NAMO TASSA BHAGAVATO

ARAHATO

SAMMĀSAMBUDDHASSA

 THÀNH KÍNH ĐẢNH LỄ ĐỨC THẾ TÔN

BẬC ỨNG CÚNG

ĐẤNG CHÁNH TỰ GIÁC

 

 ABHIDHAMMATTHASAṄGAHA

VÔ TỶ PHÁP TẬP YẾU

 

Biên soạn: Thera Santakicco – Trưởng lão Tịnh Sự

(Phật lịch 2517 - Dương lịch 1973)

Lời Tựa

Chúng tôi phiên dịch Tạng Vô Tỷ Pháp (Tạng Diệu Pháp) cũng không ngoài ra tâm, sở hữu tâm, sắc pháp, Níp-bàn.

Chỉ cho chúng ta thấy rõ pháp hữu vi là vô thường, khổ não và vô ngã để làm bàn đạp, qua rồi mới hoàn toàn rốt ráo rất thật tự nhiên, nêu danh là Níp-bàn (Nibbāna) không luân hồi sanh tử chi cả.

Nhưng chúng ta muốn hiểu thấu, đắc chứng chắc phải nhờ học hành đầy đủ, hầu tránh khỏi sai lầm và mê tín.

Vì thế, nên chúng tôi cố gắng đem lối kinh nghiệm uyển chuyển rất nhiều lần đa cách.

Nay in ra để giúp quí bạn đồng tìm.

Mong lợi ích kiến thức cùng nhau tiến hóa.

 Sư cả Tịnh Sự - Santakicco

Giới thiệu

 Abhidhammatthasaṅgaha – nghĩa là tập hợp hay gom hợp những pháp trọng yếu chứa trong Abhidhamma (Diệu pháp, Vi diệu pháp, Thắng pháp, Vô Tỷ Pháp). Do đó, Abhidhammatthasaṅgaha gọi tắt là Thắng Pháp Tập Yếu, Vô Tỷ Pháp Tập Yếu hay Vô Tỷ Pháp Nhiếp.

Dhamma’ – pháp, được bắt nguồn từ căn dhar nghĩa là giữa hay ủng hộ. Ở đây, thuật ngữ Pāḷi được dùng trong câu kinh hay lời thuyết.

Pháp, chỉ tất cả trạng thái.

Vấn: Pháp là chi? Đáp: Chi cũng là pháp.

Vấn: Tại sao gọi là pháp? Đáp: Tại có trạng thái nên gọi là pháp.

Vấn: Trạng thái ra sao? Đáp: Ra sao cũng là trạng thái.

Abhi’, theo Atthasālinī, có 2 nghĩa là:

-   ‘Atireka’: Cao hơn, lớn hơn, vượt trội.

-   ‘Visiṭṭha’: Phi thường, vi diệu, siêu quần, cao nhã, cao quí, thanh lịch, đặc sắc, kiệt xuất, xuất chúng, lỗi lạc, nổi bật, vượt trội, đặc biệt, riêng biệt, rõ rệt, siêu phàm, tuyệt vời, cao cả, bậc cao, hùng vĩ, uy nghi, cực kỳ, siêu phàm, thăng hoa, vi diệu, thắng, vô tỷ - không thể so sánh…

Abhidhammanghĩa là pháp cao hơn vì pháp này làm cho chúng sanh có khả năng đạt đến giải thoát, vì pháp này vượt trội hơn giáo lý trong Sutta Piṭaka (tạng Kinh) và Vinaya Piṭaka (tạng Luật)

Saṅgaha’ có nghĩa là nhiếp, tập yếu, toát yếu, trích yếu, tóm tắt, gom hợp, tập hợp những pháp trọng yếu lại gọi chung một tên.

Trong Sutta Piṭaka (tạng Kinh) và Vinaya Piṭaka (tạng Luật), Đức Phật đã dùng những cụm từ qui ước chế định như là đàn ông, thú vật, con người và v.v… Ngược lại, trong Abhidhamma Piṭaka (tạng Vô Tỷ Pháp), tất cả các pháp được phân tích một cách chi tiết, tỉ mỉ và dùng những thuật ngữ siêu lý để mô tả những trạng thái thực tính của chư pháp hữu vi là một nét độc đáo được tạo làm phương pháp tu tập, những pháp ấy được gọi là Abhidhamma.

Do đó, vấn đề chính yếu là sự vượt trội của giáo lý, hay do những pháp ấy dẫn dắt đến sự giải thoát của chúng sanh.

 

Abhidhamma Piṭaka (Tạng Vô Tỷ Pháp) gồm có bảy bộ - đó là:

i.    Dhammasaṅganī    (Bộ Pháp Tụ),

ii.   Vibhaṅga              (Bộ Phân Tích),

iii. Dhātukathā           (Bộ Chất Ngữ),

iv. Puggalapaññatti    (Bộ Nhân Chế Định),

v.   Kathāvatthu           (Bộ Ngữ Tông),

vi. Yamaka                 (Bộ Song Đối),

vii. Paṭṭhāna               (Bộ Vị Trí).

 

i. Dhammasaṅganī – bộ Pháp Tụ

Quyển này được chia thành 4 chương, đó là:

(1) – Citta – Tâm.

(2) – Rūpa – Sắc.

(3) – Nikhepa – Toát yếu, tóm lược (summary).

(4) – Atthuddhāra – Trích yếu, giải thích làm sáng tỏ (elucidation).

22 Tika mātikā (mẫu đề tam) và 100 Duka mātikā (mẫu đề nhị), bao gồm những tinh túy, cốt lõi của Abhidhamma, được giải thích trong bộ này. Phần lớn của bộ này dành để giải thích mẫu đề tam đầu tiên - kusalā dhammā, akusalā dhammā abyākatā[1] dhammā. Ở một chừng mực nào đó, những pháp ấy vượt qua 13 bhānavāra*, tức là hơn 104,000 chữ.

* Bhānavāra = 250 bài kệ, 1 bài kệ = 4 dòng; 1 dòng = 8 chữ.

Do đó, 1 bhāṇavāra gồm có 8000 chữ.

 

ii.   Vibhaṅga – bộ Phân Tích

Có 18 chương trong bộ này.

Ba chương đầu nói về:

(1) Khandha (uẩn); (2) Āyatana (xứ); (3) Dhātu (giới) là 3 chương quan trọng nhất.

 Những chương sau nói về:

(4)   Sacca (đế hay sự thật)

(5)   Indriya (quyền)

(6)   Paccayākāra (duyên khởi, nguồn gốc của duyên, phương thức của duyên)

(7)   Satipaṭṭhāna (niệm xứ, nền tảng của niệm)

(8)   Sammappadhāna (chánh cần)

(9)   Iddhipāda (như ý túc)

(10)  Bojjhaṅga (giác chi)

(11)  Magga (đạo)

(12)  Jhāna (thiền)

(13)  Appamaññā (vô lượng)

(14)  Sikkhāpada (điều học)

(15)  Paṭisambhidā (đạt thông)

(16)  Nāṇa (trí)

(17)  Khuddaka vatthu (tiểu tông), những chủ đề nhỏ

(18)  Dhamma hadaya (pháp tâm), tập yếu của đế.

 

Mỗi chương trong những chương này gồm có 3 phần – giải hay phân theo Suttanta (Kinh), giải hay phân theo Abhidhamma (Vô Tỷ Pháp) và pañhāpucchaka (phần vấn đáp).

Trong bộ này có 35 bhāṇavāra (280,000 chữ).

 

iii. Dhātukathā – bộ Chất ngữ

Bộ này thảo luận về việc pháp (dhamma) được gồm hay không được gồm trong, tương ưng[2] hay bất tương ưng từ: Khandha (uẩn), āyatana (xứ) và dhātu (giới).

Trong bộ này có 14 chương. Ở một chừng mực nào đó, những pháp ấy vượt qua 6 bhāṇavāra (48,000 chữ).

 

iv. Puggalapaññatti – bộ Nhân Chế Định

Phương pháp trình bày tợ như Anguttara Nikāya (Tăng Chi bộ) trong Sutta Pitaka (tạng Kinh).

Thay vì giảng về nhiều pháp (dhamma) khác nhau, bộ này giảng về nhiều loại người khác nhau. Bộ này có mười chương. Chương thứ nhất giảng về từng loại người, chương thứ hai theo đôi, chương thứ ba theo nhóm ba, v.v…

Ở một chừng mực nào đó, những pháp ấy vượt qua 5 bhāṇavāra (40,000 chữ).

 

v. Kathāvatthu – bộ Ngữ Tông

Đồng tác giả của bộ này được cho là Đại đức trưởng lão Moggalliputta Tissa là người có sức ảnh hưởng trong thời vua Dhammāsoka. Ngài là người chủ trì cuộc kết tập Tam tạng lần thứ ba tại Pātalaliputta vào thế kỷ thứ ba B.C. Ở kỳ kết tập này, việc làm của ông gồm có tạng Abhidhamma.

Chú giải Atthasālinī nêu rằng những pháp ấy chứa 1.000 câu (sutta); 500 chính thống và 500 không chính thống. Ở một chừng mực nào đó, bộ này có độ lớn khoảng Dīgha Nikāya (Trường bộ kinh).

Bộ này giảng về 216 quan kiến hay luận điểm và được chia thành 23 chương.

 

vi. Yamaka – bộ Song Đối

Bộ này được gọi là ‘Song đối’ là do cách hay phương pháp lý luận. Suốt quyển sách, một câu hỏi và câu ngược của nó được tìm thấy theo nhóm. Ví dụ như đôi thứ nhất của chương thứ nhất của bộ sách giảng về ‘căn’, diễn tiến như sau: Mỗi pháp nào là thiện, những pháp ấy đều gọi là căn thiện? Hay là căn nào là căn thiện đều gọi là pháp thiện phải chăng?

 

Bộ Yamaka này được chia thành 10 chương – đó là:

(1) Mūla (căn)

(2) Khandha (uẩn)

(3) Āyatana (xứ)

(4) Dhātu (giới)

(5) Sacca (đế)

(6) Saṅkhāra (hành, pháp trợ)

(7) Anusaya (tùy miên)

(8) Citta (tâm)

(9) Dhamma (pháp)

(10)  Indriya (quyền)

 Ở một chừng mực nào đó, những pháp ấy gồm 120 bhānavāra (960,000 chữ).

 

vii. Paṭṭhāna – bộ Vị Trí (hay duyên liên quan)

Đây là bộ sách quan trọng và lớn nhất trong Abhidhamma pitaka (tạng Vô Tỷ Pháp). Người kiên trì đọc bộ này sẽ không thể không khâm phục trí uyên thâm và tuệ quán minh sát sắc sảo của Đức Phật. Không nghi ngờ chi, để có những lập luận tỉ mỉ, tinh vi, chắc chắn Ngài phải là một bậc Toàn giác.

Thuật ngữ “Paṭṭhāna”=pa” + “ṭhāna

-   “pa” có nghĩa là nhiều thứ khác nhau.

-   “ṭhāna” có nghĩa là liên quan hay paccaya (duyên hay điều kiện), người khéo rành xứ và phi xứ.

Trong tất cả 24 duyên này, mỗi ṭhāna gọi là duyên bởi do Đức Phật phân chia chư pháp như là thiện, bất thiện, vô ký do mãnh lực của duyên như ‘nhân duyên’ v.v... Ở đây, paṭṭhāna gọi là “vị trí, xứ” bởi vì là nơi hội họp của những duyên khác nhau.

Bộ sách này được gọi như thế vì nó giảng về 24 duyên hay cách liên quan nhân quả (sẽ được giải thích trong một chương ở phần sau) và Tika (tam đề) và Duka (nhị đề) đã được đề cập trong Dhammasaṅganī (bộ Pháp Tụ) và được gồm trong phần tập yếu của Abhidhamma Piṭaka (tạng Vô Tỷ Pháp).

Phần đính kèm quan trọng theo bộ sách này cũng được gọi là “Mahā pakaraṇa” (Bộ sách lớn), có thể được định cỡ bằng những từ giảng giải được nêu: “Và trong khi Đức Phật quán minh sát về nội dung bộ Pháp Tụ, thân Ngài phát ra những tia hào quang sáng và cũng tợ như thế đối với sự quán minh sát về nội dung của 5 bộ kế. Nhưng khi quán minh sát đến nội dung của bộ “Paṭṭhāna”, Ngài bắt đầu quán về 24 duyên hiện hữu và hào quang sáu màu túa ra, bao trùm khắp hướng, trí Toàn giác của Ngài chắc chắn đã tìm thấy những duyên của nó ở trong đó.

___o0o___

  

§2.   Tattha vuttābhidhammatthā, catudhā paramatthato.

Cittaṃ cetasikaṃ rūpaṃ, nibbānamiti sabbathā.

Dhamma (pháp) chơn đế hay siêu lý đã đề cập trong Abhidhamma (Vô Tỷ Pháp) có bốn:

- Citta (tâm),

- Cetasika (sở hữu tâm),

- Rūpa (sắc pháp),

- Nibbāna (Níp-bàn).

Sacca (đế) – có hai đó là:

- Sammuti-sacca (tục đế) hay paññatti (chế định) là sự thật được định đặt, qui ước.

- Paramattha-sacca (pháp chơn đế hay pháp siêu lý đế) là sự thật tột cùng.

 

Thông thường, một nhà khoa học vẫn dùng từ ‘nước’, nhưng trong phòng thí nghiệm vị ấy gọi là H2O. Cũng thế, trong Sutta Piṭaka (tạng Kinh) Đức Phật dùng những từ qui ước thông thường như là đàn ông, đàn bà, người, ta, v.v…, nhưng trong Abhidhamma piṭaka, Ngài chọn theo cách khác để mô tả. Ở đây, Ngài dùng phương pháp phân tích và dùng những thuật ngữ trừu tượng như là khandha (uẩn), āyatana (xứ), dhātu (giới), v.v…

Từ ‘Paramattha’ có ý nghĩa là to lớn, cao siêu trong Abhidhamma. Nó là một từ ghép của paramaattha.

- Parama được giải thích là aviparīta (không thay đổi, bất biến), nibbattita (trừu tượng, hay cao siêu, tột cùng, tối thắng, ưu tú); chú giải giải thích từ “parama” là bất biến, không thay đổi hay thực.

- Attha nghĩa là các pháp, ý nghĩa, v.v… “attha” tương ứng với thuật ngữ “pháp”. Ở đây, nó không được dùng theo nghĩa “ý nghĩa”.

Do đó, ‘Paramattha’ là pháp bất biến, không thay đổi, không biến đổi, cao siêu. ‘Pháp siêu lý’ hay ‘Thực tính bất biến’ có thể là cụm từ tương đương gần nhất được thừa nhận. Mặc dù thuật ngữ được dùng ở đây không thay đổi, nhưng không nên hiểu tất cả paramattha (pháp siêu lý) là thường hằng vĩnh viễn.

Paramattha (pháp siêu lý) là chơn tướng, bản thể thật, cố nhiên và tự nhiên, như như không trái lại, không thay đổi (gọi chơn như bản tánh cũng đặng).

Paramattha (pháp siêu lý) có 3 nghĩa: Đặc biệt, cảnh tuệ cao, chủ chế định.

Đặc biệt, đây có nghĩa là như như không thay đổi trái lại sai khác. Nên Pāḷi có chú giải như vầy:

- Paramo uttamo aviparito atthoti = paramattho: Đặc biệt không thay đổi (trái lại) gọi là siêu lý.

- Paramassa vā uttamassa ñāṇassa attho gocaroti = paramattho: Cảnh tuệ cao chỉ sự nhận thức, tỏ ngộ, đắc chứng, biết bằng cách phi thường, chẳng phải hiểu theo trong đời thường thức.

-   Paramo vā padhāno atthoti = paramattho: Chủ chế định, tức là bản thể của vũ trụ và tâm chủ trương vạn vật.

Thí dụ, một cái chậu đồng, không phải là paramattha (pháp siêu lý) ví nó thay đổi từng sát-na và có thể được chế tác thành một cái bình. Cả hai vật này có thể được phân tích đến những sắc cơ bản thực tính theo Abhidhamma, được gọi là rūpa paramattha (sắc siêu lý). Những sắc này cũng có thể thay đổi, tuy nhiên, trạng thái đặc biệt của những sắc này thì như nhau dù cho chúng được tìm thấy trong một cái chậu hay một cái bình. Chúng vẫn giữ nguyên thực tính trong bất cứ hợp chất nào được tìm thấy.

Có bốn Paramattha (pháp siêu lý) bao gồm tất cả pháp hiệp thế và pháp siêu thế.

Pháp mà gọi là chúng sanh là hiệp thế, Nibbāna (Níp-bàn) là siêu thế. Pháp hiệp thế gồm có nāma (danh) và rūpa (sắc).

Abhidhamma (Vô Tỷ Pháp) nêu 28 thứ sắc. Những rūpa (sắc) này sẽ đề cập ở chương sau. Nāma (danh pháp) gồm cả tâm và sở hữu tâm. Chương thứ hai trong quyển này trình bày những cetasika (sở hữu tâm). Có tất cả 52 sở hữu tâm. 1 trong 52 cetasika (sở hữu tâm) ấy có vedanā (thọ), 1 cetasika (sở hữu tâm) khác là saññā (tưởng). 50 cetasika (sở hữu tâm) ngoài ra gọi chung là saṅkhāra (hành). Pháp dẫn đầu những cetasika (sở hữu tâm) này là viññāṇa (thức).

Nương theo phần phân tích ở trên, gọi là chúng sanh được gồm pañcakkhandha (năm nhóm hay năm uẩn[3]): Rūpa (sắc), vedanā (thọ), saññā (tưởng), saṅkhāra (hành) và viññāṇa (thức).

Citta, ceta, cittuppāda, nāma, mana, viññāṇa đều là những thuật ngữ đồng nghĩa trong Abhidhamma. Khi gọi chúng sanh được chia thành hai phần, thì từ nāma (danh) được dùng. Khi được chia thành pañcakkhandha (năm uẩn), thì viññāṇa (thức) được dùng. Citta (tâm) thì lúc nào cũng được dùng khi chỉ cho những loại tâm khác nhau. Trong những trường hợp cá biệt, theo ý nghĩa thông thường của ý, cả hai citta (tâm) và mana (ý) thường được dùng.

___o0o___

 

Namo tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa.

Cung kỉnh đảnh lễ Đức Thế tôn, bậc Ứng cúng, đấng Chánh đẳng Chánh giác.

  

Arahaṃ sammāsambuddho bhagavā Buddhaṃ Bhagavantaṃ abhivādemi.

Svākkhāto Bhagavatā dhammo dhammaṃ namassāmi.

Suppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṅgho saṅghaṃ namāmi.

 Thutivacana (Lời Tán Dương)

 §1. Sammāsambuddhamatulaṃ, sasaddhammagaṇuttamaṃ.

Abhivādiya bhāsissaṃ, abhidhammatthasaṅgahaṃ.

Cung kỉnh đảnh lễ bậc Toàn giác, bậc Vô song, cùng diệu pháp mà Ngài giác ngộ chúng sanh. Con sẽ nói Abhidhammatthasaṅgaha – (Vô Tỷ Pháp Tập Yếu) của Ngài.

§2. Tattha vuttābhidhammatthā, catudhā paramatthato.

Cittaṃ cetasikaṃ rūpaṃ, nibbānamiti sabbathā.

Bốn pháp (Dhamma) chơn đế hay siêu lý đã đề cập trong Abhidhamma (Vô Tỷ Pháp) là citta (tâm), cetasika (sở hữu tâm), rūpa (sắc pháp), Nibbāna (Níp-bàn).

  ___o0o___

 

CHƯƠNG I: CITTA[4] SAṄGAHA – TÂM NHIẾP (TÂM TẬP YẾU)

 

“Citta” được bắt nguồn từ căn citi + e = cittaṃ hay căn cinta + e = cinteti = cittaṃ, có nghĩa là nghĩ, biết. Theo chú giải, citta là pháp biết (cinteti = vijānāti) cảnh, đối tượng. Do đó, “citta” – được dịch là tâm hay là sự biết cảnh.

“Saṅgaha”, khi chiết tự thì Saṅgaha = saṅ + gaha, mà ‘Saṅ’ có nghĩa là dón gọn, còn ‘gaha’ có nghĩa là gom hợp lại. Do đó, “Saṅgaha” có nghĩa là gom hợp gọn lại, tóm tắt, trích yếu, tập yếu, yếu hợp, gom hợp, tập hợp những pháp trọng yếu lại, hay lấy những phần đồng hợp lại gọi chung một tên là “nhiếp”.

Citta” – Tâm, được Đức Phật dạy trong bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅganī) như sau:

Katamaṃ tasmiṃ samaye cittaṃ hoti? Yaṃ tasmiṃ samaye cittaṃ mano mānasaṃ hadayaṃ paṇḍaraṃ mano manāyatanaṃ manindriyaṃ viññāṇaṃ viññāṇakkhandho tajjā manoviññāṇa dhātu-idaṃ tasmiṃ samaye cittaṃ hoti.

Tâm trong khi có ra sao? Khi nào có sự biết cảnh, tức là tâm, tâm địa, tâm tạng, bạch tịnh, ý, ý xứ, ý quyền, thức, thức uẩn và ý thức giới. Đó gọi là có tâm trong khi ấy. (Dhs.21)

Citta” – Tâm, theo chú giải Pāḷi:

Cittī karotīti = cittaṃ: (Nòng cốt) làm cho chúng sanh đặc biệt sai khác gọi là tâm.

Cintanamattaṃ = cittaṃ: Biết gọi là tâm.

Ārammaṇaṃ cintetīti = cittaṃ: Biết cảnh gọi là tâm.

Citta” – Tâm, nói theo bộ Kho tàng Pháp học của Thái-lan có 5 nghĩa:

1.   Thâu bắt biết cảnh rõ rệt gọi là tâm;

2.   Do có tâm-lộ đổng[5] lực (thực hay tốc lực) bằng thiện, bất thiện, quả và tố nên gọi là tâm;

3.   Chủ trương phiền não quến tựu tạo quả, nên gọi là tâm;

4.   Chủ trương khéo léo bằng lối suy xét, tìm, sắp đặt trong đời nhiều cách rất đặc biệt nên gọi là tâm;

5.   Thành do ‘cố hưởng duyên hay ‘trùng dụng duyên’’ tích tụ và bị nghiệp tạo, nên gọi là tâm.

 

Citta” – Tâm, nương theo li gii của thầy (Ācariya) Nep có 6 nghĩa:

1. “Tâm chủ trương làm ra các nghệ thuật”. Tất cả trong đời bao nhiêu kỹ nghệ đều phải có phần chủ trương của tâm mới tạo ra các vật dụng khác biệt theo ý kỹ sư và thợ;

2. “Tâm chủ trương làm cho tâm có phần khác biệt” như là nghiệp có khác nhau, tánh nết có khác nhau, tư tưởng có khác nhau tạo thành 4 giống: Giống thiện, giống bất thiện, giống quả và giống tố;

3. “Tâm chủ trương quến tựu nghiệp và phiền não”. Lẽ thường, mỗi chúng sanh còn nhiều phiền não đâu phải chỉ sanh một hai lần, vì nghiệp còn lưu tồn vô số kể. Nếu không có tâm thì chẳng có phiền não và nghiệp chi cả;

4. “Tâm chủ trương bảo trì quả do nghiệp và phiền não quến tựu”. Dị thục quả là do nghiệp biệt thời trợ tạo;

5. “Tâm chủ trương tự duy trì cơ tánh”, nghĩa là tâm sanh ở mỗi cái sát-na liên tiếp với nhau nhờ có Vô gián duyên và Đẳng vô gián duyên v.v…;

6. “Tâm có chủ trương trong sự biệt tài bắt cảnh” là không có cảnh nào gặp mà tâm không bắt đặng. Dù cho sắc, thinh, khí, vị, xúc, pháp cho đến Níp-bàn. Dù cảnh có thế nào, hễ cảnh đối với tâm, đều bị tâm biết đặng.

Citta” – Tâm, theo thầy Jotika tóm tắt có 3 nghĩa:

1. Tâm vẫn luôn luôn biết cảnh;

2. Tâm làm nhân cho sở hữu tâm biết cảnh, tợ như người dẫn dắt;

3. Tâm (chứng minh) làm cho động vật và bất động vật trong đời thành ra rất nhiều pháp khác biệt.

 “Citta” – Tâm, theo chú giải phần chánh, có 4 ý nghĩa hay đặc tính:[6]

1. Lakkhaṇa (trạng thái) là biết cảnh (ārammaṇavijānanalakkhaṇaṃ)

2. Rasa (phận sự) là dẫn dắt (sở hữu tâm) (pubbaṅgamarasaṃ)

3. Paccupaṭṭhāna (thành tựu hiện bày)[7] là nối nhau liên tiếp (sandahanapaccupaṭṭhānaṃ)

4. Padaṭṭhāna (nhân cận) là có danh, sắc (và cảnh) (nāmarūpapadaṭṭhānaṃ)

 

Theo Ngũ Định luật (Pañca niyāma[8]) thì citta niyāma (định luật về tâm) như lộ trình hay sự diễn tiến của tâm, sự sanh và diệt của tâm, những tác động của tâm, v.v... đều thuộc về định luật của tâm (citta niyāma).

Nhân trợ cho tâm sanh có 4: Nghiệp quá khứ (atītakammo), sở hữu tâm (cetasika), cảnh (ārammaṇa) và vật (vatthu).

 

PHÂN CHIA “CITTA”- TÂM THEO CÕI

 

§3. Tattha cittaṃ tāva catubbidhaṃ hoti kāmāvacaraṃ rūpāvacaraṃ arūpāvacaraṃ lokuttarañceti.

Ở đây, ‘citta’ (tâm) được phân thành 4 loại phù hợp với 4 lĩnh vực hay 4 cõi như: Dục giới, sắc giới, vô sắc giới và siêu thế.

I. Tâm dục giới (kāmāvacaracitta) là tâm thường du hành (dạo) trong cõi Dục (Kāma-loka).

II. Tâm sắc giới (rūpāvacaracitta)   là tâm thường du hành trong cõi Sắc (Rūpa-loka).

III. Tâm vô sắc giới (arūpāvacaracitta) là tâm thường du hành trong cõi Vô sắc (Arūpa-loka).

IV. Tâm siêu thế (lokuttaracittas)     là tâm thường du hành vượt ngoài thế gian.

 

Bốn loại tâm (citta) trên có thể gọi ngắn gọn là tâm dục (kāmacitta), tâm sắc (rūpa citta), tâm vô sắc (arūpa citta) và tâm siêu thế (lokuttara citta).

- Tâm dục giới là tâm chuyên môn biết cảnh dục và hay nương người dục giới, nên Pāḷi chú giải như vầy: Kāmetīti = kāmo: Chuyên môn biết cảnh dục, gọi là tâm dục giới.

Tâm dục giới (kāmāvacara citta) không chỉ du hành trong cõi Dục mà còn trong những cảnh giới khác. Tâm sắc giới (rūpāvacara citta) và tâm vô sắc giới (arūpāvacaracitta) cũng như thế.

“Dục giới” đây chỉ cho 4 cõi Khổ, cõi Nhân loại và 6 cõi trời Dục giới. Trong tất cả 11 cõi trên, chúng sanh đều thọ hưởng những nhục dục.

- Tâm sắc giới là những tâm chỉ biết cảnh đề mục còn hình thức và thường nương người sắc giới, nên gọi là tâm sắc giới. Pāḷi chú giải như vầy: Rūpe avacaratīti = rūpāvacaraṃ: (Đa) nương theo cảnh phần hình thức nên gọi là tâm sắc giới.

Cõi Sắc giới là nói về 16 cõi được chư Phạm thiên sắc cư trú ... , chư Phạm thiên (Brahma) ấy có hình sắc hay cơ thể.

- Tâm vô sắc giới là những tâm biết cảnh trong đời mà không còn hình thức, thường nương người vô sắc giới nên gọi là tâm vô sắc giới, nên Pāḷi chú giải như vầy: Arūpe avacarātīti = arūpāvacaraṃ: Chỉ nương theo cảnh không hình thức, nên gọi là tâm vô sắc giới.

- Tâm siêu thế là những tâm biết cảnh hoàn toàn ngoài ‘đời’ hay ‘thế gian’ và không còn liên quan đến luân hồi tam giới, nên gọi là siêu thế. Loka + uttara = lokuttara.

‘Loka’ có nghĩa là ‘đời’ hay ‘thế gian’. Mà ‘đời’ (loka)[9] thì có 3 dạng là đời chúng sanh (12 hạng người), đời vũ trụ (31 cõi) và đời bản thể (5 uẩn) tức pháp siêu lý. Ở đây, loka chỉ lấy nghĩa là năm uẩn. Uttara nghĩa là ở trên, vượt qua. Nên Pāḷi chú giải như vầy: Lokato uttarātīti = lokuttaraṃ: Đặng vượt khỏi đời nên gọi là siêu thế.

Chư Phạm thiên (Brahma) thì quyền lực hơn chư thiên (ở cõi Dục). Những vị ấy hưởng sự an lạc và sống lâu hơn chư thiên (cõi Dục).

I. Tâm dục giới (Kāmāvacara citta)

(Tâm thường du hành trong cõi Dục) (Dhs.980)

 

'Kāma – ‘Dục’, ở đây có nghĩa là ham muốn, luyến ái, say đắm dục ái hay sự vừa ý, hợp ý về cảnh dục. Đó là vật dục (vatthukāma) và phiền não dục (kilesakāma).

Ở đây, phiền não dục (kilesakāma) là muốn, là luyến ái, là say đắm, là tầm cầu, là thương yêu, là nồng nhiệt, là mê mẩn, là ràng buộc, là lôi cuốn, là gắn bó, là chấp thủ là che lấp, v.v…; có pháp thực tính là ‘tham’ ngoài sắc ái và vô sắc ái.

Vật dục (vatthukāma) là sự vừa ý, hợp ý (manāpika) về cảnh sắc, về cảnh thinh, về cảnh khí, về cảnh vị, về cảnh xúc, về các loại vật dụng, tài sản v.v… là tất cả ‘pháp dục giới khác’ ngoài pháp sắc giới và vô sắc giới.

‘Kāma’ cũng có nghĩa là 11 cõi khác nhau – đó là 4 cõi Khổ (Apāya), cõi Nhân loại (Manussaloka) và 6 cõi trời Dục (Sagga).

Có Pāḷi chú giải như vầy: “Kāmetīti = kāmo (vā) kāmīyatīti = kāmo”: Pháp bản thể nào có ham muốn cảnh dục thì pháp bản thể ấy gọi là “dục”, đó là “phiền não dục” tức dục ái. Hay pháp bản thể nào là ưa thích dục ái thì pháp bản thể ấy gọi là “dục”, đó là “vật dục” tức 54 tâm dục giới, 52 sở hữu tâm, 28 sắc pháp gọi là “dục”, hoặc 11 cõi Dục.

“Kāmassa bhavoti = kāmo”: Cõi nào là nơi sanh phiền não dục (kilesakāma) và vật dục (vatthukāma) thì cõi ấy gọi là dục (kāma), đó là 11 cõi Dục.

Avacara nghĩa là đi đi lại lại, đi quanh, chuyển quanh, thường lui tới, du hành, lĩnh vực hoạt động, giới v.v…

“Kāme avacaratīti = kāmāvacaraṃ: Tâm nào du hành, sanh trong cõi vật dục và phiền não dục thì tâm ấy gọi là (tâm) dục giới.

Có 54 tâm dục giới (kāmāvacara citta) được chia thành 3 loại:

A) Tâm bất thiện (akusala citta) – có 12.

B) Tâm vô nhân (ahetuka citta) – có 18.

C) Tâm dục giới tịnh hảo (kāma-sobhaṇa citta)   – có 24.

Tổng số tâm dục giới là 12+18+24=54. Những thứ tâm này được đặt tên và giải thích ở phần sau.

Người đọc và học nên làm quen với những danh từ Pāḷi được đề cập trong quyển sách này. Những danh từ ấy ngắn gọn, rõ ràng và sẽ giúp người học hiểu phần dịch, viết trong sách hay những quy ước về từ ngữ trong Phật giáo.

(A) Tâm Bất Thiện (Akusala Citta)

  ‘Akusala’ thì đối lập trực tiếp của ‘kusala’. Theo Atthasālinī cho nghĩa từ nguyên của ‘kusala’ như sau: Ku, xấu, + căn sal, run, run sợ, phá hoại, tàn phá, phá hủy, tiêu diệt. Pháp phá trừ, phá hủy, tiêu diệt pháp xấu ác, đáng khinh nên gọi là thiện ‘kusala’.

‘Akusala’, nghĩa là ‘bất thiện’ là pháp đối lập trực tiếp của ‘kusala’.

Akusalehi yuttanti = akusalaṃ: Hợp tác những pháp trái với thiện gọi là bất thiện.

Bất thiện có 5 nghĩa: Bệnh hoạn (rogyattha), không tốt đẹp (asundarattha), không khôn khéo (achekattha), có sai lỗi (savajjattha), (để nghiệp tạo) quả khổ (dukkhavipākattha).

Nhân trợ cho bất thiện sanh có 5:

1- Tác ý không khéo (ayoniso manasikāra) là những cách suy xét và nhận định làm cho tâm bất thiện phát sanh như nghĩ theo tham, sân, si v.v…; không thấy biết các pháp chỉ là danh pháp, chỉ là sắc pháp, chỉ là tập hợp của danh và sắc, không thấy biết sự tập hợp của danh và sắc đều do duyên trợ tạo, không thấy biết sự diễn tiến của danh và sắc là vô thường, là khổ, là vô ngã, là bất tịnh; mà ngược lại cho rằng sự diễn tiến của danh và sắc là ta, là của ta,[10] là tự ngã của ta, là thường, là lạc, là ngã v.v… nên sanh tâm ham thích, dính mắc, ham muốn, bảo vệ, gìn giữ v.v…

Tattha katamo ayoniso manasikāro: Anicce niccanti ayoniso manasikāro, dukkhe sukhanti ayoniso manasikāro, anattani attāti ayoniso manasikāro, asubhe subhanti ayoniso manasikāro, saccavippaṭikūlena vā cittassa āvaṭṭanā anvāvaṭṭanā[11] ābhogo samannāhāro manasikāro, ayaṃ vuccati ayoniso manasikāro. (Vibh.960)

Tác ý bất tinh vi[12] đó ra sao? Như là sự vật không trường tồn mà tác ý không khéo cho là trường tồn. Sự vật khổ mà tác ý không khéo cho là vui. Sự vật vô ngã lại tác ý không khéo cho là hữu ngã. Sự vật bất mỹ lại tác ý không khéo cho là tốt đẹp. Hay là sự nhớ, sự thường nhớ, sự nghĩ ngợi, cách suy xét, sự tác ý của tâm sai với sự chân thật. Như thế gọi là tác ý bất tinh vi.

2- Ở chỗ không đáng ở (apatirūpadesavāsa) là những chỗ có nhiều sự khiêu khích cho tâm tham, sân và si phát sanh như chỗ ăn chơi, tranh đấu.

3- Thân cận phi hiền nhân (asappurisūpanissaya) là hay thân cận tà sư, ác hữu, những kẻ mưu kế gian hùng, tráo trở v.v…

4- Đời trước không tạo (nhiều) phước (pubbe akatapuññatā) là đời trước người ấy chuyên môn hành động theo các điều bất thiện hay là bỏn xẻn, cho nên đời này chẳng được giàu sang, sung sướng lại thiếu thốn và thiếu hiểu biết v.v… không tránh khỏi câu ‘Bần cùng sanh đạo tặc’.

5- Tự lập trường (phát triển) theo đường lối sai (attamicchāpaṇidhi) là không chịu nương hay tập rèn theo kiến thức tiến hóa chơn chánh hoặc giải thoát cao siêu, cứ hành động và suy xét luôn cả tập rèn theo những lề lối xấu ác mà không chịu bỏ.

Người thường hay phạm những điều nguy hại và hành vi ác xấu bằng những tâm bất thiện, thì những tâm bất thiện ấy trợ hay mang lại quả xấu hay quả khổ.

12 thứ tâm bất thiện được chia thành 3 loại như:

1. Lobha-mūlacitta (tâm căn tham hay quyến luyến, dính mắc) – có 8.

2. Dosa-mūlacitta (tâm căn sân hay lòng xấu xa) – có 2.

3. Moha-mūlacitta (tâm căn si hay trạng thái không biết pháp đáng biết) – có 2.

v Lobha-mūla Citta - Tâm căn tham

Gọi là ‘tâm căn tham’ vì khi tâm này phát sanh có ‘sở hữu tham’ làm căn làm gốc.

Có Pāḷi chú giải như sau: Lubbhatīti = lobho: Ham muốn gọi là tham.

Tám thứ tâm căn tham (lobha) như sau:

§4. Tattha katamaṃ kāmāvacaraṃ? Somanassasahagataṃ diṭṭhigatasampayuttaṃ asaṅkhārikamekaṃ, sasaṅkhārikamekaṃ, somanassasahagataṃ diṭṭhigatavippayuttaṃ asaṅkhārikamekaṃ, sasaṅkhārikamekaṃ, upekkhāsahagataṃ diṭṭhigatasampayuttaṃ asaṅkhārikamekaṃ, sasaṅkhārikamekaṃ, upekkhāsahagataṃ diṭṭhigatavippayuttaṃ asaṅkhārikamekaṃ, sasaṅkhārikamekanti imāni aṭṭhapi lobhasahagatacittāni nāma.

Nghĩa:

Somanassa : Hỷ, cảm thọ vừa lòng, thích ý.

Sahagataṃ : Câu hành, cùng với, đi chung.

Diṭṭhi  : Tà kiến, thấy sai về kamma (nghiệp) và quả của nghiệp không tồn tại.[13]

Sampayuttaṃ  : Tương ưng, liên kết, liên hợp với, hợp với nhau.

Vippayuttaṃ : Bất tương ưng, không liên kết với.

Asaṅkhārikaṃ : Vô dẫn, tự phát, không dẫn dắt, không trợ giúp.

Sasaṅkhārikaṃ : Hữu dẫn, có dẫn dắt, có trợ giúp bởi người hay tự thân.

Upekkhā  : Xả hay cảm thọ trung bình, bình thản.

Ekaṃ : Một.

Dịch là: Dục giới đó là những chi? Một câu hành hỷ tương ưng kiến vô dẫn, một hữu dẫn, một câu hành hỷ bất tương ưng kiến vô dẫn, một hữu dẫn, một câu hành xả tương ưng kiến vô dẫn, một hữu dẫn, một câu hành xả bất tương ưng kiến vô dẫn, một hữu dẫn. Đây gọi là tám tâm đi chung với tham dục giới.

Đến đây, 8 thứ tâm căn tham (lobha-mūlacitta) có thể gọi đầy đủ như sau:

1. Một tâm câu hành hỷ tương ưng kiến vô dẫn. (Dhs.275)

2. Một tâm câu hành hỷ tương ưng kiến hữu dẫn. (Dhs.311)

3. Một tâm câu hành hỷ bất tương ưng kiến vô dẫn. (Dhs.312)

4. Một tâm câu hành hỷ bất tương ưng kiến hữu dẫn. (Dhs.315)

5. Một tâm câu hành xả tương ưng kiến vô dẫn. (Dhs.316)

6. Một tâm câu hành xả tương ưng kiến hữu dẫn. (Dhs.320)

7. Một tâm câu hành xả bất tương ưng kiến vô dẫn. (Dhs.321)

8. Một tâm câu hành xả bất tương ưng kiến hữu dẫn. (Dhs.324)

Đây gọi là tám tâm đi chung với tham.

Nhân trợ tham có 4:

- 1/ Tái tục bằng nghiệp có đi kèm với tham (lobhaparivārakamma-paṭisandhikatā) là nghiệp nhân trước có đi chung với tâm tham hoặc tâm tham phát sanh trước, sau những tâm để lại nghiệp ấy như người tạo phước mà mong hưởng trong đời hoặc muốn sanh về cõi ưa thích.

- 2/ Đời kế trước đa tham (lobha ussannabhavatocavamatā) là đời kế trước chuyên môn hưởng lục dục quá quen, nên đời này gặp lục dục thì dễ phát tham.

- 3/ Gặp cảnh tốt (iṭṭhārammaṇasamāyogo) là thấy sắc tốt, nghe tiếng hay, cho đến gặp sự vật quí.

- 4/ Gặp cảnh, vật ưa thích (assādadassanaṃ) là những nhân vật hay công chuyện mà ta vừa lòng ham muốn.

Nhân trợ sanh câu hành hỷ có 4:
- 1/ Tái tục bằng tâm câu hành hỷ (somanassapaṭisandhikatā) là 4 tâm đại quả câu hành hỷ và 4 tâm quả sắc giới câu hành hỷ.
- 2/ Không có sự tế nhị (agambhīrapakatitā) là không có sự trầm ngâm suy xét.
- 3/ Gặp cảnh tốt (iṭṭhārammaṇasamāyogo) (đã giải ở trên).
- 4/ Ly sự điêu tàn (byasanamutti) là không gặp lúc tai nạn, rủi ro.

Như khi đang vui, sướng và mừng với nhân vật mà ta hài lòng thì vui lắm hoặc có trường hợp vui dịu hòa (đây chưa phân tham hay thiện).

Nhân trợ sanh tương ưng tà kiến có 5:[14]

- 1/ Nết quen tà kiến (diṭṭhijjhāsayatā) là cả nghề làm, luôn tư tưởng rất thuần túy theo việc làm và lý thuyết chấp hữu hoặc chấp vô, luôn luôn thành quen nết, như cho rằng linh hồn còn hoài ở trong thân ta hoặc thực hành theo lý thuyết bỏ hết sẽ thành không.

- 2/ Thân cận người tà kiến (diṭṭhivippannapuggalasevanatā) là thường quen với người tà kiến hay học hỏi, tín ngưỡng tôn giáo tà kiến như học phần chỉ chấp theo thực nghiệm, ngoài ra thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng đều cho là không có.

- 3/ Trái với chánh pháp (saddhamma-vimukhatā) là không tin hay phản đối với 4 đạo, 4 quả, Níp-bàn và pháp học.

- 4/ Đa suy xét sai (micchāvitakkabahulatā) là hay nghĩ theo thường thức sai với định luật của thiên nhiên vũ trụ, hoặc hữu hoặc vô, tự tìm nhận định.

- 5/ Không khéo vọt tà kiến (ayoniso ummujjanaṃ) như khởi ra không khéo là vừa khởi nghĩ, là khớp với lý tà kiến như đây là ta, là của ta, là tự ngã của ta, là thường, là lạc, là ngã v.v…

Nhân trợ sanh bất tương ưng tà kiến có 5:

- 1/ Nết không quen tà kiến (adiṭṭhijjhāsayatā) (sassata ucchedadiṭṭhi anajjhāsayatā) là lập hạnh thuần túy theo lý vô thường, khổ não, vô ngã v.v… như nhân trợ sanh vũ trụ như là máy móc, mỗi người là một bộ máy nhỏ là phần tử trong bộ máy lớn, là chung khắp cả vũ trụ tam giới dù thân tâm ai cũng thế, không quá chấp nhận ngã, chỉ làm việc đối với cơ duyên như cái máy bị động.

- 2/ Không thân cận người tà kiến (diṭṭhivippannapuggalasevanatā) là chẳng ở chung hay học hỏi làm quen, tới lui với những người chấp theo tà kiến, chấp thường hoặc chấp đoạn.

- 3/ Đặng nghe Phật pháp (saddhammamukhatā) là đặng nghe Phật thuyết v.v… hay gặp chánh tạng hoặc chú giải không sai, chuyên cần tìm học hỏi, dù chưa đắc đạo quả cũng giảm nhẹ sự chấp lầm.

- 4/ Không hay suy xét sai (micchā vitakka abahulatā) (sammāvitakka bahulatā) ít nghĩ đến sự chấp hữu, chấp vô, chẳng bám chấp, dính mắc đến việc gì.

- 5/ Khéo vọt khỏi tà kiến (yoniso ummujjanaṃ) (ayoniso na ummujjanaṃ) là luôn luôn tránh xa các thái cực bất cập chấp có hoặc chấp không, biết sự việc ở đời đều theo định luật nhân quả.

Nhân trợ sanh vô dẫn có 6:

- 1/ Tái tục bằng nghiệp vô dẫn (asaṅkhārikakammajanita-paṭisandhikatā) là 2 tâm thẩm tấn câu hành xả và 4 tâm đại quả vô dẫn (sẽ giải sau).

- 2/ Thân tâm mạnh mẽ (kallakāyacittatā) là thân tráng kiện, tâm có niệm thường sanh, gặp việc chi đều phát lẹ.

- 3/ Đa nhẫn nại (khantībahulatā) là những người hay quen chịu nắng, mưa, đau, nhức gặp lướt qua như thường, nên đối với sự vật tâm liền mau chóng.

- 4/ Từng thấy nghe kết quả của người khác (purisa ākāresudiṭṭhānisaṃsatā) là đã từng gặp, nghe, thấy người khác làm gặt hái kết quả tốt, nên định chắc tâm không do dự.

- 5/ Thuần thục việc làm (kammapasuttā) là người rành việc, quen cảnh vật, hiểu văn chương, thông nghĩa lý, gặp những sự vật đã từng trải qua, khỏi cần chi ngần ngại.

- 6/ Vật thực, khí hậu thích hợp (utubhojanādisappāyalābho) là chỗ ở, khí hậu phù hợp và thức ăn bổ dưỡng.

Tâm vô dẫn như là tiếng đến nghe liền, vật đến thấy liền, công chuyện nghĩ đến liền nhớ ra… không cần trợ giúp thêm.

Nhân trợ sanh hữu dẫn có 6:

- 1/ Tái tục bằng tâm hữu dẫn (hay nghiệp hữu dẫn) (sasaṅkhārika-kammajanita paṭisandhikatā) là 4 tâm đại quả hữu dẫn và 9 tâm quả đáo đại (sẽ giải sau).

- 2/ Thân tâm yếu (akallakāyacittatā) là người bạc nhược, tâm lơ đãng.

- 3/ Không hay nhẫn nại (akhantībahulatā) là gặp nắng, mưa, nóng, lạnh, đau đớn, buồn rầu, khó vượt qua được nên tâm bị chi phối gặp sự vật không phát sanh ngay.

- 4/ Không từng thấy, nghe kết quả của người khác (purisa ākāresu adiṭṭhānisaṅsatā) là chưa đặng thấy, nghe, biết kết quả thành tựu của người khác, nên gặp sự việc thì do dự, không biết quyết định như thế nào cho đúng.

- 5/ Không thuần thục việc làm (kamma apasuttatā) là người vụng về, thiếu hiểu nên không biết làm cách nào cho đúng.

- 6/ Vật thực, khí hậu không thích hợp (utubhojanādisappāya alābho) là khí hậu chẳng vừa thân, thức ăn không vừa miệng.

Nếu có để ý nhận xét thì tự tâm ta trợ rất dễ. Khi gặp những việc cần quyết định mà trong lòng đã có suy xét rồi thì sẽ nhanh chóng quyết định về sự vật ấy và thực hiện ngay.

8 thứ tâm tham đều có 3 trạng thái: Câu hành hỷ hay câu hành xả, tương ưng kiến hay bất tương ưng kiến, vô dẫn hay hữu dẫn.

Câu hành hỷ đã giải. Câu hành xả là tâm bình thường, không vui, buồn, khổ, lạc. Còn tà kiến thì đã giải thích. Trợ dẫn tức là trường hợp tự thân, khẩu, ý hay tha thân, khẩu, ý trợ giúp thêm lần thứ hai sắp lên rồi tâm tham mới phát sanh.

Sáu cách này sẽ được giải thích từ dễ đến khó như sau:

-   1 là tự tâm trợ tham như vầy: Khi thấy của mà lòng chưa phát sanh ham thích, sau đó vì suy xét cho là đồ tốt hoặc đáng trộm, cướp v.v… mới phát sanh tâm tham muốn lấy.

- 2 là do tha khẩu trợ như gặp kẻ nói văn hoa, đa lời trau chuốt thêu dệt một chút mới khởi tâm tham nhiễm lời lẽ ấy.

- 3 là tha thân trợ tức là do sự hành động của người khác trợ ta như: Đụng, cọ, chà, thoa v.v…

- 4 là tự khẩu trợ tức là miệng ta trợ cho ta thêm mãnh lực mới phát sanh tâm tham như: Ca, hát, hò, xướng, kéo dài mới nhận giọng hay của ta, mới khoái ý hoặc nhiều ít.

- 5 là tự thân trợ tham nghĩa là tâm ta trợ giúp thêm cho tâm ta phát sanh tham như: Múa men hay uốn éo vài cái thấy có điệu hay tự lòng ưa thích bằng cách tham.

- 6 là ý trợ tham bởi do tâm người khác dùng cách tư tưởng điều khiển tâm ta phát sanh tham như là muốn ăn, muốn chơi v.v….

Khi tham sinh khởi, nên phân biệt:

- 1 là khi nào tham vui mừng có chấp theo tà kiến là tâm tham thứ nhất.

- 2 là tham vui mừng chấp theo tà kiến và phải có trợ hay dẫn dắt là tâm tham thứ nhì.

- 3 là tham vui mừng, không chấp theo tà kiến là tâm tham thứ ba.

- 4 là tham vui mừng và có sự trợ là tâm tham thứ tư.

- 5 là khi tham mà vẫn như thường không thấy vui mừng nhưng có sự chấp sai là tâm tham thứ năm.

- 6 là tham không vui mừng, có tà kiến và phải có trợ thêm là tâm tham thứ sáu.

- 7 là không có sự nhận sai, tâm như thường là tâm tham thứ bảy.

- 8 là chỉ khác với tâm tham thứ bảy là có trợ.

Ứng dụng:

Từ lúc thức dậy vào buổi sáng cho đến khi ngủ vào buổi tối, chúng ta luôn tiếp xúc với 5 cảnh (sắc, thinh, khí, vị, xúc) và với những ý nghĩ của chúng ta. Nếu cảnh hay ý nghĩ tốt (hoặc vừa lòng) làm chúng ta thích thú, cảm thấy ái luyến hay dính mắc với chúng và mong mỏi được hưởng thêm nữa. Ngay lúc ấy lobha (sự tham muốn hay ái luyến dính mắc hoặc mong mỏi) sinh khởi trong tâm chúng ta, tức tâm căn tham sinh ra.

Khi nào chúng ta có tâm tham sanh cùng với cảm thọ vui mừng thì khi ấy là tâm căn tham (lobha-mūlacitta) câu hành hỷ (somanassa sahagataṃ).

Khi nào chúng ta có tâm tham sanh cùng với cảm thọ xả (thản nhiên) thì khi ấy là tâm (citta) câu hành xả (upekkhā sahagataṃ).

Khi nào chúng ta không nhận ra tâm bất thiện đang sinh khởi và chúng sẽ mang lại quả khổ, thì khi ấy là tâm căn tham tương ưng (tà) kiến. Trái lại, nếu khi ấy chúng ta nhận ra tâm bất thiện đang sinh khởi và chúng sẽ mang lại quả khổ, thì khi ấy tâm căn tham bất tương ưng (tà) kiến.

Hơn nữa, nếu khi chúng ta cảm thấy dính mắc với cảnh mà không có sự trợ dẫn bởi chính ta hay người khác, thì khi ấy tâm căn tham (lobha-mūlacitta) là vô dẫn. Nếu khi chúng ta cảm thấy dính mắc với cảnh chỉ sau khi có sự trợ dẫn bởi người nào đó, thì khi ấy tâm căn tham (lobha-mūlacitta) là hữu dẫn. Tâm vô dẫn (asaṅkhārika citta) mạnh hơn tâm hữu dẫn (sasaṅkhārika citta) và chúng sinh khởi một cách mạnh mẽ không trở ngại.

Bây giờ, bạn có thể nêu tên loại tâm (citta) mà nó đang sinh khởi với người đang nghe một bản nhạc thích ý ngoài sự suy xét về nghiệp (kamma) và sự ảnh hưởng (quả) của nó không?

Đó là tâm căn tham với tên gọi là:

“Somanassasahagataṃ ditthigatasampayuttaṃ asaṅkhārika citta”. Tâm câu hành hỷ tương ưng kiến vô dẫn.

‘Tham’ như là khi đang trộm cắp, ham muốn khi thấy tài sản của người, ham ưa thích khi gặp lục dục.

Bây giờ, một người đàn ông trộm cái túi xách tay sau nhiều lần phân vân, đắn đo, bởi vì anh ta nhận ra nghiệp bất thiện và quả khổ. Vậy, tâm của anh ta khi ấy là tâm gì?

Đó là tâm căn tham (lobha-mūlacitta) bởi vì tham (lobha) là nguyên nhân của trộm cắp. Tên gọi của tâm ấy là:

“Upekkhāsahagataṃ diṭṭhigatavippayuttaṃ sasaṅkhārika citta”. Tâm (tham) câu hành xả bất tương ưng kiến hữu dẫn.

Những ví dụ khác về 8 loại tâm căn tham (lobha-mūlacitta) được mô tả như sau:

Loại 1: Một người thưởng thức thức ăn, thức uống mà không hề quan tâm đến nghiệp (kamma).

Loại 2: Một người sau khi bị trợ dẫn bởi người bạn, xem phim một cách thích thú mà không hề quan tâm đến nghiệp (kamma).

Loại 3: Một mệnh phụ mặc một cái áo mới, bà ta cảnh giác rằng dính mắc vào chiếc áo là làm dấy lên tâm căn tham.

Loại 4: Một cô gái cảnh giác về nghiệp (kamma) và quả của nghiệp, nhưng cô ta chiều theo sự yêu cầu của những người bạn của cô và nghe nhạc hiện đại một cách thích thú.

Loại 5: Một bé trai ăn cơm trắng với muối với những thứ khác nhưng không hề thưởng thức và hiểu biết gì về nghiệp (kamma).

Loại 6: Một cô gái trân quí chiếc áo mới sau khi được mẹ cô ta giải thích về chiếc áo mới đẹp. Nhưng cô ta chỉ cảm thọ bình thường (xả) và không hiểu biết gì về nghiệp (kamma).

Loại 7: Hiểu biết về nghiệp (kamma), bạn uống cà-phê (cafe) với cảm thọ xả, nhưng bạn vẫn thưởng thức hương vị.

Loại 8: Một mệnh phụ có hiểu biết về nghiệp (kamma), nhưng sau nhiều lần bị thuyết phục bởi nữ thương gia, mệnh phụ miễn cưỡng mua chiếc áo.

 

v Dosa-mūla Citta - Tâm căn sân

Gọi là ‘tâm căn sân’ vì khi tâm này phát sanh có ‘sở hữu sân’ làm căn làm gốc.

Sân là giận, buồn, rầu hoặc khóc lóc v.v…

§5.     Domanassasahagataṃ paṭighasampayuttaṃ asaṅkhārikamekaṃ, sasaṅkhārikamekanti imāni dvepi paṭighasampayuttacittāni nāma.

Ý nghĩa và ứng dụng:

Domanassa: Duḥ+manas - ưu, buồn, cảm thọ khổ thuộc về tâm, không hài lòng, tức giận.

Paṭigha: Khuể[15], phẫn, ghét bỏ, căm ghét, tức là sân, phẫn tức là sân mà khác tên (như nói phẫn nộ).

Một tâm câu hành ưu tương ưng khuể vô dẫn, một hữu dẫn. Đây gọi là hai tâm tương ưng khuể.

Tên gọi đầy đủ của hai tâm căn sân (tâm tương ưng khuể) này như sau:

1. Một tâm câu hành ưu tương ưng khuể vô dẫn. (Dhs.326),

2. Một tâm câu hành ưu tương ưng khuể hữu dẫn. (Dhs.329).

Vô dẫn là không có sự trợ giúp thêm của thân, khẩu, ý của ta, hay thân, khẩu, ý của người khác. Đã có giải trong phần tâm tham, nhưng tâm cảnh ở đây có khác biệt là tâm sân và cảnh xấu. Những trường hợp trợ khiêu khích trái nghịch với tâm, làm phát sanh sân như mắng, chửi, đánh, đập v.v… hoặc tự tâm suy diễn thêm mới phát giận, hờn, nóng nảy; tự khẩu nói lên hoặc dạy dỗ kẻ khác nhiều lần mới nổi sân hay tự thân cố gắng làm nhiều lần (như ngoắt hay gọi, hay dạy yoga, vận động v.v…) cũng nổi sân.

Còn tha tâm trợ sân rất ít, vì trường hợp dùng tư tưởng khiến tâm khác phải náo động, sôi nổi, thì chỉ có thôi miên hay huyền bí.

Nhân trợ sanh sân hay câu hành ưu có 4:

- 1/ Tánh nết quen sân (dosajjhāsayatā).
- 2/ Không suy xét cao siêu (agambhīrapakatitā).
- 3/ Thiếu sự học hiểu (appasutatā).
- 4/ Thường gặp cảnh không tốt (aniṭṭhārammaṇasamāyogo).

Khi gặp 6 cảnh rất xấu, chẳng thích hợp, chẳng ưa chi hay gặp công việc, người, vật không vừa lòng, những hoàn cảnh xấu, trừ người tu tập) còn phần nhiều đều phải phát tâm sân.

Khi nào chúng ta có cảm thọ ưu, tức giận, buồn hay ưu phiền, thì tâm căn sân sinh khởi trong khi ấy. Và khi chúng sinh khởi, chúng câu hành với ưu và cảm thọ khổ về tâm. Nếu chúng sinh khởi ngoài sự trợ dẫn của bất cứ người nào, thì đó là vô dẫn. Nếu chúng sinh khởi một cách chậm chạp sau nhiều lần trợ dẫn từ bản thân hay người khác thì đó là hữu dẫn.

Bây giờ, một người mẹ đang lo lắng về người con gái, khi ấy tâm của người mẹ đang sinh khởi là tâm gì? Đó là tâm căn sân với tên gọi là:

“Domanassasahagataṃ paṭighasampayuttaṃ asaṅkhārika dosamūla citta”. Tâm căn sân câu hành ưu tương ưng khuể vô dẫn.

Một người cha giải thích cho người con trai rằng hành động lừa dối của anh ta là xấu, người con trai cảm thấy buồn. Tâm của người con trai có là loại tâm gì?

Đó là “domanassasahagataṃ paṭighasampayuttaṃ sasaṅkhārika dosamūla citta”. Tâm căn sân câu hành ưu tương ưng khuể hữu dẫn.

Tâm tham và tâm sân đều là bất thiện (akusala) nhưng với cường độ mạnh có thể gọi là ác hay độc. Có 3 hay 10:

Tam ác: 1 là thân ác, 2 là khẩu ác, 3 là ý ác. Thân ác có 3: 1 là sát sanh, 2 là trộm cắp, 3 là tà dâm. Khẩu ác có 4: 1 là nói dối, 2 là đâm thọc, 3 là ác khẩu, 4 là nhảm nhí (nói vô ích). Ý ác có 3: 1 là tham ác, 2 là sân độc, 3 là tà kiến ác.

Mười điều ác vừa nêu trên thì tâm tham có thể làm 7 điều: 1 là trộm cắp, 2 là tà dâm, 3 là nói dối, 4 là nói đâm thọc, 5 là nói nhảm nhí, 6 là tham ác, 7 là tà kiến ác. Còn tâm sân cũng phạm 7 điều: 1 là sát sanh, 2 là trộm cắp, 3 là nói dối, 4 là nói đâm thọc, 5 là nói ác khẩu, 6 là nói nhảm nhí (ỷ ngữ), 7 là sân độc. Cho nên, khi gặp những cách này nhận rõ tham, sân rất dễ. (Dhs.892)

  

v Moha-mūla Citta - Tâm căn si[16]

Gọi là ‘tâm căn si’ vì khi tâm này phát sanh có ‘sở hữu si’ làm căn làm gốc.

Si là tối tăm, mờ ám không hiểu biết những pháp đáng biết đặng tiến hóa chơn chánh, cao siêu giải thoát.

Tâm căn si (moha) (không biết hay mê mờ) có 2 loại như sau:

§6. Upekkhāsahagataṃ vicikicchāsampayuttamekaṃ, upekkhāsahagataṃ uddhaccasampayuttamekanti imāni dvepi momūhacittāni nāma.

1. Một tâm câu hành xả tương ưng hoài nghi. (Dhs.330)

2. Một tâm câu hành xả tương ưng điệu cử. (Dhs.334)

Đây gọi là hai tâm căn si.

Ý nghĩa và ứng dụng:

Vicikicchā  : Hoài nghi về Phật, Pháp, Tăng và sự tu tập.

Uddhacca  : Điệu cử.

Hoài nghi gồm có 8 và phân thành 40 điều: 1 là hoài nghi Phật bảo, 2 là hoài nghi Pháp bảo, 3 là hoài nghi Tăng bảo, 4 là hoài nghi tam học, 5 là hoài nghi đời quá khứ, 6 là hoài nghi đời vị lai, 7 là hoài nghi đời hiện tại, 8 là hoài nghi pháp liên quan tương sinh (paṭiccasamuppāda).

1/ Hoài nghi Phật bảo có 5 điều: 1 là hoài nghi Phật có đắc chứng nhất thế chủng trí chăng? 2 là hoài nghi hào quang của Phật sáng thấu chỗ khuất đặng chăng? 3 là hoài nghi hào quang 6 màu của Phật khi suy xét bộ Vị Trí (Paṭṭhāna) phóng ra đầy đủ chăng? 4 là hoài nghi song thông của Phật hiện trên cây xoài để hàng phục chúng ngoại đạo, rồi lên cõi trời Đạo lợi thuyết tạng Vô Tỷ Pháp (Abhidhamma) nhằm hạ thứ bảy, chẳng biết có vậy chăng? 5 là hoài nghi cách diệt trừ vô minh bằng trí tuệ sáng suốt của Ngài, có phải vậy chăng?

2/ Hoài nghi Pháp bảo có 4 điều: 1 là hoài nghi 4 bậc tâm đạo có thật đúng như vậy chăng? 2 là hoài nghi 4 bậc Thánh quả phải chắc có chăng? 3 là hoài nghi Níp-bàn phải là vắng lặng dứt tuyệt rốt ráo hết tất cả khổ phải chăng? 4 là hoài nghi pháp học Tam tạng tám muôn bốn ngàn (84.000) pháp uẩn như thế phải chăng?

3/ Hoài nghi Tăng bảo có 2 điều: 1 là hoài nghi Thánh Tăng chẳng biết thật có đệ tử Phật đắc quả chăng? 2 là hoài nghi phàm Tăng với cách tứ bạch yết ma, chư Tăng chơn truyền đồng nhận chịu bằng cách nín thinh, thì vị ấy đắc Tỷ-kheo phải chăng?

4/ Hoài nghi Tam học có 3 điều: 1 là hoài nghi giới như thế có phải ngăn trừ ác xấu phải chăng? 2 là hoài nghi pháp tịnh có phải dùng tâm yên lặng để tiến hóa chăng? 3 là hoài nghi trí tuệ có phải giúp tỏ ngộ, đắc chứng đến đạo, quả diệt trừ phiền não dứt nhân khổ phải chăng?

5/ Hoài nghi Quá khứ có 5 điều: 1 là nghi rằng đời trước ta có phải chăng? 2 là đời trước ta có hay không có? 3 là đời trước ta có ra như thế nào? 4 là đời trước ta có mà như thế nào? 5 là đời trước ta ra sao và đổi ra sao?

6/ Hoài nghi Vị lai có 5 điều: 1 là đời sau ta sẽ ra sao? 2 là đời sau ta không có phải chăng? 3 là đời sau nếu có ta sẽ thế nào? 4 là đời sau làm sao ta có đặng? 5 là đời sau ta thế nào, rồi sẽ ra sao?

7/ Hoài nghi Hiện tại có 5 điều: 1 là đây là ta phải chăng? 2 là đây thành ra ta phải chăng? 3 là ta đây như thế nào? 4 là ta đây thành ra như thế nào? 5 là chúng sanh có do từ đâu?

8/ Hoài nghi Pháp y tương sinh (paṭiccasamuppāda) có 11 điều: 1 là chúng sanh có già chết phải do sự sanh ra chăng? 2 là tái tục (hay đầu thai) phải do nghiệp hậu hữu chăng? 3 là nghiệp hậu hữu phải do sự thủ chấp cứng chăng? 4 là hậu hữu có phải do sự tham ái chăng? 5 là ái có phải do sự thọ hưởng chăng? 6 là thọ có phải do sự xúc chạm chăng? 7 là xúc có phải do lục xứ chăng? 8 là lục xứ có phải do nhờ danh-sắc chăng? 9 là danh-sắc có phải do nhờ thức chăng? 10 thức tái tục có pháp hành trợ giúp hay chăng? 11 là pháp hành phát sanh có phải do nhờ vô minh hay chăng?

Khi nào suy xét đến những hoài nghi như trên, đó là tâm si hoài nghi! Còn những loại hoài nghi khác là hoài nghi thông thường thì cảnh của các tâm khác có thể là tham, sân, thiện, hay tố dục giới.

Điệu cử[17]- uddhacca là tán loạn, lau chau, say mê, điên cuồng, quên mình chẳng tỉnh táo hay giật mình, cảm thấy bồn chồn, bất an v.v…

 

Hai thứ tâm này có cùng sức mạnh, không có tâm nào mạnh mẽ hơn tâm nào. Chúng không khác nhau trên phương diện vô dẫn (asaṅkhārika) hay hữu dẫn (sasaṅkhārika).

Một người đang có sự nghi ngờ về nghiệp và sự ảnh hưởng (quả) của nghiệp, thì khi ấy có tâm căn si, có tên gọi là: “Upekkhā-sahagataṃ vicikicchā-sampayutta citta". Tâm câu hành xả tương ưng hoài nghi.

Một người đang nghe giảng bài, nhưng anh ta không hiểu một từ bởi vì ý của anh dao động không yên. Tâm của anh ta trong khi ấy là gì? Đó là một thứ tâm căn si, hay ‘si điệu cử’ như là lúc tán loạn, lau chau, giật mình, lịu lọ, cuồng tâm lãng trí, say quá và mê mờ quên mình dù lõa thể cũng chẳng biết chi cả, đó là si mê tán loạn. Tên gọi của tâm ấy là: “Upekkhā-sahagataṃ uddhacca-sampayutta citta”. Tâm câu hành xả tương ưng điệu cử.

Nhân trợ sanh si có 2:

-1/ Tác ý không khéo (ayonisomanasikāra) là những cách suy xét về nhận định làm cho tâm bất thiện phát sanh như nghĩ theo tham, sân, si v.v…

-2/ Pháp lậu làm nền sanh. Pháp lậu có 4, hay gọi là tứ lậu (āsava).

 

Bốn lậu (āsava) có 3 pháp thực tính (sabhāvadhamma), đó là tham, tà kiến và si:

-1/ Dục lậu là cách trầm ngâm theo lục dục trong đời hiện tại này, có pháp thực tính là sở hữu tham;

-2/ Hữu lậu là cách trầm ngâm theo Sắc giới, Vô sắc giới, cũng có pháp thực tính là sở hữu tham;

-3/ Tà kiến lậu là cách mãi trầm ngâm theo thường kiến chấp có, hay đoạn kiến chấp không, chẳng chịu bỏ, có pháp thực tính là sở hữu tà kiến;

-4/ Vô minh lậu là cách không chịu theo sáng suốt như muỗi sợ mặt trời, chỉ chấp hẹp hòi như ếch ngồi đáy giếng, đó là sở hữu si.

Vì có sở hữu si làm căn gốc rễ, nên gọi là tâm si. Tâm tham và tâm sân cũng thế. Hoài nghi hay điệu cử cũng đồng có tác ý không khéo làm nhân sanh, vì phần lớn thiếu trí, niệm yếu, nên nghĩ tưởng lôi thôi.

§7. Iccevaṃ sabbathāpi dvādasākusalacittāni samattāni.

Như vậy là tất cả mười hai tâm bất thiện.

§8. Aṭṭhadhā lobhamūlāni, dosamūlāni ca dvidhā, mohamūlāni ca dveti, dvādasākusalā siyuṃ.

Có tám căn tham, hai căn sân và hai căn si, vậy có mười hai bất thiện.

 

Nhận xét trong một ngày:

Mặc dù tâm bất thiện chỉ có mười hai loại, nhưng hằng ngày, đối với một người, chúng thường sinh khởi nhiều hơn tâm thiện. Đây bởi vì hầu như ý (mano) chịu sự tác động của tham (lobha), sân (dosa) và si (moha). Ba thứ sở hữu (cetasika) bất thiện được gọi là căn bất thiện (akusala-mūla), tức là nguồn gốc của bất thiện.

Do bởi si (moha) và tham (lobha), nên chúng ta luôn luôn muốn hưởng những dục lạc. Trong lúc hưởng, ‘tâm căn tham’ sinh khởi với tỷ lệ hàng tỷ trong mỗi giây. Ngay khi ta đang thích thú trong việc mặc trang phục, đang thưởng thức đồ ăn, thức uống, đang nghe nhạc, đang xem chương trình qua tivi; ngay khi chúng ta đang đọc tiểu thuyết, đang suy nghĩ về sự đạt được và chiếm hữu, khi ấy sẽ có hàng tỷ tâm căn tham (lobha-mūla citta) sinh khởi.

Khi chúng ta không hài lòng với cảm giác hay cảnh mà chúng ta tiếp xúc, khi ấy, tâm căn sân sinh khởi cũng với tỷ lệ hàng tỷ trong mỗi giây. Lắm lúc khi những cảm giác không lôi cuốn, chúng ta cảm thấy bình thường và làm tâm xao lãng[18]. Tâm căn si (moha-mūla citta) sinh khởi trong khi ấy.

Vì vậy, nếu chúng ta tích góp tâm thiện và tâm bất thiện trong một ngày, tâm bất thiện sẽ vượt trội so với số tâm thiện hàng triệu lần. Khi tâm bất thiện để lại hạt giống của nghiệp (kamma) bệnh hoạn, chính những nghiệp ấy sẽ mang lại những quả không thuận lợi và khổ ở hiện tại hay vị lai. Vì thế, sẽ là không khôn khéo nếu ta không thu thúc mà để cho tâm diễn tiến theo tiến trình tự do.

Khi chúng ta có thể phân biệt giữa tâm thiện và tâm bất thiện, chúng ta có thể hướng chúng theo chiều hướng mang lại lợi ích cho chính ta.

 

(B) Tâm Vô Nhân (Ahetuka Citta)

 Hetu: Là nhân, nguyên nhân hay căn (mūla).

Akusala-hetu: Nhân bất thiện hay căn gốc không lành mạnh (tham-lobha, sân-dosa, si-moha).

Kusala-hetu: Nhân thiện hay căn gốc lành mạnh (vô tham-alobha, vô sân-adosa, vô si-amoha).

Nhân - hetu’ có 2:

1 là nhân tương ưng (sampayuttahetu) hay nhân nhân, tức là tham, sân, si, vô tham, vô sân và trí phối hợp với tâm.

2 là nhân trợ sanh (upattihetu) tức là những nhân trợ cho pháp hữu vi[19] sinh khởi.

Ở đây, Ahetukacitta (tâm vô nhân) ám chỉ cho những tâm không có nhân tương ưng (sampayuttahetu) cùng phối hợp, chớ chẳng phải nhân trợ sanh (upattihetu).

Trong Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo) có nêu như vầy: Alobhādivipākahetuvirahitaṃ = ahetukaṃ: Không có nhân vô tham v.v… cùng phối hợp, nên gọi là vô nhân.

Tâm mà không có pháp căn, nhân, gốc (nhân tham, nhân sân, nhân si, nhân vô tham, nhân vô sân, nhân vô si) cùng sanh, nên được gọi là tâm vô nhân (ahetuka citta).

Ngược lại tâm mà có pháp căn, nhân, gốc cùng sanh, nên được gọi là tâm hữu nhân (sahetuka citta) (có 121 – 18 = 103 thứ tâm, hay 89 – 18 = 71 thứ tâm).

Có 18 thứ tâm vô nhân (ahetuka citta). Chúng được chia thành 3 nhóm như sau:

1. Akusala vipāka[20]citta - tâm quả bất thiện có 7.

‘Tâm quả bất thiện’ sinh khởi chính là quả của tâm bất thiện, hay là quả sanh từ 12 nghiệp bất thiện, trong đó có thấy, nghe, ngửi... những cảnh không tốt. Hay:

Tâm quả bất thiện (akusala vipāka citta) tức là tâm quả do dị thời ‘nghiệp duyên’ bất thiện trợ tạo, hay là chủng tử bất thiện, do sở hữu tư (cetanā) hợp với tâm bất thiện đã diệt còn để lại ảnh hưởng tợ như hạt giống, khi gặp dịp phát ra tâm quả bất thiện. Cho nên trong Paramatthadīpanīṭīkā (Siêu lý Từ giải) có nêu như vầy: Akusalassa vipākāni = akusalavipākāni: Thành tựu do nơi nghiệp bất thiện, nên gọi là quả bất thiện.

Tâm quả bất thiện vô nhân là tâm không có nhân tương ưng hợp, do mãnh lực của phóng dật / điệu cử tác động. Có lời chú giải như vầy: Sabbaṃ pāpakammaṃ vikkhepayuttaṃsayaṃpicañcalati dubbalaṃ tasmā taṃ kappathītikaṃ samānaṃpi kālantare hetuyuttaṃ vipākaṃ janetuṃ na sakkoti: Vì nghiệp tội (bất thiện) đi chung với phóng dật nên phải yếu ớt, dù để đặng nhiều kiếp nhưng tạo tâm quả không có nhân tương ưng hợp.

2. Ahetuka kusala vipāka citta - tâm quả thiện vô nhân có 8.

Tâm quả thiện vô nhân sinh khởi chính là quả của tâm đại thiện, hay là quả sanh từ 8 nghiệp đại thiện, trong đó có thấy, nghe, ngửi, nếm v.v... những cảnh tốt nhưng là vô nhân. Hay là tâm quả do nghiệp đại thiện trợ tạo mà không có nhân tương ưng hợp, làm việc nhẹ nhàng yếu ớt tợ như cất nhà nhẹ chẳng đóng cừ.

3. Ahetuka kiriya[21]citta - tâm tố vô nhân có 3.

Tâm chỉ làm phận sự của mình mà không có nhân, hay căn tương ưng cùng sanh. Hay là tâm làm chỉ là làm và không có nhân tương ưng hợp. Có giải như vầy: Kariyāti karaṇamattaṃ: Làm chỉ là làm nên gọi là tố, hạnh, duy tác v.v… tợ như trớn chạy, hay như con quay xoay theo sức đánh.

Tâm quả (vipāka citta) và tâm tố (kiriya citta) là những tâm vô ký, chúng không tạo thành nghiệp, không sản sanh ra nghiệp quả.

 

v Akusala Vipāka Citta - Tâm Quả Bất Thiện (Dhs. 472, 476, 479)

§9. Upekkhāsahagataṃ cakkhuviññāṇaṃ, tathā sotaviññāṇaṃ, ghānaviññāṇaṃ, jivhāviññāṇaṃ, dukkhasahagataṃ kāyaviññāṇaṃ, upekkhāsahagataṃ sampaṭicchanacittaṃ, upekkhāsahagataṃ santīraṇacittañceti imāni sattapi akusalavipākacittāni nāma.

Nhãn thức câu hành xả, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức cũng vậy, thân thức câu hành khổ, tiếp thâu câu hành xả, thẩm tấn câu hành xả. Đó gọi là bảy tâm quả bất thiện.

1. Nhãn thức câu hành xả - Upekkhāsahagataṃ cakkhuviññāṇaṃ, chỉ biết cảnh sắc.

Trong Paramatthadīpanīṭīkā có nêu như vầy: Cakkhuṃ nissitaṃ viññāṇanti cakkhuviññāṇaṃ: Tâm thức nương nhãn (thanh triệt) (sanh ra) nên gọi là nhãn thức.

Trong Visuddhimagga giải: Cakkhusannissita rūpavijānanalakkhaṇaṃ = cakkhuviññāṇaṃ: Trạng thái nương nhãn (thanh triệt) sanh ra chỉ biết cảnh sắc, nên gọi là nhãn thức.

- Bốn nhân trợ sanh (upattihetu) nhãn thức: 1 là sắc nhãn thanh triệt (cakkhupasādarūpa), 2 là cảnh sắc (rūpārammaṇa), 3 là ánh sáng (āloka), 4 là có sự để ý (manasikāra) đến màu ấy.

2. Nhĩ thức câu hành xả - Upekkhāsahagataṃ sotaviññāṇaṃ, chỉ biết cảnh thinh.

Trong Paramatthadīpanīṭīkā có nêu như vầy: Sotaṃ nissitaṃ viññāṇanti = sotaviññāṇaṃ: Tâm thức nương nhĩ (thanh triệt) gọi là nhĩ thức.

Trong Visuddhimagga giải: Sotasannissita saddavijānanalakkhaṇaṃ = sotaviññāṇaṃ: Trạng thái nương nhĩ (thanh triệt) sanh, chỉ biết cảnh thinh, nên gọi là nhĩ thức.

- Bốn nhân trợ sanh nhĩ thức: 1 là sắc nhĩ thanh triệt (sotapasādarūpa), 2 là cảnh thinh (saddārammaṇa) các thứ tiếng, 3 là khoảng không (ākāsa), 4 là có sự để ý (manasikāra) đến tiếng ấy.

3. Tỷ thức câu hành xả - Upekkhāsahagataṃ ghānaviññāṇaṃ, chỉ biết cảnh khí.

Trong Paramatthadīpanīṭīkā có nêu: Ghānaṃ nissitaṃ viññāṇanti = ghānaviññāṇaṃ: Tâm mà nương tỷ thanh triệt đặng sanh ra nên gọi là tỷ thức.

Trong Visuddhimagga giải: Ghānasannissita gandhavijānanalakkaṇaṃ = ghānaviññāṇaṃ: Tỷ thức có trạng thái ngửi mùi, chỉ biết cảnh khí, nương mũi sanh khởi, nên gọi là tỷ thức.

- Bốn nhân trợ sanh tỷ thức: 1 là sắc tỷ thanh triệt (ghānapasādarūpa), 2 là cảnh khí (gandhā rammaṇa) các thứ hơi, mùi, 3 là gió phất (vāyo) mang/lùa hơi vào tỷ thanh triệt, 4 là có sự để ý (manasikāra) với hơi, mùi ấy.

4. Thiệt thức câu hành xả - Upekkhāsahagataṃ jivhāviññāṇaṃ, chỉ biết cảnh vị.

Trong Paramatthadīpanīṭīkā có nêu: Jīvhaṃ nissitaṃ viññāṇanti = jivhāviññāṇaṃ: Tâm nương thiệt thanh triệt sanh ra nên gọi là thiệt thức.

Trong Visuddhimagga có nêu: Jivhāsannissitaṃ rasavijānanalakkhaṇaṃ = jīvhāviññāṇaṃ: Thiệt thức có trạng thái nếm vị, chỉ biết cảnh vị, nương lưỡi sanh ra.

- Bốn nhân trợ sanh thiệt thức: 1 là sắc thiệt thanh triệt (jīvhāpasādarūpa), 2 là cảnh vị (rasārammaṇa), 3 là nước tươm (āpo), 4 là có sự để ý (manasikāra).

5. Thân thức câu hành khổ - Dukkhāsahagataṃ kāyaviññāṇaṃ, chỉ biết cảnh xúc không thích hợp.

Trong Paramatthadīpanīṭīkā có nêu: Kāyaṃ nissitaṃ viññāṇanti = kāyaviññāṇaṃ: Thức mà nương thân thanh triệt sanh ra gọi là thân thức.

Trong Visuddhimagga có nêu: Kāyaṃ sannissitaṃ phoṭṭhabbavijānanalakkhaṇaṃ = kāyaviññāṇaṃ: Trạng thái nương thân thanh triệt sanh ra chỉ biết cảnh xúc, nên gọi là thân thức.

- Bốn nhân trợ sanh thân thức: 1 là sắc thân thanh triệt (kāyapasādarūpa), 2 là cảnh xúc (phoṭṭhabbārammaṇa), 3 là chất cứng (thaddha), 4 là có sự để ý (manasikāra).

6. Tâm tiếp thâu câu hành xả - Upekkhāsahagataṃ sampaṭicchana cittaṃ, chỉ biết cảnh ngũ.

Trong Paramatthadīpanīṭīkā có nêu: Suṭṭhuparimukhaṃ icchatīti = sampaṭicchanaṃ: Tâm mà khéo tiếp bắt lấy cảnh ngay sau 1 trong 5 thức trước, nên gọi là tiếp thâu.

Trong Visuddhimagga có nêu: Cakkhuviññāṇadīnaṃ anantaraṃ rūpādivijānanalakkhaṇā-manodhātu: Tâm tiếp thâu sắp về ý giới có trạng thái biết cảnh sắc, thinh, khí, vị v.v… do nhãn thức, nhĩ thức v.v… chuyền qua.

- Nhân trợ sanh tâm tiếp thâu có 3: 1 là sắc ý vật hay sắc nương trái tim (hadayavatthurūpa), 2 là cảnh (ārammaṇa), 3 là sự để ý (manasikāra) đến cảnh ấy.

7. Tâm thẩm tấn câu hành xả - Upekkhāsahagataṃ santīrana cittaṃ, chỉ biết cảnh ngũ.

Tâm thẩm tấn câu hành xả của quả bất thiện là tâm xét soi cảnh ngũ xấu.

- Nhân trợ sanh tâm thẩm tấn giống như nhân trợ sanh tâm tiếp thâu.

Trong bảy thứ tâm nêu trên, năm thứ tâm trước được gọi là ngũ thức, tức năm thứ tâm ấy là những tâm nương sanh nơi năm môn (giác quan).

Hai thứ tâm sau cùng, tức là sampaṭicchana citta (tâm tiếp thâu) và santīrana citta (tâm thẩm tấn), tượng trưng cho hai giai đoạn liên kết trong quá trình nhận biết cảnh.

Thí dụ, khi một ‘cảnh sắc’ xuất hiện hay dội vào mắt, một dòng (chuỗi) tâm thức sanh và diệt theo thứ lớp để thấy biết cảnh sắc ấy. Trước nhất, khai ngũ môn (pañca-dvārāvajjana) là sự chú tâm qua năm môn, hay tâm chú ý đến vật. Kế đó, nhãn thức (cakkhu viññāṇa) tạo dấu ấn (cảnh). Kế đó, tâm tiếp thâu (sampaṭicchana) tiếp nhận dấu ấn (cảnh). Kế đó, tâm thẩm tấn (santīraṇa) quan sát dấu ấn (cảnh). Kế đó, tâm phân đoán hay đoán định (voṭṭhapana) được gọi là khai ý môn (mano-dvārāvajjana) là sự chú tâm, hướng tâm qua ý môn, hay xác định dấu ấn (cảnh) cho dù cảnh ấy là tốt hay xấu. Chúng ta nhận biết cảnh khái quát ở giai đoạn này.

…-Pa-Ca-Sam-Ṇa-Vo-…

Tương tợ như thế, khi một âm thanh dội vào tai, một dòng (chuỗi) tâm thức, tức là khai ngũ môn (pañcadvārāvajjana), nhĩ thức (sotaviññāṇa), tiếp thâu (sampaṭicchana), thẩm tấn (santīraṇa), đoán định (voṭṭhapana tức là mano dvārā-vajjana), v.v... , phải sanh và diệt trước khi chúng ta có thể nghe âm thanh.

Như vậy, tâm tiếp thâu (sampaṭicchana) và tâm thẩm tấn (santīrana) cùng với tâm khai ngũ môn (pañcadvārāvajjanacitta) và tâm khai ý môn (mano dvārā-vajjana citta) là cốt yếu là cơ bản cho sự biết cảnh qua năm môn (mắt, tai, mũi, lưỡi và thân).

  

v Ahetuka Kusala Vipāka Citta - Tâm Quả Thiện Vô Nhân

§10.   Upekkhāsahagataṃ kusalavipākaṃ cakkhuviññāṇaṃ, tathā sotaviññāṇaṃ, ghānaviññāṇaṃ, jivhāviññāṇaṃ, sukhasahagataṃ kāyaviññāṇaṃ, upekkhāsahagataṃ sampaṭicchanacittaṃ, somanassasahagataṃ santīraṇacittaṃ, upekkhāsahagataṃ santīraṇacittañceti imāni aṭṭhapi kusalavipākāhetukacittāni nāma.

Nhãn thức câu hành xả quả thiện, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức cũng vậy, thân thức câu hành lạc, tiếp thâu câu hành xả, thẩm tấn câu hành hỷ, thẩm tấn câu hành xả. Đó là tám tâm quả thiện vô nhân.

