nữa, ngay sau tâm tử (cuti), tâm tái tục (paṭisandhi) sanh liền kề, không bị gián đoạn trong dòng tâm thức và không có quãng ngừng nào.

(c) Lộ ý môn cận tử cảnh rất rõ

(Ativibhūtārammaṇa manodvāra maraṇāsanna vīthi)

Ký tự theo Pāḷi

…Na-Da-“Ma-Ja-Ja-Ja-Ja-Ja-Dā-Dā-Bha-Cuti-Paṭi”-Bha…

Ký tự theo Việt

…R-D-“K-C-C-C-C-C-N-N-H-Ử-S”-H…

Ký tự theo Pāḷi

…Na-Da-“Ma-Ja-Ja-Ja-Ja-Ja-Dā-Dā-Cuti-Paṭi”-Bha…

Ký tự theo Việt

…R-D-“K-C-C-C-C-C-N-N-Ử-S”-H…

Giải:

Khi cảnh ‘nghiệp’ (kamma) trợ cho tái tục kế tiếp hay cảnh ‘điềm nghiệp’ (kamma nimitta) quá khứ xuất hiện tại ý môn với cường độ lớn, tâm hữu phần rúng động hai lần (Na-Da) rồi dứt. Sau đó là tâm khai ý môn (manodvārāvajjana) hướng dòng danh pháp đến cảnh, tóm lấy cảnh và quyết định dù cho cảnh là tốt hay xấu. Kế tiếp là năm đổng lực (javana) hưởng vị của cảnh, tiếp theo sau là hai tâm na cảnh (talambaṇa) và một hoặc không có tâm hữu phần (bhavaṅga).

Kế tiếp, tâm tử (cuti) sanh khi chúng sanh tử. Ngay liền sau tâm tử diệt, tâm tái tục (paṭisandhi) sinh khởi trong kiếp sống kế tiếp mà không có sự gián đoạn nào trong dòng tâm thức. Sau đó, tâm hữu phần bắt đầu tuôn chảy trong kiếp sống kế.

(d) Lộ ý môn cận tử cảnh rõ

(Vibhūtārammaṇa manodvāra maraṇāsanna vīthi)

Ký tự theo Pāḷi

…Na-Da-“Ma-Ja-Ja-Ja-Ja-Ja-Bha-Cuti-Paṭi”-Bha…

Ký tự theo Việt

…R-D-“K-C-C-C-C-C-H-Ử-S”-H…

Ký tự theo Pāḷi

…Na-Da-“Ma-Ja-Ja-Ja-Ja-Ja-Cuti-Paṭi”-Bha…

Ký tự theo Việt

…R-D-“K-C-C-C-C-C-Ử-S”-H…

Lộ tâm sinh khởi trong trường hợp (d) không có hai tâm na cảnh (Dā-Dā). Nó rất quan trọng là dòng tâm thức không bị cắt đứt khi tử, mà cứ tuôn chảy từ kiếp này sang kiếp khác.

Tâm Tái Tục (Paṭisandhi citta) Và Cảnh

Tâm tái tục sinh khởi trong kiếp sống mới là quả của nghiệp (nghiệp hữu - bhavakamma) có cơ hội trợ cho kiếp sống mới. Tâm tái tục nối kết kiếp sống mới với kiếp sống cũ, nên được gọi là tâm tái tục (paṭisandhi citta).

Tâm tái tục câu hành (đi cùng) với những sở hữu tâm (cetasika) hợp với nó. Tâm là những hạt nhân cũng là pháp đi trước dẫn dắt những sở hữu tâm hợp với nó. Sắc ý vật (hadaya vatthu), đã được trợ sanh bởi cùng nghiệp, sẽ xuất hiện nếu sự sống mới xảy ra trong cõi Ngũ uẩn (Pañca vokāra). Còn nếu sự sống mới xảy ra trong cõi Tứ uẩn (Catu vokāra) tức cõi Vô sắc thì sẽ không có sắc ý vật.

Tâm tái tục bắt cảnh mà đổng lực cận tử (maraṇāsannajavana) từng quan sát. Nếu đổng lực quan sát cảnh ‘điềm nghiệp’ (kammanimitta) thì tâm tái tục cũng quan sát cảnh ‘điềm nghiệp’ (kammanimitta). Và tất cả tâm hữu phần trong kiếp sống mới cũng quan sát theo cùng cảnh ấy.

Cảnh của tâm tái tục sắc (rūpa paṭisandhi) là cảnh ‘điềm nghiệp’ (kammanimitta) như là tợ tướng (paṭibhāga nimitta) của đề mục kasiṇa thường xuất hiện ở ý môn vào thời tử.

Cảnh của tâm tái tục vô sắc (arūpa paṭisandhi) cũng là cảnh ‘điềm nghiệp’ (kammanimitta) có thể là cảnh chế định như là không vô biên xứ hay tâm đáo đại như tâm thiện không vô biên xứ (ākāsānañcāyatana kusala citta).

Cõi Tái Tục Sau Khi Tử

98. Ārupacutiyā honti, heṭṭimāruppavajjitā param ārupasandhī ca, tathā Kāmatihetukā.

Rūpāvacaracutiyā, aheturahitā siyuṁ. Sabbā kāmatihetumhā, Kāmesv’eva pan’ etarā.

Ayaṁ ettha Cutipaṭisandhikkamo.

Khi một chúng sanh tử từ một cõi Vô sắc, vị ấy có thể được tái tục ở cùng cõi Vô sắc hay trong bất cứ cõi nào cao hơn, nhưng không ở cõi Vô sắc thấp hơn. Vị ấy cũng có thể được tái tục trong một cõi vui Dục giới bằng tâm tái tục ba nhân.

Khi một chúng sanh tử từ một cõi Sắc giới, vị ấy có thể được tái tục bằng bất cứ tái tục hữu nhân nào, nhưng không bằng tái tục vô nhân.

Khi một chúng sanh tử từ một kiếp sống ba nhân trong cõi Dục, vị ấy có thể tái tục bằng bất cứ tái tục nào, nghĩa là vị ấy có thể được sanh bất cứ nơi nào. Còn những người nhị nhân và vô nhân trong cõi Dục, sau khi tử sẽ chỉ được tái tục trong cõi Dục giới.

Đây là tiến trình tử và tái tục.

Giải:

Tử là sự kết thúc tạm thời của một hiện tượng tạm thời. Bởi vì tử nghĩa là sự tắt của mạng quyền (jīvitindriya), hỏa giới (usmā = tejodhātu) và thức (viññāṇa) của mỗi chúng sanh trong mỗi một kiếp sống. Nhưng tử không hoàn toàn là sự tiêu diệt của một chúng sanh. Tử ở một nơi đồng nghĩa với việc tái tục ở một nơi khác một khi nhân trợ cho kiếp kế tiếp chưa bị đoạn tuyệt.

Bây giờ, những cõi là nơi tái tục có thể xảy ra sau khi tử trong mỗi cõi được tính như sau:

1. Khi một vị Phạm thiên trong một cõi Vô sắc tử, vị ấy có thể tái tục ở cùng cõi hay một cõi cao hơn mà không ở một cõi Vô sắc thấp hơn. Lại nữa, vị ấy có thể tái tục ở cõi Dục với 3 nhân (tihetuka) là một vị trời (deva) hay một chúng sanh nhân loại. Cho nên:

(i) Sau khi tử ở cõi Không vô biên xứ (Ākāsānañcāyatana), có thể 4 tái tục vô sắc (arūpa) và 4 tái tục dục giới tam nhân.

(ii) Sau khi tử ở cõi Thức vô biên xứ (Viññāṇañcāyatana), có thể tái tục ở 3 vô sắc (arūpa) (trừ tái tục không vô biên xứ) và có thể là 4 tái tục dục giới tam nhân.

(iii) Sau khi tử ở cõi Vô sở hữu xứ (Ākiñcaññāyatana), có thể tái tục ở vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ và 4 tái tục dục giới tam nhân.

(iv) Sau khi tử ở cõi Phi tưởng phi phi tưởng xứ (Nevasaññā nāsaññā yatana), có thể tái tục ở Phi tưởng phi phi tưởng xứ và 4 tái tục dục giới tam nhân.

2. Khi một vị Phạm thiên trong một cõi Sắc (ngoại trừ cõi Vô tưởng và Tịnh cư) tử, vị ấy có thể tái tục trong bất cứ cõi nào ngoại trừ 4 cõi Khổ tùy vào nghiệp của vị ấy. Vị ấy cũng sẽ được tái tục là một người nhân loại hạng thấp hay là một A-tu-la hạng thấp. Nói cách khác là có thể 4 tái tục dục giới nhị nhân, 4 tái tục dục giới tam nhân, 6 tái tục sắc giới và 4 tái tục vô sắc giới, có thể trừ 2 tái tục vô nhân.

Khi Phạm thiên vô tưởng tử, Ông ấy sẽ được tái tục trong cõi Dục làm người nhân loại hay vị trời, cho nên có thể là 4 tái tục dục giới nhị nhân và 4 tái tục dục giới tam nhân.

3. Khi một chúng sanh nhân loại hay vị trời dục giới tử, vị ấy có thể tái tục trong bất cứ cõi nào nếu vị ấy là một người tam nhân (tihetuka), vì vị ấy có thể tu tập thiền (jhāna) để tái tục thành một vị Phạm thiên hay vị ấy có thể phạm vào những ác nghiệp rồi bị sa vào những cõi Khổ.

Khi một người nhân loại hai nhân hay vị trời hai nhân tử, vị ấy có thể tái tục bằng bất cứ tái tục nào trong 10 tái tục dục giới.

4. Khi người vô nhân trong cõi Nhân loại cũng như trong cõi Tứ đại thiên vương thấp tử, cả 10 tái tục dục giới đều có thể.

5. Khi người khổ trong 4 cõi Khổ tử, lần nữa, cả 10 tái tục dục giới đều có thể xảy ra.

Sự Liên Tục Của Dòng Tâm Thức

99. Icc’ Evaṁ gahitapaṭisandhikānaṁ pana patisandhinirodh’ānantarato pabhuti tam ev’ ārammaṇam ārabbha tad eva cittaṁ yāva cuticittuppādā asati vīthicittuppāde bhavassa aṅgabhāvena bhavaṅgasantatisaṅkhātaṁ mānasaṁ abhocchinnaṁ nadīsoto viya pavattati.

Hơn nữa, đối với ai từng tái tục theo như cách mô tả trên, từ khi sát-na tâm tái tục diệt, cùng loại tâm quả bắt lấy cùng cảnh đã bắt bằng tâm tái tục, lần lượt sinh không đứt quãng, tuôn chảy như dòng sông cho đến khi tử nếu không có một lộ tâm sinh khởi. Dòng tâm thức này là nguyên nhân duy trì sự sống trong kiếp sống mới, được gọi là tâm hữu phần (bhavaṅgacitta).

100. Pariyosāne ca cavanavasena cuticittaṁ hutvā nirujjhati.

Vào lúc cuối của kiếp sống ấy, vào thời tử, tâm tử sanh và diệt.

Giải:

Nghiệp trợ cho kiếp sống mới sinh khởi, tiếp tục trợ sanh tâm quả của nó lần lượt từ sát-na tái tục cho đến khi tử. Tâm quả đầu tiên, vì nó kết nối kiếp sống mới với kiếp quá khứ, nên được gọi là tâm tái tục kết nối, hay đơn giản là tâm tái tục (paṭisandhi citta).

Dòng chảy của tâm quả bắt đầu từ sát-na ngay sau tâm tái tục cho đến sát-na ngay trước tâm quả cuối cùng sanh, được gọi là tâm hữu phần (bhavaṅga citta). Tâm quả cuối cùng, vì nó làm việc tử, nên được gọi là tâm tử (cuti citta).

Vòng Sanh Và Tử (Saṃsāra – Luân Hồi)

101. Tato parañ ca paṭisandhādayo rathacakkam iva yathākkamaṁ eva parivattantā pavattanti.

102. Paṭisandhibhavaṅgavīthiyo, cuti c’eha tathā bhavantare, puna sandhi bhavaṅgam icc’ ayaṁ, parivattati cittasantati.

Sau khi tâm tử diệt, tâm tái tục và những tâm khác [như tâm hữu phần (bhavaṅgacitta) và tâm lộ (vīthicitta)] tiếp tục sanh và diệt không ngừng theo đúng trình tự như sự quay của bánh xe của một cỗ xe.

Như tâm tái tục, tâm hữu phần, tâm lộ và tâm tử sanh và diệt không ngừng trong kiếp sống hiện tại, cũng thế trong kiếp sống kế tiếp, một dòng tâm thức tương tự sẽ vẫn sinh một cách liên tục.

Giải:

Ngay sau sự diệt của tâm tái tục (paṭisandhicitta), tâm hữu phần (bhavaṅgacitta) sanh và diệt 16 sát-na tâm. Sau đó, một tâm khai ý môn (manodvārāvajjana) sinh khởi lấy tâm tái tục làm cảnh của nó. Theo sau tâm này là bảy tâm đổng lực (javanacitta), có căn là tham, bất tương ưng tà kiến và vô dẫn, phát triển một sự ái luyến/dục cầu vào kiếp sống mới (bhavanikanti javana). Đây là lộ trình tâm đầu tiên trong kiếp sống mới.

Khi lộ trình tâm này kết thúc, lần nữa, tâm hữu phần tuôn chảy cho đến khi nó bị ngắt bằng một lộ tâm. Hữu phần, một lộ tâm, hữu phần và lộ tâm sẽ cứ tiếp tục xảy ra cho đến khi tử.

Dòng tâm thức tuôn chảy theo cách này từ lúc tái tục cho đến khi tử và từ khi tử đến một sự sinh mới, hết kiếp này sang kiếp khác, xoay vòng như bánh xe của một cỗ xe. Vòng sanh và tử liên tục không ngừng được gọi là “Saṃsāra” – luân hồi.

Dứt Vòng Sanh Và Tử (Saṃsāra – Luân Hồi)

Paṭisaṅkhāyapanetamaddhuvaṁ, adhigantvā padamaccutaṁ budhā, Sumamucchinnasinehabandhanā, samamessanti cirāya subbatā.

Để kết thúc vòng luân hồi, bậc trí được tái tục bằng tâm đại quả tương ưng trí (ñāṇasampayutta mahāvipāka citta) (tức là tâm tái tục tam nhân) thôi thúc họ trong thời gian dài bằng cách thực hành tam học, biết và thấy rõ sự sinh và diệt của danh pháp và sắc pháp bằng tuệ quán (vipassanāñāṇa) và thấy rõ trạng thái vắng lặng bất diệt của Nibbāna bằng đạo tuệ (maggañāṇa) và quả tuệ (phalañāṇa). Họ làm khô cạn tất cả ái (taṅhā), cắt đứt tất cả pháp triền và đạt đến sự vắng lặng vĩnh viễn.

Iti Abhidhammatthasaṅgahe Vīthimuttasaṅgahavibhāgo nāma pañcamo paricchedo.

Đến đây, kết thúc chương thứ năm của Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammatthasaṅgaha) với tựa đề Ngoại Lộ Tập Yếu (Vīthimuttasaṅgaha).

___o0o___

Câu Hỏi Ôn Tập

1. Bốn cõi Khổ là gì? Tại sao chúng được gọi là ‘Apāyabhūmi’? Những ai bị sanh trong cõi này? Tại sao?

2. Bảy cõi vui Dục giới là gì? Tại sao chúng được gọi là ‘Kāmasugatibhūmi’? Những hạng người nào trú trong cõi này?

3. Trình bày những cõi trời Phạm thiên (Brahma). Tại sao một số Chư Phạm thiên chỉ có sắc pháp, một số chỉ có danh pháp và một số có cả hai danh pháp và sắc pháp?

4. Trình bày mười hai hạng người (puggala). Hạng người nào có thể được tìm thấy trong: Cõi Khổ, cõi Nhân loại, cõi trời Dục giới, cõi trời Sắc giới và cõi trời Vô sắc giới.

5. Trình bày bốn dạng tái tục (paṭisandhi). Nêu tâm tái tục, hữu phần và tử của người khổ, người lạc vô nhân, người nhị nhân, người tam nhân, chư Phạm thiên Sơ thiền sắc, chư Phạm thiên Quảng quả, chư Phạm thiên Tịnh cư, chư Phạm thiên Vô tưởng, chư Phạm thiên Không vô biên xứ?

6. Trình bày tuổi thọ của người khổ, người nhân loại, địa chư thiên, chư thiên cõi trời: Tāvatiṁsā, Tusitā, Mahābrahmā, Asaññāsatta, Vehapphala, Akaniṭṭha và Nevasaññānāsaññāyatana bhrahma.

7. Trình bày bốn loại nghiệp tương ứng với phận sự.

8. Trình bày bốn loại nghiệp theo cấp độ ưu tiên cho quả.

9. Loại nghiệp gì có thể đóng vai trò của garuka kamma (trọng nghiệp), āsanna kamma (cận tử nghiệp), āciṇṇa kamma (thường nghiệp), kaṭattā kamma (bất định nghiệp). Chúng ta nên làm gì để được một tái tục vui trong kiếp sống kế tiếp?

10. Trình bày bốn loại nghiệp theo thời gian chín muồi. Theo bạn nghĩ thì khi nào quả của hành vi thiện hay bất thiện mà chúng ta đã thực hiện được trổ sanh?

11. Trình bày bốn loại nghiệp chia theo nơi chín muồi. Bạn sẽ giải thích ra sao về việc người kiếm sống đạt được theo ý muốn bằng những ác hạnh, bất thiện pháp và người nghèo kiếm sống không đạt được theo ý muốn cho dù họ dẫn đầu một cuộc sống đức hạnh, theo thiện pháp?

12. Trình bày những nghiệp định hướng số phận và nơi sanh ra sao của Devadatta, Vua Ajātasattu, Hoàng hậu Mallikā và người cha của Đại đức Sona từng là một thợ săn và sau trở thành một tu sĩ.

13. Ai điều khiển, lôi kéo số mệnh và nơi sanh của tất cả chúng sanh? Trình bày khái quát.

14. Nghiệp môn là gì? Trình bày ba loại nghiệp môn (kamma-dvāra) và những hành vi bất thiện phù hợp với những môn này.

15. Chúng ta có thể lựa chọn ra sao trước một hành vi thiện hay bất thiện? Căn hay nhân làm cho những nghiệp thiện và bất thiện là gì?

16. Chúng ta phải làm gì để tuân theo lời dạy của tất cả chư Phật: “Tránh xa những việc ác, hành theo những việc lành và làm tâm ý thanh tịnh”?

17. Trình bày mười pháp thiện. Chúng có thể được phân thành ba nhóm ra sao?

18. Chúng ta nên thực hiện những nghiệp thiện ra sao để đạt được nghiệp thiện tam nhân bậc thượng? Nghiệp này cho quả ra sao?

19. Tại sao một số người chỉ đạt được nghiệp nhị nhân bậc hạ trong việc đặt bát? Nghiệp này cho quả ra sao?

20. Những nghiệp sau đây cho quả ra sao và ở đâu: Nghiệp bất thiện, nghiệp nhị nhân bậc hạ, nghiệp nhị nhân bậc thượng, nghiệp tam nhân bậc thượng, nghiệp sơ thiền thiện sắc giới, nghiệp ngũ thiền thiện sắc giới, nghiệp thiện thức vô biên xứ?

21. Trình bày những nghiệp thiện dục giới khác nhau? Những nghiệp này cho quả ra sao?

22. Tử là gì? Trình bày bốn nhân đưa đến tử.

23. Trình bày những điềm hay tướng xuất hiện lúc cận tử. Tại sao chúng xuất hiện?

24. Một thợ săn đang tử thấy chó địa ngục đến cắn ông ta. Đây là điềm gì? Giải thích lộ tâm sanh lúc ấy.

25. Một tín nữ nghe thuyết pháp ngay trước khi tử. Cảnh cận tử của tín nữ và lộ tâm tương ứng với cảnh ấy là gì?

26. Một nhà giáo nhớ lại cử chỉ giảng dạy của cô ngay trước khi tử. Cảnh cận tử và lộ tâm của cô là gì?

27. Một tu nữ thấy thiên cung sặc sỡ vào sát-na đang tử của cô. Cảnh cận tử và lộ tâm của cô là gì?

28. Cảnh cận tử là gì? Khi nào, tại sao và nó xuất hiện ra sao?

29. Giải thích lộ cận tử cảnh rất rõ? Có một khoảng ngừng trong dòng tâm thức vào lúc tử hay không?

30. Tử và tái tục trong Abhidhamma nghĩa là gì? Giải thích hiện tượng chết từ một kiếp sang kiếp khác.

31. Những chúng sanh sau đây sẽ sanh về đâu sau khi tử: Mèo, ngạ quỷ, người lạc vô nhân, người tam nhân, người trời, Đại Phạm thiên, Phạm thiên Vô tưởng, Phạm thiên Vô sở hữu xứ.

32. Giải thích nhóm bốn cõi và nó làm nên 31 cõi ra sao.

33. Trình bày những hạng người khác nhau trong cõi Nhân loại. Nêu những tâm và nghiệp tương ứng đưa đến sự tái tục.

___o0o___

CHƯƠNG VI: RŪPA SAṄGAHA – SẮC PHÁP NHIẾP

Mở Đầu

Trong bốn pháp siêu lý (paramattha), tâm (citta), sở hữu tâm (cetasika), sắc pháp (rūpa), Níp-bàn (Nibbāna), chúng ta đã học qua 89 hay 121 thứ tâm, 52 sở hữu tâm. Những sở hữu tâm này phối hợp với tâm, nương vào tâm, cảnh (ārammaṇa) cũng như sắc vật (vatthu), sự phát sanh của lộ tâm nhận biết cảnh, 31 cõi hiện hữu và những hạng người trú ở những cõi ấy, sự khác biệt giữa những loại nghiệp và những hoạt động của chúng xuyên qua những quả thành tựu như là tâm tái tục, tâm hữu phần và tâm tử và cuối cùng tử và tái tục.

Nay trong chương này, chúng ta bàn về hai pháp siêu lý còn lại đó là sắc pháp (rūpa) và Níp-bàn (Nibbāna).

Sắc Pháp Là Chi?

Rūpa’ (căn rup - pakāsane) được dịch như là sắc, tố chất, hữu hình, thân, tinh thể, v.v… nhưng không có từ nào chính xác. Xem xét từ những diện mạo, trạng thái khác nhau của ‘rūpa’, thì ‘sắc’ hay sắc pháp là từ tương đương gần nhất. ‘Rūpa’ bao gồm những trạng thái của sắc cũng như hoạt động của chúng.

Tattha katamaṃ sabbaṃ rūpaṃ? Cattāro ca mahābhūtā, catunnañca mahābhūtānaṃ upādāyarūpaṃ, idaṃ vuccati sabbaṃ rūpaṃ.

Tất cả sắc pháp là chi? Là sắc tứ đại hiển và sắc y sinh nương sắc tứ đại hiển, đó gọi là tất cả sắc pháp. (Dhs. 502)

Rūpa’ có thể thay đổi hình dạng và màu sắc do quí tiết nóng và lạnh cũng như những sắc vật chất. Mặc dù hình thể, hình dạng và khối lượng sẽ hiển lộ khi nhiều ‘rūpa’ được tích lũy, nói theo thực tính siêu lý thì sắc pháp (rūpa) không có hình dáng rõ rệt, không có hình dạng xác định.

Trong Vô Tỷ Pháp (Abhidhamma), sắc pháp (rūpa) sanh và diệt liên tục không dứt ở mỗi tiểu sát-na (khaṇa). Sắc pháp liên tục sanh không ngừng do bốn nguyên nhân trợ – đó là: Nghiệp (kamma), tâm (citta), quí tiết (utu) và vật thực (āhāra). Sắc pháp tồn tại rất ngắn – chỉ 17 sát-na tâm. Chúng vừa được hình thành thì hầu như tức khắc diệt mất. Hầu như tỷ lệ sanh và tỷ lệ diệt của sắc pháp đồng nhau làm cho định luật bảo tồn của sắc giữ thành những ‘khối’ hay ‘uẩn’.

Bên cạnh việc sắc pháp (rūpa) và danh pháp (nāma) phụ thuộc lẫn nhau, chúng ta nên hiểu sắc pháp hơn nữa bằng cách nghiên cứu những khía cạnh khác nhau của sắc pháp được trình bày dưới đây.

Bảng Liệt Kê Sắc Pháp (Rūpa samuddesa)

Theo Abhidhamma, 28 thứ sắc pháp (rūpa) được chia thành 2 nhóm – đó là nhóm bốn sắc minh hay sắc hiển (bhūtarūpa) và nhóm hai mươi bốn sắc y sinh (upādāyarūpa). Sắc minh hay sắc hiển nổi bật hơn sắc y sinh. Khối lượng lớn như quả địa cầu và mặt trời được hình thành khi nhiều sắc minh được tích lũy. Sắc chủng còn được gọi là đại hiển (mahābhūta).

Bốn thứ sắc hiển (bhūtarūpa) này là nền tảng của sắc, không rời nhau trong những bọn sắc khác nhau. Chúng tham gia vào thành phần của tất cả sắc vật chất, từ phân tử nhỏ nhất cho đến hòn núi to lớn.

Hai mươi bốn sắc y sinh (upādāyarūpa) là những sắc nương nhờ hay tùy thuộc vào sắc hiển đặng sinh.

Bốn sắc đại hiển cùng với hai mươi bốn sắc y sinh tạo nên 28 thứ sắc pháp (rūpa) với những trạng thái khác nhau.

28 thứ sắc pháp (rūpa) có thể được phân thành 11 loại sắc như sau:

(a) ‘Sắc đại hiển’ – đất, nước, lửa, gió.

(b) ‘Sắc thanh triệt’ – nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân.

(c) ‘Sắc cảnh’ – sắc, thinh, khí, vị.

(d) ‘Sắc tính’ – nữ, nam.

(e) ‘Sắc ý vật’.

(f) ‘Sắc mạng quyền’.

(g) ‘Sắc vật thực’.

(h) ‘Sắc giao giới’.

(i) ‘Sắc biểu tri’ – thân biểu tri, khẩu biểu tri.

(j) ‘Sắc kỳ dị’ – nhẹ, mềm, thích sự.

(k) ‘Sắc tứ tướng’ – tích trữ, thừa kế, lão, vô thường.

(a) Bốn Sắc Đại Hiển (Mahābhūta)[169]

Sắc đại hiển nghĩa là sắc to lớn và hiện bày rõ ràng. Như có Pāḷi chú giải như vầy:

“Uppādinnānuppādinnasantānesu salakkhaṇato sasambhārato ca mahantāni hutvā bhavanti pātubhavantīti = mahābhūtāni”.

“Những sắc nào là to lớn và hiện bày rõ ràng bởi trạng thái và hình tướng riêng trong cơ tánh của vật có sự sống và không có sự sống. Do đó, những sắc ấy gọi là sắc đại hiển”.

1. Sắc Đất (paṭhavī) hay ‘địa đại, paṭhavīdhātu (địa giới)’ [‘Paṭhavī’ (địa) còn được viết là ‘puṭhavī, puṭhuvī’ – được bắt nguồn từ căn puth có nghĩa là tăng, nở ra, dãn ra, mở rộng, tăng số lượng v.v…; Dhātu (giới) nghĩa là pháp tự trì trạng thái (attano sabhāvaṃ dhārenti)].

Địa giới (paṭhavīdhātu) là thực tính dãn nở với những trạng thái cứng và mềm. Dãn nở nghĩa là chiếm không gian. Sự dãn nở 3 chiều khiến cho phát sanh khái niệm của một thân rắn chắc. Như không có hai thân có thể chiếm hữu cùng không gian trong cùng một thời gian, Phật giáo tìm thấy khái niệm cứng từ sắc đất. Hai trạng thái của cứng và mềm, hàm ý tính tương đối. Thí dụ, một hòn đá có thể nói là ‘cứng’ nếu so sánh với đất sét, nhưng là ‘mềm’ nếu so sánh với sắt. Sắc đất làm nơi nương tựa hay nòng cốt cho những sắc câu sanh khác.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Sahajātarūpāni pathanti patiṭṭhahanti etthāti = paṭhavī: Sắc nào thành chỗ cho các sắc câu sanh để nhờ, đó gọi là đất.

Katamaṃ taṃ rūpaṃ paṭhavidhātu? Yaṃ kakkhaḷaṃ kharigataṃ kakkhaḷattaṃ kakkhaḷabhāvo ajjhattaṃ vā bahiddhā vā upādinnaṃ vā anupādinnaṃ vā, idaṃ taṃ rūpaṃ paṭhavīdhātu.

Sắc gọi là địa giới đó ra sao? Sắc nào mà cứng sượng, sự cứng, cách cứng, vật cứng, trạng thái cứng, hoặc bên trong, hoặc bên ngoài, hoặc thành thủ, hoặc thành phi thủ. Những sắc này gọi là địa giới (pathavīdhātu). (Dhs. 656)

Dhātu (giới) nghĩa là tự trì trạng thái.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của địa: (DhsA.368, Vs.1.362, Vs.2.73)[170]

- Trạng thái là cứng (kakkhaḷattalakkhaṇā), mềm, thô, mịn, nặng, nhẹ.

- Phận sự là duy trì, đóng vai trò là một nền tảng cho những sắc đại khác và những sắc y sinh trong bọn cùng hiện hữu (patiṭṭhānarasā).

- Thành tựu là hứng chịu, tiếp nhận những sắc đồng sanh trong cùng bọn (sampaṭicchana-paccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có 3 sắc đại còn lại trong cùng bọn của chúng (thủy, hỏa và phong giới) (avasesa-dhātuttāya-padaṭṭhānā).

2. Sắc nước (āpo) hay ‘thủy đại, āpodhātu (thủy giới)’ [‘āpo’ được bắt nguồn từ căn ap, đến, giao đến, hoặc từ ā + căn pāy, gia tăng, tăng trưởng. Āpodhātu (thủy giới) là yếu tố dính liền, cố kết].

Thủy giới (āpodhātu) là thực tính kết dính với những trạng thái quến lại và chảy ra. Nó là thực tính nước (āpo) làm cho những hạt sắc khác kết lại với nhau. Nó cũng như lực hấp dẫn giữa điện cực âm và dương. Khi chúng ta cộng một ít nước vào bột, những nguyên tử bột kết dính thành cục. Nếu chúng ta cộng thêm nước, hỗn hợp trở thành lỏng và chảy ra.

Có những câu Pāḷi chú giải như vầy:

. Āpeti sahajātarūpesu byāpetvā tiṭṭhatīti = āpo: Sắc mà đượm nhuần khắp cả các sắc câu sanh, đó gọi là nước.

. Appāyati sahajātarūpāni suṭṭhu brūheti vaḍḍhetīti = āpo: Sắc mà làm cho những sắc câu sanh tiến hóa tốt đẹp, đó gọi là nước.

. Sahajātarūpāni avippakiṇṇāni katvā bhuso pāti rakkhatīti = āpo: Sắc mà quến lại bảo trì cho sắc câu sanh đặng chặt chẽ không cho rời rã, sắc ấy gọi là nước.

Katamaṃ taṃ rūpaṃ āpodhātu? Yaṃ āpo āpogataṃ sineho sinehagataṃ bandhanattaṃ rūpassa ajjhattaṃ yā bahiddhā vā upādinnaṃ vā anupādinnaṃ vā, idaṃ taṃ rūpaṃ āpodhātu.

Sắc gọi là thủy giới đó ra sao? Sắc nào có chơn tướng chảy ra, quến lại, hay sự nhỉ, ướt, tươm của sắc hoặc bên trong, hoặc bên ngoài, hoặc thành thủ, hoặc thành phi thủ, dù thế nào những sắc này đều gọi là thủy giới (āpodhātu). (Dhs.656)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của nước: (DhsA.368, Vs.1.362, Vs.2.73)

- Trạng thái là chảy ra, rỉ ra (paggharaṇalakkhaṇa) hay là trạng thái quến lại (ābandhana-lakkhaṇa).

- Phận sự là có cách tiến hóa làm tăng những sắc đồng sanh trong cùng bọn (byūhanarasā).

- Thành tựu là tóm xiết chặt lại, cùng giữ hay cố kết sắc siêu lý trong bọn (saṅgahapaccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là 3 sắc đại còn lại trong cùng bọn của chúng (avasesa-dhātuttaya-padaṭṭhānā).

3. Sắc lửa (tejo) hay ‘hỏa đại, tejodhātu (hỏa giới)’ [‘tejo’ được bắt nguồn từ căn tij, mài, vót làm cho nhọn, làm cho bén, làm tăng thêm, làm cho chín, làm cho hoàn thiện. Cả hai nhiệt nóng và nhiệt lạnh là thực tính của tejodhātu (hỏa giới)].

Hỏa giới (tejodhātu) là thực tính nhiệt hay năng lượng nhiệt với trạng thái nóng và lạnh. Tính sôi nổi, tính chín, nóng và lạnh là do nhiệt. Cả hai nóng và lạnh là trạng thái của năng lượng nhiệt (tejo). Khi nhiệt thổi vào thân chúng ta, chúng ta cảm giác nóng. Khi nhiệt thoát ra khỏi thân chúng ta ra ngoài, chúng ta cảm giác lạnh.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Tejeti paripacetīti = tejo: Nhiệt làm cho chín gọi là hỏa.

Lửa hoạt động trong thân có 5 cách: 1 là chất ấm trong thân (usmātejo), 2 là chất nóng trong thân hơi nhiều (santāpanatejo), 3 là chất nóng quá độ (ḍahanatejo), 4 là lửa làm cho thân già (jiraṇatejo), 5 là lửa làm cho tiêu vật thực (pācakatejo).

Katamaṃ taṃ rūpaṃ tejodhātu? Yaṃ tejo tejogataṃ usmā usmāgataṃ usumaṃ usumagataṃ ajjhattaṃ vā bahiddhā vā upādinnaṃ vā anupādinnaṃ vā, idaṃ taṃ rūpaṃ tejodhātu.

Sắc mà gọi là hỏa giới đó ra sao? Sự nóng, cách nóng, sự ấm, cách ấm, sự nực, cách nực, hoặc bên trong, hoặc bên ngoài, hoặc thành thủ, hoặc thành phi thủ, dù thế nào những sắc này đều gọi là hỏa giới (tejodhātu). (Dhs. 656)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của tejo: (DhsA.368, Vs.1.362, Vs.2.73)

- Trạng thái là nhiệt (cách nóng, hay lạnh) (uṇhatta-lakkhaṇā).

- Phận sự là làm cho chín, làm chín những sắc chơn đế khác trong bọn (paripācana-rasā).

- Thành tựu là làm cho ấm áp, mềm dẻo (maddavānuppadāna-paccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có 3 sắc đại còn lại trong cùng bọn (avasesa-dhātutaya-padaṭṭhānā).

4. Sắc Gió (vāyo) hay ‘phong đại, vāyodhātu (phong giới)’ (‘vāyo’ được bắt nguồn từ căn vay, dao động, rung động, lay động, chuyển động, di động, cử động, lung lay, đu đưa, áp lực, áp suất v.v... gây ra do sắc này).

Phong giới (vāyodhātu) là thực tính chuyển động, lay động hay động năng với những trạng thái nâng đỡ và chịu. Khi chúng ta thổi khí vào một bong bóng, khí sẽ đẩy thành của bong bóng ra ngoài và nếu không quân bình lực đẩy vào thành của bong bóng, bong bóng sẽ bể. Nhớ rằng có tác động và phản ứng ở mỗi điểm. Sự lay động, rung động, dao động, xoay và áp suất đều do sắc gió (vāyo).

Có Pāḷi chú giải như vầy:

- Vāyati desantaruppatti hetubhāvena bhutasaṅghātaṃ papetīti = vāyo: Sắc mà làm nhân lay động sắc câu sanh thay đổi chỗ, gọi là gió.

- Vāyati sahajātadhamme apatamāne katvā vahatīti = vāyo: Sắc mà kềm sắc câu sanh cứng vững không lay động, gọi là gió.

Gió hoạt động trong thân có 6 cách: 1 là gió thổi lên (uddhaṅgamavāyo), 2 là gió thổi xuống (adhogamavāyo), 3 là gió thổi trong bụng (kucchiṭṭhavāyo), 4 là gió trong ruột già (koṭṭhāsayavāyo), 5 là gió đi khắp châu thân (aṅgamaṅgānusārīvāyo), 6 là hơi thở ra vô (assāsapassāsavāyo).

Katamaṃ taṃ rūpaṃ vāyodhātu? Yaṃ vāyo vāyogataṃ thambhitattaṃ rūpassa ajjhattaṃ vā bahiddhā vā upādinnaṃ vā anupādinnaṃ vā, idaṃ taṃ rūpaṃ vāyodhātu.

Sắc mà gọi là phong giới đó ra sao? Gió nào của sắc lay động qua lại, hoặc bên trong, hoặc bên ngoài, hoặc thành thủ, hoặc thành phi thủ, dù thế nào những sắc này đều gọi là phong giới (vāyodhātu). (Dhs. 656)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của gió: (DhsA.368, Vs.1.362, Vs.2.73)

- Trạng thái là lay động (samīraṇa-lakkhaṇā), hay là trạng thái căng phồng, chịu, đẩy, nâng đỡ những sắc chơn đế khác trong cùng bọn (vitthambhana-lakkhaṇā).

- Phận sự là làm cho khua động nổi tiếng, đẩy, lay động những sắc chơn đế khác (samudīraṇa-rasā).

- Thành tựu là kéo đi, dịch chuyển đến nơi khác (abhinihāra-paccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có 3 sắc đại còn lại trong cùng bọn (avasesa-dhātutaya-padaṭṭhānā).

Lưu ý: Bốn sắc đại hiển cũng được gọi là bốn sắc đại giới.

Dhātu theo Pāḷi nghĩa là tự trì trạng thái hay thực tính. ‘Giới’ là từ tương đồng gần nhất với ‘dhātu’.

Pathavī dhātu theo nghĩa đen là ‘địa giới’, āpo dhātu là ‘thủy giới’, tejo dhātu là ‘hỏa giới’ và vāyo dhātu là ‘phong giới’. Nhưng pathavī không phải là đất, cũng như āpo không phải là nước hay vāyo không phải là gió.

Sắc tứ đại hiển là nền tảng của những sắc thực tính đồng hiện hữu và bất ly. Mỗi thứ sắc, dù đất, nước, lửa hay gió từ phân tử nhỏ nhất cho đến vật lớn nhất được tạo bởi bốn giới (dhātu) này đều sở hữu mỗi trạng thái riêng như được trình bày ở trên.

Từ đây, người đọc có thể thấy rằng Phật giáo không bàn về nước Thales, gió Anaximenes, lửa Heracleitus hay sắc Peripatetic của triết học Hy Lạp.

Đất (pathavī), nước (āpo), lửa (tejo) và gió (vāyo) không có hình dáng rõ rệt và không có khối lượng trong ý nghĩa siêu lý. Trong thiền quán minh sát (vipassanā), chúng ta chỉ quán những trạng thái của chúng trong thân, tức là cứng và mềm, quến lại và chảy ra, nóng và lạnh, đẩy và cân bằng.

Bốn chất đại vừa nêu gom chung lại là tứ đại minh, tứ đại chủng hay tứ đại hiển (mahābhūta) nghĩa là lớn lao rõ rệt. Có Pāḷi chú giải như vầy: Mahantāni hutvā bhūtāni pātubhūtānīti = mahābhutāni: Sắc có chơn tướng hiện bày rất rõ rệt, gọi là đại minh hay tứ đại hiển, tức là đất, nước, lửa, gió.[171]

___o0o___

Hai Mươi Bốn Sắc Y Sinh (Upādārūpa)

Sắc y đại sinh là sắc nương sắc đại hiển sanh. Như có Pāḷi chú giải như vầy:

“Mahābhūtānaṃ upādāya pavattaṃ rūpanti = upādāyarūpaṃ”: Sắc nào phát sanh do nương sắc đại hiển, sắc ấy gọi là sắc y sinh hay sắc y đại sinh.

Có 24 sắc y sinh hay sắc thực tính thứ yếu nương bốn sắc đại hiển. Tợ như đất là chánh; như cây thì nương sinh nảy nở từ đất.

(b) Năm sắc thanh triệt (Pasāda rūpa)[172]

Sắc thanh triệt là những phần sắc trong ngần của các giác quan – mắt, tai, mũi, lưỡi và thân. Chúng có khuynh hướng làm trong sáng các sắc đồng sanh. Chúng tiếp nhận những dấu ấn của cảnh. Có Pāḷi chú giải như vầy:

Pasīdatīti = pasādo: Sự trong ngần của sắc (tứ đại) gọi là thanh triệt.

5. Sắc nhãn thanh triệt (cakkhupasāda) là thứ sắc trong ngần của sắc nghiệp lan tỏa trong lớp thứ 7 của con ngươi; nơi ảnh (cảnh sắc) hiện bày hay là nơi thâu đặng cảnh sắc.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Cakkhatīti = cakkhu: Chỗ để cho thấy cảnh sắc gọi là nhãn tức là nhục nhãn (maṃsacakkhu) mắt thịt.

Nói nhãn đây có hai: 1 là trí nhãn (paññācakkhu), 2 là nhục nhãn (maṃsacakkhu).

Trí nhãn có 5: 1 là Phật nhãn (Buddhacakkhu) tức là tuệ biết tánh nết chúng sanh (āsayānusayañāṇa), 2 là toàn tri nhãn (samantacakkhu) tức là nhất thế chủng trí (sabbaññutañāṇa), 3 là tuệ nhãn (ñāṇacakkhu) tức là tuệ đạo của bậc Tứ quả (Arahattamaggañāṇa), 4 là thiên nhãn (dibbacakkhu) tức là nhãn thông (abhiññāṇa), 5 là pháp nhãn (dhammacakkhu) tức là tuệ đạo của bậc Hữu học (maggañāṇa).

Nhục nhãn có 2: 1 là nhãn thanh triệt (pasādacakkhu) tức là con ngươi trong bảy lớp võng mạc ở giữa tròng đen, 2 là nhãn hiện tượng (sasambhāracakkhu) là tất cả bộ phận con mắt.

Ở đây là nói về nhãn thanh triệt. Có Pāḷi chú giải như vầy: Cakkhuviññāṇadiṭṭhitaṃ hutvā samavisamaṃ cakkhati ācikkhantaṃ viya hotīti = cakkhu: Nơi nương của nhãn thức và có cách mường tượng cho nhãn thức biết cảnh tốt, xấu, đó gọi là nhãn tức là nhãn thanh triệt, hiện tượng như đầu con chí, tục gọi là con ngươi có bảy lớp mạc bao, tỷ như gòn ở trong dầu, cũng gọi là nhãn quyền hay nhãn môn.

Katamaṃ taṃ rūpaṃ cakkhāyatanaṃ? Yaṃ cakkhu catunnaṃ mahābhūtānaṃ upādāya pasādo attabhāvapAriyāpanno anidassano sappaṭigho, yena cakkhunā anidassanena sappaṭighena rūpaṃ sanidassanaṃ sappaṭighaṃ passi vā passati vā passissati vā passe vā, cakkhumpetaṃ, cakkhāyatanampetaṃ, cakkhudhātupesā, cakkhundriyampetaṃ, lokopeso, dvārāpesā, samuddopeso, paṇḍarampetaṃ, khettampetaṃ, vatthumpetaṃ, nettampetaṃ, nayanampetaṃ, orimaṃtīrampetā, suñño gāmopeso idaṃ taṃ rūpaṃ cakkhāyatanaṃ.

Sắc mà gọi là nhãn xứ đó ra sao? Nhãn nào là thanh triệt nương sắc tứ đại hiển, liên hệ trong thân thể, thành không thấy mà đối chiếu đặng, chúng sanh đã thấy, đang thấy, sẽ thấy, nên thấy thứ sắc thấy đặng và đối chiếu (do thâu bằng nhãn thanh triệt), nhãn nào không thấy được mà đối chiếu đặng; đây cũng gọi là nhãn, cũng gọi là nhãn xứ, cũng gọi là nhãn giới, cũng gọi là nhãn quyền, cũng gọi là đời, cũng gọi là môn, cũng gọi là biển, cũng gọi là bạch tịnh, cũng gọi là giới hạn, cũng gọi là vật, cũng gọi con ngươi, cũng gọi con mắt, cũng gọi bờ bên này, cũng gọi luống không[173], nhà trống. Những sắc này gọi là nhãn xứ. (Dhs. 516)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của nhãn thanh triệt:

- Trạng thái là trong ngần của sắc tứ đại mà thâu cảnh sắc đặng (rūpā-bhighātā-raha-bhūta-ppasāda-lakkhaṇaṃ).

- Phận sự là làm tuôn ra, gây ra tiến trình/lộ tâm để thấy biết một cảnh sắc, đó là kéo tiến trình/lộ tâm đến một cảnh sắc (rūpesu aviñchana-rasaṃ).

- Thành tựu là cơ sở, nền tảng, chỗ nương của nhãn thức và sở hữu tâm (danh hành) phối hợp với nhãn thức ấy. (cakkhuviññāṇassa ādhāra-bhāvapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là có sắc tứ đại sanh từ nghiệp tham ái chấp trước sự thấy (diṭṭhukāmatānidāna-kammaja bhūta-padaṭṭhānaṃ).

6. Sắc nhĩ thanh triệt (sotapasāda) là thứ sắc thanh triệt của sắc nghiệp lan tỏa ở nơi có hình dáng tợ như một vòng tròn bên trong lỗ tai thâu đặng âm thinh làm cảnh cho nhĩ thức biết cảnh thinh.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Suṇātīti = sotaṃ: Có thể (làm cho) nghe đặng, gọi là nhĩ, có 2 thứ: 1 là nhĩ thanh triệt (sotāpasāda), 2 là lỗ tai hiện tượng ra ngoài để cho nhĩ thanh triệt nương.

Nhĩ thanh triệt có 3 câu chú giải như sau:

Sotaviññāṇa dhiṭṭhitaṃ hutvā saddaṃ suṇatīti: Chỗ nương của nhĩ thức nhờ đặng nghe, đó tức là nhĩ thanh triệt.

Saddaṃ suṇanti etenāti = sotaṃ: Nghe tiếng đặng nhờ sắc ấy, nên sắc ấy gọi là nhĩ, tức là nhĩ thanh triệt.

Sadde suyyanti etenāti = sotaṃ: Tất cả chúng sanh nghe đặng tiếng do nhờ sắc ấy, nên sắc ấy gọi là nhĩ; tức là nhĩ thanh triệt. Câu giải thứ nhất phụ thuộc, hai câu giải sau chánh thức.

Katamaṃ taṃ rūpaṃ sotāyatanaṃ? Yaṃ sotaṃ catunnaṃ mahābhūtānaṃ upādāya pasādo attabhāvapAriyāpanno anidassano sappaṭigho, yena sotena anidassanena sappaṭighena saddaṃ anidassanaṃ sappaṭighaṃ suṇi vā suṇāti vā suṇissati vā suṇe vā, sotampetaṃ, sotāyatanampetaṃ, sotadhātupesā sotindriyampetaṃ, lokopeso, dvārāpesā, samuddopeso, paṇḍarampetaṃ, khettampetaṃ, vatthumpetaṃ, orimaṃ tīrampetaṃ, suñño gāmopeso. Idaṃ taṃ rūpaṃ sotāyatanaṃ. (Dhs. 517)

Sắc mà gọi là nhĩ xứ đó ra sao? Nhĩ nào là thanh triệt nương sắc tứ đại hiển, liên quan thân thể là đồ không thấy nhưng đối chiếu đặng (mà chúng sanh) hoặc đã nghe, hoặc đang nghe, hoặc sẽ nghe, hoặc đang nghe những tiếng là thứ không thấy mà đối chiếu đặng. Nhĩ nào là thứ thấy không đặng mà đối chiếu đặng, đây cũng gọi là nhĩ, cũng gọi là nhĩ xứ, cũng gọi là nhĩ giới, cũng gọi là nhĩ quyền, cũng gọi là đời, cũng gọi là môn, cũng gọi là biển, cũng gọi là bạch tịnh, cũng gọi là giới hạn, cũng gọi là vật, cũng gọi bờ bên này, cũng gọi nhà không. Những sắc này gọi là nhĩ xứ.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của nhĩ thanh triệt:

- Trạng thái là sự trong ngần của sắc tứ đại mà thâu đặng cảnh thinh (saddābhighātārahabhūtappasādalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là đưa đến hứng chịu cảnh thinh đối chiếu (saddesu āviñchanarasaṃ).

- Thành tựu là chỗ nương của nhĩ thức (sotaviññāṇassa ādhārabhāvapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là có sắc tứ đại sanh từ nghiệp tham ái thinh (sotukāmatānidāna-kammajabhūtapadaṭṭhānaṃ).

7. Sắc tỷ thanh triệt (ghānapasāda) là thứ sắc trong ngần của sắc nghiệp lan tỏa ở nơi có hình dáng tợ như móng chân cừu bên trong lỗ mũi thâu đặng các mùi làm cảnh cho tỷ thức biết cảnh khí.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Ghāyatīti = ghānaṃ: Có cách hít, ngửi, đó gọi là tỷ.

Nói về tỷ có hai thứ: 1 là bản thể tỷ (pasādaghāna) tức là tỷ thanh triệt nương trong xương lỗ mũi, như móng con dê; 2 là tỷ cụ thể (sasambhāraghāna) tức là cả bộ phận (hiện tượng) lỗ mũi để cho tỷ thanh triệt nương.

Bản thể tỷ hay tỷ thanh triệt có câu Pāḷi chú giải chánh thức như vầy:

Ghāyanti etenāti = ghānaṃ: Sắc nào làm nguyên do ngửi hơi đặng, sắc ấy gọi là tỷ, tức là tỷ thanh triệt.

Katamaṃ taṃ rūpaṃ ghānāyatanaṃ? Yaṃ ghānaṃ catunnaṃ mahābhūtānaṃ upādāya pasādo attabhāvapAriyāpanno anidassano sappaṭigho, yena ghānena anidassanena sappaṭighena gandhaṃ anidassanaṃ sappaṭighaṃ ghāyi vā ghāyati vā ghāyissati vā ghāye vā ghānampetaṃ, ghānāyatanampetaṃ, ghānadhātupesā, ghānindriyampetaṃ, lokopeso, dvārāpesā, samuddepeso, paṇḍarampetaṃ, khettampetaṃ, vatthumpetaṃ, orimaṃ tīrampetaṃ, suñño gāmopeso. Idaṃ taṃ rūpaṃ ghānāyatanaṃ.

Sắc mà gọi là tỷ xứ đó ra sao? Tỷ nào là thanh triệt nương sắc tứ đại hiển, liên hệ trong thân thể là đồ không thấy mà đối chiếu đặng, (thế vậy chúng sanh) đã ngửi, đang ngửi, sẽ ngửi, đáng ngửi, nhập với khí là thứ không thấy mà đối chiếu đặng đối với tỷ nào thành thứ không thấy mà đối chiếu đặng; đây cũng gọi là tỷ, cũng gọi là tỷ xứ, cũng gọi là tỷ giới, cũng gọi là tỷ quyền, cũng gọi là đời, cũng gọi là môn, cũng gọi là biển, cũng gọi là bạch tịnh, cũng gọi là giới hạn, cũng gọi là vật, cũng gọi thử ngạn, cũng gọi nhà không. Những sắc này gọi là tỷ xứ. (Dhs. 518)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của tỷ thanh triệt:

- Trạng thái là cách trong ngần của sắc tứ đại nghiệp mà thâu đặng cảnh khí (gandhābhighātārahabhūtappasādalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là soi theo, chiếu đến cảnh khí (gandhesu āviñchanarasaṃ).

- Thành tựu là chỗ nương của tỷ thức (ghānaviññāṇassa ādhārabhāvapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là có sắc tứ đại sanh từ nghiệp tham ái khí (ghāyitukāmatānidāna-kammajabhūtapadaṭṭhānaṃ).

8. Sắc thiệt thanh triệt (jivhāpasāda) là thứ sắc trong ngần của sắc nghiệp lan tỏa ở giữa mặt trên của lưỡi; có hình dáng tợ như búp sen (hay giọt nước) thâu đặng các vị làm cảnh cho thiệt thức biết cảnh vị.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Sāyanaṭṭhena = jivhā: Có thể nếm vị đặng, gọi là thiệt.[174]

Nói về thiệt có hai thứ: 1 là bản thể lưỡi (pasādajivhā) tức là thanh triệt của lưỡi, 2 là cụ thể lưỡi (sasambhārajivhā) tức là cái lưỡi.

Thiệt thanh triệt (pasādajivhā). Có Pāḷi chú giải như vầy: Jīvitaṃ avhāyatīti = jivhā: Hưởng nhân thọ mạng gọi là thiệt; tức là thâu cảnh vị, đó là thiệt thanh triệt.

Katamaṃ taṃ rūpaṃ jivhāyatanaṃ? Yaṃ jivhā catunnaṃ mahābhūtānaṃ upādāya pasādo attabhāvapAriyāpanno anidassano sappaṭigho, yāya jivhāya anidassanāya sappaṭighāya rasaṃ anidassanaṃ sappaṭighaṃ sāyi vā sāyati vā sāyissati vā sāye vā, jivhāpesā jivhāyatanampetaṃ, jivhādhātupesā, jivhindriyampetaṃ, lokopeso, dvārāpesā, samuddopeso, paṇḍarampetaṃ, khettampetaṃ, vatthumpetaṃ, orimaṃ tīrampetaṃ, suñño gāmopeso. Idaṃ taṃ rūpaṃ jivhāyatanaṃ.

Sắc mà gọi là thiệt xứ đó ra sao? Thiệt nào là thanh triệt nương sắc tứ đại hiển, liên hệ trong thân thể là đồ không thấy mà đối chiếu đặng, (thế vậy) chúng sanh đã nếm, hoặc đang nếm, hoặc sẽ nếm, hoặc đáng nếm bằng vị mà không thấy nhưng đối chiếu đặng với thiệt nào là đồ không thấy nhưng đối chiếu đặng, theo đây cũng gọi là thiệt, cũng gọi là thiệt xứ, cũng gọi là thiệt giới, cũng gọi là thiệt quyền, cũng gọi là đời, cũng gọi là môn, cũng gọi là biển, cũng gọi là bạch tịnh, cũng gọi là ranh giới, cũng gọi là vật, cũng gọi thử ngạn, cũng gọi nhà không. Những sắc này gọi là thiệt xứ. (Dhs. 519)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của thiệt thanh triệt:

- Trạng thái là cách trong ngần của sắc tứ đại mà thâu đặng cảnh vị (rasābhighātārahabhūtappasādalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là soi theo chiếu đến cảnh vị (rasesu āviñchanarasaṃ).

- Thành tựu là chỗ nương của thiệt thức (jivhāviññāṇassa ādhārabhāva-paccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là có sắc tứ đại sanh từ nơi nghiệp tham ái vị (sāyitukāmatāni dānakammajabhūtapadaṭṭhānaṃ).

9. Sắc thân thanh triệt (kāyapasāda) là thứ sắc trong ngần của sắc nghiệp lan tỏa khắp thân thể trừ tóc, lông, móng và da khô.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Kucchitānaṃ ayoti = kāyo: Đống chứa vật bất tịnh gọi là thân. Hay chú giải như vầy: Kucchitānaṃ kesādīnaṃ pāpadhammānañca āyoti = kāyo: Gom chứa đồ bất tịnh như là tóc v.v… và hợp tác pháp tội, đó gọi là thân.

Nói về thân có 2 thứ: 1 là thân bản thể tức là thanh triệt nương thân (pasādakāya), 2 là thân cụ thể tức là cái thân hay các bộ phận thân thể (sasambhārakāya).

Katamaṃ taṃ rūpaṃ kāyāyatanaṃ? Yo kāyo catunnaṃ upādāya pasādo attabhāvāpAriyāpanno anidassano sappaṭigho, yena kāyena anidassanena sappaṭighena phoṭṭhabbaṃ anidassanaṃ sappaṭighaṃ phusi vā phusati vā phusissati vā phuse vā, kāyopeso, kāyāyatanampetaṃ, kāyadhātupesā, kāyindriyampetaṃ, lokopeso, dvārāpesā, samuddopeso, paṇḍarampetaṃ, khettampetaṃ, vatthumpetaṃ, orimaṃ tīrampetaṃ, suñño gāmopeso. Idaṃ taṃ rūpaṃ kāyāyatanaṃ.

Sắc mà gọi là thân xứ đó ra sao? Thân nào là thanh triệt nương sắc tứ đại hiển liên hệ trong thân thể, thành thứ không thấy mà đối chiếu đặng. Thế vậy (chúng sanh) hoặc đã đụng chạm, hoặc đang đụng chạm, hoặc sẽ đụng chạm, hoặc đáng đụng chạm với xúc là đồ không thấy; nhưng đối chiếu nơi thân nào là đồ không thấy nhưng đối chiếu đặng; đây cũng gọi là thân, cũng gọi là thân xứ, cũng gọi là thân giới, cũng gọi là thân quyền, cũng gọi là đời, cũng gọi là môn, cũng gọi là biển, cũng gọi là bạch tịnh, cũng gọi là giới hạn, cũng gọi là vật, cũng gọi là thử ngạn, cũng gọi là nhà không. Những sắc này gọi là thân xứ. (Dhs. 520)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của thân thanh triệt:

- Trạng thái là sự trong ngần của sắc tứ đại thâu đặng cảnh xúc (phoṭṭhabbābhighātāra-habhūtappasādalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là soi theo, chiếu đến cảnh xúc (phoṭṭhabbesu āviñchanarasaṃ).

- Thành tựu là chỗ nương của thân thức (kāyaviññāṇassa ādhārabhāva-padaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là có cảnh xúc (phusitukāmatānidānakammajabhūtapadaṭṭhānaṃ).

(c) Bảy sắc cảnh hay sắc dạo (Gocara rūpa)

Chúng là 5 cảnh thường bị nhận biết bởi 5 thức (pañca viññāṇa).

10. Sắc cảnh sắc (rūpārammaṇa) là các màu (vaṇṇa) tức là sắc bị nhãn thức biết.

Có Pāḷi chú giải như vầy:

- Rūpameva = rūpārammaṇaṃ: Sắc mà nơi tiến hành của nhãn thức gọi là sắc cảnh.

- Rūpayati hadayaṅgatabhavaṃ pakāketīti = rūpaṃ: Sắc mà để cho nhãn thức biết gọi là cảnh sắc.

- Rūpayati dabbaṃ pakāsetīti = rūpaṃ: Sắc mà nhận hiện tượng các vật có hình thức gọi là cảnh sắc.

Katamaṃ taṃ rūpaṃ rūpāyatanaṃ? Yaṃ rūpaṃ catunnaṃ mahābhūtānaṃ upādāya vaṇṇanibhā sanidassanaṃ sappaṭighaṃ: Nīlaṃ pītakaṃ lohitakaṃ odātaṃ kāḷakaṃ mañjeṭṭhakaṃ1 hari 2 harivaṇṇaṃ ambaṅkuravaṇṇaṃ dīghaṃ rassaṃ aṇuṃ thūlaṃ vaṭṭaṃ parimaṇḍalaṃ caturassaṃ[175] chaḷaṃsaṃ aṭṭhaṃsaṃ soḷasaṃsaṃ ninnaṃ thalaṃ chāyā ātapo āloko andhakāro abbhā mahikā dhūmo rajo candamaṇḍalassa vaṇṇanibhā suriyamaṇḍalassa 4 vaṇṇanibhā tārakarūpānaṃ vaṇṇanibhā ādāsamaṇḍalassa vaṇṇanibhā maṇisaṅkhamuttāveḷuriyassa vaṇṇanibhā jātarūparajatasasa vaṇṇanibhā, yaṃ vā panaññampi atthi rūpaṃ catunnaṃ mahābhūtānaṃ upādāya vaṇṇanibhā sanidassanaṃ sappaṭighaṃ, yaṃ rūpaṃ sanidassanaṃ sappaṭighaṃ cakkhunā anidassanena sappaṭighena passi vā passati vā passissati vā passe vā, rūpampetaṃ. Rūpāyatanampetaṃ, rūpadhākupesā. Idaṃ taṃ rūpaṃ rūpāyatanaṃ. (Dhs. 521)

Sắc mà gọi là sắc xứ đó ra sao? Sắc nào là màu nương sắc tứ đại hiển; là thứ thấy đặng và đối chiếu được; tức là màu xanh lam, màu vàng, màu đỏ, màu trắng, màu đen, màu chân chim phụng, màu vàng đen, màu xanh, màu lá cây, màu trái xoài, dài, vắn, viễn, to, tròn, vuông, lục giác, bát giác, thập lục giác, hõm, lồi, bóng, nắng, ánh sáng, tối, mây, sương, khói, bụi, ánh trăng, trời chói, ánh sao, sao rọi, kiếng rọi, ngọc chiếu, ốc chiếu, ánh trân châu, ánh ngọc mắt mèo, ánh vàng, ánh bạc, hoặc dù cho sắc nào khác thành màu nương sắc tứ đại hiển là thứ thấy đặng và đối chiếu đặng. Như thế, chúng sanh đã thấy, hoặc đang thấy, hoặc sẽ thấy, hoặc đáng thấy bằng sắc nào mà thứ thấy đặng và đối chiếu đặng với nhãn là thứ không thấy mà đối chiếu đặng; đây cũng gọi là sắc, cũng gọi là sắc xứ, cũng gọi là sắc giới. Những sắc này đều gọi là sắc xứ.

Sắc thành sắc giới đó ra sao? Tức là sắc xứ. Những sắc này gọi là sắc thành sắc giới.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của cảnh sắc:

- Trạng thái là đối chiếu với nhãn (thanh triệt) (cakkhupatihanalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là làm cảnh cho nhãn thức (cakkhuviññāṇassa visayabhāvarasaṃ).

- Thành tựu là vật thực hay chỗ dạo của nhãn thức (tassevagocarapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là có sắc tứ đại hiển (catumahābhūtapadaṭṭhānaṃ).

11. Sắc cảnh thinh (saddārammaṇa) là âm thanh (sadda) tức là sắc bị nhĩ thức biết.

Có Pāḷi chú giải như vầy:

- Sappati sotaviññeyyabhāvaṃ gacchatīti = saddo: Sắc mà nhĩ thức biết gọi là cảnh thinh.

- Saddīyati uccārīyatīti = saddo: Tiếng chi phát ra đều gọi là thinh.

- So yeva ārammaṇanti = saddārammaṇam: Sắc mà làm cho nhĩ thức tiến hóa gọi là cảnh thinh.

Katamaṃ taṃ rūpaṃ saddāyatanaṃ? Yo saddo catunnaṃ mahābhūtānaṃ upādāya anidassano sappaṭigho bherisaddo mudiṅgasaddo saṅkhasaddo paṇavasaddo gītasaddo vāditasaddo sammasaddo pāṇisaddo sattānaṃ nigghosasaddo dhātūnaṃ sannighātasaddo vātasaddo udakasaddo manussasaddo amanussasaddo, yo vā panaññopi atthi saddo catunnaṃ mahābhūtānaṃ upādāya anidassano sappaṭigho, yaṃ saddaṃ anidassanaṃ sappaṭighaṃ sotena anidassanena sappaṭighena suṇi vā suṇāti vā suṇissati vā suṇe vā, saddopeso, saddāyatanampetaṃ, saddadhātupesā. Idaṃ taṃ rūpaṃ saddāyatanaṃ.

Sắc mà gọi là thinh xứ đó ra sao? Thinh nào nương sắc tứ đại hiển thành thứ không thấy mà đối chiếu đặng, tức là tiếng trống, tiếng vỗ bồng, tiếng ốc thổi, tiếng phi nam nữ, tiếng ca hát, tiếng nhạc, tiếng đàn, tiếng vỗ tay, tiếng thú kêu, tiếng âm dương chạm, tiếng nước, tiếng nhân loại, tiếng phi nhân; hay là những tiếng nào khác nương sắc tứ đại hiển thành thứ thấy không đặng mà đối chiếu đặng… Thế vậy, chúng sanh hoặc đã nghe, hoặc đang nghe, hoặc sẽ nghe, hoặc đáng nghe những tiếng nào là thứ thấy không đặng nhưng đối chiếu đặng, đối với nhĩ thành thứ thấy không đặng mà đối chiếu đặng; đây cũng gọi là thinh, cũng gọi là thinh xứ, cũng gọi là thinh giới. Những sắc này đều gọi là thinh xứ. (Dhs. 522)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của cảnh thinh:

- Trạng thái là đối chiếu nhĩ thanh triệt (sotapaṭihananalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là làm cảnh cho nhĩ thức (sotaviññāṇassa visayabhāvarasaṃ).

- Thành tựu là vật thực hay chỗ dạo của nhĩ thức (tassevagocarapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là có sắc tứ đại hiển (catumahābhūtapadaṭṭhānaṃ).

12. Sắc cảnh khí (gandhārammaṇa) là các mùi (gandha) tức là sắc bị tỷ thức biết.

Có những câu Pāḷi chú giải như vầy:

- Gandhayati attano vatthuṃ sūcetīti = gandho: Là hơi tiết ra trình bày của tự nó nương, gọi là khí.

- Idamettha atthīti pesuññaṃ karontaṃ viya hoti: Đại ý cảnh khí là cách tợ báo tin cho biết đó là vật chi (như là đi gần đến chỗ bán sầu riêng, dù không thấy, ngửi mùi cũng biết).

- So yeva ārammaṇaṃ = gandhārammaṇaṃ: Cảnh nào là chỗ tiến hóa của tỷ thức, đó gọi là cảnh khí.

Katamaṃ taṃ rūpaṃ gandhāyatanaṃ? Yo gandho catunnaṃ mahābhūtānaṃ upādāya anidassano sappaṭigho: mūlagandho sāragandho tavagandho pattagandho pupphagandho phalagandho āmakandho[176] vissagandho sugandho duggandho, yo vā panaññopi atthi gandho catunnaṃ mahābhūtānaṃ upādāya anidassano sappaṭigho, yaṃ gandhaṃ anidassanaṃ sappaṭighaṃ ghānena anidassanena sappaṭighena ghāyi vā ghāyati vā ghāyissati vā ghāye vā, gandhopeso, gandhāyatanampetaṃ, gandhadhātupesā. Idaṃ taṃ rūpaṃ gandhāyatanaṃ.

Sắc mà gọi là khí xứ đó ra sao? Khí nào mà nương sắc tứ đại hiển thành đồ không thấy nhưng đối chiếu đặng, tức là hơi rễ cây, hơi lõi cây, hơi vỏ cây, hơi lá cây, hơi bông cây, hơi trái cây, hơi thúi, hơi sình, hơi thơm, hơi hôi, hoặc là những hơi nào khác mà nương sắc tứ đại hiển thành đồ không thấy đặng nhưng vẫn đối chiếu. Thế vậy chúng sanh hoặc đã ngửi, hoặc đang ngửi, hoặc sẽ ngửi, hoặc đáng ngửi, hơi nào mà thành thứ không thấy đặng nhưng đối chiếu đặng, đối với tỷ mà thuộc về thứ không thấy nhưng đối chiếu đặng; đây cũng gọi là khí, hoặc gọi khí xứ, hoặc gọi khí giới. Những sắc này đều gọi là khí xứ. (Dhs. 523)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của cảnh khí:

- Trạng thái là đối chiếu tỷ thanh triệt (ghānapaṭihananalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là cho tỷ thức hưởng (ghānaviññāṇassa visayabhāvarasaṃ).

- Thành tựu là vật thực hay chỗ dạo của tỷ thức (tassevagocarapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là có sắc tứ đại hiển (catumahābhūtapadaṭṭhānaṃ).

13. Sắc cảnh vị (rasārammaṇa) là các vị (rasa) như mặn, ngọt, lạt, chua, cay, đắng, chát, v.v… tức là sắc bị thiệt thức biết.

Có Pāḷi chú giải như vầy:

- Rasīyati assādīyatīti = raso: Sắc mà thiệt thức nếm, gọi là vị.

- So yeva ārammaṇaṃ = rasārammaṇaṃ: Sắc nào là nơi tiến hóa của thiệt thức, đó là cảnh vị.

Katamaṃ taṃ rūpaṃ rasāyatanaṃ? Yo raso catunnaṃ mahābhūtānaṃ upādāya anidassano sappaṭigho: mūlaraso khandharaso tacaraso pattaraso puppharaso phalaraso ambilaṃ madhuraṃ tittakaṃ kaṭukaṃ loṇikaṃ khārikaṃ lapilaṃ[177] kasāvo sādu asādu, yo vā panaññepi atthi raso catunnaṃ mahābhūtānaṃ upādāya anidassano sappaṭigho, yaṃ rasaṃ anidassanaṃ sappaṭighaṃ jivhāya anidassanāya sappaṭighāya sāyi vā sāyati vā sāyissati vā sāye vā, rasopeso, rasāyatanampetaṃ, rasadhātupesā. Idaṃ taṃ rūpaṃ rasāyatanaṃ. (Dhs. 524)

Sắc mà gọi là vị xứ đó ra sao? Vị nào nương sắc tứ đại hiển thành đồ không thấy mà đối chiếu đặng, tức là vị rễ cây, vị thân cây, vị vỏ cây, vị lá cây, vị bông cây, vị trái cây, vị chua, vị ngọt, vị đắng, vị cay, vị mặn, vị bùi, vị nhẫn, vị chát, vị ngon, vị dở, hoặc vị nào khác nương sắc tứ đại hiển mà thành thứ đồ không thấy mà đối chiếu đặng; nhập với thiệt thành đồ không thấy nhưng đối chiếu đặng, hoặc đã đối chiếu, hoặc đang đối chiếu, hoặc sẽ đối chiếu, hoặc đáng đối chiếu nơi vị nào mà thành đồ không thấy nhưng đối chiếu đặng; đây cũng gọi là vị, cũng gọi vị xứ, cũng gọi vị giới. Những sắc này đều gọi là vị xứ.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của cảnh vị:

- Trạng thái là cách đối chiếu với thiệt thanh triệt (jivhāpaṭihananalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là làm cảnh cho thiệt thức (jivhāviññāṇassa visayabhāvarasaṃ).

- Thành tựu là vật thực hay chỗ dạo của thiệt thức (tassevagocarapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là có sắc tứ đại hiển sanh từ nơi nghiệp tham ái vị (catumahābhūta-padaṭṭhānaṃ).

* Sắc cảnh xúc (phoṭṭhabbārammaṇa) là sự xúc chạm (đất - pathavī, lửa - tejo, gió - vāyo) là cứng, mềm, chùng, thẳng, nóng, lạnh, tức là đất, lửa, gió hay là những chất bị đụng, tức là sắc bị thân thức biết. Có Pāḷi chú giải như vầy:

- Phusitabbanti = phoṭṭhabbārammaṇaṃ: Những chất mà thân thanh triệt đụng, gọi là xúc.

- Tadeva ārammaṇaṃ = phoṭṭhabbārammaṇaṃ: Những chất để xúc chạm làm cho thân thức tiến hóa gọi là cảnh xúc.

Nước không thể thành cảnh xúc. Có Pāḷi chú giải như vầy:

- Āpodhātuyā sukhumabhāvena bhusituṃ asakkuneyyattā vuttaṃ: Nước bản thể rất tế nhị, nên không thể đối chiếu với thân thanh triệt.

Katamaṃ taṃ phoṭṭhabbāyatanaṃ? Paṭhavīdhātu tejodhātu vāyodhātu kakkhaḷaṃ mudukaṃ saṇhaṃ pharusaṃ sukhasamphassaṃ dukkhasamphassaṃ garukaṃ lahukaṃ, yaṃ phoṭṭhabbaṃ anidassanaṃ sappaṭighaṃ kāyena anidassanena sappaṭighena phusi vā phusati vā phusissati vā phuse vā, phoṭṭhabbopeso, phoṭṭhabbāyatanampetaṃ, phoṭṭhabbadhātupesā. Idaṃ taṃ rūpaṃ phoṭṭhabbāyatanaṃ.

Sắc mà gọi là xúc xứ đó ra sao? Địa giới, hỏa giới, phong giới, sự cứng, sự mềm, thứ to, thứ nhuyễn, sự nặng, sự nhẹ, đụng vào thích sướng hoặc không thích, nhập với thân là thứ thấy không đặng nhưng đối chiếu đặng, hoặc đã đối chiếu, hoặc đang đối chiếu, hoặc sẽ đối chiếu, hoặc đáng đối chiếu với thứ xúc nào mà thành thứ thấy không đặng nhưng đối chiếu đặng; đây cũng gọi là xúc, cũng gọi xúc xứ, cũng gọi xúc giới. Những sắc này đều gọi là xúc xứ. (Dhs. 540)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của cảnh xúc theo đất, lửa và gió:

Sắc, thinh, khí, vị và xúc gom chung lại gọi là sắc cảnh (visayarūpa) hay là sắc dạo (gocararūpa). Có những câu Pāḷi chú giải như sau:

- Gāvo caranti etthāti = gocaro: Nhiều bò dạo đi nơi chỗ ấy, nên chỗ ấy gọi là bò dạo.

- Gocarasadisāti = gocarā: Chỗ mà nhiều bò dạo đi, cũng như sắc nào mà làm cho tâm và sở hữu có sự đối chiếu, sắc ấy gọi là sắc dạo.

- Gāvo caranti etthāti = gocaraṃ: Nơi du hành của lục quyền (căn) (indriya) như thế gọi là sắc cảnh.

(từ “go” đây có nghĩa là quyền (indriya), mà nói gocara cùng với ārammaṇa ý nghĩa như một).

Lưu ý:

(i) Những tên gọi trong ngoặc là những sắc thực tính cơ bản của 5 cảnh. Lưu ý là có 7 thực tính tất cả.

(ii) Do vì sự tinh tế của những sắc ấy, nước hay thủy đại (āpo) không thể được cảm nhận bởi xúc chạm. Ví dụ, khi chúng ta đặt bàn tay vào nước, cảm nhận ‘sự lạnh’ là ‘tejo’, ‘sự mềm’ là ‘pathavī’ và ‘áp suất’ là ‘vāyo’. Do đó, chỉ có ba thực tính cơ bản này được xem là sự xúc chạm.

(d) Hai sắc tính (Bhāva rūpa)

14. Sắc tính nữ (itthi bhāva) là sắc có biểu hiện nhu mì và lan tỏa khắp thân thể người nữ.

Có Pāḷi chú giải như vầy:

- Itthiyā bhāvo = itthībhāvo: Có cách thức nữ căn v.v… gọi là nữ tính.

Purisassa cũng như Pumassa. Pumabhāva cũng như Purisabhāva.

Katamaṃ taṃ rūpaṃ itthindriyaṃ? Yaṃ itthiyaṃ itthiliṅgaṃ1 itthinimittaṃ itthikuttaṃ itthākappo itthattaṃ2 itthibhāvo, idaṃ taṃ rūpaṃ itthindriyaṃ.

Sắc mà gọi là nữ quyền đó ra sao? Những cách nào thuộc về phần nữ như là nữ căn, nữ tướng, thân phần nữ, thái độ nữ, nết hạnh nữ, hành động theo cách người nữ; như thế đây gọi là sắc nữ quyền. (Dhs. 525)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sắc tính nữ:

- Trạng thái là khuôn khổ nữ (itthībhāvalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là trình bày cách nữ (itthītipakāsanarasaṃ).

- Thành tựu là có nữ căn v.v… (itthīliṅgādīnaṃ kāraṇabhāvapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là có sắc tứ đại hiển (catumahābhūtapadaṭṭhānaṃ).

15. Sắc tính nam (purisa bhāva) là sắc có biểu hiện cứng cỏi và lan tỏa khắp thân thể người nam.

Có Pāḷi chú giải như vầy:

- Purisattabhāvo = purisattaṃ: Trạng thái tư cách nam căn v.v… gọi là nam tính.

- Pumassa bhāvo = pumabhāyo: Làm nhân thành nam, gọi là nam tính.

Có 4 cách, khác với nữ như vầy: 1 là nam căn (liṅga), 2 là nam tướng (nimitta), 3 là tánh nết (kutta) nam, tức là thói quen theo người nam, 4 là cách hành động theo nam (ākappa) là cách cứng cỏi.

Căn khác nhau là nam căn và nữ căn. Hình tướng khác nhau là thô kệch và yểu điệu. Tánh nết khác nhau là hùng dũng và nhu mì. Hành động khác nhau là cứng cỏi và nhẹ nhàng.

Katamaṃ taṃ rūpaṃ purisindriyaṃ? Yaṃ purisassa purisaliṅgaṃ purisanimittaṃ purisakuttaṃ purisākappo purisattaṃ purisabhāvo, idaṃ taṃ rūpaṃ purisindriyaṃ.

Sắc mà gọi là nam quyền đó ra sao? Những cách nào thuộc về phần nam như là nam căn, nam tướng, thân phần nam, thái độ nam, nết hạnh nam, hành động theo cách người nam, như thế gọi là sắc nam quyền. (Dhs. 526)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sắc tính nam:

- Trạng thái là tư cách nam (purisabhāvalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là bày ra cách người nam (purisotipakāsanarasaṃ).

- Thành tựu là có nam căn v.v… (purisaliṅgadīnaṃkāraṇabhāvapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là có sắc tứ đại hiển (catumahābhūtapadaṭṭhānaṃ).

Lưu ý: Chính hai sắc này phân biệt giữa nam và nữ.

(e) Sắc ý vật (Hadayavatthu rūpa)

16. Sắc ý[178] vật (hadayavatthu rūpa)

Hadaya vatthu - sắc tim hay sắc ý vật là sắc lan tỏa trong máu bên trong trái tim. Sắc ý vật là nơi nương của tâm, ý hay thức (mano viññāṇa). Sắc ý vật không chỉ có một, mà có hàng tỷ sắc ý vật lan tỏa trong máu bên trong trái tim. Dhammasaṅganī (Bộ Pháp Tụ) bỏ qua sắc này. Trong Atthasālini thì hadayavatthu được giải thích là cittassa vatthu (nền tảng của tâm).

Nói về tim có hai thứ: 1 là nhục đoàn tim (maṃsahadayarūpa) tức là trái tim, hình thức tương tự như búp sen; 2 là sắc tim bản thể hay sắc ý vật (hadayavatthurūpa), là một thứ sắc nghiệp nương sanh trong tim cụ thể.

Có Pāḷi chú giải về sắc ý vật (hadayarūpa) như vầy:

- Hadanti sattā taṃtaṃ atthaṃ (vā) onatthaṃ (vā) pūpenti etenāti = hadayaṃ: Tất cả chúng sanh nhờ sắc nào làm việc lợi ích và không lợi ích, sắc mà bị nương nhờ ấy gọi là sắc ý vật.

- Hadayavatthu hadayarūpaṃ nāma: Bản chất của trái tim đặt tên là sắc ý vật.

Nissayapaccayo'ti: … Yaṃ rūpaṃ nissāya manodhātu ca manoviññāṇadhātu ca vattanti, taṃ rūpaṃ manodhātuyā ca manoviññāṇadhātuyā ca taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ nissayapaccayena paccayo.

Y chỉ duyên như là … Ý giới và ý thức giới hành vi nương sắc nào thì ý giới, ý thức giới và pháp tương ưng đối với sắc ấy bằng ‘y chỉ duyên’. (Pt1.9)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sắc ý vật:

- Trạng thái là nơi nương của ý giới và ý thức giới (manodhātumanoviññāṇa-dhātūnaṃ nissayalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là chứa để những giới vừa nêu (tāsaññeva dhātūnaṃ ādhāranarasaṃ).

- Thành tựu là bảo vệ những giới vừa nêu (tadubbahanapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là có sắc tứ đại (catumahābhūtapadaṭṭhānaṃ).

(f) Sắc mạng (Jīvita rūpa)

17. Sắc mạng (jīvita rūpa)

Sắc mạng (jīvita rūpa) hay sắc mạng quyền (jīvitindriya rūpa) là loại sắc nghiệp lan tỏa khắp thân thể.

Nên lưu ý rằng trong cả danh và sắc đều có mạng. Mạng quyền của danh là (jīvitindriya) là 1 trong 7 sở hữu biến hành (sabba citta sādhārana cetasika). Còn mạng quyền của sắc là jīvita rūpa (sắc mạng).

Danh mạng quyền (jīvitindriya) có thể được xem là sự sống của danh pháp và sắc mạng quyền (jīvita rūpa) là sự sống của sắc pháp. Có Pāḷi chú giải như vầy:

- Jīvitindriyaṃ jīvitarūpaṃ nāma: Bảo vệ sự còn, gọi là sắc mạng tức là bảo tồn cho sắc nghiệp còn đủ 51 tiểu sát-na.

- Āyu usmaṃ paticca tiṭṭhati: Sắc mạng còn đặng do nương lửa nóng tức là lửa nóng trong thân thể.

- Jīvanti sahajāta dhammā etenāti = jīvitaṃ: Sắc nghiệp câu sanh nhờ sắc nào đặng còn, sắc ấy gọi là mạng sống.

Katamaṃ taṃ rūpaṃ jīvitindriyaṃ? Yaṃ tesaṃ rūpīnaṃ dhammānaṃ āyu ṭhiti yapanā yāpanā irīyatā vattanā pālanā jīvitaṃ jīvitindriyaṃ, idaṃ taṃ rūpaṃ jīvitindriyaṃ.

Sắc mà gọi là mạng quyền đó ra sao? Khi nào có sự sống còn, hiện hành, hiện hữu, hiện tồn, đang liên tiếp, đang còn, hành vi đang còn, sự dinh dưỡng của sắc pháp, gọi sắc mạng quyền tức là cách sống còn của sắc pháp. Những sắc này đều gọi là mạng quyền. (Dhs. 527)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sắc mạng:

- Trạng thái là bảo vệ sắc câu sanh (sahajātarūpānupālalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là làm cho sắc nghiệp đặng còn (tesaṃ pavattanarasaṃ).

- Thành tựu là cách hiệp lại cho còn vững (tasaññeva ṭhapanapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là có sắc tứ đại điều hòa (yāpayitabbapadaṭṭhānaṃ).

(g) Sắc vật thực (Āhāra rūpa / ojā)

18. Sắc vật thực (āhāra rūpa / ojā)

Vật thực thô là thứ được dùng từng miếng, gọi là kabaḷīkārāhāra. Ở đây, āhāra rūpa nghĩa là những chất dinh dưỡng, bổ dưỡng (ojā) duy trì thân thể.

Nói về vật thực có 4 thứ: 1 là đoàn thực (kabaḷīkārāhāra) tức là miếng ăn, ám chỉ chất bổ của miếng ăn v.v…; 2 là xúc thực (phassāhāra) có pháp thực tính là sở hữu xúc; 3 là tư thực (manosañcetanāhāra) có pháp thực tính là sở hữu tư; 4 là thức thực (viññānāhāra) tức là tâm.

Sắc vật thực đây là đoàn thực (kabaḷīkārāhāra). Có Pāḷi chú giải như vầy:

- Kabaḷīkāro āhāro āhārarūpaṃ nāma: Đoàn thực có tên là sắc vật thực tức là chất bổ của miếng ăn, thuốc uống v.v…

- Āhārīyatīti = āhāro: Những chất bổ làm cho (sắc) trong thân tiến hóa thêm, gọi là vật thực.

- Attano udayānantaraṃ rūpaṃ janetīti = ojā: Giúp các pháp tự liên hợp sanh ra, gọi là chất bổ hay sắc thực, tức là sắc vật thực.

Sắc vật thực đây có hai: 1 là vật thực ngoại (bahiddhāhāra) là chất bổ thêm vào thân thể, 2 là vật thực nội (ojajjhattāhāra) là cơ quan tự dinh dưỡng của mỗi bọn sắc, tức là sự còn của tất cả sắc.

Katamaṃ taṃ rūpaṃ kabaḷīkāro āhāro? Odano kummāso sattu maccho maṃsaṃ khīraṃ dadhi sappi navanītaṃ telaṃ madhu phāṇitaṃ, yaṃ vā panaññampi atthi rūpaṃ yamhi yamhi janapade tesaṃ tesaṃ sattānaṃ mukhāsiyaṃ dantavikhādanaṃ galajjhoharaṇīyaṃ kucchivitthamphanaṃ yāya ojāya sattā yāpenti, idaṃ taṃ rūpaṃ kabaḷīkāro āhāro. Idaṃ taṃ rūpaṃ upādā. (Dhs. 538)

Sắc mà gọi là đoàn thực đó ra sao? Cơm, bánh tươi, bánh khô, cá, thịt, sữa tươi, sữa chế, bơ trong, bơ cục, mỡ, dầu, mật, nước mía, hay là những sắc nào khác vẫn có mà thành đồ để vào miệng nhai nuốt cho no bụng của mỗi chúng sanh và nhân loại hay những chất chi bổ dưỡng cho tất cả chúng sanh; những sắc này đều gọi là đoàn thực.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sắc vật thực:

- Trạng thái là giúp thân thêm tiến hóa (ojālakkhaṇaṃ).

- Phận sự là đặng còn của sắc (rūpāhoraṇarasaṃ).

- Thành tựu là trợ giúp cho thân thể (kāyupatthambhanapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là đồ thích hợp nên dùng (ojjhoharitabbapadaṭṭhānaṃ).

(h) Sắc giao giới (Pariccheda rūpa) hay hư không giới (Ākāsa dhātu = ā + căn kās + dhātu)

19. Sắc giao giới (pariccheda rūpa)

Sắc giao giới là khoảng không (nguyên tử) giữa những bọn/ nhóm sắc (rūpa kalāpa), có không gian giữa những bọn sắc (những hạt rất nhỏ) như có khoảng không giữa những quả trứng trong rổ trứng. Những sắc này sanh do bốn nhân đó là nghiệp (kamma), tâm (citta), quí tiết (utu) và vật thực (āhāra). Sắc giao giới (pariccheda rūpa) cũng được thừa nhận là sanh ra cũng do bốn nhân.

Sắc giao giới (pariccheda rūpa) còn được gọi là hư không giới (ākāsa dhātu). Ākāsa là khoảng trống là sắc mà bên trong nó rỗng không. Ākāsa là một giới (dhātu) với ý nghĩa là không thực thể (nijjīva), không là một thực tính hiện hữu như thực tính tứ đại hiển. Là một trong 28 thứ sắc, ‘hư không giới’ không phải là hư không bên ngoài mà là khoảng không (nguyên tử) giữa các thứ sắc hay giữa những bọn sắc hoặc nhóm sắc (rūpa kalāpa).

Có Pāḷi chú giải như vầy: Na kassatīti = ākāso: Chẳng có bịt cứng, gọi là hư không.

Hư không có 4 hoặc 5.

Hư không có 4: 1 là một hữu hư không (ajṭākasa) tức là hư không ngoài vũ trụ; 2 là không gian hư không (paricchinnākāsa) tức là khoảng không giữa hai vật; 3 là tuyệt tịnh hư không (kasiṇugghāṭimakāsa) tức là hư không phủ nhận 9 đề mục, chỉ cho đề mục không vô biên; 4 là giao giới hư không (paricchedākāsa) tức là ranh giữa của 2 bọn sắc sắp lên.

Hư không có 5: 1 là giao giới hư không (rūpakalāpaparicchadākāsa) tức là ranh giữa của 2 bọn sắp lên; 2 là không đổng hư không (susirākāsa) là sự trống trong vật, như là: lòng hang, lòng chai, lòng nồi, lòng hũ, lòng lu v.v…; 3 là không kích hư không (vivarākāsa) là kẽ hở giữa 2 vật, vật nứt hở v.v…; 4 là tuyệt tịnh hư không (kasiṇugghāṭimākāsa) là hư không phủ nhận 9 đề mục, tức là đề mục không vô biên; 5 là một hữu hư không (ojṭākāsa) tức là hư không ngoài ra vũ trụ, tục gọi là bầu trời.

Katamaṃ taṃ rūpaṃ ākāsadhātu? Yo ākāso ākāsagataṃ aghaṃ aghagataṃ vivaro vivaragataṃ asamphuṭṭhaṃ catūhi mahābhūtehi, idaṃ taṃ rūpaṃ ākāsadhātu.

Sắc mà gọi là hư không giới (giao giới) đó ra sao? Trống không tục gọi là hư không, cách luống không, sự luống không, kẽ hở, lỗ trống, tục gọi là không ngơ, thường gọi là rỗng không, thuộc về y sinh nương sắc tứ đại sung, nhưng đụng chạm không đặng, những sắc này đều gọi là hư không giới. (Dhs. 530)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của giao giới hay hư không:

- Trạng thái là chặng giữa của bọn sắc với bọn sắc (rūpaparicchedalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là trình bày riêng từng phần của bọn sắc (rūpapariyantappakāsana-rasaṃ).

- Thành tựu là chia phân sắc (rūpamāriyādapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là có ranh của bọn sắc (paricchinnarūpapadaṭṭhānaṃ).

(i) Hai sắc biểu tri (Viññatti rūpa)

Sắc biểu tri (viññatti rūpa) là những hành vi của thân và khẩu mà chúng sanh dùng để thông tri, nhằm mục đích cho người khác hiểu biết ý nghĩa.

20. Thân biểu tri (kāya viññatti) là hành động bằng tay, đầu, mắt, chân, v.v… làm cho người khác hiểu ý của mình. Thân biểu tri có hai:

1 là thân biểu tri thông tri (bodhanakāyaviññatti) là thân nêu bày có ý nghĩa cho tỏ hiểu.

2 là thân biểu tri hành vi (pavattanakāyaviññatti) là thân hành động hiện tượng bằng cách hành vi như tập thể dục hoặc đưa tay ra, vào làm công việc v.v… không có ý nêu bày cho tỏ hiểu. Những cách này không gọi là thân biểu tri.

Sắc thân biểu tri (kāyaviññattirūpa) là cách gọi tắt của thân biểu tri thông tri (bodhanakāyaviññatti), nói gọn là thân biểu tri (kāyaviññātti). Có Pāḷi chú giải như vầy:

- Kāyavikāro kāyaviññatti nāma: Thân nêu bày để hiểu nhau gọi là thân biểu tri, như là: Ngoắt tay, gục gật đầu v.v…

- Kāyena viññatti = kāyaviññatti: Cách đặc biệt làm cho hiểu ý bằng thân hành động, gọi là thân biểu tri.

Katamaṃ taṃ rūpaṃ kāyaviññatti? Yā kusalacittassa vā akusalacittassa vā avyākatacittassa vā abhikkamantassa vā paṭikkamantassa vā ālokentassa vā vilokentassa vā sammiñjentassa vā pasārentassa vā kāyassa thambhanā santhambhanā santhambhitattaṃ viññatti viññāpanā viññāpitattaṃ, idaṃ taṃ rūpaṃ kāyaviññatti.

Sắc mà gọi là thân biểu tri đó ra sao? Sự lay động, cách lay động, hành vi lay động, thái độ lay động, sự trình bày cho biết ý nghĩa, hành động trình bày cho biết ý nghĩa nơi thân của người có tâm thiện, tâm bất thiện hay là tâm vô ký sai khiến tới lui, ngó liếc qua lại, co ngay như thế nào, những sắc này đều gọi là thân biểu tri. (Dhs. 528)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của thân biểu tri:

- 1. Trạng thái là nêu bày có ý nghĩa biết (viññāpanalakkhaṇaṃ).

- 2. Phận sự là nêu bày ý nghĩa (adhippāyapakāsanarasaṃ).

- 3. Thành tựu là cách thân lay động (kāyavipphandanahetubhāva-paccupaṭṭhānaṃ).

- 4. Nhân cận là có gió tâm tạo (cittasamuṭṭhānavāyodhātupadaṭṭhānaṃ).

21. Khẩu biểu tri (vacī viññatti) là sự chuyển động của miệng để tạo ra lời nói cho người khác hiểu ý của mình.

Khẩu biểu tri là cách phát khởi nêu bằng miệng. Nói miệng đây có hai: 1 là khẩu biểu tri thông tri (bodhanavacīviññatti) là miệng phát ra nêu bày có ý nghĩa để tỏ hiểu như là kêu, dạ v.v…; 2 là miệng nêu bày hành vi (pavattanavacīviññatti) là hành vi bằng miệng không có trình bày ý nghĩa chi như là miệng ngáp hoặc nhai v.v… nhưng sắc khẩu biểu tri (vacīviññattirūpa) là miệng phát ra có nêu bày ý nghĩa để tỏ hiểu cùng nhau. Có Pāḷi chú giải như vầy:

- Vacīvikāro vacīviññatti nāma: Nghĩa là nêu ra bằng miệng để tỏ hiểu gọi là khẩu biểu tri.

- Vaciyā viññatti = vacīviññatti: Cách đặc biệt làm cho hiểu ý bằng lối nói, gọi là khẩu biểu tri.

Katamaṃ taṃ rūpaṃ vacīviññatti? Yā kusalacittassa vā akusalacittassa vā avyākatacittassa vā vācā girā vyappatho udīraṇaṃ ghoso ghosakammaṃ vācā vacībhedo, ayaṃ vuccati vācā. Yā tāya vācāya viññatti viññāpanā viññāpitattaṃ, idaṃ taṃ rūpaṃ vacīviññatti.

Sắc mà gọi là khẩu biểu tri đó ra sao? Cách nói, cách phát ra lời, cách nói chuyện, cách tường thuật, cách tuyên bố, cách quảng cáo, ngôn ngữ, lời phân biệt của những người có tâm thiện, tâm bất thiện hay là tâm vô ký. Đây gọi là ngữ ngôn, sự trình bày cho biết ý nghĩa, cách trình bày cho biết ý nghĩa, trạng thái trình bày cho biết ý nghĩa bằng ngôn ngữ như thế nào, những sắc này đều gọi là khẩu biểu tri. (Dhs. 529)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của khẩu biểu tri:

- Trạng thái là nêu bày hiểu ý (viññāpanalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là trình bày nêu ra (adhippāyapakāsanarasaṃ).

- Thành tựu là miệng nói năng (vacīghosahetubhāvapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là có đất do tâm tạo (cittasamuṭṭhānapaṭhavīdhātupadaṭṭhānaṃ).

Hai thứ sắc vừa kể trên gồm lại gọi là sắc biểu tri (viññattirūpa) là nêu ra ngoài để người khác biết hay ta biết cũng là biểu tri. Nên có hai câu Pāḷi chú giải như vầy:

- Adhippāyaṃ viññapetīti = viññatti: Làm cho người khác biết ý; gọi là biểu tri.

- Viññāyatīti = viññatti: Nêu để biết/ hiểu cũng gọi là biểu tri.

Sắc thân biểu tri và sắc khẩu biểu tri bị tạo bởi “phong giới (vāyo dhātu); do tâm trợ tạo” và chúng chỉ tồn tại 1 sát-na tâm.

(j) Năm sắc kỳ dị (Vikāra rūpa)[179]

Ngài Ledi Sayadaw đã giải thích ‘vikāra rūpa’ là trạng thái đặc biệt kỳ dị. Đại đức Narada gọi đó là sắc hay thay đổi. Do đó, chúng ta có thể xem ‘vikāra rūpa’ là sắc trạng thái đặc biệt hay sắc kỳ dị.

22. Sắc nhẹ (rūpassalahutā) là cách nhẹ nhàng của sắc hay nổi.

Sắc nhẹ có hai câu Pāḷi chú giải như sau:

- Lahuno bhāvo = lahutā: Cách nhẹ nhàng gọi là nhẹ.

- Rūpassa lahutā = rūpalahutā: Cách nhẹ của sắc thành tựu, gọi là sắc nhẹ.

Katamaṃ taṃ rūpaṃ rūpassa lahutā? Yā rūpassa lahutā lahuparināmatā adandhanatā avitthanatā. Idaṃ taṃ rūpaṃ rūpassa lahutā.

Sắc mà gọi là sắc khinh (nhẹ) đó ra sao? Sự nhẹ, sự không nặng, sự lẹ làng, sự không chần chờ, chậm chạp, dù nơi sắc nào, như thế đây gọi là sắc khinh. (Dhs. 531)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sắc nhẹ (rūpalahutā):

- Trạng thái là nhẹ nhàng (adandhatālakkhaṇā).

- Phận sự là phá trừ cách nặng nề của sắc (rūpānaṃ garubhāvavinodanarasā).

- Thành tựu là làm việc lẹ làng (lahuparivattitāpaccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có sắc nhẹ (lahurūpapadaṭṭhānā).

23. Sắc mềm (rūpassa mudutā) là sự mềm dẻo của sắc thân, tức sắc tâm, sắc quí tiết và sắc vật thực, bài trừ sự cứng sượng của sắc thân và có thể so sánh với miếng da được dần mềm kỹ lưỡng.

Có Pāḷi chú giải như vầy:

- Muduno bhāvo = mudutā: Cách mềm mại gọi là mềm.

- Rūpassa mudutā = rūpamudutā: Cách mềm của sắc thành tựu gọi là sắc mềm.

Katamaṃ taṃ rūpaṃ rūpassa mudutā? Yā rūpassa mudutā maddavatā akakkhaḷatā akaṭhinatā, idaṃ taṃ rūpaṃ rūpassa mudutā.

Sắc mà gọi là sắc nhu (mềm) đó ra sao? Trạng thái mềm dịu, sự mềm dịu, không sần sượng, không cứng cỏi dù nơi sắc nào, đều gọi là sắc nhu. (Dhs. 532)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sắc mềm:

- Trạng thái là cách mềm (athaddhatālakkhaṇā).

- Phận sự là bài trừ sự cứng sượng của sắc (rūpānaṃ thaddhavinodanarasā).

- Thành tựu là không trở ngại những công việc làm (sabbakriyāsu avirodhitā-paccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có sắc mềm (mudurūpapadaṭṭhānā).

24. Sắc thích sự (rūpassa kammaññatā) là sắc đối lập với cách cứng sượng của sắc thân; có thể được so sánh với vàng được khéo dập. Sắc thích sự là vừa với cách điều khiển để làm công việc như ý, sắp không sai, như là: Muốn đưa, giở cách nào, cao thấp thì đúng theo ý sắp đặt. Có hai câu Pāḷi chú giải như vầy:

- Kammaññassa bhāvo = kammaññatā: Thích hợp với cách làm mọi việc, gọi là làm việc vừa vặn.

- Rūpassa kammaññatā = rūpakammaññatā: Cách làm việc vừa vặn của sắc thành tựu, gọi là sắc thích sự.

Katamaṃ taṃ rūpaṃ rūpassa kammaññatā? Yā rūpassa kammaññatā kammaññattaṃ kammaññabhāvo, idaṃ taṃ rūpaṃ rūpassa kammaññatā. (Dhs. 533)

Sắc mà gọi là sắc thích dụng (thích sự) đó ra sao? Cách vừa với việc làm, sự vừa theo việc làm, trạng thái vừa với việc làm dù nơi sắc nào đều gọi là sắc thích dụng hay thích sự.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sắc thích sự:

- Trạng thái là cách vừa, thích nghi với việc làm (kammaññabhāvalakkhaṇā).

- Phận sự là trừ cách không vừa (akammaññatāvinodanarasā).

- Thành tựu là cách lưu tồn lượng lực, không yếu đuối (adubbalabhāva-paccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có sắc thích sự với việc làm (kammaññarūpapadaṭṭhānā).

Ba sắc này cùng với hai sắc biểu tri làm nên năm sắc kỳ dị (vikāra) hay sắc đặc biệt. Có chú giải như vầy: Viseso ākāro = vikāro: Cách đặc biệt của sắc thành tựu gọi là sắc kỳ dị.

(k) Bốn sắc trạng thái (Lakkhaṇa rūpa)

Có ba trạng thái phổ thông của sắc (rūpa) và danh (nāma) – tức là sanh (uppāda), trụ (ṭhiti) và diệt (bhaṅga). Sắc bao hàm những trạng thái này trong sắc thực tính được gọi là sắc trạng thái. Lakkhaṇa theo nghĩa của từ là tướng, dấu hiệu hay ký hiệu hay trạng thái.

Ở đây, ‘upa’ (trong upacaya) được dùng với ý nghĩa là trước tiên. Sự sanh của ba ‘bọn mười pháp’ đầu tiên là ‘bọn thân’, ‘sắc tính’ và ‘ý vật’ vào tiểu sát-na sanh (của tâm tái tục), được xem là upacaya (tích trữ). Ba ‘bọn mười pháp’ sanh sau từ giai đoạn tâm tái tục đến suốt kiếp sống được xem là santati (thừa kế). Cả hai upacaya (tích trữ) và santati (thừa kế) đôi khi được xem như jāti – sanh. Tổng số rūpa (sắc) là 27 thay vì 28.

Thọ mạng của rūpa (sắc) thường là 17 sát-na tâm hay 51 tiểu sát-na tâm (theo những nhà chú giải, trong thời gian một tia chớp tồn tại, có nhiều tỷ sát-na tâm sanh). Sát-na tâm đầu tiên gọi là upacāya (sự sanh) của sắc, sát-na cuối cùng gọi là aniccatā (sự vô thường) của sắc, 15 sát-na giữa gọi là jaratā (sự lão) của sắc. Aniccatā (vô thường) là sự diệt của rūpa (sắc).

Chỉ có 3 lakkhaṇarūpa (sắc trạng thái), đó là: Sanh, tăng trưởng (trụ) - suy tàn (dị) và tử (diệt)[180]. Aniccatā (vô thường) thì đồng nghĩa với maraṇa (tử). Suốt khoảng thời gian giữa sanh và tử là phát triển (trụ) hoặc suy tàn (dị).

Ngoại trừ năm sắc – đó là 2 viññatti (biểu tri), jāti (sanh), jarā (lão) và aniccatā (vô thường) – tất cả 23 rūpa (sắc) còn lại đều tồn tại 17 sát-na tâm.

25. Sắc tích trữ (upacaya rūpa). Sắc tích trữ là sự sanh của sắc vào sát-na tái tục và tiếp tục sanh của sắc cho đến những sắc cần thiết trong kiếp sống được hoàn toàn hình thành.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Ādito uparito ca cayoti = upacayo: Cách sanh từ khởi đầu luôn sau mỗi cách sanh của sắc thành tựu, đó gọi là sắc sanh.

Katamaṃ taṃ rūpaṃ rūpassa upacayo? Yo āyatanānaṃ ācayo, so rūpassa upacayo. Idaṃ taṃ rūpaṃ rūpassa upacayo.

Sắc mà gọi là sắc sanh đó ra sao? Những cách nào chất chứa xứ, sự sanh ra của sắc đó, sắc như thế này gọi là sắc sanh (upacaya). (Dhs. 534)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sắc sanh:

- Trạng thái là sơ sanh (ācāyalakkhaṇo).

- Phận sự là làm việc sanh ra cho những sắc (rūpānaṃ ummujjapanaraso).

- Thành tựu là đầy đủ của sắc pháp (paripuṇṇabhāvapaccupaṭṭhāno).

- Nhân cận là có sắc đang sanh (upacitarūpapadaṭṭhāno).

26. Sắc thừa kế (santati rūpa) tiếp theo sự sanh của sắc suốt kiếp sống là tiến hóa lớn lên thêm của sắc thành tựu, cũng dịch là liên tiếp. Có Pāḷi chú giải như sau:

- Saṃ punappunaṃ tati = santati: Cách sanh lên của sắc thành tựu đó hoài hoài, gọi là liên tiếp hay tiến hoá.

- Sambandhatati = santati: Cách sanh lên để liên tiếp với nhau của sắc thành tựu đó, gọi là liên tiếp hay tiến triển.

- Pavatti santati nāma: Nghĩa là cách tiến hóa của sắc có tên là sắc thừa kế (santatirūpa).

Katamaṃ taṃ rūpaṃ rūpassa santati? Yo rūpassa upacayo, sā rūpassa santati. Idaṃ taṃ rūpaṃ rūpassa santati.

Sắc mà gọi là sắc thừa kế đó ra sao? Sự sanh ra của sắc nào thành liên tiếp (thừa kế) của sắc pháp như thế đó, những sắc này gọi là sắc thừa kế (santati). (Dhs. 535)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sắc thừa kế:

- Trạng thái là cách đang tiến hóa (pavattilakkhaṇā).

- Phận sự là làm cho liên tiếp (anuppabandhanarasā).

- Thành tựu là cách không đứt đoạn nhau (anupacchedapaccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có sắc nối nhau (anupabandhakarūpapadaṭṭhānā).

27. Sắc lão (jaratā rūpa) là sắc có biểu hiện tăng trưởng và suy tàn vào sát-na trụ của tâm thứ 15. Sắc lão có Pāḷi chú giải như vầy:

- Jarānaṃ bhāvo = jaratā: Cách già của sắc gọi là lão.

- Saranākāro jaratā nāma: Sự tiêu mòn thoái hóa[181] của sắc pháp nên gọi là sắc lão (jaratārūpa).

Katamaṃ taṃ rūpaṃ rūpassa jaratā? Yā rūpassa jarā jīraṇatā khaṇḍiccaṃ Pāḷiccaṃ valittavatā āyuno saṃhāni indriyānaṃ paripāko, idaṃ taṃ rūpaṃ rūpassa jaratā.

Sắc mà gọi là sắc lão đó ra sao? Sự già, sự cũ, rụng răng, tóc bạc, bớt thọ, da dùn, cách chín mùi của sắc quyền có trong những sắc nào như thế, đây gọi là sắc lão. (Dhs. 536)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sắc lão:

- Trạng thái là cách hao mòn của sắc (rūpāparipākalakkhaṇā).

- Phận sự là dẫn dắt cách hao mòn (upānayanarasā).

- Thành tựu là cách chẳng phải mới sanh (navabhāvāpagamanapaccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có sắc tiêu mòn (paripaccamānarūpapadaṭṭhānā).

28. Sắc vô thường (aniccatā rūpa) là sắc mà có biểu hiện hư hao, phân rã vào sát-na diệt của sắc thực tính.

Sắc vô thường là cách đang diệt vừa sắp mất. Có Pāḷi chú giải như vầy:

- Aniccānaṃ bhāvo = aniccatā: Cách đang diệt (của sắc thành tựu) gọi là sắc vô thường.

- Tassa bhāvo = aniccatā: Cách đang tiêu diệt của sắc gọi là sắc vô thường (aniccatā-rūpa).

Katamaṃ taṃ rūpaṃ rūpassa aniccatā? Yo rūpassa khayo vayo bhedo paribhedo aniccatā antaradhānaṃ, idaṃ taṃ rūpaṃ rūpassa aniccatā.

Sắc mà gọi là sắc vô thường đó ra sao? Sự mất, cách hoại, sự rã, sự tan, sự không bền, sự vô thường của sắc nào, những sắc như thế gọi là sắc vô thường. (Dhs. 537)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sắc vô thường:

- Trạng thái là cách hư hao làm cho hư mất (paribhedalakkhaṇā).

- Phận sự là chìm lặng xuống (saṃsīdanarasā).

- Thành tựu là cách tiêu hoại (khayavayapaccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có sắc đang tiêu mất (paribhijjamānarūpapadaṭṭhānā).

Lưu ý:

(i) Tích trữ (upacāya) và thừa kế (santati) đôi khi được xem như sắc sinh. Cho nên tổng số sắc pháp là 27 thay vì là 28.

(ii) Ngoại trừ năm sắc – đó là hai sắc biểu tri, sắc sinh, sắc lão, sắc vô thường, tất cả những sắc còn lại tồn tại 17 sát-na tâm.

(iii) Đúng ra chỉ có ba sắc trạng thái đó là sanh (jāti), lão (jaratā), vô thường (aniccātā). Sắc sanh (jāti) ám chỉ cho sắc vào sát-na (tiểu) sanh, sắc lão (jaratā) ám chỉ cho sắc vào sát-na (tiểu) trụ và sắc vô thường (aniccātā) ám chỉ cho sắc vào sát-na (tiểu) diệt.

___o0o___

18 Sắc Thành Tựu (Nipphanna Rūpa)

Mười tám thứ sắc (rūpa) (từ số 1 – 18) bao gồm 4 sắc đại hiển, 5 sắc thanh triệt (pasāda), 7 sắc cảnh (gocara) (được tính 4, trừ sắc cảnh xúc), 2 sắc tính (bhāva), sắc ý vật (hadayavatthu), sắc mạng quyền (jīvita) và sắc vật thực (āhāra) bị tạo hay thành tựu do nghiệp (kamma), tâm (citta), quí tiết (utu) và vật thực (āhāra) trợ. Do đó, chúng được gọi là sắc thành tựu (nipphanna rūpa).

Mỗi sắc trong 18 thứ sắc này có trạng thái thực tính tự nhiên như là cứng của đất (pathavī) và nóng của lửa (tejo), cho nên chúng cũng được gọi là sắc chơn tướng hay sắc thực tính (sabhāva rūpa).

Mỗi sắc trong 18 thứ sắc này cũng có ba trạng thái hữu vi (saṅkhāta lakkhaṇa) – đó là sanh (jāti), lão (jarā) và vô thường (aniccātā), cho nên chúng cũng được gọi là sắc hữu trạng thái (salakkhaṇa rūpa).

Bởi vì chúng có thể thay đổi hình dạng, màu sắc v.v… do quí tiết nóng lạnh v.v…, chúng được gọi là sắc (rūpa).

Bởi vì những sắc này được dùng để quán vô thường (aniccā), khổ (dukkhā) và vô ngã (anattā), nên những sắc này được gọi là sắc rõ hay sắc quán đắc hay sắc phổ thông (sammasana rūpa).

___o0o___

10 Sắc Phi Thành Tựu (Anipphanna Rūpa)

Mười thứ sắc (rūpa) bao gồm sắc giao giới (pariccheda rūpa), 2 sắc biểu tri (viññattirūpa), 3 sắc kỳ dị (vikāra rūpa) và 4 sắc trạng thái (lakkhaṇa rūpa) không bị trợ tạo hay thành tựu bởi do nghiệp (kamma), tâm (citta), quí tiết (utu) và vật thực (āhāra), cho nên chúng được gọi là sắc phi thành tựu (anipphanna rūpa).

Mười sắc này cũng được gọi là sắc phi thực tính (asabhāva rūpa) vì chúng không tự có thực tính. Gọi là sắc phi hữu trạng thái (asalakkhaṇa rūpa) vì chúng không có trạng thái bị tạo (saṅkhata lakkhaṇa). Gọi là phi sắc (arūpa) vì chúng không thể thay đổi do quí tiết nóng và lạnh, v.v… và gọi là sắc không rõ (asammasana rūpa) vì chúng không được thấy rõ trong pháp quán minh sát.

___o0o___

Hỏa Giới Trong Nước Và Thủy Giới Trong Lửa

Một hạt bụi hay toàn quả địa cầu được tạo thành từ những sắc bất ly (avinibbhoga rūpa), cho nên quả địa cầu phải chứa tất cả 8 sắc – tức là địa giới (pathavī dhātu), thủy giới (āpo dhātu), hỏa giới (tejo dhātu), phong giới (vāyo dhātu), sắc/màu (vaṇṇa), khí (gandha), vị (rasā), vật thực nội (ojā); trong những thứ sắc này thì địa giới (pathavī dhātu) vượt trội.

Tương tự, nước cũng phải chứa tất cả 8 sắc bất ly (avinibbhoga rūpa), nhưng ở đây thì thủy giới (āpo dhātu) vượt trội. Vì nước chứa hỏa giới (tejo dhātu), chúng ta có thể nói có hỏa giới (tejo dhātu) trong nước.

Cùng cách ấy, lửa phải chứa tất cả 8 sắc bất ly (avinibbhoga rūpa), nhưng ở đây thì hỏa giới (tejo dhātu) vượt trội. Vì lửa chứa thủy giới (āpo dhātu), chúng ta có thể nói có thủy giới (āpo dhātu) trong lửa.

Vô Tỷ Pháp (Abhidhamma) trình bày nước chứa hỏa giới (tejo dhātu) và lửa chứa thủy giới (āpo dhātu) thì đồng quan điểm với khoa học. Chúng ta biết rằng nước chứa hỏa giới (tejo dhātu) cũng giống như chất lửa. Việc đốt gỗ hay giấy, nó phát ra do hỗn hợp carbon, hydrogen và oxygen. Lượng nhiệt được tỏa ra do hỗn hợp giữa hydrogen và oxygen làm thành nước. Lượng nhiệt lớn xuất hiện là một ngọn lửa thật sự có chứa hơi nước.

___o0o___

Nhân Trợ Sanh Sắc Pháp (Rūpa Samuṭṭhāna)

Có 4 nhân trợ cho sắc pháp sanh bao gồm nghiệp (kamma), tâm (citta), quí tiết (utu) và vật thực (āhāra).

(1) Sắc sanh do nghiệp trợ (kammaja rūpa) có 25 loại nghiệp trợ cho sắc nội phần sanh liên tục trong thân của chúng sanh gồm 12 tư bất thiện (akusala cetanā), 8 tư thiện dục giới (kammāvacara kusala cetanā) và 5 tư thiện sắc giới (rūpāvacara kusala cetanā). Những nghiệp thiện và bất thiện này trợ cho sắc pháp sanh trong cõi Dục và cõi Sắc ở mỗi sát-na (tiểu) sanh kể từ sát-na sanh của tâm tái tục cho đến tử. Sắc do nghiệp trợ sanh được gọi là sắc nghiệp (kammaja rūpa). Nên nhớ rằng, nghiệp vô sắc giới (arūpāvacara kamma) không trợ cho sắc pháp sanh.

(2) Sắc sanh do tâm trợ (cittaja rūpa) có 75 tâm trợ cho sắc sanh [trừ ngũ song thức (dvi pañca viññāṇa citta) và 4 tâm quả vô sắc giới (arūpāvacara vipāka citta)]. Tâm tái tục (paṭisandhi citta) và tâm tử (cuti citta) của bậc Arahatta không trợ cho sắc pháp sanh.

Bắt đầu từ tâm hữu phần (bhavaṅga) thứ nhất của kiếp sống cho đến tử, 75 tâm nêu trên trợ cho sắc tâm sanh ở mỗi sát-na (tiểu) sanh của tâm tương ứng. Sắc sanh do tâm trợ được gọi là sắc tâm (cittaja rūpa).

Trong 75 tâm, 26 tâm đổng lực kiên cố (appanā javana citta) không chỉ trợ cho sắc tâm (cittaja rūpa) sanh, mà còn trợ cho tứ oai nghi về thân – tức là đi, đứng, ngồi, nằm.

32 tâm gồm khai ý môn (manodvārāvajjana), 29 đổng lực dục giới (kāmāvacarajavana) và 2 tâm thông (abhiññā) trợ cho sắc tâm sanh, trợ cho thân oai nghi và cũng trợ cho sắc biểu tri (viññatti rūpa) để thân và khẩu hành động.

Trong 32 tâm vừa nêu trên, 13 đổng lực hỷ thọ (somanassa javana) trợ cho cười mỉm, cười lớn tiếng sanh, trong khi 2 đổng lực ưu thọ (domanassajavana), tức là 2 tâm căn sân (dosamūla citta) trợ cho than, khóc sanh.

Tiếu sinh (hasituppāda) và 4 tâm đại tố hỷ thọ (somanassa mahākiriya citta) trợ cho cười mỉm; sanh với chư Phật và chư Arahaṃ.

2 tâm căn tham hỷ thọ bất tương ưng kiến (lobhamūla diṭṭhigata vippayutta somanassa citta) và 4 tâm đại thiện hỷ thọ (somanassa mahā kusala citta) trợ cho cười mỉm và cười lớn tiếng; sanh với chư Thánh hữu học – tức là chư Thánh Thất lai (Sotāpanna), Nhất lai (Sakadāgāmī) và Bất lai (Anāgāmī).

4 tâm căn tham hỷ thọ (lobhamūla somanassa citta) và 4 tâm đại thiện hỷ thọ (somanassa mahākusala citta) trợ cho cười mỉm và cười lớn tiếng; sanh với phàm phu.

Ba ý giới (mano dhātu), 11 na cảnh (tadālambaṇa) và 5 tâm quả sắc giới (rūpāvacara vipāka citta), (tất cả là 19) chỉ trợ cho sắc tâm thông thường sanh.

Hay:

Cách Có Mấy Tâm Trợ

Cách khóc có 2 tâm sai khiến là: 2 tâm sân.

Cách cười có 13 tâm sai khiến là: 4 tâm tham câu hành hỷ, tâm tiếu sinh, 4 tâm đại thiện câu hành hỷ và 4 tâm đại tố câu hành hỷ (hay nói gọn là 13 tâm đổng lực dục giới câu hành hỷ).

Cách nói có 32 tâm sai khiến là: 12 tâm bất thiện, khai ý môn, tâm tiếu sinh, 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo và 2 tâm thông.

Cách tiểu oai nghi có 32 tâm sai khiến là: 12 tâm bất thiện, khai ý môn, tâm tiếu sinh, 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo và 2 tâm thông.

Cách tứ đại oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi) có 32 tâm sai khiến là: 12 tâm bất thiện, khai ý môn, tâm tiếu sinh, 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo và 2 tâm thông.

Cách kềm 3 hoặc 4 oai nghi có 58 hoặc 90 tâm sai khiến là: 12 tâm bất thiện, khai ý môn, tiếu sinh, 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo, 18 tâm đổng lực đáo đại, 8 hoặc 40 tâm siêu thế và 2 tâm thông.

Cách tầm thường có 109 tâm sai khiến là: 12 tâm bất thiện, 3 tâm ý giới, 3 tâm thẩm tấn, khai ý môn, tiếu sinh, 24 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo, 15 tâm sắc giới, 2 tâm thông, 8 tâm đổng lực vô sắc giới, 8 hoặc 40 tâm siêu thế.

- 1 là cách khóc có 2 tâm sai khiến, tức là 2 tâm sân.

- 2 là cách cười có 13 tâm sai khiến là: 4 tâm tham câu hành hỷ, tâm tiếu sinh, 4 tâm đại thiện câu hành hỷ và 4 tâm đại tố câu hành hỷ.

- 3 là cách nói có 32 tâm sai khiến là 29 tâm đổng lực dục giới, tâm khai ý môn và 2 tâm thông.

- 4 là cách tiểu oai nghi có 32 tâm sai khiến là: 29 tâm đổng lực dục giới, tâm khai ý môn và 2 tâm thông.

- 5 là cách đại oai nghi có 32 tâm sai khiến là: 29 tâm đổng lực dục giới, tâm khai ý môn và 2 tâm thông.

- 6 là cách kềm 3 hoặc 4 oai nghi có 58 hoặc 90 tâm sai khiến là: 29 tâm đổng lực dục giới, tâm khai ý môn, 2 tâm thông, 18 tâm đổng lực đáo đại và 8 hoặc 40 tâm siêu thế.

- 7 là cách tầm thường có 75 hoặc 107 tâm sai khiến là: 75 hoặc 107 tâm (trừ ngũ song thức và 4 quả vô sắc).

Tâm Trợ Đặng Mấy Cách

Sai khiến cách tầm thường đặng 19 tâm là: 3 tâm ý giới, 3 tâm thẩm tấn, 8 tâm đại quả và 5 tâm quả sắc giới.

Nói về mỗi tâm sai khiến thân, khẩu hành động đặng mấy cách. Cách tầm thường là không có hiện tượng ra ngoài như là hơi thở v.v… Còn 19 tâm kể trong bài đọc là: 3 tâm thẩm tấn, 8 tâm đại quả, 3 tâm ý giới và 5 tâm quả sắc giới, dù cho những tâm này có tạo sắc nhưng rất ngấm ngầm yếu ớt, không sai khiến đặng các việc lớn lao. Tâm nào làm việc tái tục mà không tạo được sắc là vì còn quá yếu như ngũ song thức.

Sai khiến cách tầm thường và kềm 3 hoặc 4 oai nghi đặng 58 tâm là: 18 tâm đổng lực đáo đại và 8 hoặc 40 tâm siêu thế.

Những tâm đổng lực kiên cố (appanā) là: 18 tâm đổng lực đáo đại và 8 hoặc 40 tâm siêu thế, sai khiến đặng 2 cách là cách tầm thường và cách kềm 3 hoặc 4 oai nghi, nhưng kềm cách đi rất ít. Những tâm đổng lực kiên cố ấy vì có sức mạnh hơn những tâm đã nêu trước, nhưng cũng trong phần ngấm ngầm. Khi nhập thiền thì ngồi, nằm, đứng vững vàng luôn, nếu có ai kéo sửa cách nào thì cũng theo cách ấy. Còn cách đi có lẽ là do mãnh lực thông (abhiññā) sắp đặt.

Tâm sai khiến 5 cách (trừ khóc và cười) có 17 là: 4 tâm tham câu hành xả, 2 tâm si, khai ý môn, 4 đại thiện câu hành xả, 4 đại tố câu hành xả và 2 tâm thông.

Tâm đổng lực dục giới câu hành xả, 2 tâm thông và tâm khai ý môn vì chẳng phải câu hành ưu nên không sai khiến cách khóc đặng và chẳng phải câu hành hỷ nên không sai khiến cách cười đặng.

Tâm sai khiến 6 cách (trừ cười) có 2 tức là 2 tâm sân. Hai tâm sân vì câu hành ưu nên không thể sai khiến cách cười đặng.

Tâm sai khiến đặng 5 cách (trừ khóc) có 13 là: 4 tâm tham câu hành hỷ, tâm tiếu sinh, 4 đại thiện câu hành hỷ và 4 tâm đại tố câu hành hỷ.

Tâm đổng lực dục giới câu hành hỷ vì vui hoặc mừng nên trái với sự khóc.

(3) Sắc sanh do quí tiết trợ (utuja rūpa) hỏa đại (tejo) là gồm cả hai trạng thái nóng và lạnh; hiện diện trong tất cả nhóm sắc hay bọn sắc (kalāpa rūpa), để đạt đến mức bình ổn, sắc quí tiết sanh và liên tục trợ cho những sắc quí tiết sanh ở mỗi tiểu sát-na của cả hai nội phần và ngoại phần.

(4) Sắc sanh do vật thực trợ (āhāraja rūpa) bao gồm những dưỡng chất (ojā) hiện diện trong tất cả bọn sắc (kalāpa rūpa) cả trong thân (nội phần) và ngoài thân (ngoại phần). Vật thực ngoại mà chúng ta ăn được tiêu hóa trong bao tử và phân tán qua máu đến tất cả bộ phận của cơ thể. Cho nên, vật thực nội (dưỡng chất – ojā) và vật thực ngoại gặp nhau ở khắp bộ phận thân thể. Lúc chúng gặp nhau được gọi là sát-na sanh (uppāda). Sau sát-na này là đến sát-na trụ (ṭhiti). Từ sát-na trụ, sự kết hợp giữa vật thực nội và ngoại bắt đầu tạo ra những sắc vật thực và tiếp tục trợ sanh chúng ở mỗi tiểu sát-na cho đến khi sự kết hợp kết thúc.

___o0o___

Các Loại Sắc Pháp

Sắc một nhân (ekaja rūpa) là sắc sanh do một nhân trợ.

Sắc hai nhân (dvija rūpa) là sắc sanh do hai nhân trợ.

Sắc ba nhân (tija rūpa) là sắc sanh do ba nhân trợ.

Sắc bốn nhân (catuja rūpa) là sắc sanh do bốn nhân trợ.

Sắc nhiều nhân (anekaja rūpa) là sắc sanh do nhiều hơn một nhân hay do nhiều nhân trợ.

1. Sắc một nhân:

Năm sắc thanh triệt (pasāda rūpa), hai sắc tính (bhāva rūpa), sắc ý vật (hadaya vatthu) và sắc mạng (jīvita rūpa) (tổng cộng 9) bị sanh chỉ do nghiệp trợ;

Hai sắc biểu tri sanh chỉ do tâm trợ. Do đó, tổng số là 11.

2. Sắc hai nhân chỉ có sắc cảnh thinh (saddā) là do tâm (citta) và quí tiết (utu) trợ tạo. Âm giọng như là tiếng phát biểu, tiếng cười, tiếng rên, tiếng khóc, tiếng hát và tiếng huýt sáo sanh do tâm trợ. Âm thanh không từ âm giọng như là tiếng sấm, tiếng nhạc cụ, tiếng nói từ radio, bài hát từ máy ghi âm, tiếng ồn từ xe hơi, tàu hỏa, v.v… sanh do quí tiết trợ.

3. Sắc ba nhân có 3 đó là sắc nhẹ (rūpassa lahutā), sắc mềm (rūpassamudutā) và sắc thích sự (rūpassa kammaññatā). Những sắc này sanh do tâm (citta), quí tiết (utu) và vật thực (āhāra) trợ. Những sắc này chịu trách nhiệm cho lạc thọ mà chúng ta kinh nghiệm khi tâm của chúng ta trống rỗng hay khi thời tiết dễ chịu hay sau khi chúng ta có một bữa ăn nhẹ vừa ý.

4. Sắc bốn nhân có 9 thứ là sắc được trợ do cả bốn nhân. Những sắc ấy là 8 sắc bất ly (avinibbhoga rūpa) và sắc giao giới hay hư không giới (ākāsa dhātu) sanh khi những nhóm hay bọn sắc (kalāpa) bất ly được hình thành.

5. Sắc do nghiệp trợ (kammajarūpa) (18) = 9 sắc nghiệp một nhân (kammaja ekaja rūpa) + 9 sắc nghiệp nhiều nhân (kammaja anekaja rūpa).

6. Sắc do tâm trợ (cittajarūpa) (15) = 2 sắc tâm một nhân (ekaja) + 13 sắc tâm nhiều nhân (anekaja). [13 sắc tâm nhiều nhân: 9 sắc bốn nhân + thinh (sadda) + 3 sắc ba nhân].

7. Sắc do quí tiết trợ (utujarūpa) (13) = 13 sắc quí tiết nhiều nhân (utuja aneka rūpa) cũng giống như 13 sắc tâm nhiều nhân (cittaja anekaja rūpa).

8. Sắc do vật thực trợ (āhārajarūpa) (12) = 12 sắc vật thực nhiều nhân (āhāraja anekaja rūpa) là 8 sắc bất ly (avinibbhoga) + 3 sắc kỳ dị (tija) + giao giới (pariccheda).

Lưu ý:

(1) Ba sắc kỳ dị đó là nhẹ (lahutā), mềm (mudutā) và thích sự (kammaññatā) cũng được gọi là lahutādi rūpa.

(2) Bốn sắc trạng thái (lakkhaṇa rūpa) không do nhân nào trợ. Chúng chỉ biểu hiện sự sanh, lão, tử tự nhiên của sắc thực tính.

___o0o___

Các Nhóm Hay Bọn Sắc (Rūpa kalāpa)

28 thứ sắc pháp không tìm thấy riêng lẻ trong thiên nhiên. Chúng bị sanh do bốn nhân trợ dưới dạng những bọn sắc rất nhỏ gọi là kalāpa. Những bọn sắc (kalāpa) ấy có bốn đặc tính sau:

1. Tất cả sắc trong bọn cùng sanh, tức là chúng cùng khởi đầu.

2. Chúng cũng cùng diệt, tức là chúng cùng chấm dứt.

3. Chúng hoàn toàn phụ thuộc vào bốn sắc đại hiển hiện diện trong bọn (kalāpa) để sanh, tức là chúng cùng nương.

4. Chúng cũng hoàn toàn bị trộn lẫn không thể phân biệt, tức là chúng cùng tồn tại.

Nên lưu ý rằng nhóm hay bọn (kalāpa) thì rất nhỏ không thể thấy dù dưới kính hiển vi. Kích thước của kalāpa trong cõi Nhân loại chỉ bằng một 10-5 th của một paramānu, nhỏ hơn một nguyên tử (atom). Cho nên, về kích thước, nhóm hay bọn (kalāpa) sắc được so sánh với một điện tử (electron), proton và neutron.

Có 21 nhóm hay bọn (kalāpa) sắc, đó là: 9 bọn sắc nghiệp (kammaja kalāpa), 6 bọn sắc tâm (cittaja kalāpa) + 4 bọn sắc quí tiết (utuja kalāpa) + 2 bọn sắc vật thực (āhāraja kalāpa).

9 bọn sắc nghiệp (kammaja kalāpa)

Chín bọn sắc nghiệp này hình thành từ 18 thứ sắc do nghiệp trợ tạo (kammaja rūpa). Trong cả 9 bọn (kalāpa) ấy, 8 sắc bất ly (avinibbhoga rūpa) hợp thành hạt nhân. Tất cả sắc do nghiệp trợ tạo luôn bao gồm sắc mạng (jīvita rūpa). Cho nên, một bọn 8 sắc bất ly và mạng quyền hợp thành bọn đơn giản nhất của sắc do nghiệp trợ tạo; được gọi là bọn sắc mạng cửu pháp (jīvita navaka kalāpa) nghĩa là nhóm 9 sắc gồm mạng quyền; có thể được rút ngắn thành jīvita nonad.

Bằng cách cộng 8 sắc nghiệp một nhân còn lại từng cái một với bọn sắc mạng cửu pháp (jīvita navaka kalāpa), chúng ta được 8 bọn sắc nghiệp còn lại.

1. Bọn nhãn mười pháp (cakkhu dasaka) = 8 sắc bất ly (avinibbhoga rūpa) + sắc mạng (jīvita rūpa) + nhãn thanh triệt (cakkhupasāda).

2. Bọn nhĩ mười pháp (sota dasaka) = 8 sắc bất ly + sắc mạng + nhĩ thanh triệt (sota pasāda).

3. Bọn tỷ mười pháp (ghāna dasaka) = 8 sắc bất ly + sắc mạng + tỷ thanh triệt (ghāna pasāda).

4. Bọn thiệt mười pháp (sota dasaka) = 8 sắc bất ly + sắc mạng + thiệt thanh triệt (sota pasāda).

5. Bọn thân mười pháp (kāya dasaka) = 8 sắc bất ly + sắc mạng + thân thanh triệt (kāya pasāda).

6. Bọn nữ tính mười pháp (itthibhāva dasaka) = 8 sắc bất ly + sắc mạng + nữ tính (itthibhāva rūpa).

7. Bọn nam tính mười pháp (purisabhāva dasaka) = 8 sắc bất ly + sắc mạng + nam tính (purisabhāva rūpa).

8. Bọn ý vật mười pháp (hadaya dasaka) = 8 sắc bất ly + sắc mạng + ý vật (hadaya vatthu).

9. Bọn mạng chín pháp (jīvita navaka) = 8 sắc bất ly + sắc mạng.

6 bọn sắc tâm (cittaja kalāpa)

Chúng được tạo thành do 14 sắc tâm (cittaja rūpa) (trừ sắc giao giới).

1. Bọn sắc tâm thuần tám pháp (cittaja suddhatthaka) = 8 sắc bất ly (avinibbhiga rūpa) sanh do tâm trợ.

2. Bọn thân biểu tri chín pháp (kāyaviññatti navaka) = 8 sắc bất ly + thân biểu tri (kāya-viññatti).

3. Bọn thinh khẩu biểu tri mười pháp (vaciviññatti sadda dasaka) = 8 sắc bất ly + thinh (sadda) + khẩu biểu tri (vacīviññatti).

4. Bọn kỳ dị mười một pháp (lahutādi ekādasaka) = 8 sắc bất ly + nhẹ (lahutā) + mềm (mudutā) + thích sự (kammaññatā).

5. Bọn thân kỳ dị mười hai pháp (kāyaviññatti lahutādi dvādasaka) = 8 sắc bất ly + thân biểu tri + kỳ dị (lahutādi) (3).

6. Bọn khẩu thinh kỳ dị mười ba pháp (vacīviññatti sadda lahutādi terasaka) = 8 sắc bất ly + khẩu biểu tri + thinh + kỳ dị (3).

4 bọn sắc quí tiết (utuja kalāpa)

Chúng được hình thành theo nhóm từ 12 sắc quí tiết (utuja rūpa) (trừ sắc giao giới – pariccheda rūpa).

1. Bọn quí tiết thuần tám pháp (utuja suddhaṭṭhaka) = 8 sắc bất ly (avinibbhoga rūpa) sanh do quí tiết trợ.

2. Bọn quí tiết thinh chín pháp (sadda navaka) = 8 sắc bất ly + thinh (sadda).

3. Bọn quí tiết kỳ dị mười một pháp (lahutādi ekādasaka) = 8 sắc bất ly + sắc kỳ dị (lahutādi rūpa) (3).

4. Bọn quí tiết thinh kỳ dị mười hai pháp (sadda lahutādi dvādasaka) = 8 sắc bất ly + thinh + sắc kỳ dị (3).

2 bọn sắc vật thực (āhāraja kalāpa)

Chúng được hình thành theo nhóm từ 8 sắc bất ly (avinibbhoga rūpa) và 3 sắc kỳ dị (lahutādi rūpa) sanh do vật thực trợ.

1. Bọn vật thực thuần tám pháp (āhāraja suddhaṭṭhaka) = 8 sắc bất ly (avinibbhoga rūpa) sanh do vật thực trợ.

2. Bọn vật thực kỳ dị mười một pháp (lahutādi ekādasaka) = 8 sắc bất ly + 3 kỳ dị (lahutādi).

___o0o___

Phân Chia Sắc Pháp (Rūpa Vibhāga)

Tất cả sắc pháp phân thành một loại theo những khía cạnh sau:

1. Phi nhân (ahetuka) là sắc không phối hợp với nhân lobha (tham), dosa (sân)...

2. Hữu duyên (sappaccaya) là đều có nhân trợ tạo, tức liên quan đến những nhân [nghiệp (kamma), tâm (citta), quí tiết (utu) và vật thực (āhāra)].

3. Cảnh lậu (sāsava) là làm cảnh cho pháp lậu hay phiền não.

4. Hữu vi (saṅkhata) là bị trợ tạo bởi bốn nhân [nghiệp (kamma), tâm (citta), quí tiết (utu) và vật thực (āhāra)].

5. Hiệp thế (lokiya) là đều liên quan trong đời ngũ thủ uẩn (không có sắc siêu thế).

6. Dục giới (kāmāvacara) là sắc thuộc phạm vi cảnh dục.

7. Vô cảnh (anārammaṇa) hay vô tri cảnh là không biết đặng cảnh.

8. Phi trừ (appahātabba) là chẳng phải sát trừ như phiền não, hay không bị đoạn trừ bởi đạo (magga).

Khi rūpa (sắc) được phân chia như nội hay ngoại và v.v… sắc pháp trở thành đa dạng.

Sắc Pháp Chia Hai (có 9)

1. Tất cả 21 bọn sắc (rūpa kalāpa) nêu trên xảy ra bên trong (nội phần) chúng sanh. Bọn nữ tính mười pháp (itthibhāva dasaka) không xảy ra với người nam. Tương tự bọn nam tính mười pháp (pumbhāva dasaka) không xảy ra với người nữ. Đối với người sanh đui hay điếc, bọn nhãn mười pháp hay bọn nhĩ mười pháp phải được trừ.

(Lưu ý rằng 28 thứ sắc pháp, sắc nữ tính (itthibhāva rūpa) không có với người nam và sắc nam tính (pusisabhāva rūpa) không có với người nữ. Do đó, chỉ có 27 thứ sắc sẽ được hiện diện trong mỗi loài).

Ajjhatta chỉ cho pháp nội phần hay bên trong mỗi chúng sanh.

Bahiddha chỉ cho pháp ngoại phần hay bên ngoài mỗi chúng sanh.

Trong thế giới pháp ngoại phần (bahiddha), chỉ thấy những bọn sắc do quí tiết trợ tạo. Tất cả những vật vô tri giác như là cây, đá, quả địa cầu, không khí, nước, lửa, tử thi, v.v… được tạo do những bọn sắc quí tiết bát thuần (utuja suddhaṭṭhaka kalāpa). Âm thanh sanh do gõ hai cái dùi vào nhau hay quất những nhánh cây trong gió hay những nhạc cụ như là violin, piano, radio, cassettes, v.v… đều là những bọn sắc quí tiết bát thuần (utuja suddhaṭṭhaka kalāpa). Tóm lại:

Sắc nội (ajjhattika rūpa) là 5 sắc thanh triệt được gọi là bên trong hay nội (ajjhattika). 23 sắc còn lại được gọi là sắc bên ngoài hay sắc ngoại (bāhira rūpa). Vì năm giác quan (sắc thanh triệt) là pháp thực tính cơ bản cho sự thấy nghe, ngửi, v.v… chúng sanh đánh giá cao những sắc này. Không có chúng, họ như những khúc gỗ vô tri giác.

2. Sắc hữu vật (vatthu rūpa) có 6 là: 5 sắc thanh triệt (pasāda rūpa) cùng với sắc ý vật (hadaya vatthu) được gọi là sắc vật. Chúng đóng vai trò là nơi nương của tâm.

Sắc vô vật (avatthu rūpa) có 22 là: 4 sắc tứ đại minh, 4 sắc cảnh, 2 sắc tính, sắc mạng quyền, sắc vật thực, sắc giao giới, 2 sắc biểu tri, 3 sắc kỳ dị và sắc tứ tướng.

Vì 6 sắc hữu vật có vật chất hiện bày làm tiêu chuẩn như là lỗ tai, con mắt v.v… còn 22 thứ sắc ngoài ra, không có vật tiêu chuẩn trùm bọc như thế. Dù nam căn hay nữ căn cũng chưa phải đủ tiểu chuẩn cho sắc ấy, nên gọi là sắc vô vật (avatthurūpa).

3. Sắc môn (dvāra rūpa) có 7 là: 5 sắc thanh triệt (pasāda rūpa) cùng với 2 sắc biểu tri (viññatti rūpa). Bảy thứ sắc môn (dvārarūpa) phần nhiều làm dịp cho tâm khách quan sanh ra. 5 sắc thanh triệt làm nhân, làm môn, tạo điều kiện, làm dịp cho lộ ngũ môn sanh, cho nên Pāḷi gọi là upapattidvāra dịch là môn sanh. 2 thứ sắc biểu tri cũng gọi là thân môn (kāyadvāra) và khẩu môn (vacīdvāra), hay là nơi và cách thức để thực hiện thân nghiệp (kāya kamma) và khẩu nghiệp (vacī kamma). Sự nói cũng như sự làm thì thân, khẩu trợ tâm sanh ra rất nhiều thiện, ác và sở hữu tư (cetanā) câu sanh để điều khiển, đó gọi là thân nghiệp (kāyakamma) và khẩu nghiệp (vacīkamma) đều do sắc biểu tri mới phát ra đặng, cũng như nhờ cửa mới đi ra.

21 thứ sắc ngoài ra trái với nghĩa trên nên gọi là sắc phi môn (advārarūpa).

4. Sắc quyền (indriya rūpa) có 8 là: 5 sắc thanh triệt (pasāda rūpa) cùng với 2 sắc tính (bhāvarūpa) và 1 sắc mạng (jīvita rūpa) gom thành 8 sắc quyền. Sắc quyền (indriyarūpa) là có quyền lớn lao trong bổn phận như là 5 sắc thanh triệt có quyền đủ sức hạn chế 5 đôi thức. Nhãn thanh triệt hạn chế nhãn thức chỉ thấy và đủ sức trợ sanh ra. Nếu không có nhãn thanh triệt thời tâm nhãn thức sanh không đặng. Nhĩ, tỷ, thiệt và thân thanh triệt cũng đều như thế. Quyền của 2 sắc tính là giới hạn các bộ phận thân thể hành động và nói năng có phân biệt theo giới tính (nam, nữ, đực, cái, trống, mái v.v…) Còn sắc mạng quyền có thế lực bảo tồn sắc nghiệp cũng như thay thế cho nghiệp tạo sắc và bảo tồn cho sắc nghiệp tồn tại đủ 51 sát-na, cho nên gọi là sắc quyền.

Hai mươi thứ sắc còn lại trái với nghĩa trên, nên gọi là sắc phi quyền (anindriyarūpa).

5. Sắc thô (oḷārika rūpa) có 12 là: 5 sắc thanh triệt (pasāda rūpa) cùng với 7 sắc cảnh (gocara rūpa) gom thành 12 sắc thô. Sắc thô là sắc hiện quá rõ, sắc tế (sukhuma rūpa) là sắc không mấy gì rõ.

Oḷārika’ nghĩa là ‘thô hay không mịn’; ‘sukhuma’ nghĩa là ‘tế hay mịn’. Bởi vì tính thô và tính không mịn của chúng, những sắc thanh triệt và 5 cảnh có thể dễ dàng được thấy và hiểu. Và vì chúng dễ hiểu, chúng được liên hệ gần gũi với trí. Do đó, sắc thô còn gọi là sắc cận (santike rūpa) hay sắc gần là để niệm xứ khi tu tuệ rất dễ tỏ ngộ. Còn những sắc khó mà tỏ ngộ đặng mới gọi là sắc xa, sắc tế, sắc viễn (dūre rūpa).

Những sắc thanh triệt và cảnh xúc chạm nhau – như cảnh sắc xúc chạm nhãn môn, âm thanh xúc chạm nhĩ môn và v.v… do đó, 12 sắc thô cũng được gọi là sắc hữu đối chiếu (sappaṭigha rūpa) trong khi 16 sắc tế được gọi là sắc vô đối chiếu (appaṭigha rūpa). ‘Sappaṭigha’ theo nghĩa đen là ‘xúc chạm’ trong khi ‘appatigha’ nghĩa là ‘khỏi xúc chạm’.

Sắc chạm nhau như là nhãn thanh triệt chạm với sắc hay là cảnh sắc chạm với nhãn thanh triệt. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân và thinh, khí, vị, xúc cũng tợ như thế nên gọi là sắc chạm nhau.

16 thứ sắc còn lại trái hẳn với ba nghĩa trên, nên gọi là sắc tế, sắc không chạm nhau hay không đối chiếu.

6. Sắc thủ (upādinna) có 18 là: 4 sắc tứ đại, 5 sắc thanh triệt, 2 sắc tính, sắc ý vật, sắc mạng quyền, sắc vật thực, sắc giao giới và 3 sắc cảnh (trừ thinh), sắc thủ cũng gọi là sắc nghiệp. Sắc thủ (upādinnarūpa) là trước kia do chấp thủ rằng ta sẽ có mắt, tai v.v… hay là ưa muốn, cũng như kiến trúc sư vẽ bản thiết kế thì thợ là người phải làm theo, tức là sắc nghiệp tạo.

Hay nói cách khác, sắc thủ (upādinna) là 18 thứ sắc sanh do nghiệp (kammaja rūpa) được gọi là sắc thủ (upādinna); những sắc còn lại được gọi là sắc phi thủ (anupādinna). 18 thứ sắc sanh do nghiệp bị níu lấy bởi nghiệp và là quả của ái (taṇhā) hợp với tà kiến (diṭṭhi).

10 sắc còn lại như sắc tâm, sắc quí tiết và sắc vật thực tạo, đều gọi là sắc phi thủ (anupādinnarūpa).

7. Sắc bị thấy hay Sắc hữu kiến (sanidassanarūpa) có 1 tức là sắc cảnh sắc (rūpārammaṇa), vì nó có thể bị thấy bằng mắt.

Những sắc còn lại được gọi là sắc vô kiến (anidassana rūpa) vì là những sắc không thể bị thấy bằng mắt.

8. Sắc thâu cảnh (gocaraggāhika rūpa) có 5 tức là 5 thứ sắc thanh triệt (pasāda rūpa) có thể bắt cảnh bên ngoài làm chỗ dạo, cho nên được gọi là sắc thâu cảnh.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Gocaraṃ gaṇhātīti = gocaraggāhakaṃ: Sắc thâu cảnh đặng gọi là sắc thâu cảnh, cũng như kiếng thâu hình.

Nhưng nhãn thanh triệt và nhĩ thanh triệt thâu cảnh không đến sát.

Có Pāḷi như vầy: Asamapatta ārammaṇa: Là cảnh không đến sát.

Tỷ, thiệt, thân thanh triệt thâu những cảnh đến sát.

Có Pāḷi như vầy: Sampatta ārammaṇa: Là cảnh đến sát.

Trong khi những sắc còn lại (ngoài 5 sắc thanh triệt) được gọi là sắc không thâu cảnh (agocaraggāhika rūpa).

Trong 5 sắc thanh triệt, nhãn và nhĩ nhận cảnh xa, khỏi chạm trực tiếp. Chúng ta có thể thấy một cái hoa mà hoa ấy khỏi phải đến xúc chạm với mắt. Chúng ta có thể nghe những gì người đàn ông nói mà người ấy không cần đến tiếp xúc với tai.

Mặt khác, cảnh khí hay những mùi phải đến tiếp xúc với lỗ mũi, cảnh vị phải chạm trực tiếp lưỡi và vật chất phải thật sự xúc chạm vào thân để nhận ra những cảm giác này.

Do đó, nhãn thanh triệt và nhĩ thanh triệt được gọi là sắc khỏi chạm (asampatta gāhaka) trong khi 3 sắc thanh triệt còn lại gọi là sắc chạm cảnh (sampatta gāhaka).

9. Sắc bất ly (avinibbhoga rūpa) có 8 là: 4 sắc tứ đại minh [đất (pathavī), nước (āpo), lửa (tejo), gió (vāyo)], sắc cảnh sắc (vaṇṇa), sắc cảnh khí (gandha), sắc cảnh vị (rasā) và sắc vật thực nội (ojā). Sắc bất ly (avinibbhogarūpa) là những sắc cùng liên kết và không xa lìa nhau, tức là những sắc chẳng sanh riêng ra, hễ có thì phải đủ 8, cho nên không bọn nào dưới 8 (xin nhớ cho kỹ!).

Có Pāḷi chú giải như vầy: Avinibbhogoti = avinibbhogo: Không thể chia riêng ra, nên gọi là bất ly.

20 sắc còn lại trái với nghĩa trên, nên gọi là sắc ly hay là sắc hữu ly (vinibbhogarūpa).

Định nghĩa của sắc hữu ly (vinibbhoga rūpa) nghe như định nghĩa ban đầu của nguyên tử (atom), nhưng những nguyên tử sau này được tìm thấy chia thành những điện tử (electrons), protons, neutrons.

Theo Vô Tỷ Pháp (Abhidhamma), những hạt sắc[182] này có thể được xem là những sắc bất ly. Bốn sắc đại hiển và 4 sắc y sinh cùng sanh trong những bọn hay nhóm sắc thực tính; là những sắc cơ bản của sắc pháp.

Những bọn (kalāpa) sắc này có kích thước gần như nhau. Cho nên, dù cho một hạt có thể nhỏ cỡ nào, nó luôn chứa sắc bất ly là những sắc không thể phân chia và tách rời.

___o0o___

Tiến Trình Của Sắc Pháp Sinh khởi Trong Mỗi Chúng Sanh (Rūpa pavattikkama)

Trước khi đọc phần này, người đọc nên ôn lại “Bốn Dạng Tái Tục’ ở Chương Vīthimutta / Bhūmi (Ngoại Lộ / Cõi).

Tất cả 28 thứ sắc sanh không giảm, nếu trường hợp cho phép, trong một chúng sanh trong một kiếp sống ở cõi Dục.

Nhưng vào thời tái tục (paṭisandhi kāla), với những loài thấp sanh (samsedaja) và hóa sanh (opapātika), nhiều nhất là bảy bọn sắc do nghiệp trợ tạo gồm những bọn như nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, sắc tính và ý vật mười pháp dễ quán thấy. Dù sao, nhãn, nhĩ, tỷ và sắc tính mười pháp đôi khi không dễ quán thấy.

Với loài thai sanh (gabbhaseyyaka), chỉ có ba bọn sắc sanh do nghiệp trợ gồm bọn thân, sắc tính và ý vật mười pháp được quán thấy dễ dàng vào sát-na tái tục (paṭisandhi kāla). Ở đây, bọn sắc tính mười pháp có thể không dễ quán thấy, đặc biệt đối với vài chúng sanh. Sau khi tái tục, vào thời bình nhật (pavatti kāla), bọn nhãn mười pháp và những bọn còn lại được quán thấy theo tuần tự.

Về số lượng những nhóm hay bọn sắc do bốn nhân trợ tạo (kammaja rūpa), sắc do nghiệp trợ tạo bắt đầu hình thành vào sát-na tái tục và tiếp tục hình thành liên tục vào mỗi tiểu sát-na.

Sắc do tâm trợ tạo (cittaja rūpa) bắt đầu hình thành từ sát-na thứ hai của tâm, tức là từ sát-na sanh của tâm hữu phần (bhavaṅga) thứ nhất ngay sau tâm tái tục. Sắc do tâm trợ tạo (cittaja rūpa) tiếp tục được hình thành và mỗi sát-na sanh của tâm theo sau trong suốt kiếp sống.

Sắc do quí tiết trợ tạo (utuja rūpa) bắt đầu hình thành từ sát-na trụ của tâm tái tục. Do hỏa giới (tejo dhātu) hiện diện trong những bọn sắc do nghiệp trợ tạo (kammaja kalāpa) mới đến giai đoạn ổn định (ṭhiti) vào sát-na ấy. Từ lúc ấy trở đi, hỏa giới (tejo dhātu) trợ sanh ra sắc quí tiết vào mỗi sát-na tiểu. Từ khi hỏa giới (tejo dhātu) hiện diện trong mỗi bọn, mỗi bọn (kalāpa), khi đạt đến mức ổn định, trợ sanh những bọn quí tiết mới vào mỗi sát-na tiểu. Và những bọn sắc mới do quí tiết trợ tạo (utuja rūpa), khi đạt đến mức ổn định lại trợ sanh nhiều bọn sắc quí tiết mới nữa vào mỗi sát-na tiểu. Do đó, lộ trình này sẽ tiếp diễn mãi.

Mỗi bọn sắc đều có dinh dưỡng căn bản hay sắc vật thực nội (ojā). Sắc do vật thực trợ tạo (āhāraja rūpa) bắt đầu hình thành khi sắc vật thực nội (ojā) gặp sắc vật thực ngoại (ojā) vào lúc khuếch tán những dưỡng chất và hợp chất vật thực nội và vật thực ngoại đạt đến mức ổn định. Từ sát-na ấy, sắc do vật thực trợ tạo (āhāraja rūpa) cũng được hình thành vào mỗi tiểu sát-na.

Những bọn sắc mới liên tục được trợ sanh, những bọn sắc cũ diệt và mất đi khi tuổi thọ 17 sát-na của chúng kết thúc. Do đó, tiến trình của sắc không gián đoạn trong cõi Dục cho đến cuối kiếp sống ví như ngọn lửa của đèn dầu, hay dòng chảy của một con sông.

___o0o___

Tiến Trình của Sắc Pháp Khi Tử

Khi tử, thọ mạng của danh pháp và thọ mạng của sắc pháp phải cùng kết thúc. Đây có nghĩa là tất cả sắc do nghiệp trợ tạo (kammaja rūpa) gồm thọ mạng của sắc pháp phải kết thúc ngay khi tử.

Do đó, vào sát-na sanh của tâm thứ mười bảy (17th) tính trở ngược lại từ tâm tử (cuti citta), sắc do nghiệp tạo (kammaja rūpa) sanh cuối cùng. Sắc nghiệp (kammaja rūpa) cuối cùng này sẽ diệt vào sát-na diệt của tâm tử (cuti citta).

Sắc do tâm trợ tạo (cittaja rūpa) sanh cho đến sát-na sanh của tâm tử (cuti citta). Sắc tâm cuối cùng này sẽ tồn tại ở sát-na tâm tử và sẽ diệt trong 16 sát-na tâm nữa, mà 16 sát-na tâm xảy ra hầu như tức thì.

Sắc do vật thực trợ tạo (āhāraja rūpa) sanh cho đến sát-na diệt của tâm tử (cuti citta). Điều kiện cho sự trợ tạo ấy là phải có sự sanh của sắc vật thực (āhāraja rūpa) có thể được trang bị bằng tâm cho đến khi ấy. Cho nên khi tử, sự sanh lần cuối của sắc vật thực ấy chỉ tồn tại 1 tiểu sát-na. Dù sao, trong 50 tiểu sát-na nữa (tuổi thọ của sắc pháp = 51 tiểu sát-na hay 17 sát-na tâm), sắc vật thực ấy cũng diệt.

Do đó, vào khi tử, sắc nghiệp (kammaja rūpa), sắc tâm (cittaja rūpa) và sắc vật thực (āhāraja rūpa) diệt hầu như tức thời[183], nhưng sắc quí tiết tiếp tục sanh và diệt cho đến khi tử thi chuyển thành bụi. Một tử thi chỉ còn những sắc do quí tiết trợ tạo.

Khi một chúng sanh tử và tái tục vào kiếp sống khác, sắc tương tự bắt đầu sanh từ sát-na tái tục và tiếp tục sanh cho đến khi tử.

___o0o___

Tiến Trình Của Sắc Pháp Sanh Ở Cõi Sắc Giới

Trong cõi Sắc, bọn sắc tỷ, thiệt, thân, sắc tính mười pháp và bọn sắc vật thực (āhāra kalāpa) không sanh. Vào lúc hóa sanh (opapātika) có bốn bọn sắc do nghiệp trợ sanh (kammaja kalāpa) tức là bọn nhãn, nhĩ, ý vật mười pháp và mạng quyền chín pháp. Trong thời bình nhật, những bọn sắc do tâm trợ tạo (cittaja kalāpa) và sắc do quí tiết trợ tạo (utuja kalāpa) cũng sanh.

Trong cõi Phạm thiên vô tưởng (asaññā satta Brahma) những bọn sắc nhãn mười pháp, ý vật mười pháp và bọn thinh chín pháp không sanh. Những bọn sắc tâm cũng không sanh. Cho nên vào lúc hóa sanh, chỉ có bọn sắc mạng quyền sanh (jīvitanavaka). Trong thời bình nhật, những bọn sắc quí tiết (utuja kalāpa) sanh thêm, trừ bọn thinh chín pháp.

Trong cõi Dục (Kāma loka) và cõi Sắc (Rūpa loka), lộ trình của sắc pháp sanh nên được hiểu theo hai cách, đó là (1) thời tái tục và (2) thời bình nhật.

Tóm Lược Phần Sắc Pháp

Trong phần tóm lược, sắc pháp nên được lưu ý rằng:

(1) Tất cả 28 thứ sắc pháp sanh trong cõi Dục (Kāma loka).

(2) Trong 15 cõi Sắc, trừ cõi Vô tưởng (Asaññā satta), có 23 thứ sắc sanh [(trừ tỷ thanh triệt (ghāna pasada), thiệt thanh triệt (jīvhā pasada), thân thanh triệt (kāya pasada), nữ tính (itthibhāva) và nam tính (purisa bhāva)].

(3) Chỉ có 17 thứ sắc sanh trong cõi Vô tưởng; đó là 8 sắc bất ly (avinibbhoga), sắc mạng (jīvita), giao giới (pariccheda), 3 sắc kỳ dị (lahutādi), 4 sắc trạng thái (lakkhaṇa rūpa).

(4) Không có sắc pháp sanh trong cõi Vô sắc (Arūpa loka).

(5) Tám sắc gồm thinh (sadda), 5 sắc kỳ dị (vikāra), sắc lão (jaratā), sắc vô thường (aniccātā) không sanh vào sát-na sanh (thời tái tục - paṭisandhi kāla). Trong thời bình nhật, không có sắc nào không sanh.

Những Quan Điểm Thiết Thực

Tất cả sắc pháp đã trình bày trong chương này có thể được quán sát và thẩm tra bởi một người quan tâm tinh cần tu tiến pháp chỉ và pháp quán.

Dù cho những bọn sắc không thể thấy dưới kính hiển vi, những bậc tu tiến có thể quán sát bằng tuệ nhãn là sự thấy của tâm phối hợp với cận định hay thiền định.

Bậc tu tiến nên quán sát bằng tuệ nhãn là có sáu bọn (kalāpa) trong nhãn – đó là bọn nhãn mười pháp, bọn thân mười pháp, bọn sắc tính mười pháp và ba bọn thuần tám pháp do tâm, quí tiết và vật thực trợ sanh, theo thứ tự. Cũng thế, bậc tu tiến nên quán sát sáu bọn có trong mỗi nhĩ, tỷ, thiệt – chỉ tuần tự thay bọn nhãn mười pháp bằng bọn nhĩ mười pháp, bọn tỷ mười pháp, bọn thiệt mười pháp khi liệt kê những bọn sắc này. Lưu ý rằng, sắc thân thanh triệt, sắc tính, sắc tâm, sắc quí tiết và sắc vật thực lan tỏa khắp thân thể nên chúng sẽ hiện diện trong mắt, tai, mũi, lưỡi và trong mỗi phần thân thể. Quán sát những bọn sắc không có nghĩa là vị ấy thấy sắc thực tính siêu lý. Những sắc được quán sát dưới dạng hạt, dù cho nhỏ cỡ nào, những sắc được quán sát chưa phải là sắc thực tính siêu lý. Sắc siêu lý không có hình dạng, không có khối lượng. Khi bậc tu tiến phân tích mỗi loại bọn sắc / hạt để quán sát những thành phần của nó thì cũng như người phân tích định tính của một mẩu đồng, thau để biết những thành phần của nó.

Ngài Ledi Sayadaw có viết bằng Miến ngữ trong một quyển sách với tựa đề “Kammatthan Kyan Gyi” ở trang 240 như sau:

“Khi một người nhìn xuyên qua một kính hiển vi hay một kính viễn vọng, vị ấy thấy dễ dàng không gặp những trở ngại mà ban đầu không thể thấy, vi tế và những cảnh xa xăm. Cũng thế, nếu bậc tu tiến tu tập thiền (jhāna), lấy pháp chỉ (samādhi) làm nền tảng cho pháp quán (vipassanā), bậc tu tiến có thể dễ dàng thấy không trở ngại những tướng phổ thông của vô thường, khổ và vô ngã là pháp rất sâu sắc, vi tế, rất xa và rất khó thấy. Kết quả là đạo tuệ (magga ñāṇa) và quả tuệ (phala-ñāṇa) sanh là pháp có thể hoàn toàn đoạn tận bốn lậu hoặc (āsava).

Pháp Tứ đế và Níp-bàn là pháp rất sâu, vi tế, rất xa và rất khó thấy cũng được quán sát.”

___o0o___

LỘ SẮC (Rūpavithī)

GIẢI BẢNG KÊ LỘ SẮC

Lộ sắc nói về trật tự của những bọn sắc pháp sanh, diệt.

Nói về tổng quát, bảng kê có 9:

1. Bảng thứ nhất nói về từ khi tái tục trong thời gian bọn sắc mạng quyền chưa sanh.

2. Bảng thứ hai nói về sắc mạng quyền mới sanh cho đến bình số.

3. Bảng thứ ba nói về sắc vật thực từ lúc mới phát sanh cho đến bình số.

4. Bảng thứ tư nói về 4 sắc thanh triệt trong tuần thứ 11, sau khi mới sinh cho đến bình số.

5. Bảng thứ năm nói về lộ ngũ, sắc tâm thiếu 1 khoảng 51 sát-na tiểu.

6. Bảng thứ sáu nói về nhập thiền diệt, tâm diệt và sắc tâm diệt lần cho đến hết.

7. Bảng thứ bảy nói về xuất thiền diệt, tâm sanh lại và sắc tâm tăng đến đủ số.

8. Bảng thứ tám nói về lộ ngũ môn cận tử, sắc nghiệp bớt lần cho đến hết.

9. Bảng thứ chín nói về lộ ý môn cận tử, sắc nghiệp bớt lần cho đến hết.

Giải bảng kê lộ sắc thứ nhất

Nói về từ khi tái tục; trong thời gian bọn sắc mạng quyền chưa sanh.

Bảng thứ nhất, cột 1 (theo bản phụ).

Cột này chỉ số tăng của sắc nghiệp (sắc do nghiệp trợ) từ 3 đến 153 bình số, có bảng phân số sát-na, …, có 6 cột như vầy:

(1) Cột thứ nhất nói về thứ tự và số tâm có 19.

(2) Cột thứ hai thứ tự tâm sinh ra từ tái tục đến tâm đổng lực thứ nhất đặng 19 cái.

(3) Cột thứ ba nói về số thứ tự 14 hữu phần sau khi tái tục chưa kể đến hữu phần rúng động, hữu phần dứt dòng trước khi vào lộ.

(4) Cột thứ tư nói về số sát-na đại từ 1 đến 19.

(5) Cột thứ năm nói về số tiểu sát-na từ 1 đến 51vì sắc nghiệp vừa bình số.

(6) Cột thứ sáu nói về sắc nghiệp từ 3 bọn đến 153 kể luôn 7 lần bình số.

Chỉ rõ bọn và số sắc nghiệp vào sát-na sanh của tâm tái tục là vào tiểu sát-na có 1 số, 3 bọn sắc nghiệp đồng sanh: 1 là bọn thân thanh triệt, 2 là bọn sắc tính (nữ hoặc nam), 3 là bọn ý vật. Đến tiểu sát-na thứ 2 là sát-na trụ của tâm tái tục; có 3 bọn sắc giống như đã nêu sanh thêm thì đặng 6 bọn. Từ đây, mỗi tiểu sát-na đều tăng 3 bọn như thế luôn, nên đến tiểu sát-na thứ 51 đặng 153 bọn, kể luôn 3 bọn sắc tái tục đang diệt và 3 bọn sắc nghiệp đang sanh lên.

Từ đây về sau bình số, vì mỗi tiểu sát-na đều có 3 bọn diệt, 3 bọn sanh cho đến khi bọn mạng quyền sắp có.

Xin lưu ý, chỉ có 2 bọn sắc biểu tri sanh diệt đồng với tâm, ngoài ra các bọn sắc khác sanh, trụ, diệt kéo dài thời gian 51 tiểu sát-na (sanh 1 sát-na tiểu, trụ 49 sát-na tiểu, diệt 1 sát-na tiểu) xem bản đồ phụ.

Bảng kê lộ sắc thứ nhất, cột 2

Cột này chỉ số bọn ‘sắc quí tiết[184] do sắc nghiệp trợ’, nên gọi là sắc quí tiết nghiệp trợ, cách tăng như cột 1. Sắc nghiệp mà trễ hơn 1 sát-na tiểu. Vì sát-na sanh của sắc nghiệp không thể trợ cho sắc quí tiết sanh, đến sát-na trụ thứ nhất thì sắc nghiệp mới giúp cho quí tiết sanh, mỗi 3 bọn sắc nghiệp đều giúp như thế. Cho nên khởi đầu của ‘sắc quí tiết do sắc nghiệp trợ’ từ tiểu sát-na thứ 2 là sát-na trụ của tâm tái tục, sanh đặng 3 bọn, tăng đều cho đến khi có diệt là bình số 153.

Bảng kê lộ sắc thứ nhất, cột 3

Cột này nói về ‘sắc quí tiết do sắc quí tiết do sắc nghiệp trợ’, nên gọi là sắc quí tiết quí tiết nghiệp trợ, đó giúp phát sanh ra nữa, nên trễ hơn 1 sát-na. Bắt đầu từ sát-na diệt của tâm tái tục là tiểu sát-na thứ 3 cho đến có bình số 153 bọn. Phải trễ hơn phần ‘sắc quí tiết do sắc nghiệp trợ’ 1 sát-na, sắc quí tiết này gọi là quí tiết trợ quí tiết. Từ đây về sau trợ nhau sanh quí tiết theo hình vóc lớn nhỏ và sắc quí tiết do mạng quyền, tâm và vật thực trợ cũng thế. Chỉ nói 2 phần xin hiểu thêm.

Bảng kê lộ sắc thứ nhất, cột thứ 4

Cột này nói về sắc tâm là sắc tâm hữu phần thứ nhất tạo ở sát-na sanh đặng 1 bọn sắc tâm. Về sau ở mỗi cái tâm đều như thế, nên 3 tiểu sát-na tăng 1 bọn sắc tâm. Đến cái tâm thứ 17, kể từ tâm hữu phần thứ nhất, là tâm khai ý môn thì bình số đủ 17 bọn. Từ cái tâm này về sau, mỗi sát-na diệt đều có 1 bọn sắc tâm diệt, mỗi cái tâm sanh đều có 1 bọn sắc tâm sanh ở sát-na sanh, nên vừa bớt tại sát-na diệt của mỗi cái tâm liền sanh thêm tại sát-na sanh của mỗi cái tâm sanh kế đó.

Bảng kê lộ sắc thứ nhất, cột thứ 5

Cột này nói về sắc quí tiết do tâm trợ, nghĩa là sắc quí tiết mà do sắc tâm trợ tạo ra, nên trễ hơn sắc tâm 1 sát-na tiểu. Khởi từ sát-na trụ của tâm hữu phần thứ nhất sanh đặng 1 bọn, cách 2 tiểu sát-na hay ở mỗi sát-na trụ của tâm đều sanh tăng thêm 1 bọn, cho đến sát-na trụ của tâm khai ý môn đủ 17 bọn là bình số.

