Cái ta, của ta.
Mực đen giấy trắng bôi nhòa,
Nói rằng đây chính là Ta cũng kỳ!…
Nhờ người ngắm lại xem đi,
“Hình ai sao thấy giống y Sư già”?!.
Mũi to tợ mũi kỳ đà,
Mắt sâu, tai vảnh như là tai trâu.
Má gồ, cằm lún phún râu,
Trán nhăn, không mũ trọc đầu là ai?…
Mặt này chẳng phải Như Lai,
Mà dòng họ Nguyễn Văn Tài thế nhân.
Phạm Thị Minh vốn mẫu thân,
Cả hai đều lánh dương trần từ lâu.
Bảy mươi tuổi thọ dãi dầu,
Miệng cười móm gượng giải sầu chúng sanh.
Tỳ khưu Nguyên Thủy Pháp Minh,
Hăm mốt năm trước phải hình vậy chăng?
Thân ta nào có thường hằng,
Mấy ai đáy nước mò trăng được nào?…
“Chân nhân” bước quá ngọn sào,
Kêu tên, nghe Dạ! Làm sao thấy người?
“Cái ta nguy hiểm” lạ đời!
Mình khuyên mình chớ đổi dời, khổ sanh.
Cũng đừng háo lợi mê danh,
Thần kinh náo nức, thân hình ốm o!
Khỏi rừng Ái Dục nhẹ lo,
Nhứt là Sắc dục, bẫy dò hiểm nguy.
Đẹp người, trắc nết, ích chi?
Hảo tâm, thiện trí, xấu gì cũng nên!
Tự mình nguệch vẽ mình ên,
Dưới chua dịch giả sắp bên ảnh Ngài.
Phật Nô, Tăng Thống đặt bài,
“Cái ta nguy hiểm”, thì ai chẳng ngờ.
“Lòng phàm chưa hết bụi nhơ,
Mâu thuẩn để dựng cột cờ cống cao!”
Nhưng mình đâu dám tự hào?
Bạn xin hình giả, lòng nào chẳng cho?
Thịt xương còn hóa đất tro,
“Chân dung” giấy mực, ra trò trống chi?…
Cạn lời, khó dứt thị phi,
Tâm “Không”, chứng Hữu Dư Y Niết Bàn…/.
Cốc Bình Thủy, đêm 05/12/Đinh Mão
23 – 01 – 1998
Tỳ khưu Pháp Minh
(Lưu niệm 100 ngày không nằm lần thứ hai, bắt đầu từ 19/10/Đinh Mão)
Lời Phi Lộ
Pháp hành tuy ít mà hay,
Ví như nắm lá trong tay Phật Đà!
Pháp học như lá rừng giá,
Tuy cần, nhưng chỉ để mà thuyết suông!
Hành giả phải có kinh nghiệm, tin chắc nơi Chánh Pháp mà mình đã chọn, không còn tìm cầu kiến thức gì nữa cả, từ bên ngoài. Bực sơ cơ nên noi gương các bực tiên tiến, làm đủ các phận sự cần phải làm, và giữ tâm bình thản như đứa bé thơ. Dò theo dấu chân Phật, nhứt định sẽ gặp Phật, ở Niết Bàn nội tâm của chính mình.
Cốc Bình Thủy 03/11/Đinh Mão
(21.01.1988)
Trưởng Lão Thiền Sư Pháp Minh
I. PHẨM SONG ĐỐI (YAMAKA VAGGA)
20 bài kệ: Pháp cú 01-20. 14 tích truyện.
I. 1- Tích TRƯỞNG LÃO CAKKHUPĀLA
(Cakkhupālattheravatthu)
KỆ NGÔN: (Pháp Cú câu 01)
01. “Manopubbaṅgamā dhammā,
manoseṭṭhā manomayā;
Manasā ce paduṭṭhena,
bhāsati vā karoti vā;
Tato naṃ dukkham anveti,
cakkaṃ’va vahato padaṃ.”
01. “Tâm đi trước các Pháp,
Tâm chủ, duy tâm tác,
Nếu bằng tâm nhơ đục,
Nói năng hoặc hành vi,
Khổ sẽ theo người như,
Bánh xe chân bò giật.”
Kệ Pháp Cú này được thuyết tại đâu? Tại thành Sāvatthī (Xá Vệ). Nói về ai? – Về Trưởng lão Cakkhupāla (Đại đức Hộ (Mù) Nhãn).
Tương truyền rằng:
Thuở ấy, trong thành Sāvatthī có ông Trưởng lão tên là Mahāsuvaṇṇa (Đại Kim) là một bậc phú hào, gia tài đồ sộ, sự sản kinh dinh, nhưng lại hiếm muộn con cái.
Một hôm, nhân dịp đi tắm ở bến tắm về, dọc đường ông gặp một cây Đại lâm thọ, tàng nhánh sum suê: “Trên cây nầy chắc có thọ thần oai linh ngự trị”. Nghĩ như thế, ông bèn thuê công dọn sạch chỗ gốc cây, khiến xây một vòng tường rào và cho trải cát bên trong, đoạn ông trần thiết cờ xí, trang hoàng cho cây đại thọ, rồi khấn vái rằng: “Xin cho tôi có được một đứa con, dầu trai hay gái tôi cũng sẽ làm đại lễ cúng tế Tôn thần.”. Nguyện xong ông lui gót về nhà.
Rồi thì, không bao lâu vợ ông thọ thai, ông chăm lo thuốc thang cơm nước đầy đủ cho bà để bảo dưỡng thai nhi. Mười trăng vừa mãn, bà trổ sanh một mụn trai, ông Mahāsuvaṇṇa tin rằng: “Nhờ ta bảo hộ cây rừng, mới được đứa con cầu tự.”. Nên ông đặt cho nó là Pāla. Kế đó bà lại sanh thêm một quí tử nữa, đứa con trai sau, phú ông đặt tên là Culla Pāla (Tiểu Hộ) và đứa trước ông kêu là Mahā Pāla (Đại Hộ) cho khỏi trùng nhau.
Khi hai trẻ lớn khôn, ông bà Mahāsuvaṇṇa lựa chỗ xứng đáng cho con kết mối duyên lành. Tháng lụn ngày qua, lần lượt mẹ cha thành người thiên cổ. Tất cả gia sản được chia đồng đều cho hai anh em.
Thời bấy giờ, Đức Bổn Sư đã chuyển bánh xe Pháp bảo, sau khi tuần tự trải đi hoằng hóa nhiều nơi, Ngài tạm dừng bước du hành ngự đến an ngự tại Jetavana Mahāvihāra (Đại Tự Jetavana), do nhà cự phú Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc) đã xuất của kho kiến tạo, phí tổn lên tới năm trăm bốn mươi triệu đồng vàng. Nơi đây Đức Phật đã khai thông con đường thiên giới và con đường Niết Bàn, tiếp độ vô số chúng sanh chứng đắc đạo quả.
Đức Như Lai chỉ có lưu trú trong một mùa an cư (ba tháng mưa) tại ngôi chùa Nigrodha, vốn là công trình của hai lần tám muôn quyến thuộc trong hoàng tộc Thích Ca (tám muôn bên họ ngoại và tám muôn bên họ nội).
Thế mà, tại Đại Tự Jetavana của ông Anāthapiṇḍika, Ngài đã an cư mùa mưa tất cả là mười chín hạ, và tại Pubbārāma (Đông Phương Tự) của bà Visākhā, xây cất với phí tổn là hai trăm bảy mươi triệu tiền vàng (27 koṭi), Ngài cũng đã an cư mùa mưa sáu hạ. Đó là nhờ công đức lớn lao của hai gia tộc nầy mà Đức Giáo Chủ đã ngự an cư trong khoảng thời gian hai mươi lăm năm gần thành Sāvatthī.
Ông Anāthapiṇḍika cũng như bà Visākhā đại tín nữ, hằng ngày đến hầu cận Đức Như Lai thường xuyên, mỗi ngày hai lượt và họ chẳng khi nào đến với tay không, vì mỗi lần từ nhà ra đi hai người đều nhớ rằng: “Mấy vị Sa di nhỏ đang mong chờ ta đến dâng cúng (họ sẽ nhìn tay ta).”. Đi trước buổi ngọ, họ bảo gia nhơn cùng đi, mang theo vật thực loại cứng và loại mềm, đi sau bữa ngọ họ cho mang theo năm món thuốc ngừa bệnh (là bơ, sữa, mật, đường, dầu ăn) và tám thứ nước giải khát (nước cốt trái cây như nước trâm, xoài, chuối, viết, thanh trà, thị, cam…). Còn tại nhà riêng của mỗi người luôn luôn lúc nào cũng dự bị sẵn sàng chỗ ngồi cho hai ngàn vị Tỳ Khưu, về phần cơm nước, thuốc men, vị sư nào cần dùng món chi đều được cúng dường theo như ý muốn.
Tuy nhiên, không có ngày nào mà ông Anāthapiṇḍika hỏi Đức Thầy một câu về đạo lý. Theo truyền ngôn thì sở dĩ ông không vấn đạo là vì ông quá tôn sùng ngưỡng mộ Đức Bổn Sư, ông tự nhủ: “Đức Như Lai là một vị Phật Chí Tôn, một vì Vương chí Thánh, thuộc dòng dõi quyền quí cao sang, nếu Ngài thấy ta hộ độ Ngài nhiều rồi thuyết pháp cho ta nghe, sợ e Ngài phải hao hơi tổn sức.”.
Nhưng ông Anāthapiṇḍika vừa an tọa thì Đức Bổn Sư lại nghĩ rằng: “Trưởng giả nầy cứ lo gìn giữ cho Ta, ở chỗ mà Ta chẳng cần chi phải gìn giữ.”. Trải qua bốn A tăng kỳ (Asaṅkheyya) và một trăm ngàn đại kiếp (mahākappa) của quả địa cầu, Ta đã từng cắt thủ cấp khôi ngô tuấn tú của chính mình, Ta đã từng móc mắt Ta, Ta đã từng rứt thịt nơi quả tim Ta, Ta đã từng đoạn ly vợ con yêu dấu nhất đời mà Ta quí trọng chẳng khác nào mạng sống của tự thân Ta, nhất nguyện để hoàn thành hạnh Pāramī (Ba La Mật) ngõ hầu để có thể tuyên dương chánh pháp, phổ độ quần sanh. Cái ông nầy cứ lo gìn giữ cho Ta cái chỗ mà Ta chẳng cần chi phải gìn giữ.”. Thế rồi, Đức Bổn Sư thuyết ngay một thời pháp.
Thuở ấy, thành Sāvatthī rất là phồn thịnh và đông đúc dân cư, sau khi nghe Đức Thế Tôn thuyết pháp thì phần lớn nhập dòng Thánh vức, chứng bậc Thinh Văn (Sāvaka).
Chư Thánh cư sĩ Thinh Văn có hai phận sự: Buổi sáng thì lo để bát hộ chư Tăng, buổi chiều thì cụ bị lễ vật để đi nghe pháp. Khi đi, các vị ấy cầm hương hoa trên tay và dắt theo người để mang vải hoặc y, thuốc ngừa bệnh và nước giải khát.
Một hôm, Trưởng giả Mahāpāla trông thấy các Thánh cư sĩ Thinh Văn đi chùa, trên tay có cầm hương hoa, bèn hỏi: “Hàng đại chúng đi đâu mà đông vậy?”, có tiếng trả lời rằng: “Đi nghe thuyết pháp”.
- Tôi cũng đi nữa.
Nói xong, Trưởng giả nhập theo đoàn người đi chùa. Đến nơi đảnh lễ Đức Bổn Sư, rồi ngồi xuống một nơi sau cùng ngoài vòng cử tọa.
Trước khi thuyết pháp, chư Phật luôn luôn quán xét căn cơ và trình độ của thính chúng rồi mới tùy nhân duyên mà giảng giải về pháp thọ trì Qui giới, hoặc pháp xuất gia chẳng hạn. Bởi thế, ngày ấy Đức Giáo Chủ sau khi quán xét căn cơ trình độ của Trưởng giả Mahāpāla, Ngài đã thuyết bài pháp gọi là “Tuần tự pháp thoại (Anupubbīkathā), nghĩa là Ngài lần lượt giảng giải liên tục về năm pháp kế tiếp nhau từ bố thí, trì giới, các nhàn cảnh đến tội ngũ trần và phước báu của bậc xuất gia.
Ngồi yên nghe pháp, Trưởng giả Mahāpāla ngẫm nghĩ: “Khi mình lìa đời đi sang thế giới bên kia, thì con trai con gái đều chẳng theo mình, nhà cửa ruộng vườn cũng đều bỏ lại, thậm chí xác thân cũng không còn làm bạn đồng hành, nào có ích chi mà ta mải miết đeo dai gánh nặng gia đình, ta phải xuất gia mới được.”.
Đợi dứt thời pháp thoại, Trưởng giả đến gần Đức Bổn Sư và ngỏ lời cầu xin xuất gia nhập đạo.
Khi ấy Đức Phật bèn hỏi:
- Ông có quyến thuộc nào để cần hỏi lại ý kiến (từ giã) không?
- Bạch Ngài! Con còn có đứa em trai.
- Vậy ông hãy về hỏi lại ý kiến của em ông đi.
- Dạ vâng.
Sau khi đảnh lễ tạm biệt Đức Phật, Trưởng giả Mahāpāla trở về nhà, cho mời Trưởng giả Cullapāla đến và bảo:
- Em à! Tất cả tài sản hữu thức và vô thức (gồm có tôi tớ, súc vật, động sản, và bất động sản) trong nhà này anh giao hết cho em trọn quyền làm chủ.
- Còn anh thì sao? Thưa anh.
- Anh sẽ đến xuất gia với Đức Tôn Sư.
- Anh ơi! Sao anh nói chi lời ấy, từ khi thân mẫu từ trần thì em sở cậy chỗ anh thay vào chỗ mẹ. Đến khi thân phụ quá cố thì em cũng nhờ nơi anh thế chỗ của cha. Vả lại, anh là một bậc phú gia, của tiền thừa thãi, anh cứ ở nhà mà làm việc phước đức cũng được, hà tất anh phải xuất gia như vậy.
- Em ơi! Anh vừa được nghe chánh pháp của Đức Tôn Sư, Ngài đã thuyết một thời pháp tuyệt diệu cả đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối, giải rành ba tướng mong manh (Saṇhasukhumaṃ) là Vô thường, Khổ não, Phi ngã khiến cho anh nghe qua ngán ngẫm sự đời, không thể tiếp tục ở nhà mà mong kiện toàn đạo hạnh cao siêu, cho nên anh phải xuất gia.
- Thưa hiện giờ anh cũng là thanh niên tráng kiện, xin hãy nán lại, chờ khi già cả rồi hãy xuất gia.
- Em à, con người khi già nua thì chắc hẳn tay chân không còn tự chủ, không thể điều khiển theo như ý muốn của mình. Chính ngay bản thân hãy còn như vậy thay, huống hồ là gia nhơn quyến thuộc, bởi thế anh không làm theo lời khuyến dụ của em, trái lại anh sẽ đi ngay bây giờ để thực hành đầy đủ giới hạnh của bậc Sa Môn.
“Jarājajjaritā honti,
hatthapadā anassavā;
Yassa so vihatatthāmo,
kathaṃ dhammaṃ carissati.”
“Tuổi già làm suy yếu,
Tay chân khó dạy biểu,
Người lực kiệt sức cùng,
Lấy chi hành pháp diệu.”
Sau bài kệ, Trưởng giả Mahāpāla nói tiếp:
- Nầy em! Chí anh đã quyết, dầu em có can gián cách nào, anh cũng định xuất gia mà thôi.
Thế thôi, bỏ mặc người em kêu gào than khóc, Trưởng giả Mahāpāla dứt tình ra đi, đến chỗ Đức Bổn Sư đang ngự và xin xuất gia nhập đạo nơi Ngài.
Thọ Cụ túc giới xong, vị Tỳ khưu mới phải ở chung cùng với các vị Đại Đức Tăng để học tập thu thúc trong thời gian năm hạ. Đến mãn hạ thứ năm, làm lễ Tự Tứ xong, Tỳ khưu Mahāpāla tìm đến Đức Bổn Sư đảnh lễ Ngài, rồi bạch hỏi rằng:
- Bạch Đức Tôn Sư! Trong tôn giáo của Ngài có bao nhiêu pháp chánh yếu cần phải hành trì?
- Nầy Tỳ khưu! Chỉ có hai pháp tất yếu mà thôi, đó là Pháp học và Pháp hành vậy.
- Bạch Ngài! Pháp học là sao và Pháp hành là thế nào?
- Tùy theo trí tuệ của mình, học hỏi ôn nhuần một hay hai bộ kinh (Nikāya) hoặc toàn bộ Tam Tạng (Tipiṭaka) ghi chép Phật Ngôn, sau khi đã thành thuộc đem ra đọc tụng thuyết giảng để giáo hóa chúng sanh, đó gọi là Pháp Học (Ganthadhura).
Còn như cam chịu sống cảnh thanh bần đạm bạc (Sallahukavutti) vui thích ở nơi vắng vẻ hẻo lánh (Pantase nāsanabhirata), ngày đêm hằng nhớ tưởng đến tánh chất vô thường dị diệt của bản ngã (attabhavekkayaviya), rồi bền chí kiên gan, hành thiền đắc Tuệ Minh Sát để dứt trừ phiền não, để chứng bậc Vô sanh (Arahattagahana), đó gọi là Pháp Hành (Vipassanādhura) vậy.
- Bạch hóa Tôn Sư! Đệ tử nay là kẻ cao niên xuất gia (Mahāllakakālepabbajita) không kham theo đuổi Pháp học cho đến ngày thành tựu hoàn toàn, còn Pháp hành thì đệ tử còn có thể làm cho kết quả mỹ mãn được. Cúi xin Tôn Sư truyền dạy đề mục (Kammaṭṭhāna) cho đệ tử.
Thể theo lời thỉnh cầu của Tỳ khưu Mahāpāla, Đức Bổn Sư đã truyền dạy cho thầy câu thoại đầu (đề mục) để niệm cho đắc quả Vô sanh (A La Hán).
Sau khi đảnh lễ từ tạ Đức Tôn Sư, thầy đi tìm thêm được sáu mươi vị Tỳ khưu làm bạn đồng tu, rồi cùng nhau cất bước ra đi hành đạo, đi được quãng đường xa một trăm hai mươi do tuần (Visayojanasatamagga). Chư Sư đến một thị trấn nhỏ sát biên giới, Đại đức Mahāpāla hướng dẫn cả đoàn chư Tăng vào đó trì bình khất thực.
Dân chúng trông thấy chư vị Tỳ khưu đầy đủ oai nghi tế hạnh, nên phát sanh lòng ngưỡng mộ. Họ bảo nhau sắp đặt chỗ ngồi thỉnh chư Tăng an tọa và dâng cúng vật thực ngon lành, xong mới hỏi rằng:
- Bạch chư Đại đức, chẳng hay các Ngài định đi đâu vậy?
- Nầy chư thiện nam! Chúng tôi đi tìm một chỗ tiện nghi thuận cảnh.
Nghe đáp như vậy, những vị trí thức trong nhóm người ấy tự nhiên là hiểu biết chư Tăng đang cần có chỗ để kiết hạ an cư, họ bèn thỉnh khéo rằng:
- Bạch Đại đức Tăng, nếu quí Ngài có thể lưu lại nơi đây nhập hạ ba tháng nầy, thì rất tiện bề cho chúng tôi là có được chỗ nương nhờ vững chắc để thọ trì Tam qui và Ngũ giới.
Chư Tăng cùng nghĩ: “Chúng ta nương nhờ các gia tộc nầy hộ độ, may ra có thể tu hành siêu xuất ba cõi được chăng?”. Thế nên quí Ngài nhận lời cầu thỉnh.
Nhóm người ấy, sau khi được sự chấp nhận của chư Tăng, liền khởi công xây dựng một ngôi Tịnh xá kiến tạo các cơ sở cần thiết để chư Tăng tùy nghi sử dụng trong lúc ban ngày hoặc ban đêm (Rattitthanadivāthānāni), rồi dâng cúng tất cả đến chư Tăng. Chư Tăng chỉ còn việc là hàng ngày ôm bát vào thị trấn nhỏ để khất thực mà thôi.
Sau khi ấy, có một vị y sĩ tìm đến Tịnh xá, hứa cung phụng chư Tăng về phương tiện trị liệu thuốc thang. Ông nói: “Bạch Đại đức Tăng! Chỗ nào người ở đông đảo thì không sao tránh khỏi phát sanh bệnh tật. Vậy nếu trong quí Ngài có vị nào đau yếu, xin hoan hỷ báo tin cho tôi biết, tôi nguyện sẽ tận tâm chữ trị và cúng dường thuốc men đến cho quí Ngài dùng.”.
Ngày làm lễ nhập hạ an cư, Đại đức Mahāpāla hội các vị Tỳ khưu lại nói rằng:
- Nầy chư hiền hữu! Trong ba tháng hạ nầy, chư hiền hữu sẽ giữ mấy oai nghi?
- Bạch Ngài! Chúng tôi sẽ giữ hết bốn oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi).
- Nói thế có hợp không, hỡi chư hiền hữu? Chúng ta đương nhiên là chẳng buông lung giãi đãi, vì trước khi ra đến tận chỗ nầy, chúng ta đã thọ trì đề mục Minh sát từ nơi Đức Phật hiện thế và ân huệ của Đức đương kim Đại Giác, chẳng có thể hưởng được từ một thái độ lưng chừng. Trái lại ta phải có thái độ dứt khoát một lòng thiết tha vì đạo mới được, vả lại bốn khổ cảnh ác đạo hiện như đang hườm sẵn chờ người phóng dật, kẻ nào buông lung ắt sẽ về đó như về nhà của mình chẳng sai. Vậy chư hiền hữu hãy nên tinh cần dũng mãnh.
- Bạch Ngài! Còn Ngài thì sao?
- Về phần tôi, thì tôi nguyện sẽ giữ ba oai nghi, tôi sẽ không đặt lưng nằm xuống trong ba tháng hạ.
- Sàdhu! Lành thay! Bạch Đại đức! Chúng tôi cầu chúc cho Ngài chuyên cần tinh tấn y như sở nguyệṇ
Cuối tháng thứ nhất, Đại đức Mahāpāla cảm thấy đôi mắt xốn xang vì sự bỏ ngủ. Qua tháng thứ hai Ngài bị đau mắt thật sự, từ hai khóe mắt nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng như hai vòi nước tuôn ra từ một cái lu nước lủng. Tuy vậy, Đại đức vẫn tiếp tục hành thiền Minh sát cả đêm thâu, mãi đến lúc mặt trời sắp rạng, Đại đức mới vào ngồi tịnh trong cốc.
Khi đến giờ đi bát, các Tỳ khưu đến thỉnh Đại đức:
- Bạch Ngài! Đã tới giờ đi khất thực.
- Thế thì chư hiền hữu cụ bị y bát sẵn sàng đi.
Nói rồi, Đại đức cũng tự mình đắp y mang bát ra đi, chừng ấy các Tỳ khưu mới nhận thấy hai mắt của Đại đức ràn rụa nước mắt, bèn hỏi:
- Bạch Ngài! Ngài làm sao vậy?
- Này chư hiền hữu, tôi bị gió làm xốn mắt.
- Bạch Ngài! Vị y sĩ lúc nọ đã chẳng hứa lời giúp đỡ trị bệnh chư Tăng hay sao? Để chúng tôi báo tin cho vị ấy biết.
- Phải đó, chư hiền hữu!
Chư Tỳ khưu báo tin cho vị y sĩ. Vị nầy liền chế một thứ thuốc dầu, gởi chư Tăng đem về dâng lên Đại đức Mahāpāla, Ngài vẫn giữ oai nghi ngồi mà nhỏ thuốc lên mũi. Nhỏ thuốc xong, Đại đức đi vào làng, vị y sĩ trông thấy bèn hỏi:
- Bạch Đại đức, nghe nói Đại đức bị trúng gió đau mắt phải không?
- Phải đó, ông thiện nam.
- Bạch Đại đức, thứ thuốc dầu của tôi chế để nhỏ lên mũi, tôi có gởi dâng Đại đức. Đại đức đã dùng qua chưa?
- Ta đã dùng rồi, ông thiện nam.
Vị y sĩ nghĩ thầm: “Thứ thuốc của mình chế gởi dâng Đại đức, chỉ cần nhỏ qua một lần là đủ lành bệnh, nhưng nay Đại đức dùng rồi mà chưa hết bệnh là bởi cớ sao?”, rồi ông lên tiếng hỏi nữa rằng: “Bạch Đại đức chẳng hay Đại đức nằm hay ngồi mà nhỏ thuốc vậy?”.
Đại đức Mahāpāla làm thinh, mặc dầu vị ấy lập lại câu hỏi ấy nhiều lần, Ngài vẫn nín lặng không đáp.
Vị y sĩ tính thầm: “Để rồi mình sẽ đến Tịnh xá xem qua chỗ ngụ của Đại đức”. Ông bèn nói: “Thôi vậy cũng được, xin Đại đức cứ đi.”.
Sau khi tiễn chân Đại đức Mahāpāla, vị y sĩ đi ngay đến Tịnh xá, xem xét chỗ ngụ của Đại đức, thì thấy có một chỗ đi kinh hành và một chỗ ngồi, còn chỗ nằm thì tuyệt nhiên không thấy đâu cả, ông lại hỏi: “Bạch Đại đức, lúc nhỏ thuốc đó Đại đức ngồi hay nằm?”. Đại đức làm thinh.
Thấy thế, vị y sĩ khẩn khoản yêu cầu: “Bạch Đại đức, xin Đại đức đừng làm như vậy không nên. Một bậc Sa môn cũng cần phải bảo dưỡng xác thân đầy đủ sức khỏe để mà hành đạo. Yêu cầu Đại đức hoan hỷ nằm xuống đặng nhỏ thuốc cho có hiệu quả.”.
Giây lâu, Đại đức mới đáp: “Thôi hiền hữu hãy về đi. Để ta bàn tính lại rồi sẽ quyết định.”.
Ngay bấy giờ, Đại đức Mahāpāla không có gia đình quyến thuộc chi ở tại nơi ấy để cùng thảo luận hoặc thăm dò ý kiến. Vì thế Đại đức tự mình hỏi lấy mình rằng: “Hỡi nầy Pāla hiền hữu, hãy nói cho ta biết hiền hữu xem đôi nhục nhãn của mình hay giáo pháp của Đức Giác Ngộ là đáng quý trọng hơn?”.
Và Đại đức cũng tự trả lời câu hỏi của mình như vầy: “Từ đời vô thủy dĩ lai, trải qua hằng hà sa số kiếp, chìm nổi trôi dạt trong biển luân hồi, hiền hữu vẫn sống mãi trong cảnh đui mù tăm tối. Trong khoảng thời gian ấy không thể đếm kể xiết là bao nhiêu trăm Đức Phật, bao nhiêu ngàn Đức Đại Giác đã thành đạo chứng quả, còn kiến, văn, tri thức của hiền hữu không đủ bao trùm thời kỳ của một Đức Phật trong số chư Phật quá khứ, bây giờ đây hiền hữu đã phát nguyện: “Trong hạ kỳ nầy! Ta sẽ ngăn oai nghi nằm suốt cả ba tháng.”. Vậy thì dù cho đôi mắt của hiền hữu có đui mù hư hoại đi chăng nữa cũng mặc kệ cho nó đui mù hư hoại. Hiền hữu chỉ cần kiên trì Giáo pháp của Đức Đại Giác mà thôi.”.
Rồi như để dạy bảo thân xác của mình. Đại đức ngâm lên mấy câu kệ:
“Cakkhūni hāyantu mamāyitāni,
sotāni hāyantu tathevadeho;
Sabbampidaṃ hāyantu dehanissitaṃ,
kiṃ kāraṇā pālita tvaṃ pamajjasi?”
“Mắt ta dù có đui mù,
Tai ta dù điếc, thân dầu bất an.
Trong thân tất cả cơ quan,
Dầu tê liệt hết, há màng chi sao.
Hộ ơi! Đừng vịn cớ nào?
Buông lơi mối đạo, lãng xao Pháp hành.”
“Cakkhūni jīrantu mamāyitāni,
sotāni jīrantu tatheva kāyo;
Sabbampidam jīrantu kāyanissitaṃ,
kiṃ kāraṇā pālita tvaṃ pamajjasi.”
Mắt ta dầu có quáng manh,
Tai ta dầu nặng, thân đành bất an.
Trong thân tất cả cơ quan,
Dầu hư hoại hết, há màng chi sao!
Hộ ơi! Đừng vịn cớ nào?
Buông lơi mối đạo, lãng xao Pháp hành.
“Cakkhūni bhijjantu mamāyitāni,
sotāni bhijjantu tathevarūpaṃ;
Sabbampidaṃ bhijjatu rūpanissitaṃ,
kiṃ kāraṇā pālita tvaṃ pamajjasi?”
Mắt ta dầu có tan tành,
Tai ta dầu lủng, thân đành bất an.
Trong thân tất cả cơ quan,
Dầu tiêu tán hết há màng chi sao!
Hộ ơi! Đừng vịn cớ nào?
Buông lơi mối đạo, lãng xao Pháp hành.
Ngâm bài kệ dài ba kệ khúc để tự huấn dụ lấy mình xong. Đại đức Mahāpāla vẫn giữ oai nghi ngồi như trước, lấy thuốc nhỏ lên mũi, rồi đi vào làng khất thực. Vị y sĩ trông thấy Ngài bèn hỏi:
- Bạch Đại đức! Hôm nay Đại đức có nhỏ thuốc lên mũi không?
- Có rồi! Ông thiện nam.
- Vậy bây giờ Đại đức thấy hai mắt thế nào?
- Vẫn còn đau nhức như cũ, ông thiện nam.
- Sao thế? Đại đức nằm xuống hay cũng vẫn ngồi mà nhỏ thuốc?
Đến đây, Đại đức Mahāpāla làm thinh, dầu cho vị y sĩ có hỏi đi hỏi lại nhiều lần, Ngài cũng chẳng thốt ra một lời để đối đáp. Khi ấy, vị y sĩ nói:
- Đại đức đã không cần làm cho mình được tiện nghi thoải mái thì thôi, nhưng tôi yêu cầu Đại đức từ nay về sau đừng nói với ai là: “Có ông thầy đó đã chế thuốc trị bệnh cho ta, và tôi cũng chẳng nhìn nhận là đã chế thuốc trị bệnh cho Đại đức.”.
Đại đức bèn đáp:
- Ta sẽ không nói thế đâu.
Bị vị y sĩ chạy bịnh không chịu cứu chữa, Đại đức trở về Tịnh xá, lòng tự nhủ rằng: “Nầy ông Sa môn ơi! Thầy thuốc đó bỏ rơi ông thì bỏ, chứ ông đừng bỏ rơi hạnh nguyện của mình đa nhé.”.
Ngài lại xướng lên bốn câu kệ:
“Paṭikkhitto tikicchāya,
vejjenāsi vivajjito;
Niyato maccurājassa,
kiṃ pālita pamajjāsīti?”
“Diệu dược vô phương chữa trị rồi,
Lương y bất lực cũng đành lui,
Giờ đây có nước chờ Diêm Chúa,
Hộ hỡi làm sao dám dể duôi?”
Sau bài kệ tự huấn ấy, Đại đức thu thúc hành Sa môn pháp một cách rốt ráo. Đến cuối canh giữa đêm ấy không trước không sau, thì hai mắt của Ngài vĩnh biệt ánh sáng, nhưng đồng thời tâm của Ngài cũng đoạn ly tất cả tiềm miên phiền não. Ngài hưởng thụ nguồn an vui tự tại trong sự giác ngộ nội tâm của quả vị A La Hán, rồi vào ngồi trong tịnh thất.
Đến giờ đi bát, chư Tăng đến thỉnh:
- Bạch Ngài! Đã đến giờ đi khất thực.
- Tới giờ rồi sao chư hiền hữu?
- Dạ, bạch Ngài đã tới giờ rồi.
- Nếu vậy chư hiền hữu hãy đi đi.
- Dạ! Còn Ngài thì sao? Bạch Ngài.
- Mắt ta (hỏng mất) hết thấy đường rồi chư hiền hữu.
Các Tỳ khưu sau khi nhìn thấy đôi mắt mù của Đại đức Mahāpāla, cả thảy đều động lòng, quanh tròng lệ ứa, đồng tỏ lời an ủi rằng: “Bạch Ngài! Xin Ngài đừng bận tâm lo nghĩ chi nhiều, đã có chúng tôi chăm lo cho Ngài đàng hoàng tử tế.”.
Kế đó, sau khi thi hành mọi việc cần thiết thuộc về phận sự của mình, chư Tăng vào làng đi bát, không trông thấy vị Đại đức nhiều người bèn hỏi chư Tăng: “Bạch chư Đại đức! Ngài Cả của chúng tôi đâu? Không thấy đi đây?”.
Khi được nghe câu chuyện rõ ràng, họ gởi cháo nhờ chư Tăng đem về trước dâng lên Đại đức điểm tâm. Phần họ đích thân dự bị cơm nước đem theo để bát. Đến Tịnh xá họ đảnh lễ Đại đức, rồi nằm lăn xuống đất bên chân Ngài mà khóc lóc thở than.
Một lát sau, trước khi từ tạ ra về, họ an ủi Đại đức rằng: “Chúng tôi hứa chắc chắn sẽ chu cấp, phụng dưỡng Đại đức tới cùng, xin Đại đức cứ an tâm đừng lo nghĩ”.
Từ đó trở đi, mỗi ngày họ mỗi gởi cháo, cơm vật thực đến Tịnh xá đều đều không khi nào ngớt.
Đại đức Mahāpāla vẫn thường khuyên bảo nhắc nhở các bạn đồng đạo và chư Tỳ khưu cũng biết phục thiện, tinh tấn thực hành theo lời chỉ dạy của vị trưởng đoàn một cách rốt ráo, cho đến kỳ Tự Tứ sau đó, tất cả sáu mươi vị Thiền Sư cũng đều đắc quả A La Hán với Tuệ phân tích.
Sau lễ ra hạ, chư Tỳ khưu muốn về hội kiến với Đức Bổn Sư, nên bạch xin với Đại đức:
- Bạch Ngài! Chúng tôi muốn về yết kiến Đức Thế Tôn.
Khi nghe chư Tăng ngỏ ý như vậy, Đại đức Mahāpāla suy nghĩ: “Ta nay mù lòa yếu đuối, đường xa lại trắc trở gian nan, phải xuyên qua truông rậm rừng hoang đầy rẫy phi nhơn ác quỉ. Nếu Ta đi chung với chư Tăng thì cả đoàn đều khó mỏi, còn e một nỗi không thể đi bát kiếm được món ăn. Chi bằng Ta hãy để cho chư Tăng đi về trước là hơn.”.
Đại đức ứng tiếng bảo chư Tỳ khưu:
- Nầy chư hiền hữu, các bạn hãy về trước đi.
- Còn phần Ngài thì sao? Bạch Ngài.
- Ta nay yếu đuối, mù lòa, đường sá lại gian nan nguy hiểm, phải vượt qua truông rậm rừng hoang có nhiều phi nhơn trấn thủ, nếu ta cùng đi với chư hiền hữu thì càng gây thêm trở ngại và làm chậm trễ cuộc hành trình, thôi chư hiền hữu cứ tự tiện về trước đi.
- Bạch Ngài! Xin Ngài đừng làm vậy, dầu sao chúng tôi cũng quyết sẽ về một lượt với Ngài mà thôi.
- Nầy chư hiền hữu! Không nên cố nài ép làm như thế thật Ta chẳng hài lòng. Khi nào gặp mặt chư hiền hữu, đứa em trai của Ta có hỏi về Ta thì xin quí vị hãy hoan hỷ báo tin cho chú nó biết là Ta đã bị mù đôi mắt, chắc chắn chú nó sẽ cho người đến đón Ta về. Chư hiền hữu cho Ta gởi lời đảnh lễ Đức Thập Lực (Đức Phật) với tám mươi vị Đại đức Trưởng lão Chưởng quản Giáo Hội Tăng Già.
Sau khi dặn dò, Đại đức thốt lời tiễn biệt, chư Tỳ khưu đồng thanh sám hối vì đã nài ép Ngài, rồi cùng nhau đi vào làng.
Chư thiện tín thỉnh chư Tăng an tọa, cúng dường cơm nước như thường lệ, rồi mới hỏi rằng:
- Bạch Đại đức Tăng! Hôm nay quí Ngài sửa soạn đi đâu? Có thể cho chúng tôi biết được chăng?
- Nầy chư thiện tín! Chư Tăng chúng tôi sắp về yết kiến Đức Bổn Sư.
Nhóm thiện tín lúc ấy nài nỉ cầm cọng nhiều phen, đến khi biết rõ chư Tăng nhất định ra đi, thì cầm lòng không đậu, khóc lóc bịn rịn, theo tiễn chân chư Tăng hai dặm đường mới chịu trở lại.
Chư Tăng đi bộ lần hồi về đến Jetavana, vào ra mắt Đức Bổn Sư và Bát thập đại Trưởng lão để đảnh lễ, và chuyển lời xin đảnh lễ của vị Đại đức Mahāpāla.
Hôm sau, lúc đi bát chư Tỳ khưu nhắm ngay con đường có ngôi nhà của vị em trai Đại đức mà đi tới.
Trưởng giả Cullapāla nhận ra các vị Tỳ khưu quen thuộc thì niềm nở chào mừng, trải chiếu mời thỉnh chư Tăng an tọa, xong mới hỏi rằng:
- Sư huynh của đệ tử hiện giờ ở đâu?
Khi ấy chư Tăng tường thuật mọi điều khúc chiết, khiến cho Trưởng giả Cullapāla nghe qua, nhào lăn bên chân các Sư mà khóc lóc thở than, giây lâu mới hỏi tiếp rằng: “Bạch quí Sư huynh! Bây giờ đệ tử phải làm sao đây?”.
- Đại đức mong ước ông gởi đến cho Ngài một người, để Ngài theo chân người ấy trở về.
- Bạch quí Sư huynh! Đây là thằng Tế Hộ, đứa cháu ruột kêu đệ tử bằng cậu. Quí Sư huynh hãy sai nó đi đi.
- Cho đi như thế không được đâu? Vì lộ trình nguy khổ lắm, phải cho nó xuất gia trước rồi hãy sai nó đi.
- Bạch quí Sư huynh! Xin quí Sư huynh hãy làm như vậy rồi sai nó đi.
Khi ấy, chư Tăng làm lễ Sa di cho Tế hộ, giữ ông lại trong nửa tháng để kềm tập những oai nghi thường thức, nhất là tập cách đắp y cho đàng hoàng, xong rồi chỉ vẽ đường đi nước bước và cầu chúc cho vị tu sĩ thiếu niên thượng lộ bình an.
Sa di Tế Hộ ra đi một mình, lần hồi đến nơi thị trấn nhỏ ở sát biên giới. Tại cổng làng, Tế Hộ gặp một vị bô lão, bèn đón lại hỏi thăm:
- Kính thưa lão trượng! Gần thôn trang nầy có ngôi Thiền lâm Tịnh xá nào chăng?
- Bạch Sư có.
- Vị Đại sư nào trụ trì nơi đó, thưa lão trượng?
- Có một vị Đại đức tên là Mahāpāla hiện trụ nơi đó, bạch Sư.
- Xin lão trượng hoan hỷ chỉ đường cho tôi đến đó.
- Bạch Sư, Sư là ai?
- Thưa lão trượng! Tôi là cháu ruột kêu vị Đại đức đó bằng cậu.
Khi ấy, vị bô lão dẫn đường đưa vị Sư trẻ đến nơi Tịnh xá.
Sau khi đảnh lễ vấn an Đại đức Mahāpāla, Sa di Tế Hộ ở luôn nơi Tịnh xá nửa tháng, chăm lo quán xuyến các việc lớn nhỏ, giúp đỡ tay chân cho vị Sư mù, hết lòng phụng dưỡng người cậu tật nguyền của mình một cách chu đáo, sau đó ông bạch với Đại đức: “Bạch Sư cửu. Cậu Cullapāla ở nhà, hiện đang mong chờ Sư cửu! Xin thỉnh Sư cửu đi về với con.”.
- Thế thì con hãy cầm gậy dắt ta đi.
Vị Sư trẻ nắm lấy một đầu gậy, cùng vị Đại đức đi vào trung tâm thị trấn nhỏ, nhóm thiện tín đón rước, mời ngồi đoạn hỏi Đại đức: “Bạch Đại đức! Đại đức sửa soạn đi đâu, có thể cho chúng tôi biết được chăng?”.
- Được lắm. Nầy chư thiện tín, Ta hôm nay đi về đảnh lễ Đức Tôn Sư.
Chư thiện tín thỉnh cầu Đại đức ở lại, đến năm lần bảy lượt cũng không được. Họ bèn theo tiễn chân, đưa một đỗi đường, đến lúc cáo từ lui gót, họ còn ngậm ngùi lưu luyến, mắt lệ chứa chan.
Vị Sa di tay vẫn không rời gậy, dắt vị Đại đức tiếp tục cuộc hành trình. Đi đến một thông trang ở ven rừng, tên là Katthanagara (Mộc Thanh), gần nơi đó Ngài có tịnh cư một lúc trước.
Vừa ra khỏi làng, bỗng nghe trong rừng vọng ra tiếng hát của một người đàn bà (itthī) đang mót củi, Vị Sư trẻ phát động tình xuân, luyến ái tiếng hát của người phụ nữ.
(Nói về năng lực làm cho toàn thân của người nam xao xuyến mê ly thì không có thứ âm thanh nào mãnh liệt cho bằng tiếng hát ru hồn của người phụ nữ). Cho nên Đức Thế Tôn đã có lần khuyến cáo:
“Nāhaṃ, bhikkhave, aññaṃ ekasaddampi samanupassāmi yo evaṃ purisassa cittaṃ pariyādāya tiṭṭhati, yathayidaṃ, bhikkhave, itthīsaddoti.” (Aṅguttara nikāra I)
“Nầy các Tỳ khưu! Như Lai biết chắc là không hề có một thứ thinh âm nào khác có năng lực chiếm đoạt trọn vẹn quả tim của một người nam, ngoài thứ thinh âm nầy: Đó là âm thinh (tiếng nói) của người nữ vậy.” (Tăng Chi kinh I).
Mê mẩn vì giọng hò tiếng hát ấy. Vị Sa di buông rơi đầu gậy, vừa bạch với vị Đại đức rằng: “Xin Sư cửu đứng đấy chờ, con đi có chút việc…”. Nói đoạn ông ta đi ngay đến chỗ người nữ, cô này ngưng ngang tiếng hát khi thấy ông Sa di và ông ta phá giới, làm hư phạm hạnh (Sīlavipatti) với người phụ nữ ấy.
Vị Đại đức đứng một mình suy nghĩ: “Ta vừa mới nghe tiếng hát véo von rõ ràng là tiếng phụ nữ, sao bây giờ im bặt lặng thinh. Chắc ông Sa di nầy đã làm hư hỏng phạm hạnh.”.
Sau khi rồi việc tư riêng, Tế Hộ trở lại bạch với Đại đức:
- Bây giờ mình lên đường đi Sư cửu.
Khi ấy Đại đức mới hỏi: “Nầy ông Sa di, ông đã làm chuyện tội lỗi rồi phải không?”.
Vị Sa di nín thinh, dầu bị cật vấn nhiều lần vẫn không đáp lời chi cả. Vị Đại đức bèn nói:
- Kẻ phạm tội như ông, không bao giờ Ta cho nắm giữ gậy của Ta.
Vị Sa di trẻ kinh hoàng hối hận, liền cởi xả bộ y vàng, mặc lại bộ đồ của hàng cư sĩ. Rồi ông nói:
- Bạch Sư cửu! Khi trước con là một Sa di, nhưng bây giờ con đã xả giới hoàn tục (gihījāto), con chỉ miễn cưỡng xuất gia vì đã e ngại đường xá hiểm trở, chớ thật lòng con không có ý muốn đi tu luôn. Thôi bây giờ cậu cháu mình hãy đi ra khỏi chốn này.
- Ông bạn (āvuso) cứ đi, Đại đức nói: Hễ kẻ nào làm tội thì đã là kẻ phạm tội, dù là cư sĩ hay bậc xuất gia cũng vậy. Khi còn là Sa di ông đã không giữ tròn phạm hạnh, bây giờ hoàn tục ông sẽ làm được việc thiện gì sao? Một kẻ tội phạm như ông, không bao giờ Ta cho nắm giữ gậy của Ta.
- Bạch Sư cửu! Đoạn đường nầy có nhiều phi nhơn khuấy nhiễu mà Sư cửu lại mù lòa, làm sao ở lại nơi đây một mình cho được.
Khi ấy Đại đức đáp:
- Nầy ông bạn, ông chớ lo chi điều ấy. Ta sẽ nằm đây chờ chết, hoặc đi lang thang một mình đây đó cũng mặc kệ ta, còn đi chung với ông nữa, chuyện ấy chắc chắn không thể đâu đừng hòng…
Ngẫu hứng Đại đức tiếp ngâm luôn mấy câu kệ rằng:
“Handāhaṃ hatacakkhusmi,
kantāraddhānamāgato;
Sayamāno na gacchāmi,
natthi bāle sahāyatā.”
“Than ôi mắt đã bị mù!
Đường còn xa vắng âm u lạnh lùng.
Thà nằm giữa chốn mông lung,
Quyết không kết bạn, đi cùng đứa ngu.”
“Handāhaṃ hatacakkhusmi,
kantāraddhānamāgato;
Marissāmi no gamissāmi,
natthi bāle sahāyatā.”
“Than ôi mắt đã bị mù!
Đường còn xa vắng, âm u lạnh lùng.
Đành liều thân, chịu mạng chung,
Quyết không kết bạn, đi cùng đứa ngu.”
Nghe qua bài kệ, Tế Hộ càng thêm kinh hoàng, hối hận kêu lớn mấy tiếng: “Hỡi ơi! Việc quấy rầy của ta làm, quả thật nặng nề ác liệt”. Rồi tự ôm chầm lấy hai vai, chàng khóc than rên rỉ và đi tuốt vô rừng biệt dạng.
Khi ấy, trên cung trời Đao lợi, Đức Thiên Vương Đế Thích (Sakka) đang ngự trên chiếc ngai bằng thạch anh vàng, có màu tươi như hoa hồng nhung (jayasumana), có thể tự động hạ xuống hay vươn lên tùy lúc đức vua Trời ngồi hay đứng. Chiếc ngai ấy bị ảnh hưởng oai lực giới đức cao độ của Đại đức nên bỗng nhiên phát nhiệt. Đức Đế Thích nói thầm: “Kẻ nào muốn truất ngôi của ta đây kìa.”. Đoạn Ngài dùng Thiên nhãn (Dibbacakkhu) quan sát thấy vị Đại đức.
Người xưa (Porāṇā) có bài thơ vịnh rằng:
“Sahassanetto devindo,
dibbacakkhuṃ visodhayi;
Pāpagarahī ayaṃ Pālo,
ājīvaṃ parisodhayi.”
“Vua Trời ngàn con mắt,
Giữ “mắt thần” trong sạch.
Thánh Hộ lánh tội tình,
Sống đời tu khiết bạch.”
“Sahassanetto devindo,
dibbacakkhuṃ visodhayi;
Dhammagaruko ayaṃ Pālo,
nisinno sāsane ratoti.”
“Chúa Trời ngàn con mắt,
Gìn Thiên nhãn trong sạch.
Sư Hộ trong giáo điều,
Vui đạo ngồi tự đắc”
Khi ấy, Đức Đế Thích nghĩ thầm: “Nếu ta bỏ qua không tiếp độ một người có tâm trong sạch, biết ghê sợ tội lỗi, tôn trọng giới luật như vị Sư nầy, chắc có lẽ đầu ta nứt bể thành bảy mảnh. Ta phải xuống đó giúp người mới được”. Thế rồi:
“Sahassanetto devindo,
devarajjasirīdharo;
Taṅkhaṇena āgantvāna,
cakkhupālaṃ upāgami.”
“Ngọc Đế ngàn con mắt,
Cao sang nhất cõi trời.
Phút chốc đến tận nơi,
Sư Hộ mù đôi mắt.”
Khi đáp xuống cách chỗ Đại đức Mahāpāla không xa, Đức Đế Thích nhấn mạnh bước chân cho nghe tiếng xào xạc. Đại đức bèn hỏi: “Ai đó?”.
- Bạch Ngài! Tôi đây, tôi là một khách lữ hànḥ
- Ông thiện nam! Ông đi đâu vậy?
- Bạch Ngài! Tôi về thành Sāvatthi.
- À thôi! Ông bạn đi đi.
- Bạch Ngài! Còn Ngài đi đâu?
- Ta cũng sẽ về nơi đó.
- Nếu vậy thì tiện quá. Bạch Ngài, ta hãy cùng đi một lượt cho vui.
- Ta yếu đuối, đi chung với Ta sẽ trở ngại, phiền phức cho hiền hữu lắm.
- Bạch Ngài! Không sao, tôi đi đây không có chuyện gì cần kíp. Vả lại, cùng đi với Ngài tôi có thể thực thi phần nào trong mười việc thiện để bòn chút phước báu, thôi ta hãy cùng nhau lên đường.
Đại đức Mahāpāla tự nghĩ: “Ông nầy chắc là là một nhà hảo tâm quân tử chẳng sai.”. Rồi Ngài nói:
- Vậy thì, ông thiện nam, hãy cầm lấy một đầu gậy của Ta.
Đức Đế Thích vâng lời vị Đại đức, rồi dùng phép thu đất, rút ngắn con đường, cho nên sáng hôm sau hai khách lữ hành đã đến Đại Tự Jetavana. Khi nghe tiếng cồng, tiếng sáo rộn rã, Đại đức hỏi Đế Thích:
- Đây là đâu mà nghe tiếng tiêu thiều nhạc trổi vậy?
- Bạch Ngài! Đây đã tới thành Sāvatthi.
- Ủa! Sao lúc trước Ta đi với chư Tỳ khưu lâu lắm mới tới đây mà.
- Dạ! Tại vì tôi biết một lối đi tắt đó, bạch Ngài.
Ngay lúc ấy, hốt nhiên Đại đức tự hiểu biết rằng: “Ông nầy không phải là người ta, chắc có lẽ là một vị chư Thiên.”.
Quả thật:
“Sahassanetto devindo,
devarajjasirīdharo;
Saṅkhipitvāna taṃ maggaṃ,
khippaṃ Sāvatthimāgami.”
“Ngọc Đế ngàn con mắt,
Cao sang nhất cõi Trời.
Thâu đường ngàn dặm khơi,
Đến Vệ Thành tức khắc.”
Đức vua Trời dẫn vị Đại đức đến cái cốc lá của Trưởng giả Cullapāla đã cất riêng cho anh mình về ở tịnh. Dìu Đại đức ngồi xuống một cái đôn, rồi biến hình hóa ra một người bạn thân thiết của Trưởng giả Cullapāla, đến trước, và ông kêu lớn:
- Bạn Cullapāla ơi!
- Chuyện chi đó bạn?
- Bạn có biết tin Đại đức đã về đây chưa?
- Chưa biết, nhưng có phải thật Đại đức đã về đây không?
- Thật mà! Chính tôi vừa đến Tịnh xá, thấy Đại đức ngồi ngoài cái cốc lá mà bạn cất cho Ngài, kế về qua đây.
Nói rồi, Đức Đế Thích đi luôn.
Trưởng giả Cullapāla đi đến Tịnh xá, gặp mặt Đại đức Mahāpāla thì nửa mừng nửa tủi, nằm lăn xuống đất bên chân Đại đức mà khóc nức nở và nói:
- Trước kia em đã hết sức cầm cản mà Ngài không nghe, để bây giờ chịu khổ như vậy.
Sau những lời hàn huyên an ủi của người anh bất hạnh của mình, Trưởng giả về nhà chọn lựa hai đứa tiểu đồng, đưa đến cho xuất gia Sa di làm đệ tử của Đại đức, rồi giao phó cho chúng phận sự trông nom, phục dịch thầy Tế Độ, và dặn thêm rằng:
- Hai Sư mỗi ngày đi bát, thọ lãnh cháo cơm vật thực đem về dâng lên Đại đức nghe!
Hai vị Sa di nhỏ vâng lời, chăm lo tất cả mọi việc trong tịnh thất và hộ độ Đại đức rất chu đáo.
Một ngày kia, có nhóm Tỳ khưu ở phương xa về Jetavana để yết kiến Đức Bổn Sư, về đến nơi đảnh lễ Đức Thầy và ra mắt tám mươi vị Đại Trưởng lão xong, chư Tăng cùng nhau đi tản bộ trong vòng Tịnh xá, gần đến tịnh thất của Đại đức Mahāpāla, chư Tăng rủ nhau: “Chiều nay ta cũng nên đến thăm Đại đức một chút.”.
Nhưng chiều tối, lúc chư Tăng sắp sửa đi thăm Đại đức thì trời vần vũ, mưa to gió lơn nổi lên khiến chư Tăng phải quay trở lại và hẹn nhau: “Bây giờ trời đã tối, mà mưa bão tới nơi rồi, thôi để mai sáng ta hãy đi thăm Đại đức.”.
Mưa tuôn xối xả từ canh đầu đến canh giữa mới tạnh.
Đại đức Mahāpāla bản tánh chuyên cần tinh tấn, năng đi kinh hành nên đến canh cuối đã xuống chỗ kinh hành, không ngờ lúc ấy từ dưới lòng đất ướt lạnh vì trận mưa đầu hôm, mấy con mối cánh chúng lên cả đàn cả lũ, vị Đại đức đi đi lại lại đạp chết rất nhiều. Hai ông Sa di chưa kịp quét dọn chỗ Đại đức kinh hành ấy. Khi các khách Tăng đến viếng chỗ ngụ, thấy xác mối mới chết còn nằm la liệt trên đường kinh hành, bèn hỏi:
- Ai vừa mới đi trên đường nầy vậy?
- Bạch chư Đại đức, đó là Đại đức thầy của chúng tôi. – Hai vị Sa di đáp.
Chư Tăng bất mãn, buông lời phiền trách rằng: “Chư hiền hữu hãy coi! Hành vi của ông Sa môn nầy, khi còn sáng mắt ông ta cứ nằm mãi không làm chi hết, để bây giờ với đôi mắt mù, ông ta lại tính “Ta đi kinh hành.”, rồi sát hại bấy nhiêu chúng sanh đó. Miệng ông ta nói: “Ta sẽ hành động đúng đắn, lợi ích.” nhưng việc làm của ông ta thì không đúng đắn, lợi ích chút nào!”.
Thế rồi, chư Tăng đem chuyện nầy bạch Đức Như Lai:
- Bạch Ngài! Đại đức Mahāpāla tính thầm: “Ta sẽ đi kinh hành.”, rồi giết rất nhiều chúng sanh.
- Chính mắt các ông có thấy ông ta giết chết những chúng sanh ấy hay không?
- Bạch Ngài! Chúng con không thấy.
- Các ông không thấy ông ta như thế nào, thì ông ta cũng không trông thấy những chúng sanh kia như thế ấy. Nầy các Tỳ khưu, các bậc đã dứt trừ lậu hoặc không còn tác ý sát sanh.
- Bạch Ngài! Đại đức Mahāpāla có đầy đủ căn lành để đắc quả A La Hán như thế, tại sao còn phải chịu mù?
- Nầy các Tỳ khưu! Đó là tiền nghiệp bất thiện của ông ta vậy!
- Bạch Ngài! Chẳng hay Đại đức đã tạo nghiệp gì?
- Nầy các Tỳ khưu! Các ông hãy lắng nghe đây:
Thời quá khứ, dưới triều của quốc vương Bārāṇasī (Ba La Nại) đang trị vì tại thành Bārāṇasī, có một ông y sĩ du phương, trải đi khắp nơi trong xứ, từ thành thị đến thôn quê, để hành nghề nuôi mạng, khi gặp một phụ nữ đau mắt, ông ta hỏi:
- Bà chị có bệnh phải không?
- Dạ! Mắt tôi đau không thấy đường.
- Đâu đưa tôi xem thử.
- Dạ đây! Thầy coi liệu chữa trị được không?
- Nếu tôi trị hết bệnh, bà chị trả công thuốc cho tôi bao nhiêu?
- Dạ! Nếu thầy làm sao cho mắt tôi sáng lại như thường, tôi tình nguyện đưa cả con gái đến làm tôi mọi cho thầy suốt đời.
- Được lắm.
Nói rồi, y sĩ lo chế thuốc nhỏ mắt trao cho phụ nữ ấy, chỉ nhỏ có một lần thuốc, mắt bà ta đã thấy rõ lại như thường, nhưng bà ta suy tính ngấm ngầm: “Mình trót hứa đem cả con gái đến làm tôi đòi cho ông thầy thuốc, nhưng e rồi đây thế nào ông ta cũng nặng nhẹ khó dễ, hành hạ mẹ con mình, chi bằng kiếm lời tráo trở dối gạt ông ta là hơn”.
Vì thế, lúc y sĩ đến nhà hỏi thăm bệnh tình: “Mắt bà chị hôm nay ra sao?”. Phụ nữ ấy đáp: “Lúc trước chỉ hơi đau sơ sơ chút ít thôi, còn bây giờ thì nhức nhối quá chừng quá đỗi.”.
Vị y sĩ nghĩ thầm: “Mụ nầy muốn gạt ta để quỵt số tiền công thuốc của ta đây. Ta chẳng cần đòi số tiền thù lao của mụ, nhưng ta sẽ làm cho hai mắt của mụ mù luôn cho hết nói dối.”.
Ông y sĩ về nhà, có thuật câu chuyện trên đây cho vợ nghe, nhưng vợ ông ta làm thình không phát biểu ý kiến gì cả. Ông bèn chế ra một thứ thuốc có sức công phạt rất mạnh, đi ngay đến nhà phụ nữ nói dối, giục thúc rằng: “Bà chị hãy nhỏ thứ thuốc nầy liền bây giờ đi.”.
Nhỏ thuốc vừa xong, hai con mắt của phụ nữ tắt lịm ánh sáng, y như ngọn đèn hết dầu.
Ông thầy thuốc có dã tâm ấy là Tỳ khưu Cakkhupāla hiện nay vậy. Nầy các Tỳ khưu! Nghiệp ác chưa trả quả vẫn đeo đuổi con của Như Lai mãi cho đến hết kiếp nầy. Vì nghiệp ác luôn luôn theo đuổi theo kẻ làm ác, y như bánh xe theo sát gót chân con bò kéo xe vậy.
Sau khi chấm dứt câu chuyện tiền khiên, chỉ rõ mối tương quan chặt chẽ giữa nhân và quả, Đức Chánh Pháp Vương xướng lên bài kệ như sau đây, chẳng khác gì một vị Hoàng Đế đóng ấn Ngọc tỷ lên trên chỗ đất xi (patiṭṭhapitamattika) để niêm phong một bức cẩm nang từ Thánh chỉ:
01. “Manopubbaṅgamā dhammā,
manoseṭṭhā manomayā;
Manasā ce paduṭṭhena,
bhāsati vā karoti vā;
Tato naṃ dukkham anveti,
cakkaṃ’va vahato padaṃ.”
01. “Tâm đi trước thọ, tưởng, hành,
Tâm là chủ pháp, tâm thành nghiệp duyên.
Ai mà tâm dục (chẳng hiền),
Nói làm chi cũng lụy phiền theo sau.
Chân con vật kéo nơi nào,
Bánh xe lăn cũng theo sau đành rành.”
CHÚ GIẢI:
Tâm(1) đi trước(2) các pháp(3),
Tâm chủ(4) duy tâm tác(5);
Nếu bằng tâm nhơ đục(6),
Nói năng hoặc hành vi(7),
Khổ sẽ theo người(8) như,
Bánh xe chân bò giật(9).
(1) Tâm hay ý (mano) trong kệ ngôn nầy chính là tâm (citta) trong Thắng Pháp tập yếu (Abhidhammatthasaṅgaha), theo đó phân loại thì có Tứ địa tâm (Catubbhūmikacitta), là tâm trong bốn giới, nhất là Dục giới bất thiện tâm (Kāmavacarakusalacitta) nếu y cứ theo tâm của vị y sĩ, phát sanh lên trong lúc tạo nghiệp ác mà định nghĩa cho phân minh chính xác, thì chữ tâm trong câu Pháp Cú nầy là tâm Câu hữu ưu tương ưng hận
(domanassasahagataṃpaṭighasampayuttaṃ cittaṃ).
(2) Đi trước (pubbaṅgamā), nghĩa là dẫn đầu và đi chung một thể.
(3) Các pháp (Dhammā), căn cứ trên đặc tánh không phải là chúng sanh (Nissatta) không có mạng sống (Nijjīva). Theo nghĩa tổng quát trong Kinh Tạng thì có bốn pháp tất cả là: Pháp (Dhamma – thiện tâm), phi pháp (Adhamma – bất thiện tâm) và hai Dị thục quả tâm (Vipākacitta). Có Phật ngôn giải về đặc tính các pháp như sau:
“Na hi dhammo adhammo ca,
ubho samavipākino;
Adhammo nirayaṃ neti,
dhammo pāpeti sugatinti.”
“Pháp cùng phi pháp chẳng đồng,
Thì Tâm dị thục cũng không ngang hàng.
Pháp đưa lên cõi thiên đàng,
Phi pháp dắt xuống suối vàng âm ti.”
Ngoài ra chữ Pháp có nhiều nghĩa khác nữa, chẳng hạn như: Trong kinh có chỗ Đức Phật nói: “Nầy chư Tỳ khưu, Như Lai sắp thuyết cho các ông nghe thời pháp tuyệt diệu cả đoạn đầu…”. Thì chữ Pháp chỗ đó có nghĩa là bài thuyết pháp.
Ở một chỗ khác Đức Phật nói: “Nầy các Tỳ khưu, nơi đây có một số con nhà gia giáo (Kulaputta) đã học thuộc lòng pháp…”. Thì chữ Pháp ở đây có nghĩa là Phật ngôn, Kinh kệ, gọi chung là Pháp Bảo vậy.
Cũng có chỗ Đức Phật nói: “Có những Pháp, có những uẩn…”. Thì những pháp ấy gọi là phi chúng sanh pháp (Nissattadhammo). Những pháp vô sanh mạng (Nijjīvadhammo) cũng đồng một nghĩa lý như thế.
Giải rộng ra thêm nữa, thì những pháp có hai đặc tính trên đây gồm có ba Vô sắc uẩn là: Thọ uẩn, tưởng uẩn và hành uẩn.
Tâm (tức là thức uẩn) dẫn đầu tất cả những Tâm sở kia, cho nên có tiếng nói là tâm đi trước các pháp.
Vì sao đồng đi chung với các sở hữu tâm (Cetasika), đồng một vật (Vatthu), đồng một cảnh (Ārammaṇa), đồng sanh lên trong một sát na (Ekakhaṇa) mà gọi là tâm đi trước.
Vì do tâm làm duyên sanh khởi các pháp vậy, cũng ví như có nhiều kẻ cướp đồng một lượt xông vào giết hại cướp bóc trong làng xã chẳng hạn, thì thử hỏi:
“Ai là kẻ cầm đầu bọn cướp lúc đó?”. Cố nhiên kẻ làm duyên khởi cho chúng nương theo mà tạo nghiệp cướp bóc ấy, kẻ ấy dù là bạn hay cái chi cũng có thể gọi là kẻ cầu đầu. Ta nên trả lời câu hỏi trên đây một cách đầy đủ như vậy.
Do lẽ làm duyên khởi cho các Pháp sanh lên mà gọi là tâm đi trước các Pháp. Quả thật không bao giờ có các pháp sanh lên khi tâm chưa sanh, nhưng trái lại tâm vẫn sanh lên được mặt dù có một vài nhóm sở hữu tâm chưa sanh.
(4) Tâm chủ (Manoseṭṭhā): Do vì tâm làm chúa các pháp Vô sắc nên nói là tâm chủ. Theo ví dụ trên, tên đầu đảng của bọn cướp là chúa tướng, là chủ của bọn chúng như thế nào, thì nơi đây tâm ác là chỉ các pháp (ác) cũng như thế.
(5) Duy tâm tác (Manomayā): Khi ta dùng gỗ chẳng hạn, để sản xuất các thứ đồ mộc khác nhau, nhưng tựu trung cũng chỉ là của gỗ là bản chất, ta quen nói các món đồ gỗ ấy làm bằng gỗ (dārumayā) cũng đồng một cách như thế, các pháp Vô sắc đều do tâm mà sanh ra, có tâm là bản thể, ta cũng gọi là pháp làm bằng tâm hay duy tâm tác.
(6) Nếu bằng tâm nhơ đục (Manasā ce paduṭṭhena) là tâm vừa mới bị những sở hữu tâm khách như tham, sân chẳng hạn xâm nhập, làm cho nhiều chỗ nhiễm ô, nhơ đục.
Quả nhiên, tâm bình thường (Pakatimano) tức là Hữu phần tâm (Bhavaṅgacitta), tự tánh vốn trong sạch chưa bị nhiễm ô (tánh bổn thiện), nhưng một khi đã sân hận (Dosa), nhứt là tham lam (Abhijjhā) gia nhập làm cho trở nên nhơ đục, không còn là tâm bình tịnh, nhứt là Hữu phần như trước, chẳng khác nào là một dòng nước trong bị những màu bất khiết, nhứt là màu chàm mới vừa lẫn vào làm cho biến sắc, thành ra nước sanh chàm (Nīlodaka) không còn là nước thuần chất, cũng không còn trong sạch như thuở ban đầu vậy.
Đức Thế Tôn có dạy rằng: “Pabhassaramidaṃ, bhikkhave, cittaṃ, tañca kho āgantukehi upakkilesehi upakkilitthanti.”.
“Nầy các Tỳ khưu! Tâm này bản chất tịnh quang sáng suốt, nhưng bị các pháp mới ô nhiễm xâm nhập, làm cho trở nên nhơ đục.”. Từ ngữ “bằng tâm nhơ đục” có ý nghĩa như thế.
(7) Nói năng hoặc hành vi (Bhāsati vā karotivā) kẻ có sẵn tâm ác, hễ mở miệng nói ra lời là phạm nhằm bốn tội về khẩu ác hạnh (Vacīduccarita), bằng như ra tay hành động thì phạm nhằm ba tội về thân ác hạnh (Kāyaduccarita) nhược bằng làm thinh không nói, không làm đi nữa cũng phạm ba tội về ý ác hạnh (Manoduccarita), tất cả các tội ác chung qui cũng đều do nơi tâm đã bị tham lam, oán thù, tà kiến làm cho nhơ đục mà ra. Lộ trình của mười nghiệp bất thiện (Dasa akusalakammapathā) trải đi tròn đủ qua ba cửa thân, khẩu, ý là như thế.
(8) Khổ sẽ theo người: (Tato naṃ, dukkham anveti), kẻ thủ phạm tạo ba ác hạnh từ lúc nào thì sự khổ bắt đầu theo dõi kẻ ấy từ lúc đó, do năng lực của ác hạnh, kẻ ấy sẽ sa xuống bốn ác đạo (Apāya), hoặc trở lại làm người thế gian, nhưng trong đời kiếp nào, thân căn và cả các căn khác tức là những sở hữu tâm liên hệ với thân căn đã giải rành mạch trên đây của kẻ ấy cũng bị quả khổ theo sát một bên.
(9) Như bánh xe theo chân bò giật (Cakkaṃ vā vahato padaṃ). Thường thường bò tơ mới tập giật (kéo xe), thì hay tháo trút, tánh còn hung hăng, khi bị mắc cổ vào ách thì chạy vụt đi, lôi cả chiếc xe chở đồ nặng, ý muốn tự do như trước, nhưng nào có được, con bò ấy dầu cho kéo một ngày, hai ngày, năm ngày, mười ngày hay nửa tháng cũng không thể nào tách rời ra chiếc bánh xe đang lăn phía sau, mỗi khi con bò muốn vươn mình tới trước thì bị cái ách đè nặng trên cổ, không cho vượt qua, còn muốn thụt về phía sau thì bị bánh xe đụng cọ vào thịt đùi không cho lùi lại, thành thử ra do hai lẽ ấy mà con bò đành chịu để cho hai bánh xe cứ mãi theo sát hai bên chân của nó vậy.
Con người có tâm nhơ đục, đã làm tất cả ba ác hạnh rồi, nhứt định phải sa vào ác đạo như địa ngục chẳng hạn, là nơi mà vì gốc ác hạnh, cả thân tâm của người ấy đều bị tội khổ đuổi theo.
Kệ ngôn vừa dứt, nhiều vị Tỳ khưu đắc quả A La Hán với Tuệ phân tích, kỳ dư thính chúng câu hội nơi ấy đều được chứng quả, nhờ nghe thời pháp của Đức Bổn Sư.
x
Dịch Giả Cẩn Đề
Vì tâm niệm ác lúc chưa tu,
Thánh Hộ đời nay phải chịu mù.
Chế thuốc cho người công chẳng thí.
Dùng mưu hại chúng tội đành bù.
Nhân gieo ý chí vui vài phút.
Quả hái thân còn cực mấy thu.
Sớm biết hồi đầu lo giải thoát,
Răn lòng, chẳng trễ buổi công phu.
DỨT TÍCH TRƯỞNG LÃO CAKKHUPĀLA
01. Suffering pursues the evil-doer, as the cart-wheel the hoof of the draught ox.
01. Đau khổ đi theo sau người làm ác nghiệp. Như bánh xe đi theo chân con vật kéo.
01. Manopubbaṅgamā dhammā,
manoseṭṭhā manomayā;
Manasā ce paduṭṭhena,
bhāsati vā karoti vā;
Tato naṃ dukkham anveti,
cakkaṃ’va vahato padaṃ. (1:1)
01. Mind precedes all knowables,
mind’s their chief, mind-made are they.
if with a corrupted mind
one should either speak or act
dukkha follows caused by that,
as does the wheel the ox’s hoof.
(Maṭṭhakuṇḍalivatthu)
KỆ NGÔN: (Pháp Cú câu 02)
02. “Manopubbaṅgamādhammā,
manoseṭṭhā manomayā;
Manasā ce pasannena,
bhāsati vākaroti vā;
Tato naṃ sukkhamanveti,
Chāyāva anupāyīnīti.”
02. “Tâm đi trước các pháp,
Tâm chủ, duy tâm tác.
Nếu bằng tâm trong sạch,
Nói năng hoặc hành vi.
Phúc lạc sẽ theo người,
Như bóng theo hình thật.”
Kệ Pháp Cú thứ nhì cũng được thuyết tại thành Sāvatthī, nhưng đề cập đến cậu Maṭṭhakuṇḍali (Kim Hoàn).
Tương truyền rằng: Thuở ấy, tại thành Sāvatthī, có ông Bà la môn tên là Adinnapubbaka (Vị Tằng Thí). Ông ta chưa hề bố thí cho ai chút gì, nên người đời gán cho ông cái biệt danh như thế.
Ông ta có một đứa con trai duy nhất mà ông ta rất thương yêu trìu mến, ông ta muốn đặt thợ bạc làm một món đồ trang sức cho cậu trai cưng, nhưng lại đắn đo suy nghĩ rằng: “Nếu ta đưa vàng cho thợ làm thì phải mất tiền trả công cho thợ.”. Suy tính như vậy rồi, ông ta lấy vàng ra tự tay đập, uốn thành một đôi vòng tai bằng vàng cho cậu con đeo. Do đó, cậu công tử nầy được mệnh danh là Maṭṭhakuṇḍali (Kim Hoàn).
Cậu Maṭṭhakuṇḍali lúc lên mười sáu thì bị mắc bệnh huỳnh đản (Paṇḍurogo). Mẹ cậu nhìn cậu, rồi kêu chồng:
- Nầy ông Bà la môn, con trai ông mang bệnh rồi đó! Ông lo rước thầy chữa bệnh cho nó đi.
- Bà ơi! Nếu ta rước thầy chạy thuốc thì ta phải tốn tiền công tiền thuốc. Bà chẳng dòm ngó đến tài sản của ta, muốn cho dễ bị sứt mẻ hao hớt hay sao?
- Ta tính cách nào, miễn là không hao hớt sứt mẻ tài sản của ta thì thôi.
Nói xong, ông Bà la môn đến viếng nhiều vị lương y lần lựa hỏi thăm: “Gặp bệnh nhân như phát chứng như vậy, như vậy đó, thường quí thầy cho uống thứ thuốc chi?”.
Các y sĩ điềm chỉ cho ông ta thứ nọ, thứ kia, như là vỏ cây chẳng hạn. Ông ta nghe lời đi kiếm mấy thứ ấy đem về sắc làm thuốc cho con trai ông uống. Mặc dầu đã xoay đủ cách, bệnh tình của cậu con trai Maṭṭhakuṇḍali đã không thuyên giảm mà còn trở nên trầm trọng nan y. Đến khi thấy con trai đã kiệt quệ, ông Bà la môn mới cho mời thầy lang đến, nhìn thấy khí sắc của bệnh nhân, thầy thuốc nói:
- Tôi bữa nay bận quá! Xin tôn huynh cảm phiền rước thầy thuốc nào khác đến coi mạch, hốt thuốc cho cậu ấy.
Kiếm cớ chạy bệnh như thế rồi, ông y sĩ vội vã rút lui.
Ông Bà la môn nhìn con mình sắp chết, lại tính thầm rằng: “Nếu cứ để nó nằm ở đây, ai đến thăm viếng nó cũng đều ngó thấy đồ đạc của cải trong nhà ta hết. Ta phải đem nó ra nằm ngoài mới được.”.
Tính rồi, ông sai người đem cậu con trai ra đặt nằm ngoài mái hiên hàng ba.
Ngày ấy, vừa sáng tinh sương, Đức Thế Tôn xuất Định đại bi, dùng Phật nhãn quan sát thế gian, bủa lưới Chánh giác bao trùm khắp cả mười ngàn cõi Ta bà để tìm xem kẻ nào đã từng phát nguyện từ thời chư Phật quá khứ, kẻ nào có đầy đủ căn lành đáng được tiếp độ.
Hình ảnh cậu Maṭṭhakuṇḍali bị đem nằm bỏ dưới mái hiên lọt vào Giác võng của Đức Thế Tôn, vừa thấy cậu Maṭṭhakuṇḍali Đức Thế Tôn biết ngay là cậu bị đem ra khỏi nhà, bỏ nằm ngoài mái hiên như thế. Đức Thầy tự vấn: “Cậu bé nầy có đầy đủ duyên lành để Như Lai tiếp độ không?”.
Ngài liền thấy biết như sau: “Cậu bé nầy sẽ đặt niềm tin trong sạch nơi Ta!”, rồi nhắm mắt từ giã cõi đời, sanh lên cõi Trời Đao Lợi ở trong một tòa Kim điện có cả đoàn Thiên nữ theo hầu.”.
Vị chư Thiên sau khi ngắm nhìn thân hình mới mẻ của mình, cao đến ba phần tư dặm (12 cây số), đeo giắt những đồ trang sức có thể chất đầy năm mươi cỗ xe bò, có hàng ngàn Thiên nữ chầu chực chung quanh thì tự nghĩ: “Do nhờ nghiệp lành nào mà ta hưởng quả vinh hạnh nầy đây?”.
Khi quán xét thấy rõ nhờ tâm trong sạch đối với Như Lai mà được phước ấy, rồi vị chư Thiên nhớ đến cha cũ của mình, tự nhủ rằng: “Thân phụ ta vì sợ sứt mẻ tài sản mà không dám rước thầy trị bệnh cho ta, bây giờ lại ra mộ địa mà than khóc nhớ tiếc ta, để ta làm cho người thay đổi tính tình mới được.”. Vì tình phụ tử, vị chư thiên biến hình thành một thiếu niên giống hệt cậu Maṭṭhakuṇḍali, hiện xuống cách nơi mộ địa không xa, sẽ nằm xuống đất mà than khóc. Khi ấy ông Bà la môn sẽ hỏi: “Cậu là ai?”.
- Con là Maṭṭhakuṇḍali của cha đây mà.
- Con được sanh về cảnh giới nào?
- Ở Đao Lợi Thiên.
- Con đã tạo nghiệp gì?
Nghe cha hỏi vậy, chư Thiên sẽ đáp là nhờ nơi có tâm trong sạch đối với Như Lai mà được siêu sanh. Ông Bà la môn sẽ đến chất vấn Như Lai: “Có người nào chỉ nhờ có tâm trong sạch đối với Ngài không thôi mà được siêu sanh về nhàn cảnh không?”
Khi ấy, Như Lai sẽ đáp: “Chẳng những chỉ có hàng trăm, hàng ngàn, hàng trăm ngàn người như vậy, nhiều không thể đếm xiết.”. Và Như Lai sẽ đọc bài kệ Pháp Cú, khi dứt bài kệ tám muôn bốn ngàn chúng sanh sẽ tỏ ngộ giáo pháp Như Lai, Maṭṭhakuṇḍali sẽ chứng Nhập Lưu (Tu Đà Hoàn), cả ông Bà la môn cũng thế, ấy là do duyên lành của cậu công tử nầy mà đại chúng sẽ tỏ ngộ Chánh pháp chẳng sai.
Đức Phật đã quán sát thấy rõ đầu đuôi câu chuyện diễn tiến như thế, nên sáng hôm ấy, sau khi tắm gội sạch sẽ, Ngài đắp y chỉnh tề cùng với Đại chúng Tỳ khưu vào thành Sāvatthī khất thực, rồi đi lần đến cửa ngõ ông Bà la môn.
Lúc bấy giờ, cậu Maṭṭhakuṇḍali đang nằm quay mặt vô nhà, Đức Bổn Sư biết cậu thiếu niên không nhìn thấy kim thân của Ngài, nên Ngài phóng hào quang ra. Thiếu niên tự hỏi: “Ánh sáng gì đây?”, từ chỗ nằm cậu quay mặt ra nhìn, liền thấy Đức Phật, cậu nói thầm một mình: “Ta mắc phải ông cha mù quáng si mê, thành ra không có cơ hội đến gần một bên Đức Phật như vầy để mà hầu hạ cúng dường vật thực hoặc nghe kinh, thính pháp. Bây giờ gặp được Ngài nhưng chân tay đã bị tê liệt, không cử động được, trông gì mạnh lại để làm những việc ấy.”. Nghĩ rồi, thiếu niên đem hết lòng tin trong trắng hướng lên Đức Phật.
Đức Bổn Sư nói: “Thôi bấy nhiêu đủ rồi.” và Ngài ngự đi luôn.
Cậu Maṭṭhakuṇḍali nằm nhìn theo mãi cho đến khi hình bóng của Đức Từ Phụ đã ra ngoài tầm mắt của cậu. Trong khi cậu đang trong sạch như thế, cậu tắt hơi luôn. Như một người mới ngủ thức giấc, cậu thác sanh lên cõi trời, ở trong một tòa kim ốc rộng đến ba mươi do tuần.
Ông Bà la môn thiêu xác con rồi, từ đó bỏ phế việc nhà, cứ ra mộ địa khóc lóc bi ai, mạch sầu chẳng dứt. Mỗi ngày ông mỗi ra đó kêu gào kể lể: “Con trai duy nhất của ta đâu rồi?”.
Khi ấy, vị chư Thiên kiếp trước là con của ông Bà la môn đang nhìn ngắm mọi vẻ huy hoàng tráng lệ của mình và tự hỏi: “Do nghiệp gì mà ta được như vậy đây?”.
Khi được biết là nhờ có tâm trong sạch đặt cả niềm tin nơi Đức Bổn Sư, vị chư Thiên lại nói thầm: “Ông Bà la môn nầy, khi trước ta mang bệnh nặng, không dám bỏ tiền chạy thuốc cho ta, bây giờ lại ra mộ địa khóc than kêu réo. Ta phải lập cách cho ông chừa bỏ tật cũ mới được.”.
Liền đó, vị chư Thiên liền biến thành cậu Maṭṭhakuṇḍali trở lại, xuống gần chỗ mộ địa hỏa táng, đứng khoanh tay than khóc nức nở.
Ông Bà la môn trông thấy cậu con trai thì tự nói thầm: “Như ta vì thương nhớ con cưng mà than khóc đã đành, còn cậu nhỏ kia có việc gì mà cũng khóc lóc. Để ta hỏi thử cho biết.”.
Rồi ông ứng tiếng ngâm bài kệ hỏi vị thiếu niên như vầy:
“Alaṅkato maṭṭhakuṇḍalī,
mālābhārī haricandanussado;
Bāhā paggayha kandasi,
vanamajjhe kiṃ dukkhito tuvanti.”
“Hỡi cậu tai đeo kim hoàn,
Mình đầy hoa với huỳnh đàn thơm tho,
Khoanh tay rên rỉ nhỏ to,
Giữa rừng than khóc nguyên do khổ gì?”
Cậu trai liền đáp:
“Sovaṇṇamayo pabhassaro,
uppanno rathapañjaro mama;
Tassa cakkayugaṇ na vindāni,
tena dukkhena jahissāmi jīvitanti.”
“Tôi vừa mới được tức thì,
Chiếc xe không bánh vàng y sáng ngời,
Tôi tìm hai bánh hết hơi,
Khổ thân tôi phải lìa đời chết đi.”
Khi ấy, ông Bà la môn hỏi lại:
“Sovaṇṇamayaṃ maṇimayaṃ,
lohamayaṃ attha rūpiyamayaṃ;
Ācikkhame bhaddamāṇava,
cakkayugaṃ paṭilābhayāmi teti.”
“Bằng vàng, bằng ngọc ma ni,
Bằng đồng, bằng bạc, bằng gì nói ra.
Hỡi chàng son trẻ tài hoa,
Bánh xe đủ cặp, để ta cho chàng.”
Nghe vậy, vị thiếu niên nghĩ thầm: “Ông nầy trước đã không dám rước thầy chạy thuốc cho con, bây giờ trông thấy ta giống tạc con ông, ông ta lại làm đổng nói cho, là sẽ cho ta cặp bánh bằng vàng ngọc… để ta hạ bớt ông ta xuống cho ông ta hết lớn lối.”.
Thiếu niên cất tiếng hỏi: “Ông định làm cặp bánh chừng bao lớn để lắp vào chiếc xe của tôi?”.
- Cậu em muốn bao lớn cũng được, tùy ý. – Ông Bà la môn trả lời.
- Tôi muốn được mặt trời và mặt trăng. – Cậu trai đáp. – Ông cho tôi hai mặt ấy đi.
Để năn nỉ xin xỏ:
“So māṇavo tassa pāvadi,
candasūriyā ubhayettha dissare;
Sovaṇṇamayo ratho mama,
tena cakkayugena sobhatīti.”
“Thiếu niên đáp lại vội vàng,
Mặt nguyệt, mặt nhựt hai chàng sinh đôi,
Lấy làm hai bánh cho tôi,
Lấy xe vàng nọ, sáng ôi chi bằng.”
Ông Bà la môn liền trách:
“Bālo kho tvamasi māṇava,
yo tvaṃ paṭṭhayase apaṭṭhiyaṃ;
Maññāmi tuvaṃ marissasi,
na hi tvaṃ lacchasi candasuriyeti.”
“Rõ em khờ dại nghĩ rằng,
Em đòi những vật lăng nhăng khó lòng.
“Qua” nghi em sẽ mạng cùng,
Trời, trăng không thể đèo bồng một hai.”
Nhưng thiếu niên không chịu lép, hỏi vặn lại rằng: “Tôi khóc vì đòi những vật còn thấy bóng hình, còn ông đã khóc thương người đã cách âm dương. Tôi với ông, không biết ai là kẻ ngu khờ số một?
Thiếu niên ngâm luôn mấy câu kệ rằng:
“Gamanāgamanampi dissati,
vaṇṇadhātu ubhayattha vīthiyā;
Peto kālakato na dissati,
ko nīdha kandataṃ bālyataroti.”
“Chúng con hình bóng vãng lai,
Sắc màu còn thấy rọi hai bênh đường,
Vọng mơ đâu thấy chán chường,
Khóc là ngu dại ai nhường hơn ai?
Nghe qua mấy lời biện bạch, ông Bà la môn như chợt tỉnh ngộ ngĩ thầm: “Cậu trai nầy nói đúng lý.”, nên ông lên tiếng chịu thua:
“Saccaṃ kho vadesi māṇava,
ahameva kandataṃ bālyataro;
Candaṃ vaya dārako rudaṃ,
puttaṃ kālakatābhipaṭṭhayanti.”
“Lời em quả thật chánh chơn,
Chính ta khóc dại khờ hơn em à!
Như đòi trăng, trẻ khóc la,
Ta đòi con đã ra ma mất rồi.”
Đến đây bỗng dưng trút bỏ được nỗi sầu tư, nhờ nghe kịp những lời biện minh của người bạn trẻ, ông Bà la môn ngâm lên hai cậu kệ tán dương ca tụng thiếu niên:
“Ādittaṃ vata maṃ santaṃ,
ghatasittaṃ va pāvakaṃ;
Vārinā viya osiñciṃ,
sabbaṃ nibbāpaye daraṃ.
Abbahī vata me sallaṃ,
sokaṃ hadayanissitaṃ;
Yo me sokaparetassa,
puttalokaṃ apānudi.
Svāhaṃ abbūḷhasallosmi,
sītibhūtosmi nibbuto;
Na socāmi na rodāmi,
tava sutvāna māṇavāti.”
“Lúc trước tâm ta tợ lửa lò,
Còn châm dầu nữa, cháy thêm to.
Em đem nước tưới lên lò lửa ,
Lửa tắt: lòng ta hết khổ lo,
Em nhổ dùm ta mũi tên trù,
Cho lòng ta trắng hận ngàn thu,
Cho ta hết khổ sầu con chết,
Chẳng thế ta nào sống được ru.
Tên khổ trong tâm nhổ sạch rồi,
Giờ ta hạnh phúc biết an vui,
Nhờ nghe giác đắc lời trai trẻ,
Thôi dứt sầu thương, khóc cũng thôi.”
Kế đó, ông Bà la môn hỏi tiếp thiếu niên rằng:
- Cậu là ai?
“Devatā nusi gandhabbo,
ādū sakko purindado;
Ko vā tvaṃ kassavā putto,
kathaṃ jānemu taṃ mayanti.”
“Cậu em là Càn Thát Bà,
Là vua Đế Thích hay chư Thiên.
Là ai? Con kẻ lạ, quen?
Làm sao cho lão biết tên thử nào?”
Thiếu niên đáp:
“Yañca kandasi yañca rodasi,
puttaṃ āḷāhane sayaṃ ḍahitvā;
Svāhaṃ kusalaṃ karitvāna kammaṃ,
tidasānaṃ sahabyataṃ gatoti.”
“Chính con ông khóc ông gào,
Ông đem thiêu xác bỏ vào rừng hoang.
Con nhờ thiện nghiệp thế gian,
Sanh lên Đao Lợi dự hàng chư Thiên.”
Khi nghe chư Thiên cho biết nguyên do như thế, ông Bà la môn hỏi nữa rằng:
“Appaṃ vā bahuṃ vā nāddasāma,
dānaṃ dadantassa sake agāre;
Uposathakammaṃ vā tādisaṃ,
tena kammena gatosi devalokanti.”
“Ta không thấy trẻ chuyên cần,
Cúng dường nhiều ít làm duyên tại nhà,
Bát quan trai chẳng giữ qua,
Sanh lên thiên giới được là do đâu?”
Thiếu niên giải thích rằng:
“Ābādhikohaṃ dukkhito gilāno,
ātūrarūpomhi sake nivesane;
Buddhaṃ vigatarajaṃ vitiṇṇakaṅkhaṃ,
addakkhiṃ sugataṃ anomapaññaṃ;
Svāhaṃ muditamano pasannacitto,
añjaliṃ ākariṃ tathāgatassa;
Tāhaṃ kusalaṃ karitvaṃ kammaṃ;
tidasānaṃ sahabyataṃ gatoti.”
“Nghĩ thân bệnh hoạn khổ sầu,
Nằm nhà còn những lo âu não phiền.
Thấy Phật vô nhiễm vô khiên,
Thiện Thệ diệu trí hóa duyên qua đường.
Tâm con phấn khởi lạ thường,
Chắp tay tưởng Phật cúng dường đức tin.
Tâm thành là nghiệp siêu sinh,
Bạn cùng Đao Lợi, thiên đình quốc vương.”
Trong khi nghe qua những lời giảng giải của vị chư Thiên, ông Bà la môn phát sanh phỉ lạc khắp cả châu thân, để tỏ niềm hân hoan, ông ngâm lên bài tán thán:
“Acchariyaṃ vata abbhutaṃ,
añjalikammassa ayamīdiso vipāko;
Ahampi muditamano pāsannacitto,
ajjeva buddhaṃ saranaṃ vajāmīti.”
“Thật là huyền diệu phi thường,
Chắp tay là nghiệp, quả dường thế ư?
Tôi cũng đem hết tâm tư,
Qui y Phật Bảo kể từ hôm nay.”
Thấy ông Bà la môn đã có chánh kiến, thiếu niên bèn dạy ông rằng:
“Ajjeva buddhaṃ saranaṃ vajāhi,
dhammañca saṅghañca pasannacitto;
Tatheva sikkhāpadāni pañca,
akhaṇḍaphullāni samādiyassu.
Pāṇātipātā viramassu khippaṃ,
loke adinnaṃ parivajjayassu;
Amajjapo no ca musā bhaṇāhi,
sakena dārena ca hoti tuṭṭhoti.”
“Hôm nay ông có tâm thành thật,
Hãy quy y cùng Phật, Pháp, Tăng.
Năm điều học, Phật cấm ngăn.
Gọi là ngũ giới, chớ hằng đơn sai.
Tội sát sanh chừa ngay tức khắc,
Của trong đời hoạnh đắc không thaṃ
Rượu say, nói dối không làm,
Vợ nhà tri túc, chớ nên dâm tà.”
Ông Bà la môn hoan hỷ nhận lãnh mấy lời chỉ giáo của vị chư Thiên bằng tiếng “Sādhu – Lành thay!”. Đoạn ông ngâm kệ rằng:
“Atthakāmosi me yakkha,
hitakāmosi devatā;
Karomi tuyhaṃ vacanaṃ,
tvamasi ācariyo mama.
Upemi saraṇaṃ buddhaṃ,
dhammañcāpi anuttaraṃ;
Saṅghañca naradevassa,
gacchāmi saraṇaṃ ahaṃ.
Pāṇātipātā viramāmi khippaṃ,
loke adinnaṃ parivajjayāmi;
Amajjapo no ca musā bhaṇāmi,
sakena dārena ca homi tuṭṭhoti”.
“Chư Thiên hoặc Dạ xoa, người hỡi!
Muốn an lành lợi ích cho ta,
Tôn người làm thầy, làm cha,
Lời người ta sẽ hành qua y kỳ,
Nay tôi nguyện quy y Đức Phật,
Và quy y Pháp thật cao siêu,
Quy y Tăng hội đủ điều,
Thinh Văn đệ tử hàng triều Thích Ca.
Tội sát sanh nguyện xa tức khắc,
Của trong đời hoạnh đắc không tham,
Rượu say, nói dối không làm,
Vợ nhà tri túc chẳng ham dâm tà.”
Khi vị chư Thiên bảo ông Bà la môn: “Nầy ông Bà la môn, nhà ông có nhiều tiền của, ông nên tìm đến Đức Bổn Sư cúng dường để bát, thỉnh pháp, nghe kinh và hỏi han đạo lý.”.
Vừa dứt lời, vị chư Thiên biến mất. Ông Bà la môn trở về nhà bảo vợ rằng: “Nầy bà nó! Ta sẽ thỉnh Đức Sa môn Gotama về nhà để hỏi đạo, vậy bà hãy lo sắp đặt lễ vật để cúng dường chư Tăng.”.