Nhóm tâm này gồm có 8 thứ tâm, được đặt tên gọi tương tợ như tâm quả bất thiện (akusalavipāka citta) mà chúng tôi vừa trình bày phía trên.

1.   Nhãn thức câu hành xả - Upekkhāsahagataṃ cakkhuviññāṇaṃ. (Dhs.338)

2.   Nhĩ thức câu hành xả - Upekkhāsahagataṃ sotaviññāṇaṃ. (Dhs.352)

3.   Tỷ thức câu hành xả - Upekkhāsahagataṃ ghānaviññāṇaṃ.

4.   Thiệt thức câu hành xả - Upekkhāsahagataṃ jivhāviññāṇaṃ.

5.   Thân thức câu hành lạc - Sukhasahagataṃ kāyaviññāṇaṃ.

6.   Tâm tiếp thâu câu hành xả - Upekkhāsahagataṃ sampaṭicchana cittaṃ. (Dhs.366)

7.   Tâm thẩm tấn câu hành xả - Upekkhāsahagataṃ santīraṇa cittaṃ. (Dhs.399)

8.   Tâm thẩm tấn câu hành hỷ - Somanassasahagataṃ santīraṇa cittaṃ. (Dhs.382)

Tám thứ tâm quả thiện vô nhân cùng tên với tâm quả bất thiện đi theo đôi 1, 2, 3, 4, 6, 7. Chỉ khác nhân tốt xấu nên cảnh chẳng đồng, về phần ‘quả bất thiện’ đều hứng chịu cảnh xấu, còn phần ‘quả thiện’ đều nương cảnh tốt, ưa thích.

Bốn đôi thức trước đều ‘câu hành xả’, nhưng 2 tâm ‘thân thức’ tại sao có 2 cách ‘câu hành khổ’ và ‘câu hành lạc’.

Vì 4 đôi thức trước do cảnh sắc, thinh, khí, vị đối chiếu hay dội vào nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt thanh triệt là sắc y sinh đối chiếu với sắc y sinh, nên những tâm nương theo sanh ra đều là câu hành xả, ví như bông gòn chạm bông gòn nên chẳng khua bày chi khác thường.

Còn cảnh xúc (đất, lửa, gió) đối chiếu hay dội vào thân thanh triệt là sắc đại hiển đối chiếu với sắc y sinh chẳng khác chi dùi đánh vào trống.

Tâm tiếp thâu quả thiện có tên như tâm tiếp thâu quả bất thiện. Còn 2 tâm thẩm tấn câu hành xả trong Visuddhimagga có giải: Saḷārammaṇa vijānanalakkhaṇā duvidhāpi santīraṇādikiccā manoviññāṇadhātu: Hai thứ tâm thẩm tấn câu hành xả (quả thiện và bất thiện) ý thức giới làm việc thẩm tấn v.v… có trạng thái biết 6 cảnh.

Tâm thẩm tấn câu hành hỷ bắt cảnh quý hay tốt hơn thẩm tấn quả thiện câu hành xả, cũng như người xét đồ gặp vật xấu hay tốt tầm thường thì chẳng đổi sắc. Nếu gặp chi quá tốt thì phát ra trầm trồ đổi sắc mừng rỡ, vui thích, cho nên khi lộ ngũ phát sanh bắt cảnh rất tốt thì thẩm tấn phải câu hành hỷ, vì thế quả thiện vô nhân nhiều hơn quả bất thiện một thứ này.

- Nhân trợ sanh tâm tiếp thâu và thẩm tấn có 3: 1 là sắc ý vật (hadayavatthurūpa), 2 là cảnh (ārammaṇa), 3 là sự để ý (manasikāra) đến cảnh ấy.

Theo Vô Tỷ Pháp (Abhidhamma) giải thích, người tiếp xúc với cảnh trái ý nghịch lòng là do bất thiện nghiệp (akusala-kamma) của chính người ấy trong quá khứ và tại thời khắc ấy tâm quả bất thiện (akusala vipāka citta) sinh khởi trong quá trình nhận biết.

Trái lại, người mà tiếp xúc với cảnh vừa ý thuận lòng là do thiện nghiệp (kusala-kamma) của chính người ấy trong quá khứ và tại thời khắc ấy tâm quả thiện (kusala vipāka citta) sinh khởi trong quá trình nhận biết.

Do đó, có một đôi nhãn thức (cakkhuviññāṇa), một đôi nhĩ thức (sotaviññāṇa), một đôi tỷ thức (ghānaviññāṇa), một đôi thiệt thức (jivhāviññāṇa) và một đôi thân thức (kāyaviññāṇa). Năm đôi này gọi chung là ngũ song thức (dvipañcaviññāṇa).

Dĩ nhiên có hai tâm tiếp thâu (sampaṭicchana citta) và ba tâm thẩm tấn (santīrana citta).

Tất cả tâm quả bất thiện (akusala-vipāka citta) và tâm quả thiện vô nhân (ahetuka kusala vipāka citta) tương đối yếu vì chúng chưa phân biệt được tốt hay xấu, câu hành với xả thọ. Hai tâm thân thức (kāyaviññāṇa citta) câu hành với khổ hay lạc. Tâm thẩm tấn câu hành hỷ (somanassa santīraṇa citta) sinh khởi khi đối cảnh rất tốt và câu hành xả khi đối cảnh tốt vừa đủ hay quá quen thuộc.

 

v Ahetuka Kiriya Citta - Tâm Tố Vô Nhân (Dhs. 482, 489, 485)

§11. Upekkhāsahagataṃ pañcadvārāvajjanacittaṃ, tathā manodvārāvajjanacittaṃ, somanassasahagataṃ hasituppādacittañceti imāni tīṇipi ahetukakiriyacittāni nāma.

Tâm khai ngũ môn câu hành xả, tâm khai ý môn cũng vậy, tâm tiếu sinh câu hành hỷ. Đó gọi là tâm tố vô nhân.

§12. Icceva sabbathāpi aṭṭhārasāhetukacittāni samattāni.

Như vậy là tất cả có 18 thứ tâm vô nhân.

§13. Sattākusalapākāni, puññapākāni aṭṭhadhā, kriyacittāni tīṇīti, aṭṭhārasa ahetukā.

7 dị thục quả bất thiện, 8 dị thục quả thiện (phước), 3 tâm tố, thành 18 tâm vô nhân.

Ba thứ tâm tố vô nhân (ahetuka kiriya citta) được đặt tên là khai/hướng ngũ môn, khai/hướng ý môn và tiếu sinh.

1.   Tâm khai ngũ môn câu hành xả - Upekkhāsahagataṃ pañcadvārāvajjana cittaṃ

Tâm khai/hướng ngũ môn là tâm lộ sanh trước hết để làm dịp cho ngũ song thức sanh, như kẻ mở 5 cửa cho những người liên quan đi qua, chẳng khác chi kẻ gác 5 cửa gặp khách trước hơn hết.

Trong Aṭṭhasālinī giải: Idaṃ pañcadvāra valañjanakappavattikāla sabbesaṃ pure uppajjati: Tâm khai ngũ môn trong lộ ngũ môn sanh trước hơn hết để bắt 5 cảnh hiện tại mới đến.

Tâm này cũng được gọi là tác ý thành lộ (vithīpaṭipādakamanasikāra), vì nếu không có tâm này sanh ra thì tâm lộ ngũ môn sẽ không sanh.

Cho nên Pāḷi chú giải như vầy: Vithī paṭipadayatīti = Vithīpaṭipādako: Làm cho tâm lộ thành trật tự, nên gọi là tác ý thành lộ.

2.   Tâm khai ý môn câu hành xả - Upekkhāsahagataṃ manodvārāvajjana cittaṃ

Tâm khai ý môn (manodvārāvajjana) là tâm làm việc khai môn (dvārāvajjana) nương theo lộ ý (manodvāra vīthi), nếu sanh theo lộ ngũ (pañcadvārāvajjana) thì làm việc đoán định (voṭṭhapana).

Có câu Pāḷi chú giải như vầy: Uppajjamāṇaṃ pana pañcadvāre voṭṭhabbanaṃ hoti manodvāre āvajjanaṃ: Tâm này nếu sanh theo lộ ngũ thì đoán định còn sanh theo lộ ý thì khai môn.

Tâm khai ý môn còn được gọi là tác ý thành đỗng lực (javanapaṭipādaka-manasikāra).

Có Pāḷi chú giải như vầy: Javanaṃ paṭipādayatīti javanapatipādako: Làm dịp cho tâm đỗng lực phát sanh thì được gọi là tác ý thành đỗng lực, tức là tâm khai ý môn.

- Nhân trợ sanh khai ngũ môn và đoán định thì giống như nhân trợ sanh ngũ song thức và tiếp thâu, thẩm tấn, tùy theo lộ của môn.

3.   Tâm tiếu sinh câu hành hỷ - Somanassasahagataṃ hasituppāda cittaṃ

Tâm tiếu sinh (hasituppādacitta) (Dhs.485) là tâm sai khiến sự cười hở răng /mỉm của bậc Tứ quả.

Trong Aṭṭhasālinī có giải: Idaṃ cittaṃ aññesaṃ asādhāraṇaṃ khīṇāsavasseva paṭipuggalikaṃ chasu dvāresu labbhati: Tâm này sanh đặng qua cả 6 môn của bậc Tứ quả, chớ chẳng phải phổ thông cho các bậc khác.

- Nhân trợ sanh tâm tiếu sinh cũng như nhân trợ sanh tâm thẩm tấn, nhưng có cảnh đáng nực cười.

Sự cười có 6 cách:[22] 1 là cười ra nước mắt (upahasita) (cách cười này của phàm phu), 2 là cười nghiêng ngửa (apahasita) (cách cười này cũng của phàm phu), 3 là cười lớn tiếng (atihasita) (cách cười này cũng thuộc phàm phu), 4 là cười nhỏ tiếng (vihasita) (cách cười này của quả hữu học và phàm phu), 5 là cười hở răng (hasita) (cách cười này của 4 bậc quả và phàm phu), 6 là cười nhếch mép (sita) (cách cười này của 4 bậc quả và phàm phu).

Chức năng hay phận sự của hai tâm khai môn (āvajjana), tức là số 1 và số 2 ngay phía trên, trong quá trình nhận biết cảnh đã được trình bày phía trên. Nếu cảnh hiện bày ngay nơi một trong năm môn, đó là khai ngũ môn (pañca-dvārāvajjana) chú ý hướng về cảnh. Tâm khai ngũ môn (pañca-dvārāvajjana) làm việc như một bộ lọc tần số của máy radio. Do vậy, chúng ta có thể quan sát từng cảnh một.

Khi cảnh ngũ hay cảnh ý hiện bày nơi ý môn, đó là khai ý môn (manodvārāvajjana) hướng tâm đến cảnh.

Tâm tiếu sinh (hasituppāda citta) chỉ có thể sinh khởi với chư Phật hay chư Arahatta khi chư vị ấy cười mỉm. Nên nhớ là tâm ấy câu hành với hỷ (thọ), trong khi hai tâm khai môn (āvajjana) thì câu hành với xả (thọ).

Xin xem trước và dẫn chứng phần Lộ Ngũ môn cảnh rất lớn, trong Chương 4: Citta Vīthi.

Đã giải danh nghĩa và pháp, đây sẽ nói thứ lớp cách sanh thì cần phải xen vào bảng lộ tâm phần nhỏ số 1 như vầy: Lúc cảnh chưa đến tâm hữu phần phát sanh luôn không gián đoạn, chẳng khác chi nối liền nhau tợ gìn giữ cơ tâm trong một đời sống. Đến khi có cảnh sắc đối chiếu hay dội vào nhãn thanh triệt, tâm hữu phần đang sanh diệt đó gọi là hữu phần vừa qua, tâm hữu phần sau gọi là hữu phần rúng động, cái thứ 3 kế đó thì không còn hữu phần nối nữa gọi là hữu phần dứt dòng, thì tâm khai ngũ môn sanh ra bắt cảnh sắc rồi diệt, nhãn thức liền sanh cũng bắt cảnh sắc ấy vừa đủ 3 tiểu sát-na cũng diệt, tiếp đó là tâm tiếp thâu sanh ra bắt cảnh sắc đang còn đến đủ 3 tiểu sát-na cũng diệt, liền có tâm thẩm tấn sanh ra xét soi cảnh ấy cũng để lại cho tâm đoán định giao cho 1 trong 29 tâm đỗng lực dục giới là 12 tâm bất thiện, tâm tiếu sinh, đại thiện và đại tố (chỉ 1 thứ trong 29 thứ này) sanh làm việc đỗng lực 7 cái. Nhưng cảnh còn dư 6 sát-na tiểu, nên mới có 2 cái tâm sanh ra hưởng cảnh dư ấy, nên gọi là tâm na cảnh (tadālambana) tức là tâm thẩm tấn và đại quả thay nhau sanh làm việc này. Nếu cảnh xấu thuộc về 5 thức, tiếp thâu và thẩm tấn quả bất thiện; cảnh tốt vừa vừa thời phần 5 thức, tiếp thâu và thẩm tấn câu hành xả của quả thiện vô nhân; còn cảnh rất tốt thẩm tấn câu hành xả không đặng hưởng, mới có thẩm tấn câu hành hỷ để hưởng mà thôi.

Hai tâm khai môn cảnh nào cũng thế. Những tâm đỗng lực do nhân trợ sanh chớ không nhất định.

Đây chỉ cho rõ tâm vô nhân phải có nhiều là như thế. 5 đôi thức thay đổi do 5 cảnh, quả bất thiện và quả thiện do quả tốt xấu vì hiệp cũng có tốt xấu. Chớ nếu nhãn thức chỉ có một, thời hiệp tốt xấu có làm chi.

Lược phân cảnh tốt nói về cảnh sắc: Màu nào mà phần đông rất ưa thích, cảnh sắc ấy gọi là rất tốt; màu nào mà phần đông ưa thích vừa, những màu ấy gọi là cảnh sắc tốt; màu nào mà phần đông không ưa thích, màu ấy thuộc cảnh sắc không tốt.

Riêng cá nhân tại lý do gì thì xét riêng mới phân đặng. Bốn cảnh sau cũng như thế.

Tỷ dụ tâm vô nhân riêng từng phận sự:

Tâm khai ngũ môn như người gác cửa ngõ. Ngũ song thức như người tiếp khách. Tâm tiếp thâu như người chỉ dẫn khách đến thư ký. Tâm thẩm tấn như thư ký hỏi, ghi họ tên. Tâm đoán định như định đoạt cho người khách tiếp xúc với nhân viên trong văn phòng. Tâm tiếu sinh luôn cả bất thiện, đại thiện, đại tố, tỷ như nhân viên chính thức trong văn phòng để tiếp xúc đầy đủ việc làm đối với khách, tức là 7 cái tâm đỗng lực (1 trong 29 thứ vừa kể). Còn tâm thẩm tấn và đại quả sanh 2 cái (một thứ) nối với tâm đỗng lực để mót cảnh còn dư nên gọi là tâm na cảnh (tadālambana).

Nói về tâm chủ quan (hữu phần) sanh khi cảnh ngũ đã vào cũng như xe đò chạy ngoài lộ. Cảnh đến tỷ như bộ hành ở trong nhà bước ra tới lộ, cái xe thứ nhất chạy qua luôn, cái xe thứ nhì tránh người ra đường cũng chạy luôn, đến xe thứ ba. Về sau khoảng này cách xa nhau nên có xe rước khách xẹt qua rước người ra đường ấy. Xe qua mặt người vừa ra đường là hữu phần vừa qua. Xe tránh người ấy là hữu phần rúng động. Xe chót trong khoảng cách xa đó là hữu phần dứt dòng.

Một tỷ dụ khác: “Người tiều phu đốn củi”. Cây tỷ như cảnh. Người gặp cây tỷ như hữu phần vừa qua. Người đốn cây tỷ như hữu phần rúng động. Người đem cây ra khỏi rừng tỷ như hữu phần dứt dòng. Người chở cây về sở tỷ như tâm khai ngũ môn. Chủ nhận cây tỷ như ngũ song thức. Người đem cây vô nề tỷ như tâm tiếp thâu. Người đo cây tỷ như tâm thẩm tấn. Người cưa cây tỷ như tâm đoán định. Cưa cây rồi đem giao cho vựa cây, tỷ như tâm đỗng lực. Còn lại da, có 2 người đến xin tỷ như 2 tâm na cảnh.

Nhiều vị luận sư trước có thí dụ như vầy: Người nằm ngủ dưới gốc xoài. Có một trái xoài chín rụng xuống. Giật mình nghiêng qua ngồi dậy. Xoay ngó thấy trái xoài. Lượm lấy bấm ngửi. Đưa vào miệng cạp 7 lần vừa hết. Vì còn dính trong xơ nên mút thêm vài cái. Nằm ngủ trở lại.

Hợp pháp

Trái xoài rụng tỷ dụ 5 cảnh đến. Người ngủ còn nằm tỷ như hữu phần vừa qua. Nghiêng qua tỷ như hữu phần rúng động. Ngồi dậy tỷ như hữu phần dứt dòng. Ngó 4 phía thấy trái xoài tỷ như tâm khai môn. Lượm lấy trái xoài tỷ như ngũ song thức. Đưa vào mũi tỷ như tiếp thâu. Ngửi bóp thử tỷ như thẩm tấn. Đưa vào miệng tỷ như đoán định. Cạp 7 cái tỷ như tâm đỗng lực. Mút 2 cái tỷ như na cảnh. Rồi nằm ngủ trở lại tỷ như hữu phần cũ.

Cảnh tốt chung: Đa số ai cũng thích hợp. Cảnh tốt riêng: Chỉ ưa thích của cá nhân. Cảnh xấu cũng thế.

 

(C) Tâm dục Giới Tịnh Hảo (Kāmavacara-Sobhaṇa Citta)

 

§14. Pāpāhetukamuttāni, sobhanānīti vuccare. Ekūnasaṭṭhi cittāni, athekanavutīpi vā.

Ngoài bất thiện và vô nhân, gọi là tịnh hảo. Tâm (tịnh hảo) này có 59, hay 91.

Sobhaṇa = tịnh hảo’, tốt đẹp thanh khiết, yên lặng v.v… chỉ cho tâm tịnh hảo (sobhaṇa citta) sinh ra những phẩm chất tốt và chúng liên kết với căn lành như vô tham (alobha), vô sân (adosa) và vô si (amoha).

Sobhanehi yuttānīti = sobhanāni: Hợp với pháp tốt nên được gọi là tịnh hảo, tức là có sở hữu tâm tịnh hảo hợp, nhưng còn thuộc về tâm dục giới nên gọi là tâm dục giới tịnh hảo.

Có 24 tâm dục giới tịnh hảo (kāma-sobhaṇa citta), được chia thành ba loại:

1. Mahā-kusala citta (8) = tâm đại thiện.

2. Mahā-vipāka citta (8) = tâm đại quả.

3. Mahā-kiriya citta (8) = tâm đại tố.

Tâm đại thiện (mahākusala citta) còn được gọi là kāmāvacara-kusala citta (tâm thiện dục giới).

Tâm đại thiện (mahākusala citta) sinh khởi khi phàm nhân (puthujjana) và chư Thánh (Ariya) (ngoại trừ chư Thánh Arahaṃ), trợ cho những hành vi cao thượng như xả thí (dāna), trì giới (sīla) và tu tiến (bhāvanā) v.v…

Tâm đại quả (mahā-vipāka citta) là nghiệp quả của tâm đại thiện (mahākusala citta) từ những đời quá khứ. Chúng hoạt động như tâm tái tục (paṭisandhi citta), tâm hữu phần (bhavaṅga citta) và tâm tử (cuti citta) cho nhân loại và chư thiên ngay trong đời sống hiện tại.

Tâm đại tố (mahā kiriya citta) chỉ sinh khởi với chư Thánh Arahaṃ khi dùng trong những hành vi lành, thiện. Chư Thánh Arahaṃ không dính mắc với bất cứ điều gì. Các Ngài không trông mong thành tựu từ những hành vi lành, thiện, do đó, tâm tố (kiriya citta) của chư Thánh làm chỉ là làm và sẽ không tạo ra bất cứ nghiệp quả ở vị lai. Các vị Arahaṃ không có cuộc sống vị lai nào nữa.

 

Mahā-kusala citta - Tâm Đại Thiện

Mahā’ = đại, nghĩa là ‘lớn hơn về số lượng’, là cho nhiều quả phát sanh.

-   Ku, xấu, + căn sal, run, run sợ, phá hoại, tàn phá, phá hủy, tiêu diệt. Pháp nào phá trừ, phá hủy, tiêu diệt pháp xấu ác, pháp đáng khinh, thì pháp ấy gọi là thiện ‘kusala’.

-   Ku (xấu, ác) + căn si (sai lầm) = kusa: Là sai lầm đáng khinh, có sai lỗi.

-   Kusa + căn lu (cắt) = Kusala: Là cắt đứt sự sai lỗi.

Hay:

-   Ku (xấu, ác) + căn su (giảm) = kusa: làm giảm, nhổ bỏ hay trừ tiệt ác pháp, tức kiến thức bất thiện hay sự không khéo. 

-   Kusa + căn lu (cắt) = kusala: Là pháp trừ tiệt những ác pháp do sự không khéo.

-       Kusa + căn la (lấy) = kusala: Là pháp bị trí nắm bắt.

“Mahākusala” nghĩa là đại thiện, là phần cơ bản ban đầu của thiền, thông, đạo, quả.

‘Kusala’[23] = thiện, có 5 nghĩa (attha): 1 là không bệnh hoạn, 2 là tốt đẹp, 3 là khôn khéo, 4 là chẳng có lỗi, 5 là cho quả vui.

Năm nhân trợ sanh thiện (kusala): Tác ý khéo, thân cận bậc hiền triết, ở chỗ đáng ở, đời trước từng tạo phước, tự lập trường chánh.

- Tác ý khéo là suy xét và hành động đều nương theo trí tuệ, như Phật ngôn: “Trí tiến hóa lối nào thì ta nương theo cách ấy”. Hoặc do tâm thiện suy xét hay đã định thường quen cho đến các duyên trợ thiện có sức mạnh giúp tâm làm dịp cho thiện phát sanh, đó là tác ý khéo.[24]

- Thân cận hiền trí[25] là hay gần gũi những người hiền lành, tâm ý tốt đáng noi theo những cách chơn thật giúp ta tiến hóa, mang lại lợi ích chánh đáng v.v…

- Ở chỗ đáng ở là những nơi trợ cho tâm lành phát sanh do thường có những sự vật làm cho dễ phát sanh tâm thiện, không có những cách khiêu khích tâm bất thiện. Đó gọi là chỗ đáng ở, chớ chẳng phải chỗ tốt hay xấu, vui hay buồn.

- Đời trước (là đời kế trước đây, hoặc các đời trước nữa) từng tạo phước người ấy chuyên hành động theo các điều phước; nhất là bố thí, cho nên đời này chẳng bị nghèo, khổ, thiếu thốn, thiếu hiểu biết v.v… mới dễ tránh khỏi câu: “Bần cùng sanh đạo tặc”.

- Tự lập trường chánh là chí hướng tốt đẹp, mong mỏi cách không hại người, nhất là quyết hành Bồ tát hạnh và tu những pháp không sai hoặc có nghề nghiệp chơn chánh.

‘Tâm đại thiện’ có tên trong chánh tạng là ‘tâm thiện dục giới’ vì làm đủ 10 phúc hành tông (puññakiriyavatthu). Tâm này sanh cho nhiều người, nhiều cõi, hoặc nhân ra đặng nhiều, như là: 8 thứ tâm đại thiện nhân cho 10 hạnh phúc thành 80. Lấy 80 nhân cho 6 cảnh (sắc, thinh, khí, vị, xúc, pháp) thành 480. Lấy 480 nhân cho bốn trưởng (dục trưởng, cần trưởng, tâm trưởng và thẩm trưởng) thành 1.920. Lấy 1.920 nhân cho 3 nghiệp (thân, khẩu, ý) thành 5.760. Lấy 5.760 nhân cho 3 bậc (hạ, trung, thượng) thành ra mười bảy ngàn hai trăm tám chục (17.280). Do đó mới có tên là đại thiện.

8 đại thiện x 10 phúc hành tông x 6 cảnh x 4 trưởng x 3 nghiệp x 3 bậc = 17.280 điều.

Mười phúc hành tông (puññakiriyavatthu): 1 là bố thí thành, 2 là trì giới thành, 3 là tu tiến thành, 4 là cung kỉnh thành, 5 là phụng thị thành, 6 là hồi hướng thành, 7 là tùy hỷ thành, 8 là thính pháp thành, 9 là thuyết pháp thành, 10 là kiến thị thành.[26]

Gọi là phúc hay là phước, nhiều người thường nói, thường nghe. Nhưng ít ai nhận định đầy đủ. Phần nhiều chỉ cho là bố thí mới gọi là phước mà quên còn 9 điều hạnh phúc nữa như vừa nêu.

Trong Pāḷi có chú giải như vầy: Attano santānaṃ punāti sodhetīti = Puññāṃ: Những chi rửa sạch cơ tánh ta, đó gọi là phước, tức là những pháp làm cho tâm ta đặng tốt đẹp có 10 điều như đã kể. Phần giải thích như sau: 1) Bố thí thành là tâm đặng trong sạch, tốt đẹp do bố thí, chia sẻ những sự vật đáng chia sẻ như của cải, sự hiểu biết v.v… Tóm lại có 2: 1 là tài thí, 2 là pháp thí[27]. 2) Trì giới thành là thọ, nguyện, giữ giới như là ngũ giới, bát thanh tịnh giới, thập thiện[28] ngăn thập ác và Sa-di, Tỷ-kheo giới. 3) Tu tiến thành là tu định, nương vào 40 đề mục và tu tuệ hành tứ niệm xứ. 4) Cung kỉnh thành là lễ phép theo các tục nghi. 5) Phụng thị thành là phụng hành theo đúng lẽ phải. 6) Hồi hướng thành là nhớ phước, tưởng, nói, chia cho người quá vãng, hay người hiện tiền. 7) Tùy hỷ thành là vui mừng theo sự cho phước, hay lợi lành của người khác. 8)Thính pháp thành là nghe những lời lẽ chơn chánh, lợi ích v.v… như pháp Phật dạy hay các vị hiền trí chỉ giáo, đặng tâm tốt phát sanh. 9) Thuyết pháp thành là nói những lời lẽ làm cho người nghe đặng sanh tâm tốt, tỏ ngộ, chứng quả v.v… 10) Kiến thị thành là sự nhận thấy đúng với lẽ phải đối với 9 điều trước; cho là nên làm. Nhờ vậy mà hoan hỷ thực hành theo tất cả điều phước.

Muốn biết lúc nào ta có làm phước chăng? Nên nhận rõ tâm tốt thông thường là 8 thứ tâm đại thiện.

§15.   Somanassasahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ asaṅkhārikamekaṃ, sasaṅkhārikamekaṃ, somanassasahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ asaṅkhārikamekaṃ, sasaṅkhārikamekaṃ, upekkhāsahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ asaṅkhārikamekaṃ, sasaṅkhārikamekaṃ. Upekkhāsahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ asaṅkhārikamekaṃ, sasaṅkhārikamekanti imāni aṭṭhapi kāmāvacarakusalacittāni nāma.

Nghĩa là: Một câu hành hỷ tương ưng trí vô dẫn, một hữu dẫn, một câu hành hỷ bất tương ưng trí vô dẫn, một hữu dẫn, một câu hành xả tương ưng trí vô dẫn, một hữu dẫn, một câu hành xả bất tương ưng trí vô dẫn, một hữu dẫn. Đây gọi là tám tâm thiện dục giới.

Tám thứ tâm vừa nêu trên có thể dịch nghĩa cũng giống như cách dịch 8 thứ tâm căn tham. Điều cần thay đổi duy nhất là thay ‘diṭṭhi = tà kiến’ bằng ‘ñāṇa = trí’. Trí này là căn bản của sự hiểu biết về sự tồn tại của nghiệp cũng như quả của nghiệp.

Tên gọi đầy đủ của tám thứ tâm này như sau:

1. Một tâm câu hành hỷ tương ưng trí vô dẫn. (Dhs.16)

2. Một tâm câu hành hỷ tương ưng trí hữu dẫn. (Dhs.125)

3. Một tâm câu hành hỷ bất tương ưng trí vô dẫn. (Dhs.126)

4. Một tâm câu hành hỷ bất tương ưng trí hữu dẫn. (Dhs.129)

5. Một tâm câu hành xả tương ưng trí vô dẫn. (Dhs.130)

6. Một tâm câu hành xả tương ưng trí hữu dẫn. (Dhs.134)

7. Một tâm câu hành xả bất tương ưng trí vô dẫn. (Dhs.135)

8. Một tâm câu hành xả bất tương ưng trí hữu dẫn. (Dhs.138)

Câu hành hỷ, vô dẫn và hữu dẫn đã có giải ở phần tâm căn tham, nhưng sự khác biệt ở đây là trường hợp trợ cho tâm tốt phát sanh.

Nhân trợ sanh câu hành xả có 4:

- 1/ Tái tục bằng tâm câu hành xả (upekkhāpaṭisandhikatā) là 2 tâm thẩm tấn câu hành xả, 4 tâm đại quả câu hành xả và 5 tâm quả ngũ thiền hiệp thế (sẽ giải thích sau).

- 2/ Suy xét tế nhị (gambhīrapakatitā) là trầm ngâm nghĩ ngợi những sự lý khó khăn, sâu xa, siêu việt, hay suy nghĩ kỹ lưỡng, không bồng bột vì sự vui mừng hay nóng giận, buồn rầu v.v…

- 3/ Thường gặp cảnh trung bình (majjhattārammaṇa-samāyogo) là gặp sự vật không ưa, không ghét, không thích, không chê.

- 4/ Ly sự điêu tàn (byasanamutti) là lúc không gặp hoạn nạn.

Câu hành xả là tâm bình thường, không vui không buồn, như khi không gặp cảnh tốt, xấu hay khi gặp cảnh trung bình mà ta đôi khi lơ là, không quan tâm tợ như tâm không biết cảnh vậy.

Trí (ñāṇa) và tuệ (paññā) tuy khác tên mà là một pháp thực tính, tức là trạng thái sáng suốt, trạng thái thấy biết rõ cùng sanh với tâm.

Trí tuệ tóm lại có 3: 1 là trí văn, 2 là trí tư, 3 là trí tu.

- Trí văn là do nghe, học mới đặng hiểu biết thấu đáo những nghĩa, lý sâu sắc, cao siêu, như pháp lý bậc cao của nhà Phật hoặc triết học cùng toán học cao hay những tài nghề khó khăn.

- Trí tư là tự tâm sáng suốt, nghiên cứu tìm tòi đặng trải nghiệm, hiểu biết những điều nằm ngoài kiến thức sách vở. Người thế gian thường nói đó là trí thiên tư, chớ kỳ thật là do duyên nghiệp đã tạo trước kia.

- Trí tu là những tuệ phát sanh do tu hành tỏ ngộ đắc chứng khi hành tứ niệm xứ, hoặc tuệ sanh chung với tâm thiền.

 

Bốn nhân trợ sanh bất tương ưng trí: 1 là nghiệp trước không quen nết trí, 2 là sanh nhằm cõi đa sân, 3 là không tránh phiền não, 4 là gặp khi ngũ quyền không đủ mạnh.

- Nghiệp trước không quen nết trí là đời quá khứ ta không thường dùng trí nên bây giờ rất khó phát sanh.

- Sanh nhằm cõi đa sân; nhất là cõi Nam Thiệm Bộ Châu (trái đất này) trong thời kỳ tuổi thọ ít, sự ác tăng nhiều, việc quá đa đoan làm cho tâm người khó yên tịnh, thiếu nhân cận của trí, như câu: “Thủy thái thanh, ắt vô ngư. Nhân thái cẩn, ắt vô trí”- nghĩa là nước quá trong ắt không cá, người quá gấp ắt không trí.

- Không tránh phiền não là hay bị phiền não phát sanh, thường bị cuốn theo phiền não.[29]

- Gặp khi ngũ quyền không đủ mạnh là thời kỳ đức tin, tinh tấn, chánh niệm, chánh tịnh và trí tuệ chưa đủ, còn yếu kém, vì thiện duyên hay căn lành các đời trước đã tu tập, nhất là Pháp độ (pāramī) chưa đầy đủ cho nên trí tuệ khó phát sanh.

 

Nhân Trợ Sanh Trí, có 40:

Bốn nhân trợ cho tương ưng trí hay bốn nhân trợ sanh trí: 1 là có nghiệp quen nết trí, 2 là sanh nhằm cõi vô sân, 3 là đặng xa lìa phiền não, 4 là gặp khi ngũ quyền mạnh.

- Có nghiệp quen nết trí là trước kia hay dùng trí, nay còn trớn, thành tánh nết đã quen, như thế trí dễ sanh.

- Sanh nhằm cõi vô sân chỉ cho cõi Sắc giới và Vô sắc giới.

- Xa lìa phiền não là lúc không bị những phiền não phát sanh thì trí tuệ mới dễ phát sanh.

- Gặp khi ngũ quyền mạnh như các bậc đã đầy đủ Pháp độ, nhất là Bồ tát kiếp chót v.v…

Muốn tạo trí tuệ phải tìm hiểu những nguyên nhân trợ sanh cũng như sắm thuyền có đủ thiết bị mới có thể ra khơi. Đây ví như thuyền bát nhã, vì trí có thể giúp đưa người đến bờ kia là Níp-bàn.

 

Sau đây là 5 phần bổ sung để giúp người muốn nghiên cứu rộng hơn và tạo thuận lợi trong việc thực hành.

Tám nhân tỉnh trí: 1 là chặng còn trẻ tuổi; 2 là quyền tước đang tăng; 3 là cố gắng tìm học hỏi; 4 là thôi xã giao với ngoại giáo; 5 là cố gắng khéo dùng lòng; 6 là cố đàm luận trao đổi ý kiến; 7 là ưa mến tài, trí; 8 là ở chỗ đáng tiến hoá.

1. Chặng còn trẻ tuổi là lúc chưa già. Trong Kinh phân một đời người ra làm 10 chặng, mỗi chặng là 10 tuổi vào thời Đức Phật còn tại thế.

 - 1 là chặng yếu khờ, 10 tuổi trở lại, tục gọi là trẻ nhỏ. Độ tuổi này chưa có sức mạnh, chưa hiểu biết đời. Nếu là trẻ ngoan chỉ cũng ngoan do tiền nghiệp.

 - 2 là chặng hí lạc, kể từ 10 tuổi đến 20 tuổi, rất ham vui ít biết lo giàu, nghèo, thiếu, đủ.

 - 3 là chặng nhan sắc, kể từ 20 đến 30 tuổi, nam nữ trổ mã đủ đầy, du sắc đang độ đẹp nhất.

 - 4 là chặng sáng lập, kể từ 30 đến 40 tuổi, đủ sức làm lo dựng nên cơ nghiệp.

 - 5 là chặng dụng trí, từ 40 đến 50 tuổi, đủ trí khôn xét đoán kinh nghiệm, nghiên cứu v.v…

 - 6 là chặng thoái hoá suy giảm, kể từ 50 đến 60 tuổi, tâm sức giảm lần.

 - 7 là chặng biến dịch, từ 60 đến 70 tuổi, thân tâm lần lần thay đổi thành già thân, niệm yếu hay quên, tục gọi là già lú lại.

 - 8 là chặng còm lưng, từ 70 đến 80 tuổi, tục gọi là lưng mỏi, gối chùn.

 - 9 là chặng thất ngộ, từ 80 đến 90 tuổi, hay lẫn lộn và quên.

 - 10 là chặng thường ngọa, từ 90 đến 100 tuổi, rất già, mỏi mệt hay nằm.

Mỗi chặng 10 tuổi là kể từ thời đa sống bách niên (sống lâu trăm tuổi) cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm. Nay số tuổi trung bình giảm còn 75 tuổi, thì mỗi chặng là 7,5 tuổi.

Chặng 1 từ khi sanh đến 7 năm 6 tháng;  chặng 2 từ 7 năm 6 tháng đến 15 tuổi;

Chặng 3 từ 15 tuổi đến 22 tuổi 6 tháng;   chặng 4 từ 22 tuổi 6 tháng đến 30 tuổi;

Chặng 5 từ 30 tuổi đến 37 tuổi 6 tháng;   chặng 6 từ 37 tuổi 6 tháng đến 45 tuổi;

Chặng 7 từ 45 tuổi đến 52 tuổi 6 tháng;   chặng 8 từ 52 tuổi 6 tháng đến 60 tuổi;

Chặng 9 từ 60 tuổi đến 67 tuổi 6 tháng;   chặng 10 từ 67 tuổi 6 tháng đến 75 tuổi.

Trong một đời người, thời gian dùng trí nhiều hơn hết là từ 30 đến 37 tuổi 6 tháng. Cũng có người sớm, muộn không đồng đều, do nhiều duyên khác.

2. Quyền tước đang khi tăng là thời kỳ đang thịnh vượng, quả tột dồi dào thì phước trí dễ phát.

3. Cố gắng tìm học hỏi; sự hiểu biết phải từ thấy, nghe v.v… thì sự học hỏi mới giúp ta thêm những cái biết chưa từng biết, cho đến hiểu thấu pháp lý cao siêu đa phần nhờ học hỏi. Đó là một nguyên do làm cho trí phát sanh rất nhiều, vững vàng không lui sụt, không lú lẫn. Đó là tỉnh trí.

4. Thôi xã giao với ngoại giáo là ngăn ngừa, dè dặt để tránh không bị tà kiến và tâm bất thiện phát sanh. Nếu không, dù có tâm lành cũng gặp trở ngại trong việc nhận thức pháp lý cao siêu do tác động của những dị đoan hay hủ tục theo pháp lý mê mờ v.v…

5. Cố gắng khéo dùng lòng là ráng sức tìm hiểu những pháp lý chưa từng hiểu và cao siêu đặng cho trí tuệ thường sanh và luôn luôn phải thực hành theo nhận định của trí.

6. Siêng năng đàm luận trao đổi ý kiến với những người kiến thức hơn ta, nhiều khi trợ thêm sự sáng suốt hơn xem sách.

7. Ưa mến tài trí là dù chưa phải bậc tài trí, nhưng ta cũng đã mến mộ, từ từ sẽ được nên tài trí, giỏi giang.

8. Ở chỗ đáng tiến hóa là những chỗ thường được nghe, thấy lời khôn, việc khéo, triết lý văn chương hay kinh nghiệm nghề nghiệp, thời trí tuệ ta phát triển, khỏi tiêu mòn, đó là lý tỉnh trí.

Bốn nhân trợ tạo trí: 1 là tin ân đức bậc Ứng cúng, 2 là nghe Phật pháp cao siêu, 3 là không dể duôi lừng lẫy, 4 là suy xét pháp cao đã nghe.

- Tin ân đức bậc Ứng cúng là tin chắc rằng bậc Phật Toàn giác giáo chủ ngôi pháp bảo, cả bậc Bích Chi Phật và Thinh Văn tứ quả, đều có ân đức, không còn phiền não nên rất đáng cúng dường; mới gọi là Ứng cúng. Người có đầy đủ đức tin, căn lành, phước duyên đã đến thì các Ngài sẽ trợ giúp cho trí hóa phi thường; nhờ vào đức tin đối với bậc Ứng cúng.

- Nghe Phật pháp cao siêu nhờ đó đặng biết điều cao siêu phi thường chưa từng biết. Đó là đã tạo ra trí tuệ.

- Không dể duôi lừng lẫy: Người luôn có niệm sẽ có nền tảng cho những trí tuệ phát sanh dễ dàng.

- Suy xét pháp đã nghe là suy xét pháp lý vô thường, khổ não, vô ngã cho đến Níp-bàn. Nhận thật trúng rõ đó là trí. Nếu những pháp cao đã nghe mà chưa hiểu thấu, nhờ suy xét sẽ đặng tỏ ngộ.

Chín nghiệp trí: 1 là thuyết pháp cho người nghe, 2 là dạy nghề không tội lỗi, 3 là dạy chuyện không tội lỗi, 4 là dạy tài không tội lỗi, 5 là trọng người thuyết pháp, 6 là cầu thuyết pháp cho nghe, 7 là làm phước nguyện sanh trí, 8 là tự soạn sách cao, Kinh chánh, 9 là bố thí sách cao, Kinh chánh.

Nghiệp trí là việc làm giúp trí tuệ phát sanh.

1. Khi thuyết pháp cho người nghe thì phải chuẩn bị, suy xét đến pháp ta sẽ nói, giúp nhận thức được rõ ràng hơn trước.

2. Dạy nghề không tội lỗi là dạy các nghề không tạo ác, chẳng nhiễm tục trần, đúc kết những kinh nghiệm, đưa ra các sáng kiến giúp người học mau hơn khi ta học.

3. Dạy chuyện không tội lỗi như là nhắc lại tích xưa, chuyện cũ v.v… những chuyện cổ nhân đã dùng trí mà không phải tạo tội, hay là những việc, những sáng kiến mà cổ nhân đã làm và gặt hái thành công.

4. Dạy tài không tội lỗi là chỉ dạy và giúp đỡ cho người khác phát triển khả năng đặc biệt của họ, chẳng hạn như biệt tài tổ chức, điều khiển, gieo cảm tình, trình bày mạch lạc và lưu loát, hướng dẫn quần chúng… miễn là những tài năng đó không tạo nên ác nghiệp (tội lỗi). Đây cũng là hành động giúp phát sanh trí tuệ vì khi muốn chỉ dạy cho có kết quả, bản thân người dạy cần phải xem xét tỉ mỉ, tìm hiểu trình độ khả năng và kiến thức tâm tánh của người học rồi ta mới áp dụng phương pháp thích hợp để có kết quả tốt.

5. Trọng người thuyết pháp là kính trọng và tôn quý vị pháp sư có công dạy dỗ ta điều lợi ích trong Phật pháp. Trọng pháp sư cũng chính là trọng Phật pháp. Nhờ sự chỉ dạy của thầy mà ta dễ lãnh hội và thấu hiểu Phật pháp dễ dàng hơn, hầu đem ra thực hành mở mang trí tuệ; vì phần lớn Phật pháp đều chú trọng về sự tiến hóa của tâm.

6. Cầu thuyết pháp cho nghe là thỉnh pháp sư giảng giải Phật pháp, như vậy dễ mở mang thêm trí tuệ, phá hoài nghi và cuối cùng diệt được vô minh khi trí tuệ nhờ ‘nhân duyên’ tròn đủ mà phát sanh đến mức tột đỉnh.

7. Làm phước nguyện sanh trí tuệ là tạo phước lành (đã giải thích ở phần trước) rồi nguyện được phát sanh trí tuệ. Phần đông chúng sanh làm phước được dễ dàng là nhờ tin rằng làm phước có nhiều cách thì quả phước cũng có nhiều loại khác nhau; tùy thuộc vào nguyện lực. Trường hợp này làm phước (đức tin) đi kèm trí tuệ cộng với mãnh lực của lời nguyện, quả báo trí tuệ sẽ phát sanh.

8. Tự soạn sách cao Kinh chánh là nghiên cứu, phiên dịch, soạn thảo những sách về triết lý cao siêu hoặc những Kinh ghi chép 84.000 pháp (uẩn) của Đức Phật đã giáo truyền (Tam tạng). Công việc này cần vận dụng nhiều trí tuệ là nhân để trí tuệ phát sanh lên mãi mãi.

9. Bố thí những Kinh chánh là những Kinh dạy chánh pháp của Đức Phật. Chánh pháp là những pháp hợp chơn lý, nhằm mục tiêu diệt trừ hết phiền não, mở mang trí tuệ và đưa người (hành pháp) đến giải thoát Níp-bàn.

Nếu ta chưa đủ khả năng để thuyết pháp, soạn dịch Kinh thì ta có thể hiến tài sản, chi tiền của ra để in Kinh sách, ấn hành hoặc thỉnh pháp sư thuyết pháp, dạy đạo… đó cũng là hình thức bố thí pháp. Quả báo của sự bố thí pháp là trí tuệ phát sanh và sẽ được giải thoát sau này.

Bảy nhân phát trí: 1 là ưa gặp trí thức học hỏi (paripuccatā), 2 là thân, đồ, chỗ ở sạch sẽ (vatthuvisuddhikiriyā), 3 là gìn giữ lục quyền (indriyasamattapaṭipādanā), 4 là tránh người si mê (duppaññūpuggalaparivajjanā), 5 là thường gặp bậc trí thức (paññavantapuggalasevanā), 6 là cố tìm Phật pháp cao siêu (gambhūrañāṇacariyapaccavekkhanā), 7 là ưa tìm pháp giải thoát (tadadhimuttatā).

1. Ưa gặp trí thức học hỏi, danh từ “trí thức” nơi đây ám chỉ bậc thiện trí thức, tức là người có giới đức lại am tường pháp lý cao siêu của Đức Phật. Học hỏi nơi các vị ấy thì tâm tánh của ta được cởi mở, trí tuệ phát sanh dễ dàng vì các Ngài chỉ dạy toàn các điều lợi ích; nhất là lợi ích về tâm trí.

2. Thân, đồ, chỗ ở sạch sẽ là để tâm khỏi bực bội vì sự bừa bộn, luộm thuộm, bẩn thỉu. Sự sạch sẽ, gọn gàng giúp tâm thơ thới dễ sanh trí.

3. Thu thúc lục quyền là nhãn quyền, nhĩ quyền, tỷ quyền, thiệt quyền, thân quyền và ý quyền. Nếu ta không tác ý khéo để gìn giữ sáu căn khỏi nhiễm đắm cảnh xấu, ác pháp thì tâm trí ta sẽ bị phiền não làm tán loạn, thiêu đốt triền miên. Trí tuệ do đó không thể phát sanh lên được. Vì vậy, ta cần phải gìn giữ lục căn, tránh xa ác pháp để tạo thuận tiện cho trí tuệ dễ phát sanh.

4. Tránh người si mê là tối tăm, có nhiều tà kiến, cần phải tránh xa hạng người đó để khỏi bị nhiễm đắm, ô lây tâm tánh xấu xa, si mê tức là thiếu trí tuệ. Người si mê không thể là nhân giúp ta phát sanh trí tuệ nên cần phải tránh xa.

5. Thường gặp bậc trí thức là những bậc thiện trí như trên đã giải. Hành động của các vị ấy từ việc làm lời nói và tư tưởng đều luôn luôn có trí tuệ đi kèm. Gần gũi các vị ấy ta sẽ được nhiều dịp để học hỏi thêm gương lành và mở mang trí tuệ.

6. Cố tìm Phật pháp cao siêu là chân lý cao siêu mầu nhiệm, là pháp phân tích siêu việt cùng tột để thấy rõ và thông suốt thật tướng của vạn vật, là pháp dành cho các bậc trí thức có nhiều trí tuệ. Người hướng theo Phật pháp cần tìm hiểu, nghiên cứu cho tường tận, thông suốt rốt ráo rồi đem ra thực hành, dĩ nhiên là nhân phát sanh trí tuệ ai ai cũng thấy rõ.

7. Ưa tìm pháp giải thoát là Phật pháp. 84.000 pháp uẩn Đức Phật dạy chỉ có một vị là vị giải thoát. Giải thoát là sang đến bờ bên kia, thoát khỏi luân hồi sanh tử và được an vui tuyệt đối đến Níp-bàn. Pháp này là của bậc cao trí, Toàn giác tìm ra nhờ dùng trí tuệ. Những ai hay tìm hiểu pháp giải thoát, dĩ nhiên trí tuệ sẽ phát sanh và mở mang dễ dàng.

Tám nhân đắc trí: 1 là kính sư (cung kỉnh ông thầy), 2 là cần vấn (siêng năng học hỏi), 3 là thanh tịnh (vắng lặng, êm ái), 4 là trì giới (thu thúc giới hạnh), 5 là cố văn (bền chí nghe pháp), 6 là tự cần (siêng năng), 7 là thuần niệm (niệm mạnh), 8 là quán uẩn (suy xét uẩn sanh, diệt).

1. Kính sư là cung kỉnh thầy, danh từ thầy nơi đây là thầy dạy đạo hơn là thầy dạy đời. Người nào biết cung kỉnh thầy mới mến phục và nghe lời thầy dạy bảo, thì người thầy mới hết lòng đem tâm trí ra dạy bảo cho. Cung kỉnh, dễ dạy biết nghe lời thầy là nhân đắc trí vậy.

2. Cần vấn là siêng năng học hỏi, chuyên cần tìm hiểu dần dần sẽ mau hiểu biết, sớm đắc trí tuệ.

3. Thanh tịnh là vắng lặng, êm ái. Tâm người thường dao động không thanh tịnh vắng lặng nên lu mờ, không sáng suốt, thiếu trí tuệ không soi xét được việc gì cho thấu đáo. Như mặt nước bị sóng đánh sôi sục ba đào, nếu nhìn vào cũng không thấy rõ mặt nước và đáy nước.

4. Trì giới là thu thúc giới hạnh. Người nào thu thúc gìn giữ được giới hạnh trong sạch thì thân tâm sẽ được yên tịnh, phiền não sẽ không còn quấy rầy, đó là ‘nhân duyên’ cho tâm đắc trí dễ dàng. Giới có nhiều loại như: Ngũ giới, bát quan trai giới, thập giới, tứ thanh tịnh giới hay biệt giải thoát giới dành cho bậc xuất gia.

5. Cố văn là cố gắng bền chí nghe pháp. Pháp đây là pháp Phật luôn luôn nhằm mục đích mở mang trí tuệ và đưa người đến bờ giải thoát.

Trí tuệ có 3 loại: 1 là trí văn, 2 là trí tư và 3 là trí tu.

 - Trí văn là sự sáng suốt hiểu biết do nhờ nghe giảng giải pháp.

 - Trí tư là sự hiểu biết do suy xét đúng theo chân lý hay minh triết nhà Phật.

 - Trí tu tức là suy xét nhớ bát đoan cần và bát thê thảm, tức là sự siêng năng hay tinh tấn như trong tứ chánh cần là bốn pháp siêng năng chân chánh:

 . 1 là thận cần là sự thành tựu do tu tứ niệm xứ mạnh mẽ, ngăn ngừa các ác pháp không cho phát sanh, chẳng hạn như trì giới, thu thúc sáu căn v.v…;

 . 2 là trừ cần là tinh tấn dứt bỏ, bài trừ ba tà tư duy là suy nghĩ về tình dục ngũ trần, suy nghĩ về sự thù oán, suy nghĩ về sự hãm hại người;

 . 3 là tu cần là trau dồi các thiện pháp như 7 pháp hiền triết (tín, giới, văn, xả, trí, tàm, úy), là 7 pháp hiền triết giúp sanh làm Đế Thích, và là 7 nhân trợ sanh bồ đề v.v…;

 . 4 là bảo cần là gìn giữ các pháp lành đã đắc không để cho bị hư hoại.

6. Tứ chánh cần có pháp thực tính là sở hữu cần rất quan trọng và cần yếu, sẽ giải rõ hơn ở phần sau. Cần chia làm 2:

 . 1 là thân cần là sự cố gắng siêng năng, tinh tấn hành động bằng thân như gắng sức ngồi thiền, tinh tấn đi kinh hành;

 . 2 là tâm cần là sự siêng năng, cố gắng hành động do nơi tâm như là niệm đề mục thiền định (samatha) hoặc niệm tứ niệm xứ, hành minh sát (vipassanā) v.v…

Nhân cận của sở hữu cần là bát thê thảm là sanh, lão, bệnh, tử, địa ngục, ngạ quỉ, bàng sanh, atula và bát đoan cần là làm rồi, sắp làm, đi mới về, sắp đi xa, vừa mới mạnh, khi chớm đau, lúc đủ ăn, khi thiếu ăn.

7. Thuần niệm là niệm mạnh. Thuần có nghĩa là thuần thục, thuần nhã quá quen. ‘Niệm’ trong từ Pāḷi là ‘Sati’, có nghĩa là ghi nhớ, ức[30] niệm v.v… ‘Niệm’ là chánh niệm hay niệm chơn chánh. Sở hữu niệm là một chi trong bát chánh đạo, nói đúng hơn là tứ niệm xứ (satipaṭṭhānā): 1 là tùy niệm thân (kāyānupassanā), 2 là tùy niệm thọ (vedanānupassanā), 3 là tùy niệm tâm (cittanupassanā), 4 là tùy niệm pháp (dhammānupassanā).

Niệm (sati) là một sở hữu tâm (cetasika) vô cùng quan trọng, rất cần yếu đem lại sự lợi ích cho hành giả. Niệm có mặt trong một số lớn pháp Phật như: Bát chánh đạo, ngũ quyền, ngũ lực, thất giác chi.

Ghi nhớ có 3 cách: 1 là ghi nhớ rõ rệt đề mục hay cảnh giới đưa đến, 2 là ghi nhớ rõ rệt pháp ác khi hành rồi sẽ đem đến kết quả khổ não, 3 là ghi nhớ rõ rệt pháp thiện khi hành rồi sẽ đem đến kết quả lợi ích an vui.

Nhân phát sanh niệm có 4: 1 là sự ghi nhớ biết mình, 2 là xa lánh người không có sự ghi nhớ tức là hay quên, lẫn lộn, 3 là thân cận người có sự ghi nhớ mạnh, 4 là luôn luôn giác tỉnh, chăm chú theo dõi mỗi hành động của mình.

Vì vậy, cần phải có niệm mạnh để trí tuệ dễ phát sanh.

8. Quán uẩn là quán tưởng, quán sát, suy xét, phân biệt về ngũ uẩn. ‘Uẩn’ là đống, bó v.v….

Năm uẩn: 1 là sắc uẩn tức là sắc pháp, 2 là thọ uẩn có pháp thực tính là sở hữu thọ, 3 là tưởng uẩn có pháp thực tính là sở hữu tưởng, 4 là hành uẩn tức là 50 sở hữu tâm (trừ thọ và tưởng), 5 là thức uẩn tức là tâm.

Nếu thường xuyên liên tục quán sát về ngũ uẩn thì một ngày nào đó trí tuệ sẽ phát sanh cho ta thấy rõ sự ‘sanh’ lên của ngũ uẩn (danh-sắc) và do chi nó ‘diệt’. Ta sẽ thấy rõ con người hay chúng sanh chỉ là sự kết hợp tạm thời giữa ‘danh’ và ‘sắc’. Hai pháp này luôn luôn sanh rồi diệt; diệt rồi sanh, vô thường biến đổi tiếp nối trôi chảy không ngừng nghỉ như trường lưu bất tức[31]. Ngoài ra, không có một cái gì có thể gọi là thú, chúng sanh, linh hồn, hay một bản ngã trường tồn vĩnh cữu.

Cái mà ta thường gọi là bản ngã trường tồn chỉ là một huyền tượng và thành kiến chấp ngã phát sanh như một ảo ảnh do sự điều hành phức tạp của ngũ uẩn. Như vậy do nhờ quán sát ngũ uẩn nên trí tuệ dễ phát sanh để thấy rõ sự sanh diệt của danh-sắc và Đức Phật có dạy: “Sống chỉ một ngày mà biết được sự sanh diệt của danh và sắc, còn hơn sống 100 năm mà không biết được danh-sắc là gì!”.

Yo ca vassasataṃ jīve, apassaṃ udayabbayaṃ;

Ekāhaṃ jīvitaṃ seyyo, passato udayabbayaṃ.

“Sống đến trăm năm chẳng ích chi, Nào hay sanh diệt hiểu là gì,

Chào đời nhứt nhật tường sanh diệt, Mới biết hơn kia quí lạ kỳ.

Dhammapadapāḷi - Pháp Cú. 113-

Sahassavaggo - Phẩm Một Ngàn / Việt dịch: Trưởng lão Tịnh Sự

 

Phật ngôn nói về trí: (Tiểu học có 21, trung học có 8, đại học có 7 câu).

Tiểu học có 21 câu:

1. Không có ánh sáng nào bằng trí.

2. Trí là ánh sáng trong đời.

3. Trí sanh đặng do cố gắng.

4. Trí tiêu hết do chẳng siêng năng.

5. Trí đem lại sự an vui.

6. Trí là quí báu của đời.

7. Trí đặc biệt hơn của cải.

8. (Thiền) sự thẩm xét không có với người vô trí.

9. Tuệ chẳng có với người không (thiền) thẩm xét.

10. Trí dạy bảo cho người.

11. Kẻ lười biếng không gặp nẻo trí.

12. Khéo nghe thì đặng trí.

13. Giác ngộ lý pháp bằng trí.

14. Người trong sạch nhờ trí.

15. Bậc khôn cho trí rất đặc biệt.

16. Người sống bằng trí là sống đặc biệt.

17. Người trí hiểu ngạn ngữ cũng đặc biệt hơn người.

18. Người trí tề gia lợi ích cho nhiều người.

19. Biết đặng trí của người do đàm luận.

20. Trí tiến hóa cách nào ta nên theo cách ấy.

21. Chớ nên coi rẻ trí.

Trung học có 8 câu:

1

Ít nghe thiếu hiểu dẫu cho già

Bò cổ mập nhiều số thịt đa

Tiến nhục tăng thêm nào tiến trí

Chất chồng thêm tuổi khác chi mà.

2

Có trí dù cho của chẳng còn

Sống đời khéo léo với lòng son

Kẻ ngu của cải đầy không hết

Thân mạng thay cho vật cỏn con.

3

Khôn khéo tri thời thích hợp trường

Chương trình soạn đúng đủ nhiều phương

Sắp rành các cách theo muôn việc

Đặc biệt mà không trái với thường.

4

Trí tuệ khôn lanh sáng tợ trăng

Các sao đa số chẳng chi bằng

Hiền nhân các pháp đều nương với

Giới đức tháp tùng bậc trí nhân.

5

Trí thức nhận rành lối rất vui

Lập trường tiến tới chớ nào lui

Hy sinh thiểu lạc coi như bỏ

Để hưởng an vui quí đáng nhiều.

6

Những người thiếu trí đặng ngôi quyền

Ép uổng tự tha khổ liên miên

Bất lợi hai đàng đâu có ích

Hành vi tạo tác đáng sanh phiền.

7

Tiểu nhân thiếu hiểu não lung lăng

Phá hại hư luôn tốt quí phần

Hảo hạnh thanh danh người quân tử

Liên cang phải chịu lối tương thân.

8

Giác ngộ dù cho sống một ngày

Hơn người thiếu trí tánh ngơ ngây

Thọ tăng bá tuế càng thêm luống

Tiến thoái nên so bỏ sớm chày.

Đại học có 7 câu:

1

Hiền triết hằng khen trí tuệ luôn

Không chi phủ nhận khó đo lường

Riêng phần hạnh phúc người ưa lợi

So sánh cùng nhau thắp đủ phương.

2

Vấn đề tế nhị xét luôn luôn

Chẳng tạo ác chi gốc khổ buồn

Lợi ích theo thời đâu có bỏ

Đặt là người trí há kêu suông.

3

Người khờ mang chức cũng làm nô

Trí thức khi cần những việc mô

Bí mật giao cho càng lúng túng

Lừng khừng sự khéo tánh vì thô.

4

Biết ơn khen trí của người hay

Giữ giới chắc lời hợp với đây

Hy vọng theo tâm hằng vắng lặng

Vững vàng cơ tánh tốt hiền thay.

5

Trí đồ trắc nghiệm của người nghe

Giúp hẳn nên danh tiếng tước quyền

Đức hạnh đủ đầy luôn khéo léo

Dù cho gặp khổ trở vui yên.

6

No trí là no đặc biệt hơn

Cành hông vật thực chỉ tiêu mòn

Vì no bằng trí không sôi nổi

Tham ái đành thôi khỏi véo von.

7

Người trí hằng xem dục lạc như

Tật nguyền bệnh hoạn khổ đa chừ

Vô thường thay đổi không ngừng nghỉ

Xét bỏ ham vui đại nạn hư.

Ứng dụng:

Chỉ có hai loại tâm mà mỗi khi sinh khởi, chúng mang nghiệp nhân và sẽ cho ra nghiệp quả. Hai loại tâm ấy là tâm bất thiện và tâm thiện. Do đó, nếu chúng ta có thể điều khiển ý của chúng ta thoát khỏi sự tác động của tham (lobha), sân (dosa) và si (moha), chúng ta sẽ có tâm thiện.

Khi chúng ta cho vật thí, chúng ta có vô tham (alobha) đối với vật thí ấy và vô sân (adosa) trước sự lợi ích của người nhận vật thí ấy. Hơn thế nữa, nếu chúng ta có vô si hay trí (amoha) về nghiệp và quả của nghiệp ngay khi đang bố thí, chúng ta có tất cả ba căn thiện cùng sanh với tâm. Căn thiện sẽ luôn trợ cho sanh tâm tịnh hảo (sobhaṇa citta).

Khi chúng ta dâng cúng vật thí mà không có sự trợ dẫn bởi bất cứ ai và nếu chúng ta cũng cảm thấy hoan hỷ trong lúc dâng cúng, ngay khi ấy sẽ là tâm đại thiện câu hành hỷ tương ưng trí vô dẫn (somanassa sahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ asaṅkhārika mahākusala citta).

Khi những người trẻ, không có sự hiểu biết thấu đáo về nghiệp và quả của nghiệp, bày tỏ sự tôn kính một cách hoan hỷ đến một vị Sa-môn hay một hình ảnh của Đức Phật sau khi được sự khuyên bảo của cha mẹ, khi ấy là tâm đại thiện câu hành hỷ bất tương ưng trí hữu dẫn (somanassasahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ sasaṅkhārika mahākusala citta) sinh khởi.

Tám loại tâm thiện có thể mô tả thêm qua những ví dụ sau:

Loại 1:   Một phu nhân có trí hiểu biết về nghiệp và sự hoan hỷ khi dâng hoa ở chùa với sự tự giác.

Loại 2:   Một thiếu nữ, sau khi được sự khuyên bảo của bạn, đến nghe một thời pháp thoại với sự hoan hỷ và với trí hiểu biết về nghiệp.

Loại 3:   Một thanh niên, xả thí tịnh tài đến người ăn xin một cách tự nhiên với sự hoan hỷ nhưng không có trí hiểu biết về nghiệp.

Loại 4:   Một người đàn ông, sau khi được vị trụ trì vận động xả thí một số tịnh tài cho trường học, ông ta hoan hỷ xả thí 100 lạng vàng mà không có trí hiểu biết về nghiệp và quả của nghiệp.

Loại 5:   Một thiếu nữ quét sân với cảm thọ xả nhưng biết đó là một việc thiện nên làm.

Loại 6:   Một người đàn ông được sự chỉ dạy của một Sa-môn, chặt cây với cảm thọ xả nhưng biết đó là việc nên làm.

Loại 7:   Một phu nhân tự nguyện đọc một quyển sách về Phật pháp mà không hiểu nghĩa lý và trí hiểu biết về nghiệp và quả của nghiệp.

Loại 8:   Một thiếu nữ được sự chỉ dạy của mẹ là giặt quần áo cho cha mẹ, không có sự hoan hỷ và cũng không có sự suy nghĩ về nghiệp và quả của nghiệp.

 

v Mahāvipāka citta (tâm đại quả) mahākiriya citta (tâm đại tố)[32]

§16. Somanassasahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ asaṅkhārikamekaṃ, sasaṅkhārikamekaṃ, somanassasahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ asaṅkhārikamekaṃ, sasaṅkhārikamekaṃ, upekkhāsahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ asaṅkhārikamekaṃ, sasaṅkhārikamekaṃ, upekkhāsahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ asaṅkhārikamekaṃ, sasaṅkhārikamekanti imāni aṭṭhapi sahetukakāmāvacaravipākacittāni nāma.

Nghĩa là: Một câu hành hỷ tương ưng trí vô dẫn, một hữu dẫn, một câu hành hỷ bất tương ưng trí vô dẫn, một hữu dẫn, Một câu hành xả tương ưng trí vô dẫn, một hữu dẫn, một câu hành xả bất tương ưng trí vô dẫn, một hữu dẫn. Đây gọi là tám tâm quả dục giới.

‘Tâm đại quả’ đều là quả do sở hữu tư (cetanā) hiệp với tâm đại thiện để lại thành Dị thời ‘nghiệp duyên’ (nānakkhanikakammapaccayo) tạo tâm tái tục, tâm hữu phần, tâm tử và tâm na cảnh trong phần Dục giới. Tâm đại quả khi nói theo thọ, phối hợp, trợ dẫn thì cũng giống với những phần của tâm đại thiện.

§17. Somassasahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ asaṅkhārikamekaṃ, sasaṅkhārikamekaṃ, somanassasahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ asaṅkhārikamekaṃ, sasaṅkhārikamekaṃ, upekkhāsahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ asaṅkhārikamekaṃ, sasaṅkhārikamekaṃ, upekkhāsahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ asaṅkhārikamekaṃ, sasaṅkhārikamekanti imāni aṭṭhapi sahetukakāmāvacarakiriyacittāni nāma.

Nghĩa là: Một câu hành hỷ tương ưng trí vô dẫn, một hữu dẫn, một câu hành hỷ bất tương ưng trí vô dẫn, một hữu dẫn, Một câu hành xả tương ưng trí vô dẫn, một hữu dẫn, một câu hành xả bất tương ưng trí vô dẫn, một hữu dẫn. Đây gọi là tám tâm tố dục giới.

Tâm đại tố (đại hành hay đại duy tác) (mahākiriyācitta) là tâm tợ như tâm đại thiện, nhưng chỉ phát sanh trong cơ tánh của bậc Arahatta, không còn để nghiệp nhân trợ tạo ra quả, chẳng sai khiến làm việc phước như tâm đại thiện, nên gọi là tâm đại tố.

Tám thứ tâm mahāvipāka (đại quả) cũng như tám thứ tâm mahākiriya (đại tố) được gọi cùng một cách như tám thứ tâm mahākusala (đại thiện). Khi một người (mong) muốn phân biệt giữa ba loại tâm, người ấy có thể nói như sau:

(1) Somanassasahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ asaṅkhārika mahākusala citta. (Tâm đại thiện câu hành hỷ tương ưng trí vô dẫn).

(2) Somanassasahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ asaṅkhārika mahāvipāka citta. (Tâm đại quả câu hành hỷ tương ưng trí vô dẫn).

(3) Somanassasahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ asaṅkhārika mahākiriya citta. (Tâm đại tố câu hành hỷ tương ưng trí vô dẫn).

Có thể tạm nói là tâm mahākusala (đại thiện) thứ nhất cho quả là tâm mahāvipāka (đại quả) thứ nhất và tâm mahākusala (đại thiện) thứ hai cho quả là tâm mahāvipāka (đại quả) thứ hai, v.v...

Còn phần chi tiết về số lượng tâm quả thì còn tùy thuộc vào những điều kiện như tâm tương ưng hay bất tương ưng trí, đầy đủ ba tư (cetanā) theo ba thời (trước, ngay và sau khi thực hiện hành vi thiện). Xin xem ở phần sở hữu tư (cetanā) trong Chương 2: Cetasika – Sở Hữu Tâm.

Điều kiện hay nhân cho sinh khởi những thứ tâm mahā-kiriya (đại tố) với chư Thánh Arahaṃ cũng giống như đã trình bày ở những tâm đại thiện.

 

Những thứ tâm bình thường ở một người.

Mặc dù tất cả 54 thứ tâm kamāvacara (dục giới) có thể sinh khởi với một người ở cõi Nhân loại, nhưng tâm tiếu sinh (hasituppāda) và tám thứ tâm đại tố (mahā-kiriya) chỉ có thể xảy ra với chư Thánh Arahaṃ. Do đó, chỉ có 45 thứ tâm dục giới (kāmāvacara) sinh khởi với những phàm nhân, người không phải là Thánh Arahaṃ.

Một người có thể tiến xa hơn để đạt được 5 tâm thiện sắc giới (rūpāvacara kusala citta) hay còn gọi là thiền hữu sắc (rūpajhāna) và 4 thứ tâm thiện vô sắc (arūpāvacarakusala citta) hay còn gọi là thiền vô sắc (arūpajhāna) nếu vị ấy quyết tâm tu theo pháp chỉ (định).

 

§18. Iccevaṃ sabbathāpi catuvīsati sahetukakāmāvacarakusalavipākakiriyacittāni samattāni.

Như vậy có tất cả 24 tâm thiện, quả, và tố dục giới hữu nhân.

§19. Vedanāñāṇasaṅkhārabhedena catuvīsati.

24 pháp này được chia theo thọ, trí, trợ dẫn.

Sahetukāmāvacarapuññapākakriyā matā.

Hữu nhân, dục giới, dị thục quả, tố

§20. Kāme tevīsa pākāni, puññāpuññāni vīsati, ekādasa kriyā ceti, catupaññāsa sabbathā.

23 tâm dị thục quả dục giới, 20 phúc (quả thiện), phi phúc (quả bất thiện), 11 tâm tố, tất cả là 54

Dứt phần tâm dục giới

II. Tâm Sắc Giới (Rūpāvacara citta)

 (Tâm thường dạo ở cõi Sắc) (Dhs.981)

 

Gọi là tâm sắc giới bởi vì tất cả 15 tâm này phần lớn du hành sanh trong cõi “vật sắc” và “phiền não sắc”. “Vật sắc” đó là 15 tâm sắc giới, 35 sở hữu. “Phiền não sắc” là sắc ái, tức vừa lòng trong thiền sắc, thần thông, cõi Sắc. Có Pāḷi chú giải như vầy:

- “Rūpassa bhavoti = rūpaṃ”: Cõi nào là nơi sanh của vật sắc và phiền não sắc thì cõi ấy gọi là sắc, đó là 16 cõi Sắc.

- “Rūpe avacaratīti = rūpāvacaraṃ”: Tâm nào du hành sanh trong cõi mà phiền não sắc và vật sắc thì tâm ấy gọi là (tâm) sắc giới.

- Pannaraso rūpāvacaratīti = rūpāvacaro: Thường du hành, hành động, lưu động trong 15 cõi Sắc giới hữu tâm, nên gọi là tâm sắc giới.

Tâm sắc giới khi nói theo thiền có 5. Khi phân chia theo thiện, quả, tố thì có 15.

* Tâm sắc giới chia theo 5 bậc thiền:

- 1 là 3 thứ tâm sơ thiền (paṭhamajjhāna) sắc giới (thiện, quả, tố) đều có 5 chi là: Vitakka (tầm), vicāra (tứ), pīti (hỷ), sukha (lạc) và ekaggatā (định). (Dhs.149)

- 2 là 3 thứ tâm nhị thiền (dutiyajjhāna) sắc giới (thiện, quả, tố) đều có 4 chi là: Tứ, hỷ, lạc và định. (Dhs.150)

- 3 là 3 thứ tâm tam thiền (tatiyajjhāna) sắc giới (thiện, quả, tố) đều có 3 chi là: Hỷ, lạc và định. (Dhs.153)

- 4 là 3 thứ tâm tứ thiền (catutthajjhāna) sắc giới (thiện, quả, tố) đều có 2 chi là: lạc và định. (Dhs.156)

- 5 là 3 thứ tâm ngũ thiền (pañcamajjhāna) sắc giới (thiện, quả, tố) đều có 2 chi là: xả và định. (Dhs.159)

* Mười lăm thứ tâm sắc giới (rūpāvacara) phân thành ba loại, cũng giống như tâm dục giới tịnh hảo (kāmāvacara-sobhaṇa citta), được chia theo tâm thiện (kusala), tâm quả (vipāka) và tâm tố (kiriya).

- Rūpāvacara kusala citta (5) (tâm thiện sắc giới) = rūpa-jhāna (thiền sắc).

- Rūpāvacara vipāka citta (5) (tâm quả sắc giới) = rūpa-jhāna (thiền sắc).

- Rūpāvacara kiriya citta (5) (tâm tố sắc giới) = rūpa-jhāna (thiền sắc).

Tâm thiện sắc giới (Rūpāvacara Kusala citta)

§21. Vitakkavicārapītisukhekaggatāsahitaṃ paṭhamajjhānakusalacittaṃ, vicārapīti-sukhekaggatāsahitaṃ dutiyajjhānakusalacittaṃ, pītisukhekaggatāsahitaṃ tatiyajjhānakusalacittaṃ, sukhekaggatāsahitaṃ catutthajjhānakusalacittaṃ, upekkhekaggatāsahitaṃ pañcamajjhānakusalacittañceti imāni pañcapi rūpāvacarakusalacittāni nāma.

Nghĩa là: Tâm thiền thiện thứ nhất đi cùng với tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm. Tâm thiền thiện thứ hai đi cùng với tứ, hỷ, lạc, nhất tâm. Tâm thiền thiện thứ ba đi cùng với hỷ, lạc, nhất tâm. Tâm thiền thiện thứ tư đi cùng với lạc, nhất tâm. Tâm thiền thiện thứ năm đi cùng với xả, nhất tâm. Đó gọi là năm thiền thiện sắc giới.

Năm tâm thiện sắc giới (rūpāvacara kusala citta) được gọi theo cách khác như sau:

1. Tâm sơ thiền thiện đồng sanh với tầm, tứ, hỷ, lạc, định.

2. Tâm nhị thiền thiện đồng sanh với tứ, hỷ, lạc, định.

3. Tâm tam thiền thiện đồng sanh với hỷ, lạc, định.

4. Tâm tứ thiền thiện đồng sanh với lạc và định.

5. Tâm ngũ thiền thiện đồng sanh với xả và định.

Lưu ý rằng, bốn tâm đầu có ‘sukha’ – lạc là pháp cũng giống như ‘somanassa’ – hỷ. Tâm thứ năm có ‘upekkhā’ – xả.

Tâm thiện sắc giới: Một người tái tục bằng tâm quả tương ưng trí và chưa phải là bậc Arahaṃ, có thể phát triển đến năm thứ tâm thiện sắc giới (rūpāvacara kusala) theo từng bậc bằng cách tu tiến pháp chỉ (định) (samatha-bhāvana) như chú tâm trên hơi thở hay trên đề mục (kasiṇa) khác.

Tâm quả sắc giới (Rūpāvacara Vipāka Citta)

§22. Vitakkavicārapītisukhekaggatāsahitaṃ paṭhamajjhānavipākacittaṃ, vicārapīti-sukhekaggatāsahitaṃ dutiyajjhānavipākacittaṃ, pītisukhekaggatāsahitaṃ tatiyajjhānavipākacittaṃ, sukhekaggatāsahitaṃ catutthajjhānavipākacittaṃ, upekkhekaggatāsahitaṃ pañcamajjhānavipākacittañceti imāni pañcapi rūpāvacaravipākacittāni nāma.

Nghĩa là: Tâm thiền quả thứ nhất đi cùng với tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm. Tâm thiền quả thứ hai đi cùng với tứ, hỷ, lạc, nhất tâm. Tâm thiền quả thứ ba đi cùng với hỷ, lạc, nhất tâm. Tâm thiền quả thứ tư đi cùng với lạc, nhất tâm. Tâm thiền quả thứ năm đi cùng với xả, nhất tâm. Đó gọi là năm thiền quả sắc giới.

Tâm quả sắc giới (rūpāvacara vipāka citta) là nghiệp quả của tâm thiện sắc giới (rūpāvacara kusala). Chúng là tâm tái tục của chư Phạm thiên hữu sắc. Một người đạt được tâm thiện sắc giới (rūpāvacara kusala citta) đầu tiên và duy trì cho đến lúc tử, vị ấy sẽ sanh về cõi Sơ thiền (Rūpa-jhāna) của sắc giới bằng tâm quả sơ thiền làm tâm tái tục.

Năm tâm quả sắc giới (rūpāvacara vipāka citta) được chỉ rõ bởi những tên tương tự như 5 tâm thiện sắc giới. Việc đặt tên cho những tâm quả sắc giới, chỉ thay đổi từ ‘kusala’ – thiện, trong tâm thiện sắc giới, thành từ ‘vipāka’ – quả.

 

Tâm tố sắc giới (Rūpāvacara Kiriya Citta)

§23. Vitakkavicārapītisukhekaggatāsahitaṃ paṭhamajjhānakiriyacittaṃ, vicārapīti-sukhekaggatāsahitaṃ dutiyajjhānakiriyacittaṃ, pītisukhekaggatāsahitaṃ tatiyajjhānakiriyacittaṃ, sukhekaggatāsahitaṃ catutthajjhānakiriyacittaṃ, upekkhekaggatāsahitaṃ pañcamajjhānakiriyacittañceti imāni pañcapi rūpāvacarakiriyacittāni nāma.

Nghĩa là: Tâm thiền tố thứ nhất đi cùng với tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm. Tâm thiền tố thứ hai đi cùng với tứ, hỷ, lạc, nhất tâm. Tâm thiền tố thứ ba đi cùng với hỷ, lạc, nhất tâm. Tâm thiền tố thứ tư đi cùng với lạc, nhất tâm. Tâm thiền tố thứ năm đi cùng với xả, nhất tâm. Đó gọi là năm thiền tố sắc giới.

Tâm tố sắc giới: Chư Thánh Arahaṃ, do tu tiến pháp chỉ (samatha bhāvanā) có thể phát triển lần lượt năm tâm thiền tố sắc giới (rūpāvacara-kiriya). Điều cần chú ý là đối với chư Thánh Arahaṃ, tâm tố (kiriya citta) sinh khởi thay vì tâm thiện.

Năm tâm tố sắc giới (rūpāvacara kiriya citta) được chỉ rõ bởi cùng những ký hiệu và tên tương tự như 5 tâm thiện sắc giới. Ở đây, ‘kusala’ – thiện, nên được đổi thành ‘kiriya’ – tố.

Do đó, tâm thiện sắc giới (rūpāvacara kusala citta) và tâm tố sắc giới (rūpāvacara kiriya citta) du hành trong cõi Dục cũng như trong cõi Sắc (tế); trong khi tâm quả sắc giới (rūpāvacara-vipāka citta) chỉ du hành trong cõi Sắc (tế).

§24. Iccevaṃ sabbathāpi pannarasa rūpāvacarakusalavipākakiriyacittāni samattāni.

Nghĩa là: Như vậy, tất cả có 15 tâm thiện, quả, tố sắc giới

§25. Pañcadhā jhānabhedena, rūpāvacaramānasaṃ. Puññapākakriyābhedā, taṃ pañcadasadhā bhave.

Nghĩa là: Tâm sắc giới phân năm theo thiền, dị thục quả, và tố thành 15.

Thiền (jhāna) là chi?

Thiền (jhāna) bắt nguồn từ căn jhe là trạng thái cố quyết tập trung, chuyên chú, khắn khít miệt mài trên một cảnh đề mục (nghiệp xứ - kammaṭṭhāna).

Có những câu Pāḷi định nghĩa như sau:

- Vitakkādijhānaṅgehi sampayuttaṃ cittanti = jhānacittaṃ: Những tâm mà có tương ưng với chi thiền vitakka (tầm), vicāra (tứ), pīti (hỷ), sukha (lạc), ekaggatā (nhất tâm), là tâm thiền; tức là thiền tướng, vì mượn trạng thái của chi thiền mà gọi.

- Kasinādi ārammaṇaṃ jhāyati upanijjhayatīti = jhānaṃ: Những tâm mà có chi thiền đình trụ trên cảnh đề mục biến xứ (kasiṇa) v.v… gọi là thiền.

- Jhāp nghĩa là thiêu đốt. Paccanikajhāpanato = jhānaṃ: Những pháp thiêu đốt pháp nghịch là pháp ‘cái - nīvarana’, nên gọi là thiền. Chỉ cho chi thiền trong tâm thiền, mà tâm thiền cũng mượn chi thiền để gọi là thiền.

- Jhānena sampayuttaṃ cittanti = jhānacittaṃ: Tâm mà hợp hay tương ưng với chi thiền gọi là tâm thiền.

- Vitakkādijhānangehi sampayuttaṃ cittanti = jhānacittaṃ: Những tâm mà có hợp với chi thiền tầm, tứ, hỷ, v.v…, nên gọi là tâm thiền. Tức là tâm sắc giới, tâm vô sắc giới và tâm siêu thế.

 

Chi thiền:

‘Thiền’ (jhāna) là sự tổng hợp của các chi thiền (jhānaṅga). Chi thiền có năm:

(1) Tầm (vitakka) = là trạng thái tìm tòi, áp sát ban đầu mang pháp đồng sanh đến cảnh. Vitakkanaṃ = vitakko: Tìm tòi cảnh gọi là tầm.

(2) Tứ (vicāra) = là trạng thái liên tục duy trì sự thẩm sát, chăm nom, kềm giữ cảnh. Vicarānaṃ = vicāro: Chăm nom cảnh gọi là tứ.

(3) Hỷ (pīti) = là trạng thái mừng hớn hở, no nê thân tâm, vui thích trên cảnh, đề mục. Pinayapīti = pīnayo: No nê với cảnh gọi là hỷ.

Pháp hỷ có năm: 1 là tiểu hay thiểu hỷ (khuddakāpīti) là cách mừng như rởn ốc, 2 là đản hay quang thiểm hỷ (khaṇikāpīti) là cách mừng như chớp nhoáng, 3 là lâng hỷ (okkantikāpīti) là cách mừng làm như sóng dội vào bờ, 4 là khinh thân hỷ (ubbegāpīti) là cách mừng như thân nhẹ, cũng có thể bay bổng lên, 5 là sẩm hay sâm thấu hỷ (pharaṇāpīti) là cách mừng làm như ăn, uống vật chi rất bổ dưỡng đượm nhuần cả thân thể.

(4) Thọ (vedanā) = là trạng thái hưởng, hứng chịu, dụng nạp, lãnh lấy cảnh sanh từ xúc.

Có hai loại thọ xảy ra trong thiền là:

(a) Lạc (sukha) = là trạng thái vui thích, cảm giác dễ chịu, vui tâm, lãnh nạp cảnh an vui.

(b) Xả (upekkhā) = là trạng thái cảm giác trung bình, hứng chịu phi khổ phi lạc dụng nạp hưởng lấy cảnh.

(5) Định (ekaggatā) = là nhất hành, nhất thống hay định là đình trụ vào cảnh.

Tầm (vitakka), tứ (vicāra), hỷ (pīti), lạc (sukha), xả (upekkhā) và định (ekaggatā) là những sở hữu tâm (cetasika) có thể tác động hay chi phối tâm trở nên cố định trên một cảnh. Chúng có thể phát triển và trở nên kiên cố bằng cách tu tập pháp chỉ (định), thật sự là một hình thức rèn luyện, dẫn dắt tâm. Cho nên, hầu như những tâm thiền đều là những tâm hữu dẫn[33].

Tâm thiền (jhāna citta) chia làm 2: Tâm thiền hiệp thế (có 27 là 15 tâm sắc giới, 12 tâm vô sắc giới); và tâm thiền siêu thế (có 40 tức là 40 tâm siêu thế).

* Thiền hiệp thế (lokiyajhāna) hay là thiền cảnh đề mục.

- ‘Thiền’ - có Pāḷi chú giải như vầy: Kasiṇādi ārammaṇaṃ jhāyati upanijjhāyatīti = jhānaṃ: Khắn khít miệt mài vào cảnh (đề mục) nên gọi là thiền.

- ‘Hiệp thế’ - có Pāḷi chú giải như vầy: Loke niyuttāti = lokiyā: Thường hòa hợp trong đời nên gọi là hiệp thế, tức là tâm sắc giới và tâm vô sắc giới.

Thiền hiệp thế hay là thiền cảnh đề mục, nương cảnh đề mục, chưa vượt khỏi đời và còn liên quan trong vòng luân hồi.

* Thiền siêu thế (lokuttarajhāna) hay còn gọi là thiền trạng thái. Lakkhaṇūpanijjhānato jhānaṃ: Gọi là ‘thiền trạng thái’ là vì những tâm thiền này hướng đến trạng thái của cảnh. Còn gọi là ‘thiền siêu thế’ vì mượn cảnh Níp-bàn mà gọi, bởi do Níp-bàn là pháp hoàn toàn vượt ra khỏi đời, nên Níp-bàn được gọi là pháp siêu thế. Những tâm bắt cảnh siêu thế được gọi là tâm siêu thế.

 

Pháp ‘cái’ hay pháp ngăn ngại (nīvaraṇa) thiền (jhāna): Bình thường, tâm chúng ta không yên tĩnh hay yên lặng. Chúng liên tục bị khuấy động bởi năm nīvaraṇa (pháp cái hay pháp ngăn che)[34] như dục dục cái (kāmacchanda), sân độc cái (vyāpāda), hôn trầm thùy miên cái (thīna-middha), điệu hối cái (uddhacca-kukkucca) và hoài nghi cái (vicikicchā).

- Dục dục cái (kāmacchanda) khuấy động làm cho tâm nghĩ ngợi về cảnh dục đã từng hưởng.

- Sân độc cái (vyāpāda) khuấy động tâm bằng cách tiếp nhận những cảnh không vừa ý.

