CHƯƠNG VII: SAMUCCAYA SAṄGAHA - TƯƠNG TẬP NHIẾP
Tương tập nhiếp (Tương tập tập yếu) (samuccayasaṅgaha) là bao gồm các pháp siêu lý nào tương đồng nhau sắp chung từng phần.
Có những câu Pāḷi chú giải như vầy:
Saha uccīyante eṭṭhati = samuccayo: Nghĩa là trình bày pháp siêu lý nào tương đồng nhau, gồm chung lại từng phần.
Sampiṇḍetvā uccīyanteetenāti= samuccayo: Do gồm pháp siêu lý ăn nhau sắp thành phần, tức là pháp siêu lý có phần đồng nhau sắp thành từng phần.
Giới thiệu
1. Dvāsattatividhā vuttā, vatthudhammā salakkhaṇā,
Tesaṁ dāni yathāyogaṁ, pavakkhāmi samuccayaṁ.
Bảy mươi hai pháp thực tính với những trạng thái riêng đã được trình bày. Nay tôi sẽ nói về sự phân loại của những pháp này thành những loại liên quan đến những đặc tính theo cách thích hợp.
Giải:
Có bảy mươi hai loại pháp thực tính gọi là vatthu dhamma vì những pháp này có những trạng thái riêng như đã trình bày. Những pháp thực tính ấy là 1 tâm (citta), 52 sở hữu tâm (cetasika), 18 sắc thành tựu (nipphanna rūpa) và Níp-bàn (Nibbāna).
- Tâm (citta) tất cả 89 hay 121 thứ tâm được tính là một thực tính, vì tất cả tâm đều sở hữu cùng một trạng thái là ‘biết cảnh’. Thật ra 89 hay 121 thứ tâm hợp với những sở hữu tâm (cetasika) khác nhau.
- Sở hữu tâm (cetasika) tất cả 52 thứ sở hữu tâm được quán sát riêng vì chúng đều sở hữu những trạng thái riêng.
- Sắc thành tựu (nipphanna rūpa) tất cả 18 thứ sắc bị trợ tạo do nghiệp (kamma), tâm (citta), quí tiết (utu) và vật thực (āhāra) được quán sát riêng, vì chúng đều sở hữu những trạng thái thực tính riêng.
- Níp-bàn (Nibbāna) là pháp có trạng thái thực tính riêng, đó là vắng lặng (santi lakkhaṇa).
Cho nên tổng số pháp thực tính (vatthu dhamma) là 1 + 52 + 18 + 1 = 72.[1]
Tất cả 72 pháp thực tính này là pháp chủ quan và khách quan. Những pháp nào liên quan sẽ được gom vào cùng loại trong chương này.
2. Akusalasaṅgaho missakasaṇgaho bodhipakkhiyasaṅgaho sabbasaṅgaho c’eti Sammuccayasaṅgaho catubbidho veditabbo.
Tương tập nhiếp nên được hiểu có bốn phần:[2]
I) Bất thiện tương tập nhiếp.
II) Hỗn tạp tương tập nhiếp.
III) Đẳng giác tương tập nhiếp.
IV) Hàm tận tương tập nhiếp.
I. Bất Thiện Tập Yếu (Akusala Saṅgaha)
Bất thiện tương tập nhiếp (hay tập yếu) có 9 loại – đó là lậu (āsava), bộc (ogha), phối (yoga), phược (gantha), thủ (upādāna), cái (nīvaraṇa), tiềm thùy (anusaya), triền (saṃyojana) và phiền não (kilesa).
1) Bốn Lậu (āsava) (Dhs.708-712; Vibh.961)
3. Kathaṁ? Akusalasaṅgahe tāva cattāro āsavā: Kāmāsavo bhavāsavo diṭṭhāsavo avijjāsavo.
Ra sao? Trước tiên, trong bất thiện nhiếp, có bốn pháp lậu: (i) dục lậu (kāmāsava), (ii) hữu lậu (bhavāsava), (iii) tà kiến lậu (diṭṭhāsava) và (iv) vô minh lậu (avijjāsava).
Āsava (lậu) nghĩa là làm say, làm ô uế, sự đồi trụy, làm mờ, làm thối nát, làm cho loét, thối mục, thối nát, hư đốn, làm hư hỏng, đồi bại, bại hoại, suy đồi, thối, ươn v.v…
Chúng ta biết rằng, rượu lên men ủ trong hũ trong thời gian dài có thể làm cho người uống say, nhiễm độc rất mạnh. Tương tự, lậu (āsava) là pháp đã và đang bị ủ trong dòng danh uẩn (khandha) của chúng sanh từ vô thủy, tức là vòng luân hồi (saṃsāra), làm cho chúng sanh rất say và hoàn toàn quên sự giải thoát của họ. Có bốn loại lậu (āsava):
(i) Dục lậu (kāmāsava) quyến luyến, thối nát của nhục dục trong cõi Dục, mê say chìm ngâm trong lục dục; pháp thực tính là sở hữu tham (lobha) phối hợp với 8 tâm căn tham (lobha mūla citta).
(ii) Hữu lậu (bhavāsava) quyến luyến, dính mắc, chìm ngâm trong sự mong mỏi đến thiền sắc và thiền vô sắc cũng như sự hiện hữu trong cõi Sắc và cõi Vô sắc; pháp thực tính là sở hữu tham (lobha) phối hợp với 4 tâm căn tham bất tương ưng kiến (lobha mūla diṭṭhigata vippayutta citta).
(iii) Tà kiến lậu (diṭṭhāsava) là chìm ngâm theo sự chấp sai v.v… 62 loại tà kiến; pháp thực tính là sở hữu tà kiến hiện diện trong 4 tâm căn tham tương ưng kiến (lobhamūla diṭṭhigata sampayutta citta).
(iv) Vô minh lậu (avijjāsava) là chìm ngâm trong cách không sáng suốt, sự không biết về bốn Thánh đế, đời quá khứ, đời vị lai, cả hai đời quá khứ và đời vị lai và định luật của pháp liên quan tương sinh; pháp thực tính là sở hữu si (moha) phối hợp với 12 tâm bất thiện (akusala citta).
Lưu ý: Pháp thực tính của bốn lậu chỉ có 3, đó là tham, tà kiến, si. Ba pháp này làm cho chúng sanh say sưa một cách mạnh mẽ và lang thang trong vòng luân hồi (saṃsāra).
2) Bốn Bộc (ogha) (Dhs.747; Vibh.963)
4. Cattāro oghā: Kāmogho bhavogho diṭṭhogho avijjogho.
Bốn pháp bộc: (i) dục bộc (kāmogha), (ii) hữu bộc (bhavogha), (iii) tà kiến bộc (diṭṭhogha) và (iv) vô minh bộc (avijjogha).
Giải:
‘Ogha’ nghĩa là bộc là lũ lụt, tuôn ra, chảy tràn ra, tràn ngập, dòng chảy xiết, vòng xoáy, chôn vùi, hay làm ngạt.
Như trận lũ lớn quét sạch người và súc sanh vào biển làm chôn vùi, làm ngạt và làm đắm chìm chúng, cũng thế, bốn pháp bộc (ogha) quét sạch chúng sanh, chôn vùi, làm ngạt và nhấn chìm họ trong đại dương luân hồi (saṃsāra).
Như bốn vòng xoáy lớn trong đại dương mênh mông, chúng có thể kéo xuống bất cứ chúng sanh nào vượt qua chúng và do đó rất khó vượt qua chúng.
Có những câu Pāḷi chú giải như vầy:
Avattharitvā hanantīti = oghā: Tràn ngập xâm hại chúng sanh, nên tạm gọi là bộc.
Avahananti osīdāpentīti = oghā: Làm cho chúng sanh chìm đắm, nên gọi là bộc.
Oghā viyāti = oghā: Chảy tràn, gọi là bộc lưu.
Vì có phiền não mới để lại nghiệp biệt thời (nānakkhanikakamma), hay chủng tử (bīja), vì còn nghiệp luân hồi, thì có tạo ra tâm tái tục v.v… đó là quả. Nếu tái tục rồi không đắc quả tột, thì còn phiền não để nghiệp phải luân hồi nữa.
Pháp thực tính của bốn pháp bộc (ogha) thì tợ như bốn pháp lậu (āsava).
(i) Dục bộc (kāmogha) là tuôn tràn của ham muốn nhục dục.
(ii) Hữu bộc (bhavogha) là tuôn tràn của khao khát, dính mắc đến thiền và những kiếp sống trong cõi Sắc (Rūpa) và Vô sắc (Arūpa).
(iii) Tà kiến bộc (diṭṭhogha) là sự chảy tràn của thấy sai.
(iv) Vô minh bộc (avijjogha) là sự tuôn tràn của ngu dốt, không biết pháp đáng biết.
3) Bốn Phối (yoga) (Dhs.747; Vibh.963)
5. Cattāro yogā: Kāmāyogo bhavayogo diṭṭhiyogo avijjāyogo.
Bốn pháp phối là: (i) dục phối (kāmayoga), (ii) hữu phối (bhavayoga), (iii) tà kiến phối (diṭṭhiyoga) và (iv) vô minh phối (avijjāyoga).
Giải:
‘Yoga’ nghĩa là sự phối hợp, hòa hợp, ghép vào, gắn bó, ràng buộc, kết dính, hay mối ràng buộc.
Con bò bị buộc vào chiếc xe không thể thoát khỏi chiếc xe. Tương tự, chúng sanh bị buộc vào cỗ máy của những kiếp sống và dính cứng vào bánh xe luân hồi qua ý nghĩa của bốn pháp phối (yoga), không thể thoát khỏi cỗ máy của những kiếp sống và vòng luân hồi (saṃsāra). Có Pāḷi chú giải như vầy:
Vaṭṭasmiṃ satte yojentīti = yogā: Pháp nào đem chúng sanh phối hợp dính trong khổ luân hồi tức là đời khác đổi thay kiếp sống đời khác khác nữa, nên gọi là phối hay phối hợp.
Pháp thực tính của bốn pháp phối cũng tợ như pháp thực tính của bốn pháp lậu (āsava).
(i) Dục phối (kāmayoga) dính mắc, gắn chặt, quyến luyến vào nhục dục.
(ii) Hữu phối (bhavayoga) quyến luyến, dính chặt vào thiền và những kiếp sống trong cõi Sắc và cõi Vô sắc.
(iii) Tà kiến phối (diṭṭhiyoga) dính chặt vào sự thấy sai.
(iv) Vô minh phối (avijjāyoga) dính chặt vào sự mê mờ, vào sự không biết.
4) Bốn Phược (gantha) (Dhs.736-740; Vibh.962)
6. Cattāro ganthā: Abhijjhā kāyagantho, byāpādo kāyagantho, sīlabbataparāmāso kāyagantho, idaṃsaccābhiniveso kāyagantho.
Bốn pháp phược là: (i) tham ác thân phược (abhijjhā kāyagantha), (ii) sân độc thân phược (vyāpāda[3] kāyagantha), (iii) giới thủ thân phược (sīlabbataparāmāsa kāyagantha) và (iv) ngã kiến thân phược (idaṃsaccābhinivesa kāyagantha).
Giải:
‘Gantha’ nghĩa là phược, là trói buộc, bó buộc, dây buộc hay mối ràng buộc. Bốn phược (gantha) là trạng thái gắn chặt buộc những nhóm sắc pháp và danh pháp của kiếp sống này qua những kiếp sống ở vị lai. Có những câu Pāḷi chú giải như vầy:
Kāyaṃ ganthentīti = kāyaganthā: Trói chặt với thân danh và thân sắc, nên nói đủ là thân phược.
Kāyena kāyaṃ ganthentīti = kāyaganthā: Pháp nào buộc trói với những thân danh, thân sắc, cả hiện tại và vị lai, pháp ấy gọi là thân phược, tức là tham, sân, tà kiến.
Trong những pháp phược (gantha) sau đây, thân (kāya) được dùng với ý nghĩa nhóm hay khối, đống, hàm ý cả hai danh pháp và sắc pháp.
(i) Tham ác thân phược (abhijjhā kāyagantha) tất cả những dạng ái (taṇhā), nghĩa là trói chặt thân danh và thân sắc với 6 cảnh, làm cho tâm, sở hữu tâm và sắc như bị trói vào các cảnh; pháp thực tính là sở hữu tham (lobha) hiện diện trong 8 tâm căn tham (lobhamūla citta).
(ii) Sân độc thân phược (vyāpāda kāyagantha) tất cả dạng sân hay xấu ác, tức là sân, giận, oán thù ràng buộc cả thân danh và thân sắc. Đó là sở hữu sân (dosa) hiện diện trong 2 tâm căn sân (dosamūla citta).
(iii) Giới thủ thân phược (sīlabbataparāmāsa kāyagantha) bám chặt vào cái thấy sai rằng chúng sanh trở nên trong sạch và được giải thoát bằng cách hành theo hạnh bò và chó. Nó cũng gồm cả sự bám chặt vào những lễ nghi và nghi thức; là lo giữ giới cấm theo ngoại giáo, tức là những điều học hay những giới nào mà Phật không chế, cũng không nhìn nhận; pháp thực tính là sở hữu tà kiến (diṭṭhi) hiện diện trong 4 tâm tham tương ưng kiến (lobhamūla diṭṭhisampayuttacitta).
(iv) Ngã kiến thân phược (idaṃsaccābhinivesa kāyagantha) tin vào những giáo điều mà chỉ là quan điểm riêng là thật và tất cả những gì ngoài ra đều vô ích, phù phiếm hay “chỉ có điều này là đúng”; là chấp theo tri kiến sai của mình cho là đúng hơn kẻ khác. Pháp thực tính cũng là sở hữu tà kiến (diṭṭhi) hiện diện trong 4 tâm tham tương ưng kiến (lobhamūla diṭṭhisampayuttacitta).
5) Bốn Thủ (upādāna) (Dhs.780-784; Vibh.963)
7. Cattāro upādānā: Kāmupādānaṁ diṭṭhupādānaṁ, sīlabbatupādānaṁ attavādupādānaṁ.
Bốn pháp thủ là: (i) dục thủ (kāmupādāna), (ii) tà kiến thủ (diṭṭhupādāna), (iii) giới cấm thủ (sīlabbatupādāna) và (iv) ngã chấp thủ (attavādupādāna).
Giải:
Thủ (upādāna) nghĩa là sự quyến luyến mạnh mẽ hay bám dai dẳng, giữ chặt, nắm chặt, chấp lấy, ôm ấp, chấp cứng cảnh; như con rắn vồ lấy một con ếch không để cho nó thoát.
Có Pāḷi chú giải như vầy:
Upādīyantīti = upādānāni: Pháp nào chấp cứng với cảnh, gọi là thủ, tức là tứ thủ.
Thủ (upādāna) mạnh hơn ái (taṇhā). Ái (taṇhā) ví như tên trộm dò dẫm trong bóng tối để trộm đồ vật, trong khi thủ (upādāna) thì như việc thật sự trộm cắp.
(i) Dục thủ (kāmupādāna) là bám dai dẳng, chấp cứng vào ham muốn nhục dục hay vào 5 cảnh dục; pháp thực tính là sở hữu tham (lobha) hiện diện trong 8 tâm căn tham (lobhamūla citta).
(ii) Tà kiến thủ (diṭṭhupādāna) là bám dai dẳng, chấp cứng vào tất cả nhận định sai, quan niệm sai, thấy sai [ngoại trừ hai quan điểm đã được đề cập trong (3) và (4)]; pháp thực tính là sở hữu tà kiến (diṭṭhi) hiện diện trong 4 tâm tham tương ưng kiến (lobhamūla diṭṭhisampayutta citta).
(iii) Giới cấm thủ (sīlabbatupādāna) bám dai dẳng, chấp cứng theo giới của ngoại giáo, tức là tà giới cho rằng chúng sanh trở nên trong sạch và được giải thoát bằng cách hành theo những hạnh như bò và chó; bám dai dẳng, chấp cứng vào những nghi lễ và nghi thức; pháp thực tính là sở hữu tà kiến (diṭṭhi) hiện diện trong 4 tâm tham tương ưng kiến (lobhamūla diṭṭhisampayutta-citta).
(iv) Ngã chấp thủ (attavādupādāna) là bám dai dẳng, chấp cứng vào ngã chấp như là có sự tồn tại của linh hồn, có tôi, bạn, ông ấy, bà ấy, người, v.v… tồn tại; đồng nghĩa với thân kiến (sakkāyadiṭṭhi); pháp thực tính cũng là sở hữu tà kiến (diṭṭhi) hiện diện trong 4 tâm tham tương ưng kiến (lobhamūla diṭṭhisampayuttacitta).
Lưu ý: Ba pháp thủ sau tượng trưng sở hữu tà kiến (diṭṭhi cetasika). Ba pháp thủ này khác nhau vì những cách và những cảnh của bám dai dẳng (thủ) khác nhau.
6) Sáu Cái (nīvaraṇa) (Dhs.748-754)
8. Cha nīvaraṇāni: Kāmacchadanīvaraṇaṁ vyāpādānīvaraṇaṁ thīnamiddhanīvaraṇaṁ uddhacca-kukkuccanīvaraṇaṁ vicikicchānīvaraṇaṁ avijjānīvaraṇaṁ.
Sáu pháp cái là: (i) dục dục cái (kāmacchandanīvaraṇa), (ii) sân độc cái (vyāpādanīvaraṇa), (iii) hôn-thùy cái (thīnamiddhanīvaraṇa), (iv) điệu-hối cái (uddhaccakukkuccanīvaraṇa), (v) hoài nghi cái (vicikicchānīvaraṇa) và (vi) vô minh cái (avijjānīvaraṇa).
Giải:
Pháp cái (nīvaraṇa) nghĩa là ‘ngăn che, cản trở, trở ngại, ngăn cản, ngăn chặn, ngăn ngại hay chướng ngại’. Có Pāḷi chú giải như vầy: Jhānādikaṃ nivārentīti = nīvaraṇāni: Cấm ngăn sự tốt đẹp không cho sanh ra; nhứt là thiền v.v… là sáu pháp cái.
Cái (nīvaraṇa) là ngăn trở và ngăn cản sự sinh khởi của những ý thiện và nghiệp thiện như thiền (jhāna) và đạo (magga). Cho nên chúng ngăn che con đường đến thiên giới và hạnh phúc Níp-bàn.
Đặc biệt năm pháp cái (nīvaraṇa) đầu tiên làm mù quáng cái thấy của ý và ngăn che những thiện hạnh của chúng ta. Chúng ta luôn phải vật lộn với chúng bất cứ khi nào chúng ta muốn thực hiện vài nghiệp thiện dù đó là tụng kinh hay tu thiền. Chúng chen vào ngăn che, ngay cả khi chúng ta thực hành những thiện hạnh, làm cho những tâm thiện và những nghiệp thiện cũng không thể sanh.
Năm pháp cái đầu tiên là sự trở ngại chủ yếu đến sự chứng thiền, trong khi pháp cái thứ sáu là sự trở ngại chủ yếu cho tuệ sanh. Sự hiện diện của chúng làm cho chúng ta không thể vươn tới cận định (upacāra samādhi) và an chỉ định hay an chỉ định (appanā samādhi) và không thể phân biệt rõ pháp thực tính hay siêu lý.
(i) Dục dục cái (kāmacchandanīvaraṇa) là sự khao khát, ham muốn, nhiễm đắm 5 cảnh dục, ngăn che sự tốt; pháp thực tính là sở hữu tham (lobha) hiện diện trong 8 tâm căn tham (lobhamūla citta).
(ii) Sân độc cái (vyāpāda) là sân hận, nóng giận, hung dữ, ác độc hay xấu ác, ngăn che sự tốt; pháp thực tính là sở hữu sân (dosa) hiện diện trong 2 tâm căn sân (dosamūla citta).
(iii) Hôn-thùy cái (thīna-middha) là trạng thái lười biếng và lờ đờ, buồn ngủ, ngăn che trở ngại tu tiến; pháp thực tính là sở hữu hôn trầm (thīna) và thùy miên (middha).
(iv) Điệu-hối cái (uddhacca-kukkucca) là điệu cử[4] và hối hận hay lo lắng, ngăn che trở ngại tu tiến; pháp thực tính là sở hữu điệu cử (uddhacca) và sở hữu hối hận (kukkucca).
(v) Hoài nghi cái (vicikicchā) là hoài nghi, nghi ngờ hay sự bối rối, không quyết tin, ngăn che trở ngại tu tiến; pháp thực tính là sở hữu hoài nghi (vicikicchā).
(vi) Vô minh cái (avijjā) là không sáng suốt, mê mờ, thiếu hiểu biết theo pháp siêu lý như là uẩn, xứ v.v… cũng chặn đứng sự tu tuệ, vì cứ chấp theo thường thức là chế định; pháp thực tính là sở hữu si (moha) hiện diện trong 12 tâm bất thiện (akusala citta).
Lưu ý:
(1) Cả hai ‘hôn trầm và thùy miên’, ‘điệu cử và hối hận’ được nhóm lại với nhau vì phận sự (kicca), nhân (hetu) và pháp đối lập của chúng thì như nhau.
Phận sự của ‘hôn trầm’ và ‘thùy miên’ là băn khoăn, lo lắng, không vững vàng, là tính thụ động của danh pháp, là nguyên nhân của sự biếng nhác. Chúng là pháp đối lập với cần (vīriya).
Phận sự của ‘điệu cử’ và ‘hối hận’ là không an tâm, yên lòng, băn khoăn, lo lắng; nguyên nhân của chúng là gây phiền toái về việc mất mát tài sản, v.v… và chúng là pháp đối lập với sự an tịnh.
(2) Sự so sánh thú vị được Đức Phật nêu trong Tăng Chi bộ kinh (Aṅguttara Nikāya), dục dục cái (kāmacchandanīvaraṇa) được so sánh với nước hòa trộn với nhiều màu, sân độc cái ví như nước sôi, hôn trầm-thùy miên cái ví như nước bị rêu phủ kín, điệu-hối cái ví như gió khuấy động mặt nước làm gợn sóng, hoài nghi cái ví như nước đục và bùn lầy.
Cũng như trong nước ấy chúng sanh không thể nhận thấy bóng của chính mình, với sự hiện diện của năm danh pháp cái, chúng sanh không thể thấy rõ lợi ích của tự thân, của tha nhân, hoặc của cả hai.
7) Bảy Tiềm thùy (anusaya) hay ngủ ngầm (A.4 – Chương 7 pháp. II Phẩm Tiềm thùy)
9. Satta anusayā: Kāmarāgānusayo bhavarāgānusayo paṭighānusayo mānānusayo diṭṭhānusayo vicikicchānusayo avijjānusayo.
Bảy pháp tiềm thùy là: (i) dục ái tiềm thùy (kāmarāgānusaya), (ii) hữu ái tiềm thùy (bhavarāgānusaya), (iii) khuể phẫn tiềm thùy (paṭighānusaya), (iv) ngã mạn tiềm thùy (mānānusaya), (v) tà kiến tiềm thùy (diṭṭhānusaya), (vi) hoài nghi tiềm thùy (vicikicchānusaya) và (vii) vô minh tiềm thùy (avijjānusaya).
Giải:
‘Anusaya’ (tiềm thùy hay tùy miên) nghĩa là ‘nằm ngủ im lìm không hoạt động’ hay ‘vẫn ngấm ngầm, tiềm tàng, ngủ ngầm’. ‘Anusaya’ (tiềm thùy) là những sở hữu tâm bất thiện (akusala cetasika) tiềm tàng (anusenti) theo tiến trình danh pháp mà chúng thuộc về và sẽ trồi lên bề mặt khi gặp duyên thích hợp. Thuật ngữ ‘tiềm thùy’ nhấn mạnh cho việc phiền não có khả năng sanh một khi chúng chưa được đoạn trừ bằng đạo tuệ.
Có 2 câu Pāḷi chú giải như sau:
Santāne anu anu sentīti = anusayā: Pháp mà ngủ nghỉ liên tiếp theo danh, sắc, gọi là tiềm thùy (ngủ ngầm).
Anurūpaṃ kāraṇaṃ labhitvā senti uppajjantīti = anusayā: Pháp nào khi gặp nhân thích hợp thì phát sanh, đó cũng gọi là tiềm thùy.
Hai câu chú giải trên đây ám chỉ thói quen tham, sân, si v.v… của chúng sanh.
Bảy pháp tiềm thùy (anusaya) là những hạt nhân hay tiềm năng của những pháp phiền não (kilesa) mà chúng nằm ngủ im trong dòng chảy của uẩn (khandha) của chúng sanh từ kiếp này sang kiếp khác xuyên suốt trong vòng luân hồi (saṃsāra) dài. Chúng được ví như tiềm lực của một cây đơm hoa kết trái; tiềm lực không thể tìm thấy bất cứ nơi nào trong cây, nhưng chúng ta biết rằng tiềm lực có hiện hữu do thấy quả được mang lại khi đến lúc chín muồi.
Tiềm thùy (anussaya) không tìm thấy ở đâu. Chúng chưa xuất hiện lên bề mặt, nhưng chúng sẵn sàng lộ diện như những phiền não thực thụ vào một thời điểm thích hợp khi chúng tiếp xúc với những cảnh thích hợp.
(i) Dục ái tiềm thùy (kāmarāgānusaya) quen theo ái dục ham muốn ái dục; pháp thực tính là sở hữu tham (lobha) hiện diện trong 8 tâm căn tham (lobhamūla citta).
(ii) Hữu ái tiềm thùy (bhavarāgānusaya) dính mắc, bám chặt vào thiền sắc (rūpa jhāna), thiền vô sắc (arūpa jhāna) và sự hiện hữu ở cõi Sắc và cõi Vô sắc; pháp thực tính là sở hữu tham (lobha) hiện diện trong 4 tâm căn tham bất tương ưng kiến (lobhamūla diṭṭhivippayutta citta).
(iii) Khuể phẫn tiềm thùy (paṭighānusaya) là thói quen sân hận, ác độc hay xấu ác; pháp thực tính là sở hữu sân (dosa) hiện diện trong 2 tâm căn sân (dosamūla citta).
(iv) Ngã mạn tiềm thùy (mānānusaya) là thói quen kiêu hãnh, sự hãnh diện; pháp thực tính là sở hữu ngã mạn (māna cetasika) hiện diện trong 4 tâm căn tham bất tương ưng kiến (lobhamūla diṭṭhivippayutta citta).
(v) Tà kiến tiềm thùy (diṭṭhānusaya) là thói quen quan niệm sai, thấy sai; pháp thực tính là sở hữu tà kiến (diṭṭhi cetasika) hiện diện trong 4 tâm căn tham tương ưng kiến (lobhamūla diṭṭhisampayutta citta).
(vi) Hoài nghi tiềm thùy (vicikicchānusaya) là thói quen hoài nghi; pháp thực tính là sở hữu hoài nghi (vicikicchācetasika) hiện diện trong tâm căn si tương ưng hoài nghi (mohamūla vicikicchāsampayutta citta).
(vii) Vô minh tiềm thùy (avijjānusaya) là thói quen mê mờ, không biết pháp đáng biết; pháp thực tính là sở hữu si (moha) hiện diện trong 12 tâm bất thiện (akusala citta).
8) Mười Triền (saṃyojana) (Dhs.719-730)
10. Dasa saṁyojanāni: Kāmarāgasaṃyojanaṁ rūparāgasaṃyojanaṁ arūparāgasaṃyojanaṁ paṭighāsaṃyojanaṁ mānasaṃyojanaṁ diṭṭhisaṃyojanaṁ sīlabbataparāmāsasaṃyojanaṁ vicikicchāsaṃyojanaṁ uddhaccasaṃyojanaṁ avijjāsaṃyojanaṁ suttante.
Mười pháp triền theo Kinh: (i) dục ái triền (kāmarāgasaṃyojana), (ii) sắc ái triền (rūparāgasaṃyojana), (iii) vô sắc ái triền (arūparāgasaṃyojana), (iv) khuể phẫn triền (paṭighāsaṃyojana), (v) ngã mạn triền (mānasaṃyojana), (vi) tà kiến triền (diṭṭhisaṃyojana), (vii) giới cấm thủ triền (silabbataparāmāsasaṃyojana), (viii) hoài nghi triền (vicikicchāsaṃyojana), (ix) điệu cử triền (uddhaccasaṃyojana) và (x) vô minh triền (avijjāsaṃyojana).
Giải:
Triền (saṃyojana) nghĩa là quấn, vấn, bó, ràng, kết nối, xiềng, giam, vướng víu, quay tròn, xoay chuyển, quấn chặt chúng sanh vào bánh xe luân hồi và vòng đau khổ. Có Pāḷi chú giải như vầy:
Saṃyojenti bandhantīti = saṃyojanāni: Pháp nào quấn chặt chúng sanh, gọi là triền.
Mười pháp triền là những danh pháp bất thiện. Mười pháp triền quấn chặt mỗi chúng sanh vào vòng luân hồi.
(a) Mười pháp triền theo tạng Kinh (Sutta Piṭaka)
(i) Dục ái triền (kāmarāgasaṃyojana) là sự ham muốn, dính mắc, bị quấn chặt vào cảnh dục, pháp thực tính là sở hữu tham hợp với 8 tâm tham.
(ii) Sắc ái triền (rūparāgasaṃyojana) là sự ham muốn, dính mắc, bị quấn chặt vào thiền sắc và cõi Sắc, pháp thực tính là sở hữu tham hợp với 4 tâm tham bất tương ưng.
(iii) Vô sắc ái triền (arūparāgasaṃyojana) là sự ham muốn, dính mắc, bị quấn chặt vào thiền vô sắc và cõi Vô sắc, pháp thực tính là sở hữu tham hợp 4 tâm tham bất tương ưng.
(iv) Khuể phẫn triền (paṭighāsaṃyojana) là bị quấn chặt vào sự sân hận, ác độc hay xấu ác, pháp thực tính là sở hữu sân.
(v) Ngã mạn triền (mānasaṃyojana) là bị quấn chặt vào sự kiêu hãnh, sự hãnh diện, pháp thực tính là sở hữu ngã mạn.
(vi) Tà kiến triền (diṭṭhisaṃyojana) là bị quấn chặt vào những quan niệm sai, thấy sai về pháp bản thể thực tính, pháp thực tính là sở hữu tà kiến.
(vii) Giới cấm thủ triền (silabbataparāmāsasaṃyojana) là bị quấn chặt, bám chặt vào quan niệm sai, bám chặt vào cái thấy sai rằng chúng sanh trở nên trong sạch và được giải thoát bằng cách hành theo hạnh bò và chó, hay sự bám chặt vào những lễ nghi và nghi thức. Pháp thực tính là sở hữu tà kiến.
(viii) Hoài nghi triền (vicikicchāsaṃyojana), pháp thực tính là sở hữu hoài nghi.
(ix) Điệu cử triền (uddhaccasaṃyojana), pháp thực tính là sở hữu điệu cử.
(x) Vô minh triền (avijjāsaṃyojana), pháp thực tính là sở hữu si.
Gom gọn: Những pháp thực tính của mười pháp triền (saṃyojana) trên là tham (lobha) (cho 1, 2, 3), sân (dosa), ngã mạn (māna), tà kiến (diṭṭhi) (cho 6, 7), hoài nghi (vicikicchā), điệu cử (uddhacca) và si (moha) – tức tất cả là 7 sở hữu tâm (cetasika).
(b) Mười pháp triền theo tạng Vô Tỷ Pháp (Abhidhamma Piṭaka)
11. Aparāni pi dasa saṁyojanāni: Kāmarāgasaṃyojanaṁ, bhavarāgasaṃyojanaṁ, paṭighāsaṃyojanaṁ, mānasaṃyojanaṁ, diṭṭhisaṃyojanaṁ, sīlabbataparāmāsasaṃyojanaṁ, vicikicchāsaṃyojanaṁ, issāsaṃyojanaṁ, macchariyasaṃyojanaṁ, avijjāsaṃyojanaṁ.
Mười pháp triền nữa: (i) dục ái triền (kāmarāgasaṃyojana), (ii) hữu ái triền (bhavarāgasaṃyojana), (iii) khuể phẫn triền (paṭighāsaṃyojana), (iv) ngã mạn triền (mānasaṃyojana), (v) tà kiến triền (diṭṭhisaṃyojana), (vi) giới cấm thủ triền (sīlabbataparāmāsasaṃyojana), (vii) hoài nghi triền (vicikicchāsaṃyojana), (viii) tật đố triền (issāsaṃyojana), (ix) lận sắt triền (macchariyasaṃyojana) và (x) vô minh triền (avijjāsaṃyojana).
Giải:
(i) Dục ái triền (kāmarāgasaṃyojana) là sự ham muốn, dính mắc, bị quấn chặt vào cảnh dục lạc.
(ii) Hữu ái triền (bhavarāgasaṃyojana) là sự ham muốn, dính mắc, bị quấn chặt vào thiền sắc, vô sắc và cõi Sắc và cõi Vô sắc; pháp thực tính là sở hữu tham hiệp với tâm tham bất tương ưng sanh cho người sắc, vô sắc hay người dục giới đắc thiền sắc, vô sắc.
(iii) Khuể phẫn triền (paṭighāsaṃyojana) là bị quấn chặt vào sự sân hận, thù oán, ác độc hay xấu ác.
(iv) Ngã mạn triền (mānasaṃyojana) là bị quấn chặt vào sự kiêu hãnh, sự hãnh diện; cách tự thị.[5]
(v) Tà kiến triền (diṭṭhisaṃyojana) là bị quấn chặt vào những quan niệm sai, thấy sai về pháp bản thể thực tính.
(vi) Giới cấm thủ triền (sīlabbataparāmāsasaṃyojana) là bị quấn chặt vào trì giới theo ngoại giáo.
(vii) Hoài nghi triền (vicikicchāsaṃyojana) là không quyết tin những pháp đáng tin, bị hoài nghi ràng buộc, cứ miệt mài bằng cách đánh dấu hỏi với những pháp trợ duyên giải thoát.
(viii) Tật đố triền (issāsaṃyojana) là sự tật đố[6] quấn chặt chúng sanh.
(ix) Lận sắt triền (macchariyasaṃyojana) là sự bỏn xẻn[7] cũng là quấn chặt chúng sanh.
(x) Vô minh triền (avijjāsaṃyojana) là không sáng suốt hay tối tăm hoặc thiếu hiểu, mất tự do rộng rãi cao siêu, như bị quấn, quấn chặt.
Những pháp thực tính cơ bản của mười pháp triền theo Kinh (Sutta) là tham (cho 1,2,3), sân, ngã mạn, tà kiến (cho 6,7), hoài nghi, điệu cử và si – tức là 7 sở hữu tâm tất cả.
Những pháp thực tính của mười pháp triền (saṃyojana) trên theo Vô Tỷ Pháp (Abhidhamma) là tham (lobha) (cho 1, 2), sân (dosa), ngã mạn (māna), tà kiến (diṭṭhi) (cho 5, 6), hoài nghi (vicikicchā), tật đố (issā), lận sắt (macchariya) và si (moha) – tức tất cả là 8 sở hữu tâm (cetasika).
Hữu ái (bhavarāga) = sắc ái (rūparāga) + vô sắc ái (arūparāga)
Những pháp thực tính của pháp triền theo cả hai Kinh và Vô Tỷ Pháp (Abhidhamma) là 9 sở hữu tâm – tức là 7 cetasika của pháp triền theo Kinh và tật đố + lận sắt.
9) Mười Phiền não (kilesa) (Dhs.791-801)
12. Dasa kilesā: Lobho doso moho māno diṭṭhi vicikicchā thīnaṁ udhaccaṁ ahirikaṁ anottappaṁ.
Mười pháp phiền não (kilesa) là: (i) tham (lobha), (ii) sân (dosa), (iii) si (moha), (iv) ngã mạn (māna), (v) tà kiến (diṭṭhi), (vi) hoài nghi (vicikicchā), (vii) hôn trầm (thīna), (vii) điệu cử (uddhacca), (ix) vô tàm (ahirika) và (x) vô úy (anottappa).
Giải:
‘Kilesa’ nghĩa là phiền não, nóng nảy, sôi nổi hay gây ra đau khổ. Có Pāḷi chú giải như vầy:
Kilesenti upatāpentīti = kilesā: Pháp làm cho nóng nảy, pháp ấy gọi là phiền não.
Kilissati etehīti = kilesā: Pháp làm cho những pháp tương ưng tức là tâm và sở hữu câu sanh đều bị nóng nảy, gọi là phiền não.
Mười phiền não là mười sở hữu tâm bất thiện (akusalacetasika) làm vẩn đục, đau khổ, làm phiền và thiêu đốt tâm. Chúng làm vẩn đục chúng sanh bằng cách kéo chúng sanh xuống đến một trạng thái hư hỏng, vấy bẩn danh pháp. Phiền não ‘kilesa’, thiêu đốt và làm ưu phiền tâm.
Phiền não theo Kinh có 10:
1 là dục ái: Kāmarāga.
2 là hữu ái: Bhāvarāga.
3 là sắc ái: Rūparāga.
4 là vô sắc ái: Arūparāga.
5 là tham: Lobha.
6 là sân: Dosa.
7 là si: Moha.
8 là ngã mạn: Māna.
9 là tà kiến: Diṭṭhi.
10 là hoài nghi: Vicikicchā.
Phiền não theo Vô Tỷ Pháp có 10:
1 là tham (lobha) cũng sôi nổi, nóng nảy.
2 là sân (dosa) cũng sôi nổi, nóng nảy.
3 là si (moha) cũng sôi nổi, nóng nảy.
4 là ngã mạn (māna) cũng sôi nổi, nóng nảy.
5 là tà kiến (diṭṭhi) cũng sôi nổi, nóng nảy.
6 là hoài nghi (vicikicchā) cũng sôi nổi, nóng nảy.
7 là hôn trầm (thīna) cũng sôi nổi, nóng nảy.
8 là điệu cử (uddhacca) cũng sôi nổi, nóng nảy.
9 là vô tàm (ahirika) cũng sôi nổi, nóng nảy.
10 là vô úy (anottappa) cũng sôi nổi, nóng nảy.
1500 Phiền Não (kilesa)
Một tâm (citta) (hiệp thế), 52 sở hữu tâm (cetasika), 18 sắc thành tựu (nipphanna rūpa) và 4 sắc trạng thái (lakkhaṇa rūpa), cộng tất cả thành 75 pháp thực tính. 75 danh (nāma) và sắc (rūpa) thực tính này hiện hữu cả bên trong (nội phần – trong tự thân) và bên ngoài (ngoại phần – ngoài tự thân). Cho nên, nếu chúng ta nhân 75 với 2 gồm pháp nội phần (ajjhattika) và pháp ngoại phần (bahiddha), thì được 150. 150 pháp thực tính này là đối tượng hoạt động cho mỗi phiền não. Chúng ta nhân 150 với 10 phiền não thì chúng ta được 1500 phiền não (kilesa). Do đó, phiền não (kilesa) có ảnh hưởng rất lớn đến chúng sanh phàm phu.
13. Āsavādīsu pan’ ettha kāmabhavanāmena tabbatthukā tañhā adhippetā. Sīlabbataparāmāso idaṁsaccābhiniveso attavādupādo ca tathāpavattaṁ diṭṭhigataṁ eva pavuccati.
Ở đây, một việc giải rõ sẽ được đưa vào. Trong bất thiện tương tập nhiếp này, trong những pháp làm thối nát, v.v.. đó là ái (taṅha) tức chỉ cho dục (kāma) và hữu (bhava), từ khi nó có những cảnh dục này làm nền tảng.
Nó là tà kiến (diṭṭhi) được nói như hành theo hạnh bò và chó hay lễ nghi và nghi lễ, “hệ giáo lý tin vào sự thật riêng” và “bám dai dẳng vào học thuyết tự ngã”, vì nó xảy ra theo phương thức như thế.
108 Loại Ái (taṇhā)
‘Taṇhā’ là ái. Nó là gốc chánh của khổ và vòng luân hồi bất tận. Trước tiên, ái (taṇhā) có ba loại:
1. Dục ái (kāmataṇhā) là ái cảnh dục.
2. Hữu ái (bhavataṇhā) là ái thiền sắc, vô sắc và cõi Sắc, Vô sắc.
3. Phi hữu ái (vibhavataṇhā) là ái sự đoạn tận, mất hết, tiêu hết.
Tương ứng với loại cảnh, có loại ái:
1. Sắc ái (rūpataṇhā) là ái cảnh sắc.
2. Thinh ái (saddataṇhā) là ái cảnh thinh.
3. Khí ái (gandhataṇhā) là ái cảnh khí.
4. Vị ái (rasataṇhā) là ái cảnh vị.
5. Xúc ái (photthabbataṇhā) là ái thân xúc hay cảnh xúc.
6. Pháp ái (dhammataṇhā) là ái ý xúc hay cảnh pháp.
Nếu chúng ta nhân nhóm thứ nhất của 3 loại ái với nhóm thứ hai của 6, chúng ta được 18 loại ái. Lần nữa, nhân cái này cho 2 gồm pháp nội phần và pháp ngoại phần, chúng ta được 36 loại ái.
Bây giờ 36 loại ái này có thể sanh trong quá khứ, trong hiện tại và trong vị lai. Cho nên tổng cộng có 108 loại ái (taṇhā).
Tóm lược:
14. Āsav’oghā ca yogā ca, tayo ganthā ca vatthuto, upādānā duve vuttā aṭṭha nīvaraṇā siyuṁ. Chaḷ’ev’ānusayā honti, nava saṁyojanā matā, Kilesā dasa vutto’ yaṁ navadhā Pāpasaṅgaho.
Theo cách của pháp thực tính, những pháp lậu, bộc, phối và phược là nhóm ba. Có hai loại thủ đã nêu và tám loại ngăn che (cái).
Những phiền não ngủ ngầm chỉ là sáu và triền có thể được hiểu là chín. Phiền não là mười. Cho nên, nhóm bất thiện nhiếp được nêu là nhóm chín.
Hướng dẫn đọc Lược đồ 7. 1
(a) Đọc Theo Chiều Ngang
1. Tham (lobha) sinh khởi trong tất cả 9 loại như lậu (āsava), bộc (ogha), phối (yoga), phược (gantha), thủ (upādāna), cái (nīvaraṇa), tiềm thùy (anusaya), triền (saṃyojana) và phiền não (kilesa).
2. Tà kiến (diṭṭhi) sinh khởi trong 8 loại như lậu (āsava), bộc (ogha), v.v… như liệt kê trong Lược đồ.
3. Còn lại có thể đọc theo cách tương tự.
(b) Đọc Theo Chiều Dọc (từ trên xuống)
4. Bốn lậu (āsava) có 3 pháp thực tính – tham (lobha), tà kiến (diṭṭhi) và si (moha). Điều này cũng đúng cho bộc (ogha), phối (yoga).
5. Bốn phược (gantha) cũng có 3 pháp thực tính – tham (lobha), tà kiến (diṭṭhi) và sân (dosa).
6. Còn lại có thể đọc theo cách tương tự.
Lược đồ 7. 1 Bất Thiện Tương Tập Nhiếp (Akusala Saṅgaha)
___o0o___
II. Hỗn Tạp Tập Yếu (Missaka Saṅgaha)
Phần lớn thứ hai là Hỗn tạp nhiếp (missakasaṅgaha) là thiện, bất thiện và vô ký gồm chung sắp theo từng phần. Có Pāḷi chú giải như vầy: Kusalākusalābyākatā missakānaṃ hetuchakkādīnaṃ saṅgahoti = missakasaṅgaho: Gồm những pháp thiện, bất thiện và vô ký hợp lại, là nhân, chi thiền v.v… từng phần, gọi là hỗn tạp nhiếp.
Hỗn tạp tương tập nhiếp có 7 – đó là nhân (hetu), chi thiền (jhānaṅga), chi đạo (maggaṅga), quyền (indriya), lực (bala), trưởng (adhipati) và vật thực (āhāra).
Tất cả những pháp thực tính thiện, bất thiện và vô ký sẽ được xem xét trong nhóm “hỗn tạp tương tập nhiếp” này.
1) Sáu Nhân (hetu) (Dhs.689-694, 900)
15. Missakasaṅgahe cha hetu: Lobho doso moho alobho adoso amoho.
Trong “hỗn tạp tương tập nhiếp” có 6 nhân (hetu): (i) tham (lobha), (ii) sân (dosa), (iii) si (moha), (iv) vô tham (alobha), (v) vô sân (adosa) và (vi) vô si (amoha).
Giải:
Nhân (hetu) nghĩa là gốc, rễ, nhân tương ưng (sampayuttahetu) là nhân nhân (hetuhetu), nguyên nhân, duyên trợ, duyên nhân. Như những rễ cây làm cho một cây vững vàng, thuận lợi và thích nghi, cũng thế nhân (hetu) làm cho tâm (citta) và sở hữu tâm (cetasika) phối hợp với chúng vững vàng, thuận lợi và thích nghi trước cảnh. Có Pāḷi chú giải như vầy:
Hinoti phalaṃ pattetīti = hetu: Pháp giúp cho pháp quả cùng sanh với nó, pháp ấy gọi là nhân.
Hinoti tatthāti phalaṃ etthāti = hetu: Quả do nhân những pháp cùng sanh giúp có sức mạnh, gọi là nhân.
Có 3 nhân thiện và 3 nhân bất thiện.
Ba nhân bất thiện (akusala hetu) là:
(i) Tham (lobha) là tham hay dính mắc.
(ii) Sân (dosa) là sân hận, ác độc.
(iii) Si (moha) là sự mê mờ, không biết pháp đáng biết.
Ba nhân thiện (kusala hetu) là:
(iv) Vô tham (alobha) là không tham hay không dính mắc.
(v) Vô sân (adosa) là không sân hận, không ác độc, lòng từ.
(vi) Vô si (amoha) là trí, sự sáng suốt, biết rõ.
Ba nhân thiện (kusala hetu) không chỉ phối hợp với tâm thiện (kusala citta), mà còn phối hợp với những tâm quả và tâm tố tịnh hảo (sobhaṇa kiriya citta vā vipāka citta). Chúng được gọi là nhân thiện (kusala hetu) khi phối hợp với tâm thiện và gọi là nhân vô ký (abyākata hetu)[8] khi chúng phối hợp với tâm quả (vipāka citta) và tâm tố (kiriyacitta).
2) Bảy Chi thiền (jhānaṅga) (Dhs.80; Vibh.214-217)
16. Satta jhānaṅgāni: Vitakko vicāro pīti ekaggatā somanassaṁ domanassaṁ upekkhā.
Bảy chi thiền là: (i) tầm (vitakka), (ii) tứ (vicāra), (iii) hỷ (pīti), (iv) định (ekaggatā), (v) lạc thọ (sukha-vedanā), (v) khổ thọ (domanassa-vedanā) và (vii) xả thọ (upekkhā-vedanā).
Giải:
Xin nhắc lại, thiền (jhāna) bắt nguồn từ căn jhe là trạng thái cố quyết tập trung, chăm chú, khắn khít miệt mài trên một đề mục (nghiệp xứ - Kammaṭṭhāna).
Có những câu Pāḷi định nghĩa như sau:
- Vitakkādijhānaṅgehi sampayuttaṃ cittanti = jhānacittaṃ: Những tâm có tương ưng với chi thiền vitakka (tầm), vicāra (tứ), pīti (hỷ), sukha (lạc), ekaggatā (nhất tâm), nên gọi là tâm thiền tức là thiền tướng, vì mượn trạng thái của chi thiền mà gọi.
- Kasinādi ārammaṇaṃ jhāyati upanijjhayatīti = jhānaṃ: Những tâm có chi thiền đình trụ trên cảnh đề mục biến xứ (kasiṇa) v.v… gọi là thiền.
- Paccanikajhāpanato = jhānaṃ: Những pháp thiêu đốt pháp nghịch là pháp ‘cái - nīvarana’, nên gọi là thiền, chỉ cho chi thiền trong tâm thiền, mà tâm thiền cũng mượn chi thiền để gọi là thiền.
- Jhānena sampayuttaṃ cittanti = jhānacittaṃ: Tâm mà hợp hay tương ưng với chi thiền gọi là tâm thiền.
- Vitakkādijhānangehi sampayuttaṃ cittanti = jhānacittaṃ: Những tâm có hợp với chi thiền tầm, tứ, hỷ, v.v…, nên gọi là tâm thiền. Tức là tâm sắc giới, tâm vô sắc giới và tâm siêu thế.
- ‘Jhānaṅga’ = “jhāna-aṅga” nghĩa là chi thiền hay những chi phần trợ cho trạng thái đình trụ miệt mài trên cảnh. Những chi thiền trợ cho tâm (citta) và những sở hữu tâm (cetasika) phối hợp với chúng quan sát một đề mục, dù tốt hay xấu, sắc sảo, chặt chẽ và chăm chú bất động.
Nói về chi thiền (jhānaṅga) là pháp thiêu đốt pháp đối lập. Có Pāḷi chú giải như vầy: Jhāpenti paccanike itīpi jhānasaññitā: thiêu đốt pháp nghịch, gọi là chi thiền.
Bảy chi thiền:
(i) Chi ‘tầm’ có pháp thực tính là sở hữu tầm (vitakka) là tìm kiếm hay đưa tâm đến cảnh, áp vào cảnh.
(ii) Chi ‘tứ’ có pháp thực tính là sở hữu tứ (vicāra) là chăm nom, duy trì, gìn giữ cảnh cho tâm hay cách dính theo cảnh.
(iii) Chi ‘hỷ’ có pháp thực tính là sở hữu hỷ (pīti) là mừng, vui.
(iv) Chi ‘định’ có pháp thực tính là sở hữu nhất hành (ekaggatā) là trạng thái đình trụ, chăm chú vào một cảnh của tâm (sở hữu nhất hành hiệp với ngũ song thức không thành chi thiền).
(v) Chi ‘lạc’ có pháp thực tính là sở hữu thọ (lạc thọ) (sukhavedanā) là hưởng cảnh xúc thích hợp hay cảnh an, vui.
(vi) Chi ‘ưu’ có pháp thực tính là sở hữu thọ (ưu thọ) (domanassavedanā) là hứng chịu cảnh xúc không tốt hay cảnh buồn, khổ.[9]
(vii) Chi ‘xả’ có pháp thực tính là sở hữu thọ (xả thọ) (upekkhāvedanā) là hứng chịu cảnh trung bình hay cảnh phi ưu phi hỷ.
Những chi thiền này làm cho tâm chong hít khít khao trên cảnh của nó. Trong những chi thiền này, ‘ưu’ là bất thiện là pháp chỉ sanh với hai tâm sân. Sáu chi thiền khác có thể là thiện là bất thiện, hay vô ký, tùy thuộc vào tâm mà chúng sinh khởi.
Tầm đối trị hôn thùy. Tứ đối trị hoài nghi. Hỷ đối trị sân. Lạc, xả đối trị điệu hối và ưu. Định đối trị dục dục. Học bài kệ lục bát sau, do Ngài Santakicco-Tịnh Sự dịch, cho dễ thuộc:
Chi ‘tầm’ đối trị cái ‘hôn thùy’,
‘Tứ’ phá ‘hoài nghi’, ‘sân’ ‘hỷ’ thiêu
‘Điệu hối’ do nhờ chi ‘lạc’ trị
‘Định’ trừ vọng niệm ‘dục dục’ nhiều.
Đối trị ở đây có nghĩa là có pháp này thì không có pháp kia, nên gọi là thiêu đốt, cũng tợ như thiêu đốt cỏ, nhưng khi gặp đủ điều kiện thì cỏ cũng vẫn mọc lại.
3) Mười Hai Chi đạo (maggaṅga) (Dhs.81; Vibh.162-170)
17. Dvādasa maggaṅgāni: Sammādiṭṭhi sammāsaṅkappo sammāvācā sammākammanto sammāājīvo sammāvāyāmo sammāsati sammāsamādhi micchādiṭṭhi micchāsaṅkappo micchāvāyāmo micchāsamādhi.
Mười hai chi đạo là: (i) chánh kiến (sammā diṭṭhi), (ii) chánh tư duy (sammā saṅkappa), (iii) chánh ngữ (sammā vācā), (iv) chánh nghiệp (sammā kammanta), (v) chánh mạng (sammā ājīva), (vi) chánh cần (sammā vāyāma), (vii) chánh niệm (sammā sati), (viii) chánh định (sammā samādhi), (ix) tà kiến (micchā diṭṭhi), (x) tà tư duy (micchā saṅkappa), (xi) tà cần (micchā vāyāma) và (xii) tà định (micchā samādhi).
Giải
‘Magga’ nghĩa là đạo, con đường, là cách thông thấu và ‘maggaṅga’ nghĩa là ‘chi của đạo’. Ở đây, từ “đạo” được dùng trong ý nghĩa dẫn đến một nơi đến cụ thể. Những ‘chi bất thiện’ kết hợp tạo nên một con đường dẫn đến khổ cảnh như bàng sanh, địa ngục v.v…, trong khi những ‘chi thiện’ kết hợp tạo nên một con đường dẫn đến cõi an vui như chư Thiên, Phạm thiên sắc, vô sắc cho đến Níp-bàn (Nibbāna), do đó nên gọi là đạo (magga). Tợ như những phần tách rời của một cầu thang, khi ráp chúng lại với nhau thành một cầu thang, cũng thế, những “chi đạo” khi gộp lại thành “đạo”. Có những câu Pāḷi chú giải như vầy:
Maggo viyāti = maggo: Tợ như đường sá, gọi là đạo.
Sugatiduggatīnaṃ nibbanassa ca abhimukhaṃ pāpaṇato = maggo: Nhân đưa đến khổ thú hay lạc thú và Níp-bàn, gọi là đạo.
Sở hữu nhất hành (ekaggatācetasikā) phối hợp với tâm vô nhân không thành chi đạo.
Chi đạo(maggaṅga) có 12:[10]
(i) Chánh kiến (sammā diṭṭhi) là quan niệm đúng, thấy đúng theo lý nhân trợ cho quả, liên quan duyên, v.v…; pháp thực tính là sở hữu trí (paññā) hiện diện trong 79 thứ tâm tịnh hảo tương ưng trí [4 tâm đại thiện (mahā kusala citta) tương ưng, 4 tâm đại quả (mahā kiriya citta) tương ưng, 4 tâm đại tố (mahā kiriya citta) tương ưng và 67 tâm kiên cố (appanā citta)].
(ii) Chánh tư duy (sammā saṅkappa) là suy xét, lo lắng những điều thiện; pháp thực tính là sở hữu tầm (vitakka) trong 35 thứ tâm tịnh hảo hữu tầm [24 tâm dục giới tịnh hảo và 11 tâm sơ thiền].
(iii) Chánh ngữ (sammā vācā) là lời nói chơn chánh, ngăn hay trừ tà ác ngữ; pháp thực tính là sở hữu chánh ngữ (sammā vācā cetasika) hiện diện trong 8 tâm đại thiện (mahā kusala citta) và 8 hay 40 thứ tâm siêu thế (lokuttara cittta).
(iv) Chánh nghiệp (sammā kammanta) là hành động thiện, ngăn, trừ tà hay ác nghiệp; pháp thực tính là sở hữu chánh nghiệp (sammā kammanta cetasika) hiện diện trong 8 tâm đại thiện (mahā kusala citta) và 8 hay 40 thứ tâm siêu thế (lokuttara cittta).
(v) Chánh mạng (sammā ājīva) là nghề nghiệp nuôi mạng chơn chánh, ngăn hay trừ thân, khẩu tà ác vì nuôi thân; pháp thực tính là sở hữu chánh mạng (sammā ājīva cetasika) hiện diện trong 8 tâm đại thiện (mahā kusala citta) và 8 hay 40 thứ tâm siêu thế (lokuttara cittta).
(vi) Chánh cần (sammā vāyāma) là siêng năng với việc thiện; pháp thực tính là sở hữu cần (viriya) hiện diện trong 91 thứ tâm tịnh hảo [24 tâm dục giới tịnh hảo và 67 tâm kiên cố (appanā citta)].
(vii) Chánh niệm (sammā sati) là nhớ đặng, ghi nhớ hay nhớ ngay, biết ngay, biết theo; pháp thực tính là sở hữu niệm (saticetasika) hiện diện trong 91 thứ tâm tịnh hảo [24 tâm dục giới tịnh hảo và 67 tâm kiên cố (appanā citta)].
(viii) Chánh định (sammā samādhi) là đình trụ, chú tâm (trên một cảnh) bằng tâm thiện; pháp thực tính là sở hữu nhất hành (ekaggatā) hiện diện trong 91 thứ tâm tịnh hảo [24 tâm dục giới tịnh hảo và 67 tâm kiên cố (appanā citta)].
(ix) Tà kiến (micchā diṭṭhi) là sự nhận thấy sai; pháp thực tính là sở hữu tà kiến (diṭṭhi) hiện diện trong 4 tâm căn tham tương ưng kiến (lobhamūla diṭṭhisampayutta citta).
(x) Tà tư duy (micchā saṅkappa) là suy xét, lo lắng, toan tính những điều sai quấy, bất thiện; pháp thực tính là sở hữu tầm (vitakka) hiện diện trong 12 tâm bất thiện.
(xi) Tà cần (micchā vāyāma) là siêng năng với sự ác xấu; pháp thực tính là sở hữu cần (viriya) hiện diện trong 12 tâm bất thiện.
(xii) Tà định (micchā samādhi) là chú tâm sai quấy bằng tâm bất thiện; pháp thực tính là sở hữu nhất hành (ekaggatā) hiện diện trong 11 tâm bất thiện (trừ tâm si hoài nghi).
8 chi đạo trước tượng trưng cho tám Thánh đạo là những pháp đưa đến những cõi Vui cũng như Nibbāna.
4 chi đạo sau cùng tạo thành đạo đưa đến những cõi Khổ.
12 chi đạo có thể được rút gọn trong 9 sở hữu tâm (cetasika). Trong những sở hữu ấy, trí, ba ngăn trừ phần và niệm là những sở hữu tịnh hảo.
Tầm, cần và định là những sở hữu tợ tha làm phận sự cả hai chi đạo thiện và chi đạo bất thiện.
Riêng sở hữu tà kiến, tức chi đạo tà kiến là sở hữu bất thiện duy nhất nằm trong những chi đạo.
4) Hai Mươi Hai Quyền (indriya)[11]
18. Bāvīsat’ indriyāni: Cakkhundriyaṁ sotindriyaṁ ghānindriyaṁ jivhindriyaṁ kāyindriyaṁ itthindriyaṁ purisindriyaṁ jīvitindriyaṁ manindriyaṁ sukhindriyaṁ dukkhindriyaṁ somanassindriyaṁ domasassindriyaṁ upekkhindriyaṁ saddhindriyaṁ viriyindriyaṁ satindriyaṁ samādhindriyaṁ paññindriyaṁ anaññātaññassāmītindriyaṁ aññindriyaṁ aññātāvindriyaṁ.
Hai mươi hai quyền là: (i) nhãn quyền, (ii) nhĩ quyền, (iii) tỷ quyền, (iv) thiệt quyền, (v) thân quyền, (vi) nữ quyền, (vii) nam quyền, (viii) mạng quyền, (ix) ý quyền, (x) lạc quyền, (xi) khổ quyền, (xii) hỷ quyền, (xiii) ưu quyền, (xiv) xả quyền, (xv) tín quyền, (xvi) cần quyền, (xvii) niệm quyền, (xviii) định quyền, (xix) trí quyền, (xx) tri vị tri quyền, (xxi) tri dĩ tri quyền, (xxii) tri cụ tri quyền.
Giải:
‘Indriya’ nghĩa là ‘quyền’ hay ‘quyền hành cai quản’. Như những bộ trưởng cai quản riêng từng bộ của họ, quyền (indriya) cai quản những pháp tương ưng với nó (sampayutta dhamma) theo từng lĩnh vực. Indriya thực hiện quyền phối hợp trong những pháp tương ưng. Có Pāḷi chú giải như vầy: Indanti paramaissariyaṃ karontīti = indriyāni: Pháp nào tự cai trị có tự do độc lập, pháp đó gọi là quyền.
Tám quyền đầu tiên là tám quyền sắc, quyền thứ tám gồm cả hai là sắc mạng quyền và danh mạng quyền (sở hữu mạng quyền).
Ý quyền là tâm, có tổng số là 89 tâm.
Năm quyền kế tiếp (10 đến 14) tượng trưng cho năm loại thọ (vedanā).
Năm quyền kế (15-19) tượng trưng cho danh quyền là những quyền cũng làm việc như danh lực (bala).
Ba quyền cuối (20-22) tượng trưng cho trí phối hợp với tâm đạo và tâm quả.
Hai mươi hai quyền (indriya) gồm cả phần sắc và phần danh pháp.
(i) Nhãn quyền (cakkhundriya) là nhãn thanh triệt (cakkhu pasāda) cai quản sự thấy.
(ii) Nhĩ quyền (sotindriya) là nhĩ thanh triệt (sota pasāda) cai quản sự nghe.
(iii) Tỷ quyền (ghānindriya) là tỷ thanh triệt (ghāna pasāda) cai quản sự ngửi.
(iv) Thiệt quyền (jivhindriya) là thiệt thanh triệt (jivhā pasāda) cai quản sự nếm.
(v) Thân quyền (kāyindriya) là thân thanh triệt (kāya pasāda) cai quản sự đụng.
(vi) Nữ quyền (itthindriya) là sắc tính nữ (itthibhāva rūpa) cai quản trạng thái theo cách nữ.
(vii) Nam quyền (purisindriya) là sắc tính nam (purisabhāva rūpa) cai quản trạng thái theo cách nam.
(viii) Mạng quyền (jīvitindriya) là sắc mạng (jīvita rūpa) và sở hữu mạng quyền (jīvitindriya cetasika) bảo vệ sự sống còn, tuổi thọ của những danh và sắc pháp câu sanh.
(ix) Ý quyền (manindriya) là 89 hay 121 tâm (citta) cai quản những sở hữu cùng sanh trong tập hợp cố gắng bắt cảnh và biết cảnh.
(x) Lạc quyền (sukhindriya) là thân lạc thọ (sukha vedanā) cai quản sự sướng thân.
(xi) Khổ quyền (dukkhindriya) là thân khổ (dukkhā vedanā) cai quản sự khổ thân.
(xii) Hỷ quyền (somanassindriya) là hỷ thọ (somanassa vedanā) cai quản sự vui lòng.
(xiii) Ưu quyền (domasassindriya) là ưu thọ (domanassa vedanā) cai quản sự buồn lòng.
(xiv) Xả quyền (upekkhindriya) là xả thọ (upekkhā vedanā) cai quản sự trung bình.
(xv) Tín quyền (saddhindriya) là tín (saddhā) cai quản sự tín ngưỡng.
(xvi) Cần quyền (viriyindriya) là cần (viriya) cai quản sự siêng năng.
(xvii) Niệm quyền (satindriya) là niệm (sati) cai quản cách nhớ đặng hay nhớ ghi.
(xviii) Định quyền (samādhindriya) là nhất hành (ekaggatā) cai quản cách tâm đình trụ.
(xix) Trí quyền[12] (paññindriya) là trí (paññā) cai quản sự hiểu thông suốt.
(xx) Tri vị tri quyền (anaññātaññassāmītindriya)[13] là tuệ hợp với sơ đạo (đạo Nhập lưu – Sotāpatti) cai quản sự hiểu rõ tứ Thánh đế chưa từng rõ thấu nhất là Níp-bàn.
(xxi) Tri dĩ tri quyền (aññindriya)[14] là tuệ hợp với 3 đạo cao và 3 quả thấp, cai quản sự hiểu rõ tứ Thánh đế đã từng rõ thấu.
(xxii) Tri cụ tri quyền (aññātāvindriya)[15] là tuệ hợp với Arahaṃ quả, cai quản cách hoàn toàn hiểu rõ thấu đáo tứ Thánh đế.
Sở hữu nhất hành hiệp với 16 tâm vô cần (15 tâm quả vô nhân và 1 tâm khai ngũ môn), không thành định quyền và định lực.
Lưu ý:
(1) Số quyền hiện diện trong một người nam và một người nữ phàm là 18, trừ sắc tính đối lập và ba Thánh quyền cuối.
(2) Ba quyền cuối cùng hiện diện trong chư Thánh ở bậc tương ứng. Ví dụ, vị tri quyền hiện diện trong bậc Thất lai đạo; cụ tri quyền trong bậc quả Vô sanh; và dĩ tri quyền trong những bậc Thánh còn lại.
5) Chín Lực (bala)[16]
19. Nava balāni: Saddhābalaṁ viriyabalaṁ satibalaṁ samādhibalaṁ paññābalaṁ hiribalaṁ ottappabalaṁ ahiribalaṁ anottappabalaṁ.
Chín lực là: (i) tín lực (saddhābala), (ii) cần lực (viriyabala), (iii) niệm lực (satibala), (iv) định lực (samādhibala), (v) tuệ lực (paññābala), (vi) tàm lực (hiribala), (vii) úy lực (ottappabala), (viii) vô tàm lực (ahiribala) và (ix) vô úy lực (anottappabala).
Giải:
‘Bala’ nghĩa là ‘lực’. Chín lực là sức mạnh vững chắc và không thể bị lay động trước những lực đối lập. Bên cạnh đó chúng củng cố những pháp đồng sanh (sở hữu tâm) vững mạnh. Có Pāḷi chú giải như vầy.
