THANH TỊNH ĐẠO
(VISUDDHIMAGGO)

PHẦN GIỚI

Nguyên tác: Buddhaghosa
Hướng dẫn: Hòa thượng Tịnh Sự ân sư.
Đặc trách phiên dịch: Bhikkhu Ngộ Đạo

Hoàn tất dịch thuật – mùa an cư 2529 - 1985

PL: 2556 - DL:2012

----

LỜI TỰA

Pháp được đức Thế Tôn khéo thuyết giảng có hiệu năng hướng thượng, đã được chư Thinh văn đệ tử luân phiên khẩu truyền, kết tập nhiều lần và duy trì cho mai sau. Đến khoảng 956 năm sau khi đức Như Lai viên tịch, Tam tạng Giáo thọ sư Buddhaghosa (Buddhaghosa) – một nhà luận sư lỗi lạc, một thiền sư hiền đức đã dịch Tam tạng Thánh điển ra ngôn ngữ Magadha, sáng tác bộ Thanh tịnh đạo chủ yếu giới, định, tuệ căn cứ vào Phật ngôn:

Trì giới người có trí
Tu tiến tâm và tuệ
Nhiệt tâm, mẫn Bhikkhu
Vị ấy thoát triền này.

Thanh tịnh đạo đã nói lên ý nghĩa căn bản con đường phạm hạnh, kim chỉ nam cho những ai tầm cầu đạo lộ chí thượng độc nhất thanh tịnh, vì ngoài nó ra không còn con đường nào khác hướng đến tuần tự tiến hóa. Và tầm quan trọng của nó được thể hiện phổ biến rộng rãi qua các xứ Quốc giáo khi nó là nền tảng cho các hành giả phát triển thiền quán.

Khi nào tuệ quán thấy
Tất cả hành vô thường
Tất cả hành khổ não
Tất cả pháp vô ngã
Khi ấy yểm ly khổ
Đó là Thanh tịnh đạo.

Thanh tịnh đạo phân tích thành ba phần, hai mươi ba chương như sau:

Phần thứ nhất: GIỚI (Có hai chương)

- Chương thứ nhất: Giới xiển minh.

- Chương thứ nhì: Trừ chi xiển minh.

Phần thứ nhì: ĐỊNH (Có mười một chương)

- Chương thứ ba: Thọ trì nghiệp xứ xiển minh.

- Chương thứ tư: Địa hoàn tịnh xiển minh.

- Chương thứ năm: Hữu dư hoàn tịnh xiển minh.

- Chương thứ sáu: Bất mỹ xiển minh.

- Chương thứ bảy: Lục tùy niệm xiển minh.

- Chương thứ tám: Hữu dư tùy niệm xiển minh.

- Chương thứ chín: Phạm trú xiển minh.

- Chương thứ mười: Vô sắc xiển minh.

- Chương thứ mười một: Định xiển minh.

- Chương thứ mười hai: Thần thông xiển minh.

- Chương thứ mười ba: Thắng trí xiển minh.

Phần thứ ba: TUỆ (Có mười chương)

- Chương thứ mười bốn: Uẩn xiển minh.

- Chương thứ mười lăm: Xứ, giới xiển minh.

- Chương thứ mười sáu: Quyền, đế xiển minh.

- Chương thứ mười bảy: Nền tảng tuệ xiển minh.

- Chương thứ mười tám: Kiến thanh tịnh xiển minh.

- Chương thứ mười chín: Đoạn nghi thanh tịnh xiển minh.

- Chương thứ hai mươi: Đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh xiển minh.

- Chương thứ hai mươi mốt: Hành tri kiến thanh tịnh xiển minh.

- Chương thứ hai mươi hai: Tri kiến thanh tịnh xiển minh.

- Chương thứ hai mươi ba: Quả báo tu tiến tuệ xiển minh.

Như vậy, Thanh tịnh đạo thâu nhiếp:

Không làm mọi điều ác

Thành tựu các hạnh lành

Giữ tâm ý trong sạch

Đó lời chư Phật dạy.

Do đó:

Tham ái tự thân hãy cắt ngang

Như tay ngắt đóa sen thu tàn

Hãy phát triển con đường tịch tịnh

Níp-bàn Thiện thệ đã truyền ban.

Đề cập đến giới, chắc chắn trong chúng ta có người thắc mắc: Thời kỳ mạt pháp này tu theo pháp môn giới, định, tuệ có giải thoát không?

Nói như vậy là chúng ta chưa biết rõ giới luật là thọ mạng Phật giáo. Hằng ngày có thể văn kinh, thính Pháp rất nhiều nhưng chúng ta chưa hiểu rõ nền tảng của nó trên bước đường tu tiến. Đọc tỉ mỉ giới phần thứ nhất này, chúng ta sẽ thấy tác giả giải thích rõ ràng sơ thiện Phật giáo mà chỉ đến đức Phật khi mới thành Chánh Đẳng Giác đã suy tư:

“Với mục đích làm cho giới chưa đầy đủ được đầy đủ, định uẩn chưa đầy đủ được đầy đủ, tuệ uẩn..., giải thoát uẩn chưa đầy đủ được đầy đủ, v.v..., tri kiến giải thoát uẩn chưa đầy đủ được đầy đủ. Ta hãy cung kính, tôn trọng và sống y chỉ vào một Sa-môn, Bà-la-môn khác, nhưng ta không thấy một chỗ nào trong thế gian này với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, giữa quần chúng, Sa-môn, Bà-la-môn cùng chư Thiên và nhân loại, không có một Sa-môn, hay Bà-la-môn nào khác, mà giới uẩn cụ túc tốt đẹp hơn ta, định uẩn..., tuệ uẩn..., giải thoát uẩn..., tri kiến giải thoát uẩn... và ta có thể cung kính, tôn trọng và sống y chỉ. Với pháp này, ta đã Chánh Đẳng Giác, ta hãy cung kính, tôn trọng và sống y chỉ pháp ấy”.

Do đó, ai muốn thanh tịnh tam nghiệp, chí nguyện giải thoát giới hạnh quả thật cấp thiết tối cần, ví như những đóa hoa sai khác, không được sợi chỉ nhiếp, bị gió thổi bay, tàn phá, hư hoại như thế nào. Cũng như thế ấy, khi chư Tăng xuất gia từ nhiều quốc độ khác nhau, nhiều gia tộc khác nhau, nhiều danh tánh khác nhau, nếu không được luật huấn luyện, không thể thành tựu giới hạnh, chư Tăng đưa đến bất hòa lẫn nhau. Do nhân duyên đó, chánh Pháp không thể trường tồn, Tăng chúng không được hưng thịnh. Trái lại, như những bông hoa sai khác được sợi chỉ khéo nhiếp, không bị gió thổi bay, tàn phá hư hoại như thế nào. Cũng như thế ấy, khi chư Tăng xuất gia từ nhiều quốc độ khác nhau, nhiều gia tộc khác nhau, nếu được luật hướng dẫn, có thể thành tựu giới hạnh, chư Tăng có thể hòa hợp lẫn nhau tu tiến đưa đến giải thoát. Do nhân duyên đó, chánh Pháp có thể trường tồn,Tăng chúng được hưng thịnh.

Nếu bước đầu trên con đường phạm hạnh, hành giả không thọ trì giới luật, mà có thể đạt định tâm, hay giác ngộ, sự kiện ấy không thể xảy ra. Vì rằng ác giới rất xa thật là xa, đạt được tâm thanh tịnh, rất xa thật là xa đạt được đoạn nghi thanh tịnh, rất xa thật là xa đạt được đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh, rất xa thật là xa đạt được hành tri kiến thanh tịnh, còn nói gì để đạt đến gần tri kiến thanh tịnh. Và để phương tiện điều học nhỏ nhen chút ít theo phàm phu tánh khi dẫn chứng Phật ngôn, chúng ta đã vô tình hay cố ý xuyên tạc Thế tôn, vì rằng:

Này chư Bhikkhu, nếu như Như Lai sẽ ban hành các điều học cho chư Thinh văn vì mười lợi ích:

1. Cho tốt đẹp đến Tăng

2. Cho an lạc đến Tăng

3. Khiển trách các bhikkhu khó dạy

4. Những bhikkhu giới hạnh lạc trú

5. Phòng hộ lậu hoặc trong hiện tại

6. Đối trị lậu hoặc tương lai

7. Cho người chưa tin tưởng được tin tưởng

8. Người tin tưởng rồi càng tin tưởng thêm

9. Cho chánh Pháp trường tồn

10. Tế độ tạng Luật.

Như vậy, chúng ta tu tập đương nhiên không chấp nhận có bậc đạo sư:

“Này Ānanda! Pháp và Luật nào đã được Như Lai thuyết giảng và ban hành cho các con, sau khi Như Lai diệt độ, chính Pháp và Luật ấy là đạo sư của các con”.

Thế nên:

Như là cưỡng hộ trứng

Sơn dương bảo vệ đuôi

Mẹ trông nom con cái

Người một mắt hộ mắt

Cũng vậy, chư tôn giả

Hãy trì giới trang nghiêm

Người luôn luôn cung kính

Tùy phòng hộ giới hạnh.

Trong thời buổi nhiễu nhương này, giới luật hầu như bị lãng quên, bởi chúng ta thấy nhiều thiền đường, lắm thiền sư, hàng loạt sách thiền luận cho rằng đây là những pháp môn dành cho hạng Thinh văn Tiểu thừa,... rồi tùy ý phương tiện đặt ra pháp môn tu tắt bằng cách tiết chế ăn uống, vãng sanh… rơi vào ý đồ của Bà-la-môn giáo, khiến cho hàng tín đồ điên đảo đức tin, không dám xem những kinh sách nguyên thủy nhất được chính kim khẩu đức Thế Tôn thuyết, không can đảm tu tập các pháp môn căn bản này ngõ hầu vượt qua trùng dương sanh tử, đáo tận bỉ ngạn. Phần đông chỉ quanh quẩn bờ bên này, mò mẫm, lạc lối trong các rừng rậm, mù mịt, âm u, tăm tối. Đó là kết quả: Đi vòng một khắc, đi tắt tối ngày.

Bởi vì chúng ta có nguyện vọng thế nào đi nữa, như được các bạn đồng phạm hạnh thương yêu, quí mến... cho đến đạt được các bậc thiền, thành tựu các Thánh vức, chứng những loại thần thông, thắng trí, cũng cần phải thọ trì giới luật:

“Này chư Bhikkhu, nếu vị bhikkhu có ước nguyện: Mong rằng ta được các bạn đồng phạm hạnh thương yêu, quí mến, cung kính, tôn trọng... Vị bhikkhu ấy phải thành tựu viên mãn giới hạnh…”

Đến phân loại về giới, chúng ta sẽ minh định được điều này:

  • Luật dẫn đến thu thúc.
  • Thu thúc dẫn đến không nóng nảy.
  • Không nóng nảy dẫn đến hân hoan.
  • Hân hoan dẫn đến no vui.
  • No vui đẫn đến yên lặng.
  • Yên lặng dẫn đến an lạc.
  • An lạc dẫn đến định tâm.
  • Định tâm dẫn đến như thật tri kiến.
  • Như thật tri kiến dẫn đến yếm ly.
  • Yếm ly dẫn đến ly tham.
  • Ly tham dẫn đến giải thoát.
  • Giải thoát dẫn đến tri kiến giải thoát.
  • Tri kiến giải thoát dẫn đến vô thủ trước Níp-bàn.

Chúng ta càng tuệ tri xác tín hơn khi người có giới hạnh nhưng ít nghe, thiểu trí, hay điên đảo kiến, vị ấy đã bị mắc vào bẫy mồi của ác ma. Còn người đa văn quảng kiến mà phá giới cũng rơi vào cực đoan quyền lực Ma vương, không thoát khỏi khổ ưu. Những sự kiện ấy khiến cho người chưa tin tưởng không tin tưởng, hay người đã tin tưởng cũng thay đổi niềm tin. không cần nói đến người khiếm khuyết cả hai và chỉ có người viên mãn cả hai phương diện, quả thật là đặc thù. Bởi vì:

  • Trí tuệ được giới hạnh làm cho thanh tịnh. Giới hạnh được trí tuệ làm cho thanh tịnh.
  • Chỗ nào có giới hạnh chỗ ấy có trí tuệ. Chỗ nào có trí tuệ chỗ ấy có giới hạnh.
  • Người có giới hạnh nhất định có trí tuệ. Người có trí tuệ nhất định có giới hạnh.

Giới hạnh và trí tuệ được xem là tối thượng ở đời.

“Cư trần bất nhiễm trần, đã vượt chặng đường phải qua cần gì phải trì giới?” Nói thế là chúng ta đã dối gạt người, tầm cầu một chỗ ẩn trú hầu đánh lừa mình, hay cho mất tiếng gọi vô vọng của tâm linh, vì không thể lừa đảo tự lương tâm mình. Quả thật vậy, trong một lúc nào đó tâm linh có lên tiếng trong giờ khắc cuối cùng của tên tử tội, tâm linh lên tiếng trong một hơi thở nào giữa canh khuya, làm cho những mái tóc bạc giật mình, làm cho những vầng trán nhăn cau mặt, làm cho những ý thức lương tri thở dài... và các ảo kiến ấy không thể che đậy tuệ giác của bậc Nhất thiết chủng trí:

“Ở đây, này Ānanda! Vị Thánh đệ tử có chánh tín đối với đức Phật... Vị ấy có chánh tín đối với chánh Pháp... Vị ấy có chánh tín đối với chư Tăng... Vị ấy thành tựu cụ túc giới hạnh được bậc Thánh ái kính viên mãn không mảy mún, được vẹn toàn, không sứt mẻ, không tỳ vết, không ô nhiễm, đưa đến giải thoát được người trí tán thán, hướng dẫn đến thiền định. Này Ānanda! Chính pháp kính này mà vị Thánh đệ tử sau khi chứng đạt pháp nghĩa này, nếu muốn sẽ tự tuyên bố về mình như sau: Đối với ta sẽ không còn địa ngục, sẽ không tái sanh cõi bàng sanh, ngạ quỉ, ác thú, đọa xứ. Ta đã chứng quả Dự lưu, nhất định không đọa ác đạo, sẽ đạt Chánh giác”.

Sau khi thắng trí giới hạnh cần phải thành mãn như vậy, chúng ta cảm thấy khó thọ trì, phòng hộ giới luật cho chân chánh, còn hạnh đầu đà khiến cho thân xác gầy ốm, xanh xao, hầu như quá khổ hạnh. Điều đó đúng cho tâm viên ý mã chúng sanh quen đeo níu cảnh trần, phan duyên dục đối tượng để nếm mùi tục lụy, hạnh phúc tạm bợ thế gian, mặc cho ma lực phóng túng quay cuồng mà ảo tưởng Phật tánh, tiêu dao tự tại. Chúng ta sẽ được xác chứng quan điểm này khi đã thấy rõ tội lỗi phá giới và thành quả giới hạnh. Do vậy:

Ở đây, hãy học giới,

Khéo học tập ở đời.

Giới thành đạt toàn diện,

Đưa đến mọi thành công.

Bậc trí hãy hộ giới,

Nếu kỳ vọng ba lạc.

Được danh xưng tài sản,

Sau chết hưởng thiên lạc.

Người trì giới tự chế,

Được nhiều người bạn tốt.

Kẻ ác giới hành ác,

Mất mát các bạn bè

Người ác giới chỉ được,

Ác danh không tài sản.

Bậc trì giới luôn được,

Khen danh xưng tán thán.

Khởi đầu an trú giới,

Giới là mẹ pháp thiện.

Giới đứng đầu mọi pháp,

Vậy hãy trong sạch giới.

Giới hạn chế phòng ngự,

Làm sáng chói tâm tư,

Là đầu bến chư Phật,

Vậy hãy trong sạch giới.

Giới sức mạnh vô song,

Giới binh khí tối thượng.

Giới trang sức đệ nhất,

Giới áo giáp hi hữu.

Giới đầu cầu cường đại,

Giới hương thơm vô thượng.

Giới hương thoa đệ nhất,

Nhờ giới bay bốn phương.

Giới tư lương cao nhất,

Giới hành trang tối thượng.

Giới vận tải đệ nhất,

Nhờ giới đi bốn phương.

Đây kẻ xấu bị trách,

Sau chết sanh đọa xứ.

Kẻ ngu không định giới,

Ưu tư khắp các chỗ.

Đây bậc tốt được khen,

Sau chết sanh Thiên giới.

Kẻ trí khéo định giới,

Hân hoan khắp các chỗ.

Ở đây giới tối cao,

Nhưng trí tuệ tối thượng.

Giữa loài người loài trời,

Bậc giới tuệ thắng lợi.

Đề cập đến hạnh đầu đà, trước đây có người chỉ biết từ ngữ phiên âm, mà không hiểu nghĩa lý của nó. Ở đây, chúng tôi xin tạm dịch dhutaṅga: trừ chi - thường quen gọi là hạnh đầu đà, ngỏ hầu xác định thành phần diệt trừ phiền não dành cho mỗi một pháp thọ trì. Vì không nâng cao tâm, không phát triển ý, không hướng đến đoạn tận kiết sử, tẩy sạch mọi ô nhiễm. Do đó, chúng ta ngộ nhận giới luật khó hành, trừ chi là khổ hạnh để rồi bi quan, tiêu cực, chán nản, không hoan hỷ đời sống phạm hạnh, phế thải Sa-môn pháp, dẫn đầu và đọa lạc, bỏ rơi gánh nặng viễn ly. Điều này đã được trưởng lão Kassapa - Thinh văn tối thượng hạnh đầu đà - đã đáp lời bậc Đạo sư khích lệ cho chúng ta:

“Bạch Thế tôn, con đã thấy có hai lợi ích, nên con đã lâu ngày sống ở rừng và tán thán hạnh ở rừng, con đi khất thực..., con mang y phấn tảo..., con mang ba y..., con thiểu dục..., con tri túc..., con sống không giao thiệp..., con sống tinh cần và tán thán hạnh sống tinh cần. Con tự mình được hiện tại lạc trú và vì lòng bi mẫn đối với các chúng sanh sắp đến, mong rằng các chúng sanh sắp đến sẽ noi gương, đối với các đệ tử Phật và tùy Phật mong chúng trong một thời gian dài trở thành những vị sống ở rừng và tán thán hạnh ở rừng... như trên... bạch Thế tôn, con thấy được hai lợi ích này, con sống ở rừng và tán thán hạnh sống ở rừng... như trên…”

Và đức Phật đã sách tấn, gieo niềm tịnh tín cho chúng ta:

“Lành thay, này Kassapa. Lành thay, này Kassapa. Thật vì hạnh phúc cho quần sanh, này Kassapa, ngươi đã hành như vậy, vì an lạc cho quần sanh, vì lòng bi mẫn với đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và nhân loại. Do vậy, này Kassapa, hãy mang vải gai thô phấn tảo đáng được quăng bỏ. Hãy sống khất thực và trú ở trong rừng”.

Trừ chi đức Thế Tôn còn tán thán như vậy, còn nói gì giới luật là một trong những pháp đến để mà thấy, chớ không phải lý luận suông. Vì vậy:

Ai sống một trăm năm

Ác giới không định tĩnh

Tốt hơn sống một ngày

Có giới hạnh tu thiền.

Các pháp môn khác, dù khó tu đến bậc nào, một công nhân, một đầy tớ, cũng có thể tu hạnh ấy được. Nhưng Sa-môn hạnh tu tiến cho thành tựu tam học này, chỉ có người trí mới tu nổi, do đó:

Biết rõ sự kiện ấy

Hiền trí thu thúc giới

Con đường đến Níp-bàn

Hãy nhanh chóng thanh tịnh.

Tu theo pháp môn này quả thật là hạnh tu tối thượng, chứng đắc thâm diệu và giải thoát tuyệt đối.

“Giới, thiền định, trí tuệ,

Và giải thoát vô thượng,

Gotama danh xưng,

Giác ngộ những pháp này.

Đức Phật thắng tri chúng,

Thuyết pháp cho Bhikkhu.

Đạo sư đoạn tận khổ.

Bậc tuệ nhãn tịch tịnh”.

Chúng tôi hữu duyên theo Ân sư học A-tỳ-đàm (Abhidhamma) gặp bộ sách quí này và được người phó thác dịch để cho chánh Pháp trường tồn, chúng sanh lợi lạc. Nay, chúng tôi không quản tài hèn sức mọn, cố gắng dịch hoàn tất để tu học Thanh tịnh đạo này xuất hiện tại Việt Nam nói riêng, thế gian nói chung và Thánh đạo, Thánh quả phát sanh cho các chúng hữu tình có duyên lành gặp chánh Pháp.

Trong khi dịch, về từ ngữ hay nghĩa lý có điều sơ thất, xin chư bậc hiền minh, các vị thiện trí thức từ, bi, hỷ, xả chỉ giáo cho. Chúng tôi xin hân hoan đón nhận mọi ý kiến xây dựng, hầu mỗi khi có dịp tái bản thêm phần toàn vẹn.

Do quả phước báu thanh cao dịch Thanh tịnh đạo phần giới này, xin hồi hướng đến các bậc ân nhân và thầy tổ đã quá vãng, nhất là Cố Hòa thượng Tịnh Sự, xin các ngài được thọ lãnh phước báu siêu thăng nhàn cảnh. Còn ở nơi nhàn cảnh thì càng tiến hóa thêm.

Một phần công đức xin dâng đến những bậc Thầy tổ, chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng đã đóng góp tinh thần, kẻ công người của, đạt được vạn sự kiết tường, bồ đề tâm viên đắc, tự giác giác tha.

Một phần công đức khác xin chia đến các thí chủ, những Phật tử xa gần, cùng mỗi một thân bằng quyến thuộc của chư quí vị còn tại tiền được tăng phúc, tăng thọ, tật bệnh tiêu trừ, tai qua nạn khỏi. Người chưa gặp chánh Pháp mau gặp chánh Pháp, người đã gặp chánh Pháp xin hãy hành đúng chánh đạo giải thoát khổ đau và người đã quá vãng được cao đăng lạc cảnh.

Xin hồi hướng quả phước này đến đức trời Đế Thích cùng Tứ Đại Thiên vương, nhất là tất cả chư Thiên hộ trì chánh Pháp, được thọ lãnh công đức rồi hộ trì chánh Pháp thêm bền lâu và xin cho hàng tứ chúng như chúng tôi sống tiến hóa an lành trong giáo pháp từ bi của đấng Giác ngộ.

Riêng chúng tôi mong quả phước báu thanh cao này hộ trì được tu hành phạm hạnh đến suốt đời, sanh ra kiếp nào cũng được gặp chánh Pháp, nhất là nơi các xứ Quốc giáo, ngõ hầu lão thông Tam tạng với chú giải, đắc được các thiền chứng, thắng trí, hoằng dương Phật Pháp không bị chướng ngại. Nếu ngoài thời kỳ Phật giáo, xin hãy nâng đỡ xuất gia tu tiến theo chánh Pháp cho đến khi đắc chứng các Pháp mà chư Phật đã giác ngộ.

Và hồi hướng đến tất cả chúng sanh trong ba giới, bốn loài, đều được an vui, tiến hóa y như ý nguyện.

Hướng dẫn: Hòa thượng Tịnh Sự ân sư

Dịch giả: Đệ tử Ngộ Đạo cẩn chí.

~~~~~~~~

LỜI PHI LỘ

Lịch sử Giáo thọ sư Buddhaghosa đi dịch chú giải trong đảo Tích Lan, những người liên hệ Phật giáo truyền nhau thành câu chuyện quan trọng, chú ý nhiều đến nó, vì nó trình bày thực hành phận sự trọng đại trong Phật giáo đồ, phương pháp truyền bá Phật ngôn lợi ích cho người đạo đức. Giáo pháp của bậc Chánh Đẳng Giác được duy trì lâu dài cho đến ngày nay, cũng nương nhờ chư Tăng Thinh văn đệ tử Phật luân phiên nhau kết tập Tam tạng nhiều lần.

- Lần thứ nhất, khi bậc đạo sư Níp-bàn bảy ngày, Mahā Kassapa vì nguyên nhân bhikkhu Subhadda xuất gia khi lớn tuổi nói vượt quá Pháp Luật, Trưởng lão Mahā Kassapa khởi xướng kết tập tại thành Vesālī với sự tham dự của năm trăm vị Thánh Tăng được đức vua Ajātasattu ủng hộ Phật giáo đã thành tựu sau bảy tháng làm việc.

- Lần thứ nhì, khi đức Phật viên tịch khoảng một trăm năm, do nguyên nhân câu chuyện nhóm bhikkhu Vajjīputtaka - Bạt Kỳ Tử - tại thành Vesālī thực hành phi Pháp Luật, Trưởng lão Yasakākaṇḍaputta khởi xướng kết tập trong thành Vesālī ấy được đức vua Kālāsoka ủng hộ, chư Tăng cưu hội bảy trăm vị làm việc trong tám tháng thì thành tựu.

- Lần thứ ba, khi tuổi thọ Phật giáo trải qua khoảng hai trăm ba mươi bốn năm, vì nguyên nhân nhóm ngoại đạo giả mạo xuất gia trong hàng ngũ bhikkhu Tăng và trình bày lẫn lộn chủ thuyết của mình vào. Khi đã trục xuất nhóm ấy ra khỏi Phật giáo, thanh lọc Pháp Luật, Trưởng lão Moggallīputtatissa khởi xướng, chư Tăng cưu hội một ngàn vị được Đại Hoàng đế Dhammāsoka ủng hộ, chín tháng thì thành tựu.

Kể từ đó có tin rằng: Trưởng lão Moggallīputtatissa nhìn thấy Phật giáo đồ không trường cửu trên đảo Nam Jambudīpa, bèn đưa tất cả trưởng lão đi truyền bá giáo pháp tại nhiều xứ khác nhau. Vì thế, về sau không được tin tức giáo pháp trong đảo Nam Jambudīpa nữa. Tại nơi cư ngụ, các trưởng lão khác cũng vậy, ngoại trừ câu chuyện tôn giả Mahinda đi đảo Tích Lan, vì chánh giáo điển từ một con đường truyền đến đảo ấy. Từ đây, Phật giáo được biết đến thành chi nhánh. Sự kết tập Tam tạng sau này tại Tích Lan của riêng chư Tăng trong đảo ấy được kể là sự kết tập phụ thuộc. Nhưng chư Tăng ở đấy và chư Tăng thọ trì Khế kinh từ đầu mối ấy cũng được kể vào kết tập Tam tạng tiếp theo sự kết tập Tam tạng trong đảo Nam Jambudīpa.

- Khi Phật lịch trải qua hai trăm ba mươi sáu năm, tôn giả Mihinda cũng cố Phật giáo tại nơi ấy, cho đến lúc có thiện nam tử trên đảo được đức tin, xuất gia thọ cụ túc giới, học thuộc lòng thông suốt Tam tạng giáo pháp và tự tuyên bố giáo giới lẫn nhau thì có đại hội chư Tăng trên đảo. Ngài Ariṭṭha thuyết giảng cho hội chúng, trình bày Phật giáo đã vững chắc nơi đây, kể là kết tập Tam tạng lần thứ tư.

- Một lần nữa, khi tuổi thọ Phật giáo đã trải qua khoảng bốn trăm năm mươi hai năm, nhóm bhikkhu đa văn trong đảo ấy ghi Phật ngôn thành mẫu tự Tích Lan vào lá buông, đã đặt một nền tảng tốt đẹp cho việc ghi chép những Phật ngôn bằng văn tự, được kể là kết tập Tam tạng lần thứ năm.

Sự kết tập Tam tạng trên đảo Tích Lan nổi danh hai lần như vậy.

Khi tuổi thọ Phật giáo trải qua chín trăm năm mươi sáu năm, GTS Buddhaghosa - Buddhaghosācariya - đi dịch chú giải trong đảo Tích Lan, là câu chuyện thuộc loại văn chương cổ trong lời phi lộ của giáo thọ sư thời xưa, nhưng lịch sử GTS Buddhaghosa đây dịch từ bản Pāḷi của ngài Pháp tam giới - Dhammatelokācariya - chùa Đại Giới (Mahādhātu) được sáng tác cuối phần Thanh tịnh đạo.

Bậc thiện trí thức muốn biết câu chuyện riêng biệt nên khảo sát trong Buddhaghosanidāna tích chuyện ngài Buddhaghosa một phần, trong Vaṃsamālinī (Tràng tông) một phần và trong bộ Ñāṇodaya (Khởi trí) một phần.

Chỉ bao nhiêu đây, chúng tôi thành đạt được dòng nước lớn phước báu. Xin tất cả chư Thiên hãy tùy hỷ để thành tựu Thánh sản. Xin các chúng sanh hãy trì giới do đức tin, hãy khiến cho sanh tâm tu tập và không khinh thường trí tuệ, vì rằng tam học này là Thanh tịnh đạo. Xin tất cả bậc chân nhân nếu bị khổ não, hãy thoát khổ, bị sợ hãi thì thoát khỏi sợ hãi, bị buồn rầu hãy thoát khỏi buồn rầu và đồng thời đạt đến Thanh tịnh đạo đều nhau cả thảy.

~~~~~~~~

NAMO TASSA BHAGAVATO

ARAHATO

SAMMĀSAMBUDDHASSA

THÀNH KÍNH ĐẢNH LỄ ĐỨC THẾ TÔN,

BẬC ỨNG CÚNG,

ĐẤNG CHÁNH ĐẲNG GIÁC

BUDDHAGHOSANIDĀNA

LỊCH SỬ NGÀI BUDDHAGHOSA

CHƯƠNG THỨ NHẤT

“Vanditvā ratanattayaṃ.         

Sabbapāpapahāyinam

Buddhaghosassa uppattiṃ                 

Vaṇṇnayissāmi yathāsutaṃ

Bhavantā sadhavo tumhe         

Sappurisā samagatā

Aññaṃ kammampi pahāya

Taṃ suṇātha samāhitā

Saggasampattṃ patthentā        

Paññādhanavaruttamā

Buddhaghosassa nidānaṃ

Evaṃ dhāretha sādhukaṃ

Yo ca sutvāna saddhaṃ

Vācati api lakkhati

Diṭṭhe dhamme ānisaṃsā         

Pacchānibbāna pāpuṇi

Tasmā suṇneyya sakkaccaṃ

Sammāsambuddhavaṇṇitaṃ

Buddhaghosassa nidānaṃ

Saggamokkhasukhāvahaṃ”

Tôi thuật chuyện Giáo thọ sư (GTS) Buddhaghosa, pháp danh Đại Kiết Tường.

Xin cung kính đảnh lễ Tam bảo: Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo. Thành tựu đoạn trừ tất cả ác pháp, đức Phật đối trị diệt trừ tất cả sự khổ não, tất cả sự sợ hãi, tất cả tật bệnh và tất cả hoạn nạn rủi ro, tai hại được tiêu tán, do nhờ oai lực đảnh lễ Tam bảo.

Tôi sẽ thuyết giảng cổ sử tích GTS Buddhaghosa được học tập và nghe từ nơi cư ngụ giáo thọ sư thời xưa. Tất cả bậc Chân nhân tinh tấn dứt bỏ mỗi phận sự khác nhau và cùng nhau họp đầy đủ trong xứ sở này. Hãy chú tâm lắng nghe tích chuyện GTS Buddhaghosa này là phần phước báu cao thượng, thành tựu lợi ích trong thế gian này và thế giới khác.

Tất cả các ngài mong muốn thiên sản trong nhàn cảnh, nếu có tài sản cao quí tức là tuệ lực, hãy tinh cần niệm tưởng, xem cổ sử tích chuyện ngài Buddhaghosa này, quả báo tạo được có thể khiến cho thành tựu tài sản trong nhàn cảnh. Pháp của đức Phật, nếu người nào tinh cần nghe, tinh cần thuyết giảng, xuất bản và biết duy trì trong Phật giáo, người ấy sẽ nhận quả báo rõ ràng trong kiếp sống này. Rồi người ấy sẽ được thành tựu Níp-bàn trong ngày vị lai. Vì thế, bậc chân nhơn nên tinh cần lắng nghe Pháp thoại được ban bố một cách cung kính, không nên dể duôi, lãng quên thiện nghiệp, hãy nhận lấy hương vị Pháp thoại. Tích chuyện ngài Buddhaghosa có thể đưa đến hạnh phúc trong nhàn cảnh và Níp-bàn cho người được nghe.

Cổ sử ngài GTS Buddhaghosa có khi nào?

Đáp: Khi đức đại bi Chánh Đẳng Giác viên tịch trải qua 236 năm, trưởng lão Mahinda, con của đức Hoàng đế Dhammāsoka đi ra đảo Tích Lan thành lập Pháp học giáo điển ngôn ngữ Tích Lan, khi đại trưởng lão đã viên tịch. Sau đó, đến khoảng 956 năm, GTS Buddhaghosa tái sanh trong làng Bà-la-môn Ghosa. Ở gần cội đại bồ đề, nơi đức Phật giác ngộ. Bà-la-môn làng ấy có tên Kesī, vợ của ông ấy tên là Kesīnī. Khi ấy có một vị đại trưởng lão pháp danh Dhammaghosācariya - Pháp Âm giáo thọ sư - bậc đại lậu tận, người cao quí liên hệ với thần thông, vị chủ tể tinh tấn, muốn cho Phật ngôn Tích Lan thành ngôn ngữ Magadha, bèn quán tưởng xem người nào nhiều trí tuệ có thể dịch Phật ngôn từ ngôn ngữ Tích Lan. Ngài thấy Thiên tử Lôi Âm (Ghosadevaputta) trong cung trời Đao Lợi, có trí tuệ vô sở úy, nên đức Phật tiên đoán có thể dịch Phật ngôn Tích Lan ra ngôn ngữ Magadha, quán thấy như vậy, ngài Pháp Âm giáo thọ sư bay lên cung trời Đao Lợi, vào nơi cư ngụ Thiên vương Đế Thích. Tại đây, Thiên vương Đế Thích thấy trưởng lão, ngài phán hỏi:

- Ngài lên đến nơi cư ngụ của trẫm có điều chi lợi ích không?

- Tâu Thiên vương, bây giờ Pháp học giáo điển vững trú tại quốc độ Tích Lan và bằng ngôn ngữ nước ấy. Tất cả mọi người khác khó biết, khó thấy. Tôi thấy Thiên tử Ghosa dịch Phật ngôn Tích Lan thành Phật ngôn Magadha được, nên tôi lên đây thỉnh cầu Thiên tử Ghosa giáng sanh cõi nhân loại.

- Nếu như thế, ngài hãy chờ đợi, trẫm sẽ lãnh trách nhiệm đi thỉnh Thiên tử Ghosa.

Thế rồi, Thiên vương ngàn mắt ngự đến chỗ Thiên tử Ghosa (Lôi âm). Sau khi đến, ôm choàng Thiên tử Ghosa vào lòng rồi với âm điệu du dương phán rằng:

- Này hiền hữu, bấy giờ có một vị đại trưởng lão từ đảo Nam Jambudīpa ngự đến thỉnh cầu hiền hữu giáng sanh cõi Nhơn loại.

- Thưa Thiên vương, tôi đây muốn tái sanh trong mỗi tầng Thiên giới, không muốn tái sanh ở cõi Nhơn loại, vì cõi Nhơn loại nhiều khổ não, nhiều sầu bi. Do đó, tôi không muốn giáng sinh cõi ấy.

- Này hiền hữu! Không khổ não đâu, không sầu bi đâu, hiền hữu hãy nhìn thấy Phật giáo bây giờ, Pháp học giáo điển vững trú tại quốc độ Tích Lan và bằng ngôn ngữ nước ấy, do đó, những người khác khó biết, khó thấy. Ở đây, chỉ thấy một mình hiền hữu có thể dịch được Phật ngôn từ ngôn ngữ Tích Lan ra Magadha. Vậy, kính mong hiền hữu nhận lời thỉnh cầu này. Vì đức Phật đã tiên đoán hiền hữu có thể duy trì Phật giáo.

Sau khi Thiên vương Đế Thích khẩn khoản như vậy, Thiên tử Ghosa nhận lời thỉnh cầu.

Thiên vương Đế Thích trở lại bạch với trưởng lão rằng:

- Thiên tử đã nhận lời thỉnh cầu.

Rồi đại trưởng lão chào tạm biệt trở về cõi Nhơn loại. Đại trưởng lão ấy là bạn của Bà-la-môn Kesī, trưởng thôn Ghosagāma, từ khi còn cư sĩ, khi ngài xuất gia thành Tăng nhơn, thường đến thọ thực trong nhà Bà-la-môn Kesī ấy mỗi ngày. Rạng đông ngày hôm ấy, đại trưởng lão đắp y, cầm bát đi đến nhà Bà-la-môn Kesī, sau khi thọ thực xong, vị ấy nói với Bà-la-môn Kesī rằng:

- Trong thời gian bảy ngày, kể từ ngày hôm nay trở đi, ông không nên dể duôi.        

Bà-la-môn hỏi: Tại sao ngài nói như vậy?

- Này Bà-la-môn, con của ông sẽ tái sanh trong ngày thứ bảy, có nhiều trí tuệ không ai sánh bằng. Nói bao nhiêu đó, ngài trở về nơi cư ngụ của mình.

Trong ngày thứ bảy ấy, Thiên tử Ghosa chú nguyện giáng trần trong cõi Nhơn loại. Khi từ giã cung trời Đao Lợi, ngài đã tục sinh vào bụng nữ Bà-la-môn Kesīnī, vợ của Bà-la-môn Kesī sống trong làng Ghosagāma. Khi Thiên tử đã giáng sanh vào bụng mẹ mười tháng và khi vừa lọt lòng mẹ, tất cả mỗi người một nơi trong nhà như nô tỳ, công nhân... cất tiếng kiết tường vang dội, do đó, Bà-la-môn Kesī đặt tên cho con trai là Ghosa (Lôi Âm).

Thiếu nhi Ghosa ấy, khi lớn lên được bảy tuổi, học thuộc lòng cả Tam Veda, tinh xảo, khéo léo. Vì Bà-la-môn Kesī, cha của cậu bé Ghosa, dạy Tam Veda cho khoảng 500 vị đệ tử và cũng là thầy dạy Tam Veda cho Đại Khattiya. Hàng ngày, vào buổi sáng, cậu bé Ghosa cầm tọa cụ của thân phụ làm bằng da dê, đi theo vào cung điện.

Một ngày kia, Bà-la-môn dạy Tam Veda cho Đại Khattiya, đến chỗ mơ hồ, rồi sanh nghi ngờ không thể dạy tiếp tục, bèn từ giã Đại Khattiya, dẫn người con rời khỏi hoàng cung. Về đến nhà ngồi, nằm suy nghĩ mãi vẫn không thấy rõ ràng, không chấm dứt hoài nghi. Cậu bé Ghosa thấy cha suy nghĩ, bèn lấy lá buôn viết lời giải thích chi tiết sâu xa nhất, rồi đặt trong một nơi thích hợp. Bà-la-môn Kesī ra khỏi phòng thấy những điều cậu bé Ghosa viết, đọc xem hiểu biết rõ ràng minh bạch. Những điều giải thích, chấm dứt nghi ngờ và lấy làm ngạc nhiên: Người thợ nào đến viết đây? Người nào thông minh quá? Liền hỏi tất cả Bà-la-môn trong gia đình rằng: Chữ này của ai viết? Tất cả Bà-la-môn đáp rằng: Không thấy ai, chỉ thấy cậu bé Ghosa ngồi tại chỗ này, có thể thiếu nhi Ghosa của ngài viết. Bà-la-môn cho gọi con trai mình đến hỏi rằng: “Chữ này con viết hay người nào?” “Thưa vâng, chính con viết”. Bà-la-môn cũng hoan hỷ vô cùng, cầu chúc con trai rằng: “Con hãy sống hạnh phúc, chớ nên bệnh hoạn, yểu tử, cha sẽ nương nhờ phước con, con đây là con của cha chắc chắn có trí tuệ, từ nay trở đi con hãy là cha của cha, chính cha đây như con của con”. Bà-la-môn Kesī tán dương con trai, rồi dẫn con trai vào hoàng cung, tâu đại ý câu chuyện với Đại Khattiya. Đại Khattiya hoan hỷ cho thiếu nhi Ghosa ngồi trên bắp vế, vuốt tóc, ban chiếu chỉ phán rằng: Này hiền nhi Ghosa “nama putto hohi” từ nay trở đi, hiền nhi hãy là con của trẫm, trẫm đây sẽ là cha của hiền nhi. Phán như vậy rồi, Đại Khattiya cũng ban thưởng hơn một làng mạc cho thanh niên Ghosa.

~~~~~~~~

CHƯƠNG THỨ NHÌ

Kể từ đó trở đi, thanh niên Ghosa tụng bộ Tam Veda thuộc nằm lòng mỗi ngày sáu ngàn (6000) câu. Cho đến một ngày kia, đại trưởng lão Dhamāsoka đi đến nhà Bà-la-môn Kesī vì lợi ích thọ thực. Khi ấy, thanh niên Ghosa có công việc đi rồi trở về, thấy đại trưởng lão ngồi trên chỗ ngồi của mình, khởi lên sân hận như rắn độc bị người cầm cây đập sau đuôi, suy nghĩ rằng: “Sa-môn trọc đầu này không biết tự lượng sức mình, có sự hiểu biết lắm hay sao mà đến ngồi trên chỗ của ta? Khi vị này thọ thực xong, ta sẽ chất vấn Tam Veda”. Suy nghĩ như vậy, rồi đi vào ngồi trong nơi gần, khi vị đại trưởng lão đã thọ thực xong, thanh niên Ghosa hỏi rằng:

- Này Sa-môn, tất cả Tam Veda ngài biết hay không?

- Này thanh niên, Tam Veda tôi cũng biết, chú thuật khác tôi cũng biết.

- Này Sa-môn, nếu ngài biết Tam Veda, hãy tụng đi, tôi xin nghe.

Ngài đại trưởng lão tụng cả Tam Veda ấy một cách lưu loát, không trở ngại, cũng như người gỡ rối cuộn chỉ. Khi đã tụng dứt, ngài cầm lấy ly nước lên súc miệng, chăm chú nhìn hành vi, cử chỉ thanh niên Ghosa. Thanh niên Ghosa hổ ngươi, thấy đại trưởng lão có trí tuệ vô sở úy, từ đó có tâm nhu thuận, có sự kính nể, không can đảm như lúc ban đầu, bèn hỏi rằng:

- Bạch Ngài, chú thuật khác ngài biết đó, xin thỉnh ngài tụng cho tôi nghe chút ít.

Đại trưởng lão khiến cho thanh niên Ghosa tịnh tín bằng cách thuyết mẫu đề Vô tỷ pháp: “kusalādhammā”- tất cả pháp thiện, “akusalādhammā”- tất cả pháp bất thiện, “abyākatā dhammā”- tất cả pháp vô ký. Rồi phân tích ý nghĩa của tất cả mẫu đề Vô tỷ pháp ấy với nhiều pháp môn. Thanh niên Ghosa được nghe, lấy làm kinh ngạc vô cùng, càng nghe càng hay hỏi rằng:

- Bạch Ngài, chú thuật này gọi là gì?

- Này thanh niên, chú thuật này gọi là Phật chú.

- Bạch Ngài, Phật chú này xin ngài dạy cho tôi, tôi xin học.

- Này thanh niên, nếu ông học Phật chú, hãy xuất gia có phẩm mạo như ta vậy. Thanh niên Ghosa nhận lời xuất gia. Đại trưởng lão đi về trú xứ của mình.

Thanh niên Ghosa vào đảnh lễ cha mẹ, xin tạm biệt xuất gia để học Phật chú nơi cư ngụ của đại trưởng lão. Cha mẹ chuẩn bị sự kiết tường, làm nghi lễ tiếp đãi, chuẩn bị vật cúng dường, dẫn con trai đến nơi cư ngụ của đại trưởng lão. Đại trưởng lão cho cạo tóc và râu, mặc đồ trắng, dạy năm thể nghiệp xứ cho thanh niên Ghosa xuất gia Sadi trong Phật giáo.

Thanh niên Ghosa, kể từ khi được xuất gia Sadi học Tam tạng ngay, một tháng học hoàn thành Tam tạng. Tam tạng rành bạch trong tâm tánh, tụng thuộc lòng không trở ngại, nói như được thành tựu đạt thông trí. Khi đủ tuổi, vị ấy thọ cụ túc giới, thành tựu vị bhikkhu trong Phật giáo với pháp danh Buddhaghosa trên đảo Nam Jambudīpa, là thương yêu, quí mến, khả kính của tất cả chư Thiên và nhân loại, Inda, Phạm thiên, Dạ xoa, A-tu-la, Càn thác bà, Long vương và Kim sí điểu cùng nhau cúng dường luôn khi, như đức Phật còn tại tiền.