- Hôn trầm thùy miên cái (thīna-middha), điệu hối cái (uddhacca-kukkucca) và hoài nghi cái (vicikicchā) làm ngăn che trí tuệ và quấy rối sự tập trung.

Đức Phật đã so sánh ‘dục dục cái’ ví như nước bị pha trộn với nhiều màu sắc, ‘sân độc cái’ ví như nước sôi, ‘hôn trầm thùy miên cái’ ví như nước bị rêu phủ, ‘điệu hối cái’ ví như nước bị khuấy động bởi cơn gió, ‘hoài nghi cái’ ví như nước đục lầy lội hay ví như người không thấy được ảnh phản chiếu của chính mình trong nước. Do đó, với sự hiện diện của năm pháp cái, chúng sanh không thể nhận thấy một cách thấu đáo sự lợi ích của mình, sự lợi ích của người hay sự lợi ích của cả hai.

Những pháp cái (nīvaraṇa) này có thể bị vượt qua và tạm thời bị trấn áp, ngăn chặn bằng cách tu tiến pháp chỉ (định) (samatha bhāvanā). Chúng ta có thể chọn đề mục đất (pathavī kasiṇa) là một đề mục thiền (chỉ). Làm một dĩa tròn có đường kính khoảng 1 gang 4 ngón tay (khoảng 30,48 cm) được lấp đầy, bằng phẳng bằng đất sét có màu mặt trời lặn. Vật này được đặt trên một cái đế thích hợp để người tu có thể nhìn thấy một cách thoải mái.

Ngồi xa ở khoảng cách 114,3 cm từ đề mục dĩa đất tròn, tập trung trên đề mục và niệm hay nói trong ý “pathavī, pathavī...” hay “đất, đất...”. Dĩa đất tròn mà người ấy đang nhìn, được gọi là parikammanimitta[35].

Lúc này, năm chi thiền đang từ từ được phát huy.

- Pháp tầm (vitakka) là tìm, đem những danh pháp đồng sanh đến đề mục (đĩa đất tròn); tạm thời ngăn chặn hôn trầm và thùy miên.

- Pháp tứ (vicāra) duy trì những danh pháp đồng sanh trên đề mục bằng cách liên tục quan sát, kềm giữ, khắn khít cảnh; tạm thời ngăn chặn hoài nghi (vicikicchā).

- Pháp hỷ (pīti) phát triển pháp hỷ hay sự vui tươi, sự thích thú trong đề mục; tạm thời ngăn chặn pháp sân (dosa). Hỷ (pīti) cũng là một điềm báo của lạc thọ (sukha). Hỷ (pīti) tạo nên một sự thích thú trong đề mục, trong khi lạc thọ (sukha) làm cho bậc tu tiến hứng chịu cảnh hay lãnh nạp đề mục.

- Pháp lạc (sukha) lưu giữ tâm trên đề mục lâu dài bằng sự mừng, vui, hứng chịu cảnh an vui; tạm thời xua đuổi pháp điệu cử và hối hận.

- Pháp định hay nhất hành (ekaggatā) gom tâm và những sở hữu hợp với tâm ấy trên đề mục để đạt đến trạng thái hợp nhất hay định; tạm thời ngăn chặn pháp dục-dục cái.

Chi thiền (jhānaṅga) <= đối trị => pháp cái (nīvarana):

Chi ‘tầm’ đối trị ‘cái hôn thùy’,

‘Tứ’ phá ‘hoài nghi’, ‘sân’ ‘hỷ’ thiêu,

‘Điệu hối’ do nhờ chi ‘lạc’ trị,

‘Định’ trừ vọng niệm ‘dục dục’ nhiều.

(Việt dịch: Thera Santakicco)

Khi những pháp cái (nīvaraṇa) tạm thời lắng xuống, tâm không còn hay lang thang ra khỏi đề mục như trước và đạt được định ở mức độ yếu. Ở giai đoạn này, bậc tu tiến có thể thấy đĩa đất tròn với đôi mắt nhắm lại, như vị ấy từng thấy nó với đôi mắt mở. Ấn tướng[36] (nimitta) mường tượng hay hình dung này được gọi là ‘học tướng’ (uggahanimitta)[37].

Nay, bậc tu tiến định hãy chăm chú trên ‘học tướng’ (uggahanimitta) này với đôi mắt nhắm lại, niệm hay nói trong ý “pathavī, pathavī...” như trước. Khi bậc tu tiến đạt đến mức định cao hơn, ấn tướng đột ngột thay đổi màu sắc của nó và hiện ra. Nó trở nên sáng hơn gấp nhiều lần và mượt mà như một mặt gương. Sự thay đổi tợ như lấy một cái kiếng ra khỏi bao da xù xì. Ấn tướng mới này được gọi là ‘tợ tướng’ (paṭibhāganimitta)[38].

Sự khác biệt giữa hai ấn tướng rất rõ rệt. ‘Học tướng’ (uggahanimitta) là một bản sao trong ý đối với đề mục ban đầu; bao gồm cả những khuyết điểm có hiện diện trong đề mục ban đầu. ‘Tợ tướng’ (paṭibhāganimitta) hoàn toàn không có khuyết điểm hay tỳ vết nào, rất sáng, chói và mượt mà. Sau đó có thể không sở hữu một hình dáng hay màu sắc rõ ràng – “đó chỉ là một cách xuất hiện và được sanh do tưởng.

Ngay khi ‘tợ tướng’ (paṭibhāganimitta) sinh khởi, định (samādhi) đạt đến mức gọi là upācāra-samādhi, nghĩa là cận định. Ở giai đoạn này, năm chi thiền trở nên rõ rệt và mạnh; hỷ (pīti) và lạc (sukha) quá vượt trội làm cho bậc tu tiến trải nghiệm sự hân hoan, hớn hở của hỷ và hứng chịu cảnh an vui của lạc mà vị ấy chưa từng trải nghiệm trước đó.

Bây giờ, bậc tu tiến cho phép ‘tợ tướng’ (paṭibhāganimitta) lan tỏa đến vô tận trong tất cả hướng bằng sức mạnh của ý nguyện và thiền “pathavī, pathavī...” như trước. Cuối cùng vị ấy đạt được thiền định (jhāna-samādhi) hay an chỉ định (appanā-samādhi). Ở giai đoạn này, vị ấy có thể hưởng sự yên tịnh, trầm lặng, hân hoan, an lạc của thiền nhiều lần đến mức như vị ấy muốn. Nếu tu tập tốt, vị ấy có thể duy trì trong định hay nhập định cả một giờ, hai giờ, một ngày, hai ngày hay cho đến bảy ngày. Trong sự nhập định này có một sự hoàn toàn, nhưng chỉ tạm thời, đình chỉ sự hoạt động của năm quyền và của cả năm pháp cái. Trạng thái của tâm thì hoàn toàn tỉnh giác và sáng suốt.

Do đó, người nào muốn hưởng phúc lạc hơn dục lạc, vị ấy nên thực hành thiền chỉ tịnh.

Trong thiền thứ nhất, tất cả năm chi thiền đều hiện diện. Rồi bằng cách thiền (chăm chú tâm miệt mài) vào paṭibhāga-nimitta của đề mục đất (pathavī kasiṇa) thêm nữa và loại bỏ từng chi thiền thấp hơn, bậc tu tiến có thể đạt đến tầng thiền cao hơn. Vị ấy đạt đến tầng thiền thứ hai khi vitakka (tầm) bị loại trừ, đạt tầng thiền thứ ba khi trừ thêm vicāra (tứ), đạt tầng thiền thứ tư khi trừ thêm pīti (hỷ), đạt tầng thiền thứ năm khi sukha (lạc) được thay bằng upekkhā (xả).

 

Những tâm thiền sắc giới và đề mục:

*     Sơ thiền sắc giới có 3 thứ tâm là thiện, quả và tố nương đặng 25 cảnh đề mục như sau: Thập hoàn tịnh (kasiṇa), thập bất mỹ (asubha), phụ niệm thể trược (kāyagatāsati), niệm số tức quan (ānāpānasati) (niệm hơi thở), 3 vô lượng tâm (Brahmavihāra) (trừ xả).

Thập hoàn tịnh (kasiṇa)[39]:

1 là đất (paṭhavī), 2 là nước (āpo), 3 là lửa (tejo), 4 là gió (vāyo), 5 là màu xanh (nīla), 6 là màu vàng (pīla), 7 là màu đỏ (lohita), 8 là màu trắng (odāta), 9 là hư không (ākāsa), 10 là ánh sáng (āloka).

1. Sắc màu hình thức đất làm đề mục như sau: Chọn loại đất màu đỏ gạch như mặt trời mới mọc, nhồi lọc cho thật nhuyễn, nắn tròn như bánh xe, đường kính 1 gang 4 ngón tay nằm ngang của hành giả để nhìn niệm (pháp hành sẽ giải sau).

2. Nói về nước đựng đầy trong đồ miệng tròn, đường kính 1 gang 4 ngón.

3. Lửa ngọn lớn có thể đặt vòng tròn ở trước cũng có đường kính 1 gang 4 ngón, để nhìn niệm lửa qua vòng tròn có cùng đường kính.

4. Gió là quan sát cỏ cây lay động hay là gió chạm đến thân.

5. Màu xanh, dùng vải lụa nhuyễn bao vòng tròn có cùng đường kính.

6. Màu vàng; 7. Màu đỏ; 8. Màu trắng - cách thức như màu xanh.

9. Hư không, khoét lỗ vách tròn có cùng đường kính hướng nhìn ra ngoài.

10. Nhìn ngang qua ánh sáng nhật, nguyệt, điện, lửa v.v… soi vào lỗ vách tròn có cùng đường kính.

Thập bất mỹ (asubha) quán tử thi:

1 là tử thi sình (uddhumātakaṃ) sau khi chết vài ngày, 2 là tử thi biến sắc (vinīlakaṃ) thay đổi sang sắc xanh, trắng v.v…, 3 là tử thi chảy nước vàng (vipubbakaṃ), 4 là tử thi bể nứt nở (vicchiddakaṃ), 5 là tử thi bị thú ăn (vikhāyikataṃ), 6 là tử thi rã hai (vikhittakaṃ), 7 là tử thi rã từng miếng (hatavikkhittakaṃ), 8 là tử thi máu đọng nhẩm (lohitakaṃ), 9 là tử thi hóa dòi tửa (puḷuvakaṃ), 10 là xương tử thi rải rác (aṭṭhikaṃ).

Thiền sinh cần xem, nhớ kỹ để trở về chỗ hành, nhắm mắt quán tưởng.

Niệm số tức quan (ānāpānasati)[40]

Tức là nhớ đếm đôi hơi thở ra vào kể 1, ra vào 2, 3, 4, 5. Trở lại 1, 2, 3, 4, 5, 6. Trở lại 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7. Đếm trở lại 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8. Đếm trở lại 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9. Đếm trở lại 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10.

Rồi đếm trở lại như trước 1, 2, 3, 4, 5;1, 2, 3, 4, 5, 6 v.v… cho đến 10. Rồi cũng đếm trở lại như trên, ít không dưới 5. Nhiều không quá 10. Cứ thực hành như thế đến khi phát sanh ấn chứng thì không đếm nữa, chỉ chăm chú theo mũi hay cảnh môi trên, nơi hơi thở quét qua. Thực hành như vậy, cho đến khi pháp ngũ quyền (indriya) đầy đủ trợ cho tâm sơ thiền phát sanh, gọi là đắc sơ thiền.

 (Muốn thực hành khỏi sai lầm, cần có thầy đã kinh nghiệm chỉ dạy và hướng dẫn chi tiết).

Phụ niệm thân (kāyagatāsati)

Nhớ tưởng đến 32 thể trược trong thân (koṭṭhassa) như là tóc (kesā), lông (lomā), móng (nakhā), răng (dantā), da (taco) v.v….

Nhắc tên Pāḷi hay Việt để nhớ những vật trong thân thể ta đáng chán, hoặc nhớ đến tên và tưởng như vầy: Tóc, lông, móng, răng, da. Da, răng, móng, lông, tóc. Hay là nhớ tên vật trưởng như vầy: Kesā, lomā, nakhā, dantā, taco. Taco, dantā, nakhā, lomā, kesā.

Dù tên Pāḷi hay tên Việt, cần nhớ những vật đã nói: Tóc, lông v.v… rõ ràng như ta thấy hình thể của chúng. Nếu đủ sức nhớ luôn cho đến 32 thể trược thì càng tốt.

Thiền sinh nên phân thành 6 phần như sau cho dễ nhớ:

× Phần thứ nhất: 5 thể trược đã kể.

× Phần thứ hai - (từ 6 đến 10): 6 là thịt (maṃsaṃ), 7 là gân (nahāru), 8 là xương (aṭṭhi), 9 là tuỷ (aṭṭhimiñjaṃ), 10 là thận (vakkaṃ).

× Phần thứ ba - có năm (từ 11 đến 15): 11 là tim (hadayaṃ), 12 là gan (yakanaṃ), 13 là màng ruột (kilomakaṃ), 14 là bao tử (pihakaṃ), 15 là phổi (papphāsaṃ).

× Phần thứ tư - có năm (từ 16 đến 20): 16 là ruột già (antaṃ), 17 là ruột non (antaguṇaṃ), 18 là vật thực mới (udariyaṃ), 19 là vật thực cũ hay phân (karīsaṃ), 20 là óc não (matthaluṅgaṃ).

× Phần thứ năm - có sáu (từ 21 đến 26): 21 là mật (pittaṃ), 22 là đàm (semhaṃ), 23 là mủ (pubbo), 24 là máu (lohitaṃ), 25 là mồ hôi (sedo), 26 là mỡ cục (medo).

× Phần thứ sáu - có sáu (từ 27 đến 32): 27 là nước mắt (assu), 28 là mỡ lỏng (vasā), 29 là nước miếng (kheḷo), 30 là nước mũi (siṅghānikā), 31 là dịch khớp (lasikā), 32 là nước tiểu (muttaṃ).

 

Bốn vô lượng (appamaññā): Ba đề mục đưa đến 4 thiền thấp là ‘từ’ (mettā), ‘bi’ (karuṇā) và ‘tùy hỷ’ (muditā). Đề mục đưa đến ngũ thiền là ‘xả’ (upekkhā).

 

* Ba tâm nhị thiền, ba tâm tam thiền và ba tâm tứ thiền sắc giới: Thiện, quả và tố đều nương đặng 14 đề mục là: Thập hoàn tịnh (kasiṇa), ba vô lượng tâm (Brahmavihāra – Phạm trú) trừ xả, niệm số tức quan (ānāpānasati).

 

* Ba tâm ngũ thiền sắc giới thiện, quả và tố đều nương đặng 12 cảnh đề mục là: Thập hoàn tịnh (kasiṇa), niệm số tức quan (ānāpānasati), một vô lượng xả (upekkhāvihāra).

Mười đề mục không đắc thiền: 1 là niệm Phật, 2 là niệm Pháp, 3 là niệm Tăng, 4 là niệm giới, 5 là niệm thí, 6 là niệm thiên, 7 là niệm Níp-bàn, 8 là niệm tử, 9 là quán 4 chất (đất, nước, lửa, gió), 10 là quán vật thực.

- Sơ thiền thiện sắc giới trợ cho tâm quả sơ thiền sanh về cõi Phạm thiên (Phạm chúng thiên là dân thường ở cõi Sơ thiền, Phạm phụ thiên là bậc quan ở cõi Sơ thiền, Đại Phạm thiên là vua chúa ở cõi Sơ thiền).

- Nhị thiền thiện và tam thiền thiện sắc giới trợ cho tâm quả nhị thiền và tam thiền sắc giới sanh về cõi Nhị thiền là một bậc người trong 3 bậc (Thiểu quang thiên, Vô lượng quang thiên và Biến quang thiên).

- Tứ thiền thiện sắc giới trợ cho tâm quả tứ thiền tái tục về cõi Tam thiền là 1 trong 3 bậc người ở cõi Tam thiền là Thiểu tịnh thiên, Vô lượng tịnh thiên và Biến tịnh thiên.

- Ngũ thiền thiện sắc giới trợ cho tâm quả ngũ thiền. Nếu hành giả đã đắc ngũ thiền nhưng chưa đắc đến tam quả thì tái tục làm người Quảng quả. Nếu đã đắc ngũ thiền và đắc tam quả thì tái tục về cõi Ngũ Tịnh cư.

Sơ thiền tố, nhị thiền tố, tam thiền tố, tứ thiền tố và ngũ thiền tố chỉ sanh cho bậc Tứ quả.

Dứt phần tâm sắc giới

 

 III. Tâm Vô Sắc Giới (Arūpāvacara citta)

(Tâm thường dạo ở cõi Vô sắc) (Dhs. 982)

Gọi là tâm vô sắc giới bởi vì 12 tâm này phần lớn du hành sanh trong cõi vật vô sắc và phiền não vô sắc. Vật vô sắc đó là 12 tâm vô sắc giới, 30 sở hữu. Phiền não vô sắc đó là vô sắc ái, tức vừa lòng trong thiền vô sắc và cõi Vô sắc. Có Pāḷi chú giải như vầy:

“Arūpassa bhavoti = arūpaṃ”: Cõi nào là nơi sanh vật vô sắc và phiền não vô sắc thì cõi ấy gọi là vô sắc. Đó là 4 cõi Vô sắc.

“Arūpe avacaratīti = arūpāvacaraṃ”: Tâm nào du hành sanh trong cõi Vô sắc và phiền não vô sắc thì tâm đó gọi là (tâm) vô sắc giới.

 

Có 12 tâm vô sắc giới (arūpāvacara citta) được chia đều thành 3 nhóm: Thiện, quả và tố (kusala, vipāka và kiriya).

1. Arūpāvacara kusala citta = tâm (thiền) thiện vô sắc giới.

2. Arūpāvacara vipāka citta = tâm (thiền) quả vô sắc giới.

3. Arūpāvacara kiriya citta = tâm (thiền) tố vô sắc giới.

Tâm vô sắc giới chia theo thiền có 4 bc. (Dhs.192)

- 3 thứ tâm thiền không vô biên xứ (ākāsānañcāyatana) (thiện, quả, tố) đều có 2 chi là xả và định.

- 3 thứ tâm thiền thức vô biên xứ (viññāṇañcāyatana) (thiện, quả, tố) đều có 2 chi là xả và định.

- 3 thứ tâm thiền vô sở hữu xứ (ākiñcaññāyatana) (thiện, quả, tố) đều có 2 chi là xả và định.

- 3 thứ tâm thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ (nevasaññānāsaññāyatana) (thiện, quả, tố) đều có 2 chi là xả và định.

Đây là sự nhận định để làm đề mục quán tưởng mà đặt tên tâm thiền, chớ chẳng phải tâm như thế, vì bậc thiền này phải bắt cảnh rất vi tế. Hoặc có người vịn đề mục này mà biện lý thuyết không có, không không v.v…

 

Bốn tâm thiện vô sắc có thể đạt được bởi những người chưa phải là Thánh Arahaṃ (Arahat), trong khi bốn tâm tố vô sắc chỉ có thể sinh khởi với bậc Arahatta (Arahat). Hai loại tâm vô sắc giới này thường du hành trong cõi Dục cũng như cõi Vô sắc.

Bốn tâm quả vô sắc chỉ thường du hành ở cõi Vô sắc. Chúng là những nghiệp quả của tâm thiện vô sắc. Một người đã đạt thiền vô sắc và duy trì thiền ấy cho đến lúc tử thì sẽ sanh về cõi Vô sắc.

 

Thiền Vô Sắc (Arūpa Jhāna)

Người từng tu tiến đến năm thiền sắc giới có thể đi lên bậc thang của thiền đến thiền vô sắc. Để đạt được điều đó, vị ấy dùng định của ngũ thiền sắc làm nền tảng.

Vị ấy cũng phải hiểu đúng về sự bất toại nguyện của việc có thân hữu sắc và những trở ngại phát sanh do quí tiết (nóng và lạnh), côn trùng cắn, đói và khát, bệnh tật, già và tử.

Khi vị ấy cảm thấy đã tách ra khỏi thân hữu sắc và sắc (rūpa), trước nhất vị ấy nhập ngũ thiền sắc bằng cách định trụ trên ‘tợ tướng’ (paṭibhāganimitta) của đề mục pathavī – đất. Kế đến vị ấy xuất khỏi ngũ thiền và dù ‘tợ tướng’ (paṭibhāganimitta) của đề mục pathavī – đất vẫn hiện hữu trong tầm nhìn của vị ấy, vị ấy không chú ý đến nó và tinh tấn chú tâm vào không gian vô tận và chú tâm niệm trong ý lặp đi lặp lại “ākāso ananto, ākāso ananto” – “không vô biên, không vô biên…”.

Khi sự khắn khít vào ‘tợ tướng’ (paṭibhāganimitta) của vị ấy nhẹ nhàng biến mất, ấn tướng (nimitta) cũng đột ngột biến mất, mở ra một không gian vô tận. Chú tâm niệm trên không gian vô tận này, vị ấy tiếp tục niệm trong ý lặp đi lặp lại “ākāso ananto, ākāso ananto” cho đến khi vị ấy đạt được thiền vô sắc thứ nhất. Jhāna – thiền được gọi là tâm thiền thiện không vô biên xứ (ākāsānañcāyatana kusala citta) bởi vì nó tập trung vào không gian vô tận (ākāsa).

Kế đó vị ấy tiếp tục thiền bằng cách tập trung ý của vị ấy trên tâm thiền thiện không vô biên xứ (ākāsānañcāyatana kusala citta), chú tâm niệm trong ý lặp đi lặp lại “viññāṇaṁ anantaṁ, viññāṇaṁ anantaṁ,” cho đến khi vị ấy đạt được thiền vô sắc thứ hai. Thiền này được gọi là tâm thiền thiện thức vô biên xứ (viññāṇañcāyatana kusala citta).

Để đạt đến thiền vô sắc thứ ba, vị ấy không chú tâm vào tâm thiền thiện không vô biên xứ (ākāsānañcāyatanakusala citta), mà chú tâm vào ‘không có cái chi’, chú tâm niệm trong ý lặp đi lặp lại “natthikiñci” (không có cái chi) cho đến khi vị ấy đạt được jhāna - thiền. Thiền này được gọi là “ākiñcaññāyatana kusala citta”- ‘ākiñcañña’ cũng có nghĩa là ‘vô sở hữu hay không có cái chi’.

Bằng cách dùng tâm thiền vô sắc thứ ba làm đề mục thiền. Vị ấy có thể phát triển xa hơn đến thiền vô sắc thứ tư. Thiền này được gọi là tâm thiền thiện phi tưởng phi phi tưởng xứ (neva-saññānāsaññāyatanakusala citta). ‘Neva-saññānāsaññā-yatanakusala citta’ theo nghĩa của từ là ‘không có sự hiện hữu hay chẳng phải không có sự hiện hữu của tưởng’, ý nói tâm thiền vô sắc thứ tư là thiền rất vi tế, tinh tế, tế nhị, không nhất định nói là có hay không có tâm. Ở tầng thiền này, tâm không còn dễ nhận ra.

Tất cả bốn thiền vô sắc thuộc về nhóm thiền thứ năm, bởi vì chúng dựa trên ngũ thiền sắc giới làm nền tảng. Tất cả bốn thiền vô sắc chỉ có hai chi thiền là xả (upekkhā) và định (ekaggatā).

Nên lưu ý rằng, năm thiền sắc khác nhau về số lượng chi thiền, trong khi bốn thiền vô sắc khác nhau về đề mục thiền.

 

Tâm thiện vô sắc giới (Arūpāvacara kusala citta)

§26. Ākāsānañcāyatanakusalacittaṃ, viññāṇañcāyatanakusalacittaṃ, ākiñcaññāyatanakusalacittaṃ, nevasaññānāsaññāyatanakusalacittañceti imāni cattāripi arūpāvacarakusalacittāni nāma.

Nghĩa là: Tâm thiện không vô biên xứ, tâm thiện thức vô biên xứ, tâm thiện vô sử hữu xứ, tâm thiện phi phi tưởng xứ. Đó là bốn tâm thiện vô sắc giới.

Bốn tâm thiện vô sắc giới được chỉ rõ bằng những ký hiệu và tên gọi như sau:

1.  Upekkh’ekaggatā sahitaṃ ākāsānañcāyatanakusalacittaṃ.

2.  Upekkh’ekaggatā sahitaṃ viññāṇañcāyatanakusalacittaṃ.

3.  Upekkh’ekaggatā sahitaṃ ākiñcaññāyatanakusalacittaṃ.

4.  Upekkh’ekaggatā sahitaṃ n’evasaññā-nā’saññāyatana-kusalacittaṃ.

Nghĩa:

1.  Tâm thiện không vô biên xứ đồng sanh với xả và định.

2.  Tâm thiện thức vô biên xứ đồng sanh với xả và định.

3.  Tâm thiện vô sở hữu xứ đồng sanh với xả và định.

4.  Tâm thiện phi tưởng phi phi tưởng xứ đồng sanh với xả và định.

 

Tâm quả vô sắc giới (Arūpāvacara vipāka citta)

§27. Ākāsānañcāyatanavipākacittaṃ, viññāṇañcāyatanavipākacittaṃ, ākiñcaññāyatanavipākacittaṃ, nevasaññānāsaññāyatanavipākacittañceti imāni cattāripi arūpāvacaravipākacittāni nāma.

Nghĩa là: Tâm quả không vô biên xứ, tâm quả thức vô biên xứ, tâm quả vô sử hữu xứ, tâm quả phi phi tưởng xứ. Đó là bốn tâm quả vô sắc giới.

Bốn tâm quả vô sắc được chỉ rõ bằng những tên gọi như bốn tâm thiện vô sắc. Những tên gọi cũng tương tự, chỉ thay từ ‘quả - vipāka’ vào chỗ của từ ‘kusala - thiện’.

 

Tâm tố vô sắc giới (Arūpāvacara kiriya citta)

§28. Ākāsānañcāyatanakiriyacittaṃ, viññāṇañcāyatanakiriyacittaṃ, ākiñcaññāyatanakiriyacittaṃ, nevasaññānāsaññāyatanakiriyacittañceti imāni cattāripi arūpāvacarakiriyacittāni nāma.

Nghĩa là: Tâm tố không vô biên xứ, tâm tố thức vô biên xứ, tâm tố vô sử hữu xứ, tâm tố phi phi tưởng xứ. Đó là bốn tâm tố vô sắc giới.

§29. Iccevaṃ sabbathāpi dvādasa arūpāvacarakusalavipākakiriyacittāni samattāni.

Nghĩa là: Tất cả tâm thiện, quả, tố vô sắc giới có 12.

§30. Ālambaṇappabhedena, catudhāruppamānasaṃ. Puññapākakriyābhedā, puna dvādasadhā ṭhitaṃ.

Nhóm vô sắc được phân theo cảnh có 4, phân theo thiện, dị thục quả, tố, có 12.

Dứt phần tâm vô sắc giới

15 tâm sắc giới, 12 tâm vô sắc giới gom thành 27 tâm, gọi là tâm đáo đại. Có Pāḷi chú giải như vầy: “Mahantaṃ gatoti = mahagugato”: Tâm nào đạt đến lớn lao và bậc cao thì tâm đó gọi là (tâm) đáo đại.

54 tâm dục giới, 27 tâm đáo đại gom thành 81 tâm, gọi là 81 tâm hiệp thế (lokiya). Gọi là tâm hiệp thế, bởi vì những tâm này chắc chắn sanh trong 3 cõi là Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Có Pāḷi chú giải như vầy: “Loke niyuttati = lokiyā”: Những pháp nào nhất định kết hợp trong 3 cõi thì những pháp ấy gọi là hiệp thế.

Xin tham khảo bảng tóm tắt ‘40 đề mục thiền chỉ’ ở Chương 9: Kammaṭṭhāna, cuối phần A) Chỉ Nghiệp Xứ.

Dứt phần tâm hiệp thế

 

IV. Tâm Siêu Thế (Lokuttara citta)

 

Loka + Uttara = Lokuttara. Ở đây Loka, nghĩa là năm uẩn, đời hay thế gian. Uttara nghĩa là trên, vượt quá, ngoài, hơn… Do đó, lokuttaracitta có nghĩa là tâm biết ngoài năm uẩn, tâm siêu thế, tức biết Nibbāna.

Tâm siêu thế (lokuttaracitta) nghĩa là tâm siêu xuất tam giới luân hồi. Có Pāḷi chú giải như vầy: Loke uttarantīti = lokuttaro: Trong đời mà siêu xuất tam giới luân hồi, nên gọi là siêu thế, tức là cũng thuộc đời bản thể mà chẳng liên quan với luân hồi vì chẳng phải nhân cho quả tái tục và cũng chẳng phải quả để nương vào tam giới.

Đời (loka) có ba: 1 là đời bản chất (lokadhātu) tức là tâm, sở hữu tâm và sắc pháp; 2 là đời chúng sanh (lokasatta) tức là 12 hạng người; 3 là đời vũ trụ (lokabhūmi) tức là 31 cõi.

Tâm siêu thế thuộc về đời bản chất, nhưng khác hơn tâm hiệp thế vì chẳng hợp với luân hồi và không bị phiền não bắt làm cảnh.

Tâm siêu thế (lokuttaracitta) nói theo hẹp có 8 tức là 4 tâm đạo (magga citta) và 4 tâm quả (phala citta) siêu thế.

Tâm đạo (magga citta) vì mượn đạo đế mà gọi, nên có Pāḷi chú giải như vầy: Maggena sampayuttaṃ cittaṃ = maggacittaṃ: Tâm có đạo đế hợp, nên gọi là tâm đạo. Đạo đế tức là 8 chi đạo hợp tâm đạo.

Tứ nhân trợ sanh tâm đạo: 1 là thân cận bậc hiền sĩ (sappurisasaṃseva), 2 là đặng nghe chánh pháp (saddhammasavana), 3 là tác ý khéo (yonisomanasikāra), 4 là hành đúng pháp đến đạo quả (dhammānudhammapaṭipatti).

 

(A) Tâm Đạo Siêu Thế (Lokuttaramagga citta)

 

§31. Sotāpattimaggacittaṃ, sakadāgāmimaggacittaṃ, anāgāmimaggacittaṃ, arahattamaggacittañceti imāni cattāripi lokuttarakusalacittāni nāma.

Nghĩa là: Tâm đạo nhập lưu, tâm đạo nhất lai, tâm đạo bất lai, tâm đạo ứng cúng (vô sanh). Đó gọi là bốn tâm thiện siêu thế.

Tâm đạo gom theo 4 bậc Thánh – có 4:

1 là đạo Thất lai (Sotāpattimagga), 2 là đạo Nhất lai (Sakadāgāmimagga)[41], 3 là đạo Bất lai (Anāgāmimagga), 4 là đạo Vô sanh (Arahattamagga)[42].

Tâm đạo gom theo 5 bậc thiền – có 20:

1. Vitakka vicāra pīti sukha ekaggatā sahitaṃ pathamajjhāna Sotāpattimaggacittaṃ sakadāgāmimaggacittaṃ Anāgāmimaggacittaṃ Arahattamaggacittaṃ:

1 tâm đạo Thất lai, 1 tâm đạo Nhất lai, 1 tâm đạo Bất lai, 1 tâm đạo Vô sanh sơ thiền đồng sanh với tầm, tứ, hỷ, lạc và định (nhất hành).

2. Vicāra pīti sukha ekaggatā sahitaṃ dutiyajjhāna Sotāpattimaggacittaṃ sakadāgāmimaggacittaṃ Anāgāmimaggacittaṃ Arahattamaggacittaṃ:

1 tâm đạo Thất lai, 1 tâm đạo Nhất lai, 1 tâm đạo Bất lai, 1 tâm đạo Vô sanh nhị thiền đồng sanh cùng với tứ, hỷ, lạc và định.

3. Pīti sukha ekaggatā sahitaṃ tatiyajjhāna Sotāpattimaggacittaṃ sakadāgāmimaggacittaṃ Anāgāmimaggacittaṃ Arahattamaggacittaṃ:

1 tâm đạo Thất lai, 1 tâm đạo Nhất lai, 1 tâm đạo Bất lai, 1 tâm đạo Vô sanh tam thiền đồng sanh với hỷ, lạc và định.

4. Sukha ekaggatā sahitaṃ catutthajjhāna Sotāpattimaggacittaṃ sakadāgāmimaggacittaṃ Anāgāmimaggacittaṃ Arahattamaggacittaṃ:

1 tâm đạo Thất lai, 1 tâm đạo Nhất lai, 1 tâm đạo Bất lai, 1 tâm đạo Vô sanh tứ thiền đồng sanh với lạc và định.

5. Upekkhā ekaggatā sahitaṃ pañcamajjhāna Sotāpattimaggacittaṃ sakadāgāmimaggacittaṃ Anāgāmimaggacittaṃ Arahattamaggacittaṃ:

1 tâm đạo Thất lai, 1 tâm đạo Nhất lai, 1 tâm đạo Bất lai, 1 tâm đạo Vô sanh ngũ thiền đồng sanh với 2 chi thiền là xả và định.

* Thánh Thất lai là bậc đã đắc đạo và đắc quả này. Nếu tái tục ở cõi Dục giới thì không quá 7 lần. Tâm đạo này có đạo đế sát trừ phiền não tà kiến và hoài nghi dứt tuyệt luôn cả các mãnh lực tạo ác. Theo pháp thực tính là dứt tuyệt tà kiến, hoài nghi luôn cả pháp hợp chung; cho đến mãnh lực tạo ác cùng nghiệp biệt thời tái tục sa đọa và cõi Dục giới. Nói về nghiệp tái tục chỉ còn lại 7 đời. (Dhs.196-270)

Có Pāḷi chú giải như vầy: Sotāpattimaggena sampayuttaṃ cittaṃ = Sotāpattimaggacittaṃ: Tâm hiệp với đạo Thất lai, gọi theo thứ tự là ‘Sơ đạo’.

*     Thánh Nhất lai là bậc đắc đạo và quả này rồi. Nếu trở lại cõi Dục giới thì tối đa là một kiếp chư thiên và một kiếp nhân loại. Đạo đế phối hợp với tâm này làm cho pháp bất thiện sơ đạo sát còn sót lại càng yếu. (Dhs.271)

Có Pāḷi chú giải như vầy: Sakadāgāmimaggena sampayuttaṃ cittaṃ = sakadāgamimagga cittaṃ: Tâm tương ưng với đạo đế Nhất lai gọi là tâm đạo Nhất lai, cũng gọi là ‘Nhị đạo’ theo thứ tự.

* Thánh Bất lai là bậc đắc đạo và quả này rồi không còn trở lại cõi Dục giới. Người dục giới đắc đạo và quả này mà không đắc thiền hiệp thế cũng đặng sanh về cõi Sơ thiền. Đạo đế phối hợp với tâm này sát trừ tuyệt sân và những pháp hợp chung. (Dhs.272)

Có Pāḷi chú giải như vầy: Tena sampayuttaṃ cittaṃ = Anāgāmimaggacittaṃ: Tâm hợp với đạo đế Bất lai gọi là tâm đạo Bất lai, cũng gọi là tâm ‘Tam đạo’ theo thứ tự.

* Thánh Vô sanh là bậc đắc đạo và quả này rồi không còn tái tục nữa. Có ba cách gọi khác: 1 là Bất sanh, 2 là Ứng cúng và 3 là Sát tặc. (Dhs.273)

- Bất sanh cũng như Vô sanh.

- Ứng cúng chỉ cho bậc này đã hết phiền não hoàn toàn, đáng làm ruộng phước cho kẻ cúng dường.

- Còn Sát tặc tức là sát trừ tuyệt hết giặc phiền não v.v…

Có Pāḷi chú giải như vầy: Tena sampayuttaṃ cittaṃ = Arahattamaggacittaṃ: Tâm mà hợp với đạo đế vô sanh được gọi là tâm đạo Vô sanh, cũng gọi là ‘Tứ đạo’ theo thứ tự.

 

(B) Tâm Quả Siêu Thế (Lokuttaraphalacitta) (Dhs.892)

 

§32. Sotāpattiphalacittaṃ, sakadāgāmiphalacittaṃ, anāgāmiphalacittaṃ, arahattaphalacittañceti imāni cattāripi lokuttaravipākacittāni nāma.

Nghĩa là: Tâm quả nhập lưu, tâm quả nhất lai, tâm quả bất lai, tâm quả ứng cúng (vô sanh). Đó là bốn tâm quả siêu thế.

Tâm quả siêu thế là do dị thời nghiệp của ‘sở hữu tư’ (cetanācetasika) hiệp với ‘tâm đạo’ (magga citta) để lại mà trợ tạo ra, nên gọi là phala (quả). Danh từ Pāḷi có chỗ ghi là vipāka cũng đồng ý nghĩa.

Tâm quả siêu thế (lokuttaraphalacitta) có 4: 1 là tâm quả Thất lai (sotāpattiphalacitta), 2 là tâm quả Nhất lai (sakadagāmiphalacitta), 3 là tâm quả Bất lai (anāgāmiphalacitta), 4 là tâm quả Vô sanh (arahattaphalacitta).

Tên gọi bốn bậc quả cũng như 4 bậc đạo, chỉ khác là do ‘đạo’ làm nhân trợ và phân nhiều bậc theo người.

1/ Tâm quả Thất lai (Sotapattiphalacitta) có 3 loại (Sơ quả): (Dhs. 422)

× 1 là nhất sanh Thất lai (ekabījī) - là bậc Sơ quả trở lại cõi Dục giới không quá 1 lần.

× 2 là lục sanh Thất lai (kolaṅkola) - là bậc Sơ quả trở lại cõi Dục giới từ 2 đến 6 lần.

× 3 là thất sanh Thất lai (sattakattuparama) - là bậc Sơ quả trở lại cõi Dục giới 7 lần.

2/ Tâm quả Nhất lai (Sakadagāmiphalacitta) có 5 loại (Nhị quả):

× 1 là đắc tại nhân loại Níp-bàn tại nhân loại (Idha patvā idha parinibbāyī);

× 2 là đắc tại chư thiên Níp-bàn tại chư thiên (Tattha patvā tattha parinibbāyī);

× 3 là đắc tại nhân loại Níp-bàn tại chư thiên (Idha patvā tattha parinibbāyī);

× 4 là đắc tại chư thiên Níp-bàn tại nhân loại (Tattha patvā idha parinibbāyī);

× 5 là đắc tại nhân loại sanh về chư thiên, trở lại Níp-bàn tại nhân loại (Idha patvā tattha nibbatti vā parinibbāyī).

3/ Tâm quả Bất lai (Anāgāmiphalacitta) có 5 loại (Tam quả):

× 1 là trung bang Bất lai (antara parinibbāyī) - là bậc chứng quả thứ ba nơi nhân loại, nếu chưa chứng Arahaṃ nơi cõi người thì sẽ chứng Arahaṃ nơi cõi Ngũ Tịnh cư từ nửa đời trở về trước trong cõi này;

× 2 là sanh bang Bất lai (upahacca parinibbāyī) - là đắc nửa đời trở về sau, tức là đắc già;

× 3 là vô hành bang Bất lai (asaṅkhāra parinibbāyī) - là không cần cảnh rõ rệt cũng tiến hóa đến đạo, quả thứ tư (không cần cố gắng);

× 4 là hữu hành bang Bất lai (sasaṅkhāra parinibbāyī) - là phải cần cảnh rõ rệt mới có thể tiến hóa đến cõi tột, cõi Níp-bàn (phải cố gắng);

× 5 là thượng lưu bang Bất lai (uddhaṃsotākaniṭṭhāgāmi) - là bậc sanh về cõi Thánh ngũ tịnh cư mà còn phải luân chuyển sanh lên cõi Sắc cứu cánh (Akānitthā) mới đắc quả thứ tư rồi Níp-bàn.

4/ Tâm quả Vô sanh (Arahattaphalacitta) (hay Tứ quả) có 2 bậc và có 4 bậc.

-   Nhị chủng La-hán:

× 1 là Quán lạc La-hán (sukkhavipassaka) tức là chỉ tu tứ niệm xứ tỏ ngộ luôn đến đắc tứ quả mà không có thiền, thông v.v…;

× 2 là Lục thông La-hán (chaḷabhiñño) tức là La-hán có thiền, thông v.v…

Tứ chủng La-hán (chia làm 4 bậc):

× 1 là La-hán nhất minh (sukkhavipassako) chỉ có tuệ quán là sự tỏ ngộ;

× 2 là La-hán tam minh (tevijjo) là La-hán đắc thiên nhãn minh, túc mạng minh và lậu tận minh;

× 3 là La-hán lục thông (chalabbhiñño) là bậc La-hán có đủ 6 thông (thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mạng thông, thần túc thông và lậu tận thông);

× 4 là La-hán tứ trí (paṭisambhidappatto) hay tứ tuệ phân tích là bậc La-hán đắc 4 trí thông suốt.

- Arahaṃ có 5 bậc:

× 1 là La-hán giải thoát trí siêu (paññāvimutta Arahatta) tức là La-hán đắc đạo, quả thiền khô hay không thiền.

× 2 là La-hán giải thoát lưỡng biên (ubhatobhāgavimutta Arahatta) là bậc đắc đạo, quả trải qua tỏ ngộ danh-sắc rộng; thấy sự sanh diệt của danh uẩn, sắc uẩn rất dồi dào; khi hành trí tuệ sanh nhiều hơn bậc trước.

× 3 là La-hán tam minh (tevijjā Arahatta) là bậc đắc Tứ quả đặng túc mạng minh, thiên nhãn minh và lậu tận minh.

× 4 là La-hán lục thông (chaḷabhiññā Arahatta) là bậc Tứ quả đắc lục thông gồm thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mạng thông, thần túc thông và lậu tận thông.

× 5 là La-hán tứ trí đạt thông (paṭisambhidappatta Arahatta) là La-hán đắc 4 pháp thông suốt: Thông suốt nghĩa lý (aṭṭhapaṭisambhidā), thông suốt pháp (dhammapaṭisambhidā), hiểu thấu các thứ tiếng (niruttipaṭisambhidā) và thông suốt tất cả sự vật trong đời (paṭibhāṇa-paṭisambhidā).

La-hán tứ trí hay là La-hán tứ tuệ phân tích: 1 là trí tuệ biết hết ý nghĩa (aṭṭhapaṭisambhidā), 2 là trí tuệ biết tất cả pháp (dhammapaṭisambhidā), 3 là trí tuệ biết các thứ tiếng (niruttipaṭisambhidā) v 4 là trí tuệ biết tất cả sự vật (paṭibhāṇapaṭisambhidā).

- Tứ quả mà Phật đắc chứng có 3 bậc:

× 1 là Phật Toàn giác (Sabbaññūbuddha),

× 2 là Phật Độc giác (Paccekabuddha),

× 3 là Phật Thinh Văn giác (Anubuddha hay là Sāvakabubbha).

Arahaṃ (Arahatta) là bậc tứ quả, dù Toàn giác, Độc giác, Chí thượng Thinh Văn, đại Thinh Văn hay Thinh Văn tầm thường cũng đều gọi là La-hán.

 

Trước khi đắc ‘đạo’ (magga), bậc tu tiến phải hành lục tịnh (visuddhi), như có nêu trong Abhidhammatthasaṅgaha – Chương 9: Kamaṭṭhāna (Nghiệp Xứ). Có thơ lục bát viết như vầy:

Nương theo thứ lớp tu trau

Lục tịnh mới đến đạo cao Thánh từng,

Bởi nên bốn đạo gọi xưng

Gọi là tuệ thấy cảnh trưng Níp-bàn.

 

Lục tịnh (visuddhi):

- 1 là tịnh giới (sīlavisuddhi), là giữ giới, từ ngũ giới trở lên.

- 2 là tịnh tâm (cittavisuddhi), là có tu đến cận định (upacārasamādhi) hay là tu đắc thiền.

- 3 là tịnh kiến (diṭṭhivisuddhi), là đắc tuệ tỏ ngộ, rõ thấu danh-sắc sanh diệt.

- 4 là tịnh nghi (kaṅkhāvitaraṇavisuddhi), là tu đến bậc tỏ ngộ đắc tuệ, ba tuệ trước: Tuệ tỏ ngộ danh pháp, sắc pháp (nāmarūpaparicchedañāṇa); ‘tuệ quyết thấy rõ nguyên nhân danh, sắc / hiển duyên danh sắc tuệ’ (nāmarūpapaccayapariggaha ñāṇa); ‘tuệ thấy tam tướng phổ thông / phổ thông tuệ’ (sammasañāna) là tỏ ngộ vô thường, khổ não và vô ngã.

- 5 là tịnh kiến đạo, phi đạo (maggāmaggañāṇo dassanavisuddhi). Nói theo thập tuệ là từ tuệ thứ 2 đến thứ 9. Còn nói theo 16 tuệ là từ tuệ thứ 4 đến tuệ thứ 11 là tuệ thuận lưu (anulomañāṇa).

- 6 là tuệ kiến mãn tịnh (paṭipadāñāṇavisuddhi). Nói theo 16 tuệ là từ tuệ thứ 4 đến tuệ thứ 13 là tuệ chuyển tánh (gotrabhūñaṇa).

Có Pāḷi chú giải như vầy: Sammasane = ñāṇaṃ: Trí tuệ thấy rõ danh-sắc, quá khứ, hiện tại và vị lai, gọi là “tuệ” có chỗ dịch là “trí”.

Nếu kể Thất tịnh là thêm Tịnh kiến tuệ.

 

Thập Tuệ quán (avipassāñāṇa): 1 là phổ thông tuệ (sammasanañāṇa), 2 là Tiến thoái tuệ (udayabbayañāṇa), 3 là diệt một tuệ (bhaṅgañāṇa), 4 là họa hoạn tuệ (bhayañāṇa), 5 là tội quá tuệ (ādīnavañāṇa), 6 là phiền yểm tuệ (nibbidāñāṇa), 7 là dục thoát tuệ (muñcitukamyatāñāṇa), 8 là quyết ly tuệ (paṭisaṅkhāñāṇa), 9 là hành xả tuệ (saṅkhārupekkhāñāṇa), 10 là thuận lưu tuệ (anulomañāṇa).

 

§33. Iccevaṃ sabbathāpi aṭṭha lokuttarakusalavipākacittāni samattāni.

Như vậy, tất cả tâm thiện và quả siêu thế có 8

§34. Catumaggappabhedena, catudhā kusalaṃ tathā. Pākaṃ tassa phalattāti, aṭṭhadhānuttaraṃ mataṃ.

Tâm thiện phân theo 4 đạo thì có bốn, tâm quả cũng thế. Có 8 tâm siêu thế nên được biết.

§35. Dvādasākusalānevaṃ, kusalānekavīsati. Chattiṃseva vipākāni, kriyacittāni vīsati.

Như vậy, có 12 tâm bất thiện, 21 tâm thiện. 36 tâm dị thục quả, 20 tâm tố.

§36. Catupaññāsadhā kāme, rūpe pannarasīraye. Cittāni dvādasāruppe, aṭṭhadhānuttare tathā.

Tất cả có 54 tâm dục, 15 tâm sắc, 12 tâm vô sắc, 8 tâm siêu thế (vô thượng).

§37. Itthamekūnanavutipabhedaṃ pana mānasaṃ. Ekavīsasataṃ vātha, vibhajanti vicakkhaṇā.

89 thứ tâm này được chư hiền trí chia thành 121 thứ.

Dứt phần tâm Siêu thế

___o0o___

 

PHÂN CHIA TÂM THEO CHÍN CÁCH

 

Bao gồm: Giống, cõi, tịnh hảo, thế gian, nhân, thiền, thọ, tương ưng, hữu dẫn.

 

1/. Phân chia Tâm theo 4 giống (jāti)

- 1 là giống thiện (kusala) có 21 hoặc 37 là: 8 tâm đại thiện, 9 tâm thiện đáo đại và 4 hoặc 20 tâm đạo.

- 2 là giống bất thiện (akusala) có 12 tức là 12 tâm bất thiện.

- 3 là giống quả (vipāka) có 36 hoặc 52 là: 15 tâm quả vô nhân, 8 tâm đại quả, 9 tâm quả đáo đại và 4 hoặc 20 tâm quả siêu thế.

- 4 là giống tố (kiriyā) có 20 là 3 tâm tố vô nhân, 8 tâm đại tố và 9 tâm tố đáo đại.

 

Tâm chia theo 3 giống (jāti)

- 1 là giống thiện có 21 hoặc 37 là: 8 tâm đại thiện, 9 tâm thiện đáo đại và 4 hoặc 20 tâm đạo.

- 2 là giống bất thiện có 12 tức là 12 tâm bất thiện.

- 3 là giống vô ký (abyākatā) có 72 là 52 tâm quả và 20 tâm tố.

 

2/. Phân chia 89 Tâm theo cõi

Catupaññāsadhā kāme           rūpe pannarasīriye.[43]

Cittāni dvādasārūpe               aṭṭhadhānuttare tathā.

Tất cả học viên phải tính số lượng (phân chia) 89 tâm theo 4 cõi như sau:

- Cõi Dục có 54 tâm (12 tâm bất thiện, 18 tâm vô nhân, 24 tâm dục giới tịnh hảo).

- Cõi Sắc có 15 tâm (5 tâm thiện sắc giới, 5 tâm quả sắc giới, 5 tâm tố sắc giới).

- Cõi Vô sắc có 12 tâm (4 Tâm thiện vô sắc giới, 4 tâm quả vô sắc giới, 4 tâm tố vô sắc giới).

- Cõi Siêu thế có 8 tâm (tính hẹp) hay 40 (tính rộng - 20 tâm đạo, 20 tâm quả).

Cõi có hai loại là:

1. Cõi địa (Ṭhānabhūmi) là nơi ở của tất cả chúng sanh, đó là 31 cõi.

2. Địa giới (Avatthābhūmi) tất cả pháp bị xác định ranh giới do cả 3 ái.

Địa giới có 4 loại là:

(1) Dục địa giới (Kāmāvatthābhūmi) pháp bị xác định ranh giới do dục ái gồm 54 tâm dục giới, 52 sở hữu tâm, 28 sắc pháp.

(2) Sắc địa giới (Rūpāvatthābhūmi) pháp bị xác định ranh giới do sắc ái gồm 15 tâm sắc giới, 35 sở hữu.

(3) Vô sắc địa giới (Arūpāvatthābhūmi) pháp bị xác định ranh giới do vô sắc ái gồm 12 tâm vô sắc giới, 30 sở hữu.

(4) Siêu thế địa giới (Lokuttarāvatthābhūmi) pháp bị xác định ranh giới thoát ly khỏi 3 ái gồm 8 tâm siêu thế, 36 sở hữu tâm, Níp-bàn.

Do đó, cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc có hai loại cõi địa và địa giới; còn siêu thế chỉ có địa giới mà thôi.

 

3/. Phân chia Tâm theo vô tịnh hảo và tịnh hảo

Tâm vô tịnh hảo có 30 là 12 tâm bất thiện và 18 tâm vô nhân.

Tâm tịnh hảo có 59 hoặc 91 là 24 tâm dục giới tịnh hảo, 27 tâm đáo đại (mahaggatacitta) và 8 hoặc 40 tâm siêu thế.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Sobhaṇehi yuttānīti = sobhaṇāni: (Tâm) hợp với pháp (sở hữu) tốt, gọi là (tâm) tịnh hảo.

 

4/. Phân chia Tâm theo thế gian (đời)

Tâm hiệp thế có 81 tâm là 12 tâm bất thiện, 18 tâm vô nhân, 24 tâm dục giới tịnh hảo, 15 tâm sắc giới, 12 tâm vô sắc giới, gom thành 81 tâm hiệp thế.

Tâm siêu thế có 40 tâm là 20 tâm đạo, 20 tâm quả, gom thành 40 tâm siêu thế.

Tâm siêu thế nói gọn và chi tiết:

Catumaggappabhedena                catudhā kusalantathā.[44]

Pākantassa[45] phalattāti                aṭṭhadhānuttaraṃ mataṃ.

Jhānaṅgayogabhedena                 katvekekantu pañcadhā.

Vuccatānuttaraṃ cittaṃ               cattāḷīsavidhanti ca.

Tất cả học viên phải biết tâm siêu thế nói gọn có 8 tâm là tâm thiện nói theo (trường hợp có) 4 đạo, có 4 quả bởi vì là quả của đạo có 4.

8 tâm siêu thế khi trình bày chi tiết có 40, vì khi phối hợp với chi thiền thì mỗi một tâm siêu thế có 5; do đó thành 40 tâm siêu thế.

 

5/. Phân chia Tâm theo nhân

Tâm vô nhân có 18 tâm là 7 tâm quả bất thiện, 8 tâm quả thiện vô nhân, 3 tâm tố vô nhân.

Tâm hữu nhân có 103 tâm là 12 tâm bất thiện, 24 tâm dục giới tịnh hảo, 15 tâm sắc giới, 12 tâm vô sắc giới, 40 tâm siêu thế.

 

6/. Phân chia Tâm theo thiền

- 1 là tâm sơ thiền có 11 là 3 tâm sơ thiền sắc giới và 8 tâm sơ thiền siêu thế.

- 2 là tâm nhị thiền có 11 là 3 tâm nhị thiền sắc giới và 8 tâm nhị thiền siêu thế.

- 3 là tâm tam thiền có 11 là 3 tâm tam thiền sắc giới và 8 tâm tam thiền siêu thế.

- 4 là tâm tứ thiền có 11 là 3 tâm tứ thiền sắc giới và 8 tâm tứ thiền siêu thế.

- 5 là tâm ngũ thiền có 23 là 3 tâm ngũ thiền sắc giới, 12 tâm vô sắc giới và 8 tâm ngũ thiền siêu thế.

Tâm không phối hợp hay tương ưng với chi thiền gọi là tâm phi thiền có 54 tâm là 12 tâm bất thiện, 18 tâm vô nhân, 24 tâm dục giới tịnh hảo.

Tâm phối hợp hay tương ưng với chi thiền gọi là tâm thiền có 67 tâm là 15 tâm sắc giới, 12 tâm vô sắc giới, 40 tâm siêu thế.

 

7/. Phân chia Tâm theo ngũ thọ (vedanā).

Chú giải: Vedayatīti = vedanā: Hưởng, hứng chịu cảnh gọi là thọ.

Thọ (vedanā) sắp theo cảnh (ārammaṇa) có sáu là sắc, thinh, khí, vị, xúc và pháp là sáu xứ ngoại; còn sáu xứ nội là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý.

Nhãn xứ tụ hội cảnh sắc, nhĩ xứ tụ hội cảnh thinh, tỷ xứ tụ hội cảnh khí, thiệt xứ tụ hội cảnh vị, thân xứ tụ hội cảnh xúc và ý xứ tụ hội cảnh pháp, cũng gọi là sáu thọ.

- Thọ hỷ của người thường   có 6.

- Thọ hỷ của người tu tuệ      có 6.

- Thọ ưu của người thường   có 6.

- Thọ ưu của người tu tuệ      có 6.

- Thọ xả của người thường    có 6.

- Thọ xả của người tu tuệ      có 6.

… … … …. .

Cộng: 36

  x3 (quá khứ, hiện tại và vị lai)

… … … …. .

Tổng cộng… 108

Ngũ thọ:

- 1 là thọ khổ (dukkhavedanā) có 1 tức là tâm thân thức câu hành khổ (thọ).

- 2 là thọ lạc (sukhavedanā) có 1 tức là tâm thân thức câu hành lạc (thọ).

- 3 là thọ ưu (domanassavedanā) có 2 tức là 2 tâm sân (tâm câu hành khuể phẫn).

- 4 là thọ hỷ (somanassavedanā) có 62 là 4 tâm tham câu hành hỷ, tâm thẩm tấn câu hành hỷ, tâm tiếu sinh câu hành hỷ, 12 tâm dục giới tịnh hảo câu hành hỷ, 12 tâm sắc giới câu hành hỷ và 32 tâm siêu thế câu hành hỷ (trừ ngũ thiền).

- 5 là thọ xả (upekkhāvedanā) có 55 là 20 tâm vô tịnh hảo câu hành xả, 12 tâm dục giới tịnh hảo câu hành xả và 23 tâm ngũ thiền câu hành xả.

 

8/. Phân chia Tâm theo tương ưng (phối hợp)

Tâm tương ưng có 87 tâm là: 4 tâm tương ưng kiến, 2 tâm căn sân, 2 tâm căn si, 4 tâm đại thiện tương ưng trí, 4 tâm đại quả tương ưng trí, 4 tâm đại tố tương ưng trí, 15 tâm sắc giới, 12 tâm vô sắc giới, 40 tâm siêu thế.

Tâm bất tương ưng có 34 tâm là: 4 tâm bất tương ưng kiến, 18 tâm vô nhân, 4 tâm đại thiện bất tương ưng trí, 4 tâm đại quả bất tương ưng trí, 4 tâm đại tố bất tương ưng trí.

 

9/. Phân chia Tâm theo trợ dẫn

Tâm vô dẫn có 37 tâm là: Tâm căn tham thứ 1,3,5,7; tâm căn sân thứ 1; 2 tâm căn si; 18 tâm vô nhân; tâm đại thiện thứ 1,3,5,7; tâm đại quả thứ 1,3,5,7; tâm đại tố thứ 1,3,5,7.

Tâm hữu dẫn có 84 tâm là: Tâm căn tham thứ 2,4,6,8; tâm căn sân thứ 2; tâm đại thiện thứ 2,4,6,8; tâm đại quả thứ 2,4,6,8; tâm đại tố thứ 2,4,6,8; 15 tâm sắc giới; 12 tâm vô sắc giới; 40 tâm siêu thế.

 

Như vậy có 8 tâm thiện dục giới (kāmāvacara-kusala citta), 5 tâm thiện sắc giới (rūpāvacara-kusala citta), 4 tâm thiện vô sắc giới (arūpāvacara-kusala citta) và 4 tâm thiện siêu thế (lokuttara-kusala citta). Số lượng của tâm thiện dục giới (kāmāvacara-kusala citta) thì nhiều hơn. Cũng như thế đối với tâm đại quả (mahā-vipāka citta) cũng còn gọi là tâm quả dục giới (kāmāvacara-vipāka citta) và tâm đại tố (mahā-kiriya citta) còn gọi là tâm tố dục giới (kāmāvacara-kiriya citta).

___o0o___

 

Ôn tập vắn tắt về ‘tâm’

1. Akusala citta– tâm bất thiện (12)

Đó là 8 tâm căn tham (lobha mūla citta), 2 tâm căn sân (dosa mūla citta), 2 tâm căn si (moha mūla citta).

2. Ahetuka citta– tâm vô nhân (18)

Gồm có 7 tâm quả bất thiện, 8 tâm quả thiện vô nhân và 3 tâm tố vô nhân.

3. Kāma sobhaṇa citta – tâm thiện dục giới hay tâm dục giới tịnh hảo (24)

Được chia thành 8 tâm đại thiện, 8 tâm đại quả, 8 tâm đại tố.

4. Kāmavacara citta hay kāma citta – tâm dục giới (54)

Gồm có 12 tâm bất thiện, 18 tâm vô nhân và 24 tâm dục giới tịnh hảo.

5. Mahaggata citta – tâm đáo đại (27)

15 tâm sắc giới và 12 tâm vô sắc giới được gom lại và gọi chung là tâm đáo đại, theo nghĩa đen là phát triển lớn mạnh, tức là phát triển, nâng lên cao hay khác thường. Tâm đáo đại là trạng thái ‘tâm đã tu tập’ đạt đến sự chăm chú miệt mài trong đề mục sắc và vô sắc. Tâm đáo đại được tu tập hay được nâng cao hơn so với tâm dục giới.

6. Lokiya citta – tâm hiệp thế (81)

54 tâm dục giới và 27 tâm đáo đại gom chung gọi là 81 tâm hiệp thế.

Lokiya = phàm hoặc phối hợp với 3 cõi hiện hữu đó là cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô sắc.

7. Lokuttara citta – tâm siêu thế (8 hay 40)

4 tâm đạo và 4 tâm quả tạo thành 8 tâm siêu thế. Khi chúng được nhân với 5 thiền sắc, chúng ta có 40 tâm siêu thế.

Lokuttara = siêu thế hay vượt ra khỏi 3 cõi hiện hữu.

8 tâm siêu thế cùng với Níp-bàn tạo thành 9 pháp siêu thế (nava-lokuttara-dhamma).

8. Tổng số tâm (89 hay 121)

81 tâm hiệp thế cùng với 8 tâm siêu thế (vipassana-yānika) tạo thành 89 tâm tất cả.

Hay nếu chúng ta gom 81 tâm hiệp thế với 40 tâm siêu thế thì chúng ta có tất cả 121 tâm.

9. Asobhaṇa citta (tâm vô tịnh hảo)

Gồm 12 tâm bất thiện và 18 tâm vô nhân. Tâm bất thiện không phải là tâm tịnh hảo, bởi vì chúng phối hợp với căn bất thiện là tham (lobha), sân (dosa) và si (moha).

Ahetuka citta (tâm vô nhân) được xem như là tâm vô tịnh hảo (asubha citta) bởi vì chúng không phối hợp với căn thiện là vô tham (alobha), vô sân (adosa) và trí hay vô si (amoha).

10. Sobhaṇa citta (tâm tịnh hảo)

Nếu chúng ta trừ 30 tâm vô tịnh hảo (asubha citta) từ 89 tâm, chúng ta có 59 tâm tịnh hảo (sobhaṇa citta).

Hoặc, nếu chúng ta trừ 30 tâm vô tịnh hảo từ 121 tâm, chúng ta có 91 tâm tịnh hảo.

Tâm tịnh hảo thì phối hợp với những căn thiện.

11. Jhāna citta – tâm thiền (67)

27 tâm đáo đại được gọi là tâm thiền hiệp thế (lokiya jhāna citta). Gom những tâm này với 40 tâm thiền siêu thế, chúng ta có 67 tâm thiền.

Trong những tâm này có 11 tâm sơ thiền, 11 tâm nhị thiền, 11 tâm tam thiền, 11 tâm tứ thiền và 23 tâm ngũ thiền. Lưu ý rằng có 3 tâm sơ thiền trong tâm đáo đại và 8 tâm sơ thiền trong tâm siêu thế; gom chung chúng tạo thành 11 tâm sơ thiền. Tâm nhị thiền, tam thiền, tứ thiền cũng được tính cùng cách ấy. Cách tính tâm ngũ thiền, tất cả 12 tâm vô sắc giới được gom tính chung – do đó chúng ta được 11+12=23 tâm ngũ thiền.

12. Tâm chia theo sanh chủng hay giống (jāti).

Tâm chia theo giống có 4 – đó là giống bất thiện, giống thiện, giống quả và giống tố.

Chúng ta có thể chia 54 tâm dục giới thành 12 tâm bất thiện, 8 tâm thiện, 23 tâm quả và 11 tâm tố. 23 tâm quả được gọi chung là tâm quả dục giới và tâm tố được gọi chung là tâm tố dục giới.

27 tâm đáo đại được chia thành 9 tâm thiện, 9 tâm quả và 9 tâm tố. Những nhóm tâm này chính là 9 tâm thiện đáo đại, 9 tâm quả đáo đại và 9 tâm tố đáo đại.

81 tâm hiệp thế được chia thành 12 tâm bất thiện, 17 tâm thiện, 32 tâm quả và 20 tâm tố theo thứ tự.

Bây giờ, 89 tâm (tính hẹp) có thể được chia thành 12 tâm bất thiện, 21 tâm thiện, 36 tâm quả và 20 tâm tố.

121 tâm (tính rộng) được chia thành 12 tâm bất thiện, 37 tâm thiện, 52 tâm quả và 20 tâm tố.

13. Tâm chia theo thọ (vedanā).

Có 5 loại thọ như:                                                                                          

(i) Somanassa = hỷ thọ, dụng nạp hứng chịu hay hưởng cảnh an vui sanh từ ý xúc.

(ii) Domanassa = ưu thọ, hưởng hay hứng chịu buồn khổ sanh từ ý xúc.

(iii) Sukha = lạc thọ, vui thân, hưởng hay dụng nạp hứng chịu cảnh an vui sanh từ thân xúc.

(iv) Dukkhā = khổ thọ, khổ thân, hưởng hay dụng nạp hứng chịu cảnh không thích hợp thành khổ sanh từ nơi thân xúc.

(v) Upekkhā = xả thọ, dụng nạp hưởng hay hứng chịu cảnh phi hỷ phi phi hỷ sanh từ nơi ý xúc.

Chúng ta cần nhận ra rằng 8 tâm siêu thế (tức là 4 tâm đạo và 4 tâm quả) có thể phối hợp với somanassa (hỷ) hoặc upekkhā (xả). 40 tâm siêu thế có thể được phân biệt do vedanā (thọ).

Chúng ta có thể làm một bảng để phân nhóm tâm theo vedanā (thọ).

Trong 54 tâm dục giới có 18 tâm câu hành hỷ, 2 tâm câu hành ưu, 32 tâm câu hành xả, 1 tâm câu hành lạc, 1 tâm câu hành khổ.

Trong 81 tâm hiệp thế có 30 tâm câu hành hỷ, 2 tâm câu hành ưu, 47 tâm câu hành xả, 1 tâm câu hành lạc, 1 tâm câu hành khổ.

Cuối cùng, trong tổng số 121 tâm, có 62 tâm câu hành hỷ, 2 tâm câu hành ưu, 55 tâm câu hành xả, 1 tâm câu hành lạc, 1 tâm câu hành khổ.

Nhân trợ sanh tâm có 4:

1 là nghiệp quá khứ (atītakammo), 2 là sở hữu tâm (cetasika), 3 là cảnh (ārammaṇa), 4 là vật (vatthu).

Xét theo đây không nên chấp theo câu: “Nhất thế duy tâm tạo” và chớ hiểu lầm với câu: Manopubbaṅgamā dhammā: Ý là chủ trương tất cả pháp.

Ý là tâm, tất cả pháp là sở hữu tâm, ám chỉ tâm chủ trương với sở hữu tâm trong sự biết cảnh hay tứ đồng v.v… như đã giải.

___o0o___

CHƯƠNG II: CETASIKA – SỞ HỮU TÂM

Những Trạng Thái Của Sở Hữu Tâm

 

Cetasika[46] khi chiết tự ra thì ‘cetasika = ceta + s + ika’, mà ‘ceta = citta’ = tâm, còn ‘ika’ = thuộc về, pháp phụ thuộc, sở hữu. Cho nên, ‘cetasika’ được dịch là ‘sở hữu tâm’.

Sở hữu tâm nghĩa là những pháp hợp với tâm và thuộc về sở hữu của tâm.

Katame dhammā cetasikā: Vedanākkhandho saññākkhandho saṅkhārakkhandho, ime dhammā cetasikā.

Chư pháp sở hữu tâm trong khi có ra sao? Thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn. Những chơn tướng này gọi là chư pháp sở hữu tâm. (Dhs.768)

§1. Ekuppādanirodhā ca, ekālambaṇavatthukā. Cetoyuttā dvipaññāsa, dhammā cetasikā matā.

Nghĩa là: Nên biết rằng có 52 sở hữu tâm kết hợp với tâm, chúng cùng sanh, cùng diệt, bắt cùng một cảnh và nương cùng một vật với tâm.

Sở hữu tâm (cetasika) là một trong những nhân trợ cho tâm sanh, chúng luôn tùy thuộc, nương vào tâm (cittanissitalakkhaṇaṃ). Chúng chi phối, tác động tâm thành bất thiện, thiện hay vô ký khi chúng sinh khởi và chúng là những pháp thuộc về sở hữu của ‘tâm’.

Có những câu Pāḷi chú giải như vầy:

- Cetasi bhavaṃ = cetasikaṃ: Câu sanh với tâm (trong thuộc quyền sở hữu) gọi là ‘sở hữu tâm’.

- Cetasi niyuttaṃ = cetasikaṃ: Hợp với tâm khắn khít, nên gọi là ‘sở hữu tâm’.

- Avippayogavasena cetasi niyuttāti = cetasikā: Luôn luôn hợp với tâm bằng mãnh lực không lìa hay rời nhau, nên gọi là ‘sở hữu tâm’.

Theo ‘bốn nhân trợ sanh tâm’ thì sở hữu tâm (cetasika) là một trong bốn nhân [nghiệp quá khứ (atītakammaṃ), sở hữu tâm (cetasika), cảnh (ārammaṇa) và vật (vatthu)] làm nhân (hetu), làm duyên (paccaya) trợ cho tâm sanh.

*  Tất cả sở hữu tâm (cetasika) đều có bốn ý nghĩa chung như sau:

1. Trạng thái là nương đỗ tâm (cittanissatalakkhaṇaṃ).

2. Phận sự là sanh ra không lìa tâm (aviyoguppādanarasaṃ).

3. Thành tựu là biết chung một cảnh với tâm (ekārammaṇapaccupaṭṭhānaṃ).

4. Nhân cận là phải có tâm sanh (cittuppādapadaṭṭhānaṃ).

Pháp thực tính của sở hữu tâm (cetasika) có 52 pháp luôn phối hợp với tâm.

*  Mỗi sở hữu tâm (cetasika) đều có bốn đặc điểm như sau:

1. Sở hữu tâm đồng sanh (ekuppāda) với tâm.

2. Sở hữu tâm đồng diệt (ekanirodha) với tâm.

3. Sở hữu tâm bắt cùng cảnh (ekārammaṇa) mà tâm bắt.

4. Sở hữu tâm nương cùng một vật (ekavatthuka) với tâm.

Trong cả bốn đặc điểm này, ba đặc điểm đồng sanh, đồng diệt, cùng cảnh, hiện bày với sở hữu nhất định. Còn đặc điểm thứ tư là ‘nương cùng một vật’ không phải là đặc điểm nhất định. Những sở hữu tâm này khi sanh trong cõi Ngũ uẩn thì cần phải nương vật sanh, nhưng nếu sanh trong cõi Tứ uẩn thì không cần thiết phải nương vật đặng sanh.

 

Giữa Tâm (Citta) Và Sở Hữu Tâm (Cetasika), Pháp Nào Quyền Lực Hơn

Khi chúng ta nói tâm là pháp quyền lực nhất trong đời và dẫn dắt đời, đó không phải do một mình tâm thực hiện, mà là sự cùng thực hiện của tâm (citta) và sở hữu tâm (cetasika) làm cho tâm quyền lực nhất.

Vậy pháp nào quyền lực hơn – tâm (citta) hay sở hữu tâm (cetasika)? Không nghi ngờ gì, tâm (citta) là pháp dẫn đầu của nhóm, nhưng sở hữu tâm (cetasika) chi phối tâm (citta) và định hướng cho tâm (citta) thực hiện hay trợ cho những hành động, lời nói và ý nghĩ hoặc thiện hay bất thiện. Những hành động, lời nói hay ý nghĩ này thay đổi thế gian mỗi ngày và những nghiệp (kammic) lực của chúng sẽ tạo nên những đời mới ở vị lai.

Để xác định pháp nào trong hai pháp – tâm (citta) hay sở hữu tâm (cetasika) – quyền lực hơn, chúng ta hãy xem xét hai ví dụ:

(1) Trong một gia đình, người cha là người dẫn đầu, nhưng người mẹ hoàn toàn chi phối người cha và ông ta làm những gì theo bà yêu cầu ông làm. Vậy ai quan trọng hơn? – người cha hay người mẹ?

(2) Trong một xưởng cưa, một con voi di dời những khúc gỗ theo sự chỉ đạo của người nài voi. Con voi không thể làm một mình, người nài voi cũng không thể làm một mình. Con voi có sức mạnh di dời những khúc gỗ; người nài voi không thể di dời những khúc gỗ, nhưng anh ấy có thể ra lệnh cho con voi làm việc. Vậy pháp nào quan trọng hơn? – con voi hay người nài voi?

Điều đó có thể được nhận rằng cả hai, người cha và người mẹ ở ví dụ (1) và cả hai, con voi và người nài voi ở ví dụ (2) đều có tầm quan trọng như nhau.

Tâm (citta) được ví như con voi và sở hữu tâm (cetasika) được ví như người nài voi. Không có sự tồn tại của tâm ngoài sở hữu tâm và không có sự tồn tại của sở hữu tâm ngoài tâm. Chúng cùng hoạt động là sức mạnh và năng lực thực sự. Khi chúng ta càng phát huy chúng, chúng ta càng tiến hóa.

Để nhận rõ tam tướng của pháp hữu vi (bị tạo), bậc tu tiến phải thấy biết theo những trạng thái thực tính của từng pháp hữu vi (danh và sắc) trong giai đoạn tu tiến quán minh sát (vipassana), bằng cách này hay cách khác, dù ở quá khứ, hiện tại hay vị lai. Trước tiên vị ấy cần hiểu những trạng thái riêng của từng pháp hữu vi qua từ ngữ theo lời dạy của Đức Phật trong Tam tạng Pāḷi (Tipitaka Pāḷi), chú giải (aṭṭhakathā) hay sớ giải (tīkā). Tiếp theo phần tâm (citta), sở hữu tâm (cetasika) là những pháp có 4 đặc điểm đồng với tâm, cũng cần được thấy biết rõ bằng tuệ quán.

Tất cả 52 sở hữu tâm (cetasika) được phân thành 3 nhóm, gọi là “rāsī”, như sau:

- “Aññasamānarāsīcetasika – nhóm sở hữu tợ tha” có 13 sở hữu tâm.

- “Akusalarāsīcetasika – nhóm sở hữu bất thiện” có 14 sở hữu tâm.

- “Sobhaṇarāsīcetasika – nhóm sở hữu tịnh hảo” có 25 sở hữu tâm.

Hay còn gọi là 13 sở hữu tợ tha, 14 sở hữu bất thiện và 25 sở hữu tịnh hảo.

 

Phân Loại Sở Hữu Tâm (Cetasika)

Sở hữu tâm (Cetasika) (52)

I. Sở hữu Tợ tha (Aññasamāna cetasika) (13):

(A). Biến hành tất cả tâm - (Sabba citta sādhāraṇa) (7)

(B). Biệt cảnh - (Pakiṇṇaka) (6)

II. Sở hữu Bất thiện (Akusala cetasika) (14):

(A). Si-phần - (Mohacatukka) (4)

(B). Tham-phần - (Lobha – tri) (3)

(C). Sân-phần - (Dosa catuka) (4)

(D). Hôn-phần & Hoài nghi (3)

III. Sở hữu Tịnh hảo (Sobhaṇa cetasika) (25):

(A). Tịnh hảo biến hành - (Sobhaṇa sādhāraṇa) (19)

(B). Giới phần - (Virati) (3)

(C). Vô lượng phần - (Appamaññā) (2)

(D). Trí quyền - (Paññindriya) (1)

 

I. Sở Hữu Tợ Tha[47] (Aññasamāna cetasika)

Aññasamāna: Añña = pháp khác. Samāna = tợ, như, như nhau, giống nhau, bằng nhau. Aññasamāna = như pháp khác, giống pháp khác, tợ pháp khác. Aññasamāna cetasika được dịch là những sở hữu tợ như pháp khác hay ‘sở hữu tợ tha’.

Mười ba (13) sở hữu tợ tha có thể phối hợp với cả hai loại tâm tịnh hảo (sobhaṇa) và vô tịnh hảo (asobhaṇa). Chúng là những sở hữu tâm trung lập và làm nổi bật đặc tính của những sở hữu tâm cùng sanh.

Chúng được chia thành hai nhóm:

A) Sabbacitta-sādhāraṇa (7) = sở hữu biến hành là những sở hữu thực tính phối hợp với tất cả tâm.

B) Pakiṇṇaka (6) = sở hữu biệt cảnh là những sở hữu phối hợp riêng với một số tâm tịnh hảo cũng như vô tịnh hảo.

 

(A) Sở Hữu Biến Hành Tất Cả Tâm (Sabbacitta Sādhāraṇa Cetasika)

(Những sở hữu thiết yếu hay cơ bản – có 7)

 

§2. Kathaṃ? Phasso vedanā saññā cetanā ekaggatā jīvitindriyaṃ manasikāro ceti sattime cetasikā sabbacittasādhāraṇā nāma.

Là chi? Xúc, thọ, tưởng, tư, nhất hành, mạng quyền, tác ý. Bảy sở hữu tâm này gọi là những sở hữu biến hành tất cả tâm.

Sabbacittasādhāraṇa khi chiết tự được ba phần: Sabba + citta + sādhāraṇa.

Sabba = tất cả; citta = tâm; sādhāraṇa = biến hành, đi khắp, chung cả, công cộng.

Gom ba phần lại thành sabbacittasādhāraṇa = khắp tất cả tâm, biến hành tất cả tâm.

Bảy (7) sở hữu biến hành phối hợp với tất cả tâm. Trạng thái biết cảnh bằng tâm được hoàn thành với sự trợ giúp của những sở hữu này.

(1) Xúc (phassa).

(2) Thọ (vedanā).

(3) Tưởng (saññā).

(4) Tư, sự cố quyết (cetanā).

(5) Nhất hành (ekaggatā) hay định (samādhi).

(6) Mạng quyền (jīvitindriya) hay bảo tồn sự sống còn.

(7) Tác ý (manasikāra) hay sự chú ý, sự lưu ý.

Giải thích:

(1) Phassa (xúc)[48] (bắt nguồn từ căn phus + a: Xúc chạm)

Xúc (phassa) cung cấp hay trang bị sự xúc chạm giữa cảnh, vật (sắc thanh triệt) và tâm. Ví dụ, sự xúc chạm giữa cảnh sắc, sắc nhãn thanh triệt và nhãn thức (cakkhuviññāṇa) được thực hiện bởi phassa. Nếu không có phassa, sẽ không có ý thức; cho nên không có sự biết.

Katamo tasmiṃ samaye phasso hoti? Yo tasmiṃ samaye phasso phusanā samphusanā samphusitattaṃ - ayaṃ tasmiṃ samaye phasso hoti. (Dhs. I. 17)

Xúc trong khi có ra sao? Khi nào có sự đụng chạm, cách chạm nhau, hành vi đụng chạm, thái độ xúc chạm. Khi nào như thế. Đây gọi là xúc có trong khi ấy.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Ārammaṇaṃ phusatīti = phasso: (Tâm) chạm cảnh gọi là xúc.

Có 4 ý nghĩa (aṭṭha) của xúc: (Vsm.XIV)

- Trạng thái là chạm (cảnh) (phusanalakkhaṇo).

- Phận sự là tiếp xúc vật (saṅghaṭṭanaraso).

- Thành tựu hiện bày là hội họp tâm, cảnh và vật (sannipātapaccupaṭṭhāno).

- Nhân cận là có cảnh hiện đến (āpātagatavisayapadaṭṭhāno).

(2) Vedanā (thọ) (bắt nguồn từ căn vid: Thọ nhận)

Thọ (vedanā) là sự hứng chịu hay dụng nạp, hưởng vị của cảnh. Pháp này ví như một vị vua thưởng thức một đĩa thức ăn ngon.

Thọ rất quan trọng đối với người phàm phu. Chúng sanh cố gắng tranh đấu ngày đêm cũng để hưởng dục lạc là pháp không gì khác ngoài lạc thọ. Theo lý nhân quả của pháp liên quan tương sinh (paṭiccasamuppāda), xúc làm duyên trợ cho thọ sanh và thọ làm duyên trợ cho ái (taṇhā) sanh.

Tất cả những khối thọ – thuộc quá khứ, hiện tại, vị lai, nội phần (bên trong), ngoại phần (bên ngoài) được chỉ rõ là thọ uẩn (vedanākhandha) là 1 trong 5 uẩn hiện hữu.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Vedayatīti = vedanā: hứng chịu cảnh gọi là thọ.

Thọ được chia thành 3 hay thành 5. Thọ chia thành 3 gồm: Khổ, lạc, xả; Thọ chia thành 5 gồm: Khổ, ưu, lạc, hỷ, xả.

Năm thọ: 1 là dukkhavedanā (khổ thọ), 2 là sukhavedanā (lạc thọ), 3 là domanassavedanā (ưu thọ), 4 là somanassavedanā (hỷ thọ), 5 là upekkhāvedanā (xả thọ).

o  Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của khổ thọ: (Dhs. câu 473) (Vsm.XIV)

- Trạng thái là hứng chịu cảnh xúc không tốt (aniṭṭhaphotthabānubhavana-lakkhaṇaṃ), không thích hợp với thân thanh triệt.

- Phận sự là làm cho pháp tương ưng khô héo (sampayuttanaṃ nilāpanarasaṃ).

- Thành tựu hay sự hiện bày là thân đau đớn (kāyikābādhapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là có sắc thân thanh triệt hay thân quyền (kāyindriyapadaṭṭhānaṃ).

o  Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của lạc thọ: (Dhs. câu 354)

-  Trạng thái là hứng chịu cảnh xúc thích hợp (iṭṭhaphoṭṭhabbānubhavanalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là làm cho pháp tương ưng tiến triển (sampayuttānaṃ upabrūhanarasaṃ).

- Thành tựu là thân sướng (kāyika assādapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là có sắc thân thanh triệt hay thân quyền (kāyindriyapadaṭṭhānaṃ).

o  Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của ưu thọ: (Dhs. câu 326)

- Trạng thái là hứng chịu cảnh không ưa thích (aniṭṭhārammaṇānubhavanalakkhaṇaṃ).

-Phận sự là hứng chịu cảnh không vừa lòng (aniṭṭhākārāsambhogarasaṃ).

-Thành tựu là ép uổng tâm (cetasikābādhapaccupaṭṭhānaṃ).

-Nhân cận là có sắc ý vật (hadayavatthupadaṭṭhānaṃ).

o  Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của hỷ thọ: (Dhs. câu 18, 277)

- Trạng thái là hứng chịu cảnh đáng mong mỏi (iṭṭhārammaṇānubhavanalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là hứng chịu cảnh vừa lòng (iṭṭhākārasambhogarasaṃ).

- Thành tựu là danh pháp phơi phới (thích thú) (cetasika assādapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là thân tâm yên tịnh (passaddhipadaṭṭhānaṃ).

o  Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của xả thọ: (Dhs. câu 131, 317)

- Trạng thái là hứng chịu cảnh trung bình (majjhattavedayitalakkhaṇā).

- Phận sự là điều hòa pháp tương ưng (sampayuttānaṃ nātiupabrūhanamilāpana-rasā).

- Thành tựu là vắng lặng (santabhāvapaccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là ly pháp hỷ (nippītikapadaṭṭhānā).

Thập (10) xả

- 1 là lục xả (chaḷaṅgupekkhā) nghĩa là 6 cảnh và 6 vật đối chiếu nhau của bậc Tứ quả, lúc nào cũng như nhau; chẳng vì cảnh chuyển mà phải bi quan hay lạc quan. Pháp thực tính là sở hữu hành xả hay là trung bình (tatramajjhattatā).

- 2 là vô lượng xả (Brahmavihārupekkhā) nghĩa là đối với tất cả chúng sanh dù ai bị khổ, hưởng vui vẫn coi như thường; không buồn giùm, không vui theo, vì nhận rõ nhân, quả tốt xấu như hột nào trái nấy là lẽ thường nhiên. Pháp thực tính là sở hữu trung bình.

- 3 là xả giác chi (bojjhaṅgupekkhā) nghĩa là trung bình như thường đối với pháp câu sanh trong những giác chi khác. Pháp thực tính là sở hữu trung bình.

- 4 là cần xả (viriyupekkhā) nghĩa là cố gắng bằng cách trung bình hay trung đạo không thái quá và không bất cập; như dây đàn không quá căng, cũng chẳng quá chùng. Pháp thực tính là sở hữu cần.

- 5 là hành vi xả (saṅkhārupekkhā) nghĩa là trí tuệ tỏ ngộ thấy pháp hành danh-sắc. Vì bậc tu tuệ cao thấy chỉ là thấy, chẳng nghĩ sự đối với danh-sắc ra sao. Pháp thực tính là sở hữu trí.

- 6 là thọ xả (vedanūpekkhā) tức là ngoài ra thọ khổ, lạc, ưu, hỷ cũng thuộc về sở hữu thọ.

- 7 là quán xả (vipassanūpekkhā) nghĩa là bậc tu tuệ cao đắc tuệ thấy vô thường hoặc khổ não hay vô ngã, vẫn coi như thường. Pháp thực tính là sở hữu trí.

- 8 là trung bình xả (tatramajjhattupekkhā) nghĩa là trạng thái làm cho các pháp câu sanh điều hòa không so le. Pháp thực tính là sở hữu trung bình (tatramajjhattatā).

- 9 là thiền xả (jhānupekkhā) nghĩa là bỏ ra hỷ, lạc của các bậc thiền thọ hỷ (từ sơ thiền đến tứ thiền) tức là chi xả của ngũ thiền. Pháp thực tính cũng là sở hữu trung bình.

- 10 là tịnh xả (pārisuddhupekkhā) nghĩa là đối với pháp oái niệm (palibodha) vẫn xem như thường, chẳng bận bịu chi cả. Pháp thực tính là sở hữu trung bình.