Từ đây mỗi sát-na sanh của tâm đều có diệt, mỗi sát-na trụ của tâm đều có sanh.

Bảng kê lộ sắc thứ nhất, cột thứ 6

Cột này nói về sắc quí tiết do quí tiết tâm trợ, nghĩa là sắc quí tiết này do sắc quí tiết nhờ sắc tâm trợ đó, giúp lại sắc quí tiết tâm trợ 1 sát-na tiểu, tức là khởi từ sát-na diệt của tâm hữu phần thứ nhất sanh 1 bọn, thì ở mỗi sát-na diệt của cái tâm về sau đều sanh thêm 1 bọn cho đến sát-na diệt của tâm khai ý môn đặng 17 bọn thì bình số. Vì từ đây về sau mỗi sát-na trụ của tâm có diệt 1 bọn, mỗi sát-na diệt của tâm đều có sanh 1 bọn.

Bảng kê lộ sắc thứ nhất, cột chót

Cột này là tổng cộng của 6 khoảng trước (xin quí vị xem ngang qua) cộng như vầy: Hàng thứ nhất chỉ đặng 3 bọn sắc tái tục; hàng thứ hai sanh đặng 9 bọn là 6 bọn sắc nghiệp, 3 bọn sắc quí tiết nghiệp trợ; hàng thứ ba sanh đặng 18 bọn là 9 bọn sắc nghiệp, 6 bọn sắc quí tiết nghiệp trợ và 3 bọn sắc quí tiết quí tiết nghiệp trợ; hàng thứ tư sanh đặng 28 bọn: 12 bọn sắc nghiệp, 9 bọn sắc quí tiết nghiệp trợ, 6 bọn quí tiết quí tiết nghiệp trợ và 1 bọn sắc tâm.

Cộng chỉ bao nhiêu cũng giúp ích cho quí vị.

Sau đây xin nêu đại ý như vầy: Từ hàng 03 đến hàng 51 đều thêm 10 đến 498 bọn, hàng 52 lên đến 505 bọn vì thêm có 7, hàng 53 lên đến 509 bọn vì thêm có 4, hàng 54 lên đến 510 bọn vì thêm có 1. Khoảng này bình số 510 cho đến trước khi bọn mạng quyền phát sanh.

Giải bảng kê lộ sắc thứ hai

Nói về bọn sắc mạng quyền[185] sanh thêm cho đến bình số và sự trợ cho sắc quí tiết.

Bọn sắc mạng quyền này khởi sanh trong vòng 7 ngày của thai mới có ban đầu mà không nhất định ngày nào, đêm nào, phút nào, tâm nào và sát-na nào. Bảng kê này lấy trường hợp khởi từ khi sát-na sanh của tâm hữu phần rúng động lộ ý chót na cảnh.

Trong khoảng thời gian bọn mạng quyền chưa sanh thì sắc nghiệp đã bình số 153 bọn. Tiểu sát-na vừa nêu trên kể số 1 đến tới đủ 51 sát-na là sát-na diệt của tâm hữu phần thứ 5 sau na cảnh. Bọn sắc mạng quyền sanh đầu tiên diệt tại sát-na này. Về sau, mỗi sát-na đều có bọn sắc mạng quyền diệt và sanh, nên đạt bình số; kể chung 3 bọn trước là 204 bọn. Sự tăng của bọn mạng quyền khởi từ sát-na sanh hữu phần rúng động kể 1, mà đếm tới thêm 2, 3, 4… đó là số tăng nhận rõ.

Sắc quí tiết do sắc nghiệp mạng quyền trợ chỉ trễ hơn 1 sát-na. Sắc quí tiết do sắc quí tiết nghiệp mạng quyền trợ cũng như trợ đến người thứ 3 thì phần sắc này phải trễ hơn sắc quí tiết nghiệp mạng quyền trợ 1 sát-na theo thứ lớp, nên gọi sắc quí tiết do sắc quí tiết nghiệp mạng quyền trợ.

Giải bảng kê lộ sắc thứ ba

Nói về sắc vật thực từ mới phát sanh cho đến bình số.

Sắc vật thực ngoại khởi có vào thai trong tuần lễ thứ 2 sau khi tái tục chẳng định ngày nào, đêm nào, giờ nào và tiểu sát-na nào. Để dễ nhớ/ hiểu lấy trường hợp vào sát-na sanh của tâm hữu phần rúng động, lộ ý có na cảnh làm tiêu chuẩn số 1, bắt đầu sanh 1 bọn sắc vật thực thì mỗi tiểu sát-na đều sanh nên luôn tăng 1, cho đến tiểu sát-na thứ 51 thì có bọn sắc vật thực đầu diệt và về sau ở mỗi tiểu sát-na đều có diệt và sanh mới thành bình số 51 bọn.

Sắc quí tiết vật thực trợ và quí tiết quí tiết vật thực trợ cũng như 2 thứ sắc nhờ sắc nghiệp mạng quyền và quí tiết sắc nghiệp mạng quyền trợ.

Giải bảng kê lộ sắc thứ tư

Nói về 4 sắc thanh triệt (trước sắc thân thanh triệt) từ khi mới sinh cho đến bình số.

Bốn sắc thanh triệt trước: Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt sanh sau khi tái tục: Khởi sanh trong vòng tuần lễ thứ 11 chẳng định ngày, đêm, giờ, phút, tâm và tiểu sát-na nào. Nay lấy trường hợp theo lộ ý chót na cảnh khởi đầu từ sát-na sanh của hữu phần rúng động, 4 bọn thanh triệt trước sanh thì về sau mỗi tiểu sát-na đều sanh như nhau và chưa có việc nên tăng 4. Trước đã kể 204 bọn có 4 bọn này thêm thành 208 bọn, ở sát-na thứ 2 thêm 4 nữa thành 212 bọn… cho đến sát-na thứ 51 đúng số bình là 408 bọn.

Từ đây về sau, 4 bọn này có diệt và sanh, kể chung cả sắc nghiệp mỗi người đặng 8 bọn đều sanh diệt, gồm 5 bọn thanh triệt, 1 bọn sắc tính (hoặc nam hoặc nữ), bọn ý vật và mạng quyền.

Giải bảng kê lộ sắc thứ năm

Nói về lộ ngũ, sắc tâm thiếu 1 trong khoảng 51 sát-na tiểu.

Sắc tâm thiếu 1, chặng 51 tiểu sát-na, vì những lộ có ngũ song thức thì không tạo sắc tâm, nên còn 16 bọn từ sát-na sanh của ngũ song thức đến sát-na diệt của tâm hữu phần thứ 5 kể từ chót na cảnh. Lẽ thường, sắc tâm sanh đồng sát-na sanh của mỗi tâm còn trải qua đủ 17 cái tâm mới diệt vào sát-na diệt của tâm thứ 17, nên bình số của nó là 17 bọn luôn luôn.

Nay vì lộ ngũ, vì ngũ song thức không tạo được sắc tâm, nên trong sát-na sanh của ngũ song thức chẳng có bọn sắc tâm nào sanh, còn 16 cho đến sát-na diệt của tâm thứ 17 cũng không có bọn sắc tâm nào diệt, nên còn 16 bọn. Đến sát-na sanh thứ 18 hay hữu phần thứ 6 kể từ na cảnh vẫn sanh 1 bọn đủ 17 bọn sắc tâm không còn thiếu nữa (xin nhìn kỹ vào bảng kê lộ sắc).

Còn sắc quí tiết do sắc tâm trợ… cũng thiếu và đủ sau sắc tâm 1 sát-na.

Giải bảng kê lộ sắc thứ sáu

Nói về nhập thiền diệt, tâm diệt và sắc tâm diệt lần cho đến hết.

Khi nhập thiền diệt, ngay lúc tâm dứt sanh thì sắc tâm diệt dần nên bớt lần từ lúc ấy. Sanh cách khoảng (3 sát-na tiểu) thì bớt cũng cách khoảng. Mỗi 3 tiểu sát-na bớt 1 bọn lần lần cho đến hết … sau 48 tiểu sát-na diệt 1 bọn cuối là hết.

Sắc quí tiết do tâm trợ cũng bớt trễ hơn 1 sát-na tiểu, dứt cũng trễ hơn 1 sát-na tiểu.

Phần sắc kế sau cũng vậy.

Giải bảng kê lộ sắc thứ bảy

Nói về xuất thiền diệt, tâm sanh lại và sắc tâm tăng đến đủ số.

Khi xuất thiền diệt, tâm tam hay tứ quả sanh trước hết, cách tạo sắc tâm cũng như hữu phần thứ nhất kế sau tâm tái tục (xin xem bảng sắc tâm số 1) và sắc quí tiết do tâm trợ đồng nhau cả, chỉ khác tên cái tâm, còn thứ lớp như nhau.

Giải bảng kê lộ sắc thứ tám

Nói về lộ ngũ môn cận tử sắc nghiệp giảm dần cho đến hết.

Với lộ ngũ môn cận tử, sắc nghiệp và sắc tâm bớt cho đến dứt nương lộ ngũ môn cận tử chót na cảnh có xen hữu phần. Sự giảm dần của sắc nghiệp như sau từ tiểu sát-na diệt của tâm tử đếm trở lại 50 tiểu sát-na thì sắc nghiệp thôi sanh, nên còn 400 chẵn. Từ đây về sau, mỗi tiểu sát-na đều bớt 8 bọn, giảm dần cho đến sát-na diệt của tâm tử còn 8 bọn chót đồng diệt với tâm tử; 8 bọn này sanh vào sát-na sanh của hữu phần vừa qua.

Những sắc nhờ trợ sau cũng bớt và dứt trễ hơn 1 tiểu sát-na theo thứ tự. Nói về sắc tâm bớt và dứt tính theo lộ ngũ môn cận tử thì vào sát-na sanh của ngũ song thức đã thiếu 1 bọn còn 16. Như vậy, đến sau tâm tử cũng độ 3 tiểu sát-na bớt 1 bọn lần cho đến hết. Những tính cách nhờ trợ kia bớt dứt đều trễ nhau 1 tiểu sát-na.

Giải bảng kê lộ sắc thứ chín

Nói về lộ ý môn cận tử, sắc nghiệp cũng bớt lần cho đến hết.

Chỉ khác bản số 8 là sắc tâm không thiếu trước khi tử và đổi lộ đó thôi. Cách bớt và diệt của sắc tâm sau khi chết cũng như lộ nhập thiền diệt sau khi tâm không sanh. Sắc nghiệp số bớt và dứt cũng đồng như tử lộ ngũ.

Dứt phần giải bảng kê lộ sắc

Xin nhắc lại:

Phân sắc theo cõi và người.

Cõi Dục giới đủ 28 sắc pháp, riêng mỗi người bớt 1 là nam bớt nữ tính, nữ bớt nam tính.

15 cõi Sắc giới hữu tâm vì những cõi này không có nam nữ, nên bớt 2 nam và nữ tính. Không có tỷ, thiệt, thân thanh triệt nên bớt 3 nữa là 5 chỉ còn 23 thứ sắc. Vì những vị ở các cõi vừa nêu trên, từ trước đắc thiền hay phát chán cách nam nữ, mùi, vị, đụng chạm, nên khi kết quả sanh về trong 15 cõi Sắc giới hữu tâm thì những sắc ấy chẳng đặng sanh như đã nêu.

Bậc Vô tưởng trước kia đắc ngũ thiền có tâm và rất mong đời sau đừng có tâm chi cả, nên thiền ấy cho quả sanh ra làm bậc Vô tưởng. Do tâm không có, thời tưởng không sanh, chỉ có bọn sắc mạng quyền, sanh, tiến, dị, diệt. Do có nhiều bọn nên phải có sắc giao giới. Vì khác hơn đất đá nên có 3 sắc kỳ dị. Cộng chung là 17 sắc.

Phân sắc tái tục và bình nhật.

Thai sanh và noãn sanh khi tái tục đặng 3 bọn: 1 là bọn sắc thân thanh triệt, 2 là bọn sắc ý vật, 3 là bọn sắc tính (nam hoặc nữ). Thấp sanh và hóa sanh tái tục đặng 8 bọn là 5 bọn sắc thanh triệt, bọn ý vật và bọn sắc tính (nam hoặc nữ). Còn sắc sanh (tích trữ) và tiến (thừa kế), dĩ nhiên mỗi bọn phải có. 8 thứ sắc ngoài ra là thinh, dị (lão), diệt (vô thường) và 5 sắc kỳ dị không có khi tái tục.

Dứt phần sắc pháp.

Bảng phụ chỉ cột 1 (tờ thứ nhất), sắc nghiệp tăng từ lúc tái tục đến bình số 153

bang-phu.png (28 KB)

Tờ thứ nhất: Bắt đầu từ sát-na tái tục, khi sắc mạng quyền chưa sanh.

Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammattha-saṅgaha)

Tờ thứ hai: Bọn sắc mạng quyền sanh trong 7 ngày, bất định thời gian, tính từ lúc sau sát-na tái tục.

Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammattha-saṅgaha)Tờ thứ ba: Bọn vật thực sanh trong tuần lễ thứ 2 sau khi tái tục, bất định thời gian.

Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammattha-saṅgaha)

Tờ thứ 4: Bọn nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt sanh trong tuần lễ thứ 11 sau khi tái tục, bất định sát-na.

Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammattha-saṅgaha)

Tờ thứ 5: Lộ ngũ sanh, sắc tâm thiếu từ ngũ song thức luôn 17 cái sát-na, đến cái sát-na thứ 18 thì đủ lại.

Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammattha-saṅgaha)

Tờ thứ sáu: Trình bày theo lộ nhập thiền diệt, mỗi sắc nghiệp, sắc tâm và sắc vật thực đều có 3 cột. Cột sau cuối là tổng số bọn sắc.

Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammattha-saṅgaha)Tờ thứ bảy: Trình bày theo lộ xuất thiền diệt, sắc tâm tăng tương tự như sau khi tái tục.

Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammattha-saṅgaha)

Tờ thứ tám: Trình bày theo lộ ngũ môn cận tử sanh, nên sắc tâm không đủ 17.

Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammattha-saṅgaha)

Tờ thứ 9: Trình bày theo lộ ý môn cận tử sanh, còn 17 bọn sắc tâm diệt dần.

Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammattha-saṅgaha)

Định Nghĩa Về Níp-bàn (Nibbāna)

‘Nibbāna” được âm là ‘Níp-bàn’, là pháp có trạng thái là hoàn toàn vắng lặng (santilakkhaṇaṃ), ngoài ra ‘phiền não ngũ uẩn’ và tất cả ‘đời’.

Có những câu Pāḷi chú giải như sau:

- Vānato nikkhantanti = nibbānaṃ: Những pháp nào xa lìa ái là nhân ràng buộc các kiếp sống, những pháp xa lìa như thế gọi là Níp-bàn.

- Nibbāyanti sabbe vaṭṭadukkhasantāpā etasmimti = nibbānaṃ: Khổ luân hồi và các sự nóng nảy sôi nổi không có, gọi là Níp-bàn.

- Nibbāyanti ariyajanā etasamimti = nibbānaṃ: Chư Thánh xuất thế sau khi ngũ uẩn Níp-bàn không còn tái tục nữa, cho nên pháp mà diệt tắt dứt tuyệt sanh tử, gọi là Níp-bàn tức là vô dư Níp-bàn.

Níp-bàn có 5 nghĩa (aṭṭha):

- 1 là riêng biệt (padaṃ), vì không có liên hệ với hữu vi.

- 2 là bất tử (accutaṃ), vì không sanh.

- 3 là siêu uẩn (accantaṃ) là vượt khỏi ngũ uẩn quá khứ, hiện tại, vị lai, bên trong, bên ngoài. Vì Níp-bàn không còn uẩn tức là ngoại uẩn, cho nên trong thơ lục bát có câu:

“Níp-bàn ngoại uẩn vơi vơi

Trái cùng tương đối hữu thời vân vân.”

Tương đối có 11, như trong kinh Vô Ngã Tướng có nêu: Quá khứ, hiện tại, vị lai, bên trong, bên ngoài, hoặc thô, hoặc tế, hoặc tốt, hoặc xấu, hoặc gần, hoặc xa.

- 4 là vô vi (asaṅkhataṃ) vì không bị tạo. Bởi trong đời: Tâm, sở hữu và sắc đều do duyên tạo, nên phải có nhân cần thiết. Còn Níp-bàn không có duyên chi tạo, nên gọi là vô vi.

- 5 là Vô thượng (anuttaraṃ) vì không có pháp nào đối thủ hơn hoặc bằng và đạo quả cũng thế, cũng như danh từ vô địch. Dù đạo quả có thấp cao, nhưng không có pháp nào đối thủ, nên Níp-bàn và đạo quả không chi làm hư đặng, mới gọi là Vô thượng.

Năm nghĩa vừa nêu trên do bài kệ Pāḷi như vầy:

Padamaccutamaccantaṃ

Asaṅkhatamanuttaraṃ

Nibbānamiti bhāsanti

Vānamuttā mahesayo.

Yếu nghĩa như vầy: Chư Đại giác tìm rốt ráo là Níp-bàn, riêng biệt, siêu uẩn, vô vi và vô thượng. Cho nên trong thơ lục bát có dịch vần như vầy:

“Các ngôi Đại giác bởi mà

Tìm đường diệt khổ ấy là vô vi,

Chẳng sanh, chẳng diệt hằng thì

Cho nên đều gọi tên ghi Níp-bàn.

Và bài kệ sau như vầy:

“Như Lai thành đạo các hàng

Siêu lý bốn pháp dạy tràng chúng sanh

Tâm vương tâm sở nêu danh

Với cùng sắc pháp cao thanh Níp-bàn”

Níp-bàn muốn cho dễ nhận, hiểu sơ nên nương theo thí dụ có 10 điều như sau: 1 là Níp-bàn ví như bông sen, 2 là Níp-bàn ví như nước uống, 3 là Níp-bàn ví như thuốc trị bệnh, 4 là Níp-bàn ví như biển rộng, 5 là Níp-bàn ví như vật thực, 6 là Níp-bàn ví như hư không, 7 là Níp-bàn ví như ngọc như ý ma-ni, 8 là Níp-bàn ví như vị trầm hương, 9 là Níp-bàn ví như bơ luyện thuần thục (cũng gọi là đề hồ), 10 là Níp-bàn ví như chót núi cao.

Muốn mau thuộc lòng, nên đọc theo thơ lục bát thập dụ Níp-bàn như vầy:Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammattha-saṅgaha)

(Trích theo Tiểu bộ kinh – Milinda Pañhā (Milinda Vấn Đạo), trang 523).

Trong mười điều thí dụ, điều thứ nhất và điều thứ sáu có trạng những công đức như sau:

- Nói theo điều thí dụ thứ nhất, Níp-bàn thí dụ như bông sen. Vì bông sen có 10 công đức như sau: 1 là nhuyễn nhừ, mềm dịu (siniddhaṃ mudu); 2 là chứa để sự đẹp (lobhanīyaṃ); 3 là có hương thơm (sugandhaṃ); 4 là đáng ưa thích (piyaṃ); 5 là đồ rất đáng mong mỏi (patthitaṃ); 6 là đồ rất đua nhau khen (pasatthaṃ); 7 là nước và bùn không thấm đặng (jalakaddamamanupalittaṃ); 8 là chưng diện bằng lá non, nhụy và bẹ (aṇupattakesarakaṇṇikābhimanditaṃ); 9 là ong đua nhau hưởng nhụy (bhamaragaṇasevitaṃ); 10 là tiến hóa từ trong nước trong ngần, sáng suốt, sạch sẽ (sītalasalilasaṃvaddhaṃ).

- Níp-bàn thí dụ điều thứ sáu như hư không, vì hư không có 10 công đức như sau: 1 là bất lão (na jīyati); 2 là bất tử (na mīyati); 3 là bất biến chuyển (na cavati); 4 là vô sanh (na uppajjati); 5 là không bị ép chế (duppasahaṃ); 6 là ăn cướp giựt không đặng (acoraharaṇaṃ); 7 là không có chỗ nương đỗ (anissitaṃ); 8 là đường đi của loài phi cầm (vihagagamano); 9 là không có chi cả (nirāvaraṇaṃ); 10 là không bờ mé (anantaṃ).

* Níp-bàn nói theo chơn tướng bản thể chỉ có 1 là vắng lặng, nói theo phần phụ có 2 và có 3:

Do trạng thái thực tính là vắng lặng (santi). Như vậy, Níp-bàn là duy nhất, cho nên Níp-bàn chỉ có một là trạng thái vắng lặng (santilakkhaṇa). Níp-bàn được xem là có hai, tùy theo cách được trải nghiệm trước và sau khi tử của một bậc Arahatta.

(1) Hữu dư Níp-bàn (Sa upādisesa Nibbāna)

Sa’ = với; ‘upādi’ = năm uẩn làm cảnh cho thủ do ái và tà kiến; ‘sesa’ = vẫn còn.

Đối với chư Phật và chư Arahaṃ dù đã đoạn tận tất cả phiền não (kilesa), uẩn quả danh (vipāka namakkhandha) [là những tâm quả và pháp câu sanh] và sắc do nghiệp trợ tạo (kammaja rūpa) vẫn còn. Tuy vậy, chư Phật và chư Arahaṃ vẫn hoàn toàn có thể trải nghiệm Níp-bàn. Níp-bàn được thấy rõ bởi chư Phật và chư Arahaṃ trước khi tử trong khi uẩn quả danh (vipāka nāmakkhandha) và sắc do nghiệp trợ tạo (kammaja rūpa) đang còn, nên được gọi là hữu dư Níp-bàn giới (sa upādisesa Nibbāna dhātu).

Chú giải như vầy: Saha upādisesena yā vattatīti = sa upādisesā: Đắc Níp-bàn mà sắc nghiệp và tâm quả còn sanh do phiền não quá khứ, đó gọi là hữu dư.

(2) Vô dư Níp-bàn (Aupādisesa Nibbāna)

Đây là Níp-bàn trải nghiệm do chư Phật và chư Thánh Arahaṃ sau khi tử, khi uẩn quả danh (vipāka nāmakkhandha) và sắc do nghiệp trợ tạo (kammaja rūpa) đều tuyệt hết không còn, nên được gọi là vô dư Níp-bàn giới (anupādisesa Nibbāna dhātu).

Hữu dư Níp-bàn (sa upādisesa Nibbāna) = phiền não Níp-bàn (kilesa Nibbāna), tức là đạt đến cảnh Níp-bàn do diệt tắt những phiền não.

Vô dư Níp-bàn (anupādisesa Nibbāna) = uẩn Níp-bàn, tức là đạt đến cảnh Níp-bàn do diệt tắt năm uẩn.

Có chú giải như vầy: Natthi upādiseso yassāti = anupādiseso: Ngũ uẩn tức là sắc nghiệp và tâm quả không còn sót lại, đó gọi là vô dư.

* Níp-bàn nói theo bậc Toàn giác có để xá lợi thì có 3:

1 là phiền não Níp-bàn (kilesanibbāna) tức là mỗi khi đắc đạo đều diệt trừ phiền não;

2 là ngũ uẩn Níp-bàn (khandhanibbāna) tức là sau khi bậc Toàn giác tịch diệt;

3 là xá lợi Níp-bàn (dhātunibbāna) tức là khi xá lợi của bậc Toàn giác đang tiêu mất.

* Níp-bàn nói theo người hành tỏ ngộ có ba:

- 1 là tiêu diệt[186] Níp-bàn (suññatanibbāna), ‘suñña’ có nghĩa là trống hay không. Người tu tuệ tỏ ngộ thấy lý vô ngã do nhiều duyên hợp thành có ra, đến khi đắc đạo quả nhận thấy Níp-bàn thì cái có trước kia đã thành tiêu mất, nên nhận thấy Níp-bàn là pháp tiêu diệt, vô ngã, vắng lặng và không có tham, sân, si, cũng không có danh uẩn và sắc uẩn. Níp-bàn đối với bậc ấy gọi là tiêu diệt Níp-bàn. Nhưng Níp-bàn không có nghĩa là ‘không có gì’.

- 2 là vô chứng[187] hay vô tướng Níp-bàn (animittanibbāna) nghĩa là Níp-bàn hoàn toàn không có hình dáng hay hình dạng hay ấn chứng, do người tu tuệ tỏ ngộ lý vô thường của danh uẩn và sắc uẩn, thoạt có thoạt không, đó là ấn chứng hằng có ra. Đến khi đắc đạo quả đặng thấy Níp-bàn thì những ấn chứng thường hiện trước kia không còn, nên cho rằng Níp-bàn chẳng phải như trong đời, không có hiện tượng chi cả. Vì thế Níp-bàn đối theo sự nhận định của bậc ấy mới gọi là vô chứng Níp-bàn.

- 3 là phi nội hay vô nguyện Níp-bàn (appaṇihitanibbāna) nghĩa là Níp-bàn không có danh (nāma) và sắc (rūpa) hay bất cứ hình dáng, hình dạng nào để ham muốn bởi ái (taṇhā). Cũng không có bất cứ tham hay ái trong Níp-bàn. Níp-bàn tuyệt đối thoát khỏi tham cũng như sự ham muốn, nhiễm đắm, khao khát của ái. Níp-bàn chẳng phải ở trong vòng vây tức là ra ngoài vòng vây. Do bậc tu tuệ tỏ ngộ nhận thấy pháp hữu vi bằng cách khổ não, chẳng khác nào kẻ bị trong vòng vây bực bội khó chịu, đến khi đắc đạo quả thoạt thấy Níp-bàn thì nhận định không có chi là vòng vây. Bậc đắc Níp-bàn như thế gọi là phi nội Níp-bàn.

* Níp-bàn nói theo Milinda Pañhā được so sánh với 10 điều như sau:

1 là Níp-bàn ví như bông sen, 2 là Níp-bàn ví như nước uống, 3 là Níp-bàn ví như thuốc trị bệnh, 4 là Níp-bàn ví như biển rộng, 5 là Níp-bàn ví như vật thực, 6 là Níp-bàn ví như hư không, 7 là Níp-bàn ví như ngọc như ý ma-ni, 8 là Níp-bàn ví như vị trầm hương, 9 là Níp-bàn ví như bơ luyện thuần thục (cũng gọi là đề hồ), 10 là Níp-bàn ví như chót núi cao.

Trong mười điều thí dụ, điều thứ nhất và điều thứ sáu có trạng những công đức như sau:

Nói theo điều thí dụ thứ nhất, Níp-bàn được ví như bông sen. Vì bông sen có 10 công đức như: 1 là nhuyễn nhừ, mềm dịu (siniddhaṃ mudu); 2 là chứa để sự đẹp (lobhanīyaṃ); 3 là có hương thơm (sugandhaṃ); 4 là đáng ưa thích (piyaṃ); 5 là đồ rất đáng mong mỏi (patthitaṃ); 6 là đồ rất đua nhau khen (pasatthaṃ); 7 là nước và bùn không thấm đặng (jalakaddamamanupalittaṃ); 8 là chưng diện bằng lá non, nhụy và bẹ (aṇupattakesarakaṇṇikābhimanditaṃ); 9 là ong đua nhau hưởng nhụy (bhamaragaṇasevitaṃ); 10 là tiến hóa từ trong nước mát lạnh (sītala salila saṃvaddhaṃ).

Níp-bàn được so sánh trong điều thứ sáu như hư không, vì hư không có 10 công đức như: 1 là bất lão (na jīyati); 2 là bất tử (na mīyati); 3 là bất biến chuyển (na cavati); 4 là vô sanh (na uppajjati); 5 là không bị ép chế (duppasahaṃ); 6 là cướp giật không đặng (acoraharaṇaṃ); 7 là không có chỗ nương đỗ (anissitaṃ); 8 là đường đi của loài phi cầm (vihagagamano); 9 là không có chi cả (nirāvaraṇaṃ); 10 là không bờ mé (anantaṃ).

(Trích theo Tiểu bộ kinh – Milinda Pañhā (Milinda Vấn Đạo), trang 523).

* Níp-bàn nói theo danh nghĩa có đến 32: [188]

- 1 là bất sanh (ajātiṃ) nghĩa là không có sự sanh ra;

- 2 là bất lão (ajāraṃ) nghĩa là không già; cũng không biến đổi;

- 3 là vô bệnh (abyādhiṃ) nghĩa là không có sự đau đớn, bệnh tật chi cả;

- 4 là vô cụ (nibbhayaṃ) nghĩa là không có sự sợ sệt;

- 5 là vô vi (asaṅkhataṃ) nghĩa là không có bị tạo;

- 6 là phá hữu (bhavabhandaṃ) nghĩa là phá trừ cửu hữu (bhāva) và không còn phân biệt cõi nương ở - nương sanh theo chúng sanh thường đời (sattavāsa).

Cửu hữu (bhava) là chín cõi: 1 là cõi Dục giới; 2 là cõi Sắc giới; 3 là cõi Vô sắc giới; 4 là cõi Ngũ uẩn tức là cõi Dục giới và cõi Sắc giới hữu tưởng; 5 là cõi Nhất uẩn tức là cõi Vô tưởng; 6 là cõi Tứ uẩn tức là những cõi Vô sắc; 7 là cõi Hữu tưởng tức là 29 cõi (trừ cõi Vô tưởng và Phi tưởng phi phi tưởng); 8 là cõi Vô tưởng; 9 là cõi Phi tưởng phi phi tưởng.

Chúng sanh nương sanh nương ở (sattāvāsa) có 9 cách khác nhau như sau. 1 là thân dị tưởng dị như là nhân loại gồm có hạng chư thiên và ngạ quỉ. 2 là thân dị tưởng đồng như là sơ thiền Phạm thiên tư tưởng giống nhau mà thân khác nhau. 3 là thân đồng tưởng dị như là chư thiên quang minh ở cõi Tứ thiên vương (ābhassārā). 4 là thân đồng tưởng đồng như là chư thiên mỹ lệ (subhakiṇha) ở cõi Tam thiền. 5 là vô tưởng vô thọ tức là chúng sanh cõi trời Vô tưởng. 6 là Không vô biên xứ tức là chúng sanh cõi trời vô sắc Không vô biên xứ. 7 là Thức vô biên xứ tức là chúng sanh cõi trời Thức vô biên xứ. 8 là Vô sở hữu xứ tức là chúng sanh cõi trời Vô sở hữu xứ. 9 là Phi tưởng phi phi tưởng xứ tức là chúng sanh cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng.

- 7 là an lạc (sukhaṃ) nghĩa là hoàn toàn yên vui. Có câu Pāḷi chú giải như vầy: Nibbānaṃ paramaṃ sukhaṃ: Níp-bàn là siêu lạc, tức là Níp-bàn vui bằng cách cao siêu vượt khỏi đời.

- 8 là thanh lương (sitaṃ) nghĩa là mát mẻ, không nóng nảy.

- 9 là thanh tịnh (khemaṃ) nghĩa là vắng lặng, yên ổn.

- 10 là sở y (tāṇaṃ) là sở tri của tâm siêu thế tức là tâm siêu thế nương nhờ Níp-bàn bằng ‘cảnh duyên’.

- 11 là bí mật (leṇaṃ) nghĩa là huyền diệu, nhiệm mầu, sâu sắc vi tế, không thể dùng văn chương ngôn ngữ diễn tả cho đầy đủ. Cũng như kinh Trung Hoa có câu: “Ngôn ngữ đạo đoạn”: Văn chương lời nói tuyệt dứt đạo, dứt mất đạo, nghĩa là đạo lý vượt ngoài phạm vi văn chương.

Theo đây ám chỉ Níp-bàn phải hơn. Người đắc Níp-bàn tự nhận biết, khỏi cần ai nói mới biết. Nên trong ân đức Phật có câu: Paccattaṃ veditabbo viññūhīti: Pháp mà bậc Thánh xuất thế đắc chứng, tự biết.

Chẳng khác câu: “Nhân nhân ẩm thủy, lãnh hưởng tự tri”, nghĩa là - mỗi người uống nước, nóng lạnh như thế nào thì tự biết và khó trình bày cho người khác hiểu. Người sau khi đắc chứng Níp-bàn, khó mà diễn tả đối với kẻ khác, dầu có cố gắng gượng nói bằng pháp học hay thí dụ đó thôi.

- 12 là thường tồn (niccaṃ) nghĩa là hằng còn tự nhiên như nhiên.

- 13 là bất động (acalaṃ) nghĩa là không biến chuyển, lay động.

- 14 là kiên cố (dhuvaṃ) nghĩa là bền bỉ, vững vàng.

- 15 là bất luân (avaṭṭasāraṃ) nghĩa là không xoay chuyển, luân hồi chi cả.

- 16 là nghiện lạc (sukhamaddanam) nghĩa là nghiền tán, đánh tan tất cả sự vui trong đời, chỉ còn vui siêu thế.

- 17 là nghiện cơ (khuddāmaddanaṃ) nghĩa là nghiền nát, phá tan sự đói, khát, mong mỏi v.v…

- 18 là tiêu khát (pipāsavinayaṃ) nghĩa là trừ tiêu sự khao khát, hy vọng tất cả.

- 19 là vô mộ (anālayaṃ) nghĩa là không có sự trìu mến.

- 20 là bạt độc (samugghātavaṭṭaṃdaṭṭhesaṃ) nghĩa là nhổ hết sự độc, nhân quả khổ trong đời.

- 21 là ly hành (visaṅkhāraṃ) lìa hết pháp hành vi, hành động.

- 22 là ly quá (vivajjaṃ) lìa tất cả lỗi sai.

- 23 là đoạn ái (taṇhakkhayaṃ) bặt dứt ái dục.

- 24 là ly hữu (vibhavaṃ) tức là vượt ngoài vòng cửu hữu (bhāva) và cõi nương ở của chúng sanh (sattavāsa).

- 25 là ly tình (virāgaṃ) nghĩa là xa ngoài phạm vi tình đời (bởi vì Níp-bàn cũng có nghĩa là riêng biệt).

- 26 là ly ái (vitaṇhaṃ) là Níp-bàn không còn sự thương yêu, trìu mến chi cả.

- 27 là diệt tận (nirodhaṃ) là tắt dứt hết tất cả đời.

- 28 là vô ấn chứng (animittaṃ) là không có chi nêu bày tiêu biểu.

- 29 là thể tịnh (santabhāvaṃ) là bản thể vắng lặng.

- 30 là vô vị (arasārakaṃ) là không có mùi, vị: Mặn, lạt, chua, cay v.v… chi cả.

- 31 là vô dục (appasāsañca) là không có những sự ưa thích chi cả.

- 32 là bất diệt (amataṃ) là không diệt, không mất.

Níp-bàn (nibbāna) là pháp siêu thế (lokuttara), vượt ngoài 31 cõi, vượt ngoài lĩnh vực thân và tâm (tức năm uẩn).

Níp-bàn được thấy rõ bằng trí của 4 đạo và 4 quả, được quán sát hay chứng bởi đạo tuệ (maggañāṇa) và quả tuệ (phalañāṇa).

Níp-bàn là cảnh của 4 đạo và 4 quả.

Theo Saṃskrit, Níp-bàn được gọi là ‘Nirvāna’ là kết hợp giữa ‘ni’ và ‘vāna’. ‘Ni’ ngụ ý là ‘thoát khỏi’ và ‘vāna’ nghĩa là ‘dệt hay ái’. Ái này làm như dây liên kết chuỗi những kiếp sống khiến chúng sanh lang thang trong vòng luân hồi (saṃsāra) – ngoài vòng sanh tử.

Khi nào còn vướng vào ‘ái’, chúng sanh còn tích lũy những nghiệp mới làm cho có sự sanh-tử mới và cứ lặp lại. Khi nào tất cả dạng ái được đoạn tận do bốn đạo, nghiệp lực ngưng hoạt động và vị ấy thoát khỏi vòng sanh tử. Khi ấy mới nói được vị ấy đạt Níp-bàn. Phật giáo khái niệm về ‘giải thoát, giải phóng’ là thoát khỏi sự tái diễn của vòng sanh tử và tất cả khổ phối hợp với chúng.

Thêm Vài Định Nghĩa Về Níp-bàn

Níp-bàn cũng có thể được mô tả bằng những ân đức sau:

(1) Bất diệt (accutaṃ) = Níp-bàn vượt khỏi tử và do đó không có tử trong Níp-bàn.

(2) Tuyệt nhất (accantaṃ) = Níp-bàn vượt qua điểm cùng tận gọi là tử, nên Níp-bàn là vô tận.

(3) Vô vi (asaṅkhataṃ) = Níp-bàn không do bốn nhân trợ tạo - tức là nghiệp, tâm, quí tiết hay vật thực. Do đó, Níp-bàn là pháp bất diệt và không là pháp nhân và cũng chẳng phải là pháp quả.

(4) Vô thượng (anuttaraṃ) = Níp-bàn là pháp bậc cao và yên tịnh hơn bất cứ pháp nào.

(5) Riêng biệt (padaṃ) = Níp-bàn là pháp thực tính (vatthu dhamma) và chỉ có thể được thấy biết rõ bởi chư Thánh (Ariyā).

Ba ý nghĩa (aṭṭha) của Níp-bàn:

- 1. Trạng thái của Níp-bàn là vắng lặng, yên tịnh (santilakkhaṇaṃ).

- 2. Phận sự của Níp-bàn là bất động, không lay động biến chuyển (acalarasaṃ).

- 3. Thành tựu của Níp-bàn là vô ấn chứng, không có ấn chứng hiện tượng chi cả (animittapaccupaṭṭhānaṃ).

___o0o___

CHƯƠNG VII: SAMUCCAYA SAṄGAHA - TƯƠNG TẬP NHIẾP

Tương tập nhiếp (samuccayasaṅgaha) là bao gồm các pháp siêu lý nào tương đồng nhau sắp chung từng phần.

Có những câu Pāḷi chú giải như vầy:

Saha uccīyante eṭṭhati = samuccayo: Nghĩa là trình bày pháp siêu lý nào tương đồng nhau, gồm chung lại từng phần.

Sampiṇḍetvā uccīyanteetenāti= samuccayo: Do gồm pháp siêu lý ăn nhau sắp thành phần, tức là pháp siêu lý có phần đồng nhau sắp thành từng phần.

Giới thiệu

1. Dvāsattatividhā vuttā, vatthudhammā salakkhaṇā,

Tesaṁ dāni yathāyogaṁ, pavakkhāmi samuccayaṁ.

Bảy mươi hai pháp thực tính với những trạng thái riêng đã được trình bày. Nay tôi sẽ nói về sự phân loại của những pháp này thành những loại liên quan đến những đặc tính theo cách thích hợp.

Giải:

Có bảy mươi hai loại pháp thực tính gọi là vatthu dhamma vì những pháp này có những trạng thái riêng như đã trình bày. Những pháp thực tính ấy là 1 tâm (citta), 52 sở hữu tâm (cetasika), 18 sắc thành tựu (nipphanna rūpa) và Níp-bàn (Nibbāna).

- Tâm (citta) tất cả 89 hay 121 thứ tâm được tính là một thực tính, vì tất cả tâm đều sở hữu cùng một trạng thái là ‘biết cảnh’. Thật ra 89 hay 121 thứ tâm hợp với những sở hữu tâm (cetasika) khác nhau.

- Sở hữu tâm (cetasika) tất cả 52 thứ sở hữu tâm được quán sát riêng vì chúng đều sở hữu những trạng thái riêng.

- Sắc thành tựu (nipphanna rūpa) tất cả 18 thứ sắc bị trợ tạo do nghiệp (kamma), tâm (citta), quí tiết (utu) và vật thực (āhāra) được quán sát riêng, vì chúng đều sở hữu những trạng thái thực tính riêng.

- Níp-bàn (Nibbāna) là pháp có trạng thái thực tính riêng, đó là vắng lặng (santi lakkhaṇa).

Cho nên tổng số pháp thực tính (vatthu dhamma) là 1 + 52 + 18 + 1 = 72.[189]

Tất cả 72 pháp thực tính này là pháp chủ quan và khách quan. Những pháp nào liên quan sẽ được gom vào cùng loại trong chương này.

2. Akusalasaṅgaho missakasaṇgaho bodhipakkhiyasaṅgaho sabbasaṅgaho c’eti Sammuccayasaṅgaho catubbidho veditabbo.

Tương tập nhiếp nên được hiểu có bốn phần:[190]

I) Bất thiện tương tập nhiếp.

II) Hỗn tạp tương tập nhiếp.

III) Đẳng giác tương tập nhiếp.

IV) Hàm tận tương tập nhiếp.

I. Akusala Saṅgaha (Bất Thiện Nhiếp)

Bất thiện tương tập nhiếp có 9 loại – đó là lậu (āsava), bộc (ogha), phối (yoga), phược (gantha), thủ (upādāna), cái (nīvaraṇa), tiềm thùy (anusaya), triền (saṃyojana) và phiền não (kilesa).

1) Bốn Lậu (āsava) (Dhs.708-712; Vibh.961)

3. Kathaṁ? Akusalasaṅgahe tāva cattāro āsavā: Kāmāsavo bhavāsavo diṭṭhāsavo avijjāsavo.

Ra sao? Trước tiên, trong bất thiện nhiếp, có bốn pháp lậu: (i) dục lậu (kāmāsava), (ii) hữu lậu (bhavāsava), (iii) tà kiến lậu (diṭṭhāsava) và (iv) vô minh lậu (avijjāsava).

Āsava (lậu) nghĩa là làm say, làm ô uế, sự đồi trụy, làm mờ, làm thối nát, làm cho loét, thối mục, thối nát, hư đốn, làm hư hỏng, đồi bại, bại hoại, suy đồi, thối, ươn v.v…

Chúng ta biết rằng, rượu lên men ủ trong hũ trong thời gian dài có thể làm cho người uống say, nhiễm độc rất mạnh. Tương tự, lậu (āsava) là pháp đã và đang bị ủ trong dòng danh uẩn (khandha) của chúng sanh từ vô thủy, tức là vòng luân hồi (saṃsāra), làm cho chúng sanh rất say và hoàn toàn quên sự giải thoát của họ. Có bốn loại lậu (āsava):

(i) Dục lậu (kāmāsava) quyến luyến, thối nát của nhục dục trong cõi Dục, mê say chìm ngâm trong lục dục; pháp thực tính là sở hữu tham (lobha) phối hợp với 8 tâm căn tham (lobha mūla citta).

(ii) Hữu lậu (bhavāsava) quyến luyến, dính mắc, chìm ngâm trong sự mong mỏi đến thiền sắc và thiền vô sắc cũng như sự hiện hữu trong cõi Sắc và cõi Vô sắc; pháp thực tính là sở hữu tham (lobha) phối hợp với 4 tâm căn tham bất tương ưng kiến (lobha mūla diṭṭhigata vippayutta citta).

(iii) Tà kiến lậu (diṭṭhāsava) là chìm ngâm theo sự chấp sai v.v… 62 loại tà kiến; pháp thực tính là sở hữu tà kiến hiện diện trong 4 tâm căn tham tương ưng kiến (lobhamūla diṭṭhigata sampayutta citta).

(iv) Vô minh lậu (avijjāsava) là chìm ngâm trong cách không sáng suốt, sự không biết về bốn Thánh đế, đời quá khứ, đời vị lai, cả hai đời quá khứ và đời vị lai và định luật của pháp liên quan tương sinh; pháp thực tính là sở hữu si (moha) phối hợp với 12 tâm bất thiện (akusala citta).

Lưu ý: Pháp thực tính của bốn lậu chỉ có 3, đó là tham, tà kiến, si. Ba pháp này làm cho chúng sanh say sưa một cách mạnh mẽ và lang thang trong vòng luân hồi (saṃsāra).

2) Bốn Bộc (ogha) (Dhs.747; Vibh.963)

4. Cattāro oghā: Kāmogho bhavogho diṭṭhogho avijjogho.

Bốn pháp bộc: (i) dục bộc (kāmogha), (ii) hữu bộc (bhavogha), (iii) tà kiến bộc (diṭṭhogha) và (iv) vô minh bộc (avijjogha).

Giải:

Ogha’ nghĩa là bộc là lũ lụt, tuôn ra, chảy tràn ra, tràn ngập, dòng chảy xiết, vòng xoáy, chôn vùi, hay làm ngạt.

Như trận lũ lớn quét sạch người và súc sanh vào biển làm chôn vùi, làm ngạt và làm đắm chìm chúng, cũng thế, bốn pháp bộc (ogha) quét sạch chúng sanh, chôn vùi, làm ngạt và nhấn chìm họ trong đại dương luân hồi (saṃsāra).

Như bốn vòng xoáy lớn trong đại dương mênh mông, chúng có thể kéo xuống bất cứ chúng sanh nào vượt qua chúng và do đó rất khó vượt qua chúng.

Có những câu Pāḷi chú giải như vầy:

Avattharitvā hanantīti = oghā: Tràn ngập xâm hại chúng sanh, nên tạm gọi là bộc.

Avahananti osīdāpentīti = oghā: Làm cho chúng sanh chìm đắm, nên gọi là bộc.

Oghā viyāti = oghā: Chảy tràn, gọi là bộc lưu.

Vì có phiền não mới để lại nghiệp biệt thời (nānakkhanikakamma), hay chủng tử (bīja), vì còn nghiệp luân hồi, thì có tạo ra tâm tái tục v.v… đó là quả. Nếu tái tục rồi không đắc quả tột, thì còn phiền não để nghiệp phải luân hồi nữa.

Pháp thực tính của bốn pháp bộc (ogha) thì tợ như bốn pháp lậu (āsava).

(i) Dục bộc (kāmogha) là tuôn tràn của ham muốn nhục dục.

(ii) Hữu bộc (bhavogha) là tuôn tràn của khao khát, dính mắc đến thiền và những kiếp sống trong cõi Sắc (Rūpa) và Vô sắc (Arūpa).

(iii) Tà kiến bộc (diṭṭhogha) là sự chảy tràn của thấy sai.

(iv) Vô minh bộc (avijjogha) là sự tuôn tràn của ngu dốt, không biết pháp đáng biết.

3) Bốn Phối (yoga) (Dhs.747; Vibh.963)

5. Cattāro yogā: Kāmāyogo bhavayogo diṭṭhiyogo avijjāyogo.

Bốn pháp phối là: (i) dục phối (kāmayoga), (ii) hữu phối (bhavayoga), (iii) tà kiến phối (diṭṭhiyoga) và (iv) vô minh phối (avijjāyoga).

Giải:

Yoga’ nghĩa là sự phối hợp, hòa hợp, ghép vào, gắn bó, ràng buộc, kết dính, hay mối ràng buộc.

Con bò bị buộc vào chiếc xe không thể thoát khỏi chiếc xe. Tương tự, chúng sanh bị buộc vào cỗ máy của những kiếp sống và dính cứng vào bánh xe luân hồi qua ý nghĩa của bốn pháp phối (yoga), không thể thoát khỏi cỗ máy của những kiếp sống và vòng luân hồi (saṃsāra). Có Pāḷi chú giải như vầy:

Vaṭṭasmiṃ satte yojentīti = yogā: Pháp nào đem chúng sanh phối hợp dính trong khổ luân hồi tức là đời khác đổi thay kiếp sống đời khác khác nữa, nên gọi là phối hay phối hợp.

Pháp thực tính của bốn pháp phối cũng tợ như pháp thực tính của bốn pháp lậu (āsava).

(i) Dục phối (kāmayoga) dính mắc, gắn chặt, quyến luyến vào nhục dục.

(ii) Hữu phối (bhavayoga) quyến luyến, dính chặt vào thiền và những kiếp sống trong cõi Sắc và cõi Vô sắc.

(iii) Tà kiến phối (diṭṭhiyoga) dính chặt vào sự thấy sai.

(iv) Vô minh phối (avijjāyoga) dính chặt vào sự mê mờ, vào sự không biết.

4) Bốn Phược (gantha) (Dhs.736-740; Vibh.962)

6. Cattāro ganthā: Abhijjhā kāyagantho, byāpādo kāyagantho, sīlabbataparāmāso kāyagantho, idaṃsaccābhiniveso kāyagantho.

Bốn pháp phược là: (i) tham ác thân phược (abhijjhā kāyagantha), (ii) sân độc thân phược (vyāpāda[191] kāyagantha), (iii) giới thủ thân phược (sīlabbataparāmāsa kāyagantha) và (iv) ngã kiến thân phược (idaṃsaccābhinivesa kāyagantha).

Giải:

Gantha’ nghĩa là phược, là trói buộc, bó buộc, dây buộc hay mối ràng buộc. Bốn phược (gantha) là trạng thái gắn chặt buộc những nhóm sắc pháp và danh pháp của kiếp sống này qua những kiếp sống ở vị lai. Có những câu Pāḷi chú giải như vầy:

Kāyaṃ ganthentīti = kāyaganthā: Trói chặt với thân danh và thân sắc, nên nói đủ là thân phược.

Kāyena kāyaṃ ganthentīti = kāyaganthā: Pháp nào buộc trói với những thân danh, thân sắc, cả hiện tại và vị lai, pháp ấy gọi là thân phược, tức là tham, sân, tà kiến.

Trong những pháp phược (gantha) sau đây, thân (kāya) được dùng với ý nghĩa nhóm hay khối, đống, hàm ý cả hai danh pháp và sắc pháp.

(i) Tham ác thân phược (abhijjhā kāyagantha) tất cả những dạng ái (taṇhā), nghĩa là trói chặt thân danh và thân sắc với 6 cảnh, làm cho tâm, sở hữu tâm và sắc như bị trói vào các cảnh; pháp thực tính là sở hữu tham (lobha) hiện diện trong 8 tâm căn tham (lobhamūla citta).

(ii) Sân độc thân phược (vyāpāda kāyagantha) tất cả dạng sân hay xấu ác, tức là sân, giận, oán thù ràng buộc cả thân danh và thân sắc. Đó là sở hữu sân (dosa) hiện diện trong 2 tâm căn sân (dosamūla citta).

(iii) Giới thủ thân phược (sīlabbataparāmāsa kāyagantha) bám chặt vào cái thấy sai rằng chúng sanh trở nên trong sạch và được giải thoát bằng cách hành theo hạnh bò và chó. Nó cũng gồm cả sự bám chặt vào những lễ nghi và nghi thức; là lo giữ giới cấm theo ngoại giáo, tức là những điều học hay những giới nào mà Phật không chế, cũng không nhìn nhận; pháp thực tính là sở hữu tà kiến (diṭṭhi) hiện diện trong 4 tâm tham tương ưng kiến (lobhamūla diṭṭhisampayuttacitta).

(iv) Ngã kiến thân phược (idaṃsaccābhinivesa kāyagantha) tin vào những giáo điều mà chỉ là quan điểm riêng là thật và tất cả những gì ngoài ra đều vô ích, phù phiếm hay “chỉ có điều này là đúng”; là chấp theo tri kiến sai của mình cho là đúng hơn kẻ khác. Pháp thực tính cũng là sở hữu tà kiến (diṭṭhi) hiện diện trong 4 tâm tham tương ưng kiến (lobhamūla diṭṭhisampayuttacitta).

5) Bốn Thủ (upādāna) (Dhs.780-784; Vibh.963)

7. Cattāro upādānā: Kāmupādānaṁ diṭṭhupādānaṁ, sīlabbatupādānaṁ attavādupādānaṁ.

Bốn pháp thủ là: (i) dục thủ (kāmupādāna), (ii) tà kiến thủ (diṭṭhupādāna), (iii) giới cấm thủ (sīlabbatupādāna) và (iv) ngã chấp thủ (attavādupādāna).

Giải:

Thủ (upādāna) nghĩa là sự quyến luyến mạnh mẽ hay bám dai dẳng, giữ chặt, nắm chặt, chấp lấy, ôm ấp, chấp cứng cảnh; như con rắn vồ lấy một con ếch không để cho nó thoát.

Có Pāḷi chú giải như vầy:

Upādīyantīti = upādānāni: Pháp nào chấp cứng với cảnh, gọi là thủ, tức là tứ thủ.

Thủ (upādāna) mạnh hơn ái (taṇhā). Ái (taṇhā) ví như tên trộm dò dẫm trong bóng tối để trộm đồ vật, trong khi thủ (upādāna) thì như việc thật sự trộm cắp.

(i) Dục thủ (kāmupādāna) là bám dai dẳng, chấp cứng vào ham muốn nhục dục hay vào 5 cảnh dục; pháp thực tính là sở hữu tham (lobha) hiện diện trong 8 tâm căn tham (lobhamūla citta).

(ii) Tà kiến thủ (diṭṭhupādāna) là bám dai dẳng, chấp cứng vào tất cả nhận định sai, quan niệm sai, thấy sai [ngoại trừ hai quan điểm đã được đề cập trong (3) và (4)]; pháp thực tính là sở hữu tà kiến (diṭṭhi) hiện diện trong 4 tâm tham tương ưng kiến (lobhamūla diṭṭhisampayutta citta).

(iii) Giới cấm thủ (sīlabbatupādāna) bám dai dẳng, chấp cứng theo giới của ngoại giáo, tức là tà giới cho rằng chúng sanh trở nên trong sạch và được giải thoát bằng cách hành theo những hạnh như bò và chó; bám dai dẳng, chấp cứng vào những nghi lễ và nghi thức; pháp thực tính là sở hữu tà kiến (diṭṭhi) hiện diện trong 4 tâm tham tương ưng kiến (lobhamūla diṭṭhisampayutta-citta).

(iv) Ngã chấp thủ (attavādupādāna) là bám dai dẳng, chấp cứng vào ngã chấp như là có sự tồn tại của linh hồn, có tôi, bạn, ông ấy, bà ấy, người, v.v… tồn tại; đồng nghĩa với thân kiến (sakkāyadiṭṭhi); pháp thực tính cũng là sở hữu tà kiến (diṭṭhi) hiện diện trong 4 tâm tham tương ưng kiến (lobhamūla diṭṭhisampayuttacitta).

Lưu ý: Ba pháp thủ sau tượng trưng sở hữu tà kiến (diṭṭhi cetasika). Ba pháp thủ này khác nhau vì những cách và những cảnh của bám dai dẳng (thủ) khác nhau.

6) Sáu Cái (nīvaraṇa) (Dhs.748-754)

8. Cha nīvaraṇāni: Kāmacchadanīvaraṇaṁ vyāpādānīvaraṇaṁ thīnamiddhanīvaraṇaṁ uddhacca-kukkuccanīvaraṇaṁ vicikicchānīvaraṇaṁ avijjānīvaraṇaṁ.

Sáu pháp cái là: (i) dục dục cái (kāmacchandanīvaraṇa), (ii) sân độc cái (vyāpādanīvaraṇa), (iii) hôn-thùy cái (thīnamiddhanīvaraṇa), (iv) điệu-hối cái (uddhaccakukkuccanīvaraṇa), (v) hoài nghi cái (vicikicchānīvaraṇa) và (vi) vô minh cái (avijjānīvaraṇa).

Giải:

Pháp cái (nīvaraṇa) nghĩa là ‘ngăn che, cản trở, trở ngại, ngăn cản, ngăn chặn, ngăn ngại hay chướng ngại’. Có Pāḷi chú giải như vầy: Jhānādikaṃ nivārentīti = nīvaraṇāni: Cấm ngăn sự tốt đẹp không cho sanh ra; nhứt là thiền v.v… là sáu pháp cái.

Cái (nīvaraṇa) là ngăn trở và ngăn cản sự sinh khởi của những ý thiện và nghiệp thiện như thiền (jhāna) và đạo (magga). Cho nên chúng ngăn che con đường đến thiên giới và hạnh phúc Níp-bàn.

Đặc biệt năm pháp cái (nīvaraṇa) đầu tiên làm mù quáng cái thấy của ý và ngăn che những thiện hạnh của chúng ta. Chúng ta luôn phải vật lộn với chúng bất cứ khi nào chúng ta muốn thực hiện vài nghiệp thiện dù đó là tụng kinh hay tu thiền. Chúng chen vào ngăn che, ngay cả khi chúng ta thực hành những thiện hạnh, làm cho những tâm thiện và những nghiệp thiện cũng không thể sanh.

Năm pháp cái đầu tiên là sự trở ngại chủ yếu đến sự chứng thiền, trong khi pháp cái thứ sáu là sự trở ngại chủ yếu cho tuệ sanh. Sự hiện diện của chúng làm cho chúng ta không thể vươn tới cận định (upacāra samādhi) và an chỉ định hay an chỉ định (appanā samādhi) và không thể phân biệt rõ pháp thực tính hay siêu lý.

(i) Dục dục cái (kāmacchandanīvaraṇa) là sự khao khát, ham muốn, nhiễm đắm 5 cảnh dục, ngăn che sự tốt; pháp thực tính là sở hữu tham (lobha) hiện diện trong 8 tâm căn tham (lobhamūla citta).

(ii) Sân độc cái (vyāpāda) là sân hận, nóng giận, hung dữ, ác độc hay xấu ác, ngăn che sự tốt; pháp thực tính là sở hữu sân (dosa) hiện diện trong 2 tâm căn sân (dosamūla citta).

(iii) Hôn-thùy cái (thīna-middha) là trạng thái lười biếng và lờ đờ, buồn ngủ, ngăn che trở ngại tu tiến; pháp thực tính là sở hữu hôn trầm (thīna) và thùy miên (middha).

(iv) Điệu-hối cái (uddhacca-kukkucca) là điệu cử[192] và hối hận hay lo lắng, ngăn che trở ngại tu tiến; pháp thực tính là sở hữu điệu cử (uddhacca) và sở hữu hối hận (kukkucca).

(v) Hoài nghi cái (vicikicchā) là hoài nghi, nghi ngờ hay sự bối rối, không quyết tin, ngăn che trở ngại tu tiến; pháp thực tính là sở hữu hoài nghi (vicikicchā).

(vi) Vô minh cái (avijjā) là không sáng suốt, mê mờ, thiếu hiểu biết theo pháp siêu lý như là uẩn, xứ v.v… cũng chặn đứng sự tu tuệ, vì cứ chấp theo thường thức là chế định; pháp thực tính là sở hữu si (moha) hiện diện trong 12 tâm bất thiện (akusala citta).

Lưu ý:

(1) Cả hai ‘hôn trầm và thùy miên’, ‘điệu cử và hối hận’ được nhóm lại với nhau vì phận sự (kicca), nhân (hetu) và pháp đối lập của chúng thì như nhau.

Phận sự của ‘hôn trầm’ và ‘thùy miên’ là băn khoăn, lo lắng, không vững vàng, là tính thụ động của danh pháp, là nguyên nhân của sự biếng nhác. Chúng là pháp đối lập với cần (vīriya).

Phận sự của ‘điệu cử’ và ‘hối hận’ là không an tâm, yên lòng, băn khoăn, lo lắng; nguyên nhân của chúng là gây phiền toái về việc mất mát tài sản, v.v… và chúng là pháp đối lập với sự an tịnh.

(2) Sự so sánh thú vị được Đức Phật nêu trong Tăng Chi bộ kinh (Aṅguttara Nikāya), dục dục cái (kāmacchandanīvaraṇa) được so sánh với nước hòa trộn với nhiều màu, sân độc cái ví như nước sôi, hôn trầm-thùy miên cái ví như nước bị rêu phủ kín, điệu-hối cái ví như gió khuấy động mặt nước làm gợn sóng, hoài nghi cái ví như nước đục và bùn lầy.

Cũng như trong nước ấy chúng sanh không thể nhận thấy bóng của chính mình, với sự hiện diện của năm danh pháp cái, chúng sanh không thể thấy rõ lợi ích của tự thân, của tha nhân, hoặc của cả hai.

7) Bảy Tiềm thùy (anusaya) hay ngủ ngầm (A.4 – Chương 7 pháp. II Phẩm Tiềm thùy)

9. Satta anusayā: Kāmarāgānusayo bhavarāgānusayo paṭighānusayo mānānusayo diṭṭhānusayo vicikicchānusayo avijjānusayo.

Bảy pháp tiềm thùy là: (i) dục ái tiềm thùy (kāmarāgānusaya), (ii) hữu ái tiềm thùy (bhavarāgānusaya), (iii) khuể phẫn tiềm thùy (paṭighānusaya), (iv) ngã mạn tiềm thùy (mānānusaya), (v) tà kiến tiềm thùy (diṭṭhānusaya), (vi) hoài nghi tiềm thùy (vicikicchānusaya) và (vii) vô minh tiềm thùy (avijjānusaya).

Giải:

Anusaya’ (tiềm thùy hay tùy miên) nghĩa là ‘nằm ngủ im lìm không hoạt động’ hay ‘vẫn ngấm ngầm, tiềm tàng, ngủ ngầm’. ‘Anusaya’ (tiềm thùy) là những sở hữu tâm bất thiện (akusala cetasika) tiềm tàng (anusenti) theo tiến trình danh pháp mà chúng thuộc về và sẽ trồi lên bề mặt khi gặp duyên thích hợp. Thuật ngữ ‘tiềm thùy’ nhấn mạnh cho việc phiền não có khả năng sanh một khi chúng chưa được đoạn trừ bằng đạo tuệ.

Có 2 câu Pāḷi chú giải như sau:

Santāne anu anu sentīti = anusayā: Pháp mà ngủ nghỉ liên tiếp theo danh, sắc, gọi là tiềm thùy (ngủ ngầm).

Anurūpaṃ kāraṇaṃ labhitvā senti uppajjantīti = anusayā: Pháp nào khi gặp nhân thích hợp thì phát sanh, đó cũng gọi là tiềm thùy.

Hai câu chú giải trên đây ám chỉ thói quen tham, sân, si v.v… của chúng sanh.

Bảy pháp tiềm thùy (anusaya) là những hạt nhân hay tiềm năng của những pháp phiền não (kilesa) mà chúng nằm ngủ im trong dòng chảy của uẩn (khandha) của chúng sanh từ kiếp này sang kiếp khác xuyên suốt trong vòng luân hồi (saṃsāra) dài. Chúng được ví như tiềm lực của một cây đơm hoa kết trái; tiềm lực không thể tìm thấy bất cứ nơi nào trong cây, nhưng chúng ta biết rằng tiềm lực có hiện hữu do thấy quả được mang lại khi đến lúc chín muồi.

Tiềm thùy (anussaya) không tìm thấy ở đâu. Chúng chưa xuất hiện lên bề mặt, nhưng chúng sẵn sàng lộ diện như những phiền não thực thụ vào một thời điểm thích hợp khi chúng tiếp xúc với những cảnh thích hợp.

(i) Dục ái tiềm thùy (kāmarāgānusaya) quen theo ái dục ham muốn ái dục; pháp thực tính là sở hữu tham (lobha) hiện diện trong 8 tâm căn tham (lobhamūla citta).

(ii) Hữu ái tiềm thùy (bhavarāgānusaya) dính mắc, bám chặt vào thiền sắc (rūpa jhāna), thiền vô sắc (arūpa jhāna) và sự hiện hữu ở cõi Sắc và cõi Vô sắc; pháp thực tính là sở hữu tham (lobha) hiện diện trong 4 tâm căn tham bất tương ưng kiến (lobhamūla diṭṭhivippayutta citta).

(iii) Khuể phẫn tiềm thùy (paṭighānusaya) là thói quen sân hận, ác độc hay xấu ác; pháp thực tính là sở hữu sân (dosa) hiện diện trong 2 tâm căn sân (dosamūla citta).

(iv) Ngã mạn tiềm thùy (mānānusaya) là thói quen kiêu hãnh, sự hãnh diện; pháp thực tính là sở hữu ngã mạn (māna cetasika) hiện diện trong 4 tâm căn tham bất tương ưng kiến (lobhamūla diṭṭhivippayutta citta).

(v) Tà kiến tiềm thùy (diṭṭhānusaya) là thói quen quan niệm sai, thấy sai; pháp thực tính là sở hữu tà kiến (diṭṭhi cetasika) hiện diện trong 4 tâm căn tham tương ưng kiến (lobhamūla diṭṭhisampayutta citta).

(vi) Hoài nghi tiềm thùy (vicikicchānusaya) là thói quen hoài nghi; pháp thực tính là sở hữu hoài nghi (vicikicchācetasika) hiện diện trong tâm căn si tương ưng hoài nghi (mohamūla vicikicchāsampayutta citta).

(vii) Vô minh tiềm thùy (avijjānusaya) là thói quen mê mờ, không biết pháp đáng biết; pháp thực tính là sở hữu si (moha) hiện diện trong 12 tâm bất thiện (akusala citta).

8) Mười Triền (saṃyojana) (Dhs.719-730)

10. Dasa saṁyojanāni: Kāmarāgasaṃyojanaṁ rūparāgasaṃyojanaṁ arūparāgasaṃyojanaṁ paṭighāsaṃyojanaṁ mānasaṃyojanaṁ diṭṭhisaṃyojanaṁ sīlabbataparāmāsasaṃyojanaṁ vicikicchāsaṃyojanaṁ uddhaccasaṃyojanaṁ avijjāsaṃyojanaṁ suttante.

Mười pháp triền theo Kinh: (i) dục ái triền (kāmarāgasaṃyojana), (ii) sắc ái triền (rūparāgasaṃyojana), (iii) vô sắc ái triền (arūparāgasaṃyojana), (iv) khuể phẫn triền (paṭighāsaṃyojana), (v) ngã mạn triền (mānasaṃyojana), (vi) tà kiến triền (diṭṭhisaṃyojana), (vii) giới cấm thủ triền (silabbataparāmāsasaṃyojana), (viii) hoài nghi triền (vicikicchāsaṃyojana), (ix) điệu cử triền (uddhaccasaṃyojana) và (x) vô minh triền (avijjāsaṃyojana).

Giải:

Triền (saṃyojana) nghĩa là quấn, vấn, bó, ràng, kết nối, xiềng, giam, vướng víu, quay tròn, xoay chuyển, quấn chặt chúng sanh vào bánh xe luân hồi và vòng đau khổ. Có Pāḷi chú giải như vầy:

Saṃyojenti bandhantīti = saṃyojanāni: Pháp nào quấn chặt chúng sanh, gọi là triền.

Mười pháp triền là những danh pháp bất thiện. Mười pháp triền quấn chặt mỗi chúng sanh vào vòng luân hồi.

(a) Mười pháp triền theo tạng Kinh (Sutta Piṭaka)

(i) Dục ái triền (kāmarāgasaṃyojana) là sự ham muốn, dính mắc, bị quấn chặt vào cảnh dục, pháp thực tính là sở hữu tham hợp với 8 tâm tham.

(ii) Sắc ái triền (rūparāgasaṃyojana) là sự ham muốn, dính mắc, bị quấn chặt vào thiền sắc và cõi Sắc, pháp thực tính là sở hữu tham hợp với 4 tâm tham bất tương ưng.

(iii) Vô sắc ái triền (arūparāgasaṃyojana) là sự ham muốn, dính mắc, bị quấn chặt vào thiền vô sắc và cõi Vô sắc, pháp thực tính là sở hữu tham hợp 4 tâm tham bất tương ưng.

(iv) Khuể phẫn triền (paṭighāsaṃyojana) là bị quấn chặt vào sự sân hận, ác độc hay xấu ác, pháp thực tính là sở hữu sân.

(v) Ngã mạn triền (mānasaṃyojana) là bị quấn chặt vào sự kiêu hãnh, sự hãnh diện, pháp thực tính là sở hữu ngã mạn.

(vi) Tà kiến triền (diṭṭhisaṃyojana) là bị quấn chặt vào những quan niệm sai, thấy sai về pháp bản thể thực tính, pháp thực tính là sở hữu tà kiến.

(vii) Giới cấm thủ triền (silabbataparāmāsasaṃyojana) là bị quấn chặt, bám chặt vào quan niệm sai, bám chặt vào cái thấy sai rằng chúng sanh trở nên trong sạch và được giải thoát bằng cách hành theo hạnh bò và chó, hay sự bám chặt vào những lễ nghi và nghi thức. Pháp thực tính là sở hữu tà kiến.

(viii) Hoài nghi triền (vicikicchāsaṃyojana), pháp thực tính là sở hữu hoài nghi.

(ix) Điệu cử triền (uddhaccasaṃyojana), pháp thực tính là sở hữu điệu cử.

(x) Vô minh triền (avijjāsaṃyojana), pháp thực tính là sở hữu si.

Gom gọn: Những pháp thực tính của mười pháp triền (saṃyojana) trên là tham (lobha) (cho 1, 2, 3), sân (dosa), ngã mạn (māna), tà kiến (diṭṭhi) (cho 6, 7), hoài nghi (vicikicchā), điệu cử (uddhacca) và si (moha) – tức tất cả là 7 sở hữu tâm (cetasika).

(b) Mười pháp triền theo tạng Vô Tỷ Pháp (Abhidhamma Piṭaka)

11. Aparāni pi dasa saṁyojanāni: Kāmarāgasaṃyojanaṁ, bhavarāgasaṃyojanaṁ, paṭighāsaṃyojanaṁ, mānasaṃyojanaṁ, diṭṭhisaṃyojanaṁ, sīlabbataparāmāsasaṃyojanaṁ, vicikicchāsaṃyojanaṁ, issāsaṃyojanaṁ, macchariyasaṃyojanaṁ, avijjāsaṃyojanaṁ.

Mười pháp triền nữa: (i) dục ái triền (kāmarāgasaṃyojana), (ii) hữu ái triền (bhavarāgasaṃyojana), (iii) khuể phẫn triền (paṭighāsaṃyojana), (iv) ngã mạn triền (mānasaṃyojana), (v) tà kiến triền (diṭṭhisaṃyojana), (vi) giới cấm thủ triền (sīlabbataparāmāsasaṃyojana), (vii) hoài nghi triền (vicikicchāsaṃyojana), (viii) tật đố triền (issāsaṃyojana), (ix) lận sắt triền (macchariyasaṃyojana) và (x) vô minh triền (avijjāsaṃyojana).

Giải:

(i) Dục ái triền (kāmarāgasaṃyojana) là sự ham muốn, dính mắc, bị quấn chặt vào cảnh dục lạc.

(ii) Hữu ái triền (bhavarāgasaṃyojana) là sự ham muốn, dính mắc, bị quấn chặt vào thiền sắc, vô sắc và cõi Sắc và cõi Vô sắc; pháp thực tính là sở hữu tham hiệp với tâm tham bất tương ưng sanh cho người sắc, vô sắc hay người dục giới đắc thiền sắc, vô sắc.

(iii) Khuể phẫn triền (paṭighāsaṃyojana) là bị quấn chặt vào sự sân hận, thù oán, ác độc hay xấu ác.

(iv) Ngã mạn triền (mānasaṃyojana) là bị quấn chặt vào sự kiêu hãnh, sự hãnh diện; cách tự thị.[193]

(v) Tà kiến triền (diṭṭhisaṃyojana) là bị quấn chặt vào những quan niệm sai, thấy sai về pháp bản thể thực tính.

(vi) Giới cấm thủ triền (sīlabbataparāmāsasaṃyojana) là bị quấn chặt vào trì giới theo ngoại giáo.

(vii) Hoài nghi triền (vicikicchāsaṃyojana) là không quyết tin những pháp đáng tin, bị hoài nghi ràng buộc, cứ miệt mài bằng cách đánh dấu hỏi với những pháp trợ duyên giải thoát.

(viii) Tật đố triền (issāsaṃyojana) là sự tật đố[194] quấn chặt chúng sanh.

(ix) Lận sắt triền (macchariyasaṃyojana) là sự bỏn xẻn[195] cũng là quấn chặt chúng sanh.

(x) Vô minh triền (avijjāsaṃyojana) là không sáng suốt hay tối tăm hoặc thiếu hiểu, mất tự do rộng rãi cao siêu, như bị quấn, quấn chặt.

Những pháp thực tính cơ bản của mười pháp triền theo Kinh (Sutta) là tham (cho 1,2,3), sân, ngã mạn, tà kiến (cho 6,7), hoài nghi, điệu cử và si – tức là 7 sở hữu tâm tất cả.

Những pháp thực tính của mười pháp triền (saṃyojana) trên theo Vô Tỷ Pháp (Abhidhamma) là tham (lobha) (cho 1, 2), sân (dosa), ngã mạn (māna), tà kiến (diṭṭhi) (cho 5, 6), hoài nghi (vicikicchā), tật đố (issā), lận sắt (macchariya) và si (moha) – tức tất cả là 8 sở hữu tâm (cetasika).

Hữu ái (bhavarāga) = sắc ái (rūparāga) + vô sắc ái (arūparāga)

Những pháp thực tính của pháp triền theo cả hai Kinh và Vô Tỷ Pháp (Abhidhamma) là 9 sở hữu tâm – tức là 7 cetasika của pháp triền theo Kinh và tật đố + lận sắt.

9) Mười Phiền não (kilesa) (Dhs.791-801)

12. Dasa kilesā: Lobho doso moho māno diṭṭhi vicikicchā thīnaṁ udhaccaṁ ahirikaṁ anottappaṁ.

Mười pháp phiền não (kilesa) là: (i) tham (lobha), (ii) sân (dosa), (iii) si (moha), (iv) ngã mạn (māna), (v) tà kiến (diṭṭhi), (vi) hoài nghi (vicikicchā), (vii) hôn trầm (thīna), (vii) điệu cử (uddhacca), (ix) vô tàm (ahirika) và (x) vô úy (anottappa).

Giải:

Kilesa’ nghĩa là phiền não, nóng nảy, sôi nổi hay gây ra đau khổ. Có Pāḷi chú giải như vầy:

Kilesenti upatāpentīti = kilesā: Pháp làm cho nóng nảy, pháp ấy gọi là phiền não.

Kilissati etehīti = kilesā: Pháp làm cho những pháp tương ưng tức là tâm và sở hữu câu sanh đều bị nóng nảy, gọi là phiền não.

Mười phiền não là mười sở hữu tâm bất thiện (akusalacetasika) làm vẩn đục, đau khổ, làm phiền và thiêu đốt tâm. Chúng làm vẩn đục chúng sanh bằng cách kéo chúng sanh xuống đến một trạng thái hư hỏng, vấy bẩn danh pháp. Phiền não ‘kilesa’, thiêu đốt và làm ưu phiền tâm.

1500 Phiền Não (kilesa)

Một tâm (citta) (hiệp thế), 52 sở hữu tâm (cetasika), 18 sắc thành tựu (nipphanna rūpa) và 4 sắc trạng thái (lakkhaṇa rūpa), cộng tất cả thành 75 pháp thực tính. 75 danh (nāma) và sắc (rūpa) thực tính này hiện hữu cả bên trong (nội phần – trong tự thân) và bên ngoài (ngoại phần – ngoài tự thân). Cho nên, nếu chúng ta nhân 75 với 2 gồm pháp nội phần (ajjhattika) và pháp ngoại phần (bahiddha), thì được 150. 150 pháp thực tính này là đối tượng hoạt động cho mỗi phiền não. Chúng ta nhân 150 với 10 phiền não thì chúng ta được 1500 phiền não (kilesa). Do đó, phiền não (kilesa) có ảnh hưởng rất lớn đến chúng sanh phàm phu.

13. Āsavādīsu pan’ ettha kāmabhavanāmena tabbatthukā tañhā adhippetā. Sīlabbataparāmāso idaṁsaccābhiniveso attavādupādo ca tathāpavattaṁ diṭṭhigataṁ eva pavuccati.

Ở đây, một việc giải rõ sẽ được đưa vào. Trong bất thiện tương tập nhiếp này, trong những pháp làm thối nát, v.v.. đó là ái (taṅha) tức chỉ cho dục (kāma) và hữu (bhava), từ khi nó có những cảnh dục này làm nền tảng.

Nó là tà kiến (diṭṭhi) được nói như hành theo hạnh bò và chó hay lễ nghi và nghi lễ, “hệ giáo lý tin vào sự thật riêng” và “bám dai dẳng vào học thuyết tự ngã”, vì nó xảy ra theo phương thức như thế.

108 Loại Ái (taṇhā)

Taṇhā’ là ái. Nó là gốc chánh của khổ và vòng luân hồi bất tận. Trước tiên, ái (taṇhā) có ba loại:

1. Dục ái (kāmataṇhā) là ái cảnh dục.

2. Hữu ái (bhavataṇhā) là ái thiền sắc, vô sắc và cõi Sắc, Vô sắc.

3. Phi hữu ái (vibhavataṇhā) là ái sự đoạn tận, mất hết, tiêu hết.

Tương ứng với loại cảnh, có loại ái:

1. Sắc ái (rūpataṇhā) là ái cảnh sắc.

2. Thinh ái (saddataṇhā) là ái cảnh thinh.

3. Khí ái (gandhataṇhā) là ái cảnh khí.

4. Vị ái (rasataṇhā) là ái cảnh vị.

5. Xúc ái (photthabbataṇhā) là ái thân xúc hay cảnh xúc.

6. Pháp ái (dhammataṇhā) là ái ý xúc hay cảnh pháp.

Nếu chúng ta nhân nhóm thứ nhất của 3 loại ái với nhóm thứ hai của 6, chúng ta được 18 loại ái. Lần nữa, nhân cái này cho 2 gồm pháp nội phần và pháp ngoại phần, chúng ta được 36 loại ái.

Bây giờ 36 loại ái này có thể sanh trong quá khứ, trong hiện tại và trong vị lai. Cho nên tổng cộng có 108 loại ái (taṇhā).

Tóm lược:

14. Āsav’oghā ca yogā ca, tayo ganthā ca vatthuto, upādānā duve vuttā aṭṭha nīvaraṇā siyuṁ. Chaḷ’ev’ānusayā honti, nava saṁyojanā matā, Kilesā dasa vutto’ yaṁ navadhā Pāpasaṅgaho.

Theo cách của pháp thực tính, những pháp lậu, bộc, phối và phược là nhóm ba. Có hai loại thủ đã nêu và tám loại ngăn che (cái).

Những phiền não ngủ ngầm chỉ là sáu và triền có thể được hiểu là chín. Phiền não là mười. Cho nên, nhóm bất thiện nhiếp được nêu là nhóm chín.

Hướng dẫn đọc Lược đồ 7. 1

(a) Đọc Theo Chiều Ngang

1. Tham (lobha) sinh khởi trong tất cả 9 loại như lậu (āsava), bộc (ogha), phối (yoga), phược (gantha), thủ (upādāna), cái (nīvaraṇa), tiềm thùy (anusaya), triền (saṃyojana) và phiền não (kilesa).

2. Tà kiến (diṭṭhi) sinh khởi trong 8 loại như lậu (āsava), bộc (ogha), v.v… như liệt kê trong Lược đồ.

3. Còn lại có thể đọc theo cách tương tự.

(b) Đọc Theo Chiều Dọc (từ trên xuống)

4. Bốn lậu (āsava) có 3 pháp thực tính – tham (lobha), tà kiến (diṭṭhi) và si (moha). Điều này cũng đúng cho bộc (ogha), phối (yoga).

5. Bốn phược (gantha) cũng có 3 pháp thực tính – tham (lobha), tà kiến (diṭṭhi) và sân (dosa).

6. Còn lại có thể đọc theo cách tương tự.

Lược đồ 7. 1 Bất Thiện Tương Tập Nhiếp (Akusala Saṅgaha)

Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammattha-saṅgaha)

___o0o___

II. Missaka Saṅgaha (Hỗn Tạp Nhiếp)

Phần lớn thứ hai là Hỗn tạp nhiếp (missakasaṅgaha) là thiện, bất thiện và vô ký gồm chung sắp theo từng phần. Có Pāḷi chú giải như vầy: Kusalākusalābyākatā missakānaṃ hetuchakkādīnaṃ saṅgahoti = missakasaṅgaho: Gồm những pháp thiện, bất thiện và vô ký hợp lại, là nhân, chi thiền v.v… từng phần, gọi là hỗn tạp nhiếp.

Hỗn tạp tương tập nhiếp có 7 – đó là nhân (hetu), chi thiền (jhānaṅga), chi đạo (maggaṅga), quyền (indriya), lực (bala), trưởng (adhipati) và vật thực (āhāra).

Tất cả những pháp thực tính thiện, bất thiện và vô ký sẽ được xem xét trong nhóm “hỗn tạp tương tập nhiếp” này.

1) Sáu Nhân (hetu) (Dhs.689-694, 900)

15. Missakasaṅgahe cha hetu: Lobho doso moho alobho adoso amoho.

Trong “hỗn tạp tương tập nhiếp” có 6 nhân (hetu): (i) tham (lobha), (ii) sân (dosa), (iii) si (moha), (iv) vô tham (alobha), (v) vô sân (adosa) và (vi) vô si (amoha).

Giải:

Nhân (hetu) nghĩa là gốc, rễ, nhân tương ưng (sampayuttahetu) là nhân nhân (hetuhetu), nguyên nhân, duyên trợ, duyên nhân. Như những rễ cây làm cho một cây vững vàng, thuận lợi và thích nghi, cũng thế nhân (hetu) làm cho tâm (citta) và sở hữu tâm (cetasika) phối hợp với chúng vững vàng, thuận lợi và thích nghi trước cảnh. Có Pāḷi chú giải như vầy:

Hinoti phalaṃ pattetīti = hetu: Pháp giúp cho pháp quả cùng sanh với nó, pháp ấy gọi là nhân.

Hinoti tatthāti phalaṃ etthāti = hetu: Quả do nhân những pháp cùng sanh giúp có sức mạnh, gọi là nhân.

Có 3 nhân thiện và 3 nhân bất thiện.

Ba nhân bất thiện (akusala hetu) là:

(i) Tham (lobha) là tham hay dính mắc.

(ii) Sân (dosa) là sân hận, ác độc.

(iii) Si (moha) là sự mê mờ, không biết pháp đáng biết.

Ba nhân thiện (kusala hetu) là:

(iv) Vô tham (alobha) là không tham hay không dính mắc.

(v) Vô sân (adosa) là không sân hận, không ác độc, lòng từ.

(vi) Vô si (amoha) là trí, sự sáng suốt, biết rõ.

Ba nhân thiện (kusala hetu) không chỉ phối hợp với tâm thiện (kusala citta), mà còn phối hợp với những tâm quả và tâm tố tịnh hảo (sobhaṇa kiriya citta vā vipāka citta). Chúng được gọi là nhân thiện (kusala hetu) khi phối hợp với tâm thiện và gọi là nhân vô ký (abyākata hetu)[196] khi chúng phối hợp với tâm quả (vipāka citta) và tâm tố (kiriyacitta).

2) Bảy Chi thiền (jhānaṅga) (Dhs.80; Vibh.214-217)

16. Satta jhānaṅgāni: Vitakko vicāro pīti ekaggatā somanassaṁ domanassaṁ upekkhā.

Bảy chi thiền là: (i) tầm (vitakka), (ii) tứ (vicāra), (iii) hỷ (pīti), (iv) định (ekaggatā), (v) lạc thọ (sukha-vedanā), (v) khổ thọ (domanassa-vedanā) và (vii) xả thọ (upekkhā-vedanā).

Giải:

Xin nhắc lại, thiền (jhāna) bắt nguồn từ căn jhe là trạng thái cố quyết tập trung, chăm chú, khắn khít miệt mài trên một đề mục (nghiệp xứ - Kammaṭṭhāna).

Có những câu Pāḷi định nghĩa như sau:

- Vitakkādijhānaṅgehi sampayuttaṃ cittanti = jhānacittaṃ: Những tâm có tương ưng với chi thiền vitakka (tầm), vicāra (tứ), pīti (hỷ), sukha (lạc), ekaggatā (nhất tâm), nên gọi là tâm thiền tức là thiền tướng, vì mượn trạng thái của chi thiền mà gọi.

- Kasinādi ārammaṇaṃ jhāyati upanijjhayatīti = jhānaṃ: Những tâm có chi thiền đình trụ trên cảnh đề mục biến xứ (kasiṇa) v.v… gọi là thiền.

- Paccanikajhāpanato = jhānaṃ: Những pháp thiêu đốt pháp nghịch là pháp ‘cái - nīvarana’, nên gọi là thiền, chỉ cho chi thiền trong tâm thiền, mà tâm thiền cũng mượn chi thiền để gọi là thiền.

- Jhānena sampayuttaṃ cittanti = jhānacittaṃ: Tâm mà hợp hay tương ưng với chi thiền gọi là tâm thiền.

- Vitakkādijhānangehi sampayuttaṃ cittanti = jhānacittaṃ: Những tâm có hợp với chi thiền tầm, tứ, hỷ, v.v…, nên gọi là tâm thiền. Tức là tâm sắc giới, tâm vô sắc giới và tâm siêu thế.

Jhānaṅga’ = “jhāna-aṅga” nghĩa là chi thiền hay những chi phần trợ cho trạng thái đình trụ miệt mài trên cảnh. Những chi thiền trợ cho tâm (citta) và những sở hữu tâm (cetasika) phối hợp với chúng quan sát một đề mục, dù tốt hay xấu, sắc sảo, chặt chẽ và chăm chú bất động.

Nói về chi thiền (jhānaṅga) là pháp thiêu đốt pháp đối lập. Có Pāḷi chú giải như vầy: Jhāpenti paccanike itīpi jhānasaññitā: thiêu đốt pháp nghịch, gọi là chi thiền.

Bảy chi thiền:

(i) Chi ‘tầm’ có pháp thực tính là sở hữu tầm (vitakka) là tìm kiếm hay đưa tâm đến cảnh, áp vào cảnh.

(ii) Chi ‘tứ’ có pháp thực tính là sở hữu tứ (vicāra) là chăm nom, duy trì, gìn giữ cảnh cho tâm hay cách dính theo cảnh.

(iii) Chi ‘hỷ’ có pháp thực tính là sở hữu hỷ (pīti) là mừng, vui.

(iv) Chi ‘định’ có pháp thực tính là sở hữu nhất hành (ekaggatā) là trạng thái đình trụ, chăm chú vào một cảnh của tâm (sở hữu nhất hành hiệp với ngũ song thức không thành chi thiền).

(v) Chi ‘lạc’ có pháp thực tính là sở hữu thọ (lạc thọ) (sukhavedanā) là hưởng cảnh xúc thích hợp hay cảnh an, vui.

(vi) Chi ‘ưu’ có pháp thực tính là sở hữu thọ (ưu thọ) (domanassavedanā) là hứng chịu cảnh xúc không tốt hay cảnh buồn, khổ.[197]

(vii) Chi ‘xả’ có pháp thực tính là sở hữu thọ (xả thọ) (upekkhāvedanā) là hứng chịu cảnh trung bình hay cảnh phi ưu phi hỷ.

Những chi thiền này làm cho tâm chong hít khít khao trên cảnh của nó. Trong những chi thiền này, ‘ưu’ là bất thiện là pháp chỉ sanh với hai tâm sân. Sáu chi thiền khác có thể là thiện là bất thiện, hay vô ký, tùy thuộc vào tâm mà chúng sinh khởi.

Tầm đối trị hôn thùy. Tứ đối trị hoài nghi. Hỷ đối trị sân. Lạc, xả đối trị điệu hối và ưu. Định đối trị dục dục. Học bài kệ lục bát sau, do Ngài Santakicco-Tịnh Sự dịch, cho dễ thuộc:

Chi ‘tầm’ đối trị cái ‘hôn thùy’,

‘Tứ’ phá ‘hoài nghi’, ‘sân’ ‘hỷ’ thiêu

‘Điệu hối’ do nhờ chi ‘lạc’ trị

‘Định’ trừ vọng niệm ‘dục dục’ nhiều.

Đối trị ở đây có nghĩa là có pháp này thì không có pháp kia, nên gọi là thiêu đốt, cũng tợ như thiêu đốt cỏ, nhưng khi gặp đủ điều kiện thì cỏ cũng vẫn mọc lại.

3) Mười Hai Chi đạo (maggaṅga) (Dhs.81; Vibh.162-170)

17. Dvādasa maggaṅgāni: Sammādiṭṭhi sammāsaṅkappo sammāvācā sammākammanto sammāājīvo sammāvāyāmo sammāsati sammāsamādhi micchādiṭṭhi micchāsaṅkappo micchāvāyāmo micchāsamādhi.

Mười hai chi đạo là: (i) chánh kiến (sammā diṭṭhi), (ii) chánh tư duy (sammā saṅkappa), (iii) chánh ngữ (sammā vācā), (iv) chánh nghiệp (sammā kammanta), (v) chánh mạng (sammā ājīva), (vi) chánh cần (sammā vāyāma), (vii) chánh niệm (sammā sati), (viii) chánh định (sammā samādhi), (ix) tà kiến (micchā diṭṭhi), (x) tà tư duy (micchā saṅkappa), (xi) tà cần (micchā vāyāma) và (xii) tà định (micchā samādhi).

Giải

Magga’ nghĩa là đạo, con đường, là cách thông thấu và ‘maggaṅga’ nghĩa là ‘chi của đạo’. Ở đây, từ “đạo” được dùng trong ý nghĩa dẫn đến một nơi đến cụ thể. Những ‘chi bất thiện’ kết hợp tạo nên một con đường dẫn đến khổ cảnh như bàng sanh, địa ngục v.v…, trong khi những ‘chi thiện’ kết hợp tạo nên một con đường dẫn đến cõi an vui như chư Thiên, Phạm thiên sắc, vô sắc cho đến Níp-bàn (Nibbāna), do đó nên gọi là đạo (magga). Tợ như những phần tách rời của một cầu thang, khi ráp chúng lại với nhau thành một cầu thang, cũng thế, những “chi đạo” khi gộp lại thành “đạo”. Có những câu Pāḷi chú giải như vầy:

Maggo viyāti = maggo: Tợ như đường sá, gọi là đạo.

Sugatiduggatīnaṃ nibbanassa ca abhimukhaṃ pāpaṇato = maggo: Nhân đưa đến khổ thú hay lạc thú và Níp-bàn, gọi là đạo.

Sở hữu nhất hành (ekaggatācetasikā) phối hợp với tâm vô nhân không thành chi đạo.

Chi đạo(maggaṅga) có 12:[198]

(i) Chánh kiến (sammā diṭṭhi) là quan niệm đúng, thấy đúng theo lý nhân trợ cho quả, liên quan duyên, v.v…; pháp thực tính là sở hữu trí (paññā) hiện diện trong 79 thứ tâm tịnh hảo tương ưng trí [4 tâm đại thiện (mahā kusala citta) tương ưng, 4 tâm đại quả (mahā kiriya citta) tương ưng, 4 tâm đại tố (mahā kiriya citta) tương ưng và 67 tâm kiên cố (appanā citta)].

(ii) Chánh tư duy (sammā saṅkappa) là suy xét, lo lắng những điều thiện; pháp thực tính là sở hữu tầm (vitakka) trong 35 thứ tâm tịnh hảo hữu tầm [24 tâm dục giới tịnh hảo và 11 tâm sơ thiền].

(iii) Chánh ngữ (sammā vācā) là lời nói chơn chánh, ngăn hay trừ tà ác ngữ; pháp thực tính là sở hữu chánh ngữ (sammā vācā cetasika) hiện diện trong 8 tâm đại thiện (mahā kusala citta) và 8 hay 40 thứ tâm siêu thế (lokuttara cittta).

(iv) Chánh nghiệp (sammā kammanta) là hành động thiện, ngăn, trừ tà hay ác nghiệp; pháp thực tính là sở hữu chánh nghiệp (sammā kammanta cetasika) hiện diện trong 8 tâm đại thiện (mahā kusala citta) và 8 hay 40 thứ tâm siêu thế (lokuttara cittta).

(v) Chánh mạng (sammā ājīva) là nghề nghiệp nuôi mạng chơn chánh, ngăn hay trừ thân, khẩu tà ác vì nuôi thân; pháp thực tính là sở hữu chánh mạng (sammā ājīva cetasika) hiện diện trong 8 tâm đại thiện (mahā kusala citta) và 8 hay 40 thứ tâm siêu thế (lokuttara cittta).

(vi) Chánh cần (sammā vāyāma) là siêng năng với việc thiện; pháp thực tính là sở hữu cần (viriya) hiện diện trong 91 thứ tâm tịnh hảo [24 tâm dục giới tịnh hảo và 67 tâm kiên cố (appanā citta)].

(vii) Chánh niệm (sammā sati) là nhớ đặng, ghi nhớ hay nhớ ngay, biết ngay, biết theo; pháp thực tính là sở hữu niệm (saticetasika) hiện diện trong 91 thứ tâm tịnh hảo [24 tâm dục giới tịnh hảo và 67 tâm kiên cố (appanā citta)].

(viii) Chánh định (sammā samādhi) là đình trụ, chú tâm (trên một cảnh) bằng tâm thiện; pháp thực tính là sở hữu nhất hành (ekaggatā) hiện diện trong 91 thứ tâm tịnh hảo [24 tâm dục giới tịnh hảo và 67 tâm kiên cố (appanā citta)].

(ix) Tà kiến (micchā diṭṭhi) là sự nhận thấy sai; pháp thực tính là sở hữu tà kiến (diṭṭhi) hiện diện trong 4 tâm căn tham tương ưng kiến (lobhamūla diṭṭhisampayutta citta).

(x) Tà tư duy (micchā saṅkappa) là suy xét, lo lắng, toan tính những điều sai quấy, bất thiện; pháp thực tính là sở hữu tầm (vitakka) hiện diện trong 12 tâm bất thiện.

(xi) Tà cần (micchā vāyāma) là siêng năng với sự ác xấu; pháp thực tính là sở hữu cần (viriya) hiện diện trong 12 tâm bất thiện.

(xii) Tà định (micchā samādhi) là chú tâm sai quấy bằng tâm bất thiện; pháp thực tính là sở hữu nhất hành (ekaggatā) hiện diện trong 11 tâm bất thiện (trừ tâm si hoài nghi).

8 chi đạo trước tượng trưng cho tám Thánh đạo là những pháp đưa đến những cõi Vui cũng như Nibbāna.

4 chi đạo sau cùng tạo thành đạo đưa đến những cõi Khổ.

12 chi đạo có thể được rút gọn trong 9 sở hữu tâm (cetasika). Trong những sở hữu ấy, trí, ba ngăn trừ phần và niệm là những sở hữu tịnh hảo.

Tầm, cần và định là những sở hữu tợ tha làm phận sự cả hai chi đạo thiện và chi đạo bất thiện.

Riêng sở hữu tà kiến, tức chi đạo tà kiến là sở hữu bất thiện duy nhất nằm trong những chi đạo.

4) Hai Mươi Hai Quyền (indriya)[199]

18. Bāvīsat’ indriyāni: Cakkhundriyaṁ sotindriyaṁ ghānindriyaṁ jivhindriyaṁ kāyindriyaṁ itthindriyaṁ purisindriyaṁ jīvitindriyaṁ manindriyaṁ sukhindriyaṁ dukkhindriyaṁ somanassindriyaṁ domasassindriyaṁ upekkhindriyaṁ saddhindriyaṁ viriyindriyaṁ satindriyaṁ samādhindriyaṁ paññindriyaṁ anaññātaññassāmītindriyaṁ aññindriyaṁ aññātāvindriyaṁ.

Hai mươi hai quyền là: (i) nhãn quyền, (ii) nhĩ quyền, (iii) tỷ quyền, (iv) thiệt quyền, (v) thân quyền, (vi) nữ quyền, (vii) nam quyền, (viii) mạng quyền, (ix) ý quyền, (x) lạc quyền, (xi) khổ quyền, (xii) hỷ quyền, (xiii) ưu quyền, (xiv) xả quyền, (xv) tín quyền, (xvi) cần quyền, (xvii) niệm quyền, (xviii) định quyền, (xix) trí quyền, (xx) tri vị tri quyền, (xxi) tri dĩ tri quyền, (xxii) tri cụ tri quyền.

Giải:

Indriya’ nghĩa là ‘quyền’ hay ‘quyền hành cai quản’. Như những bộ trưởng cai quản riêng từng bộ của họ, quyền (indriya) cai quản những pháp tương ưng với nó (sampayutta dhamma) theo từng lĩnh vực. Indriya thực hiện quyền phối hợp trong những pháp tương ưng. Có Pāḷi chú giải như vầy: Indanti paramaissariyaṃ karontīti = indriyāni: Pháp nào tự cai trị có tự do độc lập, pháp đó gọi là quyền.

Tám quyền đầu tiên là tám quyền sắc, quyền thứ tám gồm cả hai là sắc mạng quyền và danh mạng quyền (sở hữu mạng quyền).

Ý quyền là tâm, có tổng số là 89 tâm.

Năm quyền kế tiếp (10 đến 14) tượng trưng cho năm loại thọ (vedanā).

Năm quyền kế (15-19) tượng trưng cho danh quyền là những quyền cũng làm việc như danh lực (bala).

Ba quyền cuối (20-22) tượng trưng cho trí phối hợp với tâm đạo và tâm quả.

Hai mươi hai quyền (indriya) gồm cả phần sắc và phần danh pháp.

(i) Nhãn quyền (cakkhundriya) là nhãn thanh triệt (cakkhu pasāda) cai quản sự thấy.

(ii) Nhĩ quyền (sotindriya) là nhĩ thanh triệt (sota pasāda) cai quản sự nghe.

(iii) Tỷ quyền (ghānindriya) là tỷ thanh triệt (ghāna pasāda) cai quản sự ngửi.

(iv) Thiệt quyền (jivhindriya) là thiệt thanh triệt (jivhā pasāda) cai quản sự nếm.

(v) Thân quyền (kāyindriya) là thân thanh triệt (kāya pasāda) cai quản sự đụng.

(vi) Nữ quyền (itthindriya) là sắc tính nữ (itthibhāva rūpa) cai quản trạng thái theo cách nữ.

(vii) Nam quyền (purisindriya) là sắc tính nam (purisabhāva rūpa) cai quản trạng thái theo cách nam.

(viii) Mạng quyền (jīvitindriya) là sắc mạng (jīvita rūpa) và sở hữu mạng quyền (jīvitindriya cetasika) bảo vệ sự sống còn, tuổi thọ của những danh và sắc pháp câu sanh.

(ix) Ý quyền (manindriya) là 89 hay 121 tâm (citta) cai quản những sở hữu cùng sanh trong tập hợp cố gắng bắt cảnh và biết cảnh.

(x) Lạc quyền (sukhindriya) là thân lạc thọ (sukha vedanā) cai quản sự sướng thân.

(xi) Khổ quyền (dukkhindriya) là thân khổ (dukkhā vedanā) cai quản sự khổ thân.

(xii) Hỷ quyền (somanassindriya) là hỷ thọ (somanassa vedanā) cai quản sự vui lòng.

(xiii) Ưu quyền (domasassindriya) là ưu thọ (domanassa vedanā) cai quản sự buồn lòng.

(xiv) Xả quyền (upekkhindriya) là xả thọ (upekkhā vedanā) cai quản sự trung bình.

(xv) Tín quyền (saddhindriya) là tín (saddhā) cai quản sự tín ngưỡng.

(xvi) Cần quyền (viriyindriya) là cần (viriya) cai quản sự siêng năng.

(xvii) Niệm quyền (satindriya) là niệm (sati) cai quản cách nhớ đặng hay nhớ ghi.

(xviii) Định quyền (samādhindriya) là nhất hành (ekaggatā) cai quản cách tâm đình trụ.

(xix) Trí quyền[200] (paññindriya) là trí (paññā) cai quản sự hiểu thông suốt.

(xx) Tri vị tri quyền (anaññātaññassāmītindriya)[201] là tuệ hợp với sơ đạo (đạo Nhập lưu – Sotāpatti) cai quản sự hiểu rõ tứ Thánh đế chưa từng rõ thấu nhất là Níp-bàn.

(xxi) Tri dĩ tri quyền (aññindriya)[202] là tuệ hợp với 3 đạo cao và 3 quả thấp, cai quản sự hiểu rõ tứ Thánh đế đã từng rõ thấu.

(xxii) Tri cụ tri quyền (aññātāvindriya)[203] là tuệ hợp với Arahaṃ quả, cai quản cách hoàn toàn hiểu rõ thấu đáo tứ Thánh đế.

Sở hữu nhất hành hiệp với 16 tâm vô cần (15 tâm quả vô nhân và 1 tâm khai ngũ môn), không thành định quyền và định lực.

Lưu ý:

(1) Số quyền hiện diện trong một người nam và một người nữ phàm là 18, trừ sắc tính đối lập và ba Thánh quyền cuối.

(2) Ba quyền cuối cùng hiện diện trong chư Thánh ở bậc tương ứng. Ví dụ, vị tri quyền hiện diện trong bậc Thất lai đạo; cụ tri quyền trong bậc quả Vô sanh; và dĩ tri quyền trong những bậc Thánh còn lại.

5) Chín Lực (bala)[204]

19. Nava balāni: Saddhābalaṁ viriyabalaṁ satibalaṁ samādhibalaṁ paññābalaṁ hiribalaṁ ottappabalaṁ ahiribalaṁ anottappabalaṁ.

Chín lực là: (i) tín lực (saddhābala), (ii) cần lực (viriyabala), (iii) niệm lực (satibala), (iv) định lực (samādhibala), (v) tuệ lực (paññābala), (vi) tàm lực (hiribala), (vii) úy lực (ottappabala), (viii) vô tàm lực (ahiribala) và (ix) vô úy lực (anottappabala).

Giải:

Bala’ nghĩa là ‘lực’. Chín lực là sức mạnh vững chắc và không thể bị lay động trước những lực đối lập. Bên cạnh đó chúng củng cố những pháp đồng sanh (sở hữu tâm) vững mạnh. Có Pāḷi chú giải như vầy.

Akampanaṭṭhena = balaṃ: Gọi là lực có ý nghĩa không lay động.

Balīyanti uppanne paṭipakkhadhamme sahanti maddantīti = balāni: Pháp nào có sức đè nén pháp nghịch hay đủ sức đối phó phá trừ pháp nghịch, gọi là lực.

(i) Tín lực (saddhābala) là sức mạnh của đức tin; là tín (saddhā) hiện diện trong những tâm tịnh hảo (sobhaṇa citta).

(ii) Cần lực (viriyabala) là sức mạnh của tinh tấn; là cần (viriya) hiện diện trong 73 tâm phối hợp với cần.

(iii) Niệm lực (satibala) là sức mạnh của chánh niệm, nhớ ngay, biết theo, không lơ đễnh; là niệm (sati) hiện diện trong những tâm tịnh hảo (sobhaṇa citta).

(iv) Định lực (samādhibala) là sức mạnh của sự chăm chú, đình trụ một cảnh; là nhất hành (ekaggata) hiện diện trong 72 tâm, ngoại trừ 16 tâm không phối hợp với cần (viriya) và tâm tương ưng hoài nghi (vicikicchāsampayutta citta).

(v) Tuệ lực (paññābala) hay trí lực là sức mạnh của sự sáng suốt, hiểu thấu hay khôn khéo; nó là trí (paññā) hiện diện trong 47 tâm ba nhân (tihetuka citta).

(vi) Tàm lực (hiribala) là sức mạnh của sự hổ thẹn (đối với việc tội lỗi); là sở hữu tàm (hiri cetasika) hiện diện trong tâm tịnh hảo (sobhaṇa citta).

(vii) Úy lực (ottappabala) là sức mạnh của sự ghê tởm, ghê sợ (đối với việc tội lỗi); là sở hữu úy (ottappa cetasika) hiện diện trong tâm tịnh hảo (sobhaṇa citta).

(viii) Vô tàm lực (ahiribala) là sức mạnh của sự không hổ thẹn, không mắc cỡ (đối với việc tội lỗi); là vô tàm (ahiri) hiện diện trong 12 tâm bất thiện (akusala citta).

(ix) Vô úy lực (anottappabala) là sức mạnh của sự không ghê tởm, không ghê sợ (đối với việc tội lỗi); là sở hữu vô úy (anottappa cetasika) hiện diện trong 12 tâm bất thiện (akusala citta).

Sở hữu nhất hành phối hợp với tâm si hoài nghi không thành định quyền, tà định hay định lực.

Lưu ý:

Những lực (bala) như 1,3,5,6,7 là thiện vì chúng đại diện cho những sở hữu tâm tịnh hảo tương ứng.

Những lực (bala) như 2,4 hoặc là thiện hay bất thiện vì chúng đại diện cho những sở hữu tợ tha.

Những lực (bala) 8,9 là dành riêng cho bất thiện vì chúng đại diện cho những sở hữu bất thiện.

Là những lực (bala) không bị lay động trước những pháp đối lập, tín lực thì bất động trước bất tín, cần lực trước sự lười biếng, niệm lực trước sự thất niệm, định lực trước sự xao lãng, trí lực trước sự vô minh.

Tàm (hirika) và úy (nottappa) ủng hộ mạnh mẽ những nghiệp thiện; vô tàm (ahirika) và vô úy (ottappa) đưa đến chiều hướng những hành vi bất thiện, ác hạnh, ác nghiệp và chúng nổi bật trong những người ác.

6) Bốn Trưởng (adhipati)[205]

20. Cattāro adhipati: Chandādhipati viriyādhipati cittādhipati vimaṃsādhipati

Bốn trưởng là: (i) dục trưởng (chandādhipati), (ii) cần trưởng (viriyādhipati), (iii) tâm trưởng (cittādhipati) và (iv) thẩm trưởng (vimaṃsādhipati).

Giải:

Adhipati’ (trưởng) nghĩa là lớn hay trội hơn pháp khác (tùy trường hợp), cao lớn nhất, có toàn quyền, quốc vương, chúa tể, vua, thủ lĩnh, người lãnh đạo, hay chi trưởng trong những pháp phối hợp và nó không có đồng đều. Tất cả những sở hữu phối hợp với nó phải theo sau sự dẫn dắt của nó trong việc đảm nhận và hoàn thành những nhiệm vụ khó hay quan trọng.

Có Pāḷi chú giải như vầy:

Adhinānaṃ pati = adhipati: Làm chủ hay lớn hơn pháp có liên quan, gọi là trưởng.

Adhiko pati = adhipati: Sức mạnh lớn lao làm chủ, cũng gọi là trưởng.

Sự khác biệt giữa trưởng (adhipati) và quyền (indriya) nằm ở góc độ và phạm vi của quyền điều khiển của chúng. Một trưởng (adhipati) thực hiện quyền cao nhất trên tất cả những pháp phối hợp hay những sở hữu tâm trong một nhóm danh pháp. Trong khi một quyền thực hiện sự điều khiển chỉ trong phạm vi riêng của nó. Do đó, vài quyền có thể hiện diện trong một nhóm danh, chỉ có một trưởng có thể được hiện diện ở một thời gian nhất định. Những quyền có thể đồng đều.

Trong khía cạnh này, một trưởng (adhipati) có thể được so sánh với một vị vua là người được thừa nhận đứng đầu và là vị nguyên thủ duy nhất của một vương quốc là vị chúa tể khống chế trên tất cả các bộ trưởng và dân chúng. Trong khi những quyền (indriya) được ví như những bộ trưởng chỉ có thể điều hành từng bộ riêng của họ, nhưng không thể can thiệp vào những bộ khác. Quyền (indriya) có những điểm đồng và chúng phải làm theo trưởng (adhipati).

‘Adhipati’ có thể được xem như pháp trưởng (adhipati) trong một nhóm danh pháp.

(i) Dục trưởng (chandādhipati) là sự mong mỏi lớn trội hơn pháp câu sanh; là sở hữu dục (chanda cetasika) hiện diện trong 18 đổng lực hai nhân (dvihetuka javana) và 34 đổng lực ba nhân (tihetuka javana).

(ii) Cần trưởng (viriyādhipati) là sự siêng năng lướt tới, tinh tấn lớn mạnh vượt trội hơn pháp câu sanh; là sở hữu cần (viriya cetasika) hiện diện trong 18 đổng lực hai nhân (dvihetuka javana) và 34 đổng lực ba nhân (tihetuka javana).

(iii) Tâm trưởng (cittādhipati) là sự biết cảnh vượt trội hơn pháp câu sanh; là 18 đổng lực hai nhân (dvihetuka javana) và 34 đổng lực ba nhân (tihetuka javana).

(iv) Thẩm trưởng (vimaṃsādhipati) là sự lớn mạnh vượt trội trong sự hiểu rõ thấu hơn pháp câu sanh; là tuệ hay trí (paññā) hiện diện trong 34 đổng lực ba nhân (tihetuka javana). Thẩm (vīmaṃsā) là trí có thể thẩm xét và suy xét.

Lưu ý:

(1) 18 đổng lực hai nhân (dvihetuka javana) = 8 tâm căn tham, 2 tâm căn sân, 4 tâm đại thiện bất tương ưng trí (ñāṇavippayutta mahākusala citta) và 4 tâm đại tố bất tương ưng trí (ñāṇavippayutta mahākiriya citta).

(2) 34 đổng lực ba nhân (tihetuka javana) = 4 tâm đại thiện tương ưng trí (ñāṇasampayutta mahākusala citta) và 4 tâm đại tố tương ưng trí (ñāṇasampayutta mahākiriya citta). 9 tâm thiện đáo đại (mahaggata kusala citta), 9 tâm tố đáo đại (mahaggata kiriya citta), 4 đạo (magga), 4 quả (phala).

(3) Chanda vato kiṁ nāma kammaṁ nasijjhati.

Với những ai có một dục (chanda) mạnh, không có giải pháp nào không thể hoàn thành. Cần trưởng, tâm trưởng và thẩm trưởng cũng thế. Do đó, bốn trưởng đích thực là những mấu chốt đưa đến thành tựu.

Khi một trong những pháp trưởng thật mạnh, tất cả pháp câu sanh với pháp trưởng ấy cùng ủng hộ và chúng sẽ cùng đạt được mục tiêu đề ra.

7) Bốn thực (āhāra)[206]

21. Cattāro āhārā: Kabaḷīkārāhāra, phasso dutiyo, manosañcetanā tatiyā, viññāṇaṁ catutthaṁ.

Bốn thực là: (i) đoàn thực (kabaḷīkārāhāra), (ii) xúc thực (phassāhāra) là thứ hai, (iii) tư thực (manosañcetanāhāra) là thứ ba, (iv) thức thực (viññāṇāhāra) là thứ tư.

Giải:

Āhāra’ nghĩa là chất dinh dưỡng, nguyên nhân, chất bổ, thức ăn. Āhāra hay vật thực là pháp duy trì với vai trò là một duyên hay mãnh lực ủng hộ mạnh. Có Pāḷi chú giải như vầy:

Āharantīti = āhāra: Pháp nào đem lại sự tiến hóa cho kết quả của nó, gọi là thực.

Pháp nào có thể trợ sanh và duy trì quả của nó, như là thân của chúng ta được duy trì do thức ăn, pháp ấy gọi là vật thực (āhāra).

Theo Kinh (Suttanta), ‘đoàn thực’ là dinh dưỡng duy trì thân sắc vật chất, xúc duy trì thọ, danh tư là nghiệp duy trì sự liên tục của dòng danh pháp và sắc pháp; và tâm duy trì ý và thân.

Theo Abhidhamma, đoàn thực duy trì những bọn sắc vật thực và ba danh vật thực khác duy trì tất cả những danh pháp đồng sanh và sắc pháp.

Có bốn loại vật thực:

(i) Đoàn thực (kabaḷīkārāhāra) là tất cả đồ có thể ăn, uống được; là sắc vật thực (ojā rūpa) trợ sanh và duy trì bọn sắc vật thực bát thuần (āhāraja suddhaṭṭhaka) – tám thứ sắc có sắc vật thực là sắc chủ yếu.

(ii) Xúc thực (phassāhāra) là sự xúc chạm hay cách thức xúc chạm; là sở hữu xúc (phassa cetasika) hiện diện trong tất cả tâm. Xúc dẫn dắt trợ sanh và duy trì 5 loại thọ (vedanā).

(iii) Tư thực (manosañcetanāhāra) là sự cố quyết, đốc thúc công việc, tức là dẫn dắt cho tâm quả tái tục, v.v…; là tư (cetanā) tự biểu lộ như 29 loại nghiệp (kamma). Nghiệp trợ sanh và duy trì tâm tái tục, hữu phần và bọn sắc nghiệp.

(iv) Thức thực (viññāṇāhāra) là tâm thâu hút cảnh tức là dẫn dắt sở hữu và sắc tâm (cittajarūpa); đại diện cho 89 hay 121 thứ tâm (citta). Thức trợ sanh và duy trì những sở hữu tâm (cetasika) câu sanh và những bọn sắc tâm (cittaja rūpa).

Phần giải chi tiết:

22. Indriyesu pan’ ettha Sotāpattimaggaṇāṇaṁ anaññātaññassāmitindriyaṁ.

23. Arahattaphalañāṇaṁ aññātāvindriyaṁ.

24. Majjhe cha ñāṇāni aññindriyāni ti pavuccanti.

25. Jīvitindriyañ ca rūpārūpavasena duvidhaṁ hoti.

Ở đây, trong ‘Hỗn tạp tương tập nhiếp’, một sự giải thích sẽ được cung cấp. Trong các quyền (indriya), thì anaññātaññassāmītindriya (vị tri quyền), quyền “tôi sẽ biết pháp chưa từng biết” là đạo tuệ Thất lai (Sotāpattimaggañāṇa), đó là tuệ của đạo Nhập lưu; aññātāvindriya (cụ tri quyền) là quyền của bậc đã đắc tuệ cuối là Arahattaphalañāṇa (tuệ quả Vô sanh), đó là tuệ quả của bậc Thánh Arahaṃ; aññindriya (dĩ tri quyền) là quyền của 6 tuệ siêu thế giữa.

26. Pañcaviññānāṇesu jhānañgāni, avīriyesu balāni, ahetukesu maggaṅgāni na labbhanti.

27. Tathā vīcikicchācitte ekaggatā maggindriya balabhāvaṁ na gacchati.

28. Dvihetuka-tihetuka-javanesv’eva yathāsambhavaṁ adhipati eko’ va labbhatī ti.

Thiền chi (jhānaṅga) không thấy trong ngũ song thức (dvipañcaviññāṇa), lực (bala) trong 16 tâm không phối hợp với cần (vīriya) hay chi đạo (maggaṅga) trong những tâm vô nhân.

Lại nữa, trong tâm tương ưng hoài nghi (vīcikicchāsampayutta citta), sở hữu nhất thống (ekaggatā cetasika) không thể làm chi đạo (maggaṅga), quyền (indriya) và lực (bala).

Trong những đổng lực nhị nhân và tam nhân, mỗi lần chỉ có một trưởng có thể tồn tại, tùy theo trường hợp.

Tóm lại:

29. Cha hetū pañca jhānaṅgā, maggaṅgā nava vatthuto.

Soḷas’ indriyadhammā ca, baladhammā nav’ eritā.

Cattāro’ dhipatī vuttā thāt’ āhārā ti sattadhā, kusalādisamākiṇṇo, vutto missakasaṅgaho.

Qua những pháp siêu lý, ta biết rằng: Nhân (hetu) có sáu, chi thiền (jhānaṅga) có năm, chi đạo (maggaṅga) có chín, quyền (indriya) có mười sáu và lực (bala) có chín.

Như thế, nên nói rằng, trưởng (adhipati) có bốn và vật thực (āhāra) cũng có bốn pháp thực tính.

Do đó, hỗn tạp tương tập nhiếp gồm có một tổng hợp của tương tập thiện và phần còn lại đã nêu trong bảy cách.

___o0o___

III. Bodhipakkhiya Saṅgaha (Đẳng[207] Giác Nhiếp)

Bodhi’ nghĩa là giác hay giác ngộ hay đạo tuệ (maggañāṇa). ‘Bodhipakkhiya’ nghĩa là những chi phần hay nhân tố của giác ngộ. Có 37 chi phần như vậy. Nếu bậc tu tiến có thể hoàn toàn phát triển chúng, vị ấy sẽ được giác ngộ. 37 chi phần được xem là tinh hoa của Tam tạng (Tipiṭaka). Nếu chúng ta phát triển chúng đầy đủ, chúng ta sẽ đạt đến giác ngộ.

Do đó, những chi này được gọi là những điều kiện cần thiết đưa đến sự giác ngộ. Từ khi chúng dẫn đến sự giác ngộ, đó là tuệ của bốn đạo siêu thế. 37 chi phần trợ cho sự giác ngộ được gọi là cốt yếu của Tam tạng (Tipiṭaka), phân thành 7 nhóm như sau: Bốn niệm xứ (satipaṭṭhāna), bốn chánh cần (sammappadhāna), bốn như ý túc (iddhipāda), năm quyền (indriya), năm lực (bala), bảy giác chi (bojjhaṅga), tám chánh đạo (maggaṅga).

1) Bốn Niệm Xứ (satipaṭṭhāna)[208] (Vibh. từ câu 431)

30. Bodhipakkhiyasaṅgahe cattāro satipaṭṭhānā: Kāyānupassanā satipaṭṭhānaṁ, vedanānupassanā satipaṭṭhānaṁ, cittānupassanā satipaṭṭhānaṁ, dhammānupassanā satipaṭṭhānaṁ,

Trong đẳng giác nhiếp, có bốn nền tảng của ‘niệm’:

(i) Thân quán niệm xứ (kāyānupassanā satipaṭṭhāna)

(ii) Thọ quán niệm xứ (vedanānupassanā satipaṭṭhāna)

(iii) Tâm quán niệm xứ (cittānupassanā satipaṭṭhāna)

(iv) Pháp quán niệm xứ (dhammānupassanā satipaṭṭhāna)

Giải:

Sati’ nghĩa là niệm, biết ngay, thường biết, luôn biết, hằng biết hay biết theo.

Paṭṭhāna’ có hai nghĩa là ‘thành lập, điều chỉnh, cố định vị trí’ và ‘nền tảng’.

Do đó ‘satipaṭṭhāna’ nghĩa là ‘thiết lập niệm’, ‘nền tảng của niệm’, ‘niệm trú’, ‘niệm xứ’, v.v….

Bốn nền tảng của niệm làm thành một hệ thống thiền hoàn chỉnh để tu tập pháp chỉ và pháp quán. Phương pháp được dẫn giải đầy đủ trong hai bài kinh (Sutta), D-22 và M-10 và trong S.47 - Satipaṭṭhāna Saṁyutta (Tương ưng niệm xứ).

Với pháp này, bậc tu tiến ngăn ngừa tâm khỏi dao động trước cảnh, giữ tâm chăm chú cố định và vững chắc trên một đề mục thiền.

Nhà chú giải Ceylon định nghĩa ‘satipaṭṭhāna’ có thể nói là niệm được thiết lập, an trú vững chắc trên đề mục bằng sự thâm nhập, thấu suốt vào nó.

Bốn niệm xứ không thể miễn trừ, không thể không có để tu tập pháp chỉ và pháp quán. Trong hai bài kinh Satipaṭṭhāna sutta, những từ nhấn mạnh được nêu ở phần mở đầu và cả phần kết:

Này chư Bhikkhu, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh, vượt khỏi sầu ưu, diệt hết khổ đau, bước vào chánh đạo và chứng ngộ Níp-bàn là con đường gồm ‘Bốn Niệm xứ’.

(i) Thân quán niệm xứ (kāyānupassanā satipaṭṭhāna) là niệm về sắc uẩn (rūpakkhandha).

(ii) Thọ quán niệm xứ (vedanānupassanā satipaṭṭhāna) là niệm về thọ uẩn (vedanākkhandha).

(iii) Tâm quán niệm xứ (cittānupassanā satipaṭṭhāna) là niệm về thức uẩn (viññāṇakkhandha).

(iv) Pháp quán niệm xứ (dhammānupassanā satipaṭṭhāna) là niệm về tưởng uẩn (saññākkhandha) và hành uẩn (saṅkhārakkhandha).

Lưu ý:

(1) Pháp thực tính của bốn niệm xứ (satipaṭṭhāna) là sở hữu niệm (sati cetasika) hiện diện trong 8 tâm đại thiện (mahā kusala citta), 8 tâm đại tố (mahā kiriya citta), 26 đổng lực kiên cố (appanā javana) cũng như niệm (sati) hiện diện trong 8 tâm siêu thế (lokuttara citta).

(2) Lý do tại sao niệm (sati) được trình bày là bốn niệm xứ (satipaṭṭhāna):

(2. 1) Những đề mục quán khác nhau là thân (kāya), thọ (vedanā), tâm (citta) và pháp (dhamma).

(2. 2) Cách quán bốn đề mục khác nhau là bất tịnh (asubha), khổ (dukkhā), vô thường (aniccā) và vô ngã (anattā).

(2. 3) Mục đích quán bốn đề mục khác nhau là đoạn tận tà kiến, thấy sai cho rằng pháp là thanh tịnh (subha), lạc (sukkha), thường (nicca), ngã (atta) và theo thứ tự.

2) Bốn Chánh Cần (sammappadhāna) (Vibh. từ câu 465)

31. Cattāro sammappadhāna:

Uppannānaṁ pāpakānaṁ pahānāya vāyāmo,

Anuppannānaṁ pāpakānaṁ anuppādāya vāyāmo,

Anuppannānaṁ kusalānaṁ uppādāya vāyāmo,

Uppannānaṁ kusalānaṁ bhiyyobhāvāya vāyāmo.

Bốn chánh tinh tấn là:

(i) Tinh cần bài trừ những pháp xấu ác, tội lỗi, bất thiện đã phát sanh.

(ii) Tinh cần ngăn ngừa những pháp xấu ác, tội lỗi, bất thiện chưa phát sanh.

(iii) Tinh cần làm cho những pháp thiện chưa sanh đặng sanh.

(iv) Tinh cần làm cho những pháp thiện sanh thêm nữa.

Giải:

Theo lời chỉ dẫn để phát triển chánh tinh tấn.

Chánh cần‘sammappadhāna’ không có nghĩa là sự cố gắng bình thường, mà là sự cố gắng tập trung không lay chuyển của bậc tu tiến nguyện rằng:

“Dù cho tôi chỉ còn da và xương; máu thịt của tôi dù có khô héo; mạng sống của tôi dù có kết thúc; nhưng tôi sẽ không ngưng nghỉ cho đến khi tôi thành tựu”.

Chánh cần‘sammappadhāna’ tượng trưng cho cần (vīriya) hiện diện trong 8 tâm đại thiện (mahā kusala citta), 9 tâm thiện đáo đại (mahaggatā kusala citta) và 4 tâm thiện siêu thế (tổng cộng là 21 tâm thiện).

Theo lời chỉ dẫn để phát triển chánh tinh tấn:

(i) Bậc tu tiến phải cố gắng bài trừ tham, sân, lận, ngã mạn, tật đố, v.v… ngay khi chúng sanh trong ý.

(ii) Bậc tu tiến phải cố gắng ngăn chặn tham, sân, lận, ngã mạn, tật đố, v.v… lúc đang sanh trong ý.

(iii) Bậc tu tiến phải cố gắng tinh tấn thực hiện nhiều loại nghiệp thiện và phát triển những thiện pháp như tín, niệm, tàm, úy, v.v... Bậc tu tiến nên cố gắng thật nhiều để đạt đến tâm đạo là tâm chưa bao giờ sanh với vị ấy trong thời gian dài của luân hồi.

(iv) Bậc tu tiến phải cố gắng tinh tấn xem lại những nghiệp thiện mà vị ấy từng làm và phát triển hơn nữa những giác chi đã sanh.

Theo những pháp cần trên, bậc tu tiến cố gắng thử bài trừ tham, sân, tật đố, v.v… ngay khi chúng sinh khởi trong tâm. Bậc tu tiến phải phát triển pháp xả thí (dāna), giữ giới (sīla) và tu tiến (bhāvanā) càng nhiều càng tốt khi có thể. Và cuối cùng làm cho sanh những pháp thiện chưa từng sanh trong vòng luân hồi (saṃsāra), vị ấy phải từng bước thanh tịnh tâm của mình bằng pháp chỉ và pháp quán cho đến khi bước vào đạo Nhập lưu (Sotāpanna) và những đạo (magga) cao hơn.

Lưu ý:

1. Pháp bản thể thực tính của bốn chánh cần là sở hữu cần (viriya cetasika) hiện diện trong 21 tâm thiện, đó là 8 tâm đại thiện (mahākusalacitta), 9 tâm thiện đáo đại (mahaggatakusalacitta) và 4 tâm thiện siêu thế (lokuttarakusalacitta).

2. Lý do tại sao ‘cần (vīriya)’ được trình bày là bốn chánh cần vì phận sự của ‘cần’ được phân thành bốn loại – tức là: (1) bài trừ những ác pháp đã phát sanh trong tâm. (2) ngăn ngừa những ác pháp chưa phát sanh. (3) phát triển những thiện pháp chưa sanh. (4) làm tăng những thiện pháp đã sanh.

3) Bốn Như Ý Túc (iddhipāda) (Vibh. 505-517)

32. Cattāro iddhipāda: Chandiddhipādo viriyiddhipādo cittiddhipādo vīmaṁsiddhipādo.

Bốn như ý túc là: (i) dục như ý túc (chandiddhipāda), (ii) cần như ý túc (viriyiddhipāda), (iii) tâm như ý túc (cittiddhipāda) và (iv) thẩm như ý túc (vīmaṃsiddhipāda).

Giải:

Iddhi’ nghĩa là ‘như ý’ hay hoàn thành đầy đủ, trong khi ‘pāda’ có nghĩa là ‘nền tảng’. ‘Như ý’ ở đây nói đến sự sinh khởi của thiền (jhāna), đạo (magga) và quả (phala). Và nền tảng để đạt những mục tiêu là dục (chanda), cần (viriya), tâm (citta) và thẩm (vīmaṃsā) – giống như bốn trưởng (adhipati).

Khi nào những pháp ấy trở thành trưởng (adhipati) thì khi ấy chúng là phương tiện để đạt đến mục tiêu. Chúng trở thành ‘như ý túc’ (iddhipāda) chỉ khi chúng được dùng để đạt đến mục tiêu của Phật pháp.

(i) Dục như ý túc (chandiddhipāda) là mong muốn, ước nguyện; là sở hữu dục (chandacetasika) hiện diện trong 21 tâm thiện (kusala citta).

(ii) Cần như ý túc (viriyiddhipāda) là cần hay tinh tấn; là sở hữu cần (viriyacetasika) hiện diện trong 21 tâm thiện.

(iii) Tâm như ý túc (cittiddhipāda) là tâm hay thức; là 21 tâm thiện (kusala citta) gồm 8 tâm đại thiện (mahā kusala citta), 9 tâm thiện đáo đại (mahaggatā kusala citta) và 4 tâm thiện siêu thế (lokuttarakusalacitta).

(iv) Thẩm như ý túc (vīmaṃsiddhipāda) là trí hay tuệ quán, là sở hữu trí (paññā-cetasika) hiện diện trong 17 tâm thiện (kusalacitta).

4) Năm Quyền (indriya)

33. Pañc’indriyāni: Saddhindriyaṁ viriyindriyaṁ satindriyaṁ samādhindriyaṁ paññindriyaṁ.

Năm quyền là: (i) tín quyền (saddhindriya), (ii) cần quyền (viriyindriya), (iii) niệm quyền (satindriya), (iv) định quyền (samādhindriya) và (v) tuệ quyền (paññindriya).

Giải:

Trong hai mươi hai quyền đã nêu trước, năm danh quyền được nêu ở đây là những yếu tố hay chi phần của giác ngộ.

(i) Tín quyền (saddhindriya) là tín hay tin tưởng; là tín (saddhā) hiện diện trong 8 tâm đại thiện (mahā kusala citta), 8 tâm đại tố (mahā kiriya citta), 26 đổng lực kiên cố (appanā javana).

(ii) Cần quyền (viriyindriya) là cần hay tinh tấn; là cần (viriya) hiện diện trong 42 thứ tâm trên.

(iii) Niệm quyền (satindriya) là niệm; là niệm (sati) hiện diện trong 42 thứ tâm trên.

(iv) Định quyền (samādhindriya) là định; là nhất hành (ekaggatā) hiện diện trong 42 thứ tâm trên.

(v) Tuệ quyền (paññindriya) là trí; là trí (paññā) hiện diện trong 42 thứ tâm trên.

5) Năm Lực (bala)

34. Pañca balāni: Saddhābalaṁ, vīriyabalaṁ, satibalaṁ, samādhibalaṁ, paññābalaṁ.

Năm lực là: (i) tín lực (saddhā bala), (ii) cần lực (viriya bala), (iii) niệm lực (sati bala), (iv) định lực (samādhi bala) và (v) tuệ lực (paññā bala).

Giải:

Trong chín lực (bala) đã nêu trước, năm danh lực (bala) được trích ở đây là những chi của giác ngộ.

Pháp thực tính của năm lực (bala) thì giống như năm quyền ấy. Nên hiểu rằng mỗi chi trong năm chi này có hai đặc tính riêng: (1) khả năng điều khiển tâm và (2) khả năng vững chắc và không lay động do lực đối lập.

(i) Saddhā bala - tín lực, hay niềm tin, tin tưởng.

(ii) Viriya bala - cần lực, hay sự cố gắng.

(iii) Sati bala - niệm lực.

(iv) Samādhi bala - định lực.

(v) Paññā bala - trí hay tuệ lực.

Trong tu tiến, tín (saddhā) và trí (paññā) phải quân bình lẫn nhau, vì khi tín vượt trội dẫn đến tin vô lý và khi suy xét quá mức bằng trí dẫn đến không tập trung.

Tương tự, cần (viriya) và định (samādhi) phải quân bình lẫn nhau, vì khi cần vượt trội có thể dẫn đến điệu cử (uddhacca) và khi định vượt trội có thể dẫn đến hôn trầm (middha).

Niệm (sati) không cần quân bình với bất cứ chi nào. ‘Niệm’ càng nhiều bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Nó quan sát sự phát triển của những quyền và lực khác và bảo đảm chúng được quân bình.

Năm quyền và năm lực, mặc dù có cùng năm chi, thực hiện những phận sự khác nhau. Quyền làm việc điều khiển trong những lĩnh vực tương ứng của chúng, trong khi lực (bala) đứng vững và bất động trước những pháp đối lập.

Do đó, năm quyền làm việc dẫn dắt trong phạm vi tương ứng của chúng như thắng giải (adhimokkha), sự cố gắng (paggaha), sự chú ý (upaṭṭhāna), bất phóng dật (avikhepa) và sự sáng suốt (dassana). Chúng giúp khắc phục những pháp đối lập như sự lưỡng lự (hoài nghi), sự biếng nhác (hôn thùy), sự lơ đễnh, sự bất cẩn, sự bối rối (điệu cử) và sự mê mờ (si).

Năm lực là những thực tính được xem là vững vàng và không thể bị nhiếp phục hay khắc chế bởi những pháp đối lập với chúng.

6) Bảy Giác Chi (bojjhaṅga) (Vibh. từ câu 542)

35. Satta bojjhaṅgā: Satisambojjhaṅgo dhammavicayasambojjhaṅgo viriyasambojjhaṅgo pītisambojjhaṅgo passaddhisambojjhaṅgo samādhisambojjhaṅgo upekkhāsambojjhaṅgo

Có bảy giác chi: (i) niệm giác chi (sati sambojjhaṅga), (ii) trạch pháp giác chi (dhammavicaya sambojjhaṅga), (iii) cần giác chi (viriya sambojjhaṅga), (iv) hỷ giác chi (pīti sambojjhaṅga), (v) an tịnh giác chi (passaddhi sambojjhaṅga), (vi) định giác chi (samādhi sambojjhaṅga) và (vii) xả giác chi (upekkhā sambojjhaṅga).

Giải:

Bojjhaṅga’ được bắt nguồn từ ‘bodhi aṅga’, trong đó ‘bodhi’ nghĩa là giác ngộ và ‘aṅga’ nghĩa là chi phần. Do đó, ‘bojjhaṅga’ nghĩa là thành phần giác ngộ hay chi phần giác ngộ.

Trong ‘sambojjhaṅga’, ‘sam’ nghĩa là tốt hay cao thượng.

(i) Niệm giác chi (sati sambojjhaṅga)

(ii) Trạch pháp giác chi (dhammavicaya sambojjhaṅga) là tuệ quán xét về pháp siêu lý (đế).

(iii) Cần giác chi (viriya sambojjhaṅga)

(iv) Hỷ giác chi (pīti sambojjhaṅga)

(v) An tịnh giác chi (passaddhi sambojjhaṅga) là an tịnh danh pháp gồm tâm, sở hữu.

(vi) Định giác chi (samādhi sambojjhaṅga)

(vii) Xả giác chi (upekkhā sambojjhaṅga) là trung bình.

Những pháp thực tính của bảy giác chi (bojjhaṅga) theo thứ tự là: (1) niệm (sati), (2) trí (paññā), (3) cần (viriya), (4) hỷ (pīti), (5) tịnh thân (kāyapassaddhi) và tịnh tâm (cittapassaddhi), (6) nhất hành (ekaggatā), (7) trung bình (tatramajjhattatā). Tất cả những chi này hiện diện trong 42 tâm (citta) gồm 8 tâm đại thiện (mahākusala citta), 8 tâm đại tố (mahākiriya citta) và 26 tâm đổng lực kiên cố (appanājavana citta).[209]

Trong bảy giác chi, niệm giác chi tương ứng với bốn niệm xứ; trạch pháp giác chi (tuệ quán) thì giống hệt như chánh kiến (sammādiṭṭhi) quán danh pháp và sắc pháp để tu tập tuệ quán về pháp siêu lý; cần giác chi tương đương với bốn chánh cần; an tịnh giác chi của tâm và nhóm danh pháp; và xả (upekkhā) ở đây nghĩa là trung bình (tatramajjhattatā) danh pháp, một trong những sở hữu tịnh hảo biến hành, không phải xả thọ.

Khi tu tập thiền với chánh cần và chánh niệm, hỷ (pīti) được phát triển và trợ duyên cho an tịnh (passaddhi) sinh khởi. An tịnh (passaddhi) lần lượt trợ cho lạc (sukha) sanh và lạc (sukha) lần lượt trợ cho định (samādhi) và xả (upekkhā) sanh. Kế đó, trí (paññā) quán danh pháp và sắc pháp để phát triển tuệ quán và cuối cùng, tâm đạo (magga citta) là tâm khai sáng bậc tu tiến đến bốn Thánh đế.

Trong thiền:

Ba chi trạch pháp (dhammavicaya), cần (viriya) và hỷ (pīti) đối lập với hôn-thùy (thīna-middha);

Ba chi an tịnh (passaddhi), định (samādhi) và xả (upekkhā) đối lập với điệu cử (uddhacca).

Niệm đảm bảo là hai nhóm xảy ra quân bình, không có pháp nào vượt trội pháp nào.

Nhân trợ sanh niệm giác chi có 4: 1 là niệm lương tri (satisampajjañña) thường để ý biết mình và nhớ ghi. 2 là tránh người hay quên (muṭṭhassatipuggalaparivajjanatā) và không tập tu quán. 3 là nương người vững niệm (upaṭṭhitassatipuggalasevanatā) nên hội họp với những người chuyên tu tứ niệm xứ. 4 là thường niệm cảnh hiện tại (tadadhimuttatā) hằng chăm chú tự thân tâm và để ý biết kịp cảnh ngoài đang đến.

Niệm giác chi có Pāḷi chú giải như vầy: Sati eva sambojjhaṅgo = satisambojjhaṅgo: Niệm thuộc về phe đãng trí tỏ ngộ tứ đế, gọi là niệm giác chi.

Nhân trợ sanh trạch pháp giác chi có 7: 1 là ưa hỏi những sự nghi với bậc thông hiểu (paripucchakgatā). 2 là thân, đồ, chỗ ở sạch sẽ (vatthuvisadakiriyatā). 3 là pháp ngũ quyền (phe giác) đều bằng nhau (indriyasamattapaṭipādanā). 4 là tránh người thiếu trí tuệ (duppaññapuggalapārivajjanā). 5 là tìm gặp người đa trí (paññāvantapuggalasevanā). 6 là ưa suy xét cảnh tuệ cao tế nhị sâu xa (gambhīrañāṇacariyapaccavekkhanā). 7 là chăm chú theo trạch pháp giác chi, chuyên niệm tứ oai nghi và các cảnh danh, sắc sanh diệt (tadadhimuttatā).

Trạch pháp giác chi (dhammavicayasambojjhaṅga). Có Pāḷi chú giải như vầy: Vipassanāya bhūmi bhūte ajjhattabahiddhā dhamma vicināti upadhāretīti = dhammavicayo: Gọi trạch pháp giác chi có nghĩa là gạn, lựa, lướt, đến, duy trì những pháp phần trong và ngoài thành tựu sở quán.

Và có thêm 2 câu Pāḷi chú giải về trạch pháp giác chi nữa như vầy: Bujjhati etāyāti = bodhi: Những hành giả tỏ thấu tứ đế do những pháp ấy, nên gọi là giác, tức là thất giác chi. Bodhiyā aṅgo = bojjhaṅgo: Những pháp hợp trợ làm nhân cho rõ tứ đế, gọi là giác chi, tức là thất giác chi.

Nhân trợ sanh cần giác chi có 11: 1 là suy xét những cái khổ trong khổ thú (apāyādibhaya paccavekkhaṇatā). 2 là suy xét sự siêng năng (viriyāyattavisesādhigamānisaṃsadassitā). 3 là suy xét thấy đường lối đến Níp-bàn của chư Thánh (gamanavīthipaccavekkhaṇatā). 4 là trọng sự đi bát (piṇḍāpacāyaṇatā). 5 là xét thấy tài sản là Pháp bảo của Toàn giác rất quan trọng (hy hữu) (dāyajjamahattapaccavekkhaṇatā). 6 là xét thấy Phật giáo chủ, bậc rất cao siêu (satthumahattapaccavekkhaṇatā). 7 là suy xét sanh làm người rất quan trọng vì khó đặng (jātimahattapaccavekkhaṇatā). 8 là xét thấy bạn phạm hạnh địa vị rất cao (saBrahmacārīmahattapaccavekkhaṇatā). 9 là tránh kẻ lười biếng (kusītapuggala parivajjaṇatā). 10 là gần người siêng năng (āradhaviriyapuggalasevaṇatā). 11 là quan tâm với cần giác chi bằng cách siêng niệm rõ sanh, diệt của danh và sắc v.v... (tadadhimuttatā).

Nhân trợ sanh hỷ giác chi có 11: 1 là niệm Phật (Buddhānussati). 2 là niệm Pháp (Dhammānussati). 3 là niệm Tăng (Saṅghanussati). 4 là niệm giới (sīlānussati). 5 là niệm thí (cāgānussati). 6 là niệm thiên (devatānussati). 7 là niệm Níp-bàn (upasamānussati). 8 là tránh xa người không tin Tam bảo (lūkhapuggalaparivajjanatā). 9 là hội ngộ bậc tin Tam bảo (siniddhapuggalasevanā). 10 là suy xét theo Kinh làm nhân trợ sanh tín ngưỡng (pasādaniyasuttapaccavekkhanatā). 11 là chăm chú bằng hỷ giác chi nhận thấy danh-sắc sanh diệt do hành động và cảnh (tadadhimuttatā).

Nhân trợ sanh yên tịnh giác chi có 7: 1 là dùng vật thực tế nhị dễ tiêu (paṇītabhojanasevanatā). 2 là khí hậu thích hợp (utusukhasevanatā). 3 là oai nghi thích hợp (iriyāpathasukhasevanatā). 4 là để tâm trung bình (majjhattappayogatā). 5 là tránh kẻ tiểu nhân xâm hại chúng sanh (sāraddhakāyapuggalaparivajjanatā). 6 là hội họp bậc thân tâm yên tịnh không xâm hại kẻ khác (passaddhikāyapuggala-sevanatā). 7 là để ý chăm chú bằng yên tịnh giác chi nhận thấy danh-sắc sanh-diệt do hành động và cảnh (tadadhimuttatā).

Nhân trợ sanh định giác chi có 11: 1 là thân, đồ, chỗ ở đều sạch sẽ (vatthuvisadakiriyatā). 2 là pháp ngũ quyền đều đồng nhau (indriyasamattapaṭipadānatā). 3 là khéo sửa ấn chứng tu chỉ (nimittakusalatā). 4 là nâng tâm hợp thời (samayecittassapaggahaṇatā). 5 là dằn tâm hợp thời (samayecittassaniggahaṇatā). 6 là hớn hở hợp thời (samayesampahaṃsanatā). 7 là để tâm trung bình hợp thời (samaye ajjhupekkhaṇatā). 8 là tránh người tâm không vững (asamāhitapuggalaparivajjaṇatā). 9 là hội họp bậc, hàng có tâm yên trụ (samāhitapuggalasevaṇatā). 10 có suy xét thiền và giải thoát (jhānavimokkhapaccavekkhaṇatā). 11 là để ý chăm chú bằng định giác chi theo tứ oai nghi và các cảnh khác (tadadhimuttatā).

Nhân trợ sanh xả giác chi có 5: 1 là để tâm trung bình đối với chúng sanh chỉ cho là danh-sắc chớ không phải người, thú v.v… (sattamajjhattatā). 2 là để tâm trung bình đối với pháp hành (saṅkhāramajjhattatā). 3 là tránh người chấp cứng theo chúng sanh và pháp hành vi (sattasaṅkhārakelāyana-puggalaparivajjanatā). 4 là hội họp với bậc có tâm trung bình đối với chúng sanh và pháp hành vi (sattasaṅkhāramajjhattapuggalasevanatā). 5 là chăm chú trong xả giác chi ấy và nhận thấy danh-sắc sanh-diệt do hành động và cảnh (tadadhimuttatā).

7) Tám Chi Đạo (maggaṅga) (Vibh. từ câu 580)

36. Aṭṭha maggaṅgāni: Sammādiṭṭhi sammāsaṅkappo sammāvācā sammākammanto sammāājīvo sammāvāyāmo sammāsati sammāsamādhi.

8 chi đạo là: (i) chánh kiến, (ii) chánh tư duy, (iii) chánh ngữ, (iv) chánh nghiệp, (v) chánh mạng, (vi) chánh cần, (vii) chánh niệm, (viii) chánh định.

Giải:

8 chi đạo ở đây giống như 8 chi đạo trong mười hai chi đã đề cập trong Hỗn tạp tương tập nhiếp (Missaka saṅgaha). Pháp bản thể thực tính của những chi thì cũng như thế.

Tuệ chi đạo (paññā maggaṅga)

(i) Chánh kiến (sammā diṭṭhi)

(ii) Chánh tư duy (sammā saṅkappa)

Giới chi đạo (sīla maggaṅga)

(iii) Chánh ngữ (sammā vācā)

(iv) Chánh nghiệp (sammā kammanta)

(v) Chánh mạng (sammā ājīva)

Định chi đạo (samādhi maggaṅga)

(vi) Chánh cần (sammā vāyāmo)

(vii) Chánh niệm (sammā sati)

(viii) Chánh định (sammā samādhi)

Trong việc phát triển tám chi đạo, bậc tu tiến nên bắt đầu với chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng – 3 chi đạo giới (sīla maggaṅga) tạo nên phần tu tập giới hay giới học (sīla sikkhā).

Dựa trên nền tảng giới, kế đó bậc tu tiến phát triển chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định – 3 chi đạo định (samādhi maggaṅga) làm nên phần tu tập định hay định học (samādhi sikkhā).

Khi bậc tu tiến đạt đến cận định (upacāra samādhi) hay cao hơn là thiền định[210] (jhāna samādhi), tức là vị ấy đắc chánh định, đó là định phối hợp với một trong bốn thiền sắc, bậc tu tiến có thể thâm nhập vào pháp siêu lý và quán những pháp bản thể thực tính của danh pháp và sắc pháp. Ở đây, chánh tư duy (sammā saṅkappa) bắt đầu hoạt động.

Chánh tư duy dựa trên phương pháp quán đúng đắn và phân tích ra sự thật làm phát sanh chánh kiến (sammā diṭṭhi). Chánh kiến, thấy đúng, hiểu đúng là giác chi quan trọng nhất. Chánh kiến giúp thiết lập một nền tảng của đạo thật sự an toàn và vững chắc.

Bắt đầu từ mầm mống nhỏ nhất của tín và trí, chánh kiến (sammādiṭṭhi) dẫn đầu, bậc tu tiến từng bước tu tập thâm nhập vào tuệ quán (vipassanāñāṇa) và tiến xa hơn vào tuệ của tứ Thánh đế khi đạt đến đạo tuệ (maggañāṇa) hay giác ngộ.

Chánh tư duy (sammā saṅkappa) và chánh kiến (sammā diṭṭhi) cùng làm nên tu tập tuệ hay tuệ học (paññā sikkhā).

Tất cả 8 chi cùng làm nên nhóm tám Thánh đạo hay trung đạo là pháp đưa đến Níp-bàn (Nibbāna).

Do đó, nhóm tám Thánh đạo được gọi là nhóm tam học, gồm giới học, định học và tuệ học.

Trong 8 chi đạo, chánh kiến (sammādiṭṭhi) là tuệ hay sở hữu trí (paññā cetasika), được phát triển đến thấy đúng hay hiểu đúng về bốn Thánh đế. Chánh tư duy chỉ cho sở hữu tầm (vitakka cetasika) là pháp trực tiếp hướng đến sự từ bỏ, thiện ý và tính vô hại. Chi đạo (3) – (5) thì giống với ba sở hữu ngăn trừ (virati cetasika). Chánh cần (sammāvāyāma) thì hệt như tứ chánh cần. Chánh niệm (sammāsati) thì giống như bốn nền tảng của niệm. Chánh định (sammāsamādhi) là định phối hợp với bốn thiền sắc giới (rūpāvacara jhāna) theo kinh Đại niệm xứ.

37. Ettha pana cattaro satipaṭṭhānā ti sammāsati ekā’ vā pavuccati.

38. Tathā cattāro sammappadhānā ti ca sammāvāyamo.

Ở đây, trong đẳng giác nhiếp[211] này, riêng chánh niệm được xem như là nền tảng của bốn niệm xứ. Tương tự, một mình chánh cần được xem như là bốn chánh cần.

Pháp thực tính:

39. Chando cittaṁ upekkhā ca, saddhāpassaddhipītiyo, Sammādiṭṭhi ca saṅkappo vāyāmo viratittayaṁ, sammāsati samādhi ti, cuddas ‘ete sabhāvato, sattatiṁsappabhedena, sattadhā tattha saṅgaho.

Đẳng giác (những điều cần yếu của giác ngộ) gồm có 37 chi thuộc nhóm bảy phần gom họp những chi liên quan. Khi xem xét qua những pháp thực tính, chúng gồm có 14 pháp thực tính – đó là: (i) dục, (ii) tâm, (iii) trung bình như xả, (iv) tín, (v) tịnh (thân – tâm được gom thành một), (vi) hỷ, (vii) trí (gọi là chánh kiến), (viii) tầm là chánh tư duy, (ix) cần là chánh tinh tấn, (x) chánh ngữ, (xi) chánh nghiệp, (xii) chánh mạng, (xiii) niệm là chánh niệm và (xiv) nhất hành là chánh định.

Thường xảy ra

40. Saṅkappa-passadhi ca pīt’ upekkhā, chando ca cittaṁ viratittayañ ca, nav’ ekaṭhānā vīriyaṁ nav’aṭṭha, sati samāddhi catu pañca paññā, saddhā duṭhān’uttamasattatiṁsa dhammānaṁ eso pavaro vibhāgo.

41. Sabbe lokuttare honti, na vā saṅkappa pītiyo. Lokiye pi yathāyogaṁ, chabbisuddhi pavattiyaṁ.

Phân tích 37 chi hoàn hảo sẽ có được những kết quả sau: 9 pháp thực tính gồm tầm, tịnh, hỷ, trung bình, dục, tâm và 3 ngăn trừ; mỗi pháp chỉ xuất hiện một lần; cần xuất hiện 9 lần, niệm 8 lần; nhất hành 4 lần, trí 5 lần; và tín 2 lần trong 37 giác chi.

Tất cả những chi này xuất hiện trong tâm siêu thế, trừ tầm và hỷ không sanh trong một số tâm siêu thế. Chúng cũng xuất hiện trong những tâm thiện hiệp thế và tâm tố trong tiến trình sáu giai đoạn làm cho thanh tịnh (lục tịnh) bắt đầu với ‘tịnh giới’, tùy theo trường hợp.

Giải:

37 giác chi được giảm xuống 14 pháp thực tính, 1 chi là tâm, 13 chi khác là sở hữu tâm (cetasika), sự sinh khởi của những pháp thực tính này trong những chi được trình bày ở Lược đồ 7.2.

- Cần (vīriya) xuất hiện 9 lần là: Bốn chánh cần, như ý túc, quyền, lực, giác chi và chi đạo.

- Niệm xuất hiện 8 lần là: Bốn niệm xứ, quyền, lực, giác chi, chi đạo.

- Nhất hành xuất hiện 4 lần là: Quyền, lực, giác chi, chi đạo.

- Trí xuất hiện 5 lần là: Như ý túc, quyền, lực, giác chi, chi đạo.

Phần còn lại xin xem trong Lược đồ 7.2

…Sammādiṭṭhissa bho, sammāsaṅkappo pahoti, sammāsaṅkappassa sammāvācā pahoti, sammāvācassa sammākammanto pahoti. Sammākammantassa sammāājīvo pahoti, sammāājīvassa sammāvāyāmo pahoti, sammāvāyāmassa sammāsati pahoti, sammāsatissa sammāsamādhi pahoti, sammāsamādhissa sammāñāṇaṃ pahoti, sammāñāṇassa sammāvimutti pahoti…

Người trụ vững trong Chánh Kiến, Chánh Tư duy được thiết lập;

Người trụ vững trong Chánh Tư duy, Chánh Ngữ được thiết lập;

Người trụ vững trong Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp được thiết lập;

Người trụ vững trong Chánh Nghiệp, Chánh Mạng được thiết lập;

Người trụ vững trong Chánh Mạng, Chánh Tinh tấn được thiết lập;

Người trụ vững trong Chánh Tinh tấn, Chánh Niệm được thiết lập;

Người trụ vững trong Chánh Niệm, Chánh Định được thiết lập;

Người trụ vững trong Chánh Định, Chánh Trí được thiết lập; (trí biết rõ Đạo-Quả).

Người trụ vững trong Chánh Trí, Chánh Giải thoát được thiết lập;

(DN.18 (Janavasabha sutta) – Việt Dịch: Minh Thế)

Ôn tập phần Đẳng Giác

Mặc dù có 37 chi giác ngộ, tổng số pháp thực tính chỉ là 14 – đó là niệm (sati), cần (viriya), dục (chanda), tâm (citta), trí hay tuệ (paññā), tín (saddhā), nhất hành (ekaggatā), hỷ (pīti), tịnh (passaddhi) (cả hai thân và tâm), trung bình (tatramajjhattatā), tầm (vitakka), chánh ngữ (sammā vācā), chánh nghiệp (sammā kammanta) và chánh mạng (sammā ājiva).

Trong 14 pháp thực tính này, hỷ (pīti), tịnh (passaddhi) (cả hai thân và tâm), trung bình (tatramajjhattatā), tầm (vitakka), chánh ngữ (sammā vācā), chánh nghiệp (sammā kammanta) và chánh mạng (sammā ājiva), dục (chanda) và tâm (citta) chỉ sanh mỗi chi riêng lẻ.

Cần (viriya) sanh 9 lần, tức là 9 chi, niệm (sati) là 8 chi; nhất hành (ekaggatā) là 4 chi; trí (paññā) là 5 chi; và tín (saddhā) là 2 chi. Xin xem Lược đồ 7. 2

Lược đồ 7. 2 Đẳng Giác Tương Tập Nhiếp

Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammattha-saṅgaha)

___o0o___

IV. Sabba Saṅgaha (Hàm Tận Nhiếp)

Hàm tận tương tập nhiếp có năm loại sẽ được bàn ở đây. Những loại ấy là uẩn (khandha), thủ uẩn (upādānakkhandha), xứ (āyatana), giới (dhātu) và Thánh đế (Ariyasacca).

1) Năm Uẩn (khandha) (Vibh. Phần I: Uẩn Phân Tích)

42. Sabbasaṅgahe pañcakkhandhā: Rūpakkhandho vedanākkhandho saññākkhandho saṅkhārakkhandho viññāṇakkhandho.

Trong Hàm tận nhiếp, năm uẩn là: (i) sắc uẩn (rūpakkhandha), (ii) thọ uẩn (vedanākkhandha), (iii) tưởng uẩn (saññākkhandha), (iv) hành uẩn (saṅkhārakkhandha) và (v) thức uẩn (viññāṇakkhandha).

Giải:

Trong ‘Hàm tận nhiếp’, Đức Phật xét đến tất cả pháp thực tính siêu lý (tâm-citta; sở hữu tâm-cetasika; và sắc pháp-rūpa) là những pháp thật sự tồn tại trong toàn vũ trụ và phân chúng thành năm uẩn (khandha), hay mười hai xứ (āyatana), hay mười tám giới (dhātu). Mục đích của sự phân loại này là không làm tăng tính trừu tượng, cốt để cho thấy phạm vi của hiện tượng được lãnh hội bằng tuệ quán để một lần rõ ràng; mặc dù không có chúng sanh nào hay cá nhân nào thật sự tồn tại theo ý nghĩa chơn đế hay siêu lý.

Điều này phù hợp với Phật ngôn “Không trực tiếp biết trọn vẹn, không hoàn toàn thấy trọn vẹn, vị ấy không thể đoạn tận khổ đau.” (S.35:26 / iv,17)

Trong năm uẩn, từ ‘khandha’ được hiểu theo ý nghĩa là nhóm, khối hay tập hợp. Đức Phật phân tích một chúng sanh hữu tưởng thành năm uẩn. Trong Kinh, Ngài có nêu: “Phàm có sắc nào, dù quá khứ, vị lai, hiện tại, nội phần hay ngoại phần, thô hay tế, hạ liệt hay cao sang, xa hay gần… đây gọi là sắc uẩn.” Cùng phương pháp áp dụng cho những uẩn còn lại. (S.22: 48 / iii,47)

Có Pāḷi chú giải như vầy:

- Rasaṭṭhenakhandho: Uẩn tức là khối, chùm, nhóm v.v…

- Anekadukkhehi khajjantīti = khandhā: Những pháp bị khổ nhai ăn, nên gọi là uẩn, tức là bị sanh, già, bệnh, chết.

- Suññākāraṃ dhārentīti = khandhā: Những pháp trình bày luống không, rỗng không, hay trống không (suñña), nên gọi là uẩn.

(i) Sắc uẩn (rūpakkhandha) là nhóm sắc pháp gồm có 28 thứ sắc (rūpa).

(ii) Thọ uẩn (vedanākkhandha) là nhóm thọ gồm lạc thọ (sukha vedanā), khổ thọ (dukkhā vedanā), hỷ thọ (somanassa vedanā), ưu thọ (domanassa vedanā), xả thọ (upekkhā vedanā).

(iii) Tưởng uẩn (saññākkhandha) là nhóm tưởng gồm có tưởng sắc, thinh, khí, vị, (thân) xúc và (ý xúc) pháp.

(iv) Hành uẩn (saṅkhārakkhandha) là nhóm hành gồm 50 sở hữu tâm (cetasika) trừ thọ (vedanā) và tưởng (saññā).

(v) Thức uẩn (viññāṇakkhandha) là nhóm tâm gồm 89 hay 121 tâm (citta).

Trong tập hợp những thành phần của mỗi uẩn, mười một khía cạnh phải được lưu ý. Những khía cạnh này là quá khứ, hiện tại, vị lai, nội phần (ajjhattika), ngoại phần (bahiddha), bậc thấp (hīna), bậc cao (paṇīta), xa (dūre), gần (santike), thô (oḷārika) và tế (sukhuma).

Mục đích phân tích một chúng sanh thành năm uẩn là bài trừ những tưởng, khái niệm và nhận định sai lầm về sự tồn tại của bản ngã, tự ngã, tính cách hay ta (atta). Sự bài trừ này sẽ dẫn đến đạo Nhập lưu.

Ngũ uẩn (pañcakhandha): Sắc uẩn (rūpakkhandha) có trạng thái tiêu hoại đổi thay; thọ uẩn (vedanākkhandha) hứng chịu khổ, vui v.v…; tưởng uẩn (saññākkhandha) nhớ theo sự vật đã qua; hành uẩn (saṅkhārakkhandha) khối hoạt động; thức uẩn (viññāṇakkhandha) chủ trương sự biết cảnh.

2) Năm Thủ uẩn (upādānakkhandha) hay ‘năm uẩn’ làm cảnh cho ‘thủ’

43. Pañc’ upādānakkhandhā: Rūpupādānakkhandho vedanupādānakkhandho saññupādānakkhandho saṅkhārupādānakkhandho viṅṅānupādānakkhandho.

Năm uẩn của thủ là: (i) sắc thủ uẩn (rūpupādānakkhandha), (ii) thọ thủ uẩn (vedanupādānakkhandha), (iii) tưởng thủ uẩn (saññupādānakkhandha), (iv) hành thủ uẩn (saṅkhārupādānakkhandha) và (v) thức thủ uẩn (viṅṅānupādānakkhandha).

Giải:

Trong việc chỉ rõ năm uẩn (khandha), Đức Phật đã lưu ý đến sắc pháp và danh pháp. Trong pháp quán (vipassanā), bậc tu tiến không quán xét tâm siêu thế (lokuttara citta), những sở hữu tâm (cetasika) đồng sanh với tâm làm cảnh cho thủ và những pháp không liên quan trong vòng luân hồi.

81 tâm hiệp thế (lokiya citta), sở hữu hợp (cetasika) và sắc uẩn làm thành cảnh cho pháp thủ bởi tham (lobha) và tà kiến (diṭṭhi). Sự phân chia những cảnh của thủ này thành năm nhóm làm nên năm thủ uẩn.

Đức Phật dạy rằng: “Có bất cứ loại sắc (rūpa) nào, dù quá khứ, vị lai hay hiện tại, v.v… liên hệ với lậu (āsava) và làm cảnh cho thủ (upādāna) - đây được gọi là sắc thủ uẩn.” Bốn uẩn (khandha) khác được Đức Phật định nghĩa cùng cách ấy. (S.22: 48 / iii,48)

(i) Sắc thủ uẩn (rūpupādānakkhandha) là nhóm sắc pháp gồm có 28 sắc pháp (rūpa).

(ii) Thọ thủ uẩn (vedanupādānakkhandha) là nhóm thọ gồm thọ (vedanā) phối hợp với 81 tâm hiệp thế (lokiya citta).

(iii) Tưởng thủ uẩn (saññupādānakkhandha) là nhóm tưởng gồm tưởng (saññā) phối hợp với 81 tâm hiệp thế (lokiya citta).

(iv) Hành thủ uẩn (saṅkhārupādānakkhandha) là nhóm hành gồm 50 sở hữu hiệp thế (lokiya cetasika) trừ thọ (vedanā) và tưởng (saññā).

(v) Thức thủ uẩn (viññānupādānakkhandha) là nhóm tâm gồm 81 tâm hiệp thế (lokiya citta).

Lý Do Phân Thành Hai Loại Uẩn

1. Để chỉ ra rằng chỉ có năm uẩn và không có bản ngã, tự ngã, tôi hay ta (atta). Đức Phật đã phân tất cả sắc và danh pháp, dù hiệp thế (lokiya) hay siêu thế (lokuttara), thành năm uẩn. Đây là bài thuyết về uẩn (khandha desanā) thứ nhất.

2. Trong pháp quán (vipassanā), tâm siêu thế (lokuttara citta) và những sở hữu tâm (cetasika) đồng sanh với chúng không được xem xét, vì chúng không thuộc nhóm khổ đế (dukkhā sacca). Chỉ có tâm hiệp thế (lokiya citta) và sở hữu tâm và sắc uẩn được quán xét trong pháp quán (vipassanā), vì chúng bị túm, níu bởi thủ (upādāna), tham (lobha) và tà kiến (diṭṭhi)) và chúng liên quan trong vòng luân hồi khổ. Thêm nữa, chúng sở hữu những trạng thái như vô thường (aniccā), khổ (dukkhā) và vô ngã (anattā).

Cho nên, Đức Phật lần nữa phân sắc và danh pháp bị túm, níu bởi thủ (upādāna) vào năm nhóm. Đây là bài thuyết về thủ uẩn (upādānakkhandha desanā) thứ hai.

Níp-bàn (Nibbāna) Là Ngoại Uẩn (Khandha vimutti)

Trong việc phân loại năm uẩn, Níp-bàn (Nibbāna) không được tính vào. Lý do là chỉ có một Níp-bàn và nó thuộc một loại riêng biệt. Níp-bàn luôn hiện hữu, không thể bị phân biệt là quá khứ, hiện tại và vị lai. Cũng không thể phân biệt Níp-bàn là pháp nội phần (ajjhattika) hay ngoại phần (bahiddha) – nó thuộc về pháp ngoại phần (bahiddha). Nó không thể bị phân biệt là pháp ti hạ (hīna) hay tinh lương/ cao quí (paṇīta) – nó thuộc về pháp tinh lương (paṇīta). Nó không thể bị phân biệt là pháp viễn (dūre) hay cận (santike) – nó chỉ là pháp viễn (dūre) là pháp vượt khỏi tầm hiểu biết thông thường. Nó không thể bị phân biệt là pháp thô hay tế - nó là pháp tế (sukhuma).

Ngoại phần (bahiddha), tế (sukhuma), tinh lương (paṇīta) và viễn (dūre) không nói về những Níp-bàn nào khác – chúng là những thuật ngữ khác của cùng Níp-bàn.

Níp-bàn không có hai trạng thái khác nhau, cho nên Níp-bàn không cần được phân loại như là một uẩn (khandha). Nibbāna là ngoại uẩn.

3) Mười Hai Xứ (āyatana) (Vibh. Phần II: Xứ Phân Tích)

44. Dvādas’ āyatanāni: Cakkhāyatanaṁ sotāyatanaṁ ghānāyatanaṁ jivhāyatanaṁ kāyāyatanaṁ mānāyatanaṁ rūpāyatanaṁ saddāyatanaṁ gandhāyatanaṁ rasāyatanaṁ phoṭṭhabbāyatanaṁ dhammāyatanaṁ.

Mười hai xứ là: (i) nhãn xứ (cakkhāyatana), (ii) nhĩ xứ (sotāyatana), (iii) tỷ xứ (ghānāyatana), (iv) thiệt xứ (jivhāyatana), (v) thân xứ (kāyāyatana), (vi) ý xứ (mānāyatana), (vii) sắc xứ (rūpāyatana), (viii) thinh xứ (saddāyatana), (ix) khí xứ (gandhāyatana), (x) vị xứ (rasāyatana), (xi) xúc xứ (phoṭṭhabbāyatana) và (xii) pháp xứ (dhammāyatana).

Giải:

Āyatana’ nghĩa là căn cứ, cơ sở, nơi, xứ, nguồn, nguồn gốc, phạm vi. Ở đây, 12 āyatana nghĩa là 12 xứ hay là nơi mà tâm và sở hữu hợp sinh khởi.

Mười hai xứ được chia đều thành hai nhóm: (a) nội hay bên trong (ajjhattika) tượng trưng cho 6 môn và (b) ngoại hay bên ngoài (bāhira) bao gồm những cảnh. Tất cả tâm (citta), tất cả sở hữu tâm (cetasika), tất cả sắc pháp (rūpa) và Níp-bàn (Nibbāna) được gồm trong 12 xứ.

Do đó, 12 xứ (āyatana) đưa ra thêm cái nhìn tổng quát. Từ cái nhìn này, toàn bộ pháp siêu lý được quan sát qua những môn (dvāra) và cảnh (ārammana). Trừ ra pháp chế định (paññatti), khái niệm về xứ (āyatana) chỉ dành cho pháp siêu lý, tức là những pháp tồn tại theo thực tính (sabhāva) và không dành cho những pháp hiện hữu dựa trên cấu trúc của chế định.

(a) Sáu xứ nội (ajjhattikāyatana)

(i) Nhãn xứ (cakkhāyatana) là nhãn thanh triệt (cakkhupasāda).

(ii) Nhĩ xứ (sotāyatana) là nhĩ thanh triệt (sotapasāda).

(iii) Tỷ xứ (ghānāyatana) là tỷ thanh triệt (ghānapasāda).

(iv) Thiệt xứ (jivhāyatana) là thiệt thanh triệt (jivhāpasāda).

(v) Thân xứ (kāyāyatana) là thân thanh triệt (kāyapasāda).

(vi) Ý xứ (manāyatana) là 89 hay 121 thứ tâm (citta).

(b) Sáu xứ ngoại (bāhirāyatana)

(vii) Sắc xứ (rūpāyatana) là cảnh sắc tức các màu (vaṇṇa).

(viii) Thinh xứ (saddāyatana) là cảnh thinh tức âm thinh (sadda).

(ix) Khí xứ (gandhāyatana) là cảnh khí tức các mùi (gandha).