~~~~~~~~

CHƯƠNG THỨ BA

Đến một ngày kia, Buddhaghosa vào nơi yên lặng suy nghĩ rằng: Trí tuệ của ta mạnh mẽ, rành mạch trong Phật ngôn này cao hơn trí tuệ đại trưởng lão hay là trí tuệ của đại trưởng lão cao hơn ta? Ngài Hòa thượng ấy là bậc Thánh đại lậu tận cao quý, khi GTS Buddhaghosa suy nghĩ như vậy, ngài biết rõ sự suy nghĩ ấy, cho gọi bhikkhu Buddhaghosa nói rằng: Này hiền giả Buddhaghosa, hiền giả hãy đến đây, sự suy nghĩ của hiền giả không đúng, sự suy nghĩ của hiền giả không thích hợp với Sa-môn, lẽ thường bậc Sa-môn không nên suy nghĩ như vậy. Bây giờ, hiền giả hãy xin lỗi, ta sẽ xá tội lỗi ấy cho hiền giả.

Ngài Buddhaghosa nghe lời đại trưởng lão, có sự động tâm, cung kính đảnh lễ ngài Hòa thượng xin sám hối. Đại trưởng lão nói rằng:

- Ta không tha thứ, nếu hiền giả đi đến đảo Tích Lan dịch xong Phật ngôn, hiện là ngôn ngữ Tích Lan ra thành ngôn ngữ Magadha khi nào, ta sẽ tha thứ cho hiền giả khi đó.

- Bạch Ngài, ngài muốn cho tôi đi đảo Tích Lan, tôi sẽ đi theo lời dạy không dám từ chối, nhưng vì cha của tôi vẫn còn tà kiến, không có đức tin vững chắc trong Phật giáo, tin tưởng nhiều theo phái tà kiến. Tôi xin tế độ cha cho dứt bỏ tà kiến, rồi sau đó sẽ đi sang đảo Tích Lan.

Nói xong, bhikkhu Buddhaghosa từ giã đại trưởng lão đi về nhà cha là Bà-la-môn Kesī, Bà-la-môn Kesī hỏi rằng: Cậu về đây hoàn tục thành cư sĩ hay sao? Ngài Buddhaghosa im lặng không nhận lời hoàn tục, trái lại còn dạy cho làm cốc có phòng kín như chỗ ở của mình, mái nhà ấy cho lợp phía trên, vách cho tô bằng đất, mặt đất cho trải bằng phẳng với cây chùm gởi, có cửa cột với cây nêm và chốt cửa cả bên trong, bên ngoài. Trong phòng ấy cho để vật dụng như gạo, nồi, nước, bơ trong, bơ tươi, sữa đặc, sữa tươi, bí rợ và các vật thọ dụng khác, cả đá lửa và bếp lửa đầy đủ hoàn toàn, rồi mời cha vào bên trong như đi vào tán dương cái cốc mới làm, Bà-la-môn Kesī đi thẳng vào bên trong phòng để tán dương cái cốc, ngài cũng khép cửa vào với sợi dây móc, đóng cho chắc chắn, không cho người cha ấy đi ra được Bà-la-môn Kesī hỏi rằng:

- Tại sao con hành động với cha như vậy?

- Tôi hành động đây để tế độ cha dứt bỏ tà kiến và tịnh tín trong Phật giáo.

- Con hãy mở cửa, cha không chấp tà kiến.

- Nếu cha không chấp tà kiến, vậy hãy tu tiến ân đức Phật như: “Itipiso Bhagavā Arahaṃ Sammāsambuddho... cho tôi nghe trước, tôi sẽ mở cửa. Cha không dứt bỏ tà kiến, đến khi mạng chung, cha sẽ chịu khổ não trong địa ngục suốt thời gian lâu dài”.

Rồi ngài trình bày sự trừng phạt trong địa ngục cho cha kinh sợ, tiếp theo đó chỉ trích tà kiến với nhiều câu kệ:

Adassanena morassa

Sikhino muñjubhāṇino

Kākaṃ tattha apūjesuṃ

Maṃsena ca phalena ca

    . . . như trên . . .

Sūriye khajjupakā yathāti.

Mọi người cúng dường con quạ nhiều thịt cá và trái cây nhỏ lớn, vì không thấy con công. Nếu thấy con công có cánh, đuôi, mồng và lông, cổ trang điểm những nét vẽ tuyệt mỹ, có giọng hát du dương, bay đến từ núi Sumeru khi nào, thì lợi lộc cung kính con quạ cũng biến mất, mọi người không cung kính cúng dường con quạ trong khi ấy như thế nào, cũng như thế ấy. Đức Thế tôn, bậc Pháp vương sáng chói Phật quang, khi đức Thiện thệ chưa giáng sanh thuyết giảng cho thế gian này, người chưa thấy đức Phật cũng si mê cung kính cúng dường các Sa-môn, Bà-la-môn khác phái ngoài Phật giáo. Nếu đức Đại bi Chánh Đẳng Giác giáng sanh thuyết giáo trong thế gian, từ bi ban bố hương vị bất tử của Pháp thoại với âm điệu du dương, mọi người được thấy, được nghe, đón nhận hương vị Pháp thoại của đức Phật khi nào, lợi lộc cung kính của các ngoại đạo Nigaṇṭha cũng tiêu tan, mọi người không cung kính cúng dường tất cả ngoại đạo Nigaṇṭha khi ấy, như con quạ tiêu tan sự cung kính cúng dường khi con công bay đến từ núi Sumeru. Thật vậy, tất cả ngoại đạo Nigaṇṭha đây như con đom đóm, lẽ thường con đom đóm ấy đến lúc hạ tuần trăng chiếu ánh sáng lập lòe, lấp lánh, hiện ra như thân ấy có rất nhiều hào quang, đến lúc mặt trời mọc ánh sáng, đom đóm ấy tiêu tan. Điều này thí dụ thế nào, tất cả ngoại đạo Nigaṇṭtha cũng như thế ấy, khi bậc Chánh Đẳng Giác chưa giáng sanh thuyết giáo trong thế gian này, trình bày các chủ thuyết khác nhau như thân ấy có rất nhiều ân đức, khi nào đức Phật giáng sanh thuyết giáo trong thế gian này, tất cả ngoại đạo Nigaṇṭha ấy cũng tiêu tan, thất bại với oai lực ân đức Phật, ví như con đom đóm bị hào quang nhật Thiên tử mọc lên đánh tan vậy.

Bà-la-môn Kesī nghe Pháp thoại của ngài Buddhaghosa có tâm nhu thuận nhưng không dứt bỏ tà kiến dễ dàng, cố gắng chịu đựng sống đến ba ngày, không dứt bỏ tà kiến, không tu tiến ân đức Phật. Trải qua ngày thứ tư mới chấm dứt tà kiến, tu tiến ân đức Phật: “Itipiso Bhagavā…” theo phương pháp ngài Buddhaghosa chỉ dạy, khi tinh cần tu tiến, quán sát trí tuệ theo đề mục ân đức Phật, phát sanh tịnh tín Tam bảo, đạt đến quy y, tự nguyện thành cận sự nam trong Phật giáo, nương nhờ tu tiến diệt trừ tà kiến, an trú Thất lai quả, thành bậc Thánh nhân cao quí. Ngài Buddhaghosa cũng mở cửa ra thỉnh cha ra khỏi cốc, cho cha tắm rửa thân thể với nước hoa và xin người tha thứ.

Bà-la-môn Kesī ấy kể từ khi đã thành tựu bậc Thất lai, có đức tin không chao động trong Tam bảo, trình bày tịnh tín rõ với ngài Buddhaghosa, nói lời tán thán ân đức bậc Toàn Giác: Thật vậy, đức Chánh Đẳng Giác là bậc xứng đáng cúng dường tối thượng, xứng đáng nhận vật thực cao thượng, mà thế gian sùng bái vật thực cao quí ấy. Đức Phật tự ngài giác ngộ pháp cần phải giác ngộ, không thầy chỉ dạy. Đức Phật là bậc Đạo sư tuyệt đỉnh, cao quí của tôi, cao thượng hơn tất cả Bà-la-môn. Đức Phật đầy đủ ân đức, nhất là tam minh và thiền chứng. Ngài có sự tiến hành tốt đẹp, giác ngộ tất cả thế gian, biết rõ căn thiện và bất thiện, biết rõ tánh nết và phẩm hạnh, biết rõ địa đại và bầu trời, trú xứ của chúng sanh. Ngài cao thượng do giới, định, tuệ, giải thoát và tri kiến giải thoát không có người sánh bằng. Đức Phật tế độ người hết ương ngạnh, hung ác như người đánh xe điều khiển ngựa cho hết chứng. Đức Phật là bậc Đạo sư tuyệt đỉnh, cao thượng hơn tất cả Bà-la-môn, tôi xin thành kính đê đầu đảnh lễ dưới chân đức Phật ấy trong lúc này.

Ngài Buddhaghosa nghe cha tán dương ân đức Phật cũng hân hoan tùy hỷ với cha: “Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!” Rồi từ giã người cha đến trú xứ Đại trưởng lão.

~~~~~~~~

CHƯƠNG THỨ TƯ

Ngài Buddhaghosa từ giã đại trưởng lão đi sang đảo Tích Lan, xuống bến cảng, lên thuyền cùng với đoàn thương buôn. Trong ngày thuyền của bhikkhu Buddhaghosa trương buồm tách khỏi bến cõi Jambudīpa, thuyền Đại Trưởng lão Buddhadatta cũng trương buồm tách khỏi bến đảo Tích Lan. Thuyền ngài Buddhaghosa chạy được ba ngày, thuyền ngài Buddhadatta vào được ba ngày. Trong khi ấy, Thiên vương Đế Thích cũng triệu thỉnh tất cả chư Thiên xuống hộ tống chiếc thuyền ngài Buddhaghosa với câu kệ:

Xin tất cả chư Thiên,

Có thiên cung thất bảo

Sanh do đại uy lực,

Có tiên nữ đoanh vây

Do quả phước nghiệp trước,

Ngự trong các cung trời

Hãy cùng tôi giáng trần,

Được nghe ngài Buddhaghosa

Sẽ đi dịch Pháp bảo,

Bắc phạn Tích Lan ngữ.

Xin tất cả chư Thiên,

Hãy ngự đến thính Pháp.

Tất cả các chư Thiên

Sanh ra đều bất tịnh

Không bền, không thực chất,

Chúng ta được tái sanh

Chư Thiên trong điện vàng,

Chết giáng sanh nhân loại

Các hương vị nào như:

Loài hoa bạch ngọc lan

Cùng hoa hoàng ngọc lan,

Hoa lài kép, lài đơn…

Tất cả hương vị này,

Cũng tàn phai nhanh chóng.

Tất cả hương vị ấy,

Là hương vị tốt đẹp

Không sánh bằng hương vị,

Chánh pháp của đức Phật

Được thính Pháp mỗi khi,

Là hương vị tốt đẹp.

Quí hơn mọi hương vị.

Hôm nay chúng ta hãy,

Giáng trần thính Pháp vị,

Của hiền trí cao thượng

Hãy ngự đến nhanh chóng.

Chúng ta hãy hiệp lực,

Lái con thuyền chánh Pháp,

Của bậc thiện trí thức

Cao thượng trong lúc này.

Thiên vương Đế Thích và chư Thiên lái con thuyền nói:

- Này tất cả chư Thiên có thần lực du hành trên hư không, hãy đến nghe lời chúng tôi, vị này duy trì Tam tạng pháp cao thượng. Ngài Buddhaghosa này là bậc thiện trí thức đặc biệt cao thượng, khó có những vị như vậy. Vị này là ngọn đèn soi sáng cho thấy màu sắc trong thế gian này. Chúng ta nên cung kính hộ trì, vì đó là ân đức đặc biệt hơn tài sản tam giới.

Chư Thiên ngự đến cả mười ngàn, cả một trăm ngàn ngồi phía sau thuyền. Với âm thanh ngôn ngữ chư Thiên cùng nhau đối đáp nhận lời Thiên vương Đế Thích. Thiên vương Đế Thích hướng dẫn lái thuyền nói:

- Này tất cả chư Thiên, chúng ta được sanh là chư Thiên khó thoát khỏi số lượng, người có trí tuệ quán thấy quả báo trì giới, quả báo bố thí, ngăn chận, đóng cửa bốn khổ cảnh do nghe Pháp thoại bậc Đạo sư thuyết. Chắc chắn tùy theo quả thiện, chúng ta thành chư Thiên muốn điều nào cũng thành tựu do quả bố thí, quả trì giới, được tái sanh lên Thiên giới. Chúng ta cùng nhau kết giao, thân cận, gặp gỡ bậc thiện trí thức cao thượng sẽ được an lành.

Tứ Đại Thiên vương cầm bánh lái, Đế Thích có thần lực ngồi làm thuyền trưởng, đưa cánh tay bảo rằng:

- Hỡi Tứ Đại Thiên vương, ngài hãy quay con thuyền cho ngay chùm sao Bắc Đẩu thành phố Tích Lan của đức vua Devānampiyatissa, Thiên vương Đế Thích hướng dẫn chư Thiên lái con thuyền, bậc thiện trí thức như vậy...

Chư Thiên có năng lực cao quí khắp thế giới. Bậc Toàn Giác là Đạo sư trong tam giới. Người nào có tâm tôn kính Pháp của đức Phật. Đức Phật ngự đến tế độ. Người ấy nên hộ trì cho chắc chắn, biết rõ pháp đã tiến hành được tái sanh trong nhàn cảnh. Ngài đem pháp ấy giáo hóa chúng sanh, đạt đến Thánh đạo, Thánh quả vô số kể.

Bây giờ chúng ta sẽ cùng nhau hộ trì lái con thuyền bậc thiện trí thức, liên hệ với trí tuệ cho đến thành phố Tích Lan xứ Gandhāra.

Khi Thiên vương Đế Thích hướng dẫn lái con thuyền, một vị trời lái thuyền nói:

- Xin tất cả chư Thiên ngự đến từ cung trời Đao Lợi, ngồi chung quanh sau lái, chư Thiên hãy cùng nhau lái con thuyền.

Thuyền lướt nhanh theo dòng nước khoảng ba ngày, chư Thiên bảo nhau:

- Này thuyền, hãy đi ngay đến Tích Lan. Đức Đế Thích làm thuyền trưởng, chư Thiên cũng đánh thanh la, trống, chuông, còi, tù và vang rền. Một số chư Thiên xuất hiện thoa dầu giữ gió, có một số chư Thiên cầm lọng ngọc, cờ vàng chiến thắng hò reo trợ lực, chiếc thuyền nổi bật cột cờ lướt nhẹ đi, người trên thuyền đánh thanh la, trống, còi, tù và… náo động.

Tiếp theo đó, chiếc thuyền ngài Buddhaghosa chạy ra, chiếc thuyền ngài Buddhadatta chạy vào đến gần sát nhau thấy lái buồm khoảng bao nhiêu cánh quạt. Tứ Đại Thiên vương nắm bánh lái thuyền nói với Thiên vương Đế Thích rằng:

- Này Thiên vương Đế Thích, hãy nhìn chiếc thuyền, thấy khoảng bao nhiêu cánh buồm xuất hiện là chiếc thuyền từ Jambudīpa hay từ quốc độ khác đến.

Thiên vương Đế Thích quan sát thấy rõ bằng thiên nhãn nói với Tứ Đại Thiên vương rằng:

- Chiếc thuyền ấy đến từ đảo Tích Lan, có Đại Trưởng lão Buddhadatta đi trong chiếc thuyền ấy.

- Này Thiên vương ngàn mắt, nếu như thế, chúng ta sẽ cập bến hai chiếc thuyền này vào gần nhau, cho cả hai ngài đàm luận Pháp thoại, chúng ta sẽ nghe Pháp.

Nói vậy, Tứ Đại Thiên vương lái chiếc thuyền vào chiếc thuyền ngài Buddhadatta lướt đến. Do thần lực của chư Thiên, cả hai chiếc thuyền song hành nhau không bị rung động như cột lại với một tấm sắt, tất cả đoàn thương buôn ấy giựt mình kinh hãi nhìn nhau.

Ngài Buddhaghosa đi ra phía sau lái cất tiếng hỏi rằng:

- Chiếc thuyền ấy có bậc xuất gia cùng đi hay không?

- Vâng, bạch ngài, có một vị đại trưởng lão cùng đi.

Ngài Buddhadatta nghe cũng đi ra lái thuyền, nhìn thấy ngài Buddhaghosa thì hoan hỷ, thỏa thích, phấn khởi, tỏ thái độ ngỏ lời trước:

- Này hiền giả, hiền giả pháp danh là chi?

- Tôi pháp danh là Buddhaghosa.

- Này hiền giả, hiền giả đến quốc độ nào?

- Bạch Ngài, tôi đi đến đảo Tích Lan.

- Ông sẽ đi vì lợi ích gì?

- Bạch Ngài, tôi đi dịch Phật ngôn từ ngôn ngữ Tích Lan ra ngôn ngữ Magadha.

- Này hiền giả, lành thay, thiện thay, tôi đây rất hoan hỷ, chính tôi đây cũng ra đi dịch như thế, nhưng dịch được chỉ ba bộ kinh điển Pāḷi. Hiền giả hãy đi dịch giúp chú giải của ba bộ kinh điển ấy cho tuổi thọ giáo pháp trường tồn”.

Nói rồi, ngài Buddhadatta đưa trái kha-lê-nặc, cây viết nhọn và hòn đá mà Thiên vương Đế Thích đã dâng cúng cho mình, gởi đến cúng dường ngài Buddhaghosa và trình bày năng lực của trái kha-lê-nặc:

- Này hiền giả, trái kha-lê-nặc này là thuốc đặc biệt, nếu hiền giả đau mắt hay đau lưng không khỏe thân, hãy lấy trái kha-lê-nặc này mài xuống hòn đá, thoa nơi đau nhức, mệt mỏi, bệnh tật trong thân của hiền giả sẽ yên lặng.

Khi đã trình bày năng lực của trái kha-lê-nặc, ngài Buddhadatta trình bày câu kệ lễ bái trong kinh Jinālaṅkāra là:

- Namo tassa bhagavantasa satthuno sammā sambuddhassa namatthu lokaṭṭhassa tadino . . . pe. . . . kumbhacarinījinorasānaṃ mukhapaṅkajālinī sarassatime mukhagabbhagabbhinī ramma tava chāyā susaddatthasūdanī.

Tôi xin thành kính đành lễ bậc Đạo sư cứu thế, bậc thanh lợi, ngài đã bẻ gãy bánh xe sanh tử luân hồi do tự ngài giác ngộ pháp không thầy chỉ dạy, tâm không rung động pháp thế gian, cao quí hơn tất cả chúng sanh. Nàng ong thợ Tam tạng, có mang thai nghĩa vị một cách tốt đẹp, du hành trên trán của voi Chaddanta, hút mỡ cao quí, tức là cái môi của bậc chiến thắng Ma vương, Chánh Đẳng Giác còn sanh tiền ngự ở đây, nàng ong thợ Tam tạng ấy cư ngụ, nương nhờ môi của bậc đại bi tăng thượng đức, khi bậc Đại bi tăng thượng đức đã Níp-bàn, nàng ong thợ Tam tạng ấy nương nhờ trong đóa hoa sen là môi tất cả đệ tử Phật chiến thắng. Bây giờ tôi xin thỉnh nàng ong thợ Tam tạng ấy ngự đến cư ngụ nơi môi của tôi, xin đừng khó khăn trong phận sự, tinh tấn tìm đứa con kinh điển, xin kinh điển hãy hoan hỷ ngự trong môi của tôi là cho tôi ghi nhớ tất cả nghĩa, vị được tụng đọc thuộc lòng thành tựu như ý nguyện.

Với phương pháp giải thích như vậy, khi ngài Buddhadata trình bày cho ngài Buddhaghosa kệ tán dương trong phần đầu kinh Jinālaṅkāra thì ngài hoan hỷ, phấn khởi. Sau khi dẫn chứng thí dụ này.

Có một nàng thiếu nữ, con của một gia đình, dung nhan kiều diễm, xinh đẹp khả ái. Nàng ấy vừa tròn mười sáu xuân xanh, các chàng trai trẻ đem lòng yêu thương, nhiều người vận động thân quyến mình đi dạm hỏi. Cha mẹ nàng thiếu nữ ấy đã khảo thi, xem xét tài sản, sắc đẹp, tướng mạo, nếu chàng trai nào đầy đủ tài sản, sắc đẹp, tướng mạo xứng đáng với con gái của mình rồi, cha mẹ nàng thiếu nữ gả con gái của mình cho chàng trai đó. Chàng trai nào ít tài sản, dung sắc, tướng mạo không đẹp, chàng trai ấy đến xin cưới hỏi cũng hoài công, không được nàng thiếu nữ ấy như mong muốn. Điều này có ví dụ như thế nào? Nàng thiếu nữ ấy như Tam tạng, những chàng trai trẻ đến xin cưới hỏi như người học Tam tạng và người học Tam tạng ấy nếu có đức tin ít, niệm tuệ ít, tinh tấn ít không thể học Tam tạng thành tựu như ý nguyện, như người đàn ông có ít tài sản, dung sắc tướng mạo không xinh đẹp đi hỏi nàng thiếu nữ không được thành tựu. Người có đức tin mạnh, tinh tấn mạnh, niệm tuệ mạnh, chính người ấy có thể học thuộc lòng Tam tạng được, như người đàn ông nào có tài sản nhiều, dung sắc, tướng mạo xinh đẹp, đến hỏi cưới nàng thiếu nữ và được thành tựu như ý nguyện. Bạch ngài, kinh điển mà ngài dịch thuật có số lượng tạo thành văn chương của Pāḷi êm tai nhất, thiện nam tử sanh về sau không thể sáng suốt như nàng thiếu nữ Sobhinī trang điểm đầy đủ mọi vật trang sức mà thanh niên không thể biết rằng tuổi già.

Khi ngài Buddhaghosa dẫn chứng như vậy, ngài Buddhadatta nói với ngài Buddhaghosa rằng:

- Này hiền giả, tôi đây đã gần hết tuổi thọ, không thể dịch thuật ngôn cho hoàn hảo, vậy hiền giả hãy ra đi, hãy dịch cho trọn bộ.

Khi cả hai vị đại trưởng lão đàm thoại với nhau đến đây, khi đó hai chiếc thuyền chạy dang xa. Chiếc thuyền ngài Buddhaghosa đi đảo Tích Lan, còn chiếc thuyền của ngài Budhadatta thì vào đảo Nam Jambudīpa.

Ngài Budhadatta, sau khi vào đến đảo Nam Jambudīpa, thực hành Sa-môn pháp, sống khoảng ba ngày rồi viên tịch, tái sanh trong Tusitā, có một ngàn nàng tiên nữ tùy tùng, còn tất cả đoàn thương buôn tịnh tín ngài Budhadatta và cúng dường với tất cả tứ vật dụng, sau khi chết đã tái sanh trong cung trời Đao Lợi thọ hưởng thiên sản, hạnh phúc cao thượng.

~~~~~~~~

CHƯƠNG THỨ NĂM

Khi thuyền ngài Buddhaghosa đến đảo Tích Lan, chư Thiên, Thiên vương Đế Thích, Phạm thiên đảnh lễ từ giã ngài Buddhaghosa trở về cảnh giới của mình, còn tất cả đoàn thương buôn đậu chiếc thuyền nơi bến cảng.

Sau khi thuyền ngài Buddhaghosa đến bến đậu ở đấy khoảng ba ngày, lúc đó có hai nàng tỳ nữ của Đại Bà-la-môn cư ngụ ở đảo Tích Lan. Cả hai nàng ấy đi xuống bến cảng múc nước. Một nàng đi xuống trước múc nước rồi đi lên, còn một nàng xuống sau cầm lấy chiếc bình. Cả hai chạm vào nhau, chiếc bình đầy nước bể tan. Chiếc bình không chẳng bị bể, nàng tỳ nữ có chiếc bình không bị bể đó ngược lại nổi sân hận chửi mắng với giọng Tích Lan:

- Này con tỳ nữ, dòng giống cha mẹ mày xấu xa, đê tiện, chỉ tô điểm thân thể thỏa thích, là lấy củ nghệ thoa mặt đi đàm luận mỗi nơi. Tao chửi mắng mày có mắt không thấy đường, sao mà mày lấy chiếc bình đầy nước chạm chiếc bình của tao cho bể, mày bỏ trốn sao cho được.

Nàng tỳ nữ có chiếc bình đầy nước bị bể cũng chửi mắng lại với ngôn ngữ Tích Lan:

- Này kẻ ăn xin khốn cùng, mày lấy chiếc bình không chạm vào chiếc bình đầy nước của tao cho bể tan không thỏa mãn sao mà còn vu khống chửi mắng tao nữa, chớ mày đó, trang điểm xác thân đi lang thang, đến chửi mắng cũng còn được, mày phạm vào chửi mắng đến thân quyến cha mẹ tao, con mắt mày không có hay sao? Mày lấy chiếc bình không chạm chiếc bình đầy nước của tao làm cho bể tan, ông chủ mày là cái gì không biết dạy mày.

Người tỳ nữ có chiếc bình không bị bể ấy sân hận quá độ chửi mắng thô tục nữa:

- Này con nữ tỳ đầu nhô, mọi rợ, lang thang, mặt thoa củ nghệ nhìn giống ma Thārī, ông chủ của mày là cái gì? Tao không sợ ông chủ của mày đâu, dòng giống, gia tộc ông chủ mày đó là gì? Này con nữ tỳ ngạo mạn, hay mày nói điều này với ông chủ mày, tao cũng không sợ.

Nàng tỳ nữ có chiếc bình bể sân hận, điên tiết chửi mắng rằng:

- Này con người ăn xin lang thang, mày chạy vội vàng lấy chiếc bình không chạm chiếc bình nước của tao đã làm cho bể tan, trở lại chửi rủa dòng giống, gia tộc ông chủ của tao nữa, nếu mày chửi mắng cha mẹ của tao cũng còn được, tại sao còn chửi rủa ông chủ của tao là giống ngoại lai, mặt lồi xấu xí không sợ ai, các ông ơi! Hãy nghe và làm chứng cho tôi.

Nàng nữ tỳ có chiếc bình không bị bể cũng trở lại chửi mắng nữa:

- Này con nữ tỳ, bạn bè, dòng giống, cha mẹ của tôi-mọi, khi mở mắt ra chỉ thấy mặt chủ, tao sẽ nguyền rủa, mày con ác quỷ, dòng họ của mày là giống ngoại lai, mày ví như con bò trong chuồng, khi ông chủ mở then cửa ra thì chạy đi.

Cả hai nàng nữ tỳ chửi mắng nhau với ngôn ngữ Tích Lan xứ Gandhāra. Trong khi ấy, ngài Buddhaghosa suy nghĩ rằng: Hai cô gái này sẽ nhắc đến ta và chắc chắn nhận ta làm nhân chứng. Suy nghĩ như vậy, ngài viết lời nói của hai cô trong lá buôn rồi gìn giữ. Cả hai cô gái ấy chửi mắng nhau rất nhiều, đến mệt mỏi, mỗi người đều đi về mách với Bà-la-môn chủ nhân của mình.

Bà-la-môn của nàng tỳ nữ có chiếc bình không bị bể là vị luật sư, nhưng vừa được nghe nàng nữ tỳ nói lên, liền phát sanh sân hận đến gây sự với Bà-la-môn chủ nhân của nàng có chiếc bình bị bể, cùng dẫn nhau đến pháp đình tâu trình với quốc vương Tích Lan.

Đức vua xứ Tích Lan phán hỏi Bà-la-môn nguyên cáo rằng:

- Khi cả hai nàng gây sự nhau, ai là nhân chứng?

Cả hai nàng nữ tỳ cùng khai rằng:

- Có một vị bhikkhu khách là nhân chứng của tiện nữ.

Đức vua phán truyền vị quan cận thần đi đến bến cảng thỉnh ngài Buddhaghosa về điều tra sự việc.

Ngài Buddhaghosa nói rằng:

- Tôi là bực xuất gia đứng phần luật làm nhân chứng lời nói của hai cô gái mắng chửi nhau. Tôi đã viết tất cả vào lá buôn này để tấu trình với đức vua Tích Lan.

Vị quan cận thần nhận lấy lá buôn ấy về trình lên vua. Đức vua Tích Lan đọc lên cho mỗi người nghe, khi đọc xong, phán hỏi đối chứng hai nàng nữ tỳ:

- Các ngươi chửi mắng những lời như vậy phải chăng?

Cả hai nàng nữ tỳ ấy thú nhận:

- Muôn tâu Hoàng thượng, thật vậy.

Vì cả hai nàng nữ tỳ chửi mắng nhau đếm được 80.000 lời, ngài Buddhaghosa viết hết không dư, không thiếu.

Ngày ấy, đức vua Đại Khattiya cho phạt nàng nữ tỳ chửi mắng chủ nhân ấy là ba trăm ba chục ngàn ba trăm đồng, khi phạt xong, đức vua họp triều thần ban hành điều luật là:

- Kể từ ngày nay trở đi, tàu bè nhẹ tránh tàu bè nặng, xe bò nhẹ tránh né xe bò nặng, người nhẹ tránh né người nặng.

Ban lệnh như vậy rồi, đức vua có ý muốn gặp ngài Buddhaghosa, bèn phán rằng:

- Chủ nhân lá buôn này, ngài ở nơi nào? Làm sao ta gặp Ngài?

Tất cả Bà-la-môn tà kiến ganh tỵ, tấu trình rằng:

- Vị bhikkhu ấy là vị bhikkhu thương buôn, đến vì lợi ích thương mãi ở phía sau lái thuyền, bệ hạ không nên lưu ý, không nên tìm kiếm đảnh lễ làm chi.

Đức vua Đại Khattiya không tin, cũng không nghe lời các Bà-la-môn, khi đã tin tưởng ân đức ngài Buddhaghosa như vậy đã im lặng.                                                                  

~~~~~~~~

CHƯƠNG THỨ SÁU

Đại Trưởng lão Buddhaghosa có sức mạnh, khi đức vua tán thán ân đức ngài Buddhaghosa với câu kệ rằng:

- Samaṇesu ca sabbesu Laṅkādīpe bahūsu ca tādiso samaṇo nāma diṭṭhaputta nayo idha tādasaṃ sīlasampanno javapaññaṃ mahātapaṃ yo ca pasanno pūjeti sukhaṃ so upapajjayāti.

Thật vậy, nhiều Bà-la-môn trong đảo Tích Lan này ta chưa từng thấy vị nào có trí tuệ hoạt bát như vị này, bậc Sa-môn có trí tuệ đầy đủ do giới và khổ hạnh như vậy. Nếu người nào cung kính, cúng dường người ấy phát sanh an lạc trong thế gian này và thế giới khác, đức vua Tích Lan tán dương ân đức ngài Buddhaghosa như vậy.

Kể từ đó trở đi, ngài Buddhaghosa đi đến nơi cư ngụ Sải vương trong đảo Tích Lan, đảnh lễ Sải vương rồi ngồi phía sau chư vị bhikkhu học Pháp Luật tại nơi cư ngụ Sải vương.

Ngày nào ngài Buddhaghosa cũng ngồi nghe Sải vương dạy Pháp Luật. Một lần nọ, Sải vương dạy đến câu không rõ ràng trong Vô tỷ pháp, phát sanh nghi ngờ, không giải thích ý nghĩa được, cho tất cả chư Tăng lui ra, đi vào phòng suy đi xét lại cũng không thấy đoạn đầu hay đoạn sau.

Ngài Buddhaghosa biết rõ đức Sải vương không thể giải thích ý nghĩa trong câu không rõ ràng đó, ngài viết ý nghĩa và điều giải thích xuống tảng đá, rồi trở về thuyền nơi cư ngụ của mình.

Sau khi Sải vương từ phòng đi ra thấy chữ nơi tảng đá, chấm dứt sự hoài nghi, thấy rõ ràng điều giải thích ý nghĩa, Sải vương hỏi tất cả cư sĩ áo trắng rằng:

-  Chữ này ai đến viết đây?

- Bạch Ngài, khi ngài vừa vào phòng, một vị bhikkhu khách viết.

- Bây giờ vị ấy đi hướng nào?

Các cư sĩ áo trắng cùng nhau đi tìm vị ấy. Cư sĩ áo trắng đến tìm gặp ngài Buddhaghosa ở phía sau thuyền, rồi thỉnh ngài đi đến nơi cư ngụ Sải vương.

Sải vương hỏi rằng:

- Chữ này hiền giả viết phải chăng?

- Thưa vâng, bạch Ngài, tôi viết.

Sải vương được nghe cũng vui mừng, hoan hỷ, thỏa thích rồi nói:

- Này hiền giả, thiện trí thức, từ nay trở đi, hiền giả lãnh nhiệm vụ dạy Pháp Luật cho tất cả Tăng chúng, tôi xin giao tất cả Tăng chúng cho hiền giả.

- Bạch Ngài, tôi đang có phận sự.

- Hiền giả có phận sự gì?

- Bạch Ngài, tôi được ngài Hòa thượng từ đảo Nam Jambudīpa phái đến đây để dịch Phật ngôn từ ngôn ngữ Tích Lan thành ngôn ngữ Magadha.

Sải vương được nghe càng vui mừng, hoan hỷ, thỏa thích nhiều hơn trước, tán thán:

- Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay! Sải vương mới nói câu kệ trong Tương ưng rằng:

Antojaṭā bahijaṭā

Jaṭāya jaṭitā pajā

Taṃ taṃ Gotama pucchāmi

Ko imaṃ vijaṭaye jaṭanti.

“Nội triền và ngoại triền

Chúng sanh bị triền phược

Vì thế, hỏi Cồ Đàm (Gotama)

Ai thoát khỏi triền này”

Khi Sải vương vấn câu kệ như vậy, ngài Buddhaghosa đáp câu kệ:

Sīle patiṭṭhāya naro sapañño

Cittaṃ paññañca bhāvayaṃ

Ātāpī nipako bhikkhu

So imaṃ vijaṭaye jaṭanti

Bhagavatā vuttaṃ         

Đức Thế Tôn thuyết:

“Trú giới người có trí    

Tu tiến tâm và tuệ

Nhiệt tâm mẫn Bhikkhu 

Vị ấy thoát triền này”

Khi ngài Buddhaghosa đáp câu kệ như vậy, Sải vương tán thán:

- Lành thay! Lành thay! Hiền giả hãy sáng tác Thanh tịnh đạo cho tôi xem trước một quyển.

Ngài Buddhaghosa nhận lời, từ giã Sải vương trở về nơi cư ngụ của mình, khi mặt trời xế bóng ngày hôm đó, ngài Buddhaghosa sáng tác bộ Thanh tịnh đạo với cả chú giải. Ngài viết rất nhanh, sau khi đã sáng tác, hoàn thành bộ Thanh tịnh đạo, nghiêng mình nằm xuống nhắm mắt thiếp đi một chút, Thiên vương Đế Thích, chúa chư Thiên muốn tác giả viết nhiều quyển Thanh tịnh đạo, từ cung trời Đao Lợi bay xuống lấy bộ Thanh tịnh đạo ấy. Ngài Buddhaghosa thức dậy không thấy bộ sách của mình, rồi thắp đèn lên viết một bộ nữa, khi viết xong đặt bên đầu nhắm mắt ngủ nữa, Thiên vương Đế Thích lại cũng bay xuống lấy đi. Ngài thức dậy không thấy bộ kinh của mình, lại đốt đèn lên viết thêm bộ nữa, sau khi hoàn tất, suy nghĩ rằng: Không biết ai mà đến đây lấy bộ sách của ta. Có lẽ là Đế Thích, Phạm Thiên, Long vương, hay kim sí điểu nào? Lần này ta nên lấy y cột bộ sách vào thân của mình cho chắc chắn, để lơ đễnh sẽ biến mất nữa. Suy nghĩ như vậy rồi, ngài cũng lấy y cột bộ sách của mình rồi ngủ, đến lúc gần rạng đông, Thiên vương Đế Thích đem cả hai bộ sách ấy trả lại chỗ cũ. Khi bình minh, ngài Buddhaghosa thức dậy thấy cả ba bộ sách đầy đủ, vui mừng, hoan hỷ, thỏa thích.

Ngài đi nhận đồ ăn khất thực vừa đủ nuôi mạng, thọ thực xong, ngài mang lấy cả ba bộ sách đến nơi cư ngụ Sải vương. Sải vương thấy cả ba bộ sách, sanh tâm kinh ngạc, hỏi rằng:

- Tại sao hiền giả sáng tác đến ba bộ như vậy?

Ngài Buddhaghosa bạch câu chuyện ấy với Sải vương từ đầu đến cuối. Văn tự đã trình bày tư cách chữ trong ba bộ ấy đếm được ba trăm ba chục ngàn chữ. Sải vương cho đọc đối chiếu cả ba bộ sách ấy không hề sai lạc, nhầm lẫn từ tiếp đầu ngữ đến bất biến từ. Sải vương rất vui mừng, hoan hỷ, thỏa thích, tán thán ân đức trí tuệ của ngài Buddhaghosa, cho phép ngài Buddhaghosa dịch Phật ngôn từ ngôn ngữ Tích Lan ra ngôn ngữ Magadha. Khi ấy, dân chúng thành phố Tích Lan có tịnh tín ân đức trí tuệ của ngài Buddhaghosa nhiều hơn, ngài GTS Buddhaghosa này xuất hiện trong thành phố Tích Lan, như đức Phật Toàn Giác giáng sanh thuyết giáo.

~~~~~~~~

CHƯƠNG THỨ BẢY

Ngài Buddhaghosa sống tại nơi ấy một cách khả ý, xin trú xứ thuận tiện để dịch Phật ngôn, Sải vương cho phép ở trong ngôi kim lâu bảy tầng, một vị đại trưởng lão trì tứ thanh tịnh giới cư ngụ tầng lầu thứ hai, một vị đại trưởng lão trì hạnh đầu đà trú tầng lầu thứ ba, một vị đại trưởng lão trì Kinh tạng ngự tầng thứ tư, một vị đại trưởng lão trì tạng Diệu Pháp ngụ tầng thứ năm, một vị đại trưởng lão trì Luật tạng trú tầng thứ sáu, một vị đại trưởng lão tu thiền trú tầng thứ bảy, tầng trệt còn bỏ trống, Sải vương cho phép GTS Buddhaghosa thọ trì hạnh đầu đà duy trì Pháp học Tam tạng.

GTS Buddhaghosa sống nơi ấy, ngài chú tâm dịch Phật ngôn từ ngôn ngữ Tích Lan ra ngôn ngữ Magadha vô cùng nhanh chóng, mỗi ngày lá buôn ấy từ từ hết đi, tìm không có lá buôn. Hằng ngày, ngài đi khất thực, tinh cần, nhẫn nại nhặt lá buôn rơi giữa đường về viết.

Khi ấy, có một người đàn ông nghèo khổ, thấy ngài GTS Buddhaghosa nhặt lá buôn rơi theo dọc đường mang đi, nghi ngờ rằng: Ngài này nhặt lá buôn về làm gì? Bèn đi theo nhìn xem, biết ngài nhặt lá buôn ấy về viết Tam tạng, người đàn ông ấy đem lá buôn đến bỏ đầy dọc theo con đường ngài đi khất thực. Khi GTS Buddhaghosa nhặt lấy lá buôn ấy về viết Phật ngôn, người đàn ông ấy vui mừng, hoan hỷ, thỏa thích, tịnh tín, để vật thực vào trong giỏ hoa mang đến cúng dường ngài Buddhaghosa, ngài Buddhaghosa nói rằng: “Này cận sự nam, ông hãy đem vật thực này đi lên cúng dường vị bhikkhu sống trong tầng trên, vị ở tầng trên đó, cao quí hơn ta”. Người đàn ông ấy liền mang giỏ vật thực ấy đi lên cúng dường vị trưởng lão ở lầu hai, vị sống lầu hai ấy bảo mang giỏ vật thực lên cúng dường đại trưởng lão lầu ba, đại trưởng lão sống ở lầu ba dạy lên cúng dường đại trưởng lão ở lầu tư… liên tiếp lên cho đến đại trưởng lão sống trong tầng lầu thứ bảy, vị đại trưởng lão ở lầu bảy nói rằng: Này cận sự nam, vật thực này ông hãy mang xuống đi cúng dường vị cư ngụ ở tầng trệt, vị ấy có ân đức đặc biệt viết Phật ngôn mỗi ngày. Người đàn ông ấy mang giỏ vật thực trở xuống cúng dường ngài Buddhaghosa. GTS Buddhaghosa chia vật thực ấy ra bảy phần, thọ thực một phần, còn sáu phần ấy dạy cho thí chủ mang lên cúng dường sáu vị đại trưởng lão sống trong sáu tầng lầu, không tham nhận tất cả, chính sự thực hành này là phận sự tiến hành của GTS Buddhaghosa, suốt thời gian không gián đoạn. Trong vòng ba tháng, GTS Buddhaghosa đã dịch xong Tam tạng từ ngôn ngữ Tích Lan ra ngôn ngữ Magadha, hoàn thành luôn tất cả chú giải (sớ giải và phụ sớ giải).

Khi công việc phiên dịch Phật ngôn hoàn tất, ngài ra hạ trong ngày lễ tự tứ. Khi tự tứ xong, ngài bạch rõ với Sải vương rằng: Bây giờ, tôi đã hoàn tất việc phiên dịch Phật ngôn. Sải vương tùy hỷ rằng: Lành thay! Thiện thay! Tán dương ân đức ngài GTS Buddhaghosa với câu kệ:

Pháp học lời giáo huấn

Được đức Phật tuyên thuyết

Khó thay gặp chánh Pháp

Từ nay trở về sau

Tôi nhìn thấy an lạc

Biết rõ do oai lực (Ngài)

Buddhaghosa đã dịch ra

Ngôn ngữ Magadha

Trước đó, tôi không biết

Không thấy như đàn ong

Không mắt, không nhìn thấy

Bằng phẳng hay gồ ghề

Chính nơi đây tôi thấy

An lạc được phát sanh.

Tiếp theo đó, ngài Buddhaghosa cho chở bộ sách mà Đại Trưởng lão Mahinda viết thành ngôn ngữ Tích Lan chất thành bảy đống cao bằng bảy thớt tượng. Khi chất xong, ngài cho thiêu đốt trong nơi thanh tịnh gần đại bảo tháp lúc ấy. Khi đốt xong, ngài nhớ đến ân đức cha mẹ, rồi từ giã Sải vương trở về đảo Nam Jambudīpa. Sải vương chấp thuận, GTS Buddhaghosa lên thuyền cùng với tất cả đoàn thương buôn.

Tất cả chư bhikkhu người Tích Lan thông suốt kinh điển Saṅskrit chỉ trích ngài Buddhaghosa này chỉ biết dịch Tam tạng thôi, chớ ngài không thể biết kinh điển Saṅskrit. Tất cả đoàn thương buôn bạn ngài Buddhaghosa nghe chư Tăng người Tích Lan chỉ trích như vậy, bèn thuật lại cho GTS Buddhaghosa. Ngài Buddhaghosa trở lên đi đến nơi cư ngụ Sải vương, bạch với Sải vương rằng: Ngày mai, 15 hạ tuần, tôi sẽ thuyết pháp kinh điển Saṅskrit cho tất cả hội chúng. Xin ngài cho cưu hội gần đại bảo tháp. Sải vương dạy cho tất cả cư sĩ áo trắng đi khắp cả thành phố thông báo dân Tích Lan. Tất cả hội chúng vui mừng, hoan hỷ, thỏa thích cùng nhau đến nghe Pháp thoại của ngài Buddhaghosa.

Khi ấy, có một con chó mẹ nhớ tội lỗi từ trước, muốn thoát khỏi tội khổ trong bàng sanh, chó mẹ ấy dẫn dắt đàn con của mình đi nghe Pháp trong nơi cư ngụ ngài Buddhaghosa. Khi dẫn nhau đến gần nghĩa địa, thấy xác chết phụ nữ người ta vứt bỏ, chó con van xin chó mẹ cho ăn con mắt tử thi, chó mẹ ngăn cản:

- Không nên ăn.

- Tại sao mẹ ngăn cản không cho ăn?

- Này các con, người nữ này mắt nó xấu xí, nó thấy vị Tăng, nó quay mặt làm lơ không thích nhìn, nó không có đức tin.

- Nếu như thế, con xin ăn cái miệng.

Chó mẹ ngăn cản:

- Không nên ăn, miệng nó xấu xa, nó chửi mắng người già cả. Thấy họ làm phước nó làm thinh, nó không tùy hỷ.

- Nếu như thế, con xin ăn trái tim.

- Không nên ăn, tim nó xấu xa, nó không biết rõ ân đức Phật, ân đức Pháp và ân đức Tăng.

- Nếu như thế con xin ăn cánh tay.

- Không nên ăn vì cánh tay nó đánh ông, bà, cha mẹ, bạn bè.

- Nếu như thế con xin ăn cái chân.

- Không nên ăn, chân nó xấu xa, nó không lễ trong chùa.

Chó mẹ đã ngăn cấm con của mình như vậy, rồi vội vàng dẫn con đi nghe Pháp.