Đoạn ông đi ngay đến Tịnh xá tìm Đức Bổn Sư, gặp Ngài ông chẳng biết đảnh lễ, cũng chẳng tỏ lời hoan hỷ theo pháp xã giao, ông chỉ biết nép một bên và nói: “Bạch Ngài Gotama, xin Ngài vui lòng nhận bữa Trai Tăng hôm nay tại nhà tôi, cùng chư Tỳ khưu Tăng.”.
Đức Bổn Sư im lặng nhận lời.
Khi được biết Đức Bổn Sư chấp nhận lời mình, ông Bà la môn vội vã trở về hối người nhà lo nấu nướng vật thực loại cứng và loại mềm cho kịp giờ dâng cúng.
Đức Giáo chủ cùng với đại chúng Tỳ khưu tùy tùng đông đảo, ngự đi bộ đến nhà ông Bà la môn và ngồi lên những chỗ ngồi đã dọn sẵn. Ông Bà la môn phục dịch Đức Thế Tôn thật cung kính.
Bên ngoài quần chúng tụ tập rất đông, theo truyền ngôn khi có người tà kiến thỉnh Phật cúng dường Trai Tăng, thì có hai dạng người thường tụ hội nơi chỗ cuộc lễ để chờ nghe vấn đạo. Bên phe tà kiến nghĩ rằng: “Hôm nay chúng ta sẽ được mục kích Sa môn Gotama bối rối vì bí lối, không giải đáp được những câu vấn nạn.”. Nhóm người chánh kiến lại nghĩ khác: “Hôm nay chúng ta sẽ được chứng kiến thần oai đại lực của Đức Chánh Giác.”.
Khi thấy Đức Như Lai đã độ xong bữa ngọ, ông Bà la môn bèn đến bên chân Ngài, ngồi xuống một chỗ dưới thấp và bắt đầu mở lời hỏi rằng:
- Bạch Ngài Gotama! Có người nào không từng cúng dường để bát cho Ngài, không từng nghe Ngài thuyết pháp, giảng kinh, không từng giữ Bát quan trai giới, chỉ có tâm chí thành khẩn thiết đối với Ngài không thôi, mà được siêu sanh Thiên giới hay chăng?
Đức Bổn Sư trả lời bằng cách hỏi lại câu như vầy:
- Nầy ông Bà la môn, tại sao ông còn chất vấn Như Lai. Vậy chứ đứa con trai cưng của ông là thiếu niên Maṭṭhakuṇḍali đã chẳng nói cho ông biết là cậu ấy sinh lên cõi trời chỉ vì có tâm chí thành khẩn thiết đối với Như Lai hay sao?
- Bạch Ngài Gotama! Có nói tại đâu?
- Vậy chớ hôm qua ông qua mộ địa kêu khóc, ông há chẳng thấy gần nơi thiêu xác con ông có một thiếu niên đang khoanh tay kêu khóc, rồi ông ngâm kệ hỏi như vậy hay sao?:
“Hỡi cậu trai đeo kim hoàn,
Mình đầy hoa với huỳnh đàn thơm tho…”
Đức Bổn Sư đọc lại hết câu chuyện vấn đáp của hai người và kể luôn tiểu sử cậu Maṭṭhakuṇḍali nữa.
Do nhân duyên như vậy, Đức Thế Tôn mới thuyết lên một câu Phật ngôn:
“Na kho, brāhmaṇa, ekasataṃ na dve satāni atha kho mayi manaṃ pasādetvā sagge nibbattāṇaṃ gaṇanā nāma natthīti”.
“Nầy ông Bà la môn! Không phải một trăm, không phải hai trăm đâu, số người nhờ có đức tin trong sạch đối với Như Lai mà được siêu sanh Thiên giới nhiều không thể đếm.”.
Đám đông đang dự thính còn đang bán tin bán nghi. Hiểu rõ tâm trạng của quần chúng, Đức Bổn Sư bèn nguyện rằng: “Thiên tử Maṭṭhakuṇḍali hãy hiện xuống nơi đây với cả tòa Kim ốc.”.
Thiên tử Maṭṭhakuṇḍali bỗng nhiên hiện đến tức khắc, bề cao ba phần tư dặm, khắp mình trang điểm bằng những vật báu cõi trời từ trên tòa đền bằng vàng bước xuống, đảnh lễ Đức Bổn Sư rồi đứng nép một bên. Khi ấy Đức Thế Tôn cất tiếng hỏi:
- Ông nhờ tạo nghiệp gì mà được phước báu cao sang dường ấy?
Rồi Đức Bổn Sư ngâm luôn bài kệ hỏi rằng:
“Abhikkantena vaṇṇena,
yā tvaṃ tiṭṭhasi devate;
Obhāsentī disā sabbā,
osadhī viya tārakā;
Pucchāmi tvaṃ deva mahānubhāvaṃ,
manussabhūto kimakāsi puññanti”.
“Chư Thiên đứng nơi kia,
Dung nhan đẹp quán thế,
Sáng dường sao một thể,
Nghe Như Lai hỏi đây,
Hỡi vị trời oai vệ,
Tạo phước gì đáng kể?”
Đức Bổn Sư vừa dứt lời, vị chư Thiên vội vàng đáp rằng:
- Bạch Ngài! Con nhớ kiếp trước đặt hết niềm tin nơi Ngài mà được phước báu cao thượng nầy đây?
- Ông chỉ nhờ có tâm trong sạch tin tưởng Như Lai mà được như thế nầy phải không?
- Bạch Ngài đúng vậy.
Quần chúng trầm trồ ngắm nhìn vị chư Thiên rồi tỏ lời khâm phục rằng: “Huyền diệu thay ân huệ của chư Phật, con trai của Bà la môn Adiṇṇapubbaka chẳng có làm phước lành chi khác, chỉ nhờ đặt lòng tin trong sạch vào Đức Giáo Chủ mà được vinh quang dường ấy.”. Và quần chúng lấy làm hoan hỷ.
Khi ấy Đức Bổn Sư phán dạy quần chúng rằng:
“Tất cả các nghiệp thiện và bất thiện của con người tạo ra đều do tâm đi trước dẫn đầu, tâm làm chủ, người có tâm trong sạch tạo nghiệp gì, khi sanh lên cõi trời, cõi người nghiệp ấy vẫn còn theo dính kế cận bên mình, như hình với bóng không lúc nào rời nhau”.
Sau khi chấm dứt câu chuyện bằng cách chỉ rõ mối tương quan chặt chẽ giữa Nhân quả. Đức Chánh Pháp Vương xướng lên bài kệ như sau, chẳng khác nào vị Hoàng Đế để đóng ấn ngọc tỷ lên trên chỗ đất xi để niêm phong một bức cẩm nang mang tờ Thánh chỉ:
02. “Manopubbaṅgamādhammā,
manoseṭṭhā manomayā;
Manasā ce pasannena,
bhāsati vākaroti vā;
Tato naṃ sukkhamanveti,
Chāyāva anupāyīnīti.”
02. “Tâm đi trước thọ, tưởng, hành,
Tâm là chủ pháp, tâm là nghiệp duyêṇ
Ai mà tâm sạch lành hiền,
Nói làm chi cũng yên vui theo mình.
Ví như bóng nọ tùy hình,
Hình đâu bóng đó như in hẳn hòi”.
CHÚ GIẢI:
Tâm(1) đi trước(2) các Pháp(3)
Tâm chủ(4) duy tâm tác(5)
Nếu bằng tâm trong sạch(6)
Nói năng hoặc hành vi(7)
Phúc lạc sẽ theo người(8)
Như bóng theo hình thật(9).
(1) Tâm hay ý (Mano) tức là tâm (citta) theo cách phân loại tổng quát thì có tất cả Tứ địa tâm (catubbhūmikacitta), nghĩa là tâm trong bối cõi: Dục, Sắc, Vô sắc và Siêu thế. Theo ý nghĩa trong kệ ngôn nầy mà phân định cho chính xác, thì đây chỉ nói riêng về tám thiện tâm ở cõi Dục mà thôi. Còn theo chuyện tích nầy, tâm của cậu Maṭṭhakuṇḍali là tâm câu hữu hỷ tương ưng trí (Somanassasahagataṃ ñāṇasamyuttaṃ).
(2) Đi trước (Pubbaṅgamā), là dẫn đầu và đi chung một thể.
(3) Các Pháp (Dhamma), chỉ thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn.
Do lẽ tâm câu hữu với hỷ tương ưng trí làm duyên sanh khởi cho các uẩn kia, nên gọi là tâm đi trước. Ví như có nhiều người đồng làm phước một lượt trong một cuộc lễ dâng y, đặt bát, dâng vật dụng đến chư Tỳ khưu Tăng, hoặc chưng đèn, dọn hương, treo hoa kết lụa để cúng dường cao thượng ở một nơi thuyết pháp công cộng, thì thử hỏi: “Ai là người dẫn đầu trong nhóm ấy?”, cố nhiên ta phải trả lời rằng: “Người mà ai nấy đều nương theo để làm chung cuộc phước ấy, dầu là ông Giáp, ông Ất chi cũng gọi là người cầm đầu.”.
Do lẽ tâm làm duyên khởi cho các pháp sanh lên mà gọi là tâm đi trước dẫn đầu, quả nhiên không bao giờ các pháp sanh lên mà không có tâm sanh, trái lại khi tâm sanh rồi thì cũng có một vài nhóm tâm sở không cùng sanh.
(4) Tâm chủ (Manoseṭṭhā) vì tâm là chúa tể các pháp, nên gọi là tâm là chủ pháp, cũng vị thủ lãnh của một đảng được tôn xưng là chúa đảng, hoặc vị chủ tịch trong cuộc nhóm họp thì được gọi là hội chủ. Nơi đây nói tâm là chủ cũng y như thế.
(5) Tâm tác (Manomayā): Ví như ta lấy vàng làm nguyên liệu, để chế ra nhiều món đồ kim loại, ta thường nói các món đồ ấy làm bằng vàng (suvaṇṇamayā), nghĩa là do vàng mà làm ra (duy kim tác), các pháp do tâm làm nguyên liệu hay bản thể mà sanh ra nên gọi là duy tâm tác cũng đồng một lý như thế.
(6) Nếu bằng tâm trong sạch (Manasā ce pasannena) là bằng tâm thuần thiện, không bị tham, sân, si, tà kiến làm cho nhiễm ô, nhơ đục.
(7) Nói năng hoặc hành vi (bhāsati vā karoti vā): Người có tâm trong sạch như thế nói ra toàn là 4 thứ lời lành (không vọng ngữ, lưỡng thiệt, thô ngữ, hí ngữ), thuộc về khẩu thiện hạnh, còn làm chi cũng trong ba nghiệp lành (không sát sanh, trộm cắp, tà dâm) thuộc về thân thiện hạnh, nhược bằng không nói, không làm chi hết cũng có đầy đủ ba nghiệp lành (không tham, sân, si) thuộc về ý thiện hạnh. Lộ trình của thập thiện nghiệp trải qua ba cửa thân, khẩu, ý tròn đủ như thế.
(8) Phúc lạc sẽ theo người (Tato sukhamanveti): Hễ con người tạo thiện nghiệp qua thân, khẩu, ý từ giờ nào thì phúc lạc sẽ theo bên người từ giờ đó, do mười nghiệp quả ba cửa đã giải trên đây, con người được siêu sanh về nhàn cảnh để hưởng sự an vui hạnh phúc, vì nơi ấy thân căn và các căn tùy thuộc gọi là thân căn tâm sở của người ấy, hằng có quả an vui theo sát một bên (hỉ thần tùy chí) chẳng khi nào rời.
(9) Như bóng theo hình thật (Chāya vā anupāyinīti), là như bóng rọi của thân mình luôn luôn dính liền theo thân, thân đi thì bóng cũng đi, thân đứng bóng cũng đứng, thân ngồi bóng cũng ngồi, không thể dùng biện pháp dịu dàng hay thô bạo hoặc mềm mỏng hay cứng rắn mà tách rời ra được. Chẳng hạn như nói nhỏ nhẹ “Bóng ơi! Hãy đi chỗ khác.” hoặc đánh đập, la hét “Tại sao bóng cứ theo ta mãi vậy.” cũng chẳng ly khai bóng với hình cho được.
Cũng như thế ấy, trên lộ trình của người, thiện nghiệp nầy con người đã có sẵn thiện tâm, dầu đã thực hành hay chưa thực hành, khi sanh về cõi nào nhất là cõi Dục giới thì thân căn và các thiện căn tâm sở tùy thuộc đều có quả an vui theo dính một bên, như bóng với hình không rời nhau vậy.
Kệ ngôn vừa dứt, tám muôn bốn ngàn chúng sanh được tỏ ngộ Chánh Pháp. Thiên tử Maṭṭhakuṇḍali chứng quả Dự Lưu, cả ông Bà la môn Adiṇṇapubbaka cũng vậy. Ông nầy về sau đem cả gia sản khổng lồ của mình ra gieo trồng vào phước điền ở trong Phật giáo.
x
Dịch Giả Cẩn Đề
Nhờ tâm niệm thiện chí chân thành,
Khiến cậu Kim Hoàn được vãng sanh,
Cha đã thương tiền liều mạng trẻ,
Phật còn nhớ nguyện độc căn lành,
Lâm chung một niệm, nhân dầu chậm,
Phước báu ngàn xuân, quả khá nhanh!
Chẳng đợi cúng dường cùng thọ giới,
Thiên đường, Kim ốc cũng thơm danḥ
DỨT TÍCH CẬU MAṬṬHAKUṆḌALI
02. Happiness follows the doer of good, as the shadow that leaves not the person.
02. Hạnh phúc đi theo sau người làm thiện nghiệp, như bóng không rời người.
02. Manopubbaṅgamādhammā,
manoseṭṭhā manomayā;
Manasā ce pasannena,
bhāsati vākaroti vā;
Tato naṃ sukkhamanveti,
Chāyāva anupāyīnīti. (1:2)
02. Mind precedes all knowables,
mind’s their chief, mind-made are they.
if with a clear, a confident mind
one should either speak or act,
happiness follows caused by that,
as one’s shadow ne’er departing.
(Tissatheravatthu)
KỆ NGÔN: (Pháp Cú câu 03-04)
03. “Akkocchi maṃ avadhi maṃ,
ajini maṃ ahāsi me;
Ye ca taṃ upanayhanti,
veraṃ tesaṃ na sammati.”
03. “Nó mắng tôi, đánh tôi,
Áp chế tôi, cướp tôi,
Người cố chấp niệm ấy,
Hận lòng người chẳng nguôi.”
04. “Akkocchi maṃ avadhi maṃ,
ajini maṃ ahāsi me;
Ye ca taṃ nūpanayhanti,
veraṃ tesūpasammatīti.”
04. “Nó mắng tôi, đánh tôi,
Áp chế tôi, cướp tôi,
Người không chấp niệm ấy,
Hận lòng tự khắc nguôi.”
Kệ Pháp Cú (3 và 4) nầy do Đức Bổn Sư đã thuyết ra, trong khi Ngài an cư tại Đại Tự Jetavana, đề cập đến Trưởng lão Tissa.
Tương truyền rằng: Trưởng lão Tissa vốn dòng hoàng tộc, xuất gia nhập đạo lúc tuổi đã cao niên, nhằm thời kỳ Phật giáo hưng thịnh, được nhiều lợi lộc, Trưởng lão thọ dụng đầy đủ, thân thể phì mỹ đẫy đà. Trưởng lão ưa đắp y giặt giũ dằn nếp thật sạch sẽ thẳng thớm, lại thích ngồi chễm chệ trong phòng nhóm Tăng hội ngay giữa chánh điện.
Nhiều vị Tỳ khưu từ phương xa mới về để yết kiến Đức Bổn Sư, trông thấy Trưởng lão, ngỡ rằng: “Chắc đây là vị cao Tăng Đại đức”, nên đến gần xin hầu hạ, đấm bóp tay chân cho Trưởng lão. Trưởng lão làm thinh nhận lời, nhưng bất ngờ thay có một vị Tỳ khưu hỏi Trưởng lão:
- Bạch Ngài, năm nay Ngài được bao nhiêu hạ? (tuổi đạo của Tỳ khưu)
- Ta chưa có hạ nào hết. Ta tuy lớn tuổi nhưng vừa mới xuất gia.
Vị sư trẻ phát nói nặng lời rằng:
- Nầy ông sư già mất dạy, cống cao ngã mạn, không biết tự lượng, ông trông thấy các Ngài Đại đức trong nhóm đây mà không chào hỏi theo pháp. Các Ngài ngỡ ông cao hạ nên xin phục dịch ông, ông cũng làm thinh, đã vậy mà còn trân tráo, không tỏ ra vẻ gì là biết ăn năn hối ngộ.
Nói rồi, vị sư trẻ bật ngón tay kêu ra tiếng trước mặt Trưởng lão. Trưởng lão Tissa khí phách hãy còn hiên ngang, bị người chạm đến lòng tự tôn tự đại của dòng Sát Đế Lỵ (Khattiya vua chúa) bèn hỏi ngay lại rằng:
- Các ông đến đây tìm ai?
- Chúng tôi về thỉnh an Đức Tôn Sư.
- Vậy mà đối với ta, các ông lại hỏi lẫn nhau “Ông đó là ai?” phải không? Ta sẽ nhổ tận gốc dòng họ các ông cả thảy bây giờ.
Nói rồi, Trưởng lão Tissa vừa khóc mếu máo, vừa đi tìm Đức Bổn Sư, trong tâm uất ức sầu khổ lắm!
Thấy Trưởng lão, Đức Bổn Sư bèn hỏi:
- Nầy Tissa! Ông làm gì mà buồn rầu khổ sở, mặt mày đẫm lệ, đến đây còn khóc vậy?
Nhóm khách Tăng bảo nhau: “Nếu để ông ta đi một mình, ông ta có thể gây ra nhiều chuyện rắc rối.”, nên cũng đi theo Trưởng lão, đến nơi đảnh lễ Đức Tôn Sư rồi ngồi qua một bên.
Sẵn dịp đó, Trưởng lão Tissa “mét” với Đức Bổn Sư:
- Bạch Ngài! Mấy ông Tỳ khưu nầy đã mắng nhiếc tôi.
- Lúc ấy, ông ngồi tại đâu?
- Bạch Ngài, trong chỗ Tăng hội, ngay chỗ giữa chánh điện.
- Mấy Tỳ khưu nầy đến, ông có thấy không?
- Bạch Ngài, có thấy.
- Ông có đứng dậy đi đón tiếp mấy vị nầy không?
- Bạch Ngài! Không có đi.
- Ông có lời xin rước bát, xách phụ đồ đạc cho mấy vị không?
- Bạch Ngài, không có hỏi.
- Ông có hỏi xin hầu hạ dâng nước cho mấy vị nầy không.
- Bạch Ngài, không có làm chi hết.
- Nầy Tissa! Đối với những Tỳ khưu lớn hạ, ông có bổn phận phải làm tất cả các việc trên đây, bởi vì ông sư nào không giữ những phép hành ấy, thì không được quyền ngồi giữa chánh điện, vậy thì chính ông có lỗi, ông hãy xin sám hối với các vị Tỳ khưu nầy đi.
- Bạch Ngài! Mấy ông nầy đã mắng nhiếc tôi, tôi không thể sám hối với mấy ông nầy đâu?
- Nầy Tissa, không nên như thế, ông phải xin sám hối đi.
- Bạch Ngài, tôi nhứt định không sám hối đâu?
Chư Tăng thấy vậy bạch rằng:
- Bạch Ngài! Ông này thật đúng là một ông sư ương ngạnh (cứng đầu).
Nghe vậy, Đức Tôn Sư bảo chư Tăng rằng:
- Nầy các Tỳ khưu, đây không phải là lần đầu tiên đâu. Trong tiền kiếp ông ta cũng đã tỏ ra ương ngạnh như vậy rồi.
- Bạch Ngài, hiện tại đây ông ta bướng bỉnh thế nào chúng con đã thấy biết, còn trong kiếp quá khứ chẳng hay ông ta đã làm gì?
Nghe chư Tăng hỏi, Đức Bổn Sư liền đáp:
- Nầy các Tỳ khưu, nếu các ông muốn biết thì hãy lắng tai nghe.
Và Ngài nhắc lại chuyện cổ tích như vầy:
“Xưa kia, dưới triều Quốc vương Bārāṇasī, trị vì thành Bārāṇasī (Ba La Nại), có ông đạo sĩ tên là Devila, sau tám tháng cần tu khổ hạnh trong miền núi Himalaya (Hy Mã Lạp Sơn), đạo sĩ muốn về thành để an cư trong bốn tháng mưa, để tiện bề kiếm thức ăn có vị, mùi chua, mặn…
Từ miền Tuyết Sơn về đến cổng thành, đạo sĩ gặp mấy đứa nhi đồng, bèn kêu lại, hỏi thăm:
- Mấy vị xuất gia tu hành, về đến thành nầy thường ngụ ở đâu?
- Bạch Ngài, trong trại làm đồ gốm.
Đạo sĩ xăm xăm đến chỗ trại làm đồ gốm, đứng ngoài cửa nói vọng vào:
- Xin gia chủ hoan hỷ cho bần đạo tá túc một đêm trong quí trại.
Chủ lò gốm đáp:
- Chúng tôi không có làm đêm trong trại, trại rộng có thiếu chi chỗ trống. Ngài cứ tùy tiện vào đó ngủ nghỉ.
Nói xong, chủ lò gốm cho người quét dọn trong gian trại ngoài. Đạo sĩ Devila vừa vào trại ngồi nghỉ chân, thì bên ngoài có vị đạo sĩ khác tên là Nārada, cũng từ núi Tuyết Sơn lặn lội về thành, đến trại ông chủ lò gốm xin ngủ nhờ một đêm.
Ông chủ lò gốm nghĩ thầm: “Ông đạo sĩ đến trước có vui lòng cho ông nầy ngủ chung hay không, điều ấy không can gì đến ta.”, nghĩ rồi bèn nói:
- Bạch Ngài, nếu vị đạo sĩ đến trước bằng lòng thì Ngài cứ tha hồ vào đó nghỉ ngơi.
Vì thế, đạo sĩ Nārada đến xin hỏi đạo sĩ Devila:
- Bạch thầy, xin thầy hoan hỷ cho tôi ngủ chung một đêm được không?
- Gian trại rộng thinh, thầy hãy vào đây nghỉ ở một phía đi.
Nghe vậy, đạo sĩ mới đi vào phía trong cổng, ngồi sau chỗ đạo sĩ Devila, hai bạn tu hành chuyện vãn hàn huyên một hồi, kề tới giờ tắt đèn đi ngủ.
Trước khi nằm xuống, đạo sĩ Nārada để ý ghi nhớ chỗ cửa ra vào và chỗ nằm của đạo sĩ Devila, không dè ông nầy không nằm ngay chỗ chỗ mình đã ngồi, mà lại đến nằm ngang cửa cái.
Ban đêm, đạo sĩ Nārada đi ra, rủi đạp nhằm bính tóc của đạo sĩ Devila, ông nầy hỏi:
- Ai đi đạp ta vậy?
- Bạch thầy, tôi. – Đạo sĩ Nārada đáp.
- Đồ giả tu, – Devila mắng – Ngươi từ rừng rú về đây để đạp tóc ta phải không?
- Bạch thầy, tôi thật tình không biết thầy ra nằm đây. Xin thầy hoan hỷ thứ lỗi cho tôi.
Nói rồi, đạo sĩ Nārada đi luôn ra ngoài không lưu ý đến đạo sĩ Devila đang còn nằm khóc tức tửi. Một lát sau, ông nầy nằm nói thầm một mình: “Nếu ta nằm nguyên chỗ cũ, hắn ta trở vào và đạp nhằm ta nữa.”. Ông bèn nằm day đầu về phía dưới chân.
Đến khi đạo sĩ Nārada trở vào, cũng tính thầm: “Lần trước ta đi phía nầy, đã đạp nhằm bính tóc của ông thầy, bây giờ ta đi vô phải tránh xuống phía dưới chân ông thầy mới được.”. Nhưng vừa bước vô, đạo sĩ Nārada đã đạp trúng cần cổ của đạo sĩ Devila, ông ta la lên: “Ai đó?”.
- Bạch thầy, tôi.
Đạo sĩ Nārada vừa lên tiếng, đã bị đạo sĩ Devila mắng rằng:
- Đồ giả tu! Lần trước đã đạp bính tóc của ta, lần nầy lại còn đạp lên cổ của ta nữa, ta sẽ nguyền rủa nhà ngươi cho mà coi.
Nghe vậy, đạo sĩ Nārada phân trần, biện minh rằng:
- Bạch thầy, khi đi vô thì tôi nghĩ rằng: “Lúc nãy tôi đã đạp trúng tóc của thầy, bây giờ ta phải đi phía dưới chân của ông thầy.”, không phải lỗi nơi tôi, vì tôi không biết thầy nằm như vậy, tôi lỡ đạp nhằm, xin thầy hoan hỷ miễn thứ.
- Đồ giả tu! Ta sẽ nguyền rủa nhà ngươi.
- Xin thầy đừng làm như vậy.
Không đếm xỉa đến lời xin lỗi của đối phương, đạo sĩ Devila cất tiếng nguyền rủa rằng:
“Sahassaraṃsi satatejo,
suriyo tamavinodano;
Pāto udayanto suriye,
muddhā te phalatu sattadhāti.”
“Với nghìn tia sáng, trăm ngọn lửa,
Mặt trời quét sạch cảnh u minh.
Cho đầu ngươi nứt ra bảy mảnh,
Lúc mặt trời mai ló dạng hình.”
Đạo sĩ Nārada nói:
- Thầy ơi! Tôi là người không có lỗi chi mà thầy chẳng kể lời tôi, cứ nguyền rủa đại như thế, ai có lỗi thì người ấy bị nứt đầu, chứ người vô tội có hề chi.
Nói rồi đạo sĩ Nārada cũng thốt lời nguyền rủa lại:
“Sahassaraṃsi satatejo,
suriyo tamavinodano;
Pāto udayanto suriye,
muddhā te phalatu sattadhāti.”
“Với ngàn tia sáng trăm ngọn lửa,
Mặt trời quét sạch cảnh u minh.
Cho đầu thầy nứt ra bảy khứa,
Lúc mặt trời mai ló dạng hình.”
Đạo sĩ Nārada vốn là một bậc thần thông quảng đại, có thể biết được bốn mươi kiếp quá khứ, bốn mươi kiếp vị lai, cộng chung là tám mươi kiếp trái đất (kappa). Sau khi nguyền rủa, đạo sĩ hỏi: “Ai sẽ mắc lời thề độc này?”, nhờ tịnh tâm quán xét đạo sĩ thấy biết: “Ông nầy sẽ bị bể đầu.”, nên động mối từ tâm muốn ra tay tế độ, bèn dùng thần lực ếm không cho mặt trời mọc lên.
Dân chúng trong thành thấy mặt trời không mọc, kéo nhau đến cửa hoàng cung than khóc, kêu ca rằng: “Lịnh Thiên tử là chúa cả giang san thiên hạ, ngày nay mặt trời không mọc, mong ân lịnh Thiên tử sử dụng vương quyền khiến sai mặt trời mọc lên cho con dân được nhờ.”.
Đức vua tự thẩm xét các nghiệp do thân, khẩu, ý của mình đã tạo, thấy không có điều chi phạm lỗi đối với Thánh thần hoặc Tiên vương, bèn nghĩ thầm: “Vì duyên cớ nào đây? Chắc có lẽ các vị xuất gia đạo sĩ đã tranh chấp nhau đây chứ gì?”.
Để dứt lòng nghi, đức vua phán xét hỏi dân chúng rằng:
- Trong thành hiện nay, có vị xuất gia tu hành nào chăng?
- Muôn tâu Thánh thượng! Chiều hôm qua có hai vị đạo sĩ mới đến, tá túc tại trại đồ gốm.
Nghe vậy, đức vua lập tức truyền lịnh khiến quân thắp đuốc soi đường, đoạn Ngài thân hành ngự giá đến trại đồ gốm, đảnh lễ đạo sĩ Nārada xong, ngồi xuống một bên rồi hỏi bằng kệ rằng:
“Kammantā nappavattanti,
jambūdīpassa nārada;
Kena loko tamobhūto,
taṃ me akkhāhi pucchitoti.”
“Kính bạch Na La Đa đạo sĩ,
Cõi Diêm Phù bởi lý do chi,
Bóng đêm bao phủ khắp tứ vi,
Khiến cho dân chúng không đi ăn làm.
Chắc có lẽ Ngài am hiểu đạo,
Trẫm xin Ngài chỉ giáo phân minh.”
Đạo sĩ Nārada đem hết sự việc thuật lại cho vua nghe, rồi nói:
- “…vì lẽ ấy, Ta bị đạo huynh nầy nguyền rủa và ta cũng có nguyền rủa lại như vậy. Ta không có lỗi chi, nếu ai có lỗi thì cho đầu nầy nứt ra làm bảy mảnh. Nhưng sau lời nguyền, ta chú tâm quán xét tìm coi ai sẽ mắc lời thề độc, thì ta hiểu biết là khi mặt trời ban mai vừa ló dạng, đầu của đạo huynh đây sẽ nứt làm bảy mảnh, bởi vì lòng từ bi, không nỡ để cho đạo huynh ấy bị nạn, ta đã cầm mặt trời lại không cho mọc lên.
- Bạch Ngài! Làm sao cho vị đạo sĩ nầy khỏi bị tai hại?
- Nếu đạo huynh đây chịu sám hối với ta thì khỏi bị tai hại.
- Vậy thì đạo trưởng hãy sám hối với Ngài đi.
- Hắn đã đạp tóc, đạp cổ ta, không bao giờ ta lại đi sám hối với kẻ giả tu như thế.
- Bạch đạo trưởng! Đừng nên làm thế hãy chịu sám hối đi.
- Ta không sám hối đâu?
- Đầu đạo trưởng sẽ bị nứt ra làm bảy mảnh.
Dầu nghe lời hăm dọa như thế, đạo sĩ Devila cũng nhứt quyết không chịu sám hối, khi ấy đức vua phán:
- Chắc đạo sĩ nầy không tự mình xuống nước nhận lỗi phải không?
Nói rồi, đức vua truyền lịnh cho thị vệ nắm tay, nắm chân, nắm lưng, nắm cổ của đạo sĩ Devila, đè ông ta xuống bắt phải mọp đầu dưới chân đạo sĩ Nārada.
Đạo sĩ Nārada nói: “Thôi, thầy (ācariya) hãy bình thân, ta miễn lỗi cho thầy rồi đó.”. Rồi đạo sĩ Nārada tâu với đức vua:
- Tâu Đại Vương! Vì đạo huynh đây không tự mình chịu sám hối, xin Đại vương hãy ra lịnh đem ông ta đến một cái ao hồ, không xa độ thành, để hòn đất lên đầu ông ta và bắt ông ta đứng dưới sâu ngập tới cổ.
Đức vua làm y như lời, rồi đạo sĩ Nārada dặn đạo sĩ Devila:
- Bạch thầy! Tôi sẽ thị hiện thần thông, khiến cho mặt trời mọc lên, khi ấy thầy lặn xuống dưới nước và trồi đầu lên ở một nơi khác và chạy đi luôn.
Đức Bổn Sư thuyết tích nầy, còn giải thêm rằng:
“Nầy các Tỳ khưu, đức vua lúc bấy giờ là Ānanda, Devila nay là Tissa và Nārada chính là Như Lai. Thuở xưa ông ta cũng tỏ ra bướng bỉnh, ương ngạnh như thế đó.”.
Đức Bổn Sư quay qua dạy thêm Trưởng lão Tissa, đoạn Ngài kết luận rằng:
- Nầy Tissa, nếu Tỳ khưu nào cố chấp mãi trong tâm như vậy: “Ông đó nhiếc mắng tôi, ông đó đánh đập tôi, ông đó áp chế tôi, ông đó cướp giật tôi, thì Tỳ khưu đó sẽ không nguôi ngoai được mối căm thù, hờn giận. Nhưng nếu Tỳ khưu ấy không cố chấp niệm ấy trong tâm thì tự khắc nỗi căm thù oán hận sẽ nguôi ngoai.”.
Tiếp sau đó, Đức Bổn Sư nói lên bài kệ sau đây:
03. “Akkocchi maṃ avadhi maṃ,
ajini maṃ ahāsi me;
Ye ca taṃ upanayhanti,
veraṃ tesaṃ na sammati.”
03. “Nó mắng tôi, nó đánh tôi,
Áp chế tôi, cướp giựt tôi kia mà.
Người còn cố chấp phiền hà,
Hận lòng người ấy chắc là khôn nguôi.”
04. “Akkocchi maṃ avadhi maṃ,
ajini maṃ ahāsi me;
Ye ca taṃ nūpanayhanti,
veraṃ tesūpasammatīti.”
04. “Nó mắng tôi, nó đánh tôi,
Áp chế tôi, cướp giựt tôi kia mà.
Người không cố chấp phiền hà,
Hận lòng người ấy chắc là chóng tan”.
CHÚ GIẢI:
Nó mắng(1) tôi, đánh(2) tôi.
Áp chế(3) tôi, cướp(4) tôi.
Người(5) cố chấp niệm ấy(6)
Hận lòng người chẳng nguôi(7)
………………….
Người không chấp niệm ấy(8),
Hận lòng người sẽ nguôi(9).
(1) Nó mắng (Akkocchi), đây là nhiếc mắng, chửi rủa.
(2) Đánh (Avadhi) là đánh đập.
(3) Áp chế (Ajini) là bắt phải khuất phục bằng lời nói xuôi ngược, hoặc việc làm cao thấp để đè ép.
(4) Cướp (Ahāsi) là giựt lấy, sang đoạt của cải, tài vật, nhất là y của nhà sư.
(5) Người (Ye): là bất luận ai, kể cả chư Thiên và nhân loại, tại gia hoặc xuất gia.
(6) Cố chấp niệm ấy (Taṃ upanayhanti): Là cứ ôm ấp, chất chứa trong tâm rằng “Nó đánh tôi, nó mắng tôi.” rồi hờn giận mãi, chẳng khác nào người lấy nhiều nước cỏ thơm (kusa) che đậy mớ cá ươn, chở trên một chiếc xe bò.
(7) Hận lòng người chẳng nguôi (Veraṃ tesaṃ na sammati): Ở những người cố chấp như trên, hễ có sự căm hờn nổi lên ắt là không nguôi ngoai, không lắng dịu được.
(8) Người không chấp niệm ấy (Ye ca taṃ nūpanayhanti): Là không nhớ tưởng, không lưu tâm để ý, hoặc là biết suy nghĩ về nghiệp quả, nên dù có bị mắng, bị đánh, bị áp đảo, bị cướp bóc cũng không hờn giận: “Hồi trước chắc mình có mắng người, có đánh người, có áp đảo người, có cướp bóc người, nên nay người mới trả đũa lại, nghĩ như vậy nên không cựu thù, chuốc oán”.
(9) Hận lòng người sẽ nguôi (Veraṃ tesūpasammati): Người sau nầy có dể duôi quên mình, để cho sự sân hận sanh lên, thì mối căm thù tự khắc cũng nguôi ngoai tan rã, nhờ không cố chấp, cũng như lửa không gặp bổi (nhiên liệu) hay dầu vậy.
Thời pháp vừa dứt, một trăm ngàn vị Tỳ khưu đắc Thánh quả Tu Đà Hườn, kỳ dư đại chúng thính pháp đều được hưởng sự lợi ích, và số người bướng bỉnh, ương ngạnh nhờ đó trở nên mềm mỏng dễ dạy.
x
Dịch Giả Cẩn Đề
Thấy lỗi người, không thấy lỗi mình,
Hận lòng, Trưởng lão khó làm thinh.
Quyết đưa cả nhóm ra hài tội,
Nào nhận riêng ta đáng phạt hình.
Mãn cậy thân già, dòng dõi quí,
Mà quên hạ nhỏ, bạn bè khinh.
Lắng nghe Phật thuyết nhân tiền nghiệp,
Giải được tâm thù hận chúng sanh.
DỨT TÍCH TRƯỞNG LÃO TISSA
03. The hatred of those who mull over the wrong done to them keeps on growing.
03. Nỗi hận thù tiếp tục tăng lên trong lòng những ai nghĩ mãi đến sự bất công mà kẻ khác gây cho họ.
03. Akkocchi maṃ avadhi maṃ,
ajini maṃ ahāsi me;
Ye ca taṃ upanayhanti,
veraṃ tesaṃ na sammati. (1:3)
03. Who bear within them enmity:
“He has abused and beaten me,
defeated me and plundered me”,
hate is not allayed for them.
04. Those who do not mull over the harm done to them are appeased.
04. Những ai không nghĩ đến điều tai hại, mà kẻ khác gây cho họ, sẽ được nguôi dần.
04. Akkocchi maṃ avadhi maṃ,
ajini maṃ ahāsi me;
Ye ca taṃ nūpanayhanti,
veraṃ tesūpasammatīti. (1:4)
04. Who bear within no enmity:
“He has abused and beaten me,
defeated me and plundered me”,
hate is quite allayed for them.
I. 4 – Tích NGƯỜI SANH LÀM NỮ DẠ XOA
(Kālīyakkhinīya upatti vatthu)
KỆ NGÔN: (Pháp Cú câu 05)
05. “Na hi verena verāni,
sammantīdha kudācanaṃ;
Averena ca sammanti,
esa dhammo sanantanoti.”
05. “Đời nầy hận rửa hận,
Muôn thuở chẳng sạch thù.
Từ bi rửa sạch hận,
Là định luật thiên thu.”
Kệ Pháp Cú số 5 nầy, Đức Bổn Sư thuyết ra khi Ngài ngự tại Đại Tự Jetavana, đề cập đến nàng Vañhiṭṭhiṃ (Thạch Nữ).
Tương truyền rằng: Thuở ấy có một công tử thiếu niên, khi cha mới qua đời, một tay cậu chăm lo phụng dưỡng từ thân, vừa phải đảm đang coi sóc mọi việc trong nhà, ngoài ruộng.
Bà mẹ thấy con đơn chiếc, mới bảo cậu rằng:
- Để má lo bề gia thất cho con, nghe không.
- Má ơi! Má đừng nói chuyện ấy, má còn sống đến ngày nào con nguyện ở vậy nuôi má đến ngày ấy, cho đến trọn đời.
- Con à, một mình con mà gánh vác luôn cả mọi việc ruộng nương nhà cửa, lòng má áy náy không vui, con để má lo đôi bạn cho con.
Thiếu niên từ chối nhiều phen, nhưng bà mẹ cứ thúc giục, dỗ dành mãi, nên cậu làm thinh nhận chịu.
Khi ấy, mẹ cậu ra đi, định đến dạm hỏi con gái của một gia đình nọ, thiếu niên muốn biết ý mẹ, bèn nói vói rằng:
- Má định nói con ai vậy?
- Cô con gái nhà ông Mỗ, bà mẹ đáp.
Thiếu niên nghe rồi, cản mẹ lại và ngỏ lời chỉ nhà cô gái mà cậu ưng ý.
Chìu lòng con, bà mẹ đi ngay đến nhà ấy, dạm hỏi con gái chủ nhà cho con trai mình, định ngày làm lễ cưới. Và đến ngày ấy rước dâu về, cho con có người nội trợ.
Cô vợ hiếm hoi, ở với chồng một thời gian khá lâu mà không sinh nở, thấy vậy bà mẹ bảo người con trai:
- Con à! Con vợ mà con ưng ý, biểu má cưới đem về, bây giờ mới biết là nó hiếm hoi, không sanh nở được. Chẳng lẽ để nhà ta tuyệt tự vì không con nối dòng, con để má kiếm đứa khác cho con.
Thiếu niên không chịu, đáp tắt ngang: “Thôi đi má.”, nhưng bà mẹ chẳng nản lòng, cứ theo òn ỉ nói mãi.
Cô Vañhiṭṭhiṃ nghe lõm được chuyện nầy, tự nghĩ: “Áo mặc sao qua khỏi đầu, làm con làm sao cãi được lời cha mẹ. Một mai chồng ta cưới vợ bé đem về, nếu nó có con chắc mọi người trong gia đình sẽ cưng trọng nó mà khinh rẻ ta, xem ta như hạng tôi đòi. Ôi! Hay là ta hãy kiếm vợ bé cho chồng, để ta được trọn quyền chọn lựa người theo ý muốn của ta.”.
Thế rồi cô Vañhiṭṭhiṃ lân la đến một gia đình nọ, dạm hỏi một cô thiếu nữ để làm vợ bé cho chồng, nhưng ban đầu cô ta bị cha mẹ cô gái cự tuyệt, hỏi rằng:
- Thím ơi! Sao thím nói gì lạ vậy?
- Dạ! Bởi vì tôi hiếm hoi, không thể sanh con cho chồng tôi khỏi tuyệt tự… nếu dì nó đẻ con trai, dì nó sẽ được trọn quyền cai quản cả gia đình, làm chủ luôn cả tài sản nữa.
Sau cùng, cô Vañhiṭṭhiṃ thuyết phục được gia đình cô gái và dắt cô ta đem về, cho làm vợ bé chồng mình.
Nhưng rồi tâm cô Vañhiṭṭhiṃ nảy sanh như vầy: “Nếu con nhỏ nầy sanh con trai hoặc con gái thì một mình nó sẽ nắm hết quyền hành trong nhà ta. Ta phải mưu tính cách nào, không cho nó sanh con mới được.”.
Thế nên, cô đinh ninh dặn dò cô vợ bé rằng:
- Dì nó à! Khi nào dì cấn thai thì báo cho chị biết nghe không.
Cô vợ bé vô tình đáp lại: “Dạ…dạ.”.
Y theo lời hứa, khi biết mình có nghén, cô vợ bé bèn báo tin cho cô Thạch Nữ hay.
Cô nầy đã có dụng ý từ trước, nên hằng ngày thường làm ra vẻ yêu thương, tự tay nấu cơm cháo bưng đem cho cô vợ bé ăn.
Khi được biết tin cô vợ bé thọ thai, cô ta bèn trộn lẫn thuốc phá thai vào vật thực cho cô vợ bé và kết quả là cái thai bị xảo.
Cô vợ bé thọ thai lần thứ hai, cũng thiệt tình nói cho cô Thạch Nữ biết, cô nầy lại hạ độc thủ, làm cô vợ bé trụy thai lần thứ hai.
Các phụ nữ lối xóm, có người tò mò hỏi cô vợ bé rằng: “Có phải chị bị bà lớn lập tâm hãi hại chăng?”.
Cô vợ bé bèn tỏ hết tâm sự gia đình, liền bị các cô bạn trách rằng: “Chỉ có chị là mù quáng, dại dột mới tin nghe vợ lớn như vậy. Con mẹ sợ mất chủ quyền trong nhà, nên hốt thuốc phá thai cho chị uống, chi tin lời con mẻ nên mới bị hư thai, từ rày đừng thèm nghe theo con mẻ nữa.”.
Mấy lời rỉ tai nói nhỏ của mấy cô bạn láng giềng khiến cho cô vợ bé sinh nghi, nên khi có thai lần thứ ba, cô ta không tiết lộ cho cô vợ lớn biết, nhưng rồi bụng càng ngày càng to cô ta bị vợ lớn hạch hỏi rằng: “Sao dì có thai mà không bảo cho chị biết?”.
Túng nước, cô vợ bé phải đáp thật rằng: “Chị đã báo hại làm cho em hư thai hết hai lần rồi, bây giờ bảo em nói cho chị biết nữa hay sao?”.
Cô Vañhiṭṭhiṃ nghĩ thầm: “Mưu kế của ta bị bại lộ rồi.”. Từ đó, cô ta rình rập, chờ dịp nào cô vợ bé sơ ý ra tay, đến khi cái thai đã lớn, cô ta mới gặp cơ hội, bèn trộn thuốc phá thai và thang thuốc bổ của cô vợ bé.
Cai thai đã già ngày tháng, nên không xảo ra, quay lại nằm ngang cửa tử cung, dựng phụ nghe dạ dưới đau trằn dữ dội nghi mình sắp thiệt mạng vì tay cô vợ lớn, nên vừa khóc vừa thề nguyền rằng: “Một tay mày sát hại ba đứa con tao. Bây giờ tới tao cũng chết vì tay mày, chết rồi tao sẽ đầu thai làm nữ Dạ Xoa (Yakkhinī) để ăn thịt mấy đứa con mầy lại mà rửa hận.”.
Dứt lời, cô ta tắt hơi luôn, thọ sanh làm con mèo cái (majjārī) trong nhà.
Còn cô Vañhiṭṭhiṃ bị chồng lôi ra mắng rằng:
- Con ác phụ, mầy đã báo hại làm cho tao phải tuyệt tự.
Chưa đã cơn giận, chồng cô còn thúc cùi chỏ, lên gối, thẳng tay đấm đá một cách tàn nhẫn.
Bị trận đòn chí tử, cô Vañhiṭṭhiṃ đau nặng bỏ mình luôn, chuyển kiếp làm con gà mái trong nhà.
Không bao lâu, con gà mái lớn lên, bắt đầu đẻ trứng, con mèo rình ăn trộm ổ trứng đầu tiên của nó. Lứa trứng thứ hai, thứ ba cùng con gà mái cũng bị ăn luôn. Con gà mái căm thù con mèo mới thề rằng:
- Mày ăn của tao hết ba lứa trứng, bây giờ còn muốn ăn thịt cả tao nữa, tao mà chết rồi đầu thai kiếp khác tao thề sẽ ăn thịt lũ con mầy lại báo oán.
Thế rồi con gà mái chết, đầu thai làm con beo cái, còn con mèo cái khi chết đầu thai làm con nai cái.
Đến khi con nai cái sinh con, ba lần đều bị con beo cái tìm đến ăn thịt con cả ba lần. Khi biết mình sắp chết, con nai cái thề rằng: “Mầy ăn thịt con tao ba lần, bây giờ con sắp ăn thịt tao nữa, tao thề kiếp sau sẽ ăn thịt cả mầy lẫn con mầy mởi hả dạ tao.”.
Nguyện rồi, con nai cái chết hóa thân làm Hắc Nữ Dạ Xoa (bà chằn đen), còn con beo cái sau khi chết, đầu thai làm con gái một gia đình Trưởng giả ở kinh thành Sāvatthī.
Cô gái lớn lên được gả về làm dâu trong một gia đình ở tận cổng làng, đến khi thiếu phụ sanh đứa con đầu lòng, Dạ Xoa cái hiện đến hóa hình giống như bạn chí thân của thiếu phụ, giả vờ hỏi thăm người nhà của thiếu phụ rằng:
- Chị bạn thân thiết của tôi đâu?
- Nằm ở trong buồng, mới sinh con.
Nghe vậy, nữ Dạ xoa nói:
- Để tôi vô thăm coi sanh trai hay gái.
Dạ xoa vô buồng giả vờ ẵm đứa hài nhi sơ sinh, ăn thịt rồi biến mất.
Lần thứ hai thiếu phụ sinh con, cũng bị nữ Dạ Xoa hiện đến ăn thịt như thế.
Đến lần thứ ba, khi mang thai gần đến ngày sinh, thiếu phụ bảo chồng rằng: “Mình ơi! Tại đây có con chằn cái, nó đã ăn thịt con ta hai lần rồi, kỳ nầy em muốn về nhà ba má em để nằm chờ.”.
Và thiếu phụ sanh đứa con thứ ba tại nhà cha mẹ ruột của mình tại thành Sāvatthī.
Trong khi ấy nữ Dạ Xoa có phận sự phải đi đội chuyền nước.
Vì tất cả Dạ Xoa ở quốc độ của vua Vessavana (Tỳ Sa Môn) là vị Đại Thiên Vương trấn thủ phương Bắc, đều bị bắt đi đội chuyền nước từ hồ Anottattā (Thiên Lãnh). Công việc làm xâu nầy kéo dài đến bốn năm tháng, khi được phóng thích, các Dạ Xoa khác đều bị bỏ mạng vì quá nhọc xác.
Còn Dạ Xoa Kāḷī (Hắc nữ), khi mãn hạn được thả ra, lật đật trở lại nhà của thiếu phụ và hỏi rằng:
- Cô bạn của tôi đâu?
- Cô ấy lánh mặt đi nơi khác rồi, kiếm không gặp đâu. Vì ở đây cô sanh đứa con nào cũng bị bà chằn tinh tới bắt ăn thịt hết, nên kỳ nầy cô về nhà cha mẹ ruột của cô rồi.
Nghe đáp như vậy, nữ Dạ Xoa lấy làm tức tối, nói thầm một mình: “Dầu cho đi đàng nào, mày cũng không thoát khỏi tay tao.”, lòng đang sôi sục hận thù, nó vụt chạy về phía trong thành Sāvatthī.
Ngày ấy, nhằm ngày lễ đặt tên cho đứa con mới sinh, thiếu phụ tắm rửa cho con sạch sẽ, đặt tên cho nó và nói cho chồng:
- Anh ạ! Bây giờ chúng mình trở về nhà.
Nói đoạn, thiếu phụ bồng con theo chồng lên đường trở về chốn cũ.
Khi đi ngang qua Tịnh xá Jetavana, tối chỗ ao hồ, thiếu phụ trao con cho chồng ẵm, lội xuống tắm dưới ao, tắm xong nàng lên bờ ẵm con cho chồng xuống tắm. Thiếu phụ đứng trên bờ hồ đang cho con bú, bỗng thấy dáng con Dạ Xoa lù lù chạy tới. Khi nhận biết đích xác là nó rồi, thiếu phụ lớn tiếng ríu rít kêu chồng: “Anh ơi! Anh ơi! Mau lên, con Dạ Xoa nó tới đây rồi nè.”.
Liệu chồng lên không kịp, thiếu phụ ẵm con quày quả cắm đầu chạy ngay vào trong Tịnh xá.
Lúc bấy giờ, Đức Bổn Sư đang ngồi thuyết pháp giữa tứ chúng. Thiếu phụ đặt đứa hài nhi dưới chân Đức Như Lai, rồi bạch rằng: “Con xin cúng dường Đức Ngài đứa nhỏ nầy, xin Ngài từ bi tế độ cứu sanh mạng con của con.”.
Ngoài cổng tam quan, nữ Dạ Xoa bị chư Thiên Sumana (Thiện Ý) đứng trấn giữ nơi đó chận lại, không cho vào Tịnh xá. Đức Bổn Sư bèn kêu Đại đức Ānanda và dạy rằng:
- Nầy Ānanda, hãy ra gọi nữ Dạ Xoa vào đây.
Đại đức Ānanda ra gọi nữ Dạ Xoa vào. Thiếu phụ la lên:
- Bạch Ngài! “Nó” vào đó.
Đức Bổn Sư bảo:
- Cứ để yên cho nó vô, đừng làm ồn.
Khi nữ Dạ Xoa vào đến nơi, đứng trước Đức Bổn Sư, Ngài khiển trách rằng:
- Tại sao ngươi làm như vậy? Nếu các người không có duyên lành được diện kiến một vị Phật như Ta, thì các ngươi còn buộc oan trái với nhau mãi mãi cho đến hết một kiếp của quả địa cầu nầy (kappa) như con rắn với con mông thử (Nāgamissatha) hễ gặp nhau là run rẩy, sừng sộ, sôi sục hận thù, hay như con quạ với con chim cú vậy.
Tại sao các người lấy hận rửa hận, lấy oán báo oán, thù hận chỉ có thể dập tắt bằng từ bi, chứ không phải bằng hận thù được.
Nói rồi Đức Bổn Sư đọc bài kệ:
05. “Na hi verena verāni,
sammantīdha kudācanaṃ;
Averena ca sammanti,
esa dhammo sanantanoti.”
05. “Khắp cùng trên cõi nhân gian,
Có đâu thù hận dẹp tan hận thù.
Từ bi cởi mở hận thù,
Đó là định luật thiên thu lưu truyền.”
CHÚ GIẢI:
“Đời nầy hận rửa hận” – Muôn thuở chẳng sạch thù (Na hi verena verāni, sammantīdha kudācanaṃ): Chẳng khác nào ta lấy nước dơ như nước bọt, nước mũi chẳng hạn, để rửa chỗ dính phẩn uế, thì không chỗ nào sạch sẽ thơm tho được, trái lại chỗ rửa ấy càng nhơ nhớp hôi thúi lên. Cũng như thế khi bị người mắng, mắng lại người, khi bị người đánh, đánh lại người, để mong trả thù rửa hận thì mối oan trái đó sẽ không giải tỏa, mà còn thắt chặt thêm và hận thù cũng chẳng được trấn an nên ngày càng tăng trưởng.
“Tử bi rửa sạch hận thù” (Averena ca sammanti): Chẳng khác nào lấy nước trong sạch để tẩy rửa vết nước miếng, nước mũi, phẩn uế, thì chỗ rửa ấy mới được sạch sẽ, hết mùi hôi thúi.
Cũng y như thế, vết nhơ hận thù nhờ thứ nước nhẫn nhục, từ bi tẩy sạch được, người biết lưu tâm chiêm nghiệm, thấu triệt được chân lý thì tự khắc bao nhiêu hận lòng cố kết, cũng đều tan rã.
“Là định luật thiên thu” (Esa dhammo sannantanoti):
Pháp dùng nước từ bi để tẩy sạch hận thù là một pháp hoàn toàn bất di bất dịch, đã có từ ngàn xưa mà tất cả chư Phật Độc Giác và Thinh Văn Giác đều công nhận.
*
Bài kệ vừa dứt, nữ Dạ Xoa chứng được quả Tu Đà Hườn, thính chúng câu hội nơi ấy cũng đều hưởng được sự lợi ích.
Kế đó, Đức Bổn Sư bảo thiếu phụ:
- Con hãy trao đứa hài nhi qua nữ Dạ Xoa.
- Bạch Ngài, con không dám.
- Chớ nên sợ vô lý, không can gì đâu.
Thiếu phụ bạo gan đưa con mình qua tay nữ Dạ Xoa, nữ Da Xoa tiếp ẵm đứa bé vào lòng, hôn hít, nựng nịu rồi trao trả lại cho mẹ nó, rồi phát khóc ấm ức. Đức Bổn Sư liền hỏi:
- Sao ngươi lại khóc?
- Bạch Ngài, lúc trước con dùng đủ phương nầy chước nọ để nuôi mạng sống mà còn đói lên đói xuống, không được no lòng, bây giờ con sẽ sống bằng cách nào đây.
- Ngươi chớ nên quá lo âu.
Sau khi an ủi Dạ Xoa, Đức Bổn Sư quay qua bảo thiếu phụ rằng:
- Con hãy đem nó về nhà, cho nó ở chung và cấp dưỡng cao lương mỹ vị cho nó.
Thiếu phụ dắt nữ Dạ Xoa về nhà, cho ở một chái phía sau và hằng ngày cúng dường cơm cháo bánh trái, toàn thứ ngon lành thượng hạng.
Tới khi trong nhà dập lúa, Dạ Xoa thấy đòn xóc giơ lên cao, sợ giáng xuống trúng đầu mình nên nói với thiếu phụ:
- Tôi không thể nào ở đây lâu hơn nữa, bạn kiếm cho tôi một chỗ khác.
Thiếu phụ đưa Dạ Xoa đi lựa chỗ, lần lượt từ chái nhà kho trữ đòn xóc, vào nhà tắm, vào nhà bếp, vào chòi dựa xoài, rồi ra chỗ đống rác, ra tận cổng làng… đến chỗ nào Dạ Xoa cũng lắc đầu không chịu ở, nói rằng: “Ở đây thấy đòn đập lúa giơ lên giơ xuống, tôi sợ trúng nhằm đầu tôi sẽ bể hai… ở đây con nít tạt xối nước dơ… ở đây có chó nằm… ở đây trẻ con phóng uế… ở đây người ta đổ rác… ở đây, lũ trẻ trong làng làm thầy coi tướng v.v….”.
Cuối cùng, thiếu phụ đưa nữ Dạ Xoa ra tới ngoại ô, chọn một địa điểm an tịnh vắng lặng. Nữ Dạ Xoa bằng lòng ở đó, hằng ngày thiếu phụ vẫn đem món ăn thượng vị cung cấp cho nó.
Nữ Dạ Xoa tự nghĩ: “Cô bạn của ta đối xử với ta rất mực thâm tình, ta phải làm sao đền đáp ân đức trọng hậu của người trong muôn một.”.
Rồi nữ Dạ Xoa nói cho cô bạn biết rằng: “Năm nay trời sẽ mưa nhiều, bạn nên gieo trồng trên chỗ đất gò.”.
“Năm nay nắng hạn, bạn nên gieo trồng trên chỗ đất bưng.”.
Nhờ đó, năm nào thiếu phụ cũng được trúng mùa, cửa nhà sung túc, trong khi mùa màng của những người khác đều bị hư hại vì mưa già hay nắng hạn.
Bạn bè hàng xóm hỏi thăm thiếu phụ: “Nầy chị sao mùa màng của những người khác đều bị hư hoại, mùa màng của chị gặp năm dư nước, thiếu nước chị cũng không bị hư hại như của người khác, hình như là từ khi đầu mùa chị đã tiên đoán biết trước năm nào mưa dầm, năm nào nắng hạn vậy phải không? Hay là chị làm cách nào?”.
Thiếu phụ tỏ thật rằng:
- Tôi có cô bạn nữ Dạ Xoa, cô ta tiên đoán biết trước thời tiết mỗi năm mưa nhiều hay nắng nhiều, đều có nói cho chúng tôi hay, chúng tôi theo lời cô ta chỉ dẫn mà làm mùa, nhờ vậy năm nào chúng tôi cũng trúng. Vậy chứ bà con không thấy ngày ngày chúng tôi đem cơm cháo, bánh trái đi ra hay sao? Đó là những vật thực chúng tôi đem đến cung cấp cho cô ta vậy. Bà con muốn cậy cô ta chỉ biểu dùm cho, thì cứ đem vật thực ngon lành đến biếu cô ta là được chớ gì.
Khi ấy, tất cả cư dân trong thành tranh nhau mang lễ vật đến.
Từ đó về sau, nữ Dạ Xoa làm bà thầy hướng dẫn nông nghiệp cho mọi người, được cúng dường lợi lộc dồi dào và qui tụ rất đông tín đồ đệ tử.
Sau đó, bà ta có lập ra tám thứ thực phẩm do người bắt thăm dâng cúng (Salākabhattāni), và cái lệ này vẫn còn gìn giữ cho đến ngày nay.
x
Dịch Giả Cẩn Đề
Tranh chấp tranh quyền nghịch lẫn nhau,
Giết con tình địch họa càng sâu.
Gà beo, lộn kiếp hai đời khổ,
Chằng, thú, bàng sanh mấy đọa sầu.
Có oán nào từng vui đến trước,
Thâm thù chỉ để hận về sau.
Vâng lời Phật dạy: Từ, bi, xả,
Cùng sống nương theo lý đạo mầu.
DỨT TÍCH NGƯỜI SANH LÀM NỮ DẠ XOA
05. Hatred never conquers hatred. Only non-hatred conquers hatred.
05. Sân hận không bao giờ nhiếp phục sân hận, chỉ vô sân nhiếp phục sân hận mà thôi.
05. Na hi verena verāni,
sammantīdha kudācanaṃ;
Averena ca sammanti,
esa dhammo sanantanoti. (1:5
05. Never here by enemity
Are those with enmity allayed,
they are allyed by amity
this is a timeless Truth.
PHỤ GIẢI:
I- Ngài Buddhaghosa, tác giả bộ Chú Giải Pháp Cú Kinh, là một Tỳ khưu ở xứ Thaton, dòng dõi Bà la môn xuất gia theo Phật giáo vào thế kỷ thứ V, Ngài rất thông suốt Tam Tạng và được Phật giáo Nam Tông xem là một vị Thánh Tăng, đã có công chấn chỉnh Phật giáo suy đồi ở Tích Lan, thủ tiêu những kinh điển mà Ngài cho là không đúng đường lối của Đức Phật, và có viết lại bằng Pāli những Bộ Chú Giải, nhất là bộ Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo) mà chư Tăng ngày nay lấy làm kinh chánh để tu học về GIỚI – ĐỊNH – TUỆ.
Tuy nhiên, gần đây có một số chư Tăng ở Thái Lan bắt đầu ngờ vực những công trình của Ngài. Vì lẽ, dòng dõi Bà la môn của Ngài bao giờ cũng có chủ tâm dẹp bỏ Phật giáo, hay ít nhất cũng hạ bệ Phật và sắp Ngài vào hàng dưới đức Phạm Thiên của họ, biết đâu chừng những kinh chính thống Phật giáo đã bị thiêu đốt và thay thế bằng những giáo lý lai Bà la môn?
(Lúc Đức Phật còn tại thế, Ngài không cho ghi chép kinh, vì sợ tam sao thất bổn. Mấy Tổ về sau giỏi chữ nghĩa văn chương nhất là các vị gốc Bà la môn sẽ có thể thêm bớt làm sai lệch nguyên bổn, Ngài chỉ thuyết bằng tiếng Pāli, tiếng bình dân xứ Magadha, không có chữ Nam Phạn, chữ Bắc Phạn (Sanskrit) là của đạo Bà la môn, tuy hơi giống như tiếng Pāli, nhưng không phải là một thứ tiếng như tiếng Việt Nam ở hai miền Nam, Bắc cả xứ ta).
Trong quyển Legénde de Gautama, trang 372, có đoạn nói về Ngài, xin trích dịch ra dưới đây:
Người đầu tiên có công sưu tập một bản sao của Tam Tạng là Ngài Buddhaghosa, tu sĩ xứ Thaton, dòng Bà la môn, người này xuống thuyền ở Thaton, lúc bấy giờ ở ven biển gần đó, địa phương nầy nằm ở trong xứ Ramagnia và dân bổn xứ gọi là người Moun. Ngài đã đáp thuyền buồm đi Tích Lan trong năm 1.043 – 400 năm sau Dương Lịch. Dưới triều đại của vua Mahānāma. Ngài ở lại đảo ba năm viết (chép) Tam Tạng bằng chữ Miến Điện trên lá bối (lá buôn) theo các bản viết bằng chữ Tích Lan. Ở một bản kinh khác, chúng tôi đọc thấy Ngài viết ra tiếng Pāli những bản kinh bằng tiếng Tích Lan. Ngài Buddhaghosa lưu lại xứ Tích Lan ba năm để hoàn thành công trình đã dự định. Trong thời gian Ngài ở đảo nầy, dân chúng rất hâm mộ kính mến Ngài, nên khi Ngài từ giã, họ dâng cúng Ngài rất nhiều vật dụng quí giá, Ngài mang về xứ Suvaṇṇabhūmi (Kim Thành), ở xứ Ramagnia nguyên bộ Tam Tạng.
(2) Những phước báu dành cho tín đồ sau khi qua đời, đúng theo tỷ lệ của các việc làm phước thiện của họ lúc còn sống. Các cõi trời tiếp theo cõi người, nhưng ở dưới mười sáu cõi dành cho các Phạm Thiên Hữu sắc, được mở ra tiếp đón các thiền tín tu, các dục lạc ở cõi chư Thiên hoàn toàn thuộc loại cảm quan. Tất cả những gì con người có thể tưởng ra để làm thỏa mãn ngũ quan, được dồn trên các nhàn cảnh ấy và chư Thiên ở cõi đó tha hồ mà hưởng thụ một cách tự do, rộng rãi. Thú vui bằng Ngũ trần thì không thể nào tả hết cho được, ta chỉ cần biết là: Ở cõi trời Dục giới phái tính vẫn còn. Trong hai cõi thấp nhất là Tứ Đại Thiên và Đao Lợi, sự hành dâm vẫn có giữa hai phái tính nhưng không có sự chửa đẻ, trong cõi Dạ Ma chư Thiên nam và nữ chỉ ôm nhau hôn hít là đủ thỏa mãn tình dục, trong cõi Đâu Suất hai bên chỉ nắm tay nhau, trong cõi Hóa Lạc vợ chồng chỉ nhìn mặt nhau. Và trong cõi Tha Hóa Tự Tại, hai người chỉ cần gặp nhau ở một nơi nào đó. Về phái tính trong Dục giới thiên, chúng ta có thể nhận thấy hai điểm:
A- Là dục lạc càng mất vẻ thô tục và càng trở nên thanh bai, tế nhị khi càng lên cõi cao hơn. Hễ lúc còn sống, thiện tín làm phước càng thanh cao to lớn, thì sau đó sẽ được sanh lên cõi càng thanh cao, và hưởng thụ được những cảnh vui tế nhị. Do đó Đức Phật Gotama của chúng ta, trong tiền kiếp đã tạo nhiều giới đức tối cao nên được sanh lên cõi trời Đâu Suất (Tusita) là cõi trời dục thứ tư.
B- Thời gian thụ hưởng dục lạc cứ tăng gấp đôi từ cõi dưới thấp lên cõi trên kế tiếp. Nghĩa là những thú vui ở cõi Đao Lợi được xem như thọ hưởng lâu hơn gấp đôi cõi Tứ Đại Thiên, cõi Dạ Ma thì gấp đôi cõi Đao Lợi, cứ như thế tăng dần cho đến cõi trời thứ sáu.
Trong các bài pháp mà chư Tỳ khưu thuyết cho quần chúng nghe để khuyến khích họ tinh tấn, nhất là về hạnh bố thí, các Sư hết sức rộng rãi trong các lời hứa hẹn về phước báu ở trên nhàn cảnh, lấy đó làm một phương tiện mạnh mẽ để duy trì sự tinh tấn bố thí cúng dường của chư thiện tín, chư Tăng đã thành công rực rỡ trong các chương trình đã dự định. Đối với đại đa số thính giả, người ta không thể phủ nhận rằng: “Những Phật giáo đồ là những nạn nhân của sự gạt gẫm nầy.”, đã trọn tin những lời thuyết của các Pháp sư. Về vấn đề cõi trời Dục giới đó là đức tin chung trong đại chúng Phật giáo đồ, thỉnh thoảng người ta có thể gặp một số ít người phủ nhận các truyện ngụ ngôn ấy. Nhưng số ít nầy không được quan tâm lưu ý, vì phần chính thống của Giáo hội xem họ như những người tự do tư tưởng, thuần lý luận ( Vie de gandama trang 281).
Trường hợp cậu Maṭṭhakuṇḍali được vãng sanh lên cung trời Đao Lợi, không phải do làm phước hay giữ giới, mà chỉ giữ tâm trong sạch hướng đến Đức Phật là được như vậy.
Điều nầy mới nghe qua, như phản lại lời các Pháp sư thường ca tụng về pháp Bố thí và Trì giới, nhưng chính Đức Phật đã xác nhận và vị chư Thiên Maṭṭhakuṇḍali là một bằng chứng: Chỉ bằng tâm trong sạch, dầu nói hoặc làm, hoặc nghĩ cũng được phước cả. Nguyên nhân tạo nghiệp là ý (mano). Ở nơi khác, Đức Phật còn dạy rằng tâm (tác ý) tức là nghiệp. Như Cố Đại đức Hộ Tông đã từng giải bảy thứ quả của tài thí đều do tâm cả, xin nhắc lại là:
1- Bố thí với sự mong mỏi phước báu thì sẽ được sinh lên cõi trời thấp nhất (Tứ Đại Thiên).
2- Bố thí vì nghĩ đến việc làm thiện thì sanh lên cõi trời thứ hai (Đao Lợi).
3- Bố thí vì phong tục tập quán sẽ sanh lên cõi trời thứ ba là Dạ Ma.
4- Bố thí theo Phật giáo thì sẽ được sanh lên cõi trời thứ tư là Đâu Suất.
5- Bố thí bằng tâm vui thích thì sẽ sanh lên cõi trời thứ năm là Hóa Lạc.
6- Bố thí bằng tâm giúp cho người được an vui đầy đủ thì được sanh lên cõi trời thứ sáu là Tha Hóa Tự Tại.
7- Bố thí không cầu mong hưởng quả, chỉ để xả ly tham, sân, si, nhất là lòng bỏn xẻn thì được sanh lên cõi Phạm Thiên (vì đã hết dục vọng).
Phần nhiều thiện tín không thích quả phước vô lậu của cách bố thí với tâm xả ly để sớm đạt được đạo quả Niết Bàn, mà chỉ bố thí để hồi hướng cho người quá vãng và để dành cho mình kiếp sau được hưởng quả. Ít người hiểu biết rành vì không được chư Tăng giải rành mạch, tận tường, là mình đã bố thí hết cả phần phước của mình trong khi đọc bài Phước căn… không chừa lại chút gì cả, mà còn đọc tiếp lời nguyện xả ly những phiền não tức là những dục vọng ham muốn, hưởng dục lạc ngũ trần trong ngày vị lai. Một lẽ nữa, là chư thiện tín hiểu lầm Niết Bàn là cõi tịch diệt, không không rỗng tuếch, đoạn diệt tất cả nên ngán sợ Niết Bàn.
Trong số chư Tăng có vị chưa nhận thức rằng, một Thánh nhân bậc thấp nhất, tuy nghèo xơ xác về mặt vật chất cũng không phải là người vô sản cùng đinh. Do lẽ đó, Đức Phật đã từng khuyên các hành giả: “Vị Tỳ khưu nên ở chỗ nào pháp dễ phát sanh mặc dù thiếu thốn vật thực.” và Ngài cũng nhắc nhở các đệ tử: “Hãy là người thừa tự pháp, chớ đừng làm người thừa tự vật thực của Như Lai.”.
Nhiều vị cư sĩ muốn xuất gia mà ngại thiếu thốn vật thực, vật chất, không thể tu được nên ráng làm phước để dành làm hậu bị thực. Các vị quá sợ khổ như vậy, không thể nào dám Minh sát Khổ, và nếu ráng học nhiều pháp thì chỉ biết cái khổ bằng lý thuyết suông. Vả lại đem hết tài sản bố thí cúng dường lớn lao trọng đại như ông Anāthapiṇḍika hay bà Visākhā, phước báu chẳng hơn gì người thợ hàng hoa Sumana được Phật thọ ký là Phật Độc Giác sau nầy.
Trong Tăng Chi Bộ Kinh, Đức Phật có giải về phước hữu lậu của Ngài đã làm trong kiếp còn là Bồ Tát Velāma nhiều vô số kể, nhưng so ra chẳng bằng một phần mười sáu của hành giả thấy Pháp Sanh Diệt, tức là Minh sát Khổ cho tới khi hết khổ, không còn tái sanh cái khổ, tức là chứng được pháp Vô Sanh (của cái khổ).
Sự tích cậu Maṭṭhakuṇḍali về lý thì giống như pháp niệm Phật A Di Đà của phái Tịnh Độ, nghĩa là nhờ tha lực bằng đức tin mãnh liệt nơi Đức Phật vào lúc lâm chung mà được siêu sanh, tuy nhiên chẳng phải dễ gì niệm tưởng Đức Phật trong khi từ giã cõi đời được, nếu không có sự trợ duyên.
Trong sách Quần Nghi Luận có kể mười trường hợp lâm chung không thể niệm Phật, xin chép ra đây:
1- Không gặp người trí thức nên không đi khuyên niệm Phật.
2- Nghiệp khổ buộc trong thân, không rảnh trí mà niệm Phật.
3- Trúng gió tắt tiếng, không xưng niệm hiệu Phật được.
4- Cuồng tâm loạn trí không thể niệm Phật được.
5- Chết chìm, chết thiêu không thể niệm Phật được.
6- Gặp nạn hùm, gấu mà không có ai nhắc niệm Phật được.
7- Gặp bạn ác khuyên điều tà, không tin Phật nên chẳng niệm được.
8- Ăn no quá độ rồi bị hôn mê mà chết nên không thể niệm Phật được.
9- Chết trong trận giặc không thể niệm Phật được.
10- Té xuống từ núi cao mà chết, không niệm Phật được.
Hành giả Minh sát Khổ thường xuyên giác ngộ lý Tứ Đế không sợ mê muội vào lúc lâm chung, dù không niệm Phật nhưng vẫn chánh niệm, giác tỉnh thì không bao giờ sa đọa xuống khổ cảnh. Nhưng hành giả không nên giãi đãi dể duôi, mà phải bắt đầu cho sớm thành thói quen, đừng đợi tuổi già mới Minh sát khổ.
Mạc đại lão lai phương quán khổ
Cô phần đa thị thiếu niên nhân.
III- Xã hội Ấn Độ trước thời Đức Phật, đã phân ra làm bốn giai cấp. Theo Luật Đức Bàn Cổ (Mano) đã ấn định bốn cách nầy căn cứ vào dòng dõi, tuy sống chung trong một xứ nhưng mỗi dòng chỉ kết hôn với người đồng dòng với mình thôi, chứ không chịu thứ con lai hai dòng. Cấp Ba la môn là cấp tu sĩ, cao nhất vì tự cho mình là quí phái, trong sạch, thánh thiện, được phép làm chủ các việc tế tự. Đức trời Phạm Thiên là đấng tạo hóa ra mọi loài, vạn vật. Cấp thứ hai là cấp chiến sĩ hay vua chúa, gọi là Khattiya (Bắc phạn là Ksatrya), Tàu âm là Sát Đế Lỵ. Đức Thích Ca thuộc dòng chiến sĩ, nhưng Ngài đã cách mạng, phá bỏ hàng rào giai cấp, nghĩa là lập ra giai cấp A La Hán, hay đúng hơn là định nghĩa lại tiếng Bà la môn, là bậc có giới đức đáng được lãnh đạo, chứ không phải là do cha mẹ Bà la môn sanh ra mà được tôn trọng là Bà la môn (cấp tối cao). Theo Ngài, hai giai cấp sau là Phệ Xá (thương buôn, thợ thuyền) và cấp Thủ Đà La (cùng đinh, du mục), nếu tu hành đúng đắn thì cũng được gọi là Bà la môn.
Theo Phật sử thì Đức Phạm Thiên (mà tu sĩ Bà la môn cho là đấng Tạo hóa tối tôn) còn nhỏ hơn Đức Phật và không đủ khả năng bằng Ngài, nên đã ba lượt yêu cầu Ngài ra đi hoằng pháp độ sanh sau khi Ngài đắc đạo. Do đó, dòng Thích Ca được Đức Phật làm nổi bật lên (Chính danh hiệu Thích Ca - Sakya – nghĩa là Thắng nhân) đã kiêu căng càng thêm ngã mạn, như trường hợp Đại đức Tissa hay Trưởng lão Channa (Xa Nặc) và Đại đức Ānanda. Hai Ngài nầy, sau khi Đức Phật Niết Bàn rồi, mới chịu bỏ tánh tự tôn và đắc quả A La Hán.
Để phá bỏ sự chấp ngã mà Phật gọi là một tà kiến, Ngài đã thuyết kinh Vô Ngã Tướng (Anattalakkhaṇasutta) cho năm vị Kiều Trần Như nghe và năm vị đệ tử đầu tiên đã lần lượt đắc quả A La Hán, nhờ giác ngộ rằng Ngũ uẩn không phải là ta, ta không phải là Ngũ uẩn… Tiếng Anatta chính Đức Phật đã giải thích rằng: “N’etaṃ mama nesohamasmivana me so atta” như đã dịch ở trên, nhưng ngày xưa các Ngài Đại đức thông Hán tự nên dịch là Vô Ngã, khiến cho lắm Phật tử hiểu lầm là không có cái ngã. Vả lại, các Pháp sư nhất là Luật sư dùng thuyết Vô Ngã để chống lại chủ trương Bà la môn giáo: họ cho con người là một tiểu ngã, sau khi hết luân hồi sẽ trở về nhập cái Đại Ngã (Mahā - atmaṃ) tức là đấng tạo hóa, Phạm Thiên, đây chỉ là một phương tiện huyền ảo, một thứ khí giới để thắng phục địch thủ giỏi biện luận, một phương thuốc đặc biệt để trị bịnh ngã chấp của giai cấp Bà la môn và nhiều nhóm ngoại đạo khác chuyên môn lý luận. Đây không phải là môn thuốc trị bá chứng hoặc môn thuốc hay nhất của vị Y vương, nếu uống không nhằm bệnh người Phật tử vô ý sẽ phát khùng, cho rằng Đức Phật khẳng định rằng tất cả các pháp là Vô Ngã (Anattā), hiểu sai như vậy thì hết muốn tu hành, vì có ai đâu nhập Niết Bàn và có ai đâu sa địa ngục.
Quí bạn tinh ý nên đọc qua đoạn đầu Tạng Luật, chỗ Đức Phật đính chánh, những tiếng đồn về Ngài là người chủ trương pháp Vô vi là hiểu đừng làm cái chi cả và thuyết Hư vô (Nevayiko) nghĩa là tất cả đều không.
Tinh hoa của đạo Phật là Tứ Diệu Đế hay bốn chân lý của Bậc Thánh Nhân. Tiếng Phật chỉ định người đã giác ngộ Tứ đế và đem ra dạy lại người khác. Tiếng Vô minh chỉ sự dốt về Tứ đế, nên không biết lối nào để thoái khổ, và tiếng Giải thoát tri kiến chỉ sự thấy, biết con đường đi đến sự diệt khổ. Sau khi đã hành qua pháp Minh sát khổ, nghĩa là với sự ghi nhớ của mình, ngồi quan sát rõ ràng sự diễn tiến của cái khổ từ khi sanh tới khi diệt, hay nói cách khác với trí Bát Nhã (hay tâm không chấp trước) bình tĩnh trải qua bốn giai đoạn Tứ đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo).
Phần đông nhân loại vẫn còn ở trong trạng thái vô minh, nên chỉ nhìn Đức Phật và đạo Phật một cách siêu hình, thần thánh không chút gì thiết thực cả và chưa bỏ được tánh ỷ lại thần quyền như dân tộc cổ sơ, nên đi lạc vào tà kiến ngoại đạo mà không ngờ, cứ tự phụ cho mình là chánh kiến và vẫn còn nơm nớp lo sợ lắm chuyện vu vơ.
Câu chuyện tiền kiếp của Trưởng lão Tissa chỉ là một thứ ngụ ngôn, nhưng Đức Phật đã khéo dùng đúng lúc, vui vui, khiến cho ai đọc đến kết cuộc cũng bật cười cho sự bướng bỉnh của đạo sĩ Devila. Đại đức Tissa và tiến kiếp của Ngài có thật hay không? Không thành vấn đề, điều quan trọng là phần giáo lý thực tiễn, chứa đựng trong sự tích làm cho hiểu rõ thêm nghĩa và nhớ dai. Hai câu Pháp Cú 3-4 nếu gặp trường hợp như vậy, ta hãy đem trí tuệ mà thuyết phục cái tánh ngã mạn vô lối của ta thì ta là người thấu triệt chân lý ẩn trong câu chuyệ cổ tích nầy.
IV- Yakkha (Dạ Xoa) là một trong Bát bộ được kể dưới đây (theo tài liệu Từ Bi Âm số 28.. năm 1935)
1- Càn Thát Bà (Gandhabba) Tàu dịch là Hương Âm, nghĩa là dùng các thứ mùi hương mà thọ dụng.
2- Tỳ Xá Xà (Pisaca) Tàu dịch là Đạm tinh khí, nghĩa là ăn uống những đồ tinh khí của người và các giống bắp đậu.
3- Cưu Bàn Trà (Kumbhaṇḍa), Tàu dịch là Ưng hình, nghĩa là nam căn giống như cái vò vậy.
4- Chư Long (Nāga) nghĩa là các thứ Rồng.
5- Bích Lệ (Peta), Tàu dịch là Ngạ quỉ, nghĩa là thứ quỉ đói khát.
6- Phú Đơn Na (Pūtana) Tàu dịch là Xú ngạ quỉ, nghĩa là thứ ngạ quỉ đói mà thân thể rất hôi thúi.
7- Dạ Xoa (Yakkha) Tàu dịch là Dòng Kiện quỉ, nghĩa là thứ quỉ rất mạnh bạo.
8- La Sát (Rasasa) Tàu dịch là Bạo ác, nghĩa là thứ quỉ rất dữ tợn, hay ăn thịt người ta.
Tám bộ quỉ thần trên đây, có phát tâm hộ trì chánh pháp, cho nên Phật thuyết pháp đến đâu thì cũng có các bộ nầy đến hộ vệ và nghe pháp cả. Những chúng sanh nầy, Phật giáo Nam Tông gọi là chư Thiên cõi thấp ở bốn cõi trời Tứ Đại Vương.
V. Cõi Tứ Đại Thiên là cõi trời thấp nhất trong sáu cõi trời Dục giới (sáu cõi nầy còn có vợ chồng, có dâm dục, có ăn uống như nhân gian, nên gọi là trời Dục giới như đã giải ở trên).
Theo chú giải kinh Bắc Tông (Từ Bi Âm) thì bắt đầu từ dưới chân núi Sineru (Tu Di), lên thẳng tới nửa núi Sinezu, tính là bốn muôn hai ngàn do tuần, mỗi do tuần là sáu mươi km, đó là chỗ ở của trời Tứ Đại Thiên.
(Theo Pāli một do tuần là mười sáu km, ở đây có lẽ dịch lộn mười sáu thành sáu mươi do chữ tánh là Chaddasa).
Bốn cõi Thiên Vương trấn bốn phương trời, một ông là Dhatarattha (Trì Quốc Thiên Vương), đất nơi đó toàn bằng bạc trắng, thành của ông kêu là thành Thượng Hiền. Ông lãnh một bộ thần Càn Thát Bà và một bộ quỉ Tì Xá Xà, ở phía Đông núi Sineru, hộ người Đông Thắng Thần Châu.
Một ông tên là Virūpakkha (Quảng Mục Thiên Vương) thành của ông gọi là Châu La, đất nơi đó bằng ngọc pha lê, ông lãnh các bộ Long vương và quỉ Phú Đơn Na (Pātana), ở phía Tây núi Sineru, hộ người Tây Ngưu Hóa Châu.
Một ông tên là Viruḷhaka (Tăng Trưởng Thiên Vương), thành của ông ở tên là Sudassana (Thiện Kiến), đất nơi đó bằng ngọc lưu ly xanh, ông lãnh coi Cưu Bàn Trà và một bộ quỉ đói, ở phía Nam núi Sineru, hộ người Nam Thiện Bộ Châu.
Một ông tên Vessavana (Đa Văn Thiên Vương) hay Kuvera, có ba thành là: Thành Khả Úy, Thành Thiên Kính và Thành Chúng Quy, đất nơi đó bằng vàng, ông lãnh bộ quỉ Dạ Xoa và La Sát, ở phía Bắc núi Tu Di, hộ người Bắc Cưu Lưu Châu. Tên vị Trời nầy Tàu âm dịch là Tỳ Sa Môn, theo trong tích Nữ Dạ Xoa Kāli, mà chúng ta có nói đến.
Bốn vị vua Trời nầy, mỗi ông có ba mươi hai vị Tướng quân và chín mươi mốt vị Thái tử. Vị nào cũng đủ oai lực ủng hộ mười phương, ngày đêm nơi cõi nầy bằng ở cõi người năm mươi năm.
Thân của bốn vị Trời ấy đều cao bảy mươi mốt trượng (mỗi trượng dài mười thước), còn tuổi thọ thì lâu đến năm trăm cõi ấy, bằng chín triệu năm ở cõi người.
Tại sao bốn cõi trời ấy hưởng phước được như vậy? Vì kiếp trước ở cõi người, bốn Trời ấy tu đủ mười nghiệp lành thượng phẩm, hoặc là giữ một giới sát sanh không phạm tới hay giữ Bát quan trai trong một ngày một đêm rất tinh thành, nên hưởng được phước báu như thế.
Tại từng trời ấy, mặt trời, mặt trăng đi quanh theo mà soi bốn hướng ở bốn phía núi Sineru.
I. 5- Tích CÁC TỲ KHƯU Ở KOSAMBI
(Kosambakavatthu)
KỆ NGÔN: (Pháp Cú câu 06)
06. “Pare ca na vijānanti,
mayam'ettha yamāmase;
Ye ca tattha vijānanti,
tato sammanti medhagā.”
06. “Nhóm kia không hiểu biết,
Nơi đây ta tự diệt.
Người am hiểu lẽ nầy,
Từ nay thôi biện thuyết.”
Kệ Pháp Cú số 6 nầy, Đức Bổn Sư thuyết ra khi Ngài ngự tại Jetavana, đề cập đến các Tỳ khưu ở thành Kosambi.
Thời ấy, gần thành Kosambi có hai vị Tỳ khưu cùng an cư trong ngôi chùa Ghosita (Lôi Âm), một vị chuyên thuyết pháp, một vị thông suốt Tạng Luật. Vị nào cũng có năm trăm đệ tử túc trực bên mình.
Một hôm vị Pháp sư đi đại tiện trong cầu xí, rửa ráy xong đi ra, còn chừa nước dư trong cái gáo mà không úp xuống.
Kế đó, vị Luật sư đi cầu, vô thấy nước dư trong cái gáo, đến khi trở ra gặp vị Pháp sư bèn hỏi:
- Nầy đạo hữu, phải đạo hữu đi cầu còn chừa nước dư trong cái gáo không?
- Dạ phải! Thưa đạo hữu.
- Đạo hữu không biết làm vậy là phạm giới (Tác ác) sao?
- Dạ! Thật tôi không biết.
- Làm vậy là phạm giới đó thưa đạo hữu.
- Thế thì để cho tôi xin sám hối tội ấy.
- Nhưng nếu đạo hữu không cố ý, không niệm tưởng trong khi làm thì không phạm.
Nghe vậy, vị Pháp sư phạm giới cho là mình không có lỗi, nên bỏ qua không sám hối.
Vị Luật sư không kín miệng, đem nói với nhóm đệ tử của mình: “Vị Pháp sư nầy phạm giới mà không biết.”.
Những vị nầy, khi gặp mặt những vị đệ tử của vị Pháp sư, bèn chê trách: “Thầy Tế độ của mấy đạo hữu đã phạm giới mà cũng không nhận biết là mình có lỗi.”.
Đệ tử của vị Pháp sư đem chuyện nầy bạch với thầy mình. Vị Pháp sư nói rằng: “Cái ông Luật sư nầy, lúc trước đã bảo là ta không phạm, bây giờ lại nói là ta phạm. Vậy ông ta là người vọng ngữ.”.
Thế rồi, hai bên sanh sự cãi nhau, trước nhỏ sau to, lần lần gây ra lớn chuyện. Kế đó, vị Luật sư nắm được cơ hội, nhóm hết chư Tăng, đọc tuyên ngôn trục xuất vị Pháp sư. Viện cớ rằng vị nầy phạm giới mà không chịu nhận lỗi.
Từ đó, những thí chủ thường dâng cúng vật thực, vật dụng và những người hộ độ chư Tăng trong chùa bắt đầu chia ra làm hai phe.
Cho đến chư Tỳ khưu Ni thỉnh Tăng dạy đạo, chư Thiên hộ pháp cùng các bạn mới bạn cũ, chư Thiên trên hư không như chư Phạm Thiên, tất cả những vị còn phàm tâm thảy đều chia ra làm hai phe đối lập, tranh luận nhau, tiếng xôn xao thấu đến cõi trời Sắc Cứu Cánh Thiên (Kaniṭṭhabhavana).
Lúc ấy, một vị Tỳ khưu đem chuyện tranh chấp giữa hai nhóm Tăng về bạch lên Đức Thế Tôn, nói rằng: “Nhóm Tăng đọc tuyên ngôn trục xuất vị Pháp sư cho rằng mình hành đúng pháp luật, nhưng nhóm binh vực vị nầy phản ứng bản trục xuất, cho là không đúng pháp luật, nên vẫn giao thiệp thân cận vị Pháp sư”.
Đức Thế Tôn hai lần nhắn lời khuyên bảo: “Hãy nên hòa hiệp.”, nhưng Ngài được tin trả lời: “Bạch Ngài, họ vẫn không chịu hòa nhau.”.
Lần thứ ba được tin cho hay Tăng chúng đã phân ly, Đức Thế Tôn phải thân hành ngự đi đến tận nơi tranh chấp giải bày chỗ bất lợi trong hành vi thái độ của cả hai bên, bên Luật sư đọc tuyên ngôn trục xuất và bên Pháp sư phạm giới mà không chịu sám hối.
Rồi Ngài phán dạy chư Tăng hãy làm lễ Phát lồ chung nhau ngay lúc đó và hành Tăng sự chung trong một chỗ có Kiết giới (Sīmā). Ngài ban hành điều lệ, cho phép các Tỳ khưu đã tranh chấp nhau nơi Trai Tăng đường hay bất luận nơi nào, hãy nên ngồi xen kẽ nhau (āsanatarikāya) trong Trai Tăng đường.
Dàn xếp xong xuôi, Đức Thế Tôn trở về chùa Jetavana.
Kế đó, lại có tin cho hay: Chư Tỳ khưu ở Kosambi lại cạnh tranh với nhau nữa. Đức Thế Tôn lại thân hành ngự đến tận chùa Ghosita để hòa giải. Ngài mở lời cản ngăn rằng: “Thôi đi, các Tỳ khưu đừng chia rẽ, tranh chấp nữa.”.
Đoạn Ngài dạy tiếp rằng:
- Nầy các Tỳ khưu, những sự chia rẽ tranh chấp, cãi lẫy, kình chống nhau, đều chẳng lợi ích chi, cũng vì tranh chấp nhau mà con chim cút Ấn Độ (Lututika) bé tí hon đã làm thiệt mạng một thớt tượng chúa (Hatthināga).
Sau khi kể tích Bổn Sanh (Jātaka) về con chim cút, Đức Thế Tôn khuyên nhủ rằng: “Nầy các Tỳ khưu, các ông hãy nên hòa hợp nhau, đừng kình chống nhau nữa. Vì kình chống nhau mà cả trăm ngàn con chim cút thường (vattatā) phải bỏ mạng.”.
Và Đức Bổn Sư kể thêm về tiền tích con chim cút.
Nhưng chư Tăng vẫn giữ lập luận của mình, bất chấp những huấn từ của Đức Thế Tôn.
Một vị Pháp sư háo thắng, muốn cho Đức Thế Tôn khỏi phải cực lòng nói mãi vô ích, lên tiếng can rằng: “Bạch Thế Tôn là Đức Pháp Chủ, xin Ngài hãy về ngơi nghỉ dưỡng nhàn và hưởng thụ sự an vui nhãn tiền hiện hữu. Để cho chúng Tăng nhờ sự chia rẽ, tranh chấp, cãi lẫy, kình chống nầy mà danh tiếng được lẫy lừng.”.
Nghe vậy, Đức Thế Tôn lại phán: “Nầy các Tỳ khưu, xưa kia tại thành Bārāṇasī, có vị Quốc vương tên là Brahmadatta (Phạm Thí) là vua xứ Kāsi.
Vua Brahmadatta xâm chiếm nước Kosala của vua Dīghīti (Trường Thọ), bắt hành quyết vị Vương tẩu quốc, sau được Thái tử Dīghāyu (Trường Sanh) dung tha mạng sống, không báo thù, từ đó hai họ giao hòa, đồng vinh cộng lạc.”.
Kể tích nầy, Đức Bổn Sư kết luận: “Nầy các Tỳ khưu, rất đỗi là các bậc vua chúa anh hùng mã thượng, từng trải việc kiếm cung chinh chiến mà còn nhẫn nại giao hòa được như thế thay, hà huống là chư Tăng đã xuất gia Sa môn, dự hàng Thinh Văn đệ tử của Như Lai mà không làm sao sáng tỏ đức nhẫn nhục hiền hòa, cho mọi người trông thấy được sao?”.
Mặc dầu đã tận tình khuyến giới, Đức Bổn Sư cũng không hòa giải được nhóm đệ tử của Ngài.
Thấy Tăng chúng phân ly, Đức Thế Tôn chẳng được hài lòng. Ngài tự nghĩ: “Các Tỳ khưu không vâng lời ta giáo hóa, tình trạng chia rẽ nầy chỉ làm Ta bận rộn hay là Ta lánh xa nơi đô hội, một mình ra đi tìm chỗ tịnh cư.”.