Akampanaṭṭhena = balaṃ: Gọi là lực có ý nghĩa không lay động.
Balīyanti uppanne paṭipakkhadhamme sahanti maddantīti = balāni: Pháp nào có sức đè nén pháp nghịch hay đủ sức đối phó phá trừ pháp nghịch, gọi là lực.
(i) Tín lực (saddhābala) là sức mạnh của đức tin; là tín (saddhā) hiện diện trong những tâm tịnh hảo (sobhaṇa citta).
(ii) Cần lực (viriyabala) là sức mạnh của tinh tấn; là cần (viriya) hiện diện trong 73 tâm phối hợp với cần.
(iii) Niệm lực (satibala) là sức mạnh của chánh niệm, nhớ ngay, biết theo, không lơ đễnh; là niệm (sati) hiện diện trong những tâm tịnh hảo (sobhaṇa citta).
(iv) Định lực (samādhibala) là sức mạnh của sự chăm chú, đình trụ một cảnh; là nhất hành (ekaggata) hiện diện trong 72 tâm, ngoại trừ 16 tâm không phối hợp với cần (viriya) và tâm tương ưng hoài nghi (vicikicchāsampayutta citta).
(v) Tuệ lực (paññābala) hay trí lực là sức mạnh của sự sáng suốt, hiểu thấu hay khôn khéo; nó là trí (paññā) hiện diện trong 47 tâm ba nhân (tihetuka citta).
(vi) Tàm lực (hiribala) là sức mạnh của sự hổ thẹn (đối với việc tội lỗi); là sở hữu tàm (hiri cetasika) hiện diện trong tâm tịnh hảo (sobhaṇa citta).
(vii) Úy lực (ottappabala) là sức mạnh của sự ghê tởm, ghê sợ (đối với việc tội lỗi); là sở hữu úy (ottappa cetasika) hiện diện trong tâm tịnh hảo (sobhaṇa citta).
(viii) Vô tàm lực (ahiribala) là sức mạnh của sự không hổ thẹn, không mắc cỡ (đối với việc tội lỗi); là vô tàm (ahiri) hiện diện trong 12 tâm bất thiện (akusala citta).
(ix) Vô úy lực (anottappabala) là sức mạnh của sự không ghê tởm, không ghê sợ (đối với việc tội lỗi); là sở hữu vô úy (anottappa cetasika) hiện diện trong 12 tâm bất thiện (akusala citta).
Sở hữu nhất hành phối hợp với tâm si hoài nghi không thành định quyền, tà định hay định lực.
Lưu ý:
Những lực (bala) như 1,3,5,6,7 là thiện vì chúng đại diện cho những sở hữu tâm tịnh hảo tương ứng.
Những lực (bala) như 2,4 hoặc là thiện hay bất thiện vì chúng đại diện cho những sở hữu tợ tha.
Những lực (bala) 8,9 là dành riêng cho bất thiện vì chúng đại diện cho những sở hữu bất thiện.
Là những lực (bala) không bị lay động trước những pháp đối lập, tín lực thì bất động trước bất tín, cần lực trước sự lười biếng, niệm lực trước sự thất niệm, định lực trước sự xao lãng, trí lực trước sự vô minh.
Tàm (hirika) và úy (nottappa) ủng hộ mạnh mẽ những nghiệp thiện; vô tàm (ahirika) và vô úy (ottappa) đưa đến chiều hướng những hành vi bất thiện, ác hạnh, ác nghiệp và chúng nổi bật trong những người ác.
6) Bốn Trưởng (adhipati)[17]
20. Cattāro adhipati: Chandādhipati viriyādhipati cittādhipati vimaṃsādhipati
Bốn trưởng là: (i) dục trưởng (chandādhipati), (ii) cần trưởng (viriyādhipati), (iii) tâm trưởng (cittādhipati) và (iv) thẩm trưởng (vimaṃsādhipati).
Giải:
‘Adhipati’ (trưởng) nghĩa là lớn hay trội hơn pháp khác (tùy trường hợp), cao lớn nhất, có toàn quyền, quốc vương, chúa tể, vua, thủ lĩnh, người lãnh đạo, hay chi trưởng trong những pháp phối hợp và nó không có đồng đều. Tất cả những sở hữu phối hợp với nó phải theo sau sự dẫn dắt của nó trong việc đảm nhận và hoàn thành những nhiệm vụ khó hay quan trọng.
Có Pāḷi chú giải như vầy:
Adhinānaṃ pati = adhipati: Làm chủ hay lớn hơn pháp có liên quan, gọi là trưởng.
Adhiko pati = adhipati: Sức mạnh lớn lao làm chủ, cũng gọi là trưởng.
Sự khác biệt giữa trưởng (adhipati) và quyền (indriya) nằm ở góc độ và phạm vi của quyền điều khiển của chúng. Một trưởng (adhipati) thực hiện quyền cao nhất trên tất cả những pháp phối hợp hay những sở hữu tâm trong một nhóm danh pháp. Trong khi một quyền thực hiện sự điều khiển chỉ trong phạm vi riêng của nó. Do đó, vài quyền có thể hiện diện trong một nhóm danh, chỉ có một trưởng có thể được hiện diện ở một thời gian nhất định. Những quyền có thể đồng đều.
Trong khía cạnh này, một trưởng (adhipati) có thể được so sánh với một vị vua là người được thừa nhận đứng đầu và là vị nguyên thủ duy nhất của một vương quốc là vị chúa tể khống chế trên tất cả các bộ trưởng và dân chúng. Trong khi những quyền (indriya) được ví như những bộ trưởng chỉ có thể điều hành từng bộ riêng của họ, nhưng không thể can thiệp vào những bộ khác. Quyền (indriya) có những điểm đồng và chúng phải làm theo trưởng (adhipati).
‘Adhipati’ có thể được xem như pháp trưởng (adhipati) trong một nhóm danh pháp.
(i) Dục trưởng (chandādhipati) là sự mong mỏi lớn trội hơn pháp câu sanh; là sở hữu dục (chanda cetasika) hiện diện trong 18 đổng lực hai nhân (dvihetuka javana) và 34 đổng lực ba nhân (tihetuka javana).
(ii) Cần trưởng (viriyādhipati) là sự siêng năng lướt tới, tinh tấn lớn mạnh vượt trội hơn pháp câu sanh; là sở hữu cần (viriya cetasika) hiện diện trong 18 đổng lực hai nhân (dvihetuka javana) và 34 đổng lực ba nhân (tihetuka javana).
(iii) Tâm trưởng (cittādhipati) là sự biết cảnh vượt trội hơn pháp câu sanh; là 18 đổng lực hai nhân (dvihetuka javana) và 34 đổng lực ba nhân (tihetuka javana).
(iv) Thẩm trưởng (vimaṃsādhipati) là sự lớn mạnh vượt trội trong sự hiểu rõ thấu hơn pháp câu sanh; là tuệ hay trí (paññā) hiện diện trong 34 đổng lực ba nhân (tihetuka javana). Thẩm (vīmaṃsā) là trí có thể thẩm xét và suy xét.
Lưu ý:
(1) 18 đổng lực hai nhân (dvihetuka javana) = 8 tâm căn tham, 2 tâm căn sân, 4 tâm đại thiện bất tương ưng trí (ñāṇavippayutta mahākusala citta) và 4 tâm đại tố bất tương ưng trí (ñāṇavippayutta mahākiriya citta).
(2) 34 đổng lực ba nhân (tihetuka javana) = 4 tâm đại thiện tương ưng trí (ñāṇasampayutta mahākusala citta) và 4 tâm đại tố tương ưng trí (ñāṇasampayutta mahākiriya citta). 9 tâm thiện đáo đại (mahaggata kusala citta), 9 tâm tố đáo đại (mahaggata kiriya citta), 4 đạo (magga), 4 quả (phala).
(3) Chanda vato kiṁ nāma kammaṁ nasijjhati.
Với những ai có một dục (chanda) mạnh, không có giải pháp nào không thể hoàn thành. Cần trưởng, tâm trưởng và thẩm trưởng cũng thế. Do đó, bốn trưởng đích thực là những mấu chốt đưa đến thành tựu.
Khi một trong những pháp trưởng thật mạnh, tất cả pháp câu sanh với pháp trưởng ấy cùng ủng hộ và chúng sẽ cùng đạt được mục tiêu đề ra.
7) Bốn thực (āhāra)[18]
21. Cattāro āhārā: Kabaḷīkārāhāra, phasso dutiyo, manosañcetanā tatiyā, viññāṇaṁ catutthaṁ.
Bốn thực là: (i) đoàn thực (kabaḷīkārāhāra), (ii) xúc thực (phassāhāra) là thứ hai, (iii) tư thực (manosañcetanāhāra) là thứ ba, (iv) thức thực (viññāṇāhāra) là thứ tư.
Giải:
‘Āhāra’ nghĩa là chất dinh dưỡng, nguyên nhân, chất bổ, thức ăn. Āhāra hay vật thực là pháp duy trì với vai trò là một duyên hay mãnh lực ủng hộ mạnh. Có Pāḷi chú giải như vầy:
Āharantīti = āhāra: Pháp nào đem lại sự tiến hóa cho kết quả của nó, gọi là thực.
Pháp nào có thể trợ sanh và duy trì quả của nó, như là thân của chúng ta được duy trì do thức ăn, pháp ấy gọi là vật thực (āhāra).
Theo Kinh (Suttanta), ‘đoàn thực’ là dinh dưỡng duy trì thân sắc vật chất, xúc duy trì thọ, danh tư là nghiệp duy trì sự liên tục của dòng danh pháp và sắc pháp; và tâm duy trì ý và thân.
Theo Abhidhamma, đoàn thực duy trì những bọn sắc vật thực và ba danh vật thực khác duy trì tất cả những danh pháp đồng sanh và sắc pháp.
Có bốn loại vật thực:
(i) Đoàn thực (kabaḷīkārāhāra) là tất cả đồ có thể ăn, uống được; là sắc vật thực (ojā rūpa) trợ sanh và duy trì bọn sắc vật thực bát thuần (āhāraja suddhaṭṭhaka) – tám thứ sắc có sắc vật thực là sắc chủ yếu.
(ii) Xúc thực (phassāhāra) là sự xúc chạm hay cách thức xúc chạm; là sở hữu xúc (phassa cetasika) hiện diện trong tất cả tâm. Xúc dẫn dắt trợ sanh và duy trì 5 loại thọ (vedanā).
(iii) Tư thực (manosañcetanāhāra) là sự cố quyết, đốc thúc công việc, tức là dẫn dắt cho tâm quả tái tục, v.v…; là tư (cetanā) tự biểu lộ như 29 loại nghiệp (kamma). Nghiệp trợ sanh và duy trì tâm tái tục, hữu phần và bọn sắc nghiệp.
(iv) Thức thực (viññāṇāhāra) là tâm thâu hút cảnh tức là dẫn dắt sở hữu và sắc tâm (cittajarūpa); đại diện cho 89 hay 121 thứ tâm (citta). Thức trợ sanh và duy trì những sở hữu tâm (cetasika) câu sanh và những bọn sắc tâm (cittaja rūpa).
Phần giải chi tiết:
22. Indriyesu pan’ ettha Sotāpattimaggaṇāṇaṁ anaññātaññassāmitindriyaṁ.
23. Arahattaphalañāṇaṁ aññātāvindriyaṁ.
24. Majjhe cha ñāṇāni aññindriyāni ti pavuccanti.
25. Jīvitindriyañ ca rūpārūpavasena duvidhaṁ hoti.
Ở đây, trong ‘Hỗn tạp tương tập nhiếp’, một sự giải thích sẽ được cung cấp. Trong các quyền (indriya), thì anaññātaññassāmītindriya (vị tri quyền), quyền “tôi sẽ biết pháp chưa từng biết” là đạo tuệ Thất lai (Sotāpattimaggañāṇa), đó là tuệ của đạo Nhập lưu; aññātāvindriya (cụ tri quyền) là quyền của bậc đã đắc tuệ cuối là Arahattaphalañāṇa (tuệ quả Vô sanh), đó là tuệ quả của bậc Thánh Arahaṃ; aññindriya (dĩ tri quyền) là quyền của 6 tuệ siêu thế giữa.
26. Pañcaviññānāṇesu jhānañgāni, avīriyesu balāni, ahetukesu maggaṅgāni na labbhanti.
27. Tathā vīcikicchācitte ekaggatā maggindriya balabhāvaṁ na gacchati.
28. Dvihetuka-tihetuka-javanesv’eva yathāsambhavaṁ adhipati eko’ va labbhatī ti.
Thiền chi (jhānaṅga) không thấy trong ngũ song thức (dvipañcaviññāṇa), lực (bala) trong 16 tâm không phối hợp với cần (vīriya) hay chi đạo (maggaṅga) trong những tâm vô nhân.
Lại nữa, trong tâm tương ưng hoài nghi (vīcikicchāsampayutta citta), sở hữu nhất thống (ekaggatā cetasika) không thể làm chi đạo (maggaṅga), quyền (indriya) và lực (bala).
Trong những đổng lực nhị nhân và tam nhân, mỗi lần chỉ có một trưởng có thể tồn tại, tùy theo trường hợp.
Tóm lại:
29. Cha hetū pañca jhānaṅgā, maggaṅgā nava vatthuto.
Soḷas’ indriyadhammā ca, baladhammā nav’ eritā.
Cattāro’ dhipatī vuttā thāt’ āhārā ti sattadhā, kusalādisamākiṇṇo, vutto missakasaṅgaho.
Qua những pháp siêu lý, ta biết rằng: Nhân (hetu) có sáu, chi thiền (jhānaṅga) có năm, chi đạo (maggaṅga) có chín, quyền (indriya) có mười sáu và lực (bala) có chín.
Như thế, nên nói rằng, trưởng (adhipati) có bốn và vật thực (āhāra) cũng có bốn pháp thực tính.
Do đó, hỗn tạp tương tập nhiếp gồm có một tổng hợp của tương tập thiện và phần còn lại đã nêu trong bảy cách.
___o0o___
III. Đẳng[19] Giác Tập Yếu (Bodhipakkhiya Saṅgaha)
‘Bodhi’ nghĩa là giác hay giác ngộ hay đạo tuệ (maggañāṇa). ‘Bodhipakkhiya’ nghĩa là những chi phần hay nhân tố của giác ngộ. Có 37 chi phần như vậy. Nếu bậc tu tiến có thể hoàn toàn phát triển chúng, vị ấy sẽ được giác ngộ. 37 chi phần được xem là tinh hoa của Tam tạng (Tipiṭaka). Nếu chúng ta phát triển chúng đầy đủ, chúng ta sẽ đạt đến giác ngộ.
Do đó, những chi này được gọi là những điều kiện cần thiết đưa đến sự giác ngộ. Từ khi chúng dẫn đến sự giác ngộ, đó là tuệ của bốn đạo siêu thế. 37 chi phần trợ cho sự giác ngộ được gọi là cốt yếu của Tam tạng (Tipiṭaka), phân thành 7 nhóm như sau: Bốn niệm xứ (satipaṭṭhāna), bốn chánh cần (sammappadhāna), bốn như ý túc (iddhipāda), năm quyền (indriya), năm lực (bala), bảy giác chi (bojjhaṅga), tám chánh đạo (maggaṅga).
1) Bốn Niệm Xứ (satipaṭṭhāna)[20] (Vibh. từ câu 431)
30. Bodhipakkhiyasaṅgahe cattāro satipaṭṭhānā: Kāyānupassanā satipaṭṭhānaṁ, vedanānupassanā satipaṭṭhānaṁ, cittānupassanā satipaṭṭhānaṁ, dhammānupassanā satipaṭṭhānaṁ,
Trong đẳng giác nhiếp, có bốn nền tảng của ‘niệm’:
(i) Thân quán niệm xứ (kāyānupassanā satipaṭṭhāna)
(ii) Thọ quán niệm xứ (vedanānupassanā satipaṭṭhāna)
(iii) Tâm quán niệm xứ (cittānupassanā satipaṭṭhāna)
(iv) Pháp quán niệm xứ (dhammānupassanā satipaṭṭhāna)
Giải:
‘Sati’ nghĩa là niệm, biết ngay, thường biết, luôn biết, hằng biết hay biết theo.
‘Paṭṭhāna’ có hai nghĩa là ‘thành lập, điều chỉnh, cố định vị trí’ và ‘nền tảng’.
Do đó ‘satipaṭṭhāna’ nghĩa là ‘thiết lập niệm’, ‘nền tảng của niệm’, ‘niệm trú’, ‘niệm xứ’, v.v….
Bốn nền tảng của niệm làm thành một hệ thống thiền hoàn chỉnh để tu tập pháp chỉ và pháp quán. Phương pháp được dẫn giải đầy đủ trong hai bài kinh (Sutta), D-22 và M-10 và trong S.47 - Satipaṭṭhāna Saṁyutta (Tương ưng niệm xứ).
Với pháp này, bậc tu tiến ngăn ngừa tâm khỏi dao động trước cảnh, giữ tâm chăm chú cố định và vững chắc trên một đề mục thiền.
Nhà chú giải Ceylon định nghĩa ‘satipaṭṭhāna’ có thể nói là niệm được thiết lập, an trú vững chắc trên đề mục bằng sự thâm nhập, thấu suốt vào nó.
Bốn niệm xứ không thể miễn trừ, không thể không có để tu tập pháp chỉ và pháp quán. Trong hai bài kinh Satipaṭṭhāna sutta, những từ nhấn mạnh được nêu ở phần mở đầu và cả phần kết:
Này chư Bhikkhu, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh, vượt khỏi sầu ưu, diệt hết khổ đau, bước vào chánh đạo và chứng ngộ Níp-bàn là con đường gồm ‘Bốn Niệm xứ’.
(i) Thân quán niệm xứ (kāyānupassanā satipaṭṭhāna) là niệm về sắc uẩn (rūpakkhandha).
(ii) Thọ quán niệm xứ (vedanānupassanā satipaṭṭhāna) là niệm về thọ uẩn (vedanākkhandha).
(iii) Tâm quán niệm xứ (cittānupassanā satipaṭṭhāna) là niệm về thức uẩn (viññāṇakkhandha).
(iv) Pháp quán niệm xứ (dhammānupassanā satipaṭṭhāna) là niệm về tưởng uẩn (saññākkhandha) và hành uẩn (saṅkhārakkhandha).
Lưu ý:
(1) Pháp thực tính của bốn niệm xứ (satipaṭṭhāna) là sở hữu niệm (sati cetasika) hiện diện trong 8 tâm đại thiện (mahā kusala citta), 8 tâm đại tố (mahā kiriya citta), 26 đổng lực kiên cố (appanā javana) cũng như niệm (sati) hiện diện trong 8 tâm siêu thế (lokuttara citta).
(2) Lý do tại sao niệm (sati) được trình bày là bốn niệm xứ (satipaṭṭhāna):
(2. 1) Những đề mục quán khác nhau là thân (kāya), thọ (vedanā), tâm (citta) và pháp (dhamma).
(2. 2) Cách quán bốn đề mục khác nhau là bất tịnh (asubha), khổ (dukkhā), vô thường (aniccā) và vô ngã (anattā).
(2. 3) Mục đích quán bốn đề mục khác nhau là đoạn tận tà kiến, thấy sai cho rằng pháp là thanh tịnh (subha), lạc (sukkha), thường (nicca), ngã (atta) và theo thứ tự.
2) Bốn Chánh Cần (sammappadhāna) (Vibh. từ câu 465)
31. Cattāro sammappadhāna:
Uppannānaṁ pāpakānaṁ pahānāya vāyāmo,
Anuppannānaṁ pāpakānaṁ anuppādāya vāyāmo,
Anuppannānaṁ kusalānaṁ uppādāya vāyāmo,
Uppannānaṁ kusalānaṁ bhiyyobhāvāya vāyāmo.
Bốn chánh tinh tấn là:
(i) Tinh cần bài trừ những pháp xấu ác, tội lỗi, bất thiện đã phát sanh.
(ii) Tinh cần ngăn ngừa những pháp xấu ác, tội lỗi, bất thiện chưa phát sanh.
(iii) Tinh cần làm cho những pháp thiện chưa sanh đặng sanh.
(iv) Tinh cần làm cho những pháp thiện sanh thêm nữa.
Giải:
Theo lời chỉ dẫn để phát triển chánh tinh tấn.
Chánh cần‘sammappadhāna’ không có nghĩa là sự cố gắng bình thường, mà là sự cố gắng tập trung không lay chuyển của bậc tu tiến nguyện rằng:
“Dù cho tôi chỉ còn da và xương; máu thịt của tôi dù có khô héo; mạng sống của tôi dù có kết thúc; nhưng tôi sẽ không ngưng nghỉ cho đến khi tôi thành tựu”.
Chánh cần‘sammappadhāna’ tượng trưng cho cần (vīriya) hiện diện trong 8 tâm đại thiện (mahā kusala citta), 9 tâm thiện đáo đại (mahaggatā kusala citta) và 4 tâm thiện siêu thế (tổng cộng là 21 tâm thiện).
Theo lời chỉ dẫn để phát triển chánh tinh tấn:
(i) Bậc tu tiến phải cố gắng bài trừ tham, sân, lận, ngã mạn, tật đố, v.v… ngay khi chúng sanh trong ý.
(ii) Bậc tu tiến phải cố gắng ngăn chặn tham, sân, lận, ngã mạn, tật đố, v.v… lúc đang sanh trong ý.
(iii) Bậc tu tiến phải cố gắng tinh tấn thực hiện nhiều loại nghiệp thiện và phát triển những thiện pháp như tín, niệm, tàm, úy, v.v... Bậc tu tiến nên cố gắng thật nhiều để đạt đến tâm đạo là tâm chưa bao giờ sanh với vị ấy trong thời gian dài của luân hồi.
(iv) Bậc tu tiến phải cố gắng tinh tấn xem lại những nghiệp thiện mà vị ấy từng làm và phát triển hơn nữa những giác chi đã sanh.
Theo những pháp cần trên, bậc tu tiến cố gắng thử bài trừ tham, sân, tật đố, v.v… ngay khi chúng sinh khởi trong tâm. Bậc tu tiến phải phát triển pháp xả thí (dāna), giữ giới (sīla) và tu tiến (bhāvanā) càng nhiều càng tốt khi có thể. Và cuối cùng làm cho sanh những pháp thiện chưa từng sanh trong vòng luân hồi (saṃsāra), vị ấy phải từng bước thanh tịnh tâm của mình bằng pháp chỉ và pháp quán cho đến khi bước vào đạo Nhập lưu (Sotāpanna) và những đạo (magga) cao hơn.
Lưu ý:
1. Pháp bản thể thực tính của bốn chánh cần là sở hữu cần (viriya cetasika) hiện diện trong 21 tâm thiện, đó là 8 tâm đại thiện (mahākusalacitta), 9 tâm thiện đáo đại (mahaggatakusalacitta) và 4 tâm thiện siêu thế (lokuttarakusalacitta).
2. Lý do tại sao ‘cần (vīriya)’ được trình bày là bốn chánh cần vì phận sự của ‘cần’ được phân thành bốn loại – tức là: (1) bài trừ những ác pháp đã phát sanh trong tâm. (2) ngăn ngừa những ác pháp chưa phát sanh. (3) phát triển những thiện pháp chưa sanh. (4) làm tăng những thiện pháp đã sanh.
3) Bốn Như Ý Túc (iddhipāda) (Vibh. 505-517)
32. Cattāro iddhipāda: Chandiddhipādo viriyiddhipādo cittiddhipādo vīmaṁsiddhipādo.
Bốn như ý túc là: (i) dục như ý túc (chandiddhipāda), (ii) cần như ý túc (viriyiddhipāda), (iii) tâm như ý túc (cittiddhipāda) và (iv) thẩm như ý túc (vīmaṃsiddhipāda).
Giải:
‘Iddhi’ nghĩa là ‘như ý’ hay hoàn thành đầy đủ, trong khi ‘pāda’ có nghĩa là ‘nền tảng’. ‘Như ý’ ở đây nói đến sự sinh khởi của thiền (jhāna), đạo (magga) và quả (phala). Và nền tảng để đạt những mục tiêu là dục (chanda), cần (viriya), tâm (citta) và thẩm (vīmaṃsā) – giống như bốn trưởng (adhipati).
Khi nào những pháp ấy trở thành trưởng (adhipati) thì khi ấy chúng là phương tiện để đạt đến mục tiêu. Chúng trở thành ‘như ý túc’ (iddhipāda) chỉ khi chúng được dùng để đạt đến mục tiêu của Phật pháp.
(i) Dục như ý túc (chandiddhipāda) là mong muốn, ước nguyện; là sở hữu dục (chandacetasika) hiện diện trong 21 tâm thiện (kusala citta).
(ii) Cần như ý túc (viriyiddhipāda) là cần hay tinh tấn; là sở hữu cần (viriyacetasika) hiện diện trong 21 tâm thiện.
(iii) Tâm như ý túc (cittiddhipāda) là tâm hay thức; là 21 tâm thiện (kusala citta) gồm 8 tâm đại thiện (mahā kusala citta), 9 tâm thiện đáo đại (mahaggatā kusala citta) và 4 tâm thiện siêu thế (lokuttarakusalacitta).
(iv) Thẩm như ý túc (vīmaṃsiddhipāda) là trí hay tuệ quán, là sở hữu trí (paññā-cetasika) hiện diện trong 17 tâm thiện (kusalacitta).
33. Pañc’indriyāni: Saddhindriyaṁ viriyindriyaṁ satindriyaṁ samādhindriyaṁ paññindriyaṁ.
Năm quyền là: (i) tín quyền (saddhindriya), (ii) cần quyền (viriyindriya), (iii) niệm quyền (satindriya), (iv) định quyền (samādhindriya) và (v) tuệ quyền (paññindriya).
Giải:
Trong hai mươi hai quyền đã nêu trước, năm danh quyền được nêu ở đây là những yếu tố hay chi phần của giác ngộ.
(i) Tín quyền (saddhindriya) là tín hay tin tưởng; là tín (saddhā) hiện diện trong 8 tâm đại thiện (mahā kusala citta), 8 tâm đại tố (mahā kiriya citta), 26 đổng lực kiên cố (appanā javana).
(ii) Cần quyền (viriyindriya) là cần hay tinh tấn; là cần (viriya) hiện diện trong 42 thứ tâm trên.
(iii) Niệm quyền (satindriya) là niệm; là niệm (sati) hiện diện trong 42 thứ tâm trên.
(iv) Định quyền (samādhindriya) là định; là nhất hành (ekaggatā) hiện diện trong 42 thứ tâm trên.
(v) Tuệ quyền (paññindriya) là trí; là trí (paññā) hiện diện trong 42 thứ tâm trên.
34. Pañca balāni: Saddhābalaṁ, vīriyabalaṁ, satibalaṁ, samādhibalaṁ, paññābalaṁ.
Năm lực là: (i) tín lực (saddhā bala), (ii) cần lực (viriya bala), (iii) niệm lực (sati bala), (iv) định lực (samādhi bala) và (v) tuệ lực (paññā bala).
Giải:
Trong chín lực (bala) đã nêu trước, năm danh lực (bala) được trích ở đây là những chi của giác ngộ.
Pháp thực tính của năm lực (bala) thì giống như năm quyền ấy. Nên hiểu rằng mỗi chi trong năm chi này có hai đặc tính riêng: (1) khả năng điều khiển tâm và (2) khả năng vững chắc và không lay động do lực đối lập.
(i) Saddhā bala - tín lực, hay niềm tin, tin tưởng.
(ii) Viriya bala - cần lực, hay sự cố gắng.
(iii) Sati bala - niệm lực.
(iv) Samādhi bala - định lực.
(v) Paññā bala - trí hay tuệ lực.
Trong tu tiến, tín (saddhā) và trí (paññā) phải quân bình lẫn nhau, vì khi tín vượt trội dẫn đến tin vô lý và khi suy xét quá mức bằng trí dẫn đến không tập trung.
Tương tự, cần (viriya) và định (samādhi) phải quân bình lẫn nhau, vì khi cần vượt trội có thể dẫn đến điệu cử (uddhacca) và khi định vượt trội có thể dẫn đến hôn trầm (middha).
Niệm (sati) không cần quân bình với bất cứ chi nào. ‘Niệm’ càng nhiều bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Nó quan sát sự phát triển của những quyền và lực khác và bảo đảm chúng được quân bình.
Năm quyền và năm lực, mặc dù có cùng năm chi, thực hiện những phận sự khác nhau. Quyền làm việc điều khiển trong những lĩnh vực tương ứng của chúng, trong khi lực (bala) đứng vững và bất động trước những pháp đối lập.
Do đó, năm quyền làm việc dẫn dắt trong phạm vi tương ứng của chúng như thắng giải (adhimokkha), sự cố gắng (paggaha), sự chú ý (upaṭṭhāna), bất phóng dật (avikhepa) và sự sáng suốt (dassana). Chúng giúp khắc phục những pháp đối lập như sự lưỡng lự (hoài nghi), sự biếng nhác (hôn thùy), sự lơ đễnh, sự bất cẩn, sự bối rối (điệu cử) và sự mê mờ (si).
Năm lực là những thực tính được xem là vững vàng và không thể bị nhiếp phục hay khắc chế bởi những pháp đối lập với chúng.
6) Bảy Giác Chi (bojjhaṅga) (Vibh. từ câu 542)
35. Satta bojjhaṅgā: Satisambojjhaṅgo dhammavicayasambojjhaṅgo viriyasambojjhaṅgo pītisambojjhaṅgo passaddhisambojjhaṅgo samādhisambojjhaṅgo upekkhāsambojjhaṅgo
Có bảy giác chi: (i) niệm giác chi (sati sambojjhaṅga), (ii) trạch pháp giác chi (dhammavicaya sambojjhaṅga), (iii) cần giác chi (viriya sambojjhaṅga), (iv) hỷ giác chi (pīti sambojjhaṅga), (v) an tịnh giác chi (passaddhi sambojjhaṅga), (vi) định giác chi (samādhi sambojjhaṅga) và (vii) xả giác chi (upekkhā sambojjhaṅga).
Giải:
‘Bojjhaṅga’ được bắt nguồn từ ‘bodhi aṅga’, trong đó ‘bodhi’ nghĩa là giác ngộ và ‘aṅga’ nghĩa là chi phần. Do đó, ‘bojjhaṅga’ nghĩa là thành phần giác ngộ hay chi phần giác ngộ.
Trong ‘sambojjhaṅga’, ‘sam’ nghĩa là tốt hay cao thượng.
(i) Niệm giác chi (sati sambojjhaṅga)
(ii) Trạch pháp giác chi (dhammavicaya sambojjhaṅga) là tuệ quán xét về pháp siêu lý (đế).
(iii) Cần giác chi (viriya sambojjhaṅga)
(iv) Hỷ giác chi (pīti sambojjhaṅga)
(v) An tịnh giác chi (passaddhi sambojjhaṅga) là an tịnh danh pháp gồm tâm, sở hữu.
(vi) Định giác chi (samādhi sambojjhaṅga)
(vii) Xả giác chi (upekkhā sambojjhaṅga) là trung bình.
Những pháp thực tính của bảy giác chi (bojjhaṅga) theo thứ tự là: (1) niệm (sati), (2) trí (paññā), (3) cần (viriya), (4) hỷ (pīti), (5) tịnh thân (kāyapassaddhi) và tịnh tâm (cittapassaddhi), (6) nhất hành (ekaggatā), (7) trung bình (tatramajjhattatā). Tất cả những chi này hiện diện trong 42 tâm (citta) gồm 8 tâm đại thiện (mahākusala citta), 8 tâm đại tố (mahākiriya citta) và 26 tâm đổng lực kiên cố (appanājavana citta).[21]
Trong bảy giác chi, niệm giác chi tương ứng với bốn niệm xứ; trạch pháp giác chi (tuệ quán) thì giống hệt như chánh kiến (sammādiṭṭhi) quán danh pháp và sắc pháp để tu tập tuệ quán về pháp siêu lý; cần giác chi tương đương với bốn chánh cần; an tịnh giác chi của tâm và nhóm danh pháp; và xả (upekkhā) ở đây nghĩa là trung bình (tatramajjhattatā) danh pháp, một trong những sở hữu tịnh hảo biến hành, không phải xả thọ.
Khi tu tập thiền với chánh cần và chánh niệm, hỷ (pīti) được phát triển và trợ duyên cho an tịnh (passaddhi) sinh khởi. An tịnh (passaddhi) lần lượt trợ cho lạc (sukha) sanh và lạc (sukha) lần lượt trợ cho định (samādhi) và xả (upekkhā) sanh. Kế đó, trí (paññā) quán danh pháp và sắc pháp để phát triển tuệ quán và cuối cùng, tâm đạo (magga citta) là tâm khai sáng bậc tu tiến đến bốn Thánh đế.
Trong thiền:
Ba chi trạch pháp (dhammavicaya), cần (viriya) và hỷ (pīti) đối lập với hôn-thùy (thīna-middha);
Ba chi an tịnh (passaddhi), định (samādhi) và xả (upekkhā) đối lập với điệu cử (uddhacca).
Niệm đảm bảo là hai nhóm xảy ra quân bình, không có pháp nào vượt trội pháp nào.
Nhân trợ sanh niệm giác chi có 4: 1 là niệm lương tri (satisampajjañña) thường để ý biết mình và nhớ ghi. 2 là tránh người hay quên (muṭṭhassatipuggalaparivajjanatā) và không tập tu quán. 3 là nương người vững niệm (upaṭṭhitassatipuggalasevanatā) nên hội họp với những người chuyên tu tứ niệm xứ. 4 là thường niệm cảnh hiện tại (tadadhimuttatā) hằng chăm chú tự thân tâm và để ý biết kịp cảnh ngoài đang đến.
Niệm giác chi có Pāḷi chú giải như vầy: Sati eva sambojjhaṅgo = satisambojjhaṅgo: Niệm thuộc về phe đãng trí tỏ ngộ tứ đế, gọi là niệm giác chi.
Nhân trợ sanh trạch pháp giác chi có 7: 1 là ưa hỏi những sự nghi với bậc thông hiểu (paripucchakgatā). 2 là thân, đồ, chỗ ở sạch sẽ (vatthuvisadakiriyatā). 3 là pháp ngũ quyền (phe giác) đều bằng nhau (indriyasamattapaṭipādanā). 4 là tránh người thiếu trí tuệ (duppaññapuggalapārivajjanā). 5 là tìm gặp người đa trí (paññāvantapuggalasevanā). 6 là ưa suy xét cảnh tuệ cao tế nhị sâu xa (gambhīrañāṇacariyapaccavekkhanā). 7 là chăm chú theo trạch pháp giác chi, chuyên niệm tứ oai nghi và các cảnh danh, sắc sanh diệt (tadadhimuttatā).
Trạch pháp giác chi (dhammavicayasambojjhaṅga). Có Pāḷi chú giải như vầy: Vipassanāya bhūmi bhūte ajjhattabahiddhā dhamma vicināti upadhāretīti = dhammavicayo: Gọi trạch pháp giác chi có nghĩa là gạn, lựa, lướt, đến, duy trì những pháp phần trong và ngoài thành tựu sở quán.
Và có thêm 2 câu Pāḷi chú giải về trạch pháp giác chi nữa như vầy: Bujjhati etāyāti = bodhi: Những hành giả tỏ thấu tứ đế do những pháp ấy, nên gọi là giác, tức là thất giác chi. Bodhiyā aṅgo = bojjhaṅgo: Những pháp hợp trợ làm nhân cho rõ tứ đế, gọi là giác chi, tức là thất giác chi.
Nhân trợ sanh cần giác chi có 11: 1 là suy xét những cái khổ trong khổ thú (apāyādibhaya paccavekkhaṇatā). 2 là suy xét sự siêng năng (viriyāyattavisesādhigamānisaṃsadassitā). 3 là suy xét thấy đường lối đến Níp-bàn của chư Thánh (gamanavīthipaccavekkhaṇatā). 4 là trọng sự đi bát (piṇḍāpacāyaṇatā). 5 là xét thấy tài sản là Pháp bảo của Toàn giác rất quan trọng (hy hữu) (dāyajjamahattapaccavekkhaṇatā). 6 là xét thấy Phật giáo chủ, bậc rất cao siêu (satthumahattapaccavekkhaṇatā). 7 là suy xét sanh làm người rất quan trọng vì khó đặng (jātimahattapaccavekkhaṇatā). 8 là xét thấy bạn phạm hạnh địa vị rất cao (saBrahmacārīmahattapaccavekkhaṇatā). 9 là tránh kẻ lười biếng (kusītapuggala parivajjaṇatā). 10 là gần người siêng năng (āradhaviriyapuggalasevaṇatā). 11 là quan tâm với cần giác chi bằng cách siêng niệm rõ sanh, diệt của danh và sắc v.v... (tadadhimuttatā).
Nhân trợ sanh hỷ giác chi có 11: 1 là niệm Phật (Buddhānussati). 2 là niệm Pháp (Dhammānussati). 3 là niệm Tăng (Saṅghanussati). 4 là niệm giới (sīlānussati). 5 là niệm thí (cāgānussati). 6 là niệm thiên (devatānussati). 7 là niệm Níp-bàn (upasamānussati). 8 là tránh xa người không tin Tam bảo (lūkhapuggalaparivajjanatā). 9 là hội ngộ bậc tin Tam bảo (siniddhapuggalasevanā). 10 là suy xét theo Kinh làm nhân trợ sanh tín ngưỡng (pasādaniyasuttapaccavekkhanatā). 11 là chăm chú bằng hỷ giác chi nhận thấy danh-sắc sanh diệt do hành động và cảnh (tadadhimuttatā).
Nhân trợ sanh yên tịnh giác chi có 7: 1 là dùng vật thực tế nhị dễ tiêu (paṇītabhojanasevanatā). 2 là khí hậu thích hợp (utusukhasevanatā). 3 là oai nghi thích hợp (iriyāpathasukhasevanatā). 4 là để tâm trung bình (majjhattappayogatā). 5 là tránh kẻ tiểu nhân xâm hại chúng sanh (sāraddhakāyapuggalaparivajjanatā). 6 là hội họp bậc thân tâm yên tịnh không xâm hại kẻ khác (passaddhikāyapuggala-sevanatā). 7 là để ý chăm chú bằng yên tịnh giác chi nhận thấy danh-sắc sanh-diệt do hành động và cảnh (tadadhimuttatā).
Nhân trợ sanh định giác chi có 11: 1 là thân, đồ, chỗ ở đều sạch sẽ (vatthuvisadakiriyatā). 2 là pháp ngũ quyền đều đồng nhau (indriyasamattapaṭipadānatā). 3 là khéo sửa ấn chứng tu chỉ (nimittakusalatā). 4 là nâng tâm hợp thời (samayecittassapaggahaṇatā). 5 là dằn tâm hợp thời (samayecittassaniggahaṇatā). 6 là hớn hở hợp thời (samayesampahaṃsanatā). 7 là để tâm trung bình hợp thời (samaye ajjhupekkhaṇatā). 8 là tránh người tâm không vững (asamāhitapuggalaparivajjaṇatā). 9 là hội họp bậc, hàng có tâm yên trụ (samāhitapuggalasevaṇatā). 10 có suy xét thiền và giải thoát (jhānavimokkhapaccavekkhaṇatā). 11 là để ý chăm chú bằng định giác chi theo tứ oai nghi và các cảnh khác (tadadhimuttatā).
Nhân trợ sanh xả giác chi có 5: 1 là để tâm trung bình đối với chúng sanh chỉ cho là danh-sắc chớ không phải người, thú v.v… (sattamajjhattatā). 2 là để tâm trung bình đối với pháp hành (saṅkhāramajjhattatā). 3 là tránh người chấp cứng theo chúng sanh và pháp hành vi (sattasaṅkhārakelāyana-puggalaparivajjanatā). 4 là hội họp với bậc có tâm trung bình đối với chúng sanh và pháp hành vi (sattasaṅkhāramajjhattapuggalasevanatā). 5 là chăm chú trong xả giác chi ấy và nhận thấy danh-sắc sanh-diệt do hành động và cảnh (tadadhimuttatā).
7) Tám Chi Đạo (maggaṅga) (Vibh. từ câu 580)
36. Aṭṭha maggaṅgāni: Sammādiṭṭhi sammāsaṅkappo sammāvācā sammākammanto sammāājīvo sammāvāyāmo sammāsati sammāsamādhi.
8 chi đạo là: (i) chánh kiến, (ii) chánh tư duy, (iii) chánh ngữ, (iv) chánh nghiệp, (v) chánh mạng, (vi) chánh cần, (vii) chánh niệm, (viii) chánh định.
Giải:
8 chi đạo ở đây giống như 8 chi đạo trong mười hai chi đã đề cập trong Hỗn tạp tương tập nhiếp (Missaka saṅgaha). Pháp bản thể thực tính của những chi thì cũng như thế.
Tuệ chi đạo (paññā maggaṅga)
(i) Chánh kiến (sammā diṭṭhi)
(ii) Chánh tư duy (sammā saṅkappa)
Giới chi đạo (sīla maggaṅga)
(iii) Chánh ngữ (sammā vācā)
(iv) Chánh nghiệp (sammā kammanta)
(v) Chánh mạng (sammā ājīva)
Định chi đạo (samādhi maggaṅga)
(vi) Chánh cần (sammā vāyāmo)
(vii) Chánh niệm (sammā sati)
(viii) Chánh định (sammā samādhi)
Trong việc phát triển tám chi đạo, bậc tu tiến nên bắt đầu với chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng – 3 chi đạo giới (sīla maggaṅga) tạo nên phần tu tập giới hay giới học (sīla sikkhā).
Dựa trên nền tảng giới, kế đó bậc tu tiến phát triển chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định – 3 chi đạo định (samādhi maggaṅga) làm nên phần tu tập định hay định học (samādhi sikkhā).
Khi bậc tu tiến đạt đến cận định (upacāra samādhi) hay cao hơn là thiền định[22] (jhāna samādhi), tức là vị ấy đắc chánh định, đó là định phối hợp với một trong bốn thiền sắc, bậc tu tiến có thể thâm nhập vào pháp siêu lý và quán những pháp bản thể thực tính của danh pháp và sắc pháp. Ở đây, chánh tư duy (sammā saṅkappa) bắt đầu hoạt động.
Chánh tư duy dựa trên phương pháp quán đúng đắn và phân tích ra sự thật làm phát sanh chánh kiến (sammā diṭṭhi). Chánh kiến, thấy đúng, hiểu đúng là giác chi quan trọng nhất. Chánh kiến giúp thiết lập một nền tảng của đạo thật sự an toàn và vững chắc.
Bắt đầu từ mầm mống nhỏ nhất của tín và trí, chánh kiến (sammādiṭṭhi) dẫn đầu, bậc tu tiến từng bước tu tập thâm nhập vào tuệ quán (vipassanāñāṇa) và tiến xa hơn vào tuệ của tứ Thánh đế khi đạt đến đạo tuệ (maggañāṇa) hay giác ngộ.
Chánh tư duy (sammā saṅkappa) và chánh kiến (sammā diṭṭhi) cùng làm nên tu tập tuệ hay tuệ học (paññā sikkhā).
Tất cả 8 chi cùng làm nên nhóm tám Thánh đạo hay trung đạo là pháp đưa đến Níp-bàn (Nibbāna).
Do đó, nhóm tám Thánh đạo được gọi là nhóm tam học, gồm giới học, định học và tuệ học.
Trong 8 chi đạo, chánh kiến (sammādiṭṭhi) là tuệ hay sở hữu trí (paññā cetasika), được phát triển đến thấy đúng hay hiểu đúng về bốn Thánh đế. Chánh tư duy chỉ cho sở hữu tầm (vitakka cetasika) là pháp trực tiếp hướng đến sự từ bỏ, thiện ý và tính vô hại. Chi đạo (3) – (5) thì giống với ba sở hữu ngăn trừ (virati cetasika). Chánh cần (sammāvāyāma) thì hệt như tứ chánh cần. Chánh niệm (sammāsati) thì giống như bốn nền tảng của niệm. Chánh định (sammāsamādhi) là định phối hợp với bốn thiền sắc giới (rūpāvacara jhāna) theo kinh Đại niệm xứ.
37. Ettha pana cattaro satipaṭṭhānā ti sammāsati ekā’ vā pavuccati.
38. Tathā cattāro sammappadhānā ti ca sammāvāyamo.
Ở đây, trong đẳng giác nhiếp[23] này, riêng chánh niệm được xem như là nền tảng của bốn niệm xứ. Tương tự, một mình chánh cần được xem như là bốn chánh cần.
Pháp thực tính:
39. Chando cittaṁ upekkhā ca, saddhāpassaddhipītiyo, Sammādiṭṭhi ca saṅkappo vāyāmo viratittayaṁ, sammāsati samādhi ti, cuddas ‘ete sabhāvato, sattatiṁsappabhedena, sattadhā tattha saṅgaho.
Đẳng giác (những điều cần yếu của giác ngộ) gồm có 37 chi thuộc nhóm bảy phần gom họp những chi liên quan. Khi xem xét qua những pháp thực tính, chúng gồm có 14 pháp thực tính – đó là: (i) dục, (ii) tâm, (iii) trung bình như xả, (iv) tín, (v) tịnh (thân – tâm được gom thành một), (vi) hỷ, (vii) trí (gọi là chánh kiến), (viii) tầm là chánh tư duy, (ix) cần là chánh tinh tấn, (x) chánh ngữ, (xi) chánh nghiệp, (xii) chánh mạng, (xiii) niệm là chánh niệm và (xiv) nhất hành là chánh định.
Thường xảy ra
40. Saṅkappa-passadhi ca pīt’ upekkhā, chando ca cittaṁ viratittayañ ca, nav’ ekaṭhānā vīriyaṁ nav’aṭṭha, sati samāddhi catu pañca paññā, saddhā duṭhān’uttamasattatiṁsa dhammānaṁ eso pavaro vibhāgo.
41. Sabbe lokuttare honti, na vā saṅkappa pītiyo. Lokiye pi yathāyogaṁ, chabbisuddhi pavattiyaṁ.
Phân tích 37 chi hoàn hảo sẽ có được những kết quả sau: 9 pháp thực tính gồm tầm, tịnh, hỷ, trung bình, dục, tâm và 3 ngăn trừ; mỗi pháp chỉ xuất hiện một lần; cần xuất hiện 9 lần, niệm 8 lần; nhất hành 4 lần, trí 5 lần; và tín 2 lần trong 37 giác chi.
Tất cả những chi này xuất hiện trong tâm siêu thế, trừ tầm và hỷ không sanh trong một số tâm siêu thế. Chúng cũng xuất hiện trong những tâm thiện hiệp thế và tâm tố trong tiến trình sáu giai đoạn làm cho thanh tịnh (lục tịnh) bắt đầu với ‘tịnh giới’, tùy theo trường hợp.
Giải:
37 giác chi được giảm xuống 14 pháp thực tính, 1 chi là tâm, 13 chi khác là sở hữu tâm (cetasika), sự sinh khởi của những pháp thực tính này trong những chi được trình bày ở Lược đồ 7.2.
- Cần (vīriya) xuất hiện 9 lần là: Bốn chánh cần, như ý túc, quyền, lực, giác chi và chi đạo.
- Niệm xuất hiện 8 lần là: Bốn niệm xứ, quyền, lực, giác chi, chi đạo.
- Nhất hành xuất hiện 4 lần là: Quyền, lực, giác chi, chi đạo.
- Trí xuất hiện 5 lần là: Như ý túc, quyền, lực, giác chi, chi đạo.
Phần còn lại xin xem trong Lược đồ 7.2
…Sammādiṭṭhissa bho, sammāsaṅkappo pahoti, sammāsaṅkappassa sammāvācā pahoti, sammāvācassa sammākammanto pahoti. Sammākammantassa sammāājīvo pahoti, sammāājīvassa sammāvāyāmo pahoti, sammāvāyāmassa sammāsati pahoti, sammāsatissa sammāsamādhi pahoti, sammāsamādhissa sammāñāṇaṃ pahoti, sammāñāṇassa sammāvimutti pahoti…
Người trụ vững trong Chánh Kiến, Chánh Tư duy được thiết lập;
Người trụ vững trong Chánh Tư duy, Chánh Ngữ được thiết lập;
Người trụ vững trong Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp được thiết lập;
Người trụ vững trong Chánh Nghiệp, Chánh Mạng được thiết lập;
Người trụ vững trong Chánh Mạng, Chánh Tinh tấn được thiết lập;
Người trụ vững trong Chánh Tinh tấn, Chánh Niệm được thiết lập;
Người trụ vững trong Chánh Niệm, Chánh Định được thiết lập;
Người trụ vững trong Chánh Định, Chánh Trí được thiết lập; (trí biết rõ Đạo-Quả).
Người trụ vững trong Chánh Trí, Chánh Giải thoát được thiết lập;
(DN.18 (Janavasabha sutta) – Việt Dịch: Minh Thế)
Mặc dù có 37 chi giác ngộ, tổng số pháp thực tính chỉ là 14 – đó là niệm (sati), cần (viriya), dục (chanda), tâm (citta), trí hay tuệ (paññā), tín (saddhā), nhất hành (ekaggatā), hỷ (pīti), tịnh (passaddhi) (cả hai thân và tâm), trung bình (tatramajjhattatā), tầm (vitakka), chánh ngữ (sammā vācā), chánh nghiệp (sammā kammanta) và chánh mạng (sammā ājiva).
Trong 14 pháp thực tính này, hỷ (pīti), tịnh (passaddhi) (cả hai thân và tâm), trung bình (tatramajjhattatā), tầm (vitakka), chánh ngữ (sammā vācā), chánh nghiệp (sammā kammanta) và chánh mạng (sammā ājiva), dục (chanda) và tâm (citta) chỉ sanh mỗi chi riêng lẻ.
Cần (viriya) sanh 9 lần, tức là 9 chi, niệm (sati) là 8 chi; nhất hành (ekaggatā) là 4 chi; trí (paññā) là 5 chi; và tín (saddhā) là 2 chi. Xin xem Lược đồ 7.2 trong sách cụ thể.
14 Pháp Thực Tính trong 37 Chi Giác Ngộ
1. Cần (viriya)
2. Niệm (sati)
3. Trí hay tuệ (paññā)
4. Nhất hành (ekaggatā) (samādhi)
5. Tín (saddhā)
6. Hỷ (pīti)
7. Tịnh (passaddhi)
8. Trung bình (tatramajjhattatā)
9. Dục (chanda)
10. Tâm (citta)
11. Chánh ngữ (sammā vācā)
12. Chánh nghiệp (sammā kammanta)
13. Chánh mạng (sammā ājiva)
14. Tầm (vitakka)
___o0o___
IV. Hàm Tận Tập Yếu (Sabba Saṅgaha)
Hàm tận tương tập nhiếp có năm loại sẽ được bàn ở đây. Những loại ấy là uẩn (khandha), thủ uẩn (upādānakkhandha), xứ (āyatana), giới (dhātu) và Thánh đế (Ariyasacca).
1) Năm Uẩn (khandha) (Vibh. Phần I: Uẩn Phân Tích)
42. Sabbasaṅgahe pañcakkhandhā: Rūpakkhandho vedanākkhandho saññākkhandho saṅkhārakkhandho viññāṇakkhandho.
Trong Hàm tận nhiếp, năm uẩn là: (i) sắc uẩn (rūpakkhandha), (ii) thọ uẩn (vedanākkhandha), (iii) tưởng uẩn (saññākkhandha), (iv) hành uẩn (saṅkhārakkhandha) và (v) thức uẩn (viññāṇakkhandha).
Giải:
Trong ‘Hàm tận nhiếp’, Đức Phật xét đến tất cả pháp thực tính siêu lý (tâm-citta; sở hữu tâm-cetasika; và sắc pháp-rūpa) là những pháp thật sự tồn tại trong toàn vũ trụ và phân chúng thành năm uẩn (khandha), hay mười hai xứ (āyatana), hay mười tám giới (dhātu). Mục đích của sự phân loại này là không làm tăng tính trừu tượng, cốt để cho thấy phạm vi của hiện tượng được lãnh hội bằng tuệ quán để một lần rõ ràng; mặc dù không có chúng sanh nào hay cá nhân nào thật sự tồn tại theo ý nghĩa chơn đế hay siêu lý.
Điều này phù hợp với Phật ngôn “Không trực tiếp biết trọn vẹn, không hoàn toàn thấy trọn vẹn, vị ấy không thể đoạn tận khổ đau.” (S.35:26 / iv,17)
Trong năm uẩn, từ ‘khandha’ được hiểu theo ý nghĩa là nhóm, khối hay tập hợp. Đức Phật phân tích một chúng sanh hữu tưởng thành năm uẩn. Trong Kinh, Ngài có nêu: “Phàm có sắc nào, dù quá khứ, vị lai, hiện tại, nội phần hay ngoại phần, thô hay tế, hạ liệt hay cao sang, xa hay gần… đây gọi là sắc uẩn.” Cùng phương pháp áp dụng cho những uẩn còn lại. (S.22: 48 / iii,47)
Có Pāḷi chú giải như vầy:
- Rasaṭṭhenakhandho: Uẩn tức là khối, chùm, nhóm v.v…
- Anekadukkhehi khajjantīti = khandhā: Những pháp bị khổ nhai ăn, nên gọi là uẩn, tức là bị sanh, già, bệnh, chết.
- Suññākāraṃ dhārentīti = khandhā: Những pháp trình bày luống không, rỗng không, hay trống không (suñña), nên gọi là uẩn.
(i) Sắc uẩn (rūpakkhandha) là nhóm sắc pháp gồm có 28 thứ sắc (rūpa).
(ii) Thọ uẩn (vedanākkhandha) là nhóm thọ gồm lạc thọ (sukha vedanā), khổ thọ (dukkhā vedanā), hỷ thọ (somanassa vedanā), ưu thọ (domanassa vedanā), xả thọ (upekkhā vedanā).
(iii) Tưởng uẩn (saññākkhandha) là nhóm tưởng gồm có tưởng sắc, thinh, khí, vị, (thân) xúc và (ý xúc) pháp.
(iv) Hành uẩn (saṅkhārakkhandha) là nhóm hành gồm 50 sở hữu tâm (cetasika) trừ thọ (vedanā) và tưởng (saññā).
(v) Thức uẩn (viññāṇakkhandha) là nhóm tâm gồm 89 hay 121 tâm (citta).
Trong tập hợp những thành phần của mỗi uẩn, mười một khía cạnh phải được lưu ý. Những khía cạnh này là quá khứ, hiện tại, vị lai, nội phần (ajjhattika), ngoại phần (bahiddha), bậc thấp (hīna), bậc cao (paṇīta), xa (dūre), gần (santike), thô (oḷārika) và tế (sukhuma).
Mục đích phân tích một chúng sanh thành năm uẩn là bài trừ những tưởng, khái niệm và nhận định sai lầm về sự tồn tại của bản ngã, tự ngã, tính cách hay ta (atta). Sự bài trừ này sẽ dẫn đến đạo Nhập lưu.
Ngũ uẩn (pañcakhandha): Sắc uẩn (rūpakkhandha) có trạng thái tiêu hoại đổi thay; thọ uẩn (vedanākkhandha) hứng chịu khổ, vui v.v…; tưởng uẩn (saññākkhandha) nhớ theo sự vật đã qua; hành uẩn (saṅkhārakkhandha) khối hoạt động; thức uẩn (viññāṇakkhandha) chủ trương sự biết cảnh.
2) Năm Thủ uẩn (upādānakkhandha) hay ‘năm uẩn’ làm cảnh cho ‘thủ’
43. Pañc’ upādānakkhandhā: Rūpupādānakkhandho vedanupādānakkhandho saññupādānakkhandho saṅkhārupādānakkhandho viṅṅānupādānakkhandho.
Năm uẩn của thủ là: (i) sắc thủ uẩn (rūpupādānakkhandha), (ii) thọ thủ uẩn (vedanupādānakkhandha), (iii) tưởng thủ uẩn (saññupādānakkhandha), (iv) hành thủ uẩn (saṅkhārupādānakkhandha) và (v) thức thủ uẩn (viṅṅānupādānakkhandha).
Giải:
Trong việc chỉ rõ năm uẩn (khandha), Đức Phật đã lưu ý đến sắc pháp và danh pháp. Trong pháp quán (vipassanā), bậc tu tiến không quán xét tâm siêu thế (lokuttara citta), những sở hữu tâm (cetasika) đồng sanh với tâm làm cảnh cho thủ và những pháp không liên quan trong vòng luân hồi.
81 tâm hiệp thế (lokiya citta), sở hữu hợp (cetasika) và sắc uẩn làm thành cảnh cho pháp thủ bởi tham (lobha) và tà kiến (diṭṭhi). Sự phân chia những cảnh của thủ này thành năm nhóm làm nên năm thủ uẩn.
Đức Phật dạy rằng: “Có bất cứ loại sắc (rūpa) nào, dù quá khứ, vị lai hay hiện tại, v.v… liên hệ với lậu (āsava) và làm cảnh cho thủ (upādāna) - đây được gọi là sắc thủ uẩn.” Bốn uẩn (khandha) khác được Đức Phật định nghĩa cùng cách ấy. (S.22: 48 / iii,48)
(i) Sắc thủ uẩn (rūpupādānakkhandha) là nhóm sắc pháp gồm có 28 sắc pháp (rūpa).
(ii) Thọ thủ uẩn (vedanupādānakkhandha) là nhóm thọ gồm thọ (vedanā) phối hợp với 81 tâm hiệp thế (lokiya citta).
(iii) Tưởng thủ uẩn (saññupādānakkhandha) là nhóm tưởng gồm tưởng (saññā) phối hợp với 81 tâm hiệp thế (lokiya citta).
(iv) Hành thủ uẩn (saṅkhārupādānakkhandha) là nhóm hành gồm 50 sở hữu hiệp thế (lokiya cetasika) trừ thọ (vedanā) và tưởng (saññā).
(v) Thức thủ uẩn (viññānupādānakkhandha) là nhóm tâm gồm 81 tâm hiệp thế (lokiya citta).
Lý Do Phân Thành Hai Loại Uẩn
1. Để chỉ ra rằng chỉ có năm uẩn và không có bản ngã, tự ngã, tôi hay ta (atta). Đức Phật đã phân tất cả sắc và danh pháp, dù hiệp thế (lokiya) hay siêu thế (lokuttara), thành năm uẩn. Đây là bài thuyết về uẩn (khandha desanā) thứ nhất.
2. Trong pháp quán (vipassanā), tâm siêu thế (lokuttara citta) và những sở hữu tâm (cetasika) đồng sanh với chúng không được xem xét, vì chúng không thuộc nhóm khổ đế (dukkhā sacca). Chỉ có tâm hiệp thế (lokiya citta) và sở hữu tâm và sắc uẩn được quán xét trong pháp quán (vipassanā), vì chúng bị túm, níu bởi thủ (upādāna), tham (lobha) và tà kiến (diṭṭhi)) và chúng liên quan trong vòng luân hồi khổ. Thêm nữa, chúng sở hữu những trạng thái như vô thường (aniccā), khổ (dukkhā) và vô ngã (anattā).
Cho nên, Đức Phật lần nữa phân sắc và danh pháp bị túm, níu bởi thủ (upādāna) vào năm nhóm. Đây là bài thuyết về thủ uẩn (upādānakkhandha desanā) thứ hai.
Níp-bàn (Nibbāna) Là Ngoại Uẩn (Khandha vimutti)
Trong việc phân loại năm uẩn, Níp-bàn (Nibbāna) không được tính vào. Lý do là chỉ có một Níp-bàn và nó thuộc một loại riêng biệt. Níp-bàn luôn hiện hữu, không thể bị phân biệt là quá khứ, hiện tại và vị lai. Cũng không thể phân biệt Níp-bàn là pháp nội phần (ajjhattika) hay ngoại phần (bahiddha) – nó thuộc về pháp ngoại phần (bahiddha). Nó không thể bị phân biệt là pháp ti hạ (hīna) hay tinh lương/ cao quí (paṇīta) – nó thuộc về pháp tinh lương (paṇīta). Nó không thể bị phân biệt là pháp viễn (dūre) hay cận (santike) – nó chỉ là pháp viễn (dūre) là pháp vượt khỏi tầm hiểu biết thông thường. Nó không thể bị phân biệt là pháp thô hay tế - nó là pháp tế (sukhuma).
Ngoại phần (bahiddha), tế (sukhuma), tinh lương (paṇīta) và viễn (dūre) không nói về những Níp-bàn nào khác – chúng là những thuật ngữ khác của cùng Níp-bàn.
Níp-bàn không có hai trạng thái khác nhau, cho nên Níp-bàn không cần được phân loại như là một uẩn (khandha). Nibbāna là ngoại uẩn.
3) Mười Hai Xứ (āyatana) (Vibh. Phần II: Xứ Phân Tích)
44. Dvādas’ āyatanāni: Cakkhāyatanaṁ sotāyatanaṁ ghānāyatanaṁ jivhāyatanaṁ kāyāyatanaṁ mānāyatanaṁ rūpāyatanaṁ saddāyatanaṁ gandhāyatanaṁ rasāyatanaṁ phoṭṭhabbāyatanaṁ dhammāyatanaṁ.
Mười hai xứ là: (i) nhãn xứ (cakkhāyatana), (ii) nhĩ xứ (sotāyatana), (iii) tỷ xứ (ghānāyatana), (iv) thiệt xứ (jivhāyatana), (v) thân xứ (kāyāyatana), (vi) ý xứ (mānāyatana), (vii) sắc xứ (rūpāyatana), (viii) thinh xứ (saddāyatana), (ix) khí xứ (gandhāyatana), (x) vị xứ (rasāyatana), (xi) xúc xứ (phoṭṭhabbāyatana) và (xii) pháp xứ (dhammāyatana).
Giải:
‘Āyatana’ nghĩa là căn cứ, cơ sở, nơi, xứ, nguồn, nguồn gốc, phạm vi. Ở đây, 12 āyatana nghĩa là 12 xứ hay là nơi mà tâm và sở hữu hợp sinh khởi.
Mười hai xứ được chia đều thành hai nhóm: (a) nội hay bên trong (ajjhattika) tượng trưng cho 6 môn và (b) ngoại hay bên ngoài (bāhira) bao gồm những cảnh. Tất cả tâm (citta), tất cả sở hữu tâm (cetasika), tất cả sắc pháp (rūpa) và Níp-bàn (Nibbāna) được gồm trong 12 xứ.
Do đó, 12 xứ (āyatana) đưa ra thêm cái nhìn tổng quát. Từ cái nhìn này, toàn bộ pháp siêu lý được quan sát qua những môn (dvāra) và cảnh (ārammana). Trừ ra pháp chế định (paññatti), khái niệm về xứ (āyatana) chỉ dành cho pháp siêu lý, tức là những pháp tồn tại theo thực tính (sabhāva) và không dành cho những pháp hiện hữu dựa trên cấu trúc của chế định.
(a) Sáu xứ nội (ajjhattikāyatana)
(i) Nhãn xứ (cakkhāyatana) là nhãn thanh triệt (cakkhupasāda).
(ii) Nhĩ xứ (sotāyatana) là nhĩ thanh triệt (sotapasāda).
(iii) Tỷ xứ (ghānāyatana) là tỷ thanh triệt (ghānapasāda).
(iv) Thiệt xứ (jivhāyatana) là thiệt thanh triệt (jivhāpasāda).
(v) Thân xứ (kāyāyatana) là thân thanh triệt (kāyapasāda).
(vi) Ý xứ (manāyatana) là 89 hay 121 thứ tâm (citta).
(b) Sáu xứ ngoại (bāhirāyatana)
(vii) Sắc xứ (rūpāyatana) là cảnh sắc tức các màu (vaṇṇa).
(viii) Thinh xứ (saddāyatana) là cảnh thinh tức âm thinh (sadda).
(ix) Khí xứ (gandhāyatana) là cảnh khí tức các mùi (gandha).
(x) Vị xứ (rasāyatana) là cảnh vị tức các vị (rasa).
(xi) Xúc xứ (phoṭṭhabbāyatana) là cảnh xúc tức đất (pathavī), lửa (tejo), gió (vāyo).
(xii) Pháp xứ (dhammāyatana) là cảnh ý gồm có 52 sở hữu tâm (cetasika), 16 sắc tế (sukhuma rūpa) và Níp-bàn (Nibbāna).
Lưu ý:
(1) Sáu xứ nội gồm có 5 sắc thanh triệt (pasāda rūpa) và tất cả tâm (citta). Ý xứ là một thuật ngữ cho tất cả tâm. Chúng đại diện cho 6 môn (dvāra).
(2) Sáu xứ ngoại gồm có 6 cảnh. Pháp xứ (dhammāyatana) là gom gọn của cảnh pháp (dhammārammaṇa) không gồm tâm (citta), sắc thanh triệt (pasāda rūpa) và pháp chế định (paññatti). Tâm (citta), sắc thanh triệt (pasāda rūpa) luôn được trình bày là sáu xứ nội, trong khi pháp chế định không thuộc về pháp siêu lý, cho nên chúng bị loại ra khỏi pháp xứ (dhammāyatana).