Sáng hôm đó, ngài Buddhaghosa đi trở lại khất thực và sau khi thọ thực, ngài đi đến hội chúng đang cưu hội đầy đủ gần đại bảo tháp, lên pháp tọa cầm lấy cây quạt ngăn trước mặt. Ngài thuyết pháp tiếng Saṅskrit như sau:

Này những người sống trong xứ Tích Lan, có trí tuệ thông suốt, hãy nghe kinh điển Saṅskrit mà tôi sẽ thuyết giảng trong lúc này. Tôi tên là Buddhaghosa sẽ giải thích cho quí vị nghe con ong thợ, chính con ong thợ này, khi suy nghĩ nhớ đến mỗi hương vị nào, dù xa 100 do tuần, chính con ong thợ ấy, có thể bay đến hút nhụy hoa. Vị bhikkhu sống trong Tích Lan như con ếch già nhìn ở trong hồ sen, không được thưởng thức hương vị hoa sen xinh đẹp. Con ong thợ ấy có thể như tôi, dù ở quốc độ xa 100 do tuần, khi nhớ đến Pháp bảo đức Phật, tôi đến tán dương sự duy trì chánh Pháp, vị Tăng mặc y ca-sa chế định là Sa-môn. Bậc thiện trí thức không cao thượng, chư Tăng trong Tích Lan chỉ trích tôi, tự hào chủ nhân hoa sen mà không thưởng thức hương vị hoa sen xinh đẹp, tôi đây được nghe Pháp của đức Phật thuyết giảng, Pháp của ngài như hoa sen đáng tán dương, đáng nương nhờ, đáng cúng dường. Tại sao vị Tăng chỉ trích tôi, khi được nghe tôi nói tiếng Tích Lan thông thạo như Saṅskrit như vậy, sự chỉ trích được tịnh chỉ với Pháp vị ngôn ngữ Tích Lan do trường hợp như vậy.

Lẽ thường từ xưa, có người biết hơn hoặc bằng nhau thường chỉ trích nhau. Này tất cả hiền giả, chư hiền hãy nghe Pháp vị đặc biệt tuyên thuyết bằng cổ ngữ đức Phật, bậc có tiếng tốt lan xa, ngài biết tâm đại thiện có trạng thái hoan hỷ, tầm cầu kết quả chân chính, như là kiến tạo chùa, phết vàng tượng Phật, đào ao, xây tháp, gieo giống lành, thuyết pháp và đắp tượng, tạo nơi đi kinh hành, khi chú tâm suy nghĩ mỗi điều gì thiện và quả thiện, do phạm vi pháp của đức Phật thuyết. Người ác suy nghĩ cướp giựt, lừa đảo tài sản, lén lút trộm cướp, khen nhau tốt. Một người ác nói: Ta sẽ trộm cướp lấy cho được, không nên nóng nảy. Rồi nhanh tay hơn đã trộm được tài sản của nhiều người. Nếu không lấy, bị nguy hiểm đến chết, chịu khổ về sau. Người ác phía sau giựt lấy, trộm cướp không được, thường oán thù, oan trái, nếu tôi còn sống hai, ba ngày ấy, ai phản đối với sự khéo tay của tôi khó biết về sau.

Khi bậc thiện trí thức duy trì Pháp, suy nghĩ không thấu suốt cũng than khóc rằng: Đức Phật tối thượng cao quí đã viên tịch, bậc thiện trí thức cao thượng hơn tôi đã Níp-bàn. Khi suy nghĩ dịch không được, không nơi nương nhờ hỏi han về sau cũng khóc than vô ích. Này tất cả hiền giả, tôi nói tiếng Tích Lan luôn cả Saṅskrit huyền bí không có nền tảng, tất cả hiền giả, gia đình, dòng giống Bà-la-môn thuộc về địa phương và quốc vương Trung Hoa, Chiêm thành, Bà-la-môn, đạo sĩ, hành giả là giáo thọ sư đặc biệt, hãy nghe cho rõ ràng văn cú, đạo pháp, tôi là GTS Buddhaghosa nói cho quí vị nghe, đất là một loại đất, người siêng năng mang đi in thành viên gạch, thành miếng ngói để bán thu tiền, bạc và vàng, đôi khi làm thành cái hủ, cái bình, cái chậu để bán. Người thợ đôi khi làm khác nhau, theo ngôn ngữ gọi là đồ gốm khác nhau, đặc biệt đem từ quốc độ Trung Hoa, Chiêm thành mỗi thời. Còn Thái Lan cũng lấy đất làm cái bình, nồi đất. Vàng là một loại vàng tốt đẹp đặc biệt theo vị thầy chỉ dạy vàng, người thợ kim hoàn gom vào khắc thành vật trang sức khác nhau, vài người làm thành bông tai, dây chuyền, kiềng vàng, nạm kim cương được hoàng gia đeo, vật trang điểm xinh đẹp, lạ mắt chiếu sáng như ánh lửa, tất cả đây nương vào một thứ vàng theo từ người thợ khéo léo có thể làm khác nhau. Cũng vậy, Tam tạng Pháp bảo của bậc Đạo sư, bậc thiện trí thức có trí tuệ thiện xảo dịch cho đúng, hợp theo ý nghĩa pháp đó cũng rất khó khăn.

Như con bò mẹ thường có màu sắc khác nhau, đôi khi đen, một vài vá, đôi khi trắng khác nhau rất nhiều, nhưng sữa bò ấy không khác nhau, sữa ấy chỉ màu trắng giống nhau, vị giống nhau. Chúng ta, một người sanh trong xứ Tích Lan, một sanh trong đảo Jambudīpa, hai đảo này cách xa nhau, nhưng sữa mẹ không khác nhau, thường giống nhau mỗi làng, mỗi thành phố và pháp bậc Toàn Giác không khác nhau. Luật theo Luật, Kinh điển theo Kinh điển, Thắng pháp theo Thắng pháp; pháp vị không khác nhau, khiến cho thành tựu đạo quả Níp-bàn như nhau, một phương pháp suy niệm theo đệ nhất nghĩa pháp như tất cả chúng ta đây. Mặt, mắt, mũi, tay, chân giống nhau, chỉ khác nhau thổ ngữ Thái, Trung Hoa, Chiêm Thành... Người sanh trong thế gian này, cư sĩ, hoặc Sa-môn hay Bà-la-môn, khi thực hành tà đạo, ác hạnh, bất thiện cũng sa vào địa ngục, chịu đựng khổ thọ (giống nhau). Nếu người có trí tuệ, bố thí, trì giới cũng tái sanh trong sáu cõi trời Dục giới, tiên nữ đoanh vây, thiên sản lộng lẫy, rực rỡ với thiện hạnh mà ta thực hành. Tôi là Buddhaghosa thuyết pháp theo câu kệ mà bậc đạo sư thuyết, kể từ nay trở đi, dân Tích Lan và bhikkhu Tăng học thuộc lòng, khi không thuộc lòng làm sao biết rõ điều học của đấng Thập Lực. Tôi là Buddhaghosa tiến hành theo lời dạy của ngài Mâu Ni cứu tinh đạo sư, tinh tấn dịch pháp của bậc Đại Từ Bi từ ngôn ngữ Tích Lan thành ngôn ngữ Magadha gồm Pāḷi, chú giải, sớ giải. Lại nữa, (tất cả) vị bhikkhu chỉ trích tôi rằng: “Ngài thông thạo Saṅskrit ngữ mà không biết tiếng Tích Lan”. Khi được nghe tôi thuyết pháp bằng văn chương Tích Lan, quí vị sẽ hoan hỷ.

Khi chấm dứt thời pháp, tất cả hội chúng tháo vải trang sức ra, cung kính cúng dường Pháp thoại ấy nhiều hơn, vải trang sức ấy chất cao khoảng bảy thớt tượng. Ngài không nhận sự cúng dường ấy, xuống pháp tạo, đảnh lễ Sải vương, rồi từ giã các bậc đại trưởng lão về thuyền cùng với tất cả đoàn thương buôn. Tất cả đồ vật ấy, ngài dạy đem bố thí cho người nào tùy ý, những người hành khất, kẻ hát dạo, kẻ xin ăn nhận sự bố thí một cách thích hợp với niềm hoan hỷ.

~~~~~~~~

CHƯƠNG THỨ TÁM

Khi thuyền trương buồm rời khỏi bến ra cửa biển, GTS Buddhaghosa ban huấn từ cho tất cả đoàn thương buôn rằng:

“Này tất cả chư quí vị, thuyền chạy được giữa đại dương do nhờ sức mạnh gió, tôi cùng tất cả quí vị đi đến bến tàu được an lạc nhiều, do nhờ chiếc thuyền này, như thế nào thì tất cả mọi người đi đến nhàn cảnh thiên giới, thọ hưởng thiên sản, hạnh phúc cao thượng, nương nhờ với sức mạnh phước báu cũng như thế ấy. Lẽ thường, chúng sanh thọ sanh nơi nhàn cảnh hưởng nhiều phúc lạc do nhờ phước báu, vì thế, tôi cùng quí vị tinh cần tạo cho nhiều công đức. Chính thiện nghiệp này đưa đến an lạc trong nhàn cảnh, thọ hưởng tài sản hạnh phúc cao quí trong thế gian khác”. Ngài Buddhaghosa ban huấn từ cho tất cả đoàn thương buôn như vậy.

Khi thuyền chạy nhanh đến bến đảo Nam Jambudīpa, GTS Buddhaghosa từ giã tất cả đoàn thương buôn lên khỏi thuyền, cầm lấy y bát của mình đi đến nơi cư ngụ ngài Hòa thượng, bạch rõ từ đầu đến cuối, xả bỏ hình phạt, xin ngài Hòa thượng tha thứ tội lỗi. Rồi ngài về nhà cha mẹ. Cha mẹ hoan hỷ cúng dường, vật thực thượng vị loại cứng, loại mềm, vui mừng, thỏa thích hỏi thăm. Ngài Buddhaghosa kể chuyện cho cha mẹ nghe như trước.

Sống được thời gian lâu, cha mẹ GTS Buddhaghosa từ trần, tái sanh trên cung trời Tusitā. Tất cả người nô tỳ, công nhân đều an trú trong lời huấn từ của GTS Buddhaghosa, khi mạng chung được sanh lên nhàn cảnh. Một vài người ra đi theo hạnh nghiệp.

GTS Buddhaghosa, khi cha mẹ đã mạng chung, ngài làm lễ an táng thiêu xác cha mẹ, ngài hoan hỷ cúng dường đại bồ đề luôn không gián đoạn, tinh cần thực hành phận sự nơi đại bồ đề, tán dương đại bồ đề.

Thật vậy, bậc Chánh Đẳng Giác cao quí, tối thượng hơn chúng sanh, chư Thiên, nhân loại, Đế Thích, phạm Thiên, Diêm vương, Dạ xoa, A-tu-la, Càn-thát-bà. Đức Phật, ngài đã chiến thắng được Ma vương, quân ma và giác ngộ bồ đề trí, do nương nhờ gốc cây đại bồ đề, người nào ủng hộ đại bồ đề, cúng dường đại bồ đề như cúng dường đối với đức Phật, người ấy sẽ thoát khỏi tất cả khổ não, do quả báo cung kính, cúng dường bồ đề ấy. Ngài Buddhaghosa tán dương ân đức đại bồ đề như vậy.

Sống không bao lâu, khi gần hết tuổi thọ, ngài niệm tưởng đến giới hạnh mà mình thọ trì, niệm tưởng ân đức của bậc Chánh Đẳng Giác. Khi ngài từ trần, tái sanh về cung trời Tusitā, thọ hưởng thiên sản trong thiên cung thất bảo cao mười hai do tuần, có một ngàn tiên nữ tùy tùng. Về sau, khi Bồ-tát Metteyya giáng sanh giác ngộ trong thế gian này, ngài giáng sanh là bậc Thinh văn của đức Phật Tổ Metteyya như ngài Sāriputta tối thượng hơn tất cả chư Thinh văn về trí tuệ, không chướng ngại trong các pháp cần giác ngộ.

Khi ngài Buddhaghosa từ trần, tất cả chư Thiên và nhân loại cùng nhau làm giàn hỏa táng với xích trầm trang điểm các vật trang sức xinh đẹp, tắm rửa thi hài ngài với nước thơm, an vị thi thể vào kim quan, rưới nước thơm với tâm thành kính cúng dường nhiều cách khác nhau như thổi kèn, tù và và các nhạc cụ, thỉnh quan tài đặt trên lầu, tứ vật dụng để cầu siêu, sau khi đưa lên giàn hỏa táng xích trầm, thiêu thi hài Ngài, các hương thơm bay tỏa khắp nơi. Khi phận sự hỏa táng đã xong, tìm lấy xá lợi đặt trong khung viên đại bồ đề, cùng nhau cung kính, cúng dường xá lợi với nhiều sự cung kính cúng dường khác. Những người do năng lực quả báo cung kính cúng dường xá lợi ngài Buddhaghosa, khi tan rã ngũ uẩn, chấm dứt mạng sống, từ giã cõi nhân loại, tái sanh trong Thiên giới, thọ hưởng Thiên sản, hạnh phúc an lạc nơi ấy.

Lịch sử ngài GTS Buddhaghosa mà tôi gọi là Kiết Tường đại trưởng lão (Maṅgalamahathero) dịch theo phương pháp học thuộc lòng nơi cư ngụ giáo thọ sư thời xưa đã chấm dứt chỉ bấy nhiêu.

~~~~~~~~

DỨT LỊCH SỬ NGÀI BUDDHAGHOSA

~~~~~~~~

~~~~~~~~

THANH TỊNH ĐẠO

~~~~~~~~

PHẦN GIỚI

Thành kính đảnh lễ đức Thế tôn, bậc Ứng cúng Arahant, Chánh Đẳng Giác.

~~

GIẢI THÍCH VẤN ĐÁP

Sīle patiṭṭhāya naro sapañño

Cittaṃ paññañca bhāvayaṃ

Ātāpī nipako bhikkhu

So imaṃ vijaṭaye jaṭanti

“Trú giới người có trí

Tu tiến tâm và tuệ

Nhiệt tâm, mẫn tỳ kheo

Vị ấy thoát triền này”.

Câu kệ này được đức Thế Tôn thuyết như vậy.

Tại sao đức Thế Tôn thuyết câu kệ ấy?

Được nghe rằng: Khi đức Thế Tôn đang ngự tại Sāvatthi - Xá Vệ - lúc về đêm có một vị thiên tử sau khi đi đến yết kiến, đã hỏi câu kệ này để diệt trừ hoài nghi của mình:

Antojaṭā bahijaṭā

Jaṭāya jatiṭā pajā

Taṃ taṃ Gotama pucchāmi

Ko imaṃ vijaṭaye jaṭanti.

“Nội triền và ngoại triền

Chúng sanh bị phược triền

Vậy hỏi đức Gotama

Ai thoát khỏi triền này?”

Câu kệ ấy có đại ý tóm tắt như vầy: Gọi là jaṭā (triền) - đó là đồng nghĩa của khát ái giống như mắc lưới jāliniyā. Thật vậy, khát ái ấy gọi là triền như rừng rậm, tức là dày đặc bụi tre gai... do ý nghĩa móc dính lẫn nhau, sanh khởi luôn luôn do khả năng thăng trầm trong các đối tượng như cảnh sắc... Cũng chính khát ái này gọi là nội triền và ngoại triền do sanh khởi trong vật dụng của ta và vật dụng của người khác, trong nội và ngoại xứ. Chúng sanh bị phược triền là phát sanh móc dính lẫn nhau như vậy.

Giải rằng: như cây tre bị bụi tre… móc dính lẫn nhau thế nào, thì người ta nói rằng: Tất cả chúng sanh bị ái dục triền ấy móc dính lẫn nhau cũng như thế đó, do nhân nào các chúng sanh bị ái dục triền móc dính lẫn nhau như vậy, Bạch đức Gotama? Do nhân đó, tôi mới hỏi Ngài. Các Thiên tử thường gọi Thế Tôn bằng tên tộc là đức Gotama. Câu kệ nói: “Ai thoát khỏi triền này?” Tức là người nào có khả năng tháo gỡ triền phược này sau khi bị móc dính lẫn nhau mà trong tam giới đã tồn tại như vậy.

Đức Thế tôn, bậc trí tuệ du hành không bị chướng ngại trong tất cả pháp, là chư Thiên của chư Thiên, là chư Thiên trên chư Thiên, là Đế Thích trên Đế Thích, là Phạm thiên trên phạm Thiên, là bậc can đảm với tứ vô sở úy trí, bậc duy trì thập lực trí. Bậc vô chướng ngại trí, là đấng toàn nhãn, để đáp lời vị thiên tử ấy, ngài đã thuyết câu kệ này:

“Trú giới người có trí

Tu tiến tâm và tuệ

Nhiệt tâm, mẫn Bhikkhu

Vị ấy thoát triền này”.

Bây giờ tôi giải thích               

Như thật ý nghĩa giới

Khác nhau câu kệ này              

Được ẩn sĩ diễn thuyết

Thiện nam được xuất gia          

Mà rất khó đạt được

Trong pháp bậc chiến thắng     

Khi không biết như thật

Thanh tịnh đạo hội họp            

Các ân đức nhất là

Giới, an ổn, chánh trực            

Hành giả muốn thanh tịnh

Tinh cần cũng không thể          

Đạt được sự trong sạch

Tôi nói Thanh tịnh đạo

Nương pháp đại trưởng lão

Trú tại Đại tinh xá                             

Khéo thuyết giảng thanh tịnh

Gieo hoan hỷ thiện nam           

Tinh cần giáo pháp này

Thanh tịnh đạo tôi nói             

Một cách cung kính vậy

Chư Tôn muốn thanh tịnh                  

Tất cả xin chú tâm.

Ở đây nên biết: Níp-bàn thoát ly tất cả nhơ bẩn tội lỗi, hoàn toàn trong sạch tuyệt đối gọi là visuddhi (thanh tịnh), Phương pháp dẫn đến giác ngộ gọi là maggo (đạo), con đường của sự trong sạch ấy là visuddhimaggo (Thanh tịnh đạo), nghĩa là tôi sẽ nói Thanh tịnh đạo ấy như vậy.

Chính Thanh tịnh đạo ấy, vài nơi được đức Thế Tôn thuyết do khả năng pháp quán như:

“Sabbe saṅkhārā aniccāti

Tadā paññāya passati

Atha nibbindati dukkhe

Esa maggo visuddhiyā”

Khi nào thấy với tuệ

Tất cả hành vô thường

Khi ấy yếm ly khổ

Đó là Thanh tịnh đạo”.[1]

Vài nơi được đức Thế Tôn thuyết do khả năng thiền và trí tuệ như:

“Natthi jhānaṃ apaññassa

Natthi paññā ajhāyino

Yamhi jhānañca paññā ca

Sa ve nibbānasantike”.

Không thiền, không có tuệ

Không tuệ, không có thiền

Ai có thiền và tuệ

Vị ấy gần Níp-bàn”.[2]

Vài nơi được bậc đạo sư thuyết do khả năng nghiệp... như:

“Kammaṃ vijjā ca dhamme

Sīlaṃ jīvitamuttamaṃ

Etena maccā sujjhanti

Na gottena dhanena vā”

Nghiệp, minh và tâm pháp

Giới và tối thắng mạng

Chính những diệu pháp ấy

Khiến chúng sanh thanh tịnh.

Không phải vì dòng họ

Không phải vì tài sản”.[3]

Vài nơi được đức Như Lai thuyết do khả năng giới... như:

“Sabbadā sīlasampanno

Paññavā susamāhitā

Āraddhavīriyo pahitatto

Oghaṃ tarati duttaranti”.

Người luôn đầy đủ giới

Trí tuệ, khéo định tĩnh

Chí siêng năng dõng mãnh

Vượt bộc lưu khó vượt”.[4]

Vài nơi đã được đức Thập Lực thuyết do khả năng niệm xứ như: “Ekāyano ayaṃ bhikkhave maggo sattānaṃ visuddhiyā ...pe... nibbānassa sacchikiriyāya yadidaṃ cattāro satipaṭṭhānāti”. (Này chư Bhikkhu, đây là con đường độc nhất dẫn đến thanh tịnh cho các chúng sanh... như trên... làm cho thấy rõ Níp-bàn, đó là tứ niệm xứ)[5].

Trong tứ chánh cần cũng như vậy.

Nhưng theo lối phân giải này được đức Thế Tôn đề cập về giới đức. Ở đây, tôi sẽ giải tóm tắt như sau:

- Gọi “trú giới” là đã vững chắc trong giới. Lời này giải rằng: người thực hành cho đầy đủ giới hạnh ở đây, ngài gọi là vững chắc trong giới, do đó, sự thực hành cho đầy đủ giới hạnh gọi là trú trong giới. Đây là ý nghĩa trong điều này.

- Gọi “người” là nhóm chúng sanh.

- Câu nói “có trí” là người có trí tuệ, vì liên quan với trí tuệ tâm tái tục, hợp thành ba nhân sanh từ nghiệp.

- Câu nói “tu tiến tâm và tuệ” là khiến cho tiến hành định và tuệ quán. Trong nơi đây, “định” được ngài thuyết chủ yếu là tâm, nhưng “quán” đã được ngài đề cập với danh từ là tuệ.

- Gọi “nhiệt tâm” là sự tinh cần. Thật vậy, sự tinh cần ngài gọi là nhiệt tâm do ý nghĩa tinh tấn thiêu đốt phiền não. Sự tinh cần hiện có đối với vị bhikkhu ấy, do đó gọi là người có nhiệt tâm.

- Lời nói “mẫn” là sự thận trọng, nghĩa là thành tựu với trí tuệ ấy, nhưng theo câu này trình bày luôn luôn gìn giữ trí tuệ - pārihārikapaññā.

Thật vậy, trong câu kệ trả lời này, trí tuệ đã đề cập đến ba lần, ba lần ấy:

  • Thứ nhất là trí tuệ tục sanh – jātipaññā.
  • Thứ nhì là tuệ quán - vipassanāpañña.
  • Thứ ba là luôn luôn gìn giữ trí tuệ dẫn đầu trong tất cả phận sự - sabbakiccapariṇāyikapārikapaññā.

- Câu nói “Bhikkhu”, người nào nhìn thấy sợ hãi trong luân hồi, vị ấy là Bhikkhu.

- Câu nói “ai thoát khỏi triền này” là vị bhikkhu hội đủ sáu pháp:

  • Một do giới hạnh này.
  • Một do định đã trình bày tự nhiên có tâm làm chủ
  • Với ba loại trí tuệ này.
  • Và một sự tinh cần.

Ví như người đàn ông đang đứng trên mặt đất, cầm thanh gươm bén có thể phá sạch bụi tre lớn như thế nào, cũng như thế ấy, vị bhikkhu đứng vững trên đất là “giới”, cầm thanh gươm tuệ quán đã được mài trên đá là “định”, bằng bàn tay luôn luôn gìn giữ trí “tuệ”, được sự ủng hộ của “tấn lực” có thể phá sạch, chặt đứt, cắt tuyệt tất cả rừng ái dục ấy trong cá tánh của ta.

Lại nữa, trong sát-na Thánh đạo vị ấy gọi là đang cắt tuyệt rừng triền, nhưng sát-na Thánh quả gọi là người đã cắt tuyệt rừng triền, trở thành bậc xứng đáng cúng dường tối thượng của thế gian luôn cả Thiên giới, do đó, đức Thế Tôn đã thuyết:

“Trú giới người có trí

Tu tiến tâm và tuệ

Nhiệt tâm, mẫn Bhikkhu

Vị ấy thoát triền này”.

Trong câu kệ ấy giải rằng: người có trí là vị không còn phận sự gì cần phải thực hành với trí tuệ này nữa, vì do năng lực nghiệp cũ, trí tuệ của vị ấy đã thành tựu, nhưng ở đây, nhiệt tâm và mẫn là người thực hành không gián đoạn do khả năng tinh tấn đã được thuyết, thực hành tĩnh giác do khả năng trí tuệ, trở thành trú trong giới, nên tu tiến chỉ-quán được ngài thuyết do khả năng tâm và tuệ. Nơi đây, đức Thế Tôn thuyết Thanh tịnh đạo chủ yếu giới, định, tuệ.

Thật vậy, ở phần này thường đề cập: tam học, ba loại toàn thiện Phật giáo, trạng thái chứng đắc tam minh... Sự tránh xa hai cực đoan thực hành trung đạo, phương pháp thoát khỏi khổ cảnh, sự diệt trừ phiền não do ba điều kiện: Pháp đối nghịch với vi phạm tội lỗi, sự tẩy sạch ba phiền não và nguyên nhân trở thành bậc Thất lai, …

Những điều ấy là thế nào?

Giải rằng: vì nơi đây tăng thượng giới học được ngài thuyết do giới, tăng thượng tâm học được ngài thuyết do định, tăng thượng tuệ học được ngài thuyết do trí tuệ.

Lại nữa:

- Sơ thiện Phật giáo ngài đã thuyết về giới, vì giới là bước đầu tiên của Phật giáo như câu Pāḷi: “Ko cādi kusalānaṃ dhammānaṃ? Sīlañca suvisuddhaṃ - cái gì là đoạn đầu của các thiện pháp? Giới khéo trong sạch, đó là đoạn đầu.[6]” Và Pāḷi nói: “Sabbapāpassa akaraṇaṃ - không làm mọi điều ác[7]”, chính giới ấy gọi là toàn thiện do dẫn đến các ân đức như không nóng nảy v.v...

- Trung thiện Phật giáo ngài đã thuyết về định, vì định là đoạn giữa của Phật giáo như câu Pāḷi: “Kusalassa upasampadā - thành tựu các hạnh lành[8]”, chính định ấy gọi là toàn thiện bởi dẫn đến những công đức như các loại thần thông v.v...

- Hậu thiện Phật giáo ngài đã thuyết về tuệ, như câu Pāḷi: “Sacittapariyodapanaṃ etaṃ buddhāna sāsanaṃ - giữ tâm ý trong sạch, đó lời chư Phật dạy[9]”, trí tuệ là cuối cùng của Phật giáo, bởi trí tuệ cao thượng và chính nó là toàn thiện do hướng dẫn trở thành người kiên tâm trong cảnh tốt và cảnh không tốt, đúng như Phật ngôn:

“Như tảng đá kiên trì

Gió thổi không lay chuyển

Cũng vậy, giữa khen chê

Bậc hiền trí không động[10]

Lại nữa, đức Phật đã tuyên bố:

- Trạng thái đắc chứng tam minh do giới, vì người đắc chứng tam minh cần phải nương nhờ thành tựu giới hạnh, vượt qua điều đó không đắc chứng được.

- Trạng thái đắc chứng sáu thắng trí ngài đã thuyết do định, vì người đắc chứng sáu thắng trí cần phải nương nhờ thành tựu định, vượt qua khỏi điều đó không đắc chứng được.

- Trạng thái đắc chứng tứ đạt thông ngài đã thuyết do trí tuệ, vì người đắc chứng tứ đạt thông cần phải nương nhờ thành tựu trí tuệ, nương vào nguyên nhân khác, không đắc chứng được.

Sự tránh xa cực đoan đắm say trong dục lạc đã được ngài thuyết do giới; sự tránh xa cực đoan tự thực hành khổ hạnh đã được ngài thuyết do định; sự thực hành trung đạo đã được ngài thuyết do tuệ.

Lại nữa, phương pháp giải thoát khỏi khổ cảnh đã được đức Phật thuyết do giới, phương pháp giải thoát khỏi Dục giới đã được ngài thuyết do định, phương pháp giải thoát khỏi tất cả hữu đã được ngài thuyết do tuệ.

Lại nữa, sự diệt trừ phiền não do khả năng diệt trừ từng phần đã được đức Thế Tôn thuyết về giới; sự diệt trừ phiền não do khả năng đè nén đã được ngài thuyết về định; sự diệt trừ phiền não do khả năng đoạn tận đã được ngài thuyết về tuệ.

Cũng vậy, pháp đối nghịch vi phạm các phiền não đã được bậc đạo sư thuyết do giới; pháp đối nghịch phiền não chướng ngại đã được ngài thuyết do định; pháp đối nghịch tùy miên phiền não đã được ngài thuyết do tuệ.

Lại nữa, sự tẩy sạch phiền não ác hạnh được đức Từ Phụ thuyết về giới, sự tẩy sạch phiền não ái dục đã được ngài thuyết về định, sự tẩy sạch phiền não tà kiến đã được ngài thuyết về tuệ.

Cũng vậy, nguyên nhân đắc thành bậc Thất lai và bậc Nhất lai đã được đức Như Lai thuyết do giới, nguyên nhân đắc thành bậc Bất lai đã được ngài thuyết do định, nguyên nhân đắc thành bậc Ứng cúng Arahant đã được ngài thuyết do tuệ, bởi vì, bậc Thất lai được tuyên bố là người thực hành đầy đủ trong các giới hạnh, bậc Nhất lai cũng vậy, nhưng bậc Bất lai được thuyết là người thực hành đầy đủ trong định, riêng bậc Ứng cúng Arahant là người thực hành đầy đủ trí tuệ.

Như vậy, đây là chín ân đức được bậc Chánh Đẳng Giác đề cập đến:

- Tam học

- Ba loại toàn thiện Phật giáo.

- Trạng thái đắc chứng nhất là tam minh.

- Sự tránh xa hai cực đoan và thực hành con đường trung đạo.

- Phương pháp giải thoát khỏi khổ cảnh...

- Sự diệt trừ phiền não do ba điều kiện…

- Pháp đối nghịch vi phạm nhất là tội lỗi.

- Sự tẩy sạch cả ba phiền não.

- Nguyên nhân đắc thành bậc Thất lai...

Và được ngài tuyên thuyết ba ân đức khác như vậy.

~~~~~~~~

CHƯƠNG THỨ NHẤT: GIỚI XIỂN MINH

Thanh tịnh đạo ấy dù đã được đức Như Lai thuyết chủ yếu giới, định, tuệ hội họp nhiều ân đức như vậy, nhưng thuyết rất tóm tắt không đủ nâng đỡ cho mọi người, do đó, để trình bày chi tiết Thanh tịnh đạo, trước hết có câu hỏi này đề cập về giới.

- Giới là gì?

- Gọi là giới do ý nghĩa thế nào?

- Trạng thái, phận sự, thành tựu và nhân cận của giới là gì?

- Giới có quả báo thế nào?

- Giới có bao nhiêu loại?

- Cái gì là sự nhơ bẩn của giới?

- Cái gì là sự trong sạch của giới?

Trong các câu hỏi ấy có lời giảng:

I. Câu hỏi: Giới là gì?

Các pháp như cố ý tránh xa sát sanh..., hay thực hiện cho đầy đủ các phận sự cần phải hành gọi là giới, như trong bộ Paṭisambhidāmaggo (Đạt thông đạo) được trưởng lão Sāriputta thuyết:

Hỏi: Giới là gì? 

Đáp rằng: cetanā sīlaṃ - cố ý gọi là giới, cetasikaṃ sīlaṃ - tánh gọi là giới, saṃvaro sīlaṃ - thu thúc gọi là giới, avītikkamo sīlaṃ - sự không vi phạm gọi là giới.[11]

Trong các giới ấy, người cố ý tránh xa sát sanh... hay người thực hiện cho đầy đủ các phận sự cần phải hành gọi là cố ý giới. Người kiêng cữ tránh xa sát sanh... gọi là tánh giới. Lại nữa, cố ý giới, tức là cố ý từ bỏ bảy nghiệp đạo như sát sanh..., tánh giới là các pháp vô tham ác, vô sân ác và chánh kiến, như đã được đức Phật thuyết: “Người đã từ bỏ tham ác, trú với tâm vô tham[12]“.

Vấn đề thu thúc gọi là giới, giải rằng: bậc thiện trí thức nên biết có năm loại thu thúc:

  • Pātimokkhasaṃvaro: biệt biệt giải thoát thu thúc
  • Satisaṃvaro: niệm thu thúc.
  • Ñāṇasaṃvaro: trí thu thúc.
  • Khantisaṃvaro: nhẫn thu thúc.
  • Viriyasaṃvaro: tinh tấn thu thúc.

- Trong những thu thúc ấy, lời nào được thuyết: “Người đã đi đến, đi đến gần chế ngự trong biệt biệt giải thoát giới”[13], đây gọi là biệt biệt giải thoát thu thúc.

- Lời nào được thuyết: “Phòng hộ nhãn quyền, đạt đến chế ngự trong nhãn quyền... ”[14] đây gọi là niệm thu thúc.

- Đức Thế Tôn đáp lời thanh niên Ajita:

“Hỡi này Ajita!

Dòng nước nào trong đời

Chánh niệm được ta nói

Chế ngự các dòng nước

Và chính do trí tuệ

Đóng lại các dòng nước”.[15]

Đây gọi là trí thu thúc. Sự thọ tứ vật dụng cũng xếp vào trí thu thúc này.

- Pháp môn nào được đức Thế Tôn thuyết: “Người chịu đựng sự lạnh, sự nóng,... ”[16], đây gọi là nhẫn thu thúc.

- Pháp môn nào mà đức Phật đã thuyết: “Vị ấy không chấp nhận dục tư duy đã phát sanh... ”[17] đây gọi là tinh tấn thu thúc, giới dưỡng mạng thanh tịnh cũng xếp vào tinh tấn thu thúc này.

Cả năm loại thu thúc như đã giải, sự tránh xa vật xảy ra tai nạn của thiện nam tử sợ hãi ác pháp, tất cả điều đó bậc thiện trí thức nên biết thu thúc gọi là giới.

Sự không vi phạm gọi là giới, là sự không vượt qua thân và khẩu của người đã thọ trì giới.

Đây là giải đáp câu hỏi thứ nhất: Giới là gì?

Tiếp theo sẽ giải đáp các câu hỏi còn lại.

II. Câu hỏi: Gọi là giới do ý nghĩa thế nào?

Nên biết sīlanaṭṭhena sīlaṃ - giới do ý nghĩa thu thúc. Gọi thu thúc đây là gì? Samādhānaṃ vā kāyakammā-dīnaṃ susīlyavasena avippakiṇṇatāti attho - nghĩa là tập trung thân nghiệp..., không cho thô tháo do khả năng phẩm hạnh tốt. Hay upadhāraṇaṃ vā kusalānaṃ dhammānaṃ patiṭṭhānavasena ādhārabhāvoti attho - hộ trì nghĩa là gìn giữ cẩn thận do khả năng an trú các pháp lành.

Thật vậy, các giáo thọ sư biết rõ trạng thái ngôn ngữ cho phép sử dụng hai danh từ này, nhưng các vị giáo thọ sư khác giải thích ý nghĩa danh từ giới này như: giới nghĩa là cái đầu – sīraṭṭho; nghĩa là đỉnh đầu – sīsaṭṭho; nghĩa là mát lạnh – sītalaṭṭo; nghĩa là an toàn – sivaṭṭho.

III.  Bây giờ sẽ giải thích tiếp theo câu hỏi: Trạng thái, phận sự, thành tựu và nhân cận của giới là gì?

Sīlanaṃ lakkhaṇantassa

Bhinnassāpi anekadhā

Sanidassanattaṃ rūpassa

Yathā bhinnassanekadhā”

“Trạng thái là thu thúc

Được phân tích nhiều loại

Như sắc mà mắt thấy

Chia nhiều loại khác nhau”.

Ví như sắc xứ chia ra nhiều loại như xanh, vàng v.v... mà trạng thái chỉ là phạm vi mắt có thể trông thấy, bởi vì cảnh sắc ấy dù chia ra nhiều loại như xanh v.v..., cũng không ngoài phạm vi có thể trông thấy được bằng mắt như thế nào, cũng như thế ấy, giới tuy phân tích nhiều trường hợp khác nhau như cố ý v.v... thì chỉ có sự thu thúc được xem là trạng thái do khả năng tập trung thân nghiệp một cách tốt đẹp và khả năng an trú các pháp lành, cũng vậy, giới ấy tuy phân tích nhiều loại như cố ý v.v... cũng không ngoài sự tập trung và an trú, đó là trạng thái của giới.

“Dussīlyaviddhaṃsanatā

Anavajjaguṇo tatthā

Kiccasampatti atthena

Raso nāma pavuccati”

“Sự diệt trừ ác giới

Ân đức vô tội vậy

Được gọi là phận sự

Nghĩa hoàn thành nhiệm vụ”.

Vì thế gọi là giới đây nên biết rằng do phận sự với ý nghĩa nhiệm vụ là phận sự diệt trừ ác giới, do phận sự với ý nghĩa thành tựu là phận sự vô tội. Thật vậy, đối với trạng thái v.v... chính nhiệm vụ hay thành tựu được gọi là phận sự.

“Soceyyapaccupaṭṭhānaṃ

Teyidaṃ tasssa viññūhi

Ottappañca hirī ceva

Padaṭṭhānanti vaṇṇitaṃ”

“Thành tựu là thanh tịnh

Bậc thiện trí thức nói

Hổ thẹn và ghê sợ

Là nhân cận của giới”.

Thật vậy, giới này có sự trong sạch đã được đức Phật thuyết: “Thân thanh tịnh, khẩu thanh tịnh và ý thanh tịnh”[18], là sự thành tựu, giới thành tựu đạt đến đặc tánh phòng hộ trong sạch.

Nhưng hổ thẹn và ghê sợ ác pháp được các bậc thiện trí thức gọi là nhân cận của giới, nghĩa là nguyên nhân gần. Bởi vì khi có hổ thẹn, ghê sợ ác pháp, giới phát sanh, tồn tại, khi hổ thẹn, ghê sợ ác pháp không có, giới cũng không phát sanh và không tồn tại.

Trạng thái, phận sự, thành tựu và nhân cận của giới, bậc thiện trí thức nên biết như vậy.

IV. Câu hỏi: Giới có quả báo thế nào?

Giải rằng: Quả báo là nhận được nhiều ân đức như không nóng nảy v.v... như đã được đức Thập Lực thuyết: “Này Ānanda, thiện giới có kết quả không nóng nảy, có quả báo không nóng nảy... ”[19]

Đoạn khác đã được đức Như Lai thuyết: “Này các gia chủ, đây là năm quả báo cho người có giới hạnh, đầy đủ giới đức. Thế nào là năm:

- Này các gia chủ, người có giới hạnh, đầy đủ giới đức trong thế gian này thâu hoạch được tài sản lớn do nguyên nhân không dể duôi. Đây là quả báo thứ nhất của người có giới hạnh, đầy đủ giới đức.

- Lại nữa, này các gia chủ, người có giới hạnh, đầy đủ giới đức được tiếng tốt đồn xa. Đây là quả báo thứ hai của người có giới hạnh, đầy đủ giới đức.

- Lại nữa, này các gia chủ, người có giới hạnh, đầy đủ giới đức đi vào hội chúng nào cũng vậy, như hội chúng Khattiya, hội chúng Bà-la-môn, hội chúng gia chủ, hay hội chúng Sa-môn, vị ấy đi vào dạn dĩ không bối rối. Đây là quả báo thứ ba của người có giới hạnh, đầy đủ giới đức.

- Lại nữa, này các gia chủ, người có giới hạnh, đầy đủ giới đức, không mê loạn khi chết. Đây là quả báo thứ tư của người có giới hạnh, đầy đủ giới đức.

- Lại nữa, này các gia chủ, người có giới hạnh, đầy đủ giới đức, sau khi thân hoại mạng chung sanh vào thế gian nhàn cảnh, thiên giới. Đây là quả báo thứ năm của người có giới hạnh, đầy đủ giới đức”.[20]

Lại nữa, trong đoạn khác đã được đức Thế Tôn thuyết nhiều quả báo của giới bằng pháp môn đầu tiên được người thương yêu, quí mến cho đến cuối cùng là chấm dứt lậu hoặc như: “Này chư Bhikkhu, nếu vị bhikkhu nào ước nguyện xin cho ta hãy là nơi thương yêu, quí mến, tôn trọng và là bậc khả kính của các bạn đồng phạm hạnh; vị bhikkhu ấy, cần phải thực hiện cho đầy đủ các giới hạnh...”[21]

Như vậy, giới có nhiều ân đức, nhất là không nóng nảy.... Lại nữa:

Thiện nam tử sống trong giáo pháp

Ngoại trừ giới không pháp tựa nương

Người nào nói rõ tỏ tường

Hạn định quả báo giới thường được đây

Các sông lớn chảy ra biển cả

Dòng sông Gangā, sông Ya-mu-nā

Sông Sa-ra-bhū thứ ba

Sarassatī cùng Ninnagā

Aciravatī chuyển vận

Dù Mahī phẳng lặng như tờ

Cũng không rửa sạch bợn nhơ

Của các sanh chúng bám nhờ thế gian

Đây là nước cam lồ giới hạnh

Tẩy rửa sạch trược tánh chúng sanh

Mưa rơi, gió thổi ngập tràn

Huỳnh đàn cũng chẳng gội tan lửa phiền.

Ngọc trai, Ma-ni chuyên ước nguyện

Ánh trăng vằng vặc hiện sáng soi

Không thể xoa dịu bỏng sôi

Thiêu đốt sanh chúng luân hồi thế gian.

Giới được khéo hộ trì trong sạch

Vật cao quí thâu hoạch Thánh phàm

Thật là vật mát siêu phàm

Làm cho an tịnh tâm phàm thế nhân.

Hương thơm nào ngạt ngào gió thoảng

Bay thuận chiều, bay tỏa nghịch phương

Hương nào bằng loại giới hương

Từ đâu sẽ có mùi hương thế này?

Nấc thang cất bước lên nhàn cảnh

Hay là cửa bậc Thánh đi vào

Níp-bàn thành phố quí cao

Thang khác bằng giới nơi nào có đâu?

Các hoàng đế vẫn thường trang điểm

Vòng ngọc trai ẩn hiện ma-ni

Không đẹp bằng bậc xuất ly

Phục sức bằng giới thay vì điểm trang.

Giới ấy năng diệt trừ sợ hãi

Như tự khiển trách mãi khắp nơi

Người có giới hạnh mọi thời

Danh thơm, phấn khởi ca đời phát sanh

Bậc thiện trí thức nên biết rõ

Lời tối hậu giới có quả này

Nguồn gốc ân đức cao dầy

Sức mạnh cắt đứt tội lầm lỗi tâm

V. Bây giờ tôi sẽ giải thích câu hỏi: Giới có bao nhiêu loại?

A. Tất cả giới này có một loại do trạng thái thu thúc.

B. Giới có hai loại do khả năng phân tích bảy đôi

1) Đôi thứ nhất do khả năng cārittasīlaṃ - giới hành và vārittasīlaṃ - giới cấm.

2) Đôi thứ hai do khả năng abhisamācārikasīlaṃ - giới thắng hạnh và ādibramacariyakasīlaṃ - giới sơ phạm hạnh.

3) Đôi thứ ba do khả năng viratisīlaṃ - giới kiêng cữ và aviratisīlaṃ - giới không kiêng cữ.

4) Đôi thứ tư do khả năng nissitasīlaṃ - giới lệ thuộc và anissitasīlaṃ - giới không lệ thuộc.

5) Đôi thứ năm do khả năng kālapariyantasīlaṃ - giới định thời và āpāṇakotikasīlaṃ - giới định sanh mạng.

6) Đôi thứ sáu do khả năng sapariyantasīlaṃ - giới có hạn định và apariyantasīlaṃ - giới không hạn định.

7) Đôi thứ bảy do khả năng lokiyasīlaṃ - giới hiệp thế và lokuttarasīlaṃ - giới siêu thế.

C. Giới có ba loại do khả năng phân tích năm tam đề:

1) Tam đề thứ nhất do khả năng hīnasīlaṃ - giới bậc hạ, majjhimasīlaṃ - giới bậc trung và paṇitasīlaṃ - giới bậc thượng.

2) Tam đề thứ hai do khả năng attādhipateyyasīlaṃ - giới ấy ta làm chủ, lokādhipateyyasīlaṃ - giới lấy đời làm chủ và dhammādhipateyyasīlaṃ - giới lấy Pháp làm chủ.

3) Tam đề thứ ba do khả năng parāmaṭṭhasīlaṃ - giới cảnh khinh thị, aparāmaṭṭhasīlaṃ - giới phi cảnh khinh thị và paṭippassaddhisīlaṃ - giới an tịnh.

4) Tam đề thứ tư do khả năng visuddhasīlaṃ - giới thanh tịnh, avisuddhasīlaṃ - giới không thanh tịnh và vematikasīlaṃ - giới hoài nghi.

5) Tam đề thứ năm do khả năng sekhasīlaṃ - giới hữu học, asekhasīlaṃ - giới vô học, và nevasekhā nā-sekhāsīlaṃ - giới phi hữu học phi vô học.