(x) Vị xứ (rasāyatana) là cảnh vị tức các vị (rasa).

(xi) Xúc xứ (phoṭṭhabbāyatana) là cảnh xúc tức đất (pathavī), lửa (tejo), gió (vāyo).

(xii) Pháp xứ (dhammāyatana) là cảnh ý gồm có 52 sở hữu tâm (cetasika), 16 sắc tế (sukhuma rūpa) và Níp-bàn (Nibbāna).

Lưu ý:

(1) Sáu xứ nội gồm có 5 sắc thanh triệt (pasāda rūpa) và tất cả tâm (citta). Ý xứ là một thuật ngữ cho tất cả tâm. Chúng đại diện cho 6 môn (dvāra).

(2) Sáu xứ ngoại gồm có 6 cảnh. Pháp xứ (dhammāyatana) là gom gọn của cảnh pháp (dhammārammaṇa) không gồm tâm (citta), sắc thanh triệt (pasāda rūpa) và pháp chế định (paññatti). Tâm (citta), sắc thanh triệt (pasāda rūpa) luôn được trình bày là sáu xứ nội, trong khi pháp chế định không thuộc về pháp siêu lý, cho nên chúng bị loại ra khỏi pháp xứ (dhammāyatana).

(3) Tất cả tâm (citta), tất cả sở hữu tâm (cetasika), tất cả sắc pháp (rūpa) và Níp-bàn (Nibbāna) được gồm trong 12 xứ (āyatana).

(4) Lộ tâm sinh khởi khi cảnh đối chiếu hay dội vào riêng từng môn. Khi cảnh sắc đối chiếu vào nhãn xứ, lộ nhãn môn (cakkhu dvāra vīthi) sinh khởi. Khi cảnh thinh (âm thanh) đối chiếu vào nhĩ xứ, lộ nhĩ môn (sotadvāra vīthi) sinh khởi và v.v… Do đó, 12 xứ là nơi sinh khởi cho tâm (citta), sở hữu tâm (cetasika).

(5) Với những ai gặp khó khăn trong vấn đề hiểu rằng chỉ có năm uẩn (khandha) trong toàn vũ trụ, có thể hiểu rằng chỉ có 12 xứ (āyatana) trong toàn vũ trụ. Như thế, họ có thể thấy không có sự tồn tại của một ‘tự ngã’(atta) hay linh hồn. Sự hiểu biết này có thể dẫn đến sự giải thoát khỏi vòng luân hồi.

(6) Một lý do khác cho hiểu tại sao xứ (āyatana) cũng được gọi là nguyên nhân gây ra vòng luân hồi dài của đau khổ.

4) Mười Tám Giới (dhātu) (Vibh. Phần III: Giới Phân Tích)

45. Aṭṭhārasa dhātuyo: Cakkhudhātu sotadhātu ghānadhātu jivhādhātu kāyadhātu rūpadhātu saddadhātu gandhadhātu rasadhātu phoṭṭhabbadhātu cakkhuviññāṇadhātu, sotaviññāṇadhātu ghānaviññāṇadhātu jivhāviññāṇadhātu kāyaviññāṇadhātu manodhātu, dhammadhātu, manoviññāṇadhātu.

Mười tám giới là: (i) nhãn giới, (ii) nhĩ giới, (iii) tỷ giới, (iv) thiệt giới, (v) thân giới, (vi) ý giới, (vii) sắc giới, (viii) thinh giới, (ix) khí giới, (x) vị giới, (xi) xúc giới, (xii) pháp giới, (xiii) nhãn thức giới, (xiv) nhĩ thức giới, (xv) tỷ thức giới, (xvi) thiệt thức giới, (xvii) thân thức giới và (xviii) ý thức giới.

Giải:

Giới (dhātu) hay bản chất là pháp mang những đặc tính và trạng thái riêng của nó. Nó thật sự tồn tại trong tự nhiên và thực hiện mục đích giới hạn riêng của nó, nhưng nó không là một người hay chúng sanh.

18 giới có được từ 12 xứ bằng cách chia ý xứ thành bảy thức giới (viññāṇadhātu). Trong tất cả khía cạnh khác, xứ và giới thì giống nhau.

Đức Phật chia tất cả pháp thực tính thành 18 giới (dhātu) cho lợi ích của những ai không thể hiểu ý nghĩa quan trọng của thủ uẩn (khandha) và 12 xứ (āyatana) để chỉ rõ rằng 18 giới tồn tại trong toàn vũ trụ và không có bản ngã (atta) hay linh hồn hoặc người hay chúng sanh thật sự tồn tại.

18 giới (dhātu) được chia đều thành ba nhóm: (a) 6 môn giới, (b) 6 cảnh giới và (c) 6 thức giới.

(a) Sáu Môn (dvāra)

(i) Nhãn giới (cakkhudhātu) là nhãn thanh triệt = nhãn môn.

(ii) Nhĩ giới (sotadhātu) là nhĩ thanh triệt = nhĩ môn.

(iii) Tỷ giới (ghānadhātu) là tỷ thanh triệt = tỷ môn.

(iv) Thiệt giới (jivhādhātu) là thiệt thanh triệt = thiệt môn.

(v) Thân giới (kāyadhātu) là thân thanh triệt = thân môn.

(vi) Ý giới (manodhātu) là tâm khai ngũ môn (pañca dvārāvajjana) và 2 tâm tiếp thâu (sampaṭicchana).

(b) Sáu Cảnh

(vii) Sắc giới (rūpadhātu) là các màu (vaṇṇa).

(viii) Thinh giới (saddadhātu) là các tiếng, âm thanh (sadda).

(ix) Khí giới (gandhadhātu) là các mùi (gandha).

(x) Vị giới (rasadhātu) là các vị (rasa).

(xi) Xúc giới (phoṭṭhabbadhātu) là cảnh xúc [đất (pathavī), lửa (tejo), gió (vāyo)].

(xii) Pháp giới (dhammadhātu) là 52 sở hữu tâm (cetasika), 16 sắc tế (sukhuma rūpa) và Níp-bàn (Nibbāna) (giống như pháp xứ).

(c) Sáu Thức

(xiii) Nhãn thức giới (cakkhuviññāṇadhātu) là 2 tâm nhãn thức (cakkhuviññāṇa citta).

(xiv) Nhĩ thức giới (sotaviññāṇadhātu) là 2 tâm nhĩ thức (sotaviññāṇa citta).

(xv) Tỷ thức giới (ghānaviññāṇadhātu) là 2 tâm tỷ thức (ghānaviññāṇa citta).

(xvi) Thiệt thức giới (jivhāviññāṇadhātu) là 2 tâm thiệt thức (jivhāviññāṇa citta).

(xvii) Thân thức giới (kāyaviññāṇadhātu) là 2 tâm thân thức (kāyaviññāṇa citta).

(xviii) Ý thức giới (manoviññāṇadhātu) là 76 tâm trừ 10 tâm ngũ song thức (dvipañcaviññāṇa citta) và 3 tâm ý giới (manodhātu citta).

Lưu ý:

(1) Nương vào 6 môn và 6 cảnh, 6 loại thức sanh. Ví dụ, khi sắc giới (rūpadhātu) hay cảnh sắc đối chiếu hay dội vào nhãn giới (cakkhudhātu) hay nhãn môn, nhãn thức giới (cakkhuviññāṇadhātu) sanh và v.v…

(2) 18 giới (dhātu) gồm tất cả sắc (rūpa), tất cả tâm (citta), tất cả sở hữu tâm (cetasika) và Níp-bàn (Nibbāna).

(3) 4 giới đầu tiên - tức là địa giới (pathavī dhātu), thủy giới (āpo dhātu), hỏa giới (tejo dhātu) và phong giới (vāyo dhātu) – không được tính trong 18 giới (dhātu), dĩ nhiên bao gồm cả 4 giới đầu.

(4) Biết về 18 giới tồn tại trong một người và không có tôi hay tự ngã (atta) tồn tại trong thiền quán có thể đưa đến chứng đắc tâm đạo.

5) Bốn Thánh Đế (ariyasacca) (Vibh. Phần IV: Đế Phân Tích)

46. Cattāri ariyasaccāni: Dukkhaṃ ariyasaccaṁ, dukkhasamudayo ariyasaccaṁ, dukkhanirodho ariyasaccaṁ, dukkhanirodha gāminīpatipadā ariyasaccaṁ.

Bốn Thánh đế là: Khổ Thánh đế, khổ tập Thánh đế, dứt khổ Thánh đế (diệt đế), đạo Thánh đế đưa đến sự dứt khổ.

Giải:

Sacca’ nghĩa là đế, sự thật, điều có thực, chân lý. Sự thật mà chỉ có chư Thánh (Ariyā) có thể hiểu hoàn toàn, trọn vẹn được gọi là Thánh đế (Ariyasacca).

Bốn Thánh đế là pháp căn bản, cốt yếu trong lời dạy của Đức Phật, được khám phá bởi Đức Phật vào đêm mà Ngài giác ngộ và được Ngài giải thích lặp đi lặp lại nhiều lần trong thời gian dài hoằng pháp. Bốn đế này được gọi là Thánh đế bởi vì chúng bị thâm nhập bởi chư Thánh; vì chúng được dạy bởi bậc Vô thượng; vì sự thấu suốt của họ đưa đến trạng thái Thánh nhân (Ariya); và vì chúng là sự thật, không thể thay đổi, không nhầm lẫn sự thật về sự hiện hữu của kiếp sống.

Bốn Thánh đế bao gồm tất cả trong pháp hiệp thế và pháp siêu thế và bốn Thánh đế tổng hợp vắn tắt toàn bộ lời dạy của Đức Phật. Chúng thật sự là định luật của vũ trụ của những hình thái cao nhất cho những ai biết và thấy rõ chúng và trở thành chư Thánh nhân (Ariyā).

Những tên gọi Abhidhamma, những tên phổ thông và ý nghĩa của bốn Thánh đế được mô tả trong Lược đồ 7. 3 - Bốn Thánh đế.

Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammattha-saṅgaha)

Pháp Thực Tính Của Mỗi Thánh Đế

Và Những Gì Thánh Đế Dạy

(i) 81 tâm hiệp thế (lokiya citta), 51 sở hữu tâm hiệp thế (lokiya cetasika) [trừ tham (lobha)] và 28 loại sắc (rūpa) là những pháp thực tính của ‘khổ Thánh đế’. Chúng hình thành vòng luân hồi khổ trong 3 cõi – đó là cõi Dục (Kāma loka), cõi Sắc (Rūpa loka) và cõi Vô sắc (Arūpa loka).

Đế (sacca) hay sự thật thứ nhất dạy chúng ta rằng, dù dưới dạng chúng sanh nào thì đều bất toại nguyện vì họ phải chịu khổ (dukkhā).

(ii) Pháp thực tính của ‘khổ tập Thánh đế’ là ái (taṇhā), tức tham (lobha) hiện diện trong 8 tâm căn tham (lobhamūla citta). Ái (taṇhā) dẫn đến sự tái tục và khổ trong chuỗi dài vô tận của sự sống liên tục không ngừng.

Đế (sacca) hay sự thật thứ hai dạy chúng ta về tất cả khổ và sanh, được trợ sanh do ái (taṇhā).

(iii) Pháp thực tính của ‘dứt khổ Thánh đế’ hay ‘diệt đế’ là Níp-bàn (Nibbāna) được thấy rõ khi ái (taṇhā) hay tham (lobha) bị đoạn tận.

Đế (sacca) hay sự thật thứ ba dạy chúng ta sự dập tắt ái (taṇhā) tất yếu phải cho quả diệt (nirodha) sự tái tục và khổ. Quả của việc diệt (nirodha) sự tái tục và khổ là an vui, tức Níp-bàn (Nibbāna).

(iv) Tám sở hữu tâm (cetasika) hiện diện làm chi đạo trong 4 tâm đạo (maggacitta) là những pháp thực tính của đạo Thánh đế đưa đến sự dứt khổ.

Những sở hữu tâm (cetasika) này là: Trí (paññā) là chánh kiến (sammādiṭṭhi); tầm (vitakka) là chánh tư duy (sammāsaṅkappa); chánh ngữ (sammāvācā); chánh nghiệp (sammākammanta); chánh mạng (sammā ājīva); cần (viriya) là chánh tinh tấn (sammāvāyāma); niệm (sati) là chánh niệm (sammāsati); và nhất hành (ekaggatā) là chánh định (sammāsamādhi).

Bốn Thánh đế dạy chúng ta rằng tám chi đạo (maggaṅga) là thật và có thể được làm cho xuất hiện. Những chi ấy dập tắt sự tái tục và khổ.

Lưu ý:

(i) Khổ Thánh đế được giải thành 12; khổ về sanh, già, chết, sự kêu than, sự than van, đau, sầu, tuyệt vọng hội họp với sự khó chịu, xa lìa sự thương, cầu mà không được và sự tập hợp của năm uẩn. Tóm lại Thánh đế này bao gồm tất cả hiện tượng của ba cõi phàm, ngoại trừ ái (taṇhā).

Thánh đế thứ nhất dạy chúng ta rằng, tất cả hình thái của bất cứ sự hiện hữu nào đều bất toại nguyện là chúng bắt phải chịu khổ.

(ii) Thánh đế về nhân của khổ là một chi riêng, đó là ái (taṇhā), là sở hữu tham (lobha cetasika). Ái (taṇhā) có ba là dục ái (kāmataṇhā) – ái về cảnh dục, hữu ái (bhavataṇhā) – là ái về sự tiếp tục kiếp sống và phi hữu ái (vibhavataṇhā) – là ái về sự không hiện hữu hay tự tiêu diệt.

Thánh đế thứ hai dạy chúng ta rằng tất cả khổ và tất cả tái tục được tạo ra do ái (taṇhā).

(iii) Dứt khổ Thánh đế cũng là một chi riêng, đó là Nibbāna, là pháp được thấy rõ do sự đoạn tận ái.

(iv) Đạo Thánh đế đưa đến sự dứt khổ là tám Thánh đạo. Trong bốn Thánh đế, đạo này nói đến tám sở hữu tâm (cetasika) tương ứng với tám chi đạo sanh trong bốn tâm đạo siêu thế. Trong đẳng giác, điều kiện cần thiết để giác ngộ, tám chi đạo có thể là hiệp thế hay siêu thế.

Thánh đế thứ ba dạy chúng ta rằng, sự diệt hay dập tắt ái (taṇhā) tất yếu dẫn đến sự diệt của tái tục và khổ. Sự diệt của tái tục và khổ dẫn đến sự an lạc vĩnh viễn (santisukha), tức là Nibbāna.

Thánh đế thứ tư dạy chúng ta rằng, nhóm tám Thánh đạo là đạo đế là pháp dẫn đến sự dập tắt, hay diệt của tái tục và khổ.

Khổ Thánh đế và khổ tập Thánh đế (nguyên nhân của khổ Thánh đế) được gọi là đế hiệp thế (lokiya sacca); pháp sau là nguyên nhân, pháp trước là quả.

Diệt khổ Thánh đế và đạo Thánh đế đưa đến sự diệt khổ được gọi là đế siêu thế (lokuttara sacca); và nữa, pháp sau là nguyên nhân, pháp trước là quả.

Có chung một niềm tin ở Myanmar là cuộc sống của chúng sanh không đáng sống nếu không biết về uẩn (khandha), xứ (āyatana), giới (dhātu), đế (sacca). Do đó, nay chúng ta may mắn được học những pháp ấy. Chúng ta nên dùng chánh tinh tấn để biết chúng bằng cách tu tuệ quán (bhāvanāmaya ñāṇa).

Giải thích chi tiết:

47. Ettha pana cetasika sukhumarūpa nibbāna vasena ekūnasattati dhammā dhammāyatana dhammadhātu’ ti saṅkhaṁ gacchati.

48. Manāyatanaṁ eva sattaviññāṇadhātuvasena bhijjati.

Ở đây, một sự giải thích chi tiết được chèn vào trong bảng tóm tắt tổng thể, 69 pháp bản thể gồm có 52 danh pháp, 16 loại sắc tế và Níp-bàn được xem là pháp xứ và pháp giới. Ý xứ được chia thành 7 thức giới.

Tóm lược:

49. Rūpañ ca vedanā saññā sesacetasikā tathā, viññāṇaṁ iti pañc’ete pañcakkhandhā ti bhāsitā.

50. Pañcupādanakkhandhā ti, tathā tebhūmaka matā.

Bhedābhāvena Nibbānaṁ, khandhasaṅgahanissaṭaṁ.

51. Dvārārammana bhedena, bhavant’ayatanāni ca Dvārālamba-ta-d-uppanna-pAriyāyena dhātuyo

52. Dukkhaṁ tebhūmakaṁ vaṭṭaṁ taṇhā samudayo bhave. Nirodho nāma nibbānaṁ maggo lokuttaro mato.

53.Maggayuttā phala c’eva catusaccavinissatā.

Iti pañcappabhedena pavutto sabbasaṅgaho.

Sắc, thọ, tưởng, hành (là những danh sở hữu tâm ngoài ra thọ và tưởng) và thức (là tâm) – Năm nhóm này được gọi là năm uẩn.

Cùng lời tuyên bố đó, đó là sắc (rūpa), thọ (vedanā), tưởng (saññā), hành (saṅkhāra), thức (viññāṇa), gắn liền với ba cõi phàm [cõi Dục (Kāma), cõi Sắc (Rūpa), cõi Vô sắc (Arūpa)] được xem là năm thủ uẩn (uẩn làm cảnh cho thủ).

Vì Níp-bàn không có sự phân biệt (như là quá khứ, hiện tại, vị lai), Níp-bàn là pháp độc lập và nằm ngoài phạm trù ‘uẩn’.

Bởi vì sự phân biệt như 6 môn và 6 loại cảnh, có 12 xứ (cho sự sanh của tâm và sở hữu tâm).

Phù hợp với 6 môn, 6 cảnh và 6 thức sanh ở 12 xứ , có 18 giới.

Hiện tượng vật lý thần kinh học sanh trong ba cõi hiện hữu thuộc về ‘khổ Thánh đế’. Ái là ‘khổ tập Thánh đế’. Nibbāna là ‘dứt khổ Thánh đế’. Tám chi đạo phối hợp với 4 tâm đạo làm thành ‘đạo Thánh đế đưa đến sự dứt khổ’.

Những danh pháp phối hợp với đạo và quả được loại ra khỏi bốn Thánh đế.

Như vậy, bảng tóm tắt tổng thể đã được giải trong năm cách.

Iti Abhidhammatthasaṅgahe Samuccayasaṅgahavibhāgo nāma Sattamo paricchedo.

Như vậy, kết thúc chương thứ bảy trong Abhidhammatthasaṅgaha (Vô Tỷ Pháp Tập Yếu) với tựa đề Tương Tập Nhiếp.

Câu hỏi ôn tập:

1. Liệt kê 72 loại pháp thực tính siêu lý gọi là Vatthudhamma.

2. Bốn pháp lậu (āsava) là gì? Chúng làm chúng sanh bị say ra sao?

3. Bốn pháp bộc (ogha) là gì? Chúng chôn vùi chúng sanh ra sao?

4. Giải thích ý nghĩa của bốn pháp phối (yoga) và bốn pháp phược (gantha).

5. Cái gì làm cho chúng sanh ‘thủ’ mạnh mẽ trong cảnh và tà kiến? Tại sao kiến (diṭṭhi) được phân biệt như ba loại ‘thủ’?

6. Những pháp làm chướng ngại lớn (pháp cái) trong việc đắc thiền (jhāna), đạo (magga), quả (phala) là những gì?

7. Pháp tiềm thùy (anusaya) là gì? Chúng nằm ở đâu? Mô tả bảy pháp tiềm thùy (anusaya).

8. Mười pháp ‘triền’, theo tạng Abhidhamma, trói buộc chúng sanh vào bánh xe luân hồi là gì?

9. Mô tả mười pháp triền theo tạng Kinh. Chúng quấn chặt chúng sanh vào bánh xe luân hồi ra sao?

10. Phiền não (kilesa) là gì? Mô tả mười loại phiền não. Chúng được nhân thành 1500 phiền não ra sao?

11. Tâm có nhân (hetu) hay chăng? Những nhân hay căn này là gì?

12. Chi thiền là gì? Phận sự của nó là gì? Liệt kê những chi thiền.

13. Ý nghĩa của đạo và chi đạo là gì? Trình bày những chi đạo đưa đến những cõi Khổ.

14. Ý nghĩa của ‘quyền’ (indriya) là gì? Một nữ phàm nhân sở hữu bao nhiêu ‘quyền’?

15. Chín lực (bala) là gì? Lực nào làm trưởng trong những người yếu?

16. Sự khác biệt giữa quyền và trưởng là gì? Trình bày bốn trưởng đưa đến sự thành tựu.

17. Có bao nhiêu loại ‘thực’ mà chúng ta cần để duy trì sự sống? Chúng duy trì sự hiện hữu ra sao?

18. Liệt kê những điều kiện tất yếu để giác ngộ (đẳng giác). Những pháp thực tính nào đại diện cho chúng.

19. Con đường duy nhất để dứt khổ và ưu là gì? Nêu chi tiết.

20. Bốn chánh cần là gì? Giải thích chúng ta nên áp dụng ‘cần’ ra sao?

21. Năm pháp nghịch làm khích động, xao động[212] tâm là gì? Và năm pháp thuận hay ‘sức mạnh’ mà chúng ta có thể tin vào làm an tịnh ý là gì?

22. Bảy giác chi là gì? Chúng có thể được phát triển ra sao?

23. Trình bày những pháp thực tính siêu lý tạo thành tám cho Thánh đạo. Đạo này có thể đưa đến đâu?

24. Nêu chi tiết ba Thánh hữu học. Những pháp tu tập này có thể được áp dụng cho người tại gia không?

25. Tất cả những hiện tượng vật lý thần kinh học trong toàn vũ trụ được phân thành năm uẩn ra sao? Ý nghĩa của sự phân loại này là gì?

26. Tại sao Đức Phật giảng hai thời pháp về uẩn? Nibbāna có được gồm trong những uẩn này chăng? Tại sao?

27. Tất cả pháp siêu lý có thể được xem dưới dạng 12 ‘xứ’ (āyatana) ra sao? Trình bày những ‘xứ’ này.

28. Ý nghĩa của giới là gì? Tất cả pháp thực tính được phân loại thành 18 giới (dhātu) ra sao? Ý nghĩa của những loại ấy là gì?

29. Bậc tu tiến chắc chắn có thể thấy rõ trong pháp quán là linh hồn, tự ngã không thật sự tồn tại ra sao?

30. Bốn Thánh đế là gì? Chúng là những đế (sự thật) thiên nhiên vũ trụ chăng? Tại sao chúng được gọi là Thánh đế?

31. Giải thích ngắn gọn về bốn Thánh đế. Những đế ấy dạy chúng ta những gì?

32. Kiếp sống nhân loại không quan trọng, trừ khi hiểu về uẩn, xứ, giới và đế. Bạn có đồng ý với lời tuyên bố này? Nêu lý do.

___o0o___

CHƯƠNG VIII: PACCAYA SAṄGAHA – DUYÊN NHIẾP

Paccaya’ nghĩa là ‘nguyên nhân’ hay ‘duyên trợ’. Pháp nào nương vào ‘pháp khác’ (đặng sanh), pháp ấy gọi là pháp sở duyên (paccayuppanna), tức là pháp tùy thuộc, lệ thuộc hay phụ thuộc và nếu không nhờ ‘pháp khác’ ấy thì pháp sau không thể hiện bày.

Paccaya’ là năng duyên, nguyên nhân hay duyên trợ của pháp sở duyên.

Paccayuppanna’ là sở duyên, quả của năng duyên.

Trong duyên trợ, pháp sở duyên (paccayuppanna), pháp năng duyên (paccaya) hoạt động hỗ trợ theo hai định luật:

(1) Nó trợ cho quả chưa sanh đặng sanh, và

(2) Nó củng cố làm cho quả đã sanh đặng vững vàng.

Kệ Mở Đầu

1. Yesaṁ saṅkhatadhammānaṁ, ye dhammā paccayā yathā. Taṁ vibhāgaṁ ih’edāni, pavakkhāmi yathārahaṁ.

Pháp hữu vi (saṅkhatadhammā) sinh ra do pháp duyên (paccayadhamma) bằng ý nghĩa sức mạnh của những duyên (paccayasatti) khác nhau. Những pháp duyên, những pháp hữu vi và mãnh lực duyên đó sẽ được giải thích theo một cách thích hợp.

Hai Cách Trợ

2. Paṭiccasamuppādanayo paṭṭhānanayo c’eti paccayasaṅgaho duvidho veditabbo.

3. Tattha tabbhāva-bhāvi-bhāvākāra-matt’opalakkhito paṭiccasamuppādanayo. Paṭṭhānanayo pana āhacca-paccayaṭṭhitiṁ ārabbha pavuccati. Ubhayaṁ pana vomissetvā papañcenti ĀcAriyā.

Duyên nhiếp nên được hiểu theo hai cách:

(1) Paṭiccasamuppāda - cách liên quan tương sinh, y tương sinh hay liên quan nhân quả.

(2) Paṭṭhāna - cách duyên trợ, duyên tương quan, xứ hay vị trí (vì là nơi hội họp của những duyên).

Trong số này, cách liên quan tương sinh (paṭiccasamuppāda) được đánh dấu đơn giản là sự sinh khởi của một pháp nương vào một số pháp khác.

Cách duyên tương quan (paṭṭhāna) được phân tích, xem xét về những mãnh lực của duyên.

Chư tiền bối đã thảo tỉ mỉ hai cách này bằng cách hòa trộn chúng.

[Ví dụ, trong Visuddhimagga, chương XVII, 24 duyên tương quan được dùng làm sáng tỏ mối liên hệ giữa mỗi cặp của những chi trong 12 cách của liên quan tương sinh].

Cách thứ nhất, paṭiccasamuppāda (liên quan tương sinh), trình bày nguyên nhân và quả mà không đề cập nhân trợ cho quả sanh như thế nào. Tuy nhiên, định luật liên quan tương sinh (paṭiccasamuppāda) là một pháp rất quan trọng; mô tả mười một vị trí (paṭṭhāna) hay duyên tương quan giải thích về năng duyên và sở duyên, tính thay đổi liên tục của sắc pháp và danh pháp. Nói cách khác, nó giải thích cách mỗi chúng sanh liên quan trong bánh xe luân hồi chịu trải qua vòng luân hồi khổ dài vô tận (saṃsāra).

Cách thứ hai, paṭṭhāna (vị trí hay duyên tương quan) – duyên trợ không chỉ mô tả nhân và quả, mà cũng giải thích thế nào nhân trợ cho quả sanh. Thật tuyệt vời khi học về 24 cách duyên tương quan trợ tất cả sắc pháp và danh pháp do nhân và quả với minh họa cụ thể xảy ra trong đời sống thực.

(1) Cách liên quan tương sinh (Paṭiccasamuppāda) (Vibh. Phần VI: Paccayakāra)

Mười một mối liên quan tương sinh (liên quan nhân quả). (Vibh.255)

4. Tattha (1) avijjā paccayā saṅkhārā, (2) saṅkhāra paccayā viññāṇaṃ, (3) viññāṇa paccayā nāma-rūpaṃ, (4) nāma-rūpa paccayā saḷāyatanaṁ, (5) saḷāyatana paccayā phasso, (6) phassa paccayā vedanā, (7) vedanā paccayā taṇhā, (8) taṇhā paccayā upādānaṃ, (9) upādāna paccayā bhavo, (10) bhavapaccayā jāti, (11) jāti paccayā jarā-maraṇaṃ-soka-parideva-dukkha-domanassupāyāsā sambhavanti.

Evaṁetassa kevalassa dukkhakkhandhassa samudayo hotī ti.

Ayaṁ ettha Paṭiccasamuppādanayo.

Cách ‘paṭiccasamuppāda’ liên quan với nhân và quả được gọi chung là Định luật liên quan tương sinh. Trình bày toát yếu cách này như sau:

(1) Vô minh duyên hành (avijjā paccayā saṅkhāra) là do (hay tùy thuộc vào) vô minh, trợ cho tư (cetanā) hay nghiệp hành sanh.

(2) Hành duyên thức (saṅkhāra paccayā viññāṇaṃ) là do nghiệp hành (trong đời quá khứ), trợ cho thức quả hay tâm tái tục (trong đời hiện tại) sanh.

(3) Thức duyên danh-sắc (viññāṇa paccayā nāma-rūpaṃ) là do thức quả sanh, trợ cho danh sở hữu (cetasika) và sắc nghiệp (kammajarūpa) sanh.

(4) Danh-sắc duyên sáu xứ (nāma-rūpa paccayā saḷāyatanaṁ) là do danh-sắc sanh, trợ cho sáu xứ nội sanh.

(5) Sáu xứ duyên xúc (saḷāyatana paccayā phasso) là do sáu xứ nội sanh, trợ cho xúc (giữa xứ, 6 cảnh và thức) sanh.

(6) Xúc duyên thọ (phassa paccayā vedanā) là do xúc (với 6 cảnh), trợ cho thọ sanh.

(7) Thọ duyên ái (vedanā paccayā taṇhā) là do thọ, trợ cho ái sanh.

(8) Ái duyên thủ (taṇhā paccayā upādānaṃ) là do ái, trợ cho thủ sanh.

(9) Thủ duyên hữu (upādāna paccayā bhavo) là do thủ, trợ cho nghiệp hữu (kamma bhava) và sanh hữu (upapatti bhava) sanh.

(10) Hữu duyên sanh (bhavapaccayā jāti) là do nghiệp hữu trong kiếp hiện tại, trợ cho sanh hay tái tục (trong kiếp vị lai) sanh.

(11) Sanh duyên lão-tử-sầu-khóc-khổ-ưu-ai hiện diện (jāti paccayā jarā-maraṇaṃ-soka-parideva-dukkha-domanassupāyāsā sambhavanti) là do sanh (tái tục), trợ cho lão, tử, sầu, khóc, khổ, ưu, ai sanh.

Vì thế sanh cả khối khổ này nữa ở vị lai.

Đây là cách của liên quan tương sinh.

Giải theo Paṭṭhāna, duyên trợ hay duyên tương quan

1. Vô minh duyên hành (avijjā paccayā saṅkhāra) (thuộc thời quá khứ)

Vô minh (avijjā) trợ duyên cho nghiệp hành (saṅkhāra) sanh, hay nói cách khác, nghiệp hành (saṅkhāra) sanh do nương vào vô minh (avijjā). (Vibh.257)

Ở đây, “Avijjā vô minh là ảo tưởng, mê mờ, không biết pháp đáng biết. Vô minh (avijjā) là sở hữu si (moha cetasika) hiện diện trong 12 tâm bất thiện (akusala citta). Si (moha) là nhận thức tối tăm của chúng sanh và làm mù không cho thấy bản thể thực tính của cảnh. Như thấy các pháp hữu tưởng và vô tưởng có vẻ là thường (nicca), lạc (sukha), ngã (atta), tịnh (subha), trong khi thực tế thì các pháp thật sự là vô thường (anicca), chịu khổ (dukkha), vô ngã (anatta) và bất tịnh (asubha).

Theo Kinh (Suttanta), Đức Phật có giải thích: Si (moha) là vô minh (avijjā), không biết về bốn Thánh đế. Theo Abhidhamma, vô minh (avijjā) hay si (moha) là không biết về những nhóm uẩn (khandha) - xứ (āyatana) quá khứ (kiếp quá khứ), những nhóm uẩn (khandha) - xứ (āyatana) vị lai (kiếp vị lai), sự kết nối phía trước và sự kết nối phía sau của những nhóm uẩn (khandha) - xứ (āyatana) hiện tại (kiếp trước và kiếp sau), liên quan nhân quả của paṭiccasamuppāda là pháp gồm nghiệp (kamma) và quả của nghiệp.

Có tám chi quan trọng bị vô minh (avijjā) ngăn che làm cho chúng sanh không đặng biết bản thể thực tính của chư pháp. Đó là: 1) khổ đế (dukkhā sacca); 2) tập đế (samudaya sacca); 3) diệt đế (nirodha sacca); 4) đạo đế (magga sacca); 5) uẩn (khandha) quá khứ và những nhóm xứ (āyatana); 6) uẩn vị lai và những nhóm xứ; 7) điểm đầu và điểm cuối của uẩn và những nhóm xứ hiện tại; 8) pháp liên quan tương sinh (paṭiccasamuppāda) là gồm nghiệp (kamma) và quả của nghiệp.

Hành (saṅkhāra) nghĩa là nghiệp hành (kamma saṅkhāra) hay 29 tư (cetanā) phối hợp với 17 tâm thiện hiệp thế (lokiyakusala citta) và 12 tâm bất thiện (akusalacitta). Chỉ cho phúc hành (puññābhisaṅkhāra), phi phúc hành (apuññābhisaṅkhāra) và bất động hành (aneñjābhisaṅkhāra).

(1) Phúc hành (puññābhisaṅkhāra) đại diện cho 13 tư (cetanā) phối hợp với 8 tâm đại thiện (mahākusala citta) và 5 tâm thiện sắc giới (rūpāvacarakusala citta). Gọi chung là ‘phúc hành’ vì nó trợ cho danh uẩn quả thiện (vipāka nāmakkhandha) và sắc bị tạo (kaṭattā rūpa) sanh trong cõi Dục (Kāma loka) và cõi Sắc (Rūpa loka).

(2) Phi phúc hành (apuññābhisaṅkhāra) đại diện cho 12 tư (cetanā) phối hợp với 12 tâm bất thiện (akusala citta), được gọi chung là ‘phi phúc hành’ vì nó trợ cho danh uẩn quả bất thiện (vipāka nāmakkhandha) và sắc bị tạo (kaṭattā rūpa) sanh trong 4 cõi Khổ (Apāya loka).

(3) Bất động hành (aneñjābhisaṅkhāra) đại diện cho 4 tư (cetanā) phối hợp với 4 tâm thiện vô sắc giới (arūpāvacara kusala citta), được gọi chung là ‘bất động hành’ vì nó trợ cho sự sống bất động vô sắc (arūpa).

Tóm lại, hành (saṅkhāra) đại diện cho 29 loại nghiệp (kamma) phối hợp với 17 tâm thiện hiệp thế (lokiya kusala citta) và 12 tâm bất thiện (akusala cittta).

Vô minh (avijjā) duyên cho hành (saṅkhāra) sanh ra sao?

Vì không biết về nghiệp và quả của nghiệp, chúng sanh phạm vào những hành vi bất thiện vì lợi ích bản thân nhất thời. Do những suy nghĩ ảo tưởng về dục lạc, thiền lạc là những dạng hạnh phúc thật sự, chúng sanh thực hiện xả thí (dāna), giữ giới (sīla) và tu tiến (bhāvana) để đạt đến những hạnh phúc ấy trong kiếp hiện tại hay những kiếp vị lai. Dù cho chúng sanh tích lũy cả hai nghiệp hành (kamma saṅkhāra) thiện và bất thiện thì đều là quả của sự không biết hay ảo tưởng, tức vô minh (avijjā).

Có một sự giải thích luân phiên như vầy: Khi dòng danh pháp của chúng sanh hữu tưởng bị nhiễm đầy vô minh, tư (cetanā) của vị ấy làm sản sanh nghiệp (kamma) với mãnh lực tạo ra quả trong những kiếp sống vị lai. Do đó, vô minh được xem là duyên chính cho nghiệp hành (kamma saṅkhāra). Vô minh thì vượt trội trong những nghiệp bất thiện, trong khi vô minh là pháp tiềm thùy (avijjānusaya) trong những nghiệp thiện hiệp thế. Do đó, cả hai nghiệp hành (kamma saṅkhāra) thiện hiệp thế và bất thiện sanh do nương vào vô minh (avijjā).

2. Hành duyên thức (saṅkhāra paccayā viññāṇaṃ) (thuộc thời quá khứ - hiện tại)

Nghiệp hành (kammasaṅkhāra) trợ duyên cho thức quả (viññāṇaṃ) sanh, hay nói cách khác, ‘thức quả’ sanh là do nương vào ‘nghiệp hành’. (Vibh.258)

Ở đây, nghiệp hành (kammasaṅkhāra) nghĩa là 29 tư-cetanā (kamma) phối hợp với 17 tâm thiện hiện thế (lokiyakusala citta) và 12 tâm bất thiện (akusalacitta).

Thức (viññāṇaṃ) ở đây nghĩa là tâm tái tục là quả đầu tiên của nghiệp hành. Nhưng hành (saṅkhāra) tiếp tục tạo tâm quả (vipāka citta) xuyên suốt cả kiếp sống mới. Do đó, tất cả 32 tâm quả hiệp thế (lokiya vipāka citta), được tạo ra bởi 29 tư (kamma), tượng trưng cho thức quả là quả trực tiếp của hành (saṅkhāra).

Do đó, liên quan tương sinh (paṭiccasamuppāda) thứ hai nên được hiểu như sau:

Vào thời tái tục (paṭisandhi kāla), 11 tư bất thiện [akusaka cetanā (trừ tư điệu cử - uddhacca cetanā)] và 17 tư thiện hiệp thế [lokiya kusala cetanā (ngoài 2 tư thần thông – abhiññā cetanā)] trợ cho 19 tâm tái tục sanh.

Vào thời bình nhật (pavattikāla) tất cả 12 tư bất thiện (akusala cetanā) và 17 tư thiện hiệp thế [lokiya kusala cetanā (ngoài 2 tư thần thông – abhiññā cetanā)] tiếp tục trợ cho 32 tâm quả hiệp thế (lokiya vipāka citta) sanh. Điều này có thể được tách ra như sau:

(1) Phi phúc hành (apuññābhisaṅkhāra) tức 12 tư bất thiện (akusala cetanā) trợ cho 7 tâm quả bất thiện (akusala vipāka citta) sanh.

(2) Phúc hành (puññābhisaṅkhāra) tức 8 tư đại thiện (mahā kusala cetanā) và 5 tư thiện sắc giới (rūpāvacara kusala cetanā) trợ cho 8 tâm quả thiện vô nhân (kusala ahetuka vipāka citta), 8 tâm đại quả (mahāvipāka citta) và 5 tâm quả sắc giới (rūpāvacara vipāka citta) sanh.

(3) Bất động hành (anenjābhisaṅkhāra) tức 4 tư vô sắc giới (arūpāvacara cetanā) trợ cho 4 tâm quả vô sắc (arūpāvacara vipāka citta) sanh.

Do đó, từ sát-na đầu tiên khi thụ thai trong bào thai người mẹ, tâm nghiệp quả của phôi thai đang hoạt động và nó tiếp tục hoạt động như tâm hữu phần và tâm nhãn thức, nhĩ thức, v.v… xuyên suốt cả kiếp sống mới. Dĩ nhiên, cuối cùng nó kết thúc bằng tâm tử.

3. Thức duyên danh-sắc (viññāṇa paccayā nāma-rūpaṃ) (thuộc thời hiện tại)

Thức (viññāṇa) trợ duyên cho danh-sắc (nāma-rūpaṃ) sanh, hay nói cách khác, ‘danh-sắc’ sanh là do nương vào ‘thức’. (Vibh.259)

Trong bước (2.), thức (viññāṇaṃ) chỉ riêng cho quả thức, ở đây thức nêu cả hai quả thức (vipāka viññāṇa) và nghiệp thức (kamma viññāṇa).

- Quả thức (vipāka viññāṇa) nghĩa là 32 tâm quả hiệp thế (lokiya vipāka citta) đã đề cập trong pháp liên quan tương sinh thứ hai.

- Nghiệp thức (kamma viññāṇa) nghĩa là tâm (citta) phối hợp với nghiệp tư (cetanā kamma) và nó nhắc lại 29 nghiệp thiện và bất thiện đã được trình bày là hành (saṅkhāra). Việc yêu cầu tham khảo ngược vì chỉ có nghiệp thiện (kusalakamma) và nghiệp bất thiện (akusalakamma), mà không có tâm quả (vipākacitta), có thể trợ cho 18 loại sắc nghiệp (kammaja rūpa) sanh.

Trong danh-sắc (nāma-rūpa), danh pháp (nāma) chỉ cho 35 sở hữu tâm (cetasika) phối hợp với 32 tâm quả hiệp thế (lokiya vipāka citta). Về uẩn (khandha), 35 sở hữu tâm đại diện cho 3 danh uẩn – đó là thọ uẩn (vedanākkhandha), tưởng uẩn (saññākkhandha) và hành uẩn (saṅkhārakkhandha). Phần thứ hai, sắc pháp (rūpaṃ), chỉ cho 18 thứ sắc pháp do nghiệp trợ tạo (kammaja rūpa).

Tóm lại, 32 thức quả hiệp thế (lokiya vipāka viññāṇa) trợ cho 35 sở hữu tâm (cetasika) hay 3 danh uẩn (nāmakkhandha) sanh, trong khi 29 nghiệp thức (kammaviññāṇa) trợ cho 18 thứ sắc nghiệp (kammaja rūpa) sanh. Hiện tượng này là pháp liên quan tương sinh thứ ba.

Chúng ta nên nhớ rằng nghiệp (kamma) bắt đầu trợ cho tâm quả (vipākacitta) và sắc nghiệp sanh vào sát-na đầu tiên khi thụ thai trong bào thai của người mẹ, khi tâm quả được hình thành phối hợp với cetasika (sở hữu tâm là 3 danh uẩn-nāmakkhandha) được hình thành cùng lúc và nó tiếp tục trợ như thế không ngừng vào mỗi tiểu sát-na cho đến khi tử. Từ khi sắc nghiệp (kammaja rūpa) tạo thành sắc uẩn và những tâm quả (vipāka citta) là thức uẩn (viññāṇakhandha), chúng ta có tất cả năm uẩn hiện hữu cho một phôi thai xuất hiện như một chúng sanh hữu tưởng.

Đến đây, tức là cho đến pháp liên quan tương sinh thứ ba, chúng ta thấy vô minh (avijjā) trợ duyên cho những nghiệp khác nhau sanh, nó lần lượt trợ cho 32 tâm quả hiệp thế (lokiya vipāka citta), 18 thứ sắc nghiệp (kammaja rūpa). Đến lượt 32 tâm quả hiệp thế (lokiya vipāka citta) trợ cho 35 sở hữu tâm, tức là 3 danh uẩn. Tâm quả (vipāka citta) tượng trưng cho thức uẩn (viññāṇakkhandha); sở hữu tâm tượng trưng cho thọ uẩn (vedanākkhandha), tưởng uẩn (saññākkhandha) và hành uẩn (saṅkhārakkhandha); và sắc nghiệp (kammaja rūpa) tượng trưng cho sắc uẩn (rūpakkhandha), nay chúng ta có tất cả năm uẩn cho phôi thai mới tự biểu lộ là một chúng sanh hữu tưởng.

Dù sao, tất cả năm uẩn (pañcakhandha) chỉ được tạo thành trong ngũ uẩn hữu (pañcavokārabhava), đó là những cõi đó, nơi mà tất cả năm uẩn được tìm thấy; trong tứ uẩn hữu (catuvokārabhava), là những cõi Vô sắc là nơi mà chỉ có 4 danh uẩn được tìm thấy, tức là nghiệp (kamma) chỉ trợ cho tâm quả (vipākacitta) và sở hữu hợp (cetasika) sanh; trong nhất uẩn hữu (ekavokārabhava) – là cõi Vô tưởng (Asaññāsatta) là nơi mà chỉ có sắc uẩn được tìm thấy, tức là nghiệp (kamma) chỉ trợ duyên cho sắc pháp sanh. Trong Chương VI liên quan đến “Tiến trình của sắc pháp sinh khởi trong mỗi chúng sanh (rūpa pavattikkama)”, trong những sắc nghiệp (kamaja rūpa) này, bọn sắc mạng chín pháp (jīvita navaka kalāpa) làm phận sự là sắc tái tục (paṭisandhi rūpa) ở cõi Phạm thiên vô tưởng (asaññā satta Brahma).

Lưu ý, chỉ có 4 danh uẩn sanh trong cõi Vô sắc (Arūpa loka), chỉ có sắc uẩn trong cõi Vô tưởng (Asaññā loka); tất cả năm uẩn sanh trong cõi Dục (Kāmā loka) và cõi Sắc (Rūpa loka).

4. Danh-sắc duyên sáu xứ (nāma-rūpa paccayā saḷāyatanaṃ) (thuộc thời hiện tại)

Danh-sắc (nāma-rūpaṃ) trợ duyên cho sáu xứ (saḷāyatanaṃ) sanh, hay nói cách khác, ‘sáu xứ’ sanh do nương vào ‘danh-sắc’. (Vibh.260)

Danh-sắc (nāma-rūpaṃ) ở đây chỉ cho 35 sở hữu tâm (cetasika) [là 3 danh uẩn (nāmakkhandha)] phối hợp với 32 tâm quả hiệp thế (lokiya vipāka citta) và 18 thứ sắc nghiệp (kammaja rūpa) như đã nêu trong pháp liên quan tương sinh thứ ba.

Sáu xứ (saḷāyatanaṃ) chỉ cho sáu xứ nội (ajjhattikāyātana) – đó là nhãn xứ (cakkhāyatana), nhĩ xứ (sotāyatana), tỷ xứ (ghānāyatana), thiệt xứ (jivhāyatana), thân xứ (kāyāyatana) và ý xứ (manāyatana). Năm ‘xứ’ đầu tương ứng với 5 sắc thanh triệt (pasāda rūpa) là sắc hiện diện trong 18 sắc nghiệp (kammaja rūpa). Ý xứ (manāyatana) ở đây đại diện cho 32 tâm quả hiệp thế là pháp liên quan nhân quả mà chúng tôi đang trình bày.

Chúng ta từng thấy trong pháp liên quan tương sinh (liên quan nhân quả) thứ ba rằng 35 sở hữu tâm (cetasika) sanh là quả của 32 tâm quả hiệp thế. Nay chúng ta thấy rằng 35 sở hữu tâm trợ ngược lại cho 32 tâm quả hiệp thế sanh. Điều này minh họa rằng chúng liên quan lẫn nhau như ‘hỗ tương duyên’ (aññamaññapaccaya) là cách trợ qua lại giữa tâm (citta) và sở hữu tâm (cetasika).

Trong cõi Dục, danh-sắc (nāma-rūpaṃ) trợ cho cả sáu xứ sanh; trong cõi Sắc, chỉ có ba xứ sanh – nhãn, nhĩ và ý xứ; trong cõi Vô sắc, chỉ có danh pháp (nāma) trợ cho ý xứ (manāyatana) sanh.

5. Sáu xứ duyên xúc (saḷāyatana paccayā phasso) (thuộc thời hiện tại)

Sáu xứ (saḷāyatanaṁ) trợ duyên cho xúc (phassa) sanh, hay nói cách khác, ‘xúc’ sanh là tùy thuộc vào ‘sáu xứ’. (Vibh.261)

Sáu xứ (saḷāyatana) nghĩa là sáu xứ nội (ajjhattikāyatana) như trên.

Xúc (phassa) ở đây chỉ cho sở hữu xúc (phassa cetasika) hiện diện trong 32 tâm quả hiệp thế (lokiya vipāka citta).

Khi cảnh sắc đối chiếu hay dội vào nhãn xứ (cakkhāyatana), nhãn thức (cakkhuviññāṇa) sanh tại điểm tiếp xúc trong sự phối hợp với 7 sở hữu biến hành (sabbacitta cetasika) bao gồm xúc (phassa) và thọ (vedanā). Xúc (phassa) này cung cấp sự hội họp (saṅgati) của tâm và những chi danh pháp với cảnh sắc tại nhãn xứ. Nó đánh dấu sự hội họp; hoặc sự xúc chạm của nhãn xứ, cảnh sắc và nhãn thức. Vì nó sanh tại nhãn xứ, nó được gọi là nhãn xúc (cakkhusamphassa). Do đó, nhãn xứ (cakkhāyatana) trợ cho nhãn xúc (cakkhusamphassa) sanh; nhĩ xứ (sotāyatana) trợ cho nhĩ xúc (sotāsamphassa) sanh; tỷ xứ (ghānāyatana) trợ cho tỷ xúc (ghānasamphassa) sanh; thiệt xứ (jivhāyatana) trợ cho thiệt xúc (jivhāsamphassa) sanh; thân xứ (kāyāyatana) trợ cho thân xúc (kāyasamphassa) sanh; ý xứ (manāyatana) trợ cho ý xúc (manosamphassa) sanh. “Samphassa” đồng nghĩa với “phassa” – tức xúc chạm.

Ngoài năm xứ (hay giác quan) thì không thể có xúc; và ngoài xúc thứ sáu, hay tâm, thì không thể có ý xúc.

6. Xúc duyên thọ (phassa paccayā vedanā) (thuộc thời hiện tại)

Xúc (phassa) trợ duyên cho thọ (vedanā) sanh, hay nói cách khác, ‘thọ’ sanh là do nương vào ‘xúc’. (Vibh.262)

‘Xúc’ ở đây là sở hữu xúc (phassa cetasika) phối hợp với 32 tâm quả hiệp thế (lokiya vipāka citta) như đã trình bày trong pháp liên quan tương sinh thứ năm. Thọ (vedanā) cũng là sở hữu thọ (vedanā cetasika) phối hợp với 32 tâm quả hiệp thế (lokiya vipāka citta).

Khi nào xúc (phassa) sanh thì thọ (vedanā) cũng đồng sanh, ‘xúc’ và ‘thọ’ đồng sanh trong cùng một tâm, trợ duyên bởi cùng ‘xúc’ ấy. Dù chúng cùng sanh, xúc (phassa) được xem là nhân và ‘thọ’ là quả. Phù hợp với 6 loại ‘xúc’ được liệt kê trong cách liên quan tương sinh trước, có 6 loại thọ (vedanā).

Nhãn xúc (cakkhusamphassa) trợ cho thọ nhãn xúc (cakkhusamphassajā vedanā) sanh.

Nhĩ xúc (sotasamphassa) trợ cho thọ nhĩ xúc (sotasamphassajā vedanā) sanh.

Tỷ xúc (ghānasamphassa) trợ cho thọ tỷ xúc (ghānasamphassajā vedanā) sanh.

Thiệt xúc (jivhāsamphassa) trợ cho thọ thiệt xúc (jivhāsamphassajā vedanā) sanh.

Thân xúc (kāyasamphassa) trợ cho thọ thân xúc (kāyasamphassajā vedanā) sanh.

Ý xúc (manosamphassa) trợ cho thọ ý xúc (manosamphassajā vedanā) sanh.

Thọ nhãn xúc (cakkhusamphassajā vedanā) nghĩa là thọ (vedanā) trong nhãn thức (cakkhu viññāṇa) sanh ra do nhãn xúc (cakkhusamphassa) là xúc trong nhãn thức. Những thọ còn lại nên được hiểu tương tự.

7. Thọ duyên ái (vedanā paccayā taṇhā) (thuộc thời hiện tại)

Thọ (vedanā) trợ duyên cho ái (taṇhā) sanh, hay nói cách khác, ‘ái’ sanh là do nương vào ‘thọ’. (Vibh.263)

Thọ (vedanā) ở đây nghĩa là 6 loại thọ đã liệt kê ở trên như thọ nhãn xúc (cakkhusamphassajā vedanā), thọ nhĩ xúc (sotasamphassajā vedanā) và v.v… Pháp liên quan tương sinh giải thích mỗi chúng sanh đi quanh quanh trong vòng luân hồi, nhân trợ cho quả sanh và quả trở thành nhân lần nữa trợ cho quả của nó ra sao. Một số tác giả thích lấy tất cả thọ (vedanā) phối hợp với 81 tâm hiệp thế (lokiya citta) làm duyên, khi thọ (vedanā) đóng vai trò làm nhân ở đây.

Bây giờ, ái (taṇhā) sinh khởi là quả của thọ (vedanā) cũng là một trong 6 loại – tức là ái sắc (rūpa taṇhā) tức ái cảnh sắc, ái thinh (sadda taṇhā) tức ái cảnh thinh, ái khí (gandha taṇhā) tức ái cảnh khí, ái vị (rasa taṇhā) tức ái cảnh vị, ái xúc (phoṭṭhabba taṇhā) tức ái cảnh xúc, ái pháp (dhamma taṇhā) tức ái cảnh pháp.

Mỗi loại ái trở thành nhóm ba dựa theo: dục ái (kāmataṇhā) là ái cảnh dục; hữu ái (bhavataṇhā) là ái thiền sắc, thiền vô sắc và cõi Sắc, cõi Vô sắc, tức là ái tương ứng với thường kiến (sassatadiṭṭhi); hay phi hữu ái (vibhavataṇhā) là ái sự đoạn tận, mất hết, tiêu hết, tức là ái tương ưng với đoạn kiến (uccheda diṭṭhi). Trong sự đa dạng này, pháp bản thể thực tính của tất cả ái đều bắt nguồn từ sở hữu tham (lobha cetasika) là pháp phối hợp với 8 tâm căn tham (lobhamūla citta).

Mặc dù ái được phân biệt bằng lối cảnh, thật ra, bản thân ái (taṇhā) tùy thuộc vào thọ (vedanā), mà thọ ấy sanh qua sự xúc chạm với cảnh. Khi chúng sanh trải qua một lạc thọ, chúng sanh hưởng lạc thọ đó và mong muốn cảnh duy nhất đến mức khơi dậy lạc thọ về nó. Mặt khác, khi chúng sanh trải qua một khổ thọ, chúng sanh có một mong muốn thoát khỏi sự khổ và mong mỏi có một lạc thọ để thay thế khổ thọ. Xả thọ có trạng thái là thư thái, thản nhiên, và đây cũng trở thành một đối tượng của ái.

Do đó, 3 loại thọ (vedanā) trợ duyên cho những loại ái (taṇhā) khác nhau sanh.

Sáu loại ái này tồn tại nội phần (là bên trong ta) và ngoại phần (là bên trong người khác), thành ra 12 loại ái. Chúng trở thành 36 khi xét theo quá khứ, hiện tại và vị lai. Khi chúng được nhân cho 3 loại ái đã liệt kê là tập đế (samudaya sacca), chúng thành 108 loại ái (taṇhā).

Ba loại ái đã liệt kê là tập đế (samudaya sacca) như:

(1) Dục ái (kāma taṇhā) ái, ưa thích cảnh dục, những khoái lạc.

(2) Hữu ái (bhava taṇhā) ái, ưa thích cảnh dục, những khoái lạc phối hợp với thường kiến, v.v… hưởng những khoái lạc và nghĩ rằng chúng tồn tại lâu dài, bất diệt, bất tử.

(3) Phi hữu ái (vibhava taṇhā) ái, ưa thích cảnh dục, những khoái lạc phối hợp với đoạn kiến, v.v… hưởng những khoái lạc và nghĩ rằng tất cả đều tiêu diệt không còn sau khi tử.

Về cơ bản, tất cả những cách khác nhau của ái (taṇhā) đại diện cho tham là pháp phối hợp với 8 tâm căn tham (lobhamūla citta).

8. Ái duyên thủ (taṇhā paccayā upādānaṃ) (thuộc thời hiện tại)

Ái (taṇhā) trợ duyên cho thủ (upādānaṃ) sanh, hay nói cách khác, ‘thủ’ sanh là do nương vào ‘ái’. (Vibh.264)

Ái (taṇhā) ở đây chỉ cho 6 loại ái trên 6 cảnh – đó là ái sắc (rūpa taṇhā), ái thinh (sadda taṇhā), ái khí (gandha taṇhā), ái vị (rasa taṇhā), ái xúc (phoṭṭhabba taṇhā), ái pháp (dhamma taṇhā) hay nó có thể được thực hiện như 108 cách ái như đã mô tả trong pháp liên quan tương sinh thứ bảy.

Thủ (upādāna) đại diện cho 4 loại thủ - tức là dục thủ (kāmupādāna), tà kiến thủ (diṭṭhupādāna), giới cấm thủ (sīlabbatupādāna) và ngã chấp thủ (attavādupādāna) đã được trình bày trong Chương VII.

Trước tiên, chúng ta xem xét sự sanh của dục thủ (kāmupādāna) là quả của ái (taṇhā). Dục thủ (kāmupādāna) là sự khao khát mạnh mẽ hay thủ, bám dai dẳng vào 5 cảnh và về cơ bản nó là tham (lobha) hiện diện trong 8 tâm căn tham (lobha mūla citta).

Do đó, chúng ta thấy rằng cả hai nhân (là ái-taṇhā) và quả (là dục thủ-kāmupādāna) lần lượt đại diện cho tham (lobha). Tham có thể thành nhân cũng như quả ra sao? Phần giải thích có 4:

(1) Ái (taṇhā) thì yếu hơn dục thủ (kāmupādāna) về cường độ. Khi chúng ta thấy một cảnh dục lạc, sự mong mỏi yếu ớt ban đầu đối với cảnh là ái (taṇhā). Khi tham tăng cao, nó được phát triển bằng cách ‘xúc’ cảnh lặp đi lặp lại, được gọi là dục thủ (kāmupādāna).

(2) Những nhà chú giải khác có nhận định rằng sự khao khát đạt một cảnh là ái (taṇhā) và sự dính mắc mạnh mẽ hay đeo đuổi (upādāna) cảnh sau khi bắt cảnh, đó là dục thủ (kāmupādāna).

(3) Hơn nữa, ái (taṇhā) là pháp đối lập với thiểu dục, thanh đạm (appicchatā) tức sự giản dị, không cầu kỳ, trong khi dục thủ (kāmupādāna) thì đối lập với sự vừa lòng, tri túc, mãn nguyện (santuṭṭhitā).

(4) Ái (taṇhā) là nhân của khổ, gặp khi đạt được sự giàu có, trong khi dục thủ (kāmupādāna) là nhân của khổ, gặp khi bảo vệ sự giàu có.

Do đó, nói một cách thích hợp rằng dục thủ (kāmupādāna) sanh là quả của ái (taṇhā).

Chúng ta phải giải thích thêm làm thế nào 3 thủ còn lại sanh là quả của ái (taṇhā). Những pháp thủ này là tà kiến thủ (diṭṭhuupādāna) là bám chặt vào nhận định sai, giới cấm thủ (sīlabbatupādāna) là bám chặt vào tà giới như hành theo hạnh bò và chó và ngã chấp thủ (attavādupādāna) là bám chặt vào thuyết bản ngã (atta) hay linh hồn.

Bám chặt vào thuyết bản ngã (atta) hay cái tôi hiện hữu là đồng nghĩa với thân kiến (sakkāyadiṭṭhi) tức sự bám chặt về bản thân, cho năm uẩn là một ‘chúng sanh’ hay là ‘ta’. Niềm tin này rõ ràng là hậu quả của ái (taṇhā) về tự ngã. Với những ai hành theo hạnh bò và chó hay những cách thực hành vô ích khác như là ngủ trên gai, thực hành như vậy để cải thiện tự ngã của họ ra khỏi sự dính mắc vào tự thân.

Do đó, theo pháp liên quan tương sinh ái (taṇhā) trợ cho thủ (upādānaṃ) sanh được chứng minh.

9. Thủ duyên hữu (upādāna paccayā bhavo) (thuộc thời hiện tại)

Thủ (upādāna) trợ duyên cho hữu (bhavo) sanh, hay nói cách khác, ‘hữu’ sanh là do nương vào ‘thủ’. (Vibh.265)

Thủ có 4 - đó là dục thủ, tà kiến thủ, giới cấm thủ và ngã chấp thủ - như vừa trình bày trong pháp liên quan tương sinh thứ tám.

Hữu (bhava) dịch là có.

- Bhavatīti = Bhavo: Còn hay có, gọi là hữu.

- Bhavati etasmāti = Bhavo: Nương nhờ mới có, gọi là ‘hữu’.

Hữu (bhava) theo nghĩa đen là ‘trở thành’, hay ‘hiện bày’. Ở đây có nghĩa là tiến trình năng động của nghiệp làm cho trở thành hay làm cho có, nên gọi là ‘nghiệp hữu’ (kammabhava) và tiến trình thụ động của nghiệp quả hiện bày hay có ra, nên gọi là ‘sanh hữu’ (upapattibhava).

Nghiệp hữu (kamma bhava) bao hàm tất cả nghiệp thiện và nghiệp bất thiện đưa đến kiếp sống mới. Nó gồm 29 tư (cetanā) thiện và bất thiện phối hợp với 17 tâm thiện hiệp thế (lokiya kusala citta) và 12 tâm bất thiện (akusala citta), đó là 29 nghiệp (kamma) tương tự với hành (saṅkhāra) đã được giải thích trong pháp liên quan tương sinh thứ nhất. Chỉ khác giữa ‘hành’ và ‘nghiệp hữu’ là ‘hành’ liên quan đến kiếp sống quá khứ và ‘nghiệp hữu’ liên quan đến kiếp sống hiện tại.

Sanh hữu (upapattibhava) bao hàm tiến trình tái tục. Về cơ bản, sanh hữu đại diện cho 32 tâm quả hiệp thế (lokiya vipāka citta), 35 sở hữu hợp (cetasika) và 18 thứ sắc nghiệp sanh (kammaja rūpa) ở cõi Dục. Lưu ý rằng, những pháp thực tính này giống như pháp thực tính của thức (viññāṇa) và danh-sắc (nāma-rūpa) trong pháp liên quan tương sinh thứ nhì và thứ ba.

Như hành (saṅkhāra) trợ cho thức (viññāṇa) và danh-sắc (nāma-rūpa) sanh trong quá khứ, nghiệp hữu (kamma bhava) trợ cho sanh hữu (upapatti bhava) sanh ở vị lai.

Ở đây, thủ (upādāna) là một duyên trợ cho nghiệp hữu (kamma bhava), dưới sự tác động của thủ (upādāna). Thủ tham gia vào hành động để được những gì mà nó mong muốn một cách mạnh mẽ và với cách ấy, nó tích lũy cả hai nghiệp thiện và bất thiện. Những nghiệp này trợ cho 32 tâm quả hiệp thế (lokiya vipāka citta), 35 sở hữu hợp (cetasika) và 18 thứ sắc nghiệp sanh (kammaja rūpa) ở vị lại.

Thủ (upādāna) cũng là một duyên trợ cho sanh hữu (upapatti bhava) vì cùng pháp thủ đưa chúng sanh trở lại vòng tái tục trong một trạng thái quyết định bởi nghiệp của nó.

10. Hữu duyên sanh (bhava paccayā jāti) (thuộc thời hiện tại – vị lai)

Hữu (bhava) trợ duyên cho sanh (jāti) sanh, hay nói cách khác, sanh (jāti) sanh ra là do nương vào ‘hữu’. (Vibh.266)

Hữu (bhava) ở đây nghĩa là nghiệp hữu (kamma bhava). Nó bao hàm 29 loại nghiệp thiện và bất thiện như đã trình bày trong pháp liên quan nhân quả thứ chín.

Sanh (jāti) có nghĩa là sanh hay sanh hữu (upapatti bhava). Từ lúc tái tục cho đến tử, suốt kiếp sống mới, nghiệp hữu (kamma bhava) trợ duyên cho sự sanh của 32 tâm quả hiệp thế (lokiya vipāka citta), 35 sở hữu tâm (cetasika) phối hợp với tâm quả hiệp thế và 18 sắc nghiệp (kammaja rūpa) làm nên sanh hữu (upapatti bhava). Những tâm (citta), sở hữu tâm (cetasika) hiệp thế và sắc nghiệp (kammaja rūpa) này bao gồm tất cả 20 dạng tiến trình tái tục trong 31 cõi.

Do đó, xuyên qua nghiệp hữu (kamma bhava) thiện và bất thiện trợ cho sanh hữu (upapatti bhava). Pháp liên quan tương sinh thứ mười kết hợp với pháp thứ hai và thứ ba; thực ra chúng dạy cùng một điều, đó là nghiệp (kamma) là nhân của sanh.

11. Sanh duyên lão-tử-sầu-khóc-khổ-ưu-ai hiện diện (jāti paccayā jarā-maraṇaṃ-soka-parideva-dukkha-domanassupāyāsā sambhavanti) (thuộc thời vị lai)

Sanh (jāti) trợ duyên cho sự sanh của lão (jarā), tử (maraṇa), sầu (soka), khóc (parideva), khổ (dukkha) (khổ thân), ưu (domanassa) (khổ danh), ai (upāyāsa) (Vibh.267-273). Trên thực tế, chỉ cho sự sanh của 32 tâm quả hiệp thế (lokiya vipāka citta), 35 sở hữu tâm (cetasika) và 18 sắc nghiệp (kammaja rūpa).

Bây giờ, mỗi pháp siêu lý (paramattha) đều có trạng thái của sanh (uppāda), trụ (ṭhiti) và diệt (bhaṅga). Do đó, sau sanh và trụ thì diệt chắc chắn phải theo sau. Trạng thái sanh (uppāda) được gọi là sanh (jāti); trụ (ṭhiti) được gọi là lão (jarā); và diệt hay tan rã (bhaṅga) được gọi là tử (maraṇa). Do đó, lão-tử (jarā-maraṇa) phải sanh như là một quả của sanh (jāti).

Như sanh, trụ và diệt của sanh hữu (upapatti bhava) được mệnh danh là sanh (jāti), lão (jarā) và tử (maraṇa) theo thứ tự. Chúng ta nên lưu ý rằng chúng sanh đang đối diện với sanh, lão và tử vào mỗi sát-na theo Vô Tỷ Pháp (Abhidhamma).

Thông thường, chúng ta nghĩ rằng chúng ta chỉ sanh một lần, rồi già theo năm tháng và kế đó tử chỉ một lần trong kiếp sống này. Hiện tượng tử xảy ra là quả của sanh vào mỗi sát-na tâm được gọi là sát-na tử (khaṇika maraṇa).

Là những quả của sanh (jāti), sầu-khóc-khổ-ưu-ai (soka-parideva-dukkha-domanassupāyāsā) cũng có thể sanh. Năm quả này không là chánh yếu hay vẫn thường thấy; chúng là thứ yếu có thể hay không thể sanh tùy vào những pháp trợ duyên. Những pháp này không có mặt trong cõi Phạm thiên (Brahma loka) và cũng có thể không được biết đến khi một phôi thai tử trong bào thai hay trong trứng.

Do đó, chúng ta nên phân biệt giữa quả chánh yếu và thứ yếu của sanh (jāti).

Lão (jarā) và tử (maraṇa) là quả chánh yếu và là quả phải có của sanh (jāti);

Sầu-khóc-khổ-ưu-ai (soka-parideva-dukkha-domanassupāyāsā) là quả thứ yếu và là quả không bắt buộc của sanh (jāti).

Sầu (soka) là thọ ưu (domanassa vedanā) hiện diện trong 2 tâm căn sân (dosa mūla citta).

Khóc (parideva) là sắc thinh kỳ dị do tâm tạo (cittaja vipallāsa[213] sadda rūpa).

Khổ (dukkhā) là sở hữu thọ (vedanā catasika) phối hợp với tâm thân thức câu hành khổ (dukkhāsahagata kāyaviññāṇa citta).

Ưu (domanassa) là sở hữu thọ (vedanā catasika) hay ưu thọ phối hợp với 2 tâm căn sân (dosamūla citta).

Ai oán (upāyāsā) là sự oán giận phát sanh do khổ danh quá mức. Đó là sân (dosa) hiện diện trong 2 tâm căn sân (dosamūla citta).

So sánh những trạng thái giữa ‘ưu, khóc’ và ‘ai oán’ thì trạng thái của ‘ưu’ như dầu sôi trong bình; ‘khóc’ (tức sự ưu biểu hiện ra bên ngoài) thì như sự tràn (do sôi quá mức) khỏi bình khi nấu đến mức do lửa lớn dữ dội; ‘ai oán’ thì như sự sủi âm ỉ trong bình những gì còn lại sau khi sôi tràn cho đến khi cạn.

Vài Khía Cạnh Đáng Chú Ý Về Định Luật

5. Tatthā tayo addhā dvādas’ aṅgāni vīsat’ākārā tisandhi catusaṅkhepā tīni vaṭṭāni dve mūlāni ca veditabbāni.

Trong định luật liên quan tương sinh, 3 thời (kāla), 12 chi (aṅga), 20 thể[214] (ākāra), 4 tóm tắt[215] (saṅkhepa), 3 mối nối (sandhi), 3 luân (vaṭṭa) và 2 căn hay gốc (mūla) nên được suy xét.

Lồng vào pháp liên quan tương sinh, những từ như sầu, v.v… ám chỉ cho những quả thứ yếu của sanh.

1/ Ba thời (kāla)

6. Kathaṁ? Avijjāsaṅkhārā atīto addhā, jātijarāmaraṇaṁ anāgato addhā, majjhe aṭṭha paccuppanno addhā ti tayo addhā.

(i) Quá khứ - vô minh (avijjā), hành (saṅkhāra).

(ii) Hiện tại - thức (viññāṇa), danh-sắc (nāma-rūpa), sáu xứ (saḷāyatana), xúc (phassa), thọ (vedanā), ái (taṇhā), thủ (upādāna), nghiệp hữu (kammabhava).

(iii) Vị lai - sanh (jāti), lão-tử (jarā-maraṇaṃ).

Trong quá khứ, vì cái thấy chúng sanh bị mù quáng do vô minh (avijjā), vị ấy không hiểu nghiệp và quả của nghiệp, cũng như sự khổ của vòng luân hồi (saṃsāra). Cho nên vị ấy thực hiện cả hai nghiệp hành (saṅkhāra) thiện và bất thiện.

Vô minh (avijjā) và hành (saṅkhāra) thuộc về quá khứ.

Nghiệp (kamma) quá khứ trợ sanh ra sự tái tục trong kiếp hiện tại. Do đó, bắt đầu từ sát-na đầu tiên khi tái tục cho đến tử, thức (viññāṇa), danh-sắc (nāma-rūpa), sáu xứ (saḷāyatana), xúc (phassa), thọ (vedanā), ái (taṇhā), thủ (upādāna), nghiệp hữu (kamma bhava) sanh và diệt. Cho nên, 8 chi này thuộc về hiện tại.

Nghiệp hữu (kammabhava), đó là nghiệp thiện và bất thiện thực hiện trong kiếp hiện tại sẽ tạo ra tái tục dưới dạng sanh hữu (upapatti bhava) trong kiếp sống vị lai. Sự sanh, trụ và diệt của sanh hữu (upapatti bhava) được gọi là sanh (jāti), lão (jarā) và tử (maraṇa) theo thứ tự. Do đó, sanh (jāti), lão (jarā) và tử (maraṇa) thuộc về vị lai.

[Lưu ý rằng, hữu (bhava) được chia thành nghiệp hữu (kamma bhava) và sanh hữu (upapatti bhava); nghiệp hữu (kamma bhava) thuộc về hiện tại và sanh hữu (upapatti bhava) thuộc về vị lai].

2/ Mười hai chi (aṅga)

7. Avijja saṅkhārā viññāṇaṁ nāmarūpaṁ saḷāyatana phasso vedanā taṇhā upādānaṁ bhavo jāti jaramaranan ti dvādas’ aṅgāni.

8. Sokādivacanaṁ pan’ ettha nissandaphala-nidassanaṁ.

Mười hai chi của liên quan tương sinh (paṭiccasamuppāda) là: Vô minh (avijjā), hành (saṅkhāra), thức (viññāṇa), danh-sắc (nāma-rūpa), sáu xứ (saḷāyatana), xúc (phassa), thọ (vedanā), ái (taṇhā), thủ (upādāna), hữu (bhava), sanh (jāti), lão-tử (jarā-maraṇaṃ).

Nên lưu ý rằng, cụm từ sầu, khóc, khổ, ưu, ai chỉ là kết quả thứ yếu của sanh hữu.

3/ Hai mươi thể hay cách (ākāra)

(i) Nhân quá khứ (atīta hetu) = vô minh (avijjā), hành (saṅkhāra), ái (taṇhā), thủ (upādāna), nghiệp hữu (kamma bhava).

(ii) Quả hiện tại (vaṭṭamāna phala) = thức (viññāṇa), danh-sắc (nāma-rūpa), sáu xứ (saḷāyatana), xúc (phassa), thọ (vedanā).

(iii) Nhân hiện tại (vaṭṭamāna hetu) = ái (taṇhā), thủ (upādāna), nghiệp hữu (kamma bhava), vô minh (avijjā), hành (saṅkhāra).

(iv) Quả vị lai (anāgata phala) = thức (viññāṇa), danh-sắc (nāma-rūpa), sáu xứ (saḷāyatana), xúc (phassa), thọ (vedanā).

Khi nhìn vào thời quá khứ, chúng ta chỉ thấy vô minh (avijjā) và hành (saṅkhāra) được tính là nhân quá khứ. Nhưng vô minh là pháp phiền não luân (kilesa vaṭṭa dhamma); ái (taṇhā) và thủ (upādāna) thì cũng thế. Khi những pháp luân này phát sanh trong cùng một tâm, ái (taṇhā) và thủ (upādāna) cũng phải được gồm trong nhân quá khứ.

Hành (saṅkhāra) là một pháp nghiệp luân (kamma vaṭṭa dhamma) và cũng là nghiệp hữu (kammabhava). Cho nên khi hành (saṅkhāra) được tính vào, nghiệp hữu (kamma bhava) cũng ngầm được tính. Do đó, chúng ta nên cân nhắc như vầy: Tư (cetanā) hiện diện trong những tâm thiện và bất thiện, sanh trong khi một nghiệp là hành (saṅkhāra) và tài sản của nghiệp/ nghiệp lực đó sẽ được để lại trong dòng danh pháp, sau khi tư (cetanā), tức nghiệp hữu (kammabhava) diệt.

Do đó, chúng ta có năm pháp – đó là vô minh (avijjā), hành (saṅkhāra), ái (taṇhā), thủ (upādāna) và nghiệp hữu (kamma bhava) – đều là nhân quá khứ.

Thức (viññāṇa), danh-sắc (nāma-rūpa), sáu xứ (saḷāyatana), xúc (phassa) và thọ (vedanā) trong thời hiện tại là quả hiện tại của nhân quá khứ.

Lại nữa, trong thời hiện tại ái (taṇhā), thủ (upādāna) và nghiệp hữu (kamma bhava) có thể đóng vai trò là nhân hiện tại cho tái tục ở vị lai. Vì lý do trên, khi ái (taṇhā) và thủ (upādāna) được tính vào, vô minh (avijjā) cũng được tính vào. Hơn nữa, hành (saṅkhāra) cũng phải được gom cùng với nghiệp hữu (kamma bhava). Cho nên, ái (taṇhā), thủ (upādāna), nghiệp hữu (kamma bhava), vô minh (avijjā) và hành (saṅkhāra) là nhân hiện tại trợ cho tiến trình tái tục trong kiếp sống kế tiếp, tức sanh hữu (upapatti bhava) ở kiếp sau.

Vào thời vị lai, chỉ có sanh (jāti) và lão-tử (jarā-maraṇa) hiện diện. Chúng tuần tự đại diện cho sanh, lão và tử. Câu hỏi đặt ra ở đây là ‘những thực thể nào thành sanh, lão và tử’. Câu trả lời là: ‘Thức (viññāṇa), danh-sắc (nāma-rūpa), sáu xứ (saḷāyatana), xúc (phassa) và thọ (vedanā) thành sanh, lão và tử’. Hiện tượng sanh, trụ và diệt của những thực thể này được xem như sanh (jāti), lão (jarā) và tử (maraṇa) theo thứ tự. Do đó, thức (viññāṇa), danh-sắc (nāma-rūpa), sáu xứ (saḷāyatana), xúc (phassa) và thọ (vedanā) là quả vị lai.

Do đó, trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) có nêu rằng:

Năm nhân có trong quá khứ;

Năm quả chúng ta tìm trong kiếp hiện tại;

Năm nhân nay chúng ta tạo tác;

Năm quả chúng ta gặt hái trong đời vị lai.

Chúng ta nên lưu ý rằng, mặc dù những trạng thái liên quan tương sinh (paṭiccasamuppāda) nhân trợ cho quả và quả trở thành nhân trợ cho quả khác, thật ra nhiều nhân tham gia cùng lúc trợ cho nhiều quả sanh trong đời sống.

20 cách đã đề cập trên có thể được minh họa như trong Lược đồ 8.1 trình bày mối tùy thuộc liên quan giữa ba đời liên tiếp.

Lược đồ 8. 1 Mối Tùy Thuộc Liên Quan Giữa Ba Đời Liên Tiếp.

Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammattha-saṅgaha)

Hai mươi cách và bốn giản yếu:

9. Avijjāsaṅkhāraggahaṇena pan’ettha taṇh’upādāna bhava-ggahaṇena ca avijjā-saṅkhārā, jāti-jarā-maraṇaggahaṇena ca viññāṇādi – phalapañcakam eva gahitan ti katvā.

10. Atīte hetavo pañca, idāni phalapañcakaṁ, idāni hetavo pañca, āyātiṁ phalapañcakan ti. Vīsat’akārā, tisandhi, catusaṅkhepāca bhavanti.

Trong pháp liên quan tương sinh, bằng cách trực tiếp lấy vô minh và nghiệp hành, thì ái, thủ và nghiệp hữu cũng lấy. Cũng thế, bằng cách trực tiếp lấy ái, thủ và nghiệp hữu, thì vô minh và nghiệp hành cũng được lấy. Bằng cách lấy sanh và lão-tử, thì năm tâm quả, v.v… cũng được lấy.

Với lý do này, có:

(i) Năm nhân quá khứ. 

(ii) Năm quả hiện tại.

(iii) Năm nhân hiện tại.

(iv) Năm quả vị lai.

Do đó, có 20 cách, 3 mối nối và 4 giản yếu.

4/ Bốn tóm tắt hay giản yếu (saṅkhepa)

Năm nhân quá khứ tạo thành một giản yếu.

Năm quả hiện tại tạo thành một giản yếu.

Năm nhân hiện tại tạo thành một giản yếu.

Năm quả vị lai tạo thành một giản yếu.

5/ Ba mối nối (sandhi)

Trong Lược đồ 8. 1 có thể được thấy rằng:

- Mối nối giữa hành (saṅkhāra) (kamma) và thức (viññāṇa) (2-3) tạo thành mối nối giữa nhân quá khứ và quả vị lai;

- Mối nối giữa thọ (vedanā) và ái (taṇhā) (7-8) tạo thành mối nối giữa quả hiện tại và nhân hiện tại;

- Và mối nối giữa nghiệp hữu (kamma bhava) và sanh (jāti) (10-11) tượng trưng cho mối nối giữa nhân hiện tại và quả vị lai.

Ở hiện tại chúng ta quan tâm về mắc xích giữa, đó là mối nối giữa thọ (vedanā) và ái (taṇhā). Nếu chúng ta chánh niệm tại 6 môn, ghi nhận thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe và v.v… và không để thọ (vedanā) làm nhân cho ái (taṇhā) sanh, lúc đó chúng ta đang tái tạo mắc xích “thọ (vedanā) -- trí (paññā)” thay vì “thọ (vedanā) -- ái (taṇhā)”. Đây nghĩa là chúng ta đang dừng bánh xe liên quan tương sinh (paṭiccasamuppāda) ngay lúc ấy và cố gắng cắt đứt mắc xích bằng chánh niệm (sati).

6/ Ba luân (vaṭṭa)

11. Avijjā-taṅh’ upādānā ca kilesavaṭṭaṁ, kammabhavasaṅkhāto bhavekadeso saṅkhārā ca kammavaṭṭaṁ, upapattibhavasaṅkhāto bhavekadeso avasesā ca vipākavattanti tīṇa vaṭṭāni.

Hơn nữa, 3 luân là:

(i) Phiền não luân (kilesa vaṭṭa) là vô minh (avijjā), ái (taṇhā), thủ (upādāna).

(ii) Nghiệp luân (kamma vaṭṭa) là nghiệp hữu (kamma bhava), hành (saṅkhāra).

(iii) Quả luân (vipāka vaṭṭa) là sanh hữu (upapatti bhava), thức (viññāṇa), danh-sắc (nāma-rūpa), sáu xứ (saḷāyatana), xúc (phassa), thọ (vedanā), sanh (jāti), lão-tử (jarā-maraṇaṃ).

Giải thích:

Luân (vaṭṭa) có nghĩa là quay quanh như sự xoay vòng của một bánh xe. Bánh xe liên quan tương sinh (paṭiccasamuppāda) có thể được chia thành 3 đoạn, gọi là 3 luân (vaṭṭa).

Vô minh (avijjā), ái (taṇhā), thủ (upādāna) là những pháp phiền não. Do đó, chúng được gom vào phiền não luân (kilesa vaṭṭa).

Nghiệp hữu (kamma bhava) và hành (saṅkhāra) là những nghiệp hành. Do đó, chúng được gom vào nghiệp luân (kamma vaṭṭa).

Sanh hữu (upapatti bhava), thức (viññāṇa), danh-sắc (nāma-rūpa), sáu xứ (saḷāyatana), xúc (phassa), thọ (vedanā), sanh (jāti), lão-tử (jarā-maraṇaṃ) là quả (vipāka) của nghiệp hành (kammasaṅkhāra). Do đó, chúng được gom vào quả luân (vipāka vaṭṭa).

Trong quá khứ, vì vô minh (avijjā) mà chúng sanh hữu tưởng nhận định sai (tà kiến-diṭṭhi) và ái (taṇhā) các cảnh. Chúng sanh có ái và tà kiến tăng trưởng thành ái mạnh hay thủ (upādāna) hưởng những ái dục. Do đó, họ thực hiện cả hai nghiệp thiện và nghiệp bất thiện [tức nghiệp hữu (kamma bhava) và nghiệp hành (saṅkhāra)]. Một số trong họ học về thiền và thiền lạc, do đó họ cũng tu tập thiền sắc giới (rūpāvacara) và thiền vô sắc giới (arūpāvacara). Cho nên, phiền não luân (kilesa vaṭṭa) trợ cho nghiệp luân (kamma vaṭṭa) (saṅkhārakammabhava).

Khi nghiệp luân cho quả, quả luân (vipāka vaṭṭa) sanh trong kiếp hiện tại. Đồng thời vô minh (avijjā), ái (taṇhā) và tà kiến (diṭṭhi) cùng sanh với những thức quả như những phiền não ngủ ngầm (anusaya kilesa). Khi 6 xứ (saḷāyatana) tiếp xúc với 6 cảnh thì xúc (phassa) và thọ (vedanā) sanh, những phiền não ngủ ngầm cũng sanh thành những phiền não chính thức. Do đó, phiền não luân (kilesa vaṭṭa) sanh lần nữa.

Cho nên, phiền não luân (kilesa vaṭṭa) trợ cho nghiệp luân (kamma vaṭṭa) sanh. Và nghiệp luân (kamma vaṭṭa) lần lượt trợ cho quả luân (vipāka vaṭṭa) sanh, phiền não luân (kilesa vaṭṭa) sanh lần nữa. Cho nên những vòng luân chuyển (vaṭṭa) sẽ tiếp tục xoay và cũng thế, bánh xe liên quan tương sinh (paṭiccasamuppāda) xoay mãi.

7/ Hai gốc (mūla)

12. Avijjā-tanhā-vasena dve mūlāni ca veditabbāni.

Vô minh và ái nên được hiểu là hai gốc.

Giải:

Bánh xe liên quan tương sinh (paṭiccasamuppāda) (xem Lược đồ 8. 2) có thể được chia thành hai phần:

- Phần thứ nhất bắt đầu từ ‘Nhân quá khứ’ và kết thúc ở ‘Quả hiện tại’ gồm có vô minh (avijjā), hành (saṅkhāra), thức (viññāṇa), danh-sắc (nāma-rūpa), sáu xứ (saḷāyatana), xúc (phassa) và thọ (vedanā). Trong phần này, vô minh (avijjā) là gốc (mūla).

- Phần thứ hai từ ‘Nhân hiện tại’ và kết thúc ở ‘Quả vị lai’ bao gồm ái (taṇhā), thủ (upādāna), hữu (bhava), sanh (jāti) và lão-tử (jarā-maraṇaṃ). Trong phần này, ái (taṇhā) là gốc (mūla).

Do đó, hai gốc của pháp ‘liên quan tương sinh’ là vô minh (avijjā) và ái (taṇhā). Nếu chúng ta cắt đứt hai gốc này, bánh xe ‘liên quan tương sinh’ sẽ bị phá hủy vĩnh viễn đối với chúng ta, cũng như một cây sẽ chết khi rễ chánh bị cắt đứt.

Chúng ta có thể cắt đứt hai gốc chánh của ‘liên quan tương sinh’ bằng pháp chỉ (samadha) và pháp quán (vipassanā). Khi nào chúng ta thấy rõ tất cả thực tính của danh pháp và sắc pháp và mở ra tám chi bị ngăn che bởi vô minh (avijjā), thì khi ấy ái (taṇhā) không có nơi để bám víu. Do đó, cả hai vô minh (avijjā) và ái (taṇhā) sẽ bị cắt đứt và chúng ta sẽ được giải thoát khỏi vòng luân hồi (saṃsāra).

Lược đồ 8. 2 Bánh xe liên quan tương sinh (paṭiccasamuppāda)

Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammattha-saṅgaha)

13. Tesam eva ca mūlānaṁ, nirodhena nirujjati.

Khi hai gốc hoàn toàn bị phá hủy bởi đạo Ứng cúng, vòng luân hồi dừng lại.

8/ Nhân của Vô Minh (Avijjā)

Jarāmaraṇamucchāya pīḷitānaṁ abhiṇhaso, āsavānaṁ samuppādā, avijjā ca pavattati.

Với sự sinh khởi của lậu (āsava), trong đó, những ai liên tục bị đè nặng bởi già, chết, sầu, khóc, khổ, ưu, ai, vô minh lần nữa sinh khởi.

Giải:

Trong phần giải pháp liên quan tương sinh (paṭiccasamuppāda), Đức Phật bắt đầu với vô minh (avijjā) và tiếp tục giải thích rằng do vô minh (avijjā), hành (saṅkhāra) sanh; do hành (saṅkhāra), thức (viññāṇa) sanh; và v.v… Do đó, bậc tu tiến nên tìm hiểu vô minh (avijjā) có phải là nhân đầu tiên hay có pháp nào khác thay cho vô minh (avijjā).

Câu trả lời được xác định: Vô minh (avijjā) không phải là nhân đầu tiên, mà bốn lậu (āsava) (là pháp thối nát hay pháp làm say) là nhân của vô minh.

Bốn pháp lậu (āsava) gồm:

Dục lậu (kāmāsava) là dính mắc trong cảnh dục.

Hữu lậu (bhavāsava) là dính mắc vào thiền và đời sống Phạm thiên.

Tà kiến lậu (diṭṭhāsava) là quan niệm hay nhận định sai với pháp thực tính.

Vô minh lậu (avijjāsava) là mê mờ, không biết pháp đáng biết.

Trong kinh Chánh Tri Kiến (sammādiṭṭhi) (M.9/i.54-55), Đại đức Sāriputta đã được yêu cầu giải thích về nhân của vô minh (avijjā) và Ngài đáp rằng: Vô minh sanh từ lậu (āsavasamudayā avijjāsamudayo). Khi Đại đức được yêu cầu nêu rõ nhân của pháp lậu (āsava), Ngài đáp rằng pháp lậu (āsava) sanh từ vô minh (avijjā) (avijjāsamudayā āsavasamudayo).

Khi chúng sanh bị đè nặng, áp lực bởi già, bệnh, sầu, khóc, khổ, ưu, ai, tâm căn sân (dosamūla citta) sanh do vô minh. Khi tâm căn sân (dosamūla citta) sanh, vô minh (avijjā) sanh lần nữa. Hơn nữa, dục và tà kiến sanh do bởi vô minh và khi tâm căn tham (lobhamūla citta) sanh phối hợp với vô minh, tà kiến và tham. Hiện tượng này minh họa cho vô minh là nguyên nhân cho lậu sanh và lậu là nguyên nhân cho vô minh sanh.

Hay nói cách khác:

Khi một sự mất mát lớn về tài sản hay thân quyến xảy ra, thì sự sầu (soka), khóc (parideva), ưu (domanassa), ai (upāyāsā) sanh trong ý chúng ta. Đây chỉ cho thấy sự dính mắc vào tài sản và quyến thuộc, tức dục lậu (kāmāsava) của chúng ta trợ cho sầu, khóc, ưu, ai sinh khởi ra sao.

Cũng thế, khi chư Phạm thiên sống trong cõi Thiền (Jhāna) đi đến gần sự tử, họ cảm thấy sợ hãi và buồn rầu. Vì thế, sầu, ưu, ai cũng sanh với họ và sự sinh khởi này là quả của hữu lậu (bhāvāsava).

Với những ai bám giữ vào tà kiến như là thân kiến (sakkāyadiṭṭhi) cho thân hay tâm là ‘tôi’, cảm thọ buồn hay giận dữ khi có điều bất trắc với thân hay tâm, do đó, tà kiến lậu (diṭṭhāsava) cũng trợ cho sầu lo (soka), khóc (parideva), ưu (domanassa) và ai (upāyāsā) sanh.

Cũng do vô minh (avijjā) hay do không biết về bản thể thực tính của danh pháp và sắc pháp, nên sầu (soka), khóc (parideva), ưu (domanassa) và ai (upāyāsā) sanh. Do đó, vô minh lậu (avijjāsava) cũng là một trong những nhân trợ cho sầu, khóc, ưu, ai v.v… sanh.

Nay khi sầu, khóc, ưu và ai sanh, những tâm bất thiện cũng sanh. Khi si (moha) phối hợp với tất cả tâm bất thiện (akusala citta), vô minh (avijjā) cũng sanh.

Cho nên, vì bốn pháp lậu (āsava) mà sầu (soka), khóc (parideva), ưu (domanassa) và ai (upāyāsā) sanh; và khi sầu, khóc, ưu và ai sanh, vô minh (avijjā) cũng sanh. Do đó, bốn pháp lậu (āsava) là nhân của vô minh (avijjā).

9/ Không có sự bắt đầu trong vòng luân hồi (saṃsāra) bất tận

Vaṭṭam ābandham icc’ evaṁ, tebhūmakam anādikaṁ, paṭiccasamuppādo ti, paṭṭhapesi Mahāmuni.

Bậc Thiện thệ (Buddha) đã giảng chi tiết về những pháp luân là pháp không có điểm bắt đầu và làm rối rắm chúng sanh theo 3 luân của kiếp sống trong 3 cõi (Dục, Sắc và Vô sắc) là pháp liên quan tương sinh.

Giải:

Pháp liên quan tương sinh (paṭiccasamuppāda) tương tự như một bánh xe lớn với 12 chi tạo thành sự ủng hộ và nó đang xoay quanh quanh liên tục không ngừng từ kiếp sống này sang kiếp sống khác theo Phật ngôn: “Avijjāpaccayā saṅkhārā, saṅkhārapaccayā viññāṇaṃ, viññāṇapaccayā nāma-rūpaṃ, nāma-rūpapaccayā saḷāyatanaṁ, saḷāyatanapaccayā phasso, phassapaccayā vedanā, vedanāpaccayā taṇhā, taṇhāpaccayā upādānaṃ, upādāna paccayā bhavo, bhavapaccayā jāti, jātipaccayā jarā-maraṇaṃ-soka-parideva-dukkha-domanassa-upāyāsā sambhavanti.”

Bánh xe liên quan tương sinh cũng có thể được xem là do 4 phần cấu thành: 5 nhân quá khứ tạo thành phần thứ nhất; 5 quả hiện tại tạo thành phần thứ hai; 5 nhân hiện tại tạo thành phần thứ ba; 5 quả vị lai tạo thành phần thứ tư.

Bánh xe này cũng sẽ được xoay quanh liên tục không ngừng như 5 nhân trợ cho 5 quả sanh và những quả này trợ cho 5 nhân trợ sanh là pháp sẽ trợ cho 5 quả nữa và v.v...

→ 5 nhân quá khứ → 5 quả hiện tại → 5 nhân hiện tại → 5 quả vị lai ↓

↑ 5 quả vị lai ← 5 nhân hiện tại ← 5 quả hiện tại ←5 nhân quá khứ ←

Lại nữa, bánh xe liên quan tương sinh có thể được xét do 3 phần cấu thành: Phần thứ nhất tượng trưng cho phiền não luân, phần thứ hai tượng trưng cho nghiệp luân, phần thứ ba tượng trưng cho quả luân.

Do phiền não luân, chúng sanh hữu tưởng thực hiện những nghiệp cố quyết và do đó nghiệp luân sanh. Khi nghiệp luân trổ quả, quả luân sanh. Khi quả luân sanh, phiền não luân sanh lần nữa. Cho nên, bánh xe liên quan tương sinh này cũng sẽ bị xoay quanh liên tục không ngừng.

→ phiền não luân → nghiệp luân → quả luân ↓

↑ quả luân ← nghiệp luân ← phiền não luân←

Sự xoay quanh liên tục của bánh xe liên quan tương sinh này được gọi là saṃsāra (vòng luân hồi).

‘Saṃsāra’ theo nghĩa đen là đi lang thang liên tục không ngừng. Đó là tên được đặt chỉ cho quá trình chúng sanh từng sanh, lớn lên, già, đau khổ và chết liên tục không biết bao nhiêu lần. Dịch chính xác hơn, ‘saṃsāra’ là chuỗi phối hợp liên tục của năm uẩn không gián đoạn, mà chúng luôn luôn thay đổi từ sát-na này sang sát-na khác và liên tục theo sau hết cái này đến cái khác suốt quãng thời gian không thể tưởng.

Khi chúng ta vẽ một vòng tròn, chúng ta phải bắt đầu từ một điểm nào đó và khi chúng ta hoàn thành vòng tròn, không thể thấy điểm khởi đầu hay điểm kết thúc. Tương tự, khi định luật liên quan tương sinh (paṭiccasamuppāda) được giải thích, sự giải thích phải bắt đầu từ một điểm nào đó và vô minh (avijjā) là một điểm thích hợp. Khi sự giải thích đã hoàn mãn, chúng ta thấy rằng không có sự bắt đầu hay sự kết thúc.

Vòng tái tục đối với mỗi cá nhân, cũng như tất cả chúng sanh trong 31 cõi theo pháp liên quan tương sinh đã được giải thích đầy đủ bởi do tùy thuộc vào nhân. Bánh xe liên quan tương sinh (paṭiccasamuppāda) sẽ vẫn quay với mỗi chúng sanh cho đến khi vị ấy có thể cắt đứt hai gốc chánh, đó là vô minh (avijjā) và ái (taṇhā).

Không ai có thể truy nguyên giới hạn về không gian, cũng không ai có thể truy ngược lại khởi điểm của vòng luân hồi (saṃsāra) và không ai có thể nghĩ khi nào nó sẽ kết thúc. So sánh với tiến trình của vòng luân hồi, một kiếp sống chỉ là một phần nhỏ bé tí và thoáng qua.

Vòng sanh tử trong 31 cõi theo duyên trợ đã được giải thích bằng pháp liên quan tương sinh (paṭiccasamuppāda). Định luật này có thể thẩm tra một cách thỏa đáng bằng pháp quán (vipassanā).

Trong Trường bộ kinh (Dīghānikāya) – bài kinh thứ 15, Đức Phật thuyết rằng: “…thật thâm thúy, Ānandā, đó là pháp liên quan tương sinh này và thật sâu sắc, nếu không hiểu thấu, không thâm nhập pháp này, thế gian này giống như một cuộn chỉ rối, một tổ chim, một bụi lau sậy và chúng sanh không thoát khỏi những cõi thấp, thoát khỏi những tai ương và trầm luân khổ, thoát khỏi vòng luân hồi….”

Vấn đề được nêu rõ trong Thanh Tịnh Đạo (2,221) và chú giải Abhidhamma (2, 189) rằng, trừ khi thiền sinh có thể thâm nhập rõ bằng tuệ nhãn của vị ấy, pháp liên quan tương sinh, vị ấy có thể không bao giờ vượt qua sự nguy hiểm kinh hoàng của vòng khổ và có thể không bao giờ thành tựu giải thoát khỏi luân hồi (saṃsāra).

___o0o___

(2) Định luật Vị trí (Paṭṭhāna) – Duyên trợ hay Duyên tương quan.

14.

1. Hetupaccayo, 2. Ārammaṇapaccayo, 3. Adhipatipaccayo, 4. Anantarapaccayo, 5. Samanantarapaccayo, 6. Sahajātapaccayo, 7. Aññamaññapaccayo, 8. Nissayapaccayo, 9. Upanissayapaccayo, 10. Purejātapaccayo, 11. Pacchājātapaccayo, 12. Āsevanapaccayo, 13. Kammapaccayo, 14. Vipākapaccayo, 15. Āhārapaccayo, 16. Indriyapaccayo, 17. Jhānapaccayo, 18. Maggapaccayo, 19. Sampayuttapaccayo, 20. Vippayuttapaccayo, 21. Atthipaccayo, 22. Natthipaccayo, 23. Vigatapaccayo, 24. Avigatapaccayo.

24 Cách Của Duyên

1. Hetupaccayo Nhân duyên

2. Ārammaṇapaccayo Cảnh duyên

3. Adhipatipaccayo Trưởng duyên

4. Anantarapaccayo Vô gián duyên

5. Samanantarapaccayo Đẳng ‘vô gián duyên’

6. Sahajātapaccayo Câu sanh duyên

7. Aññamaññapaccayo Hỗ tương duyên

8. Nissayapaccayo Y chỉ duyên

9. Upanissayapaccayo Cận y duyên

10. Purejātapaccayo Tiền sanh duyên

11. Pacchājātapaccayo Hậu sanh duyên

12. Āsevanapaccayo Trùng dụng duyên

13. Kammapaccayo Nghiệp duyên

14. Vipākapaccayo Dị thục quả duyên

15. Āhārapaccayo Vật thực duyên

16. Indriyapaccayo Quyền duyên

17. Jhānapaccayo Thiền na duyên

18. Maggapaccayo Đạo duyên

19. Sampayuttapaccayo Tương ưng duyên

20. Vippayuttapaccayo Bất tương ưng duyên

21. Atthipaccayo Hiện hữu duyên

22. Natthipaccayo Vô hữu duyên

23. Vigatapaccayo Ly khứ duyên

24. Avigatapaccayo Bất ly duyên

Giải:

Đoạn Pāḷi ngắn trên được gọi là giảng về duyên (paccayuddeso). Nó chỉ đề cập tên của 24 duyên hay những nguyên tắc, nhân hoạt động trong tiến trình tự nhiên. Thậm chí đoạn Pāḷi ngắn này rất hữu ích cho nơi tôn nghiêm để tự bảo vệ khỏi tất cả những thứ nguy hiểm như là sự tấn công bởi những người xấu xa độc ác, thú hoang và tà ma.

Paccayuddeso Pāḷi (duyên xiển thuật) nên được đọc tụng thường xuyên để bảo vệ bản thân khỏi sự nguy hại, đạt được những ước nguyện và củng cố trí tuệ.

Paccayaniddeso Pāḷi (duyên xiển minh) cũng được nhiều người ngày nay tụng. Đoạn Pāḷi này trình bày: (1) những pháp năng duyên (paccayadhamma), (2) những pháp sở duyên (paccayuppannadhammā), (3) sức mạnh hay đặc tính của duyên (paccayasatti). Đoạn Pāḷi này trình bày ngắn gọn và chính xác sự hoạt động của 24 duyên trong tiến trình tự nhiên.

Những đặc tính hay sức mạnh (paccayasatti) của mỗi duyên trình bày cách cụ thể trong những phận sự của pháp năng duyên trợ sanh, ủng hộ hay duy trì pháp sở duyên.

Sức mạnh của mỗi duyên sẽ được trình bày sau cùng với hoạt động của duyên trong hiện tượng tự nhiên theo duyên xiển minh (paccayaniddeso Pāḷi). Trong thực tế, duyên xiển minh cho mỗi duyên cùng với ý nghĩa của nó sẽ được đề cập sau.

Sức Mạnh Của Mỗi Duyên Và Ứng Dụng Theo Duyên Xiển Minh (Paccayaniddeso)

1. Nhân duyên (Hetupaccayo)

Nhân duyên là ám chỉ đến sáu nhân [tham (lobha), sân (dosa), si (moha), vô tham (alobha), vô sân (adosa) và vô si (amoha)].Hetu’ tợ như rễ chánh của một cây. Rễ chánh ủng hộ cho cây tăng trưởng, duy trì sự vững chắc và sum sê, cũng thế sáu nhân ủng hộ cho tâm (citta) và sở hữu tâm (cetasika) phối hợp với tâm (citta) cùng những sắc tâm (cittaja rūpa) sinh trưởng đặng vững chắc và mạnh mẽ.

Paccayaniddeso Pāḷi…

Hetupaccayoti – hetū hetusampayuttakānaṁ dhammānaṁ taṁsamuṭṭhānañca rūpānaṁ hetupaccayena paccayo.

Sáu nhân làm duyên cho tâm và sở hữu tâm phối hợp với tâm cùng với sắc tâm sanh và đặng vững chắc do ‘nhân duyên’.

2. Cảnh duyên (Ārammaṇapaccayo)

Ārammaṇa = a + căn ram, thích thú trong.

Ālambana = ā + căn lamb, đeo níu theo.

Ārammaṇa tượng trưng cho 6 cảnh. Bây giờ, một người tàn tật có thể đứng dậy bằng cách kéo một sợi dây và có thể đứng thẳng với sự trợ giúp của cây gậy chống. Như sợi dây và cây gậy ủng hộ một người tàn tật đứng dậy, cũng thế, 6 cảnh ủng hộ làm cho tâm (citta) và sở hữu tâm (cetasika) có thể sanh.

Paccayaniddeso Pāḷi

Ārammaṇapaccayoti – rūpāyatanaṁ cakkhuviññāṇadhātuyā taṁsampayuṭṭakānañca dhammānaṁ ārammaṇapaccayena paccayo.

Saddhāyatanaṁ sotāviññāṇadhātuyā taṁsampayuṭṭakānañca dhammānaṁ ārammaṇapaccayena paccayo.

Gandhāyatanaṁ ghānaviññāṇadhātuyā taṁsampayuṭṭakānañca dhammānaṁ ārammaṇapaccayena paccayo.

Rasāyatanaṁ jivhāviññāṇadhātuyā taṁsampayuṭṭakānañca dhammānaṁ ārammaṇapaccayena paccayo.

Phoṭṭhabbāyatanaṁ kāyaviññāṇadhātuyā taṁsampayuṭṭakānañca dhammānaṁ ārammaṇapaccayena paccayo.

Rūpāyatanaṁ saddhāyatanaṁ gandhāyatanaṁ rasāyatanaṁ phoṭṭhabbāyatanaṁ manodhātuya taṁsampayuṭṭakānañca dhammānaṁ ārammaṇapaccayena paccayo.

Sabbe dhammā manoviññāṇadhātuyā taṁsampayuṭṭakānañca dhammānaṁ ārammaṇapaccayena paccayo.

Yaṁ yaṁ dhammaṁ ārabbha ye ye dhammā uppajjanti cittacetasikā dhammā, te te dhammā tesaṁ tesaṁ dhammānaṁ ārammaṇapaccayena paccayo.

Nghĩa:

(i) Cảnh sắc làm duyên cho nhãn thức giới và sở hữu hợp sanh bằng ‘cảnh duyên’.

(ii) Cảnh thinh làm duyên cho nhĩ thức giới và sở hữu hợp sanh bằng ‘cảnh duyên’.

(iii) Cảnh khí làm duyên cho tỷ thức giới và sở hữu hợp sanh bằng ‘cảnh duyên’.

(iv) Cảnh vị làm duyên cho thiệt thức giới và sở hữu hợp sanh bằng ‘cảnh duyên’.

(v) Cảnh xúc làm duyên cho thân thức giới và sở hữu hợp sanh bằng ‘cảnh duyên’.

(vi) Cảnh sắc, thinh, khí, vị, xúc làm duyên cho ý giới (đôi tiếp thâu và khai ngũ môn) và sở hữu hợp sanh bằng ‘cảnh duyên’.

(vii) Tất cả pháp (6 cảnh) làm duyên cho ý thức giới (76 tâm) và sở hữu hợp sanh bằng ‘cảnh duyên’.

(viii) Bắt lấy bất cứ pháp nào làm cảnh, những pháp này, tức là tâm và sở hữu tâm sanh; pháp trước làm duyên cho pháp sau sanh bằng ‘cảnh duyên’.

3. Trưởng duyên (Adhipatipaccayo)

Adhipati’ nghĩa là lớn trội hơn, lớn nhất, cao nhất, chúa tể, thủ lĩnh, vua, v.v… vua của một quốc gia, bằng cách dùng quyền lực trên tất cả dân chúng của ông, có thể góp phần vào hòa bình và thịnh vượng của quốc gia trên một phạm vi rộng lớn. Đây có nghĩa ông ta có thể trợ cho quốc gia của ông bằng trạng thái lớn trội hơn (chiếm ưu thế) trên tất cả những người khác.

Trong những hiện tượng tự nhiên, có hai loại trưởng – đó là cảnh trưởng (ārammaṇādhipati) và câu sanh trưởng (sahajātādhipati). Cảnh trưởng (ārammaṇādhipati) là một cảnh nổi bật mà cảnh ấy có thể cuốn hút sự chú ý của chúng ta đến nó. Chúng ta không thể không quan sát hay lắng nghe nó. Câu sanh trưởng (sahajātādhipati) nghĩa là một pháp lớn trội hơn hẳn mà pháp ấy sanh cùng với những pháp phối hợp với nó. Pháp này chỉ cho bốn trưởng- đó là dục (chanda), cần (viriya), tâm (citta), thẩm (vīmaṃsā).

Trong một và cùng trạng thái tâm, chỉ có một trong bốn trưởng (adhipati) có thể là trưởng. Pháp trưởng này trợ cho những pháp câu sanh với nó (tức là tâm (citta) và sở hữu tâm (cetasika)) đạt đến mục tiêu mà nó đặt ra.

Paccayaniddeso Pāḷi

Adhipatipaccayoti –

Chandādhipati chandasampayuttakānaṁ dhammānaṁ taṁsamuṭṭhānānañca rūpānaṁ adhipatipaccayena paccayo.

Viriyādhipati viriyasampayuttakānaṁ dhammānaṁ taṁsamuṭṭhānānañca rūpānaṁ adhipatipaccayena paccayo.

Cittādhipati cittsampayuttakānaṁ dhammānaṁ taṁsamuṭṭhānānañca rūpānaṁ adhipatipaccayena paccayo.

Vimaṁsādhipati vimaṁsasampayuttakānaṁ dhammānaṁ taṁsamuṭṭhānānañca rūpānaṁ adhipatipaccayena paccayo.

Yaṁ yaṁ dhammaṁ garuṁ katvā ye ye dhammā uppajjanti citta cetasikā dhammā, te te dhammā tesaṁ tesaṁ dhammānaṁ adhipatipaccayena paccayo.

Nghĩa là:

(i) Dục trưởng hay dục (chanda) làm duyên cho tâm và sở hữu tâm phối hợp và cùng sắc tâm để đạt được giải pháp mong muốn do dục (chanda) bằng ‘trưởng duyên’.

(ii) Cần trưởng làm duyên cho tâm và sở hữu tâm phối hợp với tâm và cùng sắc tâm để đạt đến giải pháp chắc chắn bằng ‘trưởng duyên’.

(iii) Tâm trưởng (citta) làm duyên cho tâm và sở hữu tâm phối hợp với tâm và cùng sắc tâm để đạt đến giải pháp chắc chắn bằng ‘trưởng duyên’.

(iv) Thẩm trưởng hay trí (vimaṁsa) làm duyên cho tâm và sở hữu tâm phối hợp với tâm và cùng sắc tâm để đạt đến giải pháp chắc chắn bằng ‘trưởng duyên’.

(v) Bắt chăm chú vào một pháp nào là một cảnh nổi bật, những pháp này, tức là, tâm và sở hữu tâm sanh, pháp trước làm duyên cho pháp sau bằng ‘trưởng duyên’.

4. Vô gián duyên (Anantarapaccayo)

Vô gián (anantara) nghĩa là liên tục, không có bất cứ sự ngăn cách nào về thời gian và không gian. Khi một vị vua băng hà, hoàng thái tử trở thành vua mà không có bất cứ sự gián đoạn nào trong dòng tộc của nền quân chủ. Do đó, chúng ta có thể nói rằng đức vua giúp hoàng tử trở thành vua bằng ‘vô gián duyên’.

Trong cùng cách ấy, khi những pháp (một tâm cùng với những sở hữu hợp với nó) diệt hay tàn lụi, thì những pháp (một tâm cùng với những sở hữu hợp với nó) kế tiếp sanh mà không có bất cứ sự gián đoạn nào. Hiện tượng này sanh vì tâm và sở hữu hợp trước trợ cho tâm và sở hữu hợp kế tiếp sanh không gián đoạn do ý nghĩa của ‘vô gián duyên’ (anantarapaccaya).

Paccayaniddeso Pāḷi

Anantarapaccayoti –

Cakkhuviññāṇadhātu taṁsampayuttakā ca dhammā manodhātuyā taṁsampayuttakānañca dhammānaṁ anantarapaccayena paccayo. Manodhātu taṁsampayuttakā ca dhammā mano viññāṇadhātuyā taṁsampayuttakānañca dhammānaṁ anantarapaccayena paccayo.

Sotaviññāṇadhātu taṁsampayuttakā ca dhammā manodhātuyā taṁsampayuttakānañca dhammānaṁ anantarapaccayena paccayo. Manodhātu taṁsampayuttakā ca dhammā mano viññāṇadhātuyā taṁsampayuttakānañca dhammānaṁ anantarapaccayena paccayo.

Ghānaviññāṇadhātu taṁsampayuttakā ca dhammā manodhātuyā taṁsampayuttakānañca dhammānaṁ anantarapaccayena paccayo. Manodhātu taṁsampayuttakā ca dhammā mano viññāṇadhātuyā taṁsampayuttakānañca dhammānaṁ anantarapaccayena paccayo.

Jivhāviññāṇadhātu taṁsampayuttakā ca dhammā manodhātuyā taṁsampayuttakānañca dhammānaṁ anantarapaccayena paccayo. Manodhātu taṁsampayuttakā ca dhammā mano viññāṇadhātuyā taṁsampayuttakānañca dhammānaṁ anantarapaccayena paccayo.

Kāyaviññāṇadhātu taṁsampayuttakā ca dhammā manodhātuyā taṁsampayuttakānañca dhammānaṁ anantarapaccayena paccayo. Manodhātu taṁsampayuttakā ca dhammā mano viññāṇadhātuyā taṁsampayuttakānañca dhammānaṁ anantarapaccayena paccayo.

Purimā purimā kusalā dhammā pacchimānaṁ pacchimānaṁ kusalānaṁ dhammānaṁ anantarapaccayena paccayo. Purimā purimā kusalā dhammā pacchimānaṁ pacchimānaṁ abyākatānaṁ dhammānaṁ anantarapaccayeena paccayo.

Purimā purimā akusalā dhammā pacchimānaṁ pacchimānaṁ akusalānaṁ dhammānaṁ anantarapaccayena paccayo. Purimā purimā akusalā dhammā pacchimānaṁ pacchimānaṁ abyākatānaṁ dhammānaṁ anantarapaccayeena paccayo.

Purimā purimā kusalā dhammā pacchimānaṁ pacchimānaṁ kusalānaṁ dhammānaṁ anantarapaccayena paccayo. Purimā purimā kusalā dhammā pacchimānaṁ pacchimānaṁ abyākatānaṁ dhammānaṁ anantarapaccayeena paccayo.

Purimā purimā abyākatā dhammā pacchimānaṁ pacchimānaṁ abyākatānaṁ dhammānaṁ anantarapaccayena paccayo. Purimā purimā abyākatā dhammā pacchimānaṁ pacchimānaṁ kusalānaṁ dhammānaṁ anantarapaccayeena paccayo. Purimā purimā abyākatā dhammā pacchimānaṁ pacchimānaṁ akusalānaṁ dhammānaṁ anantarapaccayeena paccayo.

Yesaṁ yesaṁ dhammānaṁ anantarāye ye dhammā uppajjanti cittacetasikā dhammā, te te dhammā tesaṁ tesaṁ dhammānaṁ anantarapaccayena paccayo.

Nghĩa là:

(i) Nhãn thức giới và pháp tương ưng (sở hữu hợp với nó) trợ cho ý giới (tiếp thâu (sampaticchana)) và pháp tương ưng (sở hữu hợp với nó) sanh bằng ‘vô gián duyên’;

Ý giới (tiếp thâu (sampaticchana)) và pháp tương ưng (sở hữu hợp) trợ cho ý thức giới (thẩm tấn (santirana)) và pháp tương ưng (sở hữu hợp) sanh bằng ‘vô gián duyên’.

(ii) Nhĩ thức giới và pháp tương ưng (sở hữu hợp với nó) trợ cho ý giới (tiếp thâu (sampaticchana)) và pháp tương ưng (sở hữu hợp với nó) sanh bằng ‘vô gián duyên’;

Ý giới (tiếp thâu (sampaticchana)) và pháp tương ưng (sở hữu hợp) trợ cho ý thức giới (thẩm tấn (santirana)) và pháp tương ưng (sở hữu hợp) sanh bằng ‘vô gián duyên’.

(iii) Tỷ thức giới và pháp tương ưng v.v… (như trên)

(iv) Thiệt thức giới và pháp tương ưng v.v… (như trên)

(v) Thân thức giới và pháp tương ưng v.v… (như trên)

(vi) Pháp thiện (tâm đổng lực thiện và sở hữu hợp với nó) sanh trước trước trợ cho pháp thiện (tâm đổng lực thiện và sở hữu hợp với nó) sanh sau sau bằng ‘vô gián duyên’.

(vii) Pháp thiện (tâm đổng lực thiện và sở hữu hợp với nó) sanh trước trước trợ cho pháp vô ký [tâm na cảnh (tadālambaṇa) hay hữu phần (bhavaṅga) và sở hữu hợp với nó] sanh sau sau bằng ‘vô gián duyên’.

(viii) Pháp bất thiện (tâm đổng lực bất thiện và sở hữu hợp với nó) sanh trước trước trợ cho pháp bất thiện (tâm đổng lực bất thiện và sở hữu hợp với nó) sanh sau sau bằng ‘vô gián duyên’.

(ix) Pháp bất thiện (tâm đổng lực bất thiện và sở hữu hợp với nó) sanh trước trước trợ cho pháp vô ký [tâm na cảnh (tadālambaṇa) hay hữu phần (bhavaṅga) và sở hữu hợp với nó] sanh sau sau bằng ‘vô gián duyên’.

(x) Pháp vô ký [tâm quả (vipāka) hay tố (kiriya) và sở hữu hợp với nó] sanh trước trước trợ cho pháp vô ký [tâm quả (vipāka) hay tố (kiriya) và sở hữu hợp với nó] sanh sau sau bằng ‘vô gián duyên’.

(xi) Pháp vô ký [tâm đoán định (voṭṭhapana) hay khai ý môn (manodvārāvajjana) và sở hữu hợp với nó] sanh trước trước trợ cho pháp thiện (tâm đổng lực thiện và sở hữu hợp với nó) sanh sau sau bằng ‘vô gián duyên’.

(xii) Pháp vô ký [khai ý môn (manodvārāvajjana) và sở hữu hợp với nó] sanh trước trước trợ cho pháp bất thiện (tâm đổng lực thiện và sở hữu hợp với nó) sanh sau sau bằng ‘vô gián duyên’.

(xiii) Ngay sau sự diệt của một pháp nào đó, tức là tâm và sở hữu tâm câu sanh; pháp sanh trước trợ cho pháp sanh sau bằng ‘vô gián duyên’.

5. Đẳng vô gián duyên (Samanantarapaccayo)

‘Đẳng vô gián’ ý nghĩa giống như ‘vô gián’. ‘Vô gián duyên’ (anantarapaccaya) và ‘đẳng vô gián duyên’ (samanantarapaccaya) thì y hệt nhau; ‘sama’ ở đây có nghĩa là đúng. Chúng nói đến bất cứ trạng thái nào của tâm và những danh pháp câu sanh, trợ cho tâm sanh ngay sau trong lộ trình tâm.

Paccayaniddeso Pāḷi

Samanantarapaccayoti -

Cakkhuviññāṇadhātu taṁsampayuttakā ca dhammā manodhātuyā taṁsampayuttakānañca dhammānaṁ samanantarapaccayena paccayo. Manodhātu taṁsampayuttakā ca dhammā mano viññāṇadhātuyā taṁsampayuttakānañca dhammānaṁ samanantarapaccayena paccayo.

Sotaviññāṇadhātu taṁsampayuttakā ca dhammā …(như trên)…

Ghānaviññāṇadhātu taṁsampayuttakā ca dhammā …(như trên)…

Jivhāviññāṇadhātu taṁsampayuttakā ca dhammā …(như trên)…

Kāyaviññāṇadhātu taṁsampayuttakā ca dhammā …(như trên)…

…(giống như ở phần ‘vô gián duyên’ - anantarapaccayo)

Purimā purimā kusalā dhammā pacchimānaṁ pacchimānaṁ kusalānaṁ dhammānaṁ samanantarapaccayena paccayo. Purimā purimā kusalā dhammā pacchimānaṁ pacchimānaṁ abyākatānaṁ dhammānaṁ samanantarapaccayeena paccayo.

Yesaṁ yesaṁ dhammānaṁ samanantarā ye ye dhammā uppajjanti cittacetasikā dhammā, te te dhammā tesaṁ tesaṁ dhammānaṁ samanantarapaccayena paccayo.

Nghĩa giống như trong phần ‘vô gián duyên’. Chỉ đổi vô gián thành đẳng vô gián.

6. Câu sanh duyên (Sahajātapaccayo)

Sahajātapaccaya’ nghĩa là trợ bằng cách sanh cùng lúc. Câu sanh nghĩa là cùng sanh. Khi đèn dầu được thắp lên, ánh sáng đồng thời tỏa sáng. Do đó, chúng ta có thể nói rằng đèn trợ cho ánh sáng lan tỏa ngay khi đèn được thắp sáng. Đây là một ví dụ của ‘câu sanh duyên’.

Trong bất cứ tiến trình tự nhiên nào trong phần pháp năng duyên và pháp sở duyên sanh đồng thời với nhau, thì pháp trước được gọi là trợ cho pháp sau sanh bằng ‘câu sanh duyên’ (sahajātapaccaya).

Paccayaniddeso Pāḷi

Sahajātapaccayoti – cattāro khandhā arūpino aññamaññaṃ sahajātapaccayena paccayo. Cattāro mahābhūtā aññamaññaṃ sahajātapaccayena paccayo. Okkantikkhaṇe nāmarūpaṃ aññamaññaṃ sahajātapaccayena paccayo. Cittacetasikā dhammā cittasamuṭṭhānānaṃ rūpānaṃ sahajātapaccayena paccayo. Mahābhūtā upādārūpānaṃ sahajātapaccayena paccayo. Rūpino dhammā arūpīnaṃ dhammānaṃ kiñci kāle sahajātapaccayena paccayo, kiñci kāle na sahajātapaccayena paccayo.

(i) 4 uẩn phi sắc hay danh uẩn (citta và cetasika) trợ qua lại lẫn nhau để cùng sanh chung bằng ‘câu sanh duyên’.

(ii) 4 sắc đại hiển (Mahābhūtā: Pathavī, āpo, tejo và vāyo) trợ qua lại lẫn nhau để cùng sanh chung bằng ‘câu sanh duyên’.

(iii) Vào sát-na tái tục, danh tái tục (citta và cetasika khi tái tục) và sắc nghiệp (kammajarūpa) trợ qua lại lẫn nhau để cùng sanh bằng ‘câu sanh duyên’.

(iv) Tâm và sở hữu tâm trợ cho sắc tâm (cittajarūpa) cùng sanh với chúng bằng ‘câu sanh duyên’.

(v) Sắc đại hiển (mahābhūtā) trợ cho sắc y sinh (upādārūpa) cùng sanh với chúng bằng ‘câu sanh duyên’.

(vi) Pháp sắc đôi khi liên quan với pháp phi sắc bằng ‘câu sanh duyên’ và đôi khi không liên quan bằng ‘câu sanh duyên’.

7. Hỗ tương duyên (Aññamaññapaccayo)

Khi ba cây gậy được dựng lên theo dạng kim tự tháp, chúng thăng bằng lẫn nhau. Nếu một cây gậy bị dời đi, hai gậy còn lại sẽ ngã. Sự ủng hộ qua lại hay lẫn nhau này giữa những cây gậy minh họa cho ‘hỗ tương duyên’ (aññamaññapaccayo).

Trong vật chất và hiện tượng vật chất, nhân và quả trợ qua lại đặng cùng sanh, cho nên chúng ta nói rằng nhân và quả ủng hộ qua lại do ý nghĩa của ‘hỗ tương duyên’.

Paccayaniddeso Pāḷi

Aññamaññapaccayoti – cattāro khandhā arūpino aññamaññapaccayena paccayo. Cattāro mahābhūtā aññamaññapaccayena paccayo. Okkantikkhaṇe nāmarūpaṃ aññamaññapaccayena paccayo.

(i) Bốn phi sắc uẩn (tâm và sở hữu tâm) ủng hộ qua lại với nhau bằng ‘hỗ tương duyên’.

(ii) Bốn sắc tứ đại hiển (đất, nước, lửa, gió) ủng hộ qua lại với nhau bằng ‘hỗ tương duyên’.

(iii) Vào sát-na tái tục, danh uẩn (tâm và sở hữu tâm tái tục) và sắc nghiệp (kammaja rūpa) ủng hộ qua lại với nhau bằng ‘hỗ tương duyên’.

8. Y chỉ duyên (Nissayapaccayo)

Nissayapaccaya’ là một duyên trợ do ý nghĩa nơi nương nhờ, ủng hộ hay tùy thuộc. Thí dụ, một người đàn ông băng ngang một dòng sông bằng cách chèo một chiếc xuồng. Khi ấy chúng ta nói rằng chiếc xuồng làm nơi nương cho người đàn ông băng ngang sông bởi ý nghĩa của ‘y chỉ duyên’ và ngược lại người đàn ông giúp cho chiếc xuồng qua đến bờ kia của dòng sông bởi ý nghĩa của ‘y chỉ duyên’ (nissayapaccaya).

Chúng ta hãy xét một ví dụ khác. Cây cỏ, động vật, con người nương trên quả địa cầu để tồn tại. Ở đây, quả địa cầu ủng hộ cho cây cỏ, động vật, con người bằng lối ‘y chỉ duyên’, nhưng không có hỗ tương tồn tại trong trường hợp này.

Paccayaniddeso Pāḷi

Nissayapaccayoti – cattāro khandhā arūpino aññamaññaṃ nissayapaccayena paccayo.

Cattāro mahābhūtā aññamaññaṃ nissayapaccayena paccayo.

Okkantikkhaṇe nāmarūpaṃ aññamaññaṃ nissayapaccayena paccayo.

Cittacetasikā dhammā cittasamuṭṭhānānaṃ rūpānaṃ nissayapaccayena paccayo.

Mahābhūtā upādārūpānaṃ nissayapaccayena paccayo.

Cakkhāyatanaṃ cakkhuviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ nissayapaccayena paccayo.

Sotāyatanaṃ sotaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ nissayapaccayena paccayo.

Ghānāyatanaṃ ghānaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ nissayapaccayena paccayo.

Jivhāyatanaṃ jivhāviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ nissayapaccayena paccayo.

Kāyāyatanaṃ kāyaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ nissayapaccayena paccayo.

Yaṃ rūpaṃ nissāya manodhātu ca manoviññāṇadhātu ca vattanti, taṃ rūpaṃ manodhātuyā ca manoviññāṇadhātuyā ca taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ nissayapaccayena paccayo.

(i) 4 pháp phi sắc hay danh uẩn hộ trợ qua lại với nhau bằng ‘y chỉ duyên’.

(ii) 4 sắc đại hiển hộ trợ qua lại với nhau bằng ‘y chỉ duyên’.

(iii) Vào sát-na tái tục, danh và sắc hộ trợ qua lại với nhau bằng ‘y chỉ duyên’.

(iv) Tâm và những danh pháp đồng sanh làm duyên trợ cho sắc tâm sanh bằng ‘y chỉ duyên’.

(v) Sắc đại hiển trợ cho sắc y sinh bằng ‘y chỉ duyên’.

(vi) Nhãn xứ (sắc nhãn thanh triệt) làm duyên trợ cho nhãn thức và sở hữu hợp bằng ‘y chỉ duyên’.

(vii) Nhĩ xứ (sắc nhĩ thanh triệt) làm duyên trợ cho nhĩ thức và sở hữu hợp bằng ‘y chỉ duyên’.

(viii) Tỷ xứ (sắc tỷ thanh triệt) làm duyên trợ cho tỷ thức và sở hữu hợp bằng ‘y chỉ duyên’.

(ix) Thiệt xứ (sắc thiệt thanh triệt) làm duyên trợ cho thiệt thức và sở hữu hợp bằng ‘y chỉ duyên’.

(x) Thân xứ (sắc thân thanh triệt) làm duyên trợ cho thân thức và sở hữu hợp bằng ‘y chỉ duyên’.

(xi) Tùy thuộc vào sắc này (sắc ý vật) ý giới và ý thức giới sanh; sắc ấy làm duyên cho ý giới, ý thức giới và những danh pháp câu sanh bằng ‘y chỉ duyên’.

9. Cận y duyên (Upanissayapaccayo)

Upanissaya = upa + ni + + căn si, nằm, nằm bên, ở bên cạnh.

Tiếp đầu ngữ upa dùng để tăng cường ý nghĩa.

Cận y (upanissaya) nghĩa là một nhân mạnh mẽ trợ giúp bởi ý nghĩa ‘y chỉ duyên’. Ví dụ, mưa là nhân mạnh mẽ ủng hộ cho sự sinh trưởng của cây cỏ và động vật. Tương tự, cha mẹ là người thân cận ủng hộ làm nơi nương cho những đứa con của họ.

Trong bất cứ hiện tượng nào, nhân là một sự ủng hộ mạnh mẽ cho quả của nó, khi ấy chúng ta nói rằng nhân giúp cho quả sanh do ý nghĩa của ‘cận y duyên’ (upanissaya-paccaya).

Paccayaniddeso Pāḷi

Upanissayapaccayoti – purimā purimā kusalā dhammā pacchimānaṃ pacchimānaṃ kusalānaṃ dhammānaṃ upanissayapaccayena paccayo.

Purimā purimā kusalā dhammā pacchimānaṃ pacchimānaṃ akusalānaṃ dhammānaṃ kesañci upanissayapaccayena paccayo.

Purimā purimā kusalā dhammā pacchimānaṃ pacchimānaṃ abyākatānaṃ dhammānaṃ upanissayapaccayena paccayo.

Purimā purimā akusalā dhammā pacchimānaṃ pacchimānaṃ akusalānaṃ dhammānaṃ upanissayapaccayena paccayo.

Purimā purimā akusalā dhammā pacchimānaṃ pacchimānaṃ kusalānaṃ dhammānaṃ kesañci upanissayapaccayena paccayo.

Purimā purimā akusalā dhammā pacchimānaṃ pacchimānaṃ abyākatānaṃ dhammānaṃ upanissayapaccayena paccayo.

Purimā purimā abyākatā dhammā pacchimānaṃ pacchimānaṃ abyākatānaṃ dhammānaṃ upanissayapaccayena paccayo.

Purimā purimā abyākatā dhammā pacchimānaṃ pacchimānaṃ kusalānaṃ dhammānaṃ upanissayapaccayena paccayo.

Purimā purimā abyākatā dhammā pacchimānaṃ pacchimānaṃ akusalānaṃ dhammānaṃ upanissayapaccayena paccayo.

Utubhojanampi upanissayapaccayena paccayo. Puggalopi upanissayapaccayena paccayo. Senāsanampi upanissayapaccayena paccayo.

(i) Pháp thiện sanh trước trước trợ cho pháp thiện sanh sau sau bằng ‘cận y duyên’.

(ii) Pháp thiện sanh trước trước trợ cho pháp bất thiện sanh sau sau bằng ‘cận y duyên’.

(iii) Pháp thiện sanh trước trước trợ cho pháp vô ký (quả và tố) sanh sau sau bằng ‘cận y duyên’.

(iv) Pháp bất thiện sanh trước trước trợ cho pháp bất thiện sanh sau sau bằng ‘cận y duyên’.

(v) Pháp bất thiện sanh trước trước đôi khi trợ cho pháp thiện sanh sau sau bằng ‘cận y duyên’.

(vi) Pháp bất thiện sanh trước trước trợ cho pháp vô ký sanh sau sau bằng ‘cận y duyên’.

(vii) Pháp vô ký sanh trước trước trợ cho pháp vô ký sanh sau sau bằng ‘cận y duyên’.

(viii) Pháp vô ký sanh trước trước trợ cho pháp thiện sanh sau sau bằng ‘cận y duyên’.

(ix) Pháp vô ký sanh trước trước trợ cho pháp bất thiện sanh sau sau bằng ‘cận y duyên’.

(x) Quí tiết, vật thực, người và trú xứ cũng trợ cho chúng sanh hữu tưởng bằng ‘cận y duyên’.

10. Tiền sanh duyên (Purejātapaccayo)

Tiền sanh duyên chỉ đến pháp sanh trước là pháp làm nhân trợ cho pháp sanh sau. Thí dụ, mặt trời và mặt trăng hình thành từ khi sự hình thành của hệ mặt trời này. Chúng tỏa sáng đến con người đang sống trên trái đất. Do đó, chúng ta có thể nói rằng, mặt trời và mặt trăng làm duyên trợ, giúp con người bởi ý nghĩa của ‘tiền sanh duyên’ (purejātapaccaya).

Paccayaniddeso Pāḷi

Purejātapaccayoti – cakkhāyatanaṃ cakkhuviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ purejātapaccayena paccayo.

Sotāyatanaṃ sotaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ purejātapaccayena paccayo.

Ghānāyatanaṃ ghānaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ purejātapaccayena paccayo.

Jivhāyatanaṃ jivhāviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ purejātapaccayena paccayo.

Kāyāyatanaṃ kāyaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ purejātapaccayena paccayo.

Rūpāyatanaṃ cakkhuviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ purejātapaccayena paccayo.

Saddāyatanaṃ sotaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ purejātapaccayena paccayo.

Gandhāyatanaṃ ghānaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ purejātapaccayena paccayo.

Rasāyatanaṃ jivhāviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ purejātapaccayena paccayo.

Phoṭṭhabbāyatanaṃ kāyaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ purejātapaccayena paccayo.

Rūpāyatanaṃ saddāyatanaṃ gandhāyatanaṃ rasāyatanaṃ phoṭṭhabbāyatanaṃ manodhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ purejātapaccayena paccayo.

Yaṃ rūpaṃ nissāya manodhātu ca manoviññāṇadhātu ca vattanti, taṃ rūpaṃ manodhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ purejātapaccayena paccayo. Manoviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ kiñci kāle purejātapaccayena paccayo, kiñci kāle na purejātapaccayena paccayo.

(i) Nhãn xứ (sắc nhãn thanh triệt) làm duyên trợ cho nhãn thức và sở hữu hợp sanh bằng ‘tiền sanh duyên’.

(ii) Nhĩ xứ (sắc nhĩ thanh triệt) làm duyên trợ cho nhĩ thức và sở hữu hợp sanh bằng ‘tiền sanh duyên’.

(iii) Tỷ xứ (sắc tỷ thanh triệt) làm duyên trợ cho tỷ thức và sở hữu hợp sanh bằng ‘tiền sanh duyên’.

(iv) Thiệt xứ (sắc thiệt thanh triệt) làm duyên trợ cho thiệt thức và sở hữu hợp sanh bằng ‘tiền sanh duyên’.

(v) Thân xứ (sắc thân thanh triệt) làm duyên trợ cho thân thức và sở hữu hợp sanh bằng ‘tiền sanh duyên’.

(vi) Cảnh sắc làm duyên cho nhãn thức và sở hữu hợp sanh bằng ‘tiền sanh duyên’.

(vii) Cảnh thinh làm duyên cho nhĩ thức và sở hữu hợp sanh bằng ‘tiền sanh duyên’.

(viii) Cảnh khí làm duyên cho tỷ thức và sở hữu hợp sanh bằng ‘tiền sanh duyên’.

(ix) Cảnh vị làm duyên cho thiệt thức và sở hữu hợp sanh bằng ‘tiền sanh duyên’.

(x) Cảnh xúc làm duyên cho thân thức và sở hữu hợp sanh bằng ‘tiền sanh duyên’.

(xi) Cảnh sắc, thinh, khí, vị và cảnh xúc làm duyên cho ý giới và sở hữu hợp sanh bằng ‘tiền sanh duyên’.

(xii) Nương vào sắc này (tức là sắc ý vật), ý giới và ý thức giới sanh; sắc ấy làm duyên cho ý giới và sở hữu hợp sanh bằng ‘tiền sanh duyên’. Sắc ấy đôi khi làm duyên cho ý thức giới và sở hữu hợp sanh bằng ‘tiền sanh duyên’ cũng có và đôi khi không làm duyên cho ý thức giới và sở hữu hợp sanh bằng ‘tiền sanh duyên’ cũng có.

11. Hậu sanh duyên (Pacchājātapaccayo)

Đây chỉ cho pháp liên quan nhân quả, trong ấy pháp nhân tức là pháp năng duyên (paccaya) sanh sau và pháp quả hay pháp được trợ tức sở duyên (paccayuppanna) sanh trước. Điều này có thể được minh họa bằng con chim kền kền con sau khi thoát khỏi vỏ trứng, cảm thấy đói. Nó mong rằng mẹ của nó sẽ mang thức ăn đến cho nó ăn. Nhưng chim kền kền mẹ, theo thói quen, không bao giờ mang thức ăn cho chim con.

Do đó, con chim con không có gì để ăn. Do nhu cầu tự nhiên thúc đẩy. Sự cố quyết [hay tư (cetanā)] ăn vật thực của con chim con làm nhân cho cơ thể của nó phát triển. Khi lông vũ mọc đủ dài, nó sẽ bay cùng với mẹ của nó để kiếm mồi.

Ở đây, cơ thể của chim con là pháp bị trợ hay sở duyên (paccayuppanna) được sanh trước và sự cố quyết muốn ăn hay tư (cetanā) là pháp năng duyên (paccaya) sanh sau. Do đó, tư (cetanā) giúp cơ thể chim con tăng trưởng do ý nghĩa của ‘hậu sanh duyên’ (pacchājāta-paccaya).

Paccayaniddeso Pāḷi

Pacchājātapaccayoti – pacchājātā cittacetasikā dhammā purejātassa imassa kāyassa pacchājātapaccayena paccayo.

Tâm và sở hữu hợp sanh sau giúp cho sắc sanh trước (ý xứ, nhãn xứ, nhĩ xứ) bằng ‘hậu sanh duyên’.

12. Trùng dụng duyên (Āsevanapaccayo)

Khi chúng ta đọc một đoạn văn khó, lúc đầu chúng ta không thể hiểu. Nhưng nếu chúng ta tiếp tục đọc đi đọc lại, thường thì chúng ta hiểu hơn. Cũng giống trong sự học bằng tâm qua sự liên tiếp lặp lại, sau này sự đọc trong lòng dần dần trở nên dễ dàng và đơn giản. Do đó, chúng ta có thể nói rằng sự học trước giúp cho sự học sau bởi ý nghĩa của ‘trùng dụng duyên’ (āsevanapaccaya).

Tương tự, trong việc thoa dầu gỗ đàn hương hay mỹ phẩm vào mặt, vị ấy không nên thoa một lớp dầy một lần. Vị ấy nên thoa một lớp mỏng trước, quạt cho khô và kế đó thoa một lớp nữa … và lớp nữa. Lớp thoa trước sẽ giúp cho lớp thoa sau, bằng ‘trùng dụng duyên’, đặng vững chắc hơn, mịn hơn và mùi cũng thơm hơn.

Trong lộ trình tâm, chúng ta thường thấy tâm đổng lực (javana citta) sanh 7 lần. Ở đây, tất cả những đổng lực (javana) sanh trước trợ cho những đổng lực kế tiếp sau bằng ‘trùng dụng duyên’.

Paccayaniddeso Pāḷi

Āsevanapaccayoti – purimā purimā kusalā dhammā pacchimānaṃ pacchimānaṃ kusalānaṃ dhammānaṃ āsevanapaccayena paccayo.

Purimā purimā akusalā dhammā pacchimānaṃ pacchimānaṃ akusalānaṃ dhammānaṃ āsevanapaccayena paccayo.

Purimā purimā kiriyābyākatā dhammā pacchimānaṃ pacchimānaṃ kiriyābyākatānaṃ dhammānaṃ āsevanapaccayena paccayo.

(i) Tâm đổng lực thiện và những sở hữu hợp sanh trước trợ cho sức mạnh của tâm đổng lực thiện và những sở hữu hợp sanh sau bằng ‘trùng dụng duyên’.

(ii) Tâm đổng lực bất thiện và những sở hữu hợp sanh trước trợ cho sức mạnh của tâm đổng lực bất thiện và những sở hữu hợp sanh sau bằng ‘trùng dụng duyên’.

(iii) Pháp vô ký tố sanh trước trợ cho pháp vô ký tố sanh sau bằng ‘trùng dụng duyên’.

13. Nghiệp duyên (Kammapaccayo)

Một ‘hạt giống’ được bảo quản tốt, khi gieo vào trong một mảnh đất tươi tốt làm cho nẩy ‘mầm’. Tương tự như thế, nghiệp (kamma) thiện hay bất thiện, với sự ủng hộ của vô minh (avijjā) và ái (taṇhā) làm cho một quả mới sanh dưới dạng năm uẩn.

Trong hai phần đã nêu trên, hạt giống hay nghiệp (kamma) là pháp nhân hay năng duyên (paccaya) và ‘mầm’ hay ‘năm uẩn’ là quả hay pháp sở duyên (paccayuppanna). Nhân được gọi là trợ cho quả sanh theo lối ‘nghiệp duyên’ (kammapaccaya).

Paccayaniddeso Pāḷi

Kammapaccayoti – kusalākusalaṃ kammaṃ vipākānaṃ khandhānaṃ kaṭattā ca rūpānaṃ kammapaccayena paccayo.

Cetanā sampayuttakānaṃ dhammānaṃ taṃsamuṭṭhānānañca rūpānaṃ kammapaccayena paccayo.

(i) Nghiệp thiện và bất thiện trợ cho danh uẩn quả (tâm quả và sở hữu hợp) và sắc nghiệp bằng ‘nghiệp duyên’.

(ii) Tư (cetanā) liên quan đến những pháp đồng sanh (tâm và sở hữu hợp) và sắc tâm bằng ‘nghiệp duyên’.

14. Dị thục quả duyên (Vipākapaccayo)

Tâm quả và những sở hữu đồng sanh với tâm quả ấy là nghiệp quả của nghiệp quá khứ. Chúng bị trợ sanh do mãnh lực của nghiệp quá khứ, chúng hoàn toàn không có sự lo lắng cho sự sinh khởi của chúng. Khi đến lúc sanh, chúng có thể sanh một cách thanh thản và ung dung không có bất cứ sự gắng sức nào do mãnh lực của nghiệp.

Bây giờ, khi hai người lười biếng hợp lại, họ trở nên lười hơn. Cũng thế, một làn gió mát làm cho một người trong bóng mát cảm thấy mát hơn. Tương tự, tâm quả (vipāka citta) và những sở hữu hợp (cetasika) với tâm ấy sanh một cách thanh thản, hỗ tương (hay giúp nhau qua lại) bằng nghiệp quả duyên (‘dị thục quả duyên’) sanh một cách thanh thản và ung dung hơn.

Paccayaniddeso Pāḷi

Vipākapaccayoti – vipākā cattāro khandhā arūpino aññamaññaṃ vipākapaccayena paccayo.

4 danh uẩn quả vô sắc hỗ tương (liên quan qua lại với nhau) bằng ‘dị thục quả duyên’.

15. Vật thực duyên (Āhārapaccayo)

Cha mẹ sanh ra con, ủng hộ chúng và trông nom dõi theo chúng để chúng lớn lên trong hạnh phúc. Một cây cột chống đỡ một ngôi nhà cổ nghiêng làm cho ngôi nhà vững vàng và lâu bền.

Cũng thế, bốn vật thực – đó là đoàn thực (ojā), xúc thực (phassa), tư thực (cetanā) và thức thực (viññāṇa) giúp cho quả của chúng hay pháp sở duyên sanh và tiếp tục ủng hộ chúng đặng chúng vững vàng và lâu bền. Tiến trình của loại trợ này gọi là ‘vật thực duyên’ (āhārapaccaya).

Paccayaniddeso Pāḷi

Āhārapaccayoti – kabaḷīkāro āhāro imassa kāyassa āhārapaccayena paccayo.

Arūpino āhārā sampayuttakānaṃ dhammānaṃ taṃsamuṭṭhānānañca rūpānaṃ āhārapaccayena paccayo.

(i) Đoàn thực làm duyên trợ cho (liên quan đến) thân bằng ‘vật thực duyên’.

(ii) Vật thực phi sắc (danh vật thực) (xúc, tư, thức) làm duyên cho danh pháp tương ưng (tâm, sở hữu tâm) và sắc tâm bằng ‘vật thực duyên’.

16. Quyền duyên (Indriyapaccayo)

Indriya’ ví như bộ trưởng, quản lý những ban, bộ hay những khoa thuộc về họ và với ưu điểm này họ góp phần tiến triển và thành công của toàn hệ thống. Sự góp phần này được diễn ra bởi ý nghĩa của ‘quyền lực duyên’.

Trong 22 quyền (indriya) chúng ta đã học qua trong chương VII, hai sắc tính không tham gia làm ‘quyền duyên’. Năm sắc thanh triệt là quyền trong khả năng của nó, tạo thành một duyên chỉ cho danh pháp như là sự sanh của nhãn thức, v.v… Sắc mạng quyền (jīvita rūpa) và tất cả những quyền còn lại tạo thành một duyên cho sự sanh của những danh và sắc pháp đồng sanh.

Paccayaniddeso Pāḷi

Indriyapaccayoti – cakkhundriyaṃ cakkhuviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ indriyapaccayena paccayo.

Sotindriyaṃ sotaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ indriyapaccayena paccayo.

Ghānindriyaṃ ghānaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ indriyapaccayena paccayo.

Jivhindriyaṃ jivhāviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ indriyapaccayena paccayo.

Kāyindriyaṃ kāyaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ indriyapaccayena paccayo.

Rūpajīvitindriyaṃ kaṭattārūpānaṃ indriyapaccayena paccayo.

Arūpino indriyā sampayuttakānaṃ dhammānaṃ taṃsamuṭṭhānānañca rūpānaṃ indriyapaccayena paccayo.

(i) Nhãn quyền (nhãn thanh triệt) làm duyên cho nhãn thức giới và những pháp tương ưng với nó bằng ‘quyền duyên’.

(ii) Nhĩ quyền (nhĩ thanh triệt) làm duyên cho nhĩ thức giới và những pháp tương ưng với nó bằng ‘quyền duyên’.

(iii) Tỷ quyền (tỷ thanh triệt) làm duyên cho tỷ thức giới và những pháp tương ưng với nó bằng ‘quyền duyên’.

(iv) Thiệt quyền (thiệt thanh triệt) làm duyên cho thiệt thức giới và những pháp tương ưng với nó bằng ‘quyền duyên’.

(v) Thân quyền (thân thanh triệt) làm duyên cho thân thức giới và những pháp tương ưng với nó bằng ‘quyền duyên’.

(vi) Sắc mạng quyền làm duyên cho sắc nghiệp bằng ‘quyền duyên’.

(vii) Phi sắc quyền (hay danh quyền) làm duyên cho những pháp tương ưng (tâm và sở hữu tâm) và sắc tâm bằng ‘quyền duyên’.

17. Thiền na duyên (Jhānapaccayo)

Thiền na duyên đại diện cho bảy chi thiền gọi là ‘jhānaṅga’. Những chi thiền này trợ cho những pháp câu sanh như tâm (citta), sở hữu tâm (cetasika) và sắc tâm (cittaja rūpa) để chăm chú trên một cảnh hay đề mục một cách liên tục, sát sao, bất động và cố định. Lối trợ này được cho là trợ theo lối của ‘thiền na duyên’ (jhānapaccaya).

Paccayaniddeso Pāḷi

Jhānapaccayoti – jhānaṅgāni jhānasampayuttakānaṃ dhammānaṃ taṃsamuṭṭhānānañca rūpānaṃ jhānapaccayena paccayo.

Những chi thiền làm duyên cho những pháp tương ưng (tức là tâm và sở hữu tâm) và sắc tâm bằng ‘thiền na duyên’.

18. Đạo duyên (Maggapaccayo)

Đạo duyên chỉ cho 12 chi đạo, gọi là ‘maggaṅga’ (xem chương VII). Những chi đạo thiện tạo thành một con đường trợ cho những pháp câu sanh với chúng như tâm (citta), sở hữu tâm (cetasika) và sắc tâm (cittaja rūpa) cho quả trong cõi an vui. Tương tự, những chi đạo bất thiện tạo thành một con đường làm duyên trợ cho những pháp câu sanh với chúng như tâm (citta), sở hữu tâm (cetasika) và sắc tâm (cittaja rūpa) trợ cho quả trong cõi Khổ. Cách trợ này được gọi là trợ bằng lối của ‘đạo duyên’ (maggapaccayo).

Paccayaniddeso Pāḷi

Maggapaccayoti – maggaṅgāni maggasampayuttakānaṃ dhammānaṃ taṃsamuṭṭhānānañca rūpānaṃ maggapaccayena paccayo.

Những chi đạo làm duyên trợ cho pháp tương ưng (tức là tâm và sở hữu tâm) và sắc tâm bằng ‘đạo duyên’.

19. Tương ưng duyên (Sampayuttapaccayo)

Nước trà, sữa, đường và nước nóng được khuấy đều trong tách cho một vị ngon tổng hợp không thể phân tách của trà sữa.

Tương tự, tâm và sở hữu tâm cùng tạo thành 4 danh uẩn, được hoàn toàn hòa trộn mà không thể bị phân biệt. Bên cạnh chúng cùng sanh, cùng diệt, có cùng một sắc vật và cùng một cảnh và chúng giúp qua lại lẫn nhau bằng cách cùng phối hợp. Chúng được gọi là giúp lẫn nhau bằng lối của ‘tương ưng duyên’ (sampayuttapaccaya).

Paccayaniddeso Pāḷi

Sampayuttapaccayoti – cattāro khandhā arūpino aññamaññaṃ sampayuttapaccayena paccayo.

Bốn uẩn vô sắc hay danh uẩn (tức là tâm và sở hữu tâm) liên quan lẫn nhau bằng ‘tương ưng duyên’.

20. Bất tương ưng duyên (Vippayuttapaccayo)

Sáu vị - tức là chát, đắng, ngọt, chua, mặn, cay – không hòa trộn với nhau; vậy mà chúng ủng hộ lẫn nhau cho một vị ngon trong món cà-ri (curry).

Lại nữa, trong một vương miện hay vòng đeo cổ, vàng và đá quí không hòa trộn; chúng có thể được phân biệt một cách dễ dàng qua sự quan sát. Dù thế, vàng làm cho đá quí đẹp hơn và đá quí làm cho vàng hấp dẫn hơn.

Tương tự, sắc uẩn và danh uẩn không hòa trộn, thậm chí chúng không sanh cùng hay diệt cùng nhau. Song sắc uẩn giúp cho danh uẩn và danh uẩn giúp cho sắc uẩn theo nhiều cách. Chúng được gọi là giúp qua lại lẫn nhau bằng lối của ‘bất tương ưng duyên’ (vippayuttapaccaya).

Paccayaniddeso Pāḷi

Vippayuttapaccayoti – rūpino dhammā arūpīnaṃ dhammānaṃ vippayuttapaccayena paccayo.

Arūpino dhammā rūpīnaṃ dhammānaṃ vippayuttapaccayena paccayo.

Pháp sắc làm duyên cho pháp phi sắc bằng ‘bất tương ưng duyên’.

Pháp phi sắc làm duyên cho pháp sắc bằng ‘bất tương ưng duyên’.

21. Hiện hữu duyên (Atthipaccayo)

Đất có thể ủng hộ cho cây cỏ mọc hay phát triển trên nó, vì đất hiện diện. Cha mẹ có thể ủng hộ và dõi theo, trông nom những đứa con của họ trong khi họ còn đang hiện diện và còn sống.

Thí dụ một pháp – dù là sanh trước hay sanh sau – mà sự hiện diện của pháp ấy là một duyên cho những pháp khác sanh được gọi là ‘hiện hữu duyên’ (atthipaccaya).

Paccayaniddeso Pāḷi

Atthipaccayoti – cattāro khandhā arūpino aññamaññaṃ atthipaccayena paccayo. Cattāro mahābhūtā aññamaññaṃ atthipaccayena paccayo. Okkantikkhaṇe nāmarūpaṃ aññamaññaṃ atthipaccayena paccayo. Cittacetasikā dhammā cittasamuṭṭhānānaṃ rūpānaṃ atthipaccayena paccayo. Mahābhūtā upādārūpānaṃ atthipaccayena paccayo.

Cakkhāyatanaṃ cakkhuviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ atthipaccayena paccayo. Sotāyatanaṃ sotaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ atthipaccayena paccayo. Ghānāyatanaṃ ghānaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ atthipaccayena paccayo. Jivhāyatanaṃ jivhāviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ atthipaccayena paccayo. Kāyāyatanaṃ kāyaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ atthipaccayena paccayo.

Rūpāyatanaṃ cakkhuviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ atthipaccayena paccayo. Saddāyatanaṃ sotaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ atthipaccayena paccayo. Gandhāyatanaṃ ghānaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ atthipaccayena paccayo. Rasāyatanaṃ jivhāviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ atthipaccayena paccayo. Phoṭṭhabbāyatanaṃ kāyaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ atthipaccayena paccayo. Rūpāyatanaṃ saddāyatanaṃ gandhāyatanaṃ rasāyatanaṃ phoṭṭhabbāyatanaṃ manodhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ atthipaccayena paccayo.

Yaṃ rūpaṃ nissāya manodhātu ca manoviññāṇadhātu ca vattanti, taṃ rūpaṃ manodhātuyā ca manoviññāṇadhātuyā ca taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ atthipaccayena paccayo.

(i) Bốn uẩn vô sắc hỗ tương qua lại bằng ‘hiện hữu duyên’.

(ii) Bốn sắc đại hiển hỗ tương qua lại bằng ‘hiện hữu duyên’.

(iii) Vào sát-na tái tục, danh tái tục (tâm tái tục và sở hữu tâm) và sắc nghiệp hỗ tương qua lại bằng ‘hiện hữu duyên’.

(iv) Tâm và pháp tương ưng làm duyên trợ (giúp) cho sắc tâm sanh bằng ‘hiện hữu duyên’.

(v) Bốn sắc đại hiển làm duyên trợ cho sắc y sinh sanh bằng ‘hiện hữu duyên’.

(vi) Nhãn xứ làm duyên trợ cho nhãn thức và pháp tương ưng sanh bằng ‘hiện hữu duyên’.

(vii) Nhĩ xứ làm duyên trợ cho nhĩ thức và pháp tương ưng sanh bằng ‘hiện hữu duyên’.

(viii) Tỷ xứ làm duyên trợ cho tỷ thức và pháp tương ưng sanh bằng ‘hiện hữu duyên’.

(ix) Thiệt xứ làm duyên trợ cho thiệt thức và pháp tương ưng sanh bằng ‘hiện hữu duyên’.

(x) Thân xứ làm duyên trợ cho thân thức và pháp tương ưng sanh bằng ‘hiện hữu duyên’.

(xi) Cảnh sắc làm duyên trợ cho nhãn thức và pháp tương ưng sanh bằng ‘hiện hữu duyên’.

(xii) Cảnh thinh làm duyên trợ cho nhĩ thức và pháp tương ưng sanh bằng ‘hiện hữu duyên’.

(xiii) Cảnh khí làm duyên trợ cho tỷ thức và pháp tương ưng sanh bằng ‘hiện hữu duyên’.

(xiv) Cảnh vị làm duyên trợ cho thiệt thức và pháp tương ưng sanh bằng ‘hiện hữu duyên’.

(xv) Cảnh xúc làm duyên trợ cho thân thức và pháp câu sanh sanh bằng ‘hiện hữu duyên’.

(xvi) Cảnh sắc, thinh, khí, vị, xúc làm duyên trợ cho ý giới và pháp tương ưng sanh bằng ‘hiện hữu duyên’.

(xvii) Nương vào sắc ấy (tức là sắc ý vật), ý giới và ý thức giới sanh; sắc ấy làm duyên trợ cho ý giới, ý thức giới và pháp tương ưng sanh bằng ‘hiện hữu duyên’.

22. Vô hữu duyên (Natthipaccayo)

Sự vắng mặt của mặt trời góp phần cho sự xuất hiện của mặt trăng, sự vắng mặt của ánh sáng góp phần cho sự xuất hiện của bóng tối; sự băng hà của đức vua góp phần cho sự lên ngôi của đại hoàng tử; cho nên một pháp có thể góp phần cho một pháp bằng cách vắng mặt.

Trong danh pháp, một tâm và những sở hữu phối hợp với tâm vừa diệt hình thành một duyên cần thiết gọi là ‘vô hữu duyên’ (natthipaccaya) trợ cho sự sinh khởi tức thì của tâm và những sở hữu tâm tiếp ngay sau.

Paccayaniddeso Pāḷi

Natthipaccayoti – samanantaraniruddhā cittacetasikā dhammā paṭuppannānaṃ cittacetasikānaṃ dhammānaṃ natthipaccayena paccayo.

Tâm và pháp tương ưng vừa diệt trong lộ tâm trợ cho tâm và pháp tương ưng hiện tại sanh theo cách tương tự bằng ‘vô hữu duyên’.

23. Ly khứ duyên (Vigatapaccayo)

Khi một pháp mất đi hay diệt mất, pháp ấy không còn tồn tại hay vắng mặt. Do đó, ‘ly khứ duyên’ (vigatapaccaya) là đồng nghĩa với ‘vô hữu duyên’ (natthipaccaya).

Ly khứ duyên (vigatapaccaya) như ‘vô hữu duyên’ (natthipaccaya), chỉ áp dụng cho danh pháp. Trong danh pháp ấy, tâm và những sở hữu phối hợp với tâm chỉ có thể sanh khi tâm và những sở hữu phối hợp với tâm có trước ấy diệt dứt và mất đi.

Paccayaniddeso Pāḷi

Vigatapaccayoti – samanantaravigatā cittacetasikā dhammā paṭuppannānaṃ cittacetasikānaṃ dhammānaṃ vigatapaccayena paccayo.

Tâm và pháp tương ưng vừa diệt trong lộ tâm trợ cho tâm và pháp tương ưng hiện tại sanh theo cách tương tự bằng ‘ly khứ duyên’.

24. Bất ly duyên (Avigatapaccayo)

Nếu một số pháp không mất đi, những pháp ấy đang có mặt. Cho nên ‘bất ly duyên’ (avigatapaccayo) giống như ‘hiện hữu duyên’ (atthipaccaya).

Vì đại dương không mất đi góp phần cho sự hạnh phúc của cá và rùa biển sống trong đại dương ấy.

Một pháp, dù sinh trước hay cùng sinh mà pháp ấy chưa mất đi là một duyên trợ cho pháp khác sinh khởi, được gọi là ‘bất ly duyên’ (avigatapaccayo).

Paccayaniddeso Pāḷi

Avigatapaccayoti – cattāro khandhā arūpino aññamaññaṃ avigatapaccayena paccayo. Cattāro mahābhūtā aññamaññaṃ avigatapaccayena paccayo. Okkantikkhaṇe nāmarūpaṃ aññamaññaṃ avigatapaccayena paccayo. Cittacetasikā dhammā cittasamuṭṭhānānaṃ rūpānaṃ avigatapaccayena paccayo. Mahābhūtā upādārūpānaṃ avigatapaccayena paccayo.

Cakkhāyatanaṃ cakkhuviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ avigatapaccayena paccayo. Sotāyatanaṃ sotaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ avigatapaccayena paccayo. Ghānāyatanaṃ ghānaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ avigatapaccayena paccayo. Jivhāyatanaṃ jivhāviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ avigatapaccayena paccayo. Kāyāyatanaṃ kāyaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ avigatapaccayena paccayo.

Rūpāyatanaṃ cakkhuviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ avigatapaccayena paccayo. Saddāyatanaṃ sotaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ avigatapaccayena paccayo. Gandhāyatanaṃ ghānaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ avigatapaccayena paccayo. Rasāyatanaṃ jivhāviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ avigatapaccayena paccayo. Phoṭṭhabbāyatanaṃ kāyaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ avigatapaccayena paccayo. Rūpāyatanaṃ saddāyatanaṃ gandhāyatanaṃ rasāyatanaṃ phoṭṭhabbāyatanaṃ manodhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ avigatapaccayena paccayo.

Yaṃ rūpaṃ nissāya manodhātu ca manoviññāṇadhātu ca vattanti, taṃ rūpaṃ manodhātuyā ca manoviññāṇadhātuyā ca taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ avigatapaccayena paccayo.

(tất cả giống như trong ‘hiện hữu duyên’ – chỉ đổi hiện hữu thành bất ly. Cuối cùng nói duyên giải rộng kết thúc).

Lưu ý:

Ý nghĩa cũng giống như ‘hiện hữu duyên’. Chỉ đổi ‘hiện hữu duyên’ thành ‘bất ly duyên’.

___o0o___

Ứng Dụng Của 24 Duyên

Hoạt động của 24 duyên (paccayo) trong danh và sắc pháp được minh họa, giải thích trong phần Vị trí Xiển minh Pāḷi (paṭṭhāna-niddesa Pāḷi). Phần Pāḷi này thường được trùng tụng độc lập hay theo nhóm nhằm tán dương, cúng dường bậc Toàn Tri.

Nhiều người mong hiểu được nghĩa lý phần Pāḷi này. Nếu không có nền tảng kiến thức về Vô Tỷ Pháp (Abhidhamma), người đọc sẽ rất khó hiểu về phần Pāḷi này. Nhưng với kiến thức đạt được cho đến thời điểm hiện tại từ quyển sách này, phần Pāḷi ấy không còn khó hiểu. Một sự chuyển ngữ trực tiếp của phần Vị trí Xiển minh Pāḷi (paṭṭhāna-niddesa Pāḷi) sẽ được trình bày ở đây để làm cho người đọc có thể hiểu nghĩa lý trong phần Pāḷi tán dương cúng dường.

1. Nhân duyên (Hetupaccayo)

Sáu nhân [tham (lobha), sân (dosa), si (moha), vô tham (alobha), vô sân (adosa), vô si (amoha)] trợ cho (liên quan) tâm (citta) và sở hữu tâm (cetasika) phối hợp với những nhân và cùng sắc tâm do ‘nhân duyên’ (hetupaccayo).

2. Cảnh duyên (Ārammaṇapaccayo)

(i) Cảnh sắc trợ cho (liên quan) nhãn thức và sở hữu hợp bằng ‘cảnh duyên’.

(ii) Cảnh thinh trợ cho (liên quan) nhĩ thức và sở hữu hợp do ‘cảnh duyên’.

(iii) Cảnh khí trợ cho (liên quan) tỷ thức và sở hữu hợp do ‘cảnh duyên’.

(iv) Cảnh vị trợ cho (liên quan) thiệt thức và sở hữu hợp do ‘cảnh duyên’.

(v) Cảnh xúc trợ cho (liên quan) thân thức và sở hữu hợp do ‘cảnh duyên’.

(vi) Cảnh sắc, thinh, khí, vị và xúc trợ cho (liên quan) ý giới [đôi tiếp thâu (sampaṭicchanadvi), khai ngũ môn (pañcadvārāvajjana)] và sở hữu hợp do ‘cảnh duyên’.

(vii) Tất cả 6 cảnh trợ cho (liên quan) ý thức giới và sở hữu hợp do ‘cảnh duyên’.

(viii) Nắm chặt, giữ chặt (thủ) bất cứ pháp nào làm cảnh, những pháp này, tức là tâm và sở hữu hợp, sanh; pháp trước trợ cho (liên quan) pháp sau do ‘cảnh duyên’.

3. Trưởng duyên (Adhipatipaccayo)

(i) Dục trưởng hay dục (chanda) trợ cho (liên quan) tâm và sở hữu hợp với dục cùng với sắc tâm bằng ‘trưởng duyên’.

(ii) Cần trưởng hay cần (viriya) trợ cho (liên quan) tâm và sở hữu hợp với cần cùng với sắc tâm do ‘trưởng duyên’.

(iii) Tâm trưởng hay tâm (citta) trợ cho (liên quan) sở hữu hợp với tâm cùng với sắc tâm do ‘trưởng duyên’.

(iv) Thẩm trưởng (vīmaṃsā) trợ cho (liên quan) tâm và sở hữu hợp với nó cùng với sắc tâm do ‘trưởng duyên’.

4. Vô gián duyên (Anantarapaccayo)

(Độc giả nên tham khảo lộ trình tâm để hiểu về sự liên quan nhân quả này).

(i) Nhãn thức và những sở hữu hợp trợ cho (liên quan) tiếp thâu (sampaṭicchana) và những sở hữu hợp bằng ‘vô gián duyên’; tiếp thâu (sampaṭicchana) và những sở hữu hợp trợ cho (liên quan) tâm thẩm tấn (santīraṇa) và những sở hữu hợp bằng ‘vô gián duyên’.

(ii) Nhĩ thức và sở hữu hợp trợ cho (liên quan) tiếp thâu (sampaṭicchana) và những sở hữu hợp bằng ‘vô gián duyên’; tiếp thâu (sampaṭicchana) và những sở hữu hợp trợ cho (liên quan) tâm thẩm tấn (santīraṇa) và những sở hữu hợp bằng ‘vô gián duyên’.

(iii) Tỷ thức và sở hữu hợp …_như trên_…

(iv) Thiệt thức và sở hữu hợp …_nt_…

(v) Thân thức và sở hữu hợp …_nt_…

(vi) Tâm đổng lực thiện (javana kusala citta) và sở hữu hợp sanh trước trợ cho (liên quan) tâm đổng lực thiện và những sở hữu hợp sanh sau bằng ‘vô gián duyên’.

(vii) Tâm thiện (kusala citta) và những sở hữu hợp sanh trước trợ cho (liên quan) tâm vô ký [na cảnh (tadālambaṇa) hay hữu phần (bhavaṅga)] và những sở hữu hợp bằng ‘vô gián duyên’.

(viii) Tâm đổng lực bất thiện (javana akusala citta) và sở hữu hợp sanh trước trợ cho (liên quan) tâm đổng lực bất thiện và những sở hữu hợp sanh sau bằng ‘vô gián duyên’.

(ix) Tâm bất thiện (akusala citta) và những sở hữu hợp sanh trước trợ cho (liên quan) tâm vô ký [na cảnh (tadālambaṇa) hay hữu phần (bhavaṅga)] và những sở hữu hợp bằng ‘vô gián duyên’.

(x) Những tâm vô ký (abyākatā) [tố (kiriya) và quả (phala)] và những sở hữu hợp sanh trước trợ cho (liên quan) tâm vô ký (abyākatā) và những sở hữu hợp sanh sau bằng ‘vô gián duyên’.

(xi) Tâm vô ký (abyākatā) [đoán định (voṭṭhapana) hay khai ý môn (mano-dvārāvajjana)] và những sở hữu hợp sanh trước trợ cho (liên quan) tâm thiện (kusala citta) và những sở hữu hợp sanh sau bằng ‘vô gián duyên’.

(xii) Tâm vô ký (abyākatā) [đoán định (voṭṭhapana) hay khai ý môn (mano-dvārāvajjana)] và những sở hữu hợp sanh trước trợ cho (liên quan) tâm bất thiện (akusala citta) và những sở hữu hợp sanh sau bằng ‘vô gián duyên’.

5. Đẳng vô gián duyên (Samanantarapaccayo)

Lý liên quan nhân quả giống như trong ‘vô gián duyên’.

6. Câu sanh duyên (Sahajātapaccayo)

(i) Bốn uẩn phi sắc (danh uẩn) trợ (liên quan) qua lại lẫn nhau bằng ‘câu sanh duyên’.

(ii) Bốn sắc đại hiển (mahābhūta) trợ (liên quan) qua lại lẫn nhau bằng ‘câu sanh duyên’.