(3) Tất cả tâm (citta), tất cả sở hữu tâm (cetasika), tất cả sắc pháp (rūpa) và Níp-bàn (Nibbāna) được gồm trong 12 xứ (āyatana).
(4) Lộ tâm sinh khởi khi cảnh đối chiếu hay dội vào riêng từng môn. Khi cảnh sắc đối chiếu vào nhãn xứ, lộ nhãn môn (cakkhu dvāra vīthi) sinh khởi. Khi cảnh thinh (âm thanh) đối chiếu vào nhĩ xứ, lộ nhĩ môn (sotadvāra vīthi) sinh khởi và v.v… Do đó, 12 xứ là nơi sinh khởi cho tâm (citta), sở hữu tâm (cetasika).
(5) Với những ai gặp khó khăn trong vấn đề hiểu rằng chỉ có năm uẩn (khandha) trong toàn vũ trụ, có thể hiểu rằng chỉ có 12 xứ (āyatana) trong toàn vũ trụ. Như thế, họ có thể thấy không có sự tồn tại của một ‘tự ngã’(atta) hay linh hồn. Sự hiểu biết này có thể dẫn đến sự giải thoát khỏi vòng luân hồi.
(6) Một lý do khác cho hiểu tại sao xứ (āyatana) cũng được gọi là nguyên nhân gây ra vòng luân hồi dài của đau khổ.
4) Mười Tám Giới (dhātu) (Vibh. Phần III: Giới Phân Tích)
45. Aṭṭhārasa dhātuyo: Cakkhudhātu sotadhātu ghānadhātu jivhādhātu kāyadhātu rūpadhātu saddadhātu gandhadhātu rasadhātu phoṭṭhabbadhātu cakkhuviññāṇadhātu, sotaviññāṇadhātu ghānaviññāṇadhātu jivhāviññāṇadhātu kāyaviññāṇadhātu manodhātu, dhammadhātu, manoviññāṇadhātu.
Mười tám giới là: (i) nhãn giới, (ii) nhĩ giới, (iii) tỷ giới, (iv) thiệt giới, (v) thân giới, (vi) ý giới, (vii) sắc giới, (viii) thinh giới, (ix) khí giới, (x) vị giới, (xi) xúc giới, (xii) pháp giới, (xiii) nhãn thức giới, (xiv) nhĩ thức giới, (xv) tỷ thức giới, (xvi) thiệt thức giới, (xvii) thân thức giới và (xviii) ý thức giới.
Giải:
Giới (dhātu) hay bản chất là pháp mang những đặc tính và trạng thái riêng của nó. Nó thật sự tồn tại trong tự nhiên và thực hiện mục đích giới hạn riêng của nó, nhưng nó không là một người hay chúng sanh.
18 giới có được từ 12 xứ bằng cách chia ý xứ thành bảy thức giới (viññāṇadhātu). Trong tất cả khía cạnh khác, xứ và giới thì giống nhau.
Đức Phật chia tất cả pháp thực tính thành 18 giới (dhātu) cho lợi ích của những ai không thể hiểu ý nghĩa quan trọng của thủ uẩn (khandha) và 12 xứ (āyatana) để chỉ rõ rằng 18 giới tồn tại trong toàn vũ trụ và không có bản ngã (atta) hay linh hồn hoặc người hay chúng sanh thật sự tồn tại.
18 giới (dhātu) được chia đều thành ba nhóm: (a) 6 môn giới, (b) 6 cảnh giới và (c) 6 thức giới.
(a) Sáu Môn (dvāra)
(i) Nhãn giới (cakkhudhātu) là nhãn thanh triệt = nhãn môn.
(ii) Nhĩ giới (sotadhātu) là nhĩ thanh triệt = nhĩ môn.
(iii) Tỷ giới (ghānadhātu) là tỷ thanh triệt = tỷ môn.
(iv) Thiệt giới (jivhādhātu) là thiệt thanh triệt = thiệt môn.
(v) Thân giới (kāyadhātu) là thân thanh triệt = thân môn.
(vi) Ý giới (manodhātu) là tâm khai ngũ môn (pañca dvārāvajjana) và 2 tâm tiếp thâu (sampaṭicchana).
(b) Sáu Cảnh
(vii) Sắc giới (rūpadhātu) là các màu (vaṇṇa).
(viii) Thinh giới (saddadhātu) là các tiếng, âm thanh (sadda).
(ix) Khí giới (gandhadhātu) là các mùi (gandha).
(x) Vị giới (rasadhātu) là các vị (rasa).
(xi) Xúc giới (phoṭṭhabbadhātu) là cảnh xúc [đất (pathavī), lửa (tejo), gió (vāyo)].
(xii) Pháp giới (dhammadhātu) là 52 sở hữu tâm (cetasika), 16 sắc tế (sukhuma rūpa) và Níp-bàn (Nibbāna) (giống như pháp xứ).
(c) Sáu Thức
(xiii) Nhãn thức giới (cakkhuviññāṇadhātu) là 2 tâm nhãn thức (cakkhuviññāṇa citta).
(xiv) Nhĩ thức giới (sotaviññāṇadhātu) là 2 tâm nhĩ thức (sotaviññāṇa citta).
(xv) Tỷ thức giới (ghānaviññāṇadhātu) là 2 tâm tỷ thức (ghānaviññāṇa citta).
(xvi) Thiệt thức giới (jivhāviññāṇadhātu) là 2 tâm thiệt thức (jivhāviññāṇa citta).
(xvii) Thân thức giới (kāyaviññāṇadhātu) là 2 tâm thân thức (kāyaviññāṇa citta).
(xviii) Ý thức giới (manoviññāṇadhātu) là 76 tâm trừ 10 tâm ngũ song thức (dvipañcaviññāṇa citta) và 3 tâm ý giới (manodhātu citta).
Lưu ý:
(1) Nương vào 6 môn và 6 cảnh, 6 loại thức sanh. Ví dụ, khi sắc giới (rūpadhātu) hay cảnh sắc đối chiếu hay dội vào nhãn giới (cakkhudhātu) hay nhãn môn, nhãn thức giới (cakkhuviññāṇadhātu) sanh và v.v…
(2) 18 giới (dhātu) gồm tất cả sắc (rūpa), tất cả tâm (citta), tất cả sở hữu tâm (cetasika) và Níp-bàn (Nibbāna).
(3) 4 giới đầu tiên - tức là địa giới (pathavī dhātu), thủy giới (āpo dhātu), hỏa giới (tejo dhātu) và phong giới (vāyo dhātu) – không được tính trong 18 giới (dhātu), dĩ nhiên bao gồm cả 4 giới đầu.
(4) Biết về 18 giới tồn tại trong một người và không có tôi hay tự ngã (atta) tồn tại trong thiền quán có thể đưa đến chứng đắc tâm đạo.
5) Bốn Thánh Đế (ariyasacca) (Vibh. Phần IV: Đế Phân Tích)
46. Cattāri ariyasaccāni: Dukkhaṃ ariyasaccaṁ, dukkhasamudayo ariyasaccaṁ, dukkhanirodho ariyasaccaṁ, dukkhanirodha gāminīpatipadā ariyasaccaṁ.
Bốn Thánh đế là: Khổ Thánh đế, khổ tập Thánh đế, dứt khổ Thánh đế (diệt đế), đạo Thánh đế đưa đến sự dứt khổ.
Giải:
‘Sacca’ nghĩa là đế, sự thật, điều có thực, chân lý. Sự thật mà chỉ có chư Thánh (Ariyā) có thể hiểu hoàn toàn, trọn vẹn được gọi là Thánh đế (Ariyasacca).
Bốn Thánh đế là pháp căn bản, cốt yếu trong lời dạy của Đức Phật, được khám phá bởi Đức Phật vào đêm mà Ngài giác ngộ và được Ngài giải thích lặp đi lặp lại nhiều lần trong thời gian dài hoằng pháp. Bốn đế này được gọi là Thánh đế bởi vì chúng bị thâm nhập bởi chư Thánh; vì chúng được dạy bởi bậc Vô thượng; vì sự thấu suốt của họ đưa đến trạng thái Thánh nhân (Ariya); và vì chúng là sự thật, không thể thay đổi, không nhầm lẫn sự thật về sự hiện hữu của kiếp sống.
Bốn Thánh đế bao gồm tất cả trong pháp hiệp thế và pháp siêu thế và bốn Thánh đế tổng hợp vắn tắt toàn bộ lời dạy của Đức Phật. Chúng thật sự là định luật của vũ trụ của những hình thái cao nhất cho những ai biết và thấy rõ chúng và trở thành chư Thánh nhân (Ariyā).
Những tên gọi Abhidhamma, những tên phổ thông và ý nghĩa của bốn Thánh đế được mô tả trong Lược đồ 7. 3 - Bốn Thánh đế.
Pháp Thực Tính Của Mỗi Thánh Đế Và Những Gì Thánh Đế Dạy
(i) 81 tâm hiệp thế (lokiya citta), 51 sở hữu tâm hiệp thế (lokiya cetasika) [trừ tham (lobha)] và 28 loại sắc (rūpa) là những pháp thực tính của ‘khổ Thánh đế’. Chúng hình thành vòng luân hồi khổ trong 3 cõi – đó là cõi Dục (Kāma loka), cõi Sắc (Rūpa loka) và cõi Vô sắc (Arūpa loka).
Đế (sacca) hay sự thật thứ nhất dạy chúng ta rằng, dù dưới dạng chúng sanh nào thì đều bất toại nguyện vì họ phải chịu khổ (dukkhā).
(ii) Pháp thực tính của ‘khổ tập Thánh đế’ là ái (taṇhā), tức tham (lobha) hiện diện trong 8 tâm căn tham (lobhamūla citta). Ái (taṇhā) dẫn đến sự tái tục và khổ trong chuỗi dài vô tận của sự sống liên tục không ngừng.
Đế (sacca) hay sự thật thứ hai dạy chúng ta về tất cả khổ và sanh, được trợ sanh do ái (taṇhā).
(iii) Pháp thực tính của ‘dứt khổ Thánh đế’ hay ‘diệt đế’ là Níp-bàn (Nibbāna) được thấy rõ khi ái (taṇhā) hay tham (lobha) bị đoạn tận.
Đế (sacca) hay sự thật thứ ba dạy chúng ta sự dập tắt ái (taṇhā) tất yếu phải cho quả diệt (nirodha) sự tái tục và khổ. Quả của việc diệt (nirodha) sự tái tục và khổ là an vui, tức Níp-bàn (Nibbāna).
(iv) Tám sở hữu tâm (cetasika) hiện diện làm chi đạo trong 4 tâm đạo (maggacitta) là những pháp thực tính của đạo Thánh đế đưa đến sự dứt khổ.
Những sở hữu tâm (cetasika) này là: Trí (paññā) là chánh kiến (sammādiṭṭhi); tầm (vitakka) là chánh tư duy (sammāsaṅkappa); chánh ngữ (sammāvācā); chánh nghiệp (sammākammanta); chánh mạng (sammā ājīva); cần (viriya) là chánh tinh tấn (sammāvāyāma); niệm (sati) là chánh niệm (sammāsati); và nhất hành (ekaggatā) là chánh định (sammāsamādhi).
Bốn Thánh đế dạy chúng ta rằng tám chi đạo (maggaṅga) là thật và có thể được làm cho xuất hiện. Những chi ấy dập tắt sự tái tục và khổ.
Lưu ý:
(i) Khổ Thánh đế được giải thành 12; khổ về sanh, già, chết, sự kêu than, sự than van, đau, sầu, tuyệt vọng hội họp với sự khó chịu, xa lìa sự thương, cầu mà không được và sự tập hợp của năm uẩn. Tóm lại Thánh đế này bao gồm tất cả hiện tượng của ba cõi phàm, ngoại trừ ái (taṇhā).
Thánh đế thứ nhất dạy chúng ta rằng, tất cả hình thái của bất cứ sự hiện hữu nào đều bất toại nguyện là chúng bắt phải chịu khổ.
(ii) Thánh đế về nhân của khổ là một chi riêng, đó là ái (taṇhā), là sở hữu tham (lobha cetasika). Ái (taṇhā) có ba là dục ái (kāmataṇhā) – ái về cảnh dục, hữu ái (bhavataṇhā) – là ái về sự tiếp tục kiếp sống và phi hữu ái (vibhavataṇhā) – là ái về sự không hiện hữu hay tự tiêu diệt.
Thánh đế thứ hai dạy chúng ta rằng tất cả khổ và tất cả tái tục được tạo ra do ái (taṇhā).
(iii) Dứt khổ Thánh đế cũng là một chi riêng, đó là Nibbāna, là pháp được thấy rõ do sự đoạn tận ái.
(iv) Đạo Thánh đế đưa đến sự dứt khổ là tám Thánh đạo. Trong bốn Thánh đế, đạo này nói đến tám sở hữu tâm (cetasika) tương ứng với tám chi đạo sanh trong bốn tâm đạo siêu thế. Trong đẳng giác, điều kiện cần thiết để giác ngộ, tám chi đạo có thể là hiệp thế hay siêu thế.
Thánh đế thứ ba dạy chúng ta rằng, sự diệt hay dập tắt ái (taṇhā) tất yếu dẫn đến sự diệt của tái tục và khổ. Sự diệt của tái tục và khổ dẫn đến sự an lạc vĩnh viễn (santisukha), tức là Nibbāna.
Thánh đế thứ tư dạy chúng ta rằng, nhóm tám Thánh đạo là đạo đế là pháp dẫn đến sự dập tắt, hay diệt của tái tục và khổ.
Khổ Thánh đế và khổ tập Thánh đế (nguyên nhân của khổ Thánh đế) được gọi là đế hiệp thế (lokiya sacca); pháp sau là nguyên nhân, pháp trước là quả.
Diệt khổ Thánh đế và đạo Thánh đế đưa đến sự diệt khổ được gọi là đế siêu thế (lokuttara sacca); và nữa, pháp sau là nguyên nhân, pháp trước là quả.
Có chung một niềm tin ở Myanmar là cuộc sống của chúng sanh không đáng sống nếu không biết về uẩn (khandha), xứ (āyatana), giới (dhātu), đế (sacca). Do đó, nay chúng ta may mắn được học những pháp ấy. Chúng ta nên dùng chánh tinh tấn để biết chúng bằng cách tu tuệ quán (bhāvanāmaya ñāṇa).
Giải thích chi tiết:
47. Ettha pana cetasika sukhumarūpa nibbāna vasena ekūnasattati dhammā dhammāyatana dhammadhātu’ ti saṅkhaṁ gacchati.
48. Manāyatanaṁ eva sattaviññāṇadhātuvasena bhijjati.
Ở đây, một sự giải thích chi tiết được chèn vào trong bảng tóm tắt tổng thể, 69 pháp bản thể gồm có 52 danh pháp, 16 loại sắc tế và Níp-bàn được xem là pháp xứ và pháp giới. Ý xứ được chia thành 7 thức giới.
Tóm lược:
49. Rūpañ ca vedanā saññā sesacetasikā tathā, viññāṇaṁ iti pañc’ete pañcakkhandhā ti bhāsitā.
50. Pañcupādanakkhandhā ti, tathā tebhūmaka matā.
Bhedābhāvena Nibbānaṁ, khandhasaṅgahanissaṭaṁ.
51. Dvārārammana bhedena, bhavant’ayatanāni ca Dvārālamba-ta-d-uppanna-pAriyāyena dhātuyo
52. Dukkhaṁ tebhūmakaṁ vaṭṭaṁ taṇhā samudayo bhave. Nirodho nāma nibbānaṁ maggo lokuttaro mato.
53.Maggayuttā phala c’eva catusaccavinissatā.
Iti pañcappabhedena pavutto sabbasaṅgaho.
Sắc, thọ, tưởng, hành (là những danh sở hữu tâm ngoài ra thọ và tưởng) và thức (là tâm) – Năm nhóm này được gọi là năm uẩn.
Cùng lời tuyên bố đó, đó là sắc (rūpa), thọ (vedanā), tưởng (saññā), hành (saṅkhāra), thức (viññāṇa), gắn liền với ba cõi phàm [cõi Dục (Kāma), cõi Sắc (Rūpa), cõi Vô sắc (Arūpa)] được xem là năm thủ uẩn (uẩn làm cảnh cho thủ).
Vì Níp-bàn không có sự phân biệt (như là quá khứ, hiện tại, vị lai), Níp-bàn là pháp độc lập và nằm ngoài phạm trù ‘uẩn’.
Bởi vì sự phân biệt như 6 môn và 6 loại cảnh, có 12 xứ (cho sự sanh của tâm và sở hữu tâm).
Phù hợp với 6 môn, 6 cảnh và 6 thức sanh ở 12 xứ , có 18 giới.
Hiện tượng vật lý thần kinh học sanh trong ba cõi hiện hữu thuộc về ‘khổ Thánh đế’. Ái là ‘khổ tập Thánh đế’. Nibbāna là ‘dứt khổ Thánh đế’. Tám chi đạo phối hợp với 4 tâm đạo làm thành ‘đạo Thánh đế đưa đến sự dứt khổ’.
Những danh pháp phối hợp với đạo và quả được loại ra khỏi bốn Thánh đế.
Như vậy, bảng tóm tắt tổng thể đã được giải trong năm cách.
Iti Abhidhammatthasaṅgahe Samuccayasaṅgahavibhāgo nāma Sattamo paricchedo.
Như vậy, kết thúc chương thứ bảy trong Abhidhammatthasaṅgaha (Vô Tỷ Pháp Tập Yếu) với tựa đề Tương Tập Nhiếp.
Câu hỏi ôn tập:
1. Liệt kê 72 loại pháp thực tính siêu lý gọi là Vatthudhamma.
2. Bốn pháp lậu (āsava) là gì? Chúng làm chúng sanh bị say ra sao?
3. Bốn pháp bộc (ogha) là gì? Chúng chôn vùi chúng sanh ra sao?
4. Giải thích ý nghĩa của bốn pháp phối (yoga) và bốn pháp phược (gantha).
5. Cái gì làm cho chúng sanh ‘thủ’ mạnh mẽ trong cảnh và tà kiến? Tại sao kiến (diṭṭhi) được phân biệt như ba loại ‘thủ’?
6. Những pháp làm chướng ngại lớn (pháp cái) trong việc đắc thiền (jhāna), đạo (magga), quả (phala) là những gì?
7. Pháp tiềm thùy (anusaya) là gì? Chúng nằm ở đâu? Mô tả bảy pháp tiềm thùy (anusaya).
8. Mười pháp ‘triền’, theo tạng Abhidhamma, trói buộc chúng sanh vào bánh xe luân hồi là gì?
9. Mô tả mười pháp triền theo tạng Kinh. Chúng quấn chặt chúng sanh vào bánh xe luân hồi ra sao?
10. Phiền não (kilesa) là gì? Mô tả mười loại phiền não. Chúng được nhân thành 1500 phiền não ra sao?
11. Tâm có nhân (hetu) hay chăng? Những nhân hay căn này là gì?
12. Chi thiền là gì? Phận sự của nó là gì? Liệt kê những chi thiền.
13. Ý nghĩa của đạo và chi đạo là gì? Trình bày những chi đạo đưa đến những cõi Khổ.
14. Ý nghĩa của ‘quyền’ (indriya) là gì? Một nữ phàm nhân sở hữu bao nhiêu ‘quyền’?
15. Chín lực (bala) là gì? Lực nào làm trưởng trong những người yếu?
16. Sự khác biệt giữa quyền và trưởng là gì? Trình bày bốn trưởng đưa đến sự thành tựu.
17. Có bao nhiêu loại ‘thực’ mà chúng ta cần để duy trì sự sống? Chúng duy trì sự hiện hữu ra sao?
18. Liệt kê những điều kiện tất yếu để giác ngộ (đẳng giác). Những pháp thực tính nào đại diện cho chúng.
19. Con đường duy nhất để dứt khổ và ưu là gì? Nêu chi tiết.
20. Bốn chánh cần là gì? Giải thích chúng ta nên áp dụng ‘cần’ ra sao?
21. Năm pháp nghịch làm khích động, xao động[24] tâm là gì? Và năm pháp thuận hay ‘sức mạnh’ mà chúng ta có thể tin vào làm an tịnh ý là gì?
22. Bảy giác chi là gì? Chúng có thể được phát triển ra sao?
23. Trình bày những pháp thực tính siêu lý tạo thành tám cho Thánh đạo. Đạo này có thể đưa đến đâu?
24. Nêu chi tiết ba Thánh hữu học. Những pháp tu tập này có thể được áp dụng cho người tại gia không?
25. Tất cả những hiện tượng vật lý thần kinh học trong toàn vũ trụ được phân thành năm uẩn ra sao? Ý nghĩa của sự phân loại này là gì?
26. Tại sao Đức Phật giảng hai thời pháp về uẩn? Nibbāna có được gồm trong những uẩn này chăng? Tại sao?
27. Tất cả pháp siêu lý có thể được xem dưới dạng 12 ‘xứ’ (āyatana) ra sao? Trình bày những ‘xứ’ này.
28. Ý nghĩa của giới là gì? Tất cả pháp thực tính được phân loại thành 18 giới (dhātu) ra sao? Ý nghĩa của những loại ấy là gì?
29. Bậc tu tiến chắc chắn có thể thấy rõ trong pháp quán là linh hồn, tự ngã không thật sự tồn tại ra sao?
30. Bốn Thánh đế là gì? Chúng là những đế (sự thật) thiên nhiên vũ trụ chăng? Tại sao chúng được gọi là Thánh đế?
31. Giải thích ngắn gọn về bốn Thánh đế. Những đế ấy dạy chúng ta những gì?
32. Kiếp sống nhân loại không quan trọng, trừ khi hiểu về uẩn, xứ, giới và đế. Bạn có đồng ý với lời tuyên bố này? Nêu lý do.
___o0o___
CHƯƠNG VIII: PACCAYA SAṄGAHA – DUYÊN TẬP YẾU
‘Paccaya’ nghĩa là ‘nguyên nhân’ hay ‘duyên trợ’. Pháp nào nương vào ‘pháp khác’ (đặng sanh), pháp ấy gọi là pháp sở duyên (paccayuppanna), tức là pháp tùy thuộc, lệ thuộc hay phụ thuộc và nếu không nhờ ‘pháp khác’ ấy thì pháp sau không thể hiện bày.
‘Paccaya’ là năng duyên, nguyên nhân hay duyên trợ của pháp sở duyên.
‘Paccayuppanna’ là sở duyên, quả của năng duyên.
Trong duyên trợ, pháp sở duyên (paccayuppanna), pháp năng duyên (paccaya) hoạt động hỗ trợ theo hai định luật:
(1) Nó trợ cho quả chưa sanh đặng sanh, và
(2) Nó củng cố làm cho quả đã sanh đặng vững vàng.
Kệ Mở Đầu
1. Yesaṁ saṅkhatadhammānaṁ, ye dhammā paccayā yathā. Taṁ vibhāgaṁ ih’edāni, pavakkhāmi yathārahaṁ.
Pháp hữu vi (saṅkhatadhammā) sinh ra do pháp duyên (paccayadhamma) bằng ý nghĩa sức mạnh của những duyên (paccayasatti) khác nhau. Những pháp duyên, những pháp hữu vi và mãnh lực duyên đó sẽ được giải thích theo một cách thích hợp.
Hai Cách Trợ
2. Paṭiccasamuppādanayo paṭṭhānanayo c’eti paccayasaṅgaho duvidho veditabbo.
3. Tattha tabbhāva-bhāvi-bhāvākāra-matt’opalakkhito paṭiccasamuppādanayo. Paṭṭhānanayo pana āhacca-paccayaṭṭhitiṁ ārabbha pavuccati. Ubhayaṁ pana vomissetvā papañcenti ĀcAriyā.
Duyên nhiếp nên được hiểu theo hai cách:
(1) Paṭiccasamuppāda - cách liên quan tương sinh, y tương sinh hay liên quan nhân quả.
(2) Paṭṭhāna - cách duyên trợ, duyên tương quan, xứ hay vị trí (vì là nơi hội họp của những duyên).
Trong số này, cách liên quan tương sinh (paṭiccasamuppāda) được đánh dấu đơn giản là sự sinh khởi của một pháp nương vào một số pháp khác.
Cách duyên tương quan (paṭṭhāna) được phân tích, xem xét về những mãnh lực của duyên.
Chư tiền bối đã thảo tỉ mỉ hai cách này bằng cách hòa trộn chúng.
[Ví dụ, trong Visuddhimagga, chương XVII, 24 duyên tương quan được dùng làm sáng tỏ mối liên hệ giữa mỗi cặp của những chi trong 12 cách của liên quan tương sinh].
Cách thứ nhất, paṭiccasamuppāda (liên quan tương sinh), trình bày nguyên nhân và quả mà không đề cập nhân trợ cho quả sanh như thế nào. Tuy nhiên, định luật liên quan tương sinh (paṭiccasamuppāda) là một pháp rất quan trọng; mô tả mười một vị trí (paṭṭhāna) hay duyên tương quan giải thích về năng duyên và sở duyên, tính thay đổi liên tục của sắc pháp và danh pháp. Nói cách khác, nó giải thích cách mỗi chúng sanh liên quan trong bánh xe luân hồi chịu trải qua vòng luân hồi khổ dài vô tận (saṃsāra).
Cách thứ hai, paṭṭhāna (vị trí hay duyên tương quan) – duyên trợ không chỉ mô tả nhân và quả, mà cũng giải thích thế nào nhân trợ cho quả sanh. Thật tuyệt vời khi học về 24 cách duyên tương quan trợ tất cả sắc pháp và danh pháp do nhân và quả với minh họa cụ thể xảy ra trong đời sống thực.
(1) Cách liên quan tương sinh (Paṭiccasamuppāda) (Vibh. Phần VI: Paccayakāra)
Mười một mối liên quan tương sinh (liên quan nhân quả). (Vibh.255)
4. Tattha (1) avijjā paccayā saṅkhārā, (2) saṅkhāra paccayā viññāṇaṃ, (3) viññāṇa paccayā nāma-rūpaṃ, (4) nāma-rūpa paccayā saḷāyatanaṁ, (5) saḷāyatana paccayā phasso, (6) phassa paccayā vedanā, (7) vedanā paccayā taṇhā, (8) taṇhā paccayā upādānaṃ, (9) upādāna paccayā bhavo, (10) bhavapaccayā jāti, (11) jāti paccayā jarā-maraṇaṃ-soka-parideva-dukkha-domanassupāyāsā sambhavanti.
Evaṁetassa kevalassa dukkhakkhandhassa samudayo hotī ti.
Ayaṁ ettha Paṭiccasamuppādanayo.
Cách ‘paṭiccasamuppāda’ liên quan với nhân và quả được gọi chung là Định luật liên quan tương sinh. Trình bày toát yếu cách này như sau:
(1) Vô minh duyên hành (avijjā paccayā saṅkhāra) là do (hay tùy thuộc vào) vô minh, trợ cho tư (cetanā) hay nghiệp hành sanh.
(2) Hành duyên thức (saṅkhāra paccayā viññāṇaṃ) là do nghiệp hành (trong đời quá khứ), trợ cho thức quả hay tâm tái tục (trong đời hiện tại) sanh.
(3) Thức duyên danh-sắc (viññāṇa paccayā nāma-rūpaṃ) là do thức quả sanh, trợ cho danh sở hữu (cetasika) và sắc nghiệp (kammajarūpa) sanh.
(4) Danh-sắc duyên sáu xứ (nāma-rūpa paccayā saḷāyatanaṁ) là do danh-sắc sanh, trợ cho sáu xứ nội sanh.
(5) Sáu xứ duyên xúc (saḷāyatana paccayā phasso) là do sáu xứ nội sanh, trợ cho xúc (giữa xứ, 6 cảnh và thức) sanh.
(6) Xúc duyên thọ (phassa paccayā vedanā) là do xúc (với 6 cảnh), trợ cho thọ sanh.
(7) Thọ duyên ái (vedanā paccayā taṇhā) là do thọ, trợ cho ái sanh.
(8) Ái duyên thủ (taṇhā paccayā upādānaṃ) là do ái, trợ cho thủ sanh.
(9) Thủ duyên hữu (upādāna paccayā bhavo) là do thủ, trợ cho nghiệp hữu (kamma bhava) và sanh hữu (upapatti bhava) sanh.
(10) Hữu duyên sanh (bhavapaccayā jāti) là do nghiệp hữu trong kiếp hiện tại, trợ cho sanh hay tái tục (trong kiếp vị lai) sanh.
(11) Sanh duyên lão-tử-sầu-khóc-khổ-ưu-ai hiện diện (jāti paccayā jarā-maraṇaṃ-soka-parideva-dukkha-domanassupāyāsā sambhavanti) là do sanh (tái tục), trợ cho lão, tử, sầu, khóc, khổ, ưu, ai sanh.
Vì thế sanh cả khối khổ này nữa ở vị lai. Đây là cách của liên quan tương sinh.
Giải theo Paṭṭhāna, duyên trợ hay duyên tương quan
1. Vô minh duyên hành (avijjā paccayā saṅkhāra) (thuộc thời quá khứ)
Vô minh (avijjā) trợ duyên cho nghiệp hành (saṅkhāra) sanh, hay nói cách khác, nghiệp hành (saṅkhāra) sanh do nương vào vô minh (avijjā). (Vibh.257)
Ở đây, “Avijjā” vô minh là ảo tưởng, mê mờ, không biết pháp đáng biết. Vô minh (avijjā) là sở hữu si (moha cetasika) hiện diện trong 12 tâm bất thiện (akusala citta). Si (moha) là nhận thức tối tăm của chúng sanh và làm mù không cho thấy bản thể thực tính của cảnh. Như thấy các pháp hữu tưởng và vô tưởng có vẻ là thường (nicca), lạc (sukha), ngã (atta), tịnh (subha), trong khi thực tế thì các pháp thật sự là vô thường (anicca), chịu khổ (dukkha), vô ngã (anatta) và bất tịnh (asubha).
Theo Kinh (Suttanta), Đức Phật có giải thích: Si (moha) là vô minh (avijjā), không biết về bốn Thánh đế. Theo Abhidhamma, vô minh (avijjā) hay si (moha) là không biết về những nhóm uẩn (khandha) - xứ (āyatana) quá khứ (kiếp quá khứ), những nhóm uẩn (khandha) - xứ (āyatana) vị lai (kiếp vị lai), sự kết nối phía trước và sự kết nối phía sau của những nhóm uẩn (khandha) - xứ (āyatana) hiện tại (kiếp trước và kiếp sau), liên quan nhân quả của paṭiccasamuppāda là pháp gồm nghiệp (kamma) và quả của nghiệp.
Có tám chi quan trọng bị vô minh (avijjā) ngăn che làm cho chúng sanh không đặng biết bản thể thực tính của chư pháp. Đó là: 1) khổ đế (dukkhā sacca); 2) tập đế (samudaya sacca); 3) diệt đế (nirodha sacca); 4) đạo đế (magga sacca); 5) uẩn (khandha) quá khứ và những nhóm xứ (āyatana); 6) uẩn vị lai và những nhóm xứ; 7) điểm đầu và điểm cuối của uẩn và những nhóm xứ hiện tại; 8) pháp liên quan tương sinh (paṭiccasamuppāda) là gồm nghiệp (kamma) và quả của nghiệp.
Hành (saṅkhāra) nghĩa là nghiệp hành (kamma saṅkhāra) hay 29 tư (cetanā) phối hợp với 17 tâm thiện hiệp thế (lokiyakusala citta) và 12 tâm bất thiện (akusalacitta). Chỉ cho phúc hành (puññābhisaṅkhāra), phi phúc hành (apuññābhisaṅkhāra) và bất động hành (aneñjābhisaṅkhāra).
(1) Phúc hành (puññābhisaṅkhāra) đại diện cho 13 tư (cetanā) phối hợp với 8 tâm đại thiện (mahākusala citta) và 5 tâm thiện sắc giới (rūpāvacarakusala citta). Gọi chung là ‘phúc hành’ vì nó trợ cho danh uẩn quả thiện (vipāka nāmakkhandha) và sắc bị tạo (kaṭattā rūpa) sanh trong cõi Dục (Kāma loka) và cõi Sắc (Rūpa loka).
(2) Phi phúc hành (apuññābhisaṅkhāra) đại diện cho 12 tư (cetanā) phối hợp với 12 tâm bất thiện (akusala citta), được gọi chung là ‘phi phúc hành’ vì nó trợ cho danh uẩn quả bất thiện (vipāka nāmakkhandha) và sắc bị tạo (kaṭattā rūpa) sanh trong 4 cõi Khổ (Apāya loka).
(3) Bất động hành (aneñjābhisaṅkhāra) đại diện cho 4 tư (cetanā) phối hợp với 4 tâm thiện vô sắc giới (arūpāvacara kusala citta), được gọi chung là ‘bất động hành’ vì nó trợ cho sự sống bất động vô sắc (arūpa).
Tóm lại, hành (saṅkhāra) đại diện cho 29 loại nghiệp (kamma) phối hợp với 17 tâm thiện hiệp thế (lokiya kusala citta) và 12 tâm bất thiện (akusala cittta).
Vô minh (avijjā) duyên cho hành (saṅkhāra) sanh ra sao?
Vì không biết về nghiệp và quả của nghiệp, chúng sanh phạm vào những hành vi bất thiện vì lợi ích bản thân nhất thời. Do những suy nghĩ ảo tưởng về dục lạc, thiền lạc là những dạng hạnh phúc thật sự, chúng sanh thực hiện xả thí (dāna), giữ giới (sīla) và tu tiến (bhāvana) để đạt đến những hạnh phúc ấy trong kiếp hiện tại hay những kiếp vị lai. Dù cho chúng sanh tích lũy cả hai nghiệp hành (kamma saṅkhāra) thiện và bất thiện thì đều là quả của sự không biết hay ảo tưởng, tức vô minh (avijjā).
Có một sự giải thích luân phiên như vầy: Khi dòng danh pháp của chúng sanh hữu tưởng bị nhiễm đầy vô minh, tư (cetanā) của vị ấy làm sản sanh nghiệp (kamma) với mãnh lực tạo ra quả trong những kiếp sống vị lai. Do đó, vô minh được xem là duyên chính cho nghiệp hành (kamma saṅkhāra). Vô minh thì vượt trội trong những nghiệp bất thiện, trong khi vô minh là pháp tiềm thùy (avijjānusaya) trong những nghiệp thiện hiệp thế. Do đó, cả hai nghiệp hành (kamma saṅkhāra) thiện hiệp thế và bất thiện sanh do nương vào vô minh (avijjā).
2. Hành duyên thức (saṅkhāra paccayā viññāṇaṃ) (thuộc thời quá khứ - hiện tại)
Nghiệp hành (kammasaṅkhāra) trợ duyên cho thức quả (viññāṇaṃ) sanh, hay nói cách khác, ‘thức quả’ sanh là do nương vào ‘nghiệp hành’. (Vibh.258)
Ở đây, nghiệp hành (kammasaṅkhāra) nghĩa là 29 tư-cetanā (kamma) phối hợp với 17 tâm thiện hiện thế (lokiyakusala citta) và 12 tâm bất thiện (akusalacitta).
Thức (viññāṇaṃ) ở đây nghĩa là tâm tái tục là quả đầu tiên của nghiệp hành. Nhưng hành (saṅkhāra) tiếp tục tạo tâm quả (vipāka citta) xuyên suốt cả kiếp sống mới. Do đó, tất cả 32 tâm quả hiệp thế (lokiya vipāka citta), được tạo ra bởi 29 tư (kamma), tượng trưng cho thức quả là quả trực tiếp của hành (saṅkhāra).
Do đó, liên quan tương sinh (paṭiccasamuppāda) thứ hai nên được hiểu như sau:
Vào thời tái tục (paṭisandhi kāla), 11 tư bất thiện [akusaka cetanā (trừ tư điệu cử - uddhacca cetanā)] và 17 tư thiện hiệp thế [lokiya kusala cetanā (ngoài 2 tư thần thông – abhiññā cetanā)] trợ cho 19 tâm tái tục sanh.
Vào thời bình nhật (pavattikāla) tất cả 12 tư bất thiện (akusala cetanā) và 17 tư thiện hiệp thế [lokiya kusala cetanā (ngoài 2 tư thần thông – abhiññā cetanā)] tiếp tục trợ cho 32 tâm quả hiệp thế (lokiya vipāka citta) sanh. Điều này có thể được tách ra như sau:
(1) Phi phúc hành (apuññābhisaṅkhāra) tức 12 tư bất thiện (akusala cetanā) trợ cho 7 tâm quả bất thiện (akusala vipāka citta) sanh.
(2) Phúc hành (puññābhisaṅkhāra) tức 8 tư đại thiện (mahā kusala cetanā) và 5 tư thiện sắc giới (rūpāvacara kusala cetanā) trợ cho 8 tâm quả thiện vô nhân (kusala ahetuka vipāka citta), 8 tâm đại quả (mahāvipāka citta) và 5 tâm quả sắc giới (rūpāvacara vipāka citta) sanh.
(3) Bất động hành (anenjābhisaṅkhāra) tức 4 tư vô sắc giới (arūpāvacara cetanā) trợ cho 4 tâm quả vô sắc (arūpāvacara vipāka citta) sanh.
Do đó, từ sát-na đầu tiên khi thụ thai trong bào thai người mẹ, tâm nghiệp quả của phôi thai đang hoạt động và nó tiếp tục hoạt động như tâm hữu phần và tâm nhãn thức, nhĩ thức, v.v… xuyên suốt cả kiếp sống mới. Dĩ nhiên, cuối cùng nó kết thúc bằng tâm tử.
3. Thức duyên danh-sắc (viññāṇa paccayā nāma-rūpaṃ) (thuộc thời hiện tại)
Thức (viññāṇaṃ) trợ duyên cho danh-sắc (nāma-rūpaṃ) sanh, hay nói cách khác, ‘danh-sắc’ sanh là do nương vào ‘thức’. (Vibh.259)
Trong bước (2.), thức (viññāṇaṃ) chỉ riêng cho quả thức, ở đây thức nêu cả hai quả thức (vipāka viññāṇa) và nghiệp thức (kamma viññāṇa).
- Quả thức (vipāka viññāṇa) nghĩa là 32 tâm quả hiệp thế (lokiya vipāka citta) đã đề cập trong pháp liên quan tương sinh thứ hai.
- Nghiệp thức (kamma viññāṇa) nghĩa là tâm (citta) phối hợp với nghiệp tư (cetanā kamma) và nó nhắc lại 29 nghiệp thiện và bất thiện đã được trình bày là hành (saṅkhāra). Việc yêu cầu tham khảo ngược vì chỉ có nghiệp thiện (kusalakamma) và nghiệp bất thiện (akusalakamma), mà không có tâm quả (vipākacitta), có thể trợ cho 18 loại sắc nghiệp (kammaja rūpa) sanh.
Trong danh-sắc (nāma-rūpa), danh pháp (nāma) chỉ cho 35 sở hữu tâm (cetasika) phối hợp với 32 tâm quả hiệp thế (lokiya vipāka citta). Về uẩn (khandha), 35 sở hữu tâm đại diện cho 3 danh uẩn – đó là thọ uẩn (vedanākkhandha), tưởng uẩn (saññākkhandha) và hành uẩn (saṅkhārakkhandha). Phần thứ hai, sắc pháp (rūpaṃ), chỉ cho 18 thứ sắc pháp do nghiệp trợ tạo (kammaja rūpa).
Tóm lại, 32 thức quả hiệp thế (lokiya vipāka viññāṇa) trợ cho 35 sở hữu tâm (cetasika) hay 3 danh uẩn (nāmakkhandha) sanh, trong khi 29 nghiệp thức (kammaviññāṇa) trợ cho 18 thứ sắc nghiệp (kammaja rūpa) sanh. Hiện tượng này là pháp liên quan tương sinh thứ ba.
Chúng ta nên nhớ rằng nghiệp (kamma) bắt đầu trợ cho tâm quả (vipākacitta) và sắc nghiệp sanh vào sát-na đầu tiên khi thụ thai trong bào thai của người mẹ, khi tâm quả được hình thành phối hợp với cetasika (sở hữu tâm là 3 danh uẩn-nāmakkhandha) được hình thành cùng lúc và nó tiếp tục trợ như thế không ngừng vào mỗi tiểu sát-na cho đến khi tử. Từ khi sắc nghiệp (kammaja rūpa) tạo thành sắc uẩn và những tâm quả (vipāka citta) là thức uẩn (viññāṇakhandha), chúng ta có tất cả năm uẩn hiện hữu cho một phôi thai xuất hiện như một chúng sanh hữu tưởng.
Đến đây, tức là cho đến pháp liên quan tương sinh thứ ba, chúng ta thấy vô minh (avijjā) trợ duyên cho những nghiệp khác nhau sanh, nó lần lượt trợ cho 32 tâm quả hiệp thế (lokiya vipāka citta), 18 thứ sắc nghiệp (kammaja rūpa). Đến lượt 32 tâm quả hiệp thế (lokiya vipāka citta) trợ cho 35 sở hữu tâm, tức là 3 danh uẩn. Tâm quả (vipāka citta) tượng trưng cho thức uẩn (viññāṇakkhandha); sở hữu tâm tượng trưng cho thọ uẩn (vedanākkhandha), tưởng uẩn (saññākkhandha) và hành uẩn (saṅkhārakkhandha); và sắc nghiệp (kammaja rūpa) tượng trưng cho sắc uẩn (rūpakkhandha), nay chúng ta có tất cả năm uẩn cho phôi thai mới tự biểu lộ là một chúng sanh hữu tưởng.
Dù sao, tất cả năm uẩn (pañcakhandha) chỉ được tạo thành trong ngũ uẩn hữu (pañcavokārabhava), đó là những cõi đó, nơi mà tất cả năm uẩn được tìm thấy; trong tứ uẩn hữu (catuvokārabhava), là những cõi Vô sắc là nơi mà chỉ có 4 danh uẩn được tìm thấy, tức là nghiệp (kamma) chỉ trợ cho tâm quả (vipākacitta) và sở hữu hợp (cetasika) sanh; trong nhất uẩn hữu (ekavokārabhava) – là cõi Vô tưởng (Asaññāsatta) là nơi mà chỉ có sắc uẩn được tìm thấy, tức là nghiệp (kamma) chỉ trợ duyên cho sắc pháp sanh. Trong Chương VI liên quan đến “Tiến trình của sắc pháp sinh khởi trong mỗi chúng sanh (rūpa pavattikkama)”, trong những sắc nghiệp (kamaja rūpa) này, bọn sắc mạng chín pháp (jīvita navaka kalāpa) làm phận sự là sắc tái tục (paṭisandhi rūpa) ở cõi Phạm thiên vô tưởng (asaññā satta Brahma).
Lưu ý, chỉ có 4 danh uẩn sanh trong cõi Vô sắc (Arūpa loka), chỉ có sắc uẩn trong cõi Vô tưởng (Asaññā loka); tất cả năm uẩn sanh trong cõi Dục (Kāmā loka) và cõi Sắc (Rūpa loka).
4. Danh-sắc duyên sáu xứ (nāma-rūpa paccayā saḷāyatanaṃ) (thuộc thời hiện tại)
Danh-sắc (nāma-rūpaṃ) trợ duyên cho sáu xứ (saḷāyatanaṃ) sanh, hay nói cách khác, ‘sáu xứ’ sanh do nương vào ‘danh-sắc’. (Vibh.260)
Danh-sắc (nāma-rūpaṃ) ở đây chỉ cho 35 sở hữu tâm (cetasika) [là 3 danh uẩn (nāmakkhandha)] phối hợp với 32 tâm quả hiệp thế (lokiya vipāka citta) và 18 thứ sắc nghiệp (kammaja rūpa) như đã nêu trong pháp liên quan tương sinh thứ ba.
Sáu xứ (saḷāyatanaṃ) chỉ cho sáu xứ nội (ajjhattikāyātana) – đó là nhãn xứ (cakkhāyatana), nhĩ xứ (sotāyatana), tỷ xứ (ghānāyatana), thiệt xứ (jivhāyatana), thân xứ (kāyāyatana) và ý xứ (manāyatana). Năm ‘xứ’ đầu tương ứng với 5 sắc thanh triệt (pasāda rūpa) là sắc hiện diện trong 18 sắc nghiệp (kammaja rūpa). Ý xứ (manāyatana) ở đây đại diện cho 32 tâm quả hiệp thế là pháp liên quan nhân quả mà chúng tôi đang trình bày.
Chúng ta từng thấy trong pháp liên quan tương sinh (liên quan nhân quả) thứ ba rằng 35 sở hữu tâm (cetasika) sanh là quả của 32 tâm quả hiệp thế. Nay chúng ta thấy rằng 35 sở hữu tâm trợ ngược lại cho 32 tâm quả hiệp thế sanh. Điều này minh họa rằng chúng liên quan lẫn nhau như ‘hỗ tương duyên’ (aññamaññapaccaya) là cách trợ qua lại giữa tâm (citta) và sở hữu tâm (cetasika).
Trong cõi Dục, danh-sắc (nāma-rūpaṃ) trợ cho cả sáu xứ sanh; trong cõi Sắc, chỉ có ba xứ sanh – nhãn, nhĩ và ý xứ; trong cõi Vô sắc, chỉ có danh pháp (nāma) trợ cho ý xứ (manāyatana) sanh.
5. Sáu xứ duyên xúc (saḷāyatana paccayā phasso) (thuộc thời hiện tại)
Sáu xứ (saḷāyatanaṁ) trợ duyên cho xúc (phassa) sanh, hay nói cách khác, ‘xúc’ sanh là tùy thuộc vào ‘sáu xứ’. (Vibh.261)
Sáu xứ (saḷāyatana) nghĩa là sáu xứ nội (ajjhattikāyatana) như trên.
Xúc (phassa) ở đây chỉ cho sở hữu xúc (phassa cetasika) hiện diện trong 32 tâm quả hiệp thế (lokiya vipāka citta).
Khi cảnh sắc đối chiếu hay dội vào nhãn xứ (cakkhāyatana), nhãn thức (cakkhuviññāṇa) sanh tại điểm tiếp xúc trong sự phối hợp với 7 sở hữu biến hành (sabbacitta cetasika) bao gồm xúc (phassa) và thọ (vedanā). Xúc (phassa) này cung cấp sự hội họp (saṅgati) của tâm và những chi danh pháp với cảnh sắc tại nhãn xứ. Nó đánh dấu sự hội họp; hoặc sự xúc chạm của nhãn xứ, cảnh sắc và nhãn thức. Vì nó sanh tại nhãn xứ, nó được gọi là nhãn xúc (cakkhusamphassa). Do đó, nhãn xứ (cakkhāyatana) trợ cho nhãn xúc (cakkhusamphassa) sanh; nhĩ xứ (sotāyatana) trợ cho nhĩ xúc (sotāsamphassa) sanh; tỷ xứ (ghānāyatana) trợ cho tỷ xúc (ghānasamphassa) sanh; thiệt xứ (jivhāyatana) trợ cho thiệt xúc (jivhāsamphassa) sanh; thân xứ (kāyāyatana) trợ cho thân xúc (kāyasamphassa) sanh; ý xứ (manāyatana) trợ cho ý xúc (manosamphassa) sanh. “Samphassa” đồng nghĩa với “phassa” – tức xúc chạm.
Ngoài năm xứ (hay giác quan) thì không thể có xúc; và ngoài xúc thứ sáu, hay tâm, thì không thể có ý xúc.
6. Xúc duyên thọ (phassa paccayā vedanā) (thuộc thời hiện tại)
Xúc (phassa) trợ duyên cho thọ (vedanā) sanh, hay nói cách khác, ‘thọ’ sanh là do nương vào ‘xúc’. (Vibh.262)
‘Xúc’ ở đây là sở hữu xúc (phassa cetasika) phối hợp với 32 tâm quả hiệp thế (lokiya vipāka citta) như đã trình bày trong pháp liên quan tương sinh thứ năm. Thọ (vedanā) cũng là sở hữu thọ (vedanā cetasika) phối hợp với 32 tâm quả hiệp thế (lokiya vipāka citta).
Khi nào xúc (phassa) sanh thì thọ (vedanā) cũng đồng sanh, ‘xúc’ và ‘thọ’ đồng sanh trong cùng một tâm, trợ duyên bởi cùng ‘xúc’ ấy. Dù chúng cùng sanh, xúc (phassa) được xem là nhân và ‘thọ’ là quả. Phù hợp với 6 loại ‘xúc’ được liệt kê trong cách liên quan tương sinh trước, có 6 loại thọ (vedanā).
Nhãn xúc (cakkhusamphassa) trợ cho thọ nhãn xúc (cakkhusamphassajā vedanā) sanh.
Nhĩ xúc (sotasamphassa) trợ cho thọ nhĩ xúc (sotasamphassajā vedanā) sanh.
Tỷ xúc (ghānasamphassa) trợ cho thọ tỷ xúc (ghānasamphassajā vedanā) sanh.
Thiệt xúc (jivhāsamphassa) trợ cho thọ thiệt xúc (jivhāsamphassajā vedanā) sanh.
Thân xúc (kāyasamphassa) trợ cho thọ thân xúc (kāyasamphassajā vedanā) sanh.
Ý xúc (manosamphassa) trợ cho thọ ý xúc (manosamphassajā vedanā) sanh.
Thọ nhãn xúc (cakkhusamphassajā vedanā) nghĩa là thọ (vedanā) trong nhãn thức (cakkhu viññāṇa) sanh ra do nhãn xúc (cakkhusamphassa) là xúc trong nhãn thức. Những thọ còn lại nên được hiểu tương tự.
7. Thọ duyên ái (vedanā paccayā taṇhā) (thuộc thời hiện tại)
Thọ (vedanā) trợ duyên cho ái (taṇhā) sanh, hay nói cách khác, ‘ái’ sanh là do nương vào ‘thọ’. (Vibh.263)
Thọ (vedanā) ở đây nghĩa là 6 loại thọ đã liệt kê ở trên như thọ nhãn xúc (cakkhusamphassajā vedanā), thọ nhĩ xúc (sotasamphassajā vedanā) và v.v… Pháp liên quan tương sinh giải thích mỗi chúng sanh đi quanh quanh trong vòng luân hồi, nhân trợ cho quả sanh và quả trở thành nhân lần nữa trợ cho quả của nó ra sao. Một số tác giả thích lấy tất cả thọ (vedanā) phối hợp với 81 tâm hiệp thế (lokiya citta) làm duyên, khi thọ (vedanā) đóng vai trò làm nhân ở đây.
Bây giờ, ái (taṇhā) sinh khởi là quả của thọ (vedanā) cũng là một trong 6 loại – tức là ái sắc (rūpa taṇhā) tức ái cảnh sắc, ái thinh (sadda taṇhā) tức ái cảnh thinh, ái khí (gandha taṇhā) tức ái cảnh khí, ái vị (rasa taṇhā) tức ái cảnh vị, ái xúc (phoṭṭhabba taṇhā) tức ái cảnh xúc, ái pháp (dhamma taṇhā) tức ái cảnh pháp.
Mỗi loại ái trở thành nhóm ba dựa theo: dục ái (kāmataṇhā) là ái cảnh dục; hữu ái (bhavataṇhā) là ái thiền sắc, thiền vô sắc và cõi Sắc, cõi Vô sắc, tức là ái tương ứng với thường kiến (sassatadiṭṭhi); hay phi hữu ái (vibhavataṇhā) là ái sự đoạn tận, mất hết, tiêu hết, tức là ái tương ưng với đoạn kiến (uccheda diṭṭhi). Trong sự đa dạng này, pháp bản thể thực tính của tất cả ái đều bắt nguồn từ sở hữu tham (lobha cetasika) là pháp phối hợp với 8 tâm căn tham (lobhamūla citta).
Mặc dù ái được phân biệt bằng lối cảnh, thật ra, bản thân ái (taṇhā) tùy thuộc vào thọ (vedanā), mà thọ ấy sanh qua sự xúc chạm với cảnh. Khi chúng sanh trải qua một lạc thọ, chúng sanh hưởng lạc thọ đó và mong muốn cảnh duy nhất đến mức khơi dậy lạc thọ về nó. Mặt khác, khi chúng sanh trải qua một khổ thọ, chúng sanh có một mong muốn thoát khỏi sự khổ và mong mỏi có một lạc thọ để thay thế khổ thọ. Xả thọ có trạng thái là thư thái, thản nhiên, và đây cũng trở thành một đối tượng của ái.
Do đó, 3 loại thọ (vedanā) trợ duyên cho những loại ái (taṇhā) khác nhau sanh.
Sáu loại ái này tồn tại nội phần (là bên trong ta) và ngoại phần (là bên trong người khác), thành ra 12 loại ái. Chúng trở thành 36 khi xét theo quá khứ, hiện tại và vị lai. Khi chúng được nhân cho 3 loại ái đã liệt kê là tập đế (samudaya sacca), chúng thành 108 loại ái (taṇhā).
Ba loại ái đã liệt kê là tập đế (samudaya sacca) như:
(1) Dục ái (kāma taṇhā) ái, ưa thích cảnh dục, những khoái lạc.
(2) Hữu ái (bhava taṇhā) ái, ưa thích cảnh dục, những khoái lạc phối hợp với thường kiến, v.v… hưởng những khoái lạc và nghĩ rằng chúng tồn tại lâu dài, bất diệt, bất tử.
(3) Phi hữu ái (vibhava taṇhā) ái, ưa thích cảnh dục, những khoái lạc phối hợp với đoạn kiến, v.v… hưởng những khoái lạc và nghĩ rằng tất cả đều tiêu diệt không còn sau khi tử.
Về cơ bản, tất cả những cách khác nhau của ái (taṇhā) đại diện cho tham là pháp phối hợp với 8 tâm căn tham (lobhamūla citta).
8. Ái duyên thủ (taṇhā paccayā upādānaṃ) (thuộc thời hiện tại)
Ái (taṇhā) trợ duyên cho thủ (upādānaṃ) sanh, hay nói cách khác, ‘thủ’ sanh là do nương vào ‘ái’. (Vibh.264)
Ái (taṇhā) ở đây chỉ cho 6 loại ái trên 6 cảnh – đó là ái sắc (rūpa taṇhā), ái thinh (sadda taṇhā), ái khí (gandha taṇhā), ái vị (rasa taṇhā), ái xúc (phoṭṭhabba taṇhā), ái pháp (dhamma taṇhā) hay nó có thể được thực hiện như 108 cách ái như đã mô tả trong pháp liên quan tương sinh thứ bảy.
Thủ (upādāna) đại diện cho 4 loại thủ - tức là dục thủ (kāmupādāna), tà kiến thủ (diṭṭhupādāna), giới cấm thủ (sīlabbatupādāna) và ngã chấp thủ (attavādupādāna) đã được trình bày trong Chương VII.
Trước tiên, chúng ta xem xét sự sanh của dục thủ (kāmupādāna) là quả của ái (taṇhā). Dục thủ (kāmupādāna) là sự khao khát mạnh mẽ hay thủ, bám dai dẳng vào 5 cảnh và về cơ bản nó là tham (lobha) hiện diện trong 8 tâm căn tham (lobha mūla citta).
Do đó, chúng ta thấy rằng cả hai nhân (là ái-taṇhā) và quả (là dục thủ-kāmupādāna) lần lượt đại diện cho tham (lobha). Tham có thể thành nhân cũng như quả ra sao? Phần giải thích có 4:
(1) Ái (taṇhā) thì yếu hơn dục thủ (kāmupādāna) về cường độ. Khi chúng ta thấy một cảnh dục lạc, sự mong mỏi yếu ớt ban đầu đối với cảnh là ái (taṇhā). Khi tham tăng cao, nó được phát triển bằng cách ‘xúc’ cảnh lặp đi lặp lại, được gọi là dục thủ (kāmupādāna).
(2) Những nhà chú giải khác có nhận định rằng sự khao khát đạt một cảnh là ái (taṇhā) và sự dính mắc mạnh mẽ hay đeo đuổi (upādāna) cảnh sau khi bắt cảnh, đó là dục thủ (kāmupādāna).
(3) Hơn nữa, ái (taṇhā) là pháp đối lập với thiểu dục, thanh đạm (appicchatā) tức sự giản dị, không cầu kỳ, trong khi dục thủ (kāmupādāna) thì đối lập với sự vừa lòng, tri túc, mãn nguyện (santuṭṭhitā).
(4) Ái (taṇhā) là nhân của khổ, gặp khi đạt được sự giàu có, trong khi dục thủ (kāmupādāna) là nhân của khổ, gặp khi bảo vệ sự giàu có.
Do đó, nói một cách thích hợp rằng dục thủ (kāmupādāna) sanh là quả của ái (taṇhā).
Chúng ta phải giải thích thêm làm thế nào 3 thủ còn lại sanh là quả của ái (taṇhā). Những pháp thủ này là tà kiến thủ (diṭṭhuupādāna) là bám chặt vào nhận định sai, giới cấm thủ (sīlabbatupādāna) là bám chặt vào tà giới như hành theo hạnh bò và chó và ngã chấp thủ (attavādupādāna) là bám chặt vào thuyết bản ngã (atta) hay linh hồn.
Bám chặt vào thuyết bản ngã (atta) hay cái tôi hiện hữu là đồng nghĩa với thân kiến (sakkāyadiṭṭhi) tức sự bám chặt về bản thân, cho năm uẩn là một ‘chúng sanh’ hay là ‘ta’. Niềm tin này rõ ràng là hậu quả của ái (taṇhā) về tự ngã. Với những ai hành theo hạnh bò và chó hay những cách thực hành vô ích khác như là ngủ trên gai, thực hành như vậy để cải thiện tự ngã của họ ra khỏi sự dính mắc vào tự thân.
Do đó, theo pháp liên quan tương sinh ái (taṇhā) trợ cho thủ (upādānaṃ) sanh được chứng minh.
9. Thủ duyên hữu (upādāna paccayā bhavo) (thuộc thời hiện tại)
Thủ (upādāna) trợ duyên cho hữu (bhavo) sanh, hay nói cách khác, ‘hữu’ sanh là do nương vào ‘thủ’. (Vibh.265)
Thủ có 4 - đó là dục thủ, tà kiến thủ, giới cấm thủ và ngã chấp thủ - như vừa trình bày trong pháp liên quan tương sinh thứ tám.
Hữu (bhava) dịch là có.
- Bhavatīti = Bhavo: Còn hay có, gọi là hữu.
- Bhavati etasmāti = Bhavo: Nương nhờ mới có, gọi là ‘hữu’.
Hữu (bhava) theo nghĩa đen là ‘trở thành’, hay ‘hiện bày’. Ở đây có nghĩa là tiến trình năng động của nghiệp làm cho trở thành hay làm cho có, nên gọi là ‘nghiệp hữu’ (kammabhava) và tiến trình thụ động của nghiệp quả hiện bày hay có ra, nên gọi là ‘sanh hữu’ (upapattibhava).
Nghiệp hữu (kamma bhava) bao hàm tất cả nghiệp thiện và nghiệp bất thiện đưa đến kiếp sống mới. Nó gồm 29 tư (cetanā) thiện và bất thiện phối hợp với 17 tâm thiện hiệp thế (lokiya kusala citta) và 12 tâm bất thiện (akusala citta), đó là 29 nghiệp (kamma) tương tự với hành (saṅkhāra) đã được giải thích trong pháp liên quan tương sinh thứ nhất. Chỉ khác giữa ‘hành’ và ‘nghiệp hữu’ là ‘hành’ liên quan đến kiếp sống quá khứ và ‘nghiệp hữu’ liên quan đến kiếp sống hiện tại.
Sanh hữu (upapattibhava) bao hàm tiến trình tái tục. Về cơ bản, sanh hữu đại diện cho 32 tâm quả hiệp thế (lokiya vipāka citta), 35 sở hữu hợp (cetasika) và 18 thứ sắc nghiệp sanh (kammaja rūpa) ở cõi Dục. Lưu ý rằng, những pháp thực tính này giống như pháp thực tính của thức (viññāṇa) và danh-sắc (nāma-rūpa) trong pháp liên quan tương sinh thứ nhì và thứ ba.
Như hành (saṅkhāra) trợ cho thức (viññāṇa) và danh-sắc (nāma-rūpa) sanh trong quá khứ, nghiệp hữu (kamma bhava) trợ cho sanh hữu (upapatti bhava) sanh ở vị lai.
Ở đây, thủ (upādāna) là một duyên trợ cho nghiệp hữu (kamma bhava), dưới sự tác động của thủ (upādāna). Thủ tham gia vào hành động để được những gì mà nó mong muốn một cách mạnh mẽ và với cách ấy, nó tích lũy cả hai nghiệp thiện và bất thiện. Những nghiệp này trợ cho 32 tâm quả hiệp thế (lokiya vipāka citta), 35 sở hữu hợp (cetasika) và 18 thứ sắc nghiệp sanh (kammaja rūpa) ở vị lại.
Thủ (upādāna) cũng là một duyên trợ cho sanh hữu (upapatti bhava) vì cùng pháp thủ đưa chúng sanh trở lại vòng tái tục trong một trạng thái quyết định bởi nghiệp của nó.
10. Hữu duyên sanh (bhava paccayā jāti) (thuộc thời hiện tại – vị lai)
Hữu (bhava) trợ duyên cho sanh (jāti) sanh, hay nói cách khác, sanh (jāti) sanh ra là do nương vào ‘hữu’. (Vibh.266)
Hữu (bhava) ở đây nghĩa là nghiệp hữu (kamma bhava). Nó bao hàm 29 loại nghiệp thiện và bất thiện như đã trình bày trong pháp liên quan nhân quả thứ chín.
Sanh (jāti) có nghĩa là sanh hay sanh hữu (upapatti bhava). Từ lúc tái tục cho đến tử, suốt kiếp sống mới, nghiệp hữu (kamma bhava) trợ duyên cho sự sanh của 32 tâm quả hiệp thế (lokiya vipāka citta), 35 sở hữu tâm (cetasika) phối hợp với tâm quả hiệp thế và 18 sắc nghiệp (kammaja rūpa) làm nên sanh hữu (upapatti bhava). Những tâm (citta), sở hữu tâm (cetasika) hiệp thế và sắc nghiệp (kammaja rūpa) này bao gồm tất cả 20 dạng tiến trình tái tục trong 31 cõi.
Do đó, xuyên qua nghiệp hữu (kamma bhava) thiện và bất thiện trợ cho sanh hữu (upapatti bhava). Pháp liên quan tương sinh thứ mười kết hợp với pháp thứ hai và thứ ba; thực ra chúng dạy cùng một điều, đó là nghiệp (kamma) là nhân của sanh.
11. Sanh duyên lão-tử-sầu-khóc-khổ-ưu-ai hiện diện (jāti paccayā jarā-maraṇaṃ-soka-parideva-dukkha-domanassupāyāsā sambhavanti) (thuộc thời vị lai)
Sanh (jāti) trợ duyên cho sự sanh của lão (jarā), tử (maraṇa), sầu (soka), khóc (parideva), khổ (dukkha) (khổ thân), ưu (domanassa) (khổ danh), ai (upāyāsa) (Vibh.267-273). Trên thực tế, chỉ cho sự sanh của 32 tâm quả hiệp thế (lokiya vipāka citta), 35 sở hữu tâm (cetasika) và 18 sắc nghiệp (kammaja rūpa).
Bây giờ, mỗi pháp siêu lý (paramattha) đều có trạng thái của sanh (uppāda), trụ (ṭhiti) và diệt (bhaṅga). Do đó, sau sanh và trụ thì diệt chắc chắn phải theo sau. Trạng thái sanh (uppāda) được gọi là sanh (jāti); trụ (ṭhiti) được gọi là lão (jarā); và diệt hay tan rã (bhaṅga) được gọi là tử (maraṇa). Do đó, lão-tử (jarā-maraṇa) phải sanh như là một quả của sanh (jāti).
Như sanh, trụ và diệt của sanh hữu (upapatti bhava) được mệnh danh là sanh (jāti), lão (jarā) và tử (maraṇa) theo thứ tự. Chúng ta nên lưu ý rằng chúng sanh đang đối diện với sanh, lão và tử vào mỗi sát-na theo Vô Tỷ Pháp (Abhidhamma).
Thông thường, chúng ta nghĩ rằng chúng ta chỉ sanh một lần, rồi già theo năm tháng và kế đó tử chỉ một lần trong kiếp sống này. Hiện tượng tử xảy ra là quả của sanh vào mỗi sát-na tâm được gọi là sát-na tử (khaṇika maraṇa).
Là những quả của sanh (jāti), sầu-khóc-khổ-ưu-ai (soka-parideva-dukkha-domanassupāyāsā) cũng có thể sanh. Năm quả này không là chánh yếu hay vẫn thường thấy; chúng là thứ yếu có thể hay không thể sanh tùy vào những pháp trợ duyên. Những pháp này không có mặt trong cõi Phạm thiên (Brahma loka) và cũng có thể không được biết đến khi một phôi thai tử trong bào thai hay trong trứng.
Do đó, chúng ta nên phân biệt giữa quả chánh yếu và thứ yếu của sanh (jāti).