D. Giới có bốn loại do khả năng phân tích bốn tứ đề:

1) Tứ đề thứ nhất do khả năng hānabhāgiyasīlaṃ - giới hướng về thối hóa, ṭhitibhāgiyasīlaṃ - giới hướng về đình trụ, visesabhāgiyasīlaṃ - giới hướng đến tấn hóa và nibbedhabhāgiyasīlaṃ - giới hướng đến yếm ly.

2) Tứ đề thứ hai do khả năng bhikkhusīlaṃ - giới Bhikkhu, bhikkhunīsīlaṃ - giới Bhikkhu-ni, anupasam-pannasīlaṃ - giới phi thọ cụ túc, gahaṭṭhasīlaṃ - giới tại gia.

3) Tứ đề thứ ba do khả năng pakatisīlaṃ - giới thường, ācārasīlaṃ - giới tục lệ, dhammatāsīlaṃ - giới tự nhiên và pubbahetukasīlaṃ - giới tiền kiếp.

4) Tứ đề thứ tư do khả năng pāṭimokkhasaṃvarasīlaṃ - biệt biệt giải thoát thu thúc giới, indriyasaṃvara-sīlaṃ - quyền thu thúc giới, ājīvaparisuddhisīlaṃ - dưỡng mạng thanh tịnh giới và paccayanissitasīlaṃ - liên hệ vật dụng giới.

E. Giới có năm loại do khả năng hạn định thanh tịnh giới... như trong bộ Paṭisambhidāmagga - Đạt thông đạo -được trưởng lão Sāriputta thuyết:[22] “Giới có năm loại là pariyantapārisuddhisīlaṃ - hạn định thanh tịnh giới, apariyantapārisuddhisīlaṃ - vô hạn định thanh tịnh giới, paripuṇṇapārisuddhisīlaṃ viên mãn thanh tịnh giới, aparāmaṭṭhapārisuddhisīlaṃ - phi cảnh khinh thị thanh tịnh giới và paṭipassaddhipārisuddhisīlaṃ - an tĩnh thanh tịnh giới”.

Lại nữa, giới có năm loại do khả năng pahānasīlaṃ - giới từ bỏ, veramaṇīsīlaṃ - giới tránh xa, cetanāsīlaṃ - giới cố ý, saṃvarasīlaṃ - giới thu thúc và avītikkamasīlaṃ - giới không vi phạm.

Giảng giải các loại giới

A. Giới một loại:

Trong tất cả các loại giới ấy, giới một loại nên biết ý nghĩa theo phương pháp đã được đề cập.

B. Giới hai loại:

Trong giới hai loại nên biết ý nghĩa như sau:

1) Giới hai loại đôi thứ nhất, bậc thiện trí thức nên biết ý nghĩa như vầy: sự thực hiện đầy đủ điều học đã được đức Thế Tôn ban hành, điều này các thầy nên thực hành, gọi là giới hành (giới nên thực hành theo). Sự không thực hiện điều mà đức Phật cấm chế, điều này các thầy không nên thực hành, gọi là giới cấm.

Trong hai loại giới này, đây là ý nghĩa phân giải: người hành theo giới là người thực hiện đầy đủ trong các giới hạnh, vì thế gọi là giới hành (điều cho phép thực hành). Người hộ trì, gìn giữ điều được cấm chế bởi giới ấy, do đó gọi là giới cấm (điều ngăn cấm không cho thực hành). Đối với hai loại giới này, giới hành thành tựu do đức tin và tinh tấn, giới cấm có hiệu lực do đức tin.

Bậc thiện trí thức nên biết giới hai loại, đôi thứ nhất do khả năng giới hành và giới cấm đã được đề cập đến như vậy.

2) Giới hai loại đôi thứ hai, bậc thiện trí thức nên biết ý nghĩa như vầy: sự thực hành luôn luôn cao quí gọi là thắng hạnh, đúng theo thắng hạnh như vậy gọi là người thực hành phẩm hạnh tốt. Lại nữa, điều mà ban hành sự thực hiện tầng lớp người phẩm hạnh tốt gọi là thực hành thành người thắng hạnh, danh từ này đồng nghĩa giới còn lại, từ dưỡng mạng thứ tám.[23]

Giới đức mà người cần phải có trong đoạn đầu của con đường phạm hạnh, do đó, gọi là giới sơ phạm hạnh. Lời này đồng nghĩa giới dưỡng mạng thứ tám. Thật vậy, giới ấy là ân đức mà người nên thực hiện trong đoạn đầu của con đường phạm hạnh, bởi vì giới cần phải thực hành cho trong sạch, thật tối cần. Do đó, đức Thế Tôn thuyết: “Trong đoạn đầu tuyệt đối thân nghiệp, khẩu nghiệp và sanh mạng của vị ấy phải khéo thanh tịnh”.[24]

Lại nữa, những điều học đã được đức Phật thuyết là các điều học nhỏ, đây cũng gọi là giới thắng hạnh, ngoài ra đó gọi là giới sơ phạm hạnh.

Lại nữa, học giới xếp vào tương quan trong giới bốn lưỡng phái (biệt biệt giải thoát của bhikkhu và biệt biệt giải thoát của Bhikkhu-ni) gọi là giới sơ phạm hạnh, phần liên quan trong chương phận sự - khandhakavatta gọi là giới thắng hạnh. Giới sơ phạm hạnh được thành tựu do thành tựu giới thắng hạnh ấy. Do đó, đức Thế Tôn đã thuyết: “Này chư Bhikkhu, điều mà vị bhikkhu ấy sau khi không thực hiện đầy đủ pháp thắng hạnh, sẽ thực hành đầy đủ pháp sơ phạm hạnh, sự kiện ấy không thể xảy ra”.[25]

Giới hai loại đôi thứ hai do khả năng giới thắng hạnh và giới sơ phạm hạnh, bậc thiện trí thức nên biết như vậy.

3) Giới hai loại đôi thứ ba, bậc thiện trí thức nên biết ý nghĩa như vầy:

Ân đức tránh xa sát sanh v.v... gọi là giới kiêng cữ, còn lại như giới cố ý v.v... gọi là giới không kiêng cữ. bậc thiện trí thức nên biết giới hai loại đôi thứ ba do khả năng giới kiêng cữ và giới không kiêng cữ như vậy.

4) Giới hai loại đôi thứ tư, bậc thiện trí thức nên biết ý nghĩa như vầy:

Lời nói liên hệ có hai pháp liên hệ là pháp liên hệ ái dục và pháp liên hệ tà kiến.

Trong hai loại liên hệ ấy, giới nào mà người thực hành do mong muốn thành tựu trong cảnh giới như: Ta sẽ trở thành vị trời, hay cao hơn vị thiên tử nào khác do giới hạnh này. Đây là giới lệ thuộc ái dục (giới bị dính mắc ái dục).

Giới nào mà người thực hành do thấy thanh tịnh như sự thanh tịnh sẽ có do giới hạnh này, đây gọi là giới lệ thuộc tà kiến (giới bị dính mắc tà kiến).

Nhưng giới siêu thế và hiệp thế nào là yếu tố kết hợp giới siêu thế ấy, đây gọi là giới không lệ thuộc. Giới hai loại đôi thứ tư do khả năng giới lệ thuộc và giới không lệ thuộc, bậc thiện trí thức nên biết như vậy.

5) Giới hai loại đôi thứ năm, bậc thiện trí thức nên biết ý nghĩa như vầy:

Giới mà người thọ trì có hạn định thời gian, gọi là giới định thời (giới có thời gian chấm dứt). Giới mà người thọ trì thực hành như thế cho đến suốt đời gọi là giới định sanh mạng (giới có hơi thở cuối cùng).

Bậc thiện trí thức giới hai loại đôi thứ năm do khả năng giới định thời và giới định sanh mạng như vậy.

6) Giới hai loại đôi thứ sáu, bậc thiện trí thức nên biết ý nghĩa như vầy:

Giới được thấy có giới hạn do khả năng lợi lộc, danh vọng, quyến thuộc, thân thế và mạng sống, gọi là giới có hạn định, trái lại là giới không hạn định.

Lời này cũng được trưởng lão Sāriputta - thuyết trong bộ Đạt thông đạo[26]: “Thế nào là giới có hạn định? Giới có lợi lộc hạn định, giới có danh vọng hạn định, giới có quyến thuộc hạn định, giới có thân thế hạn định và giới có mạng sống hạn định. Thế nào là giới có lợi lộc hạn định? Một số người trong thế gian này vi phạm điều học như đã được thọ trì do lợi lộc làm nhân, do lợi lộc làm duyên, do lợi lộc làm nguyên nhân chính, giới ấy gọi là có lợi lộc hạn định”. Những điều khác còn lại, bậc thiện trí thức nên giải thích như phương pháp ấy.

Giới không hạn định cũng được Tướng quân chánh Pháp thuyết minh rằng: “Thế nào là giới không lợi lộc hạn định? Một số người trong thế gian này tâm không phát sanh vi phạm điều học như đã được thọ trì do lợi lộc làm nhân, do lợi lộc làm duyên, do lợi lộc làm nguyên nhân, làm sao vị ấy sẽ vi phạm điều học! Chính đây là giới không lợi lộc hạn định”[27]. Những điều khác ngoài ra, bậc thiện trí thức cũng nên giảng giải như vậy.

Giới hai loại đôi thứ sáu do khả năng giới có hạn định và giới không hạn định đã giải thích như vậy.

7) Giới hai loại đôi thứ bảy, bậc thiện trí thức nên biết ý nghĩa như vầy:

Giới còn có cảnh lậu-hoặc gọi là giới hiệp thế, giới vô lậu gọi là giới siêu thế.

Trong hai loại giới ấy, giới hiệp thế trở thành ân đức dẫn đến cảnh giới đặc biệt và lấy pháp nâng đỡ thoát ly cảnh giới như đức Thiên Nhơn Sư đã thuyết: “Luật dẫn đến thu thúc, thu thúc dẫn đến không nóng nảy, không nóng nảy dẫn đến hân hoan, hân hoan dẫn đến mãn ý, mãn ý dẫn đến khinh an, khinh an dẫn đến an lạc, an lạc dẫn đến định, định dẫn đến như thật tri kiến, như thật tri kiến dẫn đến yếm ly, yếm ly dẫn đến ly tham, ly tham dẫn đến giải thoát, giải thoát dẫn đến tri kiến giải thoát, tri kiến giải thoát dẫn đến vô thủ trước Bát-níp-bàn (sự tịch diệt hoàn toàn không chấp thủ - anupāda parinibbānaṃ). Sự biện luận nhau về vô thủ trước Bát-níp-bàn đây là điều ước nguyện, sự thẩm vấn nhau và vô thủ trước Bát-níp-bàn đây là điều ước nguyện, sự nương vào vô thủ trước Bát-níp-bàn đây là điều ước nguyện, sự nghiêng tai lắng nghe vô thủ trước Bát-níp-bàn đây là điều ước nguyện, đây là giải thoát tâm không còn chấp thủ”.[28]

Giới siêu thế là ân đức dẫn đến xuất ly thế gian và phạm vi của trí tuệ phản khán.

Giới hai loại đôi thứ bảy do khả năng giới hiệp thế và giới siêu thế đã giải thích như vậy.

C. Giới ba loại:

Tất cả giới ba loại nên biết ý nghĩa như sau:

1) Giới ba loại thứ nhất, bậc thiện trí thức nên biết ý nghĩa như vầy: giới mà người thực hành do dục, do chú tâm, do tinh tấn, do quán hệ bậc thấp là giới bậc hạ; giới mà người thực hành do dục v.v... bậc vừa là giới bậc trung; giới mà người thực hành do dục v.v... bậc cao là giới bậc thượng.

Lại nữa, giới mà người thọ trì do muốn lợi lộc là giới bậc hạ, giới mà người thọ trì do muốn hưởng quả phúc là giới bậc trung, giới mà người thọ trì nương vào Thánh vức do thấy: đây là điều nên thực hành, là giới bậc thượng.

Lại nữa, giới bị nhơ bẩn do tự tán hủy tha: ta là người đầy đủ giới, còn những vị bhikkhu khác ác giới, theo ác pháp, đây là giới bậc hạ, giới hiệp thế không bị ô nhiễm là giới bậc trung, giới siêu thế là giới bậc thượng.

Lại nữa, giới mà người thực hành vì muốn tài sản thế gian do mãnh lực ái dục là giới bậc hạ, giới mà người thực (hành) hiện muốn giải thoát cho mình là giới bậc trung, giới là ân đức đáo bỉ ngạn (giới ba-la-mật) mà người thực hành muốn cho tất cả chúng sanh giải thoát là giới bậc thượng.

Như vậy là giải thích ba giới ba loại thứ nhất, do khả năng giới bậc hạ, giới bậc trung và giới bậc thượng.

2)  Giới ba loại thứ hai, bậc thiện trí thức nên biết ý nghĩa như vầy: giới mà người thực hành do nặng về ta, do tôn kính ta, do muốn dứt bỏ điều không thích hợp cho ta, gọi là giới lấy ta làm chủ; giới mà người thực hành do nặng về thế gian, do tôn trọng thế gian, muốn tránh né sự chỉ trích của thế gian, gọi là giới lấy đời làm chủ; giới mà người thực hành do tôn kính Pháp, tôn trọng Pháp, muốn cúng dường đại pháp, gọi là giới lấy Pháp làm chủ.

Như vậy là giải thích giới ba loại thứ hai do khả năng giới lấy ta làm chủ v.v....

3)  Giới ba loại thứ ba, bậc thiện trí thức nên biết ý nghĩa như vầy: giới nào được kể vào hai loại giới lệ thuộc, giới ấy bị tiếp xúc ái dục và tà kiến, gọi là giới cảnh khinh thị; giới ủng hộ con đường phạm hạnh của hiền phàm nhơn và giới tương ưng với Thánh đạo hữu học, gọi là giới phi cảnh khinh thị; giới tương ưng với quả vị hữu học và vô học gọi là giới an tịnh.

Như vậy là giải thích giới ba loại thứ ba do khả năng giới cảnh khinh thị v.v….

4)  Giới ba loại thứ tư, bậc thiện trí thức nên biết ý nghĩa như vầy: giới nào mà vị bhikkhu thực hành đầy đủ không bị phạm tội, hay bị phạm tội nhưng sám hối thực hành trở lại, đó gọi là giới thanh tịnh; giới của vị bhikkhu bị phạm tội, không sám hối thực hành trở lại, gọi là giới không thanh tịnh; giới mà vị bhikkhu nghi ngờ trong vật, trong tội hay trong tế hạnh, gọi là giới hoài nghi.

Đối với các loại giới ấy, giới không thanh tịnh, hành giả cần phải thanh tịnh; trong giới hoài nghi, hành giả không nên thực hành vi phạm tế vật, nên giảm nhẹ hoài nghi bằng phương pháp: sự an lạc sẽ có với vị bhikkhu này.

Như vậy là giải thích giới ba loại thứ tư do khả năng giới thanh tịnh v.v....

5) Giới ba loại thứ năm, bậc thiện trí thức nên biết ý nghĩa như vầy: giới tương ưng với bốn Thánh đạo và ba quả Sa-môn thấp, gọi là giới hữu học; giới tương ưng với Ứng cúng Arahant quả, gọi là giới vô học; ngoài ra, là giới phi hữu học phi vô học.

Như vậy là giải thích giới ba loại thứ năm do khả năng giới hữu học v.v....

Lại nữa, trong bộ Đạt thông đạo được trưởng lão Sāriputta thuyết: “Lẽ thường, mỗi loại chúng sanh trong thế gian được gọi là giới mà nhân gian chế định: Đây là người thường hạnh phúc, đây là người thường khổ não, người này thường thích tranh luận, người này thường thích phô trương, do đó, theo pháp môn này, giới có ba loại là: kusalasīlaṃ - thiện giới (thường tốt đẹp), akusalasīlaṃ - bất thiện giới (thường không tốt đẹp), abyakatasīlaṃ - giới vô ký (thường không tốt, không xấu)”[29].

Như vậy, giới ba loại được nói đến do khả năng thiện giới... Trong các giới ấy, thiện giới không thể so sánh với một điều nào thuộc bốn điều kiện như trạng thái của giới v.v... cho thích hợp ý nghĩa này, vì vậy không xếp vào nơi đây, do đó, bậc thiện trí thức nên biết giới có ba loại theo phương pháp đã được trình bày.

D. Giới bốn loại:

Tất cả giới bốn loại nên biết ý nghĩa như sau:

1) Giới bốn loại thứ nhất:

Giới bốn loại thứ nhất, bậc thiện trí thức nên biết ý nghĩa như vầy:

“Ai trong Pháp Luật này

Thân cận người ác giới

Không kết giao giới hạnh

Vô minh không nhận thấy

Tội lỗi vi phạm vật

Có nhiều tà tư duy

Không hộ trì các căn

Giới hướng về thối hóa

Pháp sanh bhikkhu vậy.

Bhikkhu Pháp Luật này

Hoan hỷ thành tựu giới

Không cố ý phát sanh

Thực hành theo nghiệp xứ

Chỉ thỏa thích giới hạnh

Không tinh tấn cao hơn

Giới hướng phần đình trụ

Phát sanh bhikkhu ấy.

Vị nào đầy đủ giới

Tinh tấn hướng thiền định

Giới hướng phần đặc biệt

Phát sanh bhikkhu ấy

Ai không thỏa mãn giới

Chuyên cần hành nhàm chán

Giới hướng đến yếm ly

Phát sanh bhikkhu ấy.

Như vậy là giải thích bốn loại thứ nhất do khả năng giới hướng về thối hóa v.v....

2) Giới bốn loại thứ hai:

Giới bốn loại thứ hai, bậc thiện trí thức nên biết ý nghĩa như vầy: những điều học đã được ban hành đề cập đến chư Bhikkhu, các điều học ấy chư bhikkhu cần phải thọ trì, đây gọi là giới bhikkhu (giới dành riêng cho Bhikkhu). Những điều học nào ban hành đề cập đến các Bhikkhu-ni, những điều học ấy, chư Bhikkhu-ni cần phải thọ trì, đây gọi là giới Bhikkhu-ni (giới dành riêng cho Bhikkhu-ni). Thập giới của Sa-di và Sa-di-ni gọi là giới phi thọ cụ túc. Năm điều học của cận sự nam và cận sự nữ do khả năng thường giới, hay khi tinh cần thọ trì tám giới, hoặc thọ trì cả mười điều học, do khả năng bố-tát, đây gọi là giới tại gia (giới dành riêng cho cư sĩ).

Như vậy là giải thích giới bốn loại thứ hai do khả năng giới bhikkhu v.v....

3) Giới bốn loại thứ ba:

Giới bốn loại thứ ba, bậc thiện trí thức nên biết ý nghĩa như vầy: sự không vi phạm học giới của những người xứ Bắc Câu Lưu Châu, gọi là giới thường; các phong tục giới hạn tự dành riêng cho gia tộc, riêng cho quốc độ và riêng cho tín điều bàng môn tả đạo[30], gọi là giới tục lệ; giới của mẹ Bồ-tát như được đức Thế Tôn thuyết: “Này Ānanda, pháp nhỉ là như vậy, khi Bồ-tát đã giáng sinh vào bụng mẹ, sự hoan hỷ đắm say khoái lạc nam nhơn không phát sanh cho mẹ Bồ-tát”[31], đây gọi là giới tự nhiên; nhưng giới trong một kiếp sống của chúng sanh thanh tịnh như Mahākassapa (Đại Kassapa) và Bồ-tát v.v... gọi là giới tiền kiếp.

Như vậy là giải thích giới bốn loại thứ ba do khả năng thường giới v.v....

4) Giới bốn loại thứ tư:

Giới bốn loại thứ tư, bậc thiện trí thức nên biết ý nghĩa như vầy: giới nào được đức Thế Tôn thuyết: “Ở đây, vị bhikkhu sống thu thúc với sự thu thúc giới bổn, đầy đủ phẩm hạnh và hành xứ, thấy sợ hãi trong các tội lỗi nhỏ nhặt, thọ trì học tập trong các điều học[32]”, đây gọi là biệt biệt giải thoát thu thúc giới.

Giới nào được bậc Chánh Đẳng Giác thuyết: “Vị ấy thấy sắc với mắt không nắm giữ tướng chung, tướng riêng, do nguyên nhân nào sống không thu thúc nhãn quyền, các ác bất thiện pháp, tham ái và ưu bi tàn hại theo vị ấy, vị ấy thực hành thu thúc nhãn quyền, phòng hộ nhãn quyền, đạt đến thu thúc nhãn quyền; vị ấy nghe tiếng với tai... như trên..., ngửi mùi với mũi... như trên..., nếm vị với lưỡi... như trên…, chạm cảnh xúc với thân... như trên..., biết pháp với ý, không nắm giữ tướng chung, tướng riêng... như trên... đạt đến thu thúc ý quyền[33]”, đây gọi là quyền thu thúc giới.

Sự tránh xa tà mạng diễn tiến do khả năng vi phạm sáu điều học đã được đức Thế Tôn ban hành do nuôi mạng làm nhân, do nuôi mạng làm duyên và các ác pháp như kuhanā – sống lừa đảo, lapanā – nói lời xiểm nịnh, nemittakatā – gợi ý, nippesikatā – gièm pha, lābhena lābhaṃ nijigiṃsanatā – lấy lợi câu lợi, đây gọi là dưỡng mạng thanh tịnh giới.

Sự thọ dụng tứ sự trong sạch do quán tưởng đã được đức Điều ngự trượng phu thuyết bằng pháp môn: “Sau khi chân chánh giác sát, vị ấy thọ dụng y này chỉ để đối trị sự lạnh…[34], đây gọi là liên hệ vật dụng giới”.

4a. Giải thích biệt biệt giải thoát thu thúc giới:

Trong các loại giới ấy, có lời tường thuật cùng với sự giải thích tuần tự câu liên tiếp như sau :

Idha - ở đây, là trong giáo pháp này. bhikkhu – vị bhikkhu là thiện nam xuất gia với đức tin, được định danh như vậy vì nhìn thấy sợ hãi trong luân hồi, hay người mặc y hoại sắc.

Tiếp theo sẽ giải thích pāṭimokkhasaṃvarasaṃ-vuto – thu thúc với sự thu thúc giới bổn: giới mà chế định thành điều học gọi là giới bổn. Thật vậy, giới ấy người gìn giữ, bảo vệ, phòng hộ khiến cho giải thoát, thoát ly khỏi các khổ não như sanh vào địa ngục…, do đó, được gọi là pāṭimokkhaṃ - biệt biệt giải thoát. Saṃvaraṇaṃ saṃvaro – sự thu thúc là phòng hộ, đây là đồng nghĩa không vi phạm thân môn và khẩu môn. Sự phòng hộ như giới bổn gọi là thu thúc trong biệt biệt giải thoát. Thu thúc với sự thu thúc giới bổn ấy nghĩa là đi vào thành tựu phòng hộ với sự phòng hộ trong giới bổn. Viharati – sống là oai nghi.

Bậc thiện trí thức nên biết trong Pāḷi đã đề cập: ācāragocarasampano – đầy đủ phẩm hạnh và hành xứ. Thật vậy, ngài đã thuyết đầy đủ phẩm hạnh và hành xứ. Giải rằng:

“Phẩm hạnh – ācāro”, có hai loại: phẩm hạnh (tốt) và phi phẩm hạnh.

- Trong hai phẩm hạnh ấy, thế nào là phi phẩm hạnh? Sự vi phạm thân môn, vi phạm khẩu môn, vi phạm cả thân môn và khẩu môn, đây gọi là phi phẩm hạnh, tất cả ác giới cũng là phi phẩm hạnh.

Một số bhikkhu trong Tông giáo này nuôi mạng bằng cách cho tre, cho lá cây, cho hoa, cho quả, cho phấn để thoa, cho cây chà răng, hay cāṭukamyatāya - nói bợ đỡ muốn cho họ thương mến[35] hay muggasupatāya - nói khi thật, khi giả như canh đậu[36], hay nhận dưỡng nhi, hay nhận đưa tin, hay sống tà mạng không kể bất luận một nghề nào khác mà đức Phật chê trách, đây gọi là phi phẩm hạnh”.

- Trong hai phẩm hạnh ấy, thế nào là phẩm hạnh tốt? Sự không vi phạm thân môn, không vi phạm khẩu môn, không vi phạm cả thân môn và khẩu môn, đây gọi là phẩm hạnh tốt. Tất cả giới thu thúc cũng là phẩm hạnh tốt. Một số bhikkhu trong Tông giáo này không nuôi mạng bằng cách cho tre, cho lá cây, cho hoa, quả, phấn để thoa, cho cây chà răng, hoặc không nói bợ đỡ muốn cho họ thương mến, không nói khi thật, khi giả như canh đậu, không nhận dưỡng nhi, không nhận đưa tin, hay không sống bất cứ tà mạng nào mà đức Phật chê trách, đây gọi là phẩm hạnh tốt.

“Hành xứ - gocaro, có hai loại: hành xứ (chỗ nên đi) và phi hành xứ (chỗ không nên đi).

- Trong hai loại hành xứ ấy, thế nào là phi hành xứ? Một số bhikkhu trong giáo pháp này đi vào thanh lâu có kỹ nữ, quả phụ, gái lỡ thời, người bán nam bán nữ, hoặc đi vào trú xứ Bhikkhu-ni, đi vào tửu quán, hay sống lẫn lộn với quốc vương, với quan đại thần của vua, với giáo chủ bàng môn tả đạo, hoặc đệ tử ngoại giáo, hay giao thiệp người tại gia không thích hợp Pháp Luật, hoặc những gia đình nào không có đức tin, không tịnh tín, phỉ báng Tam bảo, không muốn lợi ích, muốn bất hạnh, không muốn an lạc, không muốn yên lặng triền ách cho Bhikkhu, Bhikkhu-ni, cận sự nam và cận sự nữ, vị ấy công tác, kết giao, thân cận các gia đình như vậy. Đây gọi là phi hành xứ”.

- Trong hai loại hành xứ ấy, thế nào là hành xứ? Một số bhikkhu trong giáo pháp này không đi vào thanh lâu có kỹ nữ... như trên..., không đi vào tửu quán, hay sống không lẫn lộn với quốc vương... như trên..., hay sống không thân cận với các đệ tử ngoại giáo, hay không giao thiệp với người tại gia không thích hợp Pháp Luật, hoặc những gia đình nào có đức tin, tịnh tín như giếng nước (người tâm tánh dễ hấp thụ), chói sáng với y ca-sa bay ngược gió với mùi ẩn sĩ, người muốn lợi ích... như trên..., muốn yên lặng triển ách cho chư Bhikkhu, Bhikkhu-ni, cận sự nam và cận sự nữ; vị ấy cộng tác, kết giao, thân cận các gia đình như vậy, đây gọi là hành xứ.

Người mà đến gần, cùng đến gần, đạt đến, cùng đạt đến, phát sanh, tương quan, thành tựu phẩm hạnh này và hành xứ này, do đó, được gọi là đầy đủ phẩm hạnh và hành xứ”.[37]

Lại nữa, nơi đây bậc thiện trí thức nên biết rõ phẩm hạnh và hành xứ theo phương pháp này: Vì có hai loại phi phẩm hạnh thuộc về thân và thuộc về khẩu.

- Trong hai loại phi phẩm hạnh ấy, thế nào là phi phẩm hạnh thuộc về thân? Một số bhikkhu trong Tông giáo này sống giữa tăng chúng không thực hàng cung kính; đứng cũng chen lấn, ngồi chen lấn các vị bhikkhu trưởng lão; đứng trước, ngồi trước, ngồi nơi sàng tọa cao, ngồi trùm đầu, đứng nói chuyện, nói chuyện múa tay, khi các vị trưởng lão không mang dép đi kinh hành thì mang dép đi kinh hành, khi các vị ấy đi kinh hành nơi kinh hành thấp thì đi kinh hành nơi kinh hành cao, khi vị ấy đi kinh hành tại mặt đất thì đi kinh hành trên chỗ kinh hành; đứng chen vào, ngồi chen vào các vị bhikkhu trưởng lão, ngồi ngăn chận sàng tọa các tân thọ Bhikkhu, không hỏi các vị bhikkhu trưởng lão mà đi vào nhà bếp chất củi, đóng cửa. Trong bến nước, đi xuống chen lấn các vị bhikkhu trưởng lão, rồi đi xuống trước, tắm rửa chen lấn rồi tắm rửa trước, đi lên chen lấn rồi đi lên trước các vị bhikkhu trưởng lão. Khi đi vào giữa xóm làng, đi chen lấn rồi đi trước các vị bhikkhu trưởng lão, rẽ hướng đi trước các vị bhikkhu trưởng lão. Những khuê phòng kín cổng cao tường nào của các gia tộc mà có phụ nữ trong gia đình, thiếu nữ trong gia đình ngồi, vị ấy cũng đi vào một cách mạnh dạn, cũng vuốt đầu hài nhi, đây gọi là phi phẩm hạnh thuộc về thân.

- Trong hai loại phi phẩm hạnh ấy, thế nào là phi phẩm hạnh thuộc về khẩu? Một số bhikkhu trong Pháp Luật này sống giữa Tăng chúng, không tỏ thái độ cung kính, không hỏi, các vị bhikkhu trưởng lão mà thuyết pháp, vấn đáp, tụng giới bổn, đứng nói chuyện, nói chuyện múa tay, đi vào xóm làng, nói chuyện với phụ nữ hay thiếu nữ rằng: “Này cô, có phương danh này, có quí tánh này, có cháo không? Có cơm không? Có vật đáng nhai không? Tôi sẽ uống thứ gì? Tôi sẽ nhai vật gì? Tôi sẽ ăn vật gì? Người sẽ bố thí cho tôi vật gì?” Nói nhiều lời vô ích như vậy, đây gọi là phi phạm hạnh thuộc về khẩu.

Phần phẩm hạnh tốt, bậc thiện trí thức nên biết do khả năng trái ngược với phi phẩm hạnh ấy.

Lại nữa, vị bhikkhu có sự cung kính, tôn trọng, đầy đủ tàm, úy, đắp y tề chỉnh, nghiêm trang, đi tới, thối lui, nhìn trước, nhìn sau, co tay, duỗi chân cũng đáng tịnh tín, người có mắt nhìn xuống, đầy đủ oai nghi tế hạnh, khéo hộ trì các môn quyền, biết tiết độ ẩm thực, hành theo pháp thức tĩnh thành tựu chánh niệm và tĩnh giác, thiểu dục, tri túc, không tụ hội, sống nhiều cung kính, tôn trọng, thận trọng thọ trì các thắng hạnh, đây gọi là phẩm hạnh tốt.

Bậc thiện trí thức nên biết rõ phẩm hạnh như vậy.

Nhưng hành xứ có loại: upanissayagocara - hành xứ nên thân cận, ārakkhanagocaro - hành xứ nên hộ trì và upanibandhagocaro - hành xứ nên cột tâm.

- Trong ba loại hành xứ ấy, thế nào là hành xứ nên thân cận? Là thiện hữu thành tựu mười ân đức ngữ tông, vị bhikkhu sống thân cận người nào nghe Pháp chưa bao giờ được nghe, Pháp nghe rồi được hiểu biết rõ ràng, dứt bỏ hoài nghi, làm cho tri kiến chánh trực, làm cho tâm trong sạch, hay tùy học theo người nào tiến hóa đức tin, giới hạnh, đa văn, xả ly và tiến hóa trí tuệ, đây gọi là hành xứ nên thân cận.

- Thế nào là hành xứ nên hộ trì? Ở đây, vị bhikkhu đi vào giữa xóm làng tiến bước theo lộ trình, mắt nhìn xuống thấy khoảng một hắc tay, thu thúc, nghiêm trang, không nhìn tượng binh, không nhìn kỵ binh, không nhìn bộ binh, không nhìn nữ nhân, không nhìn nam nhân, không ngước mắt nhìn lên, không cúi mặt nhìn xuống, đi không ngước nhìn hướng chánh, hướng phụ, đây gọi là hành xứ nên hộ trì.

- Thế nào là hành xứ nên cột tâm? Bốn niệm xứ là nơi cột tâm. Vì điều này được đức Thế Tôn thuyết: “Này chư bhikkhu cái gì là hành xứ của Bhikkhu? Lãnh vực tự mỗi người, di sản tổ phụ, đó là bốn niệm xứ”[38], đây là hành xứ nên cột tâm.

Vị bhikkhu đạt đến thành tựu phẩm hạnh này và hành xứ này đã đề cập như vậy, do đó được gọi là đầy đủ phẩm hạnh và hành xứ.

Gọi aṇumattesu vajjesu bhayadassāvī - thấy sợ hãi các tội lỗi nhỏ nhặt. Giải rằng: người thấy ghê sợ trong tất cả tội lỗi nhỏ nhặt là các tội lỗi khác với tội như vô ý phạm tội ưng học pháp và phát sanh tâm bất thiện.

Lời nói samādāya sikkhāti sikkhāpadesu - thọ trì học tập trong các điều học, là thắng hạnh nào cần phải học tập những học pháp, tất cả thắng hạnh ấy học tập, thọ trì một cách chân chánh.

Đây là theo sự giải thích đề cập biệt biệt giải thoát thu thúc giới do bài pháp người quyết định: ettha ca pāṭimokkhasaṃvarasaṃvuto - thu thúc với sự thu thúc trong giới bổn này. Cũng lời nói: ācāragocarasampanno - đầy đủ phẩm hạnh và hành xứ v.v... Tất cả bậc thiện trí thức nên biết ngài thuyết để trình bày điều tiến hành mà người tiến hành thành tựu giới hạnh ấy.

4b. Giải thích quyền thu thúc giới:

Bậc thiện trí thức nên hiểu biết giải thích quyền thu thúc giới trình bày phương pháp tiếp theo biệt biệt giải thoát thu thúc giới như sau: So cakkhunā rūpaṃ disvā - vị ấy là vị bhikkhu đã an trú trong biệt biệt giải thoát thu thúc giới. Cakkhunā rūpaṃ disvā - thấy sắc với mắt, là thấy cảnh sắc với nhãn thức, có thể nhìn thấy cảnh sắc được định danh là mắt do nguyên nhân thấy.

Các bậc giáo thọ sư xưa nói: Riêng mắt không thấy cảnh sắc vì không có tâm, dù chỉ có tâm cũng không thấy cảnh sắc, vì không có mắt để nhìn, nhưng khi môn và cảnh hội họp thấy được cảnh sắc do tâm nương nhãn thanh triệt (thấy được cần phải đầy đủ ba pháp: nhãn thanh triệt, tâm và cảnh sắc tiếp xúc, nếu chỉ có một pháp thì không thấy được). Lời nói như vậy là tập trung cả đoạn, như nói: bắn với cây cung, nếu nói cho đầy đủ phải nói hội họp cả ba yếu tố: mục đích, cây cung và người xạ thủ, do đó, ở đây ý nghĩa này là người thấy, cảnh sắc với nhãn thức.

Câu nói na nimittaggāhī - không nắm giữ tướng chung, nghĩa là không chấp lấy tướng nữ nhơn, tướng nam nhơn, hay không chấp lấy hiện tượng vật phát sanh phiền não như tướng tốt v.v... chỉ trú là thấy. Nānubyañjanaggāhī - không nắm giữ tướng riêng là không chấp lấy cử chỉ như hình dáng, tay, chân, đầu, cười, nói, đàm luận, liếc nhìn v.v... được định danh là tướng riêng, vì là hiện tượng dính mắc các phiền não và khiến cho xuất hiện các phiền não nơi cảnh vật nào đó, rồi cũng chấp giữ cảnh vật ấy, như trưởng lão Mahātissa sống nơi Tháp Sơn (Cetiyapabbatavāsī).

Được nghe rằng: Có một nàng dâu của một gia đình kia, sau khi xung đột với chồng, vào buổi sớm tinh sương trang điểm vật trang sức xinh đẹp như tiên nữ, trốn ra khỏi xứ Anurādhapura, đang đi đến nhà thân quyến, giữa đường gặp trưởng lão từ núi Tháp Sơn đi đến tuần tự khất thực xứ Anurādhapura. Nàng có tâm nhớ đến điều thay đổi đã bật cười lớn tiếng. Trưởng lão cũng ngước nhìn thình lình. Đó là gì? Ngài phản tỉnh đạt được tướng bất mỹ trong bộ xương răng của nàng ấy, đã đắc chứng Ứng cúng Arahant quả. Do đó, bậc giáo thọ sư xưa nói:

“Thấy xương răng nàng ấy

Tùy niệm tưởng khi trước

Trưởng lão đứng nơi ấy

Lẽ đắc chứng La-hán”

Khi chồng nàng nọ đang đi theo con đường, gặp trưởng lão hỏi:

- Bạch Ngài, ngài có thấy người phụ nữ nào không?

Trưởng lão đáp lời người ấy:

“Tôi không thấy người nữ

Hay người nam qua đây

Chỉ biết đây bộ xương

Đang đi trên đại lộ”

Trong lời nói: yatvādhikaraṇamenaṃ - do nguyên nhân nào. Giải rằng: người này sống không thu thúc nhãn quyền, không đóng nhãn môn bằng cánh cửa niệm, do nguyên nhân nào là nguyên nhân không thu thúc nhãn quyền, các ác pháp như tham ái... tàn hại theo vị ấy.

Câu nói: tassa saṃvarāya paṭipajjati - thực hành thu thúc nhãn quyền ấy, là tiến hành đóng kín nhãn quyền này bằng cánh cửa niệm, khi thực hiện như vậy được gọi là phòng hộ nhãn quyền, đạt đến thu thúc nhãn quyền.

Thật vậy, lời nói: cakkhundriye saṃvaraṃ āpajjati - đạt đến thu thúc nhãn quyền. Sự thu thúc hay không thu thúc không có trong nhãn quyền, bởi vì niệm hay thất niệm không phát sanh nương nhờ thanh triệt.

Lại nữa, khi nào cảnh sắc đến phạm vi của mắt, khi ấy tâm hữu phần sanh rồi diệt hai lần, tâm tố ý giới thành tựu phận sự khai môn sanh rồi diệt, tuần tự tiếp theo tâm nhãn thức thành tựu phận sự thấy sanh rồi diệt, tâm dị thục quả vô nhân ý giới thành tựu phận sự tiếp nhận cảnh sanh rồi diệt, tâm dị thục quả vô nhân với ý giới thành tựu phận sự quan sát sanh rồi diệt, tâm tố vô nhân ý thức giới thành tựu phận sự xác định sanh rồi diệt, liền theo đó đổng lực lướt nhanh.

Trong khi đó thời hữu phần hay một thời nào khác như khai môn..., không có sự thu thúc hay không thu thúc, nhưng đến sát-na đổng lực lướt nhanh, nếu người ác giới, thất niệm, vô trí, không nhẫn nại, hay lười biếng phát sanh là không thu thúc. Chính sự không thu thúc ấy, gọi là không thu thúc nhãn quyền. Tại sao? Vì không thu thúc như thế, đã không phòng hộ môn, hữu phần hoặc lộ tâm như khai môn v.v.... Như cái gì? Ví như khi không đóng kín cả bốn cánh cửa thành, dù cửa trong nhà, trong kho, hay trong phòng v.v... đã được người khéo đóng, như thế tất cả tài sản trong nội thành là không được canh phòng, không được bảo vệ, vì bọn cướp xâm nhập theo cửa thành có thể thi hành nhiệm vụ tùy theo sở thích của chúng thế nào, cũng như thế ấy, trong sát-na đổng lực khi đã phát sanh ác giới v.v... không thu thúc là không phòng hộ nhãn môn, hữu phần hay lộ tâm như khai tâm v.v....

Nhưng khi giới hạnh phát sanh theo sát-na đổng lực ấy, môn, hữu phần hay lộ tâm như khai môn v.v... gọi là được phòng hộ. Như cái gì? Ví như khi cửa thành đã được khéo đóng kín, dù cửa trong nhà v.v... không đóng kín, nhưng lúc ấy tất cả tài sản trong nội thành đã canh phòng cẩn thận, bảo vệ nghiêm ngặt, vì cửa thành đã khéo đóng kín, bọn cướp không thể xâm nhập được thế nào, cũng như thế ấy. Trong sát-na đổng lực khi đã phát sanh giới hạnh v.v... môn, hữu phần hay lộ tâm như khai môn v.v... là khéo phòng hộ, do đó, sự thu thúc phát sanh thuộc sát-na đổng lực, gọi là thu thúc nhãn quyền.

Trong các lời nói như nghe tiếng với tai v.v... cũng như vậy.

Theo sự giải thích tóm tắt đây, bậc thiện trí thức nên biết quyền thu thúc giới có trạng thái tránh xa chấp lấy tướng chung v.v... mà phiền não dính mắc vào cảnh sắc.

4c. Giải thích dưỡng mạng thanh tịnh giới:

Bây giờ, bậc thiện trí thức nên biết giải thích dưỡng mạng thanh tịnh giới đề cập tiếp theo quyền thu thúc giới như sau:

Các điều học của sáu điều học đã được ban hành vì nuôi mạng làm nhân, vì nuôi mạng làm duyên, sáu điều học ấy:

- Vị bhikkhu có ác dục, khát vọng, khoe pháp thượng nhân mà không có, không thật, vì nuôi mạng làm nhân, vì nuôi mạng làm duyên, phạm tội bại vong (pārājika).

- Vị bhikkhu làm môi giới (mai dong) vì nuôi mạng làm nhân, vì nuôi mạng làm duyên, phạm tội Tăng tàng (Saṅghādisesa).

- Vị bhikkhu nói rằng: Vị nào sống trong tinh xá của người, vị ấy là bậc Ứng cúng Arahant, vì nuôi mạng làm nhân, vì nuôi mạng làm duyên, khi vị ấy thú nhận, phạm trọng tội.

- Vị bhikkhu vô bệnh, xin vật thực quí lợi ích cho mình thọ thực, vì nuôi mạng làm nhân, vì nuôi mạng làm duyên, phạm tội ưng đối trị.

- Vị Bhikkhu-ni vô bệnh, xin vật thực quí lợi ích cho mình thọ thực, vì nuôi mạng làm nhân, vì nuôi mạng làm duyên, phạm tội ưng phát lộ.

- Vị bhikkhu vô bệnh, xin cơm hay xin canh lợi ích cho mình thọ thực, vì nuôi mạng làm nhân, vì nuôi mạng làm duyên, phạm tội tác ác.[39]

Tiếp theo câu Pāḷi đề cập lừa đảo v.v....

Trong các lời ấy, thế nào là lừa đảo? Vị bhikkhu ham muốn lợi lộc, cung kính, danh tiếng, ác dục, khát vọng, lừa đảo, oai nghi, gian xảo, nói quanh co, lường gạt cho hiểu lầm bằng tư cách thọ nhận vật dụng hay nghi thức đứng, sự đứng, sự giả vờ cho họ trong sạch, sự làm tướng, sự lừa đảo, gian xảo, xảo trá, đây gọi là lừa đảo.

Trong các lời ấy, thế nào là lời nói xiểm nịnh? Sự chào đón trước, nói phô trương, nói đắc nhân tâm, nói nịnh bợ, nói tâng bốc, nói gián tiếp, nói bóng gió, nói khen mình, tự tán thán mình, nói luồn cúi, nói bợ đỡ, muốn cho họ thương, nói khi giả khi thật như canh đậu, nhận dưỡng nhi của bhikkhu ham muốn lợi lộc, cung kính, danh tiếng, ác dục, khát vọng, đây gọi là lời nói xiểm nịnh.

Trong các lời ấy, thế nào là gợi ý? Sự ra dấu, làm dấu, nói bóng gió, nói quanh co, nói xa gần, hay nói dọa dẫm người khác của vị bhikkhu ham muốn lợi lộc, cung kính, danh tiếng, ác dục, khát vọng, đây gọi là gợi ý.

Trong các lời ấy, thế nào là gièm pha? Sự mắng nhiếc, chê bai, khiển trách, nói đưa lên, nói hạ xuống, nói chế giễu, nói mạt sát, nói lời thô lỗ, nói lời đê tiện, đem đi rêu rao, nói xấu sau lưng người khác của vị bhikkhu ham muốn danh lợi lộc, cung kính, danh tiếng, ác dục, khát vọng, đây gọi là gièm pha.