(iii) Vào sát-na tái tục, tâm tái tục (paṭisandhi citta) và sắc nghiệp (kammaja rūpa) trợ (liên quan) qua lại lẫn nhau bằng ‘câu sanh duyên’.

(iv) Tâm và sở hữu hợp trợ cho sắc tâm (cittaja rūpa) bằng ‘câu sanh duyên’.

(v) Sắc đại hiển trợ cho sắc y sinh (upādā rūpa) bằng ‘câu sanh duyên’.

(vi) Sắc pháp đôi khi trợ cho danh pháp cũng có, đôi khi không trợ cho danh pháp cũng có.

7. Hỗ tương duyên (Aññamaññapaccayo)

(i) Bốn uẩn phi sắc (danh uẩn) trợ lẫn nhau bằng ‘hỗ tương duyên’.

(ii) Bốn sắc đại hiển trợ lẫn nhau bằng ‘hỗ tương duyên’.

(iii) Vào sát-na tái tục, tâm tái tục (paṭisandhi citta) và sắc nghiệp (kammaja rūpa) trợ lẫn nhau bằng ‘hỗ tương duyên’.

8. Y chỉ duyên (Nissayapaccayo)

(i) Bốn uẩn phi sắc (danh uẩn) trợ qua lại lẫn nhau bằng ‘y chỉ duyên’.

(ii) Bốn sắc đại hiển trợ qua lại lẫn nhau bằng ‘y chỉ duyên’.

(iii) Vào sát-na tái tục, tâm tái tục (paṭisandhi citta) và sắc nghiệp (kammaja rūpa) trợ qua lại lẫn nhau bằng ‘y chỉ duyên’.

(iv) Tâm và sở hữu hợp trợ qua lại lẫn nhau bằng ‘y chỉ duyên’.

(v) Bốn sắc đại hiển trợ cho sắc y sinh (upādā rūpa) bằng ‘y chỉ duyên’.

(vi) Nhãn xứ trợ cho nhãn thức và sở hữu hợp bằng ‘y chỉ duyên’.

(vii) Nhĩ xứ trợ cho nhĩ thức và sở hữu hợp bằng ‘y chỉ duyên’.

(viii) Tỷ xứ trợ cho tỷ thức và sở hữu hợp bằng ‘y chỉ duyên’.

(ix) Thiệt xứ trợ cho thiệt thức và sở hữu hợp bằng ‘y chỉ duyên’.

(x) Thân xứ trợ cho thân thức và sở hữu hợp bằng ‘y chỉ duyên’.

(xi) Nương vào sắc này (tức là sắc ý vật), ý giới và ý thức giới (mano dhātu mano viññāṇa dhātu) sinh khởi, sắc ấy trợ cho ý giới, ý thức giới và sở hữu hợp bằng ‘y chỉ duyên’.

9. Cận y duyên (Upanissayapaccayo)

(i) Chư pháp thiện [tâm thiện (kusala citta), tín (saddhā), vô tham (alobha), v.v…] sanh trước trợ cho chư pháp thiện sanh sau bằng ‘cận y duyên’.

(ii) Chư pháp thiện sanh trước đôi khi trợ cho chư pháp bất thiện [tâm bất thiện (akusala citta), tham (lobha), sân (dosa), v.v…] sanh sau bằng ‘cận y duyên’ cũng có.

(iii) Chư pháp thiện sanh trước trợ cho chư pháp vô ký [pháp vô ký (abyākatā) = quả (phala) và tố (kiriya)] sanh sau bằng ‘cận y duyên’.

(iv) Chư pháp bất thiện [tâm bất thiện (akusala citta), tham (lobha), sân (dosa), v.v…] sanh trước trợ cho chư pháp bất thiện sanh sau bằng ‘cận y duyên’.

(v) Chư pháp bất thiện sanh trước đôi khi trợ cho chư pháp thiện [tâm thiện (kusala citta), tín (saddhā), vô tham (alobha), v.v…] sanh sau bằng ‘cận y duyên’ cũng có.

(vi) Chư pháp bất thiện sanh trước trợ cho chư pháp vô ký [pháp vô ký (abyākatā) = quả (phala) và tố (kiriya)] sanh sau bằng ‘cận y duyên’.

(vii) Chư pháp vô ký [tâm quả (vipāka citta) và tâm tố (kiriya citta) và sở hữu hợp] sanh trước trợ cho chư pháp vô ký sanh sau bằng ‘cận y duyên’.

(viii) Chư pháp vô ký sanh trước trợ cho chư pháp thiện (tâm thiện và sở hữu hợp) sanh sau bằng ‘cận y duyên’.

(ix) Chư pháp vô ký sanh trước trợ cho chư pháp bất thiện (tâm bất thiện và sở hữu hợp) sanh sau bằng ‘cận y duyên’.

(x) Quí tiết, vật thực, người, nơi cư ngụ trợ cho chúng sanh bằng ‘cận y duyên’ cũng có.

10. Tiền sanh duyên (Purejātapaccayo)

(i) Nhãn xứ trợ cho nhãn thức và sở hữu hợp bằng ‘tiền sanh duyên’.

(ii) Nhĩ xứ trợ cho nhĩ thức và sở hữu hợp bằng ‘tiền sanh duyên’.

(iii) Tỷ xứ trợ cho tỷ thức và sở hữu hợp bằng ‘tiền sanh duyên’.

(iv) Thiệt xứ trợ cho thiệt thức và sở hữu hợp bằng ‘tiền sanh duyên’.

(v) Thân xứ trợ cho thân thức và sở hữu hợp bằng ‘tiền sanh duyên’.

(vi) Cảnh sắc trợ cho nhãn thức và sở hữu hợp bằng ‘tiền sanh duyên’.

(vii) Cảnh thinh trợ cho nhĩ thức và sở hữu hợp bằng ‘tiền sanh duyên’.

(viii) Cảnh khí trợ cho tỷ thức và sở hữu hợp bằng ‘tiền sanh duyên’.

(ix) Cảnh vị trợ cho thiệt thức và sở hữu hợp bằng ‘tiền sanh duyên’.

(x) Cảnh xúc trợ cho thân thức và sở hữu hợp bằng ‘tiền sanh duyên’.

(xi) Cảnh sắc, thinh, khí, vị, xúc trợ cho ý giới [khai ngũ môn (pañcadvārāvajjana) và đôi tiếp thâu (sampaṭicchana)] và sở hữu hợp bằng ‘tiền sanh duyên’.

(xii) Nương vào sắc này (sắc ý vật), ý giới và ý thức giới (mano dhātu mano viññāṇa dhātu) sinh khởi; sắc ấy trợ cho ý thức giới và sở hữu hợp bằng ‘tiền sanh duyên’ cũng có, không trợ bằng ‘tiền sanh duyên’ cũng có.

11. Hậu sanh duyên (Pacchājātapaccayo)

Tâm và sở hữu sanh sau trợ cho sắc (tức là sắc ý vật, nhãn xứ, nhĩ xứ, v.v…) sanh trước bằng ‘hậu sanh duyên’.

12. Trùng dụng duyên (Āsevanapaccayo)

(i) Tâm đổng lực thiện (javana kusala citta) và sở hữu hợp sanh trước trợ cho tâm đổng lực thiện và sở hữu hợp sanh sau bằng ‘trùng dụng duyên’.

(ii) Tâm đổng lực bất thiện (javana akusala citta) và sở hữu hợp sanh trước trợ cho tâm đổng lực bất thiện và sở hữu hợp sanh sau bằng ‘trùng dụng duyên’.

(iii) Pháp vô ký sanh trước trợ cho pháp vô ký sanh sau bằng ‘trùng dụng duyên’.

13. Nghiệp duyên (Kammapaccayo)

(i) Nghiệp thiện và bất thiện (kusalaakusala kamma) trợ cho danh uẩn quả và sắc nghiệp bằng ‘nghiệp duyên’.

(ii) Tư (cetanā) trợ cho pháp tương ưng (tức là tâm và sở hữu hợp cùng) và sắc tâm bằng ‘nghiệp duyên’.

14. Dị thục quả duyên (Vipākapaccayo)

4 danh uẩn phi sắc trợ qua lại lẫn nhau bằng nghiệp quả hay ‘dị thục quả duyên’.

15. Vật thực duyên (Āhārapaccayo)

(i) Đoàn thực trợ cho thân này bằng ‘vật thực duyên’.

(ii) Danh vật thực [xúc (phassa), thức (viññāṇa) và tư (cetanā)] trợ cho pháp câu sanh [tâm (citta) và sở hữu hợp (cetasika)] và sắc tâm bằng ‘vật thực duyên’.

16. Quyền duyên (Indriyapaccayo)

(i) Nhãn quyền (cakkhu pasāda) trợ cho nhãn thức và sở hữu hợp bằng ‘quyền duyên’.

(ii) Nhĩ quyền (sota pasāda) trợ cho nhĩ thức và sở hữu hợp bằng ‘quyền duyên’.

(iii) Tỷ quyền (ghāna pasāda) trợ cho tỷ thức và sở hữu hợp bằng ‘quyền duyên’.

(iv) Thiệt quyền (jivhā pasāda) trợ cho thiệt thức và sở hữu hợp bằng ‘quyền duyên’.

(v) Thân quyền (kāya pasāda) trợ cho thân thức và sở hữu hợp bằng ‘quyền duyên’.

(vi) Sắc mạng quyền (jīvita rūpa) trợ cho sắc nghiệp bằng ‘quyền duyên’.

(vii) Danh mạng quyền trợ cho pháp câu sanh [tức là tâm (citta) và sở hữu hợp (cetasika)] và sắc tâm bằng ‘quyền duyên’.

17. Thiền na duyên (Jhānapaccayo)

Những chi thiền trợ cho pháp câu sanh [tức là tâm (citta) và sở hữu hợp (cetasika)] và sắc tâm bằng ‘thiền na duyên’.

18. Đạo duyên (Maggapaccayo)

Những chi đạo trợ cho pháp câu sanh [tức là tâm (citta) và sở hữu hợp (cetasika)] và sắc tâm bằng ‘đạo duyên’.

19. Tương ưng duyên (Sampayuttapaccayo)

Bốn uẩn phi sắc (danh uẩn) trợ qua lại lẫn nhau bằng ‘tương ưng duyên’.

20. Bất tương ưng duyên (Vippayuttapaccayo)

(i) Chư pháp sắc trợ cho chư pháp danh bằng ‘bất tương ưng duyên’.

(ii) Chư pháp danh trợ cho chư pháp sắc bằng ‘bất tương ưng duyên’.

21. Hiện hữu duyên (Atthipaccayo)

(i) Bốn uẩn phi sắc (danh uẩn) trợ qua lại lẫn nhau bằng ‘hiện hữu duyên’.

(ii) Bốn sắc đại hiển trợ qua lại lẫn nhau bằng ‘hiện hữu duyên’.

(iii) Vào sát-na tái tục, tâm tái tục (paṭisandhi citta) và sắc nghiệp (kammaja rūpa) trợ qua lại lẫn nhau bằng ‘hiện hữu duyên’.

(iv) Tâm và sở hữu hợp trợ cho sắc tâm (cittaja rūpa) bằng ‘hiện hữu duyên’.

(v) Sắc đại hiển trợ cho sắc y sinh bằng ‘hiện hữu duyên’.

(vi) Nhãn xứ trợ cho nhãn thức và sở hữu hợp bằng ‘hiện hữu duyên’.

(vii) Nhĩ xứ trợ cho nhĩ thức và sở hữu hợp bằng ‘hiện hữu duyên’.

(viii) Tỷ xứ trợ cho tỷ thức và sở hữu hợp bằng ‘hiện hữu duyên’.

(ix) Thiệt xứ trợ cho thiệt thức và sở hữu hợp bằng ‘hiện hữu duyên’.

(x) Thân xứ trợ cho thân thức và sở hữu hợp bằng ‘hiện hữu duyên’.

(xi) Cảnh sắc trợ cho nhãn thức và sở hữu hợp bằng ‘hiện hữu duyên’.

(xii) Cảnh thinh trợ cho nhĩ thức v.v…

(xiii) Cảnh khí trợ cho tỷ thức v.v…

(xiv) Cảnh vị trợ cho thiệt thức v.v…

(xv) Cảnh xúc trợ cho thân thức v.v…

(xvi) Cảnh sắc, thinh, khí, vị và xúc trợ cho ý giới [khai ngũ môn (pañcadvārāvajjana) và đôi tiếp thâu (sampaṭicchana)] và pháp câu sanh bằng ‘hiện hữu duyên’.

(xvii) Nương vào sắc này (tức là sắc ý vật), ý giới và ý thức giới (mano dhātu mano viññāṇa dhātu) sinh khởi; sắc ấy trợ cho ý giới, ý thức giới và sở hữu hợp bằng ‘hiện hữu duyên’.

22. Vô hữu duyên (Natthipaccayo)

Tâm và sở hữu hợp vừa diệt trong sát-na trước liền kề trợ cho tâm và sở hữu hợp đang hiện diện, bắt cảnh tương tự bằng ‘vô hữu duyên’.

23. Ly khứ duyên (Vigatapaccayo)

Tâm và những sở hữu câu sanh vừa diệt trong sát-na liền kề trợ cho tâm và những sở hữu câu sanh đang hiện bày, sanh trong cùng một cảnh, bằng ‘ly khứ duyên’.

24. Bất ly duyên (Avigatapaccayo)

Pháp liên quan nhân quả giống trong hiện hữu duyên. Bất ly và hiện hữu ám chỉ duyên tương tự.

___o0o___

Phân Duyên Theo Giống

24 hoặc 47 duyên, phân theo 9 giống (jāti):

1/ Giống câu sanh có 15 duyên: Nhân duyên, câu sanh trưởng duyên, câu sanh duyên, hỗ tương duyên, câu sanh y duyên, câu sanh nghiệp duyên, dị thục quả duyên, danh vật thực duyên, câu sanh quyền duyên, thiền na duyên, đồ đạo duyên, tương ưng duyên, câu sanh bất tương ưng duyên, câu sanh hiện hữu duyên và câu sanh bất ly duyên.

2/ Giống cảnh có 8 duyên: Cảnh duyên, cảnh trưởng duyên, vật cảnh tiền sanh y duyên, cảnh cận y duyên, cảnh tiền sanh duyên, vật cảnh tiền sanh bất tương ưng duyên, cảnh tiền sanh hiện hữu duyên và cảnh tiền sanh bất ly duyên.

3/ Giống vô gián có 7 duyên: Vô gián duyên, đẳng vô gián duyên, vô gián cận y duyên, trùng dụng duyên, dị thời nghiệp, vô hữu duyên và ly khứ duyên.

4/ Giống vật tiền sanh có 6 duyên: Vật tiền sanh duyên, vật tiền sanh y duyên, tiền sanh quyền duyên, vật tiền sanh bất tương ưng duyên, vật tiền sanh hiện hữu duyên và vật tiền sanh bất ly duyên.

5/ Giống hậu sanh có 4 duyên: Hậu sanh duyên, hậu sanh bất tương ưng duyên, hậu sanh hiện hữu duyên và hậu sanh bất ly duyên.

6/ Giống vật thực có 3 duyên: Sắc vật thực duyên, vật thực hiện hữu duyên và vật thực bất ly duyên.

7/ Giống sắc mạng quyền có 3 duyên: Sắc mạng quyền duyên, sắc mạng quyền hiện hữu duyên và sắc mạng quyền bất ly duyên.

8/ Giống thường cận y có 2 duyên:

Duyên thứ nhất thuần túy là thường cận y duyên (tức là tâm, sở hữu sanh trước và sắc với chế định có sức mạnh trợ giúp tâm và sở hữu tâm sau sanh đặng).

Duyên thứ hai là dị thời, thường cận y hỗn hợp duyên có pháp thực tính là sở hữu tư (cetanā) làm nghiệp có sức mạnh trợ giúp cho danh uẩn quả (trừ sở hữu tư (cetanā) hợp tâm đạo).

9/ Giống nghiệp dị thời có 1 duyên: Dị thời nghiệp duyên, sở hữu tư (cetanā) quá khứ để mãnh lực lại tạo sắc nghiệp và mãnh lực trợ tạo tâm quả.

___o0o___

Phân Duyên Theo Mãnh Lực

- Mãnh lực trợ sanh có 7 duyên: Vô gián duyên, Đẳng ‘vô gián duyên’, Cận y duyên, Trùng dụng duyên, Nghiệp duyên, Vô hữu duyên và Ly khứ duyên.

- Mãnh lực ủng hộ có 1 duyên: Hậu sanh duyên.

Còn mãnh lực trợ sanh và ủng hộ có 16 duyên còn lại.

___o0o___

Tóm Lược Pháp Liên Quan Nhân Quả

1. Danh trợ cho danh theo sáu cách – đó là vô gián (anantara), đẳng vô gián (samanantara), vô hữu (natthi) và ly khứ (vigata), trùng dụng (āsevana), tương ưng (sampayutta) [Danh ở đây chỉ cho tâm (citta) và sở hữu tâm (cetasika)].

Danh trợ cho danh theo sáu cách ra sao?

Tâm (citta) và sở hữu tâm (cetasika) vừa diệt trợ cho tâm và sở hữu tâm hiện tại theo cách Vô gián (anantara), Đẳng vô gián (samanantara), Vô hữu (natthi) và Ly khứ (vigata) duyên.

Đổng lực (javana) sanh trước trợ cho đổng lực (javana) sanh sau theo cách Trùng dụng (āsevana) duyên.

Tâm (citta) và những sở hữu tâm (cetasika) câu sanh trợ qua lại theo cách Tương ưng (sampayutta) duyên.

2. Danh trợ cho danh, sắc theo năm cách – đó là nhân (hetu), thiền (jhāna), đạo (magga), nghiệp (kamma), quả (vipāka).

Danh trợ cho danh-sắc theo năm cách ra sao?

Nhân (hetu), chi thiền (jhānaṅga) trợ cho danh-sắc câu sanh theo cách nhân (hetu), thiền (jhāna) và đạo (magga) duyên.

Tư (cetanā) câu sanh (tức nghiệp câu sanh - sahajatā kamma) trợ cho danh-sắc câu sanh bằng ‘nghiệp duyên’. Cũng thế dị thời nghiệp (nānakkhaṇika kamma) trợ cho danh, sắc nghiệp theo cách ‘nghiệp duyên’.

4 danh uẩn quả (vipāka nāmakkahandha) trợ qua lại lẫn nhau và sắc câu sanh theo cách Quả duyên (nghiệp quả).

3. Danh trợ cho sắc chỉ theo một cách – đó là Hậu sanh (pacchājāta).

Tâm (citta) và sở hữu tâm (cetasika) sinh sau trợ cho những bọn sắc (sắc ý vật và năm vật) sanh trước trước theo cách Hậu sanh duyên.

4. Sắc trợ cho danh chỉ theo một cách – đó là Tiền sanh (purejāta).

Sáu vật (vatthu) trong thời bình nhật trợ cho bảy thức giới (viññāṇa dhātu) (tức là tất cả tâm) theo cách Tiền sanh duyên. Cũng thế, năm sắc cảnh trợ cho lộ ngũ thức (viññāṇa vithi) theo cách Tiền sanh duyên.

5. Chế định, danh, sắc trợ cho danh theo hai cách – đó là cảnh (ārammaṇa) và thường cận (upanissaya).

Cảnh duyên (ārammaṇapaccayo) gồm có 6 cảnh, tức là danh pháp, sắc pháp, chế định. Những cảnh này trợ cho tâm (citta) và sở hữu tâm (cetasika) bằng ‘cảnh duyên’.

Thường ‘cận y duyên’ (upanissayapaccayo) gồm có ba, đó là cảnh cận y, vô gián cận y và thường cận y.

Một trong những cảnh ấy khi nổi trội hay vượt trội sẽ cuốn hút sự chú ý làm cảnh cận y. Tâm (citta) và sở hữu tâm (cetasika) vừa diệt làm vô gián cận y.

Có vài loại thường cận y: Pháp bất thiện (akusala dhamma) như là tham luyến (rāga), sân (dosa) v.v…; Pháp thiện như là tín (saddhā), niệm (sati), v.v…, thân thọ lạc, thân thọ khổ, người, vật thực, quí tiết, mùa, chỗ ở, v.v… Những pháp này trợ theo cách thường cận thiện, bất thiện, quả (vipāka) và tố (kiriya) rồi sanh nội phần (ajjhattika) hay ngoại phần (bahiddha). Tương tự, mãnh lực nghiệp (kamma) cũng trợ cho quả của nó.

6. Danh, sắc trợ cho danh, sắc theo chín cách – đó là trưởng (adhipati), câu sanh (sahajāta), hỗ tương (aññamañña), y chỉ (nissaya), vật thực (āhāra), quyền (indriya), bất tương ưng (vippayutta), hiện hữu (atthi), bất ly (avigata).

(1) Sự trợ của trưởng (adhipati) có hai trường hợp:

(i) Cảnh rất nổi bật cuốn hút sự chú ý của một chúng sanh trợ cho tâm (citta) và sở hữu tâm (cetasika) theo cách ‘cảnh trưởng duyên’ (ārammaṇādhipati).

(ii) Bốn pháp câu sanh trưởng [dục (chanda), cần (viriya), tâm (citta), thẩm (vīmaṃsā)] trợ cho tâm (citta), sở hữu tâm (cetasika) và sắc pháp câu sanh theo lối ‘câu sanh trưởng duyên’ (sahajātādhipati).

(2) Sự trợ của câu sanh (sahajāta) có ba trường hợp:

(i) Tâm (citta) và những sở hữu tâm (cetasika) câu sanh trợ lẫn nhau và cùng sắc pháp câu sanh theo lối ‘câu sanh duyên’.

(ii) Bốn sắc đại hiển (mahābhūta) trợ lẫn nhau và cũng trợ cho những sắc y sinh (upādā rūpa) theo lối ‘câu sanh duyên’.

(iii) Vào sát-na tái tục, sắc ý vật (hadayavatthu) trợ cho tâm tái tục cùng những sở hữu hợp theo lối ‘câu sanh duyên’.

(3) Sự trợ của hỗ tương (aññamañña) có ba trường hợp:

(i) Tâm (citta) và những sở hữu tâm (cetasika) câu sanh trợ qua lại lẫn nhau theo lối ‘hỗ tương duyên’.

(ii) Bốn sắc đại hiển trợ qua lại lẫn nhau theo lối ‘hỗ tương duyên’.

(iii) Vào sát-na tái tục, sắc ý vật (hadayavatthu) trợ cho tâm tái tục cùng những sở hữu hợp theo lối ‘hỗ tương duyên’.

(4) Sự trợ của y chỉ (nissaya) có ba trường hợp:

(i) Tâm (citta) và những sở hữu tâm (cetasika) câu sanh trợ qua lại lẫn nhau và cũng trợ cho sắc pháp câu sanh theo lối ‘y chỉ duyên’.

(ii) Bốn sắc đại hiển trợ qua lại lẫn nhau và cũng trợ cho những sắc câu sanh theo lối ‘y chỉ duyên’.

(iii) Sáu vật (vatthu) trợ cho bảy thức giới (viññāṇa dhātu) theo lối ‘y chỉ duyên’.

(5) Sự trợ của vật thực (āhāra) có hai trường hợp:

(i) Đoàn thực trợ cho những bọn sắc theo lối ‘vật thực duyên’

(ii) Ba danh vật thực [xúc (phassa), tư (cetanā), thức (viññāṇa)] trợ cho những danh, sắc pháp câu sanh theo lối ‘vật thực duyên’.

(6) Sự trợ của quyền (indriya) hay quyền điều khiển có ba trường hợp:

(i) Năm sắc thanh triệt (pasāda rūpa) trợ cho 5 thức (nhãn thức, nhĩ thức, v.v…) theo lối ‘quyền duyên’.

(ii) Sắc mạng quyền (jīvita rūpa) trợ cho sắc nghiệp (kammaja rūpa) theo lối ‘quyền duyên’.

(iii) Danh mạng quyền trợ cho danh, sắc pháp câu sanh theo lối ‘quyền duyên’.

(7) Sự trợ của bất tương ưng (vippayutta) có ba trường hợp:

(i) Vào sát-na tái tục, sắc ý vật trợ cho tâm tái tục và sở hữu hợp theo lối ‘câu sanh bất tương ưng duyên’ (sahajāta vippayutta). Tương tự, tâm (citta) và những sở hữu tâm (cetasika) cũng trợ cho những sắc câu sanh.

(ii) Tâm (citta) và những sở hữu tâm (cetasika) sanh sau trợ cho những bọn sắc sanh trước (những sắc vật) theo lối ‘hậu sanh bất tương ưng duyên’ (pacchājāta vippayutta).

(iii) Sáu vật trong thời bình nhật trợ cho bảy thức giới (viññāṇa dhātu) (tức là tất cả tâm-citta) theo lối ‘tiền sanh bất tương ưng duyên’ (purejāta vippayutta).

(8,9) Sự trợ của hiện hữu (atthi) và bất ly (avigata) mỗi thứ có năm trường hợp:

Sự trợ của câu sanh (sahajāta), tiền sanh (purejāta), hậu sanh (pacchājāta), vật thực (āhāra) và sắc mạng quyền (rūpa-jīvitindriya) cũng như sự trợ của hiện hữu (atthi) và bất ly (avigata), hiện hữu và bất ly hầu như giống nhau.

Tóm Lược Khái Quát

Tất cả 24 cách trợ được rút gọn thành bốn: (1) cảnh (ārammaṇa), (2) thường cận (upanissaya), (3) nghiệp (kamma), (4) hiện hữu (atthi).

Phân Chia Danh, Sắc

Sắc uẩn (rūpakkhandha) gồm có 28 thứ sắc (rūpa) được gọi là sắc (rūpa).

4 danh uẩn (nāmakkhandha) gồm có tất cả tâm (citta) và tất cả sở hữu tâm (cetasika) và Níp-bàn (Nibbāna) là năm loại phi sắc gọi là danh (nāma). Điều quan trọng là Níp-bàn (Nibbāna) được phân dưới dạng danh pháp (nāma), vì Níp-bàn làm cảnh là nhân cho tâm siêu thế (lokuttara citta) và những sở hữu tâm (cetasika) hướng đến.

___o0o__

Pháp Chế Định (Paññatti)

Ngoài danh pháp (nāma) và sắc pháp (rūpa), còn có pháp chế định (paññatti). Pháp chế định có 2:

(1) Nghĩa chế định (attha paññatti) là tên gọi của vật nào đó dưới hình dáng, hình thức, khối lượng, diện mạo, v.v… chỉ cho biết về pháp nào đó trong giao tiếp.

Pháp mà chúng ta nói đến có thể là một người nam, một con chó, một ngôi nhà hay một ngọn núi đều không phải là những pháp siêu lý. Những hình dáng, hình thức, khối lượng, diện mạo, v.v… là những pháp không có thật. Chúng chỉ là những ý niệm, khái niệm xuất hiện trong ý. Hơn nữa, tên gọi không là một pháp thật khi những tên gọi khác nhau có thể được chọn để chỉ cho một pháp riêng.

(2) Thinh danh chế định (sadda paññatti) = ‘sadda’ có nghĩa là ‘âm thanh’, ‘sadda paññatti’ chỉ cho những lời nói trong các ngôn ngữ khác nhau. Khi chúng ta đề cập tên gọi của những pháp khác nhau trong giao tiếp, chúng ta làm cho pháp này được phân biệt với pháp khác.

Do đó, với nghĩa chế định (attha paññatti) một pháp được nhận biết bằng cách đặt cho pháp ấy một tên gọi thích hợp. Với thinh danh chế định (sadda paññatti) chúng ta làm cho một pháp được phân biệt với những pháp khác bằng cách nói ra.

Ví dụ: âm từ ‘người nam’ để người khác biết rằng chúng ta đang nói về hình dáng, hình thức, khối lượng, diện mạo về một ‘người nam’. Đó là thinh danh chế định (sadda paññatti). Nay hình dáng, hình thức, diện mạo của một người nam được làm cho phân biệt bằng âm từ ‘người nam’, nên được xem là nghĩa chế định (attha paññatti).

___o0o___

Những Dạng Khác Nhau Của Nghĩa Chế Định

Trong phần trình bày những dạng khác nhau của nghĩa chế định (attha paññatti), bọn bát thuần ngoại phần (suddhaṭṭhaka kalāpa) được xem là đại hiển[216] (mahābhūta).

1. Hình thức chế định (santāna paññatti)

Những từ như ‘đất’, ‘núi non’, ‘đồi’, ‘cánh đồng’ và …, được chỉ rõ do cách liên kết và lan rộng của đại hiển (mahābhūta). Chúng được gọi là ‘hình thức chế định’.

2. Hiệp thành chế định (samūha paññatti)

Những từ như ‘nhà’, ‘trường học’, ‘xe ngựa’, ‘xe bò’ được gọi như thế vì cách phối hợp của những vật chất. Chúng được gọi là ‘hiệp thành chế định’.

3. Loại hình chế định (sandhāna paññatti)

Những từ như ‘dĩa’, ‘tô’, ‘dĩa lót dưới chén, tách’, ‘muỗng’, ‘tách trà’ được gọi như thế vì hình dáng hay hình dạng của vật chất (trong trường hợp này là đồ sứ). Chúng được gọi là ‘loại hình chế định’.

4. Chúng sanh chế định (satta paññatti)

Những từ như ‘đàn ông’, ‘đàn bà’, ‘trẻ em’, ‘người’, ‘chó’ được gọi như thế vì năm uẩn. Chúng được gọi là ‘chúng sanh chế định’.

5. Phương hướng chế định (disā paññatti)

Những từ như ‘đông’, ‘tây’, ‘nam’, ‘bắc’, ‘phương hướng’ được gọi như thế vì sự xoay vòng của mặt trời, mặt trăng, v.v… Chúng được gọi là ‘phương hướng chế định’.

6. Thời gian chế định (kāla paññatti)

Những từ như ‘sáng’, ‘trưa’, ‘chiều’, ‘tối’, được gọi như thế vì thời gian. Chúng được gọi là ‘thời gian chế định’.

7. Hư không chế định (ākāsa paññatti)

Những từ như ‘giếng’, ‘hố’, ‘hầm’ được gọi như thế vì khoảng trống không (ākāsa). Do đó, chúng được gọi là ‘hư không chế định’.

8. Biến xứ chế định (kasiṇa paññatti)

Những từ như biến xứ đất (pathavī kasiṇa), biến xứ nước (āpo kasiṇa), biến xứ lửa (tejo kasiṇa), biến xứ gió (vāyo kasiṇa) được gọi như thế vì yếu tố vượt trội của ‘sắc đại hiển’. Chúng được gọi là ‘biến xứ chế định’.

9. Hình tướng chế định (nimitta paññatti)

Những từ như chuẩn bị tướng (parikamma nimitta), học tướng (uggaha nimitta), tợ tướng (paṭibhāga nimitta) được gọi như thế vì độ chú tâm trong thiền. Chúng được gọi là ‘tiêu biểu/hình tướng chế định’.

Lưu ý:

Những dạng khác nhau của nghĩa chế định (attha paññatti) không tồn tại trong pháp siêu lý. Chúng chỉ cho những vật được tạo thành từ những vật cụ thể, nhưng xuất hiện trong ý là ảnh.

Do đó, chúng không tồn tại dưới dạng pháp siêu lý. Chúng trở thành cảnh của ý dưới dạng bóng hay dấu vết của những pháp siêu lý. Chúng được dùng trong đàm thoại để diễn tả quan điểm của một chúng sanh và để cho chúng sanh biết ý muốn của chúng sanh khác.

Sáu Tên Gọi Của Thinh Danh Chế Định (Sadda paññatti)

Những từ được nói trong những ngôn ngữ khác nhau đều là thinh danh chế định (sadda paññatti). Mỗi pháp thinh danh chế định có sáu tên như sau:

1. Danh (nāma) – nó là tên của pháp nào đó và nó luôn hướng đến ý nghĩa nó có thể diễn đạt.

Ví dụ, từ ‘cõi’ (bhūmi) có thể diễn đạt ý nghĩa của ‘vùng đất’ và do đó nó luôn hướng đến ý nghĩa. Hơn nữa, vì nó có thể diễn đạt như thế, ‘cõi’ (bhūmi) luôn làm cho ý nghĩa ‘vùng đất’ hướng đến nó là ý nghĩa riêng của ‘cõi’ (bhūmi).

2. Danh nghiệp (nāma kamma) – một vài bậc Thiện trí đặt tên cõi (bhūmi) cho nó trong quá khứ. Do đó, nó cũng được gọi là danh nghiệp (nāma kamma).

3. Danh ấn định (nāma dheyya) – danh từ ‘cõi’ (bhūmi) đã được những nhà nghiên cứu định đặt từ lâu. Do đó, nó cũng được gọi là danh ấn định.

4. Danh ngôn (nāma nirutti) – tên cõi (bhūmi) tồn tại trước khi nó được nói ra và nó cần được phơi bày qua diễn đạt bằng ngôn ngữ. Do đó nó được gọi là ‘danh ngôn’.

5. Danh nghĩa (nāmabyañjana) – vì tên gọi cõi (bhūmi) có thể chỉ bày ý nghĩa của nó rất rõ, nó được gọi là ‘danh nghĩa’.

6. Danh diễn nghĩa (nāmābhilāpa) – từ ‘cõi’ (bhūmi) nên được nói với ý định truyền đạt ý nghĩa của nó. Do đó nó được gọi là nāmābhilāpa.

Sáu Loại Thinh Danh Chế Định

1. Danh chơn chế định (vijjamāna paññatti)

Khi tên được đặt cho một pháp nào đó tồn tại trong thực tế, tên ấy được gọi là danh chơn chế định (vijjamāna paññatti). Tất cả tên của những pháp siêu lý (paramattha) thuộc loại này.

Thí dụ: Sắc pháp (rūpa), tâm (citta), sở hữu tâm (cetasika), thọ (vedanā), tưởng (saññā), tầm (vitakka) v.v…

2. Phi danh chơn chế định (avijjamāna paññatti)

Khi tên gọi diễn đạt cho một pháp nào đó không tồn tại trong thực tế thì tên gọi đó được gọi là phi danh chơn chế định (avijjamāna paññatti). Tất cả những tên gọi của những pháp không phải là pháp siêu lý thuộc loại này.

Thí dụ: Đàn ông, chó, nhà, trường học, đồi, hang v.v…

3. Danh chơn phi danh chơn chế định (vijjamānaavijjamāna paññatti)

Là một danh thinh chế định (sadda paññatti) cho biết một tên ghép phối hợp giữa một danh chơn với một phi danh chơn chế định.

Thí dụ: Itthi sadda = giọng nói người nữ.

‘Giọng nói’ tồn tại dưới dạng âm thanh, cho nên nó là một danh chơn. Nhưng ‘người nữ’ là một phi danh chơn vì nó là một tên được đặt cho năm uẩn.

Thí dụ: itthi rūpaṃ = sắc nữ; purisa sadda – giọng nói của người đàn ông.

4. Phi danh chơn - danh chơn chế định (avijjamānavijjamāna paññatti)

Là một danh thinh chế định (sadda paññatti) cho biết một tên ghép phối hợp giữa một phi danh chơn và một danh chơn.

Thí dụ: Lục thông (chaḷabhiññā) = một người có sáu thông.

Trong tên ghép này, ‘người’ là một phi danh chơn trong khi sáu thông (abhiññā) là một danh chơn. Từ đó, nó là một tên được đặt cho năm uẩn.

Thí dụ: Tam minh (tevijja) = một người có ba trí minh (vijjañāṇa).

5. Danh chơn - danh chơn chế định (vijjamānavijjamāna paññatti)

Là một danh thinh chế định (sadda paññatti) cho biết một tên ghép phối hợp giữa một danh chơn và một danh chơn.

Thí dụ: Cakkhuviññāṇa (nhãn thức); sota pasāda (nhĩ thanh triệt); ghānasamphassa (tỷ xúc); rūpa taṇhā (sắc ái).

6. Phi danh chơn – phi danh chơn chế định (avijjamānaavijjamāna paññatti)

Là một danh thinh chế định (sadda paññatti) cho biết một tên ghép phối hợp giữa một phi danh chơn và một phi danh chơn.

Thí dụ: Rāja putta (con trai của đức vua), nữ diễn viên điện ảnh, giám đốc công ty, thầy hiệu trưởng.

Kết luận:

43.Vacīghos’ ānusārena … sotaviññāṇavīthiyā pavattito anantaraṃ uppannassa manodvārassa

Atthā yass’ ānusārena. Viññāyanti tato paraṃ. S’ayaṃ paññatti viññeyyā, loka-saṅketanimittā.

Bằng cách theo âm thanh của tiếng nói qua lộ nhĩ thức và kế đến bằng lộ ý môn sanh ngay sau, nghĩa chế định (atthapaññatti) và danh chế định (nāmapaññatti) được hiểu. Những pháp chế định này nên được hiểu theo qui tắc thế gian.

Iti Abhidhammatthasaṅgahe

Paccayasaṅgahavibhāgo nāma

Aṭṭhamo paricchedo.

Dứt chương thứ 8 trong ‘Vô Tỷ Pháp Tập Yếu’ với tựa đề ‘Duyên Nhiếp’.

___o0o___

CHƯƠNG IX: KAMMAṬṬHĀNA SAṄGAHA – NGHIỆP XỨ NHIẾP

(NHỮNG ĐỀ MỤC CỦA THIỀN)

Giới thiệu

Trong ‘kammaṭṭhāna’, ‘kamma’ nghĩa là nghiệp, việc làm của thiền và ‘ṭhāna’[217] nghĩa là trạm, điềm, vị trí hay nơi, ngụ ý là cảnh, đề mục để tu tập.

Do đó, ‘kammaṭṭhāna’ nghĩa là ‘nghiệp xứ, nơi làm việc’ (cho thiền) hay ‘đề mục của thiền’.

‘Nghiệp xứ, nơi làm việc’ hay ‘đề mục của thiền’ này sẽ dùng làm vị trí rèn luyện hay công cụ rèn luyện trau dồi danh pháp. Có hai khía cạnh trong việc trau dồi danh pháp – một khía cạnh liên quan đến ‘tĩnh lặng’ và khía cạnh khác liên quan đến ‘quán minh sát’. Cả hai khía cạnh sẽ được nghiên cứu trong chương này.

Phương pháp rèn luyện danh pháp, tức là thiền là pháp chỉ có Đức Phật giảng dạy có thể làm ngưng những lo lắng, làm dịu sự căng thẳng, đoạn trừ những buồn phiền, mang đến sự yên tịnh tức thì của ý và đưa đến chỉ tịnh hay định (samādhi), gây nên sự chăm chú miệt mài trong thiền (jhāna), tuệ quán (vipassanāñāṇa) và đạt 4 đạo, 4 quả (maggaphala) là những pháp cao nhất và quí nhất trong cuộc sống.

Chương này sẽ trình bày vắn tắt nhưng xác thực và miêu tả chi tiết pháp tu tiến chỉ tịnh (samatha bhāvanā) tu tiến quán minh sát (vipassanā bhāvanā).

I. TU TIẾN (BHĀVANĀ)

Bhāvanā’ theo nghĩa chung là ‘thiền’. Từ này nên được gọi là ‘phát triển hay tu tiến danh pháp’. Đây là một quá trình trau dồi danh pháp giúp trợ sanh nhiều thiện quả do được phát triển lặp đi lặp lại trong tâm của người tu tiến.

Có hai loại tu tiến:

(1) Samatha bhāvanā = tu tiến pháp chỉ tịnh.

(2) Vipassanā bhāvanā = tu tiến pháp quán minh sát.

- Tu Tiến Pháp Chỉ Tịnh (Samatha-bhāvanā).

Samatha’ bắt nguồn từ căn sam, có nghĩa là yên tĩnh, thời gian tạm lắng, khuất phục, chỉ cho sự yên tĩnh, sự ‘an’ là trạng thái chăm chú, không lay động, không bị ô uế và thanh tịnh của tâm. Nó được gọi là ‘tĩnh lặng’ vì nó lắng dịu năm pháp cái (nīvaraṇa) gồm cả sự say mê.

Về cơ bản, ‘samatha’ tượng trưng cho sở hữu nhất hành (ekaggatā cetasika) hay định (samādhi) hiện diện trong những tâm thiện hiệp thế (lokiya kusala citta) và tâm tố hiệp thế (lokiya kiriya citta). Nó chỉ cho định (samādhi) là pháp có thể làm cho lắng dịu năm pháp cái (nīvaraṇa) và giúp đạt thiền định (jhāna-samādhi) cao hơn là pháp có thể làm yên lắng những chi thiền thấp là tầm (vitakka), tứ (vicāra), hỷ (pīti) và lạc (sukha).

- Tu Tiến Pháp Quán Minh Sát (Vipassanā-bhāvanā)

Vipassanā’ bắt nguồn từ vi + căn dis, theo nghĩa của từ là biết rõ, thấy rõ, quán sát theo nhiều phương diện khác nhau, nghĩa là ‘quán hay minh sát’, thấy đặc biệt, nhìn thấu bằng trực giác của trí/tuệ (ñāṇa) để thấy rõ vô thường (aniccā), khổ (dukkhā) và vô ngã (anattā), tính chất của danh pháp và sắc pháp.

Về cơ bản, ‘vipassanā’ đại diện cho sở hữu trí[218] (paññā cetasika) hiện diện trong tâm đại thiện (mahā kusala citta) và tâm đại tố (mahā kiriya citta).

___o0o___

II. NGHIỆP XỨ (KAMMAṬṬHĀNA)

Kammaṭṭhāna’ ở đây có nghĩa là nghiệp xứ, cảnh, đề mục của thiền. Như tâm không thể sinh khởi mà không có cảnh, chúng ta cần những cảnh phù hợp cho sự tu tập, rèn luyện tâm.

(A) Chỉ Nghiệp Xứ (Samatha Kammaṭṭhāna)

Xin nhắc lại ‘chi thiền’ (jhānaṅga) và pháp ‘cái’ (nīvarana):

- Năm ‘chi thiền’: Vitakka (tầm), vicāra (tứ), pīti (hỷ), sukha (lạc), ekaggatā (nhất tâm).

- Sáu pháp ‘cái’ (nīvaraṇa): Kāmacchandanīvaraṇa (dục dục cái), vyāpāda (sân độc cái), thīna-middha (hôn-thùy cái), uddhacca-kukkucca (điệu-hối cái), vicikicchā (hoài nghi cái), avijjā (vô minh cái).

Chi thiền (jhānaṅga) <= đối trị => pháp cái (nīvaraṇa):

“Chi ‘tầm’ đối trị ‘cái hôn thùy’,

‘Tứ’ phá ‘hoài nghi’, ‘sân’ ‘hỷ’ thiêu,

‘Điệu hối’ do nhờ chi ‘lạc’ trị,

‘Định’ trừ vọng niệm ‘dục dục’ nhiều.”

(Việt dịch: Thera Santakicco)

Đức Phật đã cho 40 đề mục tu tiến pháp chỉ tịnh. Chúng được gọi là chỉ nghiệp xứ (samatha kammaṭṭhāna). Chỉ tịnh nghiệp xứ gồm 7 loại sau:

(1) Kasiṇa 10 đề mục hoàn tịnh.

(2) Asubha 10 bất mỹ.

(3) Anussati 10 tùy niệm.

(4) Brahmavihāra 4 Phạm trú hay vô lượng tâm.

(5) Catu dhātu vavatṭṭhāna 1 đề mục phân tích 4 giới.

(6) Āhāre paṭikūla saññā 1 đề mục vật thực bất tịnh tưởng.

(7) Āruppa 4 đề mục vô sắc.

Đề mục thiền cho tu tiến quán minh sát (vipassanā-bhāvanā) là ba tướng hay trạng thái ‘tilakkhaṇa’, tức là ba hiện tượng gồm có vô thường (aniccā), khổ (dukkhā) và vô ngã (anattā) của tất cả sắc và danh pháp hiện hữu.

(1) 10 đề mục Biến Xứ (Kasiṇa) / hoàn tịnh

1. Pathavī kasia = kasiṇa biến xứ đất hình tròn, tức là đất thuần khiết hay đất sét có màu mặt trời mọc được bôi lên miếng vải với kích thước thích hợp.

2. Āpo kasiṇa = kasiṇa biến xứ nước, là nước chứa trong chậu hay lọ phù hợp.

3. Tejo kasiṇa = kasiṇa biến xứ lửa, đề mục này có thể được chuẩn bị bằng cách đốt than củi cháy đều trong một cái mâm hay khay cũ. Bậc tu tiến cũng có thể nhìn vào phần giữa của một đống lửa lớn xuyên qua lỗ khoét trên một cái mâm hay khay cũ.

4. Vāyo kasiṇa = kasiṇa biến xứ gió. Để tu tập đề mục này, bậc tu tiến chăm chú vào gió thổi trên đỉnh đầu ngọn cỏ hay gió chạm vào gò má.

5. Nīla kasia = kasiṇa biến xứ màu xanh dương: đặt một miếng giấy hay vải tròn màu xanh dương trên một nền màu trắng.

6. Pīta kasia = kasiṇa biến xứ màu vàng hay vàng kim; chuẩn bị như trên.

7. Lohita kasia = kasiṇa biến xứ màu đỏ; chuẩn bị như trên.

8. Odāta kasia = kasiṇa biến xứ màu trắng; đặt một miếng giấy hay vải tròn màu trắng trên một nền màu đen.

9. Āloka kasia = kasiṇa biến xứ ánh sáng. Đề mục này có thể được tu tập bằng cách chăm chú nhìn vào vòng tròn ánh sáng mặt trời hay mặt trăng vào buổi sáng hay tối, hoặc nhìn vào vòng tròn ánh sáng chiếu trên nền nhà, vách tường do ánh sáng chiếu xuyên qua lỗ trên tường.

10. Ākāsa kasia = kasiṇa biến xứ hư không. Đề mục này có thể được tu tập bằng cách nhìn ra khoảng không gian bên ngoài xuyên qua một lỗ trên tường.

Ví dụ về thiền kasiṇa biến xứ sẽ được giải thích, minh họa sau. Bậc tu tiến có thể tu tập, tu tập cả năm thiền sắc giới (rūpāvacara jhāna) trên một kasiṇa biến xứ. Kế đến, vị ấy có thể tiếp tục tu tập bốn thiền vô sắc giới (arūpāvacara jhāna) và năm thông hiệp thế dựa trên nền tảng của mười kasiṇa biến xứ.

(2) Mười Bất Mỹ (Asubha)[219]

Chỉ cho mười loại tử thi có trong nghĩa địa Ấn Độ cổ xưa; nơi những tử thi không được thiêu đốt hay chôn cất và thường có các loại thú ăn thịt như là chó, chó sói và kên kên.

Thời nay, bất cứ loại tử thi nào phơi bày sự bất tịnh của thân đều có thể là đề mục thích hợp cho thiền.

Thông thường, chúng ta rất dính mắc, quyến luyến vào thân của chúng ta cũng như thân người khác do ái (rāga) hay tham luyến. Cách tốt nhất để ngăn chặn ái (rāga) và phương pháp khắc phục tốt nhất để chữa bệnh tham ái (rāga) là niệm bất mỹ nghiệp xứ (asubha kammaṭṭhāna). 10 bất mỹ là tiêu chuẩn hay nghiệp xứ (kammaṭṭhāna) cần thiết phải có trong thời Đức Phật, chủ yếu là cho những vị sư trẻ.

Ngay cả thời nay, 10 bất mỹ được gồm trong bốn nghiệp xứ (kammaṭṭhāna) dùng làm bảo hộ hay bảo vệ. Chúng được gọi là bốn nghiệp xứ bảo vệ (caturārakkha kammaṭṭhāna). Bậc tu tiến nên tinh thông bốn nghiệp xứ (kammaṭṭhāna) này trước khi vị ấy bắt đầu vào thiền quán.

Mười ‘loại tử thi’ được liệt kê như sau:

1. Uddhumātaka = tử thi sình, thối rữa.

2. Vinīlaka = tử thi biến sắc trở nên nâu đen.

3. Vipubbaka = tử thi da nứt nẻ và rỉ ra mủ (chảy nước vàng).

4. Vicchiddaka = tử thi bể thành 2 hay 3 miếng.

5. Vikkhāyitaka = tử thi bị linh cẩu và kền kền gặm nhắm và biến dạng.

6. Vikkhittaka = tử thi bị linh cẩu và kền kền cắn xé và rải rác thành từng miếng…

7. Hatavikkhittaka = tử thi bị dao, rìu cắt xẻo v.v… và quăng ra xa.

8. Lohitaka = tử thi đầy máu đọng nhẩm.

9. Puluvaka = tử thi bị dòi tửa.

10. Aṭṭhika = tử thi trơ xương rải rác.

Thiền trên bất cứ ‘loại tử thi’ nào vừa nêu trên sẽ chỉ dẫn đến sơ thiền (hay thiền thứ nhất). Vì đề mục rất ghê tởm nên không thể cố định tâm trên đề mục mà không có tầm (vitakka). Do đó, tầm (vitakka) không thể bị loại trừ để đạt đến nhị thiền (hay thiền thứ hai).

(3) Mười Tùy Niệm (Anussati)[220]

Anussati’ nghĩa là suy ngẫm lặp đi lặp lại hay liên tục niệm; chỉ cho sở hữu niệm (saticetasika).

1. Buddhānussati = tùy niệm/ niệm theo ân đức Phật. Bậc tu tiến có thể tuần tự suy ngẫm về 9 hay 10 ân đức Phật: “đó là bậc Vô thượng – đáng cúng dường, bậc Toàn giác, đầy đủ trí và hạnh là người hiểu biết những thế giới, một người huấn luyện vô song, thầy của chư thiên và nhân loại, bậc Toàn tri và bậc Tôn quí”.

Hay bậc tu tiến chọn ân đức mà mình thích nhất và ‘phản chiếu’ hay ‘niệm’ lặp đi lặp lại, ví dụ, ‘Arahaṁ, Arahaṁ’. Trong lúc ‘phản chiếu’ hay ‘niệm’, vị ấy nên hình dung ân đức như: “Đức Phật là bậc Vô thượng, Ngài đã hoàn toàn đoạn trừ tất cả phiền não và do đó Ngài xứng đáng được chư thiên và nhân loại tôn kính.”

Phương pháp thứ hai thì hiệu quả hơn để tu tập định.

2. Dhammānussati = tùy niệm/ niệm theo ân đức Pháp (Dhamma), ví dụ, “Pháp được bậc Vô thượng giải rõ, mà Ngài tự đắc chứng (thấy rõ), cho quả tức thời (hay trực tiếp), đến thẩm tra, đưa đến Níp-bàn (Nibbāna

) mà mỗi một bậc đại trí (uyên thâm) tự thấu hiểu từng pháp một.

Lần nữa, ở đây bậc tu tiến có thể chọn ân đức mà vị ấy thích nhất và ‘phản chiếu’ hay ‘niệm’ lặp đi lặp lại.

3. Saṅghānussati = tùy niệm/ niệm theo ân đức Tăng (Saṅgha) – phẩm hạnh của dòng Thánh. Bậc tu tiến có thể ‘phản chiếu’ hay ‘niệm’ 9 ân đức sau:

“Những hành vi hay nghiệp thiện là phẩm hạnh của những môn đồ của bậc Vô thượng; những hành vi hay nghiệp chánh trực là phẩm hạnh của những môn đồ của bậc Vô thượng; những hành vi sáng suốt (hay nghiệp trí) là phẩm hạnh của những môn đồ của bậc Vô thượng; những hành vi cung kỉnh là phẩm hạnh của những môn đồ của bậc Vô thượng; những người thuộc bốn đôi tạo thành tám người. Những môn đồ hành theo phạm hạnh của bậc Vô thượng là những người đáng cúng, đáng mến, đáng tặng, đáng tôn kính và đảnh lễ, là ruộng phước vô song cho thế gian”.

Ở đây, vị ấy cũng có thể chọn ân đức mà vị ấy thích nhất và ‘phản chiếu’ hay ‘niệm’ lặp đi lặp lại.

4. Sīlānussati = tùy niệm/ niệm theo sự hoàn thiện giới (sīla) của mình.

5. Cāgānussati = tùy niệm/ niệm theo sự xả thí (dāna) của mình.

6. Devatānussati = tùy niệm/ niệm theo ân đức của mình với sự suy xét, cân nhắc về chư thiên là những bậc để đối chứng.

7. Upasamānussati = tùy niệm/ niệm theo ân đức của Níp-bàn (Nibbāna).

8. Maraṇānussati = tùy niệm/ niệm theo sự chết là xem lại trạng thái chết tự nhiên của tự thân. Ví dụ, “Sự chết của tôi là chắc chắn, mạng sống của tôi là không chắc chắn.”

9. Kāyagatāsati = niệm thể trược là xem lại 32 phần thể trược như là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, cơ hoành, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, dạ dày, phẩn, óc, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, huyết tương, nước mắt, mỡ, nước miếng, nước mũi, dịch khớp và nước tiểu.

Vào thời Đức Phật, nhiều Tăng sĩ đắc vào dòng Thánh bằng cách niệm những phần thể trược này. Niệm thể trược (kāyagatāsati) phát triển bất tịnh tưởng về thân cũng như tu tiến bất tịnh (asubha bhāvanā). Quán xét thân bất tịnh này sẽ đưa đến sự lãnh đạm, v.v…, ngăn chặn tham ái hay luyến ái (rāga).

10. Ānāpānassati = ‘nhập tức xuất tức niệm’ hay ‘niệm theo hơi thở vào hơi thở ra’ của tự thân.

Một Nhận Xét Vắn Tắt Về Tùy Niệm (Anussati)

Trong mười tùy niệm (anussati), niệm thể trược (kayagatasati) có thể đưa đến sơ thiền; nhập tức xuất tức niệm (anapanassati) đưa đến tất cả năm thiền sắc giới (rūpāvacara jhāna); và những nghiệp xứ còn lại đưa đến cận định (upacāra samādhi).

Tùy niệm Phật (Buddha anussati), tùy niệm sự chết (maraṇa anussati) được gồm trong bốn nghiệp xứ bảo hộ. Bằng cách niệm hay xem lại ân đức Phật lặp đi lặp lại trong một thời gian dài, thân vị ấy trở nên thiêng liêng như một ngôi tháp và do đó không thể bị thú dữ, phi nhân, hay những ác nhân làm tổn hại.

Cũng thế, người có ý niệm sống cùng với Phật (Buddha) và do đó vị ấy phát triển đức tin Đức Phật, tàm và úy đến mức độ cao quí hơn.

Niệm tử hay xem lại sự chết lặp đi lặp lại làm cho bậc tu tiến có thể lĩnh hội tính phù du, tạm bợ của cuộc sống. Khi có ý niệm sự chết có thể đến với ta bất cứ lúc nào, vị ấy buông bỏ tất cả tính ngã mạn, sân hận, ái luyến, v.v… và vị ấy nỗ lực tận dụng cuộc đời của mình để tạo thiện pháp bằng cách làm cho tự phát triển thay vì hoàn toàn thỏa mãn với những nhục dục.

Nhập tức xuất tức niệm (ānāpānassati) là một trong những nghiệp xứ tốt nhất (kammaṭṭhana) cho sự tu tập định cũng như quán minh sát. Nó là nghiệp xứ cơ bản, cốt yếu được tất cả chư Phật dùng để tu tập. Nghiệp xứ này dễ tu và có thể tu tập bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào trong lúc đang ngồi, đang đứng, đang đi hay đang nằm. Hơi thở hiện hữu mọi lúc và chỉ yêu cầu tinh cần niệm (sati) ngay, biết theo.

Niệm (sati) nên được đặt tại chót mũi, nơi mà hơi thở chạm và tự đẩy vào và ra. Từ điểm quan sát đó, bậc tu tiến phải tỉnh giác niệm hơi thở đang vào và hơi thở đang ra. Điều này được ví như đang ngồi tại cái cổng ra – vào và kiểm tra người ra và người vào.

Trong Kinh, phương pháp niệm hơi thở này được giải thích như sau:

1. “Tỉnh giác vị ấy thở vào, tỉnh giác vị ấy thở ra.”

2. Khi thở một hơi thở vô dài, vị ấy biết rõ: ‘Tôi thở một hơi thở vô dài’; khi thở một hơi thở vô ngắn, vị ấy biết rõ: ‘Tôi thở một hơi thở vô ngắn’; khi thở một hơi thở ra dài, vị ấy biết rõ: ‘Tôi thở một hơi thở ra dài’; khi thở một hơi thở ra ngắn, vị ấy biết rõ: ‘Tôi thở một hơi thở ra ngắn.

3. “Quan sát rõ toàn thân (hơi thở) tôi sẽ thở vào, vị ấy tự tu tập; “Quan sát rõ toàn thân (hơi thở) tôi sẽ thở ra”, vị ấy tự tu tập (nghĩa là bậc tu tiến phải tinh cần niệm ngay và biết mỗi phần của hơi thở; v.v… toàn bộ hơi thở).

4. “An tịnh quá trình hơi thở này tôi sẽ thở vô”, vị ấy tự tu tập; “An tịnh quá trình hơi thở này tôi sẽ thở ra”, vị ấy tự tu tập.

Khi hơi thở xảy ra nhịp nhàng nó có thể kéo sự chú ý của vị ấy hướng về nó và tích lũy định (samādhi) rất nhanh. Nếu tâm lang thang đến những cảnh bên ngoài như phòng trà, quán ăn tự phục vụ (cafeteria), rạp chiếu phim, v.v…, tinh cần nhớ ngay hay biết ngay nó ở đó và tập trung, chăm chú trở lại trên hơi thở. Khi năm pháp cái (nīvaraṇa) hoàn toàn bị khống chế, hỷ (pīti), tịnh tâm (passaddhi), lạc thọ (sukha vedanā) và định (samādhi) sẽ trở nên rõ ràng và vị ấy chứng nghiệm pháp hỷ mà vị ấy chưa từng chứng nghiệm trước đó. Vị ấy cảm giác rất nhẹ về thân và tâm và rất yên tịnh. Thậm chí có vài vị cảm giác như họ đang lơ lửng trong khoảng không.

Lúc này, một ấn chứng hay tướng ánh sáng (nimitta) dưới dạng tia ống, một ánh chiếu kim cương, một viên ruby sáng chói hay những hình ảnh tương tự thường xuất hiện. Năm chi thiền cũng trở nên rõ ràng và mạnh mẽ và vị ấy có thể quả quyết rằng vị ấy đã đạt cận định. Nếu vị ấy tiếp tục tinh cần tu tập niệm (sati) nghiêm túc và mãnh liệt, vị ấy có thể đạt sơ thiền và những bậc thiền cao hơn rất sớm.

Dựa trên thiền định, vị ấy có thể tiếp tục thiền quán bằng cách quán sát danh pháp, sắc pháp trong tâm và thân một cách chi tiết. Kế đến, bằng cách suy ngẫm về tam tướng (tilakkhaṇa) – v.v… của vô thường, khổ và vô ngã – vị ấy tu tập tuệ quán (vipassanāñāṇa) dần dần đưa đến đạo và quả của đạo.

(4) Bốn Vô Lượng hay Phạm Trú (Brahmavihāra)

Brahma[221] nghĩa là bậc cao và ‘vihāra’ nghĩa là cõi, nơi trú hay đời sống. Do đó, ‘Brahmavihāra’ ám chỉ ‘nơi trú bậc cao hay đời sống bậc cao’. Đời sống bậc cao này tợ như đời sống thiện hạnh của chư Phạm thiên. Do đó, nó được gọi là ‘Brahmavihāra’.

Bốn Phạm trú ‘Brahmavihāra’ cũng được gọi là bốn vô lượng (appamaññā) nghĩa là bốn ‘trạng thái vô lượng’. Chúng được gọi như thế vì người tu tập những pháp này tỏa ra lòng từ, lòng thương hay đồng cảm với niềm vui của tất cả chúng sanh mà không có hạn chế hay trở ngại.

1. Từ (mettā) = lòng nhân từ, rộng lượng, sự sẵn lòng. ‘Từ’ được định nghĩa như thế vì là pháp làm mềm lòng chúng sanh. ‘Từ’ là sự mong muốn điều thiện, điều lành, sự an bình và hạnh phúc đến tất cả chúng sanh. Thái độ nhân từ là trạng thái vượt trội của lòng ‘từ’.

Pháp này không phải là sự tham luyến (rāga) hay tham ái, yêu mến (pema) cá nhân. Pháp đối lập trực tiếp với pháp từ (mettā) là lòng hận thù, sân hận (dosa) hay sự nóng giận (kodha). Pháp đối lập gián tiếp với pháp từ (mettā) là tham, yêu thương (pema). Từ (mettā) có khả năng dập tắt sân hận (dosa).

Tột đỉnh của từ (mettā) là tự hòa mình với tất cả chúng sanh, v.v… vị ấy không còn phân biệt hay có phân biệt ưu tiên giữa ta và người khác.

Từ (mettā) đại diện cho sở hữu tâm vô sân (adosa cetasika).

2. Bi (karuṇā) = lòng trắc ẩn.

‘Bi’ được định nghĩa là pháp làm rúng động tâm của chư hiền nhân khi chúng sanh khác phải chịu những khổ. ‘Bi’ là pháp mong xua tan những khổ của chúng sanh. Mong muốn nhổ những khổ đau của chúng sanh là trạng thái chánh của pháp bi (karuṇā).

Pháp đối lập trực tiếp với ‘bi’ là sự hung ác hay tính độc hại (hiṃsā) và pháp đối lập gián tiếp với ‘bi’ là ưu sầu (domanassa). ‘Bi’ bài trừ tính hung ác hay ác độc.

Bi (karuṇā) bao trùm chúng sanh bị phiền muộn bằng sự mong muốn mãnh liệt cho họ thoát khỏi tất cả khổ.

Bi (karuṇā) đại diện cho sở hữu tâm bi (karuṇā cetasika).

3. Tùy hỷ (muditā) = sự vui theo, đồng cảm vì vui, khen ngợi vì vui. ‘Tùy hỷ’ là thái độ khen ngợi người khác. Trạng thái chánh của ‘tùy hỷ’ là vui và tràn đầy niềm vui trước sự phát đạt và thành công của người khác.

Pháp đối lập trực tiếp với ‘tùy hỷ’ là sự ganh tị và pháp đối lập gián tiếp với ‘tùy hỷ’ là sự hồ hởi (pahāsa). ‘Tùy hỷ’ bài trừ sự bất mãn (arati).

Tùy hỷ (muditā) bao trùm tất cả chúng sanh đạt được sự thuận lợi với sự mong muốn mãnh liệt rằng sự thành công của họ sẽ tồn tại lâu dài. ‘Tùy hỷ’ đại diện cho sở hữu tâm tùy hỷ (muditā cetasika).

4. Xả (upekkhā) theo nghĩa đen có nghĩa là cái nhìn không thiên vị. ‘Xả’ không phải là sự quyến luyến, ghét hoặc ác cảm. Thái độ không thiên vị là trạng thái chánh của xả.

‘Xả’ không phải là sự dửng dưng hưởng lạc hay xả thọ (upekkhā vedanā). ‘Xả’ đại diện cho sở hữu tâm trung bình (tatramajjhattata cetasika) và ‘xả’ có nghĩa là hoàn hảo hay ổn định tâm. ‘Xả’ nằm giữa bi (karuṇā) và tùy hỷ (muditā). ‘Xả’ giữ tâm quân bình và kiên định vững chắc, không dao động giữa sự thăng trầm của cuộc sống như lời khen, tiếng chê, đau khổ và hạnh phúc, được và mất, danh tiếng và tai tiếng.

Pháp đối lập trực tiếp với ‘xả’ là tham luyến (rāga) và pháp đối lập gián tiếp với ‘xả’ là sự nhẫn tâm. ‘Xả’ bài trừ sự bám dai dẳng và sự nóng giận.

Sống Trong Phạm Trú (Nơi Trú Bậc cao)

Đối với bậc tu tiến nào đang tu tập bốn Phạm trú (Brahmavihāra) được gọi là đang sống trong nơi trú bậc cao.

Tu tập pháp từ (mettā), bậc tu tiến rải[222] lòng ‘từ’ của vị ấy đến tất cả chúng sanh, chân thành mong muốn cho họ đặng an vui và thoát khỏi những nguy khốn, thoát khỏi những nỗi đau về thân và nỗi khổ về tâm.

Tu tập pháp bi (karuṇā), bậc tu tiến bao trùm tất cả chúng sanh bị phiền muộn, chân thành mong muốn cho họ thoát khỏi những điều bất hạnh.

Tu tập pháp tùy hỷ (muditā), bậc tu tiến bao trùm tất cả chúng sanh đạt được sự thuận lợi, chân thành mong muốn cho họ rằng tất cả những thành tựu và thuận lợi tồn tại với họ lâu dài.

Tu tập pháp xả (upekkhā), bậc tu tiến bao trùm thiện và bất thiện, thương và không thương, bị sự phiền muộn hay thành công thuận lợi. Với xả, vị ấy suy ngẫm rằng: “Tất cả chúng sanh đều do nghiệp của họ trợ tạo”.

Tu tập thiền với ba Phạm trú (Brahmavihāra) đầu có thể đưa đến bốn thiền sắc giới (rūpāvacara jhāna), trong khi tu tập pháp ‘xả’ đưa đến thiền thứ năm. Nên nhớ rằng, chỉ có thiền thứ năm mới phối hợp với ‘xả’ và thọ xả (upekkhā vedanā).

Để tu tập định cho đến thiền, vị ấy nên chọn một người phù hợp và chăm chú đến người đó, tỏa khắp người đó với từ (mettā), bi (karuṇā), tùy hỷ (muditā). Sau đó, vị ấy thường mất phải mất một thời gian dài để tu tập phát triển thiền (jhāna).

Cách nhanh hơn để tu tập thiền (jhāna), có thể chuyển đến thiền thứ năm, bằng cách chăm chú niệm hơi thở (ānāpānassati) hoặc nghiệp xứ (kammaṭṭhāna) khác trong những đề mục thiền đã được định rõ. Tiếp đến, bậc tu tiến dùng định phối hợp với thiền thứ năm làm nền tảng, vị ấy tu tập pháp từ (mettā). Với cách này, vị ấy có thể tu tập bốn thiền mettā rất nhanh chóng. Phương pháp này đang được tu tập thành công trong Trung Tâm Thiền Pa Auk Tawya ở phía Nam Myanmar.

Chỉ khi bậc tu tiến có thể tỏa khắp tất cả chúng sanh với thiền từ (jhāna mettā), thiền bi (jhāna karuṇā), thiền tùy hỷ (jhāna muditā) và thiền xả (jhāna upekkhā) thì bậc tu tiến mới thật sự đang sống trong trạng thái bậc cao.

Văn bản về sự phát triển bốn trạng thái bậc cao của cuộc sống được đề cập trong Kinh (sutta) như sau:

Này, chư Bhikkhu, vị Bhikkhu với từ (mettā) tỏa khắp hướng thứ nhất, rồi hướng thứ hai, rồi hướng thứ ba, rồi hướng thứ tư, cũng thế với hướng trên, dưới và tất cả xung quanh và vị ấy tự hòa mình mọi nơi với tất cả, vị ấy lan tỏa khắp thế giới với tâm tất cả ‘từ’, với tâm rộng mở, mở mang, vô tận, vượt thoát khỏi căm thù và sân hận”.

Cũng thế đối với ‘bi’, ‘tùy hỷ’ và ‘xả’.

(5) Phân Tích Bốn Đại Giới (Catu dhātu vavatthāna)

Catu dhātu’ nghĩa là bốn giới hay bốn sắc đại hiển – đó là đất (pathavī), nước (āpo), lửa (tejo) và gió (vāyo).

Vavatthāna’ nghĩa là trí phân tích về trạng thái của những giới (dhātu).

Bốn sắc đại hiển làm nền tảng cho tất cả sắc pháp. Những trạng thái của chúng phải được quán sát và chứng nghiệm.

Trong Chương VI, chúng ta đã được học rằng, thân của chúng ta được tạo từ 21 bọn hay nhóm sắc (rūpa kalāpa) và mỗi bọn (kalāpa) gồm ít nhất bốn sắc đại hiển và bốn sắc của nó – tức là sắc cảnh sắc (vaṇṇa), sắc cảnh khí (gandha), sắc cảnh vị (rasa) và sắc vật thực (ojā).

Do đó, bốn sắc đại hiển hiện diện trong mỗi phần và mảnh nhỏ của thân chúng ta. Đất (pathavī) là yếu tố giãn nở với trạng thái cứng hay mềm. Nước (āpo) là yếu tố kết dính với trạng thái quến lại và chảy ra. Lửa (tejo) là nhiệt với trạng thái nóng và lạnh. Gió (vāyo) là yếu tố lay động với trạng thái đẩy và nâng đỡ.

Chúng ta phải chứng nghiệm (khám phá) trong thân rằng những trạng thái cứng và mềm, quến lại và chảy ra, nóng và lạnh, đẩy và nâng đỡ hiện diện trong mỗi phần và mảnh nhỏ của thân. Chúng ta phải cảm nhận những trạng thái này và thấy biết rõ chúng trực tiếp bằng ‘tâm’ để chắc chắn về sự hiện hữu của chúng. Khi chúng trở nên rõ ràng trong tâm, bậc tu tiến tiếp tục chăm chú vào chúng và niệm ngay theo chúng để tu tập định (samādhi). Định (samādhi) cao nhất có thể đạt được ở đây là cận định.

Theo những kết quả đã khám phá ở Trung Tâm Thiền Pa-Auk Tawya, Việc chỉ rõ, xác định bốn giới (catu dhātu vavatṭṭhāna) là một nghiệp xứ (kammaṭṭhāna) rất hiệu quả để tu tập định rất nhanh. Khi bậc tu tiến đạt được cận định, vị ấy có thể thấy xuyên qua thân thể để quán sát thịt, gân, xương, tim, gan, v.v... như vị ấy từng thấy trong thiền niệm thể trược (kāyagatāsati).

Kế tiếp, bậc tu tiến có thể quán bộ xương trong thân của người khác làm đề mục của nghiệp xứ bất tịnh (asubha kammaṭṭhāna) và niệm theo cho đến phát sanh định của tầng thiền thứ nhất.

Hơn nữa, màu trắng của xương, tốt nhất là xương sọ, có thể dùng làm đề mục kasiṇa trắng (odāta kasiṇa). Bậc tu tiến niệm đề mục ấy cho đến phát sanh định thêm nữa đến tầng thiền thứ năm.

Những phương pháp bậc thang để tu tập định này được mô tả trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhi Magga) và được áp dụng tu tập thành công trong Trung Tâm Thiền Pa-Auk Tawya.

(6) Vật Thực Bất Tịnh Tưởng (Āhāre paṭikula saññā)

Là sự suy tư lặp đi lặp lại để phát triển tưởng bất tịnh về thức ăn, đồ uống mà chúng ta dùng.

Làm thế nào để phát triển bất tịnh tưởng về vật thực mà chúng ta đang ăn?

Khi những đĩa vật thực khác nhau được sắp xếp một cách hấp dẫn, chúng lôi cuốn sự tham ăn của chúng ta. Lưu ý rằng khi chúng được trộn lên, sự hấp dẫn của chúng bị giảm đi. Khi nhai vật thực trong miệng, ghi nhận nó phiền hà làm sao khi hàm liên tục hạ xuống và nâng lên nghiền vật thực ví như việc dùng chày nghiền ớt trong cối giã.

Cũng lưu ý rằng, trong lúc nhai, nước tươm, mật, đàm và những dịch tiêu hóa khác được sản sanh ngay phía dưới lưỡi và cái lưỡi trộn những dịch tiêu hóa ấy với vật thực làm cho trở nên bầy nhầy và bất tịnh. Lúc đang nuốt vật thực, nó đến tận bao tử, nơi nó được tiêu hóa thêm nữa. Vật thực sau khi tiêu hóa tập hợp trong ruột già và theo thời gian bị thải ra trong nhà xí. Phân thì rất ghê tởm, chúng sanh phải ngượng hay xấu hổ che giấu trong nhà xí khi thải ra.

Ái cảnh vị (rasa taṇhā) là một dạng tham (lobha) mạnh, là pháp trở ngại cho sự tu tập định. Do đó, Đức Phật khuyên môn đồ của Ngài đoạn trừ ái bằng vật thực bất tịnh tưởng (āhāre paṭikula sañña).

(7) Bốn Cõi Vô sắc (Ārūppa)

Bốn cõi Vô sắc như Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ được dùng làm những đề mục của thiền để tuần tự tu tập bốn thiền vô sắc (arūpāvacara jhāna).

Trong tu tập, bậc tu tiến phải tu tập năm thiền sắc giới (rūpāvacara jhāna) trước bằng một trong những kasiṇa biến xứ. Kế đó, dùng thiền thứ năm làm nền tảng, vị ấy đi xa hơn với bốn đề mục vô sắc (āruppa) để tu tập bốn thiền vô sắc giới (arūpāvacara jhāna).

Sáu Loại Tánh Nết

1. Tánh nhiều ái dục (rāga carita) = là người nuông chiều, tự cho phép đắm mình trong những nhục dục mà không biết xấu hổ.

2. Tánh nhiều sân hận (dosa carita) = là người giận dữ một cách dễ dàng dù cho đó là những điều không đáng.

3. Tánh nhiều si mê (moha carita) = là ngu dại và chậm hiểu.

4. Tánh nhiều đức tin (saddhā) = là người tôn kính Tam bảo một cách đức hạnh, xứng đáng.

5. Tánh nhiều trí tuệ hay giác (buddhi carita) = là người dựa vào lý trí, suy luận và không tin một cách dễ dàng.

6. Tánh tầm hay nhiều suy nghĩ (vitakka carita) = là người cân nhắc cái này và cái kia mà không đạt được bao nhiêu.

Nghiệp Xứ (Kammaṭṭhāna) và Tánh Nết (Carita)

Bốn mươi nghiệp xứ (kammaṭṭhāna) được kết hợp với sáu tánh nết (carita) phù hợp cho những quả lợi ích trong việc tu tập.

1. Người nhiều tánh tham dục nên tu tập mười bất mỹ (asubha) và niệm thể trược (kāyagatāsati). Những nghiệp xứ (kammaṭṭhāna) này có thể ngăn chặn tham ái một cách hiệu quả.

2. Người tánh nhiều sân nên tu tập bốn vô lượng hay bốn Phạm trú (Brahmavihāra) và bốn màu kasiṇa biến xứ xanh (nīla), vàng (pīta), đỏ (lohita), trắng (odāta). Những nghiệp xứ (kammaṭṭhāna) này thanh khiết, tĩnh lặng và có thể làm cho người tu tập đề mục này cảm thấy an vui.

3. Người tánh nhiều si mê tức ngu dại và chậm hiểu cũng như người tánh nhiều tầm nên tu tập niệm hơi thở hay nhập tức xuất tức niệm (ānāpānassati). Tâm của những vị này hiếu động, không yên và lơ đãng, không tập trung do điệu cử (uddhacca), hoài nghi (vicikicchā) và tầm (vitakka). Trong nhập tức xuất tức niệm (ānāpānassati), hơi thở vào và hơi thở ra phải được niệm, niệm ngay hay nhớ ngay một cách nhịp nhàng. Do đó, nhập tức xuất tức niệm (ānāpānassati) có thể điều khiển và làm dịu sự hiếu động, không yên của tâm.

4. Người tánh nhiều đức tin nên tu tập pháp tùy niệm[223] Phật (Buddhānussati), Pháp (Dhammānussati), Tăng (Saṅghānussati), giới (sīlānussati), thí (cāgānussati) và thiên (devatānussati). Tín (saddhā) đã mạnh với người này và sẽ mạnh thêm tạo nhiều lợi ích lớn bằng cách tu tập những tùy niệm nghiệp xứ (anussati kammaṭṭhāna) này.

5. Người tánh nhiều trí tuệ hay tánh giác nên tu tập pháp tử tùy niệm (maraṇānussati), thanh tịnh Níp-bàn tùy niệm (upasamānussati), vật thực bất tịnh tưởng (āhāre paṭikūlasaññā), phân tích bốn giới (catu dhātu vavatṭhāna). Những đề mục của những nghiệp xứ (kammaṭṭhāna) này thì thâm sâu và vi tế và do đó chúng có thể khơi dậy và củng cố trí của người tánh nhiều trí hay tánh giác.

6. Nghiệp xứ thích hợp với tất cả loại người là đất kasiṇa (pathavī kasiṇa), nước (apo kasiṇa), lửa (tejo kasiṇa), gió (vāyo kasiṇa), ánh sáng (aloka kasiṇa), hư không (ākāsa kasiṇa) và bốn vô sắc (āruppa).

Ba Giai Đoạn Của Tu Tiến (Bhāvanā)

Tu tiến (bhāvanā) có thể được chia thành ba giai đoạn phù hợp với ba mức độ định hay để trau dồi danh pháp.

1. Chuẩn bị tu tiến (parikamma bhāvanā)

Cảnh, đề mục hay nghiệp xứ (kammaṭṭhāna) là những kasiṇa biến xứ được gọi là chuẩn bị tướng (parikamma nimitta). Bằng cách quan sát một vòng tròn đất, bậc tu tiến có thể niệm: “Pathavī, pathavī” lặp đi lặp lại thì thầm chậm hay bằng cách ghi nhớ trong tâm. Giai đoạn tu tiến ban đầu này có thể phát triển chuẩn bị định (parikamma samādhi), được gọi là chuẩn bị tu tiến (parikammabhāvanā), chuẩn bị con đường để phát sanh những phần tu tiến cao hơn sau này.

Giai đoạn chuẩn bị định (parikamma samādhi) ban đầu vẫn chưa thể giúp phát triển định của tâm. Tất cả những giai đoạn của định đều bắt đầu từ giai đoạn ban đầu này. Từ đây cho đến giai đoạn dưới cận định được gọi là chuẩn bị định (parikamma samādhi).

2. Cận tu tiến (upacāra bhāvanā).

Upacāra’ nghĩa là gần, cận kề hay sát-na đến gần. Cận tu tiến (upacāra bhāvanā) là định gần kề thiền (jhāna), đạo (magga) hay quả (phala). Đây cũng có thể được xem là định mà sắp vào kiên cố tu tiến (appanā bhāvanā).

Chuẩn bị tu tiến (parikamma bhāvanā) tự nó sẽ phát triển thành cận tu tiến (upacāra bhāvanā). Cảnh của cận tu tiến thì không lâu dài hơn chuẩn bị tướng (parikamma nimitta). Đây là tợ tướng (paṭibhāga nimitta) hay đối lập tướng.

Định phối hợp với cận tu tiến (upacāra bhāvanā) được gọi là cận định (upacāra samādhi); chỉ cho định ngay trước khi bước vào bất cứ thiền (jhāna) nào.

3. Kiên cố tu tiến (appanā bhāvanā).

Kiên cố tu tiến là giai đoạn kiên cố của định. Định được tu tập đến thiền (jhāna), đạo (magga), quả (phala), được gọi là kiên cố tu tiến (appanā bhāvanā). Thiền (jhāna), đạo (magga), quả (phala) tiếp tục chăm chú cố định trong từng cảnh, đề mục.

Cảnh của thiền (jhāna) là tợ tướng (paṭibhāga nimitta) trong khi cảnh của đạo (magga), quả (phala) là Níp-bàn (Nibbāna). Định phối hợp với kiên cố tu tiến (appanā bhāvanā) gọi là an chỉ định (appanā samādhi).

Tu Tiến (Bhāvanā) và Nghiệp Xứ (Kammaṭṭhāna)

1. Bước chuẩn bị tu tiến (parikamma bhāvanā) có thể đạt được trong tất cả bốn mươi nghiệp xứ.

2. Bước chuẩn bị tu tiến (parikamma bhāvanā) và cận tu tiến xảy ra trong tám tùy niệm (anussati) đầu, trong vật thực bất tịnh tưởng (āhāre paṭikūla saññā) và phân tích bốn giới (catu dhātu vavatthāna). Tổng cộng mười nghiệp xứ (kammaṭṭhāna).

3. Tất cả ba loại tu tiến (bhāvanā) xảy ra trong ba mươi nghiệp xứ (kammaṭṭhāna) còn lại – bao gồm 10 kasiṇa, 10 bất tịnh (asubha), 4 vô lượng hay Phạm trú (Brahmavihāra), 4 vô sắc (āruppa), niệm thể trược (kāyagatāsati) và nhập tức xuất tức niệm (ānāpānassati).

Thiền (Jhāna) và Nghiệp Xứ (Kammaṭṭhāna)

Lược đồ 9. 1: Sự khác biệt giữa những nghiệp xứ (kammaṭṭhāna) qua mức độ của thiền (jhāna).

Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammattha-saṅgaha)

Lưu ý:

(1) Có 25 nghiệp xứ có thể đưa đến sơ thiền sắc giới (cộng 1+2+3 trong bản đồ trên).

(2) Mười bốn nghiệp xứ có thể đắc đến nhị, tam, tứ thiền (cộng 1+3).

(3) Mười hai nghiệp xứ có thể đắc đến ngũ thiền sắc giới (cộng 1+4).

(4) Bốn vô sắc giới có thể đắc bốn thiền vô sắc giới.

(5) Mười nghiệp xứ bao gồm 8 tùy niệm (anussati) đầu, vật thực bất tịnh tưởng (āhāre paṭikūla saññā) và phân tách 4 giới (catu dhātu vavatthāna) không thể làm cho đắc bất cứ thiền nào. Chúng chỉ có thể giúp đạt đến cận định.

Tướng Hay Ấn Chứng Của Tu Tiến (Bhāvanā nimitta)

Nimitta’ nghĩa là dấu hiệu, ký hiệu, ảnh, mục tiêu, cảnh, tướng, ấn chứng, v.v… Ở đây, chỉ cho tướng hay ấn chứng nơi tâm đạt được trong tu tiến. Ba loại ấn chứng hay tướng được nhận thấy là:

1. Chuẩn bị tướng (parikamma nimitta) = là cảnh hay đề mục của chuẩn bị tu tiến (parikamma bhāvanā), là cảnh nhận thấy vào giai đoạn ban đầu của thiền.

2. Học hay đạt tướng (uggaha nimitta) = khi định tiến bộ đi lên, bậc tu tiến thấy rằng vị ấy có thể thấy cảnh, chẳng hạn như kasiṇa, không nhìn nó một cách trực diện. Vị ấy đạt được tợ tướng trong tâm và có thể thấy với đôi mắt nhắm lại.

Học hay đạt tướng thì vẫn chập chờn, không chắc chắn và không rõ ràng; nó phát sanh khi tâm đã đạt đến một mức độ tập trung yếu hay định yếu.

3. Tợ tướng (paṭibhāga nimitta) = khi thiền hay định tiến bộ thêm, tại thời điểm khi định đạt đến cận định (upacāra samādhi), học tướng đột ngột thay đổi thành tướng sáng chói, rõ ràng và vững vàng. Nó tợ như tướng ban đầu, nhưng nó sáng hơn, rõ hơn nhiều lần so với học hay đạt tướng (uggaha nimitta). Tợ tướng hoàn toàn không có những khiếm khuyết như là gồ ghề, không nhẵn, không đều, sần sùi, v.v… mà nó có thể xuất hiện trong đề mục ban đầu. Tợ tướng bất động như thể nó vẫn cố định trong mắt.

Ngay khi tướng hay ấn chứng này phát sanh, thiền sinh đã đạt đến giai đoạn cận tu tiến (upacāra bhāvanā) và cận định.

Nghiệp Xứ (Kammaṭṭhāna) và Ấn chứng (Nimitta)

Lược đồ 9. 2: Sự khác biệt của những nghiệp xứ qua những ấn chứng.

Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammattha-saṅgaha)

Sự Kết Nối Thiết Thực Của Tu Tiến (Bhāvanā) với Ấn Chứng (Nimitta)

Chuẩn bị tu tiến (parikamma bhāvanā) lấy chuẩn bị tướng (parikamma nimitta) và học hay đạt tướng (uggaha nimitta) làm cảnh. Cận tu tiến (upacāra bhāvanā) và kiên cố tu tiến (appanā bhāvanā) lấy tợ tướng (paṭibhāga nimitta) làm cảnh. Sự kết nối của tu tiến (bhāvanā) và ấn chứng hay tướng (nimitta) sẽ được giải thích qua thiền đề mục đất (pathavī kasiṇa).

Đề mục đất (pathavī kasiṇa) được chuẩn bị bằng cách phủ đất sét màu mặt trời rạng đông lên một cái khay hay một miếng vải có đường kính khoảng một gang và bốn ngón tay (tức khoảng 12 inches). Nếu không có đủ đất sét màu mặt trời rạng đông thì có thể dùng đất sét có màu khác bên dưới. Bề mặt của đất sét nên được làm càng mượt càng tốt. Đĩa đề mục tròn này được gọi là đĩa kasiṇa.

Nay, đĩa đất tròn này được đặt ở một độ cao thích hợp cách khoảng 2,5 cubit (tức khoảng 45 inches) tính từ chỗ ngồi của vị ấy. Bậc tu tiến nên ngồi thoải mái và giữ phần thân trên thẳng đứng.

1. Chuẩn bị tướng (parikamma nimitta) và chuẩn bị tu tiến (parikamma bhāvanā).

Bậc tu tiến nhìn chăm chú vào đĩa đất tròn, niệm thầm trong tâm không ra tiếng: “Pathavī, pathavī” hay “Đất, đất”. Bây giờ, từ lúc này trở đi, đĩa đất tròn mà vị ấy đang nhìn chăm chú vào được gọi là chuẩn bị tướng (parikamma nimitta) và thiền mà vị ấy đang tu tập được gọi là chuẩn bị tu tiến (parikamma bhāvanā).

2. Học hay đạt tướng (uggaha nimitta) và chuẩn bị tu tiến (parikamma bhāvanā).

Sau khi tu tập một thời gian khoảng vài tuần hay vài tháng, vị ấy có thể nhắm mắt và thấy cảnh đề mục. Đây có nghĩa là vị ấy có thể thấy đĩa đất tròn sống động trong tâm của vị ấy như vị ấy thấy khi mắt mở, mặc dù mắt của vị ấy đã nhắm. Cảnh mường tượng hay ảnh đạt được này được gọi là học hay đạt tướng (uggaha nimitta).

Dù cho ảnh có thay đổi, tu tiến (bhāvanā) của vị ấy vẫn chưa thay đổi. Ở giai đoạn này, vị ấy đang niệm trên học hay đạt tướng (uggaha nimitta) bằng chuẩn bị tu tiến (parikamma bhāvanā).

3. Tợ tướng (paṭibhāga nimitta) và cận tu tiến (upacāra bhāvanā).

Từ khi học hay đạt tướng (uggaha nimitta) xuất hiện, bậc tu tiến không cần phải nhìn vào đĩa đất tròn ban đầu nữa, trừ phi sự tập trung của vị ấy bị phân tán. Bằng cách chăm chú vào học hay đạt tướng, bậc tu tiến tiếp tục niệm “Pathavī, pathavī” hay “đất, đất”.

Khi định của vị ấy đạt đến mức cận định (upacāra samādhi), học hay đạt tướng thay đổi thành tợ tướng (paṭibhāga nimitta). Sự thay đổi này rất rõ ràng và dễ thấy rõ vì tợ tướng (paṭibhāga nimitta) rất khác với học hay đạt tướng (uggaha nimitta). Sự thay đổi này rõ ràng như lấy kiếng soi ra khỏi bao da hay như một đàn chim diệc bay ra khỏi những đám mây.

Chuẩn bị tướng (parikamma nimitta) giờ được nâng lên đến mức cận tu tiến (upacāra bhāvanā). Định lúc này ở giai đoạn tợ tướng (paṭibhāga nimitta) và cận tu tiến (upacāra bhāvanā).

Ở giai đoạn này, tất cả pháp cái (nīvaraṇa) bị ngăn chặn, năm chi thiền trở nên mạnh và làm nhiệm vụ của nó một cách hiệu quả. Vì vậy, tâm cố định trên tợ tướng (paṭibhāga nimitta). Do đó, cận tu tiến (upacāra bhāvanā) cũng được gọi là cận thiền (upacāra jhāna).

4. Tợ tướng (paṭibhāga nimitta) và kiên cố tu tiến (appanā bhāvanā).

Chăm chú trên tợ tướng (paṭibhāga nimitta), bậc tu tiến tiếp tục thiền, niệm “Pathavī, pathavī” như trước. Khi tợ tướng (paṭibhāga nimitta) đặng vững chắc và kiên cố, nó được làm cho lan rộng dần dần bằng sức mạnh của sự mong muốn của thiền sinh cho đến khi nó bao trùm cả không gian theo mọi hướng. Chăm chú trên ảnh trừu tượng mới này, vị ấy tiếp tục niệm “Pathavī, pathavī”. Nếu vị ấy là một bậc tuệ nhanh, không lâu sau vị ấy sẽ đạt đến kiên cố tu tiến (appanā bhāvanā) khi sơ thiền phát sanh. Nếu vị ấy là một bậc tuệ chậm, vị ấy phải cố gắng để duy trì tợ tướng (paṭibhāga nimitta) bằng sự chăm sóc đặc biệt. Nếu vị ấy tiếp tục thiền, sớm hay muộn thì vị ấy cũng đạt đến sơ thiền.

Bây giờ vị ấy ở giai đoạn tợ tướng (paṭibhāga nimitta) và kiên cố tu tiến (appanā bhāvanā). Đây có nghĩa là cảnh của kiên cố tu tiến của đĩa đất tròn.

Hướng Đến Thiền Thứ Hai Và Cao Hơn

Thiền sinh (yogī), đã đạt đến sơ thiền nên tu tập năm pháp thuần thục đối với thiền ấy. Những pháp thuần thục này được gọi là ‘vasitā’; theo nghĩa đen là thói quen.

Năm pháp thuần thục hay tự tại:

1. Āvajjana vasitā = chuyển hướng tự tại / thuần thục trong việc chuyển hướng nhanh chóng đến chi thiền; là khả năng quán xét, xác định những chi thiền sau khi xuất khỏi thiền.

2. Samāpajjana vasitā = nhập định tự tại / thuần thục nhập nhanh chóng; là khả năng nhập thiền bất cứ khi nào bạn mong muốn.

3. Adhiṭṭhāna vasitā = quyết định tự tại / thuần thục quyết định trú; là khả năng trú trong thiền thời gian dài theo như ý nguyện.

4. Vuṭṭhāna vasitā = xuất định tự tại / thuần thục trong việc xuất khỏi thiền vào thời gian đã định trước.

5. Paccavekkhaṇa vasitā = phản khán tự tại / thuần thục trong việc phản khán hay xem kỹ lại những chi thiền nhanh chóng bằng cách hạn chế số lượng tâm hữu phần (bhavaṅga citta) giữa các lộ (vīthi).

Bây giờ, loại trừ tầm (vitakka) để đi lên nhị thiền, thiền sinh (yogī) nhìn vào tính thô thiển của tầm (vitakka) trong khi nó có thể đưa tâm đến cảnh ra sao và do đó làm hư hại thiền (jhāna). Vị ấy cũng nhìn vào tính vi tế của nhị thiền là thiền vượt khỏi tầm (vitakka).

Khi chăm chú trên tợ tướng (paṭibhāga nimitta) của đề mục đất (pathavī kasiṇa), vị ấy cố gắng tu tập ba giai đoạn tu tiến theo thứ lớp của chuẩn bị (parikamma), cận (upacāra) và kiên cố (appanā), mà không để tầm (vitakka) phối hợp với tâm (citta). Chuỗi hữu phần (bhavaṅga) này không mong tầm (vitakka) được gọi là tu tiến ly tầm (vitakka virāga bhāvanā). Tột điểm của tu tiến này là đạt đến nhị thiền.

Thiền thứ nhì hay nhị thiền chỉ có bốn chi thiền – đó là tứ (vicāra), hỷ (pīti), lạc (sukha), định (ekaggatā) là những chi thiền vi tế hơn so với khi chúng hiện diện trong sơ thiền.

Thiền sinh kế đến cố gắng tu tập năm pháp thuần thục, hay còn gọi là thói quen (vasitā) đối với nhị thiền. Kế đến vị ấy loại trừ chi tứ (vicāra) theo cách tương tự để đạt đến tam thiền. Đạt đến tứ thiền và ngũ thiền bằng cách tuần tự loại trừ chi hỷ (pīti), chi lạc (sukha) theo cách tương tự.

Hướng Đến Thiền Vô Sắc (Arūpa Jhāna)

Ngũ thiền sắc giới (rūpāvacara jhāna) được dùng làm nền tảng để tu lên thiền vô sắc (arūpāvacara jhāna). Trước nhất, năm pháp thuần thục gọi là ‘vasitā’ đối với ngũ thiền phải được phát triển. Kế đến, thiền sinh (yogī) nhìn chăm chú vào những khuyết điểm của sắc pháp (rūpa) để ngăn chặn sự dính mắc vào sắc. Vị ấy có thể suy luận như vầy:

“Thân này là đối tượng của nóng và lạnh, đói và khát cùng tất cả bệnh tật. Vì nó mà chúng sanh này tranh chấp với chúng sanh khác. Để che đậy nó, cho nó ăn và cho nó ở, chúng sanh phải trải qua nhiều sự đau khổ.”

Thiền sinh (yogī) cũng nên quán xét sự vi tế và tĩnh lặng của thiền vô sắc giới (arūpāvacara jhāna) để củng cố lòng khao khát đạt đến bậc thiền này.

Kế đến, vị ấy tu tập năm thiền sắc giới (rūpāvacara jhāna) từng đề mục trong chín đề mục kasiṇa, ngoại trừ hư không kasiṇa. Vị ấy xuất khỏi ngũ thiền và không chú ý đến tợ tướng (paṭibhāga nimitta). Vị ấy chăm chú vào không gian phía sau tợ tướng ấy và niệm lặp đi lặp lại: “Hư không là vô biên! Hư không là vô biên!”. Đây là chuẩn bị tu tiến (parikamma bhāvanā) – điều tiên quyết để sanh thiền cao hơn.

Tợ tướng (paṭibhāga nimitta) sẽ còn tồn tại phía trước của vị ấy khi vị ấy vẫn có một sự mong muốn/dục cầu (nikanti) vi tế về nó.

Khi sự mong muốn ấy không còn, tợ tướng (paṭibhāga nimitta) cũng không còn và mở ra một không gian vô tận. Chăm chú vào không gian này, vị ấy niệm “Hư không vô biên! Hư không vô biên!”.

Khi sự mong muốn/dục cầu (nikanti) của vị ấy về ngũ thiền sắc giới không còn, vị ấy đã đạt cận tu tiến (upacāra bhāvanā). Nếu vị ấy tiếp tục thiền một cách nghiêm túc và tích cực, không lâu sau vị ấy sẽ có thể đạt đến kiên cố tu tiến (appanā bhāvanā) và đạt thiền vô sắc giới (arūpāvacara jhāna) thứ nhất gọi là tâm thiện không vô biên xứ (ākāsānañcāyatana kusalacitta).

Kế đến, vị ấy tu tập năm pháp thuần thục đối với thiền vô sắc giới (arūpāvacara jhāna) thứ nhất, vì thiền vô sắc thứ nhất này sanh cận với thiền sắc giới (rūpāvacara jhāna) và chúng thô hơn so với thiền vô sắc giới (arūpāvacara jhāna) thứ nhì. Rồi chăm chú trên tâm thiện không vô biên xứ (ākāsānañcāyatana kusalacitta) là tâm niệm hư không không cùng tận, vị ấy niệm: “Thức là vô biên, thức là vô biên”, đây là ‘chuẩn bị tu tiến’ (parikamma bhāvanā) mới. Khi dục cầu (nikanti) vi tế về thiền vô sắc thứ nhất không còn, vị ấy đi đến cận tu tiến (upacāra bhāvanā). Khi vị ấy đạt đến thiền vô sắc giới (arūpāvacara jhāna) thứ hai gọi là tâm thiện thức vô biên xứ (viññāṇañcāyatana kusala citta), vị ấy vươn tới kiên cố tu tiến (appanā bhāvanā).

Tương tự, bằng cách tu tập chuẩn bị tu tiến (parikamma bhāvanā) trên vô sở hữu xứ của tâm thiện vô sở hữu xứ (ākāsānañcāyatana kusala citta), thầm niệm: “Không có chi cả!”. Bậc tu tiến đắc thiền vô sắc giới (arūpāvacara jhāna) thứ ba khi đạt được tâm thiện vô sở hữu xứ (ākiñcaññāyatana kusala citta).

Và nữa, bằng cách tu tập chuẩn bị tu tiến (parikamma bhāvanā) tâm thiện vô sở hữu xứ (ākiñcaññāyatana kusala citta), thầm niệm: “Tâm này được yên! Nó thật tuyệt!”, đạt được thiền vô sắc giới (arūpāvacara jhāna) thứ tư gọi là tâm thiện phi tưởng phi phi tưởng (neva saññā nāsaññāyatana kusala citta).

Tiến Cao Hơn Đến Thông hay thắng Trí (Abhiññā)

Abhiññā’ là ‘lực cao hơn’, ‘thông’ hay ‘thắng trí’. Với những bậc đã đắc năm thiền sắc giới (rūpāvacara jhāna) và bốn thiền vô sắc (arūpāvacara jhāna) có thể tu tập thêm nữa năm thắng trí hay diệu trí hiệp thế (lokiya) bằng cách tu tập những thiền này theo những cách khác nhau dựa trên 10 kasiṇa.

1. Iddhividha abhiññā = thần thông năng lực tạo ra những vật, bay qua không gian, đi trên nước, độn thổ, v.v…

2. Dibba sota abhiññā = thiên nhĩ thông hay khả năng nghe âm thanh mà người khác không nghe được, khả năng nghe những âm thanh thô hay tế, xa hay gần.

3. Paracitta vijānana = tha[224] tâm thông hay năng lực thấu suốt tâm người khác và thấy rõ những ý nghĩ của họ.

4. Pubbenivāsānussati = túc mạng thông, hay năng lực nhớ đặng những kiếp trước và những thế giới trước.

5. Dibba cakkhu = thiên nhãn thông hay khả năng nhìn thấy suốt những vật khuất tầm mắt hay là bậc có khả năng thấy những vật thô hay tế, xa hay gần và cả những cõi Chư thiên và cõi Khổ. Thần thông cuối này, tức là thiên nhãn thông (dibba cakkhu), có thể được mở rộng đến hai thần thông (6) và (7).

6. Yathākammāpagañāṇa = tùy nghiệp thông hay tùy nghiệp trí là khả năng thấy chúng sanh trong 31 cõi và biết những nghiệp tương ứng của họ tức nghiệp làm cho họ tái tục.

7. Anāgataṁsañāṇa = khả năng biết những kiếp vị lai và thế giới vị lai.

Chúng ta có thể nói rằng có bảy thông hiệp thế (lokiya abhiññā). Nhưng khi chúng ta tính năm thông hiệp thế, thì (6) và (7) được bao gồm trong thiên nhãn thông (dibba cakkhu). Cũng thế, sanh tử thông hay sanh tử trí (cutūpāpatañāṇa) là trí biết về tử và tái tục của chúng sanh được bao gồm trong thiên nhãn thông (dibba cakkhu).

Trong cách tính sáu thần thông (abhiññā), một thông siêu thế (lokuttara abhiññā) được cộng vào năm thông hiệp thế (lokiya abhiññā). Thông siêu thế này được gọi là lậu tận trí (āsavakkhayañāṇa).

8. Āsavakkhayañāṇa = lậu tận thông hay lậu tận trí là tuệ của Arahaṃ đạo (Arahatta magga ñāṇa), tức là tuệ phối hợp với Arahaṃ đạo có thể đoạn tuyệt tất cả lậu hoặc (āsava).

Lục thông (chalābhiññā) là thông của một bậc Ứng cúng-Arahaṃ là bậc sở hữu sáu thông đã đề cập ở trên. Nên lưu ý rằng năm thông hiệp thế thì có thể đạt được qua định (samādhi) của danh pháp vô cùng hoàn hảo và chúng là tột đỉnh của chỉ tịnh tu tiến (samatha bhāvanā). Thông siêu thế (lokuttara abhiññā) là lậu tận trí có thể đạt được qua sự thấu suốt tuệ quán (vipassanā) và là tột định của tuệ quán tu tiến (vipassanā bhāvanā).

28 Ân đức thiền

1. Tự bảo trì ta (attānaṃ rakkhati).

2. Sẽ giúp trường thọ (āyuṃ deti).

3. Sẽ đặng mạnh mẽ (balaṃ dati).

4. Sẽ ngăn ngừa lỗi (vajjaṃ pidahati).

5. Sẽ hạn chế sự vật phi tước lộc (ayasaṃ vinodeti).

6. Sẽ đem lại tước lộc (yasamupaneti).

7. Sẽ làm cho tiêu trừ sự chẳng vui (āratiṃ nāsayati).

8. Sẽ làm cho phát sự vui mừng (ratiṃ uppādeti).

9. Sẽ hạn chế tai nạn (bhayaṃ apaneti).

10. Sẽ làm cho đặng lanh lợi (vesārajjaṃ karoti).

11. Sẽ hạn chế sự lười biếng (kosajjamapaneti).

12. Sẽ làm cho phát tinh tấn (viriyamabhisajjaneti).

13. Sẽ hạn chế ái tình (rāgamapaneti).

14. Sẽ hạn chế sân (dosamapaneti).

15. Sẽ hạn chế si (mohaṃ haneti).

16. Sẽ hạn chế ngã mạn (mānaṃ haneti).

17. Sẽ hạn chế có tầm (savitakkaṃ bajjeti).

18. Làm cho tâm yên trụ một cảnh (cittekajjamkaroti).

19. Làm cho tâm thích yên tịnh (cittaṃ senhayati).

20. Sẽ làm cho đặng khoái lạc (hāsaṃ jāyeti).

21. Làm cho phát sanh pháp hỷ (pitiṃ uppādayati).

22. Làm cho thành bậc quan trọng (garukaṃ karoti).

23. Làm cho đặng lợi lộc (lābhaṃ nibbattayati).

24. Làm cho đặng ưa thích (maṇapiyaṃ karoti).

25. Bảo trì sự kiên nhẫn (khantiṃ pāleti).

26. Hạn chế pháp lậu (saṅkhāranaṃ āsavaṃ).

27. Nhổ khỏi sự tái sanh trong 3 cõi (bhavapaṭisandhiṃ ugghāteti).

28. Làm cho kết quả Sa-môn (sannaṃ sāmaññaṃ deti).

Bảng tóm tắt 40 đề mục tu tiến pháp chỉ (samatha kammaṭṭhāna):

(1) Kasiṇa - 10 đề mục hoàn tịnh; (2) Asubha - 10 bất mỹ; (3) Anussati - 10 tùy niệm; (4) Brahmavihāra - 4 Phạm trú hay vô lượng tâm; (5) Catu dhātu vavatṭhāna - 1 đề mục phân tích 4 giới; (6) Āhāre paṭikūla saññā - 1 đề mục vật thực bất tịnh tưởng; (7) Āruppa - 4 đề mục vô sắc.

Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammattha-saṅgaha)

(B) Minh Sát Hay Tuệ Quán Nghiệp Xứ (Vipassanā Kammaṭṭhāna)

Sau đây là những điều nên biết trong thực hành tu tiến tuệ quán:

1. Thất thanh tịnh (visuddhi) là bảy giai đoạn thanh tịnh.

2. Tam tướng (tilakkhaṇa) là ba dấu hiệu trạng thái.

3. Tam năng / tùy quán (anupassanā) là ba pháp thường quán theo.

4. Thập tuệ quán (vipassanāñāṇa) là mười tuệ quán.

5. Tam giải thoát (vimokkha) là ba cách giải thoát.

6. Tam giải thoát môn (vimokkha mukha) là ba cửa giải thoát.

1. Bảy Thanh Tịnh (Visuddhi) hay bảy giai đoạn thanh tịnh.

Visuddhi’ nghĩa là ‘thanh tịnh’ hay ‘tinh khiết’. Có bảy giai đoạn để thanh lọc tâm bằng pháp trí minh sát hay tuệ quán.

(i) Tịnh giới (Sīla visuddhi) là giữ giới, từ ngũ giới trở lên.

(ii) Tịnh tâm (Cittavisuddhi) là có tu đến tịnh cận (upacāra-samādhi) hay là tu đắc thiền.

(iii) Tịnh kiến (Diṭṭhi visuddhi) là đắc tuệ tỏ ngộ, rõ thấu danh-sắc sanh diệt.

(iv) Tịnh nghi (Kaṅkhā[225] vitarana[226] visuddhi) là tu đến bậc tỏ ngộ đắc tuệ, ba tuệ trước: Tuệ tỏ ngộ danh pháp, sắc pháp (nāmarūpaparicchedañāṇa); tuệ quyết thấy rõ nguyên nhân danh-sắc (nāmarūpa-paccayapariggahañāṇa); tuệ thấy tam tướng phổ biến (sammasañāna) là tỏ ngộ vô thường, khổ não và vô ngã.

(v) Tịnh kiến đạo-phi đạo tuệ (Maggāmagga ñāṇadassana visuddhi): Nói theo thập tuệ là từ tuệ thứ 2 đến thứ 9. Còn nói theo 16 tuệ là từ tuệ thứ 4 đến tuệ thứ 11 là tuệ thuận lưu (anulomañāṇa).

(vi) Tịnh mãn tuệ (Paṭipadā[227] ñāṇadassana visuddhi) hay ‘hành tri kiến thanh tịnh’. Nói theo 16 tuệ là từ tuệ thứ 4 đến tuệ thứ 13 là tuệ chuyển tánh (gotrabhūñaṇa).

(vii) Tịnh kiến tuệ (Ñāṇadassana[228] visuddhi).

Trong Trung bộ kinh (Majjhima nikāya) – bài kinh số 24 “Trạm Xe” được đề cập so sánh bảy thanh tịnh (visuddhi) với bảy trạm xe. Một người du hành trên xe ngựa từ trạm xe thứ nhất đến trạm xe thứ hai. Kế đến, vị ấy du hành từ trạm xe thứ hai đến trạm xe thứ ba và v.v…

Cũng như cách ấy, bậc tu tiến làm cho giới của vị ấy đặng thanh tịnh hay ‘Tịnh giới’ để đi đến điểm khởi đầu của ‘Tịnh tâm’. Kế tiếp, vị ấy ‘Tịnh tâm’ để đạt đến điểm khởi của ‘Tịnh kiến’. Vị ấy ‘Tịnh kiến’ để đạt đến điểm khởi của thanh tịnh bằng cách vượt qua sự do dự hay ‘Tịnh nghi’. Bậc tu tiến đi theo cách này cho đến khi đạt được bốn đạo (magga) và quả (phala).

Trong Trung bộ kinh (Majjhima nikāya), Đức Phật có thuyết rằng mục tiêu thật sự và tột cùng của việc tu tiến không ở chỗ ‘Tịnh giới’, hay ‘Tịnh tâm’, hoặc ‘Tịnh kiến’, v.v… mà là hoàn toàn dập tắt và giải thoát khỏi những phiền não (kilesa).

2. Ba Tướng hay ba dấu hiệu trạng thái (Tilakkhaṇa)

Ba dấu hiệu trạng thái hay ba tướng (tilakkhaṇa) của danh pháp và sắc pháp chính là năm uẩn. Những trạng thái này làm thành cảnh cho pháp quán hay minh sát.

(1) Aniccā lakkhaṇa = là trạng thái vô thường hay vô thường tướng.

(2) Dukkhā lakkhaṇa = là trạng thái khổ hay khổ tướng.

(3) Anattā lakkhaṇa = là trạng thái vô ngã hay vô ngã tướng.

Dù Đức Phật có xuất hiện trong thế gian hay không xuất hiện trong thế gian, nó vẫn tồn tại một trạng thái chắc chắn, một sự thật không thay đổi và định luật cố nhiên hay luật cố định rằng tất cả pháp hữu vi (pháp bị tạo) là vô thường, rằng tất cả pháp hữu vi (pháp bị tạo) là đối tượng của khổ, rằng tất cả đều không có ngã.” – Tăng Chi bộ kinh (Anguttara Nikāya, quyển IV, bài kinh 134).

3. Ba Pháp Tùy Quán (Anupassanā)

Chủ đề này mô tả ba pháp thường quán hay minh sát về danh-sắc hữu vi, tức là năm uẩn hiện hữu.

(1) Aniccānupassanā = quán vô thường là quán lặp đi lặp lại về tính vô thường của danh-sắc trong năm uẩn.

(2) Dukhānupassanā = quán khổ não là quán lặp đi lặp lại về tính bất toại nguyện của danh-sắc trong năm uẩn.

(3) Anattānupassanā = quán vô ngã là quán lặp đi lặp lại về tính không có cái gì là ta hay không có linh hồn của danh-sắc trong năm uẩn.

Lưu ý:

Ba pháp tùy[229] quán (anupassāna) được mô tả ở đây hoặc được đề cập trong hầu như những sách phổ thông. Thật ra, những ý nghĩa này có thể bị sai lệch.

‘Suy ngẫm’ ngụ ý biết rõ, sâu sắc hay trạng thái tư lự. Trong pháp quán hay minh sát (vipassanā) không có chỗ cho suy nghĩ, nghĩ ngợi hay cho tư lự. Với sự trợ giúp của định (samādhi), bậc tu tiến thâm nhập vào pháp siêu lý, biết và thấy chư pháp siêu lý bằng tâm của chính vị ấy, về bản thể thật của những pháp thực tính này – đó là ba trạng thái hay ba tướng của danh (nāma) và sắc pháp (rūpa).

Bằng cách quán sự sanh và diệt liên tục không ngừng của danh và sắc siêu lý, bậc tu tiến hiểu tính vô thường cũng như tính bất toại nguyện của danh và sắc ‘hành’ (hữu vi) là đối tượng tự diệt liên tục; nghĩa là khổ. Thân và tâm làm nên năm uẩn và tất cả những uẩn này sanh – diệt liên miên, không để lại một pháp nào thường hằng. Vị ấy thấy rõ rằng không có ta và linh hồn.

Do đó, trong pháp quán hay minh sát tu tiến (vipassanā bhāvanā), bậc tu tiến thấy những pháp siêu lý và biết tính chất của nó. Pháp siêu lý này không thể chỉ được biết bằng suy nghĩ.

Trong vô thường tùy quán (aniccānupassanā), bậc tu tiến chăm chú trên tính vô thường của danh-sắc siêu lý. Kế tiếp, vị ấy bắt đầu với khổ não tùy quán (dukkhānupassanā).

Trong khổ não tùy quán (dukkhānupassanā), vị ấy chăm chú trên tính bất toại nguyện của danh-sắc siêu lý. Kế đến vị ấy tiếp tục vô ngã tùy quán (anattānupassanā).

Trong vô ngã tùy quán (anattānupassanā), bậc tu tiến chăm chú vào tính không có tự ngã, không có linh hồn của danh-sắc siêu lý. Rồi vị ấy trở lại với vô thường tùy quán (aniccānupassanā).

Khi bậc tu tiến tu tập pháp quán (vipassanā) theo cách này, mười tuệ quán (vipassanā ñāṇa) sẽ phát sanh đúng theo trình tự. Không lâu sau khi trí cuối phát sanh, đạo tuệ (maggañāṇa) và quả tuệ (phalañāṇa) cũng sanh.

4. Mười Tuệ[230] Quán (Vipassanā-ñāṇa).

(1) Sammasana-ñāṇa = ‘phổ thông tuệ’ (hay quyết định tuệ) là tuệ có thể quán[231] và tỏ ngộ 1 trong 3 trạng thái hay tướng phổ thông (vô thường, khổ não, vô ngã) của danh, sắc pháp trong năm uẩn.

Pāḷi chú giải như vầy: Atītānāgata paccuppannānaṃ dhammānaṃ saṅkhipitvā vavatthāne paññā sammasane ñāṇaṃ: Tuệ biết phớt qua hành vi quá khứ, hiện tại, vị lai của danh pháp và sắc pháp, đó gọi là phổ thông tuệ.

Và trong Visuddhimagga có nêu: Ettāvatā panassa rūpakammaṭṭhānaṃpi arūpakammaṭṭhānaṃpi pagunaṃhoti: bậc tu tiến thuần thục đề mục danh-sắc vừa đủ như thế.

(2) Udayabbaya-ñāṇa = ‘tiến thối tuệ’ là tuệ có thể quán và tỏ ngộ thấy sự tiến hóa (sanh) và thối quá (diệt) của danh-sắc siêu lý trong năm uẩn.

Pāḷi chú giải như vầy: Paccuppannānaṃ dhammānaṃ vipariṇāmānupassane paññā udayabbayānapassane ñāṇaṃ:[232] trí tỏ ngộ thấy pháp hiện tại biến đổi, đó gọi là ‘tiến thối tuệ’.

Nói về hiện tại có 3:

- 1 là quyết định hiện tại (addhāpaccuppanna) là hiện tại đời sống, tức là từ khi lọt lòng mẹ cho đến tắt hơi thở.

- 2 là liên tiếp hiện tại (santatipaccuppanna) là sự tiếp diễn thay nối liền nhau của danh-sắc, vì một khi chưa thấy biết rõ sự biến đổi của danh-sắc thì vẫn coi như là thấy vật không khác chi cái tâm vẫn còn hoài v.v… nên cho là hiện hữu hiện tại.

- 3 là sát-na hiện tại (khaṇapaccuppanna) là sau khi ‘sát-na sanh’ trước ‘sát-na diệt’ hay là từ sanh ra cho đến vừa diệt mất của danh-sắc.

Tiến thoái tuệ (udayabbayañāṇa) có hai giai đoạn:

Một là giai đoạn đầu còn yếu, Pāḷi gọi là taruṇaudayabbayañāṇa[233] - dịch là ‘tiến thối nhược tuệ’, tức là tỏ ngộ sự tiến hóa và thối quá của danh pháp và sắc pháp chưa rõ lắm.

Sau khi lướt đặng phiền não quán thì mới đắc ‘tiến thối cường tuệ’ (balava udayavayañāṇa).

Thập (10) Tùy phiền não quán (vipassanūpakkilesa): 1 là hào quang (obhāso), 2 là pháp hỷ (pīti), 3 là yên tịnh (passaddhi), 4 là tịnh tín (adhimokkho), 5 là cần miễn (paggāho), 6 là thọ lạc (sukhaṃ), 7 là tuệ quán (ñāṇaṃ), 8 là cường niệm (upaṭṭhānaṃ), 9 là thọ xả (upekkhā), 10 là ái dục/dục cầu (nikanti).

Cho nên trong thơ lục bát có viết như vầy:

“Hào quang, hỷ, tịnh, tín mà

Cần, vui, tuệ, niệm, xả và ái thương,

Trong mười, một mạnh quá cường

Thành ra phiền não của đường quan chơn.“

… … …. (Bhikkhu Santakicco – Tịnh Sự)

(để giải theo phần tu tiến)

(3) Bhaṅga-ñāṇa = ‘diệt một[234] tuệ’ là tuệ tỏ ngộ sự đang diệt liên tục của danh-sắc pháp siêu lý. Pāḷi chú giải như vầy: Bhijjatīti = bhaṅgo: Diệt tiêu mất gọi là diệt một[235], tức là ám chỉ sát-na đang diệt của danh pháp và sắc pháp.

Vì tuệ mạnh hơn trước nên thấy vi tế riêng biệt nhiều danh-sắc chỉ nhận đặng sát-na chót là mất đi, mất đi, chẳng khác người đứng sát lộ thấy xe đi ngang vùn vụt vừa thấy đã qua đã qua. Hoặc như người ngồi trong xe chạy mau ngó hàng cây sao dọc theo lộ qua vùn vụt.

Và có Pāḷi chú giải như vầy:

Nāṇe tikkhe vahante saṅkhāresu lahuṃ upaṭṭhahantesu uppādaṃ ṭhitaṃvā pavattaṃvā nimittaṃvā na sampāpunāti khayavayabhedanirodhe yeva sati santiṭṭhati:[236] Khi tuệ đặng tăng mạnh lên, cảnh danh-sắc càng mau lẹ, cho nên phần sanh trụ thứ lớp và phần chung của ngũ uẩn đều không rõ rệt, chỉ có niệm xiết chặt trong khi diệt của danh-sắc đó mà thôi.

Bhāvanāya pana vaddhamānāya paññatti samatikkamitvā sabhāve yeva cittaṃ tiṭṭhati: Khi tâm có thể vượt qua chế định do tu tiến thì vẫn nương cảnh siêu lý (hằng có diệt).

(4) Bhaya-ñāṇa = ‘họa hoạn tuệ’ là tuệ tỏ ngộ thấy rõ danh-sắc (nāma-rūpa) và năm uẩn là đáng sợ, kinh khủng vì chúng đang diệt quá nhanh không ngưng nghỉ, nhanh hơn tất cả máy móc thời ngạc nhiên tợ như gặp người biến hóa rất nhanh; có phần cảm thấy như kinh hãi.

Có Pāḷi trình bày như vầy: Bhayattupaṭṭhānañāṇaṃ bhayāti na bhāyatitañhi atītāsaṅkhārā niruddhā paccuppannā nirujjhanti anāgatā nirujjhissantīti tīraṇamattameva hoti:[237] Bậc tu tiến đến họa hoạn tuệ có phải sợ hay chăng? Đáp chẳng phải thật sợ, vì người đến tuệ này vẫn niệm tỏ ngộ pháp hữu vi đều nhận thấy phần diệt của pháp quá khứ, hiện tại và vị lai đều mất luôn.

(5) Ādīnava-ñāṇa = ‘tội quá tuệ’ là tuệ thấy rõ lỗi, khuyết điểm và bất toại nguyện trong danh-sắc (nāma-rūpa) vì chúng đáng sợ, tợ như gặp rất nhiều người vừa thấy mặt rồi đi mất luôn thật đáng trách, những cách ấy đều không nên vì cũng như không có.

(6) Nibbidā-ñāṇa = ‘phiền yểm tuệ’ là tuệ tỏ ngộ sự chán nản hay ghê tởm danh-sắc (nāma-rūpa) vì chúng luôn diệt và mang đến sự bất toại nguyện, tợ như người khi nghe nói đến nhân vật nào thì họ đều chết cả rồi nên rất chán không muốn thấy nghe nữa.

Có Pāḷi như vầy: Aniccā vata saṅkhārā…: Chư hành vô thường…

Bậc tỏ ngộ đến tuệ này cũng gọi là tiểu Tu đà hoàn (Cūḷasotā). Có hai bài Pāḷi như sau:

Iminā pana ñāṇena samannāgato vipassako buddhasāsane laddhassāso laddhapatiṭṭho niyatagatiko cūḷasotāpanno nāma hoti:[238]

Khi bậc tu quán tỏ ngộ đến tịnh hành đầy đủ nương tâm nhẹ nhàng chí hướng nhất định đặng danh là tiểu Tu đà hoàn trong Phật giáo.

Aparihīnakaṅkhāvitaraṇasuddhiko vipassako lokiyāhi sīlasamādhipaññāsampadāhi sammannāgatattā uttari upaṭivijhantopi sugatiparāyano hotīti vuttaṃ niyutagatikoti tato eva cūḷasotāpanano nāmāti:[239]

Bậc tu quán tỏ ngộ đến tịnh hành mà không thối chuyển vì đầy đủ giới, định, tuệ trong đời. Dù chưa đắc đạo quả, nhưng chí hướng rất tốt, Phật Ngài nói bậc ấy cương quyết, do đó đặng gọi là tiểu Tu đà hoàn.

(7) Muñcitukamyatā-ñāṇa = ‘dục thoát tuệ’ là tuệ tỏ ngộ pháp hành vi quá chán nản và dĩ nhiên sẽ phải móng (muốn) xa lìa, muốn thoát khỏi sự vướng víu của danh-sắc (nāma-rūpa) (vì thấy rõ lỗi và chán nản về danh-sắc luôn diệt tắt) do tuệ không chịu với cách đáng chán ấy. Đối với pháp hữu vi phát ra nhận thức như vậy, đó gọi là dục thoát tuệ.

Có chú giải Pāḷi (rất dài), đại ý như vầy: Sau khi chán nản những sự tiêu diệt của danh-sắc thì đâm ra muốn thoát khỏi danh-sắc, nên gọi là dục thoát tuệ.

(8) Paṭisaṅkhā-ñāṇa = ‘quyết ly tuệ’ là tuệ quán lại danh-sắc (nāma-rūpa) và năm uẩn cốt để từ đó cố gắng cương quyết xa lìa, thoát khỏi danh-sắc, đó gọi là quyết ly tuệ.

(9) Saṅkhārupekkhā-ñāṇa = ‘hành xả tuệ’ là tuệ dửng dưng về sự sanh diệt của danh-sắc (nāma-rūpa) và pháp hành bị trợ tạo vẫn coi như thường, vì tuệ quyết ly dù biết thế nào cũng chưa thể vượt khỏi ngoài cảnh ngũ uẩn. Tợ như người quyết tránh điều gì đó nhưng không khỏi, thì vẫn đối diện như thường. Hay là tợ như người quá lo việc chi, rốt cuộc không thành thời đành xuôi tay, gặp như không gặp, như câu nói: “Người muốn như thế như thế, lẽ trời như vậy như vậy”, chúng ta học Phật nên tìm những nghiệp lý dĩ nhiên dĩ nhiên.

(10) Anuloma-ñāṇa = ‘thuận lưu tuệ’ là tuệ thuận vào đạo (magga).

Từ phổ thông tuệ đến hành xả tuệ đều lấy thủ uẩn làm cảnh tỏ ngộ vô thường, khổ não, vô ngã và sanh diệt. Nếu đủ căn và không trở ngại thì lộ tâm đắc đạo sẽ sanh luôn đến sơ, hoặc nhị, tam, tứ đạo. Trong lộ này, tuệ hợp với tâm thuận tùng (anuloma) gọi là tuệ thuận lưu (anulomañāṇa) hay là tuệ tích ngộ tứ đế (saccānulomikañāṇa). Có chỗ bớt tuệ phổ thông còn chín (9). Hoặc có chỗ bớt tuệ phổ thông và thuận lưu còn tám (8). Nếu kể 16 tuệ là thêm 4 tuệ sau gồm ‘tuệ chuyển tánh’ (gotrabhūñāṇa), ‘tuệ đạo’ (maggañāṇa), ‘tuệ quả’ (phalañāṇa), ‘tuệ phản khán’ (paccavekkhaṇañāṇa) và 2 tuệ trước là tuệ thấy dạng danh-sắc sanh diệt là ‘chỉ định danh-sắc tuệ’ (nāmarūpaparicchedañāṇa), tuệ thấy dạng nguyên do danh-sắc sanh diệt là ‘hiển duyên sanh sắc tuệ’ (nāmarūpapaccayapariggahañāṇa).

Những tuệ nêu trên trước đạo, quả là nhân trực tiếp. Còn nhân gián tiếp cách 1 đời sắp lên để giúp nên đạo, quả là pháp độ (pāramī) cần phải đầy đủ tùy bc.

Người sẽ đắc đạo, quả có hiện tượng 5 điều, gọi là:

Ngũ đoán hiện thế đắc đạo: (i) Phải trọn tin Tam bảo và ông thầy dạy hành đạo trúng, (ii) Phải là người khoẻ mạnh, không bệnh hoạn, (iii) Phải không có đố kỵ với thầy và bạn tu, (iv) Phải có sự tinh tấn hy sinh hành đạo, dù cho gầy ốm chỉ còn da, gân, xương cũng không thối chuyển, (v) Phải là người hành đạo đặng đến kiến sanh diệt tuệ.

Người có hiện tượng 5 điều ngũ đoán (hiện thế đắc đạo), trước phải có thất nhân đắc đạo hiện thế, nguyên do nhờ các đời quá khứ tạo pháp độ (pāramī).

Thất nhân đắc đạo hiện thế: (i) Phải là người tam nhân, (ii) Kiếp trước đã tạo thập độ liên quan với pháp quán, (iii) Đời này phải có sự tinh tấn, (iv) Hành đạo đúng với chánh tạng và chú giải, (v) Phải có chỗ vừa với cách hành đạo, (vi) Phải không có thập oái niệm (palibodha), (vii) Phải có thì giờ đầy đủ.

5. Ba Giải Thoát (Vimokkha)

Vimokkha’ nghĩa là ‘giải phóng, phóng thích hay giải thoát’, chỉ cho sự thoát khỏi sự vướng víu của danh-sắc (nāma-rūpa), tức là thoát khỏi vòng tái tục hay luân hồi (saṁsāra) khổ.

Ở đây, giải thoát (vimokkha) đại diện cho đạo-quả (magga-phala) là pháp giải thoát khỏi những phiền não (kilesa).

(1) Suññata-vimokkha = không tánh giải thoát là giải thoát xuyên qua những khái niệm trống không bằng quán vô ngã (anattānupassanā).

Suññata = không tánh hay rỗng không, ở đây nghĩa là sự vắng mặt của ngã, ta (atta) hay bất cứ thực thể trường cửu nào trong danh-sắc (nāma-rūpa) và năm uẩn. Thiền sinh (yogī), người tu quán vô ngã (anattānupassanā) thấy rõ khái niệm rỗng không này và nếu vị ấy đạt đến giải thoát trong khi tu quán vô ngã (anattānupassanā), đạo-quả (magga-phala); giải thoát của vị ấy được gọi là ‘không tánh giải thoát’.

(2) Animittata-vimokkha = ‘vô tướng hay vô ấn chứng giải thoát’ là giải thoát xuyên qua khái niệm vô tướng bằng quán vô thường (aniccānupassanā).

Animitta’ nghĩa là dấu hiệu, ký hiệu, hình ảnh, cảnh, tướng, ấn tướng, v.v… Do đó, ‘animitta’ nghĩa là vô tướng, vô ấn chứng, phi cảnh, v.v…Trong khi tu quán vô thường (aniccānupassanā), suốt thời gian thiền sinh (yogī) quán liên tục sự diệt của danh-sắc (nāma-rūpa) trong năm uẩn. Trong năm uẩn siêu lý, không có pháp nào khác ngoài danh, sắc uẩn, không có hình tướng, hình dáng, hay bất cứ ký hiệu hay hình ảnh nào. Cho nên, trong khi thiền sinh (yogī) quán liên tục sự diệt của danh-sắc (nāma-rūpa), vị ấy quán thấy hoàn toàn không có hình dạng hay dấu hiệu; vị ấy có khái niệm về vô tướng hay vô ấn chứng. Nếu vị ấy giải thoát khỏi những phiền não xuyên qua quán vô thường (aniccānupassanā), đạo-quả (magga-phala); giải thoát của vị ấy được gọi là ‘vô tướng hay vô ấn chứng giải thoát’.

(3) Appaṇihita vimokkha = ‘Vô nguyện hay phi nội giải thoát’ là giải thoát khái niệm về vô nguyện bằng quán khổ não (dukkhānupassanā).

Thiền sinh (yogī) trong suốt thời gian tu quán khổ não (dukkhānupassanā) là quán tính bất toại nguyện hay khổ não của danh-sắc (nāma-rūpa) trong năm uẩn. Do đó, vị ấy không có sự ham muốn hay luyến ái dính mắc vào danh-sắc (nāma-rūpa). Nói cách khác, vị ấy có khái niệm về vô nguyện, vô cầu (appaṇihita). Và nếu vị ấy giải thoát khỏi những phiền não xuyên qua quán khổ não (dukkhānupassanā), đạo-quả (magga-phala); giải thoát của vị ấy được gọi là ‘Vô nguyện giải thoát’.

6. Ba Giải Thoát Môn (Vimokkha mukha)

Mukha’ nghĩa là ‘cửa, cổng hay môn’. Ba cửa giải thoát khỏi sự vướng víu của phiền não ám chỉ đến ba pháp quán.

(1) Quán vô ngã (anattānupassanā) là không tánh giải thoát môn (suññata-vimokkha-mukha).

Quán vô ngã giúp thấy rõ danh-sắc (nāma-rūpa) hữu vi bị tạo không là ta (atta) hay bản ngã. ‘Suññata’ chỉ cho ‘vô ngã’.

(2) Quán vô thường (aniccānupassanā) là vô tướng giải thoát môn (animitta vimokkhamukha).

Quán vô thường giúp bậc tu tiến hiểu về danh-sắc (nāma-rūpa) hữu vi bị tạo là không hình dáng, không ký hiệu hay không hình tướng. Vô tướng (animitta) chỉ cho tình trạng không ký hiệu, dấu hiệu hay tướng của danh-sắc (nāma-rūpa).

(3) Quán khổ não (dukkhānupassanā) là vô nguyện giải thoát môn (appaṇihitavimokkha-mukha).

Quán khổ não giúp thiền sinh hiểu về danh-sắc (nāma-rūpa) hữu vi bị tạo là chỉ có khổ não hay khổ sở. Nhờ đó, thiền sinh không phát triển ái (taṇhā) về danh-sắc (nāma-rūpa) hữu vi bị tạo. Appaṇihita chỉ cho trạng thái của vô nguyện.

___o0o___

Tuệ chót trong phần Thất Tịnh ở trang kế, bậc tu tiến có thể có hoặc không, cho nên trong văn lục bát có bài kệ như vầy:

“Níp-bàn, đạo, quả, Thánh nhân

Đắc rồi suy xét nghiệp dơn đã trừ,

Với mà phiền não còn dư

Có người chẳng xét thiệt hư chi nào.”

===>>>

___o0o___

Bảy Giai Đoạn Của Con Đường Thanh Tịnh[240]

Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammattha-saṅgaha)

Trong kinh Đại Niệm Xứ (Mahā-satipaṭṭhāna Sutta) có nêu rõ rằng: Con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh tuyệt đối và dập tắt tất cả khổ là “Bát Thánh đạo” (Aṭṭhaṅgikamagga).

Tám chi đạo có thể được chia thành ba nhóm gọi là tam học (sikkhā) (học và hành):

1. Sīla-sikkhā = giới học.

Giới học gồm có 3 chi đạo (magganga):

(1) Sammā vācā = chánh ngữ.

(2) Sammā kammanta = chánh nghiệp.

(3) Sammā ājīva = chánh mạng.

2. Samādhi-sikkhā = định học.

Đây cũng gồm 3 chi đạo:

(1) Sammā vāyāma = chánh tinh tấn.

(2) Sammā sati = chánh niệm.

(3) Sammā samādhi = chánh định.

3. Paññā-sikkhā = tuệ học.

Điều học này gồm có 2 chi đạo:

(1) Sammā diṭṭhi = chánh kiến.

(2) Sammā saṅkappa = chánh tư duy.

Dù chánh kiến (trí) dẫn dắt suốt lộ trình thanh tịnh, bậc tu tiến phải bắt đầu bằng giới học (sīla sikkhā) để thiết lập nền tảng cho lộ trình. Dựa trên nền tảng của giới (sīla), vị ấy nên phát triển định học (samādhi sikkhā) và dựa trên định, vị ấy nên tu tập pháp quán (vipassanā) để phát triển trí (paññā).

Do đó, trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhi Magga), tịnh giới (sīla visuddhi) đi trước và tịnh tâm (citta visuddhi) (là phần ám chỉ đến định học – samādhi sikkhā) theo sau. Năm thanh tịnh (visuddhi) còn lại tương ứng với tuệ học (paññā sikkhā).

Sự tiến triển dọc theo con đường tu tiến sẽ được đánh dấu bằng thất tịnh, đến tịnh kiến tuệ ((ñāṇadassanavisuddhi) cuối cùng là kết thúc lộ trình. Mỗi thanh tịnh đều có đặc điểm phù hợp với tuệ quán (vipassanā-ñāṇa) tương ứng. Những hiện tượng này cùng với những khía cạnh thiết thực của pháp chỉ (samatha) và pháp quán (vipassanā) được trình bày như sau.

1. Tịnh giới (Sīla visuddhi)

Tịnh giới là giữ giới, từ ngũ giới trở lên.

Một cư sĩ có thể đạt đến ‘tịnh giới’ bằng cách hoàn thiện 3 chi đạo giới (sīla-maggaṅga):

(1) Chánh ngữ = là kiêng khem, tránh xa sự nói dối, nói vu khống, nói lời độc ác và nói lời nhảm nhí, vô ích.

(2) Chánh nghiệp = tránh xa sự sát sanh, trộm cắp và tà dâm.

(3) Chánh mạng = tránh xa sự nuôi mạng liên quan đến tà ngữ hay tà hạnh.

Một người có thể hoàn thiện phần giới trên bằng cách thọ trì ngũ giới. Sẽ tốt hơn nếu vị ấy thọ trì tám giới, chín hay mười giới.

Đối với tu sĩ, ‘tịnh giới’ gồm có bốn thanh tịnh giới (sīla):

(1) Biệt biệt giải thoát giới (pāṭimokkha saṁvara-sīla) là giới qui định cho chư Bhikkhu.

(2) Thu thúc môn quyền giới (indriya saṁvara-sīla) là chánh niệm để ngăn ngừa những phiền não phát sanh qua 5 môn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt và thân).

(3) Nuôi mạng thanh tịnh giới (ājīvapārisuddhi sīla) là giới liên quan đến nuôi mạng thanh tịnh.

(4) Quán tưởng giới hay nương theo duyên giới (paccayasannissita sīla) là giới quán xét mục đích sử dụng những thứ cần thiết của cuộc sống, hầu để ngăn ngừa sự phát sanh phiền não vì sử dụng chúng.

Người cư sĩ cũng nên thọ những giới trên, để những giới này phát triển; không chỉ trau dồi giới mà còn trau dồi cả danh pháp để chuẩn bị cho sự phát sanh của định. Dĩ nhiên, tám hay chín giới dùng làm giới thu thúc cho cư sĩ.

2. Tịnh Tâm (Citta visuddhi)

Tịnh tâm là việc tu đến tịnh cận (upacāra-samādhi) hay là tu đắc thiền.

Để thanh tịnh tâm, thiền sinh phải phát triển 3 chi đạo định (samādhi maggaṅga):

(1) Chánh tinh tấn thực hành thiền chỉ tịnh.

(2) Chánh niệm trên đề mục thiền.

(3) Chánh định chăm chú tâm trên cảnh đề mục của thiền.

Khi thiền tiến triển đến giai đoạn cận tu tiến (upacāra bhāvanā), đạt được lân cận hay cận định, tất cả pháp cái (nīvaraṇa) tạm thời bị khống chế, do đó, tâm cũng tạm thời được thoát khỏi những phiền não (kilesa). Khi ấy tâm được thanh khiết. Thiền sinh được cho là đạt được tịnh tâm (citta visuddhi) ở giai đoạn này.

Nếu thiền sinh có thể nâng định của vị ấy lên thiền định (jhāna samādhi) bằng cách tiếp tục tu tiến thiền cho đến khi đạt được kiên cố tu tiến (appanābhāvanā), kế đến tâm của vị ấy sẽ thoát khỏi những phiền não trong khoảng thời gian dài. Thiền định (jhāna samādhi) thì ổn định hơn nhiều so với cận định.

Trong Abhidhamma có nêu rõ rằng để đạt được tịnh tâm (citta visuddhi), bậc tu tiến phải đạt được hoặc cận định (upacāra samādhi) hoặc an chỉ định (appanāsamādhi)[246]. An chỉ định nghĩa là định hợp với năm thiền sắc giới (rūpāvacara jhāna) hay bốn thiền vô sắc (arūpāvacara jhāna).

Để đạt được tịnh tâm (citta visuddhi) bậc tu tiến phải ít nhất phát triển cận định. Nếu không, vị ấy không thể thâm nhập vào pháp siêu lý trong thiền quán và do đó không thể thành tựu tuệ quán.

Một nghiên cứu tỉ mỉ đã được thực hiện trong Trung tâm thiền Pa-Auk rằng: thiền sinh sẽ không thể thâm nhập vào thân để thấy nội tạng, thấy sắc siêu lý, những tâm (citta) trong lộ trình tâm và những sở hữu tâm (cetasika) phối hợp, nếu vị ấy không được trang bị bằng định nhãn, tức là tâm nhãn câu hành với cận định hay thiền định. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng định càng cao, lực thâm nhập vào pháp siêu lý càng lớn và vì thế cũng tốt hơn.

Độc giả cần nhớ sự so sánh của trạm xe. Nếu vị ấy bỏ qua một trạm, vị ấy không thể bắt kịp những trạm còn lại.

Nếu vị ấy không thể phát triển tịnh giới (sīla visuddhi), vị ấy chắc chắn không thể tu tập tịnh tâm (citta visuddhi). Nếu vị ấy không thể tu tập phần ‘tịnh tâm’, vị ấy chắc chắn không bắt được trạm kế tiếp, tức là tịnh kiến (diṭṭhi visuddhi) và v.v…

3. Tịnh Kiến (Diṭṭhi visuddhi)

Tịnh kiến là đắc tuệ tỏ ngộ, thấu rõ danh-sắc sanh diệt.

Được trang bị bằng định nhãn, trước tiên thiền sinh nhìn vào thân của vị ấy để thấy hàng ngàn và hàng ngàn bọn sắc (rūpa kalāpa) sanh và diệt liên tục không dứt. Vị ấy quán hay phân tách những bọn để biết sắc siêu lý – đó là sắc đất (pathavī), sắc nước (āpo), sắc lửa (tejo), sắc gió (vāyo), sắc cảnh sắc (vaṇṇa), sắc cảnh khí (gandha), sắc cảnh vị (rasa), sắc vật thực (ojā), sắc mạng quyền (jīvita rūpa), sắc nhãn thanh triệt (cakkhu pasāda), v.v… Kế đến, vị ấy mô tả mỗi sắc bằng ý nghĩa của trạng thái (lakkaṇa) nổi bật của nó, chức năng hay phận sự (rasa) của nó, thành tựu của phận sự hay cách hiện bày (paccupaṭṭhāna) đến tâm của thiền sinh và nhân cận (padaṭṭhāna) để trạng thái đó sinh khởi.

Tiếp đến, bậc tu tiến quán tâm của vị ấy bằng cách quán sát lộ trình tâm là chúng diễn tiến trong sự nối tiếp trong lộ. Vị ấy quán kỹ lưỡng tất cả tâm sanh trong tất cả sáu loại lộ (vīthi). Sau khi phân biệt mỗi tâm, vị ấy quán sở hữu tâm (cetasika) phối hợp với tâm (citta).

Bậc tu tiến kế đến trình bày mỗi tâm (citta) và mỗi sở hữu tâm (cetasika) bằng trạng thái (lakkhaṇa), phận sự (rasa), thành tựu (paccupaṭṭhāna), nhân cận (padaṭṭhāna) sau khi vị ấy hoàn thành với mỗi sắc (rūpa).

Bằng cách mô tả mỗi loại tâm, mỗi loại sở hữu tâm và mỗi loại sắc pháp trong tâm và thân của vị ấy, vị ấy thấy rõ rằng chỉ có thọ uẩn (vedanā), tưởng uẩn (saññā), hành uẩn (saṅkhāra), thức uẩn (viññāṇa) và sắc uẩn (rūpa) tồn tại và không có chi khác tồn tại như là ta (atta), của ta hay tôi.

Vị ấy hiểu rằng tập hợp của các bộ phận như bánh xe, láp, thân xe, ngựa, v.v… được gọi là chiếc xe ngựa. Cũng thế tập hợp của năm uẩn (khandha) được gọi là ‘tôi, bạn, anh ấy, cô ấy hay người, v.v…’.

Đến đây, cái thấy biết của vị ấy thoát khỏi khái niệm sai lầm về ‘tôi, bạn, anh ấy, cô ấy, ta, của ta hay người’ tồn tại. Vị ấy được gọi là đạt đến tịnh kiến (diṭṭhi visuddhi).

Khả năng mô tả, thấy theo mỗi loại tâm (citta), mỗi loại sở hữu tâm (cetasika) và mỗi loại sắc pháp (rūpa) bằng trạng thái (lakkhaṇa), phận sự (rasa), thành tựu (paccupaṭṭhāna), nhân cận (padaṭṭhāna) được gọi là chỉ định danh-sắc tuệ (nāma-rūpa-pariccheda-ñāṇa) (là tuệ phân biệt danh uẩn và sắc uẩn). Trí này là bước ngoặt của tịnh kiến (diṭṭhi visuddhi).

Lưu ý:

Cần phải mô tả tâm (citta), sở hữu tâm (cetasika), sắc pháp (rūpa) qua trạng thái (lakkhaṇa), phận sự (rasa), thành tựu (paccupaṭṭhāna), nhân cận (padaṭṭhāna) một cách hệ thống.

4. Tịnh Nghi (Kaṅkhā vitarana visuddhi)

Tịnh nghi là tu đến bậc tỏ ngộ đắc tuệ, ba tuệ trước: Tuệ tỏ ngộ danh pháp, sắc pháp là ‘chỉ định danh-sắc tuệ’ (nāmarūpa-paricchedañāṇa); tuệ quyết thấy rõ nguyên nhân danh-sắc là ‘hiển duyên danh-sắc’ (nāmarūpa-paccayapariggahañāṇa); tuệ tỏ ngộ thấy tam tướng phổ thông như vô thường, khổ não và vô ngã là ‘phổ thông tuệ’ (sammasañāna).

Kaṅk’ nghĩa là do dự, nghi. Thiền sinh có thể nghi ngờ về trí hay giới, tức là cách nghi, nghi ngờ. Chỉ có nghi ngờ giống với hoài nghi (vicikicchā) thì không thể chấp nhận và thuộc về nghiệp bất thiện là pháp cản trở nội tâm phát triển của bậc tu tiến.

Mười sáu pháp nghi đã liệt kê trong Kinh (Sutta), như là bài kinh thứ hai trong Trung bộ kinh (Majjhima Nikāya) như sau:

(a) Năm pháp nghi liên quan đến quá khứ:

(i) Tôi từng có mặt ở quá khứ chăng?

(ii) Hay, tôi không từng có mặt ở quá khứ chăng?

(iii) Tôi từng có mặt ở quá khứ ra sao?

(iv) Tôi từng có mặt ở quá khứ như thế nào?

(v) Tôi đã thay đổi từ trạng thái gì sang trạng thái gì ở quá khứ?

(b) Năm pháp nghi liên quan đến vị lai:

(i) Tôi sẽ có mặt ở vị lai chăng?

(ii) Hay, tôi sẽ không có mặt ở vị lai chăng?

(iii) Tôi sẽ có mặt ở vị lai ra sao?

(iv) Tôi sẽ có mặt ở vị lai như thế nào?

(v) Tôi sẽ thay đổi từ trạng thái gì sang trạng thái gì ở vị lai?

(c) Sáu pháp nghi liên quan đến hiện tại:

(i) Tôi có hiện hữu không?

(ii) Hay, tôi không có hiện hữu?

(iii) Tôi có hiện hữu những gì?

(iv) Tôi có hiện hữu ra sao?

(v) Tôi đến đây từ đâu?

(vi) Nó sẽ đi đâu?

Kaṅkhā vitaraṇa visuddhi’ nghĩa là ‘tịnh nghi’ tức vượt qua những ngờ vực hay thanh tịnh bằng cách khắc phục sự ngờ vực. Cho nên, để đạt đến giai đoạn thanh tịnh, bậc tu tiến cần vượt qua hay khắc phục 16 pháp nghi hay ngờ vực đã đề cập trên cũng như 8 loại nghi mô tả trong Abhidhamma (xem chương II, trang 83-84).

Do đó, bậc tu tiến cần biết đời quá khứ cũng như đời vị lai của mình và làm thế nào quá khứ, hiện tại và vị lai tương quan với nhau bằng pháp liên quan tương sinh (paṭiccasamuppāda).

Trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhi Magga) (II, 221 Myanmar) và chú giải Vô Tỷ Pháp (Abhidhamma aṭṭhakathā) (II, 189 Myanmar) cũng có nêu rõ rằng: Không có người nào, thậm chí trong mơ, giác ngộ mà không thấy pháp liên quan tương sinh bằng chính trí nhãn của vị ấy.

Để kết nối liên quan tương sinh danh pháp và sắc pháp quá khứ với danh, sắc pháp hiện tại, bậc tu tiến phải biết danh, sắc uẩn kiếp quá khứ cũng như kiếp hiện tại. Và nữa, liên quan tương sinh hiện tại với vị lai, bậc tu tiến cũng nên biết danh, sắc uẩn của kiếp vị lai.

Làm sao bậc tu tiến có thể biết danh-sắc quá khứ là pháp đã diệt hoàn toàn và pháp vị lai là pháp chưa sanh?

Khả năng của định tâm (samādhi) thì tuyệt diệu, phi thường. Chúng ta đã học về túc mạng thông (pubbenivāsānussati abhiññā) là pháp có thể nhớ hàng ngàn kiếp quá khứ của chúng sanh và vị lai thông (anāgataṁsañāṇa abhiññā) là pháp có thể biết những kiếp vị lai của chúng sanh.

Trong trường hợp thiền quán hay minh sát (vipassanā) chúng ta không cần đi đến giai đoạn thần thông (abhiññā) và chúng ta không có thần thông. Nhưng chúng ta cần có định (samādhi) và trí để quán thấy biết rõ danh-sắc (nāma-rūpa) cả hai nội phần (trong tự thân) và ngoại phần (trong thân của người khác). Tiếp đến chúng ta có thể truy dòng hay chuỗi sanh và diệt của danh-sắc (nāma-rūpa) ngược lại đến những kiếp quá khứ. Phương pháp này được mô tả trong Tương Ưng bộ (Saṁyutta Nikāya (II, 71 Myanmar), trong kinh Khajjaṇīya và hiện đang được áp dụng tu tập trong Trung tâm thiền Pa-Auk Tawya.

Danh, sắc uẩn vị lai cũng có thể được quán theo cách tương tự bằng cách xem xét những quả có thể có của năm nhân của kiếp hiện tại. Trong Trung tâm thiền Pa-Auk Tawya, thiền sinh thực hiện vài nghiệp thiện tại điện thờ bằng cách dâng đèn và hoa. Vị ấy thường lập nguyện và mong trở thành người mà vị ấy muốn vào kiếp kế tiếp ở vị lai là quả của nghiệp thiện. Vị ấy phân tích danh pháp và sắc pháp là pháp sanh trong lúc tu tập quán.

Kế tiếp, bậc tu tiến đi đến thiền đường chung và tu tập thiền cùng những thiền sinh khác. Vị ấy tu tập định, nhớ lại nghiệp thiện trước và lần nữa phân tách danh-sắc đang sanh ngay lúc ấy. Nếu vị ấy quán thấy kết quả cũng như trước, vị ấy cho rằng vị ấy có thể phân tích danh pháp và sắc pháp ngoại phần.

Nay dựa trên năm nhân hiện tại – tức là vô minh (avijjā), ái (taṇhā), thủ (upādāna), hành (saṅkhāra) và nghiệp hữu (kamma bhava) – vị ấy cố gắng hình dung kiếp vị lai sẽ được hình thành là một thành quả. Vị ấy có thể thấy cuộc sống giống như vị ấy lập nguyện và mong ước ngay lúc ở điện thờ, hay có thể không giống là trường hợp thường xảy ra hơn. Dù cho cuộc sống mới có ra sao, thiền sinh lần nữa phân tích danh-sắc (nāma-rūpa) của người mới và tương quan với năm quả vị lai – tức là thức, danh-sắc, sáu xứ, xúc và thọ (xem Chương VIII - Paccaya, phần 20 cách (ākāra)) với năm nhân hiện tại. Nếu vị ấy thật sự có thể quán năm quả vị lai đang bị trợ tạo là quả của năm nhân hiện tại, tiếp đến vị ấy chắc chắn bị thuyết phục rằng pháp hiện tại và pháp vị lai tương quan đúng theo pháp liên quan tương sinh.

Lý liên quan nhân quả được mô tả bằng liên quan tương sinh và 24 duyên của Vị Trí (Paṭṭhāna) là pháp liên quan nhân quả trọng yếu chi phối sự sanh diệt của danh pháp và sắc pháp xảy ra trong tự thân cũng như những người khác. Có những nhân trực tiếp nào đó mà thiền sinh quán sát.

Và nữa, trong mỗi lộ tâm (vīthi), những tâm thiện (kusala citta) sanh làm đổng lực (javana) nếu có khéo tác ý (yoniso manasikāra) và tâm những bất thiện (akusala citta) (hay nghiệp bất thiện hành) sanh làm đổng lực (javana) nếu không khéo tác ý (ayoniso manasikāra). Lần nữa, tùy theo những nghiệp hành này mà tâm tái tục cũng như những tâm quả khác sinh khởi trong kiếp sống kế.

Sắc uẩn được sinh do bốn nhân trợ – đó là nghiệp (kamma), tâm (citta), quí tiết (utu – tejo) và vật thực nội (āhāra – ojā). Những nhân này cùng với những quả của nó có thể được thấy sâu sắc bằng định (samādhi) nhãn.

Khi những nhân trực tiếp cũng như những nhân trọng yếu cho danh-sắc uẩn sinh được quán sát hoàn toàn kỹ lưỡng, thiền sinh (yogī) biết rõ rằng năm uẩn tạo thành mỗi chúng sanh do những nhân thích hợp riêng. Do đó, vị ấy có thể đoạn vô nhân kiến (ahetuka diṭṭhi) là sự hiểu, tin vào sự sanh của chúng sanh không do nhân nào trợ và bất đồng nhân kiến (visama hetuka diṭṭhi) là tin chúng sanh được tạo bởi một đấng tạo hóa.

Thêm nữa, từ khi thiền sinh quán sát liên tục chuỗi nhân và quả liên quan xảy ra đúng theo pháp liên quan tương sinh (paṭiccasamuppāda), vị ấy có thể đoạn vô hành kiến (akiriya diṭṭhi) là quan niệm không có quả của hành động, vô hữu kiến (natthika diṭṭhi), thường kiến (sassata diṭṭhi) là quan niệm về linh hồn và ngã là vô tận và đoạn kiến (uccheda diṭṭhi) là quan niệm linh hồn và ngã là hữu tận.

Nhiều thuyết đánh giá và lý luận đã và đang tác động đến nhân loại mà không phù hợp với lý liên quan nhân quả, tất cả những thuyết ấy phải bị loại.

Lúc này, tâm của thiền sinh (yogī) thoát khỏi tất cả tà kiến, do đó giai đoạn tịnh kiến (diṭṭhi visuddhi) được thêm sức mạnh. Bên cạnh đó, từ khi thiền sinh đã vượt qua tất cả 16 pháp nghi hay ngờ vực (kaṅkhā) đã đề cập trên cũng như hoài nghi (vicikicchā) mà chú ý đến pháp liên quan nhân quả, vị ấy được gọi là vượt qua tất cả ngờ vực (kaṅkhā). Do đó, vị ấy cũng đã đạt đến tịnh nghi (kaṅkhā vitaraṇa visuddhi).

Giới hạn của giai đoạn thanh tịnh này là tuệ thấy đúng như thật (yathā bhūta ñāṇa) [là tuệ có thể thấy rõ pháp siêu lý một cách chính xác] hay hiển duyên danh-sắc tuệ (paccaya pariggaha ñāṇa) là trí nắm lấy tất cả nhân của danh và sắc pháp.

Tiểu Dự Lưu/Thất Lai (Cūla-sotāpanna)

Sotāpanna’ là một bậc Thánh (Ariya) là bậc đoạn trừ hoàn toàn tà kiến (diṭṭhi) và hoài nghi (vicikicchā). Vị ấy sẽ không bao giờ tái tục trong cõi Khổ (Apāya) và vị ấy sẽ Nibbāna sau khi tái tục trong cõi Dục không quá bảy lần.

Đến giai đoạn này, thiền sinh đạt ‘chỉ định danh-sắc tuệ’ (nāmarūpaparicchedañāṇa) và hiển duyên danh-sắc tuệ (paccayaparigghañāṇa) tạm thời đoạn trừ tà kiến (diṭṭhi) và hoài nghi (vicikicchā) như đã trình bày ở trên. Cho nên, vị ấy giống như một bậc Nhập lưu hay Thất lai (Sotāpanna) nhưng vị ấy chưa phải là một bậc Nhập lưu hay Tu đà hoàn. Vị ấy được gọi là tiểu Tu đà hoàn (Cūla-sotāpanna). Vị ấy không còn bị tái tục vào cõi Khổ trong những kiếp tiếp theo sau.

Hai tuệ, tức là chỉ định danh-sắc tuệ (nāmarūpaparicchedañāṇa) và hiển duyên danh-sắc tuệ (paccayaparigghañāṇa) rất quan trọng. Chúng là những trí cơ bản trong pháp quán hay thiền minh sát và chúng thiết lập nền tảng để sinh khởi mười tuệ quán (vipassanāñāṇa) trong những giai đoạn sau. Hai tuệ này không gồm trong những tuệ quán (vipassanāñāṇa), vì chúng không tập trung trên ba trạng thái hay ba tướng phổ thông (tilakkhaṇa) của pháp hữu vi. Tuy nhiên, chúng để lộ ra thực tính của pháp siêu lý liên quan đến danh pháp (nāma) và sắc pháp (rūpa).

Hai tuệ này quan trọng vì chúng loại trừ ác và tà kiến (micchā diṭṭhi) và củng cố chánh kiến (sammā diṭṭhi). Tà kiến bị loại trừ vì đó là nguồn gốc của ước muốn và hành động xấu xa. Nó được nêu trong Tăng Chi bộ kinh (quyển I, kinh 22).

XVII. Phẩm Chủng Tử

1-10. Tà Kiến v.v...

1. Ta không thấy một pháp nào khác, này chư Bhikkhu, do pháp ấy, các pháp bất thiện chưa sanh được sinh khởi và các pháp bất thiện đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại, này chư Bhikkhu, như tà kiến. Với người có tà kiến, này chư Bhikkhu, các pháp bất thiện chưa sanh được sinh khởi và các pháp bất thiện đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại.

2. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các pháp thiện chưa sanh được sinh khởi và các pháp thiện đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại, này các Tỷ-kheo, như chánh kiến. Với người có chánh kiến, này các Tỷ-kheo, các pháp thiện chưa sanh được sinh khởi và các pháp thiện đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại.

3. Ta không thấy một pháp nào khác, này chư Bhikkhu, do pháp ấy, các pháp thiện chưa sanh không sinh khởi và các pháp thiện đã sanh bị đoạn diệt, này chư Bhikkhu, như tà kiến. Với người có tà kiến, này chư Bhikkhu, các pháp thiện chưa sanh không sinh khởi và các pháp thiện đã sanh bị đoạn diệt.

4. Ta không thấy một pháp nào khác, này chư Bhikkhu, do pháp ấy, các pháp bất thiện chưa sanh không sinh khởi và các pháp bất thiện đã sanh bị đoạn diệt, này chư Bhikkhu, như chánh kiến. Với người có chánh kiến, này chư Bhikkhu, các pháp bất thiện chưa sanh không sinh khởi và các pháp bất thiện đã sanh bị đoạn diệt.

5. Ta không thấy một pháp nào khác, này chư Bhikkhu, do pháp ấy, tà kiến chưa sanh được sinh khởi, hay tà kiến đã sanh đi đến tăng trưởng, này chư Bhikkhu, như không như lý tác ý. Do không như lý tác ý, này chư Bhikkhu, tà kiến chưa sanh được sinh khởi, hay tà kiến đã sanh được tăng trưởng.

6. Ta không thấy một pháp nào khác, này chư Bhikkhu, do pháp ấy, chánh kiến chưa sanh được sinh khởi, hay chánh kiến đã sanh được tăng trưởng, này chư Bhikkhu, như như lý tác ý. Do như lý tác ý, này chư Bhikkhu, chánh kiến chưa sanh được sinh khởi, hay chánh kiến đã sanh được tăng trưởng.

7. Ta không thấy một pháp nào khác, này chư Bhikkhu, do pháp ấy, các chúng sanh sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, này chư Bhikkhu, như tà kiến. Các chúng sanh có đầy đủ tà kiến, này chư Bhikkhu, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

v.v…

Thêm nữa, trong Tăng Chi bộ kinh (quyển I, kinh 23) có nêu rằng:

9. Ðối với người có tà kiến, này chư Bhikkhu, phàm mọi thân hành hoàn toàn được thực hiện, được chấp nhận theo tà kiến, phàm mọi khẩu hành v.v... phàm mọi ý hành hoàn toàn được thực hiện, được chấp nhận theo tà kiến, phàm có tư tâm sở nào, phàm có quyết định nào, phàm có ước nguyện nào và phàm có các hành nào, tất cả pháp ấy đưa đến không khả lạc, không khả hỷ, không khả ý, đưa đến bất hạnh, đau khổ. Vì cớ sao? Vì tánh ác của tà kiến, này chư Bhikkhu.

Việt dịch – HT Thích Minh Châu

5. Tịnh kiến đạo-phi đạo tuệ (Maggāmagga ñāṇadassana visuddhi)

Nói theo thập tuệ là từ tuệ thứ 2 đến thứ 9. Còn nói theo 16 tuệ là từ tuệ thứ 4 đến tuệ thứ 11 là tuệ thuận lưu (anulomañāṇa).

Tiêu chuẩn của tịnh kiến này là phổ thông tuệ (sammasana-ñāṇa) và phần đầu của tiến thoái tuệ (udayabbaya ñāṇa). Phổ thông tuệ (sammasana-ñāṇa) là tuệ có thể quán sát ba trạng thái hay ba tướng phổ thông (tilakkhaṇa) của danh-sắc (nāma-rūpa) trong năm uẩn. Tiến thoái tuệ (udayabbaya ñāṇa) là tuệ có thể quán sát sự sinh và diệt của danh-sắc siêu lý.

Đúng ra nói tu tiến pháp quán hay tu tiến minh sát (vipassanā bhāvanā) là quán ba trạng thái hay ba tướng phổ thông (tilakkhaṇa) của danh pháp và sắc pháp trong 31 cõi bắt đầu ở giai đoạn này. Có bốn phương pháp quán sát ba tướng phổ thông.

(1) Phương pháp quán theo nhóm (kalāpa sammasana) – đây là pháp quán tất cả pháp bị trợ tạo (hữu vi hành) hay danh-sắc (saṅkhāra hay nāma-rūpa) trong 31 cõi dưới dạng năm nhóm hay uẩn mà không phân biệt chúng thuộc về quá khứ, hiện tại hay vị lai.

Quán sát hay xem xét tất cả nhóm sắc trong 31 cõi đã từng sanh do nhân, vị ấy quán: “Đây là sắc uẩn có tính tiêu diệt và đổi thay, do đó nó vô thường (aniccā). Nó có tính chất đáng sợ vì nó diệt liên tục, do đó nó là bất toại nguyện và khổ (dukkhā). Nó không sở hữu thực tính chắc chắn là trạng thái không diệt. Cho nên nó không là ta, không là người, không là tự ngã hoặc ngã (atta). Nó là vô ngã (anattā).”

Kế đến, vị ấy lần lượt quán tất cả thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn (danh) và thức uẩn cùng cách như trên.

(2) Phương pháp quán theo dòng thời gian (addhāna sammasana) – phương pháp này quán pháp bị trợ tạo (hữu vi) trong 31 cõi theo dòng thời gian. Vị ấy chia pháp bị trợ tạo (hữu vi) thành nhóm (uẩn) quá khứ, nhóm (uẩn) hiện tại và nhóm (uẩn) vị lai. Vị ấy quán như thế này:

“Nhóm (uẩn) sắc trong kiếp quá khứ đã hoàn toàn diệt trong kiếp quá khứ. Nó không tiếp tục hay đi tiếp đến hiện tại. Vì tính diệt hay tiêu hoại đổi thay, nó là vô thường (aniccā). Vì tính chất đáng sợ của nó, nó là khổ (dukkhā). Vì tính chất nó không là ta, không là tự ngã hoặc ngã (atta). Nó là vô ngã (anattā).”

Kế tiếp, vị ấy quán thực tính của tất cả nhóm (uẩn) sắc trong kiếp hiện tại sẽ diệt trong kiếp này và sẽ không đi tiếp đến kiếp vị lai, vị ấy thiền trên nhóm (uẩn) sắc hiện tại là vô thường (aniccā), khổ (dukkhā) và vô ngã (anattā).

Vị ấy thiền cùng cách với bốn nhóm (uẩn) danh pháp, quán sát hay xem xét từng nhóm (uẩn) một.

(3) Phương pháp quán liên tục (santati sammasana) – phương pháp này quán pháp bị trợ tạo (hữu vi) trong 31 cõi dưới dạng những chuỗi liên tục.

Tu tập phương pháp này, thiền sinh chia những nhóm sắc trong một kiếp như là một chuỗi sắc (rūpa) nóng, một chuỗi sắc (rūpa) lạnh, v.v…Vị ấy tiếp tục thiền như vầy:

“Những chuỗi sắc (rūpa) nóng đã hoàn toàn diệt. Nó không đi tiếp đến những chuỗi sắc lạnh. Vì tính chất diệt, nó là vô thường (aniccā). Vì tính chất đáng sợ của nó, nó là khổ (dukkhā). Vì tính chất không là tự ngã (atta), nó là vô ngã (anattā).”

Tương tự, quán sát hay xem xét những lộ tâm khác nhau, vị ấy quán tâm lộ nhãn môn (cakkhudvāra vīthi citta) diệt ngay sau chúng được hình thành và chúng không đi tiếp đến tâm lộ nhĩ môn (sotadvāra vīthi citta), tâm lộ nhĩ môn cũng diệt ngay sau chúng được hình thành và chúng không đi tiếp đến tâm lộ tỷ môn (ghāna dvāra vīthi citta) và v.v… Cho nên chúng là vô thường (aniccā), khổ (dukkhā) và vô ngã (anattā) vì sự tiêu hoại đổi thay, đáng sợ và tính chất không là ngã của chúng.

(4) Phương pháp quán theo sát-na (khaṇa sammasana) – phương pháp này quán sát pháp bị tạo (hữu vi) trong 31 cõi theo sát-na. Vị ấy quán như vầy:

“Nhóm sắc pháp hay sắc uẩn hình thành trong sát-na quá khứ đã hoàn toàn diệt trong quá khứ. Nó không đi tiếp đến sát-na hiện tại. Vì tính chất hoại diệt của nó, nó là vô thường (aniccā). Vì tính chất đáng sợ của nó, nó là khổ. Vì tính chất không là ngã (atta), nó là vô ngã (anattā).”

“Nhóm danh hay danh uẩn, gồm tâm (citta) và sở hữu tâm (cetasika), sanh vào sát-na của tâm hữu phần vừa qua (atīta bhavaṅga) đã hoàn toàn diệt tại sát-na ấy. Chúng không đi tiếp đến sát-na của tâm hữu phần rúng động (calana bhavaṅga). Vì tính chất hoại diệt của chúng, chúng là vô thường (aniccā). Vì tính chất đáng sợ của chúng, chúng là khổ. Vì tính chất không là ngã (atta), chúng là vô ngã (anattā).”

“Nhóm danh hay danh uẩn, gồm tâm (citta) và sở hữu tâm (cetasika), sanh vào sát-na của tâm hữu phần rúng động (calana bhavaṅga) đã hoàn toàn diệt tại sát-na ấy. Chúng không đi tiếp đến sát-na của tâm hữu phần dứt dòng (upaccheda bhavaṅga). Vì tính chất hoại diệt của chúng, chúng là vô thường (aniccā). Vì tính chất đáng sợ của chúng, chúng là khổ. Vì tính chất không là ngã (atta), chúng là vô ngã (anattā).”

Thiền sinh có thể kéo dài phương pháp này cho đến khi trí của vị ấy có thể nắm lấy thực tính của danh pháp (nāma) và sắc pháp (rūpa).

Những thiền sinh ấy, người đã quán sát có hệ thống về năm uẩn trong hiện tại cũng như trong những kiếp quá khứ và vị lai, mô tả mỗi loại sắc pháp (rūpa), tâm (citta) và sở hữu tâm (cetasika) qua ý nghĩa của trạng thái (lakkhaṇa), phận sự (rasa), thành tựu (paccupaṭṭhāna) và nhân cận (padaṭṭhāna), cũng có tương quan những pháp siêu lý này y theo pháp liên quan tương sinh, những vị ấy có thể thấy một cách sâu sắc chuỗi dài của sanh và diệt của danh-sắc (nāma-rūpa) kéo dài từ khởi thủy kiếp quá khứ, cho đến kiếp hiện tại và kế tiếp đến những kiếp vị lai. Khi họ có thể thấy sự sanh và diệt của từng danh (nāma) và sắc (rūpa) pháp trong chuỗi dài, họ có thể thiền dễ dàng trên ba tướng phổ thông.