Lão (jarā) và tử (maraṇa) là quả chánh yếu và là quả phải có của sanh (jāti);
Sầu-khóc-khổ-ưu-ai (soka-parideva-dukkha-domanassupāyāsā) là quả thứ yếu và là quả không bắt buộc của sanh (jāti).
Sầu (soka) là thọ ưu (domanassa vedanā) hiện diện trong 2 tâm căn sân (dosa mūla citta).
Khóc (parideva) là sắc thinh kỳ dị do tâm tạo (cittaja vipallāsa[25] sadda rūpa).
Khổ (dukkhā) là sở hữu thọ (vedanā catasika) phối hợp với tâm thân thức câu hành khổ (dukkhāsahagata kāyaviññāṇa citta).
Ưu (domanassa) là sở hữu thọ (vedanā catasika) hay ưu thọ phối hợp với 2 tâm căn sân (dosamūla citta).
Ai oán (upāyāsā) là sự oán giận phát sanh do khổ danh quá mức. Đó là sân (dosa) hiện diện trong 2 tâm căn sân (dosamūla citta).
So sánh những trạng thái giữa ‘ưu, khóc’ và ‘ai oán’ thì trạng thái của ‘ưu’ như dầu sôi trong bình; ‘khóc’ (tức sự ưu biểu hiện ra bên ngoài) thì như sự tràn (do sôi quá mức) khỏi bình khi nấu đến mức do lửa lớn dữ dội; ‘ai oán’ thì như sự sủi âm ỉ trong bình những gì còn lại sau khi sôi tràn cho đến khi cạn.
Vài Khía Cạnh Đáng Chú Ý Về Định Luật
5. Tatthā tayo addhā dvādas’ aṅgāni vīsat’ākārā tisandhi catusaṅkhepā tīni vaṭṭāni dve mūlāni ca veditabbāni.
Trong định luật liên quan tương sinh, 3 thời (kāla), 12 chi (aṅga), 20 thể[26] (ākāra), 4 tóm tắt[27] (saṅkhepa), 3 mối nối (sandhi), 3 luân (vaṭṭa) và 2 căn hay gốc (mūla) nên được suy xét.
Lồng vào pháp liên quan tương sinh, những từ như sầu, v.v… ám chỉ cho những quả thứ yếu của sanh.
6. Kathaṁ? Avijjāsaṅkhārā atīto addhā, jātijarāmaraṇaṁ anāgato addhā, majjhe aṭṭha paccuppanno addhā ti tayo addhā.
(i) Quá khứ - vô minh (avijjā), hành (saṅkhāra).
(ii) Hiện tại - thức (viññāṇa), danh-sắc (nāma-rūpa), sáu xứ (saḷāyatana), xúc (phassa), thọ (vedanā), ái (taṇhā), thủ (upādāna), nghiệp hữu (kammabhava).
(iii) Vị lai - sanh (jāti), lão-tử (jarā-maraṇaṃ).
Trong quá khứ, vì cái thấy chúng sanh bị mù quáng do vô minh (avijjā), vị ấy không hiểu nghiệp và quả của nghiệp, cũng như sự khổ của vòng luân hồi (saṃsāra). Cho nên vị ấy thực hiện cả hai nghiệp hành (saṅkhāra) thiện và bất thiện.
Vô minh (avijjā) và hành (saṅkhāra) thuộc về quá khứ.
Nghiệp (kamma) quá khứ trợ sanh ra sự tái tục trong kiếp hiện tại. Do đó, bắt đầu từ sát-na đầu tiên khi tái tục cho đến tử, thức (viññāṇa), danh-sắc (nāma-rūpa), sáu xứ (saḷāyatana), xúc (phassa), thọ (vedanā), ái (taṇhā), thủ (upādāna), nghiệp hữu (kamma bhava) sanh và diệt. Cho nên, 8 chi này thuộc về hiện tại.
Nghiệp hữu (kammabhava), đó là nghiệp thiện và bất thiện thực hiện trong kiếp hiện tại sẽ tạo ra tái tục dưới dạng sanh hữu (upapatti bhava) trong kiếp sống vị lai. Sự sanh, trụ và diệt của sanh hữu (upapatti bhava) được gọi là sanh (jāti), lão (jarā) và tử (maraṇa) theo thứ tự. Do đó, sanh (jāti), lão (jarā) và tử (maraṇa) thuộc về vị lai.
[Lưu ý rằng, hữu (bhava) được chia thành nghiệp hữu (kamma bhava) và sanh hữu (upapatti bhava); nghiệp hữu (kamma bhava) thuộc về hiện tại và sanh hữu (upapatti bhava) thuộc về vị lai].
7. Avijja saṅkhārā viññāṇaṁ nāmarūpaṁ saḷāyatana phasso vedanā taṇhā upādānaṁ bhavo jāti jaramaranan ti dvādas’ aṅgāni.
8. Sokādivacanaṁ pan’ ettha nissandaphala-nidassanaṁ.
Mười hai chi của liên quan tương sinh (paṭiccasamuppāda) là: Vô minh (avijjā), hành (saṅkhāra), thức (viññāṇa), danh-sắc (nāma-rūpa), sáu xứ (saḷāyatana), xúc (phassa), thọ (vedanā), ái (taṇhā), thủ (upādāna), hữu (bhava), sanh (jāti), lão-tử (jarā-maraṇaṃ).
Nên lưu ý rằng, cụm từ sầu, khóc, khổ, ưu, ai chỉ là kết quả thứ yếu của sanh hữu.
3/ Hai mươi thể hay cách (ākāra)
(i) Nhân quá khứ (atīta hetu) = vô minh (avijjā), hành (saṅkhāra), ái (taṇhā), thủ (upādāna), nghiệp hữu (kamma bhava).
(ii) Quả hiện tại (vaṭṭamāna phala) = thức (viññāṇa), danh-sắc (nāma-rūpa), sáu xứ (saḷāyatana), xúc (phassa), thọ (vedanā).
(iii) Nhân hiện tại (vaṭṭamāna hetu) = ái (taṇhā), thủ (upādāna), nghiệp hữu (kamma bhava), vô minh (avijjā), hành (saṅkhāra).
(iv) Quả vị lai (anāgata phala) = thức (viññāṇa), danh-sắc (nāma-rūpa), sáu xứ (saḷāyatana), xúc (phassa), thọ (vedanā).
Khi nhìn vào thời quá khứ, chúng ta chỉ thấy vô minh (avijjā) và hành (saṅkhāra) được tính là nhân quá khứ. Nhưng vô minh là pháp phiền não luân (kilesa vaṭṭa dhamma); ái (taṇhā) và thủ (upādāna) thì cũng thế. Khi những pháp luân này phát sanh trong cùng một tâm, ái (taṇhā) và thủ (upādāna) cũng phải được gồm trong nhân quá khứ.
Hành (saṅkhāra) là một pháp nghiệp luân (kamma vaṭṭa dhamma) và cũng là nghiệp hữu (kammabhava). Cho nên khi hành (saṅkhāra) được tính vào, nghiệp hữu (kamma bhava) cũng ngầm được tính. Do đó, chúng ta nên cân nhắc như vầy: Tư (cetanā) hiện diện trong những tâm thiện và bất thiện, sanh trong khi một nghiệp là hành (saṅkhāra) và tài sản của nghiệp/ nghiệp lực đó sẽ được để lại trong dòng danh pháp, sau khi tư (cetanā), tức nghiệp hữu (kammabhava) diệt.
Do đó, chúng ta có năm pháp – đó là vô minh (avijjā), hành (saṅkhāra), ái (taṇhā), thủ (upādāna) và nghiệp hữu (kamma bhava) – đều là nhân quá khứ.
Thức (viññāṇa), danh-sắc (nāma-rūpa), sáu xứ (saḷāyatana), xúc (phassa) và thọ (vedanā) trong thời hiện tại là quả hiện tại của nhân quá khứ.
Lại nữa, trong thời hiện tại ái (taṇhā), thủ (upādāna) và nghiệp hữu (kamma bhava) có thể đóng vai trò là nhân hiện tại cho tái tục ở vị lai. Vì lý do trên, khi ái (taṇhā) và thủ (upādāna) được tính vào, vô minh (avijjā) cũng được tính vào. Hơn nữa, hành (saṅkhāra) cũng phải được gom cùng với nghiệp hữu (kamma bhava). Cho nên, ái (taṇhā), thủ (upādāna), nghiệp hữu (kamma bhava), vô minh (avijjā) và hành (saṅkhāra) là nhân hiện tại trợ cho tiến trình tái tục trong kiếp sống kế tiếp, tức sanh hữu (upapatti bhava) ở kiếp sau.
Vào thời vị lai, chỉ có sanh (jāti) và lão-tử (jarā-maraṇa) hiện diện. Chúng tuần tự đại diện cho sanh, lão và tử. Câu hỏi đặt ra ở đây là ‘những thực thể nào thành sanh, lão và tử’. Câu trả lời là: ‘Thức (viññāṇa), danh-sắc (nāma-rūpa), sáu xứ (saḷāyatana), xúc (phassa) và thọ (vedanā) thành sanh, lão và tử’. Hiện tượng sanh, trụ và diệt của những thực thể này được xem như sanh (jāti), lão (jarā) và tử (maraṇa) theo thứ tự. Do đó, thức (viññāṇa), danh-sắc (nāma-rūpa), sáu xứ (saḷāyatana), xúc (phassa) và thọ (vedanā) là quả vị lai.
Do đó, trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) có nêu rằng:
Năm nhân có trong quá khứ;
Năm quả chúng ta tìm trong kiếp hiện tại;
Năm nhân nay chúng ta tạo tác;
Năm quả chúng ta gặt hái trong đời vị lai.
Chúng ta nên lưu ý rằng, mặc dù những trạng thái liên quan tương sinh (paṭiccasamuppāda) nhân trợ cho quả và quả trở thành nhân trợ cho quả khác, thật ra nhiều nhân tham gia cùng lúc trợ cho nhiều quả sanh trong đời sống.
20 cách đã đề cập trên có thể được minh họa như trong Lược đồ 8.1 trình bày mối tùy thuộc liên quan giữa ba đời liên tiếp.
Hai mươi cách và bốn giản yếu:
9. Avijjāsaṅkhāraggahaṇena pan’ettha taṇh’upādāna bhava-ggahaṇena ca avijjā-saṅkhārā, jāti-jarā-maraṇaggahaṇena ca viññāṇādi – phalapañcakam eva gahitan ti katvā.
10. Atīte hetavo pañca, idāni phalapañcakaṁ, idāni hetavo pañca, āyātiṁ phalapañcakan ti. Vīsat’akārā, tisandhi, catusaṅkhepāca bhavanti.
Trong pháp liên quan tương sinh, bằng cách trực tiếp lấy vô minh và nghiệp hành, thì ái, thủ và nghiệp hữu cũng lấy. Cũng thế, bằng cách trực tiếp lấy ái, thủ và nghiệp hữu, thì vô minh và nghiệp hành cũng được lấy. Bằng cách lấy sanh và lão-tử, thì năm tâm quả, v.v… cũng được lấy.
Với lý do này, có:
(i) Năm nhân quá khứ. (iii) Năm nhân hiện tại.
(ii) Năm quả hiện tại. (iv) Năm quả vị lai.
Do đó, có 20 cách, 3 mối nối và 4 giản yếu.
4/ Bốn tóm tắt hay giản yếu (saṅkhepa)
Năm nhân quá khứ tạo thành một giản yếu.
Năm quả hiện tại tạo thành một giản yếu.
Năm nhân hiện tại tạo thành một giản yếu.
Năm quả vị lai tạo thành một giản yếu.
Trong Lược đồ 8. 1 có thể được thấy rằng:
- Mối nối giữa hành (saṅkhāra) (kamma) và thức (viññāṇa) (2-3) tạo thành mối nối giữa nhân quá khứ và quả vị lai;
- Mối nối giữa thọ (vedanā) và ái (taṇhā) (7-8) tạo thành mối nối giữa quả hiện tại và nhân hiện tại;
- Và mối nối giữa nghiệp hữu (kamma bhava) và sanh (jāti) (10-11) tượng trưng cho mối nối giữa nhân hiện tại và quả vị lai.
Ở hiện tại chúng ta quan tâm về mắc xích giữa, đó là mối nối giữa thọ (vedanā) và ái (taṇhā). Nếu chúng ta chánh niệm tại 6 môn, ghi nhận thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe và v.v… và không để thọ (vedanā) làm nhân cho ái (taṇhā) sanh, lúc đó chúng ta đang tái tạo mắc xích “thọ (vedanā) -- trí (paññā)” thay vì “thọ (vedanā) -- ái (taṇhā)”. Đây nghĩa là chúng ta đang dừng bánh xe liên quan tương sinh (paṭiccasamuppāda) ngay lúc ấy và cố gắng cắt đứt mắc xích bằng chánh niệm (sati).
11. Avijjā-taṅh’ upādānā ca kilesavaṭṭaṁ, kammabhavasaṅkhāto bhavekadeso saṅkhārā ca kammavaṭṭaṁ, upapattibhavasaṅkhāto bhavekadeso avasesā ca vipākavattanti tīṇa vaṭṭāni.
Hơn nữa, 3 luân là:
(i) Phiền não luân (kilesa vaṭṭa) là vô minh (avijjā), ái (taṇhā), thủ (upādāna).
(ii) Nghiệp luân (kamma vaṭṭa) là nghiệp hữu (kamma bhava), hành (saṅkhāra).
(iii) Quả luân (vipāka vaṭṭa) là sanh hữu (upapatti bhava), thức (viññāṇa), danh-sắc (nāma-rūpa), sáu xứ (saḷāyatana), xúc (phassa), thọ (vedanā), sanh (jāti), lão-tử (jarā-maraṇaṃ).
Giải thích:
Luân (vaṭṭa) có nghĩa là quay quanh như sự xoay vòng của một bánh xe. Bánh xe liên quan tương sinh (paṭiccasamuppāda) có thể được chia thành 3 đoạn, gọi là 3 luân (vaṭṭa).
Vô minh (avijjā), ái (taṇhā), thủ (upādāna) là những pháp phiền não. Do đó, chúng được gom vào phiền não luân (kilesa vaṭṭa).
Nghiệp hữu (kamma bhava) và hành (saṅkhāra) là những nghiệp hành. Do đó, chúng được gom vào nghiệp luân (kamma vaṭṭa).
Sanh hữu (upapatti bhava), thức (viññāṇa), danh-sắc (nāma-rūpa), sáu xứ (saḷāyatana), xúc (phassa), thọ (vedanā), sanh (jāti), lão-tử (jarā-maraṇaṃ) là quả (vipāka) của nghiệp hành (kammasaṅkhāra). Do đó, chúng được gom vào quả luân (vipāka vaṭṭa).
Trong quá khứ, vì vô minh (avijjā) mà chúng sanh hữu tưởng nhận định sai (tà kiến-diṭṭhi) và ái (taṇhā) các cảnh. Chúng sanh có ái và tà kiến tăng trưởng thành ái mạnh hay thủ (upādāna) hưởng những ái dục. Do đó, họ thực hiện cả hai nghiệp thiện và nghiệp bất thiện [tức nghiệp hữu (kamma bhava) và nghiệp hành (saṅkhāra)]. Một số trong họ học về thiền và thiền lạc, do đó họ cũng tu tập thiền sắc giới (rūpāvacara) và thiền vô sắc giới (arūpāvacara). Cho nên, phiền não luân (kilesa vaṭṭa) trợ cho nghiệp luân (kamma vaṭṭa) (saṅkhāra và kammabhava).
Khi nghiệp luân cho quả, quả luân (vipāka vaṭṭa) sanh trong kiếp hiện tại. Đồng thời vô minh (avijjā), ái (taṇhā) và tà kiến (diṭṭhi) cùng sanh với những thức quả như những phiền não ngủ ngầm (anusaya kilesa). Khi 6 xứ (saḷāyatana) tiếp xúc với 6 cảnh thì xúc (phassa) và thọ (vedanā) sanh, những phiền não ngủ ngầm cũng sanh thành những phiền não chính thức. Do đó, phiền não luân (kilesa vaṭṭa) sanh lần nữa.
Cho nên, phiền não luân (kilesa vaṭṭa) trợ cho nghiệp luân (kamma vaṭṭa) sanh. Và nghiệp luân (kamma vaṭṭa) lần lượt trợ cho quả luân (vipāka vaṭṭa) sanh, phiền não luân (kilesa vaṭṭa) sanh lần nữa. Cho nên những vòng luân chuyển (vaṭṭa) sẽ tiếp tục xoay và cũng thế, bánh xe liên quan tương sinh (paṭiccasamuppāda) xoay mãi.
12. Avijjā-tanhā-vasena dve mūlāni ca veditabbāni.
Vô minh và ái nên được hiểu là hai gốc.
Giải:
Bánh xe liên quan tương sinh (paṭiccasamuppāda) (xem Lược đồ 8. 2) có thể được chia thành hai phần:
- Phần thứ nhất bắt đầu từ ‘Nhân quá khứ’ và kết thúc ở ‘Quả hiện tại’ gồm có vô minh (avijjā), hành (saṅkhāra), thức (viññāṇa), danh-sắc (nāma-rūpa), sáu xứ (saḷāyatana), xúc (phassa) và thọ (vedanā). Trong phần này, vô minh (avijjā) là gốc (mūla).
- Phần thứ hai từ ‘Nhân hiện tại’ và kết thúc ở ‘Quả vị lai’ bao gồm ái (taṇhā), thủ (upādāna), hữu (bhava), sanh (jāti) và lão-tử (jarā-maraṇaṃ). Trong phần này, ái (taṇhā) là gốc (mūla).
Do đó, hai gốc của pháp ‘liên quan tương sinh’ là vô minh (avijjā) và ái (taṇhā). Nếu chúng ta cắt đứt hai gốc này, bánh xe ‘liên quan tương sinh’ sẽ bị phá hủy vĩnh viễn đối với chúng ta, cũng như một cây sẽ chết khi rễ chánh bị cắt đứt.
Chúng ta có thể cắt đứt hai gốc chánh của ‘liên quan tương sinh’ bằng pháp chỉ (samadha) và pháp quán (vipassanā). Khi nào chúng ta thấy rõ tất cả thực tính của danh pháp và sắc pháp và mở ra tám chi bị ngăn che bởi vô minh (avijjā), thì khi ấy ái (taṇhā) không có nơi để bám víu. Do đó, cả hai vô minh (avijjā) và ái (taṇhā) sẽ bị cắt đứt và chúng ta sẽ được giải thoát khỏi vòng luân hồi (saṃsāra).
Lược đồ 8. 2 Bánh xe liên quan tương sinh (paṭiccasamuppāda)
13. Tesam eva ca mūlānaṁ, nirodhena nirujjati.
Khi hai gốc hoàn toàn bị phá hủy bởi đạo Ứng cúng, vòng luân hồi dừng lại.
Jarāmaraṇamucchāya pīḷitānaṁ abhiṇhaso, āsavānaṁ samuppādā, avijjā ca pavattati.
Với sự sinh khởi của lậu (āsava), trong đó, những ai liên tục bị đè nặng bởi già, chết, sầu, khóc, khổ, ưu, ai, vô minh lần nữa sinh khởi.
Giải:
Trong phần giải pháp liên quan tương sinh (paṭiccasamuppāda), Đức Phật bắt đầu với vô minh (avijjā) và tiếp tục giải thích rằng do vô minh (avijjā), hành (saṅkhāra) sanh; do hành (saṅkhāra), thức (viññāṇa) sanh; và v.v… Do đó, bậc tu tiến nên tìm hiểu vô minh (avijjā) có phải là nhân đầu tiên hay có pháp nào khác thay cho vô minh (avijjā).
Câu trả lời được xác định: Vô minh (avijjā) không phải là nhân đầu tiên, mà bốn lậu (āsava) (là pháp thối nát hay pháp làm say) là nhân của vô minh.
Bốn pháp lậu (āsava) gồm:
Dục lậu (kāmāsava) là dính mắc trong cảnh dục.
Hữu lậu (bhavāsava) là dính mắc vào thiền và đời sống Phạm thiên.
Tà kiến lậu (diṭṭhāsava) là quan niệm hay nhận định sai với pháp thực tính.
Vô minh lậu (avijjāsava) là mê mờ, không biết pháp đáng biết.
Trong kinh Chánh Tri Kiến (sammādiṭṭhi) (M.9/i.54-55), Đại đức Sāriputta đã được yêu cầu giải thích về nhân của vô minh (avijjā) và Ngài đáp rằng: Vô minh sanh từ lậu (āsavasamudayā avijjāsamudayo). Khi Đại đức được yêu cầu nêu rõ nhân của pháp lậu (āsava), Ngài đáp rằng pháp lậu (āsava) sanh từ vô minh (avijjā) (avijjāsamudayā āsavasamudayo).
Khi chúng sanh bị đè nặng, áp lực bởi già, bệnh, sầu, khóc, khổ, ưu, ai, tâm căn sân (dosamūla citta) sanh do vô minh. Khi tâm căn sân (dosamūla citta) sanh, vô minh (avijjā) sanh lần nữa. Hơn nữa, dục và tà kiến sanh do bởi vô minh và khi tâm căn tham (lobhamūla citta) sanh phối hợp với vô minh, tà kiến và tham. Hiện tượng này minh họa cho vô minh là nguyên nhân cho lậu sanh và lậu là nguyên nhân cho vô minh sanh.
Hay nói cách khác:
Khi một sự mất mát lớn về tài sản hay thân quyến xảy ra, thì sự sầu (soka), khóc (parideva), ưu (domanassa), ai (upāyāsā) sanh trong ý chúng ta. Đây chỉ cho thấy sự dính mắc vào tài sản và quyến thuộc, tức dục lậu (kāmāsava) của chúng ta trợ cho sầu, khóc, ưu, ai sinh khởi ra sao.
Cũng thế, khi chư Phạm thiên sống trong cõi Thiền (Jhāna) đi đến gần sự tử, họ cảm thấy sợ hãi và buồn rầu. Vì thế, sầu, ưu, ai cũng sanh với họ và sự sinh khởi này là quả của hữu lậu (bhāvāsava).
Với những ai bám giữ vào tà kiến như là thân kiến (sakkāyadiṭṭhi) cho thân hay tâm là ‘tôi’, cảm thọ buồn hay giận dữ khi có điều bất trắc với thân hay tâm, do đó, tà kiến lậu (diṭṭhāsava) cũng trợ cho sầu lo (soka), khóc (parideva), ưu (domanassa) và ai (upāyāsā) sanh.
Cũng do vô minh (avijjā) hay do không biết về bản thể thực tính của danh pháp và sắc pháp, nên sầu (soka), khóc (parideva), ưu (domanassa) và ai (upāyāsā) sanh. Do đó, vô minh lậu (avijjāsava) cũng là một trong những nhân trợ cho sầu, khóc, ưu, ai v.v… sanh.
Nay khi sầu, khóc, ưu và ai sanh, những tâm bất thiện cũng sanh. Khi si (moha) phối hợp với tất cả tâm bất thiện (akusala citta), vô minh (avijjā) cũng sanh.
Cho nên, vì bốn pháp lậu (āsava) mà sầu (soka), khóc (parideva), ưu (domanassa) và ai (upāyāsā) sanh; và khi sầu, khóc, ưu và ai sanh, vô minh (avijjā) cũng sanh. Do đó, bốn pháp lậu (āsava) là nhân của vô minh (avijjā).
9/ Không có sự bắt đầu trong vòng luân hồi (saṃsāra) bất tận
Vaṭṭam ābandham icc’ evaṁ, tebhūmakam anādikaṁ, paṭiccasamuppādo ti, paṭṭhapesi Mahāmuni.
Bậc Thiện thệ (Buddha) đã giảng chi tiết về những pháp luân là pháp không có điểm bắt đầu và làm rối rắm chúng sanh theo 3 luân của kiếp sống trong 3 cõi (Dục, Sắc và Vô sắc) là pháp liên quan tương sinh.
Giải:
Pháp liên quan tương sinh (paṭiccasamuppāda) tương tự như một bánh xe lớn với 12 chi tạo thành sự ủng hộ và nó đang xoay quanh quanh liên tục không ngừng từ kiếp sống này sang kiếp sống khác theo Phật ngôn: “Avijjāpaccayā saṅkhārā, saṅkhārapaccayā viññāṇaṃ, viññāṇapaccayā nāma-rūpaṃ, nāma-rūpapaccayā saḷāyatanaṁ, saḷāyatanapaccayā phasso, phassapaccayā vedanā, vedanāpaccayā taṇhā, taṇhāpaccayā upādānaṃ, upādāna paccayā bhavo, bhavapaccayā jāti, jātipaccayā jarā-maraṇaṃ-soka-parideva-dukkha-domanassa-upāyāsā sambhavanti.”
Bánh xe liên quan tương sinh cũng có thể được xem là do 4 phần cấu thành: 5 nhân quá khứ tạo thành phần thứ nhất; 5 quả hiện tại tạo thành phần thứ hai; 5 nhân hiện tại tạo thành phần thứ ba; 5 quả vị lai tạo thành phần thứ tư.
Bánh xe này cũng sẽ được xoay quanh liên tục không ngừng như 5 nhân trợ cho 5 quả sanh và những quả này trợ cho 5 nhân trợ sanh là pháp sẽ trợ cho 5 quả nữa và v.v...
→ 5 nhân quá khứ → 5 quả hiện tại → 5 nhân hiện tại → 5 quả vị lai ↓
↑ 5 quả vị lai ← 5 nhân hiện tại ← 5 quả hiện tại ←5 nhân quá khứ ←
Lại nữa, bánh xe liên quan tương sinh có thể được xét do 3 phần cấu thành: Phần thứ nhất tượng trưng cho phiền não luân, phần thứ hai tượng trưng cho nghiệp luân, phần thứ ba tượng trưng cho quả luân.
Do phiền não luân, chúng sanh hữu tưởng thực hiện những nghiệp cố quyết và do đó nghiệp luân sanh. Khi nghiệp luân trổ quả, quả luân sanh. Khi quả luân sanh, phiền não luân sanh lần nữa. Cho nên, bánh xe liên quan tương sinh này cũng sẽ bị xoay quanh liên tục không ngừng.
→ phiền não luân → nghiệp luân → quả luân ↓
↑ quả luân ← nghiệp luân ← phiền não luân←
Sự xoay quanh liên tục của bánh xe liên quan tương sinh này được gọi là saṃsāra (vòng luân hồi).
‘Saṃsāra’ theo nghĩa đen là đi lang thang liên tục không ngừng. Đó là tên được đặt chỉ cho quá trình chúng sanh từng sanh, lớn lên, già, đau khổ và chết liên tục không biết bao nhiêu lần. Dịch chính xác hơn, ‘saṃsāra’ là chuỗi phối hợp liên tục của năm uẩn không gián đoạn, mà chúng luôn luôn thay đổi từ sát-na này sang sát-na khác và liên tục theo sau hết cái này đến cái khác suốt quãng thời gian không thể tưởng.
Khi chúng ta vẽ một vòng tròn, chúng ta phải bắt đầu từ một điểm nào đó và khi chúng ta hoàn thành vòng tròn, không thể thấy điểm khởi đầu hay điểm kết thúc. Tương tự, khi định luật liên quan tương sinh (paṭiccasamuppāda) được giải thích, sự giải thích phải bắt đầu từ một điểm nào đó và vô minh (avijjā) là một điểm thích hợp. Khi sự giải thích đã hoàn mãn, chúng ta thấy rằng không có sự bắt đầu hay sự kết thúc.
Vòng tái tục đối với mỗi cá nhân, cũng như tất cả chúng sanh trong 31 cõi theo pháp liên quan tương sinh đã được giải thích đầy đủ bởi do tùy thuộc vào nhân. Bánh xe liên quan tương sinh (paṭiccasamuppāda) sẽ vẫn quay với mỗi chúng sanh cho đến khi vị ấy có thể cắt đứt hai gốc chánh, đó là vô minh (avijjā) và ái (taṇhā).
Không ai có thể truy nguyên giới hạn về không gian, cũng không ai có thể truy ngược lại khởi điểm của vòng luân hồi (saṃsāra) và không ai có thể nghĩ khi nào nó sẽ kết thúc. So sánh với tiến trình của vòng luân hồi, một kiếp sống chỉ là một phần nhỏ bé tí và thoáng qua.
Vòng sanh tử trong 31 cõi theo duyên trợ đã được giải thích bằng pháp liên quan tương sinh (paṭiccasamuppāda). Định luật này có thể thẩm tra một cách thỏa đáng bằng pháp quán (vipassanā).
Trong Trường bộ kinh (Dīghānikāya) – bài kinh thứ 15, Đức Phật thuyết rằng: “…thật thâm thúy, Ānandā, đó là pháp liên quan tương sinh này và thật sâu sắc, nếu không hiểu thấu, không thâm nhập pháp này, thế gian này giống như một cuộn chỉ rối, một tổ chim, một bụi lau sậy và chúng sanh không thoát khỏi những cõi thấp, thoát khỏi những tai ương và trầm luân khổ, thoát khỏi vòng luân hồi….”
Vấn đề được nêu rõ trong Thanh Tịnh Đạo (2,221) và chú giải Abhidhamma (2, 189) rằng, trừ khi thiền sinh có thể thâm nhập rõ bằng tuệ nhãn của vị ấy, pháp liên quan tương sinh, vị ấy có thể không bao giờ vượt qua sự nguy hiểm kinh hoàng của vòng khổ và có thể không bao giờ thành tựu giải thoát khỏi luân hồi (saṃsāra).
___o0o___
(2) Định luật Vị trí (Paṭṭhāna) – Duyên trợ hay Duyên tương quan.
14.
1. Hetupaccayo, 2. Ārammaṇapaccayo, 3. Adhipatipaccayo, 4. Anantarapaccayo, 5. Samanantarapaccayo, 6. Sahajātapaccayo, 7. Aññamaññapaccayo, 8. Nissayapaccayo, 9. Upanissayapaccayo, 10. Purejātapaccayo, 11. Pacchājātapaccayo, 12. Āsevanapaccayo, 13. Kammapaccayo, 14. Vipākapaccayo, 15. Āhārapaccayo, 16. Indriyapaccayo, 17. Jhānapaccayo, 18. Maggapaccayo, 19. Sampayuttapaccayo, 20. Vippayuttapaccayo, 21. Atthipaccayo, 22. Natthipaccayo, 23. Vigatapaccayo, 24. Avigatapaccayo.
24 Cách Của Duyên
1. Hetupaccayo Nhân duyên
2. Ārammaṇapaccayo Cảnh duyên
3. Adhipatipaccayo Trưởng duyên
4. Anantarapaccayo Vô gián duyên
5. Samanantarapaccayo Đẳng ‘vô gián duyên’
6. Sahajātapaccayo Câu sanh duyên
7. Aññamaññapaccayo Hỗ tương duyên
8. Nissayapaccayo Y chỉ duyên
9. Upanissayapaccayo Cận y duyên
10. Purejātapaccayo Tiền sanh duyên
11. Pacchājātapaccayo Hậu sanh duyên
12. Āsevanapaccayo Trùng dụng duyên
13. Kammapaccayo Nghiệp duyên
14. Vipākapaccayo Dị thục quả duyên
15. Āhārapaccayo Vật thực duyên
16. Indriyapaccayo Quyền duyên
17. Jhānapaccayo Thiền na duyên
18. Maggapaccayo Đạo duyên
19. Sampayuttapaccayo Tương ưng duyên
20. Vippayuttapaccayo Bất tương ưng duyên
21. Atthipaccayo Hiện hữu duyên
22. Natthipaccayo Vô hữu duyên
23. Vigatapaccayo Ly khứ duyên
24. Avigatapaccayo Bất ly duyên
Giải:
Đoạn Pāḷi ngắn trên được gọi là giảng về duyên (paccayuddeso). Nó chỉ đề cập tên của 24 duyên hay những nguyên tắc, nhân hoạt động trong tiến trình tự nhiên. Thậm chí đoạn Pāḷi ngắn này rất hữu ích cho nơi tôn nghiêm để tự bảo vệ khỏi tất cả những thứ nguy hiểm như là sự tấn công bởi những người xấu xa độc ác, thú hoang và tà ma.
Paccayuddeso Pāḷi (duyên xiển thuật) nên được đọc tụng thường xuyên để bảo vệ bản thân khỏi sự nguy hại, đạt được những ước nguyện và củng cố trí tuệ.
Paccayaniddeso Pāḷi (duyên xiển minh) cũng được nhiều người ngày nay tụng. Đoạn Pāḷi này trình bày: (1) những pháp năng duyên (paccayadhamma), (2) những pháp sở duyên (paccayuppannadhammā), (3) sức mạnh hay đặc tính của duyên (paccayasatti). Đoạn Pāḷi này trình bày ngắn gọn và chính xác sự hoạt động của 24 duyên trong tiến trình tự nhiên.
Những đặc tính hay sức mạnh (paccayasatti) của mỗi duyên trình bày cách cụ thể trong những phận sự của pháp năng duyên trợ sanh, ủng hộ hay duy trì pháp sở duyên.
Sức mạnh của mỗi duyên sẽ được trình bày sau cùng với hoạt động của duyên trong hiện tượng tự nhiên theo duyên xiển minh (paccayaniddeso Pāḷi). Trong thực tế, duyên xiển minh cho mỗi duyên cùng với ý nghĩa của nó sẽ được đề cập sau.
Sức Mạnh Của Mỗi Duyên Và Ứng Dụng Theo Duyên Xiển Minh (Paccayaniddeso)
1. Nhân duyên (Hetupaccayo)
Nhân duyên là ám chỉ đến sáu nhân [tham (lobha), sân (dosa), si (moha), vô tham (alobha), vô sân (adosa) và vô si (amoha)]. ‘Hetu’ tợ như rễ chánh của một cây. Rễ chánh ủng hộ cho cây tăng trưởng, duy trì sự vững chắc và sum sê, cũng thế sáu nhân ủng hộ cho tâm (citta) và sở hữu tâm (cetasika) phối hợp với tâm (citta) cùng những sắc tâm (cittaja rūpa) sinh trưởng đặng vững chắc và mạnh mẽ.
Paccayaniddeso Pāḷi…
Hetupaccayoti – hetū hetusampayuttakānaṁ dhammānaṁ taṁsamuṭṭhānañca rūpānaṁ hetupaccayena paccayo.
Sáu nhân làm duyên cho tâm và sở hữu tâm phối hợp với tâm cùng với sắc tâm sanh và đặng vững chắc do ‘nhân duyên’.
2. Cảnh duyên (Ārammaṇapaccayo)
Ārammaṇa = a + căn ram, thích thú trong.
Ālambana = ā + căn lamb, đeo níu theo.
Ārammaṇa tượng trưng cho 6 cảnh. Bây giờ, một người tàn tật có thể đứng dậy bằng cách kéo một sợi dây và có thể đứng thẳng với sự trợ giúp của cây gậy chống. Như sợi dây và cây gậy ủng hộ một người tàn tật đứng dậy, cũng thế, 6 cảnh ủng hộ làm cho tâm (citta) và sở hữu tâm (cetasika) có thể sanh.
Paccayaniddeso Pāḷi
Ārammaṇapaccayoti – rūpāyatanaṁ cakkhuviññāṇadhātuyā taṁsampayuṭṭakānañca dhammānaṁ ārammaṇapaccayena paccayo.
Saddhāyatanaṁ sotāviññāṇadhātuyā taṁsampayuṭṭakānañca dhammānaṁ ārammaṇapaccayena paccayo.
Gandhāyatanaṁ ghānaviññāṇadhātuyā taṁsampayuṭṭakānañca dhammānaṁ ārammaṇapaccayena paccayo.
Rasāyatanaṁ jivhāviññāṇadhātuyā taṁsampayuṭṭakānañca dhammānaṁ ārammaṇapaccayena paccayo.
Phoṭṭhabbāyatanaṁ kāyaviññāṇadhātuyā taṁsampayuṭṭakānañca dhammānaṁ ārammaṇapaccayena paccayo.
Rūpāyatanaṁ saddhāyatanaṁ gandhāyatanaṁ rasāyatanaṁ phoṭṭhabbāyatanaṁ manodhātuya taṁsampayuṭṭakānañca dhammānaṁ ārammaṇapaccayena paccayo.
Sabbe dhammā manoviññāṇadhātuyā taṁsampayuṭṭakānañca dhammānaṁ ārammaṇapaccayena paccayo.
Yaṁ yaṁ dhammaṁ ārabbha ye ye dhammā uppajjanti cittacetasikā dhammā, te te dhammā tesaṁ tesaṁ dhammānaṁ ārammaṇapaccayena paccayo.
Nghĩa:
(i) Cảnh sắc làm duyên cho nhãn thức giới và sở hữu hợp sanh bằng ‘cảnh duyên’.
(ii) Cảnh thinh làm duyên cho nhĩ thức giới và sở hữu hợp sanh bằng ‘cảnh duyên’.
(iii) Cảnh khí làm duyên cho tỷ thức giới và sở hữu hợp sanh bằng ‘cảnh duyên’.
(iv) Cảnh vị làm duyên cho thiệt thức giới và sở hữu hợp sanh bằng ‘cảnh duyên’.
(v) Cảnh xúc làm duyên cho thân thức giới và sở hữu hợp sanh bằng ‘cảnh duyên’.
(vi) Cảnh sắc, thinh, khí, vị, xúc làm duyên cho ý giới (đôi tiếp thâu và khai ngũ môn) và sở hữu hợp sanh bằng ‘cảnh duyên’.
(vii) Tất cả pháp (6 cảnh) làm duyên cho ý thức giới (76 tâm) và sở hữu hợp sanh bằng ‘cảnh duyên’.
(viii) Bắt lấy bất cứ pháp nào làm cảnh, những pháp này, tức là tâm và sở hữu tâm sanh; pháp trước làm duyên cho pháp sau sanh bằng ‘cảnh duyên’.
3. Trưởng duyên (Adhipatipaccayo)
‘Adhipati’ nghĩa là lớn trội hơn, lớn nhất, cao nhất, chúa tể, thủ lĩnh, vua, v.v… vua của một quốc gia, bằng cách dùng quyền lực trên tất cả dân chúng của ông, có thể góp phần vào hòa bình và thịnh vượng của quốc gia trên một phạm vi rộng lớn. Đây có nghĩa ông ta có thể trợ cho quốc gia của ông bằng trạng thái lớn trội hơn (chiếm ưu thế) trên tất cả những người khác.
Trong những hiện tượng tự nhiên, có hai loại trưởng – đó là cảnh trưởng (ārammaṇādhipati) và câu sanh trưởng (sahajātādhipati). Cảnh trưởng (ārammaṇādhipati) là một cảnh nổi bật mà cảnh ấy có thể cuốn hút sự chú ý của chúng ta đến nó. Chúng ta không thể không quan sát hay lắng nghe nó. Câu sanh trưởng (sahajātādhipati) nghĩa là một pháp lớn trội hơn hẳn mà pháp ấy sanh cùng với những pháp phối hợp với nó. Pháp này chỉ cho bốn trưởng- đó là dục (chanda), cần (viriya), tâm (citta), thẩm (vīmaṃsā).
Trong một và cùng trạng thái tâm, chỉ có một trong bốn trưởng (adhipati) có thể là trưởng. Pháp trưởng này trợ cho những pháp câu sanh với nó (tức là tâm (citta) và sở hữu tâm (cetasika)) đạt đến mục tiêu mà nó đặt ra.
Paccayaniddeso Pāḷi
Adhipatipaccayoti –
Chandādhipati chandasampayuttakānaṁ dhammānaṁ taṁsamuṭṭhānānañca rūpānaṁ adhipatipaccayena paccayo.
Viriyādhipati viriyasampayuttakānaṁ dhammānaṁ taṁsamuṭṭhānānañca rūpānaṁ adhipatipaccayena paccayo.
Cittādhipati cittsampayuttakānaṁ dhammānaṁ taṁsamuṭṭhānānañca rūpānaṁ adhipatipaccayena paccayo.
Vimaṁsādhipati vimaṁsasampayuttakānaṁ dhammānaṁ taṁsamuṭṭhānānañca rūpānaṁ adhipatipaccayena paccayo.
Yaṁ yaṁ dhammaṁ garuṁ katvā ye ye dhammā uppajjanti citta cetasikā dhammā, te te dhammā tesaṁ tesaṁ dhammānaṁ adhipatipaccayena paccayo.
Nghĩa là:
(i) Dục trưởng hay dục (chanda) làm duyên cho tâm và sở hữu tâm phối hợp và cùng sắc tâm để đạt được giải pháp mong muốn do dục (chanda) bằng ‘trưởng duyên’.
(ii) Cần trưởng làm duyên cho tâm và sở hữu tâm phối hợp với tâm và cùng sắc tâm để đạt đến giải pháp chắc chắn bằng ‘trưởng duyên’.
(iii) Tâm trưởng (citta) làm duyên cho tâm và sở hữu tâm phối hợp với tâm và cùng sắc tâm để đạt đến giải pháp chắc chắn bằng ‘trưởng duyên’.
(iv) Thẩm trưởng hay trí (vimaṁsa) làm duyên cho tâm và sở hữu tâm phối hợp với tâm và cùng sắc tâm để đạt đến giải pháp chắc chắn bằng ‘trưởng duyên’.
(v) Bắt chăm chú vào một pháp nào là một cảnh nổi bật, những pháp này, tức là, tâm và sở hữu tâm sanh, pháp trước làm duyên cho pháp sau bằng ‘trưởng duyên’.
4. Vô gián duyên (Anantarapaccayo)
Vô gián (anantara) nghĩa là liên tục, không có bất cứ sự ngăn cách nào về thời gian và không gian. Khi một vị vua băng hà, hoàng thái tử trở thành vua mà không có bất cứ sự gián đoạn nào trong dòng tộc của nền quân chủ. Do đó, chúng ta có thể nói rằng đức vua giúp hoàng tử trở thành vua bằng ‘vô gián duyên’.
Trong cùng cách ấy, khi những pháp (một tâm cùng với những sở hữu hợp với nó) diệt hay tàn lụi, thì những pháp (một tâm cùng với những sở hữu hợp với nó) kế tiếp sanh mà không có bất cứ sự gián đoạn nào. Hiện tượng này sanh vì tâm và sở hữu hợp trước trợ cho tâm và sở hữu hợp kế tiếp sanh không gián đoạn do ý nghĩa của ‘vô gián duyên’ (anantarapaccaya).
Paccayaniddeso Pāḷi
Anantarapaccayoti –
Cakkhuviññāṇadhātu taṁsampayuttakā ca dhammā manodhātuyā taṁsampayuttakānañca dhammānaṁ anantarapaccayena paccayo. Manodhātu taṁsampayuttakā ca dhammā mano viññāṇadhātuyā taṁsampayuttakānañca dhammānaṁ anantarapaccayena paccayo.
Sotaviññāṇadhātu taṁsampayuttakā ca dhammā manodhātuyā taṁsampayuttakānañca dhammānaṁ anantarapaccayena paccayo. Manodhātu taṁsampayuttakā ca dhammā mano viññāṇadhātuyā taṁsampayuttakānañca dhammānaṁ anantarapaccayena paccayo.
Ghānaviññāṇadhātu taṁsampayuttakā ca dhammā manodhātuyā taṁsampayuttakānañca dhammānaṁ anantarapaccayena paccayo. Manodhātu taṁsampayuttakā ca dhammā mano viññāṇadhātuyā taṁsampayuttakānañca dhammānaṁ anantarapaccayena paccayo.
Jivhāviññāṇadhātu taṁsampayuttakā ca dhammā manodhātuyā taṁsampayuttakānañca dhammānaṁ anantarapaccayena paccayo. Manodhātu taṁsampayuttakā ca dhammā mano viññāṇadhātuyā taṁsampayuttakānañca dhammānaṁ anantarapaccayena paccayo.
Kāyaviññāṇadhātu taṁsampayuttakā ca dhammā manodhātuyā taṁsampayuttakānañca dhammānaṁ anantarapaccayena paccayo. Manodhātu taṁsampayuttakā ca dhammā mano viññāṇadhātuyā taṁsampayuttakānañca dhammānaṁ anantarapaccayena paccayo.
Purimā purimā kusalā dhammā pacchimānaṁ pacchimānaṁ kusalānaṁ dhammānaṁ anantarapaccayena paccayo. Purimā purimā kusalā dhammā pacchimānaṁ pacchimānaṁ abyākatānaṁ dhammānaṁ anantarapaccayeena paccayo.
Purimā purimā akusalā dhammā pacchimānaṁ pacchimānaṁ akusalānaṁ dhammānaṁ anantarapaccayena paccayo. Purimā purimā akusalā dhammā pacchimānaṁ pacchimānaṁ abyākatānaṁ dhammānaṁ anantarapaccayeena paccayo.
Purimā purimā kusalā dhammā pacchimānaṁ pacchimānaṁ kusalānaṁ dhammānaṁ anantarapaccayena paccayo. Purimā purimā kusalā dhammā pacchimānaṁ pacchimānaṁ abyākatānaṁ dhammānaṁ anantarapaccayeena paccayo.
Purimā purimā abyākatā dhammā pacchimānaṁ pacchimānaṁ abyākatānaṁ dhammānaṁ anantarapaccayena paccayo. Purimā purimā abyākatā dhammā pacchimānaṁ pacchimānaṁ kusalānaṁ dhammānaṁ anantarapaccayeena paccayo. Purimā purimā abyākatā dhammā pacchimānaṁ pacchimānaṁ akusalānaṁ dhammānaṁ anantarapaccayeena paccayo.
Yesaṁ yesaṁ dhammānaṁ anantarāye ye dhammā uppajjanti cittacetasikā dhammā, te te dhammā tesaṁ tesaṁ dhammānaṁ anantarapaccayena paccayo.
Nghĩa là:
(i) Nhãn thức giới và pháp tương ưng (sở hữu hợp với nó) trợ cho ý giới (tiếp thâu (sampaticchana)) và pháp tương ưng (sở hữu hợp với nó) sanh bằng ‘vô gián duyên’;
Ý giới (tiếp thâu (sampaticchana)) và pháp tương ưng (sở hữu hợp) trợ cho ý thức giới (thẩm tấn (santirana)) và pháp tương ưng (sở hữu hợp) sanh bằng ‘vô gián duyên’.
(ii) Nhĩ thức giới và pháp tương ưng (sở hữu hợp với nó) trợ cho ý giới (tiếp thâu (sampaticchana)) và pháp tương ưng (sở hữu hợp với nó) sanh bằng ‘vô gián duyên’;
Ý giới (tiếp thâu (sampaticchana)) và pháp tương ưng (sở hữu hợp) trợ cho ý thức giới (thẩm tấn (santirana)) và pháp tương ưng (sở hữu hợp) sanh bằng ‘vô gián duyên’.
(iii) Tỷ thức giới và pháp tương ưng v.v… (như trên)
(iv) Thiệt thức giới và pháp tương ưng v.v… (như trên)
(v) Thân thức giới và pháp tương ưng v.v… (như trên)
(vi) Pháp thiện (tâm đổng lực thiện và sở hữu hợp với nó) sanh trước trước trợ cho pháp thiện (tâm đổng lực thiện và sở hữu hợp với nó) sanh sau sau bằng ‘vô gián duyên’.
(vii) Pháp thiện (tâm đổng lực thiện và sở hữu hợp với nó) sanh trước trước trợ cho pháp vô ký [tâm na cảnh (tadālambaṇa) hay hữu phần (bhavaṅga) và sở hữu hợp với nó] sanh sau sau bằng ‘vô gián duyên’.
(viii) Pháp bất thiện (tâm đổng lực bất thiện và sở hữu hợp với nó) sanh trước trước trợ cho pháp bất thiện (tâm đổng lực bất thiện và sở hữu hợp với nó) sanh sau sau bằng ‘vô gián duyên’.
(ix) Pháp bất thiện (tâm đổng lực bất thiện và sở hữu hợp với nó) sanh trước trước trợ cho pháp vô ký [tâm na cảnh (tadālambaṇa) hay hữu phần (bhavaṅga) và sở hữu hợp với nó] sanh sau sau bằng ‘vô gián duyên’.
(x) Pháp vô ký [tâm quả (vipāka) hay tố (kiriya) và sở hữu hợp với nó] sanh trước trước trợ cho pháp vô ký [tâm quả (vipāka) hay tố (kiriya) và sở hữu hợp với nó] sanh sau sau bằng ‘vô gián duyên’.
(xi) Pháp vô ký [tâm đoán định (voṭṭhapana) hay khai ý môn (manodvārāvajjana) và sở hữu hợp với nó] sanh trước trước trợ cho pháp thiện (tâm đổng lực thiện và sở hữu hợp với nó) sanh sau sau bằng ‘vô gián duyên’.
(xii) Pháp vô ký [khai ý môn (manodvārāvajjana) và sở hữu hợp với nó] sanh trước trước trợ cho pháp bất thiện (tâm đổng lực thiện và sở hữu hợp với nó) sanh sau sau bằng ‘vô gián duyên’.
(xiii) Ngay sau sự diệt của một pháp nào đó, tức là tâm và sở hữu tâm câu sanh; pháp sanh trước trợ cho pháp sanh sau bằng ‘vô gián duyên’.
5. Đẳng vô gián duyên (Samanantarapaccayo)
‘Đẳng vô gián’ ý nghĩa giống như ‘vô gián’. ‘Vô gián duyên’ (anantarapaccaya) và ‘đẳng vô gián duyên’ (samanantarapaccaya) thì y hệt nhau; ‘sama’ ở đây có nghĩa là đúng. Chúng nói đến bất cứ trạng thái nào của tâm và những danh pháp câu sanh, trợ cho tâm sanh ngay sau trong lộ trình tâm.
Paccayaniddeso Pāḷi
Samanantarapaccayoti -
Cakkhuviññāṇadhātu taṁsampayuttakā ca dhammā manodhātuyā taṁsampayuttakānañca dhammānaṁ samanantarapaccayena paccayo. Manodhātu taṁsampayuttakā ca dhammā mano viññāṇadhātuyā taṁsampayuttakānañca dhammānaṁ samanantarapaccayena paccayo.
Sotaviññāṇadhātu taṁsampayuttakā ca dhammā …(như trên)…
Ghānaviññāṇadhātu taṁsampayuttakā ca dhammā …(như trên)…
Jivhāviññāṇadhātu taṁsampayuttakā ca dhammā …(như trên)…
Kāyaviññāṇadhātu taṁsampayuttakā ca dhammā …(như trên)…
…(giống như ở phần ‘vô gián duyên’ - anantarapaccayo)…
Purimā purimā kusalā dhammā pacchimānaṁ pacchimānaṁ kusalānaṁ dhammānaṁ samanantarapaccayena paccayo. Purimā purimā kusalā dhammā pacchimānaṁ pacchimānaṁ abyākatānaṁ dhammānaṁ samanantarapaccayeena paccayo.
Yesaṁ yesaṁ dhammānaṁ samanantarā ye ye dhammā uppajjanti cittacetasikā dhammā, te te dhammā tesaṁ tesaṁ dhammānaṁ samanantarapaccayena paccayo.
Nghĩa giống như trong phần ‘vô gián duyên’. Chỉ đổi vô gián thành đẳng vô gián.
6. Câu sanh duyên (Sahajātapaccayo)
‘Sahajātapaccaya’ nghĩa là trợ bằng cách sanh cùng lúc. Câu sanh nghĩa là cùng sanh. Khi đèn dầu được thắp lên, ánh sáng đồng thời tỏa sáng. Do đó, chúng ta có thể nói rằng đèn trợ cho ánh sáng lan tỏa ngay khi đèn được thắp sáng. Đây là một ví dụ của ‘câu sanh duyên’.
Trong bất cứ tiến trình tự nhiên nào trong phần pháp năng duyên và pháp sở duyên sanh đồng thời với nhau, thì pháp trước được gọi là trợ cho pháp sau sanh bằng ‘câu sanh duyên’ (sahajātapaccaya).
Paccayaniddeso Pāḷi
Sahajātapaccayoti – cattāro khandhā arūpino aññamaññaṃ sahajātapaccayena paccayo. Cattāro mahābhūtā aññamaññaṃ sahajātapaccayena paccayo. Okkantikkhaṇe nāmarūpaṃ aññamaññaṃ sahajātapaccayena paccayo. Cittacetasikā dhammā cittasamuṭṭhānānaṃ rūpānaṃ sahajātapaccayena paccayo. Mahābhūtā upādārūpānaṃ sahajātapaccayena paccayo. Rūpino dhammā arūpīnaṃ dhammānaṃ kiñci kāle sahajātapaccayena paccayo, kiñci kāle na sahajātapaccayena paccayo.
(i) 4 uẩn phi sắc hay danh uẩn (citta và cetasika) trợ qua lại lẫn nhau để cùng sanh chung bằng ‘câu sanh duyên’.
(ii) 4 sắc đại hiển (Mahābhūtā: Pathavī, āpo, tejo và vāyo) trợ qua lại lẫn nhau để cùng sanh chung bằng ‘câu sanh duyên’.
(iii) Vào sát-na tái tục, danh tái tục (citta và cetasika khi tái tục) và sắc nghiệp (kammajarūpa) trợ qua lại lẫn nhau để cùng sanh bằng ‘câu sanh duyên’.
(iv) Tâm và sở hữu tâm trợ cho sắc tâm (cittajarūpa) cùng sanh với chúng bằng ‘câu sanh duyên’.
(v) Sắc đại hiển (mahābhūtā) trợ cho sắc y sinh (upādārūpa) cùng sanh với chúng bằng ‘câu sanh duyên’.
(vi) Pháp sắc đôi khi liên quan với pháp phi sắc bằng ‘câu sanh duyên’ và đôi khi không liên quan bằng ‘câu sanh duyên’.
7. Hỗ tương duyên (Aññamaññapaccayo)
Khi ba cây gậy được dựng lên theo dạng kim tự tháp, chúng thăng bằng lẫn nhau. Nếu một cây gậy bị dời đi, hai gậy còn lại sẽ ngã. Sự ủng hộ qua lại hay lẫn nhau này giữa những cây gậy minh họa cho ‘hỗ tương duyên’ (aññamaññapaccayo).
Trong vật chất và hiện tượng vật chất, nhân và quả trợ qua lại đặng cùng sanh, cho nên chúng ta nói rằng nhân và quả ủng hộ qua lại do ý nghĩa của ‘hỗ tương duyên’.
Paccayaniddeso Pāḷi
Aññamaññapaccayoti – cattāro khandhā arūpino aññamaññapaccayena paccayo. Cattāro mahābhūtā aññamaññapaccayena paccayo. Okkantikkhaṇe nāmarūpaṃ aññamaññapaccayena paccayo.
(i) Bốn phi sắc uẩn (tâm và sở hữu tâm) ủng hộ qua lại với nhau bằng ‘hỗ tương duyên’.
(ii) Bốn sắc tứ đại hiển (đất, nước, lửa, gió) ủng hộ qua lại với nhau bằng ‘hỗ tương duyên’.
(iii) Vào sát-na tái tục, danh uẩn (tâm và sở hữu tâm tái tục) và sắc nghiệp (kammaja rūpa) ủng hộ qua lại với nhau bằng ‘hỗ tương duyên’.
8. Y chỉ duyên (Nissayapaccayo)
‘Nissayapaccaya’ là một duyên trợ do ý nghĩa nơi nương nhờ, ủng hộ hay tùy thuộc. Thí dụ, một người đàn ông băng ngang một dòng sông bằng cách chèo một chiếc xuồng. Khi ấy chúng ta nói rằng chiếc xuồng làm nơi nương cho người đàn ông băng ngang sông bởi ý nghĩa của ‘y chỉ duyên’ và ngược lại người đàn ông giúp cho chiếc xuồng qua đến bờ kia của dòng sông bởi ý nghĩa của ‘y chỉ duyên’ (nissayapaccaya).
Chúng ta hãy xét một ví dụ khác. Cây cỏ, động vật, con người nương trên quả địa cầu để tồn tại. Ở đây, quả địa cầu ủng hộ cho cây cỏ, động vật, con người bằng lối ‘y chỉ duyên’, nhưng không có hỗ tương tồn tại trong trường hợp này.
Paccayaniddeso Pāḷi
Nissayapaccayoti – cattāro khandhā arūpino aññamaññaṃ nissayapaccayena paccayo.
Cattāro mahābhūtā aññamaññaṃ nissayapaccayena paccayo.
Okkantikkhaṇe nāmarūpaṃ aññamaññaṃ nissayapaccayena paccayo.
Cittacetasikā dhammā cittasamuṭṭhānānaṃ rūpānaṃ nissayapaccayena paccayo.
Mahābhūtā upādārūpānaṃ nissayapaccayena paccayo.
Cakkhāyatanaṃ cakkhuviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ nissayapaccayena paccayo.
Sotāyatanaṃ sotaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ nissayapaccayena paccayo.
Ghānāyatanaṃ ghānaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ nissayapaccayena paccayo.
Jivhāyatanaṃ jivhāviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ nissayapaccayena paccayo.
Kāyāyatanaṃ kāyaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ nissayapaccayena paccayo.
Yaṃ rūpaṃ nissāya manodhātu ca manoviññāṇadhātu ca vattanti, taṃ rūpaṃ manodhātuyā ca manoviññāṇadhātuyā ca taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ nissayapaccayena paccayo.
(i) 4 pháp phi sắc hay danh uẩn hộ trợ qua lại với nhau bằng ‘y chỉ duyên’.
(ii) 4 sắc đại hiển hộ trợ qua lại với nhau bằng ‘y chỉ duyên’.
(iii) Vào sát-na tái tục, danh và sắc hộ trợ qua lại với nhau bằng ‘y chỉ duyên’.
(iv) Tâm và những danh pháp đồng sanh làm duyên trợ cho sắc tâm sanh bằng ‘y chỉ duyên’.
(v) Sắc đại hiển trợ cho sắc y sinh bằng ‘y chỉ duyên’.
(vi) Nhãn xứ (sắc nhãn thanh triệt) làm duyên trợ cho nhãn thức và sở hữu hợp bằng ‘y chỉ duyên’.
(vii) Nhĩ xứ (sắc nhĩ thanh triệt) làm duyên trợ cho nhĩ thức và sở hữu hợp bằng ‘y chỉ duyên’.
(viii) Tỷ xứ (sắc tỷ thanh triệt) làm duyên trợ cho tỷ thức và sở hữu hợp bằng ‘y chỉ duyên’.
(ix) Thiệt xứ (sắc thiệt thanh triệt) làm duyên trợ cho thiệt thức và sở hữu hợp bằng ‘y chỉ duyên’.
(x) Thân xứ (sắc thân thanh triệt) làm duyên trợ cho thân thức và sở hữu hợp bằng ‘y chỉ duyên’.
(xi) Tùy thuộc vào sắc này (sắc ý vật) ý giới và ý thức giới sanh; sắc ấy làm duyên cho ý giới, ý thức giới và những danh pháp câu sanh bằng ‘y chỉ duyên’.
9. Cận y duyên (Upanissayapaccayo)
Upanissaya = upa + ni + + căn si, nằm, nằm bên, ở bên cạnh.
Tiếp đầu ngữ upa dùng để tăng cường ý nghĩa.
Cận y (upanissaya) nghĩa là một nhân mạnh mẽ trợ giúp bởi ý nghĩa ‘y chỉ duyên’. Ví dụ, mưa là nhân mạnh mẽ ủng hộ cho sự sinh trưởng của cây cỏ và động vật. Tương tự, cha mẹ là người thân cận ủng hộ làm nơi nương cho những đứa con của họ.
Trong bất cứ hiện tượng nào, nhân là một sự ủng hộ mạnh mẽ cho quả của nó, khi ấy chúng ta nói rằng nhân giúp cho quả sanh do ý nghĩa của ‘cận y duyên’ (upanissaya-paccaya).
Paccayaniddeso Pāḷi
Upanissayapaccayoti – purimā purimā kusalā dhammā pacchimānaṃ pacchimānaṃ kusalānaṃ dhammānaṃ upanissayapaccayena paccayo.
Purimā purimā kusalā dhammā pacchimānaṃ pacchimānaṃ akusalānaṃ dhammānaṃ kesañci upanissayapaccayena paccayo.
Purimā purimā kusalā dhammā pacchimānaṃ pacchimānaṃ abyākatānaṃ dhammānaṃ upanissayapaccayena paccayo.
Purimā purimā akusalā dhammā pacchimānaṃ pacchimānaṃ akusalānaṃ dhammānaṃ upanissayapaccayena paccayo.
Purimā purimā akusalā dhammā pacchimānaṃ pacchimānaṃ kusalānaṃ dhammānaṃ kesañci upanissayapaccayena paccayo.
Purimā purimā akusalā dhammā pacchimānaṃ pacchimānaṃ abyākatānaṃ dhammānaṃ upanissayapaccayena paccayo.
Purimā purimā abyākatā dhammā pacchimānaṃ pacchimānaṃ abyākatānaṃ dhammānaṃ upanissayapaccayena paccayo.
Purimā purimā abyākatā dhammā pacchimānaṃ pacchimānaṃ kusalānaṃ dhammānaṃ upanissayapaccayena paccayo.
Purimā purimā abyākatā dhammā pacchimānaṃ pacchimānaṃ akusalānaṃ dhammānaṃ upanissayapaccayena paccayo.
Utubhojanampi upanissayapaccayena paccayo. Puggalopi upanissayapaccayena paccayo. Senāsanampi upanissayapaccayena paccayo.
(i) Pháp thiện sanh trước trước trợ cho pháp thiện sanh sau sau bằng ‘cận y duyên’.
(ii) Pháp thiện sanh trước trước trợ cho pháp bất thiện sanh sau sau bằng ‘cận y duyên’.
(iii) Pháp thiện sanh trước trước trợ cho pháp vô ký (quả và tố) sanh sau sau bằng ‘cận y duyên’.
(iv) Pháp bất thiện sanh trước trước trợ cho pháp bất thiện sanh sau sau bằng ‘cận y duyên’.
(v) Pháp bất thiện sanh trước trước đôi khi trợ cho pháp thiện sanh sau sau bằng ‘cận y duyên’.
(vi) Pháp bất thiện sanh trước trước trợ cho pháp vô ký sanh sau sau bằng ‘cận y duyên’.
(vii) Pháp vô ký sanh trước trước trợ cho pháp vô ký sanh sau sau bằng ‘cận y duyên’.
(viii) Pháp vô ký sanh trước trước trợ cho pháp thiện sanh sau sau bằng ‘cận y duyên’.
(ix) Pháp vô ký sanh trước trước trợ cho pháp bất thiện sanh sau sau bằng ‘cận y duyên’.
(x) Quí tiết, vật thực, người và trú xứ cũng trợ cho chúng sanh hữu tưởng bằng ‘cận y duyên’.
10. Tiền sanh duyên (Purejātapaccayo)
Tiền sanh duyên chỉ đến pháp sanh trước là pháp làm nhân trợ cho pháp sanh sau. Thí dụ, mặt trời và mặt trăng hình thành từ khi sự hình thành của hệ mặt trời này. Chúng tỏa sáng đến con người đang sống trên trái đất. Do đó, chúng ta có thể nói rằng, mặt trời và mặt trăng làm duyên trợ, giúp con người bởi ý nghĩa của ‘tiền sanh duyên’ (purejātapaccaya).
Paccayaniddeso Pāḷi
Purejātapaccayoti – cakkhāyatanaṃ cakkhuviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ purejātapaccayena paccayo.
Sotāyatanaṃ sotaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ purejātapaccayena paccayo.
Ghānāyatanaṃ ghānaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ purejātapaccayena paccayo.
Jivhāyatanaṃ jivhāviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ purejātapaccayena paccayo.
Kāyāyatanaṃ kāyaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ purejātapaccayena paccayo.
Rūpāyatanaṃ cakkhuviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ purejātapaccayena paccayo.
Saddāyatanaṃ sotaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ purejātapaccayena paccayo.
Gandhāyatanaṃ ghānaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ purejātapaccayena paccayo.
Rasāyatanaṃ jivhāviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ purejātapaccayena paccayo.
Phoṭṭhabbāyatanaṃ kāyaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ purejātapaccayena paccayo.
Rūpāyatanaṃ saddāyatanaṃ gandhāyatanaṃ rasāyatanaṃ phoṭṭhabbāyatanaṃ manodhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ purejātapaccayena paccayo.
Yaṃ rūpaṃ nissāya manodhātu ca manoviññāṇadhātu ca vattanti, taṃ rūpaṃ manodhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ purejātapaccayena paccayo. Manoviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ kiñci kāle purejātapaccayena paccayo, kiñci kāle na purejātapaccayena paccayo.
(i) Nhãn xứ (sắc nhãn thanh triệt) làm duyên trợ cho nhãn thức và sở hữu hợp sanh bằng ‘tiền sanh duyên’.
(ii) Nhĩ xứ (sắc nhĩ thanh triệt) làm duyên trợ cho nhĩ thức và sở hữu hợp sanh bằng ‘tiền sanh duyên’.
(iii) Tỷ xứ (sắc tỷ thanh triệt) làm duyên trợ cho tỷ thức và sở hữu hợp sanh bằng ‘tiền sanh duyên’.