(3) Saññā (tưởng)[49] (Saṃ + căn ñā: Biết)

Sở hữu tưởng (saññā cetasika) là sự nhớ tưởng cảnh về màu sắc, hình dạng, hình dáng, tên gọi, v.v… có phận sự tợ như bộ nhớ. Tưởng (saññā) là pháp có khả năng làm cho chúng sanh nhận ra một cảnh từng được biết đến bằng tâm qua các quyền.

Không có tưởng (saññā), chúng ta sẽ không thể nhớ tên của chúng ta, cha mẹ của chúng ta, vợ con của chúng ta, nhà cửa của chúng ta, v.v… Do đó, cuộc sống trong cộng đồng không thể thiếu pháp tưởng (saññā) này.

Tất cả những khối tưởng – thuộc quá khứ, hiện tại, vị lai, nội phần (bên trong), ngoại phần (bên ngoài) – được chỉ rõ là tưởng uẩn (saññākhandha) là 1 trong 5 uẩn hiện hữu.

Katamā tasmiṃ samaye saññā hoti? Yā tasmiṃ samaye tajjāmanoviññāṇadhātusamphassajā saññā (sañjānanā) sañjānitattaṃ-ayaṃ tasmiṃ samaye saññā hoti. (Dhs. I. 19)

Tưởng trong khi có ra sao? Sự nhớ tưởng, cách nhớ tưởng, thái độ nhớ tưởng, sanh từ xúc phối hợp cùng ý thức giới. Khi nào như thế đó, mới gọi là tưởng có trong khi ấy.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu tưởng: (Vsm.XIV)

- Trạng thái là nhớ tưởng (sañjānanalakkhaṇā).

- Phận sự là nhớ nguyên do và tiêu chuẩn (puna sañjānanapaccayanimittakaraṇa-rasā).

- Thành tựu là cố nhớ y như trước (yathā garahitanimittābhinivesa-paccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có cảnh tái hiện lại (yathā upaṭṭhitavisayapadaṭṭhānā).

(4) Cetanā (tư)[50] (bắt nguồn từ căn citi + e = ceteti, cetayati, cetanā)

Citta (tâm) mang ý nghĩa là nhận biết, trong khi cetanā (tư) được dùng với ý nghĩa là cố quyết, sắp xếp, đốc thúc (abhisandhāna) và càng, tích thêm, cố thêm (āyūhana).

Sở hữu tư (cetanā cetasika) là cố quyết và đốc thúc pháp câu sanh cùng khắn khít với cảnh. Hay tư (cetanā) là sự cố quyết hành động phối hợp với những trạng thái danh pháp đồng sanh với chính nó biết theo cảnh của tâm; tợ như một trưởng tông hay tợ như một chủ nông trại luôn làm tròn những nhiệm vụ của anh ấy và kiểm soát việc làm của người khác cho được tốt đẹp. Tư (cetanā) làm tròn phận sự của nó và kiểm soát, điều chỉnh phận sự của những danh sở hữu câu sanh với nó.

Tư (cetanā) hành động theo những sở hữu tâm, hành động trong việc bắt cảnh và theo đuổi để hoàn thành nhiệm vụ; do đó, tư (cetanā) là pháp cố quyết hành động.

Theo Aṅguttara Nikāya – Tăng Chi bộ kinh (iii. 13), / Chakkanipāta / 6. Mahāvaggo.

Đức Phật có dạy: “Cetanāhaṃ, bhikkhave, kammaṃ vadāmi. Cetayitvā kammaṃ karoti – kāyena vācāya manasā. = … tư (cetanā) chính là nghiệp (kamma). Do đó Ta nói, này chư Bhikkhu[51], ngay khi tư (cetanā) sinh khởi, chúng sanh tạo nghiệp qua thân, khẩu, ý”.

Nghiệp có hai loại là nghiệp câu sanh và nghiệp biệt thời. Nghiệp câu sanh là sở hữu tư (cetanā) cùng sanh với tâm (citta) v.v… Nghiệp biệt thời (nānakkhanikakamma) là mãnh lực sẽ tạo quả và sắc nghiệp do sở hữu tư phối hợp với tâm thiện hay bất thiện để ảnh hưởng lại.

Do đó, tư (cetanā) đóng vai trò quan trọng trong tất cả hành động – nó cố quyết dù cho hành động thiện hay bất thiện. ‘Tư’ là sở hữu tâm quan trọng nhất trong tâm hiệp thế (lokiya), trong khi trí (paññā) là sở hữu tâm quan trọng nhất trong tâm siêu thế (lokuttara).

Ngoại trừ thọ (vedanā) và tưởng (saññā), tất cả 50 sở hữu tâm còn lại, với tư (cetanā) đứng đầu, được chỉ rõ là hành uẩn (saṅkhārakkhandha) là 1 trong 5 uẩn hiện hữu.

Katamā tasmiṃ samaye cetanā hoti? Yā tasmiṃ samaye tajjāmanoviññāṇadhātusamphassajā cetanā sañcetanā cetayitattaṃ -ayaṃ tasmiṃ samaye cetanā hoti. (Dhs. I. 20)

trong khi có ra sao? Khi nào có sự tính làm, cách định hành động, thái độ cố quyết hành động sanh từ xúc phối hợp cùng ý thức giới. Như thế gọi là tư có trong khi ấy.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu tư: (Vsm.XIV)

- Trạng thái là quyết, cố quyết, quyết tâm, cố ý (cetayitalakkhaṇā).

- Phận sự là đốc thúc, tích lũy (kamma-nghiệp) (āyūhanarasā).

- Thành tựu là sắp xếp (saṃviddhanapaccupaṭṭhānā).

Nó làm trọn phận sự của nó và của chư pháp khác, như một học trò lâu năm, một người quản lý, một người thợ đứng đầu, v.v…(sakicca-parakicca-sādhakā jeṭṭha-sissa-mahā-vaḍḍhakī-ādayo viya).

- Nhân cận là có 3 uẩn ngoài ra (sesakhandhattayapadaṭṭhānā) tức là thọ uẩn, tưởng uẩn và thức uẩn.

Tham khảo trước:

Tư (cetanā), nói theo thời gian thực hiện hay tạo nghiệp thì có ba, đó là tư tiền, tư hiện và tư hậu.

Tư này khi phối hợp với tâm đỗng lực (javana) lúc trước khi hành động, gọi là “tư (cetanā) tiền”, ngay khi hành động gọi là “tư hiện” và sau khi hành động gọi là “tư hậu”.

Nếu nói theo Dị thời ‘nghiệp duyên’ (kammapaccayo) ở “Chương 8: Paccaya”, thì:

· Kusalo dhammo abyākatassa dhammassa nānākkhaṇikakammapaccayena paccayo - Pháp thiện trợ pháp vô ký bằng ‘dị thời nghiệp duyên’.

Tư thiện trợ những uẩn quả và sắc nghiệp bằng Dị thời ‘nghiệp duyên’, có pháp thực tính là sở hữu tư (cetanā) phối hợp với tâm thiện sanh trước trong đời này hay đời trước diệt rồi để lại chủng tử (bīja) trợ tạo tâm quả thiện; kể cả sở hữu tâm và sắc nghiệp.

Một cách nữa:

* Sở hữu tư (cetanā) hiệp với 4 tâm đại thiện tương ưng đủ “tam tư” thuộc về bậc thượng, đã sanh trước trong đời này hay đời quá khứ để lại chủng tử tạo 16 thứ tâm quả thiện, 33 sở hữu tâm và sắc nghiệp của người ở cõi Dục giới.

* Sở hữu tư (cetanā) hiệp với 4 tâm đại thiện tương ưng mà thiếu “tư tiền” hoặc “tư hậu” sẽ trợ tạo 4 đại quả bất tương ưng và 8 quả thiện vô nhân.

* 4 tâm đại thiện bất tương ưng đủ “tam tư” trợ tạo 12 quả như vừa nêu.

* 4 tâm đại thiện bất tương ưng thiếu “tư tiền” hoặc “tư hậu” thì chỉ trợ tạo 8 quả thiện vô nhân mà thôi.

- Nghiệp sơ thiền thiện trợ tạo sơ thiền quả.

- Nghiệp nhị thiền thiện trợ tạo nhị thiền quả.

- Nghiệp tam thiền thiện trợ tạo tam thiền quả.

- Nghiệp tứ thiền thiện trợ tạo tứ thiền quả.

- Nghiệp ngũ thiền thiện trợ tạo ngũ thiền quả.

- Nghiệp không vô biên xứ thiện trợ tạo không vô biên xứ quả.

- Nghiệp thức vô biên xứ thiện trợ tạo thức vô biên xứ quả.

- Nghiệp vô sở hữu xứ thiện trợ tạo vô sở hữu xứ quả.

- Nghiệp phi tưởng phi phi tưởng xứ thiện trợ tạo phi tưởng phi phi tưởng xứ quả.

- Nghiệp sơ đạo trợ sơ quả.

- Nghiệp nhị đạo trợ nhị quả.

- Nghiệp tam đạo trợ tam quả.

- Nghiệp tứ đạo trợ tứ quả.

Nếu đạo có thiền bậc nào thời quả cũng đặng thiền bậc ấy.

· Akusalo dhammo abyākatassa dhammassa nānakkhaṇikakammapaccayena paccayo - pháp bất thiện trợ pháp vô ký bằng ‘dị thời nghiệp duyên’.

12 tâm bất thiện quá khứ đời này hoặc các đời trước để chủng tử (bīja) hay ảnh hưởng mãnh lực tạo 7 thứ tâm quả bất thiện và sắc nghiệp, nhưng nghiệp sanh chung với tâm điệu cử tạo quả tái tục không đặng.

(5) Ekaggatā (Eka + agga + tā = nhất hành, nhất tâm hay sự tập trung, chuyên chú trên một cảnh)[52] (Hay vô phóng dật - avikkhepa)

Nhất hành (ekaggatā) là sự không tán loạn, không lau chau, chuyên chú, đình trụ tâm và sở hữu tâm trên một cảnh. Nhất hành ngăn ngừa những pháp câu sanh khỏi sự tản mạn, dao động và cố định những pháp ấy trên một cảnh; tợ như nước kết dính những chất với nhau thành một khối bê tông; ví như trụ đá cố định vững chắc không thể bị lay động bởi dông bão.

Nhất hành (ekaggatā) là 1 trong 5 chi thiền. Khi phát triển và tu tiến pháp an chỉ, pháp này được gọi là định (samādhi); là nhân của tất cả sự đình trụ, lựa chọn, chuyên chú hay sự không tán loạn (định) của tâm.

Katamā tasmiṃ samaye cittassekaggatā hoti? Yā tasmiṃ samaye cittassa ṭhiti saṇṭhiti avaṭṭhiti avisāhāro avikkhepo avisāhaṭamānasatā samatho samādhindriyaṃ samādhibalaṃ sammā samādhi-ayaṃ tasmiṃ samaye cittassekaggatā hoti. (Dhs.307)

Nhất tâm trong khi có ra sao? Khi nào tâm đình trụ một chỗ, vững lòng vắng lặng, không tán loạn, không lau chau, tâm không bối rối, pháp chỉ, định quyền, định lực và chánh định có trong khi nào, thì nhất tâm có trong khi ấy.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu nhất hành:

- Trạng thái là không tán loạn (avisāhāralakkhaṇā) hoặc không phóng dật, không lau chau (avikkhepa…).

- Phận sự là gom tóm chư pháp câu sanh (sahajātānaṃ sampiṇdanarasā).

- Thành tựu là hiện bày vắng lặng (upasamapaccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có câu hành lạc (tam thọ) (sukhapadaṭṭhānā).

Điều này là lấy phần nhiều hay định mạnh hoặc cách gián tiếp.

(6) Jīvitindriya (mạng quyền) (danh)[53]

Jīvitindriya là từ ghép của hai từ: Jīvita + indriya = mạng, sự duy trì + khả năng kiểm soát, quyền.

Pháp này được gọi là mạng (jīvita) bởi vì nó duy trì, gìn giữ, bảo tồn, cai quản sự sống còn của những danh pháp cùng sanh cho đặng còn, hiện hành, hiện hữu, hiện tồn, đang liên tiếp, đang còn. Pháp này được gọi là quyền (indriya) bởi vì nó kiểm soát chư pháp câu sanh với nó.

Ví như nước duy trì hoa sen và cô bảo mẫu nuôi dưỡng một đứa bé. Cũng thế, mạng quyền (jīvitindriya) duy trì những danh pháp câu sanh.

Mặc dù tư (cetanā) quyết định, định đoạt những hành động của tất cả danh pháp câu sanh, nhưng mạng quyền (jīvitindriya) là pháp truyền hay duy trì sự sống cho tư (cetanā) và những pháp đồng sanh khác. Có Pāḷi chú giải như vầy:

. Jivanti sahajātadhammā etenāti = jivitaṃ: Trọn quyền cai quản sự sống còn của pháp đồng sanh, gọi là mạng.

. Indanti paramaissariyaṃ karontīti = indriyāni: Hành vi rất tự do cai quản gọi là quyền.

Nghĩa của cả hai câu này là trọn cai quản sự sống còn của pháp câu sanh đặng bền vững đủ 3 tiểu sát-na (sanh, trụ, diệt).

Katamaṃ tasmiṃ samaye jīvitindriyaṃ hoti? Yo tesaṃ arūpīnaṃ dhammānaṃ āyu ṭhiti yapanā yāpanā irīyanā vattanā pālanā jīvitaṃ jīvitindriyaṃ-idaṃ tasmiṃ samaye jīvitindriyaṃ hoti.

Mạng quyền trong khi có ra sao? Khi nào có sự sống còn, hiện hành, hiện hữu, hiện tồn, đang liên tiếp, đang còn, hành vi đang còn, dinh dưỡng, gọi mạng quyền tức là cách sống còn của danh pháp. Như thế gọi là mạng quyền vẫn có trong khi ấy.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu mạng quyền: (Vsm. XIV)

- Trạng thái là chăm nom gìn giữ chư pháp câu sanh (sahajātaṃ anupālana-lakkhaṇaṃ).

- Phận sự là làm cho pháp câu sanh tồn tại đủ 3 sát-na (sahajātaṃ pavattanarasaṃ).

- Thành tựu là pháp câu sanh đặng còn đến sát-na diệt (sahajātaṃ thapanapaccu-paṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là phải có chư pháp câu sanh đáng bảo tồn (yāpetabbapaṭṭhānaṃ) và phải có 3 uẩn ngoài ra (sesakhandhattayapadaṭṭhānaṃ).

(7) Manasikāra (tác ý) (Vsm. XIV)[54]

Tác ý (manasikāra) theo nghĩa của từ là làm trong ý, là pháp đầu tiên ‘chạm trán với cảnh’ làm thành cảnh cho tâm; như răng cắn làm thành miếng ăn cho miệng và ‘hướng hay dẫn dắt những danh pháp đồng sanh đến cảnh’ là trạng thái chánh của ‘tác ý’, hay còn gọi là tác ý thành cảnh. Do đó, pháp này là pháp nổi bật trong hai tâm khai môn (āvajjana) – tức là, khai ngũ môn (pañcadvārāvajjana) và khai ý môn (manodvārāvajjana). Hai trạng thái của hai pháp này phá vỡ dòng tâm hữu phần (bhavaṅga), hình thành chặng đầu trong lộ trình tâm.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Ārammaṇaṃ manasipaṭipādāyatīti ārammaṇapaṭipādako: Làm thành cảnh cho tâm gọi là tác ý thành cảnh có pháp thực tính là sở hữu tác ý.

Như bánh lái chỉ dẫn con thuyền đến bến đỗ, tác ý (manasikāra) chỉ dẫn tâm và những sở hữu câu sanh đến cảnh. Không có ‘tác ý’ (manasikāra), những danh pháp còn lại ví như thuyền không bánh lái và chúng không thể nhận ra cảnh. Có câu châm ngôn ở Myanmar được truyền như vầy: “Nếu chúng ta không chú ý hay chăm chú, chúng ta sẽ không thấy cái hang.”

Một cách tổng quát hơn, tác ý (manasikāra) thường xuất hiện trong Kinh là yoniso-manasikāra (khéo tác ý hay suy xét sáng suốt) và ayoniso-manasikāra (không khéo tác ý hay không suy xét sáng suốt). ‘Khéo tác ý’ dẫn đến tâm thiện, trong khi ‘không khéo tác ý’ dẫn đến tâm bất thiện.[55]

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu tác ý:

- Trạng thái là dẫn dắt chư pháp tương ưng bắt cảnh vừa vặn (sāranalakkhaṇo).

- Phận sự là làm cho chư pháp tương ưng gắn kết với cảnh (sampayuttānaṃ ārammane saṃyojanaraso).

- Thành tựu là hướng vào cảnh (ārammaṇābhimukhībhāvapaccupaṭṭhāno).

- Nhân cận là phải có cảnh (ārammaṇapadaṭṭhāno).

 

Bảy sở hữu vừa kể đều phối hợp đặng với tất cả tâm nên gọi là sở hữu biến hành (sabbacittasādhāraṇa). Có Pāḷi chú giải như vầy:

Sabbesaṃ cittānaṃ sādhāraṇāti = sabbacittasādhāraṇā: Hợp với tất cả tâm gọi là biến hành, tức là 7 sở hữu biến hành.

 

Tầm Quan Trọng Của Những Sở Hữu Biến Hành

 

Như đã mô tả ở trên, tất cả 7 sở hữu thực tính thực hiện những giải pháp quan trọng và chúng là những thực tính cần thiết cho sự nhận biết cảnh bằng ý. Tác ý (manasikāra) là pháp đầu tiên đối diện hay chạm cảnh và chỉ dẫn tâm cùng danh pháp câu sanh với nó đến cảnh.

Xúc (phassa) làm cho tâm và danh pháp câu sanh với nó xúc chạm cảnh. Thọ (vedanā) hưởng hương vị từ sự xúc chạm (phassa). Tưởng (saññā) nhớ tưởng cảnh và giúp nhận ra cảnh.

Tư (cetanā) cố quyết làm theo tâm và danh pháp câu sanh thực hiện những nhiệm vụ tương ứng một cách hiệu quả cho đến khi phận sự bắt cảnh hay biết cảnh được hoàn thành.

Nhất hành (ekaggatā) chăm chú, đình trụ tâm và danh pháp câu sanh trên cảnh. Nhất hành kết hợp những danh sở hữu với tâm cùng vào trạng thái không tán loạn trên cảnh – là một duyên, cũng là một thực tính cần thiết cho sự nhận biết cảnh.

Mạng quyền (jīvitindriya) duy trì sự sống còn của tâm và danh sở hữu để chúng tồn tại và năng động đến hết mạng sống của chúng. Nếu không có ‘mạng quyền’ những pháp ấy sẽ diệt trước khi hoàn thành phận sự bắt cảnh và biết cảnh.

Dứt phần giải sở hữu biến hành

 

(B) Sở Hữu Biệt Cảnh (Pakiṇṇaka cetasika) - Có 6

 

§3. Vitakko vicāro adhimokkho vīriyaṃ pīti chando cāti cha ime cetasikā pakiṇṇakā nāma.

Tầm, tứ, thắng giải, cần, hỷ, dục. Sáu sở hữu tâm này gọi là những sở hữu biệt cảnh.

Pakiṇṇaka - khi chiết tự thì được ba phần: Pa + kiṇṇa + ka.

Pa = thường, kiṇṇa = rải rác, ka = không có ý nghĩa riêng biệt. Gom cả ba phần này lại thành “pakiṇṇaka = thường rải rác”, có nghĩa là 6 sở hữu tâm này thường phối hợp với nhóm pháp hiệp thế, siêu thế, tịnh hảo, vô tịnh hảo, thiện, bất thiện, quả, tố, nhưng không phải tất cả. Khác với sự kết hợp của sở hữu biến hành (sabbacittasādhāraṇa cetasika) là phối hợp khắp và tất cả.

Pakiṇṇaka cetasika (6) = sở hữu biệt cảnh, những sở hữu phối hợp riêng với một số tâm tịnh hảo cũng như vô tịnh hảo. 6 sở hữu tâm này có thể phối hợp với cả tâm tịnh hảo (sobhaṇa) và vô tịnh hảo (asobhaṇa), nhưng không phối hợp với tất cả mà chỉ phối hợp với những tâm nào mà chúng có thể phối hợp đặng.

(1) Tầm (vitakka) = trạng thái tìm, áp sát ban đầu hay nghĩ ngợi, tư duy, suy xét về pháp chế định.

(2) Tứ (vicāra) = trạng thái duy trì, gìn giữ, chăm nom, kềm giữ liên tục hay không suy nghĩ lan man.

(3) Thắng giải (adhimokkha) = trạng thái quyết đoán, quyết định hay sự xác định.

(4) Cần (viriya) = trạng thái siêng năng, tinh tấn, cố gắng, nỗ lực.

(5) Hỷ (pīti) = trạng thái phấn khích hay thích thú.

(6) Dục (chanda) = trạng thái mong muốn.

Giải thích:

(1) Vitakka (tầm hay nghĩ ngợi)[56] (Vi + căn takk: Nghĩ)

Tầm (vitakka) là trạng thái tìm, áp sát, dán áp hay đưa tâm và sở hữu đồng sanh vào cảnh. Như vị cận thần thân tín nhất của vị vua giới thiệu hay mang một ai đó đến vị vua, tương tự như thế, tầm (vitakka) mang tâm và những sở hữu câu sanh đến cảnh.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Vitakkanaṃ = vitakko: Cách tìm kiếm cảnh, gọi là tầm.

Như đã giải thích phía trên, manasikāra (tác ý) hướng hay dẫn dắt tâm và sở hữu câu sanh đến cảnh, trong khi vitakka (tầm) áp sát, đưa những pháp câu sanh vào cảnh.

Tầm (vitakka), tác ý (manasikāra) và tư (cetanā) có thể được cho thấy thêm nữa bằng cách so sánh chúng với những người trong một con tàu đua đến đích. Tác ý (manasikāra) ví như bánh lái – người điều khiển con tàu. Tầm (vitakka) ví như người chèo thuyền trong thân tàu và tư (cetanā) ví như nhóm trưởng của những người chèo, không chỉ tự chèo mà còn đốc thúc những người khác chèo với khả năng của họ và cắm lá cờ chiến thắng khi con thuyền đạt đến đích.

Tầm (vitakka) áp sát, đưa tâm và những sở hữu câu sanh đến những cảnh khác nhau, dẫn đến những lộ tâm khác nhau; còn được gọi là tư duy.

Tầm (vitakka) là 1 trong 5 chi thiền. Tầm (vitakka) ngăn chặn hôn trầm thùy miên (thīna-middha). Khi tầm được phát triển và trau dồi, nó trở thành chi thiền đầu tiên của thiền thứ nhất. Tầm cũng là chi thứ hai gọi là chánh tư duy (sammā-saṅkappa) trong tám Thánh đạo.

Katamo tasmiṃ samaye vitakko hoti? Yo tasmiṃ samaye takko vitakko saṅkappo appanā1 vyappanā cetaso abhiniropanā sammā saṅkappo-ayaṃ tasmiṃ samaye vitakko hoti.

Tầm trong khi có ra sao? Khi nào có sự tìm cảnh, nghĩ ngợi, suy xét, toan tính, cách đem tâm đến cảnh, cách đem tâm áp vào cảnh, cách đem tâm khắn khít và chánh tư duy. Như thế gọi là tầm có trong khi ấy. (Dhs. Câu 7)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu tầm: (Vsm. XIV)

- Trạng thái là đưa tâm và sở hữu tâm đến cảnh (ārammaṇe cittassa abhinirodhana lakkhaṇo).

- Phận sự là làm dịp gặp cảnh (āhanappariyāhanaraso).

- Thành tựu là tâm đặng đến cảnh (ārammaṇe cittassa ānayapaccupaṭṭhāno).

- Nhân cận là phải có cảnh (ārammaṇapadaṭṭhāno) và 3 uẩn ngoài ra (sesakhandhattaya).

(2)   Vicāra (tứ)[57] (Vi + căn car: Đi lang thang, nghĩ lan man)

Tứ (vicāra) duy trì, chăm nom, kềm giữ, khắn khít tâm và những sở hữu câu sanh trên cảnh bằng cách để chúng xem xét cảnh nhiều lần.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Vicaranaṃ = vicāro: Kềm giữ cảnh gọi là tứ.

Cũng như tầm (vitakka), tứ (vicāra) là một chi thiền ngăn chặn hoài nghi (vicikiccha).

Tầm (vitakka) là điều báo trước của tứ (vicāra). Hai pháp này nên được phân biệt rằng:

- ‘Tầm’ ví như chim vỗ cánh sắp bay, ‘tứ’ ví như chim đang lượn bay trên bầu trời;

- ‘Tầm’ ví như tiếng trống hay tiếng chuông, ‘tứ’ ví như sự vang dội.

Katamo tasmiṃ samaye vicāro hoti? Yo tasmiṃ samaye cāro vicāro anuvicāro upavicāro cittassa anusandhānatā anupekkhaṇatā-ayaṃ tasmiṃ samaye vicāro hoti.

Tứ trong khi có ra sao? Khi nào có sự gìn giữ cảnh cho tâm, chăm nom, kềm giữ, săn sóc cảnh, tâm khắn khít cảnh và cách tâm dính theo cảnh. Như thế gọi là tứ có trong khi ấy. (Dhs. Câu 8)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu tứ. (Vsm. XIV)

- Trạng thái là hằng chăm nom cảnh (ārammaṇānumajjanalakkhaṇo).

- Phận sự là khắn khít với cảnh (sahajātānuyojanaraso).

- Thành tựu là tâm đặng khắn khít với cảnh (citta anuppabandhapaccupaṭṭhāno).

- Nhân cận là phải có cảnh (ārammaṇapadaṭṭhāno) và 3 uẩn ngoài ra (sesakhandhattaya…).

(3) Adhimokkha (thắng giải)[58] (Adhi + căn muc: Nhả, tháo, phát hành, tung ra)

Thắng giải (adhimokkha) kiên quyết, quyết đoán với sự tôn trọng cảnh, dù cảnh ấy như thế nào cũng nhận bắt liền như thế ấy, chẳng nghi ngờ, chẳng phân vân, thắng giải trái với cách hoài nghi đen tối; ví như vị quan tòa ra phán quyết về một vụ án. Thắng giải được so sánh với một trụ đá chắc với trạng thái kiên định trong lúc quyết định. Pháp này đối lập với hoài nghi (vicikiccha) (hay sự do dự).

Tattha katamo uddhaccapaccayā adhimokkho: Yo cittassa adhimokkho adhimuccanā tadadhimuttatā, ayaṃ vuccati uddhaccapaccayā adhimokkho.

Thắng giải sanh ra do điệu cử làm duyên đó ra sao? Sự quyết đoán, cách quyết đoán, thái độ quyết đoán cảnh của tâm. Dù cách nào như thế gọi là điệu cử duyên thắng giải. (Vibh.357)

Tattha katamo taṇhāpaccayā adhimokkho: Yo cittassa adhimokkho[59]- adhimuccanā tadadhimuttatā, ayaṃ vuccati taṇhāpaccayā adhimokkho. (Vibh.348)

Thắng giải sanh ra do ái làm duyên đó ra sao? Cách quyết đoán của tâm, cách đoán quyết, thái độ đoán quyết cảnh. Dù cách nào như thế đều gọi là ái duyên thắng giải.

Tattha katamo paṭighapaccayā adhimokkho: Yo cittassa adhimokkho adhimuccanā tadadhimuttatā, ayaṃ vuccati paṭighapaccayā adhimokkho.

Thắng giải sanh ra do phẫn nhuế làm duyên đó ra sao? Sự phán đoán, cách giải quyết, thái độ quyết phân cảnh đặng của tâm. Như thế gọi là phẫn nhuế duyên thắng giải. (Vibh.353)

Tattha katamo pasādapaccayā adhimokkho: Yo cittassa adhimokkho adhimuccanā tadadhimuttatā, ayaṃ vuccati pasādapaccayā adhimokkho.

Thắng giải sanh ra do thanh làm duyên đó ra sao? Sự quyết đoán của tâm, thái độ quyết đoán của tâm, sự đoán quyết cảnh của tâm. Dù cách nào như thế gọi là thanh duyên thắng giải. (Vibh.359)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu thắng giải: (Vsm. XIV)

- Trạng thái là cách quyết đoán (sanniṭṭhānalakkhaṇo).

- Phận sự là làm cho khỏi dùng dằng dục dặc, không đầu lụy (asaṃsappanaraso).

- Thành tựu là phán đoán đặng, phán quyết (vinicchayapaccupaṭṭhāna).

- Nhân cận là phải có cảnh cần phán quyết (sanniṭṭhātabbapadaṭṭhāno).

(4)   Viriya (cần)[60] (bắt nguồn từ căn aj, đi + īr: thay thế cho aj. Vīra là người làm việc liên tục không gián đoạn)

Cần (viriya) tương ưng với sự cố gắng, siêng năng, tinh tấn, lướt tới, ráng thêm, chịu đựng, bền bỉ, nghị lực, sự nỗ lực, tính kiên cường, tính mạnh mẽ. Cần có thể được định nghĩa là trạng thái chịu đựng, kiên nhẫn, nhẫn nại hay can đảm.

Pāḷi chú giải như vầy: Udukkhasābhe sahanaṃ = ussaho: Đủ sức chịu với sự khó khăn nên gọi là siêng năng (cần).

Cần có trạng thái của sự ủng hộ, nâng đỡ hay duy trì những pháp đồng sanh với nó. Như một ngôi nhà cũ bị nghiêng được chống đỡ bằng những cây cột, không thể bị ngã. Cũng thế, những sở hữu đồng sanh được ủng hộ, nâng đỡ bởi cần (viriya), sẽ không nản chí.

Như là một sự củng cố mạnh mẽ giúp cho một đoàn thể vững vàng, siêng năng thay vì thối thất, cũng thế, cần (viriya) nâng đỡ, ủng hộ những sở hữu đồng sanh.

Cần (viriya) liên quan đến một danh quyền (là cần quyền) vì nó có quyền hạn và vượt qua sự biếng nhác. Cần cũng là 1 trong 5 lực (bala) bởi vì nó không thể bị lay động bởi pháp đối lập là sự biếng nhác. Cần cũng dùng làm một trong bốn như ý túc (iddhapāda).

Theo chú giải bộ Pháp Tụ (Aṭṭhasālini), cần (viriya) được xem là căn nguyên của tất cả sự thành tựu.

Katamaṃ tasmiṃ samaye viriyindriyaṃ hoti? Yo tasmiṃ samaye cetasiko viriyārambho[61] nikkamo1 parakkamo uyyāmo vāyāmo ussāho ussoḷhi[62] thāmo dhiti asithilaparakkamatā anikkhittachandatā anikkhittadhuratā dhurasampaggāho viriyaṃ virindriyaṃ viriyabalaṃ sammāvāyāmo-idaṃ tasmiṃ samaye viriyindriyaṃ hoti.

Cần quyền trong khi có ra sao? Khi nào có sở hữu tâm siêng năng, cố gắng, tinh tấn, sấn sướt, lướt tới, tiến đến, ráng thêm, chịu đựng, bền bỉ, không lui sụt, không lơ là, không bỏ qua việc làm, phò trì phận sự, cần tức là cần quyền, cần lực và chánh tinh tấn có trong khi nào, thì cần quyền có trong khi ấy. (Dhs. Câu 28)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu cần: (Vsm. XIV)

- Trạng thái là tư cách ráng chịu (ussahanalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là trợ cho pháp câu sanh không lui sụt (sahajātupaṭṭhambhanarasaṃ).

- Thành tựu là không lui sụt (asaṃsīdanapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là tám thê thảm (saṃvegavatthupadaṭṭhānaṃ) hay tám đoan cần (viriyārambhavatthupadaṭṭhānaṃ).

Tám thê thảm (saṃvegavatthu)

1 là khổ sanh (jātidukkha).

2 là khổ già (jārādukkha).

3 là khổ bệnh (byādhidukkha).

4 là khổ tử (maraṇadukkha).

5 là khổ địa ngục (nirayadukkha).

6 là khổ bàng sanh (tiracchānadukkha).

7 là khổ ngạ quỉ (petadukkha).

8 là khổ a-tu-la (asurakāyadukkha).

Nhờ nhận xét khổ trên mà đặng thức tỉnh, siêng năng cố gắng tu hành tinh tấn.

Tám đoan cần (viriyārambhavatthu)

có 4 đôi:

× Nói về việc làm (kamma) có hai: 1 là công việc đã thành tựu, 2 là công việc sắp làm.

× Nói về đi đường (magga) cũng hai: 1 là đi về đến, 2 là gần sắp đi.

× Nói về bệnh hoạn (gelañña) cũng hai: 1 là vừa hết bệnh, 2 là vừa nhuốm bệnh.

× Nói về vật thực (piṇḍa) cũng hai: 1 là thiếu ăn, 2 là đủ ăn.

Tám đoan cần là mối manh khởi đầu giúp đặng siêng năng, cũng thuộc nhân cần thiết phổ cập cho tất cả hạng người để suy xét phát sự siêng năng. Bởi vì công việc vừa xong mà nghĩ đến còn công việc khác thế thì không lười biếng bỏ qua. Khi sắp làm công việc chi mà nhớ phải còn nhiều việc khác nữa, nên làm chẳng lôi thôi.

Khi đi đâu mà vừa về đến nhà thì nhận thấy trong khoảng thời gian ta đi vắng, bê trễ việc nhà, nay phải làm bổ túc những việc bê trễ. Nếu sắp đi đâu cũng nên lo làm trước những việc đáng làm trong khi đi vắng.

Bệnh vừa hết thì nhớ lại những việc bỏ phế trong lúc đau càng gắng làm cho bớt bê trễ. Còn khi tự biết sẽ đau, xét thấy có nhiều việc sẽ bị bê trễ vì vậy mà phải cố gắng làm.

Gặp khi đủ ăn, phải nghĩ rằng chưa chắc đặng luôn luôn như thế này, nên phải lo làm chuẩn bị, e rằng: “Tọa thực sơn băng” - ngồi không mà ăn, của như non cũng hết. Còn khi thiếu ăn cũng phải biết xét nếu ta ráng sức làm thì có lẽ đặng câu: “Tiểu phú do cần”.

 

(5) Pīti (hỷ)[63] (bắt nguồn từ căn pi: Vui, thích thú)

Sở hữu hỷ là sự mừng phớn phở no thân tâm. Nói chung, hỷ (pīti) được hiểu là sự phấn khích, vui tươi, hạnh phúc, sự quan tâm, sự hăng hái. Hỷ liên quan đến vui mừng (pāmojja) và lạc thọ (sukha), nhưng không phải là một cảm thọ (vedanā) nên không thuộc về thọ uẩn (vedanākkhandha). Hỷ (pīti) là điềm báo của lạc (sukha). Hỷ (pīti) ví như sự thấy được một ao nước của người lữ hành mệt mỏi. Pháp lạc (sukha) ví như thật sự thọ hưởng sự mát mẻ khi uống nước và tắm nơi ao nước ấy.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Pinayatīti = pīti: No nê với cảnh gọi là hỷ.

Katamā tasmiṃ samaye pīti hoti? Yā tasmiṃ samaye pīti pāmojjaṃ āmodanā pamodanā hāso pahāso vitti odagyaṃ attamanatā cittassa - ayaṃ tasmiṃ samaye pīti hoti.(Dhs. Câu 24)

(Pháp) Hỷ trong khi có ra sao? Khi nào có sự mừng no cả thân tâm, hớn hở, sự hân hoan, sự hài lòng, vui tươi, hoan lạc và rất mừng. Như thế là (pháp) hỷ có trong khi ấy.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu hỷ: (Vsm. XIV)

- Trạng thái là mừng (sampiyāyanā-lakkhaṇā).

- Phận sự là no thân tâm (kāyacittapīnanarasā) hoặc sởn gai ốc (pharaṇarasā).

- Thành tựu là bừng tâm lên (odagyapaccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có 3 uẩn ngoài ra (sesakhandhattayapadaṭṭhānā).

Pháp hỷ sanh mạnh do nhờ: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng v.v… (Xin xem Thất Giác Chi trong Chương 7: Samuccaya – Tương Tập).

Tạo một niềm vui liên quan đến cảnh là trạng thái của hỷ (pīti). Hỷ (pīti) là 1 chi thiền giúp ngăn chặn vyāpāda (sân, ghét, ác cảm).

Có 5 giai đoạn của hỷ (pīti):

i. Khuddaka pīti (thiểu hỷ) = cách vui mừng run lên làm cho sởn gai ốc.

ii. Khaṇika pīti (quang thiểm hỷ) = cách vui mừng tức thời như tia chớp.

iii. Okkantikā pīti (lâng hỷ) = cách vui mừng cuồn cuộn như sóng lớn vỗ bờ.

iv. Ubbegā pīti (khinh thân hỷ) = cách vui mừng nâng cao có thể nâng bậc tu tiến lơ lửng trên không.

v. Pharaṇā pīti (sâm thấu hỷ) = cách vui mừng tràn ngập tỏa khắp thân như bong bóng căng phồng hay như cục bông gòn đã thấm dầu hay như sự chảy tràn của một con sông và ao nước, hay như ăn uống vật chi rất bổ khỏe đượm nhuần cả thân thể.

(6) Chanda (dục)[64] (bắt nguồn từ căn chad, mong, muốn)

Dục (chanda) được dịch là muốn, mong muốn, ước muốn. Trạng thái chánh của dục (chanda) là ‘mong muốn làm’. Dục như sự vươn tay để lấy một vật, hay sự thích hợp với cảnh như đồ để vào khuôn vừa vặn.

Dục (chanda) cũng là ‘sự muốn về một việc’ mà không dính mắc vào việc đó. Dục (chanda) là một thuật ngữ theo đúng tâm lý tự nhiên. Dục phải khác với tham (bất thiện) là pháp “có sự ham muốn, khao khát với sự dính mắc”.

Trong dục dục (kāmacchanda) và ái dục (chandarāga), dục (chanda) là bạn đồng hành với tham (lobha); hai từ kép này thật ra miêu tả tham (lobha).

Mỗi hành động đều bắt đầu bằng dục (chanda). Thí dụ, hành động đứng dậy bắt đầu bằng sự muốn (chanda) đứng dậy. Rõ ràng hành trình ngàn dặm được bắt đầu bằng bước đi đầu tiên và bước đi đầu tiên ấy được ví như là dục (chanda). Chúng ta không thể đi mà không có sự mong muốn đi và chúng ta không thể đến nơi nếu không có sự mong muốn đến đó.

Khi mãnh liệt, dục (chanda) trở thành sự quyết tâm, quyết chí và dẫn đến thành tựu tợ như câu ‘có một cách nếu có một sự quyết tâm’. Do đó, cần (viriya), dục (chanda) được gom trong bốn ý nghĩa của sự đạt đến như ý túc (iddhipāda).

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu dục: (Vsm. XIV)

- Trạng thái là mong mỏi cho đặng cảnh (kattukamyatālakkhaṇo), chẳng phải nhiễm đắm như tham.

- Phận sự là tìm tòi cảnh (ārammaṇapariyesanaraso), chẳng phải như sở hữu tầm tìm đến cảnh.

- Thành tựu là cách đặng mong mỏi cảnh (ārammaṇa atthikatāpaccupaṭṭhāno).

- Nhân cận là có cảnh mong đặng (ārammaṇapadaṭṭhāno).

 

§4. Evamete terasa cetasikā aññasamānāti veditabbā.

Như vậy, 13 sở hữu tâm tợ tha nên được biết.

Bảy sở hữu biến hành (sabbacitta sādhāraṇa cetasika) và sáu sở hữu biệt cảnh (pakiṇṇaka cetasika) gọi chung là mười ba sở hữu tợ tha (aññasamānarāsīcetasika), vì những sở hữu tâm này có trạng thái tợ như pháp khác, nghĩa là những sở hữu tâm này phối hợp với sở hữu tịnh hảo như tín, niệm v.v… cũng đặng, hay phối hợp với sở hữu vô tịnh hảo như tham, si v.v… cũng đặng. Khi những “sở hữu tợ tha” này phối hợp với những sở hữu bất thiện thì chúng trở thành bất thiện, khi những “sở hữu tợ tha” này phối hợp với những sở hữu tịnh hảo thì chúng trở thành thiện hay tịnh hảo.

Dứt phần giải sở hữu tợ tha

___o0o___

 

II. Sở Hữu Tâm Bất Thiện (Akusala cetasika)

 

§5. Moho ahirikaṃ anottappaṃ uddhaccaṃ lobho diṭṭhi māno doso issā macchariyaṃ kukkuccaṃ thinaṃ middhaṃ vicikicchā ceti cuddasime cetasikā akusalā nāma.

Si, vô tàm, vô úy, điệu cử, tham, tà kiến, ngã mạn, sân, tật, lận, hối, hôn trầm, thùy miên, hoài nghi, mười bốn sở hữu tâm này gọi là sở hữu tâm bất thiện.

14 sở hữu bất thiện có thể được chia thành 4 nhóm như sau:

(A). Moha-catukka = akusala-sādhāraṇa

Si-phần (4) = bất thiện biến hành. Nhóm 4 sở hữu có si dẫn đầu.

(1) Si (moha) = avijjā = sự không biết, tính lờ mờ hay vô minh.

(2) Vô tàm (ahirika) = không có sự hổ thẹn, không mắc cỡ.

(3) Vô úy (anottappa) = không có sự ghê tởm, không có sự sợ hãi.

(4) Điệu cử (uddhacca) = sự không yên, phóng túng, phóng dật.

(B). Lobha-tri = papañca-dhamma

Tham-phần (3) = pháp chướng ngại, ngăn trở. Nhóm 3 sở hữu có tham dẫn đầu.

(5) Tham (lobha) = rāga = taṇhā = ái, tham luyến, dính mắc, ái dục.

(6) Tà kiến (diṭṭhi) = kiến hoặc, nghịch kiến, quan điểm sai trái.

(7) Ngã mạn (māna) = tính tự phụ, kiêu ngạo, kiêu hãnh.

(C). Dosa-catukka   

Sân-phần (4)   = nhóm 4 sở hữu có sân dẫn đầu.

(8) Sân (dosa) = paṭigha = sự tức giận, sự tức tối, sự ghét, sự ác cảm.

(9) Tật đố (issā) = ganh tị, đố kỵ.

(10) Lận sắt (macchariya) = sự bỏn xẻn, sự keo kiết, sự hám lợi, sự ích kỷ.

(11) Hối hận (kukkucca) = ăn năn, hối tiếc, lo lắng.

 

(D). Ba sở hữu cuối = những sở hữu trì trệ và do dự.

(12) Hôn trầm (thīna) = sự lui sụt, buồn ngủ, dã dượi, bần thần, uể oải, lười biếng, chậm chạp của tâm.

(13) Thùy miên (middha) = lờ đờ, dã dượi, bần thần của danh thân.

(14) Hoài nghi (vicikicchā) = nghi ngờ, lúng túng, bối rối.

Giải thích:

(A) Si-phần (4) = Bất thiện biến hành (Akusala-sādhāraṇa)

 

(1)   Moha (si)[65] (bắt nguồn từ căn muh: Mê mờ)

Si (moha) là sự tối tăm, mờ ám, không chịu lý đáng biết, không biết, không thấy, chẳng hiểu thấu, không biết bản thể thật tướng của cảnh. Có Pāḷi chú giải như vầy: Ārammaṇe muyhatīti = moho: Mê mẩn, mê mờ trong cảnh gọi là si.

Tất cả chúng sanh hữu tưởng và vô tưởng được tạo bởi danh pháp (nāma) và sắc pháp (rūpa) là những pháp tồn tại với bốn tướng phổ thông là vô thường (aniccā), khổ (dukkhā), vô ngã (anattā), bất tịnh (asubha).

Vì si (moha) che chắn pháp nhãn của chúng ta và ngăn che chúng ta khỏi sự thấy biết bản thể thực tính của các pháp, chúng ta không thể thấy sự sanh diệt vô cùng nhanh và không ngưng nghỉ của danh (nāma) sắc (rūpa) và bốn tướng phổ thông đã đề cập phía trên. Khi không thể thấy bản thể thực tướng của các pháp, chúng ta bị lúng túng cho những tướng đối lập là thật tướng; do đó, chúng ta thấy các pháp là thường (nicca), lạc (sukha), ngã (atta) và tịnh (subha).

Si (moha) là nguyên do của sự nhận định sai hay tà kiến này dẫn đến một chuỗi những quả không mong muốn bao gồm khổ và sự khổ sanh nối tiếp liên tục. Vì thế, si (moha) như người đạo diễn của một bộ phim đạo diễn tất cả nhưng chúng ta không hề nhận thức được; như chúng ta không thể thấy người đạo diễn trên màn hình chiếu phim. Si quả thực là căn nguyên của tất cả điều xấu xa và khổ trong thế gian.

Si (moha) là pháp dẫn đầu của tất cả sở hữu tâm (cetasika) bất thiện. Si (moha) và 3 pháp còn lại trong si-phần (vô tàm-ahiri, vô úy-anottappa và điệu cử-uddhacca) phối hợp với tất cả tâm bất thiện; do đó, chúng được gọi là bất thiện biến hành (akusala sādhārana).

Vì si (moha) tương phản với sự sáng suốt hay trí nên được gọi là ‘avijjā’ (vô minh). Si (moha) làm vẩn đục sự hiểu biết của chúng ta về nghiệp, quả của nghiệp và tứ Thánh đế.

Katamo tasmiṃ samaye moho hoti? Yaṃ tasmiṃ samaye aññāṇaṃ adassanaṃ anabhisamayo ananubodho asambodho appaṭivedho asaṃgāhanā apariyogāhanā asamapekkhanā apaccavekkhanā apaccakkhakammaṃ1 dummejjhaṃ bālyaṃ asampajaññaṃ moho samoho avijjā avijjogho avijjāyogo avijjānusayo avijjāpariyuṭṭhānaṃ avijjālaṅgī moho akusalamūlaṃ, ayaṃ tasmiṃ samaye moho hoti.

Si trong khi có ra sao? Cách vô tri, sự bất kiến, chẳng hiểu thấu, không chịu lý đáng biết, chẳng hiểu theo chơn chánh, không thấu đáo, không cần dùng theo đúng đắn, không công nhận lối đầy đủ, chẳng phán đoán, chẳng suy xét, không chịu làm cho minh hiển, tệ hèn, ngây ngô, khờ khạo, không biết chi, sự mê mờ, sự say mê, sự mê hoặc, cũng là vô minh, vô minh bộc, vô minh phối hợp, vô minh tùy miên, vô minh chi phối, vô minh là chốt gài. Si cũng là căn bất thiện có trong khi nào, đây gọi là si có trong khi ấy. (Dhs.300)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu si:

- Trạng thái là trái với trí (añānalakkhāno) hay không biết cái đáng biết (andhabhavalakkhāno).

- Phận sự là che ngăn cảnh chơn thể mà nhận theo sự vật tốt xấu v.v… (Ālambasabhā-vacchādanaraso) hay là phận sự không thấu rõ chơn như bản thể (appaṭivedharaso).

- Thành tựu là mờ tối (andhakārapaccupaṭṭhāno) hay là làm cho không thể tiến hành theo pháp chơn chánh sáng suốt (asammāpaṭipattipaccupaṭṭhāno).

- Nhân cận là tác ý không khéo (ayonisomanasikārapadaṭṭhāno) tức là tâm khai ý môn xoay chiều hướng cho tâm bất thiện sanh. Nó cần được xem là căn của tất cả pháp bất thiện.

(2)   Ahirika (vô tàm)[66] (a + hirika = không + hổ thẹn)

Vô tàm (ahirika) là không có sự hổ thẹn, cách không mắc cỡ, khiến chúng sanh không cảm thấy xấu hổ trước những hành vi, lời nói và ý nghĩ bất thiện, không tôn trọng ân đức của tự thân. Có Pāḷi chú giải như vầy: Na hiriyati na lajjiyati = ahiriko: Chẳng thẹn, chẳng mắc cỡ (với cách làm ác xấu) gọi là vô tàm.

Trong bộ Nhân Chế Định (Puggala paññatti) (câu 62), Đức Phật có nêu:

“Người vô tàm (ahirika) ra sao? Điều kiện vô tàm ra sao? Lẽ phải nào đáng thẹn mà không thẹn cho đến đỗi đầy dẫy tội ác, như thế gọi là điều kiện vô tàm, mà người hiệp với vô tàm như thế gọi là người vô tàm”.

Không xấu hổ trước những việc làm ác xấu, đây gọi là vô tàm. Như một con lợn trong làng không cảm thấy ghê tởm trong việc ăn phân người, cũng thế vô tàm (ahirika) không cảm thấy ghê tởm trong việc phạm vào những ác nghiệp.

Katamaṃ tasmiṃ samaye ahirikaṃ hoti? Yaṃ tasmiṃ samaye na hirīyati hiriyitabbena, na hirīyati pāpakānaṃ akusalānaṃ dhammānaṃ samāpattiyā, idaṃ tasmiṃ samaye ahirikaṃ hoti.

Vô tàm trong khi có ra sao? Trạng thái không hổ thẹn với cách hành động ác xấu đáng hổ thẹn, thái độ không hổ thẹn với những pháp tội ác có trong khi nào, thì vô tàm có trong khi ấy. (Dhs.303)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu vô tàm:

- Trạng thái là không hổ thẹn với thân ác v.v… (kāyaduccaritādihi ajigucchana-lakkhaṇaṃ).

- Phận sự là làm ác (duccaritakaraṇarasaṃ).

- Thành tựu là không lui sụt với cảnh tạo ác (asaṅkocanapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là thiếu sự tôn trọng mình (atta agāravapadaṭṭhānaṃ).

(3)   Anottappa (vô úy)[67] (Na + ava + căn tap: Bứt rứt)

Vô úy (anottappa) là không có sự ghê sợ, cách không sợ hãi, khiến một chúng sanh không sợ hãi trong việc phạm vào những hành vi, lời nói và ý nghĩ bất thiện, là không tôn trọng ân đức của tha nhân (người khác). Có Pāḷi chú giải như vầy: Na ottappatīti = anottappaṃ: Chẳng sợ sệt (với sự làm dữ) gọi là vô úy.

Trong bộ Nhân Chế Định (Puggala paññatti) (câu 62) có nêu:

“Người vô úy ra sao? Điều kiện vô úy ra sao? Sự vật lẽ thường đáng ghê sợ mà không ghê sợ cho đến dẫy đầy tội ác, như thế gọi là điều kiện vô úy. Kẻ đã hiệp với sự vô úy gọi là người vô úy”.

Không ghê sợ trước pháp đáng ghê sợ, không sợ hãi trước ác, bất thiện pháp. Đây gọi là vô úy.

Vô úy (anottappa) được ví như một loài bướm bị lửa thiêu đốt. Những con bướm đêm này không nhận thức hay lường trước được những hậu quả, bị thu hút bởi ánh lửa và lao vào ánh lửa. Cũng như thế, vô úy (anottappa) không nhận thức được những hậu quả, bị thu hút bởi những ác, bất thiện pháp và lao vào những ác nghiệp.

Vô úy được đề cập trong Tăng Chi bộ kinh (Aṅguttara Nikāya) (II. 6): “Có hai pháp xấu ác, đó là vô tàm và vô úy v.v…” Nên lưu ý rằng, sự liều lĩnh do vô tàm (ahiri) và vô úy (anottappa) sanh là quả của si (moha), nó che phủ tâm và làm lòa mắt khỏi sự thấy về quả của những ác nghiệp (kamma).

Katamaṃ tasmiṃ samaye anottappaṃ hoti? Yaṃ tasmiṃ samaye na ottappati ottappitabbena, na ottappati pāpakānaṃ akusalānaṃ dhammānaṃ samāpattiyā, idaṃ tasmiṃ samaye anottappaṃ hoti.(Dhs. 304)

Vô úy trong khi có ra sao? Trạng thái không ghê sợ với hành động xấu đáng ghê sợ, thái độ không ghê sợ với những tội ác có trong khi nào thì vô úy vẫn có trong khi ấy.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu vô úy:

- Trạng thái là không ghê sợ với sự tự làm ác (anuttāsamalakkhaṇaṃ) hay là không sợ sệt với cách tự làm ác (asārajjalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là làm việc ác (duccaritakaraṇarasaṃ).

- Thành tựu là không lui sụt với cách làm ác (asaṅkocanapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là thiếu sự tôn trọng ân đức người khác (tha nhân) (paraguṇa agāravapadaṭṭhānaṃ).

Sở hữu vô tàm và sở hữu vô úy dù không làm ác cũng là bất thiện.

(4)   Uddhacca (điệu cử)[68] (U = trên, + căn Dhu, dao động, giũ, phủi).

Điệu cử (uddhacca) là trạng thái tán loạn, lau chau, không kềm một cảnh đặng nhiều lộ tâm, sự không ngừng nghĩ của ý; ví như trạng thái tung tóe, tán loạn của đống tro khi ném hòn đá vào. Có Pāḷi chú giải như vầy: Uddhatassa bhāvo = uddhaccaṃ: Tán loạn, lau chau gọi là điệu cử.

Như chúng ta không thể thấy mặt của chúng ta phản chiếu trong nước sôi, một tâm không ngừng nghỉ sẽ không thấy những hậu quả của ác nghiệp. Điệu cử (uddhacca) cũng sanh theo si (moha), là pháp làm cho tâm xáo trộn và làm cho điệu cử sanh liên tục.

Katamaṃ tasmiṃ samaye uddhaccaṃ hoti? Yaṃ tasmiṃ samaye cittassa uddhaccaṃ avupasamo1 cetaso vikkhepo bhantattaṃ cittassa, idaṃ tasmiṃ samaye uddhaccaṃ hoti - pe - (Dhs. 335)

Điệu cử trong khi có ra sao? Sự tán loạn của tâm, sự không vắng lặng của tâm, sự lau chau (vikkhepo) của tâm, sự sôi nổi của tâm có trong khi nào thì điệu cử có trong khi ấy.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu điệu cử:

- Trạng thái là không yên tịnh (avūpasamalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là bất cẩn, không vững vàng (anavaṭṭhānarasaṃ).

- Thành tựu là nguyên do làm cho tâm không yên tịnh (bhantābhāvapaccu-paṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là tác ý không khéo (ayonisomanasikārapadaṭṭhānaṃ).

 

Bốn sở hữu nêu trên (si, vô tàm, vô úy và điệu cử) gồm lại gọi là bốn si-phần (mohatuka) tức là bọn si, cũng gọi là sở hữu bất thiện biến hành (sabbacittākusala sādhāraṇa cetasika) làm nền tảng cho những pháp bất thiện và hiệp với tất cả 12 tâm bất thiện.

 

(B) Tham-phần (3) Lobha-tri = Papañca-dhamma

 

(5)   Lobha (tham)[69] (bắt nguồn từ căn lubh: Bám chặt, cột chặt, luyến ái, bám níu)

Tham (lobha) là sự ham muốn, nhiễm đắm chấp cứng, có Pāḷi chú giải như vầy: Lubbhatīti = lobho: Ham muốn gọi là tham.

Tham là sự khao khát mạnh mẽ về vật dục hay sự sung sướng, hạnh phúc trong thiền (jhāna). Tham sẽ không bao giờ từ bỏ thực tính khát khao này mặc dù nhiều người có thể sở hữu nó. Thậm chí tất cả sự giàu sang trên thế gian cũng không thể thỏa mãn sự khao khát của tham (lobha). Nó luôn hướng ra ngoài tìm những điều mới. Do đó, chúng sanh không thể thật sự được hạnh phúc nếu họ không thể đoạn trừ tham (lobha).

Thực tính thứ hai của tham (lobha) là dính mắc, bám dai dẳng vào vật dục hay thiền (jhāna) và sự sung sướng, hạnh phúc trong thiền (jhāna). Tính dính mắc này được so sánh với trường hợp con khỉ bị dính keo. Keo này được chuẩn bị bằng cách nấu vài loại nhựa lấy từ cây rừng tạo thành một loại hỗn hợp keo dính.

Người săn khỉ cho một lượng hỗn hợp keo kết dính này lên thân vài cây rừng. Khi ánh nắng chiếu vào hỗn hợp keo kết dính này, nhiều loại màu quang phổ xuất hiện. Một con khỉ hiếu kỳ đến chạm một tay và bị dính cứng vào hỗn hợp keo ấy. Trong lúc vật lộn kéo bàn tay này ra, con khỉ dùng bàn tay còn lại đẩy vào thân cây và cũng dùng hai chân đạp vào thân cây. Cả hai bàn tay và hai chân đều bị dính vào keo.

Khi con khỉ cố gắng tự kéo ra bằng cách dùng đầu của nó đẩy thân cây, đầu của nó cũng bị dính vào keo. Bây giờ, người săn khỉ có thể đi ra từ nơi ẩn náu và bắt hoặc giết con khỉ một cách dễ dàng.

Tương tự, người phàm phu đang bị tham (lobha) kết dính vào vật dục như tài sản, của cải của họ. Họ không thể từ bỏ thế gian và của cải bao gồm vợ, chồng, con cái. Do đó, họ bị già, bệnh, chết bắt kịp hết kiếp này sang kiếp khác.

Katamo tasmiṃ samaye lobho hoti? Yo tasmiṃ samaye lobho lubbhanā lubbhitattaṃ sārago sārajjanā sārajjitattaṃ abhijjhā lobho akusalamūlaṃ, ayaṃ tasmiṃ samaye lobho hoti. (Dhs. 299)

Tham trong khi có ra sao? Cách ham, sự muốn, rất muốn, dục vọng, yêu mến, rất yêu mến, tham là căn bất thiện có trong khi nào, đây gọi là tham có trong khi ấy.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu tham:

- Trạng thái là chấp cứng cảnh (ālambanaggahaṇalakkhaṇo).

- Phận sự là dính mắc cảnh (abhisaṅgaraso).

- Thành tựu là không buông cảnh (apariccāgapaccupaṭṭhāno).

- Nhân cận là thấy pháp cảnh triền cho rằng đáng ưa thích (saṃyojaniyadhammesu assādadassana-padaṭṭhāno) là tâm hiệp thế, sở hữu tâm và sắc pháp.

(6)   Diṭṭhi (tà kiến)[70] (bắt nguồn từ căn dis)

‘Diṭṭhi’ được dịch là ‘kiến, mê tín, quan điểm, v.v…’. Sammā diṭṭhi nghĩa là chánh kiến. Ở đây, diṭṭhi là một sở hữu bất thiện (akusala cetasika), cho nên ‘diṭṭhi’ được dùng với ý nghĩa là ‘tà kiến’. Tà kiến là sự nhận định hay cố chấp theo pháp sai không đúng với chơn lý bản thể thật, tức là micchaṭṭādiṭṭhi đã kể trong phần tâm tham trước rồi, nay chỉ thêm ý nghĩa. Có Pāḷi và cách Chú giải như vầy: Micchā passatīti = diṭṭhi: Nhận thấy sai với chơn pháp gọi là tà kiến.

Moha (si) đã được giải thích phía trên là che mù ý và làm mù pháp nhãn không cho thấy thực tính của pháp. Si làm chúng sanh thấy chư pháp là thường (nicca), lạc (sukha), ngã (atta) và tịnh (subha). Bởi vì tà kiến (diṭṭhi) này, tham (lobha) bám dai dẳng hay dính mắc vào ‘ta hay người’ và tà kiến (diṭṭhi) nhận định sai cho ‘ta và người’ là thật sự hiện hữu.

Tà kiến căn bản và phổ biến nhất là thân kiến (sakkāya-diṭṭhi) hay ngã kiến (atta-diṭṭhi). Thân kiến (sakkāya-diṭṭhi) tin rằng sự phối hợp của tâm và thân là ‘tôi’, ‘bạn’, ‘anh ấy’, ‘cô ấy’, ‘đàn ông’, ‘đàn bà’, ‘người’, v.v… . Ngã kiến (atta-diṭṭhi) tin có sự hiện hữu của một ‘ngã hay linh hồn’ hoặc ‘bản ngã’ hay ‘thực thể’ trong thân.

Xuất phát từ thân kiến (sakkāya-diṭṭhi) hay ngã kiến (atta-diṭṭhi) này cũng như từ sự không biết của si (moha) làm nảy sinh hàng ngàn nhận định sai lầm (tà kiến). Thân kiến (sakkāya-diṭṭhi) là một trong mười pháp triền (quấn chặt) hiện hữu. Nó chỉ được loại trừ khi đạt đến Thất lai đạo (Sotāpatti-magga).

Katamā tasmiṃ samaye micchādiṭṭhi hoti? Yā tasmiṃ samaye diṭṭhi diṭṭhigataṃ diṭṭhigahanaṃ diṭṭhikantāro diṭṭhivisūkāyikaṃ1 diṭṭhivipphanditaṃ diṭṭhisaññojanaṃ gāho patiṭṭhāho2 abhiniveso parāmāso kummaggo micchāpatho micchattaṃ titthāyatanaṃ vipariyesagāho, 3 ayaṃ tasmiṃ samaye micchādiṭṭhi hoti.

Tà kiến trong khi có ra sao? Kiến thức tức là thiên kiến, hoang vu kiến, ký khu kiến, thù nghịch kiến, biến hóa kiến, kiến thức như triền, chấp trước nghịch kiến, kiến hoặc, khinh thị, lộ đồ sai[71], tà đạo, sự sai căn nguyên, tà giáo, chấp ngược có trong khi nào, đây gọi là tà kiến có trong khi ấy. (Dhs. 291)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu tà kiến:

- Trạng thái là chấp cứng những cách không đáng chấp (ayoniso abhinivesalakkhaṇā).

- Phận sự là suy xét sai với sự thật (parāmāsaraso).

- Thành tựu là chấp cứng theo sự nhận sai (micchābhinivesapaccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là chấp cứng rằng chỉ sự nhận thấy của ta là đúng (daḷhaggahapaccupaṭṭhānā) hay là không chịu gặp bậc hiền trí, nhất là Đức Phật v.v… (sappurisavimukkatāpaṭṭhānā).

(7)   Māna (ngã mạn)[72] (bắt nguồn từ căn man, nghĩ ngợi)

Ngã mạn (māna), cũng như tà kiến (diṭṭhi), là kết quả phụ (hay sản phẩm phụ) của si (moha) và tham (lobha). Si (moha) trợ sanh ra tà kiến (nhận định sai) về sự tồn tại của ‘chúng sanh’ và cho rằng chúng là thường, lạc, ngã và tịnh. Cũng thế, tham (lobha) đeo bám những chúng sanh này, nhất là pháp đại diện cho chính nó.

Ngã mạn (māna) nhìn tự thân này như là ‘ta là giỏi nhất, ta biết nhiều nhất, ta không có đối thủ trong thế gian’.

Sở hữu ngã mạn là ỷ mình, đem so sánh hay cống cao. Có Pāḷi chú giải như vầy: Seyyomasmīti ādinā maññatīti = māno: Tự ỷ mình so sánh hơn người v.v… gọi là ngã mạn.

Ngã mạn có 3 nhóm ba:[73]

- Ỷ hơn (seyyohamasmi) (quá mạn – atimāna) có 3 cách: 1 là hơn ỷ hơn, 2 là bằng ỷ hơn, 3 là thua ỷ hơn.

- Ỷ bằng (sadiyohamasmi) (māna) có 3 cách: 1 là hơn ỷ bằng, 2 là bằng ỷ bằng, 3 là thua ỷ bằng.

- Ỷ thua (hīnohamasmi) (tự ti, ti mạn – omāna) có 3 cách: 1 là hơn ỷ thua, 2 là bằng ỷ thua, 3 là thua ỷ thua.

Tục ngữ có câu: ‘Trèo cao té nặng’, sự kiêu căng hay ngã mạn không phải là đức tính tốt để tự hào.

Hai cách trên ỷ hơn và ỷ bằng thường hay gặp và dễ nhận. Nhưng 3 cách sau thuộc về ỷ thua thì đáng cho là chẳng có hoặc sai. Vậy xin dẫn chứng một vài trường hợp như là có cách ỷ rằng: Họ giỏi thây kệ họ, tôi dở mặc kệ tôi, giàu nghèo v.v… cũng thế, đó là thua ỷ thua. Tôi cũng vẫn như ai, nhưng ngặt thất thế hoặc lỗi thời, đó là thua ỷ bằng. Còn bằng người kia mọi phương diện mà nghĩ rằng: Tôi thua thây kệ tôi, đó là bằng ỷ thua. Hơn ỷ thua như kinh Trung Hoa nói: “Thượng thượng nhân hữu một ý trí” nghĩa là bậc xuất chúng siêu quần nhưng xét cạn chưa khỏi có phần sơ thất là phải dở, thua lại nghĩ rằng: “Hạ hạ nhân hữu, thượng thượng trí” biết đâu là thấy kẻ hèn tối tăm cũng có trí cao siêu.

Ngã mạn (māna) là một trong mười pháp triền hiện hành. Nó chỉ hoàn toàn bị đoạn tận khi bước vào dòng Thánh Arahaṃ.

Kattha katamaṃ mānasaññojanaṃ? Seyyohamasmīti māno sadisohamasmīti māno hīnohamasmīti māno, yo evarūpo māno maññatā maññitattaṃ unnati unnamo dhajo sampaggāho ketukamyatā cittassa, idaṃ vuccati mānasaññojanaṃ.

Ngã mạn triền trong khi có ra sao? Cách so sánh cho rằng ta tốt hơn họ, ta bằng họ, ta thua họ, sự so sánh, thái độ so sánh, lối so sánh, lúc nào có trạng thái như thế tức là tự nâng cao, đem mình sánh cho bằng kẻ khác, tự so đo với người, tâm cống cao, tánh cần so sánh này gọi là ngã mạn triền (mānasaññojana). (Dhs. 722)

Bốn ý nghĩa của ‘ngã mạn’: (Vsm. XIV)

- Unnatilakkhaṇo: Trạng thái là kiêu ngạo.

- Sampaggaharaso: Phận sự là tự cao.

- Ketukamyatāpaccupaṭṭhāno: Thành tựu là kỳ vọng (lên như cờ).

- Diṭṭhivippayuttalobhapadaṭṭthāno: Nhân cận là có tham bất tương ưng tà kiến.

Tham (lobha) cùng với hai pháp khác trong bọn, là tà kiến (diṭṭhi) và ngã mạn (māna) có nhiệm vụ kéo dài vòng đời hay vòng sinh tử mà thường được gọi là saṃsāra (vòng luân hồi). Trên thực tế, tham (lobha), tà kiến (diṭṭhi), ngã mạn (māna) được gọi chung là pháp chướng ngại (papañca dhamma).

Ba sở hữu ‘tham, tà kiến và ngã mạn’ gom chung lại gọi là tham-phần là bọn sở hữu tham, chỉ hợp trong vòng tâm tham.

 

(C) Sân-phần (4) Dosa-catukka

 

(8)   Dosa (sân)[74] (bắt nguồn từ căn dus)

Dosa’ được dịch là ‘sân’, sự tức giận, hờn, buồn, rầu, sự ghét, ác cảm, sự căm thù v.v… Có Pāḷi chú giải như vầy: Sayameva dussatīti = doso: Tự ác độc hại gọi là sân.

Sân cũng có tên là phẫn (paṭighā) nghĩa là xâm phạm pháp câu sanh làm cho hư hại, bầm giập, nứt bể v.v… Có Pāḷi chú giải như vầy: Paṭihaññātīti = paṭighā: Cách xâm phạm đè nén pháp câu sanh gọi là phẫn. ‘Paṭigha’ bắt nguồn từ ‘pati’, trái lại, đối lại và căn ’gha’ (han), dội vào, tiếp xúc.

Sân (dosa) hầu như là thực tính hủy diệt trong thế gian. Nó đáng ghê sợ hơn vũ khí nguyên tử. Dĩ nhiên, khi một ai đó kích hoạt vũ khí nguyên tử, ông ta làm dưới sự chi phối của sân.

Thông thường, khi chúng sanh đối diện với sự khao khát về vật dục, sự bám chặt, dính mắc hay tham (lobha) sinh khởi. Khi chúng sanh đối diện với một cảnh không mong muốn, sân hay sự ghét, ác cảm sinh khởi. Sân (dosa) hủy hoại tự thân trước khi hủy hoại tha nhân.

Sân không chỉ tăng trưởng khi nó hiện diện với một người sân mà nó cũng làm trì trệ khi người cảm giác buồn, chán nản bị hủy hoại. Theo Abhidhamma (Vô Tỷ Pháp), người trả thù một lời sỉ nhục thì dại dột hơn người khơi màu sự sỉ nhục.

Katamo tasmiṃ samaye doso hoti? Yo tasmiṃ samaye doso dussanā dussitattaṃ vyāpatti vyāpajjanā vyāpajjitattā virodho paṭivirodho caṇḍikkaṃ asuropo anattamanatā cittassa, ayaṃ tasmiṃ samaye doso hoti - pe - (Dhs. 326)

Sân trong khi có ra sao? Cách tính ác độc, sự tính ác độc, thái độ tính ác độc, cách tính ám hại, sự tính ám hại, thái độ tính ám hại, sự sân, sự tức tối, sự hung dữ, sự ác khẩu, cách tâm không thơ thới có trong khi nào, đây gọi là sân có trong khi ấy.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu sân:

- Trạng thái là làm cho thân tâm thô tháo (caṇḍikkalakkhaṇo).

- Phận sự là thiêu đốt sắc ý vật là nơi nương của mình, nóng nảy (nissayadāhanaraso).

- Thành tựu là hư hoại thân tâm (dussanapaccupaṭṭhāno).

- Nhân cận là những đồ sát hại (upaṭṭhānakāra padaṭṭthāno).

(9)   Issā (tật đố)[75] (bắt nguồn từ căn su, đố kỵ, ganh tị)

Tật đố (issā) có trạng thái ganh tị với sự thành tựu hay phát đạt của người khác. Đó là đối tượng của tật đố. Tật đố không nhìn vào tự thân mà nhắm vào tha nhân, người khác. Có Pāḷi chú giải như vầy: Issāyanā = issā: Không chịu được người hơn mình gọi là tật đố.

Tattha katamaṃ issāsaññojanaṃ? Yā pana lābha sakkāra garukāra mānana vandana pūjanāsu issā issāyanā issāyitattaṃ usūyā usūyanā usūyitattaṃ, idaṃ vuccati issāsaññojanaṃ.

Tật đố triền trong khi có ra sao? Cách ganh tị, thái độ ganh tị, cách tật đố, sự tật đố, thái độ tật đố, tật đố vì lợi lộc, tật đố vì cung kỉnh, tật đố vì tín ngưỡng, tật đố vì cách lễ bái, tật đố vì cách cúng dường của người khác. Những cách như thế gọi là tật đố triền. (Dhs. 727)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu tật:

- Trạng thái là tật đố với tài sản danh lợi của người khác (aññasampattīnaṃ ussūyanalakkhaṇā).

- Phận sự là không vừa lòng với tài sản danh lợi của người khác (parasampattiyā anabhiratirasā).

- Thành tựu là tránh mặt với tài sản, danh lợi của người khác (parasampattivimukhata-paccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có tài sản, danh lợi của người khác (parasampattipadaṭṭhānā).

(10)  Macchariya (lận sắt)[76]

Lận sắt (macchariya) có trạng thái che đậy, giấu giếm tài sản của mình. Nó không cảm thông, chia sẻ tài sản hay đặc ân với người khác. Lận sắt mang tính bón rít, keo kiệt, bủn xỉn, miễn cưỡng cho tiền vì việc từ thiện. Có Pāḷi chú giải như vầy: Maccherabhavo = macchariyaṃ: Bỏn xẻn gọi là lận.

Như đề cập trong Aṅguttara Nikāya – Tăng Chi bộ kinh (IX, 49), có 5 loại bỏn xẻn như: Bỏn xẻn chỗ ở (āvāsamacchariya), bỏn xẻn dòng giống (kulamacchariya), bỏn xẻn lợi lộc (lābhamacchariya), bỏn xẻn sắc đẹp (vaṇṇamacchariya) và bỏn xẻn pháp (dhammamacchariya).

Trái với issā (tật đố, ganh tị), macchariya (lận sắt, bỏn xẻn) là quan điểm cá nhân. Issāmacchariya làm cho chúng sanh buồn mà không cần pháp trợ dẫn từ những pháp khác. Chúng sanh cảm thấy vui tức khắc khi ‘tật’ và ‘lận’ bị xua tan khỏi tâm ý của họ.

Tattha katamaṃ macchariyasaññojanaṃ? Pañca macchariyāni: āvāsamacchariyaṃ kulamacchariyaṃ lābhamacchariyaṃ vaṇṇamacchariyaṃ dhammamacchariyaṃ, yaṃ evarūpaṃ maccharaṃ maccharāyanā maccharāyitattaṃ vevicchaṃ kadariyaṃ kaṭukañcukatā aggahitattaṃ cittassa, idaṃ vuccati macchariyasaññojanaṃ.

Lận sắt triền trong khi có ra sao? Ngũ lận sắt như là: Bỏn xẻn chỗ ở, bỏn xẻn dòng giống, bỏn xẻn lợi lộc, bỏn xẻn sắc đẹp (danh thơm), bỏn xẻn giáo pháp, cách bỏn xẻn, sự bỏn xẻn, thái độ bỏn xẻn, sự rít rắm, sự keo kiệt, sự không tế độ, không rộng rãi của tâm. Những cách như thế gọi là lận sắt triền. (Dhs. 728)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu lận:

- Trạng thái là giấu giếm tài sản của mình (sakasampattinigūhaṇalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là không chịu người khác dính dấp đến tài sản của mình (parasādhāraṇa akkhamanarasaṃ).

- Thành tựu là không hy sinh tài sản (saṅkocanapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là có tài sản (sakasampattipadaṭṭhānaṃ).

(11)    Kukkucca (hối hận)[77]

Hối hận (kukkucca) có trạng thái đau buồn, ăn năn về những ác pháp đã làm và những thiện pháp chưa làm. Có Pāḷi chú giải như vầy: Kaṭaṃ me pāpaṃ akataṃ me puññaṃ: Nghĩa là hối hận với tội đã làm, phước đã không làm, gọi là hối hay hối hận.

Khóc than về việc ly sữa đã bị đổ là điều vô ích, không mang lại lợi ích về việc ăn năn, hối hận hay cảm thấy tiếc về những tà hạnh.

Tattha katamaṃ kukkuccaṃ: Akappiye kappiyasaññitā, kappiye akappiyasaññitā, avajje vajjasaññitā, vajje avajjasaññitā yaṃ evarūpaṃ kukkuccaṃ kukkuccāyanā kukkuccāyitattaṃ cetaso vippaṭisāro manovilekho, idaṃ vuccati kukkuccaṃ. Iti idaṃ ca uddhaccaṃ idaṃ ca kukkuccaṃ, idaṃ vuccati uddhaccakukkuccanīvaraṇaṃ.

Hối hận trong khi có ra sao? Sự đáng cho rằng không đáng, sự không đáng cho rằng đáng, sự có lỗi cho rằng không lỗi, sự không lỗi cho rằng có lỗi, cách chú trọng, sự chú trọng, thái độ chú trọng, cách nóng nảy, sự động tâm. Những trạng thái như thế gọi là hối hận. (Dhs. 752)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu hối hận:

- Trạng thái là hay bực bội những sự đã làm (pacchānutāpalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là bực lòng với việc ác đã làm và thiện đã không làm (katākatā nusocanarasaṃ).

- Thành tựu là ân hận tâm (vippaṭisārapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là đã làm việc xấu và việc tốt đã không làm (katākataduccarita-sucaritāpadaṭṭhānaṃ).

Issā (tật đố, ganh tị), macchariya (lận sắt, bỏn xẻn) và kukkucca (hối hận) là 3 pháp đồng hành hay bầu bạn của sân (dosa). Chúng sinh khởi riêng biệt bởi do nhân trợ sanh của chúng khác khau, nhưng khi một trong chúng sinh khởi thì luôn sanh cùng với sân (dosa).

Sở hữu sân, tật, lận, hối gọi chung là sở hữu sân-phần (docatukacetasika), chỉ phối hợp với tâm sân.

 

(D) Ba sở hữu cuối = những sở hữu trì trệ và do dự.

 

(12)  Thīna (hôn trầm)[78] (bắt nguồn từ căn su, lùi, chùn bước, + na. Thena = thāna = thīna)

Hôn trầm (thīna) là sự không khéo hòa trộn của tâm (citta), cách không thích hợp với công việc của tâm, trạng thái co rút, lui sụt của tâm, tợ như lông gà gặp lửa. Khi một chúng sanh nhàn rỗi do thiếu viriya (cần), chúng sanh ấy chịu tác động của thīna (hôn trầm). Đó là sự bệnh hoạn của citta (tâm).

Tattha katamaṃ thīnaṃ? Yā cittassa akallatā akammaññatā olīyanā sallīyanā līnaṃ līyanā līyitattaṃ thīnaṃ thīyanā thīyitattaṃ cittassa, idaṃ vuccati thīnaṃ.

Hôn trầm trong khi có ra sao? Sự không khéo hòa trộn của tâm, cách không thích hợp việc làm của tâm, sự chần chừ, sự lùi sụt, sự buồn ngủ, cách buồn ngủ, trạng thái buồn ngủ, sự bần thần, dã dượi, cách dã dượi, bần thần, thái độ bần thần, dã dượi, sự uể oải, cách uể oải, thái độ uể oải. Những trạng thái như thế gọi là hôn trầm. (Dhs. 751)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu hôn trầm:

- Trạng thái là chận đứng siêng năng tiến tới (anussāhanalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là bỏ bớt siêng năng (viriyapanarasaṃ).

- Thành tựu là sự lui sụt (saṃsīdanapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là tác ý không khéo (ayonisomanasikārapadaṭṭhānaṃ).

  

(13)  Middha (thùy miên)[79] (bắt nguồn từ căn middh)

Thùy miên (middha) là sự không khéo hòa trộn của danh thân (cetasika-sở hữu tâm), cách không thích hợp với công việc của danh thân, trạng thái bệnh hoạn, không lành mạnh của danh pháp câu sanh. Khi một chúng sanh cảm thấy thiếu hoạt động hay trí tuệ chậm chạp, chúng sanh ấy bị tác động bởi thùy miên (middha). Đó là sự bệnh hoạn của những sở hữu tâm (cetasika).

Tattha katamaṃ middhaṃ? Yā kāyassa akallatā akammaññatā onāho pariyonāho antosamorodho middhaṃ soppaṃ pacalāyikā supanā supitattaṃ, idaṃ vuccati middhaṃ. Iti idañca thīnaṃ, idañca middhaṃ, idaṃ vuccati thīnamiddhanīvaraṇaṃ.

Thùy miên trong khi có ra sao? Sự không khéo hòa trộn của danh thân, cách không thích hợp với công việc của danh thân, sự chụp đậy, sự bao trùm, sự che lấp phần trong, sự dã dượi bần thần, thái độ dã dượi bần thần, cách dã dượi bần thần, sự buồn ngủ, cách ngáp ngủ, trạng thái ngáp ngủ, sự ngủ gục, cách ngủ gục, trạng thái ngủ gục. Những trạng thái như thế gọi là thùy miên. (Dhs. 751)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu thùy miên:

- Trạng thái là không thích hợp với công chuyện (akammaññatālakkhaṇaṃ)[80].

- Phận sự là hạn chế tâm lộ lần lần (onahanarasaṃ).

- Thành tựu là cách buồn ngủ (pacadāyikapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là tác ý không khéo (ayonisomanasikārapadaṭṭhānaṃ).

Cả hai pháp hôn trầm (thīna) và thùy miên (middha) gọi chung là hôn-phần.

Cả hai pháp hôn trầm (thīna) và thùy miên (middha) là những pháp đối nghịch với cần (viriya). Nơi nào có hôn trầm (thīna) và thùy miên (middha), thì nơi ấy không có cần (viriya).

(14)  Vicikicchā (hoài nghi)[81]

Hoài nghi (vicikicchā) là hoài nghi về Phật (Buddha), Pháp (Dhamma), Tăng (Saṅgha), điều học; hoài nghi về những pháp trong những kiếp quá khứ và vị lai; hoài nghi về pháp liên quan tương sinh; và cuối cùng là hoài nghi về tứ Thánh đế.

Hoài nghi (vicikicchā) là 1 trong 5 pháp cái và cũng được gom trong mười pháp triền hiện hữu. Pháp này hoàn toàn bị đoạn trừ và vĩnh viễn đối với Thánh Nhập lưu.

Sở hữu hoài nghi là cách hoài nghi làm ngăn pháp tiến hóa sáng suốt giải thoát. Có Pāḷi chú giải như vầy: Vicikicchātīti = vicikicchā: Cách phát ra nghi lự, nghi hoặc là hoài nghi.

Tattha katamaṃ vicikicchāsaññojanaṃ? Satthari kaṅkhati vicikicchati, dhamme kaṅkhati vicikicchati, saṅghe kaṅkhati vicikicchati, sikkhāya kaṅkhati vicikicchati, pubbante kaṅkhati vicikicchati, aparante kaṅkhati vicikicchati, pubbantāparante kaṅkhati vicikicchati, idappaccayatāpaṭiccasamuppannesu dhammesu kaṅkhati vicikicchati. Yā evarūpā kaṅkhā kaṅkhāyanā kaṅkhāyitattaṃ vimati vicikicchā dveḷhakaṃ dvedhāpatho saṃsayo anekaṃsagāho āsappanā parisappanā apariyogāhanā thambhitattaṃ cittassa manovilekho, idaṃ vuccati vicikicchāsaññojanaṃ.

Hoài nghi trong khi có ra sao? Cách lừng chừng, thái độ lừng chừng, sự xét thấy lạ lùng khác biệt, sự quyết đoán cảnh không đặng, sự nhận thấy thành hai lẽ, sự nhận thấy như đường rẽ hai, sự không quyết một, sự tính vớ vẩn, suy xét lừng chừng, sự không thể dứt khoát, sự sần sượng của tâm, sự tràn lan của tánh. Những trạng thái như thế gọi là hoài nghi triền. (Dhs. 724).

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu hoài nghi:

- Trạng thái là tư cách hoài nghi (saṃsayalakkhaṇā).

- Phận sự là làm cho rung động, lo sợ đối với cảnh (kampanarasā).

- Thành tựu là không thể quyết đoán (anicchayapaccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là tác ý không khéo (ayonisomanasikārapadaṭṭhānā).

Dứt phần giải sở hữu bất thiện

___o0o___

 

III. Sở Hữu Tâm Tịnh Hảo (Sobhaṇacetasika)

 

(A) Sở Hữu Tịnh Hảo Biến Hành (Sobhaṇasādhāranacetasika)

 

§6. Saddhā sati hirī ottappaṃ alobho adoso tatramajjhattatā kāyapassaddhi cittapassaddhi kāyalahutā cittalahutā kāyamudutā cittamudutā kāyakammaññatā cittakammaññatā kāyapāguññatā cittapāguññatā kāyujukatā cittujukatā ceti ekūnavīsatime cetasikā sobhanasādhāraṇā nāma.

Tín, niệm, tàm, úy, vô tham, vô sân, trung bình, tịnh thân, tịnh tâm, khinh thân, khinh tâm, nhu thân, nhu tâm, thích thân, thích tâm, thuần thân, thuần tâm, chánh thân, chánh tâm. Mười chín sở hữu tâm này gọi là sở hữu tịnh hảo biến hành.

Sobhaṇasādhāranacetasika khi chiết tự thì là sobhaṇa + sādhārana + cetasika.

- Sobhaṇa = yên tịnh, tốt, đẹp đẽ, không có tội lỗi, tịnh hảo.

- Sādhārana = phổ thông, phổ quát, cùng khắp, biến hành.

- Cetasika = sở hữu tâm.

Khi gom hai phần lại Sobhaṇasādhāranacetasika = sở hữu có sự đẹp đẽ, không tội lỗi khắp cả (các tâm), hay sở hữu tịnh hảo biến hành.

Mười chín (19) sở hữu tịnh hảo này phối hợp chung với tất cả tâm tịnh hảo.

(1) Saddhā = tín, tin.

(2) Sati =  niệm, biết theo, sự lưu tâm, sự chú tâm, không lơ đãng,...

(3) Hirī = tàm, có hổ thẹn.

(4) Ottappa = úy, có ghê sợ.

(5) Alobha = vô tham, không bỏn xẻn, rộng lượng.

(6) Adosa = vô sân, thiện chí.

(7) Tatramajjhattatā = trung bình, quân bình danh pháp.

(8) Kāya-passaddhi = tịnh thân, sự yên của (sở hữu) danh pháp câu sanh.

(9) Citta-passaddhi = tịnh tâm, sự yên của tâm.

(10) Kāya-lahutā = khinh thân, sự nhẹ nhàng của danh pháp câu sanh.