Theo kinh nghiệm của những thiền sinh ở Pa-Auk Tawya, chuỗi dài sanh và diệt của danh pháp và sắc pháp thì rất rõ ràng. Họ chỉ nhìn trạng thái sanh-diệt và quán vô thường (aniccānupassanā)[247] một lúc khoảng 10-15 phút, rồi bằng lối quán khổ não (dukkhānupassanā)[248] một lúc khoảng 10-15 phút nữa và lần nữa bằng lối quán vô ngã (anattānupassanā)[249] một lúc khoảng 10-15 phút.

Khi liên tục thiền hay quán và tuần tự luân phiên những cách quán, khả năng quán sát của họ về ba tướng phổ thông của danh (nāma) và sắc (rūpa) pháp trở nên tốt hơn và tốt hơn cho đến khi họ có thể thấy sát-na sanh, sát-na trụ và sát-na diệt của mỗi danh (nāma) pháp và sắc (rūpa) pháp. Đây là tột đỉnh của ‘phổ thông tuệ’ (sammasanañāṇa).

Kế tiếp, pháp bị trợ tạo (hữu vi) được quán sát theo lý liên quan nhân quả. Khi nhân sanh, quả sanh. Khi nhân diệt, quả cũng diệt. Nhân trợ duyên cho sắc (rūpa) sanh là vô minh (avijjā), ái (taṇhā), nghiệp (kamma) và vật thực (āhāra). Những nhân trợ duyên cho những sở hữu tâm (cetasika) sanh là vô minh (avijjā), ái (taṇhā), nghiệp (kamma) và xúc (phassa). Những nhân trợ duyên cho tâm sanh là vô minh (avijjā), ái (taṇhā), nghiệp (kamma) và danh-sắc (nāma-rūpa). Những điều này thiền sinh có thể quán thấy biết rõ trực tiếp.

Thiền hay quán theo cách này nhiều ngàn lần, tuệ quán của thiền sinh càng ngày càng tiến bộ cho đến khi vị ấy có thể thấy sát-na sanh và sát-na diệt của danh-sắc (nāma-rūpa) rất rõ. Ở giai đoạn này, thiền sinh ngưng xem xét liên quan nhân quả mà chăm chú trên sát-na sanh và sát-na diệt của danh-sắc (nāma-rūpa). Hiện tượng sanh và diệt của danh (nāma) và sắc (rūpa) uẩn trở nên rất rõ ràng khi tiến thoái tuệ (udayabbayañāṇa) là tuệ quán những hiện tượng này, cũng sanh.

Khi trí này tập hợp sức mạnh thì mười tùy phiền não (upakkilesa) thường sanh. Những tùy phiền não này rất rõ ràng và chúng cũng là tiêu chuẩn rất tốt để đánh giá vị ấy có thật sự đạt được Tiến thoái tuệ (udayabbayañāṇa) hay không.

Mười Tùy Phiền Não (Upakkilesa)

1. Hào quang (obhāsa) = những tia sáng phát ra từ thân do tuệ quán.

2. Hỷ (pīti) = năm loại hỷ (hỷ mà chưa từng xảy ra).

3. Yên tịnh (passaddhi) = cả hai thân và tâm và tâm thanh tịnh; là sự yên hay yên tịnh.

4. Tịnh tín (adhimokkha) = điều khiển khả năng tín mạnh mẽ.

5. Cần miễn (paggaha) = sự tinh tấn mãnh liệt hộ trợ cho tâm quán (vipassanā citta).

6. Lạc (sukha) = lạc thọ trong toàn thân do sắc tâm thiện (kusala cittajarūpa).

7. Trí (ñāṇa) = trí nhanh.

8. Cường niệm (upaṭṭhāna) = niệm cố định trên nghiệp xứ (kammaṭṭhāna).

9. Xả (upekkhā) = trung bình xả (tatramajjhatupekkhā) và khai môn xả (avajjanupekkhā). Pháp trước tương ứng với sở hữu trung bình (tatramajjattatācetasika) có thể quán sát những hiện tượng một cách rõ ràng; pháp sau nói đến tư (cetanā) phối hợp với tâm khai môn là tâm phản khán hay phản chiếu những hiện tượng một cách nhanh chóng.

10. Ái dục/dục cầu (nikanti) = sự tham luyến, dính mắc nhẹ vào tuệ quán (vipassanāñāṇa) là trí câu hành với hỷ (pīti), yên tịnh (passaddhi), lạc (sukha) và hào quang (obhāsa).

Trong mười tùy phiền não đã đề cập trên, chỉ có ái dục/dục cầu (nikanti) thuộc về những phiền não (kilesa). Những tùy phiền não còn lại là những đặc tính thiện, nhưng khi những tùy phiền não này[250] sinh khởi với bậc tu tiến, vị ấy có thể phát triển kiến thủ (upādāna diṭṭhi) (tà kiến xảy ra trong tôi), ngã mạn (māna) (tự hào là chỉ có tôi sở hữu những phẩm chất phi thường này)ái thủ (upādāna taṇhā) (tham luyến mạnh như cho rằng những đặc tính là của tôi). Tà kiến (diṭṭhi), ngã mạn (māna) và ái (taṇhā) làm ô uế thiền của vị ấy, vì chúng thật sự là những phiền não (kilesa).

Một vài thiền sinh (yogī) với kiến thức khiêm tốn về pháp (dhamma) có thể nghĩ lầm rằng họ đắc đạo (magga) và quả (phala) khi họ có hào quang, hỷ, yên tịnh và hạnh phúc đặc biệt khác thường.

Tất cả những người mà có tà kiến (diṭṭhi), ngã mạn (māna) và ái thủ (taṇhā) là đi trên tà đạo; thiền của họ sẽ bị dừng lại và thậm chí suy tàn.

Những người có đầy đủ kiến thức về pháp, biết rất rõ rằng những hiện tượng hào quang, hỷ, hạnh phúc, v.v… khác thường này chỉ là tùy phiền não (upakkilesa) và chúng chưa biểu trưng cho đạo (magga) hay quả (phala). Để đi trên chánh đạo, bậc tu tiến phải quán hay thiền trên sự sanh và diệt của những pháp bị trợ tạo (hữu vi).

Kiến thức này là pháp có thể phân biệt giữa phi đạo và đạo hay tà đạo và chánh đạo nên được gọi là tịnh kiến đạo-phi đạo tuệ (maggāmagga ñāṇadassana visuddhi). Thiền sinh sở hữu trí này được gọi là đạt được ‘tịnh kiến đạo-phi đạo tuệ’ hay ‘đạo-phi đạo tri kiến thanh tịnh’.

6. Tịnh mãn tuệ hay ‘hành tri kiến thanh tịnh’ (Paṭipadā[256] ñāṇadassana visuddhi)

Nói theo 16 tuệ là từ tuệ thứ 4 đến tuệ thứ 13 là tuệ chuyển tánh (gotrabhūñaṇa).

Hành tri kiến thanh tịnh tuệ từ phần sau của Tiến thoái tuệ (udayabbayañāṇa) đến cuối tuệ quán (vipassanāñāṇa), bao gồm chín tuệ quán trong tất cả. Những tuệ này phải được phát triển, lần lượt quán nghiêm túc và tích cực theo ba tướng của pháp bị trợ tạo (hữu vi hành) (saṅkhāra – nāma-rūpa).

Tiến thoái tuệ (udayabbayañāṇa) – sau khi đạt được đạo-phi đạo tri kiến thanh tịnh, lần nữa thiền sinh tu tập thiền quán một cách nghiêm túc, quán sát trên ba trạng thái hay ba tướng của pháp hữu vi với sự đặc biệt chú tâm đến hiện tượng sinh và diệt của pháp bị trợ tạo. Dần dần, Tiến thoái tuệ (udayabbaya ñāṇa) của thiền sinh sẽ trở nên mạnh mẽ và thuần thục.

Diệt một[257] tuệ (bhaṅgañāṇa) – khi tuệ quán của thiền sinh được phát triển dần dần, thiền sinh có thể ghi nhận sự sanh và diệt của danh-sắc càng ngày càng nhanh. Vì danh (nāma) và sắc (rūpa) đang sinh và đang diệt ở một tỷ lệ kinh khủng hàng tỷ lần trên một giây, không có thiền sinh nào có thể quán sát tất cả tâm (citta) và sở hữu tâm (cetasika) khi chúng sanh và diệt. Khi vị ấy có thể quán theo chúng khá nhanh, vị ấy sẽ không quán sát hiện tượng (pháp) sanh nữa; vị ấy chỉ quán sát hiện tượng diệt. Dù cho quán pháp nào đi nữa, vị ấy quán sự diệt của pháp bị trợ tạo (hữu vi).

Tuệ quán theo sự diệt liên tục của danh (nāma) và sắc (rūpa) pháp siêu lý được gọi là diệt một tuệ (bhaṅga ñāṇa). Nếu thiền sinh có thể quán ở ngay tiểu sát-na đang diệt của diệt một tuệ (bhaṅga ñāṇa), quán tiểu sát-na diệt của pháp bị trợ tạo (hữu vi) đó bằng một diệt một tuệ (bhaṅga ñāṇa) tiếp theo, thì diệt một tuệ (bhaṅga ñāṇa) của vị ấy đạt đến tột đỉnh của nó.

Họa hoạn tuệ (bhayañāṇa) – khi bậc tu tiến quán sát liên tục sự diệt không ngừng của pháp bị trợ tạo (hữu vi), vị ấy nhận thấy rõ tính chất đáng sợ hay kinh hãi, đáng sợ của danh-sắc (nāma-rūpa) và năm uẩn hiện hữu. Thiền sinh được gọi là đạt được họa hoạn tuệ (bhayañāṇa), tức là tuệ thấy rõ tính kinh hãi của danh-sắc (nāma-rūpa).

Tội quá tuệ (ādinavañāṇa) – khi thiền sinh sở hữu trí thấy rõ tính chất đáng sợ hay kinh hãi của danh-sắc (nāma-rūpa), vị ấy nhận thấy khuyết điểm và tính chất bất toại nguyện của danh-sắc (nāma-rūpa). Do đó, vị ấy đạt tội quá tuệ (ādīnavañāṇa), là trí thấy rõ khuyết điểm và tính chất bất toại nguyện của danh-sắc (nāma-rūpa).

Phiền yểm tuệ (nibbidāñāṇa) – khi thiền sinh thấy rõ khuyết điểm trong danh-sắc (nāma-rūpa) và biết rõ tính chất bất toại nguyện của pháp bị trợ tạo (hữu vi) ra sao, vị ấy phát triển cảm giác ghê tởm, chán nản những pháp này. Vị ấy không còn hoan hỷ sở hữu chúng. Vị ấy được gọi là phát triển phiền yểm tuệ (nibbidāñāṇa) là tuệ ghê tởm, chán nản danh-sắc (nāma-rūpa).

Dục thoát tuệ (muñcitukamyatāñāṇa) – khi thiền sinh đã chán nản trong danh-sắc (nāma-rūpa), pháp bị trợ tạo (hữu vi), vị ấy muốn thoát khỏi sự vướng mắc của danh-sắc (nāma-rūpa) cũng như cá mắc lưới ngư dân và như con ếch nhỏ trong miệng rắn muốn thoát ra. Do đó, dục thoát tuệ (muñcitukamyatāñāṇa) là trí mong muốn thoát khỏi sự vướng mắc của danh-sắc (nāma-rūpa), sanh trong tâm của thiền sinh.

Quyết ly tuệ (paṭisaṅkhāñāṇa) – thiền sinh, người muốn thoát khỏi lưới danh-sắc (nāma-rūpa), nhận thấy không có lối thoát nào khác ngoài thiền trên tam tướng của pháp hiện hữu trong năm uẩn cả hai nội và ngoại phần.

Có một ví dụ hay ở đây: Một ngư dân dùng một cái rổ tre hình cái chuông với phần đáy mở rộng để bắt cá (hay còn gọi là cái nơm). Ông ta đặt cái nơm xuống nước trong một con lạch cho đến khi chạm đáy. Ông ta cho tay vào bên trong cái nôm và quậy nước xem có con cá nào hay không. Nếu có cá, ông ta sẽ bắt nó. Bằng không ông ta tiếp tục tiến lên và đặt nơm.

Ngay khi tay ông ta chạm phải một vật như con cá. Ông ta túm lấy và kéo ra khỏi nước. Khi phần trên của con vật lên khỏi mặt nước, ông ta thấy ba sọc vòng quanh cổ của nó và ông ta biết đó là một con rắn mang bành. Con rắn có nọc độc có thể giết chết ông ta nếu nó có cơ hội cắn ông.

Ban đầu ông ta nghĩ rằng đã bắt được một con cá lớn, cho nên ông ta vui mừng. Tương tự, mỗi phàm phu cảm thấy vui mừng trong một cách tương tự về sở hữu thân và tâm vì họ chưa biết tính chất đáng sợ của danh-sắc (nāma-rūpa).

Khi người ngư dân đã thấy ba sọc trên cổ của con rắn, vị ấy biết đó là loại rắn mang bành rất nguy hiểm. Tương tự, khi thiền sinh thấy tam tướng và tính chất đáng sợ của pháp bị trợ tạo (hữu vi) (nāma-rūpa), vị ấy đạt được ‘họa hoạn tuệ’ (bhayañāṇa).

Khi người ngư dân thấy nguy hiểm, vị ấy gặp phải tình huống bất toại nguyện và con rắn làm cho chán nản. Thiền sinh cũng như thế, vị ấy thấy rõ tính chất đáng sợ của pháp bị trợ tạo (hữu vi), nhận thấy chúng là bất toại nguyện và bày tỏ sự chán nản về chúng. Những điều này tương tự với lúc thiền sinh tuần tự phát triển tội quá tuệ (ādinavañāṇa) và phiền yểm tuệ (nibbidāñāṇa).

Lúc bấy giờ, người ngư dân không còn vui khi có con rắn trong tay và ông ta mong muốn thoát khỏi con rắn một cách mạnh mẽ. Tương tự như trường hợp khi thiền sinh đạt được dục thoát tuệ (muñcitukamyatāñāṇa) và muốn thoát khỏi sự vướng mắc của danh-sắc (nāma-rūpa).

Người ngư dân muốn thoát khỏi con rắn, có đủ can đảm thả con rắn, vì nó sẽ cắn ông ta nếu ông ta không thả nó. Do đó dù muốn hay không, ông ta túm lấy con rắn, kéo nó ra khỏi nước, đưa nó lên khỏi đầu và quay nó ba hay bốn vòng, quăng nó ra xa hết mức có thể và hối hả lên bãi đất cạn.

Cùng cách ấy, thiền sinh người muốn thoát khỏi danh (nāma) và sắc (rūpa), không thể xao lãng[253] chúng và quên chúng. Vị ấy phải túm chặt lấy chúng bằng thiền trên tam tướng hiện hữu. Đây tương ứng với quyết ly tuệ (paṭisaṅkhāñāṇa).

Hành xả tuệ (sankharupekkhāñāṇa) – ngư dân, người đã quăng con rắn ra xa và hối hả lên bãi đất cạn, tức khắc cảm thấy an toàn và bình tĩnh. Trong cách tương tự, thiền sinh, người thiền nghiêm túc trên tam tướng của pháp bị trợ tạo (hữu vi), tức khắc phát triển sự bình thản đối với danh-sắc (nāma-rūpa). Vị ấy không còn chán nản hay tham luyến danh-sắc (nāma-rūpa). Vị ấy có thể giữ tâm quân bình trong khi quán sát thực tính của danh (nāma) và sắc (rūpa).

Ở đây, lần nữa có một minh họa hay. Một người đàn ông có một người vợ đẹp. Chúng ta có thể nghĩ rằng ông ta may mắn. Nhưng vẻ đẹp của vợ ông ta thu hút sự chú ý của những người đàn ông khác, vài người trong số đó dùng đủ mọi cách, mọi tiềm lực để thắng tình yêu của bà ấy. Nếu bà không trung thành hay nếu tâm của bà không vững chắc, bà có thể phạm tội ngoại tình.

Trường hợp vợ của người đàn ông này không trung thành, bà ta đi ra ngoài với vài người đàn ông. Chồng của bà ta rất khổ sở và ông cầu khẩn lòng trung thành của bà với ông. Bà từ chối làm theo. Bà vẫn cứ đi ra ngoài với những người đàn ông khác. Người chồng rất khó chịu và không thể chịu đựng cảnh ấy được nữa nên ông ly hôn với bà tại tòa án.

Sau đó, mặc dù người đàn ông biết rằng bà ta vẫn đi ra ngoài với những người đàn ông khác, ông ta không còn cảm thấy khó chịu về hành vi của bà, không còn bận tâm nữa.

Tương tự, thiền sinh, người đã phát triển hành xả tuệ (saṅkhārupekkhāñāṇa), có thể duy trì sự bình thản đối với danh-sắc (nāma-rūpa) và pháp bị trợ tạo (hữu vi) dù cho vị ấy đang quán liên tục sự diệt và tính chất bất toại nguyện của chúng.

Thuận lưu tuệ (anulomañāṇa) – thiền sinh có thể duy trì sự bình thản đối với danh-sắc (nāma-rūpa) và pháp bị trợ tạo (hữu vi), tiếp tục thiền của vị ấy trên ba tướng của pháp hiện hữu bằng ba tùy quán (anupassanā). Tuy nhiên, tâm của vị ấy không còn muốn quán sát pháp bị trợ tạo (hữu vi) mà tìm kiếm Níp-bàn (Nibbāna). Khi nào tâm không tìm Níp-bàn, nó sẽ vẫn cứ quán sát pháp bị trợ tạo (hữu vi). Tuy nhiên, khi tìm Níp-bàn, tâm rời khỏi pháp bị trợ tạo (hữu vi) và thâm nhập vào lĩnh vực Níp-bàn.

Ở đây, lần nữa chúng ta tìm một sự so sánh hay: Ngày xưa, các thủy thủ thường mang theo vài con quạ với họ trong những chuyến hải trình dài. Sau khi thuyền thả buồm được một số ngày nhất định, họ mong được thấy bờ. Nếu không có dấu hiệu của đất liền trong tầm ngắm, họ thả một con quạ bay theo hướng của con thuyền đang đi. Con quạ sẽ bay xa nhất có thể. Nếu không tìm ra đất liền, nó quay lại chiếc thuyền và đáp trên cột buồm.

Sau khi tiếp tục thả buồm vài ngày, thủy thủ lần nữa thả một con quạ ra. Con quạ sẽ bay xa nhất có thể. Nếu không thấy đất liền, nó sẽ quay lại. Nhưng nếu nó tìm thấy đất liền, nó sẽ không quay lại con thuyền. Dựa vào đó, những thủy thủ biết rằng đất liền ở gần và thả buồm cho con thuyền theo hướng vào đất liền.

Cũng thế, quán sát tâm cứ quay trở lại hành xả tuệ (saṅkhārupekkhāñāṇa) khi chưa thấy Níp-bàn. Một khi thấy Níp-bàn, nó không quay lại mà tiến lên về phía Níp-bàn qua lộ đắc đạo (magga vīthi). Lộ đắc đạo (magga vīthi) được đề cập trong Chương IV – phần Lộ đắc đạo kiên cố có diễn tiến như sau:

Theo ký tự Pāḷi:

Manda paññā (tuệ chậm) Na-Da-“Ma-Pa-U-Nu-Go-Mag-Pha-Pha”-Bha…

Tikkha paññā (tuệ nhanh) Na-Da-“Ma -U-Nu-Go-Mag-Pha-Pha-Pha”-Bha…

Theo ký tự Việt:

Manda paññā (tuệ chậm) R-D-“K--Ậ-U-B-Ạ-Ả-Ả”-H-…

Tikkha paññā (tuệ nhanh) R-D-“K-Ậ-U-B-Ạ-Ả-Ả-Ả”-H-…

Trong những lộ trên, tuệ quán phối hợp với -Ậ-U (Pa-U-Nu) được gọi là thuận lưu tuệ (anulomañāṇa).

Pa = parikamma = chuẩn bị

U = upacāra = cận đạo

Nu = anuloma = thuận lưu - sự thích thú, sự kết nối, làm hài hòa, cân đối, hòa hợp những tâm thấp với những tâm cao.

Go = gotrabhū = chuyển tánh là tâm cắt đứt dòng phàm và thành dòng Thánh (Ariya).

Trong những lộ trên, những tâm chuẩn bị (parikamma), cận hành (upacāra) và thuận lưu (anuloma) lấy tam tướng (tilakkhaṇa) làm cảnh và cho nên chúng được bao gồm trong những tâm quán hay tâm minh sát.

Chuyển tánh tuệ (gotrabhūñāṇa)

Chuyển tánh (gotrabhū), mặt khác lấy Níp-bàn (Nibbāna) mà không lấy tam tướng (tilakkhaṇa) làm cảnh, cho nên nó không được gồm trong những tâm quán hay tâm minh sát. Tuệ quán hay tuệ minh sát (vipassanāñāṇa) phối hợp với chuyển tánh (gotrabhū) được gọi là tuệ chuyển tánh (gotrabhūñāṇa).

Đạo tuệ (maggañāṇa) và quả tuệ (phalañāṇa)

Chuyển tánh (gotrabhū) vạch ra con đường hướng về Níp-bàn (Nibbāna). Tâm đạo (magga citta) và tâm quả (phala citta) theo ngay sau lấy Níp-bàn làm cảnh. Trí (paññā) phối hợp với đạo (magga) và quả (phala) tuần tự được gọi là đạo tuệ (maggañāṇa) và quả tuệ (phalañāṇa).

Đạo tuệ (maggañāṇa) chỉ phát sanh một lần và rất mạnh mẽ. Nó cùng lúc thực hiện bốn chức năng – (1) nhận chân khổ đế hay sự thật về khổ, (2) đoạn tận tham ái là nhân của khổ, (3) thấy rõ Níp-bàn và (4) hoàn toàn phát triển tám chi đạo.

“Như người du hành ban đêm thấy phong cảnh xung quanh vị ấy nhờ vào một tia chớp hay sấm và hình ảnh vẫn tồn tại khá lâu sau đó. Thiền sinh cũng thế, với ánh sáng chớp nhoáng của tuệ quán, nhìn thoáng qua Níp-bàn (Nibbāna) một cách rõ ràng mà sau đó hình ảnh không bao giờ phai nhạt trong tâm của vị ấy.”

(Dr. Paul Dahlke)

Sát-na quả (phala) sanh liền kề ngay sau sát-na đạo (magga). Đây là lý do tại sao pháp (dhamma) được gọi là quả liền kề (akālika).

Phản khán tuệ (pacavekkhaṇañāṇa)

Sau lộ đắc đạo (maggavīthi) và một vài tâm hữu phần (bhavaṅga citta), năm lộ phản khán (pacavekkhaṇañāṇa vīthi) thường sanh. Với những lộ này, thiền sinh (1) phản khán đạo, (2) phản khán quả, (3) phản khán Níp-bàn mà vị ấy đã thấy, (4) phản khán phiền não (kilesa) mà vị ấy đã đoạn trừ và (5) phản khán phiền não (kilesa) mà vị ấy chưa đoạn trừ.

Tuệ phối hợp với tâm đổng lực phản khán (pacavekkhaṇañāṇa javana citta) được gọi là tuệ phản khán (pacavekkhaṇañāṇa ñāṇa).

Mười sáu tuệ theo thứ tự

Cho đến lúc này, thiền sinh đã đạt được 16 tuệ (ñāṇa) – bao gồm, chỉ định danh-sắc tuệ (nāmarūpaparicchedañāṇa), hiển duyên danh-sắc tuệ (paccaya pariggahañāṇa), mười tuệ quán (vipassanañāṇa) [phổ thông tuệ (sammasanañāṇa) đến thuận lưu tuệ (anulomañāṇa)], chuyển tánh tuệ (gotrabhūñāṇa), đạo tuệ (maggañāṇa), quả tuệ (phalañāṇa) và phản khán tuệ (pacavekkhaṇañāṇa ñāṇa).

7. Tịnh kiến tuệ (Ñāṇadassana[254] visuddhi) về bốn đạo.

Trong Trung bộ kinh (Majjhima nikāya) – bài kinh số 24 “Trạm Xe” được đề cập so sánh bảy thanh tịnh (visuddhi) với bảy trạm xe. Người cưỡi trên xe ngựa thứ nhất và du hành đến trạm xe thứ hai. Kế đến, vị ấy cưỡi từ trạm xe thứ hai và di chuyển đến trạm xe thứ ba và v.v…

Cũng như cách ấy, bậc tu tiến làm cho giới của vị ấy đặng thanh tịnh hay ‘tịnh giới’ để đi đến điểm khởi đầu của ‘tịnh tâm’. Kế tiếp, vị ấy ‘tịnh tâm’ để đạt đến điểm khởi của ‘tịnh kiến’. Vị ấy ‘tịnh kiến’ để đạt đến điểm khởi của thanh tịnh bằng cách vượt qua sự do dự hay ‘tịnh nghi’. Bậc tu tiến đi theo cách này cho đến khi đạt được bốn đạo (magga) và quả (phala).

Trong Trung bộ kinh (Majjhima nikāya), Đức Phật có thuyết rằng mục tiêu thật sự và tột cùng không ở chỗ ‘tịnh giới’, hay ‘tịnh tâm’, hoặc ‘tịnh kiến’, v.v… mà là hoàn toàn giải thoát khỏi và dập tắt những phiền não (kilesa).

Tinh tấn từng giai đoạn thanh tịnh tâm bắt đầu với tịnh giới (sīla visuddhi). Khi đạt được tuệ thuận lưu thì sáu giai đoạn đầu được hoàn thành. Sự đạt được đạo (magga) và quả (phala) là giai đoạn cuối của sự thanh tịnh gọi là đạt đến tịnh kiến tuệ (ñāṇadassana visuddhi).

Tịnh kiến tuệ (ñāṇadassana visuddhi) bao gồm bốn đạo (magga) là pháp thấu đáo trực tiếp về bốn Thánh đế và từng giai đoạn thanh tịnh hóa tâm khỏi tất cả pháp phiền não (kilesa) được trình bày sau đây:

(1) Đạo Nhập lưu (Sotāpattimagga) – là đạo thứ nhất mà thiền sinh có thể đạt được. Nó có thể được nói chung chỉ cho giai đoạn đầu của dòng Thánh.

Sota = dòng chảy dẫn đến Níp-bàn (Nibbāna).

Āpatti = nhập vào lần đầu.

Magga = tám Thánh đạo.

Đạo Nhập lưu (Sotāpattimagga) đoạn trừ hai phiền não (kilesa) – tức là tà kiến (diṭṭhi) và hoài nghi (vicikicchā) và ba pháp triền (saṃyojana) – đó là thân kiến (sakkāyadiṭṭhi), hoài nghi (vicikicchā) và giới cấm thủ (sīlabbataparāmāsa).

Thân kiến (sakkāyadiṭṭhi) niềm tin riêng cho rằng sự phối hợp phức tạp của danh, sắc uẩn là người là tự ngã hay là tôi.

Hoài nghi (vicikicchā) hoài nghi về (1) Phật (Buddha), (2) Pháp (Dhamma), (3) Tăng (Saṅgha), (4) điều học, (5) đời quá khứ, (6) đời vị lai, (7) cả hai đời quá khứ và vị lai, (8) pháp liên quan tương sinh.

Giới cấm thủ (sīlabbataparāmāsa) là bám chặt vào cái thấy hay nhận định sai rằng chúng sanh trở nên thanh tịnh và được giải thoát bằng cách hành theo hạnh con bò và chó hay nghi thức và nghi lễ.

(2) Nhất lai đạo (Sakadāgāmi) – là đạo thứ nhì có thể đạt được và có thể được xem như giai đoạn thứ hai của dòng Thánh. Giai đoạn này không đoạn trừ thêm bất cứ pháp phiền não (kilesa) hay pháp triền (saṃyojana) nào còn lại, nhưng nó giảm sức mạnh của những phiền não này.

(3) Bất lai đạo (Anāgāmimagga) – là đạo (magga) thứ ba có thể đạt được và có thể được xem như giai đoạn thứ ba của dòng Thánh. Đạo này đoạn trừ thêm một phiền não (kilesa), đó là sân (dosa) và hai pháp triền nữa –là dục ái triền và sân độc triền.

Sân (dosa) = sân độc (paṭigha) = sân.

Kāmarāga = dục ái, tham luyến cảnh dục hay tham dục.

(4) Vô sanh đạo (Arahattamagga) – là đạo thứ tư mà thiền sinh có thể đạt được và đạo này có thể được xem như giai đoạn thứ tư và cũng là giai đoạn cuối của dòng Thánh. Đạo này đoạn trừ tất cả những phiền não và pháp triền (saṃyojana) còn lại.

Những Bậc Thánh (Ariya)

Có tám hạng người Thánh (Ariya) – đó là bốn người Thánh đạo (maggaṭṭha) và bốn người Thánh quả (phalaṭṭha). Người Thánh đạo (maggapuggala) chỉ tồn tại trong 1 sát-na tâm đạo. Sau khi tâm đạo (magga citta) diệt và nối tiếp bằng tâm quả, những vị ấy trở thành chư Thánh quả (phalaṭṭha).

Ví dụ, người Thánh đạo Thất lai (Sotāpattimaggapuggala) tồn tại trong sát-na tâm đạo Thất lai (sotāpattimaggacitta) đang sanh với vị ấy. Sau khi tâm đạo này diệt, tâm quả Thất lai (sotāpattiphalacitta) sanh với vị ấy và vị ấy được gọi là người Thánh quả Thất lai (Sotāpattiphalapuggala) hay người Dự lưu (Sotāpanna) kể từ sát-na này trở đi.

Nếu một người Thất lai (Sotāpanna) tu tiến pháp quán (vipassanā) thêm nữa, người ấy sẽ đạt Nhất lai đạo theo đúng trình tự. Trong lúc tâm đạo (magga) thứ nhì này đang còn, người ấy được gọi là một người Thánh đạo Nhất lai (Sakadāgāmimaggapuggala). Sau khi tâm đạo này diệt, tâm quả Nhất lai (sakadāgāmiphalacitta) sanh và người ấy được gọi là một người Thánh quả Nhất lai (Sakadāgāmiphalapuggala) hay người Nhất lai (Sakadāgāmi) kể từ sát-na này trở đi.

Một người Nhất lai (Sakadāgāmi) có thể tu tiến pháp quán (vipassanā) thêm nữa. Khi người ấy đạt đạo (magga) thứ ba, người ấy được gọi là một người Thánh đạo Bất lai (Anāgāmimaggapuggala) trong khi tâm đạo (magga citta) ấy đang còn. Khi tâm đạo ấy vừa diệt, tâm quả Bất lai (Anāgāmiphalacitta) sanh và người ấy được gọi là một người Thánh quả Bất lai (Anāgāmiphalapuggala) hay người Bất lai (Anagāmi) kể từ sát-na này trở đi.

Người Bất lai (Anāgāmi) có thể tu tiến pháp quán (vipassanā) thêm nữa và khi người ấy đạt đạo (magga) thứ tư, vị ấy trở thành một người Thánh đạo Vô sanh (Arahattamaggapuggala). Khi tâm đạo Vô sanh (arahattamaggacitta) vừa diệt, tâm quả Vô sanh (arahattaphalacitta) sanh và vị ấy trở thành một người Thánh quả Vô sanh (Arahattaphalapuggala) hay người Vô sanh (Arahat) kể từ sát-na này trở đi.

Do đó, bốn người Thánh đạo tồn tại trong một sát-na. Chỉ có bốn người Thánh quả thì tồn tại lâu. Trạng thái rõ rệt của chúng có thể được lưu ý như sau:

(1) Người Thất lai (Sotāpanna hay Sotāpan) là người đã đạt đạo Thất lai (Sotāpattimagga) và quả Thất lai (Sotāpattiphala). Vị ấy có thể hưởng sự vắng lặng của Níp-bàn (Nibbāna) bất cứ khi nào vị ấy muốn bằng cách phát triển trú trong thiền tương ứng với nhập thiền quả Thất lai (Sotāpattiphalasamāpatti).

Vị ấy được gọi là một người Dự lưu vì vị ấy đã nhập vào dòng chảy dẫn đến Níp-bàn. Dòng chảy tượng trưng cho tám Thánh đạo. Vị ấy không còn là một phàm phu (puthujjana), mà là một bậc Thánh (Ariya).

Một người Nhập lưu (Sotāpanna) đã đoạn tận hai phiền não nghiêm trọng nhất, đó là tà kiến (diṭṭhi) và hoài nghi (vicikicchā) và ba pháp triền (saṃyojana) căn bản – đó là thân kiến (sakkāyadiṭṭhi), hoài nghi (vicikkicchā) và giới cấm thủ (sīlabbataparamāsa). Vị ấy cũng có đoạn trừ những đặc tính thô của những phiền não (kilesa) còn lại – là những đặc tính mà có thể ném một chúng sanh xuống cõi Khổ. Do đó, đối với bậc Nhập lưu hay Thất lai thì cánh cửa của cõi Khổ đã đóng lại vĩnh viễn, hoặc vị ấy sẽ không trở thành một người phàm lần nữa.

Vị ấy có niềm tin vững chắc với Phật (Buddha), Pháp (Dhamma), Tăng (Saṅgha). Vị ấy cũng sẽ kiên định tuân theo năm giới và sẽ tránh xa khỏi phạm bất cứ một trong mười con đường của nghiệp bất thiện, tức là mười hành vi bất thiện (ducarita). Bốn tâm căn tham tương ưng kiến (diṭṭhigatasampayutta lobhamūlacittaṃ) và tâm căn si tương ưng hoài nghi (vicikicchāsampayutta mohamūlacitta) sẽ không bao giờ sanh với vị ấy.

Vị ấy có thể hưởng cảnh dục nhưng sẽ không tái tục hơn bảy lần trong cõi Dục (Kāmaloka). Vị ấy sẽ trở thành một Arahaṃ (Arahat) đúng theo trình tự và sau kiếp sống cuối, vị ấy sẽ Níp-bàn (Nibbāna) vĩnh viễn.

Có ba hạng người Thất lai (Sotāpanna):

i. Sattakkhattu parama sotāpanna = là bậc Níp-bàn sau bảy đời.

ii. Kolaṅkola sotāpanna = là bậc Níp-bàn sau hai đến sáu đời.

iii. Ekabījī sotāpanna = là bậc Níp-bàn sau một đời.

(2) Người Nhất lai (Sakadāgāmi hay Sakadagam) – một người Nhất lai (Sakadāgāmi) là người đã đạt đạo và quả Nhất lai (Sakadāgāmi maggaphala). Vị ấy có thể hưởng trạng thái vắng lặng của Níp-bàn bất cứ lúc nào vị ấy muốn bằng cách nhập thiền tương ứng với nhập thiền quả Nhất lai (Sakadāgāmi phala samāpatti).

Người Nhất lai (Sakadāgāmi) sẽ chỉ tái tục một lần trong cõi Dục. Vị ấy sẽ thành một Arahaṃ (Arahat) và sau kiếp sống cuối đó, vị ấy sẽ Níp-bàn vĩnh viễn.

Những tâm (citta) sanh với người Nhất lai (Sakadāgāmi) thì giống như những tâm sanh với người Thất lai (Sotāpanna) chỉ khác ở điểm là một người Nhất lai (Sakadāgāmi) nhập thiền quả Nhất lai (Sakadāgāmi phala samāpatti) thay vì nhập thiền quả Thất lai (Sotāpatti phala samāpatti).

So sánh với một người Thất lai, một người Nhất lai có ít lòng tham, tính tham hay tham ái (rāga), sân (dosa) và si (moha). Cho nên, vị ấy thanh tịnh hơn một người Thất lai (Sotāpanna).

Có sáu chủng người Nhất lai (Sakadāgāmi), đó là:

i. Người đắc Nhất lai (Sakadāgāmi) trong cõi Nhân loại và đạt Níp-bàn (parinibbāna) ở cõi Nhân loại.

ii. Người đắc Nhất lai (Sakadāgāmi) trong cõi Nhân loại và đạt Níp-bàn ở cõi Trời.

iii. Người đắc Nhất lai (Sakadāgāmi) trong cõi Trời và đạt Níp-bàn ở cõi Trời.

iv. Người đắc Nhất lai (Sakadāgāmi) trong cõi Trời và đạt Níp-bàn ở cõi Nhân loại.

v. Người đắc Nhất lai (Sakadāgāmi) trong cõi Nhân loại và sau khi tái tục một lần ở một cõi Trời, đạt Níp-bàn ở cõi Nhân loại.

vi. Người đắc Nhất lai (Sakadāgāmi) trong cõi Trời và sau khi tái tục một lần ở một cõi Nhân loại, đạt Níp-bàn ở cõi Trời.

(3) Người Bất lai (Anāgāmi hay Anāgam) – là người đã đắc Bất lai đạo và quả (Anāgāmi magga phala). Vị ấy có thể hưởng trạng thái vắng lặng của Níp-bàn bất cứ khi nào vị ấy mong muốn bằng cách nhập thiền quả Bất lai.

Anāgāmi’ theo nghĩa đen là ‘không trở lại’. Một người Bất lai (Anāgāmi) sẽ không tái tục trở lại cõi Dục. Nếu vị ấy chưa đắc Arahaṃ (Arahat) trong kiếp hiện tại, vị ấy sẽ tái tục trong một cõi Phạm thiên hay Tịnh cư (Suddhāvāsa) là nơi mà vị ấy sẽ đắc Arahaṃ và Níp-bàn.

Từ khi người Bất lai đạo (Anāgāmimagga) đoạn trừ phiền não sân (dosakilesa) và hai pháp triền – đó là tham dục (kāmarāga) và sân hay khuể phẫn (paṭigha), một người Bất lai sẽ không còn phải trải nghiệm sự tức giận, sự tức tối, sự ghét, sự lo lắng, tuyệt vọng, sự sợ hãi và bất cứ sự khó chịu hay ưu thọ nào. Vị ấy cũng sẽ không thích thú dục lạc.

Tâm của vị ấy sẽ luôn trong sự yên tịnh và vị ấy sẽ thọ hưởng trạng thái vắng lặng của Níp-bàn bất cứ lúc nào vị ấy muốn bằng cách triển khai nhập thiền quả Bất lai (Anāgāmi phala samāpatti). Nếu vị ấy đắc tất cả 8 bậc thiền, vị ấy cũng có thể nhập thiền diệt (nirodha samāpatti); khi đó tất cả hoạt động của danh pháp (tâm và sở hữu tâm) tạm thời đình chỉ.

Có năm chủng người Bất lai (Anāgāmi):

i. Người đắc Vô sanh (Arahat) trong nửa đời đầu của kiếp sống ở cõi Tịnh cư nơi họ tái tục.

ii. Người đắc Vô sanh (Arahat) trong nửa đời sau của kiếp sống ở cõi Tịnh cư nơi họ tái tục.

iii. Người đạt phiền não Níp-bàn (kilesaparinibbāna) tức là Arahaṃ (Arahat) mà không phải nỗ lực rất nhiều.

iv. Người đạt phiền não Níp-bàn (kilesaparinibbāna) sau khi cố gắng rất nhiều.

v. Người không đắc Arahaṃ (Arahat) trong bốn cõi thấp của Ngũ Tịnh cư, nhưng đắc Arahaṃ (Arahat) trong cõi Tịnh cư cao nhất, tức là Sắc cứu cánh thiên (Akaniṭṭha).

(4) Người Arahaṃ hay Vô sanh (Arahat)

Một vị Arahaṃ (Arahat) là người đã đạt Arahaṃ đạo và quả (Arahatta magga phala). Vị ấy có thể hưởng trạng thái vắng lặng của Níp-bàn bất cứ khi nào vị ấy muốn bằng cách triển khai nhập thiền quả Arahaṃ (Arahatta-phala-samāpatti). Vị ấy có thể nhập thiền diệt (nirodha samāpatti) nếu vị ấy đắc cả 8 bậc thiền.

Vì Arahaṃ đạo (Arahatta magga) đoạn trừ tất cả phiền não (kilesa), một Arahaṃ không có tham, sân, si, ngã mạn, tà kiến và những danh pháp bất thiện khác. Vị ấy không có tham luyến vào bất cứ pháp nào; do đó vị ấy thoát khỏi tất cả vướng víu. Vị ấy không xem bất cứ pháp nào là của vị ấy; cho nên vị ấy không có lý do cảm giác buồn nếu bị mất cắp một vật nào đó.

Vì vị ấy đã nhổ tất cả sân (giận, ghét, ác tâm) ra khỏi tâm, vị ấy không còn trải nghiệm ưu thọ là pháp phối hợp với tâm căn sân (dosamūlacitta). Tất cả mười hai tâm bất thiện (akusala citta) không còn sanh với vị ấy.

Tâm của vị ấy luôn thoát khỏi tất cả phiền não, luôn an trú trạng thái thanh khiết làm cho vị ấy là bậc cao nhất.

Vị ấy thật sự là một bậc Thánh xứng đáng được người, trời tôn kính và xứng đáng nhận của xả thí cúng dường đến vị ấy với mục đích hưởng phước trong kiếp hiện tại cũng như những kiếp vị lai.

Một vị Arahaṃ (Arahat), theo nghĩa đen là một bậc đáng tôn kính, không tạo nghiệp mới và không còn tái tục vì duyên trợ cho tái tục của vị ấy đã bị đoạn trừ.

Người Thất lai (Sotāpanna), người Nhất lai (Sakadāgāmi) và người Bất lai (Anāgāmi) được gọi là bậc Hữu học (Sekha), vì những vị này chưa hoàn toàn trải qua việc tu tập. Arahaṃ (Arahat) được gọi là bậc Vô học vì họ không cần trải qua bất cứ sự tu tập nào nữa.

Bậc Arahaṃ (Arahat) thấu rõ rằng việc được làm đã làm xong. Một gánh nặng của sự khổ cuối cùng đã quăng bỏ, tất cả ái và tất cả bóng dáng của vô minh đã bị tiêu hủy. Nay vị ấy đứng trên đỉnh cao hơn cả thiên giới, khác xa với những đam mê không thể kìm chế và phiền não của thế gian.

Có năm chủng Arahaṃ (Arahat)

i. Arahaṃ trí giải thoát (paññāvimutta Arahat) là bậc được giải thoát xuyên qua tuệ.

ii. Arahaṃ giải thoát lưỡng biên (ubhatobhāgavimutta Arahat) là bậc được giải thoát theo hai cách, đó là cách thiền vô sắc (arūpajhāna) và cách Thánh đạo (Ariyāmagga).

iii. Arahaṃ tam minh (tevijjā arahat) là bậc có ba minh.

iv. Arahaṃ lục thông (chalābhiññā arahat) là bậc có sáu thông (abhiññā).

v. Arahaṃ tứ tuệ phân tích (paṭisambhidāpatta arahat) là bậc có bốn tuệ, tức là tuệ biết về ý nghĩa của mỗi từ (Pāḷi), tuệ biết về căn nguyên của từ và tuệ xác định cùng với sự phân biệt xác đáng của ba tuệ đầu.

PHẦN KẾT

Cittena niyate loko

Tâm (citta) thống trị toàn bộ thế gian. Tâm của mỗi chúng sanh điều khiển chúng sanh, đưa đến mỗi hành động và định hướng vận mệnh của chúng sanh ấy.

Tâm của người nhân loại đã làm nên khoa học hiện đại, đã và đang phát triển rất nhanh và điều khiển tất cả khoa học kỹ thuật gồm năng lượng nguyên tử và vũ khí nguyên tử.

Tâm của người nhân loại đã định hình những văn hóa khác nhau trên thế giới và sẽ điều khiển những bàn tay kích hoạt vũ khí có khả năng hủy diệt nền văn minh nhân loại và loài người trên bề mặt của quả địa cầu.

Thật ra, tâm là một tác nhân quyền lực nhất trong tất cả thế giới. Tâm là pháp thao túng số mệnh của mỗi cá thể chúng sanh bị sanh trong cõi Khổ hay trong cõi Nhân loại hoặc trong một cõi Trời.

Cho nên hết sức quan trọng để hiểu về thực tính của tâm và phận sự của mỗi sở hữu hợp với tâm.

Không còn nghi ngờ gì, chỉ có Vô Tỷ Pháp của Đức Phật (Buddha Abhidhamma) có thể phân tích tâm chi tiết và mô tả chính xác những phận sự của tâm (citta) cùng những sở hữu tâm (cetasika) là những thành phần của tâm.

Hơn nữa, chỉ có Vô Tỷ Pháp của Đức Phật (Buddha Abhidhamma) là pháp đầy đủ và giải thích chính xác sự tương quan giữa những yếu tố khác nhau của tâm (danh pháp) và sắc pháp qua lý liên quan tương sinh đồ sộ là pháp mô tả mạnh mẽ những vòng luân hồi đã trải qua của mỗi cá thể.

Vô Tỷ Pháp (Abhidhamma) phơi bày rõ ràng lý thuyết cũng như những khía cạnh thực hành của tám Thánh đạo, cũng còn gọi là ‘trung đạo’. Bằng cách ấy, tâm được thanh lọc khỏi những phiền não qua bảy giai đoạn bằng cách tu tập pháp định (samādhi) và pháp quán minh sát (vipassanā).

Kinh nghiệm đạt được những hạnh phúc khác nhau vượt qua sự hưởng dục và thấy rõ sự vắng lặng duy nhất của Níp-bàn ngay trong kiếp sống này là rất thật. Vô Tỷ Pháp (Abhidhamma) chiếu sáng chánh đạo rực rỡ để giúp chúng sanh đạt đến mục tiêu cao nhất trong cuộc sống.

Mỗi người nên học Vô Tỷ Pháp một cách nghiêm túc và dùng kiến thức Vô Tỷ Pháp làm ngọn đuốc soi đường trong cuộc sống của vị ấy.

Cầu mong cho ngọn đuốc Vô Tỷ Pháp soi đường chiếu sáng mãi mãi.

Cầu mong cho tuệ tối thượng của Vô Tỷ Pháp luôn luôn khai sáng cả thế gian.

Dứt Chương 9 – Nghiệp Xứ (Kamaṭṭhāna).

Dứt Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammattasaṅgaha).

______()______

DHAMMASAṄGANĪ (PHÁP TỤ)

MĀTIKĀ (ĐẦU ĐỀ)

PHÁP TỤ ĐẦU ĐỀ TAM (TIKAMĀTIKĀ) (Có 22 đề)

Đầu đề tam (Pāḷi gọi là mātikā) là những đầu đề lớn trùm ba câu. Có Pāḷi chú giải như vầy: Mātāviyati = mātikā: Câu nào như mẹ hay sông cái, những câu ấy gọi là đầu đề, tức là thuộc về phần xiển thuật (uddesa) (nói tóm tắt) đoạn trước của bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅganī) bộ thứ nhất trong tạng Vô Tỷ Pháp (Abhidhammapiṭaka).

Đầu đề tam nói theo ba câu có hai cách:

- Một là tam đề chiết hay chiết báng (ādiladdhanāmatika) nghĩa là tên đề lấy chiết báng 1 câu trước mà đặt kêu tên đề như là tam đề thiện, tam đề quả v.v… đều không trùm hết 2 câu sau.

- Hai là tam đề hàm hay hàm tận (sabbaladdhanāmatika) nghĩa là tên đề trùm cả 3 câu như là tam đề thọ, câu nào cũng là thọ.

Tam đề đối với pháp thực tính cũng có hai cách:

- Một là tam đề hữu dư (sappadesatika) nghĩa là 3 câu trong một đề mà lấy không hết pháp thực tính siêu lý.

- Hai là tam đề vô dư (nippadesatika) nghĩa là 3 câu trong một đề mà lấy hết pháp thực tính siêu lý. Nên sau miễn nhắc.

Chỉ chấm và cách đọc trang 1 / Đầu đề tam

Từ số 31 đến số 38, từ số 55 đến số 59, từ số 70 đến số 73, các số 82, 87, 92 và 97 chấm màu đỏ đậm đầy. Từ số 83 đến số 86, từ số 88 đến số 91, từ số 93 đến số 96, từ số 98 đến số 101 chấm màu đỏ lợt đầy. Từ số 122 đến số 134 chấm 1/3 phía trên màu đỏ. Từ số 149 đến số 173 chấm phân nửa phía trên màu đỏ. Từ số 1 đến số 12, từ số 135 đến số 148 chấm màu đen. Từ số 122 đến số 134 chấm 1/3 phía trước màu đen. Từ số 13 đến số 30, từ số 39 đến số 54, từ số 60 đến số 69, từ số 74 đến số 81, từ số 174 đến số 202 chấm màu xanh đậm đầy. Các số 102, 107, 112, 117 chấm màu xanh đậm. Từ số 103 đến số 106, từ số 108 đến số 111, từ số 113 đến số 116 và từ số 118 đến số 121 chấm màu xanh lợt đầy. Từ số 122 đến số 134 chấm 1/3 phía sau màu xanh. Từ số 149 đến số 173 chấm phân nửa phía dưới màu xanh.

1. Tam đề Thiện (Kusalatika)… chiết… vô dư…

Câu 1: Tất cả pháp thiện[255] (kusalā dhammā)

Chú giải thiện (kusalā) như vầy: Kucchite pāpadhamme salayati kampeti viddhaṃsetīti = kusalā: Làm cho những tội ác gớm ghê phải bị bài trừ, như thế gọi là thiện.

Tất cả pháp (dhammā), đây ám chỉ những chơn tướng bản thể pháp hay là chỉ những pháp có bản thể thật, tức là pháp siêu lý, chớ chẳng phải nhân vật, linh hồn chi cả.

Pháp thực tính là 21 hoặc 37 tâm thiện và 38 sở hữu hợp.

Chia đặng: 4 uẩn, 2 xứ, 2 giới, 2 đế và ngoại đế.

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với tâm thiện; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm thiện; 3 là hành uẩn tức là 36 sở hữu hiệp với tâm thiện (trừ thọ và tưởng); 4 là thức uẩn tức là tâm thiện.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm thiện; 2 là pháp xứ tức là 38 sở hữu hiệp với tâm thiện.

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm thiện; 2 là pháp giới tức là 38 sở hữu hiệp với tâm thiện.

2 đế: 1 là khổ đế tức là 17 tâm thiện hiệp thế và sở hữu hợp; 2 là đạo đế tức là bát chi đạo hiệp tâm đạo. Ngoại đế tức là tâm đạo và 28 sở hữu hợp (trừ 8 chi đạo).

Câu 2: Tất cả pháp bất thiện[256] (akusalā dhammā)

Có Pāḷi chú giải bất thiện (akusalā) như vầy: Nakusalaṃ = akusalaṃ: Trái với thiện, gọi là bất thiện.

Pháp thực tính là 12 tâm bất thiện và 27 sở hữu hợp.

Chia đặng 4 uẩn, 2 xứ, 2 giới, 2 đế.

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với tâm bất thiện; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm bất thiện; 3 là hành uẩn tức là 25 sở hữu hiệp với tâm bất thiện (trừ thọ và tưởng); 4 là thức uẩn tức là 12 tâm bất thiện.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là 12 tâm bất thiện; 2 là pháp xứ tức là 27 sở hữu hiệp với tâm bất thiện.

2 giới: 1 là ý thức giới tức là 12 tâm bất thiện; 2 là pháp giới tức là 27 sở hữu hiệp với tâm bất thiện.

2 đế: 1 là khổ đế tức là tâm bất thiện và 26 sở hữu (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Câu 3: Tất cả pháp vô ký[257] (abyākatā dhammā)

Có Pāḷi chú giải như vầy: Nabyākato = abyākato: Phi ký, gọi là vô ký.

Pháp thực tính là 56 hoặc 72 tâm vô ký, 38 sở hữu hợp, sắc pháp và Níp-bàn.

Chia đặng: 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới, 2 đế và ngoại đế, ngoại uẩn.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với tâm vô ký; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm vô ký; 4 là hành uẩn tức là 36 sở hữu hiệp với tâm vô ký (trừ thọ và tưởng), 5 là thức uẩn tức là tất cả tâm vô ký. Còn ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

12 xứ: 1 là nhãn xứ tức là nhãn thanh triệt; 2 là nhĩ xứ tức là nhĩ thanh triệt; 3 là tỷ xứ tức là tỷ thanh triệt; 4 là thiệt xứ tức là thiệt thanh triệt; 5 là thân xứ tức là thân thanh triệt; 6 là sắc xứ tức là cảnh sắc; 7 là thinh xứ tức là cảnh thinh; 8 là khí xứ tức là cảnh khí; 9 là vị xứ tức là cảnh vị; 10 là xúc xứ tức là cảnh xúc; 11 là ý xứ tức là tâm vô ký; 12 là pháp xứ tức là 38 sở hữu hiệp với tâm vô ký, 16 sắc tế và Níp-bàn.

18 giới: 1 là nhãn giới tức là nhãn thanh triệt; 2 là nhĩ giới tức là nhĩ thanh triệt; 3 là tỷ giới tức là tỷ thanh triệt; 4 là thiệt giới tức là thiệt thanh triệt; 5 là thân giới tức là thân thanh triệt; 6 là sắc giới tức là cảnh sắc; 7 là thinh giới tức là cảnh thinh; 8 là khí giới tức là cảnh khí; 9 là vị giới tức là cảnh vị; 10 là xúc giới tức là cảnh xúc; 11 là nhãn thức giới tức là 2 tâm nhãn thức; 12 là nhĩ thức giới tức là 2 tâm nhĩ thức; 13 là tỷ thức giới tức là 2 tâm tỷ thức; 14 là thiệt thức giới tức là 2 tâm thiệt thức; 15 là thân thức giới tức là 2 tâm thân thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khai ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là 59 tâm vô ký (trừ ngũ song thức và 3 tâm ý giới); 18 là pháp giới tức là 38 sở hữu hiệp tâm vô ký, 16 sắc tế và Níp-bàn.

2 đế: 1 là khổ đế tức là 52 tâm vô ký hiệp thế 35 sở hữu hợp (trừ ngăn trừ phần) và sắc pháp; 2 là diệt đế tức là Níp-bàn. Ngoại đế là tâm quả siêu thế và 36 sở hữu hợp.

(Năm trang trước đã có chia trong tập chỉ chấm và cách đọc).

Chỉ chấm và cách đọc trang 2 / Đầu đề tam

Từ số 1 đến số 4, các số 24, 27, 30, từ số 31 đến 34, từ số 39 đến số 42, từ số 47 đến số 50, từ số 55 đến số 58, từ số 60 đến số 63, từ số 65 đến số 68, các số 82, 87, 92, 97, 102, 107, 112, 117 và 133 chấm màu đỏ. Các số 83, 84, 85, 88, 89, 90, 93, 94, 95, 98, 99, 100, 103, 104, 105, 108, 109, 110, 113, 114, 115, 118, 119 và 120 chấm màu đỏ lợt. Các số 139, 140, 141, từ số 149 đến số 173 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới màu xanh. Số 122, từ số 124 đến số 132, từ số 134 đến số 138, các số 146 và 147 chấm 1/3 phía trên màu đỏ, 1/3 phía dưới trước màu xanh, 1/3 phía dưới sau màu đen. Các số 9, 10, 17, từ số 142 đến số 145 chấm màu đen. Từ số 5 đến số 8, số 11, 12, từ số 13 đến số 16, từ số 18 đến số 23, các số 25, 26, 28, 29, từ số 35 đến số 38, từ số 43 đến số 46, từ số 51 đến số 54, các số 59, 64, 69, từ số 70 đến số 81 và số 148 chấm màu xanh đậm. Các số 86, 91, 96, 101, 106, 111, 116 và 121 chấm màu xanh lợt.

2. Tam đề Thọ (Vedanātika)… hàm… hữu dư…

Câu 1: Tất cả pháp tương ưng lạc thọ[258] (Sukhāyavedanāya sampayuttā dhammā)

Pháp thực tính là 39 hoặc 63 tâm câu hành lạc, 46 sở hữu câu hành hỷ thọ (tam thọ) (trừ thọ).

Chia đặng: 3 uẩn, 2 xứ, 3 giới, 3 đế và ngoại đế.

3 uẩn: 1 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm câu hành lạc; 2 là hành uẩn tức là 45 sở hữu câu hành lạc; 3 là thức uẩn tức là tâm câu hành lạc.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm câu hành lạc; 2 là pháp xứ tức là 46 sở hữu câu hành lạc (tam thọ).

3 giới: 1 là thân thức giới tức là tâm thân thức quả thiện; 2 là ý thức giới tức là 38 hoặc là 62 tâm câu hành hỷ; 3 là pháp giới tức là 46 sở hữu câu hành lạc (tam thọ).

3 đế: 1 là khổ đế tức là 31 tâm câu hành lạc hiệp thế và 45 sở hữu hợp (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham; 3 là đạo đế tức là bát chi đạo hiệp tâm đạo câu hành hỷ. Ngoại đế là 8 hoặc 32 tâm siêu thế câu hành hỷ và 36 sở hữu hợp (trừ bát chi đạo hiệp tâm đạo).

Câu 2: Tất cả pháp tương tưng khổ thọ[259] (Dukkhāyavedanāya sampayuttā dhammā)

Pháp thực tính là 2 tâm sân, tâm thân thức câu hành khổ và 21 sở hữu câu hành với khổ thọ (trừ thọ).

Chia đặng: 3 uẩn, 2 xứ, 3 giới, 1 đế.

3 uẩn: 1 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm câu hành với khổ thọ; 2 là hành uẩn tức là 20 sở hữu hiệp với tâm câu hành khổ (trừ tưởng); 3 là thức uẩn tức là 3 tâm câu hành với khổ thọ.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là 3 tâm câu hành với khổ thọ; 2 là pháp xứ tức là 21 sở hữu câu hành với khổ thọ.

3 giới: 1 là thân thức giới tức là tâm thân thức quả bất thiện; 2 là ý thức giới tức là 2 tâm sân; 3 là pháp giới tức là 21 sở hữu hiệp với tâm câu hành khổ.

1 đế: Là khổ đế tức là 3 tâm câu hành khổ và 21 sở hữu hợp.

Câu 3: Tất cả pháp hợp phi khổ phi lạc thọ (Adukkhamasukhāyavedanāya dhammā)

Pháp thực tính là 47 hoặc 55 tâm câu hành xả và 46 sở hữu câu hành xả (trừ thọ).

Chia đặng: 3 uẩn, 2 xứ, 7 giới, 3 đế và ngoại đế.

3 uẩn: 1 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm câu hành xả; 2 là hành uẩn tức là 45 sở hữu câu hành xả (trừ tưởng); 3 là thức uẩn tức là 47 hoặc 55 tâm câu hành xả.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm câu hành xả; 2 là pháp xứ tức là 46 sở hữu câu hành xả.

7 giới: 1 là nhãn thức giới tức là 2 tâm nhãn thức; 2 là nhĩ thức giới tức là 2 tâm nhĩ thức; 3 là tỷ thức giới tức là 2 tâm tỷ thức; 4 là thiệt thức giới tức là 2 tâm thiệt thức; 5 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khai ngũ môn; 6 là ý thức giới tức là 36 hoặc 44 tâm câu hành xả (trừ 4 đôi thức trước và ý giới); 7 là pháp giới tức là 46 sở hữu câu hành xả.

3 đế: 1 là khổ đế tức là 47 tâm câu hành xả hiệp thế và 45 sở hữu hợp (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham hiệp với tâm câu hành xả; 3 là đạo đế tức là 7 chi đạo (trừ chánh tư duy) hiệp với tâm đạo ngũ thiền. Ngoại đế là 8 tâm siêu thế ngũ thiền và 32 sở hữu hợp (trừ thọ).

Chỉ chấm và cách đọc trang 3 / Đầu đề tam

Từ số 13 đến số 27, từ số 39 đến số 46, từ số 60 đến số 64, từ số 74 đến số 77, các số 102, 107, 112 và 117 chấm màu đỏ. Từ số 103 đến số 106, từ số 108 đến 111, từ số 113 đến 116, từ số 118 đến số 121 chấm màu đỏ lợt. Các số 168, 169 và 170 chấm phân nửa trên màu đỏ, phân nửa dưới màu xanh. Từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến số 167, các số 171, 172 và 173 chấm 1/3 phía trên màu đỏ, chấm 1/3 dưới phía trước màu xanh, chấm 1/3 dưới phía sau màu đen. Từ số 1 đến số 12, từ số 31 đến số 38, từ số 55 đến số 59, từ số 70 đến số 73, các số 82, 87, 92, 97, từ số 135 đến số 148 chấm màu xanh. Từ số 83 đến 86, từ số 88 đến số 91, từ số 93 đến sô 96 và từ số 98 đến 101 chấm màu xanh lợt. Các số 28, 29, 30, từ số 47 đến số 54, từ số 65 đến số 69, từ số 78 đến số 81 và từ số 174 đến số 202 chấm màu đen.

3. Tam đề Quả (Vipākatika)… chiết… vô dư…

Câu 1: Tất cả pháp dị thục quả[260] (Vipāka dhammā) là những pháp thành tựu do nghiệp dị thời (nānakkhanikakamma).

Có Pāḷi chú giải như vầy: Aññamaññavisiṭṭhānaṃ kusalākusalānaṃ pākātivipākā: Những pháp thành quả của thiện và bất thiện giúp nhau bằng cách đặc biệt, đó gọi là pháp quả.

Pháp thực tính là 36 hoặc 52 tâm quả và 38 sở hữu hợp.

Chia đặng: 4 uẩn, 2 xứ, 8 giới, 1 đế và ngoại đế.

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức sở hữu thọ, hiệp tâm quả; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp tâm quả; 3 là hành uẩn tức là 36 sở hữu hiệp với tâm quả (trừ thọ và tưởng); 4 là thức uẩn tức là 36 hoặc 52 tâm quả.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm quả; 2 là pháp xứ tức là 38 sở hữu hiệp với tâm quả.

8 giới: 1 là nhãn thức giới tức là 2 tâm nhãn thức; 2 là nhĩ thức giới tức là 2 tâm nhĩ thức; 3 là tỷ thức giới tức là 2 tâm tỷ thức; 4 là thiệt thức giới tức là 2 tâm thiệt thức; 5 là thân thức giới tức là 2 tâm thân thức; 6 là ý thức giới tức là 2 tâm tiếp thâu; 7 là ý thức giới tức là 40 tâm quả (trừ ngũ song thức và 2 tâm tiếp thâu); 8 là pháp giới tức là 38 sở hữu hiệp với tâm quả.

1 đế là khổ đế tức là 32 tâm quả hiệp thế và 35 sở hữu hợp. Ngoại đế là tâm quả siêu thế và 36 sở hữu hợp.

Câu 2: Tất cả pháp dị thục nhân[261] (Vipāka dhamma dhammā) là pháp nhân của quả sẽ tạo ra quả. Hay tất cả pháp cố cách cho quả sanh (pháp dị thục nhân).

Có Pāḷi chú giải như vầy: Vipākaṃ dhārentīti = vipākadhammo: Pháp nào chứa để nhân trợ tạo quả sanh ra, pháp ấy gọi là pháp nhân (chữ vipākadhamma tức là nhân của quả).

Pháp thực tính là 12 tâm bất thiện, 21 hoặc 37 tâm thiện và 52 sở hữu hợp.

Chia đặng: 4 uẩn, 2 xứ, 2 giới, 3 đế và ngoại đế.

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm bất thiện và tâm thiện; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm bất thiện và tâm thiện; 3 là hành uẩn tức là 50 sở hữu hợp với tâm bất thiện và tâm thiện (trừ thọ và tưởng); 4 là thức uẩn tức là tâm bất thiện và tâm thiện.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm bất thiện và tâm thiện; 2 là pháp xứ tức là 52 sở hữu hợp với tâm bất thiện và tâm thiện.

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm bất thiện và tâm thiện; 2 là pháp giới tức là 52 sở hữu hiệp với tâm bất thiện và tâm thiện.

3 đế: 1 là khổ đế tức là tâm bất thiện và tâm thiện hiệp thế và 51 sở hữu hợp (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham; 3 là đạo đế tức là bát chi đạo hiệp tâm đạo. Ngoại đế là 20 tâm đạo và 28 sở hữu hợp (trừ bát chi đạo).

Câu 3: Tất cả pháp phi dị thục quả phi dị thục nhân[262] (Nevavipāka na vipākadhamma dhammā) là những pháp ngoài ra thiện, bất thiện và tâm quả (câu này trong sách không có chú giải).

Pháp thực tính là 20 tâm tố, 35 sở hữu hợp, sắc pháp và Níp-bàn.

Chia đặng: 5 uẩn, 12 xứ, 13 giới và 2 đế.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với tâm tố; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm tố; 4 là hành uẩn tức là sở hữu hiệp với tâm tố (trừ thọ và tưởng); 5 là thức uẩn tức là 20 tâm tố.

12 xứ: 1 là nhãn xứ tức là nhãn thanh triệt; 2 là nhĩ xứ tức là nhĩ thanh triệt; 3 là tỷ xứ tức là tỷ thanh triệt; 4 là thiệt xứ tức là thiệt thanh triệt; 5 là thân xứ tức là thân thanh triệt; 6 là sắc xứ tức là cảnh sắc; 7 là thinh xứ tức là cảnh thinh; 8 là khí xứ tức là cảnh khí; 9 là vị xứ tức là cảnh vị; 10 là xúc xứ tức là cảnh xúc (đất, lửa, gió); 11 là ý xứ tức là tâm; 12 là pháp xứ tức là 35 sở hữu hiệp với tâm tố, sắc tế và Níp-bàn.

13 giới: 1 là nhãn giới tức là nhãn thanh triệt; 2 là nhĩ giới tức là nhĩ thanh triệt; 3 là tỷ giới tức là tỷ thanh triệt; 4 là thiệt giới tức là thiệt thanh triệt; 5 là thân giới tức là thân thanh triệt; 6 là sắc giới tức là cảnh sắc; 7 là thinh giới tức là cảnh thinh; 8 là khí giới tức là cảnh khí; 9 là vị giới tức là cảnh vị; 10 là xúc giới tức là cảnh xúc; 11 là ý giới tức là tâm khai ngũ môn; 12 là ý thức giới tức là 19 tâm tố hữu cần; 13 là pháp giới tức là 35 sở hữu hiệp tâm tố, sắc tế và Níp-bàn.

2 đế: 1 là khổ đế tức là 20 tâm tố, 35 sở hữu tâm và sắc pháp; 2 là diệt đế tức là Níp-bàn.

Chỉ chấm và cách đọc trang 4 / Đầu đề tam

Từ số 13 đến số 27, từ số 39 đến số 46, từ số 60 đến số 64, từ số 74 đến số 77, từ số 178 đến số 182, từ số 187 đến số 190 chấm màu đỏ. Từ số 1 đến số 12, từ số 28 đến số 38, từ số 47 đến số 59, từ số 65 đến số 73, từ số 78 đến 81, từ số 135 đến số 148, số 184, từ số 193 đến số 197 chấm màu xanh. Các số 82, 87, 92, 97, 102, 107, 112, 117 và 202 chấm màu đen. Từ số 83 đến số 86, từ số 88 đến số 91, từ số 93 đến số 96, từ số 98 đến số101, từ số 103 đến số 106, từ số 108 đến số 111, từ số 113 đến số 116, từ số 118 đến số 121 chấm màu đen lợt. Các số 168, 169 và 170 chấm phân nửa phía trên màu xanh, phân nửa dưới màu đen. Từ số 171, 172, từ số 174 đến số 177, các số 183, 185, 186, 191, 192, từ số 198 đến số 201 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới màu xanh. Từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến số 167 và số 173 chấm 1/3 phía trên màu đỏ, 1/3 dưới phía trước màu đen, 1/3 dưới phía sau màu đen.

4. Tam đề Nghiệp chấp thành quả[263] (Upādinnatika) hay tam đề thủ[264]… chiết… vô dư…

Câu 1: Tất cả các pháp do nghiệp chấp thành quả và cảnh thủ hay tất cả pháp thủ và cảnh thủ (Upādinnupādāniyā dhammā) là những pháp thành tựu do tham ái và tà kiến chấp trước quến tựu nghiệp tạo tức là tâm quả và sắc nghiệp.

Pháp thực tính là 32 tâm quả hiệp thế, 35 sở hữu tâm và sắc nghiệp.

Chia đặng: 5 uẩn, 11 xứ, 17 giới, 1 đế.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là sắc nghiệp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với tâm quả hiệp thế; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm quả hiệp thế; 4 là hành uẩn tức là 33 sở hữu hiệp tâm quả hiệp thế (trừ thọ và tưởng); 5 là thức uẩn tức là tâm quả hiệp thế.

11 xứ: 9 xứ thô, tức là 11 sắc thô (trừ thinh); 10 là ý xứ, tức là tâm quả hiệp thế; 11 là pháp xứ, tức là sở hữu hiệp tâm quả hiệp thế và sắc nghiệp tế.

17 giới: 9 giới thô tức là 11 sắc thô (trừ thinh); 10 là nhãn thức giới tức là 2 tâm nhãn thức; 11 là nhĩ thức giới tức là 2 tâm nhĩ thức; 12 là tỷ thức giới tức là 2 tâm tỷ thức; 13 là thiệt thức giới tức là 2 tâm thiệt thức; 14 là thân thức giới tức là 2 tâm thân thức; 15 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu; 16 là ý thức giới tức là 20 tâm quả hiệp thế (trừ ngũ song thức và 2 tâm tiếp thâu); 17 là pháp giới tức là 35 sở hữu hiệp tâm quả hiệp thế và sắc nghiệp tế.

1 đế: Là khổ đế tức là 32 tâm quả hiệp thế, 35 sở hữu hợp và 20 sắc nghiệp.

Câu 2: Tất cả pháp phi nghiệp chấp thành quả mà cảnh thủ[265] hay tất cả pháp phi thành do thủ mà cảnh thủ (Anupādinnupādāniyā dhammā) là những pháp không phải quả do tham ái và tà kiến chấp trước sắc nghiệp tạo, mà còn bị pháp thủ biết đặng.

Pháp thực tính là 47 tâm đổng lực hiệp thế, 2 tâm khai môn , 52 sở hữu và sắc phi nghiệp (tức 17 sắc tâm, 15 sắc quí tiết và 14 sắc vật thực).

Chia đặng: 5 uẩn, 7 xứ, 8 giới, 2 đế.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là sắc phi nghiệp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với 47 tâm đổng lực hiệp thế và 2 tâm khai môn; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm đổng lực hiệp thế và 2 tâm khai môn; 4 là hành uẩn tức là 50 sở hữu hiệp với 47 tâm đổng lực hiệp thế và 2 tâm khai môn (trừ thọ và tưởng); 5 là thức uẩn tức là tâm đổng lực hiệp thế và 2 tâm khai môn.

7 xứ: 1 là sắc xứ tức là cảnh sắc; 2 là thinh xứ tức là cảnh thinh; 3 là khí xứ tức là cảnh khí; 4 là vị xứ tức là cảnh vị; 5 là xúc xứ tức là cảnh xúc; 6 là ý xứ tức là 47 tâm đổng lực hiệp thế và 2 tâm khai môn; 7 là pháp xứ tức là 52 sở hữu hiệp tâm đổng lực hiệp thế, 2 tâm khai môn và sắc tế phi nghiệp.

8 giới: 1 là sắc giới tức là cảnh sắc; 2 là thinh giới tức là cảnh thinh; 3 là khí giới tức là cảnh khí; 4 là vị giới tức là cảnh vị; 5 là xúc giới tức là cảnh xúc; 6 là ý giới tức là tâm khai ngũ môn; 7 là ý thức giới tức là 47 tâm đổng lực hiệp thế và tâm khai ý môn; 8 là pháp giới tức là 52 sở hữu hiệp tâm đổng lực hiệp thế, tâm khai môn và sắc tế phi nghiệp.

2 đế: 1 là khổ đế tức là tâm đổng lực hiệp thế, tâm khai môn, 51 sở hữu hợp (trừ tham) và sắc phi nghiệp; 2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Câu 3: Tất cả pháp phi chấp thành quả và phi cảnh thủ, hay tất cả pháp phi do thủ và phi cảnh thủ[266] (Anupādinnānupādāniyā dhammā) là những pháp vượt khỏi sự chấp trước và pháp thủ cũng biết không đặng.

Pháp thực tính là tâm siêu thế, 36 sở hữu hợp và Níp-bàn.

Chia đặng: 4 uẩn và ngoại uẩn, 2 xứ, 2 giới, 2 đế và ngoại đế.

4 phi thủ uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với tâm siêu thế; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm siêu thế; 3 là hành uẩn tức là 34 sở hữu hiệp tâm siêu thế (trừ thọ và tưởng); 4 là thức uẩn tức là tâm siêu thế. Còn ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

2 xứ: 1 là ý xứ, tức là tâm siêu thế; 2 là pháp xứ, tức là 36 sở hữu hiệp tâm siêu thế và Níp-bàn.

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm siêu thế; 2 là pháp giới tức là 36 sở hữu hiệp tâm siêu thế và Níp-bàn.

2 đế: 1 là đạo đế tức là bát chi đạo hiệp tâm đạo; 2 là diệt đế tức là Níp-bàn. Ngoại đế tức là tâm siêu thế, 36 sở hữu hợp (trừ chi đạo hiệp tâm đạo).

Chỉ chấm và cách đọc trang 5 / Đầu đề tam

Từ số 1 đến số 12, từ số 135 đến số 148 chấm màu đỏ. Từ số 122 đến số 134 chấm 1/3 phía trên màu đỏ, 1/3 phía dưới trước màu xanh, 1/3 dưới sau màu đen. Từ số 13 đến số 81, số 171, 172, từ số 174 đến số 201 chấm màu xanh. Từ số 149 đến số 170 và số 173 chấm phân nửa phía trên màu xanh, phân nửa phía dưới màu đen. Các số 82, 87, 92, 97, 102, 107, 112, 117 và 202 chấm màu đen đậm. Từ số 83 đến số 86, từ số 88 đến số 91, từ số 93 đến số 96, từ số 98 đến số 101, từ số 103 đến số 106, từ số 108 đến số 111, từ số 113 đến số 116 và từ số 118 đến số 121 chấm màu đen lợt.

5. Tam đề Phiền toái (Saṅkiliṭṭhatika)… chiết… vô dư…

Câu 1: Tất cả pháp phiền toái và cảnh phiền não,[267] (Saṅkiliṭṭhasaṅkilesikā dhammā) là những pháp phiền não nương sanh và làm cho pháp ấy sôi nổi nóng nảy, cũng bị phiền não biết đặng.

Có Pāḷi chú giải như vầy:

Saṅkilesena samannāgatīti = saṅkiliṭṭhā: Pháp nào trùm phiền não, pháp ấy gọi là phiền toái.

Attānaṃ ārammaṇaṃ katvā pavattanena saṅkilesaṃ arahantīti = saṅkilesikā: Pháp nào thích hợp cho phiền não nương sanh và làm cảnh, pháp ấy gọi là cảnh phiền não.

Saṅkilesetīti = saṅkileso: Làm cho sôi nổi nóng nảy, gọi là phiền não.

Pháp thực tính là 12 tâm bất thiện và 27 sở hữu hợp.

Chia đặng: 4 uẩn, 2 xứ, 2 giới, 2 đế.

4 uẩn: 1 là thọ uẩn, tức là sở hữu thọ hiệp với tâm bất thiện; 2 là tưởng uẩn, tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm bất thiện; 3 là hành uẩn, tức là 25 sở hữu hiệp với tâm bất thiện (trừ thọ và tưởng); 4 là thức uẩn, tức là tâm bất thiện.

2 xứ: 1 là ý xứ, tức là tâm bất thiện; 2 là pháp xứ, tức là 27 sở hữu hiệp với tâm bất thiện.

2 giới: 1 là ý thức giới, tức là tâm bất thiện; 2 là pháp giới, tức là 27 sở hữu hiệp với tâm bất thiện.

2 đế: 1 là khổ đế, tức là tâm bất thiện, 26 sở hữu (trừ sở hữu tham); 2 là tập đế, tức là sở hữu tham.

Câu 2: Tất cả pháp phi phiền toái mà cảnh phiền não,[268] (Asaṅkiliṭṭhasankilesikā dhammā) là những pháp không nương sanh với phiền não mà còn bị phiền não biết.

Pháp thực tính là tâm vô nhân, tâm tịnh hảo hiệp thế và 38 sở hữu hợp, 28 sắc pháp.

Chia đặng: 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới và 1 đế.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với tâm vô nhân và tâm tịnh hảo hiệp thế; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm vô nhân và tâm tịnh hảo hiệp thế; 4 là hành uẩn tức là 36 sở hữu hiệp với tâm vô nhân và tâm tịnh hảo hiệp thế (trừ thọ và tưởng); 5 là thức uẩn tức là tâm vô nhân và tâm tịnh hảo hiệp thế.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm vô nhân và tâm tịnh hảo hiệp thế; 12 là pháp xứ tức là 38 sở hữu hiệp với tâm vô nhân, tâm tịnh hảo hiệp thế và sắc tế.

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 11 là nhãn thức giới tức là 2 tâm nhãn thức; 12 là nhĩ thức giới tức là 2 tâm nhĩ thức; 13 là tỷ thức giới tức là 2 tâm tỷ thức; 14 là thiệt thức giới tức là 2 tâm thiệt thức; 15 là thân thức giới tức là 2 tâm thân thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khai ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là tâm tịnh hảo hiệp thế và 5 tâm vô nhân (trừ ngũ song thức và ý giới); 18 là pháp giới tức là 38 sở hữu hiệp tâm vô nhân, tâm tịnh hảo hiệp thế và sắc tế.

1 đế: Là khổ đế tức là tâm vô nhân, tâm tịnh hảo hiệp thế, 38 sở hữu tâm và sắc pháp.

Câu 3: Tất cả pháp phi phiền toái và phi cảnh phiền não,[269] (Asaṅkiliṭṭhāsaṅkilesikā dhammā) là những pháp chẳng phải bất thiện và phiền não cũng không biết.

Pháp thực tính là tâm siêu thế, 36 sở hữu hợp và Níp-bàn.

Chia đặng: 4 phi thủ uẩn, 2 xứ, 2 giới, 2 đế và ngoại đế.

4 phi thủ uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với tâm siêu thế; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm siêu thế; 3 là hành uẩn tức là 34 sở hữu hiệp với tâm siêu thế (trừ thọ và tưởng); 4 là thức uẩn tức là tâm siêu thế. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm siêu thế; 2 là pháp xứ tức là 36 sở hữu hiệp với tâm siêu thế và Níp-bàn.

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm siêu thế; 2 là pháp giới tức là 36 sở hữu hiệp với tâm siêu thế và Níp-bàn.

2 đế: 1 là đạo tức là chi đạo hiệp tâm đạo; 2 là diệt đế tức là Níp-bàn. Ngoại đế là tâm siêu thế và 36 sở hữu hợp trừ chi đạo hiệp tâm đạo.

Chỉ chấm và cách đọc trang 6 / Đầu đề tam

Từ số 1 đến số 12, số 18, 19, từ số 25 đến số 55, các số 60, 65, 82, 87, 92, 97, 102, 107, 112, 117 và từ số 135 đến số 148 chấm màu đỏ. Từ số 122 đến số 128, từ số 131 đến số 134, từ số 149 đến 173 chấm 1/3 phía trên màu đỏ, 1/3 phía dưới trước màu xanh, 1/3 phía dưới sau màu đen. Các số 56, 61, 66, 83, 88, 93, 98, 103, 108, 113 và 118 chấm màu xanh lợt. Số 129 chấm màu xanh đậm. Từ số 13 đến số 17, từ số 20 đến số 24, các số 57, 58, 59, 62, 63, 64, từ số 67 đến số 81 và từ số 174 đến số 202 chấm màu đen đậm. Các số 84, 85, 86, 89, 90, 91, 94, 95, 96, 99, 100, 101, 104, 105, 106, 109, 111, 114, 115, 116, 119, 120 và 121 chấm màu đen lợt. Số 130 ghi số 11 bằng màu đen.

6. Tam đề Hữu tầm (Savitakkatika)… chiết… vô dư…

Câu 1: Tất cả pháp hữu tầm hữu tứ[270] (Savitakka savicārā dhammā) là những pháp hiệp với sở hữu tầm.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Saha vitakkena ye vattantīti = savitakkā: Pháp nào câu sanh với tầm, pháp ấy gọi là pháp hữu tầm.

Pháp thực tính là 11 tâm sơ thiền, 44 tâm dục giới (trừ ngũ song thức) và 50 sở hữu hợp (trừ tầm và tứ).

Chia đặng: 4 uẩn, 2 xứ, 3 giới, 3 đế và ngoại đế.

Lưu ý: Ở phần sau chỉ nói: uẩn, xứ, giới, đế… để giải, hay người học tự chia ra như các câu trước, vì bổn đọc – học không quá nhiều.

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với tâm hữu tầm; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm hữu tầm; 3 là hành uẩn tức là 48 sở hữu (trừ tầm, tứ, thọ, tưởng) hiệp với tâm hữu tầm (trừ sở hữu tầm, thọ, tưởng); 4 là thức uẩn tức là 55 tâm hữu tầm.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là 55 tâm hữu tầm; 2 là pháp xứ tức là 50 sở hữu hiệp với tâm hữu tầm.

3 giới: 1 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và tâm khai ý môn; 2 là ý thức giới là 52 tâm hữu tầm (trừ ý giới); 3 là pháp giới tức là 50 sở hữu hiệp với tâm hữu tầm.

3 đế: 1 là khổ đế tức là 47 tâm hữu tầm hữu tứ hiệp thế và 49 sở hữu hiệp tâm hữu tầm hữu tứ (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham; 3 là đạo đế tức là thất chi đạo hiệp với đạo đế (trừ tầm là chánh tư duy). Còn ngoại đế là tâm siêu thế và 36 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Câu 2: Tất cả pháp vô tầm hữu tứ[271] (Avitakkavicāramattā dhammā) là những pháp lìa tầm hiệp với tứ. Có Pāḷi chú giải như vầy:

Vitakko rahitāti = avitakkā: Những pháp ly tầm, gọi là vô tầm.

Saha vicāren ye vattantīti = savicāra: Là những pháp câu sanh với tứ, gọi là hữu tứ.

Vitakkavicāresu vicārova mattā pamānaṃ etesanti = vicāramattā: Nghĩa là trong tầm và tứ hai sở hữu này, riêng sở hữu tứ phối hợp với pháp nào thì pháp ấy gọi là hữu tứ, tức là thích hợp với tứ.

Pháp thực tính là 11 tâm nhị thiền, 36 sở hữu hợp (trừ tứ) và lấy lại sở hữu tầm hợp trong 55 tâm hữu tầm.

Chia đặng: 4 uẩn, 2 xứ, 2 giới, 2 đế và ngoại đế.

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với tâm nhị thiền; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm nhị thiền; 3 là hành uẩn tức là sở hữu tầm hiệp 55 tâm hữu tầm và 34 sở hữu hiệp với tâm nhị thiền (trừ thọ, tưởng và tứ); 4 là thức uẩn tức là 11 tâm nhị thiền.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là 11 tâm nhị thiền; 2 là pháp xứ tức là sở hữu tầm hiệp 55 tâm hữu tầm và 36 sở hữu hiệp nhị thiền (trừ tứ).

2 giới: 1 là ý thức giới tức là 11 tâm nhị thiền; 2 là pháp giới tức sở hữu tầm hiệp 55 tâm hữu tầm và 36 sở hữu hợp nhị thiền (trừ tứ).

2 đế: 1 là khổ đế tức là 3 tâm nhị thiền sắc giới, sở hữu tầm hiệp 47 tâm hiệp thế và 33 sở hữu hợp nhị thiền sắc giới (trừ tứ); 2 là đạo đế tức là 7 chi đạo hiệp tâm đạo nhị thiền (trừ tầm là chánh tư duy). Ngoại đế là 8 tâm nhị thiền siêu thế và 34 sở hữu hợp (trừ 7 chi đạo đế và tứ trong tâm quả sơ thiền).

Câu 3: Tất cả pháp vô tầm vô tứ[272] (Avitakkāvicārā dhammā) là những pháp không hiệp với tầm và tứ. Chú giải Pāḷi như vầy:

Avitakkā ca te avicārā cātī = avitakkā avicārā: Những pháp nào ly tầm và tứ, gọi là vô tầm vô tứ.

Pháp thực tính là 10 tâm ngũ song thức, 11 tâm tam thiền, 11 tâm tứ thiền, 23 tâm ngũ thiền, 36 sở hữu hợp, sở hữu tứ hợp trong 11 tâm nhị thiền, sắc pháp và Níp-bàn.

Chia đặng: 5 uẩn, 12 xứ, 17 giới, 3 đế và ngoại đế.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với tâm vô tứ; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm vô tầm, vô tứ; 4 là hành uẩn tức là 11 sở hữu tứ hiệp với nhị thiền và 34 sở hữu hiệp với tâm vô tầm, vô tứ (trừ thọ và tưởng); 5 là thức uẩn tức là 55 tâm vô tầm, vô tứ. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là 55 tâm vô tầm, vô tứ; 12 là pháp xứ tức là 11 sở hữu tứ hiệp nhị thiền, 36 sở hữu hợp với tâm vô tầm, vô tứ, 16 sắc tế và Níp-bàn.

17 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 11 là nhãn thức giới tức là 2 tâm nhãn thức; 12 là nhĩ thức giới tức là 2 tâm nhĩ thức; 13 là tỷ thức giới tức là 2 tâm tỷ thức; 14 là thiệt thức giới tức là 2 tâm thiệt thức; 15 là thân thức giới tức là 2 tâm thân thức; 16 là ý thức giới tức là 45 tâm thiền vô tầm, vô tứ; 17 là pháp giới tức là 11 sở hữu tứ hiệp nhị thiền, 36 sở hữu hợp với tâm vô tầm, vô tứ, 16 sắc tế và Níp-bàn.

3 đế: 1 là khổ đế tức là 31 tâm hiệp thế vô tầm, vô tứ, 33 sở hữu hợp 3 sở hữu tứ và sắc pháp; 2 là diệt đế tức là Níp-bàn; 3 là đạo đế tức là thất chi đạo hiệp với tâm đạo vô tầm, vô tứ. Ngoại đế là tâm siêu thế vô tầm, vô tứ và 34 sở hữu hợp 8 sở hữu tứ hợp trong 8 tâm nhị thiền siêu thế (trừ 7 chi đạo hiệp với tâm đạo vô tầm, vô tứ).

Chỉ chấm và cách đọc trang 7 / Đầu đề tam

Số 123 chấm màu đỏ. Từ số 1 đến số 4, số 27, từ số 30 đến số 34, từ số 39 đến số 42, các số 47, 48, 49, 50, 55, 56, 57, 60, 61, 62, 65, 66, 67, 82, 83, 84, 87, 88, 89, 92, 93, 94, 97, 98, 99, 102, 103, 104, 107, 108, 109, 112, 113, 114, 117, 118 và 119, chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới màu xanh. Số 122, từ số 124 đến số 132, từ số 134 đến số 141, số 146, 147 chấm 1/3 phía trên màu đỏ, 1/3 phía dưới trước màu xanh, 1/3 phía dưới sau màu đen. Các số 24, 58, 63, 68, 85, 90, 95, 100, 105, 110, 115, 120 và 133 chấm màu xanh. Từ số 5 đến số 8, từ số 11 đến số 16, các số 18, 19, từ số 20 đến số 23, các số 25, 26, 28, 29, từ số 35 đến số 38, từ số 43 đến số 46, từ số 51 đến số 54, các số 59, 64, từ số 69 đến số 81, số 86, 91, 96, 101, 106, 111, 116, 121 và số 148 chấm màu đen.

7. Tam đề Hỷ (Pītitika)… chiết… hữu dư…

Câu 1: Tất cả pháp hợp với pháp hỷ hay tất cả pháp câu hành pháp hỷ[273] (Pītisahagatā dhammā) là những pháp câu hành với pháp hỷ.

Pháp thực tính là 51 tâm hữu hỷ và 46 sở hữu câu hành hỷ (trừ hỷ).

Chia đặng: 4 uẩn, 2 xứ, 2 giới, 3 đế và ngoại đế.

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với tâm hữu hỷ; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm hữu hỷ; 3 là hành uẩn tức là 44 sở hữu hiệp với tâm hữu hỷ (trừ thọ và tưởng); 4 là thức uẩn tức là 51 tâm hữu hỷ.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là 51 tâm hữu hỷ; 2 là pháp xứ tức là 46 sở hữu hiệp với tâm hữu hỷ.

2 giới: 1 là ý thức giới tức là 51 tâm hữu hỷ; 2 là pháp giới tức là 46 sở hữu hiệp với tâm hữu hỷ.

3 đế: 1 là khổ đế tức là 27 tâm hiệp thế hữu hỷ và 45 sở hữu hợp (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham; 3 là đạo đế tức là bát chi đạo hiệp với tâm đạo hữu hỷ.

Ngoại đế là tâm siêu thế hữu hỷ và 28 sở hữu hợp (trừ bát chi đạo đế).

Câu 2: Tất cả pháp hiệp với lạc thọ[274] (Sukhasahagatā dhammā) là những pháp câu sanh với lạc thọ hoặc pháp tương ưng lạc thọ.

Pháp thực tính là 63 tâm câu hành lạc và 46 sở hữu câu hành lạc (trừ thọ).

Chia đặng: 3 uẩn, 2 xứ, 3 giới, 3 đế và ngoại đế (Giống câu 1 tam đề thọ).

3 uẩn: 1 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm câu hành lạc; 2 là hành uẩn tức là 45 sở hữu hiệp với lạc thọ (trừ tưởng); 3 là thức uẩn tức là 63 tâm câu hành lạc.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là 63 tâm câu hành lạc; 2 là pháp xứ tức là 46 sở hữu hiệp với tâm câu hành lạc.

3 giới: 1 là thân thức giới tức là tâm thân thức câu hành lạc; 2 là ý thức giới tức là 62 tâm câu hành lạc (trừ thân thức giới); 3 là pháp giới tức là 46 sở hữu hiệp với tâm câu hành lạc.

3 đế: 1 là khổ đế tức là 31 tâm hiệp thế câu hành lạc, 45 sở hữu hợp (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham; 3 là đạo đế là bát chi đạo hiệp với tâm đạo câu hành lạc.

Ngoại đế là tâm siêu thế câu hành lạc và 27 sở hữu hiệp (trừ thọ và bát chi đạo đế).

Câu 3: Tất cả pháp câu sanh với xả thọ[275] (Upekkhāsahagatā dhammā) là tâm và sở hữu tương ưng với xả thọ.

Pháp thực tính là 55 tâm câu hành xả và 46 sở hữu hợp câu hành xả (trừ thọ).

Chia đặng: 3 uẩn, 2 xứ, 7 giới, 3 đế và ngoại đế (Giống câu 3 tam đề thọ).

3 uẩn: 1 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm câu hành xả; 2 là hành uẩn tức là 45 sở hữu hiệp với tâm câu hành xả (trừ tưởng); 3 là thức uẩn tức là 55 tâm câu hành xả.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là 55 tâm câu hành xả; 2 là pháp xứ tức là 46 sở hữu hợp câu hành xả.

7 giới: 1 là nhãn thức giới tức là 2 tâm nhãn thức; 2 là nhĩ thức giới tức là 2 tâm nhĩ thức; 3 là tỷ thức giới tức là 2 tâm tỷ thức; 4 là thiệt thức giới tức là 2 tâm thiệt thức; 5 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khai ngũ môn; 6 là ý thức giới tức là 44 tâm câu hành xả (trừ 4 đôi thức trước và ý giới); 7 là pháp giới tức là 46 sở hữu hiệp câu hành xả.

3 đế: 1 là khổ đế tức là 47 tâm hiệp thế câu hành xả và 45 sở hữu hợp (trừ thọ và tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham hiệp với tâm câu hành xả; 3 là đạo đế tức là 7 chi đạo hiệp với tâm ngũ thiền.

Ngoại đế là tâm siêu thế ngũ thiền và 32 sở hữu hợp (trừ thọ và 7 chi đạo hiệp tâm đạo).

Chỉ chấm và cách đọc trang 8 / Đầu đề tam

Số 1, 2, 5, 6, 11, 140 và 148 chấm màu đỏ. Từ số 135 đến số 139, số 146 và 147 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới màu xanh. Từ số 122 đến số 134 chấm 1/3 phía trên màu đỏ, 1/3 phía dưới trước màu xanh, 1/3 phía dưới sau màu đen. Từ số 13 đến số 121 chấm màu đen (lưu ý: Về tâm siêu thế hàng sơ thiền chấm màu đen đậm, còn 4 hàng sau chấm màu đen lợt). Từ số 149 đến số 202 chấm màu đen đậm. Số 3, 4, từ số 7 đến số 10, số 12, từ số 141 đến số 145 chấm màu xanh đậm.

8. Tam đề Sơ đạo tuyệt trừ (Dassanatika)… chiết… vô dư…

Câu 1: Tất cả pháp sơ đạo tuyệt trừ[276] (Dassanena pahātabbā dhammā) là những pháp do bát chi đạo hiệp với sơ đạo bài trừ không tái lại nữa.

Pháp thực tính là 4 tâm tham tương ưng, tâm si hoài nghi, 22 sở hữu hợp dứt tuyệt. Còn những pháp bất thiện ngoài ra cũng sát phần mạnh mà có thể tạo ác và sa đọa, luôn cả nghiệp tái tục khổ thú và nhiều đời nhân loại (trừ ra 7 đời).

Chia đặng: 4 uẩn, 2 xứ, 2 giới và 2 đế.

4 danh uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với tâm tham tương ưng và si hoài nghi; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm tham tương ưng và si hoài nghi; 3 là hành uẩn tức là 20 sở hữu hiệp với tâm tham tương ưng và si hoài nghi; 4 là thức uẩn tức là 4 tâm tham tương ưng và si hoài nghi.

2 xứ. 1 là ý xứ tức là tâm tham tương ưng và si hoài nghi; 2 là pháp xứ tức là 22 sở hữu hiệp với tâm tham tương ưng và si hoài nghi.

2 giới. 1 là ý thức giới tức là 4 tâm tham tương ưng và si hoài nghi; 2 là pháp giới tức là 22 sở hữu hợp tâm tham tương ưng và si hoài nghi.

2 đế. 1 là khổ đế tức là 4 tâm tham tương ưng, si hoài nghi và 21 sở hữu hợp (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Câu 2: Tất cả pháp ba đạo cao (ba đạo sau) tuyệt trừ[277] (Bhāvanāya pahātabbā dhammā) là những pháp bị 3 đạo cao trừ tuyệt.

Pháp thực tính là

a/ 4 tâm tham bất tương ưng, 2 tâm sân và 25 sở hữu hợp (dẫn đến khổ cảnh) thô được nhị đạo sát trừ bằng cách giảm nhẹ.

b/ 4 tâm tham bất tương ưng hợp với dục ái, 2 tâm sân và 25 sở hữu hợp được tam đạo sát trừ tuyệt.

c/ 4 tâm tham bất tương ưng hợp với sắc ái, vô sắc ái, tâm si điệu cử và 21 sở hữu hợp được tứ đạo sát trừ tuyệt.

Chia đặng: 4 uẩn, 2 xứ, 2 giới và 2 đế.

4 danh uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với tâm tham bất tương ưng, tâm sân và si điệu cử; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm tham bất tương ưng, sân và si điệu cử; 3 là hành uẩn tức là 23 sở hữu (trừ thọ, tưởng) hợp tâm tham bất tương ưng, sân và si điệu cử; 4 là thức uẩn tức là tâm tham bất tương ưng, sân và si điệu cử.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là 4 tâm tham bất tương ưng, 2 tâm sân và tâm si điệu cử; 2 là pháp xứ tức là 25 sở hữu hợp tâm tham bất tương ưng, tâm sân và si điệu cử.

2 giới: 1 là ý thức giới tức là 4 tâm tham bất tương ưng, 2 tâm sân và si điệu cử; 2 là pháp giới tức là 25 sở hữu hợp tâm tham bất tương ưng, sân và si điệu cử.

2 đế: 1 là khổ đế tức là 4 tâm tham bất tương ưng, 2 tâm sân, si điệu cử và 24 sở hữu hợp (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Câu 3: Tất cả pháp phi sơ đạo phi 3 đạo cao tuyệt trừ[278] (hay tất cả pháp phi 4 đạo sát) (Dassanena na bhāvanāya pahātabbā dhammā) là những pháp ngoài ra các đạo tuyệt trừ.

Pháp thực tính là tâm vô nhân, tâm tịnh hảo, 38 sở hữu hợp, sắc pháp và Níp-bàn.

Chia đặng: 5 uẩn, ngoại uẩn, 12 xứ, 18 giới, 3 đế và ngoại đế.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với tâm vô nhân và tâm tịnh hảo; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm vô nhân và tâm tịnh hảo; 4 là hành uẩn tức là 36 sở hữu hợp tâm vô nhân và tâm tịnh hảo (trừ thọ, tưởng); 5 là thức uẩn tức là tâm vô nhân và tâm tịnh hảo. Còn ngoại uẩn là Níp-bàn.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm vô nhân và tâm tịnh hảo; 12 là pháp xứ tức là 38 sở hữu hợp tâm vô nhân, tâm tịnh hảo, sắc tế và Níp-bàn.

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khai ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là tâm tịnh hảo, thẩm tấn, khai ý môn và tiếu sinh (trừ ngũ song thức và ý giới); 18 là pháp giới tức là 38 sở hữu hợp tâm vô nhân, tâm tịnh hảo, sắc tế và Níp-bàn.

3 đế: 1 là khổ đế tức là sắc pháp, tâm vô nhân, tâm tịnh hảo hiệp thế và 38 sở hữu hợp; 2 là diệt đế tức là Níp-bàn; 3 là đạo đế tức là bát chi đạo hiệp tâm đạo. Ngoại đế là tâm siêu thế và 28 sở hữu hợp ngoài ra đạo đế.

Chỉ chấm và cách đọc trang 9 / Đầu đề tam

Số 1, 2, 5, 6, 11, 140 và 148 chấm màu đỏ. Từ số 135 đến số 139, số 146, 147 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới màu xanh. Từ số 122 đến số 134 chấm 3 màu, 1/3 phía trên màu đỏ, 1/3 phía dưới trước màu xanh, 1/3 phía dưới sau màu đen. Số 3, số 4, từ số 7 đến số 10, số 12, từ số 141 đến số 145 chấm màu xanh. Từ số 13 đến số 121 chấm màu đen (lưu ý: Về tâm siêu thế hàng sơ thiền chấm màu đen đậm, còn 4 hàng sau chấm màu đen lợt). Từ số 149 đến số 202 chấm màu đen.

9. Tam đề Hữu nhân sơ đạo sát (Dassanahetukatika)… chiết… vô dư…

Câu 1: Tất cả pháp hữu nhân sơ đạo sát[279] (Dassanena pahātabba hetukā dhammā) là những pháp bị sơ đạo sát mà có hiệp với nhân tương ưng.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Dassanena pahātabbo etesaṃ atthīti = dassanasena pahātabba hetukā: Nhân mà bị sơ đạo sát có với pháp nào thì pháp ấy gọi là hữu nhân sơ đạo sát.

Pháp thực tính là 4 tâm tham tương ưng, tâm si hoài nghi, 22 sở hữu hợp (trừ si hiệp tâm si hoài nghi).

Chia đặng: 4 uẩn, 2 xứ, 2 giới và 2 đế.

4 danh uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với tâm tham tương ưng và si hoài nghi; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm tham tương ưng và si hoài nghi; 3 là hành uẩn tức là 20 sở hữu hiệp tâm tham tương ưng và si hoài nghi; 4 là thức uẩn tức là tâm tham tương ưng và si hoài nghi.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm tham tương ưng và si hoài nghi; 2 là pháp xứ tức là 22 sở hữu hiệp tâm tham tương ưng và si hoài nghi.

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm tham tương ưng và si hoài nghi; 2 là pháp giới tức là 22 sở hữu hiệp tâm tham tương ưng và si hoài nghi.

2 đế: 1 là khổ đế tức là tâm tham tương ưng, si hoài nghi và 21 sở hữu hợp (trừ sở hữu tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Câu 2: Tất cả pháp hữu nhân 3 đạo cao sát[280] (Bhāvanāya pahātabba hetukā dhammā) là những pháp có hiệp chung với nhân 3 đạo cao sát.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Bhāvanāya pahātabbo hetu etesaṃ atthīti = bhāvanāya pahātabba hetukā: Nhân mà bị 3 đạo cao sát có với pháp nào thì pháp ấy gọi là hữu nhân 3 đạo cao sát.

Pháp thực tính là 4 tâm tham bất tương ưng, 2 tâm sân, tâm si điệu cử, 25 sở hữu hợp (trừ si hiệp tâm si điệu cử).

Chia đặng: 4 uẩn, 2 xứ, 2 giới và 2 đế.

4 danh uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với tâm tham bất tương ưng, sân và si điệu cử; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm tham bất tương ưng, sân và si điệu cử; 3 là hành uẩn tức là 23 sở hữu hiệp với tâm tham bất tương ưng, sân và si điệu cử; 4 là thức uẩn tức là tâm tham bất tương ưng, sân và si điệu cử.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tam tham bất tương ưng, sân và si điệu cử; 2 là pháp xứ tức là 25 sở hữu hợp với tâm tham bất tương ưng, sân và si điệu cử.

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm tham bất tương ưng, sân và si điệu cử; 2 là pháp giới tức là 25 sở hữu hiệp tam tham bất tương ưng, sân và si điệu cử.

2 đế: 1 là khổ đế tức là tâm tham bất tương ưng, sân, si điệu cử và 24 sở hữu hợp (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Câu 3: Tất cả pháp phi hữu nhân bốn đạo sát[281] (Nevadassanena nabhāvanāya pahātabba hetukā dhammā) là những pháp chẳng phải hữu nhân 4 đạo sát.

Có chú giải như vầy:

Neva dassanena na bhāvanāya pahātabbahetukā: Nhân mà sơ đạo và ba đạo cao không sát đặng có với pháp nào, thì pháp ấy gọi là phi hữu nhân phi bốn đạo sát.

Pháp thực tính là sở hữu si hiệp 2 tâm si, 18 tâm vô nhân, tâm tịnh hảo, sở hữu hợp, sắc pháp và Níp-bàn.

Chia đặng: 5 uẩn, ngoại uẩn, 12 xứ, 18 giới, 3 đế và ngoại đế.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức sở hữu thọ hiệp với tâm vô nhân và tâm tịnh hảo; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm vô nhân và tâm tịnh hảo; 4 là hành uẩn tức là 36 sở hữu hiệp tâm vô nhân và tâm tịnh hảo (trừ thọ và tưởng) và sở hữu si hiệp 2 tâm si; 5 là thức uẩn tức là tâm vô nhân và tâm tịnh hảo. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm vô nhân và tâm tịnh hảo; 12 là pháp xứ tức là 38 sở hữu hiệp tâm vô nhân, tâm tịnh hảo và sở hữu si hiệp 2 tâm si, sắc tế và Níp-bàn.

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là tâm tiếp thâu và khai ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là tâm tịnh hảo, tâm thẩm tấn, khai ý môn và tiếu sinh; 18 là pháp giới tức là 38 sở hữu hiệp tâm vô nhân, tâm tịnh hảo và sở hữu si hiệp 2 tâm si, sắc tế và Níp-bàn.

3 đế: 1 là khổ đế tức là tâm vô nhân, tâm tịnh hảo hiệp thế, 38 sở hữu hợp và sở hữu si hiệp 2 tâm si, sắc pháp; 2 là diệt đế là Níp-bàn; 3 là đạo đế tức là bát chi đạo hiệp tâm đạo. Ngoại đế là tâm siêu thế và 28 sở hữu hợp (trừ bát chi đạo đế).

Chỉ chấm và cách đọc trang 10 / Đầu đề tam

Từ số 1 đến số 11, từ số 31 đến số 38, từ số 55 đến số 59, từ số 70 đến số 73, từ số 139 đến số 148 chấm màu đỏ đậm. Từ số 135 đến số 138 chấm 2 phần 3 phía trên màu đỏ, chấm 1/3 phía dưới màu đen (màu đỏ nhiều và màu đen ít). Số 171 và số 172 chấm phía trên màu đỏ 1/3, chấm phía dưới 2/3 màu đen, (màu đen nhiều, màu đỏ ít). Từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến số 170 và số 173 chấm 1/3 phía trên màu đỏ, 1/3 dưới phía trước màu xanh và 1/3 dưới phía sau màu đen. Các số 82, 87, 92, 97 chấm màu xanh đậm. Từ số 83 đến số 86, từ số 88 đến số 91, từ số 93 đến số 96, từ số 98 đến số 101 chấm màu xanh lợt. Từ số 12 đến số 30, từ số 39 đến số 54, từ số 60 đến 69, từ số 74 đến số 81, các số 102, 107, 112, 117 và từ số 174 đến số 202 chấm màu đen đậm. Từ số 103 đến số 106, từ số 108 đến số 111, từ số 113 đến số 116, từ số 118 đến số 121 chấm màu đen lợt.

10. Tam đề Nhân sanh tử (Ācayagāmitika)… chiết… vô dư…

Câu 1: Tất cả pháp nhân sanh tử[282] (Acāyagāmino dhammā) là những pháp làm nhân đưa đến sanh, tử.

Chú giải như vầy:

Kammakilesehi āciyatīti = ācāyo: Nghiệp mà do phiền não cấu tạo nhân khổ luân hồi, gọi là nhân quến tựu.

Ācāyaṃ gamentīti = ācayagāmino: Pháp nào làm cho chúng sanh phải tái tục và tử, pháp ấy gọi là nhân sanh, tử.

Pháp thực tính là 17 tâm thiện hiệp thế, 11 tâm bất thiện và 52 sở hữu hợp (trừ tâm si điệu cử).

Chia đặng: 4 uẩn, 2 xứ, 2 giới, 2 đế.

4 danh uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với 17 tâm thiện hiệp thế và 11 tâm bất thiện (trừ si điệu cử); 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm thiện hiệp thế và 11 tâm bất thiện (trừ si điệu cử); 3 là hành uẩn tức là 50 sở hữu hiệp với 17 tâm thiện hiệp thế và 11 tâm bất thiện (trừ si điệu cử); 4 là thức uẩn tức là tâm thiện hiệp thế và 11 tâm bất thiện (trừ si điệu cử).

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm thiện hiệp thế và 11 tâm bất thiện (trừ si điệu cử); 2 là pháp xứ tức là 52 sở hữu hiệp tâm thiện hiệp thế và 11 tâm bất thiện (trừ si điệu cử).

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm thiện hiệp thế và 11 tâm bất thiện (trừ si điệu cử); 2 là pháp giới tức là 52 sở hữu hiệp với tâm thiện hiệp thế và 11 tâm bất thiện (trừ si điệu cử).

2 đế: 1 là khổ đế tức là tâm thiện hiệp thế và 11 tâm bất thiện và 51 sở hữu hợp (trừ tâm si điệu cử và sở hữu tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Câu 2: Tất cả pháp nhân đến Níp-bàn[283] (Apacayagāmino dhammā) là những pháp thành đạo giúp cho quả sanh và đặng tới Níp-bàn.

Chú giải như vầy:

Apetaṃ cayāti = apacayo: Vượt khỏi sanh tử, gọi là dứt hết.

Apacayaṃ gacchantīti = apacayagāmino: Pháp đến Níp-bàn lìa khỏi sanh tử, luân hồi, pháp ấy gọi là nhân đưa đến Níp-bàn.

Pháp thực tính là 4 hoặc 20 tâm đạo và 36 sở hữu hợp.

Chia đặng: 4 uẩn, 2 xứ, 2 giới, 1 đế và ngoại đế.

4 danh uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với tâm đạo; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm đạo; 3 là hành uẩn tức 34 sở hữu hiệp với tâm đạo (trừ thọ và tưởng); 4 là thức uẩn tức là tâm đạo.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm đạo; 2 là pháp xứ tức là 36 sở hữu hiệp với tâm đạo.

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm đạo; 2 là pháp giới tức là 36 sở hữu hiệp với tâm đạo.

1 đế: 1 đế là đạo đế tức là bát chi đạo hiệp tâm đạo. Ngoại đế là tâm đạo và 28 sở hữu hợp (trừ bát chi đạo đế).

Câu 3: Tất cả pháp phi nhân sanh tử và phi nhân đến Níp-bàn[284] (Nevā cayagāmino nappacayagāmino dhammā) là những pháp không làm nhân sanh tử và cũng không phải làm nhân đưa đến Níp-bàn.

Pháp thực tính là tâm vô ký, tâm si điệu cử, 42 sở hữu hợp, sắc pháp và Níp-bàn.

Chia đặng: 5 uẩn, ngoại uẩn, 12 xứ, 18 giới, 2 đế và ngoại đế.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với tâm vô ký và si điệu cử; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm vô ký và tâm si điệu cử; 4 là hành uẩn tức là 40 sở hữu hiệp với tâm vô ký và si điệu cử (trừ thọ và tưởng); 5 là thức uẩn tức là tâm vô ký và si điệu cử. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm vô ký và si điệu cử; 12 là pháp xứ tức là 42 sở hữu hiệp tâm vô ký, tâm si điệu cử, sắc tế và Níp-bàn.

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khai ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là 59 tâm vô ký và si điệu cử (trừ ngũ song thức và 3 ý giới); 18 là pháp giới tức là 42 sở hữu hiệp tâm vô ký, tâm si điệu cử, sắc tế và Níp-bàn.

2 đế: 1 là khổ đế tức là tâm vô ký hiệp thế, si điệu cử, 39 sở hữu tâm và sắc pháp; 2 là diệt đế tức là Níp-bàn. Ngoại đế tức là tâm quả siêu thế và sở hữu hợp.

Chỉ chấm và cách đọc trang 11 / Đầu đề tam

Các số 82, 87, 92, 97, 102, 107 và 112 chấm màu đỏ. Từ số 83 đến số 86, từ số 88 đến số 91, từ số 93 đến số 96, từ số 98 đến số 101, từ số 103 đến số 106, từ số 108 đến số 111, từ số 113 đến số 116 chấm màu đỏ lợt. Số 117 chấm màu xanh đậm, từ số 118 đến số 121 chấm màu xanh lợt. Từ số 1 đến số 81, từ số 135 đến số 148, các số 171, số 172, từ số 174 đến số 202 chấm màu đen đậm. Từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến số 170 và số 173 chấm đủ 3 màu, 1/3 phía trên chấm màu đỏ, 1/3 dưới phía trước chấm màu xanh và 1/3 dưới phía sau chấm màu đen.

11. Tam đề Hữu học (Sekkhatika)… chiết… vô dư…

Câu 1: Tất cả pháp hữu học[285] (Sekkhā dhammā) là những bậc còn đang học hành để tiến hóa lên bậc Thánh cao tột.

Chú giải như vầy:

Tīsusikkhāsu jātāti = sekkhā: Bậc còn đang học hành theo tam học, bậc Thánh ấy gọi là Hữu học.

Apariyositasikkhattā sayamevā sikkhantīti pi = sekkhā: (Hay là) những người còn hành sắp tiến lên bậc Thánh cao vì chưa hết phận sự, nên gọi là Hữu học.

Sattannaṃ sekkhānaṃ etetī pi = sekkhā: (Lại nữa), những pháp của 7 bậc Thánh chưa tột, gọi là pháp hữu học.

Pháp thực tính là 7 hoặc 35 tâm hữu học và 36 sở hữu hợp.

Chia đặng: 4 uẩn, 2 xứ, 2 giới, 1 đế và ngoại đế.

4 danh uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với tâm hữu học; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm hữu học; 3 là hành uẩn tức là 34 sở hữu hiệp với tâm hữu học (trừ thọ và tưởng); 4 là thức uẩn tức là tâm hữu học.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm hữu học; 2 là pháp xứ tức là 36 sở hữu hiệp với tâm hữu học.

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm hữu học; 2 là pháp giới tức là 36 sở hữu hiệp với tâm hữu học.

1 đế: Là đạo đế tức là bát chi đạo hiệp với tâm đạo. Ngoại đế là tâm thiền hữu học và 28 sở hữu hợp (trừ bát chi đạo đế).

Câu 2: Tất cả pháp vô học[286] (Asekkhā dhammā) là những pháp của bậc Thánh cao tột tức là Tứ quả.

Chú giải như vầy:

Uparisikkhitabbā bhāvato na sekkhāti = asekkhā: Những người chẳng phải bậc Hữu học vì không còn pháp sẽ tiến hành nữa, bậc ấy gọi là Vô học. (Hay là)

Vuḍḍhippattā vā sekkhāti pi = asekkhā: Bậc đã tu tiến tam học tột rồi, người ấy gọi là Vô học.

Arahattaphaladhammānaṃ etaṃ adhivacanaṃ: Gọi Vô học đây tức là pháp của bậc quả Ứng cúng.

Pháp thực tính là tâm tứ quả và 36 sở hữu hợp.

Chia đặng: 4 uẩn, 2 xứ, 2 giới và ngoại đế.

4 danh uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với tâm tứ quả; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm tứ quả; 3 là hành uẩn tức là 34 sở hữu hiệp với tâm tứ quả (trừ thọ và tưởng); 4 là thức uẩn tức là tâm tứ quả.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm tứ quả; 2 là pháp xứ tức là 36 sở hữu hiệp tâm tứ quả.

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm tứ quả; 2 là pháp giới tức là 36 sở hữu hiệp tâm tứ quả.

Ngoại đế: Là tâm tứ quả, sở hữu hợp.

Câu 3: Tất cả pháp phi hữu học phi vô học[287] (Neva sekkhā nāsekkhā nāsekkhā dhammā) là những pháp ngoài ra hữu học và vô học.

Pháp thực tính là tâm hiệp thế, 52 sở hữu hợp, sắc pháp và Níp-bàn.

Chia đặng: 5 uẩn, ngoại uẩn, 12 xứ, 18 giới và 3 đế.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với tâm hiệp thế; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm hiệp thế; 4 là hành uẩn tức là 50 sở hữu hiệp với tâm hiệp thế; 5 là thức uẩn tức là tâm hiệp thế. Ngoại đế là Níp-bàn.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm hiệp thế; 12 là pháp xứ tức là 52 sở hữu hiệp với tâm hiệp thế, sắc tế và Níp-bàn.

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khai ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là 68 tâm hiệp thế (trừ ngũ song thức là 3 tâm ý giới); 18 là pháp giới tức là 52 sở hữu hiệp với tâm hiệp thế, sắc tế và Níp-bàn.

3 đế: 1 là khổ đế tức là tâm hiệp thế, 51 sở hữu hiệp và sắc pháp (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham; 3 là diệt đế tức là Níp-bàn.

Chỉ chấm và cách đọc trang 12 / Đầu đề tam

Từ số 1 đến số 54, từ số 135 đến số 148, từ số 174 đến số 201 chấm màu đỏ đậm. Từ số 55 đến số 81 chấm màu xanh đậm. Số 171 và số 172 chấm phân nửa phía trên màu đỏ và phân nửa phía dưới màu xanh. Các số 82, 87, 92, 97, 102, 107, 112, 117 và 202 chấm màu đen. Từ số 83 đến số 86, từ số 88 đến số 91, từ số 93 đến số 96, từ số 98 đến số 101, từ số 103 đến số 106, từ số 108 đến số 111, từ số 113 đến số 116, từ số 118 đến số 121 chấm màu đen lợt. Từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến số 167 và số 173 chấm đủ 3 màu, 1/3 phía trên màu đỏ, 1/3 dưới phía trước màu xanh và 1/3 dưới phía sau màu đen. Số 168, 169 và 170 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, chấm phân nửa phía dưới màu đen.

12. Tam đề Thiểu (Parittatika)… chiết… vô dư…

Câu 1: Tất cả pháp thiểu[288] (Parittā dhammā) là những pháp sanh ra thay thế cho giống nhau không đặng nhiều, tâm biết 1 cảnh không quá 17 cái sát-na, sắc sanh ra thay thế phải khác nhau mau hơn cõi Sắc giới như là nhân vật, vũ trụ. Cõi Dục giới biến đổi nhặt hơn cõi Sắc giới.

Chú giải như vầy: Samantato khaṇḍitattā appamattakaṃ parittanti vuccati parittaṃ gomayapiṇḍanti ādīsuviya imepi appānubhāvatāya viyāti = parittā: Vật chất ít ỏi, gọi là thiểu. Vì có số ít như là phẩn bò chút đỉnh v.v… chẳng khác pháp thực tính dục giới, tỷ dụ vật chất nhỏ nhoi bởi oai lực ít, nhân ấy mới kêu là thiểu, tức là pháp dục giới mà khác tên.

Pháp thực tính là 54 tâm dục giới, 52 sở hữu tâm và sắc pháp.

Chia đặng: 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới và 2 đế.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với tâm dục giới; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm dục giới; 4 là hành uẩn tức là 50 sở hữu hiệp với tâm dục giới (trừ thọ và tưởng); 5 là thức uẩn tức là tâm dục giới.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm dục giới; 12 là pháp xứ tức là 52 sở hữu hiệp với tâm dục giới và sắc tế.

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là tâm tiếp thâu và khai ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là 41 tâm dục giới (trừ ngũ song thức và ý giới); 18 là pháp giới tức là 52 sở hữu hiệp với tâm dục giới và sắc tế.

2 đế: 1 là khổ đế tức là tâm dục giới, 51 sở hữu tâm và sắc pháp (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Câu 2: Tất cả pháp đáo đại[289] (Mahaggatā dhammā) là những pháp đến cách đặc biệt đè nén phiền não, đặng quả rộng rãi bền lâu.

Chú giải như vầy:

Kilesavikkhambhanasamatthatāya vipulaphalataya dīghasantānatāya ca mahantābhāvaṃ gatā mahantehi vā uḷāracchandaviriyacittapaññehi gatā paṭipannāti = mahaggatā: Pháp nào đến sự đặc biệt đủ sức nhận phiền não có quả to tát đặng lâu dài hay là pháp nào với người đặc biệt là có những pháp: Dục, cần, tâm, trí hành vi lớn lao do nhân ấy gọi là đáo đại.

Pháp thực tính là 27 tâm đáo đại và 35 sở hữu hợp.

Chia đặng: 4 uẩn, 2 xứ, 2 giới và 1 đế.

4 danh uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với tâm đáo đại; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm đáo đại; 3 là hành uẩn tức là 33 sở hữu hiệp với tâm đáo đại (trừ thọ và tưởng); 4 là thức uẩn tức là tâm đáo đại.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm đáo đại; 2 là pháp xứ tức là 35 sở hữu hiệp với tâm đáo đại

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm đáo đại; 2 là pháp giới tức là 35 sở hữu hiệp với tâm đáo đại.

1 đế: 1 đế là khổ đế tức là tâm đáo đại và 35 sở hữu hợp.

Câu 3: Tất cả pháp Vô thượng[290] (Appamānā dhammā) là những pháp cao siêu.

Chú giải như vầy:

Pamāṇakarādhammā rāgādayo pamāṇaṃ namā, ārammaṇato vā sampayogato vā natthi etesaṃ pamaṇanti = appamanā: Những pháp so le như là ái v.v…, gọi là hữu thượng, không có hợp với những pháp như thế, cũng không bị pháp như thế bắt làm cảnh, nhân ấy gọi là Vô thượng. (Hay là)

Pamāṇassa ca paṭipakkhāti = appamāṇā: Pháp mà đối lập với pháp hữu thượng, do đó gọi là Vô thượng.

Pháp thực tính là đạo, quả, sở hữu hợp và Níp-bàn.

Chia đặng: 4 uẩn, 2 xứ, 2 giới và 2 đế.

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với tâm siêu thế; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm siêu thế; 3 là hành uẩn tức là 34 sở hữu hiệp với tâm siêu thế (trừ thọ và tưởng); 4 là thức uẩn tức là tâm siêu thế. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm siêu thế; 2 là pháp xứ tức là 36 sở hữu hiệp với tâm siêu thế và Níp-bàn.

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm siêu thế; 2 là pháp giới tức là 36 sở hữu hiệp với tâm siêu thế và Níp-bàn.

2 đế: 1 là đạo đế tức là bát chi đạo hiệp tâm đạo; 2 là diệt đế tức là Níp-bàn. Ngoại đế là tâm siêu thế và 28 sở hữu hợp (trừ bát chi đạo đế).

Chỉ chấm và cách đọc trang 13 / Đầu đề tam

Từ số 13 đến số 28, số 30, từ số 39 đến số 46 chấm màu đỏ. Các số 71, 73, 75, 77, 79, 81 chấm màu xanh. Các số 82, 87, 92, 97, 102, 107, 112 và 117 chấm màu đen đậm. Từ số 83 đến số 86, từ số 88 đến số 91, từ số 93 đến số 96, từ số 98 đến số 101, từ số 103 đến số 106, từ số 108 đến số 111, từ số 113 đến số 116, từ số 118 đến số 121 chấm màu đen lợt. Từ số 1 đến số 12, các số 33, 34, 37, 38, 49, 50, 53 và 54, từ số 135 đến số 148, chấm phân nửa phía trên màu đỏ, chấm phân nửa phía dưới chấm màu xanh. Số 168, 169 và 170 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, chấm phân nửa phía dưới chấm màu đen. Các số 29, 31, 32, 35, 36, 47, 48, 51, 52, 59A, 69A, từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến số 167, số 173 chấm đủ 3 màu: 1/3 phía trên chấm màu đỏ, 1/3 dưới phía trước chấm màu xanh và 1/3 phía dưới sau chấm màu đen.

13. Tam đề Cảnh thiểu (Parittārammaṇatika)… chiết… hữu dư…

Câu 1: Tất cả pháp biết cảnh thiểu[291] (Parittārammaṇā dhammā) là những pháp biết đặng pháp thiểu.

Chú giải như vầy:

Parittaṃ ārammaṇaṃ etesanti = parittārammaṇā: Là những pháp biết đặng pháp thiểu, gọi là pháp biết cảnh thiểu.

Pháp thực tính là tâm dục giới, 2 tâm thông và 50 sở hữu hợp (trừ vô lượng phần).

Chia đặng: 4 uẩn, 2 xứ, 8 giới và 2 đế.

4 danh uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với tâm dục giới và tâm thông; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm dục giới và tâm thông; 3 là hành uẩn tức là 48 sở hữu hiệp với tâm dục giới và tâm thông (trừ thọ, tưởng và vô lượng phần); 4 là thức uẩn tức là tâm dục giới và 2 tâm thông.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm dục giới và tâm thông; 2 là pháp xứ tức là 50 sở hữu hiệp với tâm dục giới và tâm thông (trừ vô lượng phần).

8 giới: 1 là nhãn thức giới tức là 2 tâm nhãn thức; 2 là nhĩ thức giới tức là 2 tâm nhĩ thức; 3 là tỷ thức giới tức là 2 tâm tỷ thức; 4 là thiệt thức giới tức là 2 tâm thiệt thức; 5 là thân thức giới tức là 2 tâm thân thức; 6 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khai ngũ môn; 7 là ý thức giới tức là 41 tâm dục giới và tâm thông (trừ ngũ song thức và ý giới); 8 là pháp giới tức là 50 sở hữu hiệp với tâm dục giới và tâm thông (trừ vô lượng phần).

2 đế: 1 là khổ đế tức là tâm dục giới, tâm thông và 49 sở hữu hợp (trừ tham và vô lượng phần); 2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Câu 2: Tất cả pháp biết cảnh đáo đại[292] (Mahaggatārammaṇā dhammā) là pháp có cảnh đáo đại, gọi là pháp biết cảnh đáo đại.

Chú giải như vầy:

Mahaggataṃ ārammaṇaṃ etesanti = mahaggatārammaṇā: Biết đáo đại đặng, gọi là pháp biết cảnh đáo đại.

Pháp thực tính là 3 tâm thức vô biên, 3 tâm phi tưởng phi phi tưởng, 2 tâm thông, tâm khai ý môn, 28 tâm đổng lực dục giới hữu nhân, 2 tâm si và 47 sở hữu hợp (trừ ngăn trừ phần và vô lượng phần).

Chia đặng: 4 uẩn, 2 xứ, 2 giới và 2 đế.

4 danh uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với 2 tâm thông, 3 tâm phi tưởng phi phi tưởng, 3 tâm thức vô biên và 28 tâm đổng lực dục giới hữu nhân, 2 tâm si; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với 2 tâm thông, 3 tâm phi tưởng phi phi tưởng, 3 tâm thức vô biên và 28 tâm đổng lực dục giới hữu nhân, 2 tâm si; 3 là hành uẩn, tức là 45 sở hữu hiệp với 3 tâm thức vô biên, 3 tâm phi tưởng phi phi tưởng, 2 tâm thông và 28 tâm đổng lực dục giới hữu nhân (trừ giới phần và vô lượng phần); 4 là thức uẩn, tức là 2 tâm thông, 3 tâm thức vô biên, 3 tâm phi tưởng phi phi tưởng và 28 tâm đổng lực dục giới hữu nhân, 2 tâm si .

2 xứ: 1 là ý xứ, tức là 2 tâm thông, 3 tâm thức vô biên, 3 tâm phi tưởng phi phi tưởng và 28 tâm đổng lực dục giới hữu nhân, 2 tâm si; 2 là pháp xứ, tức là 47 sở hữu hiệp với 2 tâm thông, 3 tâm thức vô biên, 3 tâm phi tưởng phi phi tưởng và 28 tâm đổng lực dục giới hữu nhân, 2 tâm si (trừ giới phần và vô lượng phần).

2 giới: 1 là ý thức giới, tức là 2 tâm thông, 3 tâm thức vô biên, 3 tâm phi tưởng phi phi tưởng và 28 tâm đổng lực dục giới hữu nhân, 2 tâm si; 2 là pháp giới, tức là 47 sở hữu hiệp với 2 tâm thông, 3 tâm thức vô biên, 3 tâm phi tưởng phi phi tưởng và 28 tâm đổng lực dục giới hữu nhân (trừ giới phần và vô lượng phần).

2 đế: 1 là khổ đế, tức là 2 tâm thông, 3 tâm thức vô biên, 3 tâm phi tưởng phi phi tưởng, 28 tâm đổng lực dục giới hữu nhân, 2 tâm si và 46 sở hữu hợp (trừ giới phần, vô lượng phần và tham); 2 là tập đế, tức là sở hữu tham.

Câu 3: Tất cả pháp biết cảnh Vô lượng[293] (Appamānārammaṇā dhammā) là những pháp biết cảnh Vô lượng.

Chú giải như vầy:

Appamāṇaṃ ārammaṇaṃ etesanti = appamānārammaṇā: Biết đặng pháp Vô thượng, gọi là pháp biết cảnh Vô thượng.

Pháp thực tính là khai ý môn, 8 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo tương ưng, 2 tâm thông, tâm siêu thế và 36 sở hữu hợp (trừ vô lượng phần).

Chia đặng: 4 uẩn, 2 xứ, 2 giới, 2 đế và ngoại đế.

4 danh uẩn: 1 là thọ uẩn, tức là sở hữu thọ hiệp với khai ý môn, 8 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo tương ưng, 2 tâm thông, tâm siêu thế; 2 là tưởng uẩn, tức là sở hữu tưởng hiệp với khai ý môn, 8 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo tương ưng, 2 tâm thông, tâm siêu thế; 3 là hành uẩn tức là 34 sở hữu hiệp với tâm siêu thế (trừ thọ và tưởng); 4 là thức uẩn tức là tâm siêu thế.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm siêu thế; 2 là pháp xứ tức là 36 sở hữu hiệp với khai ý môn, 8 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo tương ưng, 2 tâm thông,tâm siêu thế.

2 giới: 1 là ý thức giới là tâm siêu thế; 2 là pháp giới tức là 36 sở hữu hiệp với khai ý môn, 8 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo tương ưng, 2 tâm thông,tâm siêu thế.

2 đế: 1 là khổ đế tức là khai ý môn, 8 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo tương ưng, 2 tâm thông và 36 sở hữu hợp; 2 là đạo đế tức là bát chi đạo, hiệp với tâm đạo. Ngoại đế là tâm siêu thế và 28 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Chỉ chấm và cách đọc trang 14 / Đầu đề tam

Từ số 1 đến số 12 và từ số 35 đến số 148 chấm màu đỏ. Từ số 13 đến số 81, các số 171, 172 và từ số 174 đến số 201 chấm màu xanh đậm. Các số 82, 87, 92, 97, 102, 107, 112, 117 và 202 chấm màu đen đậm. Từ số 83 đến số 86, từ số 88 đến số 91, từ số 93 đến số 96, từ số 98 đến số 101, từ số 103 đến số 106, từ số 108 đến số 111, từ số 113 đến số 116 và từ số 118 đến số 121 chấm màu đen lợt. Từ số 149 đến số 170 và số 173 chấm phân nửa phía trên màu xanh, chấm phân nửa phía dưới màu đen. Từ số 122 đến số 134 chấm 1/3 phía trên màu đỏ, 1/3 dưới phía trước chấm màu xanh và 1/3 dưới phía sau chấm màu đen.

14. Tam đề Ty hạ (Hīnatika)… chiết… vô dư…

Câu 1: Tất cả pháp ty hạ[294] (Hīnā dhammā) là những pháp hèn hạ, thấp thỏi, nhơ nhẩn.

Chú giải như vầy:

Hīnāti = lāmakā, akusalā dhammā: Ty hạ hay dơ bẩn tức là pháp bất thiện.

Pháp thực tính là 12 tâm bất thiện và 27 sở hữu hợp.

Chia đặng: 4 uẩn, 2 xứ, 2 giới và 2 đế.

4 danh uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với tâm bất thiện; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm bất thiện; 3 là hành uẩn tức là 25 sở hữu hiệp với tâm bất thiện (trừ thọ và tưởng); 4 là thức uẩn tức là tâm bất thiện.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm bất thiện; 2 là pháp xứ tức là 27 sở hữu hiệp với tâm bất thiện.

2 giới: 1 là ý thức giới tức là 12 tâm bất thiện; 2 là pháp giới tức là 27 sở hữu hiệp với tâm bất thiện.

2 đế: 1 là khổ đế tức là 12 tâm bất thiện và 26 sở hữu hợp trừ tham; 2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Câu 2: Tất cả pháp trung[295] (Majjhimā dhammā) là những pháp biết pháp trung bình.

Chú giải như vầy:

Hīna paṇitāṇaṃ majjhe bhavāti = majjhimā avasesā tebhūmikā dhammā: Pháp giữa chặng ty hạ và Vô thượng, nhân gọi là trung bình, tức là pháp trong 3 cõi mà ngoài ra bất thiện.

Pháp thực tính là tâm vô nhân, tâm tịnh hảo hiệp thế, 38 sở hữu tâm và sắc pháp.

Chia đặng: 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới và 1 đế.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với tâm vô nhân và tâm tịnh hảo hiệp thế; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm vô nhân và tâm tịnh hảo hiệp thế; 4 là hành uẩn tức là 36 sở hữu hiệp với tâm vô nhân và tâm tịnh hảo hiệp thế (trừ thọ và tưởng); 5 là thức uẩn tức là tâm vô nhân và tâm tịnh hảo hiệp thế

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm vô nhân và tâm tịnh hảo hiệp thế; 12 là pháp xứ tức là 38 sở hữu hiệp với tâm vô nhân và tâm tịnh hảo hiệp thế và 16 sắc tế.

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khai ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là tâm tịnh hảo hiệp thế, 3 tâm thẩm tấn, khai ý môn và tiếu sinh; 18 là pháp giới tức là 38 sở hữu hiệp với tâm vô nhân, tâm tịnh hảo hiệp thế và sắc tế.

1 đế: Khổ đế là tâm vô nhân, tâm tịnh hảo hiệp thế, 38 sở hữu tâm và sắc pháp.

Câu 3: Tất cả pháp tinh lương[296] (Paṇītā lokuttarā dhammā) là những pháp ròng chuyên trong sạch.

Chú giải như vầy:

Uttamaṭṭhena atappakaṭṭhena ca panitā lokuttarā dhammā: Pháp mà gọi tinh lương có nghĩa là cao siêu và không biết no đầy chán nản, tức là pháp siêu thế.

Pháp thực tính là tâm siêu thế, 36 sở hữu hợp và Níp-bàn.

Chia đặng: 4 uẩn, ngoại uẩn, 2 xứ, 2 giới, 2 đế và ngoại đế.

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với tâm siêu thế; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm siêu thế; 3 là hành uẩn tức là 34 sở hữu hiệp với tâm siêu thế (trừ thọ và tưởng); 4 là thức uẩn tức là tâm siêu thế. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm siêu thế; 2 là pháp xứ tức là 36 sở hữu hiệp với tâm siêu thế và Níp-bàn.

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm siêu thế; 2 là pháp giới tức là 36 sở hữu hiệp tâm siêu thế và Níp-bàn.

2 đế: 1 là đạo đế tức là bát chi đạo hiệp với tâm đạo; 2 là diệt đế tức là Níp-bàn. Ngoại đế tức là tâm siêu thế và 28 sở hữu hợp (trừ bát chi đạo đế).

Chỉ chấm và cách đọc trang 15 / Đầu đề tam

Các số 3, 4, 7, 8, từ số 11 đến số 81, các số 102, 107, 112, 117, 141, 148, 171, 172, từ số 174 đến số 202 chấm màu đen đậm. Từ số 103 đến số 106, từ số 108 đến số 111, từ số 113 đến số 116, từ số 118 đến số 121 chấm màu đen lợt. Các số 82, 87, 92, 97 chấm màu xanh đậm. Từ số 83 đến số 86, từ số 88 đến số 91, từ số 93 đến số 96, từ số 98 đến số 101 chấm màu xanh lợt. Từ số 122 đến số 134 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, chấm phân nửa phía dưới màu xanh. Các số 1, 2, 5, 6, 9, 10, từ số 135 đến số 140, từ số 142 đến 147 chấm phân nửa trên màu đỏ, chấm phân nửa phía dưới màu đen. Từ số 149 đến số 170 và số 173 chấm phân nửa trên màu xanh, chấm phân nửa phía dưới màu đen.

15. Tam đề Tà (Micchattatika)… chiết… vô dư…

Câu 1: Tất cả pháp tà nhất định[297] (cho quả liên tiếp đời sau) (Micchattaniyatā dhammā) là những pháp tội ác rất nặng, tạo quả kế đời sau.

Chú giải như vầy:

Hitasukhāvahā me bhavissantīti evaṃ ālisitāpī tathā abhāvato asubhādīsuveya subhanti ādiviparitappavattito ca micchāsabhāvāti = micchattā: Những bản thể xấu, dù cho chúng sanh hy vọng tự an vui lợi ích, nhưng nó cũng không giúp thành tựu theo, vì hiểu lầm không mỹ hảo cho là mỹ hảo hay không tốt đẹp cho là tốt đẹp, nên gọi là tà.

Vipākadāne sati khandhabhedānantara meva vipākadānato niyatā: Nói về quả thì pháp này cho quả liên tiếp đời sau không xen hở, nên gọi là nhất định.

Micchattā ca te niyatā cāti = micchatta niyatā: Pháp này ác xấu, hiểu sai, không tốt nói tốt, mong an vui cũng không đặng và nhất định cho quả đời sau liên tiếp, nên gọi là tà, tức là ngũ nghịch đại tội Vô gián địa ngục.

Pháp thực tính là 4 tâm tham tương ưng, 2 tâm sân và 25 sở hữu hợp, sai khiến khi tạo ngũ nghịch, chỉ lấy tâm đổng lực thứ 7.

Chia đặng: 4 uẩn, 2 xứ, 2 giới và 2 đế.

4 danh uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với tâm tham tương ưng và tâm sân; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm tham tương ưng và tâm sân; 3 là hành uẩn tức là 23 sở hữu (trừ thọ , tưởng) hiệp với tâm tham tương ưng và tâm sân; 4 là thức uẩn tức là tâm tham tương ưng và tâm sân.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm tham tương ưng và tâm sân; 2 là pháp xứ tức là 25 sở hữu hiệp tâm tham tương ưng và tâm sân.

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm tham tương ưng và tâm sân; 2 là pháp giới tức là 25 sở hữu hiệp tâm tham tương ưng và tâm sân.

2 đế: 1 là khổ đế tức là tâm tham tương ưng, tâm sân và 24 sở hữu hợp (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Câu 2: Tất cả pháp chánh nhất định[298] (cho quả liên tiếp sát-na) (Samattaniyatādhammā) là những pháp gọi đạo siêu thế.

Có những câu Pāḷi chú giải như vầy:

Vuttaviparitena atthena sammā sabhāvāti = sammattā: Những thật thể tốt đẹp chơn chánh vượt khỏi như câu trước, pháp ấy gọi là chánh.

Sammattā ca te niyatā ca anantarāmeva phaladānaniyamenāti = sammattaniyatā: Là bản thể tốt chơn chánh và cho quả nhất định liên tiếp. v.v…, gọi là chánh nhất định v.v…

Pháp thực tính là tâm đạo và 36 sở hữu hợp.

Chia đặng: 4 uẩn, 2 xứ, 2 giới, 1 đế và ngoại đế.

4 danh uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với tâm đạo; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm đạo; 3 là hành uẩn tức là 34 sở hữu hiệp với tâm đạo (trừ thọ và tưởng); 4 là thức uẩn tức là tâm đạo.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm đạo; 2 là pháp xứ tức là 36 sở hữu hiệp với tâm đạo.

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm đạo; 2 là pháp giới tức là 36 sở hữu hiệp tâm đạo.

1 đế và ngoại đế: Đạo đế là bát chi đạo hiệp với tâm đạo. Ngoại đế là tâm đạo và 28 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Câu 3: Tất cả pháp bất định[299] (Aniyatā dhammā) là những pháp ngoài ra hai pháp đã nói.

Có Pāḷi chú giải như vầy:

Ubhayathā pi na niyatāti = aniyatā: Pháp nào chẳng phải cho quả nhất định như 2 pháp trên, pháp ấy gọi là bất định.

Pháp thực tính là 81 tâm hiệp thế, 20 tâm quả siêu thế, 52 sở hữu hợp, sắc pháp và Níp-bàn (trừ pháp tà nhất định).

Chia đặng: 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới, 3 đế.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với 81 tâm hiệp thế và 20 tâm quả siêu thế; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm hiệp thế và tâm quả siêu thế; 4 là hành uẩn tức là 50 sở hữu hiệp với tâm hiệp thế và tâm quả siêu thế (trừ thọ, tưởng và pháp tà nhất định); 5 là thức uẩn tức là 81 tâm hiệp thế và 20 tâm quả siêu thế. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm hiệp thế và tâm quả siêu thế; 12 là pháp xứ tức là 52 sở hữu hiệp với tâm hiệp thế, tâm quả siêu thế, sắc tế và Níp-bàn (trừ pháp tà nhất định).

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khai ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là 68 tâm hiệp thế và 20 tâm quả siêu thế (trừ ngũ song thức và ý giới); 18 là pháp giới tức là 52 sở hữu hiệp với tâm hiệp thế và tâm quả siêu thế (trừ pháp tà nhất định); sắc tế và Níp-bàn .

3 đế: 1 là khổ đế tức là 81 tâm hiệp thế, 51 sở hữu hợp và 28 sắc pháp (trừ pháp tà nhất định và sở hữu tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham; 3 là diệt đế tức là Níp-bàn.

Chỉ chấm và cách đọc trang 16 / Đầu đề tam

Các số 29, 31, 32, 35, 36, 47, 48, 51, 52, 59A và 69A chấm màu đỏ đậm. Số 173 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, chấm phân nửa phía dưới màu đen. Từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến số 167 chấm 3 màu, 1/3 phía trên chấm màu đỏ, 1/3 dưới phía trước chấm màu xanh và 1/3 dưới phía sau chấm màu đen. Các số 168, 169, 170, từ số 82 đến số 101 chấm phân nửa phía trên màu xanh, phân nửa phía dưới màu đen.

16. Tam đề Đạo làm cảnh (Maggārammaṇatika)… chiết… hữu dư…

Câu 1: Tất cả các pháp có cảnh là đạo[300] (Maggārammaṇā dhammā) là những pháp biết đạo siêu thế.

Pháp thực tính là tâm khai ý môn, 8 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo tương ưng, 2 tâm thông và 33 sở hữu hợp (trừ ngăn trừ phần và vô lượng phần).

Chia đặng: 4 uẩn, 2 xứ, 2 giới và 1 đế.

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với tâm khai ý môn, 8 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo tương ưng và 2 tâm thông; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm khai ý môn, 8 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo tương ưng và 2 tâm thông; 3 là hành uẩn tức 31 sở hữu (trừ sở hữu thọ, tưởng) hiệp với tâm khai ý môn, 8 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo tương ưng và 2 tâm thông; 4 là thức uẩn tức là tâm khai ý môn, 8 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo tương ưng và 2 tâm thông.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm khai ý môn, 8 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo tương ưng và 2 tâm thông; 2 là pháp xứ tức là 33 sở hữu hiệp với tâm khai ý môn, 8 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo tương ưng và 2 tâm thông.

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm khai ý môn, 8 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo tương ưng và 2 tâm thông; 2 là pháp giới tức là 33 sở hữu hiệp với tâm khai ý môn, 8 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo tương ưng và 2 tâm thông.

1 đế: Khổ đế tức là tâm khai ý môn, 8 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo tương ưng, 2 tâm thông và 33 sở hữu hợp.

Câu 2: Tất cả pháp có nhân là đạo[301] (Maggahetukā dhammā) là những pháp nhân tương ưng thành đạo đế.

Pháp thực tính tức là tâm đạo và 35 sở hữu hợp (trừ trí).

Chia đặng: 4 uẩn, 2 xứ, 2 giới, 1 đế và ngoại đế.

4 danh uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với tâm đạo: 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm đạo; 3 là hành uẩn tức là 33 sở hữu hiệp với tâm đạo (trừ trí, thọ, tưởng); 4 là thức uẩn tức là tâm đạo.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm đạo; 2 là pháp xứ tức là 35 sở hữu hiệp với tâm đạo (trừ trí).

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm đạo; 2 là pháp giới tức là 35 sở hữu hiệp với tâm đạo (trừ trí).

1 đế: Là đạo đế tức là thất chi đạo hiệp tâm đạo. Ngoại đế là tâm đạo và 28 sở hữu hợp (trừ thất chi đạo đế).

Câu 3: Tất cả pháp có trưởng là đạo[302] (Maggādhipatino dhammā) là những pháp có pháp trưởng mà cũng là đạo đế.

Pháp thực tính tức là tâm đạo và sở hữu hợp (trừ khi chi đạo làm trưởng).

Chia đặng: 4 uẩn, ngoại uẩn, 2 xứ, 2 giới, 2 đế và ngoại đế.

4 danh uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với tâm đạo; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm đạo; 3 là hành uẩn tức là 34 sở hữu hiệp với tâm đạo (trừ thọ và tưởng); 4 là thức uẩn tức là tâm đạo.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm đạo; 2 là pháp xứ tức là 36 sở hữu hiệp với tâm đạo.

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm đạo; 2 là pháp giới tức là 36 sở hữu hiệp với tâm đạo.

2 đế: Là 8 tâm có đạo làm trưởng hiệp thế, 32 sở hữu là khổ đế; bát chi đạo hiệp tâm đạo là đạo đế. Ngoại đế là tâm đạo và 28 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Chỉ chấm và cách đọc trang 17 / Đầu đề tam

Từ số 1 đến số 121, từ số 135 đến số 148, từ số 178 đến số 182, số 184, từ số 187 đến số 190, các số 193, 194, 195 chấm phân nửa phía trên màu đỏ. Từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến số 177, các số 183, 185, 186, 191, 192, từ số 198 đến số 201 chấm đủ 3 màu: 1/3 phía trên màu đỏ, 1/3 dưới phía trước màu xanh, 1/3 dưới phía sau màu đen. Từ số 1 đến số 12, từ số 28 đến số 38, từ số 47 đến số 59, từ số 65 đến số 73, từ số 78 đến số 101, từ số 135 đến số 148, số 184, từ số 193 đến số 197, chấm phân nửa phía dưới màu xanh. Từ số 13 đến số 27, từ số 39 đến số 46, từ số 60 đến số 64, từ số 74 đến số 77, từ số 102 đến số 121, từ số 178 đến số 182, từ số 187 đến số 190, chấm phân nửa phía dưới màu đen.

17. Tam đề Sanh tồn (Uppannatika)… chiết… hữu dư…

Câu 1: Tất cả pháp sanh tồn[303] (Uppannā dhammā) là những pháp đang sanh mà chưa mất, tức là trong 3 sát-na sanh, trụ, diệt.

Pháp thực tính là 89 tâm, 52 sở hữu và 28 sắc pháp đang sanh, trụ, diệt.

Chia đặng: 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới, 3 đế và ngoại đế.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp đang sanh, trụ, diệt; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với tâm đang sanh, trụ, diệt; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm đang sanh, trụ, diệt; 4 là hành uẩn tức là 50 sở hữu hiệp với tâm đang sanh, trụ, diệt (trừ thọ và tưởng); 5 là thức uẩn tức là tâm đang sanh, trụ, diệt.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô đang sanh, trụ, diệt; 11 là ý xứ tức là tâm đang sanh, trụ, diệt; 12 là pháp xứ tức là 52 sở hữu hiệp với tâm đang sanh, trụ, diệt và sắc tế.

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô đang sanh, trụ, diệt; 5 giới thức tức là ngũ song thức đang sanh, trụ, diệt; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khai ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là 76 hoặc 108 tâm (trừ ngũ song thức và 3 tâm ý giới) đang sanh, trụ, diệt; 18 là pháp giới tức là 52 sở hữu hiệp với tâm đang sanh, trụ, diệt và sắc tế.

3 đế: 1 là khổ đế tức là tâm hiệp thế, 51 sở hữu tâm và sắc pháp (trừ tham) đang sanh, trụ, diệt; 2 là tập đế tức là sở hữu tham đang sanh, trụ, diệt; 3 là đạo đế tức là bát chi đạo hiệp tâm đạo đang sanh trụ, trụ, diệt. Ngoại đế là tâm siêu thế và 28 sở hữu hợp (trừ đạo đế) đang sanh, trụ, diệt.

Câu 2: Tất cả pháp chưa sanh[304] (Anuppannā dhammā) là những pháp chưa đặng sanh ra.

Pháp thực tính là 21 tâm thiện, 12 tâm bất thiện, 20 tâm tố, 52 sở hữu tâm và sắc phi nghiệp (17 sắc tâm, 15 sắc quí tiết, 14 sắc vật thực).

Chia đặng: 5 uẩn, 7 xứ, 8 giới, 3 đế và ngoại đế.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là sắc phi nghiệp chưa sanh; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với tâm thiện, bất thiện và tố chưa sanh; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm thiện, bất thiện và hạnh chưa sanh; 4 là hành uẩn tức là 50 sở hữu hiệp với tâm thiện, bất thiện và hạnh chưa sanh (trừ thọ và tưởng); 5 là thức uẩn tức là tâm thiện, bất thiện và hạnh chưa sanh.

7 xứ: 1 là sắc xứ tức là cảnh sắc chưa sanh; 2 là thinh xứ tức là cảnh thinh chưa sanh; 3 là khí xứ tức là cảnh khí chưa sanh; 4 là vị xứ tức là cảnh vị chưa sanh; 5 là xúc xứ tức là cảnh xúc chưa sanh; 6 là ý xứ tức là tâm thiện, bất thiện và hạnh chưa sanh; 7 là pháp xứ tức là 52 sở hữu hiệp với tâm thiện, bất thiện, hạnh và sắc tế phi nghiệp chưa sanh.

8 giới: 1 là sắc giới tức là cảnh sắc chưa sanh; 2 là thinh giới tức là cảnh thinh chưa sanh; 3 là khí giới tức là cảnh khí chưa sanh; 4 là vị giới tức là cảnh vị chưa sanh; 5 là xúc giới tức là cảnh xúc chưa sanh; 6 là ý giới tức là tâm khai ngũ môn chưa sanh; 7 là ý thức giới tức là tâm thiện, bất thiện và 19 tâm tố chưa sanh (trừ khai ngũ môn); 8 là pháp giới tức là 52 sở hữu hiệp với tâm thiện, bất thiện, hạnh và sắc tế phi nghiệp chưa sanh.

3 đế: 1 là khổ đế tức là tâm thiện hiệp thế, bất thiện, hạnh và 51 sở hữu hợp (trừ tham) và sắc phi nghiệp chưa sanh; 2 là tập đế tức là sở hữu tham chưa sanh; 3 là đạo đế tức là bát chi đạo hiệp tâm đạo chưa sanh. Ngoại đế là tâm đạo và 36 sở hữu hợp (trừ trí và cần khi thành trưởng)

Câu 3: Tất cả pháp sẽ sanh[305] (Uppādino dhammā) là những pháp sẵn có nghiệp nhân, nếu gặp trường hợp đủ duyên sẽ phát ra.

Pháp thực tính là 36 hoặc 52 tâm quả, 38 sở hữu hợp và 20 sắc nghiệp.

Chia đặng: 5 uẩn, 11 xứ, 17 giới, 1 đế và ngoại đế.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là sắc nghiệp sẽ sanh; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với tâm quả sẽ sanh; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm quả sẽ sanh; 4 là hành uẩn tức là 36 sở hữu hiệp với tâm quả sẽ sanh (trừ thọ và tưởng); 5 là thức uẩn tức là tâm quả sẽ sanh.

11 xứ: 9 xứ thô tức là 11 sắc thô (trừ thinh); 10 là ý xứ tức là tâm quả sẽ sanh; 11 là pháp xứ tức là 38 sở hữu hiệp tâm quả sẽ sanh và sắc nghiệp tế.

17 giới: 9 giới thô tức là 11 sắc thô (trừ thinh) sẽ sanh; 5 giới thức tức là ngũ song thức sẽ sanh; 15 là ý giới là 2 tâm tiếp thâu sẽ sanh; 16 là ý thức giới tức là 40 tâm quả sẽ sanh (trừ ngũ song thức và ý giới); 17 là pháp giới tức là 38 sở hữu hiệp với tâm quả sẽ sanh và sắc nghiệp tế.

1 đế: Khổ đế là 32 tâm quả hiệp thế, 38 sở hữu hợp và 20 sắc nghiệp. Ngoại đế là tâm quả siêu thế và 28 sở hữu hợp (trừ bát chi đạo đế).

Giải ngoại đề: Níp-bàn không thể nói: Đã sanh, đang sanh và sẽ sanh.

Có Pāḷi như vầy: Nibbanaṃ na vattabbaṃ uppannanti pi anuppannanti pi uppadīti pi: Nghĩa như trên.

Chỉ chấm và cách đọc trang 18 / Đầu đề tam

Chấm từ số 1 đến số 201, chấm đủ 3 màu: 1/3 phía trên chấm màu đỏ, 1/3 dưới phía trước chấm màu xanh, 1/3 dưới phía sau màu đen.

18. Tam đề Quá khứ (Atītatika)… chiết… hữu dư…

Câu 1: Tất cả pháp quá khứ[306] (Atītā dhammā) là những pháp đã qua rồi.

Pháp thực tính là tâm, sở hữu tâm và sắc pháp.

Chia đặng: 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới, 3 đế và ngoại đế.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp đã diệt; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với tâm đã diệt; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm đã diệt; 4 là hành uẩn tức là 50 sở hữu hợp hiệp với tâm đã diệt (trừ thọ và tưởng); 5 là thức uẩn tức là tâm đã diệt.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô đã diệt; 11 là ý xứ tức là tâm đã diệt; 12 là pháp xứ tức là 52 sở hữu hiệp với tâm đã diệt và 16 sắc tế.

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô đã diệt; 5 giới thức tức là ngũ song thức đã diệt; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khai ngũ môn đã diệt; 17 là ý thức giới tức là 108 tâm đã diệt (trừ ngũ song thức và 3 tâm ý giới); 18 là pháp giới tức là 52 sở hữu hiệp với tâm đã diệt và 16 sắc tế.

3 đế: 1 là khổ đế tức là tâm hiệp thế đã diệt và 51 sở hữu hợp (trừ tham) và 28 sắc pháp; 2 là tập đế tức là sở hữu tham đã diệt; 3 là đạo đế tức là bát chi đạo hiệp tâm đạo đã diệt. Ngoại đế là tâm siêu thế và 36 sở hữu hợp (trừ đạo đế) đã diệt.

Câu 2: Tất cả pháp vị lai[307] (Anāgatā dhammā) là những pháp chưa sanh, tức là tâm, sở hữu tâm và sắc pháp.

Câu 3: Tất cả pháp hiện tại[308] (Paccuppannā dhammā) là những pháp đang còn, tức là tâm, sở hữu tâm và sắc pháp.

Hai câu sau chia trùng như câu trước

Chỉ chấm và cách đọc trang 19 / Đầu đề tam

Các số 71, 73, 75, 77, 79 và 81 chấm màu đỏ đầy. Từ số 1 đến số 12, các số 19, 26, 27, từ số 29 đến số 54, số 59A, số 69A, từ số 122 đến số 170, số 173, chấm đủ 3 màu: 1/3 phía trên chấm màu đỏ, 1/3 dưới phía trước chấm màu xanh, 1/3 dưới phía sau màu đen. Từ số 13 đến số 18, từ số 20 đến 25 và số 28 chấm màu đen.

19. Tam đề Cảnh quá khứ (Atītārammaṇatika)… chiết… hữu dư…

Câu 1: Tất cả pháp biết cảnh quá khứ[309] (Atītārammaṇā dhammā) là những pháp biết cảnh đã diệt qua rồi. Trong đó có 6 tâm vô sắc giới biết cảnh quá khứ nhất định. Còn ngoài ra đều bất định cả.

Pháp thực tính là 3 tâm thức vô biên, 3 tâm phi tưởng phi phi tưởng, 2 tâm thông, 41 tâm dục giới (trừ ngũ song thức và ý giới), 47 sở hữu hợp (trừ ngăn trừ phần,vô lượng phần).

Chia đặng: 4 uẩn, 2 xứ, 2 giới và 2 đế.

4 danh uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với tâm thức vô biên, tâm phi tưởng phi phi tưởng, 2 tâm thông và 41 tâm dục giới (trừ ngũ song thức và ý giới); 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm như trên; 3 là hành uẩn tức là 45sở hữu hiệp với những tâm đã kể trước (trừ thọ và tưởng); 4 là thức uẩn tức là những tâm đã kể trong bài học đọc.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là 3 tâm phi tưởng phi phi tưởng, 3 tâm thức vô biên, 2 tâm thông và 41 tâm dục giới (trừ ngũ song thức và ý giới); 2 là pháp xứ tức là những sở hữu hiệp với số tâm nêu trên.

2 giới: 1 là ý thức giới tức là 49 tâm đã kể trên; 2 là pháp giới tức là những sở hữu hiệp với 49 tâm đã kể.

2 đế: 1 là khổ đế tức là 3 tâm thức vô biên, 3 tâm phi tưởng phi phi tưởng, 2 tâm thông và 41 tâm dục giới (trừ ngũ song thức, ý giới), 46 sở hữu hợp (trừ sở hữu tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Câu 2: Tất cả pháp biết cảnh vị lai[310] (Anāgatārammaṇā dhammā) là những tâm biết pháp chưa sanh, đều không nhất định.

Pháp thực tính là 2 tâm thông, 41 tâm dục giới và 50 sở hữu hợp (trừ ngũ song thức, ý giới và vô lượng phần).

Chia đặng: 4 uẩn, 2 xứ, 2 giới và 2 đế.

4 danh uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với 2 tâm thông và 41 tâm dục giới (trừ ngũ song thức và ý giới); 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với những tâm vừa kể; 3 là hành uẩn tức là 48 sở hữu hiệp với những tâm kể trên (trừ thọ, tưởng và vô lượng phần); 4 là thức uẩn tức là 43 tâm đã kể trên.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là 2 tâm thông và 41 tâm dục giới (trừ ngũ song thức và ý giới); 2 là pháp xứ tức là 50 sở hữu hiệp với những tâm nêu trên (trừ vô lượng phần).

2 giới: 1 là ý thức giới tức là 2 tâm thông và 41 tâm dục giới (trừ ngũ song thức và ý giới); 2 là pháp giới tức là 50 sở hữu hợp với 2 tâm thông và 41 tâm dục giới (trừ ngũ song thức, ý giới và vô lượng phần).

2 đế: 1 là khổ đế tức là 2 tâm thông, 41 tâm dục giới và 49 sở hữu hợp (trừ ngũ song thức, ý giới, vô lượng phần và tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Câu 3: Tất cả pháp biết cảnh hiện tại[311] (Paccuppannārammaṇā dhammā) là những tâm biết cảnh đang còn. Trong đó có ngũ song thức, 3 tâm ý giới và 10 sở hữu hợp (trừ cần, hỷ, dục) biết nhất định. Còn ngoài ra là bất định.

Pháp thực tính là 2 tâm thông, 54 tâm dục giới và 50 sở hữu hợp (trừ vô lượng phần).

Chia đặng: 4 uẩn, 2 xứ, 8 giới và 2 đế.

4 danh uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với tâm thông và dục giới; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm thông và dục giới; 3 là hành uẩn tức là 50 sở hữu hiệp với tâm thông và tâm dục giới (trừ thọ, tưởng và vô lượng phần); 4 là thức uẩn tức là tâm thông và tâm dục giới.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm thông và tâm dục giới; 2 là pháp xứ tức là 50 sở hữu hiệp với tâm thông và tâm dục giới (trừ vô lượng phần).

8 giới: 5 giới thức là ngũ song thức; 6 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khai ngũ môn; 7 là ý thức giới tức là 2 tâm thông và 41 tâm dục giới (trừ ngũ song thức và ý giới); 8 là pháp giới tức là 50 sở hữu hiệp với tâm thông và tâm dục giới (trừ vô lượng phần).

2 đế: 1 là khổ đế tức là 2 tâm thông, 54 tâm dục giới và 49 sở hữu hợp (trừ vô lượng phần và tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Chỉ chấm và cách đọc trang 20 / Đầu đề tam

Từ số 1 đến số 201, chấm đủ 3 màu: 1/3 phía trên chấm màu đỏ, 1/3 dưới phía trước chấm màu xanh, 1/3 dưới phía sau màu đen. Số 202 chấm màu xanh.

20. Tam đề Tự nội (Ajjhattatika)… chiết… hữu dư…

Câu 1: Tất cả pháp nội phần[312] (Ajjhattā dhammā) là những pháp sanh trong thân tâm ta.

Pháp thực tính là 89 tâm, 52 sở hữu và 28 sắc pháp, sanh theo ta.

Chia đặng: 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới, 3 đế và ngoại đế.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là bản chất thân ta, có 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với tâm; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm; 4 là hành uẩn tức là 50 sở hữu hiệp với tâm (trừ thọ và tưởng); 5 là thức uẩn tức là tâm.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm; 12 là pháp xứ tức là sở hữu và sắc tế.

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khai ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là 108 tâm (trừ ngũ song thức và ý giới); 18 là pháp giới tức là sở hữu và sắc tế.

3 đế: 1 là khổ đế tức là sắc pháp, tâm hiệp thế và sở hữu hợp (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham; 3 là đạo đế tức là bát chi đạo hiệp tâm đạo. Ngoại đế là tâm siêu thế và sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Câu 2: Tất cả pháp ngoại phần[313] (Bahiddha dhamma) là pháp siêu lý ngoài ra thân tâm ta.

Pháp thực tính là pháp siêu lý ngoài ra thân tâm ta (89 tâm, 52 sở hữu tâm, 28 sắc pháp và Níp-bàn)

Câu thứ nhì khác với câu trước là có Níp-bàn nên đủ 4 đế.

Câu 3: Tất cả pháp nội và ngoại phần[314] (Ajjhattabahiddhā dhammā) là những pháp trong và ngoài thân tâm ta.

Pháp thực tính là tâm, sở hữu tâm và sắc pháp.

Câu thứ ba, trùng câu thứ nhất.

Chỉ chấm và cách đọc trang 21 / Đầu đề tam

Các số 71, 73, 75, 77, 79, 81 chấm màu đỏ. Từ số 55 đến số 70, các số 74, 78, 82, 87, 92, 97, 102, 107, 112, 117, 143, 171, 172 chấm màu xanh đậm. Từ số 83 đến số 86, từ số 88 đến số 91, từ số 93 đến số 96, từ số 98 đến số 101, từ số 103 đến số 106, từ số 108 đến số 111, từ số 113 đến số 116 và từ số 118 đến số 121, chấm màu xanh lợt. Từ số 1 đến số 54, từ số 122 đến số 142, từ số 144 đến số 170 và số 173, chấm đủ 3 màu: 1/3 phía trên chấm màu đỏ, 1/3 dưới phía trước chấm màu xanh, 1/3 dưới phía sau chấm màu đen. Số 59A và số 69A chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới màu đen.

21. Tam đề Cảnh nội (Ajjhattārammaṇatika)… chiết… hữu dư…

Câu 1: Tất cả pháp biết cảnh nội[315] (Ajjhattārammaṇā dhammā) là những pháp biết cảnh trong phần thân tâm ta.

Pháp thực tính là 3 tâm thức vô biên, 3 tâm phi tưởng phi phi tưởng, 54 tâm dục giới, 2 tâm thông, 49 sở hữu hợp (trừ tật và vô lượng phần).

Chia đặng: 4 uẩn, 2 xứ, 8 giới và 2 đế.

4 danh uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với tâm thức vô biên, tâm phi tưởng phi phi tưởng, tâm dục giới và tâm thông; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với 62 tâm kể trên; 3 là hành uẩn tức là 47 sở hữu hợp hiệp với 62 tâm nêu trên (trừ thọ, tưởng, tật và vô lượng phần); 4 là thức uẩn tức là tâm dục giới, tâm thông, tâm thức vô biên và tâm phi tưởng phi phi tưởng.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là 54 tâm dục giới, 2 tâm thông, 3 tâm thức vô biên và 3 tâm phi tưởng phi phi tưởng; 2 là pháp xứ tức là 49 sở hữu hiệp với những tâm đã kể (trừ tật và vô lượng phần).

8 giới: 1 là nhãn thức giới tức là 2 tâm nhãn thức; 2 là nhĩ thức giới tức là 2 tâm nhĩ thức; 3 là tỷ thức giới tức là 2 tâm tỷ thức; 4 là thiệt thức giới tức là 2 tâm thiệt thức; 5 là thân thức giới tức là 2 tâm thân thức; 6 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khai ngũ môn; 7 là ý thức giới tức là 3 tâm phi tưởng phi phi tưởng, 3 tâm thức vô biên, 2 tâm thông và 41 tâm dục giới (trừ ngũ song thức và ý giới); 8 là pháp giới tức là 49 sở hữu hiệp với tâm dục giới, tâm thông, 3 tâm thức vô biên và 3 tâm phi tưởng phi phi tưởng (trừ tật và vô lượng phần).

2 đế: 1 là khổ đế tức là tâm dục giới, 2 tâm thông, 3 tâm thức vô biên, 3 tâm phi tưởng phi phi tưởng và 48 sở hữu hiệp (trừ tật, vô lượng phần và tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Câu 2: Tất cả pháp biết cảnh ngoại[316] (Bahiddhārammaṇā dhammā) là những pháp biết cảnh ngoài ra thân tâm ta. Tâm sắc giới, không vô biên và 8 tâm siêu thế biết cảnh ngoại nhất định.

Pháp thực tính là 54 tâm dục giới, 15 tâm sắc giới, 3 tâm không vô biên, tâm siêu thế và 52 sở hữu hợp.

Chia đặng: 4 uẩn, 2 xứ, 8 giới và 3 đế.

4 danh uẩn: 1 là thọ uẩn, tức là sở hữu thọ hiệp với tâm dục giới, tâm sắc giới, tâm không vô biên và tâm siêu thế; 2 là tưởng uẩn, tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm dục giới, sắc giới, không vô biên và siêu thế; 3 là hành uẩn, tức là 50 sở hữu hiệp với tâm dục giới, sắc giới, không vô biên và siêu thế (trừ thọ và tưởng); 4 là thức uẩn, tức là tâm dục giới, sắc giới, không vô biên và siêu thế.

2 xứ: 1 là ý xứ, tức là tâm dục giới, sắc giới, không vô biên và siêu thế; 2 là pháp xứ, tức là 52 sở hữu hiệp với số tâm kể trên.