Trong những lời ấy, thế nào là lấy lợi câu lợi? Vị bhikkhu ham muốn lợi lộc, cung kính, danh tiếng, ác dục, khát vọng, mang tài vật mình được ở đây đi cho nơi kia, hay lấy tài vật mình được nơi kia đem đến cho chỗ này. Sự ham muốn, mong cầu, tham cầu, dục đắc, tầm cầu, tìm cách trao đổi tài vật với tài vật, như vậy, đây gọi là lấy lợi câu lợi.[40]

Tiếp theo đây, bậc thiện trí thức nên biết ý nghĩa phân giải Pāḷi.

~~~

Xiển minh lừa đảo

Trước hết xin giải thích về lừa đảo. Nói rằng: Lābhasakkārasilokannissitassa - vị bhikkhu ham muốn lợi lộc, cung kính, danh tiếng, là người mong cầu được lợi lộc, lễ bái và danh tiếng. Pāpicchassa - ác dục là lòng ham muốn trình bày công đức không thật. Icchāpakatassa - khát vọng là người bị ham muốn làm cho tai hại, bị ham muốn xâm nhập làm cho bất hạnh.

Sau đây nói đến ba tư cách lừa đảo trong bộ Mahāniddesa - Đại xiển minh do khả năng thọ nhận vật dụng, nói quanh co và nương nhờ oai nghi, do đó, trình bày ba tư cách lừa đảo ấy như tư cách thọ nhận vật dụng v.v....

Trong ba tư cách lừa đảo ấy, giải rằng: sự lừa cho hiểu lầm bằng tư cách là vị bhikkhu được thí chủ thỉnh thọ nhận y v.v..., mong muốn vật dụng ấy như vậy, nương nhờ ác dục, bèn ngăn chặn thí chủ, lường gạt cho hiểu lầm, do vị bhikkhu biết: Các gia chủ này có đức tin vững chắc nơi ta. Khi những vị ấy suy nghĩ: “Đáng khen ngợi thay, ngài là bậc thiểu dục, không muốn thọ nhận tài vật gì. Ôi! Chúng ta khéo được phước báu rời, nếu ngài có thể thọ nhận tài vật dù chỉ chút ít”. Thế rồi họ mang lại những bộ y quý giá v.v... cúng dường bằng nhiều phương pháp. Ngược lại, vị ấy tỏ ra mình chỉ là người muốn tế độ các thí chủ rồi thọ nhận. Sự lường gạt làm cho thí chủ hiểu lầm là nguyên nhân dẫn dụ mang nhiều tài vật đặt nặng trên xe, tải đến cúng dường kể từ đó, đây nên biết tư cách lừa đảo bằng thái độ thọ nhận vật dụng.

Thật vậy, trong Mahāniddesa - Đại xiển minh được thuyết[41]: “Thế nào là lừa đảo nói về thọ nhận vật dụng?” Các gia chủ trong thế gian này, thỉnh vị bhikkhu thọ nhận y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Vị bhikkhu ác dục, khát vọng, nương vào ham muốn được nhiều y ...như trên... nhiều dược phẩm trị bệnh, bèn từ chối y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Vị bhikkhu nói: “Bậc Sa-môn cần gì với y đắt giá, bậc Sa-môn phải lượm lấy vải phấn tảo từ nơi mộ địa, từ nơi đống rác, hay nơi theo chợ làm Tăng-già-lê, đây là điều chân chánh”.

“Lại nữa, bậc Sa-môn cần gì với đồ ăn khất thực đắt giá, bậc Sa-môn phải nuôi mạng với vật thực phát sanh tuần tự do sức mạnh đôi chân, đây là điều chân chánh”.

“Lại nữa, bậc Sa-môn cần gì với sàng tọa đắt giá, bậc Sa-môn phải sống dưới gốc cây, hay cư ngụ giữa trời, đây là điều chân chánh”.

“Lại nữa, bậc Sa-môn cần gì với dược phẩm trị bệnh đắt giá, bậc Sa-môn nên chế tạo thuốc bằng nước tiểu bò đen và trái kha-lê-nặc, đây là điều chân chánh”.

Nương nhờ điều đó, vị ấy mặc y thô cũ, thọ dụng đồ ăn khất thực đạm bạc, cư trú sàng tọa tầm thường, dùng dược phẩm trị bệnh sơ sài. Các gia chủ biết vị ấy: “Vị Sa-môn này thiểu dục, tri túc, thích viễn ly, không tụ hội, nỗ lực tinh cần, nói về đầu đà,[42] cùng nhau thỉnh cầu thọ nhận y... như trên... dược phẩm trị bệnh nhiều thêm”. Vị ấy nói: “Thiện nam tử có đức tin tích trữ nhiều công đức vì đối diện ba điều kiện là nam tử có đức tin, tích trữ nhiều công đức đối diện đức tin …như trên… đối diện vật thí, thiện nam tử có đức tin tích trữ nhiều công đức đối diện bậc xứng đáng cúng dường. Vâng! Đức tin này hiện có đối với quí vị, vật thí cũng có và tôi là người thọ thí cũng có; nếu tôi không thọ nhận như vậy, quí vị sẽ không có phước báu, tôi không muốn vật dụng này, nhưng tôi sẽ thọ nhận để tế độ quí vị”.

Nương vào điều kiện này, vị ấy thọ nhận nhiều y, nhiều đồ ăn khất thực, nhiều sàng tọa, nhiều dược phẩm trị bệnh. Thái độ nói giả-cách, sự làm tướng, lừa đảo, gian xảo, xảo trá như vậy, đây gọi là tư cách lừa đảo nói về thọ nhận vật dụng.

Cũng chính vị bhikkhu ác dục ấy lường gạt cho hiểu lầm bằng cử chỉ thế này hay thái độ thế kia với lời nói trình bày đắc chứng pháp thượng nhân, nên biết là tư cách lừa đảo về nói quanh co.

Như được thuyết: “Trong các lời ấy, thế nào là tư cách lừa đảo về nói quanh co? Một số bhikkhu trong Tông giáo này ác dục, khát vọng, muốn cho người ta tôn kính, suy nghĩ trong tâm: Quần chúng sẽ tôn kính ta bằng phương pháp như vậy, bèn nói lời liên hệ Thánh pháp như:

- Vị Sa-môn nào mặc y như vậy, vị Sa-môn ấy là người có đại oai lực, hay nói:

- Vị Sa-môn nào dùng bát đồng, bình lọc nước, chìa khóa, dây lưng, mang dép như vậy, vị Sa-môn ấy là người có đại oai lực, hoặc nói như sau:

- Vị Sa-môn nào có thầy tế độ, đại trưởng lão, người sống hòa hợp với thầy tế độ, người sống hòa hợp với đại trưởng lão, có bạn tri kỷ, thâm giao, chân thành như vậy; vị Sa-môn nào sống trong tinh xá, thảo am, lâu đài, cao ốc, hang núi, động đá, cốc, trùng các, lầu canh, cái chái, lương đình, giảng đường, mái lều, hoặc sống dưới gốc cây như vậy, vị Sa-môn ấy là người có đại oai lực.

Lại nữa, vị bhikkhu có hạnh kiểm khả ố, khả tắng như bụi bậm được che đậy nơi đống rác, nhiều giả dối, nịnh hót, tâng bốc, kính mến với miệng, nói lời thậm thâm huyền diệu, vi tế, sâu kín tương ưng pháp siêu thế không phiền não như: vị Sa-môn này đạt được trú thiền chứng yên lặng ấy như vậy. Thái độ nói giả cách, sự làm tướng, lừa đảo, gian xảo, xảo quyệt như vậy, đây gọi là tư cách lừa đảo về nói, quanh co”.

Lại nữa, vị bhikkhu ác dục lường gạt khiến cho người ta hiểu lầm với oai nghi, muốn cho người ta tôn kính, nên biết là tư cách lừa đảo nương vào oai nghi. Như được đức Thế Tôn thuyết: “Thế nào là tư cách lừa đảo liên hệ oai nghi? Một số vị bhikkhu trong Pháp Luật này ác dục, khát vọng, muốn cho người ta tôn kính, biết rằng: quần chúng sẽ tôn kính ta bằng phương pháp như vậy, (rồi) giả bộ đi nghiêm trang, giả bộ đứng, ngồi, nằm nghiêm trang, đi phòng hộ chân chánh, đứng phòng hộ chân chánh, ngồi phòng hộ chân chánh, nằm phòng hộ chân chánh; đi, đứng, nằm, ngồi giống như người có định tâm và người thiên về mọi lãnh vực. Nghi thức đứng, sự đứng, giả bộ cho người ta trong sạch, giả cách, làm tướng, lừa đảo, gian xảo, xảo trá oai nghi như vậy: đây gọi là tư cách lừa đảo liên hệ oai nghi”.

Trong các lời nói: paccayapaṭisevanasaṅkhātena - nói về thọ nhận vật dụng, bậc thiện trí thức cũng giải như là thọ nhận riêng vật dụng, hay bậc thiện trí thức đã kể cùng với thọ nhận vật dụng ấy.

- Sāmantajappitena: nói quanh co là nói xa gần.

- Iriyāpathassa vā: hoặc oai nghi là lấy cả bốn oai nghi.

Sự đứng lên đầu tiên hay đứng lên một cách cung kính gọi là aṭṭhapanā - nghi thức đứng.

Tư cách đứng gọi là ṭhapanā - sự đứng.

Sự sửa đổi là saṇṭhapanā - giả bộ cho họ trong sạch.

Sự tạo cử chỉ giả dối bằng cách trình bày thái độ tự an trú trong tinh cần cao thượng, giải rằng: lường gạt bằng cách làm bộ, làm tịch gọi là bhākuṭiko - sự giả cách.

Sự tạo cử chỉ giả dối là thường của người này, do đó, vị ấy là bhākuṭikā - người giả vờ.

Trạng thái của người giả vờ ấy gọi là bhākuṭiyaṃ - sự làm tướng.

Sự lường gạt cho hiểu lầm là kuhaṇā - lừa đảo.

Sự đi của người lừa đảo là kuhāyanā[43] - gian xảo.

Tư cách của người lường gạt là kuhitattaṃ - xảo trá.

~~~

Xiển minh nói lời xiểm nịnh

Lời nói: ālapanā - sự chào đón trước, là vị bhikkhu thấy người đi đến tinh xá, cướp lời nói trước: “Thưa chư hiền giả, chư hiền giả đến đây muốn điều gì? Thỉnh vị bhikkhu nào? Nếu chư hiền giả đến đây muốn như vậy, xin hãy trở về, tôi sẽ hướng dẫn chư bhikkhu đi theo sau”.

Lại nữa, vị bhikkhu đi vào giới thiệu tâng bốc mình: “Tôi tên là Tissa, đức vua và quan đại thần tên kia, tên kia cũng trong sạch với tôi”, gọi là ālapanā - sự chào đón trước.

Vị bhikkhu được người hỏi đến bèn đáp lời như đã giải thích[44]lapanā - nói phô trương.

Vị bhikkhu sợ các thí chủ bất mãn tránh xa, luôn luôn tạo sự thuận tiện, rồi nói lời thuyết phục, là sallapanā - nói đắc nhân tâm.

Sự nói nâng lên như: ngài đại trưởng lão[45], đại thủ lãnh, đại thí chủ, là ullapanā - nói bợ đỡ.

Sự nói nâng cao bằng mọi cách là samullapanā - nói tâng bốc.

Vị bhikkhu nói rào đón: “Này cận sự nam, lúc trước trong thời gian như vậy, người cúng dường bố thí vật mới, bây giờ còn bố thí không?” Cho đến các cận sự nam phải đáp: “Bạch Ngài, chúng tôi sẽ bố thí như vậy, nhưng không được điều kiện”, gọi là unnahanā - nói gián tiếp.

Lại nữa, vị bhikkhu thấy họ cầm mía hỏi rằng:

- Này cận sự nam, mang mía từ đâu đến vậy?

Những người ấy đáp:

- Bạch Ngài, mang từ ruộng mía về.

- Mía ruộng ấy có ngon ngọt không?

- Bạch Ngài, Ngài thọ dụng thử sẽ biết.

- Này cận sự nam, không nên nói bố thí mía cho Bhikkhu.

Nói rào đón như vậy mà vị bhikkhu nam cũng không thoái thoát, gọi là unnahanā - nói gián tiếp.

Nói rào đón không thoái thoát mọi phương pháp gọi là samunnahanā - nói bóng gió.

Nói nâng cao mình như: “Gia đình này chỉ biết tôi, nếu ở đây vật thí phát sanh, họ bố thí riêng cho tôi”, là ukkācanā – nói khoe mình. Trong đoạn này, bậc thiện trí thức muốn thuyết câu chuyện Telakandarikā.[46]

Nói nịnh hót muốn cho họ thương không cần nhìn đến thực tính đúng sự thật, hay đúng pháp, gọi là anupiyabhāṇitā - nói luồn cúi.

Cāṭukamyatā - nói bợ đỡ tứ phía là đặt mình vào địa vị thấp hèn như kẻ nô tỳ.

Nói khi giả, khi thật như canh đậu là muggasupyatā - nói như canh đậu. Lẽ thường, trong hầu hết các loại đậu được nấu chín, chỉ một phần nhỏ không được nấu chín, ngoài ra nếu được nấu chín như thế nào, cũng như thế ấy. Lời nói của người nói chân thật chỉ có chút ít, còn lại là lời giả dối cả như canh đậu, đây gọi là người canh đậu, trạng thái của người ấy gọi là nói (khi thật, khi giả) như canh đậu.

Pāribhaṭyatā - nhận dưỡng nhi là nuôi trẻ. Giải rằng: vị bhikkhu nào nuôi dưỡng, ẩm bồng trẻ con trong gia đình bằng thắt lưng, bằng cổ như người vú nuôi, hành động của vị bhikkhu nâng niu ấy gọi là nuôi dưỡng.  Việc thành người nuôi dưỡng gọi là pāribhaṭyatā - nhận dưỡng nhi.

~~~

Xiển minh gợi ý

Gọi nimittaṃ - sự ra dấu, là thân nghiệp và khẩu nghiệp khiến cho phát sanh hiểu biết bố thí vật dụng của các thí chủ.

Vị bhikkhu thấy họ cầm vật đáng nhai đi đến, ra dấu bằng cách: “Hiền giả được vật đáng nhai gì vậy?” Gọi nimittakammaṃ - làm dấu.

Nói liên hệ vật dụng, gọi là obhāso - nói bóng gió, obhāsakammaṃ - nói rào đón. Giải rằng: vị bhikkhu thấy những người nuôi bò, bèn nói: “Các loài này là bò sữa hay bò làm bơ?” Khi họ đáp: “Bò sữa, bạch ngài”. hành động của thân, khẩu khiến cho những đứa bé nói lại cha, mẹ chúng biết ý rồi cúng dường v.v... do không phải bò sữa, nếu bò sữa chư bhikkhu cũng có thể được sữa v.v....

Sāmantajappā - nói quanh co là nói xa, gần. Trong lời này nên kể câu chuyện Kulūpakabhikkhu - bhikkhu lai vãng gia đình.

Được nghe rằng: Có một vị bhikkhu lai vãng gia đình muốn thọ thực, sau khi đi vào nhà đã ngồi xuống. Nữ gia chủ thấy vị bhikkhu ấy, không muốn bố thí, bèn nói: “Bạch Ngài, không có gạo”.

Rồi đến nhà lân cận tỏ thái độ như muốn đi lấy gạo. Vị bhikkhu đi vào trong phòng liếc nhìn thấy cây mía tại góc nhà, thấy mật mía nơi ghè, thấy khoanh cá muối nằm ở giỏ, thấy gạo trong nồi, thấy bơ đặc chứa trong bình, bèn đi ra ngồi xuống. Nữ gia chủ về, đến nói:

- Bạch Ngài, không được gạo.

Vị bhikkhu trả lời nhanh:

- Này cận sự nữ, tôi đã xem tướng trước, ngày nay sẽ không có vật thực.

- Bạch Ngài, cái gì? Cận sự nữ hỏi.

Vị bhikkhu đáp:

- Tôi thấy con rắn giống như cây mía tại góc cửa, khi suy tư sẽ đập nó, đã thấy cái đầu rắn ấy bị ném bằng hòn đá giống như mật mía đã được chế biến mà họ đặt trong ghè, khi nó cắn hòn đá ấy thấy hàm răng giống như gạo trong nồi, lúc nó giận dữ thấy nước miếng lẫn lộn với chất độc phun ra từ nơi miệng giống như bơ đặc chứa trong bình.

Nữ gia chủ ấy suy nghĩ: “Ta không thể lừa gạt Sa-môn trọc đầu này”. Sau khi bố thí mía, nấu cơm cúng dường, cùng với bơ đặc, mật mía và cá muối.

Nói xa gần như vậy, nên biết là samantajappā - nói quanh co.

Nói đưa đẩy tới lui theo chiều hướng được vật dụng ấy, gọi là parikaṭhā - nói dọa dẫm.

~~~

Xiển minh gièm pha

Bậc thiện trí thức nên biết giải thích về xiển minh gièm pha như sau:

Gọi akkosanā - sự mắng nhiếc là mắng nhiếc với mười điều phỉ báng.

Vambhanā - chê bai là nói nhục mạ.

Garahā - khiển trách là nêu tội bằng cách nói: Người không có đức tin, không tịnh tín.

Nói hăm dọa bằng cách: Người không nên nói như vậy trong nơi đây, gọi là ukkhepanā - nói đưa lên.

Nói tâng bốc nặng nề như: “Ôi! Đại thí chủ” là samukkhepanā - nói hạ xuống.

Nói châm biếm rằng: Phải chăng sinh mạng của người này thọ dụng hột giống[47], gọi là khipanā - nói chế giễu.

Nói chế giễu cao hơn rằng: Chư hiền giả gọi là người bố thí theo lời nói, nhưng không có bố thí luôn luôn cho mọi người, làm sao là thí chủ được! Gọi là saṃkhiipanā - nói mạt sát.

Nói rằng: Họ không phải là thí chủ và nêu lên nhiều tội lỗi, gọi là pāpanā - nói lời thô lỗ.

Nói thô lỗ với mọi trường hợp, gọi là sampāpanā - nói lời đê tiện.

Avaṇṇahārikā - đem đi rêu rao là vị bhikkhu đem sự thiệt hại từ gia đình này đến gia đình kia, từ làng này đến làng kia, từ thị trấn này đến thị trấn kia do suy nghĩ: Họ sẽ cúng dường cho ta vì sợ chỉ trích.

Parapiṭṭhimaṃsikatā - nói xấu sau lưng, là trước mắt nói ngọt ngào, sau lưng chỉ trích. Lời nói ví như cử chỉ người không thể chống đối trước mặt, lén cắn sau lưng kẻ thù, do đó gọi là khen trước mặt chê sau lưng.