Nghĩ rồi, Đức Thế Tôn vào thành Kosambi khất thực, sau đó không từ giã chư Tăng, Ngài mang y bát đơn thân độc hành, ngự ngay đến làng Balaka của người làm muối (Lonakaranaṃ). Nơi đó Ngài thuyết cho Đại đức Bhagutthera về hạnh độc hành (Ekacarikavatta). Rồi Ngài ngự đến rừng Pācinavamasamigadāya (Trúc Lộc Viên), thuyết về phước báu hương vị của pháp hòa hợp cho ba mươi vị thiếu niên công tử nghe.
Đoạn Ngài trực chỉ vô miền Pālileyyaka.
Nghe rằng Đức Thế Tôn đã nhập một hạ an vui nơi đó, dưới gốc cây Tāla xinh đẹp trong khu rừng Rakkhitavana (Vệ Lâm) gần vùng Pālileyyaka có con Tượng chúa Pālileyyaka hộ độ.
Ở Kosambi, những thiện nam tử đi chùa không thấy Đức Bổn Sư, bèn hỏi chư Tăng:
- Bạch các Ngài! Đức Bổn Sư ngự tại đâu?
- Ngài đi vào rừng Pālileyyaka rồi.
- Bạch Ngài, vì lý do nào?
- Vì Ngài đã cố gắng hết sức giảng hòa mà chư Tăng chúng tôi không chịu đoàn kết với nhau.
- Bạch các Ngài! Các Ngài đã xuất gia làm đệ tử của Đức Bổn Sư, mà Đức Bổn Sư dạy các Ngài hòa hợp đoàn kết, các Ngài không chịu đoàn kết với nhau hay sao?
- Quả thật như thế đó, nầy các đạo hữu.
Mọi người nghe vậy, bảo nhau: “Mấy ông nầy là môn đồ của Đức Bổn Sư mà lại cãi lời Thầy, không chịu đoàn kết. Tại mấy ông mà chúng ta không diện kiến Đức Bổn Sư được, vậy ta đừng nên thỉnh ngồi, đảnh lễ, chào mừng, kính trọng mấy ông nầy nữa.”. Từ đó trở đi, khi gặp chư Tăng ở Kosambi, không ai thèm để ý chào đón chi hết.
Chư Tỳ khưu đi khất thực cũng ít người để bát, phải nhịn đói hết hai ba ngày liền, nhờ đó mới tỉnh ngộ cùng nhau sám hối và tha thứ tội lỗi cho nhau, đoạn báo tin cho thiện tín hay rằng:
- Nầy chư thiện tín, chư Tăng đã hòa hợp, các ông hãy trong sạch như trước.
- Các Ngài có xin sám hối với Đức Bổn Sư chưa?
- Nầy các đạo hữu, chư Tăng chưa sám hối với Ngài.
- Nếu vậy, các Ngài hãy xin sám hối với Đức Bổn Sư đi. Chừng nào các Ngài xin sám hối với Đức Bổn Sư chừng ấy chúng tôi sẽ trong sạch với các Ngài như trước.
Lúc ấy vì chưa mãn hạ, không thể đi sám hối với Đức Bổn Sư nên các Tỳ khưu phải ráng sống lây lất khổ cực lắm.
Trái lại, Đức Bổn Sư nhập hạ một mình trong rừng được an vui nhờ có Tượng chúa Pālileyyaka hộ độ.
Tượng chúa này cũng lìa đàn, đi vô rừng sâu một mình để được an tịnh.
Tượng chúa tự nghĩ: “Ở trong đàn chung chạ bực bội quá! Nào là voi đực, voi cái, voi lứa, voi con… bao nhiêu đầu ngọn cỏ của ta đều bị chúng gặm trước, bao nhiêu nhánh cây ta bẻ sẵn xuống đều bị chúng dành nhau ăn, chỗ ta uống nước đều bị chúng quậy cho nổi bùn. Ta xuống ngâm mình dưới ao hồ nào cũng bị con voi cái đeo theo kỳ cọ trên mình ta. Hay là ta hãy lánh đi, tìm chỗ sống riêng biệt một mình.”. Nghĩ rồi Tượng chúa quyết định lìa đàn, đi ngay vô khu rừng Rakkhitavana trong vùng Pālileyyaka, đến dưới gốc cây Tāla xinh đẹp, chỗ Đức Thế Tôn đang ngự, đảnh lễ Ngài xong, Tượng chúa nhìn quanh không thấy có vật chi khác hết, Tượng chúa bèn lấy chân đạp mạnh vào gốc cây Tāla xinh đẹp làm cho cây ngã xuống, đoạn dùng vòi tét một nhánh cây, lấy làm chổi quét sân.
Kế đó, Tượng chúa dùng vòi lấy vỏ cây đi múc nước để sẵn.
Khi nhớ nước nóng cần phải có, tượng nghĩ lập cách nấu nước, làm sao đây? Tượng dùng vòi kéo cây cứng cọ nhau cho nháng lửa, đoạn nó chất thêm củi khô cho cháy lên có ngọn, lượm đá nhỏ bỏ vô đống lửa, nướng cho nóng, rồi dùng vòi cầm gậy khều đá ra, lăn đùa đi cho đá rớt xuống các hồ nước thiên nhiên trên một hốc đá (sondi).
Thỉnh thoảng Tượng lấy vòi thăm chừng, khi độ biết nước vừa đủ ấm, nó đến đảnh lễ Đức Bổn Sư.
Đức Ngài hỏi nó: “Ngươi nấu nước nóng rồi phải không Pālileyyaka?”. Đoạn Đức Thầy đến chỗ tắm.
Kế đó, Tượng chúa mang nhiều thứ trái cây dâng lên Đức Bổn Sư. Tới giờ Đức Bổn Sư vào làng khất thực, Tượng chúa lấy y bát đội lên đầu đi theo hầu Ngài.
Khi tới cận xóm, Đức Bổn Sư dừng lại, bảo tượng rằng: “Nầy Pālileyyaka, kể từ đây ngươi không thể theo ta được nữa, hãy trao y bát lại cho ta.”.
Lấy y bát rồi, Đức Bổn Sư ngự đi một mình vào làng khất thực.
Con Tượng chúa đứng mãi nơi bìa rừng, chờ cho tới khi Đức Bổn Sư đi bát về, chạy ra rước lấy y bát, đội lên đầu và lục thục theo Ngài trở về chỗ ngự.
Về đến nơi, nó để y bát xuống đàng hoàng, lại tiếp tục làm lại những công việc hàng ngày nó vẫn làm để phục dịch Đức Bổn Sư, khi rảnh việc nó cầm cây làm quạt để quạt hầu Ngài.
Ban đêm, Tượng cầm một khúc cây to, thức để canh phòng thú dữ, nó nói thầm: “Ta sẽ hộ vệ Đức Bổn Sư.”, rồi nó đi tới đi lui, tuần hành theo các khoảng trống trong rừng cho tới khi mặt trời mọc.
Theo tục truyền, khu rừng được mệnh danh kể từ đó.
Khi mặt trời mọc lên, Tượng chúa dâng nước rửa mặt, cây đánh răng… đến Đức Bổn Sư xong, nó lo làm những phận sự hằng ngày đã kể ở trước.
Gần nơi đó, có con khỉ chúa, ngày ngày trông thấy Tượng chúa dậy sớm, hầu hạ phục dịch Đức Như Lai, khỉ chúa tự nghĩ: “Ta cũng sẽ làm việc chút ít chứ.”.
Trong khi nhảy nhót la cà nhiều chỗ, một hôm khỉ ta gặp được một ổ mật ong, đóng trên một nhánh cây, thấy ong đã bỏ đi hết, nó bèn bẻ nhánh cây ấy, cầm đi đem về gần tới Đức Bổn Sư nó bứt lá chuối lót dưới ổ mật ong, rồi dâng lên cho Ngài dùng.
Ngài chỉ tiếp nhận và làm thinḥ
Khỉ chúa đứng chờ coi Đức Bổn Sư có thọ dụng ổ mật đó không. Nhưng nó chỉ thấy Ngài cầm lên và để xuống chứ không dùng. Khỉ ta tự hỏi: “Có cái gì đây?” nó bèn cầm lấy nhánh cây có ổ ong lên, lật qua lật lại xem thật kỹ, thì thấy còn sót trứng ong trong ổ, nó bèn cẩn thận gạt bỏ hết trứng ong, rồi dâng ổ mật lại Đức Bổn Sư.
Lần nầy Ngài thọ lãnh và thọ dụng.
Thấy vậy, khỉ chúa mừng quýnh, tung tăng nhảy nhót chuyền hết cành nầy tới cành kia.
Đang lúc cao hứng, không cẩn thận đề phòng, khỉ chúa với tay chụp phải một nhánh cây dòn yếu, nhánh nắm trong tay gãy, nhánh đạp dưới chân cũng gãy luôn, khỉ ta rơi từ trên cao xuống, trúng nhằm một gốc cây bén nhọn, chết liền tại chỗ.
Nhờ tâm trong sạch đối với Đức Bổn Sư, khỉ được siêu sanh lên cõi Tam thập tam thiên (Tāvatiṃsa) ở trong một tòa đền bằng vàng rộng ba mươi do tuần, có hàng ngàn thiên nữ theo hầu. Khắp cõi Diêm Phù Đề đều hay biết tin Đức Bổn Sư kiết hạ an cư trong rừng Rakkhitavana, có Tượng chúa hộ độ.
Từ thành Sāvatthī Trưởng giả Anāthapiṇḍika và bà Visākhā cùng nhiều đại gia tộc khác gởi thơ yêu cầu Đại đức Ānanda:
“Bạch Ngài, xin cho chúng tôi được yết kiến với Đức Tôn Sư.”.
Năm trăm vị Tỳ khưu nhập hạ ở tha phương, khi mãn hạ về gặp Đại đức Ānanda, cũng yêu cầu:
- Nầy đạo hữu Ānanda! Từ khi chúng tôi hội kiến với Đức Tôn Sư, được nghe pháp thoại của Ngài đến nay cũng đã quá lâu, xin đạo hữu hoan hỷ giúp chúng tôi được yết kiến Ngài để được nghe những lời vàng ngọc do Ngài ban bố.
Đại đức Ānanda bèn hướng dẫn chư khách Tăng đi tìm Đức Bổn Sư.
Khi gần đến nơi, Đại đức nghĩ thầm: “Đức Như Lai đã sống biệt cư trong ba tháng qua, ta chẳng nên đưa khách Tăng cùng vào một lượt mà làm mất sự yên tịnh của Ngài”.
Để chư Tăng ở lại bên ngoài, Đại đức đi một mình vào rừng Rakkhitavana.
Tượng chúa Pālileyyaka vừa thấy dáng người lạ đã cầm gậy chạy xông tới.
Đức Bổn Sư nhìn tượng chúa và kêu: “Pālileyyaka hãy dang ra, hãy dang ra đừng đứng cản đường. Đó là vị thị giả của Như Lai.”.
Tượng chúa lập tức bỏ gậy xuống, đến xin rước bát của Đại đức, nhưng Đại đức không đưa. Tượng chúa nghĩ thầm: “Nếu vị nầy thông hiểu Giới Luật thì không dám để đồ đạc của mình lên thạch bàn chỗ Đức Bổn Sư an tọa.”.
Đại đức đặt y bát xuống đất (những vị Tỳ khưu hiểu Luật không bao giờ để đồ đạc của mình lên chỗ ngồi, chỗ nằm của các bậc Thầy Tổ).
Tượng chúa thấy vậy, phát tâm trong sạch đối với Đại đức.
Sau khi đảnh lễ Đức Tôn Sư, Đại đức ngồi xuống một bên. Đức Bổn Sư bèn nói:
- Nầy Ānanda! Ông lại đây có một mình ông sao?
Khi nghe Đại đức Ānanda cho Ngài biết có năm trăm vị Tỳ khưu cùng đi với Đại đức, Ngài lại nói:
- Chư Tăng ấy hiện giờ ở đâu?
- Vì không biết được tôn ý, nên con vào đây có một mình, chư Tăng còn ở lại phía ngoài.
- Hãy gọi chư Tăng ấy vào đây.
Đại đức vâng lời dạy; chư Tăng vào đến nơi, đảnh lễ Đức Thầy xong, ngồi nép qua một bên.
Đức Bổn Sư thân mật hỏi han chư Tăng về việc tự túc và hành đạo rồi, chư Tăng bạch rằng:
- Bạch Thế Tôn! Ngài là một vị Phật Chí Tôn, một vị Vương tối thượng, lá ngọc cành vàng mà ở rừng suốt ba tháng hạ, không người hộ độ, dâng nước hầu cơm khi ngồi, khi đứng, khuya sớm một mình chắc là cực khổ lắm!
Nghe vậy, Đức Bổn Sư đáp:
- Nầy các Tỳ khưu! Đã có tượng chúa Pālileyyaka làm hết mọi việc cần thiết giúp Ta, nếu ai có được bạn đồng cư như Tượng chúa nầy, người ấy có thể vui sống chung, bằng không được vậy thì sống lẻ loi cô độc còn hơn.
Nói rồi, tiếp đọc ba câu kệ dưới đây, về sau được ghi chép lại trong phẩm Voi (Nāga vagga) của kinh Pháp Cú.
“Sace labhetha nipakaṃ sahāyaṃ,
saddhiṃ caraṃ sādhuvihāri-dhīraṃ;
Abhibhuyya sabbāni parissayāni,
careyya ten‘attamano satīmā.
No ce labhetha nipakaṃ sahāyaṃ,
saddhiṃ caraṃ sādhuvihāridhīraṃ;
Rājāva raṭṭhaṃ vijitaṃ pahāya,
eko care mātaṅgaraññeva nāgo.
Ekassa caritaṃ seyyo,
natthi bāle sahāyatā;
Eko care na ca pāpāni kayirā,
appossukko mātaṅgaraññeva nāgoti”.
“Nếu may gặp bạn đồng hành,
Hiền minh chơn chánh hiểu rành lối đi.
Tinh tường thắng phục gian nguy,
Hãy nên hoan hỷ, nhớ ghi kết tình.
Nếu không gặp bạn đồng hành,
Hiền minh chơn chánh, hiểu rành lối đi.
Như vua bỏ nước vong suy,
Như voi rừng thẳm thà đi một mình.
Thà rằng chiếc bóng độc hành,
Không cùng đứa dại kết tình thâm giao.
Độc cư chẳng phạm lỗi nào,
Thanh nhàn như tượng ra vào rừng sâu”.
Kệ ngôn vừa dứt, năm trăm vị Tỳ khưu đều đắc quả A La Hán. Kế đó Đại đức Ānanda chuyển lời thỉnh cầu của ông Anāthapiṇḍika và các thiện tín khác, Đại đức nói:
- Bạch Ngài! Năm mươi triệu Thánh Thinh Văn có ông Anāthapiṇḍika là người lãnh đạo, kính gởi lời xin cung thỉnh Đức Tôn Sư trở về Jetavana.
Đức Thế Tôn phán:
- Thế thì nầy Ānanda, ông hãy mang bát của Ta đi.
Đại đức Ānanda vừa lấy y bát của Đức Bổn Sư bước đi, thì Tượng chúa đứng đường cản lại. Chư Tăng thấy Tượng làm vậy bèn hỏi Đức Thế Tôn:
- Bạch Ngài! Tượng chúa làm cái gì đây?
- Nầy các Tỳ khưu! Tượng chúa tỏ ý muốn cúng dường thực phẩm đó. Tượng nầy có công hộ độ Như Lai Lai lâu ngày, chớ nên làm buồn lòng nó. Chư Tăng hãy ở nán lại.
Đức Bổn Sư dẫn chư Tăng quay trở lại chờ.
Tượng chúa đi sâu vô rừng, kiếm chuối và nhiều thứ trái cây khác, chất lên trên đầu, đội về để dành qua ngày sau dâng cúng đến chư Tăng, năm trăm vị Tỳ khưu độ cũng không hết.
Khi chư Tăng thọ thực xong, Đức Bổn Sư lấy y bát ra đi.
Tượng chúa rẽ lối đi chen vào chư Tăng, đến đứng ngay trước mặt Đức Bổn Sư. Chư Tăng lại bạch hỏi:
- Bạch Ngài! Tượng chúa định làm gì vậy?
- Nầy các Tỳ khưu! Tượng chúa muốn tiễn đưa các ông về cho sớm và giữ ta ở lại.
Đức Bổn Sư quay qua bảo Tượng chúa rằng:
- Nầy Pālileyyaka, hôm nay Như Lai ra đi không còn trở lại. Vĩnh biệt nhà ngươi. Trong kiếp hiện tại nầy ngươi chẳng mong gì đắc Thiền định, Minh sát hay chứng được đạo quả chi đâu. Thôi ngươi hãy nán lại ở đây nghe.
Nghe vậy, Tượng chúa đút vòi vào miệng, từ từ thụt lùi lại phía sau, vừa đi vừa rống lên những tiếng bi ai sầu thảm (nếu nó cầm được Đức Như Lai ở lại, có lẽ nó sẽ hết lòng phụng dưỡng Ngài mãi mãi cho đến hết đời của nó).
Ra tới bìa rừng, Đức Bổn Sư kêu Tượng chúa và bảo:
- Nầy Palileyyaka! Từ đây trở ra không phải là địa phận của ngươi, nếu ngươi đi xa hơn nữa, vào tới nhà cửa xóm làng có người ở, ắt là sẽ nguy hiểm cho ngươi. Thôi ngươi hãy dừng lại!
Tượng chúa bèn dừng lại, rống lên nghe rất thảm thiết. Nó giương đôi mắt nhìn theo Đức Bổn Sư cho đến khi khuất dạng rồi bị nứt tim, nó chết ngay tại chỗ đó, nhờ đang có tâm trong sạch với Đức Như Lai, nó được sanh về cõi Tāvatiṃsa (Đao Lợi) ở trong một tòa lâu đài bằng vàng ba mươi do tuần, có cả ngàn thiên nữ theo hầu, và được mệnh danh là Pālileyyaka Thiên tử (Devaputta).
Đức Bổn Sư ngự hành lần hồi về tới Jetavana. Các Tỳ khưu ở Kosambi hay tin Đức Bổn Sư đã trở về thành Sāvatthī, bèn kéo nhau đến để xin sám hối.
Quốc vương xứ Kosala nghe tin chư Tăng tranh chấp ở Kosambi đi vào thành Kosala, bèn ngự đến đảnh lễ Đức Thế Tôn và bạch:
- Bạch Ngài! Quả nhân cấm không cho các Tỳ khưu ngỗ nghịch ấy vào nước của quả nhân.
- Tâu Đại Vương! Tất cả những Tỳ khưu ấy đều là hạng người có giới đức thanh cao, chẳng qua vì tranh giành, kình chống lẫn nhau mà không vâng lời Như Lai đó thôi. Nay họ đã biết ăn năn đến để xin sám hối Như Lai. Đại vương hãy để cho họ đến.
Ông Anāthapiṇḍīka cũng đến bạch với Đức Thế Tôn:
- Bạch Ngài! Con không cho mấy ông đó vào chùa.
Đức Bổn Sư lại giải thích cho ông nghe, như Ngài giải thích với đức vua, nên ông lẳng lặng đi ra.
Khi các Tỳ khưu ở Kosambi đến, Đức Bổn Sư ra lệnh sắp đặt chỗ ở riêng biệt một phía cho họ ở chung, ngoài ra các Tỳ khưu khác không được ngồi chung, đứng chung hay tiếp xúc chuyện trò của họ.
Nhiều người nghe tiếng đồn, kéo nhau đến chùa hỏi thăm Đức Bổn Sư: “Bạch Ngài! Các vị nào là những vị Tỳ khưu tranh chấp ở Kosambi đâu?”.
Đức Bổn Sư chỉ ngay họ cho thiện tín thấy. Rồi hết người nọ đến người kia, họ lấy tay chỉ truyền nhau: “Nghe nói là mấy ông Sư đó đó.”.
Thế rồi, chư Tỳ khưu ấy hổ thẹn chẳng dám ngước mặt ngó lên đến quỳ mọp dưới chân Đức Bổn Sư và xin sám hối với Ngài.
Đức Bổn Sư quở rằng:
- Nầy các Tỳ khưu! Việc làm của các ông thật là đáng tội, các ông được xuất gia tu hành với một vị Phật như Ta, mà các ông bất chấp lời khuyên dạy, chẳng khứng hiệp hòa. Bậc hiền trí thuở xưa lãnh lời di chúc của song thân sắp thọ tử hình, dầu cho song thân có bị thảm sát chết đi rồi, cũng không dám vi phạm lời di chúc ấy. Về sau được thống lãnh cả hai quốc gia.
Nói rồi, Đức Bổn Sư nhắc lại tích đức vua xứ Kosala một lần nữa và Ngài kết luận rằng:
“Nầy các Tỳ khưu, dầu cho Phụ vương và Mẫu hậu đã bị hành quyết rồi, Thái tử Trường sanh cũng không trái lời di chúc của Tiên vương. Về sau được vua Brahmadatta phong làm phò mã và nhường cả ngai vàng, thành ra một mình thống lãnh cả hai lãnh thổ là xứ Kāsi và Kosala. Còn các ông bây giờ cãi, không nghe lời Ta. Tội lỗi của các ông nặng nề biết mấy”.
Đến đây Đức Bổn Sư đọc lên bài kệ rằng:
06. “Pare ca na vijānanti,
mayam'ettha yamāmase;
Ye ca tattha vijānanti,
tato sammanti medhagāti.”
06. “Nhóm kia tranh luận đảo điên,
Không ngờ: Mình tự tìm niềm diệt vong.
Nhóm nầy lý nọ hiểu thông,
Ta đây dứt sự lòng vòng hơn thua.”
*
CHÚ GIẢI:
Pare ca: Theo nghĩa thông thường là “những người khác” nhưng ở đây không có nghĩa là người ngoài cuộc, mà ám chỉ những người đang tranh chấp. Gây sự xáo trộn trong đoàn thể, là những người thiếu sự hiểu biết, tương đối với nhóm này là nhóm hiểu biết, không tranh chấp. Hoặc giả chỉ nhóm Tăng mà Như Lai đã khuyến giới: “Nầy các Tỳ khưu, đừng nên chia rẽ nhau”… mà chẳng chịu nghe lời, lại còn đáp rằng: “Vì chúng tôi còn tham sân…”
Na vijānanti: Nghĩa là không hiểu biết, tức là không hiểu biết rằng: Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết. Hoặc giả là dốt nát đảo điên, chấp theo tà kiến, gắng làm tăng trưởng mầm sống chia rẽ tranh chấp với hy vọng rằng: “Làm vậy chúng tôi sẽ được danh tiếng.”.
Mayam’ ettha: Nghĩa là chúng ta nơi đây, ý nói trong việc tranh chấp, chia rẽ nầy, hoặc là ở nơi có sự chia rẽ nầy.
Yamāmase: Sự tiêu diệt, chư Tăng đang hòa hợp sống chung, bỗng nhiên sanh ra tranh giành, cãi vã, bất hòa, ấy là tự mình chận đứng bước tiến của mình, tự mình tiêu diệt mình, tự mình đưa nhau đến chỗ suy vong mà không tự biết.
Ye ca tattha: Nghĩa là những người ở tại đây, chỉ nhóm người không tranh chấp, đối lại với nhóm kia ở câu kệ trên.
Hoặc giả chỉ những Tỳ khưu tranh chấp, nhưng sớm biết ăn năn tự hối, nhờ có sự lưu tâm, suy xét, cân phân lợi hại.
Vijānanti: Nghĩa là hiểu biết, tức là hiểu biết sự tai hại của sự chia rẽ và sức mạnh của sự đoàn kết to lớn dường nào.
Tato: Từ đây, hay là do đây, từ đây là kể từ lúc người hiền trí nhờ lưu tâm quán xét thống thấu được rằng: Sự tranh chấp chia rẽ là con đường đưa đến chỗ diệt vong.
Còn nói do đây, là do những người sớm biết lưu tâm quán xét tự nhận tội lỗi để cùng nhau hợp hòa trở lại, do người như vậy làm gương cho người khác noi theo.
Samanti medhagāti: Các sự tranh chấp, cãi lẫy hiện thuyết hơn thua, phải quấy thảy đều yên lặng chấm dứt, không còn kéo dài lòng thòng nữa.
*
Đến cuối câu kệ, chư Tỳ khưu đều đắc quả nhất là quả Tu Đà Hườn.
x
Dịch Giả Cẩn Đề
“Hai nhóm Tỳ khưu Kiều Thưởng Di,
Nghịch nhau bởi cớ chẳng ra gì.
Nước thừa, lại phá Tăng hòa hiệp,
Giới nhỏ sao làm chúng đoạn ly.
Phật dạy không nghe lời quí ích,
Thầy chung sẽ được tiếng cao kỳ.
Từ Tôn vắng bóng còn ai hộ,
Bụng đói thì thôi hết thị phi.”
DỨT CHUYỆN CÁC TỲ KHƯU Ở KOSAMBI
06. Some know not that life ends in death. Thought of death prevents quarrelling.
06. Một số người không biết rằng đời sống chấm dứt bằng cái chết, suy tư về cái chết sẽ ngăn chận mọi tranh chấp.
06. Pare ca na vijānanti,
mayam'ettha yamāmase;
Ye ca tattha vijānanti,
tato sammanti medhagā. (1:6)
06. Still others do not understand
that we must perish in this world,
those who understand this,
their quarrels are allayed.
I. 6- Tích TIỂU HẮC SƯ VÀ ĐẠI HẮC
(Cullakāḷamahākaḷa vatthu)
KỆ NGÔN: (Pháp Cú câu 07-08)
07. “Subhānupassiṃ viharantaṃ,
indriyesu asaṃvutaṃ;
Bhojanamhi amattaññuṃ,
kusītaṃ hīnavīriyaṃ;
Taṃ ve pasahati māro,
vāto rukkhaṃ’va dubbalaṃ.”
07. “Ai sống theo thị dục,
Các căn chẳng thu thúc,
Ăn uống vô độ điều,
Biếng lười không tận lực,
Ma thắng người ấy như,
Gió đè cây yếu sức.”
08. “Asubhānupassiṃ viharantaṃ,
indriyesu susaṃvutaṃ;
Bhojanamhi ca mattaññuṃ,
saddhaṃ āraddhavīriyaṃ;
Taṃ ve nappasahati māro,
vāto selaṃ’va pabbatanti.”
08. “Ai bất tịnh quán tu,
Các căn khéo nhiếp thu,
Ăn uống có tiết độ,
Chánh tín và cần cù,
Ma chẳng thắng người ấy.
Như gió thổi sơn đầu.”
Kệ Pháp Cú 7 và 8 nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết ra khi Ngài ngự gần thành Setabya, trong rừng Simsapa, đề cập đến hai anh em Cullakāḷa và Mahākāḷa.
Cullakāḷa (Tiểu Hắc), Majjhimakāḷa (Trung Hắc) và Mahākāḷa (Đại Hắc) là ba anh em Trưởng giả ở thành Setabya. Trong ba người, anh cả và em út chuyên đi xứ xa bổ hàng trở về bằng năm trăm cỗ xe bò, người giữa ở lại xứ nhà lo việc buôn bán.
Công việc hợp tác buôn bán giữa ba anh em vẫn trôi chảy đều đều như vậy, cho đến một lúc nọ sau khi chất đủ thứ hàng hóa đầy năm trăm cỗ xe bò. Hai vị thương khách lên đường trở về thành Sāvatthī. Đến khoảng giữa đường của thành Sāvatthī và chùa Jetavana. Họ cho đoàn xe dừng lại, và mở thả bò ra, nghỉ đêm tại đó.
Sáng hôm sau, Trưởng giả Mahākāḷa trông thấy các Thánh Thinh Văn ở thành Sāvatthī, tay cầm hương hoa lễ vật đi nghe thuyết pháp. Trưởng giả Mahākāḷa bèn hỏi:
- Mấy người nầy đi đâu vậy?
Khi biết mục đích của cuộc hành hương. Trưởng giả Mahākāḷa nói thầm: “Ta cũng đi nữa.”.
Nghĩ rồi Trưởng giả kêu em út và dặn rằng:
- Nầy em! Em hãy ở đây trông chừng đoàn xe, để anh đi nghe thuyết pháp.
Dặn em rồi, Mahākāḷa ra đi, đến đảnh lễ Đức Như Lai xong, ngồi xuống một nơi ngoài vòng cử tọa.
Ngày ấy, tùy theo trình độ của Mahākāḷa, Đức Bổn Sư đã thuyết tuần tự pháp, giảng giải kinh Khổ Uẩn và các kinh khác nữa, chỉ rành chỗ tai hại, lầm lỗi, ô nhiễm của Ngũ trần dục lạc.
Mahākāḷa nghe pháp xong tự nghĩ: “Trước sau gì con người cũng phải một lần ra đi, phủi tay bỏ hết những vật hiện hữu, một mình lẻ loi sang cảnh giới khác, của tiền, thân quyến nào có ai theo. Vậy ta còn nấn ná ở nhà làm gì? Ta nhất định sẽ xuất gia.”.
Chờ cho đại chúng trong hội trường đảnh lễ Đức Bổn Sư ra về hết. Mahākāḷa đến xin Đức Bổn Sư cho mình được xuất gia.
Đức Bổn Sư bèn hỏi:
- Ông còn có ai mà phải từ giã không?
- Bạch Ngài! Con còn có đứa em trai út.
- Nếu vậy, ông hãy trở về từ giã đứa em trai út của ông đi.
- Sādhu! Bạch Ngài.
Đáp xong Mahākāḷa trở về chỗ đoàn xe, tìm gặp Cullakāḷa và bảo: “Nầy em! Em hãy nhận làm chủ hết cả tài vật nầy đi”.
- Còn anh thì sao? Thưa anh! Anh sẽ đi đâu?
- Anh sẽ đến xuất gia với Đức Bổn Sư.
Cullakāḷa viện đủ lý lẽ để anh mình từ bỏ ý định xuất gia, nhưng không được. Rốt cuộc Cullakāḷa bảo:
- Sādhu! Lành thay, xin Trưởng huynh hãy làm theo ý định.
Mahākāḷa bèn đến xuất gia với Đức Bổn Sư.
Kế đó, Cullakāḷa cũng xuất gia, nhưng trong tâm tính thầm rằng: “Hễ lôi kéo anh ta ra được rồi thì ta cũng sẽ hoàn tục.”. Thời gian sau, Mahākāḷa thọ Cụ túc giới, tu lên bậc trên xong, bèn đến đảnh lễ Đức Bổn Sư và hỏi về hai pháp trọng yếu trong Phật giáo.
Sau khi nghe Đức Bổn Sư thuyết minh về hai pháp ấy, Mahākāḷa bạch rằng:
- Bạch Ngài! Con nay đã lớn tuổi rồi mới xuất gia, chắc không kham nổi Pháp học cho trọn đủ được, nhưng con có thể hy vọng thành tựu pháp hành Minh Sát.
Thế rồi, Tỳ khưu Mahākāḷa học lấy đề mục bất tịnh (tử thi) để niệm cho đắc quả A La Hán và thọ trì chi đầu đà ngụ nơi mộ địa (Sosanikadhutaṅga).
Lối cuối canh đầu, khi mọi người đều an giấc, Trưởng lão Mahākāḷa đi vào mộ địa hành thiền và khi mặt trời gần sáng, trước khi thiên hạ thức dậy, Trưởng lão trở về chùa.
Khi ấy, người giữ mộ địa là một phụ nữ, tên là Kāḷī, có phận sự thiêu xác chết, thấy bóng Trưởng lão Māhākāḷa thấp thoáng giữa canh khuya, khi đứng, khi ngồi, hoặc đi tới đi lui trong nghĩa địa, bèn tự hỏi: “Ai mà vào chi đây, ta phải rình coi cho biết mặt.”.
Nhưng rình coi mãi cũng không thể đoán biết được người ấy là ai? Một hôm Kāḷī thắp một cây đèn treo trong nhà thiêu xác rồi dắt con trai, con gái ra núp ở một phía bên ngoài. Gần nữa đêm Kāḷī thấy Trưởng lão đi đến, bèn ra đảnh lễ Trưởng lão và hỏi:
- Bạch Ngài! Một vị Sư cao quí như Ngài mà ngụ ở chỗ nầy sao?
- Phải đó, cô tín nữ.
- Bạch Ngài, Ngài cư ngụ nơi mộ địa cần phải tuân theo một vài thủ tục.
Trưởng lão không nói: “Cô tưởng rằng ta sẽ làm theo những qui tắc của cô đưa ra hay sao?”. Nhưng Trưởng lão chỉ hỏi:
- Nầy cô tín nữ! Tôi phải tuân hành theo những thủ tục gì?
- Bạch Ngài! Người cư ngụ nơi mộ địa cho vị trụ trị chùa mình và cho vị xã trưởng trong làng mình hay biết.
- Vì lý do nào?
- Dạ! Bởi vì bọn ăn trộm sau khi lấy được đồ, khi bị chủ nhà rượt đuổi theo, túng nước thường hay ném tang vật vào trong mộ địa để thoát thân. Bởi thế người ta mới hăm dọa những người cư ngụ trong mộ địa, nhưng nếu Ngài đã có trình báo đàng hoàng với nhà chức trách, thì khỏi lo phiền phức về sau, vì đã được những người có thẩm quyền chứng nhận rằng: “Chúng tôi chứng nhận vị Đại đức nầy có khai báo trong thời gian cư ngụ nơi đây, vị nầy không phải là kẻ trộm.”. Do đó mà Ngài cần trình báo với người hữu trách đúng theo thủ tục.
Trưởng lão lại hỏi:
- Ngoài ra còn phải làm gì nữa không?
- Bạch Ngài, trong thời gian cư ngụ nơi mộ địa, Ngài phải kiêng cử cả thịt, cá, mè, trứng, đường mật, bột… Ngài không được ngủ ngày, không nên lười biếng. Ngài phải luôn luôn tinh cần dũng mãnh, không có sự gian dối, phải có nhiều thiện chí. Buổi tối chờ khi mọi người ngủ hết rồi, Ngài mới nên từ chùa đến đây. Gần sáng mọi người chưa thức dậy, Ngài nên trở về chùa.
Bạch Ngài, nếu như Ngài cư ngụ nơi đây, hành y như thế mà đạt đến mục đích tối cao của đời tu sĩ, thì hễ khi nào có tử thi mang đến vứt bỏ tại đây, tôi sẽ đem xác ấy vô nhà thiêu dùng hương hoa lễ vật cúng tế vong linh của người quá cố.
Nhược bằng Ngài không thành tựu được theo cách ấy thì tôi sẽ đặt tử thi lên giàn hỏa châm lửa đốt, lại lấy cây cọ nhồi đâm cho xì nước, rồi lôi ra ngoài dùng búa đẻo chặt đứt ra nhiều khúc ném trở vào lửa, để Ngài chứng kiến rồi lấy đó làm đề mục tham thiền.
Nghe xong, Trưởng lão đáp:
- Sādhu! Lành thay, vậy khi cô thấy có xác nào có thể làm đề mục niệm tử thi được, thì báo tin cho ta.
Sau đó, trong khi chờ đợi, Trưởng lão Mahākāḷa vẫn noi theo bổn nguyện hành Sa môn pháp ở nơi mộ địa.
Trưởng lão Cullakāḷa vốn tánh hoạt bát, hiếu động, không thích ngồi yên, chỉ tưởng nghỉ đến gia đình, thương nhớ vợ con, Trưởng lão nói thầm: “Anh ta lựa chi con đường tu hành quá khổ khắc như thế không biết.”.
Khi ấy, có một thiếu phụ con nhà giàu sang, vướng bịnh thình lình, sớm đau chiều chết, nên thi thể không sút kém tồi tàn.
Đầu hôm, thân quyến bạn bè của cô đưa xác cô ta vào mộ địa với củi khô, dầu và các món vật dụng để thiêu xác, rồi bảo cô giữ mộ địa: “Hãy thiêu xác nầy đi.”.
Trả trước lệ phí, những người ấy giao xác cho cô giữ mộ địa.
Khi cô giữ mộ địa cởi hết y phục của thiếu phụ chết ra. Thì thấy lồ lộ nguyên cả thân hình, tròn trịa xinh xắn, một màu vàng ánh. Cô ta nghĩ ngay rằng: “Tử thi nầy là một đề mục thích ứng, vừa cho ta thỉnh Trưởng lão tới quán niệm.”.
Cô ta lập tức đi tìm Trưởng lão, đảnh lễ xong rồi bạch rằng:
- Tôi vừa mới được một tử thi làm đề mục niệm tốt vô cùng, xin thỉnh Ngài đến quán sát.
- Sādhu! Lành thay!
Đáp lời xong, Trưởng lão đến ngay, khiến giở lớp y phục che phủ trên tử thi và nhìn kỹ từ gót chân lên ngọn tóc. Rồi Trưởng lão bảo: “Hãy ném cái xác thân đẹp đẽ vàng ánh nầy vào lửa, và khi nào lửa bắt đầu cháy xém xác thân thì hoan hỷ báo cho ta biết”.
Dặn rồi Trưởng lão trở về chỗ cũ của mình và ngồi xuống. Cô giữ mộ địa làm theo lời dặn rồi đến báo cho Trưởng lão biết. Trưởng lão đến quan sát tử thi, khi lửa bén cháy tới thịt thì xác thân trở nên màu giống như con bò cái, rồi hai chân rớt ra đánh tòn ten, hai tay rút lại cong queo, chỗ trán không còn chút da.
Trưởng lão nghĩ thầm: “Cái thi hài nầy khi nãy, ai nhìn tới ắt cũng sanh lòng thương yêu lưu luyến, mà bây giờ tiêu hoại rã tan như vậy.”.
Trở về chỗ cũ, Trưởng lão ngồi xuống, quán xét thấy rõ lý hoại diệt (Khayavaya) cảm kích ngâm lên mấy câu kệ vô thường:
“Aniccā vata saṅkhārā
Uppādavayadhammino
Uppajjitvā nirujjhanti
Tesaṃ vūpasamo sukhoti”.
Lược dịch:
“Hữu vi quả thật chẳng miên trường,
Sanh diệt xưa nay vẫn sự thường.
Các pháp tự sanh rồi tự diệt,
Diệt sanh tịch tịnh mới an khương”.
Đọc xong bài kệ, Trưởng lão tăng tiến pháp Thiền Minh sát, đắc quả A La Hán với Tuệ phân tích.
Lúc Trưởng lão đắc A La Hán thì Đức Bổn Sư cùng đại chúng Tỳ khưu cất bước du hành ngự đến gần thành Setabya, vào tịnh cư trong rừng Siṃsapa.
Mấy bà vợ của Cullakāḷa nghe đồn: “Đức Bổn Sư đã về gần đây.”, bèn bàn tính với nhau: “Chúng ta sẽ bắt chồng ta trở lại mới được.”, tính rồi họ cho người đi thỉnh Đức Bổn Sư.
Theo thông lệ của chư Phật, nhà nào muốn thỉnh Phật và chư Tăng thì phải sắp đặt chỗ ngồi cho có trật tự đúng pháp, thường thì một vị sư được phái đến đó trước để chỉ biểu cách thức như vậy: Ngay chính giữa là chỗ danh dự để Đức Phật ngự một mình, phía phải là chỗ của Đại đức Sārīputta, phía tay trái là chỗ của Đại đức Moggallāna, kể từ đó sắp hai dãy ghế của chư Tăng.
Lúc ấy, Đại đức Mahākāḷa đang đứng trong chỗ để y bát, bèn bảo Trưởng lão Cullakāḷa: “Sư về đó chỉ biểu sắp đặt chỗ ngồi trước đi.”.
Từ lúc người nhà trông thấy Cullakāḷa, họ bày ra chuyện trớ trêu, đem chỗ ghế thấp sắp ngay hàng đầu nơi chỗ dành riêng cho chư Đại đức và sắp những ghế cao vào các nơi những vị mới tu.
Tỳ khưu Cullakāḷa nhắc đi nhắc lại:
- Đừng làm như vậy, đừng sắp ghế thấp ở chỗ cao và ghế cao ở chỗ thấp.
Bảo đến lần thứ ba, họ đã chẳng thèm nghe mà còn hỏi lại:
- Chớ còn ông làm gì mà chẳng chịu ra tay sắp chỗ ngồi, cứ ở không đi tới đi lui hoài vậy? Lúc đi tu ông có từ giã ai không? Ai cho ông xuất gia? Ông về đây làm gì?
Nói rồi họ ráp nhau xé rách y trong, y ngoài của Trưởng lão Cullakāḷa, lấy thường phục màu trắng thay cho ông rồi nói:
- Bây giờ ông đi thỉnh Đức Bổn Sư đi để chúng tôi ở nhà mà sắp đặt chỗ ngồi.
Vừa mới tu lên Tỳ khưu chưa có hạ nào, kế hoàn tục vừa theo sở thích nên Cullakāḷa chẳng chút hổ thẹn, cũng không thắc mắc ngại ngùng vì lối phục sức đó. Ông ta đi ngay đến nơi Đức Bổn Sư, đảnh lễ Ngài xong, xin rước luôn chư Tăng có Đức Phật làm chủ tọa trở về nhà.
Mấy bà vợ của Trưởng lão Mahākāḷa tính với nhau: “Hai cô nầy đã bắt được chồng họ quay trở về, chúng ta phải bắt chồng chúng ta quay trở về mới được.”.
Tính rồi, mấy bà chờ chư Tăng độ ngọ xong, bèn thỉnh Đức Bổn Sư và chư Tăng ngày hôm sau, thọ thực nơi nhà của mình.
Lần nầy một vị Tỳ khưu lạ đến trước, chỉ bảo cách sắp đặt chỗ ngồi, mấy bà không có cơ hội để bắt cóc chồng cũ, bèn thỉnh Đức Phật và chư Tăng an tọa xong, dâng vật thực.
Lúc bấy giờ có đủ mặt hai bà vợ của Cullakāḷa, bốn bà vợ của Majjhimakāḷa, tám bà vợ của Mahākāḷa.
Chư Tăng vị nào muốn thọ thực trong nhà thì ngồi đó dùng, còn vị nào muốn ra ngoài thì sau khi thọ bát rồi đứng dậy ra đi. Đức Bổn Sư ngồi luôn nơi đó thọ thực.
Khi Ngài dùng xong bữa, các phụ nữ ấy bạch rằng:
- Bạch Ngài! Trưởng lão Mahākāḷa còn phải ở lại tụng kinh hồi hướng phước báu, xin cung thỉnh Ngài hoan hỷ trở về trước với chư Tăng.
Đức Bổn Sư đáp: “Sādhu!”.
Rồi Ngài ra về trước, để Trưởng lão Mahākāḷa ở lại một mình. Về đến cổng thành, chư Tăng mới lên tiếng than phiền rằng:
- Tại sao Đức Tôn Sư làm như vậy, không biết là Ngài cố ý hay vô tình? Hôm qua cho Cullakāḷa về nhà trước đã làm hại cuộc đời tu hành của ông ta rồi. Hôm nay phái một vị Tỳ khưu lạ đến trước, nên không có sự tai hại nào xảy ra, bây giờ Đức Bổn Sư lại bảo Mahākāḷa ở lại một mình và Ngài ngự ra về trước, tội nghiệp Tỳ khưu Mahākāḷa giới đức chơn chánh, không biết có bị mấy bà vợ cũ làm hư phạm hạnh, kết liễu cuộc đời tu sĩ hay không?
Nghe chư Tăng bàn tán, Đức Bổn Sư dừng bước quay lại hỏi:
- Nầy các Tỳ khưu! Các ông đang nói chuyện gì vậy?
Chư Tăng lặp lại lời vừa nói với Đức Bổn Sư. Ngài nói:
- Nầy các Tỳ khưu! Các ông cũng tính rằng Mahākāḷa cũng bị như Cullakāḷa hay sao?
- Bạch Ngài! Đúng như vậy, vì Cullakāḷa chỉ có hai vợ, còn Mahākāḷa có đến tám vợ. Nếu tám bà nầy ráp nhau vây bắt, ông ta đâu làm sao thoát khỏi, bạch Ngài.
Đức Bổn Sư dạy rằng:
- Nầy các Tỳ khưu! Các ông chớ nên nói như thế, Cullakāḷa đã quen sống đời phóng túng, bằng thứ tư tưởng chạy theo dục lạc ngũ trần, như cây mềm yếu mọc dựa bờ sông. Trái lại con của Như Lai là Mahākāḷa sống không ham dục lạc, hành thiền quán bất tịnh như núi đá kiên cố không bị lay chuyển.
Nói rồi, Đức Bổn Sư ngâm hai bài kệ sau đây:
07. “Subhānupassiṃ viharantaṃ,
indriyesu asaṃvutaṃ;
Bhojanamhi amattaññuṃ,
kusītaṃ hīnavīriyaṃ;
Taṃ ve pasahati māro,
vāto rukkhaṃ’va dubbalaṃ.”
07. “Người ham khoái lạc vui đùa,
Lục căn chẳng giữ lại ưa ăn nhiều.
Biếng lười phận sự bỏ liều,
Ma vương mới dễ dắt dìu khiến sai.
Cây mềm gió lốc dễ bay,
Người hèn khó thoát khỏi tay dục tình.”
08. “Asubhānupassiṃ viharantaṃ,
indriyesu susaṃvutaṃ;
Bhojanamhi ca mattaññuṃ,
saddhaṃ āraddhavīriyaṃ;
Taṃ ve nappasahati māro,
vāto selaṃ’va pabbatanti.”
08. “Lục căn khôn khéo giữ gìn,
Uống ăn tiết độ, vững tin pháp thiền.
Thanh bần giữ một lời nguyền,
Quán thân bất tịnh, tinh chuyên tu hành.
Như giông đụng núi đá xanh,
Ma Vương muốn thắng cũng đành bó tay.”
*
CHÚ GIẢI:
Subhānupassiṃ (theo thị dục): là ưa thích sự khoái lạc về thể xác, ở đây có nghĩa là buông thả tâm hồn, tư tưởng cho chạy theo đối tượng là người nữ (itthārammaṇa).
Viharantaṃ (sống): là nương vào, là cần phải có, người nam nào đang ấp ủ một bóng sắc mà mình say mê, đang nắm giữ những nét kiều diễm mà mình đắm đuối, luôn miệng trầm trồ: “Móng tay đẹp quá, ngón tay đẹp quá”… hai tay, hai chân, bắp chuối chân, ngực, háng, bụng, vú, cổ, môi, răng, miệng, mũi, mắt, tai, mày, trán, tóc đẹp quá, rồi lấy tay rờ rẫm, cầm vuốt ve… tóc, răng, móng, da đẹp rồi lấy tay rờ… màu da đẹp, dung nhan đẹp… rồi chiếm hữu giữ gìn. Như vậy gọi là chạy theo khoái lạc.
Câu “Ai sống theo thị dục” chỉ hạng người như thế.
Indriyesu (các căn): là Lục căn: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý.
Asaṃvutaṃ (chẳng thu thúc): là không gìn giữ sáu căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.
Amattaññuṃ (vô độ lượng): là không biết tri túc, không có chừng mực trong sự tìm kiếm, trong sự thọ lãnh, trong sự dùng xài.
Bhojanamhi amattaññuṃ (ăn uống vô độ): là trong sự ăn uống không biết quán tưởng, không biết từ chối, không biết phân biệt rằng: Món thực phẩm nầy hợp lẽ đạo (dhammiko), món thực phẩm kia không hợp lẽ đạo (adhammiko).
Kusītaṃ (biếng lười): là biếng lười trong sự suy xét để thấy rõ tội lỗi ác hại của Ngũ trần dục lại.
Hīnavīriyaṃ (kém tinh tấn): là không tấn lực, không cố gắng, thiếu sự tinh cần dũng mãnh hành trì trong bốn oai nghi.
Pasahati māro (Ma thắng): là ma vương thâu phục, lấn áp, đè nén.
Vāto rukkhaṃ’va dubbalanti (như gió đè cây yếu): là như giông to gió lớn thổi rạp những cây yếu ớt mọc ở bờ sông, giông gió ấy làm cho bông trái, lá đọt phải rơi rụng, nhánh nhỏ phải đứt đoạn, nhánh lớn phải gãy lìa, gốc rễ tróc bật lên, cả cây phải nằm chỏng gọng, gốc trở lên trời, ngọn cắm xuống đất.
Con người tu hành mà yếu đuối nhu nhược, cũng bị phiền não Ma vương quật ngã như thế ấy, những giới nhỏ của Tỳ khưu như tác ác, ác khẩu, Ưng học pháp ví như bông trái, lá, đọt của cây, những giới vừa là Ưng xả đối trị và Ưng đối trị ví như nhánh nhỏ, mười ba giới Tăng tàng ví như những nhánh lớn. Còn bốn giới Bất cộng trụ ví như gốc rễ của cây. Người tu mà yếu hèn chịu nằm ẹp dưới quyền lực của phiền não Ma vương để cho dục tình chi phối sai sử rồi thì bao nhiêu giới nhỏ, lớn cũng đều vi phạm và cuối cùng phải hư hỏng phạm hạnh, sa ngã là người cư sĩ bạch y, không còn dự hàng Thinh Văn đệ tử của Đức Phật nữa.
Asubhānupassiṃ (Bất tịnh quán): là quán niệm một trong mười đề bất tịnh (tử thi) hoặc niệm ba mươi hai thể trược, niệm thuận khởi đầu từ tóc là vật bất tịnh rồi đến lông móng răng da, tất cả hình hài nầy là vật bất tịnh.
Viharantaṃ (tu): là tinh tấn quán niệm như trên.
Indriyesu (các căn): là sáu căn đã giải.
Susaṃvutaṃ (khéo nhiếp thu): là dứt được say mê nữ sắc, đóng chặt các cửa, không cho tâm tiếp xúc với Lục trần là sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp.
Bhojanamhi ca mattaññuṃ (Ăn uống có tiết độ): là ăn uống có chừng mực, nghịch hẳn với sự vô tiết độ.
Saddhaṃ (Chánh tín): là có đức tin nơi nghiệp quả tương quan, đức tin của phàm nhơn gọi là phàm tín (lokiyassaddha) nhờ sự suy xét hành thiền và nhận thức được tin có ba cõi Dục, Sắc và Vô sắc. Đức tin của bậc Thánh nhân là Thánh tín (Lokuttarassaddha) nhờ được giải thoát mà tin nơi đạo quả và Níp Bàn.
Āraddhavīriyaṃ (Cần cù): là có sự tinh tấn bền bỉ, dẻo dai có nhiều nghị lực chịu được gian khổ.
Taṃ ve (Người ấy): là người giới hạnh như vậy.
Nappasahati māro (Ma không thắng): là Ma vương không thể lấn áp, thâu phục.
Vāto selaṃ’va pabbatanti (như gió thổi núi đá): là như gió, dầu cho mạnh đến bực nào cũng không lay chuyển, đàn áp được khối đá to mà vững chắc như núi.
Cũng như thế, phiền não Ma vương không thể đàn áp, lay chuyển đối với tâm tánh của người có giới đức kiên cố được.
*
Đại đức Mahākāḷa còn ở lại một mình, bị tám bà vợ cũ ráp lại bao vây mà hỏi: “Ông đi tu có từ giã ai không? Bây giờ ông chịu hoàn tục hay không?”.
Hỏi rồi, tám bà ra tay lột bộ y vàng của Đại đức. Thấy tình thế nguy ngập, Đại đức vội vã đứng dậy, dùng thần thông bay lên phá trống nóc nhà thoát ra ngoài, theo đường hư không bay theo kịp Đức Bổn Sư lúc Ngài vừa đọc dứt hai kệ ngôn. Đại đức đứng ở giữa hư không, tán tụng kim thân của Đức Bổn Sư, rồi đáp xuống đất, đảnh lễ dưới chân Ngài.
Cùng lúc kệ ngôn chấm dứt, những Tỳ khưu có mặt nơi đó đều chứng Tu Đà Hườn.
x
Dịch Giả Cẩn Đề
Tiểu Hắc tâm còn luyến thế gian,
Theo anh tạm khoác bộ y vàng.
Của đời chưa chán mùi cam chỉ,
Đường đạo nào kham vị khổ toan.
Lấp lửng chờ anh, anh bước thẳng,
Chàng ràng kiếm vợ, vợ lôi ngang.
Đội hoa lại mặc đồ cư sĩ,
Chẳng tị hiềm chi chẳng hổ han.
Đại Hắc lòng không luyến tục trần,
Mong tìm đạo quả bậc siêu nhân.
Nửa đêm đứng quán bên thi thể,
Hằng bữa ngồi tu sát mộ phần.
Thấu lẽ vô thường sanh với diệt,
Quên niềm phu phụ ái và ân.
Xem chừng tám ả vừa sanh sự,
Trổ nóc phi đằng giải thoát thân.
DỨT TÍCH TIỂU HẮC, ĐẠI HẮC
07. Death overpowers the sensuous, undisciplined and gluttonous like the wind a weak tree.
07. Tử thần đánh bại những kẻ thích dục lạc, phóng dật và tham ăn, như ngọn gió đánh ngã một cây yếu ớt.
07. Subhānupassiṃ viharantaṃ,
indriyesu asaṃvutaṃ;
Bhojanamhi amattaññuṃ,
kusītaṃ hīnavīriyaṃ;
Taṃ ve pasahati māro,
vāto rukkhaṃ’va dubbalaṃ. (1:7)
07. One who beauty contemplates,
whose faculties are unrestrained,
in food no moderation knows,
is languid, who is indolent:
that one does Màra overthrow
as wind a tree of little strength.
08. Death overpowers not the steadfast thinker just as the wind does not tremble a firm rock.
08. Tử thần không chiến thắng người Quán Minh Sát tinh cần, cũng như ngọn gió không làm rung động tảng đá kiên cố.
08. Asubhānupassiṃ viharantaṃ,
indriyesu susaṃvutaṃ;
Bhojanamhi ca mattaññuṃ,
saddhaṃ āraddhavīriyaṃ;
Taṃ ve nappasahati māro,
vāto selaṃ’va pabbatanti. (1:8)
08. One who foulness contemplates,
whose faculties are well-restrained,
in food does moderation know,
is full of faith, who’s diligent:
that one no Màra overthrows,
as wind does not a rocky mount.
I. 7- Tích DEVADATTA ĐƯỢC Y QUÍ
(Devadattassa Kāsāvalabha vatthu)
KỆ NGÔN: (Pháp Cú câu 09-10)
09. “Anikkasāvo kāsāvaṃ,
yo vatthaṃ paridahessati;
Apeto damasaccena,
na so kāsāvam arahati.”
09. “Ai muốn đắp huỳnh y,
Phiền trược chưa đoạn ly.
Không chơn thật tự chủ,
Y, người chẳng thích nghi.”
10. “Yo ca vantakāsāv’assa,
sīlesu susamāhito;
Upeto damasaccena,
sa ve kāsāvam arahati.”
10. “Ai phiền trược đoạn ly,
Giới luật khéo tu trì.
Tự chủ cách chơn thật,
Người ấy xứng huỳnh y.”
Kệ Pháp Cú (9 và 10) nầy, Đức Bổn Sư thuyết ra khi Ngài ngự tại Jetavana, đề cập đến Devadatta thọ lãnh y quí giá ở thành Rājagaha (Vương Xá).
Một thuở nọ, hai vị Thượng Thinh Văn, mỗi vị dắt theo năm trăm Tỳ khưu tùy tùng, đến từ giã Đức Bổn Sư, đảnh lễ Ngài rồi cùng nhau rời chùa Jetavana, lên đường sang thành Rājagaha.
Dân chúng ở thành nầy hiệp nhau từng nhóm hai ba người hoặc nhiều hơn nữa, thỉnh Tăng để bát, theo phép cúng dường mỗi Tỳ khưu mới đến.
Một hôm nhân cơ hội đó, Đại đức Sārīputta trong khi hồi hướng phước báo có thuyết giảng rằng:
“Nầy chư thiện tín, một người tự mình làm phước cúng dường không khuyên rủ ai khác, kiếp sau tái sanh ở nơi nào chỉ được đầy đủ tiền của (Bhogasampadā) chứ không được đầy đủ những người tùy thuộc (Parivārasampadā).
Một người không làm phước cúng dường, lại không kêu gọi ai khác thì kiếp sau tái sanh ở nơi nào cũng cô độc bần cùng, cơm hẩm ngày hai bữa chẳng đủ no bụng.
Còn một người vừa tự mình làm phước cúng dường, vừa khuyến rủ nhiều người khác làm chung với mình, thì hằng trăm hoặc hàng ngàn hoặc hàng trăm ngàn kiếp tái sanh ở nơi nào cũng được đầy đủ cả hai phương diện tài sản dồi dào, tùy thuộc đông đảo! Còn một người không làm phước cúng dường, nhưng lại khuyên rủ người khác làm phước, thì sanh ở nơi nào sẽ bần cùng, nhưng có nhiều tùy thuộc.”
Nghe vậy, một vị trí thức nghĩ rằng: “Ông ơi! Thời pháp vừa thuyết thật huyền diệu làm sao, hy hữu làm sao đâu. Chỉ cách tạo phước lành đầy đủ cả hai chi. Ta phải ráng thực hành để tạo phước báo đầy đủ cả hai phương diện.”.
Nghĩ rồi, vị ấy bèn thỉnh Đại đức:
- Bạch Ngài, chúng tôi xin thỉnh Trai Tăng ngày mai.
Đại đức hỏi:
- Nầy ông thiện nam, ông cần thỉnh bao nhiêu vị?
- Bạch Ngài! Ngài có bao nhiêu vị tùy tùng?
- Một ngàn, nầy thiện nam.
- Bạch Ngài! Xin thỉnh Ngài luôn với tất cả chư Tăng ngày mai đến nhà để thọ thực.
Đại đức im lặng nhận lời.
Trên đại lộ vào thành, gặp người nào ông thiện nam ấy cũng rủ: “Nầy quí ông bà, tôi xin thỉnh Trai Tăng được một ngàn vị sư. Quí ông có thể hùn phước cúng dường chừng bao nhiêu vị? Quí bà chừng bao nhiêu vị?”.
Mỗi người hứa cúng nhiều ít tùy theo phương tiện của mình. Họ nói: “Chúng tôi xin cúng mười vị, chúng tôi hai mươi vị, chúng tôi ba mươi vị, chúng tôi năm mươi vị, chúng tôi một trăm vị…”.
Vị trí thức bèn xếp đặt tất cả câu hội tại nhà của mình ông nói: “Thế thì chúng ta hãy hợp nhau lại một chỗ để nấu nướng và dâng cúng cho tiện? Quí bạn hãy đem tất cả vật thực như dầu mè, gạo bơ, đường… đến nhà tôi”.
Lúc ấy, có một ông Trưởng giả hùn phước một xấp vải may y xứ Gandhāra, trị giá một trăm ngàn đồng và nói: “Nếu quí vị góp vật thực còn thiếu thì hãy bán vải y nầy gộp thêm cho đủ, nếu như không thiếu thì tùy ý muốn dâng cúng đến vị Đại đức nào thì dâng”.
Sau khi mọi người chung đậu để làm phước Trai Tăng đủ cả, không còn thiếu món chi, ông chủ lễ bèn hỏi phần đông rằng: “Vải y vô giá nầy của ông Trưởng giả hùn phước với những lời dặn như vậy đó. Bây giờ chúng ta làm phước đầy đủ rồi, còn dư ra, vậy chúng ta nên dâng đến vị Sư nào?”.
Một nhóm người đề nghị: “Hãy dâng đến Đại đức Sārīputta.”.
Một nhóm khác nói: “Đại đức chỉ đến với chúng ta một năm một kỳ trong mùa lúa chín. Còn Sư Devadatta là người bạn thường trực của chúng ta, cả trong những ngày lễ và ngày thường, lúc nào cũng gần gũi sẵn sàng bên chúng ta như bình nước uống. Vậy chúng ta nên dâng vải nầy đến Sư.”.
Sau khi thảo luận rất lâu, nhiều người vì chỗ cảm tình quen biết, đồng ý chấp thuận dâng xấp vải y quí giá đến Tỳ khưu Devadatta.
Được vải, Devadatta cắt đôi ra làm y nội và y vai trái (hạ và thượng y) may, nhuộm xong, liền mặc y mới đi tới đi lui.
Nhiều người thấy chướng mắt phê bình rằng: “Y nầy coi Devadatta mặc không xứng đáng. Phải Đại đức Sārīputta mặc mới xứng. Vậy mà Devadatta vận y vàng không xứng với mình, đi tới đi lui coi thật không được.”.
Khi ấy, có một vị Tỳ khưu du hành từ thành Rājagaha về thành Sāvatthī, đảnh lễ Đức Bổn Sư và thỉnh an Ngài xong, Ngài bèn hỏi thăm sự an vui của hai vị Đại đệ tử. Vị nầy bèn bạch hết câu chuyện bộ y quí về tay người không xứng đáng với Đức Thế Tôn. Đức Bổn Sư nói:
- Nầy Tỳ khưu! Không phải kiếp nầy Devadatta mới lạm đắp y vàng đâu. Hồi tiền kiếp, ông ta cũng từng lạm đắp y vàng như thế rồi.
Nói xong, Ngài kể luôn chuyện tiền thân của nhà Sư vô sĩ:
“Xưa kia, dưới triều của Quốc vương Brahmadatta, đóng đô tại thành Bārāṇasī, có một người thợ săn cư ngụ trong thành. Anh ta chuyên nghề săn bắn voi lấy ngà, móng, ruột và thịt nạc voi đem bán để chi độ hộ khẩu.
Lúc ấy, trong rừng già có đoàn voi gom cả ngàn thớt, về quần tụ để kiếm ăn, đi theo đường gặp những vị Phật Độc Giác. Từ đó về sau, mỗi khi qua lại ngang chỗ chư Phật ngồi tịnh, đàn voi đều quì gối đảnh lễ các Ngài rồi mới dậy đi.
Một hôm, tên thợ săn trông thấy hành động ấy của đàn voi, thì nghĩ thầm rằng: “Những con tượng nầy ta đến gần hạ chúng được rất là khó khăn, thế mà mỗi lần qua lại, chúng đều dừng chân đảnh lễ chư Phật Độc Giác, không biết chúng nhìn thấy cái chi mà chúng đảnh lễ?”.
Sau khi suy nghĩ, tên thợ săn nói thầm: “Chắc tại thấy bộ y vàng.”.
Anh ta bèn tính thầm: “Ta cần phải kiếm cho được một bộ y vàng.”. Nhơn dịp một vị Phật Độc Giác xuống tắm dưới ao, anh ta lén lấy trộm, rồi ra chỗ đường mà voi năng đi lại, tay lăm le cầm cây lao nhọn đắp y lên che kín, ngồi chờ.
Đàn voi đi tới, tưởng lầm anh ta là một vị Độc Giác Phật, nên dừng chân đảnh lễ, rồi mới đi qua. Tên thợ săn chờ cho đàn voi qua hết, rút lao ra phóng giết con đi sau cùng, lấy ngà, móng, ruột, thịt nạc rồi còn dư bao nhiêu đều đào đất chôn cho mất tích, đoạn anh ta rời khỏi rừng đi về thành.
Thời gian sau, nhằm lúc Đức Bồ Tát giáng sanh làm tượng chúa, cầm đầu cả đoàn voi, tên thợ săn vẫn còn dùng cách ấy. Đức Bồ Tát là tượng chúa, thấy đàn voi của mình ngày một hao hụt, bèn hỏi những voi khác rằng: “Những voi này đi đâu mất mà đàn ta ngày càng thưa thớt vậy?”.
- Thưa chúa Tượng, chúng tôi không biết.
Nghe đáp như vậy, chúa Tượng tự nghĩ: “Chúng đi đâu mà chẳng hỏi xin ta kìa, chắc không phải đi đâu, có lẽ chúng đã bị tai nạn.”.
Rồi Tượng chúa phát nghi rằng: “Chắc là chúng bị hại chỗ người đắp y vàng chẳng sai.”.
Nghĩ thế, Tượng chúa bèn ra lịnh cho cả đàn voi đi trước, để một mình đi đoạn hậu, vừa đi vừa quan sát.
Tên thợ săn là vị Phật giả mạo, chờ đàn voi đảnh lễ qua hết rồi, khi thấy Bồ Tát từ từ đi tới phía sau cùng, bèn lập tức vén y lên, nhắm ngay chỗ nhược của Tượng chúa phóng cây lao tới.
Tượng chúa đã đề phòng trước, nên thối lui tránh được cây lao. Bồ Tát liền nghĩ: “Đây là kẻ sát hại đàn voi của ta.” nên xông tới quyết bắt cho được.
Nhưng hắn ta chạy núp sau một thân cây, Bồ Tát tính thầm “Ta sẽ lấy vòi quấn luôn cả cây lẫn người hắn mà chà đạp xuống đất.”.
Ngay lúc ấy, tên thợ săn đã cởi tốc chiếc y vàng lên cao cho Tượng chúa thấy.
Tượng chúa nghĩ thầm: “Nếu ta sát hại tên nầy, thì ta sẽ mất mặt đối với chư Phật Toàn Giác, Độc Giác và A La Hán chẳng sai.”. Vì thế, nên tượng chúa dằn lòng nhẫn nhịn và hỏi rằng:
- Chính nhà ngươi đã sát hại những voi trong đàn của ta phải không?
- Dạ phải, thưa ông Tượng.
- Tại sao ngươi tạo nghiệp ác nặng nề như thế, tự mình không xứng đáng mà dám lạm khoác bộ y vàng của bậc đã dứt trừ tham dục, làm như vậy ngươi đã tạo nghiệp ác rất nặng nề.
Nói rồi, Bồ Tát đọc hai bài kệ khuyến cáo tên thợ săn như sau:
“Cà sa mặc ở bên ngoài,
Tâm còn ô nhiễm cũng hoài lá y,
Buông lung giả dối hay gì?
Thà rằng không mặc, mới y hợp thời.
Trong tâm tẩy sạch bụi đời,
Chân thành khắc kỷ, chẳng rời luật nghi,
Người tu y với lá y,
Cà sa Tăng và từ bi khách thiền”.
Đọc kệ rồi, Bồ Tát còn thêm câu kết luận:
- Việc làm của ngươi thật không xứng đáng chút nào, nói rồi thả hắn đi.
Khi chấm dứt thời pháp, Đức Bổn Sư dẫn giải rằng:
- Tên thợ săn voi lúc trước nay là Devadatta và Tượng chúa cho tên thợ săn bài học đó chính là Như Lai vậy.
Nầy Tỳ khưu, đây không phải là lần đầu tiên Devadatta mặc y không xứng đáng với người của ông ta đâu. Trong tiền kiếp ông ta cũng đã từng làm như thế đó rồi.
Đến đây Đức Bổn Sư lập lại bài kệ trên:
09. “Anikkasāvo kāsāvaṃ,
yo vatthaṃ paridahessati;
Apeto damasaccena,
na so kāsāvam arahati”
10. “Yo ca vantakāsāv’assa,
sīlesu susamāhito;
Upeto damasaccena,
sa ve kāsāvam arahatīti”.
Nêu lên làm sáng tỏ nghĩa lý nầy bằng tích Tượng chúa sáu ngà.
*
CHÚ GIẢI:
Anikkasāvo (Chưa dứt triền phược): là chưa tẩy sạch phiền não trong tâm là tham, sân, si.
Kāsāvaṃ: là y cà sa, tức là y vàng của Tỳ khưu.
Paridahessati (sẽ đắp): là sẽ vận mặc, trùm phủ khoác lên mình.
Apeto damasaccena (không chơn thật tự chủ): là không chế ngự được lục căn, không nói lời chân thật, đúng theo chơn lý Thánh Đế.
Na so kāsāvam arahati: là kẻ kém đức thiếu tài, như vậy không xứng đáng mặc y vàng cà sa.
Vantakāsāv’assa (đã dứt triền phược): là đã dứt bỏ, đã xa lìa những ô nhiễm phiền não, noi theo bốn Thánh Đạo.
Sīlesu (trong Giới luật): là Tứ thanh tịnh giới: thu thúc trong giới bổn, thu thúc lục căn, thu thúc theo chánh mạng, thu thúc theo quán tưởng tứ vật dụng.
Susamāhito (khéo tu trì): là khéo thọ, khéo giữ và hành theo cách chắc chắn.
Upeto damasaccena (có sự tự chủ chơn thật): là thật sự thu thúc sáu căn, có lời nói chơn thật.
Sa ve kāsāvam arahati: Người giới hạnh như vậy xứng đáng mặc bộ y vàng.
*
Bài kệ vừa dứt, vị Tỳ khưu du hành đắc quả Tu Đà Hườn, nhiều vị khác cũng chứng đắc đạo quả nhất là quả Nhập Lưu. Kỳ dư thính chúng đều hưởng sự lợi ích.
x
Dịch Giả Cẩn Đề
Dịp may dong ruổi khiến Đề Bà,
Vớ được y vàng mặc nhở nha!
Giới hạnh không bì người lạ xứ,
Tài năng chỉ cậy chỗ quen nhà.
Gặp thời vênh váo quên điều phải,
Đắc thế kiêu kỳ chấp cái ta.
Đường cũ ngựa quen từ kiếp trước,
Săn voi cũng lạm đắp cà sa.
DỨT TÍCH DEVADATTA ĐƯỢC Y QUÍ
09. Those who are tainted, unrestrained and devoid of truthfulness do not deserve the robe.
09. Những người có tâm cấu uế, không tự chế ngự và thiếu chân thật, không xứng đáng với chiếc y casa
09. Anikkasāvo kāsāvaṃ,
yo vatthaṃ paridahessati;
Apeto damasaccena,
na so kāsāvam arahati. (1:9)
09. One who wears the stainless robe
who’s yet not free from stain,
without restraint and truthfulness
for the stainless robe’s unfit.
10. The taintless and firm in conduct, restrained and truthful, are worthy of the stained robe.
10. Những người có đạo hạnh vô nhiễm và kiên cố, tự chế ngự và chân thật, mới xứng đáng với chiếc y cà sa.
10. Yo ca vantakāsāv’assa,
sīlesu susamāhito;
Upeto damasaccena,
sa ve kāsāvam arahati. (1:10)
10. But one who is self-cleansed of stain,
in moral conduct firmly set,
having restraint and truthfulness
s fit for the stainless robe.
I. 8- Tích ÔNG SAÑJAYA KHÔNG ĐẦU PHẬT
(Sañjayassānāgamanavatthu)
KỆ NGÔN: (Pháp Cú câu 11-12)
11. “Asāre sāramatino,
sāre cāsāradassino;
Te sāraṃ nādhigacchanti,
micchāsaṅkappagocarā.”
11. “Việc không cần tưởng cần,
Việc cần thấy không cần.
Người tư duy tà vạy,
Không đạt thấy lý chân.”
12. “Sārañ ca sārato ñatvā,
asārañ ca asārato;
Te sāraṃ adhigacchanti,
sammasaṅkappagocarā.”
12. “Việc cần biết là cần,
Không cần biết không cần.
Người tư duy đúng đắn,
Hằng đạt thấy lý chân.”
Kệ Pháp Cú (11 – 12) nầy, Đức Bổn Sư thuyết ra khi Ngài ngự tại Veḷuvana (Trúc Lâm), đề cập đến ông Sañjaya không khứng theo về với Ngài, như lời tường trình của hai vị Thượng thủ Thinh Văn (Aggasāvaka) đầu đuôi câu chuyện diễn tiến như sau:
Cách nay bốn A tăng kỳ (Asaṅkheyya) và một trăm ngàn đại kiếp (kappa) quả địa cầu. Đức Bổn Sư Thích Ca còn là mọt vị công tử dòng Bà la môn (Brahmaṇa), cư ngụ trong thành Amaravatī (Bất Tử). Sau khi học tập tinh thần bá nghệ thì song thân đều khuất bóng, công tử bèn xả hết tài sản vô số triệu ra bố thí rồi xuất gia làm đạo sĩ, ẩn tu trong miền Tuyết Sơn (Himavanta) tục gọi là núi Ma Thiên Lãnh.
Trong lúc hành thiền, đắc pháp Thần thông, đạo sĩ bay lên hư không ngó xuống thấy thiên hạ đang quét dọn con đường từ ngôi Tịnh xá Sudassana (Thiện Kiến) của đấng Thập Lực Dīpaṅkara Nhiên Đăng Phật vào tới thành Amaravatī.
Đạo sĩ cũng tự mình lãnh một phần công quả, ráng hết sức làm nhưng không xong kịp, khi Đức Bổn Sư ngự đến, để bổ khuyết một đoạn đường ngắn còn dở dang, đạo sĩ bèn trải tấm tọa cụ bằng da beo của mình lấp chỗ sình lầy, nằm xấp xuống bắt cầu và nguyện rằng: “Đức Bổn Sư cùng với Thánh chúng (Sāvakasaṅgha) không từng dẫm lên chỗ bùn nhơ, xin các Ngài bước lên mình ta mà đi qua cho sạch”.
Thấy vậy, Đức Cổ Phật thọ ký rằng: Vị nầy có Phật căn (Buddhakura), còn bốn A tăng kỳ và một trăm ngàn đại kiếp nữa sẽ thành Chánh quả hiệu là Gotama”.
Sau thời kỳ Đức Phật Dīpaṅkara, lần lượt đến thời Đức Phật Koṇḍañña, Phật Sumaṅgala, Phật Sumana, Phật Revata, Phật Sobhita, Phật Anomadassī, Phật Padumuttara, Phật Sumedha, Phật Sujāta, Phật Piyadassī, Phật Atthadassī, Phật Dhammadassī, Phật Siddhattha, Phật Tissa, Phật Pussa, Phật Vipassī, Phật Sikhī, Phật Vessabhū, Phật Kakusandha, Phật Konāgamana và Phật Kassapa.
Hai mươi ba vị Phật trên đây nối tiếp nhau, xuất hiện trong đời, khiến cho cõi thế từng hồi rạng ngời ánh đạo từ bi.
Đức Bồ Tát (Bodhisatta) tinh tấn bổ túc mười pháp Pāramī, mười pháp Upapāramī, mười pháp Paramatthapāramī. Đức Bồ Tát hoàn thành Tam thập độ (Tiṃsapāramī). Trong kiếp thọ sanh làm Thế tử Vessantara đã khiến cho quả địa cầu rung động bảy lần. Khi Ngài thực hành đủ năm pháp đại thí (Mahāpariccāga), dứt tình thân ái, hy sinh cả vợ và con.
Sau khi thăng hà, Đức Vessantara sanh lên cõi Tusita (Đâu Suất), sống hết bốn ngàn tuổi thọ như ý (năm trăm bảy mươi sáu triệu năm nhân loại) thì chư Thiên trong mười ngàn cõi Sa bà (cakkavāḷa) vân tập đến trước ngọc giai cung thỉnh Ngài giáng sinh làm Phật, bằng kệ ngôn rằng:
“Kāloyan te mahāvīra,
uppajja mātu kucchiyaṃ;
Sadevakaṃ tārayanto,
bujjhassa amataṃ padanti.”
“Bậc Đại Hùng, giờ thiêng đã điểm,
Cung thỉnh Ngài lãnh nhiệm đầu thai.
Gót vàng giã biệt thiên giai,
Mở đường bất tử, Phật đài ngự yên.”
Nghe vậy, Đức Bồ Tát suy ngẫm năm điều đại quán (Mahāvilokanāni). Chư Thiên lại nhắc rằng:
“Kālaṃ desaññe dīpañca,
Kulaṃ māterameva ca;
Ime pañca viloketvā,
Upajjanti mahāyasāti.”
“Chọn thời, xứ, chọn luôn châu nữa,
Lựa dòng sang, rồi lựa mẹ hiền.
Năm điều đại quán đủ duyên,
Xin cung thỉnh Đại hoàng thiên lâm phàm.”
Mạng chung từ cõi trời, Đức Bồ Tát giáng sanh trong hoàng tộc Sakya, toại hưởng ngũ trần của đế nghiệp. Dần dà hết thời thơ ấu, đến tuổi hoa niên Đức Bồ Tát được làm chủ ba tòa cung điện hợp theo thời tiết ba mùa với nếp sống huy hoàng vương giả, chẳng khác nào ở cõi Thượng Thiên.
Nhưng có ba hôm, nhân lúc dạo chơi vườn Ngự Uyển, Đức Bồ Tát lần lượt xúc kiến ba vị Sứ trời (Devadūta) mệnh danh là Lão (Jiṇṇa), Bịnh (Byādhi), và Tử (Mata). Cả ba lần Ngài đều phát tâm kinh cảm, bàng hoàng quay gót về cung.
Đến kỳ du ngoạn thứ tư, Đức Bồ Tát gặp được một vị Sa môn từ đó ý Ngài thiết tha hoài vọng con đường thoát tục “Ta phải xuất gia”.
Ngự vào vườn ngự uyển, Đức Bồ Tát ngồi trên bờ hồ Hạnh Phúc (Maṅgalapokkharaṇī) cho đến hết ngày hôm ấy.
Sau khi Đức Bồ Tát nhận lấy y phục của quan nội thị, thì chư Thiên Vissakamma (Tỳ Thủ Yết Ma) tự nhiên hiện đến. Ngài còn đang nhờ vị nầy sắp đặt hóa trang, chợt nghe tin báo rằng Thái tử Rāhula vừa mới chào đời, vốn biết rằng tình phụ tử sâu xa mãnh liệt, Đức Bồ Tát nói: “Sợi dây luyến ái nầy, Ta phải cắt đứt nó ngay khi nó chưa ràng buộc được Ta.”. Nghĩ rồi, Bồ Tát bộ hành vào thành, bỗng nghe cô em họ của Ngài là công chúa Kisāgotamī hát rằng:
“Nibbutā nūna sā mātā
Nibbuto nūna so pitā
Nibbutā nūna sā nārī
Yassāyaṃ īdiso patīti.”
“Hạnh phúc thay mẹ chàng tuổi trẻ,
Hạnh phúc thay cha đẻ chàng ta,
Hạnh phúc thay bạn quần thoa.
Có chồng anh tuấn hào hoa như chàng.”
Nghe qua bài kệ, Đức Bồ Tát nói thầm: “Phải chăng cô nầy là sứ giả, giục Ta lên đường phúc lạc trường niên (Nibbutapada)”.
Đưa tay lên cổ tháo chuỗi trân châu, Đức Bồ Tát tặng thưởng cô em họ, đoạn Ngài ngự về vương thất tịnh tọa trên long sàng.
Đêm ấy, trong chốn thâm cung, cảnh tượng các vũ nữ, phi tần sật sừ ngây ngủ, xiêm y lệch lạc, mắt mũi bơ phờ, càng khiến Đức Bồ Tát sanh tâm chán chường phiền muộn, Ngài ra lịnh bảo thị thần Channa (Sa Nặc) thắng ngựa Kaṇṭhaka (Kiền Trắc) đến cho Ngài. Lên yên thần mã, đèo thêm Channa làm bạn đồng hành, Đức Bồ Tát bắt đầu chuyến đi lịch sử, có đủ mặt chư Thiên trong mười ngàn cõi Sa bà tụ hội lại tiễn đưa.
Ra khỏi đế đô, vượt qua dòng sông Vô Thượng (Anoma), Đức Bồ Tát tự xuất gia, rồi lần hồi tiến đến thành Rājagaha. Vào thành Rājagaha, khất thực xong, Ngài đình bộ an tọa trên sườn Paṇḍarapabbata (Bạch Sơn), đức vua Magadha thân ngự đến thỉnh Đức Bồ Tát về triều, nhưng Ngài đã khước từ vương vị và về sau Ngài đắc quả Toàn Tri (Sabbaññū). Buổi đầu tiên, trên bước đường tầm phương tự thắng, Đức Bồ Tát có tìm đến thọ giáo với hai tu sĩ tự xưng đã đắc đạo mầu là Ālara và Uddaka. Nhưng sau lúc nhập môn, Ngài nhận thấy Đạo quả của hai vị nầy chưa đạt đến chỗ cao siêu tuyệt đối. Đức Bồ Tát lại tách ra đi tìm chân lý với chí cương quyết xả thân cầu đạo, nhưng chỉ tự mình khổ hạnh cần tu, sau sáu năm trời đằng đẳng trôi qua.
Một buổi sáng bình minh vào ngày rằm tháng tư âm lịch (Visākha). Độ xong bữa cơm sữa đề hồ do nàng Sujātā dâng cúng. Đức Bồ Tát ném bát vàng xuống sông Nerañjara (Ni Liên Thiền) và khiến bát ấy trôi ngược dòng sông theo ước nguyện.
Dựa mé sông Ni Liên lặng lờ, trong rừng Mahāvana (Đại Lâm) u nhã, Đức Bồ Tát tinh tấn công phu suốt ngày hôm ấy. Mãi đến xế chiều, có ông lão Sotthiya (An Hòa) hiến dâng cho Ngài một bó cỏ. Ngài nhận lãnh xong thì Long Vương (Nāgarāja) hiện đến ca tụng ân đức của Ngài.
Tại gốc cây Bồ Đề (Bodhimaṇḍa) theo lời nguyện của Bồ Tát tự nhiên có một bảo tọa nổi lên, Ngài trải cỏ ra làm bồ đoàn, rồi phát lời đoạn thệ rằng:
“Na tāvimaṃ pallaṅkaṃ bhindissāmi, yāva me anupādāya asevehi cittaṃ na vimuccissati.” – “Ta nhất định không bao giờ từ bỏ thế ngồi nầy, cho đến bao giờ tâm Ta được giải thoát, tất cả lậu hoặc (āsava) không còn chấp thủ nữa mới thôi.”
Đoạn Ngài ngự lên bồ đoàn, ngồi quay mặt về hướng Đông, ác vàng chưa lặn, Ngài đã thắng đội binh Ma vương (mārabala).
Canh một đầu hôm, Ngài đắc Túc mạng minh (Pubbenivā - saññāṇa), canh giữa Ngài đắc Sanh tử minh (Cutūpatātaññāṇa) và đến canh cuối Ngài đắc Minh thấu triệt nhân sanh khởi của vạn pháp (Paccayākarenāṇa).
Khi vầng thái dương ló dạng, Ngài chứng đạo quả Toàn Giác gồm đủ ân đức của một vị Thập Lực (Dasabala) nhất là bốn Thần túc (Dục – Cần – Tâm – Thẩm).
Trải qua bảy thất (bốn mươi chín ngày), Ngài không lìa xa cội Bồ Đề, đến thất thứ tám, Ngài ngự đến gốc cây Ajapāla nigrodha, ngồi trầm tư mặc tưởng nguyên lý cao thâm mầu nhiệm của Chánh Pháp.
Thấy Ngài an nhiên bất động, vua trời Phạm Thiên Sahampati với mười ngàn Phạm chúng Thiên theo hầu, vội xuống khấn đầu thỉnh Ngài đi hoằng pháp độ sinh. Dùng Phật nhãn quan sát thế gian xong, Ngài chấp nhận lời Đại chúng Thiên cung thỉnh.
“Thời Pháp đầu tiên, Như Lai nên thuyết cho ai đây?”, sau khi tự vấn, Ngài thấy rõ hai thầy Ālara và Uddaka đã mệnh chung, Ngài đi đến nhóm năm thầy Kiều Trần Như có nhiều duyên lành, bèn từ chỗ ngồi đứng dậy khởi hành sang xứ Kāsi.
Giữa đường Ngài có gặp du sĩ Upaka. Ngày rằm tháng sáu âm lịch (āsāḷha), Ngài mới tới chỗ ngụ của năm vị Tỳ khưu (Pañcavaggiya) trong rừng Isipataṇa migādāya. Đối với những sai lầm của nhóm đệ tử nầy, Ngài đã vạch rõ lề lối thích nghi, rồi Ngài bắt đầu Chuyển Pháp Luân (Dhamma cakkaṃ pavatteti), khiến cho một trăm tám mươi triệu Phạm Thiên với vị lãnh đạo là Koṇḍañña uống được nước nguồn bất tử (Amataṃ pāyati).
Quay bánh xe Bảo pháp đến ngày thứ năm Ngài độ các vị Tỳ khưu trong nhóm nầy đắc quả A La Hán. Cũng trong ngày ấy, Ngài quán sát thấy duyên lành của công tử Yasa đã đến, nên ngồi nán chờ, nửa đêm Công tử phát tâm nhàm chán gia đình, lìa nhà ra đi thơ thẩn, không ngờ đến ngay chỗ ngự của Đức Thế Tôn.
Ngài lên tiếng gọi: “Lại đây Yasa”. Nội trong ngày ấy, Ngài thuyết pháp độ công tử Yasa đắc quả Nhập Lưu (Sotāpatti) và tiếp qua ngày sau đắc quả A La Hán.
Kế đó, Ngài tiếp độ năm mươi bốn người bạn thân của Công tử Yasa bằng cách bảo cho họ xuất gia Ehibhikkhu (Thiện lai Tỳ khưu) và đắc luôn quả A La Hán.
Như thế là trên cõi phàm trần đã có sáu mươi mốt vị A La Hán.
Ra hạ đầu tiên, chư Tăng làm lễ Tự tứ xong, Đức Bổn Sư phán rằng: “Caratha, bhikkhave, cārikanti.” – “Nầy các Tỳ khưu! Hãy cất bước vân du.”. Phái sáu mươi vị sứ đồ đi tản mác tứ phương, rồi Đức Bổn Sư thân hành ngự qua miền rừng Uruvela (Quãng Đại Biên). Tới khu Kappāsikavanasaṇḍa (Miên Hoa Viên Lâm) là rừng trồng bông vải ở khoảng giữa đường, Đức Bổn Sư hóa độ cả ba mươi vị công tử trong nhóm quí tộc Bhadda vaggiya. Trong số nầy các vị thấp kém nhất đắc quả Tu Đà Hườn, vị ưu tú nhất đắc A Na Hàm. Nhưng rồi Đức Bổn Sư cũng độ cho các vị đó xuất gia bằng cách Ehibhikkhu và phái đi tha phương hành đạo.
Ngài tiếp tục ngự hành đến rừng Uruvela, biến hóa ba ngàn năm trăm phép lạ (pātihāriya) thu phục ba anh em ngoại đạo tóc bện (Jaṭila) đứng đầu là đạo sĩ Uruvela Kassapa cùng với một ngàn đệ tử của họ, Ngài cho tất cả xuất gia Ehibhikkhu cho nhóm trong xứ Gayāsīla, rồi Ngài thuyết thời pháp Viêm Nhiệt Luân (Aditta pariyāya) “Giải về lửa phiền não”, hóa độ cho tất cả đắc quả A La Hán. Với đoàn Thánh Tăng một ngàn vị A La Hán ấy, Đức Thế Tôn ngự về Laṭṭhivanuyyāna (Công Viên Tiểu Thợ Lâm) ở phụ cận thành Rājagaha, Ngài nghĩ rằng: “Như Lai sẽ thanh toán hai điều giao ước cùng Quốc vương Bimbisāra (Tần Bà Sa) lúc trước.”.
Nghe tin đồn: “Đức Bổn Sư đã trở lại.”, Đức Vua dẫn theo mười hai muôn Bà la môn và gia trưởng đến yết kiến Đức Bổn Sư. Đức Thầy dùng lời dịu ngọt thuyết pháp phủ dụ xong, thì đức vua với mười một muôn vị tùy giá đắc quả Nhập Lưu, còn một muôn vị phát khởi đức tin và quy y Tam Bảo.
Qua ngày thứ sáu, nhờ Thiên Vương Đế Thích (Sakka) biến hình làm một thanh niên tán dương oai đức của Ngài, vừa đi trước mở đường. Đức Bổn Sư nhập thành Rājagaha, ngự vào hoàng cung, sau bữa thọ thực, Đức Bổn Sư nhận lãnh Tịnh xá Veḷuvana và ngự an nơi đó. Chính tại ngôi chùa nầy mà Đại đức Sārīputta và Moggallāna tìm đến xuất gia đầu Phật. Đây lần lượt kể tiếp chuyện như sau:
Trước thời Đức Chánh Biến Tri Gotama giáng thế, cách thành Rājagaha không xa, có hai làng Bà la môn là Upatissa và Kolita. Ngày ở làng Upatissa, cô Bà la môn Sāri thọ thai thì ở làng Kolita, cô Bà la môn Moggallī cũng kiết tử nhâm thần.
Theo tục tuyền, hai gia tộc nầy từ bảy đời liên tiếp đã từng giao hảo mật thiết với nhau, thân nhân của hai bên cho hai dựng phụ uống thuốc dưỡng thai cùng ngày. Chẵn mười tháng, hai nàng đồng hạ sanh con trai.
Đến ngày lễ đặt tên, con bà Sārī được mệnh danh là Sārīputta vì là trưởng nam của một trưởng tộc trong làng Upatissa nên còn có tên gọi là Upatissa, con của bà Moggallī thì có tên là Kolita, vì là con trai đầu lòng của một thế gia chủ tể trong làng Kolita.
Đến tuổi trưởng thành, hai công tử đều tỏ ra xuất chúng trong mọi nghề nghiệp. Khi công tử Upatissa muốn đi du hí ở sông hoặc ở công viên thì có năm trăm chiếc kiệu vàng đứng đón đưa. Còn công tử Kolita mỗi khi đi chơi lại dắt theo cả đoàn năm trăm cỗ xe tuấn mã, hai công tử cậu nào cũng có năm trăm thiếu niên tùy tùng hộ tống.
Trong thành Rajagaha hàng năm có lệ dân chúng họp nhau ăn chơi trên chóp núi, gọi là Sơn Đảnh Hội (Giraggamajja). Hai chiếc giường của hai công tử được kết dính liền ở một nơi, hai cậu cùng ngồi bên nhau chủ tọa và thưởng thức cuộc lễ, đến chỗ vui nhộn hai cậu cùng cười, đến chỗ bi thương hai cậu cùng khóc. Đến lúc lạc quyên thì hai cậu cùng bố thí một lượt với nhau. Họ hành động như vậy trong nhiều ngày.
Cho đến một hôm, trí hóa của hai người trở nên già giặn, họ không còn vui cười trước cảnh trào lộng hay nhỏ lệ trước cảnh lâm ly, bố thí cho kẻ lạc quyên như những ngày trước nữa.
Theo truyền ngôn thì hai chàng đang bị một định kiến như vầy ám ảnh: Có chi đâu mà ta phải ở đây dòm ngó, không đầy một trăm năm nữa, tất cả mọi thứ nầy đều phải tiêu tan không còn lại chút hình bóng. Ta nên gia công tìm kiếm đạo giải thoát khỏi luật vô thường là hơn.
Với ý nghĩ như thế trong đầu, hai chàng ngồi xuống băn khoăn… Sau cùng công tử Kolita hỏi bạn rằng: “Hiền huynh Upatissa, sao hiền huynh không có vẻ hài lòng toại ý như những ngày qua? Hôm nay hiền huynh lại ra chìu bất mãn… Chẳng hay điều chi đang làm cho hiền huynh thắc mắc ưu phiền?”.
Công tử Upatissa bèn đáp: “Hiền huynh Kolita à! Xem mãi các trò chơi nầy, tôi nhận thấy tất cả đều trống rỗng vô ích. Chi bằng ta mau đi tìm pháp môn giải thoát, độ lấy thân mình còn hơn, đó là điều tôi ngồi yên tư lự. Còn hiền huynh vì sao cũng lộ vẻ không vui?”.
Công tử Kolita cũng đáp lời như vậy. Khi biết bạn mình đồng một chí nguyện với mình, công tử Upatissa bèn ngỏ lời tâm sự rằng: “Hiền huynh, chúng ta cùng chung một lý tưởng cao đẹp, cùng mong tầm cầu lấy con đường giải thoát, vậy ta hãy xuất gia một lượt để cùng nhau tu học. Ta nên xuất gia với vị Đạo trưởng nào đây?”.
Ngay lúc bấy giờ, có thầy Sañjaya là một giáo chủ ngoại đạo cùng với một số đông đệ tử du sĩ vào thành Rājagaha.