8 giới: 5 giới thức tức là ngũ song thức; 6 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khai ngũ môn; 7 là ý thức giới tức là tâm siêu thế, không vô biên, sắc giới và 41 tâm dục giới (trừ ngũ song thức và ý giới); 8 là pháp giới tức là 52 sở hữu hiệp với tâm dục giới, sắc giới, không vô biên và siêu thế.

3 đế: 1 là khổ đế tức là tâm dục giới, sắc giới, không vô biên và 51 sở hữu hợp (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham; 3 là đạo đế tức là 8 chi đạo hiệp tâm đạo. Ngoại đế là tâm siêu thế và 28 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Câu 3: Tất cả pháp biết cảnh nội và ngoại[317] (Ajjhattabahiddhārammaṇā dhammā) là những pháp biết cảnh thuộc về thân tâm của ta và ngoài thân tâm của ta (đều là bất định).

Pháp thực tính là 54 tâm dục giới, 2 tâm thông và 49 sở hữu hợp (trừ tật và vô lượng phần).

Chia đặng: 4 uẩn, 2 xứ, 8 giới và 2 đế.

4 danh uẩn: 1 là thọ uẩn, tức là sở hữu thọ hiệp với tâm dục giới và tâm thông; 2 là tưởng uẩn, tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm như trên; 3 là hành uẩn, tức là 47 sở hữu hiệp và tâm dục giới và tâm thông (trừ thọ, tưởng, tật và vô lượng phần); 4 là thức uẩn, tức là tâm dục giới và tâm thông.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm thông và tâm dục giới; 2 là pháp xứ tức là 49 sở hữu hợp với tâm dục giới và tâm thông (trừ tật và vô lượng phần).

8 giới: 5 giới thức tức là ngũ song thức; 6 là ý giới tức là tâm tiếp thâu và khai ngũ môn; 7 là ý thức giới tức là tâm thông và 41 tâm dục giới (trừ ngũ song thức và ý giới); 8 là pháp giới tức là 49 sở hữu hiệp với tâm thông và tâm dục giới (trừ tật và vô lượng phần).

2 đế: 1 là khổ đế tức là 2 tâm thông, tâm dục giới và 48 sở hữu hợp (trừ tật, vô lượng phần và tham); 2 là tập đế, tức là sở hữu tham.

Chỉ chấm và cách đọc trang 22 / Đầu đề tam

Số 183 chấm màu đỏ. Số 174, từ số 176 đến số 182, từ số 184 đến số 186, chấm màu xanh đậm. Từ số 1 đến số 81, các số 82, 87, 92, 97, 102, 107, 112, 117, từ số 122 đến số 173, số 175, từ số 187 đến số 202, chấm màu đen đậm. Từ số 83 đến số 86, từ số 88 đến số 91, từ số 93 đến số 96, từ số 98 đến số 101, từ số 103 đến số 106, từ số 108 đến số 111, từ số 113 đến số 116, từ số 118 đến số 121, chấm màu đen lợt.

22. Tam đề Kiến (Sanidassanatika)… chiết… vô dư…

Câu 1: Tất cả pháp bị thấy và đối chiếu[318] (hữu kiến hữu đối chiếu) (Sanidassanasappaṭighā dhammā) là những pháp thấy đặng và gặp nhau.

Pháp thực tính chỉ có 1 là sắc cảnh sắc.

Chia đặng: 1 uẩn, 1 xứ, 1 giới và 1 đế.

1 uẩn là sắc uẩn. 1 xứ là sắc xứ. 1 giới là sắc giới. 1 đế là khổ đế.

Câu 2: Tất cả pháp không bị thấy mà đối chiếu[319] (vô kiến hữu đối chiếu) (Anidassanasappaṭighā dhammā) là những pháp không thấy mà có gặp nhau.

Pháp thực tính là 11 sắc thô (trừ cảnh sắc).

Chia đặng: 1 uẩn, 9 xứ, 9 giới và 1 đế.

1 uẩn là sắc uẩn tức là 11 sắc thô (trừ sắc). 9 xứ thô tức là 11 sắc thô (trừ cảnh sắc). 9 giới thô tức là 11 sắc thô (trừ cảnh sắc). 1 đế là khổ đế tức là 11 sắc thô (trừ cảnh sắc).

Câu 3: Tất cả pháp không bị thấy và không đối chiếu[320] (vô kiến vô đối chiếu) (Anidassanappaṭighā dhammā) là những pháp thấy không đặng và cũng không gặp nhau bằng cách đối chiếu.

Pháp thực tính là tâm, sở hữu tâm, 16 sắc tế và Níp-bàn.

Chia đặng: 5 uẩn, 2 xứ, 8 giới, 4 đế và ngoại đế.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là sắc uẩn tế; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng; 4 là hành uẩn tức là 50 sở hữu (trừ thọ, tưởng); 5 là thức uẩn tức là tâm.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm; 2 là pháp xứ tức là sở hữu tâm, sắc tế và Níp-bàn.

8 giới: 5 giới thức tức là ngũ song thức; 6 là ý giới tức là tâm tiếp thâu và khai ngũ môn; 7 là ý thức giới tức là 108 tâm (trừ ngũ song thức và ý giới); 8 là pháp giới tức là sở hữu tâm, sắc tế và Níp-bàn.

4 đế: 1 là khổ đế tức là sắc tế, tâm hiệp thế và 51 sở hữu hợp (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham; 3 là diệt đế tức là Níp-bàn; 4 là đạo đế tức là bát chi đạo hiệp tâm đạo. Còn ngoại đế là tâm siêu thế và 28 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Dứt phần giải Đầu đề tam.

PHÁP TỤ ĐẦU ĐỀ NHỊ (DUKAMĀTIKĀ) (Có 100 đề)

Đầu đề nhị (Dukamātikā) thuộc về phần lớn thứ 2 của bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅginī) - là bộ thứ nhất trong tạng Vô Tỷ Pháp (Abhidhammāpiṭaka).

Phần lớn thứ hai này có 100 đầu đề nhị, gồm 13 phần nhỏ như sau:

- Phần nhỏ thứ nhất là phần tụ nhân, (hetugocchaka)[321] có 6 đầu đề nhị.

- Phần nhỏ thứ hai là phần duyên, (cūḷantaraduka) có 7 đầu đề nhị.

- Phần nhỏ thứ ba là phần tụ lậu, (āsavagocchaka) có 6 đầu đề nhị.

- Phần nhỏ thứ tư là phần tụ triền, (saññojagocchaka) có 6 đầu đề nhị.

Bốn phần vừa kể, từ thứ nhất đến thứ tư có 25 đầu đề nhị.

- Phần nhỏ thứ năm là phần tụ phược, (ganthagocchaka) có 6 đầu đề nhị.

- Phần nhỏ thứ sáu là phần tụ bộc, (oghagocchaka) có 6 đầu đề nhị.

- Phần nhỏ thứ bảy là phần tụ phối, (yogagocchaka) có 6 đầu đề nhị.

- Phần nhỏ thứ tám là phần tụ cái, (nīvaraṇagocchaka) có 6 đầu đề nhị.

Bốn phần kể trên, từ thứ năm tới thứ tám có 24 đầu đề nhị.

- Phần nhỏ thứ chín là phần tụ khinh thị (parāmāsagocchaka) có 5 đầu đề nhị.

- Phần nhỏ thứ mười là phần đề đại (mahantaraduka) có 14 đầu đề nhị.

- Phần nhỏ thứ mười một là phần tụ thủ (upādānagocchaka) có 6 đầu đề nhị.

Ba phần vừa nêu, thứ 9, 10 và 11 có 25 đầu đề nhị.

- Phần nhỏ thứ mười hai là phần tụ phiền não (kilesagocchaka) có 8 đầu đề nhị.

- Phần nhỏ thứ mười ba là phần yêu bối (piṭṭhiduka) (sau lưng hay ở đằng sau, tức là thuộc về phần sau chót), có 18 đầu đề nhị.

Hai phần vừa nêu, 12 và 13 có 26 đầu đề nhị.

Đầu đề nhị nói theo câu có một cách là nhị đề chiết hay chiết báng (ādiladdhanāmaduka) nghĩa là tên đề lấy chiết báng một câu trước mà đặt kêu tên đề, như là nhị đề nhân: Tất cả pháp nhân, tất cả pháp phi nhân. Vì cái tên đầu đề không trùm hết 2 câu, chỉ lấy chiết báng một câu.

Một trăm nhị đề nói theo 2 câu thuộc về nhị đề chiết hay chiết báng (ādiladdhanāmaduka).

Đầu đề nhị nói theo chi pháp có 2 cách: 1 là nhị đề hữu dư (sappadesaduka) tức là hai câu trong 1 đề mà lấy không hết chi pháp siêu lý; 2 là nhị đề vô dư (nippadesaduka) nghĩa là hai câu trong 1 đề mà lấy hết chi pháp siêu lý.

1. Phần Nhỏ Thứ Nhất Là Phần Tụ Nhân (Hetugocchaka)

Chỉ chấm và cách đọc trang 1 / Đầu đề nhị

Các số 135, 139, 142, 153, 154 và 173 chấm màu đỏ. Từ số 1 đến số 81, các số 82, 87, 92, 97, 102, 107, 112, 117 chấm màu xanh đậm. Từ số 83 đến số 86, từ số 88 đến số 91, từ số 93 đến số 96, từ số 98 đến số 101, từ số 103 đến số 106, từ số 108 đến số 111, từ số 113 đến số 116, từ số 118 đến số 121 chấm màu xanh lợt. Từ số 122 đến số 134, các số 136, 137, 138, 140, 141, từ số 143 đến số 152, từ số 155 đến số 172, từ số 174 đến số 202 chấm màu xanh đậm.

1. Nhị đề Nhân (Hetuduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Hetū dhammā (tất cả pháp nhân)[322] là: 6 nhân tương ưng.

Chia đặng: 1 uẩn, 1 xứ, 1 giới, 3 đế và ngoại đế.

1 uẩn là hành uẩn tức là 6 nhân tương ưng.

1 xứ là pháp xứ tức là 6 nhân tương ưng.

1 giới là pháp giới tức là 6 nhân tương ưng.

3 đế: 1 là khổ đế tức là 5 nhân hợp với tâm hiệp thế (trừ tham); 2 là tập đế tức là nhân tham; 3 là đạo đế tức là trí hợp với tâm đạo. Ngoại đế là trí hiệp quả siêu thế và vô tham, vô sân hiệp siêu thế.

Câu 2: Na hetū dhammā (tất cả pháp phi nhân)[323] là: Tâm, sở hữu tâm, sắc pháp và Níp-bàn (trừ 6 nhân).

Chia đặng: 5 uẩn, ngoại uẩn, 12 xứ, 18 giới, 3 đế và ngoại đế.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng; 4 là hành uẩn tức là 44 sở hữu (trừ thọ, tưởng và 6 nhân); 5 là thức uẩn tức là tâm. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm; 12 là pháp xứ tức là Níp-bàn, sắc tế và 46 sở hữu (trừ 6 nhân).

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khán ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là 108 tâm (trừ ngũ song thức và ý giới); 18 là pháp giới tức là Níp-bàn, sắc tế và 46 sở hữu hợp (trừ 6 nhân).

3 đế: 1 là khổ đế tức là tâm hiệp thế, sắc pháp và 46 sở hữu hợp (trừ 6 nhân); 2 là diệt đế tức là Níp-bàn; 3 là đạo đế tức là 7 chi đạo sau hợp với tâm đạo. Ngoại đế là tâm siêu thế và 33 sở hữu hợp (trừ 3 nhân và đạo đế).

Chỉ chấm và cách đọc trang 2 / Đầu đề nhị

Từ số 1 đến số 12, từ số 31 đến số 121, số 134, từ số 136 đến số 173 chấm màu đỏ đậm (lưu ý: Về tâm siêu thế hàng sơ thiền chấm màu đỏ đậm, còn 4 hàng sau chấm màu đỏ lợt). Từ số 13 đến số 30, từ số 174 đến số 202 chấm màu xanh đậm. Từ số 122 đến số 133 và số 135 chấm phân nửa trên màu đỏ, phân nửa dưới màu xanh.

2. Nhị đề Hữu nhân[324] (Sahetukaduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Sahetukā dhammā (tất cả pháp hữu nhân) là: 71 tâm hữu nhân và 52 sở hữu hợp (trừ si hiệp 2 tâm si).

Chia đặng: 4 uẩn, 2 xứ, 2 giới, 3 đế và ngoại đế.

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm hữu nhân; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm hữu nhân; 3 là hành uẩn tức là 50 sở hữu hợp với tâm hữu nhân (trừ thọ và tưởng); 4 là thức uẩn tức là tâm hữu nhân.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm hữu nhân; 2 là pháp xứ tức là 52 sở hữu hợp với tâm hữu nhân (trừ si hợp tâm si).

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm hữu nhân; 2 là pháp giới tức là 52 sở hữu hợp với tâm hữu nhân (trừ si hợp tâm si).

3 đế: 1 là khổ đế tức là 63 tâm hữu nhân hiệp thế, 51 sở hữu (trừ tham và si hợp tâm si); 2 là tập đế tức là sở hữu tham; 3 là đạo đế tức là bát chi đạo hợp tâm đạo. Ngoại đế tức là tâm siêu thế và 36 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Câu 2: Ahetukā dhammā (tất cả pháp vô nhân) là: 18 tâm vô nhân, 12 sở hữu hợp (trừ dục), sở hữu si hiệp 2 tâm si, 28 sắc pháp và Níp-bàn.

Chia đặng: 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới, 2 đế và ngoại uẩn.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm vô nhân; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm vô nhân; 4 là hành uẩn tức là si hợp 2 tâm si và 10 sở hữu tợ tha hợp tâm vô nhân; 5 là thức uẩn tức là tâm vô nhân.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm vô nhân; 12 là pháp xứ tức là si hợp 2 tâm si, 12 sở hữu tợ tha hợp tâm vô nhân, sắc tế và Níp-bàn.

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khán ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là tâm khán ý môn, tiếu sinh và 3 tâm thẩm tấn;18 là pháp giới tức là si hợp 2 tâm si, 12 sở hữu tợ tha hợp với tâm vô nhân, sắc tế và Níp-bàn.

2 đế: 1 là khổ đế tức là tâm vô nhân, si hợp tâm si, 12 sở hữu hợp và sắc pháp; 2 là diệt đế tức là Níp-bàn.

Chỉ chấm và cách đọc trang 3 / Đầu đề nhị

Trang 3 cách chấm giống như cách chấm trang 2 / tập mười ba

3. Nhị đề Tương ưng nhân[325] (Hetusampayuttaduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Hetusampayuttā dhammā (tất cả pháp tương ưng nhân) là: Tâm hữu nhân và 52 sở hữu hợp (trừ si hiệp tâm si).

Chia đặng: 4 uẩn, 2 xứ, 2 giới, 3 đế và ngoại đế.

Câu 2: Hetuvippayuttā dhammā (tất cả pháp bất tương ưng nhân) là: 18 tâm vô nhân, 12 sở hữu hợp, sở hữu si hiệp tâm si, sắc pháp và Níp-bàn.

Chia như trang 2 tập 13 này.

Chỉ chấm và cách đọc trang 4 / Đầu đề nhị

Từ số 1 đến số 12, từ số 31 đến số 134, từ số 136 đến số 138, số 140, số 141, từ số 143 đến số 152, từ số 155 đến số 172 chấm màu xanh (tâm siêu thế, hàng sơ thiền chấm màu xanh đậm, còn 4 hàng sau chấm màu xanh lợt). Các số 135, 139, 142, 154, 173 chấm màu đỏ. Số 153 chấm 2 phần 3 màu đỏ, 1/3 để trắng.

4. Nhị đề Nhân hữu nhân[326] (Hetusahetukaduka)… chiết… hữu dư…

Câu 1: Hetū ceva dhammā sahetukā ca (tất cả pháp nhân và hữu nhân) là: 6 nhân hiệp tâm 2, 3 nhân (trừ si hiệp trong 2 tâm si).

Chia đặng: 1 uẩn, 1 xứ, 1 giới, 3 đế và ngoại đế.

1 uẩn là hành uẩn tức là 6 nhân tương ưng.

1 xứ là pháp xứ tức là 6 nhân tương ưng.

1 giới là pháp giới tức là 6 nhân tương ưng.

3 đế: 1 là khổ đế tức là 5 nhân tương ưng (trừ nhân tham) hợp với tâm hiệp thế, 2 là tập đế tức là nhân tham, 3 là đạo đế tức là sở hữu trí hợp tâm đạo. Ngoại đế là trí hiệp tâm quả siêu thế.

Câu 2: Sahetukāceva dhammā na ca hetū (tất cả pháp hữu nhân mà phi nhân) là: 71 tâm hữu nhân, 46 sở hữu hợp (trừ 6 nhân hiệp ngoài tâm si).

Chia đặng: 4 uẩn, 2 xứ, 2 giới, 2 đế và ngoại đế.

4 danh uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm hữu nhân; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm hữu nhân; 3 là hành uẩn tức là 44 sở hữu hợp với tâm hữu nhân (trừ thọ, tưởng và 6 nhân); 4 là thức uẩn tức là tâm hữu nhân.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm hữu nhân; 2 là pháp xứ tức là 46 sở hữu hợp với tâm hữu nhân (trừ 6 nhân).

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm hữu nhân; 2 là pháp giới tức là 46 sở hữu hợp với tâm hữu nhân (trừ 6 nhân).

2 đế: 1 là khổ đế tức là 63 tâm hữu nhân hiệp thế và 46 sở hữu hợp (trừ 6 nhân); 2 là đạo đế tức là 7 chi đạo sau hợp tâm đạo. Ngoại đế là tâm siêu thế và 33 sở hữu hợp (trừ 3 nhân và đạo đế).

Chỉ chấm và cách đọc trang 5 / Đầu đề nhị

Cách chấm trang 5 giống như cách chấm trang 4.

5. Nhị đề Nhân tương ưng nhân[327] (Hetuhetusampayuttaduka)… chiết… hữu dư…

Câu 1: Hetū ceva dhammā hetusampayuttā ca (tất cả pháp nhân và tương ưng nhân) là: 6 nhân hiệp tâm 2, 3 nhân.

Chia đặng: 1 uẩn, 1 xứ, 1 giới, 3 đế và ngoại đế.

Câu 2: Hetusampayuttā ceva dhammā na ca hetū (tất cả pháp tương ưng nhân mà phi nhân) là: Tâm hữu nhân, 46 sở hữu hợp (trừ 6 nhân hiệp ngoài tâm si).

Chia như trang 4 tập 13 này.

Chỉ chấm và cách đọc trang 6 / Đầu đề nhị

Từ số 1 đến số 12, từ số 31 đến số 121, các số 134, 136, 137, 138, 140, 141, từ 143 đến số 152, từ số 155 đến số 172 chấm màu đỏ đậm (riêng tâm siêu thế chấm hàng sơ thiền màu đỏ đậm, còn 4 hàng sau chấm màu đỏ lợt). Từ số 122 đến số 133 chấm phân nửa trên màu đỏ, phân nửa dưới màu xanh. Từ số 13 đến số 18, từ số 174 đến số 202 chấm màu xanh.

6. Nhị đề Phi nhân hữu nhân[328] (Nahetusahetukaduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Na hetū kho pana dhammā sahetukā pi (tất cả pháp phi nhân mà hữu nhân) là: tâm hữu nhân và 46 sở hữu hợp (trừ 6 nhân).

Chia đặng: 4 uẩn, 2 xứ, 2 giới và 2 đế.

4 danh uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm hữu nhân; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm hữu nhân; 3 là hành uẩn tức là 44 sở hữu hợp với tâm hữu nhân (trừ thọ và tưởng); 4 là thức uẩn tức là tâm hữu nhân.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm hữu nhân; 2 là pháp xứ tức là 46 sở hữu hợp với tâm hữu nhân (trừ 6 nhân).

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm hữu nhân; 2 là pháp giới tức là 46 sở hữu hợp với tâm hữu nhân (trừ 6 nhân).

2 đế: 1 là khổ đế tức là 63 tâm hữu nhân hiệp thế và 46 sở hữu hợp (trừ 6 nhân); 2 là đạo đế tức là 7 chi đạo sau hợp tâm đạo. Ngoại đế là tâm siêu thế và 33 sở hữu hợp (trừ 3 nhân và đạo đế).

Câu 2: Na hetū kho pana dhammā ahetukā pi (tất cả pháp phi nhân và vô nhân) là: 18 tâm vô nhân, 12 sở hữu hợp, sắc pháp và Níp-bàn.

Chia đặng: 5 uẩn, ngoại uẩn, 12 xứ, 18 giới và 2 đế.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm vô nhân; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm vô nhân; 4 là hành uẩn tức là 10 sở hữu hợp tợ tha hợp với tâm vô nhân (trừ thọ và tưởng); 5 là thức uẩn tức là tâm vô nhân. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm vô nhân; 12 là pháp xứ tức là 10 sở hữu tợ tha hợp tâm vô nhân, sắc tế, và Níp-bàn.

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khán ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là khán ý môn, tiếu sinh và 3 tâm thẩm tấn; 18 là pháp giới tức là 12 sở hữu tợ tha hợp với tâm vô nhân, sắc tế và Níp-bàn.

2 đế: 1 là khổ đế tức là tâm vô nhân, 12 sở hữu hợp và sắc pháp; 2 là diệt đế tức là Níp-bàn.

2. Phần Nhỏ Thứ Hai Là Phần Duyên (Cūḷantaraduka)

Chỉ chấm và cách đọc trang 7 / Đầu đề nhị

Từ số 1 đến số 201 chấm màu đỏ đập (riêng tâm siêu thế hàng sơ thiền chấm màu đỏ đậm, còn 4 hàng sau chấm màu đỏ lợt). Số 202 chấm màu xanh đậm.

7. Nhị đề Hữu duyên[329] (Sappaccayaduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Sappaccayā dhammā (tất cả pháp hữu duyên) là: Tâm, sở hữu tâm và sắc pháp.

Chia đặng: 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới, 3 đế và ngoại đế.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng; 4 là hành uẩn tức là 50 sở hữu (trừ thọ và tưởng); 5 là thức uẩn tức là tâm.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm; 12 là pháp xứ tức là 52 sở hữu hợp và 16 sắc tế.

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khán ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là 108 tâm (trừ ngũ song thức và ý giới); 18 là pháp giới tức là 52 sở hữu và 16 sắc tế.

3 đế: 1 là khổ đế tức là sắc pháp, tâm hiệp thế và 51 sở hữu hợp (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham; 3 là đạo đế tức là bát chi đạo hợp tâm đạo. Ngoại đế là tâm siêu thế và 36 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Câu 2: Appaccayā dhammā (tất cả pháp vô duyên) là Níp-bàn.

Chia đặng: Ngoại uẩn, 1 xứ, 1 giới và 1 đế. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn. 1 xứ là pháp xứ tức là Níp-bàn. 1 giới là pháp giới tức là Níp-bàn. 1 đế là diệt đế tức là Níp-bàn.

Chỉ chấm và cách đọc trang 8 / Đầu đề nhị

Cách chấm trang 8 giống như cách chấm trang 7.

8. Nhị đề Hữu vi[330] (Saṅkhataduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Saṅkhatā dhammā (tất cả pháp hữu vi) là: Tất cả tâm, sở hữu tâm và sắc pháp

Chia đặng: 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới, 3 đế và ngoại đế.

Câu 2: Asaṅkhatā dhammā (tất cả pháp vô vi) tức là Níp-bàn.

Chia đặng: Ngoại uẩn, 1 xứ, 1 giới, 1 đế.

Chia như trang 7 tập 13 này.

Chỉ chấm và cách đọc trang 9 / Đầu đề nhị

Số 183 chấm màu đỏ. Từ số 1 đến số 182, từ số 184 đến số 202 chấm màu xanh (tâm siêu thế hàng sơ thiền chấm màu xanh đậm, còn 4 hàng sau chấm màu xanh lợt).

9. Nhị đề Bị thấy (hữu kiến, thấy đặng)[331] (Sanidassanaduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Sanidassanā dhammā (tất cả pháp hữu kiến) là cảnh sắc.

Chia đặng: 1 uẩn, 1 xứ, 1 giới, 1 đế. 1 uẩn là sắc uẩn tức là cảnh sắc. 1 xứ là pháp xứ tức là cảnh sắc. 1 giới là sắc giới tức là cảnh sắc. 1 đế là khổ đế tức là cảnh sắc.

Câu 2: Anidassanā dhammā (tất cả pháp vô kiến) là: Tất cả pháp siêu lý (trừ cảnh sắc).

Chia đặng: 5 uẩn, 11 xứ, 17 giới, 4 đế và ngoại đế.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 27 sắc pháp (trừ cảnh sắc); 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng; 4 là hành uẩn tức là 50 sở hữu (trừ thọ và tưởng); 5 là thức uẩn tức là tâm.

11 xứ (chỉ trừ sắc xứ). 17 giới (trừ ra sắc giới).

4 đế: 1 là khổ đế tức là tâm hiệp thế, 51 sở hữu hợp (trừ tham) và sắc pháp (trừ cảnh sắc); 2 là tập đế tức là sở hữu tham; 3 là diệt đế tức là Níp-bàn; 4 là đạo đế tức là chi đạo hợp tâm đạo. Ngoại đế là tâm siêu thế và 36 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Chỉ chấm và cách đọc trang 10 / tập mười ba

Số 174, từ số 176 đến số 186 chấm màu đỏ. Từ số 1 đến số 173, số 175, từ số 187 đến số 202, chấm màu xanh (riêng về tâm siêu thế hàng sơ thiền chấm màu xanh đậm, còn 4 hàng sau chấm màu xanh lợt).

10. Nhị đề Bị đối chiếu (hữu đối chiếu)[332] (Sappaṭighaduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Sappatighā dhammā (tất cả pháp hữu đối chiếu) là 12 sắc thô.

Chia đặng: 1 uẩn, 10 xứ, 10 giới và 1 đế. 1 uẩn là sắc uẩn tức là 12 sắc thô. 10 xứ thô tức là 12 sắc thô. 10 giới thô tức là 12 sắc thô. 1 đế là khổ đế tức là 12 sắc thô.

Câu 2: Appatighā dhammā (tất cả pháp vô đối chiếu) là: Tâm, sở hữu tâm, sắc tế và Níp-bàn.

Chia đặng: 5 uẩn, ngoại uẩn, 2 xứ, 8 giới, 4 đế và ngoại đế.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 16 sắc tế; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng; 4 là hành uẩn tức là 50 sở hữu (trừ thọ và tưởng); 5 là thức uẩn tức là tâm. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm; 2 là pháp xứ tức là 52 sở hữu, sắc tế và Níp-bàn.

8 giới: 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 6 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khán ngũ môn; 7 là ý thức giới tức là 108 tâm (trừ ngũ song thức và ý giới); 8 là pháp giới tức là 52 sở hữu, sắc tế và Níp-bàn.

3 đế: 1 là khổ đế tức là tâm hiệp thế, 51 sở hữu hợp (trừ tham) và sắc tế; 2 là tập đế tức là sở hữu tham; 3 là diệt đế tức là Níp-bàn; 4 là đạo đế tức là 8 chi đạo hợp tâm đạo. Ngoại đế là tâm siêu thế và 33 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Chỉ chấm và cách đọc trang 11 / Đầu đề nhị

Từ số 174 đến số 201 chấm màu đỏ đậm. Từ số 1 đến số 173 và số 202 chấm màu xanh (tâm siêu thế hàng sơ thiền chấm màu xanh đậm, còn 4 hàng sau chấm màu xanh lợt).

11. Nhị đề Chơn sắc[333] (Rūpiduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Rūpino dhammā (tất cả pháp chơn sắc) là 28 sắc pháp.

Chia đặng: 1 uẩn, 11 xứ, 11 giới, 1 đế.

1 uẩn: là sắc uẩn (tức là 28 sắc pháp).

11 xứ: là 10 xứ thô (tức là 12 sắc thô) và pháp xứ.

11 giới: 10 giới thô (tức là 12 sắc thô) và pháp giới.

1 đế: là khổ đế (tức là 28 sắc pháp).

Câu 2: Arūpino dhammā (tất cả pháp phi chơn sắc) là: Tâm, sở hữu tâm và Níp-bàn.

Chia đặng: 4 uẩn, ngoại uẩn, 2 xứ, 8 giới, 4 đế và ngoại đế.

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng; 3 là hành uẩn tức là 50 sở hữu (trừ thọ và tưởng); 4 là thức uẩn tức là tâm. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm; 2 là pháp xứ tức là 52 sở hữu và Níp-bàn.

8 giới: 5 giới thức tức là ngũ song thức; 6 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khán ngũ môn; 7 là ý thức giới tức là 108 tâm (trừ ngũ song thức và ý giới); 8 là pháp giới tức là 52 sở hữu và Níp-bàn.

3 đế: 1 là khổ đế tức là tâm hiệp thế và 51 sở hữu hợp (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham; 3 là diệt đế tức là Níp-bàn; 4 là đạo đế tức là 8 chi đạo hợp tâm đạo. Ngoại đế là tâm siêu thế và 36 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Chỉ chấm và cách đọc trang 12 / Đầu đề nhị

Từ số 1 đến số 81, từ số 135 đến số 148, số 171 và số 172, từ số 174 đến số 201 chấm màu đỏ đậm. Các số 82, 87, 92, 97, 102, 107, 112, 117 và 202 chấm màu xanh đậm. Từ số 83 đến số 86, từ số 88 đến số 91, từ số 93 đến số 96, từ số 98 đến số 101, từ số 103 đến số 106, từ số 108 đến số 111, từ số 113 đến số 116, từ số 118 đến số 121 chấm màu xanh lợt. Từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến số 170 và số 173 chấm phân nửa trên màu đỏ, phân nửa dưới màu xanh.

12. Nhị đề Hiệp thế[334] (Lokiyaduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Lokiyā dhammā (tất cả pháp hiệp thế) là: Tâm hiệp thế, 52 sở hữu tâm và sắc pháp.

Chia đặng: 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới và 2 đế.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm hiệp thế; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm hiệp thế; 4 là hành uẩn tức là 50 sở hữu hợp với tâm hiệp thế (trừ thọ và tưởng); 5 là thức uẩn tức là tâm hiệp thế.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm hiệp thế; 12 là pháp xứ tức là 52 sở hữu hợp với tâm hiệp thế và sắc tế.

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khán ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là 61 tâm hiệp thế (trừ ngũ song thức và ý giới); 18 là pháp giới tức là 52 sở hữu hợp với tâm hiệp thế và sắc tế.

2 đế: 1 là khổ đế tức là sắc pháp, tâm hiệp thế và 51 sở hữu hợp (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Câu 2: Lokuttarā dhammā (tất cả pháp siêu thế) là: 4 đạo, 4 quả, 36 sở hữu hợp và Níp-bàn.

Chia đặng: 4 uẩn, ngoại uẩn, 2 xứ, 2 giới, 2 đế và ngoại đế.

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm siêu thế; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm siêu thế; 3 là hành uẩn tức là 34 sở hữu hợp với tâm siêu thế (trừ thọ và tưởng); 4 là thức uẩn tức là tâm siêu thế. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm siêu thế; 2 là pháp xứ tức là 36 sở hữu hợp với tâm siêu thế và Níp-bàn.

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm siêu thế; 2 là pháp giới tức là 36 sở hữu hợp với tâm siêu thế và Níp-bàn.

2 đế: 1 là diệt đế tức là Níp-bàn; 2 là đạo đế tức là 8 chi đạo sau hợp tâm đạo. Ngoại đế là tâm siêu thế và 36 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Chỉ chấm và cách đọc trang 13 / Đầu đề nhị - Phần Duyên

Từ số 1 đến số 202, chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới màu xanh.

Nhị đề thứ bảy trong phần Duyên (Kenaciviññeyyaduka)

13. Nhị đề Tâm biết (cũng có tâm biết đặng)[335]… chiết… vô dư…

Câu 1: Kenaciviññeyyā dhammā (tất cả pháp cũng có tâm biết đặng) là pháp siêu lý.

Câu 2: Kenacinaviññeyyā dhammā (tất cả pháp cũng có tâm không biết đặng) là pháp siêu lý

Chia: Uẩn, xứ, giới, đế như (Hàm Tận Nhiếp).

Chia như 4 trang chót (Hàm Tận Nhiếp).

3. Phần Nhỏ Thứ Ba Là Phần Tụ Lậu (Āsavagocchaka)

Chỉ chấm và cách đọc trang 14 / Đầu đề nhị

Các số 135, 139 và 140 chấm màu đỏ. Từ số 1 đến số 134, các số 136, 137, 138, từ số 141 đến số 202 chấm màu xanh (riêng về tâm siêu thế, hàng sơ thiền chấm màu xanh lợt).

14. Nhị đề Lậu[336] (Āsavaduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Āsavā dhammā (tất cả pháp lậu) là: Tham, si và tà kiến.

Chia đặng: 1 uẩn, 1 xứ, 1 giới và 2 đế.

1 uẩn là hành uẩn tức là si, tham, tà kiến. 1 xứ là pháp xứ tức là si, tham, tà kiến.

1 giới là pháp giới tức là si, tham, tà kiến.

2 đế: 1 là khổ đế tức là si, tà kiến (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Câu 2: No āsavā dhammā (tất cả pháp phi lậu) là: 89 tâm, 49 sở hữu tâm, 28 sắc pháp và Níp-bàn (trừ 3 chi pháp lậu).

Chia đặng: 5 uẩn, ngoại uẩn, 12 xứ, 18 giới, 3 đế và ngoại đế.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng; 4 là hành uẩn tức là 47 sở hữu (trừ thọ, tưởng, tham, si và tà kiến); 5 là thức uẩn tức là tâm. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm; 12 là pháp xứ tức là sắc tế, Níp-bàn và 49 sở hữu hợp (trừ 3 chi lậu).

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khán ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là 108 tâm (trừ ngũ song thức và ý giới); 18 là pháp giới tức là Níp-bàn, sắc tế và 49 sở hữu hợp (trừ 3 chi lậu).

3 đế: 1 là khổ đế tức là tâm hiệp thế, sắc pháp và 49 sở hữu hợp (trừ 3 chi lậu); 2 là diệt đế tức là Níp-bàn; 3 là đạo đế tức là bát chi đạo hợp tâm đạo. Ngoại đế là tâm siêu thế và 36 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Chỉ chấm và cách đọc trang 15 / Đầu đề nhị

Từ số 1 đến số 81, từ số 135 đến số 148, các số 171, 172 và từ số 174 đến số 201 chấm màu đỏ. Các số 82, 87, 92, 97, 102, 107, 112, 117 và số 202 chấm màu xanh đậm. Từ số 83 đến số 86, từ số 88 đến số 91, từ số 93 đến số 96, từ số 98 đến số 101, từ số 103 đến số 106, từ số 108 đến số 111, từ số 113 đến số 116, từ số 118 đến số 121 chấm màu xanh lợt. Từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến số 170 và 173 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới màu xanh.

15. Nhị đề Cảnh lậu[337] (Sāsavaduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Sāsavā dhammā (tất cả pháp cảnh lậu) là pháp hiệp thế (81tâm hiệp thế, 52 sở hữu hợp, 28 sắc pháp).

Chia đặng: 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới, 2 đế.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm hiệp thế; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm hiệp thế; 4 là hành uẩn tức là 50 sở hữu hợp với tâm hiệp thế (trừ thọ và tưởng); 5 là thức uẩn tức là tâm hiệp thế.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm hiệp thế; 12 là pháp xứ tức là 52 sở hữu hợp với tâm hiệp thế và sắc tế.

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khán ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là 68 tâm hiệp thế (trừ ngũ song thức và ý giới); 18 là pháp giới tức là 52 sở hữu hợp với tâm hiệp thế và sắc tế.

2 đế: 1 là khổ đế tức là tâm hiệp thế, sắc pháp và 51 sở hữu hợp (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Câu 2: Anāsavā dhammā (tất cả pháp phi cảnh lậu) là pháp siêu thế (8 tâm siêu thế, 36 sở hữu hợp, Níp-bàn).

Chia đặng: 4 uẩn, 2 xứ, 2 giới, 2 đế và ngoại đế.

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm siêu thế; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm siêu thế; 3 là hành uẩn tức là 34 sở hữu hợp với tâm siêu thế (trừ thọ và tưởng); 4 là thức uẩn tức là tâm siêu thế. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm siêu thế; 2 là pháp xứ tức là 36 sở hữu hợp với tâm siêu thế và Níp-bàn.

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm siêu thế; 2 là pháp giới tức là 36 sở hữu hợp với tâm siêu thế và Níp-bàn.

2 đế: 1 là diệt đế tức là Níp-bàn; 2 là đạo đế tức là bát chi đạo hợp với tâm đạo. Ngoại đế là tâm siêu thế và 36 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Chỉ chấm và cách đọc trang 16 / Đầu đề nhị

Từ số 1 đến số 12, từ số 136 đến số 148 chấm màu đỏ. Từ số 13 đến số 121, từ số 149 đến số 202 chấm màu xanh (tâm siêu thế hàng sơ thiền chấm màu xanh đậm, còn 4 hàng sau chấm màu xanh lợt). Từ số 122 đến số 135 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới chấm màu xanh.

16. Nhị đề Tương ưng lậu[338] (Āsavasampayuttaduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Āsavasampayuttā dhammā (tất cả pháp tương ưng lậu) là: 12 tâm bất thiện và 27 sở hữu hợp (trừ si hiệp tâm si và 2 tâm sân).

Chia đặng: 4 uẩn, 2 xứ, 2 giới và 2 đế.

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm bất thiện; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm bất thiện; 3 là hành uẩn tức là 25 sở hữu hợp với tâm bất thiện (trừ thọ, tưởng và si hợp tâm si và 2 tâm sân); 4 là thức uẩn tức là tâm bất thiện.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm bất thiện; 2 là pháp xứ tức là 27 sở hữu hợp với tâm bất thiện (trừ si hợp 2 tâm si và si hợp 2 tâm sân).

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm bất thiện; 2 là pháp giới tức là 27 sở hữu hợp với tâm bất thiện (trừ si hợp 2 tâm si và si hợp 2 tâm sân).

2 đế: 1 là khổ đế tức là tâm bất thiện và 26 sở hữu hợp (trừ tham và si hợp 2 tâm si và si hợp 2 tâm sân); 2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Câu 2: Āsavavippayuttā dhammā (tất cả pháp bất tương ưng lậu) là: Tâm vô nhân, tâm tịnh hảo, 38 sở hữu hợp, sắc pháp, Níp-bàn, si hiệp 2 tâm si và si hiệp 2 tâm sân.

Chia đặng: 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới, 3 đế và ngoại đế.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm vô nhân và tâm tịnh hảo; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm vô nhân và tâm tịnh hảo; 4 là hành uẩn tức là si hợp 2 tâm si, si hợp 2 tâm sân và 36 sở hữu hợp với tâm vô nhân và tâm tịnh hảo (trừ thọ và tưởng); 5 là thức uẩn tức là tâm vô nhân và tâm tịnh hảo. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm vô nhân và tâm tịnh hảo; 12 là pháp xứ tức là si hợp 2 tâm si, si hợp 2 tâm sân và 38 sở hữu hợp với tâm vô nhân, tâm tịnh hảo, sắc tế và Níp-bàn.

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khán ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là khán ý môn, tiếu sinh, 3 tâm thẩm tấn và 91 tâm tịnh hảo;18 là pháp giới tức là si hợp 2 tâm si, si hợp 2 tâm sân và 38 sở hữu hợp với tâm vô nhân, tâm tịnh hảo, sắc tế và Níp-bàn.

3 đế: 1 là khổ đế tức là tâm vô nhân, tâm tịnh hảo hiệp thế, si hợp 2 tâm si, si hợp 2 tâm sân và 38 sở hữu hợp và sắc pháp; 2 là diệt đế tức là Níp-bàn; 3 là đạo đế tức là bát chi đạo hợp tâm đạo. Ngoại đế là tâm siêu thế và 36 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Chỉ chấm và cách đọc trang 17 / Đầu đề nhị

Số 135, 139 và 140 chấm màu đỏ. Từ số 1 đến số 81, các số 136, 137, 138, từ số 141 đến số 148, các số 171, 172, từ số 174 đến số 201 chấm màu xanh. Từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến số 170 và số 173 chấm phân nửa phía trên màu xanh, phân nửa phía dưới để trắng.

17. Nhị đề Lậu cảnh lậu[339] (Āsavasāsavaduka)… chiết… hữu dư…

Câu 1: Āsavā ceva dhammā sāsavā ca (tất cả pháp lậu và cảnh lậu) là 3 chi lậu.

Chia đặng: 1 uẩn, 1 xứ, 1 giới và 2 đế.

1 uẩn là hành uẩn tức là tham, si, tà kiến. 1 xứ là pháp xứ tức là tham, si, tà kiến.

1 giới là pháp giới tức là tham, si, tà kiến.

2 đế: 1 là khổ đế tức là si, tà kiến (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Câu 2: Sāvasā ceva dhammā no ca āsavā (tất cả pháp cảnh lậu mà phi lậu) là: 28 sắc pháp, 81 tâm hiệp thế, 49 sở hữu hợp (trừ 3 chi lậu).

Chia đặng: 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới và 1 đế.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm hiệp thế; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm hiệp thế; 4 là hành uẩn tức là 47 sở hữu hợp với tâm hiệp thế (trừ thọ và tưởng); 5 là thức uẩn tức là tâm hiệp thế.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm hiệp thế; 12 là pháp xứ tức là 49 sở hữu hợp với tâm hiệp thế và sắc tế.

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức;16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khán ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là 68 tâm hiệp thế (trừ ngũ song thức và ý giới); 18 là pháp giới tức là 49 sở hữu hợp với tâm hiệp thế và sắc tế.

1 đế: Khổ đế tức là tâm hiệp thế, sắc pháp và 49 sở hữu hợp (trừ tham, si, tà kiến).

Chỉ chấm và cách đọc trang 18 / Đầu đề nhị

Các số 139 và số 140 chấm màu đỏ. Số 135 chấm phân nửa trên màu đỏ, phân nửa dưới để trắng. Từ số 1 đến số 12, các số 136, 137, 138, từ số 141 đến số 148 chấm màu xanh đậm. Từ số 122 đến số 134 chấm phân nửa trên màu xanh, phân nửa dưới để trắng.

18. Nhị đề Lậu hiệp lậu (lậu tương ưng lậu)[340] (Āsava āsavasampayuttaduka)… chiết… hữu dư…

Câu 1: Āsavā ceva dhammā āsavasampayuttā ca (tất cả pháp lậu và tương ưng lậu) là: 3 chi lậu hiệp với tâm tham.

Chia đặng: 1 uẩn, 1 xứ, 1 giới và 2 đế.

1 uẩn là hành uẩn tức là tham, si, tà kiến. 1 xứ là pháp xứ tức là tham, si, tà kiến.

1 giới là pháp giới tức là tham, si, tà kiến.

2 đế: 1 là khổ đế tức là si và tà kiến;. 2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Câu 2: Āsavasampayuttā ceva dhammā no ca āsavā (tất cả pháp tương ưng lậu mà phi lậu) là: 12 tâm bất thiện và 24 sở hữu hợp (trừ 3 chi lậu).

Chia đặng: 4 uẩn, 2 xứ, 2 giới và 1 đế.

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm bất thiện; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm bất thiện; 3 là hành uẩn tức là 22 sở hữu hợp với tâm bất thiện (trừ thọ và tưởng); 4 là thức uẩn tức là tâm bất thiện.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm bất thiện; 2 là pháp xứ tức là 24 sở hữu hợp với tâm bất thiện (trừ tham, si và tà kiến).

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm bất thiện; 2 là pháp giới tức là 24 sở hữu hợp với tâm bất thiện (trừ tham, si và tà kiến).

1 đế: Khổ đế tức là tâm bất thiện và 24 sở hữu hợp (trừ tham, si và tà kiến).

Chỉ chấm và cách đọc trang 19 / Đầu đề nhị

Từ số 13 đến số 81, số 171 và số 172, từ số 174 đến số 201, chấm màu đỏ. Số 135 chấm 1/3 phía trên màu đỏ, còn 2 phần 3 phía dưới để trắng. Từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến số 170 và số 173 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới màu xanh. Các số 82, 87, 92, 97, 102, 107, 112, 117 và 202 chấm màu xanh đậm. Còn từ số 83 đến số 86, từ số 88 đến số 91, từ số 93 đến số 96, từ số 98 đến số 101, từ số 103 đến số 106, từ số 108 đến số 111, từ số 113 đến số 116, từ số 118 đến số 121 chấm màu xanh lợt.

19. Nhị đề Ly lậu cảnh lậu (bất tương ưng lậu cảnh lậu)[341] (Āsavavippayuttasāsavaduka)… chiết… hữu dư…

Câu 1: Āsavavippayuttā khopana dhammā sāsavā pi (tất cả pháp bất tương ưng lậu mà cảnh lậu) là: Tâm vô nhân, tâm tịnh hảo hiệp thế, 38 sở hữu hợp, 28 sắc pháp và si hiệp tâm sân và tâm si.

Chia đặng: 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới và 1 đế.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm vô nhân và tâm tịnh hảo hiệp thế; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm vô nhân và tâm tịnh hảo hiệp thế; 4 là hành uẩn tức là si hợp tâm si và tâm sân, 36 sở hữu hợp với tâm vô nhân và tâm tịnh hảo hiệp thế (trừ thọ và tưởng); 5 là thức uẩn tức là tâm vô nhân và tâm tịnh hảo hiệp thế.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm vô nhân và tâm tịnh hảo hiệp thế; 12 là pháp xứ tức là si hợp tâm si và tâm sân, 38 sở hữu hợp với tâm vô nhân, tâm tịnh hảo hiệp thế và sắc tế.

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khán ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là khán ý môn, tiếu sinh, 3 tâm thẩm tấn và tâm tịnh hảo hiệp thế; 18 là pháp giới tức là si hợp tâm si và tâm sân, 38 sở hữu hợp với tâm vô nhân, tâm tịnh hảo hiệp thế và sắc tế.

1 đế: Khổ đế tức là tâm vô nhân, tâm tịnh hảo hiệp thế, si hợp tâm si và tâm sân, 38 sở hữu hợp và sắc pháp.

Câu 2: Āsavavippayuttā kho pana dhammā anāsavā pi (tất cả pháp bất tương ưng lậu mà phi cảnh lậu) là: Pháp siêu thế (8 tâm siêu thế, 36 sở hữu hợp và Níp-bàn).

Chia đặng: 4 uẩn, ngoại uẩn, 2 xứ, 2 giới, 2 đế và ngoại đế.

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm siêu thế; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm siêu thế; 3 là hành uẩn tức là 34 sở hữu hợp với tâm siêu thế (trừ thọ và tưởng); 4 là thức uẩn tức là tâm siêu thế. Ngoại đế tức là Níp-bàn.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm siêu thế; 2 là pháp xứ tức là 36 sở hữu hợp với tâm siêu thế và Níp-bàn.

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm siêu thế; 2 là pháp giới tức là 36 sở hữu hợp với tâm siêu thế và Níp-bàn.

2 đế: 1 là diệt đế tức là Níp-bàn; 2 là đạo đế tức là bát chi đạo hợp tâm đạo. Ngoại đế là tâm siêu thế và 36 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

4. Phần Nhỏ Thứ Tư Là Phần Tụ Triền (Saññojanagocchaka)

­Chỉ chấm và cách đọc trang 20 / Đầu đề nhị

Số 135, từ số 139 đến số 144 và số 148 chấm màu đỏ. Từ số 1 đến số 134, các số 136, 137, 138, 146, 147, 148, từ số 149 đến số 202 chấm màu xanh.

20. Nhị đề Triền[342] (Saññojanaduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Saññojanā dhammā (tất cả pháp triền) là: Sở hữu tham-phần, sở hữu hoài nghi, sở hữu si và sở hữu sân-phần (trừ hối).

Chia đặng: 1 uẩn, 1 xứ, 1 giới và 2 đế.

1 uẩn là hành uẩn tức là 8 chi triền. 1 xứ là pháp xứ tức là 8 chi triền.

1 giới là pháp giới tức là 8 chi triền.

2 đế: 1 là khổ đế tức là 7 chi triền (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Câu 2: No Saññojanā dhammā (tất cả pháp phi triền) có pháp thực tính là pháp siêu lý, trừ chi pháp triền vừa kể là: 89 tâm, 44 sở hữu hợp, 28 sắc pháp và Níp-bàn.

Chia đặng: 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới, 3 đế và ngoại đế.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng; 4 là hành uẩn tức là 42 sở hữu (trừ thọ, tưởng và 8 chi triền); 5 là thức uẩn tức là tâm. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm; 12 là pháp xứ tức là 44 sở hữu, sắc tế và Níp-bàn (trừ 8 chi triền).

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khán ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là 108 tâm (trừ ngũ song thức và ý giới); 18 là pháp giới tức là Níp-bàn, sắc tế và 44 sở hữu (trừ 8 chi triền).

3 đế: 1 là khổ đế tức là tâm hiệp thế, sắc pháp và 44 sở hữu hợp (trừ 8 chi triền); 2 là diệt đế tức là Níp-bàn; 3 là đạo đế tức là 8 chi đạo hợp tâm đạo. Ngoại đế tức là tâm siêu thế và 36 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Chỉ chấm và cách đọc trang 21 / Đầu đề nhị

Từ số 1 đến số 81, từ số 135 đến số 148, các số 171, 172 và từ số 174 đến số 201 chấm màu đỏ. Các số 82, 87, 92, 97, 102, 107, 112, 117 và số 202 chấm màu xanh đậm. Từ số 83 đến số 86, từ số 88 đến số 91, từ số 93 đến số 96, từ số 98 đến số 101, từ số 103 đến số 106, từ số 108 đến số 111, từ số 113 đến số 116 và từ số 118 đến số 121 chấm màu xanh lợt. Từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến số 170 và số 173 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới màu xanh.

21. Nhị đề Cảnh triền[343] (Saññojaniyaduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Saññojaniyā dhammā (tất cả pháp cảnh triền) là pháp hiệp thế (81 tâm hiệp thế, 52 sở hữu hợp và 28 sắc pháp).

Chia đặng: 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới và 2 đế.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm hiệp thế; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm hiệp thế; 4 là hành uẩn tức là 50 sở hữu hợp với tâm hiệp thế (trừ thọ và tưởng); 5 là thức uẩn tức là tâm hiệp thế.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm hiệp thế; 12 là pháp xứ tức là 52 sở hữu hợp với tâm hiệp thế và sắc tế.

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khán ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là 68 tâm hiệp thế (trừ ngũ song thức và ý giới); 18 là pháp giới tức là 52 sở hữu hợp với tâm hiệp thế và sắc tế.

2 đế: 1 là khổ đế tức là tâm hiệp thế, sắc pháp và 51 sở hữu hợp (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Câu 2: Asaññojaniyā dhammā (tất cả pháp phi cảnh triền) là pháp siêu thế (8 tâm siêu thế, 36 sở hữu hợp và Níp-bàn)

Chia đặng: 4 uẩn, ngoại uẩn, 2 xứ, 2 giới, 2 đế và ngoại đế.

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm siêu thế; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm siêu thế; 3 là hành uẩn tức là 34 sở hữu hợp với tâm siêu thế (trừ thọ và tưởng); 4 là thức uẩn tức là tâm siêu thế.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm siêu thế; 2 là pháp xứ tức là 36 sở hữu hợp với tâm siêu thế và Níp-bàn.

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm siêu thế; 2 là pháp giới tức là 36 sở hữu hợp với tâm siêu thế và Níp-bàn.

2 đế: 1 là diệt đế tức là Níp-bàn; 2 là đạo đế tức là bát chi đạo hợp với tâm đạo. Ngoại đế là tâm siêu thế và 36 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Chỉ chấm và cách đọc trang 22 / tập mười ba

Từ số 1 đến số 12, từ số 136 đến số 148 chấm màu đỏ. Từ số 13 đến số 121, từ số 149 đến số 202, chấm màu xanh (tâm siêu thế hàng sơ thiền chấm màu xanh đậm, còn 4 hàng sau chấm màu xanh lợt). Từ số 122 đến số 135 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới màu xanh.

22. Nhị đề Hiệp triền (tương ưng triền)[344] (Saññojanasampayuttaduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Saññojanasampayuttā dhammā (tất cả pháp tương ưng triền) có pháp thực tính là pháp bất thiện, trừ si hiệp tâm si điệu cử là: 12 tâm bất thiện, 27 sở hữu hợp.

Chia đặng: 4 uẩn, 2 xứ, 2 giới và 2 đế.

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm bất thiện; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm bất thiện; 3 là hành uẩn tức là 25 sở hữu hợp với tâm bất thiện (trừ thọ, tưởng và si hợp tâm si điệu cử).

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm bất thiện; 2 là pháp xứ tức là 27 sở hữu hợp với tâm bất thiện (trừ si hợp tâm si điệu cử).

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm bất thiện; 2 là pháp giới tức là 27 sở hữu hợp với tâm bất thiện (trừ si hợp tâm si điệu cử).

2 đế: 1 là khổ đế tức là tâm bất thiện và 26 sở hữu hợp (trừ si hợp tâm si điệu cử và sở hữu tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Câu 2: Saññojanavippayuttā dhammā (tất cả pháp bất tương ưng triền) là: Níp-bàn, sắc pháp, tâm vô nhân, tâm tịnh hảo, 38 sở hữu hợp và si hiệp tâm si điệu cử.

Chia đặng: 5 uẩn, ngoại uẩn, 12 xứ, 18 giới, 3 đế và ngoại đế.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm vô nhân và tâm tịnh hảo; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm vô nhân và tâm tịnh hảo; 4 là hành uẩn tức là si hợp tâm si điệu cử, 36 sở hữu hợp với tâm vô nhân và tâm tịnh hảo (trừ thọ và tưởng); 5 là thức uẩn tức là tâm vô nhân và tâm tịnh hảo. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm vô nhân và tâm tịnh hảo; 12 là pháp xứ tức là si hợp tâm si điệu cử, 38 sở hữu hợp với tâm vô nhân, tâm tịnh hảo, sắc tế và Níp-bàn.

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khán ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là khán ý môn, tiếu sinh, 3 tâm thẩm tấn và 91 tâm tịnh hảo; 18 là pháp giới tức là si hợp tâm si điệu cử, 38 sở hữu hợp với tâm vô nhân, tâm tịnh hảo, sắc tế và Níp-bàn.

3 đế: 1 là khổ đế tức là tâm vô nhân và tâm tịnh hảo hiệp thế, si hợp tâm si điệu cử, 38 sở hữu hợp và sắc pháp; 2 là diệt đế tức là Níp-bàn; 3 là đạo đế tức là 8 chi đạo hợp với tâm đạo. Ngoại đế là tâm siêu thế và 36 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Chỉ chấm và cách đọc trang 23 / Đầu đề nhị

Số 135, từ số 139 đến số 144 và số 148 chấm màu đỏ. Từ số 1 đến số 81, các số 136, 137, 138, 145, 146, 147, 171, 172 và từ số 174 đến số 201 chấm màu xanh. Còn từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến số 170 và số 173 chấm phân nửa trên màu xanh, phân nửa dưới để trắng.

23. Nhị đề Triền cảnh triền[345] (Saññojanasaññojaniyaduka)… chiết… hữu dư…

Câu 1: Saññojanā ceva dhammā saññojaniyā ca (tất cả pháp triền và cảnh triền) là 8 chi pháp triền.

Chia như pháp triền.

1 uẩn là hành uẩn tức là 8 chi triền. 1 xứ là pháp xứ tức là 8 chi triền.

1 giới là pháp giới tức là 8 chi triền.

2 đế: 1 là khổ đế tức là 7 chi triền (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Câu 2: Saññojaniyā ceva dhammā no ca saññojanā (tất cả pháp cảnh triền mà phi triền) là pháp hiệp thế (trừ chi pháp triền).

Chia đặng: 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới và 1 đế.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm hiệp thế; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm hiệp thế (trừ 8 chi triền); 4 là hành uẩn tức là 42 sở hữu hợp với tâm hiệp thế (trừ thọ, tưởng và 8 chi triền); 5 là thức uẩn tức là tâm hiệp thế.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm hiệp thế; 12 là pháp xứ tức là 44 sở hữu hợp với tâm hiệp thế và sắc tế (trừ 8 chi triền).

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khán ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là 68 tâm hiệp thế (trừ ngũ song thức và ý giới); 18 là pháp giới tức là sắc tế, tâm hiệp thế và 44 sở hữu hợp (trừ 8 chi triền).

1 đế: Khổ đế tức là sắc pháp, tâm hiệp thế và 44 sở hữu hợp (trừ 8 chi triền).

Chỉ chấm và cách đọc trang 24 / Đầu đề nhị

Từ số 139 đến số 144 và số 148 chấm màu đỏ. Số 135 chấm 1/3 phía trên màu xanh, 2 phần 3 phía dưới màu đỏ. Tứ số 1 đến số 12, các số 136, 137, 138, 145, 146 và 147 chấm màu xanh. Còn từ số 122 đến số 134 chấm phân nửa trên màu xanh, phân nửa dưới để trắng,

24. Nhị đề Triền tương ưng triền[346] (Saññojanasaññojanasampayuttaduka)… chiết… hữu dư…

Câu 1: Saññojanā ceva dhammā saññojanasampayuttā ca (tất cả pháp triền và tương ưng triền) là 8 chi pháp triền (trừ si hiệp tâm si điệu cử).

Chia như pháp triền.

1 uẩn là hành uẩn tức là 8 chi pháp triền. 1 xứ là pháp xứ tức là 8 chi pháp triền.

1 giới là pháp giới tức là 8 chi pháp triền.

2 đế: 1 là khổ đế tức là 7 chi triền (trừ tham), 2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Câu 2: Saññojanāsampayuttā ceva dhammā no ca saññojanā (tất cả pháp tương ưng triền mà phi triền) là pháp bất thiện (trừ chi pháp triền).

Chia đặng: 4 uẩn, 2 xứ, 2 giới và 1 đế.

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm bất thiện; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm bất thiện; 3 là hành uẩn tức là 17 sở hữu hợp với tâm bất thiện (trừ thọ, tưởng và 8 chi triền); 4 là thức uẩn tức là tâm bất thiện.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm bất thiện; 2 là pháp xứ tức là 19 sở hữu hợp với tâm bất thiện (trừ 8 chi triền).

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm bất thiện; 2 là pháp giới tức là 19 sở hữu hợp với tâm bất thiện (trừ 8 chi triền).

1 đế: Khổ đế tức là tâm bất thiện và 19 sở hữu hợp (trừ 8 chi triền).

Chỉ chấm và cách đọc trang 25 / Đầu đề nhị

Từ số 13 đến số 81, các số 171 và số 172, từ số 174 đến số 201 chấm màu đỏ. Số 135 chấm 1/3 phía trên màu đỏ, còn 2 phần 3 phía dưới để trắng. Từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến số 170 và số 173 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới chấm màu xanh. Các số 82, 87, 92, 97, 102, 107, 112, 117 chấm màu xanh đậm và các số 202 cũng chấm màu xanh đậm. Từ số 83 đến số 86, từ số 88 đến số 91, từ số 93 đến số 96, từ số 98 đến 101, từ số 103 đến số 106, từ số 108 đến số 111, từ số 113 đến số 116, từ số 118 đến số 121 chấm màu xanh lợt.

25. Nhị đề Ly triền cảnh triền (bất tương ưng triền cảnh triền)[347] (Saññojanavippayuttasaññojaniyaduka)… chiết… hữu dư…

Câu 1: Saññojanavipppayuttā kho pana dhammā saññojaniyā pi (tất cả pháp bất tương ưng triền và cảnh triền) là: Sắc pháp, tâm vô nhân, tâm tịnh hảo hiệp thế, 38 sở hữu hợp và si hiệp tâm si điệu cử.

Chia đặng: 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới và 1 đế.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm vô nhân và tâm tịnh hảo hiệp thế; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm vô nhân và tâm tịnh hảo hiệp thế; 4 là hành uẩn tức là si hợp tâm si điệu cử, 36 sở hữu (trừ thọ, tưởng) hợp với tâm vô nhân và tâm tịnh hảo hiệp thế; 5 là thức uẩn tức là tâm vô nhân và tâm tịnh hảo hiệp thế.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm vô nhân và tâm tịnh hảo hiệp thế; 12 là pháp xứ tức là si hợp tâm si điệu cử, 38 sở hữu hợp với tâm vô nhân, tâm tịnh hảo hiệp thế và sắc tế.

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khán ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là tâm vô nhân và tâm tịnh hảo hiệp thế; 18 là pháp giới tức là si hợp tâm si điệu cử, 38 sở hữu hợp với tâm vô nhân, tâm tịnh hảo hiệp thế và sắc tế.

1 đế: Khổ đế tức là tâm vô nhân, tâm tịnh hảo hiệp thế, 38 sở hữu hợp, si hợp tâm si điệu cử và sắc pháp.

Câu 2: Saññojana vippayuttā kho pana dhammā asaññojaniyā pi (tất cả pháp bất tương ưng triền mà phi cảnh triền) là pháp siêu thế.

Chia đặng: 4 uẩn, 2 xứ, 2 giới và 2 đế.

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm siêu thế; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm siêu thế; 3 là hành uẩn tức là 34 sở hữu hợp với tâm siêu thế (trừ thọ và tưởng); 4 là thức uẩn tức là tâm siêu thế. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm siêu thế; 2 là pháp xứ tức là 36 sở hữu hợp với tâm siêu thế và Níp-bàn.

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm siêu thế; 2 là pháp giới tức là 36 sở hữu hợp với tâm siêu thế và Níp-bàn.

2 đế: 1 là diệt đế tức là Níp-bàn; 2 là đạo đế tức là bát chi đạo hợp tâm đạo. Ngoại đế là tâm siêu thế và 36 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Dứt phần nhỏ thứ 1, 2, 3, 4

Phần nhỏ thứ 5, 6, 7, 8:

· Phần phược (ganthagocchaka) có 6 đầu đề nhị (đây chỉ ghi thêm danh từ Pāḷi).

· Phần bộc (oghagocchaka) có 6 đầu đề nhị.

· Phần phối (yogagocchaka) có 6 đầu đề nhị.

· Phần cái (nivaraṇagocchaka) có 6 đầu đề nhị.

5. Phần Nhỏ Thứ Năm Là Phần Tụ Phược (Ganthogocchaka)

Chỉ chấm và cách đọc trang 26 / Đầu đề nhị

Các số 139, 140 và 142 chấm màu đỏ. Từ số 1 đến số 121, từ số 122 đến số 138, số 141, từ số 143 đến số 202 chấm màu xanh (tâm siêu thế hàng sơ thiền chấm màu xanh đậm, còn 4 hàng sau chấm màu xanh lợt).

26. Nhị đề Phược[348] (Ganthaduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Ganthā dhammā (tất cả pháp phược) là: Tham, sân và tà kiến.

Chia đặng: 1 uẩn, 1 xứ, 1 giới và 2 đế.

1 uẩn là hành uẩn (hành uẩn phược) tức là tham, sân, tà kiến.

1 xứ là pháp xứ tức là tham, sân và tà kiến.

1 giới là pháp giới tức là tham, sân và tà kiến.

2 đế: 1 là khổ đế tức là sân và tà kiến, 2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Câu 2: No ganthā dhammā (tất cả pháp phi phược) có pháp thực tính là lấy hết pháp siêu lý, trừ 3 chi pháp phược là: 89 tâm, 49 sở hữu tâm, 28 sắc pháp, Níp-bàn.

Chia đặng: 5 uẩn, ngoại uẩn, 12 xứ, 18 giới, 3 đế và ngoại đế.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng; 4 là hành uẩn tức là 47 sở hữu (trừ thọ, tưởng, tham, sân và tà kiến); 5 là thức uẩn tức là tâm.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm; 12 là pháp xứ tức là 49 sở hữu (trừ tham, sân, tà kiến), sắc tế và Níp-bàn.

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khán ngũ môn;17 là ý thức giới tức là 108 tâm (trừ ngũ song thức và ý giới); 18 là pháp giới tức là Níp-bàn, sắc tế và 49 sở hữu (trừ tham, sân và tà kiến).

3 đế: 1 là khổ đế tức là tâm hiệp thế, sắc pháp và 49 sở hữu (trừ tham, sân và tà kiến); 2 là diệt đế tức là Níp-bàn; 3 là đạo đế tức là bát chi đạo hợp tâm đạo. Ngoại đế là tâm siêu thế và 36 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Chỉ chấm và cách đọc trang 27 / Đầu đề nhị

Từ số 1 đến số 81, từ số 135 đến số 148, các số 171, 172, từ số 174 đến số 201 chấm màu đỏ. Số 202, từ số 82 đến số 121 chấm màu xanh đậm (tâm siêu thế hàng sơ thiền chấm màu xanh đậm, còn 4 hàng sau chấm màu xanh lợt). Từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến số 170 và số 173 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới xanh.

27. Nhị đề Cảnh phược[349] (Ganthaniyaduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Ganthaniyā dhammā (tất cả pháp cảnh phược) là pháp hiệp thế.

Chia đặng: 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới và 2 đế.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm hiệp thế; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với hiệp thế; 4 là hành uẩn tức là 50 sở hữu hợp với tâm hiệp thế (trừ thọ và tưởng); 5 là thức uẩn tức là tâm hiệp thế.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm hiệp thế; 12 là pháp xứ tức là 52 sở hữu hợp với tâm hiệp thế và sắc tế.

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khán ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là 68 tâm hiệp thế (trừ ngũ song thức và ý giới); 18 là pháp giới tức là 52 sở hữu hợp với tâm hiệp thế và sắc tế.

2 đế: 1 là khổ đế tức là sắc pháp, tâm hiệp thế và 51 sở hữu hợp (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Câu 2: Aganthaniyā dhammā (tất cả pháp phi cảnh phược) là pháp siêu thế.

Chia đặng: 4 uẩn, 2 xứ, 2 giới và 2 đế.

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm siêu thế; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm siêu thế; 3 là hành uẩn tức là 34 sở hữu hợp với tâm siêu thế (trừ thọ và tưởng).

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm siêu thế; 2 là pháp xứ tức là 36 sở hữu hợp với tâm siêu thế và Níp-bàn.

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm siêu thế; 2 là pháp giới tức là 36 sở hữu hợp với tâm siêu thế và Níp-bàn.

2 đế: 1 là diệt đế tức là Níp-bàn; 2 là đạo đế tức là bát chi đạo hợp tâm đạo. Ngoại đế là tâm siêu thế và 36 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Chỉ chấm và cách đọc trang 28 / Đầu đề nhị

Từ số 1 đến 10, số 140, số 141, từ số 143 đến số 147 chấm màu đỏ. Từ số 11 đến số 121, số 142, từ số 148 đến 202, chấm màu xanh đậm (tâm siêu thế hàng sơ thiền chấm xanh đậm, còn 4 hàng sau chấm màu xanh lợt). Từ số 122 đến số 139, chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới màu xanh.

28. Nhị đề Hiệp phược (tương ưng phược)[350] (Ganthasampayuttaduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Ganthasampayuttā dhammā (tất cả pháp tương ưng phược) là: 10 tâm bất thiện nhị nhân, 25 sở hữu hợp (trừ sân hiệp tâm sân và tham hiệp tâm tham bất tương ưng hoài nghi).

Chia đặng: 4 uẩn, 2 xứ, 2 giới và 2 đế.

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm tham và sân; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm tham và sân; 3 là hành uẩn tức là 23 sở hữu (trừ thọ, tưởng) hợp với tâm tham và sân; 4 là thức uẩn tức là tâm tham và sân.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm tham và sân; 2 là pháp xứ tức là 25 sở hữu hợp với tâm tham và sân.

2 giới: 1 là ý thức giới tức là 8 tâm tham và 2 tâm sân; 2 là pháp giới tức là 25 sở hữu hợp với tâm tham và sân.

2 đế: 1 là khổ đế tức là 8 tâm tham, 2 tâm sân, và 24 sở hữu hợp (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Câu 2: Ganthavippayuttā dhammā (tất cả pháp bất tương ưng phược (hay ly phược) là: Sắc pháp, Níp-bàn, 2 tâm si, 18 tâm vô nhân, tâm tịnh hảo và 43 sở hữu hợp, lấy thêm sân hiệp tâm sân và tham hiệp tâm tham bất tương ưng (trừ tham, tà kiến, ngã mạn, sân, tật, lận, hối, hôn trầm, thùy miên).

Chia đặng: 5 uẩn, ngoại uẩn, 12 xứ, 18 giới, 3 đế và ngoại đế.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm si, tâm vô nhân và tâm tịnh hảo; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm si, tâm vô nhân và tâm tịnh hảo; 4 là hành uẩn tức là sân hợp tâm sân và tham hợp tâm tham bất tương ưng và 41 sở hữu hợp với tâm si, tâm vô nhân và tâm tịnh hảo; 5 là thức uẩn tức là tâm si, tâm vô nhân và tâm tịnh hảo.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm si, tâm vô nhân và tâm tịnh hảo; 12 là pháp xứ tức là Níp-bàn, sắc tế, sân hợp tâm sân và tham hợp tâm tham bất tương ưng, 43 sở hữu hợp với tâm si, tâm vô nhân và tâm tịnh hảo.

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khán ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là tâm si, khán ý môn, tiếu sinh, 3 tâm thẩm tấn và tâm tịnh hảo; 18 là pháp giới tức là Níp-bàn, sắc tế, sân hợp tâm sân và tham hợp tâm tham bất tương ưng và 43 sở hữu hợp với tâm si, tâm vô nhân và tâm tịnh hảo.

4 đế: 1 là khổ đế tức là sắc pháp, tâm si, tâm vô nhân, tâm tịnh hảo, sở hữu sân hợp tâm sân, 42 sở hữu hợp (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham; 3 là diệt đế tức là Níp-bàn; 4 là đạo đế tức là bát chi đạo hợp tâm đạo. Ngoại đế là tâm siêu thế và 36 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Chỉ chấm và cách đọc trang 29 / Đầu đề nhị

Các số: 139, 140 và 142 chấm màu đỏ đậm. Từ số 1 đến số 81, từ số 135 đến số 138, số 141, từ số 143 đến số 148, số 171, số 172, từ số 174 đến 201 chấm màu xanh. Từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến 170 và từ số 173 chấm phân nửa màu xanh, phân nửa màu trắng.

29. Nhị đề Phược cảnh phược[351] (Ganthaganthaniyaduka)… chiết… hữu dư…

Câu 1: Ganthā ceva dhammā ganthaniyā ca (tất cả pháp phược và cảnh phược) là 3 chi pháp phược.

Chia đặng: 1 uẩn, 1 xứ, 1 giới và 2 đế.

1 uẩn là hành uẩn tức là tham, sân và tà kiến.

1 xứ là pháp xứ tức là tham, sân và tà kiến.

1 giới là pháp giới tức là tham, sân và tà kiến.

2 đế: 1 là khổ đế tức là sân và tà kiến (trừ tham), 2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Câu 2: Ganthaniyā ceva dhammā no ca ganthā (tất cả pháp cảnh phược mà phi phược) là pháp hiệp thế (trừ phược).

Chia đặng: 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới và 1 đế.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm hiệp thế; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm hiệp thế; 4 là hành uẩn tức là 47 sở hữu hợp với tâm hiệp thế (trừ thọ, tưởng, tham, sân và tà kiến); 5 là thức uẩn tức là tâm hiệp thế.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm hiệp thế; 12 là pháp xứ tức là 49 sở hữu hợp với tâm hiệp thế (trừ tham, sân và tà kiến) và sắc tế.

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức;16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khán ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là 68 tâm hiệp thế (trừ ngũ song thức và ý giới); 18 là pháp giới tức là 49 sở hữu hợp với tâm hiệp thế và sắc tế (trừ tham, sân và tà kiến).

1 đế: Khổ đế tức là sắc pháp, tâm hiệp thế và 49 sở hữu hợp (trừ tham, sân và tà kiến).

Chỉ chấm và cách đọc trang 30 / Đầu đề nhị

Số 140 chấm màu đỏ. Số 139 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới để trắng. Từ số 1 đến số 10, từ số 135 đến số 138, số 141, từ số 143 đến số 147 chấm màu xanh. Từ số 122 đến số 134 chấm phân nửa phía dưới màu xanh, phân nửa phía trên để trắng.

30. Nhị đề Phược hiệp phược (phược tương ưng phược)[352] (Ganthaganthasampayuttaduka)… chiết… hữu dư…

Câu 1: Ganthā ceva dhammā ganthasampayuttā ca (tất cả pháp phược và tương ưng phược) là: Sở hữu tà kiến và sở hữu tham hiệp tâm tham tương ưng.

Chia đặng: 1 uẩn, 1 xứ, 1 giới, 2 đế.

1 uẩn là hành uẩn tức là tham và tà kiến. 1 xứ là pháp xứ tức là tham, tà kiến.

1 giới là pháp giới tức là tham, tà kiến.

2 đế: 1 là khổ đế tức là sở hữu tà kiến, 2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Câu 2: Ganthasampayuttā ceva dhammā no ca ganthā (tất cả pháp tương ưng phược mà phi phược) là: Tâm tham, tâm sân và 23 sở hữu hợp (trừ chi phược). (trừ tham, tà kiến, sân, hoài nghi).

Chia đặng: 4 uẩn, 2 xứ, 2 giới và 2 đế.

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm tham và sân; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm tham và sân; 3 là hành uẩn tức là 21 sở hữu hợp với tâm tham và sân (trừ thọ, tưởng, tham và tà kiến); 4 là thức uẩn tức là tâm tham và sân.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm tham và sân; 2 là pháp xứ tức là 23 sở hữu hợp với tâm tham và sân (trừ tham và tà kiến).

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm tham và sân; 2 là pháp giới tức là 23 sở hữu hợp với tâm tham và tâm sân (trừ tham và tà kiến).

1 đế: Khổ đế tức là tâm tham, tâm sân và 23 sở hữu hợp (trừ tham và tà kiến).

Chỉ chấm và cách đọc trang 31 / Đầu đề nhị

Từ số 11 đến số 81, các số 142, 148, 171, 172, từ số 174 đến số 201 chấm màu đỏ. Từ số 135 đến số 139 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới đề trắng. Số 202, từ số 82 đến số 121 chấm màu xanh (tâm siêu thế hàng sơ thiền chấm màu xanh đậm, còn 4 hàng sau chấm màu xanh lợt). Từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến số 170 và số 173 chấm phân nửa trên màu đỏ, phân nửa dưới màu xanh.

31. Nhị đề Ly phược cảnh phược (bất tương ưng phược cảnh phược)[353] (Ganthavippayuttaganthaniyaduka)… chiết… hữu dư…

Câu 1: Ganthavippayuttā kho pana dhammā ganthaniyā pi (tất cả pháp bất tương ưng phược và cảnh phược) là: Sắc pháp, 2 tâm si, 18 tâm vô nhân, 51 tâm tịnh hảo hiệp thế và 43 sở hữu hợp, lấy sân hiệp tâm sân và tham hiệp tham bất tương ưng.

Chia đặng: 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới và 2 đế.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm si, tâm vô nhân và tâm tịnh hảo hiệp thế; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm si, tâm vô nhân và tâm tịnh hảo hiệp thế; 4 là hành uẩn tức là sân và tham hợp với tâm tham bất tương ưng và 41 sở hữu (trừ thọ, tưởng) hợp với tâm si, tâm vô nhân và tâm tịnh hảo hiệp thế; 5 là thức uẩn tức là tâm si, tâm vô nhân và tâm tịnh hảo hiệp thế.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm si, tâm vô nhân và tâm tịnh hảo hiệp thế; 12 là pháp xứ tức là sắc tế, sân và tham hợp tâm tham bất tương ưng, 43 sở hữu hợp với tâm si, tâm vô nhân và tâm tịnh hảo hiệp thế.

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khán ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là 2 tâm si, khán ý môn, tiếu sinh và 3 tâm thẩm tấn, và tâm tịnh hảo hiệp thế; 18 là pháp giới tức là sắc tế, sân và tham hợp tâm tham bất tương ưng, 43 sở hữu hợp với tâm si, tâm vô nhân và tâm tịnh hảo hiệp thế.

2 đế: 1 là khổ đế tức là sắc pháp, tâm si, tâm vô nhân, tâm tịnh hảo hiệp thế, sân và tham hợp tâm tham bất tương ưng và 42 sở hữu hợp (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham hợp tâm tham bất tương ưng.

Câu 2: Ganthavippayuttā kho pana dhammā aganthaniyā pi (tất cả pháp bất tương ưng phược mà phi cảnh phược) là pháp siêu thế.

Chia đặng: 4 uẩn, 2 xứ, 2 giới và 2 đế.

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm siêu thế; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm siêu thế; 3 là hành uẩn tức là 34 sở hữu hợp với tâm siêu thế (trừ thọ và tưởng); 4 là thức uẩn tức là tâm siêu thế. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm siêu thế; 2 là pháp xứ tức là 36 sở hữu hợp với tâm siêu thế và Níp-bàn.

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm siêu thế; 2 là pháp giới tức là 36 sở hữu hợp với tâm siêu thế và Níp-bàn.

2 đế: 1 là diệt đế tức là Níp-bàn; 2 là đạo đế tức là bát chi đạo hợp tâm đạo. Ngoại đế là tâm siêu thế và 36 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

6. Phần Nhỏ Thứ Sáu Là Phần Tụ Bộc[354] (Oghagocchaka)

Chỉ chấm và cách đọc trang 32 / Đầu đề nhị

Các số 135, 139 và 140 chấm màu đỏ. Từ số 1 đến số 121, từ số 141 đến số 202, từ số 122 đến số 134, các số 136, 137, 138 chấm màu xanh (tâm siêu thế hàng sơ thiền chấm màu xanh đậm, còn 4 hàng sau chấm màu xanh lợt).

32. Nhị đề Bộc (Oghaduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Oghā dhammā (tất cả pháp bộc) là: Tham, si và tà kiến.

Chia đặng: 1 uẩn, 1 xứ, 1 giới và 2 đế.

Câu 2: No oghā dhammā (tất cả pháp phi bộc) là lấy hết pháp siêu lý (trừ 3 chi bộc).

Chia đặng: 5 uẩn, ngoại uẩn, 12 xứ, 18 giới, 3 đế và ngoại đế.

Chia như nhị đề lậu.

Chỉ chấm và cách đọc trang 33 / Đầu đề nhị

Từ số 1 đến số 81, từ số 135 đến số 148, số 171, số 172, từ số 174 đến số 201 chấm màu đỏ đậm. Số 202, từ số 82 đến số 121 chấm màu xanh. Từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến 170 và số 173 chấm phân nửa trên màu đỏ, phân nửa phía dưới màu xanh.

33. Nhị đề Cảnh bộc (Oghaniyaduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Oghaniyā dhammā (tất cả pháp cảnh bộc) là pháp hiệp thế.

Câu 2: Anoghaniyā dhammā (tất cả pháp phi cảnh bộc) là pháp siêu thế.

Chia như nhị đề cảnh lậu.

Chỉ chấm và cách đọc trang 34 / Đầu đề nhị

Từ số 1 đến số 12, từ số 136 đến số 148 chấm đỏ. Từ số 13 đến số 121, từ số 149 đến số 202 chấm màu xanh. Từ số 122 đến số 135, chấm phân nửa trên màu đỏ, phân nửa phía dưới chấm màu xanh.

34. Nhị đề Hiệp bộc (tương ưng bộc) (Oghasampayuttaduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Oghasampayuttā dhammā (tất cả pháp tương ưng bộc) là pháp bất thiện (trừ si hiệp 2 tâm si và si hiệp 2 tâm sân).

Câu 2: Oghavippayuttā dhammā (tất cả pháp bất tương ưng bộc) là: Níp-bàn, sắc pháp, tâm vô nhân, tâm tịnh hảo, 38 sở hữu hợp, si hiệp 2 tâm si và si hiệp 2 tâm sân.

Chia đặng: 5 uẩn, ngoại uẩn, 12 xứ, 18 giới, 3 đế và ngoại đế.

Chia như nhị đề tương ưng lậu.

Chỉ chấm và cách đọc trang 35 / Đầu đề nhị

Các số 135, 139 và 140 chấm màu đỏ. Từ số 1 đến số 81, các số 136, 137, 138, từ số 141 đến số 148, các số 171, 172, từ số 174 đến số 201 chấm màu xanh. Từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến số 170 và số 173 chấm phân nửa phía dưới màu xanh, phân nửa trên để trắng.

35. Nhị đề Bộc cảnh bộc (Oghaoghaniyaduka)… chiết… hữu dư…

Câu 1: Oghā ceva dhammā oghaniyā ca (tất cả pháp bộc và cảnh bộc) là 3 chi pháp bộc.

Câu 2: Oghaniyā ceva dhammā no ca oghā (tất cả pháp cảnh bộc mà phi bộc) là pháp hiệp thế (trừ chi bộc).

Chia như nhị đề lậu cảnh lậu.

Chỉ chấm và cách đọc trang 36 / Đầu đề nhị

Các số 139 và số 140 chấm màu đỏ. Số 135 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới để trắng. Từ số 1 đến số 12, các số 136, 137, 138, từ số 141 đến số 148 chấm màu xanh. Từ số 122 đến số 134 chấm phân nửa phía dưới màu xanh, phân nửa phía trên để trắng.

36. Nhị đề Bộc hiệp bộc (bộc tương ưng bộc) (Oghaoghasampayuttaduka)… chiết… hữu dư…

Câu 1: Oghā ceva dhammā oghasampayuttā ca (tất cả pháp bộc và tương ưng bộc) là: Tham, si và tà kiến.

Câu 2: Oghasampayuttā ceva dhammā no ca oghā (tất cả pháp tương ưng bộc mà phi bộc) là pháp bất thiện (trừ 3 chi bộc).

Chia như nhị đề lậu hiệp lậu.

Chỉ chấm và cách đọc trang 37 / Đầu đề nhị

Từ số 13 đến số 81, các số 171 và 172, từ số 174 đến 201 chấm màu đỏ. Số 135 chấm 1/3 phía trên màu đỏ, còn 2 phần 3 phía dưới để trắng. Số 202, từ số 82 đến số 121 chấm màu xanh (tâm siêu thế hàng sơ thiền chấm màu xanh đậm, còn 4 hàng sau chấm màu xanh lợt). Từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến số 170 và số 173 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới màu xanh.

37. Nhị đề Ly bộc cảnh bộc (Oghavippayuttaoghaniyaduka)… chiết… hữu dư…

Câu 1: Oghavippayuttā kho pana dhammā oghaniyā pi (tất cả pháp tương ưng bộc và cảnh bộc) là: Sắc pháp, 18 tâm vô nhân, tâm tịnh hảo hiệp thế, 38 sở hữu hợp, si hiệp 2 tâm sân và si hiệp 2 tâm si.

Chia đặng: 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới và 2 đế.

Câu 2: Oghavippayuttā kho pana dhammā anoghaniyā pi (tất cả pháp bất tương ưng bộc mà phi cảnh bộc) là pháp siêu thế.

Chia như nhị đề ly lậu cảnh lậu.

7. Phần Nhỏ Thứ Bảy Là Phần Tụ Phối[355] (Yogagocchaka)

Chỉ chấm và cách đọc trang 38 / Đầu đề nhị

Cách chấm trang này giống như cách chấm nhị đề Bộc.

38. Nhị đề Phối (Yogaduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Yogā dhammā (tất cả pháp phối) là: Tham, si và tà kiến.

Câu 2: No yogā dhammā (tất cả pháp phi phối) là lấy pháp siêu lý (trừ 3 chi pháp phối).

Người học tự chia thành uẩn, xứ, giới, đế. Chia như nhị đề lậu.

Chỉ chấm và cách đọc trang 39 / Đầu đề nhị

Từ số 1 đến số 81, từ số 135 đến 148, các số 171, 172, từ số 174 đến số 201 chấm màu đỏ. Số 202, từ số 82 đến số 121 chấm màu xanh (tâm siêu thế hàng sơ thiền chấm xanh đậm, còn 4 hàng sau chấm xanh lợt). Từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến số 170 và 173 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới màu xanh.

39. Nhị đề Cảnh phối (Yoganiyaduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Yoganiyā dhammā (tất cả pháp cảnh phối) là pháp hiệp thế.

Câu 2: Ayoganiyā dhammā (tất cả pháp phi cảnh phối) là pháp siêu thế.

Người học tự chia thành uẩn, xứ, giới, đế.

Chia như nhị đề cảnh lậu.

Chỉ chấm và cách đọc trang 40 / Đầu đề nhị - Phần Phối

Từ số 1 đến số 12, từ số 136 đến số 148 chấm màu đỏ. Từ số 13 đến số 121, từ số 149 đến số 202 chấm màu xanh (tâm siêu thế hàng sơ thiền chấm màu xanh đậm, còn 4 hàng sau chấm màu xanh lợt). Từ số 122 đến số 135 chấm phân nửa trên màu đỏ, phân nửa phía dưới chấm màu xanh.

40. Nhị đề Hiệp phối (tương ưng phối) (Yogaduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Yogasampayuttā dhammā (tất cả pháp tương ưng phối) là pháp bất thiện (trừ si hiệp 2 tâm si và 2 tâm sân).

Câu 2: Yogavippayuttā dhammā (tất cả pháp bất tương ưng phối) là: Níp-bàn, sắc pháp, tâm vô nhân, tâm tịnh hảo, 38 sở hữu hợp, si hiệp 2 tâm si và si hiệp 2 tâm sân.

Người học tự chia thành uẩn, xứ, giới, đế.

Chia như nhị đề hiệp lậu.

Chỉ chấm và cách đọc trang 41 / Đầu đề nhị

Chấm trang 16 giống như cách chấm trang 10 / tập mười bốn này.

41. Nhị đề Phối cảnh phối (Yogayoganiyaduka)… chiết… hữu dư…

Câu 1: Yogā ceva dhammā yoganiyā ca (tất cả pháp phối và cảnh phối) là 3 chi pháp phối.

Câu 2: Yoganiyā ceva dhammā no ca yogā (tất cả pháp cảnh phối mà phi phối) là pháp hiệp thế (trừ 3 chi pháp hiệp phối).

Người học tự chia thành uẩn, xứ, giới, đế.

Chia như nhị đề lậu cảnh lậu.

Chỉ chấm và cách đọc trang 42 / Đầu đề nhị

Các số 139 và số 140 chấm màu đỏ. Số 135 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới để trắng. Từ số 1 đến số 12, các số 136, 137, 138, từ số 141 đến số 148 chấm màu xanh. Từ số 122 đến số 134 chấm phân nửa phía dưới màu xanh, phân nửa phía trên để trắng.

42. Nhị đề Phối hiệp phối (phối tương ưng phối) (Yogayogasampayuttaduka)… chiết… hữu dư

Câu 1: Yogā ceva dhammā yogasampayuttā ca (tất cả pháp phối tương ưng phối) là: Tham, tà kiến và si hiệp tâm tham.

Câu 2: Yogasampayuttā ceva dhammā no ca yogā (tất cả pháp tương ưng phối mà phi phối) là pháp bất thiện (trừ tham, tà kiến và si hiệp tâm tham).

Người học tự chia thành uẩn, xứ, giới, đế.

Chia như nhị đề lậu hiệp lậu.

Chỉ chấm và cách đọc trang 43 / Đầu đề nhị

Cách chấm trang 18 giống như cách chấm trang 12 / tập mười bốn này

43. Nhị đề Ly phối cảnh phối (Bất tương ưng phối cảnh phối) (Yogavippayuttayoganiya-duka)… chiết… hữu dư…

Câu 1: Yogavippayuttā kho pana dhammā yoganiyā pi (tất cả pháp bất tương ưng phối mà cảnh phối) là: Sắc pháp, 18 tâm vô nhân, tâm tịnh hảo hiệp thế, 38 sở hữu hợp và si hiệp tâm sân và tâm si.

Câu 2: Yogavippayuttā kho pana dhammā ayoganiyā pi (tất cả pháp bất tương ưng phối mà phi cảnh phối) là pháp siêu thế.

Người học tự chia thành uẩn, xứ, giới, đế như nhị đề ly lậu cảnh lậu.

8. Phần Nhỏ Thứ Tám Là Phần Tụ Cái (Nīvaraṇagocchaka)

Chỉ chấm và cách đọc trang 44 / Đầu đề nhị

Các số 135, 138, 139, 142, từ số 145 đến số 148 chấm màu đỏ. Từ số 1 đến số 134, các số 136, 137, 140, 141, 143, 144, từ số 149 đến số 202 chấm màu xanh đậm (tâm siêu thế hàng sơ thiền chấm màu xanh đậm, còn 4 hàng sau chấm màu xanh lợt).

44. Nhị đề Cái[356] (Nīvaraṇaduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Nīvaraṇā dhammā (tất cả pháp cái) là: Tham, sân, si, điệu hối, hoài nghi và hôn-phần.

Chia đặng: 1 uẩn, 1 xứ, 1 giới và 2 đế.

1 uẩn là hành uẩn tức là 8 chi pháp cái. 1 xứ là pháp xứ tức 8 chi pháp cái.

1 giới là pháp giới tức là 8 chi pháp cái.

2 đế: 1 là khổ đế tức là 7 chi pháp cái (trừ tham), 2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Câu 2: No nīvaraṇṇā dhammā (tất cả pháp phi cái) là pháp siêu lý (trừ chi pháp cái).

Chia đặng: 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới và 3 đế.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng; 4 là hành uẩn tức là 42 sở hữu (trừ thọ, tưởng và 8 chi pháp cái); 5 là thức uẩn tức là tâm.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm; 12 là pháp xứ tức là Níp-bàn, sắc tế và 44 sở hữu (trừ 8 chi pháp cái).

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khán ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là 108 tâm (trừ ngũ song thức và ý giới); 18 là pháp giới tức là Níp-bàn, sắc tế và 44 sở hữu (trừ 8 chi pháp cái).

3 đế: 1 là khổ đế tức là sắc pháp, 81 tâm hiệp thế và 44 sở hữu hợp (trừ 8 chi pháp cái); 2 là đạo đế tức là chi đạo hợp tâm đạo. Ngoại đế là tâm siêu thế và 36 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Chỉ chấm và cách đọc trang 45 / Đầu đề nhị

Từ số 1 đến số 81, từ số 135 đến số 148, số 171, 172, từ số 174 đến số 201 chấm màu đỏ. Số 202, từ số 82 đến số 121 chấm màu xanh (tâm siêu thế hàng sơ thiền chấm màu xanh đậm, còn 4 hàng sau chấm màu xanh lợt). Từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến số 170 và số 173 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới màu xanh.

45. Nhị đề Cảnh cái[357] (Nīvaraṇaniyaduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Nīvaraṇiyā dhammā (tất cả pháp cảnh cái) là pháp hiệp thế.

Câu 2: Anīvaraṇiyā dhammā (tất cả pháp phi cảnh cái) là pháp siêu thế.

Chia như nhị đề cảnh triền.

Chỉ chấm và cách đọc trang 46 / Đầu đề nhị

Từ số 1 đến số 12, từ số 135 đến số 148 chấm màu đỏ. Từ số 13 đến số 121, từ số 149 đến số 202 chấm màu xanh (tâm siêu thế hàng sơ thiền chấm màu xanh đậm, còn 4 hàng sau chấm màu xanh lợt). Từ số 122 đến số 134 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới chấm màu xanh.

46. Nhị đề Hiệp cái (tương ưng cái)[358] (Nīvaraṇasampayuttaduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Nīvaraṇasampayuttā dhammā (tất cả pháp tương ưng cái) là pháp bất thiện.

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm bất thiện; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm bất thiện; 3 là hành uẩn tức là 25 sở hữu hợp với tâm bất thiện (trừ thọ và tưởng); 4 là thức uẩn tức là tâm bất thiện.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm bất thiện; 2 là pháp xứ tức là 27 sở hữu hợp với tâm bất thiện.

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm bất thiện; 2 là pháp giới tức là 27 sở hữu hợp với tâm bất thiện.

2 đế: 1 là khổ đế tức là tâm bất thiện và 26 sở hữu hợp (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Câu 2: Nīvaraṇavippayuttā dhammā (tất cả pháp bất tương ưng cái) là pháp siêu lý (trừ pháp bất thiện).

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm vô nhân và tâm tịnh hảo; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm vô nhân và tâm tịnh hảo; 4 là hành uẩn tức là 36 sở hữu hợp với tâm vô nhân và tâm tịnh hảo (trừ thọ và tưởng); 5 là thức uẩn tức là tâm vô nhân và tâm tịnh hảo.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm vô nhân và tâm tịnh hảo; 12 là pháp xứ tức là 38 sở hữu hợp với tâm vô nhân và tâm tịnh hảo, sắc tế và Níp-bàn.

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khán ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là khán ý môn, tiếu sinh, 3 tâm thẩm tấn và tâm tịnh hảo; 18 là pháp giới tức là 38 sở hữu hợp với tâm vô nhân, tâm tịnh hảo, sắc tế và Níp-bàn.

3 đế: 1 là khổ đế tức là tâm vô nhân, tâm tịnh hảo hiệp thế, 38 sở hữu hợp và sắc pháp; 2 là diệt đế tức là Níp-bàn; 3 là đạo đế tức là chi đạo hợp tâm đạo. Ngoại đế là tâm siêu thế và 36 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Chỉ chấm và cách đọc trang 47 / Đầu đề nhị

Các số 135, 138, 139, 142, 145, 146, 147, 148 chấm màu đỏ. Từ số 1 đến số 81, các số 136, 137, 140, 141, 143, 144, 171, 172, từ số 174 đến số 201 chấm màu xanh. Còn từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến số 170 và số 173, phân nửa phía dưới chấm màu xanh, phân nửa phía trên để trắng.

47. Nhị đề Cái cảnh cái[359] (Nīvaraṇanīvaraṇiyaduka)… chiết… hữu dư…

Câu 1: Nīvaraṇā ceva dhammā nīvaraṇiyā ca (tất cả pháp cái và cảnh cái) là 8 chi pháp cái.

1 uẩn là hành uẩn tức là 8 chi pháp cái. 1 xứ là pháp xứ tức là 8 chi pháp cái. 1 giới là pháp giới tức là 8 chi pháp cái. 2 đế: 1 là khổ đế tức là 7 chi pháp cái (trừ tham), 2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Câu 2: Nīvaraṇiyā ceva dhammā no ca nīvaraṇā (tất cả pháp cảnh cái mà phi cái) là pháp hiệp thế (trừ 8 chi pháp cái).

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm hiệp thế; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm hiệp thế; 4 là hành uẩn tức là 42 sở hữu hợp với tâm hiệp thế (trừ thọ, tưởng và 8 chi pháp cái); 5 là thức uẩn tức là tâm hiệp thế.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm hiệp thế; 12 là pháp xứ tức là sắc tế và 44 sở hữu hợp với tâm hiệp thế (trừ 8 chi pháp cái).

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khán ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là 68 tâm hiệp thế (trừ ngũ song thức và ý giới); 18 là pháp giới tức là sắc tế và 44 sở hữu hợp với tâm hiệp thế (trừ 8 chi pháp cái).

1 đế: Khổ đế tức là sắc pháp, tâm hiệp thế và 44 sở hữu hợp (trừ 8 chi pháp cái).

Chỉ chấm và cách đọc trang 48 / Đầu đề nhị

Các số 135, 138, 139, 142, từ số 145 đến số 148 chấm màu đỏ. Từ số 1 đến số 12, các số 136, 137, 140, 141, 143, 144 chấm màu xanh. Từ số 122 đến số 134 chấm phân nửa phía dưới màu xanh còn phân nửa phía trên để trắng.

48. Nhị đề Cái hiệp cái (cái tương ưng cái)[360] (Nīvaraṇanīvaraṇasampayuttaduka)… chiết… hữu dư…

Câu 1: Nīvaraṇā ceva dhammā nīvaraṇasampayuttā ca (tất cả pháp cái tương ưng cái) là 8 chi pháp cái.

1 uẩn là hành uẩn tức là 8 chi pháp cái. 1 xứ là ý xứ tức là 8 chi pháp cái.

1 giới là pháp giới tức là 8 chi pháp cái.

2 đế: 1 là khổ đế tức là 7 chi pháp cái (trừ tham), 2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Câu 2: Nīvaraṇasampayuttā ceva dhammā no ca nīvaraṇā (tất cả pháp tương ưng cái mà phi cái) tức là pháp bất thiện (trừ 8 chi pháp cái).

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm bất thiện; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm bất thiện; 3 là hành uẩn tức là 17 sở hữu hợp với tâm bất thiện (trừ thọ, tưởng và 8 chi pháp cái); 4 là thức uẩn tức là tâm bất thiện.

2 xứ: 1 là ýxứ tức là tâm bất thiện; 2 là pháp xứ tức là 19 sở hữu hợp với tâm bất thiện.

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm bất thiện; 2 là pháp giới tức là 19 sở hữu hợp với tâm bất thiện.

1 đế: Khổ đế tức là 12 tâm bất thiện và 19 sở hữu hợp (trừ 8 chi pháp cái).

Chỉ chấm và cách đọc trang 49 / Đầu đề nhị

Từ số 13 đến số 81, số 171, số 172, từ số 174 đến số 201 chấm màu đỏ. Số 202, từ số 82 đến số 121 chấm màu xanh (tâm siêu thế hàng sơ thiền chấm màu xanh đậm, còn 4 hàng sau chấm màu xanh lợt). Từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến số 170 và số 173, chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới chấm màu xanh.

49. Nhị đề Ly cái cảnh cái (bất tương ưng cái cảnh cái)[361] (Nīvaraṇavippayuttanīvaraṇiya-duka)… chiết… hữu dư…

Câu 1: Nīvaraṇavippayuttā kho pana dhammā nīvaraṇiyā pi (tất cả pháp bất tương ưng cái mà cảnh cái) là pháp hiệp thế (trừ pháp bất thiện).

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm vô nhân và tâm tịnh hảo hiệp thế; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm vô nhân và tâm tịnh hảo hiệp thế; 4 là hành uẩn tức là 36 sở hữu hợp với tâm vô nhân và tâm tịnh hảo hiệp thế (trừ thọ và tưởng); 5 là thức uẩn tức là tâm vô nhân và tâm tịnh hảo hiệp thế.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm vô nhân và tâm tịnh hảo hiệp thế; 12 là pháp xứ tức là 38 sở hữu hợp với tâm vô nhân, tâm tịnh hảo hiệp thế và sắc tế.

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khán ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là khán ý môn, tiếu sinh và 3 tâm thẩm tấn và tâm tịnh hảo hiệp thế; 18 là pháp giới tức là 38 sở hữu hợp với tâm vô nhân, tâm tịnh hảo hiệp thế và sắc tế.

1 đế: Khổ đế tức là tâm vô nhân, tâm tịnh hảo hiệp thế, 38 sở hữu hợp và sắc pháp.

Câu 2: Nīvaraṇavippayuttā kho pana dhammā anivaraṇiyā pi (tất cả pháp bất tương ưng cái mà phi cảnh cái) là pháp siêu thế.

4 uẩn và ngoại uẩn, 2 xứ, 2 giới, 2 đế và ngoại đế.

Dứt phần thêm Pāḷi và phần nhỏ thứ 5, 6, 7, 8.

Phần nhỏ thứ 9, 10, 11:

· Phần khinh thị (parāmāsagocchaka) có 5 đầu đề nhị.

· Phần đề đại (mahantaragocchaka) có 14 đầu đề nhị.

· Phần thủ (upādānagocchaka) có 6 đầu đề nhị.

9. Phần Nhỏ Thứ Chín Là Phần Tụ Khinh Thị (Parāmāsagocchaka)

Chỉ chấm và cách đọc trang 50 / Đầu đề nhị

Số 140 chấm màu đỏ. Từ số 1 đến số 139, từ số 141 đến số 202 chấm màu xanh (tâm siêu thế hàng sơ thiền chấm màu xanh đậm, còn 4 hàng sau chấm màu xanh lợt).

50. Nhị đề Khinh thị[362] (Paramāsaduka)… chiết …vô dư…

Câu 1: Parāmāsā dhammā (tất cả pháp khinh thị) là tà kiến.

1 uẩn là hành uẩn. 1 xứ là pháp xứ. 1 giới là pháp giới. 1 đế là khổ đế. Chi pháp đều là sở hữu tà kiến.

Câu 2: No parāmāsā dhammā (tất cả pháp phi khinh thị) là pháp siêu lý (trừ ra tà kiến).

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng; 4 là hành uẩn tức là 49 sở hữu hợp (trừ thọ, tưởng và tà kiến); 5 là thức uẩn tức là tâm. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm; 12 là pháp xứ tức là Níp-bàn, sắc tế và 51 sở hữu hợp (trừ tà kiến).

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khán ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là 108 tâm (trừ ngũ song thức và ý giới); 18 là pháp giới tức là Níp-bàn, sắc tế và 51 sở hữu hợp (trừ tà kiến).

4 đế: 1 là khổ đế tức là 28 sắc pháp, 81 tâm hiệp thế và 50 sở hữu hợp (trừ tham và tà kiến); 2 là tập đế tức là sở hữu tham; 3 là diệt đế tức là Níp-bàn; 4 là đạo đế tức là bát chi đạo hợp tâm đạo. Ngoại đế là tâm siêu thế và 36 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Chỉ chấm và cách đọc trang 51 / Đầu đề nhị

Từ số 1 đến số 81, từ số 135 đến số 148, số 171, số 172, từ số 174 đến số 201 chấm màu đỏ. Số 202, từ số 82 đến số 121 chấm màu xanh (tâm siêu thế hàng sơ thiền chấm màu xanh đậm, còn 4 hàng sau chấm màu xanh lợt). Từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến số 170 và số 173 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới chấm màu xanh.

51. Nhị đề Cảnh khinh thị[363] (Parāmaṭṭhaduka)… chiết …vô dư…

Câu 1: Parāmaṭṭhā dhammā (tất cả pháp cảnh khinh thị) là pháp hiệp thế.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm hiệp thế; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm hiệp thế; 4 là hành uẩn tức là 50 sở hữu hợp với tâm hiệp thế (trừ thọ và tưởng); 5 là thức uẩn tức là tâm hiệp thế.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm hiệp thế; 12 là pháp xứ tức là sắc tế và 52 sở hữu hợp với tâm hiệp thế.

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khán ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là 68 tâm hiệp thế (trừ ngũ song thức và ý giới); 18 là pháp giới tức là sắc tế và 52 sở hữu hợp với tâm hiệp thế.

2 đế: 1 là khổ đế tức là sắc pháp, tâm hiệp thế và 51 sở hữu hợp (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Câu 2: Aparāmaṭṭhā dhammā (tất cả pháp phi cảnh khinh thị) là pháp siêu thế.

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm siêu thế; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm siêu thế; 3 là hành uẩn tức là 34 sở hữu hợp với tâm siêu thế (trừ thọ và tưởng); 4 là thức uẩn tức là tâm siêu thế. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm siêu thế; 2 là pháp xứ tức là 36 sở hữu hợp với tâm siêu thế và Níp-bàn.

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm siêu thế; 2 là pháp giới tức là Níp-bàn và 36 sở hữu hợp với tâm siêu thế.

2 đế: 1 là diệt đế tức là Níp-bàn; 2 là đạo đế tức là bát chi đạo hợp tâm đạo. Ngoại đế là tâm siêu thế và 36 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Chỉ chấm và cách đọc trang 52 / Đầu đề nhị

Các số 1, 2, 5, 6 chấm màu đỏ. Các số 3, 4, từ số 7 đến số 121, từ số 140 đến số 145, số 148, từ số 149 đến số 202 chấm màu xanh (tâm siêu thế hàng sơ thiền chấm màu xanh đậm, còn 4 hàng sau chấm màu xanh lợt). Từ số 122 đến số 139, các số 146, 147 chấm phía trên 1/3 màu đỏ, còn 2 phần 3 phía dưới chấm màu xanh (màu đỏ ít, màu xanh nhiều).

52. Nhị đề Hiệp khinh thị (tương ưng khinh thị)[364] (Parāmāsasampayuttaduka)… chiết …hữu dư…

Câu 1: Parāmāsasampayuttā dhammā (tất cả pháp tương ưng khinh thị) là: 4 tâm tham tương ưng và 20 sở hữu hợp (trừ tà kiến, ngã mạn, sân, tật, lận, hối và hoài nghi).

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm tham tương ưng; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm tham tương ưng; 3 là hành uẩn tức là 18 sở hữu hợp với tâm tham tương ưng (trừ thọ và tưởng); 4 là thức uẩn tức là tâm tham tương ưng.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm tham tương ưng; 2 là pháp xứ tức là 20 sở hữu hợp với tâm tham tương ưng.

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm tham tương ưng; 2 là pháp giới tức là 20 sở hữu hợp với tâm tham tương ưng.

2 đế: 1 là khổ đế tức là tâm tham tương ưng và 19 sở hữu hợp (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Câu 2: Parāmāsavippayuttā dhammā (tất cả pháp bất tương ưng khinh thị) là: Níp-bàn, sắc pháp, 117 tâm bất tương ưng kiến và 51 sở hữu hợp (trừ sở hữu tà kiến).

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm tham bất tương ưng, tâm sân, tâm si, tâm vô nhân và tâm tịnh hảo; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm tham bất tương ưng, tâm sân, tâm si, tâm vô nhân và tâm tịnh hảo; 4 là hành uẩn tức là 49 sở hữu hợp với tâm tham bất tương ưng, tâm sân, tâm si, tâm vô nhân và tâm tịnh hảo (trừ thọ, tưởng và tà kiến); 5 là thức uẩn tức là tâm tham bất tương ưng, tâm sân, tâm si, tâm vô nhân và tâm tịnh hảo. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm tham bất tương ưng, tâm sân, tâm si, tâm vô nhân và tâm tịnh hảo; 12 là pháp xứ tức là Níp-bàn, sắc tế và 51sở hữu hợp với tâm tham bất tương ưng, tâm sân, tâm si, tâm vô nhân và tâm tịnh hảo (trừ tà kiến).

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khán ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là 104 tâm (trừ ngũ song thức, ý giới và 4 tâm tham tương ưng); 18 là pháp giới tức là Níp-bàn, sắc tế và 51 sở hữu hợp với 117 tâm (trừ tà kiến và 4 tâm tham tương ưng).

4 đế: 1 là khổ đế tức là 4 tâm tham bất tương ưng, tâm sân, tâm si, tâm vô nhân, tâm tịnh hảo hiệp thế, sắc pháp và 50 sở hữu hợp (trừ tham và tà kiến); 2 là tập đế tức là sở hữu tham; 3 là diệt đế tức là Níp-bàn; 4 là đạo đế tức là bát chi đạo hợp tâm đạo. Ngoại đế tức là tâm siêu thế và 36 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Chỉ chấm và cách đọc trang 53 / Đầu đề nhị

Số 140 chấm màu đỏ. Từ số 1 đến số 81, từ số 135 đến số 139, từ số 141 đến số 148, số 171, số 172, từ số 174 đến số 201 chấm màu xanh. Từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến số 170 và số 173 chấm phân nửa phía dưới màu xanh, còn phân nửa phía trên để trắng.

53. Nhị đề Khinh thị cảnh khinh thị[365] (Parāmāsaparāmatthaduka)… chiết …hữu dư…

Câu 1: Parāmāsā ceva dhammā parāmatthā ca (tất cả pháp khinh thị và cảnh khinh thị) là tà kiến.

Chia như câu 1 trang 1.

Câu 2: Parāmaṭṭhā ceva dhammā no ca parāmāsā (tất cả pháp cảnh khinh thị mà phi khinh thị) là lấy pháp hiệp thế (trừ tà kiến).

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm hiệp thế; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm hiệp thế; 4 là hành uẩn tức là 49 sở hữu hợp với tâm hiệp thế (trừ thọ, tưởng và tà kiến); 5 là thức uẩn tức là tâm hiệp thế.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm hiệp thế; 12 là pháp xứ tức là sắc tế và 51 sở hữu hợp với tâm hiệp thế (trừ tà kiến).

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khán ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là 68 tâm hiệp thế (trừ ngũ song thức và ý giới); 18 là pháp giới tức là sắc tế và 51 sở hữu hợp với tâm hiệp thế (trừ tà kiến).

2 đế: 1 là khổ đế tức là sắc pháp, tâm hiệp thế và 50 sở hữu hợp (trừ tham và tà kiến); 2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Chỉ chấm và cách đọc trang 54 / Đầu đề nhị

Các số 3, 4, từ số 7 đến số 81, từ số 140 đến số 145, số 148, số 171 và số 172, từ số 174 đến số 201 chấm màu đỏ. Từ số 135 đến số 139, các số 146, 147 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới để trắng. Số 202, từ số 82 đến số 121 chấm màu xanh (tâm siêu thế hàng sơ thiền chấm màu xanh đậm, còn 4 hàng sau chấm màu xanh lợt). Từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến số 170 và 173 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới chấm màu xanh.

54. Nhị đề Ly khinh thị cảnh khinh thị (bất tương ưng khinh thị cảnh khinh thị)[366] (Parāmāsavippayuttaparāmaṭṭhaduka)… chiết… hữu dư…

Câu 1: Parāmāsavippayuttā kho pana dhammā parāmaṭṭhā pi (tất cả pháp bất tương ưng khinh thị và cảnh khinh thị) là pháp hiệp thế gồm: 77 tâm (trừ 4 tâm tham tương ưng), 51 sở hữu hợp (trừ sở hữu tà kiến), 28 sắc pháp.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với 77 tâm hiệp thế (trừ 4 tâm tham tương ưng); 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với 77 tâm hiệp thế (trừ 4 tâm tham tương ưng); 4 là hành uẩn tức là 49 sở hữu (trừ thọ, tưởng, tà kiến) hợp với 77 tâm hiệp thế (trừ 4 tâm tham tương ưng); 5 là thức uẩn tức là 77 tâm hiệp thế (trừ 4 tâm tham tương ưng).

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là 77 tâm hiệp thế (trừ 4 tâm tham tương ưng); 12 là pháp xứ tức là sắc tế và 51 sở hữu hợp với 77 tâm hiệp thế (trừ 4 tâm tham tương ưng).

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khán ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là 64 tâm hiệp thế (trừ ngũ song thức, ý giới và tâm tham tương ưng); 18 là pháp giới tức là sắc tế và 51 sở hữu hợp với 77 tâm hiệp thế (trừ 4 tâm tham tương ưng).

2 đế: 1 là khổ đế tức là 28 sắc pháp, 77 tâm hiệp thế và 50 sở hữu hợp (trừ tà kiến, tham và 4 tâm tham tương ưng); 2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Câu 2: Parāmāsavippayuttā kho pana dhammā aparāmaṭṭhā pi (tất cả pháp bất tương ưng khinh thị mà phi cảnh hinh thị) là pháp siêu thế (8 tâm siêu thế, 36 sở hữu hợp và Níp-bàn).

Chia như câu 2 nhị đề cảnh khinh thị.

10. Phần Nhỏ Thứ Mười Là Phần Đề Đại (Mahantaraduka)

Chỉ chấm và cách đọc trang 55 / Đầu đề nhị

Từ số 1 đến số 173 chấm màu đỏ (tâm siêu thế hàng sơ thiền chấm màu đỏ đậm, còn 4 hàng sau chấm màu đỏ lợt). Từ số 174 đến số 202 chấm màu xanh.

55. Nhị đề Tri (hữu tri cảnh)[367] (Sārammaṇaduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Sārammaṇā dhammā (tất cả pháp hữu tri cảnh) là: Tâm và sở hữu tâm.

Chú giải câu 1: Saha ārammaṇena ye vattantīti = sārammaṇā: Pháp hành động chung với cảnh cũng gọi là cảnh.

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng; 3 là hành uẩn tức là 50 sở hữu (trừ thọ và tưởng); 4 là thức uẩn tức là tâm.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm; 2 là pháp xứ tức là 52 sở hữu.

8 giới: 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 6 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khán ngũ môn; 7 là ý thức giới tức là 108 tâm (trừ ngũ song thức và ý giới); 8 là pháp giới tức là 52 sở hữu.

3 đế: 1 là khổ đế tức là tâm hiệp thế và 51 sở hữu hợp (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham; 3 là đạo đế tức là bát chi đạo hợp tâm đạo. Ngoại đế tức là tâm siêu thế và 36 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Câu 2: Anārammaṇā dhammā (tất cả pháp vô tri cảnh) là: Sắc pháp và Níp-bàn.

Chú giải: Natthi etesaṃ ārammaṇanti = anārammaṇā: Những pháp không biết cảnh gọi là vô cảnh.

1 uẩn: 1 uẩn là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

11 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là pháp xứ tức là Níp-bàn và sắc tế.

11 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 11 là pháp giới tức là sắc tế và Níp-bàn.

2 đế: 1 là khổ đế tức là 28 sắc pháp; 2 là diệt đế tức là Níp-bàn.

Chỉ chấm và cách đọc trang 56 / Đầu đề nhị

Từ số 1 đến số 121 chấm màu đỏ. Từ số 122 đến số 202 chấm màu xanh.

56. Nhị đề Tâm[368] (Cittaduka)… chiết … vô dư…

Câu 1: Cittā dhammā (tất cả pháp tâm) là tất cả tâm.

Chú giải: Cintanaṭṭhena = cittaṃ: Gọi tâm do ý nghĩa là biết đặc biệt. Vicittaṭṭhena = cittaṃ: Gọi tâm do ý nghĩa đặc biệt đối với: Giống, cõi và phối hợp…

1 uẩn là thức uẩn tức là tâm.

1 xứ là ý xứ tức là tâm.

7 giới: 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 6 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khán ngũ môn; 7 là ý thức giới tức là 108 tâm (trừ ngũ song thức và ý giới).

1 đế là Khổ đế tức là tâm hiệp thế. Ngoại đế tức là tâm siêu thế.

Câu 2: No cittā dhammā (tất cả pháp phi tâm) là: Sở hữu tâm, sắc pháp và Níp-bàn.

4 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng; 4 là hành uẩn tức là 50 sở hữu hợp (trừ thọ, tưởng). Ngoại uẩn là Níp-bàn.

11 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là pháp xứ tức là 52 sở hữu, sắc tế và Níp-bàn.

11 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 11 là pháp giới tức là 52 sở hữu, sắc tế và Níp-bàn.

3 đế: 1 là khổ đế tức là 28 sắc pháp và 51 sở hữu hợp với tâm hiệp thế (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham; 3 là diệt đế tức là Níp-bàn. Ngoại đế là 36 sở hữu hợp với tâm siêu thế (trừ đạo đế).

Chỉ chấm và cách đọc trang 57 / Đầu đề nhị

Từ số 122 đến số 173 chấm màu đỏ. Từ số 1 đến số 121, từ số 174 đến số 202 chấm màu xanh (tâm siêu thế hàng sơ thiền chấm màu xanh đậm, còn 4 hàng sau chấm màu xanh lợt).

57. Nhị đề Sở hữu tâm[369] (Cetasikaduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Cetasikā dhammā (tất cả pháp sở hữu tâm) là sở hữu tâm.

Chú giải: Avippayogavasena cetasi niyuttāti = cetasikā: Pháp mà hằng hợp bằng cách trong quyền sở hữu không lìa với tâm, đó gọi là sở hữu tâm.

3 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng; 3 là hành uẩn tức là 50 sở hữu (trừ thọ và tưởng).

1 xứ là pháp xứ tức là 52 sở hữu.

1 giới là pháp giới tức là 52 sở hữu.

2 đế: 1 là khổ đế tức là 51 sở hữu hợp với tâm hiệp thế (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham; 3 là đạo đế tức là bát chi đạo hợp với tâm đạo. Ngoại đế là 36 sở hữu hợp với tâm siêu thế (trừ đạo đế).

Câu 2: Acetasikā dhammā (tất cả pháp phi sở hữu tâm) là: Tâm, sắc pháp và Níp-bàn.

2 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thức uẩn tức là tâm. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm; 12 là pháp xứ tức là sắc tế và Níp-bàn.

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khán ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là 108 tâm (trừ ngũ song thức và ý giới); 18 là pháp giới tức là sắc tế và Níp-bàn.

2 đế: 1 là khổ đế tức là tâm hiệp thế và 28 sắc pháp; 2 là diệt đế tức là Níp-bàn. Ngoại đế là tâm siêu thế.

Chỉ chấm và cách đọc trang 58 / Đầu đề nhị

Từ số 122 đến số 173 chấm màu đỏ. Từ số 174 đến số 202 chấm màu xanh.

58. Nhị đề Tương ưng tâm[370] (Cittasampayuttaduka)… chiết… hữu dư…

Câu 1: Cittasampayuttā dhammā (tất cả pháp tương ưng tâm) là sở hữu tâm.

3 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng; 3 là hành uẩn tức là 50 sở hữu (trừ thọ và tưởng).

1 xứ là pháp xứ tức là 52 sở hữu.

1 giới là pháp giới tức là 52 sở hữu.

3 đế: 1 là khổ đế tức là 51 sở hữu hợp với tâm hiệp thế (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham; 3 là đạo đế tức là bát chi đạo hợp tâm đạo. Ngoại đế là 36 sở hữu hợp với tâm siêu thế (trừ đạo đế).

Câu 2: Cittavippayuttā dhammā (tất cả pháp bất tương ưng tâm) là: Sắc pháp và Níp-bàn.

1 uẩn là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

11 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là pháp xứ tức là sắc tế và Níp-bàn.

11 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 11 là pháp giới tức là sắc tế và Níp-bàn.

2 đế: 1 là khổ đế tức là 28 sắc pháp; 2 là diệt đế tức là Níp-bàn.

Chỉ chấm và cách đọc trang 59 / Đầu đề nhị

Cách chấm giống như cách chấm nhị đề tương ưng tâm.

59. Nhị đề Hòa với tâm[371] (Cittasaṃsaṭṭhaduka)… chiết… hữu dư…

Câu 1: Cittasaṃsaṭṭhā dhammā (tất cả pháp hòa với tâm) là sở hữu tâm.

Chú giải: Nirantarabhāvūpagamanatāya upādato yāva bhaṅgā cittena saṃsaṭṭhāti = cittasaṃsaṭṭhā: Chơn pháp hòa trộn với tâm, từ khi sanh đến diệt theo luôn đến cách không xen hở thời giờ, gọi là hòa trộn với tâm.

Câu 2: Cittavisaṃsaṭṭhā dhammā (tất cả pháp phi hòa với tâm) là: Sắc pháp và Níp-bàn.

Chú giải: ekato vattamānā pi nirantarabhāvaṃ anupagamanatāya cittena visaṃsaṭṭhāti = cittavisaṃsaṭṭhā: Chơn pháp không hòa trộn với tâm và cũng chẳng đi đến cách không xen hở thời giờ, đó gọi là phi tâm làm nhân sanh.

Chi pháp và chia như nhị đề tương ưng tâm.

Chỉ chấm và cách đọc trang 60 / Đầu đề nhị

Từ số 122 đến số 173, các số 193 và 194 chấm màu đỏ. Từ số 1 đến số 121, từ số 178 đến số 182, từ số 187 đến số 190 chấm màu xanh (tâm siêu thế hàng sơ thiền chấm màu xanh đậm, còn 4 hàng sau chấm màu xanh lợt). Từ số 174 đến số 177, từ số 183 đến số 186, các số 191, 192, từ số 195 đến số 201, chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới chấm màu xanh.

60. Nhị đề Tâm làm nhân (sở, nền tảng) sanh[372] (Cittasamuṭṭhānaduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Cittasamuṭṭhānā dhammā (tất cả pháp có tâm làm sở sanh) là: Sở hữu tâm và sắc tâm.

Có những câu Pāḷi chú giải như sau: Samuṭṭhahanti etenāti = samuṭṭhānaṃ: Pháp nào có nương nhờ pháp ấy, thế nên pháp ấy làm nhân trợ sanh ra, đó gọi là làm nhân trợ sanh tức là nghiệp, tâm, quí tiết và vật thực. Cittaṃ samuṭṭhānaṃ etesanti = cittasamuṭṭhānā: Pháp nào có tâm làm nhân trợ sanh ra, pháp ấy gọi là có tâm là nhân trợ sanh.

4 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 17 sắc tâm; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng; 4 là hành uẩn tức là 50 sở hữu (trừ thọ, tưởng).

6 xứ: 1 là sắc xứ tức là cảnh sắc; 2 là thinh xứ tức là cảnh thinh; 3 là khí xứ tức là cảnh khí; 4 là vị xứ tức là cảnh vị; 5 là xúc xứ tức là cảnh xúc; 6 là pháp xứ tức là 52 sở hữu và sắc tâm tế.

6 giới: 1 là sắc giới tức là cảnh sắc; 2 là thinh g iới tức là cảnh thinh; 3 là khí giới tức là cảnh khí; 4 là vị giới tức là cảnh vị; 5 là xúc giới tức là cảnh xúc; 6 là pháp giới tức là 52 sở hữu và sắc tâm tế.

3 đế: 1 là khổ đế tức là 17 sắc tâm và 51 sở hữu hợp với tâm hiệp thế (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham; 3 là đạo đế tức là bát chi đạo hợp tâm đạo. Ngoại đế tức là 36 sở hữu hợp với tâm siêu thế (trừ đạo đế).

Câu 2: No cittasamuṭṭhānā dhammā (tất cả pháp không có tâm làm sở sanh) là: Tâm, sắc phi tâm tạo và Níp-bàn.

2 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 26 sắc phi sắc tâm; 2 là thức uẩn tức là tâm. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm; 12 là pháp xứ tức là sắc tế phi sắc tâm và Níp-bàn.

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khán ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là 108 tâm (trừ ngũ song thức và ý giới); 18 là pháp giới tức là sắc tế phi sắc tâm và Níp-bàn.

2 đế: 1 là khổ đế tức là tâm hiệp thế và sắc phi sắc tâm; 2 là diệt đế tức là Níp-bàn. Ngoại đế tức là tâm siêu thế.

Chỉ chấm và cách đọc trang 61 / Đầu đề nhị

Từ số 122 đến số 173, các số 193 và 194 chấm màu đỏ. Từ số 1 đến số 121, từ số 174 đến số 192, từ số 195 đến số 202 chấm màu xanh (tâm siêu thế hàng sơ thiền chấm màu xanh đậm, còn 4 hàng sau chấm màu xanh lợt).

61. Nhị đề Đồng sanh tồn với tâm[373] (Cittasahabhūduka)… chiết … vô dư…

Câu 1: Cittasahabhuno dhammā (tất cả pháp cùng sanh tồn (đồng diệt) với tâm) là: Sở hữu tâm và 2 sắc biểu tri.

Có những câu Pāḷi chú giải như sau:

Saha bhavantīti = sahabhuno: Pháp nào hành động chung nhau, pháp ấy gọi là hành vi chung nhau.

Cittena sahabhuno = cittasahabhuno: Những pháp hành vi chung với tâm gọi là hành động chung với tâm.

4 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là sắc biểu tri; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng; 4 là hành uẩn tức là 50 sở hữu (trừ thọ, tưởng).

1 xứ là pháp xứ tức là 52 sở hữu và 2 sắc biểu tri.

1 giới là pháp giới tức là 52 sở hữu và 2 sắc biểu tri.

2 đế: 1 là khổ đế tức là sắc biểu tri và 51 sở hữu hợp với tâm hiệp thế (trừ tham);2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Câu 2: No cittasahabhuno dhammā (tất cả pháp phi sanh tồn với tâm) là: Tâm, Níp-bàn và 26 sắc pháp (trừ 2 sắc biểu tri).

2 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 26 sắc pháp (trừ sắc biểu tri); 2 là thức uẩn tức là tâm. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm; 12 là pháp xứ tức là Níp-bàn, 14 sắc tế (trừ 2 sắc biểu tri).

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khán ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là 108 tâm (trừ ngũ song thức và ý giới); 18 là pháp giới tức là Níp-bàn, 14 sắc tế (trừ 2 sắc biểu tri).

2 đế: 1 là khổ đế tức là tâm hiệp thế và 26 sắc pháp (trừ 2 sắc biểu tri); 2 là diệt đế tức là Níp-bàn. Ngoại đế tức là tâm siêu thế.

Chỉ chấm và cách đọc trang 62 / Đầu đề nhị

Cách chấm trang 8 giống với cách chấm Nhị đề đồng sanh tồn với tâm.

62. Nhị đề Tùng tâm thông lưu (hành động theo tâm)[374] (Cittānuparivattiduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Cittānuparivattino dhammā (tất cả pháp tùng tâm thông lưu) là: Sở hữu tâm và 2 sắc biểu tri.

Chú giải có 2 câu Pāḷi như sau. Anu parivattantīti = anuparivattino: Những pháp sanh hành động theo gọi là tùng hành. Cittassa anuparivattino = cittānuparivattino: Những pháp sanh hành động theo tâm gọi là tùng hành tâm.

Câu 2: No cittānuparivattino dhammā (tất cả pháp phi tùng tâm thông lưu) là: Tâm, Níp-bàn và 26 sắc pháp (trừ 2 sắc biểu tri).

Chia như nhị đề đồng sanh tồn với tâm.

Chỉ chấm và cách đọc trang 63 / Đầu đề nhị

Cách chấm trang này giống với cách chấm Nhị đề sở hữu tâm.

63. Nhị đề Hòa với tâm và có tâm làm sở sanh (nhân sanh tâm và hòa với tâm)[375] (Cittasaṅsatthasamuṭṭhānaduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Cittasaṃsaṭṭhasamuṭṭhānā dhammā (tất cả pháp hòa với tâm và có tâm làm sở sanh).

Cittasaṃsaṭṭhā ca te cittasamuṭṭhānā cāti = cittasaṃsaṭṭhasamuṭṭhānā: Pháp nào liên quan với tâm và có tâm làm nhân sanh, pháp ấy gọi là có tâm làm nhân nền tảng giúp cho sanh.

Câu 2: No cittasaṃsaṭṭhasamuṭṭhānā dhammā (tất cả pháp phi hòa với tâm và không có tâm làm sở sanh).

Pháp thực tính và cách chia giống như Nhị đề sở hữu tâm.

Chỉ chấm và cách đọc trang 64 / Đầu đề nhị

Cách chấm trang này giống với cách chấm trang Nhị đề sở hữu tâm.

64. Nhị đề Hòa, sanh tồn và nương tâm làm sở sanh (câu sanh nhân sanh và hòa với tâm)[376] (Cittasaṅsatthasamuṭṭhānasahabhuduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Cittasaṃsaṭṭhasamuṭṭhānasahabhūno dhammā (tất cả pháp hòa, sanh tồn và nương tâm làm sở sanh).

Cittasaṃsaṭṭhā ca te cittasamuṭṭhānā ca cittasahabhuno eva cāti = cittasaṃsaṭṭhasamuṭṭhānasahabhuno: Pháp có liên hệ với tâm, có tâm làm nhân sanh và hòa trộn với tâm, gọi là có tâm làm nền tảng nhân sanh và hòa trộn với tâm.

Câu 2: No cittasaṃsaṭṭhasamuṭṭhānasahabhuno dhammā (tất cả pháp phi hòa, phi đồng sanh tồn và phi nương tâm làm sở sanh).

Pháp thực tính và chia giống như Nhị đề sở hữu tâm.

Chỉ chấm và cách đọc trang 65 / Đầu đề nhị

Cách chấm trang này giống với cách chấm Nhị đề sở hữu tâm.

Thêm Pāḷi và chia nhị đề Cittasaṅsaṭṭhasamuṭṭhānānuparivattiduka

65. Nhị đề Có tâm làm sở sanh, thông lưu và hòa với tâm (nhân sanh tùng hành và hòa với tâm)[377]… chiết… hữu dư…

Câu 1: Cittasaṃsaṭṭhasamuṭṭhānānuparivattino dhammā (tất cả pháp có tâm làm sở sanh thông lưu và hòa với tâm) (52 sở hữu).

Cittasaṃsaṭṭhā ca te cittasamuṭṭhānā ca cittānuparivattino eva cāti = cittasaṃsaṭṭhasamuṭṭhānānuparivattino: Pháp liên quan với tâm, có tâm làm nhân sanh và tùng hành với tâm, gọi là có tâm làm nhân sanh tùng hành với tâm.

Câu 2: No cittasaṃsaṭṭhasamuṭṭhānānuparivattino dhammā (tất cả pháp phi tâm làm sở sanh và không hòa, không tùng hành, không thông lưu với tâm) (20 sắc nghiệp, 15 sắc quí tiết, 14 sắc vật thực và Níp-bàn.

Chỉ chấm và cách đọc trang 66 / Đầu đề nhị

Từ số 1 đến số 121, từ số 178 đến số 182 chấm màu đỏ. Từ số 122 đến số 177, từ số 183 đến số 202 chấm màu xanh.

66. Nhị đề Tự nội[378] (Ajjhattikaduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Ajjhattikā dhammā (tất cả pháp tự nội) là: Tâm và 5 sắc thanh triệt.

Chú giải: Ajjhattā va = ajjhattitā: Pháp thuộc về phần trong gọi là tự nội (nội phần).

2 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là sắc thanh triệt[379], 2 là thức uẩn tức là tâm.

6 xứ: 5 xứ thô tức là 5 sắc thanh triệt; 6 là ý xứ tức là tâm.

12 giới: 5 giới thô tức là 5 sắc thanh triệt; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 11 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khán ngũ môn; 12 là ý thức giới tức là 108 tâm (trừ ngũ song thức và ý giới).

1 đế: Khổ đế tức là tâm hiệp thế và sắc thanh triệt. Ngoại đế tức là tâm siêu thế.

Câu 2: Bāhirā dhammā (tất cả pháp ngoại) là: Sở hữu tâm, Níp-bàn và 23 sắc pháp (trừ sắc thanh triệt).

Chú giải như vầy: Tato bahi bhūtāti = bahirā: Những pháp ngoài ra phần trong gọi là bên ngoài (ngoại phần).

4 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 23 sắc pháp (trừ 5 sắc thanh triệt); 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng; 4 là hành uẩn tức là 50 sở hữu (trừ thọ, tưởng).

6 xứ: 1 là sắc xứ tức là cảnh sắc; 2 là thinh xứ tức là cảnh thinh; 3 là khí xứ tức là cảnh khí; 4 là vị xứ tức là cảnh vị; 5 là xúc xứ tức là cảnh xúc; 6 là pháp xứ tức là 52 sở hữu, sắc tế và Níp-bàn.

6 giới: 1 là sắc giới tức là cảnh sắc; 2 là thinh giới tức là cảnh thinh; 3 là khí giới tức là cảnh khí; 4 là vị giới tức là cảnh vị; 5 là xúc giới tức là cảnh xúc; 6 là pháp giới tức là 52 sở hữu, sắc tế và Níp-bàn.

3 đế: 1 là khổ đế tức là 51 sở hữu và 23 sắc pháp (trừ tham và sắc thanh triệt); 2 là tập đế tức là sở hữu tham; 3 là diệt đế tức là Níp-bàn. Ngoại đế tức là 36 sở hữu hợp với tâm siêu thế (trừ đạo đế).

Chỉ chấm và cách đọc trang 67 / Đầu đề nhị

Từ số 178 đến số 201 chấm màu đỏ. Từ số 1 đến số 177 và số 202 chấm màu xanh.

67. Nhị đề Y sinh (pháp thủ)[380] (Upādāduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Upādā dhammā (tất cả pháp y sinh) là 24 sắc y-tha hoặc y sinh.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Upāniyantīti = upādā: Pháp nào chỉ nương tứ đại minh sanh ra, pháp ấy gọi là y sinh.

1 uẩn là sắc uẩn tức là 24 sắc y sinh.

10 xứ: 9 xứ thô tức là 9 sắc thô (trừ xúc); 10 là pháp xứ tức là 15 sắc tế y sinh.

10 giới: 9 giới thô tức là 9 sắc thô (trừ xúc); 10 là pháp giới tức là 15 sắc tế y sinh.

1 đế: Khổ đế tức là 24 sắc y sinh.

Câu 2: No upādā dhammā (tất cả pháp phi y sinh) là: Tâm, sở hữu tâm, Níp-bàn và sắc tứ đại minh.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Na upādiyantevāti = no upādā: Chẳng phải chỉ nương tứ đại minh sanh ra, pháp ấy gọi là bất y sinh.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 4 sắc tứ đại minh; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng; 4 là hành uẩn tức là 50 sở hữu (trừ thọ, tưởng); 5 là thức uẩn tức là tâm. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

3 xứ: 1 là xúc xứ tức là cảnh xúc; 2 là ý xứ tức là tâm; 3 là pháp xứ tức là 52 sở hữu, nước và Níp-bàn.

9 giới: 1 là xúc giới tức là cảnh xúc; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 7 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khán ngũ môn; 8 là ý thức giới tức là 108 tâm (trừ ngũ song thức và ý giới); 9 là pháp giới tức là 52 sở hữu, nước và Níp-bàn.

4 đế: 1 là khổ đế tức là sắc tứ đại minh, tâm hiệp thế và 51 sở hữu hợp (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham; 3 là diệt đế tức là Níp-bàn; 4 là đạo đế tức là bát chi đạo hợp tâm đạo. Ngoại đế tức là tâm siêu thế và 36 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Chỉ chấm và cách đọc trang 68 / Đầu đề nhị

Từ số 13 đến số 27, từ số 39 đến số 46, từ số 60 đến số 64, từ số 74 đến số 77, từ số 178 đến số 182, từ số 187 đến số 190, chấm màu đỏ. Từ số 1 đến số 12, từ số 28 đến số 38, từ số 47 đến số 59, từ số 65 đến số 73, từ số 78 đến số 121, từ số 135 đến số 148, các số 168, 169, 170, 184, từ số 193 đến số 197 và số 202, chấm màu xanh. Từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến số 167, từ số 171 đến số 177, các số 183, 185, 186, 191, 192, từ số 198 đến số 201, chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới chấm màu xanh.

68. Nhị đề Thành do thủ[381] (Upādinnaduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Upādinnā dhammā (tất cả pháp thành do thủ) là: 32 tâm quả hiệp thế, 35 sở hữu hợp và 20 sắc nghiệp.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là sắc nghiệp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm quả hiệp thế; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm quả hiệp thế; 4 là hành uẩn tức là 33 sở hữu hợp với tâm quả hiệp thế (trừ thọ, tưởng); 5 là thức uẩn tức là tâm quả hiệp thế.

11 xứ: 9 xứ thô tức là 11 sắc nghiệp thô; 10 là ý xứ tức là tâm quả hiệp thế; 11 là pháp xứ tức là 35 sở hữu hợp với tâm quả hiệp thế, sắc nghiệp tế và Níp-bàn.

17 giới: 9 giới thô tức là 11 sắc nghiệp thô; 7 ý thức giới tức là tâm quả hiệp thế; 17 là pháp giới tức là 35 sở hữu hợp với tâm quả hiệp thế, sắc nghiệp tế và Níp-bàn.

1 đế: Khổ đế tức là tâm quả hiệp thế, 35 sở hữu hợp và sắc nghiệp.

Câu 2: Anupādinnā dhammā (tất cả pháp phi thành do thủ) là: Níp-bàn, sắc phi nghiệp, tâm đổng lực, tâm khai môn và 52 sở hữu hợp.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là sắc phi nghiệp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hiệp với tâm phi quả hiệp thế; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm phi quả hiệp thế; 4 là hành uẩn tức là 50 sở hữu hợp với tâm phi quả hiệp thế (trừ thọ, tưởng); 5 là thức uẩn tức là tâm phi quả hiệp thế.

7 xứ: 5 xứ thô tức là sắc thô (trừ 5 Sắc thanh triệt); 6 là ý xứ tức là tâm phi quả hiệp thế; 7 là pháp xứ tức là 52 sở hữu hợp với tâm phi quả hiệp thế, sắc tế phi nghiệp và Níp-bàn.

8 giới: 5 giới thô tức là sắc phi nghiệp thô; 6 là ý giới tức là tâm khai ngũ môn; 7 là ý thức giới tức là tâm phi quả hiệp thế (trừ khai ngũ môn); 8 là pháp giới tức là 52 sở hữu hợp với tâm phi quả hiệp thế, sắc tế phi nghiệp và Níp-bàn.

4 đế: 1 là khổ đế tức là sắc tế phi nghiệp, tâm hiệp thế phi quả và 51 sở hữu hợp (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham; 3 là diệt đế tức là Níp-bàn; 4 là đạo đế tức là bát chi đạo hợp với tâm đạo. Ngoại đế là tâm siêu thế và 36 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

11. Phần Nhỏ Thứ Mười Một Là Phần Tụ Thủ (Upādānagocchaka)

Chỉ chấm và cách đọc trang 69 / Đầu đề nhị

Số 139 và số 140 chấm màu đỏ. Từ số 1 đến số 138, từ số 141 đến số 202, chấm màu xanh.

69. Nhị đề Thủ[382] (Upādānaduka)… chiết … vô dư…

Câu 1: Upādānā dhammā (tất cả pháp thủ) là: Tham và tà kiến.

1 uẩn là hành uẩn tức là tham và tà kiến. 1 xứ là pháp xứ tức là tham và tà kiến.

1 giới là pháp giới tức là tham và tà kiến.

2 đế: 1 là khổ đế tức là tà kiến, 2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Câu 2: No upādānā dhammā (tất cả pháp phi thủ) là pháp siêu lý (trừ 2 chi thủ).

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng; 4 là hành uẩn tức là 48 sở hữu (trừ thọ, tưởng, tham và tà kiến); 5 là thức uẩn tức là tâm. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm; 12 là pháp xứ tức là Níp-bàn, sắc tế và 50 sở hữu (trừ tham, tà kiến).

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khai ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là 108 tâm (trừ ngũ song thức và ý giới); 18 là pháp giới tức là Níp-bàn, sắc tế và 50 sở hữu (trừ tham, tà kiến).

Chỉ chấm và cách đọc trang 70 / Đầu đề nhị

Cách chấm trang này giống với cách chấm nhị đề cảnh khinh thị

70. Nhị đề Cảnh thủ[383] (Upādāniyaduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Upādāniyā dhammā (tất cả pháp cảnh thủ).

Câu 2: Anupādāniyā dhammā (tất cả pháp phi cảnh thủ).

Pháp thực tính và chia giống như nhị đề cảnh khinh thị

Chỉ chấm và cách đọc trang 71 / Đầu đề nhị

Từ số 1 đến số 8, các số 140 và số 141 chấm màu đỏ. Từ số 9 đến số 121, từ số 142 đến số 145, từ số 148 đến số 202 chấm màu xanh. Từ số 122 đến số 139, các số 146, 147, chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới chấm màu xanh.

71. Nhị đề Tương ưng thủ (hiệp thủ)[384] (Upādānasampayuttaduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Upādānasampayuttā dhammā (tất cả pháp tương ưng thủ) là: 8 tâm tham và 22 sở hữu hợp (trừ sở hữu tham hiệp trong 4 tâm tham bất tương ưng).

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm tham; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm tham; 3 là hành uẩn tức là 20 sở hữu hợp với tâm tham (trừ thọ, tưởng và tham hợp tham bất tương ưng); 4 là thức uẩn tức là tâm tham.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm tham; 2 là pháp xứ tức là 22 sở hữu hợp với tâm tham (trừ sở hữu tham hợp với tâm tham bất tương ưng).

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm tham; 2 là pháp giới tức là 22 sở hữu hợp với tâm tham (trừ sở hữu tham hợp với tâm tham bất tương ưng).

2 đế: 1 là khổ đế tức là tâm tham và 21 sở hữu hợp (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham hợp với tâm tham bất tương ưng.

Câu 2: Upādānavippayuttā dhammā (tất cả pháp bất tương ưng thủ) là: Níp-bàn, sắc pháp, 113 tâm và 50 sở hữu hợp (trừ 8 tâm tham với 3 sở hữu tham-phần, sở hữu tham hợp trong 4 tâm tham bất tương ưng).

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với 113 tâm phi tham; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với 113 tâm phi tham; 4 là hành uẩn tức là 48 sở hữu hợp với 113 tâm phi tham (trừ thọ, tưởng); 5 là thức uẩn tức là 113 tâm phi tham. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là 113 tâm phi tham; 12 là pháp xứ tức là 50 sở hữu hợp với 113 tâm phi tham, sắc tế và Níp-bàn.

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khai ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là 100 tâm (trừ tham, ngũ song thức và ý giới); 18 là pháp giới tức là 50 sở hữu hợp với 113 tâm phi tham, sắc tế và Níp-bàn.

4 đế: 1 là khổ đế tức là sắc pháp, 73 tâm hiệp thế và 49 sở hữu hợp (trừ 8 tâm tham, sở hữu hợp và sở hữu tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham; 3 là diệt đế tức là Níp-bàn; 4 là đạo đế tức là bát chi đạo hợp với tâm đạo. Ngoại thế là tâm siêu thế và 36 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Chỉ chấm và cách đọc trang 72 / Đầu đề nhị

Các số 139 và số 140 chấm màu đỏ. Từ số 1 đến số 81, từ số 135 đến số 138, từ số 141 đến số 148, từ số 171 đến số 202 chấm màu xanh. Từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến số 170, phía dưới chấm phân nửa màu xanh, còn phân nửa phía trên để trắng.

72. Nhị đề Thủ cảnh thủ[385] (Upādānaupādāniyaduka)… chiết… hữu dư…

Câu 1: Upādānā ceva dhammā upādāniyā ca (tất cả pháp thủ và cảnh thủ) là: Tham và tà kiến.

Chia như câu 1 nhị đề thủ.

Câu 2: Upādāniyā ceva dhammā no ca upādānā (tất cả pháp cảnh thủ mà phi thủ) là pháp hiệp thế (trừ 2 chi thủ).

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm hiệp thế; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm hiệp thế; 4 là hành uẩn tức là 48 sở hữu hợp với tâm hiệp thế (trừ thọ, tưởng và 2 chi thủ); 5 là thức uẩn tức là tâm hiệp thế.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm hiệp thế; 12 là pháp xứ tức là sắc tế và 50 sở hữu hợp với tâm hiệp thế (trừ 2 chi thủ).

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khai ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là 68 tâm hiệp thế (trừ ngũ song thức và ý giới); 18 là pháp giới tức là sắc tế và 50 sở hữu hợp với tâm hiệp thế (trừ 2 chi thủ).

Chỉ chấm và cách đọc trang 73 / Đầu đề nhị

Số 140, chấm màu đỏ. Số 139, chấm phân nửa phía trên màu đỏ, còn phân nửa phía dưới để trắng. Từ số 1 đến số 8 và số 141 chấm màu xanh. Từ số 122 đến số 138, các số 146, 147, phân nửa phía dưới chấm màu xanh, còn phân nửa phía trên để trắng.

73. Nhị đề Pháp thủ tương ưng thủ (thủ hiệp thủ)[386] (Upādāna upādānasampayutta-duka)… chiết… hữu dư…

Câu 1: Upādānā ceva dhammā upādānasampayuttā ca (tất cả pháp thủ và tương ưng thủ) là: Tà kiến và tham hiệp với 4 tâm tham tương ưng.

1 uẩn là hành uẩn; 1 xứ là pháp xứ;

1 giới là pháp giới có pháp thực tính đều là sở hữu tham và tà kiến hợp với tâm tham tương ưng.

2 đế: 1 là khổ đế tức là sở hữu tà kiến, 2 là tập đế tức là sở hữu tham hợp với tâm tham tương ưng.

Câu 2: Upādānasampayuttā ceva dhammā no ca upādānā (tất cả pháp tương ưng thủ mà phi thủ) là: 8 tâm tham và 20 sở hữu hợp (trừ 2 chi thủ).

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm tham; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm tham; 3 là hành uẩn tức là 18 sở hữu hợp với tâm tham (trừ thọ, tưởng và 2 chi thủ); 4 là thức uẩn tức là tâm tham.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm tham; 2 là pháp xứ tức là 20 sở hữu hợp với tâm tham (trừ 2 chi thủ).

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm tham; 2 là pháp giới tức là 20 sở hữu hợp với tâm tham (trừ 2 chi thủ).

1 đế: 1 là khổ đế tức là 8 tâm tham và 20 sở hữu hợp (trừ 2 chi thủ).

Chỉ chấm và cách đọc trang 74 / Đầu đề nhị

Từ số 9 đến số 81, từ số 142 đến số 145, các số 148, 171, 172, từ số 174 đến số 201, chấm màu đỏ. Từ số 135 đến số 139, các số 146, 147 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, còn phân nửa phía dưới để trắng. Số 202, từ số 82 đến số 121 chấm màu xanh (tâm siêu thế hàng sơ thiền chấm màu xanh đậm, còn 4 hàng sau chấm màu xanh lợt). Từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến số 170 và số 173 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới chấm màu xanh.

74. Nhị đề Bất tương ưng thủ cảnh thủ (ly thủ mà cảnh thủ)[387] (Upādānavippayutta upādāniyaduka)… chiết… hữu dư…

Câu 1: Upādānavippayuttā kho pana dhammā upādāniyā pi (tất cả pháp bất tương ưng thủ và cảnh thủ) là: Pháp hiệp thế (trừ tâm tham với sở hữu hợp), lấy lại sở hữu tham hiệp với 4 tâm tham bất tương ưng.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với 73 tâm hiệp thế phi tham; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với 73 tâm hiệp thế phi tham; 4 là hành uẩn tức là 48 sở hữu hợp với 73 tâm hiệp thế phi tham và tham hợp với tâm tham bất tương ưng (trừ thọ, tưởng); 5 là thức uẩn tức là 73 tâm hiệp thế phi tham.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là 73 tâm hiệp thế phi tham; 12 là pháp xứ tức là 50 sở hữu hợp với 73 tâm hiệp thế phi tham, sở hữu tham hợp với tâm tham bất tương ưng và sắc tế.

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khai ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là 60 tâm hiệp thế phi tham (trừ ngũ song thức và ý giới); 18 là pháp giới tức là tham hợp tham bất tương ưng, 50 sở hữu hợp với 73 tâm hiệp thế phi tham và sắc tế.

2 đế: 1 là khổ đế tức là sắc pháp, 73 tâm hiệp thế phi tham và 49 sở hữu hợp (trừ sở hữu tham hợp với tâm tham bất tương ưng); 2 là tập đế tức là sở hữu tham hợp với tâm tham bất tương ưng.

Câu 2: Upādānavippayuttā kho pana dhammā anupādāniyā pi (tất cả pháp bất tương ưng thủ và phi cảnh thủ) là pháp siêu thế.

Chia như câu 2 nhị đề cảnh khinh thị.

Dứt phần nhỏ thứ 9, 10, 11

___o0o___

Phần nhỏ thứ 12 và 13:

· 1 là phần tụ phiền não (Kilesagocchaka) có 8 đầu đề nhị 8 trang, từ trang 1 đến trang 8.

· 2 là phần yêu bối (Piṭṭhiduka) có 18 đầu đề nhị, 18 trang, từ trang 9 đến trang 26.

12. Phần Nhỏ Thứ Mười Hai Là Phần Tụ Phiền Não (Kilesagocchaka)

Chỉ chấm và cách đọc trang 75 / Đầu đề nhị

Từ số 135 đến số 142, các số 146, 148 chấm màu đỏ. Từ số 1 đến số 121, từ số 122 đến số 134, các số 143, 144, 145, 147, từ số 149 đến số 202 chấm màu xanh (tâm siêu thế hàng sơ thiền chấm màu xanh đậm, còn 4 hàng sau chấm màu xanh lợt).

75. Nhị đề Phiền não[388] (Kilesaduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Kilesā dhammā (tất cả pháp phiền não) là: Tham, sân, si, ngã mạn, tà kiến, hoài nghi, hôn trầm, điệu cử, vô tàm và vô úy.

1 uẩn là hành uẩn; 1 xứ là pháp xứ;

1 giới là pháp giới đều là 10 chi pháp phiền não.

2 đế: 1 là khổ đế tức là 9 chi pháp phiền não (trừ tham), 2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Câu 2: No kilesā dhammā (tất cả pháp phi phiền não) là pháp siêu lý (trừ 10 chi pháp phiền não).

5 uẩn: 1 sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng; 4 là hành uẩn tức là 40 sở hữu (trừ thọ, tưởng và 10 chi pháp phiền não); 5 là thức uẩn tức là tâm. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm; 12 là pháp xứ tức là Níp-bàn, sắc tế và 42 sở hữu ngoài phiền não.

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khai ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là 108 tâm (trừ ngũ song thức và ý giới); 18 là pháp giới tức là Níp-bàn, sắc tế và 42 sở hữu ngoài phiền não.

3 đế: 1 là khổ đế tức là sắc pháp, tâm hiệp thế và 42 sở hữu hợp ngoài phiền não; 2 là diệt đế tức là Níp-bàn; 3 là đạo đế tức là bát chi đạo hợp với tâm đạo. Ngoại đế tức là tâm siêu thế và 36 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Chỉ chấm và cách đọc trang 76 / Đầu đề nhị

Từ số 1 đến số 81, từ số 135 đến số 148, các số 171, 172, từ số 174 đến số 201 chấm màu đỏ. Số 202, từ số 82 đến số 121 chấm màu xanh, (tâm siêu thế hàng sơ thiền chấm màu xanh đậm, còn 4 hàng sau chấm màu xanh lợt). Từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến số 170 và số 173 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới chấm màu xanh.

76. Nhị đề Cảnh phiền não[389] (Saṅkilesikaduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Saṅkilesikā dhammā (tất cả pháp cảnh phiền não) là pháp hiệp thế.

Chia như câu: Tất cả pháp hiệp thế.

Câu 2: Asaṅkilesikā dhammā (tất cả pháp phi cảnh phiền não) là pháp siêu thế.

Chia như câu: Tất cả pháp siêu thế.

Chỉ chấm và cách đọc trang 77 / Đầu đề nhị

Từ số 1 đến số 12, từ số 135 đến số 148 chấm màu đỏ. Từ số 13 đến số 121, từ số 149 đến số 202 chấm màu xanh (tâm siêu thế hàng sơ thiền chấm màu xanh đậm, còn 4 hàng sau chấm màu xanh lợt). Từ số 122 đến số 134 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới chấm màu xanh.

77. Nhị đề Phiền toái[390] (Sankilitthaduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Saṅkiliṭṭhā dhammā (tất cả pháp phiền toái) là pháp bất thiện.

Chia như câu: Tất cả pháp bất thiện.

Câu 2: Asaṅkiliṭṭhā dhammā (tất cả pháp phi phiền toái) là pháp thiện và vô ký.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm vô nhân và tâm tịnh hảo; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm vô nhân và tâm tịnh hảo; 4 là hành uẩn tức là 36 sở hữu hợp với tâm vô nhân và tâm tịnh hảo (trừ thọ, tưởng); 5 là thức uẩn tức là tâm vô nhân và tâm tịnh hảo. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm vô nhân và tâm tịnh hảo; 12 là pháp xứ tức là Níp-bàn, sắc tế và 38 sở hữu hợp với tâm vô nhân và tâm tịnh hảo.

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khai ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là khai ý môn, tiếu sinh, 3 tâm thẩm tấn và tâm tịnh hảo; 18 là pháp giới tức là Níp-bàn, sắc tế và 38 sở hữu hợp với tâm vô nhân và tâm tịnh hảo.

3 đế: 1 là khổ đế tức là tâm vô nhân, tâm tịnh hảo hiệp thế, 38 sở hữu tâm và sắc pháp; 2 là diệt đế tức là Níp-bàn; 3 là đạo đế tức là bát chi đạo hợp với tâm đạo. Ngoại đế là tâm siêu thế và 36 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Chỉ chấm và cách đọc trang 78 / Đầu đề nhị

Chỉ chấm trang này giống như cách chấm nhị đề phiền toái.

78. Nhị đề Tương ưng phiền não (hiệp phiền não)[391] (Kilesasampayuttaduka) chiết… vô dư…

Câu 1: Kilesasampayuttā dhammā (tất cả pháp tương ưng phiền não).

Câu 2: Kilesavippayutā dhammā (tất cả pháp bất tương ưng phiền não).

Pháp thực tính và chia như nhị đề phiền toái.

Chỉ chấm và cách đọc trang 79 / Đầu đề nhị

Từ số 135 đến số 142, các số 146, 148 chấm màu đỏ. Từ số 1 đến số 81, các số 143, 144, 145, 147, 171, 172 và từ 174 đến số 201 chấm màu xanh. Từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến số 170 và số 173 chấm phân nửa phía dưới màu xanh, phân nửa phía trên để trắng.

79. Nhị đề Phiền não cảnh phiền não[392] (Kilesasaṅkilesikaduka)… chiết… hữu dư…

Câu 1: Kilesā ceva dhammā saṅkilesikā ca (tất cả pháp phiền não và cảnh phiền não) là phiền não.

1 uẩn là hành uẩn; 1 xứ là pháp xứ;

1 giới là pháp giới đều là 10 chi pháp phiền não.

2 đế: 1 là khổ đế tức là 9 chi pháp phiền não (trừ tham), 2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Câu 2: Saṅkilesikā ceva dhammā no ca kilesā (tất cả pháp phi phiền não mà cảnh phiền não) là pháp hiệp thế (trừ phiền não).

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm hiệp thế; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hiệp với tâm hiệp thế; 4 là hành uẩn tức là 40 sở hữu hợp với tâm hiệp thế (trừ thọ, tưởng và 10 chi pháp phiền não); 5 là thức uẩn tức là tâm hiệp thế.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm hiệp thế; 12 là pháp xứ tức là 42 sở hữu hợp với tâm hiệp thế (trừ 10 chi pháp phiền não).

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khai ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là 68 tâm hiệp thế (trừ ngũ song thức và ý giới); 18 là pháp giới tức là sắc tế và 42 sở hữu hợp với tâm hiệp thế (trừ 10 chi pháp phiền não).

1 đế là khổ đế tức là tâm hiệp thế, 42 sở hữu tâm và sắc pháp (trừ 10 chi pháp phiền não).

Chỉ chấm và cách đọc trang 80 / Đầu đề nhị

Từ số 135 đến số 142, các số 146, 148 chấm màu đỏ. Từ số 1 đến số 12, các số 143, 144, 145 và 147 chấm màu xanh. Từ số 122 đến số 134 phân nửa phía dưới chấm màu xanh còn phân nửa phía trên để trắng.

80. Nhị đề Phiền não và phiền toái[393] (Kilesasaṅkiliṭṭhaduka)… chiết… hữu dư…

Câu 1: Kilesā ceva dhammā saṅkiliṭṭhā ca (tất cả pháp phiền não và phiền toái) là phiền não.

Chia như câu 1 nhị đề phiền não cảnh phiền não.

Câu 2: Sankiliṭṭhā ceva dhammā no ca kilesā (tất cả pháp phiền toái mà phi phiền não) là pháp bất thiện (trừ phiền não).

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm bất thiện; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm bất thiện; 3 là hành uẩn tức là 15 sở hữu hợp với tâm bất thiện (trừ thọ, tưởng và 10 chi pháp phiền não); 4 là thức uẩn tức là tâm bất thiện.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm bất thiện; 2 là pháp xứ tức là 17 sở hữu hợp với tâm bất thiện (trừ 10 chi pháp phiền não).

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm bất thiện; 2 là pháp giới tức là 17 sở hữu hợp với tâm bất thiện (trừ 10 chi pháp phiền não).

1 đế là khổ đế tức là tâm bất thiện và 17 sở hữu hợp (trừ 10 chi pháp phiền não).

Chỉ chấm và cách đọc trang 81 / Đầu đề nhị

Cách chấm trang này giống như cách chấm nhị đề phiền não và phiền toái.

81. Nhị đề Phiền não tương ưng phiền não (phiền não hiệp phiền não)[394] (Kilesakilesa-sampayuttaduka)… chiết… hữu dư…

Câu 1: Kilesā ceva dhammā kilesasampayuttā ca (tất cả pháp phiền não và tương ưng phiền não) là phiền não.

Câu 2: Kilesasampayuttā ceva dhammā no ca kilesā (tất cả pháp tương ưng phiền não mà phi phiền não) là pháp bất thiện (ngoài ra phiền não).

Chia như nhị đề phiền não và phiền toái.

Chỉ chấm và cách đọc trang 82 / Đầu đề nhị

Từ số 13 đến số 81, từ số 171, 172, từ số 174 đến số 201 chấm màu đỏ. Số 202, từ số 82 đến số 121 chấm màu xanh (tâm siêu thế hàng sơ thiền chấm màu xanh đậm, còn 4 hàng sau chấm màu xanh lợt). Từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến số 170 và số 173 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, chấm phân nửa phía dưới màu xanh.

82. Nhị đề Bất tương ưng phiền não cảnh phiền não (ly phiền não mà cảnh phiền não)[395] (Kilesavippayuttasaṅkilesikaduka)… chiết… hữu dư…

Câu 1: Kilesavippayuttā kho pana dhammā saṅkilesikā pi (tất cả pháp bất tương ưng phiền não mà cảnh phiền não) là: Pháp thiện và pháp vô ký hiệp thế.

Câu 2: Kilesavippayutttā kho pana dhammā asaṅkilesikā pi (tất cả pháp bất tương ưng phiền não mà phi cảnh phiền não) là pháp siêu thế.

Chia như nhị đề ly cái cảnh cái.

13. Phần Nhỏ Thứ Mười Ba Là Phần Yêu Bối (Piṭṭhiduka)

Chỉ chấm và cách đọc trang 83 / Đầu đề nhị

Từ số 1, 2, 5, 6, 11, 140, 148 chấm màu đỏ. Các số 3, 4, từ số 7 đến số 10, từ số 12 đến số 121, số 141, từ số 149 đến số 202 chấm màu xanh (tâm siêu thế hàng sơ thiền chấm màu xanh đậm, còn 4 hàng sau chấm màu xanh lợt). Từ số 122 đến số 139, từ số 142 đến số 147 chấm phân nửa phía trên màu đỏ còn phân nửa phía dưới chấm màu xanh.

83. Nhị đề Sơ đạo đoạn (tuyệt) trừ (sơ đạo sát)[396] (Dassanenapahātabbaduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Dassanena pahātabbā dhammā (tất cả pháp sơ đạo đoạn (tuyệt) trừ) là: 4 tâm tham tương ưng, tâm si hoài nghi và 22 sở hữu (trừ sân-phần.ngã mạn) hợp dứt tuyệt, còn những pháp bất thiện dư lại cũng bị sát phần mạnh tạo ác.

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm tham tương ưng và si hoài nghi; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm tham tương ưng và si hoài nghi; 3 là hành uẩn tức là 20 sở hữu hợp với tâm tham tương ưng và si hoài nghi (trừ thọ, tưởng); 4 là thức uẩn tức là tâm tham tương ưng và si hoài nghi.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm tham tương ưng và si hoài nghi; 2 là pháp xứ tức là 22 sở hữu hợp với tâm tham tương ưng và si hoài nghi.

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm tham tương ưng và si hoài nghi; 2 là pháp giới tức là 22 sở hữu hợp với tâm tham tương ưng và si hoài nghi.

2 đế: 1 là khổ đế tức là tâm tham tương ưng, si hoài nghi và 21 sở hữu hợp (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Câu 2: Na dassanena pahātabbā dhammā (tất cả pháp phi sơ đạo đoạn (tuyệt) trừ) là pháp siêu lý (trừ pháp sơ đạo sát).

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với 116 (trừ 4 tham tương ưng và si hoài nghi) tâm ngoài sơ đạo sát; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với 116 tâm ngoài sơ đạo sát; 4 là hành uẩn tức là 48 sở hữu (trừ thọ, tưởng, tà kiến và hoài nghi) hợp với 116 tâm ngoài sơ đạo sát (trừ thọ, tưởng); 5 là thức uẩn tức là 116 tâm ngoài sơ đạo sát. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là 116 tâm ngoài sơ đạo sát; 12 là pháp xứ tức là Níp-bàn, sắc tế và 50 sở hữu hợp với 116 tâm ngoài sơ đạo sát.

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khai ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là 103 tâm ngoài ra sơ đạo sát (trừ ngũ song thức và ý giới); 18 là pháp giới tức là Níp-bàn, sắc tế và 50 sở hữu hợp với 116 tâm ngoài ra sơ đạo sát.

4 đế: 1 là khổ đế tức là 76 tâm hiệp thế ngoài ra sơ đạo sát và 49 sở hữu hợp (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham hợp với tâm tham bất tương ưng; 3 là diệt đế tức là Níp-bàn; 4 là đạo đế tức là bát chi đạo hợp với tâm đạo. Ngoại đế tức là tâm siêu thế và 36 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Chỉ chấm và cách đọc trang 84 / Đầu đề nhị

Các số 3, 4, từ số 7 đến số 10 và số 12 chấm màu đỏ. Các số 1, 2, 5, 6, 11, từ số 13 đến số 121, số 140, từ số 148 đến số 202 chấm màu xanh (tâm siêu thế hàng sơ thiền chấm màu xanh đậm, còn 4 hàng sau chấm màu xanh lợt).

84. Nhị đề Ba đạo cao đoạn trừ (ba đạo cao sát hay tuyệt trừ)[397] (Bhāvanāyapahātabba-duka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Bhāvanāya pahātabbā dhammā (tất cả pháp 3 đạo cao đoạn (tuyệt) trừ) là: 4 tâm tham bất tương ưng, 2 tâm sân, tâm si điệu cử và 25 sở hữu hợp.

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với 7 tâm ba đạo cao sát; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với 7 tâm ba đạo cao sát; 3 là hành uẩn tức là 23 sở hữu hợp với 7 tâm ba đạo cao sát (trừ thọ, tưởng); 4 là thức uẩn tức là 7 tâm ba đạo cao sát.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là 7 tâm ba đạo cao sát; 2 là pháp xứ tức là 25 sở hữu hợp với 7 tâm ba đạo cao sát.

2 giới: 1 là ý thức giới tức là 7 tâm ba đạo cao sát; 2 là pháp giới tức là 25 sở hữu hợp với 7 tâm ba đạo cao sát.

2 đế: 1 là khổ đế tức là 7 tâm ba đạo cao sát và 24 sở hữu hợp (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham hợp với tâm tham bất tương ưng.

Câu 2: Na bhāvanāya pahātabbā dhammā (tất cả pháp phi ba đạo cao đoạn (tuyệt) trừ) là: Pháp siêu lý (trừ pháp 3 đạo cao sát).

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với 114 tâm ngoài ra ba đạo cao sát; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với 114 tâm ngoài ra ba đạo cao sát; 4 là hành uẩn tức là 50 sở hữu hợp với 114 tâm ngoài ra ba đạo cao sát (trừ thọ, tưởng); 5 là thức uẩn tức là 114 tâm ngoài ra ba đạo cao sát. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là 114 tâm ngoài ra ba đạo cao sát; 12 là pháp xứ tức là 52 sở hữu hợp với 114 tâm ngoài ra ba đạo cao sát, sắc tế và Níp-bàn.

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khai ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là 101 tâm ngoài ra ba đạo cao sát (trừ ngũ song thức và ý giới); 18 là pháp giới tức là Níp-bàn, sắc tế và 50 sở hữu hợp với 114 tâm ngoài ra ba đạo cao sát.

4 đế: 1 là khổ đế tức là sắc pháp, 74 tâm hiệp thế ngoài ra ba đạo cao sát và 51 sở hữu hợp (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham hợp với tâm tham tương ưng; 3 là diệt đế tức là Níp-bàn; 4 là đạo đế tức là bát chi đạo hợp với tâm đạo. Ngoại đế tức là tâm siêu thế và 36 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Chỉ chấm và cách đọc trang 85 / Đầu đề nhị

Các số 1, 2, 5, 6, 140, 148 chấm màu đỏ. Các số 3, 4, 7, 8, 9, 10, 135, từ số 141 đến số 145, chấm 1/3 phía trên màu đỏ, còn 2 phần 3 phía dưới chấm màu xanh. Số 11 chấm phía trên 2 phần 3 màu đỏ, chấm phía dưới 1/3 màu xanh. Từ số 122 đến số 134, từ số 136 đến số 139, các số 146, 147 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới chấm màu xanh. Từ số 12 đến số 121, từ số 149 đến số 202 chấm màu xanh (tâm siêu thế hàng sơ thiền chấm màu xanh đậm, còn 4 hàng sau chấm màu xanh lợt).