Gọi nippesikatā - gièm pha, vì cử chỉ này như cây chổi quét lấm ân đức người khác cho tiêu mất, hay phá hủy ân đức người khác cho tan nát để tìm lợi lộc, như nghiền nát chất thơm thành bột để tìm hương thơm, do đó gọi là gièm pha.

~~~

Xiển minh lấy lợi câu lợi

Tìm kiếm là nijigiṃsanatā - mong lấy.

Ito laddhaṃ - được nơi đây là được từ nhà này.

Amutra - nơi kia là trong nhà kia.

Eṭṭhi - ham muốn là tìm kiếm.

Gaveṭṭhi - mong cầu là tìm tòi.

Pariyeṭṭhi - tham cầu là tìm tòi luôn luôn.

Ở đây, bậc thiện trí thức nên kể câu chuyện vị bhikkhu bố thí vật thực được đầu tiên đến những đứa bé trong mỗi gia đình, cuối cùng được cháo, sữa từ các gia đình ấy.

Gọi esanā - dục đắc v.v... đồng nghĩa với eṭṭhi - ham muốn.... do đó, esanā cũng là tìm kiếm. Gavesanā là tầm cầu, pariyesanā là tham cầu. Nên biết chú giải trong điều này bằng phương pháp như vậy.

Đây là nghĩa lý lừa đảo v.v...

Bây giờ sẽ giải thích như: các ác pháp này v.v... bậc thiện trí thức nên biết sự chấp thủ các ác pháp được thuyết trong kinh Phạm Võng theo phương pháp: “Này chư hiền giả, lại nữa, một số Sa-môn, Bà-la-môn thọ dụng vật thực được tín thí cúng dường, những vị ấy lại sanh sống tà mạng bằng súc sanh minh như: nghề coi tay, nghề tiên tri hiện tượng, nghề xem địa lý, nghề đoán mộng, nghề xem tướng, xem dấu chuột cắn trong vải, phương pháp cúng dường lửa, phương pháp cúng dường muỗng.

Những tà mạng được nói đây là do khả năng vi phạm sáu điều học mà ban hành vì nhân nuôi mạng, do khả năng các ác pháp như: lừa đảo, nói lời xiểm nịnh, gợi ý, gièm pha và lấy lợi câu lợi v.v.... Sự tránh xa tất cả trường hợp tà mạng này, đây gọi là dưỡng mạng thanh tịnh.

Danh từ dưỡng mạng thanh tịnh này có ý nghĩa như sau: mỗi người nương tựa trạng thái này mà sống còn, do đó, trạng thái này gọi là dưỡng mạng. Đó là gì? Là tinh tấn tìm kiếm vật dụng. Tính cách trong sạch gọi là thanh tịnh, sự trong sạch của sinh sống gọi là ājivapāvisuddhi - dưỡng mạng thanh tịnh.

4d. Giải thích liên hệ vật dụng giới:

Liên hệ vật dụng giới giải thích tuần tự tiếp theo dưỡng mạng thanh tịnh giới như sau:

Gọi paṭisaṅkhā yoniso - chân chánh giác sát là phản tĩnh, hay (biết) bằng phương pháp, (biết) bằng phương tiện, bằng cách suy xét biết rõ, nghĩa là quán tưởng. Chính sự quan tưởng ấy đã được thuyết như để đối trị sự lạnh v.v..., bậc thiện trí thức nên biết là chân chánh giác sát trong nơi đây.

Các lời nói ấy, gọi cīvaraṃ - y là y nội v.v... .

Paṭisevati - thọ dụng là dùng, mặc, đắp... .

Yāvadeva - chỉ... là lời xác định rõ giới hạn lợi ích. Quả thật, lợi ích của hành giả thọ dụng y chỉ có như thế, là đối trị sự lạnh v.v... ở đây không có cao hơn.

Sītassa - sự lạnh là sự lạnh nào đã phát sanh do khả năng nội giới tăng trưởng, hay thời tiết bên ngoài thay đổi.

Paṭighātāya - để đối trị là để diệt trừ. Bằng phương pháp nào vị bhikkhu không cho bệnh hoạn phát sanh trong cơ thể, để ngăn ngừa bệnh hoạn ấy bằng phương pháp mặc y; vì khi cơ thể bị lạnh đè nén, vị bhikkhu tâm phóng dật không thể tinh cần chân chánh, bởi thế, đức Thế Tôn cho phép nên sử dụng y để đối trị sự lạnh. Đó là pháp môn tất cả mọi Ṭīkā - Sớ giải.

Uṇhassa - sự nóng là sức nóng của lửa, bậc thiện trí thức nên biết giới hạn phát sanh sự nóng ấy như lửa cháy rừng v.v....

Ḍaṃsamakasavātātapaririṃsapasamphassānaṃ - tiếp xúc do ruồi, muỗi, gió, nắng và các loài bò sát. Đây có ý nghĩa như vậy: Ḍaṃsa - ruồi, một số giáo thọ sư dịch là ruồi đầu xanh. Makasā - là các loại muỗi. Vātā - gió là tất cả gió, loại có bụi và loại không có bụi v.v.... Ātāpo - ánh nắng, ở đây là ánh nắng mặt trời. Siriṃsapā - loài bò sát là những sinh vật nào thuộc xà loại di chuyển bò đi như rắn... Samphassānaṃ - tiếp xúc, có hai sự tiếp xúc là tiếp xúc do các sinh vật ấy cắn và các sinh vật đụng chạm, nhưng sự tiếp xúc ấy không nguy hại đến chỗ ngồi được đắp y, vì thế cần phải sử dụng y trong nơi như vậy để đối trị các ác thú hãm hại.

Lời Pāḷi nói yāvadesa - chỉ..., một lần nữa trình bày xác định rõ giới hạn lợi ích trung bình, vì ngoài ra đây đôi khi còn có lợi ích che đậy bộ phận thân thể đáng hổ thẹn.

Hirikopinaṃ - bộ phận đáng hổ thẹn đó là mỗi bộ phận nam, nữ, vì khi vị bhikkhu che đậy mỗi bộ phận thân thể nào có hổ thẹn tăng trưởng, sẽ chấm dứt hổ thẹn mỗi bộ phận thân thể ấy, gọi là bộ phận đáng hổ thẹn vì làm cho tăng trưởng hổ thẹn.

Hirikopinapaṭicchādanatthaṃ - để che đậy bộ phận thân thể đáng hổ thẹn, nghĩa là để che đậy bộ phận thân thể khiến cho tăng trưởng hổ thẹn. Lời nói hirikopanaṃpaṭicchādanatthaṃ - để che đậy bộ phận thân thể đáng hổ thẹn có ý nghĩa như vậy.

Gọi piṇḍapātaṃ - đồ ăn khất thực là bất cứ loại thực phẩm nào. Thật vậy, gọi là đồ ăn khất thực là vật thực để vào bát cho vị Bhikkhu, hay đặt xuống các vắt cơm gọi là đồ ăn khất thực. Ngài giải thích là tập trung thành khối vật thực được từ mọi nơi.

Neva davāya - không thọ dụng để nô đùa, là không phải chơi giỡn như những đứa trẻ trong làng v.v... giải rằng không có ý chơi giỡn.

Na madāya - không thọ dụng để say mê là không phải say mê như các võ sĩ và đồ vật v.v... giải rằng không cố ý say mê vì hiện tượng say mê sức mạnh và hiện tượng say mê dành cho người nam.

Na maṇḍanāya - không phải để trang điểm, là không phải tô điểm cho xinh đẹp như các thiếu nữ chốn khuê phòng và những kỹ nữ v.v... giải rằng không cố ý béo mập các bộ phận lớn nhỏ.

Na vibhūsanāya - không phải để trang sức là không phải trang điểm như người khiêu vũ và ca sĩ v.v... giải rằng không cố ý làm cho màu da xinh đẹp.

Lại nữa, trong các câu này, nói rằng: không phải để nô đùa đây, ngài trình bày để diệt trừ tánh si mê. Nói rằng: không phải để say mê, ngài giảng dạy để diệt trừ tánh sân hận. Nói rằng: không phải để trang điểm, không phải để trang sức, ngài thuyết minh để diệt trừ tánh tham dục.

Lời nói: không phải nô đùa, không phải để say mê đây, ngài đề cập ngõ hầu ngăn ngừa triền phược của ta phát sanh cho ta. Lời nói: không phải để trang điểm, không phải để trang sức, ngài thuyết giảng để ngăn ngừa triền phược phát sanh cho người khác.

Cả bốn câu ấy, bậc thiện trí thức nên biết ngài thuyết giáo từ bỏ thực hành điều không chân chánh và đắm say dục lạc.

Yāvadeva - chỉ..., giải thích như đã đề cập.

Imassa kāyassa - thân này là sắc thân hội họp bốn sắc đại chủng.

Ṭhiitiyā – để bảo tồn chắc chắn là để gìn giữ cho sống còn tiếp tục.

Yāpanāya - nhục thể được tồn tại là để cho sinh mạng được sống còn không bị gián đoạn, hay để gìn giữ cho sống còn suốt thời gian dài, như lão gia chủ chống đỡ căn nhà, hay người chủ xe phải đổ dầu vào trục xe; vị bhikkhu thọ dụng đồ ăn khất thực chỉ để gìn giữ cho sắc thân được sống còn, tồn tại thích nghi, không phải thọ dụng để nô đùa, để say mê, để trang điểm và để trang sức.

Lại nữa, ṭhiti - bảo tồn đây là đồng nghĩa với mạng quyền, vì thế nên biết ý nghĩa đây là để bảo tồn chắc chắn và tồn tại xác thân, nhưng cũng thường giải thích là để cho mạng quyền xác thân này được tồn tại.

Vihiṃsuparatiyā - để giảm nhẹ sự hành hạ, giải rằng: cơn đói gọi là làm tổn thương do ý nghĩa hành hạ. Chính vị bhikkhu ấy thọ dụng đồ ăn khất thực để giảm nhẹ cơn đói, đồ ăn khất thực cũng ví như thuốc thoa vết thương và như ngăn ngừa khi nóng hoặc lạnh v.v....

Brahmacariyānuggahāya - hỗ trợ phạm hạnh là để giúp đỡ giáo pháp phạm hạnh và ủng hộ con đường phạm hạnh. Thật vậy, vị bhikkhu này nương vào thân lực, vì duyên thọ dụng đồ ăn khất thực, ngõ hầu tiến hành giải thoát tam giới do khả năng tinh cần liên tục tam học, gọi là thọ dụng để hỗ trợ phạm hạnh, ví như người mong vượt qua bãi sa mạc phải ăn thịt đứa con, hoặc như người muốn qua sông, phải nương nhờ chiếc bè, hay như người hy vọng vượt qua trùng dương phải nương nhờ thuyền.

Iti purāṇañca vedanaṃ paṭiḥaṅkhāmi navañca vedanaṃ upādessāmi - diệt trừ cảm thọ cũ, không cho cảm thọ mới phát sanh bằng phương pháp như vậy. Giải rằng: vị bhikkhu thọ dụng đồ ăn khất thực ví như bệnh nhân uống thuốc bởi quan tưởng, do thọ dụng đồ ăn khất thực này, ta sẽ diệt trừ cảm thọ cũ là cơn đói hành hạ và không cho cảm thọ mới phát sanh là thọ dụng vật thực không tiết độ, như Bà-la-môn Āhārahatthaka; Bà-la-môn Alaṃsāṭaka; Bà-la-môn Tatthavaṭṭaka; Bà-la-môn Kākamāsaka và Bà-la-môn Bhuttavamitaka.[48]

Lại nữa, cảm thọ nào gọi là cảm thọ cũ, vì phát sanh do khả năng duyên nghiệp cũ nương vào vật thực không thích hợp và quá độ, khi diệt trừ nguyên nhân cảm thọ cũ ấy do thọ dụng vật thực thích hợp và tiết độ, gọi là diệt trừ cảm thọ cũ. Cảm thọ nào gọi là cảm thọ mới, vì phát sanh cho tương lai nương vào duyên nghiệp thọ dụng không thích hợp mà vị bhikkhu tạo trong hiện tại, khi không phát sanh nguồn gốc cảm thọ mới do khả năng thọ dụng thích hợp, gọi là không cho cảm thọ mới phát sanh, nên thấy nghĩa lý ở đây như vậy. Như thế nên biết rằng là giải thích bao gồm thọ dụng thích hợp, diệt trừ tự thực hành khổ hạnh và không từ bỏ an lạc pháp.[49]

Anavajjatā ca phāsuvihāro cāti - sự vô tội và lạc trú, vô tội do tránh xa tâm cầu, thọ nhận, thọ dụng và lạc trú bởi thọ dụng tiết độ. Hoặc vô tội vì không có tội lỗi mà bậc thiện trí thức khiển trách như ngáp ngủ v.v... lạc trú do nguồn gốc thân lực duyên thọ dụng vật thực thích hợp và tiết độ.

Lại nữa, vị bhikkhu thọ dụng quán tưởng thấy rằng: sự vô tội sẽ có cho ta từ bỏ an lạc nằm xuống, an lạc nằm lăn qua lại, an lạc thụy miên,[50] và an lạc bằng cách tiêu hóa vật thực đầy bụng cho đến bao lâu tùy thích.

Lại nữa, lạc trú sẽ có cho ta do tiến hành thích hợp tứ oai nghi và thọ dụng vật thực giảm thiểu độ lượng bốn, năm miếng, như được trưởng lão Sāriputta thuyết:

“Ăn bốn năm miếng xong

Rồi hãy uống nước uống

Thật vừa đủ lạc trú

Của bhikkhu tinh cần”.[51]

Chỉ bao nhiêu đấy, bậc thiện trí thức nên biết là giải thích thọ lãnh lợi ích và thực hành trung đạo.

Gọi senāsanaṃ - tọa ngọa cụ. Thật vậy, vị bhikkhu nằm bất luận nơi nào như trong tinh xá, hay thảo am v.v... mọi nơi đó gọi là senaṃ - ngọa cụ (chỗ nằm). Lại nữa, vị bhikkhu ngồi bất luận nơi nào, các nơi ấy cũng được gọi là āsanaṃ - tọa cụ (chỗ ngồi), gom chỗ ngồi và nằm gọi là senāsanaṃ - tọa ngọa cụ (hay sàng tọa).

Utuparissayavinodanaṃ paṭisallānārāmatthaṃ - để diệt trừ thời tiết nguy hiểm và hoan hỷ sống viễn ly. Thời tiết nguy hiểm, nghĩa là áp bức. Vị bhikkhu thọ dụng sàng tọa để diệt trừ nguy hiểm thời tiết ấy và sống viễn ly. Thời tiết nào không thích hợp, áp bức xác thân làm cho tâm phóng dật, vị bhikkhu nên diệt trừ bằng phương pháp thọ dụng sàng tọa để diệt trừ thời tiết không thích hợp ấy và viên thành an lạc độc cư. Thật vậy, diệt trừ nguy hiểm thời tiết đã được ngài thuyết để đối trị sự lạnh v.v... như diễn tả trong thọ dụng y v.v... để che đậy bộ phận thân thể đáng hổ thẹn, khi muốn lợi ích chân chánh, nhưng ở đây bậc thiện trí thức nên biết ngài trình bày nhấn mạnh diệt trừ nguy hiểm thời tiết và hoan hỷ sống viễn ly, khi muốn lợi ích chân chánh.

Lại nữa, thời tiết như đã đề cập, gọi là thời tiết nguy hiểm có hai loại: nguy hiểm thông thường và nguy hiểm che đậy. Trong hai nguy hiểm ấy, nguy hiểm thông thường là sư tử, cọp v.v...; nguy hiểm che đậy như: tham, sân, si v.v.... Các sàng tọa nào mà mối nguy hiểm không thể gây áp bức do không khéo phòng hộ và nhìn cảnh sắc không thích hợp, sàng tọa ấy vị bhikkhu biết như vậy, sau khi quán tưởng rồi thọ dụng, bậc thiện trí thức nên biết: vị ấy chân chánh giác sát thọ dụng sàng tọa... như trên..., để diệt trừ nguy hiểm thời tiết.

Trong câu: gilānapaccayabhesajjaparikkhāraṃ - vật dụng, thuốc men cần thiết cho người bệnh.

Paccayo - cần thiết nghĩa là trị bệnh một cách chắc chắn, giải rằng: để đối trị bệnh tật, đây là danh từ của vật nào thích hợp.

Thuốc men cần thiết cho người bệnh, gọi là gilānapaccayabhesajjaṃ - dược phẩm trị bệnh, giải rằng: thuốc trị bệnh nào thích hợp dành cho bệnh nhân như dầu, mật ong, nước mía v.v... là vật mà bác sĩ bào chế.

Nhưng vật thực bao quanh, gọi là parikkhāro - vật dụng như thuyết: “Được khéo bao quanh với bảy lớp tường thành”[52]. Vật trang điểm gọi là vật dụng như được thuyết: “Xe có giới là vật trang điểm, thiền là trục xe, tinh tấn là bánh xe…”[53]. Vật cần thiết gọi là vật dụng như được thuyết: “Các vật nào cần thiết cho sinh mạng này, bậc xuất gia nên chuẩn bị cho đầy đủ”[54].

Vật cần thiết hoặc vật phụ tùng vẫn thích hợp nơi đây, vì thuốc trị bệnh ấy là vật cần thiết cho sanh mạng, do nguyên nhân dược phẩm không làm cho bệnh tật có cơ hội phát sanh đoạt mạng sống. Khi được duy trì, gọi là vật cần thiết vì làm cho sanh mạng sống lâu, do đó gọi là vật dụng, như vậy, thuốc trị bệnh ấy gọi là vật cần thiết.

Tóm lại, gilānapaccayabhesajjaparikkhāro - vật dụng thuốc men cần thiết cho người bệnh như: dầu, mật ong, nước mía v.v... là vật dụng nào duy trì sự sống thích hợp cho bệnh nhân mà bác sĩ cho phép sử dụng.

Uppannānaṃ- đã phát sanh là đã sanh, đã thành, đã sanh khởi.

Veyyābādhikānaṃ - phát sanh bệnh hoạn. Ở đây giải rằng: vật làm phát sanh các chứng bệnh như cùi, ung nhọt, ghẻ lở v.v... chất làm tăng trưởng sở sanh và phát sanh những chứng bệnh: gọi là phát sanh bệnh hoạn.

Vedanā - cảm thọ, lấy thọ khổ vì thọ dị thục quả bất thiện.

Abyāpajjahaparamatāya - để ly khổ hoàn toàn là để thoát khổ hoàn toàn. Nghĩa là vị bhikkhu thọ dụng dược phẩm cho đến khi vị ấy diệt trừ tất cả khổ não này.

Theo lời giải thích như vậy, bậc thiện trí thức nên biết tóm tắt, liên hệ vật dụng giới trạng thái là chân chánh giác sát thọ nhận vật dụng. Ý nghĩa phân giải này, nên biết như thế, vì y phục..., tất cả chúng sanh phải nương nhờ thọ dụng mà duy trì được sự sống, do đó, gọi là vật dụng, giới nương vào các vật dụng ấy gọi là liên hệ vật dụng giới.

Theo giải thích cả bốn loại giới ấy như vậy, biệt biệt giải thoát thu thúc giới, vị bhikkhu cần phải thực hành cho đầy đủ do đức tin. Thật vậy, biệt biệt giải thoát thu thúc giới được thành tựu do đức tin, vì sự ban hành điều học vượt ngoài phạm vi của bậc Thinh văn. Sự kiện này phủ nhận lời yêu cầu xin ban hành điều học làm gương mẫu, do đó, vị bhikkhu nên thọ trì điều học tùy theo đức Thiện thệ ban hành cho trọn vẹn với đức tin, không nên quyến luyến sanh mạng, cần phải thực hành đầy đủ giới ấy một cách tốt đẹp, như được đức Thế Tôn thuyết:

“Như cưỡng hộ trì trứng

Sơn dương bảo vệ đuôi

Mẹ trông nom con quí

Người một mắt hộ mắt

Cũng vậy chư tôn giả

Hãy trì giới trang nghiêm

Người luôn luôn cung kính

Tùy phòng hộ giới hạnh”.

Lại nữa, như được ngài thuyết: “Biển cả đứng một chỗ không vượt lên bờ như thế nào, cũng như thế ấy, này Pahārada, điều học nào mà Như Lai đã ban hành cho các Thinh văn, các đệ tử của Như Lai không vi phạm điều học ấy vì nguyên nhân sinh mạng”[55]. Bậc thiện trí thức nên biết câu chuyện trưởng lão bị bọn cướp cột trói trong rừng rậm theo ý nghĩa này.

Được nghe rằng: nơi rừng rậm Mahāvattanī, bọn cướp sau khi cột trói trưởng lão bằng những loại dây leo, đã bắt nằm xuống. Vị trưởng lão nằm như thế phát triển thiền quán suốt bảy ngày, đã đắc quả Bất lai khi thân hoại mạng chung nơi ấy, đã hóa sanh trong Phạm thiên giới.

Lại một câu chuyện khác nữa trên đảo Tambapaṇṇi, có một vị trưởng lão nọ bị bọn cướp cột trói bằng dây leo hôi, đã bắt nằm xuống. Khi lửa rừng cháy lan đến, ngài không cắt dây leo, tiến hành thiền quán, đắc thành bậc Ứng cúng Arahant, ái mạng đồng tận và đã viên tịch. Trưởng lão Abhaya - Vô úy thuyết Trường bộ kinh cùng với năm trăm vị bhikkhu đang đi chứng kiến, sau khi hỏa táng nhục thể trưởng lão và đã cho kiến tạo tháp thờ, do đó, thiện nam tử nào có đức tin:

“Muốn trong sạch giới bổn

Hãy dứt bỏ sanh mạng

Không phá giới thu thúc

Được Cứu thế ban hành”.

Biệt biệt giải thoát thu thúc giới cần phải thực hành cho đầy đủ do đức tin như thế nào, cũng như thế ấy, quyền thu thúc giới cần phải thực hành cho đầy đủ bằng niệm.

Thật vậy, quyền thu thúc giới được thành tựu bằng niệm, vì các quyền đã được phòng hộ các ác pháp như tham dục v.v... không thể tàn hại, do đó, vị bhikkhu nên niệm tưởng đến Ādittapariyāyasuttaṃ - kinh Pháp môn về lửa, với phương pháp: “Này chư Bhikkhu, nhãn quyền bị hòn sắt cháy nóng, cháy sáng, cháy đỏ rực, cháy đỏ lửa ngọn phá hoại, còn tốt hơn chấp thủ tướng chung, tướng riêng khi mắt nhận thức cảnh sắc”.[56]

Khi nhãn thức sanh rất nhanh theo nhãn môn v.v,... trong các cảnh trần như cảnh sắc v.v... dùng niệm, không thất niệm, đề phòng chấp thủ tướng chung v.v... mà tham dục v.v... tàn hại cần phải thực hành đầy đủ quyền thu thúc giới ấy một các tốt đẹp. Vì quyền ấy vị bhikkhu không thực hành cho (đầy đủ) thành tựu như vậy, biệt biệt giải thoát thu thúc giới cũng không kiên cố, không an trú lâu dài, như mạ không lấy cành cây bố trí rào chung quanh cho thứ tự. Người nào bị kẻ trộm phiền não quấy nhiễu, như làng mạc mở cửa bị bọn cướp xâm nhập và tâm của vị ấy bị tham dục thâm nhiễm, như mái nhà vụng lợp mà mưa thấm dột, lời này được đức Thế Tôn thuyết:

“Trong các đối tượng sắc

Thinh, khí, vị và xúc

Bhikkhu hộ trì căn

Vì khi vị ấy mở

Không phòng hộ các môn

Các phiền não tàn hại

Như làng bị bọn cướp”

Và:

“Như mái nhà vụng lợp

Nước mưa dễ thấm dột

Cũng vậy, tâm vụng tu

Tham dục thường nhiễm đắm”.[57]

Từ khi đã thực hành đầy đủ quyền thu thúc giới ấy, biệt biệt giải thoát thu thúc giới cũng an trú vững chắc, lâu dài, như mạ được lấy cành cây bố trí rào chung quanh khéo ngăn nắp. Người này không bị kẻ trộm phiền não quấy nhiễu, như làng mạc đã được khéo đóng cửa, làm sao bị bọn cướp xâm nhập và tâm vị ấy không bị tham dục thâm nhiễm, như mái nhà khéo lợp, mưa không thể thấm dột vậy, chính điều ấy cũng được đức Thế Tôn thuyết:

“Bhikkhu hộ trì căn

Trong các đối tượng sắc

Thinh, khí, vị và xúc

Vì môn này Bhikkhu

Đóng kín, khéo thu thúc

Phiền não không tàn hại

Và:

“Như mái nhà khéo lợp

Mưa không thể thấm dột

Cũng vậy, tâm khéo tu

Tham dục không nhiễm đắm”.

Đây là bài thuyết rất cao siêu, lẽ thường, tâm này biến đổi một cách rất nhanh chóng, do đó, hành giả khi đã diệt trừ tham dục phát sanh bằng tác ý bất mỹ (tác ý tử thi), cần phải thực hành đầy đủ quyền thu thúc giới như trưởng lão Vaṅgīsa xuất gia không bao lâu.

Được nghe rằng: trưởng lão xuất gia không bao lâu đang đi khất thực, vì thấy một thiếu nữ, tham dục đã phát sanh. Khi ấy ngài đã nói với trưởng lão Ānanda:

“Dục tham đốt cháy tôi

Tâm tôi bị thiêu cháy

Lành thay! Đức Gotama[58]

Vì bi mẫn hãy thuyết

Pháp tiêu diệt lửa ái”.

Trưởng lão đã trả lời:

“Vì tầm cầu tà tưởng

Tâm người bị thiêu đốt

Hãy dứt bỏ hiện tướng

Xinh đẹp liên hệ tham

Tâm tu tiến bất mỹ

Nhất cảnh khéo định tĩnh

Thấy hành của người khác

Khổ não và vô ngã

Hãy diệt tắt đại tham

Không nên thiêu đốt luôn.[59]

Trưởng lão sau khi diệt trừ tham dục, đã đi khất thực.

Lại nữa, vị bhikkhu thực hành đầy đủ quyền thu thúc giới, cần phải như trưởng lão Cittagutta (Hộ Tâm) sống nơi đại thạch động Kuruṇḍaka và trưởng lão Mahāmitta sống tại Corakmahāvihāra.

Được nghe rằng: nghệ thuật điêu khắc tượng đại xuất gia của bảy vị Phật khả hỷ, khả ý đã có trong đại thạch động Kuruṇḍaka, nhiều vị bhikkhu du hành trú xứ, khi thấy hỏi:

- Bạch Ngài, bức tranh có khả hỷ, khả ý không?

Vị trưởng lão đáp:

- Này chư hiền giả, tôi sống trong thạch động hơn sáu mươi năm, không biết có bức tranh hay không có, nay nương nhờ chư hiền giả, người có mắt được biết.

Vị trưởng lão sống lâu đến như vậy, nhưng không bao giờ mở mắt nhìn lên thạch động; tại cửa thạch động của trưởng lão có một cây mù u lớn, cũng cây ấy, trưởng lão không bao giờ ngước mắt nhìn lên. Đến hàng năm, thấy phấn hoa rơi rải rác khắp trên mặt đất, mới biết rằng cây ấy trổ hoa.

Đức vua sau khi nghe trưởng lão thành tựu ân đức như vậy, muốn đảnh lễ, phái người đến thỉnh cầu ba lần. Khi trưởng lão không đến, bèn truyền lệnh niêm phong nhũ phòng của nhóm phụ nữ có hài nhi trong làng ấy, đóng ấn công bố: “Khi nào trưởng lão không đến, khi ấy các hài nhi không được bú sữa”.

Trưởng lão đã đi đến đại làng mạc vì lòng bi mẫn các hài nhi; đức vua nghe qua, đã ra lệnh sứ giả:

- Này hiền khanh, hãy đi thỉnh trưởng lão vào, ta sẽ thọ trì giới.

Sau khi truyền lệnh đưa vào nội cung, đảnh lễ trưởng lão, thỉnh ngài thọ thực, rồi bạch rằng:

- Bạch Ngài, hôm nay không có điều kiện, ngày mai ta sẽ thọ trì giới.

Khi đức vua nhận bát trưởng lão, ngự theo một đoạn đường, đảnh lễ và cùng với hoàng hậu hồi cung, đức vua hay hoàng hậu đang đảnh lễ, trưởng lão đều nói:

- Xin Đại vương hãy an lạc!

Bảy ngày trôi qua như vậy, chư bhikkhu đã hỏi:

- Bạch Ngài, có phải khi đức vua hay hoàng hậu đang đảnh lễ ngài cũng chỉ nói: “Xin Đại vương hãy an lạc không”?

- Này chư hiền giả, tôi không xác định đức vua hay hoàng hậu.

Khi đã trải qua bảy ngày, trưởng lão được đức vua phóng thích do thấy rằng: sống nơi đây khó khăn cho trưởng lão. Sau khi về đến đại thạch động Kuruṇḍaka, lúc về đêm, bước lên chỗ kinh hành, vị chư Thiên ngự tại cây mù u đã đứng cầm đuốc. Lúc ấy nghiệp xứ của ngài đã xuất hiện rất thanh tịnh, trưởng lão hoan hỷ suy nghĩ: “Hôm nay, nghiệp xứ của ta xuất hiện rất thanh tịnh phải chăng?”

Trong khoảng canh giữa vang rền khắp núi đồi[60] ngài đã đắc quả Ứng cúng Arahant, do đó, thiện nam tử nào muốn lợi ích:

“Mắt không nên phóng túng

Như khỉ nhảy trong rừng

Như nai lang thang rừng

Như trẻ nằm vung vẫy

Đôi mắt hãy nhìn xuống

Thấy khoảng một hắc tay

Tâm đổi như khỉ rừng

Chớ rơi quyền lực nó”

Lại một câu chuyện nữa: bệnh ghẻ độc đã phát sanh đến mẹ của trưởng lão Mahātissa, con gái bà cũng xuất gia trong chúng Bhikkhu-ni, người mẹ đã nói với con gái:

- Xin ni cô đi đến trú xứ sư huynh, sau khi đi đến, nói tôi không an lạc, hãy xin thuốc mang về.

Nàng ấy đi đến bạch câu chuyện, trưởng lão đã nói:

- Tôi không biết được tính bào chế thuốc, nhưng tôi sẽ chỉ bảo cho người: “Tôi xuất gia trong khi nào, kể từ đó cho đến nay tôi không tàn hại các căn do tâm câu hữu với tham, từng nhìn cảnh sai biệt, do chân ngôn này, xin mẹ tôi hãy an lạc, hãy đi nói như vậy, rồi vuốt đầu cận sự nữ”.

Nàng ấy trở về nói ý nghĩa đó, đã thực hành như thế, bệnh ghẻ cận sự nữ khô liền ngay khi ấy và biến mất như bọt nước, cận sự nữ ấy đứng lên thốt lời hoan hỷ: “Nếu đức Chánh Đẳng Giác còn hiện tiền, tại sao không vuốt đầu bhikkhu như con ta với bàn tay rực rỡ mạng lưới?” Do đó:

“Thiện gia nam tử khác

Xuất gia trong giáo pháp

Trú như trưởng lão Hữu

Thu thúc quyền cao quý”.

Như được nói rằng: quyền thu thúc giới cần phải thực hành cho được đầy đủ bằng niệm như thế nào, cũng như thế ấy, dưỡng mạng thanh tịnh giới cần phải thực hành cho đầy đủ do tinh tấn.

Thật vậy, dưỡng mạng thanh tịnh giới ấy được thành tựu do tinh tấn, vì khi vị bhikkhu nỗ lực tinh tấn chân chánh, sẵn sàng diệt trừ tà mạng, do đó, vị bhikkhu nên dứt bỏ tầm cầu không thích hợp, nghề nghiệp không (chánh đáng) chân chánh, cần phải thực hành cho đầy đủ dưỡng mạng thanh tịnh giới này; do tinh tấn chánh tầm cầu như đi khất thực v.v... khi thọ nhận vật dụng phát sanh trong sạch và tránh xa vật dụng phát sanh không trong sạch như tránh xa rắn độc.

Trong hai loại vật dụng ấy, vật dụng phát sanh từ chư Tăng, hay từ chúng bhikkhu không thọ trì hạnh đầu đà và nơi cư ngụ những người tại gia tịnh tín các ân đức như sự thuyết Pháp của bhikkhu v.v... gọi là vật dụng phát sanh trong sạch; nhưng vật dụng phát sanh do hạnh khất thực v.v... gọi là vật dụng phát sanh trong sạch nhất.

Vật dụng phát sanh đến vị bhikkhu thọ trì hạnh đầu đà đi khất thực v.v... và vật dụng phát sanh từ nơi cư ngụ người tịnh tín ân đức hạnh đầu đà của vị bhikkhu ấy do tuần tự truyền thống hạnh đầu đà, gọi là vật dụng phát sanh trong sạch. Khi thuốc kha-lê-nặc ngâm nước tiểu bò đen và bốn loại mật phát sanh cho vị bhikkhu ấy để đối trị một chứng bệnh, hành giả thọ trì hạnh đầu đà suy nghĩ: “Các bạn đồng phạm hạnh khác sẽ thọ dụng bốn loại mật”. Như vậy, tự mình thọ dụng trái kha-lê-nặc là thích hợp chắc chắn, vị bhikkhu này được bậc thiện trí thức gọi là người duy trì Thánh tông cao thượng.

Lại nữa, các vật dụng nào như y v.v... trong các vật dụng ấy ra dấu, nói bóng gió, nói dọa dẫm, lời xin y và đồ ăn khất thực không hợp pháp cho vị bhikkhu nào dưỡng mạng thanh tịnh; nhưng sàng tọa mà dấu, nói bóng gió, nói dọa dẫm, thích hợp với vị bhikkhu không thọ trì hạnh đầu đà.

Trong những tư cách ấy, khi vị bhikkhu chuẩn bị đất v.v... để kiến tạo trú xứ, người tại gia hỏi:

- Bạch Ngài, ngài làm gì? Ai cho phép ngài làm như vậy?

Vị bhikkhu đáp:

- Không có ai cho phép cả.

Hay là dấu hiệu nào khác giống như vậy, gọi là làm dấu.

Vị bhikkhu hỏi:

- Này cận sự nam, người sống ở đâu?

Cận sự nam đáp:

- Sống trên lâu đài, bạch Ngài.

- Này cận sự nam, lâu đài có lẽ không thích hợp đối với chư Bhikkhu.

Hành động nói xa gần như vậy, hay lời nói khác giống như thế, gọi là nói bóng gió.

Nói gián tiếp là nói: sàng tọa của vị bhikkhu tăng chật hẹp, hay nói lời đưa đẩy nào khác.

Trong thực phẩm là nên thọ dụng, nhưng dược phẩm phát sanh như thế, vị bhikkhu không nên thọ dụng khi đã hết bệnh. Điều ấy, các vị trì luật nói là “nên” vì đã được đức Thế Tôn mở rộng cánh cửa bố thí. Riêng những vị tinh thông kinh điển nói: mặc dù không phạm tội thật, nhưng làm cho dưỡng mạng tăng trưởng,[61] do đó, không nên thọ dụng.

Lại nữa, vị bhikkhu nào không ra dấu, nói bóng gió, nói dọa dẫm, tỏ lời xin; cũng được đức Thế Tôn cho phép nương nhờ ân đức thiểu dục v.v.... Khi chấm dứt mạng sống cũng thọ riêng vật dụng khác, tránh xa vật dụng do nói xa gần v.v... vị bhikkhu ấy, bậc thiện trí thức gọi là người thực hành khổ hạnh cao thượng, như trưởng lão Sāriputta - Sāriputta.

Được nghe rằng? Một thời tôn giả Sāriputta đang an trú độc cư viễn ly, sống tại một cánh rừng nọ cùng với đại trưởng lão Moggallāna.

Ngày kia, tôn giả bị chứng bệnh đau bụng gió khiến cho phát sanh thống khổ, vào lúc xế chiều, đại trưởng lão Moggallāna đến nơi phụng sự tôn giả ấy, thấy tôn giả nằm, sau khi truy nguyên căn bệnh này, đã hỏi:

- Thưa hiền giả, lúc trước hiền giả an lạc với thuốc nào?

- Này hiền giả, tôn giả đáp: khi tôi còn cư sĩ, mẹ tôi dạy chế biến cơm đề hồ không lẫn lộn với bơ trong, mật ong và đường phèn, tôi an lạc với cơm đề hồ ấy.

Đại trưởng lão Moggallāna đã nói:

- Thưa hiền giả, nếu phước báu tôi hay hiền giả đang có, ngày mai chắc chắn chúng ta sẽ được chút ít.

Vị chư Thiên đang ngự trên cội cây cuối cùng con đường kinh hành, khi nghe lời đàm thoại của hai vị trưởng lão ấy như vậy, suy nghĩ: “Ngày mai ta sẽ làm cho phát sanh cơm đề hồ đến đại trưởng lão”. Suy nghĩ xong, đi đến gia đình phục dịch trưởng lão, nhập vào thân người trưởng nam khiến cho phát sanh bệnh hoạn.

Lúc ấy, các thân quyến hội họp để trị bệnh, vị chư Thiên đã nói với họ:

- Nếu ngày mai các người sửa soạn cơm đề hồ như vậy cúng dường đến trưởng lão, tôi sẽ trả tự do.

Nhóm thân quyến ấy nói:

- Dù ngài không mách bảo, chúng tôi cũng cúng dường vật thực thường xuyên đến trưởng lão như vậy.

Trong ngày thứ hai, đã cho sửa soạn cơm đề hồ như thế, đại trưởng lão Moggallāna đến từ sáng tinh sương nói:

- Thưa hiền giả, hiền giả hãy ở đây cho đến khi nào tôi đi khất thực trở về.

Nói xong, ngài đã đi vào làng, nhóm người ấy tiếp đón, rước bát trưởng lão, cho để đầy bình bát cơm đề hồ như trên để cúng dường Ngài, trưởng lão tỏ thái độ muốn trở lại, những người ấy thưa:

- Bạch Ngài, xin thỉnh ngài hãy thọ thực, chúng tôi sẽ cúng dường cơm đề hồ khác cho Ngài.

Sau khi thỉnh trưởng lão thọ thực xong, đã cúng dường đầy bát cơm đề hồ nữa, trưởng lão về đến đem dâng và nói:

- Bây giờ hãy thọ nhận, thưa hiền giả Sāriputta, xin hiền giả hãy thọ thực.

Nhưng tôn giả khi thấy cơm đề hồ ấy, suy nghĩ: Làm thế nào cơm đề hồ rất khả ý đã phát sanh? Khi thấy nguyên nhân phát sanh cơm đề hồ ấy bèn nói:

- Này hiền giả Moggallāna hãy mang đổ bỏ đồ ăn khất thực, không nên thọ dụng.

Riêng đại trưởng lão Moggallāna không phát sanh suy nghĩ: Tôn giả không thọ dụng đồ ăn khất thực mà người như ta mang đồ ăn khất thực đến với lời dạy bảo. Ngài cầm miệng bát úp xuống một bên. Cùng với cơm đề hồ đổ trên mặt đất, bệnh của tôn giả cũng chấm dứt, kể từ đó trở đi không tái phát suốt bốn mươi lăm năm. Khi ấy, ngài nói với trưởng lão Moggallāna:

- Này hiền giả, cơm đề hồ phát sanh do nương vào khẩu biểu tri, dù ruột già bò ra đi khắp mặt đất cũng không nên thọ thực.

Và ngài đã thốt lời cảm hứng này:

“Nếu tôi người thọ thực 

Cơm đề hồ phát sanh

Vì ra lời yêu cầu           

Sanh mạng tôi bị trách

Dù ruột non của tôi        

Đi ra nằm bên ngoài

Tôi chịu bỏ kiếp sống    

Không phá giới dưỡng mạng

Tự tâm tôi hoan hỷ        

Tôi trách xa tà mạng

Không chịu hành tà mạng        

Mà đức Phật khiển trách”.

Câu chuyện trưởng lão Mahātissa, người thọ dụng trái xoài, sống trong Civaragumbavāsika,[62] bậc thiện trí nên kể nơi đây, mỗi khi có trường hợp nên giống như vậy:

“Bậc tu sĩ xuất gia.

Đức tin, nhuệ mẫn tuệ.

Tâm không sanh tà mạng.

Hãy dưỡng mạng thanh tịnh”.

Như được nói dưỡng mạng thanh tịnh giới cần phải thực hành cho đầy đủ do tinh tấn như thế nào, cũng như thế ấy, liên hệ vật dụng giới cần phải thực hành cho đầy đủ bởi trí tuệ. Thật vậy, liên hệ vật dụng giới gọi là thành tựu do trí tuệ, vì trí tuệ mà giới có khả năng quán thấy tội lỗi và quả báo các vật dụng, do đó, vị bhikkhu dứt bỏ tham lam vật dụng; sau khi quán tưởng bằng trí tuệ theo phương pháp đã được đề cập, rồi thọ nhận vật dụng phát sanh một cách hợp pháp, cần phải thực hành cho đầy đủ liên hệ vật dụng giới ấy do trí tuệ.

Sự quán tưởng vật dụng trong liên hệ vật dụng giới ấy có hai loại: thời gian thọ lãnh các vật dụng và thời gian thọ dụng các vật dụng. Thật vậy, y phục cất giữ v.v... quán tưởng do khả năng nguyên chất, hay do khả năng vật ô trược trong thời gian thọ lãnh; khi thọ dụng quá thời gian thọ lãnh ấy mà thọ dụng trong thời gian thọ dụng các vật dụng cũng không phạm tội.

Điều này phân định chứng minh như sau: vì có bốn hạng người thọ dụng:

- Theyyaparibhogo: thọ dụng như kẻ trộm.

- Iṇaparibhogo: thọ dụng như người mắc nợ.

- Dāyajjaparibhogo: thọ dụng như người thừa tự.

- Sāmiparibhogo: thọ dụng như chủ nhân.

Trong bốn sự thọ dụng ấy, thọ dụng của người ác giới ngồi thọ dụng giữa chư Tăng, gọi là thọ dụng như kẻ trộm. Vị bhikkhu có giới, thọ dụng không quán tưởng, gọi là thọ dụng như người mắc nợ.

Do đó, y phục nên quán tưởng mỗi sát-na thọ dụng, đồ ăn khất thực nên quán tưởng mỗi khi nhai, nuốt một miếng; khi không thể thực hiện như thế, nên quán tưởng trước khi thọ thực, sau khi thọ thực trong canh đầu, canh giữa và canh cuối; nếu vị bhikkhu thọ dụng không quán tưởng khi ánh rạng hồng xuất hiện trước lúc mặt trời mọc, vị ấy chắc chắn ở vị trí thọ dụng như kẻ trộm. Sàng tọa nên quán tưởng mỗi khi thọ dụng. Đối với dược phẩm khi thọ lãnh, hoặc thọ dụng, nên là người có niệm hỗ trợ, sự kiện như vậy, khi thọ lãnh có niệm, không niệm khi thọ dụng cũng bị phạm tội, nhưng không niệm khi thọ lãnh, chỉ niệm riêng khi thọ dụng không bị phạm tội.

Thật vậy, có bốn loại thanh tịnh:

- Desanāsuddhi: sám hối thanh tịnh.

- Saṃvarasuddhi: thu thúc thanh tịnh

- Pariyeṭṭhisuddhi: tầm cầu thanh tịnh.

- Paccavekkhaṇasuddhi: quán tưởng thanh tịnh.

Trong bốn loại ấy, biệt biệt giải thoát thu thúc giới gọi là sám hối thanh tịnh, vì biệt biệt giải thoát thu thúc giới ấy, bậc thiện trí thức gọi là thanh tịnh do hành (động) trong sạch bằng sự tỏ bày. Quyền thu thúc giới, gọi là thu thúc thanh tịnh, vì quyền thu thúc giới ấy, bậc thiện trí thức gọi là thanh tịnh do hành cho trong sạch tâm chú nguyện: “Ta sẽ không thực hành như vậy nữa”. Dưỡng mạng thanh tịnh giới gọi là tầm cầu thanh tịnh, vì trong sạch do tìm kiếm mà vị bhikkhu dứt bỏ tà mạng, thọ nhận vật dụng phát sanh hợp pháp, bình đẳng, gọi là tầm cầu thanh tịnh. Liên hệ thọ nhận vật dụng giới gọi là quán tưởng thanh tịnh, vì trong sạch bằng cách quán tưởng như đã được đề cập, do đó, được nói: vị bhikkhu không có niệm trong sát-na thọ lãnh, có niệm khi thọ dụng, không phạm tội.

Sự thọ dụng vật dụng của bảy bậc hữu học gọi là thọ dụng như người thừa tự, vì bảy bậc hữu học ấy là con trai (của) đức Thế tôn, do vậy, các ngài thọ dụng vật dụng của đức Từ Phụ.

Hỏi rằng: Các bậc hữu học ấy thọ dụng vật dụng đức Thế Tôn thọ dụng hay thọ dụng vật dụng của người thừa tự?

Đáp: Các vật dụng ấy đã được người tại gia cúng dường gọi là tài sản của đức Thế tôn, vì các vật dụng ấy đức Thế Tôn đã cho phép, do đó, nên biết rằng, bảy bậc hữu học ấy thọ dụng của đức Thế tôn. Dĩ nhiên, điều này có kinh Thừa tự pháp - Dhammadāyādasutta - làm bằng chứng.

Sự thọ dụng của bậc lậu tận gọi là thọ dụng như chủ nhân. Thật vậy, các vị ấy là chủ nhân thọ dụng, vì giải thoát khỏi nô lệ ái dục.

Trong những sự thọ dụng này, thọ dụng như chủ nhân và thọ dụng như người thừa tự thích hợp cho tất cả Bhikkhu. Thọ dụng như kẻ mắc nợ là không thích hợp cho tất cả Bhikkhu; không cần phải đề cập đến thọ dụng như kẻ trộm. Tư cách thọ dụng của bhikkhu có giới hạnh quán tưởng thọ dụng, không như người thiếu nợ thọ dụng, vì trái ngược thọ dụng như kẻ mắc nợ, hay gom vào thọ dụng như người thừa tự. Thật vậy, vị bhikkhu có giới hạnh gọi là bậc hữu học vì thành tựu điều học tập. Lại nữa, trong các thọ dụng này, thọ dụng như chủ nhân là tối cao, do đó, vị bhikkhu muốn thọ dụng như chủ nhân ấy, sau khi quán tưởng bằng cách quán tưởng như đã trình bày, cần phải thực hành cho đầy đủ liên hệ vật dụng giới.

Vị bhikkhu thực hành như vậy gọi là người thi hành phận sự. Điều ấy cũng đã được đức Thế Tôn thuyết giáo:

“Thinh văn tuệ cao quí

Nghe pháp Thiện thệ giảng

Quán tưởng thọ đoàn thực

Tinh xá và sàng tọa

Nước giặt Tăng-già-lê

Do đó vị Bhikkhu

Không nhiễm các pháp ấy

Đoàn thực và tinh xá

Sàng tọa, nước giặt y

Như giọt nước lá sen.[63]

Vị ấy được hợp thời

Thọ lãnh từ người khác

Niệm trú, biết tiết độ

Vật thực cứng, mềm, nếm

Như thoa thuốc vừa phải

Đắp da non vết thương”.

Và:

“Như ăn thịt đứa con

Khi qua bãi sa mạc

Như đổ dầu trục xe

Trong đoạn đường trải qua

Cũng vậy, không đam mê

Thọ dụng các vật thực

Tự thân được tồn tại”.

Người thực hành cho đầy đủ liên hệ vật dụng giới này nên thuật câu chuyện Sa-di Bhāgineyyasaṅgha-rakkhita. Thật vậy, sau khi quán tưởng chân chánh thọ dụng, như vị ấy đã nói:

“Hòa thượng tôi thọ thực

Cơm chiên sāli nguội

Ngài giáo giới tôi rằng

Này Sa-di, không nên

Đốt lưỡi không phòng hộ

Tôi nghe lời Hòa thượng

Đạt được sự động tâm

Đã đắc chứng Ứng cúng

Khi ngồi một chỗ ngồi

Tôi tư duy tròn đủ

Như mặt trăng đêm rằm

Mọi lậu hoặc diệt tận

Nay không còn tái sanh

Do đó, người nào khác

Muốn chấm dứt khổ đau

Khi quán tưởng chân chánh

Hãy thọ dụng vật dụng”.

Như vậy là giới bốn loại do khả năng như biệt biệt giải thoát thu thúc giới v.v....

E. Giới năm loại:

Nên biết ý nghĩa như sau:

1) Giới năm loại thứ nhất, bậc thiện trí thức nên biết ý nghĩa như vầy:

Bậc thiện trí thức nên biết ý nghĩa do khả năng phi cụ túc giới v.v.... Thật vậy, điều này trong bộ Đạt thông đạo được trưởng lão Sāriputta thuyết:

- Thế nào là hạn định thanh tịnh giới? Giới của người không thọ cụ túc giới, có điều học giới hạn, đây gọi là hạn định thanh tịnh giới.

- Thế nào là vô hạn định thanh tịnh giới? Giới của người thọ cụ túc giới, có điều học không giới hạn, đây gọi là vô hạn định thanh tịnh giới.

- Thế nào là viên mãn thanh tịnh giới? Giới của hiền phàm nhân liên quan các thiện pháp thực hành cho đầy đủ hữu học cứu cánh pháp, không luyến ái thân thể, sinh mạng và dứt bỏ mạng sống, đây gọi là viên mãn thanh tịnh giới.

- Thế nào là phi cảnh khinh thị thanh tịnh giới? Giới của bảy bậc hữu học, đây gọi là phi cảnh khinh thị thanh tịnh giới.

- Thế nào là an tĩnh thanh tịnh giới? Giới của các bậc lậu tận Thinh văn đệ tử Như Lai, giới của chư Phật Độc giác và giới của chư Như Lai, bậc Ứng cúng Arahant, Chánh Đẳng Giác, đây gọi là an tĩnh thanh tịnh giới”.[64]

Trong các loại giới ấy, giới của người không thọ cụ túc giới, bậc thiện trí thức nên biết là hạn định thanh tịnh giới, vì giới có hạn do khả năng đếm. Tuy nhiên, giới của người thọ cụ túc giới có số lượng và khả năng đếm như:

“Một bảy mươi ngàn triệu

Cộng thêm vào năm triệu

Lẻ ba mươi sáu điều

Đó là luật thu thúc

Mà Chánh Đẳng Giác thuyết

Những học luật thu thúc

Được giải thích chi tiết”.

Như vậy, bậc thiện trí thức nên biết vô hạn định thanh tịnh giới bao gồm thọ trì do khả năng đầy đủ, cũng có giới hạn do khả năng đếm và tự mình không thấy giới hạn do khả năng lợi lộc, danh vọng, quyến thuộc, thân thể và sanh mạng, như giới của Đại Trưởng lão Tissa thọ thực trái xoài, cư ngụ trong Civagum-bavāsika:

Được nghe rằng: tôn giả trưởng lão ấy không dứt bỏ tùy niệm pháp chân nhân này:

“Hãy dứt bỏ tài sản

Do nhân quí thân thể

Hãy dứt bỏ thân thể

Khi bảo vệ sanh mạng

Lúc người tùy niệm pháp

Hãy bỏ cả thân thể

Tài sản và sanh mạng”.[65]

Vị ấy không vi phạm điều học khi nghi ngờ bị nguy hại đến sanh mạng, chỉ nương nhờ vô hạn định thanh tịnh giới ấy, đang đi sau lưng cận sự nam ấy, đã đắc chứng Ứng cúng Arahant, như vị ấy thuyết:

“Vị ấy không cha mẹ

Không thân quyến bà con

Hành phận sự như vậy

Vì nhân ta giới hạnh

Khi phát sanh động tâm

Đã chân chánh quán tưởng

Đi sau lưng người ấy

Đã đắc chứng La-hán”.

Giới của hiền phàm nhân kể từ khi thọ cụ túc giới đã tẩy trừ tâm phát sanh cấu uế, vì hướng về trạng thái rất thanh tịnh như ngọc ma-ni khéo trau dồi, như vàng khéo sơn phết, là nguyên nhân gần của ân đức trở thành bậc Ứng cúng Arahant, do đó, được gọi là viên mãn thanh tịnh giới, như giới của Mahāsaṅgharakkhitatthera - Đại Trưởng lão Hộ Tăng và Bhāgineyyasaṅgharakkhitat-thera - cháu trai Trưởng lão Hộ Tăng.

Được nghe rằng: Đại Trưởng lão Hộ Tăng hơn sáu mươi hạ nằm trên giường nhỏ chờ chết, chúng bhikkhu đến hỏi về việc đắc chứng pháp siêu thế. Lúc ấy, vị bhikkhu trẻ tuổi, thị giả trưởng lão này bạch:

- Bạch ngài, nhân loại hội họp khoảng mười hai do tuần vì biết ngài sẽ viên tịch, nếu ngài mạng chung còn phàm nhân sẽ có sự hối tiếc đối với đại chúng.

Trưởng lão nói:

- Này hiền giả, tôi muốn thấy đức Thế Tôn Metteyya nên không khai triển thiền quán, nếu như thế hiền giả hãy đỡ ta ngồi dậy tạo cơ hội.

Vị bhikkhu trẻ tuổi ấy sau khi đỡ trưởng lão ngồi dậy đã đi ra ngoài, cùng lúc vị bhikkhu trẻ tuổi ấy đi ra, trưởng lão sau khi đắc chứng Ứng cúng Arahant, đã làm dấu hiệu bằng cách vỗ nhẹ tay. Chư Tăng hội họp nhau nói:

- Bạch Ngài, trong khi gần mạng chung như vậy mà ngài thực hành cho pháp siêu thế phát sanh, quả thật đó là hành động khó làm.

Trưởng lão đáp:

- Này chư hiền giả, phận sự như vậy không khó thực hành, nhưng tôi sẽ nói phận sự khó hành cho chư hiền giả. Này chư hiền giả, kể từ khi xuất gia đến nay tôi không nhớ tất cả nghiệp mà tôi đã tạo do không biết vì thất niệm.

Ngay cả cháu trai của ngài sáu mươi hạ cũng đắc chứng Ứng cúng Arahant như vậy.

“Nếu là người nghe ít

Không định tĩnh trong giới

Chúng chỉ trích người ấy

Cả hai giới và nghe

Nếu là người nghe ít

Khéo định tĩnh trong giới

Chúng khen về giới đức

Về nghe không đầy đủ

Nếu là người đa văn

Khéo định tĩnh trong giới

Chúng trách giới người ấy

Về nghe được đầy đủ

Nếu là người đa văn

Khéo định tĩnh trong giới

Chúng tán thán người ấy

Cả hai giới và nghe

Đệ tử Phật đa văn

Trì pháp có trí tuệ

Như vàng cõi Diêm Phù

Ai có thể chỉ trích?

Chư Thiên khen vị ấy

Phạm thiên cũng tán dương”.[66]

Thật vậy, giới của tất cả các bậc hữu học nên biết là phi cảnh khinh thị thanh tịnh giới, vì không bị dính mắc do khả năng tà kiến. Lại nữa, giới không bị dính mắc do khả năng tham dục nên biết là phi cảnh khinh thị thanh tịnh giới, như giới của Trưởng lão Tissa con của người gia chủ.

Được nghe rằng: tôn giả ấy muốn nương nhờ giới hạnh như vậy, an trú đắc chứng Ứng cúng Arahant, đã nói với các kẻ thù:

“Chư hiền hãy tin tưởng

Sau khi phá hai chân

Chính tôi sẽ thu thúc

Tôi nhàm chán hổ thẹn

Chết tâm còn tham dục

Tôi suy tư như vậy

Đã chân chánh giác sát

Khi vầng hồng ló dạng

Đã đắc chứng La-hán”.

Một vị đại trưởng lão khác bị bệnh trầm trọng, không thể tự tay thọ dụng vật thực, nằm lăn lộn trong phân, tiểu của mình. Một vì bhikkhu trẻ tuổi nọ, sau khi thấy như vậy đã nói:

- Than ôi! Tất cả thọ hành là khổ não thật.

Đại trưởng lão nói với vị ấy:

- Này hiền giả, bây giờ tôi mạng chung được thành tựu nhàn cảnh, điều nghi ngờ này tôi không có. Dù gọi là được thành tựu, nhưng tôi đã phá hoại giới hạnh này, như tôi tuyên bố xả điều học trở thành cư sĩ; vị ấy nói tiếp: Tôi sẽ chết cùng với giới hạnh này.

Trưởng lão tự mình như thế quán tưởng căn bệnh ấy, đắc chứng Ứng cúng Arahant, đã ngâm với chư bhikkhu tăng những câu kệ này:

“Khi tôi bị mắc bệnh                

Khổ não thật khốc liệt

Do căn bệnh biến chứng

Thân này úa tàn nhanh

Như đất hoa nằm phơi   

Xác thân này khả ố

Mà người nghĩ khả ái

Bất tịnh nghĩ trong sạch

Chứa đầy tử thi khác

Sắc khả ái không quán

Sỉ nhục thay! Xác thân  

Khối mục nát, khốn khổ

Bệnh, nhơ bẩn, hôi thối  

Các chúng sanh dể duôi

Say mê hành thối hóa              

Con đường sanh nhàn cảnh”.

Nhưng giới của các bậc Ứng cúng Arahant v.v... bậc thiện trí thức nên biết là an tĩnh thanh tịnh giới, vì giới trong sạch, yên lặng tất cả sầu não.

Như vậy, nên biết giới năm loại do khả năng hạn định thanh tịnh giới v.v....

2) Giới năm loại thứ hai, bậc thiện trí thức nên biết ý nghĩa như vầy:

Bậc thiện trí thức nên biết ý nghĩa do khả năng như từ bỏ sát sanh v.v... điều này được thuyết trong bộ Đạt thông đạo: “Giới năm loại là giới từ bỏ, giới kiêng cữ, giới cố ý, giới thu thúc, giới không vi phạm sát sanh, lấy của không cho, nói dối, nói lời đâm thọc, nói lời ác khẩu, (nói lời độc ác), nói lời vô ích, tham lam, sân hận, tà kiến; cũng gọi là giới. Giới từ bỏ, giới kiêng cữ, giới cố ý, giới thu thúc, giới không vi phạm tham dục do xuất ly, sân hận do bất hại, hôn trầm thụy miên do ánh sáng, trạo cử do bất phóng dật, hoài nghi do xác định pháp, vô minh do trí tuệ, bất mãn do hân hoan, các triền cái do đệ nhất thiền, tầm, tứ do đệ nhị thiền, hỷ do đệ tam thiền, khổ lạc do đệ tứ thiền, sắc tưởng đối ngại tưởng và dị biệt tưởng do không vô biên xứ thiền chứng, không vô biên xứ tưởng do thức vô biên xứ thiền chứng, thức vô biên xứ tưởng do vô sở hữu xứ thiền chứng, vô sở hữu xứ tưởng do phi tưởng phi phi tưởng thiền chứng, thường tưởng do vô thường tùy quán, lạc tưởng do khổ não tùy quán, ngã tưởng do vô ngã tùy quán, hỷ ái do yếm ly tùy quán, tham dục do ly tham tùy quán, tập khởi do đoạn diệt tùy quán, không muốn giải thoát do dục thoát tùy quán, chấp thủ do xả ly tùy quán, khối tưởng do tiêu diệt tùy quán, tích trữ do tiêu hoại tùy quán, trường tồn tưởng do biến tướng tùy quán, hiện tượng do vô tướng tùy quán, nguyện vọng do vô nguyện tùy quán, xu hướng do không tánh tùy quán, chấp thủ thực thể và xu hướng do tăng thượng tuệ pháp quán, xu hướng si mê do như thật tri kiến, xu hướng ngũ ngầm pháp hành do quá hoạn tùy quán, không quán tưởng do giản trạch tùy quán, xu hướng hệ phược do đoạn luân hồi tùy quán.

Các phiền não đồng sanh một vị trí với tà kiến do Thất lai đạo, các phiền não thô do Nhất lai đạo, các phiền não vi tế đồng sanh do Bất lai đạo, đoạn trừ tất cả phiền não do Ứng cúng Arahant đạo là giới từ bỏ, giới kiêng cữ, giới cố ý, giới thu thúc và giới không vi phạm. Các giới hạnh như vậy hướng đến tâm không nóng nảy, hướng đến hân hoan, hướng đến mãn ý (no vui), hướng đến an tịnh, hướng đến hoan hỷ, hướng đến tập hành tâm, hướng đến tu tiến tâm, hướng đến đa hành, hướng đến trang điểm tâm, hướng đến cần thiết tâm, hướng đến vật phụ tùng tâm, hướng đến viên mãn tâm, đưa đến nhất hướng, nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ và Níp-bàn”.[67]

Trong các câu này: pāhanaṃ - từ bỏ là bất luận pháp nào chưa có không cho phát khởi như sát sanh đã được đề cập v.v.... vì mỗi một sự từ bỏ ấy gọi là phòng hộ do ý nghĩa an trú mỗi một thiện pháp ấy và tập trung không làm cho thô tháo, do đó, gọi là giới do ý nghĩa thu thúc, tức là phòng hộ và tập trung, đã được đề cập khi trước. Bốn pháp ngoài ra đây liên quan tích chuyện và thực tính của tâm, do khả năng tránh xa mỗi một tội lỗi ấy, do khả năng cố ý tương ưng với hai pháp ấy và do khả năng không vi phạm của người không vi phạm mỗi một tội lỗi ấy.

Lại nữa, ý nghĩa giới của các pháp này đã được trình bày trong phần trước, như vậy, nên biết giới năm loại do khả năng giới từ bỏ v.v... .

Đến đây là chấm dứt giải quyết các vấn đề.

- Giới là gì?

- Gọi giới do ý nghĩa thế nào?

- Trạng thái, phận sự, thành tựu và nhân cận của giới là gì?

- Giới có quả báo thế nào?

- Giới có bao nhiêu loại?

Lại nữa, lời nào được tôi nói:

Cái gì là sự nhơ bẩn của giới?

Cái gì là sự trong sạch của giới?

Ở đây tôi sẽ giải thích ý nghĩa lời nói ấy.

Trạng thái bể vụn v.v... gọi là sự nhơ bẩn của giới; trạng thái không bể vụn v.v... gọi là sự trong sạch của giới, nhưng trạng thái bể vụn được ngài gom vào đứt đoạn do nguyên nhân lợi lộc, danh vọng v.v... và do bảy loại dâm dục hệ phược.

Thật vậy, điều học người nào bị đứt đoạn đầu, đoạn cuối trong bảy nhóm phạm tội, giới của người ấy gọi là rách như y phục bị rách lai. Điều học người nào bị đứt hai điều học, ba điều học một cách liên tiếp, giới của người ấy gọi là tỳ vết; như bò mẹ sắc thân màu đen, màu đỏ v.v... sanh không đều nhau trên lưng hay dưới bụng. Điều học người đứt nhiều điều khoảng giữa, giới của người ấy gọi là điểm chấm như bò mẹ sọc vằn từng đốm vá.

Trạng thái giới bị bể vụn từng mảnh nhỏ là đứt đoạn do nguyên nhân lợi lộc v.v... đã được diễn tả trước.

Như vậy, sẽ giải thích trạng thái giới bị đứt đoạn do khả năng bảy loại dâm dục hệ phược, điều này đã được đức Thế Tôn thuyết:

“Này Bà-la-môn, một số Sa-môn, Bà-la-môn trong thế gian này tự nhận là người thực hành phạm hạnh một cách chân chánh, dù không vào hành dâm cùng nữ nhân, nhưng vị ấy hoan hỷ trong sự chà mình, gội đầu, tắm rửa, đấm bóp của người nữ, vị ấy hoan hỷ thích thú và khoái lạc sự hầu hạ ấy, do nhân này, này Bà-la-môn, phạm hạnh bị bể vụn, bị khuyết phạm, bị tỳ vết, bị điểm chấm. Này Bà-la-môn, người liên hệ với dâm dục hệ phược này, Như Lai gọi là thực hành phạm hạnh không thanh tịnh, Như Lai nói rằng: vị ấy không thoát khỏi sanh, già, chết... như trên... không giải thoát khỏi khổ đau”.

“Lại nữa, này Bà-la-môn, một số Sa-môn, Bà-la-môn trong thế gian này tự nhận là người thực hành phạm hạnh chân chánh, không sống hành dâm cùng nữ nhân và không hoan hỷ sự chà mình của phụ nữ... như trên... nhưng còn trêu ghẹo, nô đùa, giải trí với phụ nữ, vị ấy hoan hỷ hành động ấy... như trên... Như Lai nói... như trên... vị ấy không giải thoát khỏi khổ đau”.

“Lại nữa, này Bà-la-môn, một số Sa-môn, Bà-la-môn trong thế gian này... như trên..., sống không hành dâm cùng nữ nhân, không hoan hỷ sự chà mình của phụ nữ, cũng không trêu ghẹo, nô đùa, giải trí với phụ nữ; nhưng nhìn chăm chú, nhìn đắm đuối mắt phụ nữ với mắt của mình, vị ấy hoan hỷ cặp mắt ấy... như trên... Như Lai nói... như trên... vị ấy không giải thoát khỏi khổ đau”.

“Lại nữa, này Bà-la-môn, một số Sa-môn, Bà-la-môn trong thế gian này... như trên... không nhìn đắm đuối phụ nữ... như trên... nhưng nghe tiếng người phụ nữ đang cười, đang nói, đang hát, hoặc đang khóc bên kia vách hay bên ngoài hàng rào, vị ấy hoan hỷ âm thanh ấy... như trên... Như Lai nói... như trên... vị ấy không giải thoát khỏi khổ đau”.

“Lại nữa, này Bà-la-môn, một số Sa-di, Bà-la-môn trong thế gian này... như trên... không nhìn đắm đuối phụ nữ... như trên... khi nghe tiếng người nữ đang cười, đang nói, đang hát, hoặc đang khóc bên kia vách hay bên ngoài hàng rào cũng không hoan hỷ, nhưng vị ấy tưởng nhớ đến lúc trước mình đã từng cười nói, nô đùa với người nữ, vị ấy hoan hỷ hành động ấy... như trên... Như Lai nói... như trên... vị ấy không thoát khỏi khổ đau”.

“Lại nữa, này Bà-la-môn, một số Sa-môn, Bà-la-môn trong thế gian này... như trên... không thực hành như vậy... như trên... vị ấy không nhớ tưởng đến lúc trước mình đã từng cười, nói, nô đùa với người nữ, nhưng vị ấy thấy gia chủ, hay con của người gia chủ thọ hưởng, thỏa mãn, đầy đủ năm món dục lạc, vị ấy hoan hỷ điều ấy... như trên... Như Lai nói... như trên... vị ấy không thoát khỏi khổ đau”.

Lại nữa, này Bà-la-môn, một số Sa-môn, Bà-la-môn trong thế gian này... như trên... không thực hành những điều… như trên... nhưng hành phạm hạnh, muốn thành đạt nhóm chư Thiên nào do tin chắc rằng: ta sẽ thành một vị trời hay cao hơn một vị thiên tử nào khác[68] do giới hạnh, do phận sự, do khổ hạnh, hay do phạm hạnh này, vị ấy hoan hỷ thích thú điều ấy, đạt đến khoái lạc điều ấy. Này Bà-la-môn, đây gọi là phạm hạnh bị bể vụn, bị khuyết phạm, bị tỳ vết, bị điểm chấm”.[69]

Theo sự thuật lại như vậy, bậc thiện trí thức nên biết trạng thái giới bị bể vụn từng mảnh được ngài gồm thâu dứt đoạn do nguyên nhân lợi lộc v.v... và do bảy loại dâm dục hệ phược.

Giới không bị bể vụn từng mảnh được ngài thâu nhiếp vào tất cả điều học không bị đứt đoạn trong mọi trường hợp, với điều học đã phạm tội, nhưng sám hối thực hành trở lại, do không có bảy loại dâm dục hệ phược, không phát sanh các ác pháp như sân hận, oán thù, gièm pha, não hại, tật, lận, xảo trá, khoe khoang, ương ngạnh, tranh đua, ngã mạn, quá mạn, say mê, dể duôi... và do phát sanh các ân đức thiểu dục, trí túc, khổ hạnh (tẩy trừ phiền não) v.v….

Thật vậy, những giới nào không bị đứt đoạn vì lý do lợi lộc v.v... hay bị đứt đoạn do sân hận, dể duôi v.v… nhưng sám hối thực hành trở lại, không bị hư hoại do bảy loại dâm dục hệ phược, hay do các ác pháp như sân hận, oán thù, phá hại v.v... Các giới ấy, bậc thiện trí thức gọi là không bể vụn, không khuyết phạm, không tỳ vết, không điểm chấm trong mọi trường hợp. Các giới ấy là giải thoát vì thực hành trạng thái giải thoát, bậc trí tán thán vì các người trí ngợi khen, phi khinh thị và không bị dính mắc ái dục và tà kiến, hướng đến định tâm vì đưa đến cận hành định và an chỉ định, do đó, trạng thái không bị bể vụn từng mảnh v.v... của giới ấy nên biết là sự trong sạch. Chính sự trong sạch ấy thành tựu do hai điều kiện: thấy tội lỗi phá giới và thấy quả báo thành tựu giới hạnh.

Trong hai loại ấy, tội lỗi phá giới bậc thiện trí thức nên biết theo phương pháp Khế kinh như: “Này chư Bhikkhu, năm tội lỗi do kẻ ác giới, phá giới”.[70]

Lại nữa, do ác giới vị ấy có màu da thô xấu như vải gai[71], những ai noi gương theo người ác giới, các vị ấy bị cảm xúc đau khổ vì bị dẫn đến khổ não trong đọa xứ suốt thời gian dài, vị ấy thọ lãnh vật thí; những thí nào làm cho vật thí, các thí chủ ấy không có quả báo lớn. Do đó, là người không có giá trị, khó thực hành thanh tịnh như hầm phân chứa đựng nhiều năm, ngoài cả hai mặt như khúc gỗ thiêu tử thi,[72] dù vị ấy tự nhận là bhikkhu cũng không phải bhikkhu như con lừa đi theo đàn bò luôn luôn bị sợ hãi như kẻ thù của mọi người, không xứng đáng cộng trú như xác tử thi, dù vị ấy liên hệ với ân đức đa văn... cũng không xứng đáng cúng dường của các bạn đồng phạm hạnh, như lửa trong nghĩa địa, không đáng cúng dường đối với nhóm người Bà-la-môn, không thể giác ngộ ân đức đặc thù như người mù bất hạnh trong việc thấy cảnh sắc, không hy vọng trong Diệu Pháp, như thanh niên Chiên-đà-la không có hy vọng vương quốc, dù suy nghĩ: ta sẽ có hạnh phúc, nhưng cũng khổ não chắc chắn vì là người dự phần khổ não, như đã được đức Thế Tôn trong kinh Pháp môn đống lửa - Aggikkhandhapariyāyasutta.

Đức Thế tôn, bậc trí giả, kiến giả, hoàn toàn trong nghiệp và quả của nghiệp với mọi trường hợp, khi diễn tả khổ não khốc liệt do niệm tưởng đến nhân duyên lửa ấy, khiến cho tâm phát sanh nóng nảy, có thể đưa đến thổ huyết nóng của chư bhikkhu ác giới tâm hoan hỷ, thỏa thích ái nhiễm thọ dụng năm dục công đức, lễ bái và tôn kính v.v... như ngài đã thuyết:

- Này chư Bhikkhu, các người có thấy không? Đống lửa lớn kia đang cháy nóng, cháy đỏ rực, cháy đỏ lửa ngọn.

- Thưa vâng, bạch Thế tôn.

- Này chư Bhikkhu, các ngươi suy nghĩ thế nào? Cái gì là quí hơn? Vị bhikkhu ôm ấp, ngồi gần, nằm gần đống lửa lớn đang cháy nóng, cháy đỏ rực, cháy đỏ lửa ngọn hay là ôm ấp, ngồi gần, nằm gần tay chân mềm mại non trẻ của thiếu nữ Sát-đế-lỵ, thiếu nữ Bà-la-môn hay thiếu thiếu nữ gia chủ?

- Bạch Thế tôn, việc này là quí hơn, vị bhikkhu ôm ấp, ngồi gần, nằm gần thiếu nữ Sát-đế-lỵ, thiếu nữ Bà-la-môn, hay thiếu nữ gia chủ ? Khổ đau thay! Bạch Thế tôn, đi vào ôm ấp, ngồi gần, nằm gần đống lửa lớn kia... như trên...

- Ta tuyên bố cho các người, này chư Bhikkhu, ta nói rõ cho các ngươi, này chư Bhikkhu, đối với người ác giới ấy, ác pháp, tánh tình bất tịnh, sở hành đáng nghi ngờ, hành vi che đậy, không phải Sa-môn tự nhận là Sa-môn, không thực hành phạm hạnh tự nhận là người thực hành phạm hạnh, nội tâm hôi hám, ứ đầy tham dục, bản tánh nhơ bẩn như cặn bã, đi vào ôm ấp, ngồi gần hay nằm gần đống lửa lớn kia... như trên... đây là quí hơn. Vì sao vậy? Do nhân ấy, này chư Bhikkhu, người ác giới ấy đi đến chết hay bị đau khổ gần như chết, do nhân ấy, sau khi thân hoại mạng chung, vị ấy không sanh vào khổ cảnh, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Này chư Bhikkhu, người ác giới, ác pháp, tánh tình bất tịnh, sở hành đáng nghi ngờ, hành vi che đậy, không phải Sa-môn tự nhận là Sa-môn, không thực hành phạm hạnh tự nhận là người thực hành phạm hạnh, nội tâm hôi hám, ứ đầy tham dục, bản tánh nhơ bẩn như cặn bã, ôm ấp, ngồi gần, nằm gần thiếu nữ Sát-đế-lỵ... như trên.... Này chư Bhikkhu, vị ấy đi đến bất hạnh, đau khổ lâu dài, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào khổ cảnh, ác thú, đọa xứ, địa ngục.[73]

Như vậy, đức Thế Tôn sau khi thuyết khổ não vì duyên thọ dụng, năm dục trưởng dưỡng liên hệ với thiếu nữ như đống lửa; tiếp tục phương pháp ấy, ngài trình bày khổ não vì duyên đảnh lễ, chấp tay vái chào, thọ dụng y phục, đồ ăn khất thực, giường, ghế, tinh xá so sánh với lông đuôi thú, thanh giáo bén, tấm sắt, hòn sắt, giường sắt, ghế sắt và ghè sắt như:

- Này chư bhikkhu các ngươi suy nghĩ thế nào? Cái gì là quí hơn? Sự kiện bị người lực sĩ lấy sợi dây bằng lông đuôi thú chắc chắn, sau khi cột vào ống chân kéo tới, kéo lui, sợi dây ấy cắt đứt da ngoài, cắt đứt da trong; sau khi cắt đứt da trong, cắt đứt thịt; sau khi cắt đứt thịt, cắt đứt gân; sau khi cắt đứt gân, cắt đứt xương; sau khi cắt đứt xương, đụng chạm tủy xương ngừng lại; hay người ác giới hoan hỷ sự đảnh lễ của các Sát-đế-lỵ đại phú hào, các Bà-la-môn đại phú hào, các gia chủ đại phú hào... như trên....

- Này chư Bhikkhu, các ngươi suy nghĩ thế nào? Cái gì là quí hơn? Sự kiện bị người lực sĩ lấy cây giáo bén nhọn đã được rửa với dầu, đâm vào giữa ngực, hay người ác giới hoan hỷ chấp tay vái chào các Sát-đế-lỵ, đại phú hào, các Bà-la-môn đại phú hào, các gia chủ đại phú hào... như trên....

- Này chư Bhikkhu, các ngươi suy nghĩ thế nào? Cái gì là quí hơn? Sự kiện bị người lực sĩ lấy tấm sắt cháy sáng, cháy nóng, cháy đỏ rực, cháy đỏ lửa ngọn quấn thân của vị ấy; hay người ác giới thọ dụng y phục được tín thí cúng dường của các Sát-đế-lỵ, đại phú hào... như trên....

- Này chư Bhikkhu, các ngươi nghĩ thế nào? Cái gì là quí hơn? Sự kiện bị người lực sĩ lấy cây kềm sắt cháy sáng, cháy nóng, cháy đỏ rực, cháy đỏ lửa ngọn, sau khi cạy miệng, bỏ vào miệng hòn sắt cháy sáng, cháy nóng, cháy đỏ rực, cháy đỏ lửa ngọn; hòn sắt ấy đốt cháy môi, đốt cháy miệng, đốt cháy lưỡi, đốt cháy cuống họng, đốt cháy dạ dày mang theo ruột non, ruột già đi ra từ bên dưới; hay người ác giới hoan hỷ thọ nhận đồ ăn khất thực được tín thí cúng dường của các Sát-đế-lỵ, đại phú hào... như trên....

- Này chư Bhikkhu, các ngươi suy nghĩ thế nào? Cái gì là quí hơn? Sự kiện bị người lực sĩ nắm đầu hay nắm lấy cổ, khiến cho ngồi hay khiến cho nằm trên giường sắt hay ghế sắt cháy sáng, cháy nóng, cháy đỏ rực, cháy đỏ lửa ngọn, hay người ác giới thọ dụng giường hoặc ghế được tín thí cúng dường của các Sát-đế-lỵ đại phú hào... như trên....

- Này chư Bhikkhu, các ngươi suy nghĩ thế nào? Cái gì là quí hơn? Sự kiện bị người lực sĩ sau khi nắm chân đưa lên trên cho đầu ngược xuống bỏ vào ghế sắt cháy sáng, cháy nóng, cháy đỏ rực, cháy đỏ lửa ngọn, vị ấy bị nấu sôi nổi bọt trong ghè ấy, thỉnh thoảng nổi lên trên, đôi khi chìm xuống dưới đáy, đôi lúc nằm ngang; hay người ác giới sống tại tinh xá được tín thí cúng dường của các Sát-đế-lỵ, đại phú hào... như trên....

Do đó, bậc thiện trí thức nên biết tội lỗi phá giới theo phương pháp quán tưởng như:

“Đối với người đứt giới

Không từ bỏ dục lạc

Khổ đau quả thống khổ

Hơn khổ ôm đống lửa

Từ đâu có an lạc ?

Phá giới dự phần khổ

Thống khổ hơn bị cột

Long đuôi thú vững chắc

Làm sao có hạnh phúc

Do hoan hỷ đảnh lễ?

Của người có đức tin

Là nguyên nhân khổ não

Khổ hơn ngọn giáo đâm

Với người không thu thúc

Nên thọ tấm sắt nóng

Cháy lâu trong địa ngục

Làm sao có hạnh phúc

Việc thọ dụng y phục ?

Đồ ăn khất thực ngọt

Như thuốc độc cực mạnh

Cho người không giới hạnh

Nên nuốt hòn sắt đỏ

Cháy nóng suốt lâu dài

Sự thọ dụng giường ghế

Được chế định hạnh phúc

Nhưng không giới khổ đau

Khổ đau giường, ghế sắt

Cháy hành hạ lâu dài

Hoan hỷ sống tinh xá

Được tín thí cúng dường

Người ác giới có gì

Sống giữa ghế sắt đỏ

Bậc Đạo sư tam giới

Nói lời khiển trách ai

Sở hành đáng nghi ngờ

Đầy tham dục, ác pháp

Nội tâm thật hôi hám

Sỉ nhục thay mạng sống

Người không trí tuệ ấy

Không phải bậc Sa-môn

Nhưng tự nhận Sa-môn

Là người đến đào gốc

Đời này bậc Chơn nhơn

Có giới muốn trang điểm

Tránh né con người ấy

Như phẩn, như tử thi

Đời sống ấy ích gì?

Không thoát mọi sợ hãi

Không đắc cả an lạc

Cửa nhàn cảnh đóng kín

Chỉ rơi vào ác đạo

Đối với người bi mẫn

Ai là đáng thương hại

Bằng người ác giới khác

Tội lỗi người ác giới

Có nhiều loại như vậy”.

Lại nữa:

Giới của bhikkhu nào

Khéo không có ô nhiễm

Sự thọ trì y bát

Của vị ấy tịnh tín

Xuất gia có kết quả

Sợ hãi tự chê trách

Không chi phối tâm ý

Bhikkhu giới thanh tịnh

Khi mặt trời xua bóng

Bhikkhu đầy đủ giới

Chiếu sáng khổ hạnh lâm

Như vầng trăng xinh đẹp

Chiếu sáng giữa không trung

Chỉ hương thơm xác thân

Bhikkhu có giới hạnh

Làm hoan hỷ chư Thiên

Không một ngôn ngữ nào

Diễn tả được giới hương

Giới hương thường thắng hóa

Mọi thành tựu hương thơm

Bay đi không trở ngại

Trong khắp cả phương hướng

Sự tôn kính cúng dường

Thí chủ đã thực hành

Dù nhỏ nhen chút ít

Nơi người có giới hạnh

Cũng có quả báo lớn

Con người có giới hạnh

Là phước sương chứa đựng

Sự tôn kính cúng dường

Các lậu hoặc đời này

Không áp đảo người giới

Người giới đào tận gốc

Các khổ não kiếp sau

Thành tựu nào nhơn loại

Thành tựu nào chư Thiên

Thành tựu ấy người giới

Muốn được không khó khăn

Cứu cánh nào tịch tịnh

Đây thành tựu Níp-bàn

Ý người đầy đủ giới

Hướng đến thành tựu ấy.

Thiện trí thức giải thích

Quả báo về giới hạnh

Nhiều trường hợp pháp môn

Là gốc mọi thành tựu.

Vì khi đã được giải thích như vậy, tâm ý lo sợ chao động phá giới, quy phục thành tựu giới, do đó, bậc thiện trí thức sau khi thấy tội lỗi phá giới ấy và thành tựu giới hạnh này như đã trình bày; nên thực hành cho thanh tịnh giới bằng cách chú tâm mọi trường hợp.

Theo như đã giải thích, trước tiên trình bày về giới trong Thanh tịnh đạo được đức Phật thuyết chủ yếu giới, định, tuệ từ câu kệ này:

Trú giới người có trí

...........................

Chương thứ nhất: Giới Xiển minh trong Thanh tịnh đạo được tôi sáng tác để khích lệ sự hoan hỷ cho chư tôn giả đã chấm dứt với trường hợp như vậy.