(iv) Thiệt xứ (sắc thiệt thanh triệt) làm duyên trợ cho thiệt thức và sở hữu hợp sanh bằng ‘tiền sanh duyên’.
(v) Thân xứ (sắc thân thanh triệt) làm duyên trợ cho thân thức và sở hữu hợp sanh bằng ‘tiền sanh duyên’.
(vi) Cảnh sắc làm duyên cho nhãn thức và sở hữu hợp sanh bằng ‘tiền sanh duyên’.
(vii) Cảnh thinh làm duyên cho nhĩ thức và sở hữu hợp sanh bằng ‘tiền sanh duyên’.
(viii) Cảnh khí làm duyên cho tỷ thức và sở hữu hợp sanh bằng ‘tiền sanh duyên’.
(ix) Cảnh vị làm duyên cho thiệt thức và sở hữu hợp sanh bằng ‘tiền sanh duyên’.
(x) Cảnh xúc làm duyên cho thân thức và sở hữu hợp sanh bằng ‘tiền sanh duyên’.
(xi) Cảnh sắc, thinh, khí, vị và cảnh xúc làm duyên cho ý giới và sở hữu hợp sanh bằng ‘tiền sanh duyên’.
(xii) Nương vào sắc này (tức là sắc ý vật), ý giới và ý thức giới sanh; sắc ấy làm duyên cho ý giới và sở hữu hợp sanh bằng ‘tiền sanh duyên’. Sắc ấy đôi khi làm duyên cho ý thức giới và sở hữu hợp sanh bằng ‘tiền sanh duyên’ cũng có và đôi khi không làm duyên cho ý thức giới và sở hữu hợp sanh bằng ‘tiền sanh duyên’ cũng có.
11. Hậu sanh duyên (Pacchājātapaccayo)
Đây chỉ cho pháp liên quan nhân quả, trong ấy pháp nhân tức là pháp năng duyên (paccaya) sanh sau và pháp quả hay pháp được trợ tức sở duyên (paccayuppanna) sanh trước. Điều này có thể được minh họa bằng con chim kền kền con sau khi thoát khỏi vỏ trứng, cảm thấy đói. Nó mong rằng mẹ của nó sẽ mang thức ăn đến cho nó ăn. Nhưng chim kền kền mẹ, theo thói quen, không bao giờ mang thức ăn cho chim con.
Do đó, con chim con không có gì để ăn. Do nhu cầu tự nhiên thúc đẩy. Sự cố quyết [hay tư (cetanā)] ăn vật thực của con chim con làm nhân cho cơ thể của nó phát triển. Khi lông vũ mọc đủ dài, nó sẽ bay cùng với mẹ của nó để kiếm mồi.
Ở đây, cơ thể của chim con là pháp bị trợ hay sở duyên (paccayuppanna) được sanh trước và sự cố quyết muốn ăn hay tư (cetanā) là pháp năng duyên (paccaya) sanh sau. Do đó, tư (cetanā) giúp cơ thể chim con tăng trưởng do ý nghĩa của ‘hậu sanh duyên’ (pacchājāta-paccaya).
Paccayaniddeso Pāḷi
Pacchājātapaccayoti – pacchājātā cittacetasikā dhammā purejātassa imassa kāyassa pacchājātapaccayena paccayo.
Tâm và sở hữu hợp sanh sau giúp cho sắc sanh trước (ý xứ, nhãn xứ, nhĩ xứ) bằng ‘hậu sanh duyên’.
12. Trùng dụng duyên (Āsevanapaccayo)
Khi chúng ta đọc một đoạn văn khó, lúc đầu chúng ta không thể hiểu. Nhưng nếu chúng ta tiếp tục đọc đi đọc lại, thường thì chúng ta hiểu hơn. Cũng giống trong sự học bằng tâm qua sự liên tiếp lặp lại, sau này sự đọc trong lòng dần dần trở nên dễ dàng và đơn giản. Do đó, chúng ta có thể nói rằng sự học trước giúp cho sự học sau bởi ý nghĩa của ‘trùng dụng duyên’ (āsevanapaccaya).
Tương tự, trong việc thoa dầu gỗ đàn hương hay mỹ phẩm vào mặt, vị ấy không nên thoa một lớp dầy một lần. Vị ấy nên thoa một lớp mỏng trước, quạt cho khô và kế đó thoa một lớp nữa … và lớp nữa. Lớp thoa trước sẽ giúp cho lớp thoa sau, bằng ‘trùng dụng duyên’, đặng vững chắc hơn, mịn hơn và mùi cũng thơm hơn.
Trong lộ trình tâm, chúng ta thường thấy tâm đổng lực (javana citta) sanh 7 lần. Ở đây, tất cả những đổng lực (javana) sanh trước trợ cho những đổng lực kế tiếp sau bằng ‘trùng dụng duyên’.
Paccayaniddeso Pāḷi
Āsevanapaccayoti – purimā purimā kusalā dhammā pacchimānaṃ pacchimānaṃ kusalānaṃ dhammānaṃ āsevanapaccayena paccayo.
Purimā purimā akusalā dhammā pacchimānaṃ pacchimānaṃ akusalānaṃ dhammānaṃ āsevanapaccayena paccayo.
Purimā purimā kiriyābyākatā dhammā pacchimānaṃ pacchimānaṃ kiriyābyākatānaṃ dhammānaṃ āsevanapaccayena paccayo.
(i) Tâm đổng lực thiện và những sở hữu hợp sanh trước trợ cho sức mạnh của tâm đổng lực thiện và những sở hữu hợp sanh sau bằng ‘trùng dụng duyên’.
(ii) Tâm đổng lực bất thiện và những sở hữu hợp sanh trước trợ cho sức mạnh của tâm đổng lực bất thiện và những sở hữu hợp sanh sau bằng ‘trùng dụng duyên’.
(iii) Pháp vô ký tố sanh trước trợ cho pháp vô ký tố sanh sau bằng ‘trùng dụng duyên’.
13. Nghiệp duyên (Kammapaccayo)
Một ‘hạt giống’ được bảo quản tốt, khi gieo vào trong một mảnh đất tươi tốt làm cho nẩy ‘mầm’. Tương tự như thế, nghiệp (kamma) thiện hay bất thiện, với sự ủng hộ của vô minh (avijjā) và ái (taṇhā) làm cho một quả mới sanh dưới dạng năm uẩn.
Trong hai phần đã nêu trên, hạt giống hay nghiệp (kamma) là pháp nhân hay năng duyên (paccaya) và ‘mầm’ hay ‘năm uẩn’ là quả hay pháp sở duyên (paccayuppanna). Nhân được gọi là trợ cho quả sanh theo lối ‘nghiệp duyên’ (kammapaccaya).
Paccayaniddeso Pāḷi
Kammapaccayoti – kusalākusalaṃ kammaṃ vipākānaṃ khandhānaṃ kaṭattā ca rūpānaṃ kammapaccayena paccayo.
Cetanā sampayuttakānaṃ dhammānaṃ taṃsamuṭṭhānānañca rūpānaṃ kammapaccayena paccayo.
(i) Nghiệp thiện và bất thiện trợ cho danh uẩn quả (tâm quả và sở hữu hợp) và sắc nghiệp bằng ‘nghiệp duyên’.
(ii) Tư (cetanā) liên quan đến những pháp đồng sanh (tâm và sở hữu hợp) và sắc tâm bằng ‘nghiệp duyên’.
14. Dị thục quả duyên (Vipākapaccayo)
Tâm quả và những sở hữu đồng sanh với tâm quả ấy là nghiệp quả của nghiệp quá khứ. Chúng bị trợ sanh do mãnh lực của nghiệp quá khứ, chúng hoàn toàn không có sự lo lắng cho sự sinh khởi của chúng. Khi đến lúc sanh, chúng có thể sanh một cách thanh thản và ung dung không có bất cứ sự gắng sức nào do mãnh lực của nghiệp.
Bây giờ, khi hai người lười biếng hợp lại, họ trở nên lười hơn. Cũng thế, một làn gió mát làm cho một người trong bóng mát cảm thấy mát hơn. Tương tự, tâm quả (vipāka citta) và những sở hữu hợp (cetasika) với tâm ấy sanh một cách thanh thản, hỗ tương (hay giúp nhau qua lại) bằng nghiệp quả duyên (‘dị thục quả duyên’) sanh một cách thanh thản và ung dung hơn.
Paccayaniddeso Pāḷi
Vipākapaccayoti – vipākā cattāro khandhā arūpino aññamaññaṃ vipākapaccayena paccayo.
4 danh uẩn quả vô sắc hỗ tương (liên quan qua lại với nhau) bằng ‘dị thục quả duyên’.
15. Vật thực duyên (Āhārapaccayo)
Cha mẹ sanh ra con, ủng hộ chúng và trông nom dõi theo chúng để chúng lớn lên trong hạnh phúc. Một cây cột chống đỡ một ngôi nhà cổ nghiêng làm cho ngôi nhà vững vàng và lâu bền.
Cũng thế, bốn vật thực – đó là đoàn thực (ojā), xúc thực (phassa), tư thực (cetanā) và thức thực (viññāṇa) giúp cho quả của chúng hay pháp sở duyên sanh và tiếp tục ủng hộ chúng đặng chúng vững vàng và lâu bền. Tiến trình của loại trợ này gọi là ‘vật thực duyên’ (āhārapaccaya).
Paccayaniddeso Pāḷi
Āhārapaccayoti – kabaḷīkāro āhāro imassa kāyassa āhārapaccayena paccayo.
Arūpino āhārā sampayuttakānaṃ dhammānaṃ taṃsamuṭṭhānānañca rūpānaṃ āhārapaccayena paccayo.
(i) Đoàn thực làm duyên trợ cho (liên quan đến) thân bằng ‘vật thực duyên’.
(ii) Vật thực phi sắc (danh vật thực) (xúc, tư, thức) làm duyên cho danh pháp tương ưng (tâm, sở hữu tâm) và sắc tâm bằng ‘vật thực duyên’.
16. Quyền duyên (Indriyapaccayo)
‘Indriya’ ví như bộ trưởng, quản lý những ban, bộ hay những khoa thuộc về họ và với ưu điểm này họ góp phần tiến triển và thành công của toàn hệ thống. Sự góp phần này được diễn ra bởi ý nghĩa của ‘quyền lực duyên’.
Trong 22 quyền (indriya) chúng ta đã học qua trong chương VII, hai sắc tính không tham gia làm ‘quyền duyên’. Năm sắc thanh triệt là quyền trong khả năng của nó, tạo thành một duyên chỉ cho danh pháp như là sự sanh của nhãn thức, v.v… Sắc mạng quyền (jīvita rūpa) và tất cả những quyền còn lại tạo thành một duyên cho sự sanh của những danh và sắc pháp đồng sanh.
Paccayaniddeso Pāḷi
Indriyapaccayoti – cakkhundriyaṃ cakkhuviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ indriyapaccayena paccayo.
Sotindriyaṃ sotaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ indriyapaccayena paccayo.
Ghānindriyaṃ ghānaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ indriyapaccayena paccayo.
Jivhindriyaṃ jivhāviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ indriyapaccayena paccayo.
Kāyindriyaṃ kāyaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ indriyapaccayena paccayo.
Rūpajīvitindriyaṃ kaṭattārūpānaṃ indriyapaccayena paccayo.
Arūpino indriyā sampayuttakānaṃ dhammānaṃ taṃsamuṭṭhānānañca rūpānaṃ indriyapaccayena paccayo.
(i) Nhãn quyền (nhãn thanh triệt) làm duyên cho nhãn thức giới và những pháp tương ưng với nó bằng ‘quyền duyên’.
(ii) Nhĩ quyền (nhĩ thanh triệt) làm duyên cho nhĩ thức giới và những pháp tương ưng với nó bằng ‘quyền duyên’.
(iii) Tỷ quyền (tỷ thanh triệt) làm duyên cho tỷ thức giới và những pháp tương ưng với nó bằng ‘quyền duyên’.
(iv) Thiệt quyền (thiệt thanh triệt) làm duyên cho thiệt thức giới và những pháp tương ưng với nó bằng ‘quyền duyên’.
(v) Thân quyền (thân thanh triệt) làm duyên cho thân thức giới và những pháp tương ưng với nó bằng ‘quyền duyên’.
(vi) Sắc mạng quyền làm duyên cho sắc nghiệp bằng ‘quyền duyên’.
(vii) Phi sắc quyền (hay danh quyền) làm duyên cho những pháp tương ưng (tâm và sở hữu tâm) và sắc tâm bằng ‘quyền duyên’.
17. Thiền na duyên (Jhānapaccayo)
Thiền na duyên đại diện cho bảy chi thiền gọi là ‘jhānaṅga’. Những chi thiền này trợ cho những pháp câu sanh như tâm (citta), sở hữu tâm (cetasika) và sắc tâm (cittaja rūpa) để chăm chú trên một cảnh hay đề mục một cách liên tục, sát sao, bất động và cố định. Lối trợ này được cho là trợ theo lối của ‘thiền na duyên’ (jhānapaccaya).
Paccayaniddeso Pāḷi
Jhānapaccayoti – jhānaṅgāni jhānasampayuttakānaṃ dhammānaṃ taṃsamuṭṭhānānañca rūpānaṃ jhānapaccayena paccayo.
Những chi thiền làm duyên cho những pháp tương ưng (tức là tâm và sở hữu tâm) và sắc tâm bằng ‘thiền na duyên’.
18. Đạo duyên (Maggapaccayo)
Đạo duyên chỉ cho 12 chi đạo, gọi là ‘maggaṅga’ (xem chương VII). Những chi đạo thiện tạo thành một con đường trợ cho những pháp câu sanh với chúng như tâm (citta), sở hữu tâm (cetasika) và sắc tâm (cittaja rūpa) cho quả trong cõi an vui. Tương tự, những chi đạo bất thiện tạo thành một con đường làm duyên trợ cho những pháp câu sanh với chúng như tâm (citta), sở hữu tâm (cetasika) và sắc tâm (cittaja rūpa) trợ cho quả trong cõi Khổ. Cách trợ này được gọi là trợ bằng lối của ‘đạo duyên’ (maggapaccayo).
Paccayaniddeso Pāḷi
Maggapaccayoti – maggaṅgāni maggasampayuttakānaṃ dhammānaṃ taṃsamuṭṭhānānañca rūpānaṃ maggapaccayena paccayo.
Những chi đạo làm duyên trợ cho pháp tương ưng (tức là tâm và sở hữu tâm) và sắc tâm bằng ‘đạo duyên’.
19. Tương ưng duyên (Sampayuttapaccayo)
Nước trà, sữa, đường và nước nóng được khuấy đều trong tách cho một vị ngon tổng hợp không thể phân tách của trà sữa.
Tương tự, tâm và sở hữu tâm cùng tạo thành 4 danh uẩn, được hoàn toàn hòa trộn mà không thể bị phân biệt. Bên cạnh chúng cùng sanh, cùng diệt, có cùng một sắc vật và cùng một cảnh và chúng giúp qua lại lẫn nhau bằng cách cùng phối hợp. Chúng được gọi là giúp lẫn nhau bằng lối của ‘tương ưng duyên’ (sampayuttapaccaya).
Paccayaniddeso Pāḷi
Sampayuttapaccayoti – cattāro khandhā arūpino aññamaññaṃ sampayuttapaccayena paccayo.
Bốn uẩn vô sắc hay danh uẩn (tức là tâm và sở hữu tâm) liên quan lẫn nhau bằng ‘tương ưng duyên’.
20. Bất tương ưng duyên (Vippayuttapaccayo)
Sáu vị - tức là chát, đắng, ngọt, chua, mặn, cay – không hòa trộn với nhau; vậy mà chúng ủng hộ lẫn nhau cho một vị ngon trong món cà-ri (curry).
Lại nữa, trong một vương miện hay vòng đeo cổ, vàng và đá quí không hòa trộn; chúng có thể được phân biệt một cách dễ dàng qua sự quan sát. Dù thế, vàng làm cho đá quí đẹp hơn và đá quí làm cho vàng hấp dẫn hơn.
Tương tự, sắc uẩn và danh uẩn không hòa trộn, thậm chí chúng không sanh cùng hay diệt cùng nhau. Song sắc uẩn giúp cho danh uẩn và danh uẩn giúp cho sắc uẩn theo nhiều cách. Chúng được gọi là giúp qua lại lẫn nhau bằng lối của ‘bất tương ưng duyên’ (vippayuttapaccaya).
Paccayaniddeso Pāḷi
Vippayuttapaccayoti – rūpino dhammā arūpīnaṃ dhammānaṃ vippayuttapaccayena paccayo.
Arūpino dhammā rūpīnaṃ dhammānaṃ vippayuttapaccayena paccayo.
Pháp sắc làm duyên cho pháp phi sắc bằng ‘bất tương ưng duyên’.
Pháp phi sắc làm duyên cho pháp sắc bằng ‘bất tương ưng duyên’.
21. Hiện hữu duyên (Atthipaccayo)
Đất có thể ủng hộ cho cây cỏ mọc hay phát triển trên nó, vì đất hiện diện. Cha mẹ có thể ủng hộ và dõi theo, trông nom những đứa con của họ trong khi họ còn đang hiện diện và còn sống.
Thí dụ một pháp – dù là sanh trước hay sanh sau – mà sự hiện diện của pháp ấy là một duyên cho những pháp khác sanh được gọi là ‘hiện hữu duyên’ (atthipaccaya).
Paccayaniddeso Pāḷi
Atthipaccayoti – cattāro khandhā arūpino aññamaññaṃ atthipaccayena paccayo. Cattāro mahābhūtā aññamaññaṃ atthipaccayena paccayo. Okkantikkhaṇe nāmarūpaṃ aññamaññaṃ atthipaccayena paccayo. Cittacetasikā dhammā cittasamuṭṭhānānaṃ rūpānaṃ atthipaccayena paccayo. Mahābhūtā upādārūpānaṃ atthipaccayena paccayo.
Cakkhāyatanaṃ cakkhuviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ atthipaccayena paccayo. Sotāyatanaṃ sotaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ atthipaccayena paccayo. Ghānāyatanaṃ ghānaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ atthipaccayena paccayo. Jivhāyatanaṃ jivhāviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ atthipaccayena paccayo. Kāyāyatanaṃ kāyaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ atthipaccayena paccayo.
Rūpāyatanaṃ cakkhuviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ atthipaccayena paccayo. Saddāyatanaṃ sotaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ atthipaccayena paccayo. Gandhāyatanaṃ ghānaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ atthipaccayena paccayo. Rasāyatanaṃ jivhāviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ atthipaccayena paccayo. Phoṭṭhabbāyatanaṃ kāyaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ atthipaccayena paccayo. Rūpāyatanaṃ saddāyatanaṃ gandhāyatanaṃ rasāyatanaṃ phoṭṭhabbāyatanaṃ manodhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ atthipaccayena paccayo.
Yaṃ rūpaṃ nissāya manodhātu ca manoviññāṇadhātu ca vattanti, taṃ rūpaṃ manodhātuyā ca manoviññāṇadhātuyā ca taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ atthipaccayena paccayo.
(i) Bốn uẩn vô sắc hỗ tương qua lại bằng ‘hiện hữu duyên’.
(ii) Bốn sắc đại hiển hỗ tương qua lại bằng ‘hiện hữu duyên’.
(iii) Vào sát-na tái tục, danh tái tục (tâm tái tục và sở hữu tâm) và sắc nghiệp hỗ tương qua lại bằng ‘hiện hữu duyên’.
(iv) Tâm và pháp tương ưng làm duyên trợ (giúp) cho sắc tâm sanh bằng ‘hiện hữu duyên’.
(v) Bốn sắc đại hiển làm duyên trợ cho sắc y sinh sanh bằng ‘hiện hữu duyên’.
(vi) Nhãn xứ làm duyên trợ cho nhãn thức và pháp tương ưng sanh bằng ‘hiện hữu duyên’.
(vii) Nhĩ xứ làm duyên trợ cho nhĩ thức và pháp tương ưng sanh bằng ‘hiện hữu duyên’.
(viii) Tỷ xứ làm duyên trợ cho tỷ thức và pháp tương ưng sanh bằng ‘hiện hữu duyên’.
(ix) Thiệt xứ làm duyên trợ cho thiệt thức và pháp tương ưng sanh bằng ‘hiện hữu duyên’.
(x) Thân xứ làm duyên trợ cho thân thức và pháp tương ưng sanh bằng ‘hiện hữu duyên’.
(xi) Cảnh sắc làm duyên trợ cho nhãn thức và pháp tương ưng sanh bằng ‘hiện hữu duyên’.
(xii) Cảnh thinh làm duyên trợ cho nhĩ thức và pháp tương ưng sanh bằng ‘hiện hữu duyên’.
(xiii) Cảnh khí làm duyên trợ cho tỷ thức và pháp tương ưng sanh bằng ‘hiện hữu duyên’.
(xiv) Cảnh vị làm duyên trợ cho thiệt thức và pháp tương ưng sanh bằng ‘hiện hữu duyên’.
(xv) Cảnh xúc làm duyên trợ cho thân thức và pháp câu sanh sanh bằng ‘hiện hữu duyên’.
(xvi) Cảnh sắc, thinh, khí, vị, xúc làm duyên trợ cho ý giới và pháp tương ưng sanh bằng ‘hiện hữu duyên’.
(xvii) Nương vào sắc ấy (tức là sắc ý vật), ý giới và ý thức giới sanh; sắc ấy làm duyên trợ cho ý giới, ý thức giới và pháp tương ưng sanh bằng ‘hiện hữu duyên’.
22. Vô hữu duyên (Natthipaccayo)
Sự vắng mặt của mặt trời góp phần cho sự xuất hiện của mặt trăng, sự vắng mặt của ánh sáng góp phần cho sự xuất hiện của bóng tối; sự băng hà của đức vua góp phần cho sự lên ngôi của đại hoàng tử; cho nên một pháp có thể góp phần cho một pháp bằng cách vắng mặt.
Trong danh pháp, một tâm và những sở hữu phối hợp với tâm vừa diệt hình thành một duyên cần thiết gọi là ‘vô hữu duyên’ (natthipaccaya) trợ cho sự sinh khởi tức thì của tâm và những sở hữu tâm tiếp ngay sau.
Paccayaniddeso Pāḷi
Natthipaccayoti – samanantaraniruddhā cittacetasikā dhammā paṭuppannānaṃ cittacetasikānaṃ dhammānaṃ natthipaccayena paccayo.
Tâm và pháp tương ưng vừa diệt trong lộ tâm trợ cho tâm và pháp tương ưng hiện tại sanh theo cách tương tự bằng ‘vô hữu duyên’.
23. Ly khứ duyên (Vigatapaccayo)
Khi một pháp mất đi hay diệt mất, pháp ấy không còn tồn tại hay vắng mặt. Do đó, ‘ly khứ duyên’ (vigatapaccaya) là đồng nghĩa với ‘vô hữu duyên’ (natthipaccaya).
Ly khứ duyên (vigatapaccaya) như ‘vô hữu duyên’ (natthipaccaya), chỉ áp dụng cho danh pháp. Trong danh pháp ấy, tâm và những sở hữu phối hợp với tâm chỉ có thể sanh khi tâm và những sở hữu phối hợp với tâm có trước ấy diệt dứt và mất đi.
Paccayaniddeso Pāḷi
Vigatapaccayoti – samanantaravigatā cittacetasikā dhammā paṭuppannānaṃ cittacetasikānaṃ dhammānaṃ vigatapaccayena paccayo.
Tâm và pháp tương ưng vừa diệt trong lộ tâm trợ cho tâm và pháp tương ưng hiện tại sanh theo cách tương tự bằng ‘ly khứ duyên’.
24. Bất ly duyên (Avigatapaccayo)
Nếu một số pháp không mất đi, những pháp ấy đang có mặt. Cho nên ‘bất ly duyên’ (avigatapaccayo) giống như ‘hiện hữu duyên’ (atthipaccaya).
Vì đại dương không mất đi góp phần cho sự hạnh phúc của cá và rùa biển sống trong đại dương ấy.
Một pháp, dù sinh trước hay cùng sinh mà pháp ấy chưa mất đi là một duyên trợ cho pháp khác sinh khởi, được gọi là ‘bất ly duyên’ (avigatapaccayo).
Paccayaniddeso Pāḷi
Avigatapaccayoti – cattāro khandhā arūpino aññamaññaṃ avigatapaccayena paccayo. Cattāro mahābhūtā aññamaññaṃ avigatapaccayena paccayo. Okkantikkhaṇe nāmarūpaṃ aññamaññaṃ avigatapaccayena paccayo. Cittacetasikā dhammā cittasamuṭṭhānānaṃ rūpānaṃ avigatapaccayena paccayo. Mahābhūtā upādārūpānaṃ avigatapaccayena paccayo.
Cakkhāyatanaṃ cakkhuviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ avigatapaccayena paccayo. Sotāyatanaṃ sotaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ avigatapaccayena paccayo. Ghānāyatanaṃ ghānaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ avigatapaccayena paccayo. Jivhāyatanaṃ jivhāviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ avigatapaccayena paccayo. Kāyāyatanaṃ kāyaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ avigatapaccayena paccayo.
Rūpāyatanaṃ cakkhuviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ avigatapaccayena paccayo. Saddāyatanaṃ sotaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ avigatapaccayena paccayo. Gandhāyatanaṃ ghānaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ avigatapaccayena paccayo. Rasāyatanaṃ jivhāviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ avigatapaccayena paccayo. Phoṭṭhabbāyatanaṃ kāyaviññāṇadhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ avigatapaccayena paccayo. Rūpāyatanaṃ saddāyatanaṃ gandhāyatanaṃ rasāyatanaṃ phoṭṭhabbāyatanaṃ manodhātuyā taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ avigatapaccayena paccayo.
Yaṃ rūpaṃ nissāya manodhātu ca manoviññāṇadhātu ca vattanti, taṃ rūpaṃ manodhātuyā ca manoviññāṇadhātuyā ca taṃsampayuttakānañca dhammānaṃ avigatapaccayena paccayo.
(tất cả giống như trong ‘hiện hữu duyên’ – chỉ đổi hiện hữu thành bất ly. Cuối cùng nói duyên giải rộng kết thúc).
Lưu ý:
Ý nghĩa cũng giống như ‘hiện hữu duyên’. Chỉ đổi ‘hiện hữu duyên’ thành ‘bất ly duyên’.
___o0o___
Hoạt động của 24 duyên (paccayo) trong danh và sắc pháp được minh họa, giải thích trong phần Vị trí Xiển minh Pāḷi (paṭṭhāna-niddesa Pāḷi). Phần Pāḷi này thường được trùng tụng độc lập hay theo nhóm nhằm tán dương, cúng dường bậc Toàn Tri.
Nhiều người mong hiểu được nghĩa lý phần Pāḷi này. Nếu không có nền tảng kiến thức về Vô Tỷ Pháp (Abhidhamma), người đọc sẽ rất khó hiểu về phần Pāḷi này. Nhưng với kiến thức đạt được cho đến thời điểm hiện tại từ quyển sách này, phần Pāḷi ấy không còn khó hiểu. Một sự chuyển ngữ trực tiếp của phần Vị trí Xiển minh Pāḷi (paṭṭhāna-niddesa Pāḷi) sẽ được trình bày ở đây để làm cho người đọc có thể hiểu nghĩa lý trong phần Pāḷi tán dương cúng dường.
1. Nhân duyên (Hetupaccayo)
Sáu nhân [tham (lobha), sân (dosa), si (moha), vô tham (alobha), vô sân (adosa), vô si (amoha)] trợ cho (liên quan) tâm (citta) và sở hữu tâm (cetasika) phối hợp với những nhân và cùng sắc tâm do ‘nhân duyên’ (hetupaccayo).
2. Cảnh duyên (Ārammaṇapaccayo)
(i) Cảnh sắc trợ cho (liên quan) nhãn thức và sở hữu hợp bằng ‘cảnh duyên’.
(ii) Cảnh thinh trợ cho (liên quan) nhĩ thức và sở hữu hợp do ‘cảnh duyên’.
(iii) Cảnh khí trợ cho (liên quan) tỷ thức và sở hữu hợp do ‘cảnh duyên’.
(iv) Cảnh vị trợ cho (liên quan) thiệt thức và sở hữu hợp do ‘cảnh duyên’.
(v) Cảnh xúc trợ cho (liên quan) thân thức và sở hữu hợp do ‘cảnh duyên’.
(vi) Cảnh sắc, thinh, khí, vị và xúc trợ cho (liên quan) ý giới [đôi tiếp thâu (sampaṭicchanadvi), khai ngũ môn (pañcadvārāvajjana)] và sở hữu hợp do ‘cảnh duyên’.
(vii) Tất cả 6 cảnh trợ cho (liên quan) ý thức giới và sở hữu hợp do ‘cảnh duyên’.
(viii) Nắm chặt, giữ chặt (thủ) bất cứ pháp nào làm cảnh, những pháp này, tức là tâm và sở hữu hợp, sanh; pháp trước trợ cho (liên quan) pháp sau do ‘cảnh duyên’.
3. Trưởng duyên (Adhipatipaccayo)
(i) Dục trưởng hay dục (chanda) trợ cho (liên quan) tâm và sở hữu hợp với dục cùng với sắc tâm bằng ‘trưởng duyên’.
(ii) Cần trưởng hay cần (viriya) trợ cho (liên quan) tâm và sở hữu hợp với cần cùng với sắc tâm do ‘trưởng duyên’.
(iii) Tâm trưởng hay tâm (citta) trợ cho (liên quan) sở hữu hợp với tâm cùng với sắc tâm do ‘trưởng duyên’.
(iv) Thẩm trưởng (vīmaṃsā) trợ cho (liên quan) tâm và sở hữu hợp với nó cùng với sắc tâm do ‘trưởng duyên’.
4. Vô gián duyên (Anantarapaccayo)
(Độc giả nên tham khảo lộ trình tâm để hiểu về sự liên quan nhân quả này).
(i) Nhãn thức và những sở hữu hợp trợ cho (liên quan) tiếp thâu (sampaṭicchana) và những sở hữu hợp bằng ‘vô gián duyên’; tiếp thâu (sampaṭicchana) và những sở hữu hợp trợ cho (liên quan) tâm thẩm tấn (santīraṇa) và những sở hữu hợp bằng ‘vô gián duyên’.
(ii) Nhĩ thức và sở hữu hợp trợ cho (liên quan) tiếp thâu (sampaṭicchana) và những sở hữu hợp bằng ‘vô gián duyên’; tiếp thâu (sampaṭicchana) và những sở hữu hợp trợ cho (liên quan) tâm thẩm tấn (santīraṇa) và những sở hữu hợp bằng ‘vô gián duyên’.
(iii) Tỷ thức và sở hữu hợp …_như trên_…
(iv) Thiệt thức và sở hữu hợp …_nt_…
(v) Thân thức và sở hữu hợp …_nt_…
(vi) Tâm đổng lực thiện (javana kusala citta) và sở hữu hợp sanh trước trợ cho (liên quan) tâm đổng lực thiện và những sở hữu hợp sanh sau bằng ‘vô gián duyên’.
(vii) Tâm thiện (kusala citta) và những sở hữu hợp sanh trước trợ cho (liên quan) tâm vô ký [na cảnh (tadālambaṇa) hay hữu phần (bhavaṅga)] và những sở hữu hợp bằng ‘vô gián duyên’.
(viii) Tâm đổng lực bất thiện (javana akusala citta) và sở hữu hợp sanh trước trợ cho (liên quan) tâm đổng lực bất thiện và những sở hữu hợp sanh sau bằng ‘vô gián duyên’.
(ix) Tâm bất thiện (akusala citta) và những sở hữu hợp sanh trước trợ cho (liên quan) tâm vô ký [na cảnh (tadālambaṇa) hay hữu phần (bhavaṅga)] và những sở hữu hợp bằng ‘vô gián duyên’.
(x) Những tâm vô ký (abyākatā) [tố (kiriya) và quả (phala)] và những sở hữu hợp sanh trước trợ cho (liên quan) tâm vô ký (abyākatā) và những sở hữu hợp sanh sau bằng ‘vô gián duyên’.
(xi) Tâm vô ký (abyākatā) [đoán định (voṭṭhapana) hay khai ý môn (mano-dvārāvajjana)] và những sở hữu hợp sanh trước trợ cho (liên quan) tâm thiện (kusala citta) và những sở hữu hợp sanh sau bằng ‘vô gián duyên’.
(xii) Tâm vô ký (abyākatā) [đoán định (voṭṭhapana) hay khai ý môn (mano-dvārāvajjana)] và những sở hữu hợp sanh trước trợ cho (liên quan) tâm bất thiện (akusala citta) và những sở hữu hợp sanh sau bằng ‘vô gián duyên’.
5. Đẳng vô gián duyên (Samanantarapaccayo)
Lý liên quan nhân quả giống như trong ‘vô gián duyên’.
6. Câu sanh duyên (Sahajātapaccayo)
(i) Bốn uẩn phi sắc (danh uẩn) trợ (liên quan) qua lại lẫn nhau bằng ‘câu sanh duyên’.
(ii) Bốn sắc đại hiển (mahābhūta) trợ (liên quan) qua lại lẫn nhau bằng ‘câu sanh duyên’.
(iii) Vào sát-na tái tục, tâm tái tục (paṭisandhi citta) và sắc nghiệp (kammaja rūpa) trợ (liên quan) qua lại lẫn nhau bằng ‘câu sanh duyên’.
(iv) Tâm và sở hữu hợp trợ cho sắc tâm (cittaja rūpa) bằng ‘câu sanh duyên’.
(v) Sắc đại hiển trợ cho sắc y sinh (upādā rūpa) bằng ‘câu sanh duyên’.
(vi) Sắc pháp đôi khi trợ cho danh pháp cũng có, đôi khi không trợ cho danh pháp cũng có.
7. Hỗ tương duyên (Aññamaññapaccayo)
(i) Bốn uẩn phi sắc (danh uẩn) trợ lẫn nhau bằng ‘hỗ tương duyên’.
(ii) Bốn sắc đại hiển trợ lẫn nhau bằng ‘hỗ tương duyên’.
(iii) Vào sát-na tái tục, tâm tái tục (paṭisandhi citta) và sắc nghiệp (kammaja rūpa) trợ lẫn nhau bằng ‘hỗ tương duyên’.
8. Y chỉ duyên (Nissayapaccayo)
(i) Bốn uẩn phi sắc (danh uẩn) trợ qua lại lẫn nhau bằng ‘y chỉ duyên’.
(ii) Bốn sắc đại hiển trợ qua lại lẫn nhau bằng ‘y chỉ duyên’.
(iii) Vào sát-na tái tục, tâm tái tục (paṭisandhi citta) và sắc nghiệp (kammaja rūpa) trợ qua lại lẫn nhau bằng ‘y chỉ duyên’.
(iv) Tâm và sở hữu hợp trợ qua lại lẫn nhau bằng ‘y chỉ duyên’.
(v) Bốn sắc đại hiển trợ cho sắc y sinh (upādā rūpa) bằng ‘y chỉ duyên’.
(vi) Nhãn xứ trợ cho nhãn thức và sở hữu hợp bằng ‘y chỉ duyên’.
(vii) Nhĩ xứ trợ cho nhĩ thức và sở hữu hợp bằng ‘y chỉ duyên’.
(viii) Tỷ xứ trợ cho tỷ thức và sở hữu hợp bằng ‘y chỉ duyên’.
(ix) Thiệt xứ trợ cho thiệt thức và sở hữu hợp bằng ‘y chỉ duyên’.
(x) Thân xứ trợ cho thân thức và sở hữu hợp bằng ‘y chỉ duyên’.
(xi) Nương vào sắc này (tức là sắc ý vật), ý giới và ý thức giới (mano dhātu và mano viññāṇa dhātu) sinh khởi, sắc ấy trợ cho ý giới, ý thức giới và sở hữu hợp bằng ‘y chỉ duyên’.
9. Cận y duyên (Upanissayapaccayo)
(i) Chư pháp thiện [tâm thiện (kusala citta), tín (saddhā), vô tham (alobha), v.v…] sanh trước trợ cho chư pháp thiện sanh sau bằng ‘cận y duyên’.
(ii) Chư pháp thiện sanh trước đôi khi trợ cho chư pháp bất thiện [tâm bất thiện (akusala citta), tham (lobha), sân (dosa), v.v…] sanh sau bằng ‘cận y duyên’ cũng có.
(iii) Chư pháp thiện sanh trước trợ cho chư pháp vô ký [pháp vô ký (abyākatā) = quả (phala) và tố (kiriya)] sanh sau bằng ‘cận y duyên’.
(iv) Chư pháp bất thiện [tâm bất thiện (akusala citta), tham (lobha), sân (dosa), v.v…] sanh trước trợ cho chư pháp bất thiện sanh sau bằng ‘cận y duyên’.
(v) Chư pháp bất thiện sanh trước đôi khi trợ cho chư pháp thiện [tâm thiện (kusala citta), tín (saddhā), vô tham (alobha), v.v…] sanh sau bằng ‘cận y duyên’ cũng có.
(vi) Chư pháp bất thiện sanh trước trợ cho chư pháp vô ký [pháp vô ký (abyākatā) = quả (phala) và tố (kiriya)] sanh sau bằng ‘cận y duyên’.
(vii) Chư pháp vô ký [tâm quả (vipāka citta) và tâm tố (kiriya citta) và sở hữu hợp] sanh trước trợ cho chư pháp vô ký sanh sau bằng ‘cận y duyên’.
(viii) Chư pháp vô ký sanh trước trợ cho chư pháp thiện (tâm thiện và sở hữu hợp) sanh sau bằng ‘cận y duyên’.
(ix) Chư pháp vô ký sanh trước trợ cho chư pháp bất thiện (tâm bất thiện và sở hữu hợp) sanh sau bằng ‘cận y duyên’.
(x) Quí tiết, vật thực, người, nơi cư ngụ trợ cho chúng sanh bằng ‘cận y duyên’ cũng có.
10. Tiền sanh duyên (Purejātapaccayo)
(i) Nhãn xứ trợ cho nhãn thức và sở hữu hợp bằng ‘tiền sanh duyên’.
(ii) Nhĩ xứ trợ cho nhĩ thức và sở hữu hợp bằng ‘tiền sanh duyên’.
(iii) Tỷ xứ trợ cho tỷ thức và sở hữu hợp bằng ‘tiền sanh duyên’.
(iv) Thiệt xứ trợ cho thiệt thức và sở hữu hợp bằng ‘tiền sanh duyên’.
(v) Thân xứ trợ cho thân thức và sở hữu hợp bằng ‘tiền sanh duyên’.
(vi) Cảnh sắc trợ cho nhãn thức và sở hữu hợp bằng ‘tiền sanh duyên’.
(vii) Cảnh thinh trợ cho nhĩ thức và sở hữu hợp bằng ‘tiền sanh duyên’.
(viii) Cảnh khí trợ cho tỷ thức và sở hữu hợp bằng ‘tiền sanh duyên’.
(ix) Cảnh vị trợ cho thiệt thức và sở hữu hợp bằng ‘tiền sanh duyên’.
(x) Cảnh xúc trợ cho thân thức và sở hữu hợp bằng ‘tiền sanh duyên’.
(xi) Cảnh sắc, thinh, khí, vị, xúc trợ cho ý giới [khai ngũ môn (pañcadvārāvajjana) và đôi tiếp thâu (sampaṭicchana)] và sở hữu hợp bằng ‘tiền sanh duyên’.
(xii) Nương vào sắc này (sắc ý vật), ý giới và ý thức giới (mano dhātu và mano viññāṇa dhātu) sinh khởi; sắc ấy trợ cho ý thức giới và sở hữu hợp bằng ‘tiền sanh duyên’ cũng có, không trợ bằng ‘tiền sanh duyên’ cũng có.
11. Hậu sanh duyên (Pacchājātapaccayo)
Tâm và sở hữu sanh sau trợ cho sắc (tức là sắc ý vật, nhãn xứ, nhĩ xứ, v.v…) sanh trước bằng ‘hậu sanh duyên’.
12. Trùng dụng duyên (Āsevanapaccayo)
(i) Tâm đổng lực thiện (javana kusala citta) và sở hữu hợp sanh trước trợ cho tâm đổng lực thiện và sở hữu hợp sanh sau bằng ‘trùng dụng duyên’.
(ii) Tâm đổng lực bất thiện (javana akusala citta) và sở hữu hợp sanh trước trợ cho tâm đổng lực bất thiện và sở hữu hợp sanh sau bằng ‘trùng dụng duyên’.
(iii) Pháp vô ký sanh trước trợ cho pháp vô ký sanh sau bằng ‘trùng dụng duyên’.
13. Nghiệp duyên (Kammapaccayo)
(i) Nghiệp thiện và bất thiện (kusala và akusala kamma) trợ cho danh uẩn quả và sắc nghiệp bằng ‘nghiệp duyên’.
(ii) Tư (cetanā) trợ cho pháp tương ưng (tức là tâm và sở hữu hợp cùng) và sắc tâm bằng ‘nghiệp duyên’.
14. Dị thục quả duyên (Vipākapaccayo)
4 danh uẩn phi sắc trợ qua lại lẫn nhau bằng nghiệp quả hay ‘dị thục quả duyên’.
15. Vật thực duyên (Āhārapaccayo)
(i) Đoàn thực trợ cho thân này bằng ‘vật thực duyên’.
(ii) Danh vật thực [xúc (phassa), thức (viññāṇa) và tư (cetanā)] trợ cho pháp câu sanh [tâm (citta) và sở hữu hợp (cetasika)] và sắc tâm bằng ‘vật thực duyên’.
16. Quyền duyên (Indriyapaccayo)
(i) Nhãn quyền (cakkhu pasāda) trợ cho nhãn thức và sở hữu hợp bằng ‘quyền duyên’.
(ii) Nhĩ quyền (sota pasāda) trợ cho nhĩ thức và sở hữu hợp bằng ‘quyền duyên’.
(iii) Tỷ quyền (ghāna pasāda) trợ cho tỷ thức và sở hữu hợp bằng ‘quyền duyên’.
(iv) Thiệt quyền (jivhā pasāda) trợ cho thiệt thức và sở hữu hợp bằng ‘quyền duyên’.
(v) Thân quyền (kāya pasāda) trợ cho thân thức và sở hữu hợp bằng ‘quyền duyên’.
(vi) Sắc mạng quyền (jīvita rūpa) trợ cho sắc nghiệp bằng ‘quyền duyên’.
(vii) Danh mạng quyền trợ cho pháp câu sanh [tức là tâm (citta) và sở hữu hợp (cetasika)] và sắc tâm bằng ‘quyền duyên’.
17. Thiền na duyên (Jhānapaccayo)
Những chi thiền trợ cho pháp câu sanh [tức là tâm (citta) và sở hữu hợp (cetasika)] và sắc tâm bằng ‘thiền na duyên’.
18. Đạo duyên (Maggapaccayo)
Những chi đạo trợ cho pháp câu sanh [tức là tâm (citta) và sở hữu hợp (cetasika)] và sắc tâm bằng ‘đạo duyên’.
19. Tương ưng duyên (Sampayuttapaccayo)
Bốn uẩn phi sắc (danh uẩn) trợ qua lại lẫn nhau bằng ‘tương ưng duyên’.
20. Bất tương ưng duyên (Vippayuttapaccayo)
(i) Chư pháp sắc trợ cho chư pháp danh bằng ‘bất tương ưng duyên’.
(ii) Chư pháp danh trợ cho chư pháp sắc bằng ‘bất tương ưng duyên’.
21. Hiện hữu duyên (Atthipaccayo)
(i) Bốn uẩn phi sắc (danh uẩn) trợ qua lại lẫn nhau bằng ‘hiện hữu duyên’.
(ii) Bốn sắc đại hiển trợ qua lại lẫn nhau bằng ‘hiện hữu duyên’.
(iii) Vào sát-na tái tục, tâm tái tục (paṭisandhi citta) và sắc nghiệp (kammaja rūpa) trợ qua lại lẫn nhau bằng ‘hiện hữu duyên’.
(iv) Tâm và sở hữu hợp trợ cho sắc tâm (cittaja rūpa) bằng ‘hiện hữu duyên’.
(v) Sắc đại hiển trợ cho sắc y sinh bằng ‘hiện hữu duyên’.
(vi) Nhãn xứ trợ cho nhãn thức và sở hữu hợp bằng ‘hiện hữu duyên’.
(vii) Nhĩ xứ trợ cho nhĩ thức và sở hữu hợp bằng ‘hiện hữu duyên’.
(viii) Tỷ xứ trợ cho tỷ thức và sở hữu hợp bằng ‘hiện hữu duyên’.
(ix) Thiệt xứ trợ cho thiệt thức và sở hữu hợp bằng ‘hiện hữu duyên’.
(x) Thân xứ trợ cho thân thức và sở hữu hợp bằng ‘hiện hữu duyên’.
(xi) Cảnh sắc trợ cho nhãn thức và sở hữu hợp bằng ‘hiện hữu duyên’.
(xii) Cảnh thinh trợ cho nhĩ thức v.v…
(xiii) Cảnh khí trợ cho tỷ thức v.v…
(xiv) Cảnh vị trợ cho thiệt thức v.v…
(xv) Cảnh xúc trợ cho thân thức v.v…
(xvi) Cảnh sắc, thinh, khí, vị và xúc trợ cho ý giới [khai ngũ môn (pañcadvārāvajjana) và đôi tiếp thâu (sampaṭicchana)] và pháp câu sanh bằng ‘hiện hữu duyên’.
(xvii) Nương vào sắc này (tức là sắc ý vật), ý giới và ý thức giới (mano dhātu và mano viññāṇa dhātu) sinh khởi; sắc ấy trợ cho ý giới, ý thức giới và sở hữu hợp bằng ‘hiện hữu duyên’.
22. Vô hữu duyên (Natthipaccayo)
Tâm và sở hữu hợp vừa diệt trong sát-na trước liền kề trợ cho tâm và sở hữu hợp đang hiện diện, bắt cảnh tương tự bằng ‘vô hữu duyên’.
23. Ly khứ duyên (Vigatapaccayo)
Tâm và những sở hữu câu sanh vừa diệt trong sát-na liền kề trợ cho tâm và những sở hữu câu sanh đang hiện bày, sanh trong cùng một cảnh, bằng ‘ly khứ duyên’.
24. Bất ly duyên (Avigatapaccayo)
Pháp liên quan nhân quả giống trong hiện hữu duyên. Bất ly và hiện hữu ám chỉ duyên tương tự.
___o0o___
Phân Duyên Theo Giống
24 hoặc 47 duyên, phân theo 9 giống (jāti):
1/ Giống câu sanh có 15 duyên: Nhân duyên, câu sanh trưởng duyên, câu sanh duyên, hỗ tương duyên, câu sanh y duyên, câu sanh nghiệp duyên, dị thục quả duyên, danh vật thực duyên, câu sanh quyền duyên, thiền na duyên, đồ đạo duyên, tương ưng duyên, câu sanh bất tương ưng duyên, câu sanh hiện hữu duyên và câu sanh bất ly duyên.
2/ Giống cảnh có 8 duyên: Cảnh duyên, cảnh trưởng duyên, vật cảnh tiền sanh y duyên, cảnh cận y duyên, cảnh tiền sanh duyên, vật cảnh tiền sanh bất tương ưng duyên, cảnh tiền sanh hiện hữu duyên và cảnh tiền sanh bất ly duyên.
3/ Giống vô gián có 7 duyên: Vô gián duyên, đẳng vô gián duyên, vô gián cận y duyên, trùng dụng duyên, dị thời nghiệp, vô hữu duyên và ly khứ duyên.
4/ Giống vật tiền sanh có 6 duyên: Vật tiền sanh duyên, vật tiền sanh y duyên, tiền sanh quyền duyên, vật tiền sanh bất tương ưng duyên, vật tiền sanh hiện hữu duyên và vật tiền sanh bất ly duyên.
5/ Giống hậu sanh có 4 duyên: Hậu sanh duyên, hậu sanh bất tương ưng duyên, hậu sanh hiện hữu duyên và hậu sanh bất ly duyên.
6/ Giống vật thực có 3 duyên: Sắc vật thực duyên, vật thực hiện hữu duyên và vật thực bất ly duyên.
7/ Giống sắc mạng quyền có 3 duyên: Sắc mạng quyền duyên, sắc mạng quyền hiện hữu duyên và sắc mạng quyền bất ly duyên.
8/ Giống thường cận y có 2 duyên:
Duyên thứ nhất thuần túy là thường cận y duyên (tức là tâm, sở hữu sanh trước và sắc với chế định có sức mạnh trợ giúp tâm và sở hữu tâm sau sanh đặng).
Duyên thứ hai là dị thời, thường cận y hỗn hợp duyên có pháp thực tính là sở hữu tư (cetanā) làm nghiệp có sức mạnh trợ giúp cho danh uẩn quả (trừ sở hữu tư (cetanā) hợp tâm đạo).
9/ Giống nghiệp dị thời có 1 duyên: Dị thời nghiệp duyên, sở hữu tư (cetanā) quá khứ để mãnh lực lại tạo sắc nghiệp và mãnh lực trợ tạo tâm quả.
___o0o___
- Mãnh lực trợ sanh có 7 duyên: Vô gián duyên, Đẳng ‘vô gián duyên’, Cận y duyên, Trùng dụng duyên, Nghiệp duyên, Vô hữu duyên và Ly khứ duyên.
- Mãnh lực ủng hộ có 1 duyên: Hậu sanh duyên.
Còn mãnh lực trợ sanh và ủng hộ có 16 duyên còn lại.
___o0o___
Tóm Lược Pháp Liên Quan Nhân Quả
1. Danh trợ cho danh theo sáu cách – đó là vô gián (anantara), đẳng vô gián (samanantara), vô hữu (natthi) và ly khứ (vigata), trùng dụng (āsevana), tương ưng (sampayutta) [Danh ở đây chỉ cho tâm (citta) và sở hữu tâm (cetasika)].
Danh trợ cho danh theo sáu cách ra sao?
Tâm (citta) và sở hữu tâm (cetasika) vừa diệt trợ cho tâm và sở hữu tâm hiện tại theo cách Vô gián (anantara), Đẳng vô gián (samanantara), Vô hữu (natthi) và Ly khứ (vigata) duyên.
Đổng lực (javana) sanh trước trợ cho đổng lực (javana) sanh sau theo cách Trùng dụng (āsevana) duyên.
Tâm (citta) và những sở hữu tâm (cetasika) câu sanh trợ qua lại theo cách Tương ưng (sampayutta) duyên.
2. Danh trợ cho danh, sắc theo năm cách – đó là nhân (hetu), thiền (jhāna), đạo (magga), nghiệp (kamma), quả (vipāka).
Danh trợ cho danh-sắc theo năm cách ra sao?
Nhân (hetu), chi thiền (jhānaṅga) trợ cho danh-sắc câu sanh theo cách nhân (hetu), thiền (jhāna) và đạo (magga) duyên.
Tư (cetanā) câu sanh (tức nghiệp câu sanh - sahajatā kamma) trợ cho danh-sắc câu sanh bằng ‘nghiệp duyên’. Cũng thế dị thời nghiệp (nānakkhaṇika kamma) trợ cho danh, sắc nghiệp theo cách ‘nghiệp duyên’.
4 danh uẩn quả (vipāka nāmakkahandha) trợ qua lại lẫn nhau và sắc câu sanh theo cách Quả duyên (nghiệp quả).
3. Danh trợ cho sắc chỉ theo một cách – đó là Hậu sanh (pacchājāta).
Tâm (citta) và sở hữu tâm (cetasika) sinh sau trợ cho những bọn sắc (sắc ý vật và năm vật) sanh trước trước theo cách Hậu sanh duyên.
4. Sắc trợ cho danh chỉ theo một cách – đó là Tiền sanh (purejāta).
Sáu vật (vatthu) trong thời bình nhật trợ cho bảy thức giới (viññāṇa dhātu) (tức là tất cả tâm) theo cách Tiền sanh duyên. Cũng thế, năm sắc cảnh trợ cho lộ ngũ thức (viññāṇa vithi) theo cách Tiền sanh duyên.
5. Chế định, danh, sắc trợ cho danh theo hai cách – đó là cảnh (ārammaṇa) và thường cận (upanissaya).
Cảnh duyên (ārammaṇapaccayo) gồm có 6 cảnh, tức là danh pháp, sắc pháp, chế định. Những cảnh này trợ cho tâm (citta) và sở hữu tâm (cetasika) bằng ‘cảnh duyên’.
Thường ‘cận y duyên’ (upanissayapaccayo) gồm có ba, đó là cảnh cận y, vô gián cận y và thường cận y.
Một trong những cảnh ấy khi nổi trội hay vượt trội sẽ cuốn hút sự chú ý làm cảnh cận y. Tâm (citta) và sở hữu tâm (cetasika) vừa diệt làm vô gián cận y.
Có vài loại thường cận y: Pháp bất thiện (akusala dhamma) như là tham luyến (rāga), sân (dosa) v.v…; Pháp thiện như là tín (saddhā), niệm (sati), v.v…, thân thọ lạc, thân thọ khổ, người, vật thực, quí tiết, mùa, chỗ ở, v.v… Những pháp này trợ theo cách thường cận thiện, bất thiện, quả (vipāka) và tố (kiriya) rồi sanh nội phần (ajjhattika) hay ngoại phần (bahiddha). Tương tự, mãnh lực nghiệp (kamma) cũng trợ cho quả của nó.
6. Danh, sắc trợ cho danh, sắc theo chín cách – đó là trưởng (adhipati), câu sanh (sahajāta), hỗ tương (aññamañña), y chỉ (nissaya), vật thực (āhāra), quyền (indriya), bất tương ưng (vippayutta), hiện hữu (atthi), bất ly (avigata).
(1) Sự trợ của trưởng (adhipati) có hai trường hợp:
(i) Cảnh rất nổi bật cuốn hút sự chú ý của một chúng sanh trợ cho tâm (citta) và sở hữu tâm (cetasika) theo cách ‘cảnh trưởng duyên’ (ārammaṇādhipati).
(ii) Bốn pháp câu sanh trưởng [dục (chanda), cần (viriya), tâm (citta), thẩm (vīmaṃsā)] trợ cho tâm (citta), sở hữu tâm (cetasika) và sắc pháp câu sanh theo lối ‘câu sanh trưởng duyên’ (sahajātādhipati).
(2) Sự trợ của câu sanh (sahajāta) có ba trường hợp:
(i) Tâm (citta) và những sở hữu tâm (cetasika) câu sanh trợ lẫn nhau và cùng sắc pháp câu sanh theo lối ‘câu sanh duyên’.
(ii) Bốn sắc đại hiển (mahābhūta) trợ lẫn nhau và cũng trợ cho những sắc y sinh (upādā rūpa) theo lối ‘câu sanh duyên’.
(iii) Vào sát-na tái tục, sắc ý vật (hadayavatthu) trợ cho tâm tái tục cùng những sở hữu hợp theo lối ‘câu sanh duyên’.
(3) Sự trợ của hỗ tương (aññamañña) có ba trường hợp:
(i) Tâm (citta) và những sở hữu tâm (cetasika) câu sanh trợ qua lại lẫn nhau theo lối ‘hỗ tương duyên’.
(ii) Bốn sắc đại hiển trợ qua lại lẫn nhau theo lối ‘hỗ tương duyên’.
(iii) Vào sát-na tái tục, sắc ý vật (hadayavatthu) trợ cho tâm tái tục cùng những sở hữu hợp theo lối ‘hỗ tương duyên’.
(4) Sự trợ của y chỉ (nissaya) có ba trường hợp:
(i) Tâm (citta) và những sở hữu tâm (cetasika) câu sanh trợ qua lại lẫn nhau và cũng trợ cho sắc pháp câu sanh theo lối ‘y chỉ duyên’.
(ii) Bốn sắc đại hiển trợ qua lại lẫn nhau và cũng trợ cho những sắc câu sanh theo lối ‘y chỉ duyên’.
(iii) Sáu vật (vatthu) trợ cho bảy thức giới (viññāṇa dhātu) theo lối ‘y chỉ duyên’.
(5) Sự trợ của vật thực (āhāra) có hai trường hợp:
(i) Đoàn thực trợ cho những bọn sắc theo lối ‘vật thực duyên’
(ii) Ba danh vật thực [xúc (phassa), tư (cetanā), thức (viññāṇa)] trợ cho những danh, sắc pháp câu sanh theo lối ‘vật thực duyên’.
(6) Sự trợ của quyền (indriya) hay quyền điều khiển có ba trường hợp:
(i) Năm sắc thanh triệt (pasāda rūpa) trợ cho 5 thức (nhãn thức, nhĩ thức, v.v…) theo lối ‘quyền duyên’.
(ii) Sắc mạng quyền (jīvita rūpa) trợ cho sắc nghiệp (kammaja rūpa) theo lối ‘quyền duyên’.
(iii) Danh mạng quyền trợ cho danh, sắc pháp câu sanh theo lối ‘quyền duyên’.
(7) Sự trợ của bất tương ưng (vippayutta) có ba trường hợp:
(i) Vào sát-na tái tục, sắc ý vật trợ cho tâm tái tục và sở hữu hợp theo lối ‘câu sanh bất tương ưng duyên’ (sahajāta vippayutta). Tương tự, tâm (citta) và những sở hữu tâm (cetasika) cũng trợ cho những sắc câu sanh.
(ii) Tâm (citta) và những sở hữu tâm (cetasika) sanh sau trợ cho những bọn sắc sanh trước (những sắc vật) theo lối ‘hậu sanh bất tương ưng duyên’ (pacchājāta vippayutta).
(iii) Sáu vật trong thời bình nhật trợ cho bảy thức giới (viññāṇa dhātu) (tức là tất cả tâm-citta) theo lối ‘tiền sanh bất tương ưng duyên’ (purejāta vippayutta).
(8,9) Sự trợ của hiện hữu (atthi) và bất ly (avigata) mỗi thứ có năm trường hợp:
Sự trợ của câu sanh (sahajāta), tiền sanh (purejāta), hậu sanh (pacchājāta), vật thực (āhāra) và sắc mạng quyền (rūpa-jīvitindriya) cũng như sự trợ của hiện hữu (atthi) và bất ly (avigata), hiện hữu và bất ly hầu như giống nhau.
Tóm Lược Khái Quát
Tất cả 24 cách trợ được rút gọn thành bốn: (1) cảnh (ārammaṇa), (2) thường cận (upanissaya), (3) nghiệp (kamma), (4) hiện hữu (atthi).
Phân Chia Danh, Sắc
Sắc uẩn (rūpakkhandha) gồm có 28 thứ sắc (rūpa) được gọi là sắc (rūpa).
4 danh uẩn (nāmakkhandha) gồm có tất cả tâm (citta) và tất cả sở hữu tâm (cetasika) và Níp-bàn (Nibbāna) là năm loại phi sắc gọi là danh (nāma). Điều quan trọng là Níp-bàn (Nibbāna) được phân dưới dạng danh pháp (nāma), vì Níp-bàn làm cảnh là nhân cho tâm siêu thế (lokuttara citta) và những sở hữu tâm (cetasika) hướng đến.
___o0o___
Ngoài danh pháp (nāma) và sắc pháp (rūpa), còn có pháp chế định (paññatti). Pháp chế định có 2:
(1) Nghĩa chế định (attha paññatti) là tên gọi của vật nào đó dưới hình dáng, hình thức, khối lượng, diện mạo, v.v… chỉ cho biết về pháp nào đó trong giao tiếp.
Pháp mà chúng ta nói đến có thể là một người nam, một con chó, một ngôi nhà hay một ngọn núi đều không phải là những pháp siêu lý. Những hình dáng, hình thức, khối lượng, diện mạo, v.v… là những pháp không có thật. Chúng chỉ là những ý niệm, khái niệm xuất hiện trong ý. Hơn nữa, tên gọi không là một pháp thật khi những tên gọi khác nhau có thể được chọn để chỉ cho một pháp riêng.
(2) Thinh danh chế định (sadda paññatti) = ‘sadda’ có nghĩa là ‘âm thanh’, ‘sadda paññatti’ chỉ cho những lời nói trong các ngôn ngữ khác nhau. Khi chúng ta đề cập tên gọi của những pháp khác nhau trong giao tiếp, chúng ta làm cho pháp này được phân biệt với pháp khác.
Do đó, với nghĩa chế định (attha paññatti) một pháp được nhận biết bằng cách đặt cho pháp ấy một tên gọi thích hợp. Với thinh danh chế định (sadda paññatti) chúng ta làm cho một pháp được phân biệt với những pháp khác bằng cách nói ra.
Ví dụ: âm từ ‘người nam’ để người khác biết rằng chúng ta đang nói về hình dáng, hình thức, khối lượng, diện mạo về một ‘người nam’. Đó là thinh danh chế định (sadda paññatti). Nay hình dáng, hình thức, diện mạo của một người nam được làm cho phân biệt bằng âm từ ‘người nam’, nên được xem là nghĩa chế định (attha paññatti).
___o0o___
Những Dạng Khác Nhau Của Nghĩa Chế Định
Trong phần trình bày những dạng khác nhau của nghĩa chế định (attha paññatti), bọn bát thuần ngoại phần (suddhaṭṭhaka kalāpa) được xem là đại hiển[28] (mahābhūta).
1. Hình thức chế định (santāna paññatti)
Những từ như ‘đất’, ‘núi non’, ‘đồi’, ‘cánh đồng’ và …, được chỉ rõ do cách liên kết và lan rộng của đại hiển (mahābhūta). Chúng được gọi là ‘hình thức chế định’.
2. Hiệp thành chế định (samūha paññatti)
Những từ như ‘nhà’, ‘trường học’, ‘xe ngựa’, ‘xe bò’ được gọi như thế vì cách phối hợp của những vật chất. Chúng được gọi là ‘hiệp thành chế định’.
3. Loại hình chế định (sandhāna paññatti)
Những từ như ‘dĩa’, ‘tô’, ‘dĩa lót dưới chén, tách’, ‘muỗng’, ‘tách trà’ được gọi như thế vì hình dáng hay hình dạng của vật chất (trong trường hợp này là đồ sứ). Chúng được gọi là ‘loại hình chế định’.
4. Chúng sanh chế định (satta paññatti)
Những từ như ‘đàn ông’, ‘đàn bà’, ‘trẻ em’, ‘người’, ‘chó’ được gọi như thế vì năm uẩn. Chúng được gọi là ‘chúng sanh chế định’.
5. Phương hướng chế định (disā paññatti)
Những từ như ‘đông’, ‘tây’, ‘nam’, ‘bắc’, ‘phương hướng’ được gọi như thế vì sự xoay vòng của mặt trời, mặt trăng, v.v… Chúng được gọi là ‘phương hướng chế định’.
6. Thời gian chế định (kāla paññatti)
Những từ như ‘sáng’, ‘trưa’, ‘chiều’, ‘tối’, được gọi như thế vì thời gian. Chúng được gọi là ‘thời gian chế định’.
7. Hư không chế định (ākāsa paññatti)
Những từ như ‘giếng’, ‘hố’, ‘hầm’ được gọi như thế vì khoảng trống không (ākāsa). Do đó, chúng được gọi là ‘hư không chế định’.
8. Biến xứ chế định (kasiṇa paññatti)
Những từ như biến xứ đất (pathavī kasiṇa), biến xứ nước (āpo kasiṇa), biến xứ lửa (tejo kasiṇa), biến xứ gió (vāyo kasiṇa) được gọi như thế vì yếu tố vượt trội của ‘sắc đại hiển’. Chúng được gọi là ‘biến xứ chế định’.
9. Hình tướng chế định (nimitta paññatti)
Những từ như chuẩn bị tướng (parikamma nimitta), học tướng (uggaha nimitta), tợ tướng (paṭibhāga nimitta) được gọi như thế vì độ chú tâm trong thiền. Chúng được gọi là ‘tiêu biểu/hình tướng chế định’.
Lưu ý:
Những dạng khác nhau của nghĩa chế định (attha paññatti) không tồn tại trong pháp siêu lý. Chúng chỉ cho những vật được tạo thành từ những vật cụ thể, nhưng xuất hiện trong ý là ảnh.
Do đó, chúng không tồn tại dưới dạng pháp siêu lý. Chúng trở thành cảnh của ý dưới dạng bóng hay dấu vết của những pháp siêu lý. Chúng được dùng trong đàm thoại để diễn tả quan điểm của một chúng sanh và để cho chúng sanh biết ý muốn của chúng sanh khác.
Sáu Tên Gọi Của Thinh Danh Chế Định (Sadda paññatti)
Những từ được nói trong những ngôn ngữ khác nhau đều là thinh danh chế định (sadda paññatti). Mỗi pháp thinh danh chế định có sáu tên như sau:
1. Danh (nāma) – nó là tên của pháp nào đó và nó luôn hướng đến ý nghĩa nó có thể diễn đạt.
Ví dụ, từ ‘cõi’ (bhūmi) có thể diễn đạt ý nghĩa của ‘vùng đất’ và do đó nó luôn hướng đến ý nghĩa. Hơn nữa, vì nó có thể diễn đạt như thế, ‘cõi’ (bhūmi) luôn làm cho ý nghĩa ‘vùng đất’ hướng đến nó là ý nghĩa riêng của ‘cõi’ (bhūmi).