Hai công tử tính rằng: “Ta sẽ đến xuất gia, ta sẽ theo ông nầy.”, nên giải tán bớt năm trăm thiếu niên thủ hạ và bảo họ: “Hãy lấy tất cả kiệu và xe rồi đi đi.”. Còn lại năm trăm vị tùy tùng, hai công tử dắt theo đến xuất gia học đạo cùng với thầy Sañjaya. Từ khi có hai công tử xuất gia, thầy Sañjaya càng được dồi dào lợi đắc và lừng lẫy thanh danh hơn bao giờ hết, nhưng chỉ trong vài ngày, hai trò mới đã học hết giáo lý của ông thầy. Họ bèn hỏi: “Bạch thầy! (ācariya) Giáo lý của thầy hiểu biết chỉ có bấy nhiêu hay còn cao siêu hơn nữa?”.
- Có bao nhiêu thì hai trò đã học hiểu qua tất cả rồi đấy.
Nghe dứt lời, họ thầm nghĩ: “Nếu quả như thế ta còn theo làm đệ tử của thầy nữa cũng vô ích, con đường giải thoát khỏi sự sanh tử mà ta bỏ cửa lìa nhà ra đi tìm kiếm, ta không thể gặp trong đạo của thầy. Nhưng cõi Diêm Phù Đề (Jambūdīpa) rộng lớn bao la, ta hãy chịu khó lê chân qua khắp kinh đô, phố phường, làng mạc, chắc có ngày ta cũng sẽ hạnh ngộ bậc thầy minh triết, giảng rành về đạo giải thoát cho ta.”.
Kể từ hôm ấy, hễ nghe có tiếng đồn có vị Bà la môn, Sa môn hiền trí ở tận đâu đâu thì hai chàng du sĩ (paribbājaka) cũng tìm đến nơi đó để luận đạo, nhưng những câu hai chàng hỏi mấy vị kia trả lời không được, trái lại mấy câu vấn nạn của họ hai chàng giải đáp dễ dàng.
Cùng nhau chu du khắp cõi Diêm Phù mà chẳng gặp Minh sư, hai chàng đành quay gót về quê. Trước khi chia tay để đi lang thang mỗi người mỗi ngã, du sĩ Upatissa giao ước với bạn rằng: “Hiền huynh Kolita ạ! Trong hai đứa mình hễ ai gặp đạo bất tử (amata) trước, thì phải nhớ nói lại cho người kia biết nghe.”.
Thời ấy, nhằm lúc Đức Bổn Sư đã vân du đến thành Rājagaha, nhận lãnh Tịnh xá Veḷuvana và an ngự nơi đó.
Từ ngày được lịnh: “Nầy các Tỳ khưu! Vì lợi ích của chúng sanh, hãy đi vân du hành đạo.” thì sáu mươi vị A La Hán lãnh sứ mạng ra đi, ngõ hầu tán dương ân đức của Tam Bảo.
Một trong số chư Thánh Tăng ấy là Đại đức Assaji, thuộc nhóm năm thầy Kiều Trần Như của Đức Thế Tôn, đã quay gót trở lại, đi về phía thành Rājagaha. Và sáng hôm sau, đắp y mang bát vào nội thành khất thực.
Cùng trong lúc ấy, du sĩ Upatissa sau khi đi bát thọ thực từ sáng sớm, đang trở về chùa của môn phái mình, thì gặp Đại đức Assaji, chàng khen thầm: “Từ trước đến giờ, ta chưa từng thấy một vị xuất gia nào phong độ như vị Sư nầy. Trong cõi trần ai ví như có ai đắc quả A La Hán hoặc đạt được A La Hán đạo, thì vị nầy phải là một trong số những thánh Tăng ấy chẳng sai. Ta hãy thử đến tiếp xúc hỏi thăm Ngài.”.
- Bạch đạo huynh, vì tôn chỉ nào mà đạo huynh xuất gia? Vị nào là thầy của đạo huynh? Giáo phái của ai mà đạo huynh thuyết giảng?
Nhưng chàng xét lại: “Giờ chưa phải lúc ta vấn đạo vị Tỳ khưu nầy, vì người đang đi trì bình khất thực từng nhà. Ta hãy chậm rãi nối bước theo chân người, y theo lề lối của kẻ mong cầu học hỏi.”.
Khi thấy Đại đức thọ bát rồi, còn đi tìm chỗ ngồi cho phải lệ, du sĩ Upatissa hiểu ý, bèn đặt cái ghế du sĩ nhỏ của mình xuống đất và thỉnh Đại đức an tọa.
Sau bữa cơm, chàng lại tiếp dưng nước trong bầu của mình đến Đại đức, sau khi làm đúng theo pháp như một đệ tử phục dịch thầy, du sĩ chờ Đại đức xong bữa đàng hoàng, mới chào một cách thân thiện hoan hỷ, nói rằng: “Bạch đạo huynh, thật là quang minh thanh tịnh, nước da của đạo huynh thật là mịn màng tươi sáng. Chẳng hay đạo huynh xuất gia vì tôn chỉ nào? Ai là sư phụ của đạo huynh? Đạo huynh truyền bá giáo pháp cho ai?”.
Đại đức nghĩ thầm: “Những du sĩ ngoại đạo bình thường hay chống đối Phật giáo lắm, vậy ta sẽ chỉ cho chàng nầy thấy cái thâm sâu vi diệu của chánh pháp.”.
Đoạn Đại đức mở lời khiêm nhường, tỏ thật rằng mình mới xuất gia và nói: “Nầy đạo hữu! Bần Tăng còn non nớt lắm. Vì ta xuất gia nhập đạo chưa được bao lâu, ta không đủ khả năng thuyết pháp luận giải dài dòng.”.
Chàng du sĩ vội đáp: “Xin đạo huynh cứ tùy theo khả năng của mình mà thuyết pháp nhiều ít chi cũng được hết, Upatissa nầy sẽ cố công thấu triệt giáo lý bằng trăm ngàn cách.”.
Nói đoạn đọc kệ rằng:
“Appaṃ vā bahuṃ vā bhāsassu,
atthaññeva me brūhi;
Attheneva me attho,
kiṃ kāhassi byañjanaṃ bahunti.”
“Ít nhiều xin nói ngay,
Điều cốt yếu chỉ bày;
Tôi chỉ cần cốt yếu,
Lắm lời cũng không hay.”
Nghe vậy Đại đức đọc kệ đáp rằng:
“Ye dhammā hetuppabhavā,
yesaṃ hetuṃ tathāgato;
Tesañca yo nirodho ca,
evaṃ vadī mahāsamaṇoti.”
“Những pháp nào có nhân,
Nhân pháp Đức Như Lai,
Pháp với nhân nào diệt,
Đức Phật dạy không sai.”
Chỉ nghe qua hai câu của bài kệ, chàng du sĩ đã đắc ngay Tu Đà Hườn quả, lãnh hội cả giáo nghĩa bằng cả ngàn cách.
Khi chàng đắc Sơ quả rồi, Đại đức đọc tiếp hai câu sau và chấm dứt bài kệ. Nhưng vị Thánh Nhập Lưu mới nầy không chứng đắc những quả vị cao hơn.
“Đây chắc là tại một nguyên do.”, thầm nghĩ như thế, chàng bèn bạch với Đại đức rằng:
- Bạch Ngài! Xin Ngài đừng thuyết pháp cao siêu hơn nữa đây, bấy nhiêu cũng tạm đủ rồi. Chẳng hay Tôn Sư bây giờ đang ngự ở đâu?
- Ở Veḷuvana, nầy đạo hữu.
- Bạch Ngài! Nếu vậy xin thỉnh Ngài đi trước, đệ tử còn một người bạn. Cả hai chúng tôi có giao ước với nhau rằng: “Hễ ai đạt đạo bất tử (amata) trước thì phải thông tin với người kia hay.”. Bây giờ đệ tử lo giữ lời hứa, trở về rủ bạn của đệ tử, rồi sẽ theo con đường của Ngài đi mà tìm đến yết kiến Đức Tôn Sư.
Nói rồi, du sĩ Upatissa gieo năm vóc xuống đất, nằm mọp bên chân Đại đức, đoạn đứng lên nhiễu quanh Đại đức ba vòng từ trái sang phải.
Sau khi tiễn biệt Đại đức Assaji, du sĩ Upatissa đi ngay về chùa của Ngài Sañjaya, trông thấy chàng về từ đàng xa, du sĩ Kolita nói thầm: “Hôm nay sắc diện bạn ta không giống như những ngày thường, có lẽ bạn ta thấu đạt con đường bất tử rồi chăng?”. Kolita liền đón bạn, hỏi ngay:
- Gặp đạo bất tử rồi chăng?
- Gặp đạo bất tử rồi bạn ạ.
Sau khi báo tin lành, Upatissa đọc luôn bài pháp kệ mình học được cho bạn nghe. Bài kệ vừa dứt, du sĩ Kolita cũng đắc Tu Đà Hườn. Chàng vội hỏi:
- Hiền huynh có nghe Đức Tôn Sư hiện ngự tại đâu không?
- Nghe nói Ngài ngự ở Veḷuvana, hiền huynh à! Chính Đại đức Assaji là Thầy Tiếp dẫn của tôi bảo thế.
- Vậy thì chúng ta nên đến ngay nơi đó để yết kiến Đức Bổn Sư đi hiền huynh.
Du sĩ nầy có tên là Sārīputta, vốn là người có đặc tính bao giờ cũng cung kính ông thầy đầu tiên của mình, cho nên chàng lại nhắc bạn mình rằng:
- Nầy hiền huynh! Ta hãy bạch cho thầy của ta là du sĩ Sañjaya hay biết chúng mình đã gặp đạo bất tử. Nếu thầy thức tỉnh kịp, thầy sẽ thông cảm cho chúng ta, chẳng như thầy không thông cảm thầy cũng phải tin theo lời thành thật của ta mà yết kiến Đức Bổn Sư. Chừng được nghe pháp của bậc Đại Giác, chắc thầy sẽ đắc đạo quả không sai vậy.
Hai bạn đồng ý, cùng nhau đi đến tiếp xúc với thầy Sañjaya. Thấy mặt hai chàng, thầy liền hỏi:
- Hai hiền hữu đã tìm gặp một vị Đạo sư nào chỉ rành cho mình con đường bất tử chưa?
- Dạ! Bạch thầy, tìm gặp rồi, Đức Phật đã xuất thế, Đức Pháp đã xuất thế, Đức Tăng đã xuất thế. Vậy mà thầy còn lang thang trên con đường hư ảo, vô đề vô căn (tucche asāre). Xin thầy đi với chúng tôi, chúng ta cùng đến học đạo với Đức Bổn Sư.
- Các đồ đệ hãy đi đi, phần ta không thể đi được.
- Bạch thầy vì sao vậy?
- Vì ta nay dù sao cũng là thầy của hàng đại chúng rồi, nếu ta hạ mình đi làm đệ tử cho người, thì kể như nước trong vò đang yên lặng bỗng nhiên giao động nổi sóng lên, ta không thể đi làm Sa môn sinh của ai được.
- Bạch Thầy, xin thầy chớ nên cố chấp như thế.
- Thôi đừng bận tâm lo lắng cho ta nữa, các hiền đồ cứ đi, còn ta thì không thể nào đi được.
- Bạch thầy, từ khi Đức Phật xuất thế, hàng đại chúng đều qui ngưỡng nơi Ngài, hằng bữa thường cầm hương và hoa đem đến cúng dường không ngớt, chúng tôi cũng sẽ quy y đầu Phật. Bạch thầy, rồi đây thầy sẽ làm gì?
- Nầy các hiền đồ, hiện tại trong đời nầy có nhiều kẻ ngu hay người trí?
- Bạch Thầy, kẻ ngu nhiều, người trí thì hiếm.
- Nếu vậy, nầy các hiền đồ, những người trí hãy đi nhập chung với những người trí là Sa môn Gotama, còn những kẻ ngu hãy ở lại đây, làm bạn với những kẻ ngu như ta. Các hiền đồ hãy đi đi, ta sẽ không đi đâu.
Thuyết phục thầy cũ không được, hai chàng còn ráng nói thêm một câu thòng:
- Bạch thầy, rồi thầy sẽ được rạng danh.
Đoạn hai chàng cáo biệt.
Hai chàng vừa đi, giáo đoàn môn hạ của thầy Sañjaya cũng vừa tan rã, ngay từ lúc ấy cảnh chùa trở nên vắng vẻ, quạnh hiu, thấy chùa trống trơn không còn đệ tử, thầy ta giận ói máu tươi.
Năm trăm du sĩ thuộc hạ cũ theo tiễn chân hai chàng một đổi, rồi phân nửa số đó trở về với Sañjaya, còn phân nửa ở lại hai chàng thâu nhận làm đệ tử và dắt luôn đến chùa Veḷuvana (Trúc Lâm).
Đang ngồi thuyết pháp giữa Tứ chúng (Catuparisā), Đức Bổn Sư trông thấy hai chàng từ xa đi đến, từ đàng xa, Ngài gọi chư Tăng lại và giới thiệu trước rằng:
- Nầy các Tỳ khưu! Hai người bạn mới đến kia là Kolita và Upatissa. Họ sẽ là cặp Thinh Văn Thượng Thủ của Như Lai, một cặp Thượng thủ quí báu nhất (Aggabhaddayuga).
Nhóm du sĩ đảnh lễ Đức Bổn Sư rồi đồng ngồi nép qua một bên, ngồi yên chỗ xong, họ bạch Đức Thế Tôn như vầy:
- Bạch Đức Thế Tôn, chúng con muốn được xuất gia nơi Đức Ngài, chúng con muốn xin thọ Cụ túc giới.
Đức Thế Tôn bèn phán: “Etha bhikkhavoti (Thiện lai chư Tỳ khưu.)”. Lại đây hỡi các Tỳ khưu! Giáo phái đã được hiển dương, hãy hành trì phạm hạnh cho chánh đáng, ngõ hầu chấm dứt mọi khổ đau.”.
Kim ngôn vừa dứt, do thần thông của Đức Thế Tôn, tất cả nhóm Tỳ khưu mới nầy đều có đủ y bát, trang mạo giống như những vị Đại đức Tăng bằng trăm tuổi hạ.
Khi ấy, Đức Bổn Sư càng gia công thuyết Pháp để giáo hóa nhóm đệ tử mới, cho họ biết chấp theo lề lối ngoại đạo. Trừ hai vị Thượng Thinh Văn (Aggasāvaka), tất cả đều đắc A La Hán quả.
Hai vị Đại đệ tử tham thiền cách nào cũng không đưa tâm mình lên Thánh đạo cao hơn được nữa? Tại vì đâu? Tại vì chỗ bao la của Thinh Văn siêu việt trí (Sāvaka pāramīñāṇa) tức là trí tuệ Ba la mật của một vị Đại đệ tử của Đức Phật vậy.
Riêng về Đại đức Moggallāna, từ ngày xuất gia đầu Phật, đến nương ngụ gần thôn Kallavāla, trong xứ Māgadha, hành thiền được bảy hôm, kế bị hôn trầm dã dượi. Nhờ Đức Bổn Sư thức tỉnh, Đại đức phát tâm kinh sợ thắng phục được hôn trầm, tinh tấn niệm đề mục Tứ đại (Dhātu kammaṭṭhāna), do Đức Thế Tôn truyền giáo, thành tựu ba đạo quả cao thượng và đạt đến đỉnh của Thinh Văn siêu việt.
Còn Đại đức Sārīputta sau ngày xuất gia vẫn còn ở trong thành Rājagaha với Đức Bổn Sư, nương nhờ trong một hang đá Trư Quật, tục gọi là hang heo đào (Sākarakhātalena). Mãi đến nửa tháng sau, Đại đức nghe Đức Phật thuyết bài kinh Vedanā pariggaha sutta (Đa Thọ Học) để hóa độ du sĩ Dīghanakha là cháu kêu Đại đức bằng cậu. Nhờ đưa trí theo dõi lời kinh, Đại đức lần lần đạt đến mức cùng tột của Thinh Văn siêu việt trí. Cũng như người được no lòng nhờ ăn bữa cơm dọn cho người khác vậy. (Đại đức Sārīputta có tiếng là bậc thông minh quán chúng (Mahāpaññā) mà tại sao lại chứng quả Thinh Văn siêu việt trí sau Đại đức Moggallāna lâu đến thế?).
Trong trường hợp nầy, ta nên giải thích chính đáng như vậy: “Tại vì phải chuẩn bị kỹ càng hơn, ví như người nhà nghèo muốn đi đâu thì đi ngay không có gì phải sửa soạn, còn các bậc vua chúa thì phải chờ sắp đặt long xa phụ cán chỉnh tề đội ngũ rồi mới khởi hành”.
Một ngày, Đại đức Sārīputta đắc chứng A La Hán với Tuệ phân tích lúc bóng xế tà (Vaḍḍhamānakacchāyāya), Đức Bổn Sư cho triệu tập Thinh Văn Hội đề cử hai Đại đức lên địa vị Thượng thủ Thinh Văn (Aggasāvaka), rồi truyền đọc giới bổn Pāṭimokkha.
Chư Tỳ khưu thì thầm dị nghị rằng: “Đức Tôn Sư chỉ coi mặt (mukhalokanena) mà ân tứ cho các Tỳ khưu, hai chức Thượng thủ Thinh Văn đáng lẽ Ngài nên phong cho những đồ đệ đầu tiên là năm vị trong nhóm Kiều Trần Như (Pañca vagga) mới phải. Nếu không kể các vị ấy, thì Ngài nên huệ cố đến nhóm có năm mươi lăm vị Tỳ khưu có Đại đức Yasa đứng đầu mới hợp lý.
Ngoài mấy vị nầy ra, còn có ba chục vị trong nhóm quí tộc Bhadda vaggiya cũng xứng đáng được Ngài lưu ý, còn không nữa thì còn nhóm ba anh em Uruvelakassapa, sao Ngài chẳng tấn phong?
Đằng nầy, Ngài lại bỏ các vị cũ ra đề cử mấy ông mới xuất gia sau nầy lên làm hai đệ tử đứng đầu tất cả các chư Tăng… Thật Đức Bổn Sư coi mặt mà ân tứ vậy.”.
Thấy vậy, Đức Bổn Sư phán hỏi: “Nầy các Tỳ khưu, các ông bàn luận chuyện chi đó?”.
Khi nghe chư Tăng phúc đáp xong, Đức Bổn Sư thanh minh rằng: “Nầy chư Tỳ khưu! Chẳng phải Như Lai coi mặt mà ân tứ cho các Tỳ khưu đâu? Như Lai giao phó nhiệm vụ cho các ông ấy đều đúng theo sở nguyện cá nhân của từng người một. Như Aññakoṇḍañña tuy có lòng cúng dường chín lần bằng những sản phẩm đầu tiên trong một vụ mùa, nhưng trong lúc dâng cúng không phát nguyện thành Thượng thủ Thinh Văn. Trái lại trong lúc ông để bát ông chỉ phát nguyện chứng đắc pháp tối thượng (Aggadhamma) tức là A La Hán quả trước hơn tất cả mọi người mà thôi.”.
- Bạch Đức Thế Tôn! Chuyện ấy xảy ra từ bao giờ?
- Nầy các Tỳ khưu! Các ông hãy lắng tai nghe.
- Dạ vâng, bạch Ngài.
Đức Thế Tôn bèn nhắc lại tiền tích sau đây:
“Nầy các Tỳ khưu, cách đây chín mươi mốt đại kiếp, có Đức Thế Tôn Vipassī giáng thế. Thời ấy có hai anh em là Mahākāḷa và Cullakāḷa, là hai trưởng giả, đã cho người gieo trồng lúa Sāli (thứ lúa đại mạch quí giá nhất Ấn Độ) trong một thửa ruộng lớn.
Ngày nọ, Trưởng giả Cullakāḷa đi thăm ruộng, bứt một hột Sālī đòng đòng (Sālī gabbhaṃ: Lúa mới tượng hình) bỏ vào miệng nhai, nhận thấy hột lúa non nầy có hương vị thơm ngọt vô cùng. Trưởng giả nẩy ra ý định muốn để bát cúng dường Sālī non đến Tỳ khưu Tăng có Đức Phật làm hội chủ.
Trưởng giả liền trở về gặp anh mình và rủ: “Anh à! Chúng ta hãy cho người cắt Sālī đòng đòng, nấu chín hợp theo lẽ đạo của chư Phật, rồi chúng ta để bát cúng dường nghe anh?”.
- Chú nói sao? Cắt lúa Sālī đòng đòng nấu chín để bát à? Tự cổ chí kim chưa từng có ai làm vậy, mà trong tương lai cũng chẳng có ai làm vậy. Thôi chú đừng có phá cho hư hại mùa màng.
Cullakāḷa nằng nặc quyết một, cứ theo gót chân anh nói mãi, sau cùng Mahākāḷa nói: “Thôi được! Bây giờ ta hãy phân chia đôi. Ruộng lúa Sālī, phần nào của anh, chú chớ có rớ đụng tới, còn phần riêng của chú, mặc chú muốn làm gì thì làm.”.
Được cởi mở tấm lòng, Cullakāḷa vội đáp “Lành thay.”.
Chia ruộng xong Cullakāḷa liền thuê nhiều nhân công cắt lúa Sālī đòng đòng đem về, nấu với sữa tươi không pha nước, chín rồi trộn chung thêm gia vị cam trân như bơ, sữa lỏng (sappi), mật ong và đường.
Sau khi để bát chư Tăng có Đức Phật Vipassī làm hội chủ. Cullakāḷa chờ cho các Ngài độ xong, mới bạch rằng: “Bạch Ngài! Do sự cúng dường thù thắng (aggadāna) bằng những lúa Sālī trổ đòng đòng nầy. Xin cho được đắc pháp thù thắng (Aggadhamma) tức là A La Hán quả trước hơn tất cả mọi người.”.
Đức Tôn Sư chúc phúc cho ông: “Vạn sự như ý” (Evaṃ hotuti).
Sau đó Trưởng giả Cullakāḷa lại đi thăm ruộng, thấy lúa Sālī trổ đồng đồng phát sanh như cũ, gié đơm đầy như là lúa đã được bó lại, ông phát sanh năm loại phỉ lạc nói thầm: “Thật là may quá!”.
Trưởng gia liền kêu thôn dân phụ lực để làm phước cúng dường thù thắng. Cứ như thế, mỗi vụ lúa, Cullakāḷa cứ cúng dường kết quả đầu tiền: Khi lúa vừa ngậm sữa thì dâng lúa vừa ngậm sữa đầu tiên, khi gặt lúa thì dâng lúa gặt đầu tiên, khi đập lúa thì dâng lúa đập đầu tiên, khi quạt lúa thì dâng lúa quạt đầu tiên, khi vựa lúa thì dâng lúa vựa đầu tiên. Chỉ trong một mùa lúa, Cullakāḷa đã cúng dường thù thắng được chín lần. Trong tất cả những lần ấy, chỗ lúa được đem cúng dường lại hoàn trả như cũ một cách tự nhiên, mùa lúa ấy Trưởng giả Cullakāḷa trúng quá sức tưởng tượng, đúng như câu: “Thiện hữu thiện báo”, hễ ai hộ pháp thì được pháp độ trì. Cho nên Đức Thế Tôn có thuyết rằng:
“Dhammo have rakkhati dhammacāriṃ,
dhammo suciṇṇo sukhamāvahāti;
Esānisaṃso dhamme suciṇṇe,
na duggatiṃ gacchati dhammacārīti.”
“Chánh pháp hộ trì người nương chánh pháp
Nương pháp thì an lạc biết bao,
Phước báu nương pháp thanh tao,
Nương pháp khởi đọa trần lao, thoát nàn”.
Trong thời kỳ Đức Chánh Biến Tri Vipassī, Añña Koṇḍañña đã làm phước cúng dường chín lần thù thắng như thế đó, nhưng chỉ ước nguyện đắc pháp thù thắng trước hơn tất cả mọi người mà thôi. Và trong thời kỳ đức Phật Padumuttara, cách nay một trăm ngàn đại kiếp. Khi ở trong thành Haṃsavatī (Thiên Nga), ông có cúng dường trọng thể (Mahādāna) trong bảy ngày đêm liên tiếp, rồi mọp bên chân Đức Thế Tôn thời ấy, nguyện cầu đắc pháp thù thắng trước hết thảy mọi người.
Cho nên đời nay, Như Lai đã căn cứ theo nguyện vọng của ông mà ân tứ. Chẳng phải Như Lai coi mặt mà ân tứ cho các Tỳ khưu đâu.
- Bạch Ngài! Còn năm mươi lăm vị công tử có Đại đức Yasa làm trưởng đoàn chẳng hay tạo nghiệp gì?
Đức Thế Tôn đáp rằng: “Nầy các Tỳ khưu! Mấy ông ấy đối với một vị Phật quá khứ, cũng phát nguyện thành A La Hán và đã có tạo nhiều phước nghiệp, nhất là trong kiếp sau, thời Đức Phật chưa giáng thế và thành lập một ban phước thiện, chuyên lo tống chung những xác chết bần tiện, cô đơn.
Một hôm thấy một phụ nữ có mang, họ bèn xúm nhau đưa vào bãi tha ma để hỏa táng:
- Các anh đem thiêu nhé!
Năm người được chỉ thị ở lại mộ địa, kỳ dư bao nhiêu đều trở về làng. Thanh niên Yasa đứng chỉ huy việc thiêu này, chàng dùng cây nhọn đâm lưng cái xác cho chảy bớt nước và lật qua lật lại cho mau cháy. Chăm chỉ nhìn cây đuốc thịt đang biến thành than, chàng bỗng đâm ra nhờm gớm cái tử thi một cách lạ thường, đó là triệu chứng trong tâm chàng phát sanh bất tịnh tưởng (Asubhasaññā).
Yasa kêu bốn chàng kia lại chỉ: “Quí vị ơi! Hãy nhìn cho kỹ xác chết nầy, da của nó nứt nẻ loang lổ từng đốm giống hệt như miếng da bò, thật là bẩn thỉu, hôi tanh, đáng tởm làm sao?”.
Bốn người bạn Yasa ngay lúc ấy cũng đều phát sanh bất tịnh tưởng. Xong phận sự đốt thây ma, năm chàng trở về làng kể chuyện vừa qua với các bạn kia. Chàng Yasa thuật lại chuyện ấy trong gia đình chàng nghe, nên cha mẹ chàng cũng phát sanh bất tịnh tưởng (Asubhasaññā).
Đó là tiền nghiệp của nhóm Tỳ khưu Yasa, chính do nhân ấy mà đang ở trong lâu đài, nhìn những mỹ nữ ngủ, Yasa có cái cảm giác như đang ở trong mộ địa với những thây ma và cũng nhờ tích lũy những nghiệp lành trong những kiếp đã qua, nên kiếp nầy tất cả những người trong nhóm mới đắc chứng những quả đặc thù (Vivesadhigama) là A La Hán quả.
Như thế thì, những Tỳ khưu nầy cũng đắc quả đúng theo nguyện vọng của họ. Chẳng phải Như Lai coi mặt mà ân tứ cho các Tỳ khưu đâu.
Chư Tăng lại hỏi thêm nữa rằng:
- Bạch Ngài, còn những bằng hữu trong nhóm quí tộc Bhadda, chẳng hay đã tạo nghiệp gì?.
Đức Thế Tôn đáp:
- Nầy các Tỳ khưu! Các công tử ấy cũng đã cúc cung đối với Đức Phật quá khứ, phát nguyện thành A La Hán và đã làm nhiều chuyện phước đức. Tiếp theo đó, trong thời Đức Phật chưa giáng thế, họ đầu thai làm ba mươi tên lưu manh lãng tử, nhờ nghe huấn từ của Đức Thế Tôn ban cho ông Tuṇḍīla mà cải tà quy chánh, thọ trì ngũ giới được sáu muôn năm. Do đó, kiếp chót nầy, các ông ấy chứng đắc quả vị đúng theo bổn nguyện cá nhân từ những kiếp trước. Chẳng phải Như Lai coi mặt mà ân tứ cho các Tỳ khưu đâu”.
- Bạch Ngài! Còn những vị trong nhóm của đạo sĩ Uruvelakassapa đã làm gì?
- Các ông ấy đã phát nguyện thành A La Hán và cũng tạo nhiều phước nghiệp.
Thật vậy, cách đây chín mươi hai đại kiếp Kappa nầy có hai vị Phật giáng sanh là Đức Phật Tissa và Đức Phật Pussa.
Đức Phật Pussa vốn là vị đông cung Thái tử, con đức vua Mahinda (Đại Đế). Sau khi Ngài đắc quả Chánh Biến Tri thì có Thượng thủ Thinh Văn là Hoàng tử út, em Ngài, Đệ nhị Thinh Văn là vị công tử còn quan Lễ bộ Thương thư đương triều.
Nhân dịp đến yết kiến Đức Bổn Sư, đức vua tự hỏi thầm: “Thái tử của trẫm là Đức Phật, Hoàng tử út là Đệ nhất Thinh Văn, con quan Lễ bộ Thượng thư là đệ nhị Thinh Văn (Dutiyasāvaka)”.
Ngước nhìn lên ba Ngài, đức vua càng thỏa thích với ý nghĩ: “Đức Phật cũng của trẫm, Đức Pháp cũng của trẫm, Đức Tăng cũng của trẫm”. Nên cao hứng cất tiếng niệm ba lần: “Namo tassa bhagavato arahato sammā sambuddhassa” (Kính lạy Đức Ngài, Đức đại phúc, Đức Ứng Cúng, Đức Chánh Biến Tri”. Đoạn đức vua phủ phục long thể trước chân Đức Bổn Sư và bạch rằng:
- Bạch Ngài! Năm nay quả nhân sống đã đúng chín muôn tuổi thọ, chỉ còn đợi giờ an giấc trường niên. Trong những ngày tàn của quả nhân, xin thỉnh Ngài đừng đi bát nhà ai, mà chỉ nhận tứ vật dụng (chỗ dùng để ăn, mặc, ở, trị bịnh) của một mình quả nhân dâng cúng.
Đức Bổn Sư nhận lời.
Từ đó, đức vua Mahinda chăm lo hộ độ Đức Phật Pussa thường xuyên mỗi bữa.
Ngoài hai vị xuất gia, đức vua còn có ba Hoàng tử nữa, vị đầu có năm trăm tùy tướng, vị kế có ba trăm tùy tướng, vị út có hai trăm tùy tướng.
Ba vị Hoàng tử muốn để bát hộ độ anh mình là Đức Phật Pussa, nhưng xin phép vua cha nhiều lần không được.
Đến khi biên thùy nổi loạn chống lại triều đình, ba Hoàng tử được lịnh sai đi bình giặc. Dẹp yên bờ cõi, ba Hoàng tử khải hoàn phục vị vua cha.
Quốc vương ôm con vào lòng, hôn lên đầu và phán rằng: “Vương nhi các con, trẫm chuẩn ân thưởng cho các con tùy theo ước nguyện”.
- Dạ xin vâng! Tâu lịnh phụ vương.
Ba Hoàng tử phụng hành lời hứa của vua cha mà thôi. Cách mấy hôm sau, Quốc vương lại nhắc:
“Các vương nhi hãy nhận lãnh phần thưởng của mình đi”.
Ba Hoàng tử bèn tâu rằng: “Tâu phụ vương, chúng con không ước nguyện chi khác hơn là từ rày về sau chúng con được phép cúng dường hộ độ vương huynh của các con. Xin lịnh phụ vương ban cho chúng con ân huệ ấy”.
- Nầy các vương nhi! Việc ấy trẫm không thể ân tứ được.
- Tâu phụ vương, nếu phụ vương không chuẩn tấu cho chúng con cúng dường thường trực, thì xin phụ vương ân tứ cho chúng con mỗi người trong bảy năm.
- Nầy Vương Nhi! Việc ấy, trẫm không thể ân tứ được.
- Nếu không thì xin phụ vương ân tứ cho chúng con trong sáu năm… năm năm… bốn năm… ba năm… hai năm… một năm… Hoặc trong bảy tháng… sáu tháng… năm tháng… bốn tháng… ba tháng… hai tháng… Hoặc một tháng.
- Nầy các vương nhi! Việc ấy trẫm không thể ân tứ được.
- Tâu đại vương! Xin phụ vương cho chúng con mỗi người một tháng, nhập chung là ba tháng liền nhau.
- Được rồi, trẫm y tấu, các vương nhi hãy lo hộ độ vương huynh trong ba tháng liền nhau.
Ba Hoàng tử hân hoan khấu biệt Quốc vương trở về cung. Thời thường, ba Hoàng tử chung nhau chỉ có một viên quản khố và một viên thiện tế, viên quan coi việc bếp núc có đến mười hai viên thủ hạ thanh niên.
Ba Hoàng tử ra lệnh đòi hai viên quan ấy đến và bảo rằng: “Ba tháng tới đây, chúng ta sẽ mặc nhị y, thọ trì Thập giới và nhập hạ với Đức Bổn Sư. Hai khanh hãy thay ba ta và tiếp tục coi việc xuất kho những thực phẩm cứng và mềm, cho nấu nướng, rồi mỗi ngày để bát cúng dường đến chín muôn vị Tỳ khưu, luôn cả ba ta cùng một ngàn tùy tướng của ta nữa. Thôi hai khanh hãy ráng tự lo liệu lấy, ba ta chẳng còn việc chi phải nói thêm nữa”.
Thế rồi, dắt theo cả ngàn tùy tướng thân tín, ba Hoàng tử xin thọ trì Thập giới. Xuất gia tạm, đắp nhị y và nhập hạ tại chùa.
Hai quan quản khố và thiện tế hợp nhau chung nhau, luân phiên lo liệu việc cúng dường, mỗi ngày đều cho người vào kho của ba Hoàng tử, xuất ra đủ thứ thực phẩm cứng và mềm, sắp đặt xong rồi cho làm lễ Trai Tăng.
Trong khi các đầu bếp nấu cơm, cháo, vật thực dọn ra thì lũ con nhỏ của họ la khóc đòi ăn. Hai quan Tổng quản thấy vậy lấy món ăn chúng đòi ăn đưa cho chúng ăn trước khi chư Tăng ngự tới. Vì thế, chư Tăng chỉ thọ thực một bữa thừa, không đầy đủ nguyên vẹn như khi mới dọn.
Lần lần về sau, hai quan Tổng quản trông thấy thực phẩm mới dọn, cũng sanh thèm, nhịn không được, giả bộ nói: “Ta hãy đem cho lũ trẻ.”, rồi lấy đem đi ăn vụng.
Cả đám từ nhỏ đến lớn có tám muôn bốn ngàn vị phạm tội ăn bớt thực phẩm mà họ có phận sự cúng dường Đại đức Tăng, sau khi tan rã thân xác, đều bị sanh đọa vào cõi ngạ quỉ (Petti visaya).
Ba anh em Hoàng tử với một ngàn thuộc hạ, sau khi từ giã cõi đời, được siêu sanh lên Thiên giới, rồi luân hồi chuyển kiếp, khi thì ở cõi trời, khi thì ở cõi người. Trải qua chín mươi hai đại kiếp mới đến ngày nay. Mỗi khi tạo nghiệp lành họ đều nguyện thành A La Hán. Cho nên cả ba vị đều đắc Thánh quả đúng theo nguyện vọng của mình. Chẳng phải Như Lai coi mặt mà ân tứ đâu.
Quan thiện tế của ba vị Hoàng tử nay là vua Bimbisāra, còn quan quản khố nay là cận sự nam Visākha. Những người phụ tá của họ, khi ấy sau khi chết bị đọa sanh vào cõi ngạ quỉ (ma đói), rồi chuyển kiếp, khi làm người, khi làm chư Thiên, khi ở khổ cảnh địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, a tu la.
Cho đến hiền kiếp nầy, họ sanh sống trong cõi ngạ quỉ suốt trong khoảng thời gian nối liền bốn chu kỳ có Phật xuất thế. Họ đã đến gặp Đức Phật Kakusandha là vị Chánh Đẳng Giác đầu tiên xuất hiện trong hiền kiếp nầy, Ngài có tuổi thọ là tám muôn năm, họ bạch hỏi Ngài: “Xin Ngài cho biết đến bao giờ chúng tôi mới có được thức ăn?”.
Đức Phật đáp: “Trong thời Như Lai, các ngươi chưa có gì ăn được, sau nầy địa đại sẽ cao lên một do tuần, chừng ấy có Đức Phật danh hiệu là Konāgamana sẽ giáng thế. Các người ráng chờ đến vị Phật nầy mà hỏi thăm”.
Các ngạ quỉ chờ đợi suốt khoảng giữa hai đời Phật và khi Đức Chánh Biến Tri Konāgamana xuất thế, chúng đến bạch hỏi Ngài: “Xin Ngài chỉ dạy cho biết, bao giờ chúng tôi mới được có thức ăn?”.
Đức Phật Konāgamana cũng đáp: “Trong thời của Như Lai các người cũng chưa có gì ăn được. Sau nầy khi địa đại cao thêm một do tuần, chừng ấy có Đức Phật Kassapa sẽ ra đời, các ngươi nên chờ hỏi vị Phật ấy!”.
Các ngạ quỉ đành phải chịu đói, chờ thêm khoảng thời gian không Phật nữa. Khi gặp Đức Phật Kassapa, chúng cũng tới hỏi thăm và nghe trả lời mường tượng như trước: “Trong thời của Như Lai, các người chưa có gì ăn, sau nầy địa đại sẽ cao thêm một do tuần, chừng ấy Đức Phật có hồng danh Gotama sẽ giáng lâm, thân nhân của các ngươi là đức vua Bimbisāra sẽ cúng dường đến Đức Thế Tôn và hồi hướng phước báu đến cho các ngươi, chừng ấy các ngươi sẽ có được thức ăn.”.
Thời gian không có vị Phật sau cùng nầy đối với ngạ quỉ chỉ thoáng qua mau hầu như đầu hôm sớm mai vậy (bởi chúng vui mừng vì sắp được ăn).
Khi đức Như Lai xuất thế, vua Bimbisāra cúng dường Trai Tăng bữa đầu, chúng ngạ quỉ không thọ hưởng được quả báu (vì thí chủ không hồi hướng đến), chúng đợi tới khuya, về báo mộng cho đức vua ngó thấy và rú lên những tiếng rùng rợn.
Sáng hôm sau, đức vua ngự hành đến chùa Veḷuvana thuật lại chuyện ma hiện hình cho Đức Như Lai nghe.
Đức Bổn Sư dạy rằng: “Tâu đại vương! Cách đây chín mươi hai đại kiếp trong thời Đức Chánh Biến Tri Pussa, những ngạ quỉ ấy là thân bằng quyến thuộc của đại vương. Vì tội ăn vớt thực phẩm mà chúng có phận sự cúng dường đến Đại đức Tăng nên bị đọa xuống cõi ngạ quỉ, rồi lại luân hồi lên xuống nhiều kiếp. Đến thời của mỗi vị Phật, chúng đều hỏi thăm cả ba vị Chánh Biến Tri là Đức Kakusandha, Đức Konāgamana và Đức Kassapa, đều trả lời như vầy… như vầy…, chúng đã nóng lòng chờ đợi suốt cả thời gian ấy, nhưng hôm qua sau khi đại vương làm lễ Trai Tăng chúng không lãnh được phước báu, cho nên mới hiện hình kêu la như thế đó!”.
Nghe vậy, đức vua Bimbisāra bạch hỏi rằng: “Bạch Ngài! Như buổi Trai Tăng ngày nay, họ có lãnh được phước báu hay không?”.
- Có lãnh được! Tâu đại vương.
Hôm sau, đức vua lại thỉnh Tỳ khưu Tăng có Đức Phật làm hội chủ đến thọ thực. Sau bữa Trai Tăng trọng thể (mahādāna), đức vua hồi hướng phước báu rằng: “Bạch Ngài! Do sự phước thí nầy xin cho những vong linh quyến thuộc của trẫm có đầy đủ cơm nước của hàng chư Thiên”.
Ngay lúc ấy, các ngạ quỉ đều thoát khỏi sự đói khát nhờ thọ hưởng được phước hồi hướng. Nhưng đến hôm sau chúng lại hiện cho đức vua thấy thân chúng lõa lồ.
Đức vua ngự đến bạch hỏi Đức Tôn Sư: “Bạch Ngài, đêm qua những vong linh ấy hiện hình lõa lồ cho trẫm thấy, là ý nghĩa làm sao?”.
Đức Phật giải: “Vì đại vương không bố thí y phục cho họ đấy, Đại vương.”.
Hôm sau, Đức vua cúng dường y và vải cho chư Tăng có Đức Phật là hội chủ và nguyện rằng: “Do phước nầy, xin cho các vong linh quyến thuộc của trẫm được mặc y phục của hàng chư Thiên”.
Ngay lúc ấy, những y phục chư Thiên tạo phát sanh đầy đủ sẵn đến các vong linh lõa thể, cởi lớp ngạ quỉ, họ trở thành những chư Thiên có hình thái xinh đẹp sáng chói.
Khi chúc phúc, Đức Bổn Sư đọc bài kinh bắt đầu bằng: “Tirokuddesu tiṭṭhanti… (các hàng ngạ quỉ đã đến nhà quyến thuộc rồi…) để dạy bảo cho các thí chủ và các vong nhân cách thức hồi hướng phước báu cho nhau (Xem Kinh Tụng của cố Đại đức Hộ Tông).
Bài Kinh Ngạ quỉ đứng ngoài vách nhà vừa dứt thì tám muôn bốn ngàn chúng sanh được lãnh hội giáo pháp (trong khi kể về tiền thân của ba anh em Uruvelakassapa, Đức Bổn Sư đã đề cập đến tích các ngạ quỉ như trên).
- Bạch Ngài! Còn hai vị Thượng thủ Thinh Văn đã làm gì?
- Hai vị Thượng thủ Thinh Văn đã phát nguyện làm Thượng thủ Thinh Văn.
Quả vậy, cách đây lối một A Tăng Kỳ và một trăm ngàn đại kiếp, Sārīputta sanh ra trong một gia đình đại phú thuộc giai cấp Bà la môn quí danh là công tử Sārada (Kim Thu), còn Moggallāna sanh trong một vọng tộc đại gia, có tên là Sirivaḍḍhana (Tân Lợi), hai chàng là đôi bạn cố giao, thân thiết với nhau từ thuở còn dọc đất chơi bùn.
Đến khi thân phụ qua đời, công tử Sārada được thừa hưởng trọn cả gia tài to tát, nhưng không lấy thế làm vui. Một hôm công tử ngồi tư lự một mình: “Ta chỉ biết được phần nào kiếp sống của ta trong đời hiện tại, chứ không biết gì về kiếp vị lai. Đã là giống hữu tình (satta) hễ sanh lên tất có ngày chịu chết. Nào ai thoát khỏi công lệ đó đâu, âu là ta hãy xuất gia sống đời phiêu bạt, để tìm con đường giải thoát tử sanh.”.
Nghĩ rồi, công tử Sārada đến nhà bạn hỏi rằng: “Bạn Sirivaḍḍhana ơi! Tôi định sẽ tìm cách xuất gia, tìm đạo giải thoát, bạn có thể xuất gia chung với tôi chăng?”.
Trưởng giả Sirivaḍḍhana bèn đáp: “Bạn ơi! Chắc tôi không đi được, xin bạn cảm phiền đi xuất gia một mình.”.
Công tử Sārada tự nghĩ: “Đến chung cuộc rồi, không ai có thể dắt cả thân bằng quyến thuộc đi sang thế giới bên kia. Thôi thì việc ai nấy làm, đường ai nấy đi.”.
Từ đó, công tử mở rộng cửa kho vàng ra bố thí cho những kẻ khốn cùng, bần tiện xin ăn. Xong cuộc đại thí, công tử đi vào tận chân núi xuất gia làm đạo sĩ.
Ban đầu chỉ một, hai, ba người xuất gia tu theo đạo sĩ Sārada, nhưng lần lần số đệ tử tăng lên đến bảy muôn bốn ngàn.
Đạo sĩ Sārada hành đắc chứng được Ngũ thông, Bát thiền bèn đem cách niệm đề mục thiền tịnh (kasiṇa parikamma) chỉ dạy cho các đạo sĩ tóc bện đệ tử, nhờ vậy tất cả đều đắc Ngũ thông, Bát thiền như nhau.
Thời ấy, Đức Phật hồng danh là Anomadassī giáng lâm nơi thành Buddhamatī (Giác Tuệ) cũng có khi gọi là Candavatī (Thái Âm), phụ vương Ngài tên Yasavanta thuộc giai cấp Sát Đế Lỵ (Khattiya), mẫu hậu Ngài là Yasodharā nương tử.
Ngài giác ngộ dưới cội cây Long Thọ (Ajjuna), có Tỳ khưu Nisabha (Trác Lạc) và Anoma (Vô Thượng) là nhị vị Thượng thủ Thinh Văn, có thiện nam Varuṇa là đại thí chủ, có Tỳ khưu ni Sundarā (Mỹ Lệ) và Tỳ khưu ni Sumanā là hai nữ đệ tử (aggasāvikā). Tuổi thọ của Ngài là mười muôn năm, bề cao của Ngài là năm mươi tám hắc tay (hatta: lối năm tấc tây), hào quang từ thân Ngài chiếu ra xa mười hai do tuần, Ngài có mười muôn Tỳ khưu tùy tùng.
Một hôm, hừng sáng Ngài xuất định Đại Bi quán thế gian, thấy đạo sĩ Sārada, Ngài nghĩ rằng: “Hôm nay do nhờ duyên lành của đạo sĩ Sārada mà chánh pháp sẽ được tuyên dương. Sārada sẽ phát nguyện thành Thượng Thủ Thinh Văn. Bạn của đạo sĩ Sārada là Trưởng giả Sirivaḍḍhana sẽ nguyện làm đệ nhị Thượng Thinh Văn. Dứt thời pháp, tất cả tùy tùng của đạo sĩ Sārada có bảy muôn bốn ngàn đạo sĩ tóc bính sẽ đắc quả A La Hán. Vậy Như Lai nên ngự đến đó.”.
Sau khi quán sát thấy rõ như thế, Đức Phật Anomadassī không nói cho ai hay biết, Ngài lặng lẽ đắp y mang bát ra đi một mình như chúa sơn lâm.
Lúc ấy những đạo sĩ đệ tử của Sārada đã đi tứ tán vào rừng hái trái cây, đạo sĩ ở lại tịnh thất một mình.
“Ta hãy cho đạo sĩ biết Ta là vị Phật.”, nghĩ như thế Đức Tôn Sư từ trên hư không đáp xuống, đứng trước mặt đạo sĩ Sārada. Khi thấy rõ oai lực của Đức Phật và tướng hảo quang minh của Ngài, đạo sĩ lẩm nhẩm ôn lại bài kệ mô tả tướng tốt của bậc Đại Nhân (Mahāpurisa), rồi đạo sĩ nói thầm: “Người có đầy đủ tướng tốt như vậy, nếu không xuất gia thì sẽ trở thành vị Chuyển Luân Vương. Còn nếu xuất gia thì sẽ làm vị Phật Toàn Giác, vén màn vô minh bao trùm cõi thế. Người nầy quyết chắc là một vị Phật không còn nghi ngờ chi nữa.”.
Biết rõ như vậy, đạo sĩ tiến bước đến trước Đức Phật gieo năm vóc xuống đảnh lễ Ngài, đoạn sắp chỗ ngồi và thỉnh Ngài an tọa.
Đức Thế Tôn ngự lên chỗ ngồi dọn sẵn, đạo sĩ Sārada tự mình cũng chọn một chỗ phải lẽ, ngồi nép qua một bên.
Bảy muôn bốn ngàn đạo sĩ tóc bính hái được đủ thứ trái cây ngon quí, bổ dưỡng rồi trở về với đạo trưởng. Về đến nơi họ nhìn chỗ ngồi của Đức Phật, rồi nhìn chỗ ngồi của thầy mình và nói: “Bạch thầy, chúng đệ tử đã từng chu du khắp chốn, chưa từng gặp ai cao thượng hơn thầy. Nhưng người nầy so với thầy, chúng đệ tử thấy còn cao thượng hơn.”.
Nghe vậy, đạo sĩ Sārada đáp: “Các con nói chi. Đừng có tính đem hột cải bé tí teo mà đọ với núi Sineru có bề cao tám muôn bốn ngàn do tuần. Đừng đem thầy ra mà so sánh với Đức Phật Toàn Giác, nghe các con!”.
Khi ấy, các đạo sĩ nghĩ thầm: “Nếu người nầy là một kẻ tầm thường vô vị thì thầy ta đã không đưa ra một ví dụ như thế. Chắc hẳn đấy là một bậc Ứng Cúng (Arahā) không sai”.
Nghĩ rồi, cả thảy đồng quì xuống, mọp đầu đảnh lễ Đức Tôn Sư.
Kế đó, đạo sĩ Sārada bảo các đệ tử rằng: “Nầy các trò, hiện đây chúng ta chẳng có gì xứng đáng để cúng dường Đức Phật, Ngài đến nhằm giờ chúng ta đi khất thực. Chúng ta hãy tùy tài lực của mình mà cúng dường, vậy các trò hãy tìm cách kiếm đủ thứ trái cây ngon quí, bổ dưỡng đem về đây nghe.”.
Khi có trái cây đem về, đạo sĩ Sārada rửa tay sạch sẽ, đích thân để bát cúng dường đấng Như Lai. Lúc Tôn Sư thọ bát, chư Thiên thêm chất tự dưỡng thiên, tạo phước để vào trong bát của Ngài.
Kế đó, đạo sĩ Sārada cũng tự mình lọc nước cho Đức Tôn Sư. Đức Tôn Sư thọ thực xong, vẫn ngồi nguyên chỗ cũ. Đạo sĩ Sārada cho gọi tất cả đệ tử của mình, đi đến ngồi gần Đức Tôn Sư, vấn an Ngài theo xả giao. Khi ấy, Đức Tôn Sư nguyện thầm: “Hai vị Thượng Thủ Thinh Văn cùng đi với Tăng chúng hãy đến nơi đây.”. Hai vị Đại đệ tử thần giao cách cảm, được lịnh của Đức Tôn Sư, bèn dắt cả đoàn Tăng chúng gồm có mười muôn Thánh Lậu Tận (A La Hán) đến chỗ Đức Tôn Sư, đảnh lễ Ngài và đứng nép qua một bên.
Thấy vậy, đạo sĩ Sārada cho gọi các đệ tử vào bảo: “Nầy các trò, ghế chỗ chư Phật ngồi thấp quá. Ghế để mười muôn vị Sa môn ngồi cũng không có. Hôm nay các trò cũng nên nhân dịp nầy mà làm một cuộc lễ cúng dường trọng thể đến chư Phật. Vậy các trò hãy đi vào chân núi, tìm hái đủ thứ kỳ hoa dị thảo, sắc đẹp hương nồng đem về đây”.
Tục ngữ có câu “Kathānakālo papañco… Nhàn thoại vô công” chẳng có ai ước lượng được giới hạn thần thông của một bậc pháp thuật cao cường cho được. Chỉ trong chốc lát, các đạo sĩ đã lần lượt đem về vô số những hoa vừa thơm vừa đẹp.
Bảo tọa của Đức Phật được kết bằng hoa rộng lớn cả một do tuần, bảo tọa của hai vị Thượng Thủ Thinh Văn rộng ba phần tư do tuần, kỳ dư bảo tọa của chư vị Tỳ khưu rộng từ nửa do tuần (hai gāvuta) sắp xuống, của các vị mới xuất gia thì rộng lối bảy chục thước tây (một trăm bốn mươi usabha).
Ta chớ lấy làm lạ, đặt nghi vấn rằng: “Làm cách nào mà sắp xếp bao nhiêu bảo tọa to lớn như vậy trong ngôi đạo tràng ấy?”. Đó là do phép thần thông làm ra mới có được như thế.
Các bảo tọa chưng dọn xong, đạo sĩ Sārada đến trình Đức Như Lai, chắp tay cung kính bạch rằng:
- Bạch Ngài! Cung thỉnh Ngài ngự lên bảo tọa, cho chúng tôi được sự tấn hóa, sự bình an lâu dài.
Vậy có kệ rằng:
“Nānāpupphañca gandhañca,
sannipātetvāna ekato;
Pupphāsanaṃ paññāpetvā,
idaṃ vacamabraviṃ;
Idaṃ me āsanaṃ vīra,
paññattaṃ tavanucchaviṃ.”
“Mama cittaṃ pasādento,
nisīdi pupphamāsane;
Sattarattindivaṃ buddho,
nisīdi pupphamāsane;
Mama cittaṃ pasādetvā,
hāsayitvā sadevaketi.”
“Hương hoa nhiều thứ gộp chung,
Kết xong bảo tọa, cúc cung bạch rằng:
Bạch Đại Hùng nên chăng bảo tọa?
Tôi vì Ngài kết đã thành công;
Thỉnh Ngài lên bảo tọa bông,
Cho tâm tôi sạch, cho lòng tôi vui.
Trên đài hoa, Phật ngồi bảy bữa,
Khiến tâm tôi sạch rửa trần ai.
Chư Thiên dỉ chí muôn loài,
Chúng tôi hỉ dạ Phật oai nhiệm mầu.”
Đức Bổn Sư nhận lời, ngự lên đài an tọa, kế đó là hai vị Thượng Thủ Thinh Văn và kỳ dư chư Tỳ khưu đều lần lượt ngồi lên những bảo tọa dành riêng cho từng vị.
Đạo sĩ Sārada tay cầm lộng hoa vĩ đại, đứng che trên đầu Đức Như Lai.
Đức Tôn Sư chú nguyện rằng: “Do sự cúng dường lễ bái nầy quả phước lớn lao hãy phát sanh đến các đạo sĩ tóc bính.”.
Phúc chúc xong rồi, Đức Tôn Sư ngồi yên, nhập vào Thiền Diệt (Nirodha samāpatti). Thấy biết Tôn Sư đã ở trong trạng thái Diệt Thọ Tưởng Định, hai vị Thượng Thủ Thinh Văn và tất cả chư Tăng cũng đều nhập định luôn.
Sau khi nhập Thiền Diệt, Đức Như Lai ngồi nguyên trong một tư thế bảy ngày liền.
Trong thời gian ấy, mỗi ngày các đạo sĩ đệ tử của Sārada đều đứng chắp tay hầu bên Phật, ngoại trừ giờ đi khất thực, phải chia nhau đi kiếm trái cây rừng lót dạ mà thôi.
Riêng một mình đạo sĩ Sārada không đi kiếm ăn, đạo sĩ đứng yên, tay cầm lộng hoa suốt bảy ngày liền, trong lòng tràn ngập một niềm vui phơi phới (pīti).
Khi xuất Thiền Diệt, Đức Bổn Sư gọi vị Thượng Thủ Thinh Văn tay phải là Đại đức Nisabha, bảo: “Nầy Nisabha, con hãy chúc phúc cho các đạo sĩ đã có lòng tôn kính cúng dường những bảo tọa hoa.”.
Khi ấy, như một tướng soái oai hùng vừa được Đức Chuyển Luân Vương đích thân ban thưởng, Đại đức Nisabha phát tâm hoan hỷ, trụ vào Thinh Văn siêu việt trí, mở lời chúc phúc cho các đạo sĩ cúng dường những bảo tọa hoa.
Sau thời pháp của vị Thủ Thinh Văn, Đức Tôn Sư quay lại gọi đệ nhị Thinh Văn ngồi bên tay trái của Ngài và bảo: “Nầy Tỳ khưu! Con cũng hãy thuyết pháp đi.”.
Vâng lời Đức Bổn Sư, Đại đức Anoma niệm tưởng những Phật ngôn trong Tam Tạng, rồi thuyết ra một thời pháp.
Mặc dầu cả hai vị thượng Thinh Văn thay nhau thuyết pháp, nhưng tất cả đạo sĩ trong hội trường không có một ai lãnh hội được giáo nghĩa.
Khi ấy, Đức Bổn Sư trụ tâm vào Vô Biên Phật Cảnh Trí (Aparimāṇa buddhavisaya) rồi thuyết ra một thời pháp.
Thời pháp dứt, trừ đạo sĩ Sārada, tất cả bảy muôn bốn ngàn đạo sĩ tóc bính đều đắc quả A La Hán. Các đạo sĩ ấy bèn xin xuất gia với Đức Tôn Sư.
Đức Ngài đưa tay ra vẫy gọi: “Thiện Lai Tỳ khưu…”, tức thì tất cả tóc râu của các đạo sĩ ấy đều biến mất hết và họ trở thành Tỳ khưu có tám món phụ dính liền theo thân là ba y, bát, dây lưng, ống đựng kim, ống lược nước, dao cạo.
Thử hỏi: Vì sao đạo sĩ Sārada không đắc A La Hán?
Xin đáp: Tại vì tâm không định.
Theo truyền ngôn thì từ khi vị Thủ Thinh Văn ngồi trên bảo tọa thứ nhì kế bên Đức Phật, trụ tâm vào Thinh Văn siêu việt trí thuyết pháp. Đạo sĩ Sārada sau khi nghe được thời pháp nầy rồi, đâm ra mơ ước: “Ôi! Phải chi mình được lãnh nhiệm vụ của vị Đại đệ tử nầy trong Giáo pháp của một vị Phật vị lai.”. Vì mãi bận tâm lo nghĩ như vậy, nên đạo sĩ không đắc quả chi hết.
Đạo sĩ đảnh lễ Đức Như Lai. Rồi đứng đối diện với Ngài và bạch hỏi: “Bạch Ngài! Chẳng hay trong giáo pháp của Ngài, vị Tỳ khưu ngồi sát bên cánh tay phải của Ngài mệnh danh là gì?”.
- Tỳ khưu nào theo phụ lực với Như Lai, quay chuyển bánh xe pháp, đã đạt tới mức thượng đỉnh của Thinh Văn Siêu Việt Trí (Sāvakapārāmi ñāṇassakoṭippatto), đã hiểu biết mười sáu vấn đề (Solasapaññā) (tức là mười sáu lý của Tứ Diệu Đế - xem Kho Tàng Pháp Bảo) Tỳ khưu ấy mệnh danh là Thủ Thinh Văn (Aggasāvaka) trong Giáo Pháp của Như Lai.
- Bạch Ngài! Do nơi công đức của con đứng cầm lộng tôn kính che mát cho Ngài trong bảy ngày liền, con không cần được phước báu làm Đế Thích (Sakka) hoặc Phạm Thiên (Brahma) chi hết. Con chỉ nguyện làm Thủ Thinh Văn của một Đức Phật vị lai, y như Đại đức Nisabha ngày hôm nay vậy.
Nghe đạo sĩ phát nguyện xong, Đức Tôn Sư tự vấn: “Lời nguyện của chàng nầy có thành tựu hay không?”. Ngài phóng tầm Giác Lực (Sañāṇa) của Ngài về thời vị lai, quan sát thấy sau một A tăng kỳ và một trăm ngàn đại kiếp nữa, lời nguyện ấy sẽ được kết quả.
Thấy vậy, Ngài bảo đạo sĩ Sārada rằng: “Lời nguyện của ngươi không phải là vô hiệu quả (mogha), sau một A tăng kỳ và một trăm ngàn đại kiếp nữa, vị Phật danh hiệu là Gotama sẽ giáng thế, thân mẫu Ngài là Mahāmāyā, thân phụ Ngài là Suddhodana, thái tử Ngài là Rāhula, thị giả Ngài tên Ānanda, đệ nhị Thinh Văn Ngài là Moggallāna ngươi sẽ là vị Thủ Thinh Văn của Ngài là vị tướng quân chánh pháp (Dhammasenāpati) tên là Sārīputta. Thọ ký cho đạo sĩ rồi, Đức Phật thuyết pháp phủ dụ, đoạn Ngài cùng tất cả Thánh Tăng đằng vân bay đi.
Đạo sĩ Sārada (Sāradatāpasa) đến gần chư Tỳ khưu đệ tử cũ, nhờ các vị nầy chuyển lời đến bạn mình là Trưởng giả Sirivaḍḍhana. Đạo sĩ nói:
- Bạch các Ngài! Xin các Ngài hoan hỷ nói dùm với bạn tôi rằng: Đạo sĩ Sārada là người đã quì dưới chân của Đức Phật Anomadassī, phát nguyện làm vị Thủ Thinh Văn trong giáo pháp của Đức Phật Gotama giáng thế trong thời vị lai. Vậy người có muốn làm đệ nhị Thinh Văn hay không?
Tuy đã nhắn lời như thế, nhưng đạo sĩ cũng theo một lối tắt đi trước các Trưởng lão, đến trước nhà của Trưởng lão Sirivaḍḍhana. Trông thấy bạn cố tri, Trưởng giả kêu lên:
- Chà! Thật lâu quá mới thấy đạo huynh về thăm tôi.
Đoạn Trưởng giả kéo ghế mời đạo sĩ ngồi và tự mình cũng ngồi ở một chỗ thấp hơn.
- Bạch Ngài! Ngài không có giáo đồ đệ tử chi hết sao?
Trưởng giả hỏi:
- Thật vậy bạn à! Đức Phật Anomadassī đã đến Tịnh xá của chúng tôi, chúng tôi đã tùy theo tài lực của mình mà làm lễ cúng dường. Rồi Đức Tôn Sư đã thuyết pháp cho chúng tôi nghe. Dứt thời pháp, trừ tôi ra, tất cả đều đắc quả A La Hán và xuất gia Tỳ khưu hết rồi, vì tôi thấy Đại đức Nisabha là vị Thinh Văn của Đức Bổn Sư, tôi đã phát nguyện thành vị Thủ Thinh Văn trong giáo pháp của Đức Phật Gotama sắp giáng thế trong thời vị lai. Còn bạn, bạn hãy phát nguyện làm vị đệ tử nhị Thinh Văn trong giáo pháp của Đức Phật ấy đi.
- Bạch Ngài! Tôi không được thân cận, quen biết với chư Phật.
- Để tôi lãnh phần thỉnh chư Phật cho, bạn cứ yên trí ở nhà lo sắp đặt cuộc đại lễ Trai Tăng đi nhé.
Nghe lời bạn, Trưởng giả Sirivaḍḍhana cho người dọn miếng đất trước cửa nhà mình thành một cái sân rộng độ tám sào đất vuông (Karīsa) tráng thật bằng phẳng. Trải cát trắng khắp mặt sân, rắc thêm năm thứ hoa đồng nội (Lāja) dựng lên một cái nhà lồng nóc lợp bằng hoa sen xanh, như là để nghinh tiếp một bậc Đế vương vậy.
Trưởng giả lại cho sửa soạn bảo tọa của chư Phật, sắp đặt chỗ ngồi của chư Thánh Tăng, chuẩn bị lễ vật cúng dường rất long trọng, rồi báo tin cho đạo sĩ Sārada hay để cung nghinh chư Phật.
Đạo sĩ thỉnh được chư Tăng có Đức Phật làm hội chủ, rồi cùng đi theo các Ngài trở về nhà bạn Trưởng giả Sirivaḍḍhana.
Trưởng giả thân hành ra nghinh tiếp chư Tăng, thỉnh bát nơi bàn tay của Đức Như Lai, rước Ngài ngự vào Thanh Liên Đình.
Khi Đại đức Tăng có Đức Phật làm hội chủ đã an tọa trên những ngôi vị đã sắp đặt sẵn, Trưởng giả Sirivaḍḍhana lấy nước rót lên tay Đức Bổn Sư theo nghi lễ cúng dường (dakkhiṇodaka) xong, liên tiếp dâng cúng những thực phẩm cam trân mỹ vị. Sau bữa Trai Tăng, Trưởng giả lại dâng đầy đủ y quý giá đến Đại đức Tăng có Đức Phật làm hội chủ, rồi bạch rằng: “Bạch Ngài! Cuộc lễ Trai Tăng nầy không phải được tổ chức với mục đích tầm thường nhỏ nhen. Xin thỉnh Ngài từ bi hoan hỷ lưu lại nơi đây, để con được cúng dường như vậy trong bảy ngày liên tiếp”.
Đức Bổn Sư nhận lời.
Khi lễ đại thí trong bảy ngày liền vừa chấm dứt, Trưởng giả Sirivaḍḍhana đảnh lễ Đức Bổn Sư, đoạn đứng chấp tay bạch rằng:
- Bạch Ngài! Bạn của tôi là đạo sĩ Sārada đã nguyện làm Thủ Thinh Văn của Đức Phật nào, thì tôi cũng nguyện xin là đệ nhị Thinh Văn của Đức Phật ấy.
Đức Thế Tôn quán sát thời vị lai, thấy lời nguyện Trưởng giả sẽ thành tựu, bèn thọ ký rằng: “Từ đây về sau một A tăng kỳ và một trăm ngàn đại kiếp nữa, người sẽ là đệ nhị Thinh Văn của Đức Phật Gotama.”.
Nghe Đức Phật thọ ký, Trưởng giả vui mừng không kể xiết. Phúc chúc xong, Đức Tôn Sư cùng đoàn Thinh Văn về Tịnh xá.
Thuật xong tiền tích của hai vị Đại đức Sārīputta và Moggallāna, Đức Bổn Sư dạy tiếp:
- Nầy các Tỳ khưu, đó là lời nguyện mà hai con của Như Lai đã phát ra từ thời quá khứ. Hai vị Tỳ khưu nầy trước đã phát nguyện đắc quả vị nào thì nay đắc quả vị đó, đúng theo bổn nguyện của mình vậy thôi. Chẳng phải Như Lai coi mặt mà ân tứ cho các Tỳ khưu đâu.
Đức Bổn Sư dứt lời, hai vị Thượng thủ Thinh Văn đảnh lễ và bạch rằng: “Bạch Ngài! Khi còn ở ngoài đời, chúng con đã có lần lên xem lễ hội trên đỉnh núi…”. Hai vị lần lượt kể hết chuyện mình trong kiếp hiện tại từ lúc dự kiến cuộc lễ Sơn Đảnh Hội, cho đến khi hạnh ngộ Đại đức Assaji, được chứng quả Tu Đà Hườn. Rồi thuật tiếp rằng:
- Bạch Thầy! Chúng con đã rủ thầy Sañjaya cùng đến hầu hạ bên chân Ngài, chúng con đã chỉ cho thầy thấy chủ thuyết lập luận (laddhi) của thầy là vô căn vô bổn (nissāra), chúng con đã giải cho thầy nghe về phước báu của sự quy y đầu Phật, nhưng thầy đáp rằng: “Nếu giờ ta thay bậc đổi ngôi, hạ mình làm môn đồ cho người, thì cũng giống như nước trong vò đang yên mà làm cho phát sanh sự giao động (cātiyā udaka calana bhāvappattisadiso) ta không thể đi làm học trò cho ai được.”.
Chúng con lại nói: “Bạch Thầy, giờ đây hàng đại chúng ai ai cũng đều cầm hương hoa đi chùa lễ Phật. Còn thầy thì sao?”.
Thầy lại hỏi rằng: “Trong đời nầy có nhiều người trí (paṇḍitā) hay nhiều kẻ ngu (dandhā)?”.
Chúng con đáp lại: “Bạch thầy, kẻ ngu thì nhiều, những người trí thì rất hiếm.”.
Nghe vậy, thầy bảo chúng con: “Thế thì người trí nên đi nhập chung với người trí là Sa môn Gotama. Còn kẻ ngu hãy ở lại với kẻ ngu như ta, các trò cứ đi đi.”.
Thầy nói như thế, rồi không chịu đến đây, bạch Ngài.
Nghe xong câu chuyện của hai vị Thủ Thinh Văn, Đức Bổn Sư dạy rằng: “Nầy các Tỳ khưu! Thầy Sañjaya tự mình mang nặng tà kiến, việc không cần cho là cần, việc cần cho là không cần. Còn các Tỳ khưu, tự nghĩ mình là bậc hiền trí, việc cần biết là cần, việc không cần biết là không cần. Nhờ vậy mới dứt bỏ được việc không cần yếu mà kiên trì lấy việc cần yếu.”.
Đến đây, Đức Bổn Sư thuyết kệ ngôn rằng:
11. “Asāre sāramatino,
sāre cāsāradassino;
Te sāraṃ nādhigacchanti,
micchāsaṅkappagocarā.”
11. “Việc không cần cứ cần chuyên,
Việc cần yếu lại chẳng siêng tu hành.
Tư duy tà kiến đã đành,
Người như thế chẳng đạt thành lý chân.”
12. “Sārañ ca sārato ñatvā,
asārañ ca asārato;
Te sāraṃ adhigacchanti,
sammasaṅkappagocarāti.”
12. “Việc cần thì biết là cần,
Việc không cần yếu cũng phân biết rành.
Tư duy chánh kiến tu hành,
Người như thế sẽ đạt thành lý chân.”
*
CHÚ GIẢI:
Trong hai bài kệ trên đây, đoạn đầu “Asāre sāramatino sare cāsāradassino”, (việc không cần tưởng cần, việc cần thấy không cần), đề cập tới hạng người chấp theo mười thứ tà kiến (dasa vatthukāmicchādiṭṭthi), rồi do sự suy nghĩ sai lầm trong những điều không cần yếu (asāre) như tứ vật dụng (cattāro paccayā): (Thức ăn, y phục, chỗ ở, thuốc men), lại nhận thấy là cần yếu, quan trọng thiết thực (Sāradassino).
Ngược lại, trong những điều cần yếu (sāra) cho sự tu hành giải thoát như mười thứ Chánh kiến (dasavatthukā sammādiṭṭhi) và Giới (sīla), Định (samādhi), Tuệ (paññā), Giải thoát (vimutti), Giải thoát tri kiến (vimuttiññāṇa dassana), Thánh đế (paramattha) và Níp Bàn (Nibbāna) thì lại thấy là không cần yếu quan trọng thiết thực (asāre dassino).
Mười thứ tà kiến nầy là Thập vô tướng kiến (dasa natthilakkhaṇa diṭṭhi), là cho rằng:
1- Bố thí không có phước.
2- Cúng dường không có phước.
3- Báo hiếu, đáp ân không có phước.
4- Không có nhân quả tốt xấu.
5- Đời nay không thật có.
6- Đời sau sẽ không có.
7- Mẹ không phải mẹ.
8- Cha không phải thật cha.
9- Hạng hóa sanh vô hình không có.
10- Không ai chứng đắc thần thông, đạo quả.
Đoạn kệ “Te sāraṃ nādhigacchanti; micchā saṅkappa gocarā” (người tư duy tà vạy không đạt thấu chân lý). Kết luận bài kệ trên đây, quả quyết rằng họ (là những người chấp cứng theo tà kiến, vì nhận thức sai lầm mà chỉ lo theo đuổi ngũ trần dục lạc (Kāma vitakka), phù phiếm vô căn (asāraṃ) để người tận hưởng thú vui tạm bợ trong một kiếp rồi thả tâm theo tà tư duy (micchāsaṅkappa gocara), không khi nào suy tư đến những điều quan yếu thiết thực, cho nên họ không đạt thấu lý chân như (sāraṃ nādhigacchanti), không đắc Giới, Định, Tuệ, Giải thoát, Giải thoát tri kiến, Thánh đế và Níp Bàn.
Trong bài kệ sau, đoạn đầu “Sārañca sārato ñatvā, asārañca asārato” (việc cần biết là cần, không cần biết không cần), đề cập đến hạng người tu hành chính chắn, nương theo mười thứ Chánh kiến, nghịch với mười thứ tà kiến đã kể ở trên, biết nhận thức đúng đắn thấy Giới, Định, Tuệ… là chủ yếu (sārañca asārato ñatavā), còn tứ vật dụng là phụ thuộc, không mấy vì quan trọng trong đạo giải thoát (asārañca asārato).
Đoạt kết luận “Te sāraṃ adhigacchanti sammāsaṅkappa gocarāti” quả quyết rằng họ (te) là những bậc hiền trí giữ mình nương theo Chánh kiến hằng niệm tưởng sự ly dục (nekkhamma) để tâm trong Chánh tư duy (sammā saṅkappa gocara).
Những người như thế mới khả dĩ đạt đến mục đích, cứu cánh của đời tu hành là chân lý, là giải thoát Níp Bàn vậy.
*
Kệ ngôn vừa dứt, rất nhiều người đắc Thánh quả, nhất là Tu Đà Hườn quả. Kỳ dư thính chúng đều được hưởng sự lợi ích.
x
Dịch Giả Cẩn Đề
Gặp Phật ra đời có dễ đâu?
Thương ông Tân Nhã chẳng hồi đầu!
Ham gom lễ vật, lo gìn giữ,
Tránh gặp Bổn Sư sợ lạy hầu.
Ác kiến hồ tư ngu hóa trí,
Si tâm loạn tưởng đá thành châu!
Tham lam tự chuốc thêm hờn giận,
Đến chết chưa thông lý đạo mầu…
Xả hết tư tài để xuất gia,
Ưu Ba Đề Xá dạo Ta bà.
Hai câu kệ ngắn thay niềm tục,
Nửa dặm đường xa bỏ nẻo tà!
Vắng bạn không quên lời hẹn cũ,
Lìa thầy vẫn nhớ lễ con nhà…
Chân thành đại nguyện từ bao thuở,
Mới được ngồi bên Đức Thích Ca.
Nhắn khách tầm tu dứt tử sanh,
Xả thân cầu đạo, chẳng cầu danh!
Sải con, sải cả đừng câu chấp,
Mâm nhỏ, mâm to chớ giựt giành!
Cảnh vắng an lòng ly thế tục,
Đồ ngon nhịn miệng tụng chơn kinh!
Trước sau giữ vẹn niềm nguyên thủy,
Tròn đủ nhân duyên gặp bạn lành.
DỨT TÍCH ÔNG SAÑJAYA KHÔNG ĐẦU PHẬT
11. Those who view the unreal as real and the real as unreal reach not up to the real, misled as they are.
11. Những ai thấy phi chân là chân thật và chân thật là phi chân tất nhiên không đạt đến chân thật, vì họ bị lầm lạc.
11. Asāre sāramatino,
sāre cāsāradassino;
Te sāraṃ nādhigacchanti,
micchāsaṅkappagocarā. (1:11)
11. Conceiving the real in unreality
while seeing unreal the truly real,
roaming fields of thought ill-formed:
never they at the real arrive.
12. Viewing the real as real, the unreal as unreal, they, being correctly guided, reach the real.
12. Những ai thấy chân thật là chân thật, phi chân là phi chân tất nhiên đạt chân thật vì họ có chánh kiến.
12. Sārañ ca sārato ñatvā,
asārañ ca asārato;
Te sāraṃ adhigacchanti,
sammasaṅkappagocarā. (1:12)
12. That which is real they know as real,
that unreal, to be unreal;
roaming fields of thought well-formed
they at the real arrive.
(Nandathera vatthu)
KỆ NGÔN: (Pháp Cú câu 13-14)
13. “Yathā’gāraṃ ducchannaṃ,
vuṭṭhi samativijjhati;
Evaṃ abhāvitaṃ cittaṃ,
rāgo samativijjhati.”
13. “Như nhà mái lợp thưa,
Dễ bị dột nước mưa.
Tâm không tu luyện kỹ,
Tham dục vào có thừa.”
14. “Yathā’gāraṃ succhannaṃ,
vuṭṭhi na samativijjhati;
Evaṃ subhāvitaṃ cittaṃ,
rāgo na samativijjhati.”
14. “Như nhà lợp kín tốt,
Nước mưa không thể dột.
Tâm tu luyện kỹ càng,
Tham dục vào chẳng lọt.”
Kệ Pháp Cú 13 – 14 nầy, Đức Bổn Sư thuyết ra khi Ngài ngự tại Jetavana, đề cập đến Đại đức Nanda.
Quả nhiên, lúc Đức Giáo Chủ là đấng Chuyển Pháp Luân, vân du đến thành Rājagaha (Vương Xá) và đang ngự tại Tịnh xá Veḷuvana (Trúc Lâm), thì đại vương Suddhodana (Tịnh Phạn) dồn dập biệt phái mười đoàn sứ giả với lời ủy thác: “Chư hiền khanh khá mau qua đó rước Thái tử về, cho quả nhân được gặp mặt con.”.
Từng đợt, hàng ngàn thị giả theo vị đoàn trưởng nối tiếp ra đi, để rồi tất cả đều đắc A La Hán quả và nhập luôn vào Giáo hội Tăng Già, đến lượt cuối cùng vị đoàn trưởng là Đại đức Kāḷudāyi nhận biết là đã đúng thời kỳ thỉnh Phật, bèn ngâm lên sáu mươi bài kệ, ca tụng con đường trở lại cố đô.
Với đoàn Thánh Tăng hai muôn vị Lậu Tận (A La Hán), giữa cảnh trùng phùng với tất cả vương gia quyến thuộc, Đức Thiên Nhơn Sư đã khiến cho một trận mưa hồng rơi xuống như hoa (Pakkharavassa) để làm sống lại một thời xưa, rồi nhân đó Ngài nhắc tích Bồ Tát Vessantara là tiền thân của Ngài.
Qua ngày sau, lúc ngự vào thành khất thực, Đức Bổn Sư độ cho phụ vương Ngài đắc quả Nhập Lưu (Sotāpattiphala) với bài kệ Pháp Cú:
“Uttiṭṭhe nappamajjeyya,
dhammaṃ sucaritaṃ care;
Dhammacārī sukhaṃ setī,
asmiṃ loke paramhi ca.”
“Pháp môn khất thực chớ khinh thường,
Chánh hạnh Tỳ khưu pháp đáng nương.
Kẻ y chánh pháp hằng an lạc,
Kiếp trước đời sau vạn kiết tường.”
Và với bàn kệ sau đây:
“Dhammañcare sucaritaṃ,
na naṃ duccaritaṃ care;
Dhammacārī sukhaṃ seti,
asmiṃ loke paramhica.”
“Chánh hạnh hành theo pháp đáng nương,
Tà hạnh đừng nên giữ lệ thường.
Kẻ y chánh pháp hằng an lạc,
Kiếp trước đời sau vạn kiết tường.”
Ngài đã độ cho Di mẫu Mahāpajāpaṭi Gotamī đắc quả Nhập Lưu và đưa Phụ vương Ngài tiến lên quả Nhất Lai (Sakadāgāmi).
Kế đó, sau một bữa thọ thực trong hoàng cung, Đức Bổn Sư thuyết tích nàng Candakinnarī, là một chúng sanh mình chim đầu người, vốn là tiền thân của nàng Yasodharā, ngõ hầu để cho ân nghĩa mẹ Rāhula đối với chính Ngài từ những lúc còn mang kiếp thú…
Đến ngày thứ ba, đang lúc Thái tử Nanda tưng bừng cử hành song lễ là tức vị Quốc vương cùng tấn phong Hoàng hậu, thì Đức Bổn Sư ngự vào biệt điện hoàng gia để lấy bát. Thọ thực xong, Ngài trao bát tận tay Thái tử Nanda, ban lời chúc phúc, rồi từ bảo tọa đứng lên cất bước ra đi, không thâu hồi bát lại.
Thái tử vì lòng tôn kính Đức Như Lai, không dám mở lời kêu gọi: “Bạch Ngài! Xin hãy lấy bát đi.”.
Lẳng lặng theo hầu Đức Thầy, Thái tử nghĩ thầm: “Tới cầu thang chắc Ngài sẽ lấy bát.”, nhưng tới đó Đức Bổn Sư không dừng chân lại lấy bát. Thái tử lại tính thầm: “Chắc là xuống chân cầu thang, thì Ngài sẽ lấy lại chẳng sai.” nhưng đến đấy Đức Bổn Sư vẫn làm ngơ đi luôn một mạch. Thái tử lại tự nhủ: “Thế nào tới sân ngự trước đền rồng, Ngài cũng sẽ thâu bát lại.” nhưng đến nơi đây, Đức Bổn Sư cũng vẫn điềm nhiên đi thẳng.”
Mặc dầu trong thâm tâm vẫn muốn quay gót trở lui, Thái tử vì nể Đức Thầy, không hề dám hở môi kêu nài: “Ngài ơi! Xin Ngài lấy bát lại dùm.”.
Vừa đi vừa mong ước lầm thầm: “Tới đây Ngài sẽ lấy bát lại… tới đằng ấy Ngài sẽ lấy bát lại…”. Cứ như thế, Thái tử lầm lủi theo sau chân Đức Bổn Sư, làm một vị thị tùng miễn cưỡng.
Ngay lúc ấy, có bọn cung tần trông thấy Thái tử ra đi, bèn chạy đi báo tin cho bà tân Hoàng hậu là công nương Janapadakaḷyānī (Hoa Khôi) được biết.
- Tâu lịnh nương nương, Đức Thế Tôn đã dắt tân vương đi rồi, vậy lịnh bà phải liệu làm sao, một khi tân vương vắng mặt…
Nghe tin cấp báo công nương không cầm được suối lệ, lật đật bới sơ đầu tóc đang chải dở dang, bương bả chạy theo gọi vói:
- Hoàng tử ơi! Xin khá mau trở lại trào ca.
Những lời kêu than thiết tha của ý trung nhân, dường như châm thấu trái tim đa cảm của vị Hoàng tử si tình, khiến chàng phải bàng hoàng ngơ ngẫn… Nhưng Đức Bổn Sư Ngài vẫn tiến bước, không hề quay lại thâu hồi bình bát, để cho Hoàng tử được rảnh tay.
Dắt chàng đến chùa, Đức Bổn Sư phán hỏi:
- Nanda! Có muốn xuất gia không?
Vì quá tôn kính Đức Tôn Sư, Thái tử không thể từ chối rằng: “Không.”, nên ngập ngừng đáp lại:
- Dạ thưa… Muốn! Bạch Ngài.
Đức Giáo Chủ liền bảo: “Nếu vậy, nầy các Tỳ khưu các ông làm lễ xuất gia cho Thái tử Nanda.”.
Đức Bổn Sư độ cho Thái tử Nanda xuất gia đúng vào ngày thứ ba kể từ ngày Ngài trở về thành Kapilavatthu.
Trong ngày thứ bảy, mẫu thân của Thái tử Rāhula, cho con vận một bộ triều phục sang trọng hoa mỹ dạy con hãy đến gần Đức Thế Tôn và đinh ninh dặn rằng: “Vương nhi thấy không! Vị Sa môn da như vàng ròng, hình dáng như Phạm Thiên, có đến hai muôn Sa môn khác theo hầu hạ, chính là phụ vương của con đó, khi phụ vương ra đời thì người có được những hầm châu báu vĩ đại, nhưng từ khi người xuất gia đến giờ mẫu hậu không còn trông thấy được nữa. Vậy vương nhi, con hãy đến xin người ban cho con phần di sản ấy. Con thưa như vầy nghe: Bạch Ngài Đại Sa môn, con là trưởng tử của Ngài. Sau khi kế vị ngai vàng, con sẽ là một Chuyển Luân Vương giàu sang bốn biển, nên con cần phải có những kho sản quí giá, vì lẽ phụ nghiệp thì tử năng thừa, xin Ngài ân tứ cho con những hầm châu báu của Ngài.”.
Thái tử Rāhula đến gần Đức Thế Tôn, đảnh lễ xong thì phát tâm yêu mến phụ thân mình nên âu yếm thỏ thẻ rằng: “Bạch Ngài Sa môn! Bóng mát của Ngài làm con vui sướng làm sao”.
Đoạn Thái tử đứng lên, nói thêm những lời lẽ, bày tỏ nguyện vọng của mình. Sau khi thọ thực và phúc chúc xong, Đức Thế Tôn từ bảo tọa đứng dậy ra về.
Thái tử Rāhula cũng vội vã đi theo Đức Thế Tôn và nhắc đi nhắc lại: “Xin Ngài Đại Sa môn ân tứ phụ sản cho con, xin Ngài Đại Sa môn ân tứ phụ sản cho con…”.
Đức Thế Tôn lặng thinh, không bảo Thái tử quay gót trở về. Nội thị triều thần trông thấy Thái tử đi chung với Đức Bổn Sư thì cũng không ai dám đứng ra ngăn cản lại. Do đó, Thái tử theo Đức Thế Tôn đi luôn cho đến vườn chùa.
Khi ấy, Đức Thế Tôn nghĩ rằng: “Thứ phụ sản mà Rāhula mong mỏi, chỉ là thứ tài sản luân lưu giả tạm (Vaṭṭānugata) không được trường tồn vĩnh cửu. Vậy để Như Lai ban cho nó Thánh sản (Ariyadhana) có Thất bảo mà Như Lai đã đắc nơi cội Bồ Đề của Như Lai vậy.)
Liền đó, Đức Thế Tôn kêu Đại đức Sārīputta: “Ông hãy cho Rāhula xuất gia.”.
Đại đức y lịnh, làm lễ xuất gia cho Thái tử.
Nghe được tin nầy, đức vua Suddhodana hết sức buồn phiền. Không thể nhẫn nại làm thinh, đức vua ngự đến yết kiến Đức Thế Tôn, bày tỏ nỗi lòng sầu khổ và đưa ra thỉnh nguyện như vầy: “Bạch Thế Tôn, xin Ngài đừng cho chư Tăng làm lễ xuất gia cho đứa trẻ vị thành niên nào chưa được cha mẹ cho phép.”.
Đức Thế Tôn chấp nhận lời yêu cầu của đức vua. Hôm sau, khi Đức Thế Tôn ngự trong đền vua, dùng bữa điểm tâm (pātarāsa) xong, Tịnh Phạn Vương ngồi nép một bên và bạch rằng:
- Bạch Ngài, trong thời gian Ngài tu khổ hạnh có một vị chư Thiên đến mách bảo quả nhân rằng: “Thái tử của đại vương đã mệnh chung.”. Quả nhân nhất định không tin lời vị chư Thiên ấy, cho nên phản đối ngay rằng: “Không bao giờ Thái tử của trẫm có thể mạng chung, trước khi đắc thành Thánh quả.”.
Nghe vậy, Đức Thế Tôn bảo rằng:
- Tâu đại vương, trong kiếp nầy làm sao đại vương còn tin được, vì trong kiếp trước cũng chính người đó trưng cho đại vương thấy một bộ xương và nói: “Con ông đã chết.”, nhưng đại vương nghe xong chẳng chút gì tin.
Nhân dịp nầy, Đức Thế Tôn thuyết tích, Bổn Sanh nói về công tử Mahādhammapāla (Đại Hộ Pháp).
Nghe đến đoạn kết, đức Tịnh Phạn Vương liền đắc quả A Na Hàm (Anāgāmi).
Sau khi độ cho phụ vương Ngài đắc ba quả Thánh rồi, Đức Giáo Chủ cùng với tất cả Tỳ khưu Tăng thị tùng lên đường trở lại gần thành Vương Xá.
Từ đấy, do theo lời hứa với Trưởng giả Anāthapiṇḍika, Đức Bổn Sư ngự hành sang qua Sāvatthī, để chủ tọa lễ khánh thành ngôi Đại Tự Jetavava vừa kiến trúc xong và ngự an nơi đó.
Trong thời gian Đức Thầy ngự an nơi Jetavana như thế, Đại đức Nanda cảm thấy bực bội, bứt rứt, nóng nảy, bồn chồn nên hằng thở than với chư Tăng rằng:
- Các sư hữu ơi! Tôi không thấy chút gì hứng thú khi hành theo phạm hạnh. Chắc là tôi không sống được đời tu sĩ lâu, có lẽ rồi đây tôi sẽ xả giới và trở về cương vị cũ của tôi khi trước.
Khi Đức Bổn Sư nghe chư Tăng tường trình câu chuyện nầy, Ngài cho gọi Đại đức Nanda đến và phán hỏi:
- Nầy Nanda! Nghe nói ông đã thốt với nhiều Tỳ khưu những lời như vầy: “Các sư hữu! Tôi không thấy hứng thú trong sự hành theo phạm hạnh, chắc là tôi không sống cuộc đời tu sĩ được lâu. Có lẽ rồi đây tôi sẽ xả giới mà trở về cương vị cũ của tôi khi trước.”. Có quả thật vậy chăng?
- Bạch Ngài! Quả thật vậy.
- Nầy Nanda! Ông mắc chứng cớ gì mà không thấy hứng thú trong sự tu hành theo phạm hạnh, không ưng sống cuộc đời tu sĩ, toan xả giới xuống cương vị của ông như cũ?
- Bạch Ngài! Tôi không thể quên nàng Thích Nữ của tôi là công chúa Kaḷyānī, khi nàng từ trong biệt điện hoàng gia, tóc chải nửa chừng, mắt chưa ráo lệ. Nàng đã van lơn: “Hoàng tử ơi! Xin chàng hãy mau trở lại trào ca.”. Bạch Ngài! Tôi nhớ mãi hình bóng của nàng mà không thấy chút gì hứng thú trong sự hành theo phạm hạnh, không ưng sống cuộc đời tu sĩ và sẽ xả giới lui về cương vị tân vương.
Liền đó, Đức Thế Tôn nắm tay Đại đức Nanda, dùng thần thông đưa Đại đức lên Đao Lợi thiên cung, dọc đường bay Đức Thế Tôn chỉ cho Đại đức lưu ý đến một con khỉ cái sứt tai, sứt mũi, đứt đuôi, ngồi chết rục trên một gốc cây cháy nám, trong một cánh đồng khi hỏa hoạn.
Trên cung trời Đao Lợi, Đức Thế Tôn dẫn cho Đại đức Nanda được vào xem cảnh năm trăm thiên nữ đang chầu hầu đức Ngọc Đế (Sakka), năm trăm Hằng Nga yêu kiều diễm lệ, gót đỏ như son thắm, tựa như chân chim bồ câu. Cho xem mãn nhãn rồi, Đức Thế Tôn mới hỏi: “Nầy Nanda! Ông nghĩ thế nào? Nếu đem so sánh với năm trăm Ngọc nữ yểu điệu nầy với Thích Nữ Kaḷyānī, thì ai diễm lệ ai mỹ miều, ai khả ái hơn ai?”.
Nghe Thế Tôn hỏi, Đại đức vội đáp: “Bạch Ngài, nếu đem so nàng Thích Nữ Kaḷyānī với năm trăm ngọc nữ nầy, thì nàng ấy xấu như con khỉ cái ngồi chết rục sứt cả tai, mũi và cụt đuôi kia vậy. Về nhan sắc nàng thua kém quá xa mười phần không bằng được một, lẽ dĩ nhiên năm trăm tiên nga nầy yêu kiều mỹ lệ, mỹ miều, khả ái hơn nhiều.”.
- Nếu vậy thì nầy Nanda, ông hãy vui lên, hãy vui lên đi. Như Lai cam đoan là ông sẽ được năm trăm ngọc nữ yểu điệu gót son nầy.
Nghe vậy Đại đức Nanda mừng rỡ, trả lời rằng:
- Bạch Thế Tôn, nếu Ngài chịu đứng chủ hôn giúp cho tôi cưới được năm trăm ngọc nữ gót son yểu điệu ấy, thì tôi nguyện sẽ vui vẻ luôn và thực hành phạm hạnh, bạch Ngài.
Liền khi ấy, Đức Thế Tôn nắm tay Đại đức Nanda, biến mất trên cung trời Đao lợi và hiện xuống nơi Tịnh xá Veḷuvana.
Giữa chư Tăng có tiếng đồn đãi rằng: “Nghe nói Đại đức Nanda, là em một cha khác mẹ với Đức Thế Tôn, cố công hành đạo chỉ vì mong mỏi được gần ả thiên nga… Nghe nói Đức Thế Tôn cam đoan sẽ giúp cho Đại đức Nanda được gần năm trăm ngọc nữ gót son yểu điệu.”.
Từ khi ấy, các Tỳ khưu bạn của Đại đức Nanda hễ gặp mặt Đại đức là buông lời khinh chê, chọc ghẹo nào là: Đại đức tu hành theo lối người ở đợ; nào là: Đại đức làm như kẻ nô lệ, cố công hành đạo chỉ vì muốn cưới năm trăm ngọc nữ yểu điệu gót son mà Đức Thế Tôn đã hứa chủ hôn thành toàn cho Đại đức.