(11) Citta –lahutā = khinh tâm, sự nhẹ nhàng của tâm.

(12) Kāya-muditā = nhu thân, sự mềm mại của danh pháp câu sanh.

(13) Citta-muditā = nhu tâm, sự nhẹ nhàng của tâm.

(14) Kāya-kammaññatā = thích thân, sự thích nghi hay thích ứng của danh pháp câu sanh.

(15) Citta-kammaññatā = thích tâm, sự thích nghi hay thích ứng của tâm.

(16) Kāya-paguññatā = thuần thân, sự thuần thục của danh pháp câu sanh.

(17) Citta-paguññatā = thuần tâm, sự thuần thục của tâm.

(18) Kāyujjukatā = chánh thân, tính ngay thẳng của danh pháp câu sanh.

(19) Cittujjukatā = chánh tâm, tính ngay thẳng của tâm.

 

Giải thích:

(1) Saddhā (tín) (Sam, tốt; + căn dah, thiết lập, đưa vào, đặt, để, dùng)

Tín (saddhā) được thiết lập hay tin vào Tam bảo (ti-ratana); tức là, Phật (Buddha), Pháp (Dhamma), Tăng (Saṅgha). Hay tín (saddhā) là sự tín ngưỡng hay đức tin trong sạch với nhân vật, pháp lý đáng tin.

Chánh tín có 4: 1 là tin nghiệp (kammasaddhā), 2 là tin quả của nghiệp (vipākasaddhā), 3 là tin nghiệp riêng của mỗi người (kammassakatāsaddhā), 4 là tin sự giác ngộ của Đức Như Lai (tathāgatābodhisaddhā).

Khi người Phật tử quy y Tam bảo, đức tin của vị ấy phải hiểu lý do và căn nguyên. Vị ấy được yêu cầu nghiên cứu và kiểm tra đối tượng đức tin của bản thân. Một đức tin Phật giáo không đi ngược lại sự tìm hiểu về tâm linh; bất cứ sự ngờ vực nào về những pháp mơ hồ đều được khuyến khích tìm hiểu chúng.

Tín (saddhā) được ví như ‘ngọc lục bảo’ vô song của vua chuyển luân. ‘Ngọc lục bảo’ này khi đặt trong nước bẩn ấm, nó làm cho tất cả những cặn bã được lắng xuống và hơi ấm được thoát ra, để lại làn nước mát và tinh khiết. Cũng như thế, khi tín (saddhā) phối hợp với tâm (citta), tất cả pháp phiền não như tham (lobha), sân (dosa), si (moha) tan biến với thành tựu là tâm trở nên trong sạch và mát mẻ.

Tín (saddhā) cũng được ví như bàn tay có thể nắm lấy đá quí, nếu một chúng sanh may mắn được lên một ngọn núi đầy những đá quí. Thật ra, vị ấy khi được tiếp xúc với giáo lý của Đức Phật thì còn may mắn hơn là lên ngọn núi châu báu. Bởi vì người với tín (saddhā) có thể đạt được những quả phúc quí giá hơn châu báu. Một người không có tay không thể nắm giữ được những đá quí, cũng thế, người không có tín (saddhā) không thể đạt được những quả phúc.

Si (moha) là pháp dẫn đầu những sở hữu tâm (cetasika) bất thiện. Tín (saddhā) là pháp dẫn đầu những sở hữu tịnh hảo (sobhaṇa cetasika). Đây là châu báu quí giá nhất, là 1 trong 5 quyền (indriya) và 5 lực (bala).

Katamaṃ tasmiṃ samaye saddhindriyaṃ hoti? Yā tasmiṃ samaye saddhā saddahanā okappanā abhippasādo saddhā saddhindriyaṃ saddhābalaṃ-idaṃ tasmiṃ samaye saddhindriyaṃ hoti. (Dhs. 27)

Tín quyền trong khi có ra sao? Khi nào có đức tin, thái độ tín ngưỡng, sự quyết tin, sự rất tín trọng, tín lực, tín quyền, tức là đức tin có trong khi nào, thì tín quyền vẫn có trong khi ấy.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu tín:

- Trạng thái là tin Tam bảo, nghiệp quả đời này và đời sau (saddhāhana-lakkhaṇā).

- Phận sự là tín ngưỡng Tam bảo (pasādanarasā).

- Thành tựu là tâm không dơ bẩn (akālussiyapaccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có nhân vật đáng tín ngưỡng (saddheyyavatthupadaṭṭhānā).

(2) Sati (niệm)[82] (bắt nguồn từ căn sar, nhớ, biết theo)

‘Sati’ là ‘niệm’, lưu tâm, nhớ đặng, nhớ ghi, tỉnh táo, hay biết theo pháp đang diễn tiến. Trạng thái chính của ‘niệm’ là ‘không trôi đi’, tức là, không cho phép không hay biết pháp đang diễn tiến. Khi một người không có đủ ‘niệm’, vị ấy không nhớ những điều được thấy hay nghe; như những cái nồi và những trái bí ngô rỗng trôi đi trên dòng nước.[83]

Có 4 câu Phật ngôn: 1 là niệm pháp tỉnh của đời, 2 là người có niệm hằng đặng tiến hoá, 3 là người có niệm được hưởng an vui, 4 là người có niệm thời hằng ngày đặc biệt.

Với ‘niệm – sati’, chúng sanh có thể nhớ lại những sự kiện ở quá khứ. Niệm (sati) có thể được tu tập, phát triển. Khi ‘niệm’ được phát triển cao độ, vị ấy đạt được sức mạnh nhớ về những kiếp quá khứ. Do đó, niệm (sati) có phận sự nhớ.

Đức Phật nhắc nhở các đệ tử mỗi ngày không quên những nghiệp thiện và luôn nhớ thực hiện tâm nguyện phấn đấu để thoát khỏi tất cả khổ.

Nếu một người luôn ‘niệm’ hay ‘biết theo’ ở 6 cửa, ‘ghi nhớ’ những gì mà vị ấy quan sát chỉ là ‘thấy, thấy’ hay ‘nghe, nghe’, v.v… vị ấy có thể ngăn chặn những phiền não thâm nhập tâm. Trong ý nghĩa này, niệm (sati) được ví như người gác cổng ngăn chặn những kẻ trộm cướp không cho thâm nhập vào thành phố.

Niệm (sati) cũng là 1 trong 5 pháp quyền, là 1 trong 5 pháp lực, là 1 trong 7 giác chi (bojjhaṅga) và là chi thứ bảy trong 8 Thánh đạo.

Katamaṃ tasmiṃ samaye satindriyaṃ hoti? Yā tasmiṃ samaye sati anussati paṭissati sati saraṇatā dhāraṇatā apilāpanatā asammussanatā sati satindriyaṃ satibalaṃ sammāsati-idaṃ tasmiṃ samaye satindriyaṃ hoti.

Niệm quyền trong khi có ra sao? Khi nào có niệm, phụ niệm, hồi quang, nhớ đặng, thường nhớ, vẫn nhớ, không lơ đãng, không quên, niệm quyền tức là niệm, niệm lực, chánh niệm. Đó là vẫn có niệm quyền trong khi ấy. (Dhs. 29)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu niệm:

- Trạng thái là cách tâm không lơ lãng (apilāpanalakkhaṇā) hay cách nhớ đặng luôn luôn (anussaraṇalakkhaṇā).

- Phận sự là không lẫn lộn, không quên cảnh (asammosarasā).

- Thành tựu là không cho cảnh xa lìa tâm, bảo hộ, giữ gìn tâm và cảnh (ārakkha-paccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có sự nhớ chắc (thirasaññāpadaṭṭhānā) hay tứ niệm xứ (satipaṭṭhāna-padaṭṭhānā).

 17 nẻo sanh niệm:

1) Niệm phát sanh do hiểu biết (abhijānatosati): là những sự vật, nghĩa lý đã từng quen, khi gặp, lúc cần dùng thì những cách hiểu biết ấy phát hiện nơi tâm rất dễ.

2) Niệm phát sanh do gom góp (kuṭumbikāyasati): là những vật gom góp để vào một chỗ thì tâm đặng chú ý nhiều lần, nên khi cần đến, nhớ ngay lại liền nơi chỗ ấy hay là như tiền dồn hết trong túi, khi dùng thò tay vào túi lấy ra có liền.

3) Niệm phát sanh do thức thô (oḷārikaviññāṇatosati): là do tâm hoạt động thô như là: Nóng giận, buồn nhớ hay thất tình, hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, cụ, rất mạnh nhớ lại cái gì đã qua hoặc hiện tại. Nhưng cũng có khi nhớ đến sự này sự nọ, như giận này nhớ đến oán thù khi xưa.

4) Niệm phát sanh do vật chạm thức (hitaviññāṇatosati), như khi bị đánh là ta đau ta biết ta đau. Hoặc gặp cảnh xúc thích hợp sướng thân thì ta biết ta sướng, hay là nhớ lại sự sướng, sự đau như thế nào.

5) Niệm phát sanh do không vật chạm thức (ahitaviññāṇatosati) như là khi nhớ đến vật này, vật nọ, chớ khỏi lo thân đụng chạm chi cả.

6) Niệm phát sanh do đồng ấn chứng (sabhāganimittatosati), như gặp nhân vật tương tự như nhân vật đã gặp thì nhớ đến nhân vật thường quen.

7) Niệm phát sanh do ly ấn chứng (visabhāganimittatosati) như là sự vật ta đã thường quen, dù cách xa nhau trải qua bao lâu có khi khỏi gặp sự vật tương tự mà cũng nhớ lại.

8) Niệm phát sanh do hứa (kathābhiññāṇatosati), như là đã có hứa hẹn, lúc đến giờ dễ nhớ lại ngay.

9) Niệm phát sanh do nêu (lakkhaṇatosati), tức là làm dấu, sau gặp liền nhớ.

10) Niệm phát sanh nhờ nhắc nhở (saranatosati), như là những sự vật đã qua ta không đặng nhớ, nhờ kẻ khác nhắc giùm liền nhớ lại đặng.

11) Niệm phát sanh do đầu đề (muddhatosati), như là ta thấy đầu đề nhớ đặng cả bài.

12) Niệm phát sanh do đếm tính (gaṇanatosati), như là những sự vật mà ta không nhớ được ngay đó, nhờ đếm đi tính lại mới nhớ ra.

13) Niệm phát sanh do thuộc lòng (dhāraṇatosati) là những gì ta đã thuộc nhuần, nhớ đâu đặng đó.

14) Niệm phát sanh do tu tiến (bhāvanātosati), tức là hành tứ niệm xứ rất chuyên môn thì có trớn, cảnh đến niệm liền.

15) Niệm phát sanh do coi bổn (potthakanibandhanatosati), tức là nhờ coi sách mà được nhớ tới những gì ngoài sách ấy có liên quan tới.

16) Niệm phát sanh do cất để (upanikkhepatosati) là những vật cất có trật tự khi muốn lấy rất dễ.

17) Niệm phát sanh do thường quen (anubhūtosati) là những sự vật đã thường làm và gặp rất nhiều lần thì đến lúc hoặc gặp trường hợp vẫn nhớ vật thường quen rất dễ. Sách Trung Hoa có câu: “Thế thượng vô nan sự, đô lai tâm bất chuyên” nghĩa là trên đời không gì khó hết, đối với mọi người đều do tâm không chuyên môn mới thấy ra khó.

Mười bảy nẻo sanh niệm ở trên là từng trường hợp và đủ loại hạng chúng sanh. Còn về phần bậc tu cao, nên cần tìm thực hành:

Nhân trợ sanh niệm giác chi: 1 là niệm-lương tri (sati-sampajañña), 2 là tránh người lẫn và hay quên (muṭṭhassatipuggalaparivajjanatā), 3 là thân cận người có niệm vững vàng (upaṭṭhitassatipuggalasevanatā), 4 là chăm chú với thân tâm hành động (tadadhimuttatā).[84]

(3) Hirī (tàm)[85] (bắt nguồn từ căn hirī)

Tàm (hirī) làm cho chúng sanh chùn lại hay thoái thác vì thấy hổ thẹn trước những ác hạnh (ác nghiệp).

Chúng sanh có tàm (hirī) thoái thác trước những ác pháp ví như lông gà bị co rút trước lửa.

Katamo ca puggalo hirimā: Tattha katamā hiri: Yā hiri hirīyati hirīyitabbena, hirīyati pāpakānaṃ akusalānaṃ dhammānaṃ samāpattiyā, ayaṃ vuccati hiri, imāya hiriyā samannāgato puggalo hirimā.

Người hữu tàm ra sao? Điều kiện hữu tàm ra sao? Thẹn với pháp thành tội ác, như thế gọi là tàm, người có sự hổ thẹn gọi là người hữu tàm. (Puggala paññatti – câu 72)

Katamā tasmiṃ samaye hiri hoti? Yaṃ tasmiṃ samaye hirīyati hirīyitabbena, hirīyati pāpakānaṃ akusalānaṃ dhammānaṃ samāpattiyā - ayaṃ tasmiṃ samaye hiri hoti.(Dhs. 53)

Tàm trong khi có ra sao? Trạng thái hổ thẹn với cách hành động ác xấu đáng hổ thẹn, thái độ hổ thẹn với những pháp tội ác có trong khi nào, thì tàm có trong khi ấy.

Tàm (hirī) đối lập với vô tàm (ahirika) là pháp phạm vào bất cứ ác pháp nào không hề ăn năn, hối hận dù nhỏ nhất.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu tàm:

- Trạng thái là thoái thác[86] với cách làm tội (pāpatojigucchanalakkhaṇā).

- Phận sự là không làm tội (pāpānaṃ akaraṇarasā).

- Thành tựu là ngần ngại với tội lỗi (pāpatosaṅkocanapaccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là biết trọng mình (attagāravapadaṭṭhānā).

(4) Ottappa (úy)[87] (bắt nguồn từ o + căn tap)

Úy (ottappa) là sự ghê sợ hành theo ác pháp, bởi vì ý thức được sự đa dạng của những ác quả.

Tàm (hirī) khác với sự nhút nhát thông thường, úy (ottappa) khác với sự sợ hãi thông thường của chúng sanh. Một Phật tử không phải sợ hãi bất cứ cá thể nào, cho dù là một vị trời, Phật giáo không dựa trên sự sợ hãi của vô minh.

Katamo ca puggalo ottappī: Tattha katamaṃ ottappaṃ: Yaṃ ottappati ottappitabbena, ottappati pāpakānaṃ akusalānaṃ dhammānaṃ samāpattiyā, idaṃ vuccati ottappaṃ. Iminā ottappena samannāgato puggalo ottappī.

Người hữu úy ra sao? Điều kiện hữu úy ra sao? Pháp nào mà ghê sợ sự vật đáng ghê sợ bằng lối phải đến tội ác, ghê sợ như thế gọi là điều kiện úy. Nếu ai bỏ được sự ghê sợ như thế gọi là người hữu úy. (Puggala paññatti – câu 72)

Katamaṃ tasmiṃ samaye ottappaṃ hoti? Yaṃ tasmiṃ samaye ottappati ottappitabbena, ottappati pāpakānaṃ akusalānaṃ dhammānaṃ samāpattiyā - idaṃ tasmiṃ samaye ottappaṃ hoti. (Dhs. 54)

Úy trong khi có ra sao? Trạng thái ghê sợ với hành động ác xấu đáng ghê sợ, thái độ ghê sợ với những tội ác có trong khi nào, thì úy vẫn có trong khi ấy.

Úy (ottappa) đối lập với vô úy (anottappa) và là pháp có thể khơi nguồn cho những phần pháp sau. Tàm (hirī) sinh khởi với sự tôn trọng tự thân, trong khi úy (ottappa) sinh khởi với sự tôn trọng tha nhân. Giả sử có một gậy sắt, một đầu của cây gậy được đốt nóng cho đến khi cháy đỏ và đầu còn lại bị dính những chất bẩn, có người không dám chạm vào một đầu gậy do ghê tởm và không dám chạm vào đầu gậy còn lại do ghê sợ. Tàm (hirī) được ví như trường hợp trước và úy (ottappa) được ví như trường hợp sau.

Tàm (hirī) và úy (ottappa), ngăn chúng sanh khỏi những thú tính, không cho phép xảy ra những hành vi ác xấu như là việc quan hệ tình dục giữa mẹ và con trai, hay giữa cha và con gái v.v… cho dù vào thời điểm kém văn minh nhất. Do đó, tàm (hirī) và úy (ottappa) được gọi là Lokapāla dhamma, tức là pháp hộ trì thế gian.[88]

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu úy:

- Trạng thái là ghê sợ với tội (pāpa uttāsanalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là không làm tội (pāpānaṃ akaraṇarasaṃ).

- Thành tựu là sự ngần ngại với tội (pāpatosaṅkocanapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là tôn trọng người (paragāravapadaṭṭhānaṃ).

(5) Alobha (vô tham)[89]

Vô tham (alobha) là không ham muốn, không nhiễm đắm và không chấp cứng với cảnh. Vô tham (alobha) là pháp không dính mắc vào vật dục và không ích kỷ là trạng thái chính của vô tham (alobha), trái ngược với tham (lobha). Ví như giọt nước chảy khỏi lá sen mà không dính lá sen. Vô tham (alobha) thoát khỏi những vật dục mà không dính hay bám vào chúng; ví như một vị Arahaṃ (Arahat) là người hoàn toàn không tham.

Khi chúng sanh không dính mắc vào tài sản của mình, vị ấy có thể xả thí tiền, xả thí vật chất cho việc từ thiện. Vô tham (alobha) thể hiện qua hình thức rộng lượng hay hào phóng.

Vô tham (alobha) đối lập với tham (lobha) và có thể khắc chế tham (lobha). Vô tham (alobha) là một trong ba căn thiện, là một đức hạnh tốt liên quan đến lòng vị tha.

Katamo tasmiṃ samaye alobho hoti? Yo tasmiṃ samaye alobho alubbhanā alubbhitattaṃ asārāgo asārajjanā asārajjitattaṃ anabhijjhā alobho kusalamūlaṃ - ayaṃ tasmiṃ samaye alobho hoti. (Dhs. 47)

Vô tham trong khi có ra sao? Khi nào có vô tham là trạng thái không ham muốn, không nhiễm đắm, không tham ác, không mong mỏi, không tham vọng, cách không tham, hành vi không tham, tức là căn thiện vô tham. Như thế gọi là vô tham vẫn có trong khi ấy.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu vô tham:

- Trạng thái là không ham muốn cảnh (agedhalakkhaṇo) hay là không mắc dính theo cảnh (alaggabhāvalakkhaṇo) như một giọt nước trên lá sen.

- Phận sự là không chấp cứng (apariggaharaso).

- Thành tựu là không dính mắc cảnh đáng ưa thích (anallīnapaccupaṭṭhāṇo).

- Nhân cận là tác ý khéo (yonisomanasikārapadaṭṭhāno).

 

(6) Adosa (vô sân)[90] hay mettā (từ) (bắt nguồn từ căn mid)

Vô sân (adosa) là không giận, không buồn, không khóc lóc. Vô sân (adosa) là pháp đối lập với sân (dosa) và có thể khắc chế sân (dosa), còn gọi là từ (mettā). Vô sân không chỉ thiếu vắng sự ganh ghét hay ác cảm, mà còn là một đức hạnh tốt.

Sân (dosa) có trạng thái thô lỗ, cứng sượng và ác độc, trong khi trạng thái của vô sân (adosa) là tính nhu mì và sự bao dung. Sân (dosa) ví như kẻ thù, trong khi vô sân (adosa) ví như một người bạn tốt dễ chịu. Vô sân (adosa) cũng được xem như thiện chí với bản chất thiện và lợi ích của nó.

Khi nào vô sân (adosa) hướng sự chú ý đến chúng sanh, cầu mong cho họ đặng hạnh phúc, khi ấy vô sân được gọi là ‘mettā’, tức là ‘từ’ hay lòng trắc ẩn.

Vô sân (adosa) cũng là một trong ba căn thiện.

Katamo tasmiṃ samaye adoso hoti? Yo tasmiṃ samaye adoso adussanā adussitattaṃ[91] avyāpādo avyāpajjho adoso kusalamūlaṃ - ayaṃ tasmiṃ samaye adoso hoti.

Vô sân trong khi có ra sao? Khi nào không có sự giận dỗi, không hờn, không tức mình, không tính hại, không nghĩ đến sự ác độc tức là căn thiện vô sân. Như thế gọi là vô sân có trong khi ấy. (Dhs. 48)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu vô sân:

- Trạng thái là không hung ác (acaṇdikkalakkhaṇo) hay là không phẫn nộ (avirodha-lakkhaṇo).

- Phận sự là không gây thù oán, không nóng nảy (āghātapariḷāhavinayaraso).

- Thành tựu là trong trẻo như trăng rằm (sammabhāvapaccupaṭṭhāna).

- Nhân cận là tác ý khéo (yonisomanasikārapadaṭṭhāno).

(7) Tatramajjattatā (trung bình) (Vsm. XIV- Uẩn Xiển Minh)

Trung bình (tatramajjattatā) có trạng thái chính của tatramajjattatā là nhìn hay quan sát cảnh vô tư, không thiên vị, ‘giữ tất cả các pháp quân bình’, điều hòa những pháp đồng sanh cho bằng với nhau không thái quá bất cập hay chênh lệch so le, tức là dung hòa các pháp đi chung.

Trung bình được ví như người đánh xe ngựa điều khiển hai con ngựa thuần thục chạy đồng bước. Nó cũng đóng vai trò như người chủ tọa của buổi họp trao cơ hội công bằng đến những cộng sự. Trung bình giúp quân bình tâm (citta) và những sở hữu tâm (cetasika) câu sanh cùng hành động nhịp nhàng, ngăn chặn bất cứ sự vượt trội quá mức hay lui sụt kém cỏi nào.

Với ý nghĩa bình thản, nó thường được gọi là xả (upekkhā), là trạng thái trung bình giữa bi (karuṇā) và tùy hỷ (muditā). Upekkhā này (tức là tatramajjattatā) nuôi dưỡng chân giá trị của 1 trong 7 bojjhaṅga (giác chi). Nó khác với xả thọ (upekkhā vedanā).

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu trung bình:

- Trạng thái là cách dìu dắt, quân bình những pháp đồng sanh (samavāhita-lakkhaṇā).

- Phận sự là ngăn pháp hợp nhau không cho thái quá bất cập (unādhikatānīvaraṇarasā).

- Thành tựu là trung bình đối với cảnh (majjhattabhāvapaccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có chư pháp tương ưng (sampayuttadhammapadaṭṭhānā).

(8, 9) Kāya-passaddhi citta-passaddhi (Dhs. 55, 56) (Passambh + ti = passadhti = passaddhi)

Tịnh thân và tịnh tâm. Ở đây ‘kāya’ không có nghĩa là ‘thân thể’; mà chỉ cho nhóm sở hữu (danh pháp câu sanh với tâm).

Passaddhi là sự yên tịnh, sự yên lặng, sự yên tĩnh, sự thanh bình.

Cũng thế, kāya-passaddhi (tịnh thân) là sự yên tịnh của những sở hữu hay những danh pháp câu sanh, trong khi citta-passaddhi (tịnh tâm) là sự yên tịnh của tâm (citta).

Từ passaddhi (yên tịnh) cho đến ujjukatā (chánh) có 6 đôi cetasika (sở hữu tâm) đi với kāya (thân) và citta (tâm). Lý do Đức Phật trình bày những pháp này theo đôi là vì chúng cùng nhau sinh khởi và chúng cùng kháng lại những pháp đối lập với chúng.

Trường hợp của saddhā (tín), sati (niệm), hirī (tàm), v.v…, được trình bày đơn lẻ bởi do chỉ mỗi pháp ấy có thể kháng lại pháp đối lập với chúng.

Với citta passaddhi (tịnh tâm), chỉ có tâm yên tịnh. Với kāya-passaddhi (tịnh thân), không chỉ là những sở hữu tâm (những danh pháp câu sanh) yên tịnh, nhưng thân cũng yên tịnh do sự lan truyền của sắc tâm thiện, đó là tâm trợ duyên cho sắc pháp sanh.

Passaddhi có đặc điểm chính là ngăn hay làm giảm sự sôi nổi của sự sân giận. Nó đóng vai trò như bóng mát của một cây đến người bị tác động bởi nhiệt mặt trời.

Passaddhi (yên tịnh) đối lập với kukkucca (hối hận). Khi phát triển cao độ, passaddhi trở thành một chi của giác ngộ (bojjhaṅga).[92]

Katamā tasmiṃ samaye kāyapassaddhi hoti? Yā tasmiṃ samaye vedanākkhandhassa saññākkhandhassa saṅkhārakkhandhassa passaddhi paṭippassaddhi[93] passambhanā paṭippassambhanā[94] paṭippassambhitattaṃ[95] ayaṃ tasmiṃ samaye kāyapassaddhi hoti.

Tĩnh[96] thân trong khi có ra sao? Trạng thái tĩnh, tự yên, tự tĩnh, thái độ tĩnh, cách tự yên tĩnh của thọ uẩn, tưởng uẩn và hành uẩn có trong khi nào, thì tĩnh thân có trong khi ấy. (Dhs. 55)

Katamā tasmiṃ samaye cittapassaddhi hoti? Yā tasmiṃ samaye viññāṇakkhandhassa passaddhi paṭippassaddhi passambhanā paṭippassambhanā paṭippassambhitattaṃ - ayaṃ tasmiṃ samaye cittapassaddhi hoti.

Tĩnh tâm trong khi có ra sao? Trạng thái tĩnh, tự yên, tự tĩnh, thái độ tĩnh, cách tự yên tĩnh của thức uẩn có trong khi nào, thì tĩnh tâm có trong khi ấy. (Dhs. 56)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu tịnh thân và tịnh tâm:

- Trạng thái là yên tịnh của sở hữu tâm và tâm, lìa sự động của phiền não (kāyacittadaratha-vūpasamalakkhaṇā).

- Phận sự là sở hữu tâm và tâm bài trừ cách hành động của phiền não (kāyacittadaratha-nimmaddanarasā).

- Thành tựu là sở hữu tâm và tâm yên tịnh, mát mẻ (kāyacittānaṃsantasātala-paccupaṭṭhāṇā).

- Nhân cận là có sở hữu tâm và tâm (kāyacittapadaṭṭhānā).

 (10, 11) Kāya-lahutā và citta-lahutā (Dhs. 57, 58)

Lahutā (khinh) là sự nhẹ nhàng hay nhanh nhẹn. Trạng thái chính của kāya-lahutā (khinh thân) là ngăn chặn sự nặng nề của những danh pháp câu sanh (sở hữu tâm); trạng thái chính của citta-lahutā (khinh tâm) là ngăn chặn sự nặng nề của tâm. Nó là sự đặt gánh nặng xuống.

Kāya lahutācitta-lahutā (khinh thân và khinh tâm) đối lập với thīnamiddha (hôn trầm và thùy miên) là những pháp gây ra sự nặng nề và cứng sượng cho những danh pháp câu sanh (sở hữu tâm và tâm).

Katamā tasmiṃ samaye kāyalahutā hoti? Yā tasmiṃ samaye vedanākkhandhassa saññākkhandhassa saṅkhārakkhandhassa lahutā lahuparināmatā adandhanatā avitthanatā - ayaṃ tasmiṃ samaye kāyalahutā hoti.

Khinh thân trong khi có ra sao? Sự nhẹ nhàng, cách thay đổi nhẹ nhàng, không nặng nề, không sần sượng của thọ uẩn, tưởng uẩn và hành uẩn có trong khi nào thì khinh thân có trong khi ấy. (Dhs. 57)

Katamā tasmiṃ samaye cittalahutā hoti? Yā tasmiṃ samaye viññāṇakkhandhassa lahutā lahuparināmatā adandhanatā avitthanatā - ayaṃ tasmiṃ samaye cittalahutā hoti.

Khinh tâm trong khi có ra sao? Sự nhẹ nhàng, cách thay đổi nhẹ nhàng, không nặng nề, không sần sượng của thức uẩn có trong khi nào, thì khinh tâm vẫn có trong khi ấy. (Dhs. 58)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu khinh thân và khinh tâm:

- Trạng thái là nhẹ nhàng sở hữu tâm và tâm không nặng nề (kāyacittagarubhāvavūpasama-lakkhaṇā).

- Phận sự là sở hữu tâm và tâm bài trừ sự nặng nề (kāyacittagarubhāvanimmaddanarasā).

- Thành tựu là sự không đình trệ của sở hữu tâm và tâm (kāyacittānaṃ adandhatāpaccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có sở hữu tâm và tâm (kāyacittapadaṭṭhāṇā).

(12, 13) Kāya-mudutā và citta-mudutā (Dhs. 59, 60)

Kāya-mudutā (nhu thân) và citta-mudutā (nhu tâm). Hai sở hữu tâm (cetasika) này chỉ cho sự mềm dẻo, linh hoạt của những danh pháp câu sanh (sở hữu tâm và tâm) theo thứ tự.

Chúng loại trừ tính cứng trong tâm gây ra bởi những sở hữu bất thiện như diṭṭhi (tà kiến) và māna (ngã mạn).

Mudutā (nhu) được ví như sự mềm dẻo của da khi được chăm sóc tốt bằng cách thoa dầu, nước v.v… mudutā (nhu) là pháp đối lập với tà kiến và ngã mạn.

Katamā tasmiṃ samaye kāyamudutā hoti? Yā tasmiṃ samaye vedanākkhandhassa saññākkhandhassa saṅkhārakkhandhassa mudutā maddavatā akakkhaḷatā akaṭhinatā - ayaṃ tasmiṃ samaye kāyamudutā hoti. (Dhs. 59)

Nhu thân trong khi có ra sao? Sự mềm, sự dịu, không cứng, không kiên ngạnh của thọ uẩn, tưởng uẩn và hành uẩn có trong khi nào, thì nhu thân có trong khi ấy.

Katamā tasmiṃ samaye cittamudutā hoti? Yā tasmiṃ samaye viññāṇakkhandhassa mudutā maddavatā akakkhaḷatā akaṭhinatā - ayaṃ tasmiṃ samaye cittamudutā hoti.

Nhu tâm trong khi có ra sao? Sự mềm, sự dịu, không cứng, không kiên ngạnh của thức uẩn có trong khi nào, thì nhu tâm có trong khi ấy. (Dhs. 60)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu nhu thân và nhu tâm:

- Trạng thái là mềm dịu của sở hữu tâm và tâm (kāyacittathoddhatāsama-lakkhaṇā).

- Phận sự là hạn chế cách cứng cỏi, sượng sần của sở hữu tâm và tâm (kāyacittathaddhabhāvanimaddanarasā).

- Thành tựu là sở hữu tâm và tâm không uể oải (appaṭighātapaccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có sở hữu tâm và tâm (kāyacittapadaṭṭhānā).

(14, 15) Kāya-kammaññatā và citta-kammaññatā (Dhs. 61, 62) (Kamma + nya + tā = Kammanyatā = Kammaññyatā)

Thích thân (kāya-kammaññatā) và thích tâm (citta-kammaññatā), hai sở hữu tâm này chỉ cho khả năng thích ứng của những danh pháp câu sanh (sở hữu tâm và tâm) và tính tốt đẹp trong việc thực hiện nhiệm vụ của chúng.

Trạng thái chính của chúng là ngăn ngừa sự không thích ứng hay không thể làm của tâm (citta) và những sở hữu.

Như được nêu trong chú giải bộ Pháp Tụ rằng hai sở hữu tâm (cetasika) này làm yên tịnh (pasāda), thuận lợi trong các pháp lợi ích và có thể thích nghi như vàng ròng.

Katamā tasmiṃ samaye kāyakammaññatā hoti? Yā tasmiṃ samaye vedanākkhandhassa saññākkhandhassa saṅkhārakkhandhassa kammaññatā kammaññattaṃ kammaññabhāvo - ayaṃ tasmiṃ samaye kāyakammaññatā hoti.

Thích thân trong khi có ra sao? Sự thích hợp với việc làm, cách thích hợp với việc làm, trạng thái thích hợp việc làm của thọ uẩn, tưởng uẩn và hành uẩn có trong khi nào, thì thích thân có trong khi ấy. (Dhs. 61)

Katamā tasmiṃ samaye cittakammaññatā hoti? Yā tasmiṃ samaye viññāṇakkhandhassa kammaññatā kammaññattaṃ kammaññabhāvo - ayaṃ tasmiṃ samaye cittakammaññatā hoti.

Thích tâm trong khi có ra sao? Sự thích hợp với việc làm, cách thích hợp với việc làm, trạng thái thích hợp việc làm của thức uẩn có trong khi nào, thì thích tâm vẫn có trong khi ấy. (Dhs. 62)

 Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu thích thân và thích tâm:

- Trạng thái là sở hữu tâm và tâm không lìa cách thích hợp công việc thiện (kāyacitta akam-maññatāsamalakkhaṇā).

- Phận sự là sở hữu tâm và tâm bài trừ cách không thích hợp với công việc (akammañña-niddhamanarasā).

- Thành tựu là sở hữu tâm và tâm tiếp cảnh đầy đủ (ārammaṇakaraṇasampatti-paccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có sở hữu tâm và tâm (kāyacittapadaṭṭhānā).

(16, 17) Kāya-pāguññatā và citta-pāguññatā (Dhs. 63, 64)

Thuần thân (kāya-pāguññatā) và thuần tâm (citta-pāguññatā) chỉ cho sự thành thạo hay thuần thục của những danh pháp câu sanh (sở hữu tâm và tâm) trong việc làm của chúng. Trạng thái chánh của chúng là ngăn ngừa bệnh hoạn của những danh pháp câu sanh (sở hữu tâm và tâm).

Katamā tasmiṃ samaye kāyapāguññatā hoti? Yā tasmiṃ samaye vedanākkhandhassa saññākkhandhassa saṅkhārakkhandhassa paguṇatā paguṇattaṃ paguṇabhāvo - ayaṃ tasmiṃ samaye kāyapāguññatā hoti. (Dhs. 63)

Thuần thân trong khi có ra sao? Sự thuần thục, cách thuần thục, trạng thái thuần thục của thọ uẩn, tưởng uẩn và hành uẩn có trong khi nào, thì thuần thân vẫn có trong khi ấy.

Katamā tasmiṃ samaye cittapāguññatā hoti? Yā tasmiṃ samaye viññāṇakkhandhassa paguṇatā paguṇattaṃ paguṇabhāvo - ayaṃ tasmiṃ samaye cittapāguññatā hoti.

Thuần tâm trong khi có ra sao? Sự thuần thục, cách thuần thục, trạng thái thuần thục của tâm có trong khi nào, thì thuần tâm vẫn có trong khi ấy. (Dhs. 64)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu thuần thân và thuần tâm:

- Trạng thái là làm cho bệnh sôi nổi, nóng nảy của sở hữu và tâm đặng yên tịnh (kāyacittagelaññavūpasamalakkhaṇā).

- Phận sự là thủ tiêu nóng nảy của sở hữu tâm và tâm (kāyacitta-gelaññanimaddanarasā).

- Thành tựu là xa lìa tội lỗi, phiền não (nirādīnavapaccupaṭṭhānā) hoặc xa lìa bệnh tà kiến, ngã mạn v.v… (aragayapaccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có sở hữu tâm và tâm (kāyacittapadaṭṭhānā).

(18, 19) Kāyujjukatā và cittujjukatā (Dhs. 65, 66)

Chánh thân (kāyujjukatā) và chánh tâm (cittujjukatā) chỉ cho sự chánh trực, sự thẳng thắn trong những danh pháp câu sanh và tâm theo tuần tự. Do đó, hai pháp này đối lập với sự quanh co, dối trá hay xảo trá với sự ảo tưởng, giả dối (māyā) và sự gian trá (sātheyya).

19 sở hữu tịnh hảo đã nêu trên trở nên dễ thấy đối với người thường thực hiện những hành động như xả thí, trì giới và tham thiền. Khi chúng cùng phối hợp với những tâm tịnh hảo (sobhaṇacitta), những pháp này được gọi là sobhaṇa-sādhāranacetasika (những sở hữu tịnh hảo biến hành).

Katamā tasmiṃ samaye kāyujjukatā hoti? Yā tasmiṃ samaye vedanākkhandhassa saññākkhandhassa saṅkhārakkhandhassa ujutā ujjukatā ajimhatā avaṅkatā akuṭilatā - ayaṃ tasmiṃ samaye kāyujjukatā hoti. (Dhs. 65)

Chánh thân trong khi có ra sao? Sự ngay thẳng, cách ngay thẳng, không cong vạy, không co vẹo của thọ uẩn, tưởng uẩn và hành uẩn có trong khi nào, thì chánh thân có trong khi ấy. (Dhs. 66)

Katamā tasmiṃ samaye cittujjukatā hoti? Yā tasmiṃ samaye viññāṇakkhandhassa ujutā ujjukatā1 ajimhatā avaṅkatā akuṭilatā - ayaṃ tasmiṃ samaye cittujjukatā hoti.

Chánh tâm trong khi có ra sao? Sự ngay thẳng, cách ngay thẳng, không cong vạy, không co vẹo của thức uẩn có trong khi nào, thì chánh tâm vẫn có trong khi ấy.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu chánh thân và chánh tâm:

- Trạng thái là cách chánh trực của sở hữu tâm và tâm (kāyacitta ajjava-lakkhaṇā).

- Phận sự là tiêu diệt cách không chánh trực của sở hữu tâm và tâm (kāyacitta-kuṭilabhāvaniddamanarasā).

- Thành tựu là không vạy vọ (ajimhatāpaccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có sở hữu tâm và tâm (kāyācittapadaṭṭhānā).

 

Từ sở hữu tín (saddhā) đến sở hữu chánh tâm (cittujukatācetasika) là 19 sở hữu tịnh hảo biến hành (sobhanasādhāraṇa-cetasika) là những sở hữu phối hợp đủ với tất cả tâm tịnh hảo.

(B) Sở Hữu Ngăn Trừ (Virati Cetasika)

 

§7. Sammāvācā sammākammanto sammāājīvo ceti tisso viratiyo nāma.

Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng. Ba sở hữu tâm này gọi là sở hữu ngăn trừ.

Viraṭi = Vi + căn ram. Ba virati cetasika (sở hữu ngăn trừ phần) được gọi là những sīla maggaṅga (chi đạo giới). Chúng tạo thành sīla sikkhā (học giới) là nền tảng của 8 chi đạo, đó là:

(20) Sammā-vācā = chánh ngữ.

(21) Sammā-kammanta = chánh nghiệp.

(22)  Sammā-ajīva = chánh mạng.

Giải thích:

(20) Sammā-vācā (chánh ngữ)

Sammā-vācā (chánh ngữ) có bốn phần, tức là ngăn ngừa khỏi:

1) Musāvādā = nói dối, vọng ngữ.

2) Pisuṇavācā = nói lời đâm thọc, nói hai lưỡi, nói phỉ báng.

3) Pharusavācā = nói lời ác độc, ác ngữ.

4) Samphappalāpa = nói nhảm nhí, vô ích, tạp uế.

Khi chúng sanh đối diện với việc phạm một trong 4 phần trên và vị ấy từ chối việc phạm, vị ấy đạt được sammā-vācā (chánh ngữ) tức thì trong sự ngăn ngừa.

Katamā tasmiṃ samaye sammāvācā hoti? Yā tasmiṃ samaye catūhi vacīduccaritehi ārati virati paṭivirati veramaṇī akiriyā akaraṇaṃ anajjhāpatti velā-anatikkamo setughāto sammāvācā maggaṅgaṃ maggapariyāpannaṃ, ayaṃ tasmiṃ samaye sammāvācā hoti.

Chánh ngữ trong khi có ra sao? Sự chừa bỏ, cách chừa bỏ, càng chừa bỏ, tránh xa không làm, không đá động, không hiệp tác, không phạm đến tứ ác ngữ, chánh ngữ là chi của đạo, trọn liên hệ trong đạo, lời nói chơn chánh có trong khi nào, thì chánh ngữ có trong khi ấy. (Dhs. 218)

(21) Sammā-kammanta (chánh nghiệp)

Sammā-kammanta (chánh nghiệp) ở đây nghĩa là thân hành động ngăn ngừa khỏi:

(1) Pāṇātipātā = sát, giết (chúng sanh).

(2) Adinnādānā = trộm cắp.

(3) Kāmesu Michhācārā = tà dâm.

Và nữa, khi chúng sanh đối diện với việc phạm một trong những ác hạnh trên mà từ chối việc phạm, vị ấy đạt được sammā-kammanta (chánh nghiệp) tức thì trong sự ngăn ngừa.

Katamo tasmiṃ samaye sammākammanto hoti? Yā tasmiṃ samaye tīhi kāyaduccaritehi ārati virati paṭivirati veramaṇī akiriyā akaraṇaṃ anajjhāpatti velā-anatikkamo setughāto sammākammanto maggaṅgaṃ maggapariyāpannaṃ, ayaṃ tasmiṃ samaye sammā kammanto hoti. (Dhs. 219)

Chánh nghiệp trong khi có ra sao? Sự chừa bỏ, cách chừa bỏ, càng chừa bỏ, tránh xa, không làm, không đá động, không hiệp tác, không phạm ba thân ác hạnh, chánh nghiệp là chi của đạo, trọn liên hệ trong đạo, hành động chơn chánh có trong khi nào, thì chánh nghiệp có trong khi ấy.

(22) Sammā-ājīva (chánh mạng)

Sammā-ājīva (chánh mạng) nghĩa là kiêng khem, từ chối nghề mà mang lại sự tai hại cho chúng sanh khác, như là mua bán vũ khí, chúng sanh, chất say và chất độc cũng như sự giết hại, câu cá, nghiệp binh đao, gian dối lừa lọc, bói toán, lừa đảo, v.v…

Katamo tasmiṃ samaye sammā-ājīvo hoti? Yā tasmiṃ samaye micchāājīvā ārati virati paṭivirati veramaṇī akiriyā akaraṇaṃ anajjhāpatti velā-anatikkamo setughāto sammā-ājīvo maggaṅgaṃ maggapariyāpannaṃ, ayaṃ tasmiṃ samaye sammā-ājīvo hoti.  

Chánh mạng trong khi có ra sao? Sự chừa bỏ, cách chừa bỏ, càng chừa bỏ, tránh xa không làm, không đá động, không hiệp tác, không phạm tà mạng, chánh mạng là chi của đạo, trọn liên hệ trong đạo, sự nuôi mạng chơn chánh có trong khi nào, thì chánh mạng có trong khi ấy. (Dhs. 220)

Ba sở hữu trên gọi chung là sở hữu giới phần (viratīcetasika) cùng có 4 ý nghĩa như sau:

- rạng thái là ngăn trừ khỏi làm thân, khẩu ác (viratīduccarita avītikkamalakkhaṇā).

- Phận sự là thoái thác khỏi thân, khẩu ác (tatosaṅkocanarasā).

- Thành tựu là không đành làm thân, khẩu ác (akiriyapaccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có ân đức tài sản của bậc hiền triết như là tín, niệm, tàm, úy và thiểu dục (saddhāsatihiriottappa appicchatādiguṇapadaṭṭhānā).

Sở hữu giới phần (viraticetasika) phối hợp với 8 tâm đại thiện và 8 hoặc 40 tâm siêu thế. Nhưng đối với tâm siêu thế hợp nhất định và đủ luôn luôn, nên trong văn lục bát nói: “Giới phần mười sáu hiệp chan”. Đối với tâm siêu thế phối hợp nhất định, mỗi lần đều có và đủ ba. Còn phối hợp với đại thiện thì bất định, khi có khi không và hiệp riêng mỗi thứ.

 

(C) Sở Hữu Vô Lượng (Appamaññā Cetasika) có 2

 

§8. Karuṇā muditā appamaññāyo nāmāti sabbathāpi paññindriyena saddhiṃ pañcavīsatime cetasikā sobhanāti veditabbā.

Bi, tùy hỷ gọi là sở hữu vô lượng, với trí quyền. Tất cả thành 25 sở hữu tịnh hảo nên được biết.

 (23) Karuṇā = Bi

(24) Muditā = Tùy hỷ

Có bốn trạng thái vô lượng hay vô hạn. Để nêu theo thứ tự thường được tu tập, đó là mettā (từ), karuṇā (bi), muditā (tùy hỷ) và upekkhā (xả).

Hai pháp đã được trình bày ở trên là mettā (từ) được gom trong adosa (vô sân) và upekkhā (xả) trong tatramajjattatā (trung bình). Do đó, chỉ có hai pháp còn lại sẽ được trình bày ở đây.

Trong việc tu tiến bất cứ pháp nào trong bốn vô lượng, chúng ta có thể hướng sự chú tâm đến một chúng sanh hay tất cả chúng sanh trong thế gian. Do đó, những pháp này được gọi là ‘vô lượng’.

- Trong việc tu tiến pháp ‘từ’ (mettā), chúng ta niệm ‘mong cho tất cả đặng sự an vui’.

- Trong việc trau dồi pháp ‘bi’ (karanā), chúng ta niệm ‘mong cho tất cả thoát khỏi những khổ’.

- Trong việc tu tập pháp ‘tùy hỷ’ (muditā), chúng ta hoan hỷ trước sự thành tựu của chúng sanh và niệm ‘mong cho họ đạt được những lợi ích lâu dài’.

- Trong việc tu tiến pháp ‘xả’ (upekkhā), chúng ta duy trì sự quân bình tâm và niệm: ‘Dù cho tất cả chúng sanh như thế nào đều do nghiệp của họ’.

Người nào rải khắp thế gian với pháp từ (mettā), bi (karuṇā), tùy hỷ (muditā) và xả (upekkhā) thì được gọi là sống trong cõi trời hay Phạm thiên. Do đó, bốn vô lượng cũng được gọi là “Brahma-vihāra”, tức là Phạm trú.

Mettā (từ) (bắt nguồn từ căn mid) là thành thật mong những điều tốt đẹp và lợi ích cho tất cả. Nó loại trừ những ác tâm là pháp đối lập trực tiếp. Kẻ thù gián tiếp của nó là tình thương (pema). Trạng thái chánh của nó là thái độ nhân từ.

(23)  Karuṇā (bi)[97] (căn Kar làm, chế tạo + unā)

“Bi” là cách thương hại, tội nghiệp cho chúng sanh đang và sẽ khổ, tức là không đành để cho chúng sanh chịu những khổ hay là muốn cứu khổ cho chúng sanh. ‘Bi’ làm cho tâm của hiền nhân rung động khi chúng sanh bị đau khổ với nỗi đau; trạng thái chánh là mong nhổ cái khổ của chúng sanh. Nó loại trừ sự hung ác và nguy hại (hiṃsa) là pháp đối lập trực tiếp. Kẻ thù gián tiếp là pháp ưu (domanassa).

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu bi:

- Trạng thái là mong muốn chúng sanh khỏi khổ (paradukkhāpanayanākārapavatti-lakkhaṇā).

- Phận sự là không chịu nổi để nhìn coi chúng sanh (ngoài ra ta) chịu khổ (paradukkhāsahanarasā).

- Thành tựu là không ép uổng chúng sanh (ngoài ra ta) (avihiṃsapaccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có chúng sanh thọ khổ (dukkhābhibhūtānaṃ anāthabhāvadassana-padaṭṭhānā).

(24)  Muditā (tùy hỷ)[98] (bắt nguồn từ căn mud) không chỉ vui theo, đồng cảm mà còn vui cảm kích, vui theo sự tiến hóa lợi ích phần tốt của người khác như là: Thấy người tạo phước có tâm đồng ý v.v… hay thấy người được hưởng sự vui cao siêu chơn chánh cũng mừng giùm. Trạng thái chính của tùy hỷ là hoan hỷ trước sự thịnh vượng của chúng sanh khác. Pháp đối lập trực tiếp của pháp này là pháp ganh tị, tật đố (issā) và kẻ thù gián tiếp là sự vui thích (pahāsa). Tùy hỷ ngoại trừ sự ghét (arati).

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu tùy hỷ:

- Trạng thái là lạc quan với sự yên vui của người khác (pamodanalakkhaṇā).

- Phận sự là không ganh tị với sự yên vui, lợi ích tiến hóa của người khác (anissāyanarasā).

- Thành tựu là phá trừ cái không tùy hỷ (arativighātapaccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có tài sản của người khác (parasampattipadaṭṭhānā) hoặc tốt đẹp hay quyền tước (lakkhidassanapadaṭṭhānā).

Bi và tùy hỷ gồm lại gọi là sở hữu vô lượng phần (appamaññācetasika) nghĩa là đối với vô lượng chúng sanh; chẳng phải chỉ giới hạn nơi một chúng sanh hay trong phần nào có hạn định.

Sở hữu vô lượng phần phối hợp với 8 tâm đại thiện, 8 tâm đại tố và 12 tâm sắc giới câu hành hỷ, không nhất định và đi riêng, nên văn lục bát nêu: “Đẳng phần hai mươi tám hiệp đoàn chẳng dư” (chữ đẳng là văn quyền thế cho chữ vô lượng). Hai sở hữu tâm này hiệp không nhất định và đi riêng.

Upekkhā (xả) hay trung bình (Upa = công bằng, không thiên vị, vô tư, thích đáng + căn ikkh) là đối với tất cả chúng sanh một cách vô tư, công bằng, không thiên vị, dù thương hay ghét. Xả là trạng thái quân bình của tâm. Pháp đối lập trực tiếp là tham luyến (rāga) và kẻ thù gián tiếp là không thông minh, không hiểu biết, sự lãnh đạm, thờ ơ. Trạng thái chính của pháp này là thái độ công bằng, vô tư.

 

(D) Sở Hữu Trí (Pañña)

 

(25)  Trí Quyền (Paññindriya)[99] hay Vô si (Amoha)

Pa = đúng đắn; ñā, biết; paññā, theo nghĩa đen là biết đúng.

Paññā là trí hay sự sáng suốt và indriya là quyền điều hành.

Paññindriya (trí quyền) là cai quản trong phần hiểu biết thấu đáo, tức là phần sáng suốt của tâm hoặc gọi trí hay gọi tuệ (paññā, ñāṇa) cũng là một pháp. Paññindriya (trí quyền) có quyền trong sự hiểu biết thực tính của các pháp như chúng đang là, tức là thấy về aniccā (vô thường), dukkhā (khổ) và anattā (vô ngã). Bởi vì trí khắc chế vô minh, nó được gọi là amoha (vô si, không mê mờ hay tuệ). ‘Trí’ có thể dỡ bỏ màn che của si (moha) khỏi sự vẩn đục pháp nhãn của chúng sanh và loại bỏ sự chìm đắm trong bóng tối do si (moha) hay avijjā (vô minh), nó được gọi là vijjā (minh).

Paññindriya (trí quyền) được gọi theo thông thường là ‘paññā cetasika (sở hữu trí)’. Trong Abhidhamma (Vô Tỷ Pháp), paññā (trí), ñāṇa (tuệ) và amoha (vô si) là đồng nghĩa. Amoha (vô si) là một trong ba căn thiện, là một trong bốn ý nghĩa đạt đến mục đích của chúng sanh iddhipāda (như ý túc), paññā mang tên vīmaṃsā (tuệ phân tích hay thẩm).

Sau khi đã thanh tịnh giới rồi tiến hành tu tập pháp chỉ đạt đến thanh tịnh tâm, paññā (trí) đảm trách vai trò quyền lực của abhiññā (thông hay trí siêu phàm). Khi đã phát triển cao độ, paññā (trí) trở thành một bojjhaṅga (giác chi) dưới tên gọi dhamma vicaya (trạch pháp) và cũng là một chi trong tám Thánh đạo dưới tên gọi là sammā diṭṭhi (chánh kiến). Tột đỉnh của trí là trí toàn tri của Đức Phật.

Katamaṃ tasmiṃ samaye paññindriyaṃ hoti? Yā tasmiṃ samaye paññā (pajānanā) vicayo pavicayo dhammavicayo sallakkhaṇā upalakkhaṇā paccupalakkhaṇā paṇḍiccaṃ kosallaṃ nepuññaṃ vebhavyā cintā upaparikkhā bhurī medhā parināyikā vipassanā sampajaññaṃ patodo paññā paññindriyaṃ paññābalaṃ paññāsatthaṃ paññāpāsādo paññāāloko paññāobhāso paññāpajjoto paññāratanaṃ amoho dhammavicayo sammādiṭṭhi-idaṃ tasmiṃ samaye paññindriyaṃ hoti.

Tuệ quyền trong khi có ra sao? Khi nào có tuệ là sáng suốt, khôn khéo, nhận rõ, hiểu thấu, lương tri, trạch pháp, lựa chọn, nghiên cứu, hiểu biết rõ đặc tính, thấu vi tế, cách trí thức, cách hiểu rành, sự nghĩ ngợi, suy xét rõ, gạn xét, quán xét, lương tri, tuệ như ngọc, tuệ như đèn, tuệ như ánh sáng, tuệ như gươm, tuệ như vũ khí, tuệ như đại địa, tuệ như hoàng cung, tuệ như kẻ dẫn đường, (tuệ trừ tuyệt phiền não), cũng là vô si, tuệ quyền, chánh kiến có trong khi nào, thì tuệ quyền vẫn có trong khi ấy. (Dhs. 31)

Trí, tuệ quyền, chánh kiến, tuệ lực, lương tri, (pháp) quán là pháp bản thể thực tính.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu trí: [100]

- Trạng thái là thông thấu hiểu rõ đúng đắn (yathābhutapaṭivedhalakkhaṇā).

- Phận sự là làm cho cảnh rõ rệt (visayobhāsanarasā).

- Thành tựu là không mê với cảnh (asammohapaccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là tác ý khéo (yonisomanasikārapadaṭṭhānā), hoặc nhân cận là pháp quyền đầy đủ (indriyaparibakatāpadaṭṭhānā), hoặc nhân cận là xa lìa phiền não (kilesaduribhāvapadaṭṭhānā), hoặc nhân cận là tái tục bằng tâm ba nhân (tihetukapaṭisandhikatāpadaṭṭhānā).

 

40 nhân trợ sanh trí: [Xin xem lại Chương I: Citta (Tâm), Phần - Tâm dục giới tịnh hảo (kāma-sobhaṇa citta)].

 

Sở hữu bất thiện và sở hữu tịnh hảo không phối hợp với nhau, trong khi sở hữu tợ tha có thể phối hợp với cả sở hữu bất thiện và sở hữu tịnh hảo.

Dứt phần giải sở hữu Tịnh hảo

 

§9. Ettāvatā ca – Terasaññasamānā ca, cuddasākusalā tathā; sobhanā pañcavīsāti, dvipaññāsa pavuccare.

Đến đây, 13 sở hữu tợ tha, 14 sở hữu bất thiện, 25 sở hữu tịnh hảo, gọi là 52 sở hữu tâm.

___o0o___

 

IV. Sở Hữu Tâm (Cetasika) Phối Hợp (Sampayoga) Với Tâm (Citta)

 

§10. Tesaṃ cittāviyuttānaṃ, yathāyogamito paraṃ.

Cittuppādesu paccekaṃ, sampayogo pavuccati.

§11. Satta sabbattha yujjanti, yathāyogaṃ pakiṇṇakā.

Cuddasākusalesveva, sobhanesveva sobhanā.

Sự Phối Hợp Của Mỗi Sở Hữu Tâm (Cetasika) Với Những Tâm (Citta) Khác Nhau

Về tổng thể, chúng ta có thể nói rằng:

 (i)   7 sabbacitta sādhārana (biến hành tất cả tâm) phối hợp với tất cả tâm.

 (ii)  6 pakiṇṇaka (biệt cảnh) phối hợp với một số tâm tịnh hảo và vô tịnh hảo nhất định.

 (iii) 14 akusala cetasika (sở hữu bất thiện) chỉ phối hợp với những tâm bất thiện.

 (iv) 4 akusala sādhāraṇa (bất thiện biến hành) phối hợp với tất cả tâm bất thiện.

 (v)  19 sobhaṇa sādhārana (sở hữu tịnh hảo biến hành) phối hợp với tất cả sobhaṇa citta (tâm tịnh hảo).

 (vi) 6 sobhaṇa cetasika (sở hữu tịnh hảo) còn lại chỉ phối hợp với một số tâm tịnh hảo tương ứng.

Một nghiên cứu chi tiết tổng hợp về mỗi cetasika (sở hữu tâm) phối hợp (sampayoga) với những tâm khác nhau, được trình bày trong bảng thống kê ở cuối chương 2 này.

 

(A) Sở Hữu Tợ Tha Phối Hợp (Aññasamāna Cetasikasampayoganayo)

 

1. 7 sabbacitta sādhāraṇa (biến hành tất cả tâm) nghĩa là 7 sở hữu biến hành phối hợp được với tất cả tâm. Có Pāḷi chú giải như vầy:

Sabbesaṃ cittānaṃ sādhāraṇāti = sabbacittasādhāraṇā: Hợp với tất cả tâm gọi là biến hành hay biến hành nhất thế tâm, tức là 7 sở hữu biến hành.

2. Vitakka (tầm) là trạng thái tìm cảnh hay đem danh pháp đồng sanh đến cảnh v.v…, phối hợp với 55 tâm gồm có 44 kāma citta (tâm dục giới) [trừ dvipañca viññāṇa - ngũ song thức (10)] và 11 tâm sơ thiền (jhāna). Vì ‘tầm’ (vitakka) là trạng thái đem tâm đến cảnh, 55 tâm này phải có sự kiếm hay đưa tâm đến cảnh, nên phải có sở hữu tầm phối hợp.

Trái lại, ngũ song thức thì bắt cảnh hiện tại ngay như kiếng thâu hình, tức do cảnh (ārammaṇa) đối chiếu hay dội thẳng vào vật (vatthu), không cần có trạng thái tìm hay đưa tâm đến cảnh, tức không có ‘tầm’. Từ nhị thiền trở lên, chi định càng mạnh, như kẻ đi qua con đường lần thứ hai nên không cần ai dẫn đi. Do đã phát triển sức mạnh tu tiến (bhāvanā) và thấy tính thô thiển của tầm rồi tác ý lướt qua ‘tầm’ để đến nhị thiền và những thiền cao hơn, cho nên không có trạng thái tìm cảnh hay đưa tâm đến cảnh của ‘tầm’. (Dhs. 974)

3. Vicāra (tứ) là trạng thái duy trì, chăm nom, kềm giữ, khắn khít những danh pháp đồng sanh (tâm và những sở hữu tâm câu sanh) trên cảnh v.v…, phối hợp được với 66 tâm, gồm 44 tâm dục giới [trừ ngũ song thức (10)], 11 tâm sơ thiền và 11 tâm nhị thiền. Vì những tâm này bắt cảnh không chắc, nên cần phải có sở hữu ‘tứ’ để kềm.

Sở hữu tứ không hợp với 55 tâm là ngũ song thức, 11 tâm tam thiền, 11 tâm tứ thiền và 23 tâm ngũ thiền. Lý do: 5 cảnh đối với ngũ song thức ví như vật để vào khuôn, không xê chạy, nên không cần kềm giữ. Còn từ tam thiền trở lên do sức định mạnh gắn cứng vào đề mục, tợ như mũi nhọn ghim sâu khỏi người kềm, nên đều là vô tứ (avicāra). (Dhs. 975)

4. Adhimokkha (thắng giải) là trạng thái quyết đoán v.v…, phối hợp với 78 tâm tính hẹp hay 110 tâm tính rộng [trừ ngũ song thức (10) và vicikiccā-sampayutta citta (tâm tương ưng hoài nghi)].

Sở hữu thắng giải không phối hợp với 11 tâm là ngũ song thức và si hoài nghi. Ngũ song thức đối với cảnh hiện ngay tâm rõ rệt, cảnh si hoài nghi được so sánh như việc đang điều tra không phải trong thời gian đoán định, nên thắng giải không hiệp. ‘Hoài nghi’ là trạng thái do dự, phân hai, đối lập với trạng thái quyết đoán của ‘thắng giải’ nên không hiệp đặng.

5. Viriya (cần) là trạng thái cố gắng, lướt tới, ráng thêm, v.v…, phối hợp với 73 tâm tính hẹp hay 105 tâm tính rộng gồm 12 tâm bất thiện, khai ý môn, tiếu sinh và 59 hoặc 91 tâm tịnh hảo [trừ ngũ song thức (10), 2 sampaṭicchana citta (tâm tiếp thâu), 3 santīraṇa citta (tâm thẩm tấn) và 1 pañcadvārāvajjanacitta (tâm khai ngũ môn)]. Những tâm này làm việc lớn lao nặng nề hơn, nên phải có sự nỗ lực hay sức mạnh mới đặng, tức là phải có sở hữu cần.

Sở hữu cần không phối hợp với 16 tâm vô nhân (trừ khai ý môn và tiếu sinh), vì 16 tâm này làm việc nhỏ, nhẹ nhàng, không cần nỗ lực nên không có sở hữu cần.

6. Pīti (hỷ) là trạng thái mừng v.v…, chỉ phối hợp với 27 hoặc 51 somanassa sahagatacitta (tâm câu hành hỷ) gồm có 4 lobha mūla somanassa citta (tâm căn tham hỷ thọ), 1 somanassa santīraṇa citta (tâm thẩm tấn hỷ thọ), 1 hasituppāda citta (tâm tiếu sinh), 12 kāma sobhaṇa somanassa citta (tâm dục giới tịnh hảo hỷ thọ), 11 tâm sơ thiền, 11 tâm nhị thiền, 11 tâm tam thiền. Những tâm này có sự vui, không quá yên lặng nên trạng thái mừng vẫn đi chung luôn dù yếu hay mạnh.

Sở hữu hỷ không phối hợp với 54 hoặc 70 tâm phi câu hành hỷ là: 8 tâm bất thiện phi câu hành hỷ, 16 tâm vô nhân phi câu hành hỷ, 3 hoặc 11 tâm tứ thiền, 15 hoặc 23 tâm ngũ thiền. Những tâm câu hành khổ, câu hành lạc, câu hành ưu, câu hành xả không thể có sự mừng. Tâm tứ thiền dù câu hành hỷ mà rất yên lặng, không thô kệch như sở hữu pīti (hỷ), nên sở hữu pīti (hỷ) không thể đi chung. (Dhs. 976, 978)

7. Chanda (dục) là trạng thái muốn, phối hợp với 69 tâm tính hẹp hay 101 tâm tính rộng [trừ 2 moha mūla citta (tâm căn si) và 18 ahetuka citta (tâm vô nhân) là những tâm trì trệ, thụ động không có trạng thái muốn làm của ‘dục’].

Tâm tham, tâm tịnh hảo đều có sở hữu dục, chỉ có hai tâm sân là trạng thái không ưa thích mà sở hữu dục vẫn phối hợp. Vì cảnh đến với tâm mạnh đặng hai nhân sắp lên có nhiều sức khắn khít với cảnh, đó là sở hữu dục. Như kẻ đi săn bắn gặp mũi tên rớt thì muốn lượm lấy rồi sẽ bắn ra là cách muốn của sở hữu dục. Còn như kẻ thấy tiền rơi muốn lượm vào cất kín; đó là cách thích hợp của tham.

 

Từ ‘sở hữu tầm’ đến ‘sở hữu dục’, cả sáu sở hữu tâm (cetasika) này gồm chung lại gọi là ‘sở hữu biệt cảnh’ (pakiṇṇaka), nghĩa là chỉ phối hợp với một số tâm nhất định.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Sobhaṇā sobhanesu pakirantīti = pakiṇṇakā: Phối hợp lẻ tẻ với tâm tịnh hảo hay bất tịnh hảo mà chẳng đồng đều nên gọi là biệt cảnh (tợ như một nhóm người cùng đoàn mà khác hoàn cảnh).

Trường hợp không phối hợp:

-   Sở hữu ‘tầm’ không phối hợp với 66 tâm,     

-   Sở hữu ‘tứ’ không phối hợp 55 tâm,

-   Sở hữu ‘thắng giải’ không phối hợp với 11 tâm,   

-   Sở hữu ‘cần’ không phối hợp với 16 tâm,

-   Sở hữu ‘hỷ’ không phối hợp với 70 tâm,

-   Sở hữu ‘dục’ không phối hợp với 20 tâm.

Trường hợp phối hợp:

-   Sở hữu ‘tầm’ phối hợp với 55 tâm,               - Sở hữu ‘tứ’ phối hợp với 66 tâm,

-   Sở hữu ‘thắng giải’ phối hợp với 78 tâm,      - Sở hữu ‘cần’ phối hợp với 73 tâm,

-   Sở hữu ‘hỷ’ phối hợp với 51 tâm,                  - Sở hữu ‘dục’ phối hợp với 69 tâm (tính hẹp).

Sở hữu biến hành và sở hữu biệt cảnh gồm lại gọi chung là sở hữu tợ tha (aññasamānacetasika), vì phần nhiều hợp chung sở hữu khác, như là bất thiện và tịnh hảo, thì trở thành pháp bất thiện và thiện v.v… Có Pāḷi chú giải như vầy: Aññehi samānāti = aññasamanā: Phần nhiều giống theo (sở hữu) khác (có pháp thực tính là sở hữu bất thiện và sở hữu tịnh hảo), vì đó nên gọi là tợ tha.

Dứt phần giải sở hữu tợ tha phối hợp

 

(B) Sở Hữu Bất Thiện Phối Hợp (Akusala Cetasika)

 

1. 4 akusala sādhāraṇa (bất thiện biến hành) là si-phần (mohatuka) tức là bọn si – gồm moha (si), ahirika (vô tàm), anottappa (vô úy) và uddacca (điệu cử) – phối hợp với tất cả 12 akusala citta (tâm bất thiện).

(Vô minh lậu sanh trong tất cả tâm bất thiện - Dhs. 913),

(Điệu cử, vô tàm và vô úy sinh trong tất cả tâm bất thiện - Dhs.962).

Tất cả tâm bất thiện đều có hiện hữu những trạng thái như mê mờ, không biết về nghiệp và quả của nghiệp, không thấy biết bản thể thật tướng của các pháp bị tạo, không có sự hiện hữu của trạng thái hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi, không tôn trọng ân đức của tự thân và của tha nhân, ngăn che không cho thấy sự tốt đẹp, an vui, v.v... là những pháp trợ làm nền tảng cho chư pháp bất thiện khác sinh khởi. Cho nên chúng được gọi là những sở hữu bất thiện biến hành.

2. Lobha (tham) là trạng thái ham muốn, chấp cứng cảnh, phối hợp với 8 lobha mūla citta (tâm căn tham). (Dục lậu đồng sanh với 8 tâm tham hiện hành - Dhs. 913)

Diṭṭhi (tà kiến) là trạng thái chấp cứng theo cái thấy sai, phối hợp với 4 diṭṭhigaha sampayutta citta (tâm tương ưng kiến). (Tà kiến lậu đồng sanh với 4 tâm tham tương ưng tà kiến hiện hành - Dhs. 913)

Māna (ngã mạn) là trạng thái kiêu ngạo so sánh, phối hợp với 4 diṭṭhigaha vippayutta citta (tâm bất tương ưng kiến) theo cách bất định (khi có khi không). (Ngã mạn triền đồng sanh với 4 tâm tham bất tương ưng tà kiến hiện hành - Dhs.919)

Ba sở hữu ‘tham’, ‘tà kiến’ và ‘ngã mạn’ gộp chung lại gọi là tham-phần, là bọn sở hữu tham, chỉ hợp trong vòng ‘tâm tham’.

Hai sở hữu diṭṭhi (tà kiến) và māna (ngã mạn) chỉ hợp với tâm căn tham do có liên quan đến trạng thái dính mắc vào ngũ uẩn. Hai pháp này không bao giờ cùng hiện hữu trong cùng một tâm hay cùng 1 sát-na tâm (do cảnh của chúng khác nhau).

Tà kiến thì luôn phối hợp với cả 4 ‘tâm bất thiện tương ưng kiến’. Còn ngã mạn thì hợp với 4 ‘tâm bất thiện bất tương ưng kiến’ bất định (khi có khi không).

3. Dosa (sân) là trạng thái thô tháo của thân tâm, issā (tật) là trạng thái ganh tị, macchariya (lận) là trạng thái giấu giếm và kukkucca (hối) là trạng thái ăn năn – gom chung lại gọi là sân-phần (docatukacetasika) chỉ phối hợp với 2 dosa mūla citta (tâm căn sân).

(Sân độc cái phát khởi trong 2 tâm hiện hành đồng sanh với ưu thọ - Dhs.931).

(Tật đố triền và lận sắt triền đồng sanh với 2 tâm hiện hành đồng sanh ưu thọ - Dhs. 919)

(Hối hận cái phát sanh trong 2 tâm hiện hành đồng sanh với ưu thọ Dhs. 931).

Nhưng tật, lận, hối thì bất định và không đi chung với nhau (vì không đồng cảnh hay đối tượng – xin xem lại phần tứ đồng). Còn ‘sở hữu sân’ nhất định luôn luôn hợp với tâm sân không khi nào thiếu.

4. Thīna (hôn trầm) và middha (thùy miên) phối hợp với 5 akusala sasaṅkhārika citta (tâm bất thiện hữu dẫn). (Hôn trầm - thùy miên cái sanh trong tất cả tâm bất thiện hữu dẫn – Dhs.931).

Tâm hữu dẫn là những thứ tâm yếu, còn tâm vô dẫn là những tâm mạnh mẽ.

Sở hữu hôn – thùy là những sở hữu không khéo hòa trộn v.v… của tâm (citta) và sở hữu tâm (cetasika), nên chỉ thích hợp với những tâm bất thiện hữu dẫn.

5. Vicikicchā (hoài nghi) chỉ phối hợp với moha mūla vicikicchā sampayutta citta (tâm căn si tương ưng hoài nghi). (Hoài nghi cái phát sanh trong tâm hiện hành đồng sanh với hoài nghi – Dhs. 931).

Dứt phần giải sở hữu bất thiện phối hợp

 

(C) Sở Hữu Tịnh Hảo Phối Hợp (Sobhaṇa Cetasika)

 

1. 19 sobhaṇa sādhāraṇa cetasika (sở hữu tịnh hảo biến hành) phối hợp với tất cả sobhaṇa citta (tâm tịnh hảo) có 59 tính hẹp hay 91 tính rộng là: 24 tâm dục giới tịnh hảo, 15 tâm sắc giới, 12 tâm vô sắc giới và 8 hoặc 40 tâm siêu thế.

2. 3 virati cetasika (sở hữu ngăn trừ), bao gồm sammā vācā (chánh ngữ), sammākammanto (chánh nghiệp) và sammā ājīvo (chánh mạng) ‘phối hợp bất định đi riêng’ với 8 mahākusala citta (tâm đại thiện) và ‘phối hợp nhất định đi chung’ với 8 lokuttara citta (tâm siêu thế).

‘Sở hữu ngăn trừ phần’ phối hợp với 8 thứ ‘tâm đại thiện’ (phối hợp bất định đi riêng) chỉ khi những tâm này làm việc ngăn ngừa những tà ngữ, tà nghiệp hoặc tà mạng. Khi tâm đại thiện làm việc cung kỉnh, tùy hỷ, thì ba pháp này không sanh cùng. Khi hợp với tâm đại thiện thì ba pháp này sanh riêng lẻ tùy trường hợp.

‘Sở hữu ngăn trừ phần’ là 3 chi trong ‘8 chi đạo’ (maggaṅga) luôn cùng phối hợp với 8 ‘tâm siêu thế’ không khi nào thiếu do năng lực của pháp siêu thế, làm việc ngăn ngừa những pháp bất thiện chưa sanh và sát trừ những phiền não (kilesa) (tùy theo bậc Thánh).

3. 2 appamaññā cetasika (sở hữu vô lượng) – đó là karuṇā (bi) và muditā (tùy hỷ) – ‘phối hợp bất định đi riêng’ với 28 tâm gồm 8 mahākusala citta (tâm đại thiện), 8 mahākiriya citta (tâm đại tố) và 12 mahaggata citta (tâm đáo đại) [trừ 15 tâm ngũ thiền hiệp thế].

Cả hai sở hữu vô lượng phần này đều có thể đi cùng với xả thọ (upekkhā) hay hỷ thọ tùy theo sự thuần thục.

4. Paññindriya (trí quyền), tức là paññā cetasika (sở hữu trí), phối hợp với 47 tâm gồm có 12 kāma sobhaṇa ñāṇasampayutta citta (tâm dục giới tịnh hảo tương ưng trí), 27 mahaggata citta (tâm đáo đại) và 8 lokuttara citta (tâm siêu thế).

Dứt phần sở hữu tịnh hảo phối hợp

V. Tâm (Citta) Nhiếp (Saṅgaha) Sở Hữu Tâm (Cetasika)

Sự Phối Hợp Của Những Sở Hữu Khác Nhau Với Những Tâm Khác Nhau

 

(A) Tâm Bất Thiện Nhiếp (Tập Yếu) (Akusalacittasaṅgaho)

 

Tên của mỗi tâm bằng Pāḷi nên được tham khảo trước khi liệt kê những sở hữu phối hợp riêng với tâm.

Nếu tâm là somanassa sahagataṃ (câu hành hỷ), tất cả 13 aññasamāna cetasika (sở hữu tợ tha) sẽ phối hợp với tâm câu hành hỷ. Nếu tâm là upekkhā sahagataṃ (câu hành xả) hay domanassa sahagataṃ (câu hành ưu), hỷ (pīti) phải được loại trừ khỏi nhóm 13 aññasamāna cetasika (sở hữu tợ tha).

1. Katame dhammā akusalā? Yasmiṃ samaye akusalaṃ cittaṃ uppannā hoti somanassasahagataṃ diṭṭhigatasampayuttaṃ rūpārammaṇaṃ vā saddārammaṇaṃ vā gandhārammaṇaṃ vā rasārammaṇaṃ vā phoṭṭhabbārammaṇaṃ vā dhammārammaṇaṃ vā yaṃ yaṃ vā panārabbha, tasmiṃ samaye phasso hoti, vedanā hoti, saññā hoti, cetanā hoti, cittaṃ hoti, vitakko hoti, vicāro hoti, pīti hoti, sukhā hoti, cittassekaggatā hoti, viriyindriyaṃ hoti, samādhindriyaṃ hoti, manindriyaṃ hoti, somanassindriyaṃ hoti, jīvitindriyaṃ hoti, micchādiṭṭhi hoti, micchāsaṅkappo hoti, micchāvāyāmo hoti, micchāsamādhi hoti, viriyabalaṃ hoti, samādhibalaṃ hoti, ahiribalaṃ1 hoti, anottappabalaṃ hoti, lobho hoti, moho hoti, abhijjhā hoti, micchādiṭṭhi hoti, ahirikaṃ hoti, anottappaṃ hoti, samatho hoti, paggāho hoti, avikkhepo hoti, ye vā pana tasmiṃ samaye aññepi atthi paṭiccasamuppannā arūpino dhammā, ime dhammā akusalā.

Chư pháp bất thiện trong khi có ra sao? Tâm bất thiện đồng sanh hỷ, tương ưng tà kiến; hoặc có cảnh sắc, thinh, khí, vị, xúc, pháp, hay là những chi mở mối sanh ra trong khi nào, thì xúc, thọ, tưởng, tư, tâm, tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm, cần quyền, định quyền, ý quyền, hỷ quyền, mạng quyền, tà kiến, tà tư duy, tà tinh tấn, tà định, cần lực, định lực, vô tàm lực, vô úy lực, tham, si, tham ác, tà kiến, vô tàm, vô úy, (pháp) chỉ, chiếu cố, vô phóng dật, hay là những pháp phi sắc nào khác nương sanh cũng vẫn có trong khi ấy. Những chơn tướng này gọi là pháp bất thiện. (Dhs.275)

Somanassasahagataṃ diṭṭhigatasampayuttaṃ asaṅkhārikaṃ lobhamūlacittaṃ:Tâm căn tham câu hành hỷ tương ưng kiến vô dẫn”, hay “Tâm bất thiện câu hành hỷ tương ưng kiến”[101] nhiếp đặng 19 sở hữu tâm – đó là 13 aññasamāna cetasika (sở hữu tợ tha), 4 akusala sādhāraṇa (bất thiện biến hành), lobha (tham) và diṭṭhi (tà kiến).

Khi có trạng thái tâm, cảnh và vật (hay môn) có sự hội họp, chạm nhau, thì đó gọi là xúc (phasso). Khi tâm sanh ra phải bắt cảnh, hưởng cảnh hay hứng chịu cảnh, ấy là trạng thái của sở hữu thọ (vedanā). Thọ mà vui, mừng đó là trạng thái của thọ hỷ (somanassavedanā) và sở hữu hỷ (pīti). Tâm sau nhớ tưởng sự vật đã qua là sở hữu tưởng (saññā). Trạng thái ráng sức và cố quyết để bắt cảnh, đó gọi là cần (viriya) (cetanā). Tâm chăm chú ngay cảnh là sở hữu nhất hành hay định (ekaggatā), tợ như vuốt mối chỉ gom lại cho nhọn xỏ lọt vào lỗ kim. Cảnh hiện vào tâm vừa phần thâu biết đặng, làm thành cảnh cho tâm, đó gọi là sở hữu tác ý (manasikāra).

Tìm cảnh hay đưa tâm đến cảnh, gọi là tầm (vitakka). Cảnh được duy trì, chăm nom, kềm, gìn giữ, đó là sở hữu tứ (vicāra). Sự quyết đoán cho là cảnh đáng ham muốn là sở hữu thắng giải (adhimokkha). Những sự vật bị biết và tâm biết đặng sự vật ấy, hai phần này ăn khớp vững vàng như vật để vào khuôn là do sở hữu dục (chanda).

Đối với cảnh bị tối mờ như chui vào trong hang hố là do sở hữu si (moha). Không thoái thác đối với pháp bất thiện là sở hữu vô tàm (ahirika), không ghê sợ lỗi nhiễm là sở hữu vô úy (anottappa), có sự tán loạn, lau chau đó là điệu cử (uddhacca). Do có trạng thái nhiễm hít cứng cảnh đó là sở hữu tham (lobha). Nhận thức cảnh theo cách thái quá, bất cập, bằng lối vô hay hữu v.v… gọi là tà kiến (micchādiṭṭhi). Sự duy trì/ còn của tâm và sở hữu đặng đủ 3 tiểu sát-na gọi là (danh) mạng quyền; có pháp thực tính là sở hữu mạng quyền (jīvitindriya).

Lý do không hợp:

Sở hữu tịnh hảo thuộc về phần tốt không thể hợp với tham, tỷ như giữa trắng và đen, sáng và tối v.v… không bao giờ thành một. Sở hữu sân-phần luôn bắt cảnh nghịch, tức là cảnh trái với sự mong muốn. Tâm tham luôn luôn bắt cảnh thuận ý vừa lòng theo cách ham muốn và nhiễm đắm. Sở hữu hoài nghi (vichikicca) ngăn chặn sự quyết tiến đến lợi ích, sáng suốt, cao siêu như vầng mây che nhật nguyệt không hợp với trạng thái ưa thích, càng không tới mức nhiễm đắm v.v… Hai sở hữu hôn-phần (hôn trầm thùy miên – thīnamiddha) không hợp với tâm tham, vì tâm tham thứ nhất này chẳng cần cách trợ hay dẫn dắt, vì là tâm mạnh mẽ. Còn ngã mạn (māna) thuộc về so sánh ta với người mới có sự hơn thua v.v… tợ như đem hai vật so sánh có cái trội hơn. Cách dùng sai không khác với nhân kiến thức lệch lạc đó là tà kiến (diṭṭhi), thì ngã mạn (māna) phải tránh xa, không hợp chung đặng.

2. Somanassasahagataṃ diṭṭhigatasampayuttaṃ sasaṅkhārikaṃ lobhamūlacittaṃ:Tâm căn tham câu hành hỷ tương ưng kiến hữu dẫn”, hay “Tâm bất thiện câu hành hỷ tương ưng kiến hữu dẫn” (Dhs. 311) nhiếp đặng 21 sở hữu tâm – đó là 13 aññasamāna cetasika (sở hữu tợ tha), 4 akusala sādhāraṇa (bất thiện biến hành), lobha (tham) và diṭṭhi (tà kiến), thīna (hôn trầm) và middha (thùy miên).

3. Somanassasahagataṃ diṭṭhigatavippayuttaṃ asaṅkhārikaṃ lobhamūlacittaṃ:Tâm căn tham câu hành hỷ bất tương ưng kiến vô dẫn”, hay “Tâm bất thiện câu hành hỷ bất tương ưng kiến” (Dhs. 312) nhiếp đặng 19 sở hữu tâm – đó là 13 sở hữu tợ tha, 4 sở hữu bất thiện biến hành, lobha (tham) và māna (ngã mạn) (māna - bất định; khi có khi không).

4. Somanassasahagataṃ diṭṭhigatavippayuttaṃ sasaṅkhārikaṃ lobhamūlacittaṃ: Tâm căn tham câu hành hỷ bất tương ưng kiến hữu dẫn” hay “Tâm bất thiện câu hành hỷ bất tương ưng kiến hữu dẫn” (Dhs. 315) nhiếp đặng 21 sở hữu tâm – đó là 13 sở hữu tợ tha, 4 bất thiện biến hành, lobha (tham) và māna (ngã mạn), thīna (hôn trầm) và middha (thùy miên).

5. Upekkhāsahagataṃ diṭṭhigatasampayuttaṃ asaṅkhārikaṃ lobhamūlacittaṃ: “Tâm căn tham câu hành xả tương ưng kiến vô dẫn”, hay “Tâm bất thiện câu hành xả tương ưng kiến” (Dhs. 316) nhiếp đặng 18 sở hữu tâm – đó là 12 sở hữu tợ tha [trừ pīti (hỷ)], 4 sở hữu bất thiện biến hành, lobha (tham) và diṭṭhi (tà kiến).

6. Upekkhāsahagataṃ diṭṭhigatasampayuttaṃ sasaṅkhārikaṃ lobhamūlacittaṃ:Tâm căn tham câu hành xả tương ưng kiến hữu dẫn”, hay “Tâm bất thiện câu hành xả tương ưng kiến hữu dẫn” (Dhs. 320) nhiếp đặng 20 sở hữu tâm – đó là 12 sở hữu tợ tha [trừ pīti (hỷ)], 4 bất thiện biến hành, lobha (tham) và diṭṭhi (tà kiến), thīna (hôn trầm) và middha (thùy miên).

7. Upekkhāsahagataṃ diṭṭhigatavippayuttaṃ asaṅkhārikaṃ cittaṃ: Tâm căn tham câu hành xả bất tương ưng kiến vô dẫn”, hay “Tâm bất thiện câu hành xả bất tương ưng kiến” (Dhs. 321) nhiếp đặng 18 sở hữu tâm – đó là 12 sở hữu tợ tha [trừ pīti (hỷ)], 4 bất thiện biến hành, lobha (tham) và māna (ngã mạn).

8. Upekkhāsahagataṃ diṭṭhigatavippayuttaṃ sasaṅkhārikaṃ lobhamūlacittaṃ: “Tâm căn tham câu hành xả bất tương ưng kiến hữu dẫn”, hay “Tâm bất thiện câu hành xả bất tương ưng kiến hữu dẫn” (Dhs. 324) nhiếp đặng 20 sở hữu tâm – đó là 12 sở hữu tợ tha [trừ pīti (hỷ)], 4 bất thiện biến hành, lobha (tham) và māna (ngã mạn), thīna (hôn trầm) và middha (thùy miên).

Lưu ý rằng 4 lobha mūla sasaṅkhārika citta (tâm căn tham hữu dẫn) nhiếp đặng những sở hữu tương ứng asaṅkhārika citta (tâm vô dẫn) cộng thīna (hôn trầm) và middha (thùy miên).

9. Domanassasahagataṃ paṭighasampayuttaṃ asaṅkhārikaṃ dosamūlacittaṃ:Tâm căn sân câu hành ưu tương ưng khuể vô dẫn” hay “Tâm bất thiện câu hành ưu tương ưng khuể phẫn” (Dhs. 325) nhiếp đặng 20 sở hữu tâm – đó là 12 aññasamāna cetasika (sở hữu tợ tha) [trừ pīti (hỷ)], 4 akusala sādharana cetasika (sở hữu bất thiện biến hành) và 4 dosa catukka cetasika (sở hữu sân-phần).

10.   Domanassasahagataṃ paṭighasampayuttaṃ sasaṅkhārikaṃ dosamūlacittaṃ:Tâm căn sân câu hành ưu tương ưng khuể hữu dẫn”, hay “Tâm bất thiện câu hành ưu tương ưng khuể phẫn hữu dẫn” (Dhs. 329) nhiếp đặng 22 sở hữu tâm – đó là 12 sở hữu tợ tha [trừ pīti (hỷ)], 4 sở hữu bất thiện biến hành và 4 dosa catukka cetasika (sở hữu sân-phần), thīna (hôn trầm) và middha (thùy miên).