2. Danh nghiệp (nāma kamma) – một vài bậc Thiện trí đặt tên cõi (bhūmi) cho nó trong quá khứ. Do đó, nó cũng được gọi là danh nghiệp (nāma kamma).
3. Danh ấn định (nāma dheyya) – danh từ ‘cõi’ (bhūmi) đã được những nhà nghiên cứu định đặt từ lâu. Do đó, nó cũng được gọi là danh ấn định.
4. Danh ngôn (nāma nirutti) – tên cõi (bhūmi) tồn tại trước khi nó được nói ra và nó cần được phơi bày qua diễn đạt bằng ngôn ngữ. Do đó nó được gọi là ‘danh ngôn’.
5. Danh nghĩa (nāmabyañjana) – vì tên gọi cõi (bhūmi) có thể chỉ bày ý nghĩa của nó rất rõ, nó được gọi là ‘danh nghĩa’.
6. Danh diễn nghĩa (nāmābhilāpa) – từ ‘cõi’ (bhūmi) nên được nói với ý định truyền đạt ý nghĩa của nó. Do đó nó được gọi là nāmābhilāpa.
Sáu Loại Thinh Danh Chế Định
1. Danh chơn chế định (vijjamāna paññatti)
Khi tên được đặt cho một pháp nào đó tồn tại trong thực tế, tên ấy được gọi là danh chơn chế định (vijjamāna paññatti). Tất cả tên của những pháp siêu lý (paramattha) thuộc loại này.
Thí dụ: Sắc pháp (rūpa), tâm (citta), sở hữu tâm (cetasika), thọ (vedanā), tưởng (saññā), tầm (vitakka) v.v…
2. Phi danh chơn chế định (avijjamāna paññatti)
Khi tên gọi diễn đạt cho một pháp nào đó không tồn tại trong thực tế thì tên gọi đó được gọi là phi danh chơn chế định (avijjamāna paññatti). Tất cả những tên gọi của những pháp không phải là pháp siêu lý thuộc loại này.
Thí dụ: Đàn ông, chó, nhà, trường học, đồi, hang v.v…
3. Danh chơn phi danh chơn chế định (vijjamānaavijjamāna paññatti)
Là một danh thinh chế định (sadda paññatti) cho biết một tên ghép phối hợp giữa một danh chơn với một phi danh chơn chế định.
Thí dụ: Itthi sadda = giọng nói người nữ.
‘Giọng nói’ tồn tại dưới dạng âm thanh, cho nên nó là một danh chơn. Nhưng ‘người nữ’ là một phi danh chơn vì nó là một tên được đặt cho năm uẩn.
Thí dụ: itthi rūpaṃ = sắc nữ; purisa sadda – giọng nói của người đàn ông.
4. Phi danh chơn - danh chơn chế định (avijjamānavijjamāna paññatti)
Là một danh thinh chế định (sadda paññatti) cho biết một tên ghép phối hợp giữa một phi danh chơn và một danh chơn.
Thí dụ: Lục thông (chaḷabhiññā) = một người có sáu thông.
Trong tên ghép này, ‘người’ là một phi danh chơn trong khi sáu thông (abhiññā) là một danh chơn. Từ đó, nó là một tên được đặt cho năm uẩn.
Thí dụ: Tam minh (tevijja) = một người có ba trí minh (vijjañāṇa).
5. Danh chơn - danh chơn chế định (vijjamānavijjamāna paññatti)
Là một danh thinh chế định (sadda paññatti) cho biết một tên ghép phối hợp giữa một danh chơn và một danh chơn.
Thí dụ: Cakkhuviññāṇa (nhãn thức); sota pasāda (nhĩ thanh triệt); ghānasamphassa (tỷ xúc); rūpa taṇhā (sắc ái).
6. Phi danh chơn – phi danh chơn chế định (avijjamānaavijjamāna paññatti)
Là một danh thinh chế định (sadda paññatti) cho biết một tên ghép phối hợp giữa một phi danh chơn và một phi danh chơn.
Thí dụ: Rāja putta (con trai của đức vua), nữ diễn viên điện ảnh, giám đốc công ty, thầy hiệu trưởng.
Kết luận:
43.Vacīghos’ ānusārena … sotaviññāṇavīthiyā pavattito anantaraṃ uppannassa manodvārassa
Atthā yass’ ānusārena. Viññāyanti tato paraṃ. S’ayaṃ paññatti viññeyyā, loka-saṅketanimittā.
Bằng cách theo âm thanh của tiếng nói qua lộ nhĩ thức và kế đến bằng lộ ý môn sanh ngay sau, nghĩa chế định (atthapaññatti) và danh chế định (nāmapaññatti) được hiểu. Những pháp chế định này nên được hiểu theo qui tắc thế gian.
Iti Abhidhammatthasaṅgahe
Paccayasaṅgahavibhāgo nāma
Aṭṭhamo paricchedo.
Dứt chương thứ 8 trong ‘Vô Tỷ Pháp Tập Yếu’ với tựa đề ‘Duyên Nhiếp’.
___o0o___
CHƯƠNG IX: KAMMAṬṬHĀNA SAṄGAHA – NGHIỆP XỨ TẬP YẾU
(NHỮNG ĐỀ MỤC CỦA THIỀN)
Giới thiệu
Trong ‘kammaṭṭhāna’, ‘kamma’ nghĩa là nghiệp, việc làm của thiền và ‘ṭhāna’[29] nghĩa là trạm, điềm, vị trí hay nơi, ngụ ý là cảnh, đề mục để tu tập.
Do đó, ‘kammaṭṭhāna’ nghĩa là ‘nghiệp xứ, nơi làm việc’ (cho thiền) hay ‘đề mục của thiền’.
‘Nghiệp xứ, nơi làm việc’ hay ‘đề mục của thiền’ này sẽ dùng làm vị trí rèn luyện hay công cụ rèn luyện trau dồi danh pháp. Có hai khía cạnh trong việc trau dồi danh pháp – một khía cạnh liên quan đến ‘tĩnh lặng’ và khía cạnh khác liên quan đến ‘quán minh sát’. Cả hai khía cạnh sẽ được nghiên cứu trong chương này.
Phương pháp rèn luyện danh pháp, tức là thiền là pháp chỉ có Đức Phật giảng dạy có thể làm ngưng những lo lắng, làm dịu sự căng thẳng, đoạn trừ những buồn phiền, mang đến sự yên tịnh tức thì của ý và đưa đến chỉ tịnh hay định (samādhi), gây nên sự chăm chú miệt mài trong thiền (jhāna), tuệ quán (vipassanāñāṇa) và đạt 4 đạo, 4 quả (magga và phala) là những pháp cao nhất và quí nhất trong cuộc sống.
Chương này sẽ trình bày vắn tắt nhưng xác thực và miêu tả chi tiết pháp tu tiến chỉ tịnh (samatha bhāvanā) và tu tiến quán minh sát (vipassanā bhāvanā).
I. TU TIẾN (BHĀVANĀ)
‘Bhāvanā’ theo nghĩa chung là ‘thiền’. Từ này nên được gọi là ‘phát triển hay tu tiến danh pháp’. Đây là một quá trình trau dồi danh pháp giúp trợ sanh nhiều thiện quả do được phát triển lặp đi lặp lại trong tâm của người tu tiến.
Có hai loại tu tiến:
(1) Samatha bhāvanā = tu tiến pháp chỉ tịnh.
(2) Vipassanā bhāvanā = tu tiến pháp quán minh sát.
- Tu Tiến Pháp Chỉ Tịnh (Samatha-bhāvanā).
‘Samatha’ bắt nguồn từ căn sam, có nghĩa là yên tĩnh, thời gian tạm lắng, khuất phục, chỉ cho sự yên tĩnh, sự ‘an’ là trạng thái chăm chú, không lay động, không bị ô uế và thanh tịnh của tâm. Nó được gọi là ‘tĩnh lặng’ vì nó lắng dịu năm pháp cái (nīvaraṇa) gồm cả sự say mê.
Về cơ bản, ‘samatha’ tượng trưng cho sở hữu nhất hành (ekaggatā cetasika) hay định (samādhi) hiện diện trong những tâm thiện hiệp thế (lokiya kusala citta) và tâm tố hiệp thế (lokiya kiriya citta). Nó chỉ cho định (samādhi) là pháp có thể làm cho lắng dịu năm pháp cái (nīvaraṇa) và giúp đạt thiền định (jhāna-samādhi) cao hơn là pháp có thể làm yên lắng những chi thiền thấp là tầm (vitakka), tứ (vicāra), hỷ (pīti) và lạc (sukha).
- Tu Tiến Pháp Quán Minh Sát (Vipassanā-bhāvanā)
‘Vipassanā’ bắt nguồn từ vi + căn dis, theo nghĩa của từ là biết rõ, thấy rõ, quán sát theo nhiều phương diện khác nhau, nghĩa là ‘quán hay minh sát’, thấy đặc biệt, nhìn thấu bằng trực giác của trí/tuệ (ñāṇa) để thấy rõ vô thường (aniccā), khổ (dukkhā) và vô ngã (anattā), tính chất của danh pháp và sắc pháp.
Về cơ bản, ‘vipassanā’ đại diện cho sở hữu trí[30] (paññā cetasika) hiện diện trong tâm đại thiện (mahā kusala citta) và tâm đại tố (mahā kiriya citta).
___o0o___
II. NGHIỆP XỨ (KAMMAṬṬHĀNA)
‘Kammaṭṭhāna’ ở đây có nghĩa là nghiệp xứ, cảnh, đề mục của thiền. Như tâm không thể sinh khởi mà không có cảnh, chúng ta cần những cảnh phù hợp cho sự tu tập, rèn luyện tâm.
(A) Chỉ Nghiệp Xứ (Samatha Kammaṭṭhāna)
Xin nhắc lại ‘chi thiền’ (jhānaṅga) và pháp ‘cái’ (nīvarana):
- Năm ‘chi thiền’: Vitakka (tầm), vicāra (tứ), pīti (hỷ), sukha (lạc), ekaggatā (nhất tâm).
- Sáu pháp ‘cái’ (nīvaraṇa): Kāmacchandanīvaraṇa (dục dục cái), vyāpāda (sân độc cái), thīna-middha (hôn-thùy cái), uddhacca-kukkucca (điệu-hối cái), vicikicchā (hoài nghi cái), avijjā (vô minh cái).
Chi thiền (jhānaṅga) <= đối trị => pháp cái (nīvaraṇa):
“Chi ‘tầm’ đối trị ‘cái hôn thùy’,
‘Tứ’ phá ‘hoài nghi’, ‘sân’ ‘hỷ’ thiêu,
‘Điệu hối’ do nhờ chi ‘lạc’ trị,
‘Định’ trừ vọng niệm ‘dục dục’ nhiều.”
(Việt dịch: Thera Santakicco)
Đức Phật đã cho 40 đề mục tu tiến pháp chỉ tịnh. Chúng được gọi là chỉ nghiệp xứ (samatha kammaṭṭhāna). Chỉ tịnh nghiệp xứ gồm 7 loại sau:
(1) Kasiṇa 10 đề mục hoàn tịnh.
(2) Asubha 10 bất mỹ.
(3) Anussati 10 tùy niệm.
(4) Brahmavihāra 4 Phạm trú hay vô lượng tâm.
(5) Catu dhātu vavatṭṭhāna 1 đề mục phân tích 4 giới.
(6) Āhāre paṭikūla saññā 1 đề mục vật thực bất tịnh tưởng.
(7) Āruppa 4 đề mục vô sắc.
Đề mục thiền cho tu tiến quán minh sát (vipassanā-bhāvanā) là ba tướng hay trạng thái ‘tilakkhaṇa’, tức là ba hiện tượng gồm có vô thường (aniccā), khổ (dukkhā) và vô ngã (anattā) của tất cả sắc và danh pháp hiện hữu.
(1) 10 đề mục Biến Xứ (Kasiṇa) / hoàn tịnh
1. Pathavī kasiṇa = kasiṇa biến xứ đất hình tròn, tức là đất thuần khiết hay đất sét có màu mặt trời mọc được bôi lên miếng vải với kích thước thích hợp.
2. Āpo kasiṇa = kasiṇa biến xứ nước, là nước chứa trong chậu hay lọ phù hợp.
3. Tejo kasiṇa = kasiṇa biến xứ lửa, đề mục này có thể được chuẩn bị bằng cách đốt than củi cháy đều trong một cái mâm hay khay cũ. Bậc tu tiến cũng có thể nhìn vào phần giữa của một đống lửa lớn xuyên qua lỗ khoét trên một cái mâm hay khay cũ.
4. Vāyo kasiṇa = kasiṇa biến xứ gió. Để tu tập đề mục này, bậc tu tiến chăm chú vào gió thổi trên đỉnh đầu ngọn cỏ hay gió chạm vào gò má.
5. Nīla kasiṇa = kasiṇa biến xứ màu xanh dương: đặt một miếng giấy hay vải tròn màu xanh dương trên một nền màu trắng.
6. Pīta kasiṇa = kasiṇa biến xứ màu vàng hay vàng kim; chuẩn bị như trên.
7. Lohita kasiṇa = kasiṇa biến xứ màu đỏ; chuẩn bị như trên.
8. Odāta kasiṇa = kasiṇa biến xứ màu trắng; đặt một miếng giấy hay vải tròn màu trắng trên một nền màu đen.
9. Āloka kasiṇa = kasiṇa biến xứ ánh sáng. Đề mục này có thể được tu tập bằng cách chăm chú nhìn vào vòng tròn ánh sáng mặt trời hay mặt trăng vào buổi sáng hay tối, hoặc nhìn vào vòng tròn ánh sáng chiếu trên nền nhà, vách tường do ánh sáng chiếu xuyên qua lỗ trên tường.
10. Ākāsa kasiṇa = kasiṇa biến xứ hư không. Đề mục này có thể được tu tập bằng cách nhìn ra khoảng không gian bên ngoài xuyên qua một lỗ trên tường.
Ví dụ về thiền kasiṇa biến xứ sẽ được giải thích, minh họa sau. Bậc tu tiến có thể tu tập, tu tập cả năm thiền sắc giới (rūpāvacara jhāna) trên một kasiṇa biến xứ. Kế đến, vị ấy có thể tiếp tục tu tập bốn thiền vô sắc giới (arūpāvacara jhāna) và năm thông hiệp thế dựa trên nền tảng của mười kasiṇa biến xứ.
(2) Mười Bất Mỹ (Asubha)[31]
Chỉ cho mười loại tử thi có trong nghĩa địa Ấn Độ cổ xưa; nơi những tử thi không được thiêu đốt hay chôn cất và thường có các loại thú ăn thịt như là chó, chó sói và kên kên.
Thời nay, bất cứ loại tử thi nào phơi bày sự bất tịnh của thân đều có thể là đề mục thích hợp cho thiền.
Thông thường, chúng ta rất dính mắc, quyến luyến vào thân của chúng ta cũng như thân người khác do ái (rāga) hay tham luyến. Cách tốt nhất để ngăn chặn ái (rāga) và phương pháp khắc phục tốt nhất để chữa bệnh tham ái (rāga) là niệm bất mỹ nghiệp xứ (asubha kammaṭṭhāna). 10 bất mỹ là tiêu chuẩn hay nghiệp xứ (kammaṭṭhāna) cần thiết phải có trong thời Đức Phật, chủ yếu là cho những vị sư trẻ.
Ngay cả thời nay, 10 bất mỹ được gồm trong bốn nghiệp xứ (kammaṭṭhāna) dùng làm bảo hộ hay bảo vệ. Chúng được gọi là bốn nghiệp xứ bảo vệ (caturārakkha kammaṭṭhāna). Bậc tu tiến nên tinh thông bốn nghiệp xứ (kammaṭṭhāna) này trước khi vị ấy bắt đầu vào thiền quán.
Mười ‘loại tử thi’ được liệt kê như sau:
1. Uddhumātaka = tử thi sình, thối rữa.
2. Vinīlaka = tử thi biến sắc trở nên nâu đen.
3. Vipubbaka = tử thi da nứt nẻ và rỉ ra mủ (chảy nước vàng).
4. Vicchiddaka = tử thi bể thành 2 hay 3 miếng.
5. Vikkhāyitaka = tử thi bị linh cẩu và kền kền gặm nhắm và biến dạng.
6. Vikkhittaka = tử thi bị linh cẩu và kền kền cắn xé và rải rác thành từng miếng…
7. Hatavikkhittaka = tử thi bị dao, rìu cắt xẻo v.v… và quăng ra xa.
8. Lohitaka = tử thi đầy máu đọng nhẩm.
9. Puluvaka = tử thi bị dòi tửa.
10. Aṭṭhika = tử thi trơ xương rải rác.
Thiền trên bất cứ ‘loại tử thi’ nào vừa nêu trên sẽ chỉ dẫn đến sơ thiền (hay thiền thứ nhất). Vì đề mục rất ghê tởm nên không thể cố định tâm trên đề mục mà không có tầm (vitakka). Do đó, tầm (vitakka) không thể bị loại trừ để đạt đến nhị thiền (hay thiền thứ hai).
(3) Mười Tùy Niệm (Anussati)[32]
‘Anussati’ nghĩa là suy ngẫm lặp đi lặp lại hay liên tục niệm; chỉ cho sở hữu niệm (saticetasika).
1. Buddhānussati = tùy niệm/ niệm theo ân đức Phật. Bậc tu tiến có thể tuần tự suy ngẫm về 9 hay 10 ân đức Phật: “đó là bậc Vô thượng – đáng cúng dường, bậc Toàn giác, đầy đủ trí và hạnh là người hiểu biết những thế giới, một người huấn luyện vô song, thầy của chư thiên và nhân loại, bậc Toàn tri và bậc Tôn quí”.
Hay bậc tu tiến chọn ân đức mà mình thích nhất và ‘phản chiếu’ hay ‘niệm’ lặp đi lặp lại, ví dụ, ‘Arahaṁ, Arahaṁ’. Trong lúc ‘phản chiếu’ hay ‘niệm’, vị ấy nên hình dung ân đức như: “Đức Phật là bậc Vô thượng, Ngài đã hoàn toàn đoạn trừ tất cả phiền não và do đó Ngài xứng đáng được chư thiên và nhân loại tôn kính.”
Phương pháp thứ hai thì hiệu quả hơn để tu tập định.
2. Dhammānussati = tùy niệm/ niệm theo ân đức Pháp (Dhamma), ví dụ, “Pháp được bậc Vô thượng giải rõ, mà Ngài tự đắc chứng (thấy rõ), cho quả tức thời (hay trực tiếp), đến thẩm tra, đưa đến Níp-bàn (Nibbāna
) mà mỗi một bậc đại trí (uyên thâm) tự thấu hiểu từng pháp một.
Lần nữa, ở đây bậc tu tiến có thể chọn ân đức mà vị ấy thích nhất và ‘phản chiếu’ hay ‘niệm’ lặp đi lặp lại.
3. Saṅghānussati = tùy niệm/ niệm theo ân đức Tăng (Saṅgha) – phẩm hạnh của dòng Thánh. Bậc tu tiến có thể ‘phản chiếu’ hay ‘niệm’ 9 ân đức sau:
“Những hành vi hay nghiệp thiện là phẩm hạnh của những môn đồ của bậc Vô thượng; những hành vi hay nghiệp chánh trực là phẩm hạnh của những môn đồ của bậc Vô thượng; những hành vi sáng suốt (hay nghiệp trí) là phẩm hạnh của những môn đồ của bậc Vô thượng; những hành vi cung kỉnh là phẩm hạnh của những môn đồ của bậc Vô thượng; những người thuộc bốn đôi tạo thành tám người. Những môn đồ hành theo phạm hạnh của bậc Vô thượng là những người đáng cúng, đáng mến, đáng tặng, đáng tôn kính và đảnh lễ, là ruộng phước vô song cho thế gian”.
Ở đây, vị ấy cũng có thể chọn ân đức mà vị ấy thích nhất và ‘phản chiếu’ hay ‘niệm’ lặp đi lặp lại.
4. Sīlānussati = tùy niệm/ niệm theo sự hoàn thiện giới (sīla) của mình.
5. Cāgānussati = tùy niệm/ niệm theo sự xả thí (dāna) của mình.
6. Devatānussati = tùy niệm/ niệm theo ân đức của mình với sự suy xét, cân nhắc về chư thiên là những bậc để đối chứng.
7. Upasamānussati = tùy niệm/ niệm theo ân đức của Níp-bàn (Nibbāna).
8. Maraṇānussati = tùy niệm/ niệm theo sự chết là xem lại trạng thái chết tự nhiên của tự thân. Ví dụ, “Sự chết của tôi là chắc chắn, mạng sống của tôi là không chắc chắn.”
9. Kāyagatāsati = niệm thể trược là xem lại 32 phần thể trược như là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, cơ hoành, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, dạ dày, phẩn, óc, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, huyết tương, nước mắt, mỡ, nước miếng, nước mũi, dịch khớp và nước tiểu.
Vào thời Đức Phật, nhiều Tăng sĩ đắc vào dòng Thánh bằng cách niệm những phần thể trược này. Niệm thể trược (kāyagatāsati) phát triển bất tịnh tưởng về thân cũng như tu tiến bất tịnh (asubha bhāvanā). Quán xét thân bất tịnh này sẽ đưa đến sự lãnh đạm, v.v…, ngăn chặn tham ái hay luyến ái (rāga).
10. Ānāpānassati = ‘nhập tức xuất tức niệm’ hay ‘niệm theo hơi thở vào hơi thở ra’ của tự thân.
Một Nhận Xét Vắn Tắt Về Tùy Niệm (Anussati)
Trong mười tùy niệm (anussati), niệm thể trược (kayagatasati) có thể đưa đến sơ thiền; nhập tức xuất tức niệm (anapanassati) đưa đến tất cả năm thiền sắc giới (rūpāvacara jhāna); và những nghiệp xứ còn lại đưa đến cận định (upacāra samādhi).
Tùy niệm Phật (Buddha anussati), tùy niệm sự chết (maraṇa anussati) được gồm trong bốn nghiệp xứ bảo hộ. Bằng cách niệm hay xem lại ân đức Phật lặp đi lặp lại trong một thời gian dài, thân vị ấy trở nên thiêng liêng như một ngôi tháp và do đó không thể bị thú dữ, phi nhân, hay những ác nhân làm tổn hại.
Cũng thế, người có ý niệm sống cùng với Phật (Buddha) và do đó vị ấy phát triển đức tin Đức Phật, tàm và úy đến mức độ cao quí hơn.
Niệm tử hay xem lại sự chết lặp đi lặp lại làm cho bậc tu tiến có thể lĩnh hội tính phù du, tạm bợ của cuộc sống. Khi có ý niệm sự chết có thể đến với ta bất cứ lúc nào, vị ấy buông bỏ tất cả tính ngã mạn, sân hận, ái luyến, v.v… và vị ấy nỗ lực tận dụng cuộc đời của mình để tạo thiện pháp bằng cách làm cho tự phát triển thay vì hoàn toàn thỏa mãn với những nhục dục.
Nhập tức xuất tức niệm (ānāpānassati) là một trong những nghiệp xứ tốt nhất (kammaṭṭhana) cho sự tu tập định cũng như quán minh sát. Nó là nghiệp xứ cơ bản, cốt yếu được tất cả chư Phật dùng để tu tập. Nghiệp xứ này dễ tu và có thể tu tập bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào trong lúc đang ngồi, đang đứng, đang đi hay đang nằm. Hơi thở hiện hữu mọi lúc và chỉ yêu cầu tinh cần niệm (sati) ngay, biết theo.
Niệm (sati) nên được đặt tại chót mũi, nơi mà hơi thở chạm và tự đẩy vào và ra. Từ điểm quan sát đó, bậc tu tiến phải tỉnh giác niệm hơi thở đang vào và hơi thở đang ra. Điều này được ví như đang ngồi tại cái cổng ra – vào và kiểm tra người ra và người vào.
Trong Kinh, phương pháp niệm hơi thở này được giải thích như sau:
1. “Tỉnh giác vị ấy thở vào, tỉnh giác vị ấy thở ra.”
2. Khi thở một hơi thở vô dài, vị ấy biết rõ: ‘Tôi thở một hơi thở vô dài’; khi thở một hơi thở vô ngắn, vị ấy biết rõ: ‘Tôi thở một hơi thở vô ngắn’; khi thở một hơi thở ra dài, vị ấy biết rõ: ‘Tôi thở một hơi thở ra dài’; khi thở một hơi thở ra ngắn, vị ấy biết rõ: ‘Tôi thở một hơi thở ra ngắn.
3. “Quan sát rõ toàn thân (hơi thở) tôi sẽ thở vào, vị ấy tự tu tập; “Quan sát rõ toàn thân (hơi thở) tôi sẽ thở ra”, vị ấy tự tu tập (nghĩa là bậc tu tiến phải tinh cần niệm ngay và biết mỗi phần của hơi thở; v.v… toàn bộ hơi thở).
4. “An tịnh quá trình hơi thở này tôi sẽ thở vô”, vị ấy tự tu tập; “An tịnh quá trình hơi thở này tôi sẽ thở ra”, vị ấy tự tu tập.
Khi hơi thở xảy ra nhịp nhàng nó có thể kéo sự chú ý của vị ấy hướng về nó và tích lũy định (samādhi) rất nhanh. Nếu tâm lang thang đến những cảnh bên ngoài như phòng trà, quán ăn tự phục vụ (cafeteria), rạp chiếu phim, v.v…, tinh cần nhớ ngay hay biết ngay nó ở đó và tập trung, chăm chú trở lại trên hơi thở. Khi năm pháp cái (nīvaraṇa) hoàn toàn bị khống chế, hỷ (pīti), tịnh tâm (passaddhi), lạc thọ (sukha vedanā) và định (samādhi) sẽ trở nên rõ ràng và vị ấy chứng nghiệm pháp hỷ mà vị ấy chưa từng chứng nghiệm trước đó. Vị ấy cảm giác rất nhẹ về thân và tâm và rất yên tịnh. Thậm chí có vài vị cảm giác như họ đang lơ lửng trong khoảng không.
Lúc này, một ấn chứng hay tướng ánh sáng (nimitta) dưới dạng tia ống, một ánh chiếu kim cương, một viên ruby sáng chói hay những hình ảnh tương tự thường xuất hiện. Năm chi thiền cũng trở nên rõ ràng và mạnh mẽ và vị ấy có thể quả quyết rằng vị ấy đã đạt cận định. Nếu vị ấy tiếp tục tinh cần tu tập niệm (sati) nghiêm túc và mãnh liệt, vị ấy có thể đạt sơ thiền và những bậc thiền cao hơn rất sớm.
Dựa trên thiền định, vị ấy có thể tiếp tục thiền quán bằng cách quán sát danh pháp, sắc pháp trong tâm và thân một cách chi tiết. Kế đến, bằng cách suy ngẫm về tam tướng (tilakkhaṇa) – v.v… của vô thường, khổ và vô ngã – vị ấy tu tập tuệ quán (vipassanāñāṇa) dần dần đưa đến đạo và quả của đạo.
(4) Bốn Vô Lượng hay Phạm Trú (Brahmavihāra)
‘Brahma’[33] nghĩa là bậc cao và ‘vihāra’ nghĩa là cõi, nơi trú hay đời sống. Do đó, ‘Brahmavihāra’ ám chỉ ‘nơi trú bậc cao hay đời sống bậc cao’. Đời sống bậc cao này tợ như đời sống thiện hạnh của chư Phạm thiên. Do đó, nó được gọi là ‘Brahmavihāra’.
Bốn Phạm trú ‘Brahmavihāra’ cũng được gọi là bốn vô lượng (appamaññā) nghĩa là bốn ‘trạng thái vô lượng’. Chúng được gọi như thế vì người tu tập những pháp này tỏa ra lòng từ, lòng thương hay đồng cảm với niềm vui của tất cả chúng sanh mà không có hạn chế hay trở ngại.
1. Từ (mettā) = lòng nhân từ, rộng lượng, sự sẵn lòng. ‘Từ’ được định nghĩa như thế vì là pháp làm mềm lòng chúng sanh. ‘Từ’ là sự mong muốn điều thiện, điều lành, sự an bình và hạnh phúc đến tất cả chúng sanh. Thái độ nhân từ là trạng thái vượt trội của lòng ‘từ’.
Pháp này không phải là sự tham luyến (rāga) hay tham ái, yêu mến (pema) cá nhân. Pháp đối lập trực tiếp với pháp từ (mettā) là lòng hận thù, sân hận (dosa) hay sự nóng giận (kodha). Pháp đối lập gián tiếp với pháp từ (mettā) là tham, yêu thương (pema). Từ (mettā) có khả năng dập tắt sân hận (dosa).
Tột đỉnh của từ (mettā) là tự hòa mình với tất cả chúng sanh, v.v… vị ấy không còn phân biệt hay có phân biệt ưu tiên giữa ta và người khác.
Từ (mettā) đại diện cho sở hữu tâm vô sân (adosa cetasika).
2. Bi (karuṇā) = lòng trắc ẩn.
‘Bi’ được định nghĩa là pháp làm rúng động tâm của chư hiền nhân khi chúng sanh khác phải chịu những khổ. ‘Bi’ là pháp mong xua tan những khổ của chúng sanh. Mong muốn nhổ những khổ đau của chúng sanh là trạng thái chánh của pháp bi (karuṇā).
Pháp đối lập trực tiếp với ‘bi’ là sự hung ác hay tính độc hại (hiṃsā) và pháp đối lập gián tiếp với ‘bi’ là ưu sầu (domanassa). ‘Bi’ bài trừ tính hung ác hay ác độc.
Bi (karuṇā) bao trùm chúng sanh bị phiền muộn bằng sự mong muốn mãnh liệt cho họ thoát khỏi tất cả khổ.
Bi (karuṇā) đại diện cho sở hữu tâm bi (karuṇā cetasika).
3. Tùy hỷ (muditā) = sự vui theo, đồng cảm vì vui, khen ngợi vì vui. ‘Tùy hỷ’ là thái độ khen ngợi người khác. Trạng thái chánh của ‘tùy hỷ’ là vui và tràn đầy niềm vui trước sự phát đạt và thành công của người khác.
Pháp đối lập trực tiếp với ‘tùy hỷ’ là sự ganh tị và pháp đối lập gián tiếp với ‘tùy hỷ’ là sự hồ hởi (pahāsa). ‘Tùy hỷ’ bài trừ sự bất mãn (arati).
Tùy hỷ (muditā) bao trùm tất cả chúng sanh đạt được sự thuận lợi với sự mong muốn mãnh liệt rằng sự thành công của họ sẽ tồn tại lâu dài. ‘Tùy hỷ’ đại diện cho sở hữu tâm tùy hỷ (muditā cetasika).
4. Xả (upekkhā) theo nghĩa đen có nghĩa là cái nhìn không thiên vị. ‘Xả’ không phải là sự quyến luyến, ghét hoặc ác cảm. Thái độ không thiên vị là trạng thái chánh của xả.
‘Xả’ không phải là sự dửng dưng hưởng lạc hay xả thọ (upekkhā vedanā). ‘Xả’ đại diện cho sở hữu tâm trung bình (tatramajjhattata cetasika) và ‘xả’ có nghĩa là hoàn hảo hay ổn định tâm. ‘Xả’ nằm giữa bi (karuṇā) và tùy hỷ (muditā). ‘Xả’ giữ tâm quân bình và kiên định vững chắc, không dao động giữa sự thăng trầm của cuộc sống như lời khen, tiếng chê, đau khổ và hạnh phúc, được và mất, danh tiếng và tai tiếng.
Pháp đối lập trực tiếp với ‘xả’ là tham luyến (rāga) và pháp đối lập gián tiếp với ‘xả’ là sự nhẫn tâm. ‘Xả’ bài trừ sự bám dai dẳng và sự nóng giận.
Sống Trong Phạm Trú (Nơi Trú Bậc cao)
Đối với bậc tu tiến nào đang tu tập bốn Phạm trú (Brahmavihāra) được gọi là đang sống trong nơi trú bậc cao.
Tu tập pháp từ (mettā), bậc tu tiến rải[34] lòng ‘từ’ của vị ấy đến tất cả chúng sanh, chân thành mong muốn cho họ đặng an vui và thoát khỏi những nguy khốn, thoát khỏi những nỗi đau về thân và nỗi khổ về tâm.
Tu tập pháp bi (karuṇā), bậc tu tiến bao trùm tất cả chúng sanh bị phiền muộn, chân thành mong muốn cho họ thoát khỏi những điều bất hạnh.
Tu tập pháp tùy hỷ (muditā), bậc tu tiến bao trùm tất cả chúng sanh đạt được sự thuận lợi, chân thành mong muốn cho họ rằng tất cả những thành tựu và thuận lợi tồn tại với họ lâu dài.
Tu tập pháp xả (upekkhā), bậc tu tiến bao trùm thiện và bất thiện, thương và không thương, bị sự phiền muộn hay thành công thuận lợi. Với xả, vị ấy suy ngẫm rằng: “Tất cả chúng sanh đều do nghiệp của họ trợ tạo”.
Tu tập thiền với ba Phạm trú (Brahmavihāra) đầu có thể đưa đến bốn thiền sắc giới (rūpāvacara jhāna), trong khi tu tập pháp ‘xả’ đưa đến thiền thứ năm. Nên nhớ rằng, chỉ có thiền thứ năm mới phối hợp với ‘xả’ và thọ xả (upekkhā vedanā).
Để tu tập định cho đến thiền, vị ấy nên chọn một người phù hợp và chăm chú đến người đó, tỏa khắp người đó với từ (mettā), bi (karuṇā), tùy hỷ (muditā). Sau đó, vị ấy thường mất phải mất một thời gian dài để tu tập phát triển thiền (jhāna).
Cách nhanh hơn để tu tập thiền (jhāna), có thể chuyển đến thiền thứ năm, bằng cách chăm chú niệm hơi thở (ānāpānassati) hoặc nghiệp xứ (kammaṭṭhāna) khác trong những đề mục thiền đã được định rõ. Tiếp đến, bậc tu tiến dùng định phối hợp với thiền thứ năm làm nền tảng, vị ấy tu tập pháp từ (mettā). Với cách này, vị ấy có thể tu tập bốn thiền mettā rất nhanh chóng. Phương pháp này đang được tu tập thành công trong Trung Tâm Thiền Pa Auk Tawya ở phía Nam Myanmar.
Chỉ khi bậc tu tiến có thể tỏa khắp tất cả chúng sanh với thiền từ (jhāna mettā), thiền bi (jhāna karuṇā), thiền tùy hỷ (jhāna muditā) và thiền xả (jhāna upekkhā) thì bậc tu tiến mới thật sự đang sống trong trạng thái bậc cao.
Văn bản về sự phát triển bốn trạng thái bậc cao của cuộc sống được đề cập trong Kinh (sutta) như sau:
“Này, chư Bhikkhu, vị Bhikkhu với từ (mettā) tỏa khắp hướng thứ nhất, rồi hướng thứ hai, rồi hướng thứ ba, rồi hướng thứ tư, cũng thế với hướng trên, dưới và tất cả xung quanh và vị ấy tự hòa mình mọi nơi với tất cả, vị ấy lan tỏa khắp thế giới với tâm tất cả ‘từ’, với tâm rộng mở, mở mang, vô tận, vượt thoát khỏi căm thù và sân hận”.
Cũng thế đối với ‘bi’, ‘tùy hỷ’ và ‘xả’.
(5) Phân Tích Bốn Đại Giới (Catu dhātu vavatthāna)
‘Catu dhātu’ nghĩa là bốn giới hay bốn sắc đại hiển – đó là đất (pathavī), nước (āpo), lửa (tejo) và gió (vāyo).
‘Vavatthāna’ nghĩa là trí phân tích về trạng thái của những giới (dhātu).
Bốn sắc đại hiển làm nền tảng cho tất cả sắc pháp. Những trạng thái của chúng phải được quán sát và chứng nghiệm.
Trong Chương VI, chúng ta đã được học rằng, thân của chúng ta được tạo từ 21 bọn hay nhóm sắc (rūpa kalāpa) và mỗi bọn (kalāpa) gồm ít nhất bốn sắc đại hiển và bốn sắc của nó – tức là sắc cảnh sắc (vaṇṇa), sắc cảnh khí (gandha), sắc cảnh vị (rasa) và sắc vật thực (ojā).
Do đó, bốn sắc đại hiển hiện diện trong mỗi phần và mảnh nhỏ của thân chúng ta. Đất (pathavī) là yếu tố giãn nở với trạng thái cứng hay mềm. Nước (āpo) là yếu tố kết dính với trạng thái quến lại và chảy ra. Lửa (tejo) là nhiệt với trạng thái nóng và lạnh. Gió (vāyo) là yếu tố lay động với trạng thái đẩy và nâng đỡ.
Chúng ta phải chứng nghiệm (khám phá) trong thân rằng những trạng thái cứng và mềm, quến lại và chảy ra, nóng và lạnh, đẩy và nâng đỡ hiện diện trong mỗi phần và mảnh nhỏ của thân. Chúng ta phải cảm nhận những trạng thái này và thấy biết rõ chúng trực tiếp bằng ‘tâm’ để chắc chắn về sự hiện hữu của chúng. Khi chúng trở nên rõ ràng trong tâm, bậc tu tiến tiếp tục chăm chú vào chúng và niệm ngay theo chúng để tu tập định (samādhi). Định (samādhi) cao nhất có thể đạt được ở đây là cận định.
Theo những kết quả đã khám phá ở Trung Tâm Thiền Pa-Auk Tawya, Việc chỉ rõ, xác định bốn giới (catu dhātu vavatṭṭhāna) là một nghiệp xứ (kammaṭṭhāna) rất hiệu quả để tu tập định rất nhanh. Khi bậc tu tiến đạt được cận định, vị ấy có thể thấy xuyên qua thân thể để quán sát thịt, gân, xương, tim, gan, v.v... như vị ấy từng thấy trong thiền niệm thể trược (kāyagatāsati).
Kế tiếp, bậc tu tiến có thể quán bộ xương trong thân của người khác làm đề mục của nghiệp xứ bất tịnh (asubha kammaṭṭhāna) và niệm theo cho đến phát sanh định của tầng thiền thứ nhất.
Hơn nữa, màu trắng của xương, tốt nhất là xương sọ, có thể dùng làm đề mục kasiṇa trắng (odāta kasiṇa). Bậc tu tiến niệm đề mục ấy cho đến phát sanh định thêm nữa đến tầng thiền thứ năm.
Những phương pháp bậc thang để tu tập định này được mô tả trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhi Magga) và được áp dụng tu tập thành công trong Trung Tâm Thiền Pa-Auk Tawya.
(6) Vật Thực Bất Tịnh Tưởng (Āhāre paṭikula saññā)
Là sự suy tư lặp đi lặp lại để phát triển tưởng bất tịnh về thức ăn, đồ uống mà chúng ta dùng.
Làm thế nào để phát triển bất tịnh tưởng về vật thực mà chúng ta đang ăn?
Khi những đĩa vật thực khác nhau được sắp xếp một cách hấp dẫn, chúng lôi cuốn sự tham ăn của chúng ta. Lưu ý rằng khi chúng được trộn lên, sự hấp dẫn của chúng bị giảm đi. Khi nhai vật thực trong miệng, ghi nhận nó phiền hà làm sao khi hàm liên tục hạ xuống và nâng lên nghiền vật thực ví như việc dùng chày nghiền ớt trong cối giã.
Cũng lưu ý rằng, trong lúc nhai, nước tươm, mật, đàm và những dịch tiêu hóa khác được sản sanh ngay phía dưới lưỡi và cái lưỡi trộn những dịch tiêu hóa ấy với vật thực làm cho trở nên bầy nhầy và bất tịnh. Lúc đang nuốt vật thực, nó đến tận bao tử, nơi nó được tiêu hóa thêm nữa. Vật thực sau khi tiêu hóa tập hợp trong ruột già và theo thời gian bị thải ra trong nhà xí. Phân thì rất ghê tởm, chúng sanh phải ngượng hay xấu hổ che giấu trong nhà xí khi thải ra.
Ái cảnh vị (rasa taṇhā) là một dạng tham (lobha) mạnh, là pháp trở ngại cho sự tu tập định. Do đó, Đức Phật khuyên môn đồ của Ngài đoạn trừ ái bằng vật thực bất tịnh tưởng (āhāre paṭikula sañña).
Bốn cõi Vô sắc như Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ được dùng làm những đề mục của thiền để tuần tự tu tập bốn thiền vô sắc (arūpāvacara jhāna).
Trong tu tập, bậc tu tiến phải tu tập năm thiền sắc giới (rūpāvacara jhāna) trước bằng một trong những kasiṇa biến xứ. Kế đó, dùng thiền thứ năm làm nền tảng, vị ấy đi xa hơn với bốn đề mục vô sắc (āruppa) để tu tập bốn thiền vô sắc giới (arūpāvacara jhāna).
Sáu Loại Tánh Nết
1. Tánh nhiều ái dục (rāga carita) = là người nuông chiều, tự cho phép đắm mình trong những nhục dục mà không biết xấu hổ.
2. Tánh nhiều sân hận (dosa carita) = là người giận dữ một cách dễ dàng dù cho đó là những điều không đáng.
3. Tánh nhiều si mê (moha carita) = là ngu dại và chậm hiểu.
4. Tánh nhiều đức tin (saddhā) = là người tôn kính Tam bảo một cách đức hạnh, xứng đáng.
5. Tánh nhiều trí tuệ hay giác (buddhi carita) = là người dựa vào lý trí, suy luận và không tin một cách dễ dàng.
6. Tánh tầm hay nhiều suy nghĩ (vitakka carita) = là người cân nhắc cái này và cái kia mà không đạt được bao nhiêu.
Nghiệp Xứ (Kammaṭṭhāna) và Tánh Nết (Carita)
Bốn mươi nghiệp xứ (kammaṭṭhāna) được kết hợp với sáu tánh nết (carita) phù hợp cho những quả lợi ích trong việc tu tập.
1. Người nhiều tánh tham dục nên tu tập mười bất mỹ (asubha) và niệm thể trược (kāyagatāsati). Những nghiệp xứ (kammaṭṭhāna) này có thể ngăn chặn tham ái một cách hiệu quả.
2. Người tánh nhiều sân nên tu tập bốn vô lượng hay bốn Phạm trú (Brahmavihāra) và bốn màu kasiṇa biến xứ xanh (nīla), vàng (pīta), đỏ (lohita), trắng (odāta). Những nghiệp xứ (kammaṭṭhāna) này thanh khiết, tĩnh lặng và có thể làm cho người tu tập đề mục này cảm thấy an vui.
3. Người tánh nhiều si mê tức ngu dại và chậm hiểu cũng như người tánh nhiều tầm nên tu tập niệm hơi thở hay nhập tức xuất tức niệm (ānāpānassati). Tâm của những vị này hiếu động, không yên và lơ đãng, không tập trung do điệu cử (uddhacca), hoài nghi (vicikicchā) và tầm (vitakka). Trong nhập tức xuất tức niệm (ānāpānassati), hơi thở vào và hơi thở ra phải được niệm, niệm ngay hay nhớ ngay một cách nhịp nhàng. Do đó, nhập tức xuất tức niệm (ānāpānassati) có thể điều khiển và làm dịu sự hiếu động, không yên của tâm.
4. Người tánh nhiều đức tin nên tu tập pháp tùy niệm[35] Phật (Buddhānussati), Pháp (Dhammānussati), Tăng (Saṅghānussati), giới (sīlānussati), thí (cāgānussati) và thiên (devatānussati). Tín (saddhā) đã mạnh với người này và sẽ mạnh thêm tạo nhiều lợi ích lớn bằng cách tu tập những tùy niệm nghiệp xứ (anussati kammaṭṭhāna) này.
5. Người tánh nhiều trí tuệ hay tánh giác nên tu tập pháp tử tùy niệm (maraṇānussati), thanh tịnh Níp-bàn tùy niệm (upasamānussati), vật thực bất tịnh tưởng (āhāre paṭikūlasaññā), phân tích bốn giới (catu dhātu vavatṭhāna). Những đề mục của những nghiệp xứ (kammaṭṭhāna) này thì thâm sâu và vi tế và do đó chúng có thể khơi dậy và củng cố trí của người tánh nhiều trí hay tánh giác.
6. Nghiệp xứ thích hợp với tất cả loại người là đất kasiṇa (pathavī kasiṇa), nước (apo kasiṇa), lửa (tejo kasiṇa), gió (vāyo kasiṇa), ánh sáng (aloka kasiṇa), hư không (ākāsa kasiṇa) và bốn vô sắc (āruppa).
Ba Giai Đoạn Của Tu Tiến (Bhāvanā)
Tu tiến (bhāvanā) có thể được chia thành ba giai đoạn phù hợp với ba mức độ định hay để trau dồi danh pháp.
1. Chuẩn bị tu tiến (parikamma bhāvanā)
Cảnh, đề mục hay nghiệp xứ (kammaṭṭhāna) là những kasiṇa biến xứ được gọi là chuẩn bị tướng (parikamma nimitta). Bằng cách quan sát một vòng tròn đất, bậc tu tiến có thể niệm: “Pathavī, pathavī” lặp đi lặp lại thì thầm chậm hay bằng cách ghi nhớ trong tâm. Giai đoạn tu tiến ban đầu này có thể phát triển chuẩn bị định (parikamma samādhi), được gọi là chuẩn bị tu tiến (parikammabhāvanā), chuẩn bị con đường để phát sanh những phần tu tiến cao hơn sau này.
Giai đoạn chuẩn bị định (parikamma samādhi) ban đầu vẫn chưa thể giúp phát triển định của tâm. Tất cả những giai đoạn của định đều bắt đầu từ giai đoạn ban đầu này. Từ đây cho đến giai đoạn dưới cận định được gọi là chuẩn bị định (parikamma samādhi).
2. Cận tu tiến (upacāra bhāvanā).
‘Upacāra’ nghĩa là gần, cận kề hay sát-na đến gần. Cận tu tiến (upacāra bhāvanā) là định gần kề thiền (jhāna), đạo (magga) hay quả (phala). Đây cũng có thể được xem là định mà sắp vào kiên cố tu tiến (appanā bhāvanā).
Chuẩn bị tu tiến (parikamma bhāvanā) tự nó sẽ phát triển thành cận tu tiến (upacāra bhāvanā). Cảnh của cận tu tiến thì không lâu dài hơn chuẩn bị tướng (parikamma nimitta). Đây là tợ tướng (paṭibhāga nimitta) hay đối lập tướng.
Định phối hợp với cận tu tiến (upacāra bhāvanā) được gọi là cận định (upacāra samādhi); chỉ cho định ngay trước khi bước vào bất cứ thiền (jhāna) nào.
3. Kiên cố tu tiến (appanā bhāvanā).
Kiên cố tu tiến là giai đoạn kiên cố của định. Định được tu tập đến thiền (jhāna), đạo (magga), quả (phala), được gọi là kiên cố tu tiến (appanā bhāvanā). Thiền (jhāna), đạo (magga), quả (phala) tiếp tục chăm chú cố định trong từng cảnh, đề mục.
Cảnh của thiền (jhāna) là tợ tướng (paṭibhāga nimitta) trong khi cảnh của đạo (magga), quả (phala) là Níp-bàn (Nibbāna). Định phối hợp với kiên cố tu tiến (appanā bhāvanā) gọi là an chỉ định (appanā samādhi).
Tu Tiến (Bhāvanā) và Nghiệp Xứ (Kammaṭṭhāna)
1. Bước chuẩn bị tu tiến (parikamma bhāvanā) có thể đạt được trong tất cả bốn mươi nghiệp xứ.
2. Bước chuẩn bị tu tiến (parikamma bhāvanā) và cận tu tiến xảy ra trong tám tùy niệm (anussati) đầu, trong vật thực bất tịnh tưởng (āhāre paṭikūla saññā) và phân tích bốn giới (catu dhātu vavatthāna). Tổng cộng mười nghiệp xứ (kammaṭṭhāna).
3. Tất cả ba loại tu tiến (bhāvanā) xảy ra trong ba mươi nghiệp xứ (kammaṭṭhāna) còn lại – bao gồm 10 kasiṇa, 10 bất tịnh (asubha), 4 vô lượng hay Phạm trú (Brahmavihāra), 4 vô sắc (āruppa), niệm thể trược (kāyagatāsati) và nhập tức xuất tức niệm (ānāpānassati).
Thiền (Jhāna) và Nghiệp Xứ (Kammaṭṭhāna)
Lưu ý:
(1) Có 25 nghiệp xứ có thể đưa đến sơ thiền sắc giới (cộng 1+2+3 trong bản đồ trên).
(2) Mười bốn nghiệp xứ có thể đắc đến nhị, tam, tứ thiền (cộng 1+3).
(3) Mười hai nghiệp xứ có thể đắc đến ngũ thiền sắc giới (cộng 1+4).
(4) Bốn vô sắc giới có thể đắc bốn thiền vô sắc giới.
(5) Mười nghiệp xứ bao gồm 8 tùy niệm (anussati) đầu, vật thực bất tịnh tưởng (āhāre paṭikūla saññā) và phân tách 4 giới (catu dhātu vavatthāna) không thể làm cho đắc bất cứ thiền nào. Chúng chỉ có thể giúp đạt đến cận định.
Tướng Hay Ấn Chứng Của Tu Tiến (Bhāvanā nimitta)
Nimitta’ nghĩa là ấn tướng, dấu hiệu, ký hiệu, ảnh, mục tiêu, cảnh, tướng, ấn chứng, v.v… Ở đây, chỉ cho tướng hay ấn chứng nơi tâm đạt được trong tu tiến. Ba loại ấn chứng hay tướng được nhận thấy là:
1. Chuẩn bị tướng (parikamma nimitta) = là cảnh hay đề mục của chuẩn bị tu tiến (parikamma bhāvanā), là cảnh nhận thấy vào giai đoạn ban đầu của thiền.
2. Học hay đạt tướng (uggaha nimitta) = khi định tiến bộ đi lên, bậc tu tiến thấy rằng vị ấy có thể thấy cảnh, chẳng hạn như kasiṇa, không nhìn nó một cách trực diện. Vị ấy đạt được tợ tướng trong tâm và có thể thấy với đôi mắt nhắm lại.
Học hay đạt tướng thì vẫn chập chờn, không chắc chắn và không rõ ràng; nó phát sanh khi tâm đã đạt đến một mức độ tập trung yếu hay định yếu.
3. Tợ tướng (paṭibhāga nimitta) = khi thiền hay định tiến bộ thêm, tại thời điểm khi định đạt đến cận định (upacāra samādhi), học tướng đột ngột thay đổi thành tướng sáng chói, rõ ràng và vững vàng. Nó tợ như tướng ban đầu, nhưng nó sáng hơn, rõ hơn nhiều lần so với học hay đạt tướng (uggaha nimitta). Tợ tướng hoàn toàn không có những khiếm khuyết như là gồ ghề, không nhẵn, không đều, sần sùi, v.v… mà nó có thể xuất hiện trong đề mục ban đầu. Tợ tướng bất động như thể nó vẫn cố định trong mắt.
Ngay khi tướng hay ấn chứng này phát sanh, thiền sinh đã đạt đến giai đoạn cận tu tiến (upacāra bhāvanā) và cận định.
Sự Kết Nối Thiết Thực Của Tu Tiến (Bhāvanā) với Ấn Chứng (Nimitta)
Chuẩn bị tu tiến (parikamma bhāvanā) lấy chuẩn bị tướng (parikamma nimitta) và học hay đạt tướng (uggaha nimitta) làm cảnh. Cận tu tiến (upacāra bhāvanā) và kiên cố tu tiến (appanā bhāvanā) lấy tợ tướng (paṭibhāga nimitta) làm cảnh. Sự kết nối của tu tiến (bhāvanā) và ấn chứng hay tướng (nimitta) sẽ được giải thích qua thiền đề mục đất (pathavī kasiṇa).
Đề mục đất (pathavī kasiṇa) được chuẩn bị bằng cách phủ đất sét màu mặt trời rạng đông lên một cái khay hay một miếng vải có đường kính khoảng một gang và bốn ngón tay (tức khoảng 12 inches). Nếu không có đủ đất sét màu mặt trời rạng đông thì có thể dùng đất sét có màu khác bên dưới. Bề mặt của đất sét nên được làm càng mượt càng tốt. Đĩa đề mục tròn này được gọi là đĩa kasiṇa.
Nay, đĩa đất tròn này được đặt ở một độ cao thích hợp cách khoảng 2,5 cubit (tức khoảng 45 inches) tính từ chỗ ngồi của vị ấy. Bậc tu tiến nên ngồi thoải mái và giữ phần thân trên thẳng đứng.
1. Chuẩn bị tướng (parikamma nimitta) và chuẩn bị tu tiến (parikamma bhāvanā).
Bậc tu tiến nhìn chăm chú vào đĩa đất tròn, niệm thầm trong tâm không ra tiếng: “Pathavī, pathavī” hay “Đất, đất”. Bây giờ, từ lúc này trở đi, đĩa đất tròn mà vị ấy đang nhìn chăm chú vào được gọi là chuẩn bị tướng (parikamma nimitta) và thiền mà vị ấy đang tu tập được gọi là chuẩn bị tu tiến (parikamma bhāvanā).
2. Học hay đạt tướng (uggaha nimitta) và chuẩn bị tu tiến (parikamma bhāvanā).
Sau khi tu tập một thời gian khoảng vài tuần hay vài tháng, vị ấy có thể nhắm mắt và thấy cảnh đề mục. Đây có nghĩa là vị ấy có thể thấy đĩa đất tròn sống động trong tâm của vị ấy như vị ấy thấy khi mắt mở, mặc dù mắt của vị ấy đã nhắm. Cảnh mường tượng hay ảnh đạt được này được gọi là học hay đạt tướng (uggaha nimitta).
Dù cho ảnh có thay đổi, tu tiến (bhāvanā) của vị ấy vẫn chưa thay đổi. Ở giai đoạn này, vị ấy đang niệm trên học hay đạt tướng (uggaha nimitta) bằng chuẩn bị tu tiến (parikamma bhāvanā).
3. Tợ tướng (paṭibhāga nimitta) và cận tu tiến (upacāra bhāvanā).
Từ khi học hay đạt tướng (uggaha nimitta) xuất hiện, bậc tu tiến không cần phải nhìn vào đĩa đất tròn ban đầu nữa, trừ phi sự tập trung của vị ấy bị phân tán. Bằng cách chăm chú vào học hay đạt tướng, bậc tu tiến tiếp tục niệm “Pathavī, pathavī” hay “đất, đất”.
Khi định của vị ấy đạt đến mức cận định (upacāra samādhi), học hay đạt tướng thay đổi thành tợ tướng (paṭibhāga nimitta). Sự thay đổi này rất rõ ràng và dễ thấy rõ vì tợ tướng (paṭibhāga nimitta) rất khác với học hay đạt tướng (uggaha nimitta). Sự thay đổi này rõ ràng như lấy kiếng soi ra khỏi bao da hay như một đàn chim diệc bay ra khỏi những đám mây.
Chuẩn bị tướng (parikamma nimitta) giờ được nâng lên đến mức cận tu tiến (upacāra bhāvanā). Định lúc này ở giai đoạn tợ tướng (paṭibhāga nimitta) và cận tu tiến (upacāra bhāvanā).
Ở giai đoạn này, tất cả pháp cái (nīvaraṇa) bị ngăn chặn, năm chi thiền trở nên mạnh và làm nhiệm vụ của nó một cách hiệu quả. Vì vậy, tâm cố định trên tợ tướng (paṭibhāga nimitta). Do đó, cận tu tiến (upacāra bhāvanā) cũng được gọi là cận thiền (upacāra jhāna).
4. Tợ tướng (paṭibhāga nimitta) và kiên cố tu tiến (appanā bhāvanā).
Chăm chú trên tợ tướng (paṭibhāga nimitta), bậc tu tiến tiếp tục thiền, niệm “Pathavī, pathavī” như trước. Khi tợ tướng (paṭibhāga nimitta) đặng vững chắc và kiên cố, nó được làm cho lan rộng dần dần bằng sức mạnh của sự mong muốn của thiền sinh cho đến khi nó bao trùm cả không gian theo mọi hướng. Chăm chú trên ảnh trừu tượng mới này, vị ấy tiếp tục niệm “Pathavī, pathavī”. Nếu vị ấy là một bậc tuệ nhanh, không lâu sau vị ấy sẽ đạt đến kiên cố tu tiến (appanā bhāvanā) khi sơ thiền phát sanh. Nếu vị ấy là một bậc tuệ chậm, vị ấy phải cố gắng để duy trì tợ tướng (paṭibhāga nimitta) bằng sự chăm sóc đặc biệt. Nếu vị ấy tiếp tục thiền, sớm hay muộn thì vị ấy cũng đạt đến sơ thiền.
Bây giờ vị ấy ở giai đoạn tợ tướng (paṭibhāga nimitta) và kiên cố tu tiến (appanā bhāvanā). Đây có nghĩa là cảnh của kiên cố tu tiến của đĩa đất tròn.
Hướng Đến Thiền Thứ Hai Và Cao Hơn
Thiền sinh (yogī), đã đạt đến sơ thiền nên tu tập năm pháp thuần thục đối với thiền ấy. Những pháp thuần thục này được gọi là ‘vasitā’; theo nghĩa đen là thói quen.
Năm pháp thuần thục hay tự tại:
1. Āvajjana vasitā = chuyển hướng tự tại / thuần thục trong việc chuyển hướng nhanh chóng đến chi thiền; là khả năng quán xét, xác định những chi thiền sau khi xuất khỏi thiền.
2. Samāpajjana vasitā = nhập định tự tại / thuần thục nhập nhanh chóng; là khả năng nhập thiền bất cứ khi nào bạn mong muốn.
3. Adhiṭṭhāna vasitā = quyết định tự tại / thuần thục quyết định trú; là khả năng trú trong thiền thời gian dài theo như ý nguyện.
4. Vuṭṭhāna vasitā = xuất định tự tại / thuần thục trong việc xuất khỏi thiền vào thời gian đã định trước.
5. Paccavekkhaṇa vasitā = phản khán tự tại / thuần thục trong việc phản khán hay xem kỹ lại những chi thiền nhanh chóng bằng cách hạn chế số lượng tâm hữu phần (bhavaṅga citta) giữa các lộ (vīthi).
Bây giờ, loại trừ tầm (vitakka) để đi lên nhị thiền, thiền sinh (yogī) nhìn vào tính thô thiển của tầm (vitakka) trong khi nó có thể đưa tâm đến cảnh ra sao và do đó làm hư hại thiền (jhāna). Vị ấy cũng nhìn vào tính vi tế của nhị thiền là thiền vượt khỏi tầm (vitakka).
Khi chăm chú trên tợ tướng (paṭibhāga nimitta) của đề mục đất (pathavī kasiṇa), vị ấy cố gắng tu tập ba giai đoạn tu tiến theo thứ lớp của chuẩn bị (parikamma), cận (upacāra) và kiên cố (appanā), mà không để tầm (vitakka) phối hợp với tâm (citta). Chuỗi hữu phần (bhavaṅga) này không mong tầm (vitakka) được gọi là tu tiến ly tầm (vitakka virāga bhāvanā). Tột điểm của tu tiến này là đạt đến nhị thiền.
Thiền thứ nhì hay nhị thiền chỉ có bốn chi thiền – đó là tứ (vicāra), hỷ (pīti), lạc (sukha), định (ekaggatā) là những chi thiền vi tế hơn so với khi chúng hiện diện trong sơ thiền.
Thiền sinh kế đến cố gắng tu tập năm pháp thuần thục, hay còn gọi là thói quen (vasitā) đối với nhị thiền. Kế đến vị ấy loại trừ chi tứ (vicāra) theo cách tương tự để đạt đến tam thiền. Đạt đến tứ thiền và ngũ thiền bằng cách tuần tự loại trừ chi hỷ (pīti), chi lạc (sukha) theo cách tương tự.
Hướng Đến Thiền Vô Sắc (Arūpa Jhāna)
Ngũ thiền sắc giới (rūpāvacara jhāna) được dùng làm nền tảng để tu lên thiền vô sắc (arūpāvacara jhāna). Trước nhất, năm pháp thuần thục gọi là ‘vasitā’ đối với ngũ thiền phải được phát triển. Kế đến, thiền sinh (yogī) nhìn chăm chú vào những khuyết điểm của sắc pháp (rūpa) để ngăn chặn sự dính mắc vào sắc. Vị ấy có thể suy luận như vầy:
“Thân này là đối tượng của nóng và lạnh, đói và khát cùng tất cả bệnh tật. Vì nó mà chúng sanh này tranh chấp với chúng sanh khác. Để che đậy nó, cho nó ăn và cho nó ở, chúng sanh phải trải qua nhiều sự đau khổ.”
Thiền sinh (yogī) cũng nên quán xét sự vi tế và tĩnh lặng của thiền vô sắc giới (arūpāvacara jhāna) để củng cố lòng khao khát đạt đến bậc thiền này.
Kế đến, vị ấy tu tập năm thiền sắc giới (rūpāvacara jhāna) từng đề mục trong chín đề mục kasiṇa, ngoại trừ hư không kasiṇa. Vị ấy xuất khỏi ngũ thiền và không chú ý đến tợ tướng (paṭibhāga nimitta). Vị ấy chăm chú vào không gian phía sau tợ tướng ấy và niệm lặp đi lặp lại: “Hư không là vô biên! Hư không là vô biên!”. Đây là chuẩn bị tu tiến (parikamma bhāvanā) – điều tiên quyết để sanh thiền cao hơn.
Tợ tướng (paṭibhāga nimitta) sẽ còn tồn tại phía trước của vị ấy khi vị ấy vẫn có một sự mong muốn/dục cầu (nikanti) vi tế về nó.
Khi sự mong muốn ấy không còn, tợ tướng (paṭibhāga nimitta) cũng không còn và mở ra một không gian vô tận. Chăm chú vào không gian này, vị ấy niệm “Hư không vô biên! Hư không vô biên!”.
Khi sự mong muốn/dục cầu (nikanti) của vị ấy về ngũ thiền sắc giới không còn, vị ấy đã đạt cận tu tiến (upacāra bhāvanā). Nếu vị ấy tiếp tục thiền một cách nghiêm túc và tích cực, không lâu sau vị ấy sẽ có thể đạt đến kiên cố tu tiến (appanā bhāvanā) và đạt thiền vô sắc giới (arūpāvacara jhāna) thứ nhất gọi là tâm thiện không vô biên xứ (ākāsānañcāyatana kusalacitta).
Kế đến, vị ấy tu tập năm pháp thuần thục đối với thiền vô sắc giới (arūpāvacara jhāna) thứ nhất, vì thiền vô sắc thứ nhất này sanh cận với thiền sắc giới (rūpāvacara jhāna) và chúng thô hơn so với thiền vô sắc giới (arūpāvacara jhāna) thứ nhì. Rồi chăm chú trên tâm thiện không vô biên xứ (ākāsānañcāyatana kusalacitta) là tâm niệm hư không không cùng tận, vị ấy niệm: “Thức là vô biên, thức là vô biên”, đây là ‘chuẩn bị tu tiến’ (parikamma bhāvanā) mới. Khi dục cầu (nikanti) vi tế về thiền vô sắc thứ nhất không còn, vị ấy đi đến cận tu tiến (upacāra bhāvanā). Khi vị ấy đạt đến thiền vô sắc giới (arūpāvacara jhāna) thứ hai gọi là tâm thiện thức vô biên xứ (viññāṇañcāyatana kusala citta), vị ấy vươn tới kiên cố tu tiến (appanā bhāvanā).
Tương tự, bằng cách tu tập chuẩn bị tu tiến (parikamma bhāvanā) trên vô sở hữu xứ của tâm thiện vô sở hữu xứ (ākāsānañcāyatana kusala citta), thầm niệm: “Không có chi cả!”. Bậc tu tiến đắc thiền vô sắc giới (arūpāvacara jhāna) thứ ba khi đạt được tâm thiện vô sở hữu xứ (ākiñcaññāyatana kusala citta).
Và nữa, bằng cách tu tập chuẩn bị tu tiến (parikamma bhāvanā) tâm thiện vô sở hữu xứ (ākiñcaññāyatana kusala citta), thầm niệm: “Tâm này được yên! Nó thật tuyệt!”, đạt được thiền vô sắc giới (arūpāvacara jhāna) thứ tư gọi là tâm thiện phi tưởng phi phi tưởng (neva saññā nāsaññāyatana kusala citta).
Tiến Cao Hơn Đến Thông hay thắng Trí (Abhiññā)
‘Abhiññā’ là ‘lực cao hơn’, ‘thông’ hay ‘thắng trí’. Với những bậc đã đắc năm thiền sắc giới (rūpāvacara jhāna) và bốn thiền vô sắc (arūpāvacara jhāna) có thể tu tập thêm nữa năm thắng trí hay diệu trí hiệp thế (lokiya) bằng cách tu tập những thiền này theo những cách khác nhau dựa trên 10 kasiṇa.