Cứ nghe bạn đồng tu lập đi lập lại mãi những lời chế nhạo gay gắt ấy, Đại đức Nanda cảm thấy khó chịu, bực mình, chán ngán quá, nên lánh đi tìm một chỗ khuất tịch vắng vẻ, đem hết tâm tư chuyên thực hành phạm hạnh Sa môn pháp. Không bao lâu Đại đức đạt tới mục tiêu cứu cánh của đời phạm hạnh, tự mình chứng ngộ sự tri kiến các pháp và an tâm nơi đó, cũng như bất cứ con nhà gia giáo, thoát ly gia đình, xuất gia hành đạo, tu theo chánh pháp vậy.
Đại đức tự mình giác ngộ: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã tròn, việc phải làm đã làm, sau kiếp nầy ta sẽ không còn kiếp nào khác nữa.”.
Thế là từ đây, trên cõi trần ai có thêm một vị A La Hán nữa là Đại đức Nanda vậy.
Khi ấy, vào khoảng nửa đêm, một vị chư Thiên hiện xuống, hào quang chiếu sáng khắp cả Jetavana, đến bên Đức Bổn Sư đảnh lễ Ngài xong, mách bảo rằng: “Bạch Ngài! Đại đức Nanda là em cùng cha khác mẹ với Ngài, đã diệt trừ lậu hoặc, thành bậc Vô Lậu, có tâm giải thoát, có tuệ giải thoát, tự mình chứng đắc các pháp tri kiến và an tâm nơi đó rồi.”.
Kế đó, khi đêm gần tàn, Đại đức Nanda cũng về gần Đức Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và bạch rằng:
- Bạch Thế Tôn! Xin Ngài hủy bỏ lời cam đoan hứa đứng chủ hôn cho tôi với năm trăm ngọc nữ gót son, từ nay tôi không tính tưởng đến việc ấy nữa.
- Nầy Nanda! Như Lai nhờ Tha tâm thông đã biết rõ ràng là Nanda đã tận trừ lậu hoặc, thành bực Vô Lậu, có tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự mình đã chứng ngộ các pháp tri kiến và an tâm nơi đó rồi… Nầy Nanda! Ông được tâm giải thoát tất cả lậu hoặc, nhờ buông bỏ chấp thủ, từ giờ phút nào thì lời cam đoan của Như Lai cũng được cởi mở từ giờ phút ấy.
Thế rồi, Đức Thế Tôn ngâm kệ hoan hỷ tán thán rằng:
“Yassa tiṇṇo kāmapaṅko,
maddito kāmakaṇṭako;
Mohakkhayamanuppatto,
sukhadukkhe na vedhatīti.”
“Vũng bùn dục lạc đã băng qua,
Gai ngũ trần kia đã đạp chà.
Ai dứt bỏ si mê thì giác ngộ,
Khổ vui chẳng động đến tâm mà”
Sau đó, có một hôm các Tỳ khưu cật vấn Đại đức Nanda rằng:
- Nầy sư hữu! Lúc trước sư hữu thường hay than phiền bất mãn, thế bây giờ thì ra sao?
- Nầy các sư hữu! Tôi không còn muốn hoàn tục đâu.
Nghe qua lời ấy, chư Tăng bảo nhau rằng: “Đại đức Nanda đã nói lời giả dối, có ý không muốn cho ta biết rõ sự thật, những ngày trước, chính Đại đức than phiền luôn miệng là: Tôi chán nản quá, mà bây giờ lại nói: Tôi không còn muốn hoàn tục nữa là sao?
Thế rồi, chư Tăng đem câu chuyện nầy bạch lên Đức Thế Tôn, Đức Thế Tôn dạy rằng:
- Nầy các Tỳ khưu! Vì trong dĩ vãng tâm tư Nanda giống như gian nhà mái lợp thưa thớt, còn bây giờ tâm ông ta giống như gian nhà mái lợp kín đáo rồi vậy. Quả thật từ khi nhìn thấy các Thiên nữ, về sau ông đã tịnh tâm tu hành để đạt đến mục đích tối thượng của đời xuất gia, nhờ vậy mà nay ông đã đắc kỳ sở nguyện.
Dứt lời, Đức Thế Tôn xướng lên hai bài kệ sau đây:
13. “Yathā’gāraṃ ducchannaṃ,
vuṭṭhi samativijjhati;
Evaṃ abhāvitaṃ cittaṃ,
rāgo samativijjhati.”
“Mái thưa mưa thấm dột lần.
Tâm không tu luyện dục tham lọt vào.
Mái dầy ngăn giọt mưa rào,
Tâm tu luyện kỹ, tham nào lọt vô.”
14. “Yathā’gāraṃ succhannaṃ,
vuṭṭhi na samativijjhati;
Evaṃ subhāvitaṃ cittaṃ,
rāgo na samativijjhati.”
*
CHÚ GIẢI:
Chữ Agāraṃ trên đây nghĩa là gian nhà, bất cứ là nhà nào.
Ducchannaṃ: nghĩa là che lợp thưa thớt trống trải (Viralacchannaṃ) có nhiều kẽ hoặc lỗ hở (chiddāvacchaddaṃ)
Samativijjhati (dột): là nước mưa xuyên qua được.
Abhāvitaṃ (không tu luyện): Ví như gian nhà mái lợp thưa trống thì nước mưa dột được. Tâm người không tu luyện bằng thiền định thì tham dục mới có thể lọt vào, chẳng phải hoàn toàn chỉ có tham dục mà thôi. Ngoài ra còn có nhiều thứ phiền não khác nữa như sân hận, si mê, ngã mạn… dễ xâm chiếm được cái tâm không tu luyện ấy.
Subhāvita (tu luyện kỹ): là tu luyện đúng bằng thiền Chỉ quán (samatha vipassanā bhāvanāni). Tâm được tu luyện đúng đắn kỹ càng như thế, thì các thứ phiền não nhất là tham dục (rāga) không thể lọt vào, y như gian nhà mái lợp đầy đặn kín đáo, thì nước mưa không thể dột được như vậy.
*
Khi bài kệ vừa chấm dứt, nhiều vị Tỳ khưu đắc quả Nhập Lưu, đại chúng cũng hưởng được sự lợi ích nhờ nghe thời pháp của Đức Bổn Sư.
Kế đó, chư Tăng tụ tập trong giảng đường (Dhammasabhāyaṃ) tiếp tục bình luận về câu chuyện vừa qua.
- Nầy các sư hữu! Chư Phật quả thực là oai lực phi thường. Như Đại đức Nanda đã chán đời phạm hạnh vì si tình công chúa Kalyāṇī. Thế mà Đức Thế Tôn đã khéo áp dụng miếng mồi Thiên nữ để giáo hóa và thuyết phục khiến cho ông trở nên con người tốt, dễ dạy (Vinīto).
Đức Thế Tôn ngự trở vào giảng đường và phán hỏi:
- Nầy các Tỳ khưu! Đây không phải là mới lần đầu tiên mà Nanda được cải hóa bằng miếng mồi nữ sắc đâu. Chuyện nầy đã từng xảy ra trong tiền kiếp của ông ta y như thế rồi.
Chư Tăng nghe đến đây, liền thỉnh cẩu Đức Thế Tôn dẫn tích tiền thân, Ngài bèn nhắc lại cổ tích như sau:
Thuở xưa, trong thành Bārāṇasī, dưới triều quốc vương Brahmadatta, có một người lái buôn tên là Kappaka.
Ông Kappaka có nuôi một con lừa để kéo xe, chở đồ gốm, mỗi ngày đi được bảy do tuần.
Một lúc nọ ông lái buôn chất đầy hàng hóa lên xe cho con lừa kéo đi đến thành Takkasilā. Đến nơi ông dừng xe lại bán hàng và thả lừa ra cho nó đi kiếm ăn tự do.
Trong lúc lang thang dọc theo bờ mương bên đường, lừa ta chợt thấy một nữ lưu đồng chủng, bèn mon men đến gần đó để làm quen.
Cô lừa thân mặt chào mừng khách lạ đường xa, rồi hỏi rằng:
- Nầy anh lừa! Anh ở đâu lại đây vậy?
- Anh ở thành Bārāṇasī.
- Anh lại đây làm chi vậy?
- Lại để buôn bán em à.
- Anh chở hàng gì vậy anh?
- Anh chở đồ gốm.
- Kéo một xe đồ nặng anh đi được bao nhiêu do tuần?
- Anh đi được bảy do tuần em ạ.
- Tới chỗ nghỉ ngơi có ai bóp cẳng đấm lưng cho anh không?
- Chà nếu vậy thì đời anh chẳng những là cực khổ nhọc nhằn mà còn quạnh quẻ cô đơn lắm vậy.
(Dĩ nhiên súc vật thì chẳng hề có ai bóp cẳng, đấm lưng bao giờ, nhưng cô lừa nói như thế là để lấy lòng bạn mới, hy vọng có thể thắt chặt mối tình sơ giao.)
Chú lừa bị ảnh hưởng cuộc gặp gỡ qua đường, từ đó bỗng nhiên sanh tâm bất mãn.
Khi người lái buôn bán hàng xong, định thu xếp trở về, quay lại thấy con lừa bèn bảo nó:
- Lừa ơi! Ta hãy lên đường.
- Ông cứ đi đi, tôi không đi đâu hết.
Người chủ lừa dùng lời dịu ngọt vỗ về khuyên bảo con vật của mình nhiều lần, không thấy kết quả mới tính thầm rằng:
- Nó không chịu đi thì ta hăm cho nó sợ mới được.
Nghĩ rồi ông Kappaka ngâm kệ:
“Patodante karissāmi,
soḷasaṅgulikaṇtakaṃ;
Sañchindissāmi te kāyaṃ,
evaṃ jānāhi gadrabhāti.”
“Ta sẽ làm đót nhọn,
Mũi dài mười sáu phân.
Đâm lủng nát thây lừa,
Biết thân thì lựa chọn.”
Lừa nghe xong, đáp trả lại ngay: “Nếu quả như thế, lừa nầy cũng biết cách đối phó với ông vậy.”. Nói rồi lừa cũng kệ rằng:
“Patodante karissāsi,
soḷasaṅgulikaṇṭakaṃ;
Purato patiṭṭhahitvāna,
uddharitvāna pacchato;
Bhaṇḍaṃ te pātayissāmi,
evaṃ jānāhi kappakāti.”
“Ông cứ làm đót nhọn,
Mũi dài mười sáu ngón.
Cẳng trước tôi đứng yên,
Giò sau tôi búng gọn.
Liệu hồn, đừng xăm xỏn…”
Ông Kappaka nghe con lừa của mình trả lời trịch thượng như vậy, thì tự hỏi thầm: “Do đâu mà hắn dám hổn xược với ta như thế?”.
Đưa mắt nhìn quanh, ông trông thấy con lừa cái tơ, mới chợt hiểu rằng: “À! Hèn gì hắn ta dám giở giọng bướng bỉnh. Chắc con lừa cái nầy đã dạy hắn ta những điều học ấy. Được rồi, để ta bảo với hắn: Lừa ơi! Ta sẽ kiếm cho ngươi một con vợ hình dung giống y như con kia, ta phải dùng miếng mồi nữ sắc để câu nhử mà sai khiến nó đi mới được.”.
Nghĩ diệu kế, ông Kappaka ngâm kệ hứa với lừa rằng:
“Catuppadiṃ saṅkhamukhiṃ,
nāriṃ sabbaṅgasobhiniṃ;
Bhariyaṃ te ānayissāmi,
evaṃ jānāhi gadrabhāti.”
“Một kiều nữ tứ túc,
Mặt ngọc, dáng ngoại mục.
Ta sẽ cưới cho lừa,
Mặt dạ đẹp lòng chưa?”
Nghe chủ hứa như vậy, lừa ta vui mừng khấp khởi bèn kệ đáp rằng:
“Catuppadiṃ saṅkhamukhiṃ,
nāriṃ sabbaṅgasobhiniṃ;
Bhariyaṃ me ānayissasi,
evaṃ jānāhi kappaka;
Kappaka bhiyyo gamissāmi,
yojanāni catuddasāti.”
“Một kiều nữ tứ túc,
Mặt ngọc dáng ngoạn mục.
Nếu ông cưới cho lừa,
Lừa nguyện sẽ tiếp tục.
Kéo xe nặng đàng xa,
Mười bốn dặm mỗi lúc.”
Thấy êm rồi, ông Kappaka gọi con lừa:
- Thôi mau lại đây đi con.
Nắm được con lừa, ông dắt nó bắt kê vào xe, đánh về chốn cũ.
Về nhà được vài hôm, con lừa nhắc chủ nó rằng:
- Thưa ông! Ông có nhớ lời hứa sẽ kiếm vợ cho lừa hay chăng?
Ông lái buôn đáp: “Ừ ta nhớ, và ta sẽ giữ lời hứa. Ta sẽ lo kiếm vợ cho lừa, nhưng ta giao trước: Ta chỉ chạy ăn cho mỗi mình lừa thôi. Khi có vợ, lừa phải tự liệu san sẻ phần ăn với vợ, khi có đôi bạn rồi thì sẽ có con đàn con lũ. Chừng ấy chúng bây hãy tự tiện liệu mà chia sớt vật thực cho nhau, đó là chuyện riêng của chúng bây.”.
Nghe ông Kappaka trình bày cặn kẽ như vậy, con lừa mất hết hy vọng, không còn ước mong có đôi bạn nữa.
Đức Bổn Sư thuyết tích đến đây bèn kết luận rằng:
- Nầy các Tỳ khưu! Con lừa cái kia xưa nay là công chúa Kaḷyānī, con lừa đực nay là Tỳ khưu Nanda, còn ông lái buôn Kappaka nay chính là Như Lai vậy.
Ấy, từ quá khứ Nanda đã từng được Như Lai giáo hóa (Vinīto) bằng cách dùng mồi nữ sắc để thuyết phục.
x
Dịch Giả Cẩn Đề
Một đấng quân vương nặng chữ tình,
Nan Đà hạnh đắc quả Vô sanh!
Áo vua bỏ lại gìn y bát,
Tay vợ lìa ra giữ kệ kinh!
Chẳng thiết hoa khôi hiền thế tục,
Không ham ngọc nữ chốn thiên đình!
Nương cùng Chánh Giác hành chơn đạo,
Như thuở còn mang khổ nhục hình!
DỨT TÍCH ĐẠI ĐỨC NANDA
13. Lust pierces the undeveloped and uncultured mind like rain the ill-thatched roof.
13. Tham dục xâm nhập tâm không tu tập giống như mưa xâm nhập mái nhà vụng lợp
13. Yathā’gāraṃ ducchannaṃ,
vuṭṭhi samativijjhati;
Evaṃ abhāvitaṃ cittaṃ,
rāgo samativijjhati. (1:13)
13. Even as rain does penetrate
a house that’s badly thatched,
likewise lust does penetrate
the mind uncultivated.
14. Lust pierces not the developed and cultured mind as rain does not the well-thatched roof.
14. Tham dục không xâm nhập tâm khéo tu tập giống như mưa không xâm nhập mái nhà khéo lợp
14. Yathā’gāraṃ succhannaṃ,
vuṭṭhi na samativijjhati;
Evaṃ subhāvitaṃ cittaṃ,
rāgo na samativijjhati. (1:14)
14. As rain does never penetrate
a house that is well-thatched,
so lust does never penetrate
the mind well-cultivated.
(Cundasūkarikavatthu)
KỆ NGÔN: (Pháp Cú câu 15)
15. “Idha socati pecca socati,
pāpakāri ubhayattha socati;
So socati so vihaññati,
disvā kammakiliṭṭhamattano.”
15. “Sống khổ, chết cũng khổ,
Kẻ ác hai đường khổ,
Đã khổ càng thêm sầu,
Thấy nghiệp mình lem ố.”
Kệ Pháp Cú 15 nầy, Đức Tôn Sư thuyết ra khi Ngài ngự tại Tịnh xá Veḷuvana, đề cập đến ông đồ tể giết heo tên là Cunda.
Theo như khẩu truyền, ông đồ tể này đã từng sát hạt dòng heo suốt cả năm mươi lăm năm trường, để lấy thịt, lớp ăn, lớp bán mà nuôi mạng sống.
Gặp năm mất mùa đói kém, ông ta lấy xe bò chở lúa về miền đồng quê, dạo qua các làng để mua heo con, mỗi con trả giá một hoặc hai lon lúa là nhiều, ông ta trở về nhà với một xe heo đầy, thả heo vào chuồng lộ thiên phía sau nhà, nguyên là một miếng đất trống mà ông đã rào kín bốn mặt, ông cho heo ăn đủ thứ rau cỏ và cả đồ dơ, nuôi cho tới lớn.
Muốn làm thịt con heo nào, ông bắt trói thúc ké nó vào gốc cột, lấy cây đòn tay vuông đập khắp mình nó cho thịt mềm ra và nở phù ra cho nặng cân.
Xong rồi ông cạy răng, banh mỏ heo ra, nhét một khúc cây vào cáng miệng, không cho nó ngậm kín lại, đoạn ông lấy nước ấm đang sôi chế vào cổ họng heo.
Nước nóng chảy tuột vào bụng heo làm loãng phẩn trong ruột nó và lôi cuốn ra ngoài hậu môn, hễ ruột heo còn chút ít phẩn dơ thì nước chảy ra còn đục, bao giờ ruột tẩy thật sạch, nước chảy ra thật trong thì mới thôi.
Còn nước sôi trong ấm, ông chế luôn lên lưng heo, cạo cho vuột lớp da bên ngoài, ông lấy đuốc đốt râu heo, rồi dùng gươm bén chặt đầu nó ra, huyết heo chảy xuống, ông hứng vào chậu để dành rưới lên thịt khi quay heo.
Thịt chín rồi, ông ta ngồi vào bàn cùng ăn với vợ con, còn dư bao nhiêu ông để bán cho khách hàng.
Ông Cunda đã sanh sống bằng nghề đồ tể, tạo nghiệp sát sanh như vậy trong hơn năm mươi lăm năm qua.
Mặc dầu Đức Như Lai ngự trong ngôi chùa gần nhà, ông chớ hề nhìn ra ngày nào mà bước chân đến đó dâng cúng một nắm hoa, để bát chừng một vá cơm, hoặc làm chút ít công quả chi để bòn phước về sau.
Một hôm, thình lình ông phát bịnh nặng, tuy chưa bỏ xác, ông cũng bị ngọn lửa A tỳ thiêu đốt ngày đêm. Hỏa lực của địa ngục Vô gián nầy cũng có thể làm nổ mắt người nhìn, mặc dù đứng cách xa đến hằng trăm do tuần… Do đó có câu kệ:
“samantā yojanasataṃ;
Pharitvā tiṭṭhati sabhadāti.”
“Nóng xa hàng trăm do tuần
Lửa A tỳ cháy tưng bừng ngày đêm.”
(Để mô tả sức nóng dữ dội của lửa đại địa ngục hơn thứ lửa thường đến mức độ nào. Đại đức Nāgāsena đã từng đưa ra sự so sánh sau đây, để đáp lại câu hỏi của vua Milanda: Tâu đại vương! Nếu có một tảng đá to bằng cái nhà, rớt vào trung tâm hỏa ngục, thì chỉ trong giây lát là nó sẽ cháy tan ra tro bụi ngay. Vậy mà, do bởi nghiệp quả nặng nề, những kẻ làm ác đọa sanh chẳng khác nào bào thai ở trong bụng mẹ vậy).
Trong lúc bị thiêu đốt nóng nảy như thế, ông Cunda có những hành động kỳ dị khác thường, như tiếng heo la rồi ông xuống gối, bò hai chân ra phía trước nhà, rồi bò vô phía sau nhà, gia nhân quyến thuộc xúm nhau kềm và bụm miệng ông lại cũng không ngăn được ác nghiệp tới thời trả quả. Thế rồi họ cũng buông thả ông ta ra để mặc ông bò lê bò la lung tung trong nhà, la hét luôn mồm như heo bị cắt cổ vậy.
Ở xung quanh đó, cách xa độ bảy căn nhà, không ai có thể ngủ yên giấc với ông ta, cho đến người trong nhà ông cũng kinh hãi. Vì thấy ông là hiện thân của Tử thần nên không dám ở chung để săn sóc gìn giữ, họ tấn cánh cửa lại, nhốt một mình ông ta trong nhà, còn tất cả đều ra ngoài, luân phiên canh gác chung quanh nhà, để phòng ngừa ông có thể thoát ra.
Ông Cunda vẫn bò lê lết trong nhà, bị lửa địa ngục thiêu đốt nóng nảy, nên la hét như heo suốt trong bảy ngày đêm như thế… đến ngày thứ tám ông mới tắt hơi bỏ xác, đọa sanh vào địa ngục Vô gián.
Địa ngục Vô gián nầy, ta nên mô tả theo như trong quyển Thiên Sứ Kinh (Devadūtasuttanta).
Vài Tỳ khưu đi ngang qua nhà ông Cunda, nghe tiếng kêu la tưởng lầm là tiếng của heo kêu, nên về đến chùa, vào ngồi bên Đức Phật mà bạch rằng:
- Bạch Ngài Lão Cunda đóng bít cửa nhà lại để giết heo, kể hôm nay là bảy ngày rồi, chắc họ sắp làm tiệc lớn ăn mừng việc chi đấy, bạch Ngài! Thử nghĩ coi, ông ta đã sát hại biết bao nhiêu heo rồi, mà chẳng chịu nghỉ tay, thật quả vậy, ông ta không còn một chút tâm từ, tâm bi nào cả, thiết tưởng trên đời nầy không có một chúng sanh nào mà ác độc, hung bạo đến thế bao giờ.
Đức Bổn Sư giải rằng:
- Nầy các Tỳ khưu! Lão Cunda không có giết heo trong bảy ngày nay đâu. Vì nghiệp quả (Kammavipāka) đã chín mùi, nên ông bị lửa địa ngục A tỳ nổi lên thiêu đốt ngay còn sống, bị thọ khổ hình, ông ta nóng nảy la hét như heo và bò lê lết trong nhà suốt bảy ngày qua. Hôm nay mới bỏ xác, đọa sanh vào địa ngục A tỳ.
Chư Tăng bèn bạch rằng: “Bạch Ngài! Lão Cunda lúc sống đã chịu quả khổ như thế mà chết rồi còn phải đọa sanh vào khổ cảnh ác đạo nữa sao?”.
Đức Bổn Sư đáp:
- Đúng vậy, nầy các Tỳ khưu! Kẻ nào dễ duôi (Pamatto), mặc dầu còn tại gia hay đã xuất gia cũng đều chịu đau khổ trong hai cảnh giới như thế cả.
Rồi Ngài đọc tiếp bài kệ sau đây:
15. “Idha socati pecca socati,
pāpakāri ubhayattha socati;
So socati so vihaññati,
disvā kammakiliṭṭhamattano.”
15. “Những tay bạo ác hung đồ,
Dù cho thác xuống dưới mồ chưa yên.
Kiếp nầy đau khổ triền miên,
Kiếp sau vương vấn hận phiền không thôi.
Thấy mình ác nghiệp gieo rồi,
Cả trong hai kiếp ngậm ngùi ăn năn”.
*
CHÚ GIẢI:
Chữ Pāpakārī trong bài kệ trên đây chỉ kẻ tạo nghiệp ác bằng nhiều đường lối, đến khi lâm chung, hồi tưởng lại lúc mình sanh tiền, thấy rằng: “Quả thật ta chưa từng làm việc lành nào cả, ta chỉ có làm việc ác không mà thôi.”. Thế rồi, kẻ ấy ăn năn hối hận, âu sầu khổ não.
Đó là nghiệp khổ trong đời nầy (idha).
Còn quả khổ kế tiếp sau là: Sau khi chết rồi, kẻ ác tái sanh vào khổ cảnh, vào cảnh giới khác cũng còn phải chịu ảnh hưởng của sự buồn rầu, sầu khổ trong hiện kiếp ấy nữa.
Vì là kẻ ác phải chịu đau khổ trong hai cảnh giới như thế, nên lão Cunda đồ tể, đã khổ trong khi còn sống mà còn khổ thêm sau khi thác rồi nữa.
Disvā kammakiliṭṭhamattano (thấy nghiệp mình lem ố): Sau khi nhìn thấy tự mình đã tạo nghiệp xấu xa, nhơ nhớp thì kẻ ác sanh tâm buồn rầu, càng than van rên rĩ, lại càng ăn năn hối tiếc.
*
Sau bài kệ, có nhiều Tỳ khưu đắc Thánh quả, nhất là Tu Đà Hườn quả. Đại chúng thính pháp cũng đều được hưởng ít nhiều lợi ích.
x
Dịch Giả Cẩn Đề
Giết lợn nuôi mình với vợ con,
Năm lăm năm chẳn, nghiệp vuông tròn!
Một cơn nóng sảng mơ thành thú,
Bảy bữa rên la tưởng bị đòn!
Ngọn lửa A Tỳ cao ngất núi,
Tội ông đồ tể lớn tày non!
Ác lai ác báo mau cùng chậm,
Sống chết hai nơi khổ vẫn còn.
DỨT TÍCH ĐỒ TỂ CUNDA
15. Seeing one’s own impure action the evil doer grieves and is vexed here and hereafter.
15. Thấy nghiệp cấu uế của mình, người ác hạnh ưu phiền, khổ não ở đời này và đời sau.
15. Idha socati pecca socati,
pāpakāri ubhayattha socati;
So socati so vihaññati,
disvā kammakiliṭṭhamattano. (1:15)
15. Here one grieves, one grieves hereafter,
in both wise does the evil-doer grieve;
one grieves and is afflicted,
one’s own base kammas seeing.
I. 11 – Tích THIỆN NAM SÙNG ĐẠO DHAMMIKA
(Dhammika upāsaka vatthu)
KỆ NGÔN: (Pháp Cú câu 16)
16. “Idha modati pecca modati,
katapuñño ubhayattha modati;
So modati so pamodati,
disvā kammavisuddhimattano.”
16. “Sống vui thác cũng vui,
Người thiện hai đời vui,
Đã vui càng hoan hỷ,
Thấy nghiệp mình sạch rồi.”
Kệ Pháp Cú (16), Đức Phật thuyết ra khi Ngài ngự tại Jetavana (Kỳ Viên), đề cập đến ông thiện sự nam sùng đạo Dhammika.
Tương truyền rằng: Thuở ấy, tại thành Sāvatthī (Xá Vệ), có đến năm trăm ông thiện nam, toàn là những nhà hâm mộ tôn sùng Phật Pháp, mỗi ông sùng đạo nầy quy tụ được năm trăm cư sĩ trong mỗi nhóm của mình.
Vị thủ lãnh của tất cả các nhóm cư sĩ có được mười bốn người con, bảy trai và bảy gái. Mỗi người con ông đều rất trong sạch trong sự hộ độ Tăng, thường xuyên để bát bằng cách rút thăm, để dâng cháo, cơm, vật thực đến Tăng (Salākabhatta), để bát một ngày nào trong mỗi kỳ nửa tháng (pakkhikabhattaṃ), làm lễ Trai Tăng đang nhập hạ tại chùa (vassavāsikaṃ).
Ông Dhammika với vợ và mười bốn người con mà ông mệnh danh là đoàn hậu sanh của ông, hiệp nhau thành mười sáu người thiện tín đắc lực, thay phiên nhau chăm lo cúng dường thực phẩm đến Tăng.
Ông đứng ra làm gương mẫu giới đức cho cả gia đình ông và tất cả thiện tín, và ông hoan hỷ thỏa thích trong sự cúng dường Tăng Bảo luôn luôn như vậy.
Một thời gian sau, ông Dhammika nhuốm bịnh và sức lực suy giảm rất nhiều.
Biết mình kiệt quệ, ông muốn được nghe kinh, nên bảo người nhà đến đảnh lễ Đức Thế Tôn và xin cho tám hoặc mười sáu vị Tỳ khưu rành rẽ về kinh tụng.
Đức Bổn Sư ra lịnh cho các Tỳ khưu đến nhà ông.
Chư Tăng đến nơi, ngồi lên những chỗ đã dọn sẵn hai bên giường bịnh của ông.
- Bạch Đại đức Tăng! – Ông cố gắng nói, – vì con yếu quá không thể đảnh lễ chư Tăng được, xin các Ngài từ bi hoan hỷ tụng bố thí cho con một bài kinh.
Chư Tăng hỏi: “Ông thiện nam muốn nghe kinh gì?”.
- Bạch! Xin các Ngài tụng Niệm Xứ Kinh (Satipaṭṭhāna sutta).
Nghe vậy chư Tăng bắt đầu tụng:
“Ekayāno ayaṃ, bhikkhave, maggo sattānaṃ visuddhiyāti…”.
“Chỉ có con đường nầy, các Tỳ khưu! Là lối đi duy nhất, dắt dẫn chúng sanh đến nơi hoàn toàn thanh tịnh…”.
Ngay khi ấy, từ sáu cung trời Dục giới (Tứ Đại Thiên, Đao Lợi, Dạ Ma, Đâu Suất, Hóa Lạc và Tha Hóa Tự Tại Thiên), có sáu chiếc thiên xa chạy xuống, mỗi chiếc dài năm mươi do tuần, trang bị đầy đủ bằng mọi thứ mỹ phẩm xuê xang lộng lẫy, do một ngàn con tuấn mã kéo đi. Mỗi vị chư Thiên đứng trên thiên xa đồng thanh nói với Dhammika: “Tôi xin mạn phép rước ông về thiên cung của chúng tôi…”.
Ông Dhammika chưa kịp trả lời, chư Thiên đã nói rằng:
- Ông ơi! Ví như cái bát đất đã bể mà đổi được cái bát bằng vàng, ai sanh về thiên cung của chúng tôi sẽ được hưởng muôn ngàn lạc thú, xin ông hãy về với chúng tôi.
Ông thiện nam Dhammika đang nằm nghe kinh, không muốn dứt đoạn nửa chừng, nên bảo chư Thiên: “Thôi đi, khoan đã…”.
Các thầy Tỳ khưu nghe vậy, ngỡ là ông nói với mình, bèn thôi không tụng kinh nữa.
Khi ấy các con trai của ông, phát khóc lên ầm ĩ, kể lể rằng:
- Trước kia phụ thân ta nghe kinh không bao giờ chấn động, sao hôm nay bảo thỉnh chư Tăng đến tụng, rồi lại bảo “Thôi đi” như vậy. Ôi! Đến phút lâm chung đối diện với Tử thần chắc không chúng sanh nào không hãi hùng kinh sợ.
Chư Tăng thấy tình cảnh ấy cũng nhắc bảo nhau không tụng kinh nữa thì ra về, nói rồi đồng đứng dậy cáo từ ra đi.
Một lúc sau ông Dhammika hồi tỉnh, nghe tiếng con khóc mới hỏi rằng:
- Sao các con lại khóc?
- Thưa cha! Cha đã bảo thỉnh chư Tăng đến tụng kinh cho cha nghe, thế mà khi chư Tăng đang tụng thì cha lại ngăn cản bảo thôi đi, các con khóc vì nghĩ rằng: “Không có chúng sanh nào mà không sợ mặt Tử thần.”.
- Thế chư Tăng bây giờ đâu rồi?
- Các Ngài nói: “Không tụng kinh nữa thì ta về” và đã đi về hết rồi cha ạ.
- Nầy các con! Không phải cha nói lời ấy với chư Tăng đâu!
- Thế thì cha nói với ai vậy? Thưa cha.
- Có sáu vị chư Thiên từ sáu cõi trời đưa đến sáu chiếc thiên xa, trang trí lộng lẫy, đậu ngay giữa hư không, họ đứng trên xe cất tiếng hỏi cha: “Mời Ngài hoan hỷ về cõi chư Thiên với chúng tôi.”. Cha bảo “Thôi đi.” là nói với chư Thiên ấy.
- Thưa cha! Nhưng thiên xa nào đâu, chúng con không thấy.
- Hiện ở nơi đây, ta có vòng hoa nào không?
- Thưa cha có.
- Trong các cõi trời, cõi nào là an lạc nhất hở các con?
- Thưa cha! Cõi trời an lạc nhất là cõi Đâu Suất thiên (Tusitabhavanaṃ) là nơi tịnh cư của tất cả chư Bồ Tát và của phụ mẫu chư vị Đại Giác trong kiếp thành đạo ở thế gian.
- Vậy thì các con hãy lấy vòng hoa liệng lên hư không và nguyện: “Xin vòng hoa nầy dính trên chiếc thiên xa của cõi trời Đâu Suất”.
Các con ông Dhammika y lời, ném một vòng hoa dính vào gọng xe là lơ lửng giữa hư không.
Tất cả mọi người túc trực nơi đó đều thấy vòng hoa lơ lửng giữa hư không mà không ai thấy chiếc thiên xa cả.
Ông thiện nam hỏi:
- Các con có thấy vòng hoa không?
- Dạ! Thưa thấy.
- Vòng hoa dính trên chiếc thiên xa từ cõi Đâu Suất đưa xuống, cha nay sắp về thiên cảnh ấy, vậy các con chớ nên bi thảm, nếu muốn tái sanh về đó để phụ tử được trùng phùng thì các con nên noi gương cha mà tạo nhiều phước báu ở cõi trần gian nầy đi vậy.
Dứt lời, ông Dhammika từ giã cõi đời, bước lên thiên xa về cung Đâu Suất. Liền đó, ông hóa thành vị chư Thiên bề cao ba phần tư do tuần, khắp mình đeo giắt những món trang sức, có thể chất đầy sáu mươi cỗ xe bò, có hàng ngọc nữ theo hầu và được một tòa Kim ốc phát sanh lên rõ rệt.
Nói về chư Tăng, khi vào đến Tịnh xá, vào đảnh lễ, phục lịnh Đức Bổn Sư, Ngài phán hỏi:
- Nầy các Tỳ khưu! Ông cận sự nam có nghe các ông tụng kinh không?
- Bạch Ngài! Có, nhưng đến nửa bài kinh thì ông ấy lên tiếng bảo thôi, rồi đàn con ông phát khóc ầm lên. Chúng con thấy ở nán lại cũng không làm gì nên đứng dậy ra về.
- Nầy các Tỳ khưu! Không phải ông Dhammika đã nói các lời ấy với các ông đâu. Có những chư Thiên từ trên sáu cõi trời đưa sáu chiếc thiên xa trang trí lộng lẫy và thỉnh ông lên xe về thiên cảnh, ông ấy không muốn nghe dở bài kinh đang tụng, nên đã thốt lời ấy với chư Thiên.
- Bạch Ngài, có vậy mà chúng con không biết.
- Quả thực vậy đó, các Tỳ khưu.
- Bạch Ngài! Bây giờ ông ấy đang thọ sanh về đâu?
- Nầy các Tỳ khưu! Hiện giờ ông ấy ở cõi Đâu Suất thiên.
- Bạch Ngài! Lúc ông ấy còn sanh tiền, đã vui sống giữa thân bằng quyến thuộc, bây giờ chết rồi lại được thọ sanh vào nhàn cảnh để hưởng thêm hạnh phúc nữa sao?
- Đúng vậy, nầy các Tỳ khưu! Những người không dễ duôi (appamattā) dầu còn tại gia hay đã xuất gia, cũng đều hưởng được sự yên vui trong hai cảnh giới. Lúc sống và sau khi chết rồi cũng đều như thế cả.
Đến đây, Đức Bổn Sư nói lên kệ ngôn rằng:
16. “Idha modati pecca modati,
katapuñño ubhayattha modati;
So modati so pamodati,
disvā kammavisuddhimattano.”
16. “Những người đã sẵn thiện căn,
Kiếp nầy, kiếp nữa, lòng hằng an vui.
Thấy mình phúc nghiệp gieo rồi,
Cả trong hai kiếp đều vui sướng hoài.”
*
CHÚ GIẢI:
Trong câu kệ Phạn ngữ, chữ Katapuñña chỉ cho người tạo thiện nghiệp bằng nhiều đường lối, khi lâm chung xét thấy rằng: Quả thật, ta chưa từng làm việc quấy ác, ta chỉ làm những việc thuần thiện mà thôi… Nhờ đó mà y được an vui với nghiệp lành trong đời hiện tại.
Sau khi chết, y cũng còn nhờ ảnh hưởng của quả lành, tiếp tục theo mà được an vui kiếp sau nữa, nên mới gọi là hai đời vui (ubhayattha modati).
Kammavisuddhiṃ: Nghiệp sạch, như cận sự nam Dhammika. Sau khi xét thấy tự mình đã tạo nhiều nghiệp trong sạch (thuần thiện), tự mình đầy đủ phước nghiệp (kammapuñña) rồi, đến khi lâm chung cũng được hưởng sự an vui trong kiếp hiện tại và sau khi mệnh chung lại được thọ sanh vào cảnh giới khác lại càng hưởng nhiều thiên phúc lạc hơn nữa.
*
Sau bài kệ nầy, chư Tỳ khưu đắc Thánh quả, nhất là Tu Đà Hườn quả. Đại chúng thính pháp cũng được hưởng ít nhiều lợi ích.
x
Dịch Giả Cẩn Đề
Suốt cả đời tu, chưởng phước điền,
Chánh tâm sùng đạo, cảm chư Thiên,
Sáu xe túc trực, chờ tôn khách,
Ngàn ngựa bôn phi đón đại hiền?
Tăng tụng kinh dài, ai khiến nghỉ?
Con lo bố khổ, dạ sao yên?
Trấn an, may có vòng hoa lạ,
Lơ lửng trên không việc nhãn tiền.
DỨT CHUYỆN CẬN SỰ NAM DHAMMIKA
16. Seeing the purity of one’s own action the doer of good continues to rejoice in both worlds.
16. Thấy nghiệp thanh tịnh của mình, người thiện hạnh hân hoan mãi ở đời này và đời sau.
16. Idha modati pecca modati,
katapuñño ubhayattha modati;
So modati so pamodati,
disvā kammavisuddhimattano. (1:16)
16. Here one joys, one joys hereafter,
in both wise does the merit-maker joy;
one joys and one rejoices,
one’s own pure kammas seeing.
(Devadatta vatthu)
KỆ NGÔN: (Pháp Cú câu 17)
17. “Idha tappati pecca tappati,
pāpakārī ubhayattha tappati;
“Pāpaṃ me kata”nti tappati,
bhiyyo tappati duggatiṃ gatoti.”
17. “Sống than, chết cũng than,
Kẻ ác hai đời than.
Than “mình lỡ tạo ác”,
Càng than khi đọa lạc.”
Kệ Pháp Cú 17 này, Đức Bổn Sư đã thuyết ra khi Ngài ngự tại Jetavana, đề cập đến Devadatta.
Tiểu sử của Devadatta từ khi xuất gia đến ngày bị đất rút, tất cả Kinh Bổn Sanh (Jātakāni) đều có tường thuật đầy đủ chi tiết.
Dưới đây chỉ là một sự tích tóm lược mà thôi.
Thuở ấy, nhằm lúc Đức Bổn Sư ngự an trong vườn xoài của ông Anupiya, trong thị trấn Mallā (Nigama mallāna) thuộc địa phận xứ Anupiya.
Khi ấy, tám muôn quyến thuộc của Ngài hội nhau lại thảo luận với nhau rằng:
- Từ khi thầy tướng tiên đoán Đức Như Lai sau nầy sẽ thành bậc Đại Giác hoặc sẽ tước vị Đế Vương, chúng ta đã hứa lời sẽ cho con cháu của chúng ta trong tông tộc Sát Đế Lỵ (Khattiya) đi theo để hầu hạ Ngài. Vậy bây giờ ta nên giữ lời hứa đó.
Thế rồi, hoàng tộc Thích Ca cho tám muôn vị Thái tử xuất gia theo Phật, trừ ra sáu vị là đức vua Bhaddiya và các vương tử Anuruddha, Ānanda, Bhagu, Kimbila và Devadatta còn ở lại nhà.
Vì thế trong hoàng tộc Thích Ca, có người lại đưa sự kiện nầy ra hội thảo và kêu nài rằng:
- Tất cả chúng ta đều có cho con mình xuất gia đúng theo lời hứa, còn sáu họ Thích nầy không phải là thân tộc của chúng ta hay sao, mà không cho con xuất gia.
Nghe vậy, Thái tử Mahānāma (Đại Danh) đến nói với em mình là Anuruddha rằng:
- Nầy em! Trong gia đình ta chưa có người nào xuất gia, vậy bây giờ em đi hay là để anh đi xuất gia đây?
Hoàng tử Anuruddha tử nhỏ tới giờ chỉ quen sống trên nhung lụa, an hưởng cuộc đời vương giả cao sang phú túc, chưa hề nghe đến tiếng “không có” bao giờ.
Cho đến một hôm nọ, sáu Vương tử trên đây ráp nhau chơi đánh cầu (Vulalīla), Anuruddha bị thua cuộc phải chịu đãi bánh, nên cho thị giả về nhà xin bánh.
Chơi đi chơi lại, ván nào cũng thua, Anuruddha cho người về xin bánh mãi, bà mẹ sắp bánh gởi đến được ba lần, đến lần thứ tư bà chỉ nhắn lời nói: “Bánh không có”. Ông hoàng trẻ tuổi chưa từng nghe tiếng không có cho nên ngẫm nghĩ: “Đó là thứ bánh gì vậy há?”, đoạn ông bảo tùng giả hãy cứ đi về lấy Bánh Không Có đem đến vậy.
Người nầy y lời về bẩm lại: “Tâu lịnh bà! Xin bà hãy gởi Bánh Không Có đến cho điện hạ.”. Nghe vậy, bà mẹ suy nghĩ: “Con ta chưa hề nghe tiếng “không có” bao giờ. Vậy nhân đây ta phải áp dụng cách nầy, dạy cho nó biết.”.
Thế rồi, bà lấy một cái đĩa bằng vàng, đậy úp trên một cái đĩa không nữa cũng bằng vàng và trao cho người hầu đem đi. Lúc đó chư Thiên ngự trong thành ấy, nghĩ rằng: “Thái tử Anuruddha đã từng nhịn ăn phần ăn của mình trong một mùa đói kém để cúng dường một vị tối thượng Độc Giác Phật thời quá khứ và đã phát nguyện: “Xin cho tôi đừng bao giờ nghe đến tiếng không có. Xin cho tôi đừng bao giờ bận tâm biết đến vấn đề lương thực.”. Hôm nay, nếu để cho Thái tử thấy cái đĩa không thì chúng ta còn mặt mũi nào về dự Đại hội chư Thiên và có lẽ đầu chúng ta sẽ nứt ra làm bảy mảnh.”.
Nghĩ rồi, chư Thiên lấy những bánh trời đặt vào đầy đủ đĩa cho Thái tử Anuruddha.
Khi vị tùng giả mang đĩa đến chỗ sân đánh cầu, Thái tử đến giở ra, thì mùi bánh thơm ngon sực nức bay lan khắp cả châu thành. Thái tử cắn thử một miếng ngậm vào miệng, nghe hương vị thanh thoát lạ thường, không thể tả sao cho xiết.
Khi ấy Thái tử Anuruddha nghĩ rằng: “Từ trước mẹ ta không yêu ta, nên chưa có lần nào người làm thứ bánh Không Có nầy cho ta ăn. Kể từ đây về sau, ta nhứt định không thèm dùng thứ bánh nào khác nữa.”.
Thái tử đi ngay về nhà, bảo mẹ rằng:
- Thưa mẹ! Mẹ có yêu con hay không?
- Mẹ có yêu quí con, ví như người chột mắt quí con mắt sáng của mình, hay như mọi người yêu quí quả tim của mình vậy con à.
- Thế sao hồi đó tới giờ, chưa có lần nào mẹ làm thứ bánh Không Có cho con ăn hở mẹ?
Bà mẹ quay lại hỏi người hầu Thái tử:
- Nầy con! Con thấy trong đĩa có chút gì không?
- Tâu lịnh bà! Đĩa đầy bánh, toàn là thứ bánh lạ từ trước tới giờ con chưa được thấy.
Bà mẹ lẩm bẩm: “Con ta quả thật là một bậc đại phước, đại lộc, đã tạo nhân lành từ đời kiếp trước, cho nên chư Thiên mới để bánh đầy đĩa gởi đến cho nó như thế.”.
Ông hoàng con lại nũng nịu, nói với mẹ rằng:
- Thưa mẹ, từ rày về sau con nhứt định không ăn thứ bánh gì khác hết, mẹ phải làm ròng một thứ bánh Không Có cho con ăn nghe mẹ.
Kể từ ngày ấy, mỗi khi Anuruddha đòi ăn bánh thì bà mẹ lại y như trước, lấy cái đĩa không đậy úp lên một cái đĩa không khác, rồi gởi lên cho con.
Trong suốt thời gian Thái tử còn ở trong gia đình, chư Thiên vẫn hằng cung cấp bánh trời cho Thái tử như thế mãi. Vì không bận tâm lo nghĩ đến những nhu cầu về vật chất cho nên dầu là một vấn đề thông thường, Thái tử cũng không biết rõ, nói chi đến chuyện xuất gia.
Khi nghe Thái tử Mahānāma hỏi, Anuruddha không đáp lời anh, mà còn hỏi lại:
- Xuất gia nghĩa là đi làm gì vậy hoàng huynh?
Thái tử giải thích sơ lược rằng: “Cạo bỏ râu tóc, khoác bộ y vàng, nằm ván cứng giường thô, đi trì bình khất thực, sống một đời sống không gia đình, như thế gọi là xuất gia vậy.”.
Nghe vậy, Thái tử Anuruddha đáp:
- Vậy thì hoàng huynh ơi! Em chỉ quen sống an nhàn dục lạc, em không xuất gia hành đạo được đâu.
- Vậy thì em hãy ráng học tập công nghệ (Kammantā) rồi ở lại nhà, để anh đi xuất gia cho gia đình ta khỏi thất hứa.
Hoàng tử Anuruddha lại hỏi:
- Hoàng huynh! Anh vừa nói đến hai tiếng công nghệ, thế nghĩa là gì vậy hoàng huynh?
Lệ thường, các con nhà quyền quý, không ai léo hánh đến các chỗ nấu ăn, mó tay vào việc cơm nước, bếp núc bao giờ, có đâu mà biết quán xuyến công nghệ gia đình cho được.
Cho đến vật thực hằng ngày, các vị vương tử cũng không biết xuất xứ từ đâu. Cho nên, có một hôm giữa ba vị Hoàng tử có một câu hỏi sau đây được nêu lên: “Đố biết vật thực ta ăn, từ đâu mà có?”.
Kimbila bảo: “Từ nhà kho mang lại.”. Bhaddiya vội cãi: “Biểu đệ không biết nên nói sai rồi, vật thực nầy trong nồi múc ra.”. Anuruddha nhất định nói rằng: “Cả hai biểu huynh đều nói trật hết. Vật thực nầy là do dĩa ngọc chén vàng phát sanh ra.”.
Theo tục truyền, sở dĩ ba Thái tử giải thích khác nhau, đó là vì mỗi vị chấp theo quan kiến của mình.
Kimbila thường xuyên thấy người ta vào kho, lấy lúa đem ra xay, cho nên mới cho là vật thực từ kho mang lại.
Bhaddiya có lúc thấy người ta bới cơm từ trong nồi ra, cứ tưởng là vật thực từ trong nồi múc ra.
Còn Anuruddha chưa từng thấy ai xay lúa, nấu cơm rồi bới ra, chỉ thấy vật thực đã dọn sẵn trên chén dĩa trong giờ ăn, nên quả quyết rằng: “Vật thực phát sanh từ nơi chén dĩa”.
Thật ra, ba vị con nhà quí tộc nầy cũng chưa biết rõ vật thực xuất xứ từ đâu.
Do đó, Hoàng tử Anuruddha mới hỏi lại anh mình câu hỏi:
- Tiếng công nghệ nghĩa là chi vậy hoàng huynh?
Thái tử Mahānāma giải thích rằng: “Từ đầu mùa lo dọn đất nhất là cày bừa ruộng nương rồi lo trồng trọt lúa, bắp, đậu, mè… Kế đến cuối mùa thì lo gặt hái phơi, nhập vào kho tích trữ… Mỗi năm, năm nào cũng phải làm đi làm lại bấy nhiêu công việc đồng áng như vậy.”.
Nghe vừa dứt lời, Anuruddha nói thầm rằng: “Chà! Công việc gia đình làm biết bao giờ mới hết và biết đến bao giờ ta mới được rảnh rang để toại hưởng phú quí vinh hoa.”.
Sau khi nêu rõ lý do là: “Công việc gia đình làm mãi cũng không rồi.” Hoàng tử cương quyết thưa với anh:
- Thôi hoàng huynh cứ ở lại nhà mà lo công nghệ gia đình, còn em không thích làm những việc ấy đâu!
Nói rồi, Hoàng tử đi tìm thân mẫu và thưa rằng:
- Thưa mẹ! Xin phép mẹ cho con đi xuất gia.
Anuruddha đến xin ba lần, bà mẹ cũng không cho phép. Sau cùng bà đưa ra điều kiện nầy: “Nếu bạn con là vua Bhaddiya cùng đi xuất gia với con thì mẹ chấp thuận ngay.”.
Nghe vậy, Anuruddha đến gặp bạn mình và để thưa rằng:
- Tâu hoàng huynh! Tiểu đệ vì kẹt có hoàng huynh mà chậm trễ đi xuất gia.
Hoàng tử cứ đeo theo năn nỉ và đưa ra nhiều lý do để thúc đẩy, giục nhà vua. Nên sau cùng đức vua Bhaddiya hẹn trong bảy hôm nữa sẽ đi xuất gia một lượt.
Rồi đó, đức vua Bhaddiya trong dòng họ Sakya (Thích Ca) hiệp với Anuruddha, Ānanda, Bhagu, Kimbila và Devadatta. Tất cả là sáu vị Sát Đế Lỵ cùng với ông thợ cạo Upāli nữa là bảy người. Trong bảy ngày liên tiếp chung nhau tận hưởng mọi lạc thú vinh sang trong đời, như những chư Thiên nơi miền Cực lạc.
Đến ngày khởi hành, bảy vị xuất gia được quân binh hộ giá rầm rộ tiến lên, y như các đấng quân vương ngự du trong vườn Thượng Uyển, đi đến biên thùy, bảy vị ấy ra lịnh cho đoàn quân hộ tống trở về, rồi cùng nhau lần lượt vượt qua giới tuyến, đi sang địa phận quốc gia khác.
Nơi đây, sáu vị Hoàng tử cởi bỏ hết trang sức đeo trên mình ra, bỏ thành một đống, kêu ông thợ cạo và bảo: “Nầy Upāli! Bạn hãy thu hết của nầy và trở lại xứ nhà, bây nhiêu đây chắc cũng đủ cho bạn sống một cuộc đời bạn được.”.
Ông Upāli sụp lạy tạ các vị hoàng gia, khóc lóc bịn rịn. Vì không dám cãi lịnh các chủ cũ, ông buộc lòng đứng dậy, xách gói bảo vật quảy lên vai, rồi quay chân trở lại.
Sáu vị vương giả đứng nhìn theo bóng ông thợ cạo trở về cố quốc, ai ai cũng đều lưu luyến ngậm ngùi, thật là:
Não nùng thay cảnh chia phôi,
Rừng cây ủ dột, núi đồi tang thương.
Trên nẻo đường về, ông vừa đi chậm vừa suy nghĩ rằng:
“Dòng Thích Ca xưa nay vẫn có tiếng là hung hãn (Caṇḍa), nếu họ tưởng lầm ta hạ sát các Hoàng tử nầy mà đoạt của báu thì thế nào họ cũng giết ta bỏ mạng, vả lại các vương gia Thích Tử nầy đã vứt bỏ những đồ trang sức quí giá của họ, như là nhổ cục nước miếng, để được rảnh rang đi tu, thì ta dại gì chẳng noi theo gương ấy.”.
Nghĩ vậy, ông cởi đồ trang sức đang quảy trên vai ấy, đem treo lên trên một nhánh cây và nói: “Ai cần dùng thì cứ lấy.” rồi ông hối hả chạy theo các vị đi xuất gia.
Thấy ông chạy theo, các vị ấy ngừng lại hỏi:
- Sao ông còn trở lại?
Ông Upāli bèn tỏ thật cảm nghĩ và quyết định của mình. Các vị Hoàng tử bèn dắt luôn ông đi theo, đến đảnh lễ Đức Thế Tôn và bạch rằng: “Bạch Ngài, dòng họ Thích Ca của chúng ta vẫn thường có tính ngã mạn. Người nầy đã từng phục dịch chúng ta lâu năm, xin Ngài hãy cho ông ta xuất gia trước nhất, để chúng tôi cung kính lễ bái ông theo bậc Sư huynh, ngõ hầu phá bỏ cái tánh ngã mạn của chúng tôi.”.
Tiếp theo lời thỉnh cầu ấy, Đức Bổn Sư cho ông Upāli xuất gia đầu tiên, rồi lần lượt đến phiên sáu vị Hoàng tử.
Trong nhóm Tỳ khưu mới nầy, Đại đức Bhaddiya đắc Tam Minh (Tevijjā) trong mùa hạ đầu, Đại đức Anuruddha trước đắc Thiên Nhãn Thông (Dibbacakkhu), rồi sau đó đắc A La Hán do nhờ nghe bài Kinh Mahāpurisa vitakka, Đại đức Ānanda đắc quả Tu Đà Hườn, hai vị Đại đức Bhagu và Kimbila trong thời gian sau nhờ tinh cần hành thiền Minh Sát (Vipassanā) cũng đều đắc quả A La Hán, Devadatta thì đắc Thần thông phàm (Puthujjhanikaṃ iddhiṃ).
Sau đó một thời gian, khi Đức Bổn Sư ngự tại thành Kosambi thì có rất nhiều lợi lộc phát sanh đến Đức Như Lai và Thánh chúng. Hằng ngày thiện tín nườm nượp đến chùa, đem theo lễ vật trọng thể đến để cúng dường và hỏi thăm Đức Thế Tôn ngự nơi đâu? Đức Sārīputta ở đâu? Đại đức Mahā Kassapa ở đâu?
Họ vừa đi vòng quanh nhìn vào chỗ tám mươi vị Thinh Văn và luôn miệng hỏi thăm Đại đức Bhaddiya ở đâu? Đại đức Anuruddha ở đâu? Đại đức Kimbila ở đâu?
Các Tỳ khưu, vị nào cũng được mọi người săn đón, nhưng không ai nghe hỏi về Đại đức Devadatta ngồi ở đâu? Hoặc đứng tại đâu cả?
Thấy không ai lưu ý đến mình, Đại đức tự ti mặc cảm, nghĩ thầm rằng: “Ta cũng đồng xuất gia một lượt với những Tỳ khưu ấy, họ là dòng dõi Sát Đế Lỵ xuất gia, thế sao họ được người đời săn đón trọng hậu, còn ta thì không có ma nào động đến tên! Bây giờ ta biết ai là người mà ta có thể làm cho phát tâm trong sạch để họ cúng dường đến ta?”.
Khi ấy, Đại đức Devadatta tính thầm: “Với Bimbisāra đã đắc Tu Đà Hườn một lượt với mười một muôn vị tùy gia trong buổi sơ ngộ với Đức Thầy. Ta không thể hiệp tác được với vua Kosala, ta cũng không thể liên kết. Chỉ còn Thái tử Ajātasattu (A Xà Thế), con của vị chúa tể một quốc gia cường thạnh mới là người mà ta thu phục để làm bạn tri kỷ vậy.”.
Sau khi quyết định như vậy, Devadatta rời Kosambi đi đến thành Rājagaha (Vương Xá), tự biến hình thành một thanh niên, khắp mình quấn đầy những con độc xà, hai con làm vòng tay, hai con làm kiềng chân, một con làm kiềng cổ, một con đội trên đầu, một con vắt vào bên vai.
Đại đức từ trên hư không đáp xuống, với cách trang bị bằng rắn như thế, ngồi trên bắp vế của Thái tử Ajātasattu.
Thái tử giật mình kinh hãi, kêu lên rồi hỏi rằng:
- Ngươi là ai?
- Ta là Devadatta.
Nói rồi, để cho Thái tử hết sợ, Đại đức liền hiện nguyên hình là một vị Tỳ khưu có đầy đủ tam y nhất bát đứng ngay trước mặt Thái tử, làm cho Thái tử phát tâm trong sạch, từ đó bắt đầu cúng dường lễ vật đầy đủ mọi thứ.
Khi được cúng dường trọng hậu rồi, Đại đức Devadatta cũng chưa toại nguyện, Đại đức còn mong rằng: “Ta sẽ đứng ra lãnh đạo Tăng chúng” tà niệm vừa phát khởi trong tâm thì các pháp thần thông (iddhi) cùng với Tứ Thần Túc (catuppāda) của Devadatta tự nhiên biến mất.
Đại đức Devadatta trở về Veḷuvana, đến chỗ cư ngụ của Đức Bổn Sư, nhằm lúc Ngài đang thuyết pháp, có đức vua cùng hàng tứ chúng ngồi nghe, Đại đức đảnh lễ Đức Bổn Sư rồi đứng dậy chắp tay thỉnh cầu rằng: “Bạch Thế Tôn! Hiện nay Ngài đã già nua, niên kỷ cao tường rồi, không còn hoạt bát như xưa. Vậy Ngài cũng nên nhàn cư tịnh lạc cho yên thân, tôi nguyện sẽ đứng ra lãnh đạo chư Tăng, xin Ngài giao cho tôi lèo lái con thuyền Giáo hội.”.
Nghe qua mấy lời đường đột khiếm nhã ấy, Đức Thế Tôn không thể nào chấp nhận được.
Bất mãn vì bị từ chối, Devadatta bỏ ra đi, tuy ngoài miệng làm thinh, nhưng trong thâm tâm đã buộc oan trái với Đức Như Lai kể từ khi ấy.
Liền đó, vâng lệnh Đức Thế Tôn, chư Tăng nhóm tất cả thiện tín trong thành Rajāgaha và đọc tuyên ngôn không thừa nhận Đại đức Devadatta là người của Giáo hội Tăng Già nầy nữa. Hay tin nầy, Devadatta nói rằng: “Kể từ giờ phút nầy, ta đã bị Sa môn Gotama sa thải rồi, ta phải lập tâm báo thù, rửa cái nhục nầy mới được.”.
Nói rồi, Devadatta đến hội kiến với Thái tử Ajātasattu, kiếm cách dẫn dụ rằng: “Tâu điện hạ, đời xưa con người trường thọ nhưng đời nay chẳng ai sống được lâu, chẳng lẽ điện hạ ở mãi cái địa vị làm ông hoàng con cho đến khi xuống lỗ. Vậy tốt hơn điện hạ nên lo thí phụ vương mà soán đoạt ngôi trời, còn ta thì sẽ lo hạ sát Đức Thế Tôn mà tranh giành quả Phật.”.
Sau khi dụ hoặc được Thái tử Ajātasattu, Devadatta thuê bốn người nam bản xứ đi hành thích Đức Như Lai, nhưng họ đã đắc quả Tu Đà Hườn và họ trở về không.
Thấy mưu sự bất thành, Devadatta tự mình leo lên núi Gijjhakūṭa (Linh Thứu) lăn đá xuống, cố ý đoạt mạng Đức Thế Tôn, nhưng chỉ làm cho người trầy da chảy máu.
Chưa hả giận, Devadatta lại lừa dịp, phóng thích thớt tượng Nāḷāgiri để cho nó đến chà đạp Đức Thế Tôn. Thấy tượng hung hăng chạy lại, Đại đức Ānanda đứng ra cản đường, quyết liều mạng mình mà cứu Đức Bổn Sư, nhưng Đức Giáo Chủ chỉ rải lòng từ (mettā) thu phục được voi dữ, ngự ra khỏi thành và trở về Tịnh xá bình yên vô sự.
Ngày ấy, hàng ngàn thiện tín câu hội tổ chức đại lễ Trai Tăng, sau đó trước sự hiện diện của hầu hết dân cư trong thành Rājagaha, độ cho tám muôn bốn ngàn chúng sanh giác ngộ Chánh Pháp (dhammābhisamayo).
Chư Tăng đều ca tụng lòng dũng cảm của Đại đức Ānanda đã dám liều mình cản đường một con voi dữ đang nổi cơn điên để che chở Đức Bổn Sư.
Nghe vậy, Đức Thế Tôn dạy rằng: “Nầy các Tỳ khưu, đây không phải là lần đầu tiên. Ānanda dám liều mình vì Như Lai đâu.”. Theo lời thỉnh cầu của chư Tăng, Đức Thế Tôn bèn dẫn lại điển tích nói về hai con thiên nga với con cua (Cullahaṃsamahāhaṃ sakakkaṭaka).
Cơ mưu của Devadatta mong lòng hại Phật, cả ba lần đều bị thất bại cả ba, nhưng hai lần trước là thuê người ám toán và lăn đá phi tang đều còn âm thầm, chỉ còn có sự phóng thích voi điên là quá lộ liễu, nên đã làm chấn động tất cả quần chúng và thấu đến tai đức vua.
Thiên hạ đồn đãi rùm lên: “Nào là Devadatta thuê người hành thích Phật, lăn đá đè Phật, bây giờ còn manh tâm thả voi Nāḷāgiri ra để hãm hại Đức Phật nữa. Tội ác tày trời như thế phải đưa ra quốc vương xử trị mới được.”.
Đức vua nghe dân chúng dị nghị quá, bèn ra lịnh chấm dứt sự cúng dường năm trăm nồi cháo sữa và từ đó tuyệt giao, không hộ độ cho Devadatta nữa. Đã vậy, những nhà thiện tín trong thành cũng nghỉ luôn, không ai còn để bát cho ông ta.
Không kham nhẫn với sự thiếu thốn lợi lộc, Devadatta vì mưu đồ sinh kế, lại giở trò quỉ quyệt đến đảnh lễ Đức Bổn Sư và xin quyết năm điều.
Đức Thế Tôn phán rằng: “Thôi đi ông hỡi! Devadatta, Tỳ khưu nào muốn ở trong rừng thì cứ ở rừng, Tỳ khưu nào muốn ở xóm thì cứ ở trong xóm.”.
Chụp ngay lấy cớ Đức Bổn Sư không chấp thuận năm điều thỉnh nguyện của mình, Devadatta rêu rao lên rằng: “Các đạo hữu ơi! Giữa Như Lai và ta, ai là người nói lời thanh bạch (vacanaṃ sobhaṇaṃ). Với thật tâm muốn bảo tồn Chánh Pháp, ta đã nói rằng: “Bạch Ngài! Xin Ngài chế định cho chư Tỳ khưu mãi mãi suốt đời nương theo năm pháp là ngụ ở trong rừng, đi bát mà ăn, mặc y phấn tảo, ngồi dưới cội cây, không dùng thịt cá, thế mà Ngài không chấp nhận lời ta.”.
Vậy bạn nào muốn giải thoát trần lao, xin cứ theo ta mà hành đạo.”. Nói rồi, ông ta bỏ đi.
Nhiều Tỳ khưu mới xuất gia, kém hiểu biết cho rằng: “Đại đức Devadatta nói phải lắm, chúng ta nên nương tựa theo Đại đức mà hành đạo cao thượng.”. Rồi họ nhập một đoàn với ông ta.
Với số năm trăm Tỳ khưu tách ra đi theo mình, Devadatta hành theo năm điều kể trên, làm ra vẻ rách rưới lang thang, thọ thực nơi các gia đình trong sạch với người tu khổ hạnh và quyết tâm chia rẽ Giáo Hội Tăng Già.
Hay tin nầy, Đức Thế Tôn triệu tập Thinh Văn hội và chất vấn ông ta: “Nầy Devadatta, nghe đồn ông lập tâm chia rẽ Tăng, ý muốn phá hoại Giáo hội phải không?”.
Devadatta xác nhận rằng: “Quả thật vậy, bạch Thế Tôn.”.
- Nầy Devadatta, chia rẽ Tăng là một tội nặng. – Đức Bổn Sư tiếp theo là huấn từ, chỉ dạy những hậu quả của sự chia rẽ và sự hòa hiệp.
Devadatta không đếm xỉa gì đến kim ngôn ngọc ngữ của Đức Thầy, bỏ phòng nhóm ra đi một nước.
Khi gặp Đại đức Ānanda đang đi trì bình khất thực trong thành Rājagaha, ông ta kêu Đại đức và nói nhắn: “Nầy đạo hữu Ānanda! Kể từ nay ta sẽ hành lễ Phát lồ (lễ sám hối của chư Tỳ khưu) và hành Tăng sự riêng biệt, không cần có Đức Thế Tôn và không cần có Tăng chúng nữa.”.
Đại đức Ānanda trở về Tịnh xá, bạch lại chuyện với Đức Thế Tôn, khi nghe hết đầu đuôi, Đức Thế Tôn động lòng bi mẫn than rằng: “Devadatta đã phá hoại con đường Thiên giới, tự mình tạo nghiệp Vô gián để sau phải chịu thiêu đốt trong địa ngục A tỳ.”. Ngài trầm tư một lúc rồi ngâm kệ lên rằng:
“Sukarāni asādhūni,
attano ahitāni ca;
Yaṃ ve hitañca sādhuñca,
taṃ ve paramadukkaranti!
“Dễ làm việc bất lương,
Và tự chịu tai ương,
Còn việc phước việc thiện,
Lại khó làm phi thường.”
Dứt bài kệ Pháp Cú 163. Đức Thế Tôn lại đọc tiếp một bài kệ ngẫu hứng (Udāna) như vầy:
“Sukaraṃ sādhunā sādhu,
sādhu pāpena dukkaraṃ;
Pāpaṃ papena sukaraṃ,
pāpamariyehi dukkaranti.”
“Thiện nhơn hành thiện dễ dàng thay!
Ác nhơn hành thiện khó chi tày!
Ác nhơn hành ác như chơi giỡn.
Thánh nhơn hành ác chẳng quen tay.”
Nói về Devadatta, chờ đến ngày làm lễ Phát lồ, vào trong chỗ kiết giới, ngồi qua một phía cùng với đồng lõa của mình, rồi tuyên bố rằng: “Sư nào ưng hành theo năm điều do tôi đề xướng thì xin biểu quyết bằng cách rút thăm.”. Năm trăm Tỳ khưu mới tu, con dòng Vajjī vì ít cảm mến Đức Thế Tôn nên đã đồng tình bỏ Đức Bổn Sư mà theo về phe Devadatta.
Chia rẽ Tăng rồi, ông ta dắt các Tỳ khưu phe mình đi về phía Gayāsīsa (Tượng Đầu Sơn).
Khi nghe tin Devadatta đi về xứ ấy, Đức Bổn Sư phái hai vị Thủ Thinh Văn đến đó để dắt những Tỳ khưu kia trở về. Hai vị Đại đệ tử vâng lời ra đi, đến nơi trổ hết tài nghệ đặc biệt của mình, một vị thuyết pháp, một vị thì thi thố thần thông, dẫn độ cho năm trăm vị Tỳ khưu mới tu kia đều được nếm hương vị Niết Bàn. Rồi dắt nhau bay về Tịnh xá.
Khi ấy, Devadatta đang nằm ngủ, Kokālika là Tỳ khưu đồng lõa trong việc chia rẽ Tăng, vội kêu ông ta dậy: “Dậy đi, đạo hữu Devadatta. Sārīputta và Moggallāna đã dắt cả đoàn Tỳ khưu của đạo hữu đi hết rồi.”.
- Tôi đã căn dặn đạo hữu rồi mà, đừng có tin tưởng bọn Sārīputta và Moggallāna. Bọn nầy có nhiều tà tâm tư ý, chưa thoát khỏi vòng nô lệ của những dục vọng xấu xa đê hèn.
Nói rồi, Kokālika lấy đầu gối thúc mạnh vào ngực của Devadatta, ngay quả tim ông ta, đã làm ông ta ói máu tươi ra tại chỗ.
Chư Tăng ở chùa thấy Đại đức Sārīputta và Moggallāna dẫn đoàn Tỳ khưu theo đường hư không bay về thì bạch với Đức Thế Tôn: “Bạch Ngài, Đại đức Sārīputta lúc đi chỉ có một mình Moggallāna là bạn đồng hành, bây giờ trở về dắt theo một đoàn Tăng lữ, coi thật là huy hoàng sáng lạn.”.
Đức Bổn Sư đáp: “Nầy các Tỳ khưu, đây không phải là lần đầu tiên mà Sārīputta có vẻ huy hoàng sáng lạn! Thời quá khứ ,khi còn mang lớp thú, con của Như Lai cũng từng trở về với Như Lai đầy vẻ huy hoàng như thế.”. Thuyết đến đây Đức Bổn Sư đọc bài kệ Bổn Sanh Lakkhaṇa (Con Tướng).
“Hoti sīlavataṃ attho,
paṭisaṇṭhāra vuttinaṃ;
Lakkhaṇaṃ passa āyataṃ,
ñātisaṅghapurakkhataṃ;
Atha passasinaṃ kālaṃ,
suvihīnaṃva ñātibhīt.i”
“Kẻ giới đức tính tình thân thiện,
Sống một đời vinh hiển cao sang.
Hãy xem con Tướng huy hoàng,
Dẫn đầu quyến thuộc hiên ngang trở về.
Rồi nhìn lại ê chề buồn bã.
Con thời kia mất cả thân bằng”.
Kế đó, chư Tăng bạch rằng:
- Bạch Ngài nghe đồn Devadatta có đặt để hai vị Tỳ khưu làm Thủ Thinh Văn, ngồi hai bên mình bắt chước Ngài mà phát ngôn rằng: “Ta nay sẽ thuyết pháp độ đời, đem ân huệ của một vị Đại Giác mà ban bố cho tất cả chúng sanh.”.
Nghe vậy, Đức Bổn Sư đáp: “Nầy các Tỳ khưu! Đây không phải mới lần thứ nhất đâu, trong thời quá khứ ông ta đã từng cố gắng bắt chước Như Lai và cũng đã thất bại rồi.”.
Nói đoạn, Đức Bổn Sư ngâm bài kệ Bổn Sanh Nadīcarakāka (Giang Hành Điểu).
“Api vīraka passesi,
sakuṇaṃ mañjubhāṇakaṃ;
Mayūragīvasaṅkāsaṃ,
patiṃ mayhaṃ saviṭṭhakaṃ.
Udakathalacarassa pakkhino,
niccaṃ āmakamacchabhojino;
Tassānukaraṃ saviṭṭhako,
sevāle paliguṇṭhito mato’ti.”
“Quạ hùng ơi! Ngươi đi đâu đó,
Có gặp chim, cầm cố giống công,
Tiếng kêu lảnh lót đẹp lòng,
Tên Xa Biệt Thác là chồng của ta,
Dầu dưới nước hay là trên bộ,
Thấy chim kia hăng độ cá tươi,
Chồng cô bắt chước như người,
Không may vướng rễ rong tươi chết chìm.”
Dứt bài kệ ngôn Bổn Sanh, Đức Bổn Sư kể luôn sự tích con quạ hùng (Vīraka) cho chư Tăng nghe. Những ngày sau đó, Đức Thầy cũng còn đề cập đến chuyện trên đây, khi Ngài ngâm kệ Bổn Sanh:
“Acāri vatāyaṃ vitudaṃ vanāni,
kaṭṭhaṅgarukkhesu asārakesu;
Athāsadā khadiraṃ jālasāraṃ,
yatthābhidā raruḷo uttamaṅganti ca.
Lasī ca te nipphalitā,
katthako ca vidālito;
Sabbā te phāsuka bhaggā,
dāni samma virocasīti.”
“Đi khắp rừng tung hoành khoét đục,
Những cây mềm nhánh mục gãy tan.
Gặp keo lõi cứng mổ càn,
Ô hô! Kim sí vỡ toang cả đầu.
Đại bàng nay còn đâu,
Óc người văng tứ phía,
Sọ người nứt hai đầu,
Sườn người đều gãy lọi,
Trông người thật đáng sầu.”
Tiếp qua ngày sau, khi nghe lời bình phẩm: “Devadatta là kẻ bội ơn.”. Đức Bổn Sư lại thuyết: Tích Bổn Sanh mà ngâm kệ rằng:
“Akaramhā va te kiccaṃ,
yaṃ balaṃ ahuvamha se;
Migarāja namo tyatthu,
api kiñci lābhamha se.
Māma lohitabhakkhassa,
niccaṃ luddāni kubbato;
Dantantaragato santo,
taṃ bahuṃ yampi jīvasīti.”
“Lộc vương con việc chi cứ bảo,
Thân hết lòng nguyện báo ơn Ngài,
Trung thành chẳng dám đơn sai,
Ơn trên xuống phước một hai chàng nào?
Ta cần uống máu đào để sống,
Và luôn luôn bạo động mà thôi,
Răng ta đã ngậm miếng mồi,
Nãy giờ người sống nhiều rồi còn chi?”
Và một lần nữa, nhân nhắc đến Devadatta có tâm sát hại Đức Bổn Sư, Ngài lại ngâm kệ Bổn Sanh và thuyết tích con hoẵng (một thứ nai), kệ rằng:
“Ñātametaṃ kuruṅgassa,
yaṃ tvaṃ sepaṇṇi seyyasi;
Aññaṃ sepaṇṇiṃ gacchāmi,
na me te ruccate phalanti.”
“Hoẵng đã biết việc nầy đích thật,
Trái Xê ban, ngươi vất xuống mà,
Cây kia ta hãy băng qua,
Cây nầy quả chẳng ưa ta chút nào.”
Lại một hôm khác, nhân nghe chư Tăng bình luận bảo nhau: “Devadatta đã mất hai điều lợi ích là lợi lộc và phẩm vị Sa môn.”. Đức Bổn Sư bèn dạy rằng: “Nầy các Tỳ khưu, đây không phải mới lần đầu Devadatta đã mất cả hai đường lợi ích như thế”. Nói rồi, Ngài ngâm kệ và thuyết tích Bổn Sanh Ubhatobhaṭṭha (tham thì thâm).
“Akkhī bhinnā paṭo naṭṭho.
sakhīgehe ca bhaṇḍanaṃ;
Ubhato paduṭṭhakammantā.
udakamhi thalamhi cati.”
“Mặt bị nổ, áo quần tiêu hết,
Vợ lăng loàn gia thất rã tan,
Hai nơi sự nghiệp tiêu tan,
Dưới sông cũng hỏng, trên ngàn cũng hư.”
Cứ như thế, trong thời gian cư ngụ trong thành Rājagaha (Vương Xá), Đức Bổn Sư đã thuyết rất nhiều kinh và tích Bổn Sanh đề cập đến Devadatta. Sau đó, Ngài rời thành Rājagaha, ngự sang thành Sāvatthī (Xá Vệ) và an cự tại Đại Tự Jetavana (Kỳ Viên).
Về phần Devadatta, bị bịnh nằm liệt giường suốt chín tháng, sau cùng muốn gặp Đức Bổn Sư, ông bảo đệ tử của ông rằng: “Ta muốn yết kiến Đức Thế Tôn, các trò hãy làm sao đưa ta đến gặp Ngài.”.
- Bạch Ngài! – Đệ tử đáp – lúc bình thời Ngài cột oan trái với Đức Bổn Sư, nên đã bỏ ra đi, chúng tôi sẽ không đưa Ngài trở về gặp Đức Bổn Sư đâu!
Devadatta xuống nước nhỏ, năn nỉ với các đệ tử rằng: “Các trò chớ làm ta tuyệt vọng, vì không được sám hối với Đức Bổn Sư. Thật ra ta có buộc oan trái với Ngài, nhưng ngược lại Ngài đối với ta không mảy may có chút thù hằn.”. Nói đến đây, Devadatta, đọc lên bài kệ rằng:
“Vadhake devadattamhi,
core aṅgulimālake;
Dhanapāle Rāhule ca,
sabbattha samamanasoti.”
“Với sát nhân Đề Bà,
Hoặc tướng cướp Vô Não,
Hộ tài Ra Hầu La,
Ngài hằng bình đẳng đạo.”
Rồi ông khẩn khoản yêu cầu: “Hãy đưa hộ ta đến bái kiến Đức Bổn Sư đi các trò ơi.”. Sau cùng nhóm đệ tử ông đặt ông lên cái chõng và khiêng ông đi.
Nghe tin Devadatta đang trở về Tịnh xá, chư Tăng vào bạch Đức Thế Tôn: “Bạch Đức Thế Tôn! Nghe đồn rằng Devadatta trở lại đây để yết kiến Ngài.”.
- Nầy các Tỳ khưu! Trong kiếp hiện tại nầy (attabhāva) ông ta không thể vào thấy mặt Như Lai đâu?
(Có thuyết cho rằng: Vị Tỳ khưu nào đã xin giữ năm điều của Devadatta thì từ đó về sau luôn luôn không còn gặp Đức Phật nữa.)
Chư Tăng lần lượt báo tin lên Đức Bổn Sư: “Bạch Ngài, ông ta tới chỗ kia… chỗ nọ”.
- Ông ta muốn làm gì thì làm, nhưng ông ta không giáp mặt được Như Lai đâu.
Chư Tăng vẫn tiếp tục thông tin: “Ông ta về còn cách đây độ một do tuần… độ nửa do tuần… Bạch Ngài, ông ta đã về đến hồ sen trong Tịnh xá Jetavana.”.
- Dầu cho đã về trong vòng chùa Jetavana nầy, y cũng không giáp mặt được Như Lai đâu.
Các Tỳ khưu khiêng Devadatta về đến hồ sen trong chùa, bèn để giường xuống bên hồ và xuống hồ tắm rửa. Khi ấy, Devadatta tự mình ráng ngồi dậy, định bước xuống giường, vừa đặt chân đứng lên thì ông ta bị đất sụp lún mất hai bàn chân, kế đến hai mắt cá, rồi hai đầu gối, hai bắp vế, lần tới ngực, cuối cùng khi xương quai hàm của ông nằm ngang mặt đất thì ông góp hết hơi tàn đọc lên bài kệ tuyệt mạng sau đây:
“Imehi aṭṭhīhi tamaggapuggalaṃ,
devātidevaṃ naradammasārathiṃ;
Samantacakkhuṃ satapuññalakkhaṇaṃ,
pāṇehi buddhaṃ saraṇaṃ gatosmīti.”
“Bằng hơi sót với xương tàn trên đất,
Con quy y cùng Đức Phật tuyệt luân.
Chúa chư Thiên, thầy huấn luyện nhân quần,
Bậc Phổ Nhãn, có tướng thuần trăm đức.”
Tới giai đoạn nầy, có giả thuyết cho rằng: “Đức Như Lai đã làm lễ cho Devadatta xuất gia Tỳ khưu lại, vì Ngài nghĩ rằng: “Nếu không như vậy thì ông ta chỉ là người cư sĩ, không có hy vọng giữ được đức tin Tam Bảo trong ngày vị lai và chịu đựng hậu quả nặng nề của tội ngũ nghịch mà ông đã phạm.”.
Khi ông đã được xuất gia lại rồi, thì dù cho nghiệp quả có nặng nề đi nữa, ông vẫn còn giữ được đức tin và nhẫn nại mà chịu đền tội, do đó Đức Bổn Sư đã cho ông xuất gia lại.”.
(Về sau khi mãn một trăm ngàn đại kiếp của quả địa cầu, Devadatta ta sẽ đắc quả Bích Chi Phật (Pacceka buddha), tức là Phật Độc Giác, có hồng danh là Aṭṭhissara.)
Sau khi bị đất rút chôn sống, Devadatta đọa sanh vào địa ngục Vô gián bề rộng một trăm do tuần, thân hình ông ta cũng vươn lên cao một trăm do tuần, đầu của ông ta lọt vào một cái lọ bằng sắt (ayaka palla) chụp đến vành tai, chân ông ta đứng trên một cái nền cũng bằng sắt lún tới ngang mắt cá, một cây đòn sắt lớn bằng cây thốt nốt từ trong bức tường phía Tây, xỉa ra đâm thẳng vào phía lưng thủng qua tới trước ngực ông ta rồi cắm luôn vào bức tường phía Đông.
Một cây đòn sắt khác, từ bức tường phía Nam xỉa ra đâm thẳng hông bên phải, thấu qua hông bên trái của ông ta, rồi cắm luôn vào bức tường phía Bắc. Lại có một cây đòn sắt khác, từ nơi cái lọ sắt từ nơi cao đâm thủng xương sọ, thấu qua mình ông ta cắm luôn xuống nền bằng sắt.
Nơi hỏa ngục mà ông phải chịu khổ hình trong tư thế bất động như vậy, khi ấy giữa Tăng chúng, câu hỏi sau đây được nêu lên để làm đề tài cho một cuộc bình luận khác: “Từ phương trời xa xăm, Devadatta được về đến nơi đây mà không được giáp mặt Đức Thế Tôn. Lại còn bị đất chôn sống nữa.”. Nghe vậy, Đức Bổn Sư minh định rằng: “Nầy các Tỳ khưu, đây không phải là lần đầu mà Devadatta đắc tội với Như Lai và bị đất chôn sống đâu, trước kia ông ta cũng có lần bị đất rút như thế rồi.”.
Để chứng minh, Đức Bổn Sư nhắc lại câu chuyện đã xảy ra trong một tiền kiếp của Ngài, khi Ngài mang lớp tượng chúa: “Thuở ấy, Ngài chỉ đường cho một kẻ lạc lối, cho hắn trèo cỡi lên lưng Ngài, đưa hắn ra đến nơi an toàn, về sau hắn phủi ơn Ngài. Trở lại ba lần, lần đầu để cưa khúc chót cái ngà của Ngài, lần kế cưa khúc giữa của ngà, lần cuối cưa sát tận gốc ngà, làm cho Ngài phải đổ máu. Kẻ bội bạc ấy đi khuất tầm mắt Ngài, thì liền bị đất sụp chôn sống ngay.”. Dứt chuyện dĩ vãng, Đức Bổn Sư ngâm bài kệ vịnh Bổn Sanh giới đức tượng (sīlavanāga) để vịnh như sau:
“Akataññussa posassa,
niccaṃ vivaradassino;
Sabbañce paṭhaviṃ dajjā
neva naṃ abhirādhayeti.”
“Đối với phường vong ân phản phúc,
Thường chớ khi nước đục thả câu,
Dẫu đem tất cả địa cầu,
Tặng y, y cũng tóm thâu chưa vừa.”
Sau khi nghe hết tích chuyện ấy, chư Tăng vẫn còn bàn luận về vấn đề Devadatta bị đất rút tái đi tái lại mãi. Nhân đó, Đức Bổn Sư thuật lại thêm một Bổn Sanh, trong đó tiền thân Devadatta là vua Kālābura cũng bị đất rút chôn sống, vì đắc tội với đạo sĩ Khantivādi, là tiền thân của Ngài. Devadatta còn bị đất rút chôn sống trong một tiền kiếp nữa khi ông ta là vua Mahā Patāpa (Đại Huy Hoàng) đã tạo tội đối với tiền thân của Đức Bổn Sư là Bồ Tát Culladhammapāla. Tích nầy Đức Bổn Sư cũng có kể cho chư Tăng nghe.
Việc Devadatta bị đất sụp chôn sống làm cho dân chúng ai cũng vui mừng thỏa thích. Họ tự động treo cờ xí hoặc cột lá chuối phất phơ, châm đầy các lu và đổ nước đầy các đồ chứa, đoạn cử hạnh đại lễ ăn mừng và nói: “Ông ấy chết quả thật là một đại lợi cho nhà ta.”.
Khi chư Tỳ khưu đem chuyện nầy tường trình lên Đức Thế Tôn, Ngài cho rằng: “Nầy các Tỳ khưu, đây không phải là lần đầu tiên mà dân chúng ăn mừng cái chết của Devadatta, thời dĩ vãng dân chúng cũng đã thỏa thích về cái chết của ông ta như thế.”.
Để chứng minh, Đức Phật thuật lại tiền tích đức vua Piṅgala (Cát Huỳnh) ở thành Bārāṇasī, là một vị vua độc tài chuyên chế, có cặp mắt vàng sậm mà tất cả muôn dân đều ta thán, cho nên ai ai cũng ăn mừng khi được tin nhà vua hung tàn bạo ngược nầy băng hà và Đức Bổn Sư đọc luôn bài kệ Piṅgala như sau:
“Sabbo jano hiṃsito piṅgalena,
tasmiṃ mate paccayaṃ vedayanti;
Piyo na te āsi akaṇhanetto,
kasmā tvaṃ rodasi dvārapāla.
Na me piyo āsi akaṇhanetto,
bhāyāmi paccāgamanāyā tassa;
Ito gato hiṃseyya maccurājaṃ,
so hiṃsito āneyya naṃ puna idhāti.”
“Triều Cát Huỳnh triệu sanh linh đồ thán,
Bạo chúa băng, dân thoát nạn âu ca.
Môn quan ơi! Ngài khóc phải chăng là,
Vì mến tiếc chúa băng hà huỳnh mục.
Ta với hắn không chút tình cốt nhục,
Ta chỉ e hắn bình phục hồi sinh,
Đây hắn đi khủng bố chúa Diêm Đình,
Người sợ họa, hườn hồn linh hắn lại.”
Cuối cùng, chư Tăng còn bạch hỏi Đức Bổn Sư: “Bạch Ngài! Hiện giờ Devadatta thọ sanh về đâu?”.
- Nầy các Tỳ khưu! Ông ta hiện ở trong đại địa ngục Vô gián (Avīci).
- Bạch Ngài, lúc sống ông ta than thở nhiều rồi, mà sau khi chết ông ta còn đi thọ sanh vào chỗ cực hình để than thở nữa hay sao?
Để kết luận, Đức Bổn Sư ngâm kệ ngôn Pháp Cú sau đây:
17. “Idha tappati pecca tappati,
pāpakārī ubhayattha tappati;
“Pāpaṃ me kata”nti tappati,
bhiyyo tappati duggatiṃ gatoti.”
17. “Kiếp nầy than thở bao nhiêu,
Kiếp sau cũng còn nhiều thở than.
Nghĩ mình độc ác bạo tàn,
Cả trong hai kiếp hằng than thở hoài.
Lại càng thống thiết bi ai,
Khi sa ác đạo, lâu dài khó siêu.”
*
CHÚ GIẢI:
Trong bài kệ Phạn ngữ:
Idha tappati (Ở đây than): Nghĩa là còn sống trong kiếp hiện tại đây, kẻ ác đã phải ưu bi sầu khổ vì nghiệp (Kammatappati).
Pecca (Sau khi thác): Là nói sau khi qua cảnh giới khác, kẻ ác cũng còn than thở vì ảnh hưởng của việc làm ác quá khứ. Gọi là than thở vì quả (vipāka tappati), và lại than thở hơn khi bị sa vào ác đạo, để chịu nhiều thứ khổ hình nặng nề ác liệt nữa.
Pāpakārī (Kẻ làm ác): Là chỉ kẻ đã tạo nghiệp ác bằng nhiều đường lối khác nhau.
Ubhayattha (Ở hai nơi): Là khi còn sống và sau khi chết như đã giải. (Xem tích đồ tể Cunda).
Pāpaṃ me katanti (Ta đã làm ác): Là khi than thở vì nghiệp, kẻ ác chỉ thở than chút ít thôi, đến lúc than thở vì quả thì kẻ ác lại than thở nhiều hơn chút nữa và đến khi đọa sanh vào khổ cảnh địa ngục thì kẻ ác còn than thở gấp bội, than thở nhiều hơn bao giờ hết, than thở tới mức cùng cực tối đa.
*
Khi Đức Bổn Sư chấm dứt bài kệ, nhiều Tỳ khưu đắc Thánh quả, nhất là Tu Đà Hườn quả, đại chúng thính pháp cũng đều được hưởng sự lợi ích.
x
Dịch Giả Cẩn Đề
Luật Tạng còn ghi tội rẽ Tăng,
Đề Bà phản Phật bởi tham sằng,
Ba phen ám toán không thành tựu,
Ngàn thuở điêu linh khó thượng thăng!
Dương thế đất dầy còn sụp lún,
Âm ty sắt đỏ mới cân bằng!
Càng gây oan trái càng thêm hận,
Hỷ, xả, từ, bi phải sướng chăng?
DỨT TÍCH DEVADATTA
17. The evil doer suffers here and hereafter and more so when he is born in realms of woe.
17. Người ác hạnh đau khổ đời này lẫn đời sau và càng đau khổ hơn khi tái sanh vào các cõi dữ.
17. Idha tappati pecca tappati,
pāpakārī ubhayattha tappati;
“Pāpaṃ me kata”nti tappati,
bhiyyo tappati duggatiṃ gatoti. (1:17)
17. Here one burns, one burns hereafter,
in both wise does the evil-doer burn;
‘Evil I’ve done’, remorsefully one burns,
and more, one burns passed to realms of woe.
(Sumanādevīvatthu)
KỆ NGÔN: (Pháp Cú câu 18)
18. “Idha nandati pecca nandati,
katapuñño ubhayattha nandati;
“Puññaṃ me kata”nti nandati,
bhiyyo nandati sugatiṃ gatoti.”
18. “Sống sướng, chết cũng sướng,
Kẻ thiện hai đời sướng.
Sướng thấy mình làm lành,
Càng sướng khi vãng sanh.”
Kệ Pháp Cú 18 nầy, Đức Bổn Sư thuyết tại Đại Tự Jetavana, khi Ngài an trú nơi ấy, trong thành Sāvatthī, đề cập đến nàng Sumanādevī.
Vào thời ấy, trong thành Sāvatthī, mỗi ngày nơi nhà ông Trưởng giả Anāthapiṇḍika đều có hai ngàn vị Tỳ khưu đến thọ thực và nơi nhà của bà tín nữ Visākhā cũng có số chư Tăng đông như vậy.
Các thiện tín khác trong thành Sāvatthī, bất cứ là ai nếu muốn làm phước Trai Tăng đều phải thông qua hai vị ấy hoặc sở cậy đến sự chỉ dẫn của họ. Tại sao vậy? Bởi vì dầu cho thí chủ nào dám chịu tốn kém xuất ra hằng trăm đồng vàng để làm cuộc lễ phước lớn hơn ông Anāthapiṇḍika hay bà Visākhā, thì cũng vẫn chưa vừa lòng chư Tăng, mà còn bị xầm xì rằng: “Cuộc phước thí gì đâu ấy ?”.
Thật ra, hai vị đại thí chủ nhờ thân cận quen ý chư Tăng nên thành tựu trong việc dâng cúng thực phẩm hạp theo sở thích các Ngài. Do đó, mọi người khi muốn làm phước cúng dường vật chi đến chư Tăng, đều rủ hai vị ấy cùng đi.
Chỉ ngặt có một điều là khi họ đi lo việc giúp người khác thì không có ai trông coi hộ Tăng trong nhà của họ. Bà Visākhā nghĩ thầm: “Ta biết chọn ai thay thế cho ta trông coi hộ độ chư Tăng đến đây lấy bát.”.
Thấy đứa cháu nội gái, bà lấy làm ưng ý, bèn giao cho cô ta đứng trông nom việc ấy, và nơi đó nhà bà Visākhā đã có cô cháu của bà đảm trách phận sự hộ Tăng đến thọ thực.
Về phần ông Anāthapiṇḍika, ông cũng chỉ định con gái lớn của ông tên là Mahā Subhaddā (Diệu Hiền), thay mặt cho ông, cô này lo phục dịch chư Tăng, nghe kinh thính pháp đắc quả Tu Đà Hườn, rồi có chồng đến cưới rước đi.
Kế đó, ông Anāthapiṇḍika giao trách nhiệm cho người con gái kế là Culla Subhaddā (Tiểu Diệu Hiền), cô nầy cũng làm y như cô chị trước, cũng đắc quả Tu Đà Hườn, rồi có chồng đến rước đi.
Sau cùng, cô con gái út của ông tên là nàng Sumanādevī (Tố Tâm nương tử), đứng ra thay mặt cho cha mà đảm trách phận sự hộ Tăng, cô nghe pháp đắc quả Tư Đà Hàm, nhưng vẫn ở vậy vì không có người đến xin cưới hỏi. Buồn vì tiếng gái lỡ thời cô bỏ ăn nằm liệt giường và nhắn cha cô về gặp mặt.