11.   Upekkhāsahagataṃ vicikicchāsampayuttaṃ mohamūlacittaṃ:Tâm căn si câu hành xả tương ưng hoài nghi”, hay “Tâm bất thiện câu hành xả tương ưng hoài nghi” (Dhs. 330) nhiếp đặng 15 sở hữu tâm – đó là 10 sở hữu tợ tha [trừ adhimokkha (thắng giải), pīti (hỷ), chanda (dục)], 4 sở hữu bất thiện biến hành và vicikicchā (hoài nghi).

12.   Upekkhāsahagataṃ uddhaccasampayuttaṃ mohamūlacittaṃ:Tâm căn si câu hành xả tương ưng điệu cử” hay “Tâm bất thiện câu hành xả tương ưng điệu cử” (Dhs. 334) nhiếp đặng 15 sở hữu tâm – đó là 11 sở hữu tợ tha [trừ pīti (hỷ), chanda (dục)] và 4 sở hữu bất thiện biến hành.

Dứt phần tâm bất thiện nhiếp

 

(B) Tâm Vô Nhân Nhiếp (Tập Yếu) (Ahetukacittasaṅgaho)

 

1. 10 dvipañca viññāṇa citta (tâm ngũ song thức) chỉ nhiếp đặng 7 sabbacitta sādhāraṇa cetasika (sở hữu biến hành tất cả tâm), (Dhs. 338-352, 472) vì làm việc nhỏ nhoi, hẹp hòi lại bị dưới quyền nhãn thanh triệt, nên hạn chế chỉ thấy mà thôi, như cái máy sử dụng rất ít bộ phận.

2. 2 sampaṭicchana citta (tâm tiếp thâu) (Dhs.366), pañcadvārāvajjana citta (tâm khai ngũ môn) (Dhs.482) và 2 upekkhā santīraṇa citta (tâm thẩm tấn xả thọ) (Dhs.399-414, 476, 479) mỗi tâm nhiếp đặng 10 aññasamāna cetasika (sở hữu tợ tha) [trừ viriya (cần), pīti (hỷ) và chanda (dục)].

3. Somanassa santīraṇa citta (tâm thẩm tấn hỷ thọ) (Dhs.382) nhiếp đặng 11 aññasamāna cetasika (sở hữu tợ tha) [trừ viriya (cần) và chanda (dục)].

4. Manodvārāvajjana citta (tâm khai ý môn) (Dhs.489) nhiếp đặng 11 aññasamāna cetasika (sở hữu tợ tha) [trừ pīti (hỷ) và chanda (dục)].

5. Hasituppāda citta (tâm tiếu sinh) (Dhs.485) nhiếp đặng 12 aññasamāna cetasika (sở hữu tợ tha) [trừ chanda (dục)].

Dứt phần tâm vô nhân nhiếp

 

Sở hữu tham, sở hữu sân, sở hữu si, sở hữu vô tham, sở hữu vô sân, sở hữu vô si (trí), chung lại gọi nhân tương ưng.

Sáu sở hữu vừa nêu trên không bao giờ có với 18 thứ tâm trong bảng này. Cho nên 18 tâm này được gọi là tâm vô nhân !

 

(C) Tâm Đại Thiện Nhiếp (Tập Yếu) (Mahākusalacittasaṅgaho)

 

1. Mahākusala citta (tâm đại thiện) đôi thứ nhất[102]Somanassasahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ mahākusalacittaṃ: Tâm đại thiện câu hành hỷ tương ưng trí, mỗi tâm nhiếp đặng 38 cetasika (sở hữu tâm) – đó là 13 aññasamāna cetasika (sở hữu tợ tha) và 25 sobhaṇa cetasika (sở hữu tịnh hảo).

Mahākusala citta (tâm đại thiện) không bao giờ hợp với sở hữu bất thiện (akusalacetasika) thì dễ nhớ vì chúng mang những trạng thái đối lập.

Những sở hữu tịnh hảo đối lập trực tiếp với những sở hữu bất thiện như:

× Sở hữu tàm (hiri) đối lập với vô tàm (ahirika).

× Sở hữu úy (ottappa) đối lập với vô úy (anottappa).

× Sở hữu vô tham (alobha) đối lập với tham (lobha) và lận (macchariya).

× Sở hữu vô sân (adosa) đối lập với sân (dosa) và ưu (domanassa).

× Sở hữu trí (vô si)  đối lập với si (moha) và tà kiến (diṭṭhi).

× Sở hữu tùy hỷ (muditā) đối lập với tật đố (issā).

Những sở hữu tịnh hảo ngoài ra cũng có phần đối lập riêng và chung. Sở hữu tợ tha đi đôi với sở hữu tịnh hảo cũng giống theo tịnh hảo, trái với những sở hữu tợ tha hiệp bất thiện. Xét thêm từ sở hữu ‘tịnh thân’ cho đến sở hữu ‘chánh tâm’, phần tâm tốt cố nhiên phải có như thế.

Đôi đại thiện thứ nhất này có tất cả là 38 sở hữu hợp. Trong đó có 33 sở hữu hợp nhất định, hễ tâm đại thiện sanh lúc nào ít lắm cũng có 33 sở hữu tâm này hoặc nhiều hơn cùng phối hợp. Còn những sở hữu ‘giới phần’ và ‘vô lượng phần’ là những sở hữu bất định đi riêng, nếu gặp cảnh thích hợp thì mới sanh, như khi ngăn cảnh khẩu ác là chánh ngữ, khi ngăn cảnh thân ác là chánh nghiệp, khi ngăn cảnh thân, khẩu ác vì nuôi thân là chánh mạng. Gặp lúc chúng sanh thân tâm khổ, lòng cứu vớt phát sanh là trạng thái của sở hữu bi. Mừng giùm, vui theo chúng sanh đặng nhân hay quả lợi lành v.v… là trạng thái của sở hữu tùy hỷ. Nếu không gặp cảnh như thế thì chẳng có.

2. Tâm đại thiện đôi thứ hai[103]Somanassasahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ mahākusalacittaṃ: Tâm đại thiện câu hành hỷ bất tương ưng trí, mỗi tâm nhiếp đặng 37 cetasika (sở hữu tâm) – đó là 13 sở hữu tợ tha và 24 sobhaṇa cetasika (sở hữu tịnh hảo) [trừ paññā (trí)] chỉ khác với đôi trước là bớt sở hữu trí tuệ, vì không đặng biết cảnh cao siêu, không sáng suốt thấu đáo những điều sâu sắc v.v…

3. Tâm đại thiện đôi thứ ba[104]Upekkhāsahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ mahākusalacittaṃ: Tâm đại thiện câu hành xả tương ưng trí, mỗi tâm nhiếp đặng 37 cetasika (sở hữu tâm) – đó là 12 sở hữu tợ tha [trừ pīti (hỷ)] và 25 sobhaṇa cetasika (sở hữu tịnh hảo). Tâm đại thiện đôi thứ ba câu hành với xả thọ, không có sở hữu hỷ, nên ít hơn đôi thứ nhất một sở hữu.

4. Tâm đại thiện đôi thứ tư[105]Upekkhāsahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ mahākusalacittaṃ: Tâm đại thiện câu hành xả bất tương ưng trí, mỗi tâm nhiếp đặng 36 cetasika (sở hữu tâm) – đó là 12 sở hữu tợ tha [trừ pīti (hỷ)] và 24 sobhaṇa cetasika (sở hữu tịnh hảo) [trừ paññā (trí)]. Tâm đại thiện đôi thứ tư chỉ khác với đôi thứ ba là bớt sở hữu trí.

 

Lưu ý rằng thīna (hôn trầm) và middha (thùy miên) là những sở hữu bất thiện, không phối hợp với sasaṅkhārikasobhaṇa citta (tâm tịnh hảo hữu dẫn). Do đó, những sở hữu phối hợp với những tâm tịnh hảo asaṅkhārika (vô dẫn) và sasaṅkhārika (hữu dẫn) trong mỗi đôi đều giống nhau; sự khác biệt về mãnh lực giữa hai tâm sasaṅkhārika asaṅkhārika là sự khác nhau về sức mạnh của 2 cetanā (tư).

Trên thực tế, khi một “Tâm đại thiện”, dù là vô dẫn hay hữu dẫn, sinh khởi trong 1 sát-na tâm thì có nhiều nhất là 34 sở hữu tâm (cetasika) gồm 13 sở hữu tợ tha, 19 sở hữu tịnh hảo biến hành, trí tuệ và 1 trong 5 sở hữu ‘ngăn trừ phần và vô lượng phần’.

Dứt phần tâm đại thiện nhiếp

 

(D) Tâm Đại Quả Nhiếp (Tập Yếu) (Mahāvipākacittasaṅgaho)

 

Những tâm đại quả là quả của nghiệp quá khứ, không thực hiện hành vi thiện nào. Do đó, chúng không phối hợp với 3 virati cetasika (sở hữu giới phần) và 2 appamaññā cetasika (sở hữu vô lượng) là những sở hữu tâm làm phát sanh nghiệp thiện.

1. Mahāvipāka citta (tâm đại quả)[106] đôi thứ nhất là Somanassasahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ mahāvipākacittaṃ: Tâm đại quả câu hành hỷ tương ưng trí, mỗi tâm nhiếp đặng 33 cetasika (sở hữu tâm) – đó là 13 aññasamāna cetasika (sở hữu tợ tha) và 20 sobhaṇa cetasika (sở hữu tịnh hảo) [trừ virati (ngăn trừ phần) và appamaññā (vô lượng phần)].

2. Tâm đại quả đôi thứ hai là Somanassasahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ mahāvipākacittaṃ: Tâm đại quả câu hành hỷ bất tương ưng trí, mỗi tâm nhiếp đặng 32 cetasika (sở hữu tâm) – đó là 13 sở hữu tợ tha và 19 sobhaṇa sādhāraṇa (sở hữu tịnh hảo biến hành), (bớt trí do là tâm bất tương ưng trí).

3. Tâm đại quả đôi thứ ba là Upekkhāsahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ mahāvipākacittaṃ: Tâm đại quả câu hành xả tương ưng trí, mỗi tâm nhiếp đặng 32 cetasika (sở hữu tâm) – đó là 12 sở hữu tợ tha [trừ pīti (hỷ)] và 20 sở hữu tịnh hảo [trừ ngăn trừ phần và vô lượng phần].

4. Tâm đại quả đôi thứ tư là Upekkhāsahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ mahāvipākacittaṃ: Tâm đại quả câu hành xả bất tương ưng trí, mỗi tâm nhiếp đặng 31 cetasika (sở hữu tâm) – đó là 12 sở hữu tợ tha [trừ pīti (hỷ)] và 19 sobhaṇa sādhāraṇa (sở hữu tịnh hảo biến hành), (bớt trí do là tâm bất tương ưng trí).

Dứt phần tâm đại quả nhiếp

 

(E) Tâm Đại Tố Nhiếp (Tập Yếu) (Mahākiriyacittasaṅgaho)

 

Tâm đại tố[107] là những tâm chỉ sanh cho bậc Tứ quả là những bậc không còn tạo ác nghiệp, ngoài ra thì cũng như tâm đại thiện. Cho nên 3 virati cetasika (sở hữu giới phần) là kusala dhamma (pháp thiện), không phối hợp với mahākiriya citta (tâm đại tố) mà những tâm này là abyākata dhamma (pháp vô ký) (abyākata = kammically-trung lập).

Tuy vậy, 2 appamaññā cetasika (sở hữu vô lượng phần) phối hợp với tâm đại tố, bởi vì chư Arahaṃ vẫn thiền đề mục karuṇā (bi) và muditā (tùy hỷ).

1. Mahākiriya citta (tâm đại tố) đôi thứ nhất là Somanassasahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ mahākiriyacittaṃ: Tâm đại tố câu hành hỷ tương ưng trí, mỗi tâm nhiếp đặng 35 cetasika (sở hữu tâm) – đó là 13 aññasamāna cetasika (sở hữu tợ tha) và 22 sobhaṇa cetasika (sở hữu tịnh hảo) [trừ virati (ngăn trừ phần)].

2. Tâm đại tố đôi thứ hai là Somanassasahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ mahākiriyacittaṃ: Tâm đại tố câu hành hỷ bất tương ưng trí, mỗi tâm nhiếp đặng 34 sở hữu tâm – đó là 13 sở hữu tợ tha và 21 sở hữu tịnh hảo [trừ virati (ngăn trừ phần) và paññā (trí)]. Bậc Ứng cúng có khi cũng không suy xét đến cao siêu hay những điều thắc mắc thì đại tố khỏi dùng trí.

3. Tâm đại tố đôi thứ ba là Upekkhāsahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ mahākiriyacittaṃ: Tâm đại tố câu hành xả tương ưng trí, mỗi tâm nhiếp đặng 34 sở hữu tâm – đó là 12 sở hữu tợ tha [trừ pīti (hỷ)] và 22 sở hữu tịnh hảo [trừ virati (ngăn trừ phần)].

4. Tâm đại tố đôi thứ tư là Upekkhāsahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ mahākiriyacittaṃ: Tâm đại tố câu hành xả bất tương ưng trí, mỗi tâm nhiếp đặng 33 sở hữu tâm – đó là 12 sở hữu tợ tha [trừ pīti (hỷ)] và 21 sở hữu tịnh hảo [trừ virati (ngăn trừ phần) và paññā (trí)].

Dứt phần tâm đại tố nhiếp

 

(F) Tâm Đáo Đại[108] Nhiếp (Tập Yếu) (Mahaggatacittasaṅgaho)

 

Trong phần liệt kê những sở hữu phối hợp với mahaggata citta (tâm đáo đại), những chi thiền phải được xem xét: Vitakka (tầm) bị loại trừ từ nhị thiền, vicāra (tứ) từ tam thiền và pīti (hỷ) từ tứ thiền. Trong ngũ thiền, thay sukha (lạc) bằng upekkhā (xả), không có sự thay đổi về số lượng cetasika (sở hữu tâm), bởi vì cả hai upekkhā (xả) và lạc (sukha) đều tượng trưng cho vedanā cetasika (sở hữu thọ).

Hơn nữa, 3 virati cetasika (sở hữu ngăn trừ phần) không phối hợp với mahaggata citta (tâm đáo đại) bởi vì những thứ tâm này tập trung trên paṭibhāga nimitta[109] của kasiṇa (đề mục), v.v… và vì thế những vị ấy không thể dùng những đề mục liên quan đến virati (ngăn trừ).

Karuṇā (bi) và muditā (tùy hỷ) có thể phối hợp với sơ cho đến tứ thiền, bởi vì những thiền này có thể tu tập bằng thiền đề mục karuṇā (bi) hay muditā (tùy hỷ). Ngũ thiền chú tâm trên upekkhā (xả), do đó, cả hai karuṇā (bi) và muditā (tùy hỷ) đều bị loại ra.

1. 3 tâm đáo đại thiền (paṭhamajjhāna) (Dhs.139, 149; Vbh. 711, 715) nhiếp đặng 35 sở hữu tâm – đó là 13 aññasamāna cetasika (sở hữu tợ tha) và 22 sobhaṇa cetasika (sở hữu tịnh hảo) [trừ virati (ngăn trừ phần) vì chúng không phải là cảnh của đáo đại sơ thiền].

[Có đủ 5 chi thiền vitakka (tầm), vicāra (tứ), pīti (hỷ), sukha (lạc), ekaggatā (định)].

2. 3 tâm đáo đại nhị thiền (dutiyajjhāna) (Dhs.140, 150; Vbh. 712, 713) nhiếp đặng 34 sở hữu tâm – đó là 12 sở hữu tợ tha [trừ vitakka (tầm)] và 22 sở hữu tịnh hảo [trừ virati (ngăn trừ phần)].

Định của nhị thiền mạnh hơn sơ thiền. Do bậc tu tiến đã thuần thục trong việc đưa tâm đến cảnh đề mục và nhận ra tính giới hạn về lực định trên nimitta khi có sự hiện diện của vitakka (tầm) trong sơ thiền, nên vị ấy, từ sơ thiền, tác ý loại hay lướt qua khỏi tầm (vitakka) để đạt đến nhị thiền [có 4 chi thiền là vicāra (tứ), pīti (hỷ), sukha (lạc), ekaggatā (định)]. Vô lượng phần có thể có hoặc không; tùy theo trường hợp như đã giải.

3. 3 tâm đáo đại tam thiền (tatiyajjhāna) (Dhs.143, 153; Vbh. 713, 717) nhiếp đặng 33 sở hữu tâm – đó là 11 sở hữu tợ tha [trừ vitakka (tầm) và vicāra (tứ)] và 22 sở hữu tịnh hảo [trừ virati (ngăn trừ phần)].

[Có 3 chi thiền pīti (hỷ), sukha (lạc), ekaggatā (định)], bớt cả sở hữu tầm và tứ, vì sức định mạnh hơn nhiều, bắt buộc cảnh phải đến và khắn khít.

4. 3 tâm đáo đại tứ thiền (catutthajjhāna) (Dhs.146, 156; Vbh. 714, 718) nhiếp đặng 32 sở hữu tâm – đó là 10 sở hữu tợ tha [trừ vitakka (tầm), vicāra (tứ) và pīti (hỷ)] và 22 sở hữu tịnh hảo [trừ virati (ngăn trừ phần)].

[Có 2 chi thiền sukha (lạc), ekaggatā (định)], cùng câu hành với hỷ thọ nhưng tế nhị hơn những tâm câu hành hỷ khác là vui chớ không mừng, nên bớt luôn sở hữu hỷ, còn sở hữu bi và tùy hỷ có thể có 1 hoặc không.

5. 15 tâm đáo đại ngũ thiền (pañcamajjhāna) (Dhs.159; Vbh. 719, 720) nhiếp đặng 30 sở hữu tâm – đó là 10 sở hữu tợ tha [trừ vitakka (tầm), vicāra (tứ) và pīti (hỷ)] và 20 sở hữu tịnh hảo [trừ virati (ngăn trừ phần) và appamaññā (vô lượng phần)].

[Có 2 chi thiền upekkhā (xả), ekaggatā (định)], 15 tâm ngũ thiền hiệp thế không bắt cảnh bi và tùy hỷ, phần sở hữu nhất định là chỉ có 30. Dù tu đề mục xả là cảnh của hành xả mà sở hữu tâm này đã có trong số 30 sở hữu nhất định.

Dứt phần tâm đáo đại nhiếp

 

(G) Tâm Siêu Thế Nhiếp (Tập Yếu) (Lokuttaracittasaṅgaho)

 

40 lokuttara citta (tâm siêu thế)[110] cũng là jhāna citta (tâm thiền); do đó, chi thiền cũng phải bị loại như đã đề cập ở trên - phần ‘tâm đáo đại’.

3 virati cetasika (sở hữu ngăn trừ) là chi của tám Thánh đạo, tuần tự phối hợp với tất cả tâm siêu thế.

2 appamaññā cetasika (sở hữu vô lượng) không phối hợp với tâm siêu thế mà chú tâm trên Nibbāna (Níp-bàn), vì thế không thể dùng những đề mục liên quan với karuṇā (bi) và muditā (tùy hỷ).

1. 8 tâm siêu thế thiền nhiếp đặng 36 sở hữu tâm – đó là 13 aññasamāna cetasika (sở hữu tợ tha) và 23 sobhaṇa cetasika (sở hữu tịnh hảo) [trừ appamaññā cetasika (sở hữu vô lượng)]. Vô lượng phần không phải là cảnh của tâm siêu thế, mà có giới phần, thuộc tám chi Thánh đạo, để trừ tuyệt sự sai khiến phá giới (pháp ác hay bất thiện) và tượng trưng kết quả thành tựu.

2. 8 tâm siêu thế nhị thiền nhiếp đặng 35 sở hữu tâm – đó là 12 sở hữu tợ tha [trừ vitakka (tầm)] và 23 sở hữu tịnh hảo [trừ sở hữu vô lượng].

3. 8 tâm siêu thế tam thiền nhiếp đặng 34 sở hữu tâm – đó là 11 sở hữu tợ tha [trừ vitakka (tầm) và vicāra (tứ)] và 23 sở hữu tịnh hảo [trừ sở hữu vô lượng].

4. 8 tâm siêu thế tứ thiền nhiếp đặng 33 sở hữu tâm – đó là 10 sở hữu tợ tha [trừ vitakka (tầm), vicāra (tứ) và pīti (hỷ)] và 23 sở hữu tịnh hảo [trừ sở hữu vô lượng].

5. 8 tâm siêu thế ngũ thiền nhiếp đặng 33 sở hữu tâm – đó là 10 sở hữu tợ tha [trừ vitakka (tầm), vicāra (tứ) và pīti (hỷ)] và 23 sở hữu tịnh hảo [trừ sở hữu vô lượng].

Dứt phần tâm siêu thế nhiếp

___o0o___

VI. Sở Hữu Tâm Nhất định Và Sở Hữu Tâm Bất Định (Niyata yogī và Aniyata yogī)

Trong 52 sở hữu tâm, có 41 sở hữu được gọi là niyata yogī (sở hữu nhất định) và 11 sở hữu còn lại được gọi là aniyata yogī (sở hữu bất định).

Niyata yogī (sở hữu nhất định) luôn phối hợp với những tâm mà chúng phối hợp. Aniyata yogī (sở hữu bất định) không luôn phối hợp với những tâm mà chúng phối hợp, chúng chỉ sinh khởi khi cần thiết.

11 aniyata yogī (sở hữu bất định) là issā (tật), macchariya (lận), kukkucca (hối), māna (ngã mạn), thīna (hôn trầm), middha (thùy miên), 3 virati (ngăn trừ) và 2 appamaññā (vô lượng). Cách mà những sở hữu tâm này phối hợp với tâm sẽ được trình bày dưới đây:

1. Dù tật, lận, hối phối hợp với 2 tâm căn sân, nhưng chúng không luôn sanh chung mỗi khi tâm căn sân sanh.

Issā (tật) chỉ sanh khi chúng sanh ganh tị với sự thành công hay tài sản của chúng sanh khác; ngoài ra nó không sanh. Khi issā (tật) sanh, macchariya (lận) và kukkucca (hối) không sanh. Macchariya (lận) chỉ sanh khi chúng sanh giấu giếm tài sản của mình hay khi chúng sanh bủn xỉn, keo kiệt; ngoài ra nó không sanh. Khi macchariya (lận) sinh khởi, issā (tật) và kukkucca (hối) không sanh. Kukkucca (hối) chỉ sanh khi chúng sanh đau lòng về những việc ác đã làm hay về những việc thiện không làm; ngoài ra nó không sanh. Khi kukkucca (hối) sanh thì issā (tật) và macchariya (lận) không sanh. Do đó, issā (tật), macchariya (lận), kukkucca (hối) không đồng sanh; chúng sanh riêng lẻ và chỉ sanh khi hội đủ những duyên. Cách phối hợp của những sở hữu tâm này được gọi là nānā-kadāci (khác thời) hay bất định.

2. Māna (ngã mạn) phối hợp với 4 diṭṭhigata vippayutta lobhamūlacittaṃ (tâm căn tham bất tương ưng kiến), nhưng nó không luôn sinh khởi khi những tâm này sanh. Ngã mạn chỉ sanh khi chúng sanh nghĩ đến việc nâng cao mình hay xem thường chúng sanh khác. Nó không sanh khi chúng sanh không có tánh kiêu ngạo, ngạo mạn.

3. Thīna (hôn trầm) và middha (thùy miên) phối hợp với 5 akusala-sasaṅkhārika cittaṃ (tâm bất thiện hữu dẫn), nhưng chúng chỉ phối hợp với những tâm này khi những tâm này và những pháp câu sanh bị trì trệ, chậm chạp và không mạnh; ngoài ra chúng không sanh.

4. 3 virati cetasika (sở hữu ngăn trừ) – đó là sammā-vācā (chánh ngữ), sammā-kammanto (chánh nghiệp) và sammā-ājīvo (chánh mạng) – cũng sanh trong cách nānā-kadāci (khác thời) hay bất định. Sammā-vācā (chánh ngữ) chỉ sanh khi chúng sanh kiêng khem, ngăn ngừa khỏi vọng ngữ, ngoài ra nó không sanh. Sammā-kammanta (chánh nghiệp) chỉ sanh khi chúng sanh ngăn ngừa khỏi thân ác (hành động sai quấy), ngoài ra nó không sanh. Sammā-ājīvā (chánh mạng) chỉ sanh khi chúng sanh ngăn ngừa khỏi sự kiếm sống, nuôi mạng sai quấy, ngoài ra nó không sanh.

5. 2 appañña cetasikaṃ (sở hữu vô lượng) – đó là karuṇā (bi) và muditā (tùy hỷ) – cũng sanh trong cách nānā-kadāci (khác thời) hay bất định. Karuṇā (bi) chỉ sanh khi chúng sanh có lòng trắc ẩn cho chúng sanh khác, ngoài ra nó không sanh. Muditā (tùy hỷ) chỉ sanh khi chúng sanh tùy hỷ, vui theo sự thành tựu hay tài sản của chúng sanh khác, ngoài ra nó không sanh.

 

Ứng Dụng:

1. Một người đàn ông buồn, giận bởi vì người vợ của ông phục vụ vật thực không ngon. Loại tâm của người đàn ông này là gì? Và những sở hữu phối hợp với tâm này là gì?

Khi người đàn ông giận, ông ta có dosamūla cittaṃ (tâm căn sân). Tên của tâm này là domanassa sahagataṃ paṭigha sampayuttaṃ asaṅkhārika cittaṃ (tâm câu hành ưu tương ưng khuể vô dẫn).

Những sở hữu phối hợp với tâm này là 12 aññasamāna cetasika (sở hữu tợ tha) [trừ pīti (hỷ)], 4 akusala sādhāraṇa cetasika (sở hữu bất thiện biến hành) và sân (dosa). Issā (tật), macchariya (lận), kukkucca (hối) không phối hợp với tâm này.

2. Khi chúng sanh cảm thấy buồn phiền, bực bội vì chúng sanh khác được việc làm tốt hơn bản thân. Loại tâm này là gì và những pháp câu sanh với nó là gì?

Tên của loại tâm này giống như trên. Nhưng khi chúng sanh ganh tị, tật đố với sự thành đạt của chúng sanh khác, do đó issā (tật đố) cũng sẽ phối hợp với tâm cộng với 17 sở hữu đã đề cập ở trên.

3. Khi chúng sanh cảm thấy khó chịu, bởi vì vị ấy không muốn chia sẻ văn phòng với người mới đến. Loại tâm này là gì và những sở hữu phối hợp với tâm này là gì?

Tâm này là domanassasahagataṃ paṭighasampayuttaṃ asaṅkhārikaṃ dosamūlacittaṃ (tâm căn sân câu hành ưu tương khuể vô dẫn).

Những sở hữu phối hợp với tâm này là 12 aññasamāna cetasika (sở hữu tợ tha) [trừ pīti (hỷ)], 4 akusala sādhāraṇa cetasika (sở hữu bất thiện biến hành), sân (dosa) và macchariya (lận), (Tổng cộng = 18).

4. Một tín nữ bày tỏ tâm thành kính đến bảo tháp với niềm hoan hỷ và với sự hiểu về kamma (nghiệp). Tâm của tín nữ trong khi ấy là gì và những pháp câu sanh phối hợp với nó là gì?

Tâm của tín nữ trong khi ấy là somanassasahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ asaṅkhārikaṃ mahākusala cittaṃ (tâm đại thiện câu hành hỷ tương ưng trí vô dẫn).

Những sở hữu phối hợp với tâm ấy là 13 aññasamāna cetasika (sở hữu tợ tha), 19 sobhaṇa sādhāraṇa cetasika (sở hữu tịnh hảo biến hành) và paññindriya (trí quyền).

Viriya (giới phần hay ngăn trừ phần) và appamaññā (vô lượng) không phối hợp với tâm này.

5. Một bé gái miễn cưỡng thú nhận với mẹ rằng bé ấy đã lấy cắp 5 kyats[111] từ ví tiền của mẹ. Khi ấy, bé không hoan hỷ và không hiểu về kamma (nghiệp). Tâm và những sở hữu phối hợp với tâm đó trong khi ấy là gì?

Tâm của bé gái trong khi ấy là upekkhāsahagataṃ ñānṇavippayuttaṃ sasaṅkhārikaṃ mahākusalacittaṃ (tâm đại thiện câu hành xả bất tương ưng trí hữu dẫn).

Những sở hữu là 12 aññasamāna cetasika (sở hữu tợ tha) [trừ pīti (hỷ)], 19 sobhaṇa sādhāraṇa cetasika (sở hữu tịnh hảo biến hành) và sammā-vācā (chánh ngữ), (tổng cộng = 32).

6. Khi hiểu, ý thức về nghiệp và quả của nghiệp, dù miễn cưỡng, một ngư dân vẫn nghĩ đánh bắt cá vì sự sống. Tâm và những pháp câu sanh trong khi ấy là gì?

Tâm của vị đó trong khi ấy là upekkhāsahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ sasaṅkhārikaṃ mahākusalacittaṃ (tâm đại thiện câu hành xả tương ưng trí hữu dẫn).

Những sở hữu là 12 aññasamāna cetasika (sở hữu tợ tha) [trừ pīti (hỷ)], 19 sobhaṇa sādhāraṇa cetasika (sở hữu tịnh hảo biến hành), paññindriya (trí quyền) và sammā-ājīva (chánh mạng), (tổng cộng = 33).

7. Một đứa bé cảm thấy thương xót một con chó bị xe đụng. Khi ấy, đứa bé không hoan hỷ và không ý thức về nghiệp.

Vì vậy, tâm của đứa bé trong khi ấy là upekkhāsahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ asaṅkhārikaṃ mahākusalacittaṃ (tâm đại thiện câu hành xả bất tương ưng trí vô dẫn).

Những sở hữu là 12 aññasamāna cetasika (sở hữu tợ tha) [trừ pīti (hỷ)], 19 sobhaṇa sādhāraṇa cetasika (sở hữu tịnh hảo biến hành) và karuṇā (bi), (tổng cộng = 32).

8. Một người cha hoan hỷ chúc mừng con trai của ông đã vượt qua kỳ sát hạch kiểm tra. Khi ấy, người cha không nghĩ về nghiệp và quả của nghiệp.

Tâm của người cha trong khi ấy là somanassasahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ asaṅkhārikaṃ mahākusalacittaṃ (tâm đại thiện câu hành hỷ bất tương ưng trí vô dẫn).

Những sở hữu là 13aññasamāna cetasika (sở hữu tợ tha), 19 sobhaṇa sādhāraṇa cetasika (sở hữu tịnh hảo biến hành) và muditā (tùy hỷ), (tổng cộng = 33).

9. Một thiện nam chuyên chú trong tứ thiền bằng cách khắn khít miệt mài trên paṭibhāga nimitta của pathavī kasiṇa (đề mục đất). Tên tâm và những sở hữu phối hợp với tâm trong khi ấy là gì?

Tâm trong khi ấy là “Tâm thiện sắc giới tứ thiền”; cũng có thể gọi là Sukh’ekaggatā sahitaṃ catutthajjhāna kusalacittaṃ (tâm thiện tứ thiền câu hành với lạc và định).

Những sở hữu phối hợp với tâm trong khi ấy là 10 aññasamāna cetasika (sở hữu tợ tha) [trừ vitakka (tầm), vicāra (tứ), hỷ (pīti)], 19 sobhaṇa sādhāraṇa cetasika (sở hữu tịnh hảo biến hành) và paññidriya (trí quyền), (tổng cộng = 30).

10. Những sở hữu phối hợp với Sotāpatti phalacittaṃ (tâm quả Thất lai) câu hành với sơ thiền là gì?

Những sở hữu ấy là 13 aññasamāna cetasika (sở hữu tợ tha), 19 sobhaṇa sādhāraṇa cetasika (sở hữu tịnh hảo biến hành), 3 virati cetasika (sở hữu ngăn trừ) và paññidriya (trí quyền), (tổng cộng = 36).

 

Làm Điều Bất Khả Thi

 

Trong Abhidhamma (Vô Tỷ Pháp), Đức Phật đã phân tích tâm và những thành phần của tâm, gọi là citta (tâm) và cetasika (sở hữu tâm). Những thành phần này là những thực tính siêu lý, gọi là paramattha. Những thực tính ấy rất tinh vi. Chúng không có hình thái, hình dáng và do đó chúng không thể bị thấy cho dù dưới kính hiển vi điện tử hiện đại nhất.

Giờ đây chúng ta biết rằng citta (tâm) là một bản thể thực tính siêu lý với trạng thái biết cảnh. 52 cetasika (sở hữu tâm) cũng là những bản thể thực tính có những trạng thái khác nhau. Dù có những trạng thái khác nhau, nhưng những ‘sở hữu tâm’ kết hợp có hệ thống với tâm, tổng cộng có 89 thứ tâm tính hẹp hay 121 thứ tâm tính rộng là có thật.

Tâm nguyên thể thì như ly nước tinh khiết. Khi thêm một giọt mực đỏ vào nước, toàn bộ ly nước trở thành đỏ. Khi một giọt mực đen được thêm vào, toàn bộ nước trở thành đen. Cũng như thế, khi tâm được phối hợp bởi những sở hữu bất thiện xấu xa, toàn khối - tức là tâm - trở nên bất thiện và xấu xa. Khi tâm được phối hợp bởi những sở hữu tốt đẹp, tịnh hảo, tâm trở nên tốt đẹp và lương thiện.

Tập hợp tâm và sở hữu tâm sanh và diệt ở một tốc độ kinh khủng – hơn cả một ngàn tỷ lần trên một cái nháy mắt như đã nêu trong chú giải Abhidhamma. Làm thế nào một người có thể biết những pháp này với sự thay đổi nhanh chóng?

Để minh họa, chúng ta hãy lấy một ly nước từ một dòng sông. Có thể nào phân biệt được nước đến từ dòng suối nhỏ và dòng suối lớn khác nhau chảy vào sông? Việc này được dễ dàng quán sát để so sánh hơn là quán sát tập hợp những citta (tâm) và cetasika (sở hữu tâm).

Dù sao Đức Phật đã hoàn thành việc bất khả thi trong vấn đề quán sát tâm đến cùng tột. Giờ đây, câu hỏi có thể được đặt ra “mục đích của việc quán sát này là gì?”

Mục đích của việc quán sát này hoàn thành là vì lợi ích của sự thấy các pháp đúng theo thực tính siêu lý. Nếu một người có thể thấy phận sự của những pháp siêu lý này, vị ấy có thể hiểu rằng không có ta hay linh hồn hoặc người và do đó có thể rời bỏ những quan điểm lệch lạc về thân kiến (sakkāyadiṭṭhi). Nếu vị ấy đi đến Thánh đạo, vị ấy sẽ sớm thấy rõ Nibbāna (Níp-bàn).

Bây giờ là câu hỏi khác: Có thể nào quán thấy biết rõ tập hợp của những tâm, sở hữu tâm diệt ngay sau khi sanh chăng? Câu trả lời là “Có”. Làm sao chúng ta có thể thấy?

Trước tiên chúng ta có thể tu tập định (samādhi). Khi câu hành với upacārasamādhi (cận định) hay jhāna samādhi (thiền định), mano viññāṇa (ý thức) có thể thấy tập hợp citta (tâm) và cetasika (sở hữu tâm) và quán sát chúng. Những phương pháp quán sát được trình bày trong Buddhist canon như Saṃyutta Nikāya (2, 12), Samādhi Sutta, Visudhi Magga (2, 222) Bodhipakkhiya Dīpanī và Kammaṭṭhāna Kyangyi của ngài Ledi Sayadaw của Myanmar, tức là, những phương pháp này đang được tu tập thành công trong một vài trung tâm thiền ở Myanmar như là International Pa-Auk Forest Meditation Centres ở Yangon, Mandalay, Mawlamyine, v.v…

Do đó, hiểu biết Abhidhamma không phải là cái biết suy đoán, mà cũng không phải là vì lợi ích của sự hiểu biết cao hơn sự hiểu biết. Hiểu biết Abhidhamma là được học, hiểu thấu và tu tập vì lợi ích của sự giác ngộ và giải thoát khỏi tất cả khổ.

___/\___

CHƯƠNG VI: RŪPA SAṄGAHA – SẮC PHÁP NHIẾP (SẮC PHÁP TẬP YẾU)

 

Mở Đầu

Trong bốn pháp siêu lý (paramattha), tâm (citta), sở hữu tâm (cetasika), sắc pháp (rūpa), Níp-bàn (Nibbāna), chúng ta đã học qua 89 hay 121 thứ tâm, 52 sở hữu tâm. Những sở hữu tâm này phối hợp với tâm, nương vào tâm, cảnh (ārammaṇa) cũng như sắc vật (vatthu), sự phát sanh của lộ tâm nhận biết cảnh, 31 cõi hiện hữu và những hạng người trú ở những cõi ấy, sự khác biệt giữa những loại nghiệp và những hoạt động của chúng xuyên qua những quả thành tựu như là tâm tái tục, tâm hữu phần và tâm tử và cuối cùng tử và tái tục.

Nay trong chương này, chúng ta bàn về hai pháp siêu lý còn lại đó là sắc pháp (rūpa) và Níp-bàn (Nibbāna).

 

Sắc Pháp Là Chi?

Rūpa’ (căn rup - pakāsane) được dịch như là sắc, tố chất, hữu hình, thân, tinh thể, v.v… nhưng không có từ nào chính xác. Xem xét từ những diện mạo, trạng thái khác nhau của ‘rūpa’, thì ‘sắc’ hay sắc pháp là từ tương đương gần nhất. ‘Rūpa’ bao gồm những trạng thái của sắc cũng như hoạt động của chúng.

Tattha katamaṃ sabbaṃ rūpaṃ? Cattāro ca mahābhūtā, catunnañca mahābhūtānaṃ upādāyarūpaṃ, idaṃ vuccati sabbaṃ rūpaṃ.

Tất cả sắc pháp là chi? Là sắc tứ đại hiển và sắc y sinh nương sắc tứ đại hiển, đó gọi là tất cả sắc pháp. (Dhs. 502)

Rūpa’ có thể thay đổi hình dạng và màu sắc do quí tiết nóng và lạnh cũng như những sắc vật chất. Mặc dù hình thể, hình dạng và khối lượng sẽ hiển lộ khi nhiều ‘rūpa’ được tích lũy, nói theo thực tính siêu lý thì sắc pháp (rūpa) không có hình dáng rõ rệt, không có hình dạng xác định.

Trong Vô Tỷ Pháp (Abhidhamma), sắc pháp (rūpa) sanh và diệt liên tục không dứt ở mỗi tiểu sát-na (khaṇa). Sắc pháp liên tục sanh không ngừng do bốn nguyên nhân trợ – đó là: Nghiệp (kamma), tâm (citta), quí tiết (utu) và vật thực (āhāra). Sắc pháp tồn tại rất ngắn – chỉ 17 sát-na tâm. Chúng vừa được hình thành thì hầu như tức khắc diệt mất. Hầu như tỷ lệ sanh và tỷ lệ diệt của sắc pháp đồng nhau làm cho định luật bảo tồn của sắc giữ thành những ‘khối’ hay ‘uẩn’.

Bên cạnh việc sắc pháp (rūpa) và danh pháp (nāma) phụ thuộc lẫn nhau, chúng ta nên hiểu sắc pháp hơn nữa bằng cách nghiên cứu những khía cạnh khác nhau của sắc pháp được trình bày dưới đây.

 

Bảng Liệt Kê Sắc Pháp (Rūpa samuddesa)

Theo Abhidhamma, 28 thứ sắc pháp (rūpa) được chia thành 2 nhóm – đó là nhóm bốn sắc minh hay sắc hiển (bhūtarūpa) và nhóm hai mươi bốn sắc y sinh (upādāyarūpa). Sắc minh hay sắc hiển nổi bật hơn sắc y sinh. Khối lượng lớn như quả địa cầu và mặt trời được hình thành khi nhiều sắc minh được tích lũy. Sắc chủng còn được gọi là đại hiển (mahābhūta).

Bốn thứ sắc hiển (bhūtarūpa) này là nền tảng của sắc, không rời nhau trong những bọn sắc khác nhau. Chúng tham gia vào thành phần của tất cả sắc vật chất, từ phân tử nhỏ nhất cho đến hòn núi to lớn.

Hai mươi bốn sắc y sinh (upādāyarūpa) là những sắc nương nhờ hay tùy thuộc vào sắc hiển đặng sinh.

Bốn sắc đại hiển cùng với hai mươi bốn sắc y sinh tạo nên 28 thứ sắc pháp (rūpa) với những trạng thái khác nhau.

28 thứ sắc pháp (rūpa) có thể được phân thành 11 loại sắc như sau:

(a) ‘Sắc đại hiển’ – đất, nước, lửa, gió.

(b) ‘Sắc thanh triệt’ – nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân.

(c) ‘Sắc cảnh’ – sắc, thinh, khí, vị.

(d) ‘Sắc tính’ – nữ, nam.

(e) ‘Sắc ý vật’.

(f) ‘Sắc mạng quyền’.

(g) ‘Sắc vật thực’.

(h) ‘Sắc giao giới’.

(i) ‘Sắc biểu tri’ – thân biểu tri, khẩu biểu tri.

(j) ‘Sắc kỳ dị’ – nhẹ, mềm, thích sự.

(k) ‘Sắc tứ tướng’ – tích trữ, thừa kế, lão, vô thường.

(a) Bốn Sắc Đại Hiển (Mahābhūta)[112]

Sắc đại hiển nghĩa là sắc to lớn và hiện bày rõ ràng. Như có Pāḷi chú giải như vầy:

“Uppādinnānuppādinnasantānesu salakkhaṇato sasambhārato ca mahantāni hutvā bhavanti pātubhavantīti = mahābhūtāni”.

“Những sắc nào là to lớn và hiện bày rõ ràng bởi trạng thái và hình tướng riêng trong cơ tánh của vật có sự sống và không có sự sống. Do đó, những sắc ấy gọi là sắc đại hiển”.

1. Sắc Đất (paṭhavī) hay ‘địa đại, paṭhavīdhātu (địa giới)’ [‘Paṭhavī’ (địa) còn được viết là ‘puṭhavī, puṭhuvī’ – được bắt nguồn từ căn puth có nghĩa là tăng, nở ra, dãn ra, mở rộng, tăng số lượng v.v…; Dhātu (giới) nghĩa là pháp tự trì trạng thái (attano sabhāvaṃ dhārenti)].

Địa giới (paṭhavīdhātu) là thực tính dãn nở với những trạng thái cứng và mềm. Dãn nở nghĩa là chiếm không gian. Sự dãn nở 3 chiều khiến cho phát sanh khái niệm của một thân rắn chắc. Như không có hai thân có thể chiếm hữu cùng không gian trong cùng một thời gian, Phật giáo tìm thấy khái niệm cứng từ sắc đất. Hai trạng thái của cứng và mềm, hàm ý tính tương đối. Thí dụ, một hòn đá có thể nói là ‘cứng’ nếu so sánh với đất sét, nhưng là ‘mềm’ nếu so sánh với sắt. Sắc đất làm nơi nương tựa hay nòng cốt cho những sắc câu sanh khác.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Sahajātarūpāni pathanti patiṭṭhahanti etthāti = paṭhavī: Sắc nào thành chỗ cho các sắc câu sanh để nhờ, đó gọi là đất.

Katamaṃ taṃ rūpaṃ paṭhavidhātu? Yaṃ kakkhaḷaṃ kharigataṃ kakkhaḷattaṃ kakkhaḷabhāvo ajjhattaṃ vā bahiddhā vā upādinnaṃ vā anupādinnaṃ vā, idaṃ taṃ rūpaṃ paṭhavīdhātu.

Sắc gọi là địa giới đó ra sao? Sắc nào mà cứng sượng, sự cứng, cách cứng, vật cứng, trạng thái cứng, hoặc bên trong, hoặc bên ngoài, hoặc thành thủ, hoặc thành phi thủ. Những sắc này gọi là địa giới (pathavīdhātu). (Dhs. 656)

Dhātu (giới) nghĩa là tự trì trạng thái.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của địa: (DhsA.368, Vs.1.362, Vs.2.73)[113]

- Trạng thái là cứng (kakkhaḷattalakkhaṇā), mềm, thô, mịn, nặng, nhẹ.

- Phận sự là duy trì, đóng vai trò là một nền tảng cho những sắc đại khác và những sắc y sinh trong bọn cùng hiện hữu (patiṭṭhānarasā).

- Thành tựu là hứng chịu, tiếp nhận những sắc đồng sanh trong cùng bọn (sampaṭicchana-paccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có 3 sắc đại còn lại trong cùng bọn của chúng (thủy, hỏa và phong giới) (avasesa-dhātuttāya-padaṭṭhānā).

2. Sắc nước (āpo) hay ‘thủy đại, āpodhātu (thủy giới)’ [‘āpo’ được bắt nguồn từ căn ap, đến, giao đến, hoặc từ ā + căn pāy, gia tăng, tăng trưởng. Āpodhātu (thủy giới) là yếu tố dính liền, cố kết].

Thủy giới (āpodhātu) là thực tính kết dính với những trạng thái quến lại và chảy ra. Nó là thực tính nước (āpo) làm cho những hạt sắc khác kết lại với nhau. Nó cũng như lực hấp dẫn giữa điện cực âm và dương. Khi chúng ta cộng một ít nước vào bột, những nguyên tử bột kết dính thành cục. Nếu chúng ta cộng thêm nước, hỗn hợp trở thành lỏng và chảy ra.

Có những câu Pāḷi chú giải như vầy:

Āpeti sahajātarūpesu byāpetvā tiṭṭhatīti = āpo: Sắc mà đượm nhuần khắp cả các sắc câu sanh, đó gọi là nước.

Appāyati sahajātarūpāni suṭṭhu brūheti vaḍḍhetīti = āpo: Sắc mà làm cho những sắc câu sanh tiến hóa tốt đẹp, đó gọi là nước.

Sahajātarūpāni avippakiṇṇāni katvā bhuso pāti rakkhatīti = āpo: Sắc mà quến lại bảo trì cho sắc câu sanh đặng chặt chẽ không cho rời rã, sắc ấy gọi là nước.

Katamaṃ taṃ rūpaṃ āpodhātu? Yaṃ āpo āpogataṃ sineho sinehagataṃ bandhanattaṃ rūpassa ajjhattaṃ yā bahiddhā vā upādinnaṃ vā anupādinnaṃ vā, idaṃ taṃ rūpaṃ āpodhātu.

Sắc gọi là thủy giới đó ra sao? Sắc nào có chơn tướng chảy ra, quến lại, hay sự nhỉ, ướt, tươm của sắc hoặc bên trong, hoặc bên ngoài, hoặc thành thủ, hoặc thành phi thủ, dù thế nào những sắc này đều gọi là thủy giới (āpodhātu). (Dhs.656)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của nước: (DhsA.368, Vs.1.362, Vs.2.73)

- Trạng thái là chảy ra, rỉ ra (paggharaṇalakkhaṇa) hay là trạng thái liên kết lại (ābandhana-lakkhaṇa).

- Phận sự là có cách tiến hóa làm tăng những sắc đồng sanh trong cùng bọn (byūhanarasā).

- Thành tựu là tóm xiết chặt lại, cùng giữ hay cố kết sắc siêu lý trong bọn (saṅgahapaccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là 3 sắc đại còn lại trong cùng bọn của chúng (avasesa-dhātuttaya-padaṭṭhānā).

3. Sắc lửa (tejo) hay ‘hỏa đại, tejodhātu (hỏa giới)’ [‘tejo’ được bắt nguồn từ căn tij, mài, vót làm cho nhọn, làm cho bén, làm tăng thêm, làm cho chín, làm cho hoàn thiện. Cả hai nhiệt nóng và nhiệt lạnh là thực tính của tejodhātu (hỏa giới)].

Hỏa giới (tejodhātu) là thực tính nhiệt hay năng lượng nhiệt với trạng thái nóng và lạnh. Tính sôi nổi, tính chín, nóng và lạnh là do nhiệt. Cả hai nóng và lạnh là trạng thái của năng lượng nhiệt (tejo). Khi nhiệt thổi vào thân chúng ta, chúng ta cảm giác nóng. Khi nhiệt thoát ra khỏi thân chúng ta ra ngoài, chúng ta cảm giác lạnh.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Tejeti paripacetīti = tejo: Nhiệt làm cho chín gọi là hỏa.

Lửa hoạt động trong thân có 5 cách: 1 là chất ấm trong thân (usmātejo), 2 là chất nóng trong thân hơi nhiều (santāpanatejo), 3 là chất nóng quá độ (ḍahanatejo), 4 là lửa làm cho thân già (jiraṇatejo), 5 là lửa làm cho tiêu vật thực (pācakatejo).

Katamaṃ taṃ rūpaṃ tejodhātu? Yaṃ tejo tejogataṃ usmā usmāgataṃ usumaṃ usumagataṃ ajjhattaṃ vā bahiddhā vā upādinnaṃ vā anupādinnaṃ vā, idaṃ taṃ rūpaṃ tejodhātu.

Sắc mà gọi là hỏa giới đó ra sao? Sự nóng, cách nóng, sự ấm, cách ấm, sự nực, cách nực, hoặc bên trong, hoặc bên ngoài, hoặc thành thủ, hoặc thành phi thủ, dù thế nào những sắc này đều gọi là hỏa giới (tejodhātu). (Dhs. 656)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của tejo: (DhsA.368, Vs.1.362, Vs.2.73)

- Trạng thái là nhiệt (cách nóng, hay lạnh) (uṇhatta-lakkhaṇā).

- Phận sự là làm cho chín, làm chín những sắc chơn đế khác trong bọn (paripācana-rasā).

- Thành tựu là làm cho ấm áp, mềm dẻo (maddavānuppadāna-paccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có 3 sắc đại còn lại trong cùng bọn (avasesa-dhātutaya-padaṭṭhānā).

4. Sắc Gió (vāyo) hay ‘phong đại, vāyodhātu (phong giới)’ (‘vāyo’ được bắt nguồn từ căn vay, dao động, rung động, lay động, chuyển động, di động, cử động, lung lay, đu đưa, áp lực, áp suất v.v... gây ra do sắc này).

Phong giới (vāyodhātu) là thực tính chuyển động, lay động hay động năng với những trạng thái nâng đỡ và chịu. Khi chúng ta thổi khí vào một bong bóng, khí sẽ đẩy thành của bong bóng ra ngoài và nếu không quân bình lực đẩy vào thành của bong bóng, bong bóng sẽ bể. Nhớ rằng có tác động và phản ứng ở mỗi điểm. Sự lay động, rung động, dao động, xoay và áp suất đều do sắc gió (vāyo).

Có Pāḷi chú giải như vầy:

- Vāyati desantaruppatti hetubhāvena bhutasaṅghātaṃ papetīti = vāyo: Sắc mà làm nhân lay động sắc câu sanh thay đổi chỗ, gọi là gió.

- Vāyati sahajātadhamme apatamāne katvā vahatīti = vāyo: Sắc mà kềm sắc câu sanh cứng vững không lay động, gọi là gió.

Gió hoạt động trong thân có 6 cách: 1 là gió thổi lên (uddhaṅgamavāyo), 2 là gió thổi xuống (adhogamavāyo), 3 là gió thổi trong bụng (kucchiṭṭhavāyo), 4 là gió trong ruột già (koṭṭhāsayavāyo), 5 là gió đi khắp châu thân (aṅgamaṅgānusārīvāyo), 6 là hơi thở ra vô (assāsapassāsavāyo).

Katamaṃ taṃ rūpaṃ vāyodhātu? Yaṃ vāyo vāyogataṃ thambhitattaṃ rūpassa ajjhattaṃ vā bahiddhā vā upādinnaṃ vā anupādinnaṃ vā, idaṃ taṃ rūpaṃ vāyodhātu.

Sắc mà gọi là phong giới đó ra sao? Gió nào của sắc lay động qua lại, hoặc bên trong, hoặc bên ngoài, hoặc thành thủ, hoặc thành phi thủ, dù thế nào những sắc này đều gọi là phong giới (vāyodhātu). (Dhs. 656)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của gió: (DhsA.368, Vs.1.362, Vs.2.73)

- Trạng thái là lay động (samīraṇa-lakkhaṇā), hay là trạng thái căng phồng, chịu, đẩy, nâng đỡ những sắc chơn đế khác trong cùng bọn (vitthambhana-lakkhaṇā).

- Phận sự là làm cho khua động nổi tiếng, đẩy, lay động những sắc chơn đế khác (samudīraṇa-rasā).

- Thành tựu là kéo đi, dịch chuyển đến nơi khác (abhinihāra-paccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có 3 sắc đại còn lại trong cùng bọn (avasesa-dhātutaya-padaṭṭhānā).

Lưu ý: Bốn sắc đại hiển cũng được gọi là bốn sắc đại giới.

Dhātu theo Pāḷi nghĩa là tự trì trạng thái hay thực tính. ‘Giới’ là từ tương đồng gần nhất với ‘dhātu’.

Pathavī dhātu theo nghĩa đen là ‘địa giới’, āpo dhātu là ‘thủy giới’, tejo dhātu là ‘hỏa giới’ và vāyo dhātu là ‘phong giới’. Nhưng pathavī không phải là đất, cũng như āpo không phải là nước hay vāyo không phải là gió.

Sắc tứ đại hiển là nền tảng của những sắc thực tính đồng hiện hữu và bất ly. Mỗi thứ sắc, dù đất, nước, lửa hay gió từ phân tử nhỏ nhất cho đến vật lớn nhất được tạo bởi bốn giới (dhātu) này đều sở hữu mỗi trạng thái riêng như được trình bày ở trên.

Từ đây, người đọc có thể thấy rằng Phật giáo không bàn về nước Thales, gió Anaximenes, lửa Heracleitus hay sắc Peripatetic của triết học Hy Lạp.

Đất (pathavī), nước (āpo), lửa (tejo) và gió (vāyo) không có hình dáng rõ rệt và không có khối lượng trong ý nghĩa siêu lý. Trong thiền quán minh sát (vipassanā), chúng ta chỉ quán những trạng thái của chúng trong thân, tức là cứng và mềm, quến lại và chảy ra, nóng và lạnh, đẩy và cân bằng.

Bốn chất đại vừa nêu gom chung lại là tứ đại minh, tứ đại chủng hay tứ đại hiển (mahābhūta) nghĩa là lớn lao rõ rệt. Có Pāḷi chú giải như vầy: Mahantāni hutvā bhūtāni pātubhūtānīti = mahābhutāni: Sắc có chơn tướng hiện bày rất rõ rệt, gọi là đại minh hay tứ đại hiển, tức là đất, nước, lửa, gió.[114]

___o0o___

Hai Mươi Bốn Sắc Y Sinh (Upādārūpa)

 

Sắc y đại sinh là sắc nương sắc đại hiển sanh. Như có Pāḷi chú giải như vầy:

“Mahābhūtānaṃ upādāya pavattaṃ rūpanti = upādāyarūpaṃ”: Sắc nào phát sanh do nương sắc đại hiển, sắc ấy gọi là sắc y sinh hay sắc y đại sinh.

Có 24 sắc y sinh hay sắc thực tính thứ yếu nương bốn sắc đại hiển. Tợ như đất là chánh; như cây thì nương sinh nảy nở từ đất.

(b) Năm sắc thanh triệt (Pasāda rūpa)[115]

Sắc thanh triệt là những phần sắc trong ngần của các giác quan – mắt, tai, mũi, lưỡi và thân. Chúng có khuynh hướng làm trong sáng các sắc đồng sanh. Chúng tiếp nhận những dấu ấn của cảnh. Có Pāḷi chú giải như vầy:

Pasīdatīti = pasādo: Sự trong ngần của sắc (tứ đại) gọi là thanh triệt.

5. Sắc nhãn thanh triệt (cakkhupasāda) là thứ sắc trong ngần của sắc nghiệp lan tỏa trong lớp thứ 7 của con ngươi; nơi ảnh (cảnh sắc) hiện bày hay là nơi thâu đặng cảnh sắc.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Cakkhatīti = cakkhu: Chỗ để cho thấy cảnh sắc gọi là nhãn tức là nhục nhãn (maṃsacakkhu) mắt thịt.

Nói nhãn đây có hai: 1 là trí nhãn (paññācakkhu), 2 là nhục nhãn (maṃsacakkhu).

Trí nhãn có 5: 1 là Phật nhãn (Buddhacakkhu) tức là tuệ biết tánh nết chúng sanh (āsayānusayañāṇa), 2 là toàn tri nhãn (samantacakkhu) tức là nhất thế chủng trí (sabbaññutañāṇa), 3 là tuệ nhãn (ñāṇacakkhu) tức là tuệ đạo của bậc Tứ quả (Arahattamaggañāṇa), 4 là thiên nhãn (dibbacakkhu) tức là nhãn thông (abhiññāṇa), 5 là pháp nhãn (dhammacakkhu) tức là tuệ đạo của bậc Hữu học (maggañāṇa).

Nhục nhãn có 2: 1 là nhãn thanh triệt (pasādacakkhu) tức là con ngươi trong bảy lớp võng mạc ở giữa tròng đen, 2 là nhãn hiện tượng (sasambhāracakkhu) là tất cả bộ phận con mắt.

Ở đây là nói về nhãn thanh triệt. Có Pāḷi chú giải như vầy: Cakkhuviññāṇadiṭṭhitaṃ hutvā samavisamaṃ cakkhati ācikkhantaṃ viya hotīti = cakkhu: Nơi nương của nhãn thức và có cách mường tượng cho nhãn thức biết cảnh tốt, xấu, đó gọi là nhãn tức là nhãn thanh triệt, hiện tượng như đầu con chí, tục gọi là con ngươi có bảy lớp mạc bao, tỷ như gòn ở trong dầu, cũng gọi là nhãn quyền hay nhãn môn.

Katamaṃ taṃ rūpaṃ cakkhāyatanaṃ? Yaṃ cakkhu catunnaṃ mahābhūtānaṃ upādāya pasādo attabhāvapAriyāpanno anidassano sappaṭigho, yena cakkhunā anidassanena sappaṭighena rūpaṃ sanidassanaṃ sappaṭighaṃ passi vā passati vā passissati vā passe vā, cakkhumpetaṃ, cakkhāyatanampetaṃ, cakkhudhātupesā, cakkhundriyampetaṃ, lokopeso, dvārāpesā, samuddopeso, paṇḍarampetaṃ, khettampetaṃ, vatthumpetaṃ, nettampetaṃ, nayanampetaṃ, orimaṃtīrampetā, suñño gāmopeso idaṃ taṃ rūpaṃ cakkhāyatanaṃ.

Sắc mà gọi là nhãn xứ đó ra sao? Nhãn nào là thanh triệt nương sắc tứ đại hiển, liên hệ trong thân thể, thành không thấy mà đối chiếu đặng, chúng sanh đã thấy, đang thấy, sẽ thấy, nên thấy thứ sắc thấy đặng và đối chiếu (do thâu bằng nhãn thanh triệt), nhãn nào không thấy được mà đối chiếu đặng; đây cũng gọi là nhãn, cũng gọi là nhãn xứ, cũng gọi là nhãn giới, cũng gọi là nhãn quyền, cũng gọi là đời, cũng gọi là môn, cũng gọi là biển, cũng gọi là bạch tịnh, cũng gọi là giới hạn, cũng gọi là vật, cũng gọi con ngươi, cũng gọi con mắt, cũng gọi bờ bên này, cũng gọi luống không[116], nhà trống. Những sắc này gọi là nhãn xứ. (Dhs. 516)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của nhãn thanh triệt:

- Trạng thái là trong ngần của sắc tứ đại mà thâu cảnh sắc đặng (rūpā-bhighātā-raha-bhūta-ppasāda-lakkhaṇaṃ).

- Phận sự là làm tuôn ra, gây ra tiến trình/lộ tâm để thấy biết một cảnh sắc, đó là kéo tiến trình/lộ tâm đến một cảnh sắc (rūpesu aviñchana-rasaṃ).

- Thành tựu là cơ sở, nền tảng, chỗ nương của nhãn thức và sở hữu tâm (danh hành) phối hợp với nhãn thức ấy. (cakkhuviññāṇassa ādhāra-bhāvapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là có sắc tứ đại sanh từ nghiệp tham ái chấp trước sự thấy (diṭṭhukāmatānidāna-kammaja bhūta-padaṭṭhānaṃ).

 

6. Sắc nhĩ thanh triệt (sotapasāda) là thứ sắc thanh triệt của sắc nghiệp lan tỏa ở nơi có hình dáng tợ như một vòng tròn bên trong lỗ tai thâu đặng âm thinh làm cảnh cho nhĩ thức biết cảnh thinh.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Suṇātīti = sotaṃ: Có thể (làm cho) nghe đặng, gọi là nhĩ, có 2 thứ: 1 là nhĩ thanh triệt (sotāpasāda), 2 là lỗ tai hiện tượng ra ngoài để cho nhĩ thanh triệt nương.

Nhĩ thanh triệt có 3 câu chú giải như sau:

Sotaviññāṇa dhiṭṭhitaṃ hutvā saddaṃ suṇatīti: Chỗ nương của nhĩ thức nhờ đặng nghe, đó tức là nhĩ thanh triệt.

Saddaṃ suṇanti etenāti = sotaṃ: Nghe tiếng đặng nhờ sắc ấy, nên sắc ấy gọi là nhĩ, tức là nhĩ thanh triệt.

Sadde suyyanti etenāti = sotaṃ: Tất cả chúng sanh nghe đặng tiếng do nhờ sắc ấy, nên sắc ấy gọi là nhĩ; tức là nhĩ thanh triệt. Câu giải thứ nhất phụ thuộc, hai câu giải sau chánh thức.

Katamaṃ taṃ rūpaṃ sotāyatanaṃ? Yaṃ sotaṃ catunnaṃ mahābhūtānaṃ upādāya pasādo attabhāvapAriyāpanno anidassano sappaṭigho, yena sotena anidassanena sappaṭighena saddaṃ anidassanaṃ sappaṭighaṃ suṇi vā suṇāti vā suṇissati vā suṇe vā, sotampetaṃ, sotāyatanampetaṃ, sotadhātupesā sotindriyampetaṃ, lokopeso, dvārāpesā, samuddopeso, paṇḍarampetaṃ, khettampetaṃ, vatthumpetaṃ, orimaṃ tīrampetaṃ, suñño gāmopeso. Idaṃ taṃ rūpaṃ sotāyatanaṃ. (Dhs. 517)

Sắc mà gọi là nhĩ xứ đó ra sao? Nhĩ nào là thanh triệt nương sắc tứ đại hiển, liên quan thân thể là đồ không thấy nhưng đối chiếu đặng (mà chúng sanh) hoặc đã nghe, hoặc đang nghe, hoặc sẽ nghe, hoặc đang nghe những tiếng là thứ không thấy mà đối chiếu đặng. Nhĩ nào là thứ thấy không đặng mà đối chiếu đặng, đây cũng gọi là nhĩ, cũng gọi là nhĩ xứ, cũng gọi là nhĩ giới, cũng gọi là nhĩ quyền, cũng gọi là đời, cũng gọi là môn, cũng gọi là biển, cũng gọi là bạch tịnh, cũng gọi là giới hạn, cũng gọi là vật, cũng gọi bờ bên này, cũng gọi nhà không. Những sắc này gọi là nhĩ xứ.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của nhĩ thanh triệt:

- Trạng thái là sự trong ngần của sắc tứ đại mà thâu đặng cảnh thinh (saddābhighātārahabhūtappasādalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là đưa đến hứng chịu cảnh thinh đối chiếu (saddesu āviñchanarasaṃ).

- Thành tựu là chỗ nương của nhĩ thức (sotaviññāṇassa ādhārabhāvapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là có sắc tứ đại sanh từ nghiệp tham ái thinh (sotukāmatānidāna-kammajabhūtapadaṭṭhānaṃ).

 

7. Sắc tỷ thanh triệt (ghānapasāda) là thứ sắc trong ngần của sắc nghiệp lan tỏa ở nơi có hình dáng tợ như móng chân cừu bên trong lỗ mũi thâu đặng các mùi làm cảnh cho tỷ thức biết cảnh khí.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Ghāyatīti = ghānaṃ: Có cách hít, ngửi, đó gọi là tỷ.

Nói về tỷ có hai thứ: 1 là bản thể tỷ (pasādaghāna) tức là tỷ thanh triệt nương trong xương lỗ mũi, như móng con dê; 2 là tỷ cụ thể (sasambhāraghāna) tức là cả bộ phận (hiện tượng) lỗ mũi để cho tỷ thanh triệt nương.

Bản thể tỷ hay tỷ thanh triệt có câu Pāḷi chú giải chánh thức như vầy:

Ghāyanti etenāti = ghānaṃ: Sắc nào làm nguyên do ngửi hơi đặng, sắc ấy gọi là tỷ, tức là tỷ thanh triệt.

Katamaṃ taṃ rūpaṃ ghānāyatanaṃ? Yaṃ ghānaṃ catunnaṃ mahābhūtānaṃ upādāya pasādo attabhāvapAriyāpanno anidassano sappaṭigho, yena ghānena anidassanena sappaṭighena gandhaṃ anidassanaṃ sappaṭighaṃ ghāyi vā ghāyati vā ghāyissati vā ghāye vā ghānampetaṃ, ghānāyatanampetaṃ, ghānadhātupesā, ghānindriyampetaṃ, lokopeso, dvārāpesā, samuddepeso, paṇḍarampetaṃ, khettampetaṃ, vatthumpetaṃ, orimaṃ tīrampetaṃ, suñño gāmopeso. Idaṃ taṃ rūpaṃ ghānāyatanaṃ.

Sắc mà gọi là tỷ xứ đó ra sao? Tỷ nào là thanh triệt nương sắc tứ đại hiển, liên hệ trong thân thể là đồ không thấy mà đối chiếu đặng, (thế vậy chúng sanh) đã ngửi, đang ngửi, sẽ ngửi, đáng ngửi, nhập với khí là thứ không thấy mà đối chiếu đặng đối với tỷ nào thành thứ không thấy mà đối chiếu đặng; đây cũng gọi là tỷ, cũng gọi là tỷ xứ, cũng gọi là tỷ giới, cũng gọi là tỷ quyền, cũng gọi là đời, cũng gọi là môn, cũng gọi là biển, cũng gọi là bạch tịnh, cũng gọi là giới hạn, cũng gọi là vật, cũng gọi thử ngạn, cũng gọi nhà không. Những sắc này gọi là tỷ xứ. (Dhs. 518)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của tỷ thanh triệt:

- Trạng thái là cách trong ngần của sắc tứ đại nghiệp mà thâu đặng cảnh khí (gandhābhighātārahabhūtappasādalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là soi theo, chiếu đến cảnh khí (gandhesu āviñchanarasaṃ).

- Thành tựu là chỗ nương của tỷ thức (ghānaviññāṇassa ādhārabhāvapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là có sắc tứ đại sanh từ nghiệp tham ái khí (ghāyitukāmatānidāna-kammajabhūtapadaṭṭhānaṃ).

 

8. Sắc thiệt thanh triệt (jivhāpasāda) là thứ sắc trong ngần của sắc nghiệp lan tỏa ở giữa mặt trên của lưỡi; có hình dáng tợ như búp sen (hay giọt nước) thâu đặng các vị làm cảnh cho thiệt thức biết cảnh vị.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Sāyanaṭṭhena = jivhā: Có thể nếm vị đặng, gọi là thiệt.[117]

Nói về thiệt có hai thứ: 1 là bản thể lưỡi (pasādajivhā) tức là thanh triệt của lưỡi, 2 là cụ thể lưỡi (sasambhārajivhā) tức là cái lưỡi.

Thiệt thanh triệt (pasādajivhā). Có Pāḷi chú giải như vầy: Jīvitaṃ avhāyatīti = jivhā: Hưởng nhân thọ mạng gọi là thiệt; tức là thâu cảnh vị, đó là thiệt thanh triệt.

Katamaṃ taṃ rūpaṃ jivhāyatanaṃ? Yaṃ jivhā catunnaṃ mahābhūtānaṃ upādāya pasādo attabhāvapAriyāpanno anidassano sappaṭigho, yāya jivhāya anidassanāya sappaṭighāya rasaṃ anidassanaṃ sappaṭighaṃ sāyi vā sāyati vā sāyissati vā sāye vā, jivhāpesā jivhāyatanampetaṃ, jivhādhātupesā, jivhindriyampetaṃ, lokopeso, dvārāpesā, samuddopeso, paṇḍarampetaṃ, khettampetaṃ, vatthumpetaṃ, orimaṃ tīrampetaṃ, suñño gāmopeso. Idaṃ taṃ rūpaṃ jivhāyatanaṃ.

Sắc mà gọi là thiệt xứ đó ra sao? Thiệt nào là thanh triệt nương sắc tứ đại hiển, liên hệ trong thân thể là đồ không thấy mà đối chiếu đặng, (thế vậy) chúng sanh đã nếm, hoặc đang nếm, hoặc sẽ nếm, hoặc đáng nếm bằng vị mà không thấy nhưng đối chiếu đặng với thiệt nào là đồ không thấy nhưng đối chiếu đặng, theo đây cũng gọi là thiệt, cũng gọi là thiệt xứ, cũng gọi là thiệt giới, cũng gọi là thiệt quyền, cũng gọi là đời, cũng gọi là môn, cũng gọi là biển, cũng gọi là bạch tịnh, cũng gọi là ranh giới, cũng gọi là vật, cũng gọi thử ngạn, cũng gọi nhà không. Những sắc này gọi là thiệt xứ. (Dhs. 519)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của thiệt thanh triệt:

- Trạng thái là cách trong ngần của sắc tứ đại mà thâu đặng cảnh vị (rasābhighātārahabhūtappasādalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là soi theo chiếu đến cảnh vị (rasesu āviñchanarasaṃ).

- Thành tựu là chỗ nương của thiệt thức (jivhāviññāṇassa ādhārabhāva-paccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là có sắc tứ đại sanh từ nơi nghiệp tham ái vị (sāyitukāmatāni dānakammajabhūtapadaṭṭhānaṃ).

 

9. Sắc thân thanh triệt (kāyapasāda) là thứ sắc trong ngần của sắc nghiệp lan tỏa khắp thân thể trừ tóc, lông, móng và da khô.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Kucchitānaṃ ayoti = kāyo: Đống chứa vật bất tịnh gọi là thân. Hay chú giải như vầy: Kucchitānaṃ kesādīnaṃ pāpadhammānañca āyoti = kāyo: Gom chứa đồ bất tịnh như là tóc v.v… và hợp tác pháp tội, đó gọi là thân.

Nói về thân có 2 thứ: 1 là thân bản thể tức là thanh triệt nương thân (pasādakāya), 2 là thân cụ thể tức là cái thân hay các bộ phận thân thể (sasambhārakāya).

Katamaṃ taṃ rūpaṃ kāyāyatanaṃ? Yo kāyo catunnaṃ upādāya pasādo attabhāvāpAriyāpanno anidassano sappaṭigho, yena kāyena anidassanena sappaṭighena phoṭṭhabbaṃ anidassanaṃ sappaṭighaṃ phusi vā phusati vā phusissati vā phuse vā, kāyopeso, kāyāyatanampetaṃ, kāyadhātupesā, kāyindriyampetaṃ, lokopeso, dvārāpesā, samuddopeso, paṇḍarampetaṃ, khettampetaṃ, vatthumpetaṃ, orimaṃ tīrampetaṃ, suñño gāmopeso. Idaṃ taṃ rūpaṃ kāyāyatanaṃ.

Sắc mà gọi là thân xứ đó ra sao? Thân nào là thanh triệt nương sắc tứ đại hiển liên hệ trong thân thể, thành thứ không thấy mà đối chiếu đặng. Thế vậy (chúng sanh) hoặc đã đụng chạm, hoặc đang đụng chạm, hoặc sẽ đụng chạm, hoặc đáng đụng chạm với xúc là đồ không thấy; nhưng đối chiếu nơi thân nào là đồ không thấy nhưng đối chiếu đặng; đây cũng gọi là thân, cũng gọi là thân xứ, cũng gọi là thân giới, cũng gọi là thân quyền, cũng gọi là đời, cũng gọi là môn, cũng gọi là biển, cũng gọi là bạch tịnh, cũng gọi là giới hạn, cũng gọi là vật, cũng gọi là thử ngạn, cũng gọi là nhà không. Những sắc này gọi là thân xứ. (Dhs. 520)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của thân thanh triệt:

- Trạng thái là sự trong ngần của sắc tứ đại thâu đặng cảnh xúc (phoṭṭhabbābhighātāra-habhūtappasādalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là soi theo, chiếu đến cảnh xúc (phoṭṭhabbesu āviñchanarasaṃ).

- Thành tựu là chỗ nương của thân thức (kāyaviññāṇassa ādhārabhāva-padaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là có cảnh xúc (phusitukāmatānidānakammajabhūtapadaṭṭhānaṃ).

 

(c) Bảy sắc cảnh hay sắc dạo (Gocara rūpa)

Chúng là 5 cảnh thường bị nhận biết bởi 5 thức (pañca viññāṇa).

 

10. Sắc cảnh sắc (rūpārammaṇa) là các màu (vaṇṇa) tức là sắc bị nhãn thức biết.

Có Pāḷi chú giải như vầy:

- Rūpameva = rūpārammaṇaṃ: Sắc mà nơi tiến hành của nhãn thức gọi là sắc cảnh.

- Rūpayati hadayaṅgatabhavaṃ pakāketīti = rūpaṃ: Sắc mà để cho nhãn thức biết gọi là cảnh sắc.

- Rūpayati dabbaṃ pakāsetīti = rūpaṃ: Sắc mà nhận hiện tượng các vật có hình thức gọi là cảnh sắc.

Katamaṃ taṃ rūpaṃ rūpāyatanaṃ? Yaṃ rūpaṃ catunnaṃ mahābhūtānaṃ upādāya vaṇṇanibhā sanidassanaṃ sappaṭighaṃ: Nīlaṃ pītakaṃ lohitakaṃ odātaṃ kāḷakaṃ mañjeṭṭhakaṃ1 hari 2 harivaṇṇaṃ ambaṅkuravaṇṇaṃ dīghaṃ rassaṃ aṇuṃ thūlaṃ vaṭṭaṃ parimaṇḍalaṃ caturassaṃ[118] chaḷaṃsaṃ aṭṭhaṃsaṃ soḷasaṃsaṃ ninnaṃ thalaṃ chāyā ātapo āloko andhakāro abbhā mahikā dhūmo rajo candamaṇḍalassa vaṇṇanibhā suriyamaṇḍalassa 4 vaṇṇanibhā tārakarūpānaṃ vaṇṇanibhā ādāsamaṇḍalassa vaṇṇanibhā maṇisaṅkhamuttāveḷuriyassa vaṇṇanibhā jātarūparajatasasa vaṇṇanibhā, yaṃ vā panaññampi atthi rūpaṃ catunnaṃ mahābhūtānaṃ upādāya vaṇṇanibhā sanidassanaṃ sappaṭighaṃ, yaṃ rūpaṃ sanidassanaṃ sappaṭighaṃ cakkhunā anidassanena sappaṭighena passi vā passati vā passissati vā passe vā, rūpampetaṃ. Rūpāyatanampetaṃ, rūpadhākupesā. Idaṃ taṃ rūpaṃ rūpāyatanaṃ. (Dhs. 521)

Sắc mà gọi là sắc xứ đó ra sao? Sắc nào là màu nương sắc tứ đại hiển; là thứ thấy đặng và đối chiếu được; tức là màu xanh lam, màu vàng, màu đỏ, màu trắng, màu đen, màu chân chim phụng, màu vàng đen, màu xanh, màu lá cây, màu trái xoài, dài, vắn, viễn, to, tròn, vuông, lục giác, bát giác, thập lục giác, hõm, lồi, bóng, nắng, ánh sáng, tối, mây, sương, khói, bụi, ánh trăng, trời chói, ánh sao, sao rọi, kiếng rọi, ngọc chiếu, ốc chiếu, ánh trân châu, ánh ngọc mắt mèo, ánh vàng, ánh bạc, hoặc dù cho sắc nào khác thành màu nương sắc tứ đại hiển là thứ thấy đặng và đối chiếu đặng. Như thế, chúng sanh đã thấy, hoặc đang thấy, hoặc sẽ thấy, hoặc đáng thấy bằng sắc nào mà thứ thấy đặng và đối chiếu đặng với nhãn là thứ không thấy mà đối chiếu đặng; đây cũng gọi là sắc, cũng gọi là sắc xứ, cũng gọi là sắc giới. Những sắc này đều gọi là sắc xứ.

Sắc thành sắc giới đó ra sao? Tức là sắc xứ. Những sắc này gọi là sắc thành sắc giới.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của cảnh sắc:

- Trạng thái là đối chiếu với nhãn (thanh triệt) (cakkhupatihanalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là làm cảnh cho nhãn thức (cakkhuviññāṇassa visayabhāvarasaṃ).

- Thành tựu là vật thực hay chỗ dạo của nhãn thức (tassevagocarapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là có sắc tứ đại hiển (catumahābhūtapadaṭṭhānaṃ).

 

11. Sắc cảnh thinh (saddārammaṇa) là âm thanh (sadda) tức là sắc bị nhĩ thức biết.

Có Pāḷi chú giải như vầy:

- Sappati sotaviññeyyabhāvaṃ gacchatīti = saddo: Sắc mà nhĩ thức biết gọi là cảnh thinh.

- Saddīyati uccārīyatīti = saddo: Tiếng chi phát ra đều gọi là thinh.

- So yeva ārammaṇanti = saddārammaṇam: Sắc mà làm cho nhĩ thức tiến hóa gọi là cảnh thinh.

Katamaṃ taṃ rūpaṃ saddāyatanaṃ? Yo saddo catunnaṃ mahābhūtānaṃ upādāya anidassano sappaṭigho bherisaddo mudiṅgasaddo saṅkhasaddo paṇavasaddo gītasaddo vāditasaddo sammasaddo pāṇisaddo sattānaṃ nigghosasaddo dhātūnaṃ sannighātasaddo vātasaddo udakasaddo manussasaddo amanussasaddo, yo vā panaññopi atthi saddo catunnaṃ mahābhūtānaṃ upādāya anidassano sappaṭigho, yaṃ saddaṃ anidassanaṃ sappaṭighaṃ sotena anidassanena sappaṭighena suṇi vā suṇāti vā suṇissati vā suṇe vā, saddopeso, saddāyatanampetaṃ, saddadhātupesā. Idaṃ taṃ rūpaṃ saddāyatanaṃ.

Sắc mà gọi là thinh xứ đó ra sao? Thinh nào nương sắc tứ đại hiển thành thứ không thấy mà đối chiếu đặng, tức là tiếng trống, tiếng vỗ bồng, tiếng ốc thổi, tiếng phi nam nữ, tiếng ca hát, tiếng nhạc, tiếng đàn, tiếng vỗ tay, tiếng thú kêu, tiếng âm dương chạm, tiếng nước, tiếng nhân loại, tiếng phi nhân; hay là những tiếng nào khác nương sắc tứ đại hiển thành thứ thấy không đặng mà đối chiếu đặng… Thế vậy, chúng sanh hoặc đã nghe, hoặc đang nghe, hoặc sẽ nghe, hoặc đáng nghe những tiếng nào là thứ thấy không đặng nhưng đối chiếu đặng, đối với nhĩ thành thứ thấy không đặng mà đối chiếu đặng; đây cũng gọi là thinh, cũng gọi là thinh xứ, cũng gọi là thinh giới. Những sắc này đều gọi là thinh xứ. (Dhs. 522)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của cảnh thinh:

- Trạng thái là đối chiếu nhĩ thanh triệt (sotapaṭihananalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là làm cảnh cho nhĩ thức (sotaviññāṇassa visayabhāvarasaṃ).

- Thành tựu là vật thực hay chỗ dạo của nhĩ thức (tassevagocarapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là có sắc tứ đại hiển (catumahābhūtapadaṭṭhānaṃ).

 

12. Sắc cảnh khí (gandhārammaṇa) là các mùi (gandha) tức là sắc bị tỷ thức biết.

Có những câu Pāḷi chú giải như vầy:

- Gandhayati attano vatthuṃ sūcetīti = gandho: Là hơi tiết ra trình bày của tự nó nương, gọi là khí.

- Idamettha atthīti pesuññaṃ karontaṃ viya hoti: Đại ý cảnh khí là cách tợ báo tin cho biết đó là vật chi (như là đi gần đến chỗ bán sầu riêng, dù không thấy, ngửi mùi cũng biết).

- So yeva ārammaṇaṃ = gandhārammaṇaṃ: Cảnh nào là chỗ tiến hóa của tỷ thức, đó gọi là cảnh khí.

Katamaṃ taṃ rūpaṃ gandhāyatanaṃ? Yo gandho catunnaṃ mahābhūtānaṃ upādāya anidassano sappaṭigho: mūlagandho sāragandho tavagandho pattagandho pupphagandho phalagandho āmakandho[119] vissagandho sugandho duggandho, yo vā panaññopi atthi gandho catunnaṃ mahābhūtānaṃ upādāya anidassano sappaṭigho, yaṃ gandhaṃ anidassanaṃ sappaṭighaṃ ghānena anidassanena sappaṭighena ghāyi vā ghāyati vā ghāyissati vā ghāye vā, gandhopeso, gandhāyatanampetaṃ, gandhadhātupesā. Idaṃ taṃ rūpaṃ gandhāyatanaṃ.

Sắc mà gọi là khí xứ đó ra sao? Khí nào mà nương sắc tứ đại hiển thành đồ không thấy nhưng đối chiếu đặng, tức là hơi rễ cây, hơi lõi cây, hơi vỏ cây, hơi lá cây, hơi bông cây, hơi trái cây, hơi thúi, hơi sình, hơi thơm, hơi hôi, hoặc là những hơi nào khác mà nương sắc tứ đại hiển thành đồ không thấy đặng nhưng vẫn đối chiếu. Thế vậy chúng sanh hoặc đã ngửi, hoặc đang ngửi, hoặc sẽ ngửi, hoặc đáng ngửi, hơi nào mà thành thứ không thấy đặng nhưng đối chiếu đặng, đối với tỷ mà thuộc về thứ không thấy nhưng đối chiếu đặng; đây cũng gọi là khí, hoặc gọi khí xứ, hoặc gọi khí giới. Những sắc này đều gọi là khí xứ. (Dhs. 523)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của cảnh khí:

- Trạng thái là đối chiếu tỷ thanh triệt (ghānapaṭihananalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là cho tỷ thức hưởng (ghānaviññāṇassa visayabhāvarasaṃ).

- Thành tựu là vật thực hay chỗ dạo của tỷ thức (tassevagocarapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là có sắc tứ đại hiển (catumahābhūtapadaṭṭhānaṃ).

 

13. Sắc cảnh vị (rasārammaṇa) là các vị (rasa) như mặn, ngọt, lạt, chua, cay, đắng, chát, v.v… tức là sắc bị thiệt thức biết.

Có Pāḷi chú giải như vầy:

- Rasīyati assādīyatīti = raso: Sắc mà thiệt thức nếm, gọi là vị.

- So yeva ārammaṇaṃ = rasārammaṇaṃ: Sắc nào là nơi tiến hóa của thiệt thức, đó là cảnh vị.

Katamaṃ taṃ rūpaṃ rasāyatanaṃ? Yo raso catunnaṃ mahābhūtānaṃ upādāya anidassano sappaṭigho: mūlaraso khandharaso tacaraso pattaraso puppharaso phalaraso ambilaṃ madhuraṃ tittakaṃ kaṭukaṃ loṇikaṃ khārikaṃ lapilaṃ[120] kasāvo sādu asādu, yo vā panaññepi atthi raso catunnaṃ mahābhūtānaṃ upādāya anidassano sappaṭigho, yaṃ rasaṃ anidassanaṃ sappaṭighaṃ jivhāya anidassanāya sappaṭighāya sāyi vā sāyati vā sāyissati vā sāye vā, rasopeso, rasāyatanampetaṃ, rasadhātupesā. Idaṃ taṃ rūpaṃ rasāyatanaṃ. (Dhs. 524)

Sắc mà gọi là vị xứ đó ra sao? Vị nào nương sắc tứ đại hiển thành đồ không thấy mà đối chiếu đặng, tức là vị rễ cây, vị thân cây, vị vỏ cây, vị lá cây, vị bông cây, vị trái cây, vị chua, vị ngọt, vị đắng, vị cay, vị mặn, vị bùi, vị nhẫn, vị chát, vị ngon, vị dở, hoặc vị nào khác nương sắc tứ đại hiển mà thành thứ đồ không thấy mà đối chiếu đặng; nhập với thiệt thành đồ không thấy nhưng đối chiếu đặng, hoặc đã đối chiếu, hoặc đang đối chiếu, hoặc sẽ đối chiếu, hoặc đáng đối chiếu nơi vị nào mà thành đồ không thấy nhưng đối chiếu đặng; đây cũng gọi là vị, cũng gọi vị xứ, cũng gọi vị giới. Những sắc này đều gọi là vị xứ.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của cảnh vị:

- Trạng thái là cách đối chiếu với thiệt thanh triệt (jivhāpaṭihananalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là làm cảnh cho thiệt thức (jivhāviññāṇassa visayabhāvarasaṃ).