~~~~~~~~

CHƯƠNG THỨ HAI: TRỪ CHI XIỂN MINH

Bây giờ, sự trong sạch của giới đã được trình bày với các ân đức như thiểu dục, tri túc v.v... để cho đầy đủ các ân đức vì giới đã được thọ trì, hành giả nên thực hành trừ chi[74], như vậy, giới nhơ bẩn được tẩy trừ với ân đức như: thiểu dục, tri túc, khổ hạnh, tăng trưởng độc cư viễn ly, nỗ lực tinh cần và dể nuôi, giới của hành giả ấy sẽ khéo trong sạch, các phận sự sẽ thành tựu theo phương pháp này, tất cả phẩm hạnh thanh tịnh, giới đức, phận sự vô tội, an trú trong ba Thánh tông tối sơ, xứng đáng đạt đến Thánh tông, gọi là người hoan hỷ tu tiến thứ tư, do đó, tôi sẽ bắt đầu thuyết minh trừ chi.

Thật vậy, đức Thế Tôn cho phép thọ trì mười ba trừ chi mà các thiện nam tử đã dứt bỏ tài vật thế gian không luyến tiếc thân thể, sanh mạng và muốn thành tựu tuần tự đạo lộ tiến hóa.[75]

Các trừ chi ấy là:

1. Paṃsukūlikaṅgaṃ: chi của người mặc y phấn tảo.

2. Tecīvarikaṅgaṃ: chi của người mặc tam y

3. Piṇḍapātikaṅgaṃ: chi của người chỉ thọ dụng đồ ăn khất thực.

4. Sapadānacārikaṅgaṃ: chi của người đi tuần tự khất thực

5. Ekāsanikaṅgaṃ: chi của người thọ thực một chỗ ngồi.

6. Pattapiṇḍikaṅgaṃ: chi của người chỉ thọ thực trong bát.

7. Khalupacchābhattikaṅgaṃ: chi của người không nhận vật thực cúng dường sau buổi ăn.

8. Araññikaṅgaṃ: chi của người sống trong rừng.

9. Rukkhamūlikaṅgaṃ: chi của người sống dưới cội cây.

10. Abbhokāsikaṅgaṃ: chi của người sống ngoài trời

11. Sosānikaṅgaṃ: chi của người sống nơi nghĩa địa

12. Yathāsanthatikaṅgaṃ: chi của người bằng lòng bất cứ sàng tọa nào được cúng dường

13. Nesajjikaṅgaṃ: chi của người chỉ có oai nghi ngồi.

Trong mười ba trừ chi ấy:

“Bậc thiện trí thức nên

Hiểu biết điều phân tích

Về ý nghĩa, trạng thái

Nhiều phương pháp thọ trì

Xếp loại và đứt đoạn

Quả báo mỗi trừ chi

Bằng cách tam đề thiện

Phân loại như diệt trừ

Tóm tắt và chi tiết”.

I. Phân tích về ý nghĩa:

1) Ý nghĩa chi của người mặc y phấn tảo:

Trong điều ấy, trước nhất nên biết phân tích về ý nghĩa. Vải nào như đống rác trong mỗi một nơi ấy, nghĩa là nổi lên vì đặt lẫn lộn trên rác như đường xe chạy, nghĩa địa hay đống rác v.v.... do đó, vải này gọi là vải phấn tảo.

Lại nữa, vải nào đi đến tình trạng mà người ghê tởm như rác rến, do đó, vải ấy gọi là vải phấn tảo. Giải rằng: vải đi đến tình trạng đáng ghê tởm, sự mặc vải phấn tảo đã được giải thích như vậy, gọi là y phấn tảo, sự mặc y phấn tảo là thường xuyên của người ấy, do đó, vị ấy gọi là người thường mặc y phấn tảo; thành phần của người mặc y phấn tảo gọi là chi của người mặc y phấn tảo, nguyên nhân gọi là chi, do đó, hành giả ấy là mặc y phấn tảo vì thọ trì, bậc thiện trí thức nên biết là đồng nghĩa của sự thọ trì ấy.

2) Ý nghĩa chi của người mặc tam y:

Theo phương pháp này, tam y tức là y Tăng-già-lê (đại y); y thượng (y vai trái); và y nội là thường xuyên của vị Bhikkhu, do đó, vị ấy gọi là người thường mặc tam y; thành phần của vị bhikkhu thường mặc tam y, gọi là chi của người mặc tam y.

3) Ý nghĩa chi của người chỉ thọ dụng đồ ăn khất thực:

Sự bỏ xuống các loại vật thực, tức là xin đồ ăn, do đó gọi là đồ ăn khất thực, sự để vào vắt cơm đã được người khác bố thí, gọi là đồ ăn khất thực. Giải rằng: đặt vào bát loại vật thực đã được người khác bố thí. Vị bhikkhu nào tìm kiếm đồ ăn khất thực ấy là đi vào mỗi một gia đình tìm kiếm, do đó, vị ấy gọi là người thọ dụng đồ ăn khất thực.

Lại nữa, đi để nhận vật thực là truyền thống của vị ấy, do đó, vị ấy gọi là người đi nhận vật thực, gọi là người thọ dụng đồ ăn khất thực. Đi: nghĩa là du hóa. Người theo truyền thống đi nhận vật thực: gọi là người thọ dụng đồ ăn khất thực; thành phần của vị bhikkhu thọ dụng đồ ăn khất thực gọi là chi của người thọ dụng đồ ăn khất thực.

4) Ý nghĩa chi của người đi tuần tự khất thực:

Sự phân phát từng miếng gọi là bố thí, không phân phát gọi là không bố thí, nghĩa là không chia sẻ từng miếng, hành vi đi cùng với sự không chia sẻ gọi là liên tiếp. Giải rằng: bỏ sự phân biệt gọi là theo tuần tự từng nhà, đi theo tuần tự từng nhà là thường xuyên của vị bhikkhu này, do đó, vị ấy gọi là người thường đi theo thứ tự từng nhà, người thường đi theo thứ tự ấy gọi là người đi tuần tự khất thực, thành phần của vị bhikkhu đi tuần tự khất thực gọi là chi của người đi tuần tự khất thực.

5) Ý nghĩa chi của người chỉ thọ thực một chỗ ngồi:

Sự thọ thực trong một chỗ ngồi, gọi là thọ thực một chỗ ngồi, thọ thực một chỗ ngồi là thường xuyên của vị bhikkhu này, do đó, vị ấy gọi là người thường thọ thực một chỗ ngồi, thành phần của vị bhikkhu ấy gọi là chi của người thọ thực một chỗ ngồi.

6) Ý nghĩa chi của người chỉ thọ thực trong bát:

Vắt cơm riêng biệt trong một bát vì ngăn bát thứ hai gọi là vật thực trong một bát, bây giờ, phát nguyện vật thực trong bát khi thọ lãnh vật thực trong bát là thường xuyên của vị bhikkhu này, do đó, vị ấy gọi là người thọ nhận vật thực trong bát, thành phần của vị bhikkhu ấy gọi là chi của người chỉ thọ thực trong bát.

7) Ý nghĩa chi của người không nhận vật thực cúng dường sau buổi ăn:

Gọi là khalu là phân từ dùng trong ý nghĩa ngăn chận, vật thực nhận được về sau mà người luôn luôn yêu cầu, gọi là vật thực về sau, sự ăn vật thực về sau ấy là thọ dụng vật thực sau bữa ăn, sự đặt tên vật thực về sau cho thọ dụng vật thực sau bữa ăn rằng: vật thực về sau là thường xuyên của vị ấy, do đó, gọi là người thọ dụng vật thực sau bữa ăn, vị bhikkhu không thọ thực sau buổi ăn ấy gọi là người ngăn thọ thực sau buổi ăn, đây là danh từ chối bỏ vật thực dư do khả năng thọ trì.

Nhưng theo sớ giải rằng: khalu là một loài chim, chim khalu này giữ trái cây bằng cái mỏ, khi trái cây ấy rơi xuống, không ăn trái cây khác nữa, vị bhikkhu này cũng như loài chim ấy, do đó, gọi là người ngăn thọ thực sau buổi ăn, thành phần của vị bhikkhu ấy gọi là chi của người ngăn thọ thực sau buổi ăn.

8) Ý nghĩa chi của người sống trong rừng:

Sự cư ngụ trong rừng gọi là sống trong rừng, điều đó là thường xuyên của vị bhikkhu này, do đó, vị bhikkhu ấy gọi là người sống trong rừng, thành phần của vị bhikkhu ấy gọi là chi của người sống trong rừng.

9) Ý nghĩa chi của người sống dưới cội cây

Sự cư ngụ chỗ gốc cây là sống dưới gốc cây, điều ấy là thường xuyên của vị bhikkhu này, do đó, vị ấy gọi là người sống dưới cội cây, thành phần của vị bhikkhu ấy gọi là chi của người sống dưới cội cây.

10 – 11) Ý nghĩa chi của người sống ngoài trời và trong nghĩa địa như phương pháp này.

12) Ý nghĩa chi của người bằng lòng bất cứ sàng tọa nào được cúng dường:

Sàng tọa được trải ra bất luận lúc nào, gọi là sàng tọa như được trải, đây là đồng nghĩa sàng tọa mà vị bhikkhu phân phát chỗ ở chỉ định lần đầu tiên: “Nơi đây cho hiền giả”. Sự cư ngụ sàng tọa tùy theo được trải ra là thường xuyên của vị bhikkhu này, do đó, vị ấy gọi là người bằng lòng bất cứ sàng tọa nào được cúng dường, thành phần của vị bhikkhu ấy gọi là chi của người bằng lòng bất cứ sàng tọa nào được cúng dường.

13) Ý nghĩa chi của người chỉ có oai nghi ngồi:

Sự ngăn oai nghi nằm, sinh hoạt với tư thế ngồi là thường xuyên của vị bhikkhu này, gọi là người chỉ có oai nghi ngồi, thành phần của vị bhikkhu ấy gọi là chi của người chỉ có oai nghi ngồi.

Tất cả các thành phần ấy gọi là chi của vị bhikkhu diệt trừ, vì diệt trừ phiền não do mỗi một sự thọ trì ấy. Kilesadhunanato vā dhutanti laddhavokāraṃ ñāṇaṃ aṅgaṃ etesanti dhutaṅgāni – gọi là các trừ chi, vì các trừ chi ấy được trí tuệ định danh là diệt trừ bởi diệt trừ phiền não.

Lại nữa, dhutāni ca tāni paṭipakkhaniddhunanato aṅgāni ca paṭipattiyāti dhutaṅgāni – các ân đức ấy diệt trừ vì diệt trừ pháp nghịch và gọi là trừ chi vì là chi của các đạo lộ.

Bậc thiện trí thức nên biết phân tích về ý nghĩa trong trừ chi này, trước nhất chỉ có bấy nhiêu đây.

II. Phân tích về trạng thái:

Lại nữa, tất cả trừ chi ấy:

- Samādānacetanālakkhaṇāni: trạng thái là cố ý thọ trì, như được các giáo thọ sư sớ giải, giải rằng: ai thọ trì, đó là người, phép thọ trì tức là tâm và sở hữu tâm, cố ý thọ trì là trừ chi, điều nào ngăn chận, đó là nền tảng. Tất cả trừ chi này.

- Loluppaviddhaṃsanarasāni: phận sự là diệt trừ tham ái.

- Nilloluppabhāvapaccupaṭṭhānāni: thành tựu là vô tham.

- Appicchatādi ariyadhammapadaṭṭhānāni: nhân cận là có Thánh pháp như thiểu dục v.v…

Bậc thiện trí thức nên biết phân tích về trạng thái trong trừ chi này đã được đề cập như vậy.

III. Phương pháp thọ trì:

Lại nữa, phân tích trong năm mẫu đề như phương pháp thọ trì v.v… tất cả các trừ chi ấy, khi đức Phật còn tại tiền nên thọ trì đối diện Ngài; khi ngài đã viên tịch Níp-bàn, nên thọ trì trước mặt bậc đại Thinh văn; khi bậc đại Thinh văn ấy không còn, nên thọ trì trước mặt bậc lậu tận Ứng cúng Arahant; khi không có, nên thọ trì trước mặt bậc Bất lai; khi không có, nên thọ trì trước mặt bậc Nhất lai; khi không có, nên thọ trì trước mặt bậc Thất lai; khi không có, nên thọ trì với người thuộc lòng Tam tạng; khi không có, nên thọ trì với người thuộc lòng Nhị tạng; khi không có, nên thọ trì với người thuộc lòng Nhất tạng; khi không có, nên thọ trì với người thuộc lòng nhất bộ; khi không có, nên thọ trì với bậc giáo thọ sư chú giải; khi không có, nên thọ trì với vị bhikkhu trì hạnh trừ chi; khi không có, nên quát dọn sân, nền chung quanh bảo tháp, ngồi chồm hổm, nên thọ trì như xin thọ trì đối diện bậc Chánh Đẳng Giác.

Lại nữa, do tự mình thọ trì cũng được.

Tại đây, nên kể câu chuyện hai huynh đệ trưởng lão trong Bảo Tháp Sơn (Cetiyapabbata), vị sư huynh thiểu dục vì thọ trì hạnh trừ chi, đây là lời được nghe từ trước. Bây giờ, tôi sẽ giải thích phương pháp thọ trì, xếp loại, sự đứt đoạn và quả báo của mỗi một trừ chi.

1) Phương pháp thọ trì chi của người mặc y phấn tảo:

Trước nhất, chi của người mặc y phấn tảo cần phải thọ trì một trong hai lời này:

- Gahapatidānacīvaraṃ paṭikkhipāmi: tôi xin ngăn y gia chủ bố thí.

- Paṃsukūlikaṅgaṃ samādiyāmi: tôi xin thọ trì chi của vị bhikkhu mặc y phấn tảo.

Trong hai lời này, hành giả thọ trì một lời nào cũng sử dụng được, đây là thọ trì dành cho trừ chi này trước nhất.

Lại nữa, hành giả ấy đã thọ trì trừ chi như vậy nên lượm lấy một loại y nào như: vải bó ma, vải nơi chợ, vải vụn theo đường phố, vải tại đống rác, vải lót bụng, vải dư nơi tắm nước phép, vải ở bến nước, vải mà người đi không trở lại, vải lửa cháy, vải bò nhai, vải mối ăn, vải chuột cắn, vải bị rách bên trong, vải bị rách lai, vải lượm nơi chiến trường, vải đậy phần mộ, vải của Sa-môn, vải lễ đăng quang, vải thành tựu do thần thông, vải theo đường đi, vải gió thổi, vải chư Thiên bố thí, vải dọc bờ biển. Trong các loại vải ấy, sau khi lượm lấy một loại vải nào, xé ra bỏ chỗ không dùng được, lấy chỗ dùng được, giặt rửa làm y, nên cởi bỏ y gia chủ bố thí lúc trước rồi sử dụng.

Trong các loại vải ấy, vải bó ma là vải rơi rớt trong nghĩa địa, vải nơi chợ là vải rơi ở của chợ. Vải vụn theo đường phố là vải mà người ta muốn tạo công đức vứt bỏ tại đường xe chạy theo cửa sổ. Vải tại đống rác là vải mà họ vứt bỏ trên đống rác. Vải lót bụng là vải mà họ lau chùi cấu uế thai bào rồi vứt bỏ đi, được nghe rằng, mẹ quan đại thần Tissa lấy vải trị giá một trăm ngàn đồng tiền vàng, sau khi lau chùi cấu uế thai bào đã chú tâm: “Chư bhikkhu sẽ lấy vải phấn tảo này may y mặc”, bèn cho vứt bỏ trên con đường của tịnh xá, chư bhikkhu lượm lấy vá y cũ. Vải dư nơi tắm nước phép là vải mà thầy pháp rưới nước bùa chú từ trên đầu, chấp thủ là vải có số đen rồi vứt bỏ đi. Vải ở bến nước là vải cũ mà họ vứt bỏ nơi bến nước tắm. Vải mà người đi không trở lại là vải mà nhóm người sau khi đến nghĩa địa, trở lại tắm rửa xong vứt bỏ đi. Vải lửa cháy là vải bị lửa cháy mất một góc, một số người vứt bỏ loại vải ấy. Vải bò nhai v.v... như còn rõ ràng.

Thật vậy, các loại vải như thế nhơn loại cũng quăng bỏ. Vải lượm nơi chiến trường là những người thủy thủ xuống tàu, sau khi cột lá cờ xong đi lên, những người ấy đi khỏi tầm mắt lấy vải này cũng nên, dù vải nào họ cột thành lá cờ giữa chiến trường, khi đoàn quân hai bên rút lui rồi lấy vải ấy cũng nên. Vải đậy phần mộ là vải mà họ đậy gò mối làm việc tế lễ. Vải Sa-môn là vải của Bhikkhu. Vải lễ đăng quang là vải mà họ quăng bỏ trong nơi hành lễ Tôn vương cho đức vua. Vải thành tựu do thần thông là y của thiện Lai Bhikkhu. Vải theo đường đi là vải ở giữa đường, vải nào mà chủ nhân đánh rơi vì quên mình, vải ấy nên gìn giữ một lát rồi hãy lấy. Vải gió thổi là vải bị gió cuốn bay đi rơi xuống từ xa, vị bhikkhu không thấy chủ nhân, cũng nên lấy vải ấy. Vải chư Thiên bố thí là vải được chư Thiên cúng dường, như cúng dường cho trưởng lão Anuruddha (A Na Luật). Vải dọc bờ biển là vải mà sóng biển cuốn lên đất liền.

Vải nào cúng dường do nói: “Tôi xin bố thí đến Tăng” hay vị bhikkhu đi xin được vải dư, vải ấy không phải là vải phấn tảo.

Tiếp theo đây là phân tích về vải bố thí cho Bhikkhu.

Vải nào mà vị bhikkhu phân phát y do phần an cư mùa mưa, hay y dành cho sàng tọa, vải ấy không phải là vải phấn tảo, vải phấn tảo là vải riêng biệt không được chia cho. Trong các loại vải phấn tảo ấy, vải nào được các thí chủ giao cúng dường để gần nơi chân Bhikkhu, nhưng vị ấy giao cúng dường tận tay vị bhikkhu thọ trì trừ chi mặc y phấn tảo, vải ấy gọi là chỉ một phần thanh tịnh. Vải nào mà họ cúng dường trong tay vị Bhikkhu, nhưng vị ấy đặt gần nơi chân, vải ấy cũng gọi là chỉ một phần thanh tịnh. Vải nào giao cúng dường dưới chân Bhikkhu, vị ấy cũng cúng dường như vậy..., vải ấy gọi là thanh tịnh cả hai phần. Vải nào mà tự mình được họ cúng dường trong tay vị ấy cũng đặt tận tay giống nhau, vải ấy không gọi là vải cao thượng. Vị bhikkhu mặc y phấn tảo, sau khi biết rõ loại y phấn tảo, rồi nên sử dụng y (phấn tảo) như vậy. Đây là phương pháp thọ trì chi của người mặc y phấn tảo.

Tiếp theo đây là xếp loại trừ chi này, có ba bậc mặc y phấn tảo:

- Người mặc y bậc thượng.

- Người mặc y bậc trung.

- Người mặc y bậc hạ.

Trong ba bậc ấy, người lượm lấy vải rơi trong nghĩa địa là người mặc y bậc thượng. Người lượm lấy vải có chủ ý: bậc xuất gia sẽ lượm lấy, là người mặc y bậc trung. Người lượm lấy vải đặt gần chân cúng dường là người mặc y bậc hạ.

Đối với những người thọ trì trừ chi ấy, trong sát-na người hoan hỷ được thí chủ cúng dường, vì tự mình hoan hỷ, thỏa thích, trừ chi bị đứt đoạn. Đây là đứt đoạn trong trừ chi này.

Quả báo này do có Pāḷi: “Bậc xuất gia phải nương nhờ y phấn tảo[76]”, bhikkhu thọ trì trừ chi là người thực hành đúng pháp y chỉ, an trú trong Thánh tông thứ nhất, không đau khổ do gìn giữ, không bị bận rộn với người khác, không sợ hãi tai nạn trộm cướp, không thọ dụng ái dục, có vật phụ tùng thích hợp với Sa-môn, có vật dụng được đức Thế Tôn tán thán: “Y phấn tảo ít giá trị, dễ tìm được và vô tội[77]”, người đáng tịnh tín, thành tựu kết quả thiểu dục v.v… tăng trưởng hạnh chân chánh và đáng noi gương.

“Tu sĩ mặc phấn tảo

Tiêu diệt ma, ma quân

Xinh đẹp như đức vua

Dũng sĩ khoác chiến bào

Hiên ngang giữa chiến trận

Thiên nhơn sư từ bỏ

Y kāsi tuyệt đẹp

Mặc vào y phấn tảo

Ai không mặc y ấy

Do đó, vị Bhikkhu

Nhớ đến nguyện vọng mình

Hoan hỷ y phấn tảo

Hỗ trợ hành tinh tấn”.

Đây là trước nhất giải thích phương pháp thọ trì, xếp loại, đứt đoạn và quả báo chi của người mặc y phấn tảo.

2) Phương pháp thọ trì chi của người mặc tam y.

Tiếp theo đây là chi của người mặc tam y mà hành giả thọ trì bằng một lời nào trong hai lời này :

- Catutthacīvaraṃ paṭikkhipāmi: tôi xin ngăn y thứ tư.

- Tecīvarikaṅgaṃ samādiyāmi: tôi xin thọ trì chi của vị bhikkhu mặc tam y.

Bhikkhu mặc tam y ấy, sau khi được vải may y không thể làm được vì không an vui, không tìm kiếm được vật dụng như kim v.v… khi nào không đầy đủ nên gìn giữ đến khi ấy, không có tội vì gìn giữ vật dụng; nhưng không nên gìn giữ từ khi đã được nhuộm, vị ấy gọi là kẻ trộm trừ chi, đây là phương pháp thọ trì chi của người mặc tam y.

Nhưng về xếp loại chi của người mặc tam y này cũng có ba bậc, trong ba bậc ấy:

- Người thọ trì bậc thượng khi nhuộm y, nên nhuộm y nội hay y thượng trước, lấy y ấy mặc vào rồi nhuộm y khác, vị ấy nên mặc y đã được nhuộm xong, rồi nhuộm y Tăng-già-lê; nhưng không nên mặc y Tăng-già-lê, phương pháp này là thói quen trong trú xứ gần làng mạc đối với vị bhikkhu mặc tam y ấy. Vị bhikkhu thường sống trong rừng, gom lại giặt rồi nhuộm một lần hai y cũng nên, nhưng phải ngồi trong chỗ gần, như vậy khi vừa thấy ai đi vào có thể kéo y ca-sa trùm được.

- Đối với người thọ trì bậc trung, mặc hay đắp y ca-sa để sử dụng nhuộm y trong phòng nhuộm y, rồi làm việc nhuộm y cũng nên.

- Người thọ trì bậc hạ, mặc hay đắp y của các vị bhikkhu bạn làm việc nhuộm y cũng nên, vải trải giường trong nơi ấy cũng thích hợp cho vị bhikkhu này, nhưng vị ấy không nên gìn giữ y của các vị bhikkhu bạn, không nên thọ dụng trở lại.

Vải ca-sa đắp một bên vai (y hăng sắc) là vải thứ tư được thêm vào sử dụng đối với vị bhikkhu mặc tam y, nhưng vải ấy phải rộng khoảng một gang tay, dài ba hắc tay mới sử dụng được.

Trừ chi ấy bị đứt đoạn khi vị ấy vui thích hơn cả ba y này, đây là đứt đoạn trừ chi này.

Quả báo này là vị bhikkhu mặc tam y tri túc với tấm y vừa đủ che thân, do đức tánh tri túc thọ trì tam y, vị ấy đi được nhẹ nhàng như loài chim, người ít bận việc, tránh xa cất giữ y, thực hành hoạt bát, dứt bỏ đa tham trong y dư, thi hành đúng trong vật hợp Pháp Luật, thực hành khổ hạnh, thành tựu kết quả thiểu dục v.v… và vị ấy đạt được các ân đức đã đề cập như vậy.

“Hành giả thiện trí thức

Diệt trừ tham y dư

Tránh xa sự cất giữ

Người thọ trì tam y

Nếm hương vị an lạc

Phát sanh từ tri túc

Do đó, thiện nam tử

Muốn du hành thuận lợi

Như hành giả cao quí

Mặc đặc biệt tam y

Du hành như loài chim

Có đôi cánh để bay

Nên hoan hỷ tam y

Được xác định rõ ràng”.

Đây là giải thích phương pháp thọ trì, xếp loại, đứt đoạn và quả báo chi của người mặc tam y.

3) Phương pháp thọ trì chi của người thọ dụng đồ ăn khất thực.

Chi của người chỉ thọ dụng đồ ăn khất thực được thọ trì bằng một lời nào trong hai lời này :

- Atirekalābhaṃ paṭikkhipāmi: tôi xin ngăn dư lợi lộc.

- Piṇḍapātikaṅgaṃ samādiyāmi: tôi xin thọ trì chi của vị bhikkhu chỉ thọ dụng đồ ăn khất thực.

Vị bhikkhu thọ dụng đồ ăn khất thực không nên hoan hỷ mười bốn loại vật thực này :

- Saṅghabhattaṃ: vật thực cúng dường đến chư Tăng (trai Tăng).

- Uddesabhattaṃ: vật thực được chỉ định.

- Nimantanabhattaṃ: vật thực được biệt thỉnh.

- Salākabhattaṃ: vật thực được phân phát bằng cách bắt thăm.

- Pakkhikabhattaṃ: vật thực cúng dường nửa tháng một lần.

- Uposathikabhattaṃ: vật thực cúng dường trong ngày lễ Bố-tát.

- Pāṭipatikabhattaṃ: vật thực cúng dường ngày thứ nhất mỗi nửa tháng âm lịch.

- Āgantukabhattaṃ: vật thực cúng dường đến khách Tăng

- Gamikabhattaṃ: vật thực dâng cúng đến người lữ hành.

- Gilānabhattaṃ: vật thực cho bệnh nhân.

- Gilānupaṭṭhanabhattaṃ: vật thực cho người nuôi bệnh.

- Vihārabhattaṃ: vật thực cúng dường đến tịnh xá.

- Dhurabhattaṃ: vật thực bố thí thường thường.[78]

- Vārabhattaṃ: vật thực cúng dường lúc thuận tiện.

Nếu thí chủ không nói bằng cách: “Xin ngài hãy nhận trai Tăng”, nhưng chỉ nói: “Xin Tăng chúng hãy nhận thọ thực trong nhà chúng tôi, quí ngài cũng hãy nhận vật thực”, những vị ấy được bố thí nên hoan hỷ các vật thực ấy. Vật thực phân phát bằng cách bắt thăm không có tài vật được từ chư Tăng, hay vật thực mà thí chủ chuẩn bị cúng dường trong tinh xá nên thọ dụng. Đây là phương pháp thọ trì chi của người chỉ thọ dụng đồ ăn khất thực ấy.

Nhưng vì xếp loại, chi của người chỉ thọ dụng đồ ăn khất thực này có ba bậc, trong ba bậc ấy,

- Người thọ trì bậc thượng nhận vật thực mà thí chủ mang đến trước mặt hay sau lưng, khi đứng tại cửa nhà người khác cũng cho thí chủ nhận bát, trong khi trở về cũng thọ nhận vật thực thí chủ mang đến cúng dường, nhưng khi ngồi rồi, không thọ nhận vật thực suốt ngày ấy.

- Người thọ trì bậc trung khi ngồi cũng còn thọ lãnh ngày đó, nhưng không thọ nhận để dành ngày mai.

- Người thọ trì bậc hạ thọ nhận vật thực trong ngày mai và ngày kế sau đó nữa.

Cả hai hạng người ấy không đạt được lạc trú theo ý mình nhưng người thọ trì bậc thượng đạt được.

Được nghe rằng: Trong một làng nọ có thuyết về Thánh tông, vị bhikkhu thọ trì bậc thượng nói với hai vị khác:

- Này chư hiền giả, chúng ta hãy đi đến thính Pháp.

Trong hai vị ấy, một vị nói:

- Bạch Ngài, tôi đã nhận lời một người biệt thỉnh nên ngồi chờ đợi.

Còn vị khác nói:

- Bạch Ngài, phần tôi cũng đã nhận vật thực của một người để thọ thực ngày mai.

Cả hai vị ấy đã bị đứt đoạn trong trường hợp như vậy, vị bhikkhu thọ trì bậc thượng, sau khi đi tuần tự khất thực từ sáng tinh sương được thọ hưởng hương vị chánh Pháp.

Trừ chi của ba bậc bhikkhu này bị đứt đoạn khi tự hoan hỷ lợi lộc phát sanh, như trai Tăng v.v..., đây là đứt đoạn trừ chi này.

Quả báo này do có Pāḷi: “Bậc xuất gia phải nương nhờ vật thực xin được với đôi chân[79]”, người thực hành đúng pháp y chỉ, an trú trong Thánh tông thứ nhì, không bận rộn người khác, có vật dụng mà đức Thế Tôn tán thán: “Các vật thực ấy ít giá trị, dễ tìm được và vô tội[80]”, chế ngự lười biếng, dưỡng mạng thanh tịnh, hành theo tiến hóa của bậc hữu học, nuôi mạng không nương nhờ kẻ khác, thi hành tế độ người khác, diệt trừ ngã mạn, giảm nhẹ tham vị dục, không bị phạm tội và điều học vật thực một nhóm (gaṇabhojana), vì điều học thọ thực thí chủ thỉnh sau người khác (paramparabho-jana) và vì điều học đi đến thăm viếng gia đình (cāritta)[81], tiến hành thuận theo các ân đức như thiểu dục v.v..., thực hành chơn chánh tốt đẹp, tế độ đoàn hậu tấn.

“Người, tri túc vật thực

Hành khất bằng đôi chân

Sống không bận người khác

Diệt trừ tham vật thực

Tu sĩ không dích mắc

Du hành khắp bốn phương

Chế ngự được lười biếng

Mạng sống người thanh tịnh

Vì thế bậc thiện tuệ

Không khinh thường khất thực”.

Đây là giải thích phương pháp thọ trì, xếp loại, đứt đoạn và quả báo chi của người chỉ thọ dụng đồ ăn khất thực.

4) Phương pháp thọ trì chi của người đi tuần tự khất thực

Chi của người tuần tự đi khất thực được thọ trì bằng một lời nào trong hai lời này:

- Loluppacāraṃ paṭikkhipāmi: tôi xin ngăn hành tham dục.

- Sapadānacārikaṅgaṃ samādiyāmi: tôi xin thọ trì chi của vị bhikkhu đi tuần tự khất thực.

Đối với vị bhikkhu đi tuần tự khất thực ấy, sau khi đứng tại cổng làng, nên suy xét có nguy hiểm hay không: trong đường hẻm, hay làng nào có nguy hiểm, phải bỏ nơi ấy đi sang nơi khác, vị ấy không được vật gì tại cửa nhà trong đường hẻm, hay trong làng nào, sau khi chú nguyện: “Không phải làng” và đi sang nơi khác, nơi nào không được vật gì, không nên bỏ nơi đó đi. Vị bhikkhu này phải đi từ buổi sáng sớm như vậy có thể bỏ nơi không an vui đi đến chỗ khác, nếu thí chủ bố thí cúng dường trong tịnh xá của vị bhikkhu ấy, hay đến nhận bát giữa đường cúng dường đồ ăn khất thực cũng nên thọ lãnh.

Đối với vị bhikkhu ấy, dù đang đi đường không nên đi qua khỏi làng vào thời đi khất thực, vị ấy không được vật thực trong làng đó, hay được chút ít cũng phải đi tuần tự theo làng, đây là phương pháp thọ trì chi của người đi tuần tự khất thực.

Nhưng về xếp loại chi của người đi tuần tự khất thực này cũng có ba bậc, trong ba bậc ấy,

- Người thọ trì bậc thượng không thọ nhận vật thực mang đến từ phía trước hay vật thực mang đến từ phía sau; hay mang đến cúng dường khi trở về, nhưng vị ấy treo bát tại cửa nhà người khác. Thật vậy, đối với trừ chi này không có ai bằng Trưởng lão Đại Kassapa (Mahākassapa Thera), dù ngài ngăn bát vẫn còn xuất hiện (người đặt bát).

- Người thọ trì bậc trung thọ lãnh vật thực mà họ mang đến phía trước hay phía sau, hoặc trong khi trở về và treo bát tại cửa nhà người khác, nhưng vị ấy không ngồi chờ đợi vật thực; người thọ trì bậc trung ấy như vị bhikkhu thọ dụng đồ ăn khất thực bậc thượng trong trường hợp này.

- Người thọ trì bậc hạ vẫn ngồi chờ đợi ngày ấy.

Trừ chi của ba bậc bhikkhu khất thực này bị đứt đoạn trong khi phát sanh hành tham dục, đây là đứt đoạn trừ chi này.

Quả báo này là người luôn luôn tân khách trong các gia đình, người như mặt trăng diệt trừ bỏn xẻn gia tộc, tế độ đồng đẳng, không tội lỗi thường lui đến gia đình, không hoan hỷ, không mong muốn vật thực mà họ mang đến biệt đãi, thực hành thuận với các ân đức như thiểu dục v.v....

“Bhikkhu Pháp Luật này

Đi tuần tự khất thực

Người ví như mặt trăng

Tân khách luôn gia tộc

Không bỏn xẻn gia đình

Người tế độ đồng đẳng

Với tất cả chúng sanh

Người thoát khỏi tội lỗi

Thường lai vãng gia đình

Vì thế bậc hiền trí

Dứt bỏ hành tham dục

Người có mắt nhìn xuống

Thấy khoảng một bắc tay

Nếu tự muốn dư hóa

Như ý trên mặt đất

Nên hành khất tuần tự”.

Đây là giải thích phương pháp thọ trì, xếp loại, đứt đoạn và quả báo chi của người tuần tự đi khất thực.

5) Phương pháp thọ trì chi của người chỉ thọ thực một chỗ ngồi

Chi của người thọ thực một chỗ ngồi được thọ trì bằng một lời nào trong hai lời này:

- Nānāsanabhojanaṃ paṭikkhipāmi: tôi xin ngăn thọ thực trong chỗ ngồi khác nhau.

- Ekāsanikaṅgaṃ samādiyāmi: tôi xin thọ trì chi của vị bhikkhu thọ thực một chỗ ngồi.