1. Iddhividha abhiññā = thần thông năng lực tạo ra những vật, bay qua không gian, đi trên nước, độn thổ, v.v…
2. Dibba sota abhiññā = thiên nhĩ thông hay khả năng nghe âm thanh mà người khác không nghe được, khả năng nghe những âm thanh thô hay tế, xa hay gần.
3. Paracitta vijānana = tha[36] tâm thông hay năng lực thấu suốt tâm người khác và thấy rõ những ý nghĩ của họ.
4. Pubbenivāsānussati = túc mạng thông, hay năng lực nhớ đặng những kiếp trước và những thế giới trước.
5. Dibba cakkhu = thiên nhãn thông hay khả năng nhìn thấy suốt những vật khuất tầm mắt hay là bậc có khả năng thấy những vật thô hay tế, xa hay gần và cả những cõi Chư thiên và cõi Khổ. Thần thông cuối này, tức là thiên nhãn thông (dibba cakkhu), có thể được mở rộng đến hai thần thông (6) và (7).
6. Yathākammāpagañāṇa = tùy nghiệp thông hay tùy nghiệp trí là khả năng thấy chúng sanh trong 31 cõi và biết những nghiệp tương ứng của họ tức nghiệp làm cho họ tái tục.
7. Anāgataṁsañāṇa = khả năng biết những kiếp vị lai và thế giới vị lai.
Chúng ta có thể nói rằng có bảy thông hiệp thế (lokiya abhiññā). Nhưng khi chúng ta tính năm thông hiệp thế, thì (6) và (7) được bao gồm trong thiên nhãn thông (dibba cakkhu). Cũng thế, sanh tử thông hay sanh tử trí (cutūpāpatañāṇa) là trí biết về tử và tái tục của chúng sanh được bao gồm trong thiên nhãn thông (dibba cakkhu).
Trong cách tính sáu thần thông (abhiññā), một thông siêu thế (lokuttara abhiññā) được cộng vào năm thông hiệp thế (lokiya abhiññā). Thông siêu thế này được gọi là lậu tận trí (āsavakkhayañāṇa).
8. Āsavakkhayañāṇa = lậu tận thông hay lậu tận trí là tuệ của Arahaṃ đạo (Arahatta magga ñāṇa), tức là tuệ phối hợp với Arahaṃ đạo có thể đoạn tuyệt tất cả lậu hoặc (āsava).
Lục thông (chalābhiññā) là thông của một bậc Ứng cúng-Arahaṃ là bậc sở hữu sáu thông đã đề cập ở trên. Nên lưu ý rằng năm thông hiệp thế thì có thể đạt được qua định (samādhi) của danh pháp vô cùng hoàn hảo và chúng là tột đỉnh của chỉ tịnh tu tiến (samatha bhāvanā). Thông siêu thế (lokuttara abhiññā) là lậu tận trí có thể đạt được qua sự thấu suốt tuệ quán (vipassanā) và là tột định của tuệ quán tu tiến (vipassanā bhāvanā).
28 Ân đức thiền
1. Tự bảo trì ta (attānaṃ rakkhati).
2. Sẽ giúp trường thọ (āyuṃ deti).
3. Sẽ đặng mạnh mẽ (balaṃ dati).
4. Sẽ ngăn ngừa lỗi (vajjaṃ pidahati).
5. Sẽ hạn chế sự vật phi tước lộc (ayasaṃ vinodeti).
6. Sẽ đem lại tước lộc (yasamupaneti).
7. Sẽ làm cho tiêu trừ sự chẳng vui (āratiṃ nāsayati).
8. Sẽ làm cho phát sự vui mừng (ratiṃ uppādeti).
9. Sẽ hạn chế tai nạn (bhayaṃ apaneti).
10. Sẽ làm cho đặng lanh lợi (vesārajjaṃ karoti).
11. Sẽ hạn chế sự lười biếng (kosajjamapaneti).
12. Sẽ làm cho phát tinh tấn (viriyamabhisajjaneti).
13. Sẽ hạn chế ái tình (rāgamapaneti).
14. Sẽ hạn chế sân (dosamapaneti).
15. Sẽ hạn chế si (mohaṃ haneti).
16. Sẽ hạn chế ngã mạn (mānaṃ haneti).
17. Sẽ hạn chế có tầm (savitakkaṃ bajjeti).
18. Làm cho tâm yên trụ một cảnh (cittekajjamkaroti).
19. Làm cho tâm thích yên tịnh (cittaṃ senhayati).
20. Sẽ làm cho đặng khoái lạc (hāsaṃ jāyeti).
21. Làm cho phát sanh pháp hỷ (pitiṃ uppādayati).
22. Làm cho thành bậc quan trọng (garukaṃ karoti).
23. Làm cho đặng lợi lộc (lābhaṃ nibbattayati).
24. Làm cho đặng ưa thích (maṇapiyaṃ karoti).
25. Bảo trì sự kiên nhẫn (khantiṃ pāleti).
26. Hạn chế pháp lậu (saṅkhāranaṃ āsavaṃ).
27. Nhổ khỏi sự tái sanh trong 3 cõi (bhavapaṭisandhiṃ ugghāteti).
28. Làm cho kết quả Sa-môn (sannaṃ sāmaññaṃ deti).
Bảng tóm tắt 40 đề mục tu tiến pháp chỉ (samatha kammaṭṭhāna):
(1) Kasiṇa - 10 đề mục hoàn tịnh; (2) Asubha - 10 bất mỹ; (3) Anussati - 10 tùy niệm; (4) Brahmavihāra - 4 Phạm trú hay vô lượng tâm; (5) Catu dhātu vavatṭhāna - 1 đề mục phân tích 4 giới; (6) Āhāre paṭikūla saññā - 1 đề mục vật thực bất tịnh tưởng; (7) Āruppa - 4 đề mục vô sắc.
(B) Minh Sát Hay Tuệ Quán Nghiệp Xứ (Vipassanā Kammaṭṭhāna)
Sau đây là những điều nên biết trong thực hành tu tiến tuệ quán:
1. Thất thanh tịnh (visuddhi) là bảy giai đoạn thanh tịnh.
2. Tam tướng (tilakkhaṇa) là ba dấu hiệu trạng thái.
3. Tam năng / tùy quán (anupassanā) là ba pháp thường quán theo.
4. Thập tuệ quán (vipassanāñāṇa) là mười tuệ quán.
5. Tam giải thoát (vimokkha) là ba cách giải thoát.
6. Tam giải thoát môn (vimokkha mukha) là ba cửa giải thoát.
1. Bảy Thanh Tịnh (Visuddhi) hay bảy giai đoạn thanh tịnh.
‘Visuddhi’ nghĩa là ‘thanh tịnh’ hay ‘tinh khiết’. Có bảy giai đoạn để thanh lọc tâm bằng pháp trí minh sát hay tuệ quán.
(i) Tịnh giới (Sīla visuddhi) là giữ giới, từ ngũ giới trở lên.
(ii) Tịnh tâm (Cittavisuddhi) là có tu đến tịnh cận (upacāra-samādhi) hay là tu đắc thiền.
(iii) Tịnh kiến (Diṭṭhi visuddhi) là đắc tuệ tỏ ngộ, rõ thấu danh-sắc sanh diệt.
(iv) Tịnh nghi (Kaṅkhā[37] vitarana[38] visuddhi) là tu đến bậc tỏ ngộ đắc tuệ, ba tuệ trước: Tuệ tỏ ngộ danh pháp, sắc pháp (nāmarūpaparicchedañāṇa); tuệ quyết thấy rõ nguyên nhân danh-sắc (nāmarūpa-paccayapariggahañāṇa); tuệ thấy tam tướng phổ biến (sammasañāna) là tỏ ngộ vô thường, khổ não và vô ngã.
(v) Tịnh kiến đạo-phi đạo tuệ (Maggāmagga ñāṇadassana visuddhi): Nói theo thập tuệ là từ tuệ thứ 2 đến thứ 9. Còn nói theo 16 tuệ là từ tuệ thứ 4 đến tuệ thứ 11 là tuệ thuận lưu (anulomañāṇa).
(vi) Tịnh mãn tuệ (Paṭipadā[39] ñāṇadassana visuddhi) hay ‘hành tri kiến thanh tịnh’. Nói theo 16 tuệ là từ tuệ thứ 4 đến tuệ thứ 13 là tuệ chuyển tánh (gotrabhūñaṇa).
(vii) Tịnh kiến tuệ (Ñāṇadassana[40] visuddhi).
Trong Trung bộ kinh (Majjhima nikāya) – bài kinh số 24 “Trạm Xe” được đề cập so sánh bảy thanh tịnh (visuddhi) với bảy trạm xe. Một người du hành trên xe ngựa từ trạm xe thứ nhất đến trạm xe thứ hai. Kế đến, vị ấy du hành từ trạm xe thứ hai đến trạm xe thứ ba và v.v…
Cũng như cách ấy, bậc tu tiến làm cho giới của vị ấy đặng thanh tịnh hay ‘Tịnh giới’ để đi đến điểm khởi đầu của ‘Tịnh tâm’. Kế tiếp, vị ấy ‘Tịnh tâm’ để đạt đến điểm khởi của ‘Tịnh kiến’. Vị ấy ‘Tịnh kiến’ để đạt đến điểm khởi của thanh tịnh bằng cách vượt qua sự do dự hay ‘Tịnh nghi’. Bậc tu tiến đi theo cách này cho đến khi đạt được bốn đạo (magga) và quả (phala).
Trong Trung bộ kinh (Majjhima nikāya), Đức Phật có thuyết rằng mục tiêu thật sự và tột cùng của việc tu tiến không ở chỗ ‘Tịnh giới’, hay ‘Tịnh tâm’, hoặc ‘Tịnh kiến’, v.v… mà là hoàn toàn dập tắt và giải thoát khỏi những phiền não (kilesa).
2. Ba Tướng hay ba dấu hiệu trạng thái (Tilakkhaṇa)
Ba dấu hiệu trạng thái hay ba tướng (tilakkhaṇa) của danh pháp và sắc pháp chính là năm uẩn. Những trạng thái này làm thành cảnh cho pháp quán hay minh sát.
(1) Aniccā lakkhaṇa = là trạng thái vô thường hay vô thường tướng.
(2) Dukkhā lakkhaṇa = là trạng thái khổ hay khổ tướng.
(3) Anattā lakkhaṇa = là trạng thái vô ngã hay vô ngã tướng.
“Dù Đức Phật có xuất hiện trong thế gian hay không xuất hiện trong thế gian, nó vẫn tồn tại một trạng thái chắc chắn, một sự thật không thay đổi và định luật cố nhiên hay luật cố định rằng tất cả pháp hữu vi (pháp bị tạo) là vô thường, rằng tất cả pháp hữu vi (pháp bị tạo) là đối tượng của khổ, rằng tất cả đều không có ngã.” – Tăng Chi bộ kinh (Anguttara Nikāya, quyển IV, bài kinh 134).
3. Ba Pháp Tùy Quán (Anupassanā)
Chủ đề này mô tả ba pháp thường quán hay minh sát về danh-sắc hữu vi, tức là năm uẩn hiện hữu.
(1) Aniccānupassanā = quán vô thường là quán lặp đi lặp lại về tính vô thường của danh-sắc trong năm uẩn.
(2) Dukhānupassanā = quán khổ não là quán lặp đi lặp lại về tính bất toại nguyện của danh-sắc trong năm uẩn.
(3) Anattānupassanā = quán vô ngã là quán lặp đi lặp lại về tính không có cái gì là ta hay không có linh hồn của danh-sắc trong năm uẩn.
Lưu ý:
Ba pháp tùy[41] quán (anupassāna) được mô tả ở đây hoặc được đề cập trong hầu như những sách phổ thông. Thật ra, những ý nghĩa này có thể bị sai lệch.
‘Suy ngẫm’ ngụ ý biết rõ, sâu sắc hay trạng thái tư lự. Trong pháp quán hay minh sát (vipassanā) không có chỗ cho suy nghĩ, nghĩ ngợi hay cho tư lự. Với sự trợ giúp của định (samādhi), bậc tu tiến thâm nhập vào pháp siêu lý, biết và thấy chư pháp siêu lý bằng tâm của chính vị ấy, về bản thể thật của những pháp thực tính này – đó là ba trạng thái hay ba tướng của danh (nāma) và sắc pháp (rūpa).
Bằng cách quán sự sanh và diệt liên tục không ngừng của danh và sắc siêu lý, bậc tu tiến hiểu tính vô thường cũng như tính bất toại nguyện của danh và sắc ‘hành’ (hữu vi) là đối tượng tự diệt liên tục; nghĩa là khổ. Thân và tâm làm nên năm uẩn và tất cả những uẩn này sanh – diệt liên miên, không để lại một pháp nào thường hằng. Vị ấy thấy rõ rằng không có ta và linh hồn.
Do đó, trong pháp quán hay minh sát tu tiến (vipassanā bhāvanā), bậc tu tiến thấy những pháp siêu lý và biết tính chất của nó. Pháp siêu lý này không thể chỉ được biết bằng suy nghĩ.
Trong vô thường tùy quán (aniccānupassanā), bậc tu tiến chăm chú trên tính vô thường của danh-sắc siêu lý. Kế tiếp, vị ấy bắt đầu với khổ não tùy quán (dukkhānupassanā).
Trong khổ não tùy quán (dukkhānupassanā), vị ấy chăm chú trên tính bất toại nguyện của danh-sắc siêu lý. Kế đến vị ấy tiếp tục vô ngã tùy quán (anattānupassanā).
Trong vô ngã tùy quán (anattānupassanā), bậc tu tiến chăm chú vào tính không có tự ngã, không có linh hồn của danh-sắc siêu lý. Rồi vị ấy trở lại với vô thường tùy quán (aniccānupassanā).
Khi bậc tu tiến tu tập pháp quán (vipassanā) theo cách này, mười tuệ quán (vipassanā ñāṇa) sẽ phát sanh đúng theo trình tự. Không lâu sau khi trí cuối phát sanh, đạo tuệ (maggañāṇa) và quả tuệ (phalañāṇa) cũng sanh.
4. Mười Tuệ[42] Quán (Vipassanā-ñāṇa).
(1) Sammasana-ñāṇa = ‘phổ thông tuệ’ (hay quyết định tuệ) là tuệ có thể quán[43] và tỏ ngộ 1 trong 3 trạng thái hay tướng phổ thông (vô thường, khổ não, vô ngã) của danh, sắc pháp trong năm uẩn.
Pāḷi chú giải như vầy: Atītānāgata paccuppannānaṃ dhammānaṃ saṅkhipitvā vavatthāne paññā sammasane ñāṇaṃ: Tuệ biết phớt qua hành vi quá khứ, hiện tại, vị lai của danh pháp và sắc pháp, đó gọi là phổ thông tuệ.
Và trong Visuddhimagga có nêu: Ettāvatā panassa rūpakammaṭṭhānaṃpi arūpakammaṭṭhānaṃpi pagunaṃhoti: bậc tu tiến thuần thục đề mục danh-sắc vừa đủ như thế.
(2) Udayabbaya-ñāṇa = ‘tiến thối tuệ’ là tuệ có thể quán và tỏ ngộ thấy sự tiến hóa (sanh) và thối quá (diệt) của danh-sắc siêu lý trong năm uẩn.
Pāḷi chú giải như vầy: Paccuppannānaṃ dhammānaṃ vipariṇāmānupassane paññā udayabbayānapassane ñāṇaṃ:[44] trí tỏ ngộ thấy pháp hiện tại biến đổi, đó gọi là ‘tiến thối tuệ’.
Nói về hiện tại có 3:
- 1 là quyết định hiện tại (addhāpaccuppanna) là hiện tại đời sống, tức là từ khi lọt lòng mẹ cho đến tắt hơi thở.
- 2 là liên tiếp hiện tại (santatipaccuppanna) là sự tiếp diễn thay nối liền nhau của danh-sắc, vì một khi chưa thấy biết rõ sự biến đổi của danh-sắc thì vẫn coi như là thấy vật không khác chi cái tâm vẫn còn hoài v.v… nên cho là hiện hữu hiện tại.
- 3 là sát-na hiện tại (khaṇapaccuppanna) là sau khi ‘sát-na sanh’ trước ‘sát-na diệt’ hay là từ sanh ra cho đến vừa diệt mất của danh-sắc.
Tiến thoái tuệ (udayabbayañāṇa) có hai giai đoạn:
Một là giai đoạn đầu còn yếu, Pāḷi gọi là taruṇaudayabbayañāṇa[45] - dịch là ‘tiến thối nhược tuệ’, tức là tỏ ngộ sự tiến hóa và thối quá của danh pháp và sắc pháp chưa rõ lắm.
Sau khi lướt đặng phiền não quán thì mới đắc ‘tiến thối cường tuệ’ (balava udayavayañāṇa).
Thập (10) Tùy phiền não quán (vipassanūpakkilesa): 1 là hào quang (obhāso), 2 là pháp hỷ (pīti), 3 là yên tịnh (passaddhi), 4 là tịnh tín (adhimokkho), 5 là cần miễn (paggāho), 6 là thọ lạc (sukhaṃ), 7 là tuệ quán (ñāṇaṃ), 8 là cường niệm (upaṭṭhānaṃ), 9 là thọ xả (upekkhā), 10 là ái dục/dục cầu (nikanti).
Cho nên trong thơ lục bát có viết như vầy:
“Hào quang, hỷ, tịnh, tín mà
Cần, vui, tuệ, niệm, xả và ái thương,
Trong mười, một mạnh quá cường
Thành ra phiền não của đường quan chơn.“
… … …. (Bhikkhu Santakicco – Tịnh Sự)
(để giải theo phần tu tiến)
(3) Bhaṅga-ñāṇa = ‘diệt một[46] tuệ’ là tuệ tỏ ngộ sự đang diệt liên tục của danh-sắc pháp siêu lý. Pāḷi chú giải như vầy: Bhijjatīti = bhaṅgo: Diệt tiêu mất gọi là diệt một[47], tức là ám chỉ sát-na đang diệt của danh pháp và sắc pháp.
Vì tuệ mạnh hơn trước nên thấy vi tế riêng biệt nhiều danh-sắc chỉ nhận đặng sát-na chót là mất đi, mất đi, chẳng khác người đứng sát lộ thấy xe đi ngang vùn vụt vừa thấy đã qua đã qua. Hoặc như người ngồi trong xe chạy mau ngó hàng cây sao dọc theo lộ qua vùn vụt.
Và có Pāḷi chú giải như vầy:
Nāṇe tikkhe vahante saṅkhāresu lahuṃ upaṭṭhahantesu uppādaṃ ṭhitaṃvā pavattaṃvā nimittaṃvā na sampāpunāti khayavayabhedanirodhe yeva sati santiṭṭhati:[48] Khi tuệ đặng tăng mạnh lên, cảnh danh-sắc càng mau lẹ, cho nên phần sanh trụ thứ lớp và phần chung của ngũ uẩn đều không rõ rệt, chỉ có niệm xiết chặt trong khi diệt của danh-sắc đó mà thôi.
Bhāvanāya pana vaddhamānāya paññatti samatikkamitvā sabhāve yeva cittaṃ tiṭṭhati: Khi tâm có thể vượt qua chế định do tu tiến thì vẫn nương cảnh siêu lý (hằng có diệt).
(4) Bhaya-ñāṇa = ‘họa hoạn tuệ’ là tuệ tỏ ngộ thấy rõ danh-sắc (nāma-rūpa) và năm uẩn là đáng sợ, kinh khủng vì chúng đang diệt quá nhanh không ngưng nghỉ, nhanh hơn tất cả máy móc thời ngạc nhiên tợ như gặp người biến hóa rất nhanh; có phần cảm thấy như kinh hãi.
Có Pāḷi trình bày như vầy: Bhayattupaṭṭhānañāṇaṃ bhayāti na bhāyatitañhi atītāsaṅkhārā niruddhā paccuppannā nirujjhanti anāgatā nirujjhissantīti tīraṇamattameva hoti:[49] Bậc tu tiến đến họa hoạn tuệ có phải sợ hay chăng? Đáp chẳng phải thật sợ, vì người đến tuệ này vẫn niệm tỏ ngộ pháp hữu vi đều nhận thấy phần diệt của pháp quá khứ, hiện tại và vị lai đều mất luôn.
(5) Ādīnava-ñāṇa = ‘tội quá tuệ’ là tuệ thấy rõ lỗi, khuyết điểm và bất toại nguyện trong danh-sắc (nāma-rūpa) vì chúng đáng sợ, tợ như gặp rất nhiều người vừa thấy mặt rồi đi mất luôn thật đáng trách, những cách ấy đều không nên vì cũng như không có.
(6) Nibbidā-ñāṇa = ‘phiền yểm tuệ’ là tuệ tỏ ngộ sự chán nản hay ghê tởm danh-sắc (nāma-rūpa) vì chúng luôn diệt và mang đến sự bất toại nguyện, tợ như người khi nghe nói đến nhân vật nào thì họ đều chết cả rồi nên rất chán không muốn thấy nghe nữa.
Có Pāḷi như vầy: Aniccā vata saṅkhārā…: Chư hành vô thường…
Bậc tỏ ngộ đến tuệ này cũng gọi là tiểu Tu đà hoàn (Cūḷasotā). Có hai bài Pāḷi như sau:
Iminā pana ñāṇena samannāgato vipassako buddhasāsane laddhassāso laddhapatiṭṭho niyatagatiko cūḷasotāpanno nāma hoti:[50]
Khi bậc tu quán tỏ ngộ đến tịnh hành đầy đủ nương tâm nhẹ nhàng chí hướng nhất định đặng danh là tiểu Tu đà hoàn trong Phật giáo.
Aparihīnakaṅkhāvitaraṇasuddhiko vipassako lokiyāhi sīlasamādhipaññāsampadāhi sammannāgatattā uttari upaṭivijhantopi sugatiparāyano hotīti vuttaṃ niyutagatikoti tato eva cūḷasotāpanano nāmāti:[51]
Bậc tu quán tỏ ngộ đến tịnh hành mà không thối chuyển vì đầy đủ giới, định, tuệ trong đời. Dù chưa đắc đạo quả, nhưng chí hướng rất tốt, Phật Ngài nói bậc ấy cương quyết, do đó đặng gọi là tiểu Tu đà hoàn.
(7) Muñcitukamyatā-ñāṇa = ‘dục thoát tuệ’ là tuệ tỏ ngộ pháp hành vi quá chán nản và dĩ nhiên sẽ phải móng (muốn) xa lìa, muốn thoát khỏi sự vướng víu của danh-sắc (nāma-rūpa) (vì thấy rõ lỗi và chán nản về danh-sắc luôn diệt tắt) do tuệ không chịu với cách đáng chán ấy. Đối với pháp hữu vi phát ra nhận thức như vậy, đó gọi là dục thoát tuệ.
Có chú giải Pāḷi (rất dài), đại ý như vầy: Sau khi chán nản những sự tiêu diệt của danh-sắc thì đâm ra muốn thoát khỏi danh-sắc, nên gọi là dục thoát tuệ.
(8) Paṭisaṅkhā-ñāṇa = ‘quyết ly tuệ’ là tuệ quán lại danh-sắc (nāma-rūpa) và năm uẩn cốt để từ đó cố gắng cương quyết xa lìa, thoát khỏi danh-sắc, đó gọi là quyết ly tuệ.
(9) Saṅkhārupekkhā-ñāṇa = ‘hành xả tuệ’ là tuệ dửng dưng về sự sanh diệt của danh-sắc (nāma-rūpa) và pháp hành bị trợ tạo vẫn coi như thường, vì tuệ quyết ly dù biết thế nào cũng chưa thể vượt khỏi ngoài cảnh ngũ uẩn. Tợ như người quyết tránh điều gì đó nhưng không khỏi, thì vẫn đối diện như thường. Hay là tợ như người quá lo việc chi, rốt cuộc không thành thời đành xuôi tay, gặp như không gặp, như câu nói: “Người muốn như thế như thế, lẽ trời như vậy như vậy”, chúng ta học Phật nên tìm những nghiệp lý dĩ nhiên dĩ nhiên.
(10) Anuloma-ñāṇa = ‘thuận lưu tuệ’ là tuệ thuận vào đạo (magga).
Từ phổ thông tuệ đến hành xả tuệ đều lấy thủ uẩn làm cảnh tỏ ngộ vô thường, khổ não, vô ngã và sanh diệt. Nếu đủ căn và không trở ngại thì lộ tâm đắc đạo sẽ sanh luôn đến sơ, hoặc nhị, tam, tứ đạo. Trong lộ này, tuệ hợp với tâm thuận tùng (anuloma) gọi là tuệ thuận lưu (anulomañāṇa) hay là tuệ tích ngộ tứ đế (saccānulomikañāṇa). Có chỗ bớt tuệ phổ thông còn chín (9). Hoặc có chỗ bớt tuệ phổ thông và thuận lưu còn tám (8). Nếu kể 16 tuệ là thêm 4 tuệ sau gồm ‘tuệ chuyển tánh’ (gotrabhūñāṇa), ‘tuệ đạo’ (maggañāṇa), ‘tuệ quả’ (phalañāṇa), ‘tuệ phản khán’ (paccavekkhaṇañāṇa) và 2 tuệ trước là tuệ thấy dạng danh-sắc sanh diệt là ‘chỉ định danh-sắc tuệ’ (nāmarūpaparicchedañāṇa), tuệ thấy dạng nguyên do danh-sắc sanh diệt là ‘hiển duyên sanh sắc tuệ’ (nāmarūpapaccayapariggahañāṇa).
Những tuệ nêu trên trước đạo, quả là nhân trực tiếp. Còn nhân gián tiếp cách 1 đời sắp lên để giúp nên đạo, quả là pháp độ (pāramī) cần phải đầy đủ tùy bậc.
Người sẽ đắc đạo, quả có hiện tượng 5 điều, gọi là:
Ngũ đoán hiện thế đắc đạo: (i) Phải trọn tin Tam bảo và ông thầy dạy hành đạo trúng, (ii) Phải là người khoẻ mạnh, không bệnh hoạn, (iii) Phải không có đố kỵ với thầy và bạn tu, (iv) Phải có sự tinh tấn hy sinh hành đạo, dù cho gầy ốm chỉ còn da, gân, xương cũng không thối chuyển, (v) Phải là người hành đạo đặng đến kiến sanh diệt tuệ.
Người có hiện tượng 5 điều ngũ đoán (hiện thế đắc đạo), trước phải có thất nhân đắc đạo hiện thế, nguyên do nhờ các đời quá khứ tạo pháp độ (pāramī).
Thất nhân đắc đạo hiện thế: (i) Phải là người tam nhân, (ii) Kiếp trước đã tạo thập độ liên quan với pháp quán, (iii) Đời này phải có sự tinh tấn, (iv) Hành đạo đúng với chánh tạng và chú giải, (v) Phải có chỗ vừa với cách hành đạo, (vi) Phải không có thập oái niệm (palibodha), (vii) Phải có thì giờ đầy đủ.
‘Vimokkha’ nghĩa là ‘giải phóng, phóng thích hay giải thoát’, chỉ cho sự thoát khỏi sự vướng víu của danh-sắc (nāma-rūpa), tức là thoát khỏi vòng tái tục hay luân hồi (saṁsāra) khổ.
Ở đây, giải thoát (vimokkha) đại diện cho đạo-quả (magga-phala) là pháp giải thoát khỏi những phiền não (kilesa).
(1) Suññata-vimokkha = không tánh giải thoát là giải thoát xuyên qua những khái niệm trống không bằng quán vô ngã (anattānupassanā).
‘Suññata = không tánh hay rỗng không, ở đây nghĩa là sự vắng mặt của ngã, ta (atta) hay bất cứ thực thể trường cửu nào trong danh-sắc (nāma-rūpa) và năm uẩn. Thiền sinh (yogī), người tu quán vô ngã (anattānupassanā) thấy rõ khái niệm rỗng không này và nếu vị ấy đạt đến giải thoát trong khi tu quán vô ngã (anattānupassanā), đạo-quả (magga-phala); giải thoát của vị ấy được gọi là ‘không tánh giải thoát’.
(2) Animittata-vimokkha = ‘vô tướng hay vô ấn chứng giải thoát’ là giải thoát xuyên qua khái niệm vô tướng bằng quán vô thường (aniccānupassanā).
‘Animitta’ nghĩa là dấu hiệu, ký hiệu, hình ảnh, cảnh, tướng, ấn tướng, v.v… Do đó, ‘animitta’ nghĩa là vô tướng, vô ấn chứng, phi cảnh, v.v…Trong khi tu quán vô thường (aniccānupassanā), suốt thời gian thiền sinh (yogī) quán liên tục sự diệt của danh-sắc (nāma-rūpa) trong năm uẩn. Trong năm uẩn siêu lý, không có pháp nào khác ngoài danh, sắc uẩn, không có hình tướng, hình dáng, hay bất cứ ký hiệu hay hình ảnh nào. Cho nên, trong khi thiền sinh (yogī) quán liên tục sự diệt của danh-sắc (nāma-rūpa), vị ấy quán thấy hoàn toàn không có hình dạng hay dấu hiệu; vị ấy có khái niệm về vô tướng hay vô ấn chứng. Nếu vị ấy giải thoát khỏi những phiền não xuyên qua quán vô thường (aniccānupassanā), đạo-quả (magga-phala); giải thoát của vị ấy được gọi là ‘vô tướng hay vô ấn chứng giải thoát’.
(3) Appaṇihita vimokkha = ‘Vô nguyện hay phi nội giải thoát’ là giải thoát khái niệm về vô nguyện bằng quán khổ não (dukkhānupassanā).
Thiền sinh (yogī) trong suốt thời gian tu quán khổ não (dukkhānupassanā) là quán tính bất toại nguyện hay khổ não của danh-sắc (nāma-rūpa) trong năm uẩn. Do đó, vị ấy không có sự ham muốn hay luyến ái dính mắc vào danh-sắc (nāma-rūpa). Nói cách khác, vị ấy có khái niệm về vô nguyện, vô cầu (appaṇihita). Và nếu vị ấy giải thoát khỏi những phiền não xuyên qua quán khổ não (dukkhānupassanā), đạo-quả (magga-phala); giải thoát của vị ấy được gọi là ‘Vô nguyện giải thoát’.
6. Ba Giải Thoát Môn (Vimokkha mukha)
‘Mukha’ nghĩa là ‘cửa, cổng hay môn’. Ba cửa giải thoát khỏi sự vướng víu của phiền não ám chỉ đến ba pháp quán.
(1) Quán vô ngã (anattānupassanā) là không tánh giải thoát môn (suññata-vimokkha-mukha).
Quán vô ngã giúp thấy rõ danh-sắc (nāma-rūpa) hữu vi bị tạo không là ta (atta) hay bản ngã. ‘Suññata’ chỉ cho ‘vô ngã’.
(2) Quán vô thường (aniccānupassanā) là vô tướng giải thoát môn (animitta vimokkhamukha).
Quán vô thường giúp bậc tu tiến hiểu về danh-sắc (nāma-rūpa) hữu vi bị tạo là không hình dáng, không ký hiệu hay không hình tướng. Vô tướng (animitta) chỉ cho tình trạng không ký hiệu, dấu hiệu hay tướng của danh-sắc (nāma-rūpa).
(3) Quán khổ não (dukkhānupassanā) là vô nguyện giải thoát môn (appaṇihitavimokkha-mukha).
Quán khổ não giúp thiền sinh hiểu về danh-sắc (nāma-rūpa) hữu vi bị tạo là chỉ có khổ não hay khổ sở. Nhờ đó, thiền sinh không phát triển ái (taṇhā) về danh-sắc (nāma-rūpa) hữu vi bị tạo. Appaṇihita chỉ cho trạng thái của vô nguyện.
___o0o___
Tuệ chót trong phần Thất Tịnh ở trang kế, bậc tu tiến có thể có hoặc không, cho nên trong văn lục bát có bài kệ như vầy:
“Níp-bàn, đạo, quả, Thánh nhân
Đắc rồi suy xét nghiệp dơn đã trừ,
Với mà phiền não còn dư
Có người chẳng xét thiệt hư chi nào.”
===>>>
___o0o___
Trong kinh Đại Niệm Xứ (Mahā-satipaṭṭhāna Sutta) có nêu rõ rằng: Con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh tuyệt đối và dập tắt tất cả khổ là “Bát Thánh đạo” (Aṭṭhaṅgikamagga).
Tám chi đạo có thể được chia thành ba nhóm gọi là tam học (sikkhā) (học và hành):
1. Sīla-sikkhā = giới học.
Giới học gồm có 3 chi đạo (magganga):
(1) Sammā vācā = chánh ngữ.
(2) Sammā kammanta = chánh nghiệp.
(3) Sammā ājīva = chánh mạng.
2. Samādhi-sikkhā = định học.
Đây cũng gồm 3 chi đạo:
(1) Sammā vāyāma = chánh tinh tấn.
(2) Sammā sati = chánh niệm.
(3) Sammā samādhi = chánh định.
3. Paññā-sikkhā = tuệ học.
Điều học này gồm có 2 chi đạo:
(1) Sammā diṭṭhi = chánh kiến.
(2) Sammā saṅkappa = chánh tư duy.
Dù chánh kiến (trí) dẫn dắt suốt lộ trình thanh tịnh, bậc tu tiến phải bắt đầu bằng giới học (sīla sikkhā) để thiết lập nền tảng cho lộ trình. Dựa trên nền tảng của giới (sīla), vị ấy nên phát triển định học (samādhi sikkhā) và dựa trên định, vị ấy nên tu tập pháp quán (vipassanā) để phát triển trí (paññā).
Do đó, trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhi Magga), tịnh giới (sīla visuddhi) đi trước và tịnh tâm (citta visuddhi) (là phần ám chỉ đến định học – samādhi sikkhā) theo sau. Năm thanh tịnh (visuddhi) còn lại tương ứng với tuệ học (paññā sikkhā).
Sự tiến triển dọc theo con đường tu tiến sẽ được đánh dấu bằng thất tịnh, đến tịnh kiến tuệ ((ñāṇadassanavisuddhi) cuối cùng là kết thúc lộ trình. Mỗi thanh tịnh đều có đặc điểm phù hợp với tuệ quán (vipassanā-ñāṇa) tương ứng. Những hiện tượng này cùng với những khía cạnh thiết thực của pháp chỉ (samatha) và pháp quán (vipassanā) được trình bày như sau.
1. Giới thanh tịnh (Sīla visuddhi)
Tịnh giới là giữ giới, từ ngũ giới trở lên.
Một cư sĩ có thể đạt đến ‘tịnh giới’ bằng cách hoàn thiện 3 chi đạo giới (sīla-maggaṅga):
(1) Chánh ngữ = là kiêng khem, tránh xa sự nói dối, nói vu khống, nói lời độc ác và nói lời nhảm nhí, vô ích.
(2) Chánh nghiệp = tránh xa sự sát sanh, trộm cắp và tà dâm.
(3) Chánh mạng = tránh xa sự nuôi mạng liên quan đến tà ngữ hay tà hạnh.
Một người có thể hoàn thiện phần giới trên bằng cách thọ trì ngũ giới. Sẽ tốt hơn nếu vị ấy thọ trì tám giới, chín hay mười giới.
Đối với tu sĩ, ‘tịnh giới’ gồm có bốn thanh tịnh giới (sīla):
(1) Biệt biệt giải thoát giới (pāṭimokkha saṁvara-sīla) là giới qui định cho chư Bhikkhu.
(2) Thu thúc môn quyền giới (indriya saṁvara-sīla) là chánh niệm để ngăn ngừa những phiền não phát sanh qua 5 môn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt và thân).
(3) Nuôi mạng thanh tịnh giới (ājīvapārisuddhi sīla) là giới liên quan đến nuôi mạng thanh tịnh.
(4) Quán tưởng giới hay nương theo duyên giới (paccayasannissita sīla) là giới quán xét mục đích sử dụng những thứ cần thiết của cuộc sống, hầu để ngăn ngừa sự phát sanh phiền não vì sử dụng chúng.
Người cư sĩ cũng nên thọ những giới trên, để những giới này phát triển; không chỉ trau dồi giới mà còn trau dồi cả danh pháp để chuẩn bị cho sự phát sanh của định. Dĩ nhiên, tám hay chín giới dùng làm giới thu thúc cho cư sĩ.
2. Tâm thanh tịnh (Citta visuddhi)
Tịnh tâm là việc tu đến tịnh cận (upacāra-samādhi) hay là tu đắc thiền.
Để thanh tịnh tâm, thiền sinh phải phát triển 3 chi đạo định (samādhi maggaṅga):
(1) Chánh tinh tấn thực hành thiền chỉ tịnh.
(2) Chánh niệm trên đề mục thiền.
(3) Chánh định chăm chú tâm trên cảnh đề mục của thiền.
Khi thiền tiến triển đến giai đoạn cận tu tiến (upacāra bhāvanā), đạt được lân cận hay cận định, tất cả pháp cái (nīvaraṇa) tạm thời bị khống chế, do đó, tâm cũng tạm thời được thoát khỏi những phiền não (kilesa). Khi ấy tâm được thanh khiết. Thiền sinh được cho là đạt được tịnh tâm (citta visuddhi) ở giai đoạn này.
Nếu thiền sinh có thể nâng định của vị ấy lên thiền định (jhāna samādhi) bằng cách tiếp tục tu tiến thiền cho đến khi đạt được kiên cố tu tiến (appanābhāvanā), kế đến tâm của vị ấy sẽ thoát khỏi những phiền não trong khoảng thời gian dài. Thiền định (jhāna samādhi) thì ổn định hơn nhiều so với cận định.
Trong Abhidhamma có nêu rõ rằng để đạt được tịnh tâm (citta visuddhi), bậc tu tiến phải đạt được hoặc cận định (upacāra samādhi) hoặc an chỉ định (appanāsamādhi)[52]. An chỉ định nghĩa là định hợp với năm thiền sắc giới (rūpāvacara jhāna) hay bốn thiền vô sắc (arūpāvacara jhāna).
Để đạt được tịnh tâm (citta visuddhi) bậc tu tiến phải ít nhất phát triển cận định. Nếu không, vị ấy không thể thâm nhập vào pháp siêu lý trong thiền quán và do đó không thể thành tựu tuệ quán.
Một nghiên cứu tỉ mỉ đã được thực hiện trong Trung tâm thiền Pa-Auk rằng: thiền sinh sẽ không thể thâm nhập vào thân để thấy nội tạng, thấy sắc siêu lý, những tâm (citta) trong lộ trình tâm và những sở hữu tâm (cetasika) phối hợp, nếu vị ấy không được trang bị bằng định nhãn, tức là tâm nhãn câu hành với cận định hay thiền định. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng định càng cao, lực thâm nhập vào pháp siêu lý càng lớn và vì thế cũng tốt hơn.
Độc giả cần nhớ sự so sánh của trạm xe. Nếu vị ấy bỏ qua một trạm, vị ấy không thể bắt kịp những trạm còn lại.
Nếu vị ấy không thể phát triển tịnh giới (sīla visuddhi), vị ấy chắc chắn không thể tu tập tịnh tâm (citta visuddhi). Nếu vị ấy không thể tu tập phần ‘tịnh tâm’, vị ấy chắc chắn không bắt được trạm kế tiếp, tức là tịnh kiến (diṭṭhi visuddhi) và v.v…
3. Kiến thanh tịnh (Diṭṭhi visuddhi)
Tịnh kiến là đắc tuệ tỏ ngộ, thấu rõ danh-sắc sanh diệt.
Được trang bị bằng định nhãn, trước tiên thiền sinh nhìn vào thân của vị ấy để thấy hàng ngàn và hàng ngàn bọn sắc (rūpa kalāpa) sanh và diệt liên tục không dứt. Vị ấy quán hay phân tách những bọn để biết sắc siêu lý – đó là sắc đất (pathavī), sắc nước (āpo), sắc lửa (tejo), sắc gió (vāyo), sắc cảnh sắc (vaṇṇa), sắc cảnh khí (gandha), sắc cảnh vị (rasa), sắc vật thực (ojā), sắc mạng quyền (jīvita rūpa), sắc nhãn thanh triệt (cakkhu pasāda), v.v… Kế đến, vị ấy mô tả mỗi sắc bằng ý nghĩa của trạng thái (lakkaṇa) nổi bật của nó, chức năng hay phận sự (rasa) của nó, thành tựu của phận sự hay cách hiện bày (paccupaṭṭhāna) đến tâm của thiền sinh và nhân cận (padaṭṭhāna) để trạng thái đó sinh khởi.
Tiếp đến, bậc tu tiến quán tâm của vị ấy bằng cách quán sát lộ trình tâm là chúng diễn tiến trong sự nối tiếp trong lộ. Vị ấy quán kỹ lưỡng tất cả tâm sanh trong tất cả sáu loại lộ (vīthi). Sau khi phân biệt mỗi tâm, vị ấy quán sở hữu tâm (cetasika) phối hợp với tâm (citta).
Bậc tu tiến kế đến trình bày mỗi tâm (citta) và mỗi sở hữu tâm (cetasika) bằng trạng thái (lakkhaṇa), phận sự (rasa), thành tựu (paccupaṭṭhāna), nhân cận (padaṭṭhāna) sau khi vị ấy hoàn thành với mỗi sắc (rūpa).
Bằng cách mô tả mỗi loại tâm, mỗi loại sở hữu tâm và mỗi loại sắc pháp trong tâm và thân của vị ấy, vị ấy thấy rõ rằng chỉ có thọ uẩn (vedanā), tưởng uẩn (saññā), hành uẩn (saṅkhāra), thức uẩn (viññāṇa) và sắc uẩn (rūpa) tồn tại và không có chi khác tồn tại như là ta (atta), của ta hay tôi.
Vị ấy hiểu rằng tập hợp của các bộ phận như bánh xe, láp, thân xe, ngựa, v.v… được gọi là chiếc xe ngựa. Cũng thế tập hợp của năm uẩn (khandha) được gọi là ‘tôi, bạn, anh ấy, cô ấy hay người, v.v…’.
Đến đây, cái thấy biết của vị ấy thoát khỏi khái niệm sai lầm về ‘tôi, bạn, anh ấy, cô ấy, ta, của ta hay người’ tồn tại. Vị ấy được gọi là đạt đến tịnh kiến (diṭṭhi visuddhi).
Khả năng mô tả, thấy theo mỗi loại tâm (citta), mỗi loại sở hữu tâm (cetasika) và mỗi loại sắc pháp (rūpa) bằng trạng thái (lakkhaṇa), phận sự (rasa), thành tựu (paccupaṭṭhāna), nhân cận (padaṭṭhāna) được gọi là chỉ định danh-sắc tuệ (nāma-rūpa-pariccheda-ñāṇa) (là tuệ phân biệt danh uẩn và sắc uẩn). Trí này là bước ngoặt của tịnh kiến (diṭṭhi visuddhi).
Lưu ý:
Cần phải mô tả tâm (citta), sở hữu tâm (cetasika), sắc pháp (rūpa) qua trạng thái (lakkhaṇa), phận sự (rasa), thành tựu (paccupaṭṭhāna), nhân cận (padaṭṭhāna) một cách hệ thống.
4. Đoạn nghi thanh tịnh (Kaṅkhā vitarana visuddhi)
Tịnh nghi là tu đến bậc tỏ ngộ đắc tuệ, ba tuệ trước: Tuệ tỏ ngộ danh pháp, sắc pháp là ‘chỉ định danh-sắc tuệ’ (nāmarūpa-paricchedañāṇa); tuệ quyết thấy rõ nguyên nhân danh-sắc là ‘hiển duyên danh-sắc’ (nāmarūpa-paccayapariggahañāṇa); tuệ tỏ ngộ thấy tam tướng phổ thông như vô thường, khổ não và vô ngã là ‘phổ thông tuệ’ (sammasañāna).
‘Kaṅkhā’ nghĩa là do dự, nghi. Thiền sinh có thể nghi ngờ về trí hay giới, tức là cách nghi, nghi ngờ. Chỉ có nghi ngờ giống với hoài nghi (vicikicchā) thì không thể chấp nhận và thuộc về nghiệp bất thiện là pháp cản trở nội tâm phát triển của bậc tu tiến.
Mười sáu pháp nghi đã liệt kê trong Kinh (Sutta), như là bài kinh thứ hai trong Trung bộ kinh (Majjhima Nikāya) như sau:
(a) Năm pháp nghi liên quan đến quá khứ:
(i) Tôi từng có mặt ở quá khứ chăng?
(ii) Hay, tôi không từng có mặt ở quá khứ chăng?
(iii) Tôi từng có mặt ở quá khứ ra sao?
(iv) Tôi từng có mặt ở quá khứ như thế nào?
(v) Tôi đã thay đổi từ trạng thái gì sang trạng thái gì ở quá khứ?
(b) Năm pháp nghi liên quan đến vị lai:
(i) Tôi sẽ có mặt ở vị lai chăng?
(ii) Hay, tôi sẽ không có mặt ở vị lai chăng?
(iii) Tôi sẽ có mặt ở vị lai ra sao?
(iv) Tôi sẽ có mặt ở vị lai như thế nào?
(v) Tôi sẽ thay đổi từ trạng thái gì sang trạng thái gì ở vị lai?
(c) Sáu pháp nghi liên quan đến hiện tại:
(i) Tôi có hiện hữu không?
(ii) Hay, tôi không có hiện hữu?
(iii) Tôi có hiện hữu những gì?
(iv) Tôi có hiện hữu ra sao?
(v) Tôi đến đây từ đâu?
(vi) Nó sẽ đi đâu?
‘Kaṅkhā vitaraṇa visuddhi’ nghĩa là ‘tịnh nghi’ tức vượt qua những ngờ vực hay thanh tịnh bằng cách khắc phục sự ngờ vực. Cho nên, để đạt đến giai đoạn thanh tịnh, bậc tu tiến cần vượt qua hay khắc phục 16 pháp nghi hay ngờ vực đã đề cập trên cũng như 8 loại nghi mô tả trong Abhidhamma (xem chương II, trang 83-84).
Do đó, bậc tu tiến cần biết đời quá khứ cũng như đời vị lai của mình và làm thế nào quá khứ, hiện tại và vị lai tương quan với nhau bằng pháp liên quan tương sinh (paṭiccasamuppāda).
Trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhi Magga) (II, 221 Myanmar) và chú giải Vô Tỷ Pháp (Abhidhamma aṭṭhakathā) (II, 189 Myanmar) cũng có nêu rõ rằng: Không có người nào, thậm chí trong mơ, giác ngộ mà không thấy pháp liên quan tương sinh bằng chính trí nhãn của vị ấy.
Để kết nối liên quan tương sinh danh pháp và sắc pháp quá khứ với danh, sắc pháp hiện tại, bậc tu tiến phải biết danh, sắc uẩn kiếp quá khứ cũng như kiếp hiện tại. Và nữa, liên quan tương sinh hiện tại với vị lai, bậc tu tiến cũng nên biết danh, sắc uẩn của kiếp vị lai.
Làm sao bậc tu tiến có thể biết danh-sắc quá khứ là pháp đã diệt hoàn toàn và pháp vị lai là pháp chưa sanh?
Khả năng của định tâm (samādhi) thì tuyệt diệu, phi thường. Chúng ta đã học về túc mạng thông (pubbenivāsānussati abhiññā) là pháp có thể nhớ hàng ngàn kiếp quá khứ của chúng sanh và vị lai thông (anāgataṁsañāṇa abhiññā) là pháp có thể biết những kiếp vị lai của chúng sanh.
Trong trường hợp thiền quán hay minh sát (vipassanā) chúng ta không cần đi đến giai đoạn thần thông (abhiññā) và chúng ta không có thần thông. Nhưng chúng ta cần có định (samādhi) và trí để quán thấy biết rõ danh-sắc (nāma-rūpa) cả hai nội phần (trong tự thân) và ngoại phần (trong thân của người khác). Tiếp đến chúng ta có thể truy dòng hay chuỗi sanh và diệt của danh-sắc (nāma-rūpa) ngược lại đến những kiếp quá khứ. Phương pháp này được mô tả trong Tương Ưng bộ (Saṁyutta Nikāya (II, 71 Myanmar), trong kinh Khajjaṇīya và hiện đang được áp dụng tu tập trong Trung tâm thiền Pa-Auk Tawya.
Danh, sắc uẩn vị lai cũng có thể được quán theo cách tương tự bằng cách xem xét những quả có thể có của năm nhân của kiếp hiện tại. Trong Trung tâm thiền Pa-Auk Tawya, thiền sinh thực hiện vài nghiệp thiện tại điện thờ bằng cách dâng đèn và hoa. Vị ấy thường lập nguyện và mong trở thành người mà vị ấy muốn vào kiếp kế tiếp ở vị lai là quả của nghiệp thiện. Vị ấy phân tích danh pháp và sắc pháp là pháp sanh trong lúc tu tập quán.
Kế tiếp, bậc tu tiến đi đến thiền đường chung và tu tập thiền cùng những thiền sinh khác. Vị ấy tu tập định, nhớ lại nghiệp thiện trước và lần nữa phân tách danh-sắc đang sanh ngay lúc ấy. Nếu vị ấy quán thấy kết quả cũng như trước, vị ấy cho rằng vị ấy có thể phân tích danh pháp và sắc pháp ngoại phần.
Nay dựa trên năm nhân hiện tại – tức là vô minh (avijjā), ái (taṇhā), thủ (upādāna), hành (saṅkhāra) và nghiệp hữu (kamma bhava) – vị ấy cố gắng hình dung kiếp vị lai sẽ được hình thành là một thành quả. Vị ấy có thể thấy cuộc sống giống như vị ấy lập nguyện và mong ước ngay lúc ở điện thờ, hay có thể không giống là trường hợp thường xảy ra hơn. Dù cho cuộc sống mới có ra sao, thiền sinh lần nữa phân tích danh-sắc (nāma-rūpa) của người mới và tương quan với năm quả vị lai – tức là thức, danh-sắc, sáu xứ, xúc và thọ (xem Chương VIII - Paccaya, phần 20 cách (ākāra)) với năm nhân hiện tại. Nếu vị ấy thật sự có thể quán năm quả vị lai đang bị trợ tạo là quả của năm nhân hiện tại, tiếp đến vị ấy chắc chắn bị thuyết phục rằng pháp hiện tại và pháp vị lai tương quan đúng theo pháp liên quan tương sinh.
Lý liên quan nhân quả được mô tả bằng liên quan tương sinh và 24 duyên của Vị Trí (Paṭṭhāna) là pháp liên quan nhân quả trọng yếu chi phối sự sanh diệt của danh pháp và sắc pháp xảy ra trong tự thân cũng như những người khác. Có những nhân trực tiếp nào đó mà thiền sinh quán sát.
Và nữa, trong mỗi lộ tâm (vīthi), những tâm thiện (kusala citta) sanh làm đổng lực (javana) nếu có khéo tác ý (yoniso manasikāra) và tâm những bất thiện (akusala citta) (hay nghiệp bất thiện hành) sanh làm đổng lực (javana) nếu không khéo tác ý (ayoniso manasikāra). Lần nữa, tùy theo những nghiệp hành này mà tâm tái tục cũng như những tâm quả khác sinh khởi trong kiếp sống kế.
Sắc uẩn được sinh do bốn nhân trợ – đó là nghiệp (kamma), tâm (citta), quí tiết (utu – tejo) và vật thực nội (āhāra – ojā). Những nhân này cùng với những quả của nó có thể được thấy sâu sắc bằng định (samādhi) nhãn.
Khi những nhân trực tiếp cũng như những nhân trọng yếu cho danh-sắc uẩn sinh được quán sát hoàn toàn kỹ lưỡng, thiền sinh (yogī) biết rõ rằng năm uẩn tạo thành mỗi chúng sanh do những nhân thích hợp riêng. Do đó, vị ấy có thể đoạn vô nhân kiến (ahetuka diṭṭhi) là sự hiểu, tin vào sự sanh của chúng sanh không do nhân nào trợ và bất đồng nhân kiến (visama hetuka diṭṭhi) là tin chúng sanh được tạo bởi một đấng tạo hóa.
Thêm nữa, từ khi thiền sinh quán sát liên tục chuỗi nhân và quả liên quan xảy ra đúng theo pháp liên quan tương sinh (paṭiccasamuppāda), vị ấy có thể đoạn vô hành kiến (akiriya diṭṭhi) là quan niệm không có quả của hành động, vô hữu kiến (natthika diṭṭhi), thường kiến (sassata diṭṭhi) là quan niệm về linh hồn và ngã là vô tận và đoạn kiến (uccheda diṭṭhi) là quan niệm linh hồn và ngã là hữu tận.
Nhiều thuyết đánh giá và lý luận đã và đang tác động đến nhân loại mà không phù hợp với lý liên quan nhân quả, tất cả những thuyết ấy phải bị loại.
Lúc này, tâm của thiền sinh (yogī) thoát khỏi tất cả tà kiến, do đó giai đoạn tịnh kiến (diṭṭhi visuddhi) được thêm sức mạnh. Bên cạnh đó, từ khi thiền sinh đã vượt qua tất cả 16 pháp nghi hay ngờ vực (kaṅkhā) đã đề cập trên cũng như hoài nghi (vicikicchā) mà chú ý đến pháp liên quan nhân quả, vị ấy được gọi là vượt qua tất cả ngờ vực (kaṅkhā). Do đó, vị ấy cũng đã đạt đến tịnh nghi (kaṅkhā vitaraṇa visuddhi).
Giới hạn của giai đoạn thanh tịnh này là tuệ thấy đúng như thật (yathā bhūta ñāṇa) [là tuệ có thể thấy rõ pháp siêu lý một cách chính xác] hay hiển duyên danh-sắc tuệ (paccaya pariggaha ñāṇa) là trí nắm lấy tất cả nhân của danh và sắc pháp.
Tiểu Dự Lưu/Thất Lai (Cūla-sotāpanna)
‘Sotāpanna’ là một bậc Thánh (Ariya) là bậc đoạn trừ hoàn toàn tà kiến (diṭṭhi) và hoài nghi (vicikicchā). Vị ấy sẽ không bao giờ tái tục trong cõi Khổ (Apāya) và vị ấy sẽ Nibbāna sau khi tái tục trong cõi Dục không quá bảy lần.
Đến giai đoạn này, thiền sinh đạt ‘chỉ định danh-sắc tuệ’ (nāmarūpaparicchedañāṇa) và hiển duyên danh-sắc tuệ (paccayaparigghañāṇa) tạm thời đoạn trừ tà kiến (diṭṭhi) và hoài nghi (vicikicchā) như đã trình bày ở trên. Cho nên, vị ấy giống như một bậc Nhập lưu hay Thất lai (Sotāpanna) nhưng vị ấy chưa phải là một bậc Nhập lưu hay Tu đà hoàn. Vị ấy được gọi là tiểu Tu đà hoàn (Cūla-sotāpanna). Vị ấy không còn bị tái tục vào cõi Khổ trong những kiếp tiếp theo sau.
Hai tuệ, tức là chỉ định danh-sắc tuệ (nāmarūpaparicchedañāṇa) và hiển duyên danh-sắc tuệ (paccayaparigghañāṇa) rất quan trọng. Chúng là những trí cơ bản trong pháp quán hay thiền minh sát và chúng thiết lập nền tảng để sinh khởi mười tuệ quán (vipassanāñāṇa) trong những giai đoạn sau. Hai tuệ này không gồm trong những tuệ quán (vipassanāñāṇa), vì chúng không tập trung trên ba trạng thái hay ba tướng phổ thông (tilakkhaṇa) của pháp hữu vi. Tuy nhiên, chúng để lộ ra thực tính của pháp siêu lý liên quan đến danh pháp (nāma) và sắc pháp (rūpa).
Hai tuệ này quan trọng vì chúng loại trừ ác và tà kiến (micchā diṭṭhi) và củng cố chánh kiến (sammā diṭṭhi). Tà kiến bị loại trừ vì đó là nguồn gốc của ước muốn và hành động xấu xa. Nó được nêu trong Tăng Chi bộ kinh (quyển I, kinh 22).
XVII. Phẩm Chủng Tử
1-10. Tà Kiến v.v...
1. Ta không thấy một pháp nào khác, này chư Bhikkhu, do pháp ấy, các pháp bất thiện chưa sanh được sinh khởi và các pháp bất thiện đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại, này chư Bhikkhu, như tà kiến. Với người có tà kiến, này chư Bhikkhu, các pháp bất thiện chưa sanh được sinh khởi và các pháp bất thiện đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại.
2. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các pháp thiện chưa sanh được sinh khởi và các pháp thiện đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại, này các Tỷ-kheo, như chánh kiến. Với người có chánh kiến, này các Tỷ-kheo, các pháp thiện chưa sanh được sinh khởi và các pháp thiện đã sanh đi đến tăng trưởng, quảng đại.
3. Ta không thấy một pháp nào khác, này chư Bhikkhu, do pháp ấy, các pháp thiện chưa sanh không sinh khởi và các pháp thiện đã sanh bị đoạn diệt, này chư Bhikkhu, như tà kiến. Với người có tà kiến, này chư Bhikkhu, các pháp thiện chưa sanh không sinh khởi và các pháp thiện đã sanh bị đoạn diệt.
4. Ta không thấy một pháp nào khác, này chư Bhikkhu, do pháp ấy, các pháp bất thiện chưa sanh không sinh khởi và các pháp bất thiện đã sanh bị đoạn diệt, này chư Bhikkhu, như chánh kiến. Với người có chánh kiến, này chư Bhikkhu, các pháp bất thiện chưa sanh không sinh khởi và các pháp bất thiện đã sanh bị đoạn diệt.
5. Ta không thấy một pháp nào khác, này chư Bhikkhu, do pháp ấy, tà kiến chưa sanh được sinh khởi, hay tà kiến đã sanh đi đến tăng trưởng, này chư Bhikkhu, như không như lý tác ý. Do không như lý tác ý, này chư Bhikkhu, tà kiến chưa sanh được sinh khởi, hay tà kiến đã sanh được tăng trưởng.
6. Ta không thấy một pháp nào khác, này chư Bhikkhu, do pháp ấy, chánh kiến chưa sanh được sinh khởi, hay chánh kiến đã sanh được tăng trưởng, này chư Bhikkhu, như như lý tác ý. Do như lý tác ý, này chư Bhikkhu, chánh kiến chưa sanh được sinh khởi, hay chánh kiến đã sanh được tăng trưởng.
7. Ta không thấy một pháp nào khác, này chư Bhikkhu, do pháp ấy, các chúng sanh sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, này chư Bhikkhu, như tà kiến. Các chúng sanh có đầy đủ tà kiến, này chư Bhikkhu, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
v.v…
Thêm nữa, trong Tăng Chi bộ kinh (quyển I, kinh 23) có nêu rằng:
9. Ðối với người có tà kiến, này chư Bhikkhu, phàm mọi thân hành hoàn toàn được thực hiện, được chấp nhận theo tà kiến, phàm mọi khẩu hành v.v... phàm mọi ý hành hoàn toàn được thực hiện, được chấp nhận theo tà kiến, phàm có tư tâm sở nào, phàm có quyết định nào, phàm có ước nguyện nào và phàm có các hành nào, tất cả pháp ấy đưa đến không khả lạc, không khả hỷ, không khả ý, đưa đến bất hạnh, đau khổ. Vì cớ sao? Vì tánh ác của tà kiến, này chư Bhikkhu.
Việt dịch – HT Thích Minh Châu
5. Đạo, phi đạo tuệ kiến thanh tịnh (Maggāmagga ñāṇadassana visuddhi)
Nói theo thập tuệ là từ tuệ thứ 2 đến thứ 9. Còn nói theo 16 tuệ là từ tuệ thứ 4 đến tuệ thứ 11 là tuệ thuận lưu (anulomañāṇa).
Tiêu chuẩn của tịnh kiến này là phổ thông tuệ (sammasana-ñāṇa) và phần đầu của tiến thoái tuệ (udayabbaya ñāṇa). Phổ thông tuệ (sammasana-ñāṇa) là tuệ có thể quán sát ba trạng thái hay ba tướng phổ thông (tilakkhaṇa) của danh-sắc (nāma-rūpa) trong năm uẩn. Tiến thoái tuệ (udayabbaya ñāṇa) là tuệ có thể quán sát sự sinh và diệt của danh-sắc siêu lý.
Đúng ra nói tu tiến pháp quán hay tu tiến minh sát (vipassanā bhāvanā) là quán ba trạng thái hay ba tướng phổ thông (tilakkhaṇa) của danh pháp và sắc pháp trong 31 cõi bắt đầu ở giai đoạn này. Có bốn phương pháp quán sát ba tướng phổ thông.
(1) Phương pháp quán theo nhóm (kalāpa sammasana) – đây là pháp quán tất cả pháp bị trợ tạo (hữu vi hành) hay danh-sắc (saṅkhāra hay nāma-rūpa) trong 31 cõi dưới dạng năm nhóm hay uẩn mà không phân biệt chúng thuộc về quá khứ, hiện tại hay vị lai.
Quán sát hay xem xét tất cả nhóm sắc trong 31 cõi đã từng sanh do nhân, vị ấy quán: “Đây là sắc uẩn có tính tiêu diệt và đổi thay, do đó nó vô thường (aniccā). Nó có tính chất đáng sợ vì nó diệt liên tục, do đó nó là bất toại nguyện và khổ (dukkhā). Nó không sở hữu thực tính chắc chắn là trạng thái không diệt. Cho nên nó không là ta, không là người, không là tự ngã hoặc ngã (atta). Nó là vô ngã (anattā).”
Kế đến, vị ấy lần lượt quán tất cả thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn (danh) và thức uẩn cùng cách như trên.
(2) Phương pháp quán theo dòng thời gian (addhāna sammasana) – phương pháp này quán pháp bị trợ tạo (hữu vi) trong 31 cõi theo dòng thời gian. Vị ấy chia pháp bị trợ tạo (hữu vi) thành nhóm (uẩn) quá khứ, nhóm (uẩn) hiện tại và nhóm (uẩn) vị lai. Vị ấy quán như thế này:
“Nhóm (uẩn) sắc trong kiếp quá khứ đã hoàn toàn diệt trong kiếp quá khứ. Nó không tiếp tục hay đi tiếp đến hiện tại. Vì tính diệt hay tiêu hoại đổi thay, nó là vô thường (aniccā). Vì tính chất đáng sợ của nó, nó là khổ (dukkhā). Vì tính chất nó không là ta, không là tự ngã hoặc ngã (atta). Nó là vô ngã (anattā).”
Kế tiếp, vị ấy quán thực tính của tất cả nhóm (uẩn) sắc trong kiếp hiện tại sẽ diệt trong kiếp này và sẽ không đi tiếp đến kiếp vị lai, vị ấy thiền trên nhóm (uẩn) sắc hiện tại là vô thường (aniccā), khổ (dukkhā) và vô ngã (anattā).
Vị ấy thiền cùng cách với bốn nhóm (uẩn) danh pháp, quán sát hay xem xét từng nhóm (uẩn) một.
(3) Phương pháp quán liên tục (santati sammasana) – phương pháp này quán pháp bị trợ tạo (hữu vi) trong 31 cõi dưới dạng những chuỗi liên tục.
Tu tập phương pháp này, thiền sinh chia những nhóm sắc trong một kiếp như là một chuỗi sắc (rūpa) nóng, một chuỗi sắc (rūpa) lạnh, v.v…Vị ấy tiếp tục thiền như vầy:
“Những chuỗi sắc (rūpa) nóng đã hoàn toàn diệt. Nó không đi tiếp đến những chuỗi sắc lạnh. Vì tính chất diệt, nó là vô thường (aniccā). Vì tính chất đáng sợ của nó, nó là khổ (dukkhā). Vì tính chất không là tự ngã (atta), nó là vô ngã (anattā).”
Tương tự, quán sát hay xem xét những lộ tâm khác nhau, vị ấy quán tâm lộ nhãn môn (cakkhudvāra vīthi citta) diệt ngay sau chúng được hình thành và chúng không đi tiếp đến tâm lộ nhĩ môn (sotadvāra vīthi citta), tâm lộ nhĩ môn cũng diệt ngay sau chúng được hình thành và chúng không đi tiếp đến tâm lộ tỷ môn (ghāna dvāra vīthi citta) và v.v… Cho nên chúng là vô thường (aniccā), khổ (dukkhā) và vô ngã (anattā) vì sự tiêu hoại đổi thay, đáng sợ và tính chất không là ngã của chúng.
(4) Phương pháp quán theo sát-na (khaṇa sammasana) – phương pháp này quán sát pháp bị tạo (hữu vi) trong 31 cõi theo sát-na. Vị ấy quán như vầy:
“Nhóm sắc pháp hay sắc uẩn hình thành trong sát-na quá khứ đã hoàn toàn diệt trong quá khứ. Nó không đi tiếp đến sát-na hiện tại. Vì tính chất hoại diệt của nó, nó là vô thường (aniccā). Vì tính chất đáng sợ của nó, nó là khổ. Vì tính chất không là ngã (atta), nó là vô ngã (anattā).”
“Nhóm danh hay danh uẩn, gồm tâm (citta) và sở hữu tâm (cetasika), sanh vào sát-na của tâm hữu phần vừa qua (atīta bhavaṅga) đã hoàn toàn diệt tại sát-na ấy. Chúng không đi tiếp đến sát-na của tâm hữu phần rúng động (calana bhavaṅga). Vì tính chất hoại diệt của chúng, chúng là vô thường (aniccā). Vì tính chất đáng sợ của chúng, chúng là khổ. Vì tính chất không là ngã (atta), chúng là vô ngã (anattā).”