Ông Anāthapiṇḍika đang ở trong trai đường được tin gấp rút của con gái út. Bèn lật đật trở về nhà hỏi con gái:
- Sumanā con! Con đau làm sao vậy?
- Nầy cậu út, cậu nói chi vậy?
- Sumanā con à! Con nói tầm xàm.
- Chị không nói xàm đâu? Cậu út à.
- Samanā con! Con sợ chết phải không?
- Chị không sợ chết đâu cậu út à.
Nói dứt lời, nàng Sumanādevī làm thinh rồi tắt hơi, đi luôn sang cảnh giới khác.
Dầu đã đắc Sơ quả (Tu Đà Hườn), Trưởng giả Anāthapiṇḍika không sao khuây khỏa nỗi ưu sầu mến tiếc đứa con gái yêu đã mất. Lo việc hỏa táng thi hài cho con xong, ông vừa khóc vừa đi đến chỗ ngụ của Đức Bổn Sư, thấy ông đến Ngài hỏi:
- Nầy gia chủ, có việc chi ông đến đây mà còn khóc? Trông ông có vẻ khổ sở sầu bi, mặt đầy nước mắt vậy?
- Bạch Ngài! – Ông đáp – con gái út của con là Sumanādevī vừa mới từ trần.
- Vậy sao ông khóc, ông há chẳng biết rằng rất cả chúng sanh đều phải chịu chết hay sao?
- Bạch Ngài, con cũng biết lắm, nhưng con gái út của con nó có đầy đủ sự hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi thế nào ấy. Thế mà nó lại mất trí mê tâm nói bậy, nói xàm trong lúc lâm chung. Đó là điều con hết sức buồn rầu đau khổ.
- Nầy phú Trưởng giả, chẳng hay con gái ông đã nói những gì?
- Bạch Ngài, khi con hỏi nó: “Nầy Sumanādevī, con đau làm sao?” thì nó đáp rằng: “Nầy cậu út, cậu nói chi?”. Con lại bảo nó “Sumanā, con nói xàm”, thì nó đáp lại rằng: “Chị không nói xàm đâu cậu út à.”. Con nói “Sumanādevī con sợ chết phải chăng?”, nó đáp: “Chị không sợ chết đâu cậu út à.” rồi nó làm thinh tắt hơi đi luôn, không trối trăn lời chi nữa hết.
Khi ấy, Đức Thế Tôn dạy rằng: “Nầy phú Trưởng giả, con gái của ông không nói xàm đâu!”.
- Thế sao nó nói lạ kỳ vậy?
- Nầy gia chủ, sở dĩ con gái ông nói như vậy là vì kể về đạo quả, thì ông phải là em út nhỏ hơn con gái của ông, quả thực ông chỉ chứng bậc Tu Đà Hườn, con gái ông đã chứng bậc Tư Đà Hàm. Tức là về đạo quả con gái ông lớn hơn ông một bậc.
- Bạch Ngài! Thật vậy sao?
- Quả thật vậy đó gia chủ.
- Thế Bạch Ngài! Bây giờ nó sanh về đâu?
- Nầy gia chủ, con ông hiện đang ở Đâu Suất Đà Thiên.
- Bạch Ngài, con gái út của con khi còn sống ở gia đình hằng vui vẻ hoan hỷ, nay chết rồi lại sanh về nơi hoan hỷ như thế nữa sao?
Đức Bổn Sư đáp: “Đúng vậy, nầy gia chủ kẻ nào không buông lung (appamattā) dầu còn tại gia hay đã xuất gia đều được hoan hỷ trong kiếp nầy và luôn kiếp sau như thế cả.”.
Nói rồi Ngài ngâm kệ rằng:
18. “Idha nandati pecca nandati,
katapuñño ubhayattha nandati;
“Puññaṃ me kata”nti nandati,
bhiyyo nandati sugatiṃ gatoti.”
18. “Kiếp nầy hoan hỷ bao nhiêu,
Kiếp sau cũng vẫn còn nhiều hỷ hoan.
Nghĩ mình phúc nghiệp vẹn toàn,
Cả trong hai kiếp đều hoan hỷ hoài.
Lại càng hoan hỷ lâu dài,
Khi sanh lên cõi Bồng Lai thiên đường.”
*
CHÚ GIẢI:
Chữ Idha (nơi đây): Nghĩa là trong đời kiếp nầy thì hoan hỷ với nghiệp hỷ (kammanandana).
Pecca (sau khi chết): Nghĩa là trong đời sau thì hoan hỷ với quả hỷ (vipāka nandati).
Katapuñño (kẻ thiện): Chỉ người làm việc thiện, việc lành, việc phước bằng nhiều đường lối khác nhau.
Ubhayattha (hai nơi): Khi còn sống ở đời nầy, hay xét rằng: “Ta chỉ làm việc lành, ta không từng làm việc ác rồi phát tâm hoan hỷ” chết rồi thọ sanh ở cảnh giới khác, cũng nhờ ảnh hưởng quả của nghiệp mà hoan hỷ thêm nữa.
Puññaṃ me (ta làm lành): Người thiện đang vui vẻ trong kiếp hiện tại là nhờ có ý nghĩ: “Ta đã làm việc lành, sự vui nầy chưa có bao nhiêu vì chỉ căn cứ trên nghiệp hỷ, càng vui vẻ hơn là khi do quả hỷ mà được siêu sanh về nhàn cảnh.”.
Sugatiṃ: Tuổi thọ lâu đến năm trăm bảy mươi sáu triệu năm (satta paññā savassa koṭiyo satthiñca vassa sata sahassāni), tuổi hưởng phước lộc của chư Thiên nơi cung trời Đâu Suất thì càng hoan hỷ vô cùng tận.
*
Bài kệ vừa dứt, có nhiều vị Tỳ khưu đắc Thánh quả nhất là Tu Đà Hườn, đại chúng thính pháp cũng đều hưởng được lợi ích.
x
Dịch Giả Cẩn Đề
Con gái mà xưng chị với cha,
Tố Tâm nương tử khéo thay là!
Tiến cung Đâu Suất lên thềm ngọc,
Rời chốn trần lao bỏ kiếp hoa!
Thính pháp bất ngờ lên Nhị quả,
Hộ Tăng đâu tính dạo thiên hà?
Lòng trinh một tấm dầu chưa tỏ,
Trưởng giả cầu ân Phật Thích Ca.
DỨT TÍCH NÀNG SUMANĀDEVĪ
18. The doer of good is happy here and hereafter and happier when born in a blissful state.
18. Người thiện hạnh sung sướng đời nay lẫn đời sau và càng sung sướng hơn khi tái sanh vào cõi lành.
18. Idha nandati pecca nandati,
katapuñño ubhayattha nandati;
“Puññaṃ me kata”nti nandati,
bhiyyo nandati sugatiṃ gatoti. (1:18)
18. Here one’s glad, one’s glad hereafter
in both wise is the merit-maker glad;
‘Merit I’ve made’, serenely one is glad,
and more, one’s glad passed to blissful states.
I. 14 - Tích HAI VỊ TỲ KHƯU BẠN
(Dvesahāyakabhikkhuvatthu)
KỆ NGÔN: (Pháp Cú câu 19-20)
19. “Bahumpi ce sahitaṃ bhāsamāno,
na takkaro hoti naro pamatto;
Gopo’va gāvo gaṇayaṃ paresaṃ,
na bhāgavā sāmaññassa hoti.”
19. “Kinh nhiều năng thuyết tụng,
Pháp không hành, phóng túng;
Như giữ đếm bò người,
Chẳng hưởng Sa môn dụng.”
20. “Appam pi ce sahitaṃ bhāsamāno,
dhammassa hoti anudhammacārī;
Rāgañca dosañca pahāyamohaṃ,
sammappajāno suvimuttacitto;
Anupādiyāno idha vā huraṃ vā,
sa bhāgavā sāmaññassa hoti.”
20. “Kinh nhiều ít thuyết tụng,
Chánh pháp hành trì đúng,
Trí minh, tâm giải phóng,
Tất hưởng Sa môn dụng.”
Kệ Pháp Cú nầy (19 – 20), Đức Bổn Sư thuyết ra khi ngự tại Đại Tự Jetavana, đề cập đến hai người bạn cùng xuất gia một lượt.
Thời ấy, ở thành Sāvatthī, có hai vị công tử kết bạn với nhau, sau khi đi chùa nghe Đức Bổn Sư thuyết pháp, họ bèn từ bỏ ngũ trần dục lạc cùng nhau qui ngưỡng giáo lý của Đức Thầy rồi xuất gia luôn.
Khi mãn thời hạn năm năm nương nhờ các vị Cao Tăng, Đại đức (A Xà Lê và Trưởng lão). Hai bạn Tỳ khưu cùng đến đảnh lễ Đức Thế Tôn bạch hỏi về pháp chủ yếu của bậc xuất gia.
Nghe Đức Thế Tôn giảng giải rành mạch về Pháp hành (Vipassanā dhura) và Pháp học (Gantha dhura), một vị nói:
- Bạch Ngài! Con vì lớn tuổi mới xuất gia, chắc không kham kiện toàn Pháp học, nhưng Pháp hành thì con có thể thành tựu viên mãn.
Thế rồi vị ấy xin Đức Bổn Sư chỉ dạy cách hành thiền, gia công gắng sức tu tập, nên đắc A La Hán quả với Tuệ phân tích.
Còn vị kia lại bạch rằng: “Bạch Ngài, con sẽ thành tựu được Pháp học.”. Sau khi lần lượt học hết Phật ngôn, thông suốt Tam Tạng, vị nầy đi đến đâu cũng đem sở học của mình ra mà thuyết pháp giảng đạo, chú giải kinh điển, thu phục được năm trăm Tỳ khưu đệ tử và trở thành vị Pháp sư, cầm đầu mười tám đoàn Tăng lữ đông đảo.
Nhiều Tỳ khưu, sau khi thọ giáo đề mục thiền định nơi Đức Bổn Sư, cùng nhau đến đạo tràng của vị Thiền sư nói trên để mong nương nhờ hành đạo. Nhờ hết lòng vâng giữ hành theo những huấn từ của vị thầy chỉ dẫn (ācāriya), tất cả đều đắc quả A La Hán. Sau đó, chư Tăng đến đảnh lễ vị Thiền sư và bạch: “Bạch Ngài, chúng tôi muốn đến yết kiến Đức Bổn Sư.”. Vị Thiền sư tiễn biệt chư Tăng và dặn rằng: “Chư hiền hữu cứ đi đi và cho ta kính lời đảnh lễ Đức Bổn Sư và tám mươi vị Đại Thinh Văn và hãy nhân danh ta mà vấn an Đại đức Pháp Sư bạn ta dùm một chút.”.
Các Tỳ khưu về đến Tịnh xá vào đảnh lễ Đức Bổn Sư và tám mươi vị Đại Thinh Văn đệ tử Phật, xong rồi liền đi tìm Đại đức chuyên về Pháp học và bạch rằng: “Bạch Ngài! Thầy chỉ dẫn của chúng con có lời đảnh lễ Ngài.”.
Vị Pháp sư hỏi: “Thầy của các ông là ai?”.
- Bạch Ngài! Đó là vị Tỳ khưu bạn của Ngài.
Mấy lần đầu, khi nhận được tin của vị Tỳ khưu bạn cũ nhắn thăm như thế thì vị Pháp sư còn nhắn lại được. Nhưng về sau hết tốp nầy đến tốp kia, những đệ tử của vị Thiền sư cứ đem tin về mãi, khiến cho vị Pháp sư không dằn tâm ngã mạn được mỗi khi nghe chư Tỳ khưu bạch đi bạch lại rằng: “Thầy của chúng con kính lời đảnh lễ Ngài.”.
Vị pháp sư hỏi: “Thầy của các ông là ai?”.
- Bạch Ngài! Đó là vị Đại đức bạn cũ của Ngài.
Nghe đáp như vậy, vị Pháp sư cật vấn các đệ tử của bạn mình rằng: “Các ông đã học được những gì nơi thầy của các ông, có học được bộ nào trong các kinh, nhất là Trường Bộ Kinh không? Có được Tạng nào trong Tam Tạng chưa? …”.
Rồi vị Pháp sư tự nói thầm: “Ông sư nầy chẳng thuộc nổi bài kệ Tứ cú nào mà cũng dám làm thầy dạy người ta. Vừa xuất gia ông ta liền thọ pháp Đầu đà, mặc y phấn tảo, ngự luôn trong rừng, qui tụ cho thật nhiều đệ tử, để khi ông về giáp mặt ta sẽ chất vấn ông ta vài câu mới được.”.
Sau đó, một thời gian vị Thiền sư trở về để bái yết Đức Bổn Sư, có ghé qua gởi y bát của mình nơi vị Pháp sư bạn cũ.
Sau khi đảnh lễ, thỉnh an Đức Bổn Sư và tám mươi vị đại Trưởng lão, Thiền sư trở về chỗ ngụ của Pháp sư. Đại đức nầy chào đón bạn của mình đúng theo phép của vị trụ trì đối với khách Tăng, xong rồi mới ngồi ngang hàng, trong bụng tính thầm: “Ta sẽ chất vấn ông sư nầy mới được.”.
Trong khi ấy, Đức Bổn Sư biết rõ tâm lý của vị trụ trì Pháp sư, Ngài nghĩ rằng: “Nếu để Tỳ khưu nầy làm khổ con Như Lai như thế, thì ông ta sẽ sa địa ngục.”.
Động lòng bi mẫn, muốn ra tay tế độ, Đức Thế Tôn làm như đi quan sát quanh ngôi Tịnh xá rồi ngự ngay đến nơi chỗ hai Tỳ khưu bạn đang ngồi đàm đạo, Ngài ngự lên Phật Bảo tọa đã được dành soạn sẵn.
(Chư Tăng giữ lệ: Thường thường trước khi ngồi luận đạo bất cứ nơi đâu cũng phải dọn sẵn một Bảo tọa để dành phòng khi Đức Phật ngự đến thình lình. Vì thế, Đức Bổn Sư đến là ngự ngay lên Phật Bảo tọa đã dọn sẵn.)
Khi an tọa, Đức Bổn Sư bèn hỏi vị Tỳ khưu chuyên về Pháp học (Ganthika bhikkhu) một câu hỏi về Sơ thiền (Pathamajjhāna) vị Pháp Sư chịu bí không trả lời được (Tasmiṇ akathite). Đức Bổn Sư lần lượt hỏi tiếp về các pháp siêu nhân (Uttarimanussa dhamma) khác, từ Nhị thiền lên cao đến Bát thiền, từ thiền Hữu sắc đến thiền Vô sắc.
Vị Đại đức chuyên về Pháp học chịu phép bí luôn không đáp được câu nào cả (Ganthikattheropi ekampi kāthetuṃ nāsakkhi).
Kế đó, Đức Bổn Sư lại chất vấn về Tu Đà Hườn đạo, vị Pháp sư cũng không đáp được. Đức Bổn Sư quay qua hỏi vị Đại đức Lậu Tận, Đại đức giải đáp trôi chảy hết.
Đức Bổn Sư hết sức hoan hỷ, tán dương rằng: “Lành thay! Lành thay!”. Đoạn Ngài hỏi tiếp về Tư Đà Hàm đạo, A Na Hàm đạo, A La Hán đạo.
Vị Đại đức Pháp sư không trả lời được câu nào cả, còn vị Đại đức A La Hán thì mỗi câu mỗi trả lời một cách rành mạch.
Cứ mỗi lần vị Thiền sư đáp trúng thì Đức Bổn Sư lại hoan hỷ tán dương: “Sādhu! Lành thay!” và tất cả chư Thiên, từ quả địa cầu cho đến cõi Đại Phạm Thiên, luôn cả Long Vương và Kim Sí Điểu (suppaṇṇa) đều đồng thanh hoan hô vang dậy: “Lành thay! Lành thay!”.
Đức Bổn Sư khen vị Thiền sư bốn lượt như vậy, sau khi nghe tiếng “Sādhu! Lành thay!”, lần cuối cùng, nhóm thị giả và đệ tử của vị Pháp sư đều bất bình, than phiền trách móc rằng: “Tại sao Đức Bổn Sư lại làm như vậy, vị Đại đức già dốt kia có biết chi đâu mà Đức Bổn Sư Ngài lại quá khen lão sādhu đến bốn lượt như thế. Còn vị Pháp sư là thầy của chúng ta đã thuộc nằm lòng tất cả Phật ngôn trong Tam Tạng lại là vị Tăng trưởng của năm trăm Tỳ khưu thì Ngài chẳng tán thưởng lần nào cả.”.
Nghe chư Tăng đang xầm xì to nhỏ, Đức Bổn Sư quay lại hỏi rằng: “Nầy các Tỳ khưu! Các ông đang nói chi đó vậy.”, nghe chư Tăng đáp xong Đức Bổn Sư dạy rằng: “Nầy các Tỳ khưu Giáo sư của các ông đang ở trong Giáo pháp của Như Lai chẳng khác nào mục đồng chăn giữ bò cái cho người, còn con của Như Lai thì giống như chủ đàn bò, có thể tùy thích thọ dụng năm thứ phẩm vị của bò (pañcagorasa).”.
Nói xong, Đức Thế Tôn ngâm hai bài kệ dưới đây:
19. “Bahumpi ce sahitaṃ bhāsamāno,
na takkaro hoti naro pamatto;
Gopo’va gāvo gaṇayaṃ paresaṃ,
na bhāgavā sāmaññassa hoti.”
19. “Tụng kinh thuyết pháp thường thường,
Mà lòng khinh xuất chẳng nương Pháp hành.
Người còn dính mắc lợi danh,
Không chi hưởng được quả lành Sa môn.
Khác nào mục tử cô thôn,
Vì người chuyên có một môn đếm bò.”
20. “Appam pi ce sahitaṃ bhāsamāno,
dhammassa hoti anudhammacārī;
Rāgañca dosañca pahāyamohaṃ,
sammappajāno suvimuttacitto;
Anupādiyāno idha vā huraṃ vā,
sa bhāgavā sāmaññassa hoti.”
20. “Kinh dù tụng chẳng mấy pho,
Nhưng y giáo pháp đắn đo hành trì.
Diệt trừ tham với sân, si,
Hiểu biết chân chánh tâm ly dục trần.
Đời nầy đời nữa không cần,
Ắt là hưởng được phước phần Sa môn”.
*
CHÚ GIẢI:
Chữ Sahitaṃ trong hai bài kệ trên đây chỉ những Phật ngôn ghi chép trong Tam Tạng kinh điển Pāli (Tipiṭaka). Tỳ khưu theo lời thầy A Xà Lê (ācāriya) học hiểu rành rẽ rồi đem ra thuyết giảng đọc tụng cho người khác nghe. Dầu cho có thuyết giảng thật nhiều mà người nghe không vâng giữ hành theo những lời chỉ dạy của Đức Phật thì đến ngày vô thường (aniccā divasa) trong khoảng khắc ngắn ngủi bằng con gà trống vỗ cánh, người ấy cũng không sao giữ được bình tĩnh sáng suốt để tránh khỏi bị sa đọa.
Bao giờ cũng vậy, kẻ chăn bò cái mướn, đến hết ngày thì lùa gom bò, đếm cho đủ số giao lại cho chủ rồi nhận lãnh chút ít tiền công, chứ không được tùy thích thọ hưởng năm thứ phẩm vị của bò cái (sữa tươi, sữa chua, lạc, sanh tô, đề hồ). Cũng y như thế, vị Pháp sư năng thuyết bất năng hành cùng với toàn thể nhóm Tỳ khưu đệ tử của mình chia nhau làm công việc lớn nhỏ, rồi chia nhau hưởng lợi lộc vật chất (mà Đức Phật cho là không cần yếu) chớ không được chia hưởng phần phước cao quí của bậc Sa môn đắc đạo quả.
Trái lại, người chủ bò, bao giờ cũng có thể tùy theo sở thích, thọ dụng năm thứ phẩm vị của bầy bò mà kẻ chăn giữ đem về giao lại cho mình.
Cũng y như thế, người nghe thuyết pháp rồi, rán vâng giữ hành theo cho đúng đắn, lần lượt chứng nhập từ các bậc thiền từ Sơ thiền trở lên, hoặc là tăng tiến pháp hành Minh Sát chứng đắc đạo quả tức là được chia hưởng phần phước cao quí của quả vị Sa môn, như người chủ bò được hưởng năm thứ vị của bò cái vậy.
Trong bài kệ đầu, Đức Bổn Sư không nói động đến người phá giới (dussīla), Ngài chỉ đề cập đến vị Tỳ khưu giới đức (Sīlasampanna), quảng kiến, đa văn (bahussuta), nhưng có tánh dể duôi khinh suất (pamāda) đến ngày vô thường còn giữ được tâm trí bình thản nên không bị sa đọa.
Kệ thứ nhì: Đề cập đến người dầu không nghe nhiều học rộng, nhưng rất cẩn thận luôn luôn lưu ý đến nghiệp mình đang làm.
Trong kệ nầy, appampi ce đề cập đến người, dầu cho chỉ biết chút ít, như chừng một hai phẩm kinh chi đó, mà thôi.
Dhammassa anudhammacārī (Chánh pháp tri hành đúng), để rõ được nghĩa kinh, thông được lý pháp, Tỳ khưu hành trì các pháp thích nghi đưa đến pháp Siêu Thế (Nava lokuttara dhamma), gọi là giai đoạn đầu của con đường tu (pubba bhāga paṭipadā), gồm có Tứ thanh tịnh giới: Thu thúc giới bổn, quán tưởng, chánh mạng, hạnh đầu đà: mười ba Pháp đầu đà, nhất là mặc y phấn tảo, đi bát mà ăn, ngụ ở trong rừng… Thiền quán bất tịnh (mười đề mục tử thi). Như thế mới là người hành theo chánh pháp (anudhammacārī).
Ví như hôm nay hoặc hôm nào chẳng hạn, vị ấy nguyện giải nghĩa lý thâm sâu vi diệu của Phật ngôn và bắt đầu hành đạo theo chánh pháp, nhờ sự thực hành đúng đắn, từ bỏ tham, sân, si làm cái nhân chân thật, vị ấy giác ngộ chứng pháp cần giác ngộ, tẩy sạch mọi thứ phiền não ngủ ngầm trong tâm do theo năm lối: Là do Minh sát tuệ (tadaṅga), do nhiều thiền định nhận được năm pháp cái (vikkhambhana), do Thánh đạo (samuccheda), do Thánh quả (paṭi passaddhi), do nhập Níp Bàn tức là được giải thoát (nissaraṇa).
Anupādiyāno idha vā huraṃ vā (không chấp đây hoặc kia là) nghĩa là không chấp trước ngoại cảnh hay nội tâm (ajjhatta bāhirā), không chấp trước các uẩn, căn và chất (khandhāyatanadhātu), không chấp bốn cái thủ (cố chấp trong ngũ trần, kiến thức, giới cấm thủ, bản ngã), nhờ đó mà hành giả chứng được bậc Đại Lậu Tận (Mahā khīṇāsava) đạt đến con đường có tên là Sa môn đạo, để đắc Sa môn quả là như thế, tức là chia hưởng được phần phước của Sa môn, thọ dụng năm môn của bậc Vô học (asekkha dhammakkhandha) như là ngôi nhà được cơi lên một cái gác nhọn (ratanakūṭa), bực hành giả chơn chánh, nhờ nghe thuyết pháp rồi rán vâng giữ hành theo mà đạt đến quả vị tối cao là A La Hán vậy.
*
Kệ ngôn vừa dứt, nhiều Tỳ khưu đắc Thánh quả nhất là Tu Đà Hườn quả, đại chúng thính pháp cũng đều được hưởng sự lợi ích.
x
Dịch Giả Cẩn Đề
Học để độ người chẳng độ mình,
Cậy tài hoạt bát trí thông minh.
Muốn ai cũng biết qua nhiều pháp,
Cười kẻ không rành, thuộc ít kinh.
Tham dục còn, thì chưa bất tử,
Sân si hết, mới thật vô sinh.
Thuyết hay, hay thuyết, đều vô bổ,
Nếu chẳng kèm thêm chút Pháp hành!
Pháp học không kham giữ Pháp hành,
Cần tu hạnh đắc quả vô sanh.
Người hay cứ thuyết cho nhiều pháp,
Ta dở cam đành thuộc ít kinh,
Phiền não thanh yên, còn giác tuệ,
Sân si giũ sạch, hết vô minh.
Trần ai, ai biết ta cũng chẳng,
Muốn độ tha nhân, trước độ mình.
DỨT TÍCH HAI VỊ TỲ KHƯU BẠN
19. Reciting Dhamma, without practice of it, is fruitless like a cowherd’s count of another’s cattle.
19. Tụng kinh! Nhưng không hành pháp sẽ không có kết quả, giống như kẻ chăn bò của người khác.
19. Bahumpi ce sahitaṃ bhāsamāno,
na takkaro hoti naro pamatto;
Gopo’va gāvo gaṇayaṃ paresaṃ,
na bhāgavā sāmaññassa hoti. (1:19)
19. Though many sacred texts he chants
the heedless man’s no practicer,
as cowherd counting others’ kine
in samanaship he has no share.
20. Practice of Dhamma, with less of recital, totally unattached, qualifies one for recluseship.
20. Hành pháp, ít tụng kinh, tâm ly tham, vô chấp thủ, tức là có khả năng sống đời sa-môn.
20. Appam pi ce sahitaṃ bhāsamāno,
dhammassa hoti anudhammacārī;
Rāgañca dosañca pahāyamohaṃ,
sammappajāno suvimuttacitto;
Anupādiyāno idha vā huraṃ vā,
sa bhāgavā sāmaññassa hoti. (1:20)
20. Though few the sacred texts he chants
in Dhamma does practice run,
clear of delusion, lust and hate,
wisdom perfected, with heart well-freed.
DỨT PHẨM SONG YẾU
II. PHẨM CHUYÊN NIỆM (APPAMĀDA VAGGA)
12 bài kệ: Pháp Cú số 21-30
09 tích truyện.
II. 1 – Tích HOÀNG HẬU SĀMĀVATĪ
(Sāmāvatī vatthu)
KỆ NGÔN: (Pháp Cú 21-22-23)
21. “Appamādo amataṃ padaṃ,
pamādo maccuno padaṃ;
Appamattā na mīyanti,
ye pamattā yathā matā.”
21. “Chuyên cần đường bất tử,
Giải đãi lộ tiêu vong.
Người chuyên cầu chẳng chết,
Kẻ biếng sống như không.”
22. “Etaṃ visesato ñatvā,
appamādamhi paṇḍitā;
Appamāde pamodanti,
ariyānaṃ gocare ratā.”
22. “Nhờ tri giác như thế,
Bậc trí chẳng buông lung.
Hoan hỷ chuyên cần mãi,
Tôi, Thánh được thung dung.”
23. “Te jhāyino sātatikā,
niccaṃ daḷhaparakkamā;
Phusanti dhīrā nibbānaṃ,
yogakkhemaṃ anuttaranti.”
23. “Người chuyên cầu thiền định,
Hằng tinh tấn dụng công.
Bậc trí thoát triền phược,
Chứng Níp Bàn vô song.”
Những kệ ngôn Pháp Cú (21-22-23) nầy được Đức Thế Tôn đã thuyết pháp khi Ngài an ngự tại Ghositārāma (Lôi Âm Tự), gần thành Kosambi, đề cập đến cái chết của Hoàng hậu Sāmāvatī cùng năm trăm phi tần của cô, và cái chết của Thứ hậu Māgandiyā luôn cả năm trăm cung nữ, quyến thuộc của nàng.
Đầu đuôi câu chuyện như sau:
Trong thời quá khứ, nơi quốc độ Allakappa (An Lạc Kiếp), có Allakappa Quốc vương, và nơi quốc độ Veṭṭhadīpaka (Bệ Tha Đảo), có Veṭṭhadīpaka Quốc vương. Hai nhà vua là đôi bạn thâm giao. Hai người kết nghĩa kim bằng từ thời thơ ấu, đã từng sống chung, học tập nghề văn nghiệp võ với một ông thầy. Khi phụ vương của mỗi vị băng hà, ai về nước nấy để nối ngôi thiên tử, thống lãnh giang sơn tiểu quốc (Dasadasayojanika raṭṭha). Tuy nhiên, hai vị tân vương thỉnh thoảng vẫn còn tương hội, cùng sánh vai nhau đi đứng, nằm ngồi.
Một hôm luận đàm thế sự, nhìn thấy dân gian lớp mới sanh, lớp đã già, đều đi lần đến cõi chết, hai bạn tri kỷ đồng than: “Hỡi ơi! Huỳnh tiền di lộ, bất đắc tương tùy, hơi thở dứt đi thì thân nầy cũng bỏ, cơ đồ sự nghiệp, quyến thuộc gia đình… chung qui cũng là ảo mộng mà thôi. Vậy ta hãy xuất gia tu hành cho rảnh.”.
Phán rồi, hai nhà vua cả quyết phú thác sơn hà xã tắc lại cho thê nhi, cùng nhau xuất gia đạo sĩ, vào ẩn cư trong miền Tuyết Lãnh (Himavanta).
Ở chung nơi đây, hai bạn đạo bảo nhau rằng: “Chúng ta bỏ vương quyền đế vị là hy cần đắc đạo, nhập thánh siêu phàm, chẳng lẽ không tự túc cánh sinh, nếu ta còn lưu luyến chung cư thì có khác nào lúc xưa ta còn ở thế? Thôi ta nên ở riêng mỗi người một phía, bạn ở núi kia tôi ở núi nầy, mỗi kỳ nửa tháng, đến ngày Phát lồ (sám hối) ta sẽ hội họp một lần nữa mà thôi.”.
Hai đạo sĩ lại đồng ý thêm rằng: “Như thế ta cũng còn mong mỏi đến ngày tương hội, tốt hơn hết là đến ngày ấy, bạn nổi lửa bên núi bạn, tôi nổi lửa bên núi tôi. Bằng cách ấy, ta thông tin nhau biết là mình còn sống.”.
Thế rồi, hai đạo sĩ chia tay, giữ đúng lời giao ước. Một thời gian sau, đạo sĩ Veṭṭhadīpaka chết, thọ sanh làm một vị Thiên vương có nhiều thần lực.
Đến kỳ Phát lồ nửa tháng, không thấy khói lửa phía núi bên kia, vị đạo sĩ còn sống biết rằng: “Bạn ta đã mãn phần.”.
Còn vị thiên, sau khi hóa sanh, ngẫm xem thân hình đổi mới, cao sang lộng lẫy, bèn tìm hiểu duyên nghiệp đã làm cho được quả phước hiện tại, thì được biết rằng: Do nhờ ta xuất gia tu hành. Rồi vị ấy tính thầm: “Ta hãy xuống thăm bạn ta coi nào?”.
Liền đó, xóa bỏ hình dáng chư Thiên, vị ấy biến thành một khách lữ hành, đến đảnh lễ vị đạo sĩ và đứng qua một bên.
Thấy người lạ, đạo sĩ hỏi:
- Đạo hữu ở đâu lại đây?
- Bạch Ngài! Tôi là khách lữ hành ở tận một phương xa, bạch Ngài cho phép tôi hỏi thăm: Nơi đây có ai khác nữa ở chung với Ngài không?
- Có, ta có một người bạn.
- Ngài ấy ở đâu?
- Vị ấy ở núi bên kia, hôm nay đến kỳ Phát Lồ mà sao không thấy nổi lửa, có lẽ vị ấy chết rồi chăng?
- Bạch Ngài, đúng vậy.
- Đạo hữu biết chắc ư?
- Bạch Ngài, vị ấy chính là tôi đây.
- Đạo hữu sanh về cảnh giới nào?
- Tôi sanh lên cõi trời, làm vị Thiên vương có nhiều thần lực, nay vì muốn thăm bạn cũ, nên trở xuống đây. Bạch Ngài! Nơi đây Ngài có gặp điều chi trở ngại, khó khăn phiền phức không?
- Thưa đạo hữu, có. Tôi bị mấy con voi thường đến quấy phá.
- Bạch Ngài, chẳng hay mấy con voi ấy quấy nhiễu Ngài bằng cách nào?
- Đàn voi đến phóng uế trên sân, chỗ tôi đã quét sạch sẽ, và dậm chân quần thảo làm cho bụi bay lên tứ tung, tôi phải mất công hốt phân voi và đổ đất lấp các lỗ chân voi.
- Chắc Ngài muốn đàn voi đừng trở lại nữa?
- Phải đó, đạo hữu.
- Vậy thì để tôi chỉ Ngài cách nầy làm cho bọn chúng sẽ từ biệt nơi đây.
Nói rồi, Thiên vương tặng cho đạo sĩ cây đàn thần ba dây và dạy cho đạo sĩ niệm chú để sai khiến loài voi. Lần lượt chỉ vào ba dây đàn, Thiên vương giảng:
- Khi nào Ngài khảy dây đàn nầy và niệm chú này thì đàn voi chạy thẳng một mạch, không thể quay đầu nhìn lại phía sau. Còn khi nào Ngài khảy dây đàn nầy và niệm câu chú nầy, thì đàn voi “phản tiền vi hậu”, quay đầu lại, vừa chạy vừa nhìn về phía Ngài. Còn nếu Ngài khảy dây đàn nầy và niệm câu thần chú nầy thì con Tượng chúa lập tức chạy đến đưa lưng cho Ngài cỡi.
Đoạn Thiên vương đảnh lễ đạo sĩ và cáo từ lui gót.
Nhờ phép niệm chú và khảy đờn rất linh nghiệm, khiến cho đàn voi chạy lảng xa hết, đạo sĩ từ đó mới được nhận sự nhàn lạc tịnh cư nơi miền sơn dã.
Đồng thời với đạo sĩ, có đức vua ngự, hiệu là Parantapa (Phổ Chiếu), đóng đô tại thành Kosambi.
Một hôm nhân buổi chiều hè nóng bức, quốc vương cùng Chánh hậu đang hoài thai ra khỏi hoàng cung, ngự tọa trên sân thượng lộ thiên của tòa biệt điện.
Hoàng hậu được đức vua khoác trên mình chiếc long bào triều phục bằng gấm đỏ trị giá bằng mười vạn đồng vàng, trong khi âu yếm chuyện trò, đức vua lại cởi chiếc nhẫn ngọc ấn trị giá cũng mười vạn đồng vàng nơi tay Ngài mà lồng qua ngón tay của Hoàng hậu.
Tình cờ khi ấy, trên không có con chim đại bàng (hatthiliṅgasakuṇa) từ xa bay đến, trông thấy Hoàng hậu mặc chiếc hồng bào, nó tưởng là đống thịt đỏ tươi, nên xếp đôi cánh lại lao mình xuống nhanh như cắt, phát ra tiếng gió ào ào nghe đến lạnh mình. Đức vua kinh hãi đứng dậy, chạy ngay xuống lầu. Hoàng hậu cũng hốt hoảng hoang mang, nhưng vì đang lúc hoài thai nên không thể lanh chân tẩu thoát kịp. Vì thế đại bàng điểu xớt được Hoàng hậu, kẹp cứng trong móng vuốt của nó, rồi vỗ cánh bay lên.
Theo lời xưa kể lại, giống đại bàng nầy là một giống kên kên (Thốc thứu) có mỏ dài như vòi voi, có sức mạnh tha mồi bằng năm con tượng, cho nên khi sớt mồi rồi là nó bay đi, tùy thích đáp xuống mà ăn thịt. Đang lúc bị chim đại bàng tha nó bay lên không, Hoàng hậu phập phồng sợ chết, tự nghĩ thầm rằng: “Giống thú hay sợ tiếng người, nếu ta kêu la, nó nghe tiếng ta, ắt là buông bỏ ta rơi xuống đất, như thế ta cùng thai nhi cũng đều vong mạng. Chi bằng chờ khi nó đậu chỗ nào, sắp sửa ăn thịt ta, chừng ấy ta sẽ cất tiếng la to để xua đuổi nó.”.
Nhờ thông minh tỉnh trí, nghĩ ra diệu kế, Hoàng hậu nhẫn nại làm thinh.
Nơi miền Tuyết Sơn, có một cây đa rất to lớn, mọc lên đã lâu đời, thân cây sừng sững giữa trời, tàn nhánh tròn xoe, sum sê mát mẻ, chim đại bàng vẫn thường sớt tha thú rừng đem về gác trên cây đa cổ thụ mà ăn. Cho nên hôm ấy nó cũng tha Hoàng hậu Parantapa về đậu trên cháng hai ấy và đưa mắt quan sát con đường về. Theo tục truyền giống chim này có thói quen là luôn luôn quan sát con đường về như thế.
Ngay khi ấy, Hoàng hậu tính rằng: “Bây giờ là lúc ta phải xua đuổi nó đây.”.
Duỗi hai cánh tay ra, Hoàng hậu vừa vỗ tay vừa la lớn tiếng, đuổi được con chim đại bàng bay mất.
Chiều tàn, bóng ô vừa khuất, Hoàng hậu bỗng nghe thai nhi chuyển động. Bầu trời lúc bấy giờ lại vần vũ mây đen, tứ bề chớp giăng sấm nổ.
Thảm thay cho một trang quốc mẫu, lá ngọc cành vàng.
“Rừng khuya tân khổ cơ hàn
Ai người bậu bạn trấn an cho mình.”
Đến khi đêm tàn mưa tạnh vừng hồng lố dạng trời đông, Hoàng hậu xổ lòng sanh được một hoàng nam. Để kỷ niệm bầu trời quang đãng với mặt nhật đang lên, báo hiệu một ngày tươi sáng. Hoàng hậu Parantapa đặt tên con là Udena (Cao Thắng). Chỗ Hoàng hậu thọ nạn, cách chỗ ngụ của đạo sĩ Allakappa không bao xa.
Thói thường trong những ngày mưa, đạo sĩ sợ cảm hàn không dám vào rừng hái trái cây, đạo sĩ chỉ đi đến dưới gốc cây đa cổ thụ, chờ đại bàng điểu ăn xong thì hốt mót xương thừa, thịt vụn, đem về giã nát ra, cho thêm gia vị nấu thành nước canh mà húp.
Sáng hôm ấy, đạo sĩ cũng tính thầm: “Ta đi lượm mót xương.” đến gốc cây đa, đạo sĩ còn đang nhặt xương gom lại, bỗng nghe tiếng khóc của trẻ thơ ở phía trên cây.
Đạo sĩ ngước mắt nhìn lên, thấy Hoàng hậu ẫm con, bèn hỏi rằng:
- Nàng là giống chi?
- Thưa thiếp bị đại bàng điểu xớt tha về đây.
- Nàng muốn xuống đất không?
- Thưa muốn! Nhưng thiếp e giữa thiếp với người có chỗ cách biệt về dòng dõi không?
- Nàng thuộc về giai cấp nào?
- Thưa thiếp thuộc dòng Sát Đế Lỵ (Khattiya).
- Bần đạo cũng dòng Sát Đế Lỵ.
- Thế thì xin Ngài hãy kể những kiến thức đặc biệt của dòng Sát Đế Lỵ thử coi.
Nghe đạo sĩ kể đúng rồi, Hoàng hậu hết nghi nan, bèn yêu cầu: “Xin Ngài trèo lên ẵm ấu tử dùm cho tiện thiếp.”.
Đạo sĩ lập cách mở một lối lên đến cháng cây đa, đoạn trèo lên để bồng ấu tử và dặn rằng: “Nàng khá thủ lễ, chớ đụng tay vào mình bần đạo không nên.”.
Hoàng hậu y lời, khi trao hài nhi qua cho đạo sĩ ẵm xuống giữ gìn không cho đụng chạm, rồi Hoàng hậu cũng xuống theo luôn.
Đạo sĩ bồng ấu tử trở về tới thảo am, ra tay tế độ nuôi nấng nhưng dè dặt chẳng cho đứt giới người tu, đạo sĩ vào rừng kiếm mật ong nguyên chất và nước trái thốt nốt, đem về nấu cháo lỏng cho ấu tử bú.
Thấy đạo sĩ chăm non dưỡng dục con mình mà còn gìn giữ tư cách, Hoàng hậu buồn thân tủi phận nói thầm rằng: “Như ta nay đường đi chẳng biết, nẻo về cũng không hay, ở lại thì đạo sĩ đối với nữ nhân bơ phờ lạnh nhạt, không chút cảm tình. Nếu rủi bị ông ấy bỏ rơi thì mẹ con ta biết sẽ lưu lạc về đâu? Chắc chắn cả hai đều phải chết, ta phải làm sao cho đạo sĩ phá bỏ giới hạnh, chớ đừng bỏ rơi hai mẹ con ta.”.
Nghĩ vậy, Hoàng hậu bắt đầu ăn vận rách rưới lang thang, dùng chất liễu bồ nhược chất mà lung lạc tâm kẻ tu hành. Đạo sĩ rốt cuộc phải xiêu lòng. Từ đó nam nữ sống chung thuận hòa hợp êm ấm.
Tháng ngày qua… Một hôm đạo sĩ nhìn xem thiên tượng, thấy khí số của vua Parantapa đã hết, bèn kêu vợ bảo rằng:
- Nầy hiền nội, đức vua Parantapa trong thành Kosambi đã băng hà rồi.
- Sao phu quân nói vậy, đức vua với phu quân có thù nghịch chi chăng?
- Không đâu! Nầy hiền nội, ta nhìn xem thiên tượng thấy sao ứng ra điều ấy, nên nói như thế.
Hoàng hậu sụt sùi đổ lệ.
Đạo sĩ hỏi:
- Sao nàng lại khóc.
Khi được biết vua Parantapa là chồng cũ của vợ mình, đạo sĩ an ủi: “Thôi hiền nội đừng nên bị lụy, ở đời hễ có sanh là có tử, đó là lẽ đương nhiên”.
- Thưa phu quân, thiếp cũng biết như vậy.
- Thế sao nàng lại khóc?
- Vì con trai của thiếp là đông cung Thái tử, có quyền kế vị ngai vàng, đáng lẽ hưởng được phú quí vinh hoa tột bực thế mà Thái tử bây giờ phải chịu làm kẻ thường dân, cho nên thiếp tủi buồn cho thân con mà lưu lệ đó phu quân!
- Hiền nội cứ an tâm, đừng lo rầu nữa, nếu Thái tử muốn hồi trào để thừa hưởng được phú quí vinh hoa tột bực thì ta có cách giúp cho Thái tử thành toàn ý nguyện chẳng sai.
Hoàng hậu mừng rỡ đáp: “Thưa phu quân, nếu được vậy thì còn chi quí bằng.”.
- Được rồi, hiền nội.
Tiếp theo lời hứa, đạo sĩ lấy cây đàn thần ba dây ra trao cho Thái tử và truyền dạy ba câu mật chú điều khiển loài voi.
Hồi ấy vẫn có vô số tượng rừng ra vào gần đấy, tập trung quanh các gốc cây to kể hơn trăm ngàn thớt. Đạo sĩ liền dặn Thái tử rằng: “Lúc đàn voi chưa đến, con phải trèo lên ngồi trước trên cây cao. Hễ thấy chúng nó đến thì con niệm câu chú nầy và khảy dây đàn nầy, tất nhiên cả đàn voi sẽ quay đầu lại chạy thẳng một mạch không dám liếc nhìn lại phía sau. Chờ cả đàn voi qua hết, con hãy tuột xuống mà về”.
Thái tử vâng lời dưỡng phụ, một mình vào rừng thí nghiệm phép linh, xong rồi trở về thảo am thuật lại chuyện.
Qua ngày thứ hai, đạo sĩ lại dạy thêm Thái tử:
“Bữa nay con niệm câu chú nầy và khảy sợi dây đàn nầy, đàn voi sẽ phản tiền vi hậu vừa chạy vừa nhìn về phía con”.
Thái tử cũng vâng lời ra đi, thí nghiệm xong liền trở về phục lịnh dưỡng phụ.
Khi ấy, đạo sĩ gọi Hoàng hậu và bảo: “Nầy hiền nội, nàng có cần nhắn tin chi, thì hãy nói với con đi! Thái tử trở về phen nầy ắt sẽ lên ngôi cửu ngũ.”.
Hoàng hậu gọi Thái tử vào ngỏ lời tâm sự rằng: “Nầy vương nhi, con chính là đông cung Thái tử, con vua Parantapa xứ Kosambi, lúc mẹ mang con trong lòng thì bị đại bàng điểu xớt đi…”.
Thuật hết lai lịch tông tích của mình rồi, Hoàng hậu lại kể đích danh các đại thần trong triều, nhất là tên quan Nguyên soái cho Thái tử biết và tiếp rằng: “Đến lúc cần, con hãy trưng ra chiếc Hồng Cẩm bào và chiếc Vương chỉ hoàn nầy, vốn là triều phục và ngọc ấn của phụ vương con để làm tin.”.
Dặn dò xong, Hoàng hậu tiễn biệt Thái tử. Thái tử quay lại hỏi đạo sĩ rằng:
- Thưa dưỡng phụ! Bây giờ con phải làm gì?
- Con hãy trèo lên cây, ngồi trên một nhánh thấp rồi con niệm câu chú này và khảy sợi dây nầy, tức thì Tượng chúa đến đưa lưng cho con cỡi, con tuột xuống ngồi lên lưng tượng trở về cố quốc kế vị ngai vàng của phụ vương con.
Thái tử sụp xuống bái biệt song thân, rồi theo lời dạy của dưỡng phụ, gọi con Tượng chúa đến cỡi lên lưng nó và kê miệng gần tai nó, xuống lịnh phán rằng: “Ta là Thái tử Udena, con vua Parantapa xứ Kosambi, xin Tượng chúa hãy đưa ta về triều phục quốc, để kế vị ngai vàng!”.
Nghe vậy, Tượng chúa rống to lên, dùng ngôn ngữ của loài voi kêu gọi hợp đàn: “Vô số ngàn thớt tượng hãy tập trung tất cả nơi đây.”.
Quả nhiên, có vô số ngàn thớt tượng vâng lịnh chúa đàn qui tụ rất đông.
Với lực lượng hùng hậu vô số ngàn voi chiến Thái tử lên đường trở lại cố đô, đến biên ải, Thái tử kêu gọi dân chúng: “Ta là đông cung Thái tử trở về trào phục quốc, thần dân khá mau hộ giá mà lập công danh.”.
Từ đó trở đi dân chúng gia nhập càng ngày càng đông, Thái tử kết tập cả đoàn dân quân cùng với tượng binh kéo dốc toàn lực về vây thành Kosambi và phái sứ giả vào triều trao tối hậu thư, kết thúc bằng hai điều vắn tắt “Muốn chiến tranh hay là qui hoàn vương vị cho ta.”.
Trào thần đáp lại sứ giả rằng: “Cả hai câu hỏi của quí Ngài chúng tôi không thể trả lời dứt khoát. Quả thật, Hoàng hậu hoài thai có bị đại bàng điểu xớt tha đi, nhưng từ đó đến nay biệt tích vắng tăm, còn mất thế nào chưa rõ, bao giờ chúng tôi nghe đích xác tin tức Hoàng hậu rồi, chúng tôi mới có thể biểu quyết chiến tranh hay hoàn vương vị lại cho chúa của quí Ngài”.
Sứ giả về tâu lại với Thái tử những lời thương nghị của trào thần, Thái tử bèn thân hành đến tận cổng thành, bắt loa phán rằng: “Ta là đông cung Thái tử Udena, con của Hoàng hậu mất tích đây.”. Rồi Thái tử gọi đích danh các quan đại thần, nhất là tên vị Nguyên nhung. Thấy họ còn hoài nghi, Thái tử bèn trưng ra hai tín vật, bá quan nhận thấy chiếc Hồng cẩm bào và chiếc ngọc ấn chỉ hoàn là tín hiệu của quốc vương Parantapa, bèn mở rộng cửa ngọ môn nghinh tiếp Thái tử với ba quân tướng sĩ vào thành và chọn ngày làm lễ đăng quang để tôn Thái tử lên ngôi cửu ngũ.
(Trên đây là sự tích đản sanh của Thái tử Udena.)
Nơi quốc độ Allakappa, trong một năm mất mùa, nạn đói hoành hành rất khốc liệt, có một anh chàng nọ tên là Kotuhaliko (Háo Kỳ) nghèo xác nghèo xơ, không nuôi sống nổi gia đình là một vợ, một con thơ chưa rời vú mẹ. Chàng bảo vợ: “Chúng mình hãy đi Kosambi để tìm lối sống!”.
Nói rồi, anh ta góp nhóp được chút ít lương khô để dành ăn theo đường, dắt vợ ẵm con bỏ nhà ra đi.
Anh Kotuhaliko chạy tị nạn đói, nhưng cũng có người cho rằng anh ta chạy tránh bịnh thiên thời dịch khí, làm cho nhân dân chết lây liều yếu vậy.
Hai vợ chồng đi được một quãng đường thì vật thực hết sạch vừa đói vừa lả vì kiệt sức, và còn phải đèo theo đứa con thơ, Kotuhaliko chán nản, than thở với vợ rằng:
- Mình ơi! Chúng ta còn sống thì còn sanh con, ta hãy bỏ đứa nầy lại nơi đây mà đi cho đỡ khổ nghe mình.
Động lòng từ mẫn, Kālī (Thị Thời) phản đối chồng rằng:
- Con còn sống, em không đành bỏ nó đâu?
- Vậy thì ta phải làm sao?
- Thì ta thay phiên nhau mà ẵm nó chứ sao?
Người mẹ lãnh phiên đầu, đeo đứa bé như một vòng hoa, đặt nó nằm yên trên ngực mình, một lúc sau thiếu phụ trao con cho chồng. Kotuhaliko ẵm con đi, dừng lại từng hồi từng chập chỗ nọ, chỗ kia. Mỗi khi bụng đói cồn cào, khổ đau quá sức. Thỉnh thoảng anh ta nhắc đi nhắc lại với vợ rằng: “Mình ơi! Ta còn sống thì còn sanh con, ta hãy bỏ đứa nầy cho rảnh.”.
Kālī hễ nghe chồng mở miệng nói, là phản đối liền, nhất định không chịu lìa con. Đứa bé được hai người thay phiên nhau ẵm bồng. Một lúc sau mòn mỏi ngủ thiếp trên tay cha nó.
Kotuhaliko thấy con ngủ, bèn giục vợ đi trước, một mình ở lại sau, anh kiếm lá lót trải dưới một bụi cây, se sẽ đặt con nằm xuống rồi bỏ đi.
Kālī quay lại kiếm chồng, không thấy con bèn hỏi:
- Con đâu, mình?
- Anh để nó nằm dưới bụi cây kia kìa.
Kālī đấm ngực khóc than kể lể: “Mình ơi! Mình làm khổ cho em, không có con chắc em không sống được, mình đem con giao trả lại cho em.”.
Kotuhaliko phải miễn cưỡng trở lại ẵm con theo, nhưng đến nửa đường đứa trẻ cũng chết.
(Do nhân dứt bỏ con thơ nhiều chỗ trong kiếp ấy mà Kotuhaliko phải trả quả, bị đem dứt bỏ bảy lần trong một kiếp sau. Thấy đó, ta không nên khinh thường những tội lỗi nhỏ nhen mà cho rằng sẽ không trả quả).
Vợ chồng Kotuhaliko khi được rảnh tay lại tiếp tục lộ trình gian khổ và sau cùng đi đến nông trại của một chủ nuôi bò.
Hôm ấy, nhằm ngày trong trại tổ chức lễ mừng cho con bò cái giống (dhenumaṅgala) của chủ trại mới đẻ con so. Thường nhật có một vị Phật Độc Giác hằng đến thọ thực trong trại chủ bò. Chủ trại để bát cúng dường Đức Phật Độc Giác trước, rồi mới cử hành cuộc lễ, bữa ăn thịnh soạn cơm trắng chưng dọn ê hề.
Chủ trại nhìn thấy vợ chồng Kotuhaliko mới đến, bèn hỏi rằng: “Hai em ở đâu lại đây?”.
Sau khi nghe tường thuật những nỗi đoạn trường của kẻ tị nạn đói, ông bèn khiến gia đình đem đến cho họ khá nhiều cơm trắng với sanh tô (sappi).
Kālī nói: “Mình ơi! Hễ mình sống là em sống, vậy mình hãy ráng ăn cho no nê đi đặng bù lại khi trước mình đã chịu đói lâu ngày.”.
Nói rồi, người vợ đem gần hết phần cơm trắng, sanh tô của mình sớt qua bát của chồng, chỉ chừa lại ăn chút ít thôi. Anh Kotuhaliko vì bị đói trong bảy ngày liền, bây giờ gặp được mỹ vị cao lương, ăn nhiều bao nhiêu cũng chưa đã thèm.
Sau khi sai người bố thí cơm trắng cho hai nạn nhân, chủ trại bò ngồi vào bàn ăn để dùng bữa.
Anh Kotuhaliko ngồi nhìn chủ trại, thấy ông ấy ném vắt cơm sữa xuống cho con chó cái đang nằm dưới gầm bàn thì phát sanh ý nghĩ như vầy: “Con chó cái nầy quả thật có phước mới được chủ cho ăn ngon lành như thế hằng ngày.”.
Đêm ấy, anh Kotuhaliko bị trúng thực, phát ách, đau bụng mà chết, tâm thức nhập vào thai bào của con chó cái nói trên.
Kālī lo an táng chồng rồi, còn nán ở lại làm công việc trong nhà chủ trại bò. Lãnh được một gáo gạo, chị bèn nấu cơm để bát cúng dường Đức Phật Độc Giác và phát nguyện rằng: “Xin cho phước nầy thấu đến chồng con.”, nguyện rồi chị tự nghĩ: “Ta nên ở lại đây phục dịch, vì Ngài Đại đức mỗi ngày đều đến đây thọ bát. Dầu ta có cúng dường hay không, mỗi ngày ta cũng được dịp lễ bái phục dịch Ngài. Như vậy, chắc chắn ta sẽ tạo được nhiều phước báo cho đời vị lai.”. Thế là từ đó chị Kālī ở luôn làm công cho chủ trại.
Độ vài tháng sau, con chó cái đẻ, trong bầy con, nó chỉ có một con đực, chủ trại bò cưng con chó con nầy lắm, nên lấy sữa của một con bò cái cho nó bú, không bao lâu nó lớn, mỗi ngày trong khi thọ thục, Đức Phật Độc Giác đều cho nó một vắt cơm, vì được cho ăn quen lệ, con chó nầy cảm mến Đức Phật Độc Giác.
Thường thường chủ trại bò đến hộ Đức Phật Độc Giác ngày hai lần. Đi đường đến chỗ có thú dữ, ông ta lấy gậy đập lên bụi cây, hay đập xuống đất, miệng la: “Hiu, hiu, hiu” ba tiếng làm cho thú dữ hoảng sợ bỏ chạy, mỗi lần ông đi, con chó chạy theo ông.
Một hôm, chủ trại bò ngỏ lời yêu cầu Đức Phật Độc Giác rằng:
- Bạch Ngài! Khi nào con không được rảnh thì con sẽ cho con chó nầy đến thỉnh Ngài, xin Ngài hoan hỷ chấp nhận lời yêu cầu của con.
Từ đó về sau, mỗi khi bận việc, chủ trại bò sai con chó:
- Nầy con, con hãy đi thỉnh Ngài Đại đức.
Chỉ nghe chủ nói qua một lần là con chó lập tức đi. Tới chỗ mà chủ nó hay đập gậy lên bụi cây hay đập xuống đất, nó đứng lại sủa ba tiếng, khi chắc ý là thú dữ nghe tiếng nó sủa bỏ chạy xa rồi, nó mới sửa bộ tịch cho chỉnh tề, đi đến thảo am, chỗ Đức Phật Độc Giác đang ngự, thấy Ngài ngồi trong am nó đứng ngay trước cửa sủa ba tiếng ra hiệu cho biết là có nó đến, đoạn nó vào nằm bên Ngài. Đoán biết Đức Phật Độc Giác sắp ra đi, nó vừa sủa vừa chạy trước dẫn đường.
Để thử trí khôn của con chó, Đức Phật Độc Giác thường rẽ qua lối này lối nọ, thấy vậy, nó chạy vọt tới trước, đứng cản đường và sủa lên để kêu Ngài trở lại con đường kia, một hôm Đức Phật Độc Giác cũng rẽ qua lối khác như thường lệ, con chó cũng chạy tới trước đón đường, nó ráng sức sủa, nhưng Ngài không đổi hướng, lại nắm chân nó vẹt qua để đi tới, khi thấy Ngài đi luôn, con chó chạy theo níu chéo y của Ngài lôi ngược lại, để chỉ cho Ngài biết con đường nên đi. Sự gần gũi thân mật như thế khiến cho mối tình quyến luyến của con chó đối với Đức Phật Độc Giác càng ngày càng gia tăng.
Một thời gian sau, khi thấy y của Đức Phật Độc Giác cũ quá; ông chủ trại bò xin dâng Ngài vải may y. Khi ấy, Đức Phật Độc Giác bảo rằng: “Nầy đạo hữu, việc cắt may y rất khó mà làm một mình, vậy để ta đem vải đến chỗ có người tiếp tay phụ may cho dễ.”.
- Bạch Ngài, xin thỉnh Ngài hoan hỷ ở đây may y.
- Không thể được đâu đạo hữu!
- Bạch Ngài, nếu vậy xin Ngài đừng đi ở đó quá lâu.
Khi chủ trại bò hầu chuyện cùng Đức Phật Độc Giác con chó ở một bên để ý lắng nghe.
Đức Phật từ giã thí chủ rồi, liền bay bổng lên hư không đoạn Ngài trực chỉ bay luôn về núi Gandhamādana (Hương Đản).
Thấy Đức Phật Độc Giác bay đi, con chó đứng dưới đất nhìn theo mà sủa mãi, cho đến khi hình bóng của Ngài mờ dần và tan biến trong hư không thì tim nó vỡ tan ra. Ôi, súc vật cũng có nhiều con trung nghĩa trung thành, trái với tiếng lòng muôn dạ thú, còn loài người cũng lắm kẻ mật miệng gươm lòng, hiệp với câu: “Giáp mặt lời ra, lòng xa ngàn núi (đối diện dữ, nhữ tâm cách thiên san).
Do nhờ tánh trung nghĩa chân thật, sau khi chết, con chó được thọ sanh lên cung trời Đao Lợi, có một ngàn ngọc nữ theo hầu hưởng được phước lộc của một Thiên vương, đức vua trời này có giọng nói rất to. Dầu khi kề tai nói nhỏ, tiếng ngài cũng vang rền xa mười sáu do tuần. Do đó, Thiên vương được mệnh danh là Lôi Âm thiên tử (Ghositadevaputta).
Nhờ gieo nhân nào mà Ngài được phước ấy, nhờ trong kiếp chó ngài đã sủa Đức Phật Độc Giác bằng cả tấm lòng trìu mến vậy.
Lôi Âm thiên tử không được trường thọ để hưởng lộc trời. (Trên Thiên giới, chư Thiên mạng chung vì hết tuổi thọ, hoặc vì hết phước, vì quên thọ thực hay vì quá sân hận). Vị nào do tạo nhiều phước nghiệp, thọ sanh lên cõi trời nào, sống mãi tùy theo số tuổi thọ của chư Thiên cõi ấy, chết rồi sanh đi sanh lại cũng chưa hết phước, như vậy gọi là mạng chung vì hết tuổi thọ. Vị nào tạo chút ít phước thọ sanh lên cõi trời nào, khi hưởng hết phước để dành thì phải chết, ví như người gởi vào công khố độ bốn, năm lon lúa, lấy ra hết rồi thôi, như thế mạng chung vì hết phước. Còn vị nào đang mê say thọ hưởng ngũ trần, mãi ham vui mà quên lãng việc thọ thực, vị ấy cũng phải chết vì xác thân không được dinh dưỡng, như thế gọi là mạng chung vì quên thọ thực. Và vị nào thấy vị khác có nhiều oai lực phước báu hơn mình mà phát sanh lòng ganh tỵ, hễ cơn giận nổi lên thì cũng chết, như vậy gọi là mạng chung vì sân hận.
Ghositadevaputta mãi vui say với ngũ trần dục lạc mà quên thọ thực nên phải mạng chung, đầu thai vào lòng một cô gái lầu xanh ở trong thành Kosambi. Vừa sanh con, cô kỹ nữ (sobhinī) đã hỏi đứa tỳ nữ: “Trai hay gái?”.
- Dạ thưa cô, trai!
Không cần thấy mặt anh nhi, sản phụ vội bảo:
- Vậy mầy hãy bỏ thằng nầy vào một cái giỏ xách bằng mây, rồi đem liệng nó ra trên đống rác.
Đứa nữ tỳ vâng lịnh chủ, đem vứt đứa bé vô thừa nhận. (Các cô ả làng chơi ở đô thành chỉ nuôi ròng con gái, chớ không dùng con trai, vì con gái mới nối được nghiệp nhà.)
Nằm trơ trên đống rác, hòn máu bỏ rơi bị chó và quạ xúm lại bao vây, nhưng chẳng con nào dám xáp lại gần do nhờ phước báu đã sủa Đức Phật Độc Giác với tâm trìu mến trong kiếp làm chó của nó.
Thời may, trong giây phút ấy có người đàn ông đi ra đồng, thấy quạ và chó chùm chum một chỗ, nên để ý tự hỏi:
- Đằng đó có cái gì vậy?
Rảo bước đến nơi, người đàn ông thấy đứa hài nhi thì sanh lòng thương như con đẻ, bèn bế xốc nó lên và tri hô rằng:
- Ta xí được đứa con trai, đoạn người ấy bồng nó đem về nhà.
Ngày sanh đứa trẻ không cha là ngày ông Thiên hộ thành Kosambi vào triều bái mạng đức vua. Lúc vào hoàng thành ông gặp quan Khâm thiên giám từ trong cung nội đi ra, bèn nghiêng mình thi lễ và hỏi rằng:
- Kính thưa Quốc sư, chẳng hay Ngài đã xem thiên văn để tiên đoán quốc sự ngày bữa nay hay chưa?
- Thưa phú Trưởng giả, đó là bổn phận hằng ngày của bổn chức.
- Vậy thưa Ngài, trong nước có chuyện chi lạ xảy ra không?
- Chẳng có chi khác, ngoài việc đứa bé sanh ra trong đô thành ngày hôm nay, sau nầy sẽ là đệ nhất phú Trưởng giả.
Lúc ấy bà Thiên hộ cũng có thai gần ngày sanh, cho nên ông Thiên hộ hối hả sai tên gia đinh theo hầu:
- Nầy con! Con về xem coi bà đã lâm bồn chưa nghe!
Tùng giả vâng lời chạy ngay về nhà, hỏi: “Bà Thiên Hộ đã lâm bồn chưa?”.
Nghe người nhà đáp: “Bà chưa sanh.”, tùng giả bèn chạy trở vô thành, lập y lại với chủ “Bà chưa sanh.”.
Khi hay tin vợ chưa sanh, phú ông vào triều thỉnh an đức vua xong, vội vã trở về nhà, cho đòi con tỷ tất Kālī (Hắc Nô) đến, giao cho nó một ngàn đồng vàng và dặn bảo: “Con hãy đi rảo khắp trong thành dò xét, nếu gặp đứa bé nào mới sanh ra nội ngày bữa nay thì con xuất hết một ngàn đồng vàng mua nó đem về cho ông.”.
Nàng Kālī (Hắc Nô) đi hỏi thăm lần hồi, nhờ người điềm chỉ đến ngay nhà người đàn ông xí được đứa bé, liền hỏi vợ chủ nhà:
- Thằng nhỏ nầy thím sanh được bao lâu rồi?
- Dạ mới sanh bữa nay.
- Cho tôi xin nó đi.
Rồi cô kỳ kèo trả giá, từ một đồng lên tới một ngàn đồng vàng mới mua được đứa con rơi đem về cho ông Thiên hộ.
Phú ông bề ngoài làm ra vẻ yêu mến đứa con nuôi, cho cất nhà riêng để nó ở, nhưng trong thâm tâm ông dự tính rằng: “Nếu vợ ta sanh con gái thì ta sẽ gả cho thằng nầy và truyền chức Thiên hộ cho rể, nhược bằng vợ ta sanh con trai thì ta sẽ thủ tiêu nó ngay.”.
Cách vài ngày sau, phú bà xổ lòng, sanh được một trai. Phú ông nghĩ rằng: “Bây giờ ta phải tìm cách hạ sát đứa con hoang thì đứa con ruột của ta sẽ giữ chức đệ nhất phú gia trong thành Kosambi nầy”.
Ông Thiên hộ gọi con tỷ tất Kālī và dặn riêng nó rằng: “Con đem thằng bé ngoại tộc nầy đến cửa chuồng bò, chờ khi người ta sắp thả bò ra, thì con bỏ nó nằm ngay giữa lối đi, cho bò cái dặm nhẹp xác nó! Con chờ coi, thấy nó bị đạp chết rồi, hãy về cho ông biết tin.”.
Nữ tỳ Kālī ẵm đứa bé đi, chờ một lúc thấy mục đồng mở cửa chuồng bò, bèn đặt nó nằm ngang cửa lối đi của bò. Mọi bữa khác thì con bò đực đầu đàn đi ra sau chót hết, nhưng hôm nay nó lại ra trước nhất, đến ngay chỗ đứa bé nằm nó đứng dang bốn chân ra, che chở tứ phía.
Bầy bò cái không biết mấy trăm con, chạy túa ra làm hai hàng, chạm vào hai bên hông con bò mộng, người chăn bò thấy chuyện lạ, nói thầm rằng: “Con bò mộng nầy lúc nào cũng đi ra sau cùng, sao hôm nay lại phát chứng chạy ra trước nhất, đứng chận ngay cửa chuồng vậy cà? Không biết có cái gì ở đó?”.
Khi đến gần, trông thấy đứa bé tí hon đang nằm dưới con bò mộng, người chăn bò sanh lòng thương như con ruột của mình, bèn hô lớn lên: “Ta xí được đứa con trai.” rồi ẵm luôn nó vô nhà.
Kālī về phục lịnh chủ, đem hết mọi sự trình lại cho ông Thiên hộ nghe. Phú ông lại giao cho nó một ngàn đồng vàng và dặn: “Bây giờ con đem số tiền nầy đi, ráng chuộc thằng bé về cho ông.”.
Tỷ tất Kālī thực hành lịnh chủ, xuất hết một ngàn đồng vàng chuộc được đứa bé mang về cho ông Thiên hộ. Khi ấy, phú ông lại nhỏ to sở cậy đứa tớ gái tâm phúc rằng: “Nầy Kālī con, hôm nay trong đô thành có năm trăm cỗ xe bò sắp khởi hành một chuyến buôn xa, sẽ đi tờ mờ sáng, vậy con hãy mang thằng bé nầy đem bỏ giữa đường lộ cho bò đạp, cho xe cán nó nát thây, đứt đầu chết đi cho rảnh, con chờ xem thấy nó chết thật rồi, hãy về cho ông hay.”.
Con nữ tỳ lại mang đứa bé đi bỏ nằm ngang giữa lộ. Lúc khởi hành, vị đoàn trưởng cho xe mình đi trước dẫn đường, đến chỗ đứa bé nằm, cặp bò đứng khựng lại, bị chủ la hét thúc giục, chúng lại lộn nài bẻ ống không chịu đi tới nữa. Vì cặp bò hướng đạo sanh chứng, tháo trút như vậy, nên cả đoàn xe phải dừng lại. Vị đoàn trưởng đang mãi đứng loay hoay gác ách lên cổ bò thì trời rựng sáng.
Khi ấy ông trưởng đoàn lái buôn nhìn xuống đường để xem coi: “Tại sao mấy con bò sanh chứng kỳ vậy?” khi trông thấy đứa hài nhi ông mừng thầm: “Hay lắm, công việc nầy thật phù hợp với vợ ta.”, rồi ông bồng đứa bé lên và đem nó về nhà.
Thấy Kālī về, ông Thiên hộ lật đật hỏi thăm, khi nghe đứa tớ gái tường thuật hết sự tình, ông lại sai nó đi:
- Thôi con ráng đi một lần nữa, đem một ngàn đồng vàng nầy chuộc nó đem về đây.
Con nữ tỳ làm theo lời chủ dặn.
Ông Thiên hộ lại bảo nó: “Bây giờ con đem thằng nhỏ bỏ vào bãi tha ma, để cho cầm thú, nhất là chó mèo nhai xương nó, cho phi nhân, ngạ quỉ đánh đập nó chết đi, chừng con thấy nó thật chết rồi thì về cho ông biết tin.”.
Kālī lại mang đứa hài nhi ra đi, quạ hay là các giống phi nhân đều không dám xáp lại gần kề bên nó, nó chỉ có một mình trơ trọi, chẳng có cha, có mẹ, có anh chị nào khác bảo bọc, che chở cho nó hết cả. Vậy thì ai hộ trì nó? Đó là nhờ phước nó đã tạo trong kiếp chó, bằng cách sủa kêu Đức Độc Giác Phật với tâm trìu mến, hộ trì nó vậy.
Khi ấy có một người chăn dê, đuổi hằng trăm ngàn con dê ra đồng cỏ cho ăn, đi xuyên qua bãi tha ma, một con dê cái đi kiếm lá cây ăn, nên tách ra đi riêng, chui vào một bụi rậm, thấy đứa bé nó dừng lại, quì hai gối đưa vú cho đứa bé bú, nghe người chăn giả tiếng kêu “be be”, nó cũng không chạy ra, người nầy định bụng ta sẽ đập cho nó mấy gậy.
Khi chui vào chỗ lùm cây bụi rậm, thấy con dê cái đang đứng chàng hảng cho đứa bé nút sữa của nó, người chăn dê cảm thấy thương đứa bé ấy như con mình, bèn tri hô lên rồi ẵm nó đem đi.
Con Kālī mục kích được chuyện nầy, trở về phúc trình tường tận cho ông phú hộ biết, ông ta lại sai nó mang một ngàn đồng tiền vàng chuộc đứa bé mang về và nó lại thi hành mệnh lệnh của chủ.
Khi ấy, ông Thiên hộ lại dặn dò cô tới gái thân tín: “Nầy Kālī con! Phen nầy con ráng đem thằng nầy trèo lên núi, tới chỗ vực thẳm mà người ta sẽ xô bọn cướp xuống hành hình (Corappabbata), con vứt nó xuống hố sâu cho nó va chạm vào vách đá đập nát thây thi, chừng con thấy nó rớt xuống đất thật chết rồi thì con về cho ông hay.”.
Con nữ tỳ đai đứa bé, trèo lên chót núi rồi quăng nó xuống.
Ngay chỗ ấy, từ sườn núi phía dưới có một lùm tre lớn theo khe đá nứt mọc lên, trên đầu ngọn tre một đám cam thảo rừng (jiñjuka) bao phủ rậm rạp, đứa bé rơi nhằm trong đó như là nằm trên tấm thảm to vậy.
Ngày ấy, ông thợ cả trong nhóm người đan thúng rổ cần dùng tre, ông ta xách rựa đi với đứa con trai lên núi, đến chỗ lùm tre dọn gai gốc để đốn, bị động đứa trẻ khóc ré lên. Nghe tiếng con nít khóc dậy, ông đốn tre nói: “Tiếng gì y như tiếng con nít khóc vậy?”. Đoạn ông ta tìm lối trèo lên đầu ngọn tre, thấy đứa hài nhi ông mừng rỡ tri hô lên: “Ta xí được đứa con trai.”. Rồi ông bồng nó đem đi.
Con Kālī trở về gặp ông Thiên hộ, ông hỏi thì nó thấy sao cứ nói vậy, tình thật khai ngay, phú ông lại đưa ra một ngàn đồng vàng, biểu nó đi chuộc đứa bé đem về cho ông và nó cứ y lời, không dám cãi lịnh chủ.
Mặc dù bị dưỡng phụ là ông Thiên hộ lập phương nầy thế nọ để sát hại như thế, đứa con trai mồ côi cũng chẳng hề hấn gì, nó lớn dần lên và được mọi người gọi là Ghosaka (Lôi Âm công tử), vì tiếng nói của nó vang rền như sấm, nó như là cái gai nhọn châm vào mắt Trưởng giả, ông ta thù ghét nó đến nỗi ông ta không muốn trông thấy mặt nó, bị những ý tưởng đen tối ám ảnh, ông Thiên hộ lại cố tìm cho ra mưu kế để giết nó cho khuất mắt mình, ông ta bèn đến chỗ ngụ của người làm nghề lò gốm và nói:
- Chừng nào bạn đốt lò?
- Ngày mai.
Nghe vậy, ông Thiên hộ nói: “Thế thì bạn cứ cầm lấy một ngàn đồng tiền vàng nầy mà xài, rồi tiếp theo làm việc nầy giúp tôi nhé!”.
- Việc chi vậy?
- Tôi có một thằng con nuôi, tôi sẽ sai nó đến đây bạn hãy dắt nó vào phòng kín, lấy dao bén phân thây nó ra từng mảnh, ném vào lò hầm. Đây một ngàn đồng vàng nầy tôi biếu trước cho bạn, khi nào xong việc tôi còn nhiều quà tặng thù lao cho bạn nữa.
Chủ lò gốm nhận lời đáp: “Dạ thưa, được rồi.”. Hôm sau, ông Thiên hộ cho đòi Ghosaka (Lôi Âm) đến, bảo rằng:
- Con à! Hôm qua cha có đặt cho ông chủ lò gốm làm một công việc, giờ con hãy đến nhắc ông ta như vầy: “Hôm qua cha tôi có đặt cho chú làm chuyện chi đó, thì chú cứ làm đi.”.
Công tử Ghosaka: “Dạ vâng.”, rồi ra đi.
Khi ấy, con ruột của ông Thiên hộ đang chơi bắn cu li (Gulakīḷā) với bạn trẻ, thấy Ghosaka ra đi, kêu lại hỏi: “Anh Ghosaka, anh đi đâu đó?”.
- Cha sai anh đi đến nhà người chủ lò gốm có việc.
- Để em đi thế cho, mấy đứa nầy ăn của em nhiều đạn quá, anh hãy ở đây chơi, gỡ lại dùm em.
- Anh sợ cha rầy lắm.
- Anh đừng sợ, để em đi đưa tin thế cho anh, em bị thua nhiều lắm, anh ráng gỡ lại dùm em, trước khi em trở về nhà.
Công tử Ghosaka có tiếng là chơi bắn đạn rất giỏi nên con Trưởng giả mới theo nài nỉ như vậy.
Sau cùng công tử chìu theo ý em và bảo: “Ừ thôi, thì em đến nhắc với chủ lò gốm rằng: Nghe nói hôm qua cha tôi có đặt cho chú làm công việc chi đó, vậy bây giờ chú cứ làm đi.”.
Cậu con ruột của ông Thiên hộ đến tìm gặp ông chủ lò gốm và nói y theo lời Ghosaka đã dặn. Cậu ta không dè ông chủ lò gốm đã nhận tiền của cha cậu, nên y theo mật ước, giết chết và phân thây cậu và ném vào lò hầm.
Công tử Ghosaka ở chơi bắn đạn, mãi đến chiều tối mới trở về nhà. Ông Thiên hộ thấy cậu liền hỏi: “Ủa sao con chưa đi mà còn ở đây?”.
Công tử Ghosaka bèn cho dưỡng phụ biết lý do: Cậu không đi là vì em cậu đã giành đi thế cho cậu.
Nghe vừa dứt lời, ông Thiên hộ tưởng như máu nóng sôi trào trong khắp người ông, ông kêu thét lên hai tiếng: “Đừng giết.” rồi ông oằn oại chắp tay, lảo đảo đi đến lò gốm vừa đi vừa than khóc: “Chú lò gốm ơi! Chú đừng có giết hại tôi hi hi, chú đừng có giết hại tôi hi hi…”.
Chủ lò gốm thấy ông Thiên hộ đi đến, vội vã chạy ra đón rước và cho biết rằng: “Thưa ông chủ, xin ông đừng to tiếng, việc ấy tôi đã thi hành rồi.”.
Ông Thiên hộ bị mối sầu tựa như núi đè nặng tâm tư, nhưng ông chỉ còn nước ngậm hờn, nuốt tủi, thầm ôm mối hận ngàn đời.
Đó là tội báo của kẻ nhiễm ô, manh tâm muốn hãm hại người trong sạch, đề cập đến việc nầy, Đức Thế Tôn có thuyết bài kệ Pháp Cú được ghi trong phẩm Đao Trượng (Hình phạt).
“Yo daṇḍena adaṇḍesu,
appaduṭṭhesu dussati;
Dasannaṃ aññataraṃ ṭhānaṃ,
khippameva nigacchati.”
“Cầm đao trượng đối tay không,
Ác nhân muốn hại người trong sạch thì,
Quả kia sẽ trả cấp kỳ,
Trong mười điều khổ, thọ y một điều:
Tâm thần đau đớn trăm chiều,
Hoặc thân ngộ nạn nát tiêu, rã rời,
Hoặc lâm bịnh nặng khổ đời,
Hoặc cuồng tâm, hóa ra người khùng điên,
Hoặc vua hình phạt, cùm xiềng,
Hoặc người vu cáo oan khiên tội tình,
Hoặc ly tán cả gia đình,
Hoặc là tài sản tan tành hư hao,
Hoặc là cửa rộng nhà cao,
Lửa hồng một ngọn cháy ào tan hoang.
Rã thây rồi, kẻ ngu ngoan,
Còn sa địa ngục chịu toàn khổ đau.”
“Vedanaṃ pharusaṃ jāniṃ,
sarīrassa ca bhadanaṃ;
Garukaṃ vāpi ābādhaṃ,
cittakkhepaṃ va pāpuṇe.”
“Rājato vā upassaggaṃ,
abbhakkhānaṃ va dāruṇaṃ;
Parikkhayaṃ va ñātīnaṃ,
bhogānaṃ va pabhaṅguṇaṃ.
“Atha v’āssa agārāni,
aggi ḍahati pāvako;
Kāyassa bhedā duppañño,
nirayaṃ so’papajjati.”
Tuy đau khổ vì con chết do lòng hiểm độc của mình, phú Trưởng giả vẫn chưa tỉnh ngộ hối quá, mà lại càng ghét cay ghét đắng công tử Ghosaka, muốn thủ tiêu ngay cậu cho khỏi xốn mắt, mỗi khi nhìn thấy cậu, ông lại moi óc tìm ra được một kế khác “Ta sẽ sai thằng nầy, đi đến mượn tay cậu quản lý ở Gāmasata (Ba Thôn) của ta giết nó.”.
Ông liền thảo một bức thư, đại khái nói rằng: “Thằng nầy là con nuôi của ta, nhờ cậu giết nó chết, và trừ cho mất xác, rồi ta sẽ đền công ơn xứng đáng.”.
Trao phong thư cho công tử Ghosaka, phú ông hạ thấp giọng bảo rằng: “Nầy Ghosaka con! Cha có một viên quản lý ở Gāmasata, con mau mang thơ nầy đến trao tận tay ông ấy.”.
Dặn dò xong, phú ông buộc bức thư cẩm nang vào vạt áo của cậu Ghosaka. Chàng công tử nầy đã đến tuổi thiếu niên mà còn dốt chữ vì thất học. Từ bé đến giờ, chàng bị người dưỡng phụ ác tâm cứ mãi tìm cách giết chàng cho khuất mắt, nhưng chẳng thành công, có đâu mà chăm lo đến sự học vấn của chàng.
Vì thế, chàng ta vẫn vô tình để cho dưỡng phụ buộc cẩm nang, trong đó đựng bản án của chàng, vào vạt áo. Lúc ra đi chàng chỉ hỏi: “Thưa cha, con chưa có vật thực chi để ăn theo đường.”.
- Con khỏi cần đem theo vật thực cho mất công. Con đi giữa đường thì đến làng mổ, nơi đó có ông Trưởng giả là bạn của cha, con ghé nhà ông ấy dùng cơm rồi hãy đi nữa.
- Dạ thưa vâng!
Công tử Ghosaka cúi lạy từ giã dưỡng phụ, đi đến làng mổ hỏi thăm nhà ông Trưởng giả, rồi đến gọi cổng thì gặp bà Trưởng giả.
- Cháu ở đâu lại đây? – Phú bà hỏi.
- Dạ thưa bác! Cháu ở thành nội. – Thiếu niên đáp.
- Cháu là con ai?
- Dạ thưa bác cháu là con ông Thiên hộ.
- Phải cháu tên là Ghosaka không?
- Dạ thưa bác phải.
Bà Trưởng giả thấy mặt Ghosaka và nghe tiếng chàng đối đáp tự nhiên sanh lòng mến thương chàng như con đẻ.
Ông bà Trưởng giả chỉ có một nàng tiểu thư tuổi vừa mới cặp kê, nhan sắc mỹ miều, khả ái. Ông bà cắt riêng một đứa nữ tỳ để theo săn sóc và phục dịch cho tiểu thư. Tiểu thư ở trên từng lầu thứ bảy, tối ngày chẳng hề bước chân ra khỏi căn phòng.
Bà Trưởng giả thấy con hầu của tiểu thư xuống lầu, bèn kêu hỏi nó: “A hoàn ạ! Mầy đi đâu vậy?”.
- Bẩm bà! Tiểu thư sai con đi chợ.
Bà Trưởng giả bảo: “Thôi mầy khoan đi chợ đã! Lại đây lo sửa soạn ghế cho công tử ngồi, trải chiếu mời công tử nằm nghỉ đâu đó xong xuôi đàng hoàng, rồi hãy đi chợ nghe.”.
Con a hoàn vâng lịnh bà Trưởng giả, lo xong công việc rồi mới đi chợ. Khi nó về, tiểu thư thấy nó đi lâu nên trách mắng, hăm he, nó bèn phân trần: “Thưa tiểu thư, xin tiểu thư đừng giận, mắc bị có công tử Ghosaka là trưởng nam của ông Thiên hộ mới đến, bà biểu phải làm công kia việc nọ cho công tử trước rồi hãy đi chợ sau, nên em về trễ.”.
Vừa nghe đến tên công tử Ghosaka, tiểu thơ bỗng nhiên sửng sốt ngẩn ngơ: Tình yêu công tử bộc phát như xuyên qua khỏi làn da, chạm đến tận xương tủy của nàng xử nữ.
Trong tiền kiếp công tử Ghosaka chính là chàng Kotuhaliko còn tiểu thơ là nàng Kālī vợ của chàng, nàng nhờ để bát một bát cơm cúng dường Đức Phật Độc Giác, nên kiếp nầy được sanh vào nhà đại phú, tình yêu chồng từ kiếp trước như lửa bừng cháy lại, khiến cho nàng xúc động tâm tư. Bởi thế nên Đức Thế Tôn mới thuyết kệ rằng:
“Pubbevasannivāsena,
paccuppannahitena vā;
Evantaṃ jāyate pemaṃ,
uppalaṃ va yathodaketi.”
“Xưa từng chung chạ ra vào,
Giờ nay tái ngộ, lòng nào chẳng lay.
Men tình vừa nhắp đã say,
Bèo xanh gặp nước ngày ngày gia tăng.”
Khi ấy, tiểu thư hỏi con a hoàn: “Công tử hiện nay ở đâu vậy em ?”.
- Thưa cô! Công tử đang nằm ngủ trên giường.
- Công tử có cầm vật chi trong tay không?
- Thưa tiểu thư, ở vạt áo công tử có buộc một bức cẩm nang.
Tiểu thư nghĩ thầm: “Đó là thư từ chi vậy?”.
Trong khi công tử Ghosaka còn đang say giấc nồng, tiểu thư không cho cha mẹ hay biết, rón rén lén xuống thơ phòng, mở lấy cẩm nang buộc nơi vạt áo của công tử, đoạn trở lên khuê các, đóng cửa cài then mở thơ ra đọc, tiểu thư vốn là bậc văn hay chữ giỏi, đọc suốt hết lời lẽ trong thơ rồi chép miệng than rằng: “Ôi! Công tử khờ khạo làm sao, ai lại buộc theo vạt áo một bức thơ giết mình mà đi lang thang như vậy? Nếu ta không thấy kịp còn chi là đời của công tử.”.
Tiểu thư liền xé bỏ bức thư độc hại, nhái theo tuồng chữ và lời lẽ của ông Trưởng giả vắn tắt như vầy: “Đây là trưởng tử của tôi tên là Ghosaka. Xin túc hạ thay mặt tôi, tương lễ vật từ Gāmasata, lo cho nó đẹp duyên cùng ái nữ của ông Trưởng giả bạn tôi, cắt chia nửa phần đất giữa làng chỗ túc hạ ở, cất một ngôi nhà xung quanh có tường rào và thuê người canh gác cẩn mật phòng vệ chu đáo, xong rồi gởi thư phúc đáp: “Tôi đã làm như vầy… như vầy…” thì ta hậu tạ chẳng dám quên ơn.”. Thảo xong bức thơ bỏ vào cẩm nang, tiểu thơ vội vã trở xuống chỗ Ghosaka đang ngủ, buộc trở lại vào áo công tử như trước.
Ngủ một giấc đỡ mệt, công tử dậy dùng cơm trưa, rồi cất bước lên đường, đi suốt cả đêm, sáng hôm sau công tử Ghosaka đến Gāmasata, gặp viên quản lý đang đi công cán trong làng. Thấy Ghosaka, viên quản lý bèn hỏi:
- Có việc chi vậy công tử?
- Cha tôi gởi thơ qua cho ông đây.
- Thư gì đâu, công tử cho tôi coi thử.
Tiếp lấy bức cẩm nang, viên quản lý mở thơ ra đọc rồi phân bua với dân làng: “Bà con ơi! Bà con coi đây, ông chủ thương tôi hết mình, ông gởi thư biểu tôi: “Hãy lo cưới vợ cho trưởng nam của ta.”. Vậy anh em hãy ráng lo sắp đặt củi nước sẵn sàng nghe chưa.”.
Phân chia công tác cho các gia chủ dự bị cuộc lễ hôn phối xong, viên quản lý khiến dọn miếng đất gọn gàng giữa làng và lo kiến tạo một ngôi nhà mới.
Kế đó, viên quản lý sắp sanh lễ vật cầu hôn, đến rước tiểu thư ái nữ của ông Trưởng giả về cử hành lễ tân hôn và tân gia cho công tử Ghosaka, đoạn cho người báo hỷ tín cho ông Thiên hộ biết: “Tôi đã phụng hành mệnh lệnh Thiên hộ, làm như thế… như thế…”.
Tiếp được hỷ tín, ông Thiên hộ càng thêm tức tối bội phần, ngày đêm vào thở ra than: “Việc ta chủ mưu sao không thành, còn việc ta không chủ mưu thành sự như thế làm chi.”.
Lớp sầu con chết, lớp giận Ghosaka, hai mối ưu phiền dồn dập, khiến ông Thiên hộ phát chứng đau bụng sanh ra kiết lỵ.
Đây nói về tiểu thơ con ông Trưởng giả, khi về ở nhà mới, nàng dặn dò hết các gia bộc: “Nếu có người nhà của ông Thiên hộ qua đây, mà chưa gọi sai biểu các người thì các người khoan đi báo tin cho công tử biết nghe không?”.
Còn ông Thiên hộ nằm trên giường bịnh, ông tính một mình: “Nghĩa tử là kẻ ngoại thân, ta nhất định sẽ không lập nó lên là kẻ thừa kế sản nghiệp của ta.”.
Nghĩ rồi, ông cho đòi quản gia đến bảo rằng: “Nầy cậu, ta muốn gặp mặt nghĩa tử của ta. Vậy cậu sai một đứa bộ hạ đi kêu nó về đây!”.
- Dạ thưa vâng! – Viên quản lý đáp, rồi ông ấy thảo một bức thư, trao cho một gia đình cầm đi qua Gāmasata để rước công tử Ghosaka.
Khi nghe tin báo có đứa gia đinh của ông Thiên hộ mới qua, còn đứng ngoài cổng ngõ chờ lịnh, tiểu thư con ông Trưởng giả cho gọi nó vào nhà và hỏi: “Cậu qua đây có việc chi?”.
- Thưa tiểu thư, ông Thiên hộ bịnh, sai con đi rước công tử về cho ông thấy mặt.
- Nầy, cậu thấy ông bịnh mà còn khỏe hay yếu sức rồi?
- Thưa tiểu thư, ông còn khỏe, thấy ông vẫn ăn uống như thường?
- Thôi được, cậu cứ ở lại đây chơi, đợi lúc nào cô bảo về hãy về.
Tiểu thơ lấy tiền thưởng công cho tên gia đinh, sai người dọn chỗ cho nó ở lại, nhưng cấm tuyệt không ai thông báo cho công tử biết.
Ông Thiên hộ nằm chờ tin, lại hỏi viên quản gia: “Sao lâu quá vậy cậu! Hay là cậu chưa sai đứa nào kêu con ta về đây phải không?”.
- Dạ thưa Thiên hộ, tôi đã sai gia đinh đi rồi, nhưng nó chưa về.
- Nếu vậy, cậu sai đứa nào khác đi tiếp theo coi.
Viên quản gia lại sai thêm một tên gia đinh khác. Đứa sau nầy qua Gāmasata cũng bị tiểu thư đón hỏi thăm tin và lưu giữ lại như đứa trước.
Bịnh tình của ông Thiên hộ bỗng đâu biến chứng trở nên trầm trọng, cơm cháo ông cho vào một bát thì cũng cho ra một bát. Lần thứ ba, ông hỏi viên quản gia: “Sao lâu dữ vậy? Hay cậu không cho đứa nào đi gọi con ta về?”.
- Thưa Thiên hộ, tôi đã sai thêm đứa khác đi nữa rồi, nhưng nó cũng chưa về.
- Thế thì, hãy sai thêm đứa khác đi nữa đi.
Viên quản gia lại sai thêm đứa khác đi qua rước công tử.
Đứa gia đinh thứ ba nầy cũng bị tiểu thư đón lại hỏi thăm: “Bịnh tình của ông Thiên hộ lúc nầy ra sao?”. Nó đáp: “Thưa tiểu thơ ông Thiên hộ bệnh nặng lắm, ông tuyệt thực, nhắm chắc ông phải chết, ông bị ngay sống trường, ăn vô chút nào thì xổ ra hết chút nấy.”.
Tiểu thơ nghĩ thầm: “Lúc nầy chính là lúc nên đi.”. Tiểu thơ bèn vào thưa với chồng: “Có tin nhắn cho hay nghiêm đường thọ bệnh.”.
- Hiền thê nói chi?
- Dạ thưa lang quân, phụ thân của chàng quí thể bất an.
Công tử Ghosaka lại hỏi vợ rằng: “Bây giờ ta phải làm gì đây há?”.
Tiểu thơ đáp: “Thưa lang quân! Ta nên đem theo sản phẩm ở Gāmasata để làm lễ vật khi về thăm viếng gia nghiêm.”.
- Ờ phải rồi!
Công tử khiến người mang lễ vật chất đầy mấy cỗ xe bò, đem đi theo, rồi hai vợ chồng khởi hành.
Đi được nửa đường, tiểu thơ nói với chồng:
- Lịnh nghiêm đường đau yếu, ta về thăm mà mang nhiều lễ vật kềnh càng bất tiện lắm. Thôi chàng hãy cho trả trở lại hết đi.
Nói rồi, tiểu thư cho xe đem tất cả về hết nhà ông Trưởng giả cha nàng. Tiểu thơ lại dặn chồng: “Lang quân à! Lát nữa về thăm lịnh nghiêm, chàng hãy đứng phía dưới chân, để thiếp đứng phía trên đầu nghe chàng.”.
Vào tới trong nhà, công tử Ghosaka đứng phía dưới chân dưỡng phụ, còn nàng thì đứng phía trên đầu ông.
Trong giờ ấy, ông Thiên hộ nằm ngửa, mắt nhắm thiêm thiếp, viên quản gia đang ngồi bóp chân cho ông, bèn lên tiếng:
- Thưa Thiên hộ, có công tử mới về đây.
- Nó đâu?