85. Nhị đề Hữu nhân sơ đạo đoạn (tuyệt) trừ (sơ đạo sát)[398] (Dassanena pahātabbahetuka-duka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Dassanena pahātabbahetukā dhammā (tất cả pháp hữu nhân sơ đạo đoạn (tuyệt) trừ) là: 4 tâm tham tương ưng, tâm si hoài nghi và 22 sở hữu hợp (trừ si hiệp tâm si hoài nghi tuyệt), còn lại pháp bất thiện ngoài ra cũng bị yếu.

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với 5 tâm sơ đạo sát; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với 5 tâm sơ đạo sát; 3 là hành uẩn tức là 20 sở hữu hợp với 5 tâm sơ đạo sát (trừ thọ, tưởng và si hợp với si hoài nghi); 4 là thức uẩn tức là 5 tâm sơ đạo sát.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là 5 tâm sơ đạo sát; 2 là pháp xứ tức là 22 sở hữu hợp với 5 tâm sơ đạo sát (trừ si hợp với tâm si hoài nghi).

2 giới: 1 là ý thức giới tức là 5 tâm sơ đạo sát; 2 là pháp giới tức là 22 sở hữu hợp với 5 tâm sơ đạo sát (trừ si hợp với tâm si hoài nghi).

2 đế: 1 là khổ đế tức là 5 tâm sơ đạo sát và 21 sở hữu hợp (trừ tham và si hợp với tâm si hoài nghi); 2 là tập đế tức là sở hữu tham hợp với tâm tham tương ưng.

Câu 2: Na dassanena pahātabbahetukā dhammā (tất cả pháp phi hữu nhân sơ đạo đoạn (tuyệt) trừ) là: Pháp siêu lý (trừ những pháp hữu nhân sơ đạo sát).

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với 116 tâm ngoài ra sơ đạo sát; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với 116 tâm ngoài ra sơ đạo sát; 4 là hành uẩn tức là 48 sở hữu hợp với 116 tâm ngoài ra sơ đạo sát (trừ thọ, tưởng); 5 là thức uẩn tức là 116 tâm ngoài ra sơ đạo sát. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là 116 tâm ngoài ra sơ đạo sát; 12 là pháp xứ tức là Níp-bàn, sắc tế và 50 sở hữu hợp với 116 tâm ngoài ra sơ đạo sát và sở hữu si hợp si hoài nghi.

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khai ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là 103 tâm ngoài ra sơ đạo sát (trừ ngũ song thức và ý giới); 18 là pháp giới tức là Níp-bàn, sắc tế và 50 sở hữu hợp với 116 tâm ngoài ra sơ đạo sát và si hợp với tâm si hoài nghi.

4 đế: 1 là khổ đế tức là 76 tâm hiệp thế ngoài ra sơ đạo sát và 49 sở hữu hợp (trừ tham và si hợp với tâm si hoài nghi); 2 là tập đế tức là sở hữu tham, hợp với tâm tham bất tương ưng; 3 là diệt đế tức là Níp-bàn; 4 là đạo đế tức là bát chi đạo hợp với tâm đạo. Ngoại đế tức là tâm siêu thế và 36 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Chỉ chấm và cách đọc trang 86 / Đầu đề nhị

Các số 3, 4, từ số 7 đến số 10, số 12, từ số 141 đến số 145 chấm màu đỏ. Các số 1, 2, 5, 6, 11, từ số 13 đến số 121, số 140, từ số 148 đến số 202 chấm màu xanh. Từ số 122 đến số 134, từ số 135 đến số 138, các số 139, 146, 147 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới chấm màu xanh.

86. Nhị đề Hữu nhân 3 đạo cao đoạn (tuyệt) trừ[399] (Bhāvanāyapahātabbahetukaduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Bhāvanāya pahātabbahetukā dhammā (tất cả pháp hữu nhân 3 đạo cao đoạn (tuyệt) trừ) là như trang 84, chỉ trừ si hiệp tâm si điệu cử.

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm ba đạo cao sát; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm ba đạo cao sát; 3 là hành uẩn tức là 23 sở hữu hợp với tâm ba đạo cao sát (trừ thọ, tưởng và si hợp với tâm si điệu cử); 4 là thức uẩn tức là 7 tâm ba đạo cao sát.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm ba đạo cao sát; 2 là pháp xứ tức là 25 sở hữu hợp với tâm ba đạo cao sát (trừ si hợp với tâm si điệu cử).

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm ba đạo cao sát; 2 là pháp giới tức là 25 sở hữu hợp với tâm ba đạo cao sát (trừ si hợp với tâm si điệu cử).

2 đế: 1 là khổ đế tức là tâm ba đạo cao sát và 24 sở hữu hợp (trừ si hợp với tâm si điệu cử và tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham hợp với tâm tham bất tương ưng.

Câu 2: Na bhāvanāya pahātabbahetukā dhammā (tất cả pháp phi hữu nhân phi 3 đạo cao đoạn (tuyệt) trừ) là như trang 85 và lấy thêm si hiệp tâm si.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với 114 tâm ngoài ra ba đạo cao sát; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với 114 tâm ngoài ra ba đạo cao sát; 4 là hành uẩn tức là 50 sở hữu hợp với 114 tâm ngoài ra ba đạo cao sát (trừ thọ, tưởng và si hợp với tâm si hoài nghi); 5 là thức uẩn tức là 114 tâm ngoài ra ba đạo cao sát. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là 114 tâm ngoài ra ba đạo cao sát; 12 là pháp xứ tức là Níp-bàn, sắc tế, 52 sở hữu hợp với 114 tâm ngoài ra ba đạo cao sát và si hợp với tâm si hoài nghi.

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khai ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là 101 tâm ngoài ra ba đạo cao sát (trừ ngũ song thức và ý giới); 18 là pháp giới tức là Níp-bàn, sắc tế và 52 sở hữu hợp với 114 tâm ngoài ra ba đạo cao sát và si hợp với tâm si hoài nghi.

3 đế: 1 là khổ đế tức là sắc pháp, 74 tâm hiệp thế ngoài ra ba đạo cao sát và 51 sở hữu hợp (trừ si hợp với tâm si hoài nghi và tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham; 3 là diệt đế tức là Níp-bàn; 4 là đạo đế tức là bát chi đạo hợp với tâm đạo. Ngoại đế tức là tâm siêu thế và 36 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Chỉ chấm và cách đọc trang 87 / Đầu đề nhị

Từ số 1 đến số 12, các số 18, 19, từ số 25 đến số 55, các số 60, 65, 82, 87, 92, 97, 102, 107, 112, 117 và từ số 135 đến số 148 chấm màu đỏ. Từ số 13 đến số 17, từ số 20 đến số 24, từ số 56 đến số 59, từ số 61 đến số 64, từ số 66 đến số 81 và từ số 174 đến số 202 chấm màu xanh. Từ số 122 đến số 128, từ số 130 đến số 134 và từ số 149 đến số 173 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới chấm màu xanh. Số 129 chấm phân nửa phía dưới màu xanh còn phân nửa phía trên để trắng.

87. Nhị đề Hữu tầm[400] (Savitakkaduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Savitakkā dhammā (tất cả pháp hữu tầm) là: 11 tâm sơ thiền, 44 tâm dục giới, 51 sở hữu hợp (trừ ngũ song thức và tầm).

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm hữu tầm; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm hữu tầm; 3 là hành uẩn tức là 49 sở hữu hợp với tâm hữu tầm (trừ thọ, tưởng); 4 là thức uẩn tức là tâm hữu tầm.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm hữu tầm; 2 là pháp xứ tức là 51 sở hữu hợp với tầm.

3 giới: 1 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khai ngũ môn; 2 là ý thức giới tức là tâm hữu tầm ngoài ra ý giới; 3 là pháp giới tức là 51 sở hữu hợp với tầm.

3 đế: 1 là khổ đế tức là tâm hữu tầm hiệp thế và 50 sở hữu tầm (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham; 3 là đạo đế tức là bảy chi đạo hợp với đạo đế tầm. Ngoại đế tức là tâm siêu thế hữu tầm và 36 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Câu 2: Avitakkā dhammā (tất cả pháp vô tầm) là: Ngũ song thức, tâm nhị thiền sắp lên, 37 sở hữu hợp, lấy hết sở hữu tầm hợp trong 55 tâm hữu tầm, sắc pháp và Níp-bàn (trừ tứ).

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm vô tầm; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm vô tầm; 4 là hành uẩn tức là 35 sở hữu hợp với tâm vô tầm (trừ thọ, tưởng) và sở hữu tầm trong 55 tâm hữu tầm; 5 là thức uẩn tức là tâm vô tầm. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm vô tầm; 12 là pháp xứ tức là Níp-bàn, sắc tế và 37 sở hữu hợp với tâm vô tầm và sở hữu tầm trong 55 tâm hữu tầm.

17 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 16 là ý thức giới tức là tâm thiền vô tầm;17 là pháp giới tức là Níp-bàn, sắc tế, 37 sở hữu hợp với tâm vô tầm và sở hữu tầm.

3 đế: 1 là khổ đế tức là sắc pháp, 34 tâm vô tầm hiệp thế và 37 sở hữu hợp và sở hữu tầm; 2 là diệt đế tức là Níp-bàn; 3 là đạo đế tức là 7 chi đạo hợp với tâm đạo vô tầm và sở hữu tầm hợp với tâm đạo. Ngoại đế tức là tâm siêu thế vô tầm, 35 sở hữu hợp và tầm hợp với tâm quả siêu thế (trừ đạo đế).

Chỉ chấm và cách đọc trang 88 / Đầu đề nhị

Từ số 1 đến số 12, các số 18, 19, từ số 25 đến số 56, các số 60, 61, 65, 66, 82, 83, 87, 88, 92, 93, 97, 98, 102, 103, 107, 108, 112, 113, 117, 118, 129, từ số 135 đến số 148 chấm màu đỏ. Từ số 13 đến số 17, từ số 20 đến số 24, các số 57, 58, 59, 62, 63, 64, từ số 66 đến số 81, số 130, từ số 174 đến số 202 chấm màu xanh đậm. Các số 84, 85, 86, 89, 90, 91, 94, 95, 96, 99, 100, 101, 104, 105, 106, 109, 110, 111, 114, 115, 116, 119, 120, 121 chấm màu xanh lợt. Từ số 122 đến số 128, từ số 131 đến số 134, từ số 149 đến số 173 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới màu xanh.

88. Nhị đề Hữu tứ[401] (Savicāraduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Savicārā dhammā (tất cả pháp hữu tứ) là: 11 tâm sơ thiền, 11 tâm nhị thiền, 44 tâm dục giới và 51 sở hữu hợp (trừ ngũ song thức và tứ).

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm hữu tứ; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm hữu tứ; 3 là hành uẩn tức là 49 sở hữu hợp với tứ (trừ thọ, tưởng); 4 là thức uẩn tức là tâm hữu tứ.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm hữu tứ; 2 là pháp xứ tức là 51 sở hữu hợp tứ.

3 giới: 1 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khai ngũ môn; 2 là ý thức giới tức là 63 tâm hữu tứ (trừ ý giới); 3 là pháp giới tức là 51 sở hữu hợp tứ.

2 đế: 1 là khổ đế tức là 50 tâm hữu tứ hiệp thế và 50 sở hữu hợp tứ hiệp thế (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham; 3 là đạo đế tức là 7 chi đạo hợp với tâm đạo hữu tứ. Ngoại đế tức là tâm siêu thế hữu tứ và 35 sở hữu hợp tứ siêu thế (trừ đạo đế).

Câu 2: Avicārā dhammā (tất cả pháp vô tứ) là: Ngũ song thức, tâm tam thiền sắp lên, 36 sở hữu hợp, lấy hết sở hữu tứ hợp trong 66 tâm hữu tứ, sắc pháp và Níp-bàn.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm vô tứ; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm vô tứ; 4 là hành uẩn tức là 35 sở hữu hợp với tâm vô tứ (trừ thọ, tưởng và lấy thêm sở hữu tứ hợp trong 66 tâm hữu tứ); 5 là thức uẩn tức là tâm vô tứ. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm vô tứ; 12 là pháp xứ tức là 37 sở hữu hợp với tâm vô tứ, sở hữu tứ hợp trong 66 tâm hữu tứ, sắc tế và Níp-bàn.

17 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 16 là ý thức giới tức là 45 tâm thiền vô tứ; 17 là pháp giới tức là 37 sở hữu hợp với 45 tâm thiền vô tứ, 55 tâm vô tứ, với sở hữu tứ hợp trong 66 tâm hữu tứ, sắc tế và Níp-bàn.

3 đế: 1 là khổ đế tức là sắc pháp, tâm vô tứ hiệp thế, 37 sở hữu hợp và sở hữu tứ hợp trong 66 tâm hữu tứ; 2 là diệt đế tức là Níp-bàn; 3 là đạo đế tức là 7 chi đạo hợp với tâm đạo vô tứ. Ngoại đế tức là tâm siêu thế vô tứ, 34 sở hữu hợp và tứ (trừ đạo đế).

Chỉ chấm và cách đọc trang 89 / Đầu đề nhị

Từ số 1 đến số 4, các số 27, 30, từ số 31 đến số 34, từ số 39 đến số 42, từ số 47 đến số 50, các số 55, 56, 57, 60, 61, 62, 65, 66, 67, 82, 83, 84, 87, 88, 89, 92, 93, 94, 97, 98, 99, 102, 103, 104, 107, 108, 109, 112, 113, 114, 117, 118 và 119 chấm màu đỏ. Từ số 5 đến số 26, số 28, 29, từ số 35 đến số 38, từ số 43 đến số 46, từ số 51 đến số 54, các số 58, 59, 63, 64, từ số 68 đến số 81, các số 85, 86, 90, 91, 95, 96, 100, 101, 105, 106, 110, 111, 115, 116, 120, 121, 133, từ số 142 đến số 145, số 148, từ số 174 đến số 202 chấm màu xanh. Từ số 122 đến số 132, từ số 134 đến số 141, các số 146, 147, từ số 149 đến số 173 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới màu xanh.

89. Nhị đề Hữu hỷ [402] (Sappītikaduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Sappītikā dhammā (tất cả pháp hữu hỷ) là: 51 tâm hữu hỷ và 46 sở hữu câu hành hỷ (trừ hỷ).

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với 51 tâm hữu hỷ; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với 51 tâm hữu hỷ; 3 là hành uẩn tức là 44 sở hữu hợp với 51 tâm hữu hỷ (trừ thọ, tưởng); 4 là thức uẩn tức là 51 tâm hữu hỷ.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là 51 tâm hữu hỷ; 2 là pháp xứ tức là 46 sở hữu hợp với pháp hỷ.

2 giới: 1 là ý thức giới tức là 51 tâm hữu hỷ; 2 là pháp giới tức là 46 sở hữu hợp hỷ.

3 đế: 1 là khổ đế tức là 27 tâm hiệp thế hữu hỷ và 45 sở hữu hợp (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham; 3 là đạo đế tức là bát chi đạo hợp với tâm đạo hữu hỷ. Ngoại đế tức là tâm siêu thế hữu hỷ và 36 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Câu 2: Appītikā dhammā (tất cả pháp vô hỷ) là: 70 tâm vô hỷ, 51 sở hữu hợp, sắc pháp, Níp-bàn và sở hữu hỷ hợp trong 51 tâm hữu hỷ.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm vô hỷ; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm vô hỷ; 4 là hành uẩn tức là 49 sở hữu hợp với tâm vô hỷ và sở hữu hỷ hợp trong 51 tâm hữu hỷ (trừ thọ, tưởng); 5 là thức uẩn tức là 70 tâm vô hỷ. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là 70 tâm vô hỷ; 12 là pháp xứ tức là Níp-bàn, sắc tế và 51 sở hữu hợp với tâm vô hỷ và sở hữu hỷ hợp trong 51 tâm hữu hỷ.

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khai ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là 57 tâm vô hỷ (trừ ngũ song thức và ý giới); 18 là pháp giới tức là Níp-bàn, sắc tế và 51 sở hữu hợp với tâm vô hỷ và sở hữu hỷ hợp trong 51 tâm hữu hỷ.

4 đế: 1 là khổ đế tức là sắc pháp, tâm vô hỷ hiệp thế và 50 sở hữu hợp (trừ tham) và sở hữu hỷ hợp trong 51 tâm hữu hỷ; 2 là tập đế tức là sở hữu tham; 3 là diệt đế tức là Níp-bàn; 4 là đạo đế tức là bảy chi đạo hợp với tâm đạo vô hỷ. Ngoại đế tức là tâm siêu thế vô hỷ và 37 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Chỉ chấm và cách đọc trang 90 / Đầu đề nhị

Cách chấm trang này giống như cách chấm Nhị đề hữu hỷ.

90. Nhị đề Câu sanh pháp hỷ [403] (Pītisahagataduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Pītisahagatā dhammā (tất cả pháp đồng sanh pháp hỷ).

Câu 2: Na pītisahagatā dhammā (tất cả pháp phi đồng sanh pháp hỷ).

Pháp thực tính và chia như nhị đề hữu hỷ.

Chỉ chấm và cách đọc trang 91 / Đầu đề nhị

Từ số 1 đến số 4, các số 24, 27, 30, từ số 31 đến số 34, từ số 39 đến số 42, từ số 47 đến số 50, từ số 55 đến số 58, từ số 60 đến số 63, từ số 65 đến số 68, từ số 82 đến số 85, từ số 87 đến số 90, từ số 92 đến số 95, từ số 97 đến số 100, từ số 102 đến số 105, từ số 107 đến số 110, từ số 112 đến số 115, từ số 117 đến số 120 chấm màu đỏ. Từ số 5 đến số 23, các số 25, 26, 28, 29, từ số 35 đến số 38, từ số 43 đến số 46, từ số 51 đến số 54, các số 59, 64, từ số 69 đến số 81, các số 86, 91, 96, 101, 106, 111, 116, 121, 123, từ số 142 đến số 145, số 148, từ số 174 đến số 202 chấm màu xanh. Số 122, từ số 124 đến số 132, từ số 134 đến số 141, các số 146, 147, từ số 149 đến số 173 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới chấm màu xanh.

91. Nhị đề Câu sanh lạc thọ[404] (Sukhasahagataduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Sukhasahagatā dhammā (tất cả pháp đồng sanh lạc thọ) là: 63 tâm câu hành lạc và 46 sở hữu hợp câu hành lạc (trừ thọ, sân-phần và hoài nghi).

Chia như câu 2 trang 7 / Đầu đề Tam - Tam đề hỷ.

Câu 2: Na sukhasahagatā dhammā (tất cả pháp phi đồng sanh lạc thọ) là: Níp-bàn, sắc pháp, 55 tâm câu hành xả, 3 tâm câu hành khổ, 51 sở hữu hợp và sở hữu lạc thọ trong 63 tâm câu hành lạc (trừ hỷ).

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm phi câu hành lạc; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm phi câu hành lạc; 4 là hành uẩn tức là 49 sở hữu hợp với tâm phi câu hành lạc (trừ thọ, tưởng) và sở hữu thọ (lạc thọ) hợp trong 63 tâm câu hành lạc; 5 là thức uẩn tức là tâm phi câu hành lạc. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô;11 là ý xứ tức là tâm phi câu hành lạc; 12 là pháp xứ tức là 51 sở hữu hợp với tâm phi câu hành lạc, sở hữu thọ (lạc thọ) hợp trong 63 tâm câu hành lạc, sắc tế và Níp-bàn.

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là 9 tâm thức trước; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khai ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là tâm phi câu hành lạc (trừ 4 đôi rưỡi thức và ý giới); 18 là pháp giới tức là 51 sở hữu hợp với tâm phi câu hành lạc, sở hữu thọ (lạc thọ) hợp trong 63 tâm câu hành lạc, sắc tế và Níp-bàn.

4 đế: 1 là khổ đế tức là sắc pháp, tâm hiệp thế phi câu sanh với lạc thọ , sở hữu thọ (lạc thọ) hợp trong 63 tâm câu hành lạc và 50 sở hữu hợp (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham; 3 là diệt đế tức là Níp-bàn; 4 là đạo đế tức là 7 chi đạo hợp với tâm đạo ngũ thiền. Ngoại đế tức là tâm ngũ thiền siêu thế và 33 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Chỉ chấm và cách đọc trang 92 / Đầu đề nhị

Từ số 1 đến số 4, số 9, 10, 17, 24, 27, từ số 30 đến số 34, từ số 39 đến số 42, từ số 47 đến số 50, từ số 55 đến số 58, từ số 60 đến số 63, từ số 65 đến số 68, từ số 82 đến số 85, từ số 87 đến số 90, từ số 92 đến số 95, từ số 97 đến số 100, từ số 102 đến số 105, từ số 107 đến số 110, từ số 112 đến số 115, từ số 117 đến số 120, các số 123, 133, từ số 142 đến số 145, từ số 174 đến số 202 chấm màu đỏ. Từ số 5 đến số 8, các số 11, 12, từ số 13 đến 16, từ số 18 đến số 23, các số 25, 26, 28, 29, từ số 35 đến 38, từ số 43 đến số 46, từ số 51 đến số 54, các số 59, 64, từ số 69 đến số 81, các số 86, 91, 96, 101, 106, 111, 116, 121 và 148 chấm màu xanh. Số 122, từ số 124 đến số 132, từ số 134 đến số 141, các số 146, 147, từ số 149 đến số 173 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới màu xanh.

92. Nhị đề Câu sanh xả thọ[405] (Upekkhāsahagataduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Upekkhāsahagatā dhammā (tất cả pháp đồng sanh xả) là: 55 tâm câu hành xả và 46 sở hữu hợp câu hành xả (trừ thọ, hỷ, sân-phần).

3 uẩn: 1 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm câu hành xả; 2 là hành uẩn tức là 45 sở hữu hợp với xả thọ (trừ tưởng); 3 là thức uẩn tức là tâm câu hành xả.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm câu hành xả; 2 là pháp xứ tức là 46 sở hữu hợp câu hành xả.

7giới: 4 giới thức trước tức là 4 đôi thức trước; 5 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khai ngũ môn; 6 là ý thức giới tức là 44 tâm câu hành xả (trừ 4 song thức câu hành xả và ý giới); 7 là pháp giới tức là 46 sở hữu hợp câu hành xả.

3 đế: 1 là khổ đế tức là 47 tâm hiệp thế câu hành xả và 45 sở hữu hợp câu hành xả hiệp thế (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham; 3 là đạo đế tức là 7 chi đạo hợp với tâm đạo câu hành xả. Ngoại đế tức là tâm siêu thế câu hành xả với 32 sở hữu hợp (trừ đạo đế và thọ).

Câu 2: Na upekkhāsahagatā dhammā (tất cả pháp phi đồng sanh xả) là: 63 tâm câu hành lạc, 3 tâm câu hành khổ, 51 sở hữu (trừ hoài nghi) hợp, sắc pháp, Níp-bàn và sở hữu xả thọ trong 55 tâm câu hành xả.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm phi câu hành xả; 4 là hành uẩn tức là 49 sở hữu hợp với tâm phi câu hành xả (trừ thọ, tưởng) và sở hữu xả thọ trong 55 tâm câu hành xả; 5 là thức uẩn tức là tâm phi câu hành xả. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm phi câu hành xả; 12 là pháp xứ tức là 51 sở hữu hợp với tâm phi câu hành xả, sở hữu xả thọ trong 55 tâm câu hành xả., sắc tế và Níp-bàn.

13 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 11 là thân thức giới tức là 2 tâm thân thức; 12 là ý thức giới tức là 2 tâm sân và 62 tâm câu hành hỷ; 13 là pháp giới tức là 51 sở hữu hợp với tâm phi câu hành xả, sở hữu xả thọ trong 55 tâm câu hành xả., sắc tế và Níp-bàn.

4 đế: 1 là khổ đế tức là sắc pháp, tâm phi câu hành xả hiệp thế, 50 sở hữu hợp, sở hữu thọ hợp với tâm hiệp thế (trừ tham) và sở hữu xả thọ trong 55 tâm câu hành xả.; 2 là tập đế tức là sở hữu tham; 3 là diệt đế tức là Níp-bàn; 4 là đạo đế tức là chi đạo hợp với tâm đạo câu hành hỷ. Ngoại đế tức là tâm siêu thế câu hành hỷ và 36 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Chỉ chấm và cách đọc trang 93 / Đầu đề nhị

Từ số 1 đến số 54, từ số 135 đến số 148, từ số 174 đến số 201 chấm màu đỏ. Từ số 55 đến số 121 và số 202 chấm màu xanh. Từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến số 173 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới màu xanh.

93. Nhị đề Dục giới[406] (Kāmāvacaraduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Kāmāvacarā dhammā (tất cả pháp dục giới) là: 54 tâm dục giới, 52 sở hữu tâm và sắc pháp.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm dục giới; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm dục giới; 4 là hành uẩn tức là 50 sở hữu hợp với tâm dục giới (trừ thọ, tưởng); 5 là thức uẩn tức là tâm dục giới.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm dục giới; 12 là pháp xứ tức là 52 sở hữu hợp với tâm dục giới và sắc tế.

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khai ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là 41 tâm dục giới (trừ ngũ song thức và ý giới); 18 là pháp giới tức là 52 sở hữu hợp với tâm dục giới và sắc tế.

2 đế: 1 là khổ đế tức là sắc pháp, tâm dục giới và 51 sở hữu hợp (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Câu 2: Na kāmāvacarā dhammā (tất cả pháp phi Dục giới) là: Tâm thiền, 38 sở hữu hợp và Níp-bàn.

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm thiền; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm thiền; 3 là hành uẩn tức là 36 sở hữu hợp với tâm thiền (trừ thọ, tưởng); 4 là thức uẩn tức là tâm thiền. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm thiền; 2 là pháp xứ tức là 38 sở hữu hợp với tâm thiền và Níp-bàn.

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm thiền; 2 là pháp giới tức là 36 sở hữu hợp với tâm thiền và Níp-bàn.

3 đế: 1 là khổ đế tức là 27 tâm thiền hiệp thế và 38 sở hữu hợp; 2 là diệt đế tức là Níp-bàn; 3 là đạo đế tức là bát chi đạo hợp với tâm đạo. Ngoại đế tức là tâm siêu thế và 36 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Chỉ chấm và cách đọc trang 94 / Đầu đề nhị

Từ số 55 đến số 69 chấm màu đỏ. Từ số 1 đến số 54, từ số 70 đến số 121, từ số 135 đến số 148, các số 168, 169, 170, từ số 174 đến số 202 chấm màu xanh. Từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến số 167, các số 171, 172, 173 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới chấm màu xanh.

94. Nhị đề Sắc giới[407] (Rūpāvacaraduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Rūpāvacarā dhammā (tất cả pháp sắc giới) là: 15 tâm sắc giới và 35 sở hữu hợp.

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm sắc giới; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm sắc giới; 3 là hành uẩn tức là 33 sở hữu hợp với tâm sắc giới (trừ thọ, tưởng); 4 là thức uẩn tức là tâm sắc giới.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm sắc giới; 2 là pháp xứ tức là 35 sở hữu hợp với tâm sắc giới.

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm sắc giới; 2 là pháp giới tức là 35 sở hữu hợp với tâm sắc giới.

1 đế: Khổ đế tức là tâm sắc giới và 35 sở hữu hợp.

Câu 2: Na rūpāvacarā dhammā (tất cả pháp phi sắc giới) là: Tâm dục giới, tâm vô sắc giới, tâm siêu thế, 52 sở hữu hợp, sắc pháp và Níp-bàn.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm phi sắc giới; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm phi sắc giới; 4 là hành uẩn tức là 50 sở hữu hợp với tâm phi sắc giới (trừ thọ, tưởng); 5 là thức uẩn tức là tâm phi sắc giới. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm phi sắc giới; 12 là pháp xứ tức là 52 sở hữu hợp với tâm phi sắc giới, sắc tế và Níp-bàn.

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khai ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là 93 tâm phi sắc giới (trừ ngũ song thức và ý giới); 18 là pháp giới tức là 52 sở hữu hợp với tâm phi sắc giới, sắc tế và Níp-bàn.

4 đế: 1 là khổ đế tức là sắc pháp, tâm dục giới, tâm vô sắc giới và 51 sở hữu hợp (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham; 3 là diệt đế tức là Níp-bàn; 4 là đạo đế tức là bát chi đạo hợp với tâm đạo. Ngoại đế tức là tâm siêu thế và 36 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Chỉ chấm và cách đọc trang 95 / Đầu đề nhị

Từ số 70 đến số 81 chấm màu đỏ. Từ số 1 đến số 69, từ số 82 đến số 121, các số 129, 130, 133, từ số 135 đến số 148, từ số 168 đến số 172, từ số 174 đến số 202 chấm màu xanh. Từ số 122 đến số 128, các số 131, 132, 134, từ số 149 đến số 167 và số 173 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới chấm màu xanh.

95. Nhị đề Vô sắc giới[408] (Arūpavacaraduka)… chiết…vô dư…

Câu 1: Arūpāvacarā dhammā (tất cả pháp vô sắc giới) là: 12 tâm vô sắc giới, 30 sở hữu hợp.

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm vô sắc giới; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm vô sắc giới; 3 là hành uẩn tức là 28 sở hữu hợp với tâm vô sắc giới (trừ thọ, tưởng); 4 là thức uẩn tức là tâm vô sắc giới.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm vô sắc giới; 2 là pháp xứ tức là 30 sở hữu hợp với tâm vô sắc giới.

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm vô sắc giới; 2 là pháp giới tức là 30 sở hữu hợp với tâm vô sắc giới.

1 đế: Khổ đế tức là tâm vô sắc giới và 30 sở hữu hợp.

Câu 2: Na arūpāvacarā dhammā (tất cả pháp phi vô sắc giới) là: Tâm dục giới, tâm sắc giới, tâm siêu thế, 52 sở hữu hợp, sắc pháp và Níp-bàn.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm phi vô sắc giới; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm phi vô sắc giới; 4 là hành uẩn tức là 50 sở hữu hợp với tâm phi vô sắc giới (trừ thọ, tưởng); 5 là thức uẩn tức là tâm phi vô sắc giới. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm phi vô sắc giới; 12 là pháp xứ tức là 52 sở hữu hợp với tâm phi vô sắc giới, sắc tế và Níp-bàn.

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khai ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là 96 tâm phi vô sắc giới (trừ ngũ song thức và ý giới); 18 là pháp giới tức là 52 sở hữu hợp với tâm phi vô sắc giới, sắc tế và Níp-bàn.

4 đế: 1 là khổ đế tức là sắc pháp, tâm dục giới, Sắc giới và 51 sở hữu hợp (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham; 3 là diệt đế tức là Níp-bàn; 4 là đạo đế tức là bát chi đạo hợp với tâm đạo. Ngoại đế tức là tâm siêu thế và 36 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Chỉ chấm và cách đọc trang 96 / Đầu đề nhị

Từ số 1 đến số 81, từ số 135 đến số 148, số 171, số 172, từ số 174 đến số 201 chấm màu đỏ. Số 202, từ số 82 đến số 121 chấm màu xanh. Từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến số 170 và số 173 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới chấm màu xanh.

96. Nhị đề Liên quan luân hồi[409] (Pariyāpannaduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Pariyāpannā dhammā (tất cả pháp liên quan luân hồi) là: Tâm hiệp thế, sở hữu tâm và sắc pháp.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Tebhūmakavaṭṭe pariyāpannā anto gathāti = pariyāpannā: Pháp nào liên quan trong khổ luân hồi sanh theo ba cõi, pháp ấy gọi là liên quan.

Câu 2: Apariyāpannā dhammā (tất cả pháp bất liên quan luân hồi) là: Tâm siêu thế 36 sở hữu và Níp-bàn.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Tasmiṃvaṭṭena na pariyapannāti = apariyāpannā: Pháp nào không liên quan trong luân hồi, chẳng theo trong 3 cõi, pháp ấy gọi là không liên quan.

Chia như trang nhị đề cảnh phiền não.

Chỉ chấm và cách đọc trang 97 / Đầu đề nhị

Các số 82, 87, 92, 97 chấm màu đỏ đậm. Từ số 83 đến số 86, từ số 88 đến số 91, từ số 93 đến số 96, từ số 98 đến số 101 chấm màu đỏ lợt. Từ số 1 đến số 81, từ số 102 đến số 121, từ số 135 đến số 148, các số 171, 172, từ số 174 đến số 202 chấm màu xanh. Từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến số 170 và số 173 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, chấm phân nửa phía dưới màu xanh.

97. Nhị đề Nhân xuất luân hồi[410] (Niyyānikaduka)… chiết…vô dư…

Câu 1: Niyyānikā dhammā (tất cả pháp nhân xuất luân hồi) là: Tâm đạo và 36 sở hữu hợp.

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm đạo; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm đạo; 3 là hành uẩn tức là 34 sở hữu hợp với tâm đạo (trừ thọ, tưởng); 4 là thức uẩn tức là tâm đạo.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm đạo; 2 là pháp xứ tức là 36 sở hữu hợp với tâm đạo.

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm đạo; 2 là pháp giới tức là 36 sở hữu hợp với tâm đạo.

1 đế: Đạo đế tức là bát chi đạo hợp với tâm đạo. Ngoại đế là tâm đạo và 28 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Có Pāḷi chú giải như vầy: Vaṭṭamūlaṃ chindantā nibbānaṃ ārammaṇaṃ katvā vaṭṭako niyyaṇtīti = niyyānikā: Pháp nào đoạn tuyệt gốc rễ luân hồi là vô minh, tham ái mà làm cho Níp-bàn thành cảnh và vượt khỏi khổ luân hồi, đó gọi là xuất luân hồi.

Câu 2: Na niyyānikā dhammā (tất cả pháp phi nhân xuất luân hồi) là: Tâm hiệp thế, tâm quả siêu thế, 52 sở hữu hợp, sắc pháp và Níp-bàn.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm hiệp thế và quả siêu thế; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm hiệp thế và quả siêu thế; 4 là hành uẩn tức là 50 sở hữu hợp với tâm hiệp thế và quả siêu thế (trừ thọ, tưởng); 5 là thức uẩn tức là tâm hiệp thế và quả siêu thế. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là tâm hiệp thế và quả siêu thế; 12 là pháp xứ tức là 52 sở hữu hợp với tâm hiệp thế, quả siêu thế, sắc tế và Níp-bàn.

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khai ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là quả siêu thế và 68 tâm hiệp thế (trừ ngũ song thức và ý giới); 18 là pháp giới tức là 52 sở hữu hợp với tâm hiệp thế, quả siêu thế, sắc tế và Níp-bàn.

3 đế: 1 là khổ đế tức là sắc pháp, tâm hiệp thế và 51 sở hữu hợp (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham; 3 là diệt đế tức là Níp-bàn. Ngoại đế là tâm quả siêu thế và 36 sở hữu hợp.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Iminā lakkhaṇena na niyyantīti = aniyyānikā: Pháp nào phi xuất luân hồi như đã nói v.v... pháp ấy gọi là phi xuất luân hồi.

Chỉ chấm và cách đọc trang 98 / Đầu đề nhị

Từ số 82 đến số 101 chấm màu đỏ (tâm đạo hàng sơ đạo sơ thiền chấm màu đỏ đậm, còn 4 hàng sau chấm màu đỏ lợt). Các số 3, 4, 7, 8, từ số 11 đến số 81, từ số 102 đến số 121, các số 141, 148, 171, 172, từ số 174 đến số 202 chấm màu xanh đậm. Từ số 122 đến số 140, từ số 142 đến số 147, từ số 149 đến số 170 và số 173 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, chấm phân nửa phía dưới màu xanh.

98. Nhị đề (cho quả) nhất định[411] (Niyataduka)… chiết… vô dư…

Câu 1: Niyatā dhammā (tất cả pháp (cho quả) nhất định) là: Tâm đổng lực thứ 7 của tâm tham tương ưng, 2 tâm sân, 25 sở hữu hợp khi làm việc ngũ nghịch (vô gián) và tâm đạo, 36 sở hữu hợp.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Cutiyā vā attano vā pavattiyā anantaraṃ phaladāne niyatattā = niyatā: Pháp gọi là nhất định, bởi vì cho quả tái tục v.v... nhất định không cách sát-na, chặng giữa đời này và đời sau của ta (và đạo quả) đó gọi là nhất định.

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm đạo và tâm đổng lực thứ 7 làm việc ngũ nghịch (ngũ vô gián); 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm đạo và tâm đổng lực thứ 7 làm việc ngũ nghịch; 3 là hành uẩn tức là 46 sở hữu hợp với tâm đạo và tâm đổng lực thứ 7 làm việc ngũ nghịch (trừ thọ, tưởng); 4 là thức uẩn tức là tâm đạo và tâm đổng lực thứ 7 làm việc ngũ nghịch.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm đạo và tâm đổng lực thứ 7 khi làm việc ngũ nghịch; 2 là pháp xứ tức là 48 sở hữu hợp với tâm đạo và tâm đổng lực thứ 7 khi làm việc ngũ nghịch.

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm đạo và tâm đổng lực thứ 7 khi làm việc ngũ nghịch; 2 là pháp giới tức là 48 sở hữu hợp với tâm đạo và tâm đổng lực thứ 7 khi làm việc ngũ nghịch.

3 đế: 1 là khổ đế tức là tâm đổng lực thứ 7 khi làm việc ngũ nghịch và 24 sở hữu hợp (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham, hiệp với tâm đổng lực thứ 7 khi làm việc ngũ nghịch; 3 là đạo đế tức là bát chi đạo hợp với tâm đạo. Ngoại đế tức là tâm đạo và 28 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Câu 2: Aniyatā dhammā (tất cả pháp phi (cho quả) nhất định) là: Níp-bàn, sắc pháp, tâm quả siêu thế, 76 tâm hiệp thế, 50 sở hữu hợp (trừ tâm tham tương ưng và tâm sân).

Có Pāḷi chú giải như vầy: Tatthā aniyyatatā = antyatā: Pháp mà gọi bất định đó bởi vì không phải nhất định hai cách: đạo quả và đời này liên tiếp đời sau, nên gọi là bất định.

5 uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp; 2 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm quả siêu thế và tâm hiệp thế ngoài ra tâm đổng lực thứ 7 làm việc ngũ nghịch; 3 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với quả siêu thế và tâm hiệp thế (trừ ra tâm đổng lực thứ 7 làm việc ngũ nghịch); 4 là hành uẩn tức là 50 sở hữu hợp với quả siêu thế và tâm hiệp thế ngoài ra tâm đổng lực thứ 7 làm việc ngũ nghịch (trừ thọ, tưởng); 5 là thức uẩn tức là quả siêu thế và tâm hiệp thế ngoài ra tâm đổng lực thứ 7 làm việc ngũ nghịch.

12 xứ: 10 xứ thô tức là 12 sắc thô; 11 là ý xứ tức là quả siêu thế và tâm hiệp thế ngoài ra tâm đổng lực thứ 7 làm việc ngũ nghịch; 12 là pháp xứ tức là Níp-bàn, sắc tế và 52 sở hữu hợp với quả siêu thế và tâm hiệp thế ngoài ra tâm đổng lực thứ 7 làm việc ngũ nghịch.

18 giới: 10 giới thô tức là 12 sắc thô; 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khai ngũ môn; 17 là ý thức giới tức là quả siêu thế và 68 tâm hiệp thế (trừ ngũ song thức, ý giới và tâm đổng lực thứ 7 khi làm việc ngũ nghịch); 18 là pháp giới tức là Níp-bàn, sắc tế, 52 sở hữu hợp với quả siêu thế và tâm hiệp thế (trừ tâm đổng lực thứ 7 khi làm việc ngũ nghịch).

3 đế: 1 là khổ đế tức là sắc pháp, tâm hiệp thế và 51 sở hữu hợp (trừ tâm đổng lực thứ 7 khi làm việc ngũ nghịch và tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham; 3 là diệt đế tức là Níp-bàn. Ngoại đế tức là quả siêu thế và 36 sở hữu hợp.

Chỉ chấm và cách đọc trang 99 / Đầu đề nhị

Từ số 1 đến số 81, từ số 135 đến số 148, các số 171, 172, từ số 174 đến số 201 chấm màu đỏ. Số 202, từ số 82 đến số 121 chấm màu xanh (tâm siêu thế hàng sơ thiền chấm màu xanh đậm, còn 4 hàng sau chấm màu xanh lợt). Từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến số 170 và số 173 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới chấm màu xanh).

99. Nhị đề Hữu thượng[412] (Sa uttaraduka) chiết… vô dư…

Câu 1: Sa uttarā dhammā (tất cả pháp hữu thượng) là: Tâm hiệp thế, 52 sở hữu tâm và sắc pháp.

Có những câu Pāḷi chú giải như sau: Aññe dhammā uttaranti pajahantīti = uttarā: Pháp nào trừ đặng là vượt khỏi pháp đời tự giải thoát, đó gọi là siêu. Attānaṃ uttaritaṃ samatthehi saha uttarehīti = sa uttarā: Pháp nào hành vi hợp tác với pháp cao siêu đặc biệt có thể tự giải thoát, pháp ấy gọi là hữu siêu.

Câu 2: Anuttarā dhammā (tất cả pháp vô thượng) là: Pháp siêu thế, sở hữu hợp và Níp-bàn.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Natthi etesaṃ uttarāti = anuttarā: Pháp mà không có pháp nào cao siêu hơn, pháp ấy gọi là vô thượng tức là những pháp không bị pháp gì đối lập (chữ vô thượng cũng như trong đời thường dùng chữ vô địch vì mặc dầu đạo quả có cao thấp, nhưng khi đạo quả phát sanh không có một phiền não nào mà thắng nổi đạo quả, chẳng khác nào chức vô địch).

Chia như nhị đề cảnh phiền não.

Chỉ chấm và cách đọc trang 100 / Đầu đề nhị

Từ số 1 đến số 12, từ số 135 đến số 148 chấm màu đỏ. Từ số 13 đến số 121, từ số 149 đến số 202 chấm màu xanh (tâm siêu thế hàng sơ thiền chấm màu xanh đậm, còn 4 hàng sau chấm màu xanh lợt). Từ số 122 đến số 134, chấm phân nửa phía trên màu đỏ, còn phân nửa phía dưới chấm màu xanh.

100. Nhị đề Hữu y[413] (Saranaduka)… chiết…vô dư…

Câu 1: Saraṇā dhammā (tất cả pháp hữu y) là: Pháp bất thiện.

Có những câu Pāḷi chú giải như vầy: Raṇanti etehīti = raṇā: Tất cả chúng sanh khóc lóc do pháp nào thì pháp ấy làm nhân tạo sự khóc lóc của tất cả chúng sanh, nên gọi là chiến tranh. Sampayogavasena pahānekaṭṭhatāvasena ca saha raṇehīti = saraṇā: Pháp nào hành động chung với phiền não có ái dục v.v... là nhân khóc lóc là những pháp đồng nhân sanh và hòa hợp với pháp đáng sát trừ, nên pháp ấy gọi là hữu chiến tranh.

Câu 2: Araṇā dhammā (tất cả pháp vô y) là: Pháp thiện và vô ký.

Có Pāḷi chú giải như sau: Tenākārena natthi etesaṃ raṇāti = araṇā: Những pháp nào không đồng nhân sanh và chẳng hòa hợp với những phiền não nhứt là ái dục v.v... làm nhân khóc lóc không có với pháp ấy, nên pháp đó gọi là vô chiến tranh.

Chia như nhị đề phiền toái.

Dứt phần thêm Pāḷi và phần nhỏ thứ 12, 13; Hoàn tất Đầu đề Nhị.

NHỊ ĐỀ KINH (SUTTANTAMĀTIKĀ) (Có 42 đề)

Nhị đề kinh[414] có 42 đề.

Chỉ chấm và cách đọc trang 1 / trong 42 Nhị đề Kinh

Số 1 đến 12 chấm màu xanh. Số 31, 32, 35, 36, 47, 48, 59A, 69A, 97 chấm màu đỏ. Từ số 122 đến số 134 nừa trên chấm màu đỏ, nửa dưới chấm màu xanh, từ số 136 đến số 148 chấm màu xanh, từ số 149 đến số 172 chấm màu đỏ.

1. Nhị đề Thành phần minh – Vijjābhāgīduka… chiết… hữu dư…

BÁT MINH

1 là tuệ quán minh (vipassanāñāṇa).

2 là ý minh (manomayiddhiñāṇa).

3 là như ý minh (iddhividhīñāṇa).

4 là thiên nhĩ minh (dibbasotañāṇa).

5 là tha tâm minh (cetopariyañāṇa).

6 là thiên nhãn minh (dibbacakkhuñāṇa).

7 là túc mạng minh (pubbenivāsānussatiñāṇa)

8 là lậu tận minh (āsavakkhayañāṇa).

Câu 1: Vijjābhāgino dhammā (tất cả pháp thành phần minh) là: 8 đổng lực dục giới tịnh hảo tương ưng, 2 tâm thông, tâm tứ đạo, 37 sở hữu hợp với trí.

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với 8 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo tương ưng, 2 tâm thông và tâm đạo thứ tư; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với 8 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo tương ưng, 2 tâm thông và tâm đạo thứ tư; 3 là hành uẩn tức là 35 sở hữu hợp với 8 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo tương ưng, 2 tâm thông và tâm đạo thứ tư (trừ thọ, tưởng và trí); 4 là thức uẩn tức là 8 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo tương ưng, 2 tâm thông và tâm đạo thứ tư.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là 8 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo tương ưng, 2 tâm thông và tâm đạo thứ tư; 2 là pháp xứ tức là 37 sở hữu hợp với 8 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo tương ưng, 2 tâm thông và tâm đạo thứ tư.

2 giới: 1 là ý thức giới tức là 8 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo tương ưng, 2 tâm thông và tâm đạo thứ tư; 2 là pháp giới tức là 37 sở hữu hợp với tâm đổng lực dục giới tịnh hảo tương ưng, 2 tâm thông và tâm đạo thứ tư (trừ trí).

2 đế: 1 là khổ đế tức là tâm đổng lực dục giới tịnh hảo tương ưng, 2 tâm thông và 37 sở hữu hợp (trừ trí); 2 là đạo đế tức là 7 chi đạo sau hợp với tâm đạo tứ tư. Ngoại đế là tâm đạo thứ tư và 37 sở hữu hợp (trừ trí và 7 chi đạo đế sau).

Câu 2: Avijjābhāgino dhammā (tất cả pháp thành phần vô minh) là: 12 tâm bất thiện, 26 sở hữu hợp với si.

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm bất thiện; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm bất thiện; 3 là hành uẩn tức là 24 sở hữu hợp với tâm bất thiện (trừ thọ, tưởng và si); 4 là thức uẩn tức là tâm bất thiện.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm bất thiện; 2 là pháp xứ tức là 26 sở hữu hợp với tâm bất thiện (trừ si).

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm bất thiện; 2 là pháp giới tức là 26 sở hữu hợp với tâm bất thiện (trừ si).

2 đế: 1 là khổ đế tức là tâm bất thiện và 25 sở hữu hợp (trừ tham và si); 2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Chỉ chấm và cách đọc trang 2 / Nhị đề Kinh

Các số 1, 2, 5, 6 chấm màu đỏ.

2. Nhị đề Như thiểm lôiVijjūpamaduka… chiết… hữu dư…

Câu 1: Vijjūpamā dhammā (tất cả pháp như thiểm lôi (thời chớp nhoáng))[415]

Pháp thực tính đều là sở hữu trí hợp với 3 đạo thấp.

1 uẩn là hành uẩn; 1 xứ là pháp xứ; 1 giới là pháp giới; 1 đế là đạo đế.

Câu 2: Vajirūpamā dhammā (tất cả pháp như lôi cực (sấm sét giết tuyệt))[416]

Pháp thực tính là sở hữu trí hợp với tâm đạo thứ tư.

1 uẩn là hành uẩn. 1 xứ là pháp xứ. 1 giới là pháp giới. 1 đế là đạo đế.

Chỉ chấm và cách đọc trang 3 / Nhị đề Kinh

Từ số 1 đến số 12, từ số 135 đến số 148 chấm màu đỏ. Từ số 31 đến số 38, từ số 55 đến số 59, từ số 70 đến số 73, từ số 82 đến số 101, từ số 149 đến số 173 chấm màu xanh. Từ số 122 đến số 134 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới chấm màu xanh.

3. Nhị đề Tiểu nhân - Bāladuka… chiết… hữu dư…

Câu 1: Bālā dhammā (tất cả pháp làm thành (ra) tiểu nhân)[417] là pháp bất thiện.

Chia như câu: Tất cả pháp bất thiện.

Câu 2: Paṇḍitā dhammā (tất cả pháp làm thành (ra) quân tử)[418] là pháp thiện.

Chia như câu: Tất cả pháp thiện.

Chỉ chấm và cách đọc trang 4 / Nhị đề Kinh

Cách chấm trang này giống như cách chấm như câu tất cả pháp bất thiện.

4. Nhị đề Hắc (đen) - Kaṇhaduka… chiết… hữu dư…

Câu 1: Kaṇhā dhammā (tất cả pháp hắc) là pháp bất thiện.

Chia như câu: Tất cả pháp bất thiện.

Câu 2: Sukkā dhammā (tất cả pháp bạch) là pháp thiện.

Chia như câu: Tất cả pháp thiện.

Chỉ chấm và cách đọc trang 5 / Nhị đề Kinh

Cách chấm trang 6 giống như cách chấm trang 3 / tập mười bảy này.

5. Nhị đề Viêm - Tapaniyaduka… chiết… hữu dư…

Câu 1: Tapaniyā dhammā (tất cả pháp viêm)[419] là pháp bất thiện.

Chia như câu: Tất cả pháp bất thiện.

Câu 2: Atapaniyā dhammā (tất cả pháp phi viêm)[420] là pháp thiện.

Chia như câu: Tất cả pháp thiện.

Chỉ chấm và cách đọc trang 6 / Nhị đề Kinh

Từ số 1 đến số 183, từ số 185 đến số 202 chấm màu xanh. Số 184 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới chấm màu xanh.

6. Nhị đề (nguyên nhân) Thành ra danh ngôn - Adhivacanaduka… chiết… vô dư…

Câu 1: Adhivacanā dhammā (tất cả pháp danh tức là thinh và ngữ biểu)[421] là bản thể thinh danh chế định tức là sắc thinh.

Chữ pháp đây ám chỉ chơn tướng bản thể. Tên đây tức là lời nói và tên kêu chung lại là tất cả bản thể của lời nói và kêu gọi lên, cho nên mới lấy pháp thực tính thinh.

1 uẩn là sắc uẩn. 1 xứ là pháp xứ. 1 giới là pháp giới. 1 đế là khổ đế. Pháp thực tính đều là thinh.

Câu 2: Adhivacanapathā dhammā (dịch là nhân thinh danh chế định, hay tất cả pháp nguyên nhân danh ngôn)[422] là bản thể tướng nghĩa chế định tức là tâm, sở hữu tâm, sắc pháp và Níp-bàn.

Vì có pháp siêu lý mới có để đặt ra tên kêu, thì khi cất tiếng lên đọc những pháp siêu lý phải nhờ thinh mà mượn chế định ra hay viết ra chữ có hình thức để tiêu biểu ý nghĩa, thì thuộc về tướng nghĩa chế định v.v... có cả hình thức chế định, hiệp thành chế định và tiêu biểu chế định. Chữ pháp đây cũng ý nghĩa như trên.

Chia như 4 trang sau của Hàm tận nhiếp.

Chỉ chấm và cách đọc trang 7 / Nhị đề Kinh

Cách chấm trang 8 giống như cách chấm trang 7 này.

7. Nhị đề Thành ra ngữ ngôn - Niruttiduka… chiết… vô dư…

Câu 1: Nirutti dhammā (tất cả pháp thành ra ngữ ngôn)[423] là thinh danh chế định tức là thinh.

Câu 2: Niruttipathā dhammā (tất cả pháp nguyên nhân ngữ ngôn)[424] tức là bản thể tướng nghĩa chế định là tâm, sở hữu tâm, sắc pháp và Níp-bàn.

Chia như trang 6.

Chỉ chấm và cách đọc trang 8 / Nhị đề Kinh

Cách chấm trang 9 giống như cách chấm trang 7 / Nhị đề Kinh này.

8. Nhị đề (thành ra) Chủ yếu chế định - Paññattiduka… chiết… vô dư…

Câu 1: Paññatti dhammā (tất cả pháp thành ra chủ yếu chế định)[425] (mượn).

Câu 2: Paññattipathā dhammā (tất cả pháp nguyên nhân chế định)[426]

Chia như trang 6.

Chỉ chấm và cách đọc trang 9 / Nhị đề Kinh

Từ số 1 đến số 173 và số 202 chấm màu đỏ (tâm siêu thế hàng sơ thiền chấm màu đỏ đậm, còn 4 hàng sau chấm màu đỏ lợt). Từ số 174 đến số 201 chấm màu xanh đậm.

9. Nhị đề Danh sắc - Nāmarūpaduka… hàm… vô dư…

Câu 1: Nāmañca (tất cả pháp danh)[427] là Tâm, sở hữu tâm và Níp-bàn.

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng; 3 là hành uẩn tức là 50 sở hữu (trừ thọ và tưởng); 4 là thức uẩn tức là tâm. Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm; 2 là pháp xứ tức là 52 sở hữu và Níp-bàn.

8 giới: 5 giới thức trước tức là ngũ song thức; 6 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và khai ngũ môn; 7 là ý thức giới tức là 108 tâm (trừ ngũ song thức và ý giới); 8 là pháp giới tức là 52 sở hữu và Níp-bàn.

4 đế: 1 là khổ đế tức là tâm hiệp thế và 51 sở hữu hợp (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham; 3 là diệt đế tức là Níp-bàn; 4 là đạo đế tức là bát chi đạo hợp với tâm đạo. Ngoại đế tức là tâm siêu thế và 36 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Câu 2: Rūpañca (tất cả pháp sắc)[428] là sắc pháp.

1 uẩn là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp. 11 xứ là 10 xứ thô tức là 12 sắc thô, pháp xứ tức là 16 sắc tế. 11 giới là 10 giới thô tức là 12 sắc thô, pháp giới tức là 16 sắc tế. 1 đế là khổ đế tức là 28 sắc pháp.

Chỉ chấm và cách đọc trang 10 / Nhị đề Kinh

Số 135 chấm màu đỏ đậm. Số 139 chấm màu xanh đậm.

10. Nhị đề Vô minh - Avijjāduka… chiết… hữu dư…

Câu 1: Avijjā ca (tất cả pháp vô minh)[429] là sở hữu si.

1 uẩn là hành uẩn. 1 xứ là pháp xứ. 1 giới là pháp giới. 1 đế là khổ đế. Pháp thực tính đều là sở hữu si.

Câu 2: Bhavataṇhā ca (tất cả pháp ái hữu)[430] là sở hữu tham.

1 uẩn là hành uẩn. 1 xứ là pháp xứ. 1 giới là pháp giới. 1 đế là tập đế. Pháp thực tính đều là sở hữu tham.

Chỉ chấm và cách đọc trang 11 / Nhị đề Kinh

Số 140 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới chấm màu xanh.

11. Nhị đề Kiến hữu - Bhavadiṭṭhiduka… chiết… hữu dư…

Câu 1: Bhavadiṭṭhi ca (tất cả pháp kiến hữu)[431] tức là tà kiến (chấp thủ).

1 uẩn là hành uẩn. 1 xứ là pháp xứ. 1 giới là pháp giới. 1 đế là khổ đế. Pháp thực tính đều là sở hữu tà kiến.

Câu 2: Vibhavadiṭṭhi ca (tất cả pháp kiến ly hữu)[432] là sở hữu tà kiến (chấp không).

1 uẩn là hành uẩn. 1 xứ là pháp xứ. 1 giới là pháp giới. 1 đế là khổ đế. Pháp thực tính đều là sở hữu tà kiến.

Chỉ chấm và cách đọc trang 12 / Nhị đề Kinh

Số 140 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới chấm màu xanh.

12. Nhị đề Thường kiến - Sassatadiṭṭhiduka… chiết… hữu dư…

Câu 1: Sassatadiṭṭhi ca (tất cả pháp thường kiến)[433] là sở hữu tà kiến.

Câu 1: Ucchedadiṭṭhi ca (tất cả pháp đoạn kiến)[434] là sở hữu tà kiến.

Chia như trang 11.

Chỉ chấm và cách đọc trang 13 / Nhị đề Kinh

Số 140 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới chấm màu xanh.

13. Nhị đề Hữu tận kiến (cùng tận kiến) - Antavādiṭṭhiduka… chiết… hữu dư…

Câu 1: Antavādiṭṭhi ca (tất cả pháp hữu tận kiến)[435] là sở hữu tà kiến.

Câu 2: Anantāvadiṭṭhi ca (tất cả pháp vô tận kiến)[436] là sở hữu tà kiến.

Chia như trang 11.

Chỉ chấm và cách đọc trang 14 / Nhị đề Kinh

Số 140 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới chấm màu xanh.

14. Nhị đề Hữu tiền kiến - Pubbantānudiṭṭhiduka… chiết… hữu dư…

Câu 1: Pubbantānudiṭṭhi ca (tất cả pháp hữu tiền kiến)[437] là sở hữu tà kiến (chấp uẩn quá khứ).

Câu 2: Aparantānudiṭṭhi ca (tất cả pháp hữu hậu kiến)[438] là sở hữu tà kiến (chấp uẩn vị lai).

Chia như trang 11.

Chỉ chấm và cách đọc trang 15 / Nhị đề Kinh

Số 136 chấm màu đỏ. Số 137 chấm màu xanh.

15. Nhị đề Vô tàm - Ahirikaduka… chiết… hữu dư…

Câu 1: Ahirikañca (tất cả pháp vô tàm)[439] tức là sở hữu vô tàm.

1 uẩn là hành uẩn. 1 xứ là pháp xứ. 1 giới là pháp giới. 1 đế là khổ đế. Pháp thực tính đều là sở hữu vô tàm.

Câu 2: Anottappañca (tất cả pháp vô úy)[440] là sở hữu vô úy.

1 uẩn là hành uẩn. 1 xứ là pháp xứ. 1 giới là pháp giới. 1 đế là khổ đế. Pháp thực tính đều là sở hữu vô úy.

Chỉ chấm và cách đọc trang 16 / Nhị đề Kinh

Số 151 chấm màu đỏ đậm. Số 152 chấm màu xanh đậm.

16. Nhị đề Tàm - Hiriduka… chiết… hữu dư…

Câu 1: Hiri ca (tất cả pháp tàm)[441] tức là sở hữu tàm.

1 uẩn là hành uẩn. 1 xứ là pháp xứ. 1 giới là pháp giới. 1 đế là khổ đế. Pháp thực tính đều là sở hữu tàm.

Câu 2: Ottappañca (tất cả pháp úy)[442] tức là sở hữu úy.

1 uẩn là hành uẩn. 1 xứ là pháp xứ. 1 giới là pháp giới. 1 đế là khổ đế. Pháp thực tính đều là sở hữu úy.

Chỉ chấm và cách đọc trang 17 / Nhị đề Kinh

Số 9, số 10, từ số 142 đến số 145 chấm màu đỏ. Từ số 1 đến số 8, các số 11, 12, 133, 139, 140, 141, 148 chấm màu xanh. Từ số 122 đến số 132, từ số 134 đến số 138, số 146 và số 147 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới chấm màu xanh.

17. Nhị đề Nan giáo - Dovacassatāduka… chiết… hữu dư…

Câu 1: Dovacassatā ca (tất cả pháp thành người nan giáo (khó dạy))[443] là: 2 tâm sân, 22 sở hữu hợp, sai khiến khi khó dạy.

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm sân; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm sân; 3 là hành uẩn tức là 20 sở hữu hợp với tâm sân (trừ thọ và tưởng); 4 là thức uẩn tức là tâm sân.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm sân; 2 là pháp xứ tức là 22 sở hữu hợp với tâm sân.

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm sân; 2 là pháp giới tức là 22 sở hữu hợp với tâm sân.

1 đế: Khổ đế tức là tâm sân và 22 sở hữu hợp.

Câu 2: Pāpamittatā ca (tất cả pháp thành người có ác hữu (bạn xấu))[444] là: 8 tâm tham, 2 tâm si, 23 sở hữu hợp sanh khi hiệp hội bạn xấu.

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm tham và tâm si; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm tham và tâm si; 3 là hành uẩn tức là 21 sở hữu hợp với tâm tham và tâm si (trừ thọ và tưởng); 4 là thức uẩn tức là tâm tham và tâm si.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm tham và tâm si; 2 là pháp xứ tức là 23 sở hữu hợp với tâm tham và tâm si.

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm tham và tâm si; 2 là pháp giới tức là 23 sở hữu hợp với tâm tham và tâm si.

2 đế: 1 là khổ đế tức là tâm tham, tâm si và 22 sở hữu hợp (trừ tham); 2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Chỉ chấm và cách đọc trang 18 / Nhị đề Kinh

Từ số 13 đến số 38, từ số 47 đến 54, từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến số 167 và số 173 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới chấm màu xanh.

18. Nhị đề Dị giáo[445] - Sovacassatāduka… chiết… hữu dư…

Câu 1: So vacassatā ca (tất cả pháp thành người dị giáo (dễ dạy))[446] là: 8 tâm đại thiện, 8 tâm đại tố, 33 sở hữu hợp, (trừ ngăn trừ phần và vô lượng phần) sanh trong khi dễ dạy.

Câu 2: Kalyāṇamittatā ca (tất cả pháp thành người có bạn tốt),[447] có pháp thực tính như câu 1.

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm đổng lực dục giới tịnh hảo; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm đổng lực dục giới tịnh hảo; 3 là hành uẩn tức là 31 sở hữu hợp với tâm đổng lực dục giới tịnh hảo (trừ thọ và tưởng); 4 là thức uẩn tức là tâm đổng lực dục giới tịnh hảo.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm đổng lực dục giới tịnh hảo; 2 là pháp xứ tức là 33 sở hữu hợp với tâm đổng lực dục giới tịnh hảo.

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm đổng lực dục giới tịnh hảo; 2 là pháp giới tức là 33 sở hữu hợp với tâm đổng lực dục giới tịnh hảo.

1 đế là khổ đế tức là tâm đổng lực dục giới tịnh hảo và 33 sở hữu hợp.

Chỉ chấm và cách đọc trang 19 / Nhị đề Kinh

Số 173 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới chấm màu xanh.

19. Nhị đề Biết rành phạm luật (rành lỗi) - Āpattikusalatāduka… chiết… hữu dư…

Câu 1: Āpattikusalatā ca (tất cả pháp thành người biết rành phạm luật (rành lỗi))[448] là trí khi biết phạm lỗi.

Câu 2: Āpattivuṭṭhānakusalatā ca (tất cả pháp thành người biết khỏi phạm luật (biết rành xuất quá)[449] là trí khi biết lìa lỗi.

Pháp thực tính 2 câu là sở hữu trí hiệp đại thiện và đại tố tương ưng.

1 uẩn là hành uẩn. 1 xứ là pháp xứ. 1 giới là pháp giới. 1 đế là khổ đế. Pháp thực tính là sở hữu trí hợp với tâm đổng lực dục giới tịnh hảo, tương ưng.

Chỉ chấm và cách đọc trang 20 / Nhị đề Kinh

Số 173 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới chấm màu xanh.

20. Nhị đề Rành nhập thiền - Samāpattikusalatāduka… chiết… hữu dư…

Câu 1: Samāpattikusalatā ca (tất cả pháp thành người rành nhập thiền)[450] là trí khéo biết cách nhập thiền.

Câu 2: Samāpattivuṭṭhānakusalatā ca (tất cả pháp thành người rành xuất thiền)[451] là trí biết rành khi xuất thiền.

Chia như trang 19.

Chỉ chấm và cách đọc trang 21 / Nhị đề Kinh

Số 173 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới chấm màu xanh.

21. Nhị đề Rành thập bát giới (tri giới) - Dhātukusalatāduka… chiết… hữu dư…

Câu 1: Dhātukusalatā ca (tất cả pháp thành người rành thập bát giới)[452] là: Trí hiệp đại thiện tương ưng, đại tố tương ưng, 2 tâm thông và 4 đạo.

Câu 2: Manasikārakusalatā ca (tất cả pháp thành người rành tác ý)[453] là: Trí hiệp đại thiện tương ưng, đại tố tương ưng, tâm thông và tâm đạo.

1 uẩn là hành uẩn. 1 xứ là pháp xứ.

1 giới là pháp giới. Pháp thực tính là sở hữu trí hợp với tâm đổng lực dục giới tịnh hảo tương ưng, tâm thông và tâm đạo.

2 đế: 1 là khổ đế tức là sở hữu trí hợp với tâm đổng lực dục giới tịnh hảo tương ưng; 2 là đạo đế tức là sở hữu trí hợp với tâm đạo.

Chỉ chấm và cách đọc trang 22 / Nhị đề Kinh

Số 173 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới chấm màu xanh.

22. Nhị đề Rành thập nhị xứ (Āyatanakusalatāduka)… chiết… hữu dư…

Câu 1: Āyatanakusalatā ca (tất cả pháp thành người rành thập nhị xứ)[454] là: Trí hiệp đại thiện tương ưng, đại tố tương ưng, 2 tâm thông, 4 đạo làm thành người biết thập nhị xứ.

Câu 2: Paṭiccasamuppādakusalatā ca (tất cả pháp thành người rành liên quan tương sinh)[455] là: Trí hiệp đại thiện tương ưng, đại tố tương ưng, tâm thông, tâm đạo làm thành người biết y tương sinh.

1 uẩn là hành uẩn. 1 xứ là pháp xứ.

1 giới là pháp giới. Pháp thực tính là trí hợp tâm đổng lực dục giới tịnh hảo tương ưng, 2 tâm thông và 4 đạo.

2 đế: 1 là khổ đế, tức là sở hữu trí hợp với tâm đổng lực dục giới tịnh hảo tương ưng; 2 là đạo đế tức là trí hợp với tâm đạo.

Chỉ chấm và cách đọc trang 23 / Nhị đề Kinh

Số 173 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới chấm màu xanh.

23. Nhị đề Rành cơ bản thích hợp (tri nhân thích hợp) (Ṭhānakusalatāduka) chiết… hữu dư

Câu 1: Ṭhānakusalatā ca (tất cả pháp thành người rành cơ bản thích hợp (rành sở sanh))[456] là: Trí hiệp đại thiện tương ưng, đại tố tương ưng, tâm thông, trong khi biết rành nhân thích hợp.

Câu 2: Aṭṭhānakusalatā ca (tất cả pháp thành người không rành cơ bản thích hợp)[457] là: Trí hiệp đại thiện tương ưng, đại tố tương ưng, tâm thông, trong khi biết rành nhân không thích hợp.

1 uẩn là hành uẩn. 1 xứ là pháp xứ. 1 giới là pháp giới. 1 đế là khổ đế.

Pháp thực tính là trí hợp tâm đổng lực dục giới tịnh hảo tương ưng và tâm thông.

Chỉ chấm và cách đọc trang 24 / Nhị đề Kinh

Số 166 và số 167 chấm màu đỏ. Số 160 và số 161 chấm màu xanh.

24. Nhị đề chánh trực - Ajjavaduka… chiết… hữu dư…

Câu 1: Ajjavo ca (tất cả pháp thành người chánh trực)[458] là: Sở hữu chánh thân và sở hữu chánh tâm.

1 uẩn là hành uẩn. 1 xứ là pháp xứ. 1 giới là pháp giới. 1 đế là khổ đế. Pháp thực tính đều là sở hữu chánh thân và chánh tâm.

Câu 2: Maddavo ca (tất cả pháp thành người nhu mì)[459] là: Sở hữu nhu thân và sở hữu nhu tâm.

1 uẩn là hành uẩn. 1 xứ là pháp xứ. 1 giới là pháp giới. 1 đế là khổ đế.

Pháp thực tính đều là sở hữu nhu thân và nhu tâm.

Chỉ chấm và cách đọc trang 25 / Nhị đề Kinh

Số 171 và số 172 chấm màu đỏ. Từ số 82 đến số 121, chấm màu xanh (tâm siêu thế, hàng sơ thiền chấm màu xanh đậm, còn 4 hàng sau chấm màu xanh lợt). Từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến số 170 và số 173, chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới chấm màu xanh.

25. Nhị đề Nhẫn nại - Khantīduka… chiết… hữu dư…

Câu 1: Khantī ca (tất cả pháp thành người nhẫn nại)[460] là: Đại thiện, đại tố, 38 sở hữu hợp, khi vô sân làm hướng đạo.

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm đổng lực dục giới tịnh hảo; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm đổng lực dục giới tịnh hảo; 3 là hành uẩn tức là 36 sở hữu hợp với tâm đổng lực dục giới tịnh hảo (trừ thọ, tưởng); 4 là thức uẩn tức là tâm đổng lực dục giới tịnh hảo.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm đổng lực dục giới tịnh hảo; 2 là pháp xứ tức là 38 sở hữu hợp với tâm đổng lực dục giới tịnh hảo.

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm đổng lực dục giới tịnh hảo; 2 là pháp giới tức là 38 sở hữu hợp với tâm đổng lực dục giới tịnh hảo.

1 đế là khổ đế tức là tâm đổng lực dục giới tịnh hảo và 38 sở hữu hợp.

Câu 2: Soraccañca (tất cả pháp thành người nghiêm tịnh)[461] là: Đại thiện, đại tố, tâm siêu thế, 36 sở hữu hợp (trừ vô lượng phần) trong khi hướng đạo cố ngăn, trừ.

4 uẩn: 1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm đổng lực dục giới tịnh hảo và tâm siêu thế; 2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm đổng lực dục giới tịnh hảo và tâm siêu thế; 3 là hành uẩn tức là 34 sở hữu hợp với tâm đổng lực dục giới tịnh hảo và tâm siêu thế (trừ thọ, tưởng và vô lượng phần); 4 là thức uẩn tức là tâm đổng lực dục giới tịnh hảo và tâm siêu thế.

2 xứ: 1 là ý xứ tức là tâm đổng lực dục giới tịnh hảo và tâm siêu thế; 2 là pháp xứ tức là 36 sở hữu hợp với tâm đổng lực dục giới tịnh hảo và tâm siêu thế (trừ vô lượng phần).

2 giới: 1 là ý thức giới tức là tâm đổng lực dục giới tịnh hảo và tâm siêu thế; 2 là pháp giới tức là 36 sở hữu hợp với tâm đổng lực dục giới tịnh hảo và tâm siêu thế (trừ vô lượng phần).

2 đế: 1 là khổ đế tức là tâm đổng lực dục giới tịnh hảo và 36 sở hữu hợp (trừ vô lượng phần); 2 là đạo đế tức là bát chi đạo hợp với tâm đạo. Ngoại đế tức là tâm siêu thế và 36 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Chỉ chấm và cách đọc trang 26 / Nhị đề Kinh

Từ số 31 đến số 38, từ số 47 đến số 54, từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến số 173, chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới chấm màu xanh.

26. Nhị đề Cam ngôn- Sākhalyaduka… chiết… hữu dư…

Câu 1: Sākhalyañca (tất cả pháp thành người cam ngôn)[462] là: Đại thiện, đại tố, 38 sở hữu hợp, trong khi nói lời dịu ngọt.

Câu 2: Paṭisanthāro ca (tất cả pháp thành người đáng tiếp đãi)[463] là: 8 đại thiện, 8 đại tố, 38 sở hữu hợp, trong khi hành vi đáng tiếp đãi.

4 uẩn

1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm đổng lực dục giới tịnh hảo.

2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm đổng lực dục giới tịnh hảo.

3 là hành uẩn tức là 36 sở hữu hợp với tâm đổng lực dục giới tịnh hảo (trừ thọ, tưởng).

4 là thức uẩn tức là tâm đổng lực dục giới tịnh hảo.

2 xứ

1 là ý xứ tức là tâm đổng lực dục giới tịnh hảo.

2 là pháp xứ tức là 38 sở hữu hợp với tâm đổng lực dục giới tịnh hảo.

2 giới

1 là ý thức giới tức là tâm đổng lực dục giới tịnh hảo.

2 là pháp giới tức là 38 sở hữu hợp với tâm đổng lực dục giới tịnh hảo.

1 đế là khổ đế tức là tâm đổng lực dục giới tịnh hảo và 38 sở hữu hợp.

Chỉ chấm và cách đọc trang 27 / Nhị đề Kinh

Số 9, số 10, từ số 142 đến số 145 chấm màu đỏ. Số 11, 12, 148 chấm màu xanh; Từ số 1 đến số 8, từ số 122 đến số 141, các số 146, 147, chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới chấm màu xanh.

27. Nhị đề Bất thu thúc lục môn quyền- Indriyesu aguttadvāratāduka… chiết… hữu dư…

Câu 1: Indriyesu aguttadvāratā ca (tất cả pháp thành người bất thu thúc môn quyền)[464] là: 8 tâm tham, 2 tâm sân và 26 sở hữu hợp.

4 uẩn:

1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm tham và tâm sân.

2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm tham và tâm sân.

3 là hành uẩn tức là 24 sở hữu hợp với tâm tham và tâm sân (trừ thọ, tưởng).

4 là thức uẩn tức là tâm tham và sân.

2 xứ:

1 là ý xứ tức là tâm tham và tâm sân.

2 là pháp xứ tức là 26 sở hữu hợp với tâm tham và sân.

2 giới:

1 là ý thức giới tức là tâm tham và tâm sân.

2 là pháp giới tức là 26 sở hữu hợp với tâm tham và sân.

2 đế:

1 là khổ đế tức là tâm tham, tâm sân và 25 sở hữu hợp (trừ tham).

2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Câu 2: Bhojane anattaññutā ca (tất cả pháp thành người bất tri độ thực)[465] là: Tâm tham, tâm si và 23 sở hữu hợp.

4 uẩn:

1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm tham và si.

2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm tham và tâm si.

3 là hành uẩn tức là 21 sở hữu hợp với tâm tham và tâm si (trừ thọ, tưởng).

4 là thức uẩn tức là tâm tham và tâm si.

2 xứ:

1 là ý xứ tức là tâm tham và tâm si.

2 là pháp xứ tức là 23 sở hữu hợp với tâm tham và tâm si.

2 giới:

1 là ý thức giới tức là tâm tham và tâm si.

2 là pháp giới tức là 23 sở hữu hợp với tâm tham và tâm si.

2 đế:

1 là khổ đế tức là tâm tham, tâm si và 22 sở hữu hợp (trừ tham).

2 là tập đế tức là sở hữu tham.

Chỉ chấm và cách đọc trang 28 / Nhị đề Kinh

Từ số 82 đến số 121, từ số 168 đến số 172, chấm màu đỏ (tâm siêu thế hàng sơ thiền chấm màu đỏ đậm, còn 4 hàng sau chấm màu đỏ lợt).

Từ số 31 đến số 38, từ số 47 đến số 54, từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến số 167 và số 173 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới chấm màu xanh.

28. Nhị đề Thu thúc lục môn quyền - Indriyesuguttadvāratāduka… chiết… hữu dư…

Câu 1: Indriyesu guttadvāratā ca (tất cả pháp thành người thu thúc môn quyền)[466] là: Đại thiện, đại tố, tâm siêu thế và 38 sở hữu hợp.

4 uẩn:

1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm đổng lực dục giới tịnh hảo và tâm siêu thế.

2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm đổng lực dục giới tịnh hảo và tâm siêu thế.

3 là hành uẩn tức là 36 sở hữu hợp với tâm đổng lực dục giới tịnh hảo và tâm siêu thế (trừ thọ, tưởng).

4 là thức uẩn tức là tâm đổng lực dục giới tịnh hảo và tâm siêu thế.

2 xứ:

1 là ý xứ tức là tâm đổng lực dục giới tịnh hảo và tâm siêu thế.

2 là pháp xứ tức là 38 sở hữu hợp với tâm đổng lực dục giới tịnh hảo và tâm siêu thế.

2 giới:

1 là ý thức giới tức là tâm đổng lực dục giới tịnh hảo và tâm siêu thế.

2 là pháp giới tức là 38 sở hữu hợp với tâm đổng lực dục giới tịnh hảo và tâm siêu thế.

2 đế:

1 là khổ đế tức là tâm đổng lực dục giới tịnh hảo và 38 sở hữu hợp.

2 là đạo đế tức là bát chi đạo hợp với tâm đạo.

Ngoại đế tức là tâm siêu thế và 36 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Câu 2: Bhojane nattaññutā ca (tất cả pháp thành người tri độ thực)[467] là: Đại thiện, đại tố, 33 sở hữu hợp (trừ ngăn trừ phần và vô lượng phần) trong khi ăn biết độ lượng.

4 uẩn:

1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm đổng lực dục giới tịnh hảo.

2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm đổng lực dục giới tịnh hảo.

3 là hành uẩn tức là 31 sở hữu hợp với tâm đổng lực dục giới tịnh hảo (trừ thọ, tưởng, giới phần và vô lượng phần).

4 là thức uẩn tức là tâm đổng lực dục giới tịnh hảo.

2 xứ:

1 là ý xứ tức là tâm đổng lực dục giới tịnh hảo.

2 là pháp xứ tức là 33 sở hữu hợp với tâm đổng lực dục giới tịnh hảo (trừ giới phần và vô lượng phần).

2 giới:

1 là ý thức giới tức là tâm đổng lực dục giới tịnh hảo.

2 là pháp giới tức là 33 sở hữu hợp với tâm đổng lực dục giới tịnh hảo (trừ giới phần và vô lượng phần).

1 đế:

Khổ đế tức là tâm đổng lực dục giới tịnh hảo và 33 sở hữu hợp (trừ giới và vô lượng phần)

Chỉ chấm và cách đọc trang 29 / Nhị đề Kinh

Từ số 1 đến số 12, từ số 122 đến số 148, chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới chấm màu xanh.

29. Nhị đề Thất niệm - Muṭṭhasaccaduka… chiết… hữu dư…

Câu 1: Muṭṭhasaccañca (tất cả pháp thành người thất niệm (hay quên))[468]là: Pháp bất thiện, đối lập với chánh niệm.

Câu 2: Asampajaññañca (tất cả pháp thành người vô lương tri, thất trí (hay thiếu sự hiểu thấu))[469]là: Pháp bất thiện đối lập với trí.

Chia như câu: Tất cả pháp bất thiện.

Chỉ chấm và cách đọc trang 30 / Nhị đề Kinh

Số 150 chấm màu đỏ. Số 173 chấm màu xanh.

30. Nhị đề Chánh niệm lương tri (tỉnh giác) Satisampajaññaduka… hàm… hữu dư…

Câu 1: Sati ca atthi (tất cả pháp thực tính thành người chánh niệm)[470] là đủ sức nhớ đặng, tức là sở hữu niệm.

1 uẩn là hành uẩn; 1 xứ là pháp xứ;

1 giới là pháp giới (Pháp thực tính đều là sở hữu niệm).

2 đế:

1 là khổ đế tức là sở hữu niệm hợp với tâm hiệp thế.

2 là đạo đế tức là sở hữu niệm hợp với tâm đạo.

Ngoại đế là sở hữu niệm hiệp với tâm quả siêu thế.

Câu 2: Sampajaññañca (tất cả pháp thực tính thành người có lương tri (tỉnh giác), đủ sức biết chu đáo)[471] là sở hữu trí.

1 uẩn là hành uẩn; 1 xứ là pháp xứ;

1 giới là pháp giới (Pháp thực tính đều là sở hữu trí)

2 đế:

1 là khổ đế tức là trí hiệp với tâm hiệp thế.

2 là đạo đế tức là trí hợp với tâm đạo.

Ngoại đế tức là trí hợp với tâm quả siêu thế.

Chỉ chấm và cách đọc trang 31 / Nhị đề Kinh

Từ số 31 đến số 38, từ số 55 đến số 59, từ số 70 đến số 73, từ số 82 đến số 101, từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến số 172, chấm màu xanh.

Số 173 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới chấm màu xanh.

31. Nhị đề Sức quán tưởng (quán vững) - Paṭisaṅkhānabaladuka… chiết… hữu dư…

Câu 1: Paṭisaṅkhānabalañca (tất cả pháp thành người quán tưởng hữu lực (tu lý lực))[472]quán vững vàng là sở hữu trí.

Chia như câu 2 trang 30.

Câu 2: Bhāvanābalañca (tất cả pháp thành người tu tiến hữu lực)[473] tu tiến vững vàng là pháp thiện khi tiến hành thất giác chi, có sở hữu cần làm hướng đạo.

Chia như câu: Tất cả pháp thiện.

Chỉ chấm và cách đọc trang 32 / Nhị đề Kinh

Số 126 chấm màu đỏ. Số 173 chấm màu xanh.

32. Nhị đề Chỉ quánSamathavipassanāduka… hàm… hữu dư…

Câu 1: Samatho ca atthi (tất cả pháp thành chỉ quán (đối trị bất thiện êm đềm))[474] là sở hữu nhất hành, khi thành chánh định.

1 uẩn là hành uẩn; 1 xứ là pháp xứ;

1 giới là pháp giới (đều là pháp thực tính sở hữu nhất hành).

2 đế

1 là khổ đế tức là sở hữu nhất hành hiệp với tâm hiệp thế.

2 là đạo đế tức là sở hữu nhất hành hợp với tâm đạo.

Ngoại đế là sở hữu nhất hành hiệp với tâm quả siêu thế.

Câu 2: Vipassanā ca atthi (tất cả pháp thành pháp quán (nhận rõ vô thường, khổ não, vô ngã))[475] là sở hữu trí.

Chia như câu 2 trang 30.

Chỉ chấm và cách đọc trang 33 / Nhị đề Kinh

Số 126 chấm màu đỏ. Số 132 chấm màu xanh.

33. Nhị đề Ấn chứng chỉ (triệu chứng tu chỉ) - Samathanimittaduka… chiết… hữu dư…

Câu 1: Samathanimittañca (tất cả pháp có ấn chứng chỉ thành nhân dữ chỉ sinh hậu)[476] hay chơn pháp tịnh trước khi sanh làm nhân cho tịnh sau là sở hữu nhất hành thành chánh tịnh sanh trước.

Chia như câu 1 trang 32.

Câu 2: Paggāhanimittañca (tất cả pháp do cần tiền sinh thành nhân dữ chỉ sinh hậu)[477] hay chơn pháp tinh tấn khởi đầu làm nhân cho tinh tấn sau là sở hữu cần thành chánh tinh tấn sanh trước.

1 uẩn là hành uẩn; 1 xứ là pháp xứ;

1 giới là pháp giới (Pháp thực tính đều là sở hữu cần hợp với tâm hiệp thế).

2 đế:

1 là khổ đế tức là sở hữu cần hợp với tâm hiệp thế.

2 là đạo đế tức là sở hữu cần hợp với tâm đạo.

Ngoại đế là sở hữu cần hợp với tâm quả siêu thế.

Chỉ chấm và cách đọc trang 34 / Nhị đề Kinh

Số 132 chấm màu đỏ. Số 126 chấm màu xanh.

34. Nhị đề Cần chiếu cố (tinh tấn)… chiết… hữu dư…

Câu 1: Paggāho ca (tất cả pháp thực tính thành ra chiếu cố)[478] hay chơn pháp tinh tấn cai quản pháp tương ưng là sở hữu cần về sau (thành chánh tinh tấn).

Chia như câu 2 trang 33.

Câu 2: Avikkhepo ca (tất cả pháp thực tính thành vô phóng dật)[479]hay chơn pháp giúp tâm không tán loạn là sở hữu nhất hành thành chánh tịnh.

Chia như câu 1 trang 33.

Chỉ chấm và cách đọc trang 35 / Nhị đề Kinh

Từ số 1 đến số 12, từ số 122 đến số 139, từ số 141 đến số 148, chấm màu đỏ.

Số 140 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, còn phân nửa phía dưới chấm màu xanh.

35. Nhị đề Giới điêu tàn - Sīlavipattiduka… chiết… hữu dư…

Câu 1: Sīlavipatti ca (tất cả pháp thực tính thành giới điêu tàn (phá giới))[480] là: 12 tâm bất thiện, 27 sở hữu hợp.

Chia như câu: Tất cả pháp bất thiện.

Câu 2: Diṭṭhivipatti ca (tất cả pháp thực tính thành kiến điêu tàn (phá chánh kiến))[481] là sở hữu tà kiến.

Chia như câu: Tất cả pháp khinh thị.

Chỉ chấm và cách đọc trang 36 / Nhị đề Kinh

Từ số 31 đến số 38, từ số 47 đến số 54, từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến số 172, chấm màu đỏ. Số 173 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới chấm màu xanh.

36. Nhị đề Mãn túc giới - Sīlasampadāduka… chiết… hữu dư…

Câu 1: Sīlasampadā ca (tất cả pháp thực tính làm cho mãn túc giới)[482] là: Đại thiện, đại tố và 38 sở hữu hợp.

4 uẩn:

1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm đổng lực dục giới tịnh hảo.

2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm đổng lực dục giới tịnh hảo.

3 là hành uẩn tức là 36 sở hữu hợp với tâm đổng lực dục giới tịnh hảo (trừ thọ, tưởng)

4 là thức uẩn tức là tâm đổng lực dục giới tịnh hảo.

2 xứ:

1 là ý xứ tức là tâm đổng lực dục giới tịnh hảo.

2 là pháp xứ tức là 38 sở hữu hợp với tâm đổng lực dục giới tịnh hảo.

2 giới:

1 là ý thức giới tức là tâm đổng lực dục giới tịnh hảo.

2 là pháp giới tức là 38 sở hữu hợp với tâm đổng lực dục giới tịnh hảo.

1 đế: Khổ đế tức là tâm đổng lực dục giới tịnh hảo và 38 sở hữu hợp.

Câu 2: Diṭṭhisampadā ca (tất cả pháp thực tính làm cho mãn túc kiến)[483] là: Sở hữu trí tức là chánh kiến.

Chia như câu 2 trang 30.

Chỉ chấm và cách đọc trang 37 / Nhị đề Kinh

Từ số 82 đến số 121, từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến số 170, chấm màu đỏ.

Số 173 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới chấm màu xanh.

37. Nhị đề Giới tịnh - Sīlavisuddhiduka… chiết… hữu dư…

Câu 1: Sīlavisuddhi ca (tất cả pháp thực tính làm cho giới tịnh (trong sạch))[484] là pháp siêu thế và 36 sở hữu hợp.

4 uẩn:

1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm siêu thế.

2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm siêu thế.

3 là hành uẩn tức là 34 sở hữu hợp với tâm siêu thế (trừ thọ, tưởng).

4 là thức uẩn tức là tâm siêu thế.

2 xứ:

1 là ý xứ tức là tâm siêu thế.

2 là pháp xứ tức là 36 sở hữu hữu hợp với tâm siêu thế.

2 giới:

1 là ý thức giới tức là tâm siêu thế.

2 là pháp giới tức là 36 sở hữu hợp với tâm siêu thế.

1 đế: Là Đạo đế là bát chi đạo hợp với tâm đạo.

Ngoại đế là tâm siêu thế và 36 sở hữu hợp (trừ đạo đế).

Câu 2: Diṭṭhivisuddhi ca (tất cả pháp thực tính làm cho kiến tịnh)[485] là sở hữu trí tuệ đến tuệ quán.

Chia như câu 2 trang 30.

Chỉ chấm và cách đọc trang 38 và 39 / Nhị đề Kinh

Số 173 chấm màu đỏ. Số 132 chấm màu xanh.

38. Nhị đề Tịnh kiến đặc biệt (chơn tịnh kiến) - Diṭṭhivisuddhiduka… chiết… hữu dư…

Câu 1: Diṭṭhivisuddhi kho pana (tất cả pháp thực tính thành người kiến tịnh)[486] là sở hữu trí thành tuệ quán.

Chia như câu 2 trang 30.

Câu 2: Yathādiṭṭhissa ca padhānaṃ (tất cả pháp thực tính thích hợp với kiến tịnh)[487] hay chơn pháp cần hợp với tịnh kiến tuệ là: Sở hữu cần câu sanh với tuệ hiệp đại thiện tương ưng, đại tố tương ưng và tâm siêu thế.

Chia như câu 2 trang 33.

39. Nhị đề Căn bản bi điệu (chơn thê thảm) Saṃvejanīyaṭhānaduka… chiết… hữu dư…

Câu 1: Saṃvego ca saṃvejanīyesu ṭhānesu (tất cả pháp thực tính làm căn bản giúp cho tâm thê thảm)[488] hay chơn pháp thê thảm do tứ khổ là sở hữu trí hiệp đại thiện, sanh trong khi chán tứ khổ.

Chia như câu 2 trang 30.

Câu 2: Saṃviggassa ca yoniso padhānaṃ (tất cả pháp thực tính siêng năng suy xét bát thê thảm)[489] hay chơn pháp cần tác ý khéo bằng cách chán tứ khổ là sở hữu cần thành chánh tinh tấn hiệp tâm thiện và tâm quả siêu thế.

Chia như câu 2 trang 33.

Chỉ chấm và cách đọc trang 40 / Nhị đề Kinh

Từ số 31 đến số 38, từ số 55 đến số 59, từ số 70 đến số 73, từ số 82 đến số 101, từ số 123 đến số 131, các số 133, 134, từ số 149 đến số 173 chấm màu đỏ.

Số 132 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới chấm màu xanh.

40. Nhị đề Vô bảo thiện Asantuṭṭhikusaladhammaduka… chiết… hữu dư…

Câu 1: Asantuṭṭhitā ca kusalesu dhammesu (tất cả pháp thực tính thành người không biết no với pháp thiện)[490] là pháp thiện.

Chia như câu: Tất cả pháp thiện.

Câu 2: Appativānitā ca padhānasmim (tất cả pháp thực tính thành người tinh tấn không lui sụt tu tiến)[491] tiến hóa thiện hay tu chỉ quán tức là sở hữu cần hiệp tâm thiện thành chánh tinh tấn.

Chia như câu 2 trang 33.

Chỉ chấm và cách đọc trang 41 / Nhị đề Kinh

Từ số 55 đến số 59, từ số 65 đến số 69, từ số 70 đến số 73, từ số 78 đến số 81, từ số 122 đến số 134, từ số 149 đến số 167, các số 171, 172 và số 202 chấm màu xanh.

Số 173 chấm phân nửa phía trên mà đỏ, phân nửa phía dưới chấm màu xanh.

41. Nhị đề Minh - Vijjāduka… chiết… hữu dư…

Câu 1: Vijjā ca (tất cả pháp thực tính gọi là minh)[492]hay chơn pháp trừ si tuyệt và làm cho chơn pháp hiện là sở hữu trí là túc mạng thông, sanh tử thông và lậu tận thông.

Chia như câu 2 trang 30.

Câu 2: Vimutti ca (tất cả pháp thực tính gọi là yểm)[493] hay chơn pháp giải thoát pháp cái (hay phiền não) là tâm đổng lực đáo đại, 35 sở hữu hợp và Níp-bàn.

4 uẩn:

1 là thọ uẩn tức là sở hữu thọ hợp với tâm đổng lực đáo đại.

2 là tưởng uẩn tức là sở hữu tưởng hợp với tâm đổng lực đáo đại.

3 là hành uẩn tức là 33 sở hữu hợp với tâm đổng lực đáo đại (trừ thọ, tưởng).

4 là thức uẩn tức là tâm đổng lực đáo đại.

Ngoại uẩn tức là Níp-bàn.

2 xứ:

1 là ý xứ tức là tâm đổng lực đáo đại.

2 là pháp xứ tức là Níp-bàn và 35 sở hữu hợp với tâm đổng lực đáo đại.

2 giới:

1 là ý thức giới tức là tâm đổng lực đáo đại.

2 là pháp giới tức là Níp-bàn và 35 sở hữu hợp với tâm đổng lực đáo đại.

2 đế:

1 là khổ đế tức là tâm đổng lực đáo đại và 35 sở hữu hợp.

2 là diệt đế tức là Níp-bàn.

Chỉ chấm và cách đọc trang 42 / Nhị đề Kinh

Số 173 chấm phân nửa phía trên màu đỏ, phân nửa phía dưới màu xanh.

42. Nhị đề tuyệt (hay đoạn trừ) phiền não - Khayeñāṇaduka… chiết… hữu dư…

Câu 1: Khaye ñāṇaṃ atthi (tất cả pháp thực tính đoạn trừ phiền não)[494] là tuệ hiệp 4 đạo.

1 uẩn là hành uẩn; 1 xứ là pháp xứ; 1 giới là pháp giới; 1 đế là đạo đế (Pháp thực tính là sở hữu trí hợp với tâm đạo).

Câu 2: Anuppāde ñāṇaṃ. (tất cả pháp thực tính làm tuệ hợp với Thánh quả (tuệ tùng sinh trong quả) cho đến tột bực đều không cho phiền não tái tục do 4 đạo đã đoạn trừ)[495] là trí hiệp 4 quả siêu thế.

1 uẩn là hành uẩn. 1 xứ là pháp xứ.

1 giới là pháp giới (pháp thực tính đều là sở hữu trí hợp với tâm quả siêu thế).

Ngoại đế.

Dứt phần thêm Pāḷi và chia tập 18.

CHỈ CHẤM 270 BẢNG NÊU (TỪ CHƯƠNG I => CHƯƠNG VII)

Nguyên tác: Bhikkhu Santakicco – Tịnh Sự

CHỈ CHẤM BẢNG NÊU CHƯƠNG I

TÂM (CITTA)

Trang 1/ Chương 1.

Từ số 1 đến số 215, nêu là => Pháp (dhamma).

Pháp có hai:

- Từ số 1 đến số 202, nêu là => Pháp chơn đế hay siêu lý đế (paramattha sacca).

- Từ số 203 đến số 215, nêu là => Pháp tục đế (sammuti-sacca) hay pháp chế định (paññatti).

Trang 2/ Chương 1.

Pháp chơn đế hay siêu lý có hai:

- Từ số 1 đến số 201, nêu là => Pháp hữu vi:

- Số 202, nêu là => Pháp vô vi, tức là Níp-bàn (Nibbāna) chấm màu vàng.

Trang 3/ Chương 1.

Pháp hữu vi có hai:

- Từ số 1 đến số 173 chấm màu vàng, nêu là => Danh pháp (nāma).

- Từ số 174 đến số 201 chấm màu xanh, nêu là => Sắc pháp (rūpa).

Trang 4/ Chương 1.

Danh pháp (nāma) có hai:

- Từ số 1 đến số 121 chấm màu xanh, nêu là => Tâm (citta).

- Từ số 122 đến số 173 chấm màu đỏ, nêu là => Sở hữu tâm (cetasika).

Trang 5/ Chương 1.

Hay pháp hữu vi có ba:

- Từ số 1 đến số 121 chấm màu xanh, nêu là => Tâm (citta) hay thức uẩn (viññāṇakkhandha).

- Từ số 122 đến số 173 chấm màu đỏ, nêu là => Sở hữu tâm (cetasika) [tức thọ uẩn (vedanakkhandha) + tưởng uẩn (saññakkhandha) + hành uẩn (saṇkhārakkhandha)].

- Từ số 174 đến số 201 chấm màu xanh, nêu là => Sắc pháp (rūpa) hay sắc uẩn (rūpakkhandha).

Trang 6/ Chương 1.

Hay Nói theo cách khác thì ‘Pháp siêu lý’ có bốn:

- Tâm (citta): Từ số 1 đến số 121,

- Sở hữu tâm (cetasika): Từ số 122 đến số 173,

- Sắc pháp (rūpa): Từ số 174 đến số 201, và

- Níp-bàn (Nibbāna): Số 202.

Trang 7/ Chương 1.

“Citta”-Tâm Phân Theo Cõi có 4: 1. tâm dục giới; 2. tâm sắc giới; 3. tâm vô sắc giới; 4. tâm siêu thế.

- Từ số 1 đến số 54 gom chung lại, nêu là => tượng trưng ‘Tâm dục giới’.

- Từ số 55 đến số 69 gom chung lại, nêu là => …‘Tâm sắc giới’.

- Từ số 70 đến số 81 gom chung lại, nêu là => …‘Tâm vô sắc giới’.

- Số 82, 87, 92, 97, 102, 107, 112 và 117 (tính hẹp), hoặc 82 đến 121 (tính rộng), gom chung lại, nêu là => …‘Tâm siêu thế’.

Trang 8/ Chương 1.

Năm mươi bốn tâm dục giới gồm có 3: Tâm bất thiện, tâm vô nhân, tâm dục giới tịnh hảo (phần nêu tổng quát).

- Từ số 1 đến số 12 gom chung lại, nêu là => …‘Tâm bất thiện’.

- Từ số 13 đến số 30 gom chung lại, nêu là => …‘Tâm vô nhân’.

- Từ số 31 đến số 54 gom chung lại, nêu là => …‘Tâm dục giới tịnh hảo’.

Trang 9/ Chương 1.

Tâm dục giới gồm có 3: 1 là tâm bất thiện, 2 là tâm vô nhân, 3 là tâm dục giới tịnh hảo. (phần nêu chi tiết).

Tâm bất thiện gồm có 3: 1 là tâm tham, 2 là tâm sân, 3 là tâm si.

- Từ số 1 đến số 8 gom chung lại, nêu là => …‘Tâm tham’.

- Số 9 và số 10 gom chung lại, nêu là => …‘Tâm sân’.

- Số 11 và số 12 gom chung lại, nêu là => …‘Tâm si’.

Từ số 1 đến số 12 (tâm tham, tâm sân, tâm si) gom chung lại, nêu là => …‘Tâm bất thiện’.

Tâm tham có 8 thứ: Số 1 là câu hành hỷ tương ưng kiến vô dẫn, số 2 là câu hành hỷ tương ưng kiến hữu dẫn, số 3 là câu hành hỷ bất tương ưng kiến vô dẫn, số 4 là câu hành hỷ bất tương ưng kiến hữu dẫn, số 5 là câu hành xả tương ưng kiến vô dẫn, số 6 là câu hành xả tương ưng kiến hữu dẫn, số 7 là câu hành xả bất tương ưng kiến vô dẫn, số 8 là câu hành xả bất tương ưng kiến hữu dẫn.

Tâm sân có 2 thứ: Số 9 là câu hành ưu tương ưng khuể vô dẫn, số 10 là câu hành ưu tương ưng khuể hữu dẫn.

Tâm si có 2 thứ: Số 11 là câu hành xả tương ưng hoài nghi, số 12 là câu hành xả tương ưng điệu cử.

___o0o___

Tâm vô nhân gồm có 3: 1 là tâm quả bất thiện, 2 là tâm quả thiện vô nhân, 3 là tâm tố vô nhân.

- Từ số 13 đến số 19 gom chung lại, nêu là => …‘Tâm quả bất thiện’.

- Từ số 20 đến số 27 gom chung lại, nêu là => …‘Tâm quả thiện vô nhân’.

- Từ số 28 đến số 30 gom chung lại, nêu là => …‘Tâm tố vô nhân’.

‘Tâm quả bất thiện’, ‘tâm quả thiện vô nhân’ và ‘tâm tố vô nhân’ gom lại, nêu là => …‘Tâm vô nhân’.

- Từ số 13 đến số 17, 20 đến 24 gom chung, đóng khung lại nêu là => …‘ngũ song thức’, tức là 5 đôi thức.

- Tâm quả bất thiện gồm có 7 thứ: Số 13 là nhãn thức câu hành xả (thọ), số 14 là nhĩ thức câu hành xả, số 15 là tỷ thức câu hành xả, số 16 là thiệt thức câu hành xả, số 17 là thân thức câu hành khổ (thọ), số 18 là tiếp thâu câu hành xả, số 19 là thẩm tấn câu hành xả.

- Tâm quả thiện vô nhân gồm có 8 thứ: Số 20 là nhãn thức câu hành xả, số 21 là nhĩ thức câu hành xả, số 22 là tỷ thức câu hành xả, số 23 là thiệt thức câu hành xả, số 24 là thân thức câu hành lạc (thọ), số 25 là tiếp thâu câu hành xả, số 26 là thẩm tấn câu hành xả, số 27 là thẩm tấn câu hành hỷ (thọ).

- Tâm tố vô nhân có 3 thứ: Số 28 là tâm khai ngũ môn câu hành xả, số 29 là tâm khai ý môn câu hành xả, số 30 là tâm tiếu sinh câu hành hỷ.

___o0o___

Tâm dục giới tịnh hảo gồm có 3: Tâm đại thiện, tâm đại quả, tâm đại tố. Từ số 31 đến số 54 tô màu xanh.

- Từ số 31 đến số 38 gom chung lại, nêu là => …‘Tâm đại thiện’.

- Từ số 39 đến số 46 gom chung lại, nêu là => …‘Tâm đại quả’.

- Từ số 47 đến số 54 gom chung lại, nêu là => …‘Tâm đại tố’.

‘Tâm đại thiện’, ‘tâm đại quả’, ‘tâm đại tố’ gom chung lại, nêu là => …‘Tâm dục giới tịnh hảo’.

Tâm đại thiện có 8 thứ:

Số 31 là tượng trưng tâm đại thiện câu hành hỷ (thọ) tương ưng trí vô dẫn.

Số 32 là tượng trưng tâm đại thiện câu hành hỷ tương ưng trí hữu dẫn.

Số 33 là tượng trưng tâm đại thiện câu hành hỷ bất tương ưng trí vô dẫn.

Số 34 là tượng trưng tâm đại thiện câu hành hỷ bất tương ưng trí hữu dẫn.

Số 35 là tượng trưng tâm đại thiện câu hành xả (thọ) tương ưng trí vô dẫn.

Số 36 là tượng trưng tâm đại thiện câu hành xả tương ưng trí hữu dẫn.

Số 37 là tượng trưng tâm đại thiện câu hành xả bất tương ưng trí vô dẫn.

Số 38 là tượng trưng tâm đại thiện câu hành xả bất tương ưng trí hữu dẫn.

Tên của 8 thứ tâm đại quả và 8 thứ tâm đại tố cũng tợ như tên những tâm đại thiện, nhưng chỉ đổi tên đại thiện thành đại quả hay đại tố.

___o0o___

Trang 10/ Chương 1.

Tâm sắc giới gồm có 3: Tâm thiện sắc giới, tâm quả sắc giới, tâm tố sắc giới. Từ số 55 đến số 69 tô màu đỏ.

- Từ số 55 đến số 59 gom chung lại, nêu là => …‘Tâm thiện sắc giới’.

- Từ số 60 đến số 64 gom chung lại, nêu là => …‘Tâm quả sắc giới’.

- Từ số 65 đến số 69 gom chung lại, nêu là => …‘Tâm tố sắc giới’.

Tâm thiện sắc giới, ‘tâm quả sắc giới’ và ‘tâm tố sắc giới’ gom chung lại, nêu là => …‘Tâm sắc giới’.

Số 55 là tượng trưng tâm thiện sơ thiền sắc giới.

Số 56 là tượng trưng tâm thiện nhị thiền sắc giới.

Số 57 là tượng trưng tâm thiện tam thiền sắc giới.

Số 58 là tượng trưng tâm thiện tứ thiền sắc giới.

Số 59 là tượng trưng tâm thiện ngũ thiền sắc giới.

Tên gọi những tâm quả sắc giới và tố sắc giới tợ như tên gọi những tâm thiện sắc giới, nhưng chỉ đổi từ ‘thiện’ thành ‘quả’ hay ‘tố’.

___o0o___

Tâm vô sắc giới gồm có 3: Tâm thiện vô sắc giới, tâm quả vô sắc giới, tâm tố vô sắc giới. Từ số 70 đến số 81 tô màu xanh.

- Từ số 70 đến số 73 gom chung lại, nêu là => …‘Tâm thiện vô sắc giới’.

- Từ số 74 đến số 77 gom chung lại, nêu là => …‘Tâm quả vô sắc giới’.

- Từ số 78 đến số 81 gom chung lại, nêu là => …‘Tâm tố vô sắc giới’.

‘Tâm thiện vô sắc giới’, ‘tâm quả vô sắc giới’ và ‘tâm tố vô sắc giới’ gom chung lại, nêu là => …‘Tâm vô sắc giới’.

Số 70 là tượng trưng tâm thiện thiền không vô biên xứ.

Số 71 là tượng trưng tâm thiện thiền thức vô biên xứ.

Số 72 là tượng trưng tâm thiện thiền vô sở hữu xứ.

Số 73 là tượng trưng tâm thiện thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Tên gọi những tâm quả vô sắc giới và tố vô sắc giới tợ như tên gọi những tâm thiện vô sắc giới, nhưng chỉ đổi từ ‘thiện’ thành ‘quả’ hay ‘tố’.

___o0o___

Tâm siêu thế gồm có 2: Tâm đạo siêu thế và tâm quả siêu thế.

- Từ số 82 đến số 101 gom chung lại, nêu là => …‘Tâm đạo siêu thế’.

- Từ số 102 đến số 121 gom chung lại, nêu là => …‘Tâm quả siêu thế’.

‘Tâm đạo siêu thế’ và ‘tâm quả siêu thế’ gom chung lại, nêu là => ‘Tâm siêu thế’.

Tâm siêu thế tính hẹp, tức là tính mỗi tâm siêu thế không có chi thiền của mỗi bậc thiền cùng sanh, thì tâm siêu thế chỉ có 8, tức là 4 tâm đạo siêu thế và 4 tâm quả siêu thế. Số 82 là tâm sơ đạo; 87 là tâm nhị đạo; 92 là tâm tam đạo; 97 là tâm tứ đạo; 102 là tâm sơ; 107 là tâm nhị quả; 112 là tâm tam quả; 117 là tâm tứ quả.

Nếu tâm siêu thế tính rộng, tức là tính mỗi tâm siêu thế có chi thiền của mỗi bậc thiền cùng sanh, thì lấy 8 tâm siêu thế nhân cho 5 bậc thiền, tức là 4 tâm đạo siêu thế và 4 tâm quả siêu thế nhân cho 5 bậc thiền, thành 20 tâm đạo và 20 tâm quả.

___o0o___

Phân Chia Tâm Theo 9 Cách:

Trang 11/ Chương 1.

Tâm chia theo 4 giống (jāti): 1 là giống thiện (kusala), 2 là giống bất thiện (akusala), 3 là giống quả (vipāka), 4 là giống tố (kiriyā).

- Từ số 31 đến số 38, 55 đến 59, 70 đến 73, 82 đến 101 chấm màu xanh, gom chung lại, nêu là => ‘Giống thiện’.

- Từ số 1 đến số 12 chấm màu đen, gom chung lại, nêu là => ‘giống bất thiện’.

- Từ số 13 đến số 27, 39 đến 46, 60 đến 64, 74 đến 77, 102 đến 121 chấm màu đỏ, gom chung lại, nêu là => ‘Giống quả’.

- Từ số 28 đến 30, 47 đến 54, 65 đến 69, 78 đến 81 chấm màu vàng, gom chung lại, nêu là => ‘Giống tố’.

‘Giống quả’ và ‘giống tố’ gom chung lại, nêu là => ‘Giống vô ký’.

Trang 12/ Chương 1.

89 hay 121 tâm chia theo cõi gồm có 4: Tâm thuộc cõi Dục, tâm thuộc cõi Sắc, tâm thuộc cõi Vô sắc, tâm thuộc siêu thế.

- Từ số 1 đến số 54 gom chung lại, nêu là => …‘Tâm thuộc cõi Dục’.

- Từ số 55 đến số 69 gom chung lại, nêu là => …‘Tâm thuộc cõi Sắc’.

- Từ số 70 đến số 81 gom chung lại, nêu là => …‘Tâm thuộc cõi Vô sắc’.

- Từ số 82 đến số 121 gom chung lại, nêu là => …‘Tâm thuộc siêu thế’.

Trang 13/ Chương 1.

Tâm chia theo vô tịnh hảo và tịnh hảo.

- Từ số 1 đến số 30 gom chung lại, nêu là => …‘Tâm vô tịnh hảo’.

- Từ số 31 đến số 121 gom chung lại, nêu là => …‘Tâm tịnh hảo’.

Trang 14/ Chương 1.

Tâm chia theo thế gian (đời):

- Từ số 1 đến số 81 gom chung lại, nêu là => …‘Tâm hiệp thế’.

- Từ số 82 đến số 121 gom chung lại, nêu là => …‘Tâm siêu thế’.

Trang 15/ Chương 1.

Tâm chia theo nhân gồm có 2: Tâm vô nhân và tâm hữu nhân.

- Từ số 13 đến số 30 tô màu xanh, gom chung lại, nêu là => …‘Tâm vô nhân’.

- Từ số 1 đến số 12, 31 đến 121 gom chung lại, nêu là => …‘Tâm hữu nhân’.

Trang 16/ Chương 1.

Tâm chia theo thiền gồm có 5: Sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, ngũ thiền.

- Số 55, 60, 65, 82, 87, 92, 97, 102, 107, 112, 117 gom chung lại, nêu là => …‘Tâm sơ thiền’.

- Số 56, 61, 66, 83, 88, 93, 98, 103, 108, 113, 118 gom chung lại, nêu là => …‘Tâm nhị thiền’.

- Số 57, 62, 67, 84, 89, 94, 99, 104, 109, 114, 119 gom chung lại, nêu là => …‘Tâm tam thiền’.

- Số 58, 63, 68, 85, 90, 95, 100, 105, 110, 115, 120 gom chung lại, nêu là => …‘Tâm tứ thiền’.

- Số 59, 64, 69, từ số 70 đến số 81, 86, 91, 96, 101, 106, 111, 116, 121 gom chung lại, nêu là => …‘Tâm ngũ thiền’.

Trang 17/ Chương 1.

Tâm chia theo ngũ thọ (vedanā) gồm khổ, lạc, ưu, hỷ, xả thọ.

- Tô màu đen số 17 nêu => ‘Tâm câu hành khổ’.

- Tô màu vàng số 24 nêu => ‘Tâm câu hành lạc’.

- Tô màu tím số 9, 10 gom chung lại, nêu là => ‘Tâm câu hành ưu’.

- Tô màu đỏ: Từ số 1 đến số 4, số 27, 30, từ số 31 đến 34, 39 đến 42, 47 đến 50, 55 đến 58, 60 đến 63, 65 đến 68, 82 đến 85, 87 đến 90, 92 đến 95, 97 đến 100, 102 đến 105, 107 đến 110, 112 đến 115, 117 đến 120 gom chung lại, nêu là => ‘Tâm câu hành hỷ’.

- Tô màu xanh: Từ số 5 đến số 8, 11, 12, 13 đến 16, 18, 19, 20 đến 23, 25, 26, 28, 29, 35 đến 38, 43 đến 46, 51 đến 54, 59, 64, 69, 70 đến 81, 86, 91, 96, 101, 106, 111, 116, 121 gom chung lại, nêu là => ‘Tâm câu hành xả’.

Trang 18/ Chương 1.

Tâm chia theo tương ưng (phối hợp):

- Tô màu vàng: Số 1, 2, 5, 6, 9 đến 12, 31, 32, 35, 36, 39, 40, 43, 44, 47, 48, 51, 52, 55 đến 121 gom chung lại, nêu là => 87 tâm tương ưng.

- Tô màu xanh: Số 3, 4, 7, 8, 13 đến 30, 33, 34, 37, 38, 41, 42, 45, 46, 49, 50, 53, 54 gom chung lại, nêu là => 34 tâm bất tương ưng.

Trang 19/ Chương 1.

Tâm chia theo trợ dẫn:

- Tô màu vàng: Số 1, 3, 5, 7, 9, 11, 12, 13 đến 30, 31, 33, 35, 37, 39, 41, 43, 45, 47, 49, 51, 53 gom chung lại, nêu là => 37 tâm vô dẫn.

- Tô màu xanh: Số 2, 4, 6, 8, 10, 32, 34, 36, 38, 40, 42, 44, 46, 48, 50, 52, 54, 55 đến 121 gom chung lại, nêu là => 84 tâm hữu dẫn.

___o0o______o0o______o0o___

CHỈ CHẤM BẢNG NÊU CHƯƠNG II

SỞ HỮU TÂM (CETASIKA)

Trang 1/ Chương 2.

Sở hữu tâm gồm có 3 nhóm:

- Từ số 122 đến số 134 gom chung lại, nêu là => ‘Sở hữu tợ tha’.

- Từ số 135 đến số 148 gom chung lại, nêu là => ‘Sở hữu bất thiện’.

- Từ số 149 đến số 173 gom chung lại, nêu là => ‘Sở hữu tịnh hảo’.

‘Sở hữu tợ tha’, ‘Sở hữu bất thiện’ và ‘sở hữu tịnh hảo’ gom chung lại, nêu là => ‘Sở hữu tâm’.

Trang 2/ Chương 2.

Sở hữu tợ tha gồm có 2 phần:

- Từ số 122 đến số 128 gom chung lại, nêu là => ‘Sở hữu biến hành’.

- Từ số 129 đến số 134 gom chung lại, nêu là => ‘Sở hữu biệt cảnh’.

‘Sở hữu biến hành’ và ‘sở hữu biệt cảnh’ gom chung lại, nêu là => ‘Sở hữu tợ tha’.

Sở hữu bất thiện gồm có 5 phần:

- Từ số 135 đến số 138 gom chung lại, nêu là => ‘Sở hữu si-phần’.

- Từ số 139 đến số 141 gom chung lại, nêu là => ‘Sở hữu tham-phần’.

- Từ số 142 đến số 145 gom chung lại, nêu là => ‘Sở hữu sân-phần’.

- Từ số 146 đến số 147 gom chung lại, nêu là => ‘Sở hữu hôn-phần’.

- Số 148 nêu => ‘Sở hữu hoài nghi’.

Sở hữu ‘si-phần’, ‘tham-phần’, ‘sân-phần’, ‘hôn-phần’ và ‘hoài nghi’ gom lại nêu => ‘Sở hữu bất thiện’.

Sở hữu tịnh hảo gồm có 4 phần:

- Từ số 149 đến số 167 gom chung lại, nêu là => ‘Sở hữu tịnh hảo biến hành’.

- Từ số 168 đến số 170 gom chung lại, nêu là => ‘Sở hữu ngăn trừ’.

- Từ số 171 đến số 172 gom chung lại, nêu là => ‘Sở hữu vô lượng phần’.

- Số 173 nêu => ‘Sở hữu trí tuệ’.

Sở hữu tịnh hảo biến hành, ngăn trừ phần, vô lượng phần và trí tuệ gom chung lại, nêu là => ‘Sở hữu tịnh hảo’.

‘Sở hữu tợ tha’, ‘Sở hữu bất thiện’ và ‘sở hữu tịnh hảo’ gom chung lại, nêu là => ‘Sở hữu tâm’.

Sở Hữu Tợ Tha Phối Hợp

Trang 3/ Chương 2.

Từ số 1 đến số 121 (nêu => ‘tâm tính rộng’), hoặc từ số 1 đến số 81, các số 82, 87, 92, 97, 102, 107, 112 và 117 chấm màu xanh đậm (nêu => ‘tâm tính hẹp’).

Từ số 122 đến số 128 chấm màu đỏ, gom chung lại, nêu là => ‘Bảy sở hữu biến hành’ phối hợp với tất cả tâm.

Trang 4/ Chương 2.

Từ số 1 đến số 12, các số 18, 19, 25, 26, 27, 28, 29, 30, từ số 31 đến số 54, các số 55, 60, 65, 82, 87, 92, 97, 102, 107, 112 và 117 chấm màu xanh.

Số 129 chấm màu đỏ, nêu là => ‘Sở hữu tầm’ phối hợp với 55 tâm là: 11 tâm sơ thiền và 44 tâm dục giới (trừ ngũ song thức).

Trang 5/ Chương 2.

Từ số 1 đến số 12, các số 18, 19, 25, 26, 27, 28, 29, 30, từ số 31 đến số 54, các số 55, 56, 60, 61, 65, 66, 82, 83, 87, 88, 92, 93, 97, 98, 102, 103, 107, 108, 112, 113, 117 và 118 chấm màu xanh.

Số 130 chấm màu đỏ, nêu là => ‘Sở hữu tứ’ phối hợp với 66 tâm là: 11 tâm sơ thiền, 11 tâm nhị thiền và 44 tâm dục giới (trừ ngũ song thức).

Trang 6/ Chương 2.

Từ số 1 đến số 10, các số 12, 18, 19, 25, 26, 27, 28, 29, 30, từ số 31 đến số 81 và các số 82, 87, 92, 97, 102, 107, 112 và 117 chấm màu xanh.

Số 131 chấm màu đỏ, nêu là => ‘Sở hữu thắng giải’ phối hợp với 78 tâm (kể hẹp) hoặc 110 tâm (kể rộng) là: 35 hoặc 67 tâm thiền và 43 tâm dục giới (trừ ngũ song thức và tâm si hoài nghi).

Trang 7/ Chương 2.

Từ số 1 đến số 12, số 29, 30, từ số 31 đến số 81 và các số 82, 87, 92, 97, 102, 107, 112 và 117, chấm màu xanh.

Số 132 chấm màu đỏ, nêu là => ‘Sở hữu cần’ phối hợp với 73 tâm (kể hẹp) hoặc 105 tâm (kể rộng) là: 12 tâm bất thiện, khai ý môn, tâm tiếu sinh, 24 tâm dục giới tịnh hảo và 35 hoặc 67 tâm thiền.

Trang 8/ Chương 2.

Từ số 1 đến số 4, số 27, 30, từ số 31 đến số 34, từ số 39 đến 42, từ số 47 đến số 50, các số 55, 56, 57, 60, 61, 62, 65, 66, 67, 82, 83, 84, 87, 88, 89, 92, 93, 94, 97, 98, 99, 102, 103, 104, 107, 108, 109, 112, 113, 114, 117, 118 và 119 chấm màu xanh.

Số 133 chấm màu đỏ, nêu là => ‘Sở hữu hỷ’ phối hợp với 51 tâm câu hành hỷ (trừ 11 tâm tứ thiền) là: 4 tâm tham câu hành hỷ, tâm thẩm tấn câu hành hỷ, tâm tiếu sinh, 12 tâm dục giới tịnh hảo câu hành hỷ, 11 tâm sơ thiền, 11 tâm nhị thiền và 11 tâm tam thiền.

Trang 9/ Chương 2.

Từ số 1 đến số 10, từ số 31 đến 81, các số 82, 87, 92, 97, 102, 107, 112 và 117 chấm màu xanh đậm (nêu hẹp), từ số 83 đến số 86, 88 đến 91, 93 đến 96, 98 đến 101, 103 đến 106, 108 đến 111, 113 đến 116, 118 đến 121 chấm màu xanh lợt (nêu rộng).

Số 134 chấm màu đỏ, nêu là => ‘Sở hữu dục’ phối hợp với 69 tâm (kể hẹp) hoặc 101 tâm (kể rộng) là: 8 tâm tham, 2 tâm sân, 24 tâm dục giới tịnh hảo, 27 tâm đáo đại và 8 hoặc 40 tâm siêu thế.

Sở Hữu Bất Thiện (Akusala Cetasika) Phối Hợp

Trang 10/ Chương 2.

Từ số 1 đến số 12 chấm màu xanh, nêu là => ‘12 tâm bất thiện’.

Từ số 135 đến số 138 chấm màu đỏ, nêu là => ‘Sở hữu si-phần’ phối hợp với 12 tâm bất thiện.

Trang 11/ Chương 2.

Từ số 1 đến số 8 chấm màu xanh, nêu là => ‘8 tâm tham’.

Số 139 chấm màu đỏ, nêu là => ‘Sở hữu tham’ phối hợp với 8 tâm tham.

Trang 12/ Chương 2.

Các số 1, 2, 5, 6 chấm màu xanh, nêu là => ‘4 tâm tham tương ưng’.

số 140 chấm màu đỏ, nêu là => ‘Sở hữu tà kiến’ phối hợp với 4 tâm tham tương ưng.

Trang 13/ Chương 2.

Các số 3, 4, 7, 8 chấm màu xanh, nêu là => ‘4 tâm tham bất tương ưng’.

Số 141 chấm màu đỏ, nêu là => ‘Sở hữu ngã mạn’ phối hợp với 4 tâm tham bất tương ưng.

Trang 14/ Chương 2.

Số 9 và 10 chấm màu xanh, nêu là => ‘2 tâm sân’.

Số 142, 143, 144 và 145 chấm màu đỏ, nêu là => ‘Sở hữu sân-phần’ phối hợp với 2 tâm sân.

Trang 15/ Chương 2.

Các số 2, 4, 6, 8 và 10 chấm màu xanh, nêu là => ‘5 tâm bất thiện hữu dẫn’.

Số 146 và 147 chấm màu đỏ, nêu là => ‘Sở hữu hôn-phần’ phối hợp với 5 tâm bất thiện hữu dẫn.

Trang 16/ Chương 2.

Số 11 chấm màu xanh, nêu là => tâm si hoài nghi

Số 148 chấm màu đỏ, nêu là => ‘Sở hữu hoài nghi’ phối hợp với tâm si hoài nghi.

Sở Hữu Tịnh Hảo (Sobhaṇa Cetasika) Phối Hợp

Trang 17/ Chương 2.

Từ số 31 đến số 121 chấm màu xanh lợt, nêu là => 91 ‘tâm tịnh hảo’

Từ số 149 đến số 167 chấm màu đỏ, nêu là => ‘19 sở hữu tịnh hảo biến hành’ phối hợp với 91 tâm tịnh hảo là: 24 tâm dục giới tịnh hảo, 15 tâm sắc giới, 12 tâm vô sắc giới và 40 tâm siêu thế.

Trang 18/ Chương 2.

Từ số 31 đến số 38 và các số 82, 87, 92, 97, 102, 107, 112 và 117 chấm màu xanh. Các số 168, 169, 170 chấm màu đỏ.

Sở hữu ngăn trừ phần phối hợp với 16 tâm là: 8 tâm đại thiện và 8 tâm siêu thế.

Trang 19/ Chương 2.

Từ số 31 đến số 38, từ số 47 đến số 54, từ số 55 đến số 58, từ số 60 đến 63, từ số 65 đến số 68 chấm màu xanh.

Số 171 và 172 chấm màu đỏ, nêu là => Sở hữu vô lượng phần phối hợp với 28 tâm là: 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo và 12 tâm sắc giới câu hành hỷ (thọ).

Trang 20/ Chương 2.

Các số 31, 32, 35, 36, 39, 40, 43, 44, 47, 48, 51, 52, từ số 55 đến số 121, nêu là => tâm tương ưng trí.

Số 173 chấm màu đỏ, nêu là => ‘Sở hữu trí tuệ’ phối hợp với 79 tâm là: 12 tâm dục giới tịnh hảo tương ưng, 15 tâm sắc giới, 12 tâm vô sắc giới và 8 hoặc 40 tâm siêu thế.

Trang 21/ Chương 2.

Từ số 122 đến số 128 ghi số 121, tượng trưng cho 7 sở hữu biến hành phối hợp với 121 tâm (hay là tất cả tâm).

- Số 129 ghi số 55, tượng trưng cho sở hữu tầm phối hợp với 55 tâm.

- Số 130 ghi số 66, tượng trưng cho sở hữu tứ phối hợp với 66 tâm.

- Số 131 ghi số 78, tượng trưng cho sở hữu thắng giải phối hợp với 78 tâm (kể hẹp).

- Số 132 ghi số 73, tượng trưng cho sở hữu cần phối hợp với 73 tâm (kể hẹp).

- Số 133 ghi số 51, tượng trưng cho sở hữu hỷ phối hợp với 51 tâm câu hành hỷ (trừ 11 tâm tứ thiền).

- Số 134 ghi số 69, tượng trưng cho sở hữu dục phối hợp với 69 tâm (kể hẹp).

- Số 135, 136, 137, 138 ghi số 12, tượng trưng cho sở hữu si-phần phối hợp với 12 tâm bất thiện. Số 139 ghi số 8, tượng trưng cho sở hữu tham phối hợp với 8 tâm tham.

- Số 140 ghi số 4, tượng trưng cho sở hữu tà kiến phối hợp với 4 tâm tham bất tương ưng.

- Số 141 ghi số 4, tượng trưng cho sở hữu ngã mạn phối hợp với 4 tâm tham bất tương ưng.

- Số 142, 143, 144 và 145 ghi số 2, tượng trưng sở hữu sân-phần phối hợp với 2 tâm sân.

- Số 146, 147 ghi số 5, tượng trưng cho sở hữu hôn-phần phối hợp với 5 tâm bất thiện hữu dẫn.

- Số 148 ghi số 1, tượng trưng cho sở hữu hoài nghi chỉ phối hợp với tâm si hoài nghi.

- Từ số 149 đến số 167 ghi số 59, tượng trưng cho 19 sở hữu tịnh hảo biến hành phối hợp với 59 tâm (kể hẹp) hoặc 91 (kể rộng) tâm tịnh hảo.

- Các số 168, 169 và 170 ghi số 16, tượng trưng cho sở hữu ngăn trừ phần phối hợp với 16 tâm.

- Số 171 và 172 ghi số 28, tượng trưng cho sở hữu vô lượng phần phối hợp với 28 tâm.

- Số 173 ghi số 79, tượng trưng cho sở hữu trí tuệ phối hợp với 47 tâm (kể hẹp) hoặc 79 tâm (kể rộng).

Tâm (Citta) Nhiếp (Saṅgaha) Sở Hữu Tâm (Cetasika)

Tâm Bất Thiện Nhiếp

Trang 22/ Chương 2.

Từ số 122 đến số 140 chấm màu xanh.

Số 1 chấm màu đỏ, nêu là => Tâm tham thứ nhất nhiếp đặng 19 sở hữu là: 13 sở hữu tợ tha, sở hữu si-phần, sở hữu tham và sở hữu tà kiến.

Trang 23/ Chương 2.

Từ số 122 đến 140, số 146 và 147 chấm màu xanh.

Số 2 chấm màu đỏ, nêu là => Tâm tham thứ hai nhiếp đặng 21 sở hữu là: 13 sở hữu tợ tha, sở hữu si-phần, sở hữu tham, sở hữu tà kiến và sở hữu hôn-phần.

Trang 24/ Chương 2.

Từ số 122 đến số 139 và số 141 chấm màu xanh.

Số 3 chấm màu đỏ, nêu là => Tâm tham thứ ba nhiếp đặng 19 sở hữu là: 13 sở hữu tợ tha, sở hữu si-phần, sở hữu tham và sở hữu ngã mạn.

Trang 25/ Chương 2.

Từ số 122 đến số 139, số 141, 146 và 147 chấm màu xanh.

Số 4 chấm màu đỏ, nêu là => Tâm tham thứ tư nhiếp đặng 21 sở hữu là: 13 sở hữu tợ tha, sở hữu si-phần, sở hữu tham, sở hữu ngã mạn và sở hữu hôn-phần.

Trang 26/ Chương 2.

Từ số 122 đến số 132, từ số 134 đến số 140 chấm màu xanh.

Số 5 chấm màu đỏ, nêu là => Tâm tham thứ năm nhiếp đặng 18 sở hữu là: 12 sở hữu tợ tha (trừ hỷ), sở hữu si-phần, sở hữu tham và sở hữu tà kiến.

Trang 27/ Chương 2.

Từ số 122 đến số 132, từ số 134 đến số 140, số 146 và 147 chấm màu xanh.

Số 6 màu đỏ, nêu là => Tâm tham thứ sáu nhiếp đặng 20 sở hữu là: 12 sở hữu tợ tha (trừ hỷ), sở hữu si-phần, sở hữu tham, sở hữu tà kiến và sở hữu hôn-phần.

Trang 28/ Chương 2.

Từ số 122 đến số 132, từ số 134 đến số 139 và số 141 chấm màu xanh.

Số 7 chấm màu đỏ, nêu là => Tâm tham thứ bảy kết nhiếp đặng 18 sở hữu là: 12 sở hữu tợ tha (trừ hỷ), sở hữu si-phần, sở hữu tham và sở hữu ngã mạn.

Trang 29/ Chương 2.

Từ số 122 đến số 132, từ số 134 đến số 139, số 141, 146 và 147 chấm màu xanh.

Số 8 chấm màu đỏ, nêu là => Tâm tham thứ tám nhiếp đặng 20 sở hữu là: 12 sở hữu tợ tha (trừ hỷ), sở hữu si-phần, sở hữu tham, ngã mạn và sở hữu hôn-phần.

Trang 30/ Chương 2.

Từ số 122 đến số 132, từ số 134 đến số 138, từ số 142 đến số 145 chấm màu xanh.

Số 9 chấm màu đỏ, nêu là => Tâm sân thứ nhất nhiếp đặng 20 sở hữu là: 12 sở hữu tợ tha (trừ hỷ), sở hữu si-phần và sở hữu sân-phần.

Trang 31/ Chương 2.

Từ số 122 đến số 132, từ số 134 đến số 138, từ số 142 đến số 147 chấm màu xanh.

Số 10 chấm màu đỏ, nêu là => Tâm sân thứ nhì nhiếp đặng 22 sở hữu là: 12 sở hữu tợ tha (trừ hỷ), sở hữu si-phần, sở hữu sân-phần và sở hữu hôn-phần.

Trang 32/ Chương 2.

Từ số 122 đến số 130, số 132, từ số 135 đến số 138 và số 148 chấm màu xanh.

Số 11 chấm màu đỏ, nêu là => Tâm si hoài nghi nhiếp đặng 15 sở hữu là: 10 sở hữu tợ tha (trừ thắng giải, hỷ và dục), sở hữu si-phần và sở hữu hoài nghi.

Trang 33/ Chương 2.

Từ số 122 đến số 132, từ số 135 đến số 138 chấm màu xanh.

Số 12 chấm màu đỏ, nêu là => Tâm si điệu cử nhiếp đặng 15 sở hữu là: 11 sở hữu tợ tha (trừ hỷ và dục) và sở hữu si-phần.

Tâm vô nhân (Ahetuka citta) Nhiếp (saṅgaha)

Trang 34/ Chương 2.

Từ số 122 đến số 128 chấm màu xanh, nêu sở hữu biến hành.

Từ số 13 đến số 17 và từ số 20 đến số 24 chấm màu đỏ, nêu là => Mười tâm ‘ngũ song thức’ nhiếp đặng 7 sở hữu là: 7 sở hữu biến hành.

Trang 35/ Chương 2.

Các số 18, 25, 28 chấm màu đỏ, nêu 3 tâm ý giới. Các số 19 và 26 chấm màu đỏ, nêu tâm thẩm tấn câu hành xả. Từ số 122 đến số 131 chấm màu xanh, nêu sở hữu tợ tha.

Ba tâm ý giới và 2 tâm thẩm tấn (santīraṇa) câu hành xả nhiếp đặng 10 sở hữu là: 10 sở hữu tợ tha (trừ cần, hỷ, dục).

Trang 36/ Chương 2.

Số 27 chấm màu đỏ, nêu tâm thẩm tấn câu hành hỷ. Từ số 122 đến số 131 và số 133 chấm màu xanh, nêu 11 sở hữu tợ tha (trừ cần, dục).

Tâm thẩm tấn câu hành hỷ nhiếp đặng 11 sở hữu là: 11 sở hữu tợ tha (trừ cần, dục).

Trang 37/ Chương 2.

Số 29 chấm màu đỏ, nêu tâm khai ý môn (manodvārāvajjanacitta). Từ số 122 đến số 132 chấm màu xanh, nêu 11 sở hữu tợ tha (trừ hỷ, dục).

Tâm khai ý môn nhiếp đặng 11 sở hữu là: 11 sở hữu tợ tha (trừ hỷ, dục).

Trang 38/ Chương 2.

Số 30 chấm màu đỏ, nêu tâm tiếu sinh. Từ số 122 đến số 133 chấm màu xanh, nêu 12 sở hữu tợ tha (trừ dục).

Tâm tiếu sinh (hasituppāda) nhiếp đặng 12 sở hữu là: 12 sở hữu tợ tha (trừ dục).

Tâm Đại Thiện (Mahākusala citta) Nhiếp (saṅgaha)

Trang 39/ Chương 2.

Từ số 122 đến số 134 chấm màu xanh, nêu sở hữu tợ tha. Từ số 149 đến số 173 chấm màu xanh, nêu sở hữu tịnh hảo.

Số 31 và số 32 chấm màu đỏ, nêu là => Tâm ‘đại thiện đôi thứ nhất’ nhiếp đặng 38 sở hữu là: 13 sở hữu tợ tha và 25 sở hữu tịnh hảo.

Trang 40/ Chương 2.

Từ số 122 đến số 134 chấm màu xanh, nêu sở hữu tợ tha. Từ số 149 đến số 172 chấm màu xanh, nêu sở hữu tịnh hảo.

Số 33 và số 34 chấm màu đỏ, nêu là => Tâm ‘đại thiện đôi thứ hai’ nhiếp đặng 37 sở hữu là: 13 sở hữu tợ tha và 24 sở hữu tịnh hảo (trừ trí).

Trang 41/ Chương 2.

Từ 122 đến số 132 và số 134 chấm màu xanh, nêu 12 sở hữu tợ tha (trừ hỷ). Từ số 149 đến số 173 chấm màu xanh, nêu sở hữu tịnh hảo.

Số 35 và số 36 chấm màu đỏ, nêu là => Tâm ‘đại thiện đôi thứ ba’ nhiếp đặng 37 sở hữu là: 12 sở hữu tợ tha (trừ hỷ) và 25 sở hữu tịnh hảo.

Trang 42/ Chương 2.

Từ số 122 đến số 132 và số 134 chấm màu xanh nêu 12 sở hữu tợ tha (trừ hỷ). Từ số 149 đến số 172, chấm màu xanh nêu 24 sở hữu tịnh hảo (trừ trí).

Số 37 và số 38 chấm màu đỏ, nêu là => Tâm ‘đại thiện đôi thứ tư’ nhiếp đặng 36 sở hữu là: 12 sở hữu tợ tha (trừ hỷ) và 24 sở hữu tịnh hảo (trừ trí).

Tâm Đại Quả (mahāvipāka citta) Nhiếp (saṅgaha)

Trang 43/ Chương 2.

Từ số 122 đến số 134 chấm màu xanh, nêu 13 sở hữu tợ tha. Từ số 149 đến số 167 chấm màu xanh, nêu 19 sở hữu tịnh hảo biến hành. Số 173 chấm màu xanh, nêu sở hữu trí tuệ.

Số 39 và số 40 chấm màu đỏ, nêu đại quả đôi 1. ‘Tâm đại quả đôi thứ nhất’ nhiếp đặng 33 sở hữu là: 13 sở hữu tợ tha, 19 sở hữu tịnh hảo biến hành và sở hữu trí tuệ.

Trang 44/ Chương 2.

Từ số 122 đến số 134 chấm màu xanh, nêu sở hữu tợ tha. Từ số 149 đến số 167 chấm màu xanh, nêu sở hữu tịnh hảo biến hành.

Số 41 và số 42 chấm màu đỏ, gom chung lại nêu là => ‘Tâm đại quả đôi thứ hai’ nhiếp đặng 32 sở hữu là: 13 sở hữu tợ tha và 19 sở hữu tịnh hảo biến hành.

Trang 45/ Chương 2.

Từ số 122 đến số 132 và số 134 chấm màu xanh, nêu 12 sở hữu tợ tha (trừ hỷ). Từ số 149 đến số 167 chấm màu xanh, nêu sở hữu tịnh hảo biến hành. Số 173 chấm màu xanh, nêu sở hữu trí tuệ.

Số 43 và số 44 chấm màu đỏ, gom chung lại nêu là => ‘Tâm đại quả đôi thứ ba’ nhiếp đặng 32 sở hữu là: 12 sở hữu tợ tha (trừ hỷ), 19 sở hữu tịnh hảo biến hành và sở hữu trí tuệ.

Trang 46/ Chương 2.

Từ số 122 đến số 132 và số 134 chấm màu xanh, nêu 12 sở hữu tợ tha (trừ hỷ). Từ số 149 đến số 167 chấm màu xanh, nêu sở hữu tịnh hảo biến hành.

Số 45 và số 46 chấm màu đỏ, gom chung lại nêu là => ‘Tâm đại quả đôi thứ tư’ nhiếp đặng 31 sở hữu là: 12 sở hữu tợ tha (trừ hỷ) và 19 sở hữu tịnh hảo biến hành.

Tâm Đại Tố (mahākiriya citta) Nhiếp (saṅgaha)

Trang 47/ Chương 2.

Từ số 122 đến số 134 chấm màu xanh, nêu sở hữu tợ tha. Từ số 149 đến số 167 và các số 171, 172, 173 chấm màu xanh, nêu 22 sở hữu tịnh hảo (trừ ngăn trừ phần).

Số 47 và số 48 chấm màu đỏ, gom chung lại nêu là => ‘Tâm đại tố đôi thứ nhất’ nhiếp đặng 35 sở hữu là: 13 sở hữu tợ tha và 22 sở hữu tịnh hảo (sobhana) (trừ ngăn trừ phần).

Trang 48/ Chương 2.

Từ số 122 đến số 134 chấm màu xanh, nêu sở hữu tợ tha. Từ số 149 đến số 167 chấm màu xanh, nêu sở hữu tịnh hảo biến hành. Số 171 và số 172 chấm màu xanh, nêu sở hữu vô lượng phần.

Số 49 và số 50 chấm màu đỏ, gom chung lại nêu là => ‘Tâm đại tố đôi thứ hai’ nhiếp đặng 34 sở hữu là: 13 sở hữu tợ tha, 19 sở hữu tịnh hảo biến hành và 2 sở hữu vô lượng phần.

Trang 49/ Chương 2.

Từ số 122 đến số 132 và số 134 chấm màu xanh, nêu sở hữu tợ tha. Từ số 149 đến số 167 chấm màu xanh, nêu sở hữu tịnh hảo biến hành. Số 171 và số 172 chấm màu xanh, nêu sở hữu vô lượng phần. Số 173 chấm màu xanh, nêu sở hữu trí tuệ.

Số 51 và số 52 chấm màu đỏ, gom chung lại nêu là => ‘Tâm đại tố đôi thứ ba’ nhiếp đặng 34 sở hữu là: 12 sở hữu tợ tha (trừ hỷ), 19 sở hữu tịnh hảo biến hành, 2 sở hữu vô lượng phần và sở hữu trí tuệ.

Trang 50/ Chương 2.

Từ số 122 đến số 132 và số 134 chấm màu xanh, nêu 12 sở hữu tợ tha (trừ hỷ). Từ số 149 đến số 167 chấm màu xanh, nêu sở hữu tịnh hảo biến hành. Từ số 171 đến số 172 chấm màu xanh, nêu sở hữu vô lượng phần.

Số 53 và số 54 chấm màu đỏ, gom chung lại nêu là => ‘Tâm đại tố đôi thứ tư’ nhiếp đặng 33 sở hữu là: 12 sở hữu tợ tha (trừ hỷ), 19 sở hữu tịnh hảo biến hành và 2 sở hữu vô lượng phần.

Tâm Đáo Đại Nhiếp

Trang 51/ Chương 2.

Từ số 122 đến số 134 chấm màu xanh, nêu sở hữu tợ tha. Từ số 149 đến số 167 chấm màu xanh, nêu sở hữu tịnh hảo biến hành. Số 171 và số 172 chấm màu xanh, nêu sở hữu vô lượng phần. Số 173 chấm màu xanh, nêu sở hữu trí tuệ.

Số 55, 60, 65 chấm màu đỏ, gom chung lại nêu là => Ba thứ tâm ‘sơ thiền (paṭhamajjhāna) sắc giới’ nhiếp đặng 35 sở hữu là 13 sở hữu tợ tha, 19 sở hữu tịnh hảo biến hành, sở hữu vô lượng phần và sở hữu trí tuệ.

Trang 52/ Chương 2.

Từ số 122 đến số 128, từ số 130 đến số 134 chấm màu xanh, nêu 12 sở hữu tợ tha (trừ tầm). Từ số 149 đến số 167 chấm màu xanh, nêu sở hữu tịnh hảo biến hành. Số 171 và số 172 chấm màu xanh, nêu sở hữu vô lượng phần. Số 173 chấm màu xanh, nêu sở hữu trí tuệ.

Số 56, 61, 66 chấm màu đỏ, gom chung lại nêu là => Ba thứ tâm nhị thiền (dutiyajjhāna) sắc giới nhiếp đặng 34 sở hữu là: Sở hữu trí tuệ, sở hữu vô lượng phần, 19 sở hữu tịnh hảo biến hành và 12 sở hữu tợ tha (trừ tầm).

Trang 53/ Chương 2.

Từ số 122 đến số 128, từ số 131 đến số 134 chấm màu xanh, nêu 11 sở hữu tợ tha (trừ tầm, tứ). Từ số 149 đến số 167 chấm màu xanh, nêu sở hữu tịnh hảo biến hành. Số 171 và số 172 chấm màu xanh, nêu sở hữu vô lượng phần. Số 173 chấm màu xanh, nêu sở hữu trí tuệ.

Số 57, 62, 67 chấm màu đỏ, gom chung lại nêu là => Ba thứ tâm tam thiền (tatiyajjhāna) sắc giới nhiếp đặng 33 sở hữu là: Sở hữu trí tuệ, sở hữu vô lượng phần, 19 sở hữu tịnh hảo biến hành và 11 sở hữu tợ tha (trừ tầm và tứ).

Trang 54/ Chương 2.

Từ số 122 đến số 128 và các số 131, 132, 134 chấm màu xanh, nêu 10 sở hữu tợ tha (trừ tầm, tứ, hỷ). Từ số 149 đến số 172 chấm màu xanh, nêu sở hữu tịnh hảo biến hành. Số 171 và số 172 chấm màu xanh, nêu sở hữu vô lượng phần. Số 173 chấm màu xanh, nêu sở hữu trí tuệ.

Các số 58, 63 và 68 chấm màu đỏ, gom chung lại nêu là => Ba thứ tâm tứ thiền (catutthajjhāna) sắc giới nhiếp đặng 32 sở hữu là: Sở hữu trí tuệ, sở hữu vô lượng phần, 19 sở hữu biến hành và 10 sở hữu tợ tha (trừ tầm, tứ và hỷ).

Trang 55/ Chương 2.

Từ số 122 đến số 128 và các số 131, 132, 134 chấm màu xanh, nêu 10 sở hữu tợ tha (trừ tầm, tứ, hỷ). Từ số 149 đến số 167 chấm màu xanh, nêu sở hữu tịnh hảo biến hành. Số 173 chấm màu xanh, nêu sở hữu trí tuệ.

Các số 59, 64 và 69, từ số 70 đến số 81 chấm màu đỏ, gom chung lại nêu là => Ngũ thiền (pañcamajjhāna) hiệp thế nhiếp đặng 30 sở hữu là: Sở hữu trí tuệ, 19 sở hữu tịnh hảo biến hành và 10 sở hữu tợ tha (trừ tầm, tứ, hỷ).

Tâm Siêu Thế Nhiếp

Trang 56/ Chương 2.

Từ các số 122 đến số 134, chấm màu xanh, nêu sở hữu tợ tha. Từ số 149 đến số 167 chấm màu xanh, nêu sở hữu tịnh hảo biến hành. Các số 168, 169 và 170 chấm màu xanh, nêu sở hữu ngăn trừ phần. Số 173 chấm màu xanh, nêu sở hữu trí tuệ.

Các số 82, 87, 92, 97, 102, 107, 112 và 117 chấm màu đỏ, gom chung lại nêu là => Tám tâm sơ thiền siêu thế nhiếp đặng 36 sở hữu là: 13 sở hữu tợ tha và 19 sở hữu tịnh hảo biến hành, sở hữu ngăn trừ phần và sở hữu trí tuệ.

Trang 57/ Chương 2.

Từ số 122 đến số 128 và từ số 130 đến số 134 chấm màu xanh, nêu 11 sở hữu tợ tha (trừ tầm). Từ số 149 đến số 167 chấm màu xanh, nêu sở hữu tịnh hảo biến hành. Các số 168, 169 và 170 chấm màu xanh, nêu sở hữu ngăn trừ phần. Số 173 chấm màu xanh, nêu sở hữu trí tuệ.

Các số 83, 88, 93, 98, 103, 108, 113 và 118 chấm màu đỏ, gom chung lại nêu là => Tám tâm nhị thiền siêu thế nhiếp đặng 35 sở hữu là: 12 sở hữu tợ tha và 23 sở hữu tịnh hảo (trừ tầm và vô lượng phần).

Trang 58/ Chương 2.

Từ số 122 đến số 128 và từ số 131 đến số 134 chấm màu xanh, nêu 10 sở hữu tợ tha (trừ tầm, tứ). Từ số 149 đến số 167 chấm màu xanh, nêu sở hữu tịnh hảo biến hành. Các số 168, 169 và 170 chấm màu xanh, nêu sở hữu ngăn trừ phần. Số 173 chấm màu xanh, nêu sở hữu trí tuệ.

Các số 84, 89, 94, 99, 104, 109, 114 và 119 chấm màu đỏ, gom chung lại nêu là => Tám tâm tam thiền siêu thế nhiếp đặng 34 sở hữu là: 11 sở hữu tợ tha và 23 sở hữu tịnh hảo (trừ tầm, tứ và vô lượng phần).

Trang 59/ Chương 2.

Từ số 122 đến số 128 và các số 131, 132, 134 chấm màu xanh, nêu 10 sở hữu tợ tha (trừ tầm, tứ, hỷ). Từ số 149 đến số 170 và số 173 chấm màu xanh, nêu 23 sở hữu tịnh hảo (trừ ngăn trừ phần).

Các số 85, 86, 90, 91, 95, 96, 100, 101, 105, 106, 110, 111, 115, 116, 120, 121 chấm màu đỏ, gom chung lại nêu là => Tứ thiền và ngũ thiền siêu thế nhiếp đặng 33 sở hữu là 10 sở hữu tợ tha và 23 sở hữu tịnh hảo (trừ tầm, tứ, hỷ và vô lượng phần).

Trang 60/ Chương 2.

Từ số 13 đến số 17 và từ số 20 đến số 24, ghi số 7. Các số 18, 19, 25, 26 và 28, ghi số 10. Số 27 và số 29 ghi số 11. Số 30 ghi số 12. Số 11 và số 12, ghi số 15. Số 5 và số 7, ghi số 18. Số 1 và số 3, ghi số 19. Số 6, 8 và 9, ghi số 20. Số 2 và số 4, ghi số 21. Số 10 ghi số 22. Các số 59, 64, 69 và từ số 70 đến số 81 ghi số 30. Số 45 và số 46 ghi số 31. Từ số 41 đến số 44 và các số 58, 63, 68 ghi số 32. Các số 39, 40, 53, 54, 57, 62, 67, 85, 86, 90, 91, 95, 96, 100, 101, 105, 106, 110, 111, 115, 116, 120, 121, ghi số 33. Từ số 49 đến số 52, các số 56, 61, 66, 84, 89, 94, 99, 104, 109, 114 và 119, ghi số 34. Các số 47, 48, 55, 60, 65, 83, 88, 93, 98, 103, 108, 113 và 118, ghi số 35. Các số 37, 38, 82, 87, 92, 97, 102, 107, 112, 117, ghi số 36. Từ số 33 đến số 36, ghi số 37. Số 31 và số 32, ghi số 38.

Ngũ song thức (10 tâm) nhiếp đặng 7 sở hữu. 3 tâm ý giới và 2 tâm thẩm tấn câu hành xả nhiếp đặng 10 sở hữu. Tâm thẩm tấn câu hành hỷ và khai ý môn nhiếp đặng 11 sở hữu. Tâm tiếu sinh nhiếp đặng 12 sở hữu. 2 tâm si nhiếp đặng 15 sở hữu. Tâm tham thứ 5 và tâm tham thứ 7 nhiếp đặng 18 sở hữu. Tâm tham thứ nhất và tâm tham thứ 3 nhiếp đặng 19 sở hữu. Tâm tham thứ 6, tâm tham thứ 8 và tâm sân thứ nhất nhiếp đặng 20 sở hữu. Tâm tham thứ 2 và tâm tham thứ 4 nhiếp đặng 21 sở hữu. Tâm sân thứ 2 nhiếp đặng 22 sở hữu.

Tâm ngũ thiền hiệp thế nhiếp đặng 30 sở hữu. Tâm đại quả đôi thứ tư nhiếp đặng 31 sở hữu. Tâm đại quả đôi thứ hai, đại quả đôi thứ ba và tứ thiền sắc giới nhiếp đặng 32 sở hữu. Tâm đại quả đôi thứ nhất, đại tố đôi thứ tư, tam thiền sắc giới, tứ và ngũ thiền siêu thế nhiếp đặng 33 sở hữu. Tâm đại tố đôi thứ hai, đại tố đôi thứ ba, nhị thiền sắc giới và tam thiền siêu thế nhiếp đặng 34 sở hữu. Tâm đại tố đôi thứ nhất, sơ thiền sắc giới và nhị thiền siêu thế nhiếp đặng 35 sở hữu. Tâm đại thiện đôi thứ tư và sơ thiền siêu thế nhiếp đặng 36 sở hữu. Đại thiện đôi thứ hai, đại thiện đôi thứ ba nhiếp đặng 37 sở hữu. Tâm đại thiện đôi thứ nhất nhiếp đặng 38 sở hữu.

Sở Hữu Nhất định Và Sở Hữu Bất Định (Niyata yogī và Aniyata yogī)

Trang 61/ Chương 2.

Các số 141, 143, 144, 145, 146, 147, 168, 169, 170, 171 và 172 chấm màu đỏ. Từ số 122 đến số 140, số 142, 148, từ số 149 đến số 167 và số 173 chấm màu xanh.

Sở hữu bất định có 11 là: Sở hữu ngã mạn, sở hữu tật, sở hữu lận, sở hữu hối, sở hữu hôn trầm, sở hữu thùy miên, sở hữu vô lượng phần và sở hữu ngăn trừ phần.

Sở hữu nhất định có 41 là: 13 sở hữu tợ tha, sở hữu si-phần, sở hữu tham, sở hữu tà kiến, sở hữu sân, sở hữu hoài nghi, 19 sở hữu tịnh hảo biến hành và sở hữu trí tuệ.

Nghĩa là sẽ trình bày 11 sở hữu bất định là ngã mạn, tật đố, lận sắt, hối hận, hôn trầm, thùy miên, 2 sở hữu vô lượng phần và 3 sở hữu giới phần.

Phân sở hữu bất định đi chung, đi riêng. Từ ngã mạn đến hối hận và 2 sở hữu vô lượng phần khi hợp khi không, dù có hợp chỉ hợp 1 thứ tức là thuộc về bất định đi riêng.

Sở hữu hôn-phần nếu có hợp thì hợp đủ 2, nếu không hợp thì không cả 2, nên thuộc về sở hữu bất định mà đi chung.

Còn sở hữu giới phần nếu phối hợp với đại thiện thì bất định mà đi riêng. Còn khi hợp với tâm siêu thế phải đi chung và nhất định phải có luôn, nên phân 2 hoặc phân 3.

Phân hai là chia bất định 11, nhất định 41. Còn phân 3, sở hữu bất định có 8, sở hữu nhất định có 41 và sở hữu cũng bất định cũng nhất định có 3 là 3 sở hữu giới phần vừa nêu trên.

Sở hữu tâm gặp sở hữu tâm có chỉ trong tập tám trang 6. Nếu học làu nhớ rành sở hữu tâm phối hợp, thì phần tâm nhiếp tính ra cũng trúng.

___o0o______o0o______o0o___

CHỈ CHẤM BẢNG NÊU CHƯƠNG III

HỖN HỢP

THỌ NHIẾP (Vedanā saṅgaha)

Phần tâm phân theo thọ, xin xem lại chương I – phần ‘tâm phân theo 9 cách’.

Trang 1/ Chương 3.

Số 122. Từ số 124 đến số 128 chấm màu đen, nêu => sở hữu tâm gặp khổ thọ (dukkhavedanā) hoặc lạc thọ (sukhavedanā).

Sở hữu tâm gặp khổ thọ hoặc lạc thọ có 6 là: 6 sở hữu biến hành (trừ thọ).

Trang 2/ Chương 3.

Các số 146, 147. Từ số 142 đến số 145. Từ số 135 đến số 138, số 122. Từ số 124 đến số 132 và số 134 chấm màu tím, nêu => sở hữu tâm gặp ưu thọ (domanassavedanā).

Sở hữu tâm gặp ưu thọ có 21 là: 2 sở hữu hôn-phần, 4 sở hữu sân-phần, 4 sở hữu si-phần và 11 sở hữu tợ tha (trừ thọ và hỷ).

Trang 3/ Chương 3.

Số 122. Từ số 124 đến số 134. Từ số 135 đến số 138. Các số 139, 140, 141, 146, 147 và từ số 149 đến số 173, chấm màu đỏ, nêu => sở hữu tâm gặp hỷ thọ (somanassavedanā).

Sở hữu tâm gặp hỷ thọ có 46 là: 25 sở hữu tịnh hảo, sở hữu hôn-phần, sở hữu tham-phần, sở hữu si-phần và 12 sở hữu tợ tha (trừ thọ).

Trang 4/ Chương 3.

Số 122. Từ số 124 đến số 132. Số 134. Từ số 135 đến số 138. Các số 139, 140, 141, 146, 147, 148 và từ số 149 đến số 173, chấm màu xanh, nêu => sở hữu tâm gặp xả thọ (upekkhāvedanā).

Sở hữu tâm gặp xả thọ có 46 là: 25 sở hữu tịnh hảo, sở hữu hoài nghi, sở hữu hôn-phần, sở hữu tham-phần, sở hữu si-phần và 11 sở hữu tợ tha (trừ thọ và hỷ).

NHÂN NHIẾP (Hetu saṅgaha)

Trang 5/ Chương 3.

Các số 139, 142, 148, chấm màu đỏ, nêu => sở hữu một nhân.

Sở hữu một nhân có 3 là: Sở hữu tham, sở hữu sân và sở hữu hoài nghi.

Trang 6/ Chương 3.

Các số 135, 140, 141, 143, 144, 145, 153, 154 và 173 chấm màu đỏ, nêu => sở hữu hai nhân.

Sở hữu hai nhân có 9 là: Ba nhân thiện (vô tham, vô sân và vô si), sở hữu tà kiến, sở hữu ngã mạn, sở hữu tật, sở hữu lận, sở hữu hối và sở hữu si hợp tham, sân.

Trang 7/ Chương 3.

Các số 136, 137, 138, 146, 147. Từ số 149 đến số 152 và từ số 155 đến số 172, chấm màu đỏ, nêu => sở hữu ba nhân.

Sở hữu ba nhân có 27 là: Sở hữu vô tàm, sở hữu vô úy, sở hữu điệu cử, sở hữu hôn trầm, sở hữu thùy miên và 22 sở hữu tịnh hảo (trừ ba nhân thiện).

Trang 8/ Chương 3.

Số 133 chấm màu đỏ, nêu => sở hữu năm nhân.

Sở hữu năm nhân có 1 có pháp thực tính là sở hữu hỷ (pīti).

Trang 9/ Chương 3.

Từ số 122 đến số 132 và số 134 chấm màu đỏ, nêu => sở hữu sáu nhân.

Sở hữu sáu nhân có 12 là: 12 sở hữu tợ tha (trừ hỷ).

SỰ NHIẾP (Kiccasaṅgaha)

Trang 10/ Chương 3.

Số 19 và số 26 chấm màu xanh, nêu => tâm thẩm tấn câu hành xả.

Từ số 39 đến số 46 chấm màu xanh, nêu => tâm đại quả.

Từ số 60 đến số 64 và từ số 74 đến số 77, chấm màu xanh, nêu => tâm quả đáo đại.

Sự tái tục, hữu phần và tử, nhiếp đặng 19 tâm là: 2 tâm thẩm tấn câu hành xả, 8 tâm đại quả và 9 tâm quả đáo đại.

Trang 11/ Chương 3.

Số 28 và số 29 chấm màu xanh, nêu => 2 tâm khai môn.

Sự khai môn nhiếp đặng 2 thứ tâm là: 2 tâm khai môn.

Trang 12/ Chương 3.

Số 13 và số 20, chấm màu xanh, nêu => 2 tâm nhãn thức.

Sự thấy nhiếp đặng 2 tâm là: 2 tâm nhãn thức.

Trang 13/ Chương 3.

Số 14 và số 21 chấm màu xanh, nêu => 2 tâm nhĩ thức.

Sự nghe nhiếp đặng 2 tâm là: 2 tâm nhĩ thức.

Trang 14/ Chương 3.

Số 15 và số 22 chấm màu xanh, nêu => 2 tâm tỷ thức.

Sự ngửi nhiếp đặng 2 tâm là: 2 tâm tỷ thức.

Trang 15/ Chương 3.

Số 16 và số 23 chấm màu xanh, nêu => 2 tâm thiệt thức.

Sự nếm nhiếp đặng 2 tâm là: 2 tâm thiệt thức.

Trang 16/ Chương 3.

Số 17 và số 24 chấm màu xanh, nêu => 2 tâm thân thức.

Sự đụng nhiếp đặng 2 tâm là: 2 tâm thân thức.

Trang 17/ Chương 3.

Số 18 và số 25 chấm màu xanh, nêu => 2 tâm tiếp thâu.

Sự tiếp thâu nhiếp đặng 2 tâm là: 2 tâm tiếp thâu.

Trang 18/ Chương 3.

Số 19, 26 và 27 chấm màu xanh, nêu => 2 tâm thẩm tấn.

Sự thẩm tấn nhiếp đặng 3 tâm là: 3 tâm thẩm tấn.

Trang 19/ Chương 3.

Số 29 chấm màu xanh, nêu => tâm khai ý môn.

Sự đoán định nhiếp đặng 1 tâm là: 1 tâm khai ý môn.

Trang 20/ Chương 3.

Từ số 1 đến số 12 chấm màu xanh, nêu => tâm bất thiện.

Số 30 chấm màu xanh, nêu => tâm tiếu sinh.

Từ số 31 đến số 38 chấm màu xanh, nêu => tâm đại thiện.

Từ số 47 đến số 54 chấm màu xanh, nêu => tâm đại tố.

Từ số 55 đến số 59 chấm màu xanh, nêu => tâm thiện sắc giới.

Từ số 65 đến số 69 chấm màu xanh, nêu => tâm tố sắc giới.

Từ số 70 đến số 73 chấm màu xanh, nêu => tâm thiện vô sắc giới.

Từ số 78 đến số 81 chấm màu xanh, nêu => tâm tố vô sắc giới.

Từ số 82 đến số 121 chấm màu xanh, nêu => tâm siêu thế.

Sự đổng lực (javana) có 55 hoặc 87 thứ tâm là: 12 tâm bất thiện, tâm tiếu sinh, 8 tâm đại thiện, 8 tâm đại tố, 18 tâm đổng lực đáo đại và 8 hoặc 40 tâm siêu thế.

Trang 21/ Chương 3.

Các số 19, 26 và 27 chấm màu xanh, nêu tâm thẩm tấn. Từ số 39 đến số 46 chấm màu xanh, nêu => tâm đại quả.

Sự mót hay na cảnh có 11 thứ tâm là: 3 tâm thẩm tấn và 8 tâm đại quả.

Trang 22/ Chương 3.

- Từ số 1 đến số 12. Từ số 13 đến số 17. Từ số 20 đến số 24. Các số 18, 25, 28, 30. Từ số 31 đến số 38. Từ số 47 đến số 54. Từ số 55 đến số 59. Từ số 65 đến số 73. Từ số 78 đến số 81. Từ số 82 đến số 121, đều ghi số 1, nêu => tâm làm 1 việc.

- Số 27 và số 29 ghi số 2, nêu => tâm làm 2 việc.

- Từ số 60 đến số 64, từ số 74 đến số 77, ghi số 3, nêu => tâm làm 3 việc.

- Từ số 39 đến số 46 ghi số 4, nêu => tâm làm 4 việc.

- Từ số 19 đến số 26 ghi số 5, nêu => tâm làm 5 việc.

- Từ số 135 đến số 148, các số 168, 169, 170 ghi số 1, nêu => sở hữu làm 1 việc.

- Từ số 171 đến số 172 ghi số 4, nêu => sở hữu làm 4 việc.

- Số 134, từ số 149 đến số 167 và số 173 ghi số 5, nêu => sở hữu làm 5 việc.

- Số 133 ghi số 6, nêu => sở hữu làm 6 việc.

- Số 132 ghi số 7, nêu => sở hữu làm 7 việc.

- Số 129, 130 và 131 ghi số 9, nêu => sở hữu làm 9 việc.

- Từ số 122 đến số 128 ghi số 14, nêu => sở hữu làm 14 việc.

MÔN NHIẾP (Dvārasaṅgaha)

Trang 23/ Chương 3.

Từ số 1 đến số 12 chấm màu đỏ, nêu => tâm bất thiện.

Số 13 và số 20, ghi số 1. Số 14 và số 21, ghi số 2. Số 15 và số 22, ghi số 3. Số 16 và số 23, ghi số 4. Số 17 và số, 24 ghi số 5. Các số 18, 19 và từ số 25 đến số 30 chấm màu đỏ, nêu => tâm vô nhân ngoài ngũ song thức.

Từ số 31 đến số 54 chấm màu đỏ, nêu => tâm dục giới tịnh hảo.

Tâm nương nhãn môn có 46 là: 2 tâm nhãn thức và 44 tâm dục giới (trừ 4 đôi thức sau). Tâm nương nhĩ môn có 46 là: 2 tâm nhĩ thức và 44 tâm dục giới (trừ 1 đôi thức trước và trừ 3 đôi thức sau). Tâm nương tỷ môn có 46 là: 2 tâm tỷ thức và 44 tâm dục giới (trừ 2 đôi thức trước và 2 đôi thức sau). Tâm nương thiệt môn có 46 là: 2 tâm thiệt thức và 44 tâm dục giới (trừ 3 đôi thức trước và trừ 1 đôi thức sau). Tâm nương thân môn có 46 là: 2 tâm thân thức và 44 tâm dục giới (trừ 4 đôi thức trước).

Trang 24/ Chương 3.

Từ số 1 đến số 12. Các số 19, 26, 27, 29, 30. Từ số 31 đến số 54, chấm màu đỏ, nêu => tâm nương ý môn bất định.

Từ số 55 đến số 59. Từ số 70 đến số 73. Từ số 65 đến số 69. Từ số 78 đến số 81. Các số 82, 87, 92, 97, 102, 107, 112, 117 chấm màu đen đậm (hẹp). Từ số 83 đến số 86. Từ số 88 đến số 91. Từ số 93 đến số 96. Từ số 98 đến số 101. Từ số 103 đến số 106. Từ số 108 đến số 111. Từ số 113 đến số 116. Từ số 118 đến số 121 chấm màu đen lợt (rộng), nêu => tâm nương ý môn nhất định.

Tâm nương ý môn có 67 hoặc 99 là: (trừ ngũ song thức, 3 tâm ý giới và 9 tâm quả đáo đại).

Trang 25/ Chương 3.

Từ số 13 đến số 17. Từ số 20 đến số 24. Từ số 55 đến số 59. Từ số 65 đến số 73. Từ số 78 đến số 81 và các số 82, 87, 92, 97, 102, 107, 112 và 117 chấm màu xanh, nêu => tâm nương một môn.

Tâm nương một môn có 36 là: Ngũ song thức, 18 tâm đổng lực đáo đại và 8 tâm siêu thế.

Trang 26/ Chương 3.

Các số 18, 25 và 28 chấm màu xanh, nêu => tâm ý giới.

Tâm nương năm môn có 3 là: 3 tâm ý giới.

Trang 27/ Chương 3.

Từ số 1 đến số 12. Các số 27, 29, 30. Từ số 31 đến số 38. Từ số 47 đến số 54, chấm màu xanh, nêu => tâm nương 6 môn.

Tâm nương 6 môn có 31 là: 12 tâm bất thiện, 8 tâm đại thiện, 8 tâm đại tố, tâm thẩm tấn câu hành hỷ, tâm khai ý môn và tâm tiếu sinh.

Trang 28/ Chương 3.

Số 19 và số 26. Từ số 39 đến số 46 chấm phân nửa dưới màu xanh, nêu => tâm nương 6 môn bất định.

Tâm nương 6 môn bất định có 10 là: 2 tâm thẩm tấn câu hành xả và 8 tâm đại quả.

Trang 29/ Chương 3.

Từ số 60 đến số 64 và từ số 74 đến số 77 chấm màu xanh, nêu => tâm ngoại môn. Tâm ngoại môn có 9 là: 9 tâm quả đáo đại.