- Thành tựu là vật thực hay chỗ dạo của thiệt thức (tassevagocarapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là có sắc tứ đại hiển sanh từ nơi nghiệp tham ái vị (catumahābhūta-padaṭṭhānaṃ).

 

* Sắc cảnh xúc (phoṭṭhabbārammaṇa) là sự xúc chạm (đất - pathavī, lửa - tejo, gió - vāyo) là cứng, mềm, chùng, thẳng, nóng, lạnh, tức là đất, lửa, gió hay là những chất bị đụng, tức là sắc bị thân thức biết. Có Pāḷi chú giải như vầy:

- Phusitabbanti = phoṭṭhabbārammaṇaṃ: Những chất mà thân thanh triệt đụng, gọi là xúc.

- Tadeva ārammaṇaṃ = phoṭṭhabbārammaṇaṃ: Những chất để xúc chạm làm cho thân thức tiến hóa gọi là cảnh xúc.

Nước không thể thành cảnh xúc. Có Pāḷi chú giải như vầy:

- Āpodhātuyā sukhumabhāvena bhusituṃ asakkuneyyattā vuttaṃ: Nước bản thể rất tế nhị, nên không thể đối chiếu với thân thanh triệt.

Katamaṃ taṃ phoṭṭhabbāyatanaṃ? Paṭhavīdhātu tejodhātu vāyodhātu kakkhaḷaṃ mudukaṃ saṇhaṃ pharusaṃ sukhasamphassaṃ dukkhasamphassaṃ garukaṃ lahukaṃ, yaṃ phoṭṭhabbaṃ anidassanaṃ sappaṭighaṃ kāyena anidassanena sappaṭighena phusi vā phusati vā phusissati vā phuse vā, phoṭṭhabbopeso, phoṭṭhabbāyatanampetaṃ, phoṭṭhabbadhātupesā. Idaṃ taṃ rūpaṃ phoṭṭhabbāyatanaṃ.

Sắc mà gọi là xúc xứ đó ra sao? Địa giới, hỏa giới, phong giới, sự cứng, sự mềm, thứ to, thứ nhuyễn, sự nặng, sự nhẹ, đụng vào thích sướng hoặc không thích, nhập với thân là thứ thấy không đặng nhưng đối chiếu đặng, hoặc đã đối chiếu, hoặc đang đối chiếu, hoặc sẽ đối chiếu, hoặc đáng đối chiếu với thứ xúc nào mà thành thứ thấy không đặng nhưng đối chiếu đặng; đây cũng gọi là xúc, cũng gọi xúc xứ, cũng gọi xúc giới. Những sắc này đều gọi là xúc xứ. (Dhs. 540)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của cảnh xúc theo đất, lửa và gió:

Sắc, thinh, khí, vị và xúc gom chung lại gọi là sắc cảnh (visayarūpa) hay là sắc dạo (gocararūpa). Có những câu Pāḷi chú giải như sau:

- Gāvo caranti etthāti = gocaro: Nhiều bò dạo đi nơi chỗ ấy, nên chỗ ấy gọi là bò dạo.

- Gocarasadisāti = gocarā: Chỗ mà nhiều bò dạo đi, cũng như sắc nào mà làm cho tâm và sở hữu có sự đối chiếu, sắc ấy gọi là sắc dạo.

- Gāvo caranti etthāti = gocaraṃ: Nơi du hành của lục quyền (căn) (indriya) như thế gọi là sắc cảnh.

(từ “go” đây có nghĩa là quyền (indriya), mà nói gocara cùng với ārammaṇa ý nghĩa như một).

 

Lưu ý:

(i) Những tên gọi trong ngoặc là những sắc thực tính cơ bản của 5 cảnh. Lưu ý là có 7 thực tính tất cả.

(ii) Do vì sự tinh tế của những sắc ấy, nước hay thủy đại (āpo) không thể được cảm nhận bởi xúc chạm. Ví dụ, khi chúng ta đặt bàn tay vào nước, cảm nhận ‘sự lạnh’ là ‘tejo’, ‘sự mềm’ là ‘pathavī’ và ‘áp suất’ là ‘vāyo’. Do đó, chỉ có ba thực tính cơ bản này được xem là sự xúc chạm.

 

(d) Hai sắc tính (Bhāva rūpa)

14. Sắc tính nữ (itthi bhāva) là sắc có biểu hiện nhu mì và lan tỏa khắp thân thể người nữ.

Có Pāḷi chú giải như vầy:

-  Itthiyā bhāvo = itthībhāvo: Có cách thức nữ căn v.v… gọi là nữ tính.

Purisassa cũng như Pumassa. Pumabhāva cũng như Purisabhāva.

Katamaṃ taṃ rūpaṃ itthindriyaṃ? Yaṃ itthiyaṃ itthiliṅgaṃ1 itthinimittaṃ itthikuttaṃ itthākappo itthattaṃ2 itthibhāvo, idaṃ taṃ rūpaṃ itthindriyaṃ.

Sắc mà gọi là nữ quyền đó ra sao? Những cách nào thuộc về phần nữ như là nữ căn, nữ tướng, thân phần nữ, thái độ nữ, nết hạnh nữ, hành động theo cách người nữ; như thế đây gọi là sắc nữ quyền. (Dhs. 525)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sắc tính nữ:

- Trạng thái là khuôn khổ nữ (itthībhāvalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là trình bày cách nữ (itthītipakāsanarasaṃ).

- Thành tựu là có nữ căn v.v… (itthīliṅgādīnaṃ kāraṇabhāvapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là có sắc tứ đại hiển (catumahābhūtapadaṭṭhānaṃ).

 

15. Sắc tính nam (purisa bhāva) là sắc có biểu hiện cứng cỏi và lan tỏa khắp thân thể người nam.

Có Pāḷi chú giải như vầy:

- Purisattabhāvo = purisattaṃ: Trạng thái tư cách nam căn v.v… gọi là nam tính.

- Pumassa bhāvo = pumabhāyo: Làm nhân thành nam, gọi là nam tính.

Có 4 cách, khác với nữ như vầy: 1 là nam căn (liṅga), 2 là nam tướng (nimitta), 3 là tánh nết (kutta) nam, tức là thói quen theo người nam, 4 là cách hành động theo nam (ākappa) là cách cứng cỏi.

Căn khác nhau là nam căn và nữ căn. Hình tướng khác nhau là thô kệch và yểu điệu. Tánh nết khác nhau là hùng dũng và nhu mì. Hành động khác nhau là cứng cỏi và nhẹ nhàng.

Katamaṃ taṃ rūpaṃ purisindriyaṃ? Yaṃ purisassa purisaliṅgaṃ purisanimittaṃ purisakuttaṃ purisākappo purisattaṃ purisabhāvo, idaṃ taṃ rūpaṃ purisindriyaṃ.

Sắc mà gọi là nam quyền đó ra sao? Những cách nào thuộc về phần nam như là nam căn, nam tướng, thân phần nam, thái độ nam, nết hạnh nam, hành động theo cách người nam, như thế gọi là sắc nam quyền. (Dhs. 526)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sắc tính nam:

- Trạng thái là tư cách nam (purisabhāvalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là bày ra cách người nam (purisotipakāsanarasaṃ).

- Thành tựu là có nam căn v.v… (purisaliṅgadīnaṃkāraṇabhāvapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là có sắc tứ đại hiển (catumahābhūtapadaṭṭhānaṃ).

 

Lưu ý: Chính hai sắc này phân biệt giữa nam và nữ.

(e) Sắc ý vật (Hadayavatthu rūpa)

16. Sắc ý[121] vật (hadayavatthu rūpa)

Hadaya vatthu - sắc tim hay sắc ý vật là sắc lan tỏa trong máu bên trong trái tim. Sắc ý vật là nơi nương của tâm, ý hay thức (mano viññāṇa). Sắc ý vật không chỉ có một, mà có hàng tỷ sắc ý vật lan tỏa trong máu bên trong trái tim. Dhammasaṅganī (Bộ Pháp Tụ) bỏ qua sắc này. Trong Atthasālini thì hadayavatthu được giải thích là cittassa vatthu (nền tảng của tâm).

Nói về tim có hai thứ: 1 là nhục đoàn tim (maṃsahadayarūpa) tức là trái tim, hình thức tương tự như búp sen; 2 là sắc tim bản thể hay sắc ý vật (hadayavatthurūpa), là một thứ sắc nghiệp nương sanh trong tim cụ thể.

Có Pāḷi chú giải về sắc ý vật (hadayarūpa) như vầy:

- Hadanti sattā taṃtaṃ atthaṃ (vā) onatthaṃ (vā) pūpenti etenāti = hadayaṃ: Tất cả chúng sanh nhờ sắc nào làm việc lợi ích và không lợi ích, sắc mà bị nương nhờ ấy gọi là sắc ý vật.

- Hadayavatthu hadayarūpaṃ nāma: Bản chất của trái tim đặt tên là sắc ý vật.

Nissayapaccayo'ti: … Yaṃ rūpaṃ nissāya manodhātu ca manoviññāṇadhātu ca vattanti, taṃ rūpaṃ manodhātuyā ca manoviññāṇadhātuyā ca taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ nissayapaccayena paccayo.

Y chỉ duyên như là … Ý giới và ý thức giới hành vi nương sắc nào thì ý giới, ý thức giới và pháp tương ưng đối với sắc ấy bằng ‘y chỉ duyên’. (Pt1.9)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sắc ý vật:

- Trạng thái là nơi nương của ý giới và ý thức giới (manodhātumanoviññāṇa-dhātūnaṃ nissayalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là chứa để những giới vừa nêu (tāsaññeva dhātūnaṃ ādhāranarasaṃ).

- Thành tựu là bảo vệ những giới vừa nêu (tadubbahanapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là có sắc tứ đại (catumahābhūtapadaṭṭhānaṃ).

 

(f) Sắc mạng (Jīvita rūpa)

17. Sắc mạng (jīvita rūpa)

Sắc mạng (jīvita rūpa) hay sắc mạng quyền (jīvitindriya rūpa) là loại sắc nghiệp lan tỏa khắp thân thể.

Nên lưu ý rằng trong cả danh và sắc đều có mạng. Mạng quyền của danh là (jīvitindriya) là 1 trong 7 sở hữu biến hành (sabba citta sādhārana cetasika). Còn mạng quyền của sắc là jīvita rūpa (sắc mạng).

Danh mạng quyền (jīvitindriya) có thể được xem là sự sống của danh pháp và sắc mạng quyền (jīvita rūpa) là sự sống của sắc pháp. Có Pāḷi chú giải như vầy:

- Jīvitindriyaṃ jīvitarūpaṃ nāma: Bảo vệ sự còn, gọi là sắc mạng tức là bảo tồn cho sắc nghiệp còn đủ 51 tiểu sát-na.

- Āyu usmaṃ paticca tiṭṭhati: Sắc mạng còn đặng do nương lửa nóng tức là lửa nóng trong thân thể.

- Jīvanti sahajāta dhammā etenāti = jīvitaṃ: Sắc nghiệp câu sanh nhờ sắc nào đặng còn, sắc ấy gọi là mạng sống.

Katamaṃ taṃ rūpaṃ jīvitindriyaṃ? Yaṃ tesaṃ rūpīnaṃ dhammānaṃ āyu ṭhiti yapanā yāpanā irīyatā vattanā pālanā jīvitaṃ jīvitindriyaṃ, idaṃ taṃ rūpaṃ jīvitindriyaṃ.

Sắc mà gọi là mạng quyền đó ra sao? Khi nào có sự sống còn, hiện hành, hiện hữu, hiện tồn, đang liên tiếp, đang còn, hành vi đang còn, sự dinh dưỡng của sắc pháp, gọi sắc mạng quyền tức là cách sống còn của sắc pháp. Những sắc này đều gọi là mạng quyền. (Dhs. 527)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sắc mạng:

- Trạng thái là bảo vệ sắc câu sanh (sahajātarūpānupālalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là làm cho sắc nghiệp đặng còn (tesaṃ pavattanarasaṃ).

- Thành tựu là cách hiệp lại cho còn vững (tasaññeva ṭhapanapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là có sắc tứ đại điều hòa (yāpayitabbapadaṭṭhānaṃ).

 

(g) Sắc vật thực (Āhāra rūpa / ojā)

18. Sắc vật thực (āhāra rūpa / ojā)

Vật thực thô là thứ được dùng từng miếng, gọi là kabaḷīkārāhāra. Ở đây, āhāra rūpa nghĩa là những chất dinh dưỡng, bổ dưỡng (ojā) duy trì thân thể.

Nói về vật thực có 4 thứ: 1 là đoàn thực (kabaḷīkārāhāra) tức là miếng ăn, ám chỉ chất bổ của miếng ăn v.v…; 2 là xúc thực (phassāhāra) có pháp thực tính là sở hữu xúc; 3 là tư thực (manosañcetanāhāra) có pháp thực tính là sở hữu tư; 4 là thức thực (viññānāhāra) tức là tâm.

Sắc vật thực đây là đoàn thực (kabaḷīkārāhāra). Có Pāḷi chú giải như vầy:

- Kabaḷīkāro āhāro āhārarūpaṃ nāma: Đoàn thực có tên là sắc vật thực tức là chất bổ của miếng ăn, thuốc uống v.v…

- Āhārīyatīti = āhāro: Những chất bổ làm cho (sắc) trong thân tiến hóa thêm, gọi là vật thực.

- Attano udayānantaraṃ rūpaṃ janetīti = ojā: Giúp các pháp tự liên hợp sanh ra, gọi là chất bổ hay sắc thực, tức là sắc vật thực.

Sắc vật thực đây có hai: 1 là vật thực ngoại (bahiddhāhāra) là chất bổ thêm vào thân thể, 2 là vật thực nội (ojajjhattāhāra) là cơ quan tự dinh dưỡng của mỗi bọn sắc, tức là sự còn của tất cả sắc.

Katamaṃ taṃ rūpaṃ kabaḷīkāro āhāro? Odano kummāso sattu maccho maṃsaṃ khīraṃ dadhi sappi navanītaṃ telaṃ madhu phāṇitaṃ, yaṃ vā panaññampi atthi rūpaṃ yamhi yamhi janapade tesaṃ tesaṃ sattānaṃ mukhāsiyaṃ dantavikhādanaṃ galajjhoharaṇīyaṃ kucchivitthamphanaṃ yāya ojāya sattā yāpenti, idaṃ taṃ rūpaṃ kabaḷīkāro āhāro. Idaṃ taṃ rūpaṃ upādā. (Dhs. 538)

Sắc mà gọi là đoàn thực đó ra sao? Cơm, bánh tươi, bánh khô, cá, thịt, sữa tươi, sữa chế, bơ trong, bơ cục, mỡ, dầu, mật, nước mía, hay là những sắc nào khác vẫn có mà thành đồ để vào miệng nhai nuốt cho no bụng của mỗi chúng sanh và nhân loại hay những chất chi bổ dưỡng cho tất cả chúng sanh; những sắc này đều gọi là đoàn thực.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sắc vật thực:

- Trạng thái là giúp thân thêm tiến hóa (ojālakkhaṇaṃ).

- Phận sự là đặng còn của sắc (rūpāhoraṇarasaṃ).

- Thành tựu là trợ giúp cho thân thể (kāyupatthambhanapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là đồ thích hợp nên dùng (ojjhoharitabbapadaṭṭhānaṃ).

 

(h) Sắc giao giới (Pariccheda rūpa) hay hư không giới (Ākāsa dhātu = ā + căn kās + dhātu)

19. Sắc giao giới (pariccheda rūpa)

Sắc giao giới là khoảng không (nguyên tử) giữa những bọn/ nhóm sắc (rūpa kalāpa), có không gian giữa những bọn sắc (những hạt rất nhỏ) như có khoảng không giữa những quả trứng trong rổ trứng. Những sắc này sanh do bốn nhân đó là nghiệp (kamma), tâm (citta), quí tiết (utu) và vật thực (āhāra). Sắc giao giới (pariccheda rūpa) cũng được thừa nhận là sanh ra cũng do bốn nhân.

Sắc giao giới (pariccheda rūpa) còn được gọi là hư không giới (ākāsa dhātu). Ākāsa là khoảng trống là sắc mà bên trong nó rỗng không. Ākāsa là một giới (dhātu) với ý nghĩa là không thực thể (nijjīva), không là một thực tính hiện hữu như thực tính tứ đại hiển. Là một trong 28 thứ sắc, ‘hư không giới’ không phải là hư không bên ngoài mà là khoảng không (nguyên tử) giữa các thứ sắc hay giữa những bọn sắc hoặc nhóm sắc (rūpa kalāpa).

Có Pāḷi chú giải như vầy: Na kassatīti = ākāso: Chẳng có bịt cứng, gọi là hư không.

Hư không có 4 hoặc 5.

Hư không có 4: 1 là một hữu hư không (ajṭākasa) tức là hư không ngoài vũ trụ; 2 là không gian hư không (paricchinnākāsa) tức là khoảng không giữa hai vật; 3 là tuyệt tịnh hư không (kasiṇugghāṭimakāsa) tức là hư không phủ nhận 9 đề mục, chỉ cho đề mục không vô biên; 4 là giao giới hư không (paricchedākāsa) tức là ranh giữa của 2 bọn sắc sắp lên.

Hư không có 5: 1 là giao giới hư không (rūpakalāpaparicchadākāsa) tức là ranh giữa của 2 bọn sắp lên; 2 là không đổng hư không (susirākāsa) là sự trống trong vật, như là: lòng hang, lòng chai, lòng nồi, lòng hũ, lòng lu v.v…; 3 là không kích hư không (vivarākāsa) là kẽ hở giữa 2 vật, vật nứt hở v.v…; 4 là tuyệt tịnh hư không (kasiṇugghāṭimākāsa) là hư không phủ nhận 9 đề mục, tức là đề mục không vô biên; 5 là một hữu hư không (ojṭākāsa) tức là hư không ngoài ra vũ trụ, tục gọi là bầu trời.

Katamaṃ taṃ rūpaṃ ākāsadhātu? Yo ākāso ākāsagataṃ aghaṃ aghagataṃ vivaro vivaragataṃ asamphuṭṭhaṃ catūhi mahābhūtehi, idaṃ taṃ rūpaṃ ākāsadhātu.

Sắc mà gọi là hư không giới (giao giới) đó ra sao? Trống không tục gọi là hư không, cách luống không, sự luống không, kẽ hở, lỗ trống, tục gọi là không ngơ, thường gọi là rỗng không, thuộc về y sinh nương sắc tứ đại sung, nhưng đụng chạm không đặng, những sắc này đều gọi là hư không giới. (Dhs. 530)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của giao giới hay hư không:

- Trạng thái là chặng giữa của bọn sắc với bọn sắc (rūpaparicchedalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là trình bày riêng từng phần của bọn sắc (rūpapariyantappakāsana-rasaṃ).

- Thành tựu là chia phân sắc (rūpamāriyādapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là có ranh của bọn sắc (paricchinnarūpapadaṭṭhānaṃ).

 

(i) Hai sắc biểu tri (Viññatti rūpa)

Sắc biểu tri (viññatti rūpa) là những hành vi của thân và khẩu mà chúng sanh dùng để thông tri, nhằm mục đích cho người khác hiểu biết ý nghĩa.

20. Thân biểu tri (kāya viññatti) là hành động bằng tay, đầu, mắt, chân, v.v… làm cho người khác hiểu ý của mình. Thân biểu tri có hai:

1 là thân biểu tri thông tri (bodhanakāyaviññatti) là thân nêu bày có ý nghĩa cho tỏ hiểu.

2 là thân biểu tri hành vi (pavattanakāyaviññatti) là thân hành động hiện tượng bằng cách hành vi như tập thể dục hoặc đưa tay ra, vào làm công việc v.v… không có ý nêu bày cho tỏ hiểu. Những cách này không gọi là thân biểu tri.

Sắc thân biểu tri (kāyaviññattirūpa) là cách gọi tắt của thân biểu tri thông tri (bodhanakāyaviññatti), nói gọn là thân biểu tri (kāyaviññātti). Có Pāḷi chú giải như vầy:

- Kāyavikāro kāyaviññatti nāma: Thân nêu bày để hiểu nhau gọi là thân biểu tri, như là: Ngoắt tay, gục gật đầu v.v…

- Kāyena viññatti = kāyaviññatti: Cách đặc biệt làm cho hiểu ý bằng thân hành động, gọi là thân biểu tri.

Katamaṃ taṃ rūpaṃ kāyaviññatti? Yā kusalacittassa vā akusalacittassa vā avyākatacittassa vā abhikkamantassa vā paṭikkamantassa vā ālokentassa vā vilokentassa vā sammiñjentassa vā pasārentassa vā kāyassa thambhanā santhambhanā santhambhitattaṃ viññatti viññāpanā viññāpitattaṃ, idaṃ taṃ rūpaṃ kāyaviññatti.

Sắc mà gọi là thân biểu tri đó ra sao? Sự lay động, cách lay động, hành vi lay động, thái độ lay động, sự trình bày cho biết ý nghĩa, hành động trình bày cho biết ý nghĩa nơi thân của người có tâm thiện, tâm bất thiện hay là tâm vô ký sai khiến tới lui, ngó liếc qua lại, co ngay như thế nào, những sắc này đều gọi là thân biểu tri. (Dhs. 528)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của thân biểu tri:

- 1. Trạng thái là nêu bày có ý nghĩa biết (viññāpanalakkhaṇaṃ).

- 2. Phận sự là nêu bày ý nghĩa (adhippāyapakāsanarasaṃ).

- 3. Thành tựu là cách thân lay động (kāyavipphandanahetubhāva-paccupaṭṭhānaṃ).

- 4. Nhân cận là có gió tâm tạo (cittasamuṭṭhānavāyodhātupadaṭṭhānaṃ).

 

21. Khẩu biểu tri (vacī viññatti) là sự chuyển động của miệng để tạo ra lời nói cho người khác hiểu ý của mình.

Khẩu biểu tri là cách phát khởi nêu bằng miệng. Nói miệng đây có hai: 1 là khẩu biểu tri thông tri (bodhanavacīviññatti) là miệng phát ra nêu bày có ý nghĩa để tỏ hiểu như là kêu, dạ v.v…; 2 là miệng nêu bày hành vi (pavattanavacīviññatti) là hành vi bằng miệng không có trình bày ý nghĩa chi như là miệng ngáp hoặc nhai v.v… nhưng sắc khẩu biểu tri (vacīviññattirūpa) là miệng phát ra có nêu bày ý nghĩa để tỏ hiểu cùng nhau. Có Pāḷi chú giải như vầy:

- Vacīvikāro vacīviññatti nāma: Nghĩa là nêu ra bằng miệng để tỏ hiểu gọi là khẩu biểu tri.

- Vaciyā viññatti = vacīviññatti: Cách đặc biệt làm cho hiểu ý bằng lối nói, gọi là khẩu biểu tri.

Katamaṃ taṃ rūpaṃ vacīviññatti? Yā kusalacittassa vā akusalacittassa vā avyākatacittassa vā vācā girā vyappatho udīraṇaṃ ghoso ghosakammaṃ vācā vacībhedo, ayaṃ vuccati vācā. Yā tāya vācāya viññatti viññāpanā viññāpitattaṃ, idaṃ taṃ rūpaṃ vacīviññatti.

Sắc mà gọi là khẩu biểu tri đó ra sao? Cách nói, cách phát ra lời, cách nói chuyện, cách tường thuật, cách tuyên bố, cách quảng cáo, ngôn ngữ, lời phân biệt của những người có tâm thiện, tâm bất thiện hay là tâm vô ký. Đây gọi là ngữ ngôn, sự trình bày cho biết ý nghĩa, cách trình bày cho biết ý nghĩa, trạng thái trình bày cho biết ý nghĩa bằng ngôn ngữ như thế nào, những sắc này đều gọi là khẩu biểu tri. (Dhs. 529)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của khẩu biểu tri:

- Trạng thái là nêu bày hiểu ý (viññāpanalakkhaṇaṃ).

- Phận sự là trình bày nêu ra (adhippāyapakāsanarasaṃ).

- Thành tựu là miệng nói năng (vacīghosahetubhāvapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cận là có đất do tâm tạo (cittasamuṭṭhānapaṭhavīdhātupadaṭṭhānaṃ).

Hai thứ sắc vừa kể trên gồm lại gọi là sắc biểu tri (viññattirūpa) là nêu ra ngoài để người khác biết hay ta biết cũng là biểu tri. Nên có hai câu Pāḷi chú giải như vầy:

- Adhippāyaṃ viññapetīti = viññatti: Làm cho người khác biết ý; gọi là biểu tri.

- Viññāyatīti = viññatti: Nêu để biết/ hiểu cũng gọi là biểu tri.

Sắc thân biểu tri và sắc khẩu biểu tri bị tạo bởi “phong giới (vāyo dhātu); do tâm trợ tạo” và chúng chỉ tồn tại 1 sát-na tâm.

 

(j) Năm sắc kỳ dị (Vikāra rūpa)[122]

Ngài Ledi Sayadaw đã giải thích ‘vikāra rūpa’ là trạng thái đặc biệt kỳ dị. Đại đức Narada gọi đó là sắc hay thay đổi. Do đó, chúng ta có thể xem ‘vikāra rūpa’ là sắc trạng thái đặc biệt hay sắc kỳ dị.

22. Sắc nhẹ (rūpassalahutā) là cách nhẹ nhàng của sắc hay nổi.

Sắc nhẹ có hai câu Pāḷi chú giải như sau:

- Lahuno bhāvo = lahutā: Cách nhẹ nhàng gọi là nhẹ.

- Rūpassa lahutā = rūpalahutā: Cách nhẹ của sắc thành tựu, gọi là sắc nhẹ.

Katamaṃ taṃ rūpaṃ rūpassa lahutā? Yā rūpassa lahutā lahuparināmatā adandhanatā avitthanatā. Idaṃ taṃ rūpaṃ rūpassa lahutā.

Sắc mà gọi là sắc khinh (nhẹ) đó ra sao? Sự nhẹ, sự không nặng, sự lẹ làng, sự không chần chờ, chậm chạp, dù nơi sắc nào, như thế đây gọi là sắc khinh. (Dhs. 531)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sắc nhẹ (rūpalahutā):

- Trạng thái là nhẹ nhàng (adandhatālakkhaṇā).

- Phận sự là phá trừ cách nặng nề của sắc (rūpānaṃ garubhāvavinodanarasā).

- Thành tựu là làm việc lẹ làng (lahuparivattitāpaccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có sắc nhẹ (lahurūpapadaṭṭhānā).

 

23. Sắc mềm (rūpassa mudutā) là sự mềm dẻo của sắc thân, tức sắc tâm, sắc quí tiết và sắc vật thực, bài trừ sự cứng sượng của sắc thân và có thể so sánh với miếng da được dần mềm kỹ lưỡng.

Có Pāḷi chú giải như vầy:

- Muduno bhāvo = mudutā: Cách mềm mại gọi là mềm.

- Rūpassa mudutā = rūpamudutā: Cách mềm của sắc thành tựu gọi là sắc mềm.

Katamaṃ taṃ rūpaṃ rūpassa mudutā? Yā rūpassa mudutā maddavatā akakkhaḷatā akaṭhinatā, idaṃ taṃ rūpaṃ rūpassa mudutā.

Sắc mà gọi là sắc nhu (mềm) đó ra sao? Trạng thái mềm dịu, sự mềm dịu, không sần sượng, không cứng cỏi dù nơi sắc nào, đều gọi là sắc nhu. (Dhs. 532)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sắc mềm:

- Trạng thái là cách mềm (athaddhatālakkhaṇā).

- Phận sự là bài trừ sự cứng sượng của sắc (rūpānaṃ thaddhavinodanarasā).

- Thành tựu là không trở ngại những công việc làm (sabbakriyāsu avirodhitā-paccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có sắc mềm (mudurūpapadaṭṭhānā).

 

24. Sắc thích sự (rūpassa kammaññatā) là sắc đối lập với cách cứng sượng của sắc thân; có thể được so sánh với vàng được khéo dập. Sắc thích sự là vừa với cách điều khiển để làm công việc như ý, sắp không sai, như là: Muốn đưa, giở cách nào, cao thấp thì đúng theo ý sắp đặt. Có hai câu Pāḷi chú giải như vầy:

- Kammaññassa bhāvo = kammaññatā: Thích hợp với cách làm mọi việc, gọi là làm việc vừa vặn.

- Rūpassa kammaññatā = rūpakammaññatā: Cách làm việc vừa vặn của sắc thành tựu, gọi là sắc thích sự.

Katamaṃ taṃ rūpaṃ rūpassa kammaññatā? Yā rūpassa kammaññatā kammaññattaṃ kammaññabhāvo, idaṃ taṃ rūpaṃ rūpassa kammaññatā. (Dhs. 533)

Sắc mà gọi là sắc thích dụng (thích sự) đó ra sao? Cách vừa với việc làm, sự vừa theo việc làm, trạng thái vừa với việc làm dù nơi sắc nào đều gọi là sắc thích dụng hay thích sự.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sắc thích sự:

- Trạng thái là cách vừa, thích nghi với việc làm (kammaññabhāvalakkhaṇā).

- Phận sự là trừ cách không vừa (akammaññatāvinodanarasā).

- Thành tựu là cách lưu tồn lượng lực, không yếu đuối (adubbalabhāva-paccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có sắc thích sự với việc làm (kammaññarūpapadaṭṭhānā).

 

Ba sắc này cùng với hai sắc biểu tri làm nên năm sắc kỳ dị (vikāra) hay sắc đặc biệt. Có chú giải như vầy: Viseso ākāro = vikāro: Cách đặc biệt của sắc thành tựu gọi là sắc kỳ dị.

 

(k) Bốn sắc trạng thái (Lakkhaṇa rūpa)

Có ba trạng thái phổ thông của sắc (rūpa) và danh (nāma) – tức là sanh (uppāda), trụ (ṭhiti) và diệt (bhaṅga). Sắc bao hàm những trạng thái này trong sắc thực tính được gọi là sắc trạng thái. Lakkhaṇa theo nghĩa của từ là tướng, dấu hiệu hay ký hiệu hay trạng thái.

Ở đây, ‘upa’ (trong upacaya) được dùng với ý nghĩa là trước tiên. Sự sanh của ba ‘bọn mười pháp’ đầu tiên là ‘bọn thân’, ‘sắc tính’ và ‘ý vật’ vào tiểu sát-na sanh (của tâm tái tục), được xem là upacaya (tích trữ). Ba ‘bọn mười pháp’ sanh sau từ giai đoạn tâm tái tục đến suốt kiếp sống được xem là santati (thừa kế). Cả hai upacaya (tích trữ) và santati (thừa kế) đôi khi được xem như jāti – sanh. Tổng số rūpa (sắc) là 27 thay vì 28.

Thọ mạng của rūpa (sắc) thường là 17 sát-na tâm hay 51 tiểu sát-na tâm (theo những nhà chú giải, trong thời gian một tia chớp tồn tại, có nhiều tỷ sát-na tâm sanh). Sát-na tâm đầu tiên gọi là upacāya (sự sanh) của sắc, sát-na cuối cùng gọi là aniccatā (sự vô thường) của sắc, 15 sát-na giữa gọi là jaratā (sự lão) của sắc. Aniccatā (vô thường) là sự diệt của rūpa (sắc).

Chỉ có 3 lakkhaṇarūpa (sắc trạng thái), đó là: Sanh, tăng trưởng (trụ) - suy tàn (dị) và tử (diệt)[123]. Aniccatā (vô thường) thì đồng nghĩa với maraṇa (tử). Suốt khoảng thời gian giữa sanh và tử là phát triển (trụ) hoặc suy tàn (dị).

Ngoại trừ năm sắc – đó là 2 viññatti (biểu tri), jāti (sanh), jarā (lão) và aniccatā (vô thường) – tất cả 23 rūpa (sắc) còn lại đều tồn tại 17 sát-na tâm.

 

25. Sắc tích trữ (upacaya rūpa). Sắc tích trữ là sự sanh của sắc vào sát-na tái tục và tiếp tục sanh của sắc cho đến những sắc cần thiết trong kiếp sống được hoàn toàn hình thành.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Ādito uparito ca cayoti = upacayo: Cách sanh từ khởi đầu luôn sau mỗi cách sanh của sắc thành tựu, đó gọi là sắc sanh.

Katamaṃ taṃ rūpaṃ rūpassa upacayo? Yo āyatanānaṃ ācayo, so rūpassa upacayo. Idaṃ taṃ rūpaṃ rūpassa upacayo.

Sắc mà gọi là sắc sanh đó ra sao? Những cách nào chất chứa xứ, sự sanh ra của sắc đó, sắc như thế này gọi là sắc sanh (upacaya). (Dhs. 534)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sắc sanh:

- Trạng thái là sơ sanh (ācāyalakkhaṇo).

- Phận sự là làm việc sanh ra cho những sắc (rūpānaṃ ummujjapanaraso).

- Thành tựu là đầy đủ của sắc pháp (paripuṇṇabhāvapaccupaṭṭhāno).

- Nhân cận là có sắc đang sanh (upacitarūpapadaṭṭhāno).

 

26. Sắc thừa kế (santati rūpa) tiếp theo sự sanh của sắc suốt kiếp sống là tiến hóa lớn lên thêm của sắc thành tựu, cũng dịch là liên tiếp. Có Pāḷi chú giải như sau:

- Saṃ punappunaṃ tati = santati: Cách sanh lên của sắc thành tựu đó hoài hoài, gọi là liên tiếp hay tiến hoá.

- Sambandhatati = santati: Cách sanh lên để liên tiếp với nhau của sắc thành tựu đó, gọi là liên tiếp hay tiến triển.

- Pavatti santati nāma: Nghĩa là cách tiến hóa của sắc có tên là sắc thừa kế (santatirūpa).

Katamaṃ taṃ rūpaṃ rūpassa santati? Yo rūpassa upacayo, sā rūpassa santati. Idaṃ taṃ rūpaṃ rūpassa santati.

Sắc mà gọi là sắc thừa kế đó ra sao? Sự sanh ra của sắc nào thành liên tiếp (thừa kế) của sắc pháp như thế đó, những sắc này gọi là sắc thừa kế (santati). (Dhs. 535)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sắc thừa kế:

- Trạng thái là cách đang tiến hóa (pavattilakkhaṇā).

- Phận sự là làm cho liên tiếp (anuppabandhanarasā).

- Thành tựu là cách không đứt đoạn nhau (anupacchedapaccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có sắc nối nhau (anupabandhakarūpapadaṭṭhānā).

 

27. Sắc lão (jaratā rūpa) là sắc có biểu hiện tăng trưởng và suy tàn vào sát-na trụ của tâm thứ 15. Sắc lão có Pāḷi chú giải như vầy:

- Jarānaṃ bhāvo = jaratā: Cách già của sắc gọi là lão.

- Saranākāro jaratā nāma: Sự tiêu mòn thoái hóa[124] của sắc pháp nên gọi là sắc lão (jaratārūpa).

Katamaṃ taṃ rūpaṃ rūpassa jaratā? Yā rūpassa jarā jīraṇatā khaṇḍiccaṃ Pāḷiccaṃ valittavatā āyuno saṃhāni indriyānaṃ paripāko, idaṃ taṃ rūpaṃ rūpassa jaratā.

Sắc mà gọi là sắc lão đó ra sao? Sự già, sự cũ, rụng răng, tóc bạc, bớt thọ, da dùn, cách chín mùi của sắc quyền có trong những sắc nào như thế, đây gọi là sắc lão. (Dhs. 536)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sắc lão:

- Trạng thái là cách hao mòn của sắc (rūpāparipākalakkhaṇā).

- Phận sự là dẫn dắt cách hao mòn (upānayanarasā).

- Thành tựu là cách chẳng phải mới sanh (navabhāvāpagamanapaccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có sắc tiêu mòn (paripaccamānarūpapadaṭṭhānā).

 

28. Sắc vô thường (aniccatā rūpa) là sắc mà có biểu hiện hư hao, phân rã vào sát-na diệt của sắc thực tính.

Sắc vô thường là cách đang diệt vừa sắp mất. Có Pāḷi chú giải như vầy:

- Aniccānaṃ bhāvo = aniccatā: Cách đang diệt (của sắc thành tựu) gọi là sắc vô thường.

- Tassa bhāvo = aniccatā: Cách đang tiêu diệt của sắc gọi là sắc vô thường (aniccatā-rūpa).

Katamaṃ taṃ rūpaṃ rūpassa aniccatā? Yo rūpassa khayo vayo bhedo paribhedo aniccatā antaradhānaṃ, idaṃ taṃ rūpaṃ rūpassa aniccatā.

Sắc mà gọi là sắc vô thường đó ra sao? Sự mất, cách hoại, sự rã, sự tan, sự không bền, sự vô thường của sắc nào, những sắc như thế gọi là sắc vô thường. (Dhs. 537)

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sắc vô thường:

- Trạng thái là cách hư hao làm cho hư mất (paribhedalakkhaṇā).

- Phận sự là chìm lặng xuống (saṃsīdanarasā).

- Thành tựu là cách tiêu hoại (khayavayapaccupaṭṭhānā).

- Nhân cận là có sắc đang tiêu mất (paribhijjamānarūpapadaṭṭhānā).

Lưu ý:

 (i) Tích trữ (upacāya) và thừa kế (santati) đôi khi được xem như sắc sinh. Cho nên tổng số sắc pháp là 27 thay vì là 28.

 (ii) Ngoại trừ năm sắc – đó là hai sắc biểu tri, sắc sinh, sắc lão, sắc vô thường, tất cả những sắc còn lại tồn tại 17 sát-na tâm.

 (iii) Đúng ra chỉ có ba sắc trạng thái đó là sanh (jāti), lão (jaratā), vô thường (aniccātā). Sắc sanh (jāti) ám chỉ cho sắc vào sát-na (tiểu) sanh, sắc lão (jaratā) ám chỉ cho sắc vào sát-na (tiểu) trụ và sắc vô thường (aniccātā) ám chỉ cho sắc vào sát-na (tiểu) diệt.

___o0o___

18 Sắc Thành Tựu (Nipphanna Rūpa)

Mười tám thứ sắc (rūpa) (từ số 1 – 18) bao gồm 4 sắc đại hiển, 5 sắc thanh triệt (pasāda), 7 sắc cảnh (gocara) (được tính 4, trừ sắc cảnh xúc), 2 sắc tính (bhāva), sắc ý vật (hadayavatthu), sắc mạng quyền (jīvita) và sắc vật thực (āhāra) bị tạo hay thành tựu do nghiệp (kamma), tâm (citta), quí tiết (utu) và vật thực (āhāra) trợ. Do đó, chúng được gọi là sắc thành tựu (nipphanna rūpa).

Mỗi sắc trong 18 thứ sắc này có trạng thái thực tính tự nhiên như là cứng của đất (pathavī) và nóng của lửa (tejo), cho nên chúng cũng được gọi là sắc chơn tướng hay sắc thực tính (sabhāva rūpa).

Mỗi sắc trong 18 thứ sắc này cũng có ba trạng thái hữu vi (saṅkhāta lakkhaṇa) – đó là sanh (jāti), lão (jarā) và vô thường (aniccātā), cho nên chúng cũng được gọi là sắc hữu trạng thái (salakkhaṇa rūpa).

Bởi vì chúng có thể thay đổi hình dạng, màu sắc v.v… do quí tiết nóng lạnh v.v…, chúng được gọi là sắc (rūpa).

Bởi vì những sắc này được dùng để quán vô thường (aniccā), khổ (dukkhā) và vô ngã (anattā), nên những sắc này được gọi là sắc rõ hay sắc quán đắc hay sắc phổ thông (sammasana rūpa).

___o0o___

 

10 Sắc Phi Thành Tựu (Anipphanna Rūpa)

Mười thứ sắc (rūpa) bao gồm sắc giao giới (pariccheda rūpa), 2 sắc biểu tri (viññattirūpa), 3 sắc kỳ dị (vikāra rūpa) và 4 sắc trạng thái (lakkhaṇa rūpa) không bị trợ tạo hay thành tựu bởi do nghiệp (kamma), tâm (citta), quí tiết (utu) và vật thực (āhāra), cho nên chúng được gọi là sắc phi thành tựu (anipphanna rūpa).

Mười sắc này cũng được gọi là sắc phi thực tính (asabhāva rūpa) vì chúng không tự có thực tính. Gọi là sắc phi hữu trạng thái (asalakkhaṇa rūpa) vì chúng không có trạng thái bị tạo (saṅkhata lakkhaṇa). Gọi là phi sắc (arūpa) vì chúng không thể thay đổi do quí tiết nóng và lạnh, v.v… và gọi là sắc không rõ (asammasana rūpa) vì chúng không được thấy rõ trong pháp quán minh sát.

___o0o___

 

Hỏa Giới Trong Nước Và Thủy Giới Trong Lửa

Một hạt bụi hay toàn quả địa cầu được tạo thành từ những sắc bất ly (avinibbhoga rūpa), cho nên quả địa cầu phải chứa tất cả 8 sắc – tức là địa giới (pathavī dhātu), thủy giới (āpo dhātu), hỏa giới (tejo dhātu), phong giới (vāyo dhātu), sắc/màu (vaṇṇa), khí (gandha), vị (rasā), vật thực nội (ojā); trong những thứ sắc này thì địa giới (pathavī dhātu) vượt trội.

Tương tự, nước cũng phải chứa tất cả 8 sắc bất ly (avinibbhoga rūpa), nhưng ở đây thì thủy giới (āpo dhātu) vượt trội. Vì nước chứa hỏa giới (tejo dhātu), chúng ta có thể nói có hỏa giới (tejo dhātu) trong nước.

Cùng cách ấy, lửa phải chứa tất cả 8 sắc bất ly (avinibbhoga rūpa), nhưng ở đây thì hỏa giới (tejo dhātu) vượt trội. Vì lửa chứa thủy giới (āpo dhātu), chúng ta có thể nói có thủy giới (āpo dhātu) trong lửa.

Vô Tỷ Pháp (Abhidhamma) trình bày nước chứa hỏa giới (tejo dhātu) và lửa chứa thủy giới (āpo dhātu) thì đồng quan điểm với khoa học. Chúng ta biết rằng nước chứa hỏa giới (tejo dhātu) cũng giống như chất lửa. Việc đốt gỗ hay giấy, nó phát ra do hỗn hợp carbon, hydrogen và oxygen. Lượng nhiệt được tỏa ra do hỗn hợp giữa hydrogen và oxygen làm thành nước. Lượng nhiệt lớn xuất hiện là một ngọn lửa thật sự có chứa hơi nước.

___o0o___

 

Nhân Trợ Sanh Sắc Pháp (Rūpa Samuṭṭhāna)

 

Có 4 nhân trợ cho sắc pháp sanh bao gồm nghiệp (kamma), tâm (citta), quí tiết (utu) và vật thực (āhāra).

(1) Sắc sanh do nghiệp trợ (kammaja rūpa) có 25 loại nghiệp trợ cho sắc nội phần sanh liên tục trong thân của chúng sanh gồm 12 tư bất thiện (akusala cetanā), 8 tư thiện dục giới (kammāvacara kusala cetanā) và 5 tư thiện sắc giới (rūpāvacara kusala cetanā). Những nghiệp thiện và bất thiện này trợ cho sắc pháp sanh trong cõi Dục và cõi Sắc ở mỗi sát-na (tiểu) sanh kể từ sát-na sanh của tâm tái tục cho đến tử. Sắc do nghiệp trợ sanh được gọi là sắc nghiệp (kammaja rūpa). Nên nhớ rằng, nghiệp vô sắc giới (arūpāvacara kamma) không trợ cho sắc pháp sanh.

(2) Sắc sanh do tâm trợ (cittaja rūpa) có 75 tâm trợ cho sắc sanh [trừ ngũ song thức (dvi pañca viññāṇa citta) và 4 tâm quả vô sắc giới (arūpāvacara vipāka citta)]. Tâm tái tục (paṭisandhi citta) và tâm tử (cuti citta) của bậc Arahatta không trợ cho sắc pháp sanh.

Bắt đầu từ tâm hữu phần (bhavaṅga) thứ nhất của kiếp sống cho đến tử, 75 tâm nêu trên trợ cho sắc tâm sanh ở mỗi sát-na (tiểu) sanh của tâm tương ứng. Sắc sanh do tâm trợ được gọi là sắc tâm (cittaja rūpa).

Trong 75 tâm, 26 tâm đỗng lực kiên cố (appanā javana citta) không chỉ trợ cho sắc tâm (cittaja rūpa) sanh, mà còn trợ cho tứ oai nghi về thân – tức là đi, đứng, ngồi, nằm.

32 tâm gồm khai ý môn (manodvārāvajjana), 29 đỗng lực dục giới (kāmāvacarajavana) và 2 tâm thông (abhiññā) trợ cho sắc tâm sanh, trợ cho thân oai nghi và cũng trợ cho sắc biểu tri (viññatti rūpa) để thân và khẩu hành động.

Trong 32 tâm vừa nêu trên, 13 đỗng lực hỷ thọ (somanassa javana) trợ cho cười mỉm, cười lớn tiếng sanh, trong khi 2 đỗng lực ưu thọ (domanassajavana), tức là 2 tâm căn sân (dosamūla citta) trợ cho than, khóc sanh.

Tiếu sinh (hasituppāda) và 4 tâm đại tố hỷ thọ (somanassa mahākiriya citta) trợ cho cười mỉm; sanh với chư Phật và chư Arahaṃ.

2 tâm căn tham hỷ thọ bất tương ưng kiến (lobhamūla diṭṭhigata vippayutta somanassa citta) và 4 tâm đại thiện hỷ thọ (somanassa mahā kusala citta) trợ cho cười mỉm và cười lớn tiếng; sanh với chư Thánh hữu học – tức là chư Thánh Thất lai (Sotāpanna), Nhất lai (Sakadāgāmī) và Bất lai (Anāgāmī).

4 tâm căn tham hỷ thọ (lobhamūla somanassa citta) và 4 tâm đại thiện hỷ thọ (somanassa mahākusala citta) trợ cho cười mỉm và cười lớn tiếng; sanh với phàm phu.

Ba ý giới (mano dhātu), 11 na cảnh (tadālambaṇa) và 5 tâm quả sắc giới (rūpāvacara vipāka citta), (tất cả là 19) chỉ trợ cho sắc tâm thông thường sanh.

Hay:

 

Cách Có Mấy Tâm Trợ

Cách khóc có 2 tâm sai khiến là: 2 tâm sân.

 Cách cười có 13 tâm sai khiến là: 4 tâm tham câu hành hỷ, tâm tiếu sinh, 4 tâm đại thiện câu hành hỷ và 4 tâm đại tố câu hành hỷ (hay nói gọn là 13 tâm đỗng lực dục giới câu hành hỷ).

Cách nói có 32 tâm sai khiến là: 12 tâm bất thiện, khai ý môn, tâm tiếu sinh, 16 tâm đỗng lực dục giới tịnh hảo và 2 tâm thông.

Cách tiểu oai nghi có 32 tâm sai khiến là: 12 tâm bất thiện, khai ý môn, tâm tiếu sinh, 16 tâm đỗng lực dục giới tịnh hảo và 2 tâm thông.

Cách tứ đại oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi) có 32 tâm sai khiến là: 12 tâm bất thiện, khai ý môn, tâm tiếu sinh, 16 tâm đỗng lực dục giới tịnh hảo và 2 tâm thông.

Cách kềm 3 hoặc 4 oai nghi có 58 hoặc 90 tâm sai khiến là: 12 tâm bất thiện, khai ý môn, tiếu sinh, 16 tâm đỗng lực dục giới tịnh hảo, 18 tâm đỗng lực đáo đại, 8 hoặc 40 tâm siêu thế và 2 tâm thông.

 Cách tầm thường có 109 tâm sai khiến là: 12 tâm bất thiện, 3 tâm ý giới, 3 tâm thẩm tấn, khai ý môn, tiếu sinh, 24 tâm đỗng lực dục giới tịnh hảo, 15 tâm sắc giới, 2 tâm thông, 8 tâm đỗng lực vô sắc giới, 8 hoặc 40 tâm siêu thế.

- 1 là cách khóc có 2 tâm sai khiến, tức là 2 tâm sân.

- 2 là cách cười có 13 tâm sai khiến là: 4 tâm tham câu hành hỷ, tâm tiếu sinh, 4 tâm đại thiện câu hành hỷ và 4 tâm đại tố câu hành hỷ.

- 3 là cách nói có 32 tâm sai khiến là 29 tâm đỗng lực dục giới, tâm khai ý môn và 2 tâm thông.

- 4 là cách tiểu oai nghi có 32 tâm sai khiến là: 29 tâm đỗng lực dục giới, tâm khai ý môn và 2 tâm thông.

- 5 là cách đại oai nghi có 32 tâm sai khiến là: 29 tâm đỗng lực dục giới, tâm khai ý môn và 2 tâm thông.

- 6 là cách kềm 3 hoặc 4 oai nghi có 58 hoặc 90 tâm sai khiến là: 29 tâm đỗng lực dục giới, tâm khai ý môn, 2 tâm thông, 18 tâm đỗng lực đáo đại và 8 hoặc 40 tâm siêu thế.

- 7 là cách tầm thường có 75 hoặc 107 tâm sai khiến là: 75 hoặc 107 tâm (trừ ngũ song thức và 4 quả vô sắc).

 

Tâm Trợ Đặng Mấy Cách

Sai khiến cách tầm thường đặng 19 tâm là: 3 tâm ý giới, 3 tâm thẩm tấn, 8 tâm đại quả và 5 tâm quả sắc giới.

Nói về mỗi tâm sai khiến thân, khẩu hành động đặng mấy cách. Cách tầm thường là không có hiện tượng ra ngoài như là hơi thở v.v… Còn 19 tâm kể trong bài đọc là: 3 tâm thẩm tấn, 8 tâm đại quả, 3 tâm ý giới và 5 tâm quả sắc giới, dù cho những tâm này có tạo sắc nhưng rất ngấm ngầm yếu ớt, không sai khiến đặng các việc lớn lao. Tâm nào làm việc tái tục mà không tạo được sắc là vì còn quá yếu như ngũ song thức.

Sai khiến cách tầm thường và kềm 3 hoặc 4 oai nghi đặng 58 tâm là: 18 tâm đỗng lực đáo đại và 8 hoặc 40 tâm siêu thế.

Những tâm đỗng lực kiên cố (appanā) là: 18 tâm đỗng lực đáo đại và 8 hoặc 40 tâm siêu thế, sai khiến đặng 2 cách là cách tầm thường và cách kềm 3 hoặc 4 oai nghi, nhưng kềm cách đi rất ít. Những tâm đỗng lực kiên cố ấy vì có sức mạnh hơn những tâm đã nêu trước, nhưng cũng trong phần ngấm ngầm. Khi nhập thiền thì ngồi, nằm, đứng vững vàng luôn, nếu có ai kéo sửa cách nào thì cũng theo cách ấy. Còn cách đi có lẽ là do mãnh lực thông (abhiññā) sắp đặt.

Tâm sai khiến 5 cách (trừ khóc và cười) có 17 là: 4 tâm tham câu hành xả, 2 tâm si, khai ý môn, 4 đại thiện câu hành xả, 4 đại tố câu hành xả và 2 tâm thông.

Tâm đỗng lực dục giới câu hành xả, 2 tâm thông và tâm khai ý môn vì chẳng phải câu hành ưu nên không sai khiến cách khóc đặng và chẳng phải câu hành hỷ nên không sai khiến cách cười đặng.

Tâm sai khiến 6 cách (trừ cười) có 2 tức là 2 tâm sân. Hai tâm sân vì câu hành ưu nên không thể sai khiến cách cười đặng.

Tâm sai khiến đặng 5 cách (trừ khóc) có 13 là: 4 tâm tham câu hành hỷ, tâm tiếu sinh, 4 đại thiện câu hành hỷ và 4 tâm đại tố câu hành hỷ.

Tâm đỗng lực dục giới câu hành hỷ vì vui hoặc mừng nên trái với sự khóc.

 

(3) Sắc sanh do quí tiết trợ (utuja rūpa) hỏa đại (tejo) là gồm cả hai trạng thái nóng và lạnh; hiện diện trong tất cả nhóm sắc hay bọn sắc (kalāpa rūpa), để đạt đến mức bình ổn, sắc quí tiết sanh và liên tục trợ cho những sắc quí tiết sanh ở mỗi tiểu sát-na của cả hai nội phần và ngoại phần.

(4) Sắc sanh do vật thực trợ (āhāraja rūpa) bao gồm những dưỡng chất (ojā) hiện diện trong tất cả bọn sắc (kalāpa rūpa) cả trong thân (nội phần) và ngoài thân (ngoại phần). Vật thực ngoại mà chúng ta ăn được tiêu hóa trong bao tử và phân tán qua máu đến tất cả bộ phận của cơ thể. Cho nên, vật thực nội (dưỡng chất – ojā) và vật thực ngoại gặp nhau ở khắp bộ phận thân thể. Lúc chúng gặp nhau được gọi là sát-na sanh (uppāda). Sau sát-na này là đến sát-na trụ (ṭhiti). Từ sát-na trụ, sự kết hợp giữa vật thực nội và ngoại bắt đầu tạo ra những sắc vật thực và tiếp tục trợ sanh chúng ở mỗi tiểu sát-na cho đến khi sự kết hợp kết thúc.

___o0o___

 

Các Loại Sắc Pháp

 

Sắc một nhân (ekaja rūpa) là sắc sanh do một nhân trợ.

Sắc hai nhân (dvija rūpa) là sắc sanh do hai nhân trợ.

Sắc ba nhân (tija rūpa) là sắc sanh do ba nhân trợ.

Sắc bốn nhân (catuja rūpa) là sắc sanh do bốn nhân trợ.

Sắc nhiều nhân (anekaja rūpa) là sắc sanh do nhiều hơn một nhân hay do nhiều nhân trợ.

 

1. Sắc một nhân:

Năm sắc thanh triệt (pasāda rūpa), hai sắc tính (bhāva rūpa), sắc ý vật (hadaya vatthu) và sắc mạng (jīvita rūpa) (tổng cộng 9) bị sanh chỉ do nghiệp trợ;

Hai sắc biểu tri sanh chỉ do tâm trợ. Do đó, tổng số là 11.

2. Sắc hai nhân chỉ có sắc cảnh thinh (saddā) là do tâm (citta) và quí tiết (utu) trợ tạo. Âm giọng như là tiếng phát biểu, tiếng cười, tiếng rên, tiếng khóc, tiếng hát và tiếng huýt sáo sanh do tâm trợ. Âm thanh không từ âm giọng như là tiếng sấm, tiếng nhạc cụ, tiếng nói từ radio, bài hát từ máy ghi âm, tiếng ồn từ xe hơi, tàu hỏa, v.v… sanh do quí tiết trợ.

3. Sắc ba nhân có 3 đó là sắc nhẹ (rūpassa lahutā), sắc mềm (rūpassamudutā) và sắc thích sự (rūpassa kammaññatā). Những sắc này sanh do tâm (citta), quí tiết (utu) và vật thực (āhāra) trợ. Những sắc này chịu trách nhiệm cho lạc thọ mà chúng ta kinh nghiệm khi tâm của chúng ta trống rỗng hay khi thời tiết dễ chịu hay sau khi chúng ta có một bữa ăn nhẹ vừa ý.

4. Sắc bốn nhân có 9 thứ là sắc được trợ do cả bốn nhân. Những sắc ấy là 8 sắc bất ly (avinibbhoga rūpa) và sắc giao giới hay hư không giới (ākāsa dhātu) sanh khi những nhóm hay bọn sắc (kalāpa) bất ly được hình thành.

5. Sắc do nghiệp trợ (kammajarūpa) (18) = 9 sắc nghiệp một nhân (kammaja ekaja rūpa) + 9 sắc nghiệp nhiều nhân (kammaja anekaja rūpa).

6. Sắc do tâm trợ (cittajarūpa) (15) = 2 sắc tâm một nhân (ekaja) + 13 sắc tâm nhiều nhân (anekaja). [13 sắc tâm nhiều nhân: 9 sắc bốn nhân + thinh (sadda) + 3 sắc ba nhân].

7. Sắc do quí tiết trợ (utujarūpa) (13) = 13 sắc quí tiết nhiều nhân (utuja aneka rūpa) cũng giống như 13 sắc tâm nhiều nhân (cittaja anekaja rūpa).

8. Sắc do vật thực trợ (āhārajarūpa) (12) = 12 sắc vật thực nhiều nhân (āhāraja anekaja rūpa) là 8 sắc bất ly (avinibbhoga) + 3 sắc kỳ dị (tija) + giao giới (pariccheda).

Lưu ý:

(1) Ba sắc kỳ dị đó là nhẹ (lahutā), mềm (mudutā) và thích sự (kammaññatā) cũng được gọi là lahutādi rūpa.

(2) Bốn sắc trạng thái (lakkhaṇa rūpa) không do nhân nào trợ. Chúng chỉ biểu hiện sự sanh, lão, tử tự nhiên của sắc thực tính.

___o0o___

 

Các Nhóm Sắc Hay Bọn Sắc (Rūpa kalāpa)

28 thứ sắc pháp không tìm thấy riêng lẻ trong thiên nhiên. Chúng bị sanh do bốn nhân trợ dưới dạng những bọn sắc rất nhỏ gọi là kalāpa. Những bọn sắc (kalāpa) ấy có bốn đặc tính sau:

1. Tất cả sắc trong bọn cùng sanh, tức là chúng cùng khởi đầu.

2. Chúng cũng cùng diệt, tức là chúng cùng chấm dứt.

3. Chúng hoàn toàn phụ thuộc vào bốn sắc đại hiển hiện diện trong bọn (kalāpa) để sanh, tức là chúng cùng nương.

4. Chúng cũng hoàn toàn bị trộn lẫn không thể phân biệt, tức là chúng cùng tồn tại.

Nên lưu ý rằng nhóm hay bọn (kalāpa) thì rất nhỏ không thể thấy dù dưới kính hiển vi. Kích thước của kalāpa trong cõi Nhân loại chỉ bằng một 10-5 th của một paramānu, nhỏ hơn một nguyên tử (atom). Cho nên, về kích thước, nhóm hay bọn (kalāpa) sắc được so sánh với một điện tử (electron), proton và neutron.

Có 21 nhóm hay bọn (kalāpa) sắc, đó là: 9 bọn sắc nghiệp (kammaja kalāpa), 6 bọn sắc tâm (cittaja kalāpa) + 4 bọn sắc quí tiết (utuja kalāpa) + 2 bọn sắc vật thực (āhāraja kalāpa).

 

9 bọn sắc nghiệp (kammaja kalāpa)

Chín bọn sắc nghiệp này hình thành từ 18 thứ sắc do nghiệp trợ tạo (kammaja rūpa). Trong cả 9 bọn (kalāpa) ấy, 8 sắc bất ly (avinibbhoga rūpa) hợp thành hạt nhân. Tất cả sắc do nghiệp trợ tạo luôn bao gồm sắc mạng (jīvita rūpa). Cho nên, một bọn 8 sắc bất ly và mạng quyền hợp thành bọn đơn giản nhất của sắc do nghiệp trợ tạo; được gọi là bọn sắc mạng cửu pháp (jīvita navaka kalāpa) nghĩa là nhóm 9 sắc gồm mạng quyền; có thể được rút ngắn thành jīvita nonad.

Bằng cách cộng 8 sắc nghiệp một nhân còn lại từng cái một với bọn sắc mạng cửu pháp (jīvita navaka kalāpa), chúng ta được 8 bọn sắc nghiệp còn lại.

1. Bọn nhãn mười pháp (cakkhu dasaka) = 8 sắc bất ly (avinibbhoga rūpa) + sắc mạng (jīvita rūpa) + nhãn thanh triệt (cakkhupasāda).

2. Bọn nhĩ mười pháp (sota dasaka) = 8 sắc bất ly + sắc mạng + nhĩ thanh triệt (sota pasāda).

3. Bọn tỷ mười pháp (ghāna dasaka) = 8 sắc bất ly + sắc mạng + tỷ thanh triệt (ghāna pasāda).

4. Bọn thiệt mười pháp (sota dasaka) = 8 sắc bất ly + sắc mạng + thiệt thanh triệt (sota pasāda).

5. Bọn thân mười pháp (kāya dasaka) = 8 sắc bất ly + sắc mạng + thân thanh triệt (kāya pasāda).

6. Bọn nữ tính mười pháp (itthibhāva dasaka) = 8 sắc bất ly + sắc mạng + nữ tính (itthibhāva rūpa).

7. Bọn nam tính mười pháp (purisabhāva dasaka) = 8 sắc bất ly + sắc mạng + nam tính (purisabhāva rūpa).

8. Bọn ý vật mười pháp (hadaya dasaka) = 8 sắc bất ly + sắc mạng + ý vật (hadaya vatthu).

9. Bọn mạng chín pháp (jīvita navaka) = 8 sắc bất ly + sắc mạng.

 

6 bọn sắc tâm (cittaja kalāpa)

Chúng được tạo thành do 14 sắc tâm (cittaja rūpa) (trừ sắc giao giới).

1. Bọn sắc tâm thuần tám pháp (cittaja suddhatthaka) = 8 sắc bất ly (avinibbhiga rūpa) sanh do tâm trợ.

2. Bọn thân biểu tri chín pháp (kāyaviññatti navaka) = 8 sắc bất ly + thân biểu tri (kāya-viññatti).

3. Bọn thinh khẩu biểu tri mười pháp (vaciviññatti sadda dasaka) = 8 sắc bất ly + thinh (sadda) + khẩu biểu tri (vacīviññatti).

4. Bọn kỳ dị mười một pháp (lahutādi ekādasaka) = 8 sắc bất ly + nhẹ (lahutā) + mềm (mudutā) + thích sự (kammaññatā).

5. Bọn thân kỳ dị mười hai pháp (kāyaviññatti lahutādi dvādasaka) = 8 sắc bất ly + thân biểu tri + kỳ dị (lahutādi) (3).

6. Bọn khẩu thinh kỳ dị mười ba pháp (vacīviññatti sadda lahutādi terasaka) = 8 sắc bất ly + khẩu biểu tri + thinh + kỳ dị (3).

4 bọn sắc quí tiết (utuja kalāpa)

Chúng được hình thành theo nhóm từ 12 sắc quí tiết (utuja rūpa) (trừ sắc giao giới – pariccheda rūpa).

1. Bọn quí tiết thuần tám pháp (utuja suddhaṭṭhaka) = 8 sắc bất ly (avinibbhoga rūpa) sanh do quí tiết trợ.

2. Bọn quí tiết thinh chín pháp (sadda navaka) = 8 sắc bất ly + thinh (sadda).

3. Bọn quí tiết kỳ dị mười một pháp (lahutādi ekādasaka) = 8 sắc bất ly + sắc kỳ dị (lahutādi rūpa) (3).

4. Bọn quí tiết thinh kỳ dị mười hai pháp (sadda lahutādi dvādasaka) = 8 sắc bất ly + thinh + sắc kỳ dị (3).

2 bọn sắc vật thực (āhāraja kalāpa)

Chúng được hình thành theo nhóm từ 8 sắc bất ly (avinibbhoga rūpa) và 3 sắc kỳ dị (lahutādi rūpa) sanh do vật thực trợ.

1. Bọn vật thực thuần tám pháp (āhāraja suddhaṭṭhaka) = 8 sắc bất ly (avinibbhoga rūpa) sanh do vật thực trợ.

2. Bọn vật thực kỳ dị mười một pháp (lahutādi ekādasaka) = 8 sắc bất ly + 3 kỳ dị (lahutādi).

___o0o___

Phân Chia Sắc Pháp (Rūpa Vibhāga)

Tất cả sắc pháp phân thành một loại theo những khía cạnh sau:

1. Phi nhân (ahetuka) là sắc không phối hợp với nhân lobha (tham), dosa (sân)...

2. Hữu duyên (sappaccaya) là đều có nhân trợ tạo, tức liên quan đến những nhân [nghiệp (kamma), tâm (citta), quí tiết (utu) và vật thực (āhāra)].

3. Cảnh lậu (sāsava) là làm cảnh cho pháp lậu hay phiền não.

4. Hữu vi (saṅkhata) là bị trợ tạo bởi bốn nhân [nghiệp (kamma), tâm (citta), quí tiết (utu) và vật thực (āhāra)].

5. Hiệp thế (lokiya) là đều liên quan trong đời ngũ thủ uẩn (không có sắc siêu thế).

6. Dục giới (kāmāvacara) là sắc thuộc phạm vi cảnh dục.

7. Vô cảnh (anārammaṇa) hay vô tri cảnh là không biết đặng cảnh.

8. Phi trừ (appahātabba) là chẳng phải sát trừ như phiền não, hay không bị đoạn trừ bởi đạo (magga).

Khi rūpa (sắc) được phân chia như nội hay ngoại và v.v… sắc pháp trở thành đa dạng.

Sắc Pháp Chia Hai (có 9)

1. Tất cả 21 bọn sắc (rūpa kalāpa) nêu trên xảy ra bên trong (nội phần) chúng sanh. Bọn nữ tính mười pháp (itthibhāva dasaka) không xảy ra với người nam. Tương tự bọn nam tính mười pháp (pumbhāva dasaka) không xảy ra với người nữ. Đối với người sanh đui hay điếc, bọn nhãn mười pháp hay bọn nhĩ mười pháp phải được trừ.

(Lưu ý rằng 28 thứ sắc pháp, sắc nữ tính (itthibhāva rūpa) không có với người nam và sắc nam tính (pusisabhāva rūpa) không có với người nữ. Do đó, chỉ có 27 thứ sắc sẽ được hiện diện trong mỗi loài).

Ajjhatta chỉ cho pháp nội phần hay bên trong mỗi chúng sanh.

Bahiddha chỉ cho pháp ngoại phần hay bên ngoài mỗi chúng sanh.

Trong thế giới pháp ngoại phần (bahiddha), chỉ thấy những bọn sắc do quí tiết trợ tạo. Tất cả những vật vô tri giác như là cây, đá, quả địa cầu, không khí, nước, lửa, tử thi, v.v… được tạo do những bọn sắc quí tiết bát thuần (utuja suddhaṭṭhaka kalāpa). Âm thanh sanh do gõ hai cái dùi vào nhau hay quất những nhánh cây trong gió hay những nhạc cụ như là violin, piano, radio, cassettes, v.v… đều là những bọn sắc quí tiết bát thuần (utuja suddhaṭṭhaka kalāpa). Tóm lại:

Sắc nội (ajjhattika rūpa) là 5 sắc thanh triệt được gọi là bên trong hay nội (ajjhattika). 23 sắc còn lại được gọi là sắc bên ngoài hay sắc ngoại (bāhira rūpa). Vì năm giác quan (sắc thanh triệt) là pháp thực tính cơ bản cho sự thấy nghe, ngửi, v.v… chúng sanh đánh giá cao những sắc này. Không có chúng, họ như những khúc gỗ vô tri giác.

2. Sắc hữu vật (vatthu rūpa) có 6 là: 5 sắc thanh triệt (pasāda rūpa) cùng với sắc ý vật (hadaya vatthu) được gọi là sắc vật. Chúng đóng vai trò là nơi nương của tâm.

Sắc vô vật (avatthu rūpa) có 22 là: 4 sắc tứ đại minh, 4 sắc cảnh, 2 sắc tính, sắc mạng quyền, sắc vật thực, sắc giao giới, 2 sắc biểu tri, 3 sắc kỳ dị và sắc tứ tướng.

Vì 6 sắc hữu vật có vật chất hiện bày làm tiêu chuẩn như là lỗ tai, con mắt v.v… còn 22 thứ sắc ngoài ra, không có vật tiêu chuẩn trùm bọc như thế. Dù nam căn hay nữ căn cũng chưa phải đủ tiểu chuẩn cho sắc ấy, nên gọi là sắc vô vật (avatthurūpa).

3. Sắc môn (dvāra rūpa) có 7 là: 5 sắc thanh triệt (pasāda rūpa) cùng với 2 sắc biểu tri (viññatti rūpa). Bảy thứ sắc môn (dvārarūpa) phần nhiều làm dịp cho tâm khách quan sanh ra. 5 sắc thanh triệt làm nhân, làm môn, tạo điều kiện, làm dịp cho lộ ngũ môn sanh, cho nên Pāḷi gọi là upapattidvāra dịch là môn sanh. 2 thứ sắc biểu tri cũng gọi là thân môn (kāyadvāra) và khẩu môn (vacīdvāra), hay là nơi và cách thức để thực hiện thân nghiệp (kāya kamma) và khẩu nghiệp (vacī kamma). Sự nói cũng như sự làm thì thân, khẩu trợ tâm sanh ra rất nhiều thiện, ác và sở hữu tư (cetanā) câu sanh để điều khiển, đó gọi là thân nghiệp (kāyakamma) và khẩu nghiệp (vacīkamma) đều do sắc biểu tri mới phát ra đặng, cũng như nhờ cửa mới đi ra.

21 thứ sắc ngoài ra trái với nghĩa trên nên gọi là sắc phi môn (advārarūpa).

4. Sắc quyền (indriya rūpa) có 8 là: 5 sắc thanh triệt (pasāda rūpa) cùng với 2 sắc tính (bhāvarūpa) và 1 sắc mạng (jīvita rūpa) gom thành 8 sắc quyền. Sắc quyền (indriyarūpa) là có quyền lớn lao trong bổn phận như là 5 sắc thanh triệt có quyền đủ sức hạn chế 5 đôi thức. Nhãn thanh triệt hạn chế nhãn thức chỉ thấy và đủ sức trợ sanh ra. Nếu không có nhãn thanh triệt thời tâm nhãn thức sanh không đặng. Nhĩ, tỷ, thiệt và thân thanh triệt cũng đều như thế. Quyền của 2 sắc tính là giới hạn các bộ phận thân thể hành động và nói năng có phân biệt theo giới tính (nam, nữ, đực, cái, trống, mái v.v…) Còn sắc mạng quyền có thế lực bảo tồn sắc nghiệp cũng như thay thế cho nghiệp tạo sắc và bảo tồn cho sắc nghiệp tồn tại đủ 51 sát-na, cho nên gọi là sắc quyền.

Hai mươi thứ sắc còn lại trái với nghĩa trên, nên gọi là sắc phi quyền (anindriyarūpa).

5. Sắc thô (oḷārika rūpa) có 12 là: 5 sắc thanh triệt (pasāda rūpa) cùng với 7 sắc cảnh (gocara rūpa) gom thành 12 sắc thô. Sắc thô là sắc hiện quá rõ, sắc tế (sukhuma rūpa) là sắc không mấy gì rõ.

Oḷārika’ nghĩa là ‘thô hay không mịn’; ‘sukhuma’ nghĩa là ‘tế hay mịn’. Bởi vì tính thô và tính không mịn của chúng, những sắc thanh triệt và 5 cảnh có thể dễ dàng được thấy và hiểu. Và vì chúng dễ hiểu, chúng được liên hệ gần gũi với trí. Do đó, sắc thô còn gọi là sắc cận (santike rūpa) hay sắc gần là để niệm xứ khi tu tuệ rất dễ tỏ ngộ. Còn những sắc khó mà tỏ ngộ đặng mới gọi là sắc xa, sắc tế, sắc viễn (dūre rūpa).

Những sắc thanh triệt và cảnh xúc chạm nhau – như cảnh sắc xúc chạm nhãn môn, âm thanh xúc chạm nhĩ môn và v.v… do đó, 12 sắc thô cũng được gọi là sắc hữu đối chiếu (sappaṭigha rūpa) trong khi 16 sắc tế được gọi là sắc vô đối chiếu (appaṭigha rūpa). ‘Sappaṭigha’ theo nghĩa đen là ‘xúc chạm’ trong khi ‘appatigha’ nghĩa là ‘khỏi xúc chạm’.

Sắc chạm nhau như là nhãn thanh triệt chạm với sắc hay là cảnh sắc chạm với nhãn thanh triệt. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân và thinh, khí, vị, xúc cũng tợ như thế nên gọi là sắc chạm nhau.

16 thứ sắc còn lại trái hẳn với ba nghĩa trên, nên gọi là sắc tế, sắc không chạm nhau hay không đối chiếu.

6. Sắc thủ (upādinna) có 18 là: 4 sắc tứ đại, 5 sắc thanh triệt, 2 sắc tính, sắc ý vật, sắc mạng quyền, sắc vật thực, sắc giao giới và 3 sắc cảnh (trừ thinh), sắc thủ cũng gọi là sắc nghiệp. Sắc thủ (upādinnarūpa) là trước kia do chấp thủ rằng ta sẽ có mắt, tai v.v… hay là ưa muốn, cũng như kiến trúc sư vẽ bản thiết kế thì thợ là người phải làm theo, tức là sắc nghiệp tạo.

Hay nói cách khác, sắc thủ (upādinna) là 18 thứ sắc sanh do nghiệp (kammaja rūpa) được gọi là sắc thủ (upādinna); những sắc còn lại được gọi là sắc phi thủ (anupādinna). 18 thứ sắc sanh do nghiệp bị níu lấy bởi nghiệp và là quả của ái (taṇhā) hợp với tà kiến (diṭṭhi).

10 sắc còn lại như sắc tâm, sắc quí tiết và sắc vật thực tạo, đều gọi là sắc phi thủ (anupādinnarūpa).

7. Sắc bị thấy hay Sắc hữu kiến (sanidassanarūpa) có 1 tức là sắc cảnh sắc (rūpārammaṇa), vì nó có thể bị thấy bằng mắt.

Những sắc còn lại được gọi là sắc vô kiến (anidassana rūpa) vì là những sắc không thể bị thấy bằng mắt.

8. Sắc thâu cảnh (gocaraggāhika rūpa) có 5 tức là 5 thứ sắc thanh triệt (pasāda rūpa) có thể bắt cảnh bên ngoài làm chỗ dạo, cho nên được gọi là sắc thâu cảnh.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Gocaraṃ gaṇhātīti = gocaraggāhakaṃ: Sắc thâu cảnh đặng gọi là sắc thâu cảnh, cũng như kiếng thâu hình.

Nhưng nhãn thanh triệt và nhĩ thanh triệt thâu cảnh không đến sát.

Có Pāḷi như vầy: Asamapatta ārammaṇa: Là cảnh không đến sát.

Tỷ, thiệt, thân thanh triệt thâu những cảnh đến sát.

Có Pāḷi như vầy: Sampatta ārammaṇa: Là cảnh đến sát.

Trong khi những sắc còn lại (ngoài 5 sắc thanh triệt) được gọi là sắc không thâu cảnh (agocaraggāhika rūpa).

Trong 5 sắc thanh triệt, nhãn và nhĩ nhận cảnh xa, khỏi chạm trực tiếp. Chúng ta có thể thấy một cái hoa mà hoa ấy khỏi phải đến xúc chạm với mắt. Chúng ta có thể nghe những gì người đàn ông nói mà người ấy không cần đến tiếp xúc với tai.

Mặt khác, cảnh khí hay những mùi phải đến tiếp xúc với lỗ mũi, cảnh vị phải chạm trực tiếp lưỡi và vật chất phải thật sự xúc chạm vào thân để nhận ra những cảm giác này.

Do đó, nhãn thanh triệt và nhĩ thanh triệt được gọi là sắc khỏi chạm (asampatta gāhaka) trong khi 3 sắc thanh triệt còn lại gọi là sắc chạm cảnh (sampatta gāhaka).

9. Sắc bất ly (avinibbhoga rūpa) có 8 là: 4 sắc tứ đại minh [đất (pathavī), nước (āpo), lửa (tejo), gió (vāyo)], sắc cảnh sắc (vaṇṇa), sắc cảnh khí (gandha), sắc cảnh vị (rasā) và sắc vật thực nội (ojā). Sắc bất ly (avinibbhogarūpa) là những sắc cùng liên kết và không xa lìa nhau, tức là những sắc chẳng sanh riêng ra, hễ có thì phải đủ 8, cho nên không bọn nào dưới 8 (xin nhớ cho kỹ!).

Có Pāḷi chú giải như vầy: Avinibbhogoti = avinibbhogo: Không thể chia riêng ra, nên gọi là bất ly.

20 sắc còn lại trái với nghĩa trên, nên gọi là sắc ly hay là sắc hữu ly (vinibbhogarūpa).

Định nghĩa của sắc hữu ly (vinibbhoga rūpa) nghe như định nghĩa ban đầu của nguyên tử (atom), nhưng những nguyên tử sau này được tìm thấy chia thành những điện tử (electrons), protons, neutrons.

Theo Vô Tỷ Pháp (Abhidhamma), những hạt sắc[125] này có thể được xem là những sắc bất ly. Bốn sắc đại hiển và 4 sắc y sinh cùng sanh trong những bọn hay nhóm sắc thực tính; là những sắc cơ bản của sắc pháp.

Những bọn (kalāpa) sắc này có kích thước gần như nhau. Cho nên, dù cho một hạt có thể nhỏ cỡ nào, nó luôn chứa sắc bất ly là những sắc không thể phân chia và tách rời.

___o0o___

Tiến Trình Của Sắc Pháp Sinh khởi Trong Mỗi Chúng Sanh (Rūpa pavattikkama)

Trước khi đọc phần này, người đọc nên ôn lại “Bốn Dạng Tái Tục’ ở Chương Vīthimutta / Bhūmi (Ngoại Lộ / Cõi).

Tất cả 28 thứ sắc sanh không giảm, nếu trường hợp cho phép, trong một chúng sanh trong một kiếp sống ở cõi Dục.

Nhưng vào thời tái tục (paṭisandhi kāla), với những loài thấp sanh (samsedaja) và hóa sanh (opapātika), nhiều nhất là bảy bọn sắc do nghiệp trợ tạo gồm những bọn như nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, sắc tính và ý vật mười pháp dễ quán thấy. Dù sao, nhãn, nhĩ, tỷ và sắc tính mười pháp đôi khi không dễ quán thấy.

Với loài thai sanh (gabbhaseyyaka), chỉ có ba bọn sắc sanh do nghiệp trợ gồm bọn thân, sắc tính và ý vật mười pháp được quán thấy dễ dàng vào sát-na tái tục (paṭisandhi kāla). Ở đây, bọn sắc tính mười pháp có thể không dễ quán thấy, đặc biệt đối với vài chúng sanh. Sau khi tái tục, vào thời bình nhật (pavatti kāla), bọn nhãn mười pháp và những bọn còn lại được quán thấy theo tuần tự.

Về số lượng những nhóm hay bọn sắc do bốn nhân trợ tạo (kammaja rūpa), sắc do nghiệp trợ tạo bắt đầu hình thành vào sát-na tái tục và tiếp tục hình thành liên tục vào mỗi tiểu sát-na.

Sắc do tâm trợ tạo (cittaja rūpa) bắt đầu hình thành từ sát-na thứ hai của tâm, tức là từ sát-na sanh của tâm hữu phần (bhavaṅga) thứ nhất ngay sau tâm tái tục. Sắc do tâm trợ tạo (cittaja rūpa) tiếp tục được hình thành và mỗi sát-na sanh của tâm theo sau trong suốt kiếp sống.

Sắc do quí tiết trợ tạo (utuja rūpa) bắt đầu hình thành từ sát-na trụ của tâm tái tục. Do hỏa giới (tejo dhātu) hiện diện trong những bọn sắc do nghiệp trợ tạo (kammaja kalāpa) mới đến giai đoạn ổn định (ṭhiti) vào sát-na ấy. Từ lúc ấy trở đi, hỏa giới (tejo dhātu) trợ sanh ra sắc quí tiết vào mỗi sát-na tiểu. Từ khi hỏa giới (tejo dhātu) hiện diện trong mỗi bọn, mỗi bọn (kalāpa), khi đạt đến mức ổn định, trợ sanh những bọn quí tiết mới vào mỗi sát-na tiểu. Và những bọn sắc mới do quí tiết trợ tạo (utuja rūpa), khi đạt đến mức ổn định lại trợ sanh nhiều bọn sắc quí tiết mới nữa vào mỗi sát-na tiểu. Do đó, lộ trình này sẽ tiếp diễn mãi.

Mỗi bọn sắc đều có dinh dưỡng căn bản hay sắc vật thực nội (ojā). Sắc do vật thực trợ tạo (āhāraja rūpa) bắt đầu hình thành khi sắc vật thực nội (ojā) gặp sắc vật thực ngoại (ojā) vào lúc khuếch tán những dưỡng chất và hợp chất vật thực nội và vật thực ngoại đạt đến mức ổn định. Từ sát-na ấy, sắc do vật thực trợ tạo (āhāraja rūpa) cũng được hình thành vào mỗi tiểu sát-na.

Những bọn sắc mới liên tục được trợ sanh, những bọn sắc cũ diệt và mất đi khi tuổi thọ 17 sát-na của chúng kết thúc. Do đó, tiến trình của sắc không gián đoạn trong cõi Dục cho đến cuối kiếp sống ví như ngọn lửa của đèn dầu, hay dòng chảy của một con sông.

___o0o___

 

Tiến Trình của Sắc Pháp Khi Tử

 

Khi tử, thọ mạng của danh pháp và thọ mạng của sắc pháp phải cùng kết thúc. Đây có nghĩa là tất cả sắc do nghiệp trợ tạo (kammaja rūpa) gồm thọ mạng của sắc pháp phải kết thúc ngay khi tử.

Do đó, vào sát-na sanh của tâm thứ mười bảy (17th) tính trở ngược lại từ tâm tử (cuti citta), sắc do nghiệp tạo (kammaja rūpa) sanh cuối cùng. Sắc nghiệp (kammaja rūpa) cuối cùng này sẽ diệt vào sát-na diệt của tâm tử (cuti citta).

Sắc do tâm trợ tạo (cittaja rūpa) sanh cho đến sát-na sanh của tâm tử (cuti citta). Sắc tâm cuối cùng này sẽ tồn tại ở sát-na tâm tử và sẽ diệt trong 16 sát-na tâm nữa, mà 16 sát-na tâm xảy ra hầu như tức thì.

Sắc do vật thực trợ tạo (āhāraja rūpa) sanh cho đến sát-na diệt của tâm tử (cuti citta). Điều kiện cho sự trợ tạo ấy là phải có sự sanh của sắc vật thực (āhāraja rūpa) có thể được trang bị bằng tâm cho đến khi ấy. Cho nên khi tử, sự sanh lần cuối của sắc vật thực ấy chỉ tồn tại 1 tiểu sát-na. Dù sao, trong 50 tiểu sát-na nữa (tuổi thọ của sắc pháp = 51 tiểu sát-na hay 17 sát-na tâm), sắc vật thực ấy cũng diệt.

Do đó, vào khi tử, sắc nghiệp (kammaja rūpa), sắc tâm (cittaja rūpa) và sắc vật thực (āhāraja rūpa) diệt hầu như tức thời[126], nhưng sắc quí tiết tiếp tục sanh và diệt cho đến khi tử thi chuyển thành bụi. Một tử thi chỉ còn những sắc do quí tiết trợ tạo.

Khi một chúng sanh tử và tái tục vào kiếp sống khác, sắc tương tự bắt đầu sanh từ sát-na tái tục và tiếp tục sanh cho đến khi tử.

___o0o___

 

Tiến Trình Của Sắc Pháp Sanh Ở Cõi Sắc Giới

 

Trong cõi Sắc, bọn sắc tỷ, thiệt, thân, sắc tính mười pháp và bọn sắc vật thực (āhāra kalāpa) không sanh. Vào lúc hóa sanh (opapātika) có bốn bọn sắc do nghiệp trợ sanh (kammaja kalāpa) tức là bọn nhãn, nhĩ, ý vật mười pháp và mạng quyền chín pháp. Trong thời bình nhật, những bọn sắc do tâm trợ tạo (cittaja kalāpa) và sắc do quí tiết trợ tạo (utuja kalāpa) cũng sanh.

Trong cõi Phạm thiên vô tưởng (asaññā satta Brahma) những bọn sắc nhãn mười pháp, ý vật mười pháp và bọn thinh chín pháp không sanh. Những bọn sắc tâm cũng không sanh. Cho nên vào lúc hóa sanh, chỉ có bọn sắc mạng quyền sanh (jīvitanavaka). Trong thời bình nhật, những bọn sắc quí tiết (utuja kalāpa) sanh thêm, trừ bọn thinh chín pháp.