- Dạ công tử đang đứng dưới chân Thiên hộ đó.
Trông thấy công tử Ghosaka, ông Thiên hộ cho mời viên tổng quản tài sản của ông đến hỏi rằng:
- Gia tài của ta tất cả được bao nhiêu?
- Thưa Thiên hộ, về tiền mặt, đồ vật dùng và xa xí phẩm độ bốn trăm triệu, còn làng ấp, ruộng vườn, sản vật lương tức, tứ túc, xe cộ, mỗi thứ được chừng nầy, chừng nầy…
Nghe viên tổng quản phúc trình xong, ông Thiên hộ có ý muốn di chúc rằng: “Chừng ấy tài sản của ta, Ghosaka là nghĩa tử, ta không cho quyền thừa kế.”. Nhưng khi thốt ra lời, ông Thiên hộ nói lộn là “Ta cho quyền thừa kế.”. Tiểu thơ nghe dứt tiếng, nàng mừng thầm tự nghĩ: “Nếu cho ông ấy nói sửa trở lại thì tình thế sẽ đảo ngược hết.”. Tiểu thơ liền giả cách bi thương, bứt tóc dậm chân khóc kể rằng: “Cha ơi là cha, cha nói làm chi lời ấy, làm cho hai con nghe qua càng thêm đau khổ quá chừng! Cha ơi là cha ơi…”.
Dứt lời, tiểu thơ giả vờ chồm tới trước, đập đầu ngay ngực ông Thiên hộ, rồi nằm lì nơi đó khóc nỉ non tức tưởi, cốt ý không cho cha chồng mở miệng sửa lại chúc ngôn. Nhưng ông Thiên hộ cũng vừa tắt thở ngay trong phút giây ấy.
Gia nhân vào trào bái kiến đức vua Udena để báo tin: “Ông Thiên hộ đã thất lộc.”. Quốc vương ban cho gấm vóc để đem về khâm liệm tống chung phú ông, đúng theo nghi lễ và phán hỏi:
- Thiên hộ có con trai hay con gái chi không?
- Muôn tâu bệ hạ, Thiên hộ có một người con trai là công tử Ghosaka. Trước khi thất lộc, Thiên hộ có chúc ngôn truyền hết tài sản lại cho công tử.
Sau đó một thời gian, đức vua triệu công tử Ghosaka vào triều bệ kiến.
Hôm ấy nhằm trời mưa to, trong sân ngự chỗ nào cũng có nước đọng vũng, công tử Ghosaka tính thầm: “Ta đi chầu vua.”, rồi một mình đi vào cung nội. Đức vua đứng trong biệt điện, mở cửa sổ nhìn ra, thấy công tử đi đến đang nhảy tránh các vũng nước trong sân mà vào cung.
Đến chỗ vua ngự, công tử triều bái, tung hô vạn tuế, rồi đứng lên. Đức vua phán hỏi công tử:
- Khanh đây phải là Ghosaka không?
- Muôn tâu bệ hạ, phải! Hạ thần chẳng may nên nghiêm đường đã sớm thất lộc.
- Khanh đừng bị lụy, để trẫm phong chức Thiên hộ cho khanh, để khanh được nối chức của cha.
Phán xong, đức vua ân tứ cho công tử mấy chung ngự tửu, rồi truyền bãi chầu: “Trẫm cho phép khanh về.”.
Khi Ghosaka về, đức vua còn đứng nhìn theo, thấy công tử đi thẳng một đường, lội luôn qua các vũng nước, chứ không nhảy tránh như lúc vào cung. Đức vua lấy làm lạ về cử chỉ của công tử Ghosaka, bèn triệu hồi và phán hỏi công tử:
- Nầy hiền khanh, tại sao lúc vào cung để triều kiến trẫm thì khanh nhảy tránh các vũng nước, còn khi trở về khanh lội phăng xuống nước, đi thẳng một đường?
- Muôn tâu Thánh thượng, hạ thần lúc vào cung còn là một công tử, cho nên còn giữ tánh bay nhảy bông lông, bây giờ đã được lịnh cửu trùng chẩn hứa sẽ ban cho tước lộc triều đình hạ thần không dám khinh suất như trước, cho nên phải đi đứng chỉnh tề như thế.
Nghe công tử biện bạch, Quốc vương Udena cảm mến, khen rằng:
- Thiếu niên nầy có đủ tư cách, đáng được thụ phong ngay từ bây giờ.
Phán rồi, đức vua hạ chiếu chỉ, phong cho công tử Ghosaka giữ chức Thiên hộ của cha, được phép thu thuế công đền công thổ một trăm thôn ấp như trước.
Công tử Ghosaka về nhà vinh qui bái tổ, công tử đứng trên một chiếc xe hoa, nhiễu qua thành phố dân chúng khắp nơi tưng bừng chào đón, tiếng hoan hô vang dậy.
Tiểu thơ ở nhà đang trò chuyện với bà vú Kāḷī, tiểu thơ hỏi rằng: “Nhủ mẫu Kāḷī, vú có biết rằng tất cả sản nghiệp của con trai vú, nhờ một tay con mà có không?”.
- Nhờ bằng cách nào hả con?
- Lúc trước công tử qua nhà con, bên vạt áo có buộc một phong thư mượn người hạ sát chàng. Khi ấy chính tay con xé bỏ bức thư độc hại ấy và viết tráo một bức thư khác, mượn người đứng chủ hôn cho công tử đứng cưới con. Nhờ con cứu mạng mà công tử mới được sống sót đến ngày nay.
- Con à! Con chỉ biết thấy có bao nhiêu đó thôi. Chớ thật ra lão Thiên hộ đã lập tâm mưu sát công tử nhiều lần, kể từ thuở công tử hãy còn bé thơ. Nhưng lão đã thất bại hoàn toàn mặc dầu lão đã tung ra rất nhiều tiền của.
- Nhủ mẫu à! Lão Thiên hộ đã tạo thật nhiều nghiệp hết sức nặng nề, tội lỗi phải không?
Thấy công tử đã nhiễu qua thành phố, trở về đến nhà, Tiểu thơ cười rằng: “Công tử nhờ một tay thiếp mới được vinh hiển như thế.”.
Thiên hộ Ghosaka thấy vợ cười thì hỏi:
- Tại sao nàng cười?
- Tại vì một lẽ riêng.
- Lẽ gì? Nói ta nghe thử.
Tiểu thư nín thinh, làm ra vẻ bí mật. Ghosaka rút kiếm ra giả vờ hăm dọa: “Nếu thực không chịu khai, ta sẽ chém mi đứt hai bây giờ.”.
Tiểu thơ nói: “Thiếp cười vì chàng nhờ thiếp mới được làm chủ bấy nhiêu sản nghiệp nầy đây?”.
Ghosaka bảo vợ: “Tất cả tư sản nầy là của gia nghiêm truyền giao cho ta, ta thừa hưởng là lẽ dĩ nhiên, nàng có công lao chi mà kể lể.”.
Thiên hộ vẫn vô tình, không biết chi về ác tâm của dưỡng phụ trong thời gian qua, nên khi nghe vợ kể công, thì chàng không tin.
Tiểu thơ bèn đem tất cả những điều uẩn khúc thuật lại một hồi: “Dưỡng phụ sai chàng mang thơ, mượn tay người thủ tiêu chàng, mà chàng vô tình nào biết. Nhờ thiếp đã làm như vậy… như vậy… để cứu mạng và che chở cho chàng sống đến ngày nay.”.
- Không tin, chàng cứ hỏi bảo mẫu Kāḷī thì biết.
- Thưa bảo mẫu, vợ con nói đây có thật không?
- Thật thế con à, dưỡng phụ con mưu tính giết con khi con còn măng sữa nhưng không được. Người đã xuất rất nhiều tiền sai đem bỏ con bảy lần ở bảy chỗ, mà con đều thoát chết. Nên bây giờ con mới sống mà thừa hưởng di sản, được vua phong chức Thiên hộ và ân tứ quyền thu thuế một trăm thôn ấy đó con.
Nghe hết tự sự, Thiên hộ Ghosaka giựt mình, than thầm: “Ôi! Nghiệp báo của ta quả thật nặng nề, cho nên mới chết hụt nhiều lần như vậy. May sao mà ta còn toàn mạng… Nếu ta cứ buông lung phóng dật chẳng là trái đạo lắm ư? Từ rày ta không nên dễ duôi nữa!”.
Nghĩ rồi, mỗi ngày Thiên hộ xuất ra một ngàn đồng vàng để làm việc phước thiện, như giúp kẻ lỡ đường, nuôi người tàn phế, châu cấp cho kẻ cô bần quả nhược… Thiên hộ giao phó công việc chuẩn thí cho Trưởng giả Mittakuṭumbika trông coi.
DỨT TÍCH THIÊN HỘ GHOSAKA
Thuở ấy, nơi kinh thành Bhaddavatī, có viên ngoại là bạn đồng điệu “tương giao tương kiến” (adiṭṭhapubbasahāyako) của Thiên hộ Ghosaka.
Do những lái buôn từ thành Bhaddavatī đến Kosambi, Thiên hộ được nghe danh tiếng giàu sang của nhà cự phú ở nước láng giềng, sanh lòng ái mộ, muốn kết tình hữu nghị nên gởi tặng phẩm đến cho viên ngoại. Bánh ít đi bánh qui lại, hai nhà giao hảo như thế, nhưng chưa có dịp gần nhau. Một thời gian sau, nhà viên ngoại Bhaddavatī bị nhiễm bịnh thiên thời (ahivātarogo). Ruồi lằn chết trước tiên, kế đến kiến mối, chuột, bọ, gà, vịt, heo, chó, mèo, bồ câu, tớ gái, tớ trai. Sau cùng tất cả gia nhân đều chết rụi, những người sợ chết lây, bỏ nhà chạy đi lánh nạn thì còn được sống sót. Trong số đó có viên ngoại Bhaddavatī, bà vợ và cô con gái tên là Sāmā (Ô Nhi: Con đen).
Chạy thoát nơi tử địa rồi, viên ngoại tính muốn qua thăm Thiên hộ Ghosaka, bèn cùng vợ con lên đường đi Kosambi. Họ đi mới được nửa đường thì hết lương thực.
Dầu dãi phong sương, nhịn đói, nhịn khát thân thể mệt mỏi, tay chân rũ liệt, gian nan lắm họ mới đi đến thành Kosambi. Kiếm chỗ có nước tắm rửa sạch sẽ cho mát mẻ, rồi họ vào nghỉ trong một ký túc xá (sālā) ở đầu cổng thành.
Tạm trú yên nơi, viên ngoại bảo vợ rằng: “Bà ơi! Chúng ta tiều tụy như vầy mà đến nhà ai, dầu là nhà mẹ sanh đi nữa, coi cũng khiếm nhã, nghe đồn bạn ta là Thiên hộ Ghosaka hằng ngày xuất cả trăm ngàn đồng vàng để cứu giúp những người lỡ chân trái bước, áo rách đói cơm, ta hãy sai con Sāmā đến đó xin vật thực, ta dùng đỡ một đôi ngày cho lại sức, rồi hãy đến nhà viếng thăm bằng hữu của ta vậy.”.
Bà Bhaddavatī cũng đồng tình: “Phải đó ông à.”. Đêm ấy ba người ngủ luôn nơi ký túc xá, sáng hôm sau, khi thấy đám bần nhân kéo đến xin vật thực, ông bà viên ngoại kêu con gái:
- Con ơi! Con đi xin vật thực về cho cha mẹ đi con.
Than ôi! Một thiên kim tiểu thơ đến hồi mạt vận, cũng phải ráng dằn lòng chịu nhục, ôm bát đi chung với đám ăn mày, đến đứng trước cửa nhà Trưởng giả Mitta.
- Cô bé đây lãnh mấy phần?
Nghe Trưởng giả hỏi, tiểu thơ đáp:
- Dạ thưa ba phần.
Trưởng giả cấp cho nàng ba phần ăn.
Lãnh thực phẩm xong, tiểu thư đem về ký túc xá cùng ngồi ăn chung với cha mẹ.
Bà viên ngoại nói: “Gia tài sự nghiệp của ta đều tiêu tan, nhưng cũng có ngày tạo lại được cái khác, bây giờ ông nên bảo trọng thân thể, cứ ăn cho no đi, đừng lo cho mẹ con tôi, mà cũng đừng nghĩ ngợi gì nữa.”.
Bị hai người cố nài nỉ ép ăn, viên ngoại Bhaddavatī thọ thực quá nhiều, nên bị trúng thực phát ách, đau bụng cả đêm và trút hơi thở cuối cùng vào lúc mặt trời mới rạng.
Hai mẹ con bà viên ngoại vật mình than khóc, tình cảnh ái ly tử biệt thật là thống thiết bi ai…
Sáng hôm ấy, tiểu thư Sāmā vừa gạt lệ sầu, vừa đi đến chỗ phát chẩn. Thấy tiểu thư, Trưởng giả Mitta lại hỏi:
- Cô bé lãnh mấy phần?
Tiểu thư đáp: “Dạ thưa hai phần.”.
Trưởng giả bèn cấp cho tiểu thư hai phần ăn, tiểu thư đem thực phẩm xin được về dâng hết cho mẹ và yêu cầu bà ăn cho no, chìu theo lòng con gái, bà viên ngoại dùng bữa ăn quá sức mình, vật thực không tiêu hóa được làm cho bà sình bụng, phát ách và từ trần luôn ngày ấy.
Tiểu thư Sāmā còn sống một mình, hết khóc lại than, muôn sầu vạn thảm, quê người vò võ, tứ cố vô thân, chút phận liễu yếu đào tơ, luống chịu truân chuyên nhiều nỗi.
Đã khổ tâm còn đói bụng, ngày sau tiểu thư phải gắng gượng đi xin ăn, vừa đi vừa gạt lệ sầu.
Cô bé lãnh mấy phần ăn?
Dạ thưa, chỉ một phần.
Từ ba ngày nay, Trưởng giả Mitta thấy cô bé nầy mỗi ngày mỗi giảm một phần ăn, nên khi nghe cô đáp “một phần”, thì nói giọng khinh miệt rằng: “À cô bé ăn mày! Bữa nay mày mới tiết độ rồi hả?”.
Tiểu thư Sāmā cảm thấy xót xa tủi nhục như vừa bị ai xát muối vào vết thương lòng, nhưng cũng còn gượng hỏi lại rằng:
- Dạ thưa, ông nói chi?
- Bữa đầu mầy lãnh ba phần ăn, hôm qua lãnh hai phần, hôm nay lãnh một. Vậy là hôm nay mầy biết tiết độ rồi đó.
- Dạ thưa ông chủ, xin ông đừng hiểu lầm là tôi xin về ăn một mình tôi.
- Thế thì tại sao cô bé đã lãnh tới ba phần?
- Bữa đầu, chúng tôi cả thảy ba người, hôm qua còn hai, bữa nay còn một mình tôi mà thôi.
Trưởng giả chưa hiểu rõ nguyên nhân, hỏi tiếp: “Tại làm sao, đâu em nói rành rẽ cho ta nghe thử?”.
Sau khi tiểu thư Sāmā kể hết nỗi nhà tan tác vì tai biến, trôi nổi thân lạc loài. Trưởng giả Mitta cầm lòng không được, nước mắt tuôn rơi.
Trưởng giả an ủi tiểu thư: “Thôi chuyện đã qua rồi, em đừng khêu gợi lại nữa. Con gái của viên ngoại Bhaddavatī cũng như con gái của ta, từ giờ trở đi ta nhận con làm nghĩa nữ.”.
Nói rồi, Trưởng giả hôn lên đầu Sāmā, dắt nàng vào nhà, lập nàng lên làm trưởng nữ của mình.
Khi ấy, trong phước xá (Dānagga) có nhiều tiếng ồn ào huyên náo. Tiểu thư Sāmā hỏi dưỡng phụ rằng:
- Thưa cha, sao cha không bảo đám người kia êm lặng và cha không bố thí cho họ vậy?
- Không có cách nào làm cho họ im lặng được con à!
- Thưa cha, con có cách làm được.
- Làm sao được hả con?
- Thưa cha! Cha hãy cho xây rào ngang phía trước phước xá chỉ chừa hai bên cửa ra vào, rồi cha dặn họ: “Đi vô bên nầy, đi ra bên kia.”. Làm như vậy thì cha sẽ giữ được trật tự. Họ hết chen lấn ồn ào, ai cũng đi vô lãnh phần mình và đi ra êm thắm.
Trưởng giả Mitta nghe dứt lời khen rằng: “Hay quá, phương pháp của con hay quá.”. Rồi Trưởng giả làm y như lời đề nghị của cô nghĩa nữ.
Tiểu thư trước đây tên là Sāmā, nay vì có sáng kiến làm hàng rào trước phước xá, nên được người gọi là Sāmāvatī. Từ đó về sau, trong phước xá dứt hẳn tiếng ồn ào náo nhiệt, sự thay đổi nầy làm cho Thiên hộ Ghosaka để ý, lúc trước mỗi khi nghe tiếng người lao xao vọng đến nhà mình, Thiên hộ rất hài lòng, nói thầm: “Tiếng huyên náo ở phước xá ta đó.”. Cách hai ba bữa nay, nghe trong phước xá lặng trang, Thiên hộ lấy làm lạ, bèn đích thân đến gặp Trưởng giả Mitta để gạn hỏi cho biết nguyên nhân.
- Công việc chẩn thí vẫn tiếp tục như thường chứ.
- Dạ vâng, thưa Thiên hộ.
- Tại sao hai ba bữa nay nghe lặng trang, không có tiếng tăm chi hết vậy?
- Thưa Thiên hộ, vì tôi áp dụng phương pháp khiến họ được im lặng trước khi lãnh phần cấp thí.
- Thế sao từ trước ông không áp dụng phương pháp ấy?
- Thưa Thiên hộ vì trước kia tôi chưa biết.
- Sao bây giờ lại biết?
- Thưa Thiên hộ, nhờ có trưởng nữ của tôi nó bày cách cho tôi.
- Ủa lạ, từ hồi trước tới giờ, ta chưa nghe nói là ông có con gái mà.
Trưởng giả Mitta bèn đem hết lai lịch của tiểu thư Sāmāvatī, từ khi viên ngoại chết đi cho đến lúc Trưởng giả nhận tiểu thư Sāmāvatī làm trưởng nữ của mình, thuật lại một hồi. Nghe xong, Thiên hộ Ghosaka trách rằng:
- Chuyện như vậy, mà sao ông không cho ta hay? Con gái của bạn ta tức là con gái của ta. Ông kêu nó ra đây cho ta hỏi coi.
Thiên hộ nói tiểu thư Sāmāvatī rằng:
- Con là ái nữ của viên ngoại Bhaddavatī phải không?
- Dạ thưa Ngài, phải.
- Nếu vậy con đừng buồn lo nữa, ta nhận con làm con gái của ta, con chịu chăng?
Thiên hộ Ghosaka hôn lên mái tóc đen huyền của cô gái mồ côi, cấp cho cô năm trăm nữ tỳ và đặt lên địa vị tiểu thư, trưởng nữ của Thiên hộ.
Ngày lễ Quốc khánh trong thành Kosambi, nhân dân vui chơi tưng bừng, rộn rịp. Theo tục lệ, ngày nầy ai ai cũng được tự do, mấy cô thiếu nữ “khuê môn bất xuất” đều dắt cả nhóm thị tỳ của mình đi bộ ra bờ sông để tắm gội.
Nhân dịp lễ hội, tiểu thư Sāmāvatī cùng với năm trăm thị nữ dắt nhau đi tắm sông. Họ diễu ngang qua sân ngự trước đền vua.
Quốc vương Udena đứng trong hoàng cung nhìn qua song cửa sổ, thấy tiểu thư Sāmāvatī, bèn phán hỏi thị thần: “Vũ nữ nầy là của ai?”.
- Tâu bệ hạ, nàng nầy không phải là vũ nữ.
- Vậy nàng là con ai?
- Tâu bệ hạ! Nàng là ái nữ của Thiên hộ Ghosaka, mỹ danh là Sāmāvatī.
Quốc vương Udena từ lúc thấy tiểu thư Sāmāvatī thì đem lòng sủng ái, bèn hạ chiếu chị truyền lệnh cho Thiên hộ Ghosaka đưa tiểu thư tiến cung.
- Muôn tâu Thánh thượng, thần không thể nào đưa con gái tiến cung. – Thiên hộ Ghosaka đáp.
- Khanh chớ vi lịnh quả nhân như thế. Hãy mau đưa lịnh ái tiến cung lập tức.
- Muôn tâu chúa thượng, luật nước tuy nghiêm minh, không có lệ xử phạt, giam cầm người vô tội. Quyền cha thì hữu hạn thì làm sao hạ thần áp chế, đánh đập, ép uổng duyên con. Hạ thần không thể đem con gái mình mà hiến nạp vào cung.
Đức vua nổi trận lôi đình chi bộ, ra lịnh cho quan quân niêm phong nhà cửa của Thiên hộ Ghosaka, dắt hai ông bà đại phú đuổi tống ra bên ngoài.
Tiểu thư đi tắm về bị cấm cửa, không vào nhà được, bèn hỏi ông Thiên hộ:
- Sao có việc nầy vậy thưa cha?
- Nầy con, đức vua đưa sứ đến, đòi tuyển con vào cung, cha mẹ không phục tùng vương lịnh. Đức vua phẫn nộ ra lịnh niêm phong nhà cửa, đuổi tống cha mẹ ra ngoài như vậy đây.
- Thưa cha, – tiểu thư nói – Cha đã phạm tội khi quân, tội ấy rất nặng. Phàm đạo làm tôi không nên cãi lịnh nhà vua. Thưa cha, con thiết tưởng, cha nên tâu cùng đức vua, xin cho cả đoàn thị nữ cùng nhập cung với con.
- Hay thay! Nếu con đã thuận tình gần gũi quân vương thì cha mẹ sẽ chìu ý con mà tâu lên Thiên tử.
Nói rồi Thiên hộ Ghosaka cho người dâng sớ tâu lên Thiên tử. Đức vua chấp nhận bằng lời chuẩn tấu, đoạn khiến quân binh đến rước tiểu thư Sāmāvatī với đoàn thị nữ nhập cung. Đức vua tấn phong tiểu thư là chánh cung Hoàng hậu, còn năm trăm thị nữ của tiểu thư đều được chuẩn nhận làm cung nữ.
DỨT TÍCH TIỂU THƯ SĀMĀVATĪ
Đức vua Udena còn có một bà Thứ hậu tên là Vāsuladatta (Hòa Tu Lạc Thí), là công chúa con vua Caṇḍapajjota (Huy Đăng) trị vì Ujjenīya.
Hoàng đế Caṇḍapajjota là một vị vua có nhiều tham vọng hằng mong đi chinh phạt các nước nhược tiểu để mở rộng bờ cõi nước mình.
Một hôm, trên đường du ngoạn trở về nhà, vừa háo chiến vừa tự đắc nhìn ngắm giang san của mình, rồi phán hỏi quần thần: “Có lãnh thổ của quốc vương nào bì kịp với lãnh thổ của trẫm đây chăng?”.
Bá quan tâu rằng: “Muôn tâu Chúa thượng, nếu so với lãnh thổ của Quốc vương Udena thì đất nước của chúng ta chưa thấm vào đâu cả, vì xứ Kosambi là một xứ rộng lớn vô cùng.”.
Nghe vậy, Hoàng Đế Caṇḍapajjota phán rằng:
- Thế thì trẫm sẽ tương tập binh, thôn tính xứ Kosambi.
- Muôn tâu Thánh thượng, không thể được.
- Tại vì sao thế?
- Vì vua Udena biết phép điều tượng, miệng niệm mật chú, tay khảy đàn thần, vua ấy có thể huy động đàn voi chiến chạy tới chạy lui đúng theo binh pháp. Nước ta không có tượng binh hùng hậu và người tài giỏi như vua ấy đâu?
- Trẫm không bắt sống được vua ấy sao?
- Muôn tâu chúa thượng, nếu chúa thượng quyết bắt cho được vua Udena thì phải dụng mưu kế như vầy: Chúa thượng nên khiến thợ mộc rành nghề, chế tạo một con tượng bằng gỗ, rồi cho quân đem thả gần ranh giới nước vua Udena. Hễ vua ấy nghe đồn có voi chiến, hoặc ngựa chiến ở đâu, thì dầu cho xa xôi cách mấy cũng tìm đến tận nơi, khi ấy ta phục binh thì bắt được vua Udena dễ dàng như trở bàn tay.
Hoàng đế Caṇḍapajjota nghe tâu rất đẹp ý, bèn khiến tuyển nhiều thợ khéo, đặt cho họ làm một con tượng máy bằng gỗ, bên ngoài lấy vải cũ xù xì như da voi phủ lên, bên trong sắp đặt cơ quan điều động, đứng xa trông có vẻ linh hoạt như là voi sống thật sự, xong rồi Hoàng đế Caṇḍapajjota khiến quân sĩ đem tượng máy đến tận biên thùy, đặt nó đứng trên bờ của một hồ nước, trong bụng voi có đến sáu mươi quân sĩ điều khiển cho nó đi tới đi lui chỗ nầy, chỗ nọ. Họ đem theo phẩn voi để trải đường voi đi. Một người thợ rừng xứ Kosambi trông thấy con bạch tượng trước nhất “Thớt tượng nầy rất xứng với quân vương ta.”. Nghĩ vậy, người ấy về trào tâu với vua Udena:
- Muôn tâu chúa thượng! Hạ thần đi rừng gặp một con voi trắng, mình trắng phau nhau như ngọn núi tuyết. Thật là một thứ bạch tượng quí rất xứng đôi với chúa thượng.
Lập tức vua Udena phong cho thợ rừng làm hướng đạo viên, rồi vua cỡi voi cùng với đoàn quân hộ giá lên đường đi săn bạch tượng.
Thấy vua Udena trúng kế, bọn thám tử thông tin cho Hoàng đế Caṇḍapajjota hay.
Vua Caṇḍapajjota ngự giá đến nửa đường, khiến quân sĩ an dinh hạ trại, đoạn bố trí hai đội quân mai phục hai bên con đường chẹt, chờ vua Udena đến.
Vua Udena không hay biết cơ mưu của địch, chỉ cứ mải miết rượt theo con bạch tượng giả, bị đuổi gần, bọn người trong mình con voi gia tăng tốc độ, hướng về nơi có phục binh chạy tới.
Vua Udena giở thuật niệm chú, khảy đàn để trục hồi tượng chúa, nhưng con voi gỗ không tuân theo phép, bỏ chạy đi luôn.
Thấy cỡi voi rượt không kịp, đức vua Udena liền bỏ voi, thót lên một con tuấn mã, thúc ngựa đuổi theo.
Ngựa vua phi nước đại, bỏ cả đoàn quân hộ tống rớt lại phía sau, đưa một mình vua vào nơi hiểm địa.
Khi ấy hai đội binh của Hoàng đế Caṇḍapajjota rời chỗ mai phục, xông ra đón đường vây bắt được vua Udena, đem về nạp cho chúa tướng.
Đoàn quân hộ giá của vua Udena chạy trờ tới, thấy vua mình bị sa lưới địch, đã bị sanh cầm, bèn lập tức thối lui, đồn trú ngoài biên giới.
Sau khi dùng mưu bắt sống được vua Udena, Hoàng đế Caṇḍapajjota ra lịnh hạ ngục nhà vua thất thế, sai lính canh phòng cẩn mật, đoạn mở tiệc khao quân, ăn mừng thắng trận trong ba ngày liền. Đến ngày thứ ba, vua Udena kêu gọi các lính canh: “Chúa tướng các ngươi đâu ?”.
- Đang uống rượu mừng bắt được vua nước địch.
Nghe vậy, vua Udena quát mắng rằng: “Chúa tướng của chúng bây hành động y như là hạng phụ nữ. Lẽ thường, trên chiến địa hễ bắt được vua nước nghịch, một là tha, hai là giết, chớ có đâu mà giam cầm cô gia mãi, để cùng nhau uống rượu ăn mừng.”.
Bọn lính canh chạy đi tâu lại những lời trên đây với chúa tướng, Hoàng đế Caṇḍapajjota thân ngự đến đề lao, hỏi vua Udena: “Phải quốc vương đã buông lời khiển trách khiếm nhã đối với quả nhân như thế chăng ?”.
- Tâu đại vương, phải.
- Quả nhân nghe đồn Quốc vương biết pháp điều khiển tượng, nếu Quốc vương truyền dạy quả nhân phép ấy, quả nhân sẽ thả Quốc vương ra ngay.
- Được rồi, cô gia sẽ dạy, những trước khi thọ giáo, đại vương phải làm lễ bái sư, nào đại vương đảnh lễ đi.
- Quả nhân chẳng đảnh lễ ai cả.
- Đại vương không khứng hạ mình làm lễ bái sư hay sao?
- Quả nhân không làm lễ bái sư.
- Thì cô gia cũng không truyền phép điều tượng.
- Nếu Quốc vương giấu nghề, quả nhân sẽ đưa Quốc vương theo chầu tiên đế.
- Thân ta như cá nằm trên thớt, đại vương cứ giết phứt ta đi, chớ đừng mong làm chủ được tâm ta.
Nghe tù nhân phẫn uất la to, Hoàng đế Caṇḍapajjota biết không thể thị oai, nghĩ rằng: “Bây giờ ta phải tìm cách nào học lấy mật chú nầy cho kỳ được. Ta không nên để tiết lộ ra ngoài. À hay ta hãy cho Công chúa con ta đến học với hắn, rồi sau đó ta sẽ học lại của Công chúa.”.
Suy nghĩ chín chắn rồi, Hoàng đế Caṇḍapajjota hỏi lại vua Udena: “Nếu có ai khác đảnh lễ Quốc vương để thọ giáo thì quốc vương sẽ truyền dạy mật chú cho người ấy phải chăng?”.
- Tâu đại vương, phải.
- Nếu vậy, trong hoàng cung có đứa con gái lưng gù, để quả nhân bảo nó ngồi bên trong bức rèm đảnh lễ, còn Quốc vương thì hãy đứng bên ngoài mà dạy nó học.
- Tâu đại vương! Gù lưng hay què cẳng chi cũng được, miễn là làm lễ bái sư, thì cô gia sẽ truyền bí thuật.
Hoàng đế Caṇḍapajjota liền trở về cung điện bảo công chúa Vāsuladatta: “Nầy Công chúa, có một thanh niên cùi phong lở lói mà biết câu mật chú quí giá vô cùng, phụ vương không muốn hắn tiết lộ cho kẻ nào biết được. Vậy con hãy ngồi sau bức rèm làm lễ bái sư, rồi học câu chú ấy. Còn hắn ta, phụ vương sẽ khiến đứng phía ngoài bức rèm mà dạy con học, thôi để phụ vương dắt hắn đến đây.”.
Hoàng đế Caṇḍapajjota đã bịa ra cô gái gù lưng và gã thanh niên cùi như thế, để cho hai bên nam nữ ghê sợ lẫn nhau mà không dám suồng sã lả lơi.
Bị bức rèm ngăn cách, hai đàng không trông thấy rõ nhau. Chờ Công chúa đảnh lễ và ngồi xuống xong, vua Udena đứng bên ngoài nói vọng vào để truyền dạy mật chú.
Suốt cả ngày hôm ấy, ông thầy nhắc đi nhắc lại có một câu chú, mà cô học trò nói theo cũng không đúng giọng. Vua Udena bực mừng gắt gỏng: “Cô gái lưng gù nầy đây, môi và má cô dầy quá đi thôi. Tôi phải tát tay cô mới được. Cô phải đọc trúng giọng như vầy nè.”.
Công chúa nổi giận cũng mắng trả lại: “Cái thằng cha cùi phong lở lói nầy đừng có ăn nói hàm hồ, người như ta mà ngươi dám kêu là cô gái gù lưng phải không?”.
Công chúa vén rèm lên nhìn vua Udena. Vua Udena hỏi:
- Tiểu thư là ai?
- Ta là Công chúa Vāsuladatta.
- Đại vương đã nói với ta rằng: “Công chúa là cô gái lưng gù.”.
- Phụ vương cũng nói với ta rằng: “Quốc vương là gã thanh niên cùi phong lở lói.”.
Hai người đồng chung một ý nghĩ: “Chắc phụ hoàng sợ chúng ta gần gũi thân mật nhau nên nói vậy.”.
Rồi họ đưa nhau vào bên trong bức rèm tư tình với nhau. Từ đó về sau, không còn có chuyện dạy chú thuật, học thuật chi nữa cả. Hoàng đế Caṇḍapajjota không hay biết chuyện nầy và thường hỏi thăm Công chúa: “Con có học pháp thuật không con ?”.
- Tâu phụ vương, con vẫn đang học.
Nấn ná ở nước người được ít lâu. Một hôm vua Udena than thở cùng Công chúa Vāsuladatta: “Công chúa ơi! Tình nghĩa vợ chồng đậm đà, thắm thiết dù cho cha mẹ, anh em ruột cũng chẳng sánh bằng. Nếu Công chúa thật dạ yêu ta, thì ráng giúp ta được đào sanh cùng nhau trở về cố quốc, ta sẽ phong cho Công chúa làm Hoàng hậu và cấp cho năm trăm cung phi mỹ nữ theo hầu.”.
- Nếu như quân vương đoan thệ giữ lời kim thạch thì thần thiếp nguyện sẽ tận tình mà khai lộ đào sanh.
- Ái hậu ơi! Trẫm sẽ giữ đúng như lời đã hứa.
- Thôi được rồi, xin Quân vương hãy vững dạ.
Hôm ấy, Công chúa vào vương cung bái kiến phụ hoàng, rồi đứng qua một bên. Hoàng đế Caṇḍapajjota liền phán hỏi:
- Công chúa, con học hết phép điều tượng rồi phải không?
- Tâu phụ vương, con học chưa hết.
Vua lại phán:
- Thế thì con có điều chi muốn tỏ trần?
- Tâu phụ vương! Chúng con cần có một cửa thành riêng biệt và một con vật thần hành (Vāhana).
- Để làm chi vậy con?
- Tâu phụ vương, người thí nghiệm thần chú cần phải ra phía ngoài thành trong lúc ban đêm để kiếm một vị thuốc, cho nên chúng con cần phải có một cửa thành đặc biệt và một con vật thần hành để tiện dụng trong lúc xuất thành chánh thời hoặc phi thời cũng được.
Đức vua chuẩn tấu. Đôi tình nhân vui mừng hớn hở, đích thân ra khai một cửa thành đặc biệt.
Hoàng đế Caṇḍapajjota có đến năm vật thần hành. Một con voi cái tên là Bhaddavatī (Hiền Ly) mỗi ngày đi được năm mươi do tuần. Một quan nội thị tên Kāla (Ô Nha) mỗi ngày đi sáu mươi do tuần, hai con thiên lý mã là Velakaṃsi và Muñjakesi mỗi ngày chạy được một trăm do tuần và con voi chúa Nāḷāgiri mỗi ngày đi được một trăm hai mươi do tuần.
Tương truyền rằng: Trong tiền kiếp, trước thời kỳ Đức Phật Tổ Gotama giáng sanh, Hoàng Đế Caṇḍapajjota là bộ hạ của quan Tổng trấn (Issara).
Một ngày nọ, nhằm lúc quan tổng trấn ra ngoài ngoại ô để tắm, đang đi trở về thì gặp vị Phật Bích Chi (Pacceka buddha) vào thành khất thực, bị Ma vương cản trở khiến toàn thể dân chúng không ai để bát, nên Ngài chẳng thọ dụng chút ít vật thực nào hết, bèn ôm bát không trở ra.
Đã vậy, Ma vương còn hóa hiện ra một người lạ mặt đúng đón Ngài tại cổng thành để hỏi: “Bạch Ngài! Ngài đi bát có được chút ít gì không?”. Đức Phật Độc Giác hỏi lại Ma vương:
- Vì cớ nào mà ngươi phá rối, làm cho ta đi bát không được chi hết vậy?
- Thế thì Ngài hãy trở lại thành, phen nầy tôi không phá Ngài nữa đâu.
Kỳ thật nếu Đức Phật Độc Giác trở vào thành thì Ma vương sẽ nhập vào mình toàn thể dâng chúng khiến cho họ vỗ tay cười rộ lên chế nhạo Ngài. Nhưng Đức Phật từ khước không vào lại thành, thấy gạt Đức Phật không được, Ma vương biến mất.
Khi ấy, quan Tổng trấn trông thấy Đức Phật Độc Giác ôm bát không đi ra, bèn kính cẩn đảnh lễ Ngài, rồi hỏi rằng:
- Bạch Ngài, chẳng hay Ngài đi bát có được chút chi chăng?
- Nầy đạo hữu! Đi vào rồi, bây giờ ta đi ra.
Quan Tổng trấn ngẫm nghĩ: “Đại đức không trả lời câu hỏi của ta, mà lại nói lảng qua chuyện khác, chắc là Ngài không được chi hết.”.
Khi đến xin Đức Phật Bích Chi cho xem bát, quan Tổng trấn nhìn thấy bát trống không, ý muốn xin thỉnh bát mà chưa dám, vì không biết chắc ở nhà mình cơm nước đã chín sẵn chưa?
- Bạch Ngài! Xin thỉnh Ngài đi thong thả lại một chút.
Nói rồi quan Tổng trấn bươn bả trở về nhà, hỏi rằng: “Ở nhà cơm nước có chín sẵn chưa hả?”.
- Thưa sẵn cả rồi.
Nghe vậy, quan Tổng trấn gọi tên bộ hạ thân tín, bảo rằng:
- Nầy con! Nội nhà không có ai chạy lẹ bằng con, vậy con ráng hết tốc lực chạy theo cho kịp Ngài Đại đức, bạch Ngài cho con thỉnh cái bát, rồi ôm bát chạy bay trở về đây.
Quan Tổng trấn vừa dứt tiếng nói thì tên bộ hạ đã phát sải như giông, chạy lấy bát đem về tức khắc. Quan Tổng trấn đem phần cơm ăn của mình đặt vào đầy bát rồi trao cho tên bộ hạ: “Nầy con, con chạy ra cho mau dâng bát thực phẩm nầy lên Ngài Đại đức! Phần phước của sự cúng dường nầy, ông cho con hết đó.”.
Tên bộ hạ nhận lãnh bát vật thực, lại vội vã chạy thật nhanh, đến dâng bát lên Đức Phật Độc Giác, rồi gieo năm vóc xuống đất, đảnh lễ Ngài xong, phát nguyện rằng: “Bạch Ngài, do phước báu đã chạy đi cấp tốc, chạy về cũng cấp tốc của tôi hôm nay, xin cho tôi làm chủ được năm vật thần hành thiên lý, đi được năm mươi, sáu mươi, một trăm và một trăm hai mươi do tuần mỗi ngày trong đời cận lai. Do sự nồng nhiệt của thân tôi khi chạy đi chạy lại dưới ánh mặt trời gay gắt, xin cho tôi tái sanh lên cõi nào cũng được oai lực sáng chói như ánh mặt trời. Do nơi phước báu để bát của chủ tôi cho tôi, xin cho tôi chứng được phép mầu cũng như Ngài vậy.”.
Đức Phật Bích Chi đáp: “Mong cho được như ý.” và Ngài đọc bài kệ phúc chúc như sau:
“Icchitaṃ patthitaṃ tuyhaṃ,
Khippameva samijjhatu;
Sabbe pūrentu saṅkappā,
Cando paṇṇaraso yathā.”
“Icchitaṃ patthitaṃ tuyhaṃ,
Khippameva samijjhatu;
Sabbe pūrentu saṅkappā,
Maṇi joti raso yathā.”
“Cầu cho bao nhiêu phước đã ước nguyền,
Của thí chủ mau kết quả nhãn tiền.
Bao nhiêu tư duy đạt thành viên mãn,
Như tối rằm, trăng chiếu sáng khắp miền.
Cầu cho bao nhiêu phước đã ước nguyền,
Của thí chủ mau kết quả nhãn tiền.
Bao nhiêu tư duy đạt thành viên mãn,
Như ngọc Ma ni, như ý chơn truyền.”
Theo huyền thoại, hai bài kệ phúc chúc nầy đã có từ thời Đức Phật Bích Chi và được truyền tụng mãi đến ngày nay.
Trong bài kệ sau, thành ngữ Maṇijotiraso chỉ thứ ngọc Ma ni bảo châu, giúp cho sở hữu chủ có thể thành tựu tất cả mọi điều mong ước.
Tên bộ hạ của quan tổng trấn trong thời dĩ vãng, nay là Hoàng đế Caṇḍapajjota, do phước báu của tiền nghiệp đã kể, mà năm món vật thần hành phát sanh đến Hoàng đế vậy.
Một hôm, Hoàng đế xuất thành du ngoạn trong vườn thượng uyển. Vua Udena nghĩ: “Hôm nay, ta phải nhân lúc đại vương đi vắng mà tẩu thoát cho mau.”. Vua tom góp vàng, bạc dồn đầy mỗi thứ trong một cái bao da thật lớn, chất lên lưng con voi cái Bhaddavatī, rồi cùng với Công chúa Vāsuladatta cỡi voi bôn đào.
Huỳnh môn quan trông thấy hai người chạy trốn, bèn tức tốc báo với Hoàng đế Caṇḍapajjota. Hoàng đế hạ lịnh cho tướng sĩ dẫn binh rượt theo truy nã, thấy đại quân đuổi gần theo phía sau. Vua Udena mở miệng bao đựng tiền vàng ra, ném rải xuống đất, quân sĩ đang chạy nhanh, bỗng dừng lại tranh nhau lượm cho hết tiền vàng, rồi mới lên ngựa rượt đuổi theo nữa. Vua Udena lại mở miệng cái bao đựng bạc, ném rải tứ tung theo đường, tướng sĩ mãi ham lo lượm bạc nên đình bộ lần thứ hai.
Nhờ vậy, vua Udena với Công chúa Vāsuladatta chạy vượt qua khỏi biên giới, về tới địa phận xứ Kosambi.
Đội quân đồn trú nơi biên ải, thấy vua Udena đã về, liền nhổ trại hộ tống Quốc vương trở lại kinh đô. Về đến nơi, vua Udena giữ lời hứa tấn phong Công chúa Vāsuladatta làm thứ cung Hoàng hậu.
DỨT TÍCH HOÀNG HẬU VĀSULADATTA
Ngoài hai bà chánh cung và thứ cung, Hoàng đế Udena còn có một người ái phi tên là Māgandiyā (Tam Địa), sau khi nàng tiến cung, được vua Udena phong làm Hoàng hậu thứ ba.
Nghe nói, nàng nầy người gốc Kuru, con giòng Bà la môn, cả cha và mẹ nàng cùng trùng một tên với bà là Māgandiyā. Bà có một người chú (Cūḷapitu) cũng tên là Māgandiyā.
Tiểu thư Māgandiyā có nhan sắc hoa nhường nguyệt thẹn, đẹp như là tiên nữ giáng trần, mặc dầu đã có nhiều bậc vương tôn công tử, con nhà quyền quí đến cầu hôn. Tiểu thư vẫn còn treo giá ngọc, vì phụ thân nàng chưa kén được rể đồng sàng. Ông nói ngay: “Các cậu không xứng với con gái ta.”. Khiến cho bọn người rắp ranh bắn sẻ tiu nguỷu rút lui, về sau không còn ai dám nuôi hy vọng được làm chồng của tiểu thư nữa.
Một bữa nọ, theo lệ thường, vào lúc tinh sương, Đức Bổn Sư dùng tuệ nhãn quan sát thế gian, thấy ông Bà la môn Māgandiyā với vợ ông, đều có căn lành có thể đắc quả A Na Hàm trong ngày hôm ấy. Vì thế, Ngài tự mang y bát một mình ngự đến ngôi đền thờ thần lửa của ông Bà la môn ở ngoại ô thị trấn.
Ngắm nhìn tướng hảo quan minh siêu phàm tuyệt sắc của Đức Như Lai. Ông Bà la môn nghĩ thầm: “Trên đời nầy nhất định không có cậu trai nào khác có thể sánh cặp với cậu trai nầy. Cậu nầy thật xứng đôi vừa lứa với con gái ta, ta sẽ dắt con gái ta ra tại đây mà gả không cho cậu.”.
Nghĩ vậy, ông Bà la môn kêu Đức Bổn Sư và nói:
- Nầy ông Sa môn! Lão có một đứa con gái mà lâu nay lão vẫn kén rể đồng sàng, nhưng chưa gặp cậu trai nào có thể sánh duyên cùng con gái lão, nay lão gặp ông nếu đem so ông với nó thì hai đàng thật là xứng đôi vừa lứa, sắc cầm hảo hiệp. Vậy ông hãy đứng đây chờ, lão về dắt con gái ra mà gả cho ông.
Đức Bổn Sư im lặng, không đáp lời chi cả, ông Bà la môn lật đật chạy về nhà gọi bà vợ: “Bà ơi! Bà à! Ta đã gặp được chàng rể xứng đáng với nhà ta, bà lo trang điểm con gái lẹ lẹ lên đi.”. Khi tiểu thư đã trang điểm tươm tất rồi, ông Bà la môn với vợ dắt con gái chạy ra kiếm Đức Bổn Sư. Khắp cả châu thành đều xôn xao náo động, dân chúng bàn tán rằng: “Ông lão nầy lúc trước rêu rao là không có ai xứng đáng với con gái của lão và không chịu gả con cho ai hết cả. Bây giờ phát thinh nói: “Hôm nay lão đã gặp được người xứng với con gái lão. Để ta tới xem mắt chàng rể quí của ông lão xem ra sao?”.
Thế là, người nọ rủ người kia, họ ùn ùn chạy theo ông Bà la môn. Khi ông Bà la môn dắt con gái đến chỗ hẹn với Đức Bổn Sư, thì Ngài không còn đứng ở chỗ đó nữa, nhưng Ngài có lưu lại một dấu chân, trước khi sang qua đứng ở chỗ khác.
Pháp Phật thật là kỳ diệu vô cùng, sau khi đã nguyện, chư Phật dậm chân lên tại chỗ nào thì ngay tại chỗ ấy có dấu bàn chân của Ngài in hình rõ rệt, còn ở những chỗ khác ngoài chỗ nguyện thì không thấy dấu vết chi cả.
Vả lại, những dấu chân của chư Phật không ai có thể xóa nhòa, dầu cho người ấy có phép hô phong hoán vũ, đảo hải di sơn, khiến cho gió táp mưa sa, tượng dày thú đạp đi nữa để làm mất dấu Phật tích nầy cũng không thể được.
Khi ấy, bà Bà la môn hỏi chồng: “Chàng rể đâu?”.
- Cậu ấy mới vừa đứng đây, sao bây giờ đi đâu rồi?
Vừa nói, ông Bà la môn đưa mắt nhìn quanh, thấy dấu chân Đức Phật, ông bảo bà: “Đây dấu chân cậu ấy ràng ràng đây.”.
Bà Bà la môn vốn là người thông suốt ba bộ kinh Phệ Đà (Veda), rành về khoa tướng số, nên lẩm nhẩm duyệt lại những bài kệ “thân tướng”, xem kỹ dấu chân Đức Phật, rồi quyết đoán rằng: “Nầy ông Bà la môn, dấu chân nầy không phải là của người phàm tục đâu!”.
Rồi bà đọc kệ rằng:
“Rattassa hi ukkuṭikaṃ padaṃ bhave,
duṭṭhassa hoti sahasānupīḷitaṃ;
Mūḷhassa hoti avakaḍḍhitaṃ padanti,
vivaṭṭachadassa idamīdisaṃ padanti.”
“Đầu chân túm người đầy tham dục,
Dấu lõm sâu phàm tục xấu xa,
Dấu kéo lê, tánh la cà,
Dấu nầy hiển lộ, quả là chánh tâm.”
Ông Bà la môn vội ngăn vợ: “Thôi thôi hãy dẹp mấy câu chú ngữ của bà đi, đừng có giở giọng thầy bói nói đui, hít tới hít lui, hít ra kẻ trộm nằm trên máng xối…”.
- Nầy ông Bà la môn! Ông muốn nói chi thì nói, chớ dấu chân nầy, theo tôi nhận biết, thì không phải của người đắm nhiễm ngũ trần.
Ông Bà la môn ngó quanh quất, trông thấy Đức Bổn Sư thì kêu lên:
- Cậu ấy đây rồi.
Ông ta đi ngay đến chỗ Đức Phật và gọi: “Nầy ông Sa môn lão đem con gái lão ra mà gả không cho ông đây.”.
Đức Bổn Sư không đáp ngay: “Ta cần hoặc ta không cần dùng con gái của ông.”. Ngài ôn tồn bảo rằng: “Nầy ông Bà la môn, để Như Lai kể lại cho ông nghe một câu chuyện.”.
- Ông Sa môn kể đi.
Thế rồi, Đức Bổn Sư nhắc lại lộ trình hành đạo của Ngài, từ khi mới phát đại nguyện xuất gia cho tới khi cảm thắng Ma vương dưới cội Bồ Đề và kết luận: “Dưới gốc cây Bồ Đề, Như Lai đã vượt qua ngũ dục ấy rồi.”.
Thấy chuyện trên đây chưa dứt được nỗi ưu phiền tuyệt vọng của ông Bà la môn, Đức Bổn Sư giảng thêm chuyện ba cô Ma nữ, con gái của Ma vương đã từng dùng kế mỹ nhân để cám dỗ Ngài một cách vô ích: “Khi ấy Như Lai cũng chẳng còn thèm nữa là.”. Nói rồi, Đức Bổn Sư ngâm kệ rằng:
“Disvāna taṇhaṃ aratiñca rāgaṃ,
nā hosi chando api methunasmiṃ;
Kimevidaṃ muttakarīsapuṇṇaṃ,
pādāpimaṃ samphusitaṃ na iccheti.”
“Khát vọng, tật đố, dục tình,
Đã từng bạo dạng trêu hình mà chơi.
Chán chường bướm lả ong lơi,
Xá chi phẩn uế đầy người thế a.
Chớ mong đây đó hiệp hòa,
Dầu đưa chân đụng cũng là chẳng ưng.”
Bài kệ vừa dứt, cả hai ông bà Bà la môn, đều chứng đắc A Na Hàm quả, còn tiểu thư Māgandiyā bị chạm tự ái, nên sanh lòng thù hận mà buộc oan trái với Đức Bổn Sư: “Nếu Sa môn nầy không cần ta thì ông ta nên nói ngay là ông không cần ta mới phải. Sao ông lại miệt thị ta là phẩn uế đầy người, với mức sang giàu trẻ đẹp như ta, nguyện sao ta đạt đến địa vị mẫu nghi thiên hạ, cao quí tột phẩm triều đình, để chừng ấy ta sẽ liệu phương chước mà hạ nhục Sa môn Gotama nầy mới được.”.
(Đức Bổn Sư biết hay không biết việc tiểu thư Māgandiyā kết buộc oan trái với Ngài, vì bài kệ trên đây? Cố nhiên là Ngài biết chớ lẽ nào không, Ngài biết mà tại sao Ngài ngâm kệ ấy?
Vì Ngài muốn tiếp độ cho hai người kia, bao giờ cũng vậy chư Phật chỉ thuyết pháp tiếp độ cho chúng sanh chứng đắc đạo quả mà thôi, chớ không phải để gây oan trái.).
Ông Bà la môn Māgandiyā dắt tiểu thư đến gởi nhà chú út của tiểu thư là Cūḷa Māgandiya, bảo bọc chu toàn. Rồi cả hai người đến xin xuất gia với Đức Bổn Sư và về sau đều đắc quả A La Hán.
Ông Cūḷa Māgandiyā sau khi nhận lãnh trách nhiệm thành toàn giai ngẫu cho tiểu thư Māgandiyā thì suy tính rằng:
- Cháu gái ta, nếu đem gả cho kẻ thấp hèn dân dã thì không xứng đáng. Chỉ có bậc vua chúa mới xứng với nó mà thôi.
Nghĩ rồi, ông bèn đưa cháu gái lên thành Kosambi, mua sắm đủ thứ thời trang lộng lẫy để tô điểm cho tiểu thư thêm mỹ lệ, dắt tiểu thư hiến nạp vua Udena và tâu rằng: “Muôn tâu Thánh thượng, bảo nữ (Itthīratana) nầy xứng với chúa thượng, hạ thần mong ân chúa thượng doãn nạp.”.
Vua Udena thấy tiểu thư Māgandiyā quả là một trang quốc sắc thiên hương, bèn đem lòng sủng ái, vua cấp cho năm trăm cung nữ theo hầu tiểu thư, phong cho tiểu thư làm Hoàng hậu thứ ba, được dự vào hàng mẫu nghi thiên hạ.
DỨT TÍCH TIỂU THƯ MĀGANDIYĀ
Thế là Quốc vương Udena có đến ba Hoàng hậu, với tổng số một ngàn năm trăm cung nữ hầu hạ dưới trướng.
Đồng thời trong thành Kosambi cũng có ba nhà Thiên hộ là Thiên hộ Ghosaka, Thiên hộ Kukkuṭa (Hùng Kê) và Thiên hộ Pāvārika (Hắc Y).
Hằng năm cứ đến mùa mưa, thì có năm trăm vị đạo sĩ từ miền Tuyết Sơn về thành để kiết hạ an cư. Một hôm ba nhà Thiên hộ thấy các đạo sĩ đang đi khất thực thì phát tâm thành tín, mời các đạo sĩ vào ngồi trong nhà, cúng dường vật thực xong, thỉnh cầu các vị ấy nhập hạ bốn tháng ở gần nhà mình; mãn hạn kỳ, ba nhà đại phú lại tiếp thỉnh các Ngài trở lại nhập hạ mùa sau, rồi mới tiễn đưa các vị ấy lên đường về núi.
Sau tám tháng hành đạo trong miền Tuyết Sơn, các đạo sĩ lại về thành an cư gần trú xứ của ba nhà Thiên hộ.
Từ đó trở đi, họ cứ luân lưu như thế mãi cho đến một kỳ hạ nọ, các đạo sĩ cũng quen lệ, rời miền tuyết giá, đi xuyên qua một khu rừng, thấy một cây da to, họ đến ngồi xung quanh gốc cây ấy để nghỉ mệt. Vị đạo sĩ trưởng đoàn nghĩ thầm: “Vị thọ thần ngự trên cây nầy không phải là hạng tầm thường thấp kém đâu? Chắc hẳn là một vị Thiên vương có nhiều oai lực, ước gì Ngài ban cho cả đoàn đạo sĩ nước uống giải khát.”.
Quả nhiên, thọ thần ban cho họ nước giải khát, vị trưởng đoàn ước muốn có nước để tắm, thọ thần ban cho họ nước tắm. Đạo sĩ ước muốn có cơm ăn, thọ thần cũng cho họ cơm ăn. Kế đó đạo sĩ trưởng nói thầm: “Ta mong ước vật kia vật nọ. Thiên vương nầy đều ban cho tất cả, ước gì ta được giáp mặt Thiên vương.”.
Thọ thần làm cho cây nứt đôi và hiện hình trong chỗ nứt ấy. Các đạo sĩ xúm nhau hỏi: “Tâu Thiên vương! Quyền lực của Ngài thật to tát, chẳng hay Ngài đã tạo nghiệp gì mà được hưởng phước nầy?”.
- Bạch xin các Ngài đừng tra hỏi tôi.
- Tâu Thiên vương! Xin Ngài hoan hỷ trả lời.
Hổ thẹn vì tiền nghiệp của mình quá nhỏ nhen, thọ thần không muốn phô trương ra, nhưng bị các đạo sĩ nài ép, yêu cầu mãi, thọ thần phải chìu theo: “Thôi vậy, xin các Ngài lắng nghe.”.
Thế rồi, Thiên vương bắt đầu kể chuyện: Theo lời tự thuật, thọ thần kiếp trước là một người đàn ông nghèo khó, đi xin việc làm để kiếm ăn, may được ông Anāthapiṇḍika thu nhận, cho ở làm công, nhờ đó mà yêu thân, tạm sống qua ngày.
Một hôm nhầm ngày Bát quan trai, ông Anāthapiṇḍika đi chùa về, hỏi gia nhân: “Có ai nói chú mới đến ở mướn biết: Hôm nay cả nhà ta giữ bát quan không?”
- Dạ thưa ông chủ! Không có ai nói cả.
- Vậy thì hãy lo nấu nướng cơm chiều cho chú ấy nghe.
Vâng lịnh chủ, người nhà lo nấu cơm chiều, để dành phần cho chủ mới đến ở. Chú ấy làm lụng cả ngày trong rừng, đến chiều mới trở về nhà, kêu lên: “Nấu cơm rồi thì dọn cho tôi ăn, tôi đói bụng quá.”.
Gia nhân dọn cơm ra, nhưng chú ấy bỗng nhiên ngừng lại, chưa vội ăn: “Mọi bữa thì giờ nầy trong nhà rần rần, đầu nầy kêu cơm, đầu kia gọi canh, đầu nọ xin thêm đồ ăn, om sòm tở lở, bữa nay ai nấy đều nằm ngủ im lìm. Họ dọn cơm chỉ một mình ta ăn, có việc chi vậy cà?”.
Chú làm mướn quay lại hỏi gia nhân: “Bộ mấy người kia ăn cơm hết rồi phải không?”.
- Họ không ăn.
- Tại vì lý do gì vậy?
- Nhà nầy không có ai dùng cơm chiều trong những ngày Bát quan cả, vì tất cả đều là những người thọ trì Bát giới. Cho đến trẻ con còn bú, phú Trưởng giả cũng bắt cho súc miệng rồi cho ngậm kẹo bộ dầu (catumadhura) để làm người thọ trì Bát giới nữa. Tối đến, khi lũ trẻ nhỏ lớn gì đều đi ngủ rồi, người ta đốt đèn và hương trầm lên ngồi tham thiền đề mục ba mươi hai thể trược. Vì quên không nói cho chú biết bữa nay trong nhà giữ Bát quan trai, nên tôi phải ráng nấu cơm chiều cho chú ăn. Thôi chú cứ dùng cho no bữa đi.
Chú làm rừng nói: “Nếu bữa nay trong nhà giữ Bát quan trai thì tôi cũng xin giữ nữa.”.
Gia nhân đáp: “Nếu muốn vậy phải bẩm cho ông chủ biết!”.
- Ồ! Anh hỏi dùm ông chủ coi.
Gia nhân đi hỏi ý kiến phú Trưởng giả, ông đáp: “Nếu bây giờ chú ấy chưa ăn, chú ấy súc miệng cho sạch rồi nguyện thọ trì Bát quan phần (uposathaṅgāni) thì chú sẽ hưởng được phước báu của nửa ngày Bát quan.”.
Chú mới ở nghe vậy, bèn làm theo cách ấy, vì ráng nhịn đói sau một ngày làm lụng cực nhọc, chú ấy bị cảm gió đau bụng. Chú phải lấy một dây lưng thắt chặt ngang bụng, một tay đè giữ mối thắt, nằm úp sấp mà chịu.
Hay tin nầy, phú Trưởng giả sai gia nhân cầm đuốc và đem theo kẹo mật, bơ dầu đi với ông đến thăm người bịnh, ông hỏi: “Con đau làm sao?”.
- Con bị trúng gió, đau bụng.
- Không sao, con ráng ngồi dậy, lấy kẹo, mật, bơ dầu nầy ngậm đi.
- Dạ, mà ông chủ cũng ngậm kẹo nầy chứ.
- Không, vì ông không có bịnh, con có bịnh thì ngậm lấy kẹo mà ăn.
Chú ở không chịu ăn, đáp rằng:
- Dạ, thưa ông chủ, con đã trót lỡ không được thọ trì Bát quan trọn cả một ngày, thì bây giờ con nguyện giữ đừng cho đứt giới Bát quan phần trong nửa ngày còn lại.
- Con đừng làm vậy, không nên.
Dầu cho ông chủ nói gì thì nói, chú ở vẫn một mực từ chối và rồi chú ấy tắt thở vào lúc mặt trời mọc, bỏ xác nằm trơ như một đóa hoa tàn. Tâm thức của chú thọ sạnh làm vị Thiên vương, ngự trên cây đa nầy đây.
Sau khi kể hết tiền nghiệp của mình, thọ thần kết luận:
- Phú Trưởng giả Anāthapiṇḍika là người tín ngưỡng Đức Phật (Buddhamāmako), là người tín ngưỡng Đức Pháp, là người tín ngưỡng Đức Tăng. Nhờ làm theo lời ông chủ biểu, thọ trì nửa ngày Bát quan trai, ta mới tạo được phước báu là nhân duyên sanh quyền lực của ta vậy.
Nghe đến tiếng Đức Phật (Buddho), năm trăm vị đạo sĩ đồng thời đứng lên, chắp tay yêu cầu Thiên vương hãy niệm Đức Phật ba lần cho chúng tôi niệm theo với. Tiếng niệm Đức Phật vang lên nghe như rung chuyển cả một góc trời.
Các đạo sĩ bồi hồi cảm kích, buột miệng tự nhủ: “Tiếng niệm vang rền như vậy, cũng khó mà được nghe trong thế gian.”. Đoạn họ thốt lời cảm tạ thọ thần: “Thiên vương ơi! Cái tiếng mà chưa từng nghe từ vô lượng kiếp, trăm ngàn đại kiếp, nhờ Thiên vương mà chúng tôi mới được nghe đây!”.
Khi ấy, các đạo sĩ đệ tử bạch cùng đạo sĩ trưởng:
- Vậy chúng ta đi tìm Đức Phật ngay bây giờ đi.
- Nầy các trò, từ lâu nay chúng ta đã nhờ ân ba nhà Thiên hộ giúp đỡ rất nhiều, vậy mai nầy sau khi thọ thực tại nhà ba vị ấy, ta phải báo tin cho họ biết và từ giã họ. Các trò hãy khoan, đừng vội đi gấp.
Các đệ tử vâng lệnh thầy, đều ở nán lại.
Ngày hôm sau, khi nhớ chừng hôm nay là ngày quí vị đạo sĩ của mình trở về, ba nhà Thiên hộ khiến gia nhân nấu cơm cháo, sắp (soạn) chỗ ngồi trước sẵn sàng, rồi ra đi nghinh tiếp các đạo sĩ, thỉnh vào ngồi trong nhà và cúng dường vật thực.
Sau bữa cơm, các đạo sĩ đứng dậy nói: “Chúng tôi xin cáo từ gia chủ để đi nơi khác.”.
- Bạch các Ngài! Các Ngài đã nhận lời thỉnh cầu của chúng tôi, hứa ở đây nhập hạ bốn tháng mà sao các Ngài còn định đi nữa?
- Nghe rằng: Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng đã giáng thế, cho nên chúng tôi đi tìm gặp Đức Bổn Sư.
- Ngoài các Ngài ra, những người khác có thể tháp tùng với quí Ngài, đi đến gặp Đức Đạo Sư được chăng?
- Những người khác đi cũng được, không có chi trở ngại đâu đạo hữu.
- Bạch Ngài, nếu vậy xin các Ngài khoan đi, chờ sắp đặt hành trang, chúng tôi cùng đi nữa.
- Nếu chờ quí gia chủ sắp đặt hành trang thì sợ e trì hoãn lâu lắc mất nhiều thì giờ, thôi để bần đạo chúng tôi khởi hành đi trước, rồi quí gia chủ sẽ nối gót theo sau.
Nói rồi, đoạn đạo sĩ vội vã đăng trình đến gặp Đức Chánh Biến Tri, họ vội vàng quì xuống đảnh lễ Ngài rồi nép qua một bên. Khi ấy, Đức Bổn Sư thuyết thời pháp gọi là Tuần Tự Pháp Thoại (Anupubbīkathaṃ), nghe hết thời pháp, tất cả năm trăm đạo sĩ đều đắc A La Hán quả với Tuệ phân tích, nên ngỏ lời xin xuất gia.
Đức Bổn Sư lại phán: “Lại đây, hỡi các Tỳ khưu.”. Ngài vừa dứt lời, thì tự nhiên do thần thông của Ngài, các vị sư mới liền được đắp y mang bát giống như các vị Đại đức hàng trăm tuổi hạ.
Sau các đạo sĩ, ba nhà triệu phú cùng nhau ra đi, mỗi người cùng mang theo năm trăm cỗ xe bò, chở đủ thứ thập vật đồ cúng dường như là vải, y phục, đường, mật, bơ, dầu… đến Đại Tự Jetavana, đi bộ vào chùa, đảnh lễ Đức Bổn Sư rồi ngồi nghe pháp. Nghe hết thời pháp, họ đắc chứng Tu Đà Hườn quả. Họ ở nán lại Jetavana độ nửa tháng để làm phước Trai Tăng ngày ngày được gần gũi Đức Bổn Sư.
Khi muốn trở về Kosambi, ba nhà Thiên hộ đến đảnh lễ cáo từ Đức Bổn Sư và xin Ngài ngự sang xứ mình để hoằng dương chánh pháp, Đức Bổn Sư chuẩn nhận bằng lời dạy rằng:
- Nầy các gia chủ, chư Như Lai chỉ an cư tịnh lạc trong chỗ rừng xa, nhà vắng mà thôi.
Nghe vậy, ba nhà triệu phú đáp: “Bạch Ngài, chúng con hiểu rồi. Để chúng con lo liệu, về sắp đặt chỗ nơi, xong rồi sẽ phái người sang thỉnh Ngài”.
Về đến Kosambi, ba nhà cự phú bèn xúc tiến công việc kiến thiết cảnh già lam (ārāma), Thiên hộ Ghosaka cất Ghositārāma (Lôi Âm Tự), Thiên hộ Kukkuṭa thì cất Kukkuṭārāma (Hùng Kê Tự), Thiên hộ Pāvarika thì cất Pāvarikārāma (Hắc Y Tự). Xong rồi, họ phái người đi thỉnh Đức Bổn Sư. Khi nghe tin sai của ba nhà Thiên hộ đến cung thỉnh. Đức Bổn Sư liền ngự sang thành Kosambi.
Ba nhà cự phú ra khỏi thành nghinh tiếp Đức Bổn Sư, lần lượt thỉnh Ngài vào ngồi nơi chùa mới của mình và tuyên bố trong cuộc lễ: “Ngôi đạo tràng nầy, chúng tôi xin dâng đến tứ phương Tỳ khưu Tăng, có Đức Phật làm hội chủ.”.
Sau cuộc lễ dâng chùa, ba nhà cự phú thay nhau hộ độ chư Tăng. Đức Bổn Sư mỗi ngày ngự trong mỗi một ngôi chùa, hễ ở chùa của vị nào thì Ngài trì bình đến trước cửa nhà vị ấy mà thọ bát.
Thuở ấy có ông Sumana (Hảo Ý) là nhà chuyên môn làm tràng hoa để cung cấp cho ba nhà Thiên hộ. Một hôm, ông Sumana nói với ba vị thân chủ của mình rằng: “Tôi là người phục vụ cho ông chủ đã lâu rồi, bây giờ tôi muốn để bát cúng dường Đức Bổn Sư, tôi phải nghỉ việc một ngày đặng lo sắp đặt sự cúng dường.”.
- Nếu vậy, ngày mai chú để bát đi.
- Da vâng, thưa ông chủ.
Hôm sau, ông Sumana cung thỉnh Đức Bổn Sư đến nhà và cúng dường thực phẩm.
Vào thời ấy, vua Udena ban cho Hoàng hậu Sāmāvatī mỗi ngày tám đồng vàng để mua hoa, số tiền đó thường được giao cho một thế nữ tên là Khujjuttarā đi lấy hoa ở nhà ông Sumana.
Ngày ấy, khi cô thể nữ lưng gù đến, ông Sumana nói: “À! Hôm nay tôi mới vừa thỉnh được Đức Bổn Sư, tôi phải để dành những thứ hoa đẹp quí thượng hạng mà cúng dường Ngài, cô ở đây phụ tiếp với tôi, một lát nữa nghe pháp xong rồi thì cô lấy số hoa còn lại mà đem đi.”. Cô thể nữ đáp: “Dạ được.”, rồi cô ở lại chờ.
Sau khi để bát cúng dường chư Tỳ khưu Tăng có Đức Phật làm hội chủ xong, ông Sumana phát nguyện hồi hướng phước báu đến chư Thiên và các bậc hữu ân đã quá vãng. Nhân đó, Đức Bổn Sư thuyết giảng về công đức hồi hướng phước báu. Ngồi chăm chú theo dõi thời pháp của Đức Bổn Sư, cô Khujjuttarā chứng đắc quả vị Tu Đà Hườn. Cô gái lưng gù nầy trong những ngày khác thì cô chỉ mua có bốn đồng hoa mà thôi, còn bốn đồng thì cô ăn lời, nhưng trong ngày ấy cô mua đủ tám đồng hoa đem về. Thấy nhiều hoa, Hoàng hậu hỏi cô thể nữ:
- Nầy con! Có lẽ hôm nay đức vua tăng lên gấp đôi số tiền mua hoa cho ta phải chăng?
- Tâu Chánh Hậu, không phải.
- Không thì tại sao hôm nay nhiều hoa thế?
- Những ngày khác thì con ăn lời, cất bớt bốn đồng vàng, chỉ mua đem về có bốn đồng mà thôi.
- Bữa nay, sao con không ăn lời?
- Nhờ nghe thời pháp của Đức Bổn Sư con đã chứng ngộ được chánh pháp.
Khi ấy, thay vì hăm he trách mắng cô thể nữ “Mi là con thị tỳ xấu xa, bấy lâu nay mi đã ăn cắp giữ bao nhiêu đồng vàng, thì mi phải trả hết lại cho ta.”, Hoàng hậu lại phán bảo:
- Nầy con, con đã hữu duyên uống được nước nguồn bất tử, vậy con hãy cho chúng ta uống với.
Cô Khujjuttarā đáp:
- Nếu vậy, xin cho con được tắm gội sạch sẽ đã.
Nghe vậy, Hoàng hậu cho các cung nữ lo tắm rửa cho cô thể nữ bằng mười sáu bầu nước thơm và ban cho cô hai cái y choàng bằng lụa thật tốt, cô lấy một cái để mặc một cái cô choàng lên phủ kín mình. Cô chỉ biểu cho cung nữ dọn một pháp tòa và đem đến cho cô một cây quạt.
Lên ngồi đàng hoàng trên pháp tọa, một tay cầm cây quạt tuyệt đẹp, cô Khujjuttarā mở lời kêu gọi năm trăm cung nữ và thuyết lại cho họ nghe y nguyên thời Pháp mà cô đã được nghe Đức Bổn Sư thuyết.
Xong rồi, tất cả năm trăm cung nữ ấy đều đắc quả Tu Đà hườn.
Tất cả đều đảnh lễ cô gái gù lưng và nói: “Chị ơi! Từ giờ trở đi xin chị đừng làm các công việc gì nặng nhọc nữa, xin chị giữ địa vị làm mẹ và bà giáo của chúng tôi. Chị cứ ở không để đi nghe pháp của Đức Bổn Sư để về cùng thuyết lại cho chúng tôi nghe với.”.
Cô Khujjuttarā làm y như lời yêu cầu, về sau trở thành một nữ Tam Tạng Pháp Sư.
Khi ấy, Đức Bổn Sư đặt cô lên hàng đệ tử ưu tú: “Nầy các Tỳ khưu! Cao minh nhất trong các nữ cận sự Thinh Văn về đệ nhất thuyết pháp là thể nữ Khujjuttarā nầy vậy.”.
Năm trăm cô cung nữ yêu cầu cô thể nữ lưng gù:
- Chị ơi! Chúng tôi muốn bái kiến Đức Bổn Sư. Chị làm sao đưa dùm chúng tôi đến gặp Ngài để chúng tôi cúng dường hương hoa lễ vật đến Ngài.
- Thưa quí nàng! Thể thống của hoàng gia rất trọng đại, tôi không dám dắt đưa các nàng ra khỏi hoàng cung.
- Chị ơi! Đừng để chúng tôi mỏi mòn thất vọng, chị ráng làm cách nào giúp chúng tôi được bái kiến Đức Bổn Sư.
- Thôi thì các nàng, mỗi người trổ một lỗ trống trong vách phòng của mình, rộng vừa đủ để trông thấy rõ bên ngoài và cho người mang lễ vật, hương hoa để sẵn nơi đó, chờ khi Đức Bổn Sư đi ngang qua để đến cổng ba nhà Thiên hộ, thì các nàng lại chỗ lỗ trống của phòng mình mà nhìn xem, hay là giơ tay ra ngoài lễ bái và dâng cúng lễ vật.
Các phi tần làm y theo như vậy, họ chờ Đức Bổn Sư đi ngang qua, lúc Ngài ngự đến hoặc lúc trở về để nhìn ngắm kim quang hoặc lễ bái, cúng dường tùy theo sở thích.
Bất ngờ, một hôm Thứ hậu Māgandiyā từ trong tư cung bước ra, trong khi thung thăng bách bộ, bà đi đến chỗ ngự của năm trăm nàng cung phi ấy.
Trông thấy các lỗ trống trong vách cung phòng, Thứ hậu bèn hỏi: “Lỗ gì vậy?”.
Các nàng cung nữ không biết việc Thứ hậu Māgandiyā ôm lòng thù hận, ngầm buộc oan trái với Đức Bổn Sư, nên tình thật đáp rằng: “Khi nào Đức Bổn Sư ngự vào thành, chúng tôi đứng đó mà lễ bái và dâng cúng lễ vật đến Ngài.”.
Thứ hậu nghĩ thầm: “Sa môn Gotama vào thành lúc nầy, thật là dịp may ta lập cách tẩy thù, phục hận, rửa được cái nhục ngày xưa. Còn mấy con tiện tỳ nầy là bọn a dua, thị tùng của hắn, thì ta cũng sẽ làm cho biết tay.”.
Lập tâm như thế rồi, Thứ hậu Māgandiyā vào trào, mật tấu với vua Udena: “Tâu đại vương! Năm trăm cung nữ của Chánh hậu Sāmāvatī âm mưu tư thông với bên ngoài, dự bị hành thích đại vương trong vài ngày tới đây.”.
Đức vua không tin đáp rằng: “Các cung nữ ấy không dám làm việc tày đình ấy đâu.”.
Mặc dầu Thứ hậu tâu đi tâu lại, đức vua cũng không lưu ý, thấy vu cáo đến ba lần mà đức vua cũng không tin lời mình, Thứ hậu bèn tâu rằng: “Nếu đại vương không tin, thì xin đại vương quang lâm đến chỗ ngụ của các cung nữ ấy mà quan sát thì sẽ rõ ngay gian.”.
Đức vua ngự đến các cung phòng, trông thấy những lỗ trổ trong vách, phán hỏi lỗ gì đây vậy.
Sau khi nghe các cung nữ trình bày hợp lý, đức vua chẳng giận hờn trách mắng chi họ, mà còn cho lịnh đến lắp các lỗ trống lại và gắn cửa sổ mắt cáo (khuddacchiddakavātapānāni) vào vách của tất cả các cung nữ. Tương truyền rằng: “Những cửa sổ mắt cáo có từ khi nầy vậy.”.
Bị thất bại trong việc vu cáo các cung nữ, Thứ hậu Māgandiyā tự nghĩ: “Bây giờ ta phải đối phó với Sa môn Gotama trước đã!”.
Thứ Hậu bèn vãi tiền ra mướn dân chúng trong thành: “Ai thấy Sa môn Gotama vào thành thì kéo hết kẻ ăn người làm trong gia đình ra mà mắng nhiếc, lăng mạ xua đuổi ông ta đi.”. Bọn người tà kiến, không có đức tin nơi Tam Bảo, sau khi lớn tiếng mắng chửi, lăng mạ Ngài: “Ngươi là kẻ cướp, là kẻ ngu, là kẻ khùng, ngươi là con lạc đà, là con bò, là con lừa, ngươi là giống quỉ sứ, là giống súc sanh, ngươi sẽ không bao giờ được siêu sanh lên nhàn cảnh, ngươi nhất định sẽ sa vào ác đạo.”. Bị xúc phạm bằng mười thứ thô ác ngữ như trên. Đại đức Ānanda bạch với Đức Bổn Sư: “Bạch Ngài, dân chúng miền nầy mắng nhiếc, lăng mạ ta. Vậy ta hãy đi qua nơi khác.”.
- Đi đâu hở Ānanda?
- Bạch Ngài, ta đi qua thành khác.
- Nếu dân chúng ở đó mắng nhiếc ta thì ta sẽ đi đâu nữa hở Ānanda?
- Bạch Ngài! Thì ta sẽ bỏ đó mà đi qua thành khác nữa.
- Nầy Ānanda! Không nên làm như vậy, chỗ nào có sự khẩu thiệt (adhikaraṇa) phát sanh, thì ta phải lưu lại đó cho đến khi những tiếng thị phi lắng dịu hết rồi mới nên đi qua chỗ khác. Họ mắng nhiếc bằng những lời lẽ nào vậy Ānanda?
- Bạch Ngài, họ giăng đủ cả thập ác thô ngữ.
- Nầy Ānanda! Như Lai chẳng khác nào con tượng chúa khi lâm trận phải hứng chịu tất cả bao nhiêu mũi tên địch từ bốn phía bắn vào, cũng như nơi đây, dầu cho những kẻ không giới hạnh có thốt ra nhiều lời bất nhã như thế kia, Như Lai cũng vẫn nhẫn nhục chịu đựng được hết.
Nói rồi, Đức Bổn Sư thuyết pháp, tự đề cập đến Ngài và kết thúc bằng ba bài kệ Pháp Cú sau đây, được ghi chép trong Phẩm Voi:
“Ahaṃ nāgo va saṅgāme,
cāpāto patitaṃ saraṃ;
Ativākyaṃ titikkhissaṃ,
dussīlo hi bahujjano.”
“Như voi xuất trận gan lì,
Hứng tên cung bắn vào bì chẳng nao.
Như Lai hứng chịu biết bao,
Những lời phỉ báng thấp cao tục tằn.”
“Dantaṃ nayanti samitiṃ,
dantaṃ rājābhirūhati;
Danto seṭṭho manussesu,
yoti vākyaṃ titikkhati.”
“Thế gian lắm kẻ làm nhăn,
Phá hư giới hạnh thiện căn của mình.
Voi thuần được đến hội đình,
Voi thuần được chúa thích tình ngự du.
Cao hơn nhân loại người tu,
Nhịn lời phỉ báng phàm phu tục tằn.”
“Varamassatarā dantā,
ājānīyā ca sindhavā;
Kuñjarā ca mahānāgā,
attadanto tato varanti.”
Quí thay là giống la thuần!
Quí thay ngựa tuấn người hằng khéo nuôi!
Quí thay tượng chúa đàn voi!
Người tự điều chế hẳn hòi quí hơn.”
Sau khi thuyết giảng như thế, Đức Bổn Sư phán:
- Nầy Ānanda! Ngươi chớ nên tư lự, họ chỉ mắng nhiếc trong vòng bảy ngày mà thôi. Đến ngày thứ tám họ sẽ tự động im lặng ngay.
Quả nhiên đối với chư Phật, mọi sự khẩu thiệt chỉ tồn tại trong bảy ngày chớ không bao giờ kéo dài hơn nữa.
Khi thấy mướn người mắng nhiếc, xua đuổi Đức Bổn Sư không kết quả, Thứ hậu Māgandiyā tự nghĩ: “Bây giờ ta sẽ làm gì đây? À lũ cung tần và Sāmāvatī là những kẻ hậu thuẫn của Sa môn Gotama. Ta phải tiêu diệt lũ nó.”.
Một hôm nọ, Thứ hậu được chỉ định trông coi việc ngự thiện, làm quản đốc nơi tòa ngự yến lâu (Rañño surāpānaṭṭhāna). Nhân cơ hội đó, Thứ hậu gởi mật thư cho chú mình như vậy: “Xin tin cho Quốc trượng rõ, con đang cần dùng gà trống, tám con sống và tám con chết. Quốc trượng nên mang gà đến ngự yến lâu, đứng túc trực nơi chân cầu thang và thông tin cho con biết tin Quốc trượng đến. Khi có lệnh truyền cho vào. Quốc trượng cũng đừng lên lầu, lần đầu tiên Quốc trượng gởi cho nội thị tám con gà trống còn sống và lần sau hãy gởi mấy con kia.”.
Mặc khác, Thứ hậu đút lót vàng bạc mua chuộc viên quan hầu rượu của vua (Cūḷupatthāko) và căn dặn: “Khanh nhớ ráng làm đúng theo lời ta ủy thác nha.”.
Tiếp được mật thơ, Quốc trượng Cūḷa Māgandiyā thân hành đi vào hoàng cung, khiến nội thị thông báo cho đức vua biết. Quốc vương truyền lịnh cho vào. Quốc trượng thối thác với nội thị rằng: “Nơi Quốc vương yến ẩm, ta không dám lên.”.
Thứ hậu bèn phán bảo bồi yến quan: “Hiền khanh hãy xuống tiếp kiến Quốc trượng đi.”.
Quan bồi yến xuống lầu, được Quốc trượng gởi tám con gà trống còn sống đem lên dâng đức vua: “Tâu Quốc vương, đây là lễ vật của Quốc trượng hiến nạp.”.
Quốc vương rất đẹp ý, phán rằng: “Quí hóa thay! Được thêm món trân tu mỹ vị nầy cô gia không biết nên giao cho ai nấu nướng đây.”.
Thứ hậu Māgandiyā tâu: “Tâu đại vương, năm trăm cung phi do Chánh hậu Sāmāvatī chưởng quản hiện đang ở không, đi dông đi dài. Xin đại vương gởi món nầy đến bảo họ nấu nướng rồi mang lại đây.”.
Quốc vương ra lịnh cho quan bồi yến:
- Khanh đem mấy con gà nầy đến giao tận tay các cung nữ, chớ đừng giao cho ai khác và tâu rằng: “Đức vua muốn quí lịnh bà tự tay mình làm thịt gà và nấu món ăn dâng lên đức vua.”.
- Hạ thần xin tuân Thánh lịnh.
Nói rồi, quan bồi yến ra đi, đến gặp các cung nữ và truyền lịnh vua. Các cung nữ từ chối, đáp rằng: “Chúng tôi giữ giới không dám sát sanh.”.
Quan bồi yến trở về phục lịnh đức vua. Khi ấy Thứ hậu Māgandiyā tâu rằng:
- Tâu đại vương! Muốn biết thật các cung nữ nầy có giữ giới cấm sát sanh hay là họ chỉ mượn cớ thối thác, không tuân vương lịnh, thì xin đại vương thử phán bảo họ: “Nấu xong thực phẩm đem dâng cúng dường Sa môn Gotama.”, xem ra sao?
Quốc vương y tâu, lại sai viên quan hầu rượu ra đi một lần nữa. Bồi yến quan đem gà xuống lầu, giả cách như đem thẳng vào thâm cung, nhưng sự thật thì ông giao trả Quốc trượng tám con gà trống sống mà tráo lấy tám con gà trống chết, đem qua chánh cung, tâu với vương phi rằng: “Có lịnh vua khiến quí vương phi làm thịt mấy con gà nầy, nấu thành thực phẩm gởi đến cúng dường Đức Tôn Sư.”.
Các cung nữ ra rước lấy mấy con gà chết và nói:
- Bây giờ, công việc này là phận sự của chúng tôi đây.
Thấy quan hầu rượu trở về phục lịnh, đức vua phán hỏi:
- Thế nào vậy khanh?
Bồi yến quan tâu: “Muôn tâu chúa thượng vừa nghe nói nấu để cúng dường Sa môn Gotama, thì các cung nữ liền chạy ra đón đường hạ thần và rước mấy con gà rồi. Thấy vậy, Thứ hậu Māgandiyā liền tâu rằng:
- Đại vương hãy coi đó, có phải rõ ràng là các cung phi ấy chỉ có tâm xu hướng ngoại nhân chớ không có lòng tín ngưỡng đại vương chăng, thế mà đại vương còn chẳng tin lời thần thiếp.
Quốc vương làm thinh giữ vẻ trầm ngâm để cho Thứ hậu Māgandiyā tha hồ tâu rỗi. Thấy vậy, Thứ hậu nghĩ thầm: “Bây giờ, ta phải làm sao đây?”.
Thời ấy đức vua luân phiên ngự vào cung của ba bà Hoàng hậu Sāmāvatī, Vasuladatta và Māgandiyā. Vua tuần tự lưu lại trong mỗi hậu cung bảy ngày đêm liền.
Sau khi hỏi vua để biết trước “Mai hay mốt đức vua sẽ ngự hành sang qua chánh cung.”, Thứ hậu Māgandiyā sai một người thân tín đến dinh Quốc trượng Cūḷa Māgandiyā, để xin một con rắn độc đã nhổ hết mấy cái răng độc về cho mình cần dùng. Quốc trượng làm y như lời đứa cháu gái cưng.
Quốc vương Udena, mỗi khi thân hành ngự đến nơi nào cũng mang cây đàn điều tượng đem theo, thùng đàn có một lỗ nhỏ, Thứ hậu Māgandiyā lùa cho con độc xà chui qua lỗ ấy mà vào trong thùng đàn, đoạn lấy một chùm hoa nhét trám miệng lỗ. Đến ngày Quốc vương xuất hành, Thứ hậu giả vờ hỏi:
- Hôm nay đại vương ngự đến cung nào?
- Đến cung Chánh hậu Sāmāvatī.
Nghe vậy, Thứ hậu can rằng: “Tâu đại vương! Đêm hôm quan thần thiếp nằm mộng, thấy một điềm bất thường là lịnh Thiên tử không nên ngự qua chánh cung được.”.
- Trẫm nhất định qua đó.
Thứ hậu can ngăn đức vua đủ ba lần, rồi mới nói:
- Nếu đại vương quyết như thế, thì thần thiếp xin cùng đi với đại vương.
Nói rồi, Thứ hậu theo sát cánh Quốc vương, ra khỏi phạm vi đệ tam cung, Thứ hậu cũng không quay về, lại nói rằng:
- Tâu Chúa thượng! Thần thiếp rất e ngại, không biết sắp xảy ra biến cố nào đây.
Khi Quốc vương ngự đến chánh cung, Hoàng hậu Sāmāvatī và đoàn cung nữ ra nghinh tiếp, khoác lên long thể những đồ trang điểm quí giá tràng hoa và hương trầm. Đức vua cứ để nguyên các phục sức ấy mà ngự dụng các món thiện soạn (subhojanaṃ). Xong bữa rồi, đức vua ngự lên long sàng để an giấc buông bỏ cây đàn kế bên đầu nằm.
Thứ hậu Māgandiyā giả vờ đi quan sát chỗ nọ, chỗ kia, rồi thừa lúc vắng người lén đến rút bỏ chùm hoa nhét trám cái lỗ trên thùng đàn.
Con rắn nằm yên trong thùng đàn hai ba ngày qua, liền theo lỗ trống bò ra ngoài, ngóc đầu lên phùng mang thở khem khem rồi trườn lên nằm trên long sàn. Thấy vậy, Māgandiyā kêu thét lên: “Chúa thượng ơi! Có con rắn!”. Rồi như ngây như dại, Thứ hậu mắng nhiếc cả Quốc vương, Chánh hậu cùng các cung nữ:
- Hôn quân bất hạnh, không nghe lời ta can gián. Lũ tiện tỳ nầy cũng vô phước vậy mà cũng học đòi chầu chực Quốc vương. Có lẽ chúng bây mong mỏi đức vua thăng hà để cho bây được sống an vui, nếu đức vua còn tại vị thì chúng bây sống chịu cực khổ phải không?
Chúa thượng ơi! Sáng nay thần thiếp đã thấy triệu bất thường, biết là Chúa thượng chẳng nên ngự đến cung của Chánh hậu Sāmāvatī nầy. Thần thiếp đã hết lời can gián mà Chúa thượng chẳng tin nghe thần thiếp.
Nhìn thấy con rắn, Quốc vương kinh hoàng, nghĩ đến cái chết:
“Mấy cung nữ nầy có thể làm cho trẫm thăng hà được lắm. Ôi! Thật trẫm quá ngu khờ mới không tin lời Thứ hậu đã lắm lần chỉ rõ ác tâm của bọn họ cho trẫm thấy. Lần đầu tiên họ khoét lỗ vách cung phòng để ngồi ngó ra ngoài, lần kế đó họ trả mấy con gà trống của trẫm đưa đến cho họ làm thịt và bữa nay họ thả rắn lên long sàn trong lúc trẫm ngủ say.”.
Nghĩ đến đây, Quốc vương phừng phừng lửa giận, nộ khí xung thiên.
Chánh hậu Sāmāvatī điềm tĩnh bảo năm trăm cung nữ:
- Nầy các em. Chẳng có ai có thể che chở cho chị em mình hết. Vì các Thiên vương, Thiên hậu với chị em mình cũng ngang đồng bậc, chẳng khác chi nhau, các em cứ lo rải tâm từ đừng ái ngại chi hết.
Quốc vương lấy chiếc cung vàng có sức bắn đi mạnh gấp ngàn cây cung thường (sahassathāmasiṅgadhanu), cầm lên tay búng thử dây cung, lấp một mũi tên có tẩm thuốc độc vào, rồi truyền lịnh bắt Chánh hậu Sāmāvatī đứng đầu, cả đoàn cung phi sắp hàng đứng nối theo sau. Đoạn Quốc vương nhắm ngay ngực Hoàng hậu Sāmāvatī bắn mũi tên ra.
Do mãnh lực từ tâm của Hoàng hậu, mũi tên quay đầu trở lại bay thẳng về phía Quốc vương, suýt đâm thủng tim Quốc vương mới dừng lại. Quốc vương giật mình, ngẫm nghĩ rằng: “Mũi tên của trẫm bắn ra, dầu cho gặp đá cứng nó cũng xuyên thủng đi qua, còn trên hư không nó đâu có đụng bá chỗ nào, sao tự nhiên nó quay đầu trở lại, chực bay xỉa vào tim của trẫm? Ôi! Rất đỗi là một mũi tên, là thứ đồ bắn bỏ, là giống vô tình, là vật vô sanh mà nó còn nhận thức được giới đức của Hoàng hậu, trẫm là giống con người mà sao trẫm thua vật vô tri.”. Quốc vương ném phăng chiếc cung vàng xuống đất, chắp tay ngồi xổm bên chân Hoàng hậu Sāmāvatī rồi đọc kệ rằng:
“Sammuyhāmi pamuyhāmi,
sabbā muyhanti me disā;
Sāmāvatī maṃ tāyassu,
tvañca me saraṇaṃ bhavāti.”
“Trẫm quên, trẫm lạc mất đường,
Trẫm không còn nhớ hướng phương đi về.
Ô Nhi Ly hãy phá mê,
Cho trẫm nương tựa cận kề được chăng?”.
Nghe Quốc vương thốt ra những lời khiêm tốn, tự hạ mình như vậy, Chánh hậu không nói “Phải đó Chúa thượng, Chúa thượng hãy qui y với thần thiếp.”. Nhưng Chánh hậu lại tâu rằng:
- Tâu đại vương! Hễ thần thiếp qui y với vị nào thì đại vương cũng nên quy y với vị đó.
Hoàng hậu bèn đọc kệ rằng:
“Idaṃ vatvā sāmāvatī,
sammāsambuddhasāvikā;
Mā maṃ tvaṃ saraṇaṃ gaccha,
yamahaṃ saraṇam gatā.
Esa buddho mahārāja,
esa buddho anuttaro;
Saraṇaṃ gaccha taṃ buddhaṃ,
tvañcame saraṇaṃ bhavāti.”
“Ô Nhi Ly nữ Thinh Văn.
Của Đức Toàn Giác đáp rằng: Chúa ơi!
Chúa đừng qui ngưỡng theo tôi,
Hãy qui ngưỡng Phật đang ngồi từ bi.
Mà tôi cũng đã qui y,
Phật đó cao thượng không chi sánh bằng.
Phật đó, đại vương nhớ chăng?
Để tôi nương tựa hầu gần Đại vương.”
Đức vua Udena nghe dứt bài kệ của Hoàng hậu Sāmāvatī, bèn nói: “Bây giờ, trẫm càng hoang mang lo sợ hơn bao giờ hết.”.