CẢNH NHIẾP (Arammaṇasaṅgaha)

Cảnh có mấy tâm biết

Trang 30/ Chương 3.

Số 13 và số 20 chấm màu đỏ, nêu => 2 tâm nhãn thức. Từ số 1 đến số 12, số 18, số 19, từ số 25 đến số 54, chấm màu xanh, nêu tâm dục giới. Số 59A và số 69A chấm màu xanh, nêu => tâm thông.

Cảnh sắc có 48 tâm biết là: 2 tâm nhãn thức biết cảnh sắc nhất định. Còn 2 tâm thông và 44 tâm dục giới (trừ 4 đôi thức sau) biết cảnh sắc bất định.

Trang 31/ Chương 3.

Số 14 và số 21 chấm màu đỏ, nêu => 2 tâm nhĩ thức.

Từ số 1 đến số 12, số 18, số 19, từ số 25 đến số 54 và các số 59A, 69A, chấm màu xanh.

Cảnh thinh có 48 tâm biết là: 2 tâm nhĩ thức biết cảnh thinh nhất định. Còn 2 tâm thông và 44 tâm dục giới (trừ 1 đôi thức trước và 3 đôi thức sau) biết cảnh thinh bất định.

Trang 32/ Chương 3.

Số 15 và số 22 chấm màu đỏ, nêu => 2 tâm tỷ thức.

Từ số I đến số 12, số 18, số 19, từ số 25 đến số 54, các số 59A và số 69A chấm màu xanh.

Cảnh khí có 48 tâm biết là: 2 tâm tỷ thức biết cảnh khí nhất định. Còn 2 tâm thông và 44 tâm dục giới (trừ 2 đôi thức trước và 2 đôi thức sau) biết cảnh khí bất định.

Trang 33/ Chương 3.

Số 16 và số 23 chấm màu đỏ, nêu => 2 tâm thiệt thức.

Từ số 1 đến số 12, số 18, số 19, từ số 25 đến 54, chấm màu xanh, nêu tâm dục giới.

Số 59A và số 69A chấm màu xanh, nêu => tâm thông.

Cảnh vị có 48 tâm biết là: 2 tâm thiệt thức biết cảnh vị nhất định. Còn 2 tâm thông và 44 tâm dục giới (trừ 3 đôi thức trước và 1 đôi thức sau) biết cảnh vị bất định.

Trang 34/ Chương 3.

Số 17 và số 24 chấm màu đỏ, nêu => 2 tâm thân thức.

Từ số 1 đến số 12, số 18, số 19, từ số 25 đến số 54 chấm màu xanh, nêu tâm dục giới.

Số 59A và số 69A chấm màu xanh, nêu => tâm thông.

Cảnh xúc có 48 tâm biết là: 2 tâm thân thức biết cảnh xúc nhất định. Còn 2 tâm thông và 44 tâm dục giới (trừ 4 đôi thức trước) biết cảnh xúc bất định.

Trang 35/ Chương 3.

Các số 18, 25 và 28 chấm màu đỏ, nêu => 3 tâm ý giới.

Từ số 1 đến số 12, các số 19, 26, 27, từ số 29 đến số 54 và số 59A, 69A chấm màu xanh, nêu => bất định.

Cảnh ngũ có 46 tâm biết là: 3 tâm ý giới biết cảnh ngũ nhất định. Còn 2 tâm thông và 41 tâm dục giới (trừ ngũ song thức và 3 tâm ý giới) biết cảnh ngũ bất định.

Trang 36/ Chương 3.

Từ số 55 đến số 81, các số 82, 87, 92, 97, 102, 107, 112 và 117 chấm màu đỏ đậm (nêu hẹp). Từ số 83 đến số 86, từ số 88 đến số 91, từ số 93 đến số 96, từ số 98 đến số 101, từ số 103 đến số 106, từ số 108 đến số 111, từ số 113 đến số 116, từ số 118 đến số 121 chấm màu đỏ lợt (kể rộng) nêu => nhất định.

Từ số 1 đến số 12, các số 19, 26, 27, từ số 28 đến số 54, số 59A và 69A, chấm màu xanh, nêu => bất định.

Cảnh pháp có 78 hoặc 110 tâm biết là: 27 tâm đáo đại và 8 hoặc 40 tâm siêu thế biết cảnh pháp nhất định. Còn 2 tâm thông và 41 tâm dục giới (trừ ngũ song thức và 3 tâm ý giới) biết cảnh pháp bất định.

Trang 37/ Chương 3.

Từ số 13 đến số 28, số 30, từ số 39 đến số 46, các số 71, 73, 75, 77, 79, 81, 82, 87, 92, 97, 102, 107, 112 và 117 chấm màu đỏ đậm (kể hẹp). Từ số 83 đến số 86, 88 đến 91, từ 93 đến 96, từ số 98 đến số 101, từ số 103 đến số 106, từ số 108 đến số 111, từ số 113 đến số 116, từ số 118 đến số 121, chấm màu đỏ lợt (kể rộng), nêu => nhất định.

Từ số 1 đến số 12, số 29, từ số 31 đến số 38, từ số 47 đến số 54, số 59A và số 69A chấm màu xanh, nêu => bất định.

Cảnh siêu lý có 70 hoặc 102 tâm biết đặng là: 8 hoặc 40 tâm siêu thế, 3 tâm thức vô biên, 3 tâm phi tưởng phi phi tưởng, 8 tâm đại quả và 17 tâm vô nhân (trừ khai ý môn) biết cảnh siêu lý nhất định. Còn 12 tâm bất thiện, tâm khai ý môn, 8 tâm đại thiện, 8 tâm đại tố và 2 tâm thông biết cảnh siêu lý bất định.

Trang 38/ Chương 3.

Từ số 55 đến số 69, các số 70, 72, 74, 76, 78, 80 chấm màu đỏ nêu => nhất định.

Từ số 1 đến số 12, số 29, từ số 31 đến số 38, từ số 47 đến số 54, số 59A và số 69A, chấm màu xanh, nêu => bất định.

Cảnh chế định có 52 tâm biết là: 15 tâm sắc giới, 3 tâm không vô biên và 3 tâm thức vô biên biết cảnh chế định nhất định. Còn 12 tâm bất thiện, khai ý môn, 8 tâm đại thiện, 8 tâm đại tố và 2 tâm thông biết cảnh chế định bất định.

Trang 39/ Chương 3.

Từ số 13 đến số 28, số 30, từ số 39 đến 46 chấm màu đỏ, nêu => nhất định.

Từ số 1 đến số 12, số 29, từ số 31 đến số 38, từ số 47 đến số 54, số 59A và số 69A, chấm màu xanh, nêu => bất định.

Cảnh dục giới có 56 tâm biết đặng là: 8 tâm đại quả và 17 tâm vô nhân (trừ khai ý môn) biết cảnh dục giới nhất định. Còn 12 tâm bất định, khai ý môn, 8 tâm đại thiện, 8 tâm đại tố và 2 tâm thông biết cảnh dục giới bất định.

Trang 40/ Chương 3.

Các số 71, 73, 75, 77, 79, 81 chấm màu đỏ, nêu => nhất định.

Từ số 1 đến số 12, số 29, từ số 31 đến số 38, từ số 47 đến số 54, số 59A và số 69A, chấm màu xanh, nêu => bất định.

Cảnh đáo đại có 37 tâm biết đặng là: 3 tâm thức vô biên và 3 tâm phi tưởng phi phi tưởng biết cảnh đáo đại nhất định. Còn 2 tâm thông, 16 tâm thức dục giới tịnh hảo, tâm khai ý môn và 12 tâm bất thiện biết cảnh đáo đại bất định.

Trang 41/ Chương 3.

Số 82, 87, 92, 97, 102, 107, 112 và 117 chấm màu đỏ đậm (kể hẹp), từ số 83 đến số 86, từ số 88 đến số 91, từ số 93 đến số 96, từ số 98 đến số 101, từ số 103 đến số 106, từ số 108 đến số 111, từ số 113 đến số 116 và từ số 118 đến số 121 chấm màu đỏ lợt (kể rộng), nêu => nhất định.

Các số 29, 31, 32, 35, 36, 47, 48, 51, 52, 59A và 69A chấm màu xanh, nêu => bất định.

Cảnh Níp-bàn có 19 hoặc 51 tâm biết đặng là: 8 hoặc 40 tâm siêu thế, biết cảnh Níp-bàn nhất định. Còn tâm khai ý môn, 8 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo tương ưng và 2 tâm thông biết cảnh Níp-bàn bất định.

Trang 42/ Chương 3.

Số 71, 73, 75, 77, 79, 81, 82, 87, 92, 97, 102, 107, 112 và 117 chấm màu đỏ đậm (kể hẹp). Từ số 83 đến số 86, từ số 88 đến số 91, từ số 93 đến số 96, từ số 98 đến số 101, từ số 103 đến số 106, từ số 108 đến số 111, từ số 113 đến số 116 và từ số 118 đến số 121 chấm màu đỏ lợt (kể rộng), nêu nhất định. Từ số 1 đến số 12, các số 19, 26, 27, từ số 29 đến số 54, số 59A và số 69A, chấm màu xanh, nêu => bất định.

Cảnh danh pháp có 57 hoặc 89 tâm biết đặng là: 8 hoặc 40 tâm siêu thế, 3 tâm thức vô biên và 3 tâm phi tưởng phi phi tưởng biết cảnh danh pháp nhất định. Còn 2 tâm thông và 41 tâm dục giới (trừ ngũ song thức và 3 tâm ý giới) biết cảnh danh pháp bất định.

Trang 43/ Chương 3.

Từ số 13 đến số 18, từ số 20 đến số 25 và số 28 chấm màu đỏ, nêu => nhất định. Từ số 1 đến số 12, các số 19, 26, 27, từ số 29 đến số 54, số 59A và số 69A, chấm màu xanh, nêu => bất định.

Cảnh sắc pháp có 56 tâm biết đặng là: Ngũ song thức và 3 tâm ý giới biết cảnh sắc pháp nhất định. Còn 2 tâm thông và 41 tâm dục giới (trừ ngũ song thức và 3 tâm ý giới) biết cảnh sắc pháp bất định.

Trang 44/ Chương 3.

Số 71, 73, 75, 77, 79, 81, chấm màu đỏ, nêu nhất định. Từ số 1 đến số 12, các số 19, 26, 27, từ số 29 đến số 54, số 59A và số 69A, chấm màu xanh, nêu => bất định.

Cảnh quá khứ có 49 tâm biết đặng là: 3 tâm thức vô biên và 3 tâm phi tưởng phi phi tưởng biết cảnh quá khứ nhất định. Còn 2 tâm thông và 41 tâm dục giới (trừ ngũ song thức và 3 tâm ý giới) biết cảnh quá khứ bất định.

Trang 45/ Chương 3.

Từ số 13 đến số 18, từ số 20 đến số 25 và số 28 chấm màu đỏ, nêu nhất định. Từ số 1 đến số 12, các số 19, 26, 27, từ số 29 đến số 54, số 59A và số 69A, chấm màu xanh, nêu => bất định.

Cảnh hiện tại có 56 tâm biết đặng là: Ngũ song thức và 3 tâm ý giới biết cảnh hiện tại nhất định. Còn 2 tâm thông và 41 tâm dục giới (trừ ngũ song thức và 3 tâm ý giới) biết cảnh hiện tại bất định.

Trang 46/ Chương 3.

Từ số 1 đến số 12, các số 19, 26, 27, từ số 29 đến số 54, số 59A và số 69A, chấm màu xanh, nêu => bất định.

Cảnh vị lai có 43 tâm biết đặng là: 2 tâm thông và 41 tâm dục giới (trừ ngũ song thức và 3 tâm ý giới) biết cảnh vị lai bất định.

Trang 47/ Chương 3.

Từ số 55 đến số 69, các số 70, 72, 74, 76, 78, 80, 82, 87, 92, 97, 102, 107, 112 và 117 chấm màu đỏ đậm (kể hẹp) và từ số 83 đến số 86, từ số 88 đến số 91, từ số 93 đến số 96, từ số 98 đến 101, từ số 103 đến 106, từ số 108 đến 111, từ số 113 đến 116, từ số 118 đến 121 chấm màu đỏ lợt (kể rộng), nêu => nhất định.

Từ số 1 đến số 12, số 29, từ số 31 đến số 38, từ số 47 đến số 54, số 59A và số 69A, chấm màu xanh, nêu => bất định.

Cảnh ngoại thời có 60 hoặc 92 tâm biết đặng là: 15 tâm sắc giới, 3 tâm không vô biên, 3 tâm vô sở hữu và 8 hoặc 40 tâm siêu thế, biết cảnh ngoại thời nhất định. Còn 2 tâm thông và 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo, khai ý môn và 12 tâm bất thiện, bắt cảnh ngoại thời bất định.

Trang 48/ Chương 3.

Số 71, 73, 75, 77, 79, 81, chấm màu đỏ, nêu => nhất định. Từ số 1 đến số 54, số 59A và số 69A, chấm màu xanh, nêu => bất định.

Cảnh nội phần có 62 tâm biết đặng là: 3 tâm thức vô biên, 3 tâm phi tưởng phi phi tưởng, biết cảnh nội phần, nhất định. Còn 54 tâm dục giới và 2 tâm thông biết cảnh nội phần bất định.

Trang 49/ Chương 3.

Từ số 55 đến số 69, số 70, 74, 78, 82, 87, 92, 97, 102, 107, 112 và 117 chấm màu đỏ đậm (kể hẹp) nêu => nhất định.

Từ số 83 đến số 86, từ số 88 đến số 91, từ số 93 đến số 96, từ số 98 đến số 101, từ số 103 đến 106, từ số 108 đến số 111, từ số 113 đến số 116, từ số 118 đến số 121 chấm màu đỏ lợt (kể rộng), nêu => nhất định. Từ số 1 đến số 54, số 59A và số 69A, chấm màu xanh, nêu => bất định.

Cảnh ngoại phần có 82 hoặc 114 tâm biết đặng là: 15 tâm sắc giới, 3 tâm không vô biên, 8 hoặc 40 tâm siêu thế biết cảnh ngoại phần nhất định. Còn 54 tâm dục giới và 2 tâm thông biết cảnh ngoại phần bất định.

Trang 50/ Chương 3.

Từ số 1 đến số 54, số 59A và số 69A, chấm màu xanh, nêu => bất định.

Cảnh nội phần và ngoại phần có 56 tâm biết đặng là: 2 tâm thông và 54 tâm dục giới biết cảnh nội và ngoại phần bất định.

Trang 51/ Chương 3.

Từ số 1 đến số 12, chấm màu xanh, nêu => tâm bất thiện.

Từ số 13 đến số 29 chấm màu đen, nêu => tâm vô nhân.

Số 30 chấm màu xanh, nêu => tâm tiếu sinh.

Từ số 31 đến số 38, từ số 47 đến số 54, chấm màu xanh, nêu => tâm đổng lực dục giới tịnh hảo.

Từ số 39 đến số 46, chấm màu đen, nêu => tâm đại quả.

Từ số 55 đến số 81 và các số 82, 87, 92, 97, 102, 107, 112 và 117 chấm màu đỏ đậm (kể hẹp), nêu => tâm thiền.

Từ số 83 đến số 86, từ số 88 đến số 91, từ số 93 đến số 96, từ số 98 đến số 101, từ số 103 đến số 106, từ số 108 đến số 111, từ số 113 đến số 116 và từ số 118 đến số 121 chấm màu đỏ lợt (kể rộng), nêu => tâm thiền.

Số 59A và số 69A, chấm màu xanh, nêu => tâm thông.

Tâm biết cảnh nhất định có 35 hoặc 67 tâm thiền. Tâm biết cảnh bất định có 31 là: 2 tâm thông, 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo, tâm tiếu sinh và 12 tâm bất thiện. Còn tâm biết cảnh nhất định và bất định có 25 là: 8 tâm đại quả và 17 tâm vô nhân (trừ tiếu sinh).

Trang 52/ Chương 3.

Từ số 1đến số 12 ghi số 20, nêu => tâm bất thiện.

Từ số 13 đến số 17 và từ số 20 đến số 24 ghi số 7, nêu => ngũ song thức.

Các số 18, 25 và 28 ghi số 13, nêu => 3 tâm ý giới.

Các số 19, 26 và 27 ghi số 17, nêu => 3 tâm thẩm tấn.

Số 30 ghi số 17, nêu => tâm tiếu sinh.

Từ số 39 đến số 46 ghi số 17, nêu => tâm đại quả.

Các số 33, 34, 37, 38, 49, 50, 53, 54 ghi số 20, nêu => tâm đổng lực dục giới tịnh hảo bất tương ưng.

Số 59A và 69A ghi số 21, nêu => tâm thông.

Số 29 ghi số 21, nêu => tâm khai ý môn.

Các số 31, 32, 35, 36, 47, 48, 51, 52 ghi số 21, nêu => tâm đổng lực dục giới tịnh hảo tương ưng.

Từ số 55 đến số 69 ghi số 4, nêu => tâm sắc giới.

Các số 70, 74 và số 78 ghi số 4 nêu => tâm không vô biên xứ.

Các số 71, 75 và 79 ghi số 6, nêu => tâm thức vô biên xứ.

Các số 72, 76, 80 ghi số 3, nêu => tâm vô sở hữu xứ.

Các số 73, 77 và 81 ghi số 6, nêu => tâm phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Từ số 82 đến số 121 ghi số 6, nêu => tâm siêu thế.

Trong 21 cảnh, mỗi tâm biết đặng mấy cảnh.

Tâm biết 3 cảnh có 3 là: 3 tâm vô sở hữu xứ.

Tâm biết 4 cảnh có 18 là: 15 tâm sắc giới và 3 tâm không vô biên.

Tâm biết 6 cảnh có 14 hoặc 46 là: 3 tâm thức vô biên, 3 tâm phi tưởng phi phi tưởng và 8 hoặc 40 tâm siêu thế.

Tâm biết 7 cảnh có 10 là: Ngũ song thức.

Tâm biết 13 cảnh có 3 là: 3 tâm ý giới.

Tâm biết 17 cảnh có 12 là: 3 tâm thẩm tấn, tâm tiếu sinh và 8 tâm đại quả.

Tâm biết 20 cảnh có 20 là: 12 tâm bất thiện và 8 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo bất tương ưng.

Tâm biết 21 cảnh có 11 là: 2 tâm thông, tâm khai ý môn và 8 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo tương ưng.

VẬT NHIẾP (Vatthusaṅgaha)

Trang 53/ Chương 3.

Số 13 và số 20 ghi số 1. Số 14 và số 21 ghi số 2. Số 15 và số 22 ghi số 3. Số 16 và 23 ghi số 4. Số 17 và 24 ghi số 5, nêu => tâm nương vật.

Tâm nương nhãn vật có 2 là: 2 tâm nhãn thức giới.

Tâm nương nhĩ vật có 2 là: 2 tâm nhĩ thức giới.

Tâm nương tỷ vật có 2 là: 2 tâm tỷ thức giới.

Tâm nương thiệt vật có 2 là: 2 tâm thiệt thức giới.

Tâm nương thân vật có 2 là: 2 tâm thân thức giới.

Trang 54/ Chương 3.

Từ số 1 đến số 12, các số 18, 19, từ số 25 đến số 73, từ số 78 đến số 81, các số 82, 87, 92, 97, 102, 107, 112 và 117 chấm màu đỏ đậm (kể hẹp). Từ số 83 đến số 86, từ số 88 đến số 91, từ số 93 đến số 96, từ số 98 đến số 101, từ số 103 đến số 106, từ số 108 đến số 111, từ số 113 đến số 116, từ số 118 đến số 121 chấm màu đỏ lợt (kể rộng), nêu => tâm nương ý vật.

Tâm nương ý vật có 75 hoặc 107 tâm (trừ ngũ song thức và 4 quả vô sắc).

Trang 55/ Chương 3.

Số 178 ghi số 1, số 179 ghi số 2, số 180 ghi số 3, số 181 ghi số 4, số 182 ghi số 5 và số 189 ghi số 6, nêu 6 vật. Số 13 và số 20 ghi số 1, nêu nhãn thức giới. Số 14 và số 21 ghi số 2, nêu nhĩ thức giới. Số 15 và số 22 ghi số 3, nêu tỷ thức giới. Số 16 và số 23 ghi số 4, nêu thiệt thức giới. Số 17 và số 24 ghi số 5, nêu thân thức giới. Số 18, 25 và 28 ghi số 6, nêu 3 tâm ý giới. Từ số 1 đến số 12, số 19, 26, 27, từ số 29 đến số 59, từ số 65 đến số 73 và từ số 78 đến số 121 ghi số 7, nêu => tâm ý thức giới.

- Nhãn thức giới (cakkhu viññāṇa dhātu) nương nhãn vật (cakkhupasāda).

- Nhĩ thức giới (sota viññāṇa dhātu) nương nhĩ vật (sotapasāda).

- Tỷ thức giới (ghāna viññāṇa dhātu) nương tỷ vật (ghānapasāda).

- Thiệt thức giới (jivhā viññāṇa dhātu) nương thiệt vật (jivhāpasāda).

- Thân thức giới (kāya viññāṇa dhātu) nương thân vật (kāyapasāda).

- Ý giới (mano dhātu) và ý thức giới (mano viññāṇa dhātu) nương ý vật (hadayavatthurūpa).

Số 13 và số 20 ghi số 1, nêu => nhãn thức giới.

Số 14 và số 21 ghi số 2, nêu => nhĩ thức giới.

Số 18, 25 và 28 ghi số 3, nêu => ý giới.

Từ số 1 đến số 8, các số 11, 12, 19, 26, 27. Từ số 29 đến số 38, từ số 47 đến số 73, từ số 78 đến số 121, ghi số 4, nêu => ý thức giới sắc giới.

Nhãn thức giới nương nhãn vật.

Nhĩ thức giới nương nhĩ vật .v.v…

Ý giới và ý thức giới nương ý vật.

Trang 56/ Chương 3.

Từ số 1 đến số 8, số 11, 12, 29. Từ số 31 đến số 38. Từ số 47 đến số 54. Từ số 70 đến số 81, các số 91, 96, 101, 106, 111, 116 và 121 ghi số 1 nêu => tâm sanh đặng cõi Vô sắc.

Tâm tham, tâm si, tâm khai ý môn, tâm đại thiện, tâm đại tố và tâm ngũ thiền siêu thế (trừ sơ đạo) sanh đặng cõi Vô sắc (khỏi nương vật).

Trang 57/ Chương 3.

Số 9, 10. Từ số 82 đến số 86. Từ số 55 đến số 69. Từ số 39 đến số 46. Từ số 13 đến số 28 và số 30, chấm màu đỏ, nêu => tâm nương vật nhất định.

Từ số 1 đến số 8, số 11, 12, 29. Từ số 31 đến số 38. Từ số 47 đến số 54. Từ số 70 đến số 73. Từ số 78 đến số 81. Các số 87, 92, 97, 102, 107, 112 và 117 chấm màu xanh đậm (kể hẹp). Từ số 88 đến số 91. Từ số 93 đến số 96. Từ số 98 đến số 101. Từ số 103 đến số 106. Từ số 108 đến số 111. Từ số 113 đến số 116 và từ số 118 đến số 121 chấm màu xanh lợt (kể rộng) nêu => tâm nương vật bất định.

Tâm nương vật (vatthu) nhất định có 47 là 2 tâm sân, 5 tâm sơ đạo, 15 tâm sắc giới, 8 tâm đại quả và 17 tâm vô nhân (trừ khai ý môn).

Tâm nương vật bất định có 67 là: 8 tâm tham, 2 tâm si, tâm khai ý môn, 8 tâm đại thiện, 8 tâm đại tố, 4 tâm thiện vô sắc, 4 tâm tố vô sắc và 7 hoặc 35 tâm siêu thế (trừ sơ đạo).

Còn 4 tâm quả vô sắc không nương vật.

CÁCH ĐẶNG MẤY TÂM

Trang 58/ Chương 3.

Số 9 và số 10 chấm màu đỏ, nêu => tâm sân.

Cách khóc có 2 thứ tâm trợ là: 2 tâm sân.

Trang 59/ Chương 3.

Từ số 1 đến số 4, số 30, từ số 31 đến số 34 và từ số 47 đến số 50 chấm màu đỏ, nêu => tâm trợ cho cách cười.

Cách cười có 13 tâm trợ cho là: 4 tâm tham câu hành hỷ, tâm tiếu sinh, 4 tâm đại thiện câu hành hỷ và 4 tâm đại tố câu hành hỷ (hay nói gọn là 13 tâm đổng lực dục giới câu hành hỷ).

Trang 60/ Chương 3.

Từ số 1 đến số 12, các số 29, 30, từ số 30 đến số 38, từ số 47 đến số 54, số 59A và số 69A, chấm màu đỏ, nêu => tâm trợ cho cách nói, cách tiểu oai nghi và cách đại oai nghi.

- Cách nói có 32 tâm trợ là: 12 tâm bất thiện, khai ý môn, tâm tiếu sinh, 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo và 2 tâm thông.

- Cách tiểu oai nghi có 32 tâm trợ là: 12 tâm bất thiện, khai ý môn, tâm tiếu sinh, 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo và 2 tâm thông.

- Cách tứ đại oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi) có 32 tâm trợ là: 12 tâm bất thiện, khai ý môn, tâm tiếu sinh, 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo và 2 tâm thông.

Trang 61/ Chương 3.

Từ số 1 đến số 12, số 29, 30, từ số 31 đến số 38, từ số 47 đến số 54, từ số 55 đến số 59, số 59A, từ số 65 đến số 73, số 69A, từ số 78 đến số 81 và các số 82, 87, 92, 97, 102, 107, 112, 117 chấm màu đỏ (kể hẹp). Từ số 83 đến số 86, từ số 88 đến số 91, từ số 93 đến số 96, từ số 98 đến số 101, từ số 103 đến số 106, từ số 108 đến số 111, từ số 113 đến số 116 và từ số 118 đến số 121 chấm màu đỏ lợt (rộng), nêu => cách kềm ba oai nghi.

Cách kềm ba oai nghi hoặc bốn oai nghi có 58 hoặc 90 tâm trợ là: 12 tâm bất thiện, khai ý môn, tiếu sinh, 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo, 18 tâm đổng lực đáo đại, 8 hoặc 40 tâm siêu thế và 2 tâm thông.

Trang 62/ Chương 3.

Từ số 1 đến số 12, số 18, số 19, từ số 25 đến số 73, từ số 78 đến số 81, các số 82, 87, 92, 97, 102, 107, 112, 117, 59A và 69A, chấm màu đỏ đậm (kể hẹp). Từ số 83 đến số 85, từ số 88 đến số 91, từ số 93 đến số 96, từ số 98 đến số 101, từ số 103 đến số 106, từ số 108 đến số 111, từ số 113 đến số 116 và từ số 118 đến số 121, chấm màu đỏ lợt nêu => tâm trợ cho sắc tầm thường.

Cách tầm thường có 109 tâm trợ là: 12 tâm bất thiện, 3 tâm ý giới, 3 tâm thẩm tấn, khai ý môn, tiếu sinh, 24 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo, 15 tâm sắc giới, 2 tâm thông, 8 tâm đổng lực vô sắc giới, 8 hoặc 40 tâm siêu thế.

TÂM ĐẶNG MẤY CÁCH (TRONG 7 CÁCH)

Trang 63/ Chương 3.

Các số 18, 19, 25, 26, 27, 28, từ số 39 đến số 46, từ số 60 đến số 64, chấm màu xanh, nêu => các tâm trợ cho cách tầm thường.

Trợ cho cách tầm thường đặng 19 tâm là: 3 tâm ý giới, 3 tâm thẩm tấn, 8 tâm đại quả và 5 tâm quả sắc giới.

Trang 64/ Chương 3.

Từ số 55 đến số 59, từ số 65 đến số 73, từ số 78 đến số 81 và các số 82, 87, 92, 97, 102, 107, 112, 117 chấm màu xanh đậm (kể hẹp). Từ số 83 đến số 86, từ số 88 đến số 91, từ số 93 đến số 96, từ số 98 đến số 101, từ số 103 đến số 106, từ số 108 đến số 111, từ số 113 đến số 116 và từ số 118 đến số 121, chấm màu xanh (kể rộng), nêu => 58 tâm thiền đổng lực.

Trợ cho cách tầm thường và kềm ba hoặc bốn oai nghi đặng 58 tâm là: 18 tâm đổng lực đáo đại và 8 hoặc 40 tâm siêu thế.

Trang 65/ Chương 3.

Từ số 5 đến số 8, các số 11, 12, 29. Từ số 35 đến số 38, từ số 51 đến số 54, các số 59A và 69A, chấm màu xanh.

Tâm trợ cho 5 cách (trừ cách khóc và cười) có 17 là: 4 tâm tham câu hành xả, 2 tâm si, khai ý môn, 4 đại thiện câu hành xả, 4 đại tố câu hành xả và 2 tâm thông.

Trang 66/ Chương 3.

Số 9 và số 10, chấm màu xanh, nêu => tâm sân.

Tâm trợ cho 6 cách (trừ cách cười) có 2 tức là 2 tâm sân.

Trang 67/ Chương 3.

Từ số 1 đến số 4, số 30, từ số 31 đến số 34, từ số 47 đến số 50 chấm màu xanh, nêu => tâm sai khiến đặng 5 cách.

Tâm trợ đặng 5 cách (trừ cách khóc) có 13 là: 4 tâm tham câu hành hỷ, tâm tiếu sinh, 4 đại thiện câu hành hỷ và 4 tâm đại tố câu hành hỷ.

___o0o______o0o______o0o___

CHỈ CHẤM BẢNG NÊU CHƯƠNG IV

LỘ TRÌNH TÂM (CITTAVĪTHI)

Trang 1/ Chương 4.

Chấm đậm từ số 1 đến số 18, từ số 20 đến số 25, từ số 27 đến số 38, từ số 47 đến số 59, từ số 65 đến số 73, từ số 78 đến số 82, các số 87, 92, 97, 102, 107, 112, 117 (kể hẹp). Từ số 83 đến số 86, từ số 88 đến số 91, từ số 93 đến số 96, từ số 98 đến số 101, từ số 103 đến số 106, từ số 108 đến 111, từ số 113 đến số 116, từ số 118 đến số 121 chấm màu lợt (kể rộng).

Tâm lộ có 70 hoặc 102 tâm là: 28 tâm vô tịnh hảo (trừ 2 tâm thẩm tấn câu hành xả), 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo, 18 tâm đổng lực đáo đại và 8 hoặc 40 tâm siêu thế.

Trang 2/ Chương 4.

Chấm từ số 60 đến số 64 và từ số 74 đến số 77.

Tâm ngoại lộ có 9 tâm, tức là 9 tâm quả đáo đại.

Trang 3/ Chương 4.

Chấm các số 19, 26 và từ số 39 đến số 46.

Tâm lộ bất định có 10 là: 2 tâm thẩm tấn và 8 tâm đại quả.

Trang 4/ Chương 4.

Chấm từ số 1 đến số 54.

Lộ ngũ sanh đặng 54 tâm, tức là 54 tâm dục giới.

Trang 5/ Chương 4.

Chấm từ số 1 đến số 12, các số 19, 26, 27, 29, 30 và từ số 31 đến số 54.

Lộ ý thông thường sanh đặng 41 tâm là: 41 tâm dục giới (trừ ngũ song thức và 3 tâm ý giới).

Trang 6/ Chương 4.

Chấm màu đỏ, số 31 và số 32. Chấm màu xanh đậm, từ số 55 đến số 58, các số 82, 87, 92, 97, 102, 107, 112 (kể hẹp). Chấm màu xanh lợt, các số 83, 84, 85, 88, 89, 90, 93, 94, 95, 98, 99, 100, 103, 104, 105, 108, 109, 110, 113, 114, 115 (kể rộng).

Lộ kiên cố nối sau đôi đại thiện thứ nhất đặng 32 tâm là: 4 tâm thiện sắc giới câu hành hỷ và 28 tâm hữu học câu hành hỷ.

Trang 7/ Chương 4.

Chấm màu đỏ, số 35 và số 36. Chấm màu xanh, số 59, từ số 70 đến số 73, các số 86, 91, 96, 101, 106, 111, 116.

Lộ kiên cố nối sau đại thiện đôi thứ 3 đặng 12 tâm là 5 tâm thiện ngũ thiền hiệp thế và 7 tâm ngũ thiền hữu học.

Trang 8/ Chương 4.

Chấm số 47 và số 48, màu đỏ. Từ số 65 đến số 68 và từ số 117 đến số 120 chấm màu xanh.

Lộ kiên cố nối sau đôi đại tố thứ nhất có 8 tâm là 4 tâm tố sắc giới câu hành hỷ và 4 tâm tứ quả câu hành hỷ.

Trang 9/ Chương 4.

Chấm màu đỏ, số 51 và số 52. Chấm màu xanh, số 69, 121 và từ số 78 đến số 81.

Lộ kiên cố nối sau tâm đại tố đôi thứ 3 đặng 6 tâm là: 5 tâm thiền tố câu hành xả và tâm tứ quả ngũ thiền.

Trang 10/ Chương 4.

Chấm màu xanh đậm, từ số 13 đến số 30, từ số 39 đến số 54, từ số 65 đến số 69, từ số 78 đến số 81 và số 117 (kể hẹp). Từ số 118 đến số 121 chấm màu xanh lợt (kể rộng).

Tâm lộ của bậc Tứ quả sanh đặng 44 hoặc 48 tâm là: 18 tâm vô nhân, 8 tâm đại quả, 8 tâm đại tố, 9 tâm tố đáo đại và 1 hoặc 5 tâm tứ quả.

Trang 11/ Chương 4.

Chấm màu xanh đậm, số 3, 4, từ số 7 đến số 10, từ số 12 đến số 29, từ số 31 đến số 46, từ số 55 đến số 59, từ số 70 đến số 73, số 102, số 107 (kể hẹp). Chấm màu xanh lợt, từ số 103 đến số 106, từ số 108 đến số 111 (kể rộng).

Lộ tâm của bậc Sơ quả và Nhị quả đặng 50 hoặc 59 là: 8 tâm đại quả, 8 tâm đại thiện, 9 tâm thiện đáo đại, 1 hay 10 tâm sơ, nhị quả và 24 tâm vô tịnh hảo (trừ tâm tham tương ưng, tâm si hoài nghi và tâm tiếu sinh).

Trang 12/ Chương 4.

Chấm màu xanh đậm, các số 3, 4, 7, 8, 11, từ số 13 đến số 29, từ số 31 đến số 46, từ số 55 đến số 59, từ số 70 đến số 73 và số 117 (kể hẹp). Chấm màu xanh lợt, từ số 118 đến số 121 (kể rộng).

Tâm lộ của bậc Tam quả đặng 48 hoặc 52 là: 4 tâm tham bất tương ưng, tâm si điệu cử, 8 tâm đại thiện, 8 tâm đại quả, 9 tâm thiện đáo đại, 1 hoặc 5 tâm tam quả và 17 tâm vô nhân (trừ tiếu sinh).

Trang 13/ Chương 4.

Chấm màu xanh, từ số 1 đến số 29, từ số 31 đến số 46, từ số 55 đến số 59, từ số 70 đến số 73.

Tâm lộ phàm phu xài đặng 45 hoặc 54 tâm là: 9 tâm thiện đáo đại và 45 tâm dục giới (trừ tâm tiếu sinh và tâm đại tố).

Trang 14/ Chương 4.

Chấm màu xanh đậm, từ số 1 đến số 59, từ số 65 đến số 73, từ số 78 đến số 82, các số 87, 92, 97, 102, 107, 112, 117 (kể hẹp). Chấm màu xanh lợt, từ số 83 đến số 86, từ số 88 đến số 91, từ số 93 đến số 96, từ số 98 đến số 101, từ số 103 đến số 106, từ số 108 đến số 111, từ số 113 đến số 116, từ số 118 đến số 121 (kể rộng).

Lộ tâm sanh cõi Dục giới xài đặng 80 hoặc 112 tâm là: 54 tâm dục giới, 18 tâm đổng lực đáo đại và 8 hoặc 40 tâm siêu thế.

Trang 15/ Chương 4.

Chấm màu xanh đậm, từ số 1 đến số 8, từ số 11 đến số 14, từ số 18 đến số 21, từ số 25 đến số 38, từ số 47 đến số 59, từ số 65 đến số 73, từ số 78 đến số 82, các số 87, 92, 97, 102, 107, 112, 117 (kể hẹp). Chấm màu xanh lợt, từ số 83 đến số 86, từ số 88 đến số 91, từ số 93 đến số 96, từ số 98 đến số 101, từ số 103 đến số 106, từ số 108 đến số 111, từ số 113 đến số 116, từ số 118 đến số 121, (kể rộng).

Lộ tâm sanh cõi Sắc giới đặng 64 hoặc 96 tâm là: 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo, 18 tâm đổng lực đáo đại, 8 hoặc 40 tâm siêu thế và 22 tâm vô tịnh hảo (trừ sân, tỷ, thiệt và thân thức).

Trang 16/ Chương 4.

Chấm màu xanh đậm, từ số 1 đến số 8, các số 11, 12, 29, từ số 31 đến số 38, từ số 47 đến số 54, từ số 70 đến số 73, từ số 78 đến số 81 (kể hẹp). Chấm màu xanh lợt, các số 91, 96, 101, 106, 111, 116 và 121 (kể rộng).

Tâm lộ sanh cõi Vô sắc giới đặng 35 hoặc 42 tâm là: 8 tâm tham, 2 tâm si, tâm khai ý môn, 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo, 8 tâm đổng lực vô sắc giới, hoặc 7 tâm ngũ thiền siêu thế (trừ sơ đạo).

___o0o______o0o______o0o___

CHỈ CHẤM BẢNG NÊU CHƯƠNG V

NGOẠI LỘ

Người xài đặng mấy tâm

Trang 1/ Chương 5.

Tập này chấm toàn màu xanh hoặc màu khác tùy ý. Chấm từ số 1 đến số 29 và từ số 31 đến số 38.

Người khổ xài đặng 37 tâm là: 8 tâm đại thiện và 29 tâm vô tịnh hảo (trừ tâm tiếu sinh).

Trang 2/ Chương 5.

Chỉ chấm từ số 1 đến số 29, từ số 31 đến số 38 và các số 41, 42, 45, 46.

Người lạc và nhị nhân xài đặng 41 tâm là: 8 tâm đại thiện, 4 tâm đại quả bất tương ưng và 29 tâm vô tịnh hảo (trừ tâm tiếu sinh).

Trang 3/ Chương 5.

Chấm từ số 1 đến số 29, từ số 31 đến số 46 (chấm đầy). Chấm phân nửa trên, từ số 55 đến số 59 và từ số 70 đến số 73.

Người tam nhân ở cõi Dục giới xài đặng 45 hoặc 54 tâm là: 8 tâm đại thiện, 8 tâm đại quả, hoặc 9 tâm thiện đáo đại và 29 tâm vô tịnh hảo (trừ tâm tiếu sinh).

Trang 4/ Chương 5.

Chấm tròn đầy, từ số 1 đến số 8, số 11, 12, 13, 14, từ số 18 đến số 21, số 25, 26, 27, 28, 29, từ số 31 đến số 38, từ số 55 đến 59, từ số 70 đến số 73. Chấm phân nửa trên, từ số 60 đến số 64.

Mười bậc phàm sắc giới hữu tưởng xài đặng 39 tâm là: 1 trong 5 tâm quả sắc giới, 8 tâm tham, 2 tâm si, 2 tâm nhãn thức, 2 tâm nhĩ nhức, 3 tâm ý giới, 3 tâm thẩm tấn, khai ý môn, 8 tâm đại thiện, 5 tâm thiện sắc giới, còn 9 tâm thiện đáo đại, tùy bậc đắc thiền tính thêm.

Trang 5/ Chương 5.

Chấm từ số 1 đến số 8, số 11, 12, 29, từ số 31 đến số 38 và từ số 70 đến số 74.

Người tam nhân ở cõi Không vô biên xài đặng 20 hoặc 24 tâm là: 8 tâm tham, 2 tâm si, khai ý môn, 8 tâm đại thiện, tâm quả không vô biên hoặc 4 tâm thiện vô sắc.

Trang 6/ Chương 5.

Chấm từ số 1 đến số 8, số 11, 12, 29, từ số 31 đến số 38, từ số 71 đến số 73 và số 75.

Người tam nhân ở cõi Thức vô biên xài đặng 20 hoặc 23 tâm là: 8 tâm tham, 2 tâm si, khai ý môn, 8 tâm đại thiện, tâm quả thức vô biên, hoặc 3 tâm thiện vô sắc (trừ không vô biên).

Trang 7/ Chương 5.

Chấm từ số 1 đến số 8, số 11, 12, 29, từ số 31 đến số 38, số 72, 73 và 76.

Người tam nhân ở cõi Vô sở hữu xài đặng: 20 hoặc 22 tâm là: 8 tâm tham, 2 tâm si, khai ý môn, 8 tâm đại thiện, tâm quả vô sở hữu, hoặc tâm thiện vô sở hữu và tâm thiện phi tưởng phi phi tưởng.

Trang 8/ Chương 5.

Chấm từ số 1 đến số 8, số 11, 12, 29, từ số 31 đến số 38, số 73 và 77.

Người tam nhân ở cõi Phi tưởng phi phi tưởng xài đặng 20 hoặc 21 tâm là: 8 tâm tham, 2 tâm si, tâm khai ý môn, 8 tâm đại thiện, tâm quả phi tưởng phi phi tưởng, hoặc tâm thiện phi tưởng phi phi tưởng.

Trang 9/ Chương 5.

Chấm đậm các số 82, 87, 92, 97 (kể hẹp). Chấm lợt từ số 83 đến số 86, từ số 88 đến số 91, từ số 93 đến số 96 và từ số 98 đến số 101 (kể rộng).

Mỗi người đạo chỉ xài đặng 1 cái tâm đạo, tùy theo bậc.

Trang 10/ Chương 5.

Chấm các số 3, 4, từ số 7 đến số 10, từ số 12 đến số 29, từ số 31 đến số 46, từ số 55 đến số 59 và từ số 70 đến 73. Chấm đậm các số 102, 107 (kể hẹp). Chấm lợt từ số 103 đến số 106 và từ số 108 đến số 111 (kể rộng).

Bậc Sơ, Nhị quả ở cõi Dục giới xài đặng 41 hoặc 50 tâm là: 8 tâm đại thiện, 8 tâm đại quả, tâm sơ hay nhị quả hoặc 9 tâm thiện đáo đại và 24 tâm vô tịnh hảo (trừ tâm tiếu sinh, si hoài nghi và 4 tâm tham tương ưng.

Trang 11/ Chương 5.

Chấm đậm các số 3, 4, 7, 8, từ số 12 đến số 29, từ số 31 đến số 46, từ số 55 đến số 59, từ số 70 đến số 73 và số 112 (kể hẹp). Từ số 113 đến số 116 chấm lợt (kể rộng).

Bậc Tam quả ở cõi Dục giới xài đặng 39 hoặc 48 tâm là: 4 tâm tham bất tương ưng, tâm si điệu cử, 8 tâm đại thiện, 8 tâm đại quả, 1 tâm tam quả hoặc 9 tâm thiện đáo đại và 17 tâm vô nhân (trừ tâm tiếu sinh).

Trang 12/ Chương 5.

Chấm tròn đầy các số: 3, 4, 7, 8, 12, 13, 14, từ số 18 đến số 21, từ số 25 đến số 29, từ số 31 đến số 38, từ số 55 đến số 59, từ số 70 đến số 73. Chấm phân nửa trên, từ số 60 đến số 64 và từ số 112 đến số 116.

Ba quả Hữu học (Sơ quả, Nhị quả và Tam quả) ở cõi Sắc giới xài đặng 45 tâm là: 4 tâm tham bất tương ưng, tâm si điệu cử, 8 tâm đại thiện, 1 trong 5 tâm quả sắc giới, 1 trong 15 tâm quả hữu học, 11 tâm vô nhân (trừ tỷ, thiệt, thân thức và tiếu sinh). Nếu đắc thiền bậc nào thì tính thêm tâm thiện đáo đại.

Trang 13/ Chương 5.

Chấm các số 3, 4, 7, 8, 12, 13, 14, từ số 18 đến 21, từ số 25 đến số 29, từ số 31 đến số 38, từ số 55 đến số 59, số 64, từ số 70 đến số 73 và số 116.

Bậc Tam quả ở cõi Ngũ Tịnh cư (Suddhāvāsa) xài đặng 35 tâm là: 4 tâm tham bất tương ưng, tâm si điệu cử, 8 tâm đại thiện, tâm quả ngũ thiền sắc giới, 9 tâm thiện đáo đại, tâm quả ngũ thiền siêu thế và 11 tâm vô nhân (trừ tỷ, thiệt, thân thức và tâm tiếu sinh).

Trang 14/ Chương 5.

Chấm tròn đầy các số: 3, 4, 7, 8, 12, 29, từ số 31 đến số 38 và từ số 70 đến số 74. Chấm phần trên các số 106, 111 và 116.

Bậc quả hữu học ở cõi Không vô biên xài đặng 16 hoặc 20 tâm là: 4 tâm tham bất tương ưng, tâm si điệu cử, tâm khai ý môn, 8 tâm đại thiện, 1 tâm quả hữu học ngũ thiền, tâm quả không vô biên hoặc 4 tâm thiện vô sắc giới.

Trang 15/ Chương 5.

Chấm đậm các số: 3, 4, 7, 8, 12, 29, từ số 31 đến số 38 và từ số 70 đến số 73 (kể hẹp). Chấm lợt các số 106, 111 và 116 (kể rộng).

Bậc quả Hữu học ở cõi Thức vô biên xài đặng 16 hoặc 19 tâm là: 4 tâm tham bất tương ưng, tâm si điệu cử, tâm khai ý môn, 8 tâm đại thiện, 1 tâm quả hữu học ngũ thiền, tâm quả thức vô biên hoặc 3 tâm thiện vô sắc giới (trừ không vô biên).

Trang 16/ Chương 5.

Chấm đậm các số: 3, 4, 7, 8, 12, 29, từ số 31 đến số 38 và các số 72, 73, 76. Chấm phân nửa trên các số 106, 111 và 116.

Bậc quả Hữu học ở cõi Vô sở hữu xài đặng 16 hoặc 18 tâm là: 4 tâm tham bất tương ưng, tâm si điệu cử, tâm khai ý môn, 8 tâm đại thiện, tâm quả vô sở hữu hoặc tâm thiện vô sở hữu, tâm thiện phi tưởng phi phi tưởng và 1 tâm quả hữu học ngũ thiền.

Trang 17/ Chương 5.

Chấm tròn đầy các số: 3, 4, 7, 8, 12, 29, từ số 31 đến số 38 và các số 33, 37. Chấm phân nửa trên các số 106, 111 và 116.

Bậc quả Hữu học ở cõi Phi tưởng phi phi tưởng xài đặng 17 tâm là: 4 tâm tham bất tương ưng, tâm si điệu cử, tâm khai ý môn, 8 tâm đại thiện, 1 tâm quả hữu học ngũ thiền, tâm quả hoặc tâm thiện phi tưởng phi phi tưởng.

Ba trang kế sau đây, thứ lớp chỉ bớt 2 thêm 1 như cõi Thức vô biên bớt 2 tâm thiện, quả không vô biên, thêm vào tâm quả thức vô biên, như trong văn lục bát nói:

Cõi Vô sắc giới tử luân. “Tái tục đặng tám, thiền từng chẳng lui”.

‘Thiền từng chẳng lui’ có nghĩa là người bậc cao không tái tục bậc thấp được là do tâm bậc thấp không thể sanh cho bậc cao.

Trang 18/ Chương 5.

Chấm đậm từ số 13 đến số 30, từ số 39 đến số 54. Chấm lợt từ số 65 đến số 69, từ số 78 đến số 81, số 117 và từ số 118 đến số 121.

Bậc Tứ quả ở cõi Dục giới xài đặng 35 hoặc 44 tâm là: 18 tâm vô nhân, 8 tâm đại quả, 8 tâm đại tố, 1 tâm tứ quả hoặc 9 tâm tố đáo đại (nếu đắc thiền).

Trang 19/ Chương 5.

Chấm đậm các số 13, 14, từ số 18 đến số 21, từ số 25 đến số 30, từ số 47 đến 54, số 60, từ số 65 đến số 69, từ số 78 đến số 81. Từ số 177 đến số 121 chấm phân nửa trên.

Bậc Tứ quả ở cõi Sắc giới xài đặng 31 tâm là: 1 tâm tứ quả, 1 trong 5 tâm quả sắc giới, 8 tâm đại tố hoặc 9 tâm tố đáo đại và 12 tâm vô nhân (trừ tỷ, thiệt, thân thức).

Trang 20/ Chương 5.

Chấm các số 29, từ số 47 đến số 54, số 74 và số 121.

Bậc Tứ quả ở cõi Không vô biên xài đặng 11 hoặc 15 tâm là: Tâm khai ý môn, 8 tâm đại tố, tâm quả không vô biên, tâm tứ quả ngũ thiền hoặc 4 tâm tố vô sắc giới.

Trang 21/ Chương 5.

Chấm đậm các số 29, từ số 47 đến số 54, các số 75, 79, 80, 81 và 121.

Bậc Tứ quả ở cõi Thức vô biên xài đặng 11 hoặc 14 tâm là: Tâm khai ý môn, 8 tâm đại tố, tâm tứ quả ngũ thiền, tâm quả thức vô biên, hoặc 3 tâm tố vô sắc giới (trừ không vô biên).

Trang 22/ Chương 5.

Chấm đậm các số 29, từ số 47 đến số 54, số 76, 80, 81 và số 121.

Bậc Tứ quả ở cõi Vô sở hữu xài đặng 11 hoặc 13 tâm là: Tâm khai ý môn, 8 tâm đại tố, tâm tứ quả ngũ thiền, tâm quả vô sở hữu hoặc tâm tố vô sở hữu và tâm tố phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Trang 23/ Chương 5.

Chấm số 29, từ số 47 đến số 54, số 77, 81 và 121.

Bậc Tứ quả ở cõi Phi tưởng phi phi tưởng xứ xài đặng 11 hoặc 12 tâm là: Tâm khai ý môn, 8 tâm đại tố, tâm tứ quả ngũ thiền, tâm quả phi tưởng phi phi tưởng xứ, hoặc tâm tố phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Tâm sanh đặng với mấy người

Trang 24/ Chương 5.

Số 30, từ số 47 đến số 54, từ số 65 đến số 69, từ số 78 đến số 81, từ số 117 đến số 121 ghi số 1, nêu người tứ quả.

Từ số 112 đến số 116 ghi số 1, nêu người tam quả.

Từ số 107 đến số 111 ghi số 1, nêu người nhị quả.

Từ số 102 đến số 106, ghi số 1, nêu người sơ quả.

Từ số 97 đến số 101 ghi số 1, nêu người tứ đạo.

Từ số 92 đến số 96 ghi số 1, nêu người tam đạo.

Từ số 87 đến số 91 ghi số 1, nêu người nhị đạo.

Từ số 82 đến số 86 ghi số 1, nêu người sơ đạo.

Các số 1, 2, 5, 6 và số 11 ghi số 4, nêu 4 phàm.

Từ số 55 đến số 59, từ số 70 đến số 73 ghi số 4, nêu => người phàm tam nhân và 3 quả Hữu học.

Các số 39, 40, 43, 44, từ số 60 đến số 64 và từ số 74 đến số 77 ghi số 5 nêu => phàm tam nhân và 4 quả.

Các số 9 và số 10 ghi số 6, nêu => 4 người phàm và 2 quả thấp.

Các số 3, 4, 7, 8, 12, từ số 31 đến số 38 ghi số 7, nêu => 4 người phàm và 3 bậc quả hữu học.

Các số 41, 42, 45 và 46 ghi số 7, nêu => 3 phàm vui và 4 bậc quả.

Từ số 13 đến số 29 ghi số 8, nêu => 4 người phàm và 4 bậc quả.

Tâm sanh đặng với mấy người:

- Tâm tiếu sinh, tâm đại tố, tâm tố đáo đại và tâm tứ quả sanh đặng bậc Tứ quả. Tâm tam quả sanh đặng bậc Tam quả. Tâm nhị quả sanh đặng bậc Nhị quả. Tâm sơ quả sanh đặng bậc Sơ quả.

- Tâm tứ đạo sanh đặng bậc Tứ đạo. Tâm tam đạo sanh đặng bậc Tam đạo. Tâm nhị đạo sanh đặng bậc Nhị đạo. Tâm sơ đạo sanh đặng bậc Sơ đạo.

- 4 tâm tham tương ưng kiến và tâm si hoài nghi sanh đặng 4 người phàm. Tâm thiện đáo đại sanh đặng 4 người là: Phàm tam nhân và 3 quả Hữu học.

- 4 tâm đại quả tương ưng và tâm quả đáo đại sanh đặng 5 người là: Phàm tam nhân và 4 bậc quả.

- 2 tâm sân sanh đặng 6 người là: 4 người phàm và 2 quả thấp (Sơ quả, Nhị quả).

- 4 tâm tham bất tương ưng kiến, tâm si điệu cử và tâm đại thiện sanh đặng 7 người là: 4 người phàm và 3 quả hữu học.

- 4 tâm đại quả bất tương ưng sanh đặng 7 người là: 3 phàm vui và 4 bậc quả.

- 15 tâm quả vô nhân và 2 tâm khai môn sanh đặng tám người là: 4 người phàm và 4 bậc quả.

Đây là kể theo 12 hạng người. Còn kể rộng đến 214 hạng người là cộng người ở đặng mấy cõi.

Cõi Đặng Mấy Tâm.

Trang 25/ Chương 5.

Chấm từ số 1 đến số 29 và từ số 31 đến số 38.

Bốn cõi Khổ thú có 37 tâm sanh đặng là: 8 tâm đại thiện và 29 tâm vô tịnh hảo (trừ tiếu sinh).

Trang 26/ Chương 5.

Chấm đậm, từ số 1 đến số 59, từ số 65 đến số 73, từ số 78 đến số 81 và các số 82, 87, 92, 97, 102, 107, 112 và 117 (kể hẹp). Chấm lợt, từ số 83 đến số 86, từ số 88 đến số 91, từ số 93 đến số 96, từ số 98 đến số 101, từ số 103 đến số 106, từ số 108 đến số 111, từ số 113 đến số 116 và từ số 118 đến số 121 (kể rộng).

Bảy cõi vui Dục giới có 80 hoặc 112 tâm sanh đặng là: 54 tâm dục giới, 18 tâm đổng lực đáo đại và 8 hoặc 40 tâm siêu thế.

Trang 27/ Chương 5.

Chấm đậm, từ số 1 đến số 8, từ số 11 đến số 14, từ số 18 đến số 21, từ số 25 đến số 38, từ số 47 đến số 60, từ số 65 đến số 73, từ số 78 đến số 81 và các số 82, 87, 92, 97, 102, 107, 112, 117 (kể hẹp). Từ số 83 đến số 86, từ số 88 đến số 91, từ số 93 đến số 96, từ số 98 đến số 101, từ số 103 đến số 106, từ số 108 đến số 111, từ số 113 đến số 116, từ số 118 đến số 121 (kể rộng)

Ba cõi Sơ thiền có 65 hoặc 97 tâm sanh đặng là: 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo, 18 tâm đổng lực đáo đại, tâm quả sơ thiền, 8 hoặc 40 tâm siêu thế và 22 tâm vô tịnh hảo (trừ tâm sân, tỷ, thiệt và thân thức).

Trang 28/ Chương 5.

Chấm đậm, từ số 1 đến số 8, từ số 11 đến số 14, từ số 18 đến số 21, từ số 25 đến số 38, từ số 47 đến số 54, từ số 56 đến số 59, các số 61, 62, từ số 66 đến số 73, từ số 78 đến số 81 (kể hẹp). Từ số 83 đến 86, từ số 88 đến số 91, từ số 93 đến số 96, từ số 98 đến số 101, từ số 103 đến số 106, từ số 108 đến số 111, từ số 113 đến số 116, từ số 118 đến số 121 chấm màu lợt (kể rộng).

Ba cõi Nhị thiền sắc giới có 93 tâm sanh đặng là: 8 tâm tham, 2 tâm si, 2 tâm nhãn thức, 2 tâm nhĩ thức, 3 tâm ý giới, 3 tâm thẩm tấn, tâm khai ý môn, tâm tiếu sinh, 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo, 18 tâm đổng lực đáo đại, tâm quả nhị tam thiền sắc giới và 35 tâm siêu thế (trừ 4 tâm sơ đạo và tâm tứ quả sơ thiền).

Trang 29/ Chương 5.

Chấm đậm, từ số 1 đến số 8, từ số 11 đến số 14, từ số 18 đến số 21, từ số 25 đến số 38, từ số 47 đến số 54, từ số 55 đến số 59, số 63, từ số 65 đến số 69, từ số 70 đến số 73, từ số 78 đến số 81, các số 102, 107, 112. Chấm lợt các số 85, 86, 90, 91, 95, 96, 100, 101, từ số 103 đến số 106, từ số 108 đến số 111, từ số 113 đến số 116 và các số 120, 121.

Ba cõi Tam thiền sắc giới có 82 tâm sanh đặng là: 8 tâm tham, 2 tâm si, 2 tâm nhãn thức, 2 tâm nhĩ thức, 3 tâm ý giới, 3 tâm thẩm tấn, tâm khai ý môn, tâm tiếu sinh, 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo, 18 tâm đổng lực đáo đại, tâm quả tứ thiền sắc giới, 8 tâm đạo tứ và ngũ thiền siêu thế, 5 tâm sơ quả, 5 tâm nhị quả, 5 tâm tam quả, 2 tâm tứ quả tứ và ngũ thiền.

Trang 30/ Chương 5.

Chấm đậm, từ số 1 đến số 8, từ số 11 đến số 14, từ số 18 đến số 21, từ số 25 đến số 38, từ số 47 đến số 54, từ số 55 đến số 59, số 64, từ số 65 đến số 69, từ số 70 đến số 73, từ số 78 đến số 81 và các số 102, 107, 112. Chấm lợt các số 86, 91, 96, 101, từ số 103 đến số 106, từ số 108 đến số 111, từ số 113 đến số 116 và số 121.

Cõi Quảng quả có 77 tâm sanh đặng là: 8 tâm tham, 2 tâm si, 2 tâm nhãn thức, 2 tâm nhĩ thức, 3 tâm ý giới, 3 tâm thẩm tấn, tâm khai ý môn, tâm tiếu sinh, 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo,

Trang 31/ Chương 5.

Chấm đậm các số 3, 4, 7, 8, từ số 12, đến số 14, từ số 18 đến số 21, từ số 25 đến số 38, từ số 47 đến số 54, từ số 55 đến số 59, số 64, từ số 65 đến số 69, từ số 70 đến số 73, từ số 78 đến số 81. Chấm lợt các số 101, 116, 121.

Cõi Ngũ Tịnh cư có 55 tâm sanh đặng là: 4 tâm tham bất tương ưng, tâm si điệu cử, 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo, tâm quả ngũ thiền sắc giới, tâm tam quả ngũ thiền, 2 tâm đạo và quả La-hán ngũ thiền, 18 tâm đổng lực đáo đại và 12 tâm vô nhân (trừ tâm tỷ, thiệt và thân thức).

Trang 32/ Chương 5.

Chấm đậm từ số 1 đến số 8, các số 11, 12, 29, từ số 31 đến số 38, từ số 47 đến số 54, từ số 70 đến số 74, từ số 76 đến số 81. Chấm lợt các số 91, 96, 101, 106, 111, 116, 121.

Cõi Không vô biên xứ có 28 hoặc 43 tâm sanh đặng là: 8 tâm tham, 2 tâm si, tâm khai ý môn, 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo, tâm quả không vô biên, hoặc 8 tâm đổng lực vô sắc giới và 7 tâm ngũ thiền siêu thế (trừ sơ đạo).

Trang 33/ Chương 5.

Chấm đậm từ số 1 đến số 8, các số 11, 12, 29, từ số 31 đến số 38, từ số 47 đến số 54, các số 71, 72, 73, 75, 79, 80 và số 81. Chấm lợt các số 91, 96, 101, 106, 111, 116 và 121.

Cõi Thức vô biên có 28 hoặc 41 tâm sanh đặng là: 8 tâm tham, 2 tâm si, tâm khai ý môn, 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo, tâm quả thức vô biên hoặc 6 tâm đổng lực vô sắc giới và 7 tâm ngũ thiền siêu thế (trừ tâm đổng lực không vô biên và tâm sơ đạo ngũ thiền).

Trang 34/ Chương 5.

Chấm từ số 1 đến số 8, các số 11, 12, 29, từ số 31 đến số 38, từ số 47 đến số 54, các số 72, 73, 76, 80, 81, 91, 96, 101, 106, 111, 116, 121.

Cõi Vô sở hữu xứ có 28 hoặc 39 tâm sanh đặng là: 8 tâm tham, 2 tâm si, tâm khai ý môn, 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo, tâm quả vô sở hữu xứ, hoặc 2 tâm đổng lực vô sở hữu xứ, 2 tâm đổng lực phi tưởng phi phi tưởng và 7 tâm ngũ thiền siêu thế (trừ sơ đạo).

Trang 35/ Chương 5.

Chấm từ số 1 đến số 8, các số 11, 12, 29 từ số 31 đến số 38, từ số 47 đến số 54, các số 73, 77, 81, 91, 96, 101, 106, 111, 116, 121.

Cõi Phi tưởng phi phi tưởng xứ có 28 hoặc 37 tâm sanh đặng là: 8 tâm tham, 2 tâm si, tâm khai ý môn, 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo, tâm quả phi tưởng phi phi tưởng, hoặc tâm đổng lực phi tưởng phi phi tưởng và 7 tâm ngũ thiền siêu thế (trừ tâm sơ đạo).

Tâm Sanh Đặng Mấy Cõi

Trang 36/ Chương 5.

Từ số 74 đến số 77, ghi số 1. Từ số 60 đến số 63, ghi số 3. Số 64 ghi số 6. Từ số 39 đến 46 ghi số 7. Trước các số 82, 87, 92, 97, 102, 107, 112 và 117, ghi số 7, nêu 8 tâm siêu thế (thiền khô). Các số 82, 87, 92, 97 và số 117 ghi số 10. Các số 9, 10, 15, 16, 17, 22, 23, 24 ghi số 11. Các số 83, 84, 88, 89, 93, 94, 98, 99, 118, 119 ghi số 13. Các số 85, 90, 95, 100, 120 ghi số 16. Số 86 ghi số 17. Các số 91, 96, từ 102 đến 106, từ 107 đến 111, ghi số 21. Số 30, từ số 55 đến 59, từ số 65 đến số 69, ghi số 22. Số 70 và số 78 ghi số 23. Số 71 và 79 ghi số 24. Số 72 và số 80 ghi số 25. Các số 1, 2, 5, 6 và 11 ghi số 25. Các số 13, 14, 18, 19, 20, 21, 25, 26, 27, 28 ghi số 26. Từ số 47 đến số 54, số 73, số 81, số 101, từ số 112 đến số 116 và số 121 ghi số 26. Các số 3, 4, 7, 8, 12, 29, từ số 31 đến số 38, ghi số 30.

Bốn tâm quả vô sắc, mỗi tâm sanh đặng mỗi cõi Vô sắc. Tâm quả sơ thiền sắc giới sanh đặng 3 cõi Sơ thiền. Tâm quả nhị và tam thiền sắc giới sanh đặng 3 cõi Nhị thiền. Tâm quả tứ thiền sắc giới sanh đặng 3 cõi Tam thiền. Tâm quả ngũ thiền sắc giới sanh đặng 6 cõi là: Cõi Quảng quả và 5 cõi Tịnh cư. 8 tâm siêu thế (thiền khô) và 8 tâm đại quả sanh đặng 7 cõi vui Dục giới. Bốn tâm đạo và tâm tứ quả sơ thiền sanh đặng 10 cõi là 7 cõi vui Dục giới và 3 cõi Sơ thiền. Tâm tỷ, thiệt, thân thức và sân, sanh đặng 11 cõi Dục giới. Tám tâm đạo nhị-tam-thiền và 2 tâm tứ quả nhị-tam-thiền, sanh đặng 13 cõi là: 7 cõi vui Dục giới, 3 cõi Sơ thiền và 3 cõi Nhị thiền. Bốn tâm đạo tứ thiền và tâm tứ quả tứ thiền, sanh đặng 16 cõi là: 7 cõi vui Dục giới, 3 cõi Sơ thiền, 3 cõi Nhị thiền và 3 cõi Tam thiền. Tâm sơ đạo ngũ thiền sanh đặng 17 cõi là: 7 cõi vui Dục giới và 10 cõi phàm Sắc giới hữu tưởng. Năm tâm sơ quả, 5 tâm nhị quả và 2 tâm nhị, tam đạo ngũ-thiền sanh đặng 21 cõi phàm Vui hữu tâm. Mười tâm đổng lực sắc giới và tâm tiếu sinh sanh đặng 22 cõi là: 7 cõi Dục giới và 15 cõi Sắc giới hữu tưởng. Hai tâm đổng lực không vô biên sanh đặng 23 cõi là: 22 cõi Vui ngũ uẩn và cõi Không vô biên. Hai tâm đổng lực thức vô biên sanh đặng 24 cõi là: 22 cõi Vui ngũ uẩn, cõi Không vô biên và cõi Thức vô biên. Hai tâm đổng lực vô sở hữu xứ sanh đặng 25 cõi là: 22 cõi Vui ngũ uẩn, cõi Không vô biên, cõi Thức vô biên và cõi Vô sở hữu xứ. Bốn tâm tham tương ưng và tâm si hoài nghi sanh đặng 25 cõi Phàm hữu tâm. Hai tâm nhãn thức, 2 tâm nhĩ thức, 3 tâm ý giới, 3 tâm thẩm tấn, sanh đặng 26 cõi Ngũ uẩn. Tám tâm đại tố, 5 tâm tam quả hữu thiền, 2 tâm đổng lực phi tưởng phi phi tưởng và tâm đạo, quả thứ tư ngũ thiền sanh đặng 26 cõi Vui hữu tưởng. Bốn tâm tham bất tương ưng, tâm si điệu cử, tâm khai ý môn và 8 tâm đại thiện sanh đặng 30 cõi (trong 31 cõi trừ cõi Vô tưởng).

Đạo, quả không thiền (thiền khô) chỉ đắc ở cõi Dục giới mà thôi.

___o0o______o0o______o0o___

CHỈ CHẤM BẢNG NÊU CHƯƠNG VI

SẮC PHÁP (RŪPA)

Trang 1/ Chương 6.

Từ số 174 đến số 201, viết theo bảng số.

Số 174 nêu đất, số 175 nêu nước, số 176 nêu lửa, số 177 nêu gió, số 178 nêu nhãn thanh triệt, số 179 nêu nhĩ thanh triệt, số 180 nêu tỷ thanh triệt, số 181 nêu thiệt thanh triệt, số 182 nêu thân thanh triệt, 183 nêu cảnh sắc, 184 nêu cảnh thinh, 185 nêu cảnh khí, 186 nêu cảnh vị, 187 nêu sắc nữ tính, 188 nêu sắc nam tính, 189 nêu sắc ý vật, 190 nêu sắc mạng quyền, 191 nêu sắc vật thực, 192 nêu sắc giao giới, 193 nêu sắc thân biểu tri, 194 nêu sắc khẩu biểu tri, 195 nêu sắc nhẹ, 196 nêu sắc mềm, 197 nêu sắc thích sự, 198 nêu sắc tích trữ, 199 nêu sắc thừa kế, 200 nêu sắc lão, 201 nêu sắc vô thường.

Trang 2/ Chương 6.

Từ số 174 đến số 191 chấm màu đỏ, nêu sắc rõ. Từ số 192 đến số 201 chấm màu xanh, nêu sắc không rõ.

18 sắc rõ là: 4 sắc tứ đại minh, 5 sắc thanh triệt, 4 sắc cảnh, 2 sắc tính, sắc ý vật, sắc mạng quyền và sắc vật thực.

Sắc không rõ có 10 là: Sắc giao giới, 2 sắc biểu tri, 3 sắc kỳ dị, 4 sắc tứ tướng.

Trang 3/ Chương 6.

Từ số 178 đến số 182 chấm màu đỏ, nêu sắc nội. Từ số 174 đến số 177 và từ số 183 đến số 201 chấm màu xanh, nêu sắc ngoại.

Sắc nội có 5 tức là 5 sắc thanh triệt.

Sắc ngoại có 23 là: 4 sắc tứ đại, 4 sắc cảnh, 2 sắc tính, sắc ý vật, sắc mạng quyền, sắc vật thực, sắc giao giới, 2 sắc biểu tri, 3 sắc kỳ dị và 4 sắc tứ tướng.

Trang 4/ Chương 6.

Từ số 178 đến số 182 và số 189 chấm màu đỏ, nêu sắc hữu vật. Từ số 174 đến số 177, từ số 183 đến số 188 và từ số 190 đến số 201 chấm màu xanh, nêu sắc vô vật.

Sắc hữu vật có 6 là: 5 sắc thanh triệt và sắc ý vật.

Sắc vô vật có 22 là: 4 sắc tứ đại minh, 4 sắc cảnh, 2 sắc tính, sắc mạng quyền, sắc vật thực, sắc giao giới, 2 sắc biểu tri, 3 sắc kỳ dị và sắc tứ tướng.

Trang 5/ Chương 6.

Từ số 178 đến số 182 và các số 193, 194 chấm màu đỏ nêu sắc môn. Từ số 174 đến số 177, từ số 183 đến số 192 và từ số 195 đến số 201 chấm màu xanh, nêu sắc phi môn.

Sắc môn có 7 là: 5 sắc thanh triệt và 2 sắc biểu tri. Còn 21 thứ sắc ngoài ra, gọi là sắc phi môn.

Trang 6/ Chương 6.

Từ số 178 đến số 182 và các số 187, 188, 190 chấm màu đỏ, nêu sắc quyền. Từ số 174 đến số 177, từ số 183 đến số 186, các số 189 và từ số 191 đến số 201 chấm màu xanh, nêu sắc phi quyền.

Sắc quyền có 8 là: 5 sắc thanh triệt, 2 sắc tính và sắc mạng quyền. Còn 20 thứ sắc ngoài ra gọi là sắc phi quyền.

Trang 7/ Chương 6.

Số 174, từ số 176 đến số 186 chấm màu đỏ, nêu sắc thô. Số 175, từ số 187 đến số 201 chấm màu xanh, nêu sắc tế.

Sắc thô có 12 là: 5 sắc thanh triệt và 7 sắc cảnh giới. Còn 16 thứ sắc ngoài ra, gọi là sắc tế.

Trang 8/ Chương 6.

Từ số 174 đến số 183 và từ số 185 đến số 192 chấm màu đỏ, nêu sắc thủ. Từ số 184 và từ số 193 đến số 201 chấm màu xanh, nêu sắc phi thủ.

Sắc thủ có 18 là: 4 sắc tứ đại, 5 sắc thanh triệt, 2 sắc tính, sắc ý vật, sắc mạng quyền, sắc vật thực, sắc giao giới và 3 sắc cảnh (trừ thinh), sắc thủ cũng gọi là sắc nghiệp. Còn 10 sắc ngoài ra gọi là sắc phi thủ.

Trang 9/ Chương 6.

Số 183 chấm màu đỏ, nêu sắc bị thấy (hữu kiến). Từ số 174 đến số 182 và từ số 184 đến số 201 chấm màu xanh, nêu sắc không bị thấy.

Sắc bị thấy có 1 tức là cảnh sắc. Còn 27 thứ sắc ngoài ra, gọi là sắc không bị thấy.

Trang 10/ Chương 6.

Từ số 178 đến số 182 chấm màu đỏ, nêu sắc thâu cảnh. Từ số 174 đến số 177 và từ số 183 đến số 201 chấm màu xanh, nêu sắc bất thâu cảnh.

Sắc thâu cảnh có 5 tức là 5 sắc thanh triệt. Còn 23 thứ sắc ngoài ra, gọi là sắc bất thâu cảnh.

Trang 11/ Chương 6.

Từ số 174 đến số 177 và các số 183, 185, 186 và 191 chấm màu đỏ, nêu sắc bất ly. Từ số 178 đến số 182, số 184, từ số 187 đến số 190 và từ số 192 đến số 201 chấm màu xanh, nêu sắc hữu ly.

Sắc bất ly có 8 là: 4 sắc tứ đại minh, sắc cảnh sắc, sắc cảnh khí, sắc cảnh vị và sắc vật thực. Còn 20 thức sắc ngoài ra gọi là sắc hữu ly.

Nhân trợ sanh sắc pháp

Trang 12/ Chương 6.

Từ số 174 đến số 183 và từ số 185 đến số 192 chấm màu đen, nêu sắc nghiệp.

Sắc nghiệp có 18 là: 8 sắc bất ly, 5 sắc thanh triệt, 2 sắc tính, sắc ý vật, sắc mạng quyền và sắc giao giới (hoặc lấy thêm sắc tích trữ, thừa kế hay là lấy luôn sắc lão, vô thường).

Trang 13/ Chương 6.

Từ số 174 đến số 177, từ số 183 đến số 186 và từ số 191 đến số 197 chấm màu đỏ, nêu sắc tâm.

Sắc tâm có 15 là: 4 sắc tứ đại minh, 4 sắc cảnh, 2 sắc biểu tri, 3 sắc kỳ dị, sắc vật thực và sắc giao giới.

Trang 14/ Chương 6.

Từ số 174 đến số 177, từ số 183 đến số 186 và các số 191, 192, 195, 196 và 197 chấm màu xanh, nêu sắc quí tiết.

Sắc quí tiết có 13 là: 8 sắc bất ly, thinh, giao giới và 3 sắc kỳ dị.

Trang 15/ Chương 6.

Từ số 174 đến số 177 và các số 183, 185, 186, 191, 192, 195, 196 và 197 chấm màu tím, nêu sắc vật thực.

Sắc vật thực có 12 là: 8 sắc bất ly, giao giới và 3 sắc kỳ dị.

Trang 16/ Chương 6.

Từ số 178 đến số 182 và các số 187, 188, 189, 190, 193 và 194 ghi số 1, nêu sắc 1 nhân. Số 184 ghi số 2, nêu sắc 2 nhân. Các số 195, 196, 197 ghi số 3, nêu sắc 3 nhân. Từ số 174 đến số 177, các số 183, 185, 186, 191, 192 và từ số 198 đến số 201 ghi số 4, nêu sắc 4 nhân.

Sắc 1 nhân có 11 là: 5 sắc thanh triệt, 2 sắc tính, sắc ý vật, sắc mạng quyền và 2 sắc biểu tri.

Sắc 2 nhân có 1 là: Sắc thinh.

Sắc 3 nhân có 3 là: 3 sắc kỳ dị.

Sắc 4 nhân có 13 là: 8 sắc bất ly, sắc giao giới và sắc tứ tướng.

Phân bọn sắc pháp

Trang 17/ Chương 6.

Từ số 174 đến số 177 và các số 183, 185, 186, 190 và 191 chấm màu đỏ, nêu sắc bất ly và sắc mạng quyền. Số 178 chấm màu đen, nêu nhãn thanh triệt.

Bọn nhãn có 10 là: 8 sắc bất ly, sắc mạng quyền và sắc nhãn thanh triệt.

Trang 18/ Chương 6.

Số 179 chấm màu đen, nêu nhĩ thanh triệt. Số 190 chấm màu đỏ, nêu sắc mạng quyền. Từ số 174 đến số 177 và các số 183, 185, 186, 191, chấm màu đỏ, nêu sắc bất ly.

Bọn nhĩ có 10 là: Nhĩ thanh triệt, sắc mạng quyền và 8 sắc bất ly.

Trang 19/ Chương 6.

Số 180 chấm màu đen, nêu tỷ thanh triệt. Số 190 chấm màu đỏ, nêu sắc mạng quyền. Từ số 174 đến số 177 và các số 183; 185, 186, 191 chấm màu đỏ, nêu sắc bất ly.

Bọn tỷ có 10 là: 8 sắc bất ly, sắc mạng quyền và tỷ thanh triệt.

Trang 20/ Chương 6.

Số 181 chấm màu đen, nêu thiệt thanh triệt. Số 190 chấm màu đỏ, nêu sắc mạng quyền. Từ số 174 đến số 177 và các số 183, 185, 186 và số 191 chấm màu đỏ, nêu sắc bất ly.

Bọn thiệt có 10 là: 8 sắc bất ly, sắc mạng quyền và thiệt thanh triệt.

Trang 21/ Chương 6.

Số 182 chấm màu đen, nêu thân thanh triệt. Số 190 chấm màu đỏ, nêu sắc mạng quyền. Từ số 174 đến số 177 và các số 183, 185, 186, 191 chấm màu đỏ, nêu sắc bất ly.

Bọn thân có 10 là: 8 sắc bất ly, sắc mạng quyền và thân thanh triệt

Trang 22/ Chương 6.

Từ số 174 đến số 177 và các số 183, 185, 186, 190, 191 chấm màu đỏ nêu sắc bất ly và sắc mạng quyền. Số 187 chấm màu đen, nêu sắc nam tính.

Bọn nam tính có 10 là: 8 sắc bất ly, sắc mạng quyền và sắc nam tính.

Trang 23/ Chương 6.

Số 188 chấm màu đen, nêu sắc nữ tính. Từ số 174 đến số 177 và các số 183, 185, 186, 190, 191 chấm màu đỏ nêu sắc bất ly và sắc mạng quyền.

Bọn nữ tính có 10 là: 8 sắc bất ly, sắc mạng quyền và sắc nữ tính.

Trang 24/ Chương 6.

Số 189 chấm màu đen, nêu sắc ý vật. Từ số 174 đến số 177 và các số 183, 185, 186, 191 chấm màu đỏ nêu sắc bất ly. Số 190 chấm màu đen, nêu sắc mạng quyền.

Bọn sắc ý vật có 10 là: 8 sắc bất ly, sắc mạng quyền và sắc ý vật.

Trang 25/ Chương 6.

Số 190 chấm màu đen, nêu sắc mạng quyền. Từ số 174 đến số 177 và các số 183, 185, 186, 191, chấm màu đỏ, nêu sắc bất ly.

Bọn mạng quyền có 9 là: 8 sắc bất ly và sắc mạng quyền.

Trang 26/ Chương 6.

Từ số 174 đến số 177 và các số 183, 185, 186, 191, chấm màu đỏ nêu sắc bất ly.

Bọn sắc tâm thuần tám pháp có 8 là: 8 sắc bất ly.

Trang 27/ Chương 6.

Từ số 174 đến số 177 và các số 183, 185, 186, 191, chấm màu xanh, nêu sắc bất ly. Số 184 chấm màu đỏ, nêu sắc thinh.

Bọn thinh có 9 là: 8 sắc bất ly và sắc thinh.

Trang 28/ Chương 6.

Số 193 chấm màu đỏ, nêu thân biểu tri. Từ số 174 đến số 177 và các số 183, 185, 186, 191, chấm màu xanh, nêu sắc bất ly.

Bọn thân biểu tri có 9 là: 8 sắc bất ly và thân biểu tri.

Trang 29/ Chương 6.

Số 194 chấm màu đỏ, nêu khẩu biểu tri. Từ số 174 đến số 177, từ số 183 đến số 186 và số 191, chấm màu xanh, nêu thinh và sắc bất ly.

Bọn khẩu thinh biểu tri có 10 là: 8 sắc bất ly, khẩu biểu tri và thinh.

Trang 30/ Chương 6.

Các số 195, 196, 197 chấm màu đỏ, nêu sắc kỳ dị. Từ số 174 đến số 177 và các số 183, 185, 186, 191, chấm màu xanh, nêu sắc bất ly.

Bọn sắc tâm kỳ dị có 11 là: 8 sắc bất ly và 3 sắc kỳ dị.

Trang 31/ Chương 6.

Số 184 chấm màu đỏ, nêu thinh. Các số 195, 196 và 197 chấm màu đỏ, nêu sắc kỳ dị. Từ số 174 đến 177, các số 183, 185, 186, 191, chấm màu xanh, nêu sắc bất ly.

Bọn thinh kỳ dị có 12 là: 8 sắc bất ly, sắc thinh và 3 sắc kỳ dị.

Trang 32/ Chương 6.

Số 193 chấm màu đỏ, nêu thân biểu tri. Các số 195, 196 và 197 chấm màu đỏ, nêu sắc kỳ dị. Từ số 174 đến số 177, các số 183, 185, 186 và 191 chấm màu xanh, nêu sắc bất ly.

Bọn thân biểu tri kỳ dị có 12: 8 sắc bất ly, thân biểu tri và 3 sắc kỳ dị.

Trang 33/ Chương 6.

Số 184 chấm màu đỏ, nêu sắc thinh. Số 194 chấm màu đỏ, nêu khẩu biểu tri. Các số 195, 196 và 197 chấm màu đỏ, nêu sắc kỳ dị. Từ số 174 đến số 177 và các số 183, 185, 186, 191 chấm màu xanh, nêu sắc bất ly.

Trang 34/ Chương 6.

Từ số 174 đến số 177 và các số 183, 185, 186, 191 chấm màu xanh, nêu sắc bất ly.

Bọn sắc quí tiết thuần tám pháp có 8 là: 8 sắc bất ly.

Trang 35/ Chương 6.

Số 184 chấm màu đỏ, nêu thinh. Từ số 174 đến số 177, các số 183, 185, 186 và 191 chấm màu xanh, nêu sắc bất ly.

Bọn quí tiết thinh có 9 là: 8 sắc bất ly và sắc thinh.

Trang 36/ Chương 6.

Các số 195, 196 và 197 chấm màu đỏ, nêu sắc kỳ dị. Từ số 174 đến số 177 và các số 183, 185, 186, 191 chấm màu xanh, nêu sắc bất ly.

Bọn sắc quí tiết kỳ dị có 11 là: 8 sắc bất ly và 3 sắc kỳ dị.

Trang 37/ Chương 6.

Số 184 chấm màu đỏ, nêu sắc thinh. Từ số 174 đến số 177 và các số 183, 185, 186, 194 chấm màu xanh, nêu sắc bất ly. Các số 195, 196 và 197 chấm màu đỏ, nêu sắc kỳ dị.

Bọn quí tiết thinh kỳ dị có 12 là: 8 sắc bất ly, sắc thinh và 3 sắc kỳ dị.

Trang 38/ Chương 6.

Từ số 174 đến số 177 và các số 183, 185, 186, 191 chấm màu tím nêu sắc bất ly.

Bọn sắc vật thực thuần tám pháp có 8 là: 8 sắc bất ly.

Trang 39/ Chương 6.

Số 195, 196 và 197 chấm màu đỏ, nêu sắc kỳ dị. Từ số 174 đến số 177 và các số 183, 185, 186, 191 chấm màu tím, nêu sắc bất ly.

Bọn vật thực kỳ dị có 11 là: 3 sắc kỳ dị và 8 sắc bất ly.

Sắc pháp phân theo cõi tái tục

Trang 40/ Chương 6.

Từ số 174 đến số 201 chấm màu xanh, nêu 28 sắc pháp. Cõi Dục giới đủ cả 28 sắc pháp.

Trang 41/ Chương 6.

Từ số 174 đến số 179, từ số 183 đến số 186, từ số 189 đến số 201 chấm màu đỏ, nêu cõi Sắc giới hữu tưởng.

Cõi Sắc giới hữu tưởng có 23 thứ sắc là: 4 sắc tứ đại, sắc nhãn thanh triệt, sắc nhĩ thanh triệt, 4 sắc cảnh, sắc ý vật, sắc mạng quyền, sắc vật thực, sắc giao giới, sắc biểu tri, 3 sắc kỳ dị và 4 sắc tứ tướng.

Trang 42/ Chương 6.

Từ số 174 đến số 177 và các số 183, 185, 186, 191 chấm màu đen, nêu sắc bất ly. Số 190 chấm màu đen, nêu sắc mạng quyền. Số 192 chấm màu đen, nêu sắc giao giới. Các số 195, 196 và 197 chấm màu đen, nêu sắc kỳ dị. Từ số 198 đến số 201 chấm màu đen, nêu sắc tứ tướng.

Cõi Vô tưởng chỉ có 17 sắc pháp là: 8 sắc bất ly, sắc mạng quyền, sắc giao giới, 3 sắc kỳ dị và sắc tứ tướng.

Trang 43/ Chương 6.

Từ 174 đến số 177 và các số 183, 185, 186, 190, 191, 198 chấm màu vàng, nêu sắc tái tục cõi Vô tưởng.

Sắc tái tục cõi Vô tưởng có 10 là: 8 sắc bất ly, sắc mạng quyền và sắc tích trữ.

Trang 44/ Chương 6.

Từ số 174 đến số 177 và các số 178, 179, 183, 185, 186, 189, 190, 191, 192, 198 chấm màu đỏ, nêu sắc tái tục cõi Sắc giới hữu tưởng.

Sắc tái tục cõi Sắc giới hữu tưởng có 14 là: 8 sắc bất ly, sắc mạng quyền, nhãn thanh triệt, nhĩ thanh triệt, sắc ý vật, sắc giao giới và sắc tích trữ.

Trang 45/ Chương 6.

Từ số 174 đến số 177, các số 182, 183, 185, 186, 187 hoặc 188, 189, 190 và 198 chấm màu xanh, nêu sắc tái tục thai sanh và noãn sanh.

Sắc tái tục thai sanh và noãn sanh có 15 là: Sắc thân thanh triệt, 2 sắc tính, sắc ý vật, sắc mạng quyền, sắc giao giới, sắc tích trữ và 8 sắc bất ly.

Trang 46/ Chương 6.

Từ số 174 đến số 177, từ số 178 đến số 182, các số 183, 185, 186, 187, 188, 189, 190, 191, 192 và 198, chấm màu xanh, nêu sắc hóa sanh và thấp sanh cõi Dục giới.

Cõi Dục giới hóa sanh và thấp sanh có 19 là: 5 sắc thanh triệt, 2 sắc tính, sắc ý vật, sắc mạng quyền, sắc giao giới, sắc tích trữ và 8 sắc bất ly.

___o0o______o0o______o0o___

CHỈ CHẤM BẢNG NÊU CHƯƠNG VII

TƯƠNG TẬP NHIẾP (SAMUCCAYASAṄGAHA)

1. Bất Thiện nhiếp (akusalasaṅgaha)

Trang 1/ Chương 7.

Đều chấm các số 135, 139 và 140 chấm màu xanh.

Trang 1.a/7: Tứ lậu

1 là dục lậu có pháp thực tính (sabhāvadhamma) là sở hữu tham.

2 là hữu lậu có pháp thực tính là sở hữu tham.

3 là tà kiến lậu có pháp thực tính là sở hữu tà kiến.

4 là vô minh lậu có pháp thực tính là sở hữu si.

Trang 1.b/7: Tứ bộc

1 là dục bộc có pháp thực tính là sở hữu tham.

2 là hữu bộc có pháp thực tính là sở hữu tham.

3 là tà kiến bộc có pháp thực tính là sở hữu tà kiến.

4 là vô minh bộc có pháp thực tính là sở hữu si.

Trang 1.c/7: Tứ phối

1 là dục phối có pháp thực tính là sở hữu tham.

2 là hữu phối có pháp thực tính là sở hữu tham.

3 là tà kiến phối có pháp thực tính là sở hữu tà kiến.

4 là vô minh phối có pháp thực tính là sở hữu si.

Trang 2/ Chương 7.

Các số 139, 140 và 142 chấm màu xanh.

Tứ phược

1 là tham ái thân phược có pháp thực tính là sở hữu tham.

2 là sân độc thân phược có pháp thực tính là sở hữu sân.

3 là giới thủ thân phược có pháp thực tính là sở hữu tà kiến.

4 là ngã kiến thân phược có pháp thực tính là sở hữu tà kiến.

Trang 3/ Chương 7.

Các số 139 và 140 chấm màu xanh.

Tứ thủ

1 là dục thủ có pháp thực tính là sở hữu tham.

2 là tà kiến thủ có pháp thực tính là sở hữu tà kiến.

3 là giới cấm thủ có pháp thực tính là sở hữu tà kiến.

4 là ngã chấp thủ có pháp thực tính là sở hữu tà kiến.

Trang 4/ Chương 7.

Các số 135, 138, 139, 142, 145, 146, 147, 148 chấm màu xanh.

Lục cái

1 là dục dục cái có pháp thực tính là sở hữu tham.

2 là sân độc cái có pháp thực tính là sở hữu sân.

3 là hôn trầm thùy miên cái có pháp thực tính là sở hữu hôn-phần.

4 là điệu hối cái có pháp thực tính là sở hữu điệu cử và hối hận.

5 là hoài nghi cái có pháp thực tính là sở hữu hoài nghi.

6 là vô minh cái có pháp thực tính là sở hữu si.

Trang 5/ Chương 7.

Các số 135, 139, 140, 141, 142, 148 chấm màu xanh.

Thất tiềm thùy (hay tùy miên)

1 là dục ái tiềm thùy có pháp thực tính là sở hữu tham.

2 là hữu ái tiềm thùy có pháp thực tính là sở hữu tham sanh cho người sắc giới và vô sắc giới hay người dục giới đắc thiền.

3 là khuể phẫn tiềm thùy có pháp thực tính là sở hữu sân.

4 là ngã mạn tiềm thùy có pháp thực tính là sở hữu ngã mạn.

5 là tà kiến tiềm thùy có pháp thực tính là sở hữu tà kiến.

6 là hoài nghi tiềm thùy có pháp thực tính là sở hữu hoài nghi.

7 là vô minh tiềm thùy có pháp thực tính là sở hữu si.

Trang 6/ Chương 7.

Các số 135, 139, 140, 141, 142, 143, 144, 148 hoặc thêm số 138 chấm màu xanh.

Thập triền

1 là dục ái triền có pháp thực tính là sở hữu tham.

2 là hữu ái triền có pháp thực tính là sở hữu tham.

3 là khuể phẫn triền có pháp thực tính là sở hữu sân.

4 là ngã mạn triền có pháp thực tính là sở hữu ngã mạn.

5 là tà kiến triền có pháp thực tính là sở hữu tà kiến.

6 là giới cấm thủ triền có pháp thực tính là sở hữu tà kiến.

7 là hoài nghi triền có pháp thực tính là sở hữu hoài nghi.

8 là tật đố triền có pháp thực tính là sở hữu tật.

9 là lận sắt triền có pháp thực tính là sở hữu lận.

10 là vô minh triền có pháp thực tính là sở hữu si.

Trang 7/ Chương 7.

Từ số 135 đến 142, số146 và số 148 chấm màu xanh.

Thập phiền não

1 là phiền não tham có pháp thực tính là sở hữu tham.

2 là phiền não sân có pháp thực tính là sở hữu sân.

3 là phiền não si có pháp thực tính là sở hữu si.

4 là phiền não ngã mạn có pháp thực tính là sở hữu ngã mạn.

5 là phiền não tà kiến có pháp thực tính là sở hữu tà kiến.

6 là phiền não hoài nghi có pháp thực tính là sở hữu hoài nghi.

7 là phiền não hôn trầm có pháp thực tính là sở hữu hôn trầm.

8 là phiền não điệu cử có pháp thực tính là sở hữu điệu cử.

9 là phiền não vô tàm có pháp thực tính là sở hữu vô tàm.

10 là phiền não vô úy có pháp thực tính là sở hữu vô úy.

2. Hỗn tạp tương tập nhiếp (Missakasaṅgaha)

Trang 8/ Chương 7.

Các số 135, 139, 142, 153, 154 và 173 chấm màu xanh.

Nhân tương ưng có 6

1 là nhân tham có pháp thực tính là sở hữu tham.

2 là nhân sân có pháp thực tính là sở hữu sân.

3 là nhân si có pháp thực tính là sở hữu si.

4 là nhân vô tham có pháp thực tính là sở hữu vô tham.

5 là nhân vô sân có pháp thực tính là sở hữu vô sân.

6 là nhân vô si có pháp thực tính là sở hữu trí tuệ.

Trang 9/ Chương 7.

Các số 123, 126, 129, 130, 133 chấm màu xanh.

Chi thiền có 7

1 là chi tầm có pháp thực tính là sở hữu tầm (vitakka).

2 là chi tứ có pháp thực tính là sở hữu tứ (vicāra).

3 là chi hỷ có pháp thực tính là sở hữu hỷ (pīti).

4 là chi định có pháp thực tính là sở hữu nhất hành (ekaggatā).

5 là chi lạc có pháp thực tính là sở hữu thọ (lạc thọ) (sukhavedanā).

6 là chi ưu có pháp thực tính là sở hữu thọ (ưu thọ) (domanassavedanā).

7 là chi xả có pháp thực tính là sở hữu thọ (xả thọ) (upekkhāvedanā).

Trang 10/ Chương 7.

Các số 140, 150 và 173 chấm màu xanh. Các số 168, 169 và 170 chấm màu xanh, phân nửa trên. Các số 126, 129 và 132 chấm màu xanh, thành 2 (để sợi chỉ xuôi ở giữa / chấm thành 2).

Đạo có 12 chi

1 là chánh kiến có pháp thực tính là sở hữu trí.

2 là chánh tư duy có pháp thực tính là sở hữu tầm phối hợp với tâm tịnh hảo.

3 là chánh ngữ có pháp thực tính là sở hữu chánh ngữ.

4 là chánh nghiệp có pháp thực tính là sở hữu chánh nghiệp.

5 là chánh mạng có pháp thực tính là sở hữu chánh mạng.

6 là chánh tinh tấn có pháp thực tính là sở hữu cần phối hợp với tâm tịnh hảo.

7 là chánh niệm có pháp thực tính là sở hữu niệm.

8 là chánh định có pháp thực tính là sở hữu nhất hành phối hợp với tâm tịnh hảo.

9 là tà kiến có pháp thực tính là sở hữu tà kiến.

10 là tà tư duy có pháp thực tính là sở hữu tầm phối hợp với tâm bất thiện.

11 là tà tinh tấn có pháp thực tính là sở hữu cần phối hợp với tâm bất thiện.

12 là tà định có pháp thực tính là sở hữu nhất hành hiệp với 11 tâm bất thiện (trừ tâm si hoài nghi).

Trang 11/ Chương 7.

Từ số 1 đến số 89 chấm màu xanh đậm (kể hẹp). Từ số 83 đến số 86, từ số 88 đến số 91, từ số 93 đến số 96, từ số 98 đến số 101, từ số 103 đến 106, từ số 108 đến số 111, từ số 113 đến số 116, từ số 118 đến số 121 chấm màu xanh lợt (kể rộng). Từ số 178 đến số 182, các số 187, 188, 190, 123, 126, 132, 149, 150 và 173 chấm màu xanh đậm.

Nhị thập nhị (22) quyền

1 là nhãn quyền có pháp thực tính là nhãn thanh triệt.

2 là nhĩ quyền có pháp thực tính là nhĩ thanh triệt.

3 là tỷ quyền có pháp thực tính là tỷ thanh triệt.

4 là thiệt quyền có pháp thực tính là thiệt thanh triệt.

5 là thân quyền có pháp thực tính là thân thanh triệt.

6 là nữ quyền có pháp thực tính là sắc tính nữ.

7 là nam quyền có pháp thực tính là sắc tính nam.

8 là mạng quyền có pháp thực tính là sắc mạng quyền.

9 là ý quyền có pháp thực tính là tất cả tâm.

10 là lạc quyền có pháp thực tính là lạc thọ câu sanh với thân thức.

11 là khổ quyền có pháp thực tính là khổ thọ câu sanh với thân thức.

12 là hỷ quyền có pháp thực tính là hỷ thọ câu sanh với 62 tâm câu hành hỷ (thọ).

13 là ưu quyền có pháp thực tính là ưu thọ câu sanh với tâm sân.

14 là xả quyền có pháp thực tính là xả thọ câu sanh với 55 tâm câu hành xả (thọ).

15 là tín quyền có pháp thực tính là sở hữu tín.

16 là tấn quyền có pháp thực tính là sở hữu cần.

17 là niệm quyền có pháp thực tính là sở hữu niệm.

18 là định quyền có pháp thực tính là sở hữu nhất hành hiệp với 72 hoặc 104 tâm hữu cần (trừ tâm si hoài nghi).

19 là trí quyền có pháp thực tính là sở hữu trí hiệp với 39 tâm tam nhân hợp thế.

20 là tri vị tri quyền có pháp thực tính là sở hữu trí tuệ phối hợp với tâm sơ đạo.

21 là tri dĩ tri quyền có pháp thực tính là sở hữu trí tuệ phối hợp với tâm hữu học (trừ sơ đạo).

22 là tri cụ tri quyền có pháp thực tính là sở hữu trí tuệ phối hợp với tâm vô học.

Trang 12/ Chương 7.

Các số 126, 132, 136, 137, từ số 149 đến số 152 và số 173 chấm màu xanh.

Cửu lực:

1 là tín lực có pháp thực tính là sở hữu tín.

2 là tấn lực có pháp thực tính là sở hữu cần.

3 là niệm lực có pháp thực tính là sở hữu niệm.

4 là định lực có pháp thực tính là sở hữu nhất hành hiệp với 72 hoặc 104 tâm hữu cần (trừ tâm si hoài nghi).

5 là trí lực có pháp thực tính là sở hữu trí.

6 là tàm lực có pháp thực tính là sở hữu tàm.

7 là úy lực có pháp thực tính là sở hữu úy.

8 là vô tàm lực có pháp thực tính là sở hữu vô tàm.

9 là vô úy lực có pháp thực tính là sở hữu vô úy.

Trang 13/ Chương 7.

Từ số 1 đến số 10, từ số 31 đến số 38, từ số 47 đến số 59, từ số 65 đến số 73, từ số 78 đến số 121 và các số 132, 134, 173 chấm màu xanh (tâm siêu thế, hàng sơ thiền chấm đậm, còn bốn hàng sau chấm màu xanh lợt).

Tứ trưởng

1 là dục trưởng có pháp thực tính là sở hữu dục phối hợp với tâm đổng lực nhị nhân và tam nhân. 2 là cần trưởng có pháp thực tính là sở hữu cần phối hợp với tâm đổng lực nhị nhân và tam nhân. 3 là tâm trưởng tức là 52 hoặc 84 tâm đổng lực nhị nhân và tam nhân. 4 là thẩm trưởng có pháp thực tính là sở hữu trí hiệp với 34 hoặc 66 tâm đổng lực tam nhân.

Trang 14/ Chương 7.

Từ số 1 đến số 121 và các số 122, 125, 191 (tâm siêu thế, hàng sơ thiền chấm xanh đậm, còn 4 hàng sau chấm xanh lợt).

Tứ thực

1 là đoàn thực tức là sắc vật thực ngoại. 2 là xúc thực có pháp thực tính là sở hữu xúc. 3 là tư thực có pháp thực tính là sở hữu tư. 4 là thức thực tức là tất cả tâm.

3. Đẳng giác Tương tập nhiếp (Bodhipakkhiyāsaṅgaha)

Trang 15/ Chương 7.

Số 150 chấm màu xanh.

Tứ niệm xứ:

1 là niệm thân có pháp thực tính là sở hữu niệm phối hợp với tâm đại thiện, tâm đại tố và 26 hoặc 58 tâm đổng lực kiên cố.

2 là niệm thọ có pháp thực tính là sở hữu niệm phối hợp với tâm đại thiện, tâm đại tố và 26 hoặc 58 tâm đổng lực kiên cố.

3 là niệm tâm có pháp thực tính là sở hữu niệm phối hợp với tâm đại thiện, tâm đại tố và 26 hoặc 58 tâm đổng lực kiên cố.

4 là niệm pháp có pháp thực tính là sở hữu niệm phối hợp với tâm đại thiện, tâm đại tố và 26 hoặc 58 tâm đổng lực kiên cố.

Trang 16/ Chương 7.

Chấm màu xanh số 132.

Tứ chánh cần: 1 là thận cần, 2 là trừ cần, 3 là tu cần, 4 là bảo cần. Pháp thực tính (sabhāvadhamma) là sở hữu cần phối hợp với tâm thiện.

Trang 17/ Chương 7.

Từ số 31 đến số 38, từ số 55 đến 59, từ số 70 đến số 73 và các số 82, 87, 92, 97, 132, 134, 173 chấm màu xanh đậm. Từ số 83 đến số 86, từ số 88 đến số 91, từ số 93 đến số 96, từ số 98 đến số 101 chấm màu xanh lợt.

Tứ như ý túc: 1 là dục như ý túc có pháp thực tính là sở hữu dục phối hợp với tâm thiện, 2 là cần như ý túc có pháp thực tính là sở hữu cần phối hợp với tâm thiện, 3 là tâm như ý túc tức là tất cả tâm thiện, 4 là thẩm như ý túc có pháp thực tính là sở hữu trí phối hợp với tâm thiện.

Trang 18/ Chương 7.

Các số 126, 132, 149, 150 và 173 chấm màu xanh.

Ngũ quyền: 1 là tín quyền có pháp thực tính là sở hữu tín phối hợp với tâm đại thiện, đại tố và tâm đổng lực kiên cố; 2 là cần quyền có pháp thực tính là sở hữu cần phối hợp với tâm đại thiện, đại tố và tâm đổng lực kiên cố; 3 là niệm quyền có pháp thực tính là sở hữu niệm phối hợp với tâm đại thiện, đại tố và tâm đổng lực kiên cố; 4 là định quyền có pháp thực tính là sở hữu nhất hành hiệp với đại thiện, đại tố và tâm đổng lực kiên cố; 5 là trí quyền có pháp thực tính là sở hữu trí hiệp với đại thiện, đại tố và tâm đổng lực kiên cố.

Ngũ lực: 1 là tín lực, 2 là cần lực, 3 là niệm lực, 4 là định lực, 5 là trí lực. Pháp thực tính (sabhāvadhamma) đồng như ngũ quyền.

Trang 19/ Chương 7.

Các số 126, 132, 133, 150, 155, 156, 157 và 173 chấm màu xanh.

Thất giác chi:

1 là niệm giác chi có pháp thực tính là sở hữu niệm hiệp với đại thiện, đại tố và đổng lực kiên cố.

2 là trạch pháp giác chi có pháp thực tính là sở hữu trí hiệp với đại thiện, đại tố và đổng lực kiên cố.

3 là cần giác chi có pháp thực tính là sở hữu cần hiệp với đại thiện, đại tố và đổng lực kiên cố.

4 là hỷ giác chi có pháp thực tính là sở hữu hỷ hiệp với đại thiện, đại tố và đổng lực kiên cố.

5 là tịnh thân giác chi có pháp thực tính là sở hữu tịnh thân và tịnh tâm hiệp với đại thiện, đại tố và đổng lực kiên cố.

6 là định giác chi có pháp thực tính là sở hữu nhất hành hiệp với đại thiện, đại tố và đổng lực kiên cố.

7 là xả giác chi có pháp thực tính là sở hữu trung bình (hành xả) hiệp với đại thiện, đại tố và đổng lực kiên cố.

Trang 20/ Chương 7.

Các số 126, 129, 132, 150, 173 chấm màu xanh đậm. Các số 168, 169 và 170 chấm màu xanh phân nửa phía trên.

Bát chi đạo:

1 là chánh kiến có pháp thực tính là sở hữu trí hiệp với đại thiện, đại tố và đổng lực kiên cố.

2 là chánh tư duy có pháp thực tính là sở hữu tầm hiệp với đại thiện, đại tố và 10 tâm đổng lực sơ thiền.

3 là chánh ngữ có pháp thực tính là sở hữu chánh ngữ hiệp với đại thiện và tâm siêu thế.

4 là chánh nghiệp có pháp thực tính là sở hữu chánh nghiệp phối hợp với tâm đại thiện và siêu thế.

5 là chánh mạng có pháp thực tính là sở hữu chánh mạng phối hợp với tâm đại thiện và siêu thế.

6 là chánh tinh tấn có pháp thực tính là sở hữu cần hiệp với đại thiện, đại tố và đổng lực kiên cố.

7 là chánh niệm có pháp thực tính là sở hữu niệm hiệp với đại thiện, đại tố và đổng lực kiên cố.

8 là chánh định có pháp thực tính là sở hữu nhất hành hiệp với đại thiện, đại tố và đổng lực kiên cố.

4. Hàm Tận Tương tập nhiếp (Sabbasaṅgaha)

Trang 21/ Chương 7.

Từ số 174 đến số 201 chấm màu tím. Số 123 chấm màu đỏ. Số 124 chấm màu vàng. Số 122 và từ số 125 đến số 173 chấm màu xanh. Từ số 1 đến số 121 chấm màu đen (lưu ý là tâm siêu thế hàng sơ thiền chấm màu đen đậm, còn các hàng nhị, tam, tứ và ngũ thiền chấm màu đen lợt).

Nói về phần hàm tận nhiếp (sabbasaṅgaha) là lấy hết tất cả pháp siêu lý gồm 4 hoặc 5 phần là uẩn, xứ v.v… có Pāḷi chú giải như vầy: Sabbesaṃparamatthadhammānaṃ saṅgahoti = sabbasaṅgaho: Gồm hết tất cả pháp siêu lý phân thành ra uẩn, xứ, giới, đế, nên gọi là ‘hàm tận nhiếp’.

Hàm tận nhiếp có 4 phần nhỏ: 1 là ngũ uẩn (khandha), 2 là thập nhị xứ (āyatana), 3 là thập bát giới (dhātu), 4 là Thánh đế (Ariyasacca).

Pháp siêu lý chia theo ngũ uẩn: 1 là sắc uẩn tức là 28 sắc pháp, 2 là thọ uẩn có pháp thực tính là sở hữu thọ, 3 là tưởng uẩn có pháp thực tính là sở hữu tưởng, 4 là hành uẩn tức là 50 sở hữu (trừ thọ và tưởng), 5 là thức uẩn tức là tất cả tâm. Còn Níp-bàn là ngoại uẩn. Pháp siêu thế ngoài thủ uẩn.

Trang 22/ Chương 7.

Số 178 ghi số 1, số 179 ghi số 2, số 180 ghi số 3, số 181 ghi số 4, số 182 ghi số 5, số 183 ghi số 6, số 184 ghi số 7, số 185 ghi số 8, số 186 ghi số 9. Số 174, 176 và 177 chấm màu đỏ. Từ số 1 đến số 121 chấm màu tím (tâm siêu thế, hàng sơ thiền chấm màu tím đậm, còn các hàng nhị, tam, tứ và ngũ thiền chấm màu tím lợt). Từ số 122 đến số 173, số 175, từ số 187 đến số 202 chấm màu xanh.

Pháp siêu lý chia thành thập nhị xứ:

1 là nhãn xứ tức là nhãn thanh triệt.

2 là nhĩ xứ tức là nhĩ thanh triệt.

3 là tỷ xứ tức là tỷ thanh triệt.

4 là thiệt xứ tức là thiệt thanh triệt.

5 là thân xứ tức là thân thanh triệt.

6 là sắc xứ tức là cảnh sắc.

7 là thinh xứ tức là cảnh thinh.

8 là khí xứ tức là cảnh khí.

9 là vị xứ tức là cảnh vị.

10 là xúc xứ tức là cảnh xúc (địa, hỏa, phong giới).

11 là ý xứ tức là tâm.

12 là pháp xứ tức là sở hữu tâm, sắc tế và Níp-bàn.

Trang 23/ Chương 7.

Số 178 ghi số 1, số 179 ghi số 2, số 180 ghi số 3, số 181 ghi số 4, số 182 ghi số 5, số 183 ghi số 6, số 184 ghi số 7, số 185 ghi số 8, số 186 ghi số 9, các số 174, 176 và 177 ghi số 10. Số 13 và số 20 ghi số 11. Số 14 và số 21 ghi số 12. Số 15 và số 22 ghi số 13. Số 16 và số 23 ghi số 14. Số 17 và số 24 ghi số 15. Các số 18, 25 và 28 chấm màu đen. Từ số 1 đến số 12, các số 19, 26, 27, 29, 30. Từ số 31 đến số 81, các số 82, 87, 92, 97, 102, 107, 112 và 117 chấm màu đỏ đậm (kể hẹp). Từ số 83 đến số 86, từ số 88 đến số 91, từ số 93 đến số 96, từ số 98 đến số 101, từ số 103 đến số 106, từ số 108 đến số 111, từ số 113 đến số 116, từ số 118 đến số 121 chấm màu đỏ lợt (kể rộng). Từ số 22 đến số 173, số 175, từ số 187 đến số 202 chấm màu xanh.

Pháp siêu lý chia thành thập bát giới:

1 là nhãn giới tức là nhãn thanh triệt.

2 là nhĩ giới tức là nhĩ thanh triệt.

3 là tỷ giới tức là tỷ thanh triệt.

4 là thiệt giới tức là thiệt thanh triệt.

5 là thân giới tức là thân thanh triệt.

6 là sắc giới tức là cảnh sắc.

7 là thinh giới tức là cảnh thinh.

8 là khí giới tức là cảnh khí.

9 là vị giới tức là cảnh vị.

10 là xúc giới tức là cảnh xúc (đất, lửa gió).

11 là nhãn thức giới tức là 2 tâm nhãn thức.

12 là nhĩ thức giới tức là 2 tâm nhĩ thức.

13 là tỷ thức giới tức là 2 tâm tỷ thức.

14 là thiệt thức giới tức là 2 tâm thiệt thức.

15 là thân thức giới tức là 2 tâm thân thức.

16 là ý giới tức là 2 tâm tiếp thâu và tâm khai ngũ môn.

17 là ý thức giới tức là 66 hoặc 108 tâm (trừ ngũ song và 3 tâm ý giới).

18 là pháp giới tức là 52 sở hữu tâm, 16 sắc tế và Níp-bàn.

Trang 24/ Chương 7.

Từ số 1 đến số 81, từ số 135 đến số 138, từ số 140 đến số 148, từ số 174 đến số 201 chấm màu đen. Số 139 chấm màu xanh. Số 202 chấm màu vàng. Từ số 122 đến số 125, số 127, 128, 130, 131, 133, 134, 149, từ số 151 đến số 167, số 171 và số 172 chấm phân nửa trên màu đen. Các số 126, 129, 132, 150, 168, 169, 170, 173 chấm phân nửa dưới màu đỏ. Các số 82, 87, 92, 97 chấm 8 điểm đỏ trong mỗi vòng tròn (tượng trưng 8 chi đạo hợp sơ đạo). Từ số 83 đến số 86, từ số 88 đến số 91, từ số 93 đến số 96, từ số 98 đến số 101, chấm trong mỗi vòng tròn 7 điểm đỏ tượng trưng 7 chi đạo hợp nhị, tam, tứ đạo (trừ chi tầm).

Pháp siêu lý chia theo tứ đế: 1 là khổ đế tức là sắc pháp, 81 tâm hiệp thế và 51 sở hữu hợp (trừ tham); 2 là tập đế có pháp thực tính là sở hữu tham; 3 là diệt đế tức là Níp-bàn; 4 là đạo đế tức là tám chi đạo hiệp tâm đạo.

Còn tâm siêu thế và 36 sở hữu hiệp tâm đạo (trừ chi đạo hiệp tâm đạo) là ngoại đế.

Trang 25/ Chương 7.

Số 178 ghi số 1, số 179 ghi số 2, số 180 ghi số 3, số 181 ghi số 4, số 182 ghi số 5, số 183 ghi số 6, số 184 ghi số 7, số 185 ghi số 8, số 186 ghi số 9, các số 174, 176 và 177 ghi số 10. Số 13 và số 20 ghi số 11. Số 14 và số 21 ghi số 12. Số 15 và số 22 ghi số 13. Số 16 và số 23 ghi số 14. Số 17 và số 24 ghi số 15. Các số 18, 25 và 28 chấm màu đen. Từ số 1 đến số 12, các số 19, 26, 27, 29, 30. Từ số 31 đến số 81, các số 82, 87, 92, 97, 102, 107, 112 và 117 chấm màu đỏ đậm (kể hẹp). Từ số 83 đến số 86, từ số 88 đến số 91, từ số 93 đến số 96, từ số 98 đến số 101, từ số 103 đến số 106, từ số 108 đến số 111, từ số 113 đến số 116, từ số 118 đến số 121 chấm màu đỏ lợt (kể rộng). Từ số 22 đến số 173, số 175, từ số 187 đến số 202 chấm màu xanh.

Trang 26/ Chương 7.

Từ số 1 đến số 81, từ số 135 đến số 138, từ số 140 đến số 148, từ số 174 đến số 201 chấm màu đen. Số 139 chấm màu xanh. Số 202 chấm màu vàng. Từ số 122 đến số 125, số 127, 128, 130, 131, 133, 134, 149, từ số 151 đến số 167, số 171 và số 172 chấm phân nửa trên màu đen. Các số 126, 129, 132, 150, 168, 169, 170, 173 chấm phân nửa dưới màu đỏ. Các số 82, 87, 92, 97 chấm 8 điểm đỏ trong mỗi vòng tròn (tượng trưng 8 chi đạo hợp sơ đạo). Từ số 83 đến số 86, từ số 88 đến số 91, từ số 93 đến số 96, từ số 98 đến số 101, chấm trong mỗi vòng tròn 7 điểm đỏ tượng trưng 7 chi đạo hợp nhị, tam, tứ đạo (trừ chi tầm).

Pháp siêu lý chia theo tứ đế: 1 là khổ đế tức là sắc pháp, 81 tâm hiệp thế và 51 sở hữu hợp (trừ tham); 2 là tập đế có pháp thực tính là sở hữu tham; 3 là diệt đế tức là Níp-bàn; 4 là đạo đế tức là tám chi đạo hiệp tâm đạo.

Còn tâm siêu thế và 36 sở hữu hiệp tâm đạo (trừ chi đạo hiệp tâm đạo) là ngoại đế.

___o0o______o0o______o0o___

Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammattha-saṅgaha)

GHI CHÚ:

Giải thêm về “Tà kiến”

(tiếp theo phần “sở hữu tà kiến” ở Chương 2: Cetasika)

Tà kiến gồm có 2:

1 là thường kiến: Sassatadiṭṭhi (chấp hữu); 2 là đoạn kiến: Ucchedadiṭṭhi (chấp vô).

Thường kiến chấp hữu cho rằng: Linh hồn, vũ trụ, chủ tạo hóa và tâm hằng còn.

Đoạn kiến chấp vô cho rằng không nhân quả, tất cả đều không.

Phần nầy nói gọn có 3: Là vô hành kiến - akiriyadiṭṭhi, 2 là vô nhân kiến - ahetukadiṭṭhi, 3 là vô hữu kiến - natthikadiṭṭhi.

Chấp không có rất nhiều trường hợp, nhiều lý lẽ. Chẳng hạn cũng có người cho rằng việc làm của ta tốt xấu, tội phước, không ai thấy, nghe, hay, biết thì cũng như không làm, thế gọi là vô hành kiến.

Cũng có người hiểu cạn chỉ nhận theo cách thực nghiệm đều do công năng, sức trí sắp đặt hiện tại là đủ, chớ không cho do có nguyên nhân nghiệp trước chi cả, dù đời này hay đời khác. Đó là sự nhận thức bằng cách vô nhân kiến.

Cũng có người cho rằng nhân trợ sanh vạn vật chỉ là 4 giới hay chất hiệp thành, chẳng khác vật vô tri, dù giúp nhau như nước tưới rau, dù hại nhau như cây đè cỏ, nào phải phước tội gì. Đó là vô hữu kiến.

Thập tướng vô kiến (natthilakkhaṇdiṭṭhi):

1 là vì nhận sai mới cho rằng sự bố thí rồi sau này không có chi là phước.

2 là vì nhận sai mới cho rằng cúng dường rồi sau này cũng chẳng có chi là hưởng quả, phước.

3 là vì nhận sai mới cho rằng đáp ơn báo hiếu đều không có quả, phước chi cả.

4 là vì nhận sai mới cho rằng không có nghiệp biệt thời duyên, quả dị thục (nhân và quả thời gian khác nhau) tốt xấu chi cả.

5 là vì nhận sai mới cho rằng đời này đều là không.

6 là vì nhận sai mới cho rằng đời sau không có sanh nữa.

7 là vì nhận sai mới cho rằng mẹ không phải là mẹ.

8 là vì nhận sai mới cho rằng cha không phải là cha.

9 là vì nhận sai mới cho rằng không có hạng hóa sanh.

10 là vì nhận sai mới cho rằng Bà-la-môn hay Sa-môn đều không có ai tu hành đắc chứng chi cả và chẳng có ai biết đời này, đời khác.

Mười điều tà kiến này ngăn chặn chúng sanh không được sanh về thiên đường, chư Thiên, Phạm thiên v.v… luôn cả đạo, quả và Níp-bàn không thể nào tiến đến.

Thân kiến (sakkāyadiṭṭhi) nhận sai với ngũ uẩn có 20 cách chia làm 5 phần.

- Nhận lầm sắc uẩn có 4: 1 là nhận thấy sắc uẩn là ta, 2 là nhận thấy ta có sắc uẩn, 3 là nhận thấy sắc uẩn ở trong ta, 4 là nhận thấy ta có trong sắc uẩn. Nhận thấy sắc uẩn là ta như nói lúc này tôi mập, tôi ốm, lên ký, xuống ký v.v… Nhận thấy ta có sắc uẩn như là nhận thấy tôi đây có xương, gân, thịt, da, lớn, nhỏ, thô, mịn v.v… Nhận thấy sắc uẩn ở trong ta như là tôi làm chủ thân này được trọn quyền sai khiến sự hành động theo ý muốn những hành động đi, đứng, ngồi, nằm, múa, uốn v.v… Nhận thấy ta có trong sắc uẩn như cho rằng tôi nương thân này sống ở đời, làm việc v.v….

- Nhận lầm thọ uẩn có 4: 1 là nhận thấy thọ uẩn là ta, 2 là nhận thấy ta có thọ uẩn, 3 là nhận thấy thọ uẩn trong ta, 4 là nhận thấy ta trong thọ uẩn. Nhận thấy thọ uẩn là ta như chấp nói tôi đau khổ, tôi sướng, tôi buồn, tôi vui, hoặc ‘gặp trường hợp như thế mà tôi vẫn bình thường thản nhiên’ v.v… Nhận thấy ta có thọ uẩn như chấp rằng: tôi có thật bệnh đau nhức v.v… tôi có sự vui lòng với bà con huynh đệ trong trường hợp này, tôi có tánh cách không quá nao núng buồn vui v.v… Nhận thấy thọ uẩn trong ta như cho rằng trong đời này chất chứa đủ các sự khổ, sự sướng… và hễ có tâm này thì phải sẵn có sự vui buồn hay thản nhiên bình thường chớ không bao giờ không. Nhận thấy ta trong thọ uẩn như chấp rằng: tôi phải chịu đủ đau khổ, sung sướng, vui buồn, cũng có khi được bình thường nhưng ít lắm.

- Nhận lầm tưởng uẩn có 4: 1 là nhận thấy tưởng uẩn là ta, 2 là nhận thấy ta có tưởng uẩn, 3 là nhận thấy tưởng uẩn trong ta, 4 là nhận thấy ta trong tưởng uẩn. Nhận thấy tưởng uẩn là ta như nói: tôi nhớ nhà v.v… Nhận thấy ta có tưởng uẩn như nói: tôi thường tưởng nhớ anh hoặc em v.v… Nhận thấy tưởng uẩn trong ta như người tưởng tượng nhân cảnh, vật phát hiện ra hoài hoài. Nhận thấy ta trong tưởng uẩn như lúc khuya vắng lặng nghe: Đờn, sáo thổi bắt nhớ đến xứ sở, quê hương, ngùi ngùi không thể dằn được, dường như nó có quyền hơn ta.

- Nhận lầm hành uẩn có 4: 1 là nhận thấy hành uẩn là ta, 2 là nhận thấy ta có hành uẩn, 3 là nhận thấy hành uẩn trong ta, 4 là nhận thấy ta trong hành uẩn. Nhận thấy hành uẩn là ta như nói: tôi khôn lắm, tôi ngu quá v.v… Nhận thấy ta có hành uẩn như nói: tôi là người có trí và có nhiều sự suy xét v.v… Nhận thấy hành uẩn trong ta như chấp rằng: tâm tốt, tâm xấu gì cũng tại mình. Nhận thấy ta trong hành uẩn: Nhận thấy ta do vô minh trùm che khuất lấp nên tối tăm, không đặng thấu đáo chi cả.

- Nhận lầm thức uẩn có 4: 1 là nhận thấy thức uẩn là ta, 2 là nhận thấy ta có thức uẩn, 3 là nhận thấy thức uẩn trong ta, 4 là nhận thấy ta trong thức uẩn. Nhận thấy thức uẩn là ta như chấp tôi thấy, nghe v.v… Nhận thấy ta có thức uẩn như nói: tôi có kinh nghiệm ngửi mùi rất hay biết trái cây chín, sống và thuốc trị bệnh gì. Nhận thấy thức uẩn trong ta: những sắc, thinh nào tôi để ý mới thấy, nghe. Nhận thấy ta trong thức uẩn như ra-dô (radio) hát gần và lớn tiếng, tai bắt buộc mình nghe hoài không ngủ được.

Phật ngôn tiểu, trung, đại học nói về ngã (attā) thuộc quyền

1. Ta thắng ta rất tốt (attā have jitaṃ seyyo). (Dhammapada. 140)

2. Nghe rằng tự tập ta là khó (attā hi kira duddamo).

3. Tu tập tốt rồi là ánh sáng của trượng phu (attā sudasato purisassa joti).

4. Chính ta là chỗ nương của ta (attā hi attano nātho).

5. Chính ta là chí hướng của ta (attā hi attano gati).

6. Ta thương ta rất tột (attāhi paramaṃ piyo).

7. Không thương chi cho bằng thương ta (natthi attasamaṃ pemaṃ).

8. Tự tạo tội ta phải chịu buồn (attanā va kataṃ pāpaṃ attanā saṅkilissati).

9. Ta không tạo tội thì ta trong sạch (attanā akataṃ pāpaṃ attanā va visujjhati).

10. Chỉ thấy lợi mình là người không sạch sẽ (attatthapaññā asucī manussā). apa

11. Trí thức tự sửa mình (attānaṃ damayanti paṇditā).

12. Hành tốt là tự sửa mình (attānaṃ damayanti suttatā).

13. Tự lập ta tốt để đặng nương là khó (attanā hi sudantena nāthaṃ labhati dullabhaṃ).

14. Trau dồi ta đặng rồi thì kẻ khác cũng trau dồi theo (yo ca rakkhati attanaṃ rakkhito tassa bāhino).

15. Biết ta là chỗ đáng thương, trau dồi ta cho đặng tốt (attānañce piyaṃ jaññā rakkheyya naṃ surakkhitaṃ).

16. Trí thức tự hành trong sạch lìa tâm phiền não (pariyodapeyya attānaṃ cittakilesehi paṇḍito).

17. Dạy kẻ khác như thế nào, ta cũng làm như thế ấy (attānañce tathā kayirā yathāññamanusāsati).

18. Cần tự thức tỉnh (attanā codayattānaṃ).

19. Tự cần quan sát (paṭimaṃsetamattanā).

20. Nên rút ta khỏi sa lầy như tượng rút khỏi nơi sình lún (duggā uddharathattānaṃ paṅke sannova kuñjaro).

21. Tự giữ gìn đừng cho cháy nóng (attānurakkhī bhava mā aḍayhi) (Jā. 4).

22. Chớ nên tự sát (attānañca na ghātesi) (Jā. 2).

23. Nam nhân chớ tự cho (attānaṃ na dade poso).

24. Nam nhân đừng tự bỏ (attānaṃ na pariccaye).

25. Chớ quên mình (attānaṃ nātivatteyya) (Jā. 515).

26. Chớ bỏ tự lợi dù cho giúp người khác lợi nhiều (attadatthaṃ paratthena bahunāpi na hāpaye).

27. Nếu biết ta là chỗ đáng thương đừng hợp theo tật xấu (attānañce piyaṃ jaññā na naṃ pāpena saṃyuje).

28. Tự trách do nhân chi chớ nên làm nhân ấy

Phật ngôn (thi kệ)

3 bài trung học, 3 bài đại học

Không nên phế bỏ lợi phần ta,

Giúp lợi cho người dẫu có đa,

Biết đặng lợi mình cần phải kiếm,

(Hoặc là lợi phước lợi sâu xa).

Attadatthaṃ paratthena, bahunāpi na hāpaye, attadatthamabhiññāya, sadatthapasuto siyā.

Dạy ta rất khó vẫn thường nghe,

Giáo kẻ sau khi tự tập thành,

Chỉ bảo cho người; ta phải đã,

Luôn luôn trước dạy; tự tiên hành.

Attānañce tathā kayirā, yathāññamanusāsati, sudanto vata dametha attā hi kira duddamo. 159

Quân tử lập nên đức hạnh đầy,

Sau rồi mới dạy kẻ càng hay,

Hầu mong tránh khỏi nơi sơ thất,

Chẳng bị mờ mê mất tiếng thầy.

Attānameva paṭhama, paṭirūpe nivesaye atthaññamanusāseyya, na kilisseya paṇḍito.

Ta đây nương đỗ chính nơi ta,

Kẻ khác ai đâu trọn giúp mà,

Tập đặng ta thành nên quí tốt,

Để làm nương dựa đó mưu xa.

Attā hi attano nātho ko hi nātho paro siyā, attanā hi sudantena, nāthaṃ labhati dullabhaṃ

Thương chi chẳng sánh với thương ta,

Của cải nào hơn lúa gạo mà,

Ánh sáng đâu bằng so với trí,

Mưa là ngập tốt; giếng thua xa. (Dhp. 160).

Natthi attasamaṃ pemaṃ, natthi dhaññasamaṃ dhanaṃ, natthi paññāsamā ābhā, vuṭṭhiveparamā sarā.

Người nào đã phá giới quen thân,

Cũng tợ mây leo phủ mộc phần,

Kẻ ấy tự làm danh chẳng tốt,

Như là mong mỏi độc ghê thay.

Yassa accantadussīlyaṃ mālavā sālamivotthataṃ, karoti so tathattānaṃ, yathā naṃ icchatī diso. (Dhp. 162).

~~~~~~~~~~

62 Tà kiến (Micchādiṭṭhi): 1 là chấp theo quá khứ có 18 điều, 5 phần; 2 là chấp theo vị lai có 44 điều, 5 phần.

A. Tà kiến chấp theo quá khứ có 5 phần: 1 là thường kiến, 2 là thường vô thường kiến, 3 là biên vô biên kiến, 4 là vô ký kiến (ngụy biện), 5 là vô nhân sanh kiến.

- Thường kiến có 4 nguyên do: 1 là chấp trường tồn do nhớ nhiều đời dưới một đại kiếp (thành, trụ, hoại, không), 2 là chấp trường tồn do nhớ nhiều đời từ 1 đến 10 đại kiếp, 3 là chấp trường tồn do nhớ nhiều đời từ 1 đến 40 đại kiếp, 4 là chấp trường tồn do sự kinh nghiệm.

- Thường vô thường kiến có 4 nguyên do: 1 là nhận thấy vị Đại Phạm thiên sống hoài, còn những kẻ do Ngài tạo ra phải chết; 2 là nhận thấy chư thiên không say sống hoài, vị nào say mới chết; 3 là nhận thấy chư thiên không sân sống hoài, vị nào sân mới chết; 4 là nhận thấy: Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân không bền vững, chỉ có tâm là trường tồn (không sanh, không diệt).

- Biên vô biên kiến có 4 nguyên do: 1 là nhận thấy thế giới, vũ trụ có chỗ tột; 2 là nhận thấy vũ trụ có tột, thế giới không cùng; 3 là nhận thấy vũ trụ trên dưới có tột, ngang qua không cùng; 4 là nhận thấy thế giới, vũ trụ không cùng tột.

- Vô ký kiến (ngụy biện) có 4 nguyên do (cách nhận và nói trườn, uốn như con lươn): 1 là do nhận thấy không sát với sự thật, vì e vọng ngữ nên nói không sát thật; 2 là do nhận thấy không sát thật, vì e bị chấp trước nên nói không quyết định; 3 là do nhận thấy không sát thật, vì e bị hỏi gạn nên nói không quyết định; 4 là do nhận thấy không sát thật, vì e bị vô minh nên nói không quyết định (bốn tà kiến này cũng gọi là bất định kiến).

- Vô nhân kiến có 2 nguyên do: 1 là tâm ta tự nhiên mà có, do nhớ đời trước làm người vô tưởng; 2 là sự suy xét nhận thấy tất cả có ra đều không do nhân tạo.

B. Tà kiến chấp theo vị lai có 5 phần: 1 là hữu tưởng kiến, 2 là vô tưởng kiến, 3 là phi tưởng phi phi tưởng kiến, 4 là đoạn kiến, 5 là Níp-bàn hiện tại kiến.

1) Hữu tưởng kiến có 16 nguyên do:

- 1 là bản ngã có sắc không có bệnh, sau khi chết có tưởng.

- 2 là bản ngã không có sắc, vô bệnh sau khi chết có tưởng.

- 3 là bản ngã có sắc và không có sắc, vô bệnh sau khi chết có tưởng.

- 4 là bản ngã là phi hữu sắc, phi vô sắc, không bệnh sau khi chết có tưởng.

- 5 là bản ngã là hữu biên vô bệnh, sau khi chết có tưởng.

- 6 là bản ngã là vô biên vô bệnh, sau khi chết có tưởng.

- 7 là bản ngã là hữu biên vô biên không bệnh sau khi chết có tưởng.

- 8 là bản ngã là phi hữu biên, phi vô biên, không bệnh sau khi chết có tưởng.

- 9 là bản ngã là nhất tưởng, không bệnh, sau khi chết có tưởng.

- 10 là bản ngã là dị tưởng, không bệnh sau khi chết có tưởng.

- 11 là bản ngã là đa tưởng, không bệnh, sau khi chết có tưởng.

- 12 là bản ngã là vô lượng tưởng, không bệnh, sau khi chết có tưởng.

- 13 là bản ngã là thuần lạc, không bệnh sau khi chết có tưởng.

- 14 là bản ngã là thuần khổ, không bệnh sau khi chết có tưởng.

- 15 là bản ngã là khổ lạc, không bệnh, sau khi chết có tưởng.

- 16 là bản ngã không khổ lạc, không bệnh, sau khi chết có tưởng.

2) Vô tưởng kiến có 8 nguyên do:

- 1 là bản ngã có sắc, vô bệnh, sau khi chết không có tưởng.

- 2 là bản ngã không có sắc, vô bệnh, sau khi chết không có tưởng.

- 3 là bản ngã có sắc và cũng không có sắc, vô bệnh, sau khi chết không có tưởng.

- 4 là bản ngã là phi hữu sắc, phi vô sắc, vô bệnh, sau khi chết không có tưởng.

- 5 là bản ngã là hữu biên, vô bệnh, sau khi chết không có tưởng.

- 6 là bản ngã là vô biên, không có bệnh, sau khi chết không có tưởng.

- 7 là bản ngã là hữu biên và vô biên, vô bệnh, sau khi chết không có tưởng.

- 8 là bản ngã là phi hữu biên, phi vô biên, vô bệnh, sau khi chết không có tưởng.

3) Phi tưởng phi phi tưởng kiến có 8 nguyên do:

- 1 là bản ngã có sắc, vô bệnh, sau khi chết phi hữu tưởng phi vô tưởng.

- 2 là bản ngã vô sắc, vô bệnh, sau khi chết phi hữu tưởng phi vô tưởng.

- 3 là bản ngã có sắc và cũng không có sắc, sau khi chết phi hữu tưởng phi vô tưởng.

- 4 là bản ngã là phi hữu sắc, phi vô sắc, sau khi chết phi hữu tưởng phi vô tưởng.

- 5 là bản ngã là hữu biên, vô bệnh, sau khi chết phi hữu tưởng phi vô tưởng.

- 6 là bản ngã là vô biên, vô bệnh, sau khi chết phi hữu tưởng phi vô tưởng.

- 7 là bản ngã là hữu biên vô biên, không bệnh, sau khi chết phi hữu tưởng phi vô tưởng.

- 8 là bản ngã là phi hữu biên, phi vô biên, không bệnh, sau khi chết phi hữu tưởng phi vô tưởng.

4) Đoạn kiến có 7 nguyên do:

- 1 là nhận thấy tất cả loài thai sanh chết rồi tiêu mất.

- 2 là nhận thấy chư thiên cõi lục dục chết rồi tiêu mất.

- 3 là nhận thấy tất cả Phạm thiên cõi Sắc giới chết rồi tiêu mất.

- 4 là nhận thấy bậc Không vô biên xứ thiên chết rồi tiêu mất.

- 5 là nhận thấy tất cả bậc Thức vô biên xứ thiên chết rồi tiêu mất.

- 6 là nhận thấy bậc Vô sở hữu xứ thiên chết rồi tiêu mất.

- 7 là nhận thấy bậc Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiên chết rồi tiêu mất.

5) Níp-bàn hiện tại kiến có 5 nguyên do: [496]

- 1 là nhận thấy ngũ dục lạc là Níp-bàn hiện tại.

- 2 là nhận thấy sơ thiền là Níp-bàn hiện tại.

- 3 là nhận thấy nhị thiền là Níp-bàn hiện tại.

- 4 là nhận thấy tam thiền là Níp-bàn hiện tại.

- 5 là nhận thấy tứ thiền là Níp-bàn hiện tại.

Tà kiến có 2 chi: 1 là nhận thấy chấp cứng trái ngược với cách thật (pháp siêu lý hoặc chế định), 2 là cách thật không có với người đang chấp tà kiến (vì không quan tâm).

Cho nên trong chánh tạng, Đức Phật có nói: “Còn những pháp khác (tức là tà kiến) sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ điệu, vượt ngoài tầm của luận lý suôn, tế nhị, chỉ những người trí mới nhận hiểu.

~~~ö~~~

Pháp vô vi đó ra sao? Những pháp nào không có duyên trợ tạo, những thực tính này gọi là pháp vô vi (Níp-bàn – Nibbāna).

Ba ý nghĩa của Níp-bàn (Nibbāna):

- Trạng thái: Vắng lặng (santilakkhaaṃ).

- Phận sự: Không biến động (acalaṃrasaṃ) hay là bất tử (accuparasā).

- Thành tựu: Không hiện tượng (animitta paccupaṭṭhānaṃ) hay là xuất ly tam giới (nissarana paccupaṭṭhānā).

---

77 danh từ chỉ Níp-bàn:

1. Mokkha – siêu thoát.    

2. Nidrodha – tịch diệt.

3. Nibbāna – Níp-bàn.     

4. Dīpa – quang chiếu.

5. Taṅhakkhayo – đoạn ái.

6. Taṅhakkhayo – đoạn ái.

7. Tānaṃ – tí hộ[497].            

8. Leṇa – bí mật.

9. Amarūpaṃ – vô hữu sắc.         

10. Santaṃ – yên tịnh.

11. Sacca – chơn đế.                  

12. Amanālayaṃ – vô hữu cán.

13. Asaṅkhataṃ – vô vi.

14. Siva – an toàn.

15. Amataṃ – bất tử.                 

16. Sudaddasaṃ – cực nan kiến.

17. Parāyanaṃ – chỉ khổ. 

18. Asaraṇa – vô y.

19. Amanītikaṃ – vô hữu hạn chế.

20. Anāsavaṃ – phi cảnh lậu.

21. Dhuva – trường tồn.   

22. Amanidassanaṃ – vô tỷ lệ.

23. Akataṃ – bất hành vi.

24. Apalokitaṃ – ly thế gian.

25. Nipuṇa – tế nhị.         

26. Amananta – một hữu gian.

27. Makkharaṃ – bất thô tháo.

28. Dukkhakkhayo – tận khổ.

29. Abyāpajjhaṃ – vô chứng.         

30. Vivattaṃ – ngoại luân hồi.

31. Khema – thanh tịnh.   

32. Kevalaṃ – cô tịch.

33. Apavagga – cùng tột. 

34. Virāgo – ly tình.

35. Paṇītaṃ – tinh vi, tinh lương.

36. Accutaṃ – vô tử.                 

37. Padaṃ – riêng biệt.

38. Yogakkhemo – thoát khỏi sự ràng buộc.

39. Pāra – bỉ ngạn. 

40. Mutti – giải thoát.

41. Santi – tịch tịnh.         

42. Visuddhiyo – cực tịnh.

43. Vimutya – ly dĩ.                   

44. Asaṅkhatadhātu – vô vi giới.

45. Suddhi – trong sạch.  

46. Nibbutiyo – tức (tắt).

47. Ajatiṃ – bất sanh.      

48. …ajaraṃ – bất lão.

49. Abyādhiṃ – vô bệnh. 

50. Nibbhayaṃ – vô cụ.

51. Bhavabhandaṃ – phá hữu.

52. Sukhaṃ – lạc.            

53. Sitaṃ – thanh lương.

54. Nicca – thường tồn.   

55. Acalaṃ – bất động.

56. Duvassasaṃ – kiên cố.         

57. Avaṭṭasāraṃ – bất luân.

58. Sukhamaddanaṃ – nghiện lạc.

59. Khuddamaddanaṃ – nghiện cơ.

60. Pitāsañcanayaṃ – tiêu khát.

61. Analayaṃ – vô mộ.

62. Samugyātavattaṃ daṭṭhesaṃ – bạt độc.

63. Visaṅkhāraṃ – ly hành.         

64. Vivajjaṃ – ly quá.

65. Vibhavaṃ – ly hữu.   

66. Vitanhaṃ – ly ái.

67. Animittaṃ – vô ấn chứng.

68. Santabhāvaṃ – thể tịnh.

69. Arasārakaṃ – vô vi.

70. Appasāsañca – vô dục.

71. Amotaṃ – bất diệt.

72. Madanimmadane – tinh túy.

73. Pīpassavinayo – chỉ khát.

74. Ālayasamugghāto – đoạn oái niệm.

75. Vivaṭṭūpacchedo – tẩy luân hồi.

76. Accantaṃ – siêu uẩn.

77. Anuttaraṃ – Vô thượng.

 

Níp-bàn nếu tạm chia mà gọi:

- Hữu dư Níp-bàn (Sa upādisesanibbāna).

- Vô dư Níp-bàn (Anupādisesanibbāna).

Hay là:

- Phiền não Níp-bàn (Kilesa Nibbāna).

- Ngũ uẩn Níp-bàn (Khandha nibbāna).

- Xá lợi Níp-bàn (Dhātu nibbāna).

Chia theo sự đắc chứng:

- Từ ngộ vô thường đắc chứng gọi vô chứng Níp-bàn (Animitta nibbāna).

- Do ngộ khổ não đắc chứng, gọi phi nội Níp-bàn (Appanihita nibbāna).

- Bởi ngộ vô ngã đắc chứng, gọi tiêu diệt Níp-bàn (Suññata nibbāna).

Trong Phật học Đại từ điển – trang 1790, có điều I và 4 chưa chính xác:

1) Tự tánh thanh tịnh Níp-bàn (do nhận lầm uẩn).

2) Hữu dư y Níp-bàn.

3) Vô dư y Níp-bàn.

4) Vô trụ xứ Níp-bàn (vô ra đặng).

Nên có chỗ nói rằng: Vô trụ Bồ tát độ chúng sanh, khi chán mỏi thì vào Níp-bàn. Nếu hết chán mỏi ra khỏi Níp-bàn vô trụ xứ để độ chúng sanh nữa.

~~~~~

Người Lạc vô nhân có 11 tật

(1) Sanh manh (jaccandha) tức là đui từ khi tái tục,

- Jātiyā andho = jaccandho: đui từ khi tái tục, gọi là sanh manh.

(2) Sanh lung (jaccabadhira) tức là điếc từ khi tái tục,

- Jātiyā badhiro = jaccabadhiro: điếc từ khi tái tục, gọi là sanh lung.

(3) Sanh vô tỷ thanh triệt (jaccaghānaka) tức là thiếu tỷ thanh triệt,

- Jātiyā aghānako = jaccaghānako: Người thiếu tỷ thanh triệt từ khi tái tục, gọi là sanh vô tỷ.

(4) Sanh á (jaccamūga) tức là câm hoặc ngọng,

- Jātiyā mūgo = jaccamūgo: Người câm từ khi tái tục, gọi là sanh á.

(5) Sanh ngu (jaccajaḷa) khờ dại quá vì rất thiếu trí,

- Jātiyā jaḷo = jaccajaḷo: Người ngu từ khi tái tục, gọi là sanh ngu.

(6) Sanh điên (jaccummattaka),

- Jātiyā ummattako = jaccummattako: điên cuồng từ khi tái tục, gọi là sanh điên nhân.

(7) Phi nam nữ (paṇḍaka),

- Paḍatiliṅgavekallabhāvaṃ guccatīti = paṇḍako: Người thiếu nam căn, nữ căn từ khi tái tục, gọi là phi nam, nữ.

Phi nam nữ (paṇḍaka) có 5:

- Sanh bất nam (asittakapaṇḍaka) là không có nam căn từ khi sanh là tương tự người nam mà tái tục thiếu nam tính, cũng kêu là lại đực;

- Kiện bất nam (ussūyapaṇḍaka) là người đản âm hoặc người thiến;

- Đố bất nam (opakkamikapaṇḍaka) là thấy người hành dâm có tâm ghen, năm căn phát hiện;

- Biến bất nam (pakkhapaṇḍaka) là gặp người nữ hiện nam căn, gặp người nam hiện nữ căn;

- Bán bất nam (napuṃsakapaṇḍaka) là nửa tháng có nam căn, nửa tháng không.

(8) Người lưỡng căn (tính) (ubhatobyañjanaka) là có cả nam căn và nữ căn,

- Ubhato pavattaṃ byañjanaṃ yassa atthīti = ubhatobayañjanako: Người có cả nam, nữ 2 căn, gọi là người lưỡng căn hay nhị căn.

(9) Người vô nam (napuṃsaka),

- Na puṃseti puriso viya na maddatīti = napuṃsako: Những người không thể làm việc đầy đủ như nam, gọi là phi nam.

(10) Người sanh khẩu ngật (mamma) là cà lăm, không có chú giải.

(11) Phi hỷ lạc tu-la (vinipatika asurā) là chư thiên tột thấp, nương ở trên mặt đất, hoặc nước, cây cối v.v…

- Vinipātikā cate asurā cāti = vinipātikā asurā: chư thiên nào không vui, không tốt đẹp và thành a-tu-la, chư thiên ấy gọi là vô hỷ lạc tu-la tức là a-tu-la xấu xí, khổ sở, thường ở trên đất, nước, cây, núi, rừng v.v….

Phi nam nữ (paṇḍaka) có 5: 1 là sanh bất nam (asittakapaṇḍaka) là không có nam căn từ khi sanh là tương tợ người nam mà tái tục thiếu nam tính, cũng kêu là lại đực; 2 là kiện bất nam (ussūyapaṇḍaka) là người đản âm hoặc người thiến; 3 là đố bất nam (opakkamikapaṇḍaka) là thấy người hành dâm có tâm ghen, năm căn phát hiện; 4 là biến bất nam (pakkhapaṇḍaka) là gặp người nữ hiện nam căn, gặp người nam hiện nữ căn; 5 là bán bất nam (napuṃsakapaṇḍaka) là nửa tháng có nam căn, nửa tháng không.

Bậc Vô tưởng cũng thuộc về người lạc vô nhân.

___o0o______o0o______o0o___

LƯỢC ĐỒ CỨU CÁNH NÍP-BÀN

Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammattha-saṅgaha)

Lược đồ này trình bày đại lược thứ lớp tiến hành giải thoát rốt ráo hầu giúp ý kiến cho người phát tâm tu theo chánh pháp biết lối tìm tòi học hỏi.

Nhưng trong đây có nhiều chặng phải trắc nghiệm và nghiên cứu.

Nếu ai muốn biết chắc để thực hành, cần cố gắng cho bớt điều khuyết điểm.

Giải Thích Lược Đồ Cứu Cánh Níp-bàn

Trước hết, nên biết mục tiêu của Phật giáo là hoàn toàn rốt ráo diệt phiền não, dứt ngũ uẩn, hết tất cả khổ.

Sắp đặng như thế phải là bậc quả Vô sanh. Dù Toàn giác, Độc giác hay Thinh Văn giác cũng thế và phải trải qua 4 bậc đạo quả như trong lược đồ, tợ cái thang lên từng nấc.

Ban đầu đạo Thất lai lên quả Thất lai, quả Thất lai lên đạo Nhất lai; đạo Nhất lai lên quả Nhất lai; quả Nhất lai lên đạo Bất lai; đạo Bất lai lên quả Bất lai; quả Bất lai lên đạo Vô sanh; đạo Vô sanh lên quả Vô sanh, sẽ Níp-bàn viên tịch không còn luân hồi trong tam giới nữa, mới đáng gọi là tận thế của bậc ấy.

Ai muốn đắc sơ đạo phải tu tam học: Giới, định, tuệ.

Giới là: Ngũ giới, bát giới, thập giới và 227 giới tùy sức.

Định là: 8 hoặc 9 bậc thiền hiệp thế, nhưng nếu thiếu sức thì chỉ dùng cận định là định quyền, định lực v.v… trong đẳng giác cũng đủ.

Còn “Tuệ” cần phải thứ lớp từ thấp đến cao, trước hết phải đắc tuệ thông thường (sammasanañāṇa) là quán soi nhận thấy ngũ uẩn… thành phần riêng khối.

Trau dồi tâm quán đặng mạnh hơn, tỏ ngộ nhận thấy danh-sắc thừa kế phát triển và mất đi, đó gọi là Tiến thoái tuệ (udayabbayañāṇa). Vào đến tuệ này phải gặp tùy phiền não quán hoặc ‘hào quang’ sáng chiếu, hoặc gặp pháp ‘hỷ’ mạnh, hoặc gặp đặng rất ‘yên lặng’, hoặc gặp thắng giải mạnh quyết định quá ‘tin’, hoặc gặp sự ‘cố gắng’ quá mạnh, hoặc gặp ‘an lạc’ rất nhiều, hay rất đa ‘trí tuệ’ càng soi mạnh, hoặc chánh ‘niệm’ quá mạnh như người hướng đạo đi quá xa, hoặc sự ‘xả’ quá mạnh thành quá lơ là, hay là phát sanh ‘ái’ nặng.

“Hào quang, hỷ, tịnh, tín đa
Cần, vui, huệ, niệm, xả và ái thương
Trong mười, một mạnh quá cường
Thành ra phiền não của đường quan chơn.”

(Diệu Pháp lý hợp – phẩm đề mục chỉ quán)

Nếu lướt qua khỏi phiền não quán đặng thời tuệ này mới đủ sức mạnh thấy danh-sắc thừa kế thật rõ rệt. Quán soi càng gần khuất bỏ phần tiến của danh-sắc, chỉ nhận thấy ngay phần diệt của danh-sắc, nên gọi là diệt một tuệ (bhaṅgañāṇa).

Đặng tỏ ngộ tuệ này như người ở trong nhà mục, chỉ thấy đồ gãy rớt xuống dĩ nhiên cho rằng gặp nạn, tỏ ngộ như thế gọi là họa hoạn tuệ (bhayañāṇa). Nhận thấy danh-sắc như vậy rồi mới cho rằng danh-sắc là đồ tội lỗi, cách nhận ấy là tội quá tuệ (ādīnavañāṇa). Do danh-sắc nó phải như thế mới nhận rõ bằng cách chán nản, gọi là phiền yểm tuệ (nibbidañāṇa).

Sự nhàm chán đâu có thích, nên sự tỏ ngộ với cách như muốn xa lìa, đó gọi là dục thoát tuệ (muñcitukamyatāñāṇa). Sự muốn tránh khỏi rất mạnh thì có phần cương quyết cho khỏi, như thế gọi là quyết ly tuệ (paṭisaṅkhāñāṇa). Tỷ dụ như chim mới nhốt vào lồng lưới, dù soi đến đâu cũng chẳng đặng ra, rốt cuộc phải nằm nhìn lưới như thế nào thì hành xả tuệ (saṅkhārupekkhāñāṇa) đối với sự tiêu diệt của danh-sắc cũng như thế ấy.

Còn thuận tùng (anulomañāṇa) sanh theo lộ tâm đắc đạo cũng như chim trong lồng gặp khi mở cửa ra theo sẽ thảnh thơi. Liên tiếp tuệ thuận tùng có cái tâm đổng tốc dục giới tịnh hảo tương ưng gặp thấy Níp-bàn để chuyển tánh (gotrabhū) đổi phàm làm Thánh, liền đắc Sơ đạo.

Nếu người nào tu pháp quán không sai mà gặp 1 trong 10 phiền não quán thì biết rằng người ấy là người tam nhân. Còn Bồ tát nếu đủ căn lành thì lướt qua khỏi đến phần cao của tuệ tiến thối (udayabhayañāṇa) mới có phần đến đạo quả hay Níp-bàn sẽ không còn gọi là Bồ tát nữa, nên đặng là Bồ tát kiếp chót.

~~~~~

Ngũ tự đoán hiện thế đắc đạo:

1) Trọn tin Tam bảo và ông thầy dạy hành đạo trúng.

2) Đầy đủ sức khoẻ, không bệnh hoạn.

3) Không có đố kỵ với thầy và bạn tu.

4) Tinh tấn dù còn da, gân, xương cũng không thối chuyển.

5) Tu đặng lướt qua khỏi phiền não quán, đến Tiến thoái tuệ (udayabbhayaṇāṇa) phần cao.

Đủ thất nhân đắc đạo hiện thế là như người học hết chương trình. Còn ngũ tự đoán đắc đạo hiện thế như làm bài trong lúc thi.

Người có hiện tượng 5 điều ngũ đoán (hiện thế đắc đạo), trước phải có thất nhân đắc đạo hiện thế, nguyên do nhờ các đời quá khứ tạo pháp độ (pāramī).

~~~~~

Trước khi đặng ngũ tự đoán thì đã hiện bày 7 nguyên nhân đắc đạo hiện thế như vầy:

1) Đặng thành người tam nhân (trắc nghiệm có phát sanh phiền não quán).

2) Đời trước đã tạo thập độ có liên quan pháp quán (nên đời này vào tu tuệ dễ dàng).

3) Đời này đầy đủ tinh tấn (vì tinh tấn độ không thiếu).

4) Tu quán đúng với chánh tạng và chú giải (được may mắn gặp thầy dạy tu tuệ không sai suyển, do đủ căn lành mới gặp mới đặng gặp như thế).

5) Có chỗ hành rất vừa thích hợp (cũng do đủ căn, nên gặp đủ phần).

6) Không bị thập oái niệm (palibodha):

1. Oái niệm sở cư (āvsapalibodha)là phải lo do chỗ ở.

2. Oái niệm thân ái (kulapalibodha) là phải lo hay bận bịu với người thân mến.

3. Oái niệm lợi lộc (lābhapalibodha) là hằng quan tâm với sự lợi lộc.

4. Oái niệm đồng cư (ganapalibodha) là bận lòng với kẻ ở chung.

5. Oái niệm nghiệp (kammapalibodha) là bận lòng với nghề nghiệp hay phận sự.

6. Oái niệm diễn hành (atthānapalibodha) là bận lo tính việc đi xa.

7. Oái niệm thân tộc (natipalibodha) là bận lo bà con dòng giống.

8. Oái niệm tật bệnh (ābādhabodha) là bận lo việc đau ốm.

9. Oái niệm học vấn (ganthapalibodha) là bận lòng với sự học hay nghiên cứu.

10. Oái niệm thần thông (itthipalibodha) là có thần thông phải bận lòng trau dồi.

7) Phải có thì giờ đầy đủ (nếu thiếu căn lành phải bị nhiều việc chi phối).

Người nào phát tâm muốn tu hành đến đạo quả nhưng nhận xét thấy ta hoặc hết sức trắc nghiệm mà không đầy đủ 12 điều như đã kể, nên ráng lo bổ túc pháp độ, độ nào mà khó càng thêm cố gắng hành cho đầy đủ sẽ thâu hồi thời giờ lại, đó là Bồ tát bổ túc pháp độ.

Bồ tát tùy hành pháp độ - còn các bậc cũng có căn lành mà không mong đắc đạo quả sớm với các đời sau gần đây, thì tùy ý theo hoàn cảnh hành độ nào nhiều ít, hay nguyện Toàn giác phải hy sinh hết thân mạng với 1 độ nào, hoặc nguyện Độc giác cũng phải hy sinh đến tứ chi với ít độ.

Các bậc như thế cũng tạm gọi là Bồ tát tùy hành pháp độ, nếu muốn cho có căn bản rõ rệt thì phải phát nguyện dù Toàn giác, Độc giác hay Thinh Văn giác đều phải lập chí hướng. Còn người muốn mau khỏi khổ, nên nguyện thành pháp độ vào hàng Bồ tát:

Phước lành tôi đã tạo ra,

Các đời quá khứ hay là đời nay,

Nghiệp chưa cho quả phước nào,

Nguyện thành pháp độ để vào thiện căn,

Sau này dù tạo mấy lần,

Từ đây cho đến vô sanh Níp-bàn

Hễ làm chuyện tốt hoàn toàn,

Mỗi điều hạnh phúc thành đoàn ‘nhân duyên’,

Giúp cho phiền não sớm yên,

Đặng mau giải thoát trợ liền kiếp sau,

Nếu trễ chẳng gặp Phật nào,

Nhằm kỳ Độc giác làm sao cũng thành.

Bồ tát mới phát tâm giải thoát - nói về phát tâm giải thoát là 1 điều sơ cần cũng là tâm lý khác khác để cởi mở sự ái với lục trần và những pháp trong 3 cõi cũng đặng gọi tâm lý xuất gia. Chữ ‘gia’ đây ám chỉ thế tục, phiền não, ngũ uẩn và tất cả đời. Nếu tâm không dính mắc là có nghĩa xa lìa.

Chưởng thiện căn là gieo duyên giải thoát, tức là đối với Tam bảo hoặc Độc giác cung kỉnh hay cúng dường…

* Thập độ (Pāramī) đáo bỉ ngạn:

1) Bố thí độ (dānapāramī): Bố thí với tâm lý xuất gia.

2) Trì giới độ (sīlapāramī): Giữ giới đi đôi với tâm lý xuất gia.

3) Xuất gia độ (nekkhammapāramī): Xa lìa lục trần và tam giới

4) Trí tuệ độ (paññāpāramī): Trí đi đôi với tâm lý xuất gia.

5) Tinh tấn độ (viriyapāramī): Siêng năng đi đôi với tâm lý xuất gia.

6) Nhẫn nại độ (khantīpāramī): Nhịn chịu đi đôi với tâm lý xuất gia.

7) Chân thật độ (saccapāramī): Thành thật đi đôi với tâm lý xuất gia.

8) Chí nguyện độ (ādhitthānapāramī): Sự nguyện vọng đi đôi với tâm lý xuất gia.

9) Từ tâm độ (mettāpāramī): Lòng từ bi đi đôi với tâm lý xuất gia.

10) Hành xả độ (upekkhāpāramī): Buông bỏ pháp đời đi đôi với tâm lý xuất gia.

~~~~~

Nương theo thứ lớp tu trau
Lục tịnh mới đến đạo cao Thánh từng
Bởi nên bốn đạo gọi xưng
Kêu là huệ thấy cảnh trưng Níp-bàn.”

(Diệu Pháp Lý Hợp – phẩm đề mục chỉ quán)

~~~~~

Sự tụng kinh cốt yếu cho tự nhớ, vì bỏ lâu e quên và sự hành cũng lãng. Vậy, Kinh pháp mà ta đã thuộc nên tụng mỗi đêm (trừ ra bận việc). Còn cách tụng kinh cầu an, cầu siêu tùy trường hợp.

~~~~~

TAM PHƯỚC

PHƯỚC VẬT

Nên biết tạo phước làm ít đặng nhiều:

- Thí cho loài bàng sanh hưởng đặng 100 đời,

- Thí cho người ác hưởng đặng 1.000 đời,

- Thí cho người thiện hưởng đặng 1 ức đời,

- Cúng đến bậc đắc thiền hưởng đặng 100 tỉ đời,

- Cúng đến Sơ quả hưởng hơn vô số đời (140 con số 0),

- Cúng đến Nhị quả, Tam quả, Tứ quả phước chồng mỗi bậc hơn cả trăm lần, nhưng còn chưa bằng cúng đến Độc giác, cúng đến Toàn giác phước nhiều hơn cúng Độc giác.

- Trai Tăng mà có Phật đồng chứng phước nhiều hơn chỉ cúng Phật. Tạo dựng ‘chùa tứ phương tăng’; phước vật nhiều hơn cả cúng dường.

PHƯỚC ĐỨC

1. Kỉnh đọc: Quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng (3 lần) - phước hơn cất chùa.

2. Nguyện tránh sát sanh, trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ, ẩm tửu nhiều phước hơn tam quy trơn.

3. Rải lòng từ, phước đức hơn nguyện quy giới.

PHƯỚC TRÍ

Phước trí cao siêu hơn rải lòng từ là “quán tưởng vô thường” có 12 cách:

1. Xét thấy rốt cuộc đều vô thường.

2. Nhận thấy rõ sự vật đều (tạm mượn) tạm thời.

3. Quán xét thái độ sanh có ra phải hư hoại.

4. Nhận rõ vật có tiêu hoại đổi thay.

5. Nhận thấy bên trong mỗi vật đều động; biến chuyển không ngừng.

6. Quán tưởng thấy vạn vật đều sẽ tan rã.

7. Xét tột vạn vật đâu còn hoài.

8. Nhận thấy sự vật hằng biến đổi.

9. Xét rõ trong đời không chi hoàn toàn chắc thật.

10. Quán tưởng cho rõ thấy những cách điêu tàn.

11. Nhận thấy pháp hữu vi phải nhờ duyên trợ tạo.

12. Tự xét cuối cùng dĩ nhiên phải chết.

TAM HỮU (BA NGƯỜI BẠN)

Từ “Paramattha” dịch đặng là chí thượng lợi ích. Do như thế, chúng tôi mượn cách lập thí dụ theo xưa để so sánh phần nào của đời sống mọi người. Lẽ thường, ai ai cũng có đối với người và của cải tài sản hầu nương tựa thân tâm và mong mỏi cho vừa theo ý muốn.

Khi được rồi vẫn hài lòng thương mến, chẳng khác chi gặp đặng bạn lành. Phật nói: “Mẹ là người bạn trong nhà rất tốt.” Như thế, chúng ta nên nhận định cái nghĩa lý gọi là bạn chẳng phải hẹp hòi. Vậy, nhân vật đối với ta cũng là có nghĩa như bạn cả.

Có phần gắm ghé vào đề, chúng tôi trình bày theo cách giả định, giả lập (samuti) hầu trợ thức tỉnh phần nào!

Đứng giữa đời sống, chúng ta nên có ba người bạn chính yếu như sau: 1 là bạn chí thân, 2 là bạn chí ái, 3 là bạn chí thượng.

Bạn chí thân đây ám chỉ của cải, nhất là tiền bạc v.v… vì thường sát kề trong thân ta.

Bạn chí ái đây ám chỉ những người mà ta yêu thương kính mến như là cha mẹ, con cái, vợ chồng, anh em, bà con bậu bạn, quen biết, quyến thuộc v.v…

Bạn chí thượng đây ám chỉ pháp chí thượng lợi ích như là phước quí căn lành, đạo đức nói chung, pháp siêu lý nói riêng.

Quí vị cần suy xét sáng suốt cho đến cùng mà khi ba người bạn từ giã ta.

Dĩ nhiên không ai cưỡng đặng với sự cuối cùng của thân này là tắt hơi, thì “bạn chí thân” từ giã ta đứt đoạn như vầy: “Này bạn ơi ! Từ giờ phút này, bạn đã không còn đối với tôi bằng cách nào cả. Dù tôi còn nằm kề cách một lớp vải với thân lạnh của bạn đây, mà bạn đành lạt lẽo với tôi rồi chẳng nhìn tôi chi cả, thì tôi đành xã giao với người khác kể từ đây.”

Thời gian ngắn chẳng bao lâu, “bạn chí ái” buộc lòng phải từ giã hoặc thiêu hay chôn, chỉ kỷ niệm phần nào bằng cục đất hay đồ thiêu để vào tượng trưng lần cuối, không thể làm sao gặp đặng nữa. Đây là bạn thứ hai đã từ giã rồi!

Còn người bạn thứ ba là “bạn chí thượng” đối với chúng ta sẵn sàng vững bền, không bao giờ phản bội, vẫn lập trường đối với chúng ta đến cùng, đưa chúng ta cho khỏi biển rừng khổ não, qua nẻo luân hồi, chẳng còn bạn nào trung thành hơn nữa.

Bạn chí thượng cũng là pháp ‘tam phước’, chúng tôi luôn luôn dành riêng cho mỗi vị, hoặc muốn biết muốn tiếp xúc thực hành tùy theo hoàn cảnh và trường hợp, chẳng bỏ một ai, nếu có lòng tìm bạn chí thượng.

Vậy, những bậc lo xa xét rộng, biết bạn nào lợi ích bền vững cao siêu nên cần tìm sớm! Sách có câu: “Nhơn vô viễn lự, tắc hữu cận ưu” – người không lo xa, ắt có buồn gần.

Chí thượng lợi ích “Paramattha” cũng dịch là “Pháp Siêu Lý”.

Santakicco – Tịnh Sự

KỆ CẦU CHƯ THIÊN

Chí thành miệng vái tâm cầu,
Chư thiên lớn nhỏ bất Câu bậc nào.
Bốn tầng sắc giới rộng cao,
Xin nghe hiểu biết hiện vào trợ duyên.
Đặng tâm sáng kiến phát liền,
Biết nơi đáng sắp bày tuyên vừa người.
Dầu ai cản sái luận dư,
Chuyển lòng tinh tấn ngăn trừ sự lui.
Chư thiên Dục giới hưởng vui,
Vừa nghe cầu khẩn, tạm ngừng xét qua.
Từ trời Tha Hóa cao xa,
Đến cung Đạo lợi bao la năm tầng.
Giàu lòng bác ái thọ xưng,
Thải đều bố cáo chuyển luân sắp bày.
Vị nào hoan hỷ cầu đây,
Ra ân trợ giúp chẳng chầy mau xong.
Hiện nay con rất hết lòng,
Mong cho thiên tướng oai phong bốn Ngài.
Thường luôn an lạc vui thay!
Tránh xa khổ não hằng ngày tiến lên.
Đặng ngôi Nguyên Soái vững bền,
Lòng từ ủng hộ các nền Giáo chân.
Chẳng nài khó nhọc ra ân,
Chúng con hữu sự có nhân nên cầu.
Vì e công chuyện trễ lâu,
Làm cho nhiều kẻ hao sầu thân tâm.
Nhờ Ngài xuống lịnh quyền thâm,
Chư thiên lòng tốt quang lâm giúp thành.
Rất là ân trọng cao thanh,
Chúng con hồi hướng phước lành kính dâng.
Chư thiên lớn nhỏ các tầng,
Tùy hỷ công đức đồng mình trợ chuyên.

~~~~~

NGUYỆN:

Phước lành tôi đã tạo ra,

Các đời quá khứ hay là đời nay,

Nghiệp chưa cho quả phước nào,

Nguyện thành pháp độ để vào thiện căn,

Sau này dù tạo mấy lần,

Từ đây cho đến vô sanh Níp-bàn

Hễ làm chuyện tốt hoàn toàn,

Mỗi điều hạnh phúc thành đoàn ‘nhân duyên’,

Giúp cho phiền não sớm yên,

Đặng mau giải thoát trợ liền kiếp sau,

Nếu trễ chẳng gặp Phật nào,

Nhằm kỳ Độc giác làm sao cũng thành.

Bhikkhu Santakicco – Tịnh Sự

~~~~~

Idaṃ me puññaṃ āsavakkhayā’vahaṃ hotu.

Idaṃ me puññaṃ nibbānassa paccayo hotu.

Māmā puññabhāgaṃ sabbasattānaṃ bhājemi.

Te sabbe me samaṃ puññabhāgaṃ labhantu.

Hồi hướng phước đến :

Tứ đại thiên vương, Diêm vương Yāma và tất cả chúng sanh, nhứt là các vị chư Thiên có oai lực hộ trì Tạng Vô Tỷ Pháp - Abhidhammapiṭaka đặng thịnh hành.

Hoàn chỉnh file vi tính tại Châu Đốc-An Giang

Ngày 3 tháng 3 năm Kỷ Hợi,

Đúng ngày 7 tháng 4 năm 2019.