Trong cõi Dục (Kāma loka) và cõi Sắc (Rūpa loka), lộ trình của sắc pháp sanh nên được hiểu theo hai cách, đó là (1) thời tái tục và (2) thời bình nhật.

 

Tóm Lược Phần Sắc Pháp

 

Trong phần tóm lược, sắc pháp nên được lưu ý rằng:

(1) Tất cả 28 thứ sắc pháp sanh trong cõi Dục (Kāma loka).

(2) Trong 15 cõi Sắc, trừ cõi Vô tưởng (Asaññā satta), có 23 thứ sắc sanh [(trừ tỷ thanh triệt (ghāna pasada), thiệt thanh triệt (jīvhā pasada), thân thanh triệt (kāya pasada), nữ tính (itthibhāva) và nam tính (purisa bhāva)].

(3) Chỉ có 17 thứ sắc sanh trong cõi Vô tưởng; đó là 8 sắc bất ly (avinibbhoga), sắc mạng (jīvita), giao giới (pariccheda), 3 sắc kỳ dị (lahutādi), 4 sắc trạng thái (lakkhaṇa rūpa).

(4) Không có sắc pháp sanh trong cõi Vô sắc (Arūpa loka).

(5) Tám sắc gồm thinh (sadda), 5 sắc kỳ dị (vikāra), sắc lão (jaratā), sắc vô thường (aniccātā) không sanh vào sát-na sanh (thời tái tục - paṭisandhi kāla). Trong thời bình nhật, không có sắc nào không sanh.

 

Những Quan Điểm Thiết Thực

 

Tất cả sắc pháp đã trình bày trong chương này có thể được quán sát và thẩm tra bởi một người quan tâm tinh cần tu tiến pháp chỉ và pháp quán.

Dù cho những bọn sắc không thể thấy dưới kính hiển vi, những bậc tu tiến có thể quán sát bằng tuệ nhãn là sự thấy của tâm phối hợp với cận định hay thiền định.

Bậc tu tiến nên quán sát bằng tuệ nhãn là có sáu bọn (kalāpa) trong nhãn – đó là bọn nhãn mười pháp, bọn thân mười pháp, bọn sắc tính mười pháp và ba bọn thuần tám pháp do tâm, quí tiết và vật thực trợ sanh, theo thứ tự. Cũng thế, bậc tu tiến nên quán sát sáu bọn có trong mỗi nhĩ, tỷ, thiệt – chỉ tuần tự thay bọn nhãn mười pháp bằng bọn nhĩ mười pháp, bọn tỷ mười pháp, bọn thiệt mười pháp khi liệt kê những bọn sắc này. Lưu ý rằng, sắc thân thanh triệt, sắc tính, sắc tâm, sắc quí tiết và sắc vật thực lan tỏa khắp thân thể nên chúng sẽ hiện diện trong mắt, tai, mũi, lưỡi và trong mỗi phần thân thể. Quán sát những bọn sắc không có nghĩa là vị ấy thấy sắc thực tính siêu lý. Những sắc được quán sát dưới dạng hạt, dù cho nhỏ cỡ nào, những sắc được quán sát chưa phải là sắc thực tính siêu lý. Sắc siêu lý không có hình dạng, không có khối lượng. Khi bậc tu tiến phân tích mỗi loại bọn sắc / hạt để quán sát những thành phần của nó thì cũng như người phân tích định tính của một mẩu đồng, thau để biết những thành phần của nó.

Ngài Ledi Sayadaw có viết bằng Miến ngữ trong một quyển sách với tựa đề “Kammatthan Kyan Gyi” ở trang 240 như sau:

“Khi một người nhìn xuyên qua một kính hiển vi hay một kính viễn vọng, vị ấy thấy dễ dàng không gặp những trở ngại mà ban đầu không thể thấy, vi tế và những cảnh xa xăm. Cũng thế, nếu bậc tu tiến tu tập thiền (jhāna), lấy pháp chỉ (samādhi) làm nền tảng cho pháp quán (vipassanā), bậc tu tiến có thể dễ dàng thấy không trở ngại những tướng phổ thông của vô thường, khổ và vô ngã là pháp rất sâu sắc, vi tế, rất xa và rất khó thấy. Kết quả là đạo tuệ (magga ñāṇa) và quả tuệ (phala-ñāṇa) sanh là pháp có thể hoàn toàn đoạn tận bốn lậu hoặc (āsava).

Pháp Tứ đế và Níp-bàn là pháp rất sâu, vi tế, rất xa và rất khó thấy cũng được quán sát.”

___o0o___

 

LỘ SẮC (Rūpavithī)

GIẢI BẢNG KÊ LỘ SẮC

 

Lộ sắc nói về trật tự của những bọn sắc pháp sanh, diệt.

Nói về tổng quát, bảng kê có 9:

1. Bảng thứ nhất nói về từ khi tái tục trong thời gian bọn sắc mạng quyền chưa sanh.

2. Bảng thứ hai nói về sắc mạng quyền mới sanh cho đến bình số.

3. Bảng thứ ba nói về sắc vật thực từ lúc mới phát sanh cho đến bình số.

4. Bảng thứ tư nói về 4 sắc thanh triệt trong tuần thứ 11, sau khi mới sinh cho đến bình số.

5. Bảng thứ năm nói về lộ ngũ, sắc tâm thiếu 1 khoảng 51 sát-na tiểu.

6. Bảng thứ sáu nói về nhập thiền diệt, tâm diệt và sắc tâm diệt lần cho đến hết.

7. Bảng thứ bảy nói về xuất thiền diệt, tâm sanh lại và sắc tâm tăng đến đủ số.

8. Bảng thứ tám nói về lộ ngũ môn cận tử, sắc nghiệp bớt lần cho đến hết.

9. Bảng thứ chín nói về lộ ý môn cận tử, sắc nghiệp bớt lần cho đến hết.

Giải bảng kê lộ sắc thứ nhất

Nói về từ khi tái tục; trong thời gian bọn sắc mạng quyền chưa sanh.

Bảng thứ nhất, cột 1 (theo bản phụ).

Cột này chỉ số tăng của sắc nghiệp (sắc do nghiệp trợ) từ 3 đến 153 bình số, có bảng phân số sát-na, …, có 6 cột như vầy:

(1) Cột thứ nhất nói về thứ tự và số tâm có 19.

(2) Cột thứ hai thứ tự tâm sinh ra từ tái tục đến tâm đỗng lực thứ nhất đặng 19 cái.

(3) Cột thứ ba nói về số thứ tự 14 hữu phần sau khi tái tục chưa kể đến hữu phần rúng động, hữu phần dứt dòng trước khi vào lộ.

(4) Cột thứ tư nói về số sát-na đại từ 1 đến 19.

(5) Cột thứ năm nói về số tiểu sát-na từ 1 đến 51vì sắc nghiệp vừa bình số.

(6) Cột thứ sáu nói về sắc nghiệp từ 3 bọn đến 153 kể luôn 7 lần bình số.

Chỉ rõ bọn và số sắc nghiệp vào sát-na sanh của tâm tái tục là vào tiểu sát-na có 1 số, 3 bọn sắc nghiệp đồng sanh: 1 là bọn thân thanh triệt, 2 là bọn sắc tính (nữ hoặc nam), 3 là bọn ý vật. Đến tiểu sát-na thứ 2 là sát-na trụ của tâm tái tục; có 3 bọn sắc giống như đã nêu sanh thêm thì đặng 6 bọn. Từ đây, mỗi tiểu sát-na đều tăng 3 bọn như thế luôn, nên đến tiểu sát-na thứ 51 đặng 153 bọn, kể luôn 3 bọn sắc tái tục đang diệt và 3 bọn sắc nghiệp đang sanh lên.

Từ đây về sau bình số, vì mỗi tiểu sát-na đều có 3 bọn diệt, 3 bọn sanh cho đến khi bọn mạng quyền sắp có.

Xin lưu ý, chỉ có 2 bọn sắc biểu tri sanh diệt đồng với tâm, ngoài ra các bọn sắc khác sanh, trụ, diệt kéo dài thời gian 51 tiểu sát-na (sanh 1 sát-na tiểu, trụ 49 sát-na tiểu, diệt 1 sát-na tiểu) xem bản đồ phụ.

Bảng kê lộ sắc thứ nhất, cột 2

Cột này chỉ số bọn ‘sắc quí tiết[127] do sắc nghiệp trợ’, nên gọi là sắc quí tiết nghiệp trợ, cách tăng như cột 1. Sắc nghiệp mà trễ hơn 1 sát-na tiểu. Vì sát-na sanh của sắc nghiệp không thể trợ cho sắc quí tiết sanh, đến sát-na trụ thứ nhất thì sắc nghiệp mới giúp cho quí tiết sanh, mỗi 3 bọn sắc nghiệp đều giúp như thế. Cho nên khởi đầu của ‘sắc quí tiết do sắc nghiệp trợ’ từ tiểu sát-na thứ 2 là sát-na trụ của tâm tái tục, sanh đặng 3 bọn, tăng đều cho đến khi có diệt là bình số 153.

Bảng kê lộ sắc thứ nhất, cột 3

Cột này nói về ‘sắc quí tiết do sắc quí tiết do sắc nghiệp trợ’, nên gọi là sắc quí tiết quí tiết nghiệp trợ, đó giúp phát sanh ra nữa, nên trễ hơn 1 sát-na. Bắt đầu từ sát-na diệt của tâm tái tục là tiểu sát-na thứ 3 cho đến có bình số 153 bọn. Phải trễ hơn phần ‘sắc quí tiết do sắc nghiệp trợ’ 1 sát-na, sắc quí tiết này gọi là quí tiết trợ quí tiết. Từ đây về sau trợ nhau sanh quí tiết theo hình vóc lớn nhỏ và sắc quí tiết do mạng quyền, tâm và vật thực trợ cũng thế. Chỉ nói 2 phần xin hiểu thêm.

Bảng kê lộ sắc thứ nhất, cột thứ 4

Cột này nói về sắc tâm là sắc tâm hữu phần thứ nhất tạo ở sát-na sanh đặng 1 bọn sắc tâm. Về sau ở mỗi cái tâm đều như thế, nên 3 tiểu sát-na tăng 1 bọn sắc tâm. Đến cái tâm thứ 17, kể từ tâm hữu phần thứ nhất, là tâm khai ý môn thì bình số đủ 17 bọn. Từ cái tâm này về sau, mỗi sát-na diệt đều có 1 bọn sắc tâm diệt, mỗi cái tâm sanh đều có 1 bọn sắc tâm sanh ở sát-na sanh, nên vừa bớt tại sát-na diệt của mỗi cái tâm liền sanh thêm tại sát-na sanh của mỗi cái tâm sanh kế đó.

Bảng kê lộ sắc thứ nhất, cột thứ 5

Cột này nói về sắc quí tiết do tâm trợ, nghĩa là sắc quí tiết mà do sắc tâm trợ tạo ra, nên trễ hơn sắc tâm 1 sát-na tiểu. Khởi từ sát-na trụ của tâm hữu phần thứ nhất sanh đặng 1 bọn, cách 2 tiểu sát-na hay ở mỗi sát-na trụ của tâm đều sanh tăng thêm 1 bọn, cho đến sát-na trụ của tâm khai ý môn đủ 17 bọn là bình số.

Từ đây mỗi sát-na sanh của tâm đều có diệt, mỗi sát-na trụ của tâm đều có sanh.

Bảng kê lộ sắc thứ nhất, cột thứ 6

Cột này nói về sắc quí tiết do quí tiết tâm trợ, nghĩa là sắc quí tiết này do sắc quí tiết nhờ sắc tâm trợ đó, giúp lại sắc quí tiết tâm trợ 1 sát-na tiểu, tức là khởi từ sát-na diệt của tâm hữu phần thứ nhất sanh 1 bọn, thì ở mỗi sát-na diệt của cái tâm về sau đều sanh thêm 1 bọn cho đến sát-na diệt của tâm khai ý môn đặng 17 bọn thì bình số. Vì từ đây về sau mỗi sát-na trụ của tâm có diệt 1 bọn, mỗi sát-na diệt của tâm đều có sanh 1 bọn.

Bảng kê lộ sắc thứ nhất, cột chót

Cột này là tổng cộng của 6 khoảng trước (xin quí vị xem ngang qua) cộng như vầy: Hàng thứ nhất chỉ đặng 3 bọn sắc tái tục; hàng thứ hai sanh đặng 9 bọn là 6 bọn sắc nghiệp, 3 bọn sắc quí tiết nghiệp trợ; hàng thứ ba sanh đặng 18 bọn là 9 bọn sắc nghiệp, 6 bọn sắc quí tiết nghiệp trợ và 3 bọn sắc quí tiết quí tiết nghiệp trợ; hàng thứ tư sanh đặng 28 bọn: 12 bọn sắc nghiệp, 9 bọn sắc quí tiết nghiệp trợ, 6 bọn quí tiết quí tiết nghiệp trợ và 1 bọn sắc tâm.

Cộng chỉ bao nhiêu cũng giúp ích cho quí vị.

Sau đây xin nêu đại ý như vầy: Từ hàng 03 đến hàng 51 đều thêm 10 đến 498 bọn, hàng 52 lên đến 505 bọn vì thêm có 7, hàng 53 lên đến 509 bọn vì thêm có 4, hàng 54 lên đến 510 bọn vì thêm có 1. Khoảng này bình số 510 cho đến trước khi bọn mạng quyền phát sanh.

Giải bảng kê lộ sắc thứ hai

Nói về bọn sắc mạng quyền[128] sanh thêm cho đến bình số và sự trợ cho sắc quí tiết.

Bọn sắc mạng quyền này khởi sanh trong vòng 7 ngày của thai mới có ban đầu mà không nhất định ngày nào, đêm nào, phút nào, tâm nào và sát-na nào. Bảng kê này lấy trường hợp khởi từ khi sát-na sanh của tâm hữu phần rúng động lộ ý chót na cảnh.

Trong khoảng thời gian bọn mạng quyền chưa sanh thì sắc nghiệp đã bình số 153 bọn. Tiểu sát-na vừa nêu trên kể số 1 đến tới đủ 51 sát-na là sát-na diệt của tâm hữu phần thứ 5 sau na cảnh. Bọn sắc mạng quyền sanh đầu tiên diệt tại sát-na này. Về sau, mỗi sát-na đều có bọn sắc mạng quyền diệt và sanh, nên đạt bình số; kể chung 3 bọn trước là 204 bọn. Sự tăng của bọn mạng quyền khởi từ sát-na sanh hữu phần rúng động kể 1, mà đếm tới thêm 2, 3, 4… đó là số tăng nhận rõ.

Sắc quí tiết do sắc nghiệp mạng quyền trợ chỉ trễ hơn 1 sát-na. Sắc quí tiết do sắc quí tiết nghiệp mạng quyền trợ cũng như trợ đến người thứ 3 thì phần sắc này phải trễ hơn sắc quí tiết nghiệp mạng quyền trợ 1 sát-na theo thứ lớp, nên gọi sắc quí tiết do sắc quí tiết nghiệp mạng quyền trợ.

Giải bảng kê lộ sắc thứ ba

Nói về sắc vật thực từ mới phát sanh cho đến bình số.

Sắc vật thực ngoại khởi có vào thai trong tuần lễ thứ 2 sau khi tái tục chẳng định ngày nào, đêm nào, giờ nào và tiểu sát-na nào. Để dễ nhớ/ hiểu lấy trường hợp vào sát-na sanh của tâm hữu phần rúng động, lộ ý có na cảnh làm tiêu chuẩn số 1, bắt đầu sanh 1 bọn sắc vật thực thì mỗi tiểu sát-na đều sanh nên luôn tăng 1, cho đến tiểu sát-na thứ 51 thì có bọn sắc vật thực đầu diệt và về sau ở mỗi tiểu sát-na đều có diệt và sanh mới thành bình số 51 bọn.

Sắc quí tiết vật thực trợ và quí tiết quí tiết vật thực trợ cũng như 2 thứ sắc nhờ sắc nghiệp mạng quyền và quí tiết sắc nghiệp mạng quyền trợ.

Giải bảng kê lộ sắc thứ tư

Nói về 4 sắc thanh triệt (trước sắc thân thanh triệt) từ khi mới sinh cho đến bình số.

Bốn sắc thanh triệt trước: Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt sanh sau khi tái tục: Khởi sanh trong vòng tuần lễ thứ 11 chẳng định ngày, đêm, giờ, phút, tâm và tiểu sát-na nào. Nay lấy trường hợp theo lộ ý chót na cảnh khởi đầu từ sát-na sanh của hữu phần rúng động, 4 bọn thanh triệt trước sanh thì về sau mỗi tiểu sát-na đều sanh như nhau và chưa có việc nên tăng 4. Trước đã kể 204 bọn có 4 bọn này thêm thành 208 bọn, ở sát-na thứ 2 thêm 4 nữa thành 212 bọn… cho đến sát-na thứ 51 đúng số bình là 408 bọn.

Từ đây về sau, 4 bọn này có diệt và sanh, kể chung cả sắc nghiệp mỗi người đặng 8 bọn đều sanh diệt, gồm 5 bọn thanh triệt, 1 bọn sắc tính (hoặc nam hoặc nữ), bọn ý vật và mạng quyền.

Giải bảng kê lộ sắc thứ năm

Nói về lộ ngũ, sắc tâm thiếu 1 trong khoảng 51 sát-na tiểu.

Sắc tâm thiếu 1, chặng 51 tiểu sát-na, vì những lộ có ngũ song thức thì không tạo sắc tâm, nên còn 16 bọn từ sát-na sanh của ngũ song thức đến sát-na diệt của tâm hữu phần thứ 5 kể từ chót na cảnh. Lẽ thường, sắc tâm sanh đồng sát-na sanh của mỗi tâm còn trải qua đủ 17 cái tâm mới diệt vào sát-na diệt của tâm thứ 17, nên bình số của nó là 17 bọn luôn luôn.

Nay vì lộ ngũ, vì ngũ song thức không tạo được sắc tâm, nên trong sát-na sanh của ngũ song thức chẳng có bọn sắc tâm nào sanh, còn 16 cho đến sát-na diệt của tâm thứ 17 cũng không có bọn sắc tâm nào diệt, nên còn 16 bọn. Đến sát-na sanh thứ 18 hay hữu phần thứ 6 kể từ na cảnh vẫn sanh 1 bọn đủ 17 bọn sắc tâm không còn thiếu nữa (xin nhìn kỹ vào bảng kê lộ sắc).

Còn sắc quí tiết do sắc tâm trợ… cũng thiếu và đủ sau sắc tâm 1 sát-na.

Giải bảng kê lộ sắc thứ sáu

Nói về nhập thiền diệt, tâm diệt và sắc tâm diệt lần cho đến hết.

Khi nhập thiền diệt, ngay lúc tâm dứt sanh thì sắc tâm diệt dần nên bớt lần từ lúc ấy. Sanh cách khoảng (3 sát-na tiểu) thì bớt cũng cách khoảng. Mỗi 3 tiểu sát-na bớt 1 bọn lần lần cho đến hết … sau 48 tiểu sát-na diệt 1 bọn cuối là hết.

Sắc quí tiết do tâm trợ cũng bớt trễ hơn 1 sát-na tiểu, dứt cũng trễ hơn 1 sát-na tiểu.

Phần sắc kế sau cũng vậy.

Giải bảng kê lộ sắc thứ bảy

Nói về xuất thiền diệt, tâm sanh lại và sắc tâm tăng đến đủ số.

Khi xuất thiền diệt, tâm tam hay tứ quả sanh trước hết, cách tạo sắc tâm cũng như hữu phần thứ nhất kế sau tâm tái tục (xin xem bảng sắc tâm số 1) và sắc quí tiết do tâm trợ đồng nhau cả, chỉ khác tên cái tâm, còn thứ lớp như nhau.

Giải bảng kê lộ sắc thứ tám

Nói về lộ ngũ môn cận tử sắc nghiệp giảm dần cho đến hết.

Với lộ ngũ môn cận tử, sắc nghiệp và sắc tâm bớt cho đến dứt nương lộ ngũ môn cận tử chót na cảnh có xen hữu phần. Sự giảm dần của sắc nghiệp như sau từ tiểu sát-na diệt của tâm tử đếm trở lại 50 tiểu sát-na thì sắc nghiệp thôi sanh, nên còn 400 chẵn. Từ đây về sau, mỗi tiểu sát-na đều bớt 8 bọn, giảm dần cho đến sát-na diệt của tâm tử còn 8 bọn chót đồng diệt với tâm tử; 8 bọn này sanh vào sát-na sanh của hữu phần vừa qua.

Những sắc nhờ trợ sau cũng bớt và dứt trễ hơn 1 tiểu sát-na theo thứ tự. Nói về sắc tâm bớt và dứt tính theo lộ ngũ môn cận tử thì vào sát-na sanh của ngũ song thức đã thiếu 1 bọn còn 16. Như vậy, đến sau tâm tử cũng độ 3 tiểu sát-na bớt 1 bọn lần cho đến hết. Những tính cách nhờ trợ kia bớt dứt đều trễ nhau 1 tiểu sát-na.

Giải bảng kê lộ sắc thứ chín

Nói về lộ ý môn cận tử, sắc nghiệp cũng bớt lần cho đến hết.

Chỉ khác bản số 8 là sắc tâm không thiếu trước khi tử và đổi lộ đó thôi. Cách bớt và diệt của sắc tâm sau khi chết cũng như lộ nhập thiền diệt sau khi tâm không sanh. Sắc nghiệp số bớt và dứt cũng đồng như tử lộ ngũ.

Dứt phần giải bảng kê lộ sắc

Xin nhắc lại:

Phân sắc theo cõi và người.

Cõi Dục giới đủ 28 sắc pháp, riêng mỗi người bớt 1 là nam bớt nữ tính, nữ bớt nam tính.

15 cõi Sắc giới hữu tâm vì những cõi này không có nam nữ, nên bớt 2 nam và nữ tính. Không có tỷ, thiệt, thân thanh triệt nên bớt 3 nữa là 5 chỉ còn 23 thứ sắc. Vì những vị ở các cõi vừa nêu trên, từ trước đắc thiền hay phát chán cách nam nữ, mùi, vị, đụng chạm, nên khi kết quả sanh về trong 15 cõi Sắc giới hữu tâm thì những sắc ấy chẳng đặng sanh như đã nêu.

Bậc Vô tưởng trước kia đắc ngũ thiền có tâm và rất mong đời sau đừng có tâm chi cả, nên thiền ấy cho quả sanh ra làm bậc Vô tưởng. Do tâm không có, thời tưởng không sanh, chỉ có bọn sắc mạng quyền, sanh, tiến, dị, diệt. Do có nhiều bọn nên phải có sắc giao giới. Vì khác hơn đất đá nên có 3 sắc kỳ dị. Cộng chung là 17 sắc.

Phân sắc tái tục và bình nhật.

Thai sanh và noãn sanh khi tái tục đặng 3 bọn: 1 là bọn sắc thân thanh triệt, 2 là bọn sắc ý vật, 3 là bọn sắc tính (nam hoặc nữ). Thấp sanh và hóa sanh tái tục đặng 8 bọn là 5 bọn sắc thanh triệt, bọn ý vật và bọn sắc tính (nam hoặc nữ). Còn sắc sanh (tích trữ) và tiến (thừa kế), dĩ nhiên mỗi bọn phải có. 8 thứ sắc ngoài ra là thinh, dị (lão), diệt (vô thường) và 5 sắc kỳ dị không có khi tái tục.

Dứt phần sắc pháp.

 

Định Nghĩa Về Níp-bàn (Nibbāna)

‘Nibbāna” được âm là ‘Níp-bàn’, là pháp có trạng thái là hoàn toàn vắng lặng (santilakkhaṇaṃ), ngoài ra ‘phiền não ngũ uẩn’ và tất cả ‘đời’.

Có những câu Pāḷi chú giải như sau:

- Vānato nikkhantanti = nibbānaṃ: Những pháp nào xa lìa ái là nhân ràng buộc các kiếp sống, những pháp xa lìa như thế gọi là Níp-bàn.

- Nibbāyanti sabbe vaṭṭadukkhasantāpā etasmimti = nibbānaṃ: Khổ luân hồi và các sự nóng nảy sôi nổi không có, gọi là Níp-bàn.

- Nibbāyanti ariyajanā etasamimti = nibbānaṃ: Chư Thánh xuất thế sau khi ngũ uẩn Níp-bàn không còn tái tục nữa, cho nên pháp mà diệt tắt dứt tuyệt sanh tử, gọi là Níp-bàn tức là vô dư Níp-bàn.

Níp-bàn có 5 nghĩa (aṭṭha):

- 1 là riêng biệt (padaṃ), vì không có liên hệ với hữu vi.

- 2 là bất tử (accutaṃ), vì không sanh.

- 3 là siêu uẩn (accantaṃ) là vượt khỏi ngũ uẩn quá khứ, hiện tại, vị lai, bên trong, bên ngoài. Vì Níp-bàn không còn uẩn tức là ngoại uẩn, cho nên trong thơ lục bát có câu:

Níp-bàn ngoại uẩn vơi vơi

Trái cùng tương đối hữu thời vân vân.

Tương đối có 11, như trong kinh Vô Ngã Tướng có nêu: Quá khứ, hiện tại, vị lai, bên trong, bên ngoài, hoặc thô, hoặc tế, hoặc tốt, hoặc xấu, hoặc gần, hoặc xa.

- 4 là vô vi (asaṅkhataṃ) vì không bị tạo. Bởi trong đời: Tâm, sở hữu và sắc đều do duyên tạo, nên phải có nhân cần thiết. Còn Níp-bàn không có duyên chi tạo, nên gọi là vô vi.

- 5 là Vô thượng (anuttaraṃ) vì không có pháp nào đối thủ hơn hoặc bằng và đạo quả cũng thế, cũng như danh từ vô địch. Dù đạo quả có thấp cao, nhưng không có pháp nào đối thủ, nên Níp-bàn và đạo quả không chi làm hư đặng, mới gọi là Vô thượng.

Năm nghĩa vừa nêu trên do bài kệ Pāḷi như vầy:

 

Padamaccutamaccantaṃ

Asaṅkhatamanuttaraṃ

Nibbānamiti bhāsanti

Vānamuttā mahesayo.

 

Yếu nghĩa như vầy: Chư Đại giác tìm rốt ráo là Níp-bàn, riêng biệt, siêu uẩn, vô vi và vô thượng. Cho nên trong thơ lục bát có dịch vần như vầy:

Các ngôi Đại giác bởi mà

Tìm đường diệt khổ ấy là vô vi,

Chẳng sanh, chẳng diệt hằng thì

Cho nên đều gọi tên ghi Níp-bàn.

 

Và bài kệ sau như vầy:

Như Lai thành đạo các hàng

Siêu lý bốn pháp dạy tràng chúng sanh

Tâm vương tâm sở nêu danh

Với cùng sắc pháp cao thanh Níp-bàn

 

Níp-bàn muốn cho dễ nhận, hiểu sơ nên nương theo thí dụ có 10 điều như sau: 1 là Níp-bàn ví như bông sen, 2 là Níp-bàn ví như nước uống, 3 là Níp-bàn ví như thuốc trị bệnh, 4 là Níp-bàn ví như biển rộng, 5 là Níp-bàn ví như vật thực, 6 là Níp-bàn ví như hư không, 7 là Níp-bàn ví như ngọc như ý ma-ni, 8 là Níp-bàn ví như vị trầm hương, 9 là Níp-bàn ví như bơ luyện thuần thục (cũng gọi là đề hồ), 10 là Níp-bàn ví như chót núi cao.

Muốn mau thuộc lòng, nên đọc theo thơ lục bát thập dụ Níp-bàn như vầy:

Níp-bàn thí dụ có mười,

Trạng bày tỏ lý giúp người nguyện cao.

Một là thí dụ làu làu,

Níp-bàn thời chẳng khác nào bông sen.

Hai là thí dụ đáng khen,

Níp-bàn như nước giúp phen khác nhiều.

Ba là thí dụ sẽ nêu,

Níp-bàn như thuốc bệnh tiêu dứt trừ.

Bốn là thí dụ rộng như,

Níp-bàn tợ biển không dư vật gì.

Năm là thí dụ khác chi,

Níp-bàn như vật để thì nuôi thân.

Sáu là thí dụ rất cần,

Níp-bàn như thể vô ngần hư không.

Bảy là thí dụ tốt trong,

Níp-bàn như ngọc sánh đồng ma-ni.

Tám là thí dụ thơm kỳ,

Níp-bàn cũng chẳng khác gì trầm hương.

Chín là thí dụ đồ thường,

Níp-bàn thời cũng tương đương bơ thuần.

Mười là thí dụ sơn lưng,

Níp-bàn dường tợ chót từng núi cao.

Người tu giải thoát thế nào,

Mau tìm học hỏi thâu vào tột chơn. 

 (Trích theo Tiểu bộ kinh – Milinda Pañhā (Milinda Vấn Đạo), trang 523).

Trong mười điều thí dụ, điều thứ nhất và điều thứ sáu có trạng những công đức như sau:

-   Nói theo điều thí dụ thứ nhất, Níp-bàn thí dụ như bông sen. Vì bông sen có 10 công đức như sau: 1 là nhuyễn nhừ, mềm dịu (siniddhaṃ mudu); 2 là chứa để sự đẹp (lobhanīyaṃ); 3 là có hương thơm (sugandhaṃ); 4 là đáng ưa thích (piyaṃ); 5 là đồ rất đáng mong mỏi (patthitaṃ); 6 là đồ rất đua nhau khen (pasatthaṃ); 7 là nước và bùn không thấm đặng (jalakaddamamanupalittaṃ); 8 là chưng diện bằng lá non, nhụy và bẹ (aṇupattakesarakaṇṇikābhimanditaṃ); 9 là ong đua nhau hưởng nhụy (bhamaragaṇasevitaṃ); 10 là tiến hóa từ trong nước trong ngần, sáng suốt, sạch sẽ (sītalasalilasaṃvaddhaṃ).

-   Níp-bàn thí dụ điều thứ sáu như hư không, vì hư không có 10 công đức như sau: 1 là bất lão (na jīyati); 2 là bất tử (na mīyati); 3 là bất biến chuyển (na cavati); 4 là vô sanh (na uppajjati); 5 là không bị ép chế (duppasahaṃ); 6 là ăn cướp giựt không đặng (acoraharaṇaṃ); 7 là không có chỗ nương đỗ (anissitaṃ); 8 là đường đi của loài phi cầm (vihagagamano); 9 là không có chi cả (nirāvaraṇaṃ); 10 là không bờ mé (anantaṃ).

 

Níp-bàn nói theo chơn tướng bản thể chỉ có 1 là vắng lặng, nói theo phần phụ có 2 và có 3:

Do trạng thái thực tính là vắng lặng (santi). Như vậy, Níp-bàn là duy nhất, cho nên Níp-bàn chỉ có một là trạng thái vắng lặng (santilakkhaṇa). Níp-bàn được xem là có hai, tùy theo cách được trải nghiệm trước và sau khi tử của một bậc Arahatta.

(1) Hữu dư Níp-bàn (Sa upādisesa Nibbāna)

Sa’ = với; ‘upādi’ = năm uẩn làm cảnh cho thủ do ái và tà kiến; ‘sesa’ = vẫn còn.

Đối với chư Phật và chư Arahaṃ dù đã đoạn tận tất cả phiền não (kilesa), uẩn quả danh (vipāka namakkhandha) [là những tâm quả và pháp câu sanh] và sắc do nghiệp trợ tạo (kammaja rūpa) vẫn còn. Tuy vậy, chư Phật và chư Arahaṃ vẫn hoàn toàn có thể trải nghiệm Níp-bàn. Níp-bàn được thấy rõ bởi chư Phật và chư Arahaṃ trước khi tử trong khi uẩn quả danh (vipāka nāmakkhandha) và sắc do nghiệp trợ tạo (kammaja rūpa) đang còn, nên được gọi là hữu dư Níp-bàn giới (sa upādisesa Nibbāna dhātu).

Chú giải như vầy: Saha upādisesena yā vattatīti = sa upādisesā: Đắc Níp-bàn mà sắc nghiệp và tâm quả còn sanh do phiền não quá khứ, đó gọi là hữu dư.

(2) Vô dư Níp-bàn (Aupādisesa Nibbāna)

Đây là Níp-bàn trải nghiệm do chư Phật và chư Thánh Arahaṃ sau khi tử, khi uẩn quả danh (vipāka nāmakkhandha) và sắc do nghiệp trợ tạo (kammaja rūpa) đều tuyệt hết không còn, nên được gọi là vô dư Níp-bàn giới (anupādisesa Nibbāna dhātu).

Hữu dư Níp-bàn (sa upādisesa Nibbāna) = phiền não Níp-bàn (kilesa Nibbāna), tức là đạt đến cảnh Níp-bàn do diệt tắt những phiền não.

Vô dư Níp-bàn (anupādisesa Nibbāna) = uẩn Níp-bàn, tức là đạt đến cảnh Níp-bàn do diệt tắt năm uẩn.

Có chú giải như vầy: Natthi upādiseso yassāti = anupādiseso: Ngũ uẩn tức là sắc nghiệp và tâm quả không còn sót lại, đó gọi là vô dư.

 

*  Níp-bàn nói theo bậc Toàn giác có để xá lợi thì có 3:

1 là phiền não Níp-bàn (kilesanibbāna) tức là mỗi khi đắc đạo đều diệt trừ phiền não;

2 là ngũ uẩn Níp-bàn (khandhanibbāna) tức là sau khi bậc Toàn giác tịch diệt;

3 là xá lợi Níp-bàn (dhātunibbāna) tức là khi xá lợi của bậc Toàn giác đang tiêu mất.

 

*Níp-bàn nói theo người hành tỏ ngộ có ba:

- 1 là tiêu diệt[129] Níp-bàn (suññatanibbāna), ‘suñña’ có nghĩa là trống hay không. Người tu tuệ tỏ ngộ thấy lý vô ngã do nhiều duyên hợp thành có ra, đến khi đắc đạo quả nhận thấy Níp-bàn thì cái có trước kia đã thành tiêu mất, nên nhận thấy Níp-bàn là pháp tiêu diệt, vô ngã, vắng lặng và không có tham, sân, si, cũng không có danh uẩn và sắc uẩn. Níp-bàn đối với bậc ấy gọi là tiêu diệt Níp-bàn. Nhưng Níp-bàn không có nghĩa là ‘không có gì’.

- 2 là vô chứng[130] hay vô tướng Níp-bàn (animittanibbāna) nghĩa là Níp-bàn hoàn toàn không có hình dáng hay hình dạng hay ấn chứng, do người tu tuệ tỏ ngộ lý vô thường của danh uẩn và sắc uẩn, thoạt có thoạt không, đó là ấn chứng hằng có ra. Đến khi đắc đạo quả đặng thấy Níp-bàn thì những ấn chứng thường hiện trước kia không còn, nên cho rằng Níp-bàn chẳng phải như trong đời, không có hiện tượng chi cả. Vì thế Níp-bàn đối theo sự nhận định của bậc ấy mới gọi là vô chứng Níp-bàn.

- 3 là phi nội hay vô nguyện Níp-bàn (appaṇihitanibbāna) nghĩa là Níp-bàn không có danh (nāma) và sắc (rūpa) hay bất cứ hình dáng, hình dạng nào để ham muốn bởi ái (taṇhā). Cũng không có bất cứ tham hay ái trong Níp-bàn. Níp-bàn tuyệt đối thoát khỏi tham cũng như sự ham muốn, nhiễm đắm, khao khát của ái. Níp-bàn chẳng phải ở trong vòng vây tức là ra ngoài vòng vây. Do bậc tu tuệ tỏ ngộ nhận thấy pháp hữu vi bằng cách khổ não, chẳng khác nào kẻ bị trong vòng vây bực bội khó chịu, đến khi đắc đạo quả thoạt thấy Níp-bàn thì nhận định không có chi là vòng vây. Bậc đắc Níp-bàn như thế gọi là phi nội Níp-bàn.

 

* Níp-bàn nói theo Milinda Pañhā được so sánh với 10 điều như sau:

 

1 là Níp-bàn ví như bông sen, 2 là Níp-bàn ví như nước uống, 3 là Níp-bàn ví như thuốc trị bệnh, 4 là Níp-bàn ví như biển rộng, 5 là Níp-bàn ví như vật thực, 6 là Níp-bàn ví như hư không, 7 là Níp-bàn ví như ngọc như ý ma-ni, 8 là Níp-bàn ví như vị trầm hương, 9 là Níp-bàn ví như bơ luyện thuần thục (cũng gọi là đề hồ), 10 là Níp-bàn ví như chót núi cao.

Trong mười điều thí dụ, điều thứ nhất và điều thứ sáu có trạng những công đức như sau:

Nói theo điều thí dụ thứ nhất, Níp-bàn được ví như bông sen. Vì bông sen có 10 công đức như: 1 là nhuyễn nhừ, mềm dịu (siniddhaṃ mudu); 2 là chứa để sự đẹp (lobhanīyaṃ); 3 là có hương thơm (sugandhaṃ); 4 là đáng ưa thích (piyaṃ); 5 là đồ rất đáng mong mỏi (patthitaṃ); 6 là đồ rất đua nhau khen (pasatthaṃ); 7 là nước và bùn không thấm đặng (jalakaddamamanupalittaṃ); 8 là chưng diện bằng lá non, nhụy và bẹ (aṇupattakesarakaṇṇikābhimanditaṃ); 9 là ong đua nhau hưởng nhụy (bhamaragaṇasevitaṃ); 10 là tiến hóa từ trong nước mát lạnh (sītala salila saṃvaddhaṃ).

Níp-bàn được so sánh trong điều thứ sáu như hư không, vì hư không có 10 công đức như: 1 là bất lão (na jīyati); 2 là bất tử (na mīyati); 3 là bất biến chuyển (na cavati); 4 là vô sanh (na uppajjati); 5 là không bị ép chế (duppasahaṃ); 6 là cướp giật không đặng (acoraharaṇaṃ); 7 là không có chỗ nương đỗ (anissitaṃ); 8 là đường đi của loài phi cầm (vihagagamano); 9 là không có chi cả (nirāvaraṇaṃ); 10 là không bờ mé (anantaṃ).

(Trích theo Tiểu bộ kinh – Milinda Pañhā (Milinda Vấn Đạo), trang 523).

 

*  Níp-bàn nói theo danh nghĩa có đến 32: [131]

 

- 1 là bất sanh (ajātiṃ) nghĩa là không có sự sanh ra;

- 2 là bất lão (ajāraṃ) nghĩa là không già; cũng không biến đổi;

- 3 là vô bệnh (abyādhiṃ) nghĩa là không có sự đau đớn, bệnh tật chi cả;

- 4 là vô cụ (nibbhayaṃ) nghĩa là không có sự sợ sệt;

- 5 là vô vi (asaṅkhataṃ) nghĩa là không có bị tạo;

- 6 là phá hữu (bhavabhandaṃ) nghĩa là phá trừ cửu hữu (bhāva) và không còn phân biệt cõi nương ở - nương sanh theo chúng sanh thường đời (sattavāsa).

Cửu hữu (bhava) là chín cõi: 1 là cõi Dục giới; 2 là cõi Sắc giới; 3 là cõi Vô sắc giới; 4 là cõi Ngũ uẩn tức là cõi Dục giới và cõi Sắc giới hữu tưởng; 5 là cõi Nhất uẩn tức là cõi Vô tưởng; 6 là cõi Tứ uẩn tức là những cõi Vô sắc; 7 là cõi Hữu tưởng tức là 29 cõi (trừ cõi Vô tưởng và Phi tưởng phi phi tưởng); 8 là cõi Vô tưởng; 9 là cõi Phi tưởng phi phi tưởng.

Chúng sanh nương sanh nương ở (sattāvāsa) có 9 cách khác nhau như sau. 1 là thân dị tưởng dị như là nhân loại gồm có hạng chư thiên và ngạ quỉ. 2 là thân dị tưởng đồng như là sơ thiền Phạm thiên tư tưởng giống nhau mà thân khác nhau. 3 là thân đồng tưởng dị như là chư thiên quang minh ở cõi Tứ thiên vương (ābhassārā). 4 là thân đồng tưởng đồng như là chư thiên mỹ lệ (subhakiṇha) ở cõi Tam thiền. 5 là vô tưởng vô thọ tức là chúng sanh cõi trời Vô tưởng. 6 là Không vô biên xứ tức là chúng sanh cõi trời vô sắc Không vô biên xứ. 7 là Thức vô biên xứ tức là chúng sanh cõi trời Thức vô biên xứ. 8 là Vô sở hữu xứ tức là chúng sanh cõi trời Vô sở hữu xứ. 9 là Phi tưởng phi phi tưởng xứ tức là chúng sanh cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng.

- 7 là an lạc (sukhaṃ) nghĩa là hoàn toàn yên vui. Có câu Pāḷi chú giải như vầy: Nibbānaṃ paramaṃ sukhaṃ: Níp-bàn là siêu lạc, tức là Níp-bàn vui bằng cách cao siêu vượt khỏi đời.

- 8 là thanh lương (sitaṃ) nghĩa là mát mẻ, không nóng nảy.

- 9 là thanh tịnh (khemaṃ) nghĩa là vắng lặng, yên ổn.

- 10 là sở y (tāṇaṃ) là sở tri của tâm siêu thế tức là tâm siêu thế nương nhờ Níp-bàn bằng ‘cảnh duyên’.

- 11 là bí mật (leṇaṃ) nghĩa là huyền diệu, nhiệm mầu, sâu sắc vi tế, không thể dùng văn chương ngôn ngữ diễn tả cho đầy đủ. Cũng như kinh Trung Hoa có câu: “Ngôn ngữ đạo đoạn”: Văn chương lời nói tuyệt dứt đạo, dứt mất đạo, nghĩa là đạo lý vượt ngoài phạm vi văn chương.

Theo đây ám chỉ Níp-bàn phải hơn. Người đắc Níp-bàn tự nhận biết, khỏi cần ai nói mới biết. Nên trong ân đức Phật có câu: Paccattaṃ veditabbo viññūhīti: Pháp mà bậc Thánh xuất thế đắc chứng, tự biết.

Chẳng khác câu: “Nhân nhân ẩm thủy, lãnh hưởng tự tri”, nghĩa là - mỗi người uống nước, nóng lạnh như thế nào thì tự biết và khó trình bày cho người khác hiểu. Người sau khi đắc chứng Níp-bàn, khó mà diễn tả đối với kẻ khác, dầu có cố gắng gượng nói bằng pháp học hay thí dụ đó thôi.

- 12 là thường tồn (niccaṃ) nghĩa là hằng còn tự nhiên như nhiên.

- 13 là bất động (acalaṃ) nghĩa là không biến chuyển, lay động.

- 14 là kiên cố (dhuvaṃ) nghĩa là bền bỉ, vững vàng.

- 15 là bất luân (avaṭṭasāraṃ) nghĩa là không xoay chuyển, luân hồi chi cả.

- 16 là nghiện lạc (sukhamaddanam) nghĩa là nghiền tán, đánh tan tất cả sự vui trong đời, chỉ còn vui siêu thế.

- 17 là nghiện cơ (khuddāmaddanaṃ) nghĩa là nghiền nát, phá tan sự đói, khát, mong mỏi v.v…

- 18 là tiêu khát (pipāsavinayaṃ) nghĩa là trừ tiêu sự khao khát, hy vọng tất cả.

- 19 là vô mộ (anālayaṃ) nghĩa là không có sự trìu mến.

- 20 là bạt độc (samugghātavaṭṭaṃdaṭṭhesaṃ) nghĩa là nhổ hết sự độc, nhân quả khổ trong đời.

- 21 là ly hành (visaṅkhāraṃ) lìa hết pháp hành vi, hành động.

- 22 là ly quá (vivajjaṃ) lìa tất cả lỗi sai.

- 23 là đoạn ái (taṇhakkhayaṃ) bặt dứt ái dục.

- 24 là ly hữu (vibhavaṃ) tức là vượt ngoài vòng cửu hữu (bhāva) và cõi nương ở của chúng sanh (sattavāsa).

- 25 là ly tình (virāgaṃ) nghĩa là xa ngoài phạm vi tình đời (bởi vì Níp-bàn cũng có nghĩa là riêng biệt).

- 26 là ly ái (vitaṇhaṃ) là Níp-bàn không còn sự thương yêu, trìu mến chi cả.

- 27 là diệt tận (nirodhaṃ) là tắt dứt hết tất cả đời.

- 28 là vô ấn chứng (animittaṃ) là không có chi nêu bày tiêu biểu.

- 29 là thể tịnh (santabhāvaṃ) là bản thể vắng lặng.

- 30 là vô vị (arasārakaṃ) là không có mùi, vị: Mặn, lạt, chua, cay v.v… chi cả.

- 31 là vô dục (appasāsañca) là không có những sự ưa thích chi cả.

- 32 là bất diệt (amataṃ) là không diệt, không mất.

 

Níp-bàn (nibbāna) là pháp siêu thế (lokuttara), vượt ngoài 31 cõi, vượt ngoài lĩnh vực thân và tâm (tức năm uẩn).

Níp-bàn được thấy rõ bằng trí của 4 đạo và 4 quả, được quán sát hay chứng bởi đạo tuệ (maggañāṇa) và quả tuệ (phalañāṇa).

Níp-bàn là cảnh của 4 đạo và 4 quả.

Theo Saṃskrit, Níp-bàn được gọi là ‘Nirvāna’ là kết hợp giữa ‘ni’ và ‘vāna’. ‘Ni’ ngụ ý là ‘thoát khỏi’ và ‘vāna’ nghĩa là ‘dệt hay ái’. Ái này làm như dây liên kết chuỗi những kiếp sống khiến chúng sanh lang thang trong vòng luân hồi (saṃsāra) – ngoài vòng sanh tử.

Khi nào còn vướng vào ‘ái’, chúng sanh còn tích lũy những nghiệp mới làm cho có sự sanh-tử mới và cứ lặp lại. Khi nào tất cả dạng ái được đoạn tận do bốn đạo, nghiệp lực ngưng hoạt động và vị ấy thoát khỏi vòng sanh tử. Khi ấy mới nói được vị ấy đạt Níp-bàn. Phật giáo khái niệm về ‘giải thoát, giải phóng’ là thoát khỏi sự tái diễn của vòng sanh tử và tất cả khổ phối hợp với chúng.

 

Thêm Vài Định Nghĩa Về Níp-bàn

Níp-bàn cũng có thể được mô tả bằng những ân đức sau:

(1) Bất diệt (accutaṃ) = Níp-bàn vượt khỏi tử và do đó không có tử trong Níp-bàn.

(2) Tuyệt nhất (accantaṃ) = Níp-bàn vượt qua điểm cùng tận gọi là tử, nên Níp-bàn là vô tận.

(3) Vô vi (asaṅkhataṃ) = Níp-bàn không do bốn nhân trợ tạo - tức là nghiệp, tâm, quí tiết hay vật thực. Do đó, Níp-bàn là pháp bất diệt và không là pháp nhân và cũng chẳng phải là pháp quả.

(4) Vô thượng (anuttaraṃ) = Níp-bàn là pháp bậc cao và yên tịnh hơn bất cứ pháp nào.

(5) Riêng biệt (padaṃ) = Níp-bàn là pháp thực tính (vatthu dhamma) và chỉ có thể được thấy biết rõ bởi chư Thánh (Ariyā).

Ba ý nghĩa (aṭṭha) của Níp-bàn:

- 1. Trạng thái của Níp-bàn là vắng lặng, yên tịnh (santilakkhaṇaṃ).

- 2. Phận sự của Níp-bàn là bất động, không lay động biến chuyển (acalarasaṃ).

- 3. Thành tựu của Níp-bàn là vô ấn chứng, không có ấn chứng hiện tượng chi cả (animittapaccupaṭṭhānaṃ).

 ___

[1]     Vô ký, không để lại dấu vết.

[2]     Có bản dịch là liên kết.

[3] Uẩn khandha: tích chứa, góp; (Danh) Thuật ngữ Phật giáo chỉ năm món: “sắc, thọ, tưởng, hành, thức” là “ngũ uẩn” , nghĩa là năm thứ tích góp lại che lấp mất cả chân tính của người ta; (tôn) Uẩn (yếu tố che lấp mất chân tính của con người).

[4]     Xem bộ Pháp Tụ, câu 32, 88, 92, 346, 767.

[5]     “Đỗng” – có nghĩa là soi suốt, nghĩ thấu, giai đoạn nhận biết đầy đủ.

Đỗng lực” theo Pāḷi thì: Javatīti = javanaṃ: Có mãnh lực đủ sức hưởng dùng cảnh gọi là đỗng lực (hay tốc lực), hay hưởng dùng hương vị của cảnh, gọi là đỗng lực.

[6]     Sandhāna (abhidhammatthavibhāvinīṭikā); Aṭṭhasālinī.

[7]     Hay sự hiện bày.

[8]     Dalam Abhidhamma Vatāra 54, dan Dīghā Nikāya Aṭṭhakathā II-432 (1. Utu niyāma; 2. Bīja niyāma; 3. Kamma niyāma; 4. Dhamma niyāma; 5. Citta niyāma); dhamma-niyāmatā: Paccaya Sutta (S 12.20); Uppādā Sutta (A 3.134). Niyāma: Āvaraṇa Sutta (A 6.86); sammatta-niyāma: Cakkhu Sutta (S 25.1) M. 22; A. III: 415; S. ii. 25; D. ii. 12; A. i 152; S. iii. 152; S. v 87; SN IV: 229- A. II: 86; Dp. 127.

[9]     Loke ti apāyaloke manussaloke devaloke khandhaloke dhātuloke āyatanaloke.

[10]    “của ta” - có hai trạng thái chấp là của ta: Trạng thái chấp là của ta do tham ái và trạng thái chấp là của ta do tà kiến. —nt— điều này là trạng thái chấp là của ta do tham ái. —nt— điều này là trạng thái chấp là của ta do tà kiến. Có sự lo âu về sự chiếm đoạt đồ vật đã được chấp là của ta nên họ sầu muộn, trong khi đang bị chiếm đoạt cũng sầu muộn, khi đã bị chiếm đoạt cũng sầu muộn. Có sự lo âu về sự biến đổi của đồ vật đã được chấp là của ta nên họ sầu muộn, trong khi đang bị biến đổi cũng sầu muộn, khi đã bị biến đổi cũng sầu muộn, mệt mỏi, than vãn, khóc nức nở, đi đến sự mê muội. ‘Loài người sầu muộn về vật đã được chấp là của ta’ là thế ấy. (MAHĀNIDDESAPĀḶI - ĐẠI DIỄN GIẢI / 6. Jarāsuttaniddeso - Diễn Giải Kinh Về Sự Già / Việt dịch: Bhikkhu Indacanda. Nguồn: www.tamtangpaliviet.net).

[11]    Anāvaṭṭanā – sirimu, machasaṃ, āvajjanā anāvajjanā – syā.

[12]    Thường gọi là ‘không khéo tác ý’.

[13]    Xem Trường bộ kinh (Dīghānikāya) 1, bài thứ nhất - kinh Phạm Võng (Brahmajāla Sutta).

[14] Xem thêm ghi chú về ‘Tà kiến’ ở cuối sách.

[15]    Khuể - là oán hận, oán giận, tức giận, sân hận…

[16]    bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅganī), câu 300, 691, 712, 729, 754, 794, 913, 919.

[17] phóng dật - vikkhepa

[18] Xao lãng = xao nhãng = sao nhãng; Sao lãng = sao nhãng: không để tâm, tập trung vào việc chính phải làm. (Theo Đại từ điển Tiếng Việt của Nguyễn Như Ý).

[19]    “Vi” là làm, làm ra…

[20]    Vipāka - kamma – nghiệp quả, quả thành tựu, kết quả.

[21]    Kiriya - kriya - chức năng làm, hành động, hành vi, trong sạch, mộc mạc, cao khiết; 做 - zuò - Tố

[22] Theo ngài Usīlānanda thì 6 cách này không tìm thấy trong tài liệu Pāḷi, mà chỉ tìm thấy trong tài liệu Sanskrit.

[23]    Kusalā ti ye te khandhakusalā dhātukusalā āyatanakusalā paṭiccasamuppādakusalā satipaṭṭhānakusalā sammappadhānakusalā iddhipādakusalā indriyakusalā balakusalā bojjhaṅgakusalā maggakusalā phalakusalā nibbānakusalā; te kusalā evamāhaṃsu: Anariyānaṃ eso dhammo, neso dhammo Ariyānaṃ, bālānaṃ eso dhammo, neso dhammo paṇḍitānaṃ, asappurisānaṃ eso dhammo, neso dhammo sappurisānanti evamāhaṃsu evaṃ kathenti evaṃ bhaṇanti evaṃ dīpayanti evaṃ voharantī ’ti ‘anariyadhammaṃ kusalā tamāhu.’ (MAHĀNIDDESAPĀḶI)

[24]    Xem thêm ‘không khéo tác ý’ ở phần ‘tâm bất thiện’.

[25]    Các bậc sáng trí: ‘Có trí hiểu biết’ là các bậc sáng trí, ‘thành tựu trí hiểu biết’ là các bậc sáng trí, ‘nhờm gớm việc ác’ là các bậc sáng trí. Sáng trí được gọi là tuệ là sự nhận biết, kiến thức, sự chọn lựa, sự khám phá, sự chọn lựa pháp, sự quan sát, sự suy xét, sự phân biệt, sự thông thái, sự thông thạo, sự khôn khéo, sự thông suốt, sự cân nhắc, sự có trí, sự rõ ràng, sự hiểu biết rộng rãi, pháp dẫn đầu, sự thấy rõ, sự tỉnh giác, vật xuyên thủng, tuệ là tuệ quyền, tuệ lực, tuệ là vũ khí, tuệ là lâu đài, tuệ là ánh sáng, tuệ là hào quang, tuệ là cây đèn, tuệ là báu vật, không si mê, sự chọn lựa pháp, chánh kiến, trạng thái thành tựu với tuệ ấy là sáng trí. Thêm nữa, sáng trí về uẩn, sáng trí về giới, sáng trí về xứ, sáng trí về tùy thuận duyên khởi, sáng trí về việc thiết lập niệm, sáng trí về chánh cần, [sáng trí về nền tảng của thần thông], sáng trí về quyền, [sáng trí về lực], sáng trí về chi phần đưa đến giác ngộ, sáng trí về Đạo, sáng trí về Quả, sáng trí về Niết Bàn. (MAHĀNIDDESAPĀḶI - ĐẠI DIỄN GIẢI / Guhaṭṭhakasuttaniddeso dutiyo - Diễn Giải Kinh Nhóm Tám về Hang là thứ nhì. / Việt dịch: Bhikkhu Indacanda. Nguồn: www.tamtangpaliviet.net).

[26]    Xin tham khảo quyển Phúc Hành Tông (puññakiriyavatthu) do Bhikkhu Abhisiddhi biên dịch.

[27]   Xin xem quyển Phúc Hành Tông – Biên dịch: TK Siêu Thành.

[28]    Xin xem ‘Kusalakamma patha’ (Mười thiện nghiệp đạo) ở Chương IV: Ngoại lộ, III. Nhóm Bốn Loại Nghiệp, phần (C) Pākakālakamma catuka (nhóm bốn nghiệp chia theo thời gian).

[29]    Xin xem ‘Mười Phiền Não’ ở Phần Bất Thiện Tương Tập Nhiếp – Chương 7 trong tập sách này.

[30]    ‘ức’ đây có nghĩa là nhớ, hồi tưởng lại.

[31]    “Tức” đây có nghĩa là thôi, nghỉ, nghỉ ngơi, yên nghỉ (theo tự điển Hán - Việt của Đào Duy Anh xuất bản năm 2010).

[32] Kiriyā citta: 唯作心 (wéi zuò xīn): tâm chỉ có tố/ hoặc tác;  阿羅漢的不造作善惡之心: tâm tố của bậc Arahant mà không để lại nghiệp thiện với bất thiện...  作  zuò; 作 , hay 做 = tố.

[33]    Xin xem thêm phần giải về tâm thiền vô dẫn hay hữu dẫn trong bộ “Aṭṭhasālinī – Chương 5: Tứ Tiến Hành” có đề cập đến đường hướng thực hành khó (hành nan) (khó đè nén những pháp cái) trợ cho tâm thiền là hữu dẫn, và đường hướng thực hành dễ (hành dị) (dễ đè nén những pháp cái) trợ cho tâm thiền là vô dẫn.

[34]    Xem 6 pháp cái trong phần ‘Bất thiện tương tập nhiếp’ – Chương VII: Tương Tập (Samuccaya) – Abhidhammatthasaṅgaha; xem bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅginī) câu 748-754.

[35]    Có nơi dịch là chuẩn bị tướng, sơ tướng, thô tướng.

[36]    Có bản dịch là ấn chứng.

[37]    Có nơi dịch là học tướng, quang tướng, tợ tướng, tướng đạt được, thu được.

[38]    Có nơi dịch là quang tướng, tợ tướng, đối lập tướng. Theo bản Anh ngữ, từ patibhāganimitta được mở ngoặc đơn kèm theo từ giải thích là counter image – tức đối lập tướng. Theo Concise P-E Dict: Patibhāga: [adj.] equal; similar. (m.) likeness; resemblance.

[39]    Kasiṇa - Biến xứ.

[40]    Xem Thanh Tịnh Đạo – Phần định; Minh Giải nhập tức xuất tức niệm.

[41]    Theo PTS, chaṭṭhasangītipiṭaka là Sakadāgami. Theo Syāma là Sakidāgāmi.

[42] Arahatta = arahaṃa+tta hay arahati+tta = vô sanh hay Ứng cúng.

[43]    Chaṭṭhasaṅgītipiṭaka … sīraye.

[44]    Catudhā kusalaṃ tathā.

[45]    Pākaṃ tassa.

[46]    Xem bộ Pháp Tụ, câu 768. (Dhs.768)

[47]    ‘tha’ - ở đây có nghĩa là ‘khác’.

[48]    Dhs: câu 17, 131, 197, 276, 317, 326, 331, 335, 339, 353, 367, 383, 400, 471, 473, 486.

Phasso ti cakkhusamphasso sotasamphasso ghānasamphasso jivhāsamphasso kāyasamphasso manosamphasso adhivacanasamphasso paṭighasamphasso sukhavedanīyo samphasso dukkhavedanīyo samphasso adukkhamasukhavedanīyo samphasso kusalo phasso akusalo phasso avyākato phasso kāmāvacaro phasso rūpāvacaro phasso arūpāvacaro phasso suññato phasso animitto phasso appaṇihito phasso lokiyo phasso lokuttaro phasso atīto phasso anāgato phasso paccuppanno phasso, yo evarūpo phasso phusanā samphusanā samphusitattaṃ, ayaṃ vuccati phasso.

[49]    Dhs: câu 19, 199, 278, 341, 369, 385, 402.

Tưởng: Dục tưởng, hận tưởng, hại tưởng, xuất ly tưởng, vô hận tưởng, vô hại tưởng, sắc tưởng, thinh tưởng, khí tưởng, vị tưởng, xúc tưởng, pháp tưởng; sự nhận biết, sự tự nhận biết, trạng thái tự nhận biết có hình thức như thế được gọi là tưởng. (MAHĀNIDDESAPĀḶI - ĐẠI DIỄN GIẢI / Guhaṭṭhakasuttaniddeso dutiyo - Diễn Giải Kinh Nhóm Tám về Hang là thứ nhì. / Việt dịch: Bhikkhu Indacanda. Nguồn: www.tamtangpaliviet.net).

[50]    Dhs. câu 20, 200, 279, 342, 370, 386, 403. Tư: Càng, thêm, nẩy, đâm, mọc, gây ra, cố quyết...(volition, 思)

[51]    Bhikkhū ti sattannaṃ dhammānaṃ bhinnattā bhikkhu: sakkāyadiṭṭhi bhinnā hoti, vicikicchā bhinnā hoti, sīlabbataparāmāso bhinno hoti, rāgo bhinno hoti, doso bhinno hoti, moho bhinno hoti, māno bhinno hoti, bhinnāssa honti pāpakā akusalā dhammā saṅkilesikā ponobhavikā sadarā dukkhavipākā āyatiṃ jātijarāmaraṇiyā. (MAHĀNIDDESAPĀḶI).

[52]    Dhs. câu 26, 39, 43, 69, 72, 79, 88, 206, 285, 331, 345, 359, 357, 392, 408, 486.

[53]    Dhs. câu 34, 79, 214, 290, 348, 362, 378, 395, 411.

[54]    Manasikāra: tác ý (作意)

Bộ Phân Tích có đề cập ‘tác ý’. Còn trong bản Thanh tịnh Đạo, Chương 14-Uẩn xiển minh, phần hành uẩn do ngài Buddhaghosa (do thầy Ngộ Đạo chuyển ngữ) có chú giải về sở hữu ‘tác ý’ như sau:

Kiriya karo: Sự làm gọi là tác, manamhi kāro manasikaro: Sự làm trong ý gọi là tác ý.

Dù tạo ý sai lầm từ ý trước cũng gọi là tác ý. Chính tác ý này có ba trường hợp: Tiến hành theo cảnh; tiến hành theo lộ tâm; tiến hành theo đổng lực.

Trong ba điều ấy, ārammaṇapaṭipādako manamhi karoti manasikāro: Sự làm trong ý tiến hành theo cảnh, nên gọi là tác ý thành cảnh. Tác ý này có:

-        Sāraṇalakkhaṇo: Trạng thái là chú ý.

-        Sampayuttānaṃ ārammaṇe saṃyojanaraso: Phận sự là cột pháp tương ưng vào cảnh.

-        Ārammaṇābhimukhabhāvapaccupaṭṭhāno: Thành tựu là đối diện với cảnh.

-        Ārammaṇapadaṭṭhāno: Nhân cận là có cảnh.

Tác ý là liên quan trong hành uẩn, nên thấy như người đánh xe vì làm cho các pháp tương ưng tiến hành theo cảnh.

Gọi (tác ý) tiến hành theo lộ tâm, đây là đồng nghĩa tâm khai ngũ môn.

Gọi (tác ý) tiến hành theo đổng lực, đây là đồng nghĩa tâm khai ý môn.

Hai điều đó không cần lấy trong nơi đây.

[55]    Xin ôn lại phần nhân sanh thiện, bất thiện.

[56]    Dhs. câu 22, 36, 202, 281, 372, 388, 405.

[57]    Dhs. câu 23, 203, 282, 373, 389, 406.

[58]    Trong Thanh tịnh Đạo, phần Uẩn xiển minh giảng về hành uẩn thì Ngài Buddhaghosa có giảng như vầy: Adhimuccanaṃ adhimokkho: Sự quả quyết gọi là thắng giải. Thắng giải ấy: Sanniṭṭthānalakkhaṇo: Trạng thái là quyết định; Asaṃsappanaraso: Phận sự là không đầu lụy; Nicchayapaccupaṭṭhāno: Thành tựu là phán quyết; Sanniṭṭheyyadhammapadaṭṭhāno: Nhân cận là có pháp đáng quyết định. Ví như cột cờ không dao động trong cảnh.

[59]    Adhimokho - sipävi.

[60]    Xem bộ Pháp Tụ, câu 28, 37, 71, 208, 225, 255, 286, 306.

[61]    Vīriyārambho, Ma.                                                                     

[62]    Ussoḷhī, Ma, Syā.

[63]    Xem bộ Pháp Tụ, câu 24, 25, 33, 80, 204, 213, 283, 284, 390.

Pītī ti yā pañcakāmaguṇapaṭisaṃyuttā pīti pāmojjaṃ āmodanā pamodanā hāso pahāso vitti tuṭṭhi odagyaṃ attamanatā abhippharaṇatā cittassa.

Hỷ là sự vui mừng, sự hoan hỷ, sự tùy hỷ, sự vui thích, sự cười đùa, sự hài hước, sự vui lòng, sự vui sướng, sự phấn khởi, sự vừa ý, sự sung sướng của tâm có liên quan đến năm loại dục.

[64]    Sở hữu dục ở câu 195 trong bộ Pháp Tụ được Đức Phật nêu dục trưởng trong tứ trưởng. Còn trong bản Thanh Tịnh Đạo, phần Uẩn xiển minh giảng về hành uẩn thì Ngài Buddhaghosa có giảng như vầy:

Dục: Chandoti kattukāmatāyetam adhivacanaṃ: Gọi dục đây có nghĩa là muốn làm. Do đó, dục ấy:

Kattukāmatālakkhaṇo: Trạng thái là muốn làm (tác dục); Ārammaṇapariyesanaraso: Phận sự là tìm kiếm cảnh.

Ārammaṇena atthikatāpaccupaṭṭhāno: Thành tựu là hy vọng cảnh; Tadevassa padaṭṭhāno: Nhân cận là hy vọng chính cảnh ấy.

Dục này nên thấy như tâm đưa tay ra khi bắt cảnh.

[65]    Xem bộ Pháp Tụ, câu 300, 691, 712, 729, 754, 794, 913, 919.

[66]    Xem bộ Pháp Tụ, câu 297, 303, 800.

[67]    Xem bộ Pháp Tụ, câu 298, 304, 801.

[68]    Xem bộ Pháp Tụ, câu 335, 752, 799. Trong bộ Pháp Tụ, chúng ta chỉ thấy sở hữu điệu cử xuất hiện cùng với tâm bất thiện thứ 12 (tức là tâm si điệu cử), chớ không thấy trong 11 tâm bất thiện trước.

[69]    Xem bộ Pháp Tụ, câu 299, 301, 691, 709, 710, 726, 737, 749, 781, 792, 913, 919.

[70]    Xem thêm ‘Ghi chú” về Tà kiến ở cuối sách; xem bộ Pháp Tụ câu 291, 302, 711, 723, 725, 739, 740, 761, 782, 783, 784, 796, 811, 813, 817, 819, 913, 919; xem Trường bộ kinh, bài kinh Phạm Võng; Vibh. 990

Các sự chấp chặt vào tà kiến quả thật không dễ vượt qua - Các sự chấp chặt vào tà kiến: Sự cố chấp và bám víu rằng: ‘Thế giới là thường còn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không’ là sự chấp chặt vào tà kiến. Sự cố chấp và bám víu rằng: ‘Thế giới là không thường còn, thế giới là có giới hạn, thế giới là không có giới hạn, mạng sống là vật ấy thân thể là vật ấy, mạng sống là vật khác thân thể là vật khác, Đức Như Lai hiện hữu ở nơi khác sau khi chết, Đức Như Lai không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết, Đức Như Lai hiện hữu và không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết, Đức Như Lai không hiện hữu và không phải là không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không’ là sự chấp chặt vào tà kiến. ‘Các sự chấp chặt vào tà kiến’ là thế ấy. Quả thật không dễ vượt qua: Các sự chấp chặt vào tà kiến quả thật không dễ vượt qua, khó vượt qua, khó vượt lên, khó vượt hẳn, khó vượt trội, khó vượt trên hẳn. ‘Các sự chấp chặt vào tà kiến quả thật không dễ vượt qua’ là thế ấy.

Người nắm giữ tưởng và tà kiến, những người ấy sống, gây va chạm, ở thế gian: Những kẻ nào nắm lấy tưởng, dục tưởng, sân tưởng, hại tưởng; do tác động của tưởng, những kẻ ấy gây va chạm, gây đụng chạm. Các vị vua tranh cãi với các vị vua, các Sát-đế-lỵ tranh cãi với các Sát-đế-lỵ, các Bà-la-môn tranh cãi với các Bà-la-môn, các gia chủ tranh cãi với các gia chủ, mẹ tranh cãi với con trai, con trai tranh cãi với mẹ, cha tranh cãi với con trai, con trai tranh cãi với cha, anh em trai tranh cãi với anh em trai, chị em gái tranh cãi với chị em gái, anh em trai tranh cãi với chị em gái, chị em gái tranh cãi với anh em trai, bạn bè tranh cãi với bạn bè. Tại nơi ấy, chúng khởi sự cãi cọ, cãi vã, tranh cãi, rồi công kích lẫn nhau bằng những bàn tay, công kích lẫn nhau bằng những cục đất, công kích lẫn nhau bằng những gậy gộc, công kích lẫn nhau bằng những gươm dao. Tại nơi ấy, chúng đi đến sự chết và sự khổ đau kề cận cái chết. Những kẻ nào nắm lấy tà kiến rằng: ‘Thế giới là thường còn —như trên— hoặc ‘Đức Như Lai không hiện hữu và không phải là không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết;’ do tác động của tà kiến, những kẻ ấy gây va chạm, gây đụng chạm; chúng gây va chạm bậc Đạo sư (này) với bậc đạo sư (khác), chúng gây va chạm giáo lý (này) với giáo lý (khác), chúng gây va chạm tập thể (này) với tập thể (khác), chúng gây va chạm quan điểm (này) với quan điểm (khác), chúng gây va chạm lối thực hành (này) với lối thực hành (khác), gây va chạm đạo lộ (này) với đạo lộ (khác).

(MAHĀNIDDESAPĀḶI - ĐẠI DIỄN GIẢI / 3. Duṭṭhaṭṭhakasuttaniddeso - Diễn Giải Kinh Nhóm Tám Về Xấu Xa / Việt dịch: Bhikkhu Indacanda. Nguồn: www.tamtangpaliviet.net).

[71]    Te visame niviṭṭhā ti - Visame ti visame kāyakamme niviṭṭhā, visame vacīkamme niviṭṭhā, visame manokamme niviṭṭhā, visame pāṇātipāte niviṭṭhā, visame adinnādāne niviṭṭhā, visame kāmesu micchācāre niviṭṭhā, visame musāvāde niviṭṭhā, visamāya pisunāya vācāya niviṭṭhā, visamāya pharusāya vācāya niviṭṭhā, visame samphappalāpe niviṭṭhā, visamāya abhijjhāya niviṭṭhā, visame vyāpāde niviṭṭhā, visamāya micchādiṭṭhiyā niviṭṭhā, visamesu saṅkhāresu niviṭṭhā, visamesu pañcasu kāmaguṇesu niviṭṭhā, visamesu pañcasu nīvaraṇesu niviṭṭhā viniviṭṭhā patiṭṭhitā allīnā upagatā ajjhositā adhimuttā laggā laggitā palibuddhā ’ti avadāniyā te visame niviṭṭhā.

      Họ đã đi theo lối sai trái - Theo lối sai trái: Họ đã đi theo lối sai trái về thân nghiệp, đã đi theo lối sai trái về khẩu nghiệp, đã đi theo lối sai trái về ý nghiệp, đã đi theo lối sai trái về việc trộm cắp, đã đi theo lối sai trái về tà hạnh trong các dục, đã đi theo lối sai trái về việc nói dối, đã đi theo lối sai trái về việc nói đâm thọc, đã đi theo lối sai trái về việc nói độc ác, đã đi theo lối sai trái về việc nói nhảm nhí, đã đi theo lối sai trái về tham lam, đã đi theo lối sai trái về sân hận, đã đi theo lối sai trái về tà kiến, đã đi theo lối sai trái về các hành, đã đi theo lối sai trái về năm loại dục, đã đi theo lối sai trái về năm pháp che lấp, đã đi theo vào, đã thiết lập, đã bám vào, đã tiến vào, đã bám víu, đã chú trọng, máng vào, bị vướng vào, bị giữ lại, ‘là những người thấp kém, họ đã đi theo lối sai trái’ là thế ấy. (MAHĀNIDDESAPĀḶI - ĐẠI DIỄN GIẢI / Guhaṭṭhakasuttaniddeso dutiyo - Diễn Giải Kinh Nhóm Tám về Hang là thứ nhì. / Việt dịch: Bhikkhu Indacanda. Nguồn: www.tamtangpaliviet.net)

[72]    Xem bộ Pháp Tụ, câu 722, 795, 919. Không thấy Đức Phật nêu trong 12 thứ tâm bất thiện, nhưng có nêu trong câu 919, thiên Trích Yếu – đầu đề nhị. Xem bộ Phân Tích, câu 883-900.

Ngã mạn - ngã mạn theo một loại: Sự cao ngạo của tâm. Ngã mạn theo hai loại: Ngã mạn do tâng bốc bản thân và ngã mạn do khinh bỉ người khác. Ngã mạn theo ba loại: Ngã mạn (với ý nghĩ) ‘Tôi tốt hơn,’ ngã mạn (với ý nghĩ) ‘Tôi ngang bằng,’ ngã mạn (với ý nghĩ) ‘Tôi thấp hèn.’ Ngã mạn theo bốn loại: Do lợi lộc rồi sinh khởi ngã mạn, do danh vọng rồi sinh khởi ngã mạn, do khen ngợi rồi sinh khởi ngã mạn, do sung sướng rồi sinh khởi ngã mạn. Ngã mạn theo năm loại: (Nghĩ rằng:) ‘Ta đạt được các sắc thích ý’ rồi sinh khởi ngã mạn, (nghĩ rằng:) ‘Ta đạt được các thinh ― các hương ― các vị ― các xúc thích ý’ rồi sinh khởi ngã mạn. Ngã mạn theo sáu loại: Do sự thành tựu của mắt rồi sinh khởi ngã mạn, do sự thành tựu của tai ― do sự thành tựu của mũi ― do sự thành tựu của lưỡi ― do sự thành tựu của thân ― do sự thành tựu của ý rồi sinh khởi ngã mạn. Ngã mạn theo bảy loại: Ngã mạn, cống cao, cống cao dựa trên ngã mạn, tự ti, ngã mạn thái quá, ngã mạn về bản thân, ngã mạn do hiểu biết sai trái. Ngã mạn theo tám loại: Do lợi lộc rồi sinh khởi ngã mạn, do không có lợi lộc rồi sinh khởi tự ti, do danh tiếng rồi sinh khởi ngã mạn, do không có danh tiếng rồi sinh khởi tự ti, do khen ngợi rồi sinh khởi ngã mạn, do chê trách rồi sinh khởi tự ti, do sung sướng rồi sinh khởi ngã mạn, do khổ đau rồi sinh khởi tự ti. Ngã mạn theo chín loại: Người tốt hơn có sự ngã mạn (nghĩ rằng) ‘Tôi tốt hơn,’ người tốt hơn có sự ngã mạn (nghĩ rằng) ‘Tôi ngang bằng,’ người tốt hơn có sự ngã mạn (nghĩ rằng) ‘Tôi thấp hèn,’ người ngang bằng có sự ngã mạn (nghĩ rằng) ‘Tôi tốt hơn,’ người ngang bằng có sự ngã mạn (nghĩ rằng) ‘Tôi ngang bằng,’ người ngang bằng có sự ngã mạn (nghĩ rằng) ‘Tôi thấp hèn,’ người thấp hèn có sự ngã mạn (nghĩ rằng) ‘Tôi tốt hơn,’ người thấp hèn có sự ngã mạn (nghĩ rằng) ‘Tôi ngang bằng,’ người thấp hèn có sự ngã mạn (nghĩ rằng) ‘Tôi thấp hèn,’ Ngã mạn theo mười loại: Ở đây có người sinh khởi ngã mạn về xuất thân, về dòng dõi, về con nhà gia thế, về vẻ đẹp của vóc dáng, về tài sản, về học vấn, về công việc, về tài nghệ, về kiến thức, về sự học hỏi, về tài biện giải, hoặc về sự việc này khác.’ Ngã mạn với hình thức như vầy là biểu hiện của ngã mạn, bản thể của ngã mạn, sự cao ngạo, sự nâng cao, (như) ngọn cờ, sự tự nâng lên, sự khoe khoang tự đắc của tâm, điều này gọi là ngã mạn. (MAHĀNIDDESAPĀḶI - ĐẠI DIỄN GIẢI / 3. Duṭṭhaṭṭhakasuttaniddeso - Diễn Giải Kinh Nhóm Tám Về Xấu Xa / Việt dịch: Bhikkhu Indacanda. Nguồn: www.tamtangpaliviet.net).

[73]    Dhs. 795; Vibh – Tiểu Tông Phân Tích, phần Xiển Minh, câu 883-895.

[74]    Xem bộ Pháp Tụ, câu 326, 691, 721, 738, 750, 793, 919.

[75]    Xem bộ Pháp Tụ, câu 727, 734, 919. Không thấy Đức Phật nêu trong 12 thứ tâm bất thiện, nhưng có nêu trong câu 919, thiên Trích Yếu – Đầu đề nhị.

[76]    Xem bộ Pháp Tụ, câu 728, 734, 919.

[77] Xem bộ Pháp Tụ, câu 752, 931.

[78]    Xem bộ Pháp Tụ, câu 751, 798.

[79]    Xem bộ Pháp Tụ, câu 751, 753.

[80]    akammaññatā:sự không thích hợp việc làm,không thích nghiệp,không thích nghi.

[81]    Xem bộ Pháp Tụ, câu 724, 797, 812, 818, 919.

[82]    Xem bộ Pháp Tụ, câu 29, 38, 67.

[83]    Milindapañhā, trang 36 satilakkhaṇapañha (vấn trạng thái “niệm”) trình bày rằng “…sati mahārāja uppajjamānākusalākusala sāvajjānavajjahīnappaṇītakaṇhasukkasappaṭibhāgadhamme apilāpeti …” dịch là “…Này đại vương, khi “niệm” đang phát sanh có thể làm cho nhớ đến pháp thiện, bất thiện, có tội lỗi, không có tội lỗi, ty hạ, tinh lương, đen, trắng và pháp mà có phần giống nhau v.v…”.

[84]    DA

[85]    Xem bộ Pháp Tụ, câu 45, 53.

[86]    Thoái – trái với tiến, thoái lui; thoái thác là kiếm cớ từ chối.

[87]    Xem bộ Pháp Tụ, câu 46, 54.

愧 : quý = hổ thẹn, xấu hổ.

猥 : Úy = Hèn hạ, thấp kém, bỉ lậu, hoảng sợ, úy cụ; Ottappa: 怕造惡 = sợ tạo ác.

-     Ottappa urges q person not to be afraid of cmmitting immoral actions, speeches and thoughts = Vô úy (anottappa) thúc giục một chúng sanh không ghê sợ phạm vào những hành vi, lời nói và ý nghĩ bất thiện. (Buddha Abhidhamma by Mehm Tin Mon).

-     Ottappa is fear to do evil, i.e., fear of the Consequences. A person who is afraid of fire would not touch it. (Abhidhammattha-Saṅgaha of Anuruddhācariya / A MANUAL OF ABHIDHAMMA - by Nārada Thera, Vājirārāma, Colombo).

-     Ottappa (fear of wrongdoing): fear of wrongdoing has the characteristic of dread in regard to such misconduct. (A COMPREHENSIVE MANUAL OF ABHIDHAMMA - Translation revised by Bhikkhu Bodhi)

-     Ottapa = Moral dread. Dread = kinh sợ, kinh hãi, khiếp sợ, nghĩ đến mà sợ; sợ). (FUNDAMENTAL ABHIDHAMMA - PART I – by Dr. Nandamālābhivaṃsa)

-     Ottappa = fear of sin: A i.51; D iii.284; S ii.206; It 36; Nett 39; (The Pali Text Society's Pali-English dictionary)

[88]    Tăng Chi bộ kinh – chương Hai Pháp, đoạn 9.

[89]    Xem bộ Pháp Tụ, câu 47, 50.

[90]    Xem bộ Pháp Tụ, câu 48, 51.

[91]    Adūsanā, adūsitattaṃ, syā.

[92]    Xin xem Chương VII – Samuccaya – phần Bojjhaṅga.

[93]    paṭipassaddhi, Machasaṃ.

[94]    paṭipassambhanā, Machasaṃ.

[95]    paṭipassambhitattaṃ, Machasaṃ.

[96]   ‘Tĩnh’: an tĩnh. Còn được dịch là ‘tịnh’ – là yên tịnh.

[97]    Xem bộ Phân Tích, phần vô lượng Phân Tích, từ trang 221-232.

[98]    Xem bộ Phân Tích, phần vô lượng Phân Tích, từ trang 221-232.

[99]    Xem bộ Pháp Tụ, câu 31, 35, 44, 49, 52, 68, 70, 211, 215, 228, 252, 254; bộ Phân Tích, phần đạt thông phân tích và trí phân tích, từ trang 241-282.

[100] Hay Vô si

-     Yathāsabhāvapaṭivedhalakkhaṇo: Trạng thái là thể nhập thực tính hay akkhalitapaṭivedhalakkhaṇo: Trạng thái là thông suốt không sai lầm, như sự xuyên qua của mũi tên mà người thợ săn đã bắn trúng đích.

-     Visayobhāsanaraso: Phận sự là soi sáng cảnh, như ngọn đèn.

-     Asammohapaccupaṭṭhāno: Thành tựu là vô si, như người rành lối đi rừng.

Nên biết rằng ba pháp này là nguồn gốc của tất cả thiện nghiệp.

[101] Xem bộ Pháp Tụ (Dhs.), câu 275.

[102] Xem bộ Pháp Tụ, câu 16, 125; xem bộ Phân Tích, phần điều học phân tích, từ trang 233-239.

[103] Xem bộ Pháp Tụ, câu 126, 129.

[104] Xem bộ Pháp Tụ, câu 130, 134.

[105] Xem bộ Pháp Tụ, câu 135, 138.

[106] Xem bộ Pháp Tụ, câu 415, 416.

[107] Xem bộ Pháp Tụ, câu 489, 492.

[108] Đáo = đến. Những tâm đến cõi rộng lớn và bắt cảnh bền lâu gọi là tâm đáo đại hay đáo quảng.

[109] paṭibhāga nimitta – tợ tướng.

[110] Xem phần tâm thiện siêu thế từ trang 53-58, 79-89; xem bộ Phân Tích, phần thiền phân tích.

[111] Kyats là đơn vị tiền tệ của Vương quốc Miến Điện.

[112] Chủ yếu, căn bản.

[113] DhsA.368: Dhammasavgani commentary (atthasalini), Burmese edition (Sixth Savgha Council). Page 368. Vs.1.362: Visuddhimagga, Burmese edition (Sixth Savgha Council). Volume 1. Page 362.

[114]

Đất

Nước

Lửa

Gió

Hiện

Gió

Gió

Nước

Nước

Ẩn

Nước

Đất

Đất

Đất

Kém

Lửa

Lửa

Gió

Lửa

Bình

 

[115] Pasāda,(m.) clearness = sự trong trẻo, sự rõ ràng, sự sáng tỏ, sự thông suốt, tình trạng không có gì cản trở; brightness = sự sáng ngời; sự rực rỡ; Pasāda: “tịnh” 淨 sạch sẽ, “thanh triệt trong suốt.

[116] Suñña – luống không, rỗng không, trống không.

[117] Chú giải bộ Pháp Tụ - Dhammasaṅgaṇīaṭṭhakathā.

[118] Caturaṃsaṃ.

[119] Āmakagandho.

[120] Lapilakaṃ.

[121] Mano ti yaṃ cittaṃ mano mānasaṃ hadayaṃ paṇḍaraṃ mano manāyatanaṃ manindriyaṃ viññāṇaṃ viññāṇakkhandho tajjā manoviññāṇadhātu. Ayaṃ vuccati mano. Ayaṃ mano imāya pītiyā sahagato hoti sahajāto saṃsaṭṭho sampayutto ekuppādo ekanirodho ekavatthuko ekārammaṇo.

Ý tức là tâm; ý là tinh thần là trái tim là vật tinh khiết; ý là ý xứ, ý quyền, thức, thức uẩn, từ đó có ý thức giới; điều này được gọi là ý. Ý này với sự vui mừng này là đồng hành, đồng sanh, được liên kết, được gắn bó, cùng sanh, cùng diệt, chung một nền tảng, chung một đối tượng. (MAHĀNIDDESAPĀḶI - ĐẠI DIỄN GIẢI / 1. Kāmasuttaniddeso - Diễn Giải Kinh Về Dục / Việt dịch: Bhikkhu Indacanda / Nguồn: www.tamtangpaliviet.net).

[122]Vikāra rūpa’ còn gọi là sắc hay thay đổi, sắc dễ thay đổi, sắc biến đổi.

[123] Cũng là bốn trạng thái: Sanh, tiến, dị, diệt.

[124] Thoái hóa - trở nên teo đi, mất chức năng, tác dụng (theo Đại Từ Điển Tiếng Việt của Nguyễn Như Ý).

[125] hạt nguyên tử (atom)

[126] liền ngay sau trong một thời gian rất ngắn.

[127] Cũng được gọi là sắc âm - dương, nóng - lạnh.

[128] sắc mạng quyền cũng thuộc về sắc nghiệp.

[129] ‘Tiêu’ đây có nghĩa là ‘mất hẳn’; ‘Diệt’ đây có nghĩa là ‘dứt’.

[130] ‘Chứng’ đây có nghĩa là dấu hiệu, ấn chứng, bằng chứng, tướng dạng, ấn tướng…

[131] Xin tham khao thêm về danh từ “Nip-bàn ở phần Ghi chú cuối sách.