Đoạn vua lại ngâm kệ rằng:
“Esa bhiyyo pamuyhāmi,
sabbā muyhanti me disā;
Sāmāvati maṃ tāyassu,
tvañca me saraṇaṃ bhavāti.”
“Phật càng làm trẫm lạc đường,
Trẫm không còn nhớ hướng phương đi về.
Ô Nhi Ly hãy phá mê,
Cho trẫm nương tựa cận kề ái khanh.”
Dầu cho đức vua yêu cầu mấy lượt, Hoàng hậu cũng vẫn từ nan như trước.
- Thôi thì để trẫm quy y với Đức Bổn Sư và đồng thời trẫm ban cho ái khanh một ân huệ tùy ý ái khanh chọn lựa.
Nghe vua chuẩn hứa, Chánh hậu đáp: “Tâu đại vương, thần thiếp vui lòng nhận lãnh ân huệ vua ban.”.
Quốc vương Udena bèn đến chỗ Đức Bổn Sư đang ngự xin quy y với Ngài, rồi cung thỉnh Tỳ khưu Tăng quang lâm vào hoàng cung thọ thực, sau cuộc lễ Trai Tăng liên tiếp bảy ngày, Quốc vương phán bảo Hoàng hậu Sāmāvatī: “Bây giờ ái khanh muốn được trẫm ân tứ vật gì, ái khanh cứ nói cho trẫm biết.”.
- Tâu đại vương! Thần thiếp không cần dùng châu báu, bạc vàng chi cả. Thần thiếp chỉ xin chúa thượng ban cho ân huệ nầy là: Chúa thượng thỉnh Đức Bổn Sư với năm trăm Tỳ khưu hằng ngày vào hoàng cung để thần thiếp và các cung nhân được nghe thuyết pháp.
Quốc vương bèn đảnh lễ Đức Bổn Sư, rồi bạch rằng:
- Bạch Ngài! Trẫm xin cung thỉnh Ngài với năm trăm vị Tỳ khưu, hằng ngày vào thọ thực nơi đây để cho Chánh hậu cùng đoàn cung nhân được dịp đảnh lễ và thính pháp.
- Tâu đại vương! Đồng danh với chư Phật Như Lai, không nên đi mãi một chỗ nào, vì đại chúng ở khắp nơi còn đang ngóng đợi Như Lai.
- Bạch Ngài! Nếu vậy xin Ngài biệt phái một Tỳ khưu đại diện cho Ngài.
Đức Bổn Sư bèn chỉ định Đại đức Ānanda.
Từ đó về sau, mỗi ngày Đại đức Ānanda đều dắt năm trăm vị Tỳ khưu vào hoàng cung thọ thực, Chánh hậu cùng đoàn cung nhân vẫn chăm lo sớt bát cúng dường và nghe kinh, thính pháp đều đều không ngớt.
Một hôm, sau khi nghe dứt thời pháp do Đại đức Ānanda thuyết, đoàn cung nhân phát tâm thành tín hết sức trong sạch bèn dâng năm trăm lá y vai trái (Uttarasaṅgā) để cúng dường Pháp Bảo, thứ y nầy rất quí, mỗi lá trị giá đến năm trăm đồng vàng.
Khi thấy các cung nhân không còn một lá y quí báu nào hết, Quốc vương phán hỏi:
- Những y vai trái của các ái khanh để đâu?
- Chúng tôi đã cúng dường Ngài Đại đức.
- Đại đức đã nhận hết cả ư?
- Tâu chúa thượng, Đại đức đã thu nhận hết cả.
Quốc vương đến đảnh lễ Đại đức Ānanda và phán hỏi về các cung nhân cúng dường năm trăm lá y Uất Đà La Tăng. Khi Đại đức xác nhận rằng: Các cung nhân có cúng dường và Đại đức có thọ lãnh số y ấy, Quốc vương bèn hỏi: “Bạch Ngài bấy nhiêu y đó há chẳng phải là quá nhiều lắm sao? Vậy Ngài dùng làm gì cho hết?”.
- Tâu đại vương, ta chỉ thọ dụng vừa phải thôi, còn dư ra thì ta bố thí cho các vị mặc y cũ rách.
- Có y mới, các vị ấy sẽ dùng y cũ của mình làm gì?
- Họ sẽ bố thí cho những vị có y cũ rách hơn.
- Rồi các vị sau nầy sẽ làm gì với những y cũ rách của mình.
- Chư Tăng sẽ lấy làm tấm trải lót giường.
- Còn những tấm trải lót giường cũ, chư Tăng để làm gì?
- Chư Tăng sẽ lấy làm tấm trải lót dưới đất.
- Những tấm trải lót dưới đất cũ, chư Tăng để làm gì?
- Tâu đại vương! Chư Tăng dùng làm giẻ chùi chân.
- Giẻ chùi chân cũ, chư Tăng để làm gì?
- Chư Tăng xé nhỏ ra, quết cho nhuyễn rồi nhào lộn với đất sét để tô trên vách.
- Bạch Ngài, nếu chư Tăng làm như thế thì những vật cúng dường quý Ngài quả thật không uổng chút nào.
- Tâu đại vương phải.
Quốc vương phát khởi đức tin trong sạch, bèn hạ lịnh cho quân hầu mang thêm năm trăm lá y nữa đến cúng dường, đặt xuống bên chân Đại đức Ānanda.
Tương truyền rằng: “Mỗi khi có năm trăm lá y quí giá cúng dường thí chủ chia ra làm năm trăm phần, dâng đến bên chân của Đại đức và Đại đức thọ lãnh đủ năm trăm lần. Mỗi khi có một ngàn bộ y quí giá cúng dường, thí chủ chia ra làm một ngàn phần dâng đến bên chân Đại đức và Đại đức thọ lãnh đủ một ngàn lần, mỗi khi có một trăm ngàn lá y quí giá cúng dường, thí chủ cũng chia ra một trăm ngàn phần dâng đến bên chân Đại đức và Đại đức cũng thọ lãnh đủ một trăm ngàn lần. Nhưng y phát sanh đến Đại đức vô số kể, không phải chỉ có một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười hay một đôi chục đâu.
Theo truyền ngôn: Khi Đức Như Lai Níp Bàn rồi, Đại đức đi vân du ta bà khắp cõi Diêm Phù Đề, đến chùa nào Đại đức cũng bố thí những y bát của mình cho tất cả Tỳ khưu trong chùa ấy.
Thử hỏi: Đại đức nhờ tạo nghiệp gì trong quá khứ mà trong kiếp nầy có được y phát sanh dồi dào như thế?
Tương truyền rằng: Xưa kia trong một kiếp làm thợ dệt Đại đức có cúng dường một cây kim và một nắm vải vụn đến một vị Phật Độc Giác. Nhờ quả phước của sự cúng dường cây kim kiếp nầy Đại đức có được Trí Bát Nhã (Mahāpañño), nhờ quả phước của sự cúng dường vải vụn, kiếp nầy Đại Đức mới có được nhiều y như thế.
Nói về Thứ hậu Māgandiyā từ khi thất bại trong các việc vu cáo, thấy Chánh hậu cùng đoàn cung nhân, chẳng những đã không bị thiệt hại mà còn được Quốc vương trọng dụng thì càng đem lòng căm tức. Thứ hậu nghĩ thầm: “Cơ mưu của ta sắp đặt đều sai lạc hết, thật là hoài công vô ích, bây giờ ta phải tính sao đây? À ta còn một cách nầy.”.
Chờ lúc Quốc vương xuất thành, ngự đi du ngoạn, Thứ hậu thảo bức mật thư gởi cho chú mình: “Quốc trượng mau đến cung của Sāmāvatī, mở cửa kho chứa vải và kho chứa dầu, rồi đem quấn vòng hết mấy cây cột, nhốt chung tất cả cung nhân vào một chỗ, khóa kín cửa cung phòng, bên ngoài cho một nhóm thợ máy, sắp đặt hỏa tiễn phóng vào, chừng lửa bốc cháy cung phòng, Quốc trượng lánh mặt đi.”.
Cūḷa Māgandiyā lập tức trèo lên cung điện của Chánh hậu, mở các cửa kho lấy vải nhúng vào dầu, rồi đem quấn vòng các cây cột. Khi ấy, Chánh hậu Sāmāvatī cùng đoàn cung nhân xúm nhau đến hỏi: “Quốc trượng làm chi đó vậy?”.
- Tâu Chánh hậu, Quốc vương hạ lịnh phải quấn vải dầu vào hết mấy cây cột nầy. Lịnh của vua ra thì thần chỉ biết tuân theo chứ không dám bàn cãi chi cả. Xin quí lịnh bà đừng đến gần các cây cột nầy.
Kế đó Quốc trượng lùa hết cung nhân nhốt vào trong cung thất, khóa trái cửa lại, bên ngoài cho quân đốt lửa, dùng máy phóng hỏa, bắn xả vào các cung phòng, lửa cháy bốc lên ngùn ngụt. Thấy vậy, Chánh hậu Sāmāvatī ban huấn từ phủ dụ các cung phi: “Chị em chúng ta đã từng là những kẻ phiêu bạt lang thang trong vòng luân hồi sanh tử từ đời vô thủy cho đến nay, dầu cho ngọn lửa hồng như thế kia có thiêu rụi thân xác chúng ta trong một kiếp nầy cũng không thể nào chúng ta cắt đứt cái vòng tái sanh lẩn quẩn và chứng đắc Tuệ giác chư Phật. Vậy chị em chúng ta hãy ráng chuyên cần chớ khá dể duôi”.
Thế rồi, trong tòa hậu cung bừng bừng lửa cháy dậy trời, Hoàng hậu Sāmāvatī cùng với các cung phi lấy sự thọ khổ làm đề mục tham thiền, gia công chuyên chú niệm, nên người đắc Nhị quả, người đắc Tam quả trong lúc lâm chung.
Hay tin hỏa hoạn thiêu rụi chánh cung, có nhiều Tỳ khưu sau bữa Trai Tăng, hoặc đi khất thực rồi trở về đến chỗ ngự của Đức Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi nép qua một bên.
Khi đã ngồi yên, chư Tỳ khưu bạch cùng Đức Thế Tôn: “Bạch Ngài! Hôm nay trong lúc Quốc vương Udena xuất ngoại ngự du, lửa cháy hậu cung, cả đoàn năm trăm vương phi có Sāmāvatī là Chánh hậu đều thiệt mạng. Bạch Ngài, các cung phi ấy đều là tín nữ, chẳng hay họ sẽ được chuyển kiếp, siêu sanh về cảnh giới nào?”.
- Nầy các Tỳ khưu! Trong nhóm cận sự nữ ấy có người đắc Tu Đà Hườn, có người đắc Tư Đà Hàm, có người đắc A Na Hàm. Nầy các Tỳ khưu, tất cả các cận sự nữ ấy đều đắc Thánh quả, không còn ai là phàm phu trong lúc lâm chung cả.
Khi ấy, nhận xét cái chết vì hỏa tai của đoàn cung phi và Chánh hậu không ngoài định lý nhân quả. Đức Thế Tôn cảm khái ngâm bài kệ sau đây:
“Mohasambandhano loko,
bhabbarūpova dissati;
Upadhibandhano bālo,
tamasā parivārito;
Sassatī viya khāyati,
passato natthi kiñcananti.”
“Thế gian liên kết bởi vô minh,
Chỉ thấy nhãn tiền cảnh sắc thinh,
Kẻ dại đắm chìm trong biển tối,
Vì mang thủ chấp buộc theo mình,
Cho rằng thế giới lưu tồn mãi,
Người thấy không gì thoát tử sinh.”
Sau bài kệ, Đức Thế Tôn thuyết luôn một thời pháp tóm tắt như vậy: “Nầy các Tỳ khưu! Tất cả chúng sanh khi còn lang thang trong vòng luân hồi, nếu có chuyên cần mãi mãi thì tạo được phước nghiệp luôn luôn, còn nếu lúc nào dể duôi thì lúc ấy cũng tạo gây ác nghiệp vậy, bởi thế cho nên chúng sanh khi thì thọ vui, khi thì thọ khổ đều do tiền nghiệp của mình trong kiếp nầy hoặc kiếp xa xưa!”
Quốc vương Udena đang ngự du, nghe tin phi báo cung điện của Chánh hậu Sāmāvatī phát hỏa, bèn cấp tốc hồi loan để đốc thúc việc cứu chữa. Quốc vương ngự về đến nơi thì đã muộn. Tòa chánh cung đã bị hỏa thiêu, chỉ còn trơ lại những đống tro tàn.
Lòng buồn rười rượi, Quốc vương ngồi phịch trên chiếc cẩm đôn, quần thần xúm nhau khuyên giải, Quốc vương vẫn lặng thinh. Càng tưởng nhớ đến ân đức của người quá cố, Quốc vương càng thêm ảo não, tự hỏi: “Kẻ nào ác tâm gây ra cảnh chia lìa tang tóc nầy đây? Chắc có lẽ Thứ hậu Māgandiyā chớ không phải ai đâu xa lạ.”. Tuy hiểu biết như thế, nhưng Quốc vương lại nghĩ thầm: “Nếu dùng biện pháp hăm he, tra tấn, sợ e Thứ hậu không chịu khai ngay, trẫm phải dùng mẹo mà tra hỏi một cách êm thấm mới mong tìm ra manh mối được.”. Nghĩ rồi, Quốc vương đổi buồn làm vui, phán bảo các quan cận thần tư vấn rằng: “Chư hiền khanh, lúc trước trẫm ăn ngủ không yên, ngày đêm cứ phập phồng lo sợ, vì trẫm nghĩ: Sāmāvatī đang rình rập mong chờ cơ hội để ra tay hành thích trẫm. Bây giờ Sāmāvatī thác rồi, trẫm mới vững dạ yên lòng, toại hưởng một đời hạnh phúc.”.
- Tâu chúa thượng, việc nầy do kẻ nào gây ra vậy.
- Chắc là do một người nào đó có lòng yêu mến trẫm.
Thứ hậu Māgandiyā đứng gần đó nghe Quốc vương đáp lời như vậy, thì vội vã tâu rằng:
- Tâu Chúa thượng, việc nầy do tay thần thiếp gây nên, chớ ngoài thần thiếp ra không ai có thể làm được. Thần thiếp đã triệu Quốc trượng vào cung và ra lịnh cho Quốc trượng thi hành việc ấy.
Quốc vương phán: “Trừ ái Hậu ra, trẫm không còn ai thật lòng yêu quí trẫm. Ái hậu ơi! Trẫm phát tâm trong sạch muốn ban bố cho ái hậu một ân huệ. Vậy ái khanh hãy triệu cả gia nhân quyến thuộc của ái hậu vào đây.”.
Thứ hậu bèn gởi thư kêu gọi thân nhân: “Đức vua phát tâm trong sạch đối với ta, Ngài sẽ ban bố ân huệ, tất cả bà con hãy đến cho mau.”.
Những gia nhân của Thứ hậu Māgandiyā lũ lượt kéo nhau vào hoàng cung đều được Quốc vương ban thưởng rất trọng hậu. Thấy vậy, nhiều người không phải quyến thuộc của Thứ hậu cũng ráng lo lót để được chứng nhận là: “Gia nhân của Māgandiyā để vào cung lãnh thưởng.”.
Sau khi đã kiểm kê gia nhân của Thứ hậu Māgandiyā, Quốc vương ra lịnh bắt hết những người ấy trói lại, dẫn họ ra chỗ sân ngự, xô họ xuống ngồi dưới những hố cá nhân đã đào sẵn, rồi lấp đất lại, rải rơm lên trên và châm lửa đốt. Khi lửa bén cháy da tội nhân, Quốc vương truyền lịnh lấy cây sắt cày qua cày lại nhiều lượt để phân thây họ ra từng mảnh. Còn Thứ hậu Māgandiyā cũng bị Quốc vương ra lịnh lấy dao bén lóc hết những mảng thịt nạc trong người của Thứ hậu bỏ vào chảo dầu sôi, chiên chín như bánh cam, rồi bắt Thứ hậu phải ăn.
Một hôm, trong phòng pháp hội, nhân khi nhắc đến vụ hỏa thiêu hậu cung, chư Tăng đồng kết luận rằng: “Nầy các đạo hữu, thật là không hợp lý khi những tín nữ có những đức tin trong sạch như thế, sao lại phải hứng chịu cái chết thê thảm như thế?”.
Đức Thế Tôn ngự đến phán hỏi: “Nầy các Tỳ khưu các ông ngồi thảo luận việc chi đó?”.
- Bạch Ngài, như thế… như thế…
Nghe chư Tăng đáp xong, Đức Bổn Sư dạy rằng:
- Nầy các Tỳ khưu! Trong kiếp nầy đoàn cung nhân có Sāmāvatī là Chánh hậu tử nạn như thế là vì họ trả quả của nghiệp tiền khiên, chớ không có chi lạ.
- Bạch Ngài! Xin Ngài từ bi hoan hỷ giải rõ tiền nghiệp của họ cho chúng con được biết.
Nghe chư Tăng yêu cầu, Đức Thế Tôn bèn nhắc lại tích xưa:
Thời quá khứ, dưới triều đại của Quốc vương Brahmadatta, có tám vị Phật Độc Giác đóng đô tại thành Bārāṇasī, hằng ngày ngự đến thọ thực trong vương cung, năm trăm cung nữ lo việc hộ độ chư Phật.
Khi bảy vị Phật ngự về núi Hy Mã (Himavanta), còn một vị ở lại đang ngồi nhập đại định trong một đám cỏ rậm gần bên bờ sông.
Một hôm, nhân thấy chư Phật đi vắng, Quốc vương dắt đoàn cung nữ xuống sông để bơi lội. Các cung nữ ham vui đắm mình dưới nước cả ngày, đến khi lên bờ họ cảm thấy lạnh run, nên muốn nhóm lửa để hơ cho ấm.
“Chúng ta đi kiếm lửa nhúm.”, nói rồi họ kéo nhau đi tìm chỗ nọ, chỗ kia, đưa mắt lục soát tứ phía. Trông thấy đám cỏ rậm rạp tưởng là đám cỏ không họ bèn châm lửa đốt rồi đứng xúm xít quanh để hơ. Khi đám cỏ cháy rạp xuống, các cung nữ mới thấy Đức Phật Độc Giác ngồi yên trong đám lửa. Họ hoảng sợ kêu bảo nhau: “Thôi chết rồi, chết mình rồi chị em ơi. Đức Phật Độc Giác của Quốc vương mà chết cháy, Quốc vương hay được thì chị em mình chắc không toàn tánh mạng. Bây giờ đã trót lỡ như thế, chúng ta phải thiêu Ngài luôn cho mất tích.”.
Thế là, cả đoàn năm trăm cung nữ rối rít chạy túa ra đi, quơ củi khô gom lại, chất thành một đống cao lớn. Họ châm lửa đốt củi rồi bỏ đi, yên chí là lần nầy chắc Ngài sẽ cháy tiêu mất xác.
(Các cung nữ ấy ban đầu không có tác ý, nhưng bây giờ thì họ cố ý, vì lẽ đó họ phải mắc nghiệp quả về sau.).
Tuy nhiên, dầu họ có gom cả trăm cả ngàn khúc củi chất đống rồi đốt cháy bừng lên, họ cũng không làm cho Đức Phật Độc Giác đang nhập đại định phải bị tác hại hay nóng nảy một chút nào. Bởi vậy, đến ngày thứ bảy, Đức Phật Độc Giác xuất định ra đi bình yên vô sự. Do ác nghiệp đã tạo, các cung nữ bị sa vào hỏa ngục, bị lửa thiêu trong nhiều trăm ngàn năm, do quả còn dư, khi tái sanh lên làm người, họ còn bị chết cháy cả trăm kiếp và kiếp chót nầy họ bị hỏa thiêu trong tòa hậu cung như thế. Đó là do tiền nghiệp của họ vậy.
Nghe dứt tích nầy, chư Tăng hỏi Đức Bổn Sư:
- Bạch Ngài! Còn cô Khujjuttarā do ác nghiệp gì mà cô bị tật gù lưng, do thân nghiệp gì mà cô có trí tuệ đại Bát nhã, do phước nghiệp gì cô chứng quả vị Tu Đà Hườn và do ác nghiệp gì cô phải chịu làm nô tỳ cho người khác?
- Nầy các Tỳ khưu! Cũng dưới triều đại của Quốc vương Brahmadatta đó, ở tại thành Bārāṇasī, có một vị Phật Độc Giác có tật hơi gù lưng.
Khi ấy có người nữ là người phục dịch cho Đức Phật. Lấy các mền nỉ làm y trùm, lại lấy cái chén chum làm bát (bằng vàng), giả cách gù lưng nhái theo Đức Phật Độc Giác cho mọi người coi chơi và nói: “Đức Phật Độc Giác của chúng ta có tướng đi như vầy, như vầy…”. Do quả nghiệp của ác hành ấy mà cô Khujjuttarā phải mang tật gù lưng.
Khi chư Phật vào vương cung thọ thực lần đầu tiên, Quốc vương thỉnh các Ngài an tọa xong, cho người thỉnh bát không của các Ngài, đơm đầy cơm trắng rồi đem dâng trở lại, cơm nóng quá khiến chư Phật phải trở tay liền liền.
Thấy vậy, cô phục dịch lấy tám chiếc vòng tay bằng ngà của mình đem dâng chư Phật và bạch: “Xin các Ngài để bát lên trên cái vòng nầy mà bưng.”. Chư Phật lấy vòng ngà lót kê đít bát rồi nhìn cô cung nữ. Cô hiểu ý chư Phật nên bạch: “Bạch các Ngài, chúng con không cần dùng những chiếc vòng ấy, xin dâng đứt luôn đến các Ngài, các Ngài cứ nhận lấy đi.”.
Chư Phật Độc Giác nhận lãnh các vòng tay ngà ngự luôn về núi Nandamūlaka, cho tới ngày nay, những chiếc vòng ngà ấy vẫn còn nguyên vẹn.
Do thiện nghiệp ấy, bây giờ cô Khujjuttarā có trí đại Bát nhã, thông suốt Tam tạng và do phước báu của sự phục dịch chư Phật Độc Giác cô chứng đắc Tu Đà Hườn.
Trên đây là tiền nghiệp của cô Khujjuttarā có trí đại Bát nhã (Mahāpañño) thông suốt Tam tạng và do phước báu phục dịch chư Phật Độc Giác cô ta chứng đắc Tu Đà Hườn.
Còn đây là tiền nghiệp của nàng Khujjuttarā trong thời kỳ không có Đức Phật Độc Giác.
Đến thời Đức Phật Tổ Kassapa (Ca Diếp), cô là một tiểu thư của ông Trưởng giả thành Bārāṇasī. Một buổi chiều kia cô đang ngồi soi kiếng để tự trang điểm. Khi ấy, có một Tỳ khưu Ni là bậc Lậu Tận (A La Hán) quen thân với tiểu thư đến nhà để thăm (các Tỳ khưu Ni A La Hán thường hay đến viếng thăm những gia đình hộ độ mình vào buổi xế chiều). Ngay phút ấy, cô không có tớ gái nào đứng hầu gần đó để làm tay sai cho cô tiểu thơ cả.
Khi ấy, vị Tỳ khưu Ni đến, tiểu thư nói: “Con xin đảnh lễ Sư cô, Xin Sư cô hoan hỷ trao dùm cái hộp nữ trang qua cho con.”.
Sư cô nghĩ thầm: “Nếu ta không lấy cái hộp nầy trao qua cho tiểu thơ thì cô ấy sẽ buộc oan trái với ta, và rồi về sau cô ta sẽ đi địa ngục, còn nếu ta làm theo lời cô thì cô sẽ làm tôi tớ trong đời vị lai. Thà để cô phải làm tôi tớ cho người, còn hơn là để cô phải chịu thiêu đốt trong cảnh địa ngục.”.
Quán xét thấy rõ nguyên nhân như thế, vị Tỳ khưu Ni Lậu Tận bèn lấy cái hộp đồ nữ trang trao qua cho cô tiểu thư. Do tiền nghiệp đã sai khiến một vị A La Hán mà cô Khujjuttarā phải mang kiếp làm kẻ tôi đòi vậy.
Qua ngày sau, chư Tăng lại nhóm trong phòng pháp hội, câu hỏi sau đây được nêu lên: “Một nhóm năm trăm phụ nữ có nàng Sāmāvatī đứng đầu bị hỏa thiêu trong tòa hậu cung, một nhóm nữa gồm các quyến thuộc của bà Māgandiyā bị ủ rơm đốt cháy, rồi bị cây sắt phân thây. Bà Māgandiyā bị lóc xẻo thịt chiên trong chảo dầu. Trong số người trên đây, những ai đáng gọi là còn sống, những ai đáng gọi là đã chết?”.
Đức Bổn Sư ngự vào phòng nhóm phán hỏi chư Tăng: “Nầy các Tỳ khưu! Các thầy đang thảo luận việc chi đây?”.
- Bạch Ngài! Việc như vậy, như vậy…
Nghe chư Tăng đáp xong, Đức Thế Tôn phán bảo rằng: “Nầy các Tỳ khưu Những kẻ giải đãi biếng nhác, dầu cho còn sống một trăm năm nữa, cũng đáng gọi là đã chết. Những người chuyên cần tinh tấn, dầu cho chết rồi cũng vẫn như còn sống y nhiên. Cho nên Māgandiyā sống cũng vậy, chết rồi cũng vậy, đều đáng gọi là tử vong, còn năm trăm cung nữ có Sāmāvatī đứng đầu tuy đã chết nhưng cũng đáng gọi là đang còn sống. Quả thật nầy, các Tỳ khưu những người chuyên cần không đời nào chết đi.”.
Nói rồi, Đức Thế Tôn ngâm liên tiếp ba bài kệ:
21. “Appamādo amataṃ padaṃ,
pamādo maccuno padaṃ;
Appamattā na mīyanti,
ye pamattā yathā matā.”
“Chuyên cần là lộ trường tồn,
Buông lung là lộ đưa hồn âm cung.
Người cần chuyên sống vô cùng,
Kẻ buông lung sống, lâm chung khác nào.
Hiền nhân biết rõ thấp cao,
Cần chuyên thủ phận dám nào buông lung.
Cần chuyên ngày tháng thung dung,
An vui tự tại sánh cùng Thánh nhân,
Nhờ tu thiền định tinh cần,
Ngày đêm tinh tấn, trí nhân siêu phàm,
Chứng ngay vô thượng Níp Bàn,
Não phiền giũ sạch, tịnh an cõi lòng.”
22. “Etaṃ visesato ñatvā,
appamādamhi paṇḍitā;
Appamāde pamodanti,
ariyānaṃ gocare ratā.”
23. “Te jhāyino sātatikā,
niccaṃ daḷhaparakkamā;
Phusanti dhīrā nibbānaṃ,
yogakkhemaṃ anuttaranti.”
*
CHÚ THÍCH:
Appamādo: Sự chuyên cần, không buông lung. Trong câu kệ nầy, Đức Thế Tôn nêu rõ sự lợi ích lớn lao mà người tu tập chuyên cần hằng đạt được và một khi đạt được sự lợi ích lớn lao (tức là Níp Bàn) ấy rồi, hành giả hằng trú vững trong đó.
Quả thật dầu cho ai có dầy công học hết Phật ngôn trong toàn bộ Tam tạng, rồi đem ra thuyết giảng cũng không được sự lợi ích bằng người chuyên cần tu tập, bởi thế Đức Phật có dạy rằng: “Nầy các Tỳ khưu! Ví như ta đem dấu chân voi mà so sánh với bất cứ dấu chân nào khác của các giống thú rừng, thì ta thấy dấu chân voi bao giờ cũng to lớn vượt bật, lấn át tất cả các dấu khác.
Cũng như thế! Nầy các Tỳ khưu, nếu ta đem pháp chuyên cần mà so sánh với bất cứ những thiện pháp nào chẳng hạn thì bao giờ chuyên cần (appamādo) cũng có sự lợi ích to lớn vượt bật, lớn hơn những thiện pháp khác.
Người mà không xa lìa pháp ghi nhớ đến sự lợi ích ấy, có tâm thường trú trong chánh niệm, gọi là người chuyên cần vậy.”.
Amataṃ padaṃ (Con đường bất tử): Đức Thế Tôn dùng danh từ bất tử (amataṃ) để ám chỉ Níp Bàn là cõi Vô sanh (Ajatatta), vì nơi đó không có sự sống, chết cho nên gọi là cõi bất tử. Con đường đưa đến cõi bất tử, con đường mà hành giả cần noi theo để đạt đến cõi bất tử. Đức Thế Tôn gọi là con đường bất tử (amataṃ padaṃ).
Pamādo (Giải đãi): Là sự lười biếng, sự phóng dật, sự buông lung dể duôi, tiếng nầy chỉ trạng thái của người bỏ mất pháp ghi nhớ, thường hay quên, mà ta quen gọi là lãng trí (muṭṭhāsacca).
Maccuno padaṃ (Lộ suy vong): Maccu là cõi chết, chỗ tử vong, padaṃ là con đường lối đi, đạo lộ.
Quả nhiên giãi đãi (Pamatto) không vượt qua khỏi biển luân hồi, chỉ lẩn quẩn trong vòng sanh tử, sanh ra để mà chết mãi vậy thôi.
Con đường đưa kẻ giãi đãi đến chỗ suy vong gọi là lộ suy vong (maccuno padaṃ).
Appmattā (Những người chuyên cần): Tức là những người có chánh niệm, luôn luôn có đầy đủ pháp ghi nhớ đến điều lợi ích lớn lao.
Na mīyanti (Chẳng chết): Ta chẳng nên nghĩ tưởng là họ chẳng già, không chết, vì thật ra chẳng có chúng sanh nào không già, không chết cả. Những người dể duôi thì bất chấp thiện ác, hành động của họ vô giới hạn, họ không có lý tưởng chánh kiến, cho nên họ không thoát khỏi con đường sanh tử triền miên. Dầu họ đang còn sống thì cũng kể như họ đã chết rồi vậy. Còn những người chuyên cần, gia công nỗ lực, chứng đắc đạo quả một cách mau chóng, thì khỏi phải tái sanh kiếp thứ nhì thứ ba… Cho nên dầu họ đang còn sống hay là họ đã chết cũng đáng gọi là chẳng chết vậy.
Ye pamattā yathā matā (Những kẻ biếng như đã chết): Những chúng sanh nào lười biếng, giãi đãi thì sống cũng như không, ta có thể xem họ như đã chết vì lười, cũng như xác chết, vì đã đứt mạng căn, như khúc củi mục, không có tâm thức, nếu là người tại gia họ chẳng hề khi nào có ý nghĩ khắc kỷ lợi tha, chẳng hạn như: “Ta sẽ bố thí vợ con, ta sẽ thọ trì Ngũ giới giữ, Bát quan trai giới…”.
Nếu là người là xuất gia, họ chẳng hề phát tâm nhẫn nại, cầu tiến, chẳng hạn như: “Ta sẽ hầu hạ thầy tế độ, thầy tiếp dẫn, hoặc các Đại đức Cao Tăng, ta sẽ giữ hạnh Đầu đà, ta sẽ hành thiền…” Do các lý đã nêu, Đức Thế Tôn mới thuyết câu kệ ngôn trên đây vậy.
Etaṃ visesato ñatvā (Nhờ giác tri như thế): nghĩa là biết rõ rằng: Kẻ giãi đãi không thể nào thoát khỏi vòng sanh tử, còn người chuyên cần thì chắc chắn là sẽ thoát khỏi biển luân hồi.
Appamādamhi paṇḍitā (Các bậc trí chẳng buông lung): Hiền nhân hay trí giả là những bậc thông minh trí tuệ, tự mình kềm lấy mình, đã không dám buông lung mà còn tinh cần thêm lên mãi mãi, các bậc ấy biết rõ hai con đường sanh và tử đã nêu trong hai câu kệ đầu (1 và 2).
Appamāde pamodanti (Mãi chuyên cần hoan hỷ): Là các bậc hiền trí biết rõ lý trên, hằng hoan hỷ, vui thích thỏa mãn trong sự chuyên cần.
Ariyānaṃ gocare ratā (Cõi Thánh được thung dung): Các vị hoan hỷ trong sự chuyên cần, càng ngày càng tinh tấn thêm, ắt được hưởng sự an vui tịnh lạc, tự tại ung dung trong cảnh giới thiền định đạo quả của bậc Thánh nhân, gọi là cõi Thánh của hàng Thinh Văn đệ tử Phật Độc Giác và chư Chánh Đẳng Giác, gồm có bốn chỗ niệm, ba mươi bảy pháp trợ đạo và chín pháp siêu thế…
Te jhāyino (Người tu thiền định) chỉ các bậc hiền trí hằng tu tập theo hai pháp hành Thiền định (Samādhi) và Chỉ quán (Samātha vipassamā) để đắc thiền định và đạo quả, bằng cách định tâm trên đối tượng gọi là Bát thiền (aṭṭhasamāpatti) và pháp quan sát ba tướng (Vô thường, Khổ não, Phi ngã), gọi là Minh sát (vipassanā).
Sātatikā (Chuyên): Từ khi xuất gia về sau, hành giả cứ một mực tinh tấn, chuyên cần rèn luyện tâm mãi cho đến bao giờ chứng đạt A La Hán quả mới thôi.
Niccaṃ daḷhaparakkamā (Hằng tinh tấn dụng công): Pháp nào mà ta cần nên chứng đắc với sức mạnh, với sự hăng hái, với sự cố gắng của một người nam. Nếu chưa chứng đắc pháp ấy, ta nhất định chưa đình chỉ sự tinh tấn, nhờ quyết tâm như thế, bậc hiền trí không thối chuyển trên đường hành đạo và hằng tinh tấn nỗ lực, không bỏ dở sự công phu.
Phusanti (Chứng đạt): Trong Phật giáo có hai danh từ dùng để chỉ sự chứng đắc đạo quả là: Tuệ chứng (ñāṇaphusana) và Dị thục chứng (vipākaphusana).
Nói về bốn đạo (Cattāri magga) thì gọi là Tuệ chứng, nói về bốn quả là Dị thục chứng (cattāri phalāni: bốn quả). Nơi đây Đức Phật thuyết về Dị thục chứng.
Câu nói: “Các bậc trí tuệ (dhīrā) hằng làm cho thấu rõ Níp Bàn bằng Thánh quả (Ariyāphalena nibbānaṃ sacchikarontā) đồng nghĩa với câu do nơi Dị thục chứng (Vipākaphusanāya) của Thánh quả ấy mà các bậc hiền trí (dhīrā paṇḍitā) làm cho thấu rõ Níp Bàn.
Yogakkhemaṃ anuttaranti (thoát phiền trược vô thượng): Yoga nơi đây chỉ cho bốn cái ách mà chúng sanh bị trói chặt vào, càng làm cho họ chìm đắm mãi trong biển sanh tử, là nguyên nhân của mọi phiền não nhiễm ô: Đó là dục ách (Kāmāyoga), hữu ách (Bhavayoga), kiến ách (Diṭṭhiyoga) và vô minh ách (avijjāyogo).
Khemaṃ là an toàn, tự tại, không còn lo sợ, vì đã thoát khỏi bốn ách.
Anuttaraṃ là vô thượng, vô song, vì Níp Bàn là pháp cao thượng quí báu hơn tất cả các pháp thế gian (phàm) và siêu thế gian (Thánh).
*
Sau thời pháp của Đức Thế Tôn, có nhiều người đắc chứng Thánh quả, nhất là Tu Đà Hườn quả, kỳ dư đại chúng thính pháp đều hưởng được sự lợi ích.
x
Dịch Giả Cẩn Đề
Sanh tử hai đường, hệ ở đâu?
Mưu cao chi lầm họa càng sâu!
Khổ vui nhớ xét nhân tiền nghiệp,
Lành dữ chờ xem quả đáo đầu.
Trắng cở Ma Phi sao Phật gớm?
Đen như Ô Hậu lại vua cầu?
Ai người trí tuệ ham thinh sắc?
Thánh Đức miên trường, mặc bể dâu.
DỨT TÍCH HOÀNG HẬU SĀMĀVATĪ
21. Heedfulness and diligence are the way to Nibbàna. The heedless are like unto the dead.
21. Không phóng dật và tinh cần là con đường đi đến Níp Bàn. Những người phóng dật cũng giống như người đã chết.
21. Appamādo amataṃ padaṃ,
pamādo maccuno padaṃ;
Appamattā na mīyanti,
ye pamattā yathā matā. (2:1)
21. Heedfulness is the Deathless path,
heedlessness, the path to death.
Those who are heedful do not die,
heedless ones are like the dead.
22. The wise, delighting in the way of the Noble Ones, rejoice in heedfulness.
22. Những người có trí, thích thú con đường của bậc Thánh, hân hoan tinh cần tu tập.
22. Etaṃ visesato ñatvā,
appamādamhi paṇḍitā;
Appamāde pamodanti,
ariyānaṃ gocare ratā. (2:2)
22. The wise then, recognising this
as the distinction of heedfulness,
pleased with the spheres of Noble Ones,
in heedfulness rejoice.
23. The steady and constant meditator wins the supreme security and bliss of Nibbàna.
23. Người thiền định chuyên tâm kiên trì đạt được tối thượng an ổn và cực lạc Níp Bàn.
23. Te jhāyino sātatikā,
niccaṃ daḷhaparakkamā;
Phusanti dhīrā nibbānaṃ,
yogakkhemaṃ anuttaranti. (2:3)
23. They meditate persistently,
constantly they firmly strive,
the steadfast to Nibbàna reach,
the Unexcelled, Secure from bonds.
(Kumbhaghosaka vatthu)
KỆ NGÔN: (Pháp Cú 24)
24. “Uṭṭhānavato satimato,
sucikammassa nisammakārino;
Saññatassa ca dhammajīvino,
appamattassa yasobhivaḍḍhatīti.”
24. “Người chánh niệm nhiệt thành,
Tịnh nghiệp hiệp tri hành,
Giữ mình sống phải đạo,
Không buông lung thô tháo,
Hằng lừng lẫy thinh danh.”
Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết khi Ngài ngự ở Veḷuvana, đề cập đến Thiên hộ Kumbhaghosaka (Đào Khí Âm).
Thuở ấy, nhà của một phú Trưởng giả trong thành Rājagaha bị nhiễm bịnh thời khí (ahivātakarogo).
Lúc bịnh mới phát, ruồi lằn chết trước, kế đến những bò cái, súc vật khác chết tiếp theo. Từ đó, bệnh lây qua các nô tỳ, công nhân trong nhà và sau cùng lây đến chủ nhà.
Khi biết mình lâm trọng bịnh, liệu thế chắc không thoát khỏi chết, hai ông bà phú Trưởng giả đưa đôi mắt đẫm lệ nhìn cậu công tử đang đứng gần đó và bảo rằng: “Con ơi! Nghe nói lúc bịnh nầy mới phát, những người phá vách chạy thoát ra ngoài thì được sống sót. Vậy con đừng lo cho cha mẹ. Hãy tiên bảo kỳ thân, chạy thoát đi cho mau, nếu con còn sống ngày sau con trở về đây, đến hầm cha mẹ chôn dấu bốn trăm triệu đồng vàng, con đào lấy lên mà làm của sinh sống.”.
Nghe qua những lời trăn trối của song thân trong giờ hấp hối, cậu con trai xúc động đến rơi nước mắt. Vừa lạy vừa khóc, cậu không biết làm gì hơn là vâng lời cha mẹ, trốn tránh tử thần, phá vách thoát ra ngoài chạy về miền sơn lâm (Pabbatagahano). Cậu ở tại đó mười hai năm trời dài đăng đẳng, mới quay về sanh quán.
Lúc ra đi là tiểu công tử hãy còn ấu xuân, bây giờ trở về râu tóc sum sê, mặt mày đổi khác nên không ai nhìn biết cậu là con nhà đại phú đã từ trần.
Công tử lên đến thăm chừng hầm chôn vàng mà song thân quá cố đã di ngôn cho cậu, thấy còn nguyên vẹn thì nghĩ thầm: “Bây giờ không còn ai nhận ra ta hết, nếu ta đào lên lấy kho vàng tiêu xài, thì sao khỏi chánh quyền bắt bớ làm khó dễ ta, nghĩ rằng ta là một kẻ bần cùng đạo trộm của người chôn dấu. Thôi ta hãy kiếm việc làm thuê, lấy tiền chi độ khẩu.”
Thế rồi, công tử cải trang, ăn vận rách rưới, đi dần vào xóm lao động, vừa đi vừa nói:
- Ai có cần mướn người làm không?
Khi ấy có người ở mướn, trông thấy Kumbhaghosaka trong bộ y phục bần cùng đi xin việc thì bảo cậu: “Nầy chú em, làm việc nầy giúp bọn ta, thì bọn ta sẽ cấp lương thực cho chú em.”.
- Việc chi vậy mấy anh?
- Ôi việc nầy dễ ợt, nếu chú em mầy siêng năng thì hừng đông dậy cho sớm đi loanh quanh kiếm các công nhân và kêu gọi họ: “Anh em ơi! Hãy thức dậy đẩy xe ra ngoài và hãy bắt kê bỏ vô! Đã đến giờ thả voi, ngựa ra đồng cỏ rồi nghe! Chị em cũng mau mau ra nấu cơm, nấu cháo đi nghe!”, chỉ có vậy thôi.
Nghe giảng giải xong, công tử nhận chịu đáp:
- Được vậy tốt lắm.
Khi ấy, công tử được cấp cho một cái nhà ở gần nơi đó, mỗi ngày công tử làm tròn phần việc mà họ đã giao.
Thời bấy giờ, Quốc vương Bimbisāra có phép chỉ nghe tiếng nói mà đoán biết thân thế của tất cả mọi người. Một hôm Quốc vương tình cờ nghe được tiếng nói của công tử Kumbhaghosaka, bèn buột miệng phán rằng: “Đó là một tiếng nói của một thanh niên cự phú.”.
Lúc ấy có bà ngự nữ đứng hầu đức vua, bà muốn ứng tiếng hỏi nhưng lại nghĩ thầm: “Chắc có lẽ đức vua cũng chẳng dạy cho ta biết rõ việc nầy đâu? Ta cần phải tự mình truy cho ra sự thật.”.
Nghĩ rồi, bà ngự nữ phái một quan nội thị ra đi: “Khanh hãy điều tra xem thanh niên đó là người thế nào?”.
Nội thần vội vã ra đi, giáp mặt công tử Kumbhaghosaka rồi trở về tâu rằng: “Tâu lịnh bà, thanh niên đó là một người nghèo khổ, làm công cho một người ở mướn.”.
Quốc vương nghe tâu làm thinh.
Qua ngày thứ hai, thứ ba, Quốc vương vẫn còn nghe tiếng nói ấy và cũng đã thốt ra những lời như trước, khiến cho bà ngự nữ đứng hầu nghe được, bà cũng nghĩ như trước: “Ta phải truy cho ra manh mối việc nầy.”.
Bà đã sai phái người đi điều tra nhiều lượt, nhưng ai cũng về trả lời rằng: “Đó là một kẻ bần nhơn.”.
Bà ngự phi suy nghĩ: “Quốc vương nghe tấu đó là một kẻ bần nhơn thì không tin, cứ lập đi lập lại rằng: “Đó là tiếng nói của chàng thanh niên đại phú.”. Việc nầy ta phải làm cho ra lẽ, ta phải biết rõ sự thật mới được.”.
Bà tâu cùng Quốc vương: “Tâu bệ hạ, xin bệ hạ cho thần thiếp một ngàn đồng vàng, thần thiếp sẽ dắt Công chúa đi theo, nhất định sẽ đem kho tàng ấy về nhập vào vương khố.”.
Quốc vương chuẩn tấu, ban cho Vương phi một ngàn đồng vàng, Vương phi nhận tiền rồi, bảo Công chúa vận y phục bằng thứ vải thô kệch dơ dáy, đoạn hai mẹ con rời thành Rājagaha ra đi.
Giả trang khách lữ hành, hai phụ nữ quyền quí nầy đến ngay xóm lao động, vào trong một nhà nọ hỏi một chủ nhà: “Bác ơi! Chúng tôi đi xa lỡ đường, xin bác làm ơn cho ở đỡ vài hôm rồi chúng ta sẽ ra đi.”.
Chủ nhà đáp:
- Bác à! Không mấy khi bác đến đây hỏi xin ở nhờ, nhưng nhà cháu đông người chật chội lắm, đùm đậu ở đây không tiện, hay bác hỏi ở nhà Kumbhaghosaka thử xem, chú ấy ở một mình một cái nhà rộng lớn.
Vương phi dắt Công chúa đến đó, yêu cầu: “Ông ơi! Chúng cháu lỡ đường, xin ông chủ cho chúng cháu ở nhà nhờ trong một vài hôm.”.
Thấy thanh niên từ chối nhiều lượt, Vương phi khẩn khoản van nài: “Ông chủ làm ơn cho chúng cháu ngủ nhờ một đêm nay thôi, ngày mai chúg cháu sẽ đi sớm.”.
- Ờ thôi được! Hai người ở đỡ một đêm thì cứ ở.
Ngày hôm sau, Vương phi không chịu từ giã lên đường, chờ khi công tử đi ra đồng làm việc trở về, Vương phi bảo: “Ông chủ ơi! Ông có lòng tốt cho chúng tôi ở tá túc, chúng tôi không biết lấy chi đền ơn, vậy chúng tôi xin nấu cơm giúp ông chủ.”.
- Thôi đi bà ơi! Tôi tự nấu lấy mà ăn cũng được.
Tuy bị từ chối, Vương phi cũng không nản lòng, cứ đeo theo yêu cầu mãi, về sau cũng được công tử chấp nhận, Vương phi bèn ra chợ mua các thứ ngon lành hảo hạng như gạo trắng thơm… đem về nấu nướng theo thực đơn của nhà vua, gồm: có cơm trắng nuốt như bông bưởi, phụ thêm hai ba món sơn hào hải vị cam trân ngào ngạt, chờ công tử đi làm về dọn ra cho công tử dùng. Khi thấy công tử dùng xong bữa có vẻ hài lòng thỏa mãn. Vương phi bèn nói với ông chủ:
- Ông chủ ơi! Mẹ con chúng tôi còn mệt, xin ông chủ cảm phiền cho mẹ con tôi ở lại một đôi ngày nữa.
Công tử nhận lời:
- Ờ được.
Ngày hôm sau, Vương phi đích thân đứng nấu các món thực phẩm hướng điềm dọn cho công tử ăn.
Thấy biết công tử đã xiêu lòng, Vương phi nài nỉ xin ở thêm mấy ngày nữa.
Nay lần mai lượt, thừa lúc công tử Kumbhaghosaka vắng nhà, Vương phi dùng dao bén cắt đứt nhiều khúc ở dưới hai bên phía dưới giường nệm của công tử. Khi công tử đi làm về, ngồi lên giường thì cái giường lún thấp xuống.
Công tử hỏi: “Tại sao cái giường nầy thủng xuống như vầy đây?”.
- Thưa ông chủ, có mấy đứa con nít ở lối xóm lại chơi, chúng nó nghịch quá, tôi ngăn cản không được. Chúng nó cả đám trèo ngồi hết trên giường hoài.
- Bà ơi! Tôi mắc cái nạn nầy cũng là tại cho bà ở đậu mà ra, chớ lúc trước mỗi lần ra đi, tôi khóa cửa nhà lại hết thì đâu có xảy ra chuyện gì?
- Tôi ngăn lũ trẻ không được thì biết làm sao. Thưa ông chủ.
Vương phi kiếm lời chống chế như vậy, rồi cứ ngày một ngày hai xin lưu lại ở trong nhà, cắt đứt hết dàn dây treo nệm, chỉ còn chừa lại mỗi sợi vải tao nguyên mà thôi, mặc cho công tử phiền hà trách móc.
Một hôm, công tử đi làm về vừa ngồi trên giường thì cái giường nệm sụp xuống luôn, làm công tử té ngồi, dộng trán trên hai đầu gối. Công tử đứng dậy cằn nhằn: “Tôi làm cái gì, tôi sẽ đi đâu bây giờ, mấy bà báo hại tôi mất cả giường nằm.”.
- Ông chủ ơi! Ông đừng buồn tội nghiệp, tôi biết làm sao hơn, tại lũ trẻ con tinh nghịch quá, tôi không ngăn nổi. Thôi giờ nầy ông định đi đâu? Thôi ông cảm phiền lên ngủ đỡ một giường với em gái một đêm nay.
Vương phi bảo Công chúa: “Con ạ, con nằm nép qua một bên cho anh con nằm chung với.”.
Công chúa nằm chừa một khoảng trống và kêu: “Ông chủ lên nằm đây đi.”.
Vương phi cũng giục công tử: “Ông chủ cứ lên nằm một bên em gái đi.”.
Công tử Kumbhaghosaka y lời, lên nằm ngủ chung một giường với Công chúa, chỉ trong đêm ấy, trai gái đã giao tình với nhau. Thiếu nữ phát khóc thút thít. Nghe tiếng, Vương phi gạn hỏi:
- Sao con khóc vậy con?
- Thưa mẹ! Chuyện xảy ra như vầy…
- Con ạ! Việc đã lỡ rồi, có khóc cũng chẳng ích chi. Vả lại con gái lớn cần phải lấy chồng, trai lớn cần phải lấy vợ. Con được sửa trấp năng khăn cho công tử đây, cũng là một việc rất hay vậy.
Nói rồi Vương phi nhìn nhận công tử là giai tế của mình. Từ đó, ba mẹ con sống chung với nhau rất thuận hòa êm thắm.
Cách mấy hôm sau, Vương phi cho người thông tin lên đức vua: “Xin bệ hạ cho kỵ binh đi rao truyền. Cho thần dân trong xóm lao động phải ăn mừng lễ khánh hạ, nhà nào không tuân lệnh thì phải nộp tiền phạt!”.
Quốc vương y tấu, cho lính mã kỵ bắt loa loan truyền vương lịnh trong xóm lao động.
Khi ấy, bà hỏi chàng rể:
- Con ạ! Có lịnh đức vua truyền lịnh dân chúng trong xóm lao động chúng ta phải ăn mừng lễ khánh hạ. Vậy ta phải làm sao bây giờ?
- Thưa má, con đi làm thuê, lương không đủ sống, biết làm thế nào bây giờ.
- Con ạ! Những người có nhà ở thì vay mượn được, còn lịnh vua truyền xuống thì không thể cãi lại đâu con. Vậy con đi hỏi coi có nhà nào cho vay thì con cầm cố vay mượn đỡ một vài đồng vàng đem về cho má.
Công tử bực mình, vừa đi vừa cằn nhằn, đến hầm chôn vàng đào lấy lên một đồng đưa cho nhạc mẫu.
Vương phi gởi đồng vàng ấy lên cho đức vua và lấy tiền mình ra xài phí trong cuộc lễ.
Độ vài hôm sau, Vương phi lại cho người thông tin lên Quốc vương, cũng tâu xin như trước.
Quốc vương lại hạ lịnh cho thần dân ăn mừng lễ khánh chức, nhà nào không tuân lịnh thì phải nộp phạt.
Công tử Kumbhaghosaka nghe mẹ vào báo tin và thúc hối chạy tiền thì cằn nhằn, nhưng cũng đi lấy hai ba đồng vàng đem về.
Vương phi nhận được tiền của con rể, bèn gọi người thân tín đem dâng lên đức vua. Lại cách mấy hôm nữa, Vương phi thông tin lên đức vua: “Bây giờ, xin bệ hạ hãy triệu công tử về triều.”.
Quốc vương y tấu, cho binh cầm lịnh tiển đi triệu công tử Kumbhaghosaka.
Toán lệ binh đến xóm lao động, kiếm hỏi người rằng: “Ai tên là Kumbhaghosaka?”. Sau cùng gặp được công tử, họ gọi:
- Lại đây chú ơi! Có lịnh của đức vua đòi chú về triều.
Công tử hoảng hốt, không biết có chuyện gì mà binh lính đến kiếm mình, nên đáp:
- Quốc vương không quen biết với tôi mà. Vả lại, tôi có làm tội lệ gì đâu…
Nói rồi, công tử không chịu đi.
Khi ấy, toán lệ binh bất đắc dĩ phải dùng cường lực, nắm hai tay công tử lôi đi, thấy họ làm như vậy, Vương phi quở rằng:
- Nè những quân khó dạy. Bây nắm tay lôi bừa con rể của ta như vậy là bất hợp pháp đó nghe.
Hăm he toán lính rồi, Vương phi trấn an công tử:
- Con cứ đi đi, đừng sợ chi cả. Mẹ về bái kiến đức vua xong, đứa nào nắm tay con lôi kéo, mẹ sẽ bắt chặt tay chúng nó hết.
Nói rồi Vương phi dắt Công chúa về triều trước, thay đổi xiêm y, trang điểm tươm tất và mặc y phục lộng lẫy, rồi đứng chờ ở trong một phía nơi cung đình.
Công tử Kumbhaghosaka bị lệ binh điệu đến sân triều, quì xuống triều bái Quốc vương xong, đứng lên chờ lịnh.
Quốc vương phán hỏi: “Khanh tên là Khumbhaghosaka phải không ?”.
- Muôn tâu đại vương, phải.
- Vì lý do gì, khanh có một kho tàng to tát mà lại dấu, không khai báo chi hết vậy?
- Muôn tâu đại vương, ngu dân nầy đâu có kho vàng nào. Ngu dân nghèo khó, còn phải đi làm mướn kiếm ăn.
Khi ấy, Quốc vương lấy mấy đồng tiền vàng của công tử trưng ra làm tang vật và phán hỏi: “Mấy đồng vàng nầy của ai đây?”.
Công tử nhìn biết là tiền của mình thì sợ hãi, than rằng:
- Trời ơi! Nguy cho ta rồi, tại sao mấy đồng tiền vàng này lọt vào tay đức vua?”.
Nhìn quanh một lượt, công tử trông thấy Vương phi và Công chúa xiêm y lộng lẫy đang đứng chỗ ngưỡng cửa ngự phòng thì nói thầm: “Quả thật ta mắc tội khi quân nặng lắm, hai mẹ con bà ấy chắc là người của đức vua cho theo do thám ta.”.
Thấy công tử nín thinh, Quốc vương phán bảo: “Thôi khanh hãy nên khai hết sự thật. Tại sao khanh làm như thế?”.
- Tâu đại vương! Vì hạ thần không có ai là người bảo trợ để cho hạ thần nương nhờ cả.
- Người như trẫm không làm chỗ nương nhờ cho khanh được sao?
- Tâu đại vương! Thật là tốt đẹp quí báu, nếu hạ thần được đại vương bảo trợ cho hạ thần được có chỗ nương nhờ.
- Kho vàng của khanh tất cả được bao nhiêu?
- Tâu đại vương, bốn trăm triệu đồng vàng.
- Khanh cần phương tiện gì để đem lên?
- Tâu đại vương, hạ thần cần nhiều xe bò.
Quốc vương truyền lịnh thắng mấy trăm cỗ xe bò, cho lệ binh đi theo Kumbhaghosaka đến hầm chôn vàng, lấy vàng chất lên xe bò, chở về sân ngự chất thành một đống to lớn. Đoạn Quốc vương triệu tập tất cả dân cư trong thành Rājagaha và phán hỏi:
- Trong đô thành có ai làm chủ được bấy nhiêu vàng đây không ?
- Tâu đại vương, không.
- Vậy ta nên làm gì đây?
- Tâu đại vương! Xin đại vương trọng thưởng và phong chức tước cho chủ kho vàng nầy.
Quốc vương y tấu, ân tứ nhiều tặng phẩm tưởng thưởng công tử Kumbhaghosaka, phong cho công tử chức Thiên hộ và gả Công chúa cho công tử.
Xong rồi Quốc vương với tân Phò mã, ngự đến yết kiến Đức Bổn Sư. Sau khi đảnh lễ Ngài, Quốc vương bạch rằng: “Bạch Ngài, quả nhân chưa từng thấy ai cương nghị như thanh niên nầy, mặc dù làm chủ một kho tàng bốn trăm triệu, chàng không hề ỷ lại, chàng làm như kẻ bần hàn, ăn vận rách rưới, làm thuê cho xóm lao động mà nuôi mạng sống, quả nhân đã khéo dùng mưu mẹo điều tra mới khám phá ra sự thật và cho đào lấy kho vàng đưa vào triều. Quả nhân đã gả Công chúa cho chàng, phong cho phẩm hàm Thiên hộ kiêm chức Phò mã. Bạch Ngài, thật quả nhân chưa từng thấy ai giàu nghị lực như thiếu niên nầy vậy.”.
Nghe xong, Đức Bổn Sư đáp:
- Tâu đại vương! Người giữ theo một nếp sống như thế, mới gọi là sống theo lẽ đạo, còn kẻ bất lương làm nghề trộm cướp chẳng hạn, chỉ chuyên đàn áp nhiễu hại trong kiếp hiện tại, chúng sẽ không có sự an vui. Quả thật thanh niên con nhà giàu có, không may gặp cảnh sa sút mà chịu khó làm công nhân hoặc làm nông phu để nuôi mạng như thế, thì đáng gọi là sống chánh mạng, phải đạo lý. Người có sự tinh tấn, đầy đủ sự ghi nhớ chánh niệm, sau khi dùng trí tuệ cân nhắc rồi mới hành động sao cho tri hành hiệp nhất giữa ba nghiệp, thân, khẩu và ý của mình thuần tịnh luôn luôn, nhất là giữ mình sống đời đạo lý, nương theo chánh mạng, không bao giờ xa lìa chánh niệm thì thanh danh về quyền hành, chức tước hoặc sự nghiệp càng ngày càng tăng trưởng thêm lên.
Đến đây, Đức Bổn Sư ngâm kệ ngôn rằng:
24. “Uṭṭhānavato satimato,
sucikammassa nisammakārino;
Saññatassa ca dhammajīvino,
appamattassa yasobhivaḍḍhatīti.”
24. “Nhiệt thánh chánh niệm song song,
Thân, tâm, khẩu nghiệp sạch trong phải đường.
Trí năng cân nhắc tỏ tường,
Sống theo đạo lý, luân thường chẳng quên.”
*
CHÚ GIẢI:
Trên đây, tiếng Uṭṭhānavato chỉ người có lòng nhiệt thành, tinh tấn hăng hái, chuyên cần.
Satimato: Người có đầy đủ sự ghi nhớ hay pháp chánh niệm.
Sucikammassa: (là người) tịnh nghiệp, nghĩa là tam nghiệp (thân, khẩu, ý) đều thanh tịnh, trong sạch, vô tội.
Nisammakārino: Là người có chánh niệm nhận thức đúng đắn và hành động phù hợp với kiến thức chân xác của mình. Hễ ý nghĩ hay lời nói làm sao thì việc làm cũng vậy, hoặc là người suy xét kỹ lưỡng, nghĩ đến nguyên nhân và hậu quả các nghiệp mình tạo do thân, khẩu, ý trong sạch vô tội rồi mới hành động.
Saññatassa là biết rõ bằng trí tuệ các thanh hạnh của mình, biết tam nghiệp mình vô tội.
Dhammajīvino: Là người sống hợp theo lý đạo, nuôi mạng chân chánh, như tại gia thì không lường thăng tráo đấu, mua cân già bán cân non, điêu ngoa gian xảo… còn xuất gia tu hành thì không làm hai mươi mốt pháp tà mạng, như cho thuốc, đi thơ… chỉ sống tự túc và tri túc bằng cách trì bình khất thực, lây lất qua ngày.
Appamattassa: Là không buông lung, không phóng dật, không quên lãng sự thu thúc, chánh niệm.
Yasobhivaḍḍhati: Thanh danh tăng trưởng, là quyền tước chức vụ, tên tuổi… càng ngày càng lừng lẫy, càng được nhiều người mến phục.
*
Sau khi bài kệ chấm dứt, Thiên hộ Kumbhaghosaka đắc quả Nhập Lưu, ngoài ra còn có nhiều người đắc Thánh quả. Nhất là Sơ quả do nhờ thính pháp của Đức Bổn Sư, hàng đại chúng hưởng được lợi ích như thế.
x
Dịch Giả Cẩn Đề
Chánh niệm, chuyên cần, nhẫn biết bao!
Tấm gương Kumbha sáng hùng hào!
Giá nghề ti tiện thân hèn hạ,
Thật kế châu toàn của quí cao!
Nếu chẳng Tần Vương nghe tiếng mách,
Thì không hoàng tộc bước chân vào,
Đức dày phước lớn càng tăng trưởng,
Bỏ lúc trần ai chịu khổ lao!
DỨT TÍCH KUMBHAGHOSAKA
24. Mindful and striving, pure, restrained and righteous, man advances to fame and prosperity.
24. Với chuyên tâm, nổ lực, thanh tịnh, tự điều thân và chánh hạnh, con người đi đến danh vọng và phồn vinh.
24. Uṭṭhānavato satimato,
sucikammassa nisammakārino;
Saññatassa ca dhammajīvino,
appamattassa yasobhivaḍḍhatīti. (2:4)
24. Assiduous and mindful,
pure kamma making, considerate,
restrained, by Dhamma heedful living,
for one such spreads renown.
II. 3 – Tích TRƯỞNG LÃO CŪḶAPANTHAKA
(Cūḷapanthakattheravatthu)
KỆ NGÔN: (Pháp Cú 25)
25. “Uṭṭhānenappamādena,
saññamena damena ca;
Dīpaṃ kayirātha medhāvī,
yaṃ ogho nābhikīratīti.”
25. “Nhiệt thành không giãi đãi,
Giới căn thu thúc mãi.
Người trí đắp cù lao,
Khỏi ngọn triều khổ hại.”
Kệ Pháp Cú (25) nầy, Đức Bổn Sư thuyết ra khi Ngài ngự an tại Veḷuvana, đề cập đến Đại đức Cūḷapanthaka.
Tương truyền rằng: Thời ấy, trong thành Rājagaha, có một tiểu thơ con nhà phú Trưởng giả Dhanaseṭṭhi (Tài Bạch) đến tuổi cặp kê, tiểu thư được song thân cho ở tầng lầu thứ bảy không cho ra khỏi cửa khuê phòng, thật là:
Thâm nghiêm kín cổng cao tường,
Cạn dòng lá thắm, bặt đường chim xanh.
Tuy nhiên, con gái đến tuổi dậy thì, tình xuân phát động, tiểu thư không dằn lòng giữ thói nhà băng tuyết, nên đã trà trộn lịnh mẹ cha mà tư thông với một gia đình, sợ việc đổ bể lậu tiếng ra ngoài, Tiểu thư bàn với tình nhân: “Chúng mình ở đây mãi không thể được, nếu cha mẹ biết việc em tác tệ chắc là song thân phải phân thây em ra. Vậy chúng mình hãy đi ra cho khỏi xứ nầy, khỏi sợ bị ai dòm ngó.”.
Thế là đôi trai gái gom lấy tư trang và đồ tế nhuyễn quí giá, trổ cửa sổ trên nóc lầu thòng dây xuống đất và trốn khỏi tòa lâu đài của Trưởng giả Dhanaseṭṭhi.
Hai người cứ lầm lũi mà đi mãi, vừa nhắc chừng nhau:
- Mình đi tới chỗ nào không có người quen biết, mình sẽ ở đó.
Đôi nam nữ tự do luyến ái nầy đi đến lưu cư tại một địa phương nọ trong một thời gian, thì cô vợ có thai, khi gần ngày sanh, thiếu phụ thỏ thẻ với chồng: “Mình ơi! Em gần tới kỳ khai hoa nở nhụy, mà ở đây không có ai họ hàng thân thích chi cả. Sau khi sanh con, hai đứa mình còn khốn khổ hơn nhiều, ta hãy đánh liều tạ tội với song thân đi mình.
Nghe vợ nói, người nô bộc nghĩ thầm: “Nếu ta trở về nơi đó, chắc là tính mạng không an toàn.”. Vì quá lo sợ như thế, nên anh ta kiếm cớ thối thác, hẹn nay rồi lại hẹn mai.
Ngày tháng qua… tiểu thư nóng nảy, bồn chồn nghĩ rằng: “Cái anh ngốc nầy cứ lo sợ tội mình nặng nề, nên dụ dự không muốn trở về nhà ta. Thôi thì dầu anh ta không đi theo ta chăng nữa, ta cũng cứ đi một mình vậy.”.
Nghĩ rồi, tiểu thư sắp xếp đồ đạc trong nhà cho gọn gàng. Đoạn nói cho hàng xóm biết là mình trở về sanh quán và lên đường.
Người chồng đi làm về, không thấy vợ bèn hỏi thăm bạn láng giềng, nghe nói: “Chị ấy đã đi về nhà cha mẹ rồi.”. Anh ta cấp tốc chạy theo, bắt kịp vợ đang đi nơi khoảng nửa đường. Ngay chỗ hai người gặp nhau, tiểu thư chuyển bụng xổ lòng, đẻ rớt một đứa con. Anh chồng hỏi:
- Hiền thê ơi! Cái chi đó vậy?
- Chàng ơi Một đứa con trai mới chào đời.
- Bây giờ, chúng ta làm gì đây?
- Bây giờ đã sanh nở giữa đường giữa xá rồi, thì ta còn đến nhà cha mẹ làm chi nữa. Thôi chúng mình hãy quay trở lại.
Hai vợ chồng cũng đồng một ý, bèn bồng con trở lại tư gia vì đứa trẻ bị đẻ rớt dọc đường, nên người ta đặt cho nó cái tên là Panthaka (Lộ).
Ít lâu sau, tiểu thơ lại thọ thai và tất cả câu chuyện sanh nở lần thứ hai diễn y như lần trước. Vì cả hai đứa con trai của Tiểu thư đều bị đẻ rớt dọc đường, nên đứa ra đời trước gọi là Mahāpanthaka (Đại Lộ) và đứa sau được gọi là Cūḷapanthaka (Tiểu Lộ) cho dễ phân biệt anh em. Đẻ rồi, hai vợ chồng tay bồng tay bế con thơ đồng quay trở lại nhà mình.
Trong xóm, chỗ hai vợ chồng đến cư ngụ, đứa con trai lớn là Mahāpanthaka thường nghe các bạn trẻ láng giềng, đứa thì khoe có chú có bác, đứa thì chúng có ông bà, nên theo hỏi mẹ nó: “Má à! Tụi nó đứa còn có ông nội, ông ngoại, đứa thì có bà ngoại, bà nội. Còn hai đứa tụi con thì không có họ hàng chi hết. Sao vậy hả má?”.
- Có chứ sao không hả con, ở xứ nầy mình không có họ hàng bà con với ai hết. Nhưng ở tại đô thành Rājagaha chỗ ông ngoại con là phú Trưởng giả Dhanaseṭṭhi ở thì mình có nhiều thân quyến lắm!
- Sao mình không về đó hở má?
Tiểu thư không tỏ thật vì lý do nào mình không đi về đó thăm cha mẹ cho con biết. Hai đứa bé không được nghe giải thích một cách thỏa đáng, cứ đeo theo tiểu thơ mà hỏi han hoài.
Sau cùng tiểu thơ nói với chồng: “Chàng ơi, hai đứa con cái của mình làm khổ em quá lắm. Bây giờ mình hãy dắt chúng nó về thăm nội ngoại. Chẳng lẽ cha mẹ thấy mình lại nỡ ăn thịt mình hay sao?”.
- Phận anh thì không thể nào giáp mặt nhạc gia, nhưng anh sẽ đưa hai con về cho chúng nó nhìn ông ngoại bà ngoại.
- Vậy thì ta nên chuẩn bị hành trang, rồi dắt chúng về thăm họ hàng bên ngoại.
Hai vợ chồng dắt hai đứa con trai ra đi, lần hồi đến thành Vương Xá. Họ vào ngụ trong một ký túc xá trong thành, tiểu thư nhờ người qua lại, đem tin cho ông bà phú Trưởng giả hay rằng mình đã dắt hai con về thăm cha mẹ.
Khi được tin ấy, ông bà đại phú nói nhắn trả lời rằng:
- Trong cái vòng tái sanh lẩn quẩn nầy, thật ra không có ai là con trai, con gái hay là ông bà, cha mẹ ai tất cả, ta không muốn nhìn thấy mặt chúng nó nữa, lũ nó đã làm điếm nhục gia phong của ta, chúng nó muốn lấy bao nhiêu tiền của thì ta cho, rồi hai người đi tìm chỗ sống an vui đi. Còn hai đứa nhỏ thì gởi lại ta nuôi dùm cho.
Tiểu thư nhận lãnh số gia tài do người đại diện của phú Trưởng giả trao cho và giao lại hai con mình cho người ấy dắt đem đi, hai đứa bé từ đó sống chung với ngoại tổ cho tới khi lớn khôn.
Giữa hai anh em có sự khác biệt rõ rệt, bé Cūḷapanthaka thì hình vóc ốm yếu chỉ ưa lúc thúc ở nhà, còn bé Mahāpanthaka hằng ngày theo ông ngoại đến nghe Đức Thập Lực thuyết pháp. Do được gần gũi Đức Bổn Sư thường xuyên như thế, Mahāpanthaka nảy ra ý muốn xuất gia. Cậu bèn tỏ thật với ông ngoại: “Nếu ông ngoại cho phép con đi tu, thì con xuất gia liền.”.
- Sao cháu lại nói vậy, dầu cho ai trong nhân gian cũng xuất gia hết thì ngoại cũng không cản, huống chi là một mình cháu. Nếu cháu liệu tu được thì cháu cứ xuất gia.
Nói rồi, ông đại phú Dhanaseṭṭhī dắt bé Mahāpanthaka đến yết kiến Đức Bổn Sư. Ngài phán hỏi: “Nầy gia chủ, đứa bé nầy ông mới có được phải không?”.
- Vâng, bạch Ngài! Nó là cháu ngoại của con, nó muốn xuất gia đi tu với Ngài.
Đức Bổn Sư bèn gọi một vị Tỳ kheo đầu đà thường thường khất thực và bảo: “Ông hãy làm lễ xuất gia cho đứa bé nầy.”.
Vị Đại đức chỉ cách niệm đề mục thể trược đầu tiên là tóc, lông, móng, răng, da cho bé Mahāpanthaka, rồi cho cậu xuất gia Sa di, từ đó về sau Mahāpanthaka chăm học thuộc lòng rất nhiều Phật ngôn, đến khi tròn đủ hai mươi tuổi, Sa di Mahāpanthaka xuất gia lên bậc trên, chuyên tâm hành thiền Chỉ quán (samātha vipassanā) và đắc A La Hán quả.
Trong khi hưởng thụ tịnh vị của Bát Thiền và Tứ quả, Đại đức Mahāpanthaka nghĩ rằng: “Vị tịnh lạc nầy có thể bố thí cho Cūḷapanthaka được.”.
Sau đó, Đại đức về thăm ngoại tổ là nhà đại phú hỏi ướm:
- Thưa đại phú hộ, nếu người cho phép thì bần Tăng sẽ làm lễ xuất gia cho Cūḷapanthaka.
- Bạch Đại đức, Ngài hãy làm lễ xuất gia cho nó đi.
Thiên hạ người thì đồn rằng: Nhà Đại phú hộ Dhanaseṭṭhī có đức tin hoàn toàn trong sạch đối với chánh pháp. Có kẻ nói là ông ta bực mình vì mắc cỡ khi nhìn nhận hai đứa bé là con của tiểu thơ đã bỏ nhà ra đi với trai, cho nên vui lòng cho phép cả hai đứa cháu ngoại đi.
Đại đức Mahāpanthaka làm lễ xuất gia truyền thọ Cụ túc giới cho em. Sau khi nhập đạo, Tỳ kheo Cūḷapanthaka tỏ ra hết sức tối dạ. Ông được Đại đức bắt đầu dạy bằng kệ Nam Phạn nầy:
“Padmaṃ yathā kokanudaṃ sugandhaṃ,
pāto siyā phullamavītagandhaṃ;
Aṅgīrasaṃ passa virocamānaṃ,
tapantamādiccamivantalikkheti.”
“Như đóa sen hồng lá thứ sen thơm ngát,
Lúc rạng đông nở bừng hương ngào ngạt.
Kìa đấng Chí Tôn, Ngài rực rỡ quang vinh,
Tợ vừng thái dương trên trời sáng bình minh.”
Bài kệ nầy, Tỳ khưu Cūḷapanthaka học ròng rã bốn tháng chưa thuộc. Tại sao? Nghe nói rằng: Trong thời kỳ của Đức Chánh Biến Tri Kassapa. Cūḷapanthaka là một Tỳ khưu rất thông thái, nhận thấy một Tỳ khưu tối dạ đang học kinh tiếng Phạn (Pāli) có buông lời chế nhạo, khiến cho vị ấy hổ thẹn bỏ luôn sự học tập kinh kệ. Do tiền nghiệp ấy, kiếp nầy Tỳ khưu Cūḷapanthaka sanh chứng tối dạ, học kệ không vô, cứ học câu dưới thì quên câu trên, học câu sau thì quên câu trước, dầu cho hết sức cố gắng học đi học lại mãi những vì bị nghiệp chướng, Cūḷapanthaka không nhớ nổi bài kệ trên đây.
Bốn tháng trôi qua… Khi ấy, Đại đức Mahāpanthaka bảo em mình rằng: “Nầy Cūḷapanthaka, chú tu trong giáo pháp nầy chắc không được, có một bài kệ mà chú học bốn tháng chưa thuộc thì làm sao chú giải cho tròn phận sự người xuất gia? Ở đây càng tội lỗi nhiều. Thôi chú hãy hoàn tục đi.”.
Nói rồi, Đại đức kéo em mình đẩy ra ngoài Tịnh xá, tuy bị anh xua đuổi, Cūḷapanthaka vẫn không muốn hoàn tục, vì còn mến mộ con đường giải thoát.
Lúc bấy giờ Đại đức Mahāpanthaka đảm nhiệm chức vụ Trị sự trong Giáo hội Tăng già, chư Thiện tín thường nhờ Đại đức chỉ định các Tỳ khưu cho mình, thỉnh đến nhà sớt bát.
Hôm ấy, ông Jīvaka Komārabhacca (Tôn Sanh Nghĩa Tử, tàu âm là Kỳ Bà) đem theo nhiều tràng hoa, vật thơm và vật thoa (để tắm gội) đến ngôi vườn xoài của mình để cúng dường Đức Bổn Sư, Ngài đang ngự nơi đó.
Sau khi cúng dường và thính pháp, ông Jīvaka đứng lên đảnh lễ và cáo từ Đức Bổn Sư, rồi đến bạch hỏi Đại đức Mahāpanthaka rằng: “Bạch Ngài, có bao nhiêu Tỳ khưu cùng ở đây với Đức Bổn Sư?”.
- Có tất cả năm trăm vị Tỳ khưu.
- Bạch Ngài, đệ tử xin thỉnh hết năm trăm vị Tỳ khưu cùng đi với Đức Thế Tôn ngày mai đến nhà đệ tử để thọ thực.
- Nầy ông thiện nam, ta nhận lời của ông thỉnh hết tất cả chư Tăng. Trừ ra một mình Tỳ khưu Cūḷapanthaka, vì ông ta tối dạ, kinh pháp còn non kém lắm.
Nghe Đại đức tri sự nói vậy, Tỳ khưu Cūḷapanthaka nghĩ thầm: “Đại đức nhận lời thỉnh của thí chủ cho tất cả Tỳ khưu đi dự Trai Tăng, lại bỏ ta ra ngoài, không kể tình huynh nghĩa đệ chi hết. Còn ở đây chắc có ngày ta tức bể tim mà chết. Thôi thà ta xin hoàn tục, làm người cư sĩ tại gia chỉ lo việc bố thí, trì giới cũng tạo được phước lành vậy.”.
Sáng hôm sau, Tỳ khưu Cūḷapanthaka ra đi, định về nhà để hoàn tục.
Vào khoảng đêm gần tàn, Đức Bổn Sư theo lệ thường quán sát thế gian. Thấy biết việc nầy, Ngài thức dậy thật sớm đi kinh hành trước cổng ngõ, có ý chờ Tỳ khưu Cūḷapanthaka đi ngang qua. Thấy vị nầy đến, Ngài dừng bước đứng lại.
Đang lầm lủi đi, chợt nhìn thấy Đức Bổn Sư, Tỳ khưu Cūḷapanthaka bèn đến đảnh lễ Ngài.
Khi ấy, Đức Bổn Sư phán hỏi: “Nầy Cūḷapanthaka, mới chừng nầy mà ông đi đâu vậy?”.
- Bạch Ngài! Anh con xua đuổi con, nên con đi về hoàn tục.
- Nầy Cūḷapanthaka! Ông xuất gia là xuất gia trong giáo pháp của ta, dầu anh ông có xua đuổi đi nữa, tại sao ông không tìm tới ta? Lại đây, hãy ở gần ta chớ nên trở về làm người cư sĩ mà làm gì?
Nói rồi, Đức Bổn Sư giơ lòng bàn tay có đường chỉ hình bánh xe của Ngài xoa lên đầu Tỳ khưu Cūḷapanthaka, dắt ông đi đến cửa hương thất của Ngài, chỉ chỗ cho ông ngồi rồi phán bảo rằng: “Nầy Cūḷapanthaka, ông hãy ở lại đây, quay mặt về hướng đông, cầm cái khăn nầy vò đi vò lại mãi và nói: “Tẩy trừ cấu uế! Tẩy trừ cấu uế!”. Ngài trao cho ông một cái khăn nhỏ màu trắng tinh, phát sanh do thần thông của Ngài.
Khi có người đến báo tin đã đến giờ đi thọ bát. Đức Bổn Sư cùng chư Tỳ khưu thị tùng thân hành đến nhà ông Jīvaka và ngồi lên những chỗ đã được soạn sẵn.
Còn Tỳ khưu Cūḷapanthaka vẫn ngồi y chỗ cũ, mắt nhìn mặt trời, hai tay vò đi vò lại cái khăn của Đức Bổn Sư giao cho, miệng thì nói: “Tẩy trừ cấu uế. Tẩy trừ cấu uế…” không ngớt.
Cái khăn mới tinh sạch sẽ, bị chà xát mãi hóa ra dơ dáy đen thui. Thấy vậy, Tỳ khưu Cūḷapanthaka ngẫm nghĩ: “Cái khăn nhỏ nầy vốn thật tinh khiết, không có một mảy bợn nhơ, thế mà khi tiếp xúc với thân thể của ta nó bỏ mất trạng thái ban đầu, hóa ra ô nhiễm cấu uế như thế nầy đây. Ôi! Các pháp hữu vi thật không bền vững!”. Chú tâm suy tư định lý Vô thường, sanh diệt, Tỳ khưu Cūḷapanthaka tăng tiến pháp hành Minh sát (Vipassanā).
Khi ấy Đức Bổn Sư hiểu biết rằng: “Tâm của Cūḷapanthaka đã vượt lên đến độ Minh sát.”. Ngài bèn phân thân, thị hiện thần thông như đang ngồi trước mặt Cūḷapanthaka, phán bảo rằng: “Nầy Cūḷapanthaka! Ông đã làm cái khăn trong sạch kia phải bị nhiễm ô trần cấu. Nhưng ngoại vật không đáng kể, bên trong của ông còn bị ô nhiễm bởi những bụi tham lam, sân hận và si mê, ông hãy tẩy sạch nội tâm của ông đi.”.
Đoạn Đức Thế Tôn ngâm kệ rằng:
“Rāgo rajo na ca pana reṇu vuccati,
rāgassetaṃ adhivacanaṃ rajoti;
Etaṃ rajaṃ vippajahitvā bhikkhavo,
viharanti te vigatarajassa sāsane.”
“Tham cấu uế, còn bụi không gọi thế,
Tham chính là cấu uế, đúng như tên.
Nầy chư Tăng! Xa uế đó mới nên,
Trong giáo pháp trú vững bền vô uế.”
“Doso rajo na ca pana reṇu vuccati,
dos assetaṃ adhivacanaṃ rajoti;
Etaṃ rajaṃ vippajahitvā bhikkhavo,
viharanti te vigatarajassa sāsane.”
“Sân cấu uế, còn bụi không gọi thế,
Sân chính là cấu uế, đúng như tên.
Nầy chư Tăng! Xa uế ấy mới nên,
Trong giáo pháp trú vững bền vô uế.”
“Moho rajo na ca pana reṇu vuccati,
mohassetaṃ adhivacanaṃ rajoti;
Etaṃ rajaṃ vippajahitvā bhikkhavo,
viharanti te vigatarajassa sāsane ti.”
“Si cấu uế, còn bụi không gọi thế,
Si chính là cấu uế, đúng như tên.
Nầy chư Tăng, xa uế đó mới nên,
Trong giáo pháp trú vững bền vô uế.”
Bài kệ vừa chấm dứt, Tỳ khưu Cūḷapanthaka chứng ngay A La Hán quả với Vô ngại giải (Paṭisambhidā), nhờ có Tuệ phân tích, Ngài thông suốt Tam Tạng.
Tương truyền rằng: Trong một tiền kiếp nọ, Tỳ khưu Cūḷapanthaka là một Quốc vương. Trong một buổi diễu hành nhiễu quanh thành phố, Quốc vương đã xuất mồ hôi trán, đã lấy một cái khăn trắng mới tinh mà lau chùi, làm cho dơ cái khăn. Quốc vương phán xét rằng: “Do nơi nhục uế nầy mà cái khăn trắng sạch thế kia đã mất sự tinh khiết lúc ban đầu trở nên ô nhiễm cấu uế. Ôi, hữu vi pháp thật chẳng miên trường.”.
Nhờ suy tư như thế, Quốc vương đắc Vô thường tưởng (Aniccasaññā). Đó là nhân quá khứ làm duyên cho Cūḷapanthaka đắc Tuệ minh sát, rồi dần lên với A La Hán quả với Tuệ phân tích vậy.
Đây nói về ông Jīvaka! Đang sắp sửa xối nước khai mạc lễ Trai Tăng (Dakkhiṇosaka), Đức Bổn Sư lấy tay đậy miệng bát và phán: “Nầy Jīvaka! Ở chùa còn một vị Tỳ khưu.”.
Đại đức Mahāpanthaka đáp:
- Bạch Ngài! Ở chùa không còn Tỳ khưu.
Đức Bổn Sư lập lại: “Nầy Jīvaka ở chùa này còn một vị.”.
Ông Jīvaka sai gia đinh: “Thế thì con hãy đến chùa xem cho kỹ coi có hay là không có Tỳ khưu nào ở đó nghe, hãy còn một vị Tỳ khưu.”.
Ngay trong sát na ấy, Tỳ khưu Cūḷapanthaka nghĩ thầm: “Anh ta nói là ở chùa không có Tỳ khưu, vậy để ta làm cho có nhiều Tỳ khưu, thử coi anh ấy nói sao?”.
Nghĩ rồi, Tỳ khưu Cūḷapanthaka dùng thần thông hóa ra nhiều nhóm Tỳ khưu đông ước chừng có thể ngồi khắp khu vườn xoài. Có nhóm đang cắt may y, có nhóm đang giặt nhuộm y, có nhóm đang tập dượt kinh kệ… Tất cả gồm có hàng ngàn Tỳ khưu vô tỷ (asadisa) như thế.
Tên gia đinh tới chùa, thấy có nhiều Tỳ khưu, về bẩm với chủ.
- Bẩm ông, khắp cả vườn xoài đầy nghẹt Tỳ khưu.
Trong khi ấy:
“Sahassakkhattumattānaṃ,
niminivāna panthako;
Nisīdi ambavane ramme,
yāva kālappavedanāti.”
“Một mình hóa hiện ngàn thân,
Bàn Đặc sử dụng phép thần đã xong
Bèn ngồi tịnh tọa thong dong,
Giữa vườn xoài phó mặc dòng thời gian.”
Khi ấy, Đức Bổn Sư dạy tên gia đinh: “Ngươi hãy đến chùa nói rằng: Đức Thầy cho gọi Tỳ khưu Cūḷapanthaka.”.
Tên gia đinh tới chùa, nói y như vậy, khi ấy cả ngàn miệng ứng tiếng trả lời: “Ta là Cūḷapanthaka, ta là Cūḷapanthaka…”.
Tên gia đinh lại quay về bạch: “Bạch Ngài, tất cả chư Tăng đều trùng một tên là Cūḷapanthaka, con không biết phải thỉnh vị nào đây?”.
- Thế thì người hãy đến chùa, hễ nghe vị nào xưng: “Ta là Cūḷapanthaka trước nhất, thì ngươi hãy nắm chặt tay người ấy, tức thì bao nhiêu vị khác sẽ biến mất ngay.”.
Tên gia đinh làm y theo lời của Đức Bổn Sư chỉ dạy. Quả nhiên một ngàn vị Tỳ khưu hóa hiện đều biến mất. Đại đức Cūḷapanthaka bèn ra đi với tên gia đinh.
Sau bữa Trai Tăng, Đức Bổn Sư kêu ông Jīvaka và bảo:
- Nầy Jīvaka, ông hãy giữ bát của Tỳ khưu Cūḷapanthaka, vị ấy sẽ thuyết pháp và kệ hoan hỷ phước báu để chấm dứt cuộc lễ hôm nay.
Như một Tiểu Hùng Sư rống tiếng rống của loài sư tử. Đại đức Cūḷapanthaka đem những nghĩa lý cao siêu trong Tam Tạng ra biện giải rất hùng hồn, trước khi ông Jīvaka đem bài kinh hồi hướng phước báu ra tụng niệm.
Kế đó, Đức Bổn Sư từ chỗ ngồi đứng lên, dẫn đầu Tăng chúng trở về Tịnh xá. Sau khi chỉ bảo công việc cho chư Tăng, ban huấn từ cho chư Tỳ khưu, Đức Thiện Thệ thuyết giảng về đề mục thiền định, xong rồi mới giải tán chư Tăng. Ngài vào trong chỗ ngụ thơm tho gọi là Hương thất để nằm thiền, nghiêng mình bên tay phải, theo lối nằm của con sư tử.
Chiều hôm ấy, chư Tỳ khưu chỗ nầy, chỗ nọ câu hội lại ngồi xoay tròn như một bức màn nhung đỏ bàn luận về oai lực của Đức Bổn Sư: “Nầy chư huynh đệ, Đại đức Mahāpanthaka đã hoài công tập dượt chỉ dạy Tỳ khưu Cūḷapanthaka trong bốn tháng trời mà không làm sao cho em mình thuộc được một bài kệ, đến nỗi phải gắt ông nầy tối dạ quá và đuổi ông ta ra khỏi chùa. Đức Chánh Biến Tri quả là một bậc Vô thượng Pháp vương, chỉ trong khoảng khắc độ chưa xong bữa cơm, Ngài đã khiến cho Cūḷapanthaka đắc A La Hán quả với Tuệ phân tích, nhờ đó mà Ngài thông suốt Tam Tạng biện thuyết với Ngài. Ôi, oai lực chư Phật lớn lao, không thể nghĩ bàn.”.
Khi ấy, Đức Bổn Sư biết rõ câu chuyện chư Tăng đang thảo luận trong giảng đường: “Hôm nay, Như Lai nên đi.”.
Từ Phật sàng đứng lên, Ngài mặc hai lá hồng y nhuộm thật khéo, lấy dây lưng thắt lẹ như chớp nhoáng, đoạn khoác lên kim thân chiếc phấn tảo đại y của Đức Thiện Thệ màu như gấm đỏ, ra khỏi tảo hương thất, Ngài cất bước khoan thai, vừa đài các vừa hùng dũng như con mãnh sư quí báu, chúa cả đàn sư tử, với tướng hảo quang minh vô tận của chư Phật, Ngài thân hành đến giảng đường, ngự lên ngôi Phật Bảo tọa đã sẵn sàng, kê trên một bục gỗ có treo hoa trang hoàng thẩm mỹ.
Vừa an tọa, Đức Bổn Sư phóng ra sáu đạo hào quang của bậc Đại Giác, soi sáng cả hội trường, như vừng hồng mai rạng rỡ giữa trời đông, trong lúc đại trùng dương ba đào chuyển động.
Thấy Đức Chánh Biến Tri ngự đến, chư Tăng ngắt ngang câu chuyện đang thảo luận và ngồi yên lặng.
Với tâm bi mẫn, Đức Thế Tôn nhìn khắp đồ chúng (pārisaṃ) và nghĩ rằng: “Đoàn Tăng đồ nầy thật rất trang nghiêm thanh tịnh, dầu một cử động của tay hay một cử động của chân, một tiếng ho hay một tiếng nhảy mũi cũng chẳng có, tất cả đều hết lòng tôn kính ta, bằng sự tôn kính của một bậc Đại giác, kiêng nể ta với sự kiêng nể Phật oai. Dẫu ta có ngồi mặc nhiên suốt một kiếp (kappa) Tăng chúng cũng không dám hở môi phá tan sự im lặng trước. Chỉ có ta là có quyền quyết định, khi nào hợp thời để đề khởi pháp thoại vậy thì ta phải lên tiếng trước để mở đầu.”.
Với giọng nói dịu ngọt của một vị Đại Phạm Thiên, Đức Bổn Sư kêu gọi Tăng chúng và hỏi rằng:
- Nầy các Tỳ khưu, chuyện gì mà các ông thảo luận hôm nay? Chuyện gì mà các ông bỏ lửng nửa chừng?
- Bạch Ngài, chuyện ấy như vầy, như vầy.
Sau khi nghe chư Tăng cho biết nội dung cuộc thảo luận, Đức Bổn Sư bổ chính rằng: “Nầy các Tỳ khưu, không phải Cūḷapanthaka chỉ tối dạ trong kiếp hiện tại đâu, xưa kia ông ta cũng đã từng tối dạ như thế rồi. Không phải ông ta chỉ mới hoàn toàn nhờ cậy ta trong kiếp hiện tại đâu. Xưa kia ông ta cũng đã nhờ cậy ta như thế ấy rồi. Trước kia ta đã giúp cho Cūḷapanthaka được làm chủ tài sản thế gian và bây giờ được làm chủ tài sản siêu thế!”.
Thể theo lời yêu cầu của chư Tăng muốn nghe đầy đủ chi tiết về câu chuyện nầy. Đức Bổn Sư nhắc tích rằng:
Hồi thời quá khứ, trong đám dân cư thành Bārāṇasī, có một gã thanh niên muốn lập công danh, nên quyết chí muốn tìm thầy để học nghề văn nghiệp võ. Cậu ta đến thành Takkasilā, xin làm đệ tử của một Sư trưởng thời danh (Disapāmokkha).
Trong nhóm năm trăm môn sinh chỉ có một mình cậu ta là chăm lo phận sự phục vụ sư phụ hơn hết. Cậu ta siêng năng hầu hạ, đấm bóp cùng làm tất cả mọi việc cho thầy, nhưng cậu ta lại là đứa học trò tối dạ nhất nên không thụ huấn được một nghề mọn nào cả. Vị Sư trưởng thấy cậu ta giúp đỡ mình được nhiều việc muốn đem hết tài nghệ ra truyền cho cậu. Nhưng dầu ông thầy có tận tâm, tận lực cho mấy, cậu học trò ngu cũng vẫn hoàn ngu.
Ở tòng học đã lâu, mà không nhập tâm được một bài kệ, cậu ta đâm ra nản chí, định bụng sẽ thôi học, bèn lên xin phép thầy để trở về nhà.
Vị Sư trưởng nghĩ thầm: “Cậu nầy siêng năng hầu hạ, phục dịch ta, ta cũng mong đào luyện cậu ta trở thành người hiền trí mà không được. Đương nhiên là ta phải đền đáp công khó của cậu. Vậy ta sẽ truyền cho cậu một câu mật chú (manta) để làm hộ thân.”.
Vị Sư trưởng bèn dắt cậu học trò tối dạ đi vào trong rừng vắng, truyền dạy mật chú như vầy:
Ghaṭesi ghaṭesi kiṃ kāraṇā ghaṭesi
Ahampi taṃ jānāmi jānāmīti.