“Nhóm danh hay danh uẩn, gồm tâm (citta) và sở hữu tâm (cetasika), sanh vào sát-na của tâm hữu phần rúng động (calana bhavaṅga) đã hoàn toàn diệt tại sát-na ấy. Chúng không đi tiếp đến sát-na của tâm hữu phần dứt dòng (upaccheda bhavaṅga). Vì tính chất hoại diệt của chúng, chúng là vô thường (aniccā). Vì tính chất đáng sợ của chúng, chúng là khổ. Vì tính chất không là ngã (atta), chúng là vô ngã (anattā).”
Thiền sinh có thể kéo dài phương pháp này cho đến khi trí của vị ấy có thể nắm lấy thực tính của danh pháp (nāma) và sắc pháp (rūpa).
Những thiền sinh ấy, người đã quán sát có hệ thống về năm uẩn trong hiện tại cũng như trong những kiếp quá khứ và vị lai, mô tả mỗi loại sắc pháp (rūpa), tâm (citta) và sở hữu tâm (cetasika) qua ý nghĩa của trạng thái (lakkhaṇa), phận sự (rasa), thành tựu (paccupaṭṭhāna) và nhân cận (padaṭṭhāna), cũng có tương quan những pháp siêu lý này y theo pháp liên quan tương sinh, những vị ấy có thể thấy một cách sâu sắc chuỗi dài của sanh và diệt của danh-sắc (nāma-rūpa) kéo dài từ khởi thủy kiếp quá khứ, cho đến kiếp hiện tại và kế tiếp đến những kiếp vị lai. Khi họ có thể thấy sự sanh và diệt của từng danh (nāma) và sắc (rūpa) pháp trong chuỗi dài, họ có thể thiền dễ dàng trên ba tướng phổ thông.
Theo kinh nghiệm của những thiền sinh ở Pa-Auk Tawya, chuỗi dài sanh và diệt của danh pháp và sắc pháp thì rất rõ ràng. Họ chỉ nhìn trạng thái sanh-diệt và quán vô thường (aniccānupassanā)[53] một lúc khoảng 10-15 phút, rồi bằng lối quán khổ não (dukkhānupassanā)[54] một lúc khoảng 10-15 phút nữa và lần nữa bằng lối quán vô ngã (anattānupassanā)[55] một lúc khoảng 10-15 phút.
Khi liên tục thiền hay quán và tuần tự luân phiên những cách quán, khả năng quán sát của họ về ba tướng phổ thông của danh (nāma) và sắc (rūpa) pháp trở nên tốt hơn và tốt hơn cho đến khi họ có thể thấy sát-na sanh, sát-na trụ và sát-na diệt của mỗi danh (nāma) pháp và sắc (rūpa) pháp. Đây là tột đỉnh của ‘phổ thông tuệ’ (sammasanañāṇa).
Kế tiếp, pháp bị trợ tạo (hữu vi) được quán sát theo lý liên quan nhân quả. Khi nhân sanh, quả sanh. Khi nhân diệt, quả cũng diệt. Nhân trợ duyên cho sắc (rūpa) sanh là vô minh (avijjā), ái (taṇhā), nghiệp (kamma) và vật thực (āhāra). Những nhân trợ duyên cho những sở hữu tâm (cetasika) sanh là vô minh (avijjā), ái (taṇhā), nghiệp (kamma) và xúc (phassa). Những nhân trợ duyên cho tâm sanh là vô minh (avijjā), ái (taṇhā), nghiệp (kamma) và danh-sắc (nāma-rūpa). Những điều này thiền sinh có thể quán thấy biết rõ trực tiếp.
Thiền hay quán theo cách này nhiều ngàn lần, tuệ quán của thiền sinh càng ngày càng tiến bộ cho đến khi vị ấy có thể thấy sát-na sanh và sát-na diệt của danh-sắc (nāma-rūpa) rất rõ. Ở giai đoạn này, thiền sinh ngưng xem xét liên quan nhân quả mà chăm chú trên sát-na sanh và sát-na diệt của danh-sắc (nāma-rūpa). Hiện tượng sanh và diệt của danh (nāma) và sắc (rūpa) uẩn trở nên rất rõ ràng khi tiến thoái tuệ (udayabbayañāṇa) là tuệ quán những hiện tượng này, cũng sanh.
Khi trí này tập hợp sức mạnh thì mười tùy phiền não (upakkilesa) thường sanh. Những tùy phiền não này rất rõ ràng và chúng cũng là tiêu chuẩn rất tốt để đánh giá vị ấy có thật sự đạt được Tiến thoái tuệ (udayabbaya ñāṇa) hay không.
Mười Tùy Phiền Não (Upakkilesa)
1. Hào quang (obhāsa) = những tia sáng phát ra từ thân do tuệ quán.
2. Hỷ (pīti) = năm loại hỷ (hỷ mà chưa từng xảy ra).
3. Yên tịnh (passaddhi) = cả hai thân và tâm và tâm thanh tịnh; là sự yên hay yên tịnh.
4. Tịnh tín (adhimokkha) = điều khiển khả năng tín mạnh mẽ.
5. Cần miễn (paggaha) = sự tinh tấn mãnh liệt hộ trợ cho tâm quán (vipassanā citta).
6. Lạc (sukha) = lạc thọ trong toàn thân do sắc tâm thiện (kusala cittajarūpa).
7. Trí (ñāṇa) = trí nhanh.
8. Cường niệm (upaṭṭhāna) = niệm cố định trên nghiệp xứ (kammaṭṭhāna).
9. Xả (upekkhā) = trung bình xả (tatramajjhatupekkhā) và khai môn xả (avajjanupekkhā). Pháp trước tương ứng với sở hữu trung bình (tatramajjattatācetasika) có thể quán sát những hiện tượng một cách rõ ràng; pháp sau nói đến tư (cetanā) phối hợp với tâm khai môn là tâm phản khán hay phản chiếu những hiện tượng một cách nhanh chóng.
10. Ái dục/dục cầu (nikanti) = sự tham luyến, dính mắc nhẹ vào tuệ quán (vipassanāñāṇa) là trí câu hành với hỷ (pīti), yên tịnh (passaddhi), lạc (sukha) và hào quang (obhāsa).
Trong mười tùy phiền não đã đề cập trên, chỉ có ái dục/dục cầu (nikanti) thuộc về những phiền não (kilesa). Những tùy phiền não còn lại là những đặc tính thiện, nhưng khi những tùy phiền não này[56] sinh khởi với bậc tu tiến, vị ấy có thể phát triển kiến thủ (upādāna diṭṭhi) (tà kiến xảy ra trong tôi), ngã mạn (māna) (tự hào là chỉ có tôi sở hữu những phẩm chất phi thường này) và ái thủ (upādāna taṇhā) (tham luyến mạnh như cho rằng những đặc tính là của tôi). Tà kiến (diṭṭhi), ngã mạn (māna) và ái (taṇhā) làm ô uế thiền của vị ấy, vì chúng thật sự là những phiền não (kilesa).
Một vài thiền sinh (yogī) với kiến thức khiêm tốn về pháp (dhamma) có thể nghĩ lầm rằng họ đắc đạo (magga) và quả (phala) khi họ có hào quang, hỷ, yên tịnh và hạnh phúc đặc biệt khác thường.
Tất cả những người mà có tà kiến (diṭṭhi), ngã mạn (māna) và ái thủ (taṇhā) là đi trên tà đạo; thiền của họ sẽ bị dừng lại và thậm chí suy tàn.
Những người có đầy đủ kiến thức về pháp, biết rất rõ rằng những hiện tượng hào quang, hỷ, hạnh phúc, v.v… khác thường này chỉ là tùy phiền não (upakkilesa) và chúng chưa biểu trưng cho đạo (magga) hay quả (phala). Để đi trên chánh đạo, bậc tu tiến phải quán hay thiền trên sự sanh và diệt của những pháp bị trợ tạo (hữu vi).
Kiến thức này là pháp có thể phân biệt giữa phi đạo và đạo hay tà đạo và chánh đạo nên được gọi là tịnh kiến đạo-phi đạo tuệ (maggāmagga ñāṇadassana visuddhi). Thiền sinh sở hữu trí này được gọi là đạt được ‘tịnh kiến đạo-phi đạo tuệ’ hay ‘đạo-phi đạo tri kiến thanh tịnh’.
6. Tịnh mãn tuệ hay ‘hành tri kiến thanh tịnh’ (Paṭipadā[57] ñāṇadassana visuddhi)
Nói theo 16 tuệ là từ tuệ thứ 4 đến tuệ thứ 13 là tuệ chuyển tánh (gotrabhūñaṇa).
Hành tri kiến thanh tịnh tuệ từ phần sau của Tiến thoái tuệ (udayabbayañāṇa) đến cuối tuệ quán (vipassanāñāṇa), bao gồm chín tuệ quán trong tất cả. Những tuệ này phải được phát triển, lần lượt quán nghiêm túc và tích cực theo ba tướng của pháp bị trợ tạo (hữu vi hành) (saṅkhāra – nāma-rūpa).
Tiến thoái tuệ (udayabbayañāṇa) – sau khi đạt được đạo-phi đạo tri kiến thanh tịnh, lần nữa thiền sinh tu tập thiền quán một cách nghiêm túc, quán sát trên ba trạng thái hay ba tướng của pháp hữu vi với sự đặc biệt chú tâm đến hiện tượng sinh và diệt của pháp bị trợ tạo. Dần dần, Tiến thoái tuệ (udayabbaya ñāṇa) của thiền sinh sẽ trở nên mạnh mẽ và thuần thục.
Diệt một[58] tuệ (bhaṅgañāṇa) – khi tuệ quán của thiền sinh được phát triển dần dần, thiền sinh có thể ghi nhận sự sanh và diệt của danh-sắc càng ngày càng nhanh. Vì danh (nāma) và sắc (rūpa) đang sinh và đang diệt ở một tỷ lệ kinh khủng hàng tỷ lần trên một giây, không có thiền sinh nào có thể quán sát tất cả tâm (citta) và sở hữu tâm (cetasika) khi chúng sanh và diệt. Khi vị ấy có thể quán theo chúng khá nhanh, vị ấy sẽ không quán sát hiện tượng (pháp) sanh nữa; vị ấy chỉ quán sát hiện tượng diệt. Dù cho quán pháp nào đi nữa, vị ấy quán sự diệt của pháp bị trợ tạo (hữu vi).
Tuệ quán theo sự diệt liên tục của danh (nāma) và sắc (rūpa) pháp siêu lý được gọi là diệt một tuệ (bhaṅga ñāṇa). Nếu thiền sinh có thể quán ở ngay tiểu sát-na đang diệt của diệt một tuệ (bhaṅga ñāṇa), quán tiểu sát-na diệt của pháp bị trợ tạo (hữu vi) đó bằng một diệt một tuệ (bhaṅga ñāṇa) tiếp theo, thì diệt một tuệ (bhaṅga ñāṇa) của vị ấy đạt đến tột đỉnh của nó.
Họa hoạn tuệ (bhayañāṇa) – khi bậc tu tiến quán sát liên tục sự diệt không ngừng của pháp bị trợ tạo (hữu vi), vị ấy nhận thấy rõ tính chất đáng sợ hay kinh hãi, đáng sợ của danh-sắc (nāma-rūpa) và năm uẩn hiện hữu. Thiền sinh được gọi là đạt được họa hoạn tuệ (bhayañāṇa), tức là tuệ thấy rõ tính kinh hãi của danh-sắc (nāma-rūpa).
Tội quá tuệ (ādinavañāṇa) – khi thiền sinh sở hữu trí thấy rõ tính chất đáng sợ hay kinh hãi của danh-sắc (nāma-rūpa), vị ấy nhận thấy khuyết điểm và tính chất bất toại nguyện của danh-sắc (nāma-rūpa). Do đó, vị ấy đạt tội quá tuệ (ādīnavañāṇa), là trí thấy rõ khuyết điểm và tính chất bất toại nguyện của danh-sắc (nāma-rūpa).
Phiền yểm tuệ (nibbidāñāṇa) – khi thiền sinh thấy rõ khuyết điểm trong danh-sắc (nāma-rūpa) và biết rõ tính chất bất toại nguyện của pháp bị trợ tạo (hữu vi) ra sao, vị ấy phát triển cảm giác ghê tởm, chán nản những pháp này. Vị ấy không còn hoan hỷ sở hữu chúng. Vị ấy được gọi là phát triển phiền yểm tuệ (nibbidāñāṇa) là tuệ ghê tởm, chán nản danh-sắc (nāma-rūpa).
Dục thoát tuệ (muñcitukamyatāñāṇa) – khi thiền sinh đã chán nản trong danh-sắc (nāma-rūpa), pháp bị trợ tạo (hữu vi), vị ấy muốn thoát khỏi sự vướng mắc của danh-sắc (nāma-rūpa) cũng như cá mắc lưới ngư dân và như con ếch nhỏ trong miệng rắn muốn thoát ra. Do đó, dục thoát tuệ (muñcitukamyatāñāṇa) là trí mong muốn thoát khỏi sự vướng mắc của danh-sắc (nāma-rūpa), sanh trong tâm của thiền sinh.
Quyết ly tuệ (paṭisaṅkhāñāṇa) – thiền sinh, người muốn thoát khỏi lưới danh-sắc (nāma-rūpa), nhận thấy không có lối thoát nào khác ngoài thiền trên tam tướng của pháp hiện hữu trong năm uẩn cả hai nội và ngoại phần.
Có một ví dụ hay ở đây: Một ngư dân dùng một cái rổ tre hình cái chuông với phần đáy mở rộng để bắt cá (hay còn gọi là cái nơm). Ông ta đặt cái nơm xuống nước trong một con lạch cho đến khi chạm đáy. Ông ta cho tay vào bên trong cái nôm và quậy nước xem có con cá nào hay không. Nếu có cá, ông ta sẽ bắt nó. Bằng không ông ta tiếp tục tiến lên và đặt nơm.
Ngay khi tay ông ta chạm phải một vật như con cá. Ông ta túm lấy và kéo ra khỏi nước. Khi phần trên của con vật lên khỏi mặt nước, ông ta thấy ba sọc vòng quanh cổ của nó và ông ta biết đó là một con rắn mang bành. Con rắn có nọc độc có thể giết chết ông ta nếu nó có cơ hội cắn ông.
Ban đầu ông ta nghĩ rằng đã bắt được một con cá lớn, cho nên ông ta vui mừng. Tương tự, mỗi phàm phu cảm thấy vui mừng trong một cách tương tự về sở hữu thân và tâm vì họ chưa biết tính chất đáng sợ của danh-sắc (nāma-rūpa).
Khi người ngư dân đã thấy ba sọc trên cổ của con rắn, vị ấy biết đó là loại rắn mang bành rất nguy hiểm. Tương tự, khi thiền sinh thấy tam tướng và tính chất đáng sợ của pháp bị trợ tạo (hữu vi) (nāma-rūpa), vị ấy đạt được ‘họa hoạn tuệ’ (bhayañāṇa).
Khi người ngư dân thấy nguy hiểm, vị ấy gặp phải tình huống bất toại nguyện và con rắn làm cho chán nản. Thiền sinh cũng như thế, vị ấy thấy rõ tính chất đáng sợ của pháp bị trợ tạo (hữu vi), nhận thấy chúng là bất toại nguyện và bày tỏ sự chán nản về chúng. Những điều này tương tự với lúc thiền sinh tuần tự phát triển tội quá tuệ (ādinavañāṇa) và phiền yểm tuệ (nibbidāñāṇa).
Lúc bấy giờ, người ngư dân không còn vui khi có con rắn trong tay và ông ta mong muốn thoát khỏi con rắn một cách mạnh mẽ. Tương tự như trường hợp khi thiền sinh đạt được dục thoát tuệ (muñcitukamyatāñāṇa) và muốn thoát khỏi sự vướng mắc của danh-sắc (nāma-rūpa).
Người ngư dân muốn thoát khỏi con rắn, có đủ can đảm thả con rắn, vì nó sẽ cắn ông ta nếu ông ta không thả nó. Do đó dù muốn hay không, ông ta túm lấy con rắn, kéo nó ra khỏi nước, đưa nó lên khỏi đầu và quay nó ba hay bốn vòng, quăng nó ra xa hết mức có thể và hối hả lên bãi đất cạn.
Cùng cách ấy, thiền sinh người muốn thoát khỏi danh (nāma) và sắc (rūpa), không thể xao lãng[59] chúng và quên chúng. Vị ấy phải túm chặt lấy chúng bằng thiền trên tam tướng hiện hữu. Đây tương ứng với quyết ly tuệ (paṭisaṅkhāñāṇa).
Hành xả tuệ (sankharupekkhāñāṇa) – ngư dân, người đã quăng con rắn ra xa và hối hả lên bãi đất cạn, tức khắc cảm thấy an toàn và bình tĩnh. Trong cách tương tự, thiền sinh, người thiền nghiêm túc trên tam tướng của pháp bị trợ tạo (hữu vi), tức khắc phát triển sự bình thản đối với danh-sắc (nāma-rūpa). Vị ấy không còn chán nản hay tham luyến danh-sắc (nāma-rūpa). Vị ấy có thể giữ tâm quân bình trong khi quán sát thực tính của danh (nāma) và sắc (rūpa).
Ở đây, lần nữa có một minh họa hay. Một người đàn ông có một người vợ đẹp. Chúng ta có thể nghĩ rằng ông ta may mắn. Nhưng vẻ đẹp của vợ ông ta thu hút sự chú ý của những người đàn ông khác, vài người trong số đó dùng đủ mọi cách, mọi tiềm lực để thắng tình yêu của bà ấy. Nếu bà không trung thành hay nếu tâm của bà không vững chắc, bà có thể phạm tội ngoại tình.
Trường hợp vợ của người đàn ông này không trung thành, bà ta đi ra ngoài với vài người đàn ông. Chồng của bà ta rất khổ sở và ông cầu khẩn lòng trung thành của bà với ông. Bà từ chối làm theo. Bà vẫn cứ đi ra ngoài với những người đàn ông khác. Người chồng rất khó chịu và không thể chịu đựng cảnh ấy được nữa nên ông ly hôn với bà tại tòa án.
Sau đó, mặc dù người đàn ông biết rằng bà ta vẫn đi ra ngoài với những người đàn ông khác, ông ta không còn cảm thấy khó chịu về hành vi của bà, không còn bận tâm nữa.
Tương tự, thiền sinh, người đã phát triển hành xả tuệ (saṅkhārupekkhāñāṇa), có thể duy trì sự bình thản đối với danh-sắc (nāma-rūpa) và pháp bị trợ tạo (hữu vi) dù cho vị ấy đang quán liên tục sự diệt và tính chất bất toại nguyện của chúng.
Thuận lưu tuệ (anulomañāṇa) – thiền sinh có thể duy trì sự bình thản đối với danh-sắc (nāma-rūpa) và pháp bị trợ tạo (hữu vi), tiếp tục thiền của vị ấy trên ba tướng của pháp hiện hữu bằng ba tùy quán (anupassanā). Tuy nhiên, tâm của vị ấy không còn muốn quán sát pháp bị trợ tạo (hữu vi) mà tìm kiếm Níp-bàn (Nibbāna). Khi nào tâm không tìm Níp-bàn, nó sẽ vẫn cứ quán sát pháp bị trợ tạo (hữu vi). Tuy nhiên, khi tìm Níp-bàn, tâm rời khỏi pháp bị trợ tạo (hữu vi) và thâm nhập vào lĩnh vực Níp-bàn.
Ở đây, lần nữa chúng ta tìm một sự so sánh hay: Ngày xưa, các thủy thủ thường mang theo vài con quạ với họ trong những chuyến hải trình dài. Sau khi thuyền thả buồm được một số ngày nhất định, họ mong được thấy bờ. Nếu không có dấu hiệu của đất liền trong tầm ngắm, họ thả một con quạ bay theo hướng của con thuyền đang đi. Con quạ sẽ bay xa nhất có thể. Nếu không tìm ra đất liền, nó quay lại chiếc thuyền và đáp trên cột buồm.
Sau khi tiếp tục thả buồm vài ngày, thủy thủ lần nữa thả một con quạ ra. Con quạ sẽ bay xa nhất có thể. Nếu không thấy đất liền, nó sẽ quay lại. Nhưng nếu nó tìm thấy đất liền, nó sẽ không quay lại con thuyền. Dựa vào đó, những thủy thủ biết rằng đất liền ở gần và thả buồm cho con thuyền theo hướng vào đất liền.
Cũng thế, quán sát tâm cứ quay trở lại hành xả tuệ (saṅkhārupekkhāñāṇa) khi chưa thấy Níp-bàn. Một khi thấy Níp-bàn, nó không quay lại mà tiến lên về phía Níp-bàn qua lộ đắc đạo (magga vīthi). Lộ đắc đạo (magga vīthi) được đề cập trong Chương IV – phần Lộ đắc đạo kiên cố có diễn tiến như sau:
Theo ký tự Pāḷi:
Manda paññā (tuệ chậm) Na-Da-“Ma-Pa-U-Nu-Go-Mag-Pha-Pha”-Bha…
Tikkha paññā (tuệ nhanh) Na-Da-“Ma -U-Nu-Go-Mag-Pha-Pha-Pha”-Bha…
Theo ký tự Việt:
Manda paññā (tuệ chậm) R-D-“K-Ẩ-Ậ-U-B-Ạ-Ả-Ả”-H-…
Tikkha paññā (tuệ nhanh) R-D-“K-Ậ-U-B-Ạ-Ả-Ả-Ả”-H-…
Trong những lộ trên, tuệ quán phối hợp với Ẩ-Ậ-U (Pa-U-Nu) được gọi là thuận lưu tuệ (anulomañāṇa).
Pa = parikamma = chuẩn bị
U = upacāra = cận đạo
Nu = anuloma = thuận lưu - sự thích thú, sự kết nối, làm hài hòa, cân đối, hòa hợp những tâm thấp với những tâm cao.
Go = gotrabhū = chuyển tánh là tâm cắt đứt dòng phàm và thành dòng Thánh (Ariya).
Trong những lộ trên, những tâm chuẩn bị (parikamma), cận hành (upacāra) và thuận lưu (anuloma) lấy tam tướng (tilakkhaṇa) làm cảnh và cho nên chúng được bao gồm trong những tâm quán hay tâm minh sát.
Chuyển tánh tuệ (gotrabhūñāṇa)
Chuyển tánh (gotrabhū), mặt khác lấy Níp-bàn (Nibbāna) mà không lấy tam tướng (tilakkhaṇa) làm cảnh, cho nên nó không được gồm trong những tâm quán hay tâm minh sát. Tuệ quán hay tuệ minh sát (vipassanāñāṇa) phối hợp với chuyển tánh (gotrabhū) được gọi là tuệ chuyển tánh (gotrabhūñāṇa).
Đạo tuệ (maggañāṇa) và quả tuệ (phalañāṇa)
Chuyển tánh (gotrabhū) vạch ra con đường hướng về Níp-bàn (Nibbāna). Tâm đạo (magga citta) và tâm quả (phala citta) theo ngay sau lấy Níp-bàn làm cảnh. Trí (paññā) phối hợp với đạo (magga) và quả (phala) tuần tự được gọi là đạo tuệ (maggañāṇa) và quả tuệ (phalañāṇa).
Đạo tuệ (maggañāṇa) chỉ phát sanh một lần và rất mạnh mẽ. Nó cùng lúc thực hiện bốn chức năng – (1) nhận chân khổ đế hay sự thật về khổ, (2) đoạn tận tham ái là nhân của khổ, (3) thấy rõ Níp-bàn và (4) hoàn toàn phát triển tám chi đạo.
“Như người du hành ban đêm thấy phong cảnh xung quanh vị ấy nhờ vào một tia chớp hay sấm và hình ảnh vẫn tồn tại khá lâu sau đó. Thiền sinh cũng thế, với ánh sáng chớp nhoáng của tuệ quán, nhìn thoáng qua Níp-bàn (Nibbāna) một cách rõ ràng mà sau đó hình ảnh không bao giờ phai nhạt trong tâm của vị ấy.”
(Dr. Paul Dahlke)
Sát-na quả (phala) sanh liền kề ngay sau sát-na đạo (magga). Đây là lý do tại sao pháp (dhamma) được gọi là quả liền kề (akālika).
Phản khán tuệ (pacavekkhaṇañāṇa)
Sau lộ đắc đạo (maggavīthi) và một vài tâm hữu phần (bhavaṅga citta), năm lộ phản khán (pacavekkhaṇañāṇa vīthi) thường sanh. Với những lộ này, thiền sinh (1) phản khán đạo, (2) phản khán quả, (3) phản khán Níp-bàn mà vị ấy đã thấy, (4) phản khán phiền não (kilesa) mà vị ấy đã đoạn trừ và (5) phản khán phiền não (kilesa) mà vị ấy chưa đoạn trừ.
Tuệ phối hợp với tâm đổng lực phản khán (pacavekkhaṇañāṇa javana citta) được gọi là tuệ phản khán (pacavekkhaṇañāṇa ñāṇa).
Mười sáu tuệ theo thứ tự
Cho đến lúc này, thiền sinh đã đạt được 16 tuệ (ñāṇa) – bao gồm, chỉ định danh-sắc tuệ (nāmarūpaparicchedañāṇa), hiển duyên danh-sắc tuệ (paccaya pariggahañāṇa), mười tuệ quán (vipassanañāṇa) [phổ thông tuệ (sammasanañāṇa) đến thuận lưu tuệ (anulomañāṇa)], chuyển tánh tuệ (gotrabhūñāṇa), đạo tuệ (maggañāṇa), quả tuệ (phalañāṇa) và phản khán tuệ (pacavekkhaṇañāṇa ñāṇa).
7. Tịnh kiến tuệ hay 'Tri kiến thanh tịnh' (Ñāṇadassana[60] visuddhi) về bốn đạo.
Trong Trung bộ kinh (Majjhima nikāya) – bài kinh số 24 “Trạm Xe” được đề cập so sánh bảy thanh tịnh (visuddhi) với bảy trạm xe. Người cưỡi trên xe ngựa thứ nhất và du hành đến trạm xe thứ hai. Kế đến, vị ấy cưỡi từ trạm xe thứ hai và di chuyển đến trạm xe thứ ba và v.v…
Cũng như cách ấy, bậc tu tiến làm cho giới của vị ấy đặng thanh tịnh hay ‘tịnh giới’ để đi đến điểm khởi đầu của ‘tịnh tâm’. Kế tiếp, vị ấy ‘tịnh tâm’ để đạt đến điểm khởi của ‘tịnh kiến’. Vị ấy ‘tịnh kiến’ để đạt đến điểm khởi của thanh tịnh bằng cách vượt qua sự do dự hay ‘tịnh nghi’. Bậc tu tiến đi theo cách này cho đến khi đạt được bốn đạo (magga) và quả (phala).
Trong Trung bộ kinh (Majjhima nikāya), Đức Phật có thuyết rằng mục tiêu thật sự và tột cùng không ở chỗ ‘tịnh giới’, hay ‘tịnh tâm’, hoặc ‘tịnh kiến’, v.v… mà là hoàn toàn giải thoát khỏi và dập tắt những phiền não (kilesa).
Tinh tấn từng giai đoạn thanh tịnh tâm bắt đầu với tịnh giới (sīla visuddhi). Khi đạt được tuệ thuận lưu thì sáu giai đoạn đầu được hoàn thành. Sự đạt được đạo (magga) và quả (phala) là giai đoạn cuối của sự thanh tịnh gọi là đạt đến tịnh kiến tuệ (ñāṇadassana visuddhi).
Tịnh kiến tuệ (ñāṇadassana visuddhi) bao gồm bốn đạo (magga) là pháp thấu đáo trực tiếp về bốn Thánh đế và từng giai đoạn thanh tịnh hóa tâm khỏi tất cả pháp phiền não (kilesa) được trình bày sau đây:
(1) Đạo Nhập lưu (Sotāpattimagga) – là đạo thứ nhất mà thiền sinh có thể đạt được. Nó có thể được nói chung chỉ cho giai đoạn đầu của dòng Thánh.
Sota = dòng chảy dẫn đến Níp-bàn (Nibbāna).
Āpatti = nhập vào lần đầu.
Magga = tám Thánh đạo.
Đạo Nhập lưu (Sotāpattimagga) đoạn trừ hai phiền não (kilesa) – tức là tà kiến (diṭṭhi) và hoài nghi (vicikicchā) và ba pháp triền (saṃyojana) – đó là thân kiến (sakkāyadiṭṭhi), hoài nghi (vicikicchā) và giới cấm thủ (sīlabbataparāmāsa).
Thân kiến (sakkāyadiṭṭhi) niềm tin riêng cho rằng sự phối hợp phức tạp của danh, sắc uẩn là người là tự ngã hay là tôi.
Hoài nghi (vicikicchā) hoài nghi về (1) Phật (Buddha), (2) Pháp (Dhamma), (3) Tăng (Saṅgha), (4) điều học, (5) đời quá khứ, (6) đời vị lai, (7) cả hai đời quá khứ và vị lai, (8) pháp liên quan tương sinh.
Giới cấm thủ (sīlabbataparāmāsa) là bám chặt vào cái thấy hay nhận định sai rằng chúng sanh trở nên thanh tịnh và được giải thoát bằng cách hành theo hạnh con bò và chó hay nghi thức và nghi lễ.
(2) Nhất lai đạo (Sakadāgāmi) – là đạo thứ nhì có thể đạt được và có thể được xem như giai đoạn thứ hai của dòng Thánh. Giai đoạn này không đoạn trừ thêm bất cứ pháp phiền não (kilesa) hay pháp triền (saṃyojana) nào còn lại, nhưng nó giảm sức mạnh của những phiền não này.
(3) Bất lai đạo (Anāgāmimagga) – là đạo (magga) thứ ba có thể đạt được và có thể được xem như giai đoạn thứ ba của dòng Thánh. Đạo này đoạn trừ thêm một phiền não (kilesa), đó là sân (dosa) và hai pháp triền nữa –là dục ái triền và sân độc triền.
Sân (dosa) = sân độc (paṭigha) = sân.
Kāmarāga = dục ái, tham luyến cảnh dục hay tham dục.
(4) Vô sanh đạo (Arahattamagga) – là đạo thứ tư mà thiền sinh có thể đạt được và đạo này có thể được xem như giai đoạn thứ tư và cũng là giai đoạn cuối của dòng Thánh. Đạo này đoạn trừ tất cả những phiền não và pháp triền (saṃyojana) còn lại.
Những Bậc Thánh (Ariya)
Có tám hạng người Thánh (Ariya) – đó là bốn người Thánh đạo (maggaṭṭha) và bốn người Thánh quả (phalaṭṭha). Người Thánh đạo (maggapuggala) chỉ tồn tại trong 1 sát-na tâm đạo. Sau khi tâm đạo (magga citta) diệt và nối tiếp bằng tâm quả, những vị ấy trở thành chư Thánh quả (phalaṭṭha).
Ví dụ, người Thánh đạo Thất lai (Sotāpattimaggapuggala) tồn tại trong sát-na tâm đạo Thất lai (sotāpattimaggacitta) đang sanh với vị ấy. Sau khi tâm đạo này diệt, tâm quả Thất lai (sotāpattiphalacitta) sanh với vị ấy và vị ấy được gọi là người Thánh quả Thất lai (Sotāpattiphalapuggala) hay người Dự lưu (Sotāpanna) kể từ sát-na này trở đi.
Nếu một người Thất lai (Sotāpanna) tu tiến pháp quán (vipassanā) thêm nữa, người ấy sẽ đạt Nhất lai đạo theo đúng trình tự. Trong lúc tâm đạo (magga) thứ nhì này đang còn, người ấy được gọi là một người Thánh đạo Nhất lai (Sakadāgāmimaggapuggala). Sau khi tâm đạo này diệt, tâm quả Nhất lai (sakadāgāmiphalacitta) sanh và người ấy được gọi là một người Thánh quả Nhất lai (Sakadāgāmiphalapuggala) hay người Nhất lai (Sakadāgāmi) kể từ sát-na này trở đi.
Một người Nhất lai (Sakadāgāmi) có thể tu tiến pháp quán (vipassanā) thêm nữa. Khi người ấy đạt đạo (magga) thứ ba, người ấy được gọi là một người Thánh đạo Bất lai (Anāgāmimaggapuggala) trong khi tâm đạo (magga citta) ấy đang còn. Khi tâm đạo ấy vừa diệt, tâm quả Bất lai (Anāgāmiphalacitta) sanh và người ấy được gọi là một người Thánh quả Bất lai (Anāgāmiphalapuggala) hay người Bất lai (Anagāmi) kể từ sát-na này trở đi.
Người Bất lai (Anāgāmi) có thể tu tiến pháp quán (vipassanā) thêm nữa và khi người ấy đạt đạo (magga) thứ tư, vị ấy trở thành một người Thánh đạo Vô sanh (Arahattamaggapuggala). Khi tâm đạo Vô sanh (arahattamaggacitta) vừa diệt, tâm quả Vô sanh (arahattaphalacitta) sanh và vị ấy trở thành một người Thánh quả Vô sanh (Arahattaphalapuggala) hay người Vô sanh (Arahat) kể từ sát-na này trở đi.
Do đó, bốn người Thánh đạo tồn tại trong một sát-na. Chỉ có bốn người Thánh quả thì tồn tại lâu. Trạng thái rõ rệt của chúng có thể được lưu ý như sau:
(1) Người Thất lai (Sotāpanna hay Sotāpan) là người đã đạt đạo Thất lai (Sotāpattimagga) và quả Thất lai (Sotāpattiphala). Vị ấy có thể hưởng sự vắng lặng của Níp-bàn (Nibbāna) bất cứ khi nào vị ấy muốn bằng cách phát triển trú trong thiền tương ứng với nhập thiền quả Thất lai (Sotāpattiphalasamāpatti).
Vị ấy được gọi là một người Dự lưu vì vị ấy đã nhập vào dòng chảy dẫn đến Níp-bàn. Dòng chảy tượng trưng cho tám Thánh đạo. Vị ấy không còn là một phàm phu (puthujjana), mà là một bậc Thánh (Ariya).
Một người Nhập lưu (Sotāpanna) đã đoạn tận hai phiền não nghiêm trọng nhất, đó là tà kiến (diṭṭhi) và hoài nghi (vicikicchā) và ba pháp triền (saṃyojana) căn bản – đó là thân kiến (sakkāyadiṭṭhi), hoài nghi (vicikkicchā) và giới cấm thủ (sīlabbataparamāsa). Vị ấy cũng có đoạn trừ những đặc tính thô của những phiền não (kilesa) còn lại – là những đặc tính mà có thể ném một chúng sanh xuống cõi Khổ. Do đó, đối với bậc Nhập lưu hay Thất lai thì cánh cửa của cõi Khổ đã đóng lại vĩnh viễn, hoặc vị ấy sẽ không trở thành một người phàm lần nữa.
Vị ấy có niềm tin vững chắc với Phật (Buddha), Pháp (Dhamma), Tăng (Saṅgha). Vị ấy cũng sẽ kiên định tuân theo năm giới và sẽ tránh xa khỏi phạm bất cứ một trong mười con đường của nghiệp bất thiện, tức là mười hành vi bất thiện (ducarita). Bốn tâm căn tham tương ưng kiến (diṭṭhigatasampayutta lobhamūlacittaṃ) và tâm căn si tương ưng hoài nghi (vicikicchāsampayutta mohamūlacitta) sẽ không bao giờ sanh với vị ấy.
Vị ấy có thể hưởng cảnh dục nhưng sẽ không tái tục hơn bảy lần trong cõi Dục (Kāmaloka). Vị ấy sẽ trở thành một Arahaṃ (Arahat) đúng theo trình tự và sau kiếp sống cuối, vị ấy sẽ Níp-bàn (Nibbāna) vĩnh viễn.
Có ba hạng người Thất lai (Sotāpanna):
i. Sattakkhattu parama sotāpanna = là bậc Níp-bàn sau bảy đời.
ii. Kolaṅkola sotāpanna = là bậc Níp-bàn sau hai đến sáu đời.
iii. Ekabījī sotāpanna = là bậc Níp-bàn sau một đời.
(2) Người Nhất lai (Sakadāgāmi hay Sakadagam) – một người Nhất lai (Sakadāgāmi) là người đã đạt đạo và quả Nhất lai (Sakadāgāmi magga và phala). Vị ấy có thể hưởng trạng thái vắng lặng của Níp-bàn bất cứ lúc nào vị ấy muốn bằng cách nhập thiền tương ứng với nhập thiền quả Nhất lai (Sakadāgāmi phala samāpatti).
Người Nhất lai (Sakadāgāmi) sẽ chỉ tái tục một lần trong cõi Dục. Vị ấy sẽ thành một Arahaṃ (Arahat) và sau kiếp sống cuối đó, vị ấy sẽ Níp-bàn vĩnh viễn.
Những tâm (citta) sanh với người Nhất lai (Sakadāgāmi) thì giống như những tâm sanh với người Thất lai (Sotāpanna) chỉ khác ở điểm là một người Nhất lai (Sakadāgāmi) nhập thiền quả Nhất lai (Sakadāgāmi phala samāpatti) thay vì nhập thiền quả Thất lai (Sotāpatti phala samāpatti).
So sánh với một người Thất lai, một người Nhất lai có ít lòng tham, tính tham hay tham ái (rāga), sân (dosa) và si (moha). Cho nên, vị ấy thanh tịnh hơn một người Thất lai (Sotāpanna).
Có sáu chủng người Nhất lai (Sakadāgāmi), đó là:
i. Người đắc Nhất lai (Sakadāgāmi) trong cõi Nhân loại và đạt Níp-bàn (parinibbāna) ở cõi Nhân loại.
ii. Người đắc Nhất lai (Sakadāgāmi) trong cõi Nhân loại và đạt Níp-bàn ở cõi Trời.
iii. Người đắc Nhất lai (Sakadāgāmi) trong cõi Trời và đạt Níp-bàn ở cõi Trời.
iv. Người đắc Nhất lai (Sakadāgāmi) trong cõi Trời và đạt Níp-bàn ở cõi Nhân loại.
v. Người đắc Nhất lai (Sakadāgāmi) trong cõi Nhân loại và sau khi tái tục một lần ở một cõi Trời, đạt Níp-bàn ở cõi Nhân loại.
vi. Người đắc Nhất lai (Sakadāgāmi) trong cõi Trời và sau khi tái tục một lần ở một cõi Nhân loại, đạt Níp-bàn ở cõi Trời.
(3) Người Bất lai (Anāgāmi hay Anāgam) – là người đã đắc Bất lai đạo và quả (Anāgāmi magga và phala). Vị ấy có thể hưởng trạng thái vắng lặng của Níp-bàn bất cứ khi nào vị ấy mong muốn bằng cách nhập thiền quả Bất lai.
‘Anāgāmi’ theo nghĩa đen là ‘không trở lại’. Một người Bất lai (Anāgāmi) sẽ không tái tục trở lại cõi Dục. Nếu vị ấy chưa đắc Arahaṃ (Arahat) trong kiếp hiện tại, vị ấy sẽ tái tục trong một cõi Phạm thiên hay Tịnh cư (Suddhāvāsa) là nơi mà vị ấy sẽ đắc Arahaṃ và Níp-bàn.
Từ khi người Bất lai đạo (Anāgāmimagga) đoạn trừ phiền não sân (dosakilesa) và hai pháp triền – đó là tham dục (kāmarāga) và sân hay khuể phẫn (paṭigha), một người Bất lai sẽ không còn phải trải nghiệm sự tức giận, sự tức tối, sự ghét, sự lo lắng, tuyệt vọng, sự sợ hãi và bất cứ sự khó chịu hay ưu thọ nào. Vị ấy cũng sẽ không thích thú dục lạc.
Tâm của vị ấy sẽ luôn trong sự yên tịnh và vị ấy sẽ thọ hưởng trạng thái vắng lặng của Níp-bàn bất cứ lúc nào vị ấy muốn bằng cách triển khai nhập thiền quả Bất lai (Anāgāmi phala samāpatti). Nếu vị ấy đắc tất cả 8 bậc thiền, vị ấy cũng có thể nhập thiền diệt (nirodha samāpatti); khi đó tất cả hoạt động của danh pháp (tâm và sở hữu tâm) tạm thời đình chỉ.
Có năm chủng người Bất lai (Anāgāmi):
i. Người đắc Vô sanh (Arahat) trong nửa đời đầu của kiếp sống ở cõi Tịnh cư nơi họ tái tục.
ii. Người đắc Vô sanh (Arahat) trong nửa đời sau của kiếp sống ở cõi Tịnh cư nơi họ tái tục.
iii. Người đạt phiền não Níp-bàn (kilesaparinibbāna) tức là Arahaṃ (Arahat) mà không phải nỗ lực rất nhiều.
iv. Người đạt phiền não Níp-bàn (kilesaparinibbāna) sau khi cố gắng rất nhiều.
v. Người không đắc Arahaṃ (Arahat) trong bốn cõi thấp của Ngũ Tịnh cư, nhưng đắc Arahaṃ (Arahat) trong cõi Tịnh cư cao nhất, tức là Sắc cứu cánh thiên (Akaniṭṭha).
(4) Người Arahaṃ hay Vô sanh (Arahat)
Một vị Arahaṃ (Arahat) là người đã đạt Arahaṃ đạo và quả (Arahatta magga và phala). Vị ấy có thể hưởng trạng thái vắng lặng của Níp-bàn bất cứ khi nào vị ấy muốn bằng cách triển khai nhập thiền quả Arahaṃ (Arahatta-phala-samāpatti). Vị ấy có thể nhập thiền diệt (nirodha samāpatti) nếu vị ấy đắc cả 8 bậc thiền.
Vì Arahaṃ đạo (Arahatta magga) đoạn trừ tất cả phiền não (kilesa), một Arahaṃ không có tham, sân, si, ngã mạn, tà kiến và những danh pháp bất thiện khác. Vị ấy không có tham luyến vào bất cứ pháp nào; do đó vị ấy thoát khỏi tất cả vướng víu. Vị ấy không xem bất cứ pháp nào là của vị ấy; cho nên vị ấy không có lý do cảm giác buồn nếu bị mất cắp một vật nào đó.
Vì vị ấy đã nhổ tất cả sân (giận, ghét, ác tâm) ra khỏi tâm, vị ấy không còn trải nghiệm ưu thọ là pháp phối hợp với tâm căn sân (dosamūlacitta). Tất cả mười hai tâm bất thiện (akusala citta) không còn sanh với vị ấy.
Tâm của vị ấy luôn thoát khỏi tất cả phiền não, luôn an trú trạng thái thanh khiết làm cho vị ấy là bậc cao nhất.
Vị ấy thật sự là một bậc Thánh xứng đáng được người, trời tôn kính và xứng đáng nhận của xả thí cúng dường đến vị ấy với mục đích hưởng phước trong kiếp hiện tại cũng như những kiếp vị lai.
Một vị Arahaṃ (Arahat), theo nghĩa đen là một bậc đáng tôn kính, không tạo nghiệp mới và không còn tái tục vì duyên trợ cho tái tục của vị ấy đã bị đoạn trừ.
Người Thất lai (Sotāpanna), người Nhất lai (Sakadāgāmi) và người Bất lai (Anāgāmi) được gọi là bậc Hữu học (Sekha), vì những vị này chưa hoàn toàn trải qua việc tu tập. Arahaṃ (Arahat) được gọi là bậc Vô học vì họ không cần trải qua bất cứ sự tu tập nào nữa.
Bậc Arahaṃ (Arahat) thấu rõ rằng việc được làm đã làm xong. Một gánh nặng của sự khổ cuối cùng đã quăng bỏ, tất cả ái và tất cả bóng dáng của vô minh đã bị tiêu hủy. Nay vị ấy đứng trên đỉnh cao hơn cả thiên giới, khác xa với những đam mê không thể kìm chế và phiền não của thế gian.
Có năm chủng Arahaṃ (Arahat)
i. Arahaṃ trí giải thoát (paññāvimutta Arahat) là bậc được giải thoát xuyên qua tuệ.
ii. Arahaṃ giải thoát lưỡng biên (ubhatobhāgavimutta Arahat) là bậc được giải thoát theo hai cách, đó là cách thiền vô sắc (arūpajhāna) và cách Thánh đạo (Ariyāmagga).
iii. Arahaṃ tam minh (tevijjā arahat) là bậc có ba minh.
iv. Arahaṃ lục thông (chalābhiññā arahat) là bậc có sáu thông (abhiññā).
v. Arahaṃ tứ tuệ phân tích (paṭisambhidāpatta arahat) là bậc có bốn tuệ, tức là tuệ biết về ý nghĩa của mỗi từ (Pāḷi), tuệ biết về căn nguyên của từ và tuệ xác định cùng với sự phân biệt xác đáng của ba tuệ đầu.
PHẦN KẾT
Cittena niyate loko
Tâm (citta) thống trị toàn bộ thế gian. Tâm của mỗi chúng sanh điều khiển chúng sanh, đưa đến mỗi hành động và định hướng vận mệnh của chúng sanh ấy.
Tâm của người nhân loại đã làm nên khoa học hiện đại, đã và đang phát triển rất nhanh và điều khiển tất cả khoa học kỹ thuật gồm năng lượng nguyên tử và vũ khí nguyên tử.
Tâm của người nhân loại đã định hình những văn hóa khác nhau trên thế giới và sẽ điều khiển những bàn tay kích hoạt vũ khí có khả năng hủy diệt nền văn minh nhân loại và loài người trên bề mặt của quả địa cầu.
Thật ra, tâm là một tác nhân quyền lực nhất trong tất cả thế giới. Tâm là pháp thao túng số mệnh của mỗi cá thể chúng sanh bị sanh trong cõi Khổ hay trong cõi Nhân loại hoặc trong một cõi Trời.
Cho nên hết sức quan trọng để hiểu về thực tính của tâm và phận sự của mỗi sở hữu hợp với tâm.
Không còn nghi ngờ gì, chỉ có Vô Tỷ Pháp của Đức Phật (Buddha Abhidhamma) có thể phân tích tâm chi tiết và mô tả chính xác những phận sự của tâm (citta) cùng những sở hữu tâm (cetasika) là những thành phần của tâm.
Hơn nữa, chỉ có Vô Tỷ Pháp của Đức Phật (Buddha Abhidhamma) là pháp đầy đủ và giải thích chính xác sự tương quan giữa những yếu tố khác nhau của tâm (danh pháp) và sắc pháp qua lý liên quan tương sinh đồ sộ là pháp mô tả mạnh mẽ những vòng luân hồi đã trải qua của mỗi cá thể.
Vô Tỷ Pháp (Abhidhamma) phơi bày rõ ràng lý thuyết cũng như những khía cạnh thực hành của tám Thánh đạo, cũng còn gọi là ‘trung đạo’. Bằng cách ấy, tâm được thanh lọc khỏi những phiền não qua bảy giai đoạn bằng cách tu tập pháp định (samādhi) và pháp quán minh sát (vipassanā).
Kinh nghiệm đạt được những hạnh phúc khác nhau vượt qua sự hưởng dục và thấy rõ sự vắng lặng duy nhất của Níp-bàn ngay trong kiếp sống này là rất thật. Vô Tỷ Pháp (Abhidhamma) chiếu sáng chánh đạo rực rỡ để giúp chúng sanh đạt đến mục tiêu cao nhất trong cuộc sống.
Mỗi người nên học Vô Tỷ Pháp một cách nghiêm túc và dùng kiến thức Vô Tỷ Pháp làm ngọn đuốc soi đường trong cuộc sống của vị ấy.
Cầu mong cho ngọn đuốc Vô Tỷ Pháp soi đường chiếu sáng mãi mãi.
Cầu mong cho tuệ tối thượng của Vô Tỷ Pháp luôn luôn khai sáng cả thế gian.
Dứt Chương 9 – Nghiệp Xứ (Kamaṭṭhāna).
Dứt Vô Tỷ Pháp Tập Yếu (Abhidhammattasaṅgaha).
[1] Hoặc tính theo cách thứ hai là: Tâm (1) + sở hữu tâm (thọ tính 5; tịnh, khinh, nhu, thích, thuần, chánh thân – tâm tính 6 = 50) + sắc thành tựu (18) + Níp-bàn (1) = 70 (và 10 sắc phi thành tựu, thành 80).
[2] Còn theo phần nhỏ thì có 27 (sẽ chia sau).
[3] Byāpāda = vyāpāda.
[4] Uddhacca: Điệu cử, trạo cử, phóng dật.
[5] Tự thị - nghĩa là tự coi mình là đúng là phải; tự đánh giá mình là cao và coi thường người khác.
[6] Tật đố - nghĩa là ghen ghét, như tật đố kẻ có tài.
[7] Bỏn xẻn – nghĩa là bủn xỉn.
[8] Ký có nghĩa là muốn, mong mỏi, hy vọng, gửi. Vô ký có nghĩa là không muốn, không mong mỏi, không có hy vọng, không ký gửi, không để lại. Pháp vô ký là pháp không là tốt hay xấu, thiện hay bất thiện là chỉ đến những pháp nào không có tính chất thiện cũng chẳng bất thiện chẳng phải là nhân thành tựu quả khổ hay quả vui.
[9] Sở hữu thọ hiệp với ngũ song thức không thành chi thiền. Xem thêm phần “chi thiền ưu” trong quyển Paramatthadīpanī (do ngài Ledi Sayadaw biên soạn, Bhikkhu Abhisiddhi – Tỳ kheo Siêu Thành biên dịch).
[10] Theo Abhidhammavatāra - Diệu Pháp Trác Tri (Việt dịch: Bhikkhu Abhisiddhi).
“Trong những tâm ấy, tâm vô nhân gọi là tâm không có chi đạo, chi thiền không có trong ngũ song thức.
1 tâm (tương ưng hoài nghi) có 2 chi đạo (tà tư duy, tà cần).
3 chi đạo (tà tư duy, tà cần, tà định) có trong 7 tâm (4 tâm bất tương ưng kiến, 2 tâm căn sân, 1 tâm tương ưng điệu cử).
4 chi đạo (chánh tư duy, chánh cần, chánh niệm, chánh định và tà kiến, tà tư duy, tà cần, tà định và chánh kiến, chánh cần, chánh niệm, chánh định) có trong 40 tâm (12 tâm dục giới bất tương ưng trí, 4 tâm tương ưng kiến và 24 tâm đáo đại (trừ sơ thiền).
5 chi đạo (chánh kiến, chánh tư duy, chánh cần, chánh niệm, chánh định) được thuyết trong 15 tâm (12 tâm dục giới tương ưng trí, 3 tâm sơ thiền).
7 chi đạo (trừ chánh tư duy) được thuyết trong 32 tâm (32 tâm siêu thế trừ sơ thiền).
8 chi đạo được thuyết trong 8 tâm (sơ thiền siêu thế).”
[11] Xem bộ Phân Tích, phần Quyền phân tích, câu 236-254; xem Thanh tịnh Đạo – Chương XVI Quyền, Đế xiển minh.
[12] Hay còn gọi là tuệ quyền.
[13] “Vị”– đây có nghĩa là chưa, không. “Vị tri”– là chưa biết. “Tri vị tri”– là biết pháp chưa từng biết. (Theo Từ điển Hán-Việt của Trần Văn Chánh – xuất bản 2005).
[14] “Dĩ”- là đã, rồi. “Dĩ tri” – là đã biết. “Tri dĩ tri” – là biết pháp đã biết, biết pháp từng biết. (Theo Từ điển Hán-Việt của Trần Văn Chánh – xuất bản 2005).
[15]“Cụ” – là đầy đủ. “Tri cụ” - là biết đầy đủ, đã biết thấu, đã biết rõ, đã thấu rõ. “Tri cụ tri” – là biết pháp đã biết đầy đủ, biết pháp đã biết rõ (Theo Từ điển Hán-Việt của Trần Văn chánh – xuất bản 2005).
[16] Xem bộ Pháp Tụ, câu 40-46, 224-230.
[17] Xem bộ Pháp Tụ, câu 193-195; xem bộ Phân Tích, phần Điều Học Phân Tích Phân Theo Diệu pháp – chia ngũ giới theo 8 tâm thiện dục giới, từ câu 770.
[18] Xem bộ Pháp Tụ, câu 78; xem bộ Phân Tích, câu 1081, 1087, 1096, 1098.
[19] Đẳng - bè phái, bè lũ, điều kiện cần thiết...
[20] ‘satipaṭṭhāna’: 念處-niệm xứ; 念的住立-trú để lập niệm; 念住-(niệm trú).
[21] Còn trí hiện diện trong 34 tâm.
[22] Thiền định còn gọi là an chỉ định.
[23] Đẳng giác nhiếp – tập hợp những điều cần yếu của giác ngộ.
[24] Xao động = không yên
[25] Vipallāsa hay vikāra có nghĩa là thay đổi…, “dị” đây có nghĩa là khác.
[26] “thể” hay cách.
[27] “tóm tắt” hay giản yếu.
[28] Hiển – hiện có, đang có, sự có thật.
[29] ‘ṭhāna’: 処–xứ, vị trí, nơi, chỗ, địa điểm; 場所-sở trường; 住処–trú xứ; 在定–định tại; 状態–trạng thái; 点–điểm; 理由-lý do; 原因–nguyên nhân; 道理– đạo lý.
[30] “trí” hay tuệ.
[31] Bất tịnh.
[32] Sato ti - catuhi kāraṇehi sato: Kāye kāyānupassanāsatipaṭṭhānaṃ bhāvento sato; vedanāsu - citte - dhammesu dhammānupassanāsatipaṭṭhānaṃ bhāvento sato. Aparehipi catuhi kāraṇehi sato: asatiparivajjanāya sato, satikaraṇīyānañca dhammānaṃ katattā sato, satipaṭipakkhānaṃ dhammānaṃ hatattā sato, satinimittānaṃ dhammānaṃ asammuṭṭhattā sato. Aparehipi catuhi kāraṇehi sato: satiyā samannāgatattā sato, satiyā vasitattā sato, satiyā pāguññatāya sato, satiyā apaccoropanatāya sato. Aparehipi catuhi kāraṇehi sato: sattattā sato, santattā sato, samitattā sato, santadhammasamannāgatattā sato. Buddhānussatiyā sato, dhammānussatiyā sato, saṅghānussatiyā sato, sīlānussatiyā sato, cāgānussatiyā sato, devatānussatiyā sato, ānāpānasatiyā sato, maraṇānussatiyā sato, kāyagatāsatiyā sato, upasamānussatiyā sato ’ti. Yā sati anussati paṭissati sati saraṇatā dhāraṇatā apilāpanatā asammussanatā sati satindriyaṃ satibalaṃ sammāsati satisambojjhaṅgo ekāyanamaggo, ayaṃ vuccati sati. Imāya satiyā upeto hoti samupeto upagato samupagato upapanno samupapanno samannāgato, so vuccati sato.
Có niệm: Có niệm do bốn nguyên nhân: Có niệm trong khi tu tập sự thiết lập niệm ở việc quan sát thân ở thân, —như trên— ở các thọ, —như trên— ở tâm, có niệm trong khi tu tập sự thiết lập niệm ở việc quan sát pháp ở các pháp. Hơn nữa, có niệm còn do bốn nguyên nhân khác: Có niệm do xa lánh thất niệm, có niệm do trạng thái đã thực hành các pháp cần phải thực hành đối với niệm, có niệm do trạng thái đã tiêu diệt các pháp đối nghịch với niệm, có niệm do trạng thái không lơ là đối với các pháp ấn chứng của niệm. Hơn nữa, có niệm còn do bốn nguyên nhân khác: Có niệm do trạng thái đã thành tựu về niệm, có niệm do trạng thái đã trú ở niệm, có niệm do trạng thái quen thuộc với niệm, có niệm do trạng thái không thối thất đối với niệm. Hơn nữa, có niệm còn do bốn nguyên nhân khác: Có niệm do trạng thái tự tại, có niệm do trạng thái an tịnh, có niệm do trạng thái tĩnh lặng, có niệm do trạng thái đã thành tựu pháp của bậc chân nhân. Có niệm do tùy niệm Phật, có niệm do tùy niệm Pháp, có niệm do tùy niệm Tăng, có niệm do tùy niệm giới, có niệm do tùy niệm xả thí, có niệm do tùy niệm Thiên, có niệm do niệm hơi thở vào - hơi thở ra, có niệm do tùy niệm sự chết, có niệm do niệm đặt ở thân, có niệm do tùy niệm Niết Bàn. Niệm là tùy niệm, niệm hiện tiền; niệm là sự nương tựa, sự ghi nhận, sự thâm nhập, sự không lơ là; niệm là niệm quyền, niệm lực, chánh niệm; niệm là niệm giác chi, con đường độc đạo; điều này gọi là niệm. Người đã tiến đến, đã tiến gần, đã tiến vào, đã tiến sát, đã tiếp cận, đã tròn đủ, đã thành tựu nhờ vào niệm này, người ấy được gọi là có niệm. (MAHĀNIDDESAPĀḶI - ĐẠI DIỄN GIẢI / 1. Kāmasuttaniddeso - Diễn Giải Kinh Về Dục / Việt dịch: Bhikkhu Indacanda. Nguồn: www.tamtangpaliviet.net)
[33] Brāhmaṇo ti sattannaṃ dhammānaṃ bāhitattā brāhmaṇo: Sakkāyadiṭṭhi bāhitā hoti, vicikicchā bāhitā hoti, sīlabbataparāmāso bāhito hoti, rāgo bāhito hoti, doso bāhito hoti, moho bāhito hoti, māno bāhito hoti, bāhitāssa honti pāpakā akusalā dhammā saṃkilesikā ponobhavikā sadarā dukkhavipākā āyatiṃ jātijarāmaraṇīyā.
Brāhma do đã loại trừ bảy pháp: Sự nhận thức sai về thân (thân kiến) được loại trừ, sự hoài nghi được loại trừ, sự bám víu vào tà giới (giới cấm thủ) được loại trừ, tham ái được loại trừ, sân được loại trừ, si được loại trừ, ngã mạn được loại trừ, v.v… (MAHĀNIDDESA / 4. Suddhaṭṭhakasuttaniddeso).
[34] Phóng tâm đi đến.
[35] Anussati – dịch là tùy niệm, niệm niệm, ghi nhớ luôn, chú tâm vào.
[36] ‘tha’ - ở đây có nghĩa là ‘khác’.
[37] Do dự.
[38] Vượt qua.
[39] Sự thực hành, đạo lộ.
[40] Kiến tuệ.
[41] “tùy” là theo. “Tùy quán” là quán theo.
[42] Pháp bản thể của tuệ (ñāṇa) là trí (paññā), nhưng khi so sánh sự sáng suốt giữa pháp dục giới và pháp kiên cố thì sự sáng suốt trong pháp kiên cố mạnh mẽ hơn. Cho nên sự sáng suốt trong pháp kiên cố thường dùng là ñāṇa – theo Việt ngữ được dịch là tuệ.
[43] Investigate = thẩm tra.
[44] Patis
[45] ‘taruṇa’ – 若-nhược trẻ, yếu, còn non, còn tơ, chưa rõ
[46] ‘Một’ ở đây có nghĩa là ‘dứt’. Theo từ điển Hán – Việt của Đào Duy Anh xuất bản vào năm 2010 , trang 458 thì “một” có nghĩa là chìm mất, chết, không có, lấy hết, giấu kín…
[47] Theo từ điển Hán – Việt của Đào Duy Anh xuất bản vào năm 2010 , trang 458 thì “một” có nghĩa là chìm mất, chết, không có, lấy hết, giấu kín…
[48] vis
[49] Vis. mahāṭīkā
[50] vis
[51] Vis. mahāṭīkā
[52] An chỉ định (appanā samādhi) còn gọi là định của những bậc thiền hay thiền định.
[53] Vô thường tùy quán.
[54] Khổ não tùy quán.
[55] Vô ngã tùy quán.
[56] [nhất là hào quang, hỷ, tịnh và hạnh phúc do lạc thọ, sự hăng hái do niềm tin vào tôn giáo mạnh mẽ, tuệ quán và khả năng quán sự sanh và diệt của những pháp bị trợ tạo (hữu vi) một cách nhanh chóng và dễ dàng]
[57] Sự thực hành, đạo lộ.
[58] Một - ở đây có nghĩa là dứt.
[59] Appamatto ti sakkaccakārī sātaccakārī aṭṭhitakārī anolīnavuttiko anikkhittachando anikkhittadhuro kusalesu dhammesu. ‘Kathāhaṃ aparipūraṃ vā sīlakkhandhaṃ paripūreyyaṃ, paripūraṃ vā sīlakkhandhaṃ tattha tattha paññāya anugaṇheyyan ’ti yo tattha chando ca vāyāmo ca ussāho ca ussoḷhī ca appaṭivāni ca sati ca sampajaññaṃ ca ātappaṃ padhānaṃ adhiṭṭhānaṃ anuyogo appamādo kusalesu dhammesu. ‘Kathāhaṃ aparipūraṃ vā samādhikkhandhaṃ paripūreyyaṃ, paripūraṃ vā samādhikkhandhaṃ tattha tattha paññāya anugaṇheyyaṃ ―pe― kusalesu dhammesu. ‘Kathāhaṃ aparipūraṃ vā paññākkhandhaṃ paripūreyyaṃ ―pe― vimuttikkhandhaṃ ―pe― vimuttiñāṇadassanakkhandhaṃ tattha tattha paññāya anugaṇheyyan ’ti yo tattha chando ca vāyāmo ca ussāho ca ussoḷhī ca appaṭivāni ca sati ca sampajaññaṃ ca ātappaṃ padhānaṃ adhiṭṭhānaṃ anuyogo appamādo kusalesu dhammesu. ‘Kathāhaṃ apariññātaṃ vā dukkhaṃ parijāneyyaṃ, appahīne vā kilese pajaheyyaṃ, abhāvitaṃ vā maggaṃ bhāveyyaṃ, asacchikataṃ vā nirodhaṃ sacchikareyyan ’ti yo tattha chando ca vāyāmo ca ussāho ca ussoḷhī ca appaṭivāni ca sati ca sampajaññaṃ ca ātappaṃ padhānaṃ adhiṭṭhānaṃ anuyogo appamādo kusalesu dhammesū ’ti ‘abbuḷhasallo caramappamatto.’
Không bị xao lãng: Là có sự thực hành nghiêm trang, có sự thực hành liên tục, có sự thực hành không dừng lại, có thói quen không biếng nhác, không buông bỏ mong muốn, không buông bỏ bổn phận trong các thiện pháp. Trong trường hợp ấy, cái gì là sự mong muốn, tinh tấn, nỗ lực, gắng sức, không thối chí, niệm, sự nhận biết rõ, sự năng nỗ, cần mẫn, quyết tâm, chuyên cần, không xao lãng trong các thiện pháp rằng: ‘Bằng cách nào ta có thể làm đầy đủ giới uẩn chưa được đầy đủ, hoặc bằng trí tuệ có thể bảo vệ giới uẩn đã được đầy đủ tại chỗ này chỗ này?’ ―nt― trong các thiện pháp rằng: ‘Bằng cách nào ta có thể làm đầy đủ định uẩn chưa được đầy đủ, hoặc bằng trí tuệ có thể bảo vệ định uẩn đã được đầy đủ tại chỗ này chỗ này?’ Trong trường hợp ấy, cái gì là sự mong muốn, tinh tấn, nỗ lực, gắng sức, không thối chí, niệm, sự nhận biết rõ, sự năng nỗ, cần mẫn, quyết tâm, chuyên cần, không xao lãng trong các thiện pháp rằng: ‘Bằng cách nào ta có thể làm đầy đủ tuệ uẩn chưa được đầy đủ, ―nt― giải thoát uẩn ―nt― có thể làm đầy đủ tri kiến giải thoát uẩn chưa được đầy đủ, hoặc bằng trí tuệ có thể bảo vệ tri kiến giải thoát uẩn đã được đầy đủ tại chỗ này chỗ này?’ Trong trường hợp ấy, cái gì là sự mong muốn, tinh tấn, nỗ lực, gắng sức, không thối chí, niệm, sự nhận biết rõ, sự năng nỗ, cần mẫn, quyết tâm, chuyên cần, không xao lãng trong các thiện pháp rằng: ‘Bằng cách nào ta có thể biết toàn diện về Khổ chưa được biết toàn diện, hoặc có thể dứt bỏ Tập chưa được dứt bỏ, hoặc tu tập Đạo chưa được tu tập, hoặc chứng ngộ Diệt chưa được chứng ngộ?’ ‘Có mũi tên đã được lấy ra, không bị xao lãng trong khi hành xử’ là thế ấy. (MAHĀNIDDESAPĀḶI - ĐẠI DIỄN GIẢI / Guhaṭṭhakasuttaniddeso dutiyo - Diễn Giải Kinh Nhóm Tám về Hang là thứ nhì. / Việt dịch: Bhikkhu Indacanda. Nguồn: www.tamtangpaliviet.net)
[60] Kiến tuệ.