Đối với vị bhikkhu thọ thực một chỗ ngồi ấy, khi đang ngồi trong trai đường, không ngồi nơi sàng tọa của vị trưởng lão, nên xác định chỗ ngồi thích hợp, chỗ ngồi này sẽ đến chỗ ta, rồi ngồi; nếu vị ấy thọ thực chưa xong, đại trưởng lão hay thầy tế độ đi đến, nên đứng dậy thực hành bổn phận, nhưng trưởng lão Tiểu Vô Úy duy trì Tam tạng (Tipiṭakacūḷābhayatthera) nói: Nên gìn giữ chỗ ngồi hay thọ thực? Bởi vì vị bhikkhu này thọ thực chưa xong, do đó, hãy thực hành bổn phận, không nên thọ thực nữa, đây là phương pháp thọ trì chi của người thọ thực một chỗ ngồi.

Nhưng về xếp loại, chi của người thọ thực một chỗ ngồi này cũng có ba bậc, trong ba bậc ấy:

- Người thọ trì bậc thượng, hạ tay xuống trong vật thực nào dù ít hay nhiều không được thọ lãnh vật thực khác; nếu có người nói: “Trưởng lão không có gì thọ thực, rồi mang sữa chua v.v..., đến cúng dường, nên thọ nhận để dành như thuốc trị bệnh, nhưng không nên để dành như vật thực.

- Người thọ trì bậc trung được thọ lãnh vật thực khác cho đến lúc vật thực trong bát chưa hết.

- Người thọ trì bậc trung này gọi là thọ trì vật thực có hạn định, người thọ trì bậc hạ được thọ thực cho đến khi vị ấy chưa đứng dậy rời khỏi chỗ ngồi, người thọ trì bậc hạ này gọi là có nước hạn định, vì được thọ thực cho đến khi không thọ lãnh nước rửa bát; hay gọi là người có chỗ ngồi hạn định, vì khi nào vị ấy chưa đứng dậy khi ấy còn được thọ thực.

Trừ chi của ba bậc bhikkhu này bị đứt đoạn trong sát-na mà mình thọ dụng vật thực tại chỗ ngồi khác nhau, đây là đứt đoạn trừ chi này.

Quả báo này là thiểu bệnh, ít phiền toái, đi đứng nhẹ nhàng, mạnh khỏe, lạc trú, không phạm tội lỗi vì vật thực buổi ăn, diệt trừ tham đắm vị dục, thực hành theo các ân đức như thiểu dục v.v....

“Bệnh hoạn duyên vật thực      

Không áp bức tu sĩ

Vui ăn một chỗ ngồi

Không tham ái vị dục

Không tiêu hoại tự nghiệp        

Tu sĩ y thanh tịnh

Vui ăn một chỗ ngồi

Là nguyên nhân lạc trú

Bhikkhu năng thực hành

Hoan hỷ khổ hạnh tịnh

Hãy phát sanh như vậy”.

Đây là giải thích phương pháp thọ trì, xếp loại, đứt đoạn và quả báo chi của người thọ thực một chỗ ngồi.

6) Phương pháp thọ trì chi của người chỉ thọ thực trong bát

Chi của người thọ thực trong bát được thọ trì bằng một lời nào trong hai lời này:

- Dutiyabhājanaṃ paṭikhipāmi: tôi xin ngăn bát thứ nhì.

- Pattapiṇḍikaṅgaṃ samādiyāmi: tôi xin thọ trì chi của vị bhikkhu thọ thực trong bát.

Đối với vị bhikkhu thọ thực trong bát ấy, khi đã được đồ gia vị do thí chủ đặt bát cúng dường riêng với cháo, nên dùng đồ gia vị trước hay uống cháo; nếu bỏ vào bát các đồ gia vị như cá hôi v.v..., cháo đó trở thành vật đáng gớm, hành giả ấy nên thọ dụng khi đã tạo thành vật không đáng gớm, do đó, lời này được nói đây với ý nghĩa đồ gia vị vậy. Vật nào như: mật ong, đường phèn v.v... là vật không đáng gớm, nên bỏ vật ấy vào, nhưng khi thọ lãnh, nên thọ lãnh vừa đủ sử dụng. Rau sống và củ khoai nên nhận thọ dùng bằng tay, nếu không thực hành như thế, nên bỏ trong bình bát; bởi vì người đã ngăn bát thứ nhì, không nên thọ dụng bát khác, dù là lá cây, đây là phương pháp thọ trì chi của người chỉ thọ thực trong bát.

Nhưng về xếp loại chi của người chỉ thọ thực trong bát này, cũng có ba bậc, trong ba bậc ấy,

- Người thọ trì bậc thượng, không nên quăng bỏ xác, trừ khi thọ dụng mía, ngay cả vắt cơm, cá, thịt và bánh ngọt, không nên bóp nát ra thọ dụng.

- Người thọ trì bậc trung, nên lấy tay bóp nát ra thọ dụng, người thọ trì bậc trung này, gọi là hành giả bàn tay (hatthayogī).

- Người thọ trì bậc hạ gọi là hành giả bình bát (pattayogī), vật thực nào hành giả bậc ấy có thể đặt vào bình bát, vị ấy nên bóp nát tất cả vật thực ấy bằng bàn tay, hay hàm răng rồi thọ thực.

Trừ chi của ba bậc bhikkhu này bị đứt đoạn trong sát-na vị ấy hoan hỷ vật dụng thứ nhì, đây là đứt đoạn trừ chi này.

Quả báo này là diệt trừ tham đắm các vị dục khác nhau, dứt bỏ đa tham, thọ dụng vật thực biết tiết độ, không bận tâm gìn giữ bình bát v.v,... thọ dụng không bị phóng dật, thực hành thuận với các ân đức như thiểu dục v.v....

“Tu sĩ không bận tâm

Nhiều bình bát sai khác

Người có mắt nhìn xuống         

Như đào tận gốc rễ

Tham đắm trong vị dục

Phận sự trì chân chánh

Như tri túc xác thân

Người tâm ý thanh thoát

Nên thọ thực trong bát

Bhikkhu nào trì hạnh

Thọ thực trong một bát”.

Đây là lời giải thích phương pháp thọ trì, xếp loại, đứt đoạn và quả báo chi của người thọ thực trong bát.

7) Phương pháp thọ trì của người không nhận vật thực cúng dường sau bữa ăn.

Chi của người không nhận vật thực cúng dường sau bữa ăn được thọ trì bằng một lời nào trong hai lời này:

- Atirittabhojanaṃ paṭikkhipāmi: tôi xin ngăn vật thực dư.

- Khalupacchābhattikaṅgaṃ samādiyāmi: tôi xin thọ trì chi của vị bhikkhu không nhận vật thực cúng dường sau bữa ăn.

Đối với vị bhikkhu không nhận vật thực cúng dường sau bữa ăn ấy, khi ngăn bữa ăn không nên thọ dụng vật thực, hành đúng luật. Đây là phương pháp thọ trì chi của người không nhận vật thực cúng dường sau bữa ăn.

Nhưng về xếp loại chi của người không nhận vật thực cúng dường sau bữa ăn này cũng có ba bậc, trong ba bậc ấy,

- Người thọ trì bậc thượng, khi nào không ngăn vắt cơm đầu tiên, vị ấy đang thọ dụng vắt cơm thứ nhất, ngăn vắt cơm khác, vì vị ấy đã ngăn như vậy; sau khi thọ dụng vắt cơm thứ nhất xong, không nên thọ dụng vắt cơm thứ nhì.

- Người thọ trì bậc trung, vật thực nào đã thọ lãnh trước khi ngăn, vẫn thọ dụng được vật thực ấy.

- Người thọ trì bậc hạ, thọ thực cho đến khi chưa đứng dậy rời khỏi chỗ ngồi.

Trừ chi của ba bậc bhikkhu này bị đứt đoạn trong khi đã ngăn bữa ăn còn thọ dụng lại vật thực, hành đúng luật, đây là đứt đoạn trừ chi này.

Quả báo này là tránh xa phạm tội vật thực quá hạn, không bị đầy bao tử, không gìn giữ tài vật (nirāmisasannidhitā),[82] không phạm tội tìm kiếm vật thực nữa, thực hành thuận với các ân đức như thiểu dục v.v....

“Hành giả không thọ nhận

Vật thực sau bữa ăn

Hiền trí không khó tìm

Không tạo thâu tài vật

Dứt bỏ đầy bao tử

Do đó, thiện nam tử

Muốn diệt trừ tội lỗi      

Nên thọ trì chi này

Được Thiện thệ tán thán

Thành tựu các ân đức

Như đồng sanh thiểu dục”.

Đây là giải thích phương pháp thọ trì, xếp loại, đứt đoạn và quả báo chi của người không nhận vật thực cúng dường sau bữa ăn.

8) Phương pháp thọ trì chi của người sống trong rừng.

Chi của người sống trong rừng được thọ trì bằng một lời nào trong hai lời này:

- Gāmantasenāsanaṃ paṭikkhipāmi: tôi xin ngăn trú xứ gần làng.

- Āraññikaṅgaṃ samādiyāmi: tôi xin thọ trì chi của vị bhikkhu sống trong rừng.

Đối với vị bhikkhu sống trong rừng ấy, phải bỏ trú xứ gần làng khi vầng hồng ló dạng trong rừng. Lời nói làng và gần làng ấy (khoảng năm trăm cây cung), gọi là trú xứ gần làng. Làng là chỗ cư ngụ nào có một thảo am, hay có nhiều thảo am, được rào chung quanh, hay không được rào chung quanh; có người, hay không có người; hoặc chỉ có đoàn thương buôn cư ngụ hơn bốn tháng trở đi; nếu làng được rào chung quanh như thành Anurādhapura có hai cột cổng, vị trí rơi xuống của hòn đất mà người sức mạnh bậc trung đứng bên trong cột cổng ném đi, gọi là cận làng. Các vị luật sư nói: Tầm xa của sự ném hòn đất ấy là khoảng bên trong vị trí rơi xuống của hòn đất được người sức mạnh bậc trung ném đi, như các thanh niên biểu diễn sức mạnh của mình, sau khi duỗi cánh tay ra ném hòn đất, nhưng các vị bhikkhu thông suốt Khế kinh nói: Bên trong vị trí rơi xuống của hòn đất mà người ném đi định chống lại con quạ, gọi là gần làng. Đối với làng không được rào chung quanh, người thiếu nữ đứng tại cửa nhà cuối làng rải nước bằng cái bát, chỗ rơi xuống của nước ấy gọi là ranh nhà, từ ranh nhà đó trở đi khảng một hòn đất rơi xuống theo phương pháp đã trình bày, gọi là làng, khoảng cách hòn đất thứ hai rơi xuống gọi là gần làng.

Nhưng theo pháp môn luật nói: “Ngoại trừ làng và gần làng, tất cả ngoài ra đó gọi là rừng[83]”, theo Pháp môn Vô tỷ pháp nói: “Kể từ cổng làng đi ra bên ngoài tất cả là rừng[84]”, theo pháp môn của vị thông suốt Khế kinh chỉ rõ tính chất này: “Trú xứ gọi là rừng là trú xứ cách trú xứ cuối cùng khoảng năm trăm cây cung[85]”. Tính chất ấy đối với làng nào được rào chung quanh, nên đo nhất định lấy kể từ cột cổng do các vị cung sư bắn lên; đối với làng không được rào chung quanh nên đo nhất định lấy kể từ hoàn đất thứ nhất rơi xuống cho đến hàng rào tịnh xá; nếu tịnh xá không được rào chung quanh, trú xứ nào trước nhất cả như hỏa đường, giảng đường, cây bồ đề, bảo tháp, nếu cách xa trú xứ, nên đo sau khi phân ranh chỗ trước tiên ấy, trong các chú giải, luật giải thích như vậy.

Nhưng trong chú giải Trung bộ kinh nói: sau khi vạch ranh giới tịnh xá cũng như ranh gần làng và phải đo khoảng giữa hai hòn đất rơi xuống. Điều ấy để xác định kích thước rừng này, nếu gần làng, vị bhikkhu trong tịnh xá nghe tiếng người, nhưng không thể đi đến vì núi, sông ở giữa v.v.... Con đường nào là con đường đi thường xuyên đối với làng ấy, nếu phải đi bằng tàu bè, nên lấy cách xa khoảng năm trăm cây cung theo con đường ấy, vị bhikkhu nào trú tại mỗi con đường từ nơi đó để cho hoàn thành chi của vị sống gần làng, vị bhikkhu này gọi là trộm trừ chi; nếu đại trưởng lão hay thầy tế độ của vị bhikkhu sống trong rừng ấy bị bệnh, vị bhikkhu sống trong rừng ấy trị bệnh cho thầy không được thuận lợi, nên dẫn bệnh nhân đến nơi trú xứ gần làng để chăm sóc, nhưng vị ấy phải đi ra khỏi trú xứ gần làng từ sáng sớm khi vầng hồng ló dạng cho thích hợp trừ chi này. Nếu khi vầng hồng ló dạng, bệnh trạng của đại trưởng lão v.v... gia tăng trầm trọng, cần phải thực hành phận sự với các vị ấy, không nên là người trong sạch trừ chi này, đây là phương pháp thọ trì chi của người sống trong rừng.

Nhưng về xếp loại chi của người sống trong rừng này cũng có ba bậc, trong ba bậc ấy:

- Người thọ trì bậc thượng phải vào rừng mọi thời khi vầng hồng ló dạng.

- Người thọ trì bậc trung được sống trong trú xứ gần làng suốt bốn tháng mùa mưa.

- Người thọ trì bậc hạ được sống trong trú xứ gần làng bốn tháng mùa lạnh nữa.

Đối với ba bậc bhikkhu này đi đến rừng theo thời gian ấn định đang thính Pháp trong trú xứ gần làng, dù vầng hồng vừa ló dạng, trừ chi cũng bị đứt đoạn. Khi thính Pháp xong đi trở về, vầng hồng ló dạng giữa đường cũng không đứt đoạn trừ chi, nhưng nếu vị pháp sư đã đứng dậy khỏi pháp tọa, những vị bhikkhu thọ trì chi này nằm xuống do suy nghĩ: “Chúng ta sẽ nằm một chốc lát”, rồi nằm ngủ đến khi vầng hồng ló dạng, trừ chi bị đứt đoạn, hay khi vầng hồng ló dạng, các vị ấy vẫn sống trong trú xứ gần theo sự vui thích của mình, trừ chi cũng bị đứt đoạn, đây là đứt đoạn trừ chi này.

Quả báo này là vị bhikkhu sống trong rừng vẫn tác ý lâm tưởng (araññasaññaṃ), đạt được thiền định mà mình chưa đạt được, duy trì thiền định đã đạt được, chí đến bậc Đạo sư cũng hoan hỷ vị ấy: “Do đó, này Nāgita, Như Lai hoan hỷ vị bhikkhu sống trong rừng ấy[86]”, các cảnh sắc không thích hợp v.v... không làm động tâm vị bhikkhu sống nơi trú xứ xa vắng ấy, không sợ hãi, dứt bỏ tham sống, nếu được hương vị hạnh phúc độc cư viễn ly, tư cách vị bhikkhu thọ trì chi của người mặc y phấn tảo cũng thuận lợi với vị bhikkhu sống trong rừng này:

“Độc cư không tụ hội

Vui trú xứ xa vắng

Tâm ý bậc Cứu Thế

Hoan hỷ sống trong rừng

Độc cư trú xứ rừng

Tu sĩ được an lạc

Hưởng hương vị hạnh phúc

Dù chư Thiên, Đế Thích

Cũng không được thọ hưởng

Vị ấy mặc phấn tảo

Như một vị dũng sĩ        

Khoát chiến bào hiên ngang

Giữa chiến trận rừng vắng

Dư trừ chi vũ khí

Không bao lâu có thể

Thắng Ma vương, quân ma

Do đó, bậc thiện trí

Hãy vui sống trong rừng”.

Đây là giải thích phương pháp thọ trì, xếp loại, đứt đoạn giải thích và quả báo chi của người sống trong rừng.

9) Phương pháp thọ trì chi của người sống dưới cội cây.

Chi của người sống dưới cội cây được thọ trì bằng một lời nào trong hai lời này:

- Channaṃ paṭikkhipāmi: tôi xin ngăn chỗ ở che lợp.

- Rukkhamūlikaṅgaṃ samādiyāmi: tôi xin thọ trì chi của vị bhikkhu sống dưới cội cây.

Đối với vị bhikkhu sống dưới cội cây ấy, phải bỏ những cội cây này: cây giữa biên giới, cây đền tháp[87], cây có mủ, cây có trái, cây có hoa, cây dơi sống, cây có hang bọng, cây đứng giữa tịnh xá, nên lấy cây đứng cuối ranh tinh xá, đây là phương pháp thọ trì chi của người sống dưới cội cây.

Nhưng về xếp loại chi của người sống dưới cội cây này cũng có ba bậc, trong ba bậc ấy:

- Người thọ trì bậc thượng không được nhờ người khác dành lấy cội cây theo ý thích, nên cư ngụ khi đã lấy chân quét lá cây rụng.

- Người thọ trì bậc trung được nhờ người đến tại nơi ấy.

- Người bậc hạ nên cư trú sau khi gọi người giúp việc trong chùa hay Sadi dọn dẹp sạch sẽ, quét đổ cát cho bằng phẳng, rào hàng rào chung quanh cột cửa, nhưng vào các ngày lễ, vị bhikkhu sống dưới cội cây không nên ngồi tại cội cây ấy, nên ngồi trong nơi che lợp khác.

Trừ chi của ba bậc bhikkhu này bị đứt đoạn khi nào sống trong chỗ che lợp, các vị giáo thọ sư Tăng chi bộ kinh tuyên bố: Trừ chi này cũng bị đứt đoạn ngay khi vị ấy đã biết vầng hồng ló dạng mà cư ngụ trong nơi che lợp, đây là đứt đoạn trừ chi này.

Quả báo này do có Pāḷi: “Bậc xuất gia phải nương nhờ trú xứ cội cây[88]”, vị bhikkhu sống dưới cội cây là người thực hành đúng pháp y chỉ, có vật dụng mà đức Thế Tôn tán thán: “Các vật dụng ấy ít giá trị, dễ tìm được và vô tội[89]”, khiến cho phát sanh vô thường tưởng do luôn luôn thấy lá cây biến đổi, không bỏn xẻn trú xứ, không quyến luyến công việc, cộng trú với chư Thiên, thực hành thuận với các ân đức như thiểu dục v.v…

“Nương nhờ nơi cư ngụ

Mà đức Phật cao thượng

Tán dương và khen ngợi

Trú xứ đúng cư ngụ

Của hành giả viễn ly

Nơi đâu bằng cội cây

Được chư Thiên hộ trì

Không bỏn xẻn trú xứ

Vì hiền nhơn cư trú

Dưới gốc cây viễn ly

Người phận sự tinh tấn

Chứng kiến các lá non

Đỏ sậm cùng màu xanh

Vàng úa rơi rụng xuống

Diệt trừ được thường tưởng

Do đó, thiện trí thức

Không khinh gốc cây vắng

Thừa tự của đức Phật

Trú xứ của tu sĩ

Hoan hỷ sự tu tiến”.

Đây là sự giải thích phương pháp thọ trì, xếp loại, đứt đoạn và quả báo chi của người sống dưới cội cây.

10) Phương pháp thọ trì chi của người sống ngoài trời.

Chi của người sống ngoài trời được thọ trì bằng một lời nói nào trong hai lời này:

- Channañca rukkhamūlañca paṭikkhipāmi: tôi xin ngăn nơi che lợp và cội cây.

- Abbhokāsikaṅgaṃ samādiyāmi: tôi xin thọ trì chi của vị bhikkhu sống ngoài trời.

Đối với vị bhikkhu sống ngoài trời ấy, nên đi vào phòng Bố-tát để nghe Pháp hay hành lễ phát lồ, nếu vị ấy đi vào mà trời mưa không cần phải ra ngay, chỉ nên đi ra sau khi mưa đã dứt hẳn. Vị bhikkhu sống ngoài trời ấy trong trường hợp đi vào trai đường hay hỏa đường hành phận sự, hoặc thỉnh các vị bhikkhu trưởng lão thọ thực, dạy Pāḷi, hay học Pāḷi, hay giường ghế v.v... mà họ đặt sát bên ngoài nên lấy vào nơi che lợp; nếu vị ấy đang đi có mang vật dụng của bậc trưởng thượng, giữa đường trời mưa, nên đi vào đứng trong giảng đường; nếu vị ấy không cầm vật gì, không nên khẩn cấp đi vào do chủ tâm: “Ta sẽ sống trong giảng đường” ; nhưng nếu vị ấy đang đi đường một cách bình thường, nên trú lại cho đến khi mưa đã tạnh, rồi tiếp tục đi, đây là phương pháp thọ trì chi của người sống ngoài trời.

Nhưng về xếp loại chi của người sống ngoài trời này cũng có ba bậc, trong ba bậc ấy:

- Người thọ trì bậc thượng không nên cư ngụ nương vào cội cây, núi non hay ngôi nhà, chỉ nên sống với căn lều kiến tạo bằng y giữa khoảng trống.

- Người thọ trì bậc trung được nương vào cội cây, núi non và ngôi nhà, nhưng nên đi vào sống hẳn bên trong.

- Người thọ trì bậc hạ nên cư ngụ nơi dốc núi mà ranh giới không che lợp, túp lều bằng cành cây, bằng loại vải bột cứng, căn chòi dựng lên mà người giữ ruộng đã bỏ.

Trừ chi của ba bậc hành giả này bị đứt đoạn trong sát-na đi vào cư ngụ nơi che lợp và gốc cây; các vị tụng Tăng chi bộ kinh tuyên bố: Trừ chi bị đứt đoạn khi hành giả đã biết vầng hồng ló dạng mà còn trú trong nơi che lợp và gốc cây, đây là đứt đoạn trừ chi này.

Quả báo này là cắt đứt quyến luyến trú xứ, diệt trừ hôn trầm thụy miên, người đang được tán dương: “Chư bhikkhu sống vô gia cư, du hành không quyến luyến như đoàn nai[90]”, không tụ hội, du hóa tiện lợi khắp cả bốn phương vì không bận tâm, không trú xứ, thực hành thuận với các ân đức như thiểu dục v.v....

“Bhikkhu sống giữa trời           

Không khó được thích hợp

Với người vô gia cư

Có trần nhà rực rỡ

Bằng ngọc các vì sao

Được chiếu sáng lấp lánh

Với ánh đèn mặt trăng

Người tâm như loài nai

Diệt hôn trầm thụy miên

Nhờ hoan hỷ tu tiến

Không lâu hưởng hương vị

Sống độc cư viễn ly

Do đó, thiện trí thức

Hãy vui sống ngoài trời”.

Đây là giải thích phương pháp thọ trì, xếp loại, đứt đoạn và quả báo chi của người sống ngoài trời.

11) Phương pháp thọ trì chi của người sống nơi nghĩa địa.

Chi của người sống nơi nghĩa địa được thọ trì bằng một lời nào trong hai lời này:

- Na susānaṃ paṭikkhipāmi: tôi xin ngăn trú xứ không phải nghĩa địa.

- Sosānikaṅgaṃ samādiyāmi: tôi xin thọ trì chi của vị bhikkhu sống nơi nghĩa địa.

Đối với vị bhikkhu sống nơi nghĩa địa ấy, không nên sống trong làng mà mọi người đang cư ngụ xác định: nơi đây là nghĩa địa, bởi vì khi đã không có hỏa táng tử thi, nơi đó không gọi là nghĩa địa nữa; từ khi đã được hỏa thiêu trở lại, nếu đã bỏ khoảng mười hai năm, cũng như nghĩa địa đang hỏa thiêu. Vị bhikkhu sống trong nghĩa địa ấy, không nên cho người kiến tạo đường kinh hành, che lều v.v... không nên cho người sắp xếp giường, ghế; không nên cho người đặt nước uống, nước xài, thuyết pháp, vì trừ chi này rất quan trọng, do đó, để diệt trừ nguy hiểm phát sanh nên cho vị trưởng lão Tăng, hay nhân viên quản lý của vua biết rõ, nên sống không dể duôi; vị ấy khi đi kinh hành nên kinh hành bằng cách liếc mắt nhìn vào đất hỏa táng, khi đi đến nghĩa địa, nên đi từ con đường lớn đến con đường nhỏ, phải xác định quang cảnh vào ban ngày[91], vì khi thực hành như vậy cảnh vật ấy sẽ không đáng sợ hãi đối với vị ấy vào ban đêm.

Các phi nhơn cũng đi lang thang, rên rĩ, than khóc lúc nữa đêm, vị bhikkhu sống trong nghĩa địa không nên giết hại một sinh vật nào, vị ấy không nên rời khỏi nghĩa địa, dù chỉ một ngày, các vị tụng Tăng chi bộ kinh tuyên bố: Vị bhikkhu sống trong nghĩa địa ấy, sau khi cư ngụ nơi nghĩa địa hết canh giữa, nên trở về nơi khác vào canh cuối. Vị bhikkhu sống nơi nghĩa địa, không nên thọ dụng vật thực loại cứng, loại mềm như: bánh mè, bánh đậu, cá, thịt, sữa, dầu, mật, mía..., sở thích của các hàng phi nhơn, đây là phương pháp thọ trì chi của người sống nơi nghĩa địa.

Nhưng về xếp loại chi của người sống nơi nghĩa địa này cũng có ba bậc, trong ba bậc ấy:

- Người thọ trì bậc thượng nên sống trong nghĩa địa thường có hỏa táng, thường có tử thi và thường có tiếng than khóc.

- Người thọ trì bậc trung nên sống nơi có một trong ba chi ấy.

- Người thọ trì bậc hạ nên cư ngụ nơi nào mà có đặc tính như nghĩa địa theo phương pháp đã được trình bày.

Trừ chi của ba bậc hành giả này bị đứt đoạn do cư ngụ nơi không phải nghĩa địa, các vị tụng Tăng chi bộ kinh tuyên bố: Bị đứt đoạn trong ngày không đi đến nghĩa địa, đây là đứt đoạn trừ chi này.

Quả báo này là đạt được niệm sự chết, người sống không dể duôi, đắc được ấn chứng bất mỹ (tử thi), diệt trừ dục tham, luôn luôn chứng kiến thực tính của xác thân, nhiều động tâm, dứt bỏ kiêu mạn về vô bệnh v.v... nhẫn nại với sợ hãi khiếp đảm, bậc đáng tôn kính của các hàng phi nhơn, thực hành thuận với các ân đức như thiểu dục v.v....

“Vì mãnh lực niệm chết

Tội lỗi sống dể duôi

Không chạm đến hành giả        

Sống nghĩa địa đã ngủ

Lại nữa khi vị ấy

Nhìn thấy nhiều tử thi

Tham theo dục luôn luôn

Vị đạt nhiều động tâm

Không đến gần ngã nạn

Vị tinh cần chân chánh

Tầm cầu sự tịch tịnh

Do đó nên thực hành

Hạnh sống nơi nghĩa địa

Vì hướng nhiều ân đức

Tâm thiên về Níp-bàn”.

Đây là giải thích phương pháp thọ trì, xếp loại, đứt đoạn và quả báo chi của người sống nơi nghĩa địa.

12) Phương pháp thọ trì chi của người bằng lòng bất cứ sàng tọa nào được cúng dường.

Chi của người bằng lòng bất cứ sàng tọa nào được cúng dường thọ trì bằng một lời nào trong hai lời này:

- Sesāsanaloluppaṃ paṭikkhipāmi: tôi xin ngăn tham muốn trú xứ.

- Yathāsanthatikaṅgaṃ samādiyāmi: tôi xin thọ trì chi của người bằng lòng bất cứ sàng tọa nào được cúng dường.

Đối với vị bhikkhu bằng lòng bất cứ sàng tọa nào được cúng dường ấy nên hoan hỷ thọ nhận trú xứ mà vị bhikkhu (chỉ định sàng tọa) phân phát: trú xứ này đến với Tôn giả, không nên khiến cho vị bhikkhu khác đứng dậy, đây là phương pháp thọ trì chi của người bằng lòng bất cứ sàng tọa nào được cúng dường.

Nhưng về xếp loại chi của người bằng lòng bất cứ sàng tọa nào được cúng dường này cũng có ba bậc, trong ba bậc ấy:

- Người thọ trì bậc thượng, không được hỏi trú xứ đến với mình xa hay gần, có bị áp bức, nhất là vì các hàng phi nhơn và rắn không, nóng hay lạnh.

- Người thọ trì bậc trung được hỏi nhưng không được đi đến quan sát.

- Người thọ trì bậc hạ, khi đi đến quan sát, nếu chỗ ấy không vừa ý được xin nhận nơi khác.

Trừ chi của ba bậc bhikkhu này bị đứt đoạn trong khi phát sanh tham muốn trú xứ, đây là đứt đoạn trừ chi này.

Quả báo này là thực hành theo lời giáo giới: “Vị bhikkhu được vật nào, nên hoan hỷ với vật ấy”[92], người tầm cầu lợi ích hỗ trợ bạn đồng phạm hạnh, dứt bỏ suy tư sự vật tốt hay xấu, diệt trừ thỏa thích và bất mãn, đóng cửa quá đa tham, thực hành thuận với các ân đức như thiểu dục v.v....

“Trú xứ nào mình được

Tri túc với nơi ấy

Vị tu sĩ bằng lòng

Sàng tọa được cúng dường

Dứt tư duy lạc miên       

Dù trú xứ trãi cỏ

Không tham nơi cao đẹp

Không sân được chỗ xấu

Tế độ sự lợi ích

Vị tân thọ phạm hạnh

Do đó thiện trí thức       

Hãy chuyên cần hoan hỷ

Sàng tọa được cúng dường

Đã được đức Mâu-ni

Bậc Ngưu vương tán thán”.

Đây là giải thích phương pháp thọ trì, xếp loại, đứt đoạn và của báo chi của người bằng lòng bất cứ sàng tọa nào được cúng dường.

13) Phương pháp thọ trì chi của người chỉ có oai nghi ngồi.

Chi của người chỉ có oai nghi ngồi được thọ trì bằng một lời nào trong hai lời này:

- Seyyaṃ paṭikkhipāmi: tôi xin ngăn oai nghi nằm

- Nesajjikaṅgaṃ samādiyāmi: tôi xin thọ trì chi của người chỉ có oai ngồi.

Đối với vị bhikkhu chỉ có oai nghi ngồi ấy, nên đứng dậy đi kinh hành một canh suốt đêm ba canh, vì không nên nằm trong các oai nghi, đây là phương pháp thọ trì chi của người chỉ có oai nghi ngồi.

Nhưng về xếp loại chi của người chỉ có oai nghi ngồi này cũng có ba bậc, trong ba bậc ấy:

- Người thọ trì bậc thượng, không nên sử dụng vật để dựa, vải lót đầu gối, vải để băng.

- Người thọ trì bậc trung nên sử dụng một loại nào trong ba loại này.

- Người thọ trì bậc hạ, nên sử dụng chỗ dựa hoặc vải lót đầu gối, hoặc vải để băng, hoặc cái gối nhỏ, hoặc cái ghế năm chi, hoặc cái ghế bảy chi; gọi là ghế có năm chi là cái ghế có chỗ dựa phía sau[93], cái ghế bảy chi là cái ghế có chỗ dựa phía sau và chỗ dựa hai bên[94], được nghe rằng: cái ghế ấy được cúng dường cho Trưởng lão Tam tạng Tepiṭakacūḷābhayatthera. Trưởng lão là bậc Bất lai đã viên tịch.

Trừ chi của ba bậc hành giả này bị đứt đoạn trong khi thành tựu oai nghi nằm, đây là đứt đoạn trừ chi này.

Quả báo này là chặt đứt tâm bị trói buộc như được thuyết: “Vị ấy trú đam mê, ngủ an vui, nằm ngửa an lạc, hạnh phúc thụy miên[95]”, thực hành thích hợp tất cả nghiệp xứ, người có oai nghi tịnh tín, thuận tiện nỗ lực tinh cần, khéo tăng trưởng chánh tiến hóa.

“Tu sĩ ngồi kiết già

Đặt thân thấy ngay thẳng

Khiến tâm ma dao động

Vị bhikkhu dứt bỏ

Vui nằm, lạc thụy miên

Có nỗ lực tinh cần

Khi nào vị Bhikkhu

Hoan hỷ oai nghi ngồi

Chiếu sáng khổ hạnh lâm

Tự đạt được hạnh phúc

Phỉ lạc không tài vật

Vậy hiền trí nên chuyên

Thực hành oai nghi ngồi”.

Đây là giải thích phương pháp thọ trì, xếp loại, đứt đoạn và quả báo chi của người chỉ có oai nghi ngồi.

Đầu đề cuối cùng.

Bây giờ giải thích khả năng câu kệ này:

“Bậc thiện trí thức nên

Hiểu biết điều phân tích

Bằng cách tam đề thiện

Phân loại như diệt trừ

Tóm tắt và chi tiết”.

IV. Phân tích bằng cách tam đề thiện

Trong các câu đầu đề ấy, trước nhất giải thích: “Bằng cách tam đề thiện”. Thật vậy, tất cả trừ chi thiện cũng có, vô ký cũng có do khả năng hữu học, phàm nhơn và bậc lậu tận[96], không có trừ chi bất thiện. Ai có thể nói rằng: trừ chi cũng có bất thiện, bởi vì Pāḷi thuyết: “Vị bhikkhu sống ở rừng, có ác dục, khát vọng[97]”.

Bậc thiện trí thức nên phản đối với người ấy.

Chúng tôi không nói rằng: vị ấy sống trong rừng không cho tâm bất thiện, vì đối với vị nào cư ngụ trong rừng, vị ấy gọi là người sống trong rừng; nhưng người sống nơi rừng ấy, có thể có ác dục, hoặc thiểu dục; các trừ chi này là thành phần của vị bhikkhu diệt trừ, vì diệt trừ phiền não do mỗi một sự thọ trì ấy, hay được trí tuệ định danh là diệt trừ, vì diệt trừ phiền não và thành phần của các quả báo diệt trừ ấy phát sanh gọi là trừ chi.

Lại nữa, các sự thọ trì ấy gọi là diệt trừ, vì diệt trừ pháp đối nghịch và thành phần của pháp tiến hành gọi là trừ chi; nghĩa là không có diệt trừ do bất thiện, đối với vị nào có thể có các thành phần ấy, mà không diệt trừ điều bất thiện nào, thành phần ấy của sự diệt trừ nào mà có thể gọi là trừ chi? Vì nó không diệt trừ bất thiện như tham đắm trong y phục v.v... và không là chi phần của pháp tiến hóa, do đó, trừ chi không có bất thiện, đây là khéo giải thích trừ chi của những vị nào vượt ngoài tam đề thiện; trừ chi các vị ấy không có ý nghĩa, sự kiện gọi là trừ chi do không có diệt trừ điều gì mà thực hành thọ trì ân đức diệt trừ và đối với các vị ấy đi đến hiểu sai Phật ngôn Pāḷi, bởi thế, không nên chấp nhận lời ấy.

Đây là trước nhất giải thích bằng cách tam đề thiện.

V. Giải thích về phân loại

Câu đầu đề nói: “Phân loại như diệt trừ”. Giải rằng: nên biết dhuto - diệt trừ, nên biết dhutavato - diệt trừ luận, nên biết dhutadhammā - các pháp diệt trừ, nên biết dhutaṅgāmi - các trừ chi và nên biết đối với người nào thực hành trừ chi thích hợp.

1. Diệt trừ

Trong các câu đầu đề ấy, lời nói: “Diệt trừ” là người diệt trừ phiền não, hay pháp diệt trừ phiền não.

2. Diệt trừ luận

Câu đầu đề nói: “Diệt trừ luận”, ở đây giải rằng: người có diệt trừ, nhưng không có diệt trừ luận; người không có diệt trừ, nhưng có diệt trừ luận; người không có cả diệt trừ và diệt trừ luận; người có cả diệt trừ và diệt trừ luận.

Trong bốn hạng người ấy, người đã diệt trừ phiền não của mình do trừ chi, nhưng không giáo giới, không ban huấn từ người khác với trừ chi, như trưởng lão Bākula, đây gọi là người có diệt trừ, nhưng không có diệt trừ luận; như được nói rằng: chính tôn giả Bākula này có diệt trừ, nhưng không có diệt trừ luận. Người nào không diệt trừ phiền não của mình do trừ chi, nhưng giáo giới, ban huấn từ với người khác với trừ chi, như trưởng lão Upananda, đây gọi là người không có diệt trừ, nhưng có diệt trừ luận, như được nói rằng: chính tôn giả thích tử Upananda này không có diệt trừ, nhưng có diệt trừ luận. Người nào khiếm khuyết cả hai loại như trưởng lão Loḷudāyi, đây gọi là người không có cả diệt trừ và diệt trừ luận, như đã nói rằng: chính tôn giả Loḷudāyi này không có cả diệt trừ và diệt trừ luận. Nhưng người nào đầy đủ cả hai phương diện như Tướng quân chánh Pháp, đây gọi là người có cả diệt trừ và diệt trừ luận, như đã nói rằng: chính tôn giả Sāriputta này có cả diệt trừ và diệt trừ luận.

3. Pháp diệt trừ

Câu đầu đề nói: “Nên biết các pháp diệt trừ” là:

- Appicchatā: thiểu dục.

- Santuṭṭhitā: trí túc

- Sallekhatā: khổ hạnh (tẩy trừ)

- Pavivekatā: viễn ly

- Idamatthitā: sự có thiện pháp này.

Năm pháp phụ thuộc này tương ưng với cố ý trừ chi, gọi là các pháp diệt trừ, như Pāḷi thuyết: “Nương nhờ thiểu dục[98]”. Trong năm pháp ấy, thiểu dục, tri túc xếp vào vô tham; khổ hạnh, viễn ly xếp vào hai pháp vô tham và vô si; sự có thiện pháp này xếp vào trí tuệ. Trong các pháp này, hành giả thực hành vô tham diệt trừ tham đối với các sự vật cần phải ngăn ngừa, thực hành vô si, diệt trừ si mê che đậy tội lỗi các sự vật.

Lại nữa, sử dụng vô tham diệt trừ đắm say dục lạc, diễn tiến chủ yếu thọ dụng vật được phép thọ dụng. Sử dụng vô si diệt trừ tự thực hành khổ hạnh, diễn tiến chủ yếu rất khổ hạnh (tẩy trừ) trong các trừ chi. Do đó, năm pháp này bậc thiện trí thức nên biết là các pháp diệt trừ.

4. Các trừ chi

Câu đầu đề nói: “Nên biết các trừ chi”. Các bậc thiện trí thức nên biết mười ba trừ chi là: chi của người mặc y phấn tảo… như trên… chi của người chỉ có oai nghi ngồi, các trừ chi ấy đã được giải thích ý nghĩa trạng thái v.v….

5. Người nào thực hành trừ chi thích hợp.

Câu đầu đề nói: “Đối với người nào thực hành trừ chi thích hợp”. Giải rằng: thực hành thích hợp cho người tánh tham và người tánh si. Tại sao thực hiện trừ chi là khó hành trì và khổ hạnh trú? Bởi nương nhờ khó hành trì tham được tịnh chỉ, người không dể duôi nương nhờ pháp tẩy trừ si được vắng lặng. Trong các trừ chi này, sự thực hành chi của người sống nơi rừng và chi của người sống dưới cội cây thích hợp với người tánh sân, vì khi người tánh sân ấy sống trong rừng và dưới gốc cây, không bị cảnh chi phối, sân cũng được yên lặng.

Đây là giải thích đầu đề “Phân loại như diệt trừ”.

VI. Giải thích tóm tắt về trừ chi

Câu đầu đề nói: “Tóm tắt và chi tiết”. Giải thích rằng: các trừ chi này tóm tắt có tám chi là ba chi chánh và năm chi phụ. Trong các chi ấy, chi của người đi tuần tự khất thực, chi của người chỉ thọ thực một chỗ ngồi và chi của người sống ngoài trời, ba chi này gọi là ba chi chánh; bởi vì vị bhikkhu khi thọ trì chi của người đi tuần tự khất thực sẽ thọ trì luôn chi của người thọ dụng đồ ăn khất thực, khi thọ trì chi của người chỉ thọ thực một chỗ ngồi, cũng sẽ dễ thọ trì chi của người thọ thực trong bát và chi của người không nhận vật thực cúng dường sau bữa ăn; vị ấy khi thọ trì chi của người sống ngoài trời, cũng nên thọ trì chi của người sống dưới cội cây và chi của người bằng lòng bất cứ sàng tọa nào được cúng dường; như vậy, ba chi chánh gom vào với năm chi phụ này: chi của người sống trong rừng, chi của người mặc y phấn tảo, chi của người mặc tam y, chi của người chỉ có oai nghi ngồi và chi của người sống nơi nghĩa địa là tám chi.

Lại nữa, có bốn loại liên quan như: hai chi liên quan y phục, năm chi liên quan đồ ăn khất thực, năm chi liên quan trú xứ và một chi liên quan tinh tấn. Trong các trừ chi ấy, chi của người chỉ có oai nghi ngồi là liên quan tinh tấn, còn ngoài ra đã được giải thích rõ ràng.

Lại nữa, tất cả trừ chi ấy, có hai loại do khả năng nương nhờ là mười hai chi nương nhờ vật dụng và một chi nương nhờ tinh tấn, hoặc chỉ có hai là điều nên thực hành và điều không nên thực hành. Thật vậy, khi người nào thực hành trừ chi nghiệp xứ chỉ-quán phát triển, người ấy nên thực hành, nhưng vị nào thực hành trừ chi nghiệp xứ chỉ-quán thối giảm, vị ấy không nên thực hành.

Lại nữa, khi vị nào thực hành hay không thực hành nghiệp xứ chỉ-quán tiến hóa một phần, một phần không thối giảm, vị ấy nên thực hành để tế độ đoàn hậu tấn; khi người nào thực hành hay không thực hành nghiệp xứ chỉ-quán không phát triển, vị ấy nên thực hành để sống lợi ích tương lai; như vậy là trừ chi có hai loại do khả năng nên thực hành và không nên thực hành.

Tất cả trừ chi này có một loại do khả năng cố ý, trong các chú giải cũng nói: chỉ có một là cố ý thọ trì trừ chi, như các giáo thọ sư tuyên bố: Điều nào cố ý, điều đó là trừ chi.

VII. Giải thích chi tiết về trừ chi

Về chi tiết trừ chi của Bhikkhu, có mười ba loại, Bhikkhu-ni có tám loại, Sa-di có mười hai loại, học nữ hay Sa-di-ni có bảy loại, cận sự nam hay cận sự nữ có hai loại, tổng cộng có bốn mươi hai trừ chi.

Nếu chi của người sống trong nghĩa địa thành tựu với chi của người sống nơi rừng và sống ngoài trời chỉ là một, (thời) vị bhikkhu có thể thọ trì tất cả trừ chi cùng một lúc.

Nhưng đối với các Bhikkhu-ni, hai chi là chi của người sống trong rừng và chi của người không nhận vật cúng dường sau bữa ăn được chấm chế như điều học vậy; chi của người sống ngoài trời, chi của người sống dưới cội cây và chi của người sống trong nghĩa địa, ba trừ chi này khó hành trì; bởi vì Bhikkhu-ni không nên cư trú xa lìa bạn đạo và trong nơi như vậy khó tìm được người bạn thứ hai sống đồng chí hướng, nếu được cũng không thoát khỏi sống hội họp lẫn nhau. Sự kiện như vậy, Bhikkhu-ni có thể thực hành trừ chi vì lợi ích nào, sự lợi ích này cũng không thành tựu với vị Bhikkhu-ni ấy. Như vậy, nên biết trừ chi của vị Bhikkhu-ni có tám loại, do bỏ bớt năm loại, bởi vì Bhikkhu-ni không thể thọ trì được.

Trong những trừ chi đã được trình bày, ngoại trừ chi của người mặc tam y, còn lại mười hai loại nên biết là trừ chi đối với Sa-di, có bảy loại cho học nữ và Sa-di-ni.

Nhưng cận sự nam và cận sự nữ có hai trừ chi này thích hợp có thể hành trì là chi của người thọ thực một chỗ ngồi và chi của người thọ thực trong bát.

Theo sự giải thích như vậy, nên biết về chi tiết có bốn mươi hai trừ chi.

Đây là giải thích về tóm tắt và chi tiết.

Chỉ bao nhiêu đây là giải thích trừ chi luận mà người nên thọ trì, để thành tựu giới thanh tịnh như đã trình bày do các ân đức thiểu dục, tri túc v.v... trong Thanh tịnh đạo được đức Phật thuyết chủ yếu giới-định-tuệ theo câu kệ này:

“Trú giới người có trí…”

Chương thứ nhì: Trừ chi Xiển minh trong Thanh tịnh đạo được tôi sáng tác để khích lệ sự hoan hỷ cho chư tôn giả đã chấm dứt với trường hợp như vậy.

~~~~~~~~

~~~~~~~~

DỨT PHẦN GIỚI

~~~~